Ngày 13-05-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dân nước Cuba nóng lòng chờ đợi chuyến viếng thăm của ĐTC
Linh Tiến Khải
09:53 13/05/2015
Một số nhận định của ĐHY Beniamino Sltella, Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ

Vào tháng 9 năm nay ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm mục vụ Cuba nhân chuyến công du Hoa Kỳ. Đây sẽ là chuyến viếng thăm thứ ba sau chuyến công du ba nước Mỹ châu Latinh là Ecuador, Bolivia và Paraguay trong các ngày từ mùng 6 đến 12 tháng 7 tới đây. Chuyến viếng thăm châu Mỹ latinh lần tiên diễn ra hồi năm năm 2013, nhân này quốc tế giới trẻ tại Brasil.

Trong các ngày từ 22 đến 28 tháng 4 vừa qua ĐHY Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, nguyên là Sứ Thần Toà Thánh tại Cuba, đã viếng thăm Cuba và gặp gỡ Chủ tịch Raul Castro.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị thính giả một số nhận định của ĐHY liên quan tới chuyến viếng thăm này.

Hỏi: Thưa ĐHY trong mấy ngày cuối tháng 4 vừa qua ĐHY đã viếng thăm Cuba, nơi ĐHY đã từng là Sứ Thần Tòa Thánh. ĐHY thấy bầu khí Giáo Hội Cuba chờ đợi chuyến viếng thăm của ĐTC như thế nào?

Đáp: Khiá cạnh huynh đệ của Giáo Hội Cuba đã luôn luôn đánh động tôi. Đây là một Giáo Hội thanh thản, tươi vui, nơi người ta vẫn còn mang vài gánh nặng và khó khăn có tính cách “lịch sử”, nhưng với thái độ thung dung, tin tưởng và niềm hy vọng. Khía cạnh này tôi cũng đã nói lên với các Giám Mục cũng như các linh mục. Đôi khi trong các hoàn cảnh khó khăn, người ta than van, người ta buồn chán… một ít vì đặc tính của người dân nước này và cũng vì đức tin sâu đậm của giáo hữu, của các linh mục, các giám mục. Người ta sống trong các hoàn cảnh khó khăn, bất an, nhưng với sự tin tưởng: tin tưởng nơi Thiên Chúa và cũng tin tưởng nơi thiện chí của hàng lãnh đạo Giáo Hội, và đương nhiên cũng như của người có nhiệm vụ lãnh đạo số phận của đất nước nữa.

Hỏi: Liên quan tới việc này, trong chuyến viếng thăm tại Cuba ĐHY đã có thể gặp gỡ Chủ tịch Raul Castro. ĐHY có thể cho biết về cuộc gặp gỡ này hay không?

Đáp: Đó đã là một cuộc nói chuyện dài; một chút ký ức của chủ tịch Cộng hòa về một quá khứ, mà hiển nhiên giới lãnh đạo Cuba giữ sâu trong con tim, nhưng cũng với sự chú ý và một dự phóng về tương lai. Ký ức về những biến cố trong qúa khứ rất là mạnh mẽ, như người ta có thể hiểu. Tuy nhiên, người ta cũng có cảm giác rõ ràng rằng cần phải nhìn về phía trước để cập nhật các tình trạng khó khăn, hầu tìm ra các giải pháp cho các vấn đề ngày nay, đặc biệt là trong lãnh vực kinh tế. Vì thế ông chủ tịch đã nói rằng chính quyền đang nghiên cứu các cải cách liên quan tới các khía cạnh kinh tế, nhưng cũng liên quan tới sự hiện diện và hoạt động của Giáo Hội nữa. Có biết bao nhiêu việc chắc chắn đang được chú ý: chính tôi cũng đã nhấn mạnh với ông chủ tịch vài đề tài quan trọng mà các Giám Mục đang chờ đợi các câu trả lời trong bối cảnh chuyến viếng thăm của ĐTC, nhưng cả trong tương lai gần nữa. Có vấn đề tu sửa và xây cất các nhà thờ mới; có vấn đề các khó khăn mà biết bao nhiêu linh mục gặp phải trong việc di chuyển trong nước. Tôi đã rất kinh ngạc và tôi xin lỗi nếu tôi nói lên điều đó trong lúc này. Có một linh mục tại Camaguey sau một cuộc họp đã lấy lại chiếc xe đạp của cha và nói với tôi: Đây là một chiếc xe đạp vào thời xa xưa, khi có đông người Nga hiện diện tại Cuba. Và tôi tự nhủ: đó là một chiếc xe đạp của viện bảo tàng… Nhưng đó là phương tiện di chuyển của các linh mục, và đường xa chứ không gần, vì một linh mục thường phải trông coi nhiều cộng đoàn, khí hậu nhiệt đới lại ẩm thấp. Giáo Hội cần có thể di chuyển với các nhân viên mục vụ của mình, nhất là các linh mục cần di chuyển với các phương tiện ít mệt nhọc hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn.

Hỏi: Thưa ĐHY, còn các đề tài nào khác được ĐHY đề cập tới với chủ tịch Raul Castro không?

Đáp: Đề tài thứ ba cũng rất là thời sự đó là việc Giáo Hội có thể sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Đã có các tiến bộ và đây là một trong các dấu chỉ của việc tiến tới các khoảng không tự do phù hợp với Giáo Hội. Tuy nhiên, tôi tin rằng chuyến viếng thăm của ĐTC cũng sẽ mang tới các mới mẻ rất được mong ước trong phương tiện truyền thông. Các Giám Mục ước mong có thể làm việc trong lãnh vực này, và có thể thông truyền với các tín hữu. Sự kiện là ngày nay như quý vị biết, ngay cả tại đài Vaticăng nữa, không chỉ là truyền hình thôi, không phải là radio mà là liên mạng Internet, là truyền thông số, mà Giáo Hội Cuba rất ước muốn có được vài điều mới mẻ. Người ta đã nói với tôi là họ đang nghiên cứu, cần phải củng cố một chút việc yểm trợ kỹ thuật của các điều mới mẻ này cho Giáo Hội Cuba trong lãnh vực Internet. Tôi hy vọng là chúng sẽ tới mau. Còn có một điều khác tôi đã nói với hàng lãnh đạo Cuba đó là việc chăm sóc các cộng đoàn nhỏ trên vùng núi. Có biết bao nhiêu cộng đoàn nhỏ sống trên các vùng núi rải rác trong khắp nước, nơi không có các đền thờ nhưng chỉ có các căn nhà truyền giáo, nơi các linh mục, đôi khi các phó tế, các giáo lý viên đến thăm. Cần phải đưa ra con số thật làm sao để Giáo Hội có các điểm tựa cho dấn thân rao truyền Tin Mừng của mình. Cả trong lãnh vực này nữa đã có nhiều việc được làm và tôi tin rằng chuyến viếng thăm của ĐTC sẽ thực sụ mở ra một cánh cửa sổ lớn, một lãnh vực lớn lao giúp gia tăng chiều kích của việc rao truyền Tin Mừng và công tác truyền giáo.

Hỏi: Câu trả lời của ĐHY đã chứa đựng vài yếu tố. Có sự chờ đợi nào cho chuyến công du của ĐTC Phanxicô tại Cuba vào tháng 9 hay không, vì chuyến viếng thăm đã được loan báo trong khi ĐHY đang ở Cuba?

Đáp: Có chứ. Có một sự chờ đợi lớn. Có sự tò mò muốn biết ĐTC sẽ đi đâu, từ đâu vào Cuba, sẽ khởi hành từ đâu, một chút tò mò tự nhiên của biết bao tín hữu Cuba, là những người đã biết Đức Gioan Phaolô II, Đức Biển Đức XVI, và giờ đây Đức Phanxicô. Người ta có một ký ức rất sống động về hai chuyến viếng thăm trước của các Giáo Hoàng.Vì thế chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô vào tháng 9 tới đây rất được ao ước, cũng vì ĐTC là một người của Châu Mỹ Latinh, một Giáo Hoàng nói tiếng Tây Ban Nha… Vì thế tôi tin rằng có một cảm nhận tự nhiên giữa thế giới mỹ latinh, và Cuba trong trường hợp của chúng ta với ĐTC Phanxicô. Tôi nghĩ nó sẽ là một thời điểm sâu đậm của Giáo Hội, của thông truyền và hy vọng lớn lao cho mọi người dân Cuba, nhưng đặc biệt đối với những ai làm việc và tranh đấu với đức tin cho cuộc sống, cho Giáo Hội trong môi trường cuộc sống Công Giáo.

Hỏi: ĐHY đã nhấn mạnh các chuyến viếng thăm trước đây của các Giáo Hoàn. Như là Sứ Thần Toà Thánh tại La Habana trong thập niên 1990 ĐHY đã tổ chức chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II. Trong chuyến viếng thăm đó Đức Wojtila có nói một câu đáng ghi nhớ: “Uớc gì Cuba mở cửa cho thế giới và thế giới mở cửa cho Cuba”, và trong một cách thế nào đó lời cầu mong đó của Đức Gioan Phaolô II dang được hiện thực, có đúng thế không thưa ĐHY?

Đáp: Chớ nói là tôi đã tổ chức chuyến viếng thăm đó. Tôi đã chỉ hiện diện tại Cuba trong thời điểm đó mà thôi: chúng tôi đã chờ đợi lâu, chúng tôi đã chờ đợi với sự nôn nóng rồi với niềm vui lớn; chúng tôi đã làm việc. Khác với chuyến viếng thăm lần này, chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II đã được chuẩn bị rất lâu, tôi nghĩ là một năm. Như vậy, kể cả trên bình diện sắp xếp, đó đã là một chuyến công du được suy tư nhiều, được cấu trúc nhiều, được dự kiến trong biết bao nhiêu chi tiết.

Trái lại, chuyến viếng thăm này đã xảy ra với một thời gian chuẩn bị hơi thu ngắn, tuy nhiên có kinh nghiệm của hai chuyến viếng thăm rất đẹp trước đó và vì vậy còn có các cấu trúc hiện hữu của các chuyến viếng thăm trước. Tôi nghĩ rằng trong bốn tháng còn lại trước chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô người ta sẽ làm việc. Người ra đang làm việc kể cả các khiá cạnh phối hợp cũng có thể được giải quyết. Điều quan trọng là sự tham dự, điều quan trọng là việc gây ý thức cho các tín hữu Công Giáo Cuba. Và thực tế điều quan trọng là đó là tín hữu có thể di chuyển, có thể đi đến những nơi tụ tập, nơi ĐTC sẽ dừng lại trong chuyến viếng thăm này, là chuyến viếng thăm hoàn toàn mục vụ, được ĐTC mong mỏi với các thời gian khác rộng rãi, làm sao để ĐTC hiện diện, cử hành, viếng thăm và có thể thông truyền với Giáo Hội Cuba ngoại thường này, một Giáo Hội gia tăng mạnh mẽ và với biết bao nhiêu giá trị kitô và nhân bản, được nhận thức rõ ràng và với con tim hiện diện trong các vùng của đất nước này.

Hỏi: Thưa ĐHY, tổng thống Barack Obama và chủ tịch Raul Castro, khi loan báo việc tan giá băng giữa Hoa Kỳ và Cuba, đã nhấn mạnh vài trò tích cực quan trọng của ĐTC Phanxicô. Giáo Hội cũng sẽ góp phần vào việc củng cố sự đối thoại giữa người Cuba và người Mỹ trong tương lai, có đúng thế không?

Đáp: ĐTC Phanxicô đã thực sự là người đã cống hiến lời cầu nguyện, đức tin và cả đặc sủng của ngài cho biến cố này. Tôi không nghi ngờ gì, đề tài Cuba đã là đề tài ngài cảm nhận sâu xa, và vì thế ngài đã đưa ra các sáng kiến ngoại giao. Và từ ngữ mà ngài dùng, ngài đã làm trong tư cách là chủ chăn một cách tự nhiên… Và tôi nghĩ là chúng ta phải biết ơn ngài rất nhiều, biết ơn con tim và óc sáng tạo của ngài. Và Giáo Hội Cuba chắc chắn là đồng thanh một cách hoàn toàn với ĐTC Phanxicô, và sẽ biết tiếp tục các sáng kiến ấy qua trung gian của Hội Đồng Giám Mục. Điều quan trọng đó là HĐGM là tổ chức đảm trách dấn thân công khai trong các hình thức đối thoại với chính quyền của quốc gia này. Và rồi mỗi Giám Mục, tới lượt mình, cũng thông dịch, cũng hoạt động cho các sáng kiến này một cách công khai, làm sao để sự xích lại gần nhau này có thể tiếp tục luôn hiện thực ngày càng nhiều hơn, và chúng ta có thể trông thấy sớm chừng nào có thể. Các đề tài làm việc của hai nước thì tôi nghĩ không đơn sơ, chúng không nhiều lắm, vì thế nếu có ý chí thì tôi nghĩ không có các chướng ngại và không có ngọn núi cao nào mà không trèo qua được. Và như vậy chúng tôi và riêng tôi ước mong một cách khiêm tốn rằng người ta có thể đi đến các kết qủa lợi ích lớn lao mau chừng nào có thể, để chúng mở ra một giai đoạn mới một cách vĩnh viễn và đặc biệt tích cực trong các quan hệ giữa hai nước. RG 2-5-2015
 
ĐTC: Xin phép, cám ơn và xin lỗi là ba từ giúp chúng ta duy trì cuộc sống hạnh phúc gia đình
Linh Tiến Khải
18:57 13/05/2015
Xin phép, cám ơn và xin lỗi là ba từ giúp chúng ta bước vào trong tình yêu của gia đình, duy trì cuộc sống hạnh phúc và bình an trong gia đình và trong xã hội, vì chúng giúp tránh các rạn nứt có thể trở thành các hố sâu ngăn cách. Vì thế đừng bao giờ kết thúc ngày sống trong gia đình mà không làm hòa với nhau.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm 13-5-2015.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài Gia đình và ba lời nói viết trên cửa: Xin phép, cám ơn và xin lỗi. ĐTC nói:

Bài giáo lý hôm nay giống như cửa vào của một loạt các suy tư về cuộc sống gia đình, cuộc sống thực tế của nó với các thời điểm và các biến cố. Trên cánh cửa này có viết ba từ: “Có đuợc phép không?”, “cám ơn”, “xin lỗi”. Thật thế các từ này mở ra con đường giúp sống hạnh phúc trong gia đình. …

Chúng là các từ đơn sơ, nhưng thực thi chúng thì lại không đơn sơ như thế! Chúng gói ghém một sức mạnh lớn: sức mạnh gìn giữ gia đình cả qua hàng ngàn khó khăn và thử thách; trái lại việc thiếu chúng, từ từ mở ra các nứt rạn có thể làm cho nó sụp đổ.

Chúng ta thưòng coi các từ đó như các từ của “nền giáo dục tốt”. Đúng nền giáo dục tốt quan trọng. Một Giám Mục lớn là thánh Phanxicô de Sales, thường nói: “nền giáo dục tốt là một nửa sự thánh thiện”. Tuy nhiên hãy chú ý trong lịch sử chúng ta cũng nhận ra một khuynh hướng hình thức của các cung cách hành xử có thể trở thành mặt nạ che dấu sự khô cằn của tâm hồn và sự thờ ơ đối với tha nhân. Người ta thường nói: ”Đàng sau các cung cách tốt ẩn dấu các thói quen xấu”. Cả tôn giáo cũng không thoát khỏi nguy cơ này, khiến cho việc tuân giữ hình thức rơi vào tinh thần thế tục. Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu đưa ra các cung cách tốt và trích dẫn cả Thánh Kinh nữa. Xem ra nó là một thần học gia. Kiểu của nó bề ngoài đúng đắn, nhưng ý hưóng của nó là nhằm làm sai lệch sự thật của tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta trái lại hiểu nền giáo dục tốt trong các phạm trù đích thực, nơi kiểu của các tương quan tốt đâm rễ sâu trong tình yêu sự thiện và trong sự tôn trọng tha nhân. Gia đình sống nhờ sự tinh tế ấy của tình yêu thương nhau.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC khai triển từng từ một. Trước hết là “xin phép” hay hỏi “Có được phép không?” Khi chúng ta lo lắng xin một cách lễ phép, cả khi chúng ta nghĩ rẳng có thể yêu sách, là chúng ta đặt một sự bảo vệ đích thật cho tinh thần sống chung trong hôn nhân và gia đình. Bước vào trong cuộc sống của người khác, cả khi nó là một phần cuộc sống của chúng ta, đòi hỏi sự tế nhị của một thái độ không xâm lăng, canh tân lòng tin tưởng và sự kính trọng. Chuyện riêng không cho phép coi mọi sự là tự nhiên. Và tình yêu càng thân tình và sâu xa bao nhiêu lại càng đòi hỏi việc tôn trọng sự tự do và khả năng chờ đợi người khác mở cửa tâm lòng họ bấy nhiêu. Liên quan tới điểm này chúng ta hãy nhớ lời Chúa Giêsu nói trong sách Khải Huyền: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20). Cả Chúa cũng xin phép để vào! Chúng ta đừng quên điều đó.

Từ thứ hai là “cám ơn”. Vài lần người ta nghĩ rằng chúng ta đang trở thành một nền văn minh của các cung cách hành xử xấu và các lời nói xấu, làm như thể chúng là dấu chỉ của sự thoát ly. Nhiều lần chúng ta cũng nghe nói công khai như thế. Sự tử tế và khả năng cám ơn được xem như một dấu chỉ của sự yếu đuối, có khi lại dấy lên ngờ vực. Phải chống lại khuynh hướng này ngay rong gia đình. Chúng ta phải đòi hỏi đối với việc giáo dục sống biết ơn, nhớ ơn: phẩm giá con người và công bằng xã hội đều đi qua đó. Nếu cuộc sống gia đình lơ là lối sống này, cả cuộc sống xã hội cũng sẽ mất nó. Thế rồi, đối với một tín hữu lòng biết ơn là trung tâm của đức tin: một kitô hữu không biết cám ơn là một người đã quên đi tiếng nói của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ câu Chúa Giêsu hỏi khi chữa mười người phong cùi và thấy chỉ có một người trong bọn họ trở lại cám ơn (x. Lc 17,18).

Lời thứ ba là « xin lỗi ». Đây là lời khó nói, chắn chắn rồi nhưng cần thiết. Khi thiếu nó, các nứt rạn nhỏ trở thành lớn hơn – cả khi không muốn – cho tới khi trở thành các hố sâu. Không phải vô tình trong lời kinh Lậy Cha Chúa Giêsu dậy chúng ta tìm thấy kiểu nói này: « Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con » (Mt 6,12). Thừa nhận dã thiếu sót và ước ao trả lại những gì đã bị lấy mất - tôn trọng, chân thành, yêu thương – khiến đáng được tha thứ. Và như thế là chúng ta ngăn chặn nhiễm trùng. …

Nếu chúng ta không có khả năng xin lỗi, thì có nghĩa là chúng ta cũng không có khả năng tha thứ. Trong gia đình nơi người ta không xin lỗi thì bắt đầu thiếu dưỡng khí, nước tù đọng. Biết bao nhiêu vết thương đối với lòng yêu mến, biết bao nhiêu xâu xé trong các gia đình bắt đầu với sự mất đi lời nói qúy báu này « Xin lỗi ». Trong cuộc sống hôn nhân người ta cãi nhau biết bao nhiêu lần… có khi điã chén bay nữa, nhưng tôi xin cho anh chị em một lời khuyên: đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hòa với nhau. Và để làm điều đó thì chỉ cần một cử chỉ bé nhỏ, một cái vuốt ve…

Ba lời chìa khóa này của gia đình là những lời đơn sơ và có lẽ ban đầu chúng khiên cho chúng ta cười. Nhưng khi chúng ta quên chúng, thì không có gì để mà cười, có đúng thế không ? Có lẽ nên giáo dục của chúng ta bỏ bê chúng quá. Xin Chúa giúp chúng ta đặt để chúng trở lại vào đúng chỗ, trong con tim chúng ta, trong nhà chúng ta và trong cả cuộc sống chung xã hội nữa.

ĐTC dã chào các đoàn hành hương đến từ các nưóc Bắc Mỹ và Âu châu, cũng như các đoàn hành hương đến từ Đài Loan, Camerun, Mêhicô, Honduras, Argentina, Brasil. Ngài đặc biệt chào các thành viên Hội Tương trợ truyền giáo quốc tế Pháp hoạt động trong lãnh vực y tế và cổ võ truyên giáo trong các giáo phận và dòng tu.

Chào các đoàn hành hượng nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC nói 13 tháng 5 là lễ Đức Mẹ Fatima. Ngài xin tín hữu gia tăng các cử chỉ hằng ngày tôn sùng Mẹ và noi gương Mẹ và hãy tín thác cho Mẹ mọi sự để trở thành dụng cụ lòng thương xót và hiền dịu của Thiên Chúa đối với các thành phần khác trong gia đình cũng như bạn bè thân hữu. ĐTC mời đức ông người Bồ Đào Nha đọc một kinh Kính Mừng bằng tiếng Bồ kính Đức Mẹ.

Ngài cũng chào các trẻ em Ba Lan mới rước lễ lần đầu và chúc các em càng ngày càng yêu Chúa Giêsu hơn, tín thác nơi Chúa và sống thân tình với Chúa.

Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào các linh mục sinh viên trường Thánh Phaolô của Bộ Truyền giáo đã xong chương trình học và chuẩn bị về nước làm việc. Ngài khích lệ các vị đừng bao giờ đánh mất đi lòng hăng say truyền giáo.

Chào giới trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC khuyên mọi người vun trồng lòng tôn sùng Mẹ Maria, siêng năng lần hạt mỗi ngày và cảm thấy Mẹ luôn gần gũi đặc biệt trong những lúc khó khăn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi nguời.
 
Top Stories
America becoming less Christian, says study
Husna Haq /CSM
16:34 13/05/2015
America's religious landscape is undergoing a dramatic change. According to a new national survey, the number of Americans who identify as Christians has dropped, while the ranks of those who don't identify with any religion have grown dramatically, leading some to wonder how these changing demographics will affect the political landscape.

The number of religiously unaffiliated Americans has grown to about 56 million, greater than Catholics and mainline Protestants and second in size only to evangelical Protestants.

That's according to the Pew Research Center's newest report, "America's Changing Religious Landscape," which outlines a shifting religious composition that may have significant impacts on US politics, culture, and society.

Recommended: Are you smarter than an atheist? A religious quiz

While the majority of Americans – about 7 in 10 – continue to identify with some branch of Christianity, the percentage who describe themselves as Christians has dropped nearly eight points, from 78 percent in Pew survey in 2007 to 70 percent in 2014.

And as the number of Americans who identify as Christians shrinks, the number who call themselves atheist, agnostic, or unaffiliated has grown nearly six points, from 16 percent in 2007 to almost 23 percent in 2014.

"This report shows a dramatic increase in the number of unaffiliated Americans," says Douglas Jacobsen, professor of church history and theology at Messiah College in Mechanicsburg, Penn., in a phone interview. "I'm surprised at how large that [change has been] in seven years," he said, adding that this is part of a 20- to 25-year trend that has slowly changed American politics.

Will declines in the number of religiously affiliated Americans hurt the Republican Party?

As The New York Times points out, "Republicans ... have traditionally relied on big margins among white Christians to compensate for substantial deficits among nonwhite and secular voters."

For example, it reports that in 2012, Republican nominee Mitt Romney received 79 percent support among white Evangelicals, 59 percent among white Catholics, 54 percent among non-Evangelical white Protestants, but only 33 percent among nonreligious white voters.

"The declining white share of the population is a well-documented challenge to the traditional Republican coalition, but the religious dimension of the G.O.P.’s demographic challenge has received less attention," writes the Times.

It's a threat that may not impact the party significantly now, but may have serious ramifications in the future, Joshua Weikert, assistant professor of political science at Albright College in Reading, Penn., says via e-mail.

"The bottom line, in my view, is that secularization may look more politically meaningful than it actually is, in the short-term – say, the next three to four election cycles – but that the longer-term implications are threatening to the Republican Party's recent trend towards a greater focus on social conservatism than on fiscal conservatism.”

That's because white evangelical Christians, who typically take a conservative stance on social issues such as gay marriage and abortion, have traditionally been a loyal voting bloc for the Republican Party, while the Democratic Party has positioned itself as a party for minorities and nonbelievers, in addition to people of faith.

While the number of Evangelicals hasn't changed much, the number of unaffiliated Americans has, and they are becoming increasingly organized and vocal in their campaign to keep religion out of public life.

"I do think this will make it harder for coalition building," says Professor Jacobsen, who adds that the spectrum of religious differences is now broader than in the past. "It's probably harder to build a coalition against theological lines," he says, predicting more political gridlock.

Nonetheless, according to Jacobsen, conservatives are taking note of the change, which is reflected in their language.

"There is less language about a Christian America, a slow moderation in language of how America describes itself," he observes.

And that may explain why some conservatives have now accepted gay marriage and are becoming more accepting of traditionally progressive issues like marijuana legalization.

As the population ages, the trend will likely grow more pronounced – the median age of unaffiliated Americans is 36, while the median age of Protestants is 52.

But, "it's more complicated than just a secular versus religious divide," says Peter Ellard, director of the Reinhold Niebuhr Institute of Religion and Culture at Siena College in Loudonville, N.Y. "There are millions of Americans, especially young Americans, who want to be spiritual without being religious ... They are going to increasingly come into the national political conversation. However, they will not be a single hot button issue group and they will not be a unified group."

"So what we are looking at is a very unstable and less predictable near-term future with regard to the national effects of these trends."

(source: http://news.yahoo.com/america-becoming-less-christian-says-study-hurt-republican-163101834.html)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hành Hương Đức Mẹ Tàpao Tháng Năm
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
21:21 13/05/2015
Hành Hương Đức Mẹ Tàpao Tháng Năm

Tháng Năm tươi thắm muôn hoa,
Vàng hồng trắng đỏ, đậm đà sắc hương.
Lòng thành, tin cậy mến thương,
Trước nhan thánh Mẹ, khiêm nhường tiến dâng.

Hình ảnh

Mỗi dịp tháng năm về, các Nhà thờ rộn rã mùa dâng hoa kính Đức Mẹ. Phụng vụ Mùa Hoa tưng bừng nhộn nhịp với nhiều thể loại phong phú Rước hoa và Dâng hoa tuỳ mỗi tập quán mỗi đặc trưng văn hoá địa phương.

Từ chiều 12 đến sáng 13 Tháng Hoa năm nay, hàng chục ngàn khách hành hương về bên Mẹ Tàpao. Những cơn mưa đầu mùa tắm gội cây cỏ núi rừng. Đại ngàn ngát một màu xanh dịu mát. Quảng trường Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao đã được chuẩn bị chu đáo cho đêm diễn nguyện chuỗi Mân Côi “Năm Sự Mừng”. Các Nữ Tu MTG Phan Thiết đang tổng dợt chương trình. Từng đoàn hành hương lên núi cầu nguyện bên linh đài Mẹ. Các tòa giải tội đều đông người đến lãnh nhận bí tích hòa giải.

Tối 12.5

Cung nghinh Mẹ

Hàng chục ngàn người với nến sáng trên tay hòa vang những khúc ca ngợi khen Mẹ. Đoàn kiệu thánh tượng Đức Mẹ Tàpao tiến lên lễ đài. Ngàn ngàn ngọn nến lung linh cháy sáng sưởi ấm tâm hồn đoàn con cái hòa chung lời ca: “Đoàn chúng con nay về bên Mẹ, giữa núi rừng bao la hùng vĩ”.Giữa trời đêm núi rừng, lời kinh tiếng hát âm vang quyện đan trong gió ngàn dâng lên Mẹ. Huyền nhiệm và ấm cúng biết bao.

Diễn nguyện “Năm Sự Mừng”

Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết giúp cộng đoàn cầu nguyện qua lời kinh Mân Côi “Năm Sự Mừng” với những suy niệm và những bài ca điệu múa tâm tình sốt mến.

Đức Cha Giuse đặt Mình Thánh Chúa, cộng đoàn quỳ gối tôn thờ. Sau phép lành Thánh Thể, khách hành hương thay phiên nhau cầu nguyện và thờ lạy Thánh Thể.

Sáng ngày 13.5

- 6 giờ 30: Giờ khấn Đức Mẹ.

Cùng với hàng chục ngàn ý nguyện, cộng đoàn sốt sắng dâng lên Mẹ từ ái. Ai cũng có những tâm tư những thao thức, về bên Mẹ và tiến dântg với cả lòng thành kính. Xin Mẹ chúc lành và nhậm lời.

Ngày mười ba của tháng Năm,
Là ngày Mẹ đến viếng thăm trao tình.
Hành hương tiếng khấn lời kinh,
Tà-pao in đậm bóng hình Mẹ yêu.( Đức Cha Giuse)

-7giờ 00: Thánh Lễ

Sáng nay trời thật tuyệt. Mây nhẹ, nắng trong. Hơn hai mươi ngàn khách hành hương nô nức đến với Mẹ TàPao. Xe chở khách phải đậu những bãi xa. Ai cũng phải đi bộ một quảng rất dài. Các ngã đường vào lễ đài đều kín người.

Nắng lên ấm áp. Nắng TàPao rất khôn, biết "nhập gia tuỳ tục" nên có vẻ dịu dàng như là thân thiện với mọi người. Đúng 7giờ, đoàn rước tiến lên lễ đài. Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống chủ tế và giảng lễ. Cùng đồng tế với ngài có Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến – nguyên Giám mục Phát diệm, Cha Tổng Đại Diện Giáo Phận Xuân Lộc, Đan Viện Phụ Châu Thủy và khoảng 70 linh mục từ nhiều miền đất nước.

Khởi đầu thánh lễ, Đức Cha Giuse ngỏ lời với cộng đoàn.

Sự bình an của Chúa Kitô trong mùa Phục Sinh, xin hợp với Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến – nguyên Giám mục Phát Diệm yến, Đức Ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú -Tổng Đại Diện Giáo Phận Xuân Lộc, Viện Phụ Boscô Trần Văn Thành - Đan Viện Châu Thủy, cùng toàn thể quý Cha đồng tế xin hân hạnh gởi đến cộng đoàn hành hương tháng năm lời chào mừng rất đặc biệt.

Tháng năm quy tụ bên Đức Mẹ Tàpao trước hết cùng với Giáo Hội chúng ta tướng nhớ 98 năm về trước Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima với những lời dặn dò tích cực: hãy kiên trì trong thử thách và siêng năng lần hạt mân côi. Hôm nay Đức Mẹ cũng dặn dò mỗi người chúng ta những lời cụ thể tâm tình như vậy, đồng thời hôm nay theo văn hóa xã hội cũng là dịp để chúng ta cùng nhau cử hành “ngày người mẹ”, không phải chỉ là mẹ trần thế thôi mà còn là mẹ trong đại gia đình nhân loại - Đức Trinh Nữ Maria đã được Đấng Cứu Thế trao cho mỗi người chúng ta như người mẹ ân cần chăm sóc đồng hành mọi người trên mọi bước đường đời. Chính vì vậy, tâm tình liên kết chúng ta hôm nay không chỉ là lòng tin mà còn là lòng yêu mến, và như lời khấn vừa diễn ra trong nữa tiếng trước đây chính là lòng trông cậy, bao nhiêu ý nguyện cầu, bao nhiêu tâm tình xin được ký gởi trong thánh lễ này dâng lên Thiên Chúa thông qua sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria mẹ chúng ta. Xin cho mỗi người chúng ta cũng nhận được ơn lớn nhất chính là ơn bình an. Từ niềm bình an đó ta có thể khai triển ra trong mọi bậc sống, trong mọi lứa tuổi, trong mọi hoàn cảnh. Xin cho thánh lễ này, mỗi người chúng ta cũng nhận được niềm bình an dồi dào của Thiên Chúa qua Mẹ Tàpao. Giờ đây mời cộng đoàn cùng nhìn lại đời sống của mình, đặc biệt những lầm lỗi, khuyết điểm, chân thành ăn năn sám hối để những ý nguyện của thánh lễ hôm nay được Thiên Chúa chấp nhận.

Bài giảng lễ, Đức Cha Giuse suy niệm Tin Mừng (Lc 1, 39-56).

Chúa Nhật thứ hai của tháng năm là “ngày người mẹ”, ngày tôn vinh bậc hiền mẫu và là ngày những người con hiếu tỏ lòng biết ơn đối với đấng bậc sinh thành dưỡng dục mình. Ngày 13.05, kỷ niệm 98 năm Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất tại Fatima, cộng đoàn hành hương chúng ta từ nhiều nơi cũng hân hoan quy tụ về Tàpao, cử hành “ngày người mẹ ” chung là Đức Trinh Nữ Maria.

Ngài gợi lên ba mục đích nào cho việc cử hành ngày lễ này: là để ghi nhớ công ơn sinh thành trong đức tin, là để hợp với Mẹ mà ca khen Thiên Chúa và để cùng nhau nhận lấy lời Mẹ dạy mà sống an bình.

Ngài cũng nhắcđến sự kiện: Ngày 13.05.1981, khi đang chào thăm dân chúng tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bị bắn trọng thương, nhưng đã được Đức Mẹ che chở và thoát chết trong gang tấc, đến nỗi lúc bình phục, ngài bảo: “viên đạn là của con người, còn đường đạn lại thuộc về Đức Mẹ”. Năm sau, cũng vào ngày 13.05, ngài đến Fatima cầu nguyện và gắn đầu đạn ấy lên triều thiên Đức Mẹ để tạ ơn.

Về bên Mẹ tháng này, chắc mỗi người chúng ta cũng có những tâm sự riêng cần dâng lên. Riêng bản thân Đức Cha Giuse, về bên Mẹ lần này chỉ một tâm sự tạ ơn: tạ ơn vì Mẹ đã ban ơn ra đi hình an cho Đức Cha Nicôla, nguyên Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết sau 88 năm cuộc đời, 62 năm Linh Mục và 41 năm Giám Mục. Đức Cha Nicôla là người đã có công rất lớn để hình thành và vun đắp TTTM Tàpao này với nhiều vất vả khó khăn lúc ban đầu, để mới có được bộ mặt dáng dấp thanh thoát như hôm nay.

Lời cuối, ngài cầu chúc cuộc đời mỗi người sẽ là một đóa hoa đẹp tươi màu dâng tiến Mẹ không ngừng với những vần thơ.

Tháng Năm bên Mẹ Tàpao,
Nghìn hồng muôn tía sắc màu hoa dâng.
Con về lòng mướt tri ân, đời phiêu bạt,
Mẹ vẫn nâng niu hoài.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha GB Trần Văn Thuyết Hạt Trưởng Hạt Đức Tánh dâng lời cám ơn Đức Cha Giuse, Đức Ông Vinh Sơn và cộng đoàn hành hương, cám ơn Chị Tổng Phụ Trách và Quý Nữ Tu Dòng MTG Phan thiết đã giúp thực hiện đêm diễn nguyện và hát lễ, cám ơn đội kèn Long Bình Giáo Phận Xuân lộc. Ngài cũng thông báo chương trình hành hương tháng sáu tới đây dành cho Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận Phan Thiết.

Cuối thánh lễ, sau khi cộng đoàn đọc kinh lạy cha, kinh tin kính và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, hai Đức Cha ban phép lành Toà Thánh với Ơn Toàn Xá. Đức Cha Giuse làm phép nước, ảnh tượng và chuỗi hạt Mân côi. Mọi người tiếp tục lên núi kính viếng thánh tượng Đức Mẹ Tàpao.

Lạy Mẹ Maria, tháng Hoa dâng kính Mẹ, chúng con hành hương về bên Mẹ tiến dâng những đoá hoa lòng đơn sơ, chân thành nhưng đượm tình yêu mến, xin Mẹ thương nhận lấy và chúc lành cho chúng con. Amen.
 
Đại hội Legio Mariae lần III tại Gia Định, Sàigòn
Lê Tân
09:08 13/05/2015
Đại hội Legio Mariae lần III

Mừng 55 năm thành lập HĐ Senatus VN, 1/5/ 1960-1/5/2015, HĐ Senatus đã tổ chức Đại hội vào các ngày từ 7 đến 9/5/2015 tại Tu hội Tông Đồ Giáo sỹ Nhà Chúa Nguyễn Duy Khang, hạt Gia Định, Sài Gòn. Đại hội lần này có 125 UV của 5 Regia và 31 Comitia trên khắp mọi miền đất nước về tham dự.

Xem Hình

Hiện diện trong buổi khai mạc có cha Giuse Cao Văn Ninh, Giám đốc Học viện kiêm chính xứ Nguyễn Duy Khang; cha phó linh giám Senatus, cha LG Curia Gia Định. Cha Giuse đã ngỏ lời chúc mừng Đại hội.

Phát biểu khai mạc, anh trưởng HĐ Senatus, Đaminh Đỗ Ngọc Phác cho biết chủ đề đại hội là “Legio là Phép lạ của thời đại văn minh” (ĐHY Riberi) Anh cho biết đại hội sẽ thống nhất những vấn đề còn có cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, cùng giúp nhau đi đúng theo đường lối của Thủ Bản Legio.

Cha phó LG Senatus, Giuse Maria Hà Thiên Trúc, trình bày đề tài đầu tiên “Hệ thống cố định của Legio”, đề tài nói về Chủ đích, Phương hướng và Đường lối hoạt động của Legio; Hệ thống cố định của Legio; Thực trạng các đơn vị dễ vi phạm hệ thống cố định và Kỷ luật để bảo vệ Legio nguyên vẹn.

Sau mỗi đề tài đều có trao đổi, thảo luận, nêu thắc mắc và đúc kết.

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên là thánh lễ đồng tế cầu cho sứ vụ Loan báo Tin Mừng. Trong bài giảng, Cha linh giám Curia Gia Định, Giuse Phạm An Ninh đã nói về ý nghĩa, mục đích của sứ vụ Truyền giáo. Cha cho biết Sứ vụ Truyền giáo rất cao cả vì bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cứu chuộc loài người. Các HV Legio và những ai đã Rửa tội đều được Thiên Chúa cho dự phần vào công việc hết sức cao trọng này. “Mục đích của sứ vụ là lập lại vương quốc của Thiên Chúa tình yêu trong lòng mỗi con người, là cứu chuộc con người, là dẫn đưa con người tới hạnh phúc vĩnh cửu. Làm việc Tông đồ là phải làm chết bỏ.” Cha nói.

Ngày làm việc thứ II bắt đầu bằng thánh lễ cầu cho sự Hiệp nhất. Chia sẻ trong bài giảng, cha LG Curia Gia Định nêu lên yếu tố Hiệp nhất trong công tác tông đồ của Legio Mariae. Hiệp nhất là dấu chỉ của Đức Tin, thời xưa người ta trở lại Đạo chỉ vì họ nhìn thấy sự đoàn kết thương yêu nhau nơi các môn đệ của Chúa “Kìa xem họ thương yêu nhau biết chừng nào”. Sự hiệp nhất bắt nguồn từ mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Giê-su Hiệp nhất với Ba Ngôi thế nào thì Chúa cũng muốn mọi người Hiệp nhất với Chúa và Hiệp nhất với nhau như vậy: “26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa." (Ga 17, 260) “Như vậy nếu người HV Legio không hiệp nhất với nhau thì đừng nói tới việc làm tông đồ, đừng nói tới Loan Báo Tin Mừng.” Cha nói.

Trong 2 ngày 7 và 8/5/2015, mọi người đã cùng nhau học hỏi, thảo luận và thông qua 10 đề tài liên quan tới Legio và hoạt động của Legio.

Thánh lễ tạ ơn mừng 55 năm HĐ Senatus VN sáng 9/5/2015 do cha Phó LG Senatus, Giuse Maria Hà Thiên Trúc, chủ tế. Cha LG Curia Gia Định, Giuse Phạm An Ninh; Cha LG Comitium Kontum, Phê-rô Võ Tá Khánh và cha và Giuse Trần Thanh Vượng đồng tế. Chia sẻ trong thánh lễ cha Phê-rô đã bày tỏ niềm vui mừng vì thành quả của Legio Mariae trên khắp 26 giáo phận và những khó khăn trong cánh đồng truyền giáo mênh mông lúa vàng. Cha dẫn chứng một số kinh nghiệm từ 7 năm truyền giáo ở Kontum, trong đó có công trình sưu tập nguồn gốc các dòng họ ở VN. Cha nhắc mọi người trước hết hãy giới thiệu Đạo của mình cho những người trong cùng dòng họ, cùng dòng tộc. Legio nên mua sách, tặng sách cho anh em bên lương vì nói về Đạo với họ thì họ có thể phản ứng nhưng đối với sách thì họ sẽ im lặng để tìm hiểu, đối thoại trong im lặng. Cha cho biết đã trao tặng cả chục ngàn cuốn “Đạo Yêu Thương”của ĐC Phê-rô Nguyễn Văn Khảm và “Khám phá một nguồn vui” của cha Inhaxiô Trần Ngà cho rất nhiều thành phần khác nhau…

Sau thánh lễ tạ ơn là phiên họp HĐ Senatus với phần phúc trình của 4 đơn vị.

Đại hội Legio Mariae VN lần III đã kết thúc tốt đẹp vào buổi trưa cùng ngày, được biết trong 66 năm Legio Maria hiện diện ở VN đã có 3 lần Đại hội: lần I từ 7 đến 10/7/1957 tại ĐCV thánh Giuse Sài Gòn; lần II vào 8 và 9/10/1960 tại trụ sở DCCT Sài Gòn.
 
Mang niềm vui tới cho các em mồ côi dân tộc tại Kontum
Trương Trí
13:05 13/05/2015
Thao thức với những khó khăn thiếu thốn của các em mồ côi dân tộc tại Kontum và những lo toan của các xơ Dòng Ảnh Phép lạ đang chăm sóc cho các em. Trong những ngày cuối mùa Phục sinh năm nay, Hiệp sĩ JB Lê Đức Thịnh đã mời gọi một số anh chị em thuộc các Giáo xứ Suối Nho, Phúc Nhạc, Nagoa của Giáo phận Xuân Lộc đi thăm và tặng quà cho các em cô nhi dân tộc thiểu số tại Giáo phận Kontum do các nữ tu Dòng Ảnh Phép lạ chăm sóc nuôi dưỡng.

Hình ảnh

Sáng ngày 12/5, đoàn từ thiện do bà Maria Nguyễn Thị Mến dẫn đầu cùng với con trai là Bác sĩ G.B. Nguyễn Ngọc Tước và những anh chị giàu lòng yêu thương đã thực hiện Tin mừng của Chúa Giêsu: “Đem tình yêu đến với người nghèo khổ”. Do đường sá xa xôi nên một số anh chị chỉ đóng góp vật chất mà không tham dự vào chuyến đi, trong đó có chị Maria Nguyễn thị Nĩnh, người khởi xướng nhóm từ thiện, do bệnh đột xuất không đi được mà thương khóc vì không đến được với các em. Đặc biệt, anh Vũ Thành Nhân là một lương dân ở Sài Gòn nhưng khi nghe tin nhóm từ thiện đi tặng quà cho các em cô nhi người dân tộc ở Kontum, anh cũng đã nhiệt tình tham gia và cùng đi.

Đoàn đã đến thăm và tặng quà tại Hội Dòng Ảnh Phép lạ, những món quà gồm: Gạo, mì tôm, đường, dầu ăn, thuốc tây và các nhu yếu phẩm. Đặc biệt đoàn đã tặng 400 mét vải để các xơ may đồng phục cho toàn hội dòng.

Tỏ lòng tri ân đối với các xơ đã suốt đời tận tụy với Hội Dòng, nay già yếu bệnh tật về hưu dưỡng tại Nhà Mẹ, đoàn cũng đã đến tận phòng thăm sức khỏe từng người và tặng mỗi xơ một phần quà và 500 ngàn đồng để các xơ chi dùng riêng.

Đoàn tiếp tục đến thăm và trao quà cho các em Nhà Cô nhi Vinh sơn 4, tại đây đoàn đã cùng ở lại ăn cơm với các em để trải nghiệm cuộc sống của các em.

Buổi chiều, đoàn đã hành hương kính viếng đức mẹ Măng Đen, dâng lời cầu nguyện, tạ ơn Mẹ đã gìn giữ chuyến đi bình yên. Hứa với Mẹ sẽ mãi mãi “Là bàn tay của Mẹ” để đem tình yêu thương đến với mọi người, đặc biệt là các em mồ côi người dân tộc tại vùng Tây nguyên.

Cũng trong chuyến đi này, đoàn đã đến thăm và tặng quà tại Cộng đoàn Nữ tử Bác ái Vinh Nguyên Kontum, tiền thân của Hội dòng Ảnh phép lạ.
 
Mùa Hoa của Mẹ về với Giáo xứ Nam Định
Nam Định
14:57 13/05/2015
HÀ NỘI - Chúa Nhật VI Phục Sinh – ngày 10 thánh 5 năm 2015, Giáo xứ Nam Định đã long trọng rước kiệu, dâng hoa cộng đồng tôn vinh Mẹ Maria – do cha xứ Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh chủ sự với sự tham gia đông đảo của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ.

Hình ảnh

Để tỏ lòng tôn kính Đức Maria, Cha xứ Giuse Maria đã kêu gọi mọi người, mọi hội đoàn cùng dâng hoa kính Đức Mẹ. Tất cả các hội đoàn không phân biệt nam nữ, già trẻ. Từ ban phục vụ cho đến đội kèn, đội trống, đội trắc….. Vì vậy, vào lúc 18h00, tại quảng trường Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình – Giáo xứ Nam Định, muôn con tim, muôn tấm lòng, muôn bó hoa thiên nhiên đồng nội cuộn lẫn với hoa lòng, hoa thánh thiện, hoa mầu nhiệm của Ơn Thánh, tất cả cùng bốc hương thơm và khoe sắc tiến dâng lên Mẹ Maria.

Mở đầu là cuộc rước kiệu, sau đó là dâng hoa cộng đồng, kêt thúc là thánh lễ tạ ơn do Đức Cha Lorenso Chu Văn Minh chủ sự. Cùng đồng tế với Ngài, có Cha xứ và quý cha trong giáo xứ.

Lòng tôn sùng kính yêu Mẹ Maria của chúng ta vẫn sốt sắng trải dài từng ngày trong suốt năm. Nhưng tháng 5 lại mang mầu sắc đặc biệt của nó: Với khí trời ấp áp tươi dịu, cảnh vật thiên nhiên, cỏ cây hoa lá… sau giấc ngủ dài trong những ngày tháng mùa Đông giá lạnh, nay cùng bừng tỉnh dậy, cùng đua nở khoe sắc, tô điểm cả vũ trụ cho thêm phần khởi sắc. Tất cả như cùng lên tiếng mời gọi, thúc đẩy chúng ta hái về dâng Mẹ những bông hoa đầu mùa thanh khiết. Chúng ta là những người con từng được Mẹ yêu thương phù trì, chở che, chúng ta đừng bao giờ dám quên ơn Mẹ. Hãy cùng nhau sốt sắng dâng lên Mẹ trong tháng Hoa này, những đóa “hoa lòng” thánh thiện là những việc lành, những nghĩa cử bác ái đối với đồng loại, những tràng chuỗi mân côi…
 
Văn Hóa
Nhớ mãi tháng hoa xưa ấy
Đinh Văn Tiến Hùng
11:06 13/05/2015
Nhớ mãi Tháng Hoa xưa ấy !

* Ghi niệm những Tháng Hoa,
Dâng Kính Mẹ nơi quê nhà.


‘Con dù lớn vẫn là con của Mẹ,
Đi suốt đời lòng Mẹ vẫn theo con.’

Vâng thưa Mẹ làm sao con quên được,
Những tháng Năm thơ ấu tại quê nhà,
Chuông giáo đường vang vọng gọi thiết tha,
Đoàn mục tử lại cùng nhau qui tụ.

Dưới chân Mẹ trăm bông hoa rực rỡ,
Hai hàng đèn nến toả sáng lung linh,
Ôi muôn người cất cao tiếng cầu kinh,
Thật đầm ấm vây quanh hang Lộ Đức,
Lòng trải rộng vì cuộc đời đơn thật,
Các bé thơ niềm mơ ước bao la,
Mắt tròn xoe với gưong mặt hiền hoà,
Tim nhộn nhịp đời tuổi thơ là thế.
Những thôn nữ má hồng lên e lệ,
Tà áo dài che khuất bước chân đi,
Hồn lâng lâng dạo khúc nhạc xuân thì
Rước kiệu Mẹ vòng quanh khu xóm nhỏ.
Hoa muôn màu với hào quang rực rỡ,
Trống chiêng rền theo những cánh hoa rơi.
Đoàn con chiêm bái Đức Mẹ Chúa Trời,
Tim rạo rực cùng ca vang khúc hát.
Những cụ già miệng lâm râm lần hạt,
Mắt mơ màng nhưng nhìn rõ tưong lai,
Bỗng nuối tiếc sao năm tháng không dài,
Để tiếp tục dâng lời kinh sám hối.
Riêng chúng con tâm hồn thật vô tội,
Chỉ thấy vui quên mất cả thời gian,
Đâu biết đời như mây gió hợp tan,
Nhìn cuộc sống đầy hoa thơm cỏ lạ.
Bóng Mẹ Hiền trùm lên con tất cả,
Ôm ấp vỗ về dịu ngọt tuổi thơ!

Vâng thưa Mẹ con nhớ mãi tới giờ,
Thời gian đó chỉ còn trong kỷ niệm,
Nhưng dư âm không bao giờ tan biến,
Con lớn lên theo năm tháng dòng đời,
Dù nơi đây cuối góc biển chân trời,
Con vẫn mơ về Những Tháng Hoa Xưa ấy.
ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Chúc mừng Cha Giuse Trần Việt Hùng kỷ niệm 20 năm Linh Mục
LM Trần Công Nghị và Ban Điều Hành
14:30 13/05/2015
Toàn Ban Giám đốc và Ban Biên Tập VietCatholic hân hoan chúc mừng Cha Giuse Trần Việt Hùng nhân dịp kỷ niệm 20 năm Linh Mục. Cha Giuse Trần Việt Hùng là thành viên Ban Biên Tập thường xuyên của VietCatholic, mỗi tuần đều đóng góp những bài suy niệm rất phong phú và thực tế. Gần đây cha còn sáng tác những dòng thơ suy niệm Phúc Âm mỗi ngày trong phần "Thi ca Suy niệm". Câu thơ sống động, tự nhiên và gần gũi với Lời Chúa, giúp cho mọi tâm hồn gần kề với tâm tình và lời dậy của Chúa hơn.

Kính chúc Cha được tràn đầy hồng ân Chúa và luôn vững tiến trong ơn gọi cao qúy mà Chúa đã trao ban cho Cha. Hiệp thông với giáo dân giáo xứ St Nicolas của Cha dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và Mẹ Maria. Xin các Đấng phù trợ và luôn luôn ở bên Cha trong mọi nẻo đường.

Toàn Ban VietCatholic


Sau đây là Bài chia sẻ của cha Giuse Trần Việt Hùng nhân dịp kỷ niệm 20 năm Linh Mục

TRẦM LẮNG.

Hôm qua, tôi có cơ hội gặp gỡ một linh mục trẻ cùng xứ sở khi xưa. Tôi nhớ cách đây hơn 30 năm, trong khi tôi đang giúp tại Xứ Kitô Vua, Kênh A2, Tân Hiệp, thì nhận được thơ mời của chính quyền phải rời khỏi xứ và sau đó đã bị tạm giữ một năm trong trại giam. Ngày đó tại quê nhà, vị linh mục trẻ này mới chỉ là cậu bé 4 tuổi. Tôi đã quen biết và rất thân với cha mẹ và các chú bác trong gia đình. Thời gian thấm thoát qua mau, lớp người lớn tuổi đã lần lượt ra đi và lớp trẻ đang thay thế vị trí. Có nhiều em trẻ trong Xứ đã trở thành linh mục, tu sĩ và nhiều em đã lập gia đình và thành đạt trong cuộc sống Xã hội.

Hai mươi năm là một quãng thời gian dài với biết bao đổi thay. Trong tâm tình tạ ơn, hôm nay tôi có cơ hội lắng đọng và ngồi lại nhìn về quang đường đã đi qua. Muôn vàn hồng ân Thiên Chúa đã tuôn đổ trong đời tôi. Tôi đã được Chúa thương chọn gọi lên chức linh mục vào ngày 13 tháng 5, 1995, đúng vào ngày của Mẹ. Ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Hôm nay tôi được tròn 20 năm chẵn trong chức vụ linh mục và phục vụ tại một Giáo Xứ Thánh Nicholas, Bronx, Nữu Ước.

Hai mươi năm rồi, một thế hệ mới đã tháp nhập vào dòng đời. Nhớ ngày nào, tôi nhận Bài Sai từ Đức Hồng Y Tổng Giáo Phận Nữu Ước, đến Giáo Xứ Thánh Nicholas. Nơi đây, tôi đã chung sống và cùng phục vụ với các cha Dòng Augustino. Tôi đã chia sẻ đời sống tâm linh qua việc cử hành các Bí Tích cho rất nhiều tín hữu trong ngoài Giáo Xứ. Thời gian qua, tôi được hân hạnh làm chứng Hôn cho nhiều cặp Hôn Phối. Đôi Hôn Phối đầu tiên sắp kỷ niệm 20 năm và đã có con lớn chuẩn bị bước vào Đại Học. Ngày đó, các ông các bà độ tuổi trung niên, nay đã lên lão làng và các thanh thiếu niên trai trẻ nay đã có gia thất lập nghiệp và thành công.

Tôi đã được Chúa chúc phúc qua nhiều cách thế suốt dọc hành trình. Tôi đã có cơ hội hiện diện, phục vụ, quen biết và gặp gỡ thăm viếng biết bao nhiêu người. Cùng với quý ông bà và anh chị em, chúng ta đã vui hưởng biết bao niềm vui và cũng như đã trải qua những thăng trầm khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Linh mục, một con người yếu đuối và mỏng dòn. Lãnh nhận chức linh mục cao quý để trở thành trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Qua các thừa tác vụ các Bí Tích, linh mục thay mặt Chúa trao ban ân sủng, sự hòa giải, chữa lành và giảng dậy. Trong khi thân xác con người linh mục mỏng dòn chẳng khác gì xác thân của anh chị em. Con người còn mang nặng sự yếu đuối của thân tâm.

Qua hai mươi năm, tôi đã dâng khoảng 8 ngàn thánh lễ cùng với 8 ngàn bài giảng ngắn dài. Có những thánh lễ đại trào long trọng, có những thánh lễ Chúa Nhật, lễ hằng ngày bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt. Có những thánh lễ tôi dâng rất sốt sáng và có những thánh lễ lại uể oải dâng cho xong bổn phận. Trong các bài giảng, có những bài giảng sâu sắc đánh động tâm hồn, có những bài giảng ý nghĩa kêu mời, có những bài thừa thãi và giọng điệu ân oán, có những bài nhạt nhẽo lòng vòng, có những bài bị lạc giọng phê bình chỉ trích và có những bài dài dòng vô nghĩa. Chính tôi cũng chẳng nhớ được những gì đã giảng, thì làm sao có thể đòi hỏi người giáo dân ghi nhớ.

Tôi thích câu truyện này: Có một người giáo dân nêu thắc mắc nói rằng: Tôi theo đạo từ nhỏ. Tôi đã tham dự khoảng 10 ngàn thánh lễ, rước lễ nhiều lắm và nghe trên dưới 5 ngàn bài giảng. Tới hôm nay, tôi cũng chẳng nhớ được nội dung của bài nào. Sự thật tới hôm nay, tâm hồn tôi cũng vẫn thế, chẳng tiến triển chi nhiều trên đường nhân đức. Vậy có phải tôi đã hoang phí thời gian cho các việc đạo đức này không? Im lặng một thời gian. Vài tuần sau có người viết đáp lại rằng: Tôi đã lập gia đình được trên 30 năm. Vợ tôi đã nấu nướng dọn cho tôi ăn khoảng 20 ngàn bữa ăn. Tới nay, tôi cũng chẳng nhớ thực đơn có món gì ngon hay không. Có một điều tôi cầm chắc, đó là tôi đã được nuôi dưỡng hằng ngày, được khỏe mạnh sung sức cho tới ngày hôm nay và gia đinh chúng tôi sống trong sự vui vẻ hạnh phúc. Tôi rất biết ơn vợ của tôi đã chuẩn bị các bữa ăn hằng ngày.

Lời đáp từ an ủi lòng tôi. Tôi đã được quý ông bà và anh chị em khoản đãi biết bao nhiêu bữa ăn. Tôi xin cám ơn tấm lòng quảng đại và sự quan tâm của quý ông bà anh chị. Chúng ta đã cùng gắn bó với nhau trên đường lữ thứ. Chúng ta đã cùng trải qua biết bao vui buồn sướng khổ. Cùng chia buồn khi gia đình có tang tóc hoặc bệnh hoạn sầu khổ. Chung vui tụ họp ăn uống vào các dịp đón rước Thánh Tâm Chúa, Đức Mẹ, hội họp, lễ mừng, giỗ chạp và liên hoan. Không sao kể hết tấm chân tình quý ông bà và anh chị em đã dành cho tôi suốt những tháng ngày qua. Quý ông bà anh chị em đã cùng sinh hoạt trong Xứ Đạo, Cộng Đòan, Hội Đoàn và các Nhóm. Niềm vui trào dâng kết nối dựng xây. Chúng ta cùng nhau dõi theo dấu bước của Chúa Kitô phục vụ trong khiêm nhu và yêu thương.

Cuộc sống con người là những kết hợp của từng phút giây, của từng biến cố và của từng hành động. Mỗi sự cố trong đời đều góp phần trong sự hiện hữu và thiện hảo hóa đời sống con người. Cuộc sống là một sự nối tiếp từ điểm này tới điểm kia. Từ thời thơ ấu tới trưởng thành, từ ngây thơ tới sự hiểu biết, từ vô tri tới tri thức, từ yếu đuối tới mạnh mẽ và có khi từ kiên cường mạnh sức tới suy nhược, từ cô đơn tới tình yêu, từ niềm vui tới lòng biết ơn, từ khổ đau tới lòng xót thương và từ sợ hãi tới niềm tin. Tuy nhiên, chúng ta không thể hiểu thấu mọi biến cố đã qua. Chúng ta có thể nhìn tới và nhìn lui để rút tỉa kinh nghiệm. Có những thất bại dẫn chúng ta đến thành công. Có những vấp phạm sa ngã dẫn chúng ta đứng dậy tiếp tục hành trình. Có những tác động của những sự yếu đuối buông xuôi chìm đắm giúp chúng ta tỉnh thức.

Hai mươi năm phục vụ trong chức linh mục tại một Giáo Xứ cũng là một thử thách. Vì khi quá quen việc lại có khi đâm ra nhàm chán. Sự ươn hèn lười biếng luôn là cạm bẫy. Cử hành các Bí Tích không được chuẩn bị chu đáo và có thể trở thành máy móc. Dâng thánh lễ mỗi ngày như bổn phận và có khi trở thành kịch diễn. Các bài giảng lập đi lập lại thiếu suy tư trầm lắng. Giảng như vẹt kêu thiếu nội dung về giáo lý đức tin, Thánh Kinh và Thần học, đôi khi chú trọng qúa nhiều về luân lý trần tục. Có khi các linh mục đã đưa vào bài giảng những mẫu truyện cười vô bổ hoặc dùng lời các danh nhân và ca dao tục ngữ thay cho Lời của Chúa.

Cầu nguyện các giờ Kinh Thần Vụ hằng ngày là căn cốt đời sống nội tâm của linh mục giúp gắn bó với Chúa và Giáo Hội. Linh mục đại diện cầu nguyện thay cho toàn thể Giáo Hội. Xét mình trước mặt Chúa, đã có nhiều giờ Kinh tôi bị sao lãng, lo ra và đọc cho xong. Lòng sốt mến và tâm tình cầu nguyện thường xuyên bị chia trí và khô khan. Ơn Chúa vẫn đổ tràn nhưng đôi khi trái tim bị khép kín. Sự nguội lạnh và nhàm chán xen kẽ trong đời sống đạo. Tôi cảm tạ ơn Chúa vẫn khoan dung bao bọc chở che cho tới hôm nay và vẫn được ngụp lặn trong tình yêu của Chúa.

Nhân vô thập toàn. Mỗi người được mời gọi nên thánh mỗi ngày. Tôi là linh mục còn rất nhiều thiếu xót và yếu đuối. Tất cả hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục vẫn ẩn núp trong thâm tâm. Những so đo tính toán và tật hư thói xấu vẫn còn đó. Cái tôi ích kỷ lúc ẩn lúc hiện xâm chiếm trái tim trong cách hành xử. Cũng có đôi khi tôi không thể đáp ứng và thỏa mãn tất cả những yêu cầu của quý anh chị em. Gây buồn đau và chán nản. Càng suy càng thấy bản thân còn khoảng cách xa trong hành trình tiến tới con đường trọn lành. Xin qúy ông bà anh chị em thứ lỗi cho. Chúng ta cố gắng cùng tiếp tục đồng hành, nâng đỡ và dắt dìu nhau tiến gần tới Chúa hơn.

Hành trình còn dang dở. Cuộc sống cần vươn lên. Lý tưởng vẫn chiếu sáng. Xin quý ông bà và anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tất cả các linh mục được chu toàn sứ vụ của mình. Xin Thiên Chúa thương chúc lành. Cầu mẹ Maria và thánh cả Giuse luôn phù trợ đỡ nâng trên mọi nẻo đường.

Bronx, New York, Ngày 13 tháng 5, 2015.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Áng Chiều Góc Biển
Lê Trị
21:27 13/05/2015
ÁNG CHIỀU GÓC BIỂN
Ảnh của Lê Trị
Hoàng hôn ơi, ráng giữ cho sóng lặng
Không ra đi cho bóng tối băn khoăn
Không đi tìm hư không trong chân lý
Không đem theo hoài bão với ăn năn
(Trích thơ của Quang Lãng)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 07/05 - 13/05/2015: Câu chuyện về Công Nghị Giêrusalem
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:34 13/05/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tình yêu đích thực phải cụ thể và giao tiếp

Trong bài giảng thánh lễ ngày thứ Năm 07 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài trên các bài đọc trong ngày và nhận định rằng tình yêu chân thật phải cụ thể và cảm thông.

Trong bài Tin Mừng, trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan (15: 9-11), Chúa đòi hỏi chúng ta phải ở lại trong tình yêu của Ngài. Đức Thánh Cha nhận xét là “có hai tiêu chí sẽ giúp chúng ta phân biệt được một tình yêu là đích thực hay không” Tiêu chí đầu tiên là tình yêu phải được thể hiện “nhiều hơn trong hành động chứ không phải trong lời nói xuông”; tình yêu không phải là “một vở kịch”, hoặc một câu chuyện “tưởng tượng” làm cho trái tim của chúng ta bồi hồi trong thoáng giây, nhưng không có gì hơn. Tình yêu thật sự là “những sự kiện cụ thể”.

Chúa Giêsu đã cảnh báo các môn đệ của Ngài, “Không phải ai nói với Ta, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; chỉ những ai thi hành thánh ý Cha ta trên trời mới là đáng kể’”.

“Nói cách khác, tình yêu chân thật phải là cụ thể, phải thể hiện ra trong các công việc, nó phải là một tình yêu bất biến. Tình yêu không chỉ là một sự nhiệt tình. Ngoài ra, thường khi, tình yêu còn là một điều gây đau đớn: đó là tình yêu được thể hiện khi Chúa Giêsu vác Thánh giá. Công việc của tình yêu là những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta trong các đoạn trong chương 25 của Thánh Matthêu. Ai yêu mến thì thực thi những điều này- là những điều chúng ta sẽ bị phán xét - Ta đói, các ngươi đã cho ăn... Ngay cả những Mối Phúc Thật, là điều có thể gọi là ‘chương trình mục vụ của Đức Giêsu’, cũng rất là cụ thể.

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha lưu ý rằng một trong những lạc thuyết đầu tiên trong Kitô giáo là thuyết Ngộ Đạo. Thuyết này nói về một ‘Thiên Chúa xa xăm’, không có chất cụ thể nào. Nhưng, tình yêu của Chúa Cha, rất cụ thể: Ngài đã sai Con Một của Ngài nhập thể để cứu chúng ta.

Tiêu chí thứ hai của tình yêu là sự giao tiếp. Tình yêu không ở mãi trong tình trạng cô lập. Tình yêu trao ban chính mình và nhận lại, đó là sự giao tiếp giữa Chúa Cha và Chúa Con, giao tiếp ấy ‘là’ “Chúa Thánh Thần”.

“Không có tình yêu nào mà không có giao tiếp, không có tình yêu bị cô lập. Một số anh chị em có thể tự hỏi: ‘Nhưng thưa cha, các tu sĩ nam nữ đang sống cô lập.’ Nhưng họ giao tiếp ... và họ giao tiếp rất nhiều với Chúa, và giao tiếp cả với những ai đang tìm kiếm một lời của Thiên Chúa .. . Tình yêu đích thực không thể tự cô lập. Nếu nó là cô lập, nó không phải là tình yêu. Đóng kín trong chính mình là một hình thái tâm linh ích kỷ, chỉ tìm ích lợi riêng cho mình ... đó là sự ích kỷ. “

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu có nghĩa là làm việc, là có khả năng giao tiếp, đối thoại, cả với Chúa và với anh chị em của chúng ta.”

“Nó đơn giản là như vậy, nhưng không phải dễ dàng gì. Bởi vì tính ích kỷ, tư lợi, thu hút chúng ta, và khiến chúng ta không muốn làm gì, khiến chúng ta không muốn giao tiếp. Chúa đã nói gì về những ai ở lại trong tình yêu của Ngài? ‘Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn’. Chúa Giêsu vui mừng vì ở trong tình yêu của Chúa Cha, và nếu anh chị em ở lại trong tình yêu của Ngài, niềm vui của anh chị em sẽ được trọn vẹn - một niềm vui thường đi kèm cùng với Thánh Giá. Nhưng niềm vui đó - chính Chúa Giêsu đã nói với chúng ta - không ai có thể lấy mất khỏi anh chị em.

Đức Thánh Cha đã kết luận bài giảng của ngài với lời cầu nguyện này: “Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của niềm vui, một niềm vui mà thế giới không thể mang lại cho chúng ta.”

2. Dấu chỉ sự hiện diện của Thánh Thần

Các cuộc thảo luận trong Giáo Hội là để tìm kiếm sự hiệp nhất và đó không thể là chỗ cho mọi người xung đột, phản bội nhau và vận động dư luận để giành chiến thắng cho lập luận của mình. Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Thánh Thần giúp mang lại sự thay đổi và di chuyển về phía trước trong Giáo Hội, nhưng đồng thời Thánh Linh cũng tạo ra sự thống nhất giữa tất cả các thành viên của Giáo Hội. Đây là thông điệp trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Sáu 08 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói Chúa Thánh Thần tạo ra sự chuyển động trong Giáo Hội mà thoạt đầu có thể gây ngộ nhận nhưng nếu chuyển động hay thay đổi này được đón nhận với lời cầu nguyện và một tinh thần đối thoại, nó sẽ luôn tạo ra sự thống nhất giữa các Kitô hữu.

Trình bày những suy tư của ngài trên bài đọc trích từ sách Tông Đồ Công Vụ, Đức Giáo Hoàng đã nêu bật gương sáng của Công Nghị đầu tiên tại Giêrusalem, nơi các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã có thể giải quyết những khác biệt về quan điểm và đạt được các thỏa thuận với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần. Cộng đồng Kitô giáo thời bấy giờ đã xảy ra những va chạm giữa Thánh Phaolô và những Kitô hữu được mệnh danh là nhóm “đóng kín”, đó là những Kitô hữu vẫn rất gắn bó với lề luật của người Do Thái, và muốn áp đặt những lề luật tương tự trên các Kitô hữu tiên khởi.

Ngài nói:

“Làm thế nào để họ giải quyết vấn đề này? Họ tổ chức một cuộc họp và mỗi người cho ý kiến của mình, quan điểm của mình. Họ thảo luận về vấn đề này nhưng như những anh chị em với nhau chứ không phải như những kẻ thù. Họ không vận động dư luận vòng ngoài để giành chiến thắng, họ không đi đến các cơ quan dân sự để giành chiến thắng và họ không giết người để chiến thắng bằng được. Họ tìm kiếm những con đường cầu nguyện và đối thoại. Những người có quan điểm đối chọi đối thoại với phía bên kia và họ đạt được một thỏa thuận. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần hướng chúng ta tới sự hài hòa và đó là lý do tại sao các Kitô hữu tham gia vào Công Nghị Giêrusalem đã có thể đạt đến sự đồng tâm nhất trí về một quyết định chung cuộc.

“Một Giáo Hội mà chẳng bao giờ có vấn đề loại này khiến tôi nghĩ rằng Chúa Thánh Thần không hiện diện trong Giáo Hội đó. Và một Giáo Hội nơi mọi người luôn cãi nhau, vận động dư luận và phản bội anh chị em mình, cũng là một Giáo Hội không có Chúa Thánh Thần! Chính Chúa Thánh Thần tạo ra sự thay đổi, tạo ra động lực để tiến về phiá trước, tạo ra không gian mới, hình thành nên sự khôn ngoan mà Chúa Giêsu đã hứa: ‘Ngài sẽ dạy bảo anh em’. Thánh Thần di chuyển mọi sự nhưng cuối cùng Ngài tạo ra sự thống nhất hài hòa giữa tất cả mọi người.”

Đức Giáo Hoàng kết luận bài giảng của mình bằng cách lưu ý những từ được sử dụng trong phần cuối bài đọc trong ngày. Ngài nói những lời này cho thấy linh hồn của sự hài hòa Kitô giáo, không phải là kết quả của một hành động thiện chí đơn giản nhưng là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha nói tiếp rằng “Giờ đây chúng ta tiếp tục cử hành Thánh Thể và chúng ta hãy xin Chúa Giêsu, là Đấng đang hiện diện giữa chúng ta gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, với mỗi người chúng ta. Xin Chúa gửi Thánh Thần đến với Giáo Hội và Giáo Hội có thể luôn luôn biết làm thế nào để trung thành với chuyển động mà Chúa Thánh Thần đã tạo ra”.

3. Câu chuyện về Công Nghị Giêrusalem

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tiếp tục loạt bài nói về sự thay đổi của các thánh Tông Đồ sau cuộc thương khó, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô, Như Ý xin thuật tiếp câu chuyện liên quan đến sự hình thành Giáo Hội sơ khai.

Như Hà Thu và Kim Thúy vừa trình bày cộng đồng Kitô giáo tiên khởi thời bấy giờ đã xảy ra những va chạm giữa Thánh Phaolô và những Kitô hữu được mệnh danh là nhóm “đóng kín”, đó là những Kitô hữu vẫn rất gắn bó với lề luật của người Do Thái, và muốn áp đặt những lề luật tương tự trên các Kitô hữu tiên khởi.

Sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật lại như sau:

Có những người thuộc phái Pha-ri-sêu đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Môsê.” Các Tông Đồ và các kỳ mục bèn họp nhau để xem xét vụ này.

Sau khi các ông đã tranh luận nhiều, ông Phêrô đứng lên nói: “Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ. Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi? Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ.”

Bấy giờ toàn thể hội nghị im lặng. Họ nghe ông Banaba và ông Phaolô thuật lại các dấu lạ điềm thiêng Thiên Chúa đã dùng hai ông mà làm giữa các dân ngoại.

Khi hai ông dứt lời, ông Giacôbê lên tiếng nói: “Thưa anh em, xin nghe tôi đây: Ông Si-môn đã thuật lại cho chúng ta rằng: ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại một dân mang danh Người. Những lời các ngôn sứ cũng phù hợp với điều ấy, như đã chép: Sau đó, Ta sẽ trở lại, và sẽ xây dựng lại lều Đa-vít đã sụp đổ; đống hoang tàn đó, Ta sẽ xây dựng lại, và Ta sẽ dựng lại lều ấy. Như vậy các người còn lại và tất cả các dân ngoại được mang danh Ta sẽ tìm kiếm Chúa. Chúa phán như vậy, Người là Đấng cho biết những điều ấy tự ngàn xưa.

“Vì vậy, phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Các cộng đoàn Kitô phải là những cộng đoàn yêu thương để nên những chứng nhân đích thực cho Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào cũng có sự đồng tâm nhất trí giữa các thành viên với nhau.

Công Nghị Giêrusalem đề ra cho chúng ta một gương sáng để giải quyết những khác biệt về quan điểm và đạt được các thỏa thuận với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra trong thánh lễ sáng thứ Sáu 8 tháng Năm vừa qua:

“Làm thế nào để họ giải quyết vấn đề này? Họ tổ chức một cuộc họp và mỗi người cho ý kiến của mình, quan điểm của mình. Họ thảo luận về vấn đề này nhưng như những anh chị em với nhau chứ không phải như những kẻ thù. Họ không vận động dư luận vòng ngoài để giành chiến thắng, họ không đi đến các cơ quan dân sự để giành chiến thắng và họ không giết người để chiến thắng bằng được. Họ tìm kiếm những con đường cầu nguyện và đối thoại. Những người có quan điểm đối chọi đối thoại với phía bên kia và họ đạt được một thỏa thuận. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần.”

4. Kitô hữu không phải là những người tìm vui trong đau khổ nhưng chấp nhận khổ đau vì họ có niềm hy vọng

Gian truân, tín thác, và bình an. Đây là ba từ then chốt trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ sáng thứ Ba 5 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng người Kitô hữu không có một thái độ “tìm vui trong khổ đau” khi đối mặt với những khó khăn, nhưng dựa vào Chúa với niềm tin và hy vọng.

Khi Thánh Phaolô chịu bách hại, bất chấp hàng ngàn gian truân, ngài vẫn kiên vững trong đức tin và khuyến khích những người khác hy vọng nơi Chúa. Dựa vào bài đọc Một từ sách Tông Đồ Công Vụ, Đức Thánh Cha đã khai triển các ý tưởng chung quanh ba điểm chính là gian truân, phó thác và bình an - và nhấn mạnh rằng để vào Nước Thiên Chúa, người ta phải “trải qua những thời kỳ đen tối, và khó khăn”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cảnh báo “đây không phải là một thái độ tìm vui trong khổ đau”, đúng hơn, đó là “cuộc đấu tranh của người tín hữu Kitô” chống lại ma quỷ thế gian này, là kẻ cố gắng tách chúng ta khỏi “lời của Chúa Giêsu, khỏi niềm tin, khỏi hy vọng.” Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng “chịu đựng những gian truân” là một cụm từ đã được Thánh Tông Đồ Phaolô sử dụng thường xuyên.

Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Động từ “chịu” có một nghĩa mạnh hơn là kiên nhẫn, nó có nghĩa là mang vác trên vai của mình gánh nặng của gian truân. Đời sống Kitô hữu vẫn thường có những khoảnh khắc như thế. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta: ‘Hãy can đảm lên tại những thời khắc như thế... Thầy đã chiến thắng thế gian, anh em cũng sẽ là những người chiến thắng’. Từ ngữ đầu tiên này soi sáng cho chúng ta tiến về phía trước trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của cuộc sống, những khoảnh khắc làm cho chúng ta phải khổ đau.

Sau khi đưa ra lời khuyên này, Đức Giáo Hoàng nói, Thánh Phaolô “tổ chức các Hội Thánh [tại Lýt-ra, Icôniô và Antiôkia]”, “Người cầu nguyện trên các tư tế, đặt tay của Ngài trên họ và giao phó họ cho Chúa.”

Từ thứ hai: “phó thác”. Phanxicô nhận xét rằng một Kitô hữu “có thể đương đầu nổi với gian truân và cả bách hại khi phó thác mình cho Chúa.” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng chỉ có Chúa “là có khả năng ban cho chúng ta sức mạnh, để cho chúng ta kiên trì trong đức tin, để cho chúng ta hy vọng”.

“Hãy phó thác mọi sự cho Chúa; phó thác thời điểm khó khăn này cho Ngài; phó thác bản thân mình cho Chúa; phó thác cho Ngài các tín hữu của chúng ta, các linh mục, giám mục; hãy phó thác cho Chúa gia đình, bạn bè và nói với Chúa rằng ‘Lạy Chúa, hãy chăm sóc cho họ, họ là những người của Chúa.’ Lời cầu uỷ thác này là một lời cầu nguyện mà chúng ta không thường xuyên đọc: ‘Lạy Chúa, con phó thác điều này trong tay Chúa: Xin Chúa giúp chăm sóc điều đó. Đó là một kinh nguyện Kitô giáo rất đẹp, là thái độ tin tưởng vào sức mạnh của Chúa, và vào sự dịu dàng của Thiên Chúa là Cha, Đấng là Cha chúng ta”

Đức Thánh Cha nói thêm: Khi một người dâng lên lời cầu nguyện này từ con tim, và cảm thấy hoàn toàn tín thác vào Chúa - người ấy có thể chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ thất vọng. Gian truân làm cho chúng ta đau khổ, nhưng niềm tin nơi Chúa đem lại cho chúng ta hy vọng; và điều này dẫn đến từ ngữ thứ ba là bình an.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhớ những gì Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an cho anh em”. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng bình an Chúa hứa ban cho chúng ta “không phải là hòa bình, không phải một trạng thái an nhiên đơn giản của tâm hồn”, nhưng là một sự bình an “đi vào bên trong tâm hồn chúng ta, một sự bình an ban cho chúng ta sức mạnh, củng cố những gì ngày hôm nay chúng ta đang kêu cầu cùng Chúa, đó là đức tin và niềm hy vọng của chúng ta”

Để kết luận, Đức Thánh Cha, tóm lại ba từ then chốt trong bài giảng của ngài: gian truân, phó thác và bình an. “Trong cuộc sống, chúng ta phải đương đầu với gian truân đó là quy luật của cuộc sống. Nhưng trong những khoảnh khắc đó, chúng ta phải trông cậy vào Chúa và Ngài đáp lại với sự bình an của Ngài. Chúa là người Cha yêu thương chúng ta rất nhiều và không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Bây giờ chúng ta tiếp tục cử hành Thánh Thể với Chúa, cầu nguyện xin Ngài tăng cường đức tin của chúng ta và hy vọng của chúng ta, xin Ngài ban cho chúng ta lòng cậy trông để vượt qua các thử thách của chúng ta bởi vì Ngài đã thắng thế gian và ban cho chúng ta mọi bình an của Ngài.”

5. Hôn nhân Kitô là một cử chỉ của đức tin và tình yêu

Hôn nhân Kitô là một bí tích xảy ra trong Giáo Hội và cũng làm thành Giáo Hội, bằng cách trao ban sự khởi đầu cho một cộng đoàn gia đình. Hôn nhân Kitô là một cử chỉ của đức tin và tình yêu làm chứng cho lòng can đảm tin nơi vẻ đẹp của hành động tạo dựng của Thiên Chúa và sống tình yêu thúc đẩy luôn luôn vượt quá chính mình và cả gia đình nữa, để trở thành phước lành và ơn thánh cho tất cả mọi người.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hơn 40,000 ngàn người tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 6 tháng Năm.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý “vẻ đẹp của hôn nhân kitô”. Ngài nói:

Hôn nhân Kitô không chỉ đơn giản là lễ nghi làm trong nhà thờ, với hoa, với áo cưới và hình chụp… Hôn nhân Kitô là một bí tích xảy ra trong Giáo Hội và cũng làm thành Giáo Hội bằng cách trao ban sự khởi đầu cho một cộng đoàn gia đình.

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Đó là điều mà tông đồ Phaolô tóm tắt trong kiểu nói: “Mầu nhiệm này, mầu nhiệm của hôn nhân, thật cao cả; tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32). Được Chúa Thánh Thần linh ứng Phaolô khẳng định rằng tình yêu giữa chồng vợ là hình ảnh tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Một phẩm giá không thể tưởng tượng nổi! Nhưng trong thực tế nó được khắc ghi trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa, và với ơn thánh của Chúa Kitô, vô số các cặp vọ chồng kitô đã thực hiện nó mặc dù có các hạn hẹp, các tội lỗi của họ.

Khi nói về cuộc sống mới trong Chúa Kitô, thánh Phaolô nói rằng tất cả các Kitô hữu đều được kêu mời yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương họ, nghĩa là “tùng phục nhau” (Ep 5,21), có nghĩa là phục vụ nhau. Và ở đây ngài đưa ra sự tương tự giữa cặp vợ chồng và Chúa Kitô - Giáo Hội. Rõ ràng đây là một sự tương tự bất toàn, nhưng chúng ta phải tiếp nhận ý nghĩa tinh thần rất cao cả và cách mạng của nó, đồng thời đơn sơ, vừa tầm với của mọi người nam nữ tín thác nơi ơn thánh Chúa.

Thánh Phaolô nói: chồng phải yêu thương vợ “như chính bản thân mình” (Ep 5,28); yêu nàng như Chúa Kitô “đã yêu thương Giáo Hội và đã tự hiến mình cho Giáo Hội” (c. 25). Nhưng mà các người chồng hiện diện ở đây, anh em đã hiều điểu này chưa? Yêu thương vợ mình như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội Người. Đây không phải là các chuyện đùa đâu, nó nghiêm chỉnh đấy!

Hiệu qủa của sự tận tụy triệt để này được đòi hỏi nơi người nam, vì tình yêu và phẩm giá của người nữ, theo gương Chúa Kitô, phải lớn lao trong chính cộng đoàn kitô. Hạt giống của sự mới mẻ tin mừng này tái lập sự tuơng giao ban đầu của sự tận hiến và tôn trọng, đã chín mùi từ từ trong lịch sử, nhưng sau cùng đã thắng thế.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: bí tích hôn phối là một hành động của đức tin và tình yêu: nó chứng minh lòng can đảm thúc đẩy luôn đi xa hơn, xa hơn chính mình và cũng xa hơn cả gia đình nữa. Ơn gọi kitô yêu thương không hạn chế và không chừng mực, với ơn của Chúa Kitô, cũng là nền tảng sự đồng ý tự do làm thành hôn nhân.

Chính Giáo Hội liên lụy tràn đầy trong lịch sử của mọi cuộc hôn nhân Kitô; Giáo Hội được xây dựng trong các thành công của hôn nhân và khổ đau trong các thất bại của nó. Nhưng chúng ta phải nghiêm chỉnh tự hỏi xem: chúng ta có chấp nhận cho tới cùng - chính mình như là tín hữu và cả như là chủ chăn nữa - mối dây ràng buộc bất khả phân ly này của lịch sử của Chúa Kitô và của Giáo Hội với lịch sử của hôn nhân và gia đình nhân loại hay không? Chúng ta có sẵn sàng nghiêm chỉnh lãnh nhận trách nhiệm này hay không? Nghĩa là chấp nhận rằng mỗi một hôn nhân đi trên con đường tình yêu mà Chúa Kitô có đối vói Giáo Hội không? Điều này thật là cao cả!

Trong sự sâu thẳm này của mầu nhiệm tạo dựng, được thừa nhận và tái lập trong sự trong trắng của nó, mở ra một chân trời to lớn thứ hai như đặc tính của bí tích hôn phối. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Quyết định “lấy nhau trong Chúa” cũng chứa đựng một chiều kích truyền giáo nữa, có nghĩa là có trong tim sự sẵn sàng biến mình trở thành phúc lành của Thiên Chúa và ơn thánh Chúa cho tất cả mọi người. Thật thế, như là các vợ chồng kitô họ tham dư vào sứ mệnh của Giáo Hội. Và cần phải có can đảm để làm diều này. Vì thế khi tôi chào các đôi tân hôn, tôi nói: “Đây là những người can đảm!”, bởi vì cần phải có can đảm để yêu nhau như vậy, như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội.

Việc cử hành hôn nhân không thể bị để bên ngoài tinh thần đồng trách nhiệm này của gia đình kitô đối với sứ mệnh lớn lao tình yêu của Giáo Hội. Và như thế cuộc sống của Giáo Hội được phong phú từng lần bởi vẻ đẹp của giao ước hôn nhân, cũng như bị nghèo nàn đi mỗi khi nó bị méo mó. Để cống hiến cho tất cả mọi người các ơn đức tin, tình yêu và niềm hy vọng Giáo Hội cũng cần sự trung thành can đảm của các cặp vợ chồng đối với ơn thánh bí tích hôn nhân của họ. Dân Thiên Chúa cần con đường đức tin, tình yêu thương và niềm hy vọng thường ngày của họ, với tất cả các vui buồn nhọc mệt của con đường ấy trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Lộ trình đã được ghi dấu luôn mãi, đó là lộ trình của tình yêu: người ta yêu nhau như Thiên Chúa yêu, luôn mãi. Chúa Kitô đã không ngừng lo lắng cho Giáo Hội: Ngài yêu thương Giáo Hội luôn mãi, Ngài giữ gìn Giáo Hội luôn mãi như chính mình. Chúa Kitô không ngừng lấy đi trên gương mặt nhân loại của nó các vết nhơ và các nếp nhăn đủ loại. Thật là cảm động và xinh đẹp biết bào việc giãi toả sức mạnh và sự hiền dịu đó của Thiên Chúa, được thông truyền từ cặp này sang cặp khác, từ gia đình này sang gia đình khác. Thánh Phaolô đã có lý: đây thật là môt mầu nhiệm cao cả! Các người nam nữ này khá can đảm để mang theo kho tàng này trong các bình “bằng đất” nhân loại tính của chúng ta, các người nam nữ can đảm như thế là một tài nguyên nòng cốt cho Giáo Hội cũng như cho toàn thế giới. Xin Thiên Chúa chúc lành cho họ hàng ngàn lần về điều đó.

6. Giới răn yêu thương của Chúa Giêsu dẫn chúng ta tới với tha nhân

Giới răn yêu thương của Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường theo Ngài, con đường của tình yêu, khiến cho chúng ta ra khỏi chính mình, đi đến với tha nhân và có các cử chỉ bé nhỏ, yêu thương, cụ thể, gần gũi với người già, trẻ em, người bệnh, ngưòi cô đơn, gặp khó khăn, người thất nghiệp, di cư, tỵ nạn…

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 10 tháng Năm.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Tin Mừng hôm nay, Phúc Âm thánh Gioan chương 15, đưa chúng ta trở lại Nhà Tiệc Ly, nơi chúng ta nghe giới răn mới của Chúa Giêsu. Ngài nói: “Đây là điều răn mới của Thầy: đó là các con hãy yêu nhau như Thầy đã yêu các con” (c. 12). Và khi nghĩ tới hiến tế thập giá rất gần kề, Ngài nói thêm: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con làm những điều Thầy truyền dậy” (cc. 13-14). Đức Thánh Cha giải thích điều răn yêu thương của Chúa Giêsu như sau:

Các lời này, được nói lên trong Bữa Tiệc Ly, tóm tắt toàn sứ điệp của Chúa Giêsu; còn hơn thế nữa, chúng tóm gọn tất cả những gì mà Ngài đã làm: Ngài đã trao ban mạng sống mình cho các bạn hữu. Các người bạn đã không hiểu Ngài, và trong lúc định đoạt nhất đã bỏ rơi, phản bội và khước từ Ngài. Điều này nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, cho dù chúng ta không xứng đáng với tình yêu của Ngài: Chúa Giêsu yêu thương chúng ta như thế đó!

Trong cách thức này Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường theo Ngài, con đường của tình yêu. Giới răn của Ngài không là một điều luật đơn thuần, luôn như cái gì trừu tượng, hay ở ngoài cuộc sống chúng ta. Điều răn của Chúa Kitô mới mẻ, bởi vì Ngài là người đầu tiên đã thực hiện nó, đã trao ban thịt xác cho nó, và như thế luật yêu thương được viết một lần cho luôn mãi trong trái tim con người. (x. Gr 31,33). Nó được viết làm sao? Nó được viết với lửa của Thánh Thần. Và với cùng Thần Khí mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, chúng ta cũng có thể bước đi trên con đường ấy!

Nó là một con đường cụ thể, một con đường dẫn chúng ta tới chỗ ra khỏi chính mình để đi đến với những người khác. Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy rằng tình yêu của Thiên Chúa hiện thực trong tình yêu tha nhân. Cả hai đi với nhau. Các trang Tin Mừng tràn đầy tình yêu này: người trưởng thành, trẻ em, người thông thái, kẻ dốt nát, người giầu kẻ nghèo, người công chính, kẻ tội lỗi tất cả đều được tiếp đón trong trái tim của Chúa Kitô.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Như vậy, Lời này của Chúa mời gọi chúng ta yêu thương nhau, cả khi chúng ta không luôn luôn hiểu nhau, không luôn luôn đồng ý với nhau… nhưng chính nơi đó mà người ta trông thấy tình yêu kitô. Một tình yêu được biểu lộ ra, cả khi có các khác biệt ý kiến hay tính tình, nhưng tìh yêu lớn hơn các khác biệt! Đó là tình yêu mà Chúa Giêsu đã dậy chúng ta. Nó là một tình yêu mới mẻ, bởi vì đã được Chúa Giêsu và Thần Khí của Ngài canh tân. Nó là một tình yêu được cứu rỗi, được giải thoát khỏi ích kỷ. Một tình yêu trao ban cho con tim chúng ta niềm vui, như chính Chúa Giêsu nói: “Thầy đã nói vơi các con những điều này để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con tràn đầy”.

Chính tình yêu này của Chúa Kitô, mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta, thực hiện các điều lạ lùng mỗi ngày trong Giáo Hội. Có biết bao nhiêu cử chỉ lớn nhỏ tuân theo giới răn của Chúa: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các con” (X. Ga 15,12). Các cử chỉ bé nhỏ, các cử chỉ của mỗi ngày, các cử chỉ của sự gần gũi một người già, một em bé, một người bệnh, một người cô đơn và trong khó khăn, không nhà, không công ăn việc làm, di cư, tỵ nạn… Nhờ sức mạnh Lời này của Chúa Kitô mỗi người trong chúng ta đều có thể gẩn gữi người anh chị em mà chúng ta gặp gỡ. Các cử chỉ của sự gần gũi, cận kề. Nơi các cử chỉ đó biều lộ tình yêu mà Chúa Kitô đã dậy chúng ta.

Xin Mẹ Rất Thánh giúp chúng ta trong điều này, để trong cuộc sống mỗi ngày của từng người trong chúng ta tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân luôn luôn hiệp nhất.