Ngày 12-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Biết và không biết
Lm. Minh Anh
03:25 12/05/2021
BIẾT VÀ KHÔNG BIẾT
“Đấng quý vị thờ mà không biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị”.

Socrates, người đặt nền móng cho nền triết học phương Tây, 400 năm trước Chúa Giáng Sinh. Suốt đời, Socrates không viết ra bất cứ điều gì; triết học của ông được biết qua Plato, môn sinh nổi tiếng. Ông không nhận mình là một thầy dạy, chỉ tự cho mình là một bà đỡ ‘giúp đứa trẻ tự chào đời’, “Tôi không thể dạy ai một thứ gì; tôi chỉ có thể khiến họ suy nghĩ!”; “Mẹ tôi đỡ đẻ cho sản phụ, tôi đỡ đẻ cho những bộ óc!”. Cuối đời, ông bị cáo buộc đã làm hư hỏng giới trẻ, bất kính với Athêna; bị giam, buộc uống thuốc độc. Câu nói bất hủ của ông, “Tôi chỉ biết một điều, tôi không biết gì cả!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật trùng hợp khi các bài đọc Lời Chúa hôm nay cũng nói đến việc ‘biết và không biết’. Đặc biệt, một trùng hợp thú vị hơn, khi những người của chính thành phố xưa đã giết chết Socrates biết rằng, có thần minh, nhưng họ lại không biết rõ vị thần đó là ai; cũng như chúng ta biết Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu, nhưng không bao giờ có thể biết được Ngài trọn vẹn.

Công Vụ Tông Đồ tường thuật chuyến dừng chân của Phaolô ở Athêna, thành phố của các triết gia cổ đại. Phaolô tinh ý nhìn thấy một bàn thờ của họ ghi, “Kính Thần vô danh”; lập tức, ông lên tiếng, “Đấng quý vị thờ mà không biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị”. Sau đó, Phaolô tiếp tục nói với họ về những gì họ ‘biết và không biết’ rằng, vị “Thần vô danh” mà họ chưa biết đó chính là Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải chính mình trong cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu; Ngài là “Thiên Chúa, Đấng đã tác tạo vũ trụ và vạn vật trong vũ trụ, Ngài là Chúa trời đất”. Một cách trùng hợp, Thánh Vịnh đáp ca lại gợi lên ‘sự hiểu biết’ này, “Trời đất đầy vinh quang của Chúa”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ về những điều họ ‘biết và không biết’, “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được”. Là Kitô hữu, chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho Thiên Chúa được nhận biết; Ngài là lẽ thật, là sự mặc khải của Thiên Chúa, cũng như mặc khải mục đích hiện hữu của cuộc đời mỗi người. Như thế, một khi biết Chúa Giêsu, chúng ta biết Thiên Chúa. Tuy nhiên, sẽ không bao giờ chúng ta biết Chúa Giêsu một cách trọn vẹn trong cuộc đời này; bao lâu còn trên dương thế, chúng ta chỉ luôn ở trong hành trình hướng tới việc hiểu biết Ngài mà thôi! Ấy thế, việc hiểu biết Chúa Giêsu không phải là một hiểu biết trí tuệ nhưng là một hiểu biết của con tim, một sự hiểu biết vốn chỉ có thể là hoa trái của tình yêu. Và đó chính là lý do tại sao Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay, “Khi Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”; ý Ngài muốn nói, để có thể hiểu biết Ngài trọn vẹn, chúng ta nhất định phải có sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.

Thật bất ngờ! Nếu Chúa Giêsu làm cho Thiên Chúa được nhận biết, thì chính Ngôi Ba Thiên Chúa sẽ làm công việc này để chúng ta có thể nhận biết Chúa Giêsu! Chính Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn. Thú vị thay! ‘Sự Thật toàn vẹn’ đó chính là Chúa Giêsu, Đấng đã nói, “Thầy là Đường, là Sự Thật”. Vì thế, mỗi ngày, nếu khao khát muốn biết tất cả Sự Thật Giêsu, chúng ta phải để cho chính Thánh Thần đưa chúng ta vào hành trình này, hành trình hướng tới Giêsu, Chân Lý vẹn toàn. Chính Thánh Thần là Đấng làm cho tình yêu của Chúa Giêsu trở nên hữu hình đối với chúng ta, và chính Ngài lại hướng chúng ta về phía tình yêu của Chúa Giêsu; Ngài là Đấng đưa chúng ta đến sự hiểu biết về Chúa Giêsu một cách trọn vẹn hơn ai hết.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu là Đấng mà chúng ta vừa ‘biết và không biết’, vì nếu biết Ngài trọn vẹn, chúng ta đã nên thánh từ lâu. Biết Ngài, nhưng chúng ta không biết Ngài yêu chúng ta đến mức nào, đến mức chết trên thập giá để chuộc lại chúng ta. Biết Ngài, nhưng chúng ta không biết Ngài khao khát chúng ta như thế nào; Ngài ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể, chờ đợi chúng ta hầu nuôi chúng ta bằng sự sống thần linh của Ngài. Biết Ngài, nhưng chúng ta không nhận ra Ngài trong anh chị em mình để sống giới răn yêu thương... Như thế, sự hiểu biết Thiên Chúa, hiểu biết Chúa Giêsu của chúng ta sẽ tuỳ thuộc tuyệt đối vào việc mỗi người chúng ta có biết ngoan nguỳ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hay không. Chính sự hiểu biết ấy mới có thể biến đổi con người chúng ta. Biết Thiên Chúa là Cha, chúng ta sẽ coi mọi người là anh em. Chỉ có cách này, chúng ta mới có thể nói với người khác như Phaolô, “Đấng quý vị thờ mà không biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng khoả lấp trong con ranh giới giữa ‘biết và không biết’ Thiên Chúa; xin ngự đến, soi sáng tâm trí con và đốt nóng trái tim con. Xin cho con biết mở lòng ra với Ngài; để mỗi ngày, con một hiểu biết Chúa Giêsu hơn; nhờ đó, con sẽ sớm nên thánh hơn”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chúa Giêsu Lên Trời
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
04:55 12/05/2021
Chúa Giêsu Lên Trời

Lịch phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo trình bày hai lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên và Đức Maria Lên Trời với những tên gọi giống nhau và có ý nghĩa tương đồng, nhưng thực chất rất khác nhau. Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên được mừng kính sau lễ Phục Sinh 40 ngày, và lễ Đức Mẹ Lên Trời được cử hành vào ngày 15 tháng 8. Trong tiếng La tinh từ Ascensione “Thăng thiên” chỉ dành riêng cho Chúa Giêsu Kitô, nó có nghĩa là “đi lên”: Ngài đã lên trời, đã thăng thiên, tự thân, nghĩa là nhờ quyền năng của Ngài với tư cách là Thiên Chúa. Với Đức Maria, từ Asumptione, muốn nói rằng : Mẹ “được đưa lên”, “được Thiên Chúa mang đi”. Mẹ được Chúa đưa về trời, không do khả năng của mình mà nhờ quyền năng của Thiên Chúa. (x.Chúa Giêsu Thăng Thiên và Đức Maria Lên Trời khác nhau thế nào?. aleteia.org).

Sự kiện Chúa Giêsu lên trời, Tin Mừng thánh Maccô hôm nay ghi lại rất vắn tắt: “Chúa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”. Tin mừng Matthêu nói đến lệnh truyền: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Theo sách Công vụ Tông đồ, Chúa Giêsu lên trời sau khi sống lại được 40 ngày, và nơi lên trời là núi Cây Dầu.

Thực ra sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người đã lên trời rồi theo kiểu nói của Kinh Thánh, nghĩa là Người bước vào cõi vinh quang của Chúa Cha, Người ngự bên hữu Chúa Cha, mặc lấy vinh quang và quyền năng của Chúa Cha.

Trong 40 ngày sau sống lại, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần để dạy dỗ và cũng cố đức tin của các Tông Đồ. Giáo hội đã được thiết lập nay được cũng cố để được sai đi. Như vậy sự kiện lên trời mà phụng vụ Giáo Hội kính nhớ hôm nay có ý nghĩa sâu xa. Nó chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác, chấm dứt thời gian huấn luyện các Tông Đồ. Một thời điểm có tính cách quyết định của lịch sử cứu độ là Chúa Giêsu ban những giáo huấn cuối cùng,trao những chức vụ phải thi hành trong Giáo hội, chuẩn bị cho các Tông đồ thi hành sứ mạng chứng nhân của Đấng phục sinh trong thế giới.

Chúa Giêsu lên trời. Người trở về nhà Cha, sau khi đã hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao phó. Sau thời gian 33 năm xa nhà, Người hồi hương trong vinh quang phục sinh và “được đưa về trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19).

Chúa Giêsu lên trời, một cảnh tượng thật huyền diệu. Thân xác Người nhẹ bay lên cao. Tay Người ban phúc lành cho các tín hữu. Dáng Người nhỏ dần và hòa biến vào không gian vô tận.Trên trời cao, các thiên thần và triều thần thiên quốc đang tụ họp tổ chức nghi lễ đón tiếp Đấng Cứu Thế khải hoàn. Tác giả Thánh vịnh 23 đã chiêm ngưỡng và mô tả cuộc nghinh đón đó bằng ca khúc bất hủ: “Hỡi các khải hoàn môn và các vệ binh thiên quốc, hãy cất cao đầu lên. Hỡi các cửa triều đình vĩnh cửu, hãy mở rộng ra, để Vua vinh hiển và đoàn tùy tùng tiến vào. Vua vinh hiển là ai? Thưa là Đức Giêsu uy hùng lẫm liệt, là Chúa oai phong chiến thắng. Hỡi các khải hoàn môn, hỡi các cửa triều đình vĩnh cửu hãy cất cao đầu lên, để Vua vinh hiển tiến vào, Vua vinh hiển là ai? Chính là Thiên Chúa hùng dũng uy linh”.

Đoàn tùy tùng theo Chúa về trời: đông vô kể, các thánh thời Cựu Ước, các tổ phụ, các tiên tri, các người công chính… đang hoan hỉ vui mừng đi theo Chúa. Đặc biệt có thánh cả Giuse, thánh Gioan Tiền hô, Tổ phụ Abraham, Giacop, Môisê, thánh Gióp, vua Đavid, các tiên tri, hân hoan cung nghinh Đấng Phục Sinh khải hoàn về thiên quốc.

Trên núi Cây Dầu, cả cộng đoàn môn đệ đang ngây ngất chiêm ngưỡng, tâm trí như mất hút vào không gian vô tận, lòng rộn rã hân hoan: “Hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa. Hãy trổi cao kèn sáo, đàn ca lên dâng Người khúc ca tuyệt mỹ, Chúa là Vua khắp muôn dân, ngự trên tòa uy linh cao cả” (Tv 47, 2-3, 6-9).

Chúa Giêsu lên trời, một cuộc tạm biệt, chứ không ly biệt. Chia tay để rồi sẽ gặp lại nhau trong một tương quan mới.

Chúa Giêsu lên trời, những chữ lên trời bị chi phối bởi cách suy nghĩ có giới hạn của con người. Theo cách suy nghĩ đó, các biến cố xảy ra luôn luôn được gắn liền với các vị trí trong không gian. Thực ra trời đây không phải là một nơi và lên không có nghĩa là nơi đó ở trên cao. Lên trời ở đây không hiểu theo nghĩa địa lý vì trời hay thiên đàng là một trạng thái hơn là một nơi chốn. Con người đang sống trong không gian và thời gian nên định vị trí mọi sự theo hai trục đó.Trời ở đây không phải là một khoảng không gian rõ rệt, nhưng là một tình trạng (x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 659-667, 2794-2796) mà Chúa Giêsu đi vào trong đó để dẫn chúng ta theo.

Lên trời là giải thích theo ngôn ngữ bình dân của con người cho dễ hiểu. Theo quan niệm phổ biến của Thánh Kinh, trời là chỗ ở của thần minh, do đó cũng được dùng một cách tượng trưng để chỉ Thiên Chúa. Còn đất là nơi loài người cư ngụ. Ngày xưa khi Chúa Giêsu nhập thế thì gọi là ‘xuống trần’. Hôm nay Người trở lại với tình trạng vinh quang thì gọi là ‘lên trời’. “Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Eph 4,10). Vì vậy “lên trời” đối với Chúa Giêsu không phải là một hành động bay đến một nơi trên chốn bồng lai tiên cảnh đầy mây, nhưng đó là tình trạng Người đã lấy lại vinh quang.

Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh Kinh, ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ, Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).Thành ngữ “bên hữu Chúa Cha” ám chỉ đến vị trí danh dự của Con Thiên Chúa, bên cạnh vinh quang vĩnh cửu của Cha. Nếu Chúa Giêsu không trở về với Cha thì sẽ không có ơn cứu chuộc nào dành cho con người; bằng cách trở về với Cha, Ngài hoàn tất sự Phục sinh và gửi Thánh Thần An ủi đến cho thế giới.

Điều cốt yếu mà Thánh kinh muốn dạy về mầu nhiệm Thăng Thiên là Đức Giêsu Kitô đã ra khỏi thế giới trần thế bị tội lỗi làm nhiễm độc và một ngày kia sẽ tiêu tan để tiến vào một thế giới mới, trong đó Thiên Chúa ngự trị tuyệt đối và vật chất đã biến đổi, đã thấm nhuần tinh thần. Người chính là “vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (x. Dt 7,26), và đã vào chính cõi trời, để đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta (x. Dt 9,25). Từ nay trở đi, Người sẽ hiện diện với chúng ta một cách vô hình. Với quyền năng của Chúa Thánh Thần, thân xác Chúa Giêsu đã được thần khí hoá và đi vào cõi vĩnh hằng của Chúa Cha. Sự hiện diện này thâm sâu hơn và hiệu năng hơn. Khi còn ở trong thân xác, Chúa Giêsu chỉ ở bên cạnh một số người thôi. Từ nay, với quyền năng Thánh Thần, Người sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người (x. Pl 2,10-11).

Chúa Giêsu lên trời, điều đó dạy cho chúng ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác. Con cá sinh ra trong con lạch nhỏ, rồi xuôi dòng nước ra sông lớn, nhưng mùa xuân đến, nó lại về nguồn như là trở về dòng sông quê hương. Con chim làm tổ trên kia, mùa đông nó vỗ cánh bay cả ngàn dặm về phương nam, nhưng khi xuân đến, nó lại tìm về tổ ấm ngày xưa. Làm sao các con vật đó biết đường quay về, trong khi chẳng có bản đồ, không người hướng dẫn? Vì Thiên Chúa đã đặt vào lòng chúng, con đường trở về. Và Ngài cũng không quên đặt vào lòng mỗi người chúng ta con đường cuộc sống và con đường trở về quê trời.

Trời không phải là một nơi chốn xác định, chẳng phải là một không gian vật lý có thể cân đo đong đếm. Nhưng trời là Thiên đàng, là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi.Lên trời không phải là bay bổng lên không gian, nhưng là chuyển đổi cấp độ sự sống, là bước vào sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa. Lên trời không phải là vắng mặt, là xa cách nhưng lại là một hiện diện vô cùng phong phú, vô cùng mãnh liệt, ở bên cạnh tất cả mọi người, ở mọi nơi và ở mọi thời.

Chúa Giêsu lên trời, đưa mọi người về trời với Người vì chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô trong thư Êphêsô (1,17-23) đã nói, Giáo hội là Hiền thê của Chúa Giêsu, Người là đầu và chúng ta là những chi thể. Khi Chúa Giêsu về trời là mỗi người cũng được chia sẻ thần tính của Người, đi vào một tình trạng kết hợp hoàn toàn mới mẻ với Người. Điều này không phải chỉ xảy ra sau khi ta chết, nhưng có thể thực hiện ngay trong đời sống trần thế như đời sống của nhiều tín hữu đã chứng minh: thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ ba (x. 2Cr 12,2). Nhiều vị thánh như Phanxicô Assidi, Gioan Thánh Giá, Catarina de Sienna... cảm nghiệm trời trong những lần xuất thần; còn thánh Têrêsa Calcutta lại thấy trời giữa lòng xã hội với những con người khốn khổ, bệnh tật.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.

Chúa Giêsu lên trời, mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ.Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Lễ Chúa Giêsu lên trời, Giáo Hội chọn làm ngày Quốc tế Truyền thông. Ngày nay, các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội phát triển rất nhanh. Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích con cái mình vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng. Chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 55 năm nay là “Hãy đến mà xem” (Ga 1,46). Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người như chính họ là.

Chúa Giêsu lên trời, nhưng không rời xa nhân loại: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” Như vậy, khi đang sống ở trần thế này, chúng ta được vui hưởng niềm hạnh phúc Chúa ở cùng. Ai sống trong tình yêu Chúa thì ở trong Nước Trời. Thế nên, Chúa đã trao cho các môn đệ sứ mạng xây dựng Nước Trời ngay đời này bằng cách làm chứng cho Chúa, làm cho mọi người tin yêu Chúa. “Đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời”. Yêu thương làm Nước Trời xuất hiện ngay bây giờ và cho tới muôn đời.

Chúa về trời, chúng ta vào đời làm chứng nhân của Tin Mừng Cứu Độ và loan báo Tin Vui.
 
Mở Mắt
Lm Vũđình Tường
05:50 12/05/2021
Trước ngày về trời Đức Kitô chuẩn bị cho môn đệ ngày Ngài dời họ để về cùng Chúa Cha. Đức Kitô chuẩn bị bằng cách giúp họ dù xa cách Ngài họ vẫn có thể trực tiếp liên lạc và cảm thấy Ngày luôn đồng hành với họ. Đức Kitô đề nghị hai cách liên lạc. Thứ nhất là liên kết với Ngài như cành nho liên kết với thân nho để nhận sự sống từ thân nho. Cách thứ hai là thực hành giới luật yêu thương Ngài ban. Khi làm một trong hai công việc đó, môn đệ cảm nhận Đức Kitô kề bên. Sau đó, Đức Kitô còn ban cho các ông ơn nhận biết bằng cách mở mắt các môn đệ. Người đầu tiên nhận ơn đó chính là bà Magdala. Sáng sớm bà ra thăm mộ, gặp Ngài bà tưởng là người làm vườn. Bà nhận ra Đức Kitô khi Ngài gọi tên bà (Gioan 20,16). Kế đến Đức Kitô mở mắt hai môn đệ trên đường về quê. Các ông nhận ra Đức Kitô khi nhìn thấy các Ngài bẻ bánh, sau khi đã dâng lời chúc tụng Thiên Chúa. Thánh Luca (24:30-32) thuật lại:

'Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: 'Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh thánh cho chúng ta, lòng chúng ta chẳng bừng cháy lên sao?'

Sau đó Đức Kitô mở mắt cho Thoma khi ông đòi sờ tay vào vết thương nơi tay và cạnh sườn Đức Kitô. Thoma không dám sờ tay vào vết thương khi Đức Kitô hiện ra nhưng mắt đức tin ông mở ra, nhận biết Đức Kitô Phục Sinh và long trọng tuyên xưng; 'Lậy Chúa, lậy Thiên Chúa của con Gn 20,28'. Ngày Đức Kitô về trời, Ngài cùng môn đệ đến ngoài thành Bethany, nơi đó Ngài từ giã các ông. Kinh Thánh không nhắc đến điều này, nhưng chúng ta có thể mường tượng ra cảnh Đức Kitô được cất lên cao, các môn đệ mắt mở to nhìn thân thể Đức Kitô cứ lên cao mãi, cao mãi, cho đến khi chỉ còn một chấm nhỏ trước khi mất hút vào bầu trời xanh thẳm.

Giã từ Đức Kitô nhưng các môn đệ không giã từ hình ảnh Đức Kitô về trời. Hình ảnh Chúa về trời in sâu trong tâm khảm các tông đồ và hình ảnh đó luôn cùng đồng hành với các ông trong mọi tình huống của cuộc sống. Các ông bắt đầu thực hiện điều Đức Kitô phán bảo:

'Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo Mc. 16:15'.

Với các tông đồ thế giới các ông lúc đó rất hạn hẹp, có lẽ không ra khỏi những vùng Đức Kitô rao giảng. Và rồi thế giới đó lớn dần, lan toả ra đến những vùng lân cận và Tin Mừng được dân ngoại đón chào. Một lần nữa Thánh Thần Chúa mở mắt các ông. Tin Mừng Chúa không riêng cho một dân tộc nào nhưng cho mọi dân tộc. Như thế mới gọi là rao giảng cho 'khắp tứ phương thiên hạ'.
Thánh Marcô ghi nhận các tông đồ vui mừng rao giảng khắp nơi. Nơi đâu cũng có kẻ đón chào, và nơi đâu cũng có kẻ chống đối. Nhân Danh Đức Kitô các môn đệ đem Tin Mừng đến cho muôn dân. Các ông trừ ma quỉ, chữa bệnh và chuyển tải đến mọi người ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của yêu thương, tha thứ. Nói theo ngôn ngữ của Thánh Gioan Tiền Hô, nhóm chống đối Tin Mừng dùng thủ đoạn gian manh, tâm tư độc hại, miệng lưỡi rắn độc, mong hại Môn Đệ Đức Kitô và những kẻ tin theo Ngài.

'Loài rắn độc kia, xấu như các người, thì làm sao nói điều tốt được. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Mat 12:33'.

Môn đệ Đức Kitô được ban cho miệng lưỡi (lời) khôn ngoan để bác lại miệng lưỡi ( lời) độc hại, gian ác. Môn đệ Đức Kitô đến mang Tin Mừng, ban ơn lành cho mọi người. Trong hoàn cảnh gặp chống đối kịch liệt các ngài không chủ trương đả kích, gây chiến, nhưng khiêm nhường, âm thầm cầu nguyện nghe theo hướng dẫn của Thánh Thần Chúa.

Đức Kitô về trời, Ngài không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Môn đệ Đức Kitô, với con mắt đức tin, các ông nhận biết, cảm nghiệm Chúa luôn kề bên, cùng đồng hành với các ông. Đức Kitô hoàn thiện sứ mạng Chúa Cha trao phó. Ngài trao sứ mạng đó cho các môn đệ tiếp tục rao giảng về tình yêu Chúa cho muôn dân. Đức Kitô luôn đồng hành cùng các môn đệ, dù các ông không nhìn thấy Ngài bằng xương, bằng thịt nhưng luôn cảm thấy Ngài gần kề. Bất cứ khi nào các ông liên kết với Ngài trong tình yêu các ông nhận biết có Chúa luôn ở cùng. Là môn đệ Đức Kitô, mỗi chúng ta đều được trao ban tránh nhiệm mang Tin Mừng đến cho muôn dân. Chúng ta cùng khuyến khích, nâng đỡ nhau hoàn thành điều Đức Kitô phán bảo.

'Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo Mc. 16:15'.

TiengChuong.org

Eyes Opening

Jesus had prepared His apostles prior to His Ascension. He told them two major ways to connect to Him, and with Him: Abiding in His love to receive life from Him and keeping His commandment to receive the Father's love. Further, on several occasions, Jesus opened the eyes of His disciples. He opened the eyes of Mary of Magdala. She met Him near the tomb, and thought He was a gardener. Jesus called her name and she recognized Him (Jn 20,16). He opened the eyes of two of His disciples, who were on the way to Emmaus. Seeing Jesus hold the bread and say the blessing when He broke it and gave it to them, 'their eyes were opened and they recognized Him... They said to each other, 'Did not our hearts burn within us as he talked to us on the road and explained the scriptures to us? Lk 24:30-32.

He then opened Thomas's eyes. Instead of touching his eyes, Jesus asked Thomas to touch the wounds on His hands, and his eye of faith opened. On the outskirts of Bethany, Jesus was taken up into heaven. The text gives no hints, however I would have no doubt that Jesus' apostles all would have their eyes wide open, glued to Jesus' figure lifting up on high. They were speechless seeing Jesus' figure become smaller, and smaller, and finally disappear into the blue sky.

From that day onwards, Jesus' apostles had imprinted His living image in their hearts. That image opened their eyes of faith and would accompany them into their mission field. They missed the man Jesus, but in their heart, they would always have Him as their Lord and God. They now began what Jesus had commissioned them to do: Go out to the whole world; proclaim the Good News to all creation'. v.15. Their view of the world would not as large as we now know. It would not take them long to bring the Good News to the Gentiles.

St Mark told us, Jesus' apostles joyfully preached everywhere. In proclaiming the Good News, they always remembered what Jesus had told them, that they would have both friends and enemies. In His name they would cast out devils, and have the gift of tongues, and cure the sick. Their enemies would make use of snakes and poison to cause them physical harm and interrupt their work. Placed into the context of John's preaching then, snakes and poison referred to people rather than serpents. 'Brood of vipers, how can your speech be good when you are evil? For a man's words flow out of what fills his heart'. Mat 12,34.

Snakes and poison in this context refer to people's hearts. Jesus' disciples were given the gift of tongues to counter the 'viper-tongue' who would strongly reject, and condemn their preaching. The apostles were given the gift of laying their hands on people, not to cause harm, but to give comfort and to heal the sick, and that was the sign of God confirming they were true Jesus' disciples. The apostles were given the gift of eye opening to see the work of the Advocate working in them, and to see God's goodness in others, and avoid harmful situations. Jesus' Ascension means He is no more confined in a specific place. We don't see Him but He is present everywhere, always by the side of His disciples. Jesus had perfected what the Father sent Him to do. He passed on the same mission to us. We are not alone in our mission if we abide in Him, and obey His gift, the Advocate, Whom He would send to be with us.
 
Đức Giêsu Lên Trời, Ta Hãy Xin Ái Mộ Những Sự Trên Trời.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
08:37 12/05/2021
Đức Giêsu Lên Trời, Ta Hãy Xin Ái Mộ Những Sự Trên Trời.

Giữa giông tố bão bùng của Đại dịch Covid -19 đang lan tràn và hoành hành khắp cả và nhân loại, dường như con người chùn bước và cảm thấy thất bại hoàn toàn, chúng ta lại được loé lên tia hy vọng đích thực từ niềm tin vào Thiên Chúa. Chỉ nơi Chúa mọi sự mới được giải cứu và bình an. “Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10, 27). Ngày lễ Chúa Giê-su Lên Trời như một niềm hy vọng lớn lao để con người biết đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể. Như vậy, Đức Giê-su Lên Trời có ý nghĩa gì? Ngài lên trời có phải là xa lìa chúng ta không? Đức Giê-su Lên Trời còn để lại di chúc gì cho con người? Chúng ta phải ái mộ những sự trên trời như thế nào? Đó là những câu hỏi mà chúng ta sẽ cùng nhau suy niệm sau đây.

Quả thật, “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.”(Cv 1, 9) và “Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.” (Mc 16, 19). Nói Đức Giê-su Lên Trời là lên ở đâu? Trời ở đây không phải là địa điểm vật lý, nhưng là tình trạng thiêng liêng, là ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng. Trời ở đây cũng là thiên đàng, là nơi có Chúa hiện diện, là hưởng hạnh phúc đời đời bên Chúa. Đức Giê-su Lên Trời là trở về với Chúa Cha, là mang theo bản tính nhân loại lên cùng Chúa Cha. Nhờ đó, loài người chúng ta có một niềm hy vọng chắc chắn rằng:“Chúa Giê-su là Đầu của Hội Thánh, đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, là chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh viễn ở với Người.” (GLHTCG, số 666).

Hơn nữa, Đức Giê-su Lên Trời là để dọn chỗ cho con người lên sau. “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.(Ga 14, 2-3). Đức Giê-su Lên Trời nhưng Ngài không bỏ chúng ta mồ côi. Ngài vẫn hiện diện cách mới mẻ khi trao ban Thánh Thần cho con người. “Chúa Giê-su Ki-tô, đã tiến vào cung thánh trên trời một lần cho mãi mãi, không ngừng chuyển cầu cho chúng ta với tư cách là Đấng trung gian, Đấng luôn luôn tuôn ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta.” (GLHTCG, số 667). Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, Ngài hiện diện là Chúa Chúa và Chúa Con, Ngôi Lời Nhập Thể hiện diện. Chúa Giê-su Lên Trời không có nghĩa là Ngài không ở với chúng ta nữa, nhưng từ nay Ngài là trung gian đắc lực để chuyển cầu ân sủng Thiên Chúa cho con người và đón nhận những nhu cầu ước nguyện của con người dâng lên trước tôn nhan Thiên Chúa. Chúa Giê-su Lên Trời nhưng Ngài vẫn hiện diện với các môn đệ trong mọi nơi mọi lúc trong mọi hoạt động: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” (Mc 16, 20). Chúa Giê-su Lên Trời cũng là lúc Chúa đi vào cõi lòng, tâm hồn của mỗi chúng ta. Từ nay, ở đâu có niềm vui, có bình an và ân sủng dồi dào là ở đó có Chúa. Từ nay, những lúc ta yêu thương, gặp gỡ, nối kết, giúp đỡ nhau là Chúa đang hiện diện. Chúa hiện diện nơi đâu, nơi đó là thiên đàng. Thiên đàng không phải nơi đâu xa lạ nhưng đó là tình trạng có Chúa ở cùng, là sống yêu người thân cận, là giúp đỡ kẻ cô thể cô thân, là dấn thân hy sinh phục vụ, là sống khiêm nhường và hiền lành trong mọi nơi mọi lúc,…Như vậy, thiên đàng đâu ở xa chúng ta, nhưng đang hiện diện mỗi khi chúng ta thực thi điều răn của Chúa trong đời sống thường ngày.

Nói cách khác, Chúa Giê-su Lên Trời cũng có nghĩa là Chúa Giê-su đã hoàn thành sứ vụ Chúa Cha giao phó: là chấp nhận làm người, giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi; là yêu thương và hy sinh mọi sự vì nhân loại ngay cả cái chết. Ngài đã hoàn thành một cách xuất sắc khi vì tình yêu mà sẵn sàng hiến mạng sống cho nhân loại tội lỗi. Việc Ngài Lên Trời hay Về Trời là về nơi Ngài đã xuất phát, là về ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng. Việc Ngài Lên Trời như là phần thưởng xứng đáng mà Chúa Cha dành cho Ngài. Việc Ngài Lên Trời như muốn mời gọi tất cả mọi người hãy hướng về trời, hướng về thiên đàng, nơi vui vẻ đời đời bên Chúa.

Phần chúng ta, chúng ta được gọi là Ki-tô hữu, là người thuộc về Chúa Ki-tô, là người nghe Chúa Ki-tô, là người sống như/ sống trong/ sống cùng Chúa Ki-tô, thì chúng ta cũng được ‘Lên Trời’ với Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô không bỏ chúng ta mồ côi đâu, nhưng Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta như lời Ngài đã hứa. Trong khi chờ đợi Ngài dọn chỗ, Ngài cũng đã ban Thánh Thần, Đấng bảo trợ ở cùng chúng ta để hướng dẫn và thánh hoá mọi công ăn việc làm của chúng ta nhằm xứng đáng ‘Lên Trời’ cùng Chúa trong ngày sau hết.

Mặt khác, khi suy ngắm mầu nhiệm Năm sự Mừng, chúng ta suy gẫm nơi thứ hai: ‘Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời’: tại sao lại xin cho được ái mộ hay yêu mến những sự trên trời? Những sự trên trời là những sự gì? Phải chăng đó là những hoa quả của Chúa Thánh Thần: Bác ái, vui vẻ, bình an, kiên nhẫn, nhân từ, hoà nhã, hiền lành, tin tưởng, nhã nhặn, tiết độ và trong sạch? (x.Gl 5, 22-23). Yêu mến sự trên trời là luôn hướng thượng/ thượng giới thay vì hạ giới. “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.(Cl 3,1-2); yêu mến sự trên trời là năng làm sự thiện thay vì gian ác; là hướng đến sự yêu thương, quan tâm và quảng đại với tha nhân thay vì hận thù, ghen ghét, dửng dưng, loại trừ,…Khi chúng ta thực hành những điều răn Chúa dạy là Mến Chúa – Yêu người là chúng ta đang ái mộ những sự trên trời rồi. Quả thật, ái mộ sự trên trời là hướng đến đời sống thiêng liêng, là hướng về thiên đàng dầu chúng ta đang sống nơi trần gian đầy khó khăn và thử thách. Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể đã ở cùng chúng ta và đã trải qua với biết bao thăng trầm cũng như gian khổ. Ngài đã chịu chết, đã sống lại và hôm nay Lên Trời ngự bên hữu với Chúa Cha. Là con cái của Chúa, chúng ta cũng cố gắng nỗ lực chiến đấu với 3 thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt để khi hoàn tất cuộc sống lữ thứ này, chúng ta cũng được ‘Lên Trời’ cùng với Đức Giê-su Ki-tô, cùng với Đức Maria và cùng với các thánh. Thật vậy, khi chúng ta sống ái mộ những sự trên trời bằng những hành động cụ thể là chúng ta đang thực hiện di chúc của Chúa Giê-su trước khi Ngài về Trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn không tin, thì sẽ bị kết án.”(Mc 16, 15-16)

Tóm lại, Đức Giê-su Lên Trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha là một “biến cố vừa có tính lịch sử đồng thời vừa có tính siêu việt, đánh dấu sự chuyển đổi từ vinh quang này đến vinh quang kia.” ( x.GLHTCG, số 660). Từ nay, chúng ta sống trong niềm hy vọng rằng là chúng ta có một quê hương đích thực là Thiên đàng, là ‘Trời’, là nơi sẽ được hưởng hạnh phúc viên mãn với Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như các thánh. Cho nên, giữa biết bao nhiêu khó khăn, thử thách, nhất là giữa đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội, mỗi chúng ta hãy biết hướng về Chúa, hướng về Trời, hướng về Thiên đàng vì chỉ có Chúa mới giải thoát chúng ta và thế giới thoát khỏi mọi sự. Chỉ nơi Chúa mà thôi, chúng ta mới được an lòng và hạnh phúc. Tiền tài, danh lợi thú chỉ là hạnh phúc chóng qua và tàn lụi, chúng ta không nên bám víu vào những thứ đó nhưng biết hãy bén rễ sâu vào Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su Ki-tô.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:26 12/05/2021

27. Vì để cho tên mình được ghi vào sổ hằng sống, vì để được nhìn thấy thánh nhan Đức Chúa Giê-su trong vinh quang, thì dù cho mỗi ngày bị chết vạn lần hoặc bị tất cả hình khổ của địa ngục, thì người ta vẫn cứ không chối từ.

(Thánh John Chrysostom)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:29 12/05/2021
43. CON MÈO TỤNG KINH

Có một con mèo ngồi xỗm trên đất, hai con mắt nửa nhắm nửa mở kêu “mi-eo mi-eo”, có hai con chuột đứng xa xa nhìn thấy, thì thầm nói:

- “Hôm nay con mèo đại phát từ bi niệm phật, chúng ta có thể an tâm đi được rồi.”

Nói xong thì bò ra khỏi hang, nào ngờ con mèo ấy “vù” một cái nhảy đến cắn một con chuột, ăn sạch sành sanh cả lông và xương.

Con chuột kia vội bò lui vào trong hang nói với bọn chuột:

- “Tôi nghĩ nó nhắm mắt tụng kinh thì nhất định là lương thiện, nào ngờ nó là một tên ăn thịt không nhả xương !”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 43:

Ở đời, có nhiều người tụng kinh sang sảng đứng xa trăm thước vẫn còn nghe tiếng tụng kinh, nhưng trong bụng thì chứa toàn những lời chỉ trích, thóa mạ, phê bình, thù hiềm, âm mưu hãm hại người khác.

Con mèo tụng kinh nhưng vẫn cứ bắt chuột mà ăn vì ăn chuột là chuyện “thường ngày” của nó, con chuột không có gì phải mắng phải chửi nó.

Nhưng nếu đã là người Ki-tô hữu mà không tham dự thánh lễ ngày chủ nhật, coi thường các bí tích thì nhất định là giống như con mèo ăn con chuột, chữ “giáo dân, chữ Ki-tô hữu, chữ đạo dòng” chỉ là cái “mác” để họ dễ dàng lường gạt người khác mà thôi, mà lường gạt còn “bạo” hơn cả những người lường gạt nữa, bởi vì cũng có một vài người Ki-tô hữu sáng trưa chiều ba bận đọc kinh như các tu sĩ nam nữ, nhưng vẫn cứ cho vay ăn lời nặng, vẫn cứ tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác, vẫn cứ xoi mói hơn thua đủ với người khác…

Đọc kinh nhiều, dâng cúng tiền cho nhà thờ, xin lễ thật “xộp” không phải là tiêu chuẩn đánh giá đạo đức của người Ki-tô hữu, nhưng tiêu chuẩn lớn nhất đó là sự khiêm tốn, yêu thương, bao dung và vui vẻ…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Niềm vui có Chúa
Lm. Minh Anh
21:32 12/05/2021
NIỀM VUI CÓ CHÚA

“Một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đan xen những buồn vui lẫn lộn của người môn đệ Chúa Giêsu; thế nhưng, cuối cùng, ‘niềm vui có Chúa’ vẫn là một ưu thế tất yếu, vì “Một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”.

Bài đọc thứ nhất cho thấy sự hiếu khách của Aquila và Priscilla khi lần đầu tiên Phaolô đến Côrintô. Đó là mối thịnh tình của đôi vợ chồng Do Thái; hai ông bà đã dành cho Phaolô một chỗ ở, một việc làm; và hẳn Phaolô ‘đã thấy Thầy Giêsu’ trong họ. Nhờ đó, “Mỗi ngày Sabbat, Phaolô đến tranh luận tại hội đường, rao giảng Chúa Giêsu”. Về sau, các thư của Phaolô tiết lộ rằng, Aquila và Priscilla đã dọn một phòng nguyện ngay trong nhà họ ở Êphêsô và sau đó, ở Rôma, nơi các tín hữu họp nhau cầu nguyện, cử hành Thánh Thể, chia sẻ Lời Chúa và dạy giáo lý. Cuối thư Rôma, Phaolô viết, “Tôi xin gửi lời thăm chị Priscilla và anh Aquila, những người cộng tác với tôi để phục vụ Đức Kitô Giêsu; hai anh chị đã liều mất mạng mình để cứu mạng tôi. Không chỉ mình tôi, mà các Hội Thánh trong dân ngoại cũng mang ơn anh chị. Tôi cũng gửi lời thăm Hội Thánh vẫn họp tại nhà anh chị ấy”. Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi Giáo Hội kính nhớ hai thánh dệt lều Aquilla và Priscilla, ngày 8/7 hàng năm! Đức Bênêđictô XVI gọi hai vị là “các giáo dân đã hiến tặng “đất tốt”, “humus” cho việc phát triển đức tin”. Nhờ họ, “Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân” như Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ.

Đến như Phaolô, vị tông đồ dân ngoại vĩ đại, mà còn phải học biết lệ thuộc vào những tín hữu dung dị như thế, thì phương chi là chúng ta! Phaolô đã thực sự được ủi an qua những con người mà Chúa chuẩn bị trước; tắt một lời, đã trải nghiệm được ‘niềm vui có Chúa’, ‘niềm vui gặp lại Thầy’.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến nỗi buồn của các môn đệ vì sự ra đi của Ngài; nhưng cùng lúc, nói đến việc họ sẽ gặp lại Ngài, “Một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”. Lời ấy được nói trong Bữa Tiệc Ly và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các môn đệ, “Các con sẽ than van khóc lóc”; nhưng ngay thời điểm tan nát nhất, Ngài lại khích lệ họ, “Nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”, vì “Các con sẽ lại thấy Thầy”. Như thế, những gì Ngài đã hứa, đã trấn an các môn đệ đêm ly biệt ấy quả được ứng nghiệm tỏ tường nơi những gì vợ chồng Aquila và Priscilla dành cho Phaolô và các tín hữu đầu tiên. Họ được ủi an vì ‘niềm vui có Chúa” qua hai giáo hữu có mảnh “đất tốt”.

Ở đây, chúng ta có một hình ảnh tuyệt vời về những gì mà Giáo Hội được kêu gọi để trở thành. Giáo Hội là một cộng đồng các kẻ tin, sẵn sàng nâng đỡ nhau, đặc biệt vào những thời điểm khó khăn nhất trong đức tin; đó là một sứ vụ mà tất cả chúng ta trong mọi đấng bậc cùng chia sẻ, dù là nam hay nữ, già hay trẻ, độc thân hay đã lập gia đình. Đó là sứ vụ mà Chúa Thánh Thần sẽ luôn thúc đẩy; Ngài là Đấng An Ủi tuyệt vời, truyền cảm hứng và sức mạnh để mỗi người trở thành ‘sự hiện diện và ủi an’ của chính Đấng Phục Sinh; nhờ đó, ai ai cũng có thể cảm nhận được ‘niềm vui có Chúa’, ‘niềm vui gặp lại Thầy’ ngang qua các thành viên trong cộng đồng đức tin của mình.

Trong cuốn “Niềm Vui Của Các Thánh”, cha Jean Pierre de Caussade chỉ cho chúng ta một bí quyết để xua tan nỗi buồn trong quá khứ và lắng lo trong tương lai; ngài viết, “Hãy ‘phó thác’ quá khứ cho lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, ‘phó mặc’ tương lai cho sự quan phòng tốt lành của Ngài, và ‘phó dâng’ toàn thể hiện tại cho tình yêu Ba Ngôi bằng việc trung thành với ân sủng mỗi ngày; và như thế, nhất định, bạn sẽ hưởng nếm ‘niềm vui có Chúa’, cũng là niềm vui của các thánh”.

Anh Chị em,

Emmanuel là tên của Con Thiên Chúa. Đúng như tên gọi, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Ngài luôn có đó; nhờ Ngài, chúng ta sống, cử động và hiện hữu. Chúa Giêsu luôn nhịp bước bên chúng ta. Ngài không cất lấy những khốn khổ chúng ta gặp phải trên đường đời, nhưng ban ơn trợ lực để chúng ta đi trọn con đường đó với tình yêu. Vấn đề là, chúng ta có nhận ra Ngài trong các biến cố vui buồn của cuộc sống hay không là tuỳ vào đức tin của mỗi người. Nhận ra Chúa đang đồng hành, chúng ta không thể để cho mình đánh mất niềm vui vì bất cứ lý do nào. Đó là trải nghiệm của Phaolô, của các tín hữu đầu tiên, của các thánh; nhưng đó cũng là trải nghiệm của mỗi người chúng ta. Giữa cơn đại dịch, khi chúng ta lo lắng, thấp thỏm, và khó có thể hình dung một thời điểm mà mọi thứ sẽ tốt hơn; hoặc khi chúng ta không thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, một đường hầm dường như thăm thẳm… thì nếu Chúa Phục Sinh vẫn ‘chiếm chỗ’ ở trung tâm cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta vẫn sẽ ‘lại thấy Ngài’. Thấy Ngài trong kinh nguyện; thấy Ngài trong sự ước ao rước Chúa Thánh Thể; thấy Ngài trong Lời Chúa; thấy Ngài trong những người thân mà chúng ta chăm sóc; và thấy Ngài nhiều nhất, trong tha nhân, qua các thành viên của Hội Thánh.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa, cho con nhận ra ‘sự hiện diện và ủi an’ của Chúa dành cho con qua anh chị em con; xin cho con biết trao tặng lại ‘niềm vui có Chúa’ cho những ai đang đợi chờ”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Lễ Thăng Thiên B
Lm. Đan Vinh
21:44 12/05/2021
CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH
LỄ THĂNG THIÊN B
Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20
CON ĐƯỜNG THEO CHÚA LÊN TRỜI HÔM NAY

I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 16,15-20.
(15) Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. (16) Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ. Còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”. (17) Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. (18) Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay lên những người bệnh, thì những người này cũng được mạnh khỏe. (19) Nói xong, Chúa Giê-su được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. (20) Còn các Tông đồ thì ra đi rao gảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

2. Ý CHÍNH:
Đức Giê-su trước khi về trời đã trao cho các Tông đồ tiếp tục sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật, để ai tin và chịu phép rửa thì được trở nên con Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giê-su. Còn những kẻ không tin thì sẽ bị kết án là bị loại khỏi Nước Trời. Chúa còn hứa hỗ trợ các tông đồ bằng việc ban quyền làm phép lạ Sau đó Chúa Giê-su đã được rước lên trời. Còn các Tông đồ thì đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi với sự trợ giúp của Người.

3. CHÚ THÍCH:
- C 15-16: +Anh em hãy đi: Lệnh truyền này chỉ được công bố sau biến cố Phục Sinh cho thấy: mầu nhiệm Phục Sinh là nền tảng cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng. +Khắp tứ phương thiên hạ: Trong thời gian 3 năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su chỉ được sai đến cùng các con chiên lạc của nhà Ít-ra-en. Nhưng sau khi Phục Sinh, Người lại trao sứ mạng phổ quát “loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo”. +Loan báo Tin Mừng: Theo Hy ngữ, Tin Mừng ( Eu-ag-ge-li-on) là một “tin vui, tin mừng”. Có thể hiểu Tin Mừng Đức Giê-su theo hai nghĩa: Một là “chính Tin Mừng được Đức Giê-su công bố. Hai là “Tin Mừng về Đức Giê-su”, Đấng ban ơn cứu độ nhờ mầu nhiệm chết và sống lại của Người. +Cho mọi loài thọ tạo: Mọi loài thọ tạo mang ý nghĩa cánh chung, nghĩa là mọi dân mọi nước (x. Mt 28,19), Chúa sẽ biến đổi mọi tạo vật nên Trời Mới Đất Mới vào ngày Tận Thế (x. Kh 21,1). +Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ: Tin là mở lòng đón nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa. Chịu phép Rửa là nhận ơn tha tội và ơn tái sinh để nên con người mới và nên dưỡng tử của Thiên Chúa. Nhờ đó họ sẽ được sống đời đời.+ Còn ai không tin thì sẽ bị kết án: Thực ra, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ (x Ga 3,17). Nhưng kẻ không tin thì đã bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa. Họ giống như cành nho bị tách lìa khỏi thân cây là Đức Giê-su, nên bị khô héo và sẽ bị quăng vào lửa hỏa ngục đời đời (x. Ga 15,5-6). +Còn những người không tin Đức Giê-su nhưng không do lỗi của họ thì có được ơn cứu độ không?: Những ai tuy không biết Đức Ki-tô, nhưng theo lương tâm ăn ở ngay lành, thì Chúa sẽ lo liệu cho họ có đủ phương tiện cần thiết để được rỗi linh hồn. Chỉ những kẻ cố tình theo phe ma quỷ làm điều gian ác và không chịu hồi tâm sám hối thì chắc chắn sẽ phải xuống hỏa ngục. Vì hỏa ngục được lập ra để dành cho ma quỷ và những kẻ đi theo chúng (x. Mt 25,41).
- C 17-18: +Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: Ngay trong thời gian giảng đạo, khi sai các Tông đồ đi thực tập truyền giáo, Đức Giê-su đã ban cho các ông quyền trên các thần ô uế để xua trừ chúng và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền trong dân (x. Mt 10,1-5). Giờ đây trước khi về trời, Đức Giê-su lại trao quyền làm các dấu lạ cho các ông. +Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay lên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe: Khi viết Tin Mừng (khoảng năm 65), Thánh Mác-cô đã nghe biết các phép lạ do các Tông đồ thực hiện. Chẳng hạn: Vào lễ Ngũ Tuần, các ông đã được đầy ơn Thánh Thần, bắt đầu nói các thứ tiếng khác lạ (x. Cv 2,4). Thánh Thần cũng ngự xuống trên gia đình Co-nê-li-ô và cho họ nói các thứ tiếng lạ (x. Cv 10,44-46). Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân nhờ bàn tay các Tông đồ (x. Cv 5,12). Tông đồ Phê-rô đặt tay trên bệnh nhân hoặc chỉ cần bóng của ông phớt qua đã đủ để họ được lành bệnh, và thần ô uế cũng phải xuất ra (x. Cv 5,15-16). Còn tông đồ Phao-lô thì chữa lành một người bị bại chân tại Lýt-ra (x. Cv 14,8-10); Tại đảo Man-ta, Phao-lô đã bị rắn độc bám vào tay và cắn mà không hề hấn gì (x. Cv 28,1-6); Ông cũng đã cầu nguyện và đặt tay chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 28,8-9); Ngay cả chiếc áo ông đã mặc qua cũng có năng lực làm cho cơn bệnh biến đi và tà thần phải xuất ra (x. Cv 19,11; 20,9-12).
- C 19-20: +Chúa Giê-su được rước lên trời: Như Ê-li-a thời Cựu Ước đã “lên trời trong cơn gió lốc”(2 V 2,11), thì thân xác Chúa Giê-su cũng được rước lên trời trên các tầng mây, và từ nay Người không còn lệ thuộc vào không gian thời gian như khi còn sống nữa. +Và ngự bên hữu Thiên Chúa: Đức Giê-su đã được Chúa Cha tôn vinh (x Đn 7,13-14), được vào trong vinh quang của Chúa Cha, với quyền cai trị vũ trụ (x. Mt 28,18; Ep 1,21-22).
+ Thiên Đàng là gì? Thiên Đàng ở đâu? phải làm gì để được lên Thiên Đàng?:
** Thiên Đàng hay Địa Đàng (Hy ngữ là Pa-ra-dei-sos) có nghĩa là Hoa viên hay vườn đầy hoa tươi cỏ lạ (x St 2,8). Địa đàng là một khu vườn hoan lạc nơi mà con người được sống trong hạnh phúc. Nhưng nguyên tổ lòai người là ông Ađam và bà Evà đã liên kết với nhau phạm tội kiêu ngạo, cãi lệnh Chúa mà ăn quả cây bị cấm, nên hai ông bà đã bị đuổi ra khỏi Địa đàng, bị lọt vào trần gian là thung lũng đầy nước mắt, gai góc và đau khổ (x. St 3,7.16-19). Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế đến khôi phục lại tình trạng nguyên thủy cho con người (x. St 3,15). Ngài sẽ biến nơi đau khổ lưu đầy này thành Thiên đàng hoan lạc và hạnh phúc như thuở ban đầu (x. Ed 36,35; Is 51,3).
+ Ra đi rao giảng khắp nơi: Các Tông đồ đã vâng lời Chúa Giê-su, đi rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri, và cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). + Có Chúa cùng hoạt động với các ông...: Từ đây, Chúa Ki-tô sẽ luôn hiện diện trong Hội thánh (x Mt 28,20). Người ban Thánh Thần cho Hội thánh để tha tội cho người ta giống như Người đã làm (x Ga 20,21-22). Người cũng hứa ban cho Hội thánh làm được những việc lớn hơn Người là đi rao giảng cho các dân tộc nhờ Thánh Thần (Ga 14,12).

4. CÂU HỎI:
1) Mầu nhiệm Phục Sinh có tầm quan trọng thế nào đối với sứ mệnh được sai đi? Các Tông đồ được Chúa sai đến với những ai?
2) Tin Mừng Đức Giê-su có những nghĩa nào?
3) Phải có những điều kiện nào để được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su?
4) Những ai chắc chắn sẽ bị kết án sa hỏa ngục? Những người chưa có đức tin, nhưng theo lương tâm ăn ở ngay lành có được hưởng ơn cứu độ không?
5) Trong thời gian giảng đạo, khi sai môn đệ đi thực tập truyền giáo, Đức Giê-su đã ban cho các ông những quyền nào?
6) Trước khi về trời, Đức Giê-su đã trao sứ mệnh loan Tin Mừng cho các Tông đồ kèm theo những dấu lạ nào?
7) Lời Chúa phán về các dấu lạ kèm theo lời rao giảng của các Tông đồ đã ứng nghiệm thế nào thời Giáo Hội Sơ Khai?
8) Thời Cựu Ước, ngôn sứ nào được rước lên trời? Thời Tân Ước hai nhân vật nào cũng được lên trời? Chúa Giê-su thăng thiên khác với việc mông triệu của Đức Ma-ri-a ra sao? 9) Một người lương dân luôn ăn ngay ở lành mà chết thì có được hưởng ơn cứu độ không?
10) So sánh lời Chúa Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...”(x Mt 28,19) với Lời Chúa được ghi trong sách Công Vụ “Hãy nên chứng nhân của Thầy...” (x Cv 1,8) giống và khác nhau ra sao?
11) Sau khi lên trời, Chúa Giê-su còn ở với Hội thánh nữa không? 12) Từ đây, Chúa Thánh Thần được ban cho Hội thánh để làm gì?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Chúa Giê-su được rước lên trời ngự bên hữu TC” (Mc 16,19):

2. CÂU CHUYỆN:

1) THIÊN ĐÀNG Ở ĐÂU?
Ngày 5-9-1961, Liên Xô đã phóng một phi thuyền mang theo một người lên không gian và bay được ba vòng chung quanh trái đất. Sau đó trong một cuộc phỏng vấn, Tổng Bí thư Krouchev đã nói với ký giả của tờ New York Time của Mỹ như sau: " Để điều tra trên trời có Thiên đàng thật như người ta nói hay không, chúng tôi đã gửi một thám tử lên không trung là: YOURI GARARINE. Anh ta đã đi vòng quanh quả địa cầu mà chỉ trông thấy những bóng đen dầy đặc, không thấy Thiên đàng ở đâu cả. Sau đó chúng tôi lại gửi một thám tử khác lên: GERMAN TITOV. Chúng tôi đã bảo anh ta: "Hãy bay lâu hơn một chút nữa. Có lẽ Gagarine chưa thấy Thiên đàng vì chàng chỉ mới bay có một tiếng rưỡi thôi. Vậy chuyến này anh hãy nhìn cho kỹ". Titov đã trẩy đi, rồi trở về và anh xác nhận lời tuyên bố của Gagarine là sự thật: "Hư vô! Chỉ có Hư vô!" Rồi sau đó Krouchev kết luận: "Vì thế chúng tôi không tin có đời sau".

Đó là cái nhìn của một người vô tín theo chủ nghĩa duy vật. Cái nhìn đó không phải là cái nhìn của người có đức tin như chúng ta.
Trong kinh Tin Kính các tín hữu chúng ta cũng tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su và cuộc sống Thiên đàng, về một Nước Trời hằng sống như sau: “Người lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng”.

2) LÊN TRỜI BẰNG LỐI SỐNG YÊU THƯƠNG VÀ CHU TOÀN BỔN PHẬN:

Một tu sĩ đang sống an vui tốt lành giữa cộng đoàn tu viện. Ngày nọ, khi ông đang rửa chén dĩa, thì một thiên thần hiện ra và nói:
- Thiên Chúa sai ta đến để báo cho ngươi biết là giờ ngươi lìa đời đã đến.
Tu sĩ vẫn điềm nhiên trả lời:
- Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa, tôi không muốn tỏ ra vô ơn với Thiên Chúa, nhưng liệu giờ tôi được hưởng nhan thánh của Người có thể hoãn lại sau khi làm xong bổn phận rửa chén dĩa này không?
Nói xong, Thiên thần biến đi. Tu sĩ trở lại công việc bổn phận một cách hăng say và quên hẳn việc gặp gỡ Thiên thần.
Bẵng đi một thời gian, trong lúc vị tu sĩ đang làm cỏ ngoài vườn, Thiên thần hiện ra. Như đoán trước ý nghĩ của Thiên thần, vị tu sĩ giơ tay chỉ mảnh đất trong vườn và nói:
- Đây ngài xem, cỏ dại mọc đầy vườn, liệu giờ tôi vào cõi đời đời có thể hoãn lại cho đến khi tôi làm xong cỏ không?
Cũng như lần trước, Thiên thần chỉ mỉm cười rồi biến mất.
Một ngày nọ, trong lúc vị tu sĩ đang chăm sóc các bệnh nhân, thì Thiên thần hiện ra. Lần này vị tu sĩ không nói một lời, nhưng chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân nằm trên giường. Thiên thần biến đi không nói một lời nào.
Chiều đến, vị tu sĩ trở lại căn phòng nhỏ bé của mình, bỗng chốc, ông cảm thấy mình đã già nua, mệt mỏi; ông thốt lên lời cầu nguyện:
- Lạy Chúa, xin sai Thiên thần Chúa đến, con sẽ sẵn sàng theo Ngài.
Lời cầu vừa dứt, Thiên thần Chúa lại hiện đến. Vị tu sĩ liền thưa với thiên thần:
- Lần này, nếu Thiên thần mang tôi đi, tôi sẵn sàng theo ngài về thiên quốc ngay.
Thiên thần liền âu yếm nhìn tu sĩ và nói:
- Này ông thánh nhỏ ơi, sao còn mơ ước về thiên quốc, những ngày tháng vừa qua, ông nghĩ là mình đã ở đâu vậy?

3) CHỌN TIN THEO CHÚA ĐỂ ĐƯỢC LÊN TRỜI SAU NÀY:
Có một gia đình kia: Chồng là người ngoại đạo không những không tin Chúa, mà ông còn luôn miệng đả kích khinh miệt những hành vi thờ phượng Chúa của vợ. Ngược lại, bà vợ lại rất sùng đạo. Ngày nào bà cũng dắt con đi lễ cầu nguyện. Dù sống giữa hai chiều hướng trái ngược đối nghịch nhau, đứa con trai duy nhất của họ vẫn hiếu thảo với bố mẹ. Một hôm em lâm bệnh hiểm nghèo, em hỏi bố rằng: “Bố ơi! Bác sĩ nói con chỉ còn sống được ít ngày nữa. Vậy con xin bố dạy con phải tin theo bố hay theo mẹ? Tin theo bố thì chẳng có thiên đàng, chẳng có Chúa hay có Đức Mẹ để được yêu thương ở đời sau! Còn tin theo Mẹ thì có Thiên Chúa là Cha nhân lành. Có cõi trời để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa là Cha. Có Đức Mẹ luôn bầu cử chở che?”
Người cha rất ngạc nhiên khi nghe con nói. Ông ôm con vào lòng và nói: “Con hãy tin theo Mẹ. Con cưng của bố!” Đứa bé liền nói tiếp: “Nhưng nếu bố không tin theo Mẹ, thì làm sao con có thể gặp gỡ bố trên thiên đàng được?”. Trước lời nói đơn sơ chân thành của đứa con thân yêu, người cha đã không kiềm nổi xúc động. Những giọt nước mắt tuôn tràn trên mặt. Kể từ ngày đó, ông bố đã dứt khoát chọn tin thờ Thiên Chúa.

4) TRUYỀN GIÁO LÀ THẮP NGON ĐÈN YÊU THƯƠNG TRONG LÒNG NGƯỜI TA:
Mẹ Têrêxa Can-quýt-ta vốn là một nữ tu người Anbani, được sai đến phục vụ người nghèo tại Ấn độ. Đến Ấn độ, thấy những người nghèo khổ quá tội nghiệp. Biết bao người hấp hối ờ ngoài lề đường. Sau khi chết xác liền bị quẳng vào đống rác như một con vật. Biết bao trẻ thơ bị bỏ rơi. Biết bao gia đình sống chui rúc trong các căn nhà ổ chuột. Biết bao người sống đói khát không đủ cơm ăn áo mặc hằng ngày. Mẹ Tê-rê-sa đã lăn xả vào việc phục vụ người nghèo.
Một hôm Mẹ đi thăm một ông già cô đơn trong căn lều tồi tàn. Bước vào lều Mẹ động lòng thương cảm. Vì tất cả đồ đạc chỉ là một mớ giẻ rách. Căn lều bụi bặm bẩn thỉu ngoài sức tưởng tượng. Và nhất là ông già thu mình lại không muốn giao tiếp với ai. Mẹ chào hỏi ông cũng không buồn trả lời. Mẹ xin phép dọn dẹp căn lều ông cũng làm thinh. Đang khi dọn dẹp, Mẹ thấy trong góc lều có một cây đèn dầu bụi bám đen đủi. Sau khi lau chùi, Mẹ kêu lên: “Ô, cây đèn đẹp quá”. Ông già nói: “Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi ngày cưới. Từ khi bà ấy chết, tôi không bao giờ đốt đèn nữa”. Thấy ông đã cởi mở, Mẹ Têrêxa liền đề nghị: “Thế ông có bằng lòng cho các chị nữ tu mỗi ngày đến thăm và đốt đèn cho ông không?” Ông đồng ý. Từ đó mỗi buổi chiều, các chị tới thăm ông, dọn dẹp nhà cửa, nói chuyện với ông. Ngọn đèn cháy sáng ấm áp trong căn lều. Ông trở nên vui vẻ hơn. Ông đã đến thăm mọi người và được mọi người đến thăm. Cuộc đời của ông đã vui trở lại.
Trước kia cuộc đời ông tăm tối không phải vì ông không thắp đèn. Nhưng vì ngọn đèn trong trái tim ông đã tắt. Trái tim khép kín nên ông mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống. Ông nhìn mọi người như thù địch. Từ ngày các nữ tu đến đốt đèn đời ông vui lên, sáng lên. Đời ông sáng lên không phải vì có ngọn đèn dầu hoả soi sáng. Nhưng vì trái tim ông bừng sáng. Ngọn đèn tâm hồn ông rạng rỡ. Tâm hồn ông cởi mở và ông nhìn thấy mọi người là anh em. Thứ ánh sáng ấy ta thấy trong Phúc Âm. Khi người Samaritano nhân hậu cúi xuống săn sóc, băng bó vết thương cho người bị nạn bên đường. Hai người nhìn nhau. Một làn ánh sáng loé lên. Và họ nhận ra nhau là anh em.
Hôm nay Hội Thánh cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng và mời gọi chúng ta góp phần vào việc truyền giáo. Không gì bằng ta hãy noi gương Mẹ Têrêxa, thắp lên ngọn lửa tin yêu trong lòng mình, đem ngọn lửa yêu thương phục vụ đi soi sáng khắp nơi. Thế giới sẽ bừng sáng và mọi người sẽ nhìn nhận ra nhau là anh em.

3. SUY NIỆM:

1) Lên trời là gì? : Hôm nay lễ Chúa Giê-su lên trời, nhưng Trời ở đâu? Trong Kinh Thánh, “Trời” là hình ảnh văn chương quen thuộc dùng để chỉ nơi Thiên Chúa ngự. Hình ảnh “Đám mây” chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Ví dụ: khi dân Chúa tiến bước trong sa mạc, thì có đám mây đi theo. Khi Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan từ trong đám mây có tiếng Chúa Cha tuyên phán…. Vậy chúng ta đừng hiểu cách diễn tả của Thánh Luca trong Tin mừng theo nghĩa đen là Chúa bay vào không gian như một phi hành gia. Chúa Giê-su lên trời có nghĩa là Người được vào trong vinh quang của Thiên Chúa, được nên ngang hàng với Thiên Chúa và được đặt làm Chúa tể mọi loài mọi vật.

2) Đức Giê-su đã được rước lên trời: Sau khi sống lại, Đức Giê-su tuyên bố Người đã được ban “mọi quyền năng trên trời dưới đất” (x. Mt 28,18), “Người là vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (x. Dt 7,26), và đã vào chính cõi trời, để giờ đây đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta (x. Dt 9,25).
Qua hình ảnh được rước lên trời, Chúa Phục Sinh từ đây sẽ không còn hiện ra với các tông đồ, nhưng Người sẽ hiện diện cách thiêng liêng, không lệ thuộc vào thời gian và không gian như Người đã nói: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

3) Đức Giê-su lên trời mở ra sứ mệnh mới cho Hội Thánh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Kèm theo việc rao giảng Tin Mừng là các dấu lạ: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ đến các môn đệ, Chúa Giê-su trở thành người đang sống với chúng ta và trao cho chúng ta sứ mệnh làm chứng cho Người: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

4) Để được lên trời với Đức Giê-su sau này, chúng ta phải làm gì?
- MỘT là tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa và được tái sinh bởi nước và Thánh Thần trong phép rửa tội.
- HAI là phải ăn năn sám hối tội lỗi, quyết tâm chừa bỏ các thói hư bằng việc thực hành các nhân đức đối lập theo kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức”.
- BA là phải sống giới răn “mến Chúa yêu người” bằng cách năng nghĩ đến tha nhân, khiêm tốn phục vụ, quảng đại chia sẻ cơm áo cho những người bệnh tật nghèo đói để trở nên môn đệ đích thực của Đức Giê-su.
- BỐN là phải đi con đường hẹp và leo dốc, từ bỏ ý riêng mình để vâng phục ý Thiên Chúa, sẵn sàng vác thập giá là các tai nạn gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.
- NĂM là phải chu toàn sứ mệnh tông đồ truyền giáo, nghĩa là làm chứng cho Chúa bằng đời sống khiêm nhường yêu thương phục vụ tha nhân từ trong gia đình ra ngoài xã hội mọi lúc và mọi nơi.

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay chúng con mừng đại lễ Thăng Thiên. Chúng con thật vui mừng và hãnh diện tuyên xưng Chúa chính là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa. Chúa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa để mở đường về trời cho chúng con, để dọn chỗ cho chúng con và đến ngày tận thế Chúa sẽ trở lại để đem chúng con lên trời với Chúa. Xin cho chúng con ý thức rằng: “Quê hương chúng con ở trên trời, nơi đó chúng con sẽ gặp Đấng Cứu Chuộc là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con”, để dù đang sống giữa thế gian, nhưng chúng con không thuộc về trần gian. Xin cho chúng con biết dùng của cải đời này để sắm cho mình kho báu thiêng liêng trên trời, bằng việc chia sẻ cơm bánh cho những người đói khát, quần áo cho những kẻ rách rưới, chữa lành các bệnh nhân đau liệt, thăm viếng an ủi những người đau khổ thể xác cũng như tâm hồn, giúp tội nhân ăn năn sám hối trở về với Chúa... như kinh “thương người” đã dạy.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit về tình huynh đệ Kitô Giáo
Đặng Tự Do
04:13 12/05/2021


Trong thánh lễ Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Phục sinh tại nhà thờ St Germain l’Auxerrois, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã khai triển một câu trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan: “Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con” (Ga 15:12).

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn bài giảng của ngài qua phần trình bày của Anh Chi.

Anh chị em thân mến! Chúng ta thường bắt đầu những lời khuyên nhủ của mình đối với các Kitô hữu bằng cách nhắc đến lòng yêu mến nhau. Tình huynh đệ là quan trọng đối với chúng ta, vì chúng ta có cùng một Cha. Qua phép rửa tội, chúng ta đã trở thành con cái Chúa. Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta: “Anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23: 9). Trước Chúa Giêsu Kitô, hình tượng người cha này đã hiện diện như được đề cập đến trong Thánh Vịnh 103: “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.” Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa tiến xa đến mức nào trong dụ ngôn về đứa con hoang đàng mà chúng ta biết rất rõ. Như Cha đã yêu thương chúng ta, chúng ta hãy yêu mến nhau.

Tình huynh đệ được ghi khắc trên tiền sảnh của các tòa thị chính của chúng ta cùng với tự do và bình đẳng. Gần đây khi nói chuyện với một số ủy viên hội đồng thành phố của chúng ta, tôi thấy mối quan tâm của họ là làm thế nào để có thể xây dựng lại tình huynh đệ giữa người Pháp với nhau sau thời gian bị cách ly, sau những rào cản, những khoảng cách mà chúng ta phải tôn trọng; và sau khi cái chiêu bài “Chúng ta hãy bảo vệ nhau” xem ra đã thay thế cho điều răn của Chúa Giêsu “Hãy yêu thương nhau”.

Đối với tôi, dường như trong các cộng đồng Kitô của chúng ta, chúng ta phải tạo ra không gian cho tình huynh đệ, nơi mọi người cảm thấy được chào đón trong tình trạng hiện nay của họ, và là nơi có thể coi là ngưỡng cửa cho những người chưa biết Chúa Giêsu Kitô.

Hôm nay chúng ta nghe thấy một điều khó tin đối với nhiều người: “Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy”. Đây là những lời từ một vị Thiên Chúa đến giữa loài người để kết bạn với chúng ta. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây. Trong tất cả các nền văn minh, Thiên Chúa luôn là đấng vô hình, đấng là nguyên ủy của mọi sự, là đấng siêu việt mà chúng ta phải tôn thờ và đứng trước Ngài chúng ta chỉ có thể cúi đầu cung kính. Một vị Thiên Chúa lại tự biến mình thành bạn của chúng ta sao? Triết gia Michel de Montaigne định nghĩa tình bạn như một cuộc gặp gỡ của tâm hồn. Chúng ta cũng có thể nói rằng khi chúng ta là bạn bè, chúng ta có cùng chiều dài tâm hồn. Nếu chúng ta có cùng chiều dài tâm hồn với Chúa, thì chúng ta là một tôn giáo của tình bạn.

Chúng ta là bạn bè với nhau hay anh em với nhau? Một người anh của tôi khi còn là một thiếu niên thường nói: “Bạn bè chúng ta chọn được, anh em trong gia đình thì rán mà chịu”. Khi còn bé, tôi cảm thấy một chút tổn thương khi nghe những lời này. Nhưng bây giờ, khi những người bạn cũ của anh ấy không còn nữa và về già, anh ấy ngày càng gắn bó hơn với gia đình. Đối với tôi, là anh em với nhau có nghĩa là học cách yêu nhau trong sự khác biệt, vì anh chị em đã không chọn nhau. Làm bạn với nhau là chọn những người có thể chia sẻ những chuyện riêng tư của chúng ta.

Sống trong một gia đình mở rộng tầm nhìn của chúng ta vì trong cùng một gia đình, chúng ta rất khác nhau về những lựa chọn và quan điểm sống. Thường thì bạn bè của chúng ta là những người giống như chúng ta. Học cách yêu mến và sự dịu dàng trong bối cảnh một gia đình sẽ cho phép chúng ta sống trong xã hội với những người khác nhau. Đây là những gì đang xảy ra trong cộng đồng của chúng ta, nơi mọi người có nguồn gốc khác nhau đến với nhau, nơi những đối đầu nhạy cảm phải nhường bước cho lòng nhân từ. Ít nhất, đó là những gì cần phải được thực hiện. Và đây là vai trò chính của các cha xứ: hãy hiệp nhất cộng đoàn của ngài.

Làm sao chúng ta có thể hiểu được tình bạn mà Chúa Kitô dành cho chúng ta? Thưa: Chúng ta phải nhận ra mối nguy hiểm giữa chính chúng ta. Cảm xúc cá nhân, thường được gọi là sự đồng cảm, là một chút gì đó giống như các thuật toán của điện thoại di động, khóa chúng ta trong vòng vây của những người suy nghĩ hoặc tìm kiếm những điều tương tự như chúng ta.

Nhưng trong tình bạn mà Chúa Kitô trao ban, có một điều gì đó rất khác. Không phải ta chọn Chúa làm bạn, chính là Người chọn ta. Vì vậy, đó không phải là một cảm xúc cá nhân gắn kết chúng ta, nhưng là một ân sủng đến từ Thiên Chúa, ân sủng tình bạn.

Chúa Giêsu phán “Đây là điều răn của Thầy: hãy yêu thương nhau.” Đối với nhiều người, đây là một nghịch lý. Thật vậy, theo kinh nghiệm của chúng ta, tình yêu là cảm giác xuất phát từ con tim, không phải là một mệnh lệnh.

Tuy nhiên, qua mệnh lệnh này, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng tình yêu đích thực không đến từ sự đồng cảm tự nhiên với những người yêu thương chúng ta hoặc những người giống chúng ta. Tình yêu là ân sủng của Thiên Chúa, cho phép chúng ta yêu kẻ thù của mình để cảm nghiệm tình yêu vô điều kiện theo hình ảnh của Người: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các em” (Ga 15:12). Chúng ta là anh chị em với nhau để trở thành bạn bè của tất cả mọi người. Đó thật là một ơn gọi cao cả.
Source:Paris Catholique
 
Bài Giáo Lý Hàng Tuần Của Đức Phanxicô: Chiến Đấu Trong Cầu Nguyện
Vũ Văn An
15:39 12/05/2021


Theo tin VaticanNews, buổi yết kiến chung hôm thứ tư 12 tháng 5, 2021 đã trực tiếp diễn ra tại Sân San Damaso lúc 9 giờ 30 sáng, sau nhiều tuần lễ diễn ra dưới hình thức ảo. Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về cầu nguyện, nhấn mạnh đến việc nhiều khi ta phải chiến đấu để cầu nguyện.

Sau đây là trọn bản văn bài giáo lý, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Tôi rất vui được nối lại cuộc gặp mặt trực tiếp này, vì tôi nói thật với anh chị em điều này: không hay ho gì khi nói chuyện trước máy quay hình. Nó chẳng hay chút nào. Và bây giờ, sau nhiều tháng, nhờ sự dũng cảm của Đức Ông Sapienza, người đã nói, "Không, chúng ta sẽ làm ở đó", thế là chúng ta tập trung lại ở đây. Đức Ông Sapienza quả tốt lành! Và thấy được người ta, thấy được anh chị em ở đây, mỗi người trong số anh chị em với câu chuyện của riêng anh chị em, những người đến từ khắp nơi, từ Ý, từ Hoa Kỳ, từ Colombia… Đội bóng nhỏ gồm bốn anh em người Thụy Sĩ, tôi nghĩ… họ đang ở kia… bốn. Thiếu cô em nhỏ, tôi hy vọng em sẽ đến… Và thấy từng người trong anh chị em làm tôi rất vui vì tất cả chúng ta đều là anh chị em trong Chúa, và nhìn nhau giúp chúng ta cầu nguyện cho nhau. Cả những người ở xa nhưng luôn làm họ gần gũi với chúng ta. Dì Geneviève lúc nào cũng hiện diện, đến từ Lunapark, những người làm việc... Rất nhiều. Tất cả đều ở đây. Cảm ơn anh chị em về sự hiện diện và viếng thăm của anh chị em. Anh chị em hãy mang thông điệp của Đức Giáo Hoàng đến cho mọi người. Thông điệp của Đức Giáo Hoàng là: tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người, và tôi yêu cầu anh chị em cầu nguyện cho tôi, hiệp nhất trong lời cầu nguyện.

Và nói về cầu nguyện, cầu nguyện Kitô giáo, giống như tất cả đời sống Kitô giáo, không phải là “đi dạo trong công viên”. Không ai trong số những người cầu nguyện vĩ đại mà chúng ta gặp trong Kinh thánh và trong lịch sử Giáo hội thấy việc cầu nguyện “thoải mái”. Có, người ta có thể cầu nguyện như một con vẹt - blah, blah, blah, blah, blah - nhưng đó không phải là cầu nguyện. Cầu nguyện chắc chắn mang lại sự bình an lớn lao, nhưng qua cuộc chiến đấu bên trong, đôi khi có khó khăn, khó khăn này có thể theo ta suốt cả một thời gian dài trong cuộc sống. Cầu nguyện không phải là một điều dễ dàng, và đây là lý do tại sao chúng ta trốn tránh nó. Mỗi khi chúng ta muốn cầu nguyện, ngay lập tức chúng ta được nhắc nhớ nhiều hoạt động khác, những hoạt động ngay lúc đó dường như quan trọng hơn và cấp bách hơn. Điều này cũng xảy ra với tôi nữa! Nó xảy ra với tôi. Tôi đi cầu nguyện một chút… nhưng không, tôi phải làm điều này điều nọ… Chúng ta chạy trốn khỏi cầu nguyện, tôi không biết tại sao, nhưng nó là như thế. Hầu như luôn luôn, sau khi ngừng cầu nguyện, chúng ta nhận ra những điều đó không chủ yếu chút nào, và chúng ta có thể đã lãng phí thời gian. Đó là cách Kẻ Thù lừa phỉnh chúng ta.

Mọi người nam nữ tin Chúa tường trình không những niềm vui của cầu nguyện, mà cả sự tẻ nhạt và mệt mỏi mà nó có thể mang lại: đôi khi quả phải chiến đấu khó khăn mới duy trì được thời gian và cách thức cầu nguyện. Một số vị thánh, liên tiếp trong nhiều năm, tìm bất cứ sự hài lòng nào trong cầu nguyện, nhưng không tri nhận được tính hữu ích của nó. Im lặng, cầu nguyện và tập trung là những thao tác khó khăn, và đôi khi bản chất con người nổi loạn. Thà chúng ta ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, chứ không phải ở đó, trong hàng ghế nhà thờ, cầu nguyện. Những ai muốn cầu nguyện phải nhớ rằng đức tin không dễ dàng, và đôi khi nó tiến bước trong bóng tối gần như hoàn toàn, không có điểm quy chiếu nào. Có những khoảnh khắc trong đời sống đức tin tối tăm, và do đó một số thánh nhân gọi đây là “đêm tối”, bởi vì chúng ta không nghe thấy gì. Nhưng tôi tiếp tục cầu nguyện.

Sách Giáo lý liệt kê một loạt dài những kẻ thù của việc cầu nguyện, những kẻ thù gây khó khăn cho việc cầu nguyện, khiến chúng ta gặp khó khăn (xem số 2726-2728). Một số người nghi ngờ rằng cầu nguyện có thể thực sự vươn tới Đấng Toàn năng: tại sao Thiên Chúa vẫn im lặng? Nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, hẳn Người có thể nói một vài lời và vấn đề nhờ thế kết thúc. Đối diện với việc khó nắm bắt thể thần linh, những người khác nghi ngờ rằng cầu nguyện chỉ là một hoạt động tâm lý học đơn thuần; một điều gì đó có thể hữu ích, nhưng không đúng và không cần thiết: và thậm chí người ta có thể là một người thực hành đạo mà không phải là một tín hữu. Và vì vậy nó tiếp diễn, với nhiều giải thích.

Tuy nhiên, các kẻ thù tồi tệ nhất của việc cầu nguyện tìm thấy trong chính chúng ta. Sách Giáo lý mô tả chúng như sau: “chán nản vì khô khan, buồn phiền vì mình không tiến dâng tất cả cho Chúa, (vì chúng ta có nhiều của cải), thất vọng vì Chúa không theo ý mình, kiêu ngạo nên chai lỳ trong tình trạng bất xứng của tội nhân, dị ứng với việc cầu nguyện vì cho rằng cầu nguyện là xin xỏ và việc cho không của Chúa” (2728). Đây rõ ràng là một bản tóm tắt có thể mở rộng được.

Nên làm gì trong thời điểm bị cám dỗ, khi mọi thứ dường như lung lay? Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử linh đạo, có thể thấy ngay rằng các bậc thầy của linh hồn đã rất rõ ràng về tình huống mà chúng ta đã mô tả. Để vượt qua nó, mỗi người trong số họ đã đưa ra một số hình thức đóng góp nào đó: một lời khôn ngoan hoặc một gợi ý để đối phó với những khoảnh khắc đầy khó khăn. Đây không phải là vấn đề lý thuyết phức tạp, lý thuyết định sẵn, không, mà là những lời khuyên phát sinh từ kinh nghiệm, cho thấy tầm quan trọng của việc chống lại cám dỗ và kiên trì trong cầu nguyện.

Điều đáng lưu ý là xem lại ít nhất một số lời khuyên này, vì mỗi lời khuyên đều xứng đáng được thăm dò thêm. Thí dụ: Các Bài Linh Thao của Thánh Inhaxiô thành Loyola là một cuốn sách ngắn về sự khôn ngoan tuyệt vời dạy cách sắp xếp trật tự cuộc sống của người ta. Nó giúp chúng ta hiểu rằng ơn gọi Kitô hữu có tính chiến đấu, nó là quyết định đứng dưới cờ hiệu của Chúa Giêsu Kitô chứ không phải dưới cờ hiệu của ma quỷ, cố gắng làm điều tốt ngay cả khi điều đó trở nên khó khăn.

Trong thời gian thử thách, chúng ta nên nhớ rằng chúng ta không đơn độc, có đấng nào đó đang trông coi chúng ta và bảo vệ chúng ta. Thánh Antôn Tu Viện trưởng, người sáng lập ra phong trào đơn tu Kitô giáo, cũng phải đối đầu với thời kỳ khủng hoảng ở Ai Cập, khi việc cầu nguyện trở thành một cuộc đấu tranh khó khăn. Người viết tiểu sử của ngài, Thánh Atanasiô, Giám mục Alexandria, kể lại một trong những giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc đời của vị thánh ẩn tu khi ngài khoảng ba mươi lăm tuổi, một thời kỳ trung niên mà đối với nhiều người thường có khủng hoảng. Thánh Antôn đã bị xáo trộn bởi thử thách, nhưng đã chống lại. Cuối cùng khi đã thanh thản trở lại, ngài hướng sang Chúa của mình với giọng điệu gần như trách móc: “Nhưng lạy Chúa, lúc ấy Chúa ở đâu? Tại sao Chúa không đến ngay để chấm dứt sự đau khổ của con? ” Và Chúa Giêsu trả lời: “Antôn, Ta ở đó. Nhưng Ta đợi xem con chiến đấu”(Hạnh thánh Antôn, 10). Chiến đấu trong cầu nguyện. Và rất thường xuyên, cầu nguyện là một cuộc chiến đấu. Tôi nhớ tôi đã trải qua một điều gần như thế, khi tôi còn ở giáo phận khác. Có một cặp vợ chồng với một đứa con gái chín tuổi, mắc một căn bệnh mà các bác sĩ không thể chẩn đoán được. Và cuối cùng, trong bệnh viện, bác sĩ nói với bà mẹ, "Thưa bà, bà gọi cho chồng bà đi". Còn người chồng thì đang đi làm; họ là những người lao động, họ làm việc hàng ngày. Và bác sĩ nói với người cha, "Đứa trẻ sẽ không sống sót qua đêm. Chúng tôi không thể làm gì để ngăn chặn sự lây nhiễm này”. Có lẽ người đàn ông đó không tham dự thánh lễ vào mỗi Chúa nhật, nhưng ông ta có một đức tin tuyệt vời. Ông ấy bỏ đi, vừa đi vừa khóc; để vợ ở đó cùng đứa con trong bệnh viện, ông lấy xe lửa và đi bảy mươi cây số về phía Vương cung thánh đường Đức Mẹ Luján, Đấng Bảo trợ của Á Căn Đình. Và ở đó - Vương cung thánh đường đã đóng cửa, lúc đó đã gần mười giờ đêm, chiều tối - ông bám vào các ô cửa sắt của Vương cung thánh đường và ở đó cả đêm để cầu nguyện với Đức Mẹ, chiến đấu cho sức khỏe của con gái mình. Đây không phải là một điều tưởng tượng: Tôi đã thấy ông ta! Chính tôi đã nhìn thấy ông ta. Người đàn ông đó, đang chiến đấu. Cuối cùng, sáu giờ sáng, Nhà thờ mở cửa, ông bước vào để chào Đức Mẹ rồi trở về nhà. Và ông ấy nghĩ: “Đức Mẹ đã bỏ chúng ta. Không, Đức Mẹ không thể làm điều này với mình”. Sau đó, ông đến gặp [vợ mình], và bà ấy đã mỉm cười, nói: “em không biết chuyện gì đã xảy ra. Các bác sĩ nói rằng một điều gì đó đã thay đổi, và bây giờ con nhỏ đã khỏi bệnh”. Người đàn ông đó, chiến đấu bằng lời cầu nguyện, đã nhận được ơn phúc của Đức Mẹ. Đức Mẹ đã lắng nghe lời ông ta. Và tôi đã thấy điều này: lời cầu nguyện đã làm nhiều phép lạ, vì lời cầu nguyện đi thẳng vào trái tim của sự dịu dàng Thiên Chúa, Đấng chăm sóc chúng ta như một người cha. Và khi không ban cho chúng ta ơn phúc này, Người sẽ ban cho chúng ta ơn phúc khác mà trong một thời gian chúng ta mới thấy. Nhưng luôn luôn, anh chị em hãy chiến đấu trong cầu nguyện để xin ơn phúc. Đúng vậy, đôi khi chúng ta cầu xin ơn phúc mà chúng ta không cần, nhưng chúng ta cầu xin mà không thực sự mong muốn, không đấu tranh … Chúng ta không cầu xin những điều nghiêm túc theo cách này. Cầu nguyện là chiến đấu, và Chúa luôn ở với chúng ta.

Nếu trong giây phút mù mịt, chúng ta không thể nhìn thấy sự hiện diện của Người, thì trong tương lai chúng ta sẽ nhìn thấy. Cuối cùng chúng ta cũng sẽ lặp lại cùng một câu mà tổ phụ Gia-cốp đã nói vào một ngày nọ: “Quả thật, Chúa đang ở nơi này; mà tôi đã không biết điều đó ”(St 28:16). Vào cuối cuộc đời của chúng ta, khi nhìn lại, chúng ta cũng sẽ có thể nói: “Tôi từng nghĩ tôi ở một mình, nhưng không, tôi đã không ở một mình: Chúa Giêsu ở với tôi”. Tất cả chúng ta sẽ có thể nói điều ấy. Cảm ơn anh chị em.
 
Thông điệp video của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi hội nghị Khám phá Tâm trí, Thân xác và Linh hồn. Làm thế nào việc Đổi mới và các Hệ thống Cung cấp mới Cải thiện Sức khỏe Con người.
Vũ Văn An
19:03 12/05/2021



Các bạn thân mến,

Tôi vui mừng gửi lời chào đến tất cả các bạn tham gia Hội thảo quốc tế này mang tên “Tâm trí, Thân xác và Linh hồn”, một chủ đề mà trong nhiều thế kỷ đã mời gọi việc nghiên cứu và suy tư trong nỗ lực tìm hiểu mầu nhiệm con người. Tôi kính chào và cảm ơn Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, các nhà tổ chức Hội nghị này, các vị Chủ tịch của các Qũy “Cura” và “Khoa học và Đức tin”, và các diễn giả khác.

Hội nghị của các bạn hợp nhất sự suy tư triết học và thần học với việc nghiên cứu khoa học, nhất là trong lĩnh vực y khoa. Trước hết, điều này cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với tất cả những người đã đích thân và do nghề nghiệp dấn thân vào việc chăm sóc người bệnh và hỗ trợ những người cần đến nhất. Trong những ngày này, tất cả chúng ta đều biết ơn những người đã làm việc không mệt mỏi để chống lại cơn đại dịch đang tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều người, nhưng đồng thời cũng là một thách thức đối với cảm thức liên đới và tình huynh đệ chân chính của chúng ta. Vì lý do này, mối quan tâm đến tính trung tâm của nhân vị cũng đòi hỏi sự suy tư về các mô hình chăm sóc sức khỏe có thể tới tay mọi người bệnh, không phân biệt.

Chương trình của Hội nghị của các bạn tập trung vào ba lĩnh vực căn bản được chỉ rõ trong tựa đề của nó: tâm trí, thân xác và linh hồn. Ba phạm trù này hơi khác với viễn kiến “cổ điển” của Kitô giáo, mà mô hình nổi tiếng nhất là: con người, hiểu như một thể thống nhất không thể tách rời gồm thể xác và linh hồn, trong đó linh hồn được phú cho trí hiểu và ý chí (xem Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 1703-1705). Tuy nhiên, viễn kiến đó không có tính độc chiếm. Chẳng hạn, Thánh Phaolô nói về “tinh thần, linh hồn và thể xác” (1 Tx 5:23), một mô hình ba thành phần sau đó được nhiều Giáo phụ và các nhà tư tưởng hiện đại khác tiếp nhận. Theo suy nghĩ của tôi, sự phân chia của các bạn chỉ ra một cách đúng đắn rằng một số chiều kích nhất định của hữu thể chúng ta, ngày nay thường quá bị tách biệt, trên thực tế có liên quan qua lại sâu sắc và không thể tách rời nhau.

Tầng sinh học của hiện hữu chúng ta, được phát biểu trong tính thân xác (corporeity) của chúng ta, đại diện cho chiều kích gần gũi nhất trong số những chiều kích này, mặc dù không phải là chiều kích dễ hiểu nhất. Chúng ta không phải là những thuần thần; với mỗi chúng ta, mọi sự đều bắt đầu với thân xác của chúng ta, nhưng không phải chỉ có thế: từ khi thụ thai cho đến khi chết, chúng ta không đơn giản một thân xác; chúng ta một thân xác. Đức tin Kitô giáo cho chúng ta biết rằng điều này cũng sẽ đúng khi phục sinh. Về phương diện này, lịch sử nghiên cứu y học giới thiệu cho chúng ta một chiều kích của hành trình tự khám phá đầy hấp dẫn của con người. Đây không những chỉ đúng cho điều có thể gọi là y khoa học thuật “phương Tây”, mà còn đúng cho cả sự đa dạng phong phú của các loại y khoa trong các nền văn minh thế giới khác nhau. Các ngành khoa học chắc chắn đã mở ra một chân trời nhận thức và các tương tác mà cách nay một vài thế kỷ không ai có thể tưởng tượng được.

Nhờ các nghiên cứu liên ngành, chúng ta có thể tiến đến chỗ đánh giá tốt hơn những động năng liên quan đến mối liên hệ giữa tình trạng thể chất của chúng ta và tình trạng môi trường sống của chúng ta, giữa sức khỏe và sự nuôi dưỡng, sức khỏe tâm-thể lý của chúng ta và việc chăm sóc đời sống tinh thần - cũng nhờ cả việc thực hành cầu nguyện và suy gẫm - và cuối cùng giữa sức khỏe và sự nhạy cảm đối với nghệ thuật, nhất là âm nhạc. Không phải ngẫu nhiên mà y khoa đóng vai trò cầu nối giữa khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn, đến nỗi trước đây nó đã được định nghĩa là Philosophia corporis (triết học thân xác), như chúng ta thấy trong một bản thảo được lưu giữ trong Thư viện Tông tòa Vatican.

Như thế, một viễn kiến rộng hơn và một cam kết nghiên cứu liên ngành làm cho nhận thức lớn hơn trở thành khả hữu, một nhận thức, khi được áp dụng vào các khoa học y khoa, có thể được diễn dịch thành các nghiên cứu phức tạp hơn và các chiến lược chăm sóc ngày càng thích hợp và chính xác hơn. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn về di truyền học, nhằm mục đích chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau. Tuy nhiên, sự tiến bộ này cũng đặt ra một số vấn đề về nhân chủng học và đạo đức, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến việc điều khiển bộ gen người nhằm kiểm soát hoặc thậm chí khắc phục quá trình lão hóa, hoặc đạt được sự thăng tiến con người.

Điều quan trọng tương tự là chiều kích thứ hai, tức tâm trí, giúp chúng ta có thể tự hiểu được bản thân mình. Câu hỏi căn bản mà các bạn đang tìm cách giải quyết là câu hỏi trong nhiều thế kỷ vốn dẫn nhân loại đi tìm yếu tính của điều làm chúng ta thành người. Hiện tại, yếu tính trong nhân tính chúng ta thường có xu hướng được đồng nhất hóa với bộ não và các diễn trình thần kinh học của nó. Tuy nhiên, bất chấp tầm quan trọng sống còn của các khía cạnh sinh học và chức năng của não, những điều này không cung cấp lời giải thích tổng thể về tất cả những hiện tượng vốn định nghĩa chúng ta là con người, trong đó, nhiều hiện tượng không thể “đo lường được” và do đó vượt qua tính vật chất của thân xác. Chúng ta không thể có một tâm trí mà không có chất não, nhưng tâm trí không thể bị giản lược vào tính vật chất đơn thuần của bộ não. Chúng ta cần phải lưu ý kẻo hai thứ này bị đánh đồng với nhau.

Trong những thập niên gần đây, nhờ sự tương tác giữa các khoa học tự nhiên và nhân văn, ngày càng có nhiều nỗ lực nhằm nắm bắt đầy đủ hơn mối liên hệ giữa các chiều kích vật chất và phi vật chất của hữu thể chúng ta. Kết quả là, câu hỏi thân xác - tâm trí, mà trong nhiều thế kỷ vốn là lĩnh vực phổ biến của các nhà triết học và thần học, giờ đây cũng được những người nghiên cứu mối liên hệ giữa tâm trí và não bộ quan tâm.

Trong bối cảnh khoa học, việc sử dụng thuật ngữ “tâm trí” có thể gây ra các khó khăn nhất định; thành thử, cần phải hiểu và mô tả thực tại này một cách liên ngành. Thuật ngữ “tâm trí” thường được sử dụng để chỉ một thực tại khác biệt về mặt hữu thể học, nhưng vẫn có khả năng tương tác với hạ tầng (substratum) sinh học của chúng ta. Thật vậy, “tâm trí” thường chỉ toàn bộ các khả năng của con người, đặc biệt liên quan đến sự hình thành tư tưởng. Một câu hỏi vẫn còn hợp thời là nguồn gốc của những khả năng con người đó, như sự nhạy cảm luân lý, sự hiền lành, lòng cảm thương, sự tương cảm và tình liên đới, những thứ vốn tìm được biểu thức trong các cử chỉ nhân ái, quan tâm bất vụ lợi đến người khác và óc thẩm mỹ, chưa nói đến việc tìm kiếm cõi vô hạn và siêu việt. Như các bạn thấy, đây là một vấn đề rất phức tạp và liên lập với nhau.

Trong truyền thống Do thái-Kitô giáo, cũng như trong truyền thống triết học Hy Lạp, những đặc điểm nhân bản này gắn liền với chiều kích siêu việt của nhân vị, được đồng nhất với nguyên tắc phi vật chất của hữu thể chúng ta, tức linh hồn, chủ đề thứ ba của Hội nghị. Mặc dù đúng là theo thời gian, thuật ngữ này đã mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, quan niệm mà chúng ta thừa hưởng từ triết học cổ điển coi linh hồn là nguyên tắc cấu thành tổ chức thân xác nói chung và là nguồn gốc của các khả năng trí hiểu, cảm giới và ý chí của chúng ta, bao gồm cả lương tâm luân lý. Kinh thánh, nhất là suy tư triết học và thần học, đã sử dụng khái niệm “linh hồn” để định nghĩa tính độc đáo của chúng ta như những hữu thể nhân bản và đặc tính chuyên biệt của con người, vốn không thể bị giản lược vào bất cứ sinh vật nào khác và bao gồm sự cởi mở của chúng ta đối với chiều kích siêu nhiên và do đó đối với Thiên Chúa. Sự cởi mở này đối với siêu việt, đối với một điều gì đó vĩ đại hơn chính chúng ta, có tính cấu thành, và nó minh chứng cho giá trị vô hạn của mỗi nhân vị. Nói một cách thông thường hơn, nó giống như một chiếc cửa sổ nhìn ra ngoài và mở ra một chân trời rộng lớn hơn.

Các bạn thân mến, tôi rất vui vì sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau trên thế giới, Công Giáo và không Công Giáo, đều tham gia biến cố này. Tôi khuyến khích các bạn đảm nhiệm và theo đuổi việc nghiên cứu liên ngành liên quan đến các trung tâm nghiên cứu khác nhau, vì lợi ích của việc hiểu rõ hơn chính chúng ta và bản chất con người của chúng ta, với mọi giới hạn và khả thể của nó, trong khi luôn ghi nhớ chân trời siêu việt mà con người chúng ta luôn hướng tới. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban phước cho công việc của các bạn và tôi bày tỏ hy vọng rằng các bạn sẽ luôn giữ được nhiệt huyết, và thực sự là sự ngạc nhiên của các bạn, trước sự mầu nhiệm ngày càng sâu sắc hơn của con người. Vì như Thánh Augustinô, khi làm vọng lại Kinh thánh, đã nói với chúng ta bằng những từ ngữ vẫn luôn hợp thời: “Con người thực sự là một hố thẳm rộng lớn” (Tự Thú IV, 14, 22). Cảm ơn các bạn.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chia sẻ những kỷ niệm và hình ảnh về cha cố Gioan Trần Công Nghị
Thái Phạm
08:52 12/05/2021
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh dấu vết Chúa Giêsu để lại
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:39 12/05/2021
Hình ảnh dấu vết Chúa Giêsu để lại

Hằng năm Giáo Hội Công Giáo mừng trọng thể lễ Chúa Giêsu lên trời sau lễ mừng Chúa Giêsu sống lại.

Giáo Hội Chúa Giêsu thời sơ khai lúc ban đầu không có ngày lễ mừng riêng Chúa Giêsu lên trời. Nhưng mãi tới Công đồng Nicaea năm 325 thiết lập ngày lễ đầu tiên mừng trọng thể Chúa Giêsu lên trời, 40 ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết như sách kinh thánh viết thuật lại. (Tông đồ công vụ 1, 1-11).

Theo kinh thánh viết thuật lại, sau khi sống lại Chúa Giêsu còn ở trên trần gian 40 ngày (sách Tdcv 1, 3). Dựa theo con số 40 ngày đó, lịch phụng vụ tính đếm từ ngày Chúa nhật mừng lễ Chúa Giêsu sống lại, nên ngày lễ mừng kính Chúa Giêsu lên trời hằng năm vào ngày thứ Năm trong tuần.

Và trong dòng thời gian, Giáo Hội Chúa Kitô với lòng sốt sắng kính mến đã sáng tác ra kinh cầu chịu nạn Chúa Giêsu để tưởng nhớ cầu nguyện cùng chúa Giêsu Kitô, trong đó có lời cầu: „Chúa Giêsu trước mặt thiên hạ lên trời.“.

Người (Chúa Giêsu Kitô) được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.“ (Tông đồ công vụ 1, 9-11).

Chúa Giêsu Kitô đã trở về trời. Nhưng Người không biến mất hẳn khỏi sân khấu cuộc sống trần gian. Trái lại vẫn còn để lại những dấu vết, mà xưa nay từ hơn hai ngàn năm nay Giáo Hội Chúa hằng lần theo không phải chỉ cho việc nghiên cứu tìm tòi, nhưng quan trọng cần thiết hơn cho đời sống đức tin.

Những dấu vết Chúa Giêsu Kitô còn để lại là những dấu vết gì?

Ở Jerusalem bên nước Do Thái ngọn núi Cây Dầu là địa điểm hành hương thánh mang tính lịch sử vừa tôn giáo và văn hóa. Vì nơi ngôi nhà nguyện nhỏ cổ kính, xây dựng theo hình bát gíac có mái vòm tròn, trong đó có một khung hình chữ nhật in sâu lõm trên nền nhà. Theo tương truyền đó là „dấu chân Chúa Jesu“ còn in lại khi Chúa đặt bước chân từ gĩa trần gian bay đi về trời.

Ngôi nhà nguyện lịch sử này được xây dựng từ thế kỷ thứ 4. sau Chúa giáng sinh để kính nhớ Chúa Giêsu lên trời, rồi sau đó bị đội quân Batư đến xâm chiếm phá huỷ. Đến năm 614 sau Chúa giáng sinh lại được phục hồi xây dựng lại. Và đến 1009 bị Kalifen Al-Hakim người Hồi giáo phá hủy lần nữa. Sau đó Thập tự quân Thánh chiến Kitô giáo đến xây dựng lại. Và năm 1187 Sultan Saladin Hồi giáo đến chiếm đóng thay đổi và biến thành đền thờ Hồi giáo.

Những người tín hữu Công Giáo hằng năm vào ngày lễ mừng Chúa Giêsu lên trời được phép cử hành lễ nghi phụng vụ nơi nhà nguyện này, trong khi đó những tín hữu Chính Thống giáo cử hành lễ nghi phụng vụ của họ ở sân bên ngoài chung quanh bức tường nhà nguyện.

Đó là dấu vết chân Chúa Giêsu như một chứng tích kỷ niệm lịch sử trên nền nhà nguyện theo tương truyền còn in lại ở đỉnh ngọn núi Cây Dầu. Nhưng Chúa Giêsu sau 03 năm trên trần gian rao truyền tin mừng tình yêu nước Thiên Chúa còn để lại những dấu vết khác có nhiều ý nghĩa sâu đậm cùng cần thiết cho đời sống tâm linh tinh thần con người hơn nữa.

Những dấu vết Chúa Giêsu để lại không in sâu đậm trên nền đất cát đá, nhưng in sâu trong trái tim tâm hồn con người qua những lời Ngài rao giảng cùng những việc Ngài làm cho con người.

Hình ảnh Ông Thánh Gioan tẩy gỉa đi vào sa mạc loan truyền sứ điệp nước Thiên Chúa nêu gương sống ăn chay khắc khổ từ bỏ tất cả, vì cuộc phán xét đang chờ đợi, gợi tâm trí quay hướng về qúa khứ.

Nhưng Chúa Giêsu thì không sống cùng rao giảng như vậy. Với Ngài nước Thiên Chúa đang đến giữa con người. Thiên Chúa là cha của con người. Một khởi đầu thời đại tương lai mới mở ra cho đời sống qua tình yêu thương của Thiên Chúa đến cho con người.

Với sứ điệp tin mừng nền tảng đó, Chúa Giêsu đã đi vào sa mạc ăn chay cầu nguyện, nhưng Ngài không ở lại trong đó như Ông Thánh Gioan tẩy giả. Trái lại, Ngài tìm đến con người sống trong xã hội. Ngài đến với những người bị xã hội thời lúc đó khinh miệt cho là tội lỗi, những người bé nhỏ. Ngài mở ra cho họ con đường đến với tình yêu Thiên Chúa. Ngài kêu mời họ cùng đồng bàn ăn tiệc, như phúc âm thuật lại (Lc 7,34).

Những dấu vết như thế Chúa Giêsu để lại không chỉ nơi những người đến với Ngài, nhưng nhất là trong đời sống những người đáp lại tiếng mời gọi đi theo bước chân Ngài. Lời Ngài đã đánh động tâm hồn họ. Lời kêu gọi „ Hãy theo Ta“ (Mc 1,17) đã thấm nhập vào tâm can họ, và họ đã bỏ mọi sự cả gia đình riêng tư đi theo Chúa Giêsu.

Họ là những người bước theo dấu vết chân Chúa Giêsu, và cùng chia sẻ nếp sống đời lữ hành của Ngài, để cùng với Ngài loan truyền làm chứng cho nước Thiên Chúa nơi trần gian.

Các vị Môn đệ Tông đồ Chúa, sau khi Chúa Giêsu đi về trời, không được đứng lại mãi trên ngọn núi Cây Dầu hướng mắt nhìn xem Chúa Giêsu lên trời. Nhưng họ phải trở về cuộc sống trần thế ra đi bắt đầu việc làm chứng rao giảng sứ điệp tình yêu nước Thiên Chúa như Chúa Giêsu Kitô đã làm.

Cánh đồng truyền giáo rộng bao la bao trùm vũ trụ công trình thiên nhiên, như Chúa Giêsu đã nói với họ “anh em đi làm chứng cho Thầy bắt đầu từ Jerusalem vùng miền Juda cho tới tận cùng trái đất“ (Công vụ tông đồ 1,8).

Tận cùng biên giới hình thể không gian điạ lý các quốc gia đất nước, các châu lục.

Tận cùng biên giới thời gian qua mọi thời đại thiên niên kỷ, năm tháng ngày giờ.

Tận cùng biên giới thân phận hoàn cảnh đời sống xã hội con người.

Tận cùng biên giới các biến chuyển thay đổi nơi các nền văn hóa thời đại.

Tận cùng biên giới tâm linh, tâm lý con người. (Đức Giám Mục GB. Bùi Tuần, 1999)

Và Hội Thánh Chúa Giêsu từ hơn hai ngàn năm nay luôn hằng tiếp tục sống theo dấu vết Chúa Giêsu để lại, cho dù cuộc lữ hành có phải trải qua những chao đảo biến chuyển tiêu cực đen tối lên xuống. Nhưng luôn trông cậy vào Chúa giúp cho nhận ra khuyết điểm lỗi lầm, để có can đảm điều chỉnh thay đổi mới.

Mừng lễ Chúa Giêsu lên trời

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Giữa đại dịch kinh hoàng, lại thêm mối lo khi tiếng trống chiến tranh dồn dập tại Thánh Địa Giêrusalem
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:12 12/05/2021


1. Giáo Hội Công Giáo Pháp tham gia Ngày Liên đới với Kitô hữu Giáo hội Ðông phương.

Hôm Chúa Nhật 9 tháng 5 năm 2021, hiệp hội Công Giáo Pháp Oeuvre d'Orient đã tổ chức Ngày Quốc tế Liên đới với các Kitô hữu Giáo hội Ðông phương lần thứ tư. Người Công Giáo được mời gọi tham gia cầu nguyện với các Giáo hội Ðông phương hiệp thông với Tòa Thánh, bao gồm Công Giáo Armenia, Chanđê, Coptíc, Ethiopia và Eritrea ở Châu Phi, Melkite Hy Lạp, Maronite, Syria, Syro-Malabar và Syro-Malankara ở Ấn Ðộ.

Mục đích của sáng kiến này là tăng cường mối liên kết giữa các Kitô hữu phương Tây và phương Ðông, nhiều người trong số họ vẫn đang bị đàn áp và phải vật lộn để tồn tại ở một số quốc gia trên thế giới.

Trong một sứ điệp, Đức Cha Pascal Gollnisch, Chủ tịch hiệp hội Oeuvre d'Orient, nói: “Vào ngày này, chúng ta được mời gọi cầu nguyện trong tình hiệp thông huynh đệ, để mang lại những dấu chỉ hy vọng cho nhau.” Ngài nhấn mạnh rằng “lịch sử của các Kitô hữu Ðông phương là lịch sử của nền văn minh của chúng ta, nền văn minh của người Ai Cập và vùng Lưỡng Hà, của Kinh Thánh, của người Hy Lạp và của người Roma cổ đại; nếu không có chúng châu Âu không thể hiểu được bản sắc của chính mình.”

Nhắc lại chuyến viếng thăm Iraq hồi tháng 3 năm 2021 của Ðức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt là cộng đoàn Qaraqosh, Đức Cha Gollnisch nói: “Nhìn thấy những sức mạnh của ánh sáng và tình yêu được hỗ trợ bởi lòng can đảm và đức tin của Kitô hữu Iraq và tất cả các Giáo hội trong khu vực là điều phi thường.” Ðồng thời ngài cũng nhắc lại rằng tình hình của Kitô hữu tiếp tục xấu đi ở các nước khác như Syria, Li Băng, Armenia và ở vùng Tigray của Ethiopia.

Các tín hữu Công Giáo tham gia vào ngày Liên đới này bằng việc cầu nguyện theo ý chỉ của ngày hoặc bằng việc tham gia trực tuyến tuần cầu nguyện 9 ngày, hoặc gửi một lời cầu nguyện đặc biệt đến hiệp hội Oeuvre d'Orient.

Hiệp hội Oeuvre d'Orient đã trợ giúp cho các Kitô hữu ở 23 quốc gia tại Trung Ðông, vùng Sừng Châu Phi, Ðông Âu và Ấn Ðộ từ hơn 160 năm, hỗ trợ cho các công việc của các giám mục và linh mục, các dòng tu trong 4 lĩnh vực: giáo dục, chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội, hoạt động cộng đoàn, văn hóa và di sản.
Source:Vatican News

2. Hàng trăm người Palestine và cảnh sát Israel bị thương trong các cuộc đụng độ ở Giêrusalem.

Các cuộc đụng độ liên tiếp giữa lực lượng cảnh sát Israel và những người trẻ Palestine ở Giêrusalem trong những ngày qua khiến cho hàng trăm người Palestine và khoảng 20 cảnh sát Israel bị thương. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Ðức Thánh Cha Phanxicô theo sát diễn biến của tình hình với sự quan tâm lo ngại.

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 9 tháng 5, Ðức Thánh Cha đã cầu nguyện để thành Giêrusalem là nơi gặp gỡ, nơi cầu nguyện và hòa bình, không có bạo lực và xung đột.

Tình trạng báo động tại Giêrusalem vẫn ở mức rất cao. Nhiều vụ bạo lực mới liên tục bùng phát gần khu vực Núi đền, trong đó có đền thờ Hồi giáo lớn thứ ba trên thế giới. Bên cạnh đó, còn có các “Cuộc tuần hành rước cờ” do những người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc cổ vũ.

Có hai yếu tố dẫn đến sự leo thang căng thẳng trong những ngày gần đây. Thứ nhất là Israel cử hành Ngày Quốc tế Giêrusalem. Đó là ngày kỷ niệm cuộc chinh phục thành phố vào năm 1967 của quân đội Do Thái. Theo truyền thống, chiến thắng này được tôn vinh bằng một cuộc diễu hành với lá cờ.

Thứ hai là phán quyết của tòa án, liên quan đến việc Israel đe dọa đuổi hàng chục người Palestine ra khỏi một quận phía đông Giêrusalem vì lợi ích của những người định cư Do Thái.

Trong những cuộc đụng độ vào ban đêm, những người biểu tình Palestine đã ném gạch đá về phía cảnh sát Israel, và cảnh sát đã đáp trả bằng cách sử dụng lựu đạn và vòi rồng. Bạo lực tập trung gần cổng Damasco trong thành cổ Giêrusalem. Các nguồn tin y tế của Palestine nói về nhiều trường hợp bị thương. Các cuộc ẩu đả giữa hai chiến tuyến cũng đã xảy ra vào cuối tuần qua ở phía bắc thành phố Haifa và gần Ramallah, ở Bờ Tây.

Quyền Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, ủng hộ việc tái lập trật tự công cộng bằng mọi giá và quyết định sử dụng vũ lực của cảnh sát đối với người biểu tình Palestine. Ông nói, chính phủ “sẽ không cho phép bất kỳ phần tử cấp tiến nào phá hoại sự yên tĩnh” trong thành phố, mặc dù tình hình hiện đã vượt quá tầm kiểm soát và có nguy cơ leo thang mạnh mẽ hơn nữa khi Israel trải qua một cuộc khủng hoảng thể chế và chính trị có thể phá hoại sự ổn định của khu vực.

Trong khi đó, Jordan, quốc gia bảo vệ nơi thánh của người Hồi giáo ở Giêrusalem, đã lên án việc sử dụng vũ lực của Israel. Bên cạnh đó, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Qatar, cũng như Bahrain và các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất - những quốc gia đã bình thường hoá quan hệ với Israel vào năm ngoái - cũng đã lên án mạnh mẽ Israel. Tunisia đã yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào chiều ngày 10 tháng 5 năm 2021. Bộ tứ các nhà đàm phán về Trung Ðông gồm Liên minh châu Âu, Nga, Mỹ và Liên Hiệp quốc bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và kêu gọi Israel “kiềm chế”.
Source:Asia News

3. Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit về tình huynh đệ Kitô Giáo

Trong thánh lễ Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Phục sinh tại nhà thờ St Germain l’Auxerrois, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã khai triển một câu trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan: “Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con” (Ga 15:12).

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn bài giảng của ngài qua phần trình bày của Anh Chi.

Anh chị em thân mến! Chúng ta thường bắt đầu những lời khuyên nhủ của mình đối với các Kitô hữu bằng cách nhắc đến lòng yêu mến nhau. Tình huynh đệ là quan trọng đối với chúng ta, vì chúng ta có cùng một Cha. Qua phép rửa tội, chúng ta đã trở thành con cái Chúa. Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta: “Anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23: 9). Trước Chúa Giêsu Kitô, hình tượng người cha này đã hiện diện như được đề cập đến trong Thánh Vịnh 103: “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.” Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa tiến xa đến mức nào trong dụ ngôn về đứa con hoang đàng mà chúng ta biết rất rõ. Như Cha đã yêu thương chúng ta, chúng ta hãy yêu mến nhau.

Tình huynh đệ được ghi khắc trên tiền sảnh của các tòa thị chính của chúng ta cùng với tự do và bình đẳng. Gần đây khi nói chuyện với một số ủy viên hội đồng thành phố của chúng ta, tôi thấy mối quan tâm của họ là làm thế nào để có thể xây dựng lại tình huynh đệ giữa người Pháp với nhau sau thời gian bị cách ly, sau những rào cản, những khoảng cách mà chúng ta phải tôn trọng; và sau khi cái chiêu bài “Chúng ta hãy bảo vệ nhau” xem ra đã thay thế cho điều răn của Chúa Giêsu “Hãy yêu thương nhau”.

Đối với tôi, dường như trong các cộng đồng Kitô của chúng ta, chúng ta phải tạo ra không gian cho tình huynh đệ, nơi mọi người cảm thấy được chào đón trong tình trạng hiện nay của họ, và là nơi có thể coi là ngưỡng cửa cho những người chưa biết Chúa Giêsu Kitô.

Hôm nay chúng ta nghe thấy một điều khó tin đối với nhiều người: “Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy”. Đây là những lời từ một vị Thiên Chúa đến giữa loài người để kết bạn với chúng ta. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây. Trong tất cả các nền văn minh, Thiên Chúa luôn là đấng vô hình, đấng là nguyên ủy của mọi sự, là đấng siêu việt mà chúng ta phải tôn thờ và đứng trước Ngài chúng ta chỉ có thể cúi đầu cung kính. Một vị Thiên Chúa lại tự biến mình thành bạn của chúng ta sao? Triết gia Michel de Montaigne định nghĩa tình bạn như một cuộc gặp gỡ của tâm hồn. Chúng ta cũng có thể nói rằng khi chúng ta là bạn bè, chúng ta có cùng chiều dài tâm hồn. Nếu chúng ta có cùng chiều dài tâm hồn với Chúa, thì chúng ta là một tôn giáo của tình bạn.

Chúng ta là bạn bè với nhau hay anh em với nhau? Một người anh của tôi khi còn là một thiếu niên thường nói: “Bạn bè chúng ta chọn được, anh em trong gia đình thì rán mà chịu”. Khi còn bé, tôi cảm thấy một chút tổn thương khi nghe những lời này. Nhưng bây giờ, khi những người bạn cũ của anh ấy không còn nữa và về già, anh ấy ngày càng gắn bó hơn với gia đình. Đối với tôi, là anh em với nhau có nghĩa là học cách yêu nhau trong sự khác biệt, vì anh chị em đã không chọn nhau. Làm bạn với nhau là chọn những người có thể chia sẻ những chuyện riêng tư của chúng ta.

Sống trong một gia đình mở rộng tầm nhìn của chúng ta vì trong cùng một gia đình, chúng ta rất khác nhau về những lựa chọn và quan điểm sống. Thường thì bạn bè của chúng ta là những người giống như chúng ta. Học cách yêu mến và sự dịu dàng trong bối cảnh một gia đình sẽ cho phép chúng ta sống trong xã hội với những người khác nhau. Đây là những gì đang xảy ra trong cộng đồng của chúng ta, nơi mọi người có nguồn gốc khác nhau đến với nhau, nơi những đối đầu nhạy cảm phải nhường bước cho lòng nhân từ. Ít nhất, đó là những gì cần phải được thực hiện. Và đây là vai trò chính của các cha xứ: hãy hiệp nhất cộng đoàn của ngài.

Làm sao chúng ta có thể hiểu được tình bạn mà Chúa Kitô dành cho chúng ta? Thưa: Chúng ta phải nhận ra mối nguy hiểm giữa chính chúng ta. Cảm xúc cá nhân, thường được gọi là sự đồng cảm, là một chút gì đó giống như các thuật toán của điện thoại di động, khóa chúng ta trong vòng vây của những người suy nghĩ hoặc tìm kiếm những điều tương tự như chúng ta.

Nhưng trong tình bạn mà Chúa Kitô trao ban, có một điều gì đó rất khác. Không phải ta chọn Chúa làm bạn, chính là Người chọn ta. Vì vậy, đó không phải là một cảm xúc cá nhân gắn kết chúng ta, nhưng là một ân sủng đến từ Thiên Chúa, ân sủng tình bạn.

Chúa Giêsu phán “Đây là điều răn của Thầy: hãy yêu thương nhau.” Đối với nhiều người, đây là một nghịch lý. Thật vậy, theo kinh nghiệm của chúng ta, tình yêu là cảm giác xuất phát từ con tim, không phải là một mệnh lệnh.

Tuy nhiên, qua mệnh lệnh này, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng tình yêu đích thực không đến từ sự đồng cảm tự nhiên với những người yêu thương chúng ta hoặc những người giống chúng ta. Tình yêu là ân sủng của Thiên Chúa, cho phép chúng ta yêu kẻ thù của mình để cảm nghiệm tình yêu vô điều kiện theo hình ảnh của Người: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các em” (Ga 15:12). Chúng ta là anh chị em với nhau để trở thành bạn bè của tất cả mọi người. Đó thật là một ơn gọi cao cả.
Source:Paris Catholique
 
Satan lộng hành: Giáo sĩ chúc lành cho tội lỗi, xúi giục giáo dân bất mãn với Tòa Thánh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:15 12/05/2021


1. Tổng giáo phận Jakarta cho trẻ em và người già dự lễ

Tính cho đến chiều thứ Ba 11 tháng 5, tử vong tại Indonesia đã lên đến 47,218 người, trong số 1,718,575 trường hợp nhiễm coronavirus. Đây là những con số thiệt hại khá nặng nề so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, xu hướng tại Indonesia đang có chiều hướng khả quan. Số trường hợp nhiễm bệnh đang giảm dần ở mức 3,922 trường hợp nhiễm bệnh trong 24 giờ của ngày thứ Hai, và 170 người thiệt mạng.

Trong bối cảnh đó, tổng giáo phận Jakarta đã cho trẻ em và người già dự lễ.

Cha Samuel Pangestu, Tổng đại diện Tổng giáo phận Jakarta, kiêm trưởng toán phòng ngừa Covid-19, cho biết như trên, trong thư đề ngày 5 tháng 5 vừa qua, giữa lúc Indonesia đang phát động mạnh mẽ chiến dịch chích ngừa Coronavirus.

Trong thư gửi tất cả các giáo xứ, cha Pangestu giải thích rằng: “Chỉ có các trẻ em và thiếu niên từ 10 đến 17 tuổi, đã rước lễ lần đầu, mới được phép tham dự các thánh lễ công cộng và phải là người khỏe mạnh. Gia đình các em phải đăng ký trên trang mạng của Tổng giáo phận, đồng ý và dẫn các em đi dự thánh lễ. Tín hữu nào trên 60 tuổi, khỏe mạnh và có thể đi đứng tự lập, cũng có thể tham dự các thánh lễ ngày thứ Bảy, chứng minh đã được chích ngừa mũi thứ nhất và thứ hai chống Covid-19.”

Quyết định trên đây của Tổng giáo phận Jakarta đã được các tín hữu vui mừng đón nhận, vì họ không hăng hái gì khi phải tham dự các thánh lễ trực tuyến. Từ tháng Bảy năm ngoái, giáo phận chỉ cho phép những tín hữu từ 18 đến 59 tuổi được dự lễ. Nay biện pháp này được nới rộng cho các trẻ em từ 10 đến 17 tuổi, và cả những người trên 60 tuổi.
Source:UCANews

2. Nạn vu khống các nữ y tá Kitô phạm thượng chống Hồi giáo đang gia tăng tại Pakistan

Trong vòng bốn tháng qua, đã có ba vụ cáo gian các nữ y tá Kitô tại bệnh viện này. Bắt đầu với vụ cáo gian nữ tu y tá Tabiba, đến từ Karachi, rồi chị Mariam Lal và Newish Urooj từ Faisalabad, và nay thêm một vụ nữa tại nhà thương này.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết hôm 29/4, ba nữ y tá Kitô tại nhà thương tâm trí bị vu khống là lăng mạ Hồi giáo. Vụ này bắt đầu hôm 28/4, khi một trong những y tá Kitô chia sẻ qua WhatsApp với một nhân viên khác của nhà thương một video về tình trạng tại Pakistan do các nhóm Hồi giáo cực đoan, gọi tắt là TLP, gây ra.

Bà y tá trưởng Khalida Suleri, người Hồi giáo, đã huy động một nhóm y tá và nhân viên trợ y người Hồi giáo, đến chiếm nhà nguyện Kitô trong nhà thương và ca hát, cầu nguyện với các thánh ca Hồi giáo trong đó. Họ cũng tổ chức một cuộc biểu tình chống nhân viên y tá Kitô, và bắt đầu đe dọa các nữ y tá Kitô. Sau đó chiếm giữ luôn nhà nguyện đó.

Nhà thương tâm trí ở Lahore có 700 nhân viên, trong đó có 105 y tá Kitô. Những người này được phép ban giám đốc cầu nguyện 30 phút mỗi tuần trong nhà nguyện.

Điều hợp viên của Ủy ban giải phóng nhân bản Pakistan, tên là ông Nadeem Samuel đã xét video nói trên và xác nhận rằng không có gì là xúc phạm đến Hồi giáo trong đó, đồng thời Ông cũng cho mở cuộc điều tra về vụ này. Theo các y tá, một số nữ y tá Hồi giáo ghét các nữ y tá Kitô.

Cha James Channan, dòng Đa Minh, nổi bật về các hoạt động đối thoại liên tôn ở Pakistan, đã gặp các nữ y tá để làm sáng tỏ vấn đề và mau lẹ thông báo cho các vị chỉ huy cảnh sát của bang Punjab ở địa phương, đồng thời yêu cầu nhà chức trách bảo vệ các nữ y tá Kitô. Cha cũng yêu cầu cả hai bên liên hệ đừng đưa ra thêm những lời tuyên bố hoặc than trách nhau. Các tín hữu Kitô được tiếp tục sử dụng nhà nguyện như mọi khi.
Source:Asia News

3. Thời đồng tính: Thách thức Vatican, một số linh mục tổ chức lễ chúc lành cho các cặp đồng giới

Hôm thứ Hai, các linh mục và nhân viên mục vụ ở Đức đã thách thức Vatican bằng cách tiến hành các nghi lễ chúc lành với sự tham dự của các cặp đồng tính.

Các nhà tổ chức đã tổ chức một ngày phản kháng vào ngày thứ Hai 10 tháng 5 để đáp lại tuyên bố gần đây của Vatican rằng Giáo hội không có quyền chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Các buổi lễ, được gọi là “Segnungsgottesdienste für Liebende”, hoặc “cử hành chúc phúc cho các cặp tình nhân”, được quảng bá bằng hashtag “#liebegewinnt” ( “tình yêu chiến thắng” ). Các nhà tổ chức nói rằng các cử hành này là dành cho tất cả các cặp yêu nhau, bao gồm - và đặc biệt - là những cặp cùng giới tính.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo rằng các buổi lễ đã diễn ra tại khoảng 80 thành phố ở Đức cũng như ở Zürich, thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ.

Nhưng rất khó để biết số lượng chính xác các cử hành chúc lành như thế.

Tại thành phố Würzburg trong miền Bavaria - cũng như ở các địa điểm khác như Aachen, Berlin, Frankfurt, Mainz và Cologne - một số buổi lễ như thế đã được tổ chức cùng lúc.

Gần 130 người tham gia tập trung tại Nhà thờ Thánh Augustinô, không xa Nhà thờ Würzburg, trong khi gần 40 người tham dự một buổi lễ tương tự trong một nhà thờ dành cho giới trẻ.

Các nhà quan sát ở Köln, Munich và Würzburg đã báo cáo với CNA Deutsch rằng ở nhiều nơi, chỉ có “một số lượng khiêm tốn” đã tham gia vào chiến dịch.

Một báo cáo từ Köln cho biết có tổng cộng sáu cặp đồng tính đã được chúc lành trong nhà nguyện của cộng đồng đại học Công Giáo địa phương và tổng cộng chỉ có 23 người có mặt.

Ở nhiều nơi, một phép lành chung được ban vào cuối buổi lễ, tuy nhiên, lời chúc này minh nhiên nhắc đến các cặp đồng tính luyến ái và các mối quan hệ của họ. Đôi khi những lời chúc phúc riêng lẻ được đưa ra sau buổi lễ.

Theo những người tổ chức một buổi lễ tại Liebfrauenkirche ở Frankfurt, “Vào cuối thánh lễ các tu sĩ dòng Capuchin đứng sẵn đó để chúc phúc cho các cặp”.

Một buổi lễ do Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, cử hành đã diễn ra tại nhà thờ Đức Bà của Giáo phận Limburg.

Trong Nhà thờ Thánh Augustinô ở Würzburg, tất cả các cặp - rõ ràng là bao gồm cả các cặp đồng tính - được mời “đến và nhận” lời chúc phúc cá nhân trong phòng phía sau, sau buổi lễ.

Trình tự của buổi lễ thay đổi tùy theo từng nơi. Một người tham dự buổi lễ chúc lành ở Köln nói với CNA Deutsch rằng buổi lễ giống như một “sự kiện chính trị”. Buổi lễ được dẫn dắt bởi một nữ cố vấn mục vụ mặc áo choàng phụng vụ, người này giải thích rằng cô ta đã bỏ tham dự các thánh lễ từ lâu, bây giờ mới trở lại.

Sau một số tuyên bố chính trị, Tin Mừng được đọc to, tiếp theo là một bài phát biểu. Cuối cùng là bài hát “Imagine” của John Lennon.

Tại nhà thờ thanh niên Würzburg, một nhà tổ chức đã nói về “sự tức giận và buồn bã” bao trùm lên xã hội Đức sau khi có sự can thiệp của Vatican trong đó khẳng định Giáo Hội không thể chúc lành cho tội lỗi. Một “bức tường” tạm thời được dựng lên trong cung thánh và những người tham gia buổi lễ được mời gọi viết ra “tất cả những gì khiến bạn tức giận” vào bức tường đó.
Source:Catholic News Agency

4. Các giám mục yêu cầu Rôma hành động để ngăn chặn ‘cuộc ly giáo’ ở Đức.

Phản ứng quá khích ở Đức đã khiến các giám mục ở các quốc gia khác bày tỏ lo ngại rằng Giáo hội Đức đang hướng tới sự ly giáo. Các vị lên tiếng về tình trạng cực đoan tại Đức bao gồm Đức Giám Mục người Anh Philip Egan, Đức Hồng Y người Úc George Pell, và Đức Hồng Y người Ý Camillo Ruini.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên giám mục Hương Cảng, cũng vừa đưa ra một lời kêu gọi, từ Bồ Đào Nha, nơi ngài đang tham dự các sự kiện ở Fatima, để yêu cầu Rôma phải hành động nhằm ngăn chặn một “cuộc ly giáo” ở Đức.

Ngay tại Đức, nhiều người Công Giáo cũng đã chỉ trích ngày lễ chúc lành cho các cặp đồng tính. Nhóm “Maria 1.0” kêu gọi các giám mục của đất nước phải hiệp nhất với Rôma trước các cuộc biểu tình chống Tòa Thánh của các giáo dân cực đoan.

Helmut Hoping, giáo sư thần học tín lý tại Đại học Freiburg, nói với CNA Deutsch rằng một số linh mục tiến hành các buổi lễ chúc lành “cũng công khai ủng hộ việc ban bí tích hôn nhân cho các cặp đồng tính trong thời gian không xa”.

Nhà thần học cũng nói về “khuynh hướng ly giáo” trong Giáo hội ở Đức.

Ông cho biết “trong một số lĩnh vực giáo lý và kỷ luật của Giáo hội, sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng đang bị cắt đứt, ví dụ như khi các linh mục vi phạm điều ‘cấm’ rất rõ ràng của Bộ Giáo lý Đức tin đối với việc chúc phúc cho các cặp đồng tính, bất kể lệnh cấm này được công bố với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, trong khi các giám mục lại tuyên bố trước rằng họ chấp nhận việc chúc lành như thế hay thậm chí còn tuyên bố rằng việc chúc lành như thế là khả thi về mặt thần học và cần thiết về mặt mục vụ”.

Cha Gero Weishaupt, linh mục chưởng lý của Tổng giáo phận Köln và là học giả về giáo luật, đã lưu ý trong một cuộc phỏng vấn với CNA Deutsch rằng Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, và các nhà thần học khác đã cảnh báo về một số khả năng có thể xảy ra ly giáo ở Đức.

“Và người ta có thể hỏi chính mình liệu việc ly giáo ấy đã ngấm ngầm trở thành hiện thực”, Cha Weishaupt nhận xét.

Một số giám mục Đức đã công khai lên tiếng ủng hộ việc chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính luyến ái, bao gồm Georg Bätzing (Limburg), Franz-Josef Overbeck (Essen), Helmut Dieser (Aachen), Reinhard Marx (Munich và Freising), Franz-Josef Bode (Osnabrück), Peter Kohlgraf (Mainz), và Heinrich Timmerevers (Dresden-Meissen).

CNA Deutsch báo cáo rằng giám mục Franz-Josef Overbeck của Essen đã nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước rằng ngài sẽ “không đình chỉ một linh mục trong giáo phận của mình hoặc áp đặt các hình phạt khác của Giáo hội đối với linh mục ấy” nếu vị linh mục công khai chống lại chỉ thị của Tòa Thánh về việc không được chúc lành cho các cặp đồng tính.

Giáo phận Essen gần đây đã tổ chức một sự kiện tuyên bố rằng việc chúc lành cho các kết hiệp đồng giới không phải là một vấn đề có nên tiến hành hay không mà là vấn đề tiến hành như thế nào.

Nhưng các giám mục Đức khác đã hoan nghênh sự can thiệp của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Trong số đó có Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki (Cologne), các Đức Cha Stephan Burger (Freiburg), Ulrich Neymeyr (Erfurt), Gregor Maria Hanke (Eichstätt), Wolfgang Ipolt (Görlitz), Stefan Oster (Passau), và Rudolf Voderholzer (Regensburg).
Source:Catholic News Agency