Ngày 09-04-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật Lễ Lá 10 Tháng Tư dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:46 09/04/2022

CHÚA NHẬT LỄ LÁ – Năm C

TIN MỪNG (Kiệu Lá) Lc 19:28-40

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giê-su dẫn đầu các môn đệ, tiến lên Giê-ru-sa-lem. Khi đến gần làng Bết-pha-ghê và làng Bê-ta-ni-a, bên triền núi gọi là núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó đi. Nếu có ai hỏi: ‘Tại sao các anh cởi lừa người ta ra,’ thì cứ nói: ‘Chúa có việc cần dùng!’”

Hai người được sai liền ra đi và thấy y như Người đã nói. Các ông đang cởi dây lừa, thì những người chủ nói với các ông: “Tại sao các anh lại cởi lừa người ta ra?” Hai ông đáp: “Chúa có việc cần dùng.”

Các ông dắt lừa về cho Đức Giê-su, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên. Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên:

Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa!

Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!

Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!”

Người đáp: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!”

Đó là Lời Chúa. 

BÀI ĐỌC 1 Is 50:4-7

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.

Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.

Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.

Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.

Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Pl 2:6-11

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.

Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa.”

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Pl 2:8-9

Vì chúng ta, Đức Ki-tô đã tự hạ, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

TIN MỪNG Lc 22:14-23:56

NK. Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi đến giờ ăn tiệc Vượt Qua, Đức Giê-su vào bàn với các Tông Đồ. Người nói với các ông:

CG. “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.”

NK. Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói:

CG. “Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến.”

NK. Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói:

CG. “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”

NK. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói:

CG. “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.

Nhưng này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi như đã ấn định, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người.”

NK. Các Tông Đồ bắt đầu bàn tán với nhau xem ai trong Nhóm lại là kẻ toan làm chuyện ấy.

Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giê-su bảo các ông:

CG. “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.

Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en.”

NK. Rồi Chúa nói:

CG. “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.”

NK. Ông Phê-rô thưa với Người:

MN. “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng.”

NK. Đức Giê-su lại nói:

CG. “Này anh Phê-rô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy.”

NK. Rồi Người nói với các ông:

CG. “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?”

NK. Các ông đáp:

MN. “Thưa không.”

NK. Người bảo các ông:

CG. “Nhưng bây giờ, ai có túi tiền thì hãy mang theo, ai có bao bị cũng vậy; còn ai chưa có gươm thì bán áo đi mà mua. Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất.”

NK. Các ông nói:

MN. “Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây.”

NK. Người bảo họ:

CG. “Đủ rồi!”

NK. Sau đó, Người đi ra núi Ô-liu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông:

CG. “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.”

NK. Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng:

CG. “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha.”

NK. Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Lòng xao xuyến bồi hồi, nên Người càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.

Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, Người liền nói với các ông:

CG. “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.”

NK. Người còn đang nói, thì một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Đức Giê-su để hôn Người. Đức Giê-su bảo hắn:

CG. “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?”

NK. Thấy việc sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi:

MN. “Lạy Chúa, chúng con tuốt gươm chém được không?”

NK. Thế rồi một người trong nhóm chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải. Nhưng Đức Giê-su lên tiếng:

CG. “Thôi, ngừng lại.”

NK. Và Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành.

NK. Sau đó Đức Giê-su nói với các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục đến bắt Người:

CG. “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến? Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm.”

NK. Họ bắt Đức Giê-su, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phê-rô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phê-rô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói:

MN. “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!”

NK. Ông liền chối:

MN. “Tôi có biết ông ấy đâu, chị!”

NK. Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói:

MN. “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!”

NK. Nhưng ông Phê-rô đáp lại:

MN. “Này anh, không phải đâu!”

NK. Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết:

MN. “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Ga-li-lê.”

NK. Nhưng ông Phê-rô trả lời:

MN. “Này anh, tôi không biết anh nói gì!”

NK. Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.

Những kẻ canh giữ Đức Giê-su nhạo báng đánh đập Người. Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi rằng:

MN. “Nói tiên tri xem: ai đánh ông đó?”

NK. Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người.

Khi trời sáng, đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp. Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Đồng và hỏi:

MN. “Ông có phải là Đấng Mê-si-a thì nói cho chúng tôi biết!”

NK. Người đáp:

CG. “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời. Nhưng từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng.”

NK. Mọi người liền nói:

MN. “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?”

NK. Người đáp:

CG. “Đúng như các ông nói, chính tôi đây.”

NK. Họ liền nói:

MN. “Chúng ta cần gì lời chứng nữa? Chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói!”

NK. Toàn thể cử toạ đứng lên, điệu Đức Giê-su đến ông Phi-la-tô.

Họ bắt đầu tố cáo Người rằng:

MN. “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa.”

NK. Ông Phi-la-tô hỏi Người:

MN. “Ông là Vua dân Do-thái sao?”

NK. Người trả lời:

CG. “Chính ngài nói đó.”

NK. Ông Phi-la-tô nói với các thượng tế và đám đông:

MN. “Ta xét thấy người này không có tội gì.”

NK. Nhưng họ cứ khăng khăng nói:

MN. “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê cho đến đây.”

NK. Nghe nói thế, ông Phi-la-tô liền hỏi xem đương sự có phải là người Ga-li-lê không. Và khi biết Người thuộc thẩm quyền vua Hê-rô-đê, ông liền cho áp giải Người đến với nhà vua lúc ấy cũng đang có mặt tại Giê-ru-sa-lem.

NK. Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội.

Vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô. Ngày hôm ấy, vua Hê-rô-đê và tổng trấn Phi-la-tô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù.

NK. Bấy giờ ông Phi-la-tô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói:

MN. “Các người nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các người, mà không thấy người này có tội gì, như các người tố cáo. Cả vua Hê-rô-đê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các người thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.”

NK. Nhưng tất cả mọi người đều la ó:

DC. “Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi!”

NK. Tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người. Ông Phi-la-tô muốn thả Đức Giê-su, nên lại lên tiếng một lần nữa. Nhưng họ cứ một mực la lớn:

DC. “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!”

NK. Lần thứ ba, ông Phi-la-tô nói với họ:

MN. “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.”

NK. Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.

Ông Phi-la-tô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu. Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giê-su thì ông trao nộp theo ý họ muốn.

Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su. Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói:

CG. “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: ‘Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!’ Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”

NK. Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Người.

Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng:

CG. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”

NK. Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.

Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo:

MN. “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!”

NK. Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói:

MN. “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!”

NK. Phía trên đầu Người có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.”

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người:

MN. “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”

NK. Nhưng tên kia mắng nó:

MN. “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”

NK. Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su:

MN. “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”

NK. Và Người nói với anh ta:

CG. “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

NK. Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giê-su kêu lớn tiếng:

CG. “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.”

NK. Nói xong, Người tắt thở.

(quỳ gối, thinh lặng trong giây lát)

NK. Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng:

MN. “Người này đích thực là người công chính!”

NK. Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.

Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến những việc ấy.

Khi ấy có một người tên là Giô-xếp, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành A-ri-ma-thê, một thành của người Do-thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa.

Ông đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. Hôm ấy là áp lễ, và ngày sa-bát bắt đầu ló rạng.

Cùng đi với ông Giô-xếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào.

Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sa-bát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền.

Đó là Lời Chúa.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Hôm nay phụng vụ giúp chúng ta sống lại cảnh Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem, đồng thời mời gọi chúng ta tiến bước theo Người trên con đường thập giá. Trong tâm tình thờ lạy, ngợi khen và tín thác, chúng ta cùng tha thiết dâng lời nguyện xin:

1. Thiên Chúa đã biểu dương sức mạnh trong sự vâng phục và tự hạ của Đức Giêsu. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn biết làm sáng danh Chúa bằng thái độ mau mắn chu toàn thánh ý Người, và khiêm tốn phục vụ tha nhân. Chúng ta cùng cầu xin Chúa

2. Người Do Thái tung hô Đức Giêsu là Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến. Chúng ta cầu xin Chúa cho nhiều người, nhiều quốc gia trên thế giới được ơn nhận biết và qui phục vương quyền của Thiên Chúa, luôn hướng lên Người như lẽ sống và cùng đích của cuộc đời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa

3. Cuộc vượt qua của Chúa Kitô đem lại ơn giải thoát toàn diện cho con người. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những ai đang đau khổ vì bệnh tật, đặc biệt những bệnh nhân do COVID-19 và chiến tranh tại Ukraine gây nên, thiên tai hay bất công xã hội ở khắp nơi, tìm được niềm an ủi nơi cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa, luôn sống trong hy vọng và bình an đích thực. Chúng ta cùng cầu xin Chúa

4. Thập giá là con đường duy nhất và chắc chắn đưa tới vinh quang. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, biết nỗ lực sống các giá trị Tin Mừng, và can đảm đón nhận thập giá trong đời sống hằng ngày, với ý thức rằng “Qua thập giá đến vinh quang” để xứng đáng được dự phần vinh quang với Chúa Kitô. Chúng ta cùng cầu xin Chúa

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu rất nhân từ, cuộc Vượt Qua của Chúa đã đổ tràn hồng ân cứu độ cho nhân loại. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con luôn vững bước theo Chúa trên con đường thập giá, để nên một với Chúa trong vinh quang đời đời. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:51 09/04/2022

3. Một người là linh mục thì suốt đời vẫn là linh mục.

(Thánh Don Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:54 09/04/2022
45. KHÁCH KHÓC RƯỢU

Người nọ mời khách, khách vừa mới đưa tay cầm ly rượu thì bỏ xuống khóc lớn, chủ nhân hoang mang vội hỏi:

- “Tại sao bi thương như thế?”

Người khách nói:

- “Tôi bình thường rất thích rượu, bây giờ rượu đã chết rồi, do đó mà khóc lớn”.

Chủ nhân cười nói:

- “Rượu làm sao mà chết được chứ?”

Trả lời:

- “Mặc dù không chết, nhưng tại sao trong ly không có mùi vị gì hết vậy”.

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 45:

Có nhiều người thích nghe lời giáo huấn của Giáo Hội, có nhiều người thích đọc Thánh Kinh, thích tham dự các nghi lễ của Giáo Hội, nhưng lại thất vọng vì có một số người Ki-tô hữu sống không có mùi vị Ki-tô hữu, mà mùi vị Ki-tô hữu chính là yêu thương và phục vụ.

Thánh Phao-lô tông đồ nói: nếu chúng ta có nói được các thứ ngôn ngữ của loài người và của thiên thần, mà không có mùi vị yêu thương, thì là vô ích; nếu như chúng ta có tổ chức rước kiệu trọng thể kính Mình Máu Thánh Chúa hoặc kính Đức Mẹ, có kèn trống xập xình náo nhiệt, nhưng cuộc sống không có phảng phất mùi vị yêu thương và phục vụ, thì chỉ làm cho người khác chê cười mà thôi; nếu chúng ta đem tiền của ra bố thí, xây nhà cho người nghèo ở, nhưng không có mùi vị yêu thương trong việc bố thí, thì chỉ là con số không mà thôi...

Người khách rất thích rượu nhưng thấy rượu mà vẫn khóc, vì trong ly không có mùi vị của rượu.

Thiên Chúa cũng rất buồn khi có những người lấy danh Ngài để làm việc bố thí, nhưng lại không có chút lòng yêu thương và phục vụ, họ lợi dụng việc bố thí để quảng cáo bảng hiệu của xí nghiệp mình, của đoàn thể mình, của tổ chức mình mà thôi.

Mùi vị của người Ki-tô hữu chính là yêu thương và phục vụ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN Lễ Lá)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:55 09/04/2022
CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Tin mừng: Lc 22, 14- 23,56

“Cuộc thương khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.”


Bạn thân mến,

Hôm nay chúa nhật Lễ Lá, là ngày khởi đầu cuộc thương khó của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng cứu chuộc chúng ta. Trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta sẽ nghe tường thuật về sự thương khó khổ nạn của Ngài để mỗi người trong chúng ta cùng nhau cảm nhận, thông phần đau khổ và an ủi Ngài –đặc biệt là trong Tuần Thánh này.

1. Cảm nhận tình thương của Chúa đối với mình.

Thiên Chúa đã yêu thương bạn và tôi, đến nỗi đã ban Con Một của mình là Đức Giê-su Ki-tô chịu chết thay cho bạn, cho tôi và cho toàn thể nhân loại, Ngài đã bị đánh đòn, chịu khổ hình nhục nhã và chịu đóng đinh đến chết trên thập giá vì tội của chúng ta, mà đáng lý ra, tất cả những nhục hình ấy bạn và tôi và nhân loại phải chịu vì tội lỗi của mình, thế nhưng Ngài đã chịu vì yêu thương tất cả nhân loại, trong đó có bạn và tôi.

2. Thông phần đau khổ.

Không một người yêu nào dửng dưng trước đau khổ của người mình yêu. Thông phần đau khổ với Đức Chúa Giê-su không phải là xin kẻ thù đánh đập mình thay cho Ngài, cũng không phải cầu mong người khác đối xử bất công với mình thay cho Ngài, nhưng là chia sẻ những sự bất công với những người bị áp bức, có khi những bất công ấy là do sự tham lam của mình, cũng như của một số người có tiền có quyền đang chất chồng trên vai của tha nhân và cũng là của Đức Chúa Giê-su.

Thông phần đau khổ với Đức Chúa Giê-su là đón nhận những lằn roi đánh nơi Đức Chúa Giê-su làm của mình, là chấp nhận đem những khổ đau mà Đức Chúa Giê-su phải chịu làm của mình, có như thế chúng ta mới cùng với Ngài đi hết đoạn đường khổ giá.

3. An ủi Đức Chúa Giê-su.

Không một ai an ủi, không một ai xót thương Đấng đã cứu chữa và ban ơn cho mình, niềm an ủi lớn nhất của Đức Chúa Giê-su là tình yêu của Chúa Cha, là nhìn thấy được người mẹ thân yêu đang khập khểnh chen lấn trong đám đông để nhìn cho được con của mình...

An ủi Đức Chúa Giê-su trong giây phút kinh khủng và xem ra như tuyệt vọng này, giây phút mà hình như tội lỗi và sự dữ như đang thắng thế trước sự vô tội của Đấng chết thay cho kẻ tội lỗi...

An ủi Đức Chúa Giê-su nơi những người bất hạnh cần an ủi, và đồng hành với Ngài trên những đoạn đường đau khổ chông gai của cuộc sống mình.

Bạn thân mến,

Quan tổng trấn Phi-la-tô muốn tha Đức Chúa Giê-su, nhưng các thượng tế và biệt phái vung tay dữ tợn la hét xách động dân chúng đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Đã nhiều lần bạn và tôi muốn sống đẹp lòng Chúa, nhưng tội lỗi, sự dữ và những đam mê bất chính của mình đã thúc giục chúng ta đóng đinh Chúa vào thập giá thêm lần nữa...

Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi con cái mình trên khắp thế giới tham dự vào cuộc khổ nạn của Đấng vô tội-Đức Chúa Giê-su- tham dự với hết cả tâm tình mến yêu như Đức Mẹ Maria: cảm thông, chia sẻ và an ủi Đức Chúa Giê-su nơi những người đau khổ và bất hạnh.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vụ giết người ở Bucha: Thế giới không thể bị lừa nữa
Đặng Tự Do
06:01 09/04/2022


Oleh Matsenko, người sống sót sau 33 ngày bị Nga tấn công ở Bucha, một thị trấn yên tĩnh một thời ở phía tây bắc Kiev, nói với Al Jazeera: “Họ pháo kích suốt ngày đêm, và tất cả đạn pháo đều bay ngang nhà tôi”.

Phát biểu 4 ngày sau khi quân đội Nga rút lui, ông nói rằng ông đặc biệt hoảng sợ khi hàng chục xe tăng và xe bọc thép từ từ chạy qua - bao quanh là lính bộ binh nhòm ngó vào cửa ra vào và cửa sổ của những ngôi nhà trên phố của ông.

Một số người hàng xóm của ông đã rời khỏi những ngôi nhà tối tăm, lạnh lẽo không có điện, nước sinh hoạt hoặc nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên để đi tìm bánh mì hoặc sạc điện thoại di động - nhưng không bao giờ quay trở lại.

Một ngày nọ, anh ta đi đến một khu chợ còn sót lại sau trận pháo kích để kiếm thức ăn cho mình khi một số bạn bè và hàng xóm kéo đến ngôi nhà của anh được sưởi ấm bằng một cái bếp gỗ.

Và anh ta nhìn thấy những thi thể - hầu hết là dân thường bị quân đội Nga bắn chết.

“Tôi đã nhìn thấy tất cả, những đống xác chết trên đường phố, tất cả đều đã chết. Tôi đã nhìn thấy tất cả, họ vẫn nằm đó, không phải ai cũng được đưa đi chôn cất”, Matsenko nói.

Câu chuyện của anh ta khẳng định mức độ của các vụ giết thường dân hàng loạt đã trở nên rõ ràng - và có thể nhìn thấy - chỉ sau khi các lực lượng và nhà báo Ukraine tiến vào Bucha vào ngày 31 tháng 3.

Những người sống sót, các quan chức và quân đội cho biết người Nga nhả đạn theo mọi hướng, bắn vào bất kỳ chuyển động nào trên đường phố hoặc cửa sổ, vào bất cứ thứ gì ấm áp mà họ nhìn thấy trong kính che nhiệt của mình.

Họ bắn bất cứ ai chống lại sự hiện diện của họ, thẩm vấn và cướp bóc - hoặc đơn giản là thấy ghét là bắn, họ nói.

Qua các bức ảnh, các phương tiện truyền thông và các quan chức cho hay, thi thể đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang phân hủy dưới ánh nắng mặt trời, thi thể đàn ông, phụ nữ và trẻ em nằm trên đường phố, ngồi trong những chiếc xe hơi bị cháy vì đạn bắn khi đang cố gắng chạy trốn.

Một số thi thể được tìm thấy bên trong các căn hộ và những ngôi nhà với những lỗ hổng do đạn pháo và vụ nổ tạo ra. Một số bị trói tay, một số bị tra tấn. Những người khác được tìm thấy trong những ngôi mộ tập thể, hầu như không được phủ đầy đất và rác.

Thị trưởng của Bucha báo cáo rằng hàng trăm thi thể đã được tìm thấy - và con số này có vẻ còn lâu mới kết thúc.

“Ở Bucha, chúng tôi đã chôn 280 người trong những ngôi mộ tập thể,” Anatoly Fedoruk nói với hãng tin AFP hôm thứ Bảy.

Thi thể của 410 thường dân đã được tìm thấy ở Bucha. Ở các thị trấn lân cận Hostomel và Irpin và các làng nhỏ hơn xung quanh Kiev, cũng có hàng trăm thường dân bị giết. Tổng công tố Ukraine Iryna Venedyktova cho biết hôm Chúa Nhật, ngày 3 tháng 4.

Tình báo Ukraine, gọi tắt là SBU, hôm thứ Hai tuyên bố đã lấy được tên của tất cả các quân nhân Nga từ Lữ đoàn súng trường cơ giới số 64, là lực lượng đã chiếm giữ Bucha và thực hiện các vụ giết người.

“Mọi người Ukraine nên biết tên của họ!” SBU cho biết hôm thứ Hai.

Các nhà quan sát đã so sánh các vụ giết người hàng loạt với sự khủng khiếp của Thế chiến thứ hai - hoặc các cuộc chiến tranh Nam Tư vào đầu những năm 1990.

Điểm khác biệt duy nhất là người Nga không bao giờ thu thập xác của chính binh lính của họ.

Nikolay Mitrokhin, một nhà nghiên cứu về Nga cho biết: “Điều đặc biệt của Nga là sau một tháng ở Hostomel, quân đội Nga không bao giờ quan tâm đến việc đưa về nhà hay ít nhất là chôn cất thi thể của các lính đặc nhiệm Nga đã chết trong đợt tấn công đầu tiên”. Đại học Bremen của Đức, nói với Al Jazeera.

Các vụ giết người được báo cáo ở Bucha và các vùng ngoại ô lân cận được so sánh với vụ thảm sát khoảng 8,000 người Hồi giáo Bosniak năm 1995 của các chiến binh người Serbia ở thị trấn Srebrenica.

Nhà phân tích Aleksey Kushch có trụ sở tại Kiev nói với Al Jazeera: “Sự tương tự không phải là ngẫu nhiên.”

Ông nói: Bị phản đối bởi những tuyên truyền của Điện Cẩm Linh nói rằng Ukraine cần được “giải phóng” khỏi những người theo chủ nghĩa tân quốc xã và dân tộc cực đoan, quân đội Nga thấy mình đang ở giữa một “biển bão” của những thường dân thù địch.

Họ sử dụng việc giết những người đàn ông trưởng thành và cưỡng hiếp phụ nữ như là cách duy nhất để “ngăn chặn sự phản kháng và làm suy nhược thần kinh tập thể”, ông nói.

“Đó là sự hủy hoại về thể chất và tâm lý đối với ý chí kháng cự,” Kushch nói.

Đối với nhiều người ở phương Tây, các vụ giết người ở Bucha đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh, là cơ hội đầu tiên để thấy phạm vi giết người hàng loạt những dân thường tương đương với tội ác chiến tranh - hay thậm chí là tội ác diệt chủng.

“Thế giới không thể bị lừa nữa; Ivar Dale, cố vấn chính sách cấp cao của Ủy ban Helsinki Na Uy, một cơ quan giám sát nhân quyền, nói với Al Jazeera.

Anh ta nói rằng anh ta đã đến thăm Bucha khi sống ở Ukraine - và thấy rằng “mức độ của cái ác gần như không thể hiểu nổi”.

Ông nói: “Chúng tôi yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện, mang tính quốc tế và chúng tôi yêu cầu công lý cho các nạn nhân của những tội ác chiến tranh này.

Năm ngày sau khi giải phóng, Bucha vẫn không an toàn - và không có nguồn cung cấp điện, nước hoặc khí đốt.

“Vừa rồi cách đây chưa đầy nửa tiếng, có một đợt rung chuyển mạnh đến nỗi nhà tôi bật dậy. Nhưng nó đã nổ ở đâu - tôi không biết, có thể, một tên lửa hành trình đã bay tới”, Matsenko nói hôm thứ Hai.

“Một cái gì đó đã nổ tung, mạnh mẽ, nhưng chỉ một lần.”
Source:Aljazeera
 
Đức Thánh Cha Phanxicô trao nhiệm vụ mới ở Vatican cho Đức Hồng Y Turkson
Đặng Tự Do
06:03 09/04/2022


Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Peter Turkson làm Chưởng ấn mới của Giáo hoàng Học viện Khoa học và Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội.

Vị Hồng Y người Ghana kế nhiệm Giám mục người Á Căn Đình, Marcelo Sánchez Sorondo, 79 tuổi, người đã lãnh đạo cả hai học viện kể từ năm 1998.

Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Turkson với tư cách là Tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện vào tháng 12 năm ngoái.

Đức Hồng Y Turkson từng là tổng giám mục của Cape Coast, Ghana, trước khi ngài được gọi đến Rôma vào năm 2009 để làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.

Vị Hồng Y 73 tuổi, người nói được sáu thứ tiếng, đã trở thành chủ tịch đầu tiên của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện vào năm 2016 sau khi hội đồng giáo hoàng của ngài được sáp nhập vào cơ quan mới cùng với ba hội đồng khác.

Tin đồn về việc ngài từ chức xuất hiện vài tháng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ra lệnh thanh tra Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện do Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago dẫn đầu, sau đó là những thay đổi về nhân sự.

Sự ra đi của Turkson khiến Vatican không có nhà lãnh đạo Phi Châu nào trong số những người đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh lần đầu tiên kể từ năm 1977.

Nhiệm kỳ lâu dài của Giám mục Sorondo tại các học viện giáo hoàng đã được đánh dấu bằng những tranh cãi trong những năm gần đây. Vào năm 2018, ông ca ngợi vai trò lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc, nói rằng “tại thời điểm này, những người nhận ra tốt nhất học thuyết xã hội của Giáo hội là người Trung Quốc”.

Vào năm 2020, vị Giám Mục bảo vệ quyết định trao Mình Thánh Chúa cho tổng thống Á Căn Đình, bất chấp nỗ lực của Alberto Fernández nhằm hợp pháp hóa việc phá thai.

Cùng năm đó, ông cũng bảo vệ sự hiện diện thường xuyên của nhà kinh tế học Jeffrey Sachs, một người ủng hộ việc tránh thai và “công lý sinh sản” tại các hội nghị của Vatican.

Vị giám mục sinh ra ở Buenos Aires sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình vào ngày 8 tháng 9.

Học viện Khoa học Giáo hoàng có nguồn gốc từ Accademia dei Lincei, một trong những học viện khoa học độc quyền đầu tiên trên thế giới, được thành lập tại Rome vào năm 1603. Các thành viên của học viện tồn tại ngắn ngủi bao gồm nhà thiên văn học người Ý Galileo Galilei.

Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội được thành lập vào năm 1994 bởi Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II. Trang web của học viện nói rằng mục đích của nó là “thúc đẩy nghiên cứu và tiến bộ của khoa học xã hội, chủ yếu là kinh tế học, xã hội học, luật và khoa học chính trị, do đó cung cấp cho Giáo hội những yếu tố mà Giáo hội có thể sử dụng trong việc phát triển học thuyết xã hội của mình.”

Cả hai học viện giáo hoàng đều có trụ sở tại Casina Pio IV trong Vườn Vatican.
Source:Catholic News Agency
 
Tổng thống Aoun cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Li Băng vào tháng Sáu
Đặng Tự Do
06:04 09/04/2022


Tổng thống Li Băng hôm thứ Ba cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm quốc gia Trung Đông này vào tháng Sáu, miễn là không có sự trục trặc trong sự điều phối của chính quyền Li Băng và Vatican.

Viết trên Twitter ngày 5 tháng Tư, Tổng thống Michel Aoun cho biết ông đã được Sứ thần Tòa Thánh tại Beirut thông báo về chuyến thăm Li Băng.

“Người Li Băng đang chờ đợi chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm của Đức Thánh Cha đối với Li Băng và cảm ơn ngài vì những sáng kiến mà ngài đã thực hiện đối với đất nước của họ và những lời cầu nguyện mà ngài đã đưa ra để thiết lập hòa bình và ổn định ở đây,” Aoun, một tín hữu Công Giáo Maronite, đã viết như trên.

Truyền thông địa phương đưa tin rằng một chuyến thăm Li Băng của Giáo hoàng dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12 tháng 6.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mong muốn được đến quốc gia Trung Đông này trong nhiều dịp khác nhau.

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về từ Malta vào ngày 3 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài muốn gặp Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Trung Đông đang được coi là địa điểm cho cuộc gặp gỡ này.

Các kế hoạch cho cuộc gặp thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và lãnh đạo Giáo Hội Chính thống Nga vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm 2022 đã được tiến hành trong vài tháng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tổng thống Aoun tại Vatican vào ngày 21 tháng 3, khi Li Băng tiếp tục quay cuồng với nhiều cuộc khủng hoảng.

Trong những năm gần đây, Li Băng đã phải vật lộn với dòng người tị nạn từ cuộc chiến ở Syria, cuộc khủng hoảng tài chính tàn khốc, sự quản lý thiếu ổn định và tác động của COVID-19.

Việc Nga xâm lược Ukraine cũng đang đe dọa gây ra cuộc khủng hoảng lương thực ở Li Băng, quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mì từ Ukraine.
Source:Catholic News Agency
 
Tĩnh tâm Mùa Chay 2022 cùng Giáo triều Rôma – Bài suy niệm thứ năm: Thầy đã làm gương cho anh em
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
20:17 09/04/2022


Bên cạnh rất nhiều tai ương mà đại dịch Covid đang gây ra cho nhân loại, từ quan điểm của đức tin đã có ít nhất một tác động tích cực. Đại dịch làm cho chúng ta ý thức được nhu cầu của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể và sự trống rỗng mà sự thiếu vắng Bí tích Thánh Thể tạo ra; đại dịch đã giúp chúng ta không coi Bí Tích Thánh Thể là điều hiển nhiên.

Một số Giáo Hội địa phương và quốc gia đã quyết định dành năm hiện tại cho một bài giáo lý đặc biệt về Bí tích Thánh Thể, vì mong muốn có một sự phục hưng về Bí tích Thánh Thể trong Giáo Hội Công Giáo. Theo Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đó là một quyết định đúng lúc và là một tấm gương để noi theo, khi đề cập đến một số khía cạnh có lẽ ít được xem xét về Bí Tích Thánh Thể. Do đó, ngài dành những suy tư của Mùa Chay 2022 để trình bày về mầu nhiệm Thánh Thể để nhấn mạnh rằng Bí tích Thánh Thể bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta, không chỉ về mặt ý định mà thôi, nhưng là “thực sự” trong cái thế giới dường như có thể tuột khỏi tay chúng ta bất cứ lúc nào.

Trong ba bài tĩnh tâm trước, Đức Hồng Y đã trình bày phần thứ nhất Phụng vụ Lời Chúa, phần thứ Hai là Phụng Vụ Thánh Thể, và phần thứ Ba là Hiệp Thông Thánh Thể, phần thứ Tư là “Sự Hiện Diện Đích Thực trong bí tích Thánh Thể”.

Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 8 tháng Tư, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đã có bài thuyết giảng thứ năm cho Mùa Chay năm 2022 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Chủ đề của bài giảng này là “Thầy đã làm gương cho anh em”

Bài suy niệm của chúng ta hôm nay bắt đầu với một câu hỏi: Tại sao trong trình thuật Bữa Tiệc Ly, thánh Gioan không đề cập đến việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, mà lại nói về việc rửa chân? Và điều này xảy ra sau khi ngài đã dành cả một chương trong Phúc Âm của mình để đề cập đến việc Chúa Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ ăn thịt và uống máu Ngài!

Lý do sâu xa là trong tất cả những gì liên quan đến Lễ Phục sinh và Thánh Thể, Gioan muốn nhấn mạnh sự kiện hơn là bí tích, nghĩa là ý nghĩa hơn là dấu chỉ của nó. Đối với vị Thánh Sử, Lễ Vượt Qua mới không bắt đầu quá nhiều trong Nhà Tiệc Ly, khi nghi thức chúng ta tưởng nhớ được thiết lập (chúng ta biết rằng Bữa Tiệc Ly của Gioan không phải là “bữa tối Phục Sinh”); đúng hơn, Lễ Vượt Qua mới bắt đầu trên thập tự giá khi sự kiện chúng ta tưởng nhớ được ứng nghiệm. Chính lúc đó diễn ra sự chuyển hướng từ Lễ Vượt Qua cũ sang Lễ Vượt Qua mới. Trên thập tự giá “họ đã không đánh gãy chân Ngài”, để thực hiện những gì đã được đề cập về con chiên vượt qua trong Xuất Hành, “không một khúc xương nào sẽ bị gãy.” (Ga 19: 33-36; Xh 12:46).

Ý nghĩa của việc rửa chân

Điều quan trọng là phải hiểu ý nghĩa mà Gioan gắn với việc rửa chân. Tông Hiến gần đây Praedicate Evangelium đề cập đến việc rửa chân trong Lời mở đầu, như một biểu tượng của sự phục vụ phải đặc trưng cho mọi công việc của Giáo triều Rôma. Nó giúp chúng ta hiểu làm thế nào Thánh Thể có thể được chuyển vào cuộc sống và do đó chúng ta “noi gương trong cuộc sống những gì chúng ta cử hành trên bàn thờ”. Chúng ta đang đối mặt với một trong những tình tiết đó (một đoạn khác là đoạn Chúa Giêsu chịu lưỡi đòng đâm thâm qua), trong đó Thánh Sử nói rõ rằng có một mầu nhiệm bên dưới vượt ra ngoài sự thật ngẫu nhiên mà bản thân nó có vẻ không đáng kể.

Chúa Giêsu nói, “Thầy đã làm gương cho anh em”. Chúa Giêsu đã cho chúng ta một tấm gương về điều gì? Làm thế nào để rửa chân cho anh em mỗi khi chúng ta ngồi vào bàn ăn? Chắc chắn không chỉ có điều này! Câu trả lời có trong Tin Mừng: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10:44-45).

Trong Tin Mừng Luca, chính xác trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly, có một lời của Chúa Giêsu dường như đã được phát âm khi kết thúc việc rửa chân: “Giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22:27). Theo Thánh Sử, Chúa Giêsu nói những lời này vì giữa các môn đệ đã nổ ra cuộc thảo luận về việc ai trong số họ có thể được coi là trọng nhất (x. Lc 22: 24). Có lẽ chính hoàn cảnh này đã thôi thúc Chúa Giêsu thực hiện việc rửa chân, như một kiểu dụ ngôn trong hành động. Trong khi các môn đệ đang bận rộn thảo luận sôi nổi với nhau, thì Ngài lặng lẽ đứng dậy khỏi bàn, tìm một chậu nước và một chiếc khăn, sau đó quay lại quỳ trước mặt Phêrô để rửa chân cho ông, dễ hiểu là Chúa Giêsu khiến ông Phêrô vô cùng bối rối: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13: 6).

Khi rửa chân, Chúa Giêsu muốn tóm tắt toàn bộ ý nghĩa của cuộc đời Ngài, để điều đó còn đọng lại trong trí nhớ của các môn đệ: “Việc Thầy làm bây giờ các anh không hiểu, nhưng sau các anh sẽ hiểu” ( Ga 13: 7). Cử chỉ đó cho chúng ta biết rằng toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu, từ đầu đến cuối, là rửa chân, tức là phục vụ nhân loại.

Trước khi nhập thể, đã có pre-existence, nghĩa là sự hiện hữu từ trước, sau khi nhập thể có pro-existence, nghĩa là sự hiện hữu có lợi cho người khác. Chúa Giêsu đã cho chúng ta ví dụ về một cuộc sống dành cho người khác, một cuộc sống trở nên “bánh bẻ ra cho thế gian”. Với những lời: “Anh em hãy làm như Thầy đã làm”, Chúa Giêsu thiết lập diakonía, tức là sự phục vụ, nâng nó lên thành luật cơ bản, hay đúng hơn, thành lối sống và kiểu mẫu của mọi mối quan hệ trong Giáo hội. Chúa Giêsu đang nói về việc rửa chân như thể cùng một cách khi Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể: “Hãy làm điều này để nhớ đến Thầy!”.

Một nhận xét cá nhân ngắn trước khi tiếp tục. Một Giáo phụ xa xưa, chân phước Isaác thành Ninivê, đã đưa ra lời khuyên này cho những ai bị buộc phải nói về những điều thiêng liêng mà họ chưa đạt được trong đời: “Hãy nói về điều đó như một người thuộc về hạng môn đệ chứ không phải người có quyền bính, sau khi hạ mình xuống và tự cho mình nhỏ bé hơn bất kỳ ai đang lắng nghe”. Thưa những người cha, những người anh chị em đáng kính, chính với tinh thần này mà tôi dám nói về việc phục vụ với quý vị, những người đang sống phục vụ từng ngày.

Tôi nhớ đến một nhận xét mà Đức Hồng Y Franjo Šeper, Tổng trưởng Bộ Đức tin, đã từng mỉm cười nói với chúng tôi là các thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế: “Các nhà thần học chưa viết xong điều gì mà các bạn đã ghi ngay tên và họ của mình trên đó. Chúng tôi ở Giáo triều phải làm mọi thứ một cách ẩn danh”. Điều này gần gũi hơn với bản chất của việc phụng vụ nêu trong Phúc Âm và đó là lý do để tôi ngưỡng mộ và biết ơn nhiều tôi tớ vô danh của Giáo hội đang làm việc trong Giáo triều Rôma, trong các Tòa Giám mục và các Tòa sứ thần.

Nhưng hãy trở lại chủ đề của chúng ta. Học thuyết về các đặc sủng hoàn toàn hướng đến việc phục vụ; sự phục vụ xuất hiện như linh hồn và mục đích của mọi đặc sủng. Thánh Phaolô khẳng định rằng mọi “sự biểu lộ cụ thể của Thần Khí” đều được ban cho “vì thiện ích chung” (x. 1Cr 12: 7) và các đặc sủng được ban cho “để làm cho anh em thích hợp thực hiện công việc phục vụ” (diakonía) ( Ep 4: 12). Cả tông đồ Phêrô, khi khích lệ lòng hiếu khách, cũng viết: “Mỗi người hãy sống theo ân sủng (chárisma) đã nhận được, để phục vụ (diakonía) người khác” (1 Pt 4: 10). Hai điều – ân sủng và thừa tác vụ, ân sủng và sự phục vụ - xem ra luôn kết nối mật thiết với nhau. Giáo hội có ân sủng để phục vụ!

Tinh thần phục vụ

Chúng ta phải kiểm tra chặt chẽ ý nghĩa của “sự phục vụ kẻo nó chỉ là một từ ngữ đơn thuần trong cuộc sống của chúng ta. Tự nó, phục vụ không phải là một nhân đức; chúng ta không tìm thấy từ diakonia, hay phục vụ trong danh sách các nhân đức hay trong các hoa trái của Chúa Thánh Thần, như Tân Ước định nghĩa về những điều này (Gl 5:22). Thực ra, từ phục vụ có được nhắc đến khi nói về phục vụ cho tội lỗi (xem Rm 6:16) hoặc cho các ngẫu tượng (x. 1Cr 6: 9) chắc chắn là những điều không tốt rồi. Phục vụ tự nó là trung lập: nó chỉ ra một cách sống hoặc một cách liên quan đến những người khác trong công việc của một người; phụ thuộc vào người khác. Nó thậm chí có thể là tiêu cực nếu được thực hiện dưới sự ràng buộc (chế độ nô lệ), hoặc đơn giản chỉ là vì tư lợi.

Sự phục vụ ngày nay được thảo luận nhiều: mọi thứ đều có sự phục vụ: một người bán hàng phục vụ khách hàng của mình; bất cứ ai làm việc được cho là đang phục vụ. Rõ ràng là Phúc Âm nói về một loại phục vụ rất khác, ngay cả khi nó không nhất thiết phải loại trừ hoặc loại bỏ sự phục vụ theo nghĩa thế gian. Sự khác biệt nằm ở lý do của sự phục vụ và ở thái độ bên trong mà nó được thực hiện.

Chúng ta hãy đọc một lần nữa tường thuật về việc rửa chân để xem Chúa Giêsu đã làm điều đó với tinh thần nào và điều gì đã thúc đẩy Ngài làm điều đó: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” ( Ga 13: 1). Phục vụ không phải là một nhân đức nhưng nó bắt nguồn từ nhân đức, đặc biệt là từ lòng bác ái; thực tế, nó là cách diễn đạt lớn nhất của điều răn mới. Sự phục vụ là biểu hiện của tình yêu vị tha, nghĩa là một tình yêu “không đòi hỏi quyền lợi của mình” (x. 1Cr 13: 5), mà dựa vào lợi ích của người khác; nó không bao gồm việc tìm kiếm cho bản thân mà là sự cho đi. Tất cả đều nói lên rằng, tham gia và bắt chước cách hành động của Thiên Chúa, Đấng, vì Ngài là “Thiện hảo, tất cả là Thiện hảo và là tuyệt đỉnh của Thiện hảo,” không thể không yêu thương và giúp đỡ chúng ta một cách nhưng không và vô vị lợi.

Đây là lý do tại sao không giống như thế gian, việc phục vụ được nêu trong Phúc Âm không được khuyến khích cho những người thấp kém, và người nghèo, nhưng cho những người có nhiều, những người quyền cao chức trọng, những người giàu có. Ai được cho nhiều, sẽ được đòi hỏi nhiều ở những nơi cần đến sự phục vụ (xem Lc 12:48). Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói rằng trong Hội Thánh của Ngài, người lãnh đạo phải trở thành người phục vụ (Lc 22:26) và là người trước tiên phải trở thành nô lệ của mọi người (Mc 10:44). Ceslas Spicq, Giáo sư về Tân Ước của tôi ở Fribourg, từng nói rằng việc rửa chân là “bí tích của thẩm quyền Kitô”.

Bên cạnh tính nhưng không, sự phục vụ là sự thể hiện một khía cạnh khác của tình yêu Thiên Chúa: đó là sự khiêm tốn. Những lời Chúa Giêsu nói, “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau,” có nghĩa là: anh em phải cung cấp cho nhau sự phục vụ của lòng bác ái khiêm nhường. Bác ái và khiêm nhường cùng nhau tạo nên sự phục vụ Phúc âm. Chúa Giêsu đã từng nói: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11:29). Chúa Giêsu đã làm gì để gọi mình là “khiêm nhường”? Phải chăng Ngài đã nghĩ thấp về mình hoặc nói một cách khiêm tốn về bản thân? Thưa, không. Ngài đã làm hoàn toàn ngược lại! Trong khi thực sự rửa chân, Ngài tự xưng mình là “Thầy và là Chúa” (xem Ga 13:13).

Như thế, Ngài đã làm gì để tự gọi mình là “khiêm tốn”? Ngài tự hạ mình xuống; Ngài từ trời xuống để phục vụ! Và từ lúc nhập thể, Ngài tiếp tục hạ mình quỳ xuống để rửa chân cho các môn đệ. Hẳn các thiên thần đã phải rùng mình biết bao khi thấy Con Thiên Chúa hạ mình đến như vậy, Đấng mà các thiên thần thậm chí không dám nhìn (x. 1Pr 1:12). Tạo hóa quỳ gối trước các sinh vật của mình! Thánh Bernard thường nói với chính mình: “Hỡi tro tàn kiêu hãnh, hãy đỏ mặt thẹn thùng. Chúa hạ mình xuống và ngươi tự tôn mình lên!”. Khi khiêm nhường được nhìn nhận như là hạ mình để phục vụ, thì nó thực sự là một cách thức vương giả để giống Chúa và noi gương Thánh Thể trong đời sống của chúng ta.

Sự phân định tinh thần

Kết quả của suy tư này phải là một sự can đảm kiểm tra cuộc sống của chúng ta (thói quen, quan điểm, lịch trình, việc phân phối và sử dụng thời gian của chúng ta) để xem nó có thực sự là một công việc phục vụ hay không và tình yêu cùng sự khiêm tốn có phải là một phần của nó hay không. Điều quan trọng cần biết là liệu chúng ta có đang phục vụ anh chị em của mình, hay thay vào đó, họ đang phục vụ mục đích của chúng ta. Chúng ta khiến người khác phục vụ mục đích của mình hoặc chúng ta lợi dụng họ, có thể ngay cả khi chúng ta đang làm hết sức mình cho họ, nếu chúng ta không quan tâm và theo một cách nào đó, đang tìm kiếm sự chấp thuận, tán thưởng hoặc sự hài lòng của việc có lương tâm trong sạch, hay được là ân nhân của họ. Về điểm này, các yêu cầu của Phúc Âm hết sức triệt để: “Đừng để tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6: 3). Tất cả những gì chúng ta làm “để được người khác chú ý” đều bị mất. “Chúa Kitô đã không làm hài lòng chính mình!” (Rm 15: 3): đây là quy tắc phục vụ.

Để có “sự phân định tinh thần” hoặc phân định ý định của chúng ta trong việc phục vụ, chúng ta nên biết những gì chúng ta sẵn sàng làm và những gì chúng ta cố gắng hết sức để trốn tránh. Chúng ta nên xem liệu trái tim của chúng ta có sẵn sàng từ bỏ một sự phục vụ cao quý, mang lại thế giá, nếu được yêu cầu, để thi hành một sự phục vụ khiêm tốn không được đánh giá cao hay không. Sự phục vụ chắc chắn nhất mà chúng ta có thể cung cấp là sự phục vụ được che giấu khỏi con mắt của tất cả mọi người, ngoại trừ Cha, Đấng nhìn thấu trái tim thầm kín của chúng ta. Chúa Giêsu đã nâng việc rửa chân, một trong những hành động khiêm tốn nhất vào thời của Ngài, thường được thực hiện bởi những người nô lệ, thành một biểu tượng phục vụ. Thánh Phaolô cảnh báo chúng ta: “Chớ kiêu căng, nhưng hãy kết giao với kẻ hèn mọn” (Rm 12:16).

Đối lập với tinh thần phục vụ là mong muốn độc đoán, thói quen thực thi ý chí, quan điểm và đường lối của chúng ta đối với người khác. Nói một cách dễ hiểu, là chủ nghĩa độc tài. Thông thường, một người theo chủ nghĩa chuyên chế thậm chí không nhận ra những đau khổ mà anh ta gây ra và gần như ngạc nhiên tại sao mức độ “quan tâm” và nỗ lực của anh ta lại bị đánh giá thấp. Anh ta thậm chí còn coi mình là nạn nhân. Chúa Giêsu bảo các môn đệ hãy giống như những “cừu non giữa bầy sói”, nhưng một người như thế giống như sói giữa bầy cừu non. Phần lớn những đau khổ mà các gia đình và cộng đồng thường phải gánh chịu là do sự hiện diện của một kẻ độc đoán và chuyên quyền, kẻ chà đạp lên người khác bằng những đôi giầy đinh, và với lý do “phục vụ” người khác, nhưng thực sự là lợi dụng họ.

“Kẻ độc tài đó” cũng có thể là chúng ta! Nếu có chút nghi ngờ về điều này, chúng ta nên chân thành hỏi ý kiến những người mà chúng ta đang sống cùng và cho họ cơ hội để bày tỏ bản thân một cách thẳng thắn. Nếu cách cư xử của chúng ta gây khó khăn cho cuộc sống của ai đó, chúng ta nên khiêm tốn chấp nhận thực tế và suy ngẫm về sự phục vụ của mình.

Một chuyện nữa là quá gắn bó với thói quen và sự thoải mái của chúng ta cũng đi ngược lại với tinh thần phục vụ - một tinh thần buông thả, như nó đã từng xảy ra. Không thể nghiêm túc phục vụ người khác nếu chúng ta chỉ có ý định làm hài lòng bản thân, thần tượng hóa mình từ thời gian nghỉ ngơi, thời gian rảnh rỗi, và lịch trình của chúng ta. Quy tắc phục vụ phải luôn giống nhau: “Chúa Kitô đã không làm hài lòng chính mình.”

Chúng ta đã thấy rằng phục vụ là đức tính tốt của những người phụ trách. Chúa Giêsu đã để lại điều đó như một kho báu cho các mục tử của Giáo hội Ngài. Chúng ta đã thấy rằng tất cả các đặc sủng được ban cho nhằm mục đích phục vụ, nhưng đặc biệt là đặc sủng của “các mục tử và thầy dạy” (x. Ep 4:11), đặc sủng của quyền bính. Giáo hội có “đặc sủng” để phục vụ và cũng có “thừa tác vụ” để phục vụ!

Sự phục vụ của Thánh Linh

Nếu đối với mọi Kitô hữu, phục vụ có nghĩa là “sống không còn cho riêng mình” (x. 2Cr 5:15), thì đối với các mục tử, phục vụ có nghĩa là: “không lo cho chính mình”: “Khốn cho các mục tử Ítraen, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao?” (Êdêkien 34: 2). Đối với con người, không có gì có vẻ tự nhiên và chính đáng hơn là bất kỳ ai là người thống lĩnh (dominus) thì phải “thống trị”, phải hành động như chúa tể. Nhưng đây không phải là con đường “cho các môn đệ của Chúa Giêsu; ai là đầu thì phải phục vụ. Thánh Phaolô viết: “Không phải là chúng tôi khống chế đức tin của anh em; trái lại, chúng tôi góp phần tạo niềm vui cho anh em” (2Cr 1:24).

Tông đồ Phêrô cũng khích lệ điều tương tự với các mục tử: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.” (xem 1 Pr 5: 3). Trong mục vụ, không dễ gì tránh được tâm lý coi mình là chủ tể của đức tin, vốn đã trở thành một phần của khái niệm quyền bính từ rất sớm. Trong một trong những tài liệu cổ xưa nhất về thẩm quyền giám mục (Syriac Didascalia), chúng ta thấy ý tưởng rằng một giám mục giống như một vị quân vương, trong đó Giáo hội không thể thực hiện bất cứ điều gì nếu không có sự đồng ý của ngài.

Trong những khía cạnh liên quan đến các mục tử và trong phạm vi họ là mục tử, thì điểm này thường là yếu tố quyết định trong việc hoán cải. Những lời Chúa Giêsu thốt ra sau khi rửa chân thật mạnh mẽ và đáng buồn biết bao: “Thầy là Chúa và là Thầy của anh em... !” “Đức Giêsu không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (Pl 2: 6), nghĩa là Ngài không sợ làm ảnh hưởng đến phẩm giá Thiên Chúa của mình, nuôi dưỡng sự thiếu tôn trọng của mọi người bằng cách coi thường những đặc quyền và tỏ ra như một trong số chúng ta. Chúa Giêsu đã sống một cuộc sống đơn giản; sự đơn giản luôn là sự khởi đầu và là dấu hiệu của sự trở lại thực sự với phúc âm. Chúng ta phải bắt chước cách hành động của Thiên Chúa. Tertullian viết, không có gì miêu tả rõ hơn cách thức hành động của Thiên Chúa cho bằng sự tương phản giữa một bên là sự đơn sơ của những cách thức và phương tiện mà Ngài làm việc và một bên là sự huy hoàng của những kết quả tinh thần nhận được.

Thế giới cần một màn trình diễn tuyệt vời để hành động và gây ấn tượng, nhưng Chúa thì không. Có một thời, phẩm giá của các giám mục được nhìn thấy trong phù hiệu, tước hiệu, lâu đài, quân đội. Có thể nói, họ là hoàng tử-giám mục, và đôi khi còn hơn cả giám mục. Hôm nay có vẻ như là một thời điểm vàng để Giáo hội so sánh. Tôi biết một vị giám mục cách đây nhiều năm, người đã thấy tự nhiên khi trải qua vài giờ trong nhà của một người già, giúp họ mặc quần áo và ăn uống; ngài đã rửa chân cho họ theo đúng nghĩa đen. Cá nhân tôi đã nhận được những ví dụ thú vị về sự đơn giản trong cuộc sống của tôi từ các giám mục.

Tuy nhiên, điều cần thiết là duy trì một cảm thức liên quan đến tự do được nêu trong Phúc Âm về điểm này. Sự đơn giản đòi hỏi chúng ta không đặt mình lên trên người khác nhưng cũng không nên cố chấp luôn đặt mình dưới họ để bằng cách nào đó giữ khoảng cách, nhưng vấn đề là, trong những công việc của thói quen thông thường, chúng ta chấp nhận trở nên giống người khác. Manzoni đã đưa ra một nhận xét sắc bén khi ông nói rằng có những người có tất cả sự khiêm tốn cần thiết khi đặt mình dưới người khác nhưng không làm được như thế khi đặt mình ngang hàng với họ. Đôi khi, sự phục vụ tốt nhất không phải là phục vụ mà là chấp nhận được phục vụ, giống như Chúa Giêsu, Đấng vào đúng thời điểm, biết cách ngồi vào bàn và để người khác rửa chân (xem Lc 7:38) và là Đấng sẵn lòng chấp nhận những điều dành cho Ngài trong cuộc hành trình bởi những người phụ nữ rộng lượng và yêu thương (Lc 8: 2-3).

Khi quan tâm đến việc phục vụ mục vụ, hoặc các mục tử, chúng ta không được quên rằng việc phục vụ anh em, dù quan trọng và thánh thiện đến đâu, không phải là điều đầu tiên hay thiết yếu; sự phục vụ Thiên Chúa phải được đặt lên hàng đầu. Trước hết, Chúa Giêsu là “Tôi tớ của Thiên Chúa và sau đó là tôi tớ của nhân loại. Ngài thậm chí còn nhắc nhở cha mẹ mình về điều này khi Ngài nói: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49). Ngài không bao giờ ngần ngại đánh lừa đám đông tụ tập để nghe Ngài và được chữa lành bệnh tật khi Ngài bất ngờ rút vào đồng vắng để cầu nguyện (xem Lc 5:16).

Ngày nay, ngay cả sự phục vụ theo tinh thần Tin Mừng cũng đang bị đe dọa bởi nguy cơ thế tục hóa. Tất cả đều có thể dễ dàng được coi là đương nhiên rằng tất cả sự phục vụ cho nhân loại đều là sự phục vụ Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói đến một sự phục vụ Thần Khí (diakonia Pneumatos) (2Cr 3: 8), mà các thừa tác viên của Tân Ước được tiền định. Nơi các mục tử, tinh thần phục vụ phải được thể hiện trong việc phục vụ Thần Khí!

Những người, giống như các linh mục, được kêu gọi bởi ơn gọi phục vụ “thiêng liêng”, không phục vụ anh em của họ bằng cách làm mọi việc cho họ và sau đó bỏ qua điều duy nhất mà anh em mong đợi chính đáng nơi họ và là điều mà chỉ có họ mới có thể làm được. Có lời chép rằng một linh mục “được bổ nhiệm để thay mặt mọi người trong mối quan hệ với Thiên Chúa” (Dt 5: 1). Khi vấn đề này lần đầu tiên nảy sinh trong Hội Thánh, Thánh Phêrô đã giải quyết vấn đề đó như thế này: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải… chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6: 2-4).

Trên thực tế, có những mục tử đã lại quay sang phục vụ bàn ăn. Họ bận rộn với đủ thứ vấn đề, cho dù đó là vấn đề tiền bạc, quản lý hay thậm chí là nông nghiệp, xuất hiện trong cộng đồng của họ (ngay cả khi những điều này có thể dễ dàng được quản lý bởi người khác), và họ bỏ bê thừa tác vụ thực sự của mình, là điều không thể ủy thác cho ai. Thừa tác vụ Lời Chúa đòi hỏi nhiều giờ đọc, nghiên cứu và cầu nguyện.

Ngay sau khi giải thích cho các tông đồ về ý nghĩa của việc rửa chân, Chúa Giêsu đã nói với các ông: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13:17). Chúng ta cũng sẽ được chúc phúc, nếu chúng ta không hài lòng với việc chỉ biết những điều này mà thôi - cụ thể là chúng ta biết Bí tích Thánh Thể thúc đẩy chúng ta phục vụ và chia sẻ mà thôi thì chưa đủ, nhưng chúng ta sẽ được chúc phúc nếu chúng ta đưa những điều ấy vào thực hành, có thể bắt đầu từ hôm nay. Bí tích Thánh Thể không chỉ là một mầu nhiệm được thánh hiến, đón nhận và tôn thờ, mà còn là một mầu nhiệm cần được noi gương.

Tuy nhiên, trước khi kết luận, chúng ta phải nhớ lại một sự thật mà chúng ta đã nhấn mạnh trong mọi suy tư của mình về Bí tích Thánh Thể: đó là tác động của Chúa Thánh Thần! Hãy cẩn thận để đừng hạ giảm ân sủng thành nghĩa vụ! Chúng ta không chỉ nhận được mệnh lệnh phải rửa chân và phục vụ anh chị em của mình: chúng ta đã nhận được ân sủng để có thể làm như vậy. Thánh Phaolô nói: “Phục vụ là một đặc sủng và giống như mọi đặc sủng, đó là một biểu hiện đặc biệt của Thần Khí vì thiện ích chung”; Thánh Phêrô cho biết thêm: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác”. Ân sủng đi trước nghĩa vụ và làm cho nghĩa vụ đó có thể thực hiện được. Đây là “tin tốt lành” - Tin Mừng - theo đó Bí tích Thánh Thể là tưởng niệm an ủi hàng ngày.

Thưa Đức Thánh Cha, những người cha đáng kính, các anh chị em, cảm ơn quý vị đã kiên nhẫn lắng nghe, và xin gởi đến quý vị những lời chúc tốt đẹp nhất cho một Tuần Thánh thánh thiện và một Lễ Phục sinh Hạnh phúc!

1.Bernard of Clairvaux, Những lời ca ngợi Đức Trinh Nữ, I, 8.

2.Tertullian, Về Phép Rửa, 1.

3.A. Manzoni, The Betrothed, chương 38.
Source:Cantalamessa
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Giới Trẻ Giáo Phận Đà Nẵng Năm 2022
Tôma Trương Văn Ân
11:18 09/04/2022
Đại Hội Giới Trẻ Giáo Phận Đà Nẵng Năm 2022

“Ngày Giới trẻ Thế giới 2022” của Giới trẻ Giáo phận Đà Nẵng được tổ chức từ 13h30 đến Từ 18g30 ngày 9/4/2022, áp Chúa nhật Lễ Lá, tại Giáo xứ Thanh Bình – Giáo hạt Đà Nẵng, với Chủ đề: “Người trẻ hướng tới một Hội Thánh hiệp hành”

Xem Hình

Đây là cuộc gặp gỡ Ban điều hành Giới trẻ của 48 Giáo xứ trong Giáo phận Đà Nẵng. Quí Cha Đặc trách và đồng hành đã lắng nghe những cảm nghiệm, tâm tư, nguyện vọng của các bạn, để có những quyết định và chương trình phù hợp, định hướng cho Giới trẻ Hiệp hành trong lòng Giáo Hội. Giới trẻ cũng đề nghị những việc làm cụ thể cho những thời gian sắp đến, để giới trẻ có nhiều hoạt động sinh động và bổ ích, cùng hiệp thông, cùng đồng hành, đồng trách nhiệm và sẻ chia, sống tinh thần hiệp hành với gia đình, Giáo Hội và xã hội. Các bạn đã nêu lên những khó khăn của hoạt động Giới trẻ tại một số Giáo xứ: do dịch bệnh kéo dài, do tìm kiếm việc làm, do chi phối vui chơi giải trí từ nhiều nguồn…. dẫn đến các bạn thiếu cộng tác trong công việc chung. Các bạn rất mong muốn Giáo Hội qua các Linh mục Quản xứ và Hội đồng mục vụ Giáo xứ, quan tâm nhiều hơn nữa đến Giới trẻ.

Trong dịp gặp này, các Bạn đã cùng suy gẫm những chặng Đường Thánh Giá Chúa với Cha đặc trách Giới trẻ, cùng rước kiệu Lá và tham dự Thánh Lễ do Đức Giám Mục Chủ sự.

Đức Giám Mục Giáo phận đã đến huấn từ, Đức Cha đã mời gọi các Bạn nhìn lại, Cha Ông đã sống Đức tin và làm chứng cho Đức tin; Các bạn cần có lòng biết ơn và gìn giữ di sản Đức tin trong cuộc sống; đồng thời làm chứng tá cho Tin Mừng bằng đời sống: trung thực, trách nhiệm, biết phân định, hiền hòa nhẫn nại, thấu hiểu cảm thông, công bằng bác ái yêu thương, tôn trọng các quyền con người … những giá trị Ki-tô Giáo. Các Đức tính nhân bản, làm nên nhân cách, phẩm giá và những giá trị tốt đẹp. Giới trẻ là hiện tại và là tương lai của gia đình, Giáo hội và xã hội. Người Công Giáo mang nét đẹp văn hóa truyền thống và Đức ái, những hy sinh phục vụ vô vị lợi, chia sẻ tri thức, sức khỏe, hạ tầng cơ sở …. Thậm chí tính mạng của các Linh mục Tu sĩ, đội ngũ y bác sỹ và các Thiện nguyện viên Công Giáo trong thời gian dịch bệnh vừa qua.

Trong bài giảng, Đức Giám Mục mời gọi các bạn sống tinh thần “ Hiệp Hành” gặp gỡ trực tiếp với nhau, dành thời gian cho nhau, lắng nghe nhau, không đóng cửa tâm hồn, cần đối thoại trong yêu thương, với nổ lực và nghị lực, nhờ Ơn Chúa đỡ nâng, mỗi người được lớn lên trong tình hiệp nhất.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Giám Mục đã giới thiệu với Cộng đoàn việc bổ nhiệm Cha Giacôbê Nguyễn Hồng Phong – tân đặc trách Giới trẻ Giáo phận, và hai Cha Phụ tá: Cha Giuse Phạm Nguyên Huy và Cha Antôn Võ Ngọc Vĩnh.

Anh Mattheu Lê Nguyễn Thiên An – Trưởng Giới trẻ Giáo phận đã đại diện các bạn trẻ tỏ lòng tri ân Đức Giám Mục, Quí Cha và Giáo xứ đăng cai, vì niềm vui được gặp gỡ, được huấn giáo. Các bạn hứa nỗ lực cùng làm việc với nhau, biết lắng nghe với con tim rông mở, hun đúc nhiệt huyết yêu thương phục vụ, để lắng nghe ý định của Thiên Chúa, cùng nhau Hiệp Thông - Tham Gia – và Sứ Vụ, hướng tới một Hội Thánh Hiệp Hành.

Được biết:

Tháng 12 năm 1985, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II, tuyên bố Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ được tổ chức mỗi năm, vào Chúa nhật Lễ Lá.

Năm 1986, lần đầu tiên Thánh Giá hiện diện trong Thánh lễ Đại Hội Giới Trẻ, tổ chức tại Giáo phận Roma.

Ngày 4/10/2021, Uỷ ban tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon – Bồ Đào Nha, đã thông báo rằng cuộc gặp gỡ của tất cả người trẻ trên thế giới với Đức Thánh Cha tại Lisbon, sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm 2023.

Hướng đến Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon 2023, hôm thứ Hai 07/3/2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp cho các bạn trẻ, mời gọi các bạn chuẩn bị và cộng tác, để cuộc gặp gỡ vào tháng 8/2023 là một sự kiện trẻ trung, sinh động, mới mẻ, mạnh mẽ và sáng tạo.
 
VietCatholic TV
Hí hửng đưa tin pháo vô Kramatorsk, 1 giờ sau Nga mới biết dại dột tự nhận gây ra tội ác chiến tranh
VietCatholic Media
03:03 09/04/2022


1. Nga hí hửng loan tin trước khi nhận ra đã tự tố cáo một tội ác chiến tranh 'khủng khiếp' trong vụ tấn công nhà ga Kramatorsk

Điện Cẩm Linh đã bị cáo buộc thực hiện một tội ác chiến tranh “khủng khiếp” sau khi hỏa tiễn đạn đạo của Nga bắn trúng một ga tàu đông đúc ở thành phố Kramatorsk, miền đông Ukraine, khiến ít nhất 52 người thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em; và 109 người bị thương.

Trong thông điệp gởi quốc dân đồng bào vào tối thứ Sáu 8 tháng Tư, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của quân đội Nga vào một nhà ga đường sắt ở Kramatorsk phải nằm trong số các cáo buộc tại tòa án tương lai về tội ác của Nga chống lại Ukraine.

Ông Zelenskiy nói:

“Vụ tấn công hỏa tiễn vào Kramatorsk phải là một trong những lời buộc tội được đưa ra tại tòa án, điều này chắc chắn sẽ diễn ra. Tất cả các lực lượng quốc tế sẽ xác định ai đã ra lệnh này, hỏa tiễn được phóng từ đâu, ai vận chuyển chúng, ai ra lệnh và cách thức cuộc tấn công này được chấp thuận như thế nào. Không thể tránh khỏi trách nhiệm giải trình”.

Ông Zelenskiy nhấn mạnh rằng đây là một tội ác chiến tranh khác của Nga.

Theo nhà lãnh đạo Ukraine, cơ quan thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đã hí hửng loan báo về cuộc tấn công vào Kramatorsk và cho rằng Nga đã đánh trúng một đoàn xe vận tải quân sự của Ukraine.

Sau khi được biết hỏa tiễn này đã gây thương vong kinh hoàng cho thường dân vô tội, cơ quan truyền thông bất nhân này đã vội vàng đính chính, chuyển trách nhiệm về cuộc tấn công cho các lực lượng Ukraine.

Ông Zelenskiy lưu ý rằng tất cả các cường quốc hàng đầu thế giới đều lên án cuộc tấn công của Nga vào Kramatorsk, trong khi Ukraine mong đợi một phản ứng toàn cầu, kiên quyết đối với tội ác chiến tranh này, cũng như các vụ thảm sát mà người Nga đã gây ra ở Bucha.

38 người được ghi nhận chết tại chỗ và 14 người khác tử vong tại bệnh viện sau đó trong cùng ngày, trong đó có 5 trẻ em. Hiện còn lại 109 người bị thương đang được điều trị tại các bệnh viện.

Các hỏa tiễn Tochka-U cực mạnh đã hạ cánh bên ngoài tòa nhà ga chính, nơi 4,000 người đang chờ được di tản hôm thứ Sáu. Các nhà chức trách đã kêu gọi người dân rời khỏi khu vực trước một cuộc tấn công quân sự của Nga dự kiến từ tuần tới.

Ông Pavlo Kyrylenko, thống đốc vùng Donetsk, cho biết ít nhất 109 người bị thương trong cuộc tấn công. Nhiều người bị mất tay chân. Các bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện của thành phố đã phải vật lộn để đối phó với rất nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, ông Kyrylenko nói.

Ông cho biết Nga đã sử dụng bom, đạn chùm và mục tiêu của nước này là “gieo rắc nỗi kinh hoàng và sợ hãi” và giết chết càng nhiều thường dân càng tốt. “Kẻ thù biết rằng đây là một thành phố, rằng đây là một đám đông người, đây là một nhà ga,” ông nói.

Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, tức giận cáo buộc Mạc Tư Khoa “giết người có chủ ý” và tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đưa từng tên tội phạm chiến tranh ra trước công lý.”

Tại hiện trường, một phụ nữ, tên Natalia, cho biết cô đã nghe thấy một “tiếng nổ kép”. Cô nói với AFP: “Tôi lao vào bức tường để được bảo vệ. Tôi thấy những người bê bết máu đi vào nhà ga và thi thể khắp nơi trên mặt đất. Tôi không biết họ bị thương hay đã chết”.

Một người phụ nữ khác cho biết cô đang tìm chồng. “Anh ấy đã ở đây. Tôi không thể liên lạc với anh ấy,” cô hốt hoảng nói.

Một đoạn video quay vài giây sau vụ nổ đã hé lộ cảnh tượng kinh hoàng. Các thi thể nằm ở lối vào nhà ga và giữa một hàng ghế bên ngoài. Có tiếng la hét và tiếng kêu cứu. “Có rất nhiều xác chết,” một phụ nữ hét thất thanh.

Những người chết nằm cạnh hành lý của họ, đã được đóng gói cho một cuộc hành trình nhằm đưa họ đến phía tây của đất nước và sau đó đến nơi an toàn. Một chiếc xe đẩy màu xanh ngọc đã bị bỏ hoang cùng với vali và gối du lịch xách tay. Những vũng máu nhuộm đầy mặt đất.

Trong một video, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết “những con quái vật Nga” là nguyên nhân gây ra cuộc tàn sát. Ông cho rằng đây là một phần trong chiến lược có chủ đích của Nga nhằm tiêu diệt các mục tiêu dân sự, bao gồm bệnh viện và trường học.

“Chúng đã không từ bỏ các phương pháp của chúng. Thiếu sức mạnh và lòng dũng cảm để chiến đấu với chúng tôi trên chiến trường, chúng đang quay sang tàn phá một cách dã man dân thường,” Ông Zelenskiy nói.

“Đây là một tội ác không có giới hạn. Và nếu nó không bị trừng phạt, nó sẽ không bao giờ dừng lại “. Ông cho biết không có binh lính Ukraine nào ở nhà ga khi địa điểm này bị tấn công.

Boris Johnson cho rằng hành động của Nga là “vô lương tâm” và là tội ác chiến tranh. Phát biểu trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, ông nói rằng Mạc Tư Khoa nên tuyên bố ngừng bắn và rút quân. Johnson nói: “Cuộc chiến phải dừng lại ngay lập tức”.

Bốn chiếc ô tô bị phá hủy. Các thi thể được chất lên một chiếc xe tải quân sự. Các nhân viên cứu hộ đã dập tắt một đám cháy, với một đám khói xám bao trùm khu vực. Hầu hết những người tập trung tại nhà ga là phụ nữ, trẻ em và người già.

Vladimir Putin đã biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine của mình bằng cách viện dẫn sự cần thiết phải bảo vệ thường dân nói tiếng Nga ở vùng Donbas. Sau khi không chiếm được Kiev, ông ta dường như đã hủy bỏ kế hoạch lật đổ chính phủ thân phương Tây của mình. Mạc Tư Khoa cho biết hiện họ có ý định tập trung các hoạt động quân sự ở phía đông.

Mục tiêu rõ ràng là mở rộng lãnh thổ do phe ly khai thân Nga quản lý trong cái gọi là nước cộng hòa nhân dân Luhansk và Donetsk. Các mục tiêu chính là các thành phố Sloviansk và Kramatorsk hiện do Kiev kiểm soát.

Các quan chức Ukraine tin rằng nếu Putin thành công trong việc chiếm giữ biên giới hành chính của Donetsk và Luhansk, ông ta có thể tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình. Họ nói rằng Tổng thống Nga muốn tuyên bố chiến thắng ở Ukraine vào ngày 9 tháng 5, khi một cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ kỷ niệm quân đội Liên Xô đánh bại Hitler.

Một số thông tin ban đầu trên truyền thông nhà nước Nga hân hoan cho biết hỏa tiễn của họ bắn vào Kramatorsk đã đánh trúng mục tiêu vận tải quân sự. Sau đó, Mạc Tư Khoa phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công và đổ lỗi các hỏa tiễn ấy là do cho các lực lượng Ukraine bắn.

Những người thiệt mạng đang đợi lên tàu để đưa họ ra khỏi vùng chiến sự. Người đứng đầu công ty đường sắt Ukraine, Alexander Kamyshin, viết trên Twitter: “Đây là một cuộc tấn công có chủ ý vào cơ sở hạ tầng hành khách của đường sắt và người dân của Kramatorsk”.

Phó thủ tướng Ukraine, Iryna Vereshchuk, cho biết cuộc tấn công hôm thứ Sáu cũng là một thông điệp có chủ ý tới các nhà lãnh đạo Âu Châu đến thăm Kiev. Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, ông Josep Borrell, và chủ tịch Hội đồng Âu Châu, Charles Michel, đã đến thủ đô Kiev bằng tàu hỏa trên cùng một hệ thống đường sắt mà Nga đã tấn công,

“Bạn phải lưu ý rằng có những cuộc di tản khỏi Kramatorsk mỗi ngày. Chỉ hôm nay, khi các nhà lãnh đạo cấp cao của Âu Châu đến Kiev, họ mới quyết định giết nhiều người như vậy, dù biết chính xác rằng có một cuộc di tản đang diễn ra”, Vereshchuk nói, đồng thời kêu gọi các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Nga.

Von der Leyen mô tả cuộc tấn công là đáng khinh bỉ. “Tôi kinh hoàng trước con số quá nhiều người mất mạng. Suy nghĩ của tôi hướng đến gia đình các nạn nhân”, cô nói. Cô và các đồng nghiệp đã gặp trực tiếp Zelenskiy. Đây là phái đoàn Âu Châu cấp cao nhất kể từ khi Nga xâm lược vào ngày 24 tháng 2.

Borrell cho biết ông “lên án mạnh mẽ” các hành động “bừa bãi” của Nga. “Đây là một nỗ lực khác để đóng các lối thoát cho những người chạy trốn cuộc chiến phi lý này và gây ra đau khổ cho con người”

Có vẻ như không còn nghi ngờ gì nữa, Nga quyết tâm phá vỡ các tuyến giao thông vận tải đến và đi từ phía đông trước khi một hành động quân sự quy mô lớn sắp xảy ra. Đầu tuần này, nó đã ném bom Kramatorsk và cắt đứt kết nối đường sắt ra vào Sloviansk. Ba chuyến tàu bị hoãn. Đường tầu sau đó đã được sửa chữa.

Hôm thứ Tư, cả ba thống đốc của khu vực đã kêu gọi dân thường di tản trong khi họ vẫn có thể. Nga đang dồn ép từ phía bắc và thành phố Izyum, đồng thời tìm cách tiến quân từ phía nam vào thành phố cảng Mariupol, nơi bị bao vây trong hơn một tháng qua.
Source:The Guardian

2. Slovakia chuyển cho Ukraine hệ thống phòng không S-300

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã gặp Thủ tướng Slovakia Eduard Heger, đang có chuyến thăm tới Ukraine.

Ông Zelenskiy “cảm ơn người dân Slovakia và người đứng đầu chính phủ Slovakia không chỉ ủng hộ Ukraine bằng lời nói mà còn viện trợ vũ khí cho đất nước chúng tôi để chống lại sự xâm lược của Nga”, báo cáo viết.

Trước đó, ngày 8 tháng 4, Thủ tướng Ukraine và Slovakia đã thảo luận về việc gia tăng sức ép đối với Nga, viện trợ nhân đạo và hỗ trợ Ukraine gia nhập Liên minh Âu Châu.

Thủ tướng Slovakia Eduard Heger xác nhận rằng nước ông đã cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine để chống lại sự xâm lược của Nga.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết để hỗ trợ Ukraine, Anh sẽ gửi thêm 100 triệu bảng vũ khí, bao gồm hỏa tiễn phòng không Starstreak, “bay với tốc độ gấp ba lần tốc độ âm thanh, 800 hỏa tiễn chống tăng khác và đạn chính xác có khả năng bay lâu hơn trên bầu trời cho đến khi tìm thấy mục tiêu của chúng”.

Ông nói thêm rằng Anh sẽ bàn giao một lô thiết bị quân sự không sát thương cho Ukraine.

Theo ông, London cũng sẽ tiếp tục gia tăng áp lực trừng phạt đối với Nga.
Source:UKRInform

3. Bà Von der Leyen, Borrell tận mắt chứng kiến hậu quả của những hành động tàn bạo của người Nga ở Bucha

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, cùng với Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell và Thủ tướng Slovakia Eduard Heger, đã đến thăm thị trấn Bucha của Ukraine bên ngoài Kiev để xem hậu quả của những tội ác do quân đội Nga chống lại dân thường.

Thủ tướng Shmyhal cho biết:

“Chúng tôi đã đến thăm Bucha. Tôi đã cho Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen, Đại diện cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell và Thủ tướng Slovakia Eduard Heger thấy những hành động tàn bạo mà quân đội Nga đã gây ra đối với dân thường Ukraine.”

Ông nói rằng người Ukraine sẽ không bao giờ tha thứ cho kẻ thù vì những tội ác này. “Chúng tôi đang làm việc cùng với các đối tác Âu Châu để ngăn chặn kẻ xâm lược càng sớm càng tốt”

Bà Ursula von der Leyen và Ông Josep Borrell đã đến Kiev vào ngày 8 tháng 4.

Các thị trấn Irpin, Bucha, Hostomel và toàn bộ vùng Kiev đã được giải phóng khỏi quân xâm lược Nga vào đầu tháng Tư. Các vụ giết dân thường của người Nga đã được ghi nhận ở các thị trấn và làng mạc đã được giải phóng.

Hiện tại, các thi thể đang được khai quật từ các ngôi mộ tập thể
Source:UKRInform

4. Von der Leyen trao bảng câu hỏi về tư cách quốc gia ứng cử viên Liên Hiệp Âu Châu cho Zelensky

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã trao bảng câu hỏi về tư cách ứng cử viên của Liên Hiệp Âu Châu cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Bà đã trao tài liệu cho tổng thống Ukraine khi đến thăm Kiev vào ngày 8 tháng 4.

Bà cũng lưu ý rằng việc cứu xét tư cách thành viên của Ukraine sẽ không phải là vấn đề trong vài năm như thường lệ, mà sẽ diễn ra trong vòng “vài tuần”.

Hôm 10 tháng Ba, hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu đã được tổ chức tại Pháp để thảo luận về việc củng cố quốc phòng Âu Châu và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ và than đá của Nga. Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu nhất trí ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga và ghi nhận nguyện vọng tham gia vào Liên Hiệp Âu Châu của Kiev.
Source:UKRInform

5. Người mẹ Ukraine đã viết thông tin liên lạc của gia đình trên lưng con gái trong trường hợp cháu bé lâm cảnh mồ côi

Một bà mẹ người Ukraine đã vô cùng sợ hãi rằng cô sẽ bị giết và trong cố gắng cứu đứa con mới biết đi của mình, cô ấy đã viết một danh sách dữ liệu gia đình trên lưng của cháu bé - và thậm chí còn cân nhắc việc xăm những thông tin này lên lưng cháu bé.

Nghệ sĩ Sasha Makoviy ở Kiev đã chia sẻ bức ảnh đau lòng khi tấm lưng của cô con gái mặc tã Vira được che phủ bởi thông tin cá nhân của cô, bao gồm tên, ngày sinh và một loạt chi tiết liên lạc.

Với “đôi tay run rẩy”, cô viết thông tin về đứa trẻ 2 tuổi “phòng trường hợp có điều gì đó xảy ra với chúng tôi và ai đó sẽ đón nhận cháu bé nếu cháu sống sót”.

Cô ấy nói một “ý nghĩ điên rồ chợt lóe lên trong đầu tôi: Tại sao tôi không xăm cho con mình những thông tin này?”

Makoviy cho biết cảm thấy “đau lòng” khi xem lại các dữ liệu Instagram của cô ấy, với những hình ảnh hạnh phúc của cô ấy, con gái và cha của cô gái trẻ như một lời nhắc nhở đau đớn về “một cuộc sống tuyệt vời mà chúng ta đã có” trước cuộc xâm lược tàn bạo của Nga.

Hình ảnh đau lòng đã lan truyền ở Ukraine sau khi được nhà báo Anastasiia Lapatina của Kiev Independent chia sẻ. Nhà báo viết: “Các bà mẹ Ukraine đang viết các liên hệ gia đình của họ trên những đứa trẻ của họ trong trường hợp họ bị giết và đứa trẻ sống sót”.

Bà nói: “Trong khi Âu Châu vẫn đang thảo luận về khí đốt.”

Hôm thứ Ba, Makoviy đã cập nhật những người theo dõi mới của mình, nói rằng cô và con gái hiện đã “an toàn”. Cha đứa bé vẫn còn đang chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở Ukraine.

“Chúng tôi đã vượt qua biên giới, và giờ chúng tôi đang ở miền Nam nước Pháp,” cô ấy nói cùng với một bức ảnh mới chụp một Vira đang mỉm cười chăm sóc một số bông hoa.

“Chúng tôi đã ở cùng với các tình nguyện viên đã mời chúng tôi đến đây và cung cấp chỗ ở,” cô viết, cho biết chiếc váy màu hồng xinh xắn của con gái cô trong ảnh là món quà từ “một gia đình Pháp chu đáo”.

“Tôi xúc động đến rơi nước mắt,” cô ấy nói về phản ứng với bài đăng của mình và những lời đề nghị hỗ trợ.


Source:New York Post
 
Vụ Bucha cho thấy thế giới không thể bị lừa nữa. Chứng tá của một cặp vợ chồng sống sót
VietCatholic Media
05:58 09/04/2022


1. Vụ giết người ở Bucha: 'Thế giới không thể bị lừa nữa'

Oleh Matsenko, người sống sót sau 33 ngày bị Nga tấn công ở Bucha, một thị trấn yên tĩnh một thời ở phía tây bắc Kiev, nói với Al Jazeera: “Họ pháo kích suốt ngày đêm, và tất cả đạn pháo đều bay ngang nhà tôi”.

Phát biểu 4 ngày sau khi quân đội Nga rút lui, ông nói rằng ông đặc biệt hoảng sợ khi hàng chục xe tăng và xe bọc thép từ từ chạy qua - bao quanh là lính bộ binh nhòm ngó vào cửa ra vào và cửa sổ của những ngôi nhà trên phố của ông.

Một số người hàng xóm của ông đã rời khỏi những ngôi nhà tối tăm, lạnh lẽo không có điện, nước sinh hoạt hoặc nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên để đi tìm bánh mì hoặc sạc điện thoại di động - nhưng không bao giờ quay trở lại.

Một ngày nọ, anh ta đi đến một khu chợ còn sót lại sau trận pháo kích để kiếm thức ăn cho mình khi một số bạn bè và hàng xóm kéo đến ngôi nhà của anh được sưởi ấm bằng một cái bếp gỗ.

Và anh ta nhìn thấy những thi thể - hầu hết là dân thường bị quân đội Nga bắn chết.

“Tôi đã nhìn thấy tất cả, những đống xác chết trên đường phố, tất cả đều đã chết. Tôi đã nhìn thấy tất cả, họ vẫn nằm đó, không phải ai cũng được đưa đi chôn cất”, Matsenko nói.

Câu chuyện của anh ta khẳng định mức độ của các vụ giết thường dân hàng loạt đã trở nên rõ ràng - và có thể nhìn thấy - chỉ sau khi các lực lượng và nhà báo Ukraine tiến vào Bucha vào ngày 31 tháng 3.

Những người sống sót, các quan chức và quân đội cho biết người Nga nhả đạn theo mọi hướng, bắn vào bất kỳ chuyển động nào trên đường phố hoặc cửa sổ, vào bất cứ thứ gì ấm áp mà họ nhìn thấy trong kính che nhiệt của mình.

Họ bắn bất cứ ai chống lại sự hiện diện của họ, thẩm vấn và cướp bóc - hoặc đơn giản là thấy ghét là bắn, họ nói.

Qua các bức ảnh, các phương tiện truyền thông và các quan chức cho hay, thi thể đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang phân hủy dưới ánh nắng mặt trời, thi thể đàn ông, phụ nữ và trẻ em nằm trên đường phố, ngồi trong những chiếc xe hơi bị cháy vì đạn bắn khi đang cố gắng chạy trốn.

Một số thi thể được tìm thấy bên trong các căn hộ và những ngôi nhà với những lỗ hổng do đạn pháo và vụ nổ tạo ra. Một số bị trói tay, một số bị tra tấn. Những người khác được tìm thấy trong những ngôi mộ tập thể, hầu như không được phủ đầy đất và rác.

Thị trưởng của Bucha báo cáo rằng hàng trăm thi thể đã được tìm thấy - và con số này có vẻ còn lâu mới kết thúc.

“Ở Bucha, chúng tôi đã chôn 280 người trong những ngôi mộ tập thể,” Anatoly Fedoruk nói với hãng tin AFP hôm thứ Bảy.

Thi thể của 410 thường dân đã được tìm thấy ở Bucha. Ở các thị trấn lân cận Hostomel và Irpin và các làng nhỏ hơn xung quanh Kiev, cũng có hàng trăm thường dân bị giết. Tổng công tố Ukraine Iryna Venedyktova cho biết hôm Chúa Nhật, ngày 3 tháng 4.

Tình báo Ukraine, gọi tắt là SBU, hôm thứ Hai tuyên bố đã lấy được tên của tất cả các quân nhân Nga từ Lữ đoàn súng trường cơ giới số 64, là lực lượng đã chiếm giữ Bucha và thực hiện các vụ giết người.

“Mọi người Ukraine nên biết tên của họ!” SBU cho biết hôm thứ Hai.

Các nhà quan sát đã so sánh các vụ giết người hàng loạt với sự khủng khiếp của Thế chiến thứ hai - hoặc các cuộc chiến tranh Nam Tư vào đầu những năm 1990.

Điểm khác biệt duy nhất là người Nga không bao giờ thu thập xác của chính binh lính của họ.

Nikolay Mitrokhin, một nhà nghiên cứu về Nga cho biết: “Điều đặc biệt của Nga là sau một tháng ở Hostomel, quân đội Nga không bao giờ quan tâm đến việc đưa về nhà hay ít nhất là chôn cất thi thể của các lính đặc nhiệm Nga đã chết trong đợt tấn công đầu tiên”. Đại học Bremen của Đức, nói với Al Jazeera.

Các vụ giết người được báo cáo ở Bucha và các vùng ngoại ô lân cận được so sánh với vụ thảm sát khoảng 8,000 người Hồi giáo Bosniak năm 1995 của các chiến binh người Serbia ở thị trấn Srebrenica.

Nhà phân tích Aleksey Kushch có trụ sở tại Kiev nói với Al Jazeera: “Sự tương tự không phải là ngẫu nhiên.”

Ông nói: Bị phản đối bởi những tuyên truyền của Điện Cẩm Linh nói rằng Ukraine cần được “giải phóng” khỏi những người theo chủ nghĩa tân quốc xã và dân tộc cực đoan, quân đội Nga thấy mình đang ở giữa một “biển bão” của những thường dân thù địch.

Họ sử dụng việc giết những người đàn ông trưởng thành và cưỡng hiếp phụ nữ như là cách duy nhất để “ngăn chặn sự phản kháng và làm suy nhược thần kinh tập thể”, ông nói.

“Đó là sự hủy hoại về thể chất và tâm lý đối với ý chí kháng cự,” Kushch nói.

Đối với nhiều người ở phương Tây, các vụ giết người ở Bucha đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh, là cơ hội đầu tiên để thấy phạm vi giết người hàng loạt những dân thường tương đương với tội ác chiến tranh - hay thậm chí là tội ác diệt chủng.

“Thế giới không thể bị lừa nữa; Ivar Dale, cố vấn chính sách cấp cao của Ủy ban Helsinki Na Uy, một cơ quan giám sát nhân quyền, nói với Al Jazeera.

Anh ta nói rằng anh ta đã đến thăm Bucha khi sống ở Ukraine - và thấy rằng “mức độ của cái ác gần như không thể hiểu nổi”.

Ông nói: “Chúng tôi yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện, mang tính quốc tế và chúng tôi yêu cầu công lý cho các nạn nhân của những tội ác chiến tranh này.

Năm ngày sau khi giải phóng, Bucha vẫn không an toàn - và không có nguồn cung cấp điện, nước hoặc khí đốt.

“Vừa rồi cách đây chưa đầy nửa tiếng, có một đợt rung chuyển mạnh đến nỗi nhà tôi bật dậy. Nhưng nó đã nổ ở đâu - tôi không biết, có thể, một tên lửa hành trình đã bay tới”, Matsenko nói hôm thứ Hai.

“Một cái gì đó đã nổ tung, mạnh mẽ, nhưng chỉ một lần.”
Source:Aljazeera

2. Đức Thánh Cha Phanxicô trao nhiệm vụ mới ở Vatican cho Đức Hồng Y Turkson

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Peter Turkson làm Chưởng ấn mới của Giáo hoàng Học viện Khoa học và Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội.

Vị Hồng Y người Ghana kế nhiệm Giám mục người Á Căn Đình, Marcelo Sánchez Sorondo, 79 tuổi, người đã lãnh đạo cả hai học viện kể từ năm 1998.

Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Turkson với tư cách là Tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện vào tháng 12 năm ngoái.

Đức Hồng Y Turkson từng là tổng giám mục của Cape Coast, Ghana, trước khi ngài được gọi đến Rôma vào năm 2009 để làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.

Vị Hồng Y 73 tuổi, người nói được sáu thứ tiếng, đã trở thành chủ tịch đầu tiên của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện vào năm 2016 sau khi hội đồng giáo hoàng của ngài được sáp nhập vào cơ quan mới cùng với ba hội đồng khác.

Tin đồn về việc ngài từ chức xuất hiện vài tháng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ra lệnh thanh tra Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện do Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago dẫn đầu, sau đó là những thay đổi về nhân sự.

Sự ra đi của Turkson khiến Vatican không có nhà lãnh đạo Phi Châu nào trong số những người đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh lần đầu tiên kể từ năm 1977.

Nhiệm kỳ lâu dài của Giám mục Sorondo tại các học viện giáo hoàng đã được đánh dấu bằng những tranh cãi trong những năm gần đây. Vào năm 2018, ông ca ngợi vai trò lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc, nói rằng “tại thời điểm này, những người nhận ra tốt nhất học thuyết xã hội của Giáo hội là người Trung Quốc”.

Vào năm 2020, vị Giám Mục bảo vệ quyết định trao Mình Thánh Chúa cho tổng thống Á Căn Đình, bất chấp nỗ lực của Alberto Fernández nhằm hợp pháp hóa việc phá thai.

Cùng năm đó, ông cũng bảo vệ sự hiện diện thường xuyên của nhà kinh tế học Jeffrey Sachs, một người ủng hộ việc tránh thai và “công lý sinh sản” tại các hội nghị của Vatican.

Vị giám mục sinh ra ở Buenos Aires sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình vào ngày 8 tháng 9.

Học viện Khoa học Giáo hoàng có nguồn gốc từ Accademia dei Lincei, một trong những học viện khoa học độc quyền đầu tiên trên thế giới, được thành lập tại Rome vào năm 1603. Các thành viên của học viện tồn tại ngắn ngủi bao gồm nhà thiên văn học người Ý Galileo Galilei.

Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội được thành lập vào năm 1994 bởi Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II. Trang web của học viện nói rằng mục đích của nó là “thúc đẩy nghiên cứu và tiến bộ của khoa học xã hội, chủ yếu là kinh tế học, xã hội học, luật và khoa học chính trị, do đó cung cấp cho Giáo hội những yếu tố mà Giáo hội có thể sử dụng trong việc phát triển học thuyết xã hội của mình.”

Cả hai học viện giáo hoàng đều có trụ sở tại Casina Pio IV trong Vườn Vatican.


Source:Catholic News Agency

3. Tổng thống Aoun cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Li Băng vào tháng Sáu

Tổng thống Li Băng hôm thứ Ba cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm quốc gia Trung Đông này vào tháng Sáu, miễn là không có sự trục trặc trong sự điều phối của chính quyền Li Băng và Vatican.

Viết trên Twitter ngày 5 tháng Tư, Tổng thống Michel Aoun cho biết ông đã được Sứ thần Tòa Thánh tại Beirut thông báo về chuyến thăm Li Băng.

“Người Li Băng đang chờ đợi chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm của Đức Thánh Cha đối với Li Băng và cảm ơn ngài vì những sáng kiến mà ngài đã thực hiện đối với đất nước của họ và những lời cầu nguyện mà ngài đã đưa ra để thiết lập hòa bình và ổn định ở đây,” Aoun, một tín hữu Công Giáo Maronite, đã viết như trên.

Truyền thông địa phương đưa tin rằng một chuyến thăm Li Băng của Giáo hoàng dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12 tháng 6.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mong muốn được đến quốc gia Trung Đông này trong nhiều dịp khác nhau.

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về từ Malta vào ngày 3 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài muốn gặp Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Trung Đông đang được coi là địa điểm cho cuộc gặp gỡ này.

Các kế hoạch cho cuộc gặp thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và lãnh đạo Giáo Hội Chính thống Nga vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm 2022 đã được tiến hành trong vài tháng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tổng thống Aoun tại Vatican vào ngày 21 tháng 3, khi Li Băng tiếp tục quay cuồng với nhiều cuộc khủng hoảng.

Trong những năm gần đây, Li Băng đã phải vật lộn với dòng người tị nạn từ cuộc chiến ở Syria, cuộc khủng hoảng tài chính tàn khốc, sự quản lý thiếu ổn định và tác động của COVID-19.

Việc Nga xâm lược Ukraine cũng đang đe dọa gây ra cuộc khủng hoảng lương thực ở Li Băng, quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mì từ Ukraine.
Source:Catholic News Agency
 
Ngũ Giác Đài: Mất tinh thần, lính Nga tháo chạy khỏi Bắc Ukraine bỏ lại rất nhiều xe tăng, và pháo
VietCatholic Media
16:02 09/04/2022


1. Quân trú phòng Ukraine đã đẩy lui thành công bảy cuộc tấn công

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết: Nga tiếp tục tăng cường các tập đoàn quân ở các hướng Donetsk và Tavriysky.

“Những kẻ xâm lược không từ bỏ nỗ lực mở một cuộc tấn công theo hướng Popasna và Sievierodonetsk nhưng không thành công”.

Trên hướng Nam Buh, quân Nga đã mở các cuộc tấn công trong khu vực Oleksandrivka, nhưng không đạt được mục đích.

Theo Bộ Tổng tham mưu, theo hướng Slobozhansky, quân đội Nga tiếp tục phong tỏa thành phố Kharkiv, nã pháo vào các khu dân cư, bao gồm cả các loại hỏa tiễn phóng hàng loại và súng cối hạng nặng.

Các đơn vị của quân đội Nga được báo cáo đã rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ vùng Sumy chạy về phía Nga.

Tại vùng Donbas, các lực lượng phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi thành công 7 cuộc tấn công của quân xâm lược Nga trong khu vực diễn ra trong 24 giờ qua. Quân phòng thủ Ukraine đã tiêu diệt 9 xe tăng, 7 đơn vị xe bọc thép và 5 đơn vị xe cơ giới của đối phương.

Các đơn vị phòng không Ukraine đã bắn rơi hai trực thăng và một hỏa tiễn hành trình của đối phương trên vùng Donbas của Ukraine.
Source:UKRInform

2. Ngũ Giác Đài xác nhận Nga đã tháo chạy khỏi miền Bắc Ukraine bỏ lại rất nhiều tăng, pháo và các loại xe

Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Hoa Kỳ đang tìm cách cung cấp thêm nguồn cung cấp cho Ukraine, bao gồm vũ khí, đạn dược và thông tin tình báo.

Tướng Kirby cũng nói rằng vụ tấn công tại ga đường sắt ở miền đông Ukraine là “một phần trong sự tàn bạo của Nga khi khởi động cuộc chiến này” và lưu ý rằng Nga đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công cho đến khi họ biết tất cả chỉ là thương vong về dân sự.

Thiếu tướng John Kirby chỉ ra rằng ban đầu truyền thông nhà nước Nga hân hoan cho biết hỏa tiễn của họ bắn vào Kramatorsk đã đánh trúng mục tiêu vận tải quân sự. Sau đó, Mạc Tư Khoa phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công và đổ lỗi các hỏa tiễn ấy là do cho các lực lượng Ukraine bắn.

Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định Nga đang chuyển trọng tâm sang khu vực Donbas và phía đông, sau khi một số đơn vị quân đội Nga đã chứng kiến một số tổn thất nghiêm trọng khi tiến đánh Kiev.

“Chúng tôi đã thấy dấu hiệu của một số đơn vị Nga theo nghĩa đen và về mọi bình diện đã bị xóa bỏ”

Đặc biệt, các lực lượng Nga đã từ bỏ “rất nhiều” xe tăng, phương tiện và các hệ thống pháo trong một cuộc rút lui “vội vàng” khỏi miền bắc Ukraine. Đây có thể là dấu hiệu của sự “suy sụp ý chí chiến đấu”.

Ngũ Giác Đài xác nhận rằng cho đến nay, không còn các đơn vị nào của Nga ở miền bắc Ukraine.

“Đó là một cuộc rút lui khá vội vàng của các lực lượng Nga và có rất nhiều, rất nhiều thiết bị của Nga đã bị bỏ lại trong cuộc rút quân vội vã đó và điều đó sẽ chỉ làm trầm trọng thêm thách thức mà họ gặp phải về việc tân trang và tái cấu trúc lực lượng khi họ rút lui vào Belarus và vào Nga.”

“Chúng tôi không rõ tại sao người Nga lại bỏ rơi nhiều khí tài chiến tranh như thế vì bạn có thể thấy rằng nhiều phương tiện này vẫn còn sử dụng được và chúng có thể được người Ukraine sử dụng để tấn công Nga. Tôi nghĩ có điều gì đó xung quanh sự suy sụp về tinh thần và sự sụp đổ của ý chí chiến đấu.”

Ngũ Giác Đài cũng cảnh báo rằng có những dấu hiệu cho thấy Nga đã triển khai các lực lượng dự bị và hy vọng sẽ tuyển được 60,000 quân.

3. Cảnh quay được từ máy bay không người lái cho thấy một chiếc xe tăng Ukraine đơn độc dám phục kích cả một đoàn xe thiết giáp của Nga đang tháo chạy về nước

Tờ Independent đã đưa ra một video từ tình báo Anh, được thu bằng máy bay không người lái, trong đó ghi lại một cảnh đầy kịch tính khi một chiếc xe tăng Ukraine đơn độc phục kích toàn bộ một đoàn xe bọc thép của Nga ở ngoại ô Kiev khi đoàn xe này đang rút lui về hướng Đông - phá hủy một số chiếc trong số đó và buộc những chiếc khác phải rút lui.

Một chiếc xe tăng kiểu cổ điển T-64 nhưng là loại xe tăng chiến đấu chủ lực của Ukraine được nhìn thấy đang nấp sau một tòa nhà và bắn vào các mục tiêu của đối phương trên một con đường ở Nova Basan, cách thủ đô chưa đầy 50 dặm về phía tây, tờ Independent đưa tin.

Khi các thiết giáp BTR-82 của Nga di chuyển ầm ầm rất khí thế, chiếc xe tăng Ukraine bất ngờ tung ra một đòn tấn công.

Phát đầu tiên trượt mục tiêu, nhưng phát tiếp theo bắn trúng một chiếc xe, nổ tung thành một quả cầu lửa.

Các lực lượng Nga dường như bị bất ngờ trước cuộc tấn công và họ đáp trả bằng cách bắn ngẫu nhiên về hướng chiếc xe tăng mà họ không thấy rõ vì bị che khuất.

Các binh sĩ Nga được nhìn thấy nhảy khỏi xe của họ để ẩn nấp gần đó - nhưng một số người trong số họ được nhìn thấy nằm chết khi đoàn thiết giáp vội vàng rút lui.

Theo Telegraph, chiếc xe tăng Ukraine được cho là thuộc Tiểu đoàn Anh em Dmytro Korchynsky, nơi đã phục kích các lực lượng Nga đang rút lui về phía Đông sau khi thất bại trong việc chinh phục Kiev.

Theo tổng kết của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine 18,600 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong các chiến dịch ở Ukraine từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 6 tháng 4. Nga cũng mất 684 xe tăng, 1,861 xe thiết giáp, 332 hệ thống pháo, 107 bệ phóng hỏa tiễn, 55 hệ thống phòng không và các thiết bị khác.
Source:New York Post

4. 300 người bị mắc kẹt trong tầng hầm trường học trong nhiều tuần bởi quân xâm lược Nga

Cư dân của một ngôi làng ở phía bắc Kiev cho biết, hơn 300 người đã bị mắc kẹt trong tầng hầm trường học trong nhiều tuần bởi những người chiếm đóng Nga, viết nguệch ngoạc tên những người chết trên một bức tường bong tróc.

Halyna Tolochina, một thành viên của hội đồng làng Yahidne, đã rất xúc động khi cô lược qua danh sách, viết nguệch ngoạc trên hai bên cánh cửa màu xanh lá cây, trong khung cảnh u ám nơi cô nói rằng cô và hàng trăm người khác bị giam giữ.

Bên trái cánh cửa là tên của 7 người bị lính Nga giết hại. Cô nói ở bên phải là tên của 10 người đã chết vì những điều kiện khắc nghiệt ở tầng hầm.

“Bác này chết trước,” Tolochina nói, chỉ vào tên Ông Dmytro Muzyka, người đã chết vào ngày 9 tháng Ba. “Bác ấy chết trong căn phòng lớn, trong căn phòng này.”

Cô cho biết thi thể của Muzyka đã nằm vài ngày trong phòng lò hơi cho đến khi, trong thời gian bị pháo kích, một số người được phép đưa người chết đi chôn trong những ngôi mộ được đào vội ở nghĩa trang của làng.

Reuters đã nói chuyện với bảy cư dân của Yahidne, những người nói rằng có tổng cộng ít nhất 20 người chết hoặc bị giết trong thời gian Nga chiếm đóng. Các nhà chức trách Ukraine chưa công bố số người chết một cách chính thức.

Một số dân làng đã tiếp tục ngủ ở đó vì nhà của họ đã bị phá hủy.

Các phóng viên đã nhìn thấy một ngôi mộ mới đào trên cánh đồng gần làng, và hai thi thể được bọc trong những tấm nhựa trắng.

Điện Cẩm Linh không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về các sự kiện ở làngYahidne.

Những lời kể về những gì đã xảy ra trong ngôi làng làm tăng thêm lời khai từ những thường dân Ukraine về những đau khổ ở các thị trấn xung quanh Kiev trong những tuần bị quân Nga chiếm đóng.

5. Nga đóng cửa các văn phòng của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, và Ân xá quốc tế

Theo Reuters, Bộ Tư pháp Nga đã thu hồi giấy phép hoạt động của 15 tổ chức nước ngoài, bao gồm cả tổ chức của Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Trong một tuyên bố, Bộ Tư pháp Nga cho biết các thành viên người Nga trong các tổ chức này, bao gồm cả Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, “đã bị cấm hoạt động do phát hiện ra những vi phạm pháp luật hiện hành của Liên bang Nga”.

Phản ứng trước thông báo của Nga rằng chính phủ sẽ đóng cửa các văn phòng địa phương của các tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng động thái này là bằng chứng thêm rằng chính phủ Nga “không màng đến bất kỳ sự kiện nào liên quan đến việc bảo vệ thường dân ở Ukraine”.

“Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã làm việc về Nga từ thời Liên Xô, khi nước này còn là một nhà nước độc tài khép kín. Sau đó, chúng tôi đã tìm ra các cách để ghi lại các vi phạm nhân quyền và chúng tôi sẽ làm như vậy trong tương lai,” tổ chức này cho biết trong một tuyên bố. “Khi chúng tôi làm điều này, chúng tôi kêu gọi Nga quay trở lại các tiêu chuẩn mà nước này có nghĩa vụ phải duy trì theo hệ thống nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó”.

6. 121.000 trẻ em bị 'cưỡng bức trục xuất' đến Nga

Quân đội Nga đã “cưỡng bức” hơn 600,000 người Ukraine, trong đó có khoảng 121,000 trẻ em, phải đến Nga, ủy viên nhân quyền Ukraine, Lyudmila Denysova, cho biết.

Trong một tuyên bố đăng trên Facebook, Denysova cho biết cư dân của thành phố Izyum tạm thời bị chiếm đóng trong vùng Kharkiv đang bị cưỡng chế chuyển đến Nga.

Denysova nói:

Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Nga sử dụng chiến thuật như vậy. Sau khi đẩy thành phố đến tình thế nguy cấp, đối phương đưa ra một hành lang nhân đạo có điều kiện, bề ngoài là muốn cứu người, nhưng bên trong là khiến người ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc di tản sang Nga.

Báo chí Nga cho biết họ đã đưa 615,000 người Ukraine sang Nga, trong đó có 121,000 trẻ em.
 
Các đền thánh Đức Mẹ gửi thư cho Putin: Dừng ngay cuộc chiến tranh vô nhân đạo này
VietCatholic Media
16:06 09/04/2022


1. Đám đông quỳ gối để nói lời tạm biệt với chủng sinh Ukraine 24 tuổi thiệt mạng trong cuộc giao tranh gần đây

Alexander Tsykun, tốt nghiệp Đại học Thần học Rivne của Nhà thờ Chính thống Ukraine, đã bị giết bởi lực lượng xâm lược của Nga. Đám tang của Tsykun được tổ chức một ngày sau khi anh ấy bước sang tuổi 24. Anh ấy đã bị giết trong cuộc giao tranh gần đây ở khu vực Hostomel.

Vị giáo sĩ Chính thống giáo trẻ tuổi được đám đông đồng hương thương tiếc. Giáo phận Rivne của Nhà thờ Chính thống Ukraine báo cáo, “Hàng nghìn người đã đến gặp anh hùng và cảm ơn anh ấy vì sự hy sinh của anh ấy, qua đó anh ấy đã chứng tỏ tình yêu của mình đối với những người láng giềng và Tổ quốc-Ukraine.”

Tang lễ, được tổ chức vào ngày 26 tháng 3 tại làng Stavok, với sự tham dự của hơn 30 giáo sĩ Chính thống giáo. Sự hiện diện của họ là một dấu hiệu cho thấy Tsykun đã sống như một Kitô hữu thực thụ. Cuối bài giảng, Cha Vitaliy Lototsky, Hiệu trưởng Trường Thần học Rivne phát biểu trước thánh lễ.

Từ làng Ivanychi đến nhà cha mẹ anh, mọi người bày tỏ lòng kính trọng đối với hậu vệ đã ngã xuống bằng cách quỳ xuống trước lễ tang.

Alexander Tsykun được chôn cất trong khuôn viên của Nhà thờ Thánh Nicholas.
Source:Aleteia

2. Lá thư gửi cho Putin từ các đền thánh Đức Mẹ yêu cầu ông ta dừng ngay cuộc chiến tranh vô nhân đạo

Sau nghi thức thánh hiến Nga và Ukraine cho trái tim vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ Maria, được tiến hành đồng thời với nghi thức thánh hiến của Giáo hoàng, bảy địa điểm hành hương quan trọng nhất của Đức Mẹ ở Âu Châu đã lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và tuyên bố ủng hộ Kiev gia nhập Liên minh Âu Châu.

“Chúng tôi chỉ trích việc Nga xâm lược Ukraine và lên án mạnh mẽ những hành động thù địch tàn khốc của Liên bang Nga”, Hiệp hội các đền thờ Âu Châu cho biết như trên trong một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Nga, đồng thời cũng yêu cầu Nghị viện Âu Châu chấp nhận cho Ukraine gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu.

“Chúng tôi thương tiếc mọi sinh mạng đã mất trong trận chiến không cân sức này; chúng tôi đoàn kết với nỗi thống khổ của vô số người và cầu xin chấm dứt ngay sự hủy diệt. Với quyết tâm cao nhất, chúng tôi yêu cầu chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến tranh vô nhân đạo này và lập lại hòa bình cho Âu Châu và thế giới “.

Các thánh địa Âu Châu là một hiệp hội bao gồm các đền thánh Đức Mẹ Altoetting ở Đức, Czestochowa ở Ba Lan, Einsiedeln ở Thụy Sĩ, Lộ Đức ở Pháp, Loreto ở Ý, Fatima ở Bồ Đào Nha, và Mariazell ở Áo.
Source:ilmattino.it

3. Cảnh sát Anh cho phép các linh mục tiếp cận hiện trường vụ án sau khi có các phản đối kịch liệt trong vụ giết Sir David Amess

Các hướng dẫn quốc gia được tu chính của cảnh sát Anh sẽ cho phép tiếp cận bí tích tại các hiện trường tội phạm sau kết luận của một nhóm công tác được thành lập sau vụ sát hại nghị sĩ Sir David Amess.

Vụ giết người vào tháng 10 năm 2021 đã đặt ra một số câu hỏi liên quan đến phản ứng thích hợp để cấp cho các linh mục hoặc các thừa tác viên khác quyền tiếp cận hiện trường vụ án giết người hoặc bạo lực đau thương trong đó nạn nhân vẫn còn tại chỗ.

Ủy viên Cảnh sát Dame Cressida Dick và Đức Hồng Y Vincent Nichols đã đồng ý thành lập một nhóm chung để xem xét việc này và liệu có bất kỳ thay đổi nào được yêu cầu theo hướng dẫn của cảnh sát hay không.

Nhóm, do Đức Tổng Giám Mục John Wilson của Southwark phụ trách Giáo Hội Công Giáo và Phó Trợ lý Ủy viên Cảnh sát Thủ đô, đã xem xét một loạt các quan điểm.

Cha Liam Bradley, một linh mục của Giáo phận Menevia và cũng là Tuyên úy trưởng của Cảnh sát Dyfed-Powys, cũng là một phần của nhóm làm việc.

Nhóm đã phát triển hướng dẫn đơn giản mới, đã được cảnh sát Anh xuất bản như một phần của Thực hành nghề nghiệp về quản lý điều tra.

Đức Tổng Giám Mục Wilson cho biết: “Thật vui khi được cộng tác với các đại diện của Sở Cảnh sát Đô thị, các Sở Cảnh sát khu vực khác nhau và Trường Cao đẳng Chính sách, để đạt được và thực hiện một quan điểm chung.

“Khi cần thiết, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận hiện trường vụ án, đến những người bị thương tích nguy hiểm đến tính mạng để nhu cầu tôn giáo của họ có thể được đáp ứng hoặc những người thân yêu của họ có thể được an ủi.

“Vào một thời điểm quan trọng, sự hỗ trợ về mặt tinh thần có thể tạo nên sự khác biệt cho những người mà điều đó quan trọng đối với họ.”

“Đối với người Công Giáo, điều này có nghĩa là được một linh mục tiếp cận, người sẽ có thể ban phép giải tội, xức dầu và cầu nguyện - thường được gọi là Nghi thức cuối cùng. Chúng tôi rất biết ơn vì điều này”.
Source:Catholic Herald