Ngày 30-04-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày đại học Công giáo lần thứ 91: Giới trẻ là môi trường rao truyền Tin Mừng của Giáo Hội.
Linh Tiến Khải
02:19 30/04/2015
Một số nhận xét của Linh Mục Davide Sironi, dòng Anh em Phanxicô hèn mọn, tuyên uý Đại học Công Giáo Thánh Tâm

19 tháng 4 vừa qua là Ngày đại học Công Giáo lần thứ 91 về đề tài “Giới trẻ, các vùng ngoại biên ở trung tâm”. Trong sứ điệp gửi ngày này do ĐHY Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin ký, ĐTC Phanxicô khẳng định rằng “Việc đầu tư giáo dục là phương thuốc tốt nhất chống lại cảnh người trẻ bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. mà vài năng động xã hội xấu xa xem ra muốn kết án họ. Ước chi đại học Công Giáo có thể tiếp tục ở bên cạnh giới trẻ, nhất là bằng cách trợ giúp các người trẻ xứng đáng nhưng có ít khả thể”. ĐTC cũng nhấn mạnh rằng cảnh thất nghiệp cũng ngăn chặn việc hiện thực các khát vọng chính đáng trong lãnh vực nghề nghiệp cũng như trong việc thành lập một gia đình. Và như thế người trẻ có nguy cơ ngày càng bị gạt ra ngoài lề trong hệ thống xã hội với các hậu qủa nghiêm trọng đối với cuộc sống và tương lai của tất cả cộng đoàn. Chính vì thế giới trẻ cần phải trở lại trung tâm sự chú ý và là các tác nhân của cuộc sống xã hội. Sứ điệp của ĐTC cũng nêu bật sự dấn thân của Giáo Hội trong việc yểm trợ sự hăng say tích cực hiện hữu nơi người trẻ, và trong viễn tượng này thật là đáng ghi nhận phần đóng góp của Đại học Công Giáo. Khi lãnh nhận được một nền giáo dục luân lý và văn hóa cao, người trẻ sẽ có thể tìm được trở lại các lý do đích thực của niềm hy vọng cho tương lai của họ, và sẽ có thể góp phần loại bỏ các lý do đã xác định việc thành hình của biết bao nhiêu vùng ngọai biên vật chất và hiện sinh của thời đại chúng ta ngày nay.

Ngày Đại học Công Giáo đã bắt đầu được cử hành từ năm 1924 nhằm mục đích thăng tiến nền giáo dục theo tinh thần và tôn chỉ của Giáo Hội Công Giáo, muốn cống hiến cho người trẻ một nền giáo dục phát huy con người toàn diện dựa trên các giá trị Tin Mừng. Trong một giai đoạn như hiện nay sự hiện diện của Đại học Công Giáo ngày càng trở nên quan trọng như là nơi ươm trồng nền văn hóa và các giá trị có thể trở thành trung tâm cho sức lớn mạnh của tương lai và đất nước Italia.

Trong sứ điệp gửi Ngày đại học Công Giáo lần thứ 91 ông Franco Anelli, viện trưởng Đại học Công Giáo Thánh Tâm trích dẫn thống kê “Tường trình giới trẻ” của Học Viện Toniolo cho biết 85% trên 5.000 người trẻ tuổi từ 19 tới 32 được phỏng vấn nhận thấy Italia là nơi ít cống hiến khả thể có công ăn việc làm cho người trẻ theo các khả năng chuyên môn của họ, hay có cung cấp công ăn việc làm nhưng rất giới hạn. Đây là một sự kiện báo động, vì nó sẽ gây ra hiện tượng mất chất xám, do ngưởi trẻ bỏ nước ra đi, khiên cho đất nước Italia mất đi nhân lực và tài nguyên trí thức và các chuyên viên của mình. Từ gần một thế kỷ qua Đại học Công Giáo đã luôn luôn dấn thân và canh tân nỗ lực vun trồng các nén bạc của các thế hệ mới, canh tân việc tiếp đón và giáo dục sinh viên qua việc cập nhật các chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong viễn tượng này đại học liên tục suy tư và cống hiến các chương trình tiến sĩ và cử nhân, gia tăng liên lạc với thế giới kinh doanh, nghề nghiệp và hành chánh công cộng, cũng như củng cố các liên hệ quốc tế, qua đó gia tăng các khả thể nghiên cứu, đào tạo và làm việc thiện nguyện tại nước ngoài. Tuy tình hình kinh tế không thuận lợi nhưng năm 2014 đại học đã cấp 864 học bổng cho các sinh viên xuất sắc. Đại học Công Giáo Thánh Tâm cảm thấy mình có trách nhiệm đồng hành với các sinh viên, và qua việc đào tạo vững chãi được nâng đỡ bởi các nguyên tắc luân lý và tinh thần, không chỉ nhắm tới các khả năng chuyên môn nhưng cũng tham dự vào nỗ lực tập thể, tránh không rơi vào một nền kinh tế của sự loại trừ và gian ác. Sứ mệnh giáo dục này được liên tục nuôi dưỡng và khích lệ bởi tương quan sâu đậm và sinh động với Giáo Hội, và dặc biệt với các Giáo Hội địa phương và từng giáo dân. Mọi đóng gớp giúp Đại học Công Giáo đạt được các mục tiêu này đều rất quý báu và đáng trân trọng. Trợ giúp Đại học Công Giáo có phương tiện theo đuổi lý tưởng giáo dục đào tạo giới trẻ theo tinh thần kitô là trợ giúp cuộc tái sinh của toàn nước Italia, vì các sinh viên sẽ là các tác nhân chính của một thuyết nhân bản mới và một xã hội mới bình đẳng và công bằng hơn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận xét của Linh Mục Davide Sironi, dòng Anh em Phanxicô hèn mọn, tuyên uý Đại học Công Giáo Thánh Tâm.

Hỏi: Thưa cha Sironi, mục đích của Đại học Công Giáo là cống hiến cho các bạn trẻ một nền đào tạo văn hóa vun trồng liên minh giữa lý trí và đức tin một cách khôn ngoan, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đó là một thách đố nảy sinh từ vị sáng lập đại học là cha Agostino Gemelli, con người của lý trí và của khoa học, và cũng là con người của đức tin. Thật thế, dự án của ngài đã chính là điều này: duy trì hai chiều kích nền tảng này của con người với nhau. Tôi tin rằng sẽ không có một sự hiểu biết mà không có một lòng tin tưởng nơi người khác, nơi một ai đó cống hiến cho tôi một viễn tượng mới, khiến cho tôi di chuyển khỏi các lập trường, các an ninh các xác tín của chính tôi. Tôi tin rằng học hiểu cũng có nghĩa là tin tưởng và tín thác. Như vậy, tôi nhìn đức tin như là một sụ tin cậy nơi Đấng Khác, nơi Chúa, là Đấng làm nở lớn chân trời hiểu biết của tôi. Liên minh giữa lý trí và đức tin vì thế cần thiết để có một sự lớn lên toàn vẹn của con người. Cha Agostino Gemelli không chú ý một cách đơn sơ đến việc đào tạo các nhà khoa học, mà đào tạo các bản vị con người.

Hỏi: Kinh nghiệm là tuyên úy Đại học Công Giáo đã đem lại cho cha những gì trong việc tiếp xúc thường ngày với người trẻ, cũng như với niềm hy vọng và các thất vọng của họ?

Đáp: Tôi tin rằng các người trẻ ngày nay cần được gặp gỡ trong nơi họ sinh sống, họ cần được trông thấy. Họ có ước mong được người khác trông thấy. Họ ước mong được người khác chú ý, và nhất là họ hy vọng có một cuộc sống đích thực, cho phép họ diễn tả các tiềm năng của họ, các tài khéo của họ. Là ngưới lớn trước hết chúng ta phải là các chứng nhân tốt cho các giá trị không gây thất vọng và đâm rễ sâu trong kinh nghiệm tin mừng.

Hỏi: Và đây chính là điều mà giới trẻ tìm kiếm trong các phòng của đại học, gặp gỡ với sự thật mà không phải chỉ là sự thật khoa học mà thôi, có đúng không thưa cha?

Đáp: Đúng thế. Tôi tin là như vậy. Giới trẻ kiếm tìm một đụng chạm, một liên hệ., một nền nhân bản. Xem ra người trẻ ngày nay bị cám dỗ khép kín trong một thực tại ảo, vì họ thường xuyên tiếp xúc với hệ thống liên mạng internet, các tổ chức mạng xã hội, và có nguy cơ là đôi khi họ sống trong một loại thực tại ảo. Trái lại, tôi tin rằng họ cần một thực tại cụ thể đi qua việc tiếp xúc với người khác, có thể nhìn vào mắt người khác, biết rằng người khác có ở đó cho tôi. Tôi tin rằng chúng ta đã đi tới một xã hội « đã biến thành hơi », đang bốc hơi, trở thành khí ê te, trong khi các người rẻ ngày nay cần được đem trở lại một kinh nghiệm cụ thể, vững chãi. Cũng thật là cần thiết trong các phòng lớp đại học người ta lại cống hiến trở lại sự cụ thể này của cuộc sống, một sự hiểu biết ảnh hưởng trên cuộc sống của mỗi sinh viên, trao ban cho họ các câu trả lời, trước hết là các câu trả lời cho các vấn nạn nền tảng mà người trẻ có trong tim.

Hỏi : Cha cầu mong gì cho Ngày đại học Công Giáo lần thứ 91 này ?

Đáp : Tôi muốn rằng ngưởi ta trả lại cho giới trẻ các nơi đích thực, các nơi gặp gỡ. Đại học Công Giáo là một nơi rộng mở không chỉ cho trí tuệ, mà cũng rộng mở cho con tim của người trẻ nữa. Tôi nhớ rằng tên trọn ven của đại học là « Đại học Công Giáo Thánh Tâm », quy chiếu về hình ảnh Trái Tim của Chúa Giêsu. Tuy nhiên cũng thật là đẹp khi nghĩ rằng mỗi một sinh viên bưóc vào Đại học này cần có một con tim được đạo tạo vun xới, lắng nghe. Và đại học Công Giáo muốn làm cho con tim của các sinh viên lớn lên để con tim của họ cũng là « một con tim thánh thiện » (RG 19-4-2015)
 
Bài giảng tại Santa Marta: Ký ức và phục vụ
Đặng Tự Do
21:07 30/04/2015
Kitô hữu không sống trơ trọi một mình nhưng giữa lòng một dân tộc và trong một lịch sử trần thế cụ thể, do đó, họ được mời gọi phục vụ những người khác. “Ký ức và phục vụ” là hai điều then chốt trong bài chia sẻ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào sáng Thứ Năm, ngày 30 tháng 4, trong Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta. Lịch sử, và qua đó là ký ức về nó, cùng với sự phục vụ là “hai đặc điểm của căn tính Kitô giáo” được mô tả trong các bài đọc trong ngày.

Bài đọc từ sách Tông Đồ Công Vụ (13: 13-25) đề cập đến Thánh Phaolô, là người đã đến thành Antiôkia và “như thường lệ đã vào một hội đường nhân ngày Sa-bát.” Ở đó, “ông được mời nói chuyện.” Điều này, trên thực tế, là “một phong tục của người Do Thái vào thời đó” khi khách đến. Thánh Phaolô tiến lên bục giảng và “bắt đầu rao giảng về Chúa Giêsu Kitô.” Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng, “ông Phaolô đã không nói: 'tôi rao giảng Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế; Đấng đã đến từ trời cao; Thiên Chúa đã sai Ngài đến; Ngài đã cứu độ tất cả chúng ta và ban cho chúng ta mặc khải này'. Không, không, không”. Để giải thích Chúa Giêsu là ai, vị Tông Đồ “bắt đầu lược lại toàn bộ lịch sử của dân tộc”. Kinh Thánh viết: “Ông Phaolô đứng dậy, giơ tay xin mọi người lưu ý, rồi nói: Thiên Chúa của dân Ít-ra-en đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Ai-cập, và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó.” (CV 13: 16-17). Như thế, bắt đầu từ tổ phụ Abraham, Thánh Phaolô “đã kể lại toàn bộ lịch sử”.

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng điều này không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên. Điều tương tự cũng đã được thực hiện bởi “thánh Phêrô trong bài giảng của mình, sau lễ Ngũ Tuần” và bởi “ông Têphanô trước Thượng Hội Đồng.” Nói cách khác, họ “không công bố Chúa Giêsu mà không có một lịch sử”, nhưng “công bố Chúa Giêsu trong lịch sử của một dân tộc đã được Chúa vạch ra một cuộc hành trình trong nhiều thế kỷ để trưởng thành, trong sự viên mãn của thời gian, như Thánh Phaolô nói.” Những gì Thánh Phaolô nói cũng phải được hiểu là “Khi đến thời viên mãn, Đấng Cứu Thế đến, và dân tộc sẽ tiếp tục cuộc hành trình vì Đấng Cứu Thế sẽ trở lại”.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng chúng ta thấy ở đây một trong những đặc điểm của căn tính Kitô: Kitô hữu là những người nam nữ trong lịch sử hiểu biết rằng câu chuyện không bắt đầu và kết thúc với tôi, nhưng tất cả đã được bắt đầu khi Chúa bước vào lịch sử nhân loại.

Để minh chứng điều này, Đức Thánh Cha nhắc lại bài Thánh Vịnh rất đẹp được đọc vào lúc bắt đầu Thánh lễ:

“Lạy Thiên Chúa,
thuở Ngài lãnh đạo đoàn dân riêng xuất trận,
thuở Ngài tiến bước trong sa mạc hoang vu,
đất đã chuyển rung, trời cũng tan chảy. Alleluia”.

Như thế, “Kitô hữu là những người nam nữ của lịch sử, họ không trơ trọi một mình nhưng bao gồm trong một dân tộc đang trên đường lữ hành”. Đây là lý do tại sao không thể có khái niệm “sự ích kỷ Kitô giáo”. Không thể có một Kitô hữu hoàn hảo với một tinh thần như là được sản xuất ra từ các nhà máy, nhưng thay vào đó, Kitô hữu là những người nam nữ sống giữa lòng một dân tộc, có một lịch sử lâu dài và đang tiếp tục cuộc hành trình cho đến khi Chúa lại đến” .

Điểm qua một vài sự kiện nổi bật trong lịch sử vẫn đang tiếp diễn, Đức Thánh Cha nói thêm rằng nếu chúng ta chấp nhận “chúng ta là những người nam nữ của lịch sử”, chúng ta cũng nhận ra một “lịch sử của ân sủng Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã đi trước dân Ngài, mở đường cho họ, và sống giữa họ.” Nhưng đó cũng là một “lịch sử của tội lỗi với cơ man những tội nhân, và tội ác”. Điều này cũng có thể được nhìn thấy trong đoạn trích từ sách Tông Đồ Công Vụ, như khi Thánh Phaolô đề cập đến vua Đavít, một vị thánh, nhưng trước khi ông trở thành một vị thánh, ông đã phạm những tội tày trời. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh thêm là điều này cũng đúng ngay cả ngày hôm nay vì lịch sử cá nhân của mỗi người chúng ta đều cho thấy những tội lỗi của mình và ân sủng của Thiên Chúa là Đấng ở cùng chúng ta. Thiên Chúa trong thực tế đồng hành với chúng ta trong tội lỗi để tha thứ cho chúng ta. Ngài đồng hành với chúng ta để ban phát ân sủng cho chúng ta.

Vì vậy, ký ức là một thực tại rất cụ thể xuyên suốt nhiều thế kỷ: chúng ta không phải là những người không có gốc rễ. Chúng ta có gốc rễ rất sâu từ tổ phụ Abraham đến ngày hôm nay mà chúng ta không bao giờ được quên.

Để hiểu rằng chúng ta không đơn độc, chúng ta được liên kết vững chắc với một dân tộc đã lữ hành qua nhiều thế kỷ, nghĩa là chúng ta phải hiểu một đặc tính Kitô thứ hai, đó là “điều Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong Tin Mừng, đó là sự phục vụ”. Bài Tin Mừng theo Thánh Gioan của ngày Thứ Năm trong tuần thứ Tư của lễ Phục Sinh đã lặp lại những gì chúng ta vẫn thường nghe trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh: “Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: ‘Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! Hãy làm cho người khác như Thầy đã làm cho anh em. Như Thầy đã đến với anh em như một người tôi tớ, anh em phải là đầy tớ của nhau, hãy phục vụ”.

Đức Thánh Cha nhận xét, “Căn tính Kitô giáo phải là phục vụ, chứ không phải là ích kỷ.” Mặc dù, người ta có thể phản bác: “Nhưng thưa Cha, tất cả chúng ta đều ích kỷ”, nhưng điều này “là một tội lỗi, là một thái độ chúng ta phải xa lánh”. Chúng ta phải “xin tha thứ, xin Chúa hoán cải chúng ta”. Là Kitô hữu “không chỉ có cái vỏ bề ngoài, cũng chẳng phải là một thực hành xã hội, đó không phải là một thứ trang điểm cho linh hồn để linh hồn có thể xinh đẹp hơn một chút.” Là Kitô hữu, Đức Giáo Hoàng nói một cách dứt khoát rằng đó “là làm những gì Chúa Giêsu đã làm: tức là phục vụ. Ngài không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ” .

Để kết luận, Đức Thánh Cha đưa ra một vài gợi ý cho mỗi người chúng ta thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Trước hết, “hãy suy nghĩ về hai điều này: Tôi có một cảm thức lịch sử không? Tôi có cảm thấy mình thuộc về một dân tộc đã lữ hành từ xa xưa không?”. Có thể là hữu ích khi chúng ta “cầm lấy Kinh Thánh, và đọc Chương 26 sách Đệ Nhị Luật” Ở đó, chúng ta sẽ gặp thấy “ký ức, ký ức của người công chính” và “Chúa muốn chúng ta phải là người có ký ức biết ngần nào” - nói cách khác, chúng ta phải ghi nhớ “con đường dân tộc đã trải qua.” Sau đó, thật là tốt để xem xét “trong trái tim tôi, tôi coi trọng điều gì hơn? Tôi muốn cho người khác phục dịch tôi, tôi muốn sử dụng những người khác, cộng đồng, giáo xứ, gia đình tôi, bạn bè của tôi, hay tôi phục vụ cho họ? tôi có là một người đầy tớ hay không?

Như thế, với hai thái độ Kitô giáo “ký ức và phục vụ” chúng ta cùng hiệp nhau trong việc cử hành Thánh Thể, “mà thực sự là ký ức về sự phục vụ của Chúa Giêsu; về sự phục vụ lớn lao Ngài đã trao ban cho chúng ta là hiến mạng sống Ngài cho chúng ta”
 
Tân Ủy Ban Truyền Thông của Tòa Thánh
Vũ Van An
23:12 30/04/2015
Theo Sở Thông Tin Vatican (VIS), Catholic World News và Catholic Herald, Đức Phanxicô đã thiết lập một uỷ ban gồm 5 thành viên, trong đó có Đức Cha Paul Tighe, người Ái Nhĩ Lan, để tìm cách thi hành các khuyến cáo đơn giản hóa và hiện đại hóa các cơ cấu truyền thông hiện nay của Tòa Thánh.

Tháng Tư này, khi Đức Giáo Hoàng gặp Hội Đồng Hồng Y, các vị Hồng Y cố vấn đã đề nghị ngài cử nhiệm một ủy ban mới để thực thi kế hoạch cải tổ do một ủy ban giáo hoàng gồm 11 thành viên trước đây soạn thảo.

Cố gắng cải tổ nói trên nhằm làm thế nào để các cơ sở truyền thông của Tòa Thánh có thể thích ứng với các xu hướng tiêu thụ truyền thông đang thay đổi ngày nay, làm thế nào phối trí hay hơn các các kênh truyền thông hiện hữu mà lại tiết kiệm được tài chánh.

Về ủy ban mới, ba trong các vị được Đức Giáo Hoàng cử nhiệm là các giới chức cao cấp nhất của các cơ sở truyền thông. Năm thành viên của Ủy Ban là:

- Đức Cha Dario Vigano, 52 tuổi, giám đốc Trung Tâm Truyền Hình Vatican, và nay là chủ tịch Ủy Ban mới về Các Phương Tiện Truyền Thông của Tòa Thánh.

– Đức Cha Paul Tighe, 57 tuổi, thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội. Trước đây, ngài là giám đốc Văn Phòng Truyền Thông của Tổng Giáo Phận Dublin và đã thành lập văn phòng công cộng sự vụ của tổng giáo phận này nhằm hỗ trợ các cố gắng truyền thông của nó. Ngài cũng là thư ký của ủy ban giáo hoàng 11 thành viên từng đưa ra các khuyến cáo nhằm cải tổ ngành truyền thông của Tòa Thánh.

– Linh mục Dòng Tên người Ý Antonio Spadaro, 48 tuổi, giám đốc tạp chí có uy tín của Dòng này là tờ La Civilta Cattolica. Ngài là một tham vấn cho các hội đồng về truyền thông xã hội và văn hóa. Ngài rất tích cực trên các mạng lưới xã hội, đóng góp cho nhiều trang mạng tin tức trực tuyến và có riêng một blog tựa là “CyberTeologia”, blog mà ngài hy vọng sẽ mang “sự hiểu biết đức tin lên trên mạng”.

– Đức Cha người Á Căn Đình Lucio Adrian Ruiz, sinh năm 1965, hiện đứng đầu Sở Internet của Vatican và văn phòng Viễn Thông của Vatican. Ngài điều khiển trang mạng vatican.va và trước đây xây dựng trang mạng clerus.org cho Thánh Bộ Giáo Sĩ.

– Paolo Nusiner, người giáo dân duy nhất ở trong Ủy Ban mới, sinh năm 1963 và hiện là giám đốc quản trị của Avvenire, nhật báo của Hội Đồng Giám Mục Ý. Là một chuyên gia về kinh doanh, ông vốn làm việc cho Deloitte & Touche tại Milan và là cố vấn cho Liên Đoàn các chủ bút nhật báo Ý và một hiệp hội các nhà lãnh đạo kinh doanh Kitô tô giáo.

Cũng nên biết Tòa Thánh hiện có tới hơn mười cơ sở và văn phòng truyền thông biệt lập, hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau. Đó là Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội; nhật báo L’Osservatore Romano; Đài Phát Thanh Vatican; Xưởng Sản Xuất Truyền Hình Vatican (CTV); Sở Thông Tin Vatican (VIS); Phòng Báo Chí Vatican; Hãng Tin Truyền Giáo Fides; trang mạng chính Vatican; hệ thống gom tin news.va; nhà xuất bản Vatican LEV; và Nhà in Vatican.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ cầu nguyện và tưởng niệm Ngày 30/4 Tại Nhà thờ I Nhã Melbourne.
Trần Văn Minh
15:52 30/04/2015
Melbourne, vào lúc 7 giờ 30 tối Thứ Năm Ngày 30 Tháng Tư Năm 2015. Tại Nhà thờ I Nhã vùng Richmond Melbourne. Một Thánh lễ tưởng niệm và cầu nguyện cho Tổ quốc Việt Nam đã được tổ chức rất trọng thể với rất đông quý cựu quân nhân QLVNCH và đồng bào về tham dự.

Mời xem hình

Mở đầu là phần rước Quốc Quân kỳ Úc Việt và Quân kỳ QLVNCH lên khu trang trọng, do anh em cựu Quân nhân mặc quân phục QLVNCH đảm trách rất trang nghiêm, cùng đặt vòng hoa tưởng niệm để nhớ đến các anh linh quân dân cán chính và đồng bào đã bỏ mình bảo vệ tự do, hay chết trên đường đi tìm tự do. Tiếp đến là phần thắp nến, nến được rước từ cuối nhà thờ lên xếp dưới chân cây nến có kẽm gai quấn quanh tượng trưng cho sự áp bức, đòi hỏi nhân quyền và tự do cho đồng bào Việt Nam trong nước.

Một đoàn rước nến thật dài từ dưới cuối nhà thờ theo chân Linh mục chủ tế đi lên, mọi người sát cánh bên nhau thắp ngọn nến để đòi hỏi công lý và hoà bình cho quê hương.

Ngỏ lời trước Thánh lễ, Linh mục chủ tế Nguyễn Viết Huy nói: Chúng ta cùng đến đây hôm nay để cùng nhau tưởng niệm ngày mất Miền Nam, cùng cầu nguyện cho quê hương, cho dân tộc được có tự do, nhân quyền và hạnh phúc. Chúng ta đến không phải để khơi dậy sự hận thù, gây chiến tranh. Chúng ta cầu nguyện cho quê hương mà mọi người dân được hưởng tự do hạnh phúc.

Trong bài chia sẻ, Linh mục nhấn mạnh, chúng ta sống làm sao để thu phục nhân tâm, giúp cho đồng bào trong nước thoát khỏi sự sợ hãi, vì Đảng Cộng Sản hôm nay đã lộ diện là một đảng cướp, chúng cướp chính quyền, cướp tự do, dân chủ và cướp đủ thứ.

Sau Thánh lễ, mọi người được mời sang hội trường nhà xứ để cùng ngồi bên nhau uống ly trà, cà phê nghe nhạc, hát cho nhau nghe và chuyện trò, thăm hỏi nhau trong tình đồng bào cùng sống xa quê hương, sưởi ấm cho nhau trong cái se se lạnh của Melbourne mùa Thu. Ký thỉnh nguyện đòi hỏi nhân quyền cho đồng bào trong nước.
 
Thánh Lễ tưởng niệm và cầu nguyện Ngày Quốc Hận 30/04 tại Sydney
Diệp Hải Dung
20:58 30/04/2015
Tối thứ Năm30/04/2015 rất đông đủ giáo dân trong Cộng Đồng CGVN Sydney đã đến nhà thờ Our Lady of Mount Carmel Mt. Pritchard Sydney tham dự Thánh lễ Tưởng Niệm, Cầu Nguyện, và Tạ Ơn, để cầu nguyện cho các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh bỏ mình vì nước vì dân tộc, và những người bỏ mình trên đường tìm đường tự do. Nhân ngày Quốc Hận 30/04 cũng là ngày kỷ niệm 40 năm viễn xứ đau thương của dân tộc Việt Nam.

Hình ảnh

Tất cả mọi người đều tập trung trong khuôn viên nhà thờ. Đại kỳ Việt Nam được trân trọng trải dài trước kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang và Linh Hài Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cha Anthony Chính xứ Mt. Pritchard dâng hương kiệu Thánh tượng Đức Mẹ đồng thời 3 hồi chiêng trống vang rền khai mạc cuộc rước kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang, các Thánh Tử Đạo Việt Nam cùng với Đại Kỳ Tổ Quốc Việt Nam mầu vàng 3 sọc đỏ yêu thương.



Cuộc cung nghinh rất long trọng và trang nghiêm, tất cả mọi người đều thắp trên tay ngọn nến và dâng lên Mẹ chuỗi kinh Mùa Thương, nguyện cầu Mẹ đoái thương Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam chúng con, và xin Mẹ ban cho đất nước Việt Nam chúng con sớm được an bình hạnh phúc thật sự. Màn ảnh Projector chiếu lên những hình ảnh đau thương ngày 30/4/1975 và những hình ảnh kinh hoàng của những con tầu vượt biên Thuyền Nhân Việt Nam. Khị kiệu Thánh tượng Đức Mẹ và Linh Hài Các Thánh Tử Đạo Việt Nam rước vào trong nhà thờ và an vị trên cung thánh. Qúy Cha cùng thắp lên nén hương dâng lên bàn thờ Tổ Quốc Việt Nam để kính nhớ các bậc tiền ân anh dũng đã hy sinh có công dựng nước giữ nước. Qúy anh chị em trong Hội Đồng Mục Vụ cũng thắp nên ngọn nến cầu nguyện cho quê hương. Tất cả cùng cầu nguyện cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam, cầu nguyện cho các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì chính nghĩa tự do, cầu nguyện cho các nước đã đón nhận thuyền nhân Việt Nam. Sau đó Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Trần Bạch Hổ, Cha Nguyễn Khoa Toàn, cựu Tuyên Úy Trưởng, và Cha Anthony Chính xứ Mt. Pritchard cùng hiệp dâng Thánh Lễ Tưởng Niệm, Cầu Nguyện, và Tạ Ơn.



Trước khi kết thúc Thánh lễ. Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Hội Đoàn Đoàn Thể và tất cả mọi người trong Cộng Đồng đã đến tham dự Lễ Tưởng Niệm và Cầu Nguyện cho Quê Hương Dân Tộc Việt Nam, cho các Chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì lý tưởng Tự Do. Đặc biệt 40 năm viễn xứ tha hương, cùng nhau nhìn về Quê Hương mà chạnh lòng thương đau nhung nhớ, và cầu nguyện cho dânViệt Nam quốc nội còn đang sống trong lầm than. Nhân Quyền bị chà đạp, rưộng đất bị nhà nước Cộng Sản tàn bạo cướp đoạt và nguy khốn hơn nữa là nhà cầm quyền CSVN đã manh tâm dâng đất nước Việt Nam thân yêu cho Trung Cộng. Chúng con nguyện cầu xin Mẹ La Vang phù hộ cho quê hương Việt Nam chúng con khỏi ách lầm than…



Cha Paul Văn Chi cũng thay mặt Ban Tuyên Úy cám ơn quý Cha và tất cả mọi người đã hy sinh thời gian quý báu đến đây cùng hiệp thông cầu nguyện cho Quê Hương Dân Tộc Việt Nam.
 
Phóng sự: chuẩn bị cho Năm Thánh Thương Xót tại đan viện Biển Đức Thiên Tâm
Trần Mạnh Trác
08:05 30/04/2015
Xem hình ảnh do anh Trần Trọng Long

Phong cảnh phù du:



Lái xe trên con đường 'Xuyên Bang I45' vào đầu tháng Tư, khách lữ hành sẽ ngỡ rằng mình đi lạc.

Phong cảnh lộ trình làm cho khách du có cảm tưởng như đang đi trên 'con đường vàng' cuả cuốn phim cổ điển 'the Wizard of Oz'.

Từ Houston đi lên đan viện Biển Đức Thiên Tâm, những cây hoa dại tên là 'yellow thistle' (hoa kế) nở cánh màu vàng đầy khắp mặt đất, trải thành những tấm thảm, kéo dài liên miên hàng trăm dặm đường.

Còn từ Dallas đi xuống, những khóm Bluebonnet màu xanh tím, loại hoa biểu hiệu cho 'Bang Độc Tinh' (Lone Star State), cũng tụ hội trên các sườn đồi, mời mọc như những thuở vườn "dâu" trong muà gặt hái.

Những ai thích nhạc Jazz cuả Louis Amstrong chắc hẳn sẽ phải ngâm lên cái cung điệu ngọt ngào cuả bài "the blueberry hill".



Nhưng tuần qua, 3 ngày mưa lũ, cỏ xanh vươn lên cao, lá non trổ đầy cành, mọi dấu tích hoa vàng hoa tím bị xoá sạch, tất cả chỉ còn là một màu xanh ướt át.

Và như thế, dưới ánh nắng dịu dàng cuả sáng thứ Bảy vừa mới tạnh mưa, chúng tôi đi đến đan viện Biển Đức Thiên Tâm.

Chúng tôi đã viếng đan viện nhiều lần với nhiều mục đích khác nhau, nhưng lần này thì có hai lý do, thứ nhất để tưởng niệm một biến cố đau buồn gần tròn một tuổi và thứ hai là để tham dự ngày tĩnh tâm chuẩn bị cho Năm Thánh Thương Xót.

Một năm trước đây chúng tôi đã tới đan viện để viết phóng sự về những chuẩn bị cuả Ngày Thánh Thể, không ngờ đã chứng kiến một biến cố tử nạn cuả Thày Phaolô Vũ Ngọc Đức.

Những cảm xúc đau buồn vẫn còn đó, cho nên sống qua thời khắc đổi thay cuả thiên nhiên vạn vật, chúng tôi không khỏi suy tư về số kiếp mong manh cuả con người.

Phù vân nối tiếp phù vân,

mập mờ nhân ảo, chỉ là phù vân.


Và lời suy niệm cuả linh mục Dũng Lạc trong buổi kinh cầu hồn năm ngoái lại như văng vẳng vọng bên tai một lần nữa:

"Sự ra đi cuả thày làm cho mỗi người trong chúng ta phải tự hỏi, mình đến đây để làm gì, đạt được cái gì?" và câu trả lời: "chỉ là để có được lòng thương xót Chuá."...

Do đó, đề tài tĩnh tâm về lòng thương xót cuả Chuá quả là hợp thời hợp cảnh.

Chuẩn bị cho Năm Thánh Thương Xót.

Cuối năm nay, ngày 8 tháng 12 lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Giáo Hội sẽ khai mạc Năm Thánh Thương Xót, nhưng hình như chưa nơi nào bắt đầu chuẩn bị cả.



Những ai từng sống qua những Năm Thánh thì đều biết rằng Giáo Hội đã bỏ ra nhiều năm để chuẩn bị. Thí dụ Năm Thánh 2000 'Biến Cố Con Thiên Chúa Xuống Thế Làm Người,' Giáo Hội dành 3 năm để học hỏi về chủ đề Đức Chuá Con (năm 1997,) Đức Chuá Thánh Thần (năm 1998,) và Đức Chuá Cha (năm 1999.) Năm Thánh 75 cũng thế, ngay từ năm 1973 thì các nhà thờ ở Việt Nam đã trang hoàng biểu ngữ đón chờ năm Hồng Ân 'Canh Tân và Hoà Giải.' Chỉ tiếc rằng người Việt chúng ta đã phải viết lịch sử năm 75 này bằng nhiều nước mắt.

Năm nay, Giáo Hội chỉ còn vài tháng vội vã để chuần bị mà thôi.

Phải vội vã là vì nhu cầu Thương Xót thì không thể chờ đợi được?

Người ta thường bàn bạc là hình như Đức Giáo Hoàng Phanxicô có linh tính rằng triều đại cuả Ngài sẽ không kéo dài, Ngài thường tuyên bố chỉ là một vài năm nữa thôi, cho nên Ngài nôn nóng thúc đẩy sự việc tiến mau, mà việc chính yếu là lòng Thương Xót.

"Lòng thương xót là xà nhà của Giáo Hội" ĐTC viết.

"Lòng thương xót 'không phải chỉ là hành động của Chúa Cha, nhưng còn trở thành tiêu chuẩn để hiểu ai là những người con đích thực của Chúa'” Ngài viết tiếp.

Vì thế cho nên khi được biết đan viện Biển Đức Thiên Tâm đi tiên phong tổ chức một ngày tĩnh tâm cho Năm Thánh Thương Xót, chúng tôi không thể bỏ qua.

Ngày Tĩnh Tâm.

Nhờ mưa thuận gió hoà, cảnh đồng quê Karens đất nẻ với những cây bông gòn lơ thơ đã là một quá khứ cuả năm ngoái, năm nay nông dân luân canh, chỉ còn thấy một cảnh đồng luá xanh rì, xăm xắp nước, nặng trĩu hạt.

Vụ luá 'muà đông' chen chúc nhau mọc lên, đua nhau trổ bông, đan vào nhau như một tấm thảm, dầy đến nỗi tưởng như có thể bước chân lên được. Gío luà không xao động, mưa dầm không triũ lá.

Mải mê thưởng thức phong cảnh, chúng tôi đến trễ nửa giờ, vậy mà cũng chưa trễ, các cha cố tình chờ đợi cho có nhiều người đến, cho nên khi chiếc xe cuả chúng tôi vừa dừng bánh trước nhà bếp thì dàn loa cũng bắt đầu phát thanh bài giảng thứ nhất.



"Chưa trễ đâu, chú ơi, cứ từ từ" một giọng nói thân thiện vọng ra từ nhà bếp. Nhìn vào chúng tôi nhận ra những khuôn mặt thân quen từng giúp việc ẩm thực cho nhà dòng, và gặp lại cả 4 khuôn mặt đã làm quen một năm trước đây, qua một đêm thức khuya chia xẻ tâm tình, trong cái biến cố đau thương cuả thầy Đức.

Những cảm tình viên này vẫn trung thành đến với nhà dòng, và cũng như năm ngoái, họ lại đến hàng tuần để chuẩn bị cho Ngày Thánh Thể sẽ được tổ chức vào những ngày mùng 4 tới mùng 7 tháng 6 tới.

Họ vừa làm việc bên ngoài vừa nghe giảng.

Bên trong hội trường, lơ thơ một số giáo dân từ Arlington, Waco và Austin. Quá ít. Những ngày mưa vừa qua có thể đã ảnh hưởng đến số người tham dự chăng? Cứ hễ mưa xuống thì vùng này trở thành lầy lội, nhưng năm nay, nhờ việc đổ đá và khai thông cống rãnh, tất cả đều đã khô ráo sạch sẽ...Hy vọng từ nay yếu tố thời tiết sẽ không còn là một rào cản lớn lao cho những người tham dự nữa.

Chương trình tĩnh tâm rất phong phú, với các linh mục là qúi cha Trần văn Hào và cha Trần Công Nghiệp cuả nhà dòng, cha Phạm Văn Khoa từ đan viện Thiên Phước từ Việt Nam qua, và ông Cao Tấn Tĩnh từ California sang.

4 buổi giảng thuyết khai triển nhiều khiá cạnh khác nhau cuả chủ đề Thương Xót, từ thần học cho tới thực hành, từ nguồn gốc Thánh Kinh cho đến tổ chức Giáo Hội.

Là những tu sĩ chiêm nghiệm, các cha đã chứng tỏ một khả năng khai triển đề tài một cách rất cặn kẽ và vững chãi.

Còn ông Cao Tấn Tĩnh với chủ đề 'Tông Sắc Năm Thánh về Lòng Thương Xót cuả đức Phanxicô' đã thành công tuyệt vời trong việc giải thích lý do và nhu cầu cuả Năm Thánh.

Tham dự Ngày Tĩnh Tâm, chúng tôi chỉ tiếc rẻ có 2 điều, thứ nhất là thì giờ ít ỏi cho nên không có nhiều thảo luận, và thứ hai là số giáo dân tham dự khiêm nhường quá, những công trình nghiên cứu kỹ lưởng và hữu ích như thế mà không có người thụ hưởng thì...thật là uổng!

Chúng tôi ra về lúc 8g tối với một ước mong rằng chủ đề Thương Xót sẽ được đề cập thêm để chuẩn bị tinh thần đón chờ Năm Thánh cho các giáo dân sẽ tham gia 3 ngày Thánh Thể từ mùng 4 tới mùng 7 tháng 6 sắp tới, mà theo ông Hoàng Duy Nam trưởng ban tổ chức thì hy vọng có tới 8 ngàn người tham dự.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tháng Tư Đen 2015 và báo chí Hoa Kỳ
Vũ Van An
06:09 30/04/2015
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Sài Gòn thất thủ, Báo Chí Hoa Kỳ “trăm hoa đua nở” đủ thứ chuyện về biến cố này. Tờ The Seatle Times, chẳng hạn, ca tụng cựu thống đốc Dan Evans về chính sách chào đón người tị nạn Việt Nam tới tiểu bang Washington. Lúc đó là hàng ngàn, nay là gần 70,000 người Việt tại đây. Điều đáng lưu ý là: Evans nổi giận khi nghe thống đốc Jerry Brown của California không muốn nhận người tỵ nạn Việt Nam, ông gửi Ralph Munro, phụ tá đặc biệt của ông, tới Camp Pendleton gần San Diego, nơi những người Việt Nam đầu tiên được chào đón trong các “đô thị” bằng lều. Ông khuyến khích các cơ quan chính phủ tiểu bang đáp ứng lời kêu gọi của Tổng Thống Ford đón tiếp người tỵ nạn Việt Nam. Chính ông đón tiếp 500 người tỵ nạn đầu tiên tới tiểu bang Washington…

Tờ USA Today thì cho hay: 40 năm sau ngày thất thủ, “lá cờ của Sài Gòn” vẫn là một vấn đề. Tờ này cho rằng lễ tưởng niệm biến cố này dự tính được tổ chức tại Căn Cứ Thủy Quân Lục Chiến Pendleton đã bị hủy bỏ, vì lý do chính phủ Hoa Kỳ không cho phép trương lá cờ vàng đỏ của Nam Việt Nam trước đây tại căn cứ này.

Việc hủy bỏ trên gây phẫn nộ nơi cộng đồng người Việt. Và có người phát động một chiến dịch trên change.org yêu cầu tiếp tục tổ chức lễ mà không có lá cờ. Dĩ nhiên, điều này không được cộng đồng Việt hưởng ứng, vì nếu thế thì việc tưởng niệm mất hết ý nghĩa.

Các nhà tổ chức người Việt đã tổ chức biến cố tại nhiều nơi khác, như tại sân túc cầu của Trung Học Garden Grove, nơi Cờ Vàng sẽ tung bay và bài quốc ca cũ sẽ vang lên. Nhưng việc này bị các thế hệ người Việt cao tuổi hơn chỉ trích, cho là một nhượng bộ các tình cảm phản chống cộng và lỡ một dịp để cám ơn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

Tờ này cho rằng lá cờ Vàng, tuy bị hầu hết các quốc gia trên thế giới quên bỏ, nhưng vẫn là một di sản hết sức sống động và là một biểu hiệu chống cộng mạnh mẽ của người Việt tỵ nạn. California và ít nhất hơn 10 tiểu bang khác đã nhìn nhận lá cờ này như là biểu tượng của Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt.

Nhiều học giả về Việt Nam cũng cho hay người ta không ngạc nhiên khi lá cờ vẫn còn gây xúc động mạnh mẽ nơi cộng đồng tỵ nạn từng mất quê hương trong chiến tranh. Nguyễn Tú Uyên, phụ tá giáo sư trong Chương Trình Nghiên Cứu Mỹ Á tại Đại Học Tiểu Bang California ở Fullerton cho hay: “Nhiều người thuộc thế hệ cao niên, nhất là những người kinh qua cuộc chiến, đã phải chịu nhiều tàn bạo và nhiều biến cố thương đau trong tay chính phủ Cộng Sản. Thành thử nối kết với biểu tượng của điều đã mất là một cách đối phó đối với họ”.

Bùi Chúc Quyên Di, 68 tuổi, một giảng viên tiếng Việt tại Đại Học UCLA nói rằng lá cờ hợp nhất cộng đồng Việt Nam hải ngoại khắp thế giới như là biểu tượng văn hóa, lịch sử, mất mát và biết ơn chung. “Khi cho giương cao lá cờ, chúng tôi cũng muốn giương cao linh hồn các chiến sĩ của chúng tôi” .

Ký giả Chris Leadbeater, nhân chuyến thăm Việt Nam 40 năm sau khi Sài Gòn thất thủ, nhận định rằng cuộc sống vẫn diễn tiến, nhưng chia rẽ vẫn còn thấy rõ. Nhìn cảnh thành phố sinh hoạt nhộn nhịp, ông tự hỏi phải chăng nơi đây từng diễn ra cảnh tranh chấp đầy chấn động của ý thức hệ lệch lạc, của bất nhân và gần 4 triệu người chết? Vào một ngày nắng đẹp như thế này trên đường Đồng Khởi (Tự Do cũ), tại một thành phố đã bước vào thế kỷ 21, hình như cuộc tranh chấp trên chỉ còn là cơn ác mộng phai mờ.

Tuy thế, theo ông, vẫn dễ tìm thấy những vang dội của nó, trong Dinh Độc Lập, tại Viện Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh, một thứ góp nhặt “một mắt” về 20 năm tranh chấp.

Ra Hà Nội, dù có “đổi mới”, ông vẫn thấy Hồ Chí Minh, con ngựa chiến già, vẫn chiếm vị trí trọng yếu tại Quảng Trường Ba Đình. Huế cũng thế, du khách vẫn còn được dẫn tới thăm “đường vào hỏa ngục” nơi vẫn còn hàng ngàn mìn bẫy chưa nổ. Nội Thành vẫn còn loang lở những vết đạn của Tết Mậu Thân.

Ký giả Chriss W. Street cho chạy hàng tít: “Thất thủ Sàigòn 40 năm sau: cựu chiến binh và người Mỹ gốc Việt tưởng niệm”. Ông cho hay: Cờ Sao Sọc của Hoa Kỳ và Cờ Vàng Đỏ của Cộng Hòa Nam Việt Nam sẽ tung bay khắp California vào tuần này khi 2.7 triệu cựu chiến binh Hoa Kỳ cùng với 1.7 triệu người Mỹ gốc Việt tưởng niệm 40 năm ngày Sài Gòn thất thủ.

Tại San Diego, 2 bó hoa sẽ được liệng xuống Thái Bình Dương từ hàng không mẫu hạm Midway đã thải hồi. Một bó tôn vinh các chiến binh Hoa Kỳ hy sinh trong chiến tranh Việt Nam, một bó tôn vinh người Nam Việt Nam đã bỏ mình trong suốt 25 năm chiến tranh. Khi Sài Gòn rơi vào tay quân đội Bắc Việt, hàng không mẫu hạm Midway đã mở chiến dịch Frequent Wind di tản các người Mỹ cuối cùng và 125,000 người Việt.

Có ký giả nhắc lại bầu khí mờ mờ nhân ảnh của mấy tuần sau ngày sau Sài Gòn thất thủ. Người ta kháo nhau: “Pháp sẽ trở lại với hai sư đoàn”, “Mỹ sẽ bỏ bom”, “sẽ có chính phủ liên hiệp”, “dù sao mình vẫn là người Việt”, một phát biểu nói lên cả hy vọng lẫn nhẫn nhục… Còn bộ đội miền Bắc? Phần lớn họ nghĩ người ngoại quốc ở Sài Gòn đều là người Nga. Một số trố mắt nhìn sự thịnh vượng của Sài Gòn, nhất là say mê ngắm nghía mấy chiếc đồng hồ, mà ở Miền Bắc chỉ những sĩ quan cấp tá mới có, đặc biệt là các đồng hồ có chỉ ngày, được họ gọi là “đồng hồ có cửa sổ”. Nếu đi đôi, họ thường nắm tay nhau, một cảnh tượng kỳ quặc. Nhưng họ tỏ ra được huấn luyện thuần thục. Khi một ít người kháng cự đến cùng nổ súng vào bộ đội Miền Bắc ở công viên giữa Nhà Thờ Đức Bà và dinh tổng thống, các nhà báo thấy họ lập tức tái bố trí rất nhanh gần như được biên đạo múa balê. Điều ấy nhắc cho người ta nhớ: thời của những du kích quân trang bị thấp kém chống lại các lực lượng quy ước, cỡ lớn, đã qua đi từ lâu lắm rồi. Khi vào Sài Gòn, quân Miền Bắc có đủ những gì một quân đội hiện đại muốn có. Họ có dư thừa xe bọc thép và pháo binh, mọi sự, ngoại trừ không lực. Nhưng đến lúc đó, Nam Việt Nam đâu còn không lực nào!

Có ký giả nhấn mạnh tới sự kiện: Nam Việt Nam là một xứ sở dài mà lại mỏng, thường xuyên bị hở cạnh sườn. Họ phải tự bảo vệ ở mọi nơi, nên không thể làm thế nếu không có tính lưu động và hỏa lực do Hoa Kỳ cung cấp. “Nhưng vòi cung cấp sự trợ giúp ấy đã bị khóa lại… Nền kinh tế miền Nam tan rã, (Tổng Thống Thiệu) mất luôn sự ủng hộ của Công Giáo mà thông thường vẫn có, và người Phật Giáo càng ngày càng ra xa lạ, cũng như các người ôn hòa và trung lập trong cái gọi là ‘Lực Lượng Thứ Ba’”…

Ký giả này cho rằng Miền Bắc cũng có những lo lắng và khó khăn của họ sau Hiệp Định Paris, đến nỗi George J Veith trong “Black April” cho rằng: Hà Nội cảm thấy họ chỉ có ít hy vọng thành công, may lắm họ cũng vẫn cần cả hai năm mới thành công. Không ngờ động thái mở màn ở trung nguyên thành công đến nỗi họ quyết định rút ngắn thời gian và chỉ trong hai tháng, Sài Gòn thất thủ. Lỗi lầm dĩ nhiên do tài lãnh đạo của Ông Thiệu và các tướng lãnh Miền Nam, nhưng chủ yếu vẫn là thiếu trừ bị và hoả lực.

Tâm tư các nhà báo ngoại quốc còn ở lại là: tuy không phải tù nhân, nhưng họ cũng không là những đại diện tự do. Đến việc ở lại hay rời Việt Nam họ cũng không được quyền chọn, “họ” quyết định việc này. “Chúng tôi ngưỡng mộ họ và kỷ luật của họ, nhưng có một điều gì đó về thái độ không mềm dẻo của họ khiến người ta nản lòng. Xem ra không thể có chuyện hòa giải quốc gia dựa trên việc có rất ít thỏa hiệp. Nhà báo Ý Tiziano Terzani nói rất đúng: anh cảm thấy “cả một lòng ngưỡng mộ sâu xa lẫn một nỗi sợ sệt tinh tế” rằng cuộc cách mạng này rất gần với ‘biên giới bất nhân’”.

Peter Arnett, giải thưởng Pulitzer, phóng viên chiến tranh của AP và sau này cộng tác với CNN, vừa viết cuốn sách mới “Saigon Has Fallen” thuật lại hơn 10 năm tường thuật về Việt Nam. Theo ông, Đại Sứ Graham Martin không tin phi trường Tân Sơn Nhất hết sử dụng, ông muốn đích thân đi thị sát, vì mục tiêu của ông là phải cứu càng nhiều người Việt Nam càng hay. Thấy quả đúng như thế, ông điện thọai cho Kissinger xin triển khai Phương Án Bốn ngay lập tức và dùng trực thăng di tản những người Mỹ còn lại và càng nhiều người Việt Nam càng hay.

Phương Án Bốn là mã số của Cuộc Hành Quân Gió Thường Xuyên (Frequent Wind), đại qui mô di tản người tới các tầu của Hải Quân Mỹ đậu ngoài khơi. Phần lớn các hành khách của cuộc di tản bằng trực thăng cuối cùng đã được chọn trước, được căn dặn phải lắng nghe dấu hiệu cuối cùng trên Đài Phát Thanh Quân Lực. Mười ba bãi đáp trực thăng đã được chọn khắp Sài Gòn, sử dụng trực thăng nhỏ UH-1 Huey trên nóc các cao ốc và các trực thăng lớn hơn gọi là CH-53 Sea Knights cho các cao ốc Quốc Phòng Mỹ tại phi trường và sân tòa đại sứ.

Nhưng khi các trực thăng bắt đầu xuất hiện trên bầu trời xám xịt để đón những người đã chọn thì hỗn loạn cũng bắt đầu. Ước lượng có đến 10,000 người Việt đổ xô tới tòa đại sứ… Một số bãi đáp đã chọn không hề có một trực thăng nào xuất hiện…

Đại Sứ Martin từ khước không chịu rời tòa đại sứ cho tới người cuối cùng ông thấy có trách nhiệm phải cứu được di tản, chỉ tới khi nhận được chỉ thị của ổng thống Ford, ông mới lên trực thăng ra đi.

Arnett thuật lại việc đồng nghiệp của anh là Esper chứng kiến cảnh trung tá cảnh sát Nguyễn Văn Long, sau khi Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng, đã rút súng lục ra, nghiêm chỉnh chào bức tượng người lính Việt Nam Cộng Hòa tại Công Trường Lam Sơn, rồi nổ súng tự sát.

Chiều lại, Arnett đã đánh cho AP bản tường trình sau: “Trong 13 năm tường thuật Chiến Tranh Việt Nam, tôi chưa bao giờ mơ nó sẽ chấm dứt như vào lúc trưa nay. Tôi nghĩ nó sẽ chấm dứt bằng một thương lượng chính trị như ở Lào. Thậm chí một trận đánh kiểu Armageddon biến thành phố thành đống tro tàn. Trái lại là một cuộc đầu hàng hoàn toàn và trong hai giờ sau đó là cuộc gặp gỡ thân tình tại văn phòng AP ở Sài Gòn với một sĩ quan Bắc Việt mang súng và áo trận cùng người phụ tá của ông ta, trong đó chỉ có chai coca ấm áp và chiếc bánh ngọt tầm thường? Chiến Tranh Việt Nam đã kết thúc đối với tôi như thế vào ngày hôm nay”. Sau đó, đường dây liên lạc bị cắt.

Tờ The Guardian có bài khá dài về 40 năm sau ngày thất thủ Siagòn của ký giả Nick Davies. Ký giả này đào sâu một khía cạnh hết sức thời sự ở Việt Nam hiện nay: cuộc chiến thắng của cộng sản chủ nghĩa đã nhường bước cho nạn tham nhũng của tư bản chủ nghĩa.

Ngay khi thua cuộc chiến ở Việt Nam, Mỹ áp đặt một cuộc cấm vận, cắt đứt quốc gia tan hoang vì chiến tranh này không những khỏi xuất nhập cảng của Mỹ mà còn khỏi nhiều quốc gia khác vốn chịu ảnh hưởng của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ còn vận động các bộ phận đa quốc như IMF, Ngân Hàng Thế Giói và cả UNESCO từ khước không trợ giúp Việt Nam…

Kết quả, dự án xã hội chủ nghĩa của Việt Nam phải sụp đổ. Từ đầu thập niên 1980, các nhà lãnh đạo buộc phải cho phép nông dân được bán nông phẩm thặng dư và thế là chủ nghĩa tư bản bắt đầu trở lại. Cuối thập niên 1980, đảng chính thức chấp nhận ý niệm “kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Thay đổi rõ rệt diễn ra trong thập niên 1990: các nhà đầu tư ngoại quốc được phép vào nước và các cơ sở buôn bán tư nhân được khuyến khích: tự do buôn bán, thị trường tự do, lời cho người này, lương cho người nọ. Sau lưng, chính phủ gửi tín hiệu muốn thỏa hiệp với Washington. Họ không còn đòi 3.5 tỷ mỹ kim viện trợ tái thiết hay bồi thường Độc Tố Da Cam và tội ác chiến tranh nữa. Thậm chí còn đồng ý trả ngân khoản 146 triệu mỹ kim do chính phủ cũ nợ của Hoa Kỳ. Qua năm 1994, Hoa Kỳ an lòng đã bỏ cấm vận từng xiết cổ Việt Nam gần 20 năm. Ngân Hàng Thế Giới, Qũy Tiền Tệ Quốc Tế và các cơ sở khác bắt đầu đến trợ giúp. Nền kinh tế bắt đầu tăng 8.4% một năm, và Việt Nam mau chóng trở thành quốc gia xuất cảng gạo hạng nhất thế giới.

Khi chiến tranh chấm dứt, 70% người dân Việt Nam sống dưới mức nghèo đói. Qua năm 1992, giảm xuống cò 58% và tới năm 2000 chỉ còn 32%... Ba thập niên sau “ngày cộng sản chiến thắng”, Việt Nam trở thành thành phần của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hoàn cầu. Tây Phương xét cho cùng đã thắng.

Từ năm 2000, nhịp thay đổi còn gia tốc hơn nhiều và thế cân bằng chính trị cũng thay đổi. Việt Nam chịu bán các công ty do nhà nước sở hữu. Nó cũng ký thoả ước buôn bán với Mỹ, và cuối cùng được gia nhập Tổ Chức Giao Thương Thế Giới (WTO), nhận được nhiều đầu tư và giúp đỡ của ngoại quốc hơn. Ba thập niên sau khi người cộng sản trồi lên như kẻ thắng trận, họ đã trở thành thành viên hoàn toàn hội nhập vào nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hoàn cầu. Xét cho cùng, Tây Phương mới là người thắng cuộc.

Ấy thế nhưng, người nghèo vẫn nghèo, người giầu cứ giầu thêm. Nguyễn Công Khê, cựu chủ bút tờ Thanh Niên, bị thất sủng, vì dám “mò giái ngựa”, nên mất chức. Bây giờ, ngồi “gãi háng” với một trang mạng tin tức tư, vừa nhờ New York Times kêu gọi chính phủ cho phép tự do báo chí, vừa lớn tiếng tố cáo Đảng Cộng Sản Việt Nam phản bội chính nghĩa của họ.

Khê, từng tham gia “cách mạng”, tin rằng thoạt đầu những người làm cách mạng vô sản đã thiết lập một chính phủ với dụng ý tốt là phát triển đất nước và trở nên giầu có một cách công bình, nhưng sự việc trục trặc đâu đó. Nên những kẻ tham gia cách mạng thề sẽ trong sáng, nhưng cuối cùng đã phản bội cam kết và ý thức hệ của mình”. Khê bảo rằng những người này sử dụng các khí cụ tư bản chủ nghĩa để khởi động nền kinh tế, nhưng ông thấy mặt tối của đồng tiền tân tự do: tham nhũng và bất bình đẳng.

Người ta thấy rõ điều đó ngay trên đường phố. Bất kể quá khứ đen tối của nó, Sài Gòn đã phát triển thành một đô thị kinh thương, nhưng dấu hiệu nghèo đói vẫn còn nhan nhản. Ở Đường Đồng Khởi, giai cấp ưu tú mới dám mua một áo thung hiệu Hermes giá 500 mỹ kim, một đồng hồ Versace giá 15,000 mỹ kim, hay một bàn ăn trị giá lên đến 65,000 mỹ kim. Góc đàng kia, trong Khách Sạn Continental, một bữa cơm bằng lương tuần của công nhân, trong một tiệm ăn với cái tên đúng là vả vào mặt Hồ Chí Minh: Le Bourgeois (trưởng giả).

Khê cho rằng cứ 10 mỹ kim gán cho bất cứ dự án công nào thì hết 7 mỹ kim rơi vào túi một ai đó. Thật không? Như thế chả hóa 70% ngân sách Việt Nam bị ăn cắp sao? Quả là thứ ăn cắp đại quy mô đến chóng mặt. Ông ta gật đầu “đâu đó từ 50 tới 70%”.
 
Văn Hóa
Thành viên Truyền Hình VietCatholic dâng lễ cầu nguyện và tưởng nhớ Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài
VietCatholic Network
07:28 30/04/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
30/4, Hồn Đi Lạc
Nguyễn Trung Tây
16:41 30/04/2015
□ Nguyễn Trung Tây

30/4, Hồn Đi Lạc...




Gặp tôi lang thang đầu đường xó chợ như sát thủ Cain (một đời bị Trời phạt lang thang đầu đường xó chợ cho hết một kiếp người trên mặt đất), bạn chặn tôi ngay giữa đường, phán một lời (một lời bình phẩm, một lời tuyên án, hay cũng có thể được gọi là một lời than): “Ông, tu sĩ, hơn nửa đời ngồi am nhỏ gõ những trang kinh mà nhìn mặt như người chưa bao giờ cảm nghiệm được một giây phút (trần gian gọi là) Ngộ!...”

Tôi, bất mãn kinh niên, nhăn nhăn vầng trán, “Cám ơn cho những lời nhận xét quý báu không ai cần tới. Nhưng cũng chả sao, tôi vẫn quý mến ông như thuả nào. Mà này, ông bạn, ông muốn nói điều gì? Làm ơn nói thẳng ra cho thiên hạ nhờ.”

Bạn nhìn vào mắt tôi, nói rõ từng âm, “Rất thành thực! Không khách sáo! Ông nhìn lạc đường quá!”

Ơi, tôi yêu mến làm sao những lời nói thẳng như ruột ngựa của người đối diện!

Tiếng Việt giọng Bắc của bạn thật chuẩn, thật dễ thương!

Bạn có phải thầy bói, nhà tướng số, hay tiên tri từ trong quá khứ (Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm/Trạng Quỳnh) đội mồ sống dậy, quay về thế giới đảo điên để phán một lời tuyên ngôn về ngày giờ tận thế?

Lạc đường là tôi!

Lạc đường là tên, dòng họ Lạc, con cháu Lạc Long Quân!

Lạc đường đã trở thành máu huyết luân lưu trong người. Lạc đường đã khắc ghi sâu trong tâm khảm. Lạc đường đã trở nên cá tính riêng biệt trời “cho” riêng tôi sở hữu. Tôi đã lạc ngay trong bụng mẹ từ thuả hồng hoang. Tôi nghĩ có lẽ mình chẳng muốn sinh ra trên cõi đời này làm chi, nhất là sinh ra làm người Việt Nam trong vòng một trăm năm vừa qua (thành thật mà nói, không ngại đụng chạm; bạn có giận, trách mắng tôi vong bản vong thân, tôi vẫn nói như thế; lời thật mất lòng!).

Tôi, tuổi mười ba, đã lạc khi nhìn thấy xe tăng T-54 lăn bánh trên đường Lê Văn Duyệt, một trong những đại lộ thủ đô Sài Gòn dẫn về tổng hành dinh của Nam Việt Nam, chính quyền hai đời Tổng Thống (nhân vật giờ thứ 25, không tính) mới vừa tuyên bố trên đài phát thanh, chúng tôi đầu hàng. Sài Gòn, 30 tháng 4, bầu trời xanh lơ trưa mùa xuân bỗng dưng mây đen kéo tới, xám đen âm u cả một góc trời thủ đô (đừng hỏi tại sao, tôi không dị đoan mê tín, tôi chỉ diễn tả những chi mình đã nhìn thấy vào giây phút ấy). Thành phố hỗn loạn trong cơn tháo chạy! Những cột khói bốc cao! Những khuôn mặt hốt hoảng! Những giọt lệ buồn tủi! Những tiếng kêu tuyệt vọng! Những tiếng hét kinh hoàng! Những tiếng đạn nổ tung xé rách toang thịt da! Tiếng đạn súng lục xuyên thẳng đầu người nghĩa khí chết theo thành! Những hàng người nối dài cho một chỗ ngồi trên chiếc trực thăng đậu cao trên nóc tòa nhà Đại Sứ Mỹ. Tựa như những chú ruồi nhằng bay rối loạn tung tóe trên một thân xác bắt đầu lạnh, bầu trời Sài Gòn bỗng dưng ngập tràn trực thăng di tản người thân ruột thịt!

Tôi đã lạc dưới bầu trời nắng lung lửa đỏ, bụng đói, trống rỗng với không một chén cơm (dù là cơm hẩm), ba năm liền đi bộ tới trường trung học Nguyễn Thượng Hiền. Một chén cơm trắng đơn giản bình thường khi đó bỗng dưng trở thành món hàng xa xỉ phẩm cho cậu bé thiếu niên của Sài Gòn, Sài Gòn một thời hãnh diện được gọi Hòn Ngọc Viễn Đông. Tại sao thiếu niên Phi Luật Tân, Mã Lai, Thái Lan cùng thời không có những ước mơ nhỏ nhoi như thế?

Tôi đã lạc ngay sau khi bị nhổ bật gốc khỏi quê nhà bởi cuộc chiến Việt Nam, một cuộc chiến đến ngày hôm nay, tôi vẫn thắc mắc, muốn tìm hiểu thật sự ra đâu mới là nguyên nhân chính. Bởi ngoại bang, Nga Sô? Mỹ? Kissinger bán đứng Việt Nam cho Trung Cộng? Hay bởi anh em nhân lên từ cùng một trứng đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết, chủ nghĩa tư bản? chủ nghĩa cộng sản? chủ nghĩa cá nhân? thế là cùng một mẹ nhào vào, to miệng gào thét, tay cầm lựu đạn ném thẳng vào mặt nhau. Hay bởi tại cả hai, ngoại bang và người nhà? Thế là lịch sử lập lại, thêm một lần, Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà!

Tôi đã lạc khi bước chân lên tàu vượt biên, thuyền trôi lênh đênh trên mặt sóng, và tất cả những cô gái tuổi ươm mơ tóc dài đen lay láy trong khoang thuyền bị hạ nhục bởi ngư phủ xứ chùa vàng Thái. Khi bị tấn công bởi lưỡi dao vô tình, anh tôi ngã gục xuống sàn tàu, hét lớn, hai tay ôm mặt; và máu, những dòng máu đỏ nóng hổi tuôn chảy từ những ngón tay. Tôi, hốt hoảng với thảm kịch xảy tới cho người thân, không biết làm gì khác hơn, đứng giữa trời bật tung tiếng khóc!

Tôi đã lạc khi ngư phủ Thái xếp hàng những người thanh niên trên tàu. Từng người rồi từng người bị ngư phủ xứ Thái bạo hành. Tới phiên! Tôi nhắm mắt lại đợi chờ giây phút, nhưng ngư phủ Thái đã dừng lại nắm đấm giữa trời. Tôi nghĩ cũng có thể bởi khuôn mặt thất thần trắng xanh của mình. Hoặc bởi một lý do gì đó, có ai mà hiểu. Ngư phủ nhìn tôi, nhoẻn miệng cười, gỡ cặp kính của tôi ra, đeo vào mặt. Cặp kính cận dầy cộm, ai đeo cho nổi! Ngư phủ loạng choạng bước đi những bước chân xiêu vẹp! Đầu lắc lắc! Cặp kính cận rớt xuống, rơi thẳng một mạch xuống làn nước xanh đại dương. Tưởng thế là xong! Nhưng không, ngư phủ phóng theo vớt lại cặp kính. Một tay bám thành tàu, tay kia nắm chặt kiếng cận, ngư phủ nhảy lên tàu, cẩn thận đeo trả lại vào mắt chủ nhân cặp kính. Rồi lại quay sang người đứng kế bên, đánh tiếp, như chuyện bình thường, một chuyện phải xảy ra…

Tôi đã lạc trong khi hít thở bầu không khí ngột ngạt hôi thối của trại Sungai Besi, trại cấm Mã Lai hơn một năm trời. Trời nhiệt đới đổ tung lửa đỏ đốt cháy mái tôn nhà hộp đóng kín và khu "long house" dài thoàng tựa như tương lai mịt mờ vô định. Từng mảng rồi từng mảng hồn đã bị gậm nhấm, ăn mòn bởi đời sống trại cấm. Tôi chết khô vườn cỏ xanh tươi; đầu tóc đen rêu xanh phủ đầy!

Tôi đã lạc khi đặt chân lên đất Mỹ, vùng đất trần gian gọi đất hứa! Họ là ai, những người không có tóc đen bóng mượt? Tại sao mắt họ lại không là mầu nâu? Tại sao họ ăn bánh mì sandwitch với hambuger và cheese, nhưng lại không ăn cơm trắng với canh chua cá và thịt kho? Tại sao họ nhìn tôi với ánh mắt khinh khỉnh, coi thường! Tôi đã từng thắc mắc, nếu mình tới từ quốc gia, nơi xuất hiện thương hiệu Honda, Toyota, Sony, người Mỹ sẽ nhìn mình như thế nào? Hộ chiếu Japan, hộ chiếu Hong Kong, trăm năm vừa qua, rõ ràng khác với hộ chiếu tỵ nạn, nhất là tỵ nạn Việt Nam.

Tôi đã lạc khi nhận được tin Bố, trút hơi thở cuối đời tại Việt Nam trong khi mình đang lang thang tại xứ người, hơn một năm rồi. Một phần hồn của tôi đã chết, một góc tim bị xé rách toang, không bao giờ còn khả năng bình phục kể từ giây phút đó…

Và khi tôi quay về lại Sài Gòn cho một lần công tác… Người cùng chủng tộc nhìn tôi tựa như tôi chưa bao giờ chôn nhau cắt rốn ở quê mẹ. Trong ánh mắt họ, tôi là người Campuchia hoặc Thái. Có lần tôi lịch sự nói, “Cám ơn”, với cô chạy bàn trong tiệm Phở. Cô ta dừng lại một bước chân nhanh nhanh, quay đầu lại, mở miệng nói liền, “Ồ! Ông nói tiếng Việt giỏi quá!” Và cô ta hỏi tôi trong tiếng Anh, “Tại Phi Luật Tân, ông sống ở đâu? Thủ đô Manila?”

Thật thế à?

Lạc, hồn tôi lạc như ao tù nước đọng. Tôi hôi thối! Tôi hiểm ác!

Lạc, ngôn ngữ tôi hằn học nọc rắn độc!

Lạc, hồn tôi nhăn nheo tựa như trái táo khô để quên trong bếp từ lâu rồi. Tôi còn trẻ nhưng tâm già khằng, ngàn năm tuổi!

Lạc đã trở thành một phần tâm hồn!

Lạc, tôi lạc như Cô Tấm… Mẹ chết sớm, bố lấy vợ kế, rồi chết đi bỏ lại Cô Tấm một mình lạc loài bơ vơ trên cõi đời ô trọc với bà mẹ kế thiếu từ tâm và cô em Cám, giống tính mẹ.

Ngay cả khi tôi, đồng tiền quý giá được giữ gìn nâng niu tựa như kho tàng trong tay Chúa, qua hình ảnh của người phụ nữ, tôi vẫn đợi chờ cơ hội bỏ chạy! Đồng tiền đi lạc!

Ngay cả khi tôi, chú chiên be bé, dưới bàn tay nhân hậu của Chúa Chiên Lành, tôi vẫn rập rình đợi chờ cơ hội bỏ đi tìm kiếm dục vọng vệ đường! Con chiên lạc!

Ngay cả khi tôi, người con thứ, chạy đến cùng Chúa, đòi Ngài chia gia tài để tôi đốt hết vào đồi trụy đam mê! Người con đi hoang!

Lạc, tôi lạc như hai môn đệ trên đường Emmau…

Tôi thất vọng! Tôi lạc đường!

Chẳng trách chi bạn gọi tôi, Hồn Đi Lạc!

Tôi thất vọng với đời, với người và với mình! Tôi người họ Lạc!

Chẳng trách chi bạn gọi tôi, Hồn-Đi-Lạc!

Nhưng... Khoan!

Xin bạn dừng lại một bước chân. Xin bạn khoan, đừng bỏ đi! Bởi tôi nói chưa hết! Làm ơn cho tôi nói dứt lời...

Bạn,

Chính lúc hồn đi lạc, lại là lúc mình được tìm thấy, không phải bởi ai, nhưng Chúa Thiên Đàng qua hình ảnh của người phụ nữ với mười đồng tiền, người chăn chiên với đàn chiên trăm con! Chính lúc hồn thất vọng, lại là lúc hy vọng tràn đầy tuôn đổ trên hai bàn tay. Đồng tiền đã tìm thấy, con chiên lạc được bế lên vai, hai môn đệ thất vọng đã gặp Niềm Hy Vọng mới. Chuyện buồn chuyển mình hóa ra chuyện đẹp, chuyện cổ tích thơm tho ngọt ngào mùi cơm vừa chín tới.

Vâng, tôi lạc! Cũng chẳng sao!

Chúa chưa bao giờ bỏ rơi tôi!

Ngài tiếp tục cất công lên đường tìm kiếm tôi, đồng tiền đánh rơi, con chiên đi lạc,

bởi tôi quý giá trong đôi mắt Ngài.

Thế là no đủ! Ơn phúc dư thừa!

Vâng, tôi sinh ra đã lạc! Mang thân phận họ Lạc, sinh nhằm vào ngay một giai đoạn LẠC…

Bạn cứ gọi tôi tên Lạc!

Nhưng tôi vẫn no đầy phúc lộc trời cao! Mưa trời vẫn tiếp tục đổ xuống đầy tràn hai bàn tay trắng!

□ Nguyễn Trung Tây

www.nguyentrungtay.webs.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ
Nguyễn Đức Cung
10:56 30/04/2015
TƯỞNG NIỆM CHIẾN SĨ VIỆT MỸ

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Hỡi người Chiến sĩ vô danh

Thân đền nợ nước, vong linh trường tồn

Tượng Đài Tưởng Niệm tình thương

Hồn thiêng sông núi lưu truyền thiên thu.

(Trích thơ của Huyền Minh)
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cá Tươi
Nguyễn Bá Khanh
20:54 30/04/2015
CÁ TƯƠI
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Ba tiền một khúc cá tươi
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già.
(Ca dao)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 23/04 – 29/04/2015: Thoát chết vào giờ thứ 25
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:32 30/04/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Paris kêu gọi bình tĩnh sau khi cảnh sát tình cờ khám phá ra âm mưu khủng bố các nhà thờ

Tính cho đến sáng Chúa Nhật 26 tháng Tư 4, bốn người đàn ông đã bị bắt trong một âm mưu tấn công khủng bố vào “một hay hai” nhà thờ tại Paris.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm 23 tháng Tư chung với ông Bernard Cazeneuve, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Đức Hồng Y André Vingt-Trois nhận định rằng “Tấn công khủng bố nhắm vào các nhà thờ cố nhiên là tấn công vào một cộng đồng tôn giáo nhưng cũng là tấn công vào cộng đồng nhân loại. Các mối đe doạ khủng bố, dù là thế nào đi nữa cũng nhắm lan truyền sự sợ hãi. Người Công Giáo chúng tôi không khuất phục.”

Ông Cazeneuve cho biết hôm thứ Tư 22 tháng Tư là “Một cuộc tấn công khủng bố đã thất bại vào sáng Chúa Nhật [19 tháng Tư]. Cảnh sát đã phát hiện ra một kho vũ khí chiến tranh. Một tài liệu được tìm thấy chứng minh rằng không nghi ngờ gì là một số phần tử đã lên kế hoạch để thực hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra. Các nghi phạm đã bị giam giữ ngay lập tức.”

Nghi phạm đầu tiên bị bắt là Sid Ahmed Ghlam, một thanh niên 24 tuổi người gốc Algeria đã sống tại Paris từ năm 2009 và đang theo học ngành điện toán. Ý Chúa quan phòng, khoảng 8 giờ sáng Chúa Nhật 19 tháng Tư, tên Sid Ahmed Ghlam này chất đầy vũ khí trên xe hơi của y để chuẩn bị đi gây án thì lớ ngớ làm nổ súng bắn vào chân.

Y lết ra khỏi xe nằm trên một vỉa hè ở quận 13 của Paris gọi xe cứu thương. Trước những lời khai đầy mâu thuẫn của y, cảnh sát lần theo dấu máu phát hiện ra chiếc xe hơi của y trong đó có 4 khẩu tiểu liên tự động Kalashnikov, một khẩu súng lục Sig Sauer của cảnh sát bị đámh cắp trước đó, một số băng tay cảnh sát và sơ đồ của một số trạm cảnh sát Paris.

Bộ trưởng Cazeneuve nói rằng tại nhà hung thủ và nhà người chị gái, cảnh sát tìm ra nhiều vũ khí khác cùng những bản đồ và chi tiết một cuộc tấn công vào “một hoặc hai nhà thờ” ở Villejuif, một vùng ngoại ô của Paris, trong ngày Chúa Nhật 19 tháng Tư.

Qua điều tra sơ khởi ban đầu các chuyên gia cảnh sát cho rằng DNA của Sid Ahmed Ghlam trùng hợp với những dấu vết để lại trong vụ giết hại cô Aurelie Chatelain, một giáo viên thể dục tại Villejuif. Sáng Chúa Nhật 19 tháng Tư, cô Aurelie Chatelain, 32 tuổi, một người mẹ có cô con gái mới lên 5 tuổi được tìm thấy đã bị bắn vào đầu và được đặt nằm ở ghế hành khách trong chiếc xe hơi của cô. Trong khi đó trên xe của tên Sid Ahmed Ghlam đầy những vết máu. Có thể là cô Aurelie Chatelain đã bị giết chết trên xe của nghi phạm.

2. Một công tố viên Ý tuyên bố rằng cảnh sát Ý đã phá vỡ một âm mưu nổ bom tự sát tại Vatican

Trong cuộc họp báo diễn ra vào hôm thứ Sáu 24 tháng Tư ở Sardinia, công tố viên Mauro Mura nói rằng cảnh sát Ý đã phá hỏng một cuộc tấn công khủng bố vào Vatican trong năm 2010.

Ông nói: “Hoạt động của chúng tôi là thiết yếu nhằm đảm bảo rằng những hậu quả không thể khắc phục được đã không xảy ra”.

Ông cho biết một người đàn ông Pakistan đã lên kế hoạch thực hiện một vụ nổ bom tự sát trong một buổi triều yết chung nhưng kế hoạch này đã bị bãi bỏ sau khi những kẻ khủng bố nhận ra cảnh sát đã thâm nhập vào mạng mạng lưới của chúng.

Ông Mauro Mura nói cảnh sát Ý trong khi thâm nhập vào một mạng lưới đưa người nhập lậu vào Ý tại Sardinia đã phát hiện âm mưu này và đã ra lệnh bắt 18 người trong đó đến nay 9 người đã bị bắt. Các tin nhắn của bọn khủng bố đề cập đến Đức Giáo Hoàng (lúc bấy giờ là Đức Bênêđíctô thứ 16) và những chốn đông người khiến cảnh sát tin rằng vụ nổ bom tự sát sẽ diễn ra trong một buổi triều yết chung.

Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, tỏ ra xem nhẹ tầm quan trọng những tuyên bố của công tố viên. Ngài nói “Dường như có một giả thuyết như thế vào năm 2010 nhưng sau đó không có gì tiếp diễn”.

3. Chúa Nhật cầu nguyện cho ơn gọi tại Vatican

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Quý vị và anh chị em đang theo dõi những hình ảnh về Ngày Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi tại Vatican.

Lúc 9 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 26 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ truyền chức Linh Mục cho 19 Phó tế trong đó 13 vị thuộc giáo phận Roma và 6 vị thuộc các giáo phận khác trên thế giới tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Giám quản Agostino Vallini, Đức Tổng Giám Mục phó Giám Quản và 6 Giám Mục phụ tá.

Đoàn đồng tế đang tiến lên trước bàn thờ trong thánh lễ với sự tham dự của khoảng 10,000 tín hữu.

Đức Hồng Y Giám Quản đã giới thiệu các ứng viên lên Đức Thánh Cha.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã dựa trên văn bản lễ nghi truyền chức và các bài đọc khích lệ các tân chức ý thức được sứ mệnh thừa tác sắp nhận lãnh. Đó là sống kết hiệp mật thiết với Chúa, cộng tác với Chúa trong công trình cứu chuộc, qua việc sống và giảng dậy các giáo huấn của Chúa, ban phát các bí tích, hiệp nhất với Giám Mục và cộng tác với các anh em linh mục và các thành phần khác trong cộng đoàn dân Chúa, noi gương Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành hy sinh quên mình chăm sóc đoàn chiên Chúa giao phó.

Đức Thánh Cha không chỉ kêu gọi các tân chức đừng để bài giảng mình trở thành nhàm chán, nhưng ngài đưa ra những lời khuyên để sự giảng dạy của các vị chạm được vào tâm hồn con người: đó là hãy nói từ con tim của mình.

Các linh mục được mời gọi để nuôi dưỡng các tín hữu, vì thế các vị phải bảo đảm rằng “bài giảng của anh em không nhàm chán, và bài giảng của anh em phải đến thẳng trái tim mọi người bởi chúng xuất phát từ trái tim của anh em, bởi vì những gì anh em nói với họ là những gì anh em có trong trái tim mình."

Đức Thánh Cha nói thêm: Một bài giảng được chuẩn bị kỹ lưỡng cho thấy hiệu quả của một mẫu gương linh mục thánh thiện "gương sáng giáo hóa con người, còn những từ ngữ suông không đi kèm những gương sáng chỉ là những lời nói trống rỗng, chỉ là những ý tưởng không bao giờ đến được con tim, và trong thực tế, chúng có thể gây hại."

Tiếp đến là nghi thức công khai dấn thân của các ứng viên nói lên ý muốn thi hành chức thừa tác suốt đời trong hàng linh mục như các cộng sự viên trung thành của hàng giám mục trong việc phục vụ dân Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; chu toàn thừa tác lời Chúa qua việc rao giảng Tin Mừng và dậy dỗ đức tin Công Giáo một cách xứng đáng và khôn ngoan; sốt sắng và trung thành cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo truyền thống của Giáo Hội, đặc biệt trong hiến tế tạ ơn và bí tích hoà giải, để chúc tụng Thiên Chúa và thánh hóa dân kitô; cùng các chủ chăn khẩn nài lòng thương xót Chúa cho dân được giao phó và kiên trì cầu nguyện như Chúa đã truyền dậy; luôn luôn hiệp nhất với Chúa Kitô Thượng Tế, vâng lời Đức Thánh Cha và các người kế vị với lòng tôn trọng con thảo và tuân phục.

Sau đó cộng đoàn đã hát kinh cầu các thánh xin triều thần thánh phù hộ cho các ứng viên. Đức Thánh Cha đã khẩn cầu Chúa Thánh Thần xuống trên các tiến chức và đặt tay trên đầu từng vị. Tiếp đến là tất cả các Giám Mục và linh mục đồng tế. Rồi Đức Thánh Cha đọc công thức truyền chức Linh Mục.

Khi đọc công thức truyền chức trong đó thúc giục các linh mục phải luôn luôn lưu tâm đến mầu nhiệm mà các ngài cử hành trong Thánh Lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng "Đừng bao giờ cử hành vội vàng cho xong!"

Cũng vậy, khi đọc lời khích lệ các linh mục đưa các tân tòng vào cộng đoàn dân Chúa qua bí tích Rửa Tội, Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Đừng bao giờ từ chối bí tích Rửa Tội trước những ai thỉnh cầu anh em”.

Trong bí tích hòa giải, Đức Thánh Cha nói, "anh em sẽ tha tội nhân danh Chúa Kitô và Hội Thánh. Và tôi – nhân danh Chúa Giêsu Kitô là Chúa và hiền thê của Ngài là Giáo Hội thánh thiện - yêu cầu anh em đừng bao giờ mệt mỏi xót thương. Trong bí tích hoà giải, anh em sẽ là người tha thứ, chứ không phải là người lên án. Hãy noi gương Chúa Cha, Đấng không mệt mỏi thứ tha. "

Công thức phong chức linh mục được chuẩn bị sẵn đòi buộc các tân chức phải có ý định chỉ làm đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi chứ không phải là làm đẹp lòng mình. Đức Thánh Cha nói thêm: "Thật là tồi tệ khi thấy một linh mục sống để làm hài lòng chính mình, những người hành xử như một con công, khệnh khạng lượn quanh”

Đối với 13 vị thuộc giáo phận Rôma, trong tư cách là Giám Mục giáo phận, Đức Thánh Cha đã hỏi các vị có hứa trung thành và tận tụy với ngài và người thừa kế ngài với tấm lòng con thảo hay không. Với 6 vị thuộc các giáo phận khác trên thế giới, ngài yêu cầu các vị trung thành và tận tâm như con thảo với đấng bản quyền điạ phương.

Sau đó là nghi thức xức dầu thánh trên lòng bàn tay từng tiến chức, xin Chúa Giêsu Kitô, mà Thiên Chúa Cha đã thánh hiến trong Chúa Thánh Thần và quyền năng, giữ gìn tân chức cho việc thánh hiến dân Người và dâng của lễ. Rồi Đức Thánh Cha trao điã đựng bánh và chén thánh và dặn dò các tân chức hãy ý thức điều mình làm, noi gương điều mình cử hành và đồng hình dạng cuộc sống với mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô.

4. Đức Hồng Y Parolin trình bày một số nhận định của Đức Thánh Cha về tình hình thế giới hiện nay

Nói chuyện trong lễ khai giảng năm học mới của Phân Khoa Thần Học của Đại Học Triveneto tại Padua hôm 24 Tháng Tư, Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã trình bày một số nhận định của Đức Thánh Cha về tình hình thế giới hiện nay đặc biệt là nạn khủng bố, Phi Châu, Trung Đông, Cuba, tội ác diệt chủng người Armenia và những nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan.

Khủng bố và Vatican

Liên quan đến tiết lộ của công tố viên Mauro Mura nói rằng cảnh sát Ý đã phá hỏng một cuộc tấn công khủng bố vào Vatican năm 2010, Đức Hồng Y Parolin nhận xét rằng “Đức Giáo Hoàng rất bình tĩnh”, nhưng đối với các nhà chức trách “sự sợ hãi như thế là đúng, mối bận tâm về vấn đề đôi lúc có bị thổi phồng, nhưng chắc chắn chúng ta cần phải cảnh giác.” Đức Hồng Y cho biết một biện pháp phòng ngừa đang được thực hiện là mọi tòa nhà của Vatican đều được tăng cường bảo vệ.

Châu Phi

Về Châu Phi, Đức Hồng Y Parolin cho biết “sau khi đến thăm Hàn Quốc, Sri Lanka và Phi Luật Tân, vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, Đức Thánh Cha muốn dành nhiều chú ý hơn tới châu Phi”. Ngài cho biết “Kế hoạch tông du của Đức Thánh Cha đang được hoạch định, đặc biệt là với các nước đang phải đối mặt với xung đột và khó khăn. “

Trung Đông

“Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu là các lực lượng của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo phải bị chặn đứng,”. Ngài cho biết Đức Giáo Hoàng “đau buồn chứng kiến là nhiều bức tường đang được dựng lên giữa các cộng đồng trong vùng Trung Đông”, và những “xung đột đang tiếp diễn có nguy cơ chia cắt toàn bộ khu vực.” Đức Hồng Y cho biết thêm là “vì lý do này, Tòa Thánh đang làm việc để đảm bảo khả năng thông tin liên lạc liên tục và sự hợp tác giữa các cộng đồng khác nhau cũng như tố cáo tình trạng bạo lực đang diễn ra hàng ngày trong vùng”

Cuba

Liên quan đến Cuba, Đức Hồng Y cho biết “Đức Giáo Hoàng sẽ đến Cuba trong chuyến thăm Nam Mỹ, đặc biệt là vì sự ấm lên trong các mối quan hệ sau một thời gian dài của sự lạnh lùng, hiểu lầm và xung đột. Tuy nhiên, quá trình này chỉ mới bắt đầu và mọi thứ vẫn còn mong manh. Thật không phải là dễ dàng xây dựng một môi trường tin cậy lẫn nhau sau nhiều năm mất liên lạc và thiếu cảm thông. Đức Hồng Y Parolin hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại đất nước này sẽ là một sự khích lệ cho quá trình củng cố quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cuba.

Chủ nghĩa cực đoan

Liên quan đến chủ nghĩa cực đoan, Đức Hồng Y nhận xét rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập liên tục đến những nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan, dù là cực đoan văn hóa, tôn giáo hay thần học. Chủ nghĩa cực đoan đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đến trật tự chính trị vì bạo lực vô hạn mà nó sản sinh ra. Đức Hồng Y cho rằng “Tín đồ các tôn giáo cần tự vấn và dự phần vào việc kiến tạo hòa bình.”

Tội diệt chủng người Armenia

Liên quan đến lễ kỷ niệm 100 năm thảm họa diệt chủng ở Armenia và ý kiến của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Parolin nhận định rằng “Đức Giáo Hoàng luôn nói một cách rõ ràng và theo ý hướng hòa giải. Khi Đức Giáo Hoàng nhắc nhớ lại sự việc, ngài không có ý khơi lại bất cứ tình trạng thù địch nào, nhưng là để tiếp cận vấn đề một cách công bằng, và cố gắng tìm ra những cách thức mới của sự hiểu biết và hợp tác.”

5. Đức Thánh Cha sẽ thăm Cuba trước khi tông du Hoa Kỳ

Chiều thứ Năm 22 tháng Tư, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến Cuba trước khi đến Hoa Kỳ vào tháng Chín tới.

Cha Lombardi cho biết tiếp: “Tôi có thể xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô, đã chấp nhận lời mời của các quan chức dân sự và của hàng giám mục Cuba, và đã quyết định đến thăm đảo quốc này trước khi đến Hoa Kỳ. “

Đức Hồng Y Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, đã thăm Cuba từ 22 tháng 4 đến ngày 28 để kỷ niệm 80 năm quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Tòa Thánh.

Đức Hồng Y Stella đã làm đại sứ ở Cuba từ 1993-1999, và giúp tổ chức chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1998, là chuyến đi lịch sử đầu tiên của một vị Giáo Hoàng đến thăm đảo quốc này.

6. Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng ở Nepal vừa diễn ra vào trưa thứ Bẩy 25 tháng Tư.

Một trận động đất lớn tới 7.9 độ Richter đã làm rung chuyển Nepal vào trưa ngày thứ Bảy 25 tháng Tư, gây thiệt hại lớn cho các khu đông dân cư ở thung lũng Kathmandu.

Tính đến sáng 29 tháng Tư con số thương vong được ghi nhận là 4,500 người. Tuy nhiên, các giới chức chính quyền lo ngại con số thương vong có thể lên đến 10,000 người.

Tâm chấn của trận động đất nằm cách thủ đô Kathmandu 80 km về phía tây bắc. Trận động đất này đã lật nhào một ngôi đền 100 năm tuổi, chia cắt các trục lộ giao thông, và san bằng nhiều nhà cửa của dân chúng và các tòa nhà.

Trong số những nơi bị thiệt hại có cả tháp Dharahara, một di tích quốc gia, được xây dựng bởi hoàng gia Nepal từ những năm 1800. Các quan chức ước tính ít nhất 50 người bị mắc kẹt bên trong các cấu trúc bị đổ sập.

Các trận động đất đã gây tuyết lở ở vùng núi Everest của dãy Hi Mã Lạp Sơn và chấn động có thể cảm thấy tận thủ đô New Delhi của nước láng giềng Ấn Độ.

Đài phát thanh Vatican đã có cuộc đàm thoại với Cha Piô Perumana, một nhân viên cứu trợ của Caritas Nepal ở Kathmandu. Cha Perumana nói khu vực nhà dân chật cứng ở trong thành phố đã bị sụp đổ và những người sống sót cần được chăm sóc y tế khẩn cấp cũng như những nơi cư trú tạm.

“Tôi tìm mọi cách và cuối cùng cũng đến được Kathmandu, mặc dù những con đường đã bị chặn ... họ vẫn đang tìm kiếm người sống sót. Các báo cáo sẽ vẫn tiếp tục được gởi đến ... Tình hình thiệt hại cụ thể vẫn chưa rõ ràng,”

Đây là trận động đất thứ hai tồi tệ nhất của Nepal kể từ năm 1934, khi một trận động đất 8.0 độ richter đã phá hủy một lúc ba thành phố là Kathmandu, Patan và Bhaktapur.

7. Giáo phận Kathmandu tường trình: thương vong có thể lên đến 10,000 người, 7 triệu người vô gia cư

Đức Giám Mục Paul Simick của Kathmandu cho biết đó trận động đất ngày 27 tháng 4 tạo ra "một cảnh rất là đáng sợ" ở thủ đô của Nepal.

Đức Cha Simick là giám mục Công Giáo duy nhất ở Nepal nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là ngài "thấy nhà cửa rơi xuống như những lá bài trong một bộ bài" và dân chúng "chạy theo mọi hướng để thoát thân."

Đức Cha cho biết ngài đã chạy ra khỏi văn phòng của ngài tay chân run rẩy và những chấn động sau cơn địa chấn vẫn tiếp tục làm người dân thành phố kinh hoàng. Cho đến nay, hàng trăm ngàn người đang tìm mọi cách di chuyển khỏi thành phố vì 7 triệu người lâm vào cảnh vô gia cư và mùi tử thi ở khắp mọi nơi.

Đức Cha xin mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân và những người sống sót đang đau buồn và biết bao nhiêu người lâm vào cảnh vô gia cư.

Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm đã cứu trợ cấp thời 100,000 Euros và còn tiếp tục gởi thêm trong những ngày sắp tới.

Vài ngày trước khi xảy ra trận động đất hôm thứ Bẩy 25 tháng Tư đã có những dấu hiệu cho thấy thiên tai này sẽ xảy đến nhưng guồng máy chính quyền tê liệt vì khủng hoảng chính trị đã không làm gì để làm giảm bớt thiệt hại.

8. Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Ý trước thảm hoạ 850 thuyền nhân chết trên đường vượt biên từ Lybia sang Ý

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ước tính 850 thuyền nhân đã chết trên một con tàu quá tải bị lật ngoài khơi Lybia hôm Chúa Nhật 19 tháng Tư. Con tàu chở khoảng 900 người chỉ còn 28 người sống sót đã được hải quân Ý kéo vào bờ hôm thứ Ba 21 tháng Tư.

Đứng trước thảm họa nhân đạo này, Tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Ý nói “tất cả các mọi khả năng phải được thực hiện, tất cả các giải pháp phải được xem xét” để ngăn chặn sự tái phát các thảm họa tương tự

Theo Đức Giám Mục Nunzio Galantino vấn đề di cư bất hợp pháp không thể được giải quyết trong một bước duy nhất. Ngài đả kích sự phụ thuộc vào những đề nghị phiến diện hay cực đoan được đưa ra bởi một số chính trị gia và báo giới Ý, chẳng hạn như việc tiêu hủy các thuyền bè chở lậu người vào Ý để ngăn chặn không để chúng được sử dụng lần nữa cho việc chuyên chở người tị nạn trên những hành trình nguy hiểm về phía châu Âu.

Đức Cha Galantino nói:

“Tôi hy vọng các giải pháp được đề ra không phải là hoa trái của lòng hận thù, hoặc tệ hơn nữa, người ta muốn mua phiếu của cử tri từ bi kịch này”.

Các giám mục Ý nói rằng chỉ một mình nước Ý không thể nào thu nhận nổi làn sóng những người nhập cư đang ngày càng đông đảo theo sau những cuộc chiến đang diễn ra tại Trung Đông.

9. Đức Thánh Cha tiếp 120 thành viên Quỹ Gioan Phaolô 2

Sáng ngày 25 tháng Tư 4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến và khích lệ các thành viên và thân hữu của Quỹ Gioan Phaolô 2.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Stanislaw Rylko người Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha cám ơn “các sáng kiến có tính chất giáo dục do Quỹ Gioan Phaolô 2 dành cho giới trẻ, qua đó Quỹ góp phần làm cho đoàn sủng và tình phụ tử của thánh Gioan Phaolô 2 tiếp tục mang lại nhiều thành quá. Quỹ cũng cống hiến cho các linh mục và giáo dân cơ hội được huấn luyện, được chuẩn bị hơn để tháp tùng các cộng đoàn, trong việc đương đầu với các thánh đố văn hóa và mục vụ thời nay.”

Sau cùng, Đức Thánh Cha không quên nhắn nhủ các thành viên của Quỹ Gioan Phaolô 2 “sống tình liên đới với nhau, luôn nuôi dưỡng tình liên đới vằng tình huynh đệ Kitô, và bằng kinh nguyên, tinh thần ngoan ngoãn đối với Lời Chúa”.

Quỹ Gioan Phaolô 2 là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận, được thành lập với sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng ngày 16-10 năm 1981 với mục đích hỗ trợ và thực hiện các dự án giáo dục, khoa học, văn hóa, tôn giáo và bác ái có liên hệ tới triều đại của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2. Quỹ này cũng có mục đích bảo tồn và phát huy gia sản tinh thần của Đức Gioan Phaolô 2 và văn hóa Kitô, thiết lập các tài liệu và nghiên cứu về triều đại Giáo Hoàng và phổ biến giáo huấn của Đức Gioan Phaolô 2. Cho đến nay Quỹ cấp đã cấp học bổng cho hơn 700 sinh viên Đông Âu, trong số này 3 người đã trở thành giáo sư và 67 người đạt bằng tiến sĩ.

10. Vatican tổ chức xổ số lần thứ 2 làm việc nghĩa

Phủ Thống đốc quốc gia thành Vatican tổ chức xổ số lần thứ 2 vào ngày 30-6 tới đây để hỗ trợ các hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha.

Lần đầu đã diễn ra vào ngày 8 tháng Giêng năm nay. Toàn bộ số tiền do việc bán vé số mang lại đã được chuyển cho Sở Từ Thiện của Đức Thánh Cha. Lô độc đắc hồi đó là một xe Fiat Panda do hãng này tặng cho ngài. Ngoài ra có 30 lô trúng khác. Theo một nguồn tin từ Vatican cho biết đã có 27,920 vé số được bán ra hồi năm ngoái, mỗi vé 10 Euro, và số tiền bán được vào khoảng 279,200 Euro.

Lần xổ số thứ hai này có hơn 40 lô là những quà tặng Đức Thánh Cha đã nhận được. Ví dụ lô độc đắc là chiếc xe hơi Kia Soul người ta đã tặng cho ngài trong cuộc viếng thăm Hàn Quốc hồi tháng 8 năm ngoái. Mỗi vé số được bán với giá 10 Euro giống như lần trước. Vé được bán tại một số nơi trong Nội thành Vatican như Bảo tàng viện, Văn phòng bán tem và tiền sưu tập, v.v. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Ông Diego Ravelli, Chánh văn phòng tại Sở từ thiện của Đức Thánh Cha cho biết Đức Thánh Cha đã cám ơn sự tham gia rộng rãi của nhiều người trong đợt sổ số lần đầu tiên. Trong tháng 3 vừa qua, Sở Từ Thiện này đã dành hơn 300 ngàn Euro để giúp đỡ người nghèo.

Mặt khác, một buổi hòa nhạc hỗ trợ các hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha cũng sẽ được tổ chức tại Đại thính đường Phaolô 6 vào ngày 14 tháng 5 tới đây, lễ Chúa Lên Trời. Buổi hòa nhạc được sự bảo trợ của Sở từ thiện của Đức Thánh Cha, Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, Hội đồng Tái Truyền giảng Tin Mừng, và Ngân Quỹ thánh Mathêu tưởng niệm Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.

11. Đức Thánh Cha ca ngợi thành quả của các Giám Mục Lesotho và Namibia

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ niềm vui trước “sự hưng thịnh của đức tin Kitô giáo” ở Lesotho và Namibia, khi ngài gặp các Giám Mục hai quốc gia này hôm thứ Sáu 24 tháng Tư.

Trong thông điệp được in sẵn và phát cho các giám mục hai quốc gia này nhân các vị kết thúc cuộc hành hương ad limina viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã nói về những thành tựu to lớn của Giáo Hội tại Namibia và Lesotho, bao gồm các trường học, các trạm y tế, và các bệnh viện thuộc quyền quản lý của Giáo Hội Công Giáo.

Đức Thánh Cha nói:

“Tôi khuyến khích anh em tiếp tục ủng hộ và nuôi dưỡng những ơn phước lớn lao này, thậm chí khi các nguồn tài nguyên khan hiếm vì Chúa đã hưá sẽ không quên chúc lành cho chúng ta.”

Đức Giáo Hoàng đã lưu ý một vài vấn đề đặc biệt mà Giáo Hội ở hai nước này phải đối đầu trong đó có sự lây lan của AIDS và tình trạng căng thẳng của nhiều gia đình mà vì công ăn việc làm các thành viên phải đi xa nhà.

“Tôi ghi nhận sự vất vả của anh em trong nỗ lực thúc đẩy cuộc sống gia đình khi đối mặt với những quan điểm lệch lạc đang nổi lên trong xã hội đương đại.”

Lesotho có 1.95 triệu dân trong đó có 980,000 người Công Giáo, tức là gần 50% dân số, sinh hoạt trong một tổng giáo phận và 3 giáo phận. Namibia có 2.2 triệu dân trong đó có 380,000 người Công Giáo, tức là 17.2% dân số sinh hoạt trong một tổng giáo phận và hai miền Giám Quản Tông Tòa. Người Tin Lành chiếm 50% và đạo thờ vật linh chiếm 10%.

12. Nhiều quốc gia đang sợ phải thừa nhận tội ác diệt chủng Armenia vì ‘những hậu quả pháp lý’

Tham dự buổi lễ tưởng niệm 100 năm cuộc diệt chủng người Armenia diễn ra tại thủ đô Yerevan, Đức Hồng Y Bechara Rai là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite nói rằng nhiều quốc gia đang sợ phải thừa nhận tội ác diệt chủng Armenia vì “họ sợ những hậu quả pháp lý”.

Trong một tuyên bố đưa ra từ Yerevan, Armenia, được thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc công bố hôm 24 tháng Tư, Đức Thượng Phụ nói rằng điều quan trọng là phải nhận biết sự thật về nạn diệt chủng người Armenia “để tránh lặp lại những cuộc diệt chủng khác.” Trước khi đến Yerevan, Đức Thượng Phụ đã tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên nhận trách nhiệm đối với các chiến dịch đã giết chết khoảng 1.5 triệu người Armenia.

Giáo Hội Armenia Tông Truyền công nhận tất cả các nạn nhân diệt chủng là các vị tử đạo trong một buổi lễ ở Yerevan thu hút một số các nhà lãnh đạo từ các Giáo Hội Kitô khác, bao gồm Đức Thượng Phụ Tawadros Đệ Nhị của Chính Thống Giáo Coptic, Đức Thượng Phụ Chính Thống Syria Ignatius Ephrem Đệ Nhị và Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo.

13. Tổng thống Barack Obama hoan nghênh quan điểm của Đức Giáo Hoàng về vụ diệt chủng người Armenia

Một thế kỷ sau khi cuộc diệt chủng người Armenia bắt đầu vào năm 1915, Tổng thống Barack Obama đã ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng “những người Armenia trong Đế quốc Ottoman đã bị trục xuất, bị tàn sát, và buộc phải đi bộ cho đến chết.”

“Giữa bối cảnh bạo lực khủng khiếp đó là sự đau khổ của tất cả các bên, và cái chết của một triệu rưỡi người Armenia. Chúng tôi hoan nghênh sự bày tỏ quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các nhà sử học Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, và nhiều người khác nữa đã tìm cách làm sáng tỏ chương đen tối này của lịch sử.”

Tuy nhiên, Ủy ban Quốc gia Hoa Kỳ về Armenia chỉ trích tổng thống là không dám sử dụng từ “diệt chủng” trong tuyên bố của ông.

14. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Cộng Hòa Tiệp

Hôm thứ Sáu 24 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Milos Zeman của Cộng Hòa Tiệp, nhân dịp kỷ niệm 25 năm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Tiệp và Tòa Thánh.

Một tuyên bố ngắn gọn của Tòa Thánh sau cuộc gặp gỡ cho thấy Đức Thánh Cha đã nói chuyện với nhà lãnh đạo Cộng Hòa Tiệp về sự hợp tác giữa Giáo Hội và nhà nước trong các lãnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội. Hai vị cũng đề cập đến các vấn đề quốc tế, với sự nhấn mạnh đặc biệt vào hoàn cảnh của người Kitô giáo và các tôn giáo thiểu số khác ở Trung Đông.

Cộng Hòa Tiệp có 10.7 triệu dân trong đó chỉ có 10.7% là người Công Giáo sinh hoạt trong 2 tổng giáo phận, 6 giáo phận và 1 giáo phận Công Giáo nghi lễ Đông Phương. Làn sóng vô thần tăng nhanh tại Tiệp với hơn 37% dân số coi mình là người vô thần.

15. Đức Giáo Hoàng được tin là sắp phê bình hàng giáo phận Á Căn Đình về thái độ trong thời kỳ độc tài quân sự

Angela Boitano, chủ tịch Hiệp hội “Thân nhân của những người mất tích” Á Căn Đình, người vừa được gặp Đức Thánh Cha cho biết là Đức Thánh Cha đã ra lệnh mở Văn Khố Vatican để làm sáng tỏ các hoạt động của Giáo Hội trong thời kỳ chế độ độc tài quân sự Á Căn Đình, tức là từ 1976 đến 1983.

Bà Angela Boitano nói rằng một tuyên bố phê bình thái độ của hàng giáo phẩm Á Căn Đình trong thời kỳ chế độ độc tài quân sự đang được chuẩn bị.

Đức Giáo Hoàng từng là bề trên tổng quyền dòng Tên Á Căn Đình từ năm 1973 đến năm 1979.

16. Đức Thánh Cha liên đới với Giáo Hội Chính Thống Ethiopia

Đức Thánh Cha bày tỏ kinh hoàng và đau buồn sâu đậm vì vụ 28 tín hữu Chính Thống Ethiopia bị nhóm Hồi giáo cực đoan ở Lybia giết hại hôm 19 tháng 4.

Đức Thánh Cha viết trong điện văn ngày 20 tháng 4 gửi đến Đức Thượng Phụ Abuna Matthias, Giáo Chủ Chính Thống Ethiopia như sau:

Tôi rất kinh hoàng và đau buồn khi hay tin bạo lực lại xảy ra cho các tín hữu Kitô vô tội tại Lybia. Tôi biết Đức Thượng Phụ rất đau khổ vì những hành vi tàn bạo mà nạn nhân là các tín hữu yêu quí của Đức Thượng Phụ, họ bị giết chỉ vì là môn đệ của Chúa Giêsu Cứu Thế của chúng ta. Tôi bày tỏ tình liên đới rất sâu đậm với Đức Thượng Phụ và sự gần gũi của tôi trong kinh nguyện đứng trước cuộc tử đạo liên tục giáng xuống một cách tàn bạo trên các tín hữu Kitô tại Phi châu, Trung Đông và một số miền ở Á châu.

Không có sự khác biệt nào giữa các tín hữu Kitô, Coptic, Chính Thống hay Tin Lành. Máu của họ đều giống nhau trong sự tuyên xưng Chúa Kitô! Máu của các anh chị em Kitô chúng ta là một chứng tá kêu gào để được sự lắng nghe của tất cả những người chưa biết phân biệt giữa thiện và ác. Và tiếng kêu này phải được lắng nghe, nhất là những người nắm vận mạng của các dân tộc.

Và Đức Thánh Cha nhận định rằng:

Trong thời kỳ này, chúng ta đầy tràn niềm vui Phục Sinh của các môn đệ mà các phụ nữ đã loan báo cho họ “Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết”. Năm nay, niềm vui của chúng ta không giảm bớt, nhưng bị lu mờ vì đau khổ. Tuy nhiên chúng ta biết rằng cuộc sống chúng đang sống trong tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa mạnh hơn sự đau khổ mà tất cả các tín hữu Kitô đang phải chịu, một sự đau khổ liên kết những người nam nữ thiện chí thuộc mọi truyền thống tôn giáo.”

“Với tâm tình chia buồn sâu đậm, tôi trao đổi với Đức Thượng Phụ vòng tay ôm hòa bình trong Đức Kitô, Chúa chúng ta”.

Theo Đài phát thanh Đức (Deutsche Welle) và báo trực tuyến “Phóng viên” (Reporter) của Ethiopia, cái gọi là “Nhà nước hồi giáo” IS đã truyền đi trên mạng một băng Video dài khoảng 20 phút trình bày vụ chặt đầu 12 tín hữu Kitô trên một bãi biển, và 16 người khác bị bắn vào đầu tại một vùng sa mạc. Các nạn nhân ấy bị những tên lý hình trình bày là “Đồ đệ của thập giá thuộc Giáo Hội Ethiopia thù địch”. Nhóm thứ I bị nhóm Hồi giáo bắt tại một tỉnh phía đông và nhóm thứ hai ở miền nam Lybia.

Một người võ trang bịt mặt trong băng Video tuyên bố rằng “Các tín hữu Kitô phải trở lại Hồi giáo hoặc phải trả thuế đặc biệt, theo qui luật của sách Coran”.

Người ta chưa biết danh tánh 28 tín hữu Ethiopia bị giết. Theo bộ trưởng truyền thông của Ethiopia, Ông Redwan Hussein, các tín hữu ấy có là là những người di dân Ethiopia bị lực lượng Nhà Nước Hồi giáo IS bắt cóc tại Lybia. Có nhiều người Ethiopia đến nước này để tìm công ăn việc làm hoặc hy vọng sẽ vượt biên bằng đường biển để vào Âu Châu.

17. Tòa Thánh kêu gọi Phật Giáo cộng tác chống nạn nô lệ tân thời

Trong sứ điệp chúc mừng các tín hữu Phật giáo nhân ngày lễ Vesakh, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn mời gọi tín đồ hai tôn giáo cộng tác để bài trừ nạn nô lệ mới.

Đối với tín đồ Phật giáo nguyên thủy, lễ Vesakh kính nhớ các biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Phật như đản sinh, thành đạo, viên tịch và nhập niết bàn. Năm nay lễ này được cử hành vào ngày 1-6 tới đây. Tại các nước theo Phật giáo Đại Thừa, như Việt Nam, Đại Hàn và Trung Quốc, các biến cố trên đây được mừng vào những ngày khác nhau.

Trong sứ điệp, công bố hôm 20 tháng 4, Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và vị Tổng thư ký của Hội đồng là cha Miguel Ángel Ayuso Guixot, nhắc đến sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Hòa Bình thế giới đầu năm 2015 này, với chủ đề “Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em với nhau”, qua đó Đức Thánh Cha nhận xét rằng mặc dù nạn nô lệ đã bị chính thức bãi bỏ trên toàn thế giới, nhưng vẫn còn “hàng triệu người - gồm trẻ em, người nam người nữ thuộc mọi lứa tuổi, - bị tước đoạt mất tự do và buộc lòng phải sống trong những điều kiện giống như nô lệ” (n.3).

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nêu một số ví dụ thời nay: nhiều người nam nữ và trẻ em lao công, người di dân bị nhiều lạm dụng về thể lý, cảm xúc và tính dục, phải chịu những điều kiện làm việc thật ô nhục; có nhiều người, trong đó có các trẻ vị thành viên phải hành nghề mại dâm, làm nô lệ tính dục, nam và nữ; có những người bị những kẻ khủng bố bắt cóc và buộc chiến đấu, không kể những người bị tra tấn, bị cắt chặt cơ phận hoặc bị giết”.

Sứ điệp của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn nhắc đến giáo huấn của Phật giáo. Trong một phần của Bát chánh đạo, Đức Phật đã tuyên bố rằng việc buôn bán các sinh vật, kể cả những người nô lệ và mại dâm, là một trong những nghề mà các phật tử không được dấn thân vào (AN 5,177). Đức Phật cũng dạy hãy tìm kiếm của cải bằng phương thế ôn hòa, lương thiện và với những phương thế hợp pháp, không cưỡng bách, bạo hành, hoặc lường gạt (Xc AN 4,47; 5,41; 8,54).

Và Đức Hồng Y Tauran kết luận rằng “Trong tư cách là Phật tử và Kitô hữu, ân cần tôn trọng sự sống con người, chúng ta phải cộng tác với nhau để chấm dứt những tệ nạn trên đây. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta vượt thắng sự dửng dưng và u mê, đảm bảo “việc cứu giúp các nạn nhân, giúp họ phục hồi về phương diện tâm lý và huấn luyện, cũng như giúp họ tái hội nhập vào xã hội nhập cư hoặc xã hội nguyên quán” (5).

Sau cùng Đức Hồng Y cầu mong việc mừng lễ Vesakh có kèm theo cố gắng mang lại hành phúc cho những người kém may mắn hơn chung ta, và là cơ hội để đào sâu cách thức cộng tác giữa các tín hữu Kitô và Phật tử, để không còn những người nô lệ nữa, nhưng là anh chị em với nhau”

18. Indonesia xử bắn 8 người bất chấp phản đối của thế giới, một người Phi thoát chết vào giờ thứ 25

Bất chấp những phản đối của Tòa Thánh, Liên Hiệp Quốc và nhiều nước trên thế giới, lúc 1 giờ sáng ngày thứ Tư 29 tháng Tư, Indonesia hay còn gọi là Nam Dương đã xử bắn tám người bị kết án vận chuyển ma túy bao gồm hai người Úc, một người Brazil, bốn người châu Phi và một người Indonesia. Cả tám người đã bị bắn chết tại nhà tù Nusakambangan.

Biểu tình đã nổ ra dữ dội tại Úc để phản đối án tử hình và chính quyền Úc đã thực hiện một chiến dịch mạnh mẽ để cứu các công dân của mình. Tuy nhiên, tổng thống Indonesia Joko Widodo, một người ủng hộ hình phạt tử hình cho những kẻ buôn ma túy, đã nhất quyết bác bỏ yêu cầu của Úc. Sáng ngày 29 tháng Tư, Úc đã rút đại sứ về nước để phản đối Indonesia.

Mary Jane Veloso, người Phi Luật Tân được chừa lại không bị bắn trong một trường hợp rất hi hữu. Bà Maria Kristina Sergio, người phụ nữ Phi Luật Tân, là người bị cáo buộc đã nhờ Veloso vận chuyển ma túy đã tự nguyện ra đầu thú hôm thứ Hai 27 tháng Tư. Sáng thứ Ba, chính phủ Phi Luật Tân đã gởi một công hàm ngoại giao “tối khẩn” cho Indonesia đừng bắn Veloso để cô ta có thể ra hầu tòa tại Phi Luật Tân trong phiên xử Sergio. Indonesia đã chấp nhận đề nghị này.

Mary Jane Veloso, 30 tuổi, là một trường hợp rất thương tâm. Là con út trong một gia đình 5 con, cô lấy chồng từ năm 17 tuổi và đã có hai con trai trước khi bị người chồng bỏ rơi. Cô sang Dubai làm người ở nhưng bị chủ nhà toan tính hiếp dâm. Cô bị bắt hồi tháng Tư năm 2010 vì tội mang 2.6kg bạch phiến vào Indonesia. Tuy nhiên, cô đã luôn khẳng định mình vô tội và cho biết đã bị bà Sergio lừa mang giúp một vali sau khi cô mất công việc tại Malaysia.

Chỉ trong 4 ngày đã có 50,000 chữ ký tại Indonesia và từ 125 quốc gia trên thế giới xin miễn án tử hình cho cô.

19. Ban Bí thư riêng của Đức Thánh Cha xin các tín hữu đừng xin dự lễ riêng của Đức Thánh Cha vì Ban không thể đáp ứng yêu cầu nữa.

Thông cáo phổ biến cho các cơ quan truyền thông Vatican ngày 21 tháng Tư vừa cho biết

Ban Bí thư riêng của Đức Thánh Cha gửi lời kính chào và xin thông báo rằng: rất tiếc vì con số những đơn xin đến từ các nơi trên thế giới quá nhiều, nên không thể đón nhận lời xin tham dự Thánh Lễ tại Nhà Nguyện nhà trọ Thánh Marta ở Vatican.

Ai muốn, có thể tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha mỗi ngày thứ tư, bằng cách xin vé tại Phủ Giáo Hoàng (Prefettura della Casa Pontificia - 00120 Città del Vaticano - Fax 06.698.85863).”

Ban Bí thư riêng mời gọi anh chị em nhớ đến Đức Thánh Cha Phanxicô trong kinh nguyện, và cầu chúc mọi điều tốt lành trong Chúa, đồng thời gửi lời chào thân ái nhất.

Cũng nên nhắc lại rằng từ khi làm Giáo Hoàng, mỗi buổi sáng Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn cử hành Thánh Lễ thường nhật dưới dạng bán chính thức tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta với sự tham dự của một nhóm tín hữu tối đa khoảng 80 người. Cuối thánh lễ, ngài thường đứng cuối nhà nguyện, bắt tay chào thăm từng người.

Hồi tháng 2-2014, trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã có nhận xét này: tham dự thánh lễ ban sáng của ngài “không phải là một cuộc dã ngoại du lịch”, nhưng cũng như mọi buổi lễ phụng vụ khác, đó là “một cuộc đi vào Mầu Nhiệm Thiên Chúa”

20. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong Tháng Năm

- Ý chung: Cầu cho chúng ta biết khước từ nền văn hoá của sự thờ ơ, để quan tâm đến những nỗi thống khổ của tha nhân, nhất là những người bệnh tật và nghèo khó.

- Ý truyền giáo: Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, xin cho các Kitô hữu đang sống trong các bối cảnh thế tục, luôn sẵn sàng để rao giảng về Đức Giêsu.