Ngày 05-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đây Tháng Hoa
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:39 05/05/2020

Tháng Năm tươi thắm muôn hoa,
Vàng hồng trắng đỏ, đậm đà sắc hương.
Lòng thành, tin cậy mến thương,
Trước nhan thánh Mẹ, khiêm nhường tiến dâng.


Mỗi dịp tháng năm về, các Nhà thờ rộn rã mùa dâng hoa kính Đức Mẹ. Phụng vụ Mùa Hoa tưng bừng nhộn nhịp với nhiều thể loại phong phú Rước hoa và Dâng hoa tuỳ mỗi tập quán mỗi đặc trưng văn hoá địa phương.

“Tháng Hoa năm nay, hoa vẫn nở đẹp, nhưng người ta không thể tổ chức dã ngoại đông đảo để ngắm hoa, cũng như không thể tổ chức dâng hoa long trọng để tôn kính Mẹ Maria. Nhưng chúng ta vẫn có thể dâng lên Mẹ những đóa hoa lòng rất đẹp, những lời kinh Mân Côi sốt sắng tại gia, những nghĩa cử bác ái cụ thể để giúp những người đang đau khổ thiếu thốn trong dịch bệnh. Như thế, Tháng Hoa trong mùa đại dịch lại trở nên có ý nghĩa vô cùng. Chắc chắn chúng ta sẽ đặc biệt cảm nhận được tình thương của Mẹ Maria, Đấng đang đứng sát bên cạnh chúng ta trong thương đau, như ngày xưa Mẹ đã kiên cường đứng cận kề thánh giá để an ủi Con Mẹ đến cùng” (Vi Hữu).

Tháng Hoa thời đại dịch tuy âm thầm nhưng những bài ca dâng Mẹ đi cùng năm tháng vẫn ngân nga khắp nơi. Ca khúc "Đây Tháng Hoa" của Nhạc sĩ Duy Tân, có lẽ được con cái Mẹ hát nhiều nhất!

Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà. Dâng tiến hoa, lòng mến dâng lời cung chúc. Hương sắc bay, tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc. Muôn tháng qua, lòng mến yêu Mẹ không nhòa.

- Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần. Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng. Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời. Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

- Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về. Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi. Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ. Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời.

Nói tới hoa là nghĩ về một kỳ công của Thiên Chúa. Hoa muôn màu muôn sắc, hoa tươi xinh, hoa thơm ngào ngạt. Hoa tô thắm vũ trụ nên xinh tươi. Hoa mời gọi ong bướm đến hút mật. Hoa khoe sắc thắm, nhoẻn cười với con người. Lời của hoa thật dịu huyền giữa thiên nhiên. Hoa hòa vào lòng người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.

Loài hoa nào cũng đẹp. Loài hoa nào cũng gởi cho ta một sứ điệp yêu thương. “Hoa Hướng Dương biểu trưng cho mặt trời toả sáng, sưởi ấm lòng người. Hoa Mười Giờ gởi ta một tình yêu thuỷ chung, son sắt. Dù đời em chỉ toả sáng lúc mười giờ, nhưng trọn đời em vẫn yêu thương. Thật vấn vương khi nhắc đến loài Hoa Phượng. Loài hoa gợi ta nhớ lại những phút giây vui đùa trên sân trường thuở nhỏ, một tuổi thơ mơ tiên, hồn nhiên, trong trắng, thơ ngây, tuổi ô mai, tuổi vấn vương, tuổi học trò. Màu hoa tươi tắn là tình yêu chan chứa cho cuộc đời khô cằn nắng cháy và cũng là ước nguyện, sức sống cho tương lai. Hoa Lưu Ly là lời tha thiết yêu thương “xin đừng quên tôi”. Cuộc đời là muôn đời liên kết “xin đừng quên tôi” hỡi người tôi yêu ! Đó phải chăng là những ai còn nhớ và những ai đã quên, nhất là khi ta vắng mặt sau cuộc đời trần thế.” (Sứ điệp loài hoa, trg 11.)

Hoa đã trở thành bạn thân thiết với con người. Khi vui người ta tặng hoa để chúc mừng nhau. Khi buồn người ta cũng trao gởi lẵng hoa như trao gởi tấm lòng đồng cảm thân thương. Hoa khích lệ lòng người. Hoa hướng con người nhớ tới Đấng tạo hoá đã xoay vần vũ trụ bốn mùa xinh tươi. Hoa mơn man lòng người đau khổ. Hoa khích lệ những ai thất bại. Hoa chúc mừng những ai chiến thắng. Hoa ca vang kỳ công kiệt tác của Thiên Chúa. Đôi khi, chỉ một cánh hoa đủ trào dâng lòng mến của Thánh Têrêxa Hài Đồng. Nhiều lần, một dàn hoa làm tâm hồn Thánh Phanxicô ngây ngất tình Chúa.

Lắng nghe tiếng nói huyền diệu của hoa, Thánh Bênađô biết được tâm trạng của hoa. Chẳng hạn, Hoa Hồng giàu lòng yêu mến. Hoa Huệ biểu tượng đức Khiết trinh, Hoa Tím là duyên đức đoan trang khiêm tốn. Thánh nhân ca ngợi các nhân đức Đức Mẹ qua ý nghĩa các loài hoa. Hoa Hồng đức mến, Hoa Huệ đức Khiết trinh, Hoa Tím đức Khiêm nhường. Đức Mẹ là Hoa Huệ khiết trinh. Đức Mẹ là Hoa Hồng Yêu mến. Hương thanh khiết và tình yêu của Mẹ đã làm cho mùa xuân trần gian được hồi sinh. Ơn cứu độ được ban tặng cho trần đời nhờ hoa lòng của Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa.

Sứ Thần Gabriel đã cung kính thưa với Mẹ rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!" (Lc 1,28). "Ðấng đầy ơn phước" là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn. Đức Mẹ tuyệt đẹp vì không vương vấn tội, vẻ đẹp của sự thánh thiện vô tỳ tích, một vẻ đẹp không chỉ do con người nỗ lực thanh tẩy mà còn do ân sủng Thiên Chúa trao ban.

Tháng Năm về, mỗi lần thưởng thức hương hoa, ta hãy hướng về Đức Mẹ, xin Mẹ tỏa hương thiên đàng của người, ấp ủ ta thành những đóa hoa tươi thắm của Mẹ. Mỗi khi hái hoa dâng tiến Đức Mẹ, ta hãy mượn hương sắc và lời huyền diệu của hoa để ca tụng hoặc cầu xin người. Dâng Hoa Hồng, xin Mẹ cho ta được yêu mến Mẹ nhiều hơn. Dâng Hoa Huệ, ta ca ngợi đức khiết trinh của Mẹ. Xin Mẹ lấy hương huệ trinh nguyên của hồn Mẹ ướp hồn ta nên trong trắng.

Tháng Năm về, mỗi tín hữu yêu mến Hoa Mân Côi cách đặc biệt hơn. Hoa Mân Côi là sứ điệp Yêu Thương, sứ điệp Ơn Cứu Độ, là kinh nguyện Phúc Âm được kết dệt từ các mầu nhiệm chính trong đạo : Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Mầu Nhiệm Cuộc Đời Dương Thế, Vượt Qua và Thăng Thiên, được suy gẫm qua 20 Mầu Nhiệm “Hoa Mân Côi” : Năm Sự Vui, Năm Sự Sáng, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng.

Mỗi khi cất lên lời kinh: Kính mừng Maria đầy Ơn Phước… là chúng ta kết thành Hoa Mân Côi kính dâng Mẹ. Từ trời cao, Đức Mẹ mừng vui và ban muôn ơn lành cho đoàn con cái sốt mến thành tâm hướng về Mẹ.

Ở thành Nancêniô bên nước Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình, nhưng chồng cứng lòng mãi.
Năm ấy, đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ. Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con. Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.
Ngày 15 tháng 6 năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục. Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa. Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Maria Vianey.
Ngài là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người xem là vị thánh sống. Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Vianey liền bảo:
- Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?
Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?
- Cha Vianey nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng. Nghe xong lời cha Vianey, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ. (trích từ: Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trg 10).

Chỉ có mấy bông hoa nhỏ dâng kính Đức Mẹ mà người đàn ông khô khan ấy cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy. Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng đỡ. Chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của bậc thầy lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Hãy luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu. Đức Mẹ hằng yêu thương phù trợ mỗi người chúng ta.

Trong “Thư gửi toàn thể các tín hữu dịp tháng 5 năm 2020”, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Trong tháng 5, tháng mà dân Thiên Chúa bày tỏ cách đặc biệt tâm tình yêu mến và lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ Maria. Và truyền thống đạo đức trong tháng này là đọc kinh Mân Côi tại nhà cùng với gia đình. Những hạn chế trong thời gian đại dịch đã giúp chúng ta nhận ra cách rõ nét hơn giá trị của ‘gia đình’, kể cả trong lãnh vực thiêng liêng”.

Trong tháng Năm này, chúng ta tham dự những buổi dâng Hoa, lần hạt Mân Côi…dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh tật…chắc sẽ được Đức Mẹ ban nhiều ơn lành. Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng cậy, hoa Đỏ của lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hy sinh hãm mình, hoa Vàng của niềm tin, hoa Hồng của tình yêu sắt son chung thủy.

Xin dâng lên Mẹ hoa Trắng của sự trinh trong, xin Mẹ giúp chúng con gìn giữ tâm hồn luôn trong trắng, thánh thiện.

Xin dâng lên Mẹ hoa Xanh của niềm cậy trông và hy vọng, xin đừng để chúng con thất vọng chùn bước trước bất cứ khó khăn nghịch cảnh nào của cuộc sống.

Xin dâng lên Mẹ hoa Vàng của niềm tin kiên vững, xin Mẹ dạy chúng con sống phó thác tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.

Xin dâng lên Mẹ hoa Hồng của lòng yêu mến, xin Mẹ dạy chúng con biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu chúng con.

Xin dâng lên Mẹ hoa Tím của những đau khổ, bệnh tật, thất bại, xin Me dạy chúng con biết vui lòng chấp nhận Thánh Giá Chúa gởi đến để trung thành bước theo Đức Kitô, Con của Mẹ. Hiệp với nỗi đau thương của Mẹ đứng bên thánh giá, chúng con tha thiết cầu xin Mẹ thương cứu nhân loại mau qua khỏi đại dịch và cải hóa chúng con cùng toàn thể thế giới.

Lạy Mẹ Maria, những đoá hoa lòng đơn sơ, chân thành nhưng đượm tình yêu mến, chúng con xin dâng lên Mẹ, xin Mẹ thương nhận lấy và chúc lành cho chúng con. Amen.



 
Đức Giêsu - con đường duy nhất đưa ta lên trời
Lm. Đan Vinh
06:49 05/05/2020

Chúa Nhật 5 Phục Sinh A
Cv 6,1-7; 1 Pr 2,4-9; Ga 14,1-12

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 14,1-12

(1) Lòng anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. (2) Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. (3) Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại, và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. (4) Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi. (5) Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (6) Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. (7) Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người. (8) Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. (9) Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha. (10) Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. (11) Anh em hãy tin Thầy, Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy. Bằng không, thì hãy tin vì chính các việc kia vậy. (12) Thật, Thầy bảo thật anh em: Ai tin vào Thầy, thì Người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.

2. Ý CHÍNH:

Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su đã tiên báo việc Người sắp từ giã Môn đệ mà về trời với Chúa Cha. Người đi trước để dọn chỗ và sẽ trở lại đón các ông lên trời với Người (1-4). Sau đó, Đức Giê-su mặc khải Người là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Người. Ai biết và thấy Người là đã thấy và biết Chúa Cha (5-7). Rồi Người cũng cho biết mối liên hệ mật thiết giữa Chúa Cha với Người: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (9). Cuối cùng Người còn hứa sẽ ban quyền năng lớn lao cho những kẻ tin vào Người (12).

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-2: + Đừng xao xuyến: Có lẽ sau khi nghe Thầy cho biết sắp phải chịu tử nạn (x. Ga 12,32-33), có một kẻ trong Nhóm Mười Hai sẽ phản nộp Thầy (x. Ga 13,21) và Phê-rô sẽ chối Thầy ba lần (x. Ga 13,38), thì các môn đệ cảm thấy xao xuyến và lo âu chán nản, nên Đức Giê-su đã phải lên tiếng để động viên tinh thần của các ông. + Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy: Anh em đã tin vào Thiên Chúa, thì cũng hãy tin vào quyền năng và tình thương của Thầy sẽ cứu anh em khỏi mọi nguy hiểm đang chờ đón anh em. + Nhà Cha Thầy: Là trời cao hay thiên đàng, nơi Thiên Chúa ngự trị. + Nhiều chỗ ở: Theo một số giáo phụ (I-rê-nê, Clê-men-tê, Ô-ri-dê-nê) thì câu này nghĩa là trên thiên đàng có nhiều cấp độ hạnh phúc khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các học giả ngày nay (Maldonat, Lagrange, Durant, Huby) lại hiểu là trên thiên đàng sẽ có đủ chỗ ở cho tất cả mọi người. + Nếu không…: Nếu không phải như thế thì Đức Giê-su đã nói rõ để các ông khỏi thất vọng.
- C 3-4: + Đi dọn chỗ: Đức Giê-su cho các môn đệ biết Người không về trời một mình, mà Người sẽ quay lại đón các ông lên trời, để các ông cùng được hưởng hạnh phúc với Người. + Thì Thầy sẽ trở lại: Khi nào Người trở lại? Có ba ý kiến: Ý THỨ NHẤT: vào thời Giáo hội sơ khai, người ta cho là đến ngày tận thế Chúa Giê-su sẽ lại đến phán xét chung toàn nhân loại và sẽ cho các Môn đệ được hưởng hạnh phúc thiên đàng với Người (x. Mt 25,31-46). Ý THỨ HAI: cho rằng sự đoàn tụ với Chúa xảy ra ngay sau cái chết của từng cá nhân Môn đệ. Ngày nay nhiều người theo Ý THỨ BA: Đức Giê-su sẽ đoàn tụ với các Môn đệ sau khi Người từ cõi chết sống lại. Từ đây, Người sẽ hiện diện với các Môn đệ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20), Người sẽ ở giữa và ở trong các tín hữu bằng ơn thánh hóa (x. Ga 14,17-18). Rồi sau khi họ chết, Người sẽ ban cho họ được hưởng hạnh phúc thiên đàng tùy theo công việc họ đã làm khi còn sống (x. Mt 16,27).
- C 5-7: + Chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết được đường?: Câu này cho thấy Tô-ma là một con người thực nghiệm: đòi phải sờ mó, nhìn xem và kiểm chứng rồi mới chấp nhận (x. Ga 20,24-29). Câu nói của Tô-ma chứng tỏ ông cũng như Phê-rô và các người Do thái khác đều không hiểu gì về việc ra đi của Đức Giê-su (x. Ga 13,37; 7,35-36; 8,14). + Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống: *LÀ CON ĐƯỜNG: Đức Giê-su là con đường duy nhất dẫn đưa loài người từ đất lên trời, giống như chiếc thang tổ phụ Gia-cóp đã nằm mơ. *LÀ SỰ THẬT: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các Ngôn sứ. Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Đức Giê-su mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa (x. Ga 12,45; 14,9) và chỉ đường cho các tín hữu phải ăn ở sao cho đẹp lòng Chúa Cha, nhờ lắng nghe lời Người (x. Mt 17,5). *LÀ SỰ SỐNG: Con đường dẫn đến mục tiêu cuối cùng là sự sống sung mãn nơi Chúa Cha. Chúa Cha đã ban sự sống cho Đức Giê-su, nên chỉ Người mới có thể ban sự sống đời đời cho những ai tin Người (x. Ga 3,36; 10,28). Tín hữu mang nơi mình mầm sống vĩnh cửu phải tiếp tục đón nhận sự sống ấy qua các phép bí tích do Đức Giê-su thiết lập, và cố gắng góp phần làm phát triển sự sống đó cho đến khi đạt tới sự sống sung mãn với Chúa Cha ở đời sau. + Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy: Qua thập giá, Đức Giê-su đã giao hòa nhân loại với Chúa Cha. Từ đây, không ai có thể nhận được ơn cứu độ nếu không đi “con đường thập giá” (x Mt 16,24) và không được tái sinh bởi nước và Thần Khí (x Ga 3,5). Vì dưới gầm trời này không một danh nào khác ban ơn cứu độ ngoài Danh Giê-su Ki-tô. + Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người: Thực ra các môn đệ đã không xem thấy Chúa Cha vì Người thiêng liêng vô hình, mà chỉ xem thấy Chúa Giê-su, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là người phàm. Tuy nhiên ai xem thấy Chúa Giê-su cũng kể như đã thấy Chúa Cha rồi, vì Chúa Giê-su là Em-ma-nu-en nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x Mt 1,23), và Người hằng làm đẹp lòng Chúa Cha (x Mt 17,5) và vâng theo ý Cha. Có lần Người đã khẳng định: “Tôi và Chúa Cha là Một” (Ga 10,30).
- C 8-10: + Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha: Phi-líp-phê đòi Đức Giê-su chỉ cho xem Chúa Cha như Mô-sê ngày xưa đã xem thấy Đức Gia-vê trong đám mây trên núi Si-nai (x. St 24,9-17). + Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha: Đức Giê-su đã cho Phi-líp-phê biết ngày nay Thiên Chúa sẽ không tỏ hiện trong sấm chớp như xưa, mà sẽ ngự nơi con người Đức Giê-su. Từ nay không có con đường nào khác để người ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa, ngoài con đường duy nhất là chính Đức Giê-su (x. Ga 1,18), vì Người được ví như Đầu của thân thể nhiệm mầu là Hội Thánh (x Ep 5,23). + Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy: Chúa Cha được mặc khải nơi Đức Giê-su là Con của Ngài (x. Ga 12,45; 14,7). Tất cả đời sống, lời nói và việc làm của Người là nơi mà Chúa Cha sẽ được tỏ mình ra cách hoàn hảo. Vì Đức Giê-su luôn kết hiệp với Chúa Cha và làm theo ý Chúa Cha.
- C 11-12: + Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm: Đó là được tham phần vào sứ mệnh cứu độ loài người. + Còn làm những việc lớn hơn nữa bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha: Không phải các Môn đệ sẽ làm được những phép lạ lớn hơn Đức Giê-su, nhưng sau khi Người lên Trời, các ông được trao sứ mệnh thay Người đi rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc đến tận cùng thế giới với ơn phù trợ của Thánh Thần (x. Cv 1,8).

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao các Môn đệ bị xao xuyến khiến cho Đức Giê-su phải động viên tinh thần các ông?
2) Đức Giê-su muốn nói gì qua câu "Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở"?
3) Đức Giê-su hứa đi trước để dọn chỗ và Người sẽ trở lại đón các môn đệ đi theo Người vào lúc nào?
4) Khi tự ví mình là con đường, là sự thật và là sự sống, Đức Giê-su muốn dạy chúng ta điều gì?
5) Câu "Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy" có ý nghĩa thế nào?
6) Ngay từ bây giờ các Môn đệ đã xem thấy Chúa Cha qua ai?
7) Từ đây ai muốn gặp Chúa Cha thì phải gặp qua người nào?
8) Ai tin vào Đức Giê-su sẽ làm được những việc Người đã làm và còn làm được việc gì lớn hơn nữa cụ thể là những việc gì?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9b).

2. CÂU CHUYỆN :

1) MẮT PHÀM KHÔNG THỂ THẤY THIÊN CHÚA VÔ HÌNH :
Một ông vua kia do cận thần xúi bẩy nên một hôm đã ra lệnh triệu tập tất cả các giám mục trong nước vào trong hoàng cung. Vua ra lệnh cho các Giám mục trong một tuần lễ phải chứng minh Thiên Chúa là Đấng có thực. Nếu không chứng minh được thì tất cả các Giám mục sẽ bị khép vào tội lừa bịp dân chúng và bị án treo cổ. Thật là một đòi hỏi nan giải, vì làm sao có thể chỉ cho nhà vua xem thấy Thiên Chúa vô hình được? Rồi càng gần đến hết hạn định, tâm trạng các vị Giám mục lại càng bị bồn chồn lo lắng. Bấy giờ một tu sĩ trẻ nghe biết câu chuyện, liền đến xin phép được thay cho các Giám mục để chỉ cho nhà vua xem thấy Thiên Chúa. Đúng hẹn, anh tu sĩ đã dẫn nhà vua cùng quần thần đến một ngọn đồi giữa buổi trưa nắng gắt. Anh chỉ tay lên mặt trời và tâu nhà vua: “Muôn tâu bệ hạ, thảo dân xin bệ hạ nhìn theo ngón tay của thảo dân, thì sẽ xem thấy Thiên Chúa”. Nhà vua và các quan cận thần đều nhìn lên mặt trời theo hướng ngón tay của anh tu sĩ kia, nhưng không ai có thể nhìn được vì bị chói mắt. Bấy giờ nhà vua liền nổi giận ra lệnh chém đầu anh tu sĩ vì cho rằng anh ta đã dám đánh lừa mình. Bấy giờ vị tu sĩ liền quỳ dưới chân nhà vua và thưa rằng: “Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ đòi xem bằng được Thiên Chúa. Nhưng mặt trời kia chỉ là một tạo vật tầm thường của Thiên Chúa, mà bệ hạ còn không thể xem được, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy Thiên Chúa là Đấng vô cùng cao cả được? Thiên Chúa luôn hiện hữu, nhưng vì Ngài thiêng liêng vô hình, nên người ta không thể xem thấy Ngài bằng mắt thịt, mà chỉ có thể thấy Ngài bằng mắt đức tin thôi”

2) TIN VÀO CUỘC SỐNG VĨNH HẰNG ĐỜI SAU :
Có một gia đình kia. Bà vợ rất sùng đạo, luôn dạy con cái giữ đạo sốt sắng. Ngày nào bà cũng dắt con đi lễ nhà thờ. Trái lại, ông chồng lại không tin vào Thiên Chúa và luôn miệng nhạo báng những hành vi thờ phượng của vợ. Dù sống giữa hai niềm tin đối kháng nhau của bố mẹ, cậu con trai duy nhất của họ vẫn luôn yêu mến và tỏ lòng hiếu thảo với hai cha mẹ. Ngày nọ, đứa con mắc bệnh hiểm nghèo, các bác sĩ bệnh viện cũng vô phương cứu chữa. Khi biết mình sắp chết, cậu bé đã hỏi bố rằng: "Bố ơi, bác sĩ nói con sẽ không còn sống được mấy ngày nữa! Vậy con xin bố hãy nói cho con biết, con phải tin theo bố hay theo mẹ? Tin theo bố thì sẽ chẳng có thiên đàng, chẳng có Thiên Chúa và sau này cũng chẳng có bố mẹ để yêu thương và bảo vệ con ! Còn tin theo mẹ, thì con sẽ có Thiên Chúa là cha nhân lành ban thưởng hạnh phúc thiên đàng cho con, và sau này con cũng hy vọng sẽ được gặp bố mẹ mãi mãi.
Ông bố nghe con nói mà nước mắt lưng tròng. Ông ôm con và nói: "Con hãy tin theo mẹ của con đi nhé". Cậu bé lại nói: "Nhưng nếu bố không tin giống như mẹ, thì làm sao con có thể gặp được bố trên thiên đàng được?" Trước câu nói đơn sơ chân thành của con, ông bố đã nói với con : « Bố cũng tin giống như mẹ của con. Sau này cả gia đình chúng ta sẽ gặp nhau trên Thiên Đàng con nhé ». Kể từ ngày đó, ông đã hoàn toàn thay đổi lối sống để trở thành người tín hữu đạo hạnh với hy vọng sau này cả gia đình sẽ được sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi.

3) DẤN THÂN ĐI THEO CHỦ TƯỚNG :
Trận chiến tranh giữa hai bên là nước Pháp và liên minh hai nước Ý và Áo đầu năm 1796 đã kết thúc với chiến thắng của Pháp vào ngày 17/11/1796 như sau :
Đại tướng Bonaparte đã đưa quân đến một địa điểm, có cái cầu bắc qua trận tuyến quân địch. Trong lúc trận thế căng thẳng, đại tướng Bonaparte liền ra lệnh cho quan Pháp xung phong đi qua cây cầu để sang bờ bên kia. Nhưng trước họng súng của quân thù, không một người lính nào dám tuân lệnh để xung phong tiến lên thành cầu ! Đại tướng liền xuống ngựa, giựt lấy lá cờ dẫn đầu của người lính cầm cờ và ông vừa tiến lên thành cầu vừa hô to : ”Ai yêu tổ quốc thì đi theo ta”. Nhưng rồi khi ngó lại, ông thấy trên cầu chỉ có một mình với lá cờ bị rách tơi tả do đạn của quân địch. Trong lúc nguy cấp, bỗng xuất hiện một cậu bé 13 tuổi vừa đánh trống thúc quân vừa hô xung phong và tiến lên cầu đi theo đại tướng. Quân sĩ thấy vậy liền ào ào xung phong theo sau lên cầu sang bên kia sông và đại tướng Bonaparte đã toàn thắng trận chiến đầy cam go chấm dứt cuộc chiến tranh.
Tám năm sau, khi Bonaparte đã lên ngôi lấy tên là hoàng đế Napoléon, có dịp trở lại chiến trường xưa và được mọi người đón rước linh đình. Hoàng đế Napoléon ngỏ ý muốn gặp lại cậu bé Vidal bấy giờ đã được 20 tuổi, và đang đóng quân tại địa phương.
Viên sĩ quan tùy tùng báo cáo cho biết cậu lính trẻ đã được trưởng đơn vị cho nghỉ phép về nhà đưa đám tang mẹ mới qua đời. Hoàng đế Napoléon liền bỏ mọi lễ nghi, cùng đoàn người lên xe đến làng của Vidal. Đến nơi vừa kịp lúc di quan đến nghĩa trang. Hoàng đế liền cùng các quan xuống xe đi bộ theo sau quan tài đến tận huyệt mộ. Tại đây ông đã nói mấy lời phân ưu với Vidal trước khi hạ huyệt. Rồi Hoàng đế ngỏ ý muốn đi chung với cậu trên đường từ nghĩa trang về làng. Khi Vidal từ chối không dám, Hoàng đế Napoléon đã nói với cậu như sau: « Tám năm trước con đã liều chết xung phong theo ta đi lên con đường chết, nay con hãy cho ta đi chung với con trên con đường sống để chia sẻ nỗi buồn với con » (x. Những tia sáng).

4) NGƯỜI BỒNG ẴM CHÚA KI-TÔ :
Thỉnh thoảng trong các bức tranh thánh, chúng ta lại bắt gặp một người đàn ông trung niên cao lớn có chòm râu rậm ẵm đứa trẻ lội qua sông. Đứa bé đó chính là Chúa Hài Đồng, còn người đàn ông kia là thánh CHRISTOPHER, có nghĩa Người bồng ẵm Chúa Ki-tô, dựa theo truyền thuyết sau đây:
Christopher là một người khổng lồ gốc Canaan có chiều cao 2.3m. Tên ông là RE-PRO-BUS, nghĩa là kẻ bơ vơ, bị xã hội ruồng bỏ. To cao như vậy nhưng ông lại có ước vọng được phục vụ một vị vua vĩ đại. Ông đã tìm đến một ông vua được ca tụng là xuất chúng, nhưng sau đó ông đã phát hiện ra ông vua này lại sợ quỷ Satan. Thế là ông bỏ rơi vua để đi tìm Satan. Tìm thấy quỷ Satan rồi, ông quyết tâm phục vụ cho hắn. Nhưng rồi ông lại phát hiện ra quỷ lại sợ Chúa Giê-su. Ông bèn bỏ Satan lang thang đi tìm Chúa Giê-su. Theo hướng dẫn của một tu sĩ, Re-pro-bus đã làm công việc đưa mọi người vượt qua một khúc sông nước chảy siết nguy hiểm. Vị tu sĩ khuyên ông nếu làm việc tốt này sẽ có ngày gặp được Chúa Giê-su.
Từ đó, ông khổng lồ Re-pro-bus hằng ngày đều miệt mài cõng người sang sông. Một hôm ông đưa một bé trai đi qua sông. Tuy bé người nhưng em lại nặng như chì, khiến ông khổng lồ vốn rất khỏe nhưng cũng bị mệt bở hơi tai. Khi được hỏi thì em nhỏ cho Re-pro-bus biết ông đang cõng Chúa Giê-su với sức nặng của cả thế giới. Nói xong, Chúa Giê-su liền biến mất.
Từ ngày được gặp Chúa Giê-su, anh chàng khổng lồ Re-pro-bus đã trở thành Christophoros (kẻ mang vác Chúa), hay cũng gọi là Christopher. Từ đây ông cũng bắt đầu rao giảng về Chúa để đưa nhiều con chiên về với Chúa. Hoàng đế La Mã De-ci-us (249-251) khi đó quyết tâm đàn áp Thiên Chúa giáo nên đã truyền bắt Christopher bỏ tù tra tấn và cuối cùng xử tử ngài.
Từ đó thánh Christopher trở thành vị thánh bảo trợ đặc biệt cho các du khách và binh sĩ khi ra trận. Cả đời ngài đã đưa người qua sông an toàn nên từ Âu sang Á, những người lữ hành thường mang theo sợi dây chuyền có hình thánh Christopher. Xe cộ du lịch cũng hay treo tượng ảnh của ngài để xin phù hộ cho đi đường bình an.
Thánh Christopher đã nâng đỡ Chúa Giê-su bằng bốn cách: Trên vai khi cõng Chúa đi qua sông; Trong cơ thể khi chịu sự tra tấn của nhà vua; Trong tâm khảm khi tận tuỵ phụng sự tha nhân với lòng mến Chúa; Và còn bằng môi miệng khi rao giảng về Chúa cho mọi người. Ngày nay mỗi tín hữu chúng ta đều có thể trở thành một “Christopher – người mang vác Chúa”, nếu chúng ta quyết tâm tin yêu phụng sự Chúa và chuyên cần làm việc thiện để phục vụ tha nhân noi gương thánh Christopher.

3. SUY NIỆM :

1) CHẲNG AI THẤY THIÊN CHÚA BAO GIỜ :
Chẳng ai có thể thấy được Thiên Chúa vì Ngài là đấng thiêng liêng vô hình. Nhưng người ta có thể cảm nghiệm về sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng những cách khác. Giống như mắt ta không thể nhìn sợi giây nào có điện hay không, nhưng ta có thể nhận biết có điện bằng nhiều cách khác. Chẳng hạn khi cả xóm đang tối thui vì cúp điện đột nhiên có điện lại, là đám trẻ con liền la to: «Có điện rồi». Tại sao lũ trẻ lại nhận ra có điện lại là do chúng thấy bóng đèn cháy sáng, quạt quay mát, tivi có hình ảnh v.v… Cũng vậy đối với Thiên Chúa. Tất cả những gì đang hiện hữu và hoạt động nơi bản thân và môi trường chung quanh chúng ta đều chứng tỏ có Thiên Chúa. Vì nếu không có Thiên Chúa thì sẽ chắc chắn sẽ không thể có những bằng chứng ấy.

2) AI THẤY THẦY LÀ THẤY CHÚA CHA :
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu hỏi của tông đồ Phi-líp-phê muốn được Thầy Giê-su chỉ cho thấy mặt Chúa Cha, nên đã được Người đáp ứng như sau: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư?”. Thực vậy, "Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha. Chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Con người tuy có thể nhận biết có Thiên Chúa qua công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ của Ngài, nhưng chưa ai thấy khuôn mặt của Ngài. Chính Chúa Con là Chúa Giê-su đã tỏ bày cho nhân loại biết sự thật sâu xa của Thiên Chúa nơi bản thân mình: "Ai thấy Thầy là thấy Cha" (Ga 14,9). Qua cuộc sống và lời giảng dạy, Đức Giê-su đã giúp nhân loại biết về Chúa Cha. Người chính là con đường độc nhất dẫn đưa nhân loại đến với Chúa Cha như Người đã khẳng định: "Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy" (Ga 14, 6).
Đức Giê-su là Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình khi từ trời xuống thế mặc lấy thân xác phàm nhân (x. Ga 1,14). Người nên giống loài người chúng ta mọi đàng, ngoại trừ không phạm tội (x. Dt 4,15). Chính nhờ Đức Giê-su mà loài người chúng ta mới biết « Thiên Chúa là Tình Yêu » (1 Ga,16); Thiên Chúa là Một theo Bản Tính, nhưng là Ba theo Ngôi Vị (Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi).

3) THẦY LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG :
Khi nghe Đức Giê-su cho biết Người sắp về trời để dọn chỗ cho các môn đệ; rồi Người sẽ trở lại để đem các ông lên trời, Tô-ma thắc mắc « Chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường đi? Đức Giê-su trả lời: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
- Là Con đường: Đức Giê-su vừa là mục tử dẫn đường cho đoàn chiên tín hữu lên trời, mà Người còn là con đường, là chiếc cầu duy nhất dẫn đưa loài người lên trời.
- Là Sự Thật: Đức Giê-su đến để bày tỏ sự thật về Thiên Chúa cho chúng ta (x. Ga 12,45). Người là hình ảnh của Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,10); “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30).
- Là Sự Sống: Đức Giê-su đã trải qua sự chết và đã sống lại vinh quang, để mở đường sống cho những ai tin và chấp nhận đi con đường “qua đau khổ vào trong vinh quang”, như thánh Phao-lô viết: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8). Người đã lập bí tích Thánh Thể để biến bánh rượu trở thành Mình Máu Người và mời gọi tín hữu lãnh nhận để cũng được sống đời đời với Người.

4) TRỞ THÀNH CON ĐƯỜNG ĐƯA THA NHÂN LÊN TRỜI:
- Mỗi tín hữu phải sống thế nào để cũng nói được như thánh Phao-lô: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1, 21). “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Thánh Phê-rô cũng đã khẳng định trước Thượng Hội Đồng Do thái như sau: “Chính Đấng ấy, là Tảng Đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, Tảng Đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ. Vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,11-12).
- Ngày nay Đức Giê-su đã lên trời với Chúa Cha, và đã mở ra con đường lên trời là đạo Công Giáo. Cuộc đời của Đức Giê-su chính là con đường duy nhất dẫn đưa chúng ta lên trời. Mỗi lần học sống Lời Chúa, chúng ta sẽ nhận biết thánh ý Chúa Cha muốn chúng ta phải làm gì. Một khi biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, chúng ta sẽ đi Con Đường Giê-su là « đường hẹp, leo dốc và ít người muốn đi », là đường « Bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa », là đường « mến Chúa yêu người », đường « Qua đau khổ vào trong vinh quang »… Rồi chúng ta cũng sẽ trở thành con đường để đưa tha nhân cùng lên trời với chúng ta. Mỗi lần dự lễ và rước lễ sốt sắng, chúng ta sẽ được Chúa Giê-su ban sự sống là ơn Thánh Thần để giúp ta hăng hái chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa đến tận cùng trái đất.

4. THẢO LUẬN :

Bạn có đồng ý với lập luận như sau: “Đạo nào cũng tốt. Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành. Do đó, Hội Thánh chẳng cần phải truyền đạo cho ai. Chỉ cần giúp anh em lương dân sống đạo làm người là đủ”? Tại sao?

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúng con cảm thấy mình thật nhỏ bé và bất lực, khó lòng có thể chu toàn sứ mệnh truyền giáo mà Chúa đã trao cho Hội Thánh trước khi về trời. Xin cho chúng con ý thức rằng: Sứ mệnh truyền giáo trước hết phải được thực hiện cho những người thân quen như: cha me, vợ chồng, con cái, anh em và bạn bè của chúng con, rồi sau đó mới đến người khác. Xin giúp chúng con năng nhìn ngắm khuôn mặt dịu hiền của Chúa và suy niệm các hành vi và lời dạy của Chúa, vì Chúa chính là hình ảnh trung thực của Chúa Cha. Xin giúp chúng con biết lắng nghe Lời Chúa dạy và quyết tâm thực hành trong đời sống thường ngày. Xin cho chúng con biết từ bỏ ý riêng và vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ ngày một nên con thảo của Chúa Cha, nên môn đệ đích thực của Chúa và nên anh chị em của mọi người.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Suy niệm Chúa Nhật tuần 5A Phục Sinh
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:35 05/05/2020
Chúa Nhật 5 PHỤC SINH. A
(Ga 14:1-12)
CÙNG ĐÍCH.


Các con xao xuyến làm chi.
Tin vào Thiên Chúa, từ bi vô ngần.
Thầy đi dọn chỗ ân cần,
Nơi nhiều chỗ ở, dự phần phúc vinh.
Nhà Cha cư ngụ thiên đình,
Các con dõi bước, bình sinh bên Thầy.
Là đường, sự thật đong đầy,
Thầy là sự sống, dựng xây Nước Trời.
Chính Cha hiện hữu muôn đời,
Mọi loài tạo tác, tuyệt vời cao sang.
Ngôi Hai Con Chúa dẫn đàng,
Tìm về chính lộ, nhẹ nhàng hân hoan,
Chúa Con chiến thắng khải hoàn,
Vinh quang thập giá, thành toàn ước mơ.
Cha Thầy yêu mến vô bờ,
Qua Thầy mạc khải, tôn thờ Ngôi Ba.
Thấy Thầy là thấy Chúa Cha.
Dục lòng tin kính, mưa sa phúc lành.
Ngợi khen chúc tụng thánh danh,
Phụng thờ kính mến, lòng thành tri ân.

Chúa Kitô là tảng đá sống động đã bị người ta loại bỏ, nhưng đã trở nên tảng đá góc tường. Chúa đã trở thành trung tâm điểm của đời sống con người. Sau khi hoàn tất sứ mệnh nơi trần gian, Chúa đã trở về cùng Thiên Chúa Cha. Chúa về trời để dọn chỗ cho chúng ta. Rồi Ngài sẽ trở lại đem chúng ta đi với Ngài. Thật là hạnh phúc biết bao. Chúng ta sẽ có chỗ dung thân đời đời bên Chúa.

Nhiều người băn khoăn về ý nghĩa cuộc đời. Không biết kết cục cuộc đời sẽ ra sao? Sau khi chết sẽ đi về đâu? Cha ông nói chết là qua đời, quá vãng, từ trần, qui tiên và là vào thế giới bên kia. Các ngài cố gắng đi tìm ý nghĩa và cùng đích của cuộc đời. Tự con người đi tìm và tìm mãi vẫn không có một giải đáp đích thực. Có nhiều người cố tìm hạnh phúc ở đời tạm này và dừng tại đó.

Phúc âm hôm nay, Chúa đã mở cho chúng ta một con đường. Chúng ta tìm thấy ý nghĩa và cùng đích của cuộc đời trong Chúa. Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Qua con đường của Chúa, chúng ta sẽ đạt tới đích. Con đường của Chúa là con đường yêu thương và tha thứ. Con đường của sự đơn sơ khiêm tốn. Con đường của sự từ bỏ và dấn thân. Sau cùng là con đường của thập giá. Đi đúng đường chúng ta sẽ hướng tới cùng đích. Chúng ta đừng lo lắng, vì Chúa Giêsu đã nói rằng trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Các con hãy tin vào Cha và vào Thầy.

Truyện kể: Vào một ngày nọ, có một nhà truyền giáo phục vụ bên Trung Quốc đã lâu năm và một ca sĩ mới sang khoảng hai tuần, cùng trở về Hoa Kỳ trên một chuyến tầu. Tầu cập bến, có cả ngàn người ra chào đón người ca sĩ, nhưng chẳng có ai để ý đến nhà truyền giáo. Nhà truyền giáo cảm thấy buồn trong lòng, thưa cùng Chúa: Lạy Chúa, con dâng hiến cho Chúa cả cuộc đời. Còn anh ca sĩ chỉ có 14 ngày. Vậy mà có cả ngàn người chào đón anh về. Chúa trả lời: Hỡi con, con chưa về nhà mà.

Thật thế, quê hương trần thế chỉ là quê tạm và là nhà trọ của khách lữ hành. Chúng ta thấy đó, không có nơi đâu là bền vững. Người ta vẫn thường thay đổi chỗ ở trong cuộc sống mà. Ngôi nhà mà chúng ta mong ước và chờ đợi, đó chính là nơi Chúa hứa dọn sẵn cho chúng ta.

Chúng ta không còn lo âu sợ hãi khi đối diện với cuộc sống ngày sau. Có Chúa đi trước dọn chỗ rồi. Chúa sẽ dẫn đường chúng ta đi. Hãy phó thác vào sự quan phòng của Chúa. Hãy đặt bàn tay chúng ta trong lòng bàn tay Chúa. Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta về nhà Cha của chúng ta.

TUẦN 5 MÙA PHỤC SINH
THỨ HAI
Gioan 14: 21-26


Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Chúa Giêsu dẫn chúng ta đến với Cha của Ngài. Tất cả vinh quang của Chúa Giêsu đều quy về Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha và Ngài đã thi hành thánh ý Chúa Cha.

Chúa Giêsu yêu mến các môn đệ và yêu thương chúng ta. Chúa đã dạy chúng cầu nguyện cùng Chúa Cha: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Chúa Giêsu muốn chúng ta ca ngợi, tôn vinh và chúc tụng Chúa Cha trên trời. Thiên Chúa Cha, Đấng sáng tạo vạn vật muôn loài. Ngài yêu thương chia xẻ sự sống cho mọi loài thụ tạo, nhất là con người. Đây là một hồng ân cao cả. Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta đến gần Chúa và sống trong tình yêu của Chúa.

Yêu mến Chúa Giêsu, Chúa Cha cũng sẽ yêu mến chúng ta. Mọi sự sẽ qua đi nhưng đức yêu thương sẽ tồn tại muôn đời. Vì Thiên Chúa chính là tình yêu. Giữ các giới răn của Chúa và yêu mến Thiên Chúa là chìa khóa mở tất cả các cửa ngõ đi vào nước trời. Thiên Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con Một của Mình để hiến tế đền tội cho chúng ta.

Đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta hãy cố gắng sống và thực hành lời Chúa truyền dạy.

THỨ BA
Gioan 14: 27-31a


Một trong những ước mơ của đời sống con người là được sự bình an. Không chỉ sự bình an trong thế giới không có chiến tranh mà là sự bình an đích thực trong tâm hồn. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con.

Cuộc sống không có bình an là một cuộc sống đau khổ và dầy vò. Sự bất an làm cho con người lo âu, sầu muộn và chán nản. Bình an trong tâm hồn là tình trạng thư thái và an vui nội tại. Người có tấm lòng an bình sẽ vui với mọi hoàn cảnh. Vì họ tìm được nơi nương tựa là chính Chúa. Chúa đến đem bình an cho những tâm hồn buồn rầu xao xuyến. Chúng ta hãy chạy đến với Chúa trong mọi lúc, Chúa sẽ là nơi chúng ta ẩn thân và chỗ chúng ta nương tựa.

Sau khi sống lại từ cõi chết, mỗi lần hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu đều chúc bình an cho các ông. Chúa biết tâm hồn các ông còn đang bối rối và sầu muộn vì biến cố đau thương của Thầy mới xảy ra. Các môn đệ cùng tụ nhau cầu nguyện và nâng đỡ nhau nhưng họ không bước ra khỏi sự sợ hãi vì tâm hồn họ bất an.

Lạy Chúa, cuộc đời chúng con đang đối diện với biết bao khó khăn, nghèo đói, tật bệnh và thiếu thốn. Xin Chúa ghé mắt đoái nhìn và ban bình an cho chúng con. Chúng con cầu xin Chúa.

THỨ TƯ
Gioan 15: 1-8


Chúa Giêsu lại nói với các môn đệ: Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở lại trong Thầy, Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều trái. Hình ảnh cây nho và nhành nho rất cụ thể và dễ hiểu. Cả thân cây nho được nuôi dưỡng cùng một nguồn nhựa sống. Nhành luôn luôn phải kết hợp với thân cây để được sống và sinh hoa trái.

Khi lãnh nhận phép Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào mầu nhiệm của Chúa Kitô. Chúa Kitô chính là đầu nhiệm thể mà chúng ta là chi thể. Chi thể không thể tự sống mà phải liên kết với đầu nhiệm thể. Trong nhiệm thể của Chúa Kitô, chúng ta sẽ được thừa hưởng sung mãn nguồn ơn sủng thiêng liêng.

Muốn nên trọn lành trong ơn nghĩa của Chúa, chúng ta cần gắn bó và kết hợp với Chúa qua Giáo Hội. Nguồn ơn sủng Chúa ban cho chúng ta qua các Bí Tích và các việc lành phúc đức. Ơn Chúa là nguồn sống cho tâm hồn. Chúng ta không thể cậy dựa vào sức riêng để nên hoàn thiện. Chúa nói: Nhành nho không thể tự mình sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho.

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chia xẻ nguồn ân sủng cho chúng con. Xin cho chúng con biết liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu qua việc thông hiệp và phục vụ anh em đồng loại.

THỨ NĂM
Gioan 15: 9-11


Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Chúa muốn chúng ta cũng tiếp tục chia xẻ tình yêu của Chúa cho những người khác. Chúa yêu chúng ta và chúng ta yêu mến tha nhân. Tình yêu cứ thế lan trải từ người này qua người khác.

Tình yêu là cốt lõi của đời sống. Không ai sống mà không yêu. Yêu cha yêu mẹ, yêu anh em và yêu mọi người. Tình yêu là mầu nhiệm. Chúng ta không thể hiểu thấu được tình yêu. Chúng ta chỉ diễn tả tình yêu qua cuộc sống. Chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu qua cách đối xử, qua lời nói, qua ánh mắt,qua nụ cười và qua tất cả những biểu tỏ bên ngoài.

Tình yêu đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống. Nó làm đời sống con người thêm tươi xinh. Chính qua tình yêu, Thiên Chúa đã hiến mạng sống mình cho chúng ta. Chúa nói rằng: Không có tình yêu nào cao qúi hơn mối tình của người dám thí mình vì bạn hữu. Chúa đã thí mạng vì chúng con cho dù chúng con chưa biết Chúa.

Tình Chúa bao la hải hà, chúng con làm sao đáp đền. Chúa yêu thương chúng con không phải vì chúng con dễ thương hay tốt lành. Chúa yêu chúng con vì Chúa muốn chúng con được chia phần hạnh phúc với Chúa. Lạy Chúa, xin Chúa đốt lửa tình yêu trong gia đình chúng con, để chúng con cùng được sống trong tình yêu và chết trong tình yêu.

THỨ SÁU
Gioan 15: 12-17


Đây là huấn lệnh của Chúa: Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con. Khi rơi vào tình yêu, người ta không còn phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc, màu da hay tôn giáo. Khi yêu, người ta không còn tính toán hơn thiệt. Họ dám xả mình vì người yêu. Tình yêu có nhiều mức độ khác nhau. Mỗi con người được chia xẻ một tí chút tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa mới là nguồn của tình yêu.

Tình yêu cao cả bắt nguồn từ Thiên Chúa. Tình yêu được biểu hiện nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giêsu chết treo trên Cây Thánh Giá là dấu chỉ tình yêu cao vời nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi thể hiện đối với loài người. Đây là tình yêu tinh ròng tuyệt hảo.

Ai biết yêu thật, người đó sẽ nhận ra Thiên Chúa. Con người sống trong một xã hội thay đổi, tình yêu cũng bị lạm dụng và bị đổi mầu. Tình yêu không còn là mầu hồng mà biến thành mầu xanh, mầu vàng và có khi cả mầu tím nữa.

Chúa Giêsu truyền cho chúng ta là phải yêu thương nhau. Yêu nhau vì chúng ta là anh chị em có cùng một Cha trên trời. Yêu nhau vì chúng ta đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta yêu nhau vì chúng ta cùng được lãnh nhận một tình yêu dâng hiến cao vời. Chúa yêu chúng ta và chúng ta cũng hãy yêu nhau. Qua đó, mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô.

THỨ BẢY
Gioan 15: 18-21


Tôi tớ không trọng hơn chủ. Chúa Giêsu nói: Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ các con. Thế gian sẽ ghét các con. Chúa Giêsu biết trước những khó khăn mà các tông đồ sẽ phải đối diện. Chúa lập Nước Trời ở trần gian. Những ai gia nhập được gọi là công dân nước trời. Công dân nước trời sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian. Nên thế gian sẽ thù ghét những ai không thuộc về chúng.

Thế gian đã đối xử tệ với Chúa Giêsu. Họ thù ghét Chúa vì Chúa nói sự thật. Họ tẩy chay Chúa vì Chúa không thỏa hiệp với họ. Họ tìm giết Chúa vì Chúa đối nghịch với họ. Họ cố gắng diệt trừ mọi mầm mống đi ngược lại với đường lối của họ. Sau khi đã chối bỏ và tiêu diệt Chúa Giêsu, thế gian muốn xóa sạch dấu vết của Chúa Kitô nơi lòng người.

Ngay từ những giai đoạn sơ khai của Giáo Hội, các môn đồ đã bị bách hại và đuổi giết. Những người mang danh Chúa Kitô bị khai trừ và bị bách hại. Đọc lịch sử Giáo Hội, chúng ta biết rằng ba trăm năm đầu, các Kitô hữu không ngừng bị bắt bớ, tra tấn, gông cùm và giết chết. Nhưng rồi máu của các vị cứ lan dần, hạt giống cứ nẩy sinh. Giáo Hội càng bị bách hại càng lớn mạnh trong niềm tin.

Chúa Giêsu không hứa cho chúng ta vinh quang đời tạm này mà là vinh quang trường tồn. Con đường Chúa đã đi, chúng ta không thể đi con đường khác. Đó là con đường khổ giá.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:18 05/05/2020

16. Từ trên Thánh Giá có thể được ân điển cứu chuộc, có thể được sự sống siêu nhiên, có thể được hoàn toàn đức hạnh, thánh đức hoàn mỹ.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:25 05/05/2020
12. VAY CHÁO LỜI CƠM

Có người thích cho vay ăn lời, về sau cửa nhà sa sút, trong nhà chỉ còn lại một đấu lương thực, nhưng ông ta vẫn không quên được tính cho vay ăn lời, suy đi nghĩ lại, cuối cùng thì ông ta có phương pháp để cho vay ăn lời, đem gạo nấu thành cháo và cho vay.

Có người hỏi:

- “Anh cho người ta vay cháo thì cần gì lấy lời chứ?”

Ông ta trả lời:

- “Cần cơm.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 12:

Cho vay ăn lời là chuyện bình thường, nhưng ăn lời quá mức cho vay thì là lỗi đức bác ái và công bằng, người ta gọi đó là bốc lột người nghèo, mà những người nghèo là bạn hữu của Đức Chúa Giê-su.

Người thích cho vay nặng lãi là người lười lao động và là người làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người nghèo, những người cho vay nặng lãi ấy chắc chắn không phải là người Ki-tô hữu, mà nếu họ là người Ki-tô hữu chăng nữa thì cũng chỉ là Ki-tô hữu trong sổ bộ Rửa Tội của nhà xứ mà thôi, chứ trong cuộc sống họ không thể là người làm chứng Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su cho mọi người được, vì họ chỉ biết có tiền và lợi nhuận cắt cổ người khác mà thôi...

Nghề nghiệp nào cũng tốt nếu nghề ấy không trái với lương tâm và giáo huấn của Đức Chúa Giê-su, cũng như giáo huấn của Giáo Hội. Cho vay lấy lời không phải là tội, nhưng sẽ là tội lớn khi chúng ta lấy lời quá mức quy định...

Cho vay cháo để lấy lời bằng cơm là tâm địa của người luôn thích cho vay ăn lời nặng lãi, nhưng giúp cháo mời cơm là lòng dạ của người Ki-tô hữu luôn biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Con Đường Giêsu
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
20:58 05/05/2020
Chúa Nhật V Phục Sinh

Trang Tin mừng hôm nay kể chuyện: hai thánh tông đồ Tôma và Philípphê đã hỏi Chúa hai câu và Chúa đã mạc khải hai chân lý đức tin: “Thầy là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”; “Ai thấy Thầy là thấy Cha; Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”.

“Thầy là Đường, là sự Thật và là sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Không có một vị sáng lập tôn giáo nào đã dám công bố như Chúa Giêsu, bởi vì họ là con người và không thể làm được. Chỉ mình Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, có uy lực và quyền năng để tha thứ tội lỗi và ban cho con người sự sống đời đời. Các Tông đồ có lẽ không hiểu ý nghĩa của câu tuyên bố này khi Chúa Giêsu nói, nhờ ánh sáng Phục sinh, các ông mới có thể nhận ra ý nghĩa chân lý này.

Chúa Giêsu chính là con đường, bởi vì Ngài là sự thật và là sự sống. Con đường này đưa đến Chúa Cha, và đây là con đường duy nhất bởi lẽ “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Chúa Giêsu mặc khải cho con người một "Sự Thật" quan trọng. Ngài cho con người biết ý định của Thiên Chúa: Thiên Chúa muốn cho con người không phải chết, nhưng được "Sống" muôn đời “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đây là đích điểm của đời người, và cũng là đích điểm của Chương Trình Cứu Độ. Thiên Chúa dựng nên con người và phú bẩm trong tâm hồn con người khát vọng được sống đời đời. Làm sao con người đạt được đích điểm này? Con người không thể tự mình đạt tới nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị một Kế Hoạch Cứu Độ. Đây là "Đường" hay "Cách" mà Thiên Chúa cứu độ con người: Ngài cho Người Con Một xuống thế gian để gánh tội cho con người; Người Con này hoàn thành Kế Hoạch bằng cách chịu đau khổ, chịu chết, và sống lại để mang đến sự sống đời đời cho con người.

Là Đường dẫn người tin đi đến với Thiên Chúa nguồn mạch đích thực. Là Sự Thật nên ai đi trên con đường ấy sẽ không sai lầm. Từ đó, chúng ta tin tưởng Chúa là lẽ sống của đời mình nên những ai có lòng tin sẽ có sức sống trong hành trình đi theo Chúa. Bởi chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng ban sự sống và có lời ban sự sống.

Đặc tính của “con đường Giêsu” là vâng phục thực thi thánh ý Chúa Cha và yêu thương phục vụ nhân loại một cách khiêm nhường. “Con đường Giêsu” chính con người Đức Giêsu, để một khi “ở lại trong con người của Ngài,” chúng ta luôn có Ngài đồng hành và được hướng dẫn trên mọi nẻo đường đời. Ngoài Chúa Giêsu, không có đường nào khác đưa dẫn con người đến hạnh phúc đích thực. “Con đường Giêsu” có hai chiều gặp nhau trong con người của Ngài: một chiều Thiên Chúa đến gặp con người, một chiều con người hướng về và gặp gỡ Thiên Chúa. Trên “con đường Giêsu”, mọi biển cấm đều bị Ngài gỡ bỏ, mọi chướng ngại đều bị lấy đi, để trong Ngài, Thiên Chúa đến với con người, ở lại với con người và trong Ngài, con người được hưởng ân huệ của Thiên Chúa và hạnh phúc reo lên “Abba”, “Cha ơi!”, vui mừng được làm con Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là con đường duy nhất giữa Thiên Chúa và con người.

Ngài là đường chân lý, một chân lý sống động, làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi cuộc đời. Đường chân lý ấy là toàn thể cuộc sống của Ngài, từ tư tưởng cho đến lời nói và việc làm. Tất cả đều hướng tới chân trời cứu độ.

Ngài là đường sự sống, là nguồn phát sinh mọi sự sống tự nhiên cũng như siêu nhiên. Sự sống phần xác trong công trình tạo dựng, cũng như sự sống phần hồn trong công trình cứu chuộc. Ngài đã chết để mọi người được sống và Ngài đã sống lại để mãi mãi mở ra một con đường dẫn vào cõi sống vĩnh cửu. Sự sống vật chất một ngày nào đó sẽ tan biến, nhưng sự sống mà Ngài trao ban sẽ là một sự sống trường tồn bất diệt. Sự sống vĩnh cửu là một ân ban: “ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 6,13).

Ngài là con đường dẫn tới nhà Cha, dẫn tới quê hương Nước Trời, bởi vì Chúa Cha và Ngài không thể tách lìa nhau. Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha. Vẫn là một tự ngàn xưa và mãi mãi là một đến muôn thuở muôn đời. Vì thế con đường mang tên Giêsu, tất nhiên sẽ dẫn tới địa chỉ Nhà Cha và ngược lại, muốn đến nhà Cha thì phải đi trên con đường Giêsu.

Đi trên Đường Giêsu là đi bằng cả tình yêu chan hòa phục vụ. Bài đọc thứ nhất là hình ảnh đẹp về một Giáo Hội trẻ đang cựa mình vươn vai tiến tới. Có những phân công khác biệt: kẻ phục vụ bàn thánh, người phục vụ bàn ăn; kẻ chuyên chăm rao giảng Lời Chúa, người chuyên lo hạnh phúc anh em. Nhưng vẫn là nhịp bước đồng hành. Có thể nói được rằng tình yêu và phục vụ là đôi chân của Giáo Hội lữ hành đặt bước chân mình trong dấu chân Chúa. Và cũng có thể hiểu được rằng cách nhìn “con người là con đường của Giáo Hội” (Gioan Phaolô II) chính là tốc độ mới của tình yêu chan hòa phục vụ trên Đường Giêsu hôm nay.(x.‘Với Cả Tâm Tình’ – ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống).

Chúa Giêsu là đường dẫn đến sự sống thật. Ngài là sự thật đưa dẫn đến sự sống đời đời và sự sống thật là con đường kết hợp mật thiết với Đấng Tạo Thành. Chúa Giêsu trở thành trung tâm cốt lõi cho tất cả mọi suy tư tìm kiếm nguồn chân lý, sự thánh thiện và sự hoàn hảo tuyệt mỹ.

Cả cuộc đời của Chúa Cứu thế chính là con đường. Ngài dạy các môn đệ hãy bước vào, hãy cùng đi.Các tông đồ đi theo con đường Giêsu. Giáo Hội mọi thời đi theo con đường Giêsu.

Thánh Gioan Maria Vianney, người chỉ đường cho biết bao nhiêu con người biết đường đi về Nước Trời. Đi hành hương đến xứ Ars, ai cũng muốn tìm đến bức tượng nổi tiếng: Thánh Gioan Maria Vianney đứng hỏi đường về xứ Ars với em bé chăn chiên.

Bức tượng ghi dấu một câu chuyện bất hủ. Ngày đến nhận xứ Ars, Cha Vianney đã hỏi em bé chăn chiên một câu như một lời tiên tri linh ứng sau này: “Con hãy chỉ cho cha đường về xứ Ars, cha sẽ chỉ cho con đường về Nước Trời”. Câu này được ghi đậm nét dưới chân bức tượng như một lời nguyện ước của mọi khách hành hương. Ngày xưa, ngài đã chỉ dẫn cho giáo dân xứ Ars đã mất đức tin, bê tha rượu chè, cờ bạc, đàng điếm…được trở về với Chúa, thì ngày nay cũng xin chỉ dẫn cho chúng con biết đường ngay nẻo chính để sau này được trở về Nhà Cha trên trời. Nhìn đôi bàn tay Cha thánh, khách hành hương nghĩ về đôi bàn tay linh mục là đôi bàn tay Thiên Chúa dùng chuyển mang chúc lành bình an từ trời cao đến cho tâm hồn con người. Đôi bàn tay cùng với tâm hồn của linh mục là nhân chứng cho lòng khoan dung của Thiên Chúa giữa con người. Đôi bàn tay và môi miệng của linh mục là phương tiện Thiên Chúa dùng cho việc rao giảng văn hóa phúc âm nước Trời giữa trần gian.

Có một giai thoại rất lý thú về bức tượng này. Nhà điêu khắc Louis Castex (1866-1954) đã chọn anh Gabriel Matagrin (18 tuổi) làm mẫu tạc tượng cha xứ Ars và chọn Antoine Givre (10 tuổi) là con của mình để tạc em bé chăn chiên. Bức tượng rất có thần, ai đến chiêm ngưỡng cũng cảm thấy Cha Thánh hiển hiện sống động, một tay đặt trên vai em bé và một tay chỉ hướng về trời. Có lẽ nhờ lời bầu cử của Thánh nhân mà người đóng vai Cha Thánh, sau này đã đi tu, trở thành giám mục giáo phận Grenoble, cách Lyon 80km: Đức cha Gabriel Matagrin. Còn em bé cũng được Chúa gọi trở thành linh mục chính xứ St. Martin l’Argentière, Cha Antoine Give.

Lạy Chúa, Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Xin Chúa dẫn dắt chúng con theo đường chân lý của Chúa để chúng con được hưởng niềm vui sự sống muôn đời. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ tại Santa Marta 5/5/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho linh hồn những người đã chết vì đại dịch.
Đặng Tự Do
01:12 05/05/2020
Lúc 7 sáng thứ Ba 5 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho linh hồn những nạn nhân chết thảm vì coronavirus. Nhiều người không được gặp những người thân yêu. Nhiều người không hề được hưởng các nghi thức an táng.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta cầu nguyện ngày hôm nay cho những người đã chết vì đại dịch. Họ chết một mình, họ chết mà không có sự âu yếm của những người thân yêu, nhiều người trong số họ, thậm chí không có cả đám tang. Xin Chúa tiếp nhận họ vào trong vinh quang của Ngài.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của Ngài về bài Tin Mừng trong ngày trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 10: 22-30), trong đó người Do Thái yêu cầu Chúa Giêsu nói một cách công khai có phải Ngài là Đấng Kitô không.

Phúc Âm: Ga 10, 22-30

“Tôi và Cha Tôi là một”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do Thái vây quanh Người và nói: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin.” Điều này làm dấy lên một nghi ngờ: nhưng tôi có tin không? Và điều gì ngăn tôi trước cánh cửa là Chúa Giêsu? Có những thái độ ngăn cản chúng ta đến với Chúa Giêsu. Ngay cả đối với chúng ta, những người đã ở trong đàn chiên của Chúa. Những điều này giống như ‘những vướng mắc’, là những điều ngăn trở không cho chúng ta tiếp tục hiểu biết về Chúa.

Vướng mắc đầu tiên là sự giàu có. Tiền của là một trở ngại ngay cả với nhiều người trong chúng ta, là những người đã bước vào cửa chuồng chiên, là Chúa Giêsu. Chúng ta dừng lại và không tiếp tục vì chúng ta bị giam cầm trong sự giàu có. Chúa đã rất cứng rắn với sự giàu có bởi vì sự dính bén của cải vật chất là một trở ngại ngăn cản chúng ta tiến về phía trước. Nhưng như thế liệu chúng ta có nhất thiết phải rơi vào tình trạng bần cùng không? Không, không phải như thế. Nhưng vấn đề là đừng làm nô lệ cho tiền của, đừng sống cho tiền của, đừng để tiền của là chúa tể của mình. Chúng ta không thể làm tôi hai chủ. Tiền của thực sự có khả năng ngăn cản chúng ta.

Một điều nữa ngăn cản chúng ta tiến lên trong sự hiểu biết về Chúa Giêsu, và thuộc về Chúa Giêsu là sự cứng nhắc: sự chai cứng của trái tim. Ngay cả sự cứng nhắc trong việc giải thích lề luật. Chúa Giêsu khiển trách người Pharisêu, và các thầy thông luật vì sự cứng nhắc này. Sự cứng nhắc không phải là sự trung tín. Sự trung tín luôn là một ân sủng của Thiên Chúa, còn sự cứng nhắc là một sự an toàn cho chính tôi.

Một phụ nữ tham dự một lễ cưới vào chiều thứ Bảy. Bà ta hỏi tôi rằng đi lễ như thế có thể thay cho Thánh lễ ngày Chúa Nhật không? Vì các bài đọc của hai thánh lễ khác nhau và bà ấy sợ rằng bà ấy không giữ ngày Chúa Nhật, vì đã tham dự một Thánh lễ với các bài đọc khác. Người phụ nữ đó thuộc về một phong trào của Giáo Hội. Đó là sự cứng nhắc. Sự cứng nhắc này đưa chúng ta ra khỏi sự khôn ngoan đến từ Chúa Giêsu, nó lấy đi sự tự do của anh chị em. Và nhiều mục tử làm cho sự cứng nhắc này lớn lên trong linh hồn của các tín hữu. Sự cứng nhắc như thế không cho phép chúng ta bước qua cánh cửa của Chúa Giêsu.

Một trở ngại khác là sự lười biếng. Sự lười nhác “lấy đi ý chí để tiếp tục” và “đưa anh chị em đến với sự thờ ơ và khiến anh chị em trở nên nhạt đạo. Lười biếng là một điều khác ngăn cản chúng ta tiến về phía trước.

Một thái độ xấu khác là tinh thần giáo sĩ trị, bởi vì với tinh thần này người ta “đặt mình vào vị trí của Chúa Giêsu”. “Chuyện này là phải như thế, như thế, và nếu anh chị em không làm như thế, như thế, thì anh chị em không thể vào”. Chủ nghĩa giáo sĩ trị lấy đi sự tự do trong đức tin của các tín hữu. Đây là một căn bệnh, là một điều xấu trong Giáo hội.

Một điều nữa ngăn cản chúng ta tiến lên trong sự hiểu biết về Chúa Giêsu “là tinh thần thế gian”. Khi việc tuân giữ đức tin, việc thực hành đức tin kết thúc trong tinh thần thế gian thì mọi thứ đều trở nên trần tục. Chúng ta hãy nghĩ về việc cử hành một số bí tích tại một số giáo xứ: có bao nhiêu tinh thần thế gian trong đó! Khi những điều đó xảy ra, ân sủng là sự hiện diện của Chúa Giêsu không được hiểu rõ.

Trong tất cả các thái độ này chúng ta thấy rõ một điều là “sự vắng bóng của tự do”. Anh chị em không thể theo Chúa Giêsu mà không có tự do. Tất nhiên, đôi khi tự do đi xa quá và làm cho ta trượt té, nhưng trượt té trước khi bắt đầu bước về phía Chúa Giêsu thì còn tệ hại hơn.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa soi sáng cho chúng ta để thấy bên trong chúng ta thật sự có tự do để đến với Chúa Giêsu và trở thành con chiên của một đàn chiên hay không.


Source:Vatican News
 
Sr. Anastasia, một tu sĩ Tanzania rất dễ thương, đã chết vì COVID-19
Thanh Quảng sdb
06:45 05/05/2020
Sr. Anastasia, một tu sĩ Tanzania rất dễ thương, đã chết vì COVID-19

Một số cư dân tại Assisi và Rieti, Ý, đã viết những lời vĩnh biệt trên Facebook để bày tỏ nỗi buồn và lòng biết ơn của họ đối với một nữ tu người Tanzania, Sơ Anastasia Cristian Malisa, người đã chết vì COVID-19 vào cuối tuần qua.

(Tin Vatican - Paul Samasumo)

Hôm nay 4/5/2020, lúc 16:30, sơ Anastasia được an táng để an nghỉ ngàn đời cùng Chúa Giêsu, Đức Lang quân của sơ, Ngài là nguồn hy vọng và niềm vui duy nhất của sơ, sau một tháng sơ bị con vi khuẩn coronavirus hoành hành… Sơ là một nữ tu của Dòng Chị Em khó nghèo ở thành phố Rieti, sơ vừa tròn 60 tuổi.

Viện dưỡng lão thánh Lucia ở Rieti

Sơ Anastasia làm việc tại viện dưỡng lão thánh Lucia dành cho những người già tại Rieti. Khi một số người già ở viện dưỡng lão bị nhiễm coronavirus, thì tất cả những người ở trong viện cũng như các nhân viên đều được kiểm tra... Qua xét nghiệm thì sơ Anastasia bị dương tính COVID-19. Chỉ một ngày sau đó, sơ ngã bệnh nặng và được đưa vào bệnh viện thánh Camillo De Lellis ở Rieti.

Vào đêm ngày 29 tháng 3, bệnh tình của sơ trở nên trầm trọng hơn và được di chuyển vào khu Chăm sóc trợ thở (ICU). Đó là một cuộc chiến kéo dài cả tháng! Thứ bảy tuần trước, vào ngày 25 tháng 4, sơ tắt thở, đi vào cuộc sống vĩnh hằng!

Một cuộc sống hồn nhiên đơn sơ

Sơ sinh trưởng tại Châu Phi, sơ sống một cuộc sống đơn giản, tốt lành, sống trọn vẹn ơn gọi mình như một người nữ tu khiêm hạ, tận tâm phục vụ những người bé nhỏ và hèn mọn... Nguyện xin Chúa nhân lành đón nhận sơ vào trong Vương quốc hiển vinh mà Chúa dành riêng cho những đầy tớ trung tín khó nghèo như sơ Anastasia.

Vị Nữ tu người châu Phi với nụ cười ấm áp

Tám năm trước, Sơ Anastasia được sai đến Rieti, thuộc thành phố Assisi của Ý. Tuần này, nhiều người biết sơ ở Rieti, Assisi, nên đã vào Facebook để bày tỏ tâm tình và tình cảm họ dành cho vị nữ tu sĩ Châu Phi, có nụ cười ấm áp này. Nhiều người viết, chúng tôi sẽ nhớ mãi niềm vui nhẹ nhàng đầy tình người mà sơ luôn âm thầm chia sẻ và làm chứng cho cuộc sống tận hiến của sơ. Xin gửi thân xác của sơ vào lòng đất nhưng tinh thần và hình ảnh đơn sơ của vị nữ tu Phi Châu sẽ được nhớ mãi trong tâm khảm của người dân nơi đây!

Hành trình từ Moshi, Tanzania

Sơ Anastasia từ Tanzania đến Ý khi tuổi xuân vừa tròn 34. Sơ đến từ Moshi nằm dọc sườn dốc núi Kilimanjaro ở Tanzania. Là một nữ tu dòng Chị Em Hèn Mọn thánh Clara, đầu tiên sơ làm việc cho trẻ em ở trường mẫu giáo và sau đó, được sai về chăm sóc người già ở Viện Dưỡng lão thánh Lucia ở Rieti. Tổng cộng, thời gian sơ sống tại Ý là 26 năm.

Các nữ tu và linh mục bị nhiễm COVID-19

Tính đến ngày 28 tháng 4, thì thống kê theo tờ Avvenire, một tờ báo Công Giáo Ý, thì có 118 linh mục đã bị chết vì Coronavirus ở Ý.

Con vi khuần quái ác COVID-19 cũng đang hoành hành trong giới nữ tu đang dấn thân săn sóc cho các bệnh nhân… Chỉ riêng ở Ý, số các nữ tu thiệt mạng vì COVID-19 đã vượt xa con số các linh mục. Thật khó mà có được con số chính xác về những nữ tu bị thiệt mạng, vì nhiều sơ làm việc tại các bệnh viện, viện dưỡng lão và sống chung chạ với cộng đồng nhiều hơn...

Cái chết của vị Giám mục Silas Njiru ở Ý

Trong khi đó, người Công Giáo ở Kenya cũng đã tỏ lòng thành kính và thương tiếc cho sự ra đi của Đức cha Emeritus Silas Njiru. Giám mục Njiru là Giám mục thứ hai của Giáo phận Meru trong nước Kenya. Theo một đại diện của Dòng truyền giáo Consolata ở Ý, linh mục Pedro Jose da Silva Luoro, cho biết sau khi nghỉ hưu, Đức cha Njiru về sống ẩn tại Ngôi nhà mang tên Chân phước Joseph Allamano dành cho người già ở Alpignano, Torino Ý. Đức Cha đã qua đời vào thứ ba ngày 28 tháng 4, vì nhiễm COVID-19, hưởng thọ 92 tuổi.
 
Pháp: Hầu chắc là các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự sẽ được tái tục vào ngày 29 tháng Năm
Đặng Tự Do
16:44 05/05/2020
Thủ tướng Pháp có thể sửa đổi các kế hoạch trước đó, và nói rằng việc thờ phượng có công chúng tham dự có thể tiếp tục sớm nhất là vào ngày 29 tháng 5

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nói rằng ông “sẵn sàng nghiên cứu khả năng các cử hành tôn giáo có công chúng tham dự có thể tiếp tục vào ngày 29 tháng Năm.” Đó là một trong những “kiến nghị” các nhà lãnh đạo tôn giáo đã thực hiện trong những ngày gần đây.

Philippe đã đưa ra thông báo vào chiều thứ Hai trước Quốc hội Pháp, cho biết có khả năng ông sẽ sửa đổi một số mốc thời gian mà ông đã trình bày trước đó một tuần tại thượng viện quốc hội.

Vào thời điểm đó, ông nói rằng lệnh cấm các cử hành tôn giáo có công chúng tham dự sẽ tiếp tục cho đến ngày 2 tháng Sáu, ba tuần sau khi các biện pháp cô lập được nới lỏng cho một số hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác.

Ngoại lệ duy nhất là cho đám tang, giới hạn từ 20 người trở xuống.

Mặc dù hầu hết các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Pháp đã chấp nhận quyết định trước đó, nhưng nhiều người không hài lòng về điều này. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo Công Giáo tỏ ra bất bình.

“Tôi hiểu sự thiếu kiên nhẫn của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Tôi biết rằng có những ngày lễ quan trọng và các sự kiện khác trên lịch tôn giáo giữa ngày 29 Tháng Năm và ngày 2 tháng Sáu,” Thủ tướng Chính phủ phát biểu trước Thượng viện để biện minh cho sự thay đổi có thể xảy ra của mình so với kế hoạch ban đầu.

Thời điểm mới để tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự sẽ cho phép các Kitô hữu ở Pháp tổ chức Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào ngày cuối tuần 31 tháng 5, đánh dấu sự kết thúc của mùa Phục sinh.

Nhưng ông Phillipe cảnh báo rằng mọi người phải thực hiện cảnh giác để “tình hình sức khỏe không xấu đi trong những tuần đầu tiên của việc nới lỏng lệnh cô lập”.

“Tôi nghe thấy nỗi buồn của các tín hữu đang bị tước đoạt các cuộc tụ họp và các lễ kỷ niệm. Tôi hiểu được sự thiếu kiên nhẫn của các thừa tác viên thuộc mọi tôn giáo, nhưng tôi thúc giục họ phải chờ đợi với lương tâm tốt lành để chúng ta không hối tiếc một quyết định vội vàng,” ông cảnh báo.

“Chúng tôi rất vui mừng với những tin tức, mà chúng tôi biết được ở giữa cuộc họp của chúng tôi,” Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, gọi tắt là CEF, cho biết.

110 giám mục, thành viên của CEF, đã gặp gỡ nhau trong hội nghị video vào chiều thứ Hai khi Thủ tướng Pháp công bố khung thời gian mới có thể.

“Chúng tôi đang chờ đợi các tiêu chí chính xác, nhưng chúng ta đều đã sẵn sàng để lập kế hoạch cho Giáo Hội tôn trọng khoảng cách và báo cáo cho các nhà chức trách,” Đức Tổng Giám Mục chủ tịch CEF nói với tờ La Croix.

“Cũng như nơi làm việc, không gian tối thiểu 4 mét vuông cho mỗi tín đồ có thể được áp đặt. Chúng tôi sẽ trang bị thêm nội thất cho các nơi thờ phượng nếu cần thiết, và nếu cần thiết hơn nữa, chúng tôi sẽ tăng số lượng các Thánh lễ,” Đức Tổng Giám Mục nói.

“Chúng tôi không đòi hỏi ưu đãi đặc biệt nào nhưng chỉ muốn được mở cửa trở lại như các hoạt động khác, với các thỏa thuận cần thiết,” ngài khẳng định.

“Chúng tôi sẽ cử hành Thánh Lễ trong giới hạn được yêu cầu, cả về mặt khoảng cách xã hội giữa những người tham dự và số lượng tối đa trong các Thánh lễ.”

Đức Cha Xavier Malle của giáo phận Gap cũng bày tỏ sự hài lòng với thông báo của Thủ tướng Philippe.

Kitô hữu không phải là những tín hữu duy nhất hài lòng với ngày khởi đầu sớm hơn cho các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự.

Người Do Thái sẽ ăn mừng lễ Chavuot từ 28 đến 30 tháng Năm. Đó là năm mươi ngày sau đêm thứ hai của Lễ Vượt qua và kỷ niệm Torah được mặc khải.

Theo thông lệ, tất cả người Do Thái sẽ đến hội đường trong dịp này để lắng nghe việc đọc Mười Điều Răn.

“Đây là một tin tốt, nhưng chúng tôi sẽ thận trọng,” Rabbi Mendel Samama Strasbourg nói.

“Sẽ là một điều đáng tiếc nếu chúng ta đặt mạng sống trong tình trạng nguy hiểm sau rất nhiều nỗ lực và hy sinh.”


Source:La Croix
 
Một điển hình tham dự Thánh Lễ trong những ngày tới
Vũ Văn An
19:15 05/05/2020
Với nhận định: đóng cửa thì đơn giản, mở cửa lại cần có suy nghĩ và hiểu biết, tờ Denver Catholic trình bầy viễn ảnh tham dự thánh lễ công cộng trong những ngày sắp tới khi các hạn chế hiện nay được nới lỏng cả cho các thánh lễ công cộng.



Ai cũng đồng ý: quyết định ngưng mọi Thánh Lễ công cộng là một quyết định đau lòng, nhưng cần thiết vì thiện ích chung. Và khi các hạn chế y tế được nới lỏng và người ta bắt đầu được tụ họp lại với nhau, điều quan trọng đối với mọi người là hiểu rằng sự việc sẽ không lập tức trở lại bình thường như trước.

Các chuyên gia y tế và các vị dân cử đang đưa ra các chỉ dẫn và hạn chế mới cho các tuần lễ và các tháng tới. Tổng giáo phận Công Giáo Denver cũng đang đặt kế hoạch cho việc phải cử hành các Thánh Lễ công cộng ra sao để phù hợp với các qui định mới này.

Ai cũng ước ao được trở lại giáo xứ của mình, tham dự phụng vụ, và lãnh nhận Thánh Thể. Ước ao này rất mạnh mẽ. Nhưng tổng giáo phận Denver yêu cầu mọi người tiếp cận giai đoạn mới này bằng một tâm thức kiên nhẫn, yêu thương và bác ái.

Các chi tiết chuyên biệt về việc khi nào các Thánh Lễ công cộng được tái tục và chúng sẽ diễn tiến như thế nào vẫn còn đang được nghiên cứu, nhưng trong lúc chờ đợi, tổng giáo phận đưa ra 5 điểm sau đây để mọi người chuẩn bị sẵn sàng ứng phó:

1. Số người tham dự sẽ hạn chế

Ai cũng biết các hạn chế vẫn được duy trì đối với các cuộc tụ họp đông người, nên tổng giáo phận đang làm việc cùng các giáo xứ để ấn định một cách hợp tình hợp lý nhất con số tối đa cho mỗi lần tham dự Thánh Lễ. Điều quan trọng là mọi người đăng ký để nhận được thông tin từ giáo xứ của mình về tình hình giáo xứ, về số người tham dự và số này là những ai cụ thể, tham dự vào những ngày nào...Không ai nên mong chờ được tham dự Thánh Lễ thường xuyên như trước.

2. Gián cách xã hội sẽ được thự hành

Các người tham dự nên làm quen với việc giáo xứ của họ vạch ranh giới ở các hàng ghế, chỗ ngồi, và các gia đình nên giữ khoảng cách 6 feet với các gia đình khác. Mọi người phải sẵn sàng đeo khẩu trang và nếu ai đó có các triệu chứng mang bệnh bất cứ nào, xin hãy ở lại nhà, đừng đến nhà thờ.

3. Các thay đổi phụng vụ sẽ được đặt để

Giống như các chiêu thức (protocols) đã đưa ra hồi đầu tháng 3, các thận trọng thêm nữa cần được thi hành, như ngưng việc lãnh nhận Máu Thánh và chỉ lãnh nhận Mình Thánh trên tay.

4. Việc miễn chung nghĩa vụ tham dự Thánh lễ Chúa Nhật vẫn được duy trì

Đối với các nhóm có nguy cơ, những người có triệu chứng, và bất cứ ai cảm thấy ở nhà thì an toàn hơn, họ sẽ không còn buộc phải tham dự Thánh Lễ nữa. Vì các gia đình chỉ còn có thể tham dự Thánh Lễ bất thường xuyên, và không nhất thiết vào Chúa Nhật, nên đã có kế hoạch tiếp tục giữ Ngày của Chúa bằng cách tham dự các Thánh Lễ trực tuyến hay được ghi hình trước.

5. Sẽ có nguy hiểm đối với bất cứ ai tham dự Thánh Lễ công cộng

Bất chấp các thực hành y tế tốt nhất và gián cách xã hội nghiêm ngặt nhất, bất cứ ai bước vào một nơi công cộng nên nhìn nhận rằng ở đấy họ có nguy cơ bị lây nhiễm coronavirus. Các nhà thờ chắc chắn sẽ tăng cường các biện pháp vệ sinh, nhưng không ai nên cho rằng ở đó, họ an toàn hơn bất cứ chỗ công cộng nào khác.

6. Sau cùng, hãy ráng tiến bộ, chứ không hoàn hảo

Chắc chắn sẽ có thách thức và ngã lòng. Gia đình bạn có thể không được tham dự Thánh Lễ trong các tuần lễ đầu tiên khi nó được tái tục. Giáo xứ có thể mắc lầm lỡ này hay lầm lỡ khác và sự việc không diễn tiến như dự kiến. Nhưng tổng giáo phận tin rằng tuân theo các hướng dẫn này là một hy sinh hợp lý. Khi thấy con số nạn nhân phẳng dần và giảm đi, người ta bắt đầu cảm thấy tình thế được cải thiện. Vì thiện ích chung, và sau cùng, để phục vụ cộng đồng cách tốt nhất, tổng giáo phận không muốn góp phần gây ra các hậu quả khiến việc tham dự Thánh Lể công cộng bị đẩy vào một tương lai xa xôi hơn.

Tổng giáo phận hy vọng rằng nếu mọi người cùng cố gắng chung, họ có thể nhẹ nhàng bước vào giai đoạn mới và tiếp tục nhân thừa, gia tăng số người tham dự và các phương án. Còn nếu mọi người đều tìm cách phá ngang các qui định, họ sẽ tạo ra các tình huống khiến cuối cùng mọi người buộc phải bước ngược trở lại các hạn chế nghiêm ngặt, có khi tồi tệ hơn.
 
Vatican cung cấp các hướng dẫn mục vụ giúp đỡ những người di cư
Thanh Quảng sdb
20:05 05/05/2020
Vatican cung cấp các hướng dẫn mục vụ giúp đỡ những người di cư

Thánh bộ di dân và tỵ nạn của của Tòa Thánh đề ra các hướng dẫn để đối phó với những thách đố mới trong việc mục vụ giúp đỡ những người di cư và tỵ nạn...

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Tòa thánh Vatican hôm thứ ba vừa qua đã phát hành các hướng dẫn mục vụ và các dịch vụ giúp đỡ những người di cư và tỵ nạn, nhằm giúp họ phát triển được toàn vẹn con người trước những thách đố toàn cầu hiện nay.

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Ngày di cư và tỵ nạn thế giới 2018

Định hướng mục vụ của Đức Phanxicô dành cho những người di cư và di dân (POIDP) đã đề ra một loạt những hướng dẫn quan trọng hữu ích cho công tác mục vụ cho Di dân dân và tỵ nạn (IDPs). Thông điệp đó tập trung vào bốn động từ: chào mừng, bảo vệ, thúc đẩy và thăng tiến...

Thông điệp khai triển bốn điểm đó như sau:

Chào mừng

Các hướng dẫn Mục vụ thừa nhận tình trạng phức tạp của những người di cư và di dân... Thông điệp đặc biệt lưu ý rằng họ thường là những người bị xã hội bỏ quên...

Cần phải nhìn nhận rằng cuộc sống nơi bản xứ có nguy hiểm và bấp bênh, thì người dân mới phải bỏ xứ sở mà trốn chạy… Vì vậy thông điệp kêu gọi tất cả các tổ chức nhân đạo hãy rộng mở bàn tay nhân ái chào đón nâng đỡ họ…

Bảo vệ

Thông điệp nhấn mạnh rằng người di cư và người tỵ nạn cần được các Tổ chức quốc tế (IDPs) bảo vệ họ, vì nó liên quan đến những điều vượt qua những luật lệ quốc tế.

Tài liệu cũng lưu ý rằng các cơ quan có thẩm quyền quốc gia, nơi có trách nhiệm chính những người di cư tỵ nạn, cần phải bảo vệ họ! Công việc bảo vệ IDP ở các cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.

Thông điệp cũng kêu gọi hãy chăm sóc đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm những nạn nhân chiến tranh nhất là phụ nữ và trẻ em, binh lính và những người tàng tật, cũng như các thành phần của các nhóm thiểu số đang phải đối diện với những phân biệt kỳ thị chủng tộc!

Thúc đẩy

Giáo hội cũng được kêu gọi để thúc đẩy tăng góp các nhu cầu vật chất và tinh thần cho di dân... Những phúc lợi tạm thời cho các người di cư hầu đáp ứng nhu cầu kinh tế và xã hội cho họ. Về vấn đề này, việc giáo dục và chăm sóc y tế cần đưiợc chú trọng cách đặc biệt.

Trong khi nhiều tổ chức cố gắng đáp ứng nhu cầu vật chất, phúc lợi tôn giáo và tinh thần của người di dân... Tài liệu mới lưu ý rằng chiều kích tâm linh này là điều trọng yếu cho sự phát triển toàn diện của con người, được coi là mục tiêu của các chương trình di cư di dân (IDPs).

Đặc biệt, Tài liệu kêu gọi các giám mục địa phương hãy lợi dụng những cơ cấu và chương trình mục vụ có sẵn hầu giúp cho việc di cư dân dân này…

Thăng tiến

Thăng tiến về sự hợp nhất dành cho những người di cư và di dân thích nghi vào các cộng đồng chính mạch là giải pháp lâu dài.

Cụ thể, Tài liệu đặt ra chương trình hoặc kế hoạch thăng tiến, đây là giai đoạn khó khăn cho người di dân lẫn chủ nhà. Vì vậy, Giáo hội được kêu gọi cung cấp cho cả hai phía những Hướng dẫn và hỗ trợ thực tế… Điều này giúp các cấp thế quyền và thần quyền ý thức trách nhiệm của tất cả những người liên quan, đặc biệt là các lợi ích chung cho cả những người bị di dời và cộng đồng chào đón họ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tài liệu Trung Quốc nêu bật nhu cầu chuẩn bị cho cuộc tấn công vũ trang trả thù cho dịch bệnh
Đặng Tự Do
20:06 05/05/2020
Trong một kịch bản được chuẩn bị rất công phu, ngay khi đại dịch coronavirus vẫn đang hoàng hành kinh hoàng tại nước này, Trung Quốc đã gởi một phái đoàn các nhân viên y tế sang giúp Ý chống trả dịch bệnh; đã gởi các que thử COVID-19 sang Tây Ban Nha, mặc dù chỉ phát hiện được 30% các trường hợp nhiễm bệnh; và đã gởi hàng triệu khẩu trang y tế sang Pháp các nước khác.

Tuy nhiên, theo thông tấn xã Reuters, một báo cáo nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhìn nhận rằng kế hoạch quảng cáo cho một nước Trung Hoa cứu nhân độ thế xứng đáng với ngôi vị bá chủ thế giới đã thất bại. Không những thế, sự căm ghét của thế giới đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ngày càng rõ nét đến mức Trung Quốc cần chuẩn bị cho cuộc tấn công vũ trang trả thù cho dịch bệnh kinh hoàng này.

Nguyên bản tiếng Anh báo cáo của Reuters có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Exclusive: Internal Chinese report warns Beijing faces Tiananmen-like global backlash over virus

Peter Hirschberg


Độc quyền: Phúc trình nội bộ của Trung Cộng cảnh báo rằng Bắc Kinh phải đối mặt với các phản ứng chống đối toàn cầu tầm cỡ vụ Thiên An Môn vì chuyện coronavirus

Một phúc trình nội bộ của Trung Quốc cảnh báo rằng Bắc Kinh hiện đang phải đối mặt với làn sóng thù địch đang trên đà gia tăng từ vụ bùng phát coronavirus đã khiến mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ nghiêng về phía đối đầu, những người quen thuộc với bản phúc trình này đã nói với Reuters như thế.

Bản phúc trình, được Bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc trình lên giới lãnh đạo chóp bu của Bắc Kinh trong đó có cả Chủ tịch Tập Cận Bình hồi đầu tháng trước, kết luận rằng ác cảm đối với Trung Quốc trên toàn thế giới đang ở mức cao nhất kể từ sau vụ đàn áp Thiên An Môn vào năm 1989.

Vì thế, Bắc Kinh hiện phải đối mặt với làn sóng bài Trung Quốc do Hoa Kỳ dẫn đầu sau trận đại dịch, và cần phải chuẩn bị cho một tình huống xấu nhất là một cuộc đối đầu vũ trang giữa hai cường quốc toàn cầu. Những người quen thuộc với nội dung phúc trình cho Reuters biết như trên nhưng không muốn được nêu danh tính do tính nhạy cảm của vấn đề.

Bản phúc trình được soạn thảo bởi Viện Quan hệ Quốc Tế Đương Đại Trung Quốc, gọi tắt là CICIR, là nhóm cố vấn chiến lược có liên hệ với Bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc, cơ quan tình báo hàng đầu của cộng sản Bắc Kinh.

Reuters chưa nhìn thấy bản tóm tắt, nhưng được những người có kiến thức trực tiếp về bản phúc trình này cho biết nội dung của nó.

Khi trả lời các câu hỏi của Reuters về bản phúc trình này, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc trả lời: “Tôi không có thông tin liên quan”.

Bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc không cho biết các chi tiết liên lạc công khai và cũng không thể gặp được để nghe họ bình luận.

CICIR là nhóm cố vấn chiến lược có tầm ảnh hưởng lớn mà cho đến năm 1980 vẫn trực thuộc Bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc, và đóng vai trò cố vấn cho nhà cầm quyền Trung Quốc về các chính sách đối ngoại và an ninh. Họ đã không phúc đáp các yêu cầu đưa ra bình luận của chúng tôi.

Reuters không thể xác định được phần đánh giá thẳng thừng được mô tả trong bản phúc trình phản ảnh tới mức nào lập trường của các nhà lãnh đạo nhà nước Trung Quốc, và nếu có thì nó sẽ ảnh hưởng đến chính sách của họ tới mức độ nào. Nhưng việc đưa ra phúc trình này cho thấy Bắc Kinh đánh giá một cách nghiêm trọng mối đe dọa về việc hình thành nên các phản ứng chống đối có thể đe dọa đến những gì Trung Quốc cho là những đầu tư chiến lược của họ ở nước ngoài và quan điểm an ninh của họ.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được nhiều người cho là đang ở vào thời điểm tồi tệ nhất trong mấy thập niên qua, với những xích mích và bất tín nhiệm sâu sắc từ những cáo buộc của Hoa Kỳ về việc trao đổi mậu dịch và các thực hành kỹ thuật, cho đến những tranh cãi liên quan đến vấn đề Hương Cảng, Đài Loan và các vùng lãnh thổ đang bị tranh chấp ở vùng biển phía Nam Trung Hoa.

Trong những ngày gần đây, khi đối mặt với chiến dịch tái tranh cử gặp khó khăn hơn vì dịch bệnh coronavirus đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng Mỹ và tàn phá nền kinh tế Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tăng cường những chỉ trích nhắm vào Bắc Kinh và đe dọa mức thuế quan mới đối với Trung Quốc. Đồng thời, các giới chức cho biết chính quyền của ông cũng xem xét các biện pháp trả đũa Trung Quốc về sự bùng phát dịch bệnh.

Nhiều người ở Bắc Kinh tin rằng Hoa Kỳ muốn kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy, một Trung Quốc đang trở nên quyết liệt hơn trên bình diện toàn cầu khi nền kinh tế của họ phát triển.

Bản phúc trình kết luận rằng Washington coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa về an ninh quốc gia và kinh tế, là thách thức đối với những quốc gia dân chủ phương Tây. Bản phúc trình cũng nói Hoa Kỳ đang nhắm đến việc hạ bệ đảng cầm quyền Cộng sản bằng cách làm suy yếu niềm tin của công chúng.

Các giới chức Trung Quốc có “trách nhiệm đặc biệt” trong việc thông báo cho người dân của họ và cho thế giới về mối đe dọa do nạn coronavirus gây ra “vì họ là người đầu tiên biết về nó”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus đã nói thế khi trả lời câu hỏi của Reuters.

Tuy không trực tiếp nhắc đến phần đánh giá trong bản phúc trình của Trung Quốc, cô Ortagus còn nói thêm: “Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm im tiếng các khoa học gia, nhà báo và công dân cũng như việc truyền bá thông tin sai lạc đã làm trầm trọng thêm mối nguy hiểm của cuộc khủng hoảng y tế này.”

Phát ngôn viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ từ chối đưa ra những lời bình luận.

NHỮNG TÁC ĐỘNG NGƯỢC TRỞ LẠI

Bản phúc trình được mô tả cho Reuters cảnh báo rằng ác cảm đối với Trung Quốc được nhóm lên bởi dịch bệnh coronavirus có thể tiếp sức cho sự chống đối lại dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc, và Washington có thể tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự cho các đồng minh trong khu vực, khiến tình hình an ninh ở Á châu trở nên bất ổn hơn.

Ba thập niên trước đây, sau vụ Thiên An Môn, Hoa Kỳ và nhiều chính phủ phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc bao gồm lệnh cấm hoặc hạn chế việc bán vũ khí và chuyển giao kỹ thuật.

Trung Quốc ngày nay hùng mạnh hơn nhiều.

Tập Cận Bình đã cải tổ chiến lược quân sự của Trung Quốc để tạo ra một lực lượng chiến đấu được trang bị để chiến thắng trong chiến tranh hiện đại. Ông ta đang mở rộng phạm vi có thể vươn tới của không và hải quân Trung Quốc trong một thách thức đối với hơn 70 năm thống trị của quân đội Hoa Kỳ ở Á châu.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại kêu gọi sự hợp tác, nói rằng “sự phát triển ổn định và vững chắc của quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ” phục vụ lợi ích của cả hai nước và cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố nói thêm: “bất kỳ lời nói hoặc hành động nào liên quan đến mục đích bêu xấu hoặc khuynh đảo về chính trị mượn cớ của đại dịch, bao gồm cả việc tạo cơ hội để gieo mầm bất hòa giữa các quốc gia, đều không có lợi cho sự hợp tác quốc tế chống lại đại dịch.”

DƯ ÂM CỦA CHIẾN TRANH LẠNH

Một trong những người có kiến thức về bản phúc trình cho biết, nó đã được một số người trong cộng đồng tình báo Trung Quốc xem là phiên bản Trung Quốc của “Novikov Telegram” hay điện tín Novikov. Nikolai Novikov từng là Đại sứ Liên Xô tại Washington. Năm 1946, ông ta đánh đi một công văn nhằm nhấn mạnh những nguy hiểm trong tham vọng quân sự và kinh tế Mỹ sau Thế chiến thứ hai.

Công văn của Novikov là phản ứng của nhà ngoại giao này đối với “Long Telegram” của nhà ngoại giao Hoa Kỳ George Kennan từ Mạc Tư Khoa gởi về Mỹ, nói rằng Liên Xô không thấy khả năng chung sống hòa bình với phương Tây, và coi việc cô lập là chiến lược dài hạn tốt nhất.

Hai tài liệu trên đã giúp tạo tiền đề cho tư duy chiến lược, xác định bởi cả hai phía trong cuộc Chiến Tranh Lạnh.

Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ cáo buộc ngăn chận thông tin ban đầu về coronavirus, lần đầu tiên được phát hiện tại thành phố trung tâm Vũ Hán, và đã hạ thấp nguy cơ của nó.

Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận việc họ che đậy mức độ hoặc sự nghiêm trọng của dịch bệnh này.

Trung Quốc đã tìm cách ngăn chặn sự lây lan của virus trong nước và đã cố gắng khẳng định vai trò dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến toàn cầu chống lại COVID-19. Điều này bao gồm một chiến dịch tuyên truyền thúc đẩy quyên góp và bán tiếp liệu y tế cho Hoa Kỳ và các quốc gia khác cũng như chia sẻ kiến thức chuyên môn.

Nhưng Trung Quốc phải đối mặt với những phản ứng chống đối ngày càng gia tăng từ những chỉ trích của những người kêu gọi buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về vai trò của mình trong đại dịch kinh hoàng hiện nay.

Tổng thống Trump đã nói rằng ông sẽ cắt tài trợ cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, là tổ chức mà ông gọi là “rất sùng bái Trung Quốc”, là điều mà các giới chức WHO cho đến nay đều chối cãi.

Chính phủ Úc đã kêu gọi một cuộc điều tra mang tầm vóc quốc tế về nguồn gốc và sự lây lan của coronavirus.

Tháng trước, Pháp đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối một ấn phẩm trên trang mạng của đại sứ quán Trung Quốc với ý hướng chỉ trích việc xử lý coronavirus của phương Tây.

Theo một thống kê của Reuters, vi khuẩn này đã lây nhiễm hơn 3 triệu người trên toàn cầu và gây ra cái chết của hơn 200,000 người.


Source:Reuters
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Có thể cừ hành Thánh lễ Triđentinô băng tiếng Anh không?
Nguyễn Trọng Đa
09:07 05/05/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Một linh mục có thể cử hành phụng vụ Triđentinô hoặc Thánh lễ Tridentinô bằng tiếng Anh không? - S. F., Cuncolim, Goa, Ấn Độ.


Đáp: Câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này là không. Hình thức ngoại thường của nghi lễ Latinh được cử hành bằng tiếng Latinh, mà nó gắn chặt với.

Tuy nhiên, có thể các bài đọc Kinh thánh về phụng vụ nói trên có thể được cử hành bằng tiếng địa phương.

Điều này là đặc biệt đúng với khả năng công bố các bài đọc trong Thánh lễ bằng tiếng địa phương. Tông thư dưới dạng Tự sắc Summorum Pontificum cho phép điểu này:

"Điều 6. Trong các Thánh lễ với một cộng đoàn được cử hành theo Sàch Lễ của Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII, các bài đọc cũng có thể được công bố bằng tiếng địa phương, sử dụng các ấn bản được Tòa thánh phê chuẩn.”

Điều này đã được làm sáng tỏ bởi huấn thị Giáo Hội phổ quát ‘Universae Ecclesiae’, được ban hành bời Uỷ ban Giáo hoàng Ecclesia Dei, vốn nòi như sau:

“Số 26. Như được tiên liệu bởi điều 6 của Tông thư dưới dạng tự sắc Summorum Pontificum, các bài đọc của Thánh lễ trong Sách lễ năm 1962 có thể được công bố hoặc chỉ bằng tiếng Latinh, hoặc, hoặc bằng tiếng Latinh, tiếp theo bằng tiếng địa phương hoặc, trong các Thánh lễ ngày thường, chỉ bằng tiếng địa phương.

Tuy nhiên, có thể có một số nghi thức khác có thể được cử hành bằng tiếng địa phương. Bức thư ban hành Tự Sắc viết::

"Điều 9, §1 Linh mục chánh xứ, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, cũng có thể cho phép sử dụng nghi thức cũ hơn trong việc ban các bí tích Rửa tội, Hôn nhân, Sám hối và Xức dầu Bệnh nhân, nếu có lợi cho các linh hồn.”

Huấn thị Giáo Hội phổ quát (Universae Ecclesiae) nói rõ như sau:

“35. Việc sử dụng sách Nghi thức Phong chức (Pontificale Romanum), Sách Nghi thức Rôma (Rituale Romanum), cũng như sách Lễ nghi Giám Mục (Caeremoniale Episcoporum) có hiệu lực vào năm 1962, được cho phép, phù hợp với số 28 của Huấn thị này, và luôn tôn trọng sồ 31 của cùng một Huấn thị.

Số 28 của huấn thị Giáo Hội phổ quát “Universae Ecclesiae’ nói:

“Hơn nữa, do tính chất của luật đặc biệt, Tự sắc Summorum Pontificum bãi bỏ, trong lĩnh vực riêng của nó, các biện pháp luật lệ về các nghi thức thánh thiêng có từ năm 1962 và không phù hợp với các chữ đỏ của các sách phụng vụ có hiệu lực từ năm 1962.”

Cuối cùng, số 31 đề cập đến trường hợp đặc biệt của các việc đi theo hình thức ngoại thường.

“Chỉ có các Tu hội đời sống thánh hiến và các Tu đoàn đời sống tông đồ, vốn tùy thuộc vào Ủy ban Tòa thánh Giáo Hội của Chú ‘Ecclesia Dei’, và các Tu đoàn mà trong đó vẫn duy trì việc sử dụng sách phụng vụ theo hình thức ngoại thường, mới có thể sử dụng sách Nghi thức phong chức Roma có hiệu lực vào năm 1962, để ban các chức nhỏ và chức lớn.”

Đối với câu hỏi về việc sử dụng tiếng địa phương, chúng tôi có thể nói rằng năm 1962 là năm giới hạn chót. Tôi cho rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào để sử dụng hình thức ngoại thường trong tiếng địa phương được thực hiện trước ngày đó vẫn có thể được sử dụng, trừ khi chúng bị giới hạn bởi các nhà lập pháp, để sử dụng trong các miền truyền giáo.

Cũng có thể là một số quốc gia đã được cấp quyền sử dụng một phần các văn bản địa phương, để cử hành một số bí tích, chẳng hạn như bí tích rửa tội và hôn phồi. Sự cho phép này cũng được cấp cho nhiều lựa chọn ban phép lành, khi các Giám mục đưa ra các phiên bản Nghi lễ Rôma năm 1952 của riêng họ, vồn là phiên bản mẫu cuối cùng trước khi có cải cách của Công đồng..

Thí dụ, Hoa Kỳ đã ban hành một Bộ sưu tập các nghi thức (Collectio Rituum) vào năm 1961, mà trong đó có một số văn bản tiếng địa phương. Có thể các văn bản tiếng Anh này có thể được sử dụng hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Một trường hợp khác là Anh quốc và xứ Wales. Một lần nữa, vào năm 1961, các Giám mục đã ban hành cuốn sách Excerpta e rituali Romano: pro dioecesibus Angliæ et Cambriæ ​​edita.

Cuốn sách này chứa các nghi thức khác nhau thường được cử hành trong một giáo xứ. Đó là một phần tiếng Anh, một phần tiếng Latinh. Các giám mục Vương quốc Anh đã xin phép có một phần của một số nghi thức bằng tiếng Anh, nhưng Tòa Thánh quy định một số phần của mỗi nghi thức vẫn phải bằng tiếng Latinh.

Quy tắc tương tự sẽ áp dụng cho các văn bản tiếng Anh được chấp thuận sử dụng ở các quốc gia khác trước năm 1962 cũng như cho các ngôn ngữ khác.

Có một số tranh cãi liên quan đến việc sử dụng bản dịch tiếng Latinh-Anh năm 1964 của sách Rituale Romanum do Cha Philip Weller biên tập. Mặc dù cuốn sách này rất gần với Rituale Romanum bằng tiếng Latinh năm 1952, nhưng nó cho phép sử dụng rộng rãi hơn cho tiếng địa phương so với được phép trước năm 1962. Trong một số trường hợp, như trong nghi thức hôn phối và rửa tội người lớn, sách giới thiệu các yếu tố lấy cảm hứng từ Công đồng chung Vatican. Như cha Weller nói trong phần giới thiệu:

“Phiên bản hoàn chỉnh của Nghi lễ Latinh này phù hợp với ấn bản ‘Editio typica’ mới nhất, ghi ngày 25-1-1952. Tuy nhiên, kể từ đó, một số bổ sung quan trọng đã được thực hiện và sự duyệt lại có hiệu lực bởi Thánh bộ Nghi lễ; chúng đã được in trong ‘Acta Apostolicae Sedis’, cũng như trong ‘Ephemerides Liturgicae.’ Tất cả những thay đổi này đã được tính đến trong phiên bản hiện tại.

“Hơn nữa, ngay lập tức trước khi in ấn, chúng tôi đã có thể kết hợp những thay đổi được giới thiệu bởi Huấn thị của uỷ ban Phụng vụ, ngày 26-9-1964, được công bố vào ngày 16-10-1964, do đó công việc được hoàn toàn cập nhật.

Vì thế, rõ ràng đó không phải là cuốn sách năm 1952 mặc dù nó được sử dụng rộng rãi. Vì số 28 của huấn thị Universae Ecclesiae bãi bỏ các luật sau này vốn là mâu thuẫn với các luật có hiệu lực trước năm 1962, nên có vẻ như cuốn sách Cha Weller chỉ có thể được sử dụng trong các phần, vốn tương ứng với sự cho phép năm 1961 về sử dụng tiếng địa phương.

Như tôi đã viết trong một bài ngày 2-11-2010, tôi nghĩ rằng các phép lành khẩn cầu có trong phiên bản của Cha Weller, vẫn có thể được sử dụng một cách hợp pháp trong các phép lành, mặc dù không hoàn toàn liên quan đến hình thức ngoại thường. Điều này sẽ không áp dụng cho hầu hết các phép lành cấu thành:

“Một phép lành cấu thành là biến người hoặc vật được chúc phúc, thành một cách như là tách ra khỏi thế gian. Trong thực tế, tất cả các phèp lành này là dành cho thừa tác viên có chức thánh, và đôi khi là độc quyền dành riêng cho Giám mục (chúc phong cho một viện phụ) hoặc linh mục (làm phép chén thánh). Việc làm phép các vật đạo đức, như tràng hạt, huy chương và thánh giá nhỏ có thể được thực hiện bởi linh mục hoặc phó tế.

“Việc làm phép khẩn cầu là cầu khẩn Thiên Chúa về người hay đối tượng được ban phước nhưng không thay đổi bản chất của họ cũng như không dành cho họ một chức năng thiêng liêng. Đây là phần lớn các phước lành.

“Ngay cả khi không có sự cho phép chung đối với việc sử dụng bản dịch 1964, thì sự việc rằng Sách các Phép hiện tại cung cấp một mức độ linh hoạt rộng rãi cho người chủ lễ, sẽ cho phép sử dụng một số lời cầu nguyện từ sách nghi lễ cũ, đặc biệt là đối với các phép lành khẩn cầu và phép lành cầu thành đơn giản. Điều này sẽ không thể xảy ra đối với các phép lành cấu thành quan trọng, như các phép lành dành cho Giám mục, hoặc việc làm phép các đổ vật cho phụng vụ hoặc tôn kính công cộng.

Chúng ta phải nhớ rằng đối với nhiều linh mục và tín hữu, đây là cuốn sách được sử dụng cho đến khi xuất bản phiên bản tiếng Anh của Sách các Phép mới vào năm 1989. Do đó, nó dành cho tất cả các mục đích thực tiễn của bản văn tiền Công đồng..

Nó cũng rất hữu ích như một phiên bản nghiên cứu, vốn là ý định ban đầu của nó, và là một công cụ mục vụ hữu ích, để giải thích các nghi thức Latinh cho tín hữu. (Zenit.org 5-5-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/english-and-the-tridentine-mass/
 
Giúp trẻ vị thành niên đối phó với những mất mát và tự tử trong thời cấm cửa vì đại dịch.
Trần Mạnh Trác
19:48 05/05/2020
Thời gian “đóng cửa” quốc gia không chỉ mang lại những mất mát về kinh tế mà còn gây nên nhiều hệ lụy tinh thần, nhất là cho những trẻ vị thành niên, là lớp tuổi mới lớn cần sự giao lưu xã hội để được trưởng thành.

Bậc phụ huynh làm sao có thể giúp cho con em mình đối phó với những mất mát và thất vọng trong cuộc sống “bị cầm tù” không do lỗi cuả chúng? Làm sao tránh cho chúng những cám dỗ tự tử?

Phóng viên Mary Farrow cuả CNA đã mô tả vài kinh nghiệm giải quyết khác nhau qua bài viết tựa đề là “How quaran-teens are coping with losses and disappointments.”


Denver Newsroom, ngày 03 tháng năm 2020 / 16:58 MT ( CNA ).- Bà Nikki Shasserre thường nhận được một cảnh báo mỗi tuần, có lúc nhận được tới hai cảnh báo, từ cái “app” tên là Bark, là một ứng dụng báo động cho phụ huynh về những từ ngữ đáng ngại đã được xử dụng trên điện thoại di động cuả con cái.

Bark gửi cho ông bà Shasserre những đoạn nói chuyện có chứa các từ đáng quan tâm như súng, làm tình … Là những từ mà cô con gái Cathy đánh lên máy hay nhận được từ bạn bè. Ý tưởng là để nhắc nhở bậc cha mẹ cần phải nói chuyện với con cái khi có một cái gì đó đáng nghi bị bật đèn đỏ lên.

Bà Shasserre cho biết nhiều khi họ đã nhận được những điều ‘thật buồn cười’ mà cái app nhầm lẫn là một việc đáng quan tâm.

Thí dụ một lần cái app báo động ‘có nội dung tình dục’ về một cuộc thí nghiệm ở trường học trên những con ruồi, các học sinh đã trao đổi ý kiến làm sao cho đám ruồi sinh sản trong phòng thí nghiệm của chúng.

Nhưng sau khi các trường học đột ngột đóng cửa để hạn chế sự lây nhiễm của đại dịch coronavirus, cô con gái Cathy và các bạn cùng lớp senior cuả cô (lớp 12 năm cuối cùng) bị cắt đứt năm học một cách “không kèn không trống”, ông bà Shasserre nhận được hàng hà những cảnh báo từ Bark.

“Bây giờ, có ngày tôi nhận từ 10 đến 15 cảnh báo,” theo ông Shasserre. “Chín mươi phần trăm cảnh báo mà chúng tôi nhận được có liên quan đến tâm lý buồn bã, trầm cảm. Hôm nọ, tôi nhận được một báo động tự tử.”

“May thay, đó không phải là từ Cathy, mà là cuả một đứa bạn của nó. Đại khái nó viết: "Tao không biết tao còn chịu được bao lâu nữa. Tao buồn đến chết được."

Bà Shasserre nói rằng báo động này là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho bà và chồng. Bà nói rằng họ đã kiểm tra với đứa con gái mỗi ngày, nhưng Cathy có vẻ miễn cưỡng chia sẻ hoặc đơn giản chỉ nói rằng nó vẫn ổn.

Bà Shasserre cho biết các cảnh báo đã khiến cho bà nhận ra là Cathy và bạn bè, cũng như những thanh thiếu niên khác trong cơn đại dịch này, đã phải đối mặt với nhiều nỗi buồn thực sự, rất nhiều mất mát thực sự.

“Và đặc biệt trong trường hợp cuả nó (Cathy) là một senior. Vì vậy, càng ngày mãn trường càng đến gần... Tôi càng nhận được rất nhiều cảnh báo, nào là vũ hội (prom) đã trôi qua (mà bị bãi bỏ), nào là mọi đứa bạn thực sự rất buồn vì không được dự đêm vũ hội. Và đối với (Cathy), nó còn bị mất buổi lễ phát phần thưởng ra trường. Đó là những điều đã được ghi trên lịch của chúng tôi, tất cả những sự kiện dành cho việc ra trường cuả lớp senior này... chúng vẫn còn được ghi trên lịch gia đình, được ghi trên hầu hết các điện thoại của chúng tôi. Và vì vậy, khi bạn nhận được một tin báo bật lên. 'Ồ, đây là đêm trao giải.' Hoặc, 'Ồ, buổi tiếp tân dành cho cha mẹ sắp tới rồi.'”…

Cô Caroline Doyon là một thiếu nữ Công Giáo kết thúc năm junior (lớp 11, sang năm lên senior) tại Trường Trung học Bloomington ở Indiana.

Doyon nói rằng lần đầu tiên cô nghe coronavirus có thể đóng cửa trường học khi đang đi nghỉ muà xuân với ba người bạn và một phụ huynh ở Florida.

Tất cả chúng tôi đều thực sự lo lắng và vì vậy chúng tôi bay về nhà sớm, cô Doyon nói với CNA.

“Và mẹ tôi đã nói với tôi rằng có thể chúng tôi sẽ không trở lại trường nữa, và tôi thực sự nghĩ rằng nó có thể kéo dài một hoặc hai tuần. Và sau hai tuần học trực tuyến tại nhà, họ tuyên bố chấm dứt phần còn lại của năm học.”

Doyon cho biết cô cảm thấy may mắn vì cô chỉ là một junior.

“Tôi cảm thấy như nếu tôi là senior, thì tôi sẽ buồn thê thảm lắm. Tôi biết chắc rằng tôi sẽ rất ghét nếu phải bỏ buổi lễ tốt nghiệp.”

Nhưng vẫn còn nhiều điều khác khiến cô ấy buồn, cô nói. Prom (mà cô là khách được mời) đã bị hủy bỏ và buổi tập dượt khiêu vũ lần cuối cũng bị hủy, cũng như các sự kiện cuối năm khác. Và cô rất nhớ bạn bè của mình.

“Tôi nghĩ rằng trong vài tuần đầu cách ly, thật sự là rất buồn. Tôi biết rằng tôi yêu trường học và tôi thích được ở đó với mọi người, điều thực sự khó khăn là vì tôi thích rong chơi với bạn bè,” cô ấy nói với CNA.

Doyon cho biết cô đã cố gắng liên lạc thường xuyên với đám bạn, đặc biệt là những khi chúng than buồn hoặc khi gia đình đang làm cho chúng phát điên lên.

“Tôi đặc biệt lo cho một đưá bạn... ngay cả trước khi có lệnh cấm cửa toàn bộ này, bất cứ khi nào nó ở một mình hoặc nó không thể tiếp xúc được với nhiều người nó muốn, nó sẽ bị rơi vào một trạng thái chán nản và nó cảm thấy cô đơn như không có ai quan tâm đến nó. Và vì vậy, khi tất cả những điều này xảy ra, tôi đã chăm lo nói chuyện với nó và chúng tôi FaceTime khá thường xuyên. Đó chỉ là để duy trì mối liên hệ, mặc dù bạn bè không thể ở bên cạnh nhau.”

Nhưng cũng có một vì sao lấp lánh (silver lining) cô nói. Mỗi học sinh được cung cấp một máy tính xách tay để có thể học ở nhà, và vì không có sự phiền nhiễu ở trường nữa, Doyon nói rằng cô đã có thể hoàn thành rất nhiều công việc. Cô cũng nghĩ ra một cách để gặp bạn bè.

“Chúng tôi hẹn nhau ở một bãi đậu xe bỏ hoang của K-Mart (đã đóng cửa) và chúng tôi đậu xe thành một vòng tròn. Và tất cả chúng tôi đã mở cửa sau cuả xe và ngồi đối mặt với nhau. Tôi nghĩ rằng lần đầu tiên chúng tôi đi chơi như vậy, chúng tôi đã ở đó tới bốn giờ liền, chỉ là để nói chuyện.”

“Tôi biết chắc chắn rằng đối với thanh thiếu niên chúng tôi, chúng tôi thích giao tiếp xã hội, vì vậy thật khó mà chúng tôi chỉ ngồi ở nhà và không có gì để làm.”

Cô Kathleen Kozak là một giáo viên của thanh thiếu niên và là một người mẹ cho ba thiếu niên (và một đứa con trai thứ tư còn bé). Cô Kozak dạy thần học tại trường trung học Cardinal Gibbons ở Raleigh, North Carolina, cô cho biết cô đã tập trung vào việc đưa trật tự vào cuộc sống của các học sinh ở trường cũng như của những đứa con ở nhà.

Cả cô Kozak và chồng đều đã phục vụ trong quân đội, cô nói với CNA, và trong giai đoạn này, họ đã khai thác khả năng thích ứng với các tình huống bất ngờ như lúc còn ở trong quân đội.

“Vì vậy, tôi đã suy nghĩ, Okay, làm thế nào mà chúng tôi có thể thích nghi và vượt qua điều này? Và như thế nào chúng tôi muốn được nhớ lại qua thời gian này? Tôi không nhất thiết phải hoàn thành được tất cả mọi thứ, nhưng chúng tôi có thể làm gì để tạo ra một trật tự giữa chúng tôi với tất cả những cảm xúc khác nhau này?”

Cô Kozak cho biết cô nhận được cảm hứng từ tấm gương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và đã đi theo sự dẫn dắt của ngài. Vào tháng ba, Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu mọi người đọc kinh Mân côi, Kozak và gia đình đã lần hạt Mân côi trực tiếp trên YouTube vào lúc 9 giờ tối, cùng lúc với bạn bè và gia đình tuy không thể tụ tập với nhau.

“Gia đình tôi ngồi ở bàn ăn và chúng tôi lần chuỗi Mân côi trên YouTube Live tối hôm đó. Và sau khi kết thúc, những người tham gia với chúng tôi đã nói, ‘Mình còn tiếp tục chứ?' Vì vậy, thực sự chúng tôi đã lần chuỗi Mân côi trực tuyến mỗi tối vào lúc 9:00,” cô nói.

Thói quen lần chuỗi đi kèm với một loạt các ý chỉ cầu nguyện cuả bạn bè và gia đình, cô nói, mang lại cho họ một ý thức sâu sa hơn khi cầu nguyện.

Cô Kozak cũng giúp những học sinh của cô tập trung vào những điều họ có thể làm, trong bối cảnh nhiều điều mà họ không thể làm được.

Cô nói rằng trước tiên cô thừa nhận cảm xúc của họ, “Okay, điều này là khó đấy,” khi họ nói về mùa thể thao hoặc về những buổi vũ hội bị hủy bỏ.

“Nghiã là danh sách những mất mát có thể tiếp tục và tiếp tục mãi,” cô Kozak nói. Nhưng cô dựa trên kinh nghiệm khi chồng bị triển khai (ra nước ngoài), khi anh ấy phải bỏ lỡ một số khoảnh khắc quan trọng của gia đình, cho nên cô khuyến khích học sinh tập trung vào những điều họ có thể thay đổi và có thể làm.

Chồng tôi đã bỏ lỡ rất nhiều sự kiện qua mắt các con tôi. Anh không có mặt khi con gái tốt nghiệp lớp tám. Chúng tôi mất thời gian nhiều đến hàng tấn. Và tôi nói, "Nhưng chúng tôi đã có thể tạo ra những ký ức cả khi anh ấy phải ở nước ngoài và chúng tôi ở đây, bằng cách sử dụng công nghệ. Cũng vậy, các bạn có thể tạo ra những thứ khác bằng cách sử dụng món quà công nghệ mà chúng ta có, được không?

Cô đã khuyến khích học sinh của mình dựa vào lời cầu nguyện - điều đó đã giúp cô vượt qua sự mất mát của một đứa con, bé trai Liam.

“Câu hỏi có thể, làm thế nào bạn cảm thấy Thiên Chúa trong ý nghĩa của một đại dịch?” Và tôi nói với họ: “Tôi phải dựa vào việc cầu nguyện. Và đối với tôi, lời cầu nguyện mà khi tôi không có lời nào để cầu nguyện, là theo điều mà bà tôi đã dạy tôi, là chuỗi tràng hạt. Khi bà không còn lời, khi ông qua đời hoặc khi anh họ tôi chết, thì đó là chỗ bà tìm tới (chuỗi Mân côi). Và rồi nó cũng trở thành ‘chỗ tìm tới’ của tôi,” cô ấy nói.

Qua các lớp học trực tuyến với các học sinh (dùng app Zoom,) cô Kozak đã biết hơn về các học sinh của mình trong một cách hoàn toàn mới. Khi cô dạy xong, cô chia học sinh thành các “gia đình,” rồi cô sinh hoạt với từng gia đình để xem mọi người có vui mạnh không.

“Đã có rất nhiều chia sẻ tâm tình. Nó cho phép chúng tôi đến gần nhau hơn so với các học kỳ khác của chúng tôi,” cô nói.

Ông Daniel Johnson là một chuyên gia hàn gắn hôn nhân và gia đình Công Giáo với Divine Mercy Clinic có trụ sở tại Duarte, California. Ông thường xuyên làm việc với thanh thiếu niên bị trầm cảm, có ý tưởng tự tử, tự hủy và hay lo lắng.

Ông Johnson nói với CNA rằng điều quan trọng là các gia đình phải nhận ra rằng thanh thiếu niên cũng phải đối mặt với cảm giác mất mát và cô lập và mệt mỏi mà người lớn đang phải trải qua trong thời gian ở nhà và xa cách xã hội.

“Những gì tôi đang thấy... ở những bệnh nhân tuổi vị thành niên thực sự là những phản ứng trước một sự thay đổi mạnh mẽ, mà lại không biết phải chịu đựng điều này bao lâu nữa. Điều đó cũng đúng với tất cả chúng ta,” ông Johnson Johnson nói.

“Ở tuồi thanh thiếu niên, sự biểu hiện thì khác, là bởi vì sự phát triển bình thường của chúng tập trung vào nhóm cùng lứa với chúng và các tín hiệu mà chúng nhận được từ những thanh thiếu niên khác,” ông nói thêm.

“Nhiều đứa trong số này, đặc biệt là những đứa đi học trường công, hoặc những trường lớn, chúng sẽ đặc biệt gặp khó khăn vì mất đi những nhóm đồng đẳng hoặc những tín hiệu từ môi trường xã hội quen thuộc,” ông nói.

“Những tín hiệu như lễ tốt nghiệp, hoặc bữa liên hoan thể thao cuối năm, hoặc các buổi trình diễn báo hiệu sự kết thúc của một cái gì đó và hoàn thành một mục tiêu, đã biến mất.”

“Chúng đã có một kế hoạch và chúng đã làm việc hướng tới một mục tiêu. Và mục tiêu đó, ít nhất là... dấu hiệu cho thấy chúng đạt được mục tiêu đó - vũ hội, tốt nghiệp, bất cứ điều gì các trường học làm để đánh dấu sự kết thúc của năm - những điều đó đã bị vất đi khỏi các em. Và thế là có sự cô lập và nỗi buồn,” ông nói.

Ông Johnson cho biết điều đầu tiên ông làm với những bệnh nhân đang phải vật lộn với sự cô lập và những thay đổi mạnh mẽ do việc phải bị tù hãm ở nhà là thừa nhận với họ rằng những gì họ cảm thấy là bình thường và dễ hiểu.

“Chỉ cần thừa nhận những cảm xúc đang diễn ra, thuật ngữ lâm sang gọi là bình thường hóa, như 'vâng, thì là buồn và là tức giận và bị căng thẳng và không biết phải làm gì.'"

Ông Johnson cho biết điều thứ hai ông làm để giúp bệnh nhân là khuyến khích họ kết nối theo những cách mới với nhóm hỗ trợ của họ, cho dù đó là gia đình hay bạn bè hoặc kết hợp cả hai.

“Những thứ liên quan đến những người khác mới là trọng tâm, chứ không phải những thứ liên quan đến việc ở cùng phòng với những người khác làm một cái gì đó, như coi TV,” ông nói.

Điều thứ ba ông Johnson thấy hữu ích cho các bệnh nhân vị thành niên là giúp họ tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn và thiết lập thói quen - đặc biệt là vì trong hiện tại họ không rõ khi nào và làm thế nào họ có thể thực hiện được một số mục tiêu dài hạn của mình, chẳng hạn như đi học đại học vào mùa thu khi một số trường đại học có thể còn bị đóng cửa.

“Những gì tôi muốn là lập ra một thói quen, tìm ra bốn hoặc năm điều cần thiết để có một ngày tốt lành. Và chắc chắn rằng làm từng việc đó mỗi ngày,” ông ấy nói.

Đối với nhiều bệnh nhân, thì đó là một việc đơn giản như tập thể dục hàng ngày, nói chuyện với một hoặc hai người, thực hiện một số lời cầu nguyện và hoàn thành một số bài tập trên lớp. Những thứ đó. Tập trung vào những gì cần thiết trong 24 giờ để trở thành 24 giờ tốt.

Ông Johnson cho biết ông sẽ khuyến khích các bậc cha mẹ đặc biệt liên quan đến các dấu hiệu trầm cảm hoặc tự làm hại bản thân, nhưng một mức độ trầm cảm nhẹ có thể là bình thường đối với thanh thiếu niên vào lúc này.

“Dưới nhãn quan lâm sàng, tất cả chúng ta có lẽ ít nhiều có thể bị chẩn đoán là bị trầm cảm vào lúc này. Vấn đề là vào lúc này, phải tìm ra một lý do thực sự nào đó cho bệnh trầm cảm.

Ông Johnson cho biết cha mẹ có thể thấy những dấu hiệu như đứa con mình không còn chải đầu quá 24 giờ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường, là dấu hiệu đáng lo ngại.

“Tôi nghĩ rằng khó khăn thực sự tại thời điểm này là, chúng ta phải đánh giá trầm cảm và lo lắng liên quan đến một lằn mức (baseline). Thí dụ chúng ta đánh giá một giấc ngủ là quá nhiều so sánh với vài tháng qua, như tôi thường ngủ sáu giờ mỗi đêm, đột nhiên tôi ngủ chín giờ. Vấn đề là bây giờ, chính chúng ta cũng gặp khó khăn trong việc tìm ra lằn mức ấy là gì. Vậy thì còn khó hơn để có một lằn mức cho những thanh thiếu niên của chúng ta.”

Điều tốt nhất có thể giúp thanh thiếu niên tại thời điểm này là các cha mẹ giữ bình tĩnh và lắng nghe, Johnson nói, hoặc có thể diễn đạt một cách trung thực cảm xúc và kinh nghiệm của chính mình với thanh thiếu niên.

“Tôi nghĩ một cách nào đó, điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm thực sự là, hít một hơi thật sâu, giữ một thái độ bình tĩnh trước con cái và sau đó, vào đêm khuya, đi ra ngoài và la hét lên trời... để trút nỗi lòng,” ông nói.

“Một cách khác, nếu khó có thể che giấu điều đó với bọn trẻ, thì hãy thành thật nói với chúng về những cảm xúc đang diễn ra và rõ ràng về cuộc đấu tranh của mình để giữ bình tĩnh,” ông nói.

Bà Shasserre nói rằng bà thấy hữu ích khi nói ra cảm giác buồn bã và mất mát của chính mình trước những điều bị lỡ làng trong năm cuối của Cathy.

“Không có ích gì khi cố quên nó. Nhưng thật là hữu ích khi chúng tôi nói chuyện với Cathy rằng, ‘Mẹ thực sự rất buồn khi chúng ta không được đi dự thánh lễ cho phụ huynh và bữa tiệc tiếp tân sáng. Mẹ rất mong được làm điều đó.’”

“Và khi Cathy trả lời, 'Không sao đâu Mẹ. Con hiểu. Thế giới này còn nhiều điều lớn hơn mà,' tôi nói,' Đúng thế. Mẹ rất vui vì con có thể thấy điều đó. Nhưng dù sao thì việc này vẫn là buồn.' Đó là quá trình cuả sự than khóc. Ttước những mất mát mà chúng phải vượt qua.”
 
VietCatholic TV
Cử chỉ quá đẹp của một linh mục Costa Rica yêu mến đàn chiên đang điêu linh vì coronavirus
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:59 05/05/2020


Tính đến sáng thứ Ba 5 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến 251,836 người, trong số 3,640,692 trường hợp nhiễm coronavirus. Chỉ trong 24 giờ trước đó, đã có thêm 82,260 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, và 3,480 trường hợp tử vong.

Riêng tại Costa Rica, đến nay đã có 742 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận và 6 người bị thiệt mạng. Con số thương vong tuy không nhiều nhưng virus Tầu độc địa đã giáng một đòn chí mạng vào những người dân nghèo tại vùng đất triền miên đói khổ này khi tất cả các hãng xưởng phải đóng cửa.

Trong tổng số hơn 5 triệu dân Costa Rica, người Công Giáo chiếm 72% dân số, sinh hoạt trong 1 tổng giáo phận và 7 giáo phận. Người Công Giáo Costa Rica có một lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt, nhất là trong tháng Năm khi những người hành hương Costa Rica lũ lượt kéo về kính Đức Mẹ tại đền thánh Đức Mẹ Cartago cách thủ đô San José của Costa Rica gần 30 km về hướng Đông. Nhiều người hành hương đi bộ suốt đoạn đường 30km này, và khi vào đến đền thánh Đức Mẹ thì họ đi bằng hai đầu gối.

Ciudad Queseda là một thành phố ở phía Bắc Costa Rica, cách thủ đô San José gần 100km về phía Tây Bắc. Giáo dân tại giáo xứ Thánh Rôsa thành Lima trong thành phố này phần lớn là những người lao động nghèo, tay làm hàm nhai. Do đó, virus Tập Cận Bình đã giáng một cú chí tử lên đầu họ. Nhiều người lâm vào tình cảnh không còn gì để ăn. Họ gõ cửa nhà xứ của cha Geison Gerardo Ortiz Marín để xin ngài giúp đỡ.

Bản thân vị linh mục cũng đang lâm vào tình cảnh khó khăn sau khi nhà thờ không còn một chút thu nhập nào sau gần hai tháng đóng cửa.

Cha Geison Gerardo Ortiz Marín xuất thân trong một gia đình nghèo, rất nghèo đến mức vào năm 15 tuổi ngài phải bỏ học tìm một công việc để giúp đỡ gia đình.

Ngài làm việc trong 5 năm tại một lò bánh mì gần nhà. Vị linh mục nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng 5 năm lao động vất vả đó không vô ích. Thời gian đó đã giúp ngài học được các kỹ năng sống quan trọng từ công việc, chẳng hạn như biết cách đáp ứng lịch trình đúng hẹn, thức khuya dậy sớm và làm việc thêm ngoài giờ. Nói tóm lại, đó là một trải nghiệm phong phú.

Ngài mang theo những kỹ năng sống đó khi bước vào chủng viện ở tuổi 21. Bây giờ, ngài đã là một linh mục được 10 năm và đang phục vụ với tư cách là cha sở giáo xứ Thánh Rôsa thành Lima, Ciudad Queseda.

Trước tình cảnh căng thẳng về kinh tế của dân chúng, cha Ortiz quay trở lại nghề cũ. Thu gom hết số tiền có trong trương mục của ngài, cha Ortiz mở ngay một lò bánh mì để làm bánh bán gây qũy và phân phát cho người nghèo trong giáo xứ của mình trong cơn đại dịch coronavirus kinh hoàng. Cứ mỗi bao bột 2.5kg khi làm thành các loại bánh khác nhau, có thể kiếm được tiền mua 5 bao bột khác.

Cha Ortiz cho biết 60 gia đình đang sống vào lò bánh mì của ngài. Nhiều người không phải là người Công Giáo cũng đến gõ cửa xin một chút gì đó mang về cho gia đình.

“Không ai ra về tay không,” vị linh mục nói với CNA.

“Tôi làm việc suốt ngày nướng bánh, giúp cho người dân có lương thực hàng ngày và vào buổi tối, tôi cử hành Bí tích Thánh Thể. Tôi mong mỏi thánh lễ được tái tục trở lại. Tôi luôn nói với Chúa, ‘Cảm ơn Chúa cho chúng con bánh trường sinh mang lại sự sống vĩnh cửu, là sự giàu có lớn nhất và là điều con muốn người dân sớm được lãnh nhận’”

Thánh lễ tại Santa Marta 5/5/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho linh hồn những người đã chết vì đại dịch.



Lúc 7 sáng thứ Ba 5 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho linh hồn những nạn nhân chết thảm vì coronavirus. Nhiều người không được gặp những người thân yêu. Nhiều người không hề được hưởng các nghi thức an táng.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta cầu nguyện ngày hôm nay cho những người đã chết vì đại dịch. Họ chết một mình, họ chết mà không có sự âu yếm của những người thân yêu, nhiều người trong số họ, thậm chí không có cả đám tang. Xin Chúa tiếp nhận họ vào trong vinh quang của Ngài.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của Ngài về bài Tin Mừng trong ngày trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 10: 22-30), trong đó người Do Thái yêu cầu Chúa Giêsu nói một cách công khai có phải Ngài là Đấng Kitô không.

Phúc Âm: Ga 10, 22-30

“Tôi và Cha Tôi là một”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do Thái vây quanh Người và nói: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin.” Điều này làm dấy lên một nghi ngờ: nhưng tôi có tin không? Và điều gì ngăn tôi trước cánh cửa là Chúa Giêsu? Có những thái độ ngăn cản chúng ta đến với Chúa Giêsu. Ngay cả đối với chúng ta, những người đã ở trong đàn chiên của Chúa. Những điều này giống như ‘những vướng mắc’, là những điều ngăn trở không cho chúng ta tiếp tục hiểu biết về Chúa.

Vướng mắc đầu tiên là sự giàu có. Tiền của là một trở ngại ngay cả với nhiều người trong chúng ta, là những người đã bước vào cửa chuồng chiên, là Chúa Giêsu. Chúng ta dừng lại và không tiếp tục vì chúng ta bị giam cầm trong sự giàu có. Chúa đã rất cứng rắn với sự giàu có bởi vì sự dính bén của cải vật chất là một trở ngại ngăn cản chúng ta tiến về phía trước. Nhưng như thế liệu chúng ta có nhất thiết phải rơi vào tình trạng bần cùng không? Không, không phải như thế. Nhưng vấn đề là đừng làm nô lệ cho tiền của, đừng sống cho tiền của, đừng để tiền của là chúa tể của mình. Chúng ta không thể làm tôi hai chủ. Tiền của thực sự có khả năng ngăn cản chúng ta.

Một điều nữa ngăn cản chúng ta tiến lên trong sự hiểu biết về Chúa Giêsu, và thuộc về Chúa Giêsu là sự cứng nhắc: sự chai cứng của trái tim. Ngay cả sự cứng nhắc trong việc giải thích lề luật. Chúa Giêsu khiển trách người Pharisêu, và các thầy thông luật vì sự cứng nhắc này. Sự cứng nhắc không phải là sự trung tín. Sự trung tín luôn là một ân sủng của Thiên Chúa, còn sự cứng nhắc là một sự an toàn cho chính tôi.

Một phụ nữ tham dự một lễ cưới vào chiều thứ Bảy. Bà ta hỏi tôi rằng đi lễ như thế có thể thay cho Thánh lễ ngày Chúa Nhật không? Vì các bài đọc của hai thánh lễ khác nhau và bà ấy sợ rằng bà ấy không giữ ngày Chúa Nhật, vì đã tham dự một Thánh lễ với các bài đọc khác. Người phụ nữ đó thuộc về một phong trào của Giáo Hội. Đó là sự cứng nhắc. Sự cứng nhắc này đưa chúng ta ra khỏi sự khôn ngoan đến từ Chúa Giêsu, nó lấy đi sự tự do của anh chị em. Và nhiều mục tử làm cho sự cứng nhắc này lớn lên trong linh hồn của các tín hữu. Sự cứng nhắc như thế không cho phép chúng ta bước qua cánh cửa của Chúa Giêsu.

Một trở ngại khác là sự lười biếng. Sự lười nhác “lấy đi ý chí để tiếp tục” và “đưa anh chị em đến với sự thờ ơ và khiến anh chị em trở nên nhạt đạo. Lười biếng là một điều khác ngăn cản chúng ta tiến về phía trước.

Một thái độ xấu khác là tinh thần giáo sĩ trị, bởi vì với tinh thần này người ta “đặt mình vào vị trí của Chúa Giêsu”. “Chuyện này là phải như thế, như thế, và nếu anh chị em không làm như thế, như thế, thì anh chị em không thể vào”. Chủ nghĩa giáo sĩ trị lấy đi sự tự do trong đức tin của các tín hữu. Đây là một căn bệnh, là một điều xấu trong Giáo hội.

Một điều nữa ngăn cản chúng ta tiến lên trong sự hiểu biết về Chúa Giêsu “là tinh thần thế gian”. Khi việc tuân giữ đức tin, việc thực hành đức tin kết thúc trong tinh thần thế gian thì mọi thứ đều trở nên trần tục. Chúng ta hãy nghĩ về việc cử hành một số bí tích tại một số giáo xứ: có bao nhiêu tinh thần thế gian trong đó! Khi những điều đó xảy ra, ân sủng là sự hiện diện của Chúa Giêsu không được hiểu rõ.

Trong tất cả các thái độ này chúng ta thấy rõ một điều là “sự vắng bóng của tự do”. Anh chị em không thể theo Chúa Giêsu mà không có tự do. Tất nhiên, đôi khi tự do đi xa quá và làm cho ta trượt té, nhưng trượt té trước khi bắt đầu bước về phía Chúa Giêsu thì còn tệ hại hơn.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa soi sáng cho chúng ta để thấy bên trong chúng ta thật sự có tự do để đến với Chúa Giêsu và trở thành con chiên của một đàn chiên hay không.


Source:Vatican News
 
Cuốn tiểu sử mới xuất bản về Đức Bênêđíctô thứ 16 có những điều thật hay bây giờ mới kể
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:21 05/05/2020

1. Những nhận định chung quanh cuốn tiểu sử Cuộc Đời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16
Hôm thứ Hai 4 tháng Năm, nhà xuất bản Droemer Knaur đã cho ra mắt cuốn “Benedikt XVI - Ein Leben”- “Cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16”. Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài nhận định sau.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Xã hội hiện đại đang hình thành một “tín ngưỡng bài Kitô” và trừng phạt những ai chống lại nó bằng một thứ “vạ tuyệt thông xã hội”. Đức Bênêđíctô XVI đã nói như trên trong một cuốn tiểu sử mới, xuất bản ở Đức hôm thứ Hai 4 tháng Năm.

Trong một cuộc phỏng vấn về nhiều vấn đề ở phần cuối của cuốn sách dầy 1,184 trang, được viết bởi tác giả người Đức Peter Seewald, Đức Giáo Hoàng danh dự nói rằng mối đe dọa lớn nhất đối với Giáo Hội là một “chế độ độc tài trên toàn thế giới với các ý thức hệ có vẻ là chủ nghĩa nhân văn.”

Đức Bênêđíctô XVI, thoái vị vào năm 2013, đưa ra nhận định trên để đáp lại một câu hỏi về những gì ngài muốn nói trong lễ nhậm chức sứ vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh vào năm 2005, khi ngài kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện cho ngài “để tôi có thể không chạy trốn vì sợ những con sói.”

Ngài nói với Seewald rằng ngài đã không đề cập đến các vấn đề trong nội bộ Giáo Hội, chẳng hạn như vụ tai tiếng “Vatileaks”, dẫn đến phán quyết đối với người quản gia của ngài, là Paolo Gabriele, vì tội ăn cắp tài liệu mật của Vatican.

Trong một bản xem trước của cuốn “Benedikt XVI - Ein Leben”, nghĩa là “Cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16”, được gởi đến Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nói: “Tất nhiên, các vấn đề như ‘Vatileaks’ đang được thổi phồng và trên hết, là không thể hiểu được và gây hoang mang cho người dân trong thế giới rộng lớn.”

“Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự đối với Giáo Hội, và do đó đối với sứ vụ Phêrô không hệ tại ở những chuyện như thế, nhưng hệ tại ở chế độ độc tài trên toàn thế giới của các ý thức hệ có vẻ là chủ nghĩa nhân văn, mà bất cứ sự phản kháng nào với chúng đều tạo thành một loại trừ khỏi sự đồng thuận cơ bản của xã hội.”

Ngài giải thích thêm như sau: “Một trăm năm trước đây, tất cả mọi người đều nghĩ rằng thật là nực cười khi nói về hôn nhân đồng tính. Ngày nay, bất cứ ai phản đối nó đều bị xã hội loại trừ. Điều tương tự cũng áp dụng cho phá thai và việc sản xuất con người trong phòng thí nghiệm.”

“Xã hội hiện đại đang trong tiến trình xây dựng một ‘tín ngưỡng bài Kitô giáo’, và chống lại nó sẽ bị trừng phạt bởi vạ tuyệt thông xã hội. Do đó, nỗi sợ hãi về sức mạnh tâm linh này của chủ nghĩa bài Kitô là rất tự nhiên, và nó thực sự cần những lời cầu nguyện của cả một giáo phận và cả Giáo Hội hoàn vũ để chống lại nó.”

Cuốn tiểu sử mới, được phát hành bởi nhà xuất bản Droemer Knaur có trụ sở tại Munich, chỉ mới có bản tiếng Đức. Bản dịch tiếng Anh, nhan đề “Benedict XVI, The Biography: Volume One,” sẽ được công bố tại Mỹ vào ngày 17 Tháng Mười Một.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng danh dự 93 tuổi xác nhận rằng ngài đã viết một bản di chúc tâm linh, có thể được công bố sau khi ngài qua đời, như trong trường hợp Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đức Bênêđíctô nói rằng ngài đã đẩy nhanh án tuyên thánh cho Đức Gioan Phaolô II vì “mong muốn rõ ràng của các tín hữu” cũng như vì các gương sáng nhân đức anh hùng của vị Giáo Hoàng người Ba Lan, là người mà ngài đã làm việc chặt chẽ trong hơn hai thập kỷ ở Rôma.

Ngài nhấn mạnh rằng việc thoái vị của ngài “hoàn toàn không có liên quan” gì đối với các diễn biến liên quan đến Paolo Gabriele, và giải thích rằng chuyến thăm năm 2010 của mình đến lăng mộ Đức Giáo Hoàng Celestine Đệ Ngũ, là vị Giáo Hoàng cuối cùng thoái vị trước Đức Bênêđíctô XVI, chỉ là “trùng hợp ngẫu nhiên”. Ngài cũng bảo vệ danh hiệu ‘danh dự’ cho một vị giáo hoàng nghỉ hưu.

Đức Bênêđíctô XVI than thở về phản ứng trước những bình luận công khai khác nhau của mình kể từ khi ngài thoái vị, chẳng hạn như những lời chỉ trích về điếu văn của ngài được đọc tại tang lễ của Đức Hồng Y Joachim Meisner vào năm 2017, trong đó ngài nói rằng Chúa sẽ ngăn cản không để con tàu của Giáo Hội bị lật. Ngài giải thích rằng những lời của ngài đã “được lấy gần như từng chữ một trong bài giảng của Thánh Grêgôriô Cả.”

Seewald đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng danh dự bình luận về “dubia” do bốn Hồng Y, trong đó có Đức Hồng Y Meisner, gởi cho Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2016 liên quan đến việc giải thích của Tông huấn Amoris Laetitia.

Đức Bênêđíctô nói rằng ngài không muốn bình luận trực tiếp về vấn đề này, nhưng ai muốn hiểu ý kiến của ngài có thể tham khảo nội dung bài huấn đức trong buổi triều yết chung cuối cùng của ngài, vào ngày 27 tháng Hai năm 2013.

Tóm tắt thông điệp của mình ngày hôm đó, Đức Bênêđíctô nói: “Trong Giáo Hội, giữa tất cả những vất vả của nhân loại và sức mạnh khó hiểu của tinh thần ma quỷ, ta sẽ luôn luôn có thể phân định được đâu là sức mạnh tinh tế xuất phát từ sự tốt lành của Thiên Chúa.”

“Bóng tối của các giai đoạn lịch sử liên tiếp sẽ luôn luôn ngăn trở niềm vui thuần khiết được trở nên Kitô hữu. Nhưng luôn có những khoảnh khắc trong Giáo Hội và trong đời sống cá nhân Kitô hữu, trong đó ta cảm thấy sâu sắc rằng Chúa yêu thương chúng ta, và tình yêu này là niềm vui, là ‘hạnh phúc’”.

Đức Bênêđíctô nói rằng ngài trân trọng ký ức về cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Đức Tân Giáo hoàng tại Castel Gandolfo và tình bạn cá nhân của ngài với người kế vị đã tiếp tục phát triển.

Tác giả Peter Seewald đã thực hiện bốn cuộc phỏng vấn dài được viết thành sách với Đức Bênêđíctô XVI. Cuốn đầu tiên, “Salt of the Earth,” – “Muối cho đời”, được xuất bản vào năm 1997, khi vị Giáo hoàng tương lai đang là Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Tiếp theo là cuốn “God and the World” – “Thiên Chúa và thế giới” vào năm 2002, và “Light of the World” - “Ánh sáng thế gian”, vào năm 2010.

Năm 2016, Seewald đã xuất bản cuốn “Last Testament” – “Giao ước cuối”, trong đó Đức Bênêđíctô XVI trình bày các suy tư trên quyết định thoái vị của ngài.

Nhà xuất bản Droemer Knaur nói rằng Seewald đã dành nhiều giờ để nói chuyện với Đức Bênêđíctô về cuốn sách mới, cũng như nói chuyện với anh trai của ngài, là Đức Ông Georg Ratzinger và thư ký riêng của ngài, là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein.

Trong một cuộc phỏng vấn với Die Tagespost ngày 30 tháng 4, Seewald nói rằng ngài đã cho vị Giáo Hoàng danh dự xem một vài chương của cuốn sách trước khi xuất bản. Đức Bênêđíctô XVI đã ca ngợi chương nói về thông điệp “Mit brennender Sorge” – “Với mối quan tâm cháy bỏng”, công bố năm 1937 của Đức Giáo Hoàng Piô thứ XI.


2. Quyết định chung cuộc của Bộ Giáo Lý Đức Tin sau 3 năm đối thoại bất thành với các bệnh viện của Tu Hội Bác Ái ở Bỉ
Bộ Giáo lý Đức tin đã ra lệnh cho 15 bệnh viện tâm thần ở Bỉ thuộc Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ không được xưng mình là tổ chức Công Giáo nữa sau 3 năm đối thoại bất thành với ban quản lý các bệnh viện này, từ khi họ cho phép thực hiện các ca an tử và trợ tử cho các bệnh nhân vào năm 2017.

Các bệnh viện này được quản lý bởi một tập đoàn phi lợi nhuận dân sự do Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ quản lý.

Quyết định của Bộ Giáo Lý Đức Tin đã được thông báo trong một lá thư đề ngày 30 tháng Ba, và được công bố hôm 4 tháng Năm, nói rằng “với nỗi buồn sâu sắc”, Bộ Giáo Lý Đức Tin quyết định rằng “các bệnh viện tâm thần do Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ quản lý không còn có thể coi mình là các tổ chức Công Giáo nữa.”

Trong một tuyên bố đáp lại quyết định của Bộ Giáo Lý Đức Tin, Sư huynh René Stockman, Bề Trên Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái nói rằng “với một trái tim nặng nề”, tu hội “phải từ bỏ các trung tâm tâm thần của mình ở Bỉ.”

Sư Huynh Stockman chỉ ra rằng “thật đau đớn” khi các trung tâm tâm thần của Tu Hội ở Bỉ đã mất tư cách Công Giáo, trước một thực tế lịch sử là tu hội “là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Bỉ.”

Đồng thời, sư huynh Stockman nói ngài nhận ra rằng “Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái không có lựa chọn nào khác ngoài việc trung thành với đức bác ái, là điều không thể tương hợp với việc thực hành trợ tử cho các bệnh nhân tâm thần.”

Quyết định của Bộ Giáo Lý Đức Tin chấm dứt ba năm đối thoại giữa Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái và tập đoàn quản lý các bệnh viện của họ ở Bỉ.

Vài nét về Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ

Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ được thành lập vào năm 1807 tại thành phố Ghent, bởi Cha Peter Joseph Triest. Án phong chân phước cho ngài đã được khai mở vào năm 2001. Đây là một dòng với đặc sủng chuyên biệt là phục vụ cho người cao tuổi và bệnh tâm thần.

Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái ngày nay được coi là tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần quan trọng nhất ở vùng Flanders của Bỉ,với hơn 5,000 bệnh nhân một năm.

Khoảng 12 bệnh nhân tâm thần thuộc diện chăm sóc của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái được cho là đã yêu cầu được kết liễu mạng sống trong năm 2016, và hai người đã được các sư huynh chuyển đến nơi khác để nhận được các mũi tiêm chấm dứt cuộc đời của họ.

Tháng Ba 2017, các thành viên trong ban quản trị 15 nhà điều dưỡng tâm thần của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái đã công bố chính sách ủng hộ an tử. Họ nói rằng họ muốn hài hoà các hoạt động của trung tâm với luật an tử của Bỉ đã được thông qua năm 2003, một năm sau khi Hà Lan trở thành nước đầu tiên cho phép an tử.

Về mặt lý thuyết, trợ tử vẫn là một hành vi phạm tội ở Bỉ. Luật pháp chỉ bảo vệ các bác sĩ khỏi bị truy tố khi họ tuân theo các tiêu chuẩn cụ thể, trong đó bao gồm sự ưng thuận của các bệnh nhân và thân quyến của họ. Nhưng ngày càng có nhiều các trường hợp tử vong nơi những người tàn tật, những người bị chứng sa sút trí tuệ và bệnh tâm thần; là những người có khả năng chịu áp lực phải chết để tránh là gánh nặng cho gia đình và các nhân viên chăm sóc y tế. Kể từ năm 2014, trẻ em bị bỏ rơi hay vì một lý do nào đó không có người giám hộ cũng đủ điều kiện để xin trợ tử.

Tối hậu thư của Tòa Thánh

Sự thay đổi trong chính sách của ban quản trị các trung tâm y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái đã xảy ra khoảng một năm sau khi một nhà điều dưỡng của họ ở thành phố Diest, bị phạt 6,600 đô la vì từ chối trợ tử cho một phụ nữ 74 tuổi bị ung thư phổi.

Sư huynh René Stockman đã yêu cầu ban quản trị các trung tâm y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái ngưng ngay chính sách trợ tử được họ thông qua vào tháng Ba 2017 nhưng thất bại. Ban quản trị các trung tâm y tế này cố nhiên bao gồm các sư huynh và còn có các chuyên gia y tế khác không thuộc về Tu Hội.

Tháng Sáu 2017, Hội Đồng Giám Mục Bỉ cũng đã can thiệp và tuyên bố rằng các ngài không thể chấp nhận các ca trợ tử có thể được thực hiện trong các cơ sở y tế Công Giáo. Sự can thiệp của các Giám Mục Bỉ cũng không thay đổi được tình hình.

Ban quản trị các trung tâm y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái cũng đã phớt lờ một tuyên bố về giáo huấn của Giáo Hội cấm trợ tử, được Đức Hồng Y Gerhard Müller, lúc đó là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin viết và ký tên gửi cho các thành viên.

Do đó, Sư huynh René Stockman đã thỉnh cầu sự trợ giúp của Tòa Thánh.

Vatican trước tiên yêu cầu ban quản trị đang điều hành 15 trung tâm thần trên khắp nước Bỉ, phải đảo ngược chính sách, chậm nhất là vào cuối tháng Tám, 2017.

Các sư huynh là thành viên trong hội đồng quản trị cũng phải ký tên vào một bức thư chung gởi cho bề trên Tu Hội của họ tuyên bố rằng họ “ủng hộ hoàn toàn quan điểm của Huấn Quyền Giáo Hội Công Giáo là luôn khẳng định rằng mạng sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ trong kể từ thời điểm thụ thai cho đến kết thúc tự nhiên của nó”.

Những người nào từ chối ký tên sẽ bị trừng phạt theo luật tu hội, và thậm chí có thể bị trục xuất ra khỏi Giáo hội

Tiến trình đối thoại đầy kiên nhẫn

Vatican cũng đã triệu tập các thành viên trong ban quản trị các nhà thương và cơ sở điều dưỡng của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ và yêu cầu từng vị giải thích với Tòa Thánh tại sao họ khăng khăng chống lại giáo huấn của Giáo Hội về trợ tử và đề ra một chính sách cho phép các bác sĩ giết các bệnh nhân tâm thần trong các cơ sở của Giáo Hội Công Giáo.

Các viên chức cao cấp của Tòa thánh đã lắng nghe từng người một vì sao các thành viên quản trị các cơ sở này khăng khăng chống lại quyết định của Bề Trên Tu Hội và quyết liệt áp dụng một chính sách mới ủng hộ việc trợ tử.

Sư huynh René Stockman, Bề Trên Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái đã mạnh mẽ phản đối chính sách ủng hộ trợ tử của các thành viên trong ban quản trị. Tuy nhiên, tiếng nói của ngài không được lắng nghe. Nhiều người phê bình ngài thiếu khả năng lãnh đạo, không thuyết phục được các thành viên trong ban quản trị. Tuy nhiên, chính các vị thẩm quyền của Tòa Thánh nói, họ cũng chẳng nghe.

Thật vậy, với sự ủng hộ của Đức Thánh Cha Phanxicô, bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra một tối hậu thư yêu cầu ban quản trị các cơ sở y tế của Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái này phải hủy bỏ chính sách mới trước cuối tháng Tám 2017 vì nó trái ngược với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về sự thánh thiêng của mạng sống con người.

Nhưng hai tuần sau đó, các thành viên quản trị đã công khai bác bỏ tối hậu thư của Tòa Thánh. Một thành viên trong ban quản trị là Herman van Rompuy, người từng là chủ tịch Hội đồng Âu châu, còn đi xa đến mức tuyên bố trên Twitter rằng “thời đại ‘Roma locuta causa finita’, nghĩa là ‘Rôma đã lên tiếng thì là chung cuộc’, đã là quá khứ”.

Quyết định của Bộ Giáo Lý Đức Tin có thể thấy trước từ năm 2017, nhưng chỉ được đưa ra sau 3 năm nhẫn nại đối thoại bất thành với những kẻ lòng chai dạ đá.


3. Một số Giám mục Úc đề xuất chương trình mở cửa lại nhà thờ
Mười tám Giám mục Úc đề xuất một chương trình gồm bốn giai đoạn để mở lại các nhà thờ lên cho bà Gladys Berejiklian, Thủ hiến Tiểu bang NSW.

(Tin Vatican - Benedict Mayaki, SJ)

Trong một chương trình đề nghị lên Thủ hiến, Gladys Berejiklian, một số Giám mục Công Giáo Úc đã đề nghị một kế hoạch gồm bốn giai đoạn cho việc mở lại các nhà thờ. 18 Giám mục, bao gồm cả Tổng Giám mục Sydney, Tổng Giám mục Anthony Fisher OP, đề nghị.

Các Giám mục lưu ý rằng sự xa cách xã hội và các hạn chế khác đã gây ra một tổn thất lớn về tâm lý và tinh thần trên dân chúng. Vì lý do này, lúc đầu, các nhà thờ nên được mở cho tín hữu đến cầu nguyện và xưng tội riêng, nhưng phải tuân thủ một số luật lệ, vì lợi ích cộng đồng...

Các Giám mục cũng yêu cầu Thủ tướng cho phép ít ra là 10 người tham dự các nghi thức rửa tội và đám cưới. Các ngài cũng yêu cầu cho nhiều người được tham dự các dịch vụ tang lễ và chôn cất.

Bốn giai đoạn

Trong giai đoạn đầu: các cộng đoàn cần áp dụng việc khử trùng để rửa tay và giữ khoảng cách xã hội theo yêu cầu của chính quyền...

Trong giai đoạn hai: các Giám mục đề nghị các Thánh lễ và các bí tích hay nghi lễ phụng vụ được cử hành ngoài trời như bãi đỗ xe với số lượng người tham dự hạn chế. Sẽ không dùng sách hay giấy hát, cũng như không truyền các túi và giỏ quyên góp đi chung quanh nhưng dùng một hình thức nào đó thích hợp hơn, không chúc bình an bằng bắt tay hay ôm hôn. Việc rước lễ sẽ được trao một cách an toàn.

Giai đoạn ba: sẽ dâng Thánh lễ và các nghi lễ trong nhà thờ...

Giai đoạn cuối cùng: là trở lại bình thường trong một tâm thức mới được rút tỉa ra từ những bài học trong cơn đại dịch Covid-19.

Vi khuẩn corona tại Úc

Vào tháng 1 năm nay, Úc đã ghi nhận trường hợp nhiễm coronavirus được đầu tiên. Vào tháng 3, nước Úc đã đóng cửa biên giới không cho phép những người nước ngoài được vào Úc và chính quyền cũng áp đặt các quy tắc khoảng cách xã hội. Tuy nhiên, gần đây, với tình trạng Covid-19 được chặn đứng ở nhiều tiểu bang, nước Úc đã nới lỏng một số hạn chế xã hội…

Hiện tại Úc có 6.825 trường hợp nhiễm coronavirus, 95 tử vong và 5,859 bệnh nhân đã hồi phục.


Source:Vatican News