Ngày 06-05-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:07 06/05/2011
N2T

48. Trừ phi các con đi thân cận với ma quỷ, chứ ma quỷ không thể tiếp cận các con, bởi vì cuộc sống của các con đã ở trên trời, mà ma quỷ thì không thể lên trời được.

(Thánh John Chrysostom)
 
Tôi lại say mê lần Chuỗi Mân Côi.
Mary Beth Bonacci
07:20 06/05/2011
Thực sự tôi không thích lần chuỗi, nhưng tôi đấu tranh với việc lần chuỗi cả đời tôi. Chúng ta gọi đó là một gia đình khi tôi là đứa con biết ơn cha mẹ đã dạy chúng tôi lần Chuỗi Mân Côi và cho chúng tôi biết tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Tôi chắc rằng nhiều hồng ân đến từ việc lần chuỗi chung cả gia đình. Dĩ nhiên khi còn nhỏ, chúng ta thích chơi hơn là cầu nguyện. Khi tôi ra khỏi nhà, tôi vẫn đem tràng hạt theo. (Tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện khi kết thúc Chuỗi Mân Côi, tôi khám phá sự thánh hiến cho Chúa Thánh Thần. Tôi đang tận hiến cả đời tôi cho Chúa Thánh Thần, dù tôi không nhận biết.)

Từ đó, tôi lần chuỗi nhiều lần. Tôi biết đó là một hình thức cầu nguyện quan trọng. Tôi biết Mẹ Maria muốn điều đó trong những lần Mẹ hiện ra. Tôi biết có nhiều ân sủng gắn liền với việc lần chuỗi.

Tôi cố gắng cầu nguyện đàng hoàng. Tôi biết rằng ý tưởng không tập trung vào từng lời kinh Lạy Cha và kinh Kính mừng, vì điều đó có thể khiến người ta “mất trí” (crazy) sau một lúc. Thay vì thế, chúng ta suy niệm các mầu nhiệm. Tôi chưa bao giờ dám coi mình là người suy niệm (meditator) tốt lành, cho nên nỗ lực đó khiến tôi cũng “mất trí” như vậy. Tôi thường ghi lại những cảnh tượng và cố gắng thu gom cách hiểu mới từ đó. Trong đầu tôi thường vang lên tiếng nói như thế này: “Mầu nhiệm thứ nhất mùa Mừng, Chúa Giêsu sống lại. Chúng ta ở ngôi mộ. Có Maria ở đó. Tôi không biết bà Maria mặc đồ gì. Tôi không biết hôm nay tôi mặc đồ gì. Tôi thực sự cần thêm quần áo”.

Lần chuỗi trở nên điều gì đó tôi “cần làm” – cầu nguyện và cố gắng tập trung vào mầu nhiệm đó, cảm thấy có lỗi khi tôi không đủ tập trung vào mầu nhiệm nào đó, và kết thúc việc cầu nguyện khi nghĩ về điều gì đó khác. Tôi thấy rằng các hình thức cầu nguyện khác “tác dụng” tốt hơn đối với tôi, thế nên tôi cứ theo cách đó.

Nhưng rồi vị linh hướng nói với tôi về Chuỗi Mân Côi mà tôi chưa hề biết. Ngài nói rằng đó là cách đến gần Chuỗi Mân Côi để “say mê Đức Mẹ”. Điều này có vẻ khả thi đối với tôi. Cuối cùng, tôi hoàn toàn bị thu hút và say mê. Có Đức Mẹ bên mình cũng như sự cải thiện rõ ràng vậy.

Tôi nói với ngài là tôi bị chia trí khi tôi lần chuỗi. Ngài hỏi: “Ai nói đó là chia trí? Có thể những điều đó len vào ý nghĩ khi cầu nguyện là những điều mà Chúa Thánh Thần muốn chúng ta đem vào lời cầu nguyện”. Tôi nói rằng đôi khi tôi thực sự “lên kế hoạch công việc” khi tôi “cầu nguyện”, ngài nói rằng có thể giờ cầu nguyện đúng là lúc tôi nên có kế hoạch cho cuộc đời mình, đem Chúa vào kế hoạch của mình.

Đây là phương pháp ngài đề nghị: Hãy bắt đầu nhờ Chúa Thánh Thần. Rồi xét mình, xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho biết những gì tôi cảm thấy vào lúc đó và cách mà Thiên Chúa có thể nói với tôi qua điều đó hoặc qua những trường hợp xảy ra trong cuộc sống. Rồi tôi gợi lên sự tưởng tượng – mời Mẹ Maria cùng ở với tôi và xin Mẹ ở bên tôi, nắm tay tôi hoặc ôm tôi, cùng cầu nguyện với tôi và dẫn tôi đến với Chúa Giêsu. NNếu tôi cầu nguyện cho người khác, tôi tưởng tượng người đó cùng cầu nguyện với tôi. Rồi tôi bắt đầu lần chuỗi.

Cách tôi tiếp cận các mầu nhiệm mỗi lần mỗi khác. Tôi tìm ra điểm cầu nguyện mà mầu nhiệm đó giao thoa với hoàn cảnh của đời tôi, hoặc người mà tôi cầu nguyện cho. Đôi khi tôi có thể xin một nhân đức kết hợp với mầu nhiệm đó. Nếu tôi không thực hiện với sự linh ứng thì tôi thực hiện ở mầu nhiệm cuối. Và tôi cứ tiếp tục mầu nhiệm đó. Đôi khi tôi có thể tập trung vào “sự chia trí” mà không có gì liên quan mầu nhiệm đó, nhưng tôi ghi nhớ và cần cầu nguyện.

Vị linh hướng chỉ ra rằng không có những “đề mục” (rubrics) đối với việc lần chuỗi – không có cách đặc biệt mà chúng ta phải cầu nguyện. Nếu chúng ta trải nghiệm những khoảnh khắc đó trong tâm hồn có vẻ như từ Thiên Chúa, chúng ta “nghỉ” lần chuỗi và đi tới nơi Ngài hướng dẫn chúng ta. Hoặc chúng ta có thể tiếp tục lần chuỗi và tập trung vào Chúa trong lúc đó.

Tôi cầu nguyện bằng nhiều yếu tố này, kêu xin Chúa Thánh Thần và chờ đợi chuyển động của Ngài trong tâm hồn tôi. Lúc đó tôi chiến đấu với tính “vô tổ chức” (unstructured-ness). Những lúc đó, không có gì xảy ra trong lời cầu nguyện, tôi đã lãng phí bộ óc nhiều để suy nghĩ: “Vâng, con nên làm gì bây giờ?” Chuỗi Mân Côi đã cho tôi một cấu trúc đẹp như vậy về nền tảng của lời cầu nguyện lặp đi lặp lại, các mầu nhiệm và hình ảnh Mẹ Maria đàng ngồi bên tôi.

Dĩ nhiên, cầu nguyện là một sự mầu nhiệm. Ở mức sâu lắng nhất, đó không là điều chúng ta làm, đó là điều Thiên Chúa làm trong chúng ta. Có lúc chúng ta cảm thấy mạnh mẽ, có lúc không. Phần chúng ta là mở lòng ra và tự đặt mình vào tình trạng có thể đón nhận.

Hiện nay, Chuỗi Mân Côi giúp tôi thực hiện điều đó.

(Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
 
Tại sao …?
Joseph Việt, O.Carm.
07:22 06/05/2011
Chúa Nhật Phục Sinh 3A (Lc 24:13-35)

Nếu bạn đã từng mệt mỏi, chán nản, cô đơn, thất vọng, mất phương hướng, rã rời, buông xuôi,…trên dòng đời này thì bài Tin Mừng hôm nay được dành tặng đặc biệt cho bạn.

Nếu bạn muốn đọc nội dung chi tiết của bài Tin Mừng này, xin bấm vào đây.

Mình xin tóm tắt nhanh nội dung như sau: Sau khi Thầy Giêsu chịu chết trên thập giá và được an táng trong mồ, các môn đệ sợ hãi, tán loạn. Hai người trong số họ hôm nay quyết định trở về quê cũ trong tâm trạng hoang mang, chán chường, thất vọng…. Trên đường đi, có một ‘vị khách lạ’ tiến đến làm quen và trò chuyện với họ. Vị này giúp họ hiểu những biến cố kinh hoàng mới xảy ra tại kinh đô Giêrusalem và hâm nóng lại tâm hồn họ. Cuối cùng, khi họ nhận ra ‘vị khách lạ’ là ai thì vị này “biến mất”. Lập tức, hai người trỗi dậy giữa đêm tối đi tìm những môn đệ khác để báo cho họ biết mình đã gặp lại Thầy.

Bạn mến, trong khuôn khổ thời gian có hạn, mời bạn cùng nhẹ nhàng suy niệm hai khía cạnh nho nhỏ sau đây, mỗi khía cạnh bắt đầu bằng câu hỏi: “Tại sao…?”

Khía cạnh thứ nhất, Thầy Giêsu phục sinh trong vai “vị khách lạ” hỏi một câu hỏi có vẻ ‘thừa’: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" (Lc 24: 17) ‘Thừa’ vì chính Thầy là người biết rõ hơn ai hết về tất cả những gì đã xảy ra. Biết rồi, sao còn hỏi? Bạn thân mến, Thầy Phục Sinh không chỉ biết những sự kiện xảy ra bên ngoài mà còn biết cả những tâm tư thẳm sâu bên trong lòng người. Thầy nhìn thấy sự hoang mang, nỗi sợ hãi, sự thất vọng và bao nhiêu xáo trộn khác đang diễn ra nơi tâm hồn hai môn đệ. Bao nhiêu áp lực đang dồn nén bên trong họ. Thầy hỏi ‘thừa’ vì Thầy rất tâm lý, tâm lý ở chỗ: hỏi để tạo cho họ một cơ hội ‘trút bầu tâm sự’. Thầy nhìn thấy nhu cầu được giải tỏa những dồn nén buồn đau bên trong. Bạn mến, chắc hẳn chúng mình cũng ít nhiều có kinh nghiệm về điều này. Khi lòng ta chất chứa cô đơn, chán nản, sầu lo, sợ hãi, buông xuôi, thất bại,… ta sẽ cảm thấy thật nhẹ lòng nếu có thể tâm sự với ai đó. Đây là một điều rất con người, phải không bạn?

Có bao giờ bạn cảm thấy mình chẳng biết tìm đến ai để tâm sự cho vơi cõi lòng? Thông thường, ta luôn có ai đó để giúp ta trong những lúc tâm hồn trĩu nặng. Theo kinh nghiệm của mình, bạn có thể tìm đến những người mà bạn đã từng quan tâm nâng đỡ lúc họ buồn đau, những người mà bạn đã từng cho mượn một bờ vai để khóc. Chính họ là những người có khả năng tiếp nhận và đồng hành với bạn nhiều nhất. Điều này cũng gợi ý cho ta về một việc thực tế cần làm để chuẩn bị cho những lúc ta rơi vào buồn đau: đó là ‘tranh thủ’ liên đới quan tâm đến người khác, càng nhiều càng tốt, để khi ta cần đến họ, họ sẽ cho ta mượn một bờ vai. Vẫn còn một điều quan trọng nhất cần nhớ là: Ta luôn có một Người Bạn tuyệt vời lúc nào cũng sẵn sàng chào đón, lắng nghe, cảm thông và giúp đỡ ta cho dù ta chưa bao giờ thật sự quan tâm đến Người đó. Người Bạn ấy tên là Giêsu, Người đã hỏi câu hỏi ‘thừa’ ở trên.

Bây giờ mời bạn suy niệm khía cạnh thứ hai: Khi hai môn đệ vừa nhận ra ‘vị khách lạ’ chính là Thầy Giêsu thân yêu vào lúc Thầy “bẻ bánh” trao cho họ thì Thầy “biến mất” (Lc 24:32). Tại sao lại “biến mất” mà không ở lại sum vầy?

“Biến mất” mà không hề mất. “Vắng bóng” mà luôn hiện diện. Thầy có đó. Điều này quá rõ. Nhưng thực tại này chỉ có thể cảm nhận được bằng kinh nghiệm đức tin chứ không phải bằng con mắt xác thịt. Thầy “biến mất” vì Thầy muốn nâng đức tin của họ lên một tầm vóc mới. Từ đây, họ được mời gọi gặp gỡ Đấng Phục Sinh ở một cách thức sâu xa, vượt lên trên chiều kích cảm giác của “thấy mới tin” (Ga 20:25). Quả thế, Thầy Giêsu phục sinh đã khẳng định với Tô-ma, người không chịu tin lời làm chứng của anh chị em, rằng: “Tô-ma, vì con đã thấy nên con tin. Phúc cho ai không thấy mà tin.” (Ga 20:27) bởi khi tin thì ông sẽ thấy. “Thấy” lúc này không còn là thấy ở cấp độ thấp ngày xưa (một con người Giêsu hữu hình) mà thấy ở cấp độ cao mới mẻ (Đức Giêsu Kitô Phục Sinh). Từ đây, “người Thầy” thân yêu mà họ gặp là Đấng có khả năng vừa bao trùm vừa thấu suốt mọi chiều kích không gian lẫn thời gian. Họ có thể gặp Người ở bất cứ nơi đâu, bất cứ trong tâm trạng hay hoàn cảnh nào. Bây giờ họ có thêm nhiều cách gặp Thầy hơn so với ngày xưa trước khi Thầy phục sinh. Bây giờ không gì có thể ngăn cách được sự hiện diện thẳm sâu của Thầy trong cuộc đời mọi người. Bây giờ, nhắm mắt lại họ vẫn có thể gặp Thầy.

Để khép lại suy tư hôm nay, mời bạn cùng nhìn một chi tiết đặc biệt quan trọng đã giúp hai môn đệ “lập tức” nhận ra Thầy. Đó là: Thầy “bẻ bánh” trao cho họ. Bạn thân mến, ta đang nói đến sự hiện diện của Thầy Giêsu Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể mà hằng ngày ta vẫn được mời tham dự. Thầy khao khát nuôi dưỡng sự sống trong ta. Thầy ao ước nâng đỡ ta trong những yếu đuối, lao khổ, sầu thương, hoài nghi, nản lòng, cô đơn, thất bại …Một khi đã đón nhận ‘tấm bánh Giêsu”, ta được mời gọi tiếp nối việc “bẻ bánh” ấy trong đời sống thường ngày. “Bẻ bánh” là bẻ chính mình ra mà trao cho người khác “ăn”. “Bẻ bánh” là tự nguyện vỡ ra để trở nên lương thực dưỡng nuôi tâm hồn anh chị em. Mời bạn cùng lắng nghe lại những lời trăn trối của Thầy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em…. Anh em hãy làm như vậy để tưởng nhớ đến Thầy!” (Ga 13:35, 15:12, Lc 22: 19, 1Cor 11:24-25)
 
Đường Emmau - Đường Damas
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
07:24 06/05/2011
Có thể nói đường đi Emmau có khác chi đường đi Đamas. Hai môn đệ chán chường về quê, Saolô hăng hái lên đường bắt bớ.Tiếc thương Đức Giêsu trên đường đi Emmau hay thù ghét Ngài trên đường đi Đamas, cả hai đều chỉ thấy Ngài trong cõi chết. Họ đều cần ơn “trở lại” để đổi mới cuộc đời.

Chính Chúa Giêsu Phục Sinh đã giúp họ trở lại bằng sự hiện diện đồng hành, bằng đòn quật ngã khỏi yên ngựa.

Dưới tác động của ân sủng, họ được biến đổi trở nên chứng nhân loan báo Tin mừng Phục sinh.

1. Hành trình Emmau:

Ai đã từng có một lần thất bại trong tình yêu hay trên đường sự nghiệp sẽ hiểu được tâm trạng buồn phiền chán nản, nặng trĩu ưu sầu của hai môn đệ trên đường Emmau. Mộng vàng tan bay, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng bỗng dưng đổ vỡ tan tành. Những năm tháng theo Thầy đi rao giảng, họ luôn ôm ấp hoãi bảo lớn lao. Thầy sẽ lập quốc,đánh đuổi đế quốc La mã.Thầy sẽ là vua. Họ sẽ là các quan đại thần quyền thế. Khát vọng vinh quang trần thế này không đúng ý Chúa, nhưng là động lực thúc đẩy các môn đệ.

Kể từ khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì đối họ, tất cả đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng giải thoát dân tộc.Thập giá được giương cao và vị cứu tinh được chờ đợi với biết bao kỳ vọng đã kết thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô nhục.

Nổi buồn mất mát và nổi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh. Họ đã không nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh đang cùng đi với họ. Ưu tư duy nhất là ưu tư về chính mình. Thái độ ấy đã bịt mắt, đã che đi nguồn sáng nên họ đã không nhận ra sự hiện diện đầy thân tình của Đấng Phục Sinh.

Đức Giêsu Phục Sinh đến như người bạn đồng hành. Ngài chăm chú lắng nghe họ kể nổi đau buồn. Ngài đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích Thánh Kinh “Bắt đầu từ Môisen và duyệt qua hết các tiên tri, chú giải cho họ những gì liên quan đến Người trong các bản văn Thánh Kinh”. Vậy thì cả lịch sử cứu độ hướng về Ngài và chỉ có ý nghĩa vì Ngài. Lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, mọi lịch sử chỉ là lịch sử cứu độ, lịch sử của Đức Kitô “Đức Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một”. Nghe Lời Chúa, lòng họ bừng lên, nội tâm được biến đổi.

Trong quán trọ, họ nhận ra Ngài qua cử chỉ bẻ bánh. Mắt họ mở ra khi “Đức Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng bẻ ra và trao cho họ”. Đó là cử chỉ của Chúa trong bữa tiệc ly, một dấu ấn đã in sâu vào tâm hồn các môn đệ. Cảm nhận bừng cháy trong tâm hồn khi Đức Giêsu ngõ lời, nhưng Ngài đã biến đi. Hai ông đã phục hồi niềm tin, đã tìm lại được Chúa, Đấng Hằng sống trên đường đời của họ.Từ nay, Chúa ở với họ,tỏ ra cho họ qua những dấu chỉ niềm tin, lôi kéo họ vào mầu nhiệm Phục sinh.

Con đường dẫn đưa những người lữ khách từ Giêrusalem đến quán trọ Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về Giêrusalem lại hoá nên gần gũi thân quen, bởi vì Tin mừng đang cháy bỏng trong tim và trên môi của họ. Họ gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đấng Phục sinh.

Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẽ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen.

Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các Ngài nữa vì Đấng Phục sinh đang cùng họ đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế.

2. Hành trình Đamas:

Trước khi trở lại, đối với Phaolô,Tin mừng về Đức Kitô quả là một chuyện vô lý nhất chưa từng nghe nói bao giờ. Giêsu đã sống lại. Môn đệ của ông ta loan báo rằng ông ta đã chết và đã sống lại.

Nghe bài diễn văn của Simon-Phêrô, người dân chài rao truyền rằng:Giêsu Nazareth, người mà Thiên Chúa đã uỷ thác bằng các phép lạ tuyệt diệu, người mà các ông đã bắt và đã kết tội tử hình,đóng đinh vào thập giá, nhưng Thiên Chúa đã phục sinh Ngài. Phải,Thiên Chúa đã cho cho sống lại…chúng tôi đã chứng kiến, tất cả chúng tôi đã là nhân chứng tại chỗ..

Saolô với tư cách là người có học, một biệt phái mộ đạo. Ông có thông biết thánh kinh bằng hay hơn kẻ chài lưới có bàn tay chai cứng ? Phêrô, Gioan đã nhân danh Đức Giêsu đặt tay lên người bệnh và người bệnh được khoẻ mạnh. Phêrô và Gioan đã bị nhốt trong ngục tối, cửa sắt khoá chặt, quân đội súng ống canh gác ngày đêm trước dãy tường kiên cố. Thế nhưng, Phêrô, Gioan đã được thả tự do bởi một bàn tay kỳ diệu. Người lạ gặp thấy hai ông đang lên tiếng to trong hành lang của đồn là Đức Giêsu đã sống lại, hai ông đã chứng thực về những phép lạ các ông cử hành nhân danh Thầy Chí Thánh.

Saolô không thể chấp nhận như thế mãi được, phải ra tay tiêu diệt bọn tà đạo này. Nhận lệnh từ Giêrusalem, Saolô lên đường đi Đamas. Dưới ánh nắng mặt trời chói chang, bụi tung mịt mù, trời nóng như thiêu đốt. Không quan trọng ! Saolô ra đi, điều cần thiết nhất là nhanh chóng bắt hết bọn tà đạo về Giêrusalem.

Và bỗng chốc, một luồng ánh sáng chói lọi bao phủ lấy Saolô làm ông ngã ngựa. Ông không còn thấy gì nữa. Ông nghe có tiếng gọi ông: “Saun,Saun,sao ngươi lại bắt bớ Ta?”

Ông hỏi lại: “Thưa Ngài, Ngài là ai?”. Tiếng nói lại âm vang: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại”( Cv 9,5). Saolô hoàn toàn bối rối. Ông nào có bắt bớ Chúa Giêsu, mà bắt bớ các môn đệ Ngài thôi ! Thê rồi ông chợt hiểu ra, Chúa Giêsu và các môn đệ ngài là một, và Saolô đã khuất phục: “Lạy Chúa,Chúa muốn con làm gì?”.Chúa truyền cho Saolô vào thành gặp Khanania. (Cv 9,5-8). Saolô đứng dậy, ông chớp mắt mà không thấy gì. Ông được đưa về Đamas. Sau ba ngày,có một người Dothái thuộc cộng đoàn mới đã đến gõ cửa và bảo: “Saolô,người anh em,hãy nhìn thấy lại”.Phép lạ đã xảy ra, Saolô lại thấy được. Saolô đã chịu phép rửa bởi tay Khanania. Ông cần thời gian để tĩnh tâm, học hỏi và cầu nguyện.Thế là ông rời bỏ Đamas để sang vùng Ảrập sống trong thanh vắng. Thầy của ông đã chuẩn bị 30 năm thì ông cũng phải chuẩn bị ba năm (Gal 1,17). Ba năm trời ông nghiền ngẫm thánh kinh, đối chiếu trực tiếp với Thần Khí Chúa để hiểu rõ Tin mừng. Ba năm trời đã cho ông tâm tình của Chúa Kitô,đã đồng hoá ông với Đức Kitô đến nổi ông phải tuyên bố: “Không phải tôi sống,nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi” ( Col 2,20).

Kể từ lúc sáng mắt, Saolô đã hoàn toàn đổi mới. Ông nhiệt thành loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa với tất cả thao thức “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5,14). Với tên mới Phaolô, vị tông đồ được Chúa chữa sáng mắt đã ra đi khắp chân trời góc biển rao giảng Tin mừng và trở nên vị tông đồ dân ngoại lừng danh. Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2,20).

Hành trình Đamas đã làm thay đổi cuộc đời Phaolô. Sống và chết cho Đức Kitô trong tiến trình của cuộc sống muôn màu của Phaolô mãi mãi vẫn thốt lên lời tuyên tín như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ, đói khát,trần truồng, nguy hiểm,gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta “ (Rm 8,35-39).

Đọc lại hành trình Emmau, hành trình Đamas để nhận thấy người Kitô hữu chỉ bắt đầu là Kitô hữu thực sự khi khởi đi từ niềm tin Chúa Kitô sống lại.

Trong hành trình theo Chúa, người tín hữu có lúc phải đối diện với vô vàn khó khăn phức tạp của đời sống muôn mặt. Có những thất bại, có những chống đối làm choáng váng, ngỡ ngàng hoang mang vì Đức Giêsu như không còn hiện diện và can thiệp. Ngài dường như bỏ mặc cho thế gian hoành hành.

Chính trong những lúc thất vọng hay bị bách hại thì Đức Kitô lại tỏ bày dấu chỉ để người tín hữu nhận ra Ngài đang hiện diện, đang đồng hành khơi lên niềm hy vọng tràn đầy.

Hãy biết nhận ra Ngài qua các dấu chỉ như hai môn đệ Emmau. Hãy biết nhận ra Ngài qua từng biến cố đau đớn như Phaolô té ngựa trên đường Đamas.

Với tất cả niềm tin và lòng yêu mến, nhất định người Kitô hữu sẽ trở nên chứng nhân của niềm hy vọng, chứng nhân của sự sống, chứng nhân của niềm vui.
 
Có Chúa luôn đồng hành
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
07:28 06/05/2011
Chúa Nhật III Phục Sinh A
Có lẽ ai đã từng thất bại trong tình yêu hôn nhân hay trên đường sự nghiệp sẽ hiểu được tâm trạng chán nản ưu phiền của hai môn đệ trên đường Emmaus. Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng bỗng chốc tan thành mây khói. Đúng như linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã viết trong một ca khúc của mình: “Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài”. Những năm tháng theo Thầy bôn ba rao giảng Tin Mừng, họ đã trọn niềm tin và niềm hy vọng vào Người. Tin Người là Ðấng Thiên Sai, Ðấng đã được các tiên tri loan báo từ ngàn xưa, và nay đã đến lúc Người sẽ ra tay giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách thống trị ngoại bang. Người sẽ đem lại sự ấm no và thịnh vượng cho dân tộc. Đồng thời Ngừơi sẽ thiên lập vương quốc và sẽ lên ngôi trị vì dân tộc. Còn họ sẽ là những nhân vật có chức cao quyền trọng.
Khát vọng vinh quang trần thế này cho dẫu không đúng thiên ý của Chúa Cha, nhưng lại là động lực thúc đẩy các môn đệ dấn thân theo tiếng gọi Giêsu. Bởi đó, họ đã sẵn sàng bỏ lại tất cả để theo Ngài : gia đình, nghề nghiệp và cuộc sống quen thuộc xưa nay của mình.
Song le giờ đây, Ðức Giêsu đã bị giết treo trên Thập giá một cách nhục nhã như thể một kẻ tử tội. Thầy của họ đã thất bại hoàn toàn! Tương lai sự nghiệp, tất cả đều đặt dấu chấm hết! Trước đây theo Chúa, hoài bảo lớn lao của họ là, nếu không được làm thủ tướng thì ít ra cũng là “bộ trưởng bộ giáo dục” hay “bộ trưởng bộ thương mại”…. Vậy mà bây giờ về làm … “tổ trưởng tổ dân phố” hay “công an khu vực” cũng không xong. Còn mặt mũi nào mà nhìn bà con lối xóm nữa vì lỡ lên mặt, lỡ to tiếng, lỡ nghêng ngang với họ rồi. Đau buồn hơn nữa là chính đức tin của họ đặt nơi Thiên Chúa cũng bị lung lay, lung lay đến tận gốc rễ trước cái chết tức tưởi của Thầy mình.
Chính lúc ưu sầu tuyệt vọng, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện đến như người bạn đồng hành. Ngài không an ủi họ kiểu “đừng tuyệt vọng tôi ơi, đừng tuyệt vọng”. Nhưng Ngài chăm chú lắng nghe họ trút bầu tâm sự, kể lể nỗi buồn đau. Ngài đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích cho họ hiểu các mầu nhiệm. Lời Ngài soi sáng, sưởi ấm cõi lòng u tối và lạnh giá của họ. Và rồi khi được Ngài mạc khải qua việc bẻ bánh, họ đã nhận ra Ngài. Lòng họ bừng sáng, trí họ tràn ngập hân hoan, tâm hồn họ rộn lên niềm vui khôn tả. Họ đã phục hồi được niềm tin, đã tìm lại được Chúa lòng của mình, Đấng Hằng sống. Cuộc đời họ được biến đổi từ đây.
Con đường dẫn đưa những người lữ khách từ Giêrusalem đến làng quê Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về Giêrusalem lại hoá nên gần gũi thân quen, bởi vì Tin mừng đang cháy bỏng trong tim và trên môi của họ. Họ gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ diệu kỳ với Đấng Phục Sinh.
Chúa Giêsu vẫn luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường, người sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc đời. Người vẫn hiện diện với chúng ta trong mọi Thánh lễ được cử hành hằng ngày, hiện diện trong Lời của Người và trong Bí tích Thánh Thể. Người sẽ biến đổi tâm trí và cõi lòng chúng ta như đã biến đổi hai môn đệ xưa hầu giúp ta nhận ra Người. Phần chúng ta, chúng ta có để cho Chúa bước vào tâm hồn mình hay không ? Và nhất là chúng ta có tha thiết mời Chúa ở lại với chúng ta vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn hay không ?
 
Bình an cho sứ vụ mới
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
07:30 06/05/2011
Chúa Nhật III Phục Sinh A
Việc đầu tiên khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ là Ngài trao ban bình an cho họ. Cũng dễ hiểu thôi bởi lẽ các môn đệ đang cần lắm sự bình an sau những chấn động do cuộc khổ nạn của Thầy mình. Dư chấn cuộc thương khó đang làm cho lòng các ông tan nát. Loạt tin tức về việc Chúa mất xác, Chúa sống lại, Chúa hiện ra… làm cho tâm hồn các ông rối bời như canh hẹ.
Ngay cả sau khi đã được Chúa Giêsu hiện ra cũng cố đức tin và kiện cường niềm hy vọng, các ông cũng cần lắm bình an của Chúa để khởi đầu cho một sứ vụ mới, sứ vụ làm chứng cho Tin mừng Phục sinh. Sứ vụ mới nay bắt đầu chính thức. Nhưng trước hết các ông cần có cái tâm an bình đã, vốn là hoa trái của đức tin. Có cái tâm an bình thì mới có thể đem tin bình an đến cho người khác được.
Dĩ nhiên sự bình an mà Chúa Kitô muốn trao cho các môn đệ của Ngài chắc chắn không phải là bình an theo kiểu của thế gian, như lời Ngài khẳng định : “Thầy ban cho anh em sự bình an không như thế gian ban tặng”. Bình an của thế gian theo nghĩa là không có chiến tranh, không có tai ương hay xáo trộn. Đặc tính dễ thấy nơi bình an thế gian là giả tạo, chóng qua. Vì bình an thế gian thường đến từ các “ngôn sứ giả” như thời Cựu Ước; bình an đến từ tiền bạc, danh vọng, quyền lực và những tiện nghi vật chất.
Thế bình an mà Chúa để lại cho các môn đệ là gì ? Thưa đó là bình an có Chúa luôn ở cùng, bình an có Chúa luôn hiện diện trong tâm hồn : “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Nói cách khác đó chính là bình an ơn cứu độ. Bình an đó còn là gì nữa ? Đó còn là chính Chúa Thánh Thần và các ân huệ của Người được Đức Kitô ban xuống trong tâm hồn các môn đệ vào ngày lễ Ngũ Tuần.
Đây là thứ di sản bền vững mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ; không như di sản trần thế : tiền bạc của cải, cổ phần cổ phiếu… là những thứ rất bấp bênh, nay còn mai mất, nay được giá mai mất giá….
Các môn đệ có được bình an vì đức tin của các ngài đã có đường vững chắc để đi, đức cậy của các ngài đã có lối rõ ràng để về. Bởi vậy sau này các ngài không còn lo âu xao xuyến sợ hãi nữa, dẫu cho bên ngoài có còn nhiều sóng gió thử thách.
Cuộc sống con người ngày hôm nay đang cần lắm sự bình an của Chúa. Bản thân cần sự bình an. Gia đình cần sự bình an. Cộng đoàn cần sự bình an. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết mở lòng ra đón nhận sự bình an của Chúa Kitô. Đồng thời biết trở nên như khí cụ bình an của Chúa, nghĩa là biết đem sự bình an của Chúa cho những anh chị em mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Amen.
 
Hành trình Emmau
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghía
07:32 06/05/2011
Chúa Nhật III Phục Sinh

Câu chuyên hai môn đệ trên đường đi Emmau thường được biểu trưng hành trình đức tin của Kitô hữu. Nói đến hành trình đức tin của Kitô hữu thì chúng không thể không nói đến một hành vi thờ phượng đỉnh cao trong Phụng Vụ là các buổi cử hành Thánh Thể hay còn gọi là Thánh Lễ. Dõi theo chân hai môn đệ năm xưa, xin được chia sẻ đôi tâm tình.

1. Các cơn giông tố hay nhũng thách đố của cuộc đời:

Hai môn đệ chán chường, mỏi mệt, rời Giêrusalem về quê cũ, Emmau. Thế là hết. Hết mọi hy vọng về một vương triều mới dưới sự lãnh đạo của Thầy Giêsu. Tất cả như vô vọng. Còn gì để mong khi xác Người đã nằm im bất động ngay trong huyệt lạnh. Một vài tin đồn khá giật gân từ miệng các phụ nữ. Ôi, phụ nữ! Ôi đàn bà! Thời nào chẳng vậy, từ không thành có cũng thường do các bà dựng nên. Chẳng còn lý do gì để lưu lại chốn kinh thành. Thôi đành về quê xưa, mang lại cảnh kiếp “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Hành trình đức tin Kitô hữu hôm nay và mọi thời, hẳn không thiếu những thì, những lúc, thấy mình chơi vơi, lạc hướng. Niềm tin đã nhiều lần chao đảo trước bao thử thách, cam go và cảnh hẩm hiu của số phận. Hình như Chúa bỏ tôi hay là Chúa có hiện hữu chăng? Nếu thực có Người và Người đang sống thì tình người sẽ không như thế và cuộc đời sẽ không như vậy. Bao ngang trái vẫn dẫy đầy. Người ngay gặp cảnh dữ, kẻ ác lại gặp vận may. Đâu phải là chuyện hoạ hiếm, mà trái lại, nó đang nhan nhãn thật khó chối cãi. Đôi lần và đã nhiều lần, bản thân tôi và cả bậc thánh nhân như muốn buông xuôi. Cứ mặc dòng đời trôi. Người ta sao, mình vậy. Anh hùng làm gì cho thiệt thân. Sao lại phải vất vả bơi ngược dòng cho khác người?

2. Tình yêu luôn cần đó một lời mời:

Một đôi khi đến Nhà Thờ nghe Lời Chúa, nghe giảng dạy, lòng cũng nóng lên như hai môn đệ đi Emmmau ngày nào. Quyết tâm ăn năn: không thiếu. Quyết tâm thay đổi: có nhiều. Nhưng rồi, ra khỏi Nhà Thờ, về với cuộc sống đời thường thì đâu lại hoàn đấy. Ánh sáng của Lời vừa le lói: “có qua đau khổ mới đến vinh quang” chợt vụt tắt. Hết lưỡng lự lại phân vân và rồi không thắng nổi cái sức ì của kiếp nhân sinh.

Ta có ngờ đâu, như xưa với hai môn đệ đi Emmau, Chúa Kitô Phục Sinh mãi đang đồng hành bên ta. Không nhận ra Người cũng là điều dễ hiểu. Tại mắt đức tin ta mờ tối hay lòng ta đang nặng trĩu muôn sự đời? Dẫu gì đi nữa thì Người chẳng để ta đơn côi. “Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Người vẫn đang đồng hành với ta khi vui cũng như lúc buồn, lúc chán chường cũng như khi hân hoan vui sướng. Người đang đợi ta. Người đang chờ ta. Tình yêu luôn mở ngõ với một lời mời.

3. Chuyện nghịch lý của tình yêu:

May thay, hai môn đệ đi Emmau đã mở lời nài ép người khách lạ vào quán trọ dùng bữa, qua đêm. Một nghĩa cử bình thường của tình nhân loại, thế thôi, nhưng cũng đủ thành duyên cớ để Chúa Kitô lưu lại cùng hai ngài và tái diễn các hành vi của Bữa Tiệc Thánh. Thiên Chúa chẳng hề bỏ qua một nghĩa cử nào của ta, dù là bé nhỏ, để bắt đầu một cuộc gặp gỡ. Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Ai mở cửa thì Ta sẽ vào dùng bữa với họ (x. Kh 3,20).

Chuyện nghịch lý đã xảy ra. Khi chủ mời khách dự tiệc đời thì khách lại trao ban cho chủ lương thực bởi trời. Vị khách lạ cầm lấy bánh bẻ ra, trao cho hai môn đệ. Khách chủ đổi ngôi. Tình yêu quả thật kỳ diệu. Chính khi trao ban là lúc lãnh nhận. Càng chia sẻ thì càng có thêm nhiều. Nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh là một hạnh phúc không gì so sánh.

4. Tình yêu là để thông chia chứ không phải để độc chiếm:

Vừa nhận ra Thầy Chí Thánh, Thầy vụt biến mất. Hạnh phúc là điều cần phải dệt xây chứ không phải để hưởng thụ. Ai càng cố nắm giữ thì sẽ mất. Hiểu được điều này, hai môn đệ vội vàng trở về Giêrusalem ngay giữa đêm khuya báo tin cho anh em. Tình yêu, hạnh phúc thúc bách ta cần chia sẻ, dù lúc trời nắng nhẹ hay giữa đêm khuya lạnh giá. Gặp gỡ, hiệp thông với đấng Phục Sinh để rồi chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã lãnh nhận.

Loan báo Tin Mừng là một hệ luận tất yếu của người đã nhận hồng ân, được cảm nhận Chúa Phục Sinh. Gian truân, bắt bớ, tù đày chẳng hề ngăn nổi bước chân các tông đồ, các môn đệ. Vừa được giải thoát khỏi tù ngục, các tông đồ đã lại hiên ngang rao giảng tại Đền Thờ (x.Cvtđ 5,17-26).

5. Thánh Lễ: một hành trình Emmau.

Người ta dễ dàng nhận ra bản trình thuật của Thánh Sử Luca về chuyện hai môn đệ đi làng Emmau được cấu trúc như tiến trình của Thánh Lễ gồm hai phần chính là Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Mỗi ngày đầu tuần tức là ngày Chúa Nhật, Kitô hữu tiên khởi quy tụ lại để họp mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Truyền thống của Hội Thánh từ xưa đến nay đều mừng Chúa Phục Sinh trong ngày Chúa Nhật, kể cả trong các mùa đặc biệt như mùa Vọng và mùa Chay.

Thật đẹp thay cứ mỗi tuần chúng ta họp nhau ít là một lần vào ngày Chúa Nhật để dâng lên Chúa mọi bao vui buồn sướng khổ của đời ta. Không một ai là khách lạ trong buổi cử hành Thánh Thể. Không một ai đến Nhà Thờ ngày Chúa chỉ vì luật buộc. Và ước gì không một ai đến họp mừng Chúa Phục Sinh với đôi bàn tay trắng trơn, khi họ không thực sự tham dự mà chỉ xem Lễ cách bàng quang, chiếu lệ.

Dâng lên Chúa trọn cuộc sống buồn vui và bao trăn trở của mình để rồi lằng nghe Chúa nói qua phần Phụng Vụ Lời Chúa. Xin đừng quên phần diễn giải Lời Chúa của giám mục, linh mục hay của thầy phó tế trong Thánh Lễ là một phần của Phụng vụ Lời Chúa. Ước gì tất cả mọi người không chỉ nói với Chúa và nghe Chúa nói mà còn được kết hiệp với Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí tích Thánh Thể. Và rồi cái gì đến sẽ phải đến. Những bước chân của chúng ta sau khi ra khỏi Nhà Thờ sẽ là những bước chân trong hân hoan, sẵn sàng chia sẻ niềm vui, chia sẻ hồng ân mình đã lãnh nhận. Mong sao cứ mỗi lần ra khỏi Thánh đường, lòng chúng ta lại rộng mở hơn xưa, cho kẻ lạ cũng như người thân, cho người đạo hạnh cũng như kẻ bất nhân bạc tình. Nếu được vậy thì đó là một trong những dấu chỉ nói lên rằng ta đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh, Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân trần.
 
Đàn con kính yêu Mẹ
Tuyết Mai
07:34 06/05/2011
Tháng 5 về, nơi đâu cũng nở rộ hoa muôn mầu sắc thắm! Ai trong chúng con cũng nôn nao rộn rã mừng vui, vì đón Mẹ trở về cùng chung vui với chúng con suốt trọn tháng 5 này!. Nhà thờ nơi đâu cũng đủ mầu sắc hoa. Từ ngoài đền Mẹ cho đến vào trong nhà thờ. Chúng con biết Mẹ rất yêu hoa tươi. Vì Mẹ rất đáng được chúng con tưởng nhớ; vì Mẹ đã trao ban cho chúng con một tràng hoa rất nhiệm mầu đó là Tràng Chuỗi Mân Côi. Biểu tượng cho hoa thiêng dâng Mẹ. Mỗi một chục kinh chúng con dâng lên Mẹ là một chục bông hoa tốt đẹp chúng con tiến dâng Mẹ. Đó là chục hoa hay tràng hoa dâng Mẹ mà Mẹ yêu thích nhất. Quả thật nhân loại chúng con chẳng có gì đáng để dâng lên Mẹ cả!. Chúng con chỉ biết dâng lên Mẹ những mầu sắc hoa để diễn đạt lòng chúng con rất yêu kính Mẹ. Không có Mẹ thì thế gian chúng con chẳng còn ai được lên Nước Chúa Mẹ ơi!.

Lậy Mẹ Maria Nữ Vương Thiên Đàng, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, và là Mẹ của toàn thể nhân loại chúng con! Xin Mẹ luôn đoái thương đến chúng con Mẹ nhé! Vì ngoài Mẹ ra không ai trong chúng con có thể thoát khỏi bàn tay công thẳng của Thiên Chúa Cha cả! Mẹ xin gì thì Thiên Chúa không bao giờ từ chối, vì chúng con biết Mẹ hằng vào Luyện Ngục và mang anh chị em chúng con trở về Trời, chung hưởng niềm vui hoan lạc trên Quê Trời; hưởng Nhan Thánh Chúa và sống một cuộc sống viên mãn hạnh phúc thiên thu bất tận. Toàn thể nhân loại chúng con là những con người nguội lạnh, thiếu đức tin, sống trong tội lỗi, đam mê của cải thế trần, đang tâm làm những điều sai trái để làm hại anh chị em của chúng con cách này hay cách khác. Có gì hay phải không thưa Mẹ là chúng con đang sống trong tội lỗi? Nhưng điều gì đã làm cho chúng con luôn sống trong tội lỗi? 10 Điều Răn Thiên Chúa thì chúng con đều phạm đủ và cứ thế chúng con cứ xưng đi xưng lại rất là nhiều lần, mà vẫn không thay đổi!?. Rồi thì tệ nữa chúng con cảm thấy bất xứng và bất lực, đành lòng chọn sống trong tội lỗi và đi sâu vào con đường của tội lỗi. Có phải Điều Răn Thiên Chúa, chẳng ai trong chúng con muốn theo và giữ được. Điều Răn của Chúa chẳng khác gì là gông là cùm là song sắt đã giam hãm chúng con, phải không thưa Mẹ?.

Đó là vì chúng con không hiểu đấy thôi, chứ khi chúng con đã được hiểu vì sao sống trên trần gian không nên phạm 10 Điều Răn của Thiên Chúa? Vì sao khi chúng con hiểu được rằng, dù hình phạt nhẹ cỡ nào trong Luyện Ngục cũng thành gấp trăm, không thể so sánh bằng với cái đau cái bệnh triền miên trên trần gian này phải chịu. Lửa của Luyện Ngục thì trên trần gian không có gì so sánh bằng; và thời giờ trong ấy dài đăng đẳng gấp trăm lần thời giờ ở trần gian. Nơi Luyện Ngục cho chúng ta hiểu rằng cũng có rất nhiều ngăn, nhiều chỗ, nhiều tầng để thanh luyện những linh hồn phạm tội; từ tội nhẹ cho đến tội trọng. Tội trọng nhất thì gần với Hỏa Ngục. Nếu chúng ta tưởng tượng và hiểu được điều này, thì con người chúng con mới biết sợ, và mới thông suốt được rằng Chuỗi Mân Côi là cách thức Cứu chúng ta tránh xa tội ở tại đời này và cả ở đời sau.

Nhiệm Mầu của chuỗi Mân Côi, giúp tất cả chúng ta khi xướng đọc là cùng được Đức Mẹ hợp lời cầu nguyện với chúng ta xin lên với Thiên Chúa cho sự thứ tha, và giúp cho chúng ta hướng trở về cùng Thiên Chúa. Kinh Mân Côi nòng chốt tối cần này y như lá bùa hộ mạng mà chúng ta cần phải có bên mình. Kinh Mân Côi khi xướng đọc sẽ làm cho tất cả quỷ ma phải chạy thật xa đến nơi trú ngụ của chúng là Địa Ngục. Chúng sao có thể quấy nhiễu chúng ta được chứ???. Khi sự cám dỗ bắt đầu khơi dậy trong tư tưởng, xin tất cả hãy lấy chuỗi Mân Côi, quỳ đọc một cách sốt sắng, thì bảo đảm mọi cám dỗ sẽ tan biến đi hết và trả lại cho chúng ta sự sống an bình. Mẹ yêu chúng ta tha thiết và không muốn linh hồn của chúng ta phải bị giam hãm đời đời nơi Hỏa Ngục trầm luân. Nếu chúng ta không biết ăn năn sám hối sớm để trở về với Thiên Chúa; nếu chúng ta không sớm tập đọc Chuỗi Mân Côi sớm tối; thì khi chúng ta ra đi khỏi đời này Nơi mà chúng ta đến là Luyện Ngục, chúng ta sẽ ân hận vô cùng, vì khi ấy không ai chịu dùm hình phạt cho chúng ta cả!. Lúc ấy Đức Mẹ muốn giúp chúng ta vô cùng nhưng Ngài cũng không thể vì những tội trọng chúng ta đã phạm khi còn sống ở trần gian, mà không cần biết để ăn năn và đền tội.

Luyện ngục có thể ví dụ như có rất nhiều tầng, nhiều ngăn, và nhiều ngách? Tầng sâu nhất là nhận lãnh những cực hình đau đớn nhất và rùng rợn nhất. Những hình phạt ấy có thể nói rằng chưa từng thấy ở trên trần gian này. Những linh hồn đau đớn la lối thật thảm thiết mà không thể chết đi được, không ngừng nghỉ được. Không biết đến bao nhiêu lâu những linh hồn này mới được lên Trời hưởng Nhan Thánh Chúa? Ước gì chúng ta khi còn sống trên trần gian này, hãy nhớ chạy đến cùng Mẹ và Chuỗi Mân Côi của Mẹ, để giúp cuộc đời chúng ta sống chớ nên bận rộn cho những của trần gian thật phù phiếm thật chóng qua này!. Một hãy luôn cảm tạ, tri ân, và cảm tạ Thiên Chúa, Đức Mẹ đã luôn ban cho chúng ta hằng ngày dùng đủ và bình an trong gia đình, bắt chước theo gương Thánh Gia. Chớ vì tham của cải trần gian mà sa linh hồn vào Hỏa Ngục đời đời. Vì trần gian là cõi tạm nhiều lắm cho chúng ta sống hơn 100 tuổi là cùng? Đã gọi là cõi tạm thì chẳng có gì trên trần gian này là muôn đời cả! Xin chớ níu kéo! Vì không ai có thể chống lại với Sự Chết khi mà giờ của chúng ta từng người một đã được ấn định. Xin hãy biết sống chuẩn bị. Xin hãy trở về cùng Thiên Chúa để Người ban cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu sáng láng vô cùng trên Nước Trời. Nơi mà tất cả mọi người cùng được hưởng niềm hoan lạc trọn đời trong vinh quang trong thiên thánh, nếu chúng ta biết trở về cùng Chúa ngay bây giờ.

Lậy Mẹ! Vì linh hồn đời đời của chúng con mà xin Mẹ nhắc nhở chúng con luôn sống gần Mẹ như đàn gà con chỉ biết tung tăng chạy nhẩy, chiêm chiếp vui chơi mãi tận đàng sau. Xin Mẹ đừng để chúng con rơi vào móng vuốt của thú dữ!. Không còn lời nào có thể cảm tạ Mẹ cho đủ! Những gì mà Mẹ đã làm cho chúng con. Mẹ đã cố gắng đem chúng con trở về với những dấu chỉ của Mẹ hiện ra ở khắp mọi nơi. Mẹ vẫn hằng khuyên nhủ chúng con chạy đến Mẹ và Chuỗi Mân Côi của Mẹ. Ngoài Mẹ ra chúng con xin Mẹ ban cho chúng con những Mục Tử nhân hiền để dắt dìu chúng con, biết đi trên con đường chính lộ. Xin Mẹ thương những Mục Tử này cách đặc biệt vì ngày nay thợ gặt thì thiếu vắng đi rất nhiều. Amen.
 
Đồng hành với Chúa Phục sinh
Giuse Đinh Lập Liễm
07:35 06/05/2011
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH A
+++

A. DẪN NHẬP

Không ai được chứng kiến việc Đức Giêsu sống lại, vậy sao lại có thể khẳng định được rằng Đức Giêsu đã chỗi dậy từ kẻ chết, tức là Ngài đã Phục sinh? Theo lẽ tự nhiên, không ai có thể khẳng định được điều đó nếu chỉ dựa vào lời Ngài đã báo trước khi còn sinh thời như “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và luật sĩ gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”(Mt 16,21). Nhưng những lần Đức Giêsu hiện ra với nhiều người như Maria Mađalena, với Phêrô và Gioan, với 11 tông đồ, với 500 môn đệ cùng một lúc, nhất là với hai môn đệ đi làng Emmau, đều chứng thực Ngài đã Phục sinh.

Hôm nay thánh Luca thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ đi đến làng Emmau một cách sinh động với nhiều chi tiết rõ rệt. Đức Giêsu với tư cách là một khách bộ hành, đã trò truyện và giải thích Thánh Kinh cho hai ông để mở mắt các ông để các ông tin vào Chúa Phục sinh :”Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu đau khổ như thế rồi mới được hưởng vinh quang dành cho Người sao”(Lc 24,26) ? Đặc biệt khi ngồi trò truyện trong nhà, các ông mới thấy rõ Đức Giêsu đang nói, đang cùng ăn với các ông. Không chịu nổi, các ông phải tức tốc trở về Giêrusalem để báo tin và chia sẻ với các Tông đồ về sự kiện hy hữu này.

Ngày nay, Đức Kitô Phục sinh vẫn ở bên cạnh chúng ta mà chúng ta không nhận ra Ngài như trường hợp hai môn đệ đi làng Emmau. Nhưng chúng ta chỉ nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin. Ngài hiện diện khắp nơi trong mọi hòan cảnh, mọi biến cố, nhất là nơi những người anh chị em chúng ta. Trong cuộc sống Kitô hữu, khi nào cũng có Chúa đồng hành. Một khi đã có Chúa hiện diện ngay bên, chúng ta còn sợ gì ? Thánh Phêrô lặp lại lời Đức Giêsu đã khuyên để trấn an các tín hữu :”Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến”(1Pr 3,14; Kh 1,17; 2,10). Hãy sống xứng đáng với danh hiệu là con cái Chúa Phục sinh.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Cv 2,14-22b-33

Trong ngày lễ Ngũ tuần, khi những người Do thái qui tụ chung quanh nhà Tiệc ly chứng kiến sự lạ xẩy ra, thánh Phêrô thuyết pháp cho họ bài kéryma đầu tiên. Theo đó, người Do thái phải biết rằng Đức Giêsu là người mà Thiên Chúa đã sai đến với họ, đã làm nhiều phép mầu, dấu lạ và những việc phi thường để chứng minh sứ mạng cứu thế của Ngài. Ngài đã bị giết chết. Tất cả những điều này, người Do thái đã biết, nay chỉ cần nhắc lại là họ nhớ.

Nay Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại. Chính trong cái chết của mình, Chúa Giêsu đã thực hiện công trình cứu độ nhân loại. Thiên Chúa đã cho Ngài phục sinh và ban tặng vinh quang cho Ngài. Người Do thái chắc chắn không hiểu nổi mầu nhiệm nơi Chúa Giêsu phục sinh, nên thánh Phêrô đã nhắc lại thánh vịnh 15 để chứng minh rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia.

+ Bài đọc 2 : 1Pr 1,17-21

Trong lá thư thứ nhất, thánh Phêrô tông đồ kêu gọi mọi người hãy tin cậy vào Thiên Chúa và Đức Giêsu phục sinh, vì đã được trả bằng giá máu của Chúa Kitô. Có hai điểm chính :

a) Nhờ cái chết của Chúa Kitô, mọi người đã được cứu thoát khỏi ách của ma qủi, tội lỗi và sự chết. Việc cứu thoát ấy không được thực hiện bằng vàng bạc như các nô lệ dùng để mua lại sự tự do, nhưng được giải phóng bằng chính máu của Đức Kitô.

b) Từ nay, các tín hữu hãy đặt trọn niềm tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Giêsu phục sinh. Hãy kính sợ Chúa. Kính sợ đây không có nghĩa là sợ hãi, sợ hình phạt mà là lo làm sao đừng bao giờ làm mất tình nghĩa với Thiên Chúa.

+ Bài Tin Mừng : Lc 24,13-35

Bài Tin Mừng cho thấy sau cái chết của Chúa Giêsu, các môn đệ tỏ ra bàng hoàng lo lắng, thất vọng. Đã có hai môn đệ rời bỏ cộng đoàn để về quê cũ là Emmau. Chúa Giêsu muốn lấy lại niềm tin cho các ông còn non kém, yên ủi, khích lệ các ông để các ông mạnh dạn đi rao giảng Tin mừng phục sinh.

Đức Giêsu đồng hành với hai môn đệ dưới hình thức khách bộ hành, giải thích cho các ông hiểu những đoạn Thánh kinh nói về Chúa Kitô để các ông hiểu rằng Đức Kitô phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Ngài. Và sau cùng Đức Kitô phục sinh tỏ lộ cho hai ông thấy con người thật phục sinh của Ngài trong lúc bẻ bánh. Ngày này Chúa Kitô phục sinh vẫn còn hiện diện trong Giáo hội và nơi chúng ta với cách thức mới : Ngài hiện diện nơi Lời của Ngài và nơi Bí tích Thánh Thể.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Có Chúa con còn sợ chi ai ?

I. TRÊN ĐƯỜNG ĐI LÀNG EMMAU

Khi Đức Giêsu Phục sinh, không ai được chứng kiến việc Ngài sống lại, nhưng có một số người được thấy Ngài khi Ngài hiện ra với họ. Ngài đã hiện ra với Maria Mađalena, với Phêrô và Gioan, với 10 người, rồi với 500 môn đệ cùng một lúc. Nhưng trong các lần hiện ra, không có lần nào được các thánh sử ghi lại một cách sống động và nhiều chi tiết rõ ràng như khi thánh Luca ghi lại câu chuyện Đức Giêsu đi với hai môn đệ đến làng Emmau.

1. Vị trí làng Emmau

Emmau là quê hương của hai môn đệ mà hôm nay hai ông trở về sau cái chết của Đức Giêsu. Ngày nay chúng ta khó mà đặt được vị trí cho làng nhỏ này. Các bản văn không hợp nhau về dậm đường xa. Có bản viết Emmau nằm về phia tây bắc Giêrusalem và cách đó 60 dậm, có bản viết cách 160 dậm. Mỗi dậm đường là 185 mét. Nếu nhận Emmau cách Giêrusalem 160 dậm thì khỏang cách là 29 cây số, như vậy thì làm sao hai môn đệ có thể trở về ngay trong một ngày được. Như vậy, bản văn viết 60 dậm có vẻ hợp lý hơn vì Emmau chỉ cách Giêrusalem có 11 cây số.

2. Cuộc hành trình đi Emmau

a) Tâm trạng của hai môn đệ

Đây là hai môn đệ trong số 70 mà Chúa sai đi giảng đạo. Họ đến Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, nay lễ tất, các ông trở về. Một người tên là Cléopas, còn người kia không được nêu tên (có người cho là chính Luca). Hai ông này vừa đi vừa trò chuyện với nhau với vẻ u buồn và thất vọng. Tại sao họ lại có cái tâm trạng u buồn như thế ? Chúng ta có thể nêu ra ba lý do :

* Đức Giêsu, người mà bấy lâu nay họ tin tưởng như “một vị tiên tri có quyền lực trước mặt Thiên Chúa và tòan thể dân chúng” mà sao đã bị xử tử và đóng đinh trên thập giá (Lc 24,20-21).

* Sự nghiệp và chương trình của Đức Giêsu là Cứu thế đã vỡ tan tành vì “Chúng tôi hy vọng Ngài sẽ cứu Israel” mà các sự việc ấy đã xẩy ra đến nay là ngày thứ ba rồi (Lc 24,21).

* Lý do riêng của các ông : Tin theo Đức Giêsu để hy vọng có một tương lai tươi sáng mà nay chỉ thấy mây mù che phủ. Thất vọng !.

b) Đức Giêsu giải thích và khích lệ

Với tư cách là khách bộ hành, Ngài đã nhập cuộc đi với họ. Với bao tế nhị, Ngài khai mào câu chuyện để cho họ thổ lộ tâm can, cởi mở tâm hồn. Càng bị dầy vò khắc khỏai, người ta muốn được kẻ khác lắng nghe chia sẻ. Ngài cùng đi với họ trên đọan đường dài.

Sau một thóang im lặng, Ngài bắt đầu chậm rải nói chuyện. Ngài “giải thích cho hai ông tất cả lời Thánh Kinh chỉ về Người”, về “vụ ông Giêsu”, người lạ lắng nghe quan điểm trình bầy về vụ án, cuộc tử nạn, việc treo trên cây thập giá làm cho các ông xao xuyến.

Chúng ta có thể tóm tắt lời giải thích và yên ủi hai ông trong hai điểm :

- Trước hết, Ngài cho các ông biết sự đau khổ và cái chết của Đấng Cứu thế đã được trù liệu trước, nên đó không phải là thất bại :”Nào Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ rồi mới được vinh quang sao”?(Lc 24,26)

- Sau cùng, Ngài đã tới Emmau về nhà các ông cùng nói năng, dạy dỗ, cùng ăn cùng uống với các ông. Điều đó chứng tỏ Ngài đã sống lại thật và sống lại vinh quang.

3. Kết quả cuộc hành trình

Chúng ta có thể khẳng định : cuộc hiện ra trên đường đi Emmau là làm cho các môn đệ tin thật Ngài đã sống lại. Họ không thể ngồi yên, lật đật trở về Giêrusalem để thuật lại cho mọi người sự vui mừng mà họ vừa nhận được. Gặp 11 Tông đồ đang hội họp với những người khác, hai bên như tranh nhau làm chứng : họ muốn nói cho các Tông đồ, nhưng các Tông đồ đã nói trước :”Chúa thật đã sống lại và hiện ra với Simon”. Thiết tưởng là một cuộc họp vui không thể tả, nhất là liền sau đó Chúa lại hiện ra với họ.

II. ĐÃ CÓ CHÚA TRONG ĐỜI

1. Chúa củng cố niềm tin cho các môn đệ

Người ta thường nói : chết là hết. Chết là chấm dứt mọi sự, kể cả những công việc vĩ đại con người đã thực hiện được. Khi theo Chúa Giêsu trên đường truyền giáo, các môn đệ cũng đã có niềm tin vào Ngài nhưng niềm tin ấy còn hời hợt. Niềm tin ấy bị tan vỡ khi bị thử thách. Bằng chứng là, sau khi Đức Giêsu chịu chết và chịu táng trong mồ, các môn đệ tỏ ra hoảng sợ, lo lắng, thất vọng, thậm chí ngay ngày Chúa phục sinh đã có hai môn đệ bỏ cộng đoàn để về quê cũ là Emmau, ở cách Giêrusalem quãng 11 cây số. Ta chỉ biết có một ông tên là Cléopas và một người nữa bất kỳ ai. Hai ông chán nản lê bước trên đường, lòng dười dượi buồn, nói chuyện với nhau về sự việc mới xẩy ra và tương lai bấp bênh của mình. Tâm trí các ông còn bị che phủ bởi các ông chưa hiểu lời Kinh thánh nói về Đức Kitô,

Rất may, hai ông được khách bộ hành cùng song hành nói chuyện. Lúc này khách bộ hành mới cắt nghĩa cho hai ông những đoạn Kinh thánh nói về Đức Kitô từ Maisen đến các tiên tri và Thánh vịnh : Người phải chịu chết rồi mới sống lại. Những lời giải thích Thánh kinh chỉ là câu chuyện trao đổi với nhau chưa làm cho hai ông tin được rằng Chúa đã sống lại, vì tâm trí các ông còn mù tối. Đến khi hai ông cùng với khác bộ hành dùng cơm chiều, trong lúc bẻ bánh, người khách bộ hành mới tỏ nguyên dạng là Đức Giêsu phục sinh. Lúc này mắt các ông sáng ra, lòng đầy vui mừng tin tưởng, các ông tức tốc trở về báo tin cho các môn đệ khác còn ở tại Giêrusalem.

Ngày nay Chúa Giêsu vẫn còn ở bên cạnh chúng ta . Người không hiện diện rõ ràng như khi hiện ra với hai môn đệ. Người hiện diện dưới muôn hình muôn vẻ, con mắt thịt không thể nhìn thấy mà chỉ con mắt đức tin mới thấy Nguời. Khi Saulô đến Đamas tìm bắt các tín hữu Chúa, tại sao Chúa lại hỏi Saulô :”Tại sao ngươi tìm bắt Ta “. Chữ Ta đây không phải là chính Chúa mà là các Kitô hữu. Vậy khi bắt các Kitô hữu là bắt chính Chúa Giêsu vì Ngài đã đồng hóa các tín hữu với Ngài.

2. Chúa củng cố niềm tin cho ta

a) Chúa hiện diện bên cạnh ta

Trong cuộc sống của ta, Chúa hằng hiện diện khắp nơi, trong mọi sinh hoạt thường ngày của ta. Nhưng làm sao ta thấy Ngài được ? Câu trả lời là mắt trần hoàn toàn vô dụng. Sự hiện diện của Đấng phục sinh khác hẳn với sự hiện diện của Đức Giêsu Nazareth. Đây là một sự hiện diện mới mẻ, chỉ tỏ hiện với con mắt đức tin được nuôi bằng Kinh thánh và việc chia sẻ bữa ăn với Đức Giêsu. Nếu muốn thấy và sống sự hiện diện của Đấng phục sinh, các tín hữu phải trang bị cho mình hai điều kiện ấy vì họ luôn có sẵn trong tay Thánh kinh và Thánh lễ (M. Sevin, trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, tr 135).

Ngày nay Đức Giêsu phục sinh vẫn hiện diện ngay bên cạnh ta, nhưng theo một cách mới. Chúng ta không thể nhận ra cách hiện diện mới ấy vì cặp mắt thể xác của ta như “bị ngăn cản” bởi một bức màn. Chỉ khi nào Ngài muốn và cho những ai Ngàii muốn thì Ngài mới cất bức màn ấy đi và khi đó mắt chúng ta mới “mở ra” và thấy được Ngài.

Truyện : Chúa đến nơi tha nhân.
Một tác giả kể câu truyện ngụ ngôn sau đây :
Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị chiếc xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quí. Và người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ, Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.

Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp, sung sướng, hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư.

Sáng hôm đó là một ngày cuối đông, cái lạnh đã khiến mặt mũi, tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện phải run lẩy bẩy ngòai cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.

Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại, hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn báo cho người khách quí biết mình phải đi ra ngòai.
Nhưng tìm đường dẫn bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra được nhà đứa bé, và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.

Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh, nhưng đó không phải là Chúa, mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chớp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về đến nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.

Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe thấy tiếng Chúa nói với anh :”Cảm ơn con đã dọn trà nóng cha Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc ủi an Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay”.

b) Người yên ủi nâng đỡ ta

Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta cũng gặp những lúc hoang mang, lo sợ như hai môn đệ về làng Emmau. Theo tính tự nhiên, ai cũng phải lo sợ. Có thể lo sợ vu vơ, không có lý do chính đáng, hoặc nhút nhát sợ sệt không dám hành động vì thiếu động lực thúc đẩy. Nhưng cũng có những lo sợ khôn ngoan, có tính toán, đề phòng những bất trắc xẩy ra, nhằm tránh thiệt hại cho tương lai :

Thấy anh em cũng muốn theo,
Em sợ anh nghèo, anh bán em đi.
Lấy anh em biết ăn gì ?
Lộc sắn thì chát, lộc si thì già.
(Ca dao)

Khi đã tìm được lý do đánh tan sự sợ hãi thì con người bắt đầu hành động một cách vững mạnh, đầy tin tưởng. Trong Thánh kinh, câu “Đừng sợ” được nói tới 365 lần. Tức là đủ để nhắc chúng ta mỗi ngày suốt một năm. Đã có Chúa ta còn sợ hãi chi ?

Truyện : Đức Giáo hoàng Piô XI
Được thăng giáo hoàng là một việc rất trọng đại. Khi Đức Piô XI đăng quang, Ngài đã can đảm qua hết các lễ nghi rồi, nhưng đến khi các nghi thức xong xuôi, ngài về phòng riêng, ngồi vào chiếc bàn viết của Đức tiên Giáng hoàng, tức Đức Bênêdictô XV, thì tự nhiên một mối lo âu bao trùm lấy Ngài. Thực sự lúc ấy có biết bao lo lắng đổ trên đầu vị Giáo hoàng vì Giáo hội bị tấn công mọi mặt. Cuộc đệ nhất thế chiến vừa chấm dứt và cuộc đệ nhị thế chiến đang âm ỉ, Giáo hội phải trải qua một giai đoạn thử thách gắt gao.

Nghĩ đến tất cả những chuyện ấy, Đức Piô tràn ngập lo âu. Lúc ấy Ngài làm công việc duy nhất mà một người lo sợ có thể làm đó là Ngài qùi xuống, cầu nguyện. Trong khi Ngài cầu nguyện như thế, tay Ngài đưa ra, chạm phải một chiếc ảnh còn lại trên bàn giấy của Đức Bênêdictô XV,. Ngài cầm mẫu ảnh lên xem và tự nhiên nỗi lo sợ tan dần. Tâm hồn Ngài tràn ngập bình an. Đó là bức ảnh Chúa Giêsu đang truyền cho sóng gió yên lặng. Những làn sóng lo âu, sợ sệt trong tâm hồn Đức Piô XI êm lặng lại. Ngài giữ bức ảnh ấy trên bàn giấy của Ngài luôn. Từ đó về sau, mỗi lần lo âu gì, Ngài chỉ việc nhìn vào bức ảnh để trên bàn đó và nhớ rằng Chúa Giêsu sẵn sàng phán một lời truyền cho sóng gió phải yên lặng (W.J. Diamond, Đồng cỏ non, tr 36-37).

c) Niềm tin được thử thách

Đi theo Chúa thì dễ. Các môn đệ đã theo Chúa Giêsu ba năm, nghe những lời Ngài dạy, chứng kiến những phép lạ Ngài làm, các ông đã tin tưởng vào Ngài, ít ra coi Ngài là một tiên tri có quyền phép. Nhưng sau khi Đức Giêsu chịu chết và táng trong mồ, niềm tin của các ông như thế nào ? Hoàn cảnh của chúng ta cũng giống như các môn đệ xưa, ta vẫn tin theo Chúa, hứa trung thành với Người, nhưng khi gặp đau khổ, gian nan thử thách, chúng ta có thái độ nào ? Có lẽ chúng ta cũng giống như ông Simon Phêrô. Khi Chúa hỏi các ông là các ông cũng muốn bỏ Ngài như những người Do thái chăng, thì ông đã nhanh miệng trả lời :”Bỏ Ngài chúng con biết theo ai, vì chỉ Ngài mới có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68) , nhưng rồi ông đã chối Chúa.. Sau đó ông lại hối hận và đi theo Chúa.

Trong cuộc sống trên biển trần gian này, thỉnh thoảng biển cũng nổi sóng gió, có khi bão táp như biển hồ Tibêria. Các tông đồ phải khó nhọc chèo chống trong cảnh thất vọng, nhưng Chúa Giêsu đã kịp thời hiện đến bảo các ông “Đừng sợ”, tức thì sóng gió phải ngưng ngay, biển trở lại yên lặng như tờ (x. Ga 6,16-21).

Truyện : Tại sao thất vọng sợ hãi ?
Một sĩ quan công giáo, người Anh được sai đến phục vụ tại một nơi xa xôi hẻo lánh. Ông cùng với gia đình xuống tầu đến một nơi được chỉ định. Tầu rời bến được vài ngày thì biển động dữ dôi. Một cơn bão ập đến làm tầu có nguy cơ bị đắm. Mọi người trên tầu hết sức sợ hãi. Bà vợ của vị sĩ quan là người mất bình tĩnh hơn cả vì bà đã không tiếc lời trách móc chồng đã đưa cả gia đình vào mối nguy hiểm, nhất là khi thấy chồng vô tư chẳng mấy quan tâm. Chính thái độ bình tâm này của chồng mà bà vợ xem như là một biểu hiệu thiếu lo lắng, thông cảm, yêu thương đối với vợ con nên bà càng tức giận xỉ vả hơn.
Trước tình thế khó xử đó, khi đã có đôi lời giãi bầy vắn tắt, viên sĩ quan rời căn phòng một lát rồi quay trở lại với thanh kiếm tuốt trần trên tay. Bằng ánh mắt đau khổ ông tiến lại bên vợ và dí mũi kiếm vào ngực bà. Mới đầu bà ta tái xanh mặt mày, nhưng sau đó bà bỗng cười lớn tiếng không chút gì nao núng cả.
Viên sĩ quan hỏi :
- Làm sao mình có thể cười khi nhận thấy mũi kiếm sắp đâm vào ngực?
Bà vợ trả lời :
- Làm sao em lại phải sợ khi biết lưỡi kiếm ấy nằm trong tay một người thương yêu em.
Bấy giờ viên sĩ quan nghiêm giọng nói :
- Vậy tại sao em lại muốn anh sợ hãi cơn bão tố này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Chúa là Đấng luôn luôn yêu thương anh ?
(Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A, tr 46).

Cuộc đời chúng ta cũng giống như hai môn đệ đi đế làng Emmau. Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Trong mọi hành động Chúa vẫn chia sẻ với ta : lo âu, tin tưởng, đau khổ cũng như vui sướng, thành công cũng như thất bại. Chỉ khi nào chúng ta dùng con mắt đức tin thì mới nhìn ra sự hiện diện ấy.

Không có câu chuyện nào cảm kích hơn có thể cho ta thấy thực sự Chúa phục sinh luôn đi bên cạnh trong cuộc lữ hành trần gian. Điều đáng buồn là vì thiếu lòng tin nên con mắt chúng ta thường bị mờ không nhận biết sự hiện diện của Ngài. Chúng ta bước đi rầu rĩ, trong khi đáng lẽ ra ta phải hớn hở vì được đồng hành với Ngài. Có thể là đang khi Ngài cắt nghĩa Kinh thánh cho chúng ta, hay khi chúng ta tham dự nghi lễ bẻ bánh, sự đui mù được cất đi, để rồi cuộc hành trình chấm dứt khi ta về đến nhà, ta sẽ thấy Ngài đối diện với ta, không phải phai mờ trong màn đêm âm phủ, nhưng rực rỡ trong ánh sáng vinh quang đời đời. Để được thế, ngay lúc này ta phải tập luôn sống trong sự hiện diện của Ngài :

Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,
Lẩn nơi nào cho thoát được Thánh Nhan ?
Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,
Đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,
Tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,
Cánh tay hùng mạnh giữ lấy con.
(Tv 138)

Phải sống mãi trong Chúa Cứu thế, đừng bao giờ xa Ngài. Hãy duy trì mối giao hảo hạnh phúc với Chúa, để khi Ngài đến, các con đầy lòng tin tưởng, không phải hổ thẹn lúc gặp Ngài ... Chúng ta sẽ giống như Ngài vì chúng ta sẽ thấy chính Ngài.
 
Cộng đồng Kitô giáo là nơi chúng ta tìm thấy Chúa trong nhau
Jos. Tú Nạc, MNS
07:37 06/05/2011
Chúa Nhật III Phục Sinh – năm A (Acts 2: 14, 22-28; Psalm 16; 1 Peter 1; 17-21; Luke 24: 13-25)

Nhiều người đã sợ hãi và chạy trốn sự hiện diện của Thiên Chúa kêu gọi sự thay đổi. Lạ thay, những người lien quan đế tôn giáo không phải là một ngoại lệ và đôi khi con người gây tội ác tồi tệ nhất. Mọi tia hy vọng và ánh sáng mới bị phản đối, kháng cự và lo ngại từ khởi thủy của thời đại cho tới hôm nay. Con người tiếp tục tàn ác và giết chết nhug74 ai thách thức nhân loại vượt qua sợ hãi và mù quáng.

Chân lý ít khi thỏa mãn và thay đổi thì nan giải. Trong trường hợp của Chúa Giê-su, tội lỗi con người – sợ hãi, cứng nhắc, ghen tuông và nghi kỵ - đã thực hiện hết mình để tiêu diệt Chúa Giê-su và những điều người thể hiện. Tất cả những điều này bất chấp dấu hiệu xác thực và những điều kỳ diệu, trong thực tế, những điều này có lẽ đã làm tăng mức độ sợ hãi. Thánh Phao-lô không lôi cuốn bất kỳ hiệu quả nào trong bài phát biểu của mình trước đám đông. Nhưng điều gì đó mà đã thuộc về Thiên Chúa không thể im lặng hoặc chết cho chân lý tất cả có một quyền lực của chính nó. Bằng việc Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết Thiên Chúa đã khẳng định với tất cả rằng Chúa Giê-su đã nói và đã làm. Cái chết không thể nắm giữ đươc Người không phải bây giờ hoặc không bao giờ trở lại.

Nhiều điều chẳng thay đổi chút nào! Chúng ta vẫn vô tình không cởi mở với mọi người, những người mà thử thách nhận thức, thành kiến và cách tư duy của chúng ta và cũng không làm chúng ta đối xử với họ bằng sự tử tế nhiệt tình hay tôn trọng. Điều đó dễ dàng để lên án những ý tưởng của người khác hơn là tham gia vào các cuộc đối thoại. Sau hết, có khả năng tồi tệ mà họ cho là đúng! Chúng ta không dám đọc một đoạn trích giuống như một đoạn trên với bất kỳ ý nghĩa nào của sự tự mãn hoặc thế thượng phong. Chúng ta phải luôn đặt câu hỏi trung thực: chúng ta sẽ có cách ứng xử nào khác không?

Một số người nhìn vào lịch sử và không thấy gì ngoài một khối nhưng sự kiện hỗn mang vô hướng hoặc vô nghĩa. Tác giả 1 Phê-rô đã thấy một điều gì đó khác từ lúc sơ khai của thời đại mà Đức Ki-tô sẽ chắc chắn chuộc tội cho nhân loại. Ở đó không bao giờ là một khoảnh khắc trong lịch sử của thế giới mà Thiên Chúa không bận rộn với công việc bằng một cách nào đó nhân danh chúng ta. Nhưng tác giả của chúng ta đòi hỏi: bằng hình ảnh của máu và sự nỗ lực mà đã cứu chuộc chúng ta, chúng ta có thể biên minh một cách mờ nhạt hay đáp ứng một cách hăng hái, nhiệt tình không? Chúng ta nên thực hành một cách cẩn thận và phục vụ hết mực tri ân của đời này mà chúng ta đã được ban cho.

Thường thì chúng ta có thể tích lũy một đống những thực tế nhưng thiếu hiểu biết và khả năng để nhìn bức tranh đồ sộ ấy. Trong một trò chơi mèo-và-chuột trào phúng trên được đi Emmaus với hai tông đồ, một ẩn danh chúa Giê su đã hỏi họ về những điều đã xảy ra ở Jerusalem. Các môn đệ đau khổ và thất vọng đã chứng kiến những lời nói và vuệc làm của Chúa Giê-su. Nhưng họ thật không may họ cũng hiện diện lúc Người bị tuyên án xử tử. Câu chuyện của họ chua chát hơn kết thúc bằng sự mô tả về ngôi mộ trống liên quan đến họ bởi những phụ nữ và thực tế rằng ngôi mộ trống đã được xác minh. Nhưng cho dù tất cả điều này có sự khiếm diện về sự hiểu biết và đức tin phần nào của họ. Cuộc tranh luận về sự tồn tại của Thiên Chúa hoặc chân lý của Ki-tô giáo có một tỷ lệ thành công khá ảm đạm – họ kêu gọi “những cơ sở lập luận” và “những minh chứng”, nhưng những lớp sâu hơn của tâm trí và tâm hồn cần phải được chiếm lĩnh trước.

Các môn đệ đã phải đấu tranh với đau khổ - và họ đã có những tình bằng hữu giao hảo. Đó là cạu hỏi thuộc tôn giáo và triết lý lâu đời nhất trên thế giới. Và thậm chí những khó khăn trầm trọng hơn phải đối diện trong sự cố gắng để hòa giải sự đau khổ với Thiên Chúa hoặc những người đại diện của Thiên Chúa. Thế nào mà người được xức dầu của Thiên Chúa bị khổ đau? Cuộc khổ nạn và tử nạn của Chúa Giê-su là chướng ngại cho thế hệ những Ki-tô hữu đầu tiên. Thay vì tức giận, Chúa Giê-su đã khám phá một cách kỹ càng những bí của sự cứu chuộc trong Thánh Kinh. Sự đau khổ của người không phải là một may mắn hay tai nạn mà là phần việc của kế hoạch thiêng liêng – điều tương tự ấy được nêu ở bài đọc hai. Duy nhất là giây phút bẻ bánh và phân phát mà mắt họ được mở ra và họ đã nhận biết Chúa Giê-su – người mà đã nhanh chóng biến mất khỏi tầm mắt họ.

Điều này cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc vào cách mà các ki-tô hữu đầu tiên đã đọc – được tường tận và chiếm lĩnh Kinh Thánh Hebrew – đó là chìa khóa để hiểu được suộc sống, tử nạn và phục sinh của Chúa Giê-su. Nhưng đó cũng hiện hữu trong việc bẻ bánh – bữa ăn chung và cầu nguyện – rằng họ đã gặp Chúa Giê-su và kinh qua sự hiện diện hướng dẫn của Người. Cộng đồng Ki-tô giáo đáng tin cậy hơn sự hòa nhập với xã hội. Đó là nơi chấp nhận, gặp gỡ và tin tưởng lẫn nhau, và là nơi chúng ta gặp Chúa Trời trong Thánh Kinh, lời nguyện và với nhau.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Mắt họ mở ra
Lm. Vũđình Tường
08:01 06/05/2011
Luca 24,13-35

Trên đường Emau các môn đệ tự thú mắt các ông được mở ra. Nếu nhắm mắt hẳn các ngài không thể bước đi trên đường. Như thế mắt các ngài đang mở và mở to. Thế sao các ngài lại tự thú mắt các ngài được mở ra sau khi nhìn thấy người khách lạ cầm bánh trong tay dâng lời tạ ơn rồi bẻ ra trao cho các ông. Mắt các môn đệ nhắc tới không phải là con mắt thể xác mà con mắt tâm linh.

Điều này cho thấy người sáng mắt thể lí chưa chắc đã sáng mắt tâm linh. Người nhìn thấy ánh sáng trần gian chưa chắc đã nhìn thấy ánh tâm linh, ánh sáng thiên quốc. Mắt các ông được mở ra vì các tông đồ nhận ra Đấng Thiên Sai làm chủ ánh sáng tâm linh trên thiên quốc vì thế mà các ông vui mừng, đang đêm lên đường trở về báo tin cho các môn đệ khác.

Trước đó các ông đã khuyên người khách lạ ngày đã gần tàn và man đêm đang buông xuống. Có thể các ông biết rõ đoạn đường này đi đêm không an toàn, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các ông mời người khách hãy vào trọ qua đêm với chúng tôi rồi sáng hôm sau tiếp tục hành trình là khôn ngoan hơn cả. Giờ đây chính các ông làm trái lại điều các ông suy nghĩ trước đây. Đang đêm các ông hăng hái lên đường. Bao mệt mỏi tan biến, lo sợ không còn nữa, nguy hiểm dường như tan biến vì sao? Vì sau khi gặp Đức Kitô sống lại từ cõi chết lòng các ông tràn ngập niềm vui. Chính niềm vui này tăng sức cho các ông, làm tiêu tan mọi mệt nhọc. Gặp gỡ Đức Kitô các ông tìm được sức mạnh, bình an và hy vọng.

Cơ duyên gặp được Ngài vì do lòng bác ái. Nếu không có lòng bác ái, yêu người các ông đã không mời người khách lạ vào chung quán trọ. Nếu không có lòng bác ái các ông đã không chia bánh cho người khách trọ. Chính tinh thần bác ái, các môn đệ thực thi bác ái mà Đức Kitô nhắc lại việc bác ái cao cả Chúa làm cho nhân loại trong bữa Tiệc Li trước khi Ngài hy sinh, tự nguyện chịu khổ nạn. Hiến thân mình làm của ăn nuôi nhân trần.

Này là Mình Thầy hy sinh vì các con

Này là Máu Thầy máu giao ước mới và vĩnh cửu đổ ra cho nhiều người được khỏi tội

Không còn việc bác ái nào vĩ đại hơn, quan trọng hơn là cho đi chính mình. Cho tất cả không còn trừ lại chút gì. Cho đi cả sự sống của chính mình vì yêu thương. Tình yêu vĩ đại trên được các linh mục lập lại trong các thánh lễ từ đời nọ đến đời kia theo lời nhắn nhủ của Đức Kitô.

Các con hãy làm việc này để nhớ đến ta.

Trên đường Emau Đức Kitô cũng làm công việc bẻ bánh. Người bẻ bánh và các tông đồ nhớ lại bữa Tiệc Li, mắt các ông mở ra vì các ông đã được chứng kiến việc Chúa lập bí tích Thánh Thể. Dù đã có lần chứng kiến nhưng mắt các ông còn u mê vì bị sợ hãi và nghi ngờ bao phủ. Làn khói nghi ngờ, làn sương sợ hãi và cơn lốc chết chóc bao phủ cái nhìn trong sáng của các tông đồ. Nhờ việc Chúa bẻ bánh nhắc các ông sáng mắt nhận ra Ngài và Ngài biến khỏi mắt các ông.

Chúng ta người Kitô hữu cũng bao lần tham dự tiệc bẻ bánh. Phép lạ cả thể trên hết các phép lạ, thế mà mắt chúng ta vẫn lúc nhắm, lúc mở vì chúng ta còn ham chạy theo những phép lạ ‘tin đồn’ đó đây. Nghe đồn thổi nơi đó có phép lạ, dù bận rộn không đi được, lòng cũng ước ao đến để nhận phép lạ. Cần nhớ phép lạ ‘tin đồn’ sao thật bằng phép lạ thật. Bao lâu còn tin vào phép lạ tin đồn, bùa phép, phù phép bấy lâu còn cho thấy mắt vẫn chưa mở ra. Bao lâu còn coi thường bí tích Thánh Thể bấy lâu còn là bằng chứng cho biết mắt chưa mở ra. Con mắt đức tin mù mờ vì ảnh hưởng, lao nhọc mưu sinh cuộc sống che phủ. Con mắt đức tin mù mờ vì tham sân si che khuất ánh sáng tin yêu của Đức Kitô. Không phải ánh sáng của Ngài không đủ mạnh để mở mắt đức tin của ta mà chính là do ta chưa dứt khoát, không mạnh bạo dấn thân chọn ánh sáng đức tin.

Bao lâu chưa có tinh thần dấn thân như các môn đệ trên đường Emau- đang đêm, quên mệt, quên sợ, quên rét mướt, thức dậy mau mắn lên đường- thiếu các tâm tình đó không thể nào có con mắt đức tin, sáng suốt nhận biết Đức Kitô Phục Sinh.

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:30 06/05/2011
THÓI QUEN
N2T

Một người ở thôn quê làm quan tuần tra, một hôm đến phiên trực ở cổng viện, đúng lúc có một vị thái thú đến kiểm soát tuần tra, anh ta lập tức quỳ xuống nói:
- “Kính mời đại quan lão vào ạ”.
Quan tuần an nghe vậy thì nổi giận, bèn kêu lính đánh anh ta mười roi.
Qua ngày thứ hai, thái thú lại đến, anh ta vội vàng quỳ xuống bẩm:
- “Xin mời ông tổ ạ”.
Quan tuần an lại chửi anh ta một trận.
Qua ngày thứ ba, thái thú lại đến, anh ta trong lòng nghĩ: dùng tiếng nhà quê để nói thì không được, gọi thông thường cũng không thể được, chỉ có cách nói:
- “Người hôm trước đến và người hôm qua đến, hôm nay lại đến”.

Suy tư:
Thói quen là một việc làm quen thuộc mà một người nào đó thường lập đi lập lại trong sinh hoạt hằng ngày của họ. Có thói quen tốt và có thói quen xấu; có thói quen làm người khác vui thích và có thói quen làm cho người khác ghét...
Người nhà quê thì có thói quen của người nhà quê, nên thường kính trọng những người có chức quyền hoặc cấp trên má quên mất mình đang làm nhiệm vụ tuần tra. Quan lớn có thói quen của quan lớn là hách dịch, kiêu ngạo, chỉ biết chửi mà không nói lý do tại sao bị chửi cho thuộc hạ biết.
Người Ki-tô hữu thì có thói quen của người Ki-tô hữu, thói quen của họ là đi dâng thánh lễ mỗi ngày chúa nhật hoặc mỗi ngày, tích cực tham dự các bí tích bí tích Thánh Thể và bí tích Giải Tội; thói quen của họ cũng được thể hiện trong cuộc sống, đó là thói quen phục vụ và giúp đỡ người khác, đó là thói quen chỉ biết cho đi mà không nhận lại, tất cả những thói quen này đều làm cho gương mặt của Chúa Giê-su Ki-tô hiện rõ trong cuộc sống của họ, và làm cho mọi người dễ dàng nhận biết Chúa hơn, đó là những thói quen tốt mà mỗi người Ki-tô hữu thường làm trong cuộc sống của mình.
Thói quen tốt thì ai cũng thích, chỉ những người tâm hồn có thói quen chỉ trích phê bình người khác, mới không thích những thói quen tốt của người khác mà thôi, vì những thói quen tốt của người khác luôn đối chọi với tính ích kỷ nhỏ nhen của họ.
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 3 PS A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:32 06/05/2011
CHỦ NHẬT 3 PHỤC SINH

Tin mừng : Lc 24, 13-16.
“Họ nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh”.


Anh chị em thân mến,
Nội dung của bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đều biết rõ, và thường nghe nhắc nhở tới trong mùa phục sinh, đó là câu chuyện của hai môn đệ trên đường đi về làng Em-mau. Cả hai ông không nhận ra Chúa Giê-su đang cùng đồng hành với mình, nhưng chỉ nhận ra Ngài khi Ngài lập lại một cử chỉ rất quen thuộc đó là bẻ bánh, rồi trao cho các ông ăn. Trong tâm tình “bẻ bánh” ấy, tôi xin chia sẻ tâm tình sau đây :

Bẻ bánh là dấu hiệu của bác ái
Cuộc sống của một con người có rất nhiều lần bẻ bánh, và những lần bẻ bánh ấy cũng có rất nhiều ý nghĩa :
- Bẻ bánh để ăn, là để nuôi mình,
- Bẻ bánh để phân phát cho mọi người, là để nhân rộng thêm tình bác ái.
- Bẻ bánh để chia sẻ với người nghèo khó, là để chia sẻ với Chúa Giê-su khổ đau,
Và cũng có lúc chúng ta bẻ bánh để quăng cho chó ăn hơn là cho người nghèo, đây là một hành vi bẻ bánh khinh thường Thiên Chúa và coi thường nhân phẩm của anh em.

Bẻ bánh cần phải đi đôi với một tâm tình yêu mến và phục vụ như Chúa Giê-su đã làm với các môn đệ, Ngài yêu thương các môn đệ đến cùng: rửa chân cho họ và ban Mình và Máu thánh của Ngài cho họ.

Bẻ bánh là dấu hiệu Hiệp Nhất
Có những người vừa bẻ bánh vừa chỉ trích nhau trên bàn ăn, họ coi việc ăn uống là dịp để cải cọ nhau; có người vừa bẻ bánh vừa làm áp phe buôn bán, họ coi việc bẻ bánh (ăn uống) là cơ hội để phát tài; lại có người coi việc bẻ bánh là chuyện riêng tư, nên không thấy họ cùng đồng bàn với người khác, đối với họ sự hiệp nhất chỉ là chuyện lý thuyết viễn vông.

Chúng ta tham dự thánh lễ, tức là chúng ta cùng nhau tham dự việc “bẻ bánh” của Chúa Giê-su, đó là dấu hiệu của tình thương hiệp nhất, mỗi lần chúng ta cùng nhau sắp hàng đi lên lãnh nhận tấm bánh đã được bẻ ra, nhưng nó vẫn nguyên vẹn tinh tuyền là Mình Máu Thánh của Chúa Giê-su, là dấu hiệu của sự hiệp nhất trong Giáo Hội và trong mỗi một cộng đoàn của chúng ta.

Bẻ bánh là dấu hiệu để mọi người nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện giữa cộng đoàn và nơi mỗi một anh chị em mình, bởi vì Chúa Giê-su đã hứa: Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế.

Anh chị em thân mến,
Hai môn đệ đi đàng Em-mau đã không nhận ra được Thầy mình là Chúa Giê-su đang đồng hành và trò chuyện với mình, dù cho Ngài giải thích rất cặn kẻ về việc Đấng Mes-si-a phải chịu đau khổ và phải chết rồi sống lại, nhưng hai môn đệ chỉ nhận ra Chúa Giê-su khi Ngài bẻ bánh mà thôi.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường tham dự thánh lễ, tức là tham dự vào việc “bẻ bánh” và ăn tấm bánh ấy, nhưng chúng ta có nhận ra Chúa Giê-su đang thật sự ở với chúng ta không, lòng chúng ta có thật sự nóng lên khi nghe đọc và giải thích Lời Chúa không.

Chúa Giê-su đã sống lại thật rồi, và Ngài vẫn còn đang hiện diện với Giáo Hội, với chúng ta trong hình bánh và rượu trên bàn thờ, đó là dấu chỉ của tình thương và hy sinh của một vị Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi....

Câu hỏi gợi ý :
1. “Bẻ bánh” là tham dự tiệc Thánh Thể, bạn có nhận ra sự ích lợi cho phần hồn cũng như phần xác khi rước Chúa Giê-su vào lòng không ?
2. Bạn có thấy mình giống hai môn đệ đi đường Em-mau: nhiệt tâm sau khi thấy Chúa Giê-su bẻ bánh không ?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:06 06/05/2011
ĐẦY CẢ DĨA
N2T

Khách nhìn dĩa trên bàn không có thức ăn gì cả, thế là cố ý cám ơn chủ nhà nói rằng để ông ta quá tốn công, chủ nhà nghe như thế thì cảm thấy lạ, bèn hỏi:
- “Trên bàn không có thức ăn gì cả sao lại nói tôi quá tốn công ?
Người khách nói:
- “Đầy cả dĩa đó, sao lại nói không có ?”
Chủ nhà liền hỏi:
- “Thức ăn ở đâu ?”
Người khách chỉ cái dĩa nói:
- “Đây không phải thức ăn à, lẽ nào không phải thịt hay sao ?”

Suy tư:
Khi chủ nhà mời tiệc, cho dù bủn xỉn keo kiệt đến đâu thì trên bàn nhất định không nhiều thì ít cũng có thức ăn, hoặc không cao lương mỹ vị thì nhất định cũng có thức ăn để ăn, do đó mà đừng vội vàng hấp tấp hỏi chủ nhà...
Thiên Chúa là tình yêu khi Ngài mời gọi những con cái của Ngài đến tham dự bàn tiệc thánh, thì nhất định trên bàn tiệc sẽ có thức ăn, mà thức ăn đó chính là Mình và Náu Thánh của Chúa Giê-su.
Có những người Ki-tô hữu khi đi tham dự thánh lễ thì hỏi: sao mình không thấy ân sủng Chúa đâu cả ? Hoặc có người xem ra như oán hờn: sao tôi không thấy Chúa ban ơn gì cho tôi cả ?..v.v... Ân sủng Chúa luôn tuôn đổ xuống trên người thành tâm đón nhận không vì ích kỷ riêng tư, nhưng là vì yêu Chúa và khao khát được sự sống đời đời.
Chúa Giê-su đã nói với thánh nữ Faustina rằng: “Ta rất ước ao tuôn đổ ơn sủng xuống trên những kẻ tin tưởng nơi Ta, càng tin tưởng nơi Ta, Ta càng ban ơn quý báu cho họ”. Lời Chúa đã hứa như thế, sao còn hỏi trên bàn tiệc không có gì cả ?
Chỉ những ai đi dự lễ với một tâm hồn ích kỷ thì mới không thấy gì trên bàn thờ, cũng không thấy gì trong tâm hồn và như thế họ sẽ trở về tay không mà thôi.
----------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:34 06/05/2011
N2T

49. Rắp tâm và lòng nghĩ xấu xa sẽ ngấm ngầm thấm ướt linh hồn, Chúa chúng ta đem ý nghĩ xấu xa đứng đầu tất cả tội ác, bởi vì nó là căn nguyên của mọi tội ác.

(Thánh John Baptist de la Salle)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:35 06/05/2011
HỘI ĐỜI ĐỜI
Người anh họ khoe với cha:
- “Anh mới gia nhập hội đời đời…”
Cha ngạc nhiên vì cái tên “hội đời đời”, người anh giải thích:
- “Vào hội đời đời là đóng tiền nguyệt liễm để sau khi chết thì có cha làm lễ, khỏi sợ không ai xin lễ cho mình”.
Cha lẩm bẩm: kỳ cục.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội
Trầm Thiên Thu
22:32 06/05/2011


Tam vị nhất thể: Thiên Chúa Ba Ngôi

Mỗi lần chúng ta bắt đầu cử hành thánh lễ là tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu giống như cử hành Bữa Tiệc Ly vào đêm trước khi Ngài chết cho tội lỗi của chúng ta, với lời của thánh Phaolô: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cr 13:13). Mầu nhiệm trung tâm của Công giáo là Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa (đồng bản thể). Công đồng đại kết II tại Constantinople năm 381 (TCN) tuyên xưng đức tin của các thánh Tông đồ khi chúng ta đọc: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha”. Thánh Tiến sĩ Giáo hội vĩ đại Athanasiô diễn tả điều này trong tín điều: “Đây là tín điều Công giáo: Chúng ta tôn thờ Một Tình cảm Ba Ngôi và Ba Ngôi hiệp nhất, không thể lầm lẫn ba người hoặc phân chia bản thể; vì Ngôi Cha là một, Ngôi Con là một, Ngôi Ba là một; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một, vinh quang ngang bằng vĩnh hằng uy nghi”.

Kế hoạch của Thiên Chúa là công việc của Ba Ngôi trong Chúa Thánh Thần

Giáo lý Công giáo dạy chúng ta rằng: “Toàn bộ cơ cấu tổ chức của Thiên Chúa [kế hoạch của Thiên Chúa đối với loái người] là công việc chung của cả Ba Ngôi. Vì Ba Ngôi chỉ là Một và bản chất giống nhau cũng chỉ là Một và hoạt động giống nhau”. Chúa Thánh Thần hiện diện qua lịch sử cứu độ từ khởi nguyên cho tới tận cùng. Như vậy, Chúa Thánh Thần được coi là ở giữa Môsê và Ítraen khi họ vượt qua Biển Đỏ và khi sứ thần Gabriel đến với Đức Mẹ, ngài nói: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự trên Chị và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao phủ Chị, vì thế Thánh Tử sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Khi Mẹ Maria làm theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và đi thăm chị họ Êlizabét, thánh Luca nói với chúng ta: “Khi Êlizabét nghe lời chào của Maria, Hài nhi liền nhảy mừng trong lòng. Êlizabé được đầy Chúa Thánh Thần và kêu lớn tiếng: Em có phúc hơn mọi phụ nữ và Con lòng Em đầy phúc lạ”. Thánh Phêrô tuyên xưng ở Mt 16:16, khi Chúa Giêsu hỏi ông nói Ngài là ai, ông thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hàng sống”, và Chúa Giêsu nói đó là những lời đến từ Chúa Cha, chắc chắn nhờ Chúa Thánh Thần. Giáo lý cũng ghi chú: “Mọi người tôn vinh Chúa Cha thì cũng tôn vinh Chúa Con qua Chúa Thánh Thần; những người theo Chúa Kitô cũng vậy vì nhờ Chúa Cha thu hút và Chúa Thánh Thần thúc đẩy” (x. Ga 6: 44; Rm 8: 14). Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa là tình yêu, Ngài ở trong tình yêu và ở trong Thiên Chúa”. Thiên Chúa có thể trở nên giống như sự trao đổi tình yêu vĩnh hằng – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Đấng đã tiền định Nhiệm thể Chúa Kitô chia sẻ sự trao đổi đó.

Những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu đem lại lời hứa của Chúa Thánh Thần

Trong bài giảng cuối cùng của Ngài với các môn đệ, chương 14 trong phúc âm theo thánh Gioan, Chúa Giêsu nói: “Những gì anh em xin, hãy nhân danh Thầy mà xin. Nếu anh em yêu mến Thầy và tuân giữ giới răn Thầy truyền ban, Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em Đấng Phù Trở (Paraclete) khác đến ở với anh em luôn mãi, Ngài là Thần Chân Lý, Đấng mà thế gian không chấp nhận, vì thế gian không nhận biết Ngài; nhưng anh em có thể nhận biết Ngài vì Ngài ở trong anh em”. Ngài tiếp tục nói rằng “Đấng Phù Trợ là Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha gởi đến nhân danh Thầy, sẽ dạy bảo anh em mọi điều”. Những điều Chúa Giêsu dạy bảo sẽ không hư mất. Điều đó sẽ được duy trì trong Tông truyền thánh thiện bằng ngôn từ và đa số được viết trong Tân ước, một phần có trong Cựu ước và các sách thánh. Những điều đó hình thành đức tin, nhờ Chúa Thánh Thần trợ giúp, được duy trì trong Giáo hội Công giáo từ thời Chúa Giêsu.

Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa

Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa, Ngài được Chúa Cha và Chúa Con sai đến để hoàn tất công việc của Chúa Con. Ngài là Đấng Thánh. Chân phước Gioan Phaolô II đã viết: “Hoàn tất công việc mà Chúa Cha đã giao phó cho Chúa Con trên thế gian” (Ga 17:4), vào ngày Lễ Hiện Xuống, “Chúa Thánh Thần được sai đến để thánh hóa Giáo hội mãi mãi, để các tín hữu có thể đến với Chúa Cha qua Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần” (Ep 2:18). Giáo hội luôn dạy rằng chúng ta nhận lãnh Chúa Thánh Thần qua bí tích Thánh Tẩy (thông chia sự sống của Thiên Chúa; dấu bề ngoài phát sinh ân sủng bên trong chúng ta). Nước trong bí tích Thánh Tẩy biểu hiện việc tẩy sách tội tổ tông (mọi người đều mắc tội này từ Adam và Eve, cha mẹ đầu tiên của chúng ta).

Trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô, thánh Phaolô nói với chúng ta rằng chúng ta được đóng ấn Chúa Thánh Thần qua bí tích Thánh Tẩy. Thực tế này được biểu hiện qua dầu thánh xức trên trán bằng cách vẽ Thánh Giá khi được rửa tội. Bí tích này tẩy xóa sạch dấu-vết-không-thể-tẩy-xóa (indelible character). Sự sống của Thiên Chúa đến với chúng ta và làm cho chúng ta trở nên “Con Thiên Chúa” và “người thừa kế của Đức Kitô”. Thánh Phêrô so sánh với nước đã cứu ông Nôe khỏi chết, tuyên xưng trong tâm khảm: “Hiện nay phép rửa cứu thoát anh em” (1 Pr 3:21). Chúa Thánh Thần thông ban đức tin, đức cậy và đức ái, làm cho chúng ta có thể phát triển trong mối quan hệ với Thiên Chúa và với tha nhân.

Bí tích Hòa giải và Thánh Thể

Chúa Thánh Thần hoạt động trong bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Khi hiện ra với các Tông đồ vào chiều tối ngày lễ Phục sinh, Chúa Giêsu đã thở hơi vào họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:22-23). Giáo lý Công giáo nói: “Giáo hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Nhờ Thánh Thần và tác động của Ngài nơi các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô đã chết và phục sinh, thiết lập cộng đoàn các tín hữu là Nhiệm thể của Ngài.

Trong mỗi thánh lễ, linh mục cầu nguyện, xin Chúa Cha gởi Chúa Thánh Thần đến thánh hóa Bánh Rượu để trở thánh Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Kitô. Thánh Gioan Damascene (thế kỷ VIII) viết: “Anh chị em xin cho Bánh và Rượu trở thành Mình và Máu Đức Kitô khi tôi nói: Chúa Thánh Thần đến trên họ và hoàn tất những gì qua mỗi lời nói và ý nghĩ… Hãy để điều đó cho anh chị em hiểu rằng đó là nhờ Chúa Thánh Thần, cũng như đó là qua Đức Mẹ và nhờ Chúa Thánh Thần mà Thiên Chúa, qua chính Ngài, đã hóa thành nhục thể”.

Bí tích Thêm sức

Thời Cải cách Tin lành (Protestant Reformation), Luther và các nhà cải cách khác đã từ chối bí tích Thêm Sức (Confirmation). Thời giáo hội sơ khai, Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức được trao ban cùng lúc cho những người nhập đạo. Điều này làm lu mờ sự phân biệt trong tâm trí các nhà cải cách về hai bí tích này. Nhưng Kinh thánh rõ ràng. Chúa Kitô hứa ban Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi, (x. Ga 14:15-21), Ngài làm cho các tông đồ có thể làm chứng cho sự thật (Ga 15:6) và hoàn thành sau 9 ngày cầu nguyện vào lễ Ngũ Tuần (Pentecost). Sau khi thánh Phêrô và các tông đồ lãnh nhận Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Hiện Xuống, một số người thắc mắc: “Chúng ta sẽ làm gì?” Thánh Phêrô nói: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2:37-38).

Chúng ta thấy bí tích này trong Cv 8: 14-17, thánh Phêrô và thánh Gioan đặt tay trên người Samari được rửa tội trước. Bí tích này cho chúng ta những tặng phẩm của Chúa Thánh Thần, đó là thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa (x. Is 11:2-3). Trong bí tích Thêm Sức, chúng ta là các binh sĩ của Chúa Kitô, được đóng ấn Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Tin Mừng của Đức Kitô bằng một cách trưởng thành. Với biểu tượng của sức mạnh mới này trong Chúa Thánh Thần, các giám mục thời Trung cổ (Middle Ages) thường trao cho ứng viên một cái vả nhẹ (light slap) lên má, đó là biểu tượng rằng chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ cuộc sống riêng vì đức tin, như nhiều người đã thực hiện trong quá khứ. Thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Thiên Chúa, thì ở đó có tự do. Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một tấm gương. Như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Thiên Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3:17-18). Chúng ta được tiền định để phản ánh vinh quang Thiên Chúa trong đời sống chúng ta bằng cách cố gắng phát triển sự thánh thiện cá nhân, điều mà chỉ khả dĩ đạt được nhờ Hồng ân Thiên Chúa. Như vậy, các bí tích đóng cho chúng ta các dấu ấn Tình yêu Thiên Chúa và phụng sự Ngài, đồng thời nhờ hợp tác với công việc của Ngài nơi chúng ta, cuộc đời chúng ta sinh hoa trái của Chúa Thánh Thần: yêu thương, vui vẻ, bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gl 5:22-23).

Sức mạnh của Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần khả dĩ làm chúng ta trở nên sinh hoa kết trái của Nhiệm thể Chúa Kitô, tức là Giáo hội. Nhiệm thể Chúa Kitô mà thánh Phaolô đã viết trong Kinh thánh, gồm cả Tân Cựu ước, chư thánh trên trời cũng như các Kitô đã chịu Phép rửa. Thánh Phaolô chú thích rằng chúng ta là Giáo hội được bao trùm bởi các nhân chứng trên trời (Dt 11). Chúa Thánh Thần cư ngụ trong chúng ta thực sự biến đổi cuộc đời chúng ta, giáo hội và thế giới. Thánh Phaolô thúc giục: “Chúng ta sống nhờ Chúa Thánh Thần”. Chúng ta làm điều này khi chúng ta càng biết từ bỏ chính mình, chúng ta càng “bước đi nhờ Chúa Thánh Thần” (Gl 5:25). Sức mạnh này không chỉ giới hạn vào các bí tích. Có một kinh nghiệm được nói tới là “Phép rửa của Chúa Thánh Thần”.

Thánh Thomas Tiến sĩ (Thomas Aquinas, Lm Dòng Đa Minh) nói rằng Chúa Thánh Thần khả dĩ được trao ban hoặc được gởi đến để cư ngụ trong chúng ta và “làm cho chúng ta nên mới”. Điều này bắt đầu khi nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy, nhưng Chúa Thánh Thần khả dĩ được trao ban hoặc được gởi đến sau đó như thánh Thomas đã viết: “Việc gởi Chúa Thánh Thần đến cũng làm tăng nhân đức hoặc tăng ân sủng… Việc gởi đến vô hình như vậy được nhận ra trong quá trình tăng ân sủng mà một người chuyển sang hành động mới hoặc tình trạng mới của ân sủng: chẳng hạn, khi một người chuyển vào ân sủng của các việc làm phép lạ, hoặc nói tiên tri hoặc tử đạo, hoặc từ bỏ hết sản nghiệp, hoặc đảm trách việc khó khăn”. Chúa Kitô hứa ban Đấng Phù Trợ được hoàn tất vào lễ Ngũ Tuần đối với các tông đồ và Đức Maria, những người đã hăng say làm “tuần cửu nhật” (cầu nguyện suốt 9 ngày). Phạm vi ngoại hạng này của Chúa Thánh Thần có vẻ được nói đến ở những nơi khác trong sách Tông đồ Công vụ (x. Cv 4:31; 19:1-7).

Chúa Thánh Thần khả dĩ “làm chúng ta nên mới” khi chúng ta “đầu hàng” Thiên Chúa và phụng sự Ngài toàn tâm toàn ý, đó là việc giúp chúng ta sống thánh thiện riêng (không vậy thì không ai có thể gặp Thiên Chúa) và công việc của giáo hội. Tuy nhiên, điều này không chiếm vị trí của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, nhưng là cách mở rộng ra cho sự sống trong Chúa Thánh Thần. Điều này có thể cảm nghiệm nhờ cảm thấy sự viên mãn của tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa, hoặc cảm thấy đầy tràn niềm vui và bình an. Trong Kinh thánh, thi thoảng chúng ta cảm thấy điều đó nhờ tặng phẩm ngôn ngữ. Giáo lý dạy: “Đời sống luân lý của các Kitô hữu được nâng đỡ nhờ các tặng phẩm của Chúa Thánh Thần” giúp chúng ta càng sẵn sàng để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thánh Phaolô viết: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8:14, 17).

Tặng phẩm tâm linh

Các tặng phẩm của Chúa Thánh Thần là các khí cụ mạnh mẽ trong công việc của Chúa Thánh Thần nơi giáo hội. Thánh Phaolô viết: “Không ai có thể nói rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa ngoài Chúa Thánh Thần. Có những tặng phẩm khác nhau nhưng đều do một Thánh Thần; có những chức vụ khác nhau nhưng đều do một Thiên Chúa; có những công việc khác nhau nhưng đều do một Thiên Chúa, Đấng hoàn tất mọi sự trong mọi người. Đối với mỗi người, việc biểu hiện Chúa Thánh Thần được trao ban vì lợi ích chung. Người này được ơn khôn ngoan trong cách nói, người kia được khả năng bày tỏ sự hiểu biết. Nhờ Chúa Thánh Thần mà người này được lãnh nhận đức tin; cũng nhờ Chúa Thánh Thần mà người kia được ơn chữa lành, và người khác có khả năng làm phép lạ. Ơn tiên tri được trao cho người này, ơn khác được trao cho người kia. Có người lại được ơn giảng thuyết. Tất cả chúng ta đều chung một Thánh Thần… Không phải ai cũng có tài ăn nói, “nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người” (x. 1 Cr 12:3-11). Điều mà thánh Phaolô nói đến là Tình Yêu.

Tình yêu là tặng phẩm vĩ đại nhất. Nhưng về tặng phẩm ngôn ngữ? Tôi có phải nói ngôn ngữ của Kitô giáo? Thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1 Cr 13:1-2). Về miệng lưỡi, thánh Phaolô nói: “Người nói tiếng lạ thì không nói với người ta, nhưng là nói với Thiên Chúa, bởi vì chẳng ai hiểu được: nhờ Thần Khí, kẻ ấy nói ra những điều nhiệm mầu. Còn người nói tiên tri thì nói với người ta để xây dựng, để khích lệ và an ủi. Kẻ nói tiếng lạ thì tự xây dựng chính mình; người nói tiên tri thì xây dựng Hội Thánh” (1 Cr 14:2-4). Thánh Phaolô kết luận: “Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì tôi nói các tiếng lạ nhiều hơn tất cả anh em. Vì thế, các tiếng lạ được dùng làm dấu hiệu, không phải cho những người tin, mà cho những kẻ không tin; còn lời ngôn sứ thì không phải là cho những kẻ không tin, mà cho những người tin” (1 Cr 14:18, 22).

Lương tâm là người bạn tốt nhất

Chúng ta nên nhớ huấn thị của thánh Phaolô: “Nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ” (Gl 6:1). Chúng ta không chỉ gánh vác trách nhiệm của mình mà còn mang gánh nặng của người khác. Ngài nói thêm: “Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta. Anh em biết đấy: ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do. Người làm chủ cũng hãy đối xử như thế với nô lệ. Đừng doạ nạt nữa: anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai” (Gl 6: 7-8).

Trong thư gởi giáo đoàn Galát, thánh Phalô khuyên: “Kẻ làm nô lệ, hãy vâng lời những người chủ ở đời này với thái độ run rẩy và sợ sệt, với lòng đơn sơ, như vâng lời Đức Kitô. Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như nô lệ của Đức Kitô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa.” (Gl 6:5-6). Trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô, ngài thúc giục chúng ta: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh” (Ep 6:18).

(Chuyển ngữ từ CatholicFaithAndReason.org)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC Biển Đức 16 khuyến khích truyền giáo qua công tác từ thiện
Nguyễn Trọng Đa
08:34 06/05/2011
ĐTC Biển Đức 16 khuyến khích truyền giáo qua công tác từ thiện

ROMA – ĐTC Biển Đức 16 bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với “Quỹ Giáo hoàng”, và khuyến khích việc truyền giáo qua các công tác từ thiện, bởi vì Giáo Hội là "truyền giáo tự bản chất”.

Ngày 5-5, ĐTC nhắc lại điều trên đây, khi Ngài tiếp các thành viên của “Quỹ Gíao hoàng”. Đây là một tổ chức từ thiện ở Mỹ, được thành lập năm 1990 bởi Đức Hồng Y John Krol, nhằm hỗ trợ các giáo phận đang gặp khó khăn, và can thiệp vào các nước bị ảnh hưởng bởi nghèo khổ, chiến tranh, và nạn đói.

ĐTC nói: “Anh chị em đã làm chứng cho sự kiện rằng Giáo hội tự bản chất là truyền giáo. Quả vậy, “Quỹ Giáo hoàng” ra đời như một cách thức thể hiện tình đoàn kết thực tế với Đấng kế vị Thánh Phêrô, trong sự lo âu của Ngài đối với Giáo Hội phổ quát".

ĐTC khen ngợi “sự dấn thân của các thành viên cho các lý tưởng của Quỹ”, như là “sự biểu hiện đặc biệt của cam kết Kitô hữu trong Giáo Hội" và hơn nữa "trong thế giới".

Trích dẫn Tông huấn "Verbum Domini" (Lời Chúa), ĐTC nhấn mạnh bổn phận của Kitô hữu là “chuyển giao những gì chúng ta đã nhận qua ân sủng Chúa”.

Ngài hoan nghênh “sự đóng góp quan trọng" của Quỹ “qua việc cổ vũ các công tác từ thiện. "

Ngài cũng cảm ơn “Quỹ Giáo hoàng” về sự cổ vũ “phát triển con người toàn diện”, nghĩa là, bên cạnh sự hỗ trợ kinh tế, Quỹ không những "khuyến khích các hoạt động tông đồ của các giáo phận và các Dòng tu trên thế giới", mà còn "quan tâm đến việc đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai của Giáo hội, và hỗ trợ các hoạt động của Tòa Thánh". (Zenit 5-5-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Vệ binh Thụy Sĩ: 34 thành viên mới
Nguyễn Trọng Đa
08:36 06/05/2011
Vệ binh Thụy Sĩ: 34 thành viên mới

ROMA - 3.000 du khách dự kiến sẽ bao quanh 34 thành viên mới – trong đó có 28 người nói tiếng Đức – của Đội Vệ binh Thụy Sĩ của Tòa thánh, khi họ tuyên thệ nhậm chức vào 6-5, như thông lệ hàng năm.

Ngày 5-5, vị chỉ huy Đội Vệ Binh đã tiếp các phóng viên, và cho biết rằng Đội Vệ Binh Thụy Sĩ, khi phải đảm bảo việc bảo vệ trực tiếp cho ĐTC, kiểm soát việc ra vào Thành phố Vatican, canh gác Dinh Tông Tòa và bảo đảm công tác trật tự và danh dự - như trong dịp lễ phong chân phước Gioan Phaolô II – “ngày càng có nhiều công việc để làm”.

Trước nguy cơ trả thù sau cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden, ông nói rằng trong quá khứ Đội Vệ Binh đã có nhiều thời kỳ "khó khăn", nhất là trong thập niên 1980 của thế kỷ XX.

Thánh lễ lúc 7g30 tại bàn thờ Ngai tòa thánh Phêrô, trong Vương cung thánh đường thánh Phêrô, sẽ được Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ khanh Tòa thánh, chủ sự.

Sau đó, lúc 9g, diễn ra nghi thức truy điệu các chiến sĩ đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ.

Theo một thông cáo, lễ tuyên thệ của các Vệ binh mới, sẽ diễn ra lúc 17g, trong Sân thánh Damase của Dinh Tông Tòa, trước sự tham dự của nhiều thành viên của Giáo triều Roma, phái đoàn chính quyền tổng Fribourg và khoảng 3.000 du khách.

Ngày 7-5, một buổi hòa nhạc sẽ được tổ chức lúc 12g30 trong sân danh dự của trụ sở Đội Vệ Binh Thụy Sĩ.

Nghi thức truyền thống về sự tuyên thệ của các Vệ binh mới được tổ chức mỗi năm vào ngày 6-5, để tưởng niệm sự hy sinh vào năm 1527 của 147 Vệ binh Thụy Sĩ, khi họ bảo vệ tính mạng của ĐTC Clement VII, trong Vụ cướp bóc ở Roma do lính đánh thuê của Vua Charles Quint thực hiện.

Đội Vệ binh Thụy Sĩ gồm có 110 binh sĩ và một linh mục tuyên úy. Đội được thành lập bởi ĐTC Julius II (1503-1513), khi cách đây hơn 500 năm, Ngài yêu cầu các nước thuộc “Confederatis Superioris Allemanniae” cho phép tuyển các thanh niên Thụy Sĩ, để lập ra đội vệ binh cho ĐTC.

Ngày 22-2-1506, tại Quảng trường Thánh Phêrô, lần đầu tiên ĐTC đã tiếp nhận và chúc phúc cho nhóm Vệ binh Thụy Sĩ, gồm 150 người dưới quyền chỉ huy của Đại úy Kaspar von Silenen, họ đi bộ từ Lucerne qua đường Francigena để bảo vệ ĐTC và Dinh Tông tòa.

Người được tuyển dụng phải là các nam thanh niên Thụy Sĩ Công giáo trong độ tuổi 19-30. Họ phải cao trên 1,74m, chưa lập gia đình và đã được đào tạo cơ bản trong quân đội.

Theo truyền thống, người ta nói rằng danh họa Michelangelo đã vẽ kiểu đồng phục của Đội Vệ binh, nhưng bộ đồng phục hiện nay được thiết kế khoảng năm 1915. (Zenit 5-5-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Philippines: Một đền thánh tưởng nhớ Chân phước Gioan Phaolô II
Phạm Kim An
08:37 06/05/2011
Philippines: Một đền thánh tưởng nhớ Chân phước Gioan Phaolô II

Đền thờ ở một trại tị nạn cũ, nơi ĐTC đã dâng thánh lễ

ROMA – Ngày 2-5, một trại tị nạn cũ ở Philippines, được ĐTC Gioan Phaolô II viếng thăm năm 1981, đã được khánh thành như một đền thánh và có thể trở thành một giáo xứ.

Đền thánh này thuộc về Nhà nước Philippines, và nằm ở ngay vị trí mà chính ĐTC Gioan Phaolô II đã cử hành một Thánh lễ vào ngày 21-2-1981.

Bên trong đền thánh, bàn thờ là một bản sao của bàn thờ mà ĐTC Gioan Phaolô II đã dâng lễ, với một bức chân dung của ĐTC với các kích thước thực, đặt trên một chiếc thuyền với một gia đình "thuyền nhân".

Các tín hữu đã xin cho đền thánh này trở nên nhà thờ thuộc một giáo xứ dâng kính cho Chân phước Gioan Phaolô II.

Đền thánh tọa lạc trong Trung tâm Xử lý Trại Tị nạn Philippines (“Philippine Refugee Camp Processing Center”) trước đây, hiện nay là Khu Công nghệ cao Bataan (BTPI). Trại này là chặng cuối cùng cho người tị nạn Đông Dương, khi họ tìm cách tái hòa nhập vĩnh viễn ở các nước khác.

Trại cũng phục vụ như một nơi trú ngụ tạm thời cho khoảng 400.000 người tị nạn Việt Nam, Lào và Campuchia, được gọi là "thuyền nhân". (Zenit 5-5-2011)

Phạm Kim An
 
Việc xử tử bin Laden có hợp đạo đức không?
Trần Mạnh Trác
13:49 06/05/2011
Khi công bố cuộc đột kích cùa lực luợng SEAL thành công và bin Laden bị hạ sát, Tổng Thống Obama của Hoa Kỳ kết luận:

"Công Lý đã được thực thi!" (Justice has been done!)

Có đúng như vậy không?

Rõ ràng đối với những gia đình nạn nhân của biến cố 9/11 thì cái chết của bin Ladin là một 'closure' (một sự kiện giúp chấm dứt) cho những đau buồn mà họ phải gánh chịu từ khi thân nhân của họ bị sát hại một cách bất công.

Cũng vậy đối với những người đổ xô ra đường để vui mừng hân hoan ở khu Ground Zero và ở trước tòa Bạch Cung, thì cái chết đó đánh dấu việc nước Mỹ đã rửa xong cái hận 10 năm.

Nhưng ngay lập tức cũng diễn ra nhiều tranh luận sôi nổi trên cộng đồng Mạng (Internet,) đặt lại vấn đề Thực Thi Công Lý.

Ngọai trừ khỏang vài trăm người biểu tình phong chức 'tử đạo' cho bin Ladin tại Ai Cập và Parkistan, (là một điều ít ỏi mà các nhà quan sát đã ngạc nhiên trước một thế giới Hồi Giáo vốn thường bài bác Hoa Kỳ,) thì hầu như không ai cho rằng bin Laden không đáng tội chết. Tuy nhiên việc xử tử một tội đồ, dưới ánh sáng luân lý đạo đức, cũng cần phải được biện minh.

"Chúng ta cần phải rõ ràng với lời tuyên bố của Tổng thống Obama " là lời của giáo sư Gerard Powers, giám đốc học viện Kroc, chuyên khoa về kiến tạo Hòa bình Quốc tế tại viện Đại học Công Giáo Notre Dame.

"Công lý chỉ được thực hiện khi việc giết bin Laden là điều cần thiết để bảo vệ 'lợi ích chung' (Công Ích,) chống lại chủ nghĩa khủng bố," GS Powers viết. "Công lý sẽ không được thực hiện nếu chúng ta say sưa trong việc giết chóc như là một hành động trả thù cho biến cố 9/11. Và Công lý sẽ chưa rõ ràng, nếu được thực hiện với ý nghĩa là bin Laden là người chịu trách nhiệm về những tội ác chống lại loài người, đặc biệt là cuộc tấn công 9/11."

GS Powers cũng nói thêm là việc cố tình giết chết bin Laden trong khi có thể bắt hắn đưa ra xét xử là việc làm vi phạm đạo đức, ông nói. "Nếu chúng ta đã có thể bắt bin Laden và hắn lại bị giết chết, thì công lý đã không được thực thi."

Đức Giám Mục Paul S. Loverde của giáo phận Arlington, Virginia, là giáo phận bao gồm khu vực Ngũ Giác Đài, cũng cảnh giác phải phân biệt giữa hành động trả thù và bảo vệ công lý:

"Điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức rõ ràng có một sự khác biệt giữa hai ý thức, một là ý thức hợp lẽ khi thực hiện công việc bảo vệ quốc gia và hai là ý thức sai lầm về sự trả thù. Chúng ta đừng hướng lòng về sự oán giận hay cay đắng, mà hãy hướng tới một niềm tin sâu xa hơn vào lòng thương xót và sự quan phòng của Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện cho những người đang phục vụ đất nước, cho sự hóan cải của những người cổ động khủng bố và cho sự phát triển đức tin và khát vọng hòa bình trong mỗi con tim của chúng ta. "

Trung tâm Hồi giáo Bắc Mỹ Tanenbaum là một trong số những đòan thể đã hân hoan chào đón tin tức về cái chết của bin Laden, nhưng cũng lên tiếng cảnh báo những hành vi hận thù vô ý thức và những thành kiến có sẵn (stereotypes.)

"Chúng tôi hy vọng cái chết của ông ta sẽ mang lại an ủi cho tất cả các gia đình, thuộc nhiều tôn giáo và giai tầng xã hội, là những nạn nhân đã bị mất người thân trong biến cố 9/11 và trong các cuộc tấn công khủng bố khác thực hiện bởi trùm khủng bố Osama bin Laden", bản tuyên bố của trung tâm Tanenbaum cũng cho biết thêm là bin Laden "không phải là một nhà lãnh đạo Hồi giáo; ông ta là một kẻ giết người hàng loạt, giết cả người Hồi giáo," tổ chức al-Qaida mà bin Laden cầm đầu "đã tàn sát vô số người Hồi giáo ở nhiều quốc gia, kể cả ở Hoa Kỳ. Vì vậy, cái chết của hắn sẽ phải được chào đón bởi tất cả những người tin vào hòa bình và phẩm giá con người.."

Nhưng Trung tâm cũng cảnh báo chống lại "tiếng nói của hận thù" đang nổi lên giữa cảnh hân hoan của quốc gia.

"Trên mạng Twitter ngày hôm nay, chúng ta đã thấy những từ ngữ chửi bới về chủng tộc được sử dụng để mô tả bin Laden. Chúng tôi thấy nhiều thành kiến chống lại tất cả những người theo đạo Hồi. Đó là các nọc độc không khác gì sự thù hận mà Osama bin Laden đã từng phun ra", theo lời tuyên bố của Tanenbaum. "Vậy câu hỏi dành cho những người tweet, viết blog, Facebook và đang tham gia trong cuộc tranh luận truyền thông là: 'Tại sao bạn nghĩ rằng những hận thù mù quáng và bất công đối với người Hồi giáo và việc khuyến khích bạo lực đó thì khác với những hận thù của bin Laden?' Và câu trả lời, tất nhiên, là chúng không khác gì nhau. "

Linh mục dòng Tên James Martin, biên tập viên của tạp chí của nhà dòng có tên là America, đã nêu ra một số chủ đề đầy tính cách nhân bản trong cuộc tranh luận trên Internet:

"Osama bin Laden chịu trách nhiệm về cái chết của hàng ngàn người ở Hoa Kỳ và tạo đau khổ cho hàng ngàn người trên khắp thế giới, cũng như gây tử vong cho nhiều quân nhân nam và nữ của chúng ta. Cho nên tôi mừng vì ông ta đã xa rời thế giới này và tôi cầu nguyện rằng việc ra đi của ông ta có thể dẫn đến hòa bình."

"Nhưng là một Kitô hữu, tôi được kêu gọi phải cầu nguyện cho ông ta và, trong mọi trường hợp, phải tha thứ. Lệnh truyền đó đến từ Chúa Giêsu, một người đã bị đánh đập, tra tấn và bị giết .. là người có hiểu biết tuyệt đối về sự đau khổ. Lệnh này cũng đến từ Thiên Chúa. "

Thầy dòng Phanxicô Daniel Horan, một giảng viên thần học tại Siena College ở New York, không đồng ý về một số điểm mà nhiều người đã nêu ra để biện hộ cho những cuộc liên hoan là "vì chúng ta tin vào sự phục sinh, cho nên phải vui mừng trước mọi cái chết." (kể cả của bin Laden)

"
Những gì chúng ta làm trong một Thánh Lễ An Táng là để tán dương cuộc sống ở trên thế gian và cuộc sống đời sau của người đã chết, nhưng chúng ta không tán dương rằng sự chết tự nó là một điều tốt đẹp."

Tòa Thánh Vatican cũng đã nhanh chóng đưa ra một tuyên bố thừa nhận những lỗi lầm của bin Laden như: "tạo hận thù và chia rẽ giữa các dân tộc, gây ra cái chết của vô số người, và lợi dụng tôn giáo cho mục đích riêng." Tuy nhiên, Tòa Thánh cũng khuyên nhủ đừng tỏ lộ ra những phản ứng sung sướng: "trước cái chết của một người, một Kitô hữu không bao giờ vui mừng, nhưng nên phản ánh về trách nhiệm nghiêm trọng của mỗi người trước mặt Thiên Chúa và trước mặt lòai người, và người Kitô hữu phải nuôi hy vọng và làm việc để làm sao cho mọi biến cố có thể trở thành một dịp tốt cho sự phát triển hòa bình chứ không phải là cho sự gia tăng thù hận. "

Trở về việc tìm giết bin Laden, GS Powers cho biết về mặt đạo đức cần có sự phân biệt giữa một nỗ lực ám sát một vị nguyên thủ quốc gia, như Moammar Gadhafi của Libya, so với một nỗ lực để giết chết kẻ đứng đầu một tổ chức khủng bố, như bin Laden. GS cho biết việc tiêu diệt một kẻ khủng bố thì có ít vấn đề đạo đức hơn. Ngòai ra cũng phải xem xét lại khía cạnh là liệu Hoa Kỳ có vi phạm chủ quyền của Pakistan khi tiến hành cuộc tấn công vào nơi ẩn nấp của bin Laden không?

"Đối với giáo lý Công giáo thì chủ quyền của một quốc gia không phải là tuyệt đối," GS Powers cho biết. "Nếu rõ ràng rằng Pakistan đã không muốn hoặc không thể có hành động thích hợp để chống lại bin Laden và những kẻ khủng bố khác, thì, trên một số phương diện, Pakistan không thể than phiền khi người khác thực hiện các trách nhiệm mà họ không thể hoàn thành."

Cuối cùng, GS Powers kết luận, "mặc dù chúng ta có thể biện minh cho việc giết chết bin Laden, chúng ta cần làm việc đó với một tình cảm hối tiếc sâu sắc và với một quyết tâm là sẽ phát triển những phương cách phi quân sự để chống lại chủ nghĩa khủng bố và xóa bỏ những căn nguyên gây ra nó. "
 
Hương thơm sự thánh thiện
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:17 06/05/2011
Hương thơm sự thánh thiện

Trong buổi lễ phong Chân Phước cho Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phao lô đệ nhị ngày 01.05.2011 vừa qua, Đức Thánh Cha Benedicto XVI. đã nói lên tâm tư của riêng mình và cũng là của toàn thể mọi người trong Giáo Hội về vị Chân Phước Gioan Phaolô I I:„ Chúng ta đã cảm nhận hương thơm thánh thiện của ngài.“

Hương thơm sự thánh thiện của một đấng Thánh chiếu tỏa lan rộng khắp mọi nơi cho mọi người. Nhưng ta lại không thể ngửi được bằng mũi, nếm được bằng lưỡi, mà chỉ có thể cảm nhận được hương vị đó bằng trái tim tâm hồn, nói đúng hơn bằng giác quan của đức tin.

1. Hai vị Giáo hoàng

Tân Chân Phước Gioan Phaolô II. là vị tiền nhiệm của đức đương kim Giáo hoàng Benedictô XVI. Hai người là bạn thân thiết với nhau, cùng làm việc sát cánh bên nhau trong vườn nho Giáo Hội của Chúa ở trần gian suốt dọc thời gian hơn hai mươi năm ( 1982-2005).

Hai người là hai công trình sáng tạo của Thiên Chúa với những khác biệt. Nhưng họ lại cùng làm việc bổ túc lẫn cho nhau.

Đức Karol Wojtyla là một con người vui vẻ niềm nở, toát ra sự duyên dáng thu hút dễ gây thiện cảm với người khác; một người có năng khiếu đặc biệt về truyền thông kịch nghệ điện ảnh.

Đức Joseph Ratzinger là con người có phong thái kín đáo, khiêm nhường tỏa ra nét một người nghiêm nghị có lòng từ tâm của một thầy giáo thiên bẩm.

Từ khi kế vị Đức cố Giáo Haòng Gioan Phaolô I I., vị đương kim Giáo Hoàng Benedictô XVI. luôn hằng kính trọng ca ngợi vị tiền nhiệm vĩ đại của mình. Nhưng lại không bao giờ tìm cách sao chép bắt chước vị tiền nhiệm của mình.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I I. là vị Giáo Hoàng dấn thân cho việc truyền giáo. Ngài là một con người hăng say chấp nhận mọi thử thách sẵn sàng chiến đấu; một con người có những việc làm cử chỉ lớn lao nổi bật, đôi khi gợi khiêu khích người khác.

Còn Đức đương kim Giáo Haòng Benedictô XVI. chuyên chú vào học thuyết Giáo lý trong Giáo Hội. Nơi ngài lòng hăng say chiến đấu chống lại chủ thuyết tương đối là điều quan trọng. Nhưng việc Đại kết với các Tôn giáo cũng chiếm vị trí trung tâm việc làm của ngài. Đức Benedictô XVI. là người có tính tình nhân hậu từ tốn, nói năng cùng cả cử chỉ nhỏ nhẹ đầy vẻ khiêm tốn nhẹ nhàng.

2. Lòng khiêm nhường của Đức Benedictô XVI.

Nét vẻ khiêm tốn của Đức Thánh Cha Benedicto XVI. chiếu tỏa ẩn hiện không chỉ khi ngài gặp gỡ nói chuyện với người khác hay nơi sách vở, bài viết diễn từ, thư chung của ngài. Nhưng trong Thánh lễ phong Chân Phước cho vị tiền nhiệm của mình, lòng khiêm nhượng của ngài càng nổi bật rõ nét hơn.

2.1. Con đường phong Chân Phước

09 ngày sau khi đuợc tuyển chọn bầu trở thành Đức Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo, ngày 28.04.2005 Đức Thánh Cha Benedictô XVI. đã dùng năng quyền dành riêng cho Đức Giáo Hoàng mở ra con đường tiến trình chuẩn bị phong Chân Phước cho vị tiền nhiệm của mình, sớm hơn như Giao Luật ấn định. Và cũng chính ngài hằng cùng đồng hành làm việc với trên con đường này.

Con đường chuẩn bị đã khởi đầu từ ngày đó và đi đến đích điểm cuối chót ngày 01.05.2005 với việc phong Ioannes Paulus Beatus ở Roma tại đền thờ Thánh Phero.

Điều này nói lên đức tính khiêm tốn của ngài về sự kính trọng vị tiền nhiệm của mình, vì hương thơm sự thánh thiện của Đức Karol Woytila.

2.2. Lễ Đức tin

Phong Chân Phước cho vị tiền nhiệm đáng kính của mình, nhưng Đức Thánh Cha Benedictô XVI. lại muốn ngày lễ này là “ lễ của Đức tin“, ngày lễ ca tụng vinh danh Thiên Chúa. Dù những thủ tục lễ nghi có được tổ chức đầy vẻ uy nghi trang trọng cùng sang trọng. Nhưng bầu khí cầu nguyện cùng Thiên Chúa qua lời bầu cử của Chân Phước Gioan Phaolô bao giờ cũng là điểm thiết yếu quan trọng ở trung tâm ngày lễ.

Điều này càng toát ra nét nhân đức khiêm nhường của ngài về điều căn bản thiết yếu nhất của hương thơm sự thánh thiện, mà Thiên Chúa chiếu tỏa qua vị Chân Phước Gioan Phaolô.

2.3. Được chúc phúc

Trong bài giảng phong Chân Phước, Đức Thánh Cha Benedictô XVI. đã trình bày một đời sống được chúc phúc của vị Chân Phước Gioan Phaolo không phải vì những thành tích kỷ lục khi xưa ngài đã làm đạt được lúc sinh thời. Nhưng được chúc phúc vì đức tin của Đức Gioan Phaolo vào Thiên Chúa, như khi xưa Thánh Tông đồ Phero đã xác tín tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

Chân Phước Gioan Phaolo trong suốt đời sống trên đường lữ hành khi xưa ở trần gian đã luôn hằng sống theo gương Đức Mẹ Maria đặt lòng tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa. Đức tin vào Thiên Chúa là căn bản cho ngài được chúc phúc, như lời Thánh Elisabeth nói với Đức Mẹ: „ Phúc cho em là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán với em được thực hiện“ ( Lc 1,45).

Nhận ra cùng ca ngợi vì đức tin vào Thiên Chúa mà Chân Phước Gioan Phaolo được chúc phúc cùng lãnh nhận được hương thơm sự thánh thiện từ nơi Thiên Chúa, là tâm tình nếp sống của người có lòng khiêm nhường sâu thẳm.

2.4. Tinh thần dấn thân

Đức Thánh Cha Benedictô XVI. trong bài giảng đã đề cao gương sống tinh thần dấn thân của Chân Phước Gioan Phaolo với niềm xác tín vào Giáo Hội của Chúa:

„Tinh thần gì vậy? Đó chính là tinh thần mà Đức Gioan Phaolô II trình bày trong Thánh lễ trọng thể đầu tiên của ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô, với những lời cảm kích không thể nào quên: “Đừng sợ! Hãy mở, mở rộng các cánh cửa cho Chúa Kitô!” Điều mà vị giáo hoàng mới được bầu đề nghị với mọi người, thì chính ngài là người đầu tiên thực hiện: ngài đã mở các hệ thống xã hội, văn hoá, chính trị, kinh tế cho Đức Kitô, với sức mạnh của một người khổng lồ - một sức mạnh ngài nhận được từ Thiên Chúa - tạo ra một dòng thác hầu như không thể đảo ngược. Bằng chứng tá đức tin, tình yêu, bằng lòng can đảm tông đồ của mình, và bằng uy tín cá nhân lớn lao, người con tuyệt vời này của đất nước Ba Lan đã giúp cho các tín hữu trên khắp thế giới không sợ được gọi là Kitô hữu, không sợ thuộc về Giáo Hội, không sợ nói về Tin Mừng.“ (Đuúc Giáon Hoàng Benedictô XVI. , Bài gỉang ngày 01.05.2011)

Lòng khiêm nhượng của Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. không ở chỗ tô điểm chân dung của vị Chân Phước Gioan Phaolo theo khía cạnh là một nhà cải cách hay nhà làm cách mạng. Nhưng nhấn mạnh theo khía cạnh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo là công cụ Chúa dùng để làm cho người tín hữu tự hào xác tín vào Chúa Kitô vào Giáo Hội của người, nhất là vào Tin mừng ơn cứu rỗi. Nói tắt, để mọi người cảm nhận thấy hương thơm thánh thiện của Thiên Chúa nơi con người Gioan Phaolo.

Có thể nói đó là lòng khiêm nhượng của một người có tầm trí thức cùng lòng đạo đức căn bản cùng nhìn xa trông rộng.

2.5. Con đường hy vọng

Đời sống của con người, của cả Giáo Hội là con đường không chỉ có qúa khứ cùng hiện tại, nhưng tiến về một tương lai. Vì thế cuộc sống hôm nay là chuẩn bị đi vào con đường tương lai đó với niềm hy vọng.

„Khi Karol Wojtyla ngồi vào ghế của Thánh Phêrô, ngài mang theo với ngài một nhận hiểu sâu xa về sự khác biệt giữa chủ nghĩa Mácxít và Kitô giáo, căn cứ trên những tầm nhìn của mỗi bên về con người. Đây là sứ điệp của ngài: con người là con đường của Giáo Hội, và Đức Kitô là con đường của con người. Với sứ điệp này, vốn là di sản lớn lao của Công đồng Vatican II, và của “vị tài công” của Công Đồng là Đức Phaolô VI, tôi tớ của Thiên Chúa, Đức Gioan Phaolô II đã dẫn dắt Dân Thiên Chúa qua ngưỡng cửa của Thiên Niên Kỷ thứ ba, mà nhờ Đức Kitô ngài đã mạnh dạn gọi là “ngưỡng cửa của hy vọng”.

….Ngài đã đúng đắn khi gọi Kitô giáo là động lực của niềm hy vọng ấy, niềm hy vọng cách nào đó từng bị rúng động trước chủ thuyết Mácxít và trước ý thức hệ về sự tiến bộ. Ngài đã lấy lại cho Kitô giáo khuôn mặt thực của mình như là một tôn giáo của hy vọng, được sống trong lịch sử trong một tinh thần của “Mùa Vọng”, trong một cuộc hiện sinh cá nhân và cộng đồng hướng tới Đức Kitô, sự viên mãn của loài người và là sự lấp đầy nơi chúng ta mọi khát vọng công lý và hoà bình. „ (Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. Bài giảng ngày 01.05.2011)

Lòng khiêm nhượng của Đức Thánh Cha Benedictô XVI. đã nhìn ra cùng đặt tên cho hướng đi của con đường, mà Chân Phước Gioan Phaolo đã hướng dẫn Giáo Hội Chúa tiến đi vào con đường tương lai niềm hy vọng.

Hương thơm thánh thiện của Thiên Chúa tỏa ra qua vị Chân Phước Gioan Phaolo cho con người trên con đường đi tìm kiếm ngài.

2.6. Tảng đá của Chúa


Ngay từ khi gặp gỡ quen biết rồi cùng làm việc sát cánh bên nhau, Đức Thánh Cha Benedictô XVI. đã cảm nhận ra hương thơm thánh thiện nơi vị Chân Phước Gioan Phaolo.

„Tôi từng biết ngài từ trước kia và từng ngưỡng mộ ngài, nhưng trong 23 năm, bắt đầu từ năm 1982 sau khi ngài gọi tôi về Rôma nhận nhiệm vụ đứng đầu Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, tôi được ở bên cạnh ngài và càng kính mến ngài hơn. Công việc của tôi đã được nâng đỡ nhờ sự sâu sắc tâm linh và nhờ tri thức khôn ngoan phong phú của ngài. Tấm gương cầu nguyện của ngài không ngừng gây cảm kích và soi sáng cho tôi: ngài không ngừng kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa ngay cả khi lọt thỏm giữa bao yêu cầu của sứ vụ.

Và cần phải kể đến chứng tá của ngài trong đau khổ nữa: Chúa đã dần dần rút đi khỏi ngài mọi sự, nhưng ngài vẫn cứ là “tảng đá”, như Chúa Kitô mong muốn. Lòng khiêm nhường sâu xa của ngài, cắm rễ trong mối gắn bó mật thiết với Đức Kitô, đã giúp ngài tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội và trao cho thế giới một sứ điệp thậm chí càng hùng hồn hơn khi sức mạnh thể lý của ngài suy kiệt. Bằng cách này ngài đã sống trọn, một cách phi thường, ơn gọi của mọi linh mục và giám mục, đó là trở nên một hoàn toàn với Chúa Giêsu, Đấng mà ngài đón nhận và trao ban hằng ngày trong Bí tích Thành Thể.“ (Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. Bài giảng ngày 01.05.2011)

Lòng khiêm nhượng của Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. với vị tiền nhiệm của mình không ở chỗ chỉ nhìn ra thấy khía cạnh sáng chói nổi bật, thành công của Đức Gioan Phaolo. Nhưng ngài nhận ra nơi vị Chân Phước Gioan Phaolo như một tảng đá bám vững chắc, chôn chặt vào Chúa, dù có phải trải qua những khó khăn yếu đuối.

2.7. Urbi et Orbi

Hương thơm thánh thiện cho hôm nay và ngày mai

-„Không ai trong chúng ta lại có thể quên được Chúa Nhật Phục Sinh cuối cùng của đời Ngài, Đức Thánh Cha, dẫu đau khổ tột bực, vẫn một lần nữa tiến ra cửa sổ của Dinh Thự Tông Đồ, và lần cuối cùng, Ngài chúc phúc cho chúng ta, "urbi et orbi" Chúng ta có thể chắc được rằng vị Giáo Hoàng khả kính của chúng ta ngày hôm nay, cũng đang đứng tại cửa sổ của Nhà Cha, để nhìn xuống và chúc phúc cho tất cả chúng ta. Vâng, hãy chúc phúc cho chúng con, Thưa Đức Thánh Cha!“ (Đức Hồng Y Giuse Ratzinger, bài giảng lể an táng ngày 08.05.2005)

-„Biết bao lần từ cửa sổ kia ngài đã ban phép lành cho chúng con tại Quảng trường này! Hôm nay, chúng con nguyện cầu: xin Đức Thánh Cha ban phép lành cho chúng con. Amen.“ (Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. bài giảng ngày 01.05.2011)

Bằng những tâm tình khẩn cầu trứơc linh cữu của Đức Giáo Hòang qúa cố Gioan Phaolo I I. năm xưa, và hôm nay trước bức ảnh của vị Chân Phước Phaolo I I., đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã nói lên: Chúng con không bao giờ quên hình ảnh đức Thánh Cha nơi cửa sổ phòng làm việc đã giơ tay ban phước lành cho chúng con. Đức Thánh Cha đã được Chúa chúc phúc, xin Đức Thánh Cha hãy tiếp tục chúc lành cho chúng con hôm nay và ngày mai!

Tin tưởng và khiêm nhường hơn nữa tưởng khó có thể sâu thẳm hơn được.

Tháng Hoa kính Đức Mẹ Maria, 08.05.2011

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

 
Một chứng tá nổi bật về Chân Phúc Gioan Phaolô II
Vũ Văn An
21:02 06/05/2011
Theo Phát Ngôn Viên Tòa Thánh, Linh Mục Federico Lombardi, không nhân chứng nào nổi bật hơn Đức Bênêđíctô XVI khi lên tiếng về Chân Phúc Gioan Phaolô II. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sự hiện đại đã tôn phong vị tiền nhiệm của mình lên hàng chân phúc, và trong hơn hai thập niên, từng là một trong những cộng tác viên thân cận nhất của vị này.
Để chứng minh cho nhận định của mình, Cha Lombardi nhắc lại cuộc phỏng vấn truyền hình tại Ba Lan vào tháng 10 năm 2005, trong đó, Đức Bênêđíctô XVI cho rằng Đức Gioan Phaolô II đã tạo ra một mẫn cảm mới đối với các giá trị luân lý cũng như đối với tầm quan trọng của tôn giáo trên thế giới. Chính vì thế, bất chấp các dị biệt cố hữu và việc họ không thừa nhận vai trò của người kế vị Thánh Phêrô, mọi Kitô hữu đều nhìn nhận ngài là phát ngôn viên của Kitô Giáo, và là phát ngôn viên của các giá trị vĩ đại của nhân loại đối với những người không phải là Kitô Hữu. Ngài còn biết cách làm cho người trẻ hứng khởi đối với Chúa Kitô, đối với Giáo Hội và các giá trị khó nắm giữ. Chính nhân cách và sự lôi cuốn của ngài đã động viên được giới trẻ thế giới dám dấn thân vào chính nghĩa Thiên Chúa và tình yêu Chúa Kitô.
Đức Bênêđíctô XVI cũng cho rằng sứ mệnh của ngài là tiếp nối di sản của vị tiền nhiệm: không ban hành nhiều văn kiện mới, mà là làm sao để các văn kiện của vị tiền nhiệm được thẩm thấu vì đó là một kho tàng phong phú. Các văn kiện này là những bản giải thích Công Đồng Vatican II hoàn toàn chân thực. Đức Gioan Phaolô II là người của Vatican II. Ngài nội tâm hóa tinh thần và lời nói của Công Đồng này. Qua các trước tác, ngài cho ta thấy rõ Công Đồng muốn gì và không muốn gì. Điều này giúp ta trở thành Giáo Hội của thời ta và của tương lai. Đức Bênêđíctô thực thi “di sản” này ngay từ những ngày đầu triều đại giáo hoàng của mình, không coi nó chỉ như những dấu mốc, mà thực sự như những linh hứng thiêng liêng mạnh mẽ, phát xuất từ chứng tá, cuộc đời và sự hiện diện thiêng liêng liên tục của ngài trên đường tiến bước của Dân Chúa.
Đức Gioan Phaolô II luôn gần gũi đối với tôi
Thiển nghĩ, nhân dịp này, ta nên đọc lại nội dung cuộc phỏng vấn ngày 16 tháng 10 năm 2005, ngày được Quốc Hội Ba Lan chọn làm Ngày Gioan Phaolô II, cũng là ngày Đức Hồng Y Karol Wojtyla được bầu làm giáo hoàng.
Hỏi: Chúng con cám ơn Đức Thánh Cha đã ban cho chúng con cuộc phỏng vấn vằn vỏi này nhân dịp Ngày Gioan Phaolô II được cử hành hôm nay tại Ba Lan.
Vào ngày 16 tháng 10 năm 1978, Đức Hồng Y Karol Wojtyla trở thành giáo hoàng, và từ ngày ấy, như Đức Thánh Cha đã biết, trong suốt hơn 26 năm, đức Gioan Phaolô II, trong tư cách Kế Nhiệm Thánh Phêrô, đã cùng các vị giám mục và hồng y lãnh đạo Giáo Hội. Trong số các vị hồng y, Đức Thánh Cha cũng có mặt, và được vị tiền nhiệm trân trọng quí mến: một người được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô viết trong cuốn :"Hãy Chỗi Dậy, Và Lên Đường” rằng: “Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì sự hiện diện và trợ giúp của Đức Hồng Y Ratzinger. Ngài quả là một người bạn thực sự”.
Thưa Đức Thánh Cha, tình bạn này đã khởi đầu như thế nào và Đức Thánh Cha gặp Đức Hồng Y Karol Wojtyla khi nào?
Đức Bênêđíctô XVI: Tôi gặp ngài trong hai cuộc mật nghị: tiền mật nghị và mật nghị chính thức năm 1978. Lẽ dĩ nhiên, tôi đã từng nghe về Đức Hồng Y Wojtyla trước đó, nhất là trong bối cảnh thư từ qua lại giữa các giám mục Ba Lan và các giám mục Đức năm 1965. Các đức hồng y Đức đã cho tôi hay các công trạng và đóng góp lớn lao của Đức Hồng Y Giáo Phận Krakow và ngài là linh hồn của những thư từ đó ra sao. Tôi cũng đã được các bằng hữu ở đại học của ngài cho nghe về tầm cỡ triết gia và tư tưởng gia của ngài. Nhưng như tôi đã nói, cuộc gặp gỡ đích thân đầu tiên xẩy ra trong dịp có mật nghị năm 1978. Tôi thích ngài ngay từ đầu và tạ ơn Chúa, không phải do công tôi, mà chính ngài đã làm thân với tôi ngay lập tức lúc đó.
Tôi rất biết ơn đối với cử chỉ đi bước đầu của ngài đối với tôi ấy. Trên hết, khi đứng ngắm ngài cầu nguyện, tôi thấy và hiểu rõ ngài quả là người của Thiên Chúa. Ấn tượng đầu tiên của tôi là: người này sống với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Tôi cũng rất có ấn tượng về sự thân ái không thiên kiến mà ngài đã tỏ ra trong lúc làm quen với tôi. Ngài lên tiếng nhiều dịp trong các cuộc gặp gỡ tiền mật nghị của các vị hồng y, và chính trong những lúc như thế, tôi có cơ hội được cảm nghiệm tầm cỡ tư tưởng gia của ngài. Không dùng những lời khoa trương, ngài đã tạo được mối liên hệ chân tình và ngay sau khi được bầu làm giáo hoàng, ngài cho vời tôi tới Rôma nhiều lần để chuyện trò và sau cùng đã cử nhiệm tôi làm tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Hỏi: Như vậy, việc cử nhiệm và triệu về Rôma không phải là một điều bất ngờ?
Đức Bênêđíctô XVI: Việc ấy rất khó đối với tôi, vì khi được cử làm giám mục Munich, với lễ tấn phong long trọng tại nhà thờ chính tòa Munich, tôi cảm thấy có bổn phận đối với giáo phận, gần như một cuộc hôn nhân vậy. Tôi thấy mình gắn chặt với giáo phận ấy. Cũng có một số vấn đề khó khăn chưa được giải quyết và tôi không muốn rời giáo phận trong tình trạng ấy. Tôi đem mọi chuyện ấy thành thật thảo luận với Đức Thánh Cha, và ngài hết sức có tình cha con đối với tôi. Ngài cho tôi thì giờ để suy nghĩ và cho hay chính ngài cũng muốn suy nghĩ. Cuối cùng, ngài thuyết phục để tôi tin rằng đó là ý Chúa. Do đó, tôi đã chấp nhận lời mời gọi và trách nhiệm lớn lao này, một trách nhiệm không dễ dàng gì và quả thực vượt quá khả năng của tôi. Nhưng tin vào sự tin cậy đầy tình cha con của Đức Giáo Hoàng và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tôi đã thưa vâng.
Hỏi: Kinh nghiệm này kéo dài hơn 20 năm…
Đức Bênêđíctô XVI: Đúng thế, tôi tới (nhậm chức) hồi tháng 2 năm 1982, và nó chỉ chấm dứt với việc qua đời của Đức Giáo Hoàng vào năm 2005.
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, theo ý kiến của Đức Thánh Cha, đâu là những giờ phút có ý nghĩa nhất trong triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II?
Đức Bênêđíctô XVI: Ta có thể xét triều đại giáo hoàng ấy theo 2 viễn tượng: một hướng ra bên ngoài, hướng ra thế giới, một hướng vào bên trong, hướng về Giáo Hội. Đối với tôi, hướng ra thế giới, hình như là thế này: qua các diễn văn, qua con người, qua sự hiện diện và qua khả năng thuyết phục của ngài, Đức Thánh Cha đã tạo được một sự mẫn cảm mới đối với các giá trị luân lý, đối với tầm quan trọng của tôn giáo trong thế giới. Điều ấy đã tạo ra một sự mở cửa mới, một mẫn cảm mới đối với tôn giáo và nhu cầu phải có chiều kích tôn giáo nơi con người. Trên hết, tầm quan trọng của Giám Mục Rôma đã tăng tiến rất nhiều.
Bất chấp các dị biệt và bất chấp việc họ không thừa nhận Vị Kế Nhiệm Thánh Phêrô, mọi Kitô hữu đều nhìn nhận rằng ngài là phát ngôn viên của Kitô Giáo. Nói về bình diện quốc tế, không một người nào trên thế giới có thể nhân danh Kitô Giáo để lên tiếng như thế và đem lại tiếng nói và sức mạnh cho thực tại Kitô Giáo trên thế giới ngày nay như vậy. Ngài cũng là phát ngôn viên của các giá trị vĩ đại của nhân loại cho những người và tôn giáo không phải là Kitô Giáo. Ngài đã tạo ra được một bầu khí đối thoại giữa các tôn giáo lớn và một cảm thức trách nhiệm chung của chúng ta đối với thế giới. Ngài cũng nhấn mạnh rằng bạo lực và tôn giáo không thể đi đôi với nhau và ta phải cùng nhau tìm ra con đường dẫn tới hòa bình, cùng nhận trách nhiệm chung đối với nhân loại.
Về tình hình Giáo Hội, tôi muốn nói rằng: trước nhất, ngài biết cách truyền vào giới trẻ một lòng hứng khởi đối với Chúa Kitô. Đây là một điều mới mẻ, nếu ta nghĩ tới giới trẻ của cuối thập niên 60 và thập niên 70. Giới trẻ ấy đã trở nên hứng khởi đối với Chúa Kitô, Giáo Hội và các giá trị khó nắm. Chính nhân cách và sức lôi cuốn của ngài đã động viên được giới trẻ thế giới dám dấn thân cho chính nghĩa Thiên Chúa và tình yêu Chúa Kitô. Trong Giáo Hội, ngài đã tạo được lòng yêu mến mới đối với Phép Thánh Thể.
Chúng ta vẫn còn đang trong năm Thánh Thể, được chính ngài mời gọi với một lòng kính mến cao độ. Ngài đã tạo được một ý thức mới đối với sự cao cả của lòng Chúa thương xót; ngài đã thâm hậu hóa lòng sùng kính Đức Mẹ. Nhờ thế, ngài đã hướng dẫn ta biết nội tâm hóa đức tin và, cùng một lúc, biết cách đạt được hiệu năng lớn hơn. Dĩ nhiên, ta cần nhắc tới sự đóng góp chủ yếu của ngài vào những thay đổi lớn lao trên thế giới trong năm 1989, làm cho chủ nghĩa xã hội xụp đổ.
Hỏi: Trong diễn trình gặp gỡ và đích thân thảo luận của Đức Thánh Cha với Đức Gioan Phaolô II, điều gì gây ấn tượng nhất nơi Đức Thánh Cha? Đức Thánh Cha có thể cho chúng con hay những buổi gặp gỡ cuối cùng trong năm nay với Đức Gioan Phaolô II không?
Đức Bênêđíctô XVI: Có. Vào những ngày cuối cùng, tôi được gặp ngài hai lần: một lần tại Bệnh Viện Gemelli, khoảng ngày 5 hay 6 tháng 2; và lần thứ hai là trước ngày ngài qua đời, ngay tại phòng của ngài. Trong lần gặp thứ nhất, Đức Giáo Hoàng đau đớn trông thấy, nhưng ngài hoàn toàn sáng suốt và rất tỉnh táo. Trước đó, tôi từng gặp ngài về một số việc cần ngài quyết định. Dù đau đớn trông thấy, Đức Thánh Cha vẫn theo sát một cách chăm chú những điều tôi trình bày. Ngài dùng ít lời cho tôi hay quyết định của ngài và ban phép lành cho tôi. Ngài chào tôi bằng tiếng Đức và xác nhận lòng tin cậy và tình bằng hữu đối với tôi.
Tôi hết sức cảm động thấy ngài kết hợp xiết bao với Chúa Giêsu đau khổ và can đảm chịu đau khổ như thế nào với Chúa và vì Chúa. Tôi cũng thấy rõ sự thanh thản nội tâm của ngài và ngài hoàn toàn tỉnh trí ra sao. Lần gặp thứ hai là trước ngày ngài qua đời: rõ ràng là ngài đang đau đớn khủng khiếp và đang được các bác sĩ và bạn bè chăm sóc. Ngài vẫn rất sáng suốt và ban phép lành cho tôi. Ngài không còn nói nhiều được nữa. Sự kiên nhẫn của ngài vào thời điểm đau đớn ấy là một bài học lớn lao cho tôi, giúp tôi thấy rằng ngài đã tin tưởng như thế nào vào bàn tay Thiên Chúa và ngài đã trao phó con người của ngài ra sao cho thánh ý Thiên Chúa. Bất chấp cái đau trông thấy, ngài vẫn thanh thản, vì ngài nằm trong bàn tay xót thương của Thiên Chúa.
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, trong các diễn văn của mình, Đức Thánh Cha hay nhắc tới khuôn mặt Đức Gioan Phaolô II, cho hay ngài là vị giáo hoàng vĩ đại, vị tiền nhiệm quá cố đáng kính. Chúng con luôn nhớ những lời Đức Thánh Cha phát biểu trong Thánh Lễ ngày 20 tháng 4 vừa qua, những lời đặc biệt dành cho Đức Gioan Phaolô II. Thưa Đức Thánh Cha, chính Đức Thánh Cha nói rằng, con xin trích dẫn: “như thể người đang nắm chặt tay tôi, tôi thấy ánh mắt tươi cười của ngài và như nghe thấy tiếng ngài nói, mà lúc đó, tôi coi như người nói thẳng với tôi một cách riêng: Đừng sợ!”. Thưa Đức Thánh Cha, sau cùng chúng con xin hỏi một câu có tính rất riêng tư: Đức Thánh Cha có tiếp tục cảm thấy sự hiện diện của Đức Gioan Phaolô II hay không,và nếu có, thì theo cách nào?
Đức Bênêđíctô XVI: Chắc chắn có. Tôi xin bắt đầu bằng cách trả lời phần đầu câu hỏi của ông. Nói về di sản của Đức Gioan Phaolô II, thoạt đầu, tôi quên không nhắc tới nhiều văn kiện ngài để lại cho chúng ta: 14 thông điệp, nhiều tông thư và văn kiện khác. Tất cả những văn kiện đó là một gia bảo phong phú chưa được Giáo Hội thẩm thấu.
Sứ mệnh của tôi không phải là ban hành nhiều văn kiện, mà là làm sao để các văn kiện của ngài được thẩm thấu, vì chúng là một kho tàng phong phú, giải thích Công Đồng Vatican II một cách chân thực. Ta biết rằng ngài là người của Công Đồng, ngài đã nội tâm hóa tinh thần và ngôn từ của Công Đồng. Qua các trước tác của mình, ngài giúp ta hiểu rõ điều Công Đồng muốn và điều Công Đồng không muốn. Điều này giúp ta trở thành Giáo Hội của thời ta và của tương lai.
Và bây giờ, tôi xin trả lời phần hai câu hỏi của ông. Đức Giáo Hoàng luôn luôn gần gũi đối với tôi qua các trước tác của ngài: tôi nghe ngài và tôi thấy ngài nói với tôi, nhờ thế tôi duy trì được cuộc đối thoại liên tục với ngài. Ngài luôn luôn nói với tôi qua các trước tác của ngài. Tôi biết cả gốc gác một số bản văn ấy. Tôi còn nhớ các cuộc thảo luận của chúng tôi về các bản văn đó. Bởi thế, tôi tiếp tục chuyện trò với Đức Thánh Cha.
Sự gần gũi với ngài này không chỉ giới hạn trong lời nói và bản văn, vì sau các bản văn ấy, tôi nghe thấy chính Đức Giáo Hoàng. Người đi về với Chúa không biến mất: tôi tin rằng người đi về với Chúa càng gần với chúng ta hơn. Tôi cảm thấy ngài rất gần gũi với tôi và tôi gần gũi với Chúa.
Tôi gần gũi Đức Giáo Hoàng và nay ngài giúp tôi gần gũi Chúa. Tôi cố gắng bước vào bầu khí cầu nguyện, yêu thương này với Chúa, với Đức Mẹ. Tôi phó thác cho lời cầu nguyện của ngài. Tóm lại, có một cuộc đối thoại thường hằng và chúng tôi gần gũi nhau một cách mới mẻ, một cách rất sâu sắc…
Lễ phong chân phúc
Những tâm tình làm chứng trên một lần nữa được Đức Bênêđíctô XVI phát biểu một cách long trọng trong thánh lễ phong chân phúc cho vị tiền nhiệm ngày 1 tháng 5 vừa qua. Trong bài giảng thánh lễ, Đức Bênêđíctô XVI cho biết lý do khiến ngài nhanh chóng tiến hành việc phong chân phúc này: là hương thơm sự thánh hiện của vị tiền nhiệm đã được tỏ lộ ngay trong lòng sùng kính của tín hữu vào dịp tang lễ của ngài.
Đức Bênêđíctô XVI ca tụng vị tiền nhiệm là người không sợ mở rộng cửa cho Chúa Kitô. “Ngài đã mở các hệ thống xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế cho Đức Kitô, với sức mạnh của một người khổng lồ - một sức mạnh ngài nhận được từ Thiên Chúa – tạo ra một dòng thác hầu như không thể đảo ngược. Bằng chứng tá đức tin, tình yêu, bằng lòng can đảm tông đồ của mình, và bằng uy tín cá nhân lớn lao, người con tuyệt vời này của đất nước Ba Lan đã giúp cho các tín hữu trên khắp thế giới không sợ được gọi là Kitô hữu, không sợ thuộc về Giáo Hội, không sợ nói về Tin Mừng. Nói tắt một lời: ngài đã giúp chúng ta không sợ sự thật, vì sự thật là bảo đảm của tự do. Hay nói hàm súc hơn: ngài đã trao cho chúng ta sức mạnh để tin vào Đức Kitô, vì Đức Kitô là Redemptor hominis, Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Đó là chủ đề của Thông Điệp đầu tiên của ngài, và cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Thông Điệp khác.
Khi Karol Wojtyla ngồi vào ghế của Thánh Phêrô, ngài mang theo với ngài một nhận hiểu sâu xa về sự khác biệt giữa chủ nghĩa Mác-xít và Kitô giáo, căn cứ trên những tầm nhìn của mỗi bên về con người. Đây là sứ điệp của ngài: con người là con đường của Giáo Hội, và Đức Kitô là con đường của con người. Với sứ điệp này, vốn là di sản lớn lao của Công Đồng Vatican II, và của “vị tài công” của Công Đồng là Đức Phaolô VI, Tôi Tớ của Thiên Chúa, Đức Gioan Phaolô II đã dẫn dắt Dân Thiên Chúa qua ngưỡng cửa của Thiên Niên Kỷ thứ ba, mà nhờ Đức Kitô ngài đã mạnh dạn gọi là “ngưỡng cửa của hy vọng”. Qua hành trình chuẩn bị lâu dài cho Năm Thánh 2000, ngài một lần nữa dìu dắt Kitô giáo tới tương lai, tương lai của Thiên Chúa, vốn siêu việt trên lịch sử trong khi vẫn trực tiếp tác động vào lịch sử. Ngài đã đúng đắn khi gọi Kitô giáo là động lực của niềm hy vọng ấy, niềm hy vọng cách nào đó từng bị rúng động trước chủ thuyết Mác-xít và trước ý thức hệ về sự tiến bộ. Ngài đã lấy lại cho Kitô giáo khuôn mặt thực của mình như là một tôn giáo của hy vọng, được sống trong lịch sử trong một tinh thần của “Mùa Vọng”, trong một cuộc hiện sinh cá nhân và cộng đồng hướng tới Đức Kitô, sự viên mãn của loài người và là sự lấp đầy nơi chúng ta mọi khát vọng công lý và hòa bình (bản dịch của Thiên Phong).
Đức Bênêđíctô XVI không quên nhắc lại mối liên hệ hết sức bản thân và nóng hổi với vị tiền nhiệm: “Cuối cùng, một cách biệt vị hơn, tôi muốn cảm tạ Thiên Chúa về ân huệ đã làm việc nhiều năm với Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tôi từng biết ngài từ trước kia và từng ngưỡng mộ ngài, nhưng trong hai mươi ba năm, bắt đầu từ năm 1982 sau khi ngài gọi tôi về Rôma nhận nhiệm vụ đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, tôi được ở bên cạnh ngài và càng kính mến ngài hơn. Công việc của tôi đã được nâng đỡ nhờ sự sâu sắc tâm linh và nhờ tri thức khôn ngoan phong phú của ngài. Tấm gương cầu nguyện của ngài không ngừng gây cảm kích và soi sáng cho tôi: ngài không ngừng kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa ngay cả khi lọt thỏm giữa bao yêu cầu của sứ vụ. Và cần phải kể đến chứng tá của ngài trong đau khổ nữa: Chúa đã dần dần rút đi khỏi ngài mọi sự, nhưng ngài vẫn cứ là “tảng đá”, như Chúa Kitô mong muốn. Lòng khiêm nhường sâu xa của ngài, cắm rễ trong mối gắn bó mật thiết với Đức Kitô, đã giúp ngài tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội và trao cho thế giới một sứ điệp thậm chí càng hùng hồn hơn khi sức mạnh thể lý của ngài suy kiệt. Bằng cách này ngài đã sống trọn, một cách phi thường, ơn gọi của mọi linh Mục và Giám Mục, đó là trở nên một hoàn toàn với Chúa Giêsu, Đấng mà ngài đón nhận và trao ban hằng ngày trong Bí Tích Thành Thể (bản dịch của Thiên Phong)
 
Top Stories
Vietnam: Les H’mongs de la région du Nord-Ouest manifestent contre les spoliations de terrain et pour la liberté religieuse
Eglises d'Asie
19:33 06/05/2011
Le 5 mai 2011, plusieurs agences de presse internationales ont rapporté que des milliers de personnes d’ethnie h’mong poursuivaient un mouvement de protestation entamé le 30 avril 2011 dans le district frontalier de Muong Nhe, province de Diên Biên, au nord-ouest du Vietnam. Selon certains rapports, les membres de cette minorité ethnique du Nord-Ouest vietnamien demandent l’autonomie et la liberté religieuse. Les forces militaires dépêchées sur place par le gouvernement auraient reçu l’ordre d’utiliser leurs armes pour disperser les manifestants. Des heurts violents ont opposé les forces de l’ordre et les Montagnards.

A cette heure, les informations sur ce sujet sont très rares. Interrogés par Radio Free Asia (émissions en vietnamien) (1), plusieurs officiels du district de Muong Nhe et du district voisin ont reconnu les faits tout en affirmant ne pas pouvoir parler, leur téléphone étant sur écoute. Le chef du district voisin a parlé d’un important rassemblement dans le district de Muong Nhe, et affirmé que les protestations n’étaient pas rares en cet endroit et avaient, généralement, pour motif des spoliations de terrains. La région où se déroule la manifestation est située à la frontière du Laos et de la Chine. Il s’agit sans doute de la région la plus pauvre du pays. Elle est habitée par 52 000 personnes.

Il est impossible pour le moment de connaître avec précision le nombre des manifestants mais certains estiment qu’il est proche de 5 000. Il s’agit là de la manifestation la plus importante en milieu montagnard, depuis les soulèvements des Montagnards des Hauts Plateaux du Centre qui ont eu lieu en 2001 et en 2004. Après ces incidents, les autorités avaient contrôlée très sévèrement cette région. De nombreuses arrestations avaient eu lieu, suivies par des procès et de très lourdes condamnations. Cette répression avait poussé 1 700 personnes à s’expatrier au Cambodge.

La politique religieuse des autorités vietnamiennes à l’égard des Montagnards du Nord-Ouest comme du Centre-Vietnam n’a guère changé depuis les années. Le compte rendu officiel des débats de la dernière réunion des évêques vietnamiens au Centre pastoral de Saigon faisait état de déclarations d’évêques signalant les nombreuses entorses à la liberté religieuse commises par les autorités dans les régions habitées par les minorités ethniques.

(1) http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thousands-h-mong-protest-05052011091306.html

(Source: Eglises d'Asie, 6 mai 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tĩnh tâm thường huấn của Linh Mục và Tu Sĩ giáo phận Lạng Sơn
Giuse Trần ngọc Huấn
07:57 06/05/2011
LẠNG SƠN - Trong hai ngày 4-5 tháng 05 năm 2011, tại Toà Giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, tất cả các linh mục, nam nữ tu sỹ, chủng sinh, dự tu trong Giáo phận đã quy tụ về để tham dự chương trình tĩnh tâm và thường huấn của tháng 5. Mọi người vui mừng chào đón sự hiện diện và giảng huấn của Cha Piô Ngô Phúc Hậu với đề tài về Truyền Giáo.

Xem hình ảnh

Đã thành thông lệ từ nhiều năm qua, cứ hai tháng một lần, tất cả các linh mục và tu sỹ đang phục vụ trên cánh đồng truyền giáo của Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, lại quy tụ bên nhau để cùng sống tình huynh đệ, lắng nghe, chia sẻ những cảm nghiệm, suy tư trong công tác mục vụ, cùng cầu nguyện cho công việc được tốt đẹp như lòng Chúa mong ước, và thoả lòng Dân Chúa ước mong.

Trong khung cảnh nhiều khác biệt của vùng truyền giáo, những thợ gặt dấn thân phục vụ nơi giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng cũng phải mang trong mình những nét khác hơn, mà trong đó đặc biệt đề cao tinh thần phục vụ, sự dấn thân và nhiệt huyết tông đồ. Truyền giáo giờ đây không đơn thuần là những lời rao giảng nhưng còn là chính đời sống chứng ta Tin Mừng, do đó, cùng với vị mục tử giáo phận, các thợ gặt cũng phải mang tinh thần Đến với muôn dân, để sống với họ, để chia sẻ và nâng đỡ họ, và nhất là để đem ánh sáng Tin Mừng Cứu Độ đến cho họ, qua chính sự thân thiện, gần gũi, thái độ niềm nở và tấm lòng phục vụ chân thành. Truyền giáo bằng cách âm thầm xây dựng con người để họ có cơ hội có một đời sống xứng đáng với phẩm giá con người hơn.

Cha Piô Ngô Phúc Hậu chia sẻ: “Người truyền giáo phải khởi đầu sự nghiệp bằng việc ra đi. Đi để thấy mình phải làm gì, phải làm thế nào và phải làm tới mức độ nào. Đức Giê-su đã đi và đi không ngừng”.

Trong việc thực thi ơn gọi và sứ mệnh của mình, người truyền giáo không được an phận thủ thường mà phải chấp nhận một cuộc sống đầy những thử thách và sóng gió, phải ra đi để có thể loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của mình. Người truyền giáo phải hiện diện và tiếp xúc không chỉ với anh em giáo hữu mà còn phải đặc biệt hướng tới anh chị em lương dân bằng một sự chân thành, yêu mến và tôn trọng họ, trong chính môi trường mà mình đang sống và làm việc tông đồ. Chính sự hiện diện và tiếp xúc mới nảy sinh tình yêu bởi vì không có tình thương yêu chân thành thì việc truyền giáo chỉ còn là mơ hồ, viển vông.

Trong các đề tài chia sẻ về Truyền Giáo của mình, Cha Piô Ngô Phúc Hậu đã bám sát những tư tưởng mục vụ mà Đức Giáo hoàng Chân phước Gioan-Phaolô II đã vạch ra trong Thông Điệp Sứ Mạng Đấng Cứu Thế. Ngài đã vạch một linh đạo truyền giáo gồm 4 điểm, giúp các linh mục và tu sỹ có thể nắm vững và ghi nhớ các yếu tố làm nên một con người truyền giáo đích thực như sau:

Thứ nhất, nhà truyền giáo phải được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Chỉ khi được hướng dẫn bởi Thần Khí sự sống, sự thật và tình yêu, chúng ta mới không bị lạc hướng và ngã gục trên đường đời, và mới có đủ sức mạnh và niềm vui dấn thân trong hành trình theo Chúa. Vì vậy, mỗi ngừơi phải chú ý đến việc xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong mọi công việc. Trong khi thực thi sứ vụ tông đồ của mình, mỗi ngừơi phải luôn ý thức rằng mình chỉ là khí cụ của Chúa Thánh Thần trong việc loan báo Tin Mừng, chính Chúa Thánh Thần mới là Đấng làm nên thành quả của việc loan báo Tin Mừng, chính Người mới thánh hoá và làm nên những kỳ công mà nhiều khi sức riêng con ngừơi không thể làm được.

Thứ hai, nhà truyền giáo phải sống mầu nhiệm Chúa Kitô - Đấng được sai đi. Chỉ khi chúng ta có sự hiểu biết, yêu mến và gắn bó thiết tha sâu đậm với Chúa Giêsu, có được tâm tư như đã có nơi Người, lúc ấy chúng ta mới có thể làm việc truyền giáo; nghĩa là làm cho người khác hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô. Sốt sắng tham dự Thánh Lễ, chuyên cần học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa, cùng với việc cầu kinh Mân Côi là những phương thế tuyệt diệu giúp chúng ta đạt được điều này.

Thứ ba, nhà truyền giáo phải yêu mến Hội Thánh và nhân loại như Chúa Kitô đã yêu. Chúng ta không thể tách rời Chúa Kitô ra khỏi Hội Thánh là Nhiệm Thể của Người. Lòng yêu mến Chúa Kitô phải được thể hiện qua việc yêu mến, vâng lời và trung thành phụng sự Hội Thánh. Chính nhờ yêu mến Hội Thánh, chúng ta sẽ được đầy Thánh Thần để yêu mến mọi người đúng như Chúa mong muốn. Lòng yêu mến Hội Thánh được thể hiện cách cụ thể qua những nỗ lực góp phần xây dựng Cộng Đoàn hay Giáo Xứ của chúng ta.

Cuối cùng, nhà truyền giáo phải là một vị thánh. Lòng nhiệt thành truyền giáo phải là biểu hiện của sự trào tràn sự sống thần linh của Chúa nơi chúng ta. Và sự sống thần linh của Chúa chính là sự thánh thiện nơi linh hồn những người có Chúa. Vì vậy, chúng ta phải năng giục lòng khao khát sống thánh, ao ước tiến đức. Chuyên chăm cầu nguyện, tôn sùng Thánh Tâm Thánh Thể Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh, biệt kính Khiết Tâm Thương Xót của Mẹ Mân Côi, tận tình yêu mến vâng phục Đức Thánh Cha và Hội Thánh chính là phương thế giúp chúng ta nên thánh cách tuyệt hảo và chắc chắn.

Chương trình tĩnh tâm – thường huấn tiếp diễn với những Thánh lễ chiều tại Nhà thờ Chính Toà do Đức cha Giuse chủ sự, cùng với tất cả các linh mục, nam nữ tu sỹ và anh chị em giáo dân. Đặc biệt, trong Thánh lễ chiều ngày 04 tháng 05, Đức cha Giuse mời gọi cộng đoàn Phụng vụ cầu nguỵện cách đặc biệt cho Đức cố Giám mục Félix Hedde Minh (OP), nguyên Giám mục đại diện tông toà của Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng 1939-1960 nhân ngày giỗ lần thứ 50 của ngài.

Sau thánh lễ tối, các linh mục và tu sỹ trong giáo phận lại có những giờ phút hồi tâm sâu lắng bên Chúa Giêsu Thánh Thể, mọi ngừơi dâng lên Chúa những suy tư, những công việc và lo lắng của mình trong sứ vụ tông đồ, xin Chúa ban ơn, thánh hoá và chúc lành cho đời dâng hiến của mỗi ngừời trong hành trình phục vụ và yêu mến.

Những ngày tĩnh tâm – thường huấn kết thúc nhưng đã để lại nhiều dấu ấn trong mỗi tham dự viên. Sau những buổi lắng nghe cha giảng huấn, mọi ngừơi, từ các linh mục tới nam nữ tu sỹ, chủng sinh và dự tu trong Giáo phận đã trau dồi được cho mình nhiều tri thức và kinh nghiệm về vấn đề truyền giáo, loan báo Tin mừng trong bối cảnh hiện tại. Đó sẽ là những hành trang thật quý để người tông đồ dấn thân đến với mọi ngừơi trong tinh thần truyền giáo đích thực, với tất cả sự nhiệt tâm và yêu mến. Không chỉ có vậy, những giờ phút gặp gỡ, chia sẻ trong ngày tĩnh tâm sẽ trở nên động lực tinh thần để nâng đỡ mỗi ngừơi trên hành trình ơn gọi nơi mỗi hoàn cảnh, cuộc sống và công việc mục vụ - tông đồ của mình. Trong khung cảnh của Giáo phận truyền giáo, thiết nghĩ, những ngày tĩn tâm, gặp gỡ như vậy sẽ mang nhiều ý nghĩa đáng trân trọng.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt, Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành, để Nước Chúa rộng lan khắp nơi. Xin Chúa ban cho đoàn chúng con nên tông đồ thiện toàn mở Nước Chúa luôn.
 
Văn Hóa
Nghe bài hát ''Xin Dâng Về Cha''
Nhạc Sơn Ca Linh- Trình bày Ca Đoàn Sao Mai
09:47 06/05/2011