Ngày 07-05-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Xin Cho Tất Cả Nên Một
Jos.Vinc. Ngọc Biển
07:44 07/05/2013
Xin Cho Tất Cả Nên Một

Chúa Nhật VII Phục Sinh, năm C

Chuyện xưa kể rằng: có một ông bố muốn giáo dục con cái về sự hiệp nhất, vì thế, ông đưa cho các con một bó đũa đã cột lại làm một và bảo các con bẻ thử, mấy người con cố gắng cũng không thể nào bẻ gẫy bó đũa… Sau đó, ông lại bảo: hãy tháo bó đũa ra và bẻ từng cái và thế là bó đũa bị bẻ gẫy dễ dàng. Lúc đó, người cha liền bảo: “Như thế là các con đều thấy rằng chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh; đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết”.

Tin mừng hôm nay thuật lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Ngài cầu nguyện cho các ông được hiệp nhất và yêu thương nhau. Bởi vì nếu họ biết hiệp nhất, yêu thương thì sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách cách dễ dàng. Cùng chung tay xây dựng Giáo hội và cùng nhau làm chứng cho Chúa.

1. Hiệp nhất để xây dựng Giáo hội

Đức Giêsu là người hiểu tâm lý của các môn đệ hơn ai hết. Ngài đã đích thân gọi và chọn các ông làm môn đệ cho mình, là những người Ngài sẽ trao phó cách hữu hình công việc xây dựng Giáo hội mà Ngài thiết lập dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa biết rõ sự xuất thân của các ông. Ngài thấu hiểu hoàn cảnh, tâm lý của từng người. Vì thế, lời cầu nguyện cho các môn đệ được hợp nhất là điều rất quan trọng và thực tế. Sự hiệp nhất là yếu tố quyết định sự hưng thịnh hay suy vong của công việc.

Quả thật, nếu không có sự hiệp nhất, thì việc xây dựng Giáo hội trở nên ảo tưởng và vô lý. Và, những lời rao giảng của các ông không ăn nhập gì với mục đích của lời rao giảng. Sự hiệp nhất đó được khởi đi từ khuôn mẫu Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha và Chúa Con nên một nhờ Thần Khí (x. Ga, 15,26). Cũng nhờ Thần Khí ấy ngự trên các môn đệ và làm cho họ hiệp nhất với nhau. Các môn đệ phải là những người đi tiên phong trong sự hiệp nhất này. Trong lịch sử Cứu độ, chúng ta đã thấy rất rõ hậu quả của sự chia rẽ: A đam và E và đã không nghe lời Thiên Chúa nên đã tự mâu thuẫn nội tại khi giơ tay hái và ăn trái cấm. Cain giết Abel vì không hiểu và không thương yêu nhau. Tháp Babel xây không thành vì bất đồng về ngôn ngữ... Chúa Giêsu cầu nguyện cho các ông được hiệp nhất vì: có hiệp nhất, thì mới có mối tương quan, sự cảm thông; mới xây dựng được đời sống cộng đoàn; có sự hiệp nhất thì mới cùng nhau làm chứng về Chúa cách hùng hồn. Nếu không có sự hiệp nhất, thì lẽ tất nhiên, cộng đoàn tan rã và sứ mạng Chúa trao phó không thể chu toàn.

2. Hiệp nhất để truyền giáo

Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và cho cả những ai tin vào lời các ông rao giảng cũng được hiệp nhất với nhau. Đây quả là yêu tố quan trọng trong khi loan báo Tin mừng. Bởi lẽ, nếu không có sự hiệp nhất, lời rao giảng của các môn đệ trở nên phản chứng hơn bao giờ hết; và những ai đi theo lời các ông loan báo thì thật tệ hại cho cả một đời của họ.

Chúa sắp sửa trao cho các ông sứ mạng truyền giáo đến tận chân trời góc biển. Sứ mạng ấy là quy tụ muôn dân trên khắp mặt đất về một mối. Chỉ có một Chủ chiên và một đoàn chiên duy nhất. Chính vì điều đó, nên Chúa Giêsu khao khát cho các môn đệ phải là những người sống kiểu mẫu về sự hiệp nhất; đồng thời, những ai thuộc về Giáo hội mà các ngài rao giảng cũng đều có một mẫu số chung như các ngài.

Sứ mạng loan báo Tin Mừng ấy luôn đòi hỏi tinh thần hy sinh và từ bỏ của người môn đệ rất cao. Khó khăn ấy là: ốm đau, bệnh tật, cô đơn, hiểu lầm, bắt bớ và chịu chết để làm chứng cho lời rao giảng của mình... Nhưng nếu có sự hiệp nhất, yêu thương thì dù trong hoàn cảnh nào, các ông cũng đều làm chứng cho mọi người về một thực tại siêu việt vượt lên trên những thực tại chóng qua và vô bổ ở đời. Nếu người môn đệ Chúa Kitô rao giảng về một Tin mừng giải thoát, yêu thương mà chính bản thân các ngài lại không có những yếu tố hiệp nhất để chứng minh về lời rao giảng đó thì quả là một điều vô lý. Vì thế, trước khi truyền giáo, người môn đệ phải biết “yêu”. Yêu thương là đoàn kết. Yêu thương là sống mầu nhiệm tự hủy để chỉ còn sống cho người khác. Yêu thương là muốn cho người khác cũng được yêu thương như mình. Yêu thương chính là điểm hội tụ của những tấm lòng khao khát tìm chân lý. Có yêu thương như Thầy, thì những lời chứng của người môn đệ mới đủ khả tín. Được như thế, người môn đệ của Chúa Giêsu có quyền hy vọng về một tương lai của Giáo hội mà trong đó người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan và muôn dân sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

3. Người Kitô hữu sống hiệp nhất theo tinh thần của Đức Giêsu

"Lạy Cha, xin cho mọi người nên một" (Ga 17,21) là lời cầu nguyện thể hiện mối ưu tư của Chúa Giêsu rất lớn. Lời cầu nguyện này phát xuất từ nỗi lòng của Ngài trong bữa tiệc ly trước khi chia tay các môn đệ.

Hôm nay, Lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta biết cùng nhau chung tay xây dựng tình hiệp nhất nơi môi trường, nơi hội đoàn của mình. Biết bỏ đi những kiêu ngạo, ích kỷ, tư lợi cá nhân để xây dựng công ích. Vợ chồng biết nhường nhịn nhau, con cái biết ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ. Anh chị em biết đoàn kết với nhau, yêu thương và đùm bọc nhau. Biết ý thức được giới hạn của mình để cần đến người khác.

Tuy nhiên, không ai cho cái mình không có. Phải có mới cho. Vì thế, sự hiệp nhất phải bắt nguồn từ Chúa Giêsu. Hiệp nhất với Chúa Giêsu như ngành nho với thân nho; như cây cối cần ánh sáng của mặt trời; như cá trong nước... Có hiệp nhất với Chúa Giêsu và nên một với Ngài thì mới phát sinh sự hiệp nhất với nhau. Đây cũng chính là điều kiện để trổ sinh hoa trái. Hiệp nhất mang tính truyền giáo và truyền giáo nhằm mục đích hiệp nhất. Nếu ai hiệp nhất với Thiên Chúa thì phải sinh hoa kết trái dồi dào. Còn những ai không sinh hoa kết trái thì chính người ấy đã không sống trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa.

Ước mong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu khi xưa, nay được hiện tại hóa và sinh hoa kết trái dồi dào nơi những môn đệ của Ngài trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con luôn được hiệp nhất với nhau, nhờ biết loại bỏ hận thù, kỳ thị, tranh chấp, kết án lẫn nhau… Xin cho chúng con luôn khiêm tốn trong lời nói và hành động, để không làm thương tổn đến sự hiệp nhất trong Giáo hội, trong xã hội và nơi gia đình. Amen.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những người thệ phản đại kết ca ngợi Đức Mẹ
Vũ Văn An
04:22 07/05/2013
Điều khá lạ lùng là đôi khi thời hiện đại được cả người tôn giáo lẫn người không tôn giáo gọi là Thời Của Đức Mẹ. Tờ Time chẳng hạn, tháng 12, năm 1991 đã dành trang bìa cho Đức Mẹ và cho rằng “Một cuộc phục hưng niềm tin vào Đức Trinh Nữ nơi quần chúng đang xẩy ra khắp thế giới. Hàng triệu người thờ phượng đang kéo nhau tới các đền thánh của ngài, trong đó, có rất nhiều người trẻ. Đáng chú ý hơn nữa, là con số những người nhận mình được thấy ngài”.

Những cuộc hiện ra của Đức Mẹ được tường trình từ khắp nơi trên thế giới, thường từ những nguồn rất đáng tin. Các sứ điệp phát xuất từ những lần hiện ra được tường trình này nói chung nhất quán với nhau và chỉ đơn giản nhắc lại các chủ đề chính của Tin Mừng như hối cải, ăn năn, ăn chay và cầu nguyện.

Song song với việc quần chúng tôn sùng Đức Mẹ này, ta thấy ít nhất có ba khai triển quan trọng khác trong lãnh vực học lý và sùng kính Thánh Mẫu. Đó là các nghiên cứu Tân Ước không có tính tranh cãi, việc thành lập các nhóm đại kết và việc hành hương tới những thánh điểm lịch sử do nhiều nhóm Thệ Phản và Tin Lành tổ chức.

Tập chú vào các cuộc nghiên cứu Tân Ước có tính “trung lập” đã khai sinh ra sự hợp tác giữa các học giả Thánh Kinh cấp tiến và bảo thủ, cả Thệ Phản lẫn Công Giáo, trong việc lượng giá Đức Maria trong Tân Ước. Kết quả tốt đẹp nhất từ công trình hợp tác này là cuốn "Đức Maria Trong Tân Ước" (Mary in the New Testament), viết chung bởi các học giả Công Giáo và Thệ Phản chính dòng. Sự cộng tác nổi tiếng nhất của Anh Giáo là cuốn “Trinh Nữ Maria” (The Blessed Virgin Mary). Một hội nghị của các thần học gia Anh Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương đã được đúc kết thành cuốn “Đấng Trung Gian Duy Nhất, Các Thánh và Đức Maria” (The One Mediator, The Saints and Mary). Hội Đại Kết Trinh Nữ Diễm Phúc Maria (The Ecumenical Society for the Blessed Virgin Mary) đã ấn hành nhiều cuốn đối thoại, trong đó có các cuốn “Vị Trí Của Đức Maria trong Cuộc Đối Thoại Kitô Giáo” (Mary's Place in Christian Dialogue), “Maria và Các Giáo Hội” (Mary and the Churches) và “Maria trong Học Lý và Sùng Kính” (Mary in Doctrine and Devotion). Trong khi ấy, các nhà chú giải như Ignace de la Potterie, Aristide Serra và Rene Laurentin cũng đã cung cấp cho ta nhiều cái nhìn thông sáng mới về vai trò của Đức Maria trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.

Điều nghịch lý là trong thế kỷ 20, một số các trình bày học lý quan trọng nhất về Đức Mẹ đã đến với chúng ta qua các học giả Thệ Phản thuộc nhiều hệ phái khác nhau. Ngài quả không thuộc bất cứ giáo hội hay hệ phái nào. Ngài là mẹ của những ai “làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô”. Ở đây, chúng tôi xin trình bày một số tuyên bố ngắn của các nhà tư tưởng Thệ Phản và Anh Giáo về Đức Maria.

Eric Mascall [Anh Giáo, 1905-1993]:

Mối liên hệ của Đức Maria với Giáo Hội (mà các nhà luận lý học hiện đại hẳn phải đồng ý) là sản phẩm tương đối của hai mối liên hệ căn bản hơn. Mối liên hệ căn bản thứ nhất là mối liên hệ giữa Đức Maria và Con của ngài; Người vốn là một con người và ngài vốn là mẹ của Người. Mối liên hệ căn bản thứ hai là mối liên hệ của Chúa Giêsu với chúng ta và với Giáo Hội; ta là chi thể của Người và Giáo Hội là nhiệm thể của Người. Bởi thế, Đức Maria là mẹ ta và ta là con cái của ngài nhờ được nhận làm con nơi Con Trai ngài. Đây không hẳn là một bột phát từ lòng sùng kính mà là một sự kiện thần học” (1).

John Macquarrie [Anh Giáo, 1919-2007]:

Một quan điểm có tính bản vị và thánh kinh thực sự là quan điểm coi mỗi con người nhân bản như được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa và để dành cho Người, một hữu thể vẫn còn khả năng đáp trả Thiên Chúa và phụng sự Người trong công trình xây đắp tạo dựng. Quan điểm đầy hy vọng đó về nhân loại đã được bản vị hóa và được lưu giữ nơi Đức Maria (2).

John De Satge [Tin Lành]:

Tôi tin rằng như Thánh Kinh từng nói, trong cuộc sống thần học của Nữ Trinh Maria, ta có thể thấy một điển hình công chính hóa nhờ đức tin thế nào, thì ta cũng có thể thấy điểm khởi đầu và điểm kết thúc trong câu truyện về ngài mà các truyền thống sau này do những nguồn khác nhau của Chính Thống Giáo Đông Phương và Công Giáo thêm vào cho kho tàng thiêng liêng như thế, những thêm vào không phải bóp méo nó, mà nhất quán với nó và do đó, đều là những triển khai hợp pháp (3).

Neville Ward [Methodist, 1915-1992]:

Điều xem ra rõ ràng là các tín hữu thế kỷ thứ nhất, những người đã soạn thảo bốn sách Tin Mừng, đã thấy rằng họ không thể thừa nhận sự kết hợp hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại nơi Chúa Giêsu nếu không nói ít điều hết sức đáng chú ý về mẹ Người. Tâm trí họ liên tục gắn bó với ngài. Vì cảm nhận rằng Chúa Giêsu được ban tặng một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, nên các Kitô hữu tiên khởi này cảm thấy một mầu nhiệm thật tuyệt diệu về mẹ thánh của Người. Cũng như ta, họ biết rằng ảnh hưởng của một bà mẹ đối với đứa con tuyệt đối không thể đo lường được cả về tốt lẫn xấu. Nếu Chúa Giêsu là Đấng theo như ta tin, thì mẹ Người còn là ai đây?

Các cộng đoàn Kitô Giáo tiên khởi không bận tâm lâu trong vấn đề và mầu nhiệm này. Họ mau chóng thấy mình được bao bọc bởi ký ức và sự hiện diện của Đức Maria trong hiệp thông các thánh với một tình yêu và lòng biết ơn độc đáo. Ngày nay, các trình thuật giáng sinh và tuổi thơ, được các học giả định niên biểu từ thế kỷ thứ nhất, được coi như một loại tụng ca dâng lên Thiên Chúa và Đức Maria vì đã đem Chúa Giêsu đến cho ta. Kể từ đó, trong cuộc sống của giáo hội Kitô Giáo, luôn tuôn chẩy cả một dòng thác cảm tạ và yêu thương dâng lên ngài, vì sự hiện hữu của ngài quả là sợi chỉ tuy mảnh nhưng chứa đựng mọi hân hoan và ý nghĩa của đời sống tín hữu (4).

Donald Dawe [Presbyterian, chết năm 2012]:

Phải hiểu vị trí của Đức Maria không những trong diễn trình đối thoại của Giáo Hội với truyền thống, với tuyên xưng và với tín điều mà còn trong tương quan với diễn trình đạo đức trong mọi khẳng định đức tin có tính xúc cảm và hành động nữa.

Trong việc hân hoan mừng kính điều Thiên Chúa từng thực hiện qua Nữ Trinh Maria, ta trở về tiếp xúc với các chiều kích cảm xúc của đức tin, những chiều kích từng bị thời hiện đại làm cùn nhụt. Trong nữ tính của mình, Đức Maria nói lên các chiều kích đó của đức tin từng bị lòng đạo đức do nam giới khống chế làm cho tiêu tan. Trong tư cách Mẹ, Đức Maria mở rộng lãnh vực đời sống và căn hộ gia đình, vốn sâu sắc về xúc cảm, để đón nhận sự canh tân của Thiên Chúa bằng cách trung thành trong vai trò làm mẹ. Trong hiệp thông các thánh, Đức Maria hướng dẫn các thánh tới đức vâng lời, vốn là thước đo đức tin đích thực, khi ngài bảo “hãy làm bất cứ điều gì Người nói” (Ga 2:5). Trong Tất cả các khía cnạh này, Đức Maria không phải là người thay thế Chúa Kitô; cũng như hồi thế kỷ thứ nhất tại Palestine, ngày nay ngài là người mang Chúa Kitô. Đức Maria là chứng nhân liên tục của mầu nhiệm đan kết sáng kiến thần linh với đáp trả nhân bản, nhờ đó ơn cứu chuộc đã được tạo lập. Khi nào mầu nhiệm này không được chiêm niệm nữa, nơi nào sự cởi mở chào đón Thiên Chúa của ngài không còn nuôi dưỡng và tăng tiến sự cởi mở của ta trong việc chào đón Thiên Chúa, thì đức tin vào Con của ngài cũng sẽ phôi pha. Trong đức trinh khiết của mình, Đức Maria không phải là người bảo vệ việc tuyên xưng vere Deus vere homo (là Chúa thật và là người thật) như một công thức tri thức mà thôi, mà còn như một thực tại của đức tin nữa. Ngài vốn là người mãi mãi mang Chúa Kitô.

Nơi Trinh Nữ Maria, ta nghe thấy lời chân lý vốn được cần tới. Thiên Chúa đã đưa ra sáng kiến cứu rỗi nhân loại. Đó không phải là việc làm của ta mà là hồng phúc Người ban. Nhưng là một hồng phúc đã bước vào thời gian và không gian của ta. Maria Trinh Nữ là chứng nhân liên tục của sáng kiến Thiên Chúa trong khi Maria Mẫu Thân làm cho sáng kiến Thiên Chúa này trở thành sự kiện nhục huyết trong đời sống ta. Maria là tiếng ‘không’ của Thiên Chúa đối với cái tôn giáo duy tục muốn thần hóa con người. Ngài tiếp nhận từ Chúa Thánh Thần hồng ân cứu rỗi mà không quyền năng nhân bản nào có thể tạo ra. Trong tư cách ấy, ngài là biểu thức sống động của sola gratia (chỉ duy ơn thánh). Ngài là tiên mẫu (prototype) của mọi tín hữu. Lời ‘xin vâng’ của ngài đối với lời yêu cầu của Thiên Chúa đã mở đường cho công trình cứu rỗi. Bởi thế, ta cùng tham gia vào lời chúc tụng ‘Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ’. Nhưng điều này không phải là một sự kiện đã khép lại trong thế kỷ thứ nhất. Ngài vẫn đang đứng trước mặt ta, qua chứng tá Thánh Kinh, trong quyền năng Chúa Thánh Thần với tư cách Mẹ đang cưu mang và che chở Con Trai mình. Trong dạ mình và trong nhà mình, ngài cưu mang và che chở Con Trai khỏi các lực lượng của xã hội ghét bỏ và của ông vua sát nhân thế nào, thì nay, ngài cũng cưu mang và che chở mầu nhiệm Người hiện diện giữa chúng ta như thế. Không có ngài, mầu nhiệm cứu chuộc của Con Trai ngài sẽ không ai tiếp nhận nổi. Có ngài, mầu nhiệm ấy được tiếp nhận một cách hân hoan (5).

Charles Dickson [Lutheran]:

Luther gọi Đức Maria là “xưởng thợ của Thiên Chúa” và nói thêm “Là Mẹ Thiên Chúa, ngài được nâng lên trên toàn thể nhân loại” và “không ai bằng ngài”. Tương phản điều này với thái độ hiện nay của Thệ Phản, một thái độ chỉ trích lòng sùng kính Đức Maria vì tin rằng lòng sùng kính này làm giảm vị trí trung tâm và độc đáo của Chúa Kitô trong công trình cứu rỗi, bạn sẽ bắt đầu hiểu rõ bức tranh của cuộc khủng hoảng chia rẽ hiện nay.

Điều người Thệ Phản thấy khó hiểu là các ý hướng của giáo huấn Công Giáo về Đức Maria. Trong hai giáo huấn về Vô Nhiễm Nguyên Tội và Mông Triệu, ý hướng của Giáo Hội Công Giáo không phải là nâng Trinh Nữ Diễm Phúc Maria lên hàng thần minh mà đúng hơn muốn trình bày ngài như mẫu mực sáng chói của niềm hy vọng Kitô Giáo thực sự. Đó là niềm hy vọng đối với toàn thể nhân loại. Việc đọc lại và cái hiểu thông sáng về phía cộng đồng Thệ Phản này sẽ giúp nhiều cho việc toàn thể thế giới Kitô Giáo tái tập chú vào Đức Maria, không phải như điểm gây phân rẽ, mà như cây cầu hợp nhất thực sự cho tất cả chúng ta (6)

Huldreich Zwingli

Thực ra, những người sáng lập ra phong trào Thệ Phản như Zwingli vốn đã viết rất hay về Đức Maria. Tháng 9 năm 1522, ông mạnh mẽ bênh vực đức đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ như sau: “chối bỏ Đức Maria ‘không tì vết’ trước khi, trong khi và sau khi sinh Con Trai của ngài là hoài nghi quyền năng vô cùng của Thiên Chúa… và quả là thích đáng và ích lợi khi nhắc lại lời chào của thiên thần, lời chào chứ không phải lời cầu, ‘Chào bà Maria’… Thiên Chúa sủng ái Đức Maria hơn mọi loài thụ tạo, kể cả các thánh và thiên thần – nhân loại phải bắt chước sự trong sạch, sự trong trắng và đức tin không lay chuyển của ngài”. (7)

Năm 1524, Zwingli cũng cho in một bài giảng về “Đức Maria, trọn đời đồng trinh, là Mẹ Thiên Chúa”, trong đó có đoạn: “Tôi chưa bao giờ nghĩ tưởng, càng không dạy hay tuyên bố công khai bất cứ điều gì liên quan đến chủ đề Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ sự cứu rỗi của ta, một điều có thể coi là bất kính, vô đạo, bất xứng hay tội ác nữa… Tôi hết lòng tin theo lời Tin Mừng thánh thiện dạy rằng đấng đồng trinh trong sạch này cưu mang Con Thiên Chúa cho ta và ngài vẫn mãi đồng trinh trong sạch, vô tì vết trong khi sinh và sau khi sinh, cho tới đời đời”.

Heinrich Bullinger

Bullinger (qua đời năm 1575) . . . cũng bênh vực đức đồng trinh trọn đời của Đức Maria… và trách cứ các Kitô hữu giả hiệu đã chối bỏ không ca ngợi ngài cách xứng đáng: ‘Nơi Đức Maria, mọi sự đều lạ thường và còn vinh quang hơn nữa vì phát sinh từ đức tin trong sáng và tình yêu Thiên Chúa bừng bừng’. Ngài là ‘thành viên độc đáo và thanh cao nhất’ của cộng đồng Kitô Giáo.

'Trinh nữ Maria… được thánh hóa trọn vẹn nhờ ơn thánh và máu thánh của Con Trai duy nhất của ngài và được ban dư thừa ơn Chúa Thánh Thần và được sủng ái hơn mọi người khác… nay ngài sống hạnh phúc với Chúa Kitô trên thiên đàng và được kêu gọi và vẫn còn đồng trinh và là Mẹ Thiên Chúa mãi mãi’ (8)

Ghi chú

(1) E.L. Mascall, "The Dogmatic Theology of the Mother of God" trong The Mother of God, do E.L. Mascall chủ biên. (London: Dacre Press, 1949), 43.
(2) John MacQuarrie, Mary for all Christians, (London: Collins, 1990), 112.
(3) John de Satge, Down to Earth: The New Protestant Vision of the Virgin Mary (Consortium Books, 1976), 112-3.
(4) J. Neville Ward, Five for Sorrow, Ten for Joy (Cambridge, MA: Cowley Press, 1985), ix, x.
(5) Donald Dawe, International Ecumenical Conference: "Looking Forward", One in Christ, 1980, 1-2, các tr. 82-3.
(6)Charles Dickson, A Protestant Pastor Looks at Mary (Huntington, Indiana: Our Sunday Visitor, 1996), 109-110.
(7) G. R. Potter, Zwingli, London: Cambridge Univ. Press, 1976, các tr.88-9,395 / The Perpetual Virginity of Mary . . ., 17 Tháng 9, năm1522
(8) Trong Hilda Graef, Mary: A history of Doctrine and Devotion, London: Sheed & Ward, 1965, các tr.14-15
 
Xét mình mỗi buổi chiều
Bùi Hữu Thư
06:20 07/05/2013


Bài giảng trong Thánh Lễ buổi sáng

ROME, 6 tháng 5, 2013 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố: Chúa Thánh Thần tác động trong cuộc đời các Kitô hữu “như chứng nhân loan báo Giêsu”. Ngài mời gọi mọi người “xét mình” mỗi buổi chiều, để khám phá “những gì Chúa Thánh Thần đã làm.”

Thực vậy, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh Lễ theo thông lệ, mỗi buổi sáng, lúc 7 giờ tại nhà nguyện Thánh Mác-ta, tại Vatican, với sự hiện diện của các nhân viên Hãng Thánh Phêrô, nhân viên Ngân Khố và Bảo Tàng Viện Vatican.

Theo Nhật Báo L’Osservatore Romano, Đức Thánh Cha đã bình giải Phúc Âm trong ngày (Ga 15,26-16,4), khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Đấng bảo trợ mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha.”

Chúa Kitô tiếp: “Người sẽ làm chứng về Thầy.” Đức Thánh Cha nói: như vậy “Chúa Thánh Thần làm chứng về Chúa Giêsu Kitô trong chúng ta”. Nói cách khác, Thần Khí là Đấng nói: Đây là Chúa Giêsu”, hay “đây là con đường của Chúa Giêsu” trong trái tim con người.

Đức Thánh Cha tiếp: Như vậy tác động của Chúa Thánh Thần là “mở các trái tim cho nhận biết Chúa Giêsu.” Thánh Thần tác động trong con người “trong suốt ngày, trong suốt đời, như chứng nhân loan báo ai là Giêsu.”

Ngoài ra, là “Đấng Bảo Trợ”, Chúa Thánh Thần cũng là “Đấng bảo vệ, Đấng luôn luôn ở kề bên các tín hữu để nâng đỡ họ”, là “một sự hiện diện thiêng liêng” giúp cho họ tiến bước.

Đối với Đức Thánh Cha, “đời sống Kitô không thể hiểu được nếu không có sự hiện diện của Thánh Thần: [không có Người] thì đời sống ấy không phải là Kitô. Chỉ là một đời sống đạo vô thần, đáng buồn.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Giờ phút “xét mình”, vào cuối ngày, có thể giúp cho khám phá tác động của Chúa Thánh Thần: đây là lúc các tín hữu phải “suy nghĩ về những gì xẩy ra” trong ngày, về những gì “Chúa nói, những gì Chúa Thánh Thần đã làm [trong mình].”

Như thế Đức Thánh Cha đã khuyến khích đặt các câu hỏi sau đây: “Tôi có cảm nhận được Chúa Thấn Thần không? Hay tôi đã bị thu hút bởi những chuyện gì khác? Ngày hôm nay Chúa Thánh Thần đã làm gì trong tôi? Người đã làm chứng gì cho tôi? Người đã nói với tôi thế nào? Người đã đề nghị gì với tôi?”

Ngài đã giải thích: “Việc thực tập duyệt xét lương tâm cho phép ý thức được rằng Chúa Kitô đã làm gì hôm ấy, và Chúa Thánh Thần đã làm gì.”

Đức Thánh Cha kết luận: “Chúng ta hãy cầu xin cho có ân sủng để làm quen với Đấng đang đồng hành với chúng ta, đó là Chúa Thánh Thần, chứng tá của Chúa Giêsu, Đấng cho chúng ta biết Chúa Giêsu là ai, làm sao để tìm được Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu đã nói gì với chúng ta.”
 
Huấn từ ĐTC Phanxicô dành cho đội Vệ binh Thụy Sĩ: Chúa đồng hành cùng anh em!
Lã Thụ Nhân
06:58 07/05/2013
Hôm 06/05/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên của đội Vệ binh Thụy Sĩ. Trong huấn từ dành cho các vệ binh, Đức Thánh Cha nhắc rằng: "Đức tin mà Thiên Chúa ban cho anh em trong ngày Rửa Tội là kho tàng quý giá nhất mà anh em có được! Và sứ mạng phục vụ Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội bắt nguồn từ Đức tin này… Anh em Vệ binh Thuỵ Sĩ thân mến, đừng bao giờ quên là Chúa luôn đồng hành cùng anh em".

Ngày 06 tháng Năm hằng năm, đội Vệ binh Thụy Sĩ kỷ niệm việc 147 vệ binh hy sinh tính mạng để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII trong vụ "cướp phá Rôma" vào năm 1527.

Để tưởng nhớ cái chết anh dũng của các vệ binh, hàng năm việc tuyên thệ trọng thể của các tân binh được tổ chức đúng vào ngày này. Năm nay, có 35 tân ngự lâm quân tuyên thệ vào buổi chiều cùng ngày trong sân San Damaso thuộc Dinh Tông Tòa.

Từ năm 1970 các vệ binh Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của họ không chỉ đơn thuần mang tính nghi lễ, họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới.

Vai trò của Vệ binh Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Mới đây ít ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt họ ở vị trí rất đẹp. Ngài đã dành cho các vệ binh lời chào đầy thương mến và tri ân. Ngài nói: 'Giáo Hội yêu thương anh em thật nhiều… và tôi cũng vậy '.
 
Lễ phong chân phước cho một nữ giáo dân Ba Tây, con gái của một nô lệ
Lã Thụ Nhân
07:01 07/05/2013
Francisca de Paula de Jesus (1808-1895), còn được biết đến với tên khác là Nhá Chica, đã được phong chân phước vào ngày 4 tháng Năm vừa qua tại Baependi, một thị trấn có 18,000 dân, ở miền đông nam Brazil. Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh đã chủ trì Thánh Lễ phong chân phước ngoài trời.

Là con gái của một cựu nô lệ, Chân phước Francisca mồ côi lúc 10 tuổi. Với số tiền thừa kế nhận được từ người anh trai, một mình người nữ giáo dân này đã xây dựng một nhà nguyện nhỏ dâng lên Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Người giàu cũng như người nghèo đã vây quanh ngài để cầu nguyện và xin được tư vấn, và ngài được biết đến như là "mẹ của người nghèo".

Trong suốt bốn ngày tang lễ từ khi qua đời đến lúc chôn cất, và cả khi thi thể của ngài được khai quật vào năm 1993, những người có mặt cho hay đã ngửi được hương thơm hoa hồng một cách huyền diệu.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tôn Chị Francisca lên hàng Tôi Tớ Chúa vào năm 2011. Sau đó, một ủy ban điều tra của Tòa Thánh đã xác nhận việc chữa lành dị tật tim nghiêm trọng cho một giáo sư là phép lạ nhờ lời cầu bầu của Chân phước Francisca.
 
Lịch trình của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Rio de Janeiro 2013 sẽ phù hợp với cá tính của ĐTC Phanxicô.
Nhóm TNV Việt Ngữ
12:12 07/05/2013
RIO DE JANEIRO (BRASIL) - Ông Alberto Gasbarri - điều phối viên sắp xếp các chuyến tông du quốc tế của Đức Giáo Hoàng đã đến Rio de Janeiro từ ngày 23/4 trong chuyến thăm bốn ngày để chốt lại lịch trình của Đức Thánh Cha tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (ĐHGTTG) 2013.

Tại Điện Thánh Gioakim, ông Gasbarri đã có một cuộc họp kín với Đức Tổng Giám Mục Orani João Tempesta của Rio, kiêm Chủ tịch Ban tổ chức địa phương của ĐHGTTG 2013; Đức Tổng Giám Mục Giovanni d'Aniello - Sứ thần Tòa Thánh tại Brasil; cùng các quan chức đại diện liên bang, tiểu bang và chính quyền thành phố. Ông Gasbarri cảm ơn tất cả mọi người từ chính phủ đến các thiện nguyện viên vì những nỗ lực của họ trong việc chuẩn bị cho Đại Hội, và ông đang theo dõi chặt chẽ những bước tiến trong việc cử hành ĐHGTTG Rio2013.

"Chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị từ hồi Tháng 10 hoặc Tháng 11 năm ngoái, nhưng có một chi tiết nhỏ phải thay đổi: đó là việc Đức Giáo Hoàng đã thay đổi", ông nói.

"Chúng tôi đã đã đo và cắt may áo cho Đức Giáo Hoàng, nhưng bây giờ chúng tôi cần có cái khác. Ngay bây giờ, chúng tôi đang cập nhật chương trình nghị sự để phù hợp với cá tính của Đức Thánh Cha Phanxicô".

Trước khi đến Rio, ông Gasbarri đã trình bày kế hoạch ĐHGTTG lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ông cam kết rằng chuyến tông du quốc tế đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tập trung vào Brasil, Rio de Janeiro, và ĐHGTTG. "Chúng tôi sẽ làm cho lịch trình phù hợp với Đức Giáo Hoàng", ông nói.

Qua cuộc họp lần này, ông Gasbarri đã chính thức xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng sẽ tham dự các sự kiện chính của ĐHGTTG Rio2013 (gồm Lễ chào mừng, Buổi đi Đàng Thánh giá ở Copacabana, Đêm Canh Thức và Thánh Lễ Bế Mạc tại Cánh Đồng Đức Tin ở vùng Guaratiba).

Riêng Thánh Lễ Khai Mạc Đại Hội do Đức Tổng Giám Mục Orani cử hành nên Đức Giáo Hoàng sẽ không có mặt tại sự kiện đó.

Cũng nhân chuyến công tác này, ông Gasbarri đã tới thị sát địa điểm tổ chức các sự kiện chính theo lịch trình của Đại Hội. Điểm dừng chân đầu tiên là Aparecida do Norte, tại tiểu bang São Paulo theo lời mời của Đức Hồng y Raymundo Damasceno - Tổng Giám Mục Aparecida, kiêm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Brasil.

Có thể Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Aparecida để đáp lại lời mời của Tổng thống Dilma Rouseff khi bà đến thăm Rôma. Thành phố này có ý nghĩa đặc biệt đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Ở đó có Đền thờ Đức Mẹ Aparecida là quan thầy của đất nước Brasil. Hồi năm 2007, khi còn là hồng y, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng đến thăm nơi này nhân dịp Hội nghị lần thứ 5 của các Giám Mục vùng Mỹ Latinh và Caribê, lần đó cũng có sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Các địa điểm khác mà ông Gasbarri đã đến thăm là: căn cứ không quân Galeao, khách sạn Golden Tulip ở Copacabana, Trung tâm nghiên cứu Sumaré - rất có thể là một trong những nơi lưu trú của Đức Thánh Cha tại ĐHGTTG, Bệnh viện Thánh Phanxicô thành Assisi tại Tijuca, Quinta da Boa Vista - nơi tổ chức Ngày Hội Ơn Gọi, tòa thị chính - có thể là nơi tổ chức buổi gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng với các vận động viên, Điện Guanabara ở Copacabana và cuối cùng là Cánh Đồng Đức Tin ở vùng Guaratiba.

Bản kế hoạch lịch trình chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Brasil đã được chốt lại hôm thứ Sáu (ngày 26 tháng 4) qua một cuộc họp với Tổng Giáo Phận Rio de Janeiro. Dự kiến, buổi họp báo công bố lịch trình này sẽ tổ chức vào lúc 10 giờ sáng Thứ Ba, ngày 7 Tháng 5 năm 2015 (giờ Brasil).
 
Công bố lịch trình chính thức của ĐTC Phanxicô tại Đại Hội Giới Trẻ Rio de Janiero 2013
Nhóm TNV Việt Ngữ
12:13 07/05/2013
RIO DE JANEIRO (BRASIL) - Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có một lịch trình hoạt động khá dày trong chuyến đi quốc tế đầu tiên của ngài vào Tháng Bảy năm nay. Lịch trình chuyến viếng thăm Rio de Janeiro nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 còn có các buổi gặp gỡ chính thức, chẳng hạn như với Tổng thống Brasil - Dilma Rousseff, viếng thăm một cộng đồng nghèo ở khu ổ chuột, bệnh viện, và với các tù nhân trẻ.

Chuyến khởi hành và các sự kiện chính thức đầu tiên

Đức Giáo Hoàng sẽ đến Brasil vào Thứ Hai, ngày 22 tháng 7. Nghi lễ chính thức đón tiếp ngài sẽ cử hành tại Rio de Janeiro / phi trường quốc tế Galeão-Antonio Carlos Jobim, lúc 4 giờ chiều. Ngay sau đó, là Buổi lễ Chào mừng Đức Giáo Hoàng diễn ra tại khu vườn của Điện Guanabara (Palácio Guanabara), tại đây ngài sẽ có bài diễn văn đầu tiên. Ở sự kiện này, các ban ngành thuộc chính phủ Brasil cũng sẽ có một buổi đón tiếp riêng. Nghi thức lễ tân sẽ do Tổng thống Brasil - Dilma Rousseff, Thống đốc tiểu bang Rio de Janeiro - Sérgio Cabral và Thị trưởng thành phố Rio de Janeiro - Eduardo Paes chủ trì.

Trong chuyến thăm Brasil lần này, Đức Thánh Cha sẽ lưu trú tại Nhà nghỉ dưỡng Sumaré (Residence do Sumaré). Đây cũng là nơi mà Đức Chân Phước Gioan Phaolô II đã lưu trú trong hai lần ngài viếng thăm Brasil vào năm 1980 và 1997. Địa điểm này yên tĩnh, cách xa các nơi ồn ào của thành phố. Phái đoàn tháp tùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khoảng 40 người, cũng sẽ cư trụ gần ngài tại nhà nghỉ dưỡng này. Bằng sự đơn sơ mà thế giới đã chứng kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh Lễ riêng mỗi ngày tại đây.

Viếng thăm Aparecida

Đức Thánh Cha sẽ thăm đền thánh quốc gia Đức Mẹ Aparecida vào Thứ Tư, ngày 24 tháng 7. Đây là linh địa Đức Mẹ lớn nhất thế giới. Chuyến viếng thăm đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Aparecida là yêu cầu riêng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vì ngài có lòng sùng kính Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Tại đây, Đức Giáo Hoàng sẽ suy tôn một bức ảnh Đức Mẹ trong nhà thờ và sau đó sẽ cử hành Thánh Lễ với Đức Hồng Y Raymundo Damasceno (Tổng Giám Mục Aparecida, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Brasil). Đức Giáo Hoàng sẽ giảng lễ.

Một trong những di sản phúc lợi xã hội của ĐHGTTG Rio2013

Ngày Thứ Tư, Đức Thánh Cha cũng sẽ tham dự lễ khai trương "Polo de Atenção Integrada da Saúde Mental (PAI)" - phân khoa phục vụ cho người cai nghiện ma túy. Với 350 bác sĩ, 500 chuyên gia y khoa, 648 giường bệnh, 323 giường hồi sức, 12 giường cấp cứu, 75 giường ICU và 11 phòng mổ, Bệnh viện Thánh Phanxicô tại Tijuca (trước đây là Dòng Ba Hãm Mình Thánh Phanxicô) là một bệnh viện đa khoa với 22 chuyên khoa. Bệnh viện này phục vụ các chương trình chăm sóc sức khỏe theo loại hình công và tư, thông qua Ban Y tế Tiểu bang Rio de Janeiro.

Ngày Thứ Năm thú vị

Thứ năm ngày 25 tháng 7, Thị trưởng thành phố Rio là Eduardo Paes sẽ trao chìa khóa của thành phố cho Đức Thánh Cha Phanxicô, đây là nghi lễ mang tính biểu tượng và truyền thống. Điều này phản ánh sự tôn trọng Đức Giáo Hoàng và các cơ quan đại diện cho ngài. Ngoài ra, ngài sẽ có một cuộc gặp gỡ nhỏ với các vị đại diện từ giới thể thao, ngài sẽ ban phép lành cho những lá cờ Olympic.

Vào buổi sáng, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm và có cuộc gặp gỡ thân tình tại một khu ổ chuột của Rio de Janeiro. Đây là 33 năm kể từ khi Đức Chân Phước Gioan Phaolô II viếng thăm một khu ổ chuột trong thành phố. Nhưng lần này, thay vì đến khu ổ chuột ở vùng Nam Rio, vốn là nơi mà Đức Gioan Phaolô II đã đến vào năm 1980, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ ghé thăm khu ổ chuột ở vùng Bắc Rio. Cộng đồng được chọn là Varginha, thuộc khu phức hợp Manguinhos, nơi mà gần đây Chính phủ tiểu bang Rio de Janeiro đã sắp xếp, bình định lại được. Đức Giáo Hoàng sẽ nói chuyện với cư dân ở đó và ban phép lành cho họ.

Lúc 6 giờ chiều Đức Thánh Cha sẽ tham dự buổi Lễ Chào Mừng tại Copacabana - đây là một trong những sự kiện chính của ĐHGTTG Rio2013. Tại buổi lễ này, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ khách hành hương ĐHGTTG lần đầu tiên và sẽ có một bài diễn văn.

Một ngày chỉ dành cho giới trẻ

Một trong những điểm thu hút khách du lịch nhất của thành phố Rio là nơi thoái nghỉ của Hoàng đế Dom Pedro có tên là Quinta da Boa Vista (tạm dịch: Công viên Tầm nhìn Mãn nhãn). Nơi đây sẽ tổ chức một trong những sự kiện giáo lý lớn nhất và Ngày Hội Ơn Gọi. Đức Thánh Cha sẽ ngồi tòa giải tội cho bốn bạn trẻ vào buổi sáng ngày 26 tháng 7 ở nơi này.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp một số tù nhân trẻ tuổi tại Điện Thánh Gioakim của Tòa Tổng Giám Mục. Vào buổi trưa, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Kinh Truyền Tin từ ban công trung tâm của điện. Trước khi dùng bữa trưa với các bạn trẻ đại diện từ khắp các châu lục - một truyền thống được tổ chức trong suốt các kỳ ĐHGTTG, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ Ban Tổ Chức Địa phương (LOC) và các nhà tài trợ cho ĐHGTTG.

Buổi Đàng Thánh Giá với giới trẻ, đây sự kiện chính thứ ba của ĐHGTTG Rio2013, sẽ diễn ra lúc 6 giờ chiều tại bãi biển Copacabana, Đức Giáo Hoàng sẽ tham dự và có một diễn văn.

Ngày Thứ Bảy gặp gỡ các giới và canh thức cầu nguyện

Các hoạt động chính thức trong ngày Thứ Bảy sẽ bắt đầu bằng một Thánh Lễ cho Đức Thánh Cha chủ sự tại Nhà thờ Chánh Tòa Thánh Sebastian (Catedral São Sebastião) của Rio, có sự hiện diện của các giám mục, linh mục, tu sĩ và chủng sinh. Ngay sau đó, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp đại diện giới chức xã hội của Rio de Janiero và Brasil tại Nhà hát Thành phố. Nhà hát này được xây dựng hồi thế kỷ XIX, là sân khấu chính tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật từ khắp nơi trên đất nước Brasil trong suốt nhiều năm qua.

Vào buổi chiều, Đức Giáo Hoàng sẽ ăn trưa với các vị hồng y của Brasil, chủ tịch Hội đồng Giám mục Brasil, các giám mục từ khu vực số 1 (trong đó có các giáo phận thuộc Tiểu bang Rio de Janeiro), và phái đoàn tháp tùng ngài tại phòng ăn của "Centro de Estudos do Sumaré."

Lúc 7:30 tối, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Guaratiba, tại Cánh Đồng Đức Tin (Campus Fidei) để chủ sự Đêm Canh Thức Cầu nguyện với các bạn trẻ, đó là sự kiện chính thứ tư của ĐHGTTG. Tại đây, ngài sẽ có bài nói chuyện với khách hành hương và dành chút thời gian cho việc suy tôn Thánh Thể với giới trẻ.

Chúa Nhật bế mạc và chia tay

Lúc 10 giờ sáng, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Bế Mạc ĐHGTTG tại Cánh Đồng Đức Tin với các bạn trẻ đã nghỉ qua đêm tại đây từ hôm trước. Ngài sẽ công bố thành phố tiếp theo đăng cai ĐHGTTG. Vào buổi trưa, ngài sẽ chủ sự Kinh Truyền Tin với khách hành hương.

Buổi ăn trưa giữa Đức Giáo Hoàng và phái đoàn tháp tùng ngài cũng sẽ tại nhà ăn của "Centro de Estudos do Sumaré". Ngài sẽ gặp gỡ Ban Thường Vụ Liên Hội đồng Giám Mục Mỹ Latinh trước khi rời khỏi nhà nghỉ Sumaré.

Để đích thân cảm ơn 60.000 thiện nguyện viên phục vụ cho ĐHGTTG, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ họ lúc 5:30 chiều tại Nhà Triển Lãm Số 5 của Trung Tâm Triển Lãm Rio, và ngài sẽ có bài nói chuyện với họ.

Buổi lễ chia tay cử hành tại Phi trường Quốc tế Antonio Carlos Jobim, Đức Thánh Cha sẽ có một bài diễn văn tạm biệt. Dự kiến ngài sẽ khởi hành trở về Rôma lúc 7 giờ tối.
 
Đức Thánh Cha: sự kiên trì của Kitô hữu và hoà bình của Chúa Kitô
Bùi Hữu Thư
11:55 07/05/2013

2013-05-07 Vatican Radio

(Vatican Radio) Một Kitô hữu thường xuyên than vãn, không thể là một Kitô hữu tốt lành: họ trở nên những người suốt ngày chỉ biết kêu than. Các Kitô hữu phải cam chịu những khó khăn trong thinh lặng, trong kiên nhẫn để làm nhân chứng cho niềm vui của Chúa Kitô. Đây là sứ điệp nằm tại trọng tâm của bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô sáng thứ ba, trong Thánh Lễ với nhân viên của Hãng Thánh Phêrô. Theo báo cáo của Emer McCarthy.

Bình giải về bài đọc một trong sách Công Vụ Tông Đồ chương 16, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: ngay cả trong những lúc cùng quẫn, người Kitô phải luôn luôn vui vẻ và không buồn rầu, như Thánh Phaolô và Silas bị áp bức và cầm tù vì làm nhân chứng Phúc Âm. Họ rất vui vẻ, ngài nói, vì họ theo Chúa Giêsu trên con đường khổ nạn. Một con đường Chúa Kitô đi qua trong kiên nhẫn:

"Phải kiên nhẫn: đây là con đường Chúa Giêsu cũng dậy chúng ta. Hãy kiên nhẫn…đây không có nghĩa là phải buồn rầu. Không, không phải như vậy. Đây có nghĩa là ôm vác gánh nặng của các khó khăn, các nghịch cảnh, của các thử thách trên vai. Thái độ của người Kitô là kiên nhẫn, được mô tả trong Phúc Âm bằng từ ngữ Hy Lạp Hypomoné, rất đầy đủ ý nghĩa, trong đời sống gánh lấy mọi trọng trách hàng ngày; những nghịch cảnh, những thử thách. Đây là một thể thức. Những điều này Thánh Phaolô và Silas đã làm, đã gánh chịu mọi thử thách và bị hạ nhục: Chúa Giêsu cũng gánh vác trong kiên trì. Đây là một thể thức – xin cho tôi dùng từ ngữ thể thức – một thể thức của một Kitô hữu trưởng thành. Một thể thức cần có thời gian, không thể trải qua ngày một ngày hai: mà kéo dài trong suốt cuộc đời để đạt tới sự trưởng thành của người Kitô hữu. Đây giống như rượu ngon.”

Đức Thánh Cha nhắc rằng có biết bao nhiêu vị tử đạo đã hân hoan vui sướng, như các vị tử đạo tại Nagasaki đã giúp đỡ lẫn nhau, trong khi họ chờ đợi giờ chịu chết.” Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng có một số các vị tử đạo đã “chịu tử hình” y như họ đi tham dự “một tiệc cưới”. Ngài tiếp: thái độ chịu đựng là một thái độ bình thường của người Kitô, mà không phải là thái độ khoái khổ. Đây là một thái độ dẫn đưa họ tới “con đường của Chúa Giêsu.”:

"Khi khó khăn xẩy tới, thì cũng có cám dỗ. Chẳng hạn, phải than vãn: ‘Coi xem điều tôi phải chịu đựng đây này… là một lời than vãn. Và một Kitô hữu thường xuyên than vãn, không thể là một Kitô hữu tốt lành: Vì họ luôn luôn than phiền về tất cả mọi sự. Thinh lặng trong kiên trì, thinh lặng trong kiên nhẫn. Đó là thinh lặng của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn không nói nhiều, chỉ có vài lời cần thiết… Nhưng đó không phải là một thinh lặng buồn rầu: sự thinh lặng của việc vác thập giá không phải là một thinh lặng buồn rầu. Trái tim vẫn bình an. Thánh Phaolô và Silas đã cầu nguyện trong bình an. Họ đã chịu đau khổ, vì có chép là cai ngục rửa vết thương của họ trong khi họ bị tống giam – họ có nhiều vết thương – nhưng họ chịu đựng trong bình an. Hành trình kiên trì này giúp cho hòa bình của Người Kitô được sâu đậm hơn, và làm cho chúng ta vững mạnh hơn trong Giêsu.”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: do đó, một Kitô hữu được mời gọi để chịu đựng các gian khổ như Chúa Giêsu, “không than vãn, và kiên trì trong bình an.” Sự kiên nhẫn này, “làm cho chúng ta trẻ trung và mạnh mẽ hơn.”

"Người kiên nhẫn là người càng về sau càng trẻ hơn! Xin hãy nghĩ đến những người già nua trong các nhà dưỡng lão, những người đã chịu đựng biết bao nhiêu thử thách trong đời: xin hãy nhìn vào con mắt họ, những con mắt trẻ trung, họ có một tinh thần trẻ trung và một tuổi trẻ mới. Và Chúa Kitô mời gọi chúng ta, những người mùa Phục Sinh được trẻ lại hãy bước đi trên con đường của tình yêu, của sự kiên nhẫn để chịu đựng những thử thách và – cũng chịu đựng lẫn nhau. Chúng ta phải làm điều này với lòng bác ái và tình yêu, vì nếu tôi phải chịu đựng anh, tôi chắc anh cũng sẽ chịu đựng tôi, và bằng cách này chúng ta sẽ tiến bước trên con đường của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta ơn kiên nhẫn Kitô giáo để có được sự bình an, để chịu đựng mọi sự với một tấm lòng tốt, chịu đựng vui vẻ để trở nên ngày càng trẻ trung hơn, như rượu ngon: trẻ hơn với tuổi trẻ được đổi mới tinh thần trong mùa Phục Sinh.”
 
Tòa Thánh bác tỏ tin về sự thiếu đối thoại giữa 2 Bộ
LM. Trần Đức Anh OP
13:07 07/05/2013
VATICAN. Tòa Thánh bác bỏ tin của của giới báo chí về sự thiếu đối thoại và cộng tác giữa Bộ Giáo lý đức tin và Bộ các dòng tu.

Hôm 6-5-2013, nhiều báo chí đưa tin về bài giảng thánh lễ và cuộc gặp gỡ hôm chúa nhật 5-5-2013 trước đó của ĐHY João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ các dòng tu với Đại Hội 800 nữ Bề trên Tổng quyền các dòng nữ nhóm tại Roma từ ngày 3 đến 7-5-2013 về đề tài thực thi quyền bính. Báo chí giải thích lời của ĐHY Braz de Aviz và cho rằng ĐHY Tổng trưởng Bộ các dòng tu đã không được Bộ Giáo lý đức tin tham khảo ý kiến trong tiến trình duyệt lại quy chế của Hội đồng lãnh đạo các nữ tu Hoa kỳ (LCWR) trong thẩm định tổ chức này về đạo lý, vì Hội Đồng có nhiều lập trường không phù hợp với đạo lý của Hội Thánh.

Trước tin tức trên đây, hôm 7-5-2013, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố thông cáo khẳng định rằng:
”Bộ giáo lý đức tin và Bộ các dòng tu từ lâu đang cộng tác với nhau trong cái nhìn đổi mới thần học về đời tu trong Giáo Hội. Mối quan tâm của Tòa Thánh được biểu lộ một phần trong Văn kiện thẩm định về Hội đồng lãnh đạo các nữ tu tại Hoa kỳ (Leadership Conference of Women Religious - LCWR) vì Tòa Thánh muốn hỗ trợ ơn gọi cao quí và đẹp đẽ của tu sĩ, để chứng tá hùng hồn của đời tu trì có thể triển nở trong Giáo Hội, hầu mưu ích cho các thế hệ mai sau.

”Các sáng kiến của Tòa Thánh trong lãnh vực này liên hệ trước tiên đến đức tin của Giáo Hội và sự biểu lộ đức tin trong đời sống Giáo Hội. Đức tin của Giáo Hội - trong kế hoạch yêu thương của Chúa Cha, Đấng đã sai Con của Ngài đến cứu độ chúng ta, trong sự linh hứng của Kinh Thánh, trong ơn thánh nhờ các bí tích, trong bản chất của Giáo Hội được Thánh Linh hướng dẫn - chính là trọng tâm của các Lời Khuyên Phúc Âm. Chính niềm tin ấy làm cho bao nhiêu tu sĩ nam nữ hăng say đối với công lý, và tìm cách biểu lộ qua đức bác ái tích cực đối với những người túng quẫn nhất.

”Các bình luận gần đây của các cơ quan truyền thông về những nhận xét của ĐHY João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, hôm chúa nhật 5-5-2013 tại Đại hội của Liên hiệp quốc tế các nữ Bề trên Tổng quyền, gợi ý cho rằng có sự bất đồng giữa Bộ giáo lý đức tin và Bộ các dòng tu trong lối tiếp cận về việc canh tân đời tu. Giải thích như thế về những nhận xét của ĐHY Aviz thật là không đúng. Hai vị Tổng trưởng của hai bộ đang làm việc chặt chẽ với nhau theo những trách nhiệm chuyên biệt của mình và đã cộng tác qua tiến trình thẩm định đạo lý về tổ chức LCWR.

”Hôm 6-5-2013 Đức TGM Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, đã gặp gỡ ĐHY Braz de Aviz và và tái khẳng định quyết tâm chung trong việc đổi mới đời tu và đặc biệt là thẩm định đạo lý về LCWR, và chương trình cải tổ cần thiết, phù hợp với ước muốn của ĐTC”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tin Giáo Hội Việt Nam 28/04 - 5/5/2013
VietCatholic Network
04:34 07/05/2013
 
Tháng 5 kính Đức Mẹ tại Giáo Xứ Tam Biên, Orange County
Phạm Văn Ry
08:18 07/05/2013
Tháng 5 kính Đức Mẹ tại Giáo Xứ Tam Biên

Hoa năm sắc con kính dâng Đức Mẹ,

Để trọn đời, xin được Mẹ thương yêu

Cho Giáo xứ, giáo dân được khỏe nhiều

Cùng nhau kính Mẹ muôn ngàn mùa hoa.


Xem Hình dâng hoa

Tháng Năm đã về, một tháng đầy những hoa muôn màu rực rỡ, những bông hoa đã mang đến cho mỗi người một tâm trạng khác nhau như: nhận một cánh hoa hồng từ người thân đã mang lại một cảm giác yêu thương, một bó hoa tặng cho nhau khi ra trường để chúc mừng hoặc chung vui ngày thành đạt và còn nhiều ý nghĩa khác của những bông hoa xinh tươi đã được tô điểm bởi những kỳ công của Thiên Chúa. Đối với những tín hữu Công Giáo, tháng Năm còn mang thêm một ý nghĩa mừng kính cách riêng về Đức Mẹ.

Hôm nay, ngày 4 tháng 5, 2013 tại Giáo Xứ Tam Biên đã tổ chức rước kính Đức Mẹ một cách long trọng và sốt sáng, cuộc rước được khởi đầu từ sân trường học, đi dọc theo hàng rào của khu đậu xe với sự tham dự đông đảo của tất cả các Hội Đoàn, Ban Ngành và cộng đoàn dân Chúa.

Nổi bật vẫn là đội vũ dâng hoa trên dưới 100 em đi theo ngay sau kiệu Đức Mẹ. Một đội hoa với đủ mọi lớp tuổi của các em thiếu nhi nam nữ, thật thánh thiện trong các bộ áo trắng. Nữ đội những vòng hoa thật xinh theo sắc hoa tiến Mẹ. Nam trong những bộ vét đuôi tôm trắng tay ôm những bó huệ trắng và những nhánh hoa năm sắc thật dễ thương. Và cùng sắc áo trắng là Hội Dòng Ba Đaminh Nhỏ. Các em xúng xính thật ngoan trong chiếc áo dòng trắng Đaminh.

Đoàn kiệu rước kéo dài với khoảng 500 trăm người cùng đồng thanh tung hô và hát những bài thánh ca dâng kính Mẹ.

Lòng sùng kính Đức Mẹ chắc chắn đã in sâu vào tâm hồn mỗi giáo dân đặc biệt đối với giáo dân Viêt Nam từ bao ngàn năm trước, vì để dễ dàng đến với Chúa, thì chính Đức Mẹ là Đấng trung gian giữa Chúa Kitô và nhân loại.

Bên cạnh những tấm lòng sùng kính dành riêng cho Đức Mẹ, với những bông hoa đủ mọi mầu sắc, chúng ta không thể không quên đến Thánh Cả Giuse. Kiệu Thánh cả Giuse được rước ngay sau Đoàn Liên Minh Thánh Tâm, để chứng tỏ Thánh Giuse luôn luôn là một người khiêm nhường, công chính, thầm lặng, là người bạn trăm năm và luôn đồng hành với Đức Mẹ trong mọi lúc gian truân. Chính nhờ lòng đơn sơ, khiêm nhường của Thánh Cả Giuse trước mắt Thiên Chúa và người đời, mà Giáo Hội đã tôn phong Ngài là Thánh Cả trên hết các thánh, đặt Ngài là Đấng bảo trợ cho Giáo Hội, cho gia đình và cho mỗi con người, nhất là các bậc gia trưởng trong gia đình.

Hôm nay Cộng Đoàn giáo xứ Tam Biên cũng mừng kính Thánh Giuse, là quan thày của Giáo Xứ, và cũng là quan thày cách riêng của Giáo Hội Viêt Nam. Ngoài ra Ngài còn là vị Gia Trưởng thân thương của mỗi gia đình và đang đồng hành, chia sẻ những nỗi gian truân và đau khổ trong cuộc đời chúng ta. Một cuộc đời với nhiều lo toan, với nhiều trắc trở, với nhiều ước mơ và nhiều sóng gió.

Thánh Giuse cũng là quan thày bàu chữa Giáo Hội và luôn luôn sống động trong Hội Thánh, trong mọi gia đình và trong mọi khó khăn của cuộc đời. Ngài là đấng có nhiều quyền thế trước mặt Thiên Chúa, Ngài luôn che chở cho những người muốn giữ mình đồng trinh, an ủi những người đau ốm và đang gặp sóng gió trên thuyền đời. Ngài còn là bổn mạng của những kẻ mong sinh thì, hấp hối và sắp lìa đời.

Do đó, chúng ta hãy chạy đến với Ngài, hãy học nơi Ngài, và hãy cậy trông ở Ngài. Ngài đang âu yếm kêu gọi và đợi chờ chúng ta.

Ngày rước kính Đức Mẹ năm nay cũng là ngày ghi dấu năm cuối cùng được tổ chức rước kính Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse tại nhà thờ thuộc giáo xứ Tam Biên, để rồi vào cuối tháng 6 năm 2013, toàn bộ giáo xứ sẽ di chuyển đến nhà thờ mới, đó là nhà thờ Chính tòa Chúa Kytô (là nhà thờ kiếng, Crystal Cathedral trước đây), do đó sự tham dự rước kiệu của giáo dân rất đông kèm theo với những tràng kinh mân côi sốt sáng, những bài hát dâng lên Đức Mẹ, xin Mẹ thương và gìn giữ, chúc lành cho giáo xứ, cho mọi giáo dân, cho mọi gia đình và cho mỗi người chúng ta.

Đặc biệt trước khi mở đầu Thánh Lễ, Cộng Đoàn Tam Biên đã tổ chức dâng hương cho Chúa, dâng hoa kính Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse qua những quý ông trong Ban Thường Vụ, quý đại diện các Ban Ngành, Hội Đoàn, Đoàn Thể và đặc biệt là Đoàn Vũ Phụng Vụ với 110 Con Hoa cùng nhau tiến hoa lên Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse với những điệu vũ tuyệt vời của các em để ca tụng và tung hô Đức Mẹ. Các em đã được chuẩn bị và tập luyện công phu mỗi tuần để cùng dâng tiến hoa lên Đức Mẹ trong suốt tháng Năm này - những tháng ngày cuối cùng tại Giáo Xứ Tam Biên, ngôi thánh đường thân yêu nhỏ bé này.

Hương trầm nghi ngút tỏa bay,

Kính dâng lên Mẹ mỗi ngày đời con

Tam Biên Ba Tám năm tròn,

Xin Mẹ dìu dắt để còn dài lâu.

Hoa thơm muôn sắc muôn màu,

Tam Biên Giáo Xứ, nguyện cầu an vui.

Kính dâng về Mẹ


Tam Biên ngày 4 tháng 5 năm 2013

Phạm văn Ry
 
Năm Đức Tin 2013: Hành Hương Châu Âu - Roma
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
12:02 07/05/2013
Sau khi dâng lễ nhà thờ Domine Quo Vadis, trong lòng tôi miên man những suy nghĩ về Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi và Giáo hội thời sơ khai.

Xem hình ảnh

Sau khi Chúa Giêsu về trời, Phêrô trở thành người lãnh đạo Giáo Hội đầu tiên. Ông đã cùng các môn đệ khác của Chúa đi rao giảng tin mừng khắp nơi, từ Giêrusalem đến Giaffa, Cesarêa, Antiokia… Sau cùng ông đến Roma vào khoảng năm 44. Trong cuộc hành trình này, ông bị bắt bớ và giam giữ rất nhiều lần.Tháng 8 năm 64, Hoàng đế Nêron bắt đầu bách hại giáo dân Kitô giáo. Giáo Hoàng Phêrô cũng đã bị bắt và đưa ra hành hình.

Năm 1895 nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz đã dựa vào Kinh Thánh và bối cảnh lịch sử của đế quốc La Mã thời bạo chúa Neron cầm quyền, viết cuốn tiểu thuyết có tên là “Quo Vadis?”. Cuốn tiểu thuyết này được hãng MGM dựng thành phim năm 1951, gây tiếng vang lớn.

Khi cuộc bắt bớ và giết hại các Kitô hữu xảy ra ở Roma, nhiều người đã khuyên Phêrô rời khỏi Roma, vì ông phải tồn tại để lãnh đạo Giáo Hội. Lúc đầu ông không chịu đi, nhưng vì có sự thúc giục của nhiều người, ông đã quyết định ra đi. Nhưng trên con đường Appia, gần cửa Capena, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi: Quo Vadis, Domine? (Thưa Thầy, Thầy đi đâu?). Chúa Giêsu đáp: Eo Romam iterum crucifigi (Thầy đi vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa).

Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa nên ông quay trở lại thành Roma. Sau khi trở lại Roma một thời gian, Phêrô đã bị bắt và bị tống giam. Trong thời gian bị giam, ông đã cảm hóa hai người lính canh ngục tên là Processus và Martinianus và cả hai đã được rửa tội và tử đạo. Ông bị kết án tử hình trên thập tự, bị dẫn tới hý trường Caligula trên đồi Vatican. Khi trông thấy thập giá, ông cảm thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy mình, nên yêu cầu được đóng đinh treo ngược.

Giáo Hội qua mọi thời đại luôn tiếp tục đi theo con đường Chúa Giêsu và Thánh Phêrô đã đi.

Thêm ba ngày ở Roma, chúng tôi đi thăm rất nhiều nơi. Từ sáng sớm, nhiều đoàn hành hương đã xếp hàng dài chờ đợi để viếng thăm Đền Thờ Thánh Phêrô. Roma là thành phố cổ kính, đường phố hẹp lại đông đảo du khách nên chúng tôi phải đi bộ rất nhiều mới có thể đến thăm các thánh đường. Có khi phải cuộc bộ 2 km mới đến được một nơi hành hương và đi vài cây số mới có được bữa cơm ở tiệm Tàu.

Thăm Viện bảo tàng rồi đến nguyện đường Sistine, Đền thờ Thánh Phêrô và hầm mộ các Giáo hoàng, thấy được sự uy nghi, cổ kính, thiêng liêng xuyên suốt dòng lịch sử Giáo hội.

1. VIỆN BẢO TÀNG VATICAN

Năm 1308, Đền thờ Laterano và dinh thự Đức Giáo Hoàng bị hỏa hoạn không sửa được nữa. Đến năm 1377 khi từ Avignon trở về, Đức Giáo Hoàng Gregorio 9 đến sống tại Vatican. Kể từ đó điện Vatican là dinh thự Đức Giáo Hoàng thay thế cho điện Laterano. Năm 1450, Đức Giáo Hoàng Nicola V hoàn tất công trình xây cất điện Vatican. Bên trong dinh thực trang hoàng theo kiểu nghệ thuật Toscana đầu thời Phục Hưng. Trong số các nghệ sĩ nổi tiếng có Chân phước Angelico, dòng Đaminh (1400- 1455). Đức Giáo Hoàng Sixto IV sửa sang lại Thư viện và cho xây Nhà nguyện Sistine.

Thư viện và các bảo tàng viện trong điện Vatican là hai kho tàng quí giá của nhân loại. Cả hai mang dấu tích của 2 nền văn hóa Hy Lạp và La Mã, diễn tả sự sáng tạo của con người ở trình độ cao nhất và qua nghệ thuật biểu lộ hình ảnh của Kitô giáo tại Tây phương.

Trong bảo tàng viện có những tác phẩm điêu khắc cổ điển như thần Apolo, Venus, sông Nile, sông Tiber, Adriane ngủ… Đức Giáo Hoàng Sixto VI bắt đầu thu góp tác phẩm vào năm 1475 cho đến năm 1555. Nhưng sau đó nổi lên phong trào chống đối Phục Hưng cùng với lối nhìn luân lý chống lại nghệ thuật cổ điển đã làm cho việc thu góp các tác phẩm ở Vatican bị dừng lại. Năm 1756, Đức Giáo Hoàng Benedictô XIV thiết lập Bảo Tàng Viện Kitô giáo trong Thư viện Vatican để “làm gia tăng vẻ đẹp của Thành đô làm chứng cho chân lý tôn giáo”. Năm 1767, Đức Giáo Hoàng thành lập Bảo tàng viện ngoại giáo để giữ gìn những dinh thự của thời Roma cổ.

Trước đây, khi bước vào bảo tàng viện Vatican, du khách phải qua một cầu thang hình trôn ốc hai chiều do G. Momo xây với những hình chạm bằng đồng của A. Marani. Nhân dịp Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho mở thêm cổng vào rộng lớn hơn với những phương tiện cần thiết giúp cho người tàn tật có thể sử dụng được.

Từ viện bảo tàng, chúng tôi đi dọc theo một hành lang với nhiều trang trí những tác phẩm vô giá bằng tranh thêu và tranh vẽ trên tường trên trần để tiến vào nguyện đường Sistine.

2. NGUYỆN ĐƯỜNG SISTINE

Đây là nơi nổi tiếng nhất trong Bảo tàng viện Vatican. Nguyện đường Sistine là nơi Mật tuyển viện họp bầu tân Giáo Hoàng.

Nhà nguyện dài 40,3m và rộng 13,2m do Đức Giáo Hoàng Sixto IV xây vào những năm 1473-1481 theo họa đồ của Baccio Pontelh. Các bức tranh rất nổi tiếng được vẽ trên tường vào những năm 1481- 1483. Kể từ đó trở đi, nó trở thành nhà nguyện riêng của các Đức Giáo Hoàng. Danh họa Michelange đã dùng tài năng tuyệt vời của mình để diễn tả cuộc sống con người từ lúc tạo dựng đến khi bị phán xét trước tòa Chúa. Để bảo tồn các bức tranh khỏi bị hư hại, du khách tham quan không được phép chụp hình quay phim.

Ngước mắt lên trần, nhìn sang phải sang trái, mọi người chiêm ngắm những tác phẩm tuyệt vời. Hướng dẫn viên cho chúng tôi biết đôi nét về những bức tranh.

- Các bức tranh bên bức tường trái kể lại cuộc đời của Môisen.

- Các bức tranh bên bức tường phải kể lại cuộc đời Chúa Giêsu.

- Những bức tranh vẽ trên trần kể lại công trình sáng tạo vũ trụ thửa ban đầu cho đến thời lụt đại hồng thủy.

- Những bức tranh vẽ chung quanh tường bắt đầu từ phía bên phải vẽ hình các vị ngôn sứ trong Cựu ước.

- Những bức tranh vẽ trên bốn góc tường: lấy bối cảnh thời Cựu ước liên quan đến ơn cứu độ của người Do Thái. Bên trên các cửa sổ là hình các nhân vật tổ phụ trong Cựu ước.

- Bức tranh “Ngày phán xét chung”.

3. ĐẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ

3.1- Lịch sử Đền thờ

Đền thờ Thánh Phêrô là công trình tái thiết công phu trên ngôi Đền thờ cổ do Hoàng đế Constantino cho xây dựng vào năm 320. Từ đầu thế kỷ XVI, phải mất khoảng 120 năm để xây dựng và hoàn thành. Tham gia công trình có 12 vị kiến trúc sư trong đó có nhiều vị nổi tiếng như Bramante, Michelangelo, Raffaello và Maderno. Ngôi Đền thờ cũ cũng như Đền thờ mới đều được xây trên phần mộ của Thánh Phêrô. Ngài được an táng trên sườn đồi Vatican, trong khu nghĩa trang cạnh hý trường của hoàng đế Neron.

a. Đền thờ thánh Phêrô thời Hoàng đế Constantino

Trong khu vực hý trường nơi Hoàng đế Neron đã ra lệnh hành hình các Kitô hữu, theo tương truyền đây cũng là nơi Thánh Phêrô chịu tử đạo, bị đóng đinh vào thập giá và treo ngược đầu xuống đất. Sau đó thi hài của ngài được an táng tại nghĩa trang gần đó cùng với các vị tử đạo khác. Hý trường này do hoàng đế Caligula (37-41) ra lệnh khởi công xây dựng và được Neron (54- 68) hoàn thành.

Từ năm 77 đến 88, Đức Giáo Hoàng Anacleto đã thiết lập một nhà nguyện nhỏ dâng kính Thánh Phêrô. Sau này hoàng đế Constantino cho thiết lập tại nơi đó ngôi Thánh đường vĩ đại gồm 5 gian và tồn tại cho đến cuối thế kỷ XV.

Năm 324, hoàng đế Constantino viếng tham khu vực Vatican với một đội quân hùng hậu. Ông đã khiêm tốn phủ phục trước mộ Thánh Phêrô, cởi bỏ hoàng bào, cầm chiếc xẻng lớn để xác định khu vực xây đại Vương Cung Thánh Đường mới. Hoàng đế cũng vác trên vai 12 giỏ đất như một cử chỉ tôn kính 12 Tông Đồ. Sau 25 năm kiến thiết, năm 349 con của ông là hoàng đế Constans đã hoàn tất công trình. Trải qua dòng thời gian, kiến trúc ngôi Đền thờ này càng trở nên phong phú nhờ sự quan tâm đặc biệt của các Đức Giáo Hoàng, các hoàng đế Roma và các hoàng đế khác.

Đền thờ được tu bổ và trang hoàng qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong 12 thế kỷ đầu, các bức tường và cột Đền thờ được gắn đá cẩm thạch, hậu cung Đền thờ đươc trang trí bằng những bức tranh khảm đá. Các loại đá cẩm thạch quý giá được gỡ từ các đền đài dinh thự ngoại giáo ở Roma hoặc được đưa từ Đông Phương về. Các gỗ bá hương được lấy từ rừng xứ Liban. Kim loại bóng loáng, những cánh cửa đồng từ vùng Byzantine và nhiều vật liệu quý hiếm khác được đưa về từ khắp nơi trên thế giới để trang trí cho Đền thờ, nhà nguyện, bàn thờ, nhà dành cho linh mục và các tượng đài khác.

Các hoàng đế và vua chúa ở Âu châu đến Đền thờ thánh Phêrô để được các Đức Giáo Hoàng phong vương: đặc biệt có đại đế Carlo là vị đầu tiên được Đức Giáo Hoàng Leo III (795- 816) đội triều thiên tấn phong trước mộ thánh Phêrô vào dịp lễ Giáng Sinh năm 800.

b. Xây Đền thờ thánh Phêrô mới

Vì lý do chính trị, Giáo triều Roma và dinh thự Giáo hoàng được chuyển từ Latêranô sang Avignon (1309- 1377). Từ năm 1377, sau khi từ Avigon trở về Roma, các Đức Giáo Hoàng cư ngụ ở Roma. Trong 73 năm Giáo triều Avignon, Đền thờ thánh Phêrô bị bỏ hoang đến độ hầu như không thể trùng tu lại được và có dấu hiệu tàn lụi, nhất là những bức tường phía nam.

Đức Giáo Hoàng Nicola V (1447- 1455) là vị đầu tiên quyết định xây lại Đền thờ Thánh Phêrô mới, và ủy thác cho kiến trúc sư Bernardo Rossellino xây dựng. Theo dự án của vị kiến trúc này, ngôi Đền thờ mới có một cổng phía trước và có hình Thánh giá Latinh, với một mái vòm lớn ở giữa và khu hậu cung bàn thờ có hình bán nguyệt.

Tháng 3 năm 1455, Đức Giáo Hoàng Nicola qua đời nên công trình xây dựng bị ngưng lại. Cho đến thời Đức Giáo Hoàng Giulio II della Rovera (1503- 1513), ngài có ý định tìm chỗ xứng đáng cho phần mộ của mình, và Michelangelo đã trình bày họa đồ ngôi Đền thờ mới cho ngài. Khi ông tới Đền thờ thánh Phêrô cũ xem nơi nào có thể đặt phần mộ, Đức Giáo Hoàng Giulio II thấy nơi thích hợp nhất chính là phần hậu cung mới của Đền Thờ mới do Đức Nicola V khởi công xây dựng và ông khuyên Đức Giáo Hoàng tiếp tục xây cất. Đức Giáo Hoàng hỏi phí tổn là bao nhiêu, Michelangelo trả lời là 100 ngàn đồng quan vàng. Đức Giulio II đáp lại: “ Ông hãy làm với 200 ngàn đồng”. Sau đó ngài sai hai kiến trúc sư San Gallo và Donato Bramante đi xem địa điểm, và ngài muốn xây lại ngôi Đền Thờ Phêrô hoàn toàn mới.

Khi Bramante nhận lệnh Giáo Hoàng Giulio II (1503- 1513) phá bỏ Đền Thờ thánh Phêrô cũ để xây Đền Thờ Thánh Phêrô mới. Dân Roma kinh ngạc theo dõi việc phá đền thờ cũ và họ gán cho Bramante danh xưng là “vị kiến trúc sư phá nhà”. Trong những năm ấy, Michelangelo lúc đó đã gần 70 tuổi mới bắt đầu xây mái vòm. Sau khi ông qua đời (1564), 4 vị kiến trúc sư khác tiếp tục công trình của ông. Mặt tiền Đền thờ do Kiến trúc sư Carlo Maderno làm xong năm 1614.

Ngày 18. 11. 1626, Đức Giáo Hoàng Urbano VIII thánh hiến Đền Thờ Phêrô mới, nhân dịp kỷ niệm 1.300 năm ngày thánh hiến Đền thờ Phêrô cũ do hoàng đế Constantino xây dựng. Sau này kiến trúc sư Giuseppe Valadier đã thực hiện hai đồng hồ ở mặt tiền Đền thờ năm 1822. Dưới đồng hồ bên trái có quả chuông chu vi với 7,5 mét, nặng 9,3 tấn.

3.2- Vài nét đặc tính của Đền thờ

a. Đền thờ vẫn là Vương cung thánh đường có kích thước lớn nhất trong thế giới Kitô giáo. Theo kiến trúc sư Giuseppe Valadier (1812): từ nền cho đến nóc cao là 135,2 mét. Diện tích Đền thờ là 22.076 mét vuông. Mặt tiền Đền thờ cao 46 mét và ngang 115 mét. Các cột cao gần 29 mét, đường kính cột 2,65 mét. Chiều ngang đền thờ là 150 mét; chiều dài đền thờ là 187 mét. Đền thờ thánh Phêrô có thể chứa được 54 ngàn người nếu đứng chật hết mọi chỗ kể cả các gian lối đi,

b. Trong Đền thờ có 46 bàn thờ khác nhau. Có 9 bàn thờ dâng kính Đức Mẹ với nhiều tước hiệu khác nhau. Bàn thờ cuối cùng được Đức Piô IX (1846- 1878) thánh hiến ngày 18.1.1856.

c. Tầng hầm Đền thờ: là nền Đền thờ nguyên thủy từ thời Hoàng đế Constantino. Trong tầng hầm này có nhiều nhà nguyện chung quanh mộ Thánh Phêrô, với những bàn thờ để các linh mục cử hành thánh lễ. Có 147 trong số 264 phần mộ các Đức Giáo Hoàng được chôn cất tại đây.

d. Cửa Thánh: Trong số 5 cửa vào Đền thờ, có một cửa chỉ được mở vào Năm Thánh.

e. Mái vòm Đền Thờ có chu vi bên trong là 42,7 mét và chu vi bên ngoài là 58 mét, mái vòm cao 50,33 mét. Tính từ nền lên tới đỉnh cao nhất của Đền thờ là 135,2 mét. Thánh giá trên đỉnh mái vòm cao 4,87 mét và thanh ngang rộng 2,65 mét. Theo các nhà toán học Boscovich, Le-Leur và Lacquer, trọng lượng mái vòm là 56.208.837,46 kg. Theo phong tục, những vị Giáo hoàng được phong Chân phước và sắp được làm Thánh thì được làm một tượng bằng sáp đặt ở cánh ngang Đền thờ như tượng chân phước Gioan XXIII được đặt ở bên phải cánh ngang Đền thờ.

g. Bàn thờ chính của Đền Thờ được coi là Bàn Thờ Tuyên Xưng Đức Tin, được xây ngay bên trên mộ thánh Phêrô theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Clemente VIII (1592- 1605). Bàn thờ có tán lọng và 4 cột vòng bằng đồng chống đỡ, do kiến trúc sư Bernini thực hiện. Tượng các thiên thần ở trên mỗi góc cao 3,5 mét. Dưới bàn thờ này có một bàn thờ khác của Đức Giáo Hoàng Callisto (1119- 1124), và bên dưới bàn thờ thứ hai này có một bàn thờ khác nữa của Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả (590- 604). Đi xuống sâu hơn, người ta gặp một khối hình vuông, bọc cẩm thạch trắng và đá vân đỏ. Đây chính là đài do hoàng đế Constantino thực hiện để kính nhớ thánh Phêrô Tông Đồ và có lẽ được diễn ra trong lễ nghi tưởng niệm cuộc chiến thắng của ông tại cầu Milvio ngày 28 tháng 10 năm 312.

h. Tượng Thánh Phêrô bằng đồng ở bên phải bàn thờ chính có từ thế kỷ 13, được tôn kính trong Đền thờ: các ngón chân phải của ngài bị mòn nhiều do sự hôn kính của hàng triệu triệu tín hữu qua dòng thời gian.

i.Tượng Đức Mẹ Sầu Bi (Pietà) bằng cẩm thạch trắng ở bên phải gần cửa ra vào mặt tiền, diễn tả Mẹ Maria đang ẵm xác Chúa Giêsu từ trên Thánh Giá xuống, do Điêu khắc gia Michelangelo thực hiện vào năm 1500 khi ông mới 25 tuổi và là tác phẩm duy nhất mang chữ ký của ông. Để bảo vệ tượng điêu khắc này khỏi bị hư hại do tham quan, người ta xây hàng rào bảo vệ, cho nên bây giờ khó có thể chiêm ngưỡng pho tượng này hơn so với trước kia.

3.3- Mặt tiền Đền thờ

Được thực hiện trong vòng 8 năm với 700 công nhân và hoàn thành năm 1614. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh 2000, Ban quản lý Đền thờ đã cho tu bổ toàn diện mặt tiền đền thờ lần đầu tiên kể từ khi khánh thành đầu tiên vào năm 1985 với kinh phí 2 triệu Mỹ kim do hội hiệp sĩ Colombo tài trợ. Công trình thanh tẩy thứ hai tu bổ toàn bộ Đền thờ được hoàn tất cuối tháng 9 năm 1999 sau gần 2 năm rưỡi tiến hành, từ tháng 3 năm 1997. Các chuyên viên đã sử dụng các dụng cụ tối tân để trắc nghiệm mặt tiền Đền thờ với phương pháp siêu âm, âm hưởng điện từ và các kính hiển vi điện tử, các kỹ thuật này của công ty dầu hỏa Italia (ENI). Việc thanh tẩy và tu bổ toàn diện là điều cần thiết vì không khí tại Roma bị ô nhiễm cao độ. Mặt tiền Đền thờ Thánh Phêrô được xây bằng lớp đá cẩm thạch có những lỗ li ti rất dễ bị tổn thương vì những lớp sương mù trộn với khói xe cộ ở Roma. Thêm vào đó mưa axít cùng với mốc meo ở trong những lỗ nhỏ trên lớp đá tiếp tục ăn mòn các cột, các góc cạnh và 13 pho tượng trên mặt tiền Đền thờ. Vì thế, chỉ trong vòng 10 năm sau khi thanh tẩy, mặt tiền Đền thờ cũng đã hư hại nhiều cần được chỉnh trang toàn bộ và sâu rộng hơn.

Một lý do khác đó là nhân dịp Đại Năm Thánh 2000 đến gần, và đặc biệt là có sự tài trợ của ENI, công ty dầu hỏa Italia có chi nhánh tại 80 quốc gia. Tổng số tiền tài trợ lên đến 9 triệu USD.

3.4 - Quảng trường Thánh Phêrô

Hình bầu dục, dài 196 mét và rộng 148 mét, với diện tích khoảng 4 hécta, có hàng cột vòng cung bao quanh như vòng tay chào đón tín hữu. Đây là tác phẩm do kiến túc sư Bernini thiết kế, tổng cộng có 284 cột, mỗi bên 142 cột, đường kính cột lớn nhất là 1,45 mét. Các cột được xếp thành 4 hàng, với 3 lối đi. Hàng cột cao 18,6m bên trên có 140 pho tượng, cao 3,24m do các môn đệ của Bernini thực hiện trong khoảng thời gian 11 năm, từ 1656 đến 1667.

Từ Tháp bút ở giữa quảng trường tới mặt tiền Đền thờ có khoảng cách là 191 mét, trong khi khoảng cách giữa hai tượng Thánh Phêrô và Phaolô là 76,73m. Trên mặt tiền Đền thờ, có các pho tượng cao 5,65m. Các tượng này được tạc sơ sài, chúng được tạc để nhìn từ xa.

3.5 - Tháp bút

Tháp bút ở giữa quảng trường Thánh Phêrô là một khối đá hình kim tự tháp bằng đá vân cương đỏ ở Đông Phương, ban đầu được tổng trấn Ai cập là Caio Cornelio Gallo dựng lên để tôn vinh bản thân. Về sau tháp bút này được Eliopoli đưa về Roma theo ý muốn của hoàng đế Neron, với mục đích tuyên dương hý trường do ông khởi xướng. Tháp bị đổ và bỏ rơi trong nhiều thế kỷ, cho tới thời Đức Giáo Hoàng Sisto V (1585- 1590), dự án đó mới thành hình.

Công trình này đòi sự hợp lực của 900 công nhân, với 140 con ngựa và dùng 47 cần trục cùng với 5 đòn bẩy thật mạnh. Quy luật được ban hành trong công trình dựng tháp là các công nhân phải tuyệt đối giữ im lặng và chỉ được nhận lệnh từ kiến trúc sư Domenico Fontana mà thôi. Dân chúng hiếu kỳ không được đến gần, nhưng người ta vẫn cứ đến gần đến nỗi Đức Sixto V còn ra lệnh phạt tử hình những người vượt quá ranh giới và gây tiếng ồn ào.

Theo tương truyền từ năm 1770, trong khi tiến hành việc dựng tháp thì những sợi dây thừng đỡ tháp bút bắt đầu giãn ra và có nguy cơ bị đứt. Tình trạng thật nguy hiểm. Một người thợ tên Bresca, vốn là một thủy thủ đã quen với dây chão. Ông ra lệnh: “Hãy đổ nước vào các dây thừng”. Nhận thấy tình trạng nguy ngập, kiến trúc sư Domenico Fontana vội ra lệnh thi hành ngay lời khuyên đó và tai nạn được tránh thoát.

Sau này Bresca đã được thưởng thay vì bị tử hình. Ông được triệu tới trước mặt Đức Giáo Hoàng và ngài yêu cầu ông hãy xin một ơn. Ông Bresca đã xin cho mình và dòng dõi mình được đặc ân cung cấp lá dừa cho Tòa Thánh để dùng trong nghi thức Chúa Nhật Lễ Lá. Lời thỉnh cầu được chấp nhận và ngày nay gia tộc Bresca ở miền Liguna vẫn cung cấp lá dừa cho Vatican vào Tuần thánh hàng năm.

Năm 1586, Đức Sixto V cho đặt trên tháp một cây Thánh giá lớn bằng sắt, trong có chứa mảnh Thánh giá thật của Chúa Giêsu. Ở bệ tháp có khắc hàng chữ: “Đây là Thánh giá của Chúa. Các quyền lực đối nghịch hãy trốn chạy. Sư tử của chi tộc Giuda đã chiến thắng”.

Tổng cộng từ bệ lên tới đỉnh tháp là 41,23 mét và nặng 312 tấn. Hai bên tháp có hai bể nước khổng lồ giống nhau, mỗi phút có 38.400 lít nước đổ vào. Vòi nước phun có thể lên cao 14 mét.

3.6 - Mộ Thánh Phêrô

Khu vực xây Đền thờ thánh Phêrô trước kia là một nghĩa trang thời La Mã, và được khám phá trong thập niên 1930, sau đó được khai quật trong hai đợt: từ 1939 đến 1949, rồi từ 1953 đến 1958. Người ta khám phá thấy hai hàng nhà mồ với những hốc mộ, những bích họa và tranh khảm đá, cùng với một khu vực với những ngôi mộ đơn sơ hơn.

Các cuộc khai quật dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin đưa tới sự khám phá mà Đức Phaolo VI tuyên bố ngày 26 tháng 6 năm 1968: “Hài cốt Thánh Phêrô được nhận diện đến độ chúng tôi coi là có lý”.

Ngôi mộ Thánh Phêrô được mở cho du khách tham quan từ năm 1975 nhưng mỗi ngày thường xuyên có rất đông khách hành hương đến kính viếng nên gây ra những tổn hại về mặt kết cấu của ngôi mộ. Công ty điện lực Ý là ENEL đã tình nguyện tài trợ dự án với phí tổn khoảng 1 triệu 700 ngàn USD.

Năm thánh 2000, việc viếng thăm ngôi mộ được mở lại rồi sau đó lại bị giới hạn. Nhiều du khách không biết là có khu vực này. Tuy nhiên muốn viếng thăm cần phải đăng ký trước tại văn phòng khai quật của Vatican và có hướng dẫn viên dẫn từng nhóm đi thăm.

Trong ngày kỷ niệm 1 năm lên ngôi Giáo Hoàng 16.10.1979, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã cho mở một cổng rộng 2,3 mét, cao 2,5 mét để các tín hữu có thể bước vào mộ Thánh Phêrô dưới hầm Đền thờ cách dễ dàng hơn.

4. HẦM MỘ CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG

Các lối dẫn vào hầm mộ được tạo ra từ bên phải vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Chúng tôi đi xuống cầu thang và thấy các cây cột còn sót lại của ngôi thánh đường đầu tiên, được xây theo phong cách Constantine từ năm 326 đến 333.Rồi đi ngang qua phần mộ của Đức Giáo Hoàng Calixtô III và sau đó là Bônifaciô VIII, Nicôla III, Innôxentê VII, Nicôla V, Phaolô II, Mácxêlô II, Gioan Phaolô I và Innôxentê IX. Một số phần mộ lại được trưng bày hình ảnh của các vị giáo hoàng được chôn cất tại đó tương tự những hình ảnh mà chúng tôi thấy nơi Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành.

Hầm mộ nơi các Giáo hoàng yên nghỉ ở Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô giống như một mê cung rộng mênh mông. Tại đây có những đồ tạo tác, hàng cột chạm trổ tinh vi và vô số bức tranh tường lộng lẫy có hàng nghìn năm tuổi. Nằm bên dưới hầm mộ lại có những lớp hầm khác được mệnh danh là "Thành phố chết" thời La Mã cổ đại, trong đó có cả những đường phố, nhà nguyện và các bức bích hoạ tuyệt đẹp.

Lúc sinh thời, sau mỗi chuyến công du mục vụ nước ngoài, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thường xuống hầm mộ để cầu nguyện trước những vị tiền nhiệm. Trong đó nhiều nhất là tại mộ Thánh Phêrô.Theo người trông coi hầm mộ tên là Vittorio, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thường đi một mình xuống hầm vào lúc còn rất sớm. Ngài từng bày tỏ ước nguyện được chôn cất một cách đơn giản, tại nơi nằm gần nhất có thể với chỗ an nghỉ của Thánh Phêrô. Nằm ngay cạnh nơi được chuẩn bị làm chỗ chôn Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II là mộ của các Giáo hoàng Benedicto XV, John Paul I, Innocent IX, Julius III và Paul VI.

Các nhà khảo cổ tin rằng, gần mộ Giáo hoàng Phaolô IV và thẳng dưới án thờ chính của gian cung thánh Đền thờ Thánh Phêrô là mộ phần của vị Giáo hoàng đầu tiên. Do đó, nơi an nghỉ của Giáo hoàng Gioan Phaolô II là mộ phần còn trống nằm gần vị Thánh Tông đồ Phêrô nhất, đúng như ước nguyện lúc sinh thời của ngài.

Trong hầm mộ nổi tiếng ở Vatican còn có một người phụ nữ duy nhất được vinh dự an táng cạnh các Giáo hoàng. Đó là Nữ hoàng Thuỵ Điển Christina, người nổi tiếng với quyết định từ bỏ ngai vàng cai trị đất nước và cải đạo từ Tin lành sang Công giáo để đến sống ở thành Rome cho đến khi qua đời.

Tính đến nay có tổng cộng di cốt của 147 trên danh sách 263 Giáo hoàng trong lịch sử Vatican đang an nghỉ trong hầm mộ Đền thờ Thánh Phêrô. Trong số những vị còn lại, ngoài các trường hợp an táng trong những nhà thờ Công giáo khác thì đều không rõ nơi yên nghỉ các ngài ở đâu.

Đặc biệt là phần mộ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 5 năm sau đã trở thành điạ điểm thăm viếng nhiều nhất của Roma.Kể từ năm 2005, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, hầm Vatican, nơi có đặt phần mộ của Ngài, đã trở thành một trong những điểm được viếng thăm thường xuyên nhất ở Roma. Trung bình có khoảng 12.000 người đến viếng thăm phần mộ này mỗi ngày, mở cửa cho công chúng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều (hoặc đến 6 giờ vào mùa hè). Đại đa số du khách đều tìm đến nơi an nghỉ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vài người khác, đặc biệt là du khách lớn tuổi, cũng dừng chân bên Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô I. Một số người cho biết, phần mộ Đức Gioan Phaolô II, trước kia là nơi an táng Đức Gioan XXIII (kể từ năm 2002, Ngài được cải táng vào bên trong vương cung thánh đường Thánh Phêrô). (x.Zenit.org).

Được nhìn thấy phần mộ của Đức Gioan Phaolô II, những ký ức về cuộc đời Ngài lại hiện lên trong tâm trí tôi với tất cả lòng kính yêu và ngưỡng mộ. Lên lại bên trên, chúng tôi uống dòng nước ngọt mát lạnh từ những vòi nước phía bên phải đền thờ. Sau bữa cơm trưa thật ngon nơi nhà hàng Tàu chúng tôi đến thăm hí trường Colosseum. Một sự cố bất ngờ với đoàn hành hương, Cha Thủ phải vào điều trị tại bệnh viện Roma.

5. ĐẤU TRƯỜNG COLOSSEUM

Đấu trường là công trình kiến trúc vĩ đại nhất của thành phố Roma cổ đại dưới thời các hoàng đế Roma nổi tiếng. Nó biểu tượng cho vinh quang và nét oai hùng của đế quốc Roma cũng như của Thủ đô đế quốc. Đấu trường này được hoàng đế Vespasiano cho khởi công xây dựng năm 72 trên các hồ thuộc vườn thượng uyển của hoàng đế Nero và được hoàng đế Tito hoàn tất vào năm 80. Nơi đây diễn ra các trò chơi giải trí như giác đấu, săn dã thú, các trận thủy chiến giả… Đấu trường mang hình bầu dục bằng đá vôi ở phía ngoài và gạch nung cùng với đá ong ở bên trong. Chu vi dài 527 thước, rộng 188 thước cao 52 thước, gồm 4 tầng. Ba tầng dưới có các cửa vòng cung được trang hoàn với các cột theo phong cách Corinto, Ionien và Dorico. Các tượng được trưng bày giữa tầng 2 và tầng 3. Hoàng đế, hoàng gia và các vị tướng ra vào bằng cửa đặc biệt dẫn thẳng vào phòng tiếp tân. Còn dân chúng đi vào đấu trường qua 80 cửa vòng cung có đánh số thứ tự. Ghế ngồi chia làm 3 hạng: loại kỵ binh, trung lưu và dân chúng. Phía trên cao dành cho những người đứng coi với giá vé rẻ hơn. Đấu trường có khoảng 50 ngàn chỗ ngồi có mái che bằng vải dùng khi trời mưa. Ở dưới bãi giác đấu (76m x 46m) có những hành lang, các phòng nhốt thú dữ, những cột dùng để kéo mọi dụng cụ cho các trò chơi giải trí. Đấu trường mang tên Colosseum, nghĩa là khổng lồ vì kích
thước vĩ đại của nó thời bấy giờ cũng như bên cạnh có bức tượng khổng lồ tạc hoàng đế Nero cao 30 thước. Vào năm 1231 và 1255 xảy ra hai trận động đất làm đấu trường bị hư hại. Sau đó Hoàng đế Enrico 7 trao lại cho Thượng viện và dân chúng Roma sử dụng. Đến thế kỷ 15, đấu trường trở thành mỏ đá cung cấp vật liệu để xây cất các dinh thự trong thành phố như Dinh Venezia, Famese, Barberini và Đền thờ Thánh Phêrô. Theo truyền thuyết, nhiều người Kitô hữu chịu tử đạo tại đấu trường này nên vào thế kỷ 18 Đức Giáo Hoàng Beneđicto 14 cho tu sửa lại và dâng đấu trường này để tôn kính các vị Tử đạo tại Roma. Các Đức Giáo Hoàng Pio 7, Lêo 12, Gregoriô 16 và Piô 9 cũng cho tu sửa nhiều lần. Năm 1957 người ta dựng lên một cây Thánh giá. Từ thời Giáo hoàng Phaolô 6, vào ngày Thứ sáu Tuần thánh, Đức Thánh Cha chủ sự việc đi Đàng Thánh Giá tại đây với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu cũng như khách hành hương.

6. TIỂU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH SEBASTIANO

Trước thế kỷ thứ 5, ngôi Đền thờ này được xây lên để tôn kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vì sau khi chịu tử đạo xác các ngài đã được an táng tại đây. Đến thế kỷ thứ 9, ngôi Đền thờ này được dành để tôn kính Thánh Sebastiano. Ngài là một sĩ quan Roma chịu tử đạo dưới thời hoàng đế Diocletiano và được an táng ở một nghĩa trang gần đó. Năm 1614, Đức Hồng Y Scipione Borghese sửa sang lại mặt tiền với 6 cây cột nham thạch. Chúng tôi thấy hòn đá ghi dấu chân Chúa
Giêsu ở nhà nguyện thứ nhất nằm bên phải và tượng thánh Sebastiano bằng nham thạch rất đẹp ở nhà nguyện thứ hai nằm bên trái. Nơi đây còn có Viện bảo tàng trưng bày các di tích khảo cổ như bia mộ, các bình gốm cổ hoặc quan tài. Dưới hầm có một phòng dùng để dọn bữa ăn nhân dịp an táng người chết. Thi hài hai vị thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô đã từng tạm thời được an táng tại nơi đây.

Chúng tôi cầu nguyện và lần chuỗi sốt sắng nơi tượng Đức Mẹ ban ơn ở bên cánh trái Nhà thờ. Sau đó đoàn đến thăm và dâng lễ tại Tiểu Vương Cung Thánh Đường Các Thánh Tông Đồ.

7. TIỂU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG CÁC THÁNH TÔNG ĐỒ

Vương cung Thánh đường này được Đức Giáo Hoàng Pelagio I cho xây dựng để kỷ niệm biến cố người Roma đánh đuổi quân rợ Goths ra khỏi Thành phố. Sau đó Đền thờ được nới rộng ra và được xây dựng lại hoàn toàn vào năm 1702. Bên trong Đền thờ được trang hoàng theo phong cách Baroque chia làm 3 gian dọc. Mái vòm Đền thờ với bức tranh “Các thiên thần nổi loạn” của danh họa G. Odazzi. Trần Đền thờ với bức tranh “Dòng Phanxico chiến thắng”. Tại bàn thờ chính có bức họa “Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê tử đạo” lớn nhất Roma. Từ đây, khách hành hương có thể viếng thăm Đại học Gregoriana của các cha Dòng Tên và Viện Kinh thánh Roma (Biblicum). Chúng tôi dâng lễ. Cha Hòa, chánh xứ Bình Thới chủ tế và giảng lễ. Tạ ơn Chúa sau 2 ngày thật tốt đẹp ở Roma được chiêm ngắm những công trình tuyệt đẹp.

Sáng sớm ngày thứ ba ở Roma chúng tôi đến thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả.

8. ĐẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ CẢ

Vương cung Thánh đường này được xây dựng để dâng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Đây là Đền thờ kính Đức Mẹ đầu tiên và lớn nhất được xây cất ở Tây Phương. Đền thờ này cũng được coi là tột đỉnh lòng sùng kính của Dân Chúa, đặc biệt là dân chúng thành Roma đối với Đức Maria. Lòng sùng kính Đức Maria là một trong những đặc điểm lòng đạo đức của dân chúng Roma ngay từ lúc khởi đầu Kitô giáo. Người ta vẫn thường gọi đây là “Hang đá Belem ở Roma”. Năm 1853, tại Roma người ta đếm được có 1.421 những khánh nhỏ có để hình Đức Mẹ. Đến năm 1939 thì chỉ còn lại 530 khánh nhỏ ở rải rác khắp nơi trong thành phố Roma.

a. Lịch sử Đền thờ

Đền thờ này được xây trên đồi Esquilino để thay thế việc thờ nữ thần Cibele, là mẹ các thần minh của dân ngoại, bằng việc tôn kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Đầu tiên, Đền thờ này được gọi là Đền thờ Liberiana, lấy theo tên của Đức Giáo Hoàng Liberio (352- 366), là người đã cho xây Đền thờ này. Theo tương truyền một nhà quý tộc ở Roma tên là Giovanni và vợ, đã cao niên mà không có con cái. Họ quyết định dâng toàn bộ tài sản để xây một Đền thờ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Trong đêm mùng 4 rạng ngày 5 tháng 8 năm 356, Đức Mẹ hiện ra trong giấc mơ với ông Giovanni và dạy ông lo xây cất Đền thờ tại nơi xảy ra biến cố lạ thường và Đức Giáo Hoàng Liberio có cùng một thị kiến như vậy. Biến cố đặc biệt đó là vào ngay giữa hè trời thật nóng bức như thế mà trên đỉnh đồi Esquilino dân chúng lại thấy có một lớp tuyết phủ.

Sau đó ngôi Đền thờ này được Đức Giáo Hoàng Sixto III (432-440) tái thánh hiến dâng kính Đức Mẹ vào ngày 5 tháng 8 năm 432, tức là một năm sau khi Công Đồng Chung Êphêsô tuyên bố tín điều Đức Maria là “Theotókos”, Mẹ Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là “Christotókos”, Mẹ Đức Kitô mà thôi.

Ngày nay, để ghi nhớ sự tích Đức Mẹ xuống tuyết ở đỉnh đồi Esquilino, vào ngày 5.8, Giáo hội cử hành lễ cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả. Trong thánh lễ trọng thể này, người ta vẫn thả từ trần Nhà thờ những hoa hồng màu trắng xuống trên các tín hữu.

Đến thế kỷ thứ VII, Đền thờ này được gọi là Đền thờ “Đức Mẹ Hang Đá”, vì có hang đá Belem được dựng trong nhà nguyện dưới tầng hầm, với 5 mảnh gỗ của Máng cỏ ngày xưa và vài viên đá trong Hang đá được đưa từ Thánh Địa về đây vào năm 642 dưới thời Đức Giáo Hoàng Theodoro I (642- 649). Ngài là người sinh trưởng tại Giêrusalem. Thánh tích quí giá này được lưu trữ trong một hòm bằng bạc do vua Filipphê II của Tây Ban Nha tặng và nay được đặt dưới bàn thờ chính của Đền thờ.

Qua dòng thời gian, Đền thờ này được gọi là Đền thờ Đức Bà Cả, vì đây là ngôi Đền thờ lớn nhất trong số 26 nhà thờ dâng kính Đức Mẹ ở Roma.

b. Kiến trúc

Tại quảng trường Đền thờ, có cột cao 14 mét bằng đá cẩm thạch trắng, được Đức Giáo Hoàng Phaolô V (1605- 1621) cho đưa về đây. Đây là cột duy nhất còn sót lại của 8 cột của Đền thờ Massenzio (cũng gọi là Đền thờ Hòa Bình) thời Trung Cổ. Tượng Đức Mẹ ẵm bế Chúa Giêsu Hài Nhi bằng đồng ở trên cột là tác phẩm của Điều khắc gia người Pháp Guillaume Berthelot.

Tháp chuông Đền thờ cao 75m là tháp chuông cao nhất ở Roma do Đức Gregorio XI cho xây dựng năm 1377. Tháp chuông theo phong cách Roma.Trên tháp có treo 4 quả chuông được coi là hài hòa nhất tại Roma. Năm 1983 tháp này được tu bổ thêm lần nữa.

Mặt tiền Đền thờ bằng đá cẩm thạch do kiến trúc sư Femando Fuga (1743) kiến thiết gồm cổng chính với 5 cửa. Ban công chính bên trên của mặt tiền Đền thờ là phần duy nhất còn lại của Đền thờ Đức Giáo Hoàng Sisto III. Ngày xưa từ ban công này, Đức Giáo Hoàng thường ban phép lành cho các tín hữu.

Ở tiền đường bên trái có Cửa Thánh, bên phải có tượng của vua Philipo IV Tây Ban Nha bằng đồng do Điêu khắc gia Bernini thiết kế.

Đền thờ dài 86,5 mét, rộng 29,13 mét, và cao 18,43 mét. Có 36 cột bằng đá, theo thứ tự mà người Hy Lạp vẫn dành cho các vị thần của họ, phân chia 3 gian của Đền thờ. Ngày nay, có 40 cột, vì vào thế kỷ 18, khi tu bổ Đền thờ, kiến trúc sư Fuga cho dựng thêm 4 cột bằng cẩm thạch xám, để chống đỡ các vòng cung. Nền đền thờ gồm nhiều tấm đá ghép lại như bức tranh khảm đá, do hai nhà quí tộc Roma tặng cho Đức Giáo Hoàng Eugenio III (1145- 1153).

Trần Đền thờ mạ vàng, số vàng đầu tiên đưa từ Mỹ châu về cụ thể là từ Peru, do Hoàng đế Femando và hoàng hậu Tây Ban Nha tặng cho Đức Giáo Hoàng Alexandro VI (1492- 1503). Kiến trúc sư Giuliano da Sangallo đã dùng vàng đó tán thành những lá mỏng để trang trí trần Đền thờ, và mang huy hiệu của gia tộc Borgia của Đức Giáo Hoàng Alexandro VI (ngài là người Tây Ban Nha). Hai mươi bảy tranh khảm đá ở hai bên tường lòng giữa đền thờ mô tả những cảnh tượng trong Kinh Thánh Cựu Ước và về cuộc đời Chúa Giêsu. Ở giữa vòng cung, có cảnh tả ngai Chúa Giêsu, mặc hoàng bào được trang điểm bằng ngọc quí, tay cầm Thánh giá và sách Khải Huyền. Chung quanh là hình thánh Phêrô và Phaolô, cùng với biểu hiệu của 4 thánh sử Phúc Âm. Cạnh đó là cảnh Chúa Giáng sinh. Bên trái là cảnh truyền tin cho Đức Mẹ.

Bàn thờ chính trong Đền thờ, còn gọi là bàn thờ tuyên xưng đức tin (confession) do Kiến trúc sư Vespignani trang trí vào năm 1874, bằng đá cẩm thạch quí hiếm. Trên bàn thờ có tán cao, được 4 cột vòng bằng đồng chống đỡ, do Fuga thực hiện. Tại khu bàn thờ chính này có hòm giữ thánh tích của Thánh Mathêu Tông đồ và các vị tử đạo khác.

Ở khu hậu cung Đền thờ, có bức tranh diễn tả cảnh Chúa Giêsu đội triều thiên cho Đức Mẹ, có ca đoàn 18 Thiên thần và các Thánh bao quanh, đây là kiệt tác của Tu sĩ Jacopo Torriti Dòng Phanxicô năm 1295 thực hiện.

Bên phải Đền thờ có Nhà nguyện Sixtina, tại đây có đặt Mình Thánh Chúa, và có tượng của Đức Giáo hoàng Sixtô V thuộc Dòng Phanxicô và Đức Giáo Hoàng Piô V thuộc Dòng Đaminh, là người đã thiết lập lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Ở bên trái Đền thờ có Nhà nguyện Paolina. Trong Nhà nguyện này có ảnh Đức Mẹ “Salus Populi Romani” (Phần Rỗi của dân Roma). Theo tương truyền, bức ảnh này do Thánh sử Luca vẽ dang dở sau đó được một Thiên thần hoàn tất, vì thế đây không phải là bức tranh do tay người phàm vẽ ra. Lưu truyền nói rằng ảnh tự động đến Roma từ Costantinople, tránh nạn phá ảnh tượng 3 thế kỷ trước đó và được đặt tại đây từ năm 1613. Ngôi Nhà nguyện này được coi như là ngôi Nhà nguyện phong phú và đẹp nhất Roma với những bức họa tuyệt đẹp để tôn vinh Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Mặt sau của Đền thờ, hướng về quảng trường Esquilino, nổi bật trên nhiều bậc thang, do kiến trúc sư Rainaldi thực hiện vào năm 1673.

b. Một số sự tích của Đền thờ

Cũng như nhiều Đền thờ lớn khác ở Roma, Đền thờ này cũng có nhiều sự tích lưu truyền lại:

-Theo tương truyền, một ngày kia, Olimpo, quan tổng trấn Roma, giận dữ, hầm hầm đi vào Đền thờ Đức Bà Cả để sát hại Đức Giáo Hoàng Marino (882- 884) trong lúc ngài cử hành Thánh lễ. Nhưng vừa bước qua ngưỡng cửa Đền thờ, đột nhiên ông bị mù và không thể thi hành ý định gian ác đó. Sự tích này được ghi nhớ trong một hình nổi cẩm thạch do điêu khắc gia Lironi tạc bên trên Cửa Thánh vào năm 1730.

-Lễ Giáng Sinh năm 1705, trong lúc Đức Giáo Hoàng Gregorio VII (1073- 1085) cử hành Thánh lễ Nửa đêm tại Đền thờ Đức Bà Cả, ngài bị một kẽ gian ác tên là Cencio, con của tỉnh trưởng Stefano bắc cóc. Tên này đã từng xây một tháp cạnh cầu thánh Phêrô (ngày nay người ta gọi là cầu thánh Thiên Thần), và đòi những người đi qua đó phải trả lệ phí cầu đường. Cencio giam Đức Giáo Hoàng trong tháp đó, với mục đích giao nạp cho hoàng đế Enrico IV của Đức để trả thù những biện pháp cải tổ can đảm của Đức Giáo Hoàng. Trong số các cải tổ đó có việc tước quyền hoàng đế trong việc phong thế quyền cho Giám Mục trước khi trao quyền thiêng liêng cho các ngài.Ngay tức khắc dân Roma nổi loạn, và ngày hôm sau, họ giải thoát ngài, rồi long trọng rước ngài trở lại Đền thờ Đức Bà Cả. Và như thể không có chuyện gì xảy ra, Đức Gregorio VI điềm nhiên mặc áo lễ và cử hành tiếp Thánh lễ từ chỗ bị cắt ngang hôm trước.

-Tại Đền thờ có phần mộ của Đức Giáo Hoàng Clemente IX (1667- 1669). Khi sinh thời, ngài đã từng bày tỏ mong ước được an táng tại Đền thờ này chứ không phải tại Đền thờ Thánh Phêrô. Nhưng khi ngài qua đời mà phần mộ ngài do kiến trúc sư Girolamo Rainaldi vẽ kiểu chưa hoàn tất, nên quan tài của ngài được chôn tạm tại Đền thờ Thánh Phêrô. Ngay sau đó, có tin về các phép lạ do Đức cố Giáo Hoàng thực hiện. Tin này được một Tu sĩ Phanxico ở tu viện Aracoeh xác nhận. Thầy bị mù và cho biết đã được khỏi nhờ cầu xin Đức Giáo Hoàng Clemente IX cứu giúp. Dân chúng bắt đầu lũ lượt kéo đến mộ của ngài để xin ơn và những người được ơn thì gắn các bảng tạ ơn gần ngôi mộ tạm. Lòng nhiệt thành của dân chúng lên đến cao độ đến nỗi họ tháo gỡ cả những mảnh gạch quanh mộ, như thể sức mạnh đặc biệt của Đức cố Giáo Hoàng lan tỏa ra đó.Các vị hữu trách Đền thờ thánh Phêrô lo ngại vì lòng nhiệt thành quá độ của các tín hữu, nên đã hối thúc và yêu cầu các vị hữu trách ở Đền thờ Đức Bà Cả hoàn tất mau lẹ ngôi mộ dành riêng của Đức Clemente IX tại đây, và họ vội chuyển thi hài của ngài về an táng trong Nhà nguyện Paolina. Nhưng kể từ đó ngài không còn làm phép lạ nữa.

Lúc 6 giờ chiều ngày 4 tháng 5 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Mân Côi trọng thể tại Đền thờ Đức Bà Cả.Đây là lần thứ 2, ngài đến Vương cung thánh đường này. Lần đầu hôm 14-3-2013, tức là ngay sáng hôm sau khi được bầu làm Giáo Hoàng. Lần này có tính chất chính thức và cũng là lễ nhận Thánh Đường này.Đây là nhà thờ kính Đức Mẹ đầu tiên và lớn nhất được xây cất ở Tây Phương, và cũng được coi là biểu tượng tột đỉnh lòng sùng kính của dân Chúa, đặc biệt là dân Roma, đối với Mẹ Maria. Nhân dịp ĐTC viếng thăm, ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma được đặt cạnh bàn thờ chính

Từ Đền Thờ Đức Bà Cả chúng tôi đến thăm Nhà thờ kính Đức Mẹ nổi tiếng, nơi có bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

9. NHÀ THỜ ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP

Theo tương truyền, một anh chàng đi buôn đã lấy trộm bức ảnh lạ này từ một Nhà thờ ở đảo Creta vùng biển Địa trung hải. Anh ta đã giấu bức ảnh này trong hành lý của mình và đi thuyền về hướng Tây. Anh ta đã vượt qua cơn sóng gió nguy hiểm và cập bến bình an. Khoảng một năm sau, anh ta đến Roma với bức ảnh đã lấy trộm. Khi lâm chung người lái buôn mong ước được bạn bè săn sóc trước khi chết. Lúc ấy anh ta mới bật mí về bức ảnh và xin người bạn trả lại bức ảnh lạ đó cho Giáo hội. Nhưng bà vợ của người lái buôn lại không muốn mất đi kho tàng tôn giáo quý báu ấy. Vì vậy người lái buôn chết đi mà không thực hiện được điều nguyện ước. Sau cùng, Đức Mẹ hiện ra với một bé gái 6
tuổi trong một gia đình ở Roma và ra lệnh cho em nói với mẹ và bà của em rằng bức ảnh lạ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phải để ở Nhà thờ Thánh Matthêu Tông Đồ, nằm ở giữa hai Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả và Gioan Lateranô. Kể từ ngày 27 tháng 4 năm 1499, bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được tôn kính tại Nhà thờ đó trong vòng 300 năm. Sau đó, lòng sùng kính Đức Mẹ lan rộng khắp Thủ đô Roma, cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chúa Cứu Thế xin Đức Thánh Cha Piô IX ban cho Nhà dòng bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đó để trưng bày tại Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Đức Giáo Hoàng Pio IX nói với Cha Bề Trên Tổng Quyền rằng “Con hãy làm cho thế giới biết đến Mẹ”. Tháng 1 năm 1866, hai cha Michael Marchi và Ernest Bresciani đến Nhà thờ Đức Mẹ ở Posterula để đón
nhận bức ảnh này từ các Cha Dòng thánh Augustinô. Sau mấy tháng chuẩn bị, ngày 26.4.1866, bức ảnh này được trưng bày để mọi người đến tôn kính. Bên cạnh Nhà thờ trưng bày ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là Trụ sở Trung ương của Dòng Chúa Cứu Thế và Đại học Alphonso chuyên về luân lý rất nổi tiếng của nhà Dòng. Chúng tôi thành kính hát ca và cầu nguyện bằng kinh Mân Côi ca tụng Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nhiều người mua tranh thêu bức ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp tuyệt đẹp này.

10. NHÀ THỜ THÁNH PHÊRÔ BỊ TRÓI

Với nguồn gốc rất cổ xưa, ngôi Nhà thờ này được xây dựng vào thế kỷ thứ IV. Trước đây nó là một Vương cung Thánh đường kính các Thánh Tông đồ. Sau đó Nhà thờ này được Đức Giáo Hoàng Juliô II đại tu vào thế kỷ XV. Trong Nhà thờ có chứa thánh tích, đó là những xiềng xích Thánh Phêrô phải mang ở Giêrusalem, ở Roma, được chứa đựng trong một cái hòm đựng Thánh tích bằng đồng mạ vàng.

Một điểm thu hút quan trọng trong ngôi nhà thờ này là phần mộ của Đức Giáo hoàng Juliô II được Michelangelo thực hiện từ năm 1513 đến 1516 và chưa hoàn thành. Bên phải cung thánh có bức tượng điêu khắc nổi tiếng trên thế giới đó là tượng Môisen được Michenlangelo tạc cách sống động đến mức giống như người thiệt. Khi chiêm ngắm tác phẩm điêu khắc của mình, Michelangelo đã phải thốt lên với bức tượng: “tại sao không nói đi” và ông đã lấy một cái búa gõ nhẹ vào đầu gối tượng Môisen và gây một vết rạn nơi bức tượng.

Quý gối trước cung thánh, chúng tôi chiêm ngắm các thánh tích, đó là những xiềng xích Thánh Phêrô phải mang ở Giêrusalem, ở Roma, được chứa đựng trong một cái hòm đựng Thánh tích bằng đồng mạ vàng.

11. NHÀ TÙ MAMERTINO

Nhà thờ nằm bên trái đường Consolazione là Nhà thờ kính Thánh Giuse thợ mộc được G. della Porta xây dựng vào năm 1538. Dưới hầm Nhà thờ là nhà tù gồm hai phòng được xây chồng lên nhau. Phòng phía trên rộng hơn được làm nhà tù của Roma. Ở trên bàn thờ có tượng bán thân hai thánh Tông đồ Phêrô cầm Sách thánh và Thánh Phaolô cầm gươm. Tên của các tù nhân được khắc ghi trên hai tấm bia cẩm thạch (bây giờ được thay thế bằng hai tấm bảng gỗ). Phòng phía dưới thì bị ẩm thấp hơn được xây năm 387 trước Công nguyên vào thời kỳ người Gôloa xâm lăng Roma. Các tù nhân và tội nhân bị giam giữ ở đây trước khi bị hành quyết. Vua dân Numidia và Vercingetorix vua dân Gôloa bị Hoàng đế César bắt năm 49 cũng bị giam tại đây. Theo truyền thuyết, hai Thánh Phêrô và Phaolô cũng bị giam giữ tại đây trong vòng 9 tháng nên người ta mới gọi đây là nhà tù Thánh Phêrô. Theo tương truyền ở phòng này có một mạch nước được Thánh Phêrô làm phép lạ cho vọt lên dùng để rửa tội cho hai người canh ngục trở lại đạo Kitô giáo. Mạch nước vọt lên ngay chân cột nơi các tù nhân bị trói với xiềng xích và đánh đòn trước khi bị đem ra hành quyết. Bức tranh trên tường của phòng này thuật lại biến cố Thánh Phêrô rửa tội cho hai người giữ ngục. Xiềng xích của Thánh nhân được trưng bày tại đây. Đối diện với nhà tù giam Thánh Phêrô là Nhà thờ kính hai Thánh Luca và Martina. Nhà thờ này được xây trước thế kỷ thứ 7 và được P. de Cortona xây dựng lại vào năm 1640 gồm hai nhà thờ Thánh Luca ở tầng trên và Thánh Martina ở tầng dưới.

Lên khỏi nhà tù là nhìn thấy khải hoàn môn Constantinô, nay đang được khai quật khảo cổ.

12. KHẢI HOÀN MÔN CONSTANTINÔ

Khải hoàn môn Constantinô ở Roma nằm giữa Colosseum và đồi Palatinô. Thượng viện La mã ra lệnh xây dựng để kỷ niệm cuộc chiến thắng của Hoàng đế Constantinô trước Maxentius tại trận chiến ở cầu Milvian vào ngày 28/10/312. Nó được hoàn thành và dâng kính hoàng đế vào năm 315, đây là Khải hoàn môn cuối cùng ở Roma và là Khải hoàn môn sử dụng rộng rãi những vật liệu đã tước đoạt trong cuộc chiến thắng và tái sử dụng lại một số phù điêu lớn của các dinh thự hoàng thế từ thế kỷ thứ hai. Nó đem đến một sự tương phản nổi bật và danh tiếng về phong cách đối với sự điêu khắc sáng tạo mới của Khải hoàn môn.

Sau các cuộc chiến thắng, các hoàng đế Roma đã đi ngang qua Khải hoàn môn này khi họ khải hoàn tiến vào thành phố Roma. Tuyến đường Khải hoàn bắt đầu từ Campus Martius đi ngang qua Circus Maximus rồi đi vòng quanh qua đồi Palatinô nằm phía sau Khải hoàn môn, cuộc rước sẽ rẽ trái ở Meta Sudans và diễu hành dọc con đường Via Sacra đến Forum Romanum và dẫn đến đồi Capitoline, đi ngang qua hai Khải hoàn môn Titô và Septimius Severus.

13. NHÀ THỜ THÁNH PHAOLÔ TRE FONTANE

Ngôi nhà thờ này nằm ngay tại địa điểm nơi Thánh Phaolô đã chịu tử đạo. Theo tương truyền khi bị xử trảm, đầu của thánh nhân đã nảy lên 3 lần và mỗi lần tiếp xúc với mặt đất thì từ chỗ đó đã phát sinh một ngọn suối cách lạ thường. Cho nên địa danh này mới có tên là Nhà thờ Tre Fontane (Nhà thờ ba ngọn suối). Có 3 cây thông bằng đá ngay tại địa điểm này. Trong một cuộc khai quật vào năm 1857, người ta tìm thấy một đỉnh cây thông bằng đá ở đây.

Ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng vào thế kỷ thứ 5. Đến năm 1599 được Giacomo della Porta xây lại. Ngôi nhà thờ hiện nay thuộc quyền sở hữu của Dòng Trappist cũng mang cùng tên.Trong Nhà thờ có ba bia kỷ niệm về ba ngọn suối, nhìn vào thấy ánh sáng đèn vàng hắt lên lung linh như dòng sưới đang chảy.

Di tích của nền nhà thờ bằng đá khảm thời Roma sau này được lưu giữ lại. Người ta cho rằng nó được đem về đây từ vùng Ostia, một cảng của Đế quốc Roma thời đó.

14. BỂ NƯỚC TREVI

Đây là bể nước đẹp và nổi tiếng nhất tại Roma. Nước ở đây còn được gọi là nước “Trinh Nữ” do hoàng đế Agrippa cho dẫn về Roma vào năm 19 trước Công nguyên để cung cấp nước cho các hồ tắm của hoàng gia. Gọi là “nước trinh nữ” vì xưa có một cô gái chỉ mạch nước này cho quân lính Roma. Hệ thống dẫn nước kéo dài 20 cây số ngang thung lũng Gilia. Đức Giáo Hoàng Urbano 6 mở rộng hệ thống này và cuối cùng Đức Giáo Hoàng Clemente 12 chỉ định kiến trúc sư Salvi xây bể nước này vào năm 1762. Tượng thần Neptuno, thần biển oai hùng đang đứng trên cỗ xe song mã đi lên từ lòng biển, hai bên có hai tượng ốc len khổng lồ. Hai lỗ ở hai bên tượng trưng cho sự Lành Mạnh (bên phải) và Phong Phú (bên trái). Hình trạm nổi bên trên diễn tả cảnh cô gái chỉ mạch nước cho quân lính Roma và hoàng đế Agrippa chấp nhận dự án dẫn nước về Roma. Bốn tượng ở trên diễn tả cảnh phong phú của bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Theo thói quen, du khách muốn ước mơ điều gì thì họ cầm đồng tiền quay lưng ném ngược vào bể nước. Họ có thể được điều họ xin hoặc họ chắc chắn sẽ trở lại Roma lần nữa. Chúng tôi ném nhiều đồng tiền và ném ngược đều rơi vào bể nước đang chảy, chắc chắn sẽ trở lại Roma lần nữa.

15. ĐỀN THỜ PANTHEON

Đây là một trong những kiến trúc của Roma thời Cổ đại được giữ lại gần như nguyên vẹn. Trước đây là vị trí của một ngôi Đền thờ cũ được vị Tổng tài Marcus Agrippa xây dựng để dâng kính bảy vị thần tinh tú. Vào khoảng năm 120- 125 Hoàng đế Adriano của Roma cho xây dựng lại và ông vẫn giữ lại tấm bia nguyên thủy của ngôi Đền “M. AGRIPPA L.F. COSTERTIUM FECIT” (Marcus Agrippa, con của Lucius, vị Tổng tài thứ 3 đã xây dựng ngôi Đền thờ này). Chung quanh ngôi Đền thờ trông rất hùng vĩ với 16 cột đền bằng đá nham thạch đỏ cao 12,5m. Bên trong có bảy căn phòng hình chữ nhật và hình bán nguyệt xen kẽ nhau. Trước các căn phòng có 2 cột đền kiểu Côrintô cao gần 9 thước. Trong 7 căn phòng này có tượng của 7 vị thần tinh tú. Đền thờ có mái vòm với chiều cao và đường kính bằng nhau là 43,3m. Mái vòm Đền thờ này lớn hơn mái Đền thờ Thánh Phêrô. Trần của mái vòm được trang hoàng bởi 5 hàng họa tiết hình vuông càng lên cao thì các họa tiết này càng nhỏ lại. Nền Đền thờ được lát bằng nhiều thứ đá cẩm thạch màu sắc rực rỡ. Vào cuối thế kỷ thứ 6, Hoàng đế Roma ở Byzantine là Phoca dâng Đền thờ Pantheon cho Đức Giáo Hoàng Bonifacio 4. Đến năm 609, vị Giáo hoàng này thánh hiến Đền thờ và dâng kính Đức Mẹ và các Thánh Tử Đạo. Hài cốt của các Thánh Tử Đạo từ các hang toại đạo được mang về đây để cất giữ dưới bàn thờ. Trong dịp thánh hiến Đền thờ, khi ca đoàn hát kinh Vinh danh, dân thành Roma được chứng kiến cảnh tượng ma quỷ vùng dậy và bay ra khỏi Đền thờ qua lỗ hổng ở trên mái vòm Đền thờ có đường kính 9 mét. Ánh sáng bên ngoài lọt vào Đền thờ qua lỗ hổng này. Trong thời gian khi các Đức Giáo Hoàng bị quân địch tấn công, Đền thờ này được sử dụng làm pháo đài kháng cự. Vào thời Trung cổ, Đền thờ này trở thành biểu tượng của thành phố Roma.Bức tranh “Thiên Thần truyền tin” ở bàn thờ bên phải. Mộ của Hoàng đế Victor Emmanuel II, vị vua đầu tiên của Italia qua đời năm 1878 và mộ của hoàng hậu Margarita. Đối diện với hai ngôi mộ này là mộ của vua Umberto I bị ám sát năm 1900. Bên phải mộ của vua Umberto I là mộ của danh họa Raphael Sanzio. Bên trên ngôi mộ này có tượng Đức Mẹ do Lorenzetto tạc theo lời di chúc của Raphael. Ở đây cũng có một số nghệ nhân nổi tiếng được chôn cất như Perin de Vaga, Annibal Carrache, Taddeo Zuccari

Quảng trường Patheon trước mặt tiền Đền thờ do G. delle Porta xây năm 1578 được trang hoàng với một tháp bút Ai Cập đứng giữa bồn nước.

Sau đó đoàn chúng tôi đến dâng lễ tại một Nhà thờ đặc biệt ở Roma, đó là Nhà thờ Hiệu toà của Tôi tớ Chúa, Đức Hồng Y FX.Nguyễn Văn Thuận và có phần mộ của ngài. Tại đây, ai cũng thấy ấm áp và gần gũi. Mọi người quỳ gối cầu nguyện trước mộ phần của ngài và dâng những bài ca tán tụng Thiên Chúa.

16. NHÀ THỜ SANTA MARIA DELLA SCALA, Nhà thờ Hiệu toà của Đức Hồng Y FX.Nguyễn Văn Thuận.

a. Lịch sử:

Nhà thờ này được xây dựng (1593-1610) để tôn vinh Đức Mẹ. Truyền thống cho rằng khi bức ảnh thánh được đặt trên nền của một cầu thang gác trong căn nhà bên cạnh, nơi đó người mẹ cầu nguyện trước bức ảnh thánh và Đức Mẹ đã làm phép lạ chữa lành đứa con dị dạng của bà. Được hiến dâng cho Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Bức ảnh thánh này nằm ở phía bắc cánh ngang của Nhà thờ, dọc theo đó là bức tượng Thánh Gioan Thánh Giá theo nghệ thuật Baroque. Nó nằm kế cận một Tu viện nổi tiếng trong đó có nhà thuốc của cung điện Giáo Hoàng vào thế kỷ 17 (người ta vẫn còn giữ
được đồ nội thất và trang thiết bị của nhà thuốc này). Năm 1650, gần năm mươi năm sau khi hoàn thành tòa nhà, Carlo Rainaldi đã thiết kế một ngôi Nhà thờ hình Baldachino với 16 hàng cột mảnh mai bằng đá quý ngọc thạch anh (jasper) theo kiểu nghệ thuật Corintô và một bàn thờ cao.Năm 1849, trong giai đoạn cuối cùng cuộc chống cự của Cộng hòa Cách mạng Roma chống lại sự xâm lặng của quân đội Pháp, Santa Maria della Scala đã được sử dụng như một bệnh viện điều trị binh lính của Garibaldi bị thương trong cuộc chiến ở Trastevere.

b. Nghệ thuật trong Nhà thờ

Dàn hợp xướng, lòng giữa Nhà thờ và mái vòm của cánh ngang phía bắc của Nhà thờ được trang trí với những đường chỉ nổi giống nhau, trong khi cánh ngang phía nam có những đường chỉ nổi bằng vữa và thánh tích của Thánh Têrêsa Avila (một trong hai bàn chân của ngài).

Nhà thờ còn có bức họa cuộc trảm quyết của Thánh Gioan Tẩy Giả của họa sĩ Hà Lan là Gerrit van Honthorst và một bức họa Cái chết của Đức Trinh Nữ của họa sĩ Carlo Saraceni.

Thánh lễ tối nay do Cha Lộc OP chủ tế giảng lễ và chủ sự nghi thức chúc hôn cho 7 đôi vợ chồng kỷ niệm 20 năm đến 50 năm hôn phối. Phúc lành của Đức Hồng Y FX chan hòa trên mọi người chúng tôi.

Sau lễ, Cha Trác bạn cùng lớp đang làm việc ở viện đại học Angêlicum cùng với cha Nguyên, cha Huệ đang du học đãi anh em chúng tôi bữa tiệc tại quán ăn Á đông rất tuyệt.

Khởi đầu ngày thứ tư ở Roma, chúng tôi đi thăm Đại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Laterano

17. ĐẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH GIOAN LATERANO

a. Lịch sử

Vào cuối thế kỷ thứ III, Đế quốc Roma theo chế độ “Tứ đầu chế” tức là có 4 vị tiểu hoàng đế trị vì: tại vùng Nocomedia có Hoàng đế Diocleziano, vùng Sirmium có Hoàng đến Galerio, vùng Milano có Hoàng đế Massimio và vùng Trevi có Hoàng đế Costanzo Chlore. Ngày 28 tháng 10 năm 312, tướng La Mã Constantino (306- 337) con của hoàng đế Costanzo Chlore chiến thắng quân của hoàng đế Massenzio (306- 312) là con của Hoàng đế Massimio ở cầu Milvio, và khải hoàn tiến vào Roma. Ngày nay chúng ta còn thấy Khải hoàn môn Constantinô ở cạnh đấu trường Côlôseum ghi nhớ việc ông khải hoàn tiến vào thành Roma. Sau đó ông trở thành hoàng đế Roma ở đế quốc Tây Phương. Nhờ vào dấu hiệu Thánh giá trên bầu trời với hàng chữ latinh “cứ dấu hiệu này ngươi sẽ chiến thắng”. Tướng Constantinô đã cho đúc hình Thánh giá trên các khiên thuẫu của binh sĩ ông và quả nhiên ông đã chiến thắng đạo quân của hoàng đế Massenzio

Năm 313, ông ra chiếu chỉ tại Milano, ngưng bách hại các người Kitô hữu, cho tự do hành đạo, và ra lệnh trả lại tất cả tài sản đã tịch thu của Giáo Hội trong thời kỳ bách hại của các hoàng đế tiền nhiệm. Sau cùng, hoàng đế trở lại đạo Công giáo và ấn định Chúa nhật là ngày nghỉ hằng tuần.

Vào khoảng năm 313-318, Hoàng đế Constantinô đã ra lệnh xây Thờ Chúa Cứu Thế ở khu vực Laterano. Đây là khu vực của gia tộc Laterano giàu có đã bị hoàng đế La mã là Nero (54- 68) tịch thu tài sản, sau khi ông ta đã giết người cuối cùng của gia tộc này là Plauzio Laterano bằng cách gán cho ông này tội mưu phản.

Hoàng đế Constantino ra lệnh san bằng doanh trại rộng lớn của đoàn quân cận vệ hoàng đế Massenzio để lấy đất xây Đền thờ Chúa Cứu Thế. Qua quyết định này, ông làm một công đôi việc, một đàng muốn phá hủy dấu tích hùng vĩ của đối phương, đàng khác muốn tái khẳng định ý định nâng đỡ Kitô giáo.

Theo các sử gia, sở dĩ Hoàng đế Constantino chọn khu vực ngoại ô này của thành Roma hồi đó để xây Đền thờ đầu tiên của Kitô giáo, cạnh tường thành Aurelia, là để khỏi đụng chạm đến sự nhạy cảm của nhiều người dân Roma hồi đó vẫn còn theo ngoại giáo.

Tương truyền kể lại rằng: Hoàng đế Constantino bị bệnh phong cùi. Đêm kia trong giấc mộng, ông được Thánh Phêrô và Phaolô hiện ra và hứu chữa khỏi nếu ông lãnh nhận bí tích Rửa tội. Hoàng đế ra lệnh tìm kiếm Đức Giáo Hoàng Silvestro1 (314- 335) và Ngài rửa tội cho hoàng đế năm 314 và chữa ông khỏi bệnh phong cùi. Để tỏ lòng biết ơn, hoàng đế ra lệnh xây cất Đền thờ này.

Năm 334, Đền thờ được Đức Giáo Hoàng Silvestro I thánh hiến. Theo tương truyền có ảnh Chứa Cứu Thế “achiropita”, nghĩa là không do tay người phàm vẽ ra, xuất hiện cách lạ lùng trong lễ thánh hiến Đền thờ. Sau này, ảnh này được vẽ lại trên mặt tiền và được coi là phép lạ suốt thời Trung Cổ.

Đền thờ này là Thánh đường đầu tiên của Giám Mục Rôma, và cũng là Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Rôma. Thánh đường này được gọi là “Mater et Caput”, là Mẹ và là Đầu của tất cả Nhà thờ khác trên thế giới.

Đền thờ này cũng tượng trưng cho sự trỗi dậy của Kitô giáo. Thật vậy, sau chiếu chỉ tha đạo của hoàng đế Constantino, một cộng đoàn Kitô hữu đã xuất đầu lộ diện, công khai cử hành phụng vụ và biểu lộ đời sống đức tin. Đền thờ này tượng trưng cho chính Giáo hội

Vì tầm quan trọng này, nên lễ Cung Hiến Đền Thờ Thánh Gioan Laterano hằng năm được cử hành với lễ kính bậc hai vào ngày 9 tháng 11, quan trọng hơn cả lễ Cung Hiến Đền Thờ Thánh Phêrô và Phaolô, cử hành với bậc lễ nhớ bậc ba vào ngày 18 tháng 11.

Đền thờ này lúc đầu được dâng kính Chúa Cứu Thế, sau đó dưới thời Đức Giáo Hoàng Gregorio 1 (590- 601) thì lại được dâng kính cả hai Thánh Gioan Tẩy Giả và Gioan Tông Đồ. Dân chúng ở Roma có lòng kính mến đặc biệt đối với thánh Gioan Tông Đồ, vì theo tương truyền (có nhiều sử liệu chứng minh, trong đó có cả Tertulliano), Thánh nhân đã thoát khỏi cuộc hành hình cách lạ lùng tại thành Roma: tại đây ngài bị dìm vào một chảo dầu đun sôi (cách cửa Latina vài mét, ngày nay có Đền thờ nhỏ kính thánh Gioan ở trong chảo dầu – mang tên San Giovanni in Oleo). Đức Giáo Hoàng Ilaro (461- 468) đã thoát khỏi cuộc bạo động của những người rối đạo, sau đó để ghi ơn, ngài đã cho xây một Nhà nguyện cạnh giếng rửa tội hiện nay ở Laterano, và quyết định dâng kính Đền thờ này cho thánh nhân. Cho nên Đền thờ hiện nay mang tên Gioan Latêranô do Đức Giáo Hoàng Lucio đặt tên vào năm 1144.

Đền thờ chịu nhiều phá hủy qua dòng thời gian: bị quân man di Genserico cướp bóc vào năm 455: bị động đất vào năm 896. Tổng cộng có hơn 20 vị Giáo Hoàng xây cất, tái thiết, tu bổ và trang hoàng Đền thờ. Đặc biệt vào giữa thế kỷ 17, Đức Giáo Hoàng Innocentê 10 (1644- 1655) đã ủy thác cho kiến trúc sư Francesco Borromini điều chỉnh sửa lại hoàn toàn ngôi Đền thờ. Năm 1735 mặt tiền Đền thờ như ta thấy hiện nay với cổng vào do kiến trúc sư Alexandro Galilei thiết kế. Năm 1885 Đức Lêô 13 cho sửa lại hậu cung Đền thờ.

Như thế, trong 10 thế kỷ, từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIV, Đền thờ này cũng như tòa nhà bên cạnh đây là trung tâm của Giáo hội Roma, là trụ sở và là biểu tượng của Đức Giáo Hoàng. Cho nên các nhà nguyện, đan viện, nhà trọ và khách sạn được thiết lập chung quanh Trung Tâm này.

Chính tại Đền thờ này, Đức Giáo Hoàng Innocentê III (1198- 1216) đã bãi chức hoàng đế Otto, và phê chuẩn luật dòng của Thánh Phanxico Assisi. Tại đây đã khởi xướng nhiều cuộc xuất quân của Thập tự chinh để tái chiếm Thánh địa khỏi tay người Hồi giáo. Năm 1300, Năm Thánh đầu tiên của Giáo hội được củ hành tại đây.

Vào năm 1962, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII muốn đưa Tòa Giám Quản Roma đến Laterano và đặt trung tân hành chánh của Giáo phận Roma trong Tòa giám quản này. Sau đó, Đức Phaolô VI đã cho xây tại Vatican các khu bảo tàng viện mới để lưu giữ các kỷ vật trước kia để ở Laterano như Bảo tàng viện truyền giáo và nhân chủng học.

b. Kiến trúc

Mặt tiền Đền thờ có từ thế kỷ XVIII trông rất cân đối, và được coi là hùng vĩ uy nga nhất trong số các mặt tiền Đền thờ ở Roma. Kiến trúc sư Alessandro Galilei, người Florence đã thiết kế mặt tiền này vào năm 1735 theo lời yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Clemente XII. Tất cả đều bằng cẩm thạch, và rất phù hợp với quảng trường phía trước. Bên trên nóc tiền đường ở giữa là tượng Chúa Cứu Thế, hai bên là tượng Thánh Gioan Tẩy Giả cầm Thánh giá, và Gioan Tông Đồ cầm chén lễ. Hai bên có 12 vị thánh Tiến sĩ Giáo hội La tinh và Đông phương, mỗi tượng cao 7 mét, tượng trưng sự hiệp nhất giáo lý của Hội Thánh Kitô. Tổng cộng là 15 tượng. Bốn Thánh tiến sĩ Giáo hội Đông phương là: Gregorio Nazianzeno, Basillio, Gioan Kim Khẩu, và Anatasio. Bốn thánh tiến sĩ Giáo hội Tây phương là Ambroxio, Augustino, Giêronimo và Hilario.

Mặt tiền có ghi hàng chữ: “Sacrosancta Lateranensis ecclesia omnium uthis et othis ecclesiarum mater et caput”. Mẹ và Đầu của tất cả nhà thờ ở Roma và trên thế giới.

Ở giữa mặt tiền Đền thờ, có ban công chính, các Giáo Hoàng thường ban phép lành cho dân chúng trong dịp Năm Thánh. Cũng tại đây Đức Hồng Y Gaspani, nhân danh Đức Piô XI ký hiệp định Laterano với Italia, thành lập Nhà nước Vatican năm 1929, tái lập sự độc lập pháp lý và lãnh thổ của Tòa Thánh. Từ lúc đó, Đức Giáo Hoàng mới long trọng nhận Đền thờ này là Nhà thờ Chính tòa của mình, với tư cách là Giám Mục Roma.

Trong hành lang ở tiền đường Đền thờ, ở phía tay trái, có tượng Hoàng đế Constantino

Các hình nổi trên xà cửa Đền thờ diễn tả những biến cố trong cuộc đời thánh Gioan Tẩy Giả.

Từ thời đầu tiên cho đến ngày nay chỉ còn lại sơ đồ 5 gian và Đền thờ dài 130 mét, gian chính rộng 16 mét, và dài 87 mét.

Trong gian chính của Đền thờ, có 30 cột bằng cẩm thạch màu vàng, ở hai bên có tượng 12 thánh Tông Đồ (cao khoảng 6 mét) do Đức Clemente IX (1700- 1721) cho tạc. Bên trên có hình nổi kể lại sự tích Cựu ước và Tân ước.

Trần Đền Thờ bằng gỗ thật huy hoàng do kiến trúc sư Pirri Ligorio khởi sự theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Piô IV (1559- 1565), ngài thuộc gia tộc Medici nên có huy hiệu của ngài. Công trình này được hoàn thành dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô V (1566- 1572). Gần tường lối vào là huy hiệu của Đức Piô VI (1775- 1799) là vị đã cho trùng tu trần đền thờ này.

Tranh khảm đá ở hậu cung Đền thờ là của 2 nghệ nhân Jacopo Torriti và Jacopo da Camerino, thực hiện từ 1288 đến 1294 với chủ đề tuyên dương Thánh Giá. Trên mây là Chúa Cứu Thế, có hình các thiên thần xung quanh. Giữa là Thánh giá có hình chim bồ câu đậu trên. Thánh giá ở trên ngọn đồi bao trùm Jêrusalem thiên quốc từ đó có 4 dòng sông chảy xuống là 4 Phúc Âm, giải khát cho cho các con nai và chiên tượng trưng cho dân Chúa. Bên trái có hình Đức Mẹ và Đức Giáo Hoàng Nicola IV đang quỳ, 2 thánh Phêrô và Phaolô. Bên phải có Thánh Gioan và Anrê. Có hai hình nhỏ là Thánh Phanxico Assisi ở bên trái và Thánh Antôn Padova ở bên phải được vẽ thêm vào theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Nicola IV, vì ngài thuộc dòng Phanxicô.

Toàn bộ bức tranh khảm đá này được tháo gỡ ra trong cuộc trùng tu hồi năm 1896, rồi được ghép trở lại, nhưng vì thế bị mất đi phần lớn giá trị nguyên bản.

Ở cánh ngang Đền thờ, gần cửa ra vào bên phải, có đàn phong cầm vĩ đại với 2 ngàn ống, đây là một trong những đàn phong cầm quan trọng nhất tại Italia, được 2 cột lớn bằng cẩm thạch màu vàng, trang trí bằng gỗ mạ vàng, chống đỡ. Do kiến trúc sư Luca Blasi thiết kế năm 1599.

Có nhiều phần mộ trong Đền thờ này, đặc biệt là của các Hồng Y Rasponi (1670), Casati (1287), Antoni del Portogallo… Các vị Giáo Hoàng Sergio IV (1012), Alexandro III.

Bàn thờ của Đức Giáo Hoàng ở điểm chính giữa Đền thờ, được thiết kế lại vào năm 1851. Trước đây, chỉ có Đức Giáo Hoàng được làm lễ tại bàn thờ này mà thôi. Trên bàn thờ có lọng tán kiểu Gôtích, được trang trí bằng những bức bích họa có từ thế kỷ 13. Bàn thờ hiện nay bao gồm bàn thờ cũ bằng gỗ do 33 vị Giáo Hoàng đầu tiên sử dụng, từ thánh Phêro tới thánh Silvestro (thế kỷ thứ I đến IV).

Phần dưới bàn thờ được thiết kế vào thế kỷ thứ IX, ở bên dưới có mộ Đức Giáo Hoàng Martino V Colouna (1484- 1492), là vị Giáo Hoàng đầu tiên ở đây sau cuộc ly khai của anh em chính thống Đông và Tây phương. Ngài cũng là vị đã cho thực hiện lát nền đền Nhà thờ bằng nhiều đá cẩm thạch màu sắc khác nhau.

Theo tương truyền phần trên của Nhà tạm do Đức Urbano V thiết lập năm 1367, với khung xám bằng sắt, có giữ đầu của Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ. Trong thời quân Pháp xâm lăng vào năm 1799, hai Thánh tích này bị cướp mất và phá hủy. Ngày nay, người ta có thể thấy vật sao lại do nghệ nhân Valasier làm. Trong Mặt nhật đựng Thánh tích bên trên bàn thờ để Mình Thánh Chúa (làm năm 1600) có giữ một mảnh gỗ bàn bằng gỗ rất cổ kính và đơn sơ, theo tương truyền ở Roma, đây là bàn thờ, trên đó Thánh Phêrô đã cử hành thánh lễ. Thánh tích này chỉ được trưng bày ngày lễ Phục Sinh.

Ngày nay, Đền thờ này do một vị Hồng y thay mặt Đức Giáo Hoàng làm Giám quản.

c. Giếng Rửa tội

Ở khu vực bên phải Đền thờ, sau Tòa giám quản có giếng rửa tội. Giếng này có từ thời hoàng đế Constantino (theo lưu truyền vị hoàng đế này đã được Đức Giáo Hoàng Silvestro rửa tội tại đây) và từ năm 432 dưới thời Đức Giáo Hoàng Sixto III (432- 440), giếng rửa tội có hình bát giác, sau đó trở thành kiểu mẫu cho các giếng rửa tội trong toàn thể thế giới Kitô giáo. Giếng này được trùng tu vào năm 1637 dưới thời Đức Giáo Hoàng Urbano VIII.

d. Tháp Bút

Đây là tháp bút cao nhất và cổ kính nhất Roma, cao 47 mét tính cả bệ (không có bệ thì cao 32 mét). Tháp bút này bằng đá hoa cương màu đỏ của Ai cập cổ từ thế kỷ XIV trước Công nguyên, và được đưa từ Thèbes bên Ai Cập (tại đền thờ thần Ammoni) về Roma hồi thế kỷ thứ 4, theo lệnh hoàng đế Constanzo 2 trên một con tàu đặc biệt để chở tháp này về Roma. Tháp được đặt tại Circo Massimo dưới chân dinh thự Palatino. Vậy là tháp này có độ tuổi 3.500 tuổi.

Năm 1588 Đức Giáo Hoàng Sixto V đã tái thiết và cho chở từ Circo Massimo về Latêranô và dựng trước Đền thờ. Trước mặt bệ tháp có ghi hàng chữ: “Constantino, người chiến thắng nhờ sự chuyển cầu của Thánh Giá, đã được Thánh Silvestro rửa tội tại nơi này, ông đã truyền bá vinh quang của Thánh Giá”.

Tiện đây cũng xin ghi nhận Roma là thành phố cổ có nhiều tháp bút nhất thế giới, tổng cộng có chừng 13 tháp.

e. Khu vực cạnh Đền thờ

Gần Đền thờ có tường thành do Hoàng đế Aurelio xây vào thế kỷ thứ III và có cổng San Giovanni. Phía trước Đền thờ có đài kỷ niệm với tượng thánh Phanxico Assisi, nhắc lại sự tích vào năm 1210, thánh nhân cùng với các bạn đến Laterano để xin Đức Giáo Hoàng Innocentê III phê chuẩn luật dòng của mình.

18. CẦU THANG THÁNH, Scala sancta.

Đây là một trong những Thánh tích được các tín hữu hành hương đến Roma kính viếng. Theo tương truyền, Cầu thang này đã được Chúa Giêsu leo lên leo xuống 3 lần trong dinh Tổng trấn Philato: lần đầu khi Chúa bị dẫn tới trước mặt Tổng trấn, lần thứ hai lúc Chúa bị vua Hêrôdê gửi trả lại Tổng trấn Philatô; lần thứ ba khi Chúa bị kết án tử hình.

Thánh nữ Helena đã đem Cầu thang này từ Giêrusalem về Roma năm 326. Hoàng đế Constantinô con của Thánh nữ đã tặng Cầu thang này cho Đức Giáo Hoàng Silvestro I (314- 337), và ngài đặt Cầu thang thánh này tại dinh Lateranô. Cầu thang thánh lưu lại đây hơn một ngàn năm, cho đến khi Đức Giáo Hoàng Sixto V (1585- 1590) ra lệnh phá hủy tòa nhà cũ của dinh Giáo Hoàng và đặt trong tòa nhà mới, gần đối diện với Đền thờ Gioan Laterano. Ban đêm Cầu thang thánh được đưa tới địa điểm mới: đưa từng bậc một từ dưới lên cao. Tòa Thánh đã ủy thác cho các cha Dòng Thương Khó có Tu viện ở bên cạnh đó coi sóc Đền thờ này. Khi hành thương đến đây, các tín hữu thường quì và leo lên 28 bậc Thang Thánh bằng cẩm thạch được bọc gỗ cho khỏi mòn. Cho đến
năm 1723, các bậc thang của Cầu Thang thánh còn mang những vết máu từ vết thương Chúa Giêsu, nhưng sau đó bị mòn và biến mất. Ở bức tường quanh Cầu Thang thánh có những bức họa liên hệ đến ngày thứ năm và thứ sáu Tuần Thánh: bên phía dưới bên trái là cảnh Bữa Tiệc Ly, bên phải là cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Trên đầu Cầu Thang thánh là cảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

Trên đầu Cầu Thang thánh có nhà nguyện gọi là Sancta Santorum chứa đựng các Thánh tích vô giá mang về từ Thánh địa và một số hài cốt của các vị tử đạo Roma thời Giáo Hội tiên khởi. Đó là nhà nguyện riêng của các vị Giáo Hoàng thời Trung Cổ từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII, và được dâng kính Thánh Lorenso.

Ở đây vẫn có một bảo vật được người Roma rất quí chuộng, đó là bức ảnh Chúa Kitô bằng bạc có gắn đá quí được mang trong các cuộc rước của Đức Giáo Hoàng qua các đường phố ở Roma hồi năm 756, do Đức Giáo Hoàng Stephano II chủ sự, để cầu xin Chúa bảo vệ thành Roma chống lại cuộc xâm lăng của người Lombardi. Vào mùa Chay, các xứ đạo ở Roma thường tổ chức hành hương tại Cầu Thang Thánh để cầu nguyện và thống hối đền tội bằng việc đi bằng đầu gối lên các bậc thang của thang thánh này. Họ cũng xưng tội và tham dự thánh lễ tại đây.

Đá cẩm thạch của Cầu Thang thánh chỉ có ở Trung Đông mà thôi. Người ta tự hỏi có thật là Chúa Giêsu trong cuộc Khổ nạn đã leo lên cầu thang này 3 lần hay không? Cha Fioravanti là Bề trên nhà Dòng Thương khó phụ trách coi sóc Nhà thờ nói: “khác với quan niệm về Thánh tích của chúng ta thời nay, đối với các tín hữu thời Trung cổ, Thánh tích là một biểu tượng đưa tâm trí chúng ta hướng về Chúa Giêsu, Mẹ Maria hay một vị thánh. Có lần Cha lấy tay chỉ vào những vết lõm trên đá cẩm thạch quanh bàn thờ ở Nhà nguyện và nói rằng: “Các bạn có biết bao nhiêu tín hữu hành hương đã đi qua và quỳ cầu nguyện tại đây và họ đã để lại những dấu vết này?”.

Chúng tôi dâng thánh lễ tại Nhà nguyện Sancta Santorum, sát bên Cầu Thang thánh.Cha Tú, Phó xứ Trung chánh chủ tế và giảng lễ.

Sau cơm trưa, chúng tôi tiếp tục đi thăm thêm hai Nhà thờ nữa.

19. VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH GIÁ GIÊRUSALEM

a. Thánh giá bị chôn vùi và bị xúc phạm

Đồi Gôngôtha với ngôi mộ táng xác Chúa đã trở thành nơi hành hương nổi tiếng vì các người Kitô hữu thường xuyên đến kính viếng và cầu nguyện. Tình trạng này khiến người Do thái và dân ngoại lo âu. Hoàng đế Adrianô (117-138) vào những năm cuối đời ông đã trở thành vị bạo Chúa rất ghét Kitô giáo. Ông ra lệnh làm ô uế đồi Gongôtha và ngôi mộ bằng cách lấp đầy đất và bít kín lối vào ngôi mộ rồi ra lệnh xây một đền thờ kính thần Jupiter và một đền thờ kính nữ thần Venus.

b. Thánh nữ Helena tìm thấy Thánh giá

Nhờ vào dấu cây Thập giá hiện ra trên nền trời (in hoc signum vincit: cứ dấu hiệu này ngươi sẽ thắng) tướng Constantino đã cho tạc hình Thập giá trên các khiên của binh sĩ dưới quyền, trong cuộc chiến chống lại quân của Hoàng đế Massenziô là con của Hoàng đế Massimiô vào năm 312 và đã chiến thắng vị hoàng đế này và Constantino đã lên ngôi hoàng đế Roma. Một năm sau, năm 313 ông ra chiếu chỉ tại Milan ngưng bách hại các Kitô hữu và chính ông đã gia nhập Kitô giáo. Thân mẫu của Hoàng đế là Thánh nữ Helena theo gương con mình trở lại đạo Công giáo lúc bà 64, 65 tuổi. Bà sống đơn sơ thánh thiện.

Hoàng đế Constantinô đã cho xây một ngôi Thánh đường lớn trên đồi Gongotha và trên mộ Chúa Giêsu và được thánh hiến vào năm 335. Hiện nay khu vực Nhà thờ Mồ thánh ở Giêrusalem là địa điểm hành hương nổi tiếng nhất ở Thánh địa

Theo tương truyền Hoàng thái hậu Helena vào năm 80 tuổi, đã đến hành hương Gierusalem để cầu nguyện cho con mình là Hoàng đế Constantinô vì ông này đã ra tay giết chết vợ mình là Hoàng hậu Fausta và cả hai hoàng tử của ông đều bị kết án là phản loạn. Trong cuộc hành hương Thánh địa, Thánh nữ Helena đã tìm thấy cây Thập Giá Chúa cùng với tấm bảng viết của Philatô gắn vào cây Thập giá.

Thánh Cyrillo (+386), kế vị Thánh Macario làm Giám Mục Thành Jerusalem, đã viết cho Hoàng đế Costanzo, con của Hoàng đế Constantino: “Dưới thời Constantino, thân phụ của Ngài, Cây gỗ cứu độ đã được tìm thấy ở Jerusalem”. Costanzo qua đời năm 361, nên chắc chắn bức thư của Thánh Cyrillo đã được viết trước ngày đó. Thánh nữ Helena gửi một mẩu Thánh giá thật cho Hoàng đế Constantino. Một phần Thánh giá bà đích thân mang về Roma, phần còn lại vẫn lưu giữ tại Jerusalem. Theo sử gia Socrate, việc tìm thấy cây Thánh Giá Chúa xảy ra vào khoảng năm 325 hoặc 326.

c. Thánh giá đến Roma

Năm 329, Thánh nữ Helena từ Giêrusalem lên tàu quay trở về Roma, và mang theo nhiều Thánh tích: gỗ Thánh giá, đất thánh ở đồi Gongotha, vài cái đinh đóng chân tay Chúa và vài cái gai trong vòng gai đội trên đầu Chúa. Bà đặt các di tích thánh này trong tư dinh của mình ở khu vực Sessoriano. Cũng năm đó thánh nữ qua đời.

d. Xây dựng Nhà thờ Thánh giá

Để tưởng niệm thân mẫu, Hoàng đế Constantino đã biến một phần dinh thự ở Sessoriano thành ngôi Nhà thờ để chứa một khúc Thánh giá thật. Qua nhiều lần thay đổi và trùng tu cuối cùng vào thế kỷ XVIII, Nhà thờ có hình dáng như chúng ta thấy ngày nay.

Trong Nhà thờ chứa các Thánh Tích: gỗ Thánh Giá, có chứa cả một cánh thập giá của người trộm lành cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Năm 1561 Đức Giáo Hoàng Pio IV đã ủy thác cho Dòng Xitô nhiệm vụ coi sóc Nhà thờ Thánh Giá này.

Vào thế kỷ XVI, Đức Thánh Cha Piô V cho phép chuyển các Thánh Tích tới nhà nguyện mới khô ráo hơn, thay vì nhà nguyện nằm dưới đất ẩm thấp. Nhà nguyện hiện thời được bố trí nhân dịp Năm thánh 1925. Bước vào, chúng tôi thấy thanh ngang cây Thập giá người trộm lành dài 178 cm, dày 13 cm. Nhà nguyện được khánh thành năm 1930, và hoàn tất năm 1952.

e. Các Thánh tích

Từ phần Thánh giá được Thánh nữ Helena mang về từ Giêrusalem, hiện thời chỉ còn 3 mảnh nhỏ. Điều này cho thấy Thánh tích cây gỗ Thánh giá Chúa ở Nhà thờ Helena đã chịu cắt xén nhiều lần do sự kiện các vị Giáo hoàng cắt xén nhiều lần để tặng cho các vị vua hay hoàng tộc. Tính chất xác thực của Thánh giá Chúa ở Đền thờ Thánh giá Giêrusalem được chứng thực qua nhiều văn kiện. Trong các văn kiện phụng tự, cũng chứng tỏ. Thánh Gregorio Cả (+604) đã ấn định ngày thứ sáu Tuần Thánh được cử hành ở Đền thờ Thánh Giá Jerusalem. Chính Đức Giáo Hoàng cùng với các giáo sĩ và giáo dân đã đi rước không mang giày vớ từ Đền thờ Laterano đến Đền thờ này để thờ lạy Thánh Giá Chúa.

Ngày 19 tháng 9 năm 1780, nhân viên của chính phủ Cộng Hòa Tibêria đến gặp Linh mục coi sóc Đền thờ là cha Sisto Benigni, OC., với lệnh tịch thu Thánh tích. Vị linh mục này hiểu chính phủ Cộng hòa muốn tiêu hủy Thánh tích vì ghét đạo Công giáo, nên bất chấp sự đe dọa, ngài không trao chìa khóa nhà nguyện cho họ. Khi ông Prefetto người thực hiện lệnh tịch thu của chính phủ đến, cha Sisto dấu chìa khóa đi, nên ông buộc lòng ra lệnh phá cửa bên trong Nhà nguyện, đe dọa, nhưng sau cùng rồi ông động lòng và không thực hiện lệnh tịch thu. Nhờ đó các Thánh tích được cứu vãn. Vào năm 1803, nữ quận công Tây Ban Nha Villa-Hermorsa dành tiền để thuê các nghệ nhân làm bình đựng Thánh tích mới chứa đựng gỗ Thánh Giá Chúa. Ông Joseph Valadier đã thực hiện công trình này. Hiện nay ba mảnh Thánh giá được giữ trong bình đựng quý giá này. Chúng tôi lên tận nơi quỳ gối cầu nguyện và chiêm ngắm.

g. Tấm bảng án gắn trên đầu Thánh giá

Đền thờ này được tu bổ nhiều lần. Trong lần tu bổ năm 1491- 1492, khi sửa mái Đền thờ, người ta tìm được một hộp bằng chì dài 2 gang tay, đóng kín trong đó có bảng gỗ dài một gang tay rưỡi, trên đó có 3 hàng chữ được khắc trên gỗ. Mỗi hàng là một loại chữ khác nhau. Hàng thứ nhất bằng tiếng La tinh, hàng thứ hai bằng tiếng Hy lạp, hàng thứ ba bằng tiếng Do thái cổ. Đó là bảng án Tổng trấn Philatô ra lệnh cho viết: Giêsu Nagiarét vua người Do thái. Ngày khám phá ra là ngày 1.2.1492. Ngày 12.3.1492, Đức Giáo Hoàng Innocente VIII đã đến xem bản án đó. Năm 1496, Đức Giáo Hoàng Alexandro VI xác nhận sự khám phá đó là thật.

20. VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH CLEMENTÊ

(Nhà thờ có lai lịch cổ xưa nhất tại Roma)

Vương Cung Thánh Đường thánh Clementê là một nhà thờ Công giáo nhỏ dành riêng cho Đức Giáo Hoàng Clementê. Nhà thờ hiện nay được xây dựng trước năm 1.100, thời kỳ đỉnh điểm của thời Trung Cổ. Bên dưới nhà thờ hiện nay là một Nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ thứ IV đã được chuyển đổi từ một căn nhà của một người quý tộc La Mã. Một phần trong đó đã có từ thế kỷ thứ nhất được dùng trong một thời gian ngắn như là ngôi Nhà thờ đầu tiên, và tầng hầm trong đó vào thế kỷ thứ 2 đã được sử dụng trong một thời gian ngắn như là một hang động. Căn nhà của nhà quý tộc La Mã có được xây dựng trên nền của một tòa nhà thời cộng hòa. Tòa nhà này đã bị phá hủy trong một trận hỏa hoạn lớn vào năm 64 trước công nguyên.

Ngôi Nhà thờ cổ xưa đã được thay đổi qua dòng thế kỷ từ một nhà tư nhân thành nơi thờ phượng bí mật của người Kitô hữu vào thế kỷ thứ nhất đến một đại Vương cung Thánh đường vào thế kỷ thứ VI, điều này phản ánh tính hợp pháp và quyền lực của việc phát triển Giáo hội Công giáo. Joseph Mullooly đã phát hiện ra các dấu vết khảo cổ học lịch sử của Vương cung Thánh đường này vào năm 1860. Trong nhiều thế kỷ, Thánh Clementê đã trở thành ngọn hải đăng cho các nghệ sĩ và các điêu khắc gia của Giáo hội được hưởng nhờ sự hào phóng của đế quốc.

Ngôi Nhà thờ đầu tiên là địa điểm của các Công đồng dưới sự chủ trì của Đức Giáo Hoàng Zosimus (417) và Symmachus (499). Sự kiện lớn cuối cùng đã diễn ra tại ngôi Nhà thờ thấp hơn đó là cuộc bầu cử chọn Đức Hồng Y Rainerius làm Đức Giáo Hoàng với tước hiệu Paschal II vào năm 1099.

Nhà thờ hiện nay được xây dựng lại trong chiến dịch vận động của Đức Hồng Y Anastasius từ năm 1099 đến năm 1120.

Các Tu sĩ Đaminh người Ai len đã trông coi Nhà thờ Thánh Clementê kể từ 1667, khi Anh quốc đặt ra ngoài vòng pháp luật Giáo Hội Công Giáo Ai len và trục xuất toàn bộ Hàng giáo sĩ. Đức Giáo hoàng Urban VIII đã cho họ tị nạn tại Nhà thờ Thánh Clementê, nơi đây có một nhà dành cho các linh mục nghiên cứu và giảng dạy tại Roma. Dòng Đa Minh tự tiến hành các cuộc khai quật trong những năm 1950 với sự hợp tác với các sinh viên khảo cổ học Ý.

Đức Hồng y Linh mục hiện nay hiệu tòa Thánh Clêmentê là Adrianus Johannes Simonis, Tổng giám mục danh dự của Utrecht tại Hà Lan. Đức Giáo Hoàng Paschal II (1076-1099) đã từng là người có hiệu tòa này.

Sau cơm trưa, chúng tôi tạm biệt Roma và đi xe bus đến Rotondo, nơi có Đền thờ Thánh Piô Năm Dấu Thánh rất nổi tiếng thời hiện đại.

(Còn tiếp)
 
Giáo xứ Thạch Lập GP Vinh khai mạc tháng hoa kính Đức Mẹ
Nguyễn Trung Thành
08:32 07/05/2013
GIÁO XỨ LẬP THẠCH KHAI MẠC THÁNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ

Tháng Hoa lại về, trong tâm tình tạ ơn, tôn vinh Đức Mẹ Maria, Cha quản xứ cùng đoàn con cái giáo xứ Lập Thạch đã tổ chức đêm dâng hoa kính Đức Mẹ một cách long trọng vào lúc 19h30 thứ 7 ngày 04/05/2013, tại tiền sảnh của Trung tâm mục vụ Giáo xứ.

Tháng 5 là tháng Hoa kính Đức Mẹ, dâng hoa là một việc làm đạo đức mà người Kitô hữu thường làm trong tháng Hoa này. Trong suốt gần một tháng để tập luyện chuẩn bị cho đêm dâng hoa, với sự hướng dẫn và biên đạo múa của các Soeurs dòng Mến Thánh Giá Vinh. Gần 100 vũ công là các chị, các mẹ, các em đại diện cho cộng đoàn hăng say tập luyện bằng tất cả tấm lòng yêu mến và biết ơn Mẹ Maria nhân lành.

Đêm dâng hoa được tô dệt thêm bởi những điệu nhạc du dương và cung đàn trầm lắng hòa cùng với những điệu vũ nhịp nhàng đã thôi thúc hơn lòng sốt mến Mẹ nơi tâm hồn mỗi người. Những đóa hoa tươi, những ánh nến lung linh trong đêm như tô thêm sắc đẹp nơi tòa Mẹ. Các tiết mục được đan kết làm thành một chuỗi, dệt thành một khúc ca trìu mến để dâng lên Mẹ. Phần dâng hoa, nến và những nén hương trầm nghi ngút, tất cả là tấm lòng thảo kính, chúc tụng của đoàn chúng con thành tâm xin dâng lên Mẹ Maria kính yêu. Tuy các loài hoa có rực rỡ, muôn màu thế nào nhưng vẫn không thể nào sánh ví được với Mẹ. Vẻ đẹp của Mẹ không chỉ là vẻ đẹp bên ngoài mà còn là vẻ đẹp thánh thiện bên trong tâm hồn. Cuộc đời Mẹ đã sống trọn hai tiếng “Xin vâng” theo thánh ý Thiên Chúa dù Mẹ phải trải qua nhiều vất vả, khổ đau, thậm chí phải chứng kiến người Con yêu dấu bị chết treo trên thập giá. Nhưng Mẹ đã phó thác mọi sự nơi Thiên Chúa. Vì Mẹ tin tưởng rằng mọi việc xảy ra là theo ý định Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi Mẹ cũng như bất kỳ ai biết trông cậy nơi Ngài.
 
Cộng Đoàn Fatima vùng North Seattle cung nghinh Mẹ Fatima.
Nguyễn An Qúy
12:18 07/05/2013
Cộng Đoàn Fatima vùng North Seattle cung nghinh Mẹ Fatima.

SEATTLE.Trời Seattle khá đẹp với ánh nắng dịu dàng đã tạo nên khí hậu ấm áp, rất dễ chiụ khi về chiều của thời gian bước vào tháng Hoa, tháng kính Đức Mẹ.

Xem hình ảnh

Các gia đình giáo dân cư ngụ chung quanh phía Bắc thành phố Seattle qui tụ và cùng nhau sinh hoạt trong một Cộng Đoàn Đức tin Công Giáo Việt Nam chọn tước hiệu Mẹ Fatima. Hằng năm cứ bước vào đầu tháng kính Đức Mẹ cho đến ngày lễ Bổn mạng của Cộng Đoàn vào giữa tháng 10, các gia đình trong Cộng Đoàn thường có truyền thống Cung Nghinh Mẹ Fatima về từng gia đình trong Cộng Đoàn để cùng nhau chúc tụng thánh danh Mẹ và cầu nguyện chung với nhau vào mỗi tối Chúa Nhật cuối tuần. Đây là dịp gặp nhau đầy tình thân thương trong tinh thần liên kết giữa những người con Chúa trong một đại gia đình Cộng Đoàn. Hôm nay Chúa nhật ngày 05 tháng 5 năm 2013, đông đảo anh chị em giáo dân trong Cộng Đoàn đã cùng nhau tham dự thánh lễ khai mạc mùa rước Đức Mẹ năm 2013 về từng gia đình tại một tư gia. Trong bầu khí ấm cúng của gia đình, đúng 6 giờ, ông Chủ tịch Cộng Đoàn đại diện anh chị em Ban Điều Hành công bố khai mạc mùa Rước Đức Mẹ được bắt đầu bằng buổi đọc kinh lần hạt chung. Ông chủ tịch nói: Thưa toàn thể qúy ông bà và anh chị em, hôm nay Cộng Đoàn chúng ta bắt đầu cung nghinh Đức Mẹ Fatima về từng gia đình như mọi năm, đặc biệt năm nay Cộng Đoàn chúng ta cùng hiệp ý vơí giáo xứ cầu nguyện cho công việc xây dựng ngôi thánh đường và các cơn sở tại khu đất mơí được sớm hoàn thành tốt đẹp. Chiều hôm nay cha chánh xứ và cha phụ tá sẽ đến dâng lễ để cầu nguyện cho Cộng Đoàn. Trước khi dâng thánh lễ mời Cộng Đoàn cùng bắt đầu buổi đọc kinh.

Một Bàn thờ với thánh tượng Đức Mẹ Fatima được bài trí trang nghiêm với những ngọn nến lung linh cháy sáng. Trong bầu khí thiêng liêng, tiếng cầu kinh lần hạt Năm Sự Mừng để ca tụng Mẹ được toàn thể anh chị em có mặt đọc mốt cách sốt sắng. Hơn 6 giờ cha Nguyễn Sơn Miên đã có mặt và ngài cùng lần hạt, đọc kinh với Cộng Đoàn. Đúng 6 giờ 45 phút, thánh lễ tạ ơn được cử hành trọng thể do cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế và cha phụ tá Nguyễn Sơn Miên cùng đồng tế thánh lễ. Mở đầu thánh lễ cha chủ tế ngỏ lời chào mừng và cám ơn Cộng Đoàn đã duy trì truyền thống tốt đẹp hằng năm trong việc Cung Nghinh Đức Mẹ về từng gia đình trong những tháng mùa nắng để cùng nhau đọc kinh lần hạt và cầu nguyện chung với nhau.

Bài chia sẻ lời Chúa trong Thánh lễ, cha chủ tế cũng đã nhấn mạnh về ơn bình an mà Chúa Giêsu thường chúc cho các Môn Đệ của Ngài trong những lần Chúa gặp gỡ các Tông Đồ trước khi Ngài về Trời. Ngài nói: chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn được sự bìnnh an, bình an từ tâm hồn, bình an trong cuộc sống, khỏi lo lắng. Bài Tin Mừng Chúa cũng khuyên các Môn Đệ của Ngài: Các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Xin cho mỗi người chúng ta cũng đừng quá xao xuyến và lo lắng về của cải vật chất quá nhiều và hãy tìm cho mình sự bình an trong cuộc sống…”

Thể hiện tình liên đới trong Cộng Đoàn, phần lời nguyện giáo dân trong Thánh lễ, ngoài việc cầu nguyện chung cho Giáo hội và cho Cộng Đoàn, đặc biệt có phần cầu nguyện cho những anh chị em trong Cộng Đoàn đang lâm cảnh đau yếu, bệnh hoạn và nhất là cầu nguyện cho những thành viên trong Cộng Đoàn đã từ giả cõi đời.

Khi giáo dân rước Mình và Máu Thánh Chúa xong trong chốc lát, cha chánh xứ đã cùng với toàn thể Cộng Đoàn hiện diện cùng quỳ gối đọc kinh cầu nguyện cho giáo xứ, kinh có đoạn kết thúc như sau: “Xin Chúa đoái thương, chúc lành cho công cuộc xây dựng ngôi thánh đường và cơ sở của Giáo xứ chúng con. Xin Chúa Thánh Thần tác động mọi thành phần giáo dân chúng con, tăng thêm lòng hăng say, hy sinh, quảng đại, đồng tâm chung sức, góp phần vào việc xây dựng ngôi thánh đường và cơ sở sớm được hoàn tất mỹ mãn. Chúng con cầu xin, nhờ danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. AMEN.”

Sau lời nguyện kết lễ, ông chủ tịch Cộng Đoàn đã có lơì cám ơn ngắn gọnnhư sau: Kính thưá cha chánh xứ và cha phụ tá. Cộng Đoàn chúng con xin chân thành cám ơn quý cha đã bỏ thì giờ đến dâng Thánh Lễ tạ ơn khai mạc mùa Rước Đức Mẹ của Cộng Đoàn Đoàn chúng con, nhất cah Miên dù bận rộn nhiều công tác trong ngày Chúa nhật, cha cũng đến vơí Cộng Đoàn trong tâm tình hiệp thông và cầu nguyẹn cho chúng con. Xin cho một tràng pháo tay để tỏ lòng quý mến và cảm tạ hai cha.( tiếng vỗ tay vang dội kéo dài khá lâu) ông chủ tịc nói tiếp: Ban Đại Diện Cộng Đoàn xin cám ơn quý ông bà và anh chị em đến tham dự khá đông đảo. Xin các gia đình ghi danh Rước Đức Mẹ để chương trình cung nghinh Mẹ về từng gia đình trong năm nay được liên tục và sốt sắng. Đặc biệt chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho giáo xứ trong các buổi cung nghinh Mẹ về từng gia đình. Sau thánh lễ kính mời quý cha và toàn thể quý vị ở lại chung vui với gia đình hung con trong buổi mừng Rước Đức Mẹ hôm nay.

Trước khi ban phép lành kết thúc thánh lễ, cha chánh xứ một lần nữa cám ơn ông chủ tịch và toàn thể Cộng Đoàn và ngài cầu chúc cho công việc Cung Nghinh Mẹ trong Cộng Đoàn đươc mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng nhất là tạo được tinh thần liên đới đầy thân thương trong tình yêu của Chúa và Mẹ Fatima. Sau Thánh lễ, mọi người cùng chung vui tiệc mừng đơn sơ với những thức ăn rất Huế trong tinh thần thân thương và cùng hàn huyên tâm tâm sự thật đầm ấm. Mọi người chia tay ra về trong bình an vào khoảng 9 giờ tối.

Nguyễn An Quý
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hiệp Thông cho Quê Hương Việt Nam
Duy Hân
13:57 07/05/2013
Đoạn phim Hiệp Thông cho Quê Hương Việt Nam, tổ chức ngay sau buổi gây quỹ của Ủy Ban Yểm Trợ Xây Dựng Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản - Toronto, Canada vào tối thứ bảy 4 tháng 5, 2013 vừa qua.
Được biết vào sáng 5 tháng 5, 2013 tại ba công viên lớn ở Nha Trang, Hà Nội và Saigon, người dân đã hẹn nhau gặp gỡ để trao đổi về Nhân Quyền tại Việt Nam. Để tỏ tình đoàn kết hiệp thông, ban Tổ Chức đã kêu gọi một số đồng bào ở lại sau buổi cơm để nói lên tinh thần ủng hộ. Xin xem đoạn phim 9 phút do anh Nguyễn Tấn Hách thực hiện:


 
Văn Hóa
Tháng Năm
Trầm Hương Thơ
11:39 07/05/2013
THÁNG NĂM...

Tháng năm hoa nở khắp miền
Tháng năm kính Mẹ nhân hiền yêu thương
Tháng năm ngợp cả phố phường
Tháng năm khắp cả thánh đường tiến hoa

Tháng năm dâng Mẹ làm qùa
Tháng năm lần chuỗi mặn mà lòng con
Tháng năm thắm đậm nét son
Tháng năm liên lỉ vòng tròn chuỗi kinh

Tháng năm ngào ngạt ân tình
Tháng năm vạn đóa hoa xinh tỏa bừng
Tháng năm tháng nở kinh Mừng
Tháng năm lời hát vang lừng mến yêu

Tháng năm một buổi kinh chiều
Tháng năm giặc đến tiêu điều tang thương
Tháng năm chúng cướp giáo đường
Tháng năm giết cả học trường trẻ thơ

Tháng năm con cái bơ vơ
Tháng năm giặc bắt tôn thờ Mác, Mao
Tháng năm chúng dựng cổng chào
Tháng năm trình diện đồng bào tập trung

Tháng năm giặc đến tàn hung
Tháng năm đày đọa vào vùng sâu xa
Tháng năm tù ngục, mất nhà
Tháng năm bỗng lũ yêu ma quản người

Tháng năm ba tám năm rồi
Tháng năm nhớ lại bồi hồi xót thương
Tháng năm đóng cửa thánh đường
Tháng năm chuông lặng chán chường ngày xưa

Tháng năm con lại thân thưa
Tháng năm thống hối tội chừa, vươn lên
Tháng năm chuông sẽ vang rền
Tháng năm sẽ đẹp hơn lên từng ngày

Tháng năm tâm tịnh khoan thay
Tháng năm tràng chỗi mừng ngày Mẹ yêu
Tháng năm nghe tiếng chuông chiều
Tháng năm bác ái vươn nhiều từ bi.

Thanh Sơn 06.05.2013
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lên Chùa Thắp Hương
Nguyễn Bá Khanh
21:17 07/05/2013
LÊN CHÙA THẮP HƯƠNG
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Tay bưng đĩa nếp vô chùa
Thắp hương lạy Phật xin bùa cầu duyên.
(Ca dao)