Ngày 13-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ VI Sau Phục Sinh A. 17.5.2020
Lm Francis Lý văn Ca
16:08 13/05/2020
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Trong mùa Phục Sinh, chúng ta suy niệm về sự phục sinh của Chúa. Trong những tuần lễ kế tiếp, chúng ta sẽ suy niệm về vai trò của Chúa Thánh Thần, mà Đức Kitô hứa sẽ sai đến với các tông đồ.

Thánh Thần là nguồn an ủi và cậy trông của các tông đồ và Giáo Hội thời sơ khai. Bắt đầu từ đây, Chúa Thánh Thần sẽ hiện diện và dìu dắt Giáo Hội cho đến thời cánh chung và đức tin của người tín hữu của Chúa sẽ được nuôi dưỡng bằng các nhiệm tích, các nhiệm tích nầy do Đức Kitô thiết lập trong Giáo Hội và được lưu truyền do việc đặt tay của các tông đồ.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Các tông đồ đặt tay và chữa lành bệnh tật, được trình bày trong bài đọc hôm nay, cũng là những hình ảnh của các linh mục ngày nay vẫn thực hiện qua việc đặt tay hoặc cử hành các phép bí tích.

TRƯỚC BÀI ĐỌC II:
Qua sự chết và sống lại, Đức Kitô đã mang lại cho nhân loại ơn trường sinh bất tử. Qua Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ làm cho hoa trái thiêng liêng được sinh hoa kết quả.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Đức Kitô hứa ban Thánh Thần cho các tông đồ. Qua các bí tích mà linh mục cử hành, đại diện Chúa trao ban và Chúa Thánh Linh làm cho trổ sinh hoa trái. Vai trò của Chúa Thánh Linh rất quan trọng trong đời sống đời sống của người tín hữu hiện nay.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta đang chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Lễ Hiện Xuống Mới. Với sự cầu bầu của Thánh linh Thiên Chúa, chúng ta mạnh dạn dâng lên Thiên Chúa những ý nguyện cầu sau đây:

1. Xin Chúa chúc lành và gìn giữ Giáo Hội đang lữ hành trên trần thế. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Giáo Hội luôn tiến bước trong an bình đuới sự dắt dìu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cầu nguyện cho những ông bà cô bác cao niên trong cộng đoàn-xứ đạo. Xin cho các ngài tìm được nguồn an ủi nơi con cái. Ước chi qua những hoạt động của Hội Cao Niên, các ngài sẽ tìm được tình bạn và niềm an ủi trong tuổi đời xế bóng. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúa đã sai thánh Philiphê đến với dân ngoại, xin Chúa cũng sai chúng ta đến với những bạn bè quen biết đồng hương, cùng một hoàn cảnh. Với ơn Chúa sáng soi, có thể chúng ta sẽ đem họ về với Chúa trong tinh thần và chân lý. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em đang chuẩn bị để lãnh nhận bí tích thêm sức trong Lễ Chủa Thánh Thần Hiện Xuống sắp tới, nhờ các giảng viên giúp đỡ, họ sẽ xứng đáng lãnh nhận nguồn Bảy Ơn sung mãn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu của Chúa đã qua đời. Đặc biệt, những linh hồn chúng ta nhớ đến trong tuần lễ nầy. Đặc biệt là những nạn nhân của Covid-19. Chùng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Qua sự phục sinh, Chúa đã chiến thắng bóng tối và ma quỷ. Xin Thần Khí của Thánh Linh Thiên Chúa luôn gìn giữ chúng con tránh xa ba thù: thế gian, xác thịt và ma quỷ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:00 13/05/2020

23. Thánh Giá là tòa giảng của Đức Chúa Giê-su.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:05 13/05/2020
19. HÒA THƯỢNG LUỘC TÔM

Có một hòa thượng len lén mua một con tôm lớn để ăn, lúc luộc tôm, thấy nó nhảy loạn xạ trong cái nồi nóng.

Hòa thượng chấp tay hướng về cái nồi nóng niệm:

- “A di đà phật, mày chịu khó chút xíu, qua một chút là toàn thân biến thành màu đỏ, chín thấu rồi thì không cảm thấy đau khổ nữa.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 19:

Cấm sát sinh là một trong năm giới cấm của nhà Phật, mà hòa thượng thì phải càng tuân giữ kỷ hơn những người khác. Cấm sát sinh và chuyện cấm ăn thịt thì khác nhau, bởi vì có nhiều người không dám cắt cổ con gà, nhưng lại dám ăn cả con gà quay, hoặc có người không dám cắt cổ con vịt, nhưng lại ăn nguyên cả hột vịt lộn...

Thiên Chúa là tình yêu, mọi loài Ngài tạo dựng đều tốt đẹp và để cho con người hưởng dùng, chim bay trên không, thú trong rừng và cá dưới biển đều được Ngài trao ban cho con người tự do toàn quyền sử dụng, có điều là con người có sử dụng cách hợp lý không mà thôi !

Có một vài người Ki-tô hữu con gì cũng không dám giết mà ăn vì tội nghiệp như giết con gà con vịt, cũng như sợ tội nghiệp con chó con mèo, nhưng lại đi giết con của mình đang ở trong bào thai mà không thấy tội nghiệp nó, cũng như không thấy tội ác của mình gây ra, đó là đạo đức giả như ông hòa thường vừa luộc tôm vừa sợ tôm đau vậy...

Cấm giết người là giới luật thứ năm của Thiên Chúa, nhưng cấm sát sinh (loài vật) là luật do một vài tôn giáo tín ngưỡng đặt ra, nhưng giết thai nhi, phá thai, giết người thì mạnh dạn làm, còn giết gà giết vịt để nuôi sống bản thân thì lại không dám, đó là hành vi đạo đức giả của ma quỷ vậy.

Khi con người vắng bóng Thiên Chúa thì con người chỉ là một thây ma biết đi, hoặc như người máy chỉ biết cử động là nhờ lập trình của nhà thiết kế và cảm ứng mà thôi, nguy hiểm thật !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chia sẻ niềm vui
Lm Vũđình Tường
19:16 13/05/2020
Cá nhân vui mừng khi đạt được thành quả tốt đẹp sau bao năm tháng khổ tâm luyện tập. Niềm vui này được thân nhân, thân hữu và ngay cả các công dân khác mừng vui chung. Là thành viên của cộng đoàn Dân Chúa, Kitô hữu cùng đồng hành với các thành viên khác trong mọi vui buồn của cuộc sống. Đức Kitô là đầu, là thủ lãnh của cộng đoàn Dân Chúa. Ngài là nguồn sống, nguồn vui vô tận chung cho tất cả các Kitô hữu. Ngài tự nguyện gánh vác mọi tội lỗi và chết thay cho tha nhân. Qua Ngài, tha nhân nhận ơn trường sinh do Ngài ban. Kitô hữu cũng vui mừng đón nhận ơn đặc biệt Ngài ban, ơn lạ đó chính là Thánh Thần Chúa. Nếu Đức Kitô không hướng dẫn, Kitô hữu không thể biết có Thánh Thần Chúa. Kitô hữu vui mừng vì chính Đức Kitô xin Chúa Cha ban Thánh Thần Chúa cho các Kitô hữu. Điều Đức Kitô xin, Chúa Cha không bao giờ từ chối. Đức Kitô cho biết,Thánh Thần Chúa ngự trị thế giới nhưng thế giới không biết Ngài (Gn 14,17). Không biết bởi không nghe giáo huấn của Đức Kitô. Thánh Thần Chúa là nguồn tình yêu. Bởi từ chối thờ kính, yêu mến Đức Kitô, và không thương tha nhân nên không nhận biết Thánh Thần Chúa. Ơn đặc biệt Đức Kitô ban dành riêng cho những ai thành tâm yêu mến và tuân giữ giới răn yêu thương của Đức Kitô.

Trên thập giá, khi Đức Kitô lên tiếng 'Lậy Cha, Con phó linh hồn Con tay Cha'( Lk 23,46). Người ta hiểu câu trên chính là câu nói cuối đời của Đức Kitô. Câu nói chấp nhận đầu hàng, chịu chết trước sức mạnh của quân La Mã. Kitô hữu hiểu Đức Kitô nói câu trên không mang í nghĩa đầu hàng, chấp nhận thất bại mà chính là tuyên ngôn của toàn thắng. Thứ nhất Đức Kitô chiến thắng sức mạnh của ma quỷ xuất hiện dưới hình thức cám dỗ, tội lỗi, để con người trở thành nô lệ cho cha quỷ. Thứ hai, Đức Kitô tiêu diệt sự sợ hãi do thần chết mang lại. Thần chết không còn độc quyền thống trị con người, nó bị Đức Kitô tiêu diệt khi Ngài sống lại từ cõi chết. Thứ ba, trước mặt quân lính La Mã và kẻ chống đối Đức Kitô, Ngài công khai tuyên bố họ có thể đóng đinh thân xác Ngài vào thập giá, nhưng hoàn toàn bất lực trước linh hồn Đức Kitô. Linh hồn Ngài thuộc về Chúa Cha và linh hồn đó tự do đi về cùng Chúa Cha. Quân lính và sức mạnh quân La mã không có khả năng kiểm soát, kiềm chế. Hiểu theo í nghĩa trên thì cái chết của Đức Kitô không phải là đầu hàng, không phải là kết thúc mà chính là khởi đầu cuộc sống mới. Cuộc sống toàn thiện, toàn mĩ trong nước Chúa. Xin phó linh hồn trong tay Chúa Cha chính là tuyên ngôn của sự sống mới, khởi đầu từ thập giá. Quả thực, Đức Kitô đã sống lại sau ba ngày an táng trong mộ. Ngài sống lại từ cõi chết, hiện ra và ở với các tông đồ một thời gian trước khi Thăng Thiên, về cùng Chúa Cha.

Đức Kitô về trời và ban Thánh Thần Chúa xuống trên các tông đồ, các Kitô hữu. Trái đất đầy ơn Thánh Thần Chúa. Ngoài Thánh Thần, a/ Đấng tác tạo, chúng ta biết ở chương đầu của sách Sáng Thế Kí; b/ còn có Thánh Thần Đức Kitô, trở về cùng Chúa Cha. c/ Kitô hữu còn biết thêm về Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh sau khi Ngài sống lại từ cõi chết. d/ Cuối cùng Kitô hữu còn có Đấng Bảo Trợ Đức Kitô ban. Đấng Bảo Trợ không thay thế Đức Kitô nhưng làm công việc Đức Kitô khơi mào nơi trần thế. Đấng Bảo Trợ cùng đồng hành với các Kitô hữu để hướng dẫn, đào sâu và khai sáng những điều Đức Kitô hướng dẫn. Đấng Bảo Trợ làm sống lại giáo huấn của Đức Kitô trong tâm hồn các Kitô hữu. Đấng Bảo Trợ ban sức sống mãnh liệt sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội Chúa nơi trần gian. Đấng Bảo Trợ tiếp tục đổi mới sức sống của Kitô hữu nơi trần thế. Đức Kitô về cùng Chúa Cha là tin vui cho Kitô hữu. Thứ nhất, Đức Kitô làm trọn lời Hứa ban Đấng Bảo Trợ ở cùng Kitô hữu cho đến tận thế. Thứ hai, Kitô hữu sống đời sống mới, đời sống được hướng dẫn và bảo trợ bởi Đấng Bảo Trợ. Thứ ba, Đấng Bảo Trợ cùng đồng hành, ban sức mạnh, giúp kitô hữu trên đường lữ hành về nhà Cha. Thế hệ Kitô hữu tin theo Đức Kitô sau ngày Ngài về trời không thua thiệt thế hệ Kitô hữu tiên khởi bởi Kitô hữu của các thế hệ sau được Đấng Bảo Trợ hướng dẫn, chị dậy như chính Đức Kitô dậy. Qua Đấng Bảo Trợ Kitô hữu nhận biết Đức Kitô và Chúa Cha.

'Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến ngưới ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy'. Gn 14,21.

Đấng Bảo Trợ khai sáng tâm trí Kitô hữu để họ yêu mến Đức Kitô hết tâm tình, và do đó ở cùng Đức Kitô và Ngài ở trong họ. Kitô hữu tôn thờ Thiên Chúa, không phải từ xa. Thiên Chúa đó ở rất gần, ngay trong tâm hồn, ngay trong tim họ. Kitô hữu không tôn thờ Đức Kitô đã chết ghi trong sử sách, mà tôn thờ Đức Kitô Phục Sinh, Đức Kitô sống đời sống mới, uy nghi, danh dự, hiện đang ngự bên hữu Chúa Cha, hiện đang sống trong tâm hồn các kitô hữu. Qua hành động bác ái, yêu thương và tha thứ, người ta nhận biết chúng ta là môn Đệ Đức Kitô Phục Sinh. Đấng liên kết Kitô hữu với Chúa Cha và với Thánh Thần Chúa, Đấng Bảo Trợ. Đó là niềm tin của các Kitô hữu.

TiengChuong.org

Celebrating our Joy
(John 14,15-21)

Personal achievement brings great joy. It comes, not before, but after years of training and discipline. Sometimes, we are proud of our relatives and friends, and countrymen for their achievements, and we share their joy. As a member of the faith community, we share and bear with one another in their successes and failures. Jesus is our head, our leader. He is the source of our joy. He alone suffered, and we all benefitted from his triumph over sin and death. We are grateful to have The Paraclete. Without Jesus we don't even know The paraclete exists. Jesus asked the Father to send us The Paraclete, the Advocate to be with us always. Interestingly, The Paraclete is in the world, and yet the world neither sees nor knows her, because it is the special gift, Jesus has given to those who love Him by keeping his commandment of love.

On the cross, before dying Jesus said 'Father into your hands I commit my Spirit'. At that time people interpreted his death as a sign of failure, of subjection to the Romans' power. Jesus publicly said to the Romans and his opponents, that he allowed them to nail his physical body to the cross; but they had no power over his Spirit. His Spirit was free, and now it returned to the Father. In that sense his death was not the sign of failure, but rather, Jesus' triumphant proclamation began at the cross. After the resurrection Jesus stayed with his apostles for forty days to strengthen their faith in him, before ascending to the Father. The earth is full of God's Spirit. Apart from the spirit at the creation, which hovered over the water, we knew the spirit which was with Jesus during his time on earth; we then have the spirit of his resurrection, and lastly the promise of the Spirit, The Paraclete to be with God's Church on earth till the end of time. After departing from this world, Jesus sent The Paraclete to be with the apostles and with us. The Paraclete would not take the place of Jesus, but She continues to deepen the work of Jesus. The Paraclete makes Jesus' teaching alive in the hearts of all believers. She keeps breathing the Church's mission and she continues renewing God's new creation. Jesus' departure from this earth was good news for us all. First, He fulfilled the promise to be with us in a new way. Second, The Paraclete will teach and remind us of Jesus' teaching; She becomes our strength and our guide on our pilgrimage to God's house. We have never seen Jesus, but are not as disadvantaged as the first generation of believers. Through The Paraclete we learn to love Jesus, and those who love Jesus will be loved by the Father. 'Those who love me will keep my word, and my Father will love them, and we will come to them and make our home with them' Jn 14,21. The Paraclete helps us to love Jesus, and the Father who is in Jesus will come to us and make His home in us. The God whom we worship is not far away, out there, but He is close to our heart, at home in us. Our faith in Jesus is a living faith. His teaching is not a history book, but through The Paraclete, his teaching is alive in our heart, and it is manifested through acts of charity and acts of love, mercy and forgiveness. By doing these we are united with Jesus, with the Father and with The Paraclete.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ tại Santa Marta 13/5: Kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima
Đặng Tự Do
01:09 13/05/2020
Lúc 7 sáng thứ Tư 13 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện đặc biệt lên cùng Đức Mẹ xin Mẹ cầu bầu cho các nước đang gặp những thử thách kinh hoàng, trong đó có Brazil, hay còn gọi là Ba Tây, mà Đức Thánh Cha đang rất âu lo vì tình trạng đang ngày càng nguy hiểm. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi cầu nguyện các học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và các giáo sư.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho những học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và các giáo sư là những người đang phải tìm ra những hướng đi mới trong việc học tập và giảng dạy: xin Chúa giúp họ trên hành trình này, cho họ lòng can đảm và ban cho họ những thành công lớn.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Ga 15: 1- 1) trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ “Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, thì kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái.”

Phúc Âm: Ga 15: 1-8

“Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.

“Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Đời sống Kitô hữu là một sự “ở lại” trong Chúa Giêsu. Chúa sử dụng hình ảnh của cây nho. Sự “ở lại” này không phải là một sự “ở lại” thụ động, không phải là ngủ yên trong Chúa: nhưng đó là một sự “ở lại” tích cực và cũng có một mối quan hệ hỗ tương. Nói cách khác, Chúa cũng “ở lại” trong chúng ta. Đó là một mầu nhiệm của cuộc sống, một mầu nhiệm đẹp.

Những nhánh không có sự sống không thể làm bất cứ điều gì vì chúng cần nhựa cây để sinh trưởng và sinh hoa trái. Nhưng chính cây nho cũng cần các nhánh: đó là nhu cầu chung để sinh hoa trái. Đời sống Kitô hữu bao gồm việc thực hiện các điều răn, sống theo các Các Mối Phúc Thật và làm các công việc của lòng thương xót. Đúng là như thế, nhưng còn nhiều hơn thế nữa. Đời sống Kitô hữu còn bao gồm sự “ở lại” hỗ tương này. Chúng ta không thể làm gì nếu không có Chúa Giêsu. Và dường như không có chúng ta – xin cho phép tôi nói điều này - Chúa Giêsu không thể làm gì. Ngài cần sự hợp tác hoàn toàn tự do của chúng ta. Đó là một sự thân mật hiệu quả. Sự cần thiết của cây nho là sinh trái. Điều Chúa Giêsu cần là chứng tá của chúng ta: Chúa Giêsu cần chúng ta làm chứng cho danh Người, vì Tin Mừng phát triển nhờ các chứng nhân và các chứng tá. Đó là mầu nhiệm của sự “ở lại” hỗ tương.

Thật là tốt cho chúng ta khi suy nghĩ về điều này: chúng ta ở lại trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu vẫn ở trong chúng ta. Chúng ta cần đến ơn sự cứu rỗi, và Chúa ở lại trong chúng ta để ban cho chúng ta sức mạnh làm chứng cho Ngài để Giáo hội phát triển. Đó là một mối quan hệ của sự thân mật, mầu nhiệm, không thể diễn tả hết bằng lời: điều đó không chỉ dành cho các nhà thần bí, điều đó còn dành cho tất cả chúng ta.

Để kết luận, Đức Thánh Cha dâng lên lời nguyện này:

“Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để con có hể làm bất cứ điều gì Chúa nói với con”. Đó là một cuộc đối thoại thân mật giúp chúng ta hiểu và cảm nhận mầu nhiệm của việc “ở lại” này.


Source:Vatican News
 
Đức Hồng Y Tây Ban Nha bị dọa đưa ra tòa vì ban phép lành cho thành phố.
Đặng Tự Do
03:57 13/05/2020

Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.

Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho 525 vị tử đạo Tây Ban Nha.

Trong đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, tính đến thứ Ba 12 tháng Năm, tử vong tại Tây Ban Nha đã lên đến 26,744 người, trong số 268,143 trường hợp nhiễm coronavirus. Số trường hợp nhiễm coronavirus nếu tính theo con số thực sự thì đứng thứ hai sau Hoa Kỳ. Nhưng tính theo tỷ lệ phần trăm dân số thì Tây Ban Nha đang đứng đầu thế giới. Hơn thế nữa, các bệnh nhân tại đây đang phải chống trả với cái chết trong các điều kiện y tế khá bi đát.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là của tờ El Pais. Một sân vận động có mái che đã được cải biên thành một bệnh viện dã chiến với các dụng cụ y tế rất nghèo nàn thua xa các quốc gia khác ở Âu Châu. Thủ tướng Pedro Sánchez thuộc đảng Công Nhân Xã Hội được mô tả là người say sưa với ý thức hệ phá thai, ông ta đã cắt giảm các chi tiêu về y tế từ khi lên nắm quyền.

Là người Mácxít, Pedro Sánchez, có một sự gắn bó với bọn cầm quyền Bắc Kinh. Ông ta mua của Trung Quốc hàng triệu các que thử, và các dụng cụ xét nghiệm quá kém chỉ có độ chính xác khoảng 20%. Hậu quả là những người lẽ ra phải được xác định là dương tính đã nhận được báo cáo âm tính. Họ tự do lang thang khắp nơi gây ra một tình trạng lây nhiễm kinh hoàng.

Chính vì thế, đã xảy ra những lời kêu gọi Pedro Sánchez nên từ chức từ nhiều phiá trong xã hội Tây Ban Nha. Tờ El Pais chạy hàng tít lớn: “Thủ tướng nên cút đi!”.

Pedro Sánchez không chịu cút, nhưng tìm cách đổ tội cho người khác. Nạn nhân mới nhất của ông ta là Đức Hồng Y Antonio Cañizares, Tổng Giám Mục Valencia.

Tổng Giáo Phận Valencia có một truyền thống hàng ngàn năm nay là vào Chúa Nhật thứ hai trong tháng Năm sẽ mừng lễ “Đức Mẹ che chở những người bị bỏ rơi”, trong dịp này có một cuộc rước kiệu Đức Mẹ từ Basilica de la Virgen de los Desamparados, nghĩa là “đền thánh Đức Mẹ của những người vô gia cư”, đến nhà thờ Thánh Catêrina rồi vòng về. Cuộc rước kiệu thường niên này lôi cuốn hàng chục ngàn người.

Hôm 14 tháng Ba, Pedro Sánchez áp đặt lệnh cách ly. Các Thánh lễ đã bị đình chỉ từ đó.

Từ ngày 2 tháng Năm, lệnh cách ly được dỡ bỏ dần và dân chúng có thể đi ra ngoài đường. Các Thánh lễ vẫn tiếp tục bị đình chỉ mặc dù các siêu thị đã được cho mở lại.

Chính vì thế, tổng giáo phận đã thông báo không có cuộc rước kiệu như các năm trước.

Nhiều người không đọc được thông báo vẫn đến. Tuy nhiên, như quý vị và anh chị em có thể thấy trong đoạn video này, các camera của các phóng viên và cả camera an ninh của nhà thờ đã ghi lại được hình ảnh anh chị em đến nhà thờ nhìn qua hàng song sắt đóng kín, xem qua một chút, làm dấu thánh giá, sau đó bỏ đi.

Trong nhà thờ chỉ có Đức Hồng Y và một vài linh mục.

Cuối lễ Đức Hồng Y mang mặt nhật ra cuối nhà thờ để ban phép lành Thánh Thể cho thành phố. Đám đông dân chúng đang đứng bên ngoài nhà thờ lại gần để nhìn cho rõ. Họ bị các cảnh sát viên giải tán ra xa và đứng cách nhau mỗi người khoảng 2m.

Công tố viện đã quyết định khởi tố Đức Hồng Y về tội mở một cuộc tụ họp trái phép. Đó là một cáo buộc mà tổng giáo phận đã nhanh chóng phản kháng.

Trong thông báo vào hôm thứ Hai 11 tháng Năm, tổng giáo phận cho biết:

“Lễ Đức Mẹ che chở những người bị bỏ rơi đã được tổ chức với một thánh lễ duy nhất lúc 10:30 đền thánh Đức Mẹ, đằng sau các cánh cửa đóng kín mà không có sự hiện diện của các tín hữu.”

“Sau thánh lễ, Đức Hồng Y và các linh mục, không bao giờ rời khỏi nhà thờ, nhưng ra gần cửa nhà thờ đối diện với Plaza de la Virgen. Các videos cho thấy nhiều người, đeo khẩu trang y tế và tôn trọng các quy tắc khoảng cách xã hội, đã tập hợp để tôn kính Thánh Thể.

Tất cả các diễn biến này chỉ diễn ra trong vài phút, trong khi quốc ca khu vực Valencia được phát ra. Sau bài quốc ca, Đức Hồng Y và các linh mục quay trở vào trong nhà thờ.

Cũng có mặt tại quảng trường là ba thành viên của lực lượng cảnh sát và các thành viên của Hội Chữ thập đỏ, là những người luôn nhắc nhở mọi người về sự cần thiết phải giữ khoảng cách xa nhau thích hợp.

Các videos cũng cho thấy qua loa, một thành viên của lực lượng cảnh sát Valencia rõ ràng yêu cầu những người có mặt giữ khoảng cách thích hợp với nhau, nhưng không yêu cầu họ giải tán và cũng không cho rằng đã có sự vi phạm luật pháp”.

Một tuần trước đó, các phương tiện truyền thông do đảng Công Nhân Xã Hội Tây Ban Nha kiểm soát cho rằng nhà thờ chính tòa thành phố đầy chật người trong thánh lễ Chúa Nhật 3 tháng Năm. Tuy nhiên, video an ninh của nhà thờ cho thấy chỉ có các linh mục đồng tế, không có tín hữu nào tham dự.

Trong các videos trước chúng tôi đã tường trình với quý vị và anh chị em những hình ảnh các Giám Mục và linh mục rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố trên đất Ý, có ai bắt bớ các ngài không? Rõ ràng đây là một trò lợi dụng dịch bệnh để bách hại tôn giáo.


Source:Crux
 
Bệnh nhân coronavirus chưa chết vì dịch bệnh đã chết vì cháy nhà thương
Đặng Tự Do
05:08 13/05/2020
Lính cứu hỏa và chính quyền đang kiểm tra hiện trường vụ hỏa hoạn xảy ra tại Bệnh viện St. George ở St. Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga.

Các quan chức cấp cứu cho biết, ít nhất 5 bệnh nhân coronavirus đang được chạy chữa bằng các máy trợ thở đã chết sau khi ngọn lửa bùng phát trong một phòng chăm sóc đặc biệt. Hàng trằm bệnh nhân khác phải di tản.

Ngọn lửa đã được dập tắt trong vòng nửa giờ. Truyền thông Nga đã trích dẫn các nguồn tin nói rằng một máy thở có vấn đề kỹ thuật có thể đã gây ra vụ cháy.

Cảnh sát ở St. Petersburg đã mở một cuộc điều tra hình sự về vụ cháy này.

Nhưng đó không phải là vụ cháy gây chết người đầu tiên trong bệnh viện coronavirus ở Nga. Vào hôm thứ bảy, một vụ hỏa hoạn tại Bệnh viện Spasokukotsky ở thủ đô Mạc Tư Khoa đã giết chết một bệnh nhân.

Trong một trường hợp khác ít nhất chín người đã chết trong một vụ hỏa hoạn tại một viện dưỡng lão ở ngoại ô Mạc Tư Khoa vào cuối ngày Chúa Nhật. Chính quyền ở Krasnogorsk ở vùng ngoại ô phía tây bắc của Mạc Tư Khoa cho biết đám cháy bùng phát tại một cơ sở tư nhân dành cho người già. Một mạch điện đã bị đổ lỗi gây ra ngọn lửa đó.

Các quan chức cho biết nhà dưỡng lão này thiếu thiết bị báo cháy và các thiết bị bắt buộc phải có khác. Cảnh sát đã bắt giữ chủ sở hữu về tội vi phạm các quy tắc an toàn cháy nổ.

Những sự việc mới nhất gây ra mối lo ngại lớn hơn về tình hình tại các bệnh viện và các nhà chăm sóc khác ở Nga khi đất nước này phải đối mặt với một trận chiến khó khăn để ngăn chặn sự bùng phát của coronavirus.

Bất chấp những khó khăn này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu nới lỏng lệnh cô lập kéo dài trong sáu tuần qua trên toàn quốc.

“Bắt đầu từ ngày 12 tháng 5, thời kỳ những ngày không làm việc đã kết thúc. Trong cả nước và trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, mọi người sẽ bắt đầu đi làm trở lại”, ông nói với quốc dân đồng bào trong một chương trình truyền hình.

Nhưng Tổng thống Putin cảnh báo: “Cuộc chiến chống lại dịch bệnh chưa kết thúc. Nguy hiểm vẫn còn.”

Nga đã báo cáo hơn 232,000 trường hợp coronavirus được xác nhận và hơn 2,000 trường hợp tử vong.


Source:Vatican News

 
Đức Thánh Cha khuyến khích sùng kính Đức Mẹ Fatima
Thanh Quảng sdb
06:37 13/05/2020
Đức Thánh Cha khuyến khích sùng kính Đức Mẹ Fatima

Trong buổi Triều yết chung hôm thứ Tư 13/5/20, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy hướng về Đức Mẹ Fatima, trong ngày 13 tháng 5 là ngày đặc biệt dâng kính Mẹ.

(Tin Vatican - Benedict Mayaki, SJ)

Nhân dịp lễ kính Đức Mẹ Fatima, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại cuộc ám sát thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Người đã quả quyết là nhờ sự can thiệp của Mẹ mà Ngài thoát chết!

Đức Thánh Cha cũng cho biết vào thứ Hai ngày 18 tháng 5, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ sáng trên bàn thờ nơi mộ thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II để tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội một vị thánh Giám mục Rôma thánh thiện này, và cầu xin thánh nhân giúp Giáo hội Roma vượt qua được cơn đại dịch!

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng cầu nguyện cho hòa bình thế giới, và nhờ cầu xin Đức Mẹ xin Chúa giúp chấm dứt cơn đại dịch này.

Đức Thánh Cha cũng mời gọi các tín hữu nói tiếng Ý hãy thường xuyên cầu xin sự giúp đỡ của Đức Mẹ, để mọi người có thể kiên trì trong tình yêu Chúa và tha nhân. ĐTC cũng không quên cầu nguyện đặc biệt cho tuổi trẻ, người cao tuổi, người ốm đau bệnh tật và các cặp hôn nhân mới bước bước vào cuộc sống vợ chồng….

Lần chuỗi Mân côi

Trong lời chào đến các tín hữu nói tiếng Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ họ hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi và hy sinh cầu nguyện đặc biệt trong tháng này, đó là mệnh lệnh của Mẹ khi hiện ra tại Fatima...

Tình yêu dành cho cận nhân

Nói với các tín hữu nói tiếng Đức, Đức Thánh Cha nhắc nhở tất cả về tình yêu Thiên Chúa, mời gọi mạnh mẽ để chia sẻ với những người chúng ta gặp gỡ, đặc biệt trong thời khắc của cơn đại dịch Covid-19. Đức Thánh Cha nguyện xin Chúa Thánh Thần lấp đầy tâm lòng anh chị em bằng tình yêu và niềm vui.

Đức Mẹ Fatima

Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1917, Đức Mẹ đã nhiều lần hiện ra với ba đứa trẻ Bồ Đào Nha đó là các em: Francisco, Jacinta Marto, và chị Lucia dos Santos, trong một làng quê nhỏ bé ở Fatima, Bồ Đào Nha. Trong những lần hiện ra đó, Đức Mẹ xin các em lần chuỗi Mân côi cầu nguyện cho thế giới và hy sinh đền tội cho các tội nhân biết hoán cải...

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm linh địa Fatima ba lần vào các năm 1982, 1991 và 2000. Trong chuyến viếng thăm năm 2000, Ngài đã phong chân phước cho Jacinta và Francisco. Lễ mừng Đức Mẹ Fatima được cử hành vào ngày 13 tháng 5 hàng năm.
 
16/05 : Thánh Địa Lộ Đức Sẽ Mở Lại
Lê Đình Thông
09:31 13/05/2020
16/05 : Thánh Địa Lộ Đức Sẽ Mở Lại

Sau hai tháng tạm ngưng các sinh hoạt, thánh địa Lộ Đức sẽ mở lại vào lúc 14 giờ thứ bảy 16/05/2020. Trong thời gian đầu, thánh địa chỉ đón tiếp các tín hữu địa phương đến hành hương. Mỗi người phải đeo khẩu trang và đứng cách nhau 1 mét. Từng nhóm 10 người có thể đến cầu nguyện trước hang đá, nơi Đức Mẹ hiện ra với thôn nữ Bernadatte Soubirous vào năm 1858, và hứng nước suối thiêng. Tuy nhiên, các bồn tắm dành cho các bệnh nhân vẫn tạm ngưng hoạt động.

Hàng năm, có hàng triệu tín hữu trên khắp thế giới đến hành hương tại Lộ Đức, miền Hautes-Pyrénées. Thánh địa tạm đóng cửa từ ngày 17/03/2020, theo lệnh cách ly trên toàn nước Pháp.

Đức Ông Olivier Ribadeau, quản đốc linh địa cho biết trong hai tháng không hoạt động, thánh địa bị thất thâu 8 triệu euros. Ngài mời gọi tín hữu thập phương rộng lòng đóng góp.

Lê Đình Thông
 
Đức Thánh Cha sẽ dâng thánh lễ tại hầm mộ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 18 tháng Năm
Đặng Tự Do
09:36 13/05/2020
Vào ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 18 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dâng thánh lễ buổi sáng tại hầm mộ Đức Giáo Hoàng Ba Lan tại khu hầm mộ các vị Giáo Hoàng bên dưới Đền Thờ Thánh Phêrô.

Ngày 18 tháng Năm cũng là ngày đầu tiên các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự có thể tái tục trên khắp nước Ý.

“Tưởng nhớ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ buổi sáng lúc 7:00 sáng trong nhà nguyện của ngôi mộ vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan,” Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói với các phóng viên.

Ông Bruni cũng tuyên bố rằng trong bối cảnh các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự ở Ý và ở nhiều nơi trên thế giới được tái tục trở lại, đây cũng sẽ là ngày cuối cùng mà Thánh lễ buổi sáng của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được phát trực tiếp. Đó là Thánh lễ thứ 65 được phát trực tiếp trong thời gian các Thánh lễ bị đình chỉ tại Ý.

Đức Thánh Cha hy vọng rằng Dân Chúa sẽ có thể trở lại sự quen thuộc với cộng đoàn của mình trong các bí tích, tham gia phụng vụ Chúa Nhật, cũng như các Thánh lễ trong tuần.

Bắt đầu từ ngày 9 tháng Ba vừa qua, các Thánh lễ ban sáng của Đức Thánh Cha đã được phát trực tiếp mỗi ngày vì điều kiện khẩn cấp của dịch bệnh coronavirus, cho phép những người muốn theo dõi các nghi lễ kết hiệp với Đức Giám Mục Rôma.

Đền Thờ Thánh Phêrô đã đóng cửa đối với các du khách và khách hành hương vào ngày 10 tháng Ba, sau khi cảnh sát Ý đóng cửa quảng trường kề bên.

Đến nay vẫn chưa có thông báo khi nào Đền Thờ Thánh Phêrô sẽ được mở cửa trở lại với công chúng.

Trước đại dịch, các video ghi hình các thánh lễ buổi sáng đã được cung cấp cho các đài truyền hình, nhưng không được phát trực tiếp, và chỉ bao gồm chủ yếu phần bài giảng của Đức Thánh Cha.

Đối với việc kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các Giám Mục Ba Lan đang khuyến khích mọi người sử dụng hashtag, # ThankYouJohnPaul2 trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Theo một tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, ý tưởng chủ yếu của các Giám Mục nước này là khích lệ việc sử dụng hashtag để xuất bản các video ngắn, hình ảnh hoặc những lời cảm ơn Thánh Gioan Phaolô II vì triều giáo hoàng của ngài.

Đó cũng là một cách để chia sẻ những kỷ niệm về vị giáo hoàng quá cố cho các thế hệ trẻ, những người không có cơ hội tìm hiểu ngài kỹ hơn, nhưng là những người có mặt thường xuyên trên mạng xã hội.

Theo cách này, chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Giáo hoàng Ba Lan về tất cả những gì ngài đã mang lại và vẫn tiếp tục mang lại cho cuộc sống của chúng ta, cũng như cảm ơn ngài vì tất cả những cuộc gặp gỡ với chúng ta, những lời chia sẻ của ngài, những lời chúng ta nhớ nhất; những cảm hứng mà ngài đã gợi lên trong chúng ta và vẫn tiếp tục gợi lên trong chúng ta.


Source:Catholic News Agency
 
Fatima: Mẹ Maria, Mẹ đầy tình lân ái, nơi nương ẩn chắc chắn trong cơn gian nan khốn khó
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
15:56 13/05/2020
Roma - Trong ngày lễ Đức Mẹ Fatima, ngày 13 tháng 5 năm 2020 này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu mời chúng ta lần hạt Mân côi hơn bao giờ hết và tâm sự về " tình lân ái" của Đức Trinh Nữ Maria, đặc biệt là "trong mọi cơn gian nan khốn khó ".

Đức Giáo Hoàng đã nói về điều đó với thính giả trong buổi triều yết chung trực tuyến vào thứ Tư 13 tháng Năm hôm nay, và trong một dòng tweet, Ngài đã dâng lên Đức Trinh Nữ Maria lời khẩn nguyện sau đây: "Lạy Mẹ Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, Nữ hoàng Mân côi, xin cho chúng con thấy sức mạnh của chiếc áo choàng che chở của Mẹ. Hy vọng và hòa bình mà chúng tôi mong chờ đợi trông sẽ đến từ vòng tay của Mẹ. #OurDamedeFatima »

Phát biểu trước những người nói tiếng Bồ Đào Nha từ thư viện Dinh Tông Tòa Vatican, Đức Giáo Hoàng đã phát biểu về lễ kỷ niệm này: "Tôi xin chào các thính giả nói tiếng Bồ Đào Nha và, vào ngày mười ba tháng Năm này, tôi khuyến khích mọi người biết noi theo gương của Đức Trinh Nữ Maria. Để đạt mục tiêu này, chúng ta hãy cố gắng sống trong tháng này với một lời cầu nguyện hàng ngày cách hăng say và nhiệt thành hơn, đặc biệt bằng cách lần hạt Mân côi, như Giáo hội hằng khuyên bảo tuân theo ước muốn được Đức Mẹ bày tỏ nhiều lần ở Fatima. Dưới sự bảo vệ của Mẹ, chúng ta sẽ thấy rằng những đau đớn và phiền não của cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn. "

Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với giáo phận Fatima và riêng với vị mục tử của giáo phận, Đức Hồng Y António dos Santos Marto như sau: "Tôi muốn nói với tất cả trái tim của tôi với giáo phận Fatima, đền thánh của Đức Mẹ hôm nay. Tôi chào tất cả những người hành hương cầu nguyện ở đó, tôi chào Đức Hồng Y chủ chăn, tôi xin chào thăm tất cả anh chị em. Tất cả cùng hợp nhất với Đức Mẹ, người đang đồng hành cùng chúng ta trên hành trình hoán cải hàng ngày này đến với Chúa Giêsu, xin Chúa ban phước lành cho các bạn! "

Phát biểu về người Ba Lan, Đức Giáo Hoàng nói thêm: "Tôi trân trọng chào tất cả người Ba Lan. Hôm nay trong phụng vụ, chúng ta kỷ niệm Đức Mẹ Fatima. Chúng ta hãy trở lại trong suy nghĩ về sự xuất hiện của Đức Mẹ và thông điệp gửi đến thế giới, cũng như về cuộc ám sát chống lại Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, Người đã tin và đã cảm nhận được sự can thiệp cứu giúp của Đức Trinh Nữ trong cuộc đời mình. Trong lời cầu nguyện của chúng tôi, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Trái tim Vô nhiễm của Đức Maria, thương ban hòa bình cho thế giới, chấm dứt đại dịch, và ban cho chúng ta lòng ăn năn hối cải cuộc sống của chúng ta. "
Cuối cùng, bằng tiếng Ý, Đức Giáo Hoàng lại đề nghị cầu nguyện lần chuỗi Mân côi và tin cậy vào "sự từ ái" của Đức Maria: "Tôi xin chào các tín hữu nói tiếng Ý. Vào ngày kỷ niệm lần đầu tiên xuất hiện trước những người bé nhỏ tầm thường của Fatima, tôi mời bạn cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria khấng ban cho mọi người kiên trì trong tình yêu của Thiên Chúa và của tha nhân. Tôi đặc biệt nghĩ đến các bạn thanh niên, những người già, người bệnh và các đôi tân hôn. Hãy luôn chạy đến nương nhờ sự phù trì che chở của Đức Mẹ; trong Mẹ, chúng ta tìm thấy một người mẹ chu đáo và dịu dàng, một nơi ẩn náu an toàn khỏi mọi nghịch cảnh. "
 
Dòng Tên gánh chịu thiệt hại nặng tại Đại Học Thánh Giuse, Philadelphia
Đặng Tự Do
16:37 13/05/2020

Tất cả các linh mục dòng Tên sống trong khu cư xá Đại Học Thánh Giuse, ở Philadelphia, Hoa Kỳ đều nhiễm coronavirus và đã có 6 linh mục thiệt mạng vì thứ virus độc địa này. Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vừa cho biết như trên.

Sáu linh mục dòng Tên ở tuổi nghỉ hưu đang sống tại cư xá Đại Học Manresa, là khu cư xá của Đại Học Thánh Giuse thuộc dòng Tên. Các vị đã chết tại các bệnh viện địa phương trong khoảng thời gian từ 14 đến 28 tháng Tư.

Sau những cái chết đầu tiên, những người sống trong cư xá đã được di tản tạm thời ra bên ngoài. Cư xá đã mở cửa trở lại vào ngày 25 tháng Tư, và những vị sống tại cư xá Manresa hiện đang trong tình trạng ổn định, Mike Gabriele, một phát ngôn viên của Tỉnh dòng East Coast, nói với CNA.

Có 17 tu sĩ Dòng Tên sống tại cư xá này và tất cả đã thử nghiệm dương tính với COVID-19 trong tháng Tư - ba ngày sau cái chết của linh mục đầu tiên, là Cha G. Richard Dimler, 88 tuổi, giảng dạy môn khoa học máy tính và tiếng Đức tại Đại học Fordham.

Gabriele cho biết cơ sở này đang tuân theo các quy định an toàn thích hợp, bao gồm các thiết bị bảo vệ cho nhân viên và giám sát thường xuyên các vị sống trong cư xá. Ông nói cộng đồng Dòng Tên đang đau buồn vì sự mất mát những người anh em mình và tiếp tục cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi virus.

“Tất cả các trường hợp nghi ngờ COVID-19 đang được theo dõi và quản lý phù hợp tại tất cả các cộng đồng Dòng Tên, và đồ bảo hộ cá nhân đã được cung cấp để bảo vệ nhân viên và cư dân tại các trung tâm y tế của chúng tôi,” ông Gabriele nói.

“Các tu sĩ Dòng Tên thương tiếc về sự mất mát của những người anh em đã chết và họ tiếp tục cầu nguyện cho tất cả những người đang vật lộn với coronavirus và những người chăm sóc họ,” ông Gabriele nói thêm.


Source:Catholic News Agency
 
Tình trạng bi thảm tại Brazil. Đức Thánh Cha hỏi thăm về tình hình dịch bệnh tại bang Sao Paolo
Đặng Tự Do
16:39 13/05/2020

Brazil, hay còn gọi là Ba Tây, đã trở quốc gia có số người chết cao nhất vì COVID-19 trong một ngày, với 881 trường hợp tử vong mới được xác nhận trong 24 giờ qua.

Brazil, quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch coronavirus kinh hoàng, dường như đang nhanh chóng trở thành một điểm nóng toàn cầu mới.

Tổng số người chết vì coronavirus mới hiện đã lên đến 12,400 người tại quốc gia này, với 177,589 trường hợp được xác nhận - tăng 9,258 người so với ngày hôm trước.

Điều đó khiến Brazil trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng lớn thứ sáu, sau Hoa Kỳ, Anh, Ý, Pháp và Tây Ban Nha.

Chắc chắn, sự gia tăng của các trường hợp ở Brazil trong vài ngày qua là một trường hợp đáng lo ngại, ông Marc Marcos Espinal, người đứng đầu bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Tổ chức Y tế Pan American, nói với một cuộc họp ngắn ở Washington.

Các chuyên gia nói rằng việc thử nghiệm dưới mức có nghĩa là con số thực ở Brazil có thể cao hơn nhiều.

Về phía Giáo Hội, Đức Hồng Y Scherer cho biết vào lúc 11 giờ 50 phút sáng thứ Bảy 9 tháng Năm, Đức Hồng Y đã nhận được một cú điện thoại của Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha đã hỏi thăm về tình hình dịch bệnh tại bang Sao Paolo sau khi nghe tin về tình hình nghiêm trọng tại đây. Ngài bày tỏ âu lo về con số người nhiễm và chết vì coronavirus đang gia tăng ở mức chóng mặt, và hứa cầu nguyện cho tất cả.

Đức Thánh Cha cũng hỏi về tình trạng của đông đảo người nghèo trong khu vực ngoại ô Sao Paolo, và lo âu về tình cảnh của họ vì biết rằng họ thường là những người vô gia cư hay thiếu các điều kiện sống thích hợp để có thể tuân theo các biện pháp phòng ngừa chống lây nhiễm Covid-19.

Đức Hồng Y Scherer cho biết là cuối cùng Đức Thánh Cha xin Đức Hồng Y chuyển đến tất cả dân chúng phép lành của ngài và xin cầu nguyện cho ngài.


Source:France 24
 
Cầu nguyện Kitô giáo là liên kết thân mật, tin tưởng và tín thác nơi Chúa
Thanh Quảng sdb
19:57 13/05/2020
Cầu nguyện Kitô giáo là liên kết thân mật, tin tưởng và tín thác nơi Chúa

Trong buổi triều yết thứ Tư hôm qua (13/5/20), Đức Thánh Cha Phanxicô suy diễn các đặc điểm thiết yếu của lời cầu nguyện trong bài giáo lý về cầu nguyện một cách khái quát: cầu nguyện là liên kết thân mật với Chúa và hoàn toàn tin tưởng tín thác vào Thiên Chúa.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ một số khía cạnh cốt lõi của việc cầu nguyện. Đức Thánh Cha cho rằng cầu nguyện là việc làm chung của mọi người, không phân biệt họ thuộc tôn giáo nào, và có lẽ ngay cả đối với những người không tin theo bất luận một tôn giáo nào.

Đức Thánh Cha đã chứng minh tính phổ quát của việc cầu nguyện, khi Ngài và các vị đứng đầu các tôn giáo mời mọi người thuộc mọi tôn giáo tham gia một ngày cầu nguyện chung vào thứ Năm 14 tháng Năm, để cầu khẩn Chúa chấm dứt đại dịch coronavirus. Sáng kiến này được thúc đẩy bởi Ủy ban Quốc tế về tình huynh đệ của con người khởi xướng.

Trong bài giáo lý của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cho rằng lời cầu nguyện liên quan đến những bí nhiệm sâu xa nhất của con người chúng ta. Các nhà tu đức Kitô giáo cho cầu nguyện được phát sinh từ trong thẳm sâu của trái tim chúng ta… Khi cầu nguyện chúng ta đưa trọn vẹn tâm tình, cảm xúc thẳm sâu của cuộc đời dâng lên Thiên Chúa…

Thiên Chúa biết mọi bí ẩn

Đức Thánh Cha nói: Cầu nguyện là một khát vọng đưa chúng ta vượt lên chính mình đến một nơi cao siêu khác. Đó là một mối tâm giao giữa Thiên Chúa và con người...

Mối tâm giao mật thiết

Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho chúng ta qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, chính nhờ Chúa Giêsu mà lời cầu nguyện của một Kitô hữu được liên kết mật thiết với Thiên Chúa, không còn gì làm ta sợ hãi và lo lắng vì Thiên Chúa chính là người bạn thân, là người Cha giầu lòng nhân ái.

Tin tưởng hoàn toàn vào Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp Chúa Giêsu đã dạy chúng ta thân thưa với Thiên Chúa một cách tin tưởng, gọi ngài là Cha nhân từ của chúng ta. Chúng ta có thể cầu xin Chúa tha thứ những lỗi lầm, cứu thoát chúng ta khỏi nguy khốn và gìn giữ chúng ta trong bàn tay yêu thương quan phòng của Ngài. Trong mọi tình huống cuộc đời, chúng ta luôn nhìn nhận sự thấp hèn của mình và xác tín Thiên Chúa luôn thành tín và xót thương đến nỗi trao ban chính Con của Ngài chết trên Thập giá vì chúng ta.

Mầu nhiệm giao ước

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giáo lý của mình bằng nhắc nhở chúng ta mầu nhiệm Giao ước của Thiên Chúa: Hãy trao phó mọi sự trong vòng tay nhân hậu của Thiên Chúa, để chúng ta cảm được bao bọc chở che trong hạnh phúc, mầu nhiệm được thông dự vào cuộc sống Ba Ngôi Thiên Chúa.

Khi chúng ta liên kết với Chúa trong lời cầu nguyện, Đức Thánh Cha nói: chúng ta hãy xác tín rắng chúng ta không một mình cô đơn và cô độc…
 
Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích, 7
Vũ Văn An
20:16 13/05/2020
d) Bản chất đối thoại của các Bí tích

65. [Đức tin, tính thành hiệu và tính hữu hiệu]. Công đồng Trent (DH 1608) đã sử dụng thuật ngữ “ex opere operato” (do chính việc đã làm) để diễn đạt điều sau. Khi một bí tích được cử hành đúng cách, nhân danh Giáo hội và phù hợp với ý nghĩa Giáo hội đã dành cho nó, trong trường hợp đó, nó luôn truyền đạt điều nó biểu thị. Việc minh xác này không ngụ ý loại bỏ việc tham gia của người trao ban và lãnh nhận bí tích. Trái lại: Người trao ban bí tích phải có ý định làm điều Giáo hội làm (DH 1611: faciendi quod facit ecclesia). Về phía người lãnh nhận, cần phân biệt giữa việc hữu hiệu (fertile) và việc không hữu hiệu (infecunda). Thuật ngữ “opus operatum” (chính sự việc đã làm) không có ý chống lại việc tham gia của người trao ban bí tích hoặc của người lãnh nhận nó. Nó nhấn mạnh điều này: cả đức tin của người trao ban cũng như của người lãnh nhận bí tích đều không tạo ra ơn cứu rỗi, nhưng chỉ có ơn thánh của Đấng Cứu chuộc thông qua bí tích mới tạo ra ơn cứu rỗi mà thôi. Như thế, không phải vì những người trao ban bí tích và những người lãnh nhận nó tin vào điều họ làm trong bí tích, nên, chính vì lý do đó, Chúa Kitô hành động qua bí tích. Nhưng vì lý do sau đây: bất cứ khi nào một bí tích được cử hành một cách thích đáng, theo ý nghĩa được Giáo hội dành cho, Chúa Kitô đều liên kết hành động của nó với hành động của Giáo hội.

66. Theo nghĩa này, đối diện với nền thần học của những người Cải cách, Công đồng Trent sẽ khẳng định rõ ràng tính hữu hiệu của các bí tích [82]. Tuy nhiên, một thực hành giáo hội chỉ quan quan đến tính thành hiệu (validity) sẽ làm tổn hại đến cơ chế bí tích của Giáo hội, bởi vì điều này giản lược nó vào một trong các khía cạnh thiết yếu của nó. Một bí tích thành hiệu thông truyền điều thuật ngữ kỹ thuật gọi là “res et sacramentum” (thực thể và dấu chỉ), như một phần cấu thành hành động bí tích của ơn thánh. Thí dụ, trong trường hợp phép rửa, đó sẽ là “ấn tích” (character). Tuy nhiên, các bí tích chỉ về và nhận được ý nghĩa đầy đủ của chúng trong việc thông truyền res (thực thể) của ơn thánh riêng của bí tích. Trong trường hợp phép rửa, nó có ý nói tới ơn ban sự sống mới trong Chúa Kitô, bao gồm ơn tha thứ tội lỗi.

67. [Đức tin thỏa đáng đối với các Bí tích và Ý định]. Như các thành phần thiết yếu, luận lý học bí tích bao gồm đáp ứng tự do, chấp nhận hồng ân Thiên Chúa, tóm lại là đức tin, bất kể phôi thai ra sao, đặc biệt trong trường hợp phép rửa. Thần học gần đây nhất đã lấy thế giới biểu thị, vốn của riêng các biểu tượng và dấu hiệu, làm điểm qui chiếu để soi sáng việc thông truyền ơn thánh diễn ra trong các bí tích. Lĩnh vực này nằm trong một trật tự rất gần với ngôn ngữ của con người và các tương quan liên bản vị. Vì các bí tích được đặt trong lãnh vực đối thoại và tương quan của tín hữu với Chúa Kitô, nên phương thức này có những ưu điểm của nó. Ta sẽ không nắm được việc biểu thị các biểu tượng hoặc dấu hiệu nếu không tham gia vào thế giới mà biểu tượng trong biểu thị của nó đã tạo ra. Tương tự như vậy, không thể nhận được hiệu quả của ơn thánh bí tích (tính hữu hiệu hay sự phong phú), được truyền đạt bởi các dấu hiệu bí tích, mà không đi vào thế giới được các dấu hiệu bí tích này phát biểu. Đức tin là chìa khóa mở lối vào thế giới vốn làm cho các thực tại bí tích thực sự trở thành các dấu hiệu biểu thị và tạo ra ơn thánh thần linh một cách hữu hiệu.

68. Việc lãnh nhận các bí tích có thể thành hiệu hoặc bất thành hiệu, hữu hiệu hoặc vô hiệu. Muốn có một chuẩn bị thỏa đáng, điều sẽ không đủ nếu chỉ không mâu thuẫn ở bên ngoài hay ở bên trong với ý nghĩa của bí tích. Theo chiều hướng này, việc lãnh nhận thành hiệu không tự động hàm ngụ việc lãnh nhận bí tích cách hữu hiệu. Để có được sự lãnh nhận hữu hiệu, cần phải có một ý định tích cực. Nói cách khác, người lãnh nhận phải tin cả vào nội dung (fides quae) lẫn một cách hiện sinh (fides qua) điều mà Chúa Kitô ban cho họ một cách bí tích qua sự trung gian của Giáo hội. Có sự đa dạng về mức độ trong việc tuân theo tín lý. Điều có tính quyết định ở đây là: người lãnh nhận không bác bỏ bất cứ lời giảng dạy nào của Giáo hội. Cũng có những mức độ khác như về cường độ của đức tin. Điều có tính quyết định ở đây là việc tích cực chuẩn bị để lãnh nhận những gì được bí tích biểu thị. Mỗi việc lãnh nhận bí tích cách hữu hiệu đều là một hành vi thông đạt và do đó là một phần của cuộc đối thoại giữa Chúa Kitô và tín hữu cá nhân.

69. Mặc dù đúng là tín lý về nó phát xuất từ các suy tư liên quan tới các đòi hỏi không thể thiếu nơi các thừa tác viên ban phát các bí tích, ý định vẫn chiếm một vị thế quan yếu. Một mặt, nó hoàn toàn duy trì tính thành hiệu ex opere operato, nghĩa là: tính thành hiệu của các hành vi bí tích hoàn toàn và độc nhất tùy thuộc Chúa Kitô chứ không tùy thuộc đức tin của cả người lãnh nhận lẫn thừa tác viên bí tích. Nhưng nó cũng bỏ ngỏ bản chất đối thoại của biến cố bí tích, để người ta không rơi vào cả chủ nghĩa tự động ma thuật lẫn chủ nghĩa tự động bí tích. Ý định nói lên mức tối thiểu không thể miễn chước phải đích thân tự nguyện tham gia vào biến cố nhưng không của việc thông truyền ơn thánh cứu rỗi một cách bí tích.

70. Các biểu tượng bí tích và hành động tượng trưng, được thực hiện qua nước, dầu, bánh, rượu và các nhân tố bên ngoài và hữu hình khác, mời gọi mỗi tín hữu mở “con mắt nội tâm của đức tin” [83] và nhìn thấy các hiệu quả cứu rỗi của từng bí tích. Những hành động tượng trưng này, được thực hiện với các yếu tố vật chất này, trên thực tế, có chức năng thực hiện một hành động của Chúa Kitô, Đấng Cứu Rỗi. Những gì diễn ra trong việc ban phát các bí tích đều bắt nguồn từ những gì đã xảy ra trong các hành động của Chúa Kitô, Đấng Cứu Rỗi, trong cuộc sống trần thế của Người, chẳng hạn như trong các việc chữa lành. Nhiều người tin vào Chúa Kitô (Ur-Sakrament [bí tích nguyên thủy]) và do đó đã đạt được sự nên thánh, chẳng hạn như: người phụ nữ Samaria ở giếng Giacóp (Ga 4: 28-29; 30); Ông Giakêu, khi đón tiếp Chúa Giêsu vào nhà (Lc 19: 8-10); người phụ nữ xứ Syrophênixia, người nhận được ơn chữa lành cho con gái bằng một đức tin không nao núng (Mc 7: 24-30), v.v. Những hành động mang tính biểu tượng, “bí tích” này của Chúa Giêsu, được thực hiện với các yếu tố vật chất, có chức năng tăng cường đức tin nơi những người thụ hưởng và ơn thánh hóa, nhờ vào tầm nhìn và đức tin nội tâm. Đức tin được củng cố phải được diễn dịch thành một lời tuyên tín qua chứng tá cuộc sống Kitô hữu giữa lòng thế giới.

71. [Bản chất đối thoại]. Việc cử hành phụng vụ các bí tích không những chỉ mô tả hành động cứu độ theo lối katabatic (từ trên đi xuống) của Thiên Chúa, mà còn, tuy vẫn không thể tách biệt khỏi lối vừa nói, theo lối anabatic (từ dưới đi lên) nữa của người lãnh nhận, bắt đầu với câu đáp “Amen” và các cử chỉ, như việc mở rộng bàn tay để lãnh nhận Mình Thánh. Mọi bí tích đều là những hành động thông đạt, được khắc ghi trong nhiệm cục cứu rỗi: tức nhiệm cục triển khai trong lịch sử ý của Thiên Chúa muốn bước vào mối tương quan bản thân với con người. Do đó, trong các bí tích, bản chất giao ước vốn đánh dấu và đồng hành với toàn bộ lịch sử cứu rỗi đã được phản ảnh. Nơi đâu bản chất đối thoại của bí tích giảm đi, nơi ấy sẽ phát sinh ra các hiểu lầm về nó như một loại ma thuật (chủ nghĩa duy nghi thức) và hay chỉ tập chú vào ơn cứu rỗi cá nhân (tư nhân hóa duy chủ quan).

Kỳ sau: e) Cơ chế bí tích
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ông Trọng Lại Ấm Ớ Hội Tề
Phạm Trần
20:42 13/05/2020
Từ điển tiếng Việt định nghĩa “ấm ớ hội tề” là “thái độ không dứt khoát”. Đem nghĩa này gắn vào những tuyên bố của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng XIII, dự kiến diễn ra trong tháng 01 năm 2021, thì sẽ thấy vẫn chỉ là chuyện nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu, hay chỉ nhằm tung hòa mù để hù họa nhau.

Riêng ông Trọng thì có vẻ như muốn đảng ghi công, người dân nhớ đến nhiều hơn các Tổng Bí thư tiền nhiệm với câu nói “Văn kiện là văn bia, còn để lại đời sau”.

CHUYỆN DÂN VÀ VIỆC ĐẢNG

Nhưng trước hết, từ xưa tới nay, chuyện chọn người vào Trung ương của mỗi kỳ Đại hội là việc riêng của đảng cầm quyền, làm theo kế hoạch tiến cử đã được thỏa hiệp giữa các ban, ngành và địa phương của đảng, Lưc lượng Võ trang nhân dân gồm Quân đội và Công an, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người dân chỉ được đóng vai khán giả vỗ tay và phải chấp hành những quyết định của Đại hội. Mọi việc đều diễn ra theo như chương trình đã hoạch định, hầu như không có phản biện. Nếu có, cũng không được công khai.

Mặt trận Tổ quốc, nơi quy tụ các tổ chức chính trị và xã hội do đảng thành lập, đóng vai thu góp ý kiến, nếu có, của cán bộ, đảng viên và người dân tại các cuộc họp của tổ chức và địa phương.

Báo chí và các cơ quan thông tin, tuyên truyền của đảng, có nhiệm vụ phổ biến các Dự thảo văn kiện để thu góp ý kiến (nếu có) của độc giả và khán, thính giả rồi gửi cho Ban Tuyên giáo trước khi đến tay Ban Bí thư.

Những việc làm này diễn ra tuần tự như tiến, suôn sẻ từ đầu đến cuối nên luôn luôn có kết luận quen thuộc như: “thành công mỹ mãn”, “đoàn kết, thống nhất” và “đáp lại nguyện vọng của toàn đảng, toàn quân và toàn dân” v.v…

Những sáo ngữ này được lập đi lập lại nghe đến mỏi tai nhưng kỳ nào lãnh đạo cũng chăm chỉ làm cho đúng thủ tục và lớp lang của màn trình diễn dù rất tốn phí đồng tiền của dân.

Riêng kỳ đảng XIII này, xem ra công tác tổ chức được chuẩn bị bài bản hơn vì ông Nguyễn Phú Trọng đã một mình đứng đầu 2 Ủy ban quan trọng nhất là Trưởng Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự. Ba Tiểu ban còn lại gồm Tiểu ban Kinh tế-Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng, và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.

Theo Điều lệ đảng, ông Trọng không thể làm qúa 2 nhiệm kỳ Tổng Bí thư, sau khi đã cầm quyền 10 năm (2011-2021) qua 2 khóa đảng XI và XII.

Trước đây từng có nỗ lực của một số thành phần trong Đảng muốn sửa Điều lệ để ông Trọng có thể ngồi lại, ít nhất thêm một nhiệm kỳ thứ 3, nhưng Hội nghị Trung ương XI/khóa XII, họp từ ngày 7/10 đến ngày 12/10/2020, tại Hà Nội đã tán thành trình Đại hội XIII của Đảng cho giữ Điều lệ Đảng hiện hành (không bổ sung, sửa đổi).

Như vậy, ông Trần Quốc Vượng, sinh ngày 05/02/1953 tại xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Ủy viên Bộ Chính trị,Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng XII, được coi là người có triển vọng cao nhất kế vị ông Nguyễn Phú Trọng.

THAM VỌNG VÀ BIA MIỆNG

Nhưng xuyên qua những những phát biểu và bài viết của ông Trọng trong vòng một năm qua, không khó để thấy ông muốn để lại một điểm son khi mãn nhiệm. Vì vậy ông đã tập trung vào 2 vấn đề then chốt: Phải tiếp tục kiên định và tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh; và phải tổ chức thành công đảng khóa XIII để “chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.”

Về văn kiện đảng XIII gồm có 4 dự thảo đang thảo luận trong đảng gồm: (1) Dự thảo Báo cáo chính trị; (2) Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; (3) Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và (4)Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Tại cuộc họp duyệt xét lần đầu các Dự thảo ngày 14/02/2020, ông Trong tự đề cao “Văn kiện là văn bia, còn để lại đời sau.”

Nhưng ông đã để lại nhiều thắc mắc trong bài viết, phổ biến ngày 26/04/2020, có nhan đề “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm về chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII”,

Ông nói Ban Chấp hành Trung ương XIII:”Là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ.”

Nhưng ai đánh giá những người này? Nếu cứ theo như tập quán “đảng cử, đảng bầu” thì có phải anh vừa đá bóng vừa thổi còi không?

Ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn nói:” Đại hội XIII sẽ là một dấu mốc rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.”

Nhưng căn cứ vào đâu mà ông khẳng định chủ quan như thế? Ông có chắc thành phần nhân sự đảng XIII sẽ thành công đến mức cao như thế không, và thứ “chủ nghĩa xã hội” mà đảng sẽ tiến lên, sau Đại hội XIII, là thứ chủ nghĩa xã hội gì, ở đâu, còn bao nhiều năm nữa mới tới đích?

Hơn nữa, sau 35 năm đổi mới, đảng CSVN vẫn đang còn “qúa độ lên Xã hội chủ nghĩa cơ mà”? Và, hẳn ông chưa quên khi phát biểu tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại Hà Nội ngày 24/10/2013, ông đã nói:”Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”

Như vậy là phiêu lưu rồi còn gì nữa mà ông Nguyễn Phú Trọng lại tự tung, tự hứng rằng:” Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; Có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động.”

Hay:” Công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu.”

Nhưng nếu chỉ nghe ông Trọng nói mà lãnh đạo đảng làm được như thế thì thật là đại phúc cho dân cho nước. Chỉ có điều là chừng nào chưa chấm dứt được tệ nạn “đảng cử dân bầu”, hay “đảng bỏ phiếu cho nhau” để bảo vệ quyền lợi phe nhóm, và vẫn còn nạn chạy chức, chạy quyền như bấy lâu nay, thì dân còn khổ, nước còn nghèo nàn và tụt hậu lâu dài.

VẠCH TAI MÀ NGHE

Ngoài ra quanh chuyện ông Nguyễn Phú Trọng nói nhiều về nhân sự đảng XIII, cũng nên đọc những lời phát biểu khá thẳng thắn của ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV.VN—Voice of Vietnam), ngày 13/05/2020.

Ông nói:”Lần này tôi thấy (và cảm giác) hình như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước muốn lưu ý vấn đề uy tín của cán bộ trước nhân dân. Đó là chuyện lớn, rất lớn. Thực ra đó mới chính là tiêu chuẩn quan trọng nhất, thậm chí chỉ cần một tiêu chuẩn đó là xong (nhiều nước họ đã làm vậy lâu rồi) - được nhân dân tín nhiệm cụ thể bằng lá phiếu của một cuộc bầu cử thật sự dân chủ và minh bạch thông tin.”

Ông Hoàng nói tiếp:”Ở nước ta cũng không ít lần nói đến sự tín nhiệm của nhân dân, nhưng thực hiện thì chưa nhiều, nói nhưng không có cơ chế cho rõ ràng. Biết thế nào là có hay không có uy tín, nếu không có cách đo đếm. Những năm gần đây, khi bầu cử thì phải có số dư, đó cũng là một bước tiến bộ, nhưng vẫn còn rất ít, không có số dư khi bầu chủ chốt vẫn nhiều và người đứng đầu cơ quan Nhà nước các cấp cũng chưa được dân bầu trực tiếp, mà còn qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Nước ta cũng chưa có tranh cử, các ứng cử viên chưa tranh luận với nhau, chưa có chương trình hành động được công khai. Cho nên, câu chuyện về tín nhiệm của nhân dân là chuyện rất lớn mà nước ta phải tích cực chủ động tiến tới để văn minh tiến bộ hơn.”

Ngoài ra ông Hoàng còn muốn nói với ông Nguyễn Phú Trọng rằng:”Đánh giá con người trên công việc cụ thể chứ không phải tự hình dung ra, mặc dù linh cảm nhiều khi cũng đúng. Tốt nhất là có biện pháp cụ thể và hữu hiệu để dựa vào dân mà chọn người. Được dân tín nhiệm thật sự là tiêu chuẩn cao nhất, quyết định nhất, chứ không phải nêu ra nhiều tiêu chuẩn nhưng chung chung trừu tượng, khó đo đếm. Bầu cử dân chủ, có tranh cử thực chất, lấy lá phiếu của dân mà quyết định. Đảng lãnh đạo bằng cơ chế dân chủ, bảo đảm dân chủ và minh bạch, tuyên truyền về tiêu chuẩn, chống gian lận và giới thiệu người ra tham gia tranh cử bình đẳng, chứ không phải sắp đặt theo chủ quan của một tổ chức nào, càng không được áp đặt.”

TẠI SAO BÍ MẬT?

Liên quan đến “tin Mật” đã có 600 cán bộ được quy hoạch vào Danh sách “cán bộ chiến lược” thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý, ông Vũ Ngọc Hoàng nói trằng ra ý mình rằng:”Tôi rất nhất trí việc cho công khai sớm danh sách quy hoạch để nhân dân tham gia giám sát. Có ý kiến sợ làm thế người ta có thể phá hỏng quy hoạch. Tôi nghĩ khác, danh sách quy hoạch không chuyện gì lại phải “bí mật bất ngờ” với mọi người như là chuyện “đánh trận”. Đúng bản chất vấn đề thì danh sách quy hoạch là phát hiện những người có triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách qua thực tế và giới thiệu cho công chúng, chứ đâu phải giữ chỗ, xí phần và không cho người khác lọt vào.”

Hiển nhiên, sau khi nghe những điều nói thẳng ruột ngựa của ông Vũ Ngọc Hoàng, hẳn ông Trong cũng nhức nhối lắm, nhưng ông Trọng là người điếc không sợ súng, vẫn chưa thoát khỏi tư duy dĩ hòa vi qúy cho tứ bề cùng vui nên ông chỉ biết nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu.

Đấy là chưa bàn tời chuyện quân Tầu đang hoành hành và đe dọa Việt Nam ở Biển Đông ngày một gay gắt hơn nên viễn ảnh một Việt Nam có dân chủ và bầu cử tự do hãy còn xa vời vợi, chừng nào ông đầu đảng Nguyên Phú Trọng vẫn còn ấm ớ hội tề và đảng CSVN chưa gỡ được chiếc gông ngàn cân đeo cổ của Trung Cộng. -/-

Phạm Trần

(05/020)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tòa Nữ Vương
Sr. Huyền Trân
21:54 13/05/2020
TÒA NỮ VƯƠNG
Ảnh của Sr. Huyền Trân (SSpS)

Con đến trước tòa nữ vương uy quyền
Dâng hồn dâng xác dâng cõi lòng yêu mến
Phó trót nơi Mẹ tấm thân mọn hèn
Để đời con luôn vui sống bình yên
(Trích ca khúc của LM Huyền Linh)
 
VietCatholic TV
Ngỡ ngàng và đau đớn: Hồng Y Tây Ban Nha bị dọa đưa ra tòa vì ban phép lành cho thành phố!
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:55 13/05/2020

1. Đức Hồng Y Tây Ban Nha bị dọa đưa ra tòa vì ban phép lành cho thành phố.

Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.

Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho 525 vị tử đạo Tây Ban Nha.

Trong đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, tính đến thứ Ba 12 tháng Năm, tử vong tại Tây Ban Nha đã lên đến 26,744 người, trong số 268,143 trường hợp nhiễm coronavirus. Số trường hợp nhiễm coronavirus nếu tính theo con số thực sự thì đứng thứ hai sau Hoa Kỳ. Nhưng tính theo tỷ lệ phần trăm dân số thì Tây Ban Nha đang đứng đầu thế giới. Hơn thế nữa, các bệnh nhân tại đây đang phải chống trả với cái chết trong các điều kiện y tế khá bi đát.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là của tờ El Pais. Một sân vận động có mái che đã được cải biên thành một bệnh viện dã chiến với các dụng cụ y tế rất nghèo nàn thua xa các quốc gia khác ở Âu Châu. Thủ tướng Pedro Sánchez thuộc đảng Công Nhân Xã Hội được mô tả là người say sưa với ý thức hệ phá thai, ông ta đã cắt giảm các chi tiêu về y tế từ khi lên nắm quyền.

Là người Mácxít, Pedro Sánchez, có một sự gắn bó với bọn cầm quyền Bắc Kinh. Ông ta mua của Trung Quốc hàng triệu các que thử, và các dụng cụ xét nghiệm quá kém chỉ có độ chính xác khoảng 20%. Hậu quả là những người lẽ ra phải được xác định là dương tính đã nhận được báo cáo âm tính. Họ tự do lang thang khắp nơi gây ra một tình trạng lây nhiễm kinh hoàng.

Chính vì thế, đã xảy ra những lời kêu gọi Pedro Sánchez nên từ chức từ nhiều phiá trong xã hội Tây Ban Nha. Tờ El Pais chạy hàng tít lớn: “Thủ tướng nên cút đi!”.

Pedro Sánchez không chịu cút, nhưng tìm cách đổ tội cho người khác. Nạn nhân mới nhất của ông ta là Đức Hồng Y Antonio Cañizares, Tổng Giám Mục Valencia.

Tổng Giáo Phận Valencia có một truyền thống hàng ngàn năm nay là vào Chúa Nhật thứ hai trong tháng Năm sẽ mừng lễ “Đức Mẹ che chở những người bị bỏ rơi”, trong dịp này có một cuộc rước kiệu Đức Mẹ từ Basilica de la Virgen de los Desamparados, nghĩa là “đền thánh Đức Mẹ của những người vô gia cư”, đến nhà thờ Thánh Catêrina rồi vòng về. Cuộc rước kiệu thường niên này lôi cuốn hàng chục ngàn người.

Hôm 14 tháng Ba, Pedro Sánchez áp đặt lệnh cách ly. Các Thánh lễ đã bị đình chỉ từ đó.

Từ ngày 2 tháng Năm, lệnh cách ly được dỡ bỏ dần và dân chúng có thể đi ra ngoài đường. Các Thánh lễ vẫn tiếp tục bị đình chỉ mặc dù các siêu thị đã được cho mở lại.

Chính vì thế, tổng giáo phận đã thông báo không có cuộc rước kiệu như các năm trước.

Nhiều người không đọc được thông báo vẫn đến. Tuy nhiên, như quý vị và anh chị em có thể thấy trong đoạn video này, các camera của các phóng viên và cả camera an ninh của nhà thờ đã ghi lại được hình ảnh anh chị em đến nhà thờ nhìn qua hàng song sắt đóng kín, xem qua một chút, làm dấu thánh giá, sau đó bỏ đi.

Trong nhà thờ chỉ có Đức Hồng Y và một vài linh mục.

Cuối lễ Đức Hồng Y mang mặt nhật ra cuối nhà thờ để ban phép lành Thánh Thể cho thành phố. Đám đông dân chúng đang đứng bên ngoài nhà thờ lại gần để nhìn cho rõ. Họ bị các cảnh sát viên giải tán ra xa và đứng cách nhau mỗi người khoảng 2m.

Công tố viện đã quyết định khởi tố Đức Hồng Y về tội mở một cuộc tụ họp trái phép. Đó là một cáo buộc mà tổng giáo phận đã nhanh chóng phản kháng.

Trong thông báo vào hôm thứ Hai 11 tháng Năm, tổng giáo phận cho biết:

“Lễ Đức Mẹ che chở những người bị bỏ rơi đã được tổ chức với một thánh lễ duy nhất lúc 10:30 đền thánh Đức Mẹ, đằng sau các cánh cửa đóng kín mà không có sự hiện diện của các tín hữu.”

“Sau thánh lễ, Đức Hồng Y và các linh mục, không bao giờ rời khỏi nhà thờ, nhưng ra gần cửa nhà thờ đối diện với Plaza de la Virgen. Các videos cho thấy nhiều người, đeo khẩu trang y tế và tôn trọng các quy tắc khoảng cách xã hội, đã tập hợp để tôn kính Thánh Thể.

Tất cả các diễn biến này chỉ diễn ra trong vài phút, trong khi quốc ca khu vực Valencia được phát ra. Sau bài quốc ca, Đức Hồng Y và các linh mục quay trở vào trong nhà thờ.

Cũng có mặt tại quảng trường là ba thành viên của lực lượng cảnh sát và các thành viên của Hội Chữ thập đỏ, là những người luôn nhắc nhở mọi người về sự cần thiết phải giữ khoảng cách xa nhau thích hợp.

Các videos cũng cho thấy qua loa, một thành viên của lực lượng cảnh sát Valencia rõ ràng yêu cầu những người có mặt giữ khoảng cách thích hợp với nhau, nhưng không yêu cầu họ giải tán và cũng không cho rằng đã có sự vi phạm luật pháp”.

Một tuần trước đó, các phương tiện truyền thông do đảng Công Nhân Xã Hội Tây Ban Nha kiểm soát cho rằng nhà thờ chính tòa thành phố đầy chật người trong thánh lễ Chúa Nhật 3 tháng Năm. Tuy nhiên, video an ninh của nhà thờ cho thấy chỉ có các linh mục đồng tế, không có tín hữu nào tham dự.

Trong các videos trước chúng tôi đã tường trình với quý vị và anh chị em những hình ảnh các Giám Mục và linh mục rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố trên đất Ý, có ai bắt bớ các ngài không? Rõ ràng đây là một trò lợi dụng dịch bệnh để bách hại tôn giáo.


Source:Crux

Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc tế Điều dưỡng

Hôm 12/5/2020, Ngày Quốc tế Điều dưỡng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gởi đến các Y tá và Nữ hộ sinh thông điệp sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng, trong bối cảnh Năm Quốc tế của các Y tá và Nữ hộ sinh được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố chính thức. Đồng thời, chúng ta cũng cử hành kỷ niệm hai trăm năm ngày khánh thành dưỡng đường Florence Nightingale, là người tiên phong của ngành điều dưỡng hiện đại.

Tại thời điểm quan trọng này, được đánh dấu bởi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra, chúng ta đã tái khám phá tầm quan trọng cơ bản của vai trò của các y tá và nữ hộ sinh. Mỗi ngày chúng ta chứng kiến các chứng tá về lòng dũng cảm và sự hy sinh của các nhân viên y tế và đặc biệt là các y tá, với sự chuyên nghiệp, tự hy sinh, và ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với người lân cận, hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi virus, thậm chí đến mức đặt sức khỏe của chính họ vào nguy cơ. Đáng buồn thay khi điều này có thể được nhìn thấy nơi con số đông đảo các nhân viên y tế đã chết vì sự phục vụ tận tụy của họ. Tôi cầu nguyện cho họ - Chúa biết từng người trong số họ - và cho tất cả các nạn nhân của dịch bệnh này. Xin Chúa Phục sinh ban cho mỗi người ánh sáng thiên đàng, và ban cho gia đình họ niềm an ủi đức tin.

Các y tá trong lịch sử đã đóng một vai trò trung tâm trong việc chăm sóc sức khỏe. Mỗi ngày, khi tiếp xúc với người bệnh, họ trải qua những tổn thương do những đau khổ trong cuộc sống của mọi người. Họ là những người nam nữ đã chọn cách nói “vâng” với một ơn gọi rất đặc biệt: đó là trở thành người Samaritanô nhân lành đang lo ngại cho cuộc sống và đau khổ của người khác. Họ là những người chăm sóc và bảo vệ sự sống, những người trong lúc điều hành các phương pháp điều trị cần thiết, trao ra sự can đảm, hy vọng và tin tưởng. [1]

Các y tá thân mến, trách nhiệm đạo đức là điểm nổi bật trong dịch vụ chuyên nghiệp của các bạn, là điều không thể giản lược thành kiến thức khoa học kỹ thuật mà thôi, nhưng phải được truyền cảm hứng liên tục từ mối quan hệ nhân bản và ấm áp tình người của các bạn với các bệnh nhân. “Khi chăm sóc cho những người nam nữ, trẻ em và người già, trong mỗi giai đoạn của cuộc sống của họ, từ khi sinh ra cho đến cái chết, các bạn có nhiệm vụ lắng nghe liên tục, nhằm tìm hiểu những nhu cầu của các bệnh nhân, trong giai đoạn họ đang trải qua. Trước tính chất độc đáo của mỗi tình huống, thực sự, tuân theo một giao thức mà thôi thì không bao giờ là đủ, nhưng điều cần thiết là phải có một nỗ lực phân định liên tục – và thường là mệt mỏi – để chú ý đến mỗi cá nhân” [2].

Các bạn - và ở đây tôi cũng nghĩ đến các nữ hộ sinh – là những người gần gũi với mọi người vào những thời điểm quan trọng trong sự sống của họ - sinh, lão, bệnh, tử - giúp họ đối phó với các tình huống đầy hoang mang. Đôi khi các bạn thấy mình ở bên cạnh họ khi họ sắp chết, mang lại sự thoải mái và thanh thản trong những giây phút cuối cùng của họ. Vì sự cống hiến của các bạn, các bạn là một trong những “vị thánh bên cạnh”. [3] Các bạn là một hình ảnh của Giáo Hội như một “bệnh viện dã chiến” đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã thu hút lại gần và chữa lành những người bị đủ thứ các loại bệnh tật, và là Đấng cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Cảm ơn các bạn đã phục vụ nhân loại!

Ở nhiều quốc gia, đại dịch cũng đã bộc lộ một số thiếu sót trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Vì lý do này, tôi sẽ yêu cầu các nhà lãnh đạo các quốc gia trên toàn thế giới đầu tư vào việc chăm sóc sức khỏe như một thiện ích chung, bằng cách củng cố các hệ thống quốc gia và sử dụng một số lượng y tá lớn hơn, nhằm bảo đảm chăm sóc đầy đủ cho mọi người, tôn trọng phẩm giá của mỗi người. Điều quan trọng là nhận ra một cách hiệu quả vai trò thiết yếu của nghề nghiệp của các bạn trong việc chăm sóc các bệnh nhân, trong các hoạt động khẩn cấp tại địa phương, trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh, tăng cường sức khỏe và hỗ trợ trong các môi trường gia đình, cộng đồng và trường học.

Các y tá, cũng như các nữ hộ sinh, xứng đáng có quyền được tốt hơn và có giá trị đầy đủ hơn và tham gia vào các quá trình liên quan đến sức khỏe của cá nhân và cộng đồng. Việc đầu tư vào đội ngũ y tá và nữ hộ sinh giúp cải thiện việc chăm sóc và sức khỏe tổng thể là điều đã được chứng minh. Do đó, tính chuyên nghiệp của họ cần được tăng cường bằng cách cung cấp các công cụ khoa học, nhân văn, tâm lý và tinh thần phù hợp cho việc đào tạo họ; cũng như bằng cách cải thiện các điều kiện làm việc và bảo đảm quyền lợi của họ, để họ có thể thực hiện sứ vụ của mình một cách xứng đáng.

Về vấn đề này, các hiệp hội dành cho các nhân viên y tế đóng một vai trò quan trọng. Ngoài việc cung cấp đào tạo toàn diện, họ hỗ trợ từng thành viên của họ, khiến các nhân viên y tế cảm thấy mình là một phần của một cơ thể lớn hơn, không bao giờ mất tinh thần và cô đơn khi họ phải đối mặt với những thách thức về đạo đức, kinh tế và con người mà nghề nghiệp của họ đòi hỏi.

Tôi muốn nói một lời đặc biệt đến các nữ hộ sinh hỗ trợ các phụ nữ đang mang thai và giúp họ sinh con. Công việc của các bạn là một trong những nghề cao quý nhất, vì nó trực tiếp dành riêng cho việc phục vụ cuộc sống và làm mẹ. Trong Kinh thánh, tên của hai nữ hộ sinh anh hùng, Shiphrah và Puah, được ghi khắc mãi mãi trong Sách Xuất hành (x. 1: 15-21). Hôm nay cũng vậy, Cha trên trời nhìn các bạn với lòng cảm mến.

Các y tá thân mến, các nữ hộ sinh thân mến, cầu xin cho lễ kỷ niệm thường niên này làm nổi bật phẩm giá của công việc các bạn vì lợi ích sức khỏe của toàn xã hội. Tôi bảo đảm những lời cầu nguyện của tôi dành cho các bạn, gia đình các bạn và những người các bạn quan tâm, và tôi ưu ái ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả các bạn.

Rôma, từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 12 tháng 5 năm 2020

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô

[1] x. Hiến Chương mới về các nhân viên y tế, các số từ 1 đến 8.

[2] Diễn từ với các thành viên của Liên Đoàn Y Tá Chuyên Nghiệp Italia, 3 Tháng Ba, 2018.

[3] Bài giảng thứ Năm Tuần Thánh, 9 tháng Tư, 2020.


Source:Holy See Press Office

3. Thánh lễ tại Santa Marta 13/5: Kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

Lúc 7 sáng thứ Tư 13 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện đặc biệt lên cùng Đức Mẹ xin Mẹ cầu bầu cho các nước đang gặp những thử thách kinh hoàng, trong đó có Brazil, hay còn gọi là Ba Tây, mà Đức Thánh Cha đang rất âu lo vì tình trạng đang ngày càng nguy hiểm. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi cầu nguyện các học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và các giáo sư.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho những học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và các giáo sư là những người đang phải tìm ra những hướng đi mới trong việc học tập và giảng dạy: xin Chúa giúp họ trên hành trình này, cho họ lòng can đảm và ban cho họ những thành công lớn.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Ga 15: 1- 1) trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ “Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, thì kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái.”

Phúc Âm: Ga 15: 1-8

“Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.

“Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Đời sống Kitô hữu là một sự “ở lại” trong Chúa Giêsu. Chúa sử dụng hình ảnh của cây nho. Sự “ở lại” này không phải là một sự “ở lại” thụ động, không phải là ngủ yên trong Chúa: nhưng đó là một sự “ở lại” tích cực và cũng có một mối quan hệ hỗ tương. Nói cách khác, Chúa cũng “ở lại” trong chúng ta. Đó là một mầu nhiệm của cuộc sống, một mầu nhiệm đẹp.

Những nhánh không có sự sống không thể làm bất cứ điều gì vì chúng cần nhựa cây để sinh trưởng và sinh hoa trái. Nhưng chính cây nho cũng cần các nhánh: đó là nhu cầu chung để sinh hoa trái. Đời sống Kitô hữu bao gồm việc thực hiện các điều răn, sống theo các Các Mối Phúc Thật và làm các công việc của lòng thương xót. Đúng là như thế, nhưng còn nhiều hơn thế nữa. Đời sống Kitô hữu còn bao gồm sự “ở lại” hỗ tương này. Chúng ta không thể làm gì nếu không có Chúa Giêsu. Và dường như không có chúng ta – xin cho phép tôi nói điều này - Chúa Giêsu không thể làm gì. Ngài cần sự hợp tác hoàn toàn tự do của chúng ta. Đó là một sự thân mật hiệu quả. Sự cần thiết của cây nho là sinh trái. Điều Chúa Giêsu cần là chứng tá của chúng ta: Chúa Giêsu cần chúng ta làm chứng cho danh Người, vì Tin Mừng phát triển nhờ các chứng nhân và các chứng tá. Đó là mầu nhiệm của sự “ở lại” hỗ tương.

Thật là tốt cho chúng ta khi suy nghĩ về điều này: chúng ta ở lại trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu vẫn ở trong chúng ta. Chúng ta cần đến ơn sự cứu rỗi, và Chúa ở lại trong chúng ta để ban cho chúng ta sức mạnh làm chứng cho Ngài để Giáo hội phát triển. Đó là một mối quan hệ của sự thân mật, mầu nhiệm, không thể diễn tả hết bằng lời: điều đó không chỉ dành cho các nhà thần bí, điều đó còn dành cho tất cả chúng ta.

Để kết luận, Đức Thánh Cha dâng lên lời nguyện này:

“Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để con có hể làm bất cứ điều gì Chúa nói với con”. Đó là một cuộc đối thoại thân mật giúp chúng ta hiểu và cảm nhận mầu nhiệm của việc “ở lại” này.


Source:Vatican News
 
Hành hương Fatima trực tuyến: Mừng 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima 20g Thứ Tư 13/5
Giáo Hội Năm Châu
16:07 13/05/2020

Ngày 13 tháng 7, 1917, Đức Mẹ đã cảnh báo ba trẻ mục đồng tại Fatima rằng nếu thế giới không ăn năn, và hoán cải thì cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất sẽ được tiếp nối bằng một cuộc chiến tranh thứ hai còn kinh hoàng hơn nữa. Điều này sẽ được báo trước bởi một “dấu hiệu vĩ đại” trên bầu trời. Nhìn lại, nhiều người quả quyết là dấu hiệu vĩ đại này chính là hiện tượng nhật thực vào tháng Giêng năm 1938.

Đức Mẹ đã yêu cầu nước Nga phải được thánh hiến cho Trái tim Vô Nhiễm Nguyên tội của Mẹ và các ngày thứ Bảy đầu tháng phải được dành cho việc rước lễ đền tạ. Nếu nhân loại đáp ứng lời kêu gọi của Mẹ, nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ có hòa bình. Nếu không, nước Nga sẽ truyền bá những thuyết sai lầm trên toàn thế giới, sẽ gây ra nhiều cuộc chiến tranh và bách hại Giáo Hội. Kẻ lành sẽ chịu tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ chịu nhiều đau khổ, nhiều quốc gia sẽ bị hủy diệt. Nhưng sau cùng, Trái tim Mẹ sẽ toàn thắng. Đức Thánh Cha sẽ dâng nước Nga cho Mẹ. Nước Nga sẽ trở lại và nhân loại sẽ được Chúa ban cho một thời hòa bình.

Đối với những người đón nhận sứ điệp Fatima một cách nghiêm túc, đây là một trường hợp rất rõ ràng về một lời tiên tri đã trở thành hiện thực một cách nhãn tiền. Vì những yêu cầu của Đức Mẹ đã không được chú ý, nước Nga thực sự đã truyền bá ảnh hưởng của nó trên toàn thế giới, gây ra chiến tranh, bắt bớ và tử đạo trên quy mô rộng lớn, cùng với sự hủy diệt của nhiều quốc gia.

Đứng trước thực tại đó, các vị Giáo Hoàng đã nhiều lần dâng hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, mặc dù đôi khi kín đáo, vì các nhạy cảm chính trị và ngoại giao. Tuy nhiên, chính chị Lucia đã xác nhận rằng hành động đó đã thực sự được thực hiện.

Và đúng như lời Đức Mẹ nói nước Nga đã trở lại. Tôn giáo được hồi sinh tại quốc gia này. Và mặc dù mong manh, thế giới sau năm 1991 đã thực sự hưởng được một giai đoạn hòa bình.

Nhiều người Công Giáo thích nói về biến cố nước Nga trở lại này. Tuy nhiên, đứng trước đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, có lẽ chúng ta hãy nhớ lại rằng cũng vào ngày 13 tháng 7 năm 1917, Đức Mẹ còn nói về một điều còn quan trọng hơn gấp bội phần. Đó là hỏa ngục. Không những nói, Đức Mẹ còn cho 3 trẻ mục đồng được thị kiến về hỏa ngục. Sơ Lucia cho biết như sau: “Thị kiến đó chỉ kéo dài trong một lát... Nếu không, tôi nghĩ chúng tôi sẽ chết vì sợ hãi.”

Ngày nay, người ta né tránh không muốn nói về hỏa ngục, đặc biệt là theo những cách thức mà sơ Lucia đã kể lại trong hồi ký của mình. Trong một cuốn sách về thần học, một thần học gia Công Giáo quả quyết rằng không hề có hoả ngục vì theo ông “nói cho cùng, ý tưởng về hoả ngục không xứng đáng với Chúa Giêsu”.

Điều rắc rối là, chính Chúa Giêsu không đồng ý với nhà thần học này. Mô tả của chính Chúa, rất là cụ thể. Khi Đức Mẹ Fatima nói về “những ngọn lửa hỏa ngục”, Mẹ chỉ đơn giản lặp lại những hình ảnh đã được chính Con Mẹ thường xuyên sử dụng.

“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.” (Mc 9:43).

“Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 13:42)

“Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 13:49-50)

“Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.’” (Mt 25:41)

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã quở trách những người yêu cầu “một dấu hiệu từ trời” (Mc 8:11) với nhận xét rằng “chỉ có một thế hệ gian ác và tà dâm” (Mt 12:39) mới cần một dấu lạ như vậy.

Án phạt đời đời chưa bao giờ là một tín điều được nồng nhiệt phổ biến, nhưng trái lại ngày nay đó là tín lý dường như đang bị đả phá mạnh nhất vào lúc này. Những nhà trí thức nổi danh như Stephen Greenblatt lắc đầu, nhếch mép trước giáo huấn đó. Các nhà thần học lập dị nặn óc nghĩ ra những lập luận chống lại tín điều ấy. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Giáo hội khi được hỏi về điều này, thường trả lời với sự mơ hồ và bối rối.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Vinson Cickyham trên tờ New York Times gần đây chuyển hướng sang vặn hỏi người Công Giáo: “Những tín hữu hiện đại nào là những người không muốn phá bỏ rào cản tàn bạo, cũ kỹ này ngăn con người đến với đức tin vào một Thiên Chúa yêu thương? Loại thần nào lại vẽ ra một ranh giới cứng rắn như vậy giữa bạn bè và kẻ thù của ông ta, và giữ trong lòng mình một mối hận thù vĩnh cửu như thế? Chắc chắn sự từ bỏ khái niệm về hỏa ngục, ngay cả ý tưởng quên đi khái niệm ấy, cũng mang đến một chút nhẹ nhõm.”

Những lý lẽ như thế cần được thử thách. Chúng ta hãy bắt đầu với nền tảng luận lý. Tội lỗi đáng bị trừng phạt. May mắn là khi còn sống, chúng ta luôn có thể quay lại với lòng thương xót Chúa. Tuy nhiên, các triết gia nói với chúng ta rằng khi chết, linh hồn không còn có thể thay đổi những hướng đi của nó. Trước khi chết, chúng ta có thể đi hướng này hướng khác theo các cảm xúc và thói quen của chúng ta. Nhưng khi linh hồn bị tách ra khỏi cơ thể, khả năng thay đổi này kết thúc và chúng ta chỉ còn lại một định hướng duy nhất. Nếu chúng ta đã hướng về Thiên Chúa trước khi chết, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc. Ngược lại, nếu chúng ta đã chọn một hướng khác, chúng ta trong tình trạng đang mắc tội trọng, và hình phạt công bằng chúng ta phải chịu cứ tiếp tục như thế bao lâu chúng ta từ chối Thiên Chúa, và đó là mãi mãi vì chúng ta đã mất khả năng thay đổi. Cư dân địa ngục cứ tiếp tục quyết định số phận của mình như thế. Thánh Anphongsô Đệ Ligouriô viết: “Những kẻ bị lên án là những kẻ cố chấp trong tội lỗi của mình, đến nỗi cho dù Chúa có ban ân xá, lòng thù ghét Ngài sẽ khiến họ từ chối.”

Chúng ta không hoàn toàn mù tịt về sự nghiêm trọng của tội lỗi, bởi vì chúng ta có sự hướng dẫn của Giáo hội. Không chỉ là những tuyên bố huấn giáo có thẩm quyền, mặc dù điều đó là quá đủ rồi, nhưng bên cạnh đó chúng ta còn có cơ man những thể hiện khôn ngoan của Giáo Hội trong suốt hơn 2000 năm: đó là cách giải thích tiêu chuẩn của rất nhiều, rất nhiều câu trong Cựu Ước và Tân Ước; những bài giảng của các thánh, với những cảnh báo khủng khiếp của các ngài về đời sau; lời cầu nguyện từ ngàn xưa trong các Thánh lễ cầu xin cho chúng ta “thoát khỏi án phạt đời đời”; các nhà thần bí, kể cả những vị trong thế kỷ 20, đã từng nhìn thấy những thứ gần như khiến họ chết khiếp đi vì sợ hãi; các bức tranh như Địa Ngục của Dante và Ngày Phán Xét Cuối Cùng của Michelangelo.

Và rồi chúng ta có Thánh Thomas More. Trong phiên tòa xét xử mình, ngài đã nói rằng nếu ngài không nói sự thật thì “hãy cầu nguyện cho tôi để tôi không bao giờ phải đối diện với Chúa”. Chúng ta cũng có những trẻ Fatima, là những mục đồng đã thực hiện việc đền tội để giúp các linh hồn mồ côi, và để phát động một trong những việc sùng kính vĩ đại nhất trong thế kỷ 20. Chúng ta cũng có lời chứng của những nhà trừ quỷ, là những vị trong tiến trình giải phóng con người khỏi bị quỷ ám, đã nói chuyện với ma quỷ về kiếp sau. Bên cạnh đó, còn có vô số những người nam nữ thánh thiện đã đi rao giảng và chăm sóc người bệnh và dành phần lớn đời mình cho tình yêu; không phải hoàn toàn thì ít nhất một phần, bởi vì họ sợ những gì họ có thể phải nghe trong Ngày phán xét. Rồi còn cơ man những người nam nữ bình thường là những người đã buộc mình phải đi đến tòa giải tội, không hoàn toàn thì ít nhất cũng một phần bởi vì họ tin rằng họ cần được giải cứu khẩn cấp. Nếu Đạo Công Giáo là công việc của Chúa Thánh Thần, thì đây chắc chắn là một trong những sự thật mà Ngài muốn dẫn dắt chúng ta đến.

Có phải niềm tin vào địa ngục là một rào cản đối với niềm tin vào một Thiên Chúa yêu thương hay không? Rõ ràng là không, bởi vì các vị thánh, những người có cuộc sống tràn ngập tình yêu của Thiên Chúa và người lân cận, đã nhìn thấy thực tại địa ngục rõ ràng hơn bất cứ ai. Có lẽ điều này không quá ngạc nhiên: Nó có ý nghĩa rằng những người thực sự hiểu rõ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cũng hiểu một cách sâu sắc hậu quả của việc từ chối Lòng Thương Xót ấy là những gì.

Trong cuộc họp báo hôm 11 tháng 5, 2017 để giới thiệu về chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Bồ Đào Nha trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, ban tổ chức đã giới thiệu bức ảnh chính thức của 2 trẻ mục đồng đã từng thấy Đức Mẹ hiện ra, và sẽ được tuyên thánh một ngày sau đó.

Cả hai bức chân dung chính thức của Jacinta và Francisco Marto, được dùng trong lễ tuyên thánh, đều “héo hắt nụ cười”. Một số ký giả thắc mắc tại sao ban tổ chức không kiếm những bức chân dung nào bớt “nhăn nhó” một chút. Hai trẻ mục đồng này là những vị thánh – không phải là thánh tử đạo – là những vị thánh trẻ nhất trong Giáo Hội Công Giáo. Việc tuyên thánh của họ có thể giúp tăng cường đức tin cho những người trẻ và cả những người lớn.

Đức Cha Antonio dos Santos Marto của Leiria-Fatima nói:

“Chúng tôi thực sự không tìm ra được hình ảnh của hai người đang mỉm cười. Nếu bạn đã từng thấy hỏa ngục, bạn còn cười được không?”

Khi chúng ta cử hành kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, trong bối cảnh đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, chúng ta nên suy nghĩ – dù không thoải mái - về câu hỏi này: liệu thế giới hiện đại này còn cần thêm những dấu chỉ nào nữa khi không phải chỉ một dấu hiệu, mà là cơ man những dấu chỉ từ trời như thế đã xảy ra?
 
Đau buồn: Dòng Tên gánh chịu thiệt hại nặng tại Đại Học Thánh Giuse, Philadelphia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:36 13/05/2020

1. Tin buồn: Dòng Tên gánh chịu thiệt hại nặng tại Đại Học Thánh Giuse, Philadelphia

Tất cả các linh mục dòng Tên sống trong khu cư xá Đại Học Thánh Giuse, ở Philadelphia, Hoa Kỳ đều nhiễm coronavirus và đã có 6 linh mục thiệt mạng vì thứ virus độc địa này. Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vừa cho biết như trên.

Sáu linh mục dòng Tên ở tuổi nghỉ hưu đang sống tại cư xá Đại Học Manresa, là khu cư xá của Đại Học Thánh Giuse thuộc dòng Tên. Các vị đã chết tại các bệnh viện địa phương trong khoảng thời gian từ 14 đến 28 tháng Tư.

Sau những cái chết đầu tiên, những người sống trong cư xá đã được di tản tạm thời ra bên ngoài. Cư xá đã mở cửa trở lại vào ngày 25 tháng Tư, và những vị sống tại cư xá Manresa hiện đang trong tình trạng ổn định, Mike Gabriele, một phát ngôn viên của Tỉnh dòng East Coast, nói với CNA.

Có 17 tu sĩ Dòng Tên sống tại cư xá này và tất cả đã thử nghiệm dương tính với COVID-19 trong tháng Tư - ba ngày sau cái chết của linh mục đầu tiên, là Cha G. Richard Dimler, 88 tuổi, giảng dạy môn khoa học máy tính và tiếng Đức tại Đại học Fordham.

Gabriele cho biết cơ sở này đang tuân theo các quy định an toàn thích hợp, bao gồm các thiết bị bảo vệ cho nhân viên và giám sát thường xuyên các vị sống trong cư xá. Ông nói cộng đồng Dòng Tên đang đau buồn vì sự mất mát những người anh em mình và tiếp tục cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi virus.

“Tất cả các trường hợp nghi ngờ COVID-19 đang được theo dõi và quản lý phù hợp tại tất cả các cộng đồng Dòng Tên, và đồ bảo hộ cá nhân đã được cung cấp để bảo vệ nhân viên và cư dân tại các trung tâm y tế của chúng tôi,” ông Gabriele nói.

“Các tu sĩ Dòng Tên thương tiếc về sự mất mát của những người anh em đã chết và họ tiếp tục cầu nguyện cho tất cả những người đang vật lộn với coronavirus và những người chăm sóc họ,” ông Gabriele nói thêm.


Source:Catholic News Agency

2. Tình trạng bi thảm tại Brazil

Brazil, hay còn gọi là Ba Tây, đã trở quốc gia có số người chết cao nhất vì COVID-19 trong một ngày, với 881 trường hợp tử vong mới được xác nhận trong 24 giờ qua.

Brazil, quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch coronavirus kinh hoàng, dường như đang nhanh chóng trở thành một điểm nóng toàn cầu mới.

Tổng số người chết vì coronavirus mới hiện đã lên đến 12,400 người tại quốc gia này, với 177,589 trường hợp được xác nhận - tăng 9,258 người so với ngày hôm trước.

Điều đó khiến Brazil trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng lớn thứ sáu, sau Hoa Kỳ, Anh, Ý, Pháp và Tây Ban Nha.

Chắc chắn, sự gia tăng của các trường hợp ở Brazil trong vài ngày qua là một trường hợp đáng lo ngại, ông Marc Marcos Espinal, người đứng đầu bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Tổ chức Y tế Pan American, nói với một cuộc họp ngắn ở Washington.

Các chuyên gia nói rằng việc thử nghiệm dưới mức có nghĩa là con số thực ở Brazil có thể cao hơn nhiều.

Về phía Giáo Hội, Đức Hồng Y Scherer cho biết vào lúc 11 giờ 50 phút sáng thứ Bảy 9 tháng Năm, Đức Hồng Y đã nhận được một cú điện thoại của Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha đã hỏi thăm về tình hình dịch bệnh tại bang Sao Paolo sau khi nghe tin về tình hình nghiêm trọng tại đây. Ngài bày tỏ âu lo về con số người nhiễm và chết vì coronavirus đang gia tăng ở mức chóng mặt, và hứa cầu nguyện cho tất cả.

Đức Thánh Cha cũng hỏi về tình trạng của đông đảo người nghèo trong khu vực ngoại ô Sao Paolo, và lo âu về tình cảnh của họ vì biết rằng họ thường là những người vô gia cư hay thiếu các điều kiện sống thích hợp để có thể tuân theo các biện pháp phòng ngừa chống lây nhiễm Covid-19.

Đức Hồng Y Scherer cho biết là cuối cùng Đức Thánh Cha xin Đức Hồng Y chuyển đến tất cả dân chúng phép lành của ngài và xin cầu nguyện cho ngài.


Source:France 24

Bệnh nhân coronavirus chưa chết vì dịch bệnh đã chết vì cháy nhà thương

Lính cứu hỏa và chính quyền đang kiểm tra hiện trường vụ hỏa hoạn xảy ra tại Bệnh viện St. George ở St. Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga.

Các quan chức cấp cứu cho biết, ít nhất 5 bệnh nhân coronavirus đang được chạy chữa bằng các máy trợ thở đã chết sau khi ngọn lửa bùng phát trong một phòng chăm sóc đặc biệt. Hàng trằm bệnh nhân khác phải di tản.

Ngọn lửa đã được dập tắt trong vòng nửa giờ. Truyền thông Nga đã trích dẫn các nguồn tin nói rằng một máy thở có vấn đề kỹ thuật có thể đã gây ra vụ cháy.

Cảnh sát ở St. Petersburg đã mở một cuộc điều tra hình sự về vụ cháy này.

Nhưng đó không phải là vụ cháy gây chết người đầu tiên trong bệnh viện coronavirus ở Nga. Vào hôm thứ bảy, một vụ hỏa hoạn tại Bệnh viện Spasokukotsky ở thủ đô Mạc Tư Khoa đã giết chết một bệnh nhân.

Trong một trường hợp khác ít nhất chín người đã chết trong một vụ hỏa hoạn tại một viện dưỡng lão ở ngoại ô Mạc Tư Khoa vào cuối ngày Chúa Nhật. Chính quyền ở Krasnogorsk ở vùng ngoại ô phía tây bắc của Mạc Tư Khoa cho biết đám cháy bùng phát tại một cơ sở tư nhân dành cho người già. Một mạch điện đã bị đổ lỗi gây ra ngọn lửa đó.

Các quan chức cho biết nhà dưỡng lão này thiếu thiết bị báo cháy và các thiết bị bắt buộc phải có khác. Cảnh sát đã bắt giữ chủ sở hữu về tội vi phạm các quy tắc an toàn cháy nổ.

Những sự việc mới nhất gây ra mối lo ngại lớn hơn về tình hình tại các bệnh viện và các nhà chăm sóc khác ở Nga khi đất nước này phải đối mặt với một trận chiến khó khăn để ngăn chặn sự bùng phát của coronavirus.

Bất chấp những khó khăn này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu nới lỏng lệnh cô lập kéo dài trong sáu tuần qua trên toàn quốc.

“Bắt đầu từ ngày 12 tháng 5, thời kỳ những ngày không làm việc đã kết thúc. Trong cả nước và trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, mọi người sẽ bắt đầu đi làm trở lại”, ông nói với quốc dân đồng bào trong một chương trình truyền hình.

Nhưng Tổng thống Putin cảnh báo: “Cuộc chiến chống lại dịch bệnh chưa kết thúc. Nguy hiểm vẫn còn.”

Nga đã báo cáo hơn 232,000 trường hợp coronavirus được xác nhận và hơn 2,000 trường hợp tử vong.


Source:Vatican News