Ngày 30-04-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Như Thầy đã yêu
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:38 30/04/2018
Chúa Nhật VI Phục Sinh, năm B
Ga 15,9-17

Tình yêu là cái gì thật khó nói, khó diễn tả, nhưng nó lại kỳ diệu đến nỗi ai cũng cần tình yêu. Quả vậy, tình yêu làm nên những điều vô cùng quý giá, làm nên những phép lạ nơi những kẻ tin vào tình yêu, và thực hiện tình yêu.Thánh Gioan đã định nghĩa “ Thiên Chúa là Tình Yêu “.

Tình yêu huyền nhiệm nhưng cũng đầy năng lực đã khiến biết bao nhiêu người hy sinh, quảng đại chăm lo cho những người bất hạnh, nhưng người nghèo, những người già cả, neo đơn. Tình yêu đã thúc đẩy nhiều nước, nhiều tổ chức, nhiều nhóm, cá nhân đầy lòng từ tâm, nhân đạo, đã làm những việc tử tế, những việc bác ái yêu thương để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những kẻ tât nguyền, những bệnh nhân tâm thần, cùi hủi vv…Nhiều con tim đầy yêu thương đã cùng hòa nhịp với Đức Giêsu Kitô, đã mau mắn đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Người :” …Hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu “ ( Ga 15, 12 ).

Vâng, từ khi Thiên Chúa sai Con của Ngài là Đức Giêsu đến trần gian để sống cho, sống với, sống vì nhân loại thì mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người thật gần gũi, Ngài coi mọi người như con cái, như bạn hữu thân tình. Tình yêu ấy đã giúp con người, nhân loại hiểu được mối thâm sâu mà Thiên Chúa Cha đã mặc khải :” Tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết “ ( Ga 15,15 ). Thiên Chúa Cha đã yêu thương Chúa Con đã mặc khải sự thực, tỏ lộ mầu nhiệm Thiên Chúa nơi Đức Giêsu và chính Đức Giêsu vén mở để nhân loại, để chúng ta được biết Cha của Người. Chúa Giêsu đã yêu nhân loại, yêu con người, yêu chúng ta đến cùng. Tình yêu của Chúa là tình yêu tự hiến, nhưng không, tình yêu không giới hạn, không mức độ :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ). Thực ra,tình yêu nối kết chúng ta với Chúa Cha, với Chúa Giêsu, nên nó cũng thôi thúc chúng ta phải yêu thương nhau. Tuy vẫn biết chúng ta khó lòng thực thi tình yêu như Chúa đã yêu ta, tuy nhiên chúng ta vẫn được thôi thúc, vẫn được mời gọi để noi gương bắt Chúa, thực hành yêu như Chúa yêu.

Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly đã để lại cho chúng ta gương tình yêu tuyệt đỉnh, Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Ngài đã nêu gương yêu thương và phục vụ cao vời, Ngài mời gọi các môn đệ và chúng ta hãy yêu như Ngài, đã phục vụ, đã khiêm nhượng như Ngài.

Nhiều Vị Thánh đã sống hết mình vì người nghèo, đã hy sinh quảng đại, từ tâm vì những người đau khổ, nhiều nhà truyền giáo cũng đã sống hết mình vì người nghèo. Thế giới đang cần tình yêu đích thực. Chúng ta phải là chứng nhân sống động cho tình yêu đích thực. Thế giới hôm nay cần những chứng nhân hơn là những người nói giỏi mà không thực hiện điều mình đã nói. Chết như Đức Kitô để gánh tội cho tha nhân, chúng ta đã không có cơ hội, đã không có dịp nhưng sống cho kẻ khác, chúng ta có rất nhiều dịp. Chúng ta hy sinh âm thầm giúp đỡ, cầu nguyện cho những người đang gặp thử thách. Chúng ta quảng đại, giúp đỡ vật chất, tiền của cho những người đang gặp khó khăn để họ vượt thắng, và can đảm tiếp tục sống là chúng ta đang thực hiện điều Chúa mởi gọi: " Hãy yêu như Thầy đã yêu “ , yêu cho tới cùng và yêu cho tới chết.

Tình yêu không dành riêng cho một ai, nhưng dành cho tất cả mọi người. Tình yêu làm cho tất cả chúng ta bình đẳng trước mặt Thiên Chúa và bình đẳng đối với nhau.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương chúng con rất nhiều nhưng chúng con đáp lại tình yêu vô biên của Chúa chẳng là bao. Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng để chúng con luôn biết noi gương Chúa mà yêu tha nhân như Chúa đã yêu.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Yêu là gì ?
2. Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện thế nào ?
3. Chết vì yêu là sao ?
4. Tại sao lại gọi tình yêu không mức độ ?
5. Yêu như Thầy yêu là sao ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đời sống tôn giáo ở vùng Amazon: ''sự hiện diện và sống nơi đây là một cuộc sống đầy gian truân nguy hiểm''
Thanh Quảng sdb
04:14 30/04/2018
Đời sống tôn giáo ở vùng Amazon: "sự hiện diện và sống nơi đây là một cuộc sống đầy gian truân nguy hiểm"
Từ Tabatinga, nơi mà Đại hội đã diễn ra từ ngày 20 đến 24 tháng Tư vừa qua, Thông Tấn Xã Fides đã trích lời của Đức Giám Mục Adolfo Zon, Alto Solimões (Brazil), Ngài cho hay "Đại hội này là một ân huệ của Thiên Chúa". Đại hội đã qui tụ khoảng 90 tham dự viên, đại diện cho 30 cộng đồng tôn giáo khác nhau.
Điểm chính yếu mà Đại hội học hỏi được tìm thấy trong công bố cuối cùng nói về những công việc liên quan tới nhiều lãnh vực và tổ chức, hiện đang được tái xét tại nhiều nơi trong khu vực Amazon. Theo nhãn quan này thì Đức cha Zon cho hay giáo phận của ngài tiếp giáp với Brazil, Colombia và Peru đã nói lên tầm quan trọng của một giáo phận có những tổ chức chung cho Giáo phận mang sắc thái mà ba biên giới của ba nước, của ba giáo phận là Alto Solimões của Brazil, Leticia của Colombia, một Địa phận tông tòa và Giáo phận San José del Amazonas của Peru… nhưng tất cả đều tập trung vào "dự án truyền giáo".
Đối với những người hiện diện, cuộc họp này đã dấy lên nỗi niềm hy vọng to lớn nhằm xây dựng một Giáo Hội với khuôn mặt Amazon và của các sắc dân bản địa theo đúng quan điểm của Hội đồng Vùng Amazon. Trong bản văn cuối cùng này có nhấn mạnh tới những con đường mới cho 'Giáo hội và sự bảo tồn sinh thái' một chủ đề mà Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới sẽ diễn ra tại đây phải được lắng nghe những thao thức của toàn vùng".
Hiện tại tôn giáo đang nắm giữ những vai trò thiết yếu cho vùng, giúp thay đổi những gì tối cần thiết hầu giữ được bản sắc của vùng và của các sắc dân bản địa của Amazon! Nét độc tôn này phải được siêu việt lên tất cả các biên giới địa lý, biểu tượng, văn hóa, cá nhân và cộng đồng". Tất cả nhằm tiến tới "một Giáo Hội cởi mở và truyền giáo, và Giáo Hội không sợ hiện diện ở những nơi tối cần dù có phải đối diện với nguy hiểm hầu tiếp cận được tới các vùng ngoại biên".
Pan-Amazon tạo cho cuộc sống tôn giáo khả năng phát minh ra các hình thái truyền giáo mới, phù hợp hơn thời đại và nhu cầu của giáo hội địa phương. Tất cả những trọng điểm này sẽ được Thượng Hội Đồng Giám Mục vùng Amazon suy tư phản ánh hầu biến đổi một cách sâu sắc đời sống của Giáo hội trong khu vực, giống như các công cuộc truyền giáo xa xưa đã thực hiện, Giáo hội cần mở lòng ra để lắng nghe và đồng hành… (Agenzia Fides 27/04/2018)
 
ĐGH Phanxicô: Coi chừng những tò mò trong thế giới ảo.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:05 30/04/2018
(Vatican News) Trong Thánh Lễ sáng nay, ngày 30 tháng Tư năm 2018, tại nhà nguyện Casa Santa Marta, ĐGH Phanxicô đã kêu gọi các Kitô hữu hãy cầu nguyện để xin ơn có khả năng phân biệt giữa tính hiếu kỳ tốt và tính tò mò xấu để mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta sự chắc chắn.

Ngài nói rằng con em của chúng ta tò mò và chúng xem thấy những điều xấu trên mạng. Các em cần được giúp đỡ để không trở thành tù nhân của sự tò mò này. Ngài kêu gọi các Kitô hữu hãy cầu xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta sự chắc chắn chống lại thói tò mò không lành mạnh này.

ĐGH cũng mô tả sự trao đổi giữa Chúa Giê-su và các môn đệ của ngài trong bài Phúc Âm ngày hôm nay như là “cuộc đối thoại lành mạnh giữa sự hiếu kỳ và điều chắc chắn.”

Tính hiếu kỳ lành mạnh của trẻ em.

Cuộc sống của chúng ta gồm rất nhiều thứ để tò mò tìm hiểu, việc quan trọng là biết phân biệt giữa điều tốt lành và những thứ xấu xa. Ngài nói rằng tính hiếu kỳ tìm tòi của trẻ em là lành mạnh, bởi vì khi lớn lên có những điều các em không hiểu và tìm cách giải thích. Điều này giúp các em tự tin và là một “tính hiếu kỳ tốt”, bởi vì các em nhìn, suy nghĩ, các em không hiểu và đặt câu hỏi.”

Thói nhiều chuyện – thói tò mò xấu

ĐGH phê bình thói nhiều chuyện như là một thói tò mò xấu như thích chĩa mũi, tọc mạch vào đời sống của những người khác rồi sau đó dệt chuyện, nói xấu họ, làm cho người ta biết về những chuyện mà lẽ ra họ không cần biết, không cần nghe. Ngài cảnh báo rằng cái loại tò mò xấu xa này “bám theo tất cả chúng ta suốt đời và nó là một loại cám dỗ mà chúng ta luôn gặp phải.”

Thói tò mò xấu trên mạng.

ĐGH nói rằng chúng ta phải rất cẩn thận với thói tò mò xấu trên mạng, nhưng không có gì đáng sợ. Có nhiều loại tò mò, chẳng hạn như trong thế giới ảo trên máy tính, trong điện thoại và những điều khác nữa…Trẻ em truy cập vào những trang nhà để tò mò tìm hiểu và các em đã nhìn thấy bao điều xấu xa, bẩn thỉu. ĐGH nói rằng “Không nên cấm đoán các em tò mò”, nhưng ngài cảnh báo và khuyến khích phụ huynh giúp con em, những người trẻ sống trong thế giới thật này, để những điều muốn biết, không trở nên một thói tò mò mà cuối cùng biến các em thành tù nhân của thói tò mò ấy.

Chúa Thánh Thần mang lại sự chắc chắn.

ĐGH nói đến sự hiếu kỳ của các môn đệ trong Phúc Âm là lành mạnh bởi vì họ muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra và Chúa Giê-su đã cho họ một sự chắc chắn, chứ “không bao giờ lừa dối”, hứa với họ là Chúa Thánh Thần sẽ dạy họ mọi điều và làm cho họ nhớ lại mọi điều Chúa đã nói với họ.

Chính Chúa Thánh Thần sẽ mang lại điều chắc chắn cho cuộc đời của chúng ta, nhưng không phải là một bó sự chắc chắn. Chúng ta sống trên đời này, khi chúng ta xin Chúa Thánh Thần mở lòng chúng ta thì Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta sự chắn chắn vào ngay cái giây phút ấy, câu trả lời vào ngay thời khắc ấy. Chúa Thánh Thần là người đồng hành trên hành trình đức tin của người Kitô hữu.

Cuộc nói chuyện giữa Chúa Giê-su và các môn của ngài là “một cuộc đối thoại giữa sự hiếu kỳ của con người và sự chắc chắn của Chúa Thánh Thần vì Chúa Thánh Thần là “ bạn đồng hành trong ký ức” để mang lại cho chúng ta “niềm hạnh phúc đích thực", không lay chuyển.

Vì thế ĐGH khuyên các Kitô hữu hãy bước đi trong an vui thực sự với Chúa Thánh Thần, là Đấng giúp chúng ta tránh khỏi sai lầm.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
ĐGH Phanxicô nói rằng “Tình yêu biết cách tìm ra điều thiện”
Giuse Thẩm Nguyễn
21:49 30/04/2018
(Vatican News) Hôm nay Thứ Hai, ngày 30 tháng Tư năm 2018, ĐGH Phanxicô đã tiếp Giorgio, Rosita và David Barolini cùng với các thành viên của hiệp hội “Una Vita Rara” (tạm dịch Một Cuộc Sống Hiếm Lạ) tại Hội Trường Sala Clementina của Tòa Thánh. Ngài ca ngợi sự cống hiến của hai cha mẹ một cậu bé đang sống với “một bệnh hiếm lạ”.

ĐGH ngưỡng mộ gia đình này.

ĐGH bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Giorgio và Rosita, sáng lập viên của hiệp hội “Una Vita Rara” và những gia đình khác cùng có một hoàn cảnh tương tự. Ngài nói rằng thay vì nhìn vào những khía cạnh tiêu cực vì có cậu con bị chứng bệnh mãn tính, “các con đã cảm nhận một ước muốn trong lòng để làm điều gì đó cho con mình và cho những người khác bị ảnh hưởng bởi chứng bệnh hiếm lạ này.”

Một Cuộc Sống Hiếm Lạ.

ĐGH cũng giải thích về cái tên mà họ đã chọn cho hiệp hội của họ. “Cái tên tự nó đã nói lên nhiều lắm. Nó nói lên rằng các con biết cách nhìn sự việc một cách tích cực”. Cái nhìn tích cực “là một phép lạ, tiêu biểu cho tình yêu.” Tình yêu làm điều này vì tình yêu biết cách tìm ra điều thiện ngay cả trong một hoàn cảnh tiêu cực.” Tình yêu luôn mở cửa cho người khác và mở cửa để tạo ra tình đoàn kết.

“Una Vita Vera”

Giorgio và Rosita lập ra hội “Una Vita Vera” vào năm 2016 sau khi biết được con trai của họ là David đã bị một căn bệnh hiếm thấy vào năm 2015. Họ kiên nhẫn gần mười hai năm để chờ đợi việc chuẩn đoán bệnh. Con trai của họ bị đau đớn bởi chứng rối loạn tuyến giáp gây ra bởi một đột biến sắc thể gọi là chứng Allan Herndon Dudley Syndrome (ADHS). Nếu tuyến giáp không hoạt động bình thường thì các tế bào thần kinh sẽ không thể phát triển đầy đủ, đưa đến việc các cơ bắp và não phát triển kém ở những người bị chứng ADHS. Bệnh nhân sẽ bị khuyết tật về thể lý và trí tuệ.

Qua trang nhà và mạng xã hội của họ, Barolini đã tạo ra một mạng lưới nhằm phổ biến thông tin về những gì mà người ta biết về chứng ADHS và những nghiên cứu đang thực hiện.

Sáng kiến đi bộ tới Roma.

Sáng kiến đi bộ từ nhà đến Roma đã được tạo ra để nâng cao nhận thức về nền tảng và theo đuổi nghiên cứu về chứng ADHS. Luca Sala đã chạy 700 Km từ nhà của Birolini ở Monticelli Brusati tới Roma. Ông đã tới Roma vào ngày 29 tháng Tư, một ngày trước khi ĐGH gặp “Una Vita Vera” trong buổi tiếp kiến.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Hồng Y Pell sẽ phải ra tòa xử về các cáo buộc lạm dụng
Vũ Văn An
23:33 30/04/2018
Theo ký giả Rod McGuirk của Associated Press, Đức Hồng Y George Pell sẽ phải ra tòa xử về các cáo buộc lạm dụng tình dục.



Thực vậy, hôm nay, thứ Ba, 1 tháng 5, thẩm phán Belinda Wallington đã ra phán quyết buộc Đức Hồng Y phải bị xử về các cáo buộc cho rằng ngài đã lạm dụng tình dục nhiều nạn nhân hàng mấy thập niên trước đây.

Thẩm phán Belinda Wallington bác bỏ một số lời cáo buộc đã được nghe trong tòa điều trần 4 tuần lễ trước đây ở Melbourne nhưng vẫn phán quyết rằng án lý của công tố viện đủ mạnh để mở phiên tòa có bồi thẩm đoàn.

Khi được hỏi ngài sẽ bào chữa ra sao, Đức Hồng Y Pell đã dõng dạc tuyên bố: “Vô tội”.

Các luật sư của Đức Hồng Y vốn luận chứng rằng các lời tố cáo đều không đúng sự thật và nên bị bác bỏ.

Luật sư Robert Richter của ngài nói với Bà Wallington trong phát biểu cuối cùng cách nay 2 tuần rằng những người tố cáo có lẽ đã làm chứng chống lại một trong những người có quyền lực nhất của Giáo Hội để trừng phạt ngài vì không chịu hành động chống lại các lạm dụng của giáo sĩ.

Nhưng công tố viên Mark Gibson nói với thẩm phán rằng không có bằng chứng nào nâng đỡ lý thuyết của Luật Sư Richter cho rằng Đức Hồng Y Pell bị dùng làm mục tiêu vì các sai phạm của Giáo Hội.

Điều đáng lưu ý là phía công tố nói tại phiên điều trần rằng họ đã có ý định bắt giữ Đức Hồng Y để thẩm vấn nếu ngài trở lại Úc đầu năm 2016 để làm chứng trước Ủy Ban Hoàng Gia.

Các luật sư của ngài thì cho rằng phía cảnh sát trong toán đặc nhiệm điều tra các vụ lạm dụng xẩy ra đã lâu đã nhắm vào ngài một cách đặc biệt. Nhưng cảnh sát đã bác bỏ lời tố cáo này.

Họ điều tra ngài từ năm 2013 lúc chưa có một người tố cáo nào lên tiếng với cảnh sát, lực lượng mà luật sư Richter tố cáo là mở "cuộc hành quân lùng bắt Pell”.

Các luật sư của Đức Hồng Y Pell nói trước Tòa vào tháng Hai năm nay rằng người tố cáo đầu tiên tiếp cận cảnh sát vào năm 2015, 40 năm sau các điều gọi là tội ác, để đáp lại các trường trình của truyền thông về ủy ban hoàng gia.

Trong khi đó, có tin Tòa Thánh vừa ra tuyên bố cho hay: Tòa Thánh ghi nhận quyết định mới đây của cơ quan tư pháp Úc liên quan tới các lời tố cáo chống lại Đức Hồng Y Pell và nhắc lại rằng: năm ngoái Đức Thánh Cha đã cho phép Đức Hồng Y tạm nghỉ việc để tự bênh vực. Phép ấy nay vẫn còn hiệu lực. Lời khẳng định này là một quyết định quan trọng chứng tỏ Đức Phanxicô vẫn đứng bên cạnh Đức Hồng Y Pell.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày Ơn Gọi Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm 2018
Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm
10:38 30/04/2018
Hòa chung cùng toàn thể Giáo hội trong ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh, cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm đã tổ chức Ngày Ơn Gọi Thánh Hiến với hơn 600 bạn trẻ tham dự, đến từ nhiều giáo xứ trong và ngoài Giáo Phận.

Trong ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành đặc biệt này, khí trời mát mẻ lạ thường, những tia nắng buông nhẹ nhàng êm dịu hơn, và bầu trời trong xanh như tăng thêm niềm hân hoan phấn khởi cho các thanh thiếu nữ rộn rã tiến về Hội Dòng với các phương tiện khác nhau nhưng cùng chung một niềm hi vọng tìm hiểu ơn goi.

Từ 7 giờ sáng, khuôn viên của Hội Dòng đã tràn ngập tiếng cười nói, chào hỏi của các bạn trẻ thay thế bầu khí tĩnh lặng thường ngày của tu viện. Nét mặt rạng rỡ của mỗi bạn trẻ làm tan biến đi mọi mệt mỏi của sớm ngày và thậm chí làm “quên đi cả những cảm giác say xe vốn có” như có bạn đã chia sẻ.

Xem Hình

Sau hơn một giờ tiếp đón và ổn định, đúng 8 giờ 30 phút, sơ Tổng phụ trách, Têrêsa Mai Thị Ngát chính thức khai mạc “Ngày Ơn Gọi”. Trong lời chào đón hết sức thân thương, sơ Tổng phụ trách dâng lời tạ ơn Chúa đã quy tụ các bạn trẻ và ngỏ lời cám ơn các bạn đã hưởng ứng lời mời của Hội Dòng qua quý Cha xứ và quý sơ trách nhiệm để về tham dự “Ngày Ơn Gọi”. Kết thúc lời khai mạc, sơ cầu chúc các bạn đầy tràn ơn Chúa và chúc các bạn trong ngày hôm nay gặp được Chúa và lắng nghe được tiếng Chúa trong tâm hồn. Hội trường lúc này đã lấp đầy mọi khoảng trống.

“Hãy Theo Thầy”, đó là chủ đề “Ngày Ơn Gọi” năm nay của Hội dòng, cũng chính là lời Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ năm xưa bên bờ hồ Galilê.

Các bạn đến với Hội Dòng hôm nay chắc chắn không chỉ là một cuộc chơi thăm thường lệ nhưng là một cuộc khám phá, hay nói đúng hơn là một cuộc đi tìm Thánh Ý Chúa. Chắc hẳn đó là thao thức khát mong được nghe tiếng Chúa trong tâm hồn các bạn trẻ đang lứa tuổi vào đời, đang đứng trước những bước lựa chọn con đường tương lai: chọn cho mình một hướng đi, một ơn gọi hay một bậc sống.

Hiểu được những băn khoăn của các bạn trẻ, nữ tu Têrêsa Vũ Thị Ảnh đã chia sẻ một đề tài trọng tâm là: “Lắng nghe và Phân định ơn gọi” với ba điểm chính:

Ơn gọi là gì?

Làm sao để nhận biết ơn gọi của mình?

Cần phải thế nào để bước theo và sống ơn gọi của mình?

Bài chia sẻ đã giúp cho các bạn trẻ hiểu thêm về ơn gọi, biết cách nhận ra ơn gọi của mình qua những dấu chỉ và đặc biệt là giúp xác định các động lực (ý thức và vô thức) để bước vào sống ơn gọi. Thái độ “Thinh lặng” và “Cầu nguyện” được sơ nhận định là hai chìa khóa giúp lắng nghe và phân định ơn gọi, và không thể thiếu cho bất cứ bạn trẻ nào trong hành trình tìm kiếm Ý Chúa. Bài chia sẻ được kết thúc với ba chữ T (Ba tê): Tình Yêu – Tự Do – Từ Bỏ. Đó chính là điều kiện tiên quyết và mang tính quyết định cho bất cứ một ơn gọi nào.

Bài chia sẻ được nối tiếp bằng một bài hát với tựa đề “Chúa ơi, đi tu là gì ?” của bạn Phương Anh đến từ Giáo Phận Hải Phòng. Với giọng hát thật du dương truyền cảm, bài hát như đưa tâm hồn từng bạn trẻ vào cuộc đối thoại nội tâm với Chúa để một lần nữa xác tín về động lực trong chọn lựa ơn gọi đời tu, rằng: đi tu là để nên thánh mỗi ngày; đi tu không phải để làm sáng danh con nhưng là để làm rạng danh Chúa”.

Tiếp nối chương trình, nữ tu Maria Nguyễn Thị Hiền chia sẻ đề tài “Ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá” qua hai phần chính: phần thứ nhất nói về bản chất, mục đích, đặc sủng, linh đạo, sứ mạng và tinh thần dòng MTG; phần thứ hai giới thiệu các giai đoạn huấn luyện trong Hội Dòng MTG Phát Diệm rất sinh động qua sự hiện diện và chia sẻ của các chị em đại diện các giai đoạn huấn luyện của Hội Dòng.

Vở kịch “Ơn gọi” của các Tập Sinh đã phác họa cho các bạn trẻ hình ảnh của một nữ sinh trước một chọn lựa mang tính quyết liệt để dám can đảm từ bỏ mọi sự đi theo lời mời gọi của Chúa trong đời sống hiến dâng phục vụ. Tấm gương từ bỏ dứt khoát với những điều cao quý nhất và thiết tha nhất đó là gia đình, người yêu, sự nghiệp … mà các Tập Sinh diễn xuất đã làm rung động bao con tim, gây xúc động bao tâm hồn và thêm quyết tâm cho bao bạn trẻ tham dự. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là: làm sao bạn nữ sinh ấy có thể chắc chắn về tiếng Chúa gọi mình và dám từ bỏ tất cả để bước theo Chúa như thế ? Và còn rất nhiều các câu hỏi khác nữa không chỉ dành cho bạn trẻ trong vở kịch ấy nhưng còn là những thắc mắc cho nhiều bạn trẻ trong hội trường lúc này.

Cuộc hội thảo về ơn gọi tiếp tục trở nên sôi nổi và cởi mở giữa Cha Đa-Minh Savio Nguyễn Tuấn Hào, Bề trên Đan viện Xitô Châu Sơn, với các bạn trẻ cùng các sơ đã giúp giải đáp nhiều những thắc mắc và các vấn nạn cho các bạn trẻ về ơn gọi.

Niềm vui sum họp được thể hiện trong bữa cơm trưa tại khuân viện của Hội Dòng. Cơ hội gặp gỡ nhau thêm thân thiện và gắn kết qua giờ đặc biệt này. Trước lạ sau quen và biết đâu “một ngày nào đó ta lại gặp nhau”, nửa đùa nửa thật các bạn trẻ tạm hứa với nhau.

Sau giờ ăn trưa là phần sinh hoạt ngoài trời. Các bạn trẻ dưới sự điều động hướng dẫn của các sơ trẻ trong các lớp huấn luyện của Hội Dòng đã là nên một cuộc chơi thất thú vị và tăng thêm phấn khởi tươi vui.

Với mong ước không bạn trẻ nào ra về mà còn mang trong mình những thắc mắc ưu tư nên chương trình được tiếp tục bằng giờ hội thảo buổi chiều từ 13g45 đến 15g. Nối tiếp giờ hội thảo là phần giao lưu văn nghệ của các lớp huấn luyện và của các bạn trẻ từ các giáo xứ.

Ngày Ơn Gọi được khép lại với thánh lễ bế mạc vào lúc 15g45. Thánh lễ đồng tế sốt sắng do Cha Tổng đại diện chủ tế cùng Cha Đa-Minh Savio và quý Cha xứ Mỹ Thủy, Trung Đồng. Trong bài giảng, Cha Đa Minh Savio đã một lần nữa đúc kết lại tất cả những chia sẻ trong ngày cùng với bài Tin Mừng về hình ảnh Chúa Giêsu - người mục tử nhân lành để các bạn trẻ cảm nghiệm được tình thương Chúa đang dành cho các bạn qua việc Chúa “biết” rõ các bạn và không ngừng mời gọi các bạn.

Thánh lễ kết thúc, các bạn trẻ cùng nhau tạ ơn Chúa và ca vang bài “Hãy Theo Thày” như một lời quyết tâm với Chúa và đáp lại lời mời của Chúa để như các môn đệ năm xưa “lập tức các ông từ bỏ chài lưới mà đi theo Người”.

Và giờ đây, phút chia tay đã đến, các bạn trẻ chào Chúa, chào Hội Dòng và chào nhau ra về. Trên khuôn mặt các bạn hẳn đã nói lên bao điều vui mừng vì một ngày được gặp gỡ nhau, được trao đổi chia sẻ những kinh nghiệm, được giải đáp các thắc mắc bấy lâu nay, được hiểu hơn về ơn gọi, về đời sống dâng hiến tu dòng và đặc biệt được nghe tiếng Chúa gọi và bước vào hành trình tìm kiếm Thánh Ý hầu giúp cho việc chọn lựa ơn gọi trong tương lại.

Nguyện chúc các bạn trẻ luôn biết lắng nghe tiếng Chúa trong lòng mình, cho Chúa một cơ hội ngỏ lời với bạn và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa trong hân hoan và phó thác: “Lạy Chúa, Chúa gọi con. Này con đây”.

Trong tâm tình tạ ơn Chúa đã ban cho Hội Dòng chúng con một ngày hồng ân đặc biệt này, chúng con xin tri ân Đức Cha Giáo Phận đã ưu ái quan tâm và tạo điều kiện cho chúng con tổ chức “Ngày Ơn Gọi” năm nay.

Chúng con xin chân thánh cám ơn Cha Tổng Đại Diện đã luôn đồng hành và dâng thánh lễ tạ ơn bế mạc cho chúng con. Chúng con xin cám ơn Cha bề trên Đan viện Xi–tô đã cùng hiện diện với chúng con trong Ngày Ơn Gọi hôm nay. Chúng con xin chân thành cám ơn Quý Cha trong và ngoài giáo phận đã quan tâm đến ơn gọi và giúp giới thiệu cùng gửi các bạn trẻ về với Hội Dòng chúng con. Cách riêng, chúng con xin cám ơn Cha xứ Mỹ Thủy và Cha xứ Trung Đồng đã vì quan tâm và nhiệt thành đồng hành cùng các bạn trẻ về với Hội Dòng chúng con. Chúng con kính xin Đức Cha cùng Quý Cha tiếp tục thương cầu nguyện cho Hội Dòng chúng con.

Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm
 
Lễ Tưởng Niệm 30 tháng Tư lần thứ 43 tại Giáo xứ CTTĐVN Seattle.
Nguyễn An Quý.
17:11 30/04/2018
Tukwila WA. Tháng Tư buồn lần thứ 43 lại về, và trên quê hương Việt Nam người dân vẫn còn sống trong cảnh lầm than dưới ách thống trị của đảng cộng sản vô thần. Để tưởng niệm biến cố đầy đau thương này, Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tổng giáo phận Seattle cử hành lễ tưởng niệm 30 tháng 4 lần thứ 43 vào lúc 11 giờ 30 vào sáng Chúa Nhật ngày 29 tháng 4 năm 2018 để cầu nguyện cho quê hương Việt Nam, cầu nguyện cho các Quân, Dân, Cán, Chính VNCH và Đồng Minh đã hy sinh để lý tưởng tự do cùng đồng bào đã chết trên vạn nẻo đường khi đi tìm tự do .

Xem Hình

Đúng 11giờ 30 , vị đại diện thông báo nghi thức tưởng niệm với lời mở đầu:" Hôm nay giáo xứ CTTĐVN Seattle cùng với người Việt Quốc Gia khắp nơi trên thế giới hướng lòng về quê hương Việt Nam để tưởng niệm biến cố đầy đau thương 30 tháng 4 năm 1975. Trân trọng kính mời anh Lưu Công Tiên lên đọc diễn từ tưởng niệm 30 tháng 4. Anh Lưu Công Tiên tiến lên vị trí và đọc bài diễn từ ngắn gọn nói lên niềm đau của dân tộc Việt khi nhìn lại cái mốc thời gian 30 tháng Tư 1975, anh Lưu Công Tiên đọc "Trân trọng kính chào quý quan khách, quý đồng hương cùng toàn thể Cộng Đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo xứ.

Kính thưa quý vị, Trong giây phút thiêng liêng này, chúng ta cùng nhau nhìn lại cái mốc thời gian kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, cái mốc của một giai đoạn lịch sử đầy đau thương phủ kín đất nước kể từ ngày miền Nam lọt vào tay cộng sản.

Thật vậy, biến cố 30 tháng Tư là một biến cố lịch sử phủ đầy tang tóc trên quê hương Việt Nam, nhất là khi nhìn lại thảm họa mà toàn dân miền Nam đã mất đi cuộc sống an lành, gia đình bị phân ly, quyền con người bị tướt đoạt, người dân miền Nam trở thành nạn nhân nô lệ của đảng cộng sản ngay chính nơi quê hương mình, do đó hàng hàng lớp lớp người dân Việt đã rời bỏ quê hương đi tìm tự do, tất cả đã viết lên một trang sử đầy bi thương nhất trong lịch sử dân tộc Việt.

Tưởng niệm 30 tháng tư năm nay, đánh dấu 43 năm ly hương, chúng ta lại càng đau xót hơn khi nghĩ đến thảm họa của đất nước đã và đang bị mất dần từ biển đảo đến đất liền do đảng cọng sản Việt Nam tự dâng hiến cho Tàu cộng, để được sự bảo trợ của Tàu cộng và tiếp tục nắm quyền thống trị đất nước. Đảng cọng sản Việt Nam lại luôn chủ trương dùng bạo lực để khủng bố dân lành, nạn ô nhiễm môi trường và thảm họa Formosa vẫn là mối đe dọa lớn lao cho tương lai đất nước, không chỉ ở nơi miền Trung mà còn lan rộng khắp mọi miền đất nước.

Hôm nay, giáo xứ CTTĐVN Tổng Giáo Phận Seattle cử hành tưởng niệm biến cố đầy đau thương 30 tháng tư. Trong giây phút thiêng liêng này, chúng ta cùng cầu nguyện cho tất cả Quân Dân Cán Chính VNCH và các chiến sĩ đồng minh đã hy sinh để bảo vệ lý tưởng tự do. Cầu cho những đồng bào ruột thịt đã chết trên vạn nẻo đường khi đi tìm tự do, cầu cho các chiến sĩ nhân quyền cũng như các chiến sĩ VNCH bị tù đày đã chết trong các trại tù cộng sản. Nhất là xin Chúa qui tụ khối đoàn kết toàn dân, xin cho tất cả biết cùng nhau đứng lên bảo vệ đất nước trước nạn xâm lược của Tàu cộng và xin cho Quê hương Việt Nam sớm thoát khỏi ách thống trị của đảng cộng sản vô thần để mọi người dân được sống trong an bình hạnh phúc. Trân trọng kính chào."

Bài diễn từ dứt, ba hồi chiêng trống ngân vang tăng thêm sự trang trong của buổi lễ. Ca Đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cùng với quý linh mục cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn Thánh. Cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế Thánh lễ , cha Nguyễn Sơn Miên cùng đồng tế. Bài Ca Nhâp lễ vừa dứt, vị MC thông báo nghi thức niệm hương: Trân trọng kính mời quý Cha dâng hương , quý Cha tiến về vị trí bàn thờ vị MC đọc lời dẫn : "Nén hương trong tay quý cha dâng lên Chúa với lời nguyện cầu: xin quê hương Việt nam chúng con sớm được đón nhận một nền công lý đích thực. Xin cho nạn cộng sản vô thần sớm chấm dứt để mọi người dân được sống trong an bình và xin cho toàn dân biết đoàn kết để bảo vệ đất nước.

Ca đoàn hát: Hương trầm - tỏa bay lên trước Thiên Nhan.( 3 tiếng chiêng trống)

Kế đến là một số đại diện dâng hương , vị MC đọc lời dẫn: Nén hương mà những người đại diện dâng lên trước toà Chúa để niệm nhớ đến linh hồn các Quân, Dân, Cán, Chính Việt nam Cộng Hoà cùng các chiến sĩ Đồng minh đã hy sinh để bảo vệ lý tưởng tự do, niệm nhớ đến các đồng bào đã chết trên đường tìm tự do, niệm nhớ đến linh hồn các chiến sĩ tranh đấu cho nhân quyền và các chiến sĩ VNCH đã chết trong các trại tù cộng sản. Xin cho tất cả được an nghỉ nơi nước Chúa.

Ca Đoàn hát : Hương trầm tỏa bay lên trước Thiên Nhan.( xen vào 3 tiếng chiêng trống sau tiếng hát của Ca Đoàn tạo thêm sự thiêng liêng của buổi niệm hương). Phần niệm hương kết thúc và Thánh Lễ bắt đầu.

Mở đầu Thánh lễ , cha chủ tế chào mừng quý quan khách và cộng đoàn dân Chúa, ngài nói: hôm nay cùng với Giáo Hội mừng Chúa Nhật thứ V Phục Sinh, vừa rồi là nghi thức tưởng niệm biến cố đầy đau thương 30 tháng tư năm 1975, nay 43 năm, giáo xứ chào đón quý vị quan khách đại diện cho các Hội Đoàn cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện. Xin cho một tràng pháo tay để chào đón nhau"( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu)

Hiện diện trong Thánh lễ có một số đồng hương như anh Tôn Thất Hồng và ông Phan Rang. Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa. Hôm nay Giáo Hội mừng Chúa Nhật V Phục Sinh. Tin mừng Thánh Gioan giới thiệu lời Chúa Giêsu trong câu chuyện mà Chúa đã phán cùng các môn đệ: "Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh hoa trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tiả sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm gì được..."

Cha chủ tế phụ trách giảng lễ . Trong bài chia sẻ, ngài nhấn ạnh về đoạn tin mừng : Thầy là cây nho, các con là nhành , ngài nói: "chúng ta phải luôn sống kết hợp với Chúa từng giây phút như những cành nho luôn gắn liến với thân cây nho để được tiếp nhựa sốn từ thân cây cũng như chúng ta được sự tiếp sức của Chúa trong đời sống hằng ngày của chúng ta". Đề cập đến ngày tưởng niệm 30 tháng Tư, ngài nói: "hôm nay chúng ta cùng tưởng niệm biến cố đau thương của dân tộc Việt, biến cố 30 tháng Tư, chúng ta cùng cầu nguyện cho đất nước Việt Nam sớm có được nền tự do dân chủ. Cầu nguyện cho các chiến sĩ Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hoà đã chết để bảo vệ miền Nam Việt Nam, cùng cầu nguyện cho nhau, nhất là cho công việc xây dựng một nếp sống văn minh tình thương nơi xứ ngươì và luôn bảo vệ, duy trì nền văn hoá Việt Nam một cách tốt đẹp..."

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha chủ tế ân cần giới thiệu: hôm nay 29 tháng 4, đúng 53 năm ngày cha Nguyễn Sơn Miên thụ phong linh mục. Trong ngày cuối khi miền Nam bị cọng sản chiếm, ngài từ Mỷ trở về, và cộgn sản cho rằng CIA đã gài ngài về lại Việt Nam hoạt động cho nên ngài đã bị tù gọi là cải tạo đến 13 năm. Mười ba năm trong tù ngài cũng đã làm chứng tin mừng của Đức Kitô ngay trong trại tù. Chúng ta chúc mừng ngài 53 năm linh mục và cùng cầu nguyện cho ngài luôn được an mạnh . Ngài trao cho Cha Miên quà lưu niệm và nói: Xin cho một tràng pháo tay để chúc mừng ngài. (tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu). Trở lại quan khách tham dự 30 tháng Tư. Ngài nói: xin cám ơn quý vị quan khách đại diện các Hội Đoàn đã đến với Giáo xứ chúng tôi trong ngày tưởng niệm biến cố 30 tháng Tư. Ngài ân cần nhắc đến tên từng vị hiện diện với lời cám ơn trang trọng.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 12 giờ 40. Mọi người đón nhận phép lành cuối lễ và chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý.
 
Thánh lễ tưởng niệm Chiến sỹ đồng bào hy sinh trong biến cố 30/4/75 tại Melbourne
Trần Văn Minh
17:32 30/04/2018
Melbourne, vào lúc 7:30 tối Thứ Hai Ngày 30/4/2018. Tại Nhà thờ cổ kính và to lớn I Nhã vùng Richmond Melbourne. Trong không khi se se lạnh. Rất đông Các cựu Quân Cán Chính và đồng bào từ khắp các vùng trong Tổng Giáo phận Melbourne đã cùng về dâng thánh lễ cầu cho quê hương đất nước, tưởng nhớ đến các chiến sỹ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam tự do, nhất là trong các biến cố Tết Mậu Thân và biến cố 30/4/2018.

Xem hình

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Chánh xứ Nhà thờ I Nhã cũng là cựu Sỹ quan QLVNCH và tuyên úy Quân đội Hoàng gia Úc Đại Lợi chủ tế. Linh mục Hải Đăng Tuyên úy Không Quân Hoa Kỳ, Linh mục Trung Dòng Tên và Linh mục Hoàng Kim Huy đồng tế. Các cựu quân nhân thuộc đủ mọi quân binh chủng đã chỉnh tề trong quân phục và rước quốc quân kỳ theo đúng lễ nghi quân cách.

Trước khi cử hành thánh lễ. ông Phạm Đình Toàn thay mặt ban mục vụ cộng đoàn đã chào mừng đến tất cả mọi người thân quý đã về dâng thánh lễ. Ông nói: thường chúng ta khi mất những vật quý thi đi tìm, nhưng đối với những người đã hy sinh, chúng ta không thể tìm thấy, cho nên trong buổi tưởng niệm hôm nay, với vòng hoa tưởng nhớ, 43 năm ngày mất Miền Nam thân yêu và 50 năm Tết Mậu Thân. Linh mục chánh xứ đã ghi là muôn đời ghi ơn trên vòng hoa tưởng niệm.

Đoàn đồng tế đã theo sau đoàn quốc quân kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi chủ tế đặt vòng hoa trước cây nến phục sinh với xiềng xích bao quanh, tượng trưng cho sự mất tự do tại quê hương. Mọi người đứng lên cùng chào cờ và hát quốc ca.

Linh mục chánh xứ ngỏ lời trước khi cử hành thánh lễ. Linh mục nói Thánh I Nhã trước đây Ngài cũng là một chiến binh. Và sau khi Ngài bị thương, Ngài đã nhận ra ý Chúa nhiệm mầu và Ngài đã hăng say hoạt động để làm cho danh Chúa được cả sáng, và Ngài đã trở thành một vị Thánh của giáo hội. Và hôm nay tại ngôi thánh đường mang tên Ngài, chúng ta cùng nhau dâng lễ cầu cho quê hương. Các Chiến sỹ đã hy sinh và các nạn nhân của cuộc chiến.

Sau bài chia sẻ. Linh mục chủ tế đã mời hai vị cựu quân nhân lên gỡ xiềng xích quanh nến phục sinh, rước xuống cuối nhà thờ và mọi người được mời thắp nến để mang lên thắp nến tưởng niệm, như thắp sáng niềm tin yêu hy vọng.

Kết thúc thánh lễ. Ông Nguyễn Văn Long đại diện cho ban tổ chức đã ngỏ lời các ơn quý cha đồng tế, quý vị đại diện các hội đoàn trong Cộng đồng Người Việt Tự Do, Cộng đồng Công Giáo Việt Nam, Ca đoàn, các chiến hữu cựu quân nhân, quân cán chính và đồng bào đã tỏ tình đoàn kết về cùng dâng lễ tưởng niệm.

Sau lễ mọi người được mời dùng trà và cà phê và quây quần bên nhau đàm đạo, tâm tình trong tình chiến hữu, đồng bào với niềm tin yêu hy vọng đất nước quê hương sớm được tự do hạnh phúc, thoát ách độc tài, Cộng sản.

Được biết, chiều 29/4/2018. Tại công viên tưởng niệm, Cộng đồng Người Việt Tự Do Tiểu Bang Victoria đã tổ chức buổi tưởng niệm Ngày 30/4 với đông đủ quan khách Úc Việt. Đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm chung và đặt hoa trước di ảnh các vị tướng đã tuẫn tiết trong biến cố 30/4/1975.
 
Thánh Lễ Cầu Nguyện và Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận 30/04 tại Sydney
Diệp Hải Dung.
18:40 30/04/2018
Tối thứ Hai 30/04/2018 rất đông đủ giáo dân trong Cộng Đồng đã đến nhà thờ Our Lady of Mount Carmel Mt. Pritchard Sydney tham dự Thánh lễ Tưởng Niệm và Cầu Nguyện cho Quê Hương Việt Nam trong Ngày Quốc Hận, đồng thời, với nghi thức Tưởng Niệm và Cầu Nguyện cho các anh linh đã hy sinh vì lý tưởng Tự Do cho Quê Hương Việt Nam.

Xem Hình

Cộng Đồng tha thiết dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin qua sự bầu cử của Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và cùng cầu nguyện cho đồng bào Việt Nam đã hy sinh vì lý tưởng Tự Do trên đường vượt biên vượt biển. Quý Cha, và mọi người tề tựu trước kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang và Linh Hài Các Thánh Tử Đạo với Đại kỳ Việt Nam Cộng Hòa trong khuôn viên nhà thờ.

Sau nghi thức chào Quốc Kỳ Úc Việt, Cha Paul Văn Chi thay mặt Ban Tuyên Úy dâng lời cầu nguyện lên Thánh Mẫu La Vang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Bài hát Lời Cầu Cho Quê Hương vang vọng trong tâm tình sốt sắng để nguyện xin Mẹ chúc lành cho quê hương Việt Nam thoát khỏi đau thương. Tiếp theo, Cộng Đồng cung nghinh Thánh Mẫu La Vang và Linh Hài các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào nhà thờ. Quý Cha và Hội Đồng Mục Vụ cùng thắp những nén hương Tưởng Nhớ và Cầu Nguyện dâng lên Thánh Mẫu La Vang và Linh Hài các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đồng thời, dâng những nén hương tưởng nhớ và cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam, cùng nhớ đến những anh linh của các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh trên đường vì lý tưởng Tự Do. Đồng thời Cộng Đồng dân Chúa cùng ôn lại câu chuyện Việt Nam ngày Quốc Hận 30.4.1975 qua slide show trên màn ảnh.

Thánh Lễ Tưởng Niệm và Cầu Nguyện do quý Cha Nguyễn Văn Tuyết , Cha Tuyên uý Trưởng Bùi Sơn Lâm. Cha Paul Văn Chi, Cha Trần Văn Trợ, Cha Lê Hồng Mạnh, Cha Nguyễn Thái Hoạch và Cha Cựu Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi nói về Tưởng Niệm và Cầu Nguyện với sự đau thương của ngày 30/04/1075 với Hành Trình 43 năm viễn xứ xa quê hương…

Trước khi kết thúc Thánh lễ , Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha, Ban Thường Vụ, quý Trưởng Ban các Giáo Đoàn, quý Đại diện các Ban Ngành Đoàn Thể và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ Tưởng Niệm và Cầu Nguyện cho Quê Hương Việt Nam, các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì lý tưởng Tự Do trong ngày Quốc Hận 30/04. Đặc biệt cám ơn Ca đoàn Ngôi Ba và Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Mt. Pritchard đã giúp dành mọi phương tiện tổ chức buổi Lễ hôm nay.

Diệp Hải Dung
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Quê Hương Và Dân Tộc Việt Nam Trong Hành Trình 43 Năm
Lm. Văn Chi
07:33 30/04/2018
Ra giữa đại dương mù mịt, Con tâu nhỏ có Bà Điệp với con trai Trinh, và con gái Ngọc Châu 19 tuổi, cùng với Mẹ chồng là bà Thanh Vân và 20 người...Bà Điệp nghe thấy tiếng thét khủng khiếp...và tiếp tục là những tiếng thét khác...Bà thấy cướp Thái Lan đang dùng vũ khí đập chết người tỵ nạn: "Tụi cướp đang giết người chúng ta..."

Bà liên tưởng đến hãm hiếp. Bà cầu nguyện: "Chúa ơi, xin hãy giúp chúng con. Mẹ Maria, xin hãy phù trợ chúng con trong giờ lâm chung..." Bọn hải tặc tiến tới những người lớn tuổi trước tiên và ném tất cả xuống biển...Hải tặc tiến lại gần mẹ con bà Điệp...Bà bị quăng xuống biển..Ngọc Châu cũng bị ném xuống...Ngọc Châu nhìn lên trời cao thấy vì sao mỉm cười với mình...Cô cố gắng bơi...Kiệt sức...Cô đụng phải một xác chết...Nhờ xác đó, cô sống sót...Bình minh ló rạng...Cô thấy xác chết đó là bà nội của cô...Cô thấy một xác khác đang trôi lại gần cô...Châu nghe xác đó lên tiếng...Chính là mẹ cô...Một tay ôm xác bà nội, tay còn lại bơi nhanh...Khi gần kề với mẹ...Mẹ con bật khóc tức tưởi...Phép lạ nhiệm mầu của Chúa và Mẹ Maria đã cứu mẹ con Châu...Vài ngày sau, chiếc tầu Mỹ đã vớt mẹ con cô và đưa vào trại tỵ nạn...

Đây là câu chuyện thật Nụ Cười Từ Trời Cao trong tác phẩm Việt Nam Quê Hương tôi của Cha Dominici Đỗ Minh Trí kể lại, giống như câu chuyện của tôi, của anh, của chị, của chúng ta...

CHIẾN TRANH.

1975-2018, với 43 năm viễn xứ. Gần một nửa thế kỷ, Dân Tộc Việt Nam trong bi thảm với những câu chuyện đau thương. Câu chuyện chiến tranh, Câu chuyện mất quê hương và không còn tự do, câu chuyện ngục tù cải tạo, câu chuyện vượt biên vượt biển, câu chuyện chết chóc của người Dân Việt Nam. 43 năm viễn xứ nhìn lại Quê Hương và Dân Tộc. Bạn và tôi nghĩ gì ? Bạn và tôi đã làm gì cho Quê Hương? Bạn và tôi phải làm gì cho Quê Hương.

Những ngày cuối tháng tư, những bộ phim về chiến tranh Việt Nam, Bộ Phim Last Days in Vietnam, Phim Rồng Xanh, Green Dragon... Phim Rồng Xanh mở đầu bằng cảnh máy bay B-52 của Mỹ ném bom rải thảm ở miền Nam Việt Nam. Tiếp theo là hình ảnh từng đoàn trực thăng Mỹ bốcnhững người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa di tản và họ được đón tiếp nồng hậu trên đất Mỹ trong những căn lều dã chiến. Sự kiện này được ghi trên màn hình là tháng 5/1975. Đêm 30 tháng Tư, không khí trại tị nạn tĩnh mịch đến lặng người. Trong căn lều, có một nhóm người tụ tập nhau hát bài đưa tiễn Sài Gòn của Nam Lộc vào một khúc rẽ mới: "Sài Gòn ơi tôi đã mất người trong cuộc đời. Sài Gòn ơi thôi đã hết thời gian tuyệt vời. Giờ còn đây những kỉ niệm sống trong tôi. Những nụ cười ngắt trên môi. Những giọt lệ ôi sầu đắng...Sài Gòn ơi tôi xin hứa rằng tôi trở về. Người tình ơi tôi xin giữ trọn mãi lời thề..."

Sau 43 năm hành trình viễn xứ vì mất Quê Hương, với 2 câu thơ ấn tượng nhất mà tôi vẫn nhớ:

Đôi dép râu giẫm nát đời son trẻ,

Mũ tai bèo khép kín nẻo tương lai.

Nhà Văn Dương Thu Hương khi đặt chân đến Sài Gòn sau ngày 30 tháng Tư, đã phải khóc và nói lên: “Nền văn minh đã thua chế độ man rợ.”

Không có thống kê nào có thể xác nhận có bao nhiêu quân và dân người Việt của hai miền Nam Bắc đã chết. Tài liệu của Bách khoa toàn thư ghi nhận:

• Chiến tranh Việt Nam đã gây ra cái chết của khoảng 5 triệu người Việt Nam.

• Người Mỹ có số thương vong cao nhất với hơn 58.000 người chết và hơn 305.000 bị thương.

• Hàn Quốc có khoảng từ 4.400 đến 5.000 binh sĩ bị chết;

• Úc có khoảng 521 chết và hơn 3.000 bị thương;

• New Zealand 38 chết và 187 bị thương;

• Thái Lan 351 chết và bị thương;

• Philippines vẫn chưa có con số thống kê cụ thể.”

Tổn thất nhân mạng trong Chiến Tranh Việt Nam được chia ra như sau:

• Theo tài liệu của CSVN có: 1,1 triệu quân CSBV chết; trong số đó có 300.000 quân nhân mất tích; 600.000 quân nhân bị thương hoặc bị bệnh.

• Quân lực Việt Nam Cộng hòa: 316.000 tử trận hoặc mất tích. 170.000 bị thương

TÙ ĐẦY- CẢI TẠO.

Theo Lewis Sorley năm 1999, một sử gia Hoa Kỳ có uy tín ghi nhận sau ngày 30.4.1975:

• 65.000 người bị xử tử bởi những người Cộng Sản.

• 250.000 người bỏ mạng trong những trại cải tạo tàn bạo" (Sorley 1999, 383).

• Hàng trăm trại tù cải tạo, rải trên khắp toàn thể Việt Nam cả ba miền Nam, Trung, Bắc (Nguyen 1983, 201-203).

• Khoảng 1 triệu nạn nhân đã bị giam giữ không bị chính thức kết tội hay xét xử.

• Khoảng 150 trại tù cải tạo sau khi Sàigòn xụp đổ (Đỗ Ngọc Uyển; Đỗ 2010). Trong các trại tù cải tạo, tù nhân bị đối xử vô nhân đạo qua những kỹ thuật như bỏ đói, thiếu thốn chăm sóc y khoa, khủng bố, tra tấn, và xử tử tức khắc...

THUYỀN NHÂN VIỆT NAM.

Sau khi chà đạp lên hiệp định Hoà bình Paris 1973 và cưỡng chiếm miền Nam vào năm 1975, CSVN đã áp đặt một chế độ độc tài, man rợ lên toàn đất nước. Hàng triệu người đã bỏ nước ra đi. Trong khi khoảng 2 triệu người may mắn đến được bến bờ tự do, thì có đến trên dưới 600,000 người Việt Nam thân yêu đã bỏ xác trên biển cả. Những hình ảnh được ghi nhận từ năm châu, bốn biển để tưởng nhớ đến những thân nhân bất hạnh không bao giờ còn thấy được bến tự do.

Thống kê của Cao Ủy Tỵ Nạn Liện Hiệp Quốc (UNHCR) đã cho thấy con số 700 ngàn thuyền nhân Việt Nam đến được bến bờ Tự Do và với với hơn 1/2 triệu thuyền nhân bỏ mình trên biển cả rừng sâu như UNHCR loan báo. Báo cáo của UNHCR cũng cho thấy thảm họa cướp biển làm gia tăng mất mát, khổ đau và nhục nhã lên thân phận của một dân tộc đang gánh chịu thảm họa Cộng Sản.

KẾT LUẬN.

43 năm nhìn lại, những tưởng niệm và cầu nguyện cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam, những khắc khoải về dân Tộc, những suy tư về tương lai cho Quê Hương Việt Nam. Tôi tự hỏi đâu là thái độ của tôi với Quê Hương, với Dân Tộc Việt Nam? Tôi còn nợ Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam khi chưa làm gì cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam. Tôi phải làm gì?

1. Cầu nguyện cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam.

Những ngày tháng 4 trong 43 năm của Quê Hương Dân Tộc vẫn còn đau khổ. Con muốn cầu nguyện cho quê hương và dân tộc của con. Để Quê Hương, Dân Tộc, Tổ Quốc Việt Nam con có một ngày mai tươi sáng và vinh quang. Cho Dân Tộc con bớt đi đau khổ và đọa đầy. Cho Tổ Quốc con có một tương lai huy hoàng trong hạnh phúc và yêu thương muôn lối. Con cầu nguyện cho các gia đình Việt Nam được hạnh phúc trong yêu thương. Con cầu nguyện cho giới trẻ Việt Nam luôn thăng tiến và thành công. Nhất là các Bạn trẻ Việt nam biết sống xứng đáng là một con người Việt Nam vinh quang.

2. Quê Hương Dân Tộc và Tổ Quốc Việt Nam trong trái tim.

Giữ mãi hình ảnh Quê Hương Dân Tộc và Tổ Quốc Việt Nam trong trái tim con. Để mãi mãi con vinh dự: Con có một Tổ quốc Việt Nam hào hùng, một Quê Hương yêu quý, một Dân Tộc anh hùng và bất khuất, một tổ tiên ngàn đời vinh danh. Con muốn giữ mãi Quê Hương, Dân Tộc, và Tổ Quốc Việt Nam trong trái tim con. Con thề quyết không bao giờ làm mờ đi hình ảnh Quê Hương, Dân Tộc và Tổ Quốc Việt Nam trong trái tim con. Để mãi mãi xứng danh với Con Rồng Cháu Tiên, để mãi mãi không làm điều xấu để cho người ngoại quốc nhìn sai về Quê Hương Dân Tộc và Tổ Quốc Việt Nam của con.

3. Sống xứng đáng là người Việt Nam.

Con muốn sống xứng đáng là người Việt Nam mà con hãnh diện. Con muốn các Bạn Trẻ Việt nam cũng sống xứng đáng trong môi trường học đường, trong môi trường Cộng Đồng, và trong môi trường xã hội. Con muốn dấn thân hơn, hy sinh hơn trong môi trường con đang sống, để mãi mãi xứng đáng với giòng máu Việt Nam trong trái tim và trong huyết quản của con. Con sống xứng đáng là người Việt Nam, để vinh danh Quê Hương Dân Tộc và Tổ Quốc Việt Nam ngàn đời yêu quý. Con muốn hãnh diện mình là người Việt Nam với trái tim Việt Nam. Để mãi mãi xây đắp một hình ảnh lý tưởng của trái tim Việt Nam nơi hải ngoại.

4. Yêu thương đoàn kết để cùng nhau mang lại hòa bình, tự do, dân chủ cho Việt Nam.

Con ước mơ người Việt Nam hải ngoại yêu thương nhau nhiều hơn, đoàn kết với nhau nhiều hơn. Khẳng định lối sống Viêt Nam tốt đẹp ngay trên đất tha hương này, để cùng nhau quang phục lại Quê Hương Việt Nam trong hòa bình, dân chủ tự do thật sự. Con muốn loại trừ những phê bình chỉ trích, những lên án bất công, những đố kỵ ghen tương, những thù hận ghen ghét, những ích kỷ và chia rẽ trong cộng đồng của con. Thay thế vào đó là những yêu thương, những bàn tay, những khối óc, những trái tim, dấn thấn lên đường để xây dựng một tương lai huy hoàng cho Quê Hương Dân Tộc và Tổ Quốc Việt Nam. Con ước mơ và nguyện cầu cho người Việt Nam gắn bó và yêu thương, cùng nắm chặt tay nhau trong yêu thương đoàn kết, để xây dựng con người Việt Nam vinh quang và xứng đáng với gia tài Mẹ Quê Hương Việt Nam để lại cho con.

43 năm tưởng niệm và cầu nguyện cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam. Con vẫn tự hỏi, con đã làm gì cho Quê Hương Việt Nam của con? Con đã làm gì cho Dân Tộc Việt Nam của con? Con đã làm gì cho Tổ Quốc Việt Nam. Con chỉ đòi hỏi người khác làm cho con. Con chưa chịu dấn thân, con chưa nhập cuộc, con chỉ ngồi khóc than và tưởng nhớ hoài niệm quá khứ đau thương. Con sẽ cố gắng trong mọi hoàn cảnh làm gì tốt đẹp nhất, để quang phục lại quê hương Việt Nam, cho Dân Tộc Việt Nam, cho Tổ Quốc Việt Nam hào hùng của con. Con dấn thân bằng đóng góp tim óc, bằng lời nguyện cầu tha thiết, bằng góp phần xây dựng tương lai của con, xứng đáng là người Việt Nam. Con có một Tổ Quốc, Tổ Quốc Việt Nam yêu quý ngàn đời. Con có một giòng máu anh hùng của Dân Tộc Việt Nam trong huyết quản. Con có một Quê Hương không bao giờ mất trong trái tim Việt Nam của con. Con nguyện sẽ sống xứng đáng là người Việt Nam. Ước mơ cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam luôn ngời sáng trong trái tim mỗi người Việt Nam. Con nguyện cầu cho Tổ Quốc Việt Nam, và tích cực hơn, con góp bàn tay và khối óc trong khả năng của con, để mang lại cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam Công Lý, Hòa Bình, Dân Chủ, Tự Do trong Nhân Quyền thực sự ngày vinh quang tươi sáng. Hôm nay, con tưởng niệm:

• Tưởng nhớ đến 90 triệu Đồng Bào Việt Nam còn đang đau khổ.

• Tưởng nhớ đến trên 5 triệu người Việt Nam đã bỏ mình vì chiến tranh do Cộng Sản Việt Nam gây nên.

• Tưởng nhớ đến các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh mạng sống vì chính nghĩa tự do. Đặc biệt các chiến sĩ, bạn bè, và đồng bào, đã hy sinh trong những ngày 30/4/1975.

• Tưởng nhớ đến 600, 000 đồng bào hy sinh mạng sống vì vượt biên vượt biển đi tìm tự do. Đặc biệt hôm nay, chúng con nhớ tới bạn bè, thân nhân...đã tức tưởi ra đi trong hành trình vượt biên vượt biển tìm lý tưởng tự do.

• Tưởng nhớ 172,000 đồng bào hy sinh trong cải cách ruộng đất 1953-1956.

• Tưởng nhớ 6000 đồng bào hy sinh trong biến cố Tết Mậu Thân.

Con có một Tổ Quốc Việt Nam trong trái tim.

Con có một Dân Tộc Việt Nam hào hùng trong từng mạch sống.

Con có một Quê Hương Việt Nam dấu yêu và thương mến ngàn trùng.

Con cầu nguyện,

Con dấn thân,

Con lên đường,

Với trái tim Việt Nam, với giòng máu Việt Nam, với bàn tay Việt Nam,

Để sớm mang lại cho Quê Hương Việt Nam, Dân Tộc Việt Nam, Tổ Quốc Việt Nam, một Mùa Xuân của yêu thương, hạnh phúc, hòa bình và tự do ngời sáng.

Linh Mục Văn Chi viết cho Quê Hương, Dân Tộc, và Tổ Quốc Việt Nam. 43 năm 1975-2018.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tháng hoa mừng kính Đức Mẹ Maria
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
17:02 30/04/2018
Hằng năm vào tháng Năm, bên xứ lạnh vùng Bắc Mỹ châu và Âu châu thời tiết vào giữa mùa Xuân, theo nếp sống đạo Công Giáo còn đang trong mùa phục sinh. Trong tháng này các cây cối bông hoa bung nở đẹp tươi thắm, và ánh sáng mặt trời chiếu sáng còn dịu mát không nóng như vào mùa hè.

Tháng Năm, tiếng latinh „ Maius“, là tháng thứ năm theo lịch Gregorien, tháng này có 31 ngày. Tên gọi maius bắt nguồn từ Nữ Thần Maius của người Ý thời cổ xưa. Vị nữ Thần Maia được người thời cổ xưa bên nước Ý tôn sùng là vị nữ Thần bảo vệ sự phát triển sinh sôi nẩy nở, hay theo thần thoại Hy Lạp Vị nữ thần này tượng trưng cho người mẹ nhỏ. Thần Maia là vị thần đất và của mọi phát triển sinh sản.

Dưới thời chế độ hoàng đế Nero Claudius Caesar Augustus Germanicus thời Roma cổ ( 37. - 68 sau Chúa giáng sinh) tháng Maius được đổi thành tên thành Claudius, theo tên của hoàng đế, nhưng tên Claudius dẫu vậy cũng không trở thành hiện thực như Nero mong muốn.

Hòang đế Lucius Aurelius Commodus, thời Roma cổ ( 161-192 sau Chúa giáng sinh) đổi tên tháng này thành Lucius, tên này cũng là tên của hoàng đế. Nhưng sau khi hoàng đế Commodus qua đời, tên này bị rút lại không còn nữa, mà trở lại Maius như nguyên thủy.

Trong nếp sống đức tin Công gíao, tháng Năm là tháng dành riêng kính Đức Mẹ Maria, người mẹ sinh hạ nuôi dưỡng Chúa Giêsu trên trần gian.

Khi đạo Công Giáo phát triển từ năm vào thế kỷ thứ 4. sau Chúa giáng sinh trở đi ở Roma và các nước Âu Châu, những ngày lễ hội tôn kính Thần Thánh của dân ngoại được Giáo hội dần „ rửa tội“ biến thành lễ nghi phụng vụ với nội dung đức tin đạo Công Giáo. Tục lệ kính Đức Mẹ tháng Năm cũng có nguồn gốc từ lễ hội tập tục của dân ngoại bên Roma mừng kính Thần Maia thời xa xưa trước đó.

Theo sử sách còn lưu thuật lại vào thế kỷ 18. bắt đầu có giờ thánh kính Đức Mẹ đầu tiên ở vùng Ferrara bên Ý. Từ đó phong trào này lan rộng khắp Âu châu và toàn thế giới.

Vào tháng năm bàn thờ kính Đức Mẹ có tượng hay ảnh Đức Mẹ Maria được trưng bày với nụ bông hoa mới nở tươi cùng ngọn nến cháy sáng không chỉ trong các thánh đường, mà còn ở nhiều gia đình nữa. Điều này nói lên niềm vui mừng, lòng sùng kính yêu mến, sự phát triển nẩy nở, cũng là hình ảnh biểu tượng giữa thảo mộc cây cỏ và Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, một người mẹ sinh hạ Chúa Giêsu nguyên tuyền như hoa hồng không vướng gai tội lỗi.

Tập tục đạo đức sùng kính Đức Mẹ Maria tháng Năm trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo phát triển thịnh hành từ 1850 đến 1950. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. vào ngày 01. tháng Năm 1965 đã viết thông điệp „Mense Maio“ - Trong tháng Năm - cách đặc biệt cổ võ việc tôn sùng Đức Mẹ Maria. Trong thông điệp đức giuáo hoàng viết: „ Đây là một tập tục tốt cao qúy của các vị tiền nhiệm đã dành chọn tháng Năm, kêu mời người tín hữu Chúa Kitô cầu nguyện chung hợp công khai, nhất là những khi Giáo hội gặp thử thách khó khăn hay thế giới trong cơn nguy hiểm bị đe dọa, lời cầu nguyện xin Đức Mẹ phù giúp càng cần thiết.“

Vào tháng năm nơi nhiều xứ đạo Công Giáo, những nơi hành hương kính Đức Mẹ, đều có những cuộc rước kiệu, giờ thánh kính Đức Mẹ long trọng.

Trong nếp sống đức tin của người Công Giáo Việt Nam có tục lệ đạo đức các em nhỏ dâng hoa kính Đức Mẹ và giờ thánh kính Đức Mẹ vào các ngày thứ bẩy trong tháng Năm. Tập tục sống đạo này bình dân, nhưng sống động được phát triển ngày càng có nhiều khởi sắc. Có những nơi vì hòan cảnh tổ chức dâng hoa vào ngày Chúa Nhật nữa.

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có nhiều bài thánh ca hát kính Đức Mẹ cho mọi dịp „mùa nào thức nấy!“. Lời những bài thánh ca kính Đức Mẹ này chứa đựng không chỉ về phương diện thần học đạo đức, nhưng cả âm điệu là lời cầu nguyện chan chứa tâm tình của con người với người mẹ thiêng liêng trên trời nữa.

Ngoài kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng Ave Maria, trong suốt mùa phục sinh hằng ngày Kinh Lạy nữ vương thiên đàng - Regina coeli - được đọc lên thay cho Kinh Đức Chúa Trời sai thánh thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ Maria. Tháng Năm, tháng hoa kính mừng Đức Mẹ vẫn còn trong mùa phục sinh. Vì thế kinh Regina Coeli đọc trong mùa tháng này mang ý nghĩa đạo đức sâu đậm ca tụng Đức Mẹ.

„ Kinh truyền tin chứa đựng những lời Thiên Thần nói với Đức Mẹ khi xưa. Nhưng kinh Regina coeli không là những lời của Thiên Thần, mà là của con người tín hữu chúng ta muốn mời Đức Mẹ hãy vui mừng lên . Vì Chúa Giêsu, người con của mẹ đã sống trong nơi cung lòng mẹ khi xưa, đã sống lại sau khi chết., như Người đã đoan hứa trước như vậy.

Khi xưa lời „hãy vui mừng“ là sứ điệp từ trời cao đã được Thiên Thần mang đến nói với Đức Mẹ Maria ở Nazareth“ Mừng vui lên Maria, Con Thiên Chúa sinh hạ làm người trong cung lòng Chị. Và bây giờ lời kinh „ Lạy nữ vương thiên đàng hãy vui mừng“ sau cuộc khổ nạn đau thương vang lên lời chào mừng vì niềm vui mừng đã đến“ Gaude et laetare, Virgo Maria, alleluia, quia surrexit Dominus vere, alleluia - Mừmg vui lên hỡi Mẹ đồng trinh Maria alleluis, vì Chúa đã sống lại thật, alleluia.“ ( Papst Benedict XVI., Regina Coeli, 2008).

Tháng Hoa kính mừng Đức Mẹ Maria

Lm. Dainh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Tản mạn đời tha hương: Kho Tàng Văn Học Quê Ta.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
15:44 30/04/2018

Một kho tàng vô giá.



Bà con mình ai cũng biết : tiếng nói và chữ viết của dân tộc ta rất là độc đáo, chẳng giống với dân nào trên thế giới cả. Đã mấy ngàn năm nay, ai ai cũng hãnh diện, bắt đầu với loại văn chương bình dân (đại chúng) rồi tới văn chương ‘bác học’ tân tiến. Ngay cả trong các cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, người ta vẫn nhắc tới câu nói chí lý của nhân sĩ Phạm Quỳnh ngày nào :”Truyện Kiều còn thì tiếng Việt còn; mà tiếng Việt còn thì nước ta còn”. Cụ Quỳnh ca tụng truyện Kiều của Nguyện Du như một đệ nhất danh phẩm văn chương của quê hương mình, rồi nhân đó kêu gọi gìn giữ văn học Việt để không…mất nước.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng”


Cảm động quá, phải không bà con ? Chỉ 2 câu lục bát này đủ để nhắc chúng ta yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Dù hoàn cảnh đất nước có thế nào đi nữa.

“Bây giờ mận mới hỏi đào :

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa ?


Mận hởi thì đào xin thưa :

Lối thì có lối, nhưng chưa ai vào”


Có dân tộc nào mà tạo cách tỏ tình ý nhị sâu sắc của đôi trai gái như ở quê hương mình không ? Thật khó tìm ra lắm !

“Da trắng vỗ bì bạch,

Trời xanh màu thiên thanh”


Nữ sĩ Đoàn thị Điểm ra câu đố, rồi Trạng Quỳnh đáp ngay lại, khiến thiên hạ sững sờ. Chỉ có dân Việt mới hiểu, chứ chả có người nước ngoài quốc nào thấm được cái hay của câu đối Việt Nam, chứ đừng nói tới chuyện phiên dịch ra ngoại ngữ !

Một bề dày lịch sử.



Hình ảnh thày đồ và học trò ngày xưa vẫn làm ai nấy thích thú không ít. Bắt đầu với thời dân ta chịu người Tàu đô hộ một ngàn năm, họ ép mình học chữ Hán, và rồi chữ này mang tới bao khởi đầu cho văn học quê nhà. Từ tích truyện cho tới các hình thức thơ văn, cái gì cũng mượn Tàu. Ta chỉ biết 2 lối thơ là ngũ ngôn và thất ngôn. Qua thời nhà Đường mới phát triển lối thơ tứ tuyệt và bát cú. Về sau, các nhân tài của ta dựa văn học Tàu chế thêm các loại, như thủ vĩ ngâm, liên hoàn, thuận nghịch độc, yết hậu, lục ngôn, tiệt hạ, vĩ tám thanh, song điệp, họa vận và liên ngâm…

Quan trọng nhất là về sau, người Việt chế thêm những loại văn thơ vô cùng hay ho quý giá, như thơ lục bát, song thất lục bát, hát nói, hát bội và ca Huế (riêng tác phẩm ‘Chinh phụ ngâm khúc’ là điển hình tuyệt hảo của thể thơ song thất lục bát).

Nét độc đáo của văn học ta còn thể hiện qua các câu đối, các bài phú, bài văn tế (được gọi chung là loại văn đối hay biền văn).

Dĩ nhiên kho tàng văn chương được thể hiện mạnh mẽ qua thể văn xuôi, kể cả thời gian chữ Nôm khởi đầu với danh nhân Hàn Thuyền đời Trần, để rồi xuất hiện những tác phẩm hay ho như ‘Trinh thử’, ‘Cung Oán ngâm khúc’ và nhất là ‘Kim vân Kiều’ của Nguyễn Du. Và ta cũng cần ghi nhớ công ơn bao tác giả vô danh ( tỉ như kẻ viết truyện ‘Bích Câu kỳ ngộ’ hay’Nhị độ mai…) từng góp phần không phải nhỏ.

Nhưng cái đà đẩy mạnh việc sáng tác vẫn là cơ hội ‘ngàn năm một thuở’ khi chúng ta được hưởng món quà vô cùng đặc biệt của các nhà truyền giáo Âu châu, nhất là cha Đắc Lộ, đó là chữ Quốc Ngữ.

Vào thời cận đại, dĩ nhiên với chữ Quốc ngữ, dễ gì ai quên được những tên tuổi lẫy lừng tiếp tay đẩy mạnh nền văn học quê ta : Nào là Nguyễn văn Vĩnh, Petrus Ký, Phạm Quỳnh, Phan kế Bính. Đáng kể nữa là nhóm ‘Tự lực văn đoàn’ lừng danh với Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo…Còn về thơ thì những tên tuổi lớn như Thế Lữ (Hổ nhớ rừng), Tản Đà (Khối tình con), Cao bá Quát (Uống rượu tiêu sầu), Nguyễn Khuyến (Ông tiến sĩ giấy), Tú Xương (Tự thán), Hàn mạc Tử (Đà Lạt trăng mờ)…

Vào thời chia đôi đất nước năm 1954, tại miền Nam, bà con thấy bao nhà văn nổi tiếng góp phần to lớn cho văn học : Nhã Ca, Duyên Anh, Hoàng hải Thủy, Mai Thảo, Chu Tử, Nguyễn thị Hoàng, Võ Phiến, Lệ Hằng…

Nói gì thì nói, qua bao thế hệ, riêng nền ‘Văn Chương bình dân’ đã, đang và sẽ là những cột trụ xây nền văn học quê ta. Từ những câu tục ngữ, ngạn ngữ, phương ngôn, cho tới kho tàng ca dao bát ngát giá trị :

“Thương nhau tam tứ núi cũng trèo,

Thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua”


Kế tới là biết bao nhiêu truyện cổ tích đầy ý nghĩa lịch sử giáo dục và giải trí. Nào ‘Sơn Tinh Thủ Tinh’, nào ’Trương Chi Mỵ Nương’, nào ‘sự tích trầu cau’, nào ‘Chử dồng tử’…nhất nhất gợi lại cho hậu thế những tâm tình thật tha thiết với đất nước.

Nền văn học bình dân luôn có tính cách tự nhiên, sâu sắc, giản dị, uyển chuyển và thanh thoát. Nó dựng nên một giá trị trường tồn cao đẹp, tạo sự trưởng thành cho tiếng mẹ đẻ, khó ai quên được trong đời. Khi nói về văn chương ‘bác học’, người ta phải ghi ơn văn học bình dân đã tạo nền móng từ trước. Sự ‘vay mượn’ này đã vô hình chung dựng xây một vườn hoa văn chương quê nhà thật xinh đẹp thơm tho đầy hương sắc.

Gìn vàng giữ ngọc



(Văn miếu Quốc tử giám : đại học tiên khởi Việt Nam)

Văn học là một góc quan trọng của văn hóa nơi dân tộc Việt Nam. Có ai muốn gìn giữ truyền thống văn hóa quê hương mà quên lãng nền văn học được không ? Bỏ qua những thứ tiêu cực trong nước hiện nay, chúng ta đang vui vì tại hải ngoại có những trung tâm dạy Việt ngữ, kèm theo những thư viện ‘bỏ túi’ lưu trữ sách tiếng nước mình, đủ loại cũ mới. Dĩ nhiên trên mạng lưới toàn cầu cũng thấy đó đây những cố gắng giới thiệu các loại sách vở văn thơ cũ mới của văn chương nước nhà. Bà con cứ thử trang nhà http://vietmessenger.com/books/?author=list sẽ thấy vui lắm. Còn đối với các vị cao niên luôn luôn say mê sách cổ Việt Nam ư ? Chúng ta nên bảo nhau cứ tự nhiên mở http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoChuaSachCu.htm . Sướng lắm. Còn nếu khoái đọc tiểu thuyết cũ ? hãy tìm tới trang nhà http://vietmessenger.com/books/ . Kho sách khổng lồ đáng giới thiệu nhất cho cộng đồng thì chúng ta phải kể tới trang http://ndclnh-mytho-usa.org/Kho_Audiobook.htm .

Tại một số nhà sách lớn hải ngoại, bà con cũng rất sung sướng được thấy những tác phẩm mới ra mắt độc giả, ví dụ tập ‘Tác giả Việt Nam’ xuất bản tại Montreal, Canada, giới thiệu hàng trăm người cầm bút ngày qua. Còn nói về những nhà văn hiện nay muốn nối tiếp con đường của các bậc tiền bối, bà con cũng dễ dàng đọc tên họ, như Tưởng năng Tiến với ‘Đường phía bắc’, Huy Yên với ‘Chùm dâu ngọt ngào’, Trạch An và Trần hữu Hội với ‘Bóng xưa’, Mạc phương Đình với ‘Nợ nhau’, Cao thoại Châu với ’24 giờ bất trắc’, Phan thanh Cương với ‘Về trường xưa’…Và còn nhiều nhiều vị khác từ khắp nơi tại hải ngoại, tiếp tục gìn giữ và phát triển nền văn học nước nhà.

Muốn góp phần để ‘gìn vàng giữ ngọc’ ư ? Quý phụ huynh ráng chỉ dạy con em biết mến thương quê hương và dân tộc Việt Nam, nhất là chịu khó học ‘tiếng nước ta’ cho thật thông thạo. Ngưới Tàu, người Do Thái đó, họ bảo nhau chớ đi vào con đường mất gốc. Dù sống ở phương trời nào, giòng máu Lạc Hồng vẫn lưu chuyển trong tim chúng ta.

Mong thay !

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Vinh Danh Chiến SĨ
Nguyễn Đức Cung
08:27 30/04/2018
VINH DANH CHIẾN SĨ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
30 tháng 4 vinh danh,tưởng nhớ
những chiến sĩ Việt Mỹ đã chiến đấu
cho Tự do, Dân chủ.
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 30/04/2018: Giáo Hội Công Giáo tại Amazon
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:34 30/04/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Amazon, rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới

Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Hai khu rừng nhiệt đới tiếp theo, ở Congo và Indonesia, kết hợp lại cũng không bằng.

Lưu vực Amazon bao gồm 7 triệu cây số vuông, trong đó có 5.5 triệu cây số vuông được rừng nhiệt đới bao phủ. Khu vực này bao gồm lãnh thổ thuộc 9 quốc gia, trong đó 60% rừng Amazon nằm trong lãnh thổ Ba Tây, 13% thuộc Peru, 10% thuộc Colombia, và phần còn lại thuộc về Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Suriname và Guiana thuộc Pháp.

Đây là một vài hình ảnh giúp ta hình dung rừng Amazon lớn đến cỡ nào: Diện tích rừng Amazon có thể bao phủ 40 tiểu bang lớn nhất của Hoa Kỳ; hay là 40% lục địa Nam Mỹ.

Sông Amazon là con sông lớn nhất thế giới. Nó có hơn 1,100 nhánh, trong số đó 17 nhánh dài hơn 1600 km. Những nhánh này sẻ ngang, sẻ dọc khu rừng Amazon.

Vấn nạn lớn nhất trong khu vực này là tình trạng khai thác thiên nhiên bừa bãi, gây ra những thiên tai nghiêm trọng mà chung cuộc là những người nghèo trong khu vực phải lãnh đủ. Bên cạnh đó còn có tệ nạn cướp bóc đất đai của người nghèo và bóc lột nhân công, đặc biệt là nhân công trẻ em.

Ngày 12 tháng 2 năm 2005, nữ tu Dorothy Mae Stang, người Mỹ, là một thành viên của dòng nữ Notre Dame de Namur bị sát hại tại Anapu, một thành phố thuộc bang Pará, thuộc lưu vực sông Amazon của Brazil. Sơ Dorothy đã nỗ lực đấu tranh cho người nghèo và môi trường, và trước đó đã nhận được những lời dọa giết từ những người khai thác gỗ và các chủ đất. Nhiều bộ phim đã được làm để ca ngợi chị; và án phong thánh tử vì đạo cho chị đang được tiến hành tại Bộ Tuyên Thánh của Vatican.

2. Tu sĩ là: “những thành phần thiết yếu của Giáo Hội Công Giáo tại Amazon”

Theo thông tấn xã Fides từ Tabatinga cho hay: “Các dòng tu đang hoạt động tại Amazon là một yếu tố quan yếu cho đời sống tôn giáo ở vùng đất châu Mỹ La tinh truyền giáo này”. Hãng thông tấn xã Fides tường thuật những hoạt động của sơ Luz Valencia, một thành viên của Hội dòng nữ thánh Têrêsa Hài Dồng Giêsu và là thư ký điều hành Hội nghị các dòng tu nam nữ của vùng châu Mỹ Latinh và vùng Ca-ri-bê (CLAR) tại Tabatinga, một thị trấn nằm ở phía tây vùng Amazonas, ở Brazil. Đại hội năm ngày này do Tòa Thánh vatican triệu tập để bàn thảo về các chương trình cho Amazon vừa kết thúc vào ngày 24/4. Khoảng chín mươi tham dự viên, bao gồm nam cũng như nữ tu và đại diện các linh mục thuộc các giáo phận giáo phận và giáo dân làm việc truyền giáo trong vùng Amazon, đại hội xoay quanh đề tài “công việc truyền giáo Pan-Amazon trong viễn cảnh bảo tồn sinh thái toàn vùng”.

Cuộc họp được tổ chức bởi CLAR và mạng lưới pan-Amazon Công Giáo (REPAM), được tổ chức tại thành phố Tabatinga nước Brazil, nơi tiếp giáp biên giới với Peru và Colombia

“Nhiều Giáo hội địa phương nhìn nhận tại Amazon có một thách đố đặc biệt như vị thư ký CLAR, Sr Luz Marina đã đề cập tới: Để cho sự hiện diện tại Amazon có ý nghĩa đáp ứng được sự tín nhiệm của nhiều Giáo hội khác nhau, “vì hầu hết các vị khai sáng của chúng tôi khi thành lập các cộng đoàn nơi đây với mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của Giáo hội địa phương, cho nên những lúc chúng tôi hiện diện tại Amazonia không chỉ là đáp ứng một thách đố của Giáo Hội Công Giáo mà còn những thách đố của xã hội, của toàn cầu vì nó đòi hỏi phải bảo tồn và phát triển các dân tộc bản địa nữa”.

Tầm quan trọng của đời sống tôn giáo ở Amazon thật quan yếu vì như ông Mauricio López, Tổng thư ký của REPAM, nói với hãng Fides rằng: “không có sự hiện diện của các dòng tu thì ‘sự hiện diện của chương trình Liberator United cũng không thể có!’”. Đối với ông López thì “nếu đời sống tôn giáo không hiện diện ở Amazonia, REPAM sẽ không tồn tại”, thêm vào đó “chắc chắn trong khi người dân sinh sống ở đây nhờ những giúp đỡ của tổ chức Liberator United, một sự chăm sóc được cung cấp thông qua Giáo Hội Công Giáo ở đây và được thực hiện qua chính những sinh hoạt của Giáo hội”. Theo những góc nhìn này, ông Lopez nhấn mạnh “sự sống còn của sự hiện diện pan-amazon là nhờ các cộng đoàn tu sĩ”.

Trong thực tế CLAR và REPAM “thành đạt được một sức mạnh tổng hợp” như thầy João Gutemberg, dòng Marist cho đại diện của tổ chức CLAR và REPAM hay: “CLAR và REPAM là hai tổ chức tương tự, cả hai làm việc cho các mối tương quan của đời sống tôn giáo trong Khu vực Pan-Amazon và công việc này cũng là những nhân chứng của cuộc sống “, do đó “các nhiệm vụ thể chế và cá nhân được kết nối liên quan tới các nhân viên đang cam kết tìm kiếm ra một con đường mới với nhiều khả năng hướng về những kỳ vọng tốt đẹp hơn.”

3. Tòa Thánh kêu gọi bảo vệ quyền lợi của người dân bản xứ vùng Amazon

Đức Tổng Giám Mục Bernadito Auza, Sứ thần Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc đã kêu gọi bảo vệ và phát huy nhân quyền và phẩm giá của những người dân bản xứ tại vùng Amazon.

Ngài nhấn mạnh rằng các dân tộc bản địa phải luôn được coi là những đối tác quan trọng trong mọi công cuộc phát triển, với một sự đồng ý không miễn trừ nào trước bất cứ một thông báo quan trọng nào có liên quan đến họ. “Trong thực tế, điều này có nghĩa là duy trì quyền tập thể của người dân bản địa gắn liền với đất đai và tài nguyên của họ”, Đức Tổng Giám Mục Bernadito Auza là Khâm sứ và Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở New York đã phát biểu như trên vào thứ Năm 18/4/2018 vừa qua.

Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra quan điểm trong bài phát biểu khai mạc một Đại Hội đặc biệt về Amazone được Tòa Thánh tổ chức với chủ đề “Những Vi phạm Nhân quyền ở Amazon: Phương cách ứng phó và giải quyết!”.

Đức Tổng Giám Mục Auza đã bày tỏ những lo ngại của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với những người dân bản địa, đặc biệt những người gốc châu Mỹ Latinh với văn hóa, quyền lợi và phẩm giá của học, chủ quyền đất đai, đang bị bỏ qua hoặc thậm chí bị chà đạp vì lợi ích kinh tế hẹp hòi của một số thiểu số. Điều này đang xảy ra tại Amazon, một khu vực rừng nhiệt đới rộng lớn nhất thế giới, nơi có 2,8 triệu người dân bản xứ với những nét văn hóa đa dạng và phong phú của họ.

Trong chuyến viếng thăm Brazil năm 2013, Đức Tổng Giám Mục Auza lưu ý, Đức Thánh Cha đã ca ngợi sự hiện diện của Giáo Hội ở Amazon, không giống như những người khác đến đây để vơ vét những gì có thể! Ngài đặc biệt kêu gọi khuyến khích công việc của Giáo hội qua việc đào tạo những nhân lực của Giáo hội như các giáo viên bản xứ, các giáo sĩ hãy xây dựng “một diện mạo Giáo hội cho vùng đất Amazon”. “Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha đã mời gọi triệu tập một Thương Hội Đồng các Giám mục Giám mục về Amazon sẽ được nhóm họp tại Rome vào tháng 10 năm 2019.

Đức Tổng Giám Mục đã nhắc lại chuyến thăm ngày 19/1/2018 vừa qua của Đức Thánh Cha Phanxicô tại trung tâm Amazon ở Puerto Maldonado giữa rặng núi Andes trong đất nước Peru, nơi đó Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án việc khai thác đất đai và tài nguyên vì những lợi ích kinh doanh dẫn đến tình trạng đàn áp người bản địa thay vì bảo vệ và tôn trọng tài nguyên bao la của khu rừng này.

Đối diện với những vấn nạn này, Đức Tổng Giám Mục Auza nêu lên hai biện pháp:

- Thứ nhất, người ta cần phải đánh đổ “ý đồ mang tính chất lịch sử lâu đời thường coi vùng Amazon này là nguồn cung cấp vô tận cho thế giới mà không cần quan tâm đến người dân bản địa tại đây.”

- Thứ hai, thế giới phải nhận ra rằng bản thân người dân và cộng đồng ở đây mới chính là những người bảo vệ đất đai và cần bảo tồn những văn hóa của họ.

Ngài kêu gọi người dân bản địa phải được đảm bảo qua việc duy trì ngôn ngữ của họ và tôn trọng những lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội cần thiết thuộc về họ và quyền làm chủ trước những phát triển hầu đảm bảo cho vận mệnh của chính họ.

4. Cộng Hòa Tiệp long trọng đón tiếp di hài vị Hồng Y đã từng chiến đấu với chủ nghĩa cộng sản

Đức Hồng Y Josef Beran, được xem như một biểu tượng thách thức chế độ cộng sản, đã bị nhà cầm quyền buộc phải sống lưu vong tại Vatican. Đức Hồng Y đã chết cách đây 49 năm, và được chôn cất trong khu hầm mộ của các vị Giáo Hoàng nhưng ngài luôn muốn được chôn cất ở quê hương của mình. Nguyện vọng cuối cùng của ngài đã được thực hiện.

Hôm thứ Sáu 20 tháng Tư, di hài của ngài đã được đưa từ Đền Thờ Thánh Phêrô về sân bay Kbely của thủ Prague và được đón tiếp long trọng với hàng quân danh dự và đông đảo các vị đại diện cho chính quyền và giáo quyền của Cộng Hòa Tiệp.

Trong bài phát biểu cảm động tại sân bay, ông Ilja Šmíd, bộ trưởng Văn Hóa Tiệp đã ca ngợi tấm gương bất khuất của Đức Hồng Y Beran, người đã trở thành Tổng Giám Mục thủ đô Prague vào năm 1946 sau khi sống sót trở về từ trại tập trung Dachau của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.

Sau cuộc đảo chính của cộng sản vào năm 1948, Đức Tổng Giám Mục Beran đã công khai phản đối chế độ mới.

Ngài bị quản thúc tại gia và sau đó bị công an Tiệp bắt và di chuyển bí mật từ làng này sang làng khác trong mưu toan muốn cắt đứt mối quan hệ giữa ngài và đàn chiên của mình.

Chế độ cộng sản cũng đã bỏ tù hàng ngàn linh mục Công Giáo, nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân. Cộng sản cũng tịch thu tài sản và phá hủy các nhà thờ và tu viện vì trong nhãn quan của họ Giáo Hội là kẻ thù không đội trời chung với cộng sản.

Năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI quyết định nâng Đức Tổng Giám Mục Beran lên hàng Hồng Y. Nhà cầm quyền cộng sản cho phép ngài đi Rôma dự lễ tấn phong; nhưng không cho quay lại Tiệp.

Ngài qua đời vào ngày 17 tháng Năm năm 1969 ở tuổi 80 và được chôn cất trong Đền Thờ Thánh Phêrô trong khu hầm mộ thường chỉ dành riêng cho các vị Giáo Hoàng.

Phát ngôn viên tổng giáo phận Prague là ông Stanislav Zeman cho biết nguyện vọng cuối cùng của Đức Hồng Y là được chôn cất ở quê nhà.

Ông nói với Đài phát thanh Prague:

“Vì chí nguyện cuối cùng của Đức Hồng Y Josef Beran là muốn được chôn cất ở Prague, Đức Hồng Y Dominik Duka đương kim Tổng Giám Mục, đã xin Tòa Thánh cho được thực hiện ước nguyện này của Đức Hồng Y Beran. Theo tinh thần này, đã có một số cuộc đàm phán cụ thể với Vatican.”

Di hài của Đức Cố Hồng Y đã được rước đi trên các đường phố của thủ đô Prague trước khi được đưa về nhà thờ chính tòa Thánh Vitus nơi anh chị em giáo dân kính viếng cho đến ngày thứ Hai khi thi hài của ngài được chôn cất trong khu hầm mộ dành cho các vị Tổng Giám Mục tại nhà thờ này.

5. Đức Thánh Cha khích lệ ban giảng huấn và sinh viên Học Viện Anh Quốc tại Rôma

Sáng thứ Bẩy 21 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với ban giảng huấn và sinh viên Học Viện Anh Quốc tại Rôma. Trong diễn từ của ngài, Đức Thánh Cha khích lệ mọi người tăng cường lòng mến Chúa, yêu người, xua tan những nỗi sợ hãi và xaây dựng tình bạn. Đó là những đá tảng xây dựng cuộc đời chúng ta.

Học Viện Anh Quốc tại Rôma được thành lập năm 1579 như một chủng viện đào tạo các linh mục cho Anh và xứ Wales. Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận năm nay là năm đánh dấu “một loạt các lễ kỷ niệm quan trọng trong đời sống của Giáo Hội ở Anh và xứ Wales”. Đáng kể nhất là lễ kỷ niệm 900 năm ngày sinh của Thánh Thomas Becket, việc thành lập chủng viện Anh quốc đầu tiên tại Douai vào năm 1568, và sự phục hồi của chính Học Viện Anh Quốc tại Rôma này 200 năm trước.

Tình yêu dành cho Thiên Chúa

Nhắc nhở các chủng sinh rằng “mối quan hệ sâu sắc với Chúa” phải là ưu tiên hàng đầu của họ, Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng yêu cầu này “khó thực hiện hơn đối với các bạn so với tôi”. Đức Thánh Cha giải thích rằng đó là vì ảnh hưởng của “nền văn hóa tạm bợ” ngày nay. Và đây chính là lý do tại sao điều rất quan trọng là chúng ta phải “nuôi dưỡng cuộc sống nội tâm, học cách đóng cánh cửa nội tâm của mình từ bên trong”. Như thế, “sự phục vụ của các bạn cho Thiên Chúa và Giáo Hội sẽ được củng cố”.

Tình yêu dành cho người lân cận

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thêm rằng chúng ta phục vụ những người khác “không phải chỉ đơn thuần vì cảm tình, nhưng là vì vâng lời Chúa”, và luôn hợp tác với những người khác. Đức Thánh Cha xác nhận rằng yêu thương người lân cận với mình không phải lúc nào cũng là chuyện dễ dàng, nhưng ngài đề nghị chúng ta cần phải đặt nền tảng “vững chắc nơi Thiên Chúa, Đấng yêu thương và nâng đỡ chúng ta”. “Sức mạnh bên trong” này là những gì đặc trưng cuộc sống của các vị tử đạo xuất thân từ Học Viện Anh Quốc này hồi thế kỷ 16. Tất cả lên đến bốn mươi bốn vị từ chính Học Viện Anh Quốc này đã đổ máu đào minh chứng cho đức tin.

Xua tan nỗi sợ

Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra rằng “sợ hãi” là một trong những trở ngại chính mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống, bao gồm cả nỗi sợ hãi của chính mình. Liên hệ đến Tông huấn Gaudete et Exsultate – Mừng rỡ hân hoan – vừa được công bố gần đây Đức Thánh Cha nói thêm rằng “chúng ta có thể vượt qua sự sợ hãi bằng tình yêu, lời cầu nguyện, và một cảm thức hài hước”

Đề cao tấm gương của Đấng bảo trợ của nhà trường, là Thánh Thomas thành Canterbury, Đức Thánh Cha khẳng định rằng, khi chúng ta thành công trong việc vượt qua nỗi sợ của chính mình, chúng ta cũng có thể giúp đỡ người khác vượt qua nỗi sợ của họ.

Xây dựng tình bạn

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói rằng những lời khích lệ sau cùng của ngài là những lời “của một người cha, bộc bạch từ con tim”, và là một lời mời gọi các chủng sinh nuôi dưỡng “những mối quan hệ tốt lành và lành mạnh nhằm nâng đỡ các bạn trong sứ vụ tương lai của mình”. Bạn bè không chỉ bao gồm những người đồng ý với chúng ta, họ là những ân sủng “để giúp chúng ta trên hành trình hướng đến những gì là đúng, cao quý và tốt lành”.

6. Ba nữ giáo dân được bổ nhiệm làm tham vấn cho Bộ Giáo Lý Đức Tin

Đức Phanxicô đã bổ nhiệm 5 tham vấn mới cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, trong đó, có 3 nhà nữ học thuật và 2 linh mục.

Các vị nữ lưu trên là Tiến Sĩ Linda Ghisoni, giáo sư giáo luật tại Giáo Hoàng Đại Học Gregorian; Tiến Sĩ Michelina Tenance, giáo sư thần học tại Giáo Hoàng Đại Học Gregorian và tiến sĩ Laetitia Calmeyn, giảng sư thần học tại Collège des Bernardins ở Paris.

Hai tham vấn khác là Cha Sergio Paolo Bonanni, giáo sư thần học tại Giáo Hoàng Đại Học Gregorian, Cha Manuel Jesús Arroba Conde, Dòng Claretian, khoa trưởng Institutum Utriusque Iuris tại Giáo Hoàng Đại Học Lateran.

Phát ngôn viên Tòa Thánh nói rõ họ từng là nhân viên tại Thánh Bộ này.

Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin là thánh bộ chịu trách nhiệm việc bảo vệ và phát huy tín lý của Giáo Hội Công Giáo. Hiện thánh bộ này đặt dưới sự điều khiển của Đức Tổng Giám Mục Luis Ladaria Ferrer, và các tham vấn bao gồm các Hồng Y, giám mục, linh mục, luật sư giáo luật và thần học gia giáo dân.

7. Ngày Sách Thế giới: Ðức Thánh Cha nêu bật những lợi ích của việc đọc sách.

Nhân “Ngày Sách và Bản quyền Thế giới”, 23 tháng Tư năm 2018. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh những lợi ích của việc đọc sách để xây dựng “một xã hội công bình hơn và huynh đệ hơn”.

Vatican News bản tiếng Ý cho biết, Ðức Thánh Cha mong muốn ngày này là “cơ hội nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của sách, và nói chung là của việc đọc sách, để xây dựng một thế giới và một xã hội công bình hơn, huynh đệ hơn”.

Ông Romano Montroni, chủ tịch Trung tâm Sách và Ðọc sách của Italia, người được Ðức Thánh Cha Phanxicô gửi đến một sứ điệp - qua Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh Toà thánh Pietro Parolin - nhận định rằng “cần phải có những chứng nhân sáng giá, có uy tín về nhân bản lẫn xã hội, làm cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách. Và Ðức Thánh Cha Phanxicô là một người trong số ấy”.

Ngày Sách và Bản quyền Thế giới được thành lập trong phiên họp khoáng đại của UNESCO tại Paris vào năm 1995 để “khuyến khích mọi người, đặc biệt là người trẻ, khám phá niềm vui đọc sách”. Ngày Sách và Bản quyền Thế giới được cử hành vào ngày 23 tháng Tư hằng năm, để kỷ niệm ngày qua đời của Miguel de Cervantes, William Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega (năm 1616).

Theo một thông cáo của Liên hiệp quốc, mỗi năm, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA), Liên đoàn Sách quốc tế (IBF) và Liên đoàn Quốc tế các Hội và Cơ quan Thư viện (IFLA) chỉ định một “Thủ đô Sách Thế giới” trong thời gian một năm. Và năm 2018 Thành phố Athens của Hy Lạp đã được chọn; thành phố này đang nỗ lực làm cho mọi người dân tại đây, kể cả người di cư và người tị nạn, dễ dàng đến được với sách.

8. Triển vọng có một nhà thờ ở Ả Rập Saudi

Ðức Hồng Y Jean-Louis Tauran hiện đang viếng thăm Ả Rập Saudi, cái nôi của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo Wahhabi, nơi mà tất cả các tôn giáo khác ngoài Hồi giáo đều bị cấm.

Ðã có nhiều người lên tiếng đòi quyền xây dựng nhà thờ ở một quốc gia hiện có gần hai triệu Kitô hữu đang sống một cách thầm lặng.

Sắp có một nhà thờ ở Riyadh chăng? Những dấu hiệu khơi mào của Thái tử Ả Rập Saudi là Mohammed ben Salmane, người đã tiến hành những cải cách xã hội trong Vương quốc -nơi mà tất cả các tôn giáo khác ngoài Hồi giáo theo chủ nghĩa Wahhabi cực kỳ bảo thủ đều bị cấm tuyệt đối-, đã nhen nhóm lại niềm hy vọng nơi các cộng đoàn Kitô hữu ở Ðông phương.

Trong những ngày này, Ðức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà thánh về Ðối thoại Liên tôn, đã được “Trung tâm quốc tế đấu tranh chống ý thức hệ cực đoan “ (ETIDAL, viết tắt theo tiếng Ả Rập) đặc biệt tiếp đón. Ðược coi là một người kiên trì thúc đẩy cuộc đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và Hồi giáo, ngài cũng đã gặp Quốc vương Salman hôm thứ Tư 18-04 tại Riyadh.

Giáo Hội Công Giáo ở bán đảo Ả Rập chia thành hai giáo phận: giáo phận Bắc Ả Rập (gồm Qatar, Bahrain, Ả Rập Saudi) dưới quyền coi sóc của Ðức giám mục Camillo Ballin, có Toà giám mục đặt tại Bahrain - nơi đây một nhà thờ đang được xây dựng; giáo phận Nam Ả Rập (gồm Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Oman, Yemen), với Toà giám mục đặt tại Abu Dhabi, do Ðức Giám mục Paul Hinder coi sóc.
 
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 30/04/2018: Câu Chuyện Đức Mẹ hiện ra tại Hoa Kỳ, phép lạ có thể bạn chưa từng biết
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:48 30/04/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thiên đàng không phải là nơi buồn chán

Trong Thánh Lễ sáng Thứ Sáu 27 tháng Tư năm 2018 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng Thiên Đàng là chốn vui vẻ hạnh phúc muôn đời vì cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu, chứ không phải là nơi buồn chán như một số người lầm tưởng.

Ngài đã trình bày các suy tư về cuộc lữ hành trần thế của người Kitô hữu hướng về thiên đàng, nơi chúng ta sẽ được chào đón với niềm vui được gặp gỡ Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha đã lấy ý từ Bài Đọc Một trích từ sách Tông Đồ Công Vụ kể về diễn từ của Thánh Phaolô tại một hội đường ở Antiôkia trong miền Pisidia

Thánh Phaolô nói với người Do Thái rằng dân thành Giêrusalem và các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ đã không nhận biết Chúa Giêsu, đã kết án tử cho Người. Nhưng Chúa đã sống lại từ trong kẻ chết.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Thánh Phaolô đã gọi sự phục sinh của Chúa Giêsu là sự hoàn thành Lời hứa của Thiên Chúa. Ngài nói rằng dân Chúa bước đi với lời hứa này trong lòng, xác tín rằng họ là dân đã “được chọn.” Ngay cả khi họ không trung thành, thì “họ vẫn tin vào lời Chúa hứa bởi vì họ biết Chúa là Đấng trung tín.”

Đức Thánh Cha nói:

“Cũng thế, chúng ta đang bước trên hành trình ấy. Khi được hỏi là chúng ta đang đi về đâu, chúng ta nói ‘hướng về thiên đàng!’ Có người hỏi vậy thiên đàng là gì? Khi đó chúng ta bắt đầu lúng túng về câu trả lời của mình. Chúng ta không biết cách nào là tốt nhất để giải thích về thiên đàng. Chúng ta thường hình dung ra một thiên đàng trừu tượng và xa xôi nào đó…Vì thế có người nghĩ là “sẽ buồn chán lắm nếu mà ở đó muôn đời? Không, đó không phải là thiên đàng. Chúng ta đang bước đi trên con đường hướng đến một cuộc gặp gỡ: Đó là cuộc hội ngộ cuối cùng với Chúa Giêsu. Thiên đàng là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chúng ta phải thường xuyên nhớ lại ý tưởng này: “Tôi đang trên hành trình cuộc đời để gặp Chúa Giêsu.” Cuộc tao ngộ này sẽ làm cho chúng ta được hạnh phúc muôn đời.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Vậy thì Chúa Giêsu làm gì lúc này đây?” Phúc Âm Thánh Gioan chỉ ra rằng Chúa Giêsu đang chuẩn bị chỗ cho chúng ta, đang cầu nguyện cho chúng ta.

Đức Thánh Cha nhắc lại lời Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly khi Chúa hứa với thánh Phêrô là Ngài sẽ cầu nguyện cho thánh nhân.

“Mỗi người chúng ta phải tự nhắc nhở mình rằng ‘Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi, đang chuẩn bị cho tôi một chỗ.’ Chúa là Đấng trung tín và Ngài đang thực hiện lời Ngài đã hứa. Thiên đàng sẽ là cuộc gặp gỡ với Chúa, là được thấy mặt Thiên Chúa, Đấng đã đi trước để dọn chỗ cho mỗi người chúng ta. Điều này tăng thêm đức tin của chúng ta.”

Đức Thánh Cha đã kết thúc bài chia sẻ với lời xác quyết rằng Chúa Giêsu là linh mục cầu thay nguyện giúp cho chúng ta mãi cho đến ngày tận thế.

“Xin Chúa ban cho chúng con ý thức là chúng con đang bước trên một cuộc hành trình với lời hứa này. Xin ban cho chúng con ân sủng để biết hướng về thiên đàng và nghĩ rằng ‘Chúa đang cầu nguyện cho tôi.’”

2. Không có tình yêu Giáo Hội không thể tiến bước hay tăng trưởng

Trong bài giảng Thánh Lễ sáng Thứ Năm ngày 26 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến Bữa Tiệc Ly khi Chúa Giêsu dạy về tình yêu trong Bí Tích Thánh Thể và trong việc phục vụ khi Ngài rửa chân cho các môn đệ.

Đức Thánh Cha cũng nói rằng không tôi tớ nào lớn hơn người chủ qua mẫu gương về sự phục vụ và tình yêu trong bữa Tiệc Ly.

Trình bày các suy tư liên quan đến đoạn Tin Mừng trong ngày (Ga 13:16-20), Đức Thánh Cha nói những lời của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly đưa ra ba chân lý căn bản cho Giáo Hội. Đó là: Chúa Giêsu dạy chúng ta về tình yêu qua Bí Tích Thánh Thể, Ngài dạy chúng ta tinh thần phục vụ qua việc rửa chân cho các môn đệ; và nhắc bảo chúng ta rằng tôi tớ thì không trọng hơn chủ.

Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu đã đưa ra hai “cử chỉ thiết định” trong Bữa Tiệc Ly. Chúa đã cho chúng ta ăn và uống máu Người trong Bí Tích Thánh Thể. Ngài cũng rửa chân cho các môn đệ của mình.

“Hai cử chỉ này mạc khải hai giới răn giúp cho Giáo Hội phát triển, nếu chúng ta trung tín với hai giới răn ấy.”

Giới răn thứ nhất là yêu thương. Đức Thánh Cha nói đó không phải chỉ là “yêu người lân cận như chính mình”, vì Chúa đã đi một bước xa hơn nữa khi phán rằng “hãy yêu nhau như Thầy đã yêu các con.”

“Tình yêu thì không có những giới hạn. Nếu không có tình yêu, Giáo hội không thể tiến bước; Giáo hội sẽ không thể thở được. Không có tình yêu, Giáo hội không thể tăng trưởng và chỉ còn là một tổ chức trống rỗng, chỉ có hình thức bề ngoài với những hành động không thể sinh hoa kết quả. Qua những cử chỉ của Ngài, Chúa đã chỉ cho chúng ta nên yêu thương nhau như thế nào, nghĩa là, yêu cho đến cùng.”

Giới răn thứ hai nảy sinh từ việc rửa chân, đó là “hãy phục vụ cho nhau.”

Đức Thánh Cha nói rằng bài học thứ ba là một lời cảnh báo. “Kẻ được sai đi không thể lớn hơn người sai đi. Kẻ được sai đi chỉ có thể làm nhiệm vụ được giao phó.” Đây là một sự khiêm nhường chân thực và giản dị.

“Nên nhớ điều này là Thiên Chúa lớn hơn tất cả chúng ta, và chúng ta là những tôi tớ, chúng ta không thể lớn hơn Chúa Giêsu. Chúng ta không thể lợi dụng Chúa Giêsu. Ngài là Thiên Chúa, chứ không phải chúng ta. Đây là thánh ý của Thiên Chúa. Khi trao ban chính mình Ngài cho chúng ta ăn và uống, Chúa dạy chúng ta phải yêu nhau như thế. Khi rửa chân cho các môn đệ, Ngài dạy chúng ta phục vụ nhau với cùng thể thức như vậy. Nhưng nên nhớ rằng: không tôi tớ nào lại lớn hơn chủ, là người đã sai kẻ ấy đi. Những lời thẳng thừng này và các cử chỉ của Chúa là nền tảng của Giáo Hội. Nếu chúng ta tiến bước theo ba điểm này chúng ta sẽ không bao giờ thất bại.”

Đức Thánh Cha nói rằng các thánh tử đạo và rất nhiều các thánh đã hành động “với ý thức mình là người phục vụ.”

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã cảnh báo các môn đệ của Ngài rằng một người trong họ sẻ phản bội Ngài.

Vì thế, Đức Thánh Cha kết thúc bài chia sẻ bằng cách kêu gọi mọi người hãy dành ra ít phút thinh lặng để Chúa nhìn thấu tâm hồn mình.

“Hãy để ánh mắt của Chúa nhìn thẳng vào con. Chúng ta sẽ cảm nhận được nhiều điều: tình yêu, hay có lẽ chẳng có điều gì…Chúng ta có thể cảm nhận được mình đang vướng mắc, hay đang cảm thấy xấu hổ. Nhưng hãy luôn để ánh mắt Chúa đi sâu vào tâm hồn mình. Đó chính là ánh mắt mà Chúa đã nhìn các môn đệ của Ngài trong Bữa Tiệc Ly.”

3. Phép lạ tại Peshtigo, nơi duy nhất được giáo quyền Hoa Kỳ công nhận Đức Mẹ đã hiện ra

Xin chào mọi người, đây là Đức Giám Mục David Rickon Bhishma của giáo phận Green Bay; và tôi đang ở đây tại một nơi tuyệt vời gọi là đền thánh Our Lady of Good Help nằm bên ngoài thành phố Green Bay khoảng 16 dặm trong tiểu bang Wisconsin.

Anh chị em biết những ngày này kể từ khi việc Đức Mẹ hiện ra ra ở đây hơn 150 năm trước đã được chính thức công nhận vài năm trước, vào năm 2010, số lượng người hành hương đến đây đang trở thành một hiện tượng phi thường.

Nhiều nhóm hành hương đến trên xe buýt hoặc trong xe tải cùng với nhau, thậm chí một số người đến đây một mình. Nhưng tôi chỉ muốn anh chị em biết rằng anh chị em luôn được chào đón, đặc biệt nếu anh chị em có thể đến trong một nhóm hành hương để giúp anh chị em vượt qua cuộc hành trình.

Đó là một cách tuyệt vời để trải nghiệm tình yêu Chúa của chúng ta và tìm hiểu câu chuyện đẹp Đức Mẹ hiện ra ở đây như thế nào, Đức Mẹ đã nói gì và những gì đã xảy ra với Adele Brice, là người đã được thị kiến thấy Đức Mẹ, và đã vâng nghe lời Đức Mẹ truyền bá tin mừng cho các trẻ em, dạy bảo chúng đức tin, và cách cầu nguyện.

Ngày nay, nhiều lời cầu nguyện đang được trả lời ở đây, chúng tôi nhận được những lời chứng hàng ngày và hàng tuần là những lời cầu nguyện đã được đáp lại cách kỳ diệu, bất cứ ai đến đây đều có một số khía cạnh trong lời cầu nguyện của họ được nhận lời.

Vì vậy, nếu anh chị em đang nghĩ đến việc đến đây thì chúng tôi rất vui đây là để trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa qua Mẹ Maria, Mẹ chào đón các con cái Mẹ trên khắp thế giới đến và phát triển trong tình yêu sâu sắc hơn với Chúa Giêsu.

Vì vậy, tôi hy vọng anh chị em có thể đến như là một nhóm hoặc đến như cá nhân. Xin vui lòng biết rằng anh chị em luôn được chào đón và tôi vui mừng nếu anh chị em có thể đến được nơi đây. Xin Thiên Chúa toàn năng chúc lành cho anh chị em và gìn giữ anh chị em. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu cầu cho chúng con.

Vào ngày 8 tháng 10 năm 1871, tại Peshtigo, một vùng hẻo lánh của bang Wisconsin, các nhân viên làm đường hỏa xa đã đốt rừng để mở đường. Do không có phương tiện dự báo thời tiết, ngọn lửa đã vượt quá khả năng khống chế của họ khi một trận cuồng phong ập đến.

Trận cháy rừng Peshtigo Firestorm đã xảy ra. Đến nay, nó vẫn là trận “cháy rừng khủng khiếp nhất” trong lịch sử Hoa Kỳ. Cho đến tận ngày nay, chưa có trận cháy rừng nào ở Mỹ đã từng gây ra con số tử vong lớn như thế. Người ta ước tính gần 2,500 người thiệt mạng trong địa ngục kinh hoàng cả ngàn độ đó.

Bên cạnh những câu chuyện bi thảm được lưu truyền từ đời này sang đời khác, có một chuyện thật đáng kinh ngạc. Một cách lạ lùng, một ngôi nhà thờ ở ngay giữa đám cháy và những người trốn trong ngôi nhà thờ đó đã không hề hấn gì dù rằng nhiệt độ bên ngoài lên đến cả ngàn độ.

Adele Brise được 24 tuổi khi cô từ Bỉ di cư sang Wisconsin cùng với cha mẹ vào năm 1855. Là một tín hữu Công Giáo mộ đạo, Adele có một lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ và cầu nguyện hàng ngày cùng Đức Trinh Nữ.

Cô đã được Đức Mẹ hiện ra lần đầu vào ngày 2 tháng 10 năm 1859. Sau đó, cô còn được trông thấy Đức Mẹ nhiều lần.

Đức Trinh Nữ Maria trao cho Adele một sứ vụ “Dạy giáo lý cho trẻ con, dạy chúng làm Dấu Thánh Giá, và làm thế nào để nhận lãnh các Bí Tích”

Vâng nghe những lời của Đức Mẹ, Adele toàn tâm dấn thân vào công việc giáo huấn các trẻ em di dân đến từ Âu Châu thay cho các bậc cha mẹ của chúng đang phải làm việc quần quật trên vùng đất mới.

Thương con, bố của Adele, là ông Lambert Brise, đã xây dựng một chòi nhỏ bằng gỗ tại địa điểm Đức Mẹ đã hiện ra với cô để Adele không phải vất vả đi từ nhà này sang nhà khác dạy trẻ con học.

Vài năm sau, khi được bà Isabella Doyen hiến tặng 5 mẫu đất xung quanh địa điểm này, Adele bắt đầu xây nên một ngôi trường nhỏ. Rồi thì một nhà thờ bằng gỗ lớn hơn được xây dựng sau đó và được đặt tên là Our Lady of Good Help, nghĩa là Đức Mẹ sốt sắng phù hộ các tín hữu. Adele và một số phụ nữ khác đã thành lập một cộng đoàn dòng Ba Phanxicô. Mặc dù cô chưa bao giờ được khấn dòng, mọi người đều gọi cô là sơ Adele.

Tối ngày 8 tháng 10 năm 1871, ngọn lửa Peshtigo bùng cháy nhanh chóng và nuốt chửng toàn bộ hàng loạt các khu vực lân cận. Ngọn lửa kinh hoàng cũng lan nhanh đến ngôi nhà thờ.

Những người trong khu vực đã chạy đến nhà thờ. Nhiều người thậm chí còn mang theo cả các gia súc của họ. Sơ Adele xướng kinh Mân Côi giơ cao một bức tượng Đức Mẹ cầu xin sự bảo vệ của Mẹ trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó. Ngọn lửa hoành hành dữ dội nhưng trong nhà thờ mọi người tiếp tục cầu nguyện.

Hơn một triệu mẫu tây đã bị phá hủy trong trận hỏa hoạn kinh hoàng Peshtigo Firestorm. Tuy nhiên, ở giữa tất cả khu vực bao la vừa bị tàn phá, ngôi nhà thờ, những người bên trong và cả các gia súc không bị hề hấn gì. Năm mẫu tây xung quanh nhà thờ lọt thỏm giữa vùng đất bị tàn phá như một ốc đảo trong sa mạc. Những người đến và thấy cảnh tượng đáng kinh ngạc này biết rằng đó là bàn tay của Chúa. Các tín hữu không nghi ngờ rằng Đức Mẹ đã ra tay cứu họ.

Năm 2009, giáo phận Green Bay đã mở một cuộc điều tra chính thức. Vào ngày 8 tháng 12 năm 2010, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, được sự phê chuẩn cuả Tòa Thánh, Đức Giám Mục David Ricken tuyên bố nhìn nhận sự can thiệp của Đức Mẹ tại Peshtigo và sơ Adele Brise là nhân chứng “đáng tin cậy”.

4. Giống như một chiếc xe đạp, Giáo Hội tìm được sự cân bằng của mình khi chuyển động

Trong Thánh Lễ sáng ngày 24 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư về các bài đọc trong ngày, và về vai trò trung tâm của Chúa Thánh Thần trong đời sống của các tông đồ.

Khi đề cập đến sự khép kín lòng trí của các Luật Sĩ trong đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan (Ga 10:22-30), Đức Thánh Cha đã giải thích việc giữ luật của họ đã trở nên cứng nhắc như thế nào. Vì tự đặt mình ở vị trí trung tâm, họ đã trở nên chai lì trước các tác động của Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc họ đánh mất khả năng “để nhận ra những dấu chỉ thời đại” như một hình thức tù túng.

Ngài nói:

“Họ đã nhận được một lề luật sống động, nhưng họ làm ‘tan loãng’ nó, và biến nó thành một ý thức hệ để rồi gò bó với nó và không thể đi xa hơn. Mọi điều mới lạ đối với họ đều là một mối đe dọa.”

Đối với con cái Chúa, những người đặt Chúa Thánh Thần làm trung tâm cuộc sống của họ thì khác. Sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 11:19-26) chỉ cho chúng ta thấy các môn đệ đầu tiên đã ngoan ngoãn trước những gì là mới lạ đối với họ. Thái độ này đã dẫn họ đến việc reo vãi lời Chúa bằng những phương cách ngoài dự định thông thường. Đức Thánh Cha nói rằng “Họ tiếp tục ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần và đã hoàn tất được nhiều điều lớn lao hơn cả một cuộc cách mạng. Họ đặt Giáo Hội trong tình trạng chuyển động chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng Giáo Hội chỉ có thể đạt được sự cân bằng giống như chiếc xe đạp – chỉ cân bằng khi nó chuyển động.

Đức Thánh Cha nói rằng có hai cách trái ngược nhau để mô tả cách phản ứng của một người đối với thần khí của Chúa Thánh Thần: Đóng kín hay mở ra. Các môn đệ và các tông đồ đã chọn cách mở ra.

Trước một thực tế là sẽ luôn có một sự đề kháng chống lại Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, Đức Thánh Cha kết thúc bài suy tư với lời nguyện sau:

Xin Chúa ban cho chúng con ân sủng để biết cách chống lại những gì chúng con phải chống lại, đó là những gì đến từ ma quỷ, những gì cướp mất sự tự do của chúng con. Xin ban cho chúng con biết mở lòng ra với những điều mới mẻ, nhưng chỉ với những điều mới mẻ đến từ Thiên Chúa mà thôi. Xin ban cho chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Thần, ân sủng để nhận ra những dấu chỉ thời đại để có những quyết định cần thiết đúng lúc.