Ngày 14-05-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội – cội nguồn của ánh sáng nội tâm
LM Domink O.C
14:20 14/05/2012
„Kính chào Bà, Đấng Đầy Ân Sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà“, đó là lời Thiên Sứ nói với Đức Maria. Với cách chào đó, Thiên Sứ đã tiết lộ căn tính thẳm sâu của Đức Maria. Thậm chí có thể nói được rằng, Thiên Chúa chỉ biết đến Đức Maria với tên gọi „Đầy Ân Sủng“. Biểu thức „Đầy Ân Sủng“ này trình bày cho chúng ta một sự giải thích về mầu nhiệm mà ngày nay chúng ta vẫn hằng cử hành. Và với biểu thức ấy chúng ta đã tuyên xưng ngay từ thuở thiếu thời, bởi mỗi lần khi chúng ta bày tỏ với Đức Maria, chúng ta đều cầu nguyện rằng: „Kính Mừng Maria đầy ơn Phúc“. Chính Đức Maria đã là đối tượng nơi tình yêu duy nhất của Thiên Chúa ngay từ giây phút đầu tiên trong cuộc đời của Mẹ, giây phút mà Mẹ được cha mẹ cho thụ thai. Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ trong kế hoạch đời đời của Ngài, để Mẹ trở thành Mẹ của Con Một Thiên Chúa, và vì vậy Mẹ được bảo vệ chở che trước hậu quả của nguyên tội. Chính vì thế mà Thiên Sứ đã chào Mẹ với một danh hiệu mà nó hàm chứa một ý nghĩa nội tại ngay trong chính bản thân của nó: „luôn được lấp đầy bởi Tình Yêu Thiên Chúa“, ân sủng của Ngài.

Mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội là nguồn mạch của ánh sáng nội tâm, sự hy vọng và niềm an ủi. Giữa những gian lao của cuộc sống, đặc biệt là những mâu thuẫn hiềm kỵ, những điều mà chúng ta nếm trải được ngay trong chính bản thân của mỗi chúng ta cũng như ở nơi xung quanh chúng ta, với chúng, Đức Maria- Mẹ của Chúa Ky-tô - nói với chúng ta rằng, ân sủng của Thiên Chúa thì lớn hơn hơn tội lỗi, lòng nhân hậu của Thiên Chúa thì mạnh mẽ và quyền năng hơn cả sự dữ, và tất cả đều có thể được biến đổi trong sự thiện hảo.

Thật đáng tiếc là mỗi ngày chúng ta lại hành xử theo sự mách bảo của cái ác, nó xuất hiện với muôn hình vạn trạng bởi những cách thức khác nhau, trong các mối tương quan cũng như trong từng những sự kiện, đến nỗi nó có thể bén rễ sâu trong trái tim của mỗi con người, biến trái tim trở nên bệnh hoạn tật nguyền, không còn có khả năng để tự phục hồi lại sức lực cho riêng mình nữa. Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta biết rằng, căn nguyên của tất cả mọi tội lỗi nằm ở chỗ bất phục tùng đối với Thánh ý Thiên Chúa, và sự chết đã lẻn vào để thống trị, vì sự tự do của con người đã buông thả theo sự xúi giục của Satan. Tuy nhiên, Thiên Chúa không từ bỏ kế hoạch yêu thương và tràn đầy sinh lực của Ngài: với con đường dài đằng đẵng và đầy kiên nhẫn của ơn giao hòa, Thiên Chúa đã chuẩn bị trước một Giao Ước mới và vĩnh cửu, Giao ước được niêm ấn bằng bửu huyết của Con Một Ngài. Và Người Con Một ấy chính là Đấng sẽ tự hiến để làm hy Lễ cứu chuộc, sẽ được sinh ra từ một trinh nữ (Gal.4,4).

Người trinh nữ ấy chính là Đức Maria, Mẹ đã thông phần trong cái chết cứu chuộc của Chúa Giê-su con Mẹ, và đã được bao bọc chở che trước tất cả mọi ô nhơ tì vết của tội lỗi ngay từ lúc thụ thai. Chính vì vậy mà với trái tim vô nhiễm nguyên tội của Mẹ, Mẹ nói với chúng ta rằng: các con hãy tín thác vào Chúa Giê-su, Ngài sẽ giải thoát các con! (ĐTC Bê nê đic tô XVI, Kinh Truyền Tin 08.12.2010).

LM Domink O.C chuyển ngữ từ: Die Unbefleckte Empfängnis – Quelle inneren Lichts (kath.net)
 
Hiệp nhất
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
14:47 14/05/2012
Chúa Nhật 7 Phục Sinh B ( Tđcv 1, 15-17,20a.20,26; 1Ga 4, 11-16; Ga 17, 11b-19).

Lời nguyện tha thiết của Chúa Giêsu nói lên tình yêu thương chan chứa mà Chúa đã dành cho loài người. Tất cả qui về tình yêu. Chính Chúa đã kết hợp chúng ta như cây nho và cành nho. Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống để cứu độ chúng ta. Nay Chúa lại muốn cho chúng ta được nên một trong Chúa. Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: Lạy Cha Chí Thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho con, để chúng được nên một như Ta (Ga 17,11). Thánh Gioan diễn tả rằng: Thiên Chúa là tình yêu và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy. Yêu nhau là muốn ở gần và ở bên nhau. Yêu là muốn kết hợp gắn bó với nhau. Chúa Giêsu muốn chúng ta nên một như sự liên kết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Hợp nhất nên một, có nghĩa là nhiều thứ khác biệt kết thành một. Con số một tượng trưng sự kết hợp duy nhất từ một trăm điều, một ngàn thứ, một triệu sự, một tỷ người...đều là một. Chúng ta sống trong một gia đình, kết hợp thành một nhóm, xây dựng một cộng đồng, sống trong một quốc gia, cùng tin vào một tôn giáo và chung hưởng một thế giới tự do. Muôn giọt nước tạo thành một dòng suối chảy. Muôn nguồn sông, nguồn suối chảy dồn về một đại dương. Tất cả muôn vật được hình thành trong sự quan phòng của một Đấng Sáng Tạo. Như các tín hữu tuyên xưng: Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người Eph 4, 5-6).

Trong thân xác một con người bao gồm các chi thể và nhiều bộ phận khác nhau. Chúng ta kinh nghiệm trong thân xác của mình, nếu có một bộ phận trong người bị đau yếu, ngưng đọng, tắc nghẽn sẽ làm cả thân xác bải hoải và mệt nhoài. Cho dù chỉ là một cái dằm hay một chiếc gai nhỏ đâm vào da thịt, chúng ta đã cảm thấy nhói đau cả một thân xác. Một vết thương đau ảnh hưởng cả toàn tâm, sinh, lý của một con người. Các bộ phận tuy khác biệt nhưng cùng chung hưởng một nguồn sống. Thánh Phaolô viết: Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể (Rm 12, 4-5).

Quan sát vũ trụ qua kính viễn vọng, các nhà thiên văn đã ngắm nhìn một vũ trụ bao la kết hợp trong những giải thiên hà, ngân hà và các hệ hành tinh. Tất cả vũ trụ đều theo một qui luật di chuyển và hỗ tương. Sự sống của muôn loài cũng thế, tuy khác biệt về hình dạng và cơ cấu sinh hóa nhưng cùng chung một nguồn sự sống. Vũ trụ muôn loài đều qui về một mối và có cùng một nguyên cội. Chúng ta gọi là đệ nhất nguyên nhân. Tất cả mọi vật và mọi loài đều có cội nguồn và có gốc có tổ. Lần bước qua các thế hệ, con người có thể tìm về cội nguồn qua nguyên lý nhân qủa. Cùng một cội tổ nên mọi loài đều có cùng chung một định luật sống, một khuynh hướng và một cùng đích.

Khi mọi thành phần trong cơ cấu lưu chuyển hài hòa và ăn khớp với nhau thì sự vật di động đều hòa, máy móc chạy tốt và thân xác khỏe mạnh. Chúng ta có thể kinh nghiệm trong các công nghệ sản xuất giây chuyền, mọi bộ phận phải sinh họat đúng khớp, đúng lúc và đúng luật mới tạo ra những thành qủa sản xuất tốt. Hợp nhất trong hỗ tương. Đây là quy luật chung cho tất cả mọi loài mọi vật. Các thành phần không thể tách rời nhau nhưng dính kết với nhau một cách hài hòa đồng điệu. Bất cứ một vật dụng máy móc nào cũng vậy cần có sự liên đới và vào khớp với nhau như sợi giây xích khớp vào răng.

Sự hợp nhất những cái khác nhau tạo nên sự hài hòa. Mọi vật đều có hai phía: Có phải có trái, có trên có dưới, có ngang có dọc, có âm có dương, có cao có thấp, có đực có cái, có nam có nữ… Sự khác biệt này giúp bổ túc và hoàn thiện lẫn nhau. Hợp nhất không có nghĩa là biến đổi cái khác và người khác trở nên giống mình hay giống người khác. Mỗi cá vị có những đặc tính, khả năng và ước muốn riêng. Nhiều người hợp nhất với nhau trong cùng một lý tưởng, một khuynh hướng hay một đường lối nào đó. Họ có thể cùng nhau lữ hành trên cùng một đoạn đường đến một mục đích. Tuy nhiên họ vẫn giữ lại những đặc tính riêng tư của họ.

Suy ra trong một gia đình, một nhóm hội và một tổ chức cũng thế, nếu có những thành viên dị biệt, dở chứng, gây gỗ và phá tán thì cũng sẽ làm cho cả gia đình và đoàn hội bị chia rẽ đau thương và khổ sầu. Người ta thường nói: Một con sâu, làm rầu nồi canh. Một thành viên của một đạo giáo hay một quốc gia gây khủng bố phá hoại, thì đạo giáo hay quốc gia đó cũng bị họa lây. Sự liên đới của các thành viên về sự tốt hay xấu, vinh hay nhục, thành hay bại đều có ảnh hưởng tới nhau. Chúng ta không thể tách rời sống cô độc hay chối bỏ gốc tích của mình.

Chúng ta có chung với nhau về rất nhiều nhu cầu và khía cạnh cuộc sống. Chúng ta cùng chung một niềm tin vào một Thiên Chúa, cùng sinh hoạt trong một cộng đoàn và cùng nói một ngôn ngữ nhưng chúng ta có rất nhiều điều khác biệt. Đôi khi chúng ta huênh hoang ngoài miệng là phải đoàn kết, hợp nhất và yêu thương, nhưng thực tế cuộc sống thì mỗi người đi một nẻo, sinh hoạt một cách riêng tư và loại trừ lẫn nhau. Có những điều khác biệt giúp làm giầu thêm, bổ túc cho nhau và xây dựng tốt, nhưng cũng có nhiều việc gây nhức nhối, làm tổn thương và gây đổ vỡ. Điều quan trọng là mọi sự phải ăn khớp hòa hợp với nhau mới giúp cho sinh hoạt cuộc sống an vui và thư thái nhẹ nhàng. Kết hợp trong Chúa để đi tìm sự bình an đích thực: Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân (Col 3,15).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nguyện cầu cùng Chúa Cha cho các môn đồ. Chúa biết trước những gian truân thử thách mà các môn đồ phải đối diện trong thế gian. Sự gian ác của con người thế gian thì không ai có thể lường trước được. Cuộc sống có biết bao nhiêu sự xấu, sự dữ đã và đang hoành hành trong xã hội con người. Các môn đồ sẽ bị ghét bỏ vì danh Chúa. Chúa cầu xin: Con đã ban lời Cha cho chúng và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Từ đời này sang đời kia, không nơi này thì nơi khác, các nhân chứng của Chúa không tránh khỏi những chống đối, tẩy trừ, bách hại, nhạo báng và ghét bỏ. Chấp nhận theo Chúa là chấp nhận thánh giá của sự ghét bỏ. Để hóa giải những khác biệt về lý tưởng, ý thức hệ, niềm tin tôn giáo, chúng ta phải quay về nguồn như Chúa Giêsu đã nguyện cùng Chúa Cha: Xin hãy thánh hóa chúng trong sự thật: Lời Cha là chân lý.

Sống chân lý là sống trong sự thật. Chúng ta cần lắng nghe, rao giảng và làm nhân chứng cho sự thật. Thực hành suy tưởng sự thật, nói sự thật và sống trong sự thật của Chúa Kitô. Giữa đời trần thế có qúa nhiều sự gian dối, lừa lọc và vô minh. Rất nhiều lần chính chúng ta đã dùng những phương cách giả tạo, dối trá và bánh vẽ mơ hồ để dẫn dụ những người cả tin vào sự mê tín. Hãy tìm về nguồn chính thật là Chúa Giêsu Kitô. Điều quan trọng là chúng ta phải biết mình đang hợp nhất với ai và đối tượng nào. Hợp nhất với Chúa Kitô là chúng ta sẵn sàng từ bỏ ý riêng mình để đi theo đường lối và kết hợp với Giáo Hội tại thế trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Lạy Cha, xin hãy cho mọi người hợp nhất nên một trong cùng một đức Tin, đức Cậy và đức Mến. Xin liên kết chúng con về cùng một mối trong Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:49 14/05/2012
ĐỐ RƯỢU

N2T


Một người đưa ra câu đố: “Mưa xuân như chất bổ (膏)” (1) ; người thứ hai nghe được thì tưởng rằng người ấy nói “cao (糕)” (2), bèn nói tiếp:

- “Mưa hè giống bánh bao”.

Người thứ ba nghe “mưa hè (夏雨)” (3) thì tưởng là “hạ vũ (夏禹)” (4), thế là oang oang đối lại:

- “Châu Văn vương giống bánh tháp”.

Suy tư:

Trên bàn rượu chén tạc chén thù thì có khi vì có hơi men mà lời nói không đầu không đuôi, hoặc nói những lời đao to búa lớn làm người khác nghe không lọt tai, hoặc lời nói trở thành trò cười cho mọi người…

Trong đời sống tu đức của người Ki-tô hữu cũng thế, khi tâm hồn kiêu ngạo biến Lời Chúa thành lời của mình, nghĩa là giảng giải theo ý đồ riêng của mình thì không những làm cho người nghe nhột tai mà có khi còn làm tổn thương đến lòng nhiệt thành phục vụ của người khác. Đó là việc nghe lầm và hiểu lầm Lời Chúa trong Tin Mừng của những người tự khoe mình trỗi vượt trên người khác, để rồi làm méo mó Lời Chúa gây gương mù gương xấu cho người khác.

Cùng một chữ “yêu” mà Đức Chúa Giê-su dạy, họ biến thành chữ yêu thế tục, thế là loạn; từ chữ “phục vụ” của Đức Chúa Giê-su dạy, họ biến “phục vụ” thành công cụ của riêng mình, thế là họ trở thành chủ nhân ông.

Nghe Lời Chúa mà không suy niệm, đọc Lời Chúa mà không cầu nguyện, thì chẳng khác gì những con sâu rượu đố nhau trên bàn rượu vậy.

Tai hại vô cùng !

(1) 膏đọc là “cao” nghĩa là chất bổ;

(2) 糕 cũng đọc là “cao” nhưng nghĩa là bánh ngọt. Đồng âm khác nghĩa.

(3) 夏雨 phát âm là “xia yu”, nghĩa là “mưa hè” (hạ).

(4) 夏禹 cũng phát âm là “xia yu”, nghĩa là “hạ vũ”. Vũ là Vua Vũ, theo truyền thuyết là ông vua trị lụt. Đồng âm khác nghĩa.

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://blog.yahoo.com/nhantai

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:43 14/05/2012
N2T

16. Các con nên làm những gì mà Đức Chúa Giê-su đã làm vì chúng ta, trông cậy vào Đức Chúa Giê-su để đạt đến mức độ mà Ngài muốn chúng ta đạt tới.

(Thánh Augustine)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
TGM Prendergast phẫn nộ về việc phò phá thai tại cuộc Diễn hành cho sự sống năm 2012
Jos. Tú Nạc, NMS
10:19 14/05/2012
OTTAWA – Tổng Giám mục Terrence Prendergast Ottawa đã phẫn nộ với những ý nghĩ sai lầm về phẩm giá con người mà đưa đến kết quả về việc phá thai được yêu cầu ở Gia Nã Đại.

“Chúng ta cần phải thách thức những ý tưởng sai lầm mà việc phá thai vẫn là quyết định cá nhân, riêng lẻ,” Tổng Giám mục đã nói trong bài giảng tại một trong những Thánh Lể liên quan đến cuộc Diễn hành Quốc gia phò Sự Sống ngày 10 tháng Năm.” Thực tế là, sự phá thai gây tổn thương cho mọi người – con trẻ đang phát triển trong bào thai, người mẹ, người cha, gia dình, cộng đồng và thậm chí nền văn hóa của chúng ta.”

“Chúng ta cần phải là những nhân chứng trước Thiên Chúa chúng ta – đã ban phẩm giá là sự sống con người,” ngài đã nói với giáo dân chật ních trong Nhà thờ Đức Bà. “Chúng ta được sáng tạo và được yêu thương bởi Thiên Chúa từ sự quan trọng của nhận thức, được gọi vào sự sống để trở nên hiệp nhất với Thiên Chúa, và để yêu thương và phục vụ tha nhân trong Đức Ki-tô.”

TIN LIÊN QUAN – Cuộc Diễn hành phò Sự Sống phá kỷ lục, thu hút gần 20,000 người tới Parliament Hill

“Trong tranh luận phá thai, tự do cá nhân thường gây khó chịu của cuộc thảo luận,” Tổng Giám mục nói. Các bạn thường nghe khẩu hiểu ‘my body, my choice’ được đưa ra khi cuộc thảo luận – kết thúc cuộc tranh cãi. Nhưng đây là một ý nghĩa sai lầm về nhân cách con người. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta cho những mối quan hệ - với Người và với tha nhân. Sự lựa chọn của chúng ta ảnh hưởng đến không chỉ đời sống của chính mình, mà còn ảnh hưởng đến những người trong gia đình, bạn bè, và cũng còn cho cả một cộng đồng rộng lớn của chúng ta nữa.”

Trong lúc TGM Prendergast dẫn Thánh Lễ song ngữ có liên quan đến sự kiện này, Tổng Giám mục Quebec Gerald Cyprien, tổng giáo phận giáo phận Gia Nã Đại cử hành một Thánh lễ bằng tiếng Pháp tại giáo xứ Sacré-Coeur, cùng lúc Giám mục Peterborough Nicola De Angelis cử hành một Thánh Lễ tiếng Anh tại Vương cung Thánh đường Thánh Patrick. Một nghi thức cầu nguyện những người không thuộc Ki-tô giáo cũng được tổ chức tại một nhà thờ thuộc khu thương mại.

“Những quyết định của chúng ta có sự tác động vượt xa hơn những giới hạn về thể xác của chính chúng ta,” TGM Prendergast nói. “Nhà hoạt động xã hội Công Giáo Dorothy Day một lần đã nhận xét, ‘Chúng ta ai nấy đều biệt sự cô quạnh kéo dài và chúng ta đã biết rằng giải pháp duy nhất là tình yêu và tình yêu đó đến với cộng đồng.’”

Vào cuối Thánh Lễ, TGM Montreal Christian Lépine cầu xin cho những người có mặt là những người của tình yêu và ân sủng trong việc phò sự sống trong tất cả mọi giai đoạn. Ngài kể câu chuyện về một phụ nữ đã một lần phá thai. Mặc dù biết điều đó là sai và cố gắng tự nhủ là mình chỉ hủy diệt một nhóm tế bào. Cô ta đã dao động giữa cái biết mình đã giết chết đứa con chưa ra đời của mình và trải qua tuyệt vọng, mặt khác cô cố gắng tự thuyết phục. Cô ta cần phải gặp gỡ tình yêu và hồng ân của Chúa Giê-su Ki-tô, ngài nói.
 
Giám mục cao niên nhất thế giới
Jos. Tú Nạc, NMS
15:56 14/05/2012
VATICAN CITY – Giám mục cao niên nhất thế giới, Giám mục Việt Nam Antoine Nguyễn Văn Thiện, đã qua đời ngày 13 tháng Năm tại Pháp chỉ còn hai tháng nữa là sinh nhất 106 của ngài, nhật báo Vatican tường thuật.

Nguyên Giám mục Vĩnh Long, Việt Nam, đã cử hành lễ kỷ niệm lần thứ 80 ngày thụ phong linh mục của ngài vào tháng Hai. Ngài được thụ phong giám mục năm 1961 và đã tham dự tất cả bốn kỳ họp của Công đồng Vatican II năm 1962 – 65.

Nhật báo Vatican, L’Osservatore Romano, nói rằng sau bẩy năm là giám mục của Địa phận Vĩnh Long, năm 1968 ở tuổi 62, ngài đã được phép từ chức sau “một cơn bệnh nặng.”

Ngài sống tại Nice, Pháp, từ năm 1965.

Website catholic-hierarchy.org liệt kê giám mục cao niên kế tiếp là Francis Hong Yong-Ho thuộc Pyongyang, Bắc Hàn, niên giám Vatican vẫn liệt kê ngài là giám mục địa phận, nhưng cho biết ngài đã “không xuất hiện.” Ngài đã bị cộng sản bắt năm 1949. Nếu ngài còn sống, ngài 105 tuồi.

Giám mục hưu trí Gery Leuliet của Amiens, Pháp, là người tiếp theo 102 tuổi.

Giám mục Hoa Kỳ cao niên nhất được liệt kê hàng thứ sáu: giám mục hưu trí Peter L.Gerety của Newark, NJ., 100 tuổi vào tháng Bẩy.
 
Nước Mỹ dưới mắt một tổng giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (2)
Vũ Văn An
22:14 14/05/2012
Ngọn lửa đang tàn

Đến đây, Đức Tổng Giám Mục Chaput thuật lại câu truyện của Rôma cổ xưa. Nhà nước này có một biểu tượng thánh thiêng nhất, đó chính là bàn thờ dâng kính Nữ Thần Chiến Thắng. Bàn thờ này đặt tại Thượng Viện Rôma suốt hơn 400 năm. Nhưng năm 382, vị hoàng đế theo Kitô Giáo cho tháo gỡ bàn thờ này vì cho là thờ ngẫu tượng. Hai năm sau khi ông chết, thị trưởng ngoại đạo của Rôma là Quintus Aurelius Symmachus viết một lá thư đáng chú ý nhất thời hậu cổ đại (13) gửi lên hoàng đế tân lập cũng theo Kitô Giáo, yêu cầu dựng lại đền thờ trên. Nhưng không hẳn chỉ có thế, trong lá thư ông đưa ra lý chứng biện hộ cho một lối sống hoàn toàn khác. Ông cho rằng tháo gỡ bàn thờ là điều thiếu khôn ngoan và bất công. Ông ca tụng các vị hoàng đế trước đó về lòng khoan dung đối với việc duy trì tôn giáo cổ xưa và tài trợ các buổi cử hành ngoại giáo. Ông lý luận rằng việc thờ phượng các thần ngoại giáo của Rôma đã bảo vệ được kinh thành, khuất phục được thế giới và do đó xứng đáng được đối xử một cách tôn kính.

Ông nhấn mạnh rằng bàn thờ trên chắc chắn mang lại sự phù hộ của thần minh đối với thẩm quyền dân sự. Ông tha thiết viết như sau: “Bởi thế, chúng tôi yêu cầu để yên cho các thần minh của cha ông chúng tôi cũng như của xứ sở chúng tôi. Điều chính đáng là coi mọi việc thờ phượng như một. Chúng ta hết thẩy đều ngắm nhìn cùng các vì sao; bầu trời là của chung; quanh ta là một thế giới như nhau. Có gì khác đâu từ cố gắng của từng người đi tìm chân lý? Ta không thể đạt tới bí quyết ấy chỉ bằng một con đường… [cho nên] ta nên dâng lời cầu nguyện, đừng chống đối nhau”.

Ngày nay, đọc lại lời lẽ của Symmachus, ta không khỏi cảm thông với ông ta. Nhưng lúc ấy, không ai nghe lời lẽ của ông. Kitô hữu lúc đó đã vượt xa người ngoại đạo về số lượng, ngay tại Rôma. Thánh Ambrose của Milan, một trong các giáo phụ La Tinh vĩ đại của Giáo Hội, đã viết một bản trả lời hết sức mạnh mẽ, đánh bại lý lẽ của Symmachus. Do đó, bàn thờ kia không bao giờ được dựng lại. Chủ nghĩa ngoại đạo dần dần lui vào dĩ vãng.

Lý lẽ của Symmachus khá vững. Nhưng ông lý luận từ tư thế yếu, cái yếu của lòng hoài cổ muốn lập lại những gì xưa cũ đang sắp sửa qua đi, cái yếu của các nghi lễ tôn giáo lúc đó đã không còn năng lực, cái yếu của van xin để tiếng nói mình được nghe, thay vì đòi hỏi hay chinh phục một chỗ đứng trong tâm hồn con người, nhờ lòng nhiệt tâm của hành động tôn giáo và sức mạnh của chứng tá tôn giáo.

Ngọn lửa bừng cháy

Không ai nghe Symmachus vì không ai lưu tâm đến ngọn lửa đang tàn. Trái lại ai cũng phải chú ý tới ngọn lửa đang bừng cháy, nhất là đang bừng cháy trong tâm hồn người khác. Và điều này đem ta tới trọng điểm của điều Đức TGM Chaput muốn nói. Chúa Giêsu từng phán rằng: “Ta đến đem lửa ném vào trần gian, và Ta mong lửa ấy bừng cháy lên!” (Lc 12:49).

Theo Đức TGM Chaput, lời của Chúa Kitô trên đây được phần lớn người Mỹ trong lịch sử Hoa Kỳ biết tới và hiện vẫn còn ý nghĩa đối với cung cách họ tổ chức cuộc sống. Hoa Kỳ chưa bao giờ là một quốc gia Kitô Giáo, nhưng điều đó không cần thiết, vì đời sống công và các định chế dân sự của nó vốn được thông tri một cách sâu sắc bởi tư tưởng và ngôn ngữ cũng như luân lý Thánh Kinh. Điều còn quan trọng hơn nữa là đa số người dân Hoa Kỳ là Kitô hữu; phần đông coi trọng đức tin của mình; và rất nhiều người cố gắng sống đức tin ấy, đến độ khiến Alexis de Tocqueville phải thán phục khi thuật lại việc thờ phượng của họ trong ngày Chúa Nhật (14).

Nhưng đó là chuyện của ngày qua, lúc Kitô hữu cảm thấy nước Mỹ như nhà mình, nơi đã được các Kitô hữu định cư trước nhất và chủ yếu do họ xây dựng trong ba thế kỷ đầu. Còn những năm gần đây, giống Bàn Thờ Nữ Thần Chiến Thắng, Thiên Chúa càng ngày càng ít được chào đón giữa lòng sinh hoạt chung. Bởi thế, chẳng bao lâu nữa, Kitô hữu sẽ thấy mình rơi vào thân phận Symmachus, phải lý luận từ bên lề.

Trong vài thập niên tới, nước Mỹ sẽ trở nên ít thân thiện đối với đức tin Kitô Giáo hơn bất cứ thời nào trong lịch sử của nó. Và điều đó sẽ đặt ra một thách thức thật lớn đối với người Công Giáo. Hiện nay, lời tiên đoán này vẫn còn bị coi là quá mạnh, không thuyết phục được ai. Vì gốc rễ của kinh nghiệm Mỹ vốn bám sâu vào Thệ Phản. Niềm tin vào Thiên Chúa vẫn còn giúp người ta lên khuôn các điều họ tin về con người. Và chính điều họ tin về con người đã tạo khung cho sinh hoạt quốc gia. Theo truyền thống, đức tin Kitô Giáo vốn là nền tảng cho sự nhất trí cao của người Mỹ về luân lý. Sự nhất trí ấy hướng dẫn chính sách xã hội và luật pháp của Hoa Kỳ.

Đã đành, Thiên Chúa không được Hiến Pháp nhắc tới, nhưng không phải vì Người không được hoan nghinh. Thực vậy, Người thẩm thấu toàn bộ diễn trình lập hiến. Gần hết các nhà lập quốc là tín hữu tôn giáo, đa phần là Kitô hữu, và một số hết sức sùng đạo. Các công trình của họ chịu ảnh hưởng không những của Phong Trào Ánh Sáng mà còn của di sản Thánh Kinh Do Thái và Kitô Giáo.

Trên thực tế, nói theo Daniel Boorstin, John Adams và các đồng nghiệp lập quốc của ông đều là những người có tâm trí hợp tuyển và bảo tàng (a miscellany and a meseum), tức những người có khả năng tổng hợp cũ và mới, đức tin của Kitô giáo và các lý tưởng của Ánh Sáng, mà không phá hủy điều gì (15). Các nhà lập quốc này coi đức tin tôn giáo như một điều tách biệt đối với chính quyền nhưng có tính sinh tử đối với lẽ sống còn của đất nước. Trong Diễn Văn Từ Giã, Washington nhấn mạnh rằng “tôn giáo và luân lý là hai hỗ trợ không thể thiếu” đối với sự thịnh trị. Ông nói thêm: “lý trí và kinh nghiệm đều ngăn cấm ta không được nghĩ rằng loại bỏ nguyên lý tôn giáo, nền luân lý quốc gia vẫn có thể bền vững”. Đối với John Jay, James Wilson, Alexander Hamilton, Charles Carroll, John Adams, George Washington, và hầu hết các nhà lập quốc khác, kể cả Thomas Jefferson và Benjamin Franklin, tôn giáo tạo ra các công dân đức hạnh. Và chỉ có các công dân đức hạnh mới duy trì được đất nước để nó cân bằng trong định chế, trong nhậy cảm luân lý, và trong luật pháp.

Địa bàn đang thay đổi

Kinh nghiệm Mỹ, một xã hội dân chủ, không bè phái, được một thế giới quan và một ngôn ngữ luân lý ngấm ngầm Kitô Giáo nâng đỡ, đã thành công trong suốt gần 200 năm. Bất chấp cái phả hệ Thệ Phản và các thiên kiến đi đôi với nó, nước Mỹ vẫn mềm dẻo đủ để dành đất đứng cho người Công Giáo; và người Công Giáo ở đây quả đã có thể và thực sự phát triển rực rỡ. Thực vậy, họ hiện lập thành cộng đồng tôn giáo lớn nhất Hiệp Chúng Quốc. Họ đang phục vụ đông đảo tại Quốc Hội. Họ chiếm đa số tại Tối Cao Pháp Viện. Họ giữ các địa vị chỉ huy trong doanh nghiệp và chuyên nghiệp.

Nghe thì quả đáng nể. Vần đề là: việc ấy càng ngày càng không có ý nghĩa bao nhiêu nữa. Gần 80 phần trăm người Mỹ vẫn tự nhận là Kitô hữu. So với tiêu chuẩn Âu Châu, thực hành tôn giáo tại Mỹ vẫn còn cao. Nhưng địa bàn tôn giáo của Mỹ đang thay đổi. Một phần tư người Mỹ tuổi từ 18 tới 29 hiện không còn thuộc bất cứ tôn giáo nào nữa. Theo Nhóm Barna và nhiều cuộc nghiên cứu khác, những người Mỹ này còn cho thấy “một mức chỉ trích gay gắt đối với Kitô Giáo hơn hẳn các thế hệ trước cùng cỡ tuổi với họ. Quả thực, chỉ trong một thập niên… hình ảnh Kitô hữu đã đi xuống một cách đáng kể, một phần vì giới trẻ tỏ ra chán nản, muốn rút chân ra” (16).

Thế hệ trẻ đó đang sắp sửa thừa hưởng quyền lãnh đạo quốc gia trong thập niên tới. Vậy mà, như Christian Smith và các đồng nghiệp của ông từng cho thấy, thế hệ đang lên đó không hề bao giờ lo lắng thảo luận các nan đề về luân lý; nhiều người trong số họ còn không biết gì tới các nguyên lý tôn giáo, từng giúp người ta đưa ra các quyết định luân lý khó khăn; phần lớn những người này không được đào luyện thích đáng về luân lý (17).

Sự mất mát của Công Giáo được che đậy phần nào nhờ di dân Châu Mỹ La Tinh. Nhưng dù 31 phần trăm người Mỹ cho rằng mình được dưỡng dục trong đức tin Công Giáo, nhưng không tới 24 phần trăm người Mỹ tự mô tả mình là người Công Giáo.

Việc mất đi một khối quần chúng Kitô hữu chủ yếu như trên khỏi đời sống Mỹ đã đem lại nhiều hiệu quả. Chỉ xin kể một trường hợp hiển nhiên: các nhóm thiểu số về tính dục hiện đang thường xuyên sử dụng quyền lực nhà nước và các phương tiện truyền thông để đánh đổ các định nghĩa truyền thống về hôn nhân và gia đình. Và họ thường chỉ gặp một phản kháng tẻ nhạt hay vô tổ chức; mà phản kháng này lại bị giới truyền thông tường thuật một cách phiến diện, đầy tiêu cực nữa.

Trong những năm tới, càng ngày ta càng thấy khuynh hướng trên nhiều hơn, song song với mưu toan của nhà cầm quyền dân sự muốn can thiệp vào đời sống của cộng đồng tín hữu nhân danh quyền lợi cá nhân. Ta cũng sẽ thấy càng ngày các định chế tôn giáo càng có ít không gian tự do hơn để thi hành các công trình của mình nơi công cộng. Hiện đang xẩy ra nhiều vụ nhà nước gây áp lực nặng nề lên các bệnh viện và cơ sở nhận con nuôi của Công Giáo, nhiều vụ kiện nhằm tấn công vào phạm vi của tự do tôn giáo, nhiều hạn chế của liên bang đối với quyền lương tâm, nhiều cuộc tấn công đối với các khoản trừ thuế cũng như tư cách miễn thuế dành cho tôn giáo, và trực tiếp can thiệp vào việc thuê các dịch vụ của các cơ quan như Cơ Quan Bác Ái Công Giáo. Thành thử không phải là vô cớ khi các vị giám mục Hoa Kỳ thiết lập ra ủy ban đặc biệt về tự do tôn giáo vào năm ngoái. Tự do tôn giáo xưa nay vốn là điều người Mỹ lo lắng cho các nước khác. Nhưng nay, nó trở thành mối lo của chính họ.

Vấn đề là: tại sao một nước Mỹ của Tocqueville, nơi “sinh hoạt thương mại và kỹ nghệ dường như ngưng lại [và] mọi ồn ào đều lắng dịu” vào ngày Chúa Nhật lại rơi xuống hàng một nước Mỹ, nơi, nói theo lời Pascal Bruckner, người ta trở thành những tên nô lệ cho con thuyền khoái lạc, một nước Mỹ của tiêu thụ điên cuồng và của tính dục bừa bãi, nơi “ý định là đem lại tự do mà kết kết quả chỉ là quảng cáo; nơi điều được giải thoát không hẳn là thèm khát tính dục cho bằng thèm khát được mua bán không hạn chế”? (18). Nên nhớ Bruckner không phải là một nhà giảng thuyết nhiệt tình, ông chỉ là một người hoài nghi Pháp hoàn toàn thế tục, ông chỉ nói những gì ông thấy tận mắt.

Nhưng thực ra, các vấn để của nước Mỹ phát sinh và sống song song với các đức hạnh của nó. Theo một nghĩa nào đó, các vấn đề và đức hạnh này phát sinh từ cùng một hạt giống. Nền thần học Thệ Phản và tư tưởng Ánh Sáng vốn đề cao tầm quan trọng của cá nhân. Chính hai nhân tố ấy đã nuôi dưỡng một chủ nghĩa cá nhân đầy tác hại và một lòng thù ghét đối với bất cứ thẩm quyền tôn giáo nào bên ngoài quyền tối thượng của lương tâm bản thân.

Kết quả là: không có sự kiềm chế của một đồng thuận luân lý do một cộng đồng tôn giáo sống động lên sinh khí và lo bảo vệ, tự do cá nhân sẽ dễ dàng trở thành giấy phép để người ta sống vị kỷ. Ý nghĩa đúng sai sẽ được tư hữu hóa, xã hội chỉ còn là một tập hợp các cá nhân lẻ tẻ mà các thèm khát và nhu cầu được điều hòa bởi một dự án duy nhất họ có chung đó là nhà nước.

Tocqueville coi công luận là nhân tố dễ gây tác hại cho dân chủ. Thực thế, theo lý thuyết, trong một nền dân chủ, mỗi cá nhân là thẩm quyền luân lý tối hậu cho chính mình. Nhưng thực tế không đúng như vậy. Các cá nhân này nhanh chóng nhận thấy mình cô lập và thiếu hiểu biết trong tư cách cá nhân. Thiếu một cộng đồng tôn giáo vững mạnh yểm trợ, họ có khuynh hướng muốn trao phó tư duy bản thân cho công luận. Và vì công luận rất dễ bị thao túng, nên sinh hoạt dân chủ bị khuynh đảo.

Đó là lý do khiến các nhà lập quốc Hoa Kỳ coi tôn giáo là điều quan trọng đối với sự lành mạnh của đời sống công. Vì đức tin tôn giáo tạo nên một khuôn khổ luân lý vững bền cho cuộc tranh luận chính trị và đào tạo ra các công dân có giáo dục về luân lý để điều hành guồng máy quốc gia. Có điều, tôn giáo không sống còn nhờ tính hữu dụng xã hội. Người ta không sống theo một sứ điệp chỉ vì sứ điệp này hữu dụng. Họ sống sứ điệp ấy vì họ tin nó đúng và do đó đem lại sự sống cho họ.

Chính người Kitô Giáo

Điểm được Đức TGM Chaput nhấn mạnh là: cái nước Mỹ đang xuất hiện, tức nước Mỹ ngu dốt hay có thái độ ngờ vực đối với tôn giáo nói chung và đối với Kitô Giáo nói riêng kia, không nên làm ta ngạc nhiên. Vì tuy là nước Mỹ mới, nó vẫn là sản phẩm của Mỹ. Ta thường hay đổ lỗi, cho rằng chính truyền thông đại chúng, hay giới học thuật, giới khoa học, hoặc các nhóm đặc quyền đã tạo ra môi trường hiện nay. Nhưng thực ra, các Kitô hữu, trong đó, có người Công Giáo, cũng đã góp tay vào đó bằng chính sự thèm khát muốn được có mặt trong đó, bằng những sao lãng, những quá tự phụ và bằng đức tin lạnh nhạt của mình.

Quá nhiều người tự nhận là Kitô hữu nhưng không hề biết Chúa Giêsu Kitô. Họ thực sự không tin vào Tin Mừng. Họ thấy bối rối, xấu hổ vì tôn giáo của mình. Có giữ đạo chăng nữa, họ cũng cho là để yên chuyện. Hoặc sẵn sàng điều chỉnh đạo theo mức hoài nghi của mình. Những điều đó không thay đổi đời họ, vì chúng không có thực. Và vì không có thực, chúng không đem lại hiệu quả biến đổi nào đối với tác phong bản thân, không đem lại bất cứ sức mạnh xã hội nào, bất cứ hậu quả công cộng nào. Một đức tin như thế giống hệt tôn giáo từng được Symmanhus tiếc nhớ. Dù tôn giáo ấy trước đây có như thế nào, nay nó cũng đã chết thật rồi.

Như vậy thì tín hữu, và nhất là tín hữu Công Giáo, phải làm gì trước tình thế trên? Theo Đức TGM, nếu còn sống, chắc chắn Cha John Murray sẽ cho rằng người Công Giáo có thể đem lại cho nước Mỹ sức mạnh luân lý và sự sâu sắc trí thức mà Chủ Nghĩa Thệ Phản từng đánh mất. Đúng vậy. Cha Murray chưa bao giờ quên các thiếu sót trong hệ thống chính trị hay trong nhân cách phân lập (split personality) lúc lập quốc. Nhưng niềm hy vọng của ngài đối với các tiềm năng của kinh nghiệm Mỹ là niềm hy vọng chính đáng.

Vì ta là người tạo ra tương lai, chứ không ngược lại. Không có gì trên trần thế này là tất yếu, ngoại trừ chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô; điều này đúng cho cả những gì lịch sử sẽ nói về đặc điểm của đất nước mang tên Hoa Kỳ. Suốt những năm tháng phục vụ trong tư cách giám mục, Đức Cha Chaput từng gặp hàng nghìn, nghĩa là nhiều lắm, các thanh thiếu niên rực lửa yêu mến Chúa Giêsu Kitô và hoàn toàn dấn thân cho niềm tin Công Giáo. Họ tụ tập nhau trong các phong trào hay dự án nhằm đem lại cho lòng khát khao Chúa của họ một sức mạnh thực sự: đó là Hiệp Hội Sinh Viên Đại Học, đó là Hiệp Thông và Giải Phóng, đó là Đường Tân Dự Tòng, đó là Phong Trào Sinh Hoạt Kitô Giáo, và rất nhiều hình thức tông đồ mới của Công Giáo.

Những người trẻ Công Giáo trên không đơn độc. Người ta thấy họ hàng trăm hàng nghìn trên mọi nẻo đường đất nước. Nhưng họ cần một thứ lãnh đạo và một thứ giáo dục có thể tỏa sáng sự vững tin vào Lời Chúa, lòng trung thành với đức tin Công Giáo, và lòng nhiệt tâm truyền giáo nhằm làm mới mọi sự trong Chúa Giêsu Kitô, kể cả nơi công cộng.

Tuy nhiên, hình như Cha Murray không đọc được cái nôn nóng của người Công Giáo muốn có chỗ đứng trong cái giòng chẩy chính của Mỹ vì cảm thấy đau lòng trước mặc cảm tự ti về xã hội của mình. Và cha đã không sống tới lúc thấy những vấn đề ấy sẽ dẫn tới đâu.

Ngày nay, thay vì người Công Giáo cải đạo văn hóa, thường là văn hóa tẩy hết cái nhiệt tâm tông đồ nơi người Công Giáo trong khi chỉ để lại nơi họ cái nhãn hiệu đơn thuần mà thôi. Dĩ nhiên có những luật trừ, nhưng cho đến nay, những luật trừ này không đủ nhiều để thay đổi tình thế. Chính vì thế, số lượng đông đảo người Công Giáo trong giới lãnh đạo kinh tế và chính trị tại Mỹ vẫn chỉ tạo được rất ít tác dụng đối với hướng đi của đất nước. Điều này cũng thấy rõ trong ngành giáo dục cao đẳng Công Giáo, là ngành lãnh trách nhiệm giáo dục và đào tạo thế hệ lãnh đạo Công Giáo sắp đến.

Nền giáo dục cao đẳng Công Giáo

Người ta không thể đọc lại Tuyên Ngôn Land O’Lakes năm 1967 về bản chất đại học Công Giáo hiện đại mà không chú ý tới việc từ ngữ Đức Tin đã hoàn toàn biến mất khỏi tài liệu này. Thực vậy, tài liệu này là một bản tuyên ngôn độc lập, tự tách mình ra khỏi mọi quyền bính nào không phải là cộng đồng đại học (19). Điều này không có gì đáng nói đối với một định chế thế tục. Nhưng quả là lạ khi một cộng đồng học thuật vốn cam kết phục vụ cả đức tin lẫn lý trí, mà thực sự lại không muốn làm thành phần của truyền thống Công Giáo sống động.

Việc họ xa rời căn tính Công Giáo, lẽ dĩ nhiên, có nhiều nguyên do. Một trong những nguyên do đó là việc suy giảm nhân viên Công Giáo trong hàng ngũ giảng dạy. Nguyên do khác là sự sống còn về kinh tế. Nhưng nguyên do đáng buồn nhất là nhiều giới chức đại học bất mãn với một truyền thống học thuật bị họ coi là cũ mèm và thô sơ trong một thời đại khoa học tân tiến (20).

Không gì sai lầm bằng, vì nguyên do đó đang cướp đi kho tàng khôn ngoan, đầy sáng tạo và hy vọng khỏi tầm tay các nhà lãnh đạo Công Giáo sắp tới. Nét thiên tài của nền giáo dục cao đẳng Công Giáo là một cái học xây dựng trên sự liên lập giữa đức tin và lý trí. Chí ít, nó cũng nhất quyết không tách việc đào tạo trí thức khỏi việc đào tạo luân lý vì hai việc đào tạo này liên kết chặt chẽ với nhau, không thể tách biệt được. Nó đặt ưu tiên trên các môn học nhằm hướng dẫn việc tạo ra một cái nhìn toàn diện về thực tại, cả triết học lẫn thần học. Nó giúp tạo ra một nền văn hóa Kitô Giáo và giải thích rõ nền văn hóa này phải như thế nào trong việc làm triển nở con người. Nó đưa lại một nền nhân học gắn bó coi con người như một toàn bộ và thực sự đem ý nghĩa lại cho thuật ngữ “nhân phẩm” thay vì biến thuật ngữ này thành khẩu hiệu trống rỗng cho dịch bản cuối cùng của chủ nghĩa cá nhân. Nó giúp con người tắm gội trong đức hạnh và biết trân quí cả thực tại vật chất lẫn thực tại tinh thần của nhân loại, tức thế giới hữu hình và thế giới vô hình, những thế giới chỉ có sự sống khi tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Nói cách khác, nền giáo dục cao đẳng Công Giáo là người thừa kế gia tài trí thức, luân lý, và văn hóa vĩ đại nhất trong lịch sử con người. Nó giải đáp thoả đáng cho câu hỏi con người là ai và tại sao. Nó đẹp vì nó đúng. Nó không có gì để ta phải bối rối, trái lại, nó có đủ lý do để ta bừng cháy lòng tin tưởng và nhiệt thành tông đồ. Ta chỉ tự đánh bại mình, và chắc chắn không phụng sự Thiên Chúa chút nào, nếu ta cho phép mình nghĩ cách khác.

Kinh Thành Con Người và Kinh Thành Thiên Chúa

Thánh Augustinô nhắc ta nhớ rằng Kinh Thành Con Người và Kinh Thành Thiên Chúa hòa lẫn với nhau. Ta có trách nhiệm với cả hai. Tuy nhiên, quê hương sau cùng và tư cách công dân thực sự của ta không ở đời này. Chính trị là điều quan trọng, nhưng không bao giờ là tập chú chính hay mục tiêu chính của đời sống người Kitô hữu. Nếu ta không biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô, và cam kết đời ta với Người, và hành động theo niềm tin của ta, mọi sự chỉ là trống rỗng. Nhưng nếu ta thực hiện các điều trên, thì mọi sự khác đều có thể, kể cả việc cải đạo thế giới chung quanh. Câu hỏi duy nhất đáng lưu ý với tất cả chúng ta là câu hỏi Chúa Giêsu đã hỏi các tông đồ của Người: “Các con bảo Thầy là ai?” (Mc 8:29). Mọi sự đều phụ thuộc câu trả lời cho câu hỏi này. Đức tin dẫn ta theo một hướng, thiếu đức tin sẽ dẫn ta đi hướng khác. Vấn đề là đức tin, lúc nào và ở đâu cũng thế, bất kể bạn là học giả, là bác sĩ, là linh mục, là luật sư hay thợ máy. Ta có thực sự tin Chúa Giêsu Kitô hay không? Nếu tin, ta sẽ làm gì với đức tin ấy?

Một đời sống thực sự Công Giáo phải nuôi dưỡng được cả linh hồn và tâm trí; phải đem lại một tầm nhìn biết coi con người như được tình yêu Thiên Chúa làm nên hoàn hảo, hiểu biết tạo thế và các thực tại vô hình; phải giúp ta thấy được vẻ đẹp của thế giới dưới ánh sáng vĩnh cửu; và phải giúp ta nắm bắt lại nét thanh cao của lịch sử nhân bản và phẩm giá con người.

Đó chính là thứ chứng tá sẽ làm bừng cháy trái tim con người. Chỉ có nó mới khởi diễn được cuộc cách mạng duy nhất có thể thay đổi mọi sự: đó là cuộc cách mạng của tình yêu. Chúa Giêsu từng phán rằng “Ta đến để ném lửa vào trần gian và Ta mong lửa ấy bừng cháy lên”. Nhiệm vụ của ta là đốt lên ngọn lửa ấy và giữ cho nó mãi bừng cháy.

Ghi Chú
(13) “The Memorial of Symmachus, Prefect of the City” trích từ Letter of St. Ambrose,dựa theo H. De Romestin, dịch trong Library of Nicence and Post Nicene Fathers, 2nd series, vol. 10 (New York: 1896), Internet Medieval Source Book, http://www.fordham/edu/halsall/source/ambrose-sym-asp.
(14) Alexis de Tocqueville, Democracy in America, dịch và hiệu đính bởi Harvey C. Mansfield and Delba Winthrop (Chicago: University of Chicago Press, 2000), tr. 517.
(15) Daniel j. Boorstin, America and Image of Europe: Reflections on American Thought (Gloucester, MA: Peter Smith, 1976) tr.70.
(16) Xem hậu cảnh của Barna Group tại http://www.barna.org/teens-next-gen-articles/94-a-new-generation-expresses-its-skepticism-and-frustration-with-Christianity và dữ liệu của Pew Research Center tại http://www.pewresearch.org
(17) Christian Smith và nhiều người khác, Lost in Transition: The Dark Side of Emerging Adulthhod (New York: Oxford University Press, 2011)
(18) Pascal Bruckner, Perpetual Euphoria: On the Duty to Be Happy (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2010) các tr.47 và 66.
(19) Trích trong Neil G. McCluskey, S.J., The Catholic University (Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 1970).
(20) Xem James Tunstead Burtchaell, C.S.C., The Dying of the Light: The Disengagement of Colleges and Universities from Their Christian Churches (Gran Rapids, MI: Wm.B. Eerdmans, 1998); và Philip Gleason, Contending with Modernity: Catholic Higher Education in he Twentieth Century (New York: Oxford University Press, 1995).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày Thánh Mẫu tại Sydney
Diệp Hải Dung
10:17 14/05/2012
Sáng Chúa Nhật 13/05/2012 (Mother’s Day) khoảng 4000 người trong Cộng Đồng và các nơi khác kể cả những người không Công Giáo đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham dự mừng kính ngày Thánh Mẫu với chủ đề Sống Bên Mẹ.

Mọi người tập trung trước tượng Đài Đức Mẹ và dâng giờ đền tạ do Cha Đặng Đình Nên chủ sự hướng dẫn, xin mọi người cầu nguyện cho quê hương Úc Châu, cầu nguyện cho quê hương Việt Nam và Cộng Đồng. Sau khi chấm dứt giờ đền ta là 3 hồi chiêng trống cổ truyền kiệu khởi hành cung nghinh kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang về Lễ đài. Cuộc kiệu rất trang nghiêm và long trọng với Thánh Giá nến cao, Cờ Hội Thánh, Cờ Úc Việt dẫn đầu và các hội đoàn đoàn thể phong trào trong Cộng Đồng.

Xem hình ảnh

Kiệu Thánh tượng Mẹ La Vang về đến Lễ đài và an vị trên bàn thờ. Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người và Cha nói ngày hôm nay cũng là một ngày đặc biệt, vì chúng ta cùng toàn thể mọi người trên toàn thế giới vinh danh và bày tỏ lòng biết ơn với những người Mẹ chúng ta như; Thơ viết về Mẹ bao giờ cũng ngọt. Nhạc viết về Mẹ bao giờ cũng hay và một trang viết vẽ về Mẹ bao giờ cũng đẹp. Chúng ta hôm đặc biệt cũng nhớ đến Linh Hồn Cha Cố Dominicô Nguyễn Văn Đồi trong Thánh lễ hôm nay. Ngoài quý Cha trong Cộng Đồng, Cha Mai Đào Hiền, Cha Nguyễn Thái Hoạch cùng quý Cha trong Ban Tuyên Úy Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Đặng Đình Nên và Cha Dương Thanh Liêm, chúng ta còn có sự hiện diện quý báu của quý Cha khách Vũ Văn Thìn, Cha Nguyễn Tấn Thụy, Cha Nguyễn Hoàng Vũ và Cha Ngô Văn Thái, đặc biệt có hai anh em Linh Mục là Cha Dương Quốc Toản và Cha Dương Quốc Tuấn.

Trong bài giảng Thánh lễ, Cha Paul Văn Chi chia sẻ về chủ đề Sống Bên Mẹ hôm nay. Cha muốn mọi người nhắc lại lời Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phalô II vào tháng 10/2002 (đúng 10 năm) “ Toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ..” tâm tình sống bên Mẹ của Ngài kỷ niệm 24 năm trong chức vụ Giáo Hoàng như là một lời mời gọi mỗi người chúng ta Sống Bên Mẹ. Trong tình Sống Bên Mẹ, Cha kể lại những mẫu truyện ơn lạ của Đức Mẹ đã cứu giúp mọi người như hình ảnh gia đình của tất cả những người Việt Nam tị nạn của chúng ta. Mẹ Maria đồng hành có mặt với người con dân Việt Nam để người con dân Việt Nam sống bên Mẹ suốt cả chiều dài lịch sử của quê hương và dân tộc VN. Làm sao quên được hình ảnh Mẹ La Vang năm 1798, Mẹ đã hiện ra với con dân Việt Nam đau khổ “Chúng con hãy tin tưởng, cam lòng chấp nhận gian khổ. Mẹ nhận lời chúng con, và từ nay về sau ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ chốn này Mẹ sẽ nhận lời ban theo ý nguyện…”. Hình ảnh Sống Bên Mẹ tại Trà Kiệu 1885. Làm sao quên được hình ảnh Sống Bên Mẹ tại Họ Đạo La Mã Bến Tre, khi Mẹ sống với con cái Việt Nam đau khổ vì chiến tranh...Để kết luận với lời cầu xin tha thiết: " Lạy Mẹ Maria Mẹ Việt Nam, chúng con tha thiết yêu thương sống bên Mẹ, xin Mẹ đồng hành với dân tộc Việt Nam của chúng con.."

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Ông Giang Hoan Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ và chúc mừng ngày Mother’s Day đến với các người Mẹ trong Cộng Đồng và ông cũng thay mặt Cộng Đồng cám ơn quý Cha khách đến từ Việt Nam cùng hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Ngày Thánh Mẫu hôm nay.

Thánh lễ kết thúc mọi người ở lại Trung Tâm tham quan và viếng các gian hàng ẩm thực của các Hội Đoàn, Đoàn Thể trong Cộng Đồng. Được biết anh chị Việt Hoa đã giúp bảo trợ $3000.00 Úc kim cho Trung Tâm mua máy cắt cỏ. Ban Thuờng Vụ thay mặt Cộng Đồng cám ơn anh chị Việt Hoa.
 
Cung nghinh Đức Mẹ Fatima tại London, Ontario Canada
CĐ VN tại Ontario
10:17 14/05/2012
Cung Nghinh Đức Mẹ Fatima Tại London, Ontario Canada

London , On Canada thứ 7chiều ngày 12/5 cộng đoàn Việt-Nam cùng với cộng đoàn giáo xứ ST. Andrew The Apostle thuộc Tổng Giáo Phận Toronto, đã tổ chức một cuộc Cung Nghinh Đức Mẹ Fatima thật long trọng và khai mạc Tháng Hoa, tháng kính Đức Mẹ, vào chiều thứ bảy ngày 12 tháng 5 vừa qua. Hơn 1000 giáo dân đã tề tựu về đây để tỏ lòng sùng kính và tôn vinh Đức Mẹ.

Xem hình

Đây là lần đều tiên kể từ khi Cộng Đồng Công Giáo Việt-Nam thành lập cùng với cộng đoàn Giáo Xứ ST. Andrew The Apostle , t ổ chức cuộc cung nghinh Đức Mẹ. Nhờ Hồng Ân Đức Mẹ đã thương cách riêng ban cho thời tiết thật tốt trong suốt thời gian chuẩn bị nhất là buổi chiếu hôm nay. Bầu trời trong xanh tuyệt đẹp tuy đôi lúc cảm thấy se lạnh và gíó hơi mạnh với cái thời tiết thay đổi bất bình tại vùng xứ lạnh này.

Chương trình khởi kiệu đúng 4 giờ nhưng bà con đã có mặt đông đủ ngay từ 3h30 giờ vì ai cũng nóng lòng nên tới sớm để chuẩn bị rước kiệu tôn vinh Mẹ, trên tay mỗi người là những bông hoa vừa đi vừa hát đọc kinh lần hạt thật sốt mến. Kiệu Hoa Đức Mẹ Fatima trang hoàng thật lộng lẫy với rất nhiều đoá hoa tuơi rực rỡ. Đúng 4 giờ đoàn kiệu khởi hành. Ca đoàn cùng cất cao những bài hát “Hoan ca về Mẹ Maria” .

Sau khi rước kiệu Mẹ đi vòng quanh khuôn viên Thánh Đường ST. Andrew The Apostle . Kiệu Mẹ đưa vào nhà Thờ sau đó là Thánh Lễ tạ ơn, Cha quản xứ cùng với LM phụ trách cùng hiệp dâng Thánh lễ Tạ Ơn Mẹ Maria đầy lòng sốt mến và trọng thể.

Cuộc cung nghinh Đức Mẹ Fatima kết thúc lúc 6giờ 30 chiều sau khi hai Linh Mục hiện diện cùng ban phép lành cuối lễ cho mọi người. Nhiều người cùng ở lại cầu nguyện và có cũng giờ Chầu Thánh Thể tôn Suy Tôn Mẹ Maria .

Cộng Đoàn VN Tại London , Ontario Canada
 
Dạ tiệc Gánh Đời Mẹ của Thiếu Nhi Thánh Thể TGP Sydney
Diệp Hải Dung
10:16 14/05/2012
Tối Chúa Nhật 13/05/2012, nhân ngày Nhớ Ơn Mẹ, đông đủ quan khách và mọi người trong Cộng Đồng đã đến nhà hàng Crystal Palace vùng Canley Heights tham dự đêm dạ tiệc do Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình Tổng Giáo Phận Sydney tổ chức với chủ đề “Gánh Đời Mẹ”

Xem hình ảnh

Mục đích mà theo cha FX Nguyễn Văn Tuyết trong bài diễn văn khai mạc “là để nhớ lại hình ảnh quen thuộc và mang nhiều ý nghĩa của những người mẹ suốt đời gánh trên vai những bận tâm, lo lắng, hạnh phúc cũng như đau khổ của gia đình và con cái, là dịp để các em biểu lộ lòng biết ơn về những hy sinh của người mẹ đã cưu mang các em …”. Đây cũng là dịp để các em gây quỹ cho trại Nắng Hồng 13 sẽ được tổ chức tại Sydney vào cuối năm nay.

Khai mạc đêm dạ tiệc, đội trống Diên Hồng đã biểu diễn một màn trống rất hào hùng và đặc sắc sau đó MC Hồng Phúc, Trường Giang với hai MC tí hon Hải Châu và Nhật Thiên chào mừng quý Cha, quý Sơ, quý quan khách và mọi người đồng thời giới thiệu Cha FX Nguyễn Văn Tuyết Tuyên úy Đặc trách Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình Sydney lên ngỏ lời chào mừng và khai mạc đêm dạ tiệc.

Kế tiếp Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn ngỏ lời chúc mừng và làm phép của ăn. Tiết mục chính của chương trình văn nghệ là vở kịch “Lá Sầu Riêng” được lồng vào một cách hài hoà với những nhạc phẩm và vũ khúc nói về mẹ như Mẹ Hiền Yêu Dấu, Ước Hẹn, Nhật Ký Đời Mẹ, Mẹ Yêu, Gánh Hàng Rong, Lòng Mẹ v..v.. rất đặc sắc và đượm tình quê hương.

Đêm dạ tiệc Gánh Đời Mẹ do các em Thiếu Nhi trong Liên Đoàn Nữ Vương Hòa Bình tổ chức rất thành công. Anh Phùng Ngọc Sơn Liên Đoàn Trưởng ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và tất cả các phụ huynh đã ưu ái tham dự buổi dạ tiệc trợ giúp cho Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình TGP Sydney.

Diệp Hải Dung
 
Thánh Lễ Rước Lễ Lần Đầu tại Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang ở Miami
Lm. Nguyễn kim Long
11:32 14/05/2012
Chúa Nhật 13-05, trong Thánh Lễ Cộng đoàn ĐMLV vui mừng đón chào 29 em được Rước Lễ Lần Đầu, đón nhận Chúa Giê-su vào trong cuộc đời các em. Những em được Rước Lễ Lần Đầu năm nay cũng là các em Thiếu Nhi Thánh Thể và đang theo học chương trình tiếng Việt dưới sự hướng dẫn của quí sơ MTG Bà Rịa, Dòng Đức Bà Đi Viếng và các thày cô. Trong suốt năm học, các em đã được dạy về các bí tích, lòng yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể và sống đời sống người Ki-tô hữu.

Xem hình ảnh

Trước Thánh Lễ, Cộng đoàn được mời gọi dâng hoa kính Đức Mẹ. Hơn 700 bông hoa cẩm chướng đã được phát cho đủ mọi thành phần dân Chúa, từ các em TNTT đến các BMCG, TTV/TT, TTV/LC, Ca đoàn, quí Tu sĩ nam nữ và những người tham dự. Nhìn đoàn người gồm quí cụ ông bà lớn tuổi, các quí vị trung niên, giới trẻ và các em nhỏ còn được mẹ ẵm trên tay, nối tiếp nhau lên dâng hoa cho Đức Mẹ trong tiếng nhạc nền thật long trọng và sốt sắng. Mỗi bông hoa dâng lên Mẹ như lời chúc tụng và nguyện cầu xin Mẹ chúc lành, ủi an trong cuộc sống còn nhiều lo âu, thử thách.

Sau phần dâng hoa là Thánh Lễ vời đoàn rước gồm các em giúp lễ, các em RLLĐ và đoàn đồng tế có cha QN, cha xứ Dever và cha phó Robert. Sự hiện của hai cha như để cùng chia sẻ niềm vui với cộng đoàn torng ngày đặc biệt này. Hôm nay, Cộng đoàn cũng cử hành ngày Hiền Mẫu và cảm tạ Chúa với cha QN nhân dịp kỷ niệm 10 năm chịu chức LM. Các anh chị ca đoàn dưới sự điểu khiển của Sơ Thành đã hát những bài hát thật tâm tình: Đẹp thay! Ôi đẹp thay……, Con dâng lên Ngài…… Từ đó, vâng từ đó…….Trong bài giảng, cha xứ Dever đã nhắc nhở các em chuẩn bị được RLLĐ hãy luôn yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể, biết nói lời cám ơn đến cha mẹ và cố gắng sống tốt. Ngài cũng mời gọi các em và cộng đoàn hát một bài hát ngắn với cử điệu để nói về sự liên kết giữa mỗi người với Chúa Giê-su Thánh Thể. Sau đó cha chủ tế đã giảng ngắn gọn với cộng đoàn về tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện trong sự hy sinh của các bà mẹ và một vài tâm tình trong hành trình ơn gọi LM.

Đến phần rước lễ, các em RLLĐ được các thày cô hướng dẫn lên đón nhận Chúa Giê-su Thánh Thể từ tay cha chủ tế trong thái độ trang nghiêm, vui mừng và một chút tò mò. Trước khi ban phép lành cuối lễ, ông chủ tịch cộng đoàn lên có lới chúc mừng đến các em RLLĐ, cha QN và các Bà mẹ. Rồi một vị đại diện phụ huynh các em cũng lên có đôi lời cám ơn. Thánh Lễ kết thúc với lời cầu nguyện đặc biệt cho các bà mẹ và phép lành cuối lễ.

Sau Thánh Lễ, mọi người được mời ra hội trường dự tiệc mừng và văn nghệ mừng ngày Hiền Mẫu và mừng 10 năm LM của cha QN.

Tạ ơn Chúa, qua lời cầu bầu của Mẹ Lavang, đã ban cho Cộng đoàn chúng con một ngày hồng ân và tràn đầy niềm. Cám ơn quí sơ, BTV, các khu giáo, quí thày cô, các BMCG và các ân nhân đã góp phần trong ngày vui hôm nay.
 
Thư Giám Mục Kontum minh định: Không đem đề tài nghèo hay dân tộc ra để kể khổ hay làm đề tài vận động xin tiền.
+ GM Micae Hoàng Đức Oanh
17:55 14/05/2012
Vừa qua, có một vài thông tin thắc mắc về một Hội Phanxicô Xaviê "mới" lấy danh nghĩa của Giám mục Kontum kêu gọi để giúp đỡ Giáo phận Kontum, nhưng thực chất không thuộc Giáo phận Kontum. Sau đây là toàn văn lá thư của ĐGM Kontum gửi Hội Trưởng Phanxicô Xaviê - Gp. Kontum, chi nhánh tại Hoa Kỳ, để minh định việc này.

Kontum ngày 14.05.2012

Kính gửi
Ông Đaminh Hoàng Đình Khôi
Hội Trưởng Hội (Gia đình) Phanxiô Xaviê Kontum.
7925 Deerfield Street, San Diego, CA 92120
Tel. (760) 298.9196 - Email: fxf.ktum@gmail.com

Kính thăm Ông

Tôi vừa được một số thân nhân từ Hoa Kỳ gọi về hỏi hôm nay tại Nhà thờ St Barbara - có thể tại nhiều nhà thờ khác Vùng Orange County – đang phổ biến một DVD về Hội Phanxicô Xaviê do tôi và Đức Cha Phát Diệm, Chủ Tịch UBLBTM trực thuộc HĐGMVN bảo trợ. Họ xin tôi minh định về chuyện này.

1. Truyền giáo là nhiệm vụ cao cả của mọi kitô hữu. Tất cả chúng ta đều được mời gọi thực hiện với tất cả óc sáng tác và nhiệt tình. Tất cả đều được kêu mời tham gia tích cực vào công trình này.

2. Hội Phanxicô Xaviê của Kontum (Francis Xavier Foundation (FxF) là một tổ chức bảo trợ ơn gọi của Giáo phận Kontum, hiện do Ông Đaminh Hoàng Đình Khôi ở San Diego làm Hội Trưởng, nhằm mục đích bảo trợ ơn gọi linh mục tu sĩ trong Giáo phận Kontum qua tham vọng khích lệ các gia đình và các xứ đạo trở thành “một thứ tiền chủng viện, tiền đệ tử viện”.

3. Hồi đầu năm, tôi, giám mục Kontum, có được Lm Phạm văn Tuấn, Gx Westminster mời sang nói chuyện về đề tài Truyền giáo tại Giáo xứ Westminster, nhưng bận công việc tôi đã từ chối.

4. Nghe nói có vài linh mục Giáo phận Kontum có mặt trong cuộc vận động tại Vùng Orange County trong những ngày này. Nếu có, các linh mục đó không đại diện cho Giáo phận Kontum cũng như Hội Phanxicô Xaviê của Kontum. Tất cả đều là việc làm của cá nhân các vị đó. Lập trường của tôi khi chấp nhận cho các linh mục ra nước ngoài đều yêu cầu các linh mục tuân thủ nghiêm chỉnh 2 điều :

(1) Không đem đề tài nghèo hay dân tộc ra để kể khổ hay làm đề tài vận động xin tiền. Cũng không đi xin tiền xây nhà thờ. Tất cả cho công cuộc đào tạo và giáo dục nhân sự trong Giáo phận, nhất là thế hệ trẻ.

(2) Ra Nước ngoài chủ yếu là mở mang trí khôn và học hỏi về mục vụ và truyền giáo. Cha ông thường nói “Đi ngày đàng, học sàng khôn” là thế!


Tôi báo cho Ông Hội Trưởng của Hội Phanxicô Xaviê Kontum tại hải ngoại được biết và vui lòng chuyển đạt những minh định trên đây tới các thành viên của Hội Phanxicô Xaviê Kontum (FxF). Xin các thành viên an tâm và hăng say tiếp tay với tất cả những cá nhân hay tổ chức nào có ý hướng đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trong Giáo Hội.

Kính chúc Ông và tất cả các thành viên của Hội Phanxicô Xaviê Kontum chan hoà ân thánh.

Hiệp thông trong tâm tình tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa.

Giám Mục Giáo Phận Kontum.

(http://giaophankontum.com/Tin-Tuc-364_Thu-Giam-Muc-Kontum-gui-Hoi-Phanxico-Xavie-cua-Giao-phan-Kontum-tai-Hoa-Ky.aspx)
 
Vui buồn một năm học giáo lý
Gioan Lê Quang Vinh
19:20 14/05/2012
Lại một năm học nữa đi qua. Các trường học đã thi cử xong, và học sinh chuẩn bị cho mùa hè bù đầu với học thêm, chạy trường. Khi thấy hoa phượng nở trong sân trường, nhiều thầy cô ngậm ngùi: nhiều năm qua học sinh không có mùa hè.

Học sinh các lớp giáo lý thì không phải lo lắng căng thẳng như thế. Mùa hè thật đúng nghĩa là mùa cho các em nghỉ ngơi hoàn toàn, để chuẩn bị cho năm học giáo lý mới.

Nhưng khi cho các em làm bài thi học kỳ, tôi đứng tựa cửa phòng học nhìn xuống sân nhà thờ, thấy vừa vui vừa buồn khi một năm học đi qua. Các em làm bài giáo lý thì thường trung thực, không quay cóp như các lớp ở trường học bên ngoài, nên giám thị cũng nhàn! Vậy mà lòng vẫn ngổn ngang.

Giáo lý viên thường vui niềm vui nhẹ nhàng thanh thoát, vì ý thức được rằng mỗi giờ đến lớp là mình cùng đi với Đức Kytô, để giúp các em bén rễ sâu hơn vào Chúa và vào Hội Thánh. Do đó khi thấy các em đến lớp đều đặn, vui vẻ là mình cũng vui lây.

Vui nhất là các em tỏ ra dũng cảm và cao thượng. Không dũng cảm và cao thượng sao khi các em bỏ ra những sáng Chúa Nhật đẹp trời để vào ngồi học giáo lý. Lúc đó các em đã mệt nhoài vì bài vở nhồi nhét ở trường bên ngoài, các em phải chạy đôn đáo học thêm, còn phải tham gia những công tác ép buộc khác nữa.

Giáo lý viên cũng vui vì các em tự nguyện đi tìm Chúa Giêsu giữa một xã hội đang tìm cách loại trừ Người. Các em tìm văn hoá sự sống trong khi nhiều thế lực đang muốn tuyên truyền cho những điều trái ngược. Các em chọn con đường mang tên Giêsu, khi người ta muốn đi những con đường không biết dẫn về đâu.

Giáo lý viên còn vui vì khi đến lớp giáo lý, các em bộc lộ con người thật của các em là con cái Chúa, sống trung thực, không che đậy giấu giếm những suy nghĩ cũng như hành động của mình và không hề bị ép buộc để phải gian dối.

Một số giáo lý viên là giáo viên ở các trường, nên so sánh được thái độ các em rất dễ dàng. Chuyện thi cử hay chuyện tình bạn chẳng hạn, lớp giáo lý và lớp ngoài đời đã khác hẳn!

Chúng con cám ơn Chúa vì những niềm vui ấy. Nhưng giữa bộn bề của cuộc sống đa đoan phức tạp, các em thỉnh thoảng vẫn có những hành xử chịu ảnh hưởng của những làn sóng trái ngược với Tin Mừng. Và vì những điều ấy, giáo lý viên cảm thấy lòng thật buồn.

Ảnh hưởng lớn nhất của xã hội là sự thiếu trung thực. Dù các em đến lớp giáo lý với ý thức mình là con cái Chúa, nhưng các em lại phải suốt tuần vùi mình vào những môi trường từ khước Thiên Chúa, nên không nhiều thì ít các em cũng bị “vấn vương”. Thật xót xa khi các em làm bài kiểm tra mà hỏi nhau hay mở sách. Ít thôi nhưng cũng đáng buồn.

Thứ hai là trễ giờ. Thường các em đến lớp giáo lý sớm năm mười phút. Nhưng không phải là không có những trường hợp có em hớt hải vào sau khi cả lớp đã cầu nguyện đầu giờ. Em lặng lẽ đọc kinh, lặng lẽ bắt đầu bài học. Nhưng giáo lý viên thì buồn nhiều vì biết rằng chính xã hội đã gieo hạt giống không tốt ấy khắp nơi.

Một tinh thần thế tục khác đáng nói đã bắt đầu len lỏi vào các lớp giáo lý. Có em xin nghỉ học để tham gia hoạt động gì đó ngoài đời hoàn toàn không cần thiết cho đời sống các em. Có em lại đề nghị nghỉ học để “ăn mừng” chuyện đâu đâu, không phù hợp tinh thần Công giáo. Có em lo chuyện học thêm mà bỏ giờ giáo lý. Ý thức các em ngày càng kém do ảnh hưởng từ nhiều nơi.

Những điều ấy tuy không phổ biến, nhưng khi có xảy ra trong lớp giáo lý thì chính giáo lý viên phải tự xét lại mình. Không biết lời giảng của mình thế nào mà tinh thần giáo lý chưa thật sự thấm vào tất cả các em? Dĩ nhiên là thế gian thì lắm cạm bẫy, nhưng các lớp giáo lý chính là những chiếc phao cứu sinh Chúa gửi đến cho các em đang lớn. Nếu các lớp giáo lý chưa đưa các em đến gần Chúa Giêsu thì giáo lý viên còn phải tra vấn chính mình nhiều.

Mùa hè đang đến. Chỉ mới nhìn lướt qua bề nổi, các huynh trưởng giáo lý viên đã thấy chưa an lòng. Và còn một khía cạnh khác nữa là cung cách hành xử và học hỏi của mỗi giáo lý viên chúng ta. Để làm ngôn sứ cho Đức Kytô, chúng ta đã mạnh mẽ như Isaia chưa? Đã khiêm tốn như Giêrêmia chưa? Đã nhiệt thành như Phêrô chưa? Và đã đầy lòng yêu mến như Gioan chưa?

Đã đến lúc chúng ta - học sinh giáo lý, phụ huynh và giáo lý viên - cần suy tư lời Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Catechesi Tradendae: “Trong việc dạy Giáo Lý, điều quan trọng là dạy về những quyết tâm cá nhân trong lãnh vực luân lý để sống theo Tin Mừng, và những thái độ Kytô, dù anh hùng hay rất đơn giản trước cuộc đời hay trước thế gian - điều mà chúng ta gọi là các nhân đức của Phúc Âm”.

Có quyết tâm sống theo Tin Mừng, và nhờ lời cầu nguyện, chúng ta mới tránh được nguy cơ của bao trào lưu thế tục trái ngược với chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Giặt Giũ Bên Suối
Ảnh của Giuse Nguyễn Cao Hoàn (ĐCV Hànội)
21:41 14/05/2012
GIẶT GIŨ BÊN SUỐI

Ảnh của Giuse Nguyễn Cao Hoàn (ĐCV Hànội)

Nghèo cho sạch rách cho thơm.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền