Ngày 04-05-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đường Emmaus
Lm Giuse Trần Việt Hùng
09:50 04/05/2011
Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất (Lc. 24,31).

Hai môn đệ đồng hành nhịp bước trở về quê cũ. Lòng hoang mang vì tin vui Chúa sống lại nửa thật nửa ngờ. Chán nản bỏ lại sau lưng tất cả. Ôm nỗi buồn đành cất bước ra đi. Bỏ lại bạn bè cùng người thân tín. Tìm về chốn cũ nẻo đường xưa. Hai ông muốn quên đi những phút giây ghê rợn. Trời u ám chiều tà nỗi buồn da diết. Tưởng chừng biến cố thập hình đã vùi chôn. Ngày khép lại với hành trang sầu buồn tiến bước. Lòng quặn đau khi nhớ đến Thầy gục ngã. Chia xớt cùng ai nỗi sầu cay đắng. Kìa người khách lạ tiến đến xin đồng hành. Chúa Giêsu đã hiện thân cùng sánh bước. Chứng minh giải thích con đường thánh giá Chúa phải đi. Tỉnh giấc đón nhận tin vui phục sinh niềm hoan lạc. Hai môn đệ mau cất bước tìm về xum họp. Sứ mệnh làm nhân chứng mời gọi khẩn thiết. Cùng nhau mang Tin Vui Phục Sinh đến mọi người.

Sự kiện Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết là một tin vui tuyệt vời. Chưa từng có ai đã được sống lại từ cõi chết mà cứ sống mãi. Chúa sống lại ra khỏi mồ là một sự kiện duy nhất vượt ngoài không gian và thời gian. Các sự kiện diễn tiến rất đơn sơ và có tính thuyết phục. Một phép lạ cả thể đã xảy ra trước mắt nhiều người. Sau khi sống lại Chúa đã hiện ra nhiều lần với nhiều người và trong những hoàn cảnh khác nhau. Chúa Giêsu vẫn chọn đi theo con đường khiêm tốn và tiệm tiến. Chúa sống lại có uy quyền tuyệt đối, nhưng Chúa vẫn từng bước củng cố lòng tin của từng môn đệ. Sứ mệnh làm nhân chứng cho Chúa Kitô phục sinh rất quan trọng. Quan trọng đến nỗi hầu hết các môn đệ đã lấy chính sự sống mình làm nhân chứng.

Truyện kể hai môn đệ đã buồn chán và thất vọng bỏ về quê. Chúa Giêsu không bỏ lỡ cơ hội, Ngài xuất hiện đồng hành với các ngài. Chúa giải thích cặn kẽ những lời các tiên tri đã loan báo về Đấng Cứu Thế. Người Đầy Tớ Đau Khổ phải hoàn tất mọi lời đã mặc khải. Tiên tri Isaia đã loan báo: Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng (Is. 52,13). Ngài phải đi qua cái chết để bước vào sự sống. Chúa sống lại xuất hiện như một con người, nhưng con người sẽ không bao giờ chết nữa. Sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Thánh Phaolô viết: Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người (Rm. 6,9). Người đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Người hiện diện đó với hai môn đệ, nhưng đồng thời Người cũng hiện ra với các môn đệ khác. Chúa gặp gỡ với cử chỉ rất trìu mến, nhẹ nhàng không trách móc, không rầy la, Chúa dẫn các môn đệ trở về xum họp để chuẩn bị cho sứ mệnh cao cả hơn.

Các môn đệ chưa hiểu hết mầu nhiệm của sự sống lại và ơn cứu độ. Giáo lý của Chúa qúa cao siêu và lạ lùng. Đây là giáo lý tối thượng được mặc khải và tỏ lộ cho con người. Chúng ta không ngạc nhiên vì các môn đệ còn bỡ ngỡ và ngờ vực. Chúng ta không nên suy diễn sự yếu kém niềm tin của các tông đồ. Trong hoàn cảnh đau thương của các ngài, ai có thể nói rằng mình đã vững tin. Những ngờ vực của Toma, của Phêrô và của các tông đồ là rất chính đáng. Tuy rằng Chúa Giêsu đã loan báo trước sự kiện Chúa sẽ chịu đau khổ, chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Nhưng biến cố chịu nạn của Chúa qúa đột ngột và đau thương, các Tông Đồ không thể lãnh hội được ý nghĩa. Một biến cố xảy ra vượt ngoài tầm trí hiểu và ước tính của con người. Chúa đã dẫn đưa các tông đồ từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Nhìn thấy Chúa sống lại hiện diện nhưng vẫn chưa thể tin: Rồi Người bảo ông Tôma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tôma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!(Ga. 20,27).

Trên đường Emmaus, hai môn đệ được lắng nghe lời Chúa. Tâm trí các ông mở ra và các ông bắt đầu am hiểu Kinh Thánh. Những mặc khải trong Thánh Kinh đều có liên quan đến lịch sử ơn cứu độ về cái chết và sự sống lại. Việc Chúa sống lại không dừng tại đây mà mới là bắt đầu. Chúa mang lại niềm vui ơn cứu độ qua sự kết hợp mật thiết với Chúa qua việc Bẻ Bánh. Chúa dẫn các ông vào huyền nhiệm của Bí Tích Thánh Thể. Đây là thánh lễ đầu tiên do chính Chúa Giêsu thực hiện sau khi Ngài sống lại: Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông (Lc 24,30). Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể và lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn dưỡng nuôi chúng ta. Sự sống lại của Chúa Kitô tiếp tục hiện diện trong nghi thức Bẻ Bánh. Đây chính là lễ hiến dâng tình yêu để đền tội. Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ thi hành việc này để nhớ đến Chúa: Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy."(Lc. 22,20).

Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy. Đây là lời dặn dò quí trọng và thiết nghĩa nhất. Chỉ có nơi Bí Tích Thánh Thể này, chúng ta mới gặp gỡ và tưởng nhớ đến Chúa cách trọn hảo nhất. Mình Chúa trở nên của ăn, Máu Chúa trở nên của uống cho thân xác và linh hồn chúng ta. Việc Chúa Giêsu bẻ bánh trước mặt hai môn đệ là dấu chứng tuyệt vời nhất để họ nhận ra Chúa. Giáo Hội suốt hai ngàn năm qua, không có giây phút nào mà không có những thánh lễ toàn thiêu không đổ máu dâng trên bàn thờ tưởng nhớ đến Chúa Giêsu. Bí tích Thánh Thể trở thành trung tâm điểm của những người tin. Và chỉ nơi Bí Tích này chúng ta tìm được nguồn sự sống. Chúa Giêsu đã phán: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống (Ga. 6, 54-55).

Trung tâm điểm đời sống Giáo Hội luôn luôn găn kết với Bí Tích Thánh Thể. Tất cả những sinh hoạt chính của Giáo Hội được lồng trong Phụng Vụ Thánh Lễ. Các nghi thức phong thánh, phong chân phuớc, phong chức giám mục, linh mục, khấn dòng, thánh hiến nhà thờ, ban bí tích Thêm Sức… đều được cử hành trong thánh lễ. Cử hành thánh lễ là cử hành niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. Chúa Kitô là nguồn sống của Giáo Hội. Kết hợp với Chúa Kitô, chúng ta sẽ được hưởng ban ân sủng: Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Ga. 15,5). Chúng ta sẽ nhận ra Chúa Kitô hiện diện qua nghi thức Bẻ Bánh. Chúa hiện diện qua lời của Ngài, qua Bí Tích Thánh Thể và qua cộng đồng dân Chúa. Được tham dự thánh lễ là được chia sẻ niềm hạnh phúc và hưởng nếm niềm vui muôn đời trong tình yêu Chúa.

Trong thế giới hiện tại, chúng ta biết rằng có rất nhiều người có khuynh hướng thù nghịch với Thiên Chúa. Họ muốn hoàn toàn tự do độc lập quyết định về số mệnh của mình. Họ từ chối lời mời gọi trở nên con cái Chúa. Họ viết truyện, làm phim, vẽ tranh ảnh và tuyên truyền báng bổ Danh Thánh Chúa. Họ còn nhạo cười, dề môi bửu miệng và tẩy chay Đấng ban nguồn sự sống như những người Do-thái xưa. Chúa Giêsu nhắn nhủ: Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi (Ga. 15,6). Kết cục đời họ sẽ đi về đâu vào ngày tận cuối. Hạnh phúc đời họ chỉ là con đường thênh thang rộng mở nơi trần thế. Tàn hơi kiệt sức và thần chết đến. Ánh sáng cuối đường sẽ lịm tắt. Họ sẽ bơ vơ trong đêm tối rợn rùng. Hố sâu vực thẳm sẽ chờ đón chôn vùi mọi ước vọng. Thần chết đón chờ nơi ngục tối. Cùng đích cuộc đời là chốn ngục tù tăm tối. Biết nương nhờ ai trong cơn cùng cực khổ đau.

Chúa Giêsu đã phục sinh. Alleluia! Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Chúa chúng ta. Chúng ta hãy cậy trông vào sự quan phòng của Chúa. Chúa chính là nơi chúng ta nương tựa và chốn ẩn thân. Chúa là cùng đích của cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy đặt trọn niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. Chỉ nơi Chúa Kitô, chúng ta tìm được nguồn an vui đích thực. Chúng ta có Thiên Chúa để tôn thờ, có cùng đích để hướng tới và có Nước Trời để về vui hưởng hạnh phúc.

Trong cuộc lữ hành trần thế, Chúa mời gọi mỗi người chúng ta tiếp tục ra đi làm nhân chứng. Làm chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh trong gia đình, nơi cộng đoàn và mọi nơi chúng ta đang sinh hoạt. Chúng ta không còn phải sợ hãi khi đối diện với sự đau khổ và sự chết nữa. Chúng ta có niềm hy vọng vào Chúa Kitô Sống Lại. Chúng ta sẽ cùng được chung hưởng hạnh phúc với Chúa muôn đời. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:50 04/05/2011
ĐỆ TỬ CỦA RƯỢU
N2T

Có người thích uống rượu, một hôm đi đến nhà bạn uống rượu, ngồi hoài ngồi mãi mà không muốn về nhà, đầy tớ của chủ nhà không nhịn được nên muốn đuổi khách, thấy trời nhiều mây, bèn nói:
- “Trời sắp mưa rồi”.
Nhưng người ấy trả lời:
- “Trời sắp mưa rồi sao, vậy thì không thể về nhà được”.
Qua một lúc sau thì trời đổ mưa, nhưng không lâu sau thì trời lại quang mây tạnh, đầy tớ của chủ nhà lại nói:
- “Mưa tạnh rồi !”
Nhưng người ấy lại thoải mái nói:
- “Mưa tạnh rồi thì còn sợ gì chứ ?”

Suy tư:
Dù thích uống rượu nhưng cũng cần phải nhớ đến tư cách của mình nữa chứ, không phải vì thích uống rượu mà cứ ngồi lì trong nhà người ta đến nỗi đầy tớ của chủ nhà phải đuổi khéo.
Mỗi một con người đều có tư cách của mình, tư cách này được hình thành bởi giáo dục và tập luyện mà có; tư cách này chính là tiêu chuẩn để người khác đánh giá bản thân mình, hoặc mình đánh giá bản thân người khác, thân phận càng cao thì tư cách càng cao hơn.
- Dù thích uống rượu nhưng cũng phải giữ tư cách của mình là linh mục, không nên để giáo dân hoặc người khác xầm xì.
- Dù thích đi hát karaoke thì cũng phải giữ tư cách của mình là thầy giáo, không nên để học sinh coi thường mình.
- Dù thích phê bình người khác trước mặt mọi người, thì cũng phải giữ tư cách của mình là nam nữ tu sĩ, kẻo trở thành gương mù cho giáo dân và cho người khác.
Không nên vì một vài ly rượu mà đánh mất tư cách của mình; không nên vì để khẳng định mình là tài giỏi mà nói xấu anh em mình trước mặt người khác; không nên vì để lấy lòng một vài giáo dân mà làm cho cộng đoàn chia rẻ...
Ai hiểu thì hiểu !
--------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:53 04/05/2011
N2T

47. Thập giá và phần mộ đối với Chúa Giê-su như thế nào, thì bí tích Rửa Tội đối với chúng ta cũng như thế. Sau khi Chúa Giê-su sống lại thì sẽ không bao giờ chết nữa, chúng ta cũng nên quyết tâm không phạm tội nữa.

(Thánh John Chrysostom)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chung quanh tin một giám mục Úc bị Toà Thánh buộc về hưu sớm
Vũ Văn An
06:56 04/05/2011
Theo tin Hãng Tin CNA ngày 2 tháng 5, Đức Cha William Morris, Giám Mục Toowoomba, thuộc Tiểu Bang Queensland, đã buộc phải từ chức tiếp theo một cuộc điều tra của Tòa Thánh. Cuộc điều tra này là hậu quả những lời khiếu nại về lá thư mục vụ của ngài viết năm 2006, lá thư mà ngài cho là đã bị giải thích sai.

Trong lá thư mục vụ trên, Đức Cha Morris viết rằng ngài có thể phong chức cho phụ nữ và cho phép giáo sĩ thệ phản cử hành Thánh Thể vì giáo phận không đủ linh mục. Trong thư tuyên bố từ chức gửi các giáo xứ vào hôm 1 tháng 5, Đức Cha Morris cho rằng Đức Giáo Hoàng quyết định như sau: tốt hơn, giáo phận Toowoomba nên được phục vụ bởi sự lãnh đạo của một giám mục mới.

Đức Cha Morris năm nay 67 tuổi, đã đứng đầu giáo phận thuộc miền đông nam nước Úc gần Brisbane này từ năm 1993. Ngài nói rằng Đức Giáo Hoàng đích thân cho ngài hay luật Giáo Hội định rõ: người kế vị Thánh Phêrô cử nhiệm và có thể ngưng chức bất cứ giám mục nào ngài cho là bất xứng với nhiệm vụ. "Điều ấy khiến chức vụ Giám Mục Toowoomba của tôi không còn đứng vững nữa".

Chưa có sự xác nhận lập tức của Vatican. Nhưng phát ngôn viên của Đức Cha Morris nói rằng ông đang đợi lời công bố chính thức của Vatican, rất có thể vào ngày 2 tháng 5. Linh mục Peter Dorfield, tổng đại diện của giáo phận cho Đài ABC của Úc hay: đây quả là một việc bãi chức. Người ta đang chờ Vatican đề cử một vị giám quản cho tới khi một giám mục mới được cử nhiệm.

Các nhà bình luận cho rằng các vấn đề ở Toowoomba đã vượt quá sự bất đồng công khai của vị giám mục với học thuyết của Giáo Hội về chức linh mục. Họ cho biết Đức Cha Morris, người thích mặc áo sơ-mi và cà-vạt hơn là cổ áo linh mục và trang phục giám mục, từng làm nhiều hành động có hại cho bản sắc và giáo huấn Công Giáo suốt 18 năm ở đây. Họ cũng nêu ra một số lạm dụng, bao gồm cả "các buổi hiệp thông" được đồng tế bởi giáo dân và linh mục và việc sử dụng rộng rãi việc "giải tội tập thể" thay cho phương thức xưng tội cá nhân.

Trong thư từ chức, Đức Cha Morris từ chối không nhắc tới các lời bình luận ấy. Ngài nói: "bản chất các lời khiếu nại ấy không có chi thực sự quan trọng". Ngài đổ lỗi cho "một nhóm nhỏ nhận thấy việc lãnh đạo và đường lối của tôi không hợp với ý thích của họ". Ngài tỏ ý tin tưởng rằng ngài vẫn được "sự ủng hộ của đại đa số giáo dân và linh mục của giáo phận".

Đức Cha Morris không nhìn nhận cuộc điều tra trên, có tên là "cuộc thăm viếng tông tòa", với sự tham gia của ba thánh bộ chính của Vatican, tức các thánh bộ giám mục, tín lý và phụng tự bí tích. Ngài nói ngài "không bao giờ được thấy" phúc trình sau cùng do vị điều tra viên hàng đầu đệ trình, người mà ngài nhận diện là Tổng Giám Mục người Mỹ Charles J. Chaput, OFM Cap., của Denver. Ngài khiếu nại đã không được hưởng một "diễn trình đáng lẽ phải có" và "bất cứ khả thể được bào chữa thích đáng nào nhân danh tôi".

Được CNA tiếp xúc, Đức TGM Chaput đã từ chối không bình luận gì về vấn đề này. Ngài cho hay: các bên liên hệ tại bất kỳ cuộc viếng thăm nào của Vatican thông thường đều nhất trí giữ kín các cuộc thảo luận của mình và mọi chi tiết phải được giữ trong vòng bí mật. Đức Cha Morris, trái lại, đã tiết lộ cuộc điều tra của Vatican cho giới truyền thông hồi tháng 2 năm 2009. Lúc đó, ngài đổ lỗi việc ấy cho những người Công Giáo có quan điểm bảo thủ, gọi họ là "cảnh sát đền thờ".

Trong lá thư tuần này, Đức Cha Morris nói rằng ngài cho Vatican hay ngài "sẵn sàng thương thảo để về hưu sớm". Ngài nói ngài từ khước không từ chức, vì lương tâm và vì lòng yêu mến Giáo Hội. Ngài bảo: từ chức là nhìn nhận mình làm sai. Điều ấy, ngài bảo, "tôi tuyệt đối từ khước và bác bỏ". Giáo phận Toowoomba rộng 188,000 dặm vuông với 66,000 người Công Giáo và 35 giáo xứ.

Cũng theo tin CNA, ngày 2 tháng 5, Tòa Thánh đã ra thông báo chính thức về việc bãi nhiệm Đức Cha Morris với nội dung vỏn vẹn như sau: "Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bãi nhiệm Đức Cha William Morris khỏi việc chăm sóc mục vụ Giáo Phận Toowoomba (Úc Châu)". Đức Cha Brian Finnergan của Brisbane đã được cử làm giám quản Toowoomba cho tới ngày giáo phận có giám mục mới.

Nhìn nhận tác phong không thích đáng

Trong khi đó, cũng theo tin CNA ngày 2 tháng 5, Đức Cha Christopher Toohey, người từ chức giám mục giáo phận Wilcannia Forbes thuộc Tiểu Bang New South Wales 2 năm trước đây, vừa lên tiếng xin lỗi về tác phong không thích đáng và gây tổn thương khiến ngài phải từ chức. Ngài viết: "Từ ngày từ chức giám mục.. năm 2009 và hiện nay sống hưu trí, tôi có thì giờ suy tưởng lại đời mình... Tác phong của tôi trong bối cảnh liên hệ với một số người trẻ mà tôi chăm sóc mục vụ ở buổi đầu thừa tác vụ của tôi không nhất quán với những gì một người tốt lành cần phải có"

Bản tin của Đài ABC Úc tường trình rằng Cha Brian Lucas, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Úc, cho hay ngài tin lời tuyên bố trên là kết quả của các cuộc thương thảo với một phụ nữ không được nêu danh và sẽ không dây dưa tới vấn đề hình sự. Lời xin lỗi công khai cũng nhất quán với một thỏa thuận qua trung gian do diễn trình "Hướng Tới Chữa Lành" của Giáo Hội thực hiện.

Đức Cha Toohey, 59 tuổi, được thụ phong linh mục năm 1982 và đứng đầu giáo phận Wilcannia ở vùng quê hẻo lánh của Úc từ năm 2001 đến năm 2009. Ngài được nhiều người biết dưới danh nghĩa "giám mục môi trường" do các công việc tranh đấu cho môi trường và tư cách sáng lập viên "Earthcare Australia" của ngài. Ngày 28 tháng 4 vừa qua, Đức Cha Toohey cho hay:căn cứ vào các suy tưởng của ngài, ngài sẽ không trở lại thừa tác vụ hoạt động trong Giáo Hội. "Tôi thành thực hối tiếc đã gây tổn thương cho những người trên và gia đình họ".
 
Ấn tượng về Đức Thánh Cha John Paul II sẽ khéo dài trong nhiều thế kỷ
Jos. Tú Nạc, NMS
08:19 04/05/2011
Đức Thánh Cha John Paul II đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ Ki-tô hữu đã biết Ngài trong đời sống, nhưng di sản bền vững nhất của Ngài – lời giáo huấn – là điều gì đó mà sẽ còn tiếp tục gây ấn tượng cho Giáo Hội hàng nhiều thế kỷ, một nhà viết tiểu sử của Đức Giáo Hoàng quá cố đã nói.

“Nó sẽ tồn tại hàng trăm năm trước khi Giáo Hội chú ý sự uyên bác và thâm thúy ý nghĩa sâu sắc của Tin Mừng đối với con người này, và trong ý nghĩa đó chúng ta đang suy tư, và tranh luận hàng trăm năm,” George Weigel, tác giả của những tiểu sử giáo hoàng Witness to Hope và The End and the Beginning, đã nói.

Weigel nói rằng sáu năm sau cái chết của Đúc Thánh Cha sự liên kết của những người trẻ tiếp tục sản sinh hoa trái bằng nhiều cách: trong những thiên hướng linh mục trên một thập kỷ qua, trong những dòng tu nữ đã được truyền cảm hứng bởi Đức Thánh Cha và trong những phong trào canh tân.

“Tôi nhìn vào chính giáo xứ của tôi thuộc ngoại ô Washington và thấy những đôi vợ chồng trẻ đang xây dựng những gia đình công giáo, tất cả những ai đã nắm bắt một số dạng thức của nguồn cảm hứng từ Đức John Paul II. Và tôi nghĩ điều này sẽ được nhân rộng toàn thế giới,” ông đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 27 tháng Tư.

Weigel nói rằng ông đã dành 15 năm của đời mình để nghiên cứu hai tiểu sử chính về giáo hoàng Ba Lan của ông. Điều gì đã gây ấn tượng cho ông, ông nói, đó là vị giáo hoàng này là một “con người hoàn toàn bình thường.” Người mà đã tự mình mở rộng cửa cho công việc của Chúa Thánh Thần.

Trong ý nghĩa đó, Weigel nói, sự thánh thiện đó là được công nhận ở việc phong chân phước của Ngài là điều gì đó được hoan nghênh đối với tất cả Ki-tô hữu. Trong suốt cuộc đời của Ngài, ông nói, ĐTC John Paul đã cố gắng để tìm kiếm những gì mà Thiên Chúa đã thực hiện cho cuộc đời của Ngài và cho thế giới này, và để đền đáp sao cho phù hợp.

“Tôi thiết tưởng mọi điều Ngài đã thực hiện với tư cách là một người của văn chương, một triết gia, một linh mục, một giám mục, một chính khách, một giáo hoàng, đã nảy sinh những môn đệ Ki-tô giáo tuyệt đối,” ông nói.

“Rất hiếm trong số hàng tỷ người Công Giáo trên thế giới có được những lĩnh vực tài năng mà Đức Karol Wojtyla đã có. Mỗi người chịu phép rửa đều có cơ hội để sống một cuộc đời tình môn đệ tuyệt đối. Và đó là sự liên kết của chúng ta đối với Ngài.”

Weigel lưu ý rằng một vị thánh không phải là hoàn toàn.

“Nó thuộc về sự sống con người với mục đích thực hiện những điều ngay lẽ phải và đưa ra những quyết định dựa trên sự sáng suốt nhất của con người, không có sự sợ hãi hoặc ban ơn. Không có một giáo hoàng nào dẫn đến mọi điều đều đúng. Đức John Paul II không hẳn đã đạt được mọi sự thập toàn. Ngài là người đầu tiên thừa nhận điều đó,” ông nói.

Một số người đã hỏi về việc phong chân phước của Đức John Paul II, nói rằng Ngài đã chưa trả lời thỏa mãn về những trường hợp linh mục lạm dụng tình dục mà đã được đưa ra ánh sáng sau đó và nhiện kỳ của Ngài. Weigel nói rằng sự chỉ trích dập tắt dấu vết này.

“Cách nghĩ về Đức John Paul II và chức linh mục phải được thừa nhận rằng Ngài là một nhà cải cách vĩ đại chức vụ linh mục. Chức linh mục là bóng dáng khủng khiếp vào năm 1978 khi ngài trở thành giáo hoàng: nó đã được gặt hái đáng kể với hình ảnh tốt đẹp hơn 26 năm sau. Đó là bối cảnh,” ông nói.

“Đức Thánh Cha, mong muốn một cách cởi mở phần còn lại của Vatican, một thời gian quá dài vào năm 2002 để tìm thấy những gì tiếp tục diễn ra ở Hoa Kỳ. Nhưng một khi Ngài phát hiện ra, Ngài đã hành động một cách kiên quyết.”

 
Canada: Các Giám mục Quebec mời gọi hòa giải môi trường và lao động
Nguyễn Trọng Đa
08:23 04/05/2011
Canada: Các Giám mục Quebec mời gọi hòa giải môi trường và lao động

Nhân dịp ngày Quốc tế lao động 1-5

ROMA - "Môi trường được lao động biến đổi: trong nghĩa nào vậy?" : Đây là các chữ đầu tiên trong sứ điệp truyền thống của các Giám mục Quebec (Canada), nhân dịp Ngày quốc tế Lao động 1-5.

Sứ điệp năm nay đề cập chủ đề hòa giải giữa lao động và môi trường. Sứ điệp làm nổi bật một thực tế là công việc có thể mang một “thặng dư ý nghĩa” do cách thức lao động chèn thêm vào cho môi trường.

Các Giám mục Quebec nói: “Các thách thức trong phục hồi và bảo vệ tốt môi trường của chúng ta vượt qua chúng ta khá nhiều”. Các Ngài thừa nhận một "cam kết mạnh mẽ của các nước ở tầm vóc quốc tế, sự tôn trọng chữ ký và lời nói của họ”. Tuy nhiên, các Ngài nói thêm: “các cấp chính quyền của chúng ta cần phải biết rằng dân số hỗ trợ họ hết lòng."

Tuy nhiên, các Giám mục nhấn mạnh: "Không đúng sao khi chúng tôi cũng cần, như các công dân nam nữ, làm áp lực với các chính phủ để họ làm tốt hơn các trách nhiệm của họ?”

Các Ngài nhấn mạnh: “Thành quả của quý vị truyền cảm hứng cho chúng tôi và khuyến khích chúng tôi trong các dự án của mình. Các thành quả này cũng có thể truyền cảm hứng cho người khác về việc dành các nỗ lực và cách thức làm, để đến phiên họ, họ cũng có niềm tự hào tập thể lớn nhất về thành quả của mình”.

Ủy ban Xã hội của Hội đồng Giám mục Công giáo Quebec công bố một sứ điệp vào mỗi ngày 1-5 hàng năm, kể từ năm 1974. Nó tiếp nối một truyền thống bắt đầu từ các Giám mục Canada vào năm 1956. (www.eveques.qc.ca) (Zenit 4-5-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Nơi Bin Laden ở: Giáo hội giới hạn hoạt động
Nguyễn Trọng Đa
08:25 04/05/2011
Pakistan: Giáo hội ở Abbottabad giới hạn hoạt động

Abbottabad - Kitô hữu ở thành phố Abbottabad (Pakistan), nơi trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị giết chết, giới hạn hoạt động của mình, và kêu gọi mở một cuộc họp về chiến lược an ninh.

Giáo xứ Công giáo thánh Phêrô Canisius ở phía bắc thành phố này cho biết giáo xứ đã hạn chế hoạt động của mình, sau khi Osama bin Laden, người sáng lập mạng lưới Al Qaeda và là người chủ mưu cho các cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, đã bị lực lượng đặc biệt Mỹ giết chết ở thành phố này.

Ngày 3-5, linh mục Akram Javed Gill đã nói với hãng tin Ucanews: “Ngày 2-5, tôi không thể tiến hành các chuyến thăm mục vụ đến nhà tín hữu sau khi an ninh được tăng cường. Hôm nay một buổi phụng vụ chữa lành được diễn ra, và sắp tới các lễ Giáo hội sẽ được tạm hủy. Bốn cảnh sát bảo vệ cho nhà thờ đã được đặt trong tình trạng báo động cao”.

Ngài đã phụ trách Giáo xứ thánh Phêrô Canisius từ năm 2007 trong thành phố Abbotabbad, thành phố cửa ngõ của khu vực miền núi phía Bắc Pakistan.

Khoảng 150 người Công giáo sống trong thành phố, và ba người sống ở thị trấn Bilal, nơi Bin Laden bị giết. Ngày 3-5, cảnh sát đã mở khu vực nhà của Bin Laden cho các phóng viên đến lần đầu tiên, kể từ khi cuộc tấn công của Mỹ diễn ra.

Hiệp hội các Giáo hội Vùng Hazara, một hội gồm năm Giáo hội trong đó có Giáo Hội Công Giáo, đã kêu gọi một cuộc họp để xây dựng một chiến lược tương lai trong vùng.

Linh mục Javed nói: “Thật quan trọng để duy trì an bình cho các cộng đồng tôn giáo thiểu số nằm rải rác trong vùng Hazara. Chúng tôi thay đổi địa điểm vào phút chót để tránh rò rỉ các thông tin về cuộc họp, trong bầu không khí căng thẳng như hiện nay”.

Ngài mô tả các sự kiện như chúng diễn ra trong cuộc đột kích.

Ngài nói: “Chúng tôi không bao giờ thấy máy bay trực thăng bay thấp như vậy. Không ai biết điều gì đang xảy ra, và lúc đầu chúng tôi nghĩ rằng nó là một cuộc diễn tập quân sự”.

Cha cũng là hiệu trưởng trường Công giáo duy nhất trong thành phố, với tên gọi là trường Thánh Phêrô. Khoảng 200 học sinh, hầu hết là người Hồi giáo, học tập ở trường.

Cha cho biết là phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công việc ở Abbottabad, nơi có một trường huấn luyện quân sự lớn. Cha đã phải xây dựng tường cao cho khuôn viên nhà thờ vào năm 2009, sau khi người Hồi giáo phản đối việc “trưng bày công khai” tượng Đức Mẹ Maria trong hang đá ở sân nhà thờ.

Năm ngoái, chính quyền địa phương đã yêu cầu ngài đốt nhiều bản sao của một cuốn sách mỏng mời gọi người Công giáo sùng kính Đức Mẹ.

Trong khi đó, Hazaras, nhóm sắc tộc địa phương tôn sùng bin Laden, không tin rằng ông đã chết. Các thành viên của nhóm cho rằng phúc trình về việc bắn chết ông là một âm mưu của Mỹ.

Ông Noman Khan, một nhà báo tự do, nói: “Chỉ có Thiên Chúa mới cất đi sự sống của ông. Toàn bộ phim về truy bắt và tiêu diệt bin Laden đã được Mỹ dàn dựng thực hiện, nhằm làm mất ổn định đất nước của chúng tôi, và duy trì tài sản hạt nhân của Mỹ. Không ai nhìn thấy thi thể của ông cả mà”. (UCA News 3-5-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ấn Độ: Người vô thần ca ngợi tân Chân phước Gioan Phaolô II
Phạm Kim An
08:29 04/05/2011
Ấn Độ: Người vô thần ca ngợi tân Chân phước Gioan Phaolô II

Nhà hoạt động nhân quyền Ấn Độ Lenin Raghuvanshi phát biểu với hãng tin AsiaNews về các lời dạy của ĐTC gốc Ba Lan về nhân quyền, một ngày sau lễ phong Chân phước cho ĐTC. Ông nói, cùng với Mẹ Teresa, ĐTC xem đói nghèo là một hình thức bạo lực.

New Delhi - "Yêu thương kẻ thù và hy sinh cá nhân" là các giáo huấn lớn nhất của ĐTC Gioan Phaolô II, theo nhà hoạt động nhân quyền Lenin Raghuvanshi, người Ấn Độ. Là người tuyên xưng vô thần, ông nói rằng tân Chân phước Gioan Phaolô II đã biến đổi nền ngoại giao quốc tế thông qua cam kết của Ngài về nhân quyền. Raghuvanshi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cảnh giác về Nhân quyền (PVCHR), đã nhận nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Nhân Quyền Weimar năm 2010 và Giải thưởng Nhân quyền Quang Châu (Hàn Quốc) năm 2007.

Ông nói: “Tân Chân phước Gioan Phaolô II là một biểu tượng của thế kỷ 20 và người bênh vực cho nhân quyền. Di sản của Ngài để lại cho thế giới bao gồm hai lời dạy cơ bản, đó là yêu thương kẻ thù và hy sinh cá nhân. ĐTC gốc Ba Lan là một con người phi thường, có đời sống và gương sáng làm thay đổi tận căn nền ngoại giao quốc tế, và biến đổi cách thức chúng ta nhận thức, bảo vệ và cổ vũ nhân quyền.

“Lần đầu tiên trong lịch sử, ĐTC Gioan Phaolô II đã nói về các giá trị sâu sắc của Chúa Kitô, đó là tình thương, sự tha thứ và hòa bình, trên trường quốc tế.

“Tôi nhớ chuyến đi lịch sử của Ngài tới Cuba năm 1998. Trong chuyến thăm này, Ngài tỏ cho các lãnh đạo thế giới thấy rằng không có bất cứ người nào, dù là kẻ thù chăng nữa, cần phải bị cô lập, và rằng mọi quốc gia, dù có nguyên tắc và ý thức hệ khác nhau, vẫn có thể đối thoại với nhau.

“ĐTC Gioan Phaolô II cũng đã cho thấy làm thế nào sự nghèo đói tự thân là một sự vi phạm nhân quyền, làm thế nào nó là một phần của bạo lực cơ cấu. Bạo lực này là một phần của một hệ thống phi nhân bản, vốn làm giảm giá trị của các nhóm người nghèo nhất và người bị gạt bên lề của xã hội.

“ĐTC củng cố dân chủ, Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của ý tưởng cá nhân và biến đổi nền ngoại giao.

“Cùng với Mẹ Teresa, ĐTC đã nói rằng mọi người đều có quyền có phẩm giá con người. Đối với chúng tôi là những người bảo vệ nhân quyền, đây là lời dạy lớn nhất của ĐTC Gioan Phaolô II để lại cho chúng ta”. (AsiaNews 3-5-2011)

Phạm Kim An
 
Vatican: ĐTC Biển Đức 16 sẽ lần chuỗi với các Giám mục Ý
Phạm Kim An
08:29 04/05/2011
Vatican: ĐTC Biển Đức 16 sẽ lần chuỗi với các Giám mục Ý

VATICAN – ĐTC Biển Đức 16 sẽ lần chuỗi Mân Côi với các Giám mục nước Ý, khi các vị tham dự hội nghị khoáng đại vào cuối tháng này.

Ngày 3-5, Cơ quan Đặc Trách Các Vấn Đề Triều Chính Tòa Thánh đã công bố rằng ĐTC đã nhận lời mời của Đức Hồng y Angelo Bagnasco, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, để chủ trì việc lần hạt Mân Côi với các Giám mục.

ĐTC sẽ đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả ngày 26-5 lúc 17g30 chiều để đọc kinh.

Tuyên bố của Văn phòng giải thích: “Với việc lần chuỗi chung này, các giám mục Ý tìm cách nhấn mạnh sự liên kết đặc biệt của các Ngài với nước Ý, nhắc lại cam kết của mình với Đức Mẹ Đồng Trinh nhân kỷ niệm 150 năm ngày thống nhất nước Ý”. (Zenit 3-5-2011)

Phạm Kim An
 
Chân phước Gioan Phaolô II được Phong Thánh sớm trong vài năm tới?
Lm. Paul phạm Văn Tuấn
08:43 04/05/2011
Vatican - Sau ngày phong Chân phước của Đức Gioan Phaolô II, Tòa Thánh Vatican cho rằng việc nâng Ngài lên bậc hiển Thánh là có thể trong thời gian ngắn. "Một phép lạ được khoa học chứng minh là đủ", Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh vừa mới trả lời cho đài truyền hình Rai Uno của Ý. Một phép lạ như thế là một bệnh tật được chữa lành mà không thể giải thích phải được một ủy ban y khoa và sau đó ủy ban thần học của Tòa Thánh Vatican cũng như qua các vị Hồng Y và Giám Mục trong Bộ Phong Thánh xác nhận .

Bắt đầu từ hôm nay, có thể kéo dài "trong vài năm" là điều có thể, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, người quan trọng thứ hai trong Tòa Thánh Vatican đã nói. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã phong Chân phước cho vị Tiền Nhiệm của ngài, Đức Gioan Phaolô II vào sáng chúa nhật, 01.5.2011 vừa qua trong dịp Giáo Hội kính Lòng Thương Xót Chúa. Hơn một triệu rưỡi tín hữu đã đến Rôma tham dự ngày trọng đại này cho vị Tân Chân Phước. Khi Đức Gioan Phaolô II qua đời vào năm 2005 nhiều tín hữu hiện diện đã kêu to và giăng biểu ngữ: "Santo Subito" – Phong Thánh ngay liền lập tức!

Để vị Chân Phước có thể được Phong Thánh thì cần phải có một phép lạ thứ hai sau khi được phong Chân Phước. ĐGH Gioan Phaolô II đã được phong chân phước nhờ vào phép lạ chữa lành bệnh cho Sơ người Pháp, Marie Simon-Pierre Normand. Sơ đã được chữa khỏi lành bệnh Parkinson sau khi cầu nguyện với ĐGH Gioan Phaolô II. Bộ Phong Thánh xác nhận phép lạ này.

Sơ Marie Simon-Pierre đã bị bệnh Parkinson từ năm 2001 và được chẩn đoán chân trái và tay trái yếu dần đi. Tình trạng bệnh lý của Sơ trở nên tồi tệ vào năm 2005 sau cái chết của ĐGH Gioan Phaolô II, thì cánh tay trái của Sơ đã không còn cầm được bút viết nữa. Khi ĐGH Bênêđictô XVI tuyên bố khởi án phong Chân Phước cho Đức Cố GH Gioan Phaolô II vào ngày 13.5.2005 thì các chị em trong nhà dòng hàng ngày hiệp lời cầu nguyện với Đức Cố GH Gioan Phaolô II xin phép lạ chữa lành cho Sơ Marie Simon-Pierre.

Vào đêm của ngày 2 rạng sáng ngày 3 tháng 6 năm 2005, đúng thời điểm hai tháng sau cái chết của ĐGH Gioan Phaolô II vào ngày 02.4.2005 đột nhiên bệnh run tay chân Parkinson của Sơ Marie Simon-Pierre biến mất. Bác sĩ thần kinh đang chữa trị cho Sơ từ nhiều năm nay xác nhận rằng các triệu chứng của căn bệnh Parkinson này đã hoàn toàn biến mất. Từ cái nhìn của y học không thể giải thích được về sự lành bệnh này.

Việc Phong Thánh trong tương lai "vài năm" cho Chân phước Gioan Phaolô II thì Toà Thánh cần thêm một phép lạ thứ hai sau ngày Ngài đã được phong Chân phước.



 
Nơi an nghỉ của Chân phước Gioan Phaolô II
Trầm Thiên Thu
08:47 04/05/2011
Từ 7 giờ sáng 3-5-2011, các du khách đếm Đền thờ Thánh Phêrô được thấy nơi an nghỉ cuối cùng mới của Chân phước Gioan Phaolô II. Vậy khách hành hương nghĩ gì?

LM John McGinley, người Scotland đến Rôma từ hôm lễ phong chân phước, nói: “Tôi nghĩ là rất đẹp, rất giản dị và rất trang nhã”.

Từ hôm Chúa nhật 1-5-2011, khoảng 250.000 khách hành hương đã vây quanh quan tài bằng gỗ của Chân phước Gioan Phaolô II đặt ngay trước bàn thờ trong Đền thờ Thánh Phêrô. Bằng một nghi thức riêng, quan tài được di chuyển sang bàn thờ thánh Sebastian ở gần lối vào nhà thờ ở bên phải.

Nghi thức do ĐHY Angelo Comastri chủ sự cùng với 8 hồng y khác. Khi quan tài được đặt ở nơi cuối cùng, mọi người hát kinh cầu các thánh truyền thống của Giáo hội Công giáo. Dịp này, tên “Beate Ioanna Paule” (Chân phước Gioan Phaolô II) được đọc 3 lần trước khi kết thúc. Pphía trước quan tài có bảng cẩm thạch trắng ghi “Beatus Ioannes Paulus PP. II” (Chân phước GH Gioan Phaolô II).

Chân phước Gioan Phaolô II có một đời sống khiêm nhường, cầu nguyện và giản dị, đồng thời là một chứng nhân và tiên tri của Giáo hội Công giáo.

Bàn thờ thánh Sebastian được chú ý nhiều, ở ngay bên trái tượng điêu khắc “Pieta” nổi tiếng của danh họa Michelangelo và ở bên phải Nhà nguyện Thánh Thể (Blessed Sacrament chapel).

Bàn thờ thánh Sebastian trước đây được dùng làm mộ của Chân phước GH Innocent XI. Hài cốt của vị giáo hoàng thế kỷ 17 này hiện nay được dời sang bàn thờ Biến Hình (Altar of the Transfiguration), bên cạnh bàn thờ có tượng thánh Anrê Tông đồ bằng cẩm thạch.

(Chuyển ngữ từ CatholicNewsAgency.com)

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
06:50 04/05/2011
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

THƯ CHUNG
HẬU ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010

GỬI TOÀN THỂ CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA VIỆT NAM


Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống 2011

Tựa đề Thư chung “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”

trích từ Kinh Đức Mẹ La Vang

Kính gửi: Toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam

DẪN NHẬP

1. Cử hành Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận tông tòa đầu tiên Đàng Trong và Đàng Ngoài, 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm, Giáo Hội tại Việt Nam dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và tri ân các bậc tiền nhân, đồng thời nỗ lực đào sâu và làm tăng trưởng đức tin cũng như hâm nóng lại nhiệt tình loan báo Tin Mừng.[1] Trong tâm tình đó, ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, 24.11.2009, cộng đoàn tín hữu Việt Nam đã long trọng khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện thuộc Tổng giáo phận Hà Nội. Sau một năm chuẩn bị, Đại Hội Dân Chúa được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ thuộc Tổng giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh từ ngày 21 đến 26.11.2010. Cuối cùng, lễ Bế Mạc Năm Thánh được cử hành trọng thể tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang thuộc Tổng giáo phận Huế ngày lễ Hiển Linh 06.01.2011.

2. Để phát huy những thành quả của Năm Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi đến toàn thể các tín hữu Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010. Thư Chung này hình thành từ những suy tư, trao đổi và cầu nguyện của toàn thể Dân Chúa Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, hợp nhất với các mục tử, để định hướng cho đời sống và hoạt động của Giáo Hội tại Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay. Tất cả là để phục vụ Vương Quốc Thiên Chúa, vương quốc sự thật, sự sống, công chính, yêu thương và bình an.[2]

3. Dưới ánh sáng Tin Mừng, Thư Chung này trước hết trình bày sơ lược về hiện trạng quê hương, nơi người Công Giáo Việt Nam đang sống và thực thi sứ vụ của mình. Chương II cho thấy cần phải sống và thể hiện mầu nhiệm Giáo Hội như thế nào trong hoàn cảnh ngày nay theo lời mời gọi của Chúa. Chương III tập trung vào sự hiệp thông trong Giáo Hội được nhìn như gia đình của Thiên Chúa. Chương IV nêu lên những khía cạnh chính yếu trong sứ vụ của Giáo Hội tại Việt Nam ngày nay.

Chương I: HIỆN TRẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM DƯỚI ÁNH SÁNG ĐỨC TIN

“Cảnh sắc đất trời thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét” (Lc 12, 56).

4. Được mời gọi tìm kiếm Thánh ý Thiên Chúa qua những dấu chỉ thời đại, Giáo Hội tại Việt Nam cố gắng lắng nghe, nhận diện và phân định những thực tại xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng.

Hiện nay Việt Nam đang hòa nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, cụ thể qua việc tham gia các tổ chức khu vực như Khối Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) và quốc tế như Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Việt Nam thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước với những kỹ thuật hiện đại, tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng và làm cho đất nước mang dáng dấp một quốc gia đang phát triển.[3] Người dân được tiếp cận với những thông tin và thành quả đa dạng về khoa học kỹ thuật, mở ra những cơ hội cho một phong thái làm việc mới.[4]

Tuy nhiên, vì chưa được chuẩn bị đầy đủ để bước vào tiến trình toàn cầu hóa nên Việt Nam gặp rất nhiều thách đố. Tình trạng lạm phát, tệ nạn tham nhũng và hối lộ, việc quản lý lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm đối với những tài nguyên quốc gia… làm cho đời sống người dân thêm khó khăn.[5] Hố phân cách giầu nghèo ngày càng sâu rộng hơn. Nhiều người dân vẫn chưa có mức sống xứng hợp với nhân phẩm, không những tại nông thôn mà ngay cả trong những thành phố lớn. Do đó, vấn đề không chỉ là kinh tế mà còn là vấn đề đạo đức và xã hội.[6]

5. Hiện trạng kinh tế ấy kéo theo nhiều thay đổi trong xã hội Việt Nam. Sinh hoạt làng quê cổ truyền dần dần được thay thế bằng nếp sống đô thị.[7] Dân chúng đổ xô về những thành phố lớn kiếm công ăn việc làm, tạo ra mật độ dân cư chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Đặc biệt tại các thành phố lớn, do tình trạng dân số gia tăng quá nhanh, thiếu chính sách quản lý và phát triển đô thị hợp lý, nên gây nhiều hậu quả tiêu cực trên sinh hoạt xã hội: môi trường sống thiếu vệ sinh và đang bị tàn phá, hệ thống giao thông và y tế yếu kém, nhiều tệ nạn xã hội như nghiện ngập, phá thai, mãi dâm, bạo lực…[8]

Giới trẻ Việt Nam rất năng động, sẵn sàng tham gia những giao lưu và sinh hoạt xã hội. Họ mau chóng nắm bắt những thành quả của công nghệ hiện đại để nâng cao kiến thức và giúp ích cho đời. Tuy nhiên, chủ nghĩa tương đối và hưởng thụ, tình trạng giáo dục bất cập, những cách trình bày chân lý nửa vời trên các phương tiện truyền thông, những chương trình giải trí thiếu lành mạnh… đã đưa nhiều bạn trẻ đến một não trạng và lối sống thực dụng, làm bất cứ điều gì để hưởng lợi, miễn là không bị bắt hay không ai nhìn thấy. Tiêu chuẩn tốt xấu trở thành tương đối và như thế, có dấu hiệu về sự phá sản lương tâm.[9]

6. Nền kinh tế thị trường phần nào đã giúp cho đất nước phát triển. Tuy nhiên, chủ trương tập quyền, những chính sách bất cập và luật pháp chưa nghiêm minh, qui chế ưu đãi cho một thiểu số đặc quyền, nạn tham nhũng, v.v…. tạo nên lối sống ích kỷ, đùn đẩy trách nhiệm và thiếu quan tâm đến công ích.[10] Ngoài ra, các tôn giáo cũng như nhiều người thiện chí vẫn chưa có điều kiện pháp lý để đóng góp tích cực vào việc xây dựng đất nước, cách riêng trong lãnh vực giáo dục, y tế và bác ái.

7. Truyền thống văn hóa Việt Nam vẫn đề cao những đức tính như tình gia đình gia tộc, tương thân tương ái, tôn sư trọng đạo… Tuy nhiên, những giá trị đó đang bị đe dọa nghiêm trọng do não trạng duy vật và hưởng thụ, tính cục bộ và óc địa phương hẹp hòi, thói gian dối và lừa đảo, nạn bạo hành…[11] Điều đáng lo ngại hơn cả là phẩm chất giáo dục. Sứ mệnh của giáo dục là đào tạo cho xã hội những con người liêm chính và có tinh thần trách nhiệm, biết phát huy việc học hỏi và suy tư với óc phê phán cũng như khảo cứu cách sáng tạo. Trong thực tế, hiện trạng giáo dục tại Việt Nam khiến nhiều người lo ngại, một số giáo viên chưa thể hiện được chức năng nhà giáo đích thực, môi trường học đường bị ô nhiễm do bệnh thành tích, thương mại hóa…[12] Nền giáo dục tại Việt Nam đang cần đến một triết lý giáo dục nhân bản đích thực và toàn diện.[13]

8. Thừa hưởng truyền thống tôn giáo Á Đông, được biểu lộ qua những hình thức tín ngưỡng đa dạng, người Việt Nam dễ hướng về “Ông Trời” và tôn kính Tổ Tiên. Chính niềm tin đó là nền tảng cho đời sống đạo đức để họ quý trọng sự sống, ăn ở ngay lành và sống hài hòa với mọi người.[14] Tuy nhiên, tâm thức tôn giáo nơi người Việt Nam thường thiên về tình cảm, giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Khuynh hướng này dễ đưa đến chủ trương “tương đối hóa tôn giáo”, gây khó khăn cho việc trình bày cũng như lãnh hội giáo lý mạc khải của Kitô giáo.[15] Hơn thế nữa, một khi không được đặt nền trên lý trí khao khát chân lý, tâm tình tôn giáo cũng dễ bị lay động trước những trào lưu duy vật và hưởng thụ.

9. Những phân tích trên cho thấy sự tương tác mật thiết giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa và đời sống tôn giáo.[16] Một mặt, sự phát triển hiện nay đã tác động sâu rộng trên đời sống đức tin và luân lý. Mặt khác, sự thăng tiến con người toàn diện và sự phát triển bền vững của xã hội phải được đặt nền trên những giá trị đạo đức và tôn giáo.[17]

Đây quả là một thách đố lớn cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội: Làm thế nào có thể thi hành sứ mệnh yêu thương và phục vụ của Đức Kitô giữa những đổi thay không ngừng của xã hội? Làm thế nào có thể chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho đại đa số người Việt chưa biết Chúa Giêsu? Tuy nhiên, chính thách đố này lại trở thành cơ hội thuận lợi thúc đẩy Giáo Hội canh tân, “tự vấn lương tâm trong tư cách cộng đồng cũng như trong tư cách cá nhân, xem chúng ta có thể sống đức tin thế nào cho tốt hơn và thi hành hiệu quả hơn sứ mệnh chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu”.[18] Chính vì thế, trong tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tại Việt Nam cần xác tín và sống đúng với căn tính của mình, củng cố sự hiệp thông, phát huy nhiệt tình truyền giáo, để chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Đức Kitô trên đất nước này.

Chương II: MẦU NHIỆM GIÁO HỘI

“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).

10. Thiên Chúa không muốn cứu rỗi con người riêng rẽ nhưng qui tụ họ thành một dân tộc,[19] một cộng đoàn,[20] một gia đình của Ngài,[21] vượt lên trên những khác biệt về thể lý, chủng tộc, văn hóa.[22] Giáo Hội là Dân Thiên Chúa được tuyển chọn từ ngàn xưa (x. St 17, 4-7),[23] trở thành dấu chỉ và khí cụ của Thiên Chúa tình yêu giữa lòng lịch sử nhân loại, một lịch sử vốn xen lẫn bóng tối và ánh sáng, đang rên xiết chờ ngày vinh quang của con cái Thiên Chúa được tỏ hiện (x. Rm 8, 19-22).[24]

Giáo Hội thực sự làgia đình của Thiên Chúa, có Thiên Chúa là Cha, có Đức Kitô là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc, và có Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp thông.[25] Các tín hữu là những “người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2, 19).[26] Hình ảnh Giáo Hội-Gia Đình gần gũi với tâm thức, kinh nghiệm và suy nghĩ của tín hữu Việt Nam nói riêng và người dân Việt nói chung.[27] Hình ảnh đó trình bày Giáo Hội như một cộng đoàn hợp nhất yêu thương, liên đới, chung tay làm việc, chứ không nặng cơ cấu và luật lệ, nên dễ được đón nhận hơn đối với tâm thức người Việt.[28] Do đó, cần nghiên cứu, suy tư và trình bày Giáo Hội như gia đình của Thiên Chúa, để hội nhập thần học Kitô giáo vào xã hội Việt Nam.[29] Trên nền tảng thần học đó, các mục tử xây dựng những kế hoạch mục vụ “giáo xứ là gia đình của các gia đình”,[30] canh tân cử hành phụng vụ và cầu nguyện trong bầu khí hiệp thông gia đình, cũng như phát triển những hoạt động mục vụ gia đình.[31]

11. Được Lời Chúa qui tụ, Dân Thiên Chúa chỉ có thể được xây dựng vững vàng trên nền tảng Lời Chúa.[32] Được lắng nghe với lòng chân thành và kiên nhẫn, Lời Chúa sẽ trở thành nguồn sống dưỡng nuôi, ánh sáng soi đường và sức mạnh củng cố đức tin của các tín hữu trong mọi hoàn cảnh. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam cho thấy các hình thức sống Lời Chúa qua những việc đạo đức truyền thống như Đàng Thánh Giá, Kinh Truyền Tin, Kinh Mân Côi, Kinh cầu nguyện sớm tối, v.v… đã nuôi dưỡng và củng cố đời sống đức tin của bao thế hệ. Những việc đạo đức ấy thật đáng trân trọng và cần bảo tồn cũng như đổi mới và phát huy. Đồng thời, các tín hữu Việt Nam cần làm quen với Lời Chúa hơn nữa. Do đó Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”,[33] khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu.[34] Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày,[35] đặc biệt theo phương thức Lectio divina.[36]

Cùng với việc học hỏi Lời Chúa, việc dạy và học giáo lý là đòi hỏi tối cần thiết trong đời sống Giáo Hội, nhất là trong thời đại ngày nayđầy rẫy những luồng tư tưởng nghịch với Tin Mừng.[37] Đại Hội Dân Chúa mong mỏi sớm có được những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần gũi với văn hóa Việt Nam.[38] Đồng thời, Lời Chúa phải là nền tảng cho mọi chương trình thường huấn cũng như đào tạo chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên.[39]

12. Giáo Hội làNhiệm Thể Đức Kitô, có Đức Kitô là Đầu, Thủ lãnh, nguyên lý sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.[40] Giáo Hội được chuộc lại không phải bằng vàng bạc, nhưng bằng Máu châu báu của Đức Kitô (x. 1 Pr 1, 18-19). Khi được qui tụ và hợp nhất quanh vị giám mục nơi bàn tiệc Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, thông phần vào sự sống Đức Kitô và được biến đổi nên giống Người,[41] được xây dựng thành cộng đoàn hiệp thông huynh đệ và dấn thân rao giảng Tin Mừng.[42] Như thế,Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội.[43] Do đó, các mục tử phải chú tâm đến việc cử hành Thánh Thể thật sốt sắng và xứng đáng, nhất là ngày Chúa Nhật, và hướng dẫn cộng đoàn tham dự Thánh Lễ cách ý thức, tích cực và sống động hơn.[44] Các ngài cũng cần thúc đẩy và canh tân việc sùng kính Thánh Thể, vốn đã từng nổi bật trong truyền thống Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.[45]

Ý thức về thân phận tội lỗi của mình,[46] các tín hữu cần khiêm nhường thống hối và đón nhận ơn tha thứ qua bí tích Giao Hòa, để xứng đáng là chi thể trong Nhiệm Thể Đức Kitô. Bí tích Giao Hòa vừa là bí tích của hiện tại qua việc tha tội vừa là bí tích của tương lai nhằm xây dựngtình hiệp thông giữa gia đình con cái Thiên Chúa.[47] Ước mong các mục tử luôn quảng đại và sẵn sàng hơn nữa trong việc giúp các hối nhân lãnh nhận bí tích Giao Hòa .[48]

13. Giáo Hội làĐền thờ của Chúa Thánh Thần, được xây trên mười hai cột trụ là các tông đồ của Con Chiên (x. Kh 21, 14), được trang hoàng bằng muôn vàn ân sủng của Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 12, 4-11; Rm 12, 4-8), Đấng là nguyên lý hợp nhất, làm phát sinh và thúc đẩy đức ái.[49] Trong đền thờ này, Giáo Hội kết hợp với Chúa Giêsu là Hy Tế chân thật, hiến dâng chính mình làm của lễ thơm tho đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12, 1; Kh 8, 3-4; Tv 141, 2), dâng lên Thiên Chúa niềm tri ân và ngợi khen, cùng với những âu lo và hy vọng của toàn thể nhân loại và tạo thành (x. Ep 5, 20; Pl 4, 6-7). Cộng đoàn tín hữu Việt Nam cần phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc vun trồng đời sống nội tâm, nhấn mạnh chiều kích thiêng liêng trong mọi chương trình huấn luyện cũng như mục vụ. Như vậy, mọi thành phần trong Giáo Hội được kêu gọi nên thánh, vươn đến đức ái trọn hảo, theo gương khiêm nhường và phục vụ của Đức Kitô. Thật vậy, nếu Giáo Hội Việt Nam hãnh diện có 117 Thánh Tử Đạo chuyển cầu cho mình cạnh Tòa Chúa, thì hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần đến sự thánh thiện của con cái mình, những tín hữu can đảm sống Tin Mừng trong mọi môi trường làm việc giữa đời thường.[50] Chính qua cách sống đó, lễ dâng của Giáo Hội được tiếp tục cử hành trong đời sống các tín hữu.

14. Theo khuôn mẫu Ngôi Lời nhập thể, Giáo Hội mang đặc tính vừa thần linh vừa nhân loại, trong đó những yếu tố nhân loại phải qui hướng và lệ thuộc yếu tố thần linh.[51] Giáo Hội không phải là thực thể duy linh cũng không phải là một tổ chức thuần túy nhân loại, nhưng nơi Giáo Hội, “cái hữu hình là dấu chỉ và dụng cụ của cái vô hình, còn cái vô hình được nhập thể trong cái hữu hình”.[52] Vì thế, Giáo Hội được gọi là bí tích cứu độ. Như vậy, phẩm trật và nhiệm cục bí tích thuộc về yếu tính của Giáo Hội. Trong chiều hướng đó, các tín hữu Việt Nam phải vượt qua lối sống đạo “vụ hình thức”, đồng thời cần hiểu đúng ý nghĩa “đạo tại tâm”.[53] Vì là một thực tại tôn giáo chứ không phải thực tại chính trị hay kinh tế, nên Giáo Hội không bao giờ tìm cách thay thế chính quyền, nhưng chỉ mong muốn sử dụng tất cả khả năng để phục vụ Thiên Chúa và con người.[54] Đàng khác, Giáo Hội rất quan tâm đến sự thăng tiến nhân bản của các tín hữu và đồng bào của mình, xem đó là thành phần thiết yếu trong việc phát triển con người toàn diện và phát triển vững bền của xã hội.[55] Giáo huấn này phải hướng dẫn và chi phối mọi nỗ lực canh tân đời sống cầu nguyện cũng như các kế hoạch về truyền giáo, công bằng xã hội và giáo dục.

15. Cũng trong ánh sáng mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Giáo Hội ý thức rằng hội nhập văn hóa và tính bản địa là đòi hỏi nội tại của đức tin Kitô giáo.[56] Một khi đã đón nhận Tin Mừng, Giáo Hội địa phương có trách nhiệm làm cho Tin Mừng thấm nhuần các giá trị văn hóa trong dân tộc mình.[57] Tiến trình này không xóa bỏ nhưng thanh lọc và làm cho bản sắc dân tộc thêm phong phú nhờ các giá trị Tin Mừng, nhất là giá trị của tình yêu thương “đến cùng”, yêu thương “ngay cả kẻ thù”.[58]

Theo đường hướng đó, Giáo Hội Việt Nam phải nghiên cứu tường tận bản sắc văn hóa dân tộc, hầu có thể phân định những gì là tốt đẹp,[59] để diễn tả đức tin bằng những nét văn hóa ấy đồng thời đem tinh thần Phúc Âm thấm vào các sinh hoạt văn hóa, cụ thể như các dịp lễ tết và ma chay cưới hỏi.[60] Cũng thế, cần khuyến khích và hướng dẫn các văn nghệ sĩ Công Giáo trong các sáng tác của họ. Ngoài ra, những chương trình huấn luyện ở mọi cấp phải quan tâm đến việc học hỏi về hội nhập văn hóa.[61]

16. Giáo Hội là bí tích của Nước Thiên Chúa nơi đó Thiên Chúa là tất cả cho mọi người (x. 1 Cr 15, 25-28; Ep 1, 21-22), nên phải luôn ý thức rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới làm cho Nước Trời đạt tới viên mãn; vậy Giáo Hội không ngừng cầu xin cho “Nước Cha trị đến” (Lc 11, 2; Mt 6, 10). Đồng thời, Giáo Hội cũng là “Nước Chúa trong trạng thái hạt mầm”, là “Nước Chúa đang tăng trưởng”.[62] Vì thế, Giáo Hội có sứ mệnh yêu thương và phục vụ, hướng dẫn nhân loại đạt tới hạnh phúc chân thật.[63] Các môn đệ Đức Kitô “không hề coi thường các thực tại nhân sinh”,[64] nhưng “sẵn sàng cộng tác tích cực với mọi người xây dựng trần thế”,[65] vì tất cả những gì tốt lành và thiện hảo sẽ không bị phá hủy mà được nên hoàn hảo trong Nước Chúa vĩnh cửu và phổ quát.[66] Không có sự đối kháng giữa niềm chờ mong Nước Chúa và nỗ lực xây dựng trần thế, do đó phải tránh xa quan niệm và lối sống phân cách giữa đức tin và đời sống hàng ngày.[67] Cũng vì thế, cần phải cảnh giác trước mọi hình thức tội lỗi và can đảm vượt thắng chủ nghĩa tục hóa, óc cục bộ và vô tín, bởi vì những điều ấy hạ thấp phẩm giá con người.[68] Như vậy, Giáo Hội đồng hành với thế giới như một ngôn sứ, chia sẻ những khổ đau và vui buồn của nhân sinh, can đảm chống lại sự ác dưới mọi hình thức, vì hạnh phúc toàn diện của con cái Thiên Chúa, và kiên trì khơi lên nơi lòng người niềm hy vọng vào Thiên Chúa tín trung.[69]

17. Đang khi mong chờ Ngày Đức Kitô lại đến và trong nỗi khát khao được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa, Giáo Hội sống thời gian hiện tại trong tình hiệp thông với Giáo Hội thiên quốc và những chi thể đã ra đi trước. Người giáo dân Việt Nam luôn yêu mến nhìn lên Đức Maria với tình con thảo và dành cho Mẹ lòng tôn kính đặc biệt. Trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, Giáo Hội tại Việt Nam luôn tin tưởng kêu xin ơn phù hộ của Đức Nữ Vương uy quyền, cũng như sự trợ giúp của Thánh Cả Giuse và lời chuyển cầu của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tuy nhiên, lòng sùng kính Đức Maria và các thánh cần được đặt trên nền tảng Kinh Thánh và giáo lý vững chắc, tránh những hình thức quá nặng tình cảm. Đồng thời người Công Giáo Việt Nam cần biểu lộ lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên đúng theo giáo huấn của Giáo Hội và hợp với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

18. Trong thân phận lữ hành, Giáo Hội không thể tránh khỏi những khó khăn, thử thách, và ngay cả bách hại. Tuy nhiên thay vì bi quan, thù hằn hay sợ hãi,[70] các tín hữu được mời gọi khám phá ở đó những ơn lành của Thiên Chúa: được nên giống Đức Kitô, được chia sẻ Chén và Phép Rửa của Người (x. Mc 10, 38-39), và được thanh luyện nên Hiền Thê trung tín của Người (x. Ep 5, 25-27; Kh 19, 8; 21, 9b-11). Thật vậy, “dù gian truân, khốn khổ, đói rách, bắt bớ v.v…, không điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu” (Rm 8, 39). Hơn nữa, bằng chính kinh nghiệm lịch sử của mình, Giáo Hội tại Việt Nam làm chứng cho chân lý Phúc âm: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Máu của các chứng nhân tử đạo thực sự là “hạt giống trổ sinh các Kitô hữu” (Tertullianô).

19. Tóm lại, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.[71] Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước.[72] Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước.[73] Qua cuộc hành trình thiêng liêng của Năm Thánh 2010, chính Chúa Thánh Thần đốt nóng và canh tân lòng trí chúng ta để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, xây dựng tình hiệp thông sâu xa trong Giáo Hội và đi tới những biên cương mới của sứ vụ.

Chương III: HIỆP THÔNG TRONG GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA

“Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17, 21).

20. Cộng đoàn các môn đệ được Chúa Giêsu thiết lập tiên vàn là để ở với Người (x. Mc 3, 14), lắng nghe Người (x. Lc 10, 39) và chia sẻ đời sống với Người (x. Ga 1, 39). Trong Chúa Thánh Thần, chúng ta nên một với Đức Kitô và nhờ Người, nên một với Thiên Chúa Cha. Từ đó, chúng ta nên một với nhau làm thành Giáo Hội. Mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi vừa là suối nguồn vừa là mẫu mực và cùng đích của hiệp thông trong Giáo Hội.[74] Theo giáo lý truyền thống, hiệp thông là thông phần cùng một Chúa Thánh Thần, thông dự các thực tại thánh, và thông công giữa các thánh. Như thế, nguồn mạch và nền tảng cơ bản cũng như điều kiện thiết yếu cho sự hiệp thông giữa các tín hữu trong Giáo Hội, chính là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Không kết hợp với Thiên Chúa thì không thể nói đến hiệp thông trong Giáo Hội được.[75] Đồng thời, sự hiệp thông hữu hình trong cùng một giáo lý các tông đồ, cùng một cử hành bí tích và cùng một tổ chức phẩm trật, là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông vô hình với Thiên Chúa.[76]

21. Sự hiệp thông trong yêu thương giữa các tín hữu là hoa quả của Chúa Thánh Thần (x. Rm 14, 17; Gl 5, 22-23) và là dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông với Thiên Chúa, vì “ở đâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa”.[77] Đức tin công giáo và tông truyền đòi hỏi Giáo Hội tại Việt Nam hiệp thông với Giáo Hội phổ quát và hợp nhất với Đức Giáo Hoàng là đầu mối của đức ái, là nguyên lý và nền tảng hữu hình, trường tồn của sự hợp nhất trong Giáo Hội.[78]

22. Hiệp thông với Giáo Hội phổ quát, Giáo Hội tại Việt Nam củng cố và phát huy sự hiệp thông với các Giáo Hội chị em, cách riêng tại Châu Á. Sự liên đới với các Giáo Hội tại Châu Á không những thể hiện sự hợp nhất mà Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện: “Xin cho họ nên một” (Ga 17, 21), mà còn làm phong phú kinh nghiệm sống và cách trình bày đức tin nhờ những trao đổi suy tư thần học, mục vụ và tu đức.[79] Giáo Hội tại Việt Nam cần tiếp tục vun trồng tình hiệp thông liên đới này bằng nhiều cách thế khác nhau.

23. Sự hiệp thông đích thực và sâu xa trong Giáo Hội cần được thể hiện nơi từng giáo phận cũng như giữa các giáo phận. Qua sự hợp nhất yêu thương giữa mọi thành phần Dân Chúa như trong một gia đình, các cộng đoàn vừa là dấu chỉ vừa là trường dạy hiệp thông. Mối tương quan giữa giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân được đặt nền trên phẩm giá bình đẳng của mọi tín hữu, cũng như tinh thần đồng trách nhiệm của từng tín hữu nơi Thân Mình Đức Kitô trong đức tin, cậy, mến.[80] Đại Hội Dân Chúa mong muốn Giáo Hội tại Việt Nam củng cố sự hiệp thông và tham gia trong đời sống Giáo Hội ở mọi cấp bậc, tạo điều kiện để mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội”.[81] Trên thực tế, điều này chưa được thể hiện đồng đều và rõ nét ở cấp giáo phận cũng như giáo xứ. Vì thế, việc xây dựng một Giáo Hội hiệp thông và tham gia phải là mối quan tâm mục vụ hàng đầu của Giáo Hội tại Việt Nam trong những năm sắp tới.[82]

24. Xây dựng Giáo Hội hiệp thông và tham gia không hề làm giảm vai trò lãnh đạo của các vị mục tử và hàng giáo phẩm. Lòng yêu mến và kính trọng của tín hữu Việt Nam đối với các mục tử phát xuất từ cảm thức đức tin. Họ gắn bó và hiệp thông với giám mục giáo phận trong tinh thần vâng phục vì xác tín rằng giám mục là “nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hợp nhất trong Giáo Hội địa phương”.[83] Cũng vì thế, trước những trào lưu tư tưởng hiện đại có nguy cơ làm cho đời sống đức tin và luân lý của các tín hữu bị dao động, Dân Chúa tại Việt Nam mong mỏi có được sự hướng dẫn cụ thể và kịp thời từ các giám mục là thầy dạy, là người bảo vệ đức tin và phong hóa.

25. Sự hiệp thông của Giáo Hội còn được biểu lộ qua sự chia sẻ trách nhiệm của hàng giáo sĩ với giám mục của mình, như chu toàn các phận vụ được trao, hòa nhập vào đường hướng mục vụ chung của giáo phận và Giáo Hội. Về phần mình, các giám mục nên quan tâm đồng hành, lắng nghe và nâng đỡ các linh mục. Cũng trong tinh thần này, cần khích lệ và cổ võ sự liên đới tương trợ giữa các giáo phận về nhân lực cũng như tài lực.

26. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam cho thấy vai trò quan trọng và sự đóng góp tích cực của các tu sĩ, những anh chị em tận hiến đời mình để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi, bằng một tình yêu vô vị lợi. Trong hoàn cảnh hiện nay, để phát huy tình hiệp thông và tham gia trong Giáo Hội, các tu sĩ cần hòa nhập những hoạt động tông đồ của mình vào chương trình mục vụ chung của các giáo phận, nơi họ đang hiện diện và phục vụ. Sự hợp tác hài hòa giữa giáo phận, giáo xứ và dòng tu, cần được khuyến khích và cổ võ, nhằm đáp ứng những nhu cầu đa dạng của Dân Chúa và xã hội.

27. Công đồng Vatican II đã mở đường cho sự tham gia đa dạng của giáo dân vào đời sống Giáo Hội, ngay cả trong việc đào tạo linh mục. Giáo Hội khắp nơi đều thu lượm được nhiều hoa quả từ định hướng này. Trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam, giáo dân đã và đang góp phần thật phong phú và quảng đại cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, như mang Tin Mừng của Chúa đến những vùng xa xôi hẻo lánh, chia sẻ công sức tiền của, nhất là những lời cầu nguyện và bao hy sinh âm thầm để xây dựng sự hưng thịnh và sinh động của cộng đoàn Dân Chúa. Thật đáng trân trọng những đóng góp quý giá đó, nay Giáo Hội cần quan tâm hơn đến việc phát huy phẩm chất của giáo dân bằng cách tổ chức các khóa huấn luyện về thần học, giáo lý, Kinh Thánh, mục vụ.[84] Đồng thời, cần canh tân những đường hướng và qui chế tổ chức giáo phận và giáo xứ, để giáo dân có cơ hội thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội.[85]

28. Cũng thế, trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam, nữ giới đã và đang góp phần tuy âm thầm nhưng rất quan trọng trong việc xây dựng Dân Chúa. Tuy nhiên, quan niệm ‘trọng nam khinh nữ’ ít nhiều vẫn tồn tại. Điều này không tương hợp với lời thánh Phaolô: “không còn nam hay nữ, nhưng tất cả chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3, 28). Vì vậy, Giáo Hội tại Việt Nam cần đề cao vai trò của phụ nữ và tạo điều kiện giúp họ thăng tiến, tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, giáo phận.[86]

29. Theo gương Chúa Giêsu, Đấng luôn ưu ái những người trẻ, Giáo Hội hoàn vũ đang nỗ lực mời gọi người trẻ cộng tác và tham gia vào đời sống cộng đồng Dân Chúa. Tại Việt Nam, Giáo Hội nên nghiên cứu và mạnh dạn tổ chức những cử hành phụng tự thích hợp, khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hội đoàn và những sinh hoạt cộng đồng, để ngày càng có thêm nhiều người trẻ quảng đại và can đảm, sống đức tin cách sinh động và trưởng thành. Công việc mục vụ đó cần được chuẩn bị chu đáo bằng việc giáo dục đức tin và nhân bản cho thiếu nhi. Nhờ đời sống thiêng liêng vững mạnh, giới trẻ Công Giáo sẽ góp phần tích cực và bền vững vào việc lành mạnh hóa xã hội hay dấn thân truyền giáo tại những nơi xa xôi.[87]

30. Lịch sử cứu độ đạt đến cùng đích khi Thiên Chúa thâu họp tất cả trong Đức Kitô (x. 1 Cr 15, 23-24).[88] Giáo Hội lữ hành chính là hoa quả đầu mùa của sự hiệp thông cánh chung đó. Thật vậy, khi mọi thành phần trong gia đình Giáo Hội nỗ lực sống hợp nhất trong đức tin và hiệp thông trong đức ái, thì chính đó đã là một lời chứng hùng hồn cho Tin Mừng hiệp thông.[89] Vì thế, mọi thành phần Dân Chúa phải cộng tác với nhau, trong tác động của cùng một Chúa Thánh Thần, để xây dựng Giáo Hội như “dấu chỉ và khí cụ của sự hợp nhất giữa Thiên Chúa với con người cũng như giữa con người với nhau”.[90] Đây cũng là chìa khóa của việc thi hành và chu toàn sứ mệnh được trao phó cho Giáo Hội.[91]

Chương IV: LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG HOÀN CẢNH NGÀY NAY

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21).

31. Giáo Hội nhận lãnh cùng một sứ vụ mà Đức Kitô lãnh nhận từ Chúa Cha (x. Ga 20, 21) là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Sứ vụ này làm nên chính lý do hiện hữu của Giáo Hội giữa lòng thế giới.[92] Vì vậy, khi đón nhận Tin Mừng, Giáo Hội tại Việt Nam cũng nhận lãnh sứ vụ loan báo Tin Mừng Đức Kitô cho từng người và mọi người, nhờ đó họ khám phá ý nghĩa đời sống và được lớn lên như những con người mới.[93] Nhận thức đức tin này khiến Đại Hội Dân Chúa nhấn mạnh rằng “thay vì coi truyền giáo chỉ như một trong những hoạt động của Giáo Hội, thì nay cần nhìn sứ mệnh truyền giáo như nắm men thấm nhập, khơi dậy và chi phối mọi khía cạnh đời sống Giáo Hội”.[94] Do đó, cần dành mọi nỗ lực và hoạt động, từ vật chất đến thiêng liêng và mục vụ, cho mục tiêu này.

32. Sứ vụ này mang tính duy nhất và toàn diện. Duy nhất, vì tất cả đều khởi đi và quy hướng về con người Đức Giêsu Nadaret và mầu nhiệm của Người. Người là Con Thiên Chúa, Đấng vừa khai mở vừa là hiện thân của Vương Quốc Thiên Chúa qua mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh. Vì thế, khi thi hành sứ vụ nhất thiết phải công bố Danh Chúa Giêsu.[95] Toàn diện, vì sứ vụ bao gồm nhiều hoạt động: công bố Tin Mừng lần đầu tiên (kerygma), huấn giáo nhằm xây dựng sự trưởng thành đức tin, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập mọi lãnh vực đời sống xã hội và văn hóa.[96] Do đó có mối liên hệ mật thiết giữa sứ vụ loan báo Tin Mừng và việc phục vụ sự sống cùng sự phát triển con người toàn diện.[97] Chính Chúa Giêsu dạy Giáo Hội hướng đi này. Cho dù mối quan tâm hàng đầu của Người là rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng quan tâm đến công bằng xã hội và nhu cầu vật chất của dân chúng. Như thế, Tin Mừng của Người liên kết mật thiết với sự phát triển những giá trị nhân linh, và không hề tách rời đức tin khỏi cuộc sống. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, Giáo Hội tại Việt Nam xác tín rằng Dân Chúa cần tích cực cộng tác với mọi người thiện chí, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Đó là phương thế cụ thể để thi hành sứ vụ duy nhất và toàn diện của Đức Kitô trên đất nước này.

33. Là công dân trong một đất nước, người Công Giáo Việt Nam có bổn phận yêu mến và xây dựng quê hương. Đồng thời, chúng ta thi hành bổn phận này với tinh thần Phúc Âm, khi thể hiện chức năng tiên tri bằng tiếng nói chân thành và có trách nhiệm, “thực thi yêu thương trong chân lý và thực thi chân lý trong yêu thương”.[98] Theo ý nghĩa đó, Đức Bênêđictô XVI nhắn nhủ các tín hữu Việt Nam: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng là người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt”.[99]

Để thực hiện lời mời gọi này, các tín hữu cần thấu triệt giáo huấn của Giáo Hội về xã hội.[100] Giáo huấn này sẽ soi sáng cho các tín hữu biết cách yêu mến quê hương, yêu thương mọi người không trừ một ai, quan tâm phát triển nhân bản và văn hóa, xây dựng công bằng, tình liên đới, sự bình đẳng và tự do tôn giáo qua nẻo đường hiền lành và khiêm nhường, bao dung và tha thứ.[101] Định hướng này sẽ mở đường cho những chương trình mục vụ của Giáo Hội tại Việt Nam, đặc biệt cho thiếu nhi, giới trẻ và di dân.[102] Như Đức Kitô, Giáo Hội không bao giờ thỏa hiệp với tội lỗi và bất công, nhưng đồng thời yêu thương hết thảy mọi người, với lòng nhân hậu xót thương của Thiên Chúa. Các tín hữu của Chúa Giêsu phải lấy việc lành mà vượt thắng lối sống bạo lực, ích kỷ, hưởng thụ và phóng túng (x. Rm 12, 9-21; 1 Pr 3, 15-16; 4, 3-4).

34. Để chu toàn sứ vụ duy nhất và toàn diện của Giáo Hội, mỗi tín hữu, theo ơn gọi riêng của mình, đều phải dấn thân loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, vì sứ vụ của Giáo Hội cốt yếu mang tính cộng đoàn, nên không một tín hữu nào có thể thi hành sứ vụ cách riêng lẻ. Chính vì thế, các tín hữu Việt Nam, cá nhân cũng như cộng đoàn, phải tích cực tham gia vào cùng một kế hoạch chung mà giám mục địa phương hợp nhất với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề ra và chịu trách nhiệm chính. Đồng thời, “cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các giáo phận, giữa các giáo phận và các dòng tu, cũng như giữa các dòng tu với nhau”.[103]

35. Ngoài ra, mọi thành phần Dân Chúa cần ý thức về mối tương quan sâu xa giữa đời sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ. “Sứ vụ là hoạt động có tính chiêm niệm và là chiêm niệm mang tính hoạt động”.[104] Thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng là chia sẻ tặng phẩm quí giá nhất mà chúng ta đã lãnh nhận, đó là được biết Đức Kitô (x. Pl 3, 8). Như vậy, sứ vụ ấy trước hết là sự cảm nghiệm về Thiên Chúa đang sống và hoạt động trong mình, điều đó thôi thúc chúng ta phục vụ sự sống và phát triển con người toàn diện, từ thể lý đến tâm linh, từ văn hóa và xã hội đến đức tin và luân lý. Do đó, cần cảnh giác trước những cám dỗ lôi cuốn chúng ta rơi vào khuynh hướng đề cao hoạt động mà không quan tâm đến việc vun trồng đời sống nội tâm.

36. Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ với cung cách đặc biệt. Là Tiên Tri trung thành của chân lý Tin Mừng (x. Kh 1, 5), Người can đảm và kiên nhẫn kêu mời mọi người sám hối và sống theo ý định của Thiên Chúa (x. Mc 10, 2-12; Lc 13, 10-17). Là Tôi Tớ, Người khiêm nhường phục vụ nhân loại (x. Ga 13, 1-16; Lc 22, 27) đến độ hiến thân trên thập giá (x. 1 Pr 2, 22-24), biểu lộ uy quyền hiển trị của Thiên Chúa tình yêu. Là Tư Tế đích thực và là vị Trung Gian giầu lòng xót thương (x. Dt 4, 14-15; 9, 11-14), Người cùng sẻ chia mọi sự với gia đình nhân loại để dâng lên Chúa Cha những đau khổ, ưu sầu cũng như hạnh phúc và niềm vui của họ (x. Dt 4, 15; 2 Cr 8, 9).

Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta cần thi hành sứ vụ với cung cách của Người: can đảm và kiên trì loan báo chân lý Tin Mừng, khiêm nhường phục vụ, chân thành chia sẻ mọi nỗi niềm của con người, nhất là những người nghèo khổ.[105] Con người ngày nay không chỉ đón nhận Tin Mừng bằng cách “nghe” nhưng còn bằng cách “thấy”.[106] Vì thế, Đại Hội Dân Chúa đề nghị: trong các chương trình huấn luyện nhân sự ở mọi cấp, cách riêng huấn luyện chủng sinh, tu sĩ nam nữ, vấn đề không chỉ là trau dồi kiến thức nhưng còn là hình thành một cung cách sống và phục vụ của sứ giả Tin Mừng.[107]

37. Để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, Đại Hội Dân Chúa quan tâm đặc biệt đến lãnh vực giáo dục. Chúng tôi đề nghị chính quyền mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo và những người thành tâm thiện chí tham gia vào việc giáo dục học đường “là chìa khóa cho tương lai tươi sáng của đất nước”.[108] Giáo Hội Công Giáo có thể cống hiến cho xã hội triết lý và kinh nghiệm giáo dục của mình, nhằm đào tạo những con người có trách nhiệm với bản thân, với tha nhân và xã hội. Đồng thời, Giáo Hội mong ước các cộng đoàn Kitô hữu, gia đình cũng như các đoàn thể, giáo xứ cũng như các dòng tu, hãy hết sức quan tâm đến giáo dục, hỗ trợ những học sinh nghèo, nâng cao trình độ học vấn của giới trẻ, dạy nghề cho giới trẻ miền quê, đồng hành với giới giáo chức Công Giáo.[109]

Vượt xa việc chuẩn bị nghề nghiệp hay đóng khung trong học đường, giáo dục dẫn con người tới Đức Kitô, Con Người Hoàn Hảo.[110] Chính vì thế, “giáo dục đức tin phải là sợi chỉ xuyên suốt, là tinh hoa và cùng đích của hết thảy nỗ lực giáo dục gia đình, học đường và xứ đạo”.[111] Nền giáo dục như thế sẽ giúp người thụ giáo lắng nghe Thiên Chúa và tìm ra được ơn gọi của mình trong kế hoạch của Ngài.[112]

38. Cách đặc biệt, Giáo Hội xác tín rằng việc giáo dục lương tâm cho mọi người là hết sức cần thiết. Theo đề nghị của Đại Hội Dân Chúa, “các giáo xứ cần quan tâm đến nền giáo dục đại chúng về lương tâm, những giá trị nhân bản và văn hóa đối thoại, dưới ánh sáng Lời Chúa”.[113] Với lương tâm ngay chính, họ thoát khỏi chủ nghĩa tương đối về luân lý và sống đúng ơn gọi làm người của mình, giúp họ sống đạo cách ý thức và trưởng thành hơn. Ngoài ra, quyết định sống tốt một cách can đảm sẽ là một thông điệp mời gọi người khác cũng quyết định sống tốt.

39. Trong bối cảnh của xã hội Việt Nam, khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Giáo Hội cần đối thoại với các tôn giáo, với người nghèo, và với những anh chị em không tôn giáo. Đây là cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người. Đó cũng là cuộc đối thoại phục vụ ơn cứu độ.[114]

40. Cuộc đối thoại với các tôn giáo sẽ giúp Giáo Hội tại Việt Nam xác tín hơn nữa vào tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đang dẫn dắt mọi người tới Chân Lý toàn vẹn (x. Ga 16, 13). Tại Việt Nam, chúng ta nhậnthấy đức bác ái của đạo Công Giáo đã gặp gỡ lòng từ bi của Phật Giáo, cảm thức tâm linh của Đạo Giáo, triết lý xã hội của Khổng Giáo và lòng mộ đạo bẩm sinh của người dân Việt: luôn tôn kính Trời, thực hành Đạo Hiếu, bày tỏ lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành cũng như đối với các bậc anh hùng dân tộc…[115] Đồng thời, đối thoại cũng giúp Giáo Hội rộng mở hợp tác với các tôn giáo trong công cuộc lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người. Hơn thế nữa, đây còn là cơ hội để Giáo Hội canh tân lòng tin của mình vào Đức Kitô là Khởi Nguyên và Cùng Đích của toàn thể lịch sử nhân loại.[116] Ý thức tầm quan trọng của cuộc đối thoại với các tôn giáo, trong những năm sắp tới, Giáo Hội phải lưu tâm hơn nữa đến chiều kích này trong việc đào tạo nhân sự cũng như trong các hoạt động mục vụ.[117]

41. Sứ vụ loan báo Tin Mừng mời gọi các tín hữu quảng đại phục vụ con người, nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Chính Chúa Giêsu dành tình ưu ái đặc biệt cho những kẻ bé mọn. Việc đối thoại với người nghèo giúp cho Giáo Hội học được cách nhìn của Đức Kitô, khám phá nơi con người nhu cầu cần được yêu thương và tôn trọng chứ không chỉ là được ban phát của cải vật chất.[118] Đồng thời, Giáo Hội cũng nhận ra được những hình thức mới của sự nghèo khổ, bén nhạy trước những đổi thay của xã hội để kịp thời đáp ứng dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.[119] Theo gương Chúa Giêsu, Giáo Hội tại Việt Nam cần quan tâm đặc biệt đến những dân tộc ít người là những anh chị em còn phải chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế, xã hội cũng như văn hóa. Các bệnh nhân, những người tàn tật, già yếu, neo đơn, mồ côi, những thiếu nữ lầm lỡ, các tù nhân… cũng là những thành phần cần được chăm sóc nhiều hơn trong các hoạt động mục vụ. Các cộng đoàn Kitô hữu cần tìm cách thể hiện tình yêu thương phục vụ họ cách cụ thể, đồng hành với họ trong những khó khăn của đời sống, giúp họ nhận ra được niềm vui của đức tin khi được nên giống Đấng chịu đóng đinh và hoàn tất những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Người vì Hội Thánh (x. Cl 1, 24).

42. Trong cuộc đối thoại với anh chị em không tôn giáo, Giáo Hội nhìn nhận những nỗ lực và thiện chí của họ trong việc phục vụ công ích. Các tín hữu cũng nên ý thức phần trách nhiệm của mình trước hiện tượng dửng dưng, tục hóa, duy vật…, vì nhiều khi chúng ta “đã che giấu hơn là bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo”.[120] Đồng thời, với sự hiền hòa và lòng kính trọng, người Công Giáo “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình” (1 Pr 3,15), thẳng thắn trình bày quan điểm của Giáo Hội trước các vấn đề nhân sinh; nếu cần, sẵn sàng chấp nhận đau khổ để làm chứng cho chân lý Tin Mừng. Ngoài ra, qua cuộc đối thoại chân thành và thẳng thắn, Giáo Hội cũng có thể nhận ra hoạt động mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn con người, và học được cách thế trình bày niềm tin của mình cho con người ngày nay.

43. Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Giáo Hội nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng và nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận.[121] Thừa hưởng nền văn hóa Đạo Hiếu luôn lấy gia đình làm gốc, chúng tôi kêu gọi anh chị em giáo dân quan tâm xây dựng gia đình mình nên như Giáo Hội tại gia, trở thành trường dạy đầu tiên, nơi đào tạo những thế hệ mới vững mạnh trong đức tin và can đảm sống đạo đức, có trách nhiệm đối với xã hội và Giáo Hội.[122] Để thực hiện mục tiêu này, các giáo phận và giáo xứ cần hình thành một chương trình mục vụ tiền và hậu hôn nhân thống nhất và xuyên suốt, giúp gia đình thăng tiến đời sống cầu nguyện, tăng trưởng tình yêu hợp nhất và chung thủy, ươm mầm các ơn gọi, chung tay giáo dục con cái trong sự thánh thiện và bền vững trong ân sủng của bí tích Hôn nhân.[123]

44. Sống trong một đất nước có tỷ lệ dân số trẻ rất cao,[124] đồng thời kinh nghiệm được về khả năng, sự nhiệt tình và tính năng động của người trẻ, Giáo hội tại Việt Nam ý thức rằng người trẻ không chỉ là tương lai nhưng còn là chính hiện tại của Giáo Hội. Do đó, mục vụ giới trẻ vừa phải nhìn người trẻ như đối tượng cần được chăm sóc vừa phải xem họ như những chủ thể, sứ giả loan báo Tin Mừng, đặc biệt trong môi trường của giới trẻ.[125] Để thực hiện mục tiêu này, Giáo Hội tại Việt Nam cần đầu tư năng lực và thời giờ hơn nữa cho mục vụ-giáo dục giới trẻ,[126] cách riêng trong hoàn cảnh ngày nay khi người trẻ phải đối diện với nhiều khó khăn cũng như cám dỗ trong cuộc sống. Cần nghiên cứu cách nghiêm túc về tình hình giới trẻ và tìm kiếm những phương thế đồng hành thiết thực với họ trong cuộc sống. Theo hướng đi này, việc đào tạo những linh hoạt viên giới trẻ có tinh thần truyền giáo và biết làm việc tập thể là điều hết sức cần thiết.[127]

45. Đức Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: “Mong rằng anh em phát triển nền mục vụ thích hợp cho các người trẻ di dân trong nước, qua việc tăng cường sự hợp tác giữa các giáo phận gốc của họ và các giáo phận họ đến, và bằng việc cung cấp cho họ những lời khuyên về mặt đạo đức và các chỉ dẫn thực hành”.[128] Cảm nhận những khó khăn mà người di cư gặp phải trong các lãnh vực kinh tế, tình cảm, xã hội, tôn giáo…, Đại Hội Dân Chúa cũng đề nghị cần có “một cuốn cẩm nang chung về mục vụ di dân, trong đó hướng dẫn rõ ràng những nét cơ bản cần thiết được các giáo phận nhìn nhận, cách riêng trong lãnh vực hôn nhân và dự tòng”.[129] Đồng thời, chúng ta cũng nhận ra được những ơn lành Chúa ban qua anh chị em di dân trong việc xây dựng Giáo Hội và truyền bá đức tin. Mục vụ di dân phải “tạo điều kiện và thúc đẩy họ tham gia vào đời sống và sinh hoạt của cộng đoàn tín hữu địa phương”,[130] đóng góp những nét đặc sắc của mình vào đời sống và sinh hoạt của xã hội và Giáo Hội.[131]

46. Ngày nay, bảo vệ môi sinh không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là một bổn phận luân lý vì liên hệ đến sự sống và phẩm giá của hằng triệu người, trong hiện tại cũng như tương lai. Thiên Chúa đã trao phó vũ trụ cho con người để họ chăm sóc cách khôn ngoan và có trách nhiệm, chứ không phải để khai thác cách tàn bạo vì thèm khát lợi nhuận.[132] Phát triển là để phục vụ con người chứ không thể biến con người thành phương tiện và nạn nhân của phát triển. Do đó Giáo Hội có trách nhiệm hướng dẫn các tín hữu, nhất là người trẻ, biết gìn giữ và bảo vệ môi sinh, vì ích lợi của chính họ, của tha nhân và của cả thế hệ tương lai. Các mục tử nên tổ chức những khóa học về môi sinh cùng với những hướng dẫn cụ thể trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh sống của người dân địa phương.

47. Trong thời đại ngày nay, hơn bao giờ hết, Giáo Hội ý thức được vai trò và tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông đại chúng. Một đàng, các phương tiện truyền thông hiện đại là tặng phẩm Chúa ban cho Giáo Hội để loan báo Tin Mừng cách rộng rãi và nhanh chóng,[133] nhưng đàng khác, thực tế cho thấy những phương tiện này có thể bị lạm dụng, tạo ra chia rẽ, hận thù và phóng túng, gieo rắc lối sống đi ngược lại với nền văn minh tình thương và sự sống.[134] Vì thế, Giáo Hội cần hướng dẫn các tín hữu, cách riêng giới trẻ, để họ biết “sử dụng những phương tiện truyền thông cách hữu ích”.[135] Đồng thời, phải “khuyến khích những ai tha thiết với lãnh vực này cùng nhau làm việc” để kiến tạo nền văn minh của tình hợp nhất, tình liên đới và tương trợ trong Giáo Hội và xã hội, bằng cách phổ biến những giá trị Tin Mừng và nhân bản qua các phương tiện truyền thông.[136]

KẾT LUẬN

Thưa anh chị em,

48. Đại Hội Dân Chúa đã được diễn ra như một cử hành phụng vụ để cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa, như một hội ngộ gia đình để sống tình huynh đệ, đồng thời như một diễn đàn, “để các đại diện của mọi thành phần Dân Chúa sử dụng quyền tự do thiêng liêng của con cái Chúa, nói lên những nhận thức của trí tuệ được đức tin soi sáng, những thao thức của trái tim được đức mến nung nấu, và những khát vọng của ý chí được đức cậy khơi dậy, nhằm xây dựng và củng cố ngôi nhà Giáo Hội Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta hôm nay và ngày mai”.[137] Chính từ diễn đàn đó mà Thư Chung này được hình thành.

Thư Chung này được gửi đến tất cả anh chị em cùng với lòng biết ơn sâu sắc về lời cầu nguyện, những hy sinh, sự cộng tác nhiệt thành cũng như những góp ý chân thành của anh chị em cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội.

Thư Chung này cũng được gửi đến anh chị em với ước mong mỗi giáo phận, dòng tu, giáo xứ, gia đình, sẽ triển khai thành những hành động và việc làm cụ thể trong đời sống đức tin, góp phần thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng trong xã hội hôm nay cách thiết thực và hiệu quả.

Chúng ta hãy trao gửi mọi tâm tư ước vọng của mình cho Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, những người đã làm chứng cho Đạo yêu thương bằng đời sống thấm đậm tinh thần cầu nguyện và bằng cả sự hiến dâng mạng sống.[138]

Chúng ta hãy trao gửi mọi dự định mục vụ của Giáo Hội Việt Nam cho Đức Mẹ La Vang. Hợp với Mẹ, chúng ta cất cao lời ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa về mọi hồng ân Chúa ban trong Năm Thánh (x. Lc 1, 46-55). Hướng lên Mẹ, chúng ta học sống vâng phục Thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh (x. Mc 3, 34-35; Lc 11, 28; 1, 38). Noi gương Mẹ, chúng ta vững tin và kiên trì ngay giữa những thử thách và khó khăn mà Giáo Hội phải đương đầu (x. 2 Pr 1, 5-8; 1 Pr 1, 6-9; Dt 11, 32-39; Rm 8, 37). Cùng với Mẹ, chúng ta hăng hái lên đường thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước chúng ta.[139]

Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến! (Kh 22, 17, 20; 1 Cr 16, 22)[140]

Thư chung này được chính thức công bố

Ngày 01.05.2011, lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được phong Chân Phước.

Làm tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận TPHCM, ngày 28.04.2011

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Tổng giáo phận TP.HCM

Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, giáo phận Thanh Hóa, Phó chủ tịch HĐGMVN

Giám mục Laurensô Chu Văn Minh, phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ, SDB, giáo phận Thái Bình

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, giáo phận Vinh

Giám mục Giuse Nguyễn Năng, giáo phận Phát Diệm

Giám mục Giuse Đặng Đức Ngân, giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng

Giám mục Gioan Maria Vũ Tất, giáo phận Hưng Hóa

Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, giáo phận Hải Phòng

Giám mục Giuse Hoàng Văn Tiệm, SDB, giáo phận Bùi Chu

Giám mục Giuse Nguyễn Văn Yến, nguyên giám mục giáo phận Phát Diệm

Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, giáo phận Ban Mê Thuột

Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, phụ tá Tổng giáo phận Huế

Giám mục Matthêô Nguyễn Văn Khôi, giám mục phó giáo phận Quy Nhơn

Giám mục Giuse Võ Đức Minh, giáo phận Nha Trang

Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, giáo phận Kon Tum

Giám mục Giuse Châu Ngọc Tri, giáo phận Đà Nẵng

Giám mục Antôn Vũ Huy Chương, giáo phận Đà Lạt

Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, giáo phận Mỹ Tho

Giám mục Tôma Vũ Đình Hiệu, phụ tá giáo phận Xuân Lộc

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, phụ tá Tổng giáo phận TP.HCM, Phó tổng thư ký HĐGMVN

Giám mục Tôma Nguyễn Văn Tân, giáo phận Vĩnh Long

Giám mục Têphanô Tri Bửu Thiên, giáo phận Cần Thơ

Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, giáo phận Phan Thiết

Giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu, giáo phận Long Xuyên

Giám mục Tôma Nguyễn Văn Trâm, giáo phận Bà Rịa

Giám mục Đaminh Nguyễn Chu Trinh, giáo phận Xuân Lộc

Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ, giáo phận Phú Cường

Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước, giám mục phó giáo phận Phú Cường

TM. Hội Đồng Giám Mục

(đã ấn ký)

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục Hà Nội

Chủ tịch

(đã ký)

Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ, Giám mục Bắc Ninh

Tổng thư ký

————————-

[1]x. Đề cương “Giáo hội tại Việt Nam: Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ”, (từ đây viết tắt: Đề cương), số 1; Tài liệu làm việc, số 1.

[2]x. Sách lễ Roma, Kinh tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ; cũng x. Sứ Điệp của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010.

[3]x. Đề cương, số 3; Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (từ đây viết tắt: HĐGMVN), Thư chung 1992, số 2; Thư chung 2001 “Để Họ Được Sống Dồi Dào”, số 2.

[4]x. Đề cương, số 3; HĐGMVN, Thư chung 1992, số 3.

[5]x. Đề cương, số 3.

[6]x. FABC VII, Part II.A trong For All the Peoples of Asia, (từ đây viết tắt: For All) biên soạn do Eilers, Franz-Josef, vol. 3, trg. 6; HĐGMVN, Thư chung 1992, số 5, 6; Tài liệu Mục vụ chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000, c. Năm thứ ba (1999): Thiên Chúa Cha, “Phục vụ sự thăng tiến con người”; Thư chung 1998 “Hướng Về Năm Thánh 2000”, số 5.

[7]x. Đề cương, số 3, 5; HĐGMVN, Thư chung 1998 “Hướng Về Năm Thánh 2000”, số 5.

[8]x. Đề cương, số 3, 5; HĐGMVN, Thư chung 1998 “Hướng Về Năm Thánh 2000”, số 10-11.

[9]x. Giám mục Matthêô Nguyễn Văn Khôi, “Về Việc Giáo Dục Lương Tâm trong Bối Cảnh Truyền Giáo tại Việt Nam”, Tham luận tại Đại Hội Dân Chúa, 24.11.2010.

[10]x. HĐGMVN, Thư chung 1992, số 6.

[11]x. Đề cương, số 5; HĐGMVN, Thư chung 2007 “Giáo Dục Hôm Nay, Xã Hội và Giáo Hội Ngày Mai”, số 2, 8, 11; Thư chung 1992, số 6.

[12]x. HĐGMVN, Thư chung 2007 “Giáo Dục Hôm Nay, Xã Hội và Giáo Hội Ngày Mai”, số 11-14.

[13]x. Đề cương, số 5.

[14]x. Đề cương, số 4.

[15]x. Đề cương, số 4.

[16]x. HĐGMVN, Thư chung 2007, số 11-15, 34-38; Thư chung 2008, số 10-12; Thư chung 2002, số 3; Thư chung 1992, số 9-15.

[17]x. HĐGMVN, Thư chung 2007 “Giáo Dục Hôm Nay, Xã Hội và Giáo Hội Ngày Mai”, số 32-33; Thư chung 2008 “Về Môi Trường Giáo Dục Gia Đình Công Giáo”, số 17-18; Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ “Sống mầu nhiệm Giáo hội trên quê hương”, Tham luận tại Đại Hội Dân Chúa, 22.11.2010.

[18]Hồng y Ivan Dias, Bài giảng lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010; cũng x. Đề cương, số 6; HĐGMVN, Thư chung 2003 “Sứ Mạng Loan Báo Tin Mừng của Hội Thánh Việt Nam Hôm Nay”, số 7-8; Thư chung 2001 “Để Họ Được Sống Dồi Dào”, số 9-10; Thư chung 1989 “Hiệp Nhất, Mục Vụ, Sống và Chia Sẻ Niềm Vui”.

[19]x. Vatican II, LG 9.

[20]x. Vatican II, SC 41, 26; LG 23; CD 11.

[21]x. Vatican II, LG 6, 9; GS 24.

[22]x. Vatican II, LG 9, 13; cũng x. Gioan Kim Khẩu, In Jo., bài giảng 65, 1l PG 59, 361.

[23]x. Vatican II, LG 9; 2-4;

[24]x. Vatican II, LG 1; GS 45, 38.

[25]x. Vatican II, GS 40, 24, 32, 42, 92.

[26]x. Sách Lễ Roma, lời nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh.

[27]x. Đề nghị 1.

[28]x. HĐGMVN, Thư chung 2004 “Giáo Hội Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể”, số 7; The Asian Synod, biên soạn do Peter C. Phan, 2002, tr. 50.

[29]x. Đề nghị 1.

[30]x. Đức Bênêđictô XVI, bài giảng tại giáo xứ mới St. Corbinian ngày 20.3.2011.

[31]x. Đề nghị 17.

[32]x. PC 6; DV 25; HĐGMVN, Thư chung 2005 “Sống Lời Chúa”.

[33]Đề nghị 3; cũng x. Đức Bênêđictô XVI, Verbum Domini 85.

[34]x. Đức Bênêđictô XVI, Verbum Domini 74.

[35]x. Đề nghị 3; Đức Bênêđictô XVI, Verbum Domini 77-85.

[36]x. Lectio divina là một phương pháp cầu nguyện dựa trên Lời Chúa, gồm bốn bước: đọc, suy niệm, chiêm ngắm, thực hành; Đức Bênêđictô XVI, Verbum Domini 86-87.

[37]x. HĐGMVN, Thư chung 2007 “Giáo Dục Hôm Nay, Xã Hội và Giáo Hội Ngày Mai”, số 26-31; Tài liệu làm việc, số 26; Đề cương, số 35-38.

[38]x. Đề nghị 2.

[39]x. Đề nghị 21, 22.

[40]x. Vatican II, LG 7; GLGHCG 790-791; Đề cương, số 10; Tài liệu làm việc, số 5.

[41]x. Vatican II, SC 6, 41; Đức Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis 94, 77-78.

[42]x. Đức Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis 14-15; Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia 22, 20.

[43]x. Đức Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis 6-13; Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia 11-24; HĐGMVN, Thư chung 2004 “Giáo Hội Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể”, số 2-12.

[44]x. Đức Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis 36-55, 72-76; Đề nghị 6.

[45]x. Đề nghị 6; Tài liệu làm việc, số 14; Đức Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis 66-69; Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia 25.

[46]x. Vatican II, LG 8; Đức Gioan Phaolô II, Reconciliatio et Paenitentia 5-6.

[47]x. HĐGMVN, Tài liệu mục vụ chuẩn bị mừng Năm thánh 2000, số II, 2-3; Đức Gioan Phaolô II, Reconciliatio et Paenitentia 20-22.

[48]x. Đề nghị 6; Đức Gioan Phaolô II, Reconciliatio et Paenitentia 28-31.

[49]x. Tài liệu làm việc, số 6; Đề cương, số 11.

[50]x. Đề nghị 4. x. Bài giảng của Đức hồng y Ivan Dias, Lễ bế mạc Năm Thánh 2010 tại La Vang.

[51]x. Vatican II, SC 2.

[52]Tài liệu làm việc, số 7.

[53]x. Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia 35; Tài liệu làm việc, số 7.

[54]x. Đức Bênêđictô XVI, Huấn từ dành cho HĐGMVN nhân dịp Ad limina 2009, ngày 27.06.2009.

[55]x. Đề nghị 2, 7, 16, 19, 26.

[56]x. Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia 21-22; FABC/International Congress on Mission 14, trong For All, vol. 1, 130tt; Tài liệu làm việc, số 8.

[57]x. Vatican II, GS 58, 61.

[58]x. Vatican II, GS 38, 61; Đề nghị 23.

[59]x. Vatican II, GS 58.

[60]x. Đề nghị 7, 23.

[61]x. Đề nghị 8, 7, 23.

[62]x. Đề cương, số 13.

[63]x. Đức Phaolô VI, The Teachings of Pope Paul VI, 1970, tr. 192.

[64]Tài liệu làm việc, số 10.

[65]Đề cương, số 14.

[66]x. Vatican II, GS 39.

[67]x. Vatican II, GS 39, 42-44.

[68]x. Vatican II, GS 13, 27, 30.

[69]x. Vatican II, GS 1, 27-30; Đức Gioan Phaolô II, Redemptor Hominis 11-12, 19, 22.

[70]x. Sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010.

[71]x. Vatican II, LG 4.

[72]x. Đức Phaolô VI, “Opening Address of the Second Session”, trong Council Speeches of Vatican II, do H. Kung, Yves Congar và D. O’Hanlon biên soạn, Deus Books, (NY 1964), tr. 19; Đề cương số 8.

[73]x. Tài liệu làm việc, số 6.

[74]x. Tài liệu làm việc, số 12.

[75]x. Tài liệu làm việc, số 12.

[76]x. Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, “Giáo Hội Hiệp Thông theo Mô Hình Hiệp Thông của Ba Ngôi Thiên Chúa”, Tham luận tại Đại Hội Dân Chúa, 23.11.2010.

[77]Thánh thi Ubi caritas.

[78]x. Vatican II, LG 23.

[79]x. Tài liệu làm việc, số 15.

[80]x. Vatican II, LG 9; GLHTCG 782.

[81]X. Đề nghị 9.

[82]x. Tài liệu làm việc, số 16.

[83]x. Vatican II, LG 23.

[84]x. Đề nghị 11, 20, 21.

[85]x. Đề nghị 11.

[86]x. Đề nghị 11.

[87]x. Đề nghị 12.

[88]x. Vatican II, GS 39, 45.

[89]x. Tài liệu làm việc, số 2, 9, 13.

[90]Vatican II, LG 1.

[91]Đức Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2010.

[92]x. Vatican II, AG 2; Đức Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio.

[93]x. Đức Bênêđictô XVI, Verbum Domini 46, 121-123.

[94]Đề nghị 16.

[95]x. Đức Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi 22; Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia 19-20.

[96]x. Đức Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi 17; Đức Gioan Phaolô II Ecclesia in Asia 31.

[97]x. Thượng Hội Đồng Giám Mục, Justice in the World, 1971.

[98]x. Đức Bênêđictô XVI, Caritas in veritate.

[99]Đức Bênêđictô XVI, Huấn từ dành cho HĐGMVN nhân dịp Ad limina 2009.

[100]x. Đề nghị 27.

[101]x. Tài liệu làm việc, số 19.

[102]x. Đề nghị 26; 17.

[103]Đức Bênêđictô XVI, Huấn từ Ad limina 2009.

[104]Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia 23.

[105]x. HĐGMVN, Thư chung 2003 “Sứ Mạng Loan Báo Tin Mừng của Hội Thánh Việt Nam Hôm Nay”, số 9, 11; Thư chung 1980.

[106]x. Đức Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi 41; FABC, Appendix, Conclusions of the Theological Consultation, 23-25, trong For All, Vol. 1, trg. 340; Đề cương, số 33.

[107]x. Đề nghị 16; 17; 21; HĐGMVN, Thư chung 2007 “Giáo Dục Hôm Nay, Xã Hội và Giáo Hội Ngày Mai”, số 27.

[108]Đề nghị 26.

[109]x. Đề nghị 26.

[110]x. Vatican II, GS 22; Đức Gioan Phaolô II, Redemptor Hominis 7-11.

[111]Tài liệu làm việc số 26.

[112]x. Vatican II, Tuyên ngôn về Giáo Dục 1-3; Tài liệu làm việc, số 26.

[113]Đề nghị 26; HĐGMVN, Thư chung 2008 “Về Môi Trường Giáo Dục Gia Đình Công Giáo”, số 16.

[114]x. Đức Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi 75-79; Vatican II, GS 92; Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia 29.

[115]x. Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch HĐGMVN, “Lời chào mừng dịp lễ bế mạc Năm Thánh”, Hiệp Thông 63, tr. 116.

[116]x. Vatican II, GS 45, 93.

[117]x. Đề nghị 25; x. Vatican II, GS 92.

[118]x. Đức Bênêđictô XVI, Deus caritas est 18; Vatican II, GS 27; HĐGMVN, Thư chung 2001 “Để Họ Được Sống Dồi Dào”, số 11.

[119]x. Tài liệu làm việc, số 23.

[120]Vatican II, GS 19.

[121]x. Đề nghị 17; HĐGMVN, Thư chung 1992, số 18; Thư chung 2002 “Thánh Hóa Gia Đình”, số 6-7.

[122]HĐGMVN, Thư chung 1992, số 12

[123]x. Tài liệu làm việc số 29; HĐGMVN, Thư chung 2002 “Thánh Hóa Gia Đình”, số 8.

[124]x. Đề cương số 3.

[125]x. Tài liệu làm việc số 30; HĐGMVN, Thư chung 2001 “Để Họ Được Sống Dồi Dào”, số 20.

[126]Đề nghị 19.

[127]x. Đề nghị 19.

[128]Đức Bênêđictô XVI, Huấn từ Ad limina 2009.

[129]Đề nghị 20.

[130]Đề nghị 20.

[131]x. Đề nghị 20.

[132]x. Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia 41.

[133]x. Vatican II, Sắc lệnh về Truyền Thông 2.

[134]x. Vatican II, Sắc lệnh về Truyền Thông 2, 12-13.

[135]Đề nghị 28; cũng x. Vatican II, Sắc lệnh về Truyền Thông 5, 10.

[136]x. Đề nghị 28; Vatican II, Sắc lệnh về Truyền Thông 21-22.

[137]Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch HĐGMVN,Bài giảng Lễ khai mạc Đại Hội Dân Chúa 2010.

[138]x. Tài liệu làm việc, số 16.

[139]x. Đề cương, số 44; Tài liệu làm việc, số 32.

[140]x. HĐGMVN, Thư chung 1999 “Hãy Vui Lên”, số 2.
 
Khánh Thành Nhà thờ Suối Nhuôm, giáo phận Phan Thiết
Hồng Hương
09:48 04/05/2011
Sáng ngày 04.05.2011, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã cắt băng khánh thành và làm phép thánh hiến ngôi Nhà thờ mới cho Giáo họ Suối Nhuôm, thuộc giáo xứ Lương Sơn, Gp Phan Thiết. Đông đảo quý linh mục, tu sĩ, ân nhân, khách mời hiện diện tạ ơn và chung chia niềm vui với giáo họ.

Xem hình ảnh

Đồng tế với Đức Giám Mục có hai Cha Hạt Trưởng hạt Bắc Tuy và Phan Thiết và 20 linh mục trong ngoài Giáo phận. Nghi thức cắt băng khánh thành do Đức Cha Giuse, Cha Hạt trưởng Bắc Tuy và cha Phêrô Võ Tấn Luật (cha sở Giáo xứ Lương Sơn và kiêm nhiệm 2 họ lẻ Suối Nhuôm và Sông Lũy) tiến hành trước tiền đường nhà thờ mới. Đại diện Giáo họ đọc lược sử Giáo họ Suối Nhuôm. Đức Cha Giuse đọc lời nguyện và trao chìa khóa nhà thờ mới cho Cha Phêrô với ý nghĩa trao quyền chăm sóc hướng dẫn đàn chiên giáo họ cho cha. Cộng đoàn cùng với đoàn đồng tế hân hoan tiến vào nhà thờ.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha dẫn giải bài Tin Mừng Lc 19, 1-10, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu. Ngài lặp lại nhiều lần câu Chúa nới: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ”. Ông Giakêu đã đón Chúa vào nhà và sẵn lòng hoán cải để theo Chúa, nên ơn cứu độ không chỉ ông được hưởng mà tất cả những người trong nhà ông cũng được nhận lãnh. Thánh đường là nơi Chúa ngự, là điểm hẹn gặp gỡ của Chúa với dân Ngài, nơi mọi người gặp gỡ nhau, nơi các Bí tích được thực hiện gắn liền với cuộc đời của người tín hữu (khi sinh ra, khi kết hôn, khi lìa đời). Và nhất là từ đây, Tin Mừng được kín múc và được loan đi theo mọi bước chân người Kitô hữu. Đức Cha chúc mừng cha Phêrô, mừng giáo họ Suối Nhuôm và cám ơn quý ân nhân xa gần đã quảng đại chung góp để xây dựng ngôi nhà thờ nhỏ bé này cho bà con có nơi xứng đáng thờ phượng Chúa.

Sau thánh lễ, Đức Cha làm phép tượng đài Đức Mẹ.

Đến với lễ Khánh Thành hôm nay, mọi người còn được nhìn ngắm bức tường thánh giá rêu phong cũ kỹ là chứng tích của niềm tin kiên cường và tín thác vào tình yêu Thiên Chúa của giáo dân Suối Nhuôm dù bị bách hại, bị đốt phá hai lần (1948, 1952).

Nhà thờ Suối Nhuôm có diện tích khá khiêm tốn là 430m2 với kiến trúc đơn sơ nhưng toát lên vẻ tang nghiêm của một nơi thờ phượng. Công trình xây dựng được cha Phêrô Võ Tấn Luật cho khởi công vào tháng 4.2009. Quá trình xây dựng không mấy suôn sẻ vì khi làm xong phần móng, thì bị chính quyền đình chỉ, vì thiếu thủ tục giấy tờ. Cha Phêrô và bà con kiên nhẫn chờ đợi và phó thác nơi sự quan phòng của Chúa. Đến tháng 02.2010 công trình mới được tiếp tục thi công. Sau 12 tháng thì hoàn thành.

Giáo họ hiện có gần 400 giáo dân. Họ Suối Nhuôm nằm trên đường Quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Thiết chừng 30 km, trải dài trên 10 km2, nơi vùng đất nắng gió thuộc xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên thu nhập chỉ từ thiếu đến đủ ăn. Đất canh tác nằm trong vùng trũng nên mùa mưa nào cũng bị ảnh hưởng thiên tai. Cơn lũ tháng 10.2010 gây thiệt hại nặng nề cho bà con, nhất là những nhà gần sông.

Kể từ khi thành lập đến nay là gần 2 thế kỷ tồn tại cùng với những trang sử bi hùng, trong ngày trọng đại Khánh Thành Ngôi Nhà Thờ mới này, toàn thể Giáo họ vui mừng khôn xiết dâng lời Tạ Ơn lên Thiên Chúa, Đức Maria, Thánh Quan Thầy Giuse. Tri ân các Bậc Tiền Nhân đã dày công gầy dựng và gìn giữ đức tin cho con cháu hôm nay. Cách riêng, tri ân Đức Cha Giuse, hai Đức Cha tiền nhiệm, Cha Sở Phêrô Võ Tấn Luật, cùng quý linh mục, tu sĩ, ân nhân đã góp lời cầu nguyện, góp công góp của để Suối Nhum có được ngôi Nhà Thờ như niềm ước mong của bà con lâu nay.
 
Văn Hóa
Chiều cầu nguyện
Ngô xuân Tịnh, CVK
08:25 04/05/2011
Chiều trần thế hôm nay về lạnh lắm

Nhạc sầu thương vang dậy khúc xa xăm

Trong âm thầm quỳ bên tòa Mẹ đây

Khối sầu con tan thành giòng lệ chảy

Con run lên như muôn vàn ngọn nến

Cháy tiêu tan trong lửa hồng tình mến

Con ngất ngây trong ánh mắt dịu hiền

Hôn say sưa màu áo bạch trinh nguyên

Mẹ ơi Mẹ thuyền tình đà cập bến

Trong nghẹn ngào lời con nói không nên

Tay dịu hiền ôi rất mực huyền siêu

Vuốt ve con như gió mát ban chiều

Toàn thân con như bông lúa vô hồn

Cúi rạp mình dưới gió nhẹ chiều hôn

Ôi hương hoa của muôn vàn trần thế

Ướp hồn ta cho ngất lịm đê mê

Nhạc thiên cung vang mãi khúc vang xa

Say lảo đảo muôn vì sao cao cả

Ôi âm ba đừng rung nữa lòng ta

Mẹ ơi Mẹ ngoài kia trời đã tối

Lòng con đây say ánh sáng tinh khôi

Con nép mình dưới bóng Mẹ từ bi

Trút hết đi bao sầu tình thế kỷ

Con buồn chi trong mối sầu quan tái

Tiếng Mẹ hiền rót nhè nhẹ bên tai

Sầu tan đi theo gió thoảng đồng quê

Mặc tình con say lòng Mẹ thỏa thuê

Mẹ ơi Mẹ chiều đời về lạnh lắm

Nhạc trần gian vang mãi khúc xa xăm






 
Rộn ràng tháng hoa
Mic Cao Danh Viện
09:34 04/05/2011
Trời tháng năm! chuyển mình vào hạ

Gió đong đưa câu kinh vãn Đức Bà

Chuông nhà thờ giục giã gọi tháng hoa

Đoàn con cái rộn ràng về với Mẹ



Cánh hoa xinh xinh vườn hoa dương thế

Lộng lẫy yêu kiều hơn áo Salomon

Niềm phó thác là hương sắc cậy trông

Con tiến hoa trong dòng thơ điệu nhạc



Mẹ nhìn con, mắt Mẹ thơm câu hát

Khúc ầu ơ ngọt lịm tiếng ru con

Lời ca dao Mẹ dạy chữ vuông tròn

Mẹ yêu nhất ngàn hoa thơm nhân đức



Dẫn con vào tình Cha yêu thánh khiết

Muôn sắc hoa Mẹ chuyển hóa huyền siêu

Lời con dâng Mẹ trau chuốt mỹ miều

Thành hiến lễ dâng về Cha Toàn Ái



Con vụng về, Mẹ yêu loài hoa dại!

Nụ ươn hèn Mẹ điểm sắc canh tân

Hoa hoang mang Mẹ thêm lá ân cần

Cành yếu đuối Mẹ chen cây trông cậy





Tâm hồn con ! mùa hoa xuân lộng lẫy

Trái tim con ! Mẹ muốn cả bâù thơ

Nhân đức Mẹ con bắt chước từng giờ

Và cung kính dâng lời kinh khiêm hạ



Trường học Mẹ có bao điều nhiệm lạ!

Mỗi một môn là tình sử yêu thương

Mẹ là hoa mang sắc thắm thiên đường

Dẫu áo Salomon không sánh dường, nguyệt thẹn!



Mùa hoa này dẫu tình con chưa vẹn

Cũng xin dâng để dự tuyển trường thi

Mái trường Mẹ ! Hoa cứ sáng lưu ly!

Thành rộn rã mùa Tình Hoa Cứu Thế!



Rộn ràng mùa hoa

Tháng năm về dâng Mẹ

Con xin dâng

Một lễ tế khiêm nhu.






 
Tiết tháng năm
Jos. Tú Nạc, NMS
09:34 04/05/2011
Tiết tháng Năm bước về sao êm ả,
Khi trải đầy những thảm lối bước đi
Được đan kết bởi muôn hoa trôi giạt
Ai thể nói,
Nếu muôn hoa lên tiếng đỗi nhu mì:
“Này đây tháng Maria Thánh Mẹ,
Ngợi ca Người ta tán tụng vinh danh.
Êm ái, muợt mà, phủ muôn thảm trắng
Nơi khách lữ hành dẫu phải bước qua.”

Tháng Hoa 2011
 
Mẹ Maria, Mẹ Mân Côi
Tuyết Mai
09:37 04/05/2011
Lậy Mẹ Maria, Mẹ Nữ Vương!
Chúng con Kính Chào Mẹ!

Tháng Năm Tháng Hoa Đức Mẹ
Con gởi về Mẹ đôi lời kính yêu
Con yêu mến Mẹ thật nhiều
Sao bằng tình Mẹ sớm chiều yêu con

Tình Mẹ cao cả sắt son
Chỉ mong con cái bình an tâm hồn
Dẫu cuộc đời có trôi nổi có bấp bênh
Nhưng con có Mẹ không hề bận tâm

Dầu con chẳng nói thành lời!
Có chăng chẳng phải để đời khen con
Mẹ biết con mãi yêu Mẹ!
Tất cả mọi giờ trong ngày của con,
Con vẫn tơ tưởng ngóng về Mẹ luôn!

Cuộc đời con bơ vơ từ tấm bé,
Không nhờ ơn Mẹ, nuôi dưỡng con tháng ngày
Làm sao con có, được ngày hôm nay!?
Mẹ yêu con cả sớm chiều
Mẹ theo con suốt cuộc đời của con

Công Cha như núi thái sơn
Nghĩa Mẹ như nước Trên Trời chảy tuôn
Một lòng thờ Chúa tưởng Cha
Ngày đêm chạy đến bên Mẹ nỉ non
Nhờ Mẹ nguyện giúp dùm con
Mai sau diện kiến Tôn Nhan Chúa Trời

Mẹ ơi, tình Mẹ bao la ngút trời
Làm sao nói hết những lời Tạ Ơn
Tháng Năm là Tháng Hoa thiêng
Con dâng lên Mẹ Chuỗi Mân Côi thánh thiện

Mai sau nếu con được về Trời
Là nhờ Ơn Mẹ đỡ lời cho con
Mẹ hằng luôn bênh vực bao che
Bao nhiêu lỗi tội một đời con chất chồng
Cũng là nhờ con nhớ Mân Côi sớm tối

Mẹ ơi! Giờ con còn ở trần gian
Băn khoăn bao nỗi gian truân khốn cùng
Mẹ ơi, hãy thương con cùng
Mẹ thương, trợ giúp, con cưng của Mẹ

Bao nhiêu cám dỗ và thử thách
Mẹ là khiên thuẫn bảo vệ chở che con
Không muốn mai sau con mất linh hồn
Ngày càng xa Chúa nỡ nào Mẹ làm ngơ?

Mẹ ơi! Mẹ hỡi! Mẹ ời!
Con yêu mến Mẹ muôn đời Mẹ ơi!
Con mừng vì Mẹ không giống Mẹ trần gian
Chẳng hề đi đâu hết!
Muôn đời Mẹ mãi ở gần con

Chúng con cảm Tạ Mẹ!
Ngàn đời chúng con tạc ghi.
 
Truyện ngắn: Quán Rượu Nửa Đêm
Nguyễn Trung Tây, SVD
16:53 04/05/2011
Truyện Ngắn: Quán Rượu Nửa Đêm


Quán rượu vắng hoe vào khoảng 12 giờ đêm cũng là giờ đóng cửa. Người bartender lay gọi thằng Đình,
— Ê, dậy. Tới giờ quán đóng cửa.
Thằng Đình dụi hai mắt, ngơ ngác nhìn chung quanh, cái giầy bên chân trái đã rớt xuống sàn nhà từ hồi nào. Nó cúi xuống, nhặt lên chiếc giầy, sỏ lại vào chân,
— Ủa, tới giờ đóng cửa rồi sao?
— Mày là thằng khách cuối cùng đó con ạ. Nửa đêm rồi.
Thằng Đình móc tay vào túi quần lôi ra trong bóp một đồng, đặt lên quầy rượu. Nó đứng lên, giơ tay chào người bartender. Bóng thằng Đình đổ dài trên đường rồi biến mất sau cánh cửa của quán rượu vào lúc nửa đêm.
Ông Ricô biết thằng Đình khá lâu rồi. Lần đầu tiên nó bước vào quán rượu một mình. Thằng Đình chưa kịp mở miệng, ông nhăn mặt, xua tay,
— Ở đây không có bán kem.
Thằng Đình cười, nụ cười thông cảm,
— Tôi không ăn kem. Một ly Brandy Manhattan.
— Được, cho xem thẻ căn cước.
Thằng Đình móc bóp lấy thẻ lái xe đưa cho người bartender. Nhìn tấm hình rồi lại nhìn thằng Đình, ông Ricô không tin vào con mắt của mình, “Chúa ơi, thằng nhỏ Á Châu mặt non choẹt này đã dư tuổi uống rượu”.
Thằng Đình thỉnh thoảng ra quán. Thông thường nó đi một mình vào ban đêm khoảng 10 giờ tối. Ngồi tại quầy rượu, nó gọi một ly Brandy Manhattan, đôi khi Absolut Vodka, hút mấy điếu thuốc, rồi bỏ về vào khoảng nửa đêm lúc quán gần đóng cửa. Có một hoặc hai lần nó gục đầu ngủ quên trên quầy rượu. Khuôn mặt của thằng Đình hiện lên vài nét tinh nghịch với cái trán cao, tóc ngắn, chải với keo theo kiểu mới, sợi tóc đâm tua tủa lên trời. Cặp mắt mầu nâu, khi cười tạo nên hai đường dài nơi khóe mắt, nhưng lúc bình thường nhìn buồn thiu. Thằng Đình ít nói. Ban đầu ông Ricô tưởng nó không biết nói tiếng Anh. Khi thân với nó, ông biết tính của thằng khách trầm lặng. Nhưng nếu gặp đối tượng, đúng đề tài, thằng Đình sẽ nói, nói rất nhiều. Có mấy lần ông thấy hai ba bà khách sang trọng ngồi cạnh nó gợi chuyện, rủ đi chơi, nhưng thằng nhỏ lắc đầu nói cám ơn. Tò mò ông hỏi,
— Tao đợi mãi mà mấy bà khách sộp đó chưa bao giờ mở miệng hỏi han một câu, nói chi đến chuyện rủ đi ăn. Sao mày không đi với họ…sướng đủ điều?
Thằng Đình lười biếng, mặt không hứng khởi, không nói chi. Vào khoảng 11 giờ đêm, quán đã bớt khách, ông hay kéo ghế ngồi trước mặt nó nói chuyện. Nhờ thế ông mới biết thằng Đình đang học Cử Nhân ngành Tâm Lý. Những lúc học bài xong, rảnh rỗi, và hứng thú—theo lời nó nói—thằng Đình ra quán uống một ly rượu, rồi về nhà ngủ.
— Hồi mới gặp, tao tưởng mày là Chino.
Thằng Đình lắc đầu, bộ mặt bí hiểm,
— Tôi họ Nguyễn. Họ đó Chinos không có. Ông biết vị vua cuối cùng của Vietnamitas không?
Người bartender ngáp dài, lơ đãng nhìn người khách mở cửa bước vào quán, lắc đầu,
— Không. Nhưng coi phim The Last Emperor, tao biết Phổ Nghi là vua cuối cùng của người Trung Hoa.
Thằng Đình gõ tay xuống mặt quầy rượu,
— Ông về học lại Lịch Sử thế giới đi. Vua cuối cùng của Việt Nam là Bảo Đại. Ông ấy họ Nguyễn.
Ông Ricô trề môi, khịt mũi,
— Ai thèm học lịch sử nước mày.
Thằng Đình nhìn ông Ricô, nhếch miệng cười ruồi. Người bartender dáng người tầm thước. Bố Mễ, mẹ Ý. Đầu mũi cong xuống. Tóc đen, thẳng, cắt ngắn kiểu flat-top. Bụng khá to so với cái tuổi trung niên, có lẽ tại uống nhiều beer. Tính tình vui vẻ, thân thiện, hay nói, không giận ai lâu. Nghe thằng Đình nói ông vua cuối cùng họ Nguyễn, người pha rượu vắt cái khăn lau bàn màu trắng lên vai, đập tay thằng Đình,
— Ê, như vậy là mày thuộc về hoàng gia rồi.
Thằng Đình nhếch mép,
— Ông biết hoàng gia trong tiếng Việt Nam có nghĩa là gì không? Hoàng là hoàng đế, gia là gia đình, gia tộc. Hoàng gia có nghĩa là gia đình thuộc về hoàng đế. Nhưng tôi nghĩ hơi khác. Bên Việt Nam, chỉ có vua mới được mặc áo mầu vàng. Cho nên hoàng gia có nghĩa là gia đình có dính dáng đến mầu vàng. Ông có nhớ chất mà người ta thải ra ngoài mầu gì không?
Ông Ricô lắc đầu điệu bộ ngao ngán,
— Mày còn nhỏ mà sao ăn nói cay đắng vậy?
Những lúc máy điện toán bị trục trặc, ông Ricô nhờ thằng Đình ghé tới nhà sửa hộ. Trả công cho thằng Đình, ông nấu cho thằng nhỏ Spaghetti kiểu Ý, một món mì truyền thống gồm có thịt heo bầm vo viên trộn nhiều tỏi sống và cà chua ăn với bánh mì. Cơm dọn ra, ông với đứa con gái duy nhất đang học trung học và thằng Đình ngồi ăn tối. Con Maria có những bài toán không biết làm, sau bữa ăn hay mang ra nhờ brother Đình chỉ. Thằng Đình hình như không để ý đến con Maria. Có vài lần nó dẫn tới quán rượu một cô gái Á Châu. Về sau ông mới biết cô ta người Nhật. Nhìn cách hai đứa ngồi nói chuyện, ông biết thằng Đình mết con nhỏ. Cũng có một lần khác, thằng Đình tới quán với một người Á Châu lớn tuổi. Thoạt tiên ông tưởng là bố nó, bởi nghe thằng nhỏ gọi người này là father. Nhưng nó nói không phải.
— Ủa, vậy người đó là ai? Đừng nói với tao ông ấy là cố đạo nhé?
Thằng Đình chau mày nhìn ông Ricô, điệu bộ quan sát,
— Ông gốc Mễ, Công Giáo phải không?
Người bartender hất hàm,
— Rồi thì sao?
— Ông ta là cố đạo đó. Tôi học một lớp của ông ấy, lớp Triết.
— Mày mà không nói, tao tưởng người đó là ông già mày.
Thật là bất ngờ, sau câu nói của ông Ricô, thằng Đình nghiêm nét mặt nhìn thẳng vào mắt người bartender nói rõ từng chữ,
— Tôi không có bố.
Người bartender khựng lại,
— Xin lỗi! Tao nghe không rõ. Mày nói…mày không có bố hay là bố mày…chết rồi?
Thằng Đình nói chậm, rõ từng tiếng,
— Bố tôi còn sống, nhưng người đó không phải là bố tôi.
Người bartender giơ hai tay lên trời, điệu bộ phân bua,
— Tao không hiểu mày muốn nói chi.
Không để ý đến ông Ricô, thằng Đình lơ đãng nhìn vào ly rượu,
— Bố tôi còn sống, nhưng tôi…tôi không nhận người đó là bố.
Ông Ricô nhìn chung quanh, đèn mầu xanh đỏ chiếu hắt hiu lên một vài khuôn mặt còn sót lại trong quán rượu. Nhạc Jazz xa vắng tô đậm thêm nét vắng vẻ của quán vào lúc gần nửa đêm. Kéo ghế tới trước mặt thằng Đình, người pha rượu ngồi xuống. Trong chậm rãi ông hỏi, giọng thân tình,
— Ông bạn nhỏ, chuyện gì xảy ra vậy?
Thằng Đình cầm ly rượu lắc lắc những cục đá, đưa lên miệng. Người bartender khoác tay,
— Để tao pha cho mày một ly mới. Ly này của tao... Tao trả tiền ly này.
Thằng Đình nhìn người bartender đổ rượu ra ly. Một tay gõ nhè nhẹ lên mặt bàn gỗ, một tay nó chống cằm. Người pha rượu nhẹ nhàng đặt ly Brandy Manhattan trước mặt thằng Đình. Cầm ly rượu mới, nó không uống, nhưng lại xoay nhè nhẹ. Cuối cùng nó cầm ly đưa lên miệng uống một hơi,
— Người mà ông gọi là bố tôi vượt biển, bỏ lại mẹ tôi và tôi khi đó đang còn là một bào thai. Ông ta tới trại tỵ nạn, sau đó định cư ở Hoa Kỳ. Trong gần mười năm trời ông không viết thư về cho gia đình ngoại trừ lá thư báo tin đã tới đảo Pulao Bidong. Sau khi sinh ra tôi, mẹ tôi xoay sở làm đủ nghề. Nhưng bà ấy hiền quá, bị hết người này tới người kia gạt gẫm. Cuối cùng gia tài và sản nghiệp nhỏ nhoi của một cặp vợ chồng mới cưới tan theo mây khói. Túng quẫn, mẹ tôi đi ở đợ, làm mướn, sau cùng bế tôi đi…đi…đi ăn xin. Một thời gian đủ dài tôi được nuôi sống bởi những hạt cơm bố thí của thiên hạ. Bà ngoại tôi, một góa phụ từ hồi còn trẻ, một tay nuôi hai cô con gái nên người, không đồng ý cho mẹ tôi lấy người đó. Nhưng mẹ tôi cãi lại lời bà ngoại. Ngày hai người làm đám cưới, bà ngoại nằm ở trong nhà, quyết định không nhận mặt con rể. Sau khi cưới, bố mẹ tôi dọn nhà lên thành phố. Nghe bà con lối xóm kể chuyện gặp con gái bế thằng cháu ngoại đi ăn xin, bà ngoại đón xe lên thành phố ngồi đợi ở chợ nơi mẹ tôi ngày ngày ngửa tay xin tiền của thiên hạ. Mẹ tôi không chịu về làng nhưng chấp nhận để bà ngoại mang thằng cháu đi. Theo lời Dì Hoa, em gái duy nhất của mẹ tôi kể lại, khi đó tôi được hai tuổi, sài đụi, ghẻ lở, xanh lét như những lá trầu không bà tôi hằng ngày mang ra chợ bán. Bồng tôi về, bà ngoại nấu nước tắm với sả và phèn chua chữa bệnh ghẻ cho tôi. Bà nấu cháo pha đường, mua sữa hộp nuôi thằng cháu. Dì Hoa ngày ngày chạy qua cho tôi bú thép. Tôi lớn lên bên vườn trầu không xanh tươi sau nhà. Nhưng, hai năm sau khi tôi được bốn tuổi, bà ngoại qua đời. Dì Hoa mang tôi về nhà nuôi với ba đứa con. Ở với dì được khoảng hai năm, cả nhà dì tôi được đi sang Mỹ theo diện H.O. của chú tôi, dượng Ba. Một người bạn thân của mẹ tôi, bà ta có hai người con đang ở ngoại quốc, mang tôi về nhà. Một năm sau, bà ta bay sang Pháp đoàn tụ với con gái của mình. Cuối cùng người ta bỏ tôi vào Viện Cô Nhi Tình Thương do mấy Sơ Áo Trắng Dòng Thánh Phaolô phụ trách.
Ngày mẹ tôi nhận được giấy bảo lãnh, bà đến Viện Cô Nhi xin lại con mình. Khi đó tôi đã được mười hai tuổi. Nhìn người đàn bà xa lạ, tôi không chịu đi theo. Tôi khóc, tay bám chặt tà áo dòng trắng của Sơ Anna, người nuôi và dạy tôi học trong suốt năm năm trời. Mẹ mang tôi về ở tạm căn nhà bỏ hoang của bà ngoại. Tôi không ngừng tiếng khóc, bỏ ăn mấy ngày, rồi sốt nặng. Khi Sơ Anna đến thăm, tôi ngừng khóc, chạy ra nắm áo Sơ, đòi theo Sơ về lại Viện Cô Nhi. Trước tình cảnh đó, mẹ tôi chịu thua.
Tôi về ở lại với Sơ Anna áo trắng, không chịu đi Mỹ. Cuối cùng Sơ ôm tôi vào lòng, thủ thỉ nói, “Con đi sang đó, học giỏi, đi làm, gửi tiền về cho Sơ nuôi các em như Sơ đã từng nuôi và dạy con học. Con không đi, trong tương lai, Sơ không có tiền, Viện Cô Nhi sẽ phải đóng cửa”.
Nghe lời Sơ, tôi, mười ba tuổi bước chân lên phi cơ đi sang Mỹ. Còn hai ngày nữa, trước khi rời Việt Nam, vào một buổi chiều mẹ tôi tới Cô Nhi Viện, xin phép Sơ Anna dẫn tôi ra thăm mộ ông bà ngoại. Mẹ tôi đốt nhang cho hai ngôi mộ nằm cạnh nhau, rồi ngồi khá lâu trước mộ của bà ngoại. Cuối cùng bà quay sang tôi, gọi, “Đình...” Tôi nhìn mẹ, chờ đợi. “Mẹ…mẹ xin lỗi con”. Tôi ngơ ngác nhìn xuống tấm hình của bà ngoại trên bia mộ. Tôi nhớ lại tôi đã yên lặng, không biết nói gì. Tôi liếc nhìn thấy mắt mẹ đỏ hoe. “Mẹ vừa xin lỗi bà. Bây giờ mẹ xin lỗi con”.
Qua tới Mỹ vào năm lớp Mười Một có một lần tôi đi theo mấy thằng bạn đánh nhau với đám…đám Mễ và Mỹ đen—thằng Đình ngập ngừng, ngước nhìn ông Ricô. Tôi bị một thằng Mễ chém trúng một nhát khá sâu trên bắp tay phải. Ôm chặt lấy vết thương, tôi chạy về nhà. Bữa đó mẹ tôi về nhà sớm. Tôi thoáng thấy bà loay hoay nấu cơm trong bếp. Nhìn thấy tôi bỏ chạy lên phòng với bàn tay phải đẫm máu, bà đi theo tôi lên lầu. Tôi chạy vô phòng, đóng mạnh cánh cửa lại. Bất chợt tôi thấy cả một bầu trời rực sáng với những tia nắng lung linh nhảy múa. Quay cuồng với những đốm sáng, tôi ngã gục xuống sàn nhà, không kịp vặn chốt khóa cửa. Tôi thấy Sơ Anna mặc áo dòng trắng toát bước nhẹ vào phòng, đắp lên trán tôi miếng khăn ướt. Tôi thấy những dòng máu đỏ từ tay phải phun thẳng vào mặt và áo trắng của Sơ. Tôi hét lên, tỉnh cơn ác mộng! Mở mắt ra, tôi thấy mình đang nằm trên giường, tay băng kín. Mẹ tôi đang ngồi bên cạnh. Bà không nói gì, nhưng khẽ mỉm cười, nụ cười bao dung của Sơ Anna vào những lúc gặp tôi bị Mẹ Bề Trên phạt quỳ; nụ cười thánh thiện của Sơ Anna vào những lúc nhìn thấy tôi ngủ gật giật mình tỉnh giấc trong giờ kinh tối với các Sơ; nụ cười thiên đàng của Sơ Anna vào những lúc mang tô cháo nóng bốc mùi hành và tiêu sọ để trên đầu giường khi tôi bị bệnh. Tôi nhìn mẹ, nhìn thật lâu. Cuối cùng lần đầu tiên trong đời, vào năm mười bẩy tuổi, tôi giơ tay ra nắm bàn tay của người đàn bà đã sinh ra tôi, bế tôi đi ăn xin hai năm trời, và tôi mở miệng gọi “Mẹ ơi”...
Vết chém khá sâu khiến tôi bị sốt nặng. Ngày hôm sau mẹ tôi cáo ốm không đi làm. Bà lái xe đến trường xin phép cho tôi nghỉ học một tuần. Về lại nhà, bà mang tôi đi bác sĩ. Ông bác sĩ khâu lại vết chém, cho thuốc trụ sinh uống. Bà muốn nghỉ nguyên một tuần ở nhà với tôi; nhưng tôi nói, “Mẹ đi làm đi. Con thấy khỏe trong người rồi”. Mẹ nheo mắt cười với tôi, lại cái nụ cười bao dung của Sơ Anna! Sáng hôm sau bà đi làm, nhưng cứ khoảng hai tiếng lại gọi điện thoại về nhà. Chiều chiều bà nấu cháo với thịt heo bầm, rắc tiêu sọ và hành thơm cho tôi ăn. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy hạt mầm của tình mẫu tử nẩy lộc, đâm chồi trong lòng. Lần đầu tiên trong đời, những hờn giận với người đàn bà sinh ra tôi bắt đầu chịu bốc hơi, từ từ tan biến vào trong thinh không. Lần đầu tiên trong đời, tôi chấp nhận là mình có một người mẹ…
Thằng Đình dừng lại, trầm ngâm với dòng tư tưởng.
— Còn trước đó?
Người pha rượu lên tiếng phá vỡ bầu không khí yên lặng. Cầm tờ giấy napkin lau khóe miệng, thằng Đình nói,
— Tôi nghĩ mình là con mồ côi, không cha không mẹ…
Vo tròn tờ giấy napkin lại, thằng Đình tiếp tục,
— Vào một buổi tối trước khi rời nhà vô đại học, lấy hết can đảm tôi nhắc lại câu chuyện trước nấm mộ của ông bà ngoại. Tôi hỏi tại sao mẹ lại nói với tôi những lời nói đó trước mộ của bà ngoại. Mẹ nhìn tôi, mặt đăm chiêu xa vắng, “Hôm đó mẹ ra mộ chia tay với ông bà ngoại. Mẹ sợ không còn cơ hội về lại quê nhà thăm mồ mả ông bà. Lúc đứng trước mộ của bà ngoại, mẹ…mẹ xin lỗi bà…” Mẹ tôi dừng lại, do dự. Tôi bật miệng hỏi, “Có phải…tại mẹ…mẹ cãi lời bà không”? Mẹ lắc đầu, điệu bộ cương quyết, “Không! Mẹ không xin lỗi bà về chuyện hôn nhân của riêng mình. Cho đến ngày hôm nay, mẹ chưa có một lần hối hận đã lấy bố con. Có thể bố không yêu mẹ như mẹ yêu bố. Nhưng trong tình yêu, mẹ không hối tiếc đã yêu bố con, đã lấy bố con”. Tôi nhìn ánh mắt long lanh của mẹ, yên lặng chờ đợi. “Mẹ xin lỗi bà vì mẹ vắng mặt trong những ngày cuối đời của bà. Mẹ cũng xin lỗi bà vì đã thiếu bổn phận với con…” Mẹ tôi nuốt nước miếng, nói tiếp, “Mẹ nói cho bà ngoại biết tại sao mẹ đã quyết định…đi ăn xin. Mẹ kể cho bà ngoại nghe lại câu chuyện hồi xưa. Mẹ nói cho bà ngoại biết…

Có một thời gian con bế thằng Đình đi làm mướn, làm con sen ở đợ cho người ta. Rồi con gái của mẹ bị người ta làm nhục... Sợi dây thừng đã được treo lên đà ngang của căn nhà, đã buộc vào cổ. Đang chuẩn bị đạp cái ghế dưới chân, thằng con hai tháng nằm trên nôi tỉnh giấc, bật tiếng khóc, khóc liên tục, khóc không ngừng. Tại sao nó khóc? Con không hiểu. Mới khoảng 15 phút trước đó, con đã cho nó những dòng sữa nóng. Con đã nghĩ rằng đây là lần cuối cùng nó được áp chặt khuôn mặt vào ngực của mẹ nó, được cười tung tóe, được đạp chân no nê, được ngây thơ u ơ. Tiếng khóc của nó đã đánh thức cơn mê sảng của con. Và con quyết định bước xuống... Sau khi mẹ mang cháu ngoại của mẹ về làng, con gặp một người đàn bà. Bà ta mang con về nhà giúp việc. Con tưởng gặp được người tốt, nhưng không phải. Người đàn bà này buôn bán, không phải hàng hóa nhưng thân xác phụ nữ. Lại thêm một lần nữa, con bị ép, bị làm nhục. Lần này con hoàn toàn quỵ ngã. Con không đứng dậy nổi nữa. Con buông trôi cuộc đời... Sống trong một hoàn cảnh như vậy, làm sao con dám về làng gặp lại mẹ, gặp em mình và gặp đứa con”?...

Yên lặng chen kẽ những thánh thót lăn dài trên hai gò má của mẹ tôi. Tôi nắm lấy tay mẹ bóp nhè nhẹ...
Tối hôm đó tôi ngủ ngon, một giấc ngủ thanh bình. Trong giấc ngủ tôi nghe được những tiếng hò từ thuở xa xăm khi mẹ bế trên tay, ví dầu, à ơi ru thằng bé cọc còi thiếu sữa, thằng bé gầy gò xanh mướt. Từ đó mẹ thỉnh thoảng hiện ra trong giấc mơ. Mẹ mặc áo trắng như Sơ Anna. Tóc mẹ đen, dài thướt tha. Tay cầm đũa thần, mẹ vẩy lên không trung những ngôi sao bạc lóng lánh. Tôi chạy theo mẹ hét to, “Mẹ ơi”! Tôi cúi xuống nhặt đầy trên hai lòng bàn tay những ngôi sao mẹ ban phát từ trời cao. Những ngôi sao tràn đầy trên hai bàn tay rớt xuống, vướng vào người biến tôi thành một ngôi sao sáng chói trên bầu trời…
Ông Ricô chớp chớp mắt. Hai con mắt của người bartender long lanh phản chiếu ánh đèn mầu của quán rượu. Ông bật miệng,
— Sao mày khổ vậy!
Thằng Đình không phản ứng. Nó im lìm, lơ đãng, trầm ngâm,
— Có những lúc tôi thắc mắc ngày hôm đó nếu không té xỉu, có lẽ bây giờ mình vẫn còn mồ côi mẹ. Bởi bất tỉnh, tôi không kịp khóa lại cánh cửa. Cửa phòng của tôi rộng mở, người đàn bà đó bước vào được trong căn phòng tâm hồn. Bà dìu từng bước dẫn đưa thằng bé mồ côi lên giường. Bà thận trọng băng bó lại vết dao của thể xác và của tinh thần. Bà cẩn thận lau sạch những vết máu đỏ vẫn đang lăn dài trong trái tim và trên thân xác. Bà nhẹ nhàng đắp lên vầng trán nóng sốt miếng khăn ướt lạnh dịu mát những cơn gió nóng của giận và của hờn. Bà vẫn thế, chưa bao giờ mở miệng trách móc tôi một lời, nhưng kiên nhẫn, đợi chờ. Và tôi tỉnh lại. Và bà ta trở thành mẹ của tôi, từ thể xác cho tới tâm hồn.
www.nguyentrungtay.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sớm Mai Trên Sông
Tâm Duy, Lm
21:42 04/05/2011
SỚM MAI TRÊN SÔNG
Ảnh của Tâm Duy, Lm
Ngọt ngào từ trời đêm
Nghiêng một dòng trăng sữa
Mặt sông vàng lai láng
Thấp thoáng bóng thuyền đưa.
(Trích thơ của Hồng Vinh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền