Ngày 30-04-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Powerpoint Chúa Nhật Thứ 3 Sau Phục Sinh Năm A - 3rd Easter Sunday Year A
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
07:06 30/04/2014
 
Muôn hoa dâng Mẹ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:34 30/04/2014
MUÔN HOA DÂNG MẸ

Tháng Năm tươi thắm muôn hoa,
Vàng hồng trắng đỏ, đậm đà sắc hương.
Lòng thành, tin cậy mến thương,
Trước nhan thánh Mẹ, khiêm nhường tiến dâng.


Mỗi dịp tháng năm về, các Nhà thờ rộn rã mùa dâng hoa kính Đức Mẹ. Phụng vụ Mùa Hoa tưng bừng nhộn nhịp với nhiều thể loại phong phú Rước hoa và Dâng hoa tuỳ mỗi tập quán mỗi đặc trưng văn hoá địa phương. Những bài ca dâng Mẹ ngân nga khắp nơi. Ca khúc "Đây Tháng Hoa" của Nhạc sĩ Duy Tân, có lẽ ai cũng thuộc lòng.

Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà. Dâng tiến hoa, lòng mến dâng lời cung chúc. Hương sắc bay, tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc. Muôn tháng qua, lòng mến yêu Mẹ không nhòa.

- Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần. Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng. Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời. Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

- Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về. Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi. Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ. Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời.

Nói tới hoa là nghĩ về một kỳ công của Thiên Chúa. Hoa muôn màu muôn sắc, hoa tươi xinh, hoa thơm ngào ngạt. Hoa tô thắm vũ trụ nên xinh tươi. Hoa mời gọi ong bướm đến hút mật. Hoa khoe sắc thắm, nhoẻn cười với con người. Lời của hoa thật dịu huyền giữa thiên nhiên. Hoa hòa vào lòng người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.

Loài hoa nào cũng đẹp. Loài hoa nào cũng gởi cho ta một sứ điệp yêu thương. “Hoa Hướng Dương biểu trưng cho mặt trời toả sáng, sưởi ấm lòng người. Hoa Mười Giờ gởi ta một tình yêu thuỷ chung, son sắt. Dù đời em chỉ toả sáng lúc mười giờ, nhưng trọn đời em vẫn yêu thương. Thật vấn vương khi nhắc đến loài Hoa Phượng. Loài hoa gợi ta nhớ lại những phút giây vui đùa trên sân trường thuở nhỏ, một tuổi thơ mơ tiên, hồn nhiên, trong trắng, thơ ngây, tuổi ô mai, tuổi vấn vương, tuổi học trò. Màu hoa tươi tắn là tình yêu chan chứa cho cuộc đời khô cằn nắng cháy và cũng là ước nguyện, sức sống cho tương lai. Hoa Lưu Ly là lời tha thiết yêu thương “xin đừng quên tôi”. Cuộc đời là muôn đời liên kết “xin đừng quên tôi” hỡi người tôi yêu ! Đó phải chăng là những ai còn nhớ và những ai đã quên, nhất là khi ta vắng mặt sau cuộc đời trần thế.” (Sứ điệp loài hoa, trg 11.)

Hoa đã trở thành bạn thân thiết với con người. Khi vui người ta tặng hoa để chúc mừng nhau. Khi buồn người ta cũng trao gởi lẵng hoa như trao gởi tấm lòng đồng cảm thân thương. Hoa khích lệ lòng người. Hoa hướng con người nhớ tới Đấng tạo hoá đã xoay vần vũ trụ bốn mùa xinh tươi. Hoa mơn man lòng người đau khổ. Hoa khích lệ những ai thất bại. Hoa chúc mừng những ai chiến thắng. Hoa ca vang kỳ công kiệt tác của Thiên Chúa. Đôi khi, chỉ một cánh hoa đủ trào dâng lòng mến của Thánh Têrêxa Hài Đồng. Nhiều lần, một dàn hoa làm tâm hồn Thánh Phanxicô ngây ngất tình Chúa.

Lắng nghe tiếng nói huyền diệu của hoa, Thánh Bênađô biết được tâm trạng của hoa. Chẳng hạn, Hoa Hồng giàu lòng yêu mến. Hoa Huệ biểu tượng đức Khiết trinh, Hoa Tím là duyên đức đoan trang khiêm tốn. Thánh nhân ca ngợi các nhân đức Đức Mẹ qua ý nghĩa các loài hoa. Hoa Hồng đức mến, Hoa Huệ đức Khiết trinh, Hoa Tím đức Khiêm nhường. Đức Mẹ là Hoa Huệ khiết trinh. Đức Mẹ là Hoa Hồng Yêu mến. Hương thanh khiết và tình yêu của Mẹ đã làm cho mùa xuân trần gian được hồi sinh. Ơn cứu độ được ban tặng cho trần đời nhờ hoa lòng của Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa.

Sứ Thần Gabriel đã cung kính thưa với Mẹ rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!" (Lc 1,28). "Ðấng đầy ơn phước" là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn. Đức Mẹ tuyệt đẹp vì không vương vấn tội, vẻ đẹp của sự thánh thiện vô tỳ tích, một vẻ đẹp không chỉ do con người nỗ lực thanh tẩy mà còn do ân sủng Thiên Chúa trao ban.

Tháng Năm về, mỗi lần thưởng thức hương hoa, ta hãy hướng về Đức Mẹ, xin Mẹ tỏa hương thiên đàng của người, ấp ủ ta thành những đóa hoa tươi thắm của Mẹ. Mỗi khi hái hoa dâng tiến Đức Mẹ, ta hãy mượn hương sắc và lời huyền diệu của hoa để ca tụng hoặc cầu xin người. Dâng Hoa Hồng, xin Mẹ cho ta được yêu mến Mẹ nhiều hơn. Dâng Hoa Huệ, ta ca ngợi đức khiết trinh của Mẹ. Xin Mẹ lấy hương huệ trinh nguyên của hồn Mẹ ướp hồn ta nên trong trắng.

Tháng Năm về, mỗi tín hữu yêu mến Hoa Mân Côi cách đặc biệt hơn. Hoa Mân Côi là sứ điệp Yêu Thương, sứ điệp Ơn Cứu Độ, là kinh nguyện Phúc Âm được kết dệt từ các mầu nhiệm chính trong đạo : Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Mầu Nhiệm Cuộc Đời Dương Thế, Vượt Qua và Thăng Thiên, được suy gẫm qua 20 Mầu Nhiệm “Hoa Mân Côi” : Năm Sự Vui, Năm Sự Sáng, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng.

Mỗi khi cất lên lời kinh: Kính mừng Maria đầy Ơn Phước… là chúng ta kết thành Hoa Mân Côi kính dâng Mẹ. Từ trời cao, Đức Mẹ mừng vui và ban muôn ơn lành cho đoàn con cái sốt mến thành tâm hướng về Mẹ.

Ở thành Nancêniô bên nước Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình, nhưng chồng cứng lòng mãi.

Năm ấy, đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ. Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con. Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng 6 năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục. Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa. Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Maria Vianey.

Ngài là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người xem là vị thánh sống. Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Vianey liền bảo:

- Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

- Cha Vianey nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng. Nghe xong lời cha Vianey, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ. (trích từ: Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trg 10).

Chỉ có mấy bông hoa nhỏ dâng kính Đức Mẹ mà người đàn ông khô khan ấy cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy. Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng đỡ. Chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của bậc thầy lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Hãy luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu. Đức Mẹ hằng yêu thương phù trợ mỗi người chúng ta.

Trong tháng Năm này, chúng ta tham dự những buổi dâng Hoa, rước kiệu, lần hạt Mân Côi…dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh tật…chắc sẽ được Đức Mẹ ban nhiều ơn lành. Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng cậy, hoa Đỏ của lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hy sinh hãm mình, hoa Vàng của niềm tin, hoa Hồng của tình yêu sắt son chung thủy.

Xin dâng lên Mẹ hoa Trắng của sự trinh trong, xin Mẹ giúp chúng con gìn giữ tâm hồn luôn trong trắng, thánh thiện.

Xin dâng lên Mẹ hoa Xanh của niềm cậy trông và hy vọng, xin đừng để chúng con thất vọng chùn bước trước bất cứ khó khăn nghịch cảnh nào của cuộc sống.

Xin dâng lên Mẹ hoa Vàng của niềm tin kiên vững, xin Mẹ dạy chúng con sống phó thác tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.

Xin dâng lên Mẹ hoa Hồng của lòng yêu mến, xin Mẹ dạy chúng con biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu chúng con.

Xin dâng lên Mẹ hoa Tím của những đau khổ, bệnh tật, thất bại, xin Me dạy chúng con biết vui lòng chấp nhận Thánh Giá Chúa gởi đến để trung thành bước theo Đức Kitô, Con của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, những đoá hoa lòng đơn sơ, chân thành nhưng đượm tình yêu mến, chúng con xin dâng lên Mẹ, xin Mẹ thương nhận lấy và chúc lành cho chúng con. Amen.
 
Tháng Hoa: Dâng kính Đức Mẹ Maria
Sách Tháng Đức Bà
16:03 30/04/2014
THÁNG HOA: DÂNG KÍNH ĐỨC MẸ MARIA

Lạy Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu cùng là Mẹ chúng con, trong tháng Năm này con cái Mẹ sẽ chạy đến cùng Mẹ cách riêng.

Vậy chúng con dốc lòng ca ngợi, cầu xin và yêu mến Mẹ hết lòng, chúng con sẽ dâng cho Mẹ những việc lành, cùng với mọi khổ cực chúng con sẽ chịu trong tháng này, nhất là chúng con dâng trót lòng chúng con để yêu mến Mẹ; xin Mẹ nhận chúng con làm con cái riêng của Mẹ.
Amen.

Có ba việc người ta quen làm trong tháng Ðức Mẹ là :

1. Nếu có thể được thì tối nào cũng nên đến nhà thờ làm việc tháng Ðức Mẹ chung với nhau. Vì khi ta nghe giảng, nghe sách nói về quyền phép và lòng từ bi Ðức Mẹ và khi nhìn ngắm ảnh đầy vẻ nhân từ giữa những hoa tươi, nến sáng, thì ta dễ thêm lòng yêu mến Mẹ. Nếu ngăn trở không đến Nhà thờ được thì hãy làm việc tháng Ðức Mẹ ở nhà.

2. Nếu có thể được ta nên dự lễ mọi ngày, có ý cảm tạ Thiên Chúa vì mọi ơn Người đã ban cho Ðức Mẹ.

3. Trong tháng này, ta hãy xưng tội một đôi lần và rước lễ nhiều lần, vì chẳng có việc nào đẹp lòng Ðức Mẹ cho bằng sự xưng tội rước lễ.

NGÀY 1 :
ĐỨC MẸ LÀ MẸ HỘI THÁNH
CẦU NGUYỆN CHO Giáo Hội & CHO Đức Thánh Cha PHANXICÔ & Đức Giáo Hoàng BIỂN ĐỨC XVI

NGÀY MỒNG MỘT
CÒN NÓI VỀ NHỮNG VIỆC PHẢI LÀM TRONG THÁNG NẦY


Muốn được đẹp lòng Ðức Mẹ và được Người ban nhiều ơn, trong tháng này ta phải yêu mến và cầu xin Người cách riêng. Xưa nay ta đã yêu mến và cầu xin Mẹ, nhưng trong tháng này ta phải yêu mến và cầu xin người siêng năng và sốt sắng hơn mọi khi.

1. Trước hết, ta phải hết lòng yêu mến Mẹ, vì Chúa muốn cho ta yêu mến Người. Vì thế Người chọn Mẹ làm Mẹ Chúa Giêsu, là Chúa cứu chuộc ta, Người đã giao cho Mẹ quyền phân phát mọi ơn cho ta.
Ta phải yêu mến Mẹ, vì Chúa Giêsu và các thánh đã làm gương cho ta. Xưa nay chẳng con nào yêu Mẹ mình bằng Chúa Giêsu yêu mến Mẹ. Không ai kể xiết những việc các thánh đã làm và những khổ cực các thánh chịu để yêu mến và tôn sùng Mẹ.

Ta phải yêu mến Mẹ vì Mẹ là Mẹ ta. Con thảo hiếu thì yêu mến cha mẹ mình.

Ta phải yêu mến Mẹ, vì ân phúc Mẹ dư đầy, vì nhân đức Mẹ cao cả, như kinh cầu đã xưng Mẹ là đấng thiên hạ yêu mến.

Sau hết ta phải yêu mến Mẹ, vì các thánh và những đấng nhân đức, những đấng cầm quyền Giáo-hội đều quả quyết rằng: những ai thật lòng yêu mến Mẹ sẽ được rỗi linh hồn. Thánh Ligori nói rằng: "Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên-đàng".

Muốn thêm lòng yêu mến Mẹ trong tháng này, thì hằng ngày nên cùng nhau đến nhà thờ nghe sách ca tụng quyền thế và lòng từ bi Mẹ.

Nếu ai hiểu rõ quyền thế cao cả và lòng bừ bi vô cùng của Mẹ, sẽ than thở như lời thánh Bê-na-đô rằng: "Ôi! Mẹ cao sang, nhân từ dường ấy, sao tôi chẳng yêu mến Mẹ?".

2. Muốn được đẹp lòng Mẹ và được Người ban nhiều ơn, trong tháng này ta phải hết lòng cầu xin Người.

Xưa thánh Bê-na-đô khuyên các thầy dòng cầu xin Ðức Mẹ rằng: "Anh em hết lòng tin tưởng và khiêm nhường cậy trông Mẹ, thì Mẹ sẽ nghe lời anh em".

Vị thánh ấy tin thật Ðức Mẹ chẳng hề từ chối ban ơn cho ai hết lòng trông cậy cầu xin Người. Thánh Bênađô than thở rằng: "Lạy Mẹ, nếu xưa nay có ai trông cậy cầu xin sự gì mà Mẹ từ chối, thì tôi xin kẻ ấy đừng bao giờ ca ngợi lòng từ bi Mẹ nữa". Nếu những ai cầu xin Mẹ một lần mà còn được Mẹ thương, thì lẽ nào những ai khiêm nhường cậy trông, cầu xin đủ một tháng lại bị Mẹ từ chối.

Vậy ta đừng bỏ dịp Tháng Ðức Mẹ. Hãy sốt sắng cầu xin Mẹ những sự ta thiếu thốn hồn xác. Hãy cầu xin cho cha mẹ, họ hàng, bạn hữu. Hãy cầu xin cho Ðạo Chúa một ngày một cả sáng trong nước ta, cho người ngoại giáo được trở lại, cho kẻ có tội biết đường sám hối, cho các linh-hồn ở luyện-ngục được chóng thoát khỏi khổ hình được về nơi vĩnh phúc.

Nếu xưa nay ta khô khan, không siêng-năng cầu nguyện, thì trong tháng này, ta hãy hết lòng cầu xin, hẳn Ðức Mẹ sẽ ban những sự ta cầu xin. Linh mục Phêrô dạy rằng: Trời đất sẽ qua, nhưng Ðức Mẹ chẳng bao giờ bỏ ai hết lòng trông cậy Người.

Lạy Mẹ Maria, là Mẹ chúng con, chúng con chẳng đáng đến trước mặt Mẹ, song chúng con cũng quyết hết lòng kêu xin Mẹ mọi ngày trong tháng này. Lạy Mẹ từ ái, chúng con cầu xin sự gì thì xin Mẹ ban cho sự ấy. Chúng con dâng việc lành nào, thì xin Mẹ nhận lấy việc ấy. Bây giờ chúng con xin dâng lòng chúng con cho Mẹ, chúng con sẽ yêu mến Mẹ trót đời. Xin Mẹ đừng để chúng con trìu mến những sự hèn hạ thế gian này.

Thánh Tích :

Ở thành Nancêniô, trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Bà vợ hằng cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình lại, nhưng chồng cứng lòng mãi. Năm ấy, đầu tháng Ðức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Ðức Mẹ. Chồng trở việc quan, ít khi ở nhà. Dù có ở nhà cũng chẳng bao giờ đọc kinh. Ngày lễ nghỉ không làm việc quan, thì đi chơi suốt ngày. Nhưng khi về, bao giờ cũng kiếm một chùm hoa dâng kính Ðức Mẹ.

Rằm tháng sáu năm ấy ông chết bất thình lình, không kịp gặp Thầy cả. Bà vợ thấy chồng mình chết không kịp ăn mày các phép, sinh buồn phiền. Bà lâm bệnh phải đi điều dưỡng một nơi xa, khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ giải bài tâm sự cùng Cha Gioan Vianney, Cha chính xứ nơi ấy.

Cha có tiếng là đạo đức, được mọi người tặng cho Ngài danh hiệu là vị "Thánh sống".Vừa đến nơi,chưa kịp thưa điều gì thì Cha Gioan liền bảo:"Bà đừng lo cho linh hồn chồng bà.Hẳn bà còn nhớ những bông hoa chồng bà vẫn thường dâng cho Ðức Mẹ những ngày lễ cả trong tháng Ðức Mẹ vừa qua".

Nghe Cha Gioan nói, bà hết sức ngạc nhiên, vì chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy. Nếu Chúa chẳng soi sáng cho Cha Gioan, lẽ nào cha biết được.

Cha Gioan lại nói tiếp: "Nhờ lời bà cầu nguyện và nhờ việc ông ấy đã làm để tôn kính Ðức Mẹ, thì Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã được rỗi linh hồn nhưng còn bị giam ở luyện ngục. Bà hãy cầu nguyện cùng làm việc lành phúc đức cho ông ấy chóng được lên thiên đàng". Nghe bấy nhiêu lời, bà vui mừng cùng hết lòng đội ơn Ðức Mẹ.

Ta nghe sự tích này, liền hiểu rõ những việc ta làm để tôn kính Ðức Mẹ, dù hết sức nhỏ mọn, cũng được Mẹ trả công bội hậu.

Vậy, vì mấy bông hoa mà người tội lỗi kia, còn được Ðức Mẹ bầu cử cho, phương chi những kẻ hằng ngày dâng lên Mẹ những hoa thiêng liêng,là những kinh nguyện, những việc lành,hẳn sẽ được Mẹ ban nhiều ơn trọng đại.

TÔN VINH MẸ MARIA
TA SẼ NGHIỂN NÁT ĐẦU CON RẮN (I)


Năm 1919, sau khi Antonie Radler (1899 -1991) bị lây bệnh cúm Tây Ban Nha,Đức Trinh Nữ hiện ra với Bà, đặt tay Mẹ lên tay Bà và chữa Bà lành bệnh. Giữa các năm 1927 và 1936, Antonie làm quản lý cho một trong những hàng thịt của bố Bà,ở Lindau,gần Hồ Constance. Một ngày nọ Gestapo [mật vụ Đức quốc xã.BTGH] đến và ra lệnh cho Bà phải thay bức hoạ Đức Trinh Nữ bằng hình của lãnh tụ [Hitler]. Bà được lệnh phải chào ông ta theo kiểu Đức quốc xã :”Heil Hitler”, thay vì lời chào thông dụng vùng Bavière “Gruss Gott” (chúc mừng Thiên Chúa). Antonie không vâng theo các mệnh lệnh nầy và vì thế vừa vặn thoát nhiều lần bị mưu sát,kể cả bị dìm cho chết đuối. Bà nói rằng có một người đi xe đạp bí ẩn đã bảo vệ Bà, mà Ba gọi là “thiên thần hộ thủ trên một chiếc xe đạp”. Để bày tỏ lòng biết ơn của Bà, cha mẹ Bà xây lên một hang đá Lộ Đức nhỏ trong khu vuờn nhà họ, được Cha quản xứ Basch làm phép vào ngày 11.10.1936. Tháng tiếp đó, Bức tượng mỉm cười với Bà. Bà nhận được lời cầu nguyện nầy trong một thông điệp :” Lạy Đức Bà Chiến Thắng của chúng con, Đấng được ơn vô nhiễm thai, xin cầu cho chúng con”. Ngày 15.12.1936, ngày trong tuần bát nhật lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, đang khi Bà đang lần hạt mầu nhiệm sự thương thứ ba trước hang đá Lộ Đức nầy, thì Antonie nghe “các ca đoàn thiên thần” hát : “Lạy Đức Maria! Đấng Không Vết nhơ tì ố, Đấng vô nhiễm thai, Đức Bà Chiến Thắng Qúy yêu, xin cầu cho chúng con”.

(Trích : Tự điển bách khoa những cuộc hiện ra cuả Đức Trinh Nữ Maria,NXB Fayard,Paris 2007).

--------------------------------------------------------------------------------------------
NGÀY THỨ HAI THÁNG HOA

CẦU NGUYỆN CHO Giáo Hội VIỆT-NAM:
CHO HÀNG GIÁO PHẨM ĐƯỢC ĐẦY TRÀN BẢY ƠN CẢ CHÚA THÁNH THẦN
CHO MỌI TÍN HỮU VIỆT NAM HOÀN TOÀN TIN TƯỞNG VÀO CÁC CHỦ CHĂN
CHÚA GIÊSU LÀ ĐẦU & CHÚA THÁNH LINH LÀ SỰ SỐNG VÀ SỨC SỐNG CỦA Giáo Hội VIỆT NAM.

ĐỨC MẸ CHẲNG MẮC TỘI TRUYỀN


1. Tổ tông phạm tội, liền truyền tội mình và những hình phạt bởi tội cho con cháu, là cả loài người ta trừ một mình rất thánh Ðức Mẹ. Chúa đã gìn giữ Ðức Mẹ không vướng tội truyền vì Người đã chọn Ðức Mẹ làm Mẹ Chúa Giêsu từ trước vô cùng.

Ta phải vững vàng tin Ðức Mẹ chẳng mắc tội truyền. Ðó là điều phải lẽ xứng đáng xưa nay giáo dân vẫn tin như vậy. Lại nữa, Giáo Hội thay quyền Chúa Giêsu đã buộc ta phải tin điều ấy. Năm 1858, Ðức Mẹ hiện ra ở Lộ-Ðức, đã xưng mình là Ðấng chẳng mắc tội truyền.

Ðức Mẹ chẳng mắc tội truyền, đó là phúc rất trọng, là ơn cao cả, vinh dự cho Ðức Mẹ. Từ trong thai, Ðức Mẹ đã được dư đầy ơn phúc, trọn lành hơn các Thiên thần. Từ trong thai, Người đã được trí khôn ngoan thông thái, Người đầy lòng mến Chúa. Lòng Người công chính và thanh sạch, không hề vương bóng tội.

Linh hồn loài người mới sinh như một thành trì thất thủ hoang tàn. Nhưng linh hồn Ðức Mẹ mới sinh như thành còn nguyên tuyền không bị sức phá phách của thù địch.

Các thánh dạy rằng: những ơn Chúa ban cho linh hồn Mẹ khi còn trong lòng mẹ thì nhiều và trọng hơn các ơn Người ban cho các thiên thần và các thánh. Trong các linh hồn Thiên Chúa dựng nên, đừng kể linh hồn Chúa Giêsu, thì không linh hồn nào trọn vẹn cho bằng linh hồn Ðức Mẹ. Giáo Hội dùng lời kinh thánh để ca tụng Ðức Mẹ rằng:"Ðức Mẹ ở giữa con cái A-dong như bông huệ giữa bụi gai". Quí trọng thay: ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội Chúa đã ban cho Ðức Mẹ.

2. Ðức Mẹ chẳng mắc tội truyền nhưng ta đã mắc tội ấy từ khi còn trong lòng mẹ. Tội ấy lôi chúng ta vào vòng nô lệ ma quỉ, đành chịu mọi hình khổ đời đời, mất phúc làm con Thiên Chúa.

Nhưng nhờ Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, chuộc tội thiên hạ và lập phép Rửa tội. Nhờ đó ta được trở nên con cái Chúa, làm em Chúa Giêsu, làm đền thờ Chúa Thánh Thần. Ô! vinh dự dường nào!

Ta có cảm tạ Chúa vì phúc rất trọng ấy không? Ta có còn giữ được ơn rửa tội không? Thảm hại thay! Biết bao lần ta đã phạm tội trọng làm hoen ố chiếc áo trắng ngày chịu phép rửa tội.

Ta hãy xét mình nếu ta còn mắc tội trọng nào, thì trong tháng này hãy đi xưng tội và dốc lòng từ nay về sau thà chết chẳng thà phạm tội.

Ta hãy giữ lòng thanh sạch để xứng đáng làm đền thờ Chúa ngự. Xưa Chúa đã ngự xuống trong lòng Ðức Mẹ, ngày nay Chúa cũng ngự xuống lòng ta khi rước lễ. Thiên Chúa đã dọn lòng Ðức Mẹ thanh sạch thế nào thì ta cũng phải dọn lòng ta thanh sạch như vậy, mới xứng đáng làm đền thờ Chúa ngự.

Lạy Mẹ, Mẹ đã được ơn trọng vô nhiễm tội truyền. Mẹ quí trọng và đã muốn cho chúng con nhắc lại ơn đó. Vậy chúng con quyết định năng xưng ra Ðức Mẹ chẳng mắc tội truyền. Xin Mẹ phù hộ che chở chúng con được dứt bỏ đường tội. Xin Mẹ nâng đỡ chúng con khi sa ngã. Chớ gì lòng chúng con luôn luôn được thanh sạch xứng đáng làm đền thờ Chúa ngự đời đời.

Thánh Tích :

Năm 1858, ở thành Lộ-Ðức bên Pháp, có một cô bé gái 14 tuổi, tên là Bênađêta đi kiếm củi trên rừng. Ðến gần núi cô thấy một người nữ xinh đẹp hiện ra trên cửa hang. Người nữ ấy mặc áo trắng như tuyết, từ vai rủ xuống đến gót chân, chiếc thắt lưng màu xanh, hai múi rủ xuống đằng trước đến mắt cá. Ðầu trùm khăn trắng rủ xuống đến gót chân, tay đeo tràng hạt.

Người nữ ấy đầy vẻ hiền hậu, nhân từ và vô cùng mỹ lệ. Bênađêta sợ hãi. Nhưng khi thấy Bà làm dấu thánh giá, thì Bênađêta quì xuống lần hạt.

Người nữ ấy hiện ra cùng Bênađêta trước sau 18 lần. Lần thứ 16, Bênađêta xin bà ấy tỏ mình là ai, thì bà ấy trả lời; ta là Ðấng chẳng hề mắc tội truyền. Bấy giờ Bênađêta và mọi người mới biết ấy là Ðức Mẹ. Ðức Mẹ truyền cho Bênađêta trình cha xứ Lộ-Ðức xây đền thờ kính Người ở đấy, rước ảnh Người quanh sườn núi và cho một suối nước chảy ra ở hang núi ấy. Bệnh nhân các nơi kéo đến uống và tắm nước ấy đều được khỏi. Hiện nay người các nước đua nhau đến viếng hang đá Lộ-Ðức. Số bệnh nhân được Ðức Mẹ chữa khỏi, vì uống hay tắm nước suối Lộ-Ðức kể rất nhiều.

TÔN VINH CẢM TẠ MẸ MARIA
TA SẼ NGHIỀN NÁT ĐẦU CON RẮN (II).


Ngày 22.02.1938, vào khoảng 6: 30 sáng, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với Cecilia Geyer :”Tôi nghe một cái gì đó như là một tiếng thầm thì nhẹ và sau đó Mẹ Thiên Chúa xuất hiện từ một đám mây sáng cứ lớn dần,trông giống hệt bức tượng ở Wigratzbad [thôn nhỏ ở Đức,nơi có trụ sở Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô, lập ra chủng viện đầu tiên của Hội,nay vẫn hoạt động rất hiệu quả, đã đón rất nhiều chức sắc cao cấp Giáo Hội nỗi tiếng như các Hồng Y Mayer,RATZINGER,Gagnon,Stickler,Goer,cũng như nhiều tổng giám mục và giám mục. BTGH. X. câu chuyện NGÀY MỒNG MỘT]. Thình lình tôi thấy mình đang ở bên trong hang đá ấy.

Đấng hiện ra nói với tôi :” Hãy xây một nhà nguyện cho Ta ở đây (..) Ta sẽ dùng bàn chân Ta mà nghiền nát đầu con rắn hoả ngục (..). Người ta sẽ đến nơi nầy rất đông và Ta sẽ đổ dòng thác ơn lành xuống trên họ. Thánh Giuse, Thánh Antôn và các linh hồn nơi luyện ngục sẽ trợ giúp cho Antonie”. Bà vĩ đại ra lệnh :” Bây giờ con hãy đi thờ lạy Con Chí Thánh của Ta trong Bí tích Thánh Thể”. Cecilia hỏi :”Con có thể làm điều nầy ở đâu vậy?

Ngay lúc nầy, Thánh Thể không được trưng bày ở nơi nào hết”. “Và rồi, trước con mắt sững sờ của tôi, một nhà nguyện hiện ra ngay tại nơi đã được chỉ cho tôi (…). Bên trong nhà nguyện, trên bàn thờ, Chúa Giêsu ngồi trên ngai sáng ngời,đang chiếu ra những tia sáng tuyệt diệu về mọi hướng”.

(Trích : Tự điển bách khoa những cuộc hiện ra cuả Đức Trinh Nữ Maria,NXB Fayard,Paris 2007).
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:30 30/04/2014
KHẮC PHỤC SỢ HÃI
N2T

Ca Mị là một con mèo rất nhát gan, những đứa bạn chơi cùng nó lúc nhỏ bây giờ đều đã bắt đầu học bắt chuột, nhưng Ca Mị ban đêm cũng không dám ra khỏi nhà !
- “Mẹ, mẹ đi với con nhé, trời tối rồi con sợ !” Ca Mị thường nói như thế với mẹ mình.
Mẹ nó rất nôn nóng nói:
- “Ái dà, nhát gan như thế thì làm sao được chứ ? Họ hàng nhà mèo chúng ta sinh hoạt trong đem tối con ạ.”
Mèo anh rất thông minh nên nghĩ ra một cách, nói:
- “Không sao cả, chuyện này để con giải quyết.” Mèo anh bèn đem kế hoạch nói cho mọi người biết.
Đêm hôm ấy, Ca Mị chuẩn bị đi ngủ, đột nhiên...
- “Ca Mị, nhanh, nhanh lên !” mèo anh nhảy xông vào lớn tiếng nói tiếp: “Bạn của em đang bắt đầu dạ hội kia kìa, nhanh, đi nhanh lên !”
Ca Mị nói:

- “Nhưng ngoài kia trời tối om, em không dám đi.”
- “Đừng lo, em chỉ cần nhìn thấy ánh sáng chớp lòe, thì đó chính là cặp đồng tử mắt của chúng ta phát ra tín hiệu, không nên sợ.”

Ca Mị nhát gan nên thoái thoát rất lâu, cuối cùng thì cũng quyết định xuất phát.
- “Í, đây là cái gì ?” Ca Mị bị ánh sáng của con đom đóm dọa sợ hãi.
- “Nhất định đây là tín hiệu của các bạn, chớp nơi kia chớp nơi nọ chính là con mắt của các bạn.”
Ca Mị biển thành người can đảm tiếp tục tiến lên phía trước.
- “Meo meo, nơi đó có ánh chớp, mình nghĩ nhất đình là có bạn núp trên cây.” Ca Mị cười cười nói thầm, thật ra đó chỉ là những giọt sương nhỏ lấp lánh dưới ánh trăng, nó rảo quanh một vòng nhưng ngay cả một người bạn cũng không thấy, Ca Mị nghĩ thầm:
- “Có lẽ mình đến trễ, đáng lý nên đến sớm mới phải.”
Ca Mị có chút nghi ngờ nên quay mình đi về, nhưng vừa vào đến cửa thì thấy trong nhà có mặt đầy đủ những bạn bè, mèo anh lấy một cành hoa tươi tặng cho Ca Mị, nói:
- “Chúc mừng em đã thành công khắc phục nỗi sợ hãi trong cuộc chiến đấu này, em trở thành một chú mèo rất dũng cảm rồi đó.”

Suy tư:
Trẻ em thường hay sợ hãi nếu không có người lớn bên cạnh, nhưng nếu có cha mẹ nó đi cùng thì dù đi vào chốn hiểm nguy thì chúng nó cũng đi vì có cha mẹ, tất cả đều dựa vào cha mẹ mình.
Tuy nhiên, dạy dỗ con cái không phải lúc nào cũng kè kè một bên con, nhưng có những lúc cần phải buông tay ra để chúng nó tự đi tự làm, có như thế trẻ em mới có thể tự tin vào bản thân mình.
Cũng có một lúc nào đó Thiên Chúa buông tay ra để cho chúng ta tự bước đi một mình, Ngài buông tay không có nghĩa là bỏ mặc chúng ta, nhưng Ngài vẫn luôn ở bên ta, chỉ cần chúng ta kêu lên là Ngài đưa tay ra nâng đỡ ủi an.
Thời nay có những cha mẹ bỏ mặc con cái tự do sinh hoạt lấy cớ là để cho chúng nó tự lập, nhưng nếu không chỉ bảo dạy dỗ thì sẽ có sự phản tác dụng giáo dục, trái lại có những cha mẹ thì không rời con cái nửa bước, làm gì cũng chỉ đạo chúng nó mà không để cho chúng nó tự suy nghĩ, tự hành động, chẳng khác gì nuôi gà trong ống tre...
Buông tay ra trong sự yêu thương và hoài bảo là làm cho trẻ em trưởng thành trong lứa tuổi của chúng nó.

Lời cho phụ huynh:
Khi con cái đối diện với sợ hãi, điều cần thiết không phải là tiếng trách mắng, mà là sự khuyến khích yêu thương và sự đồng hành nhẫn nại của quý vị.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

----------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:33 30/04/2014
N2T

21. Khốn khó càng lớn, thì càng cần phải tin tưởng và trông cậy vào Thiên Chúa hơn.

(Thánh Don Bosco)
----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Đồng hành với Chúa trong cuộc đời
Lm. Đan Vinh
18:42 30/04/2014

Chúa Nhật 3 Phục Sinh A

Cv 2,14.22-33 ; 1 Pr 1,17-21 ; Lc 24,13-35

ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 24,13-35

(13) Cùng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem sáu mươi dặm. (14) Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. (15) Đang lúc trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. (16) Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. (17) Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. (8) Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”. (19) Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một Ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. (20) Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá (21) Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. (22) Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, (23) không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. (24) Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói: còn chính Người thì họ không thấy”. (25) Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Ôi những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin vào lời các ngôn sứ ! (26) Nào Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? (27) Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. (28) Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. (29) Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Bấy giờ Người vào ở lại với họ (30) Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. (31) Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. (32) Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (33) Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở về Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp lại đó (34) Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon” (35) Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

2. Ý CHÍNH: CHÚA PHỤC SINH HIỆN RA VỚI HAI MÔN ĐỆ LÀNG EM-MAU:

Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su đã hướng dẫn hai môn đệ về đức tin để đang từ tâm trạng chán nản và vấp ngã trước mầu nhiệm thập giá (c 18 và c 21), các ông đã tìm lại được niềm tin và niềm hy vọng vào Chúa Phục Sinh qua việc nghe lời Người giải thích Kinh Thánh (cc 25-27.32), và được tham dự lễ nghi Bẻ Bánh do chính Người thực hiện (cc 30-31).

3. CHÚ THÍCH:

- C 13-16: + Cùng ngày hôm ấy: Tức là ngày Thứ Nhất trong tuần. + Có hai người trong nhóm môn đệ: Hai môn đệ này thuộc nhóm 72 (x. Lc 10,1), không thuộc nhóm 12. Tin Mừng nhắc đến tên một trong hai ông là Cơ-lê-ô-pát (18). + Làng Em-mau: Một nơi cách Giê-ru-sa-lem 60 dặm tương đương 11 km về phía Tây. Nhưng đến nay làng này đã không còn tồn tại và các nhà chú giải Kinh Thánh cũng không xác định được vị trí cụ thể của ngôi làng này. + Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra: Biến cố tử nạn của Đức Giê-su là mối bận tâm sâu đậm của các môn đệ, đến nỗi dù đang bị buồn chán thất vọng, các ông vẫn không ngừng bàn tán với nhau trong lúc đi đường xa. + Chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ: Đức Giê-su Phục Sinh luôn quan tâm đến các môn đệ và sẵn sàng đến giúp đỡ khi họ bị buồn phiền đau khổ. + Mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người: Bị ngăn cản có thể do tâm trạng buồn sầu thất vọng, nên không nghĩ người khách lạ kia là thầy Giê-su. Cũng có thể do khuôn mặt Đức Giê-su Phục Sinh đã biến đổi ra khác với lúc còn sống. Trước đó bà Ma-ri-a Mác-đa-la cũng không nhận ra Chúa Phục Sinh khi Người hiện ra gần mộ vào sáng sớm Ngày Thứ Nhất trong tuần.

- C 17-18: + “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?”: Chúa Phục Sinh chủ động bắt chuyện để các ông dễ dàng tâm sự những lo âu chất chứa trong lòng. + Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem…: Họ nghĩ đây là một khách hành hương đi lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua, và có thái độ lãnh đạm với một biến cố lớn lao mới xảy ra trong thành mấy ngày qua.

- C 19-21: + Chuyện ông Giê-su Na-da-rét…: Cho đến lúc này, hai môn đệ này mới chỉ công nhận Đức Giê-su là ngôn sứ có quyền lực trong lời rao giảng và các phép lạ đã làm. + Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình: Sự kiện mới xảy ra đã làm các ông chán nản thất vọng là: các nhà lãnh đạo Ít-ra-en đã nộp Ngưới để Phi-la-tô kết án đóng đinh thập giá. Còn Thiên Chúa thì không làm gì để cứu vị Ngôn sứ của Người. Sự việc xảy ra tới nay đã sang ngày thứ ba rồi !

- C 22-24: + Cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi…: Tâm trạng của các ông vẫn còn hoang mang, dù mấy phụ nữ và các tông đồ đã chứng kiến mồ trống, và thiên thần hiện ra bảo rằng “Người vẫn còn sống”, nhưng riêng các ông thì coi là chuyện hoang đường khó tin. Lời này cho thấy hai môn đệ này không phải loại người dễ tin. Do đó, một khi họ tin thì chắc đã phải có những bằng chứng xác đáng không thể phản bác được.

- C 25-27: + Ôi những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin vào lời các ngôn sứ !: Lời Chúa quở trách đức tin yếu kém của hai ông có hơi nặng nề, nhưng thực ra vẫn hàm chứa một tình cảm âu yếm. + Nào Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?: Chúa Phục Sinh nhắc lại lời Người đã từng báo trước về số phận của Người: “Con Người phải chịu đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22; 17,25). + Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ…: Luật Mô-sê và sấm ngôn của các ngôn sứ ám chỉ tòan bộ Thánh Kinh Cựu Ước đã làm chứng về con đường cứu thế Đức Giê-su đã chọn theo là: Qua đau khổ vào trong vinh quang (x. Lc 24,44 tt).

- C 28-31: + Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa: Giả vờ ở đây không phải là thái độ giả dối, nhưng là phương cách khôn ngoan để thử xem hai môn đệ này có thực lòng muốn nghe và muốn được Người ở lại với họ hay không. Một đức tin chỉ có giá trị khi người tin tự nguyện mở lòng đón nhận, chứ không bị ép buộc. + Họ nài ép Người: Đây là thái độ hiếu khách quen thuộc của Người Pa-lét-tin (x. Lc 14,23). Chính Lời Chúa giải thích Kinh Thánh đã đánh tan những lo lắng bất an trong lòng hai môn đệ, nên các ông đã xin Người ở lại trong nhà riêng cúa các ông để tiếp tục cuộc trò chuyện còn dang dở. + Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn: Hai môn đệ đã lên tiếng mời vị khách lạ kia ở lại một cách khéo léo tế nhị. Đây cũng là lời cầu nguyện tâm tình của các tín hữu khi ước ao kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su Thánh Thể.

- C 32-31: + Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ: Người ta khó có thể nghĩ rằng Đức Giê-su đã cử hành bí tích Thánh Thể như Người đã làm trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ. Ở đây, Lu-ca cố ý dùng kiểu nói quen thuộc của phụng vụ Thánh Thể (x. Lc 22,19). Đây là cử chỉ Đức Giê-su đã làm khi nhân bánh ra nhiều (x. 9,16), và ám chỉ nghi lễ Bẻ Bánh (x. Cv 2,46; 20,7.11). Sau này mỗi khi tham dự thánh lễ, các tín hữu cũng được nghe lời Chúa giáo huấn và được tham dự bàn tiệc Thánh Thể giống như hai môn đệ làng Em-mau xưa. + Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người: Tiến trình đức tin của các tín hữu thường bắt đầu bằng việc lắng nghe Lời Chúa, rồi tuyên xưng đức tin và được ơn thánh hóa nhờ việc tham dự bàn tiệc Thánh Thể. + Nhưng Người lại biến mất: Từ đây Chúa Giê-su Phục Sinh sẽ hiện diện cách thiêng liêng khi các tín hữu đọc Thánh Kinh, nghe lời giảng dạy của Hội Thánh, cùng nhau tham dự tiệc Thánh Thể và ân cần thăm viếng bác ái chia sẻ gạo tiền cho những người nghèo đói bệnh tật…

- C 32-35: + Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?: Nhờ được nghe giảng Thánh Kinh, các môn đệ đã thấy được ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su như một chặng đường để hưởng vinh quang phục sinh. + Ngay lúc ấy, họ đứng dậy…: Việc nhận ra Chúa Phục Sinh và do lòng tin yêu Chúa thúc bách, hai môn đệ đang thất vọng trở thành những người phấn khởi vui tươi và hy vọng. Tâm trạng phấn khởi ấy khiến hai ông quên hết nhọc mệt để quay trở lại Giê-ru-sa-lem loan báo tin vui cho các anh em khác. + Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon: Sự kiện Si-mon Phê-rô được Chúa Phục Sinh hiện ra trước các Tông đồ khác đã được chính Chúa Giê-su tiên báo trước cuộc khổ nạn (x Lc 22,31-32) và sau này cũng được thánh Phao-lô nhắc đến trong thư Cô-rin-tô (x 1 Cr 15,5). + Thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường: Hai môn đệ cũng chia sẻ niềm vui Chúa Phục Sinh cho Nhóm Mười Một tông đồ và các môn đệ khác ở Giê-ru-sa-lem.

4. CÂU HỎI:

1) Hai môn đệ quê làng Em-mau nói trên thuộc nhóm 12 tông đồ hay nhóm 72 môn đệ ? Tên của hai môn đề này là gì ? 2) Tại sao hai môn đệ làng Em-mau và bà Ma-ri-a Mác-đa-la lại không nhận ra ngay người nói chuyện với mình chính là Chúa Phục Sinh ? 3) Việc Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ làng Em-mau nói lên điều gì về tình yêu của Người đối với các tín hữu ? 4) Câu trả lời của hai môn đệ cho thấy đức tin của các ông về sứ mạng của Đức Giê-su thế nào ? Các ông đi theo Đức Giê-su nhằm mục đích gì ? Tại sao giờ đây các ông lại tỏ ra chán nản tuyệt vọng ? 5) Hai môn đệ này có phải là những người dễ tin vào mầu nhiệm sống lại của Chúa Giê-su hay không ? Tại sao ? 6) Người khách bộ hành đã làm gì để củng cố đức tin còn non yếu của hai ông ? 7) Đức Giê-su giả vờ muốn đi xa hơn nhằm mục đích gì ? 8) Câu nào của hai môn đệ là lời cầu nguyện mẫu mực về lòng tin yêu Chúa của các tín hữu hôm nay ? 9) Hai môn đệ đã nhận ra người khách lạ chính là Thầy Giê-su Phục Sinh vào lúc nào ? 10) Hai ông cho biết lòng mình bừng cháy lên ngọn lửa tin yêu Chúa khi nào ? 11) Điều gì khiến hai môn đệ nhiệt tình loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho người khác ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Họ mới bảo nhau: “Dọc đường khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (Lc 24,32)

2. CÂU CHUYỆN: CHÚA ĐANG Ở ĐÂU ?

Một người tân tòng sau khi theo đạo đã gặp phải nhiều tai ương hoạn nạn: bệnh tật, rủi ro mất xe, thất thoát tiền bạc… Anh đã nhiều lần cầu xin Chúa cho tai qua nạn khỏi mà xem ra Chúa vẫn ngỏanh mặt làm ngơ khiến anh chán nản và không còn đến nhà thờ dự lễ cầu nguyện nữa. Thế rồi một đêm kia, anh nằm mơ thấy mình đang đi bách bộ với Chúa Giê-su trên một bãi biển. Anh quay nhìn ra sau thì thấy trên nền cát ướt có 4 dấu chân: hai dấu chân lớn của Chúa, và hai dấu chân nhỏ của anh. Khi gặp chỗ lởm chởm nhiều sỏi đá thì anh không thấy Chúa đi bên nữa. Quay lại nhìn thì anh chỉ thấy hai dấu chân trên cát của anh mà thôi. Anh chán nản ngồi nghỉ trên một tảng đá thì Chúa Giê-su lại hiện đến ngồi bên. Anh thắc mắc hỏi Người: “Lạy Chúa, vừa qua Chúa biến đi đâu mất để con phải một mình đương đầu với các khó khăn chồng chất như vậy ?” Bấy giờ Chúa Giê-su mới âu yếm nhìn anh và nói: “Con hãy nhìn kỹ xem hai dấu chân in trên cát kia là của ai ?” Lúc đó, anh ta mới nhìn kỹ và nhận ra đó hai dấu chân to lớn của Chúa. Anh lại hỏi: “Lạy Chúa, thế thì dấu chân của con biến đi đâu rồi ? Bấy giờ Chúa mới trả lời: “Con ơi, hãy nhớ rằng: Ta luôn ở bên con trong mọi giây phút đời con. Những khi con gặp phải gian nan thử thách chính là lúc Ta đang bồng ẵm con trên cánh tay Ta đó !”

3. SUY NIỆM:

1. Về đức tin của hai môn đệ làng Em-mau:

a) Hai môn đệ làng Em-mau không sớm tin nhận Chúa Phục Sinh: Tại sao hai môn đệ Đức Giê-su đã từng gặp gỡ tiếp xúc, ăn uống với Thầy trong thời gian ba năm, đã từng nghe lời Thầy giảng dạy, từng chứng kiến nhiều phép lạ Thầy làm (x. Mt 11,5-6) thế mà sau khi Người sống lại, hiện ra đồng hành với họ suốt quãng đường dài 30 cây số, giảng dạy Kinh Thánh cho họ, nhưng họ lại không nhận ra Người ? Có lẽ Chúa Phục Sinh đã hiện ra mang một khuôn mặt mới. Các ông chỉ nhận ra Người khi ngồi đồng bàn ăn và qua các cử chỉ đặc trưng của Người: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát”… (x. Ga 6,11; Mt 14,19), giống như Đức Giê-su đã làm trước đây.

b) Nguyên nhân khiến hai ông nhận biết khách kia là Chúa Giê-su ?: Hai môn đệ làng Em-mau không phải là những người dễ tin như các ông đã thuật lại cho vị khách bộ hành: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một Ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (c 19-20). Qua đó cho thấy các ông này đã tin Đức Giê-su là một Ngôn sứ và hy vọng Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en (c 21). Các ông cũng có nghe mấy người đàn bà trong nhóm ra thăm mộ Đức Giê-su từ hồi sáng sớm mà không thấy xác Người trong mộ. Các bà này trở về nói đã gặp thiên thần hiện ra bảo rằng Thầy vẫn còn sống. Rồi các ông cũng nghe vài người trong nhóm môn đệ đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà kia nói. Nhưng chính Người thì họ lại không thấy” (c 22-24). Vậy nguyên nhân nào làm cho hai ông tin Thầy Giê-su thực sự từ cõi chết sống lại ?

-Một là nhờ việc nghe lời Chúa trong Kinh Thánh liên quan đến cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Ki-tô: Các ông đã chia sẻ với nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (c 32).

-Hai là nhờ thấy những cử chỉ và lời đọc của Chúa Giê-su: “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (c 29-31). Như vậy nhờ dấu chỉ yêu thương của Chúa Giê-su cử hành khi lập bí tích Thánh Thể (x. Lc 22,19-20), mà hai ông đã nhận ra Người.

c) Đức tin thực sự phải thể hiện qua việc loan báo Tin mừng cho tha nhân: Tin Mừng cho thấy thái độ của hai ông sau khi đã tin Chúa Giê-su đã phục sinh như sau: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở về Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp lại đó. Những người này bảo hai ông: Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon. Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh (Lc 24,33-35). Chính nhờ sức mạnh của đức tin vào mầu nhiệm phục sinh mà hai ông đã hăng hái vượt quãng đường dài về Giê-ru-sa-lem ngay trong đêm để chia sẻ cho các anh em tin mừng mình mới cảm nghiệm.

2. Tin yêu và chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hôm nay:

a) Lời Chúa và Thánh Thể: phương thế gia tăng đức tin: Ngày nay để có thể tin vào mầu nhiệm Chúa Giê-su phục sinh thì ngoài việc cầu xin Chúa trợ giúp như người cha của đứa bé bị quỷ ám trong Tin Mừng đã nêu gương: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi” (Mc 9,24), mỗi người chúng ta còn phải siêng năng đọc Lời Chúa trong giờ kinh tối gia đình hằng ngày, khi cùng học sống Lời Chúa trong sinh hoạt hội đoàn hằng tuần, và siêng năng tham dự thánh lễ để được nghe Lời Chúa và kết hiệp với Thánh Thể...

b) Chúa luôn đồng hành với chúng ta: Trong cuộc sống mỗi khi gặp phải cơn thử thách, chúng ta thường nghĩ rằng: Chúa đã bỏ rơi mình rồi… và từ đó sinh ra chán nản, bỏ bê việc đọc kinh cầu nguyện, lười biếng dự lễ Chúa Nhật và có khi còn tin vào bói tóan, đồng cốt, bùa ngải… Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta rằng: Chúa Phục Sinh vẫn luôn đồng hành với chúng ta. Người ở bên ta những lúc ta được bình an, mà ngay cả những khi ta gặp rủi ro trái ý, bị thất bại trong việc thi cử, làm ăn thua lỗ, hay khi bị những chứng bệnh nan y… Chúng ta cần ý thức rằng Chúa vẫn luôn sống trong chúng ta vì Người là “Em-ma-nu-en” nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người luôn ở bên và sẵn sàng ban ơn trợ giúp khi ta kêu cầu Người như lời một bài hát quen thuộc: “Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn sợ chi. Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn thiếu gì…”

c) Tập nhìn thấy Chúa đang hiện thân nơi người bên cạnh: Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta sự thật này là: Chúa Giê-su đang hiện thân nơi người chung quanh, có thể là người khách không quen trong một chuyến đi xa. Người có thể mang những khuôn mặt, hình dáng, tính tình, điệu bộ khác nhau nơi những người cùng khu xóm, phố chợ hay ngoài đường phố... Tình yêu của chúng ta đối với Chúa cần phải thể hiện ra với những con người cụ thể nói trên, chứ không phải chúng ta chỉ yêu một Chúa Giê-su trong tâm trí mà đủ.

4. THẢO LUẬN: 1) Khi gặp một người lỡ đường xin tá túc ban đêm, chúng ta nên làm gì để vừa bảo đảm an toàn cho gia đình, vừa thực hành bác ái “Cho khách đỗ nhà” như kinh Thương Người đã dạy ? 2) Hãy dâng lên Chúa một lời cầu xin cho những ngừơi không cơm ăn áo mặc, không nhà cửa hay người thân ruột thịt… và quyết tâm đem Chúa là niềm vui và hạnh phúc đến cho họ.

5. NGUYỆN CẦU:

-LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn rồi, vì lòng chúng con đang khao khát được nghe lời Chúa. Xin ở lại với chúng con, vì đức tin chúng con mỏng dòn yếu đuối, rất cần được Chúa thương ban ơn trợ giúp để vượt qua giông tố cuộc đời. Xin ở lại với chúng con, vì chúng con dễ sa chân lạc bước, hay chạy đi tìm thỏa mãn những đam mê bất chính, dễ chán nản buông xuôi khi gặp nghịch cảnh. Xin ở với chúng con, để chúng con thấy Chúa đang hiện diện nơi những người đau khổ và chân thành phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Xin ở lại với chúng con, vì khi gặp được Chúa, chúng con sẽ được biến đổi cuộc đời. Xin ở lại với chúng con, vì tâm hồn chúng con vẫn còn xao xuyến mãi, cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa.

- LẠY CHÚA. Hai môn đệ làng Em-mau đã sằn sàng đón tiếp một người khách lạ đang cần một bữa ăn tối và một chỗ nghỉ đêm. Chính nhờ lòng quảng đại ấy, mà hai ông đã nhận ra người khách là Chúa Phục Sinh, và đã trở nên vui tươi phấn khởi. Xin cho chúng con cũng biết quảng đại đi bước trước để làm quen với một người lạ đang bơ vơ lạc đường, đang gặp cơn bệnh nan y, cho chúng con biết lắng nghe những lời tâm sự của họ để ủi an nâng đỡ với hết khả năng của mình. Xin cho chúng con biết siêng năng lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Chúa khi tham dự thánh lễ. Nhờ gặp gỡ Chúa, chắc chắn chúng con sẽ được ơn Chúa biến đổi nên mới và chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho tha nhân, như hai môn đệ làng Em-mau xưa.

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc sống của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Linh Tiến Khải
15:13 30/04/2014
Phỏng vấn Đức Hồng Y Stanislaw Dzwisz, Tổng Giám Mục Cracovia

Sáng Chúa Nhật 27-4-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Cùng đồng tế thánh lễ có Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI, 150 Hồng Y và 700 Giám Mục đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó cũng có Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phụ tá Xuân Lộc. Có 10.000 linh mục cùng hiện diện trong thánh lễ với 800.000 tín hữu, đứng chật quảng trường thánh Phêrô, quảng trường Pio XII, đại lộ Hòa giải, lâu đài Thiên Thần trên hai cầu và các đường chung quanh quảng trường. Khoảng 3 triệu tín hữu còn lại đã theo dõi thánh lễ trên các màn truyền hình khổng lồ bố trí tại Circo Massimo và tất cả mọi quảng trường lớn trong thành phố Roma như quảng trường thánh Gioan Laterano, quảng trường Popolo, quảng trường Navona, quảng trường Risogimento vv... Ngoài ra dân chúng đó đây trên thế giới có thể theo dõi thánh lễ trong hàng trăm rạp Cine ba chiều kích, và đã có 2 tỷ người có thể theo dõi thánh lễ qua các đài truyền hình quốc tế.

Lễ phong Hiển Thánh nói trên đã là biến cố duy nhất trong lịch sử dài hơn 2.000 năm của Giáo Hội: hai Giáo Hoàng còn sống phong Thánh cho hai Giáo Hoàng tiền nhiệm.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia, nguyên bí thư của Đức Gioan Phaolô II trong 39 năm trời.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Dziwisz, Đức Hồng Y đã quen Đức Gioan Phaolô II khi nào?

Đáp: Tôi đã biết Đức Karol Wojtila khi ngài còn là giáo sư và chưa là Giám Mục. Ngài dậy môn dẫn nhập Triết và Thần học năm thứ I tại đại chủng viện. Chúng tôi đã nhận ra ngay một con người rất đặc biệt, có nền tu đức sâu xa và cũng là một giáo sư rất giỏi, luôn luôn được chuẩn bị, các bài dậy học của ngài rất hay. Vì thế ngài đã chinh phục được cảm tình lớn của các sinh viên chúng tôi ngay lập tức. Điều gì đã đánh động chúng tôi? Khi tới giờ nghỉ, ngài luôn luôn vào nhà nguyện. Khi ngài ở trong nhà nguyện thì không có gì khác hiện hữu nữa. Và chúng tôi từ xa khâm phục ngài...

Hỏi: Các sinh viên như Đức Hồng Y đã hiểu ngay là mình đang đứng trước một người đặc biệt. Thế rồi Đức Hồng Y đã ở bên cạnh Đức Karol Wojtila gần 40 năm trời, và chính ngài đã truyền chức Linh Mục cho Đức Hồng Y, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, nhưng mà tôi còn có các điều khác nữa: truyền chức Giám Mục, tất cả... tất cả là từ tay của ngài. Tôi đã phục vụ ngài trong 39 năm: 12 năm tại Cracovia và 27 năm tại Roma. Tôi đã sống với một vị thánh.

Hỏi: Từ sự cường tráng của một người trẻ cho tới sự yếu đuối trong bệnh tật và tuổi già, cho tới các giây phút cuối cùng của cuộc đời dương thế lúc 21 giờ 37 phút chiều ngày mùng 2 tháng 4 năm 2005. Đức Hồng Y đã là chứng nhân sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II, một sự thánh thiện được diễn tả ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Theo Đức Hồng Y, có một hình ảnh đặc biệt nào diễn tả hay nhất sự thánh thiện của ngài hay không?

Đáp: Tôi đã bị đánh động sau vụ mưu sát. Tôi đã ở trong xe cứu thương với ngài. Khi ngài còn tỉnh ngài đã cầu nguyện nhỏ tiếng cho kẻ mưu sát ngài. Ngài không biết là ai nhưng ngài đã tha thứ cho họ, và ngài dâng sự khổ đau của ngài để cầu nguyện cho Giáo Hội và thế giới. Ngài đã không cầu nguyện cho chính mình được tai qua nạn khỏi, nhưng cầu nguyện cho kẻ khác. Và vì thế đây là một điều ngoại thường. Tất cả mọi sự luôn luôn đi qua lời cầu nguyện. Người ta đã hỏi tôi ngài cầu nguyện mỗi ngày mấy giờ. Nhưng ngài cầu nguyện suốt cuộc đời ngài.

Ngài cầu nguyện với cuộc sống. Không thể tách rời lời cầu nguyện khỏi công việc làm. Toàn cuộc sống của ngài là một lời cầu nguyện. Và mọi điều ngài làm đều đi qua lời cầu nguyện. Ngài cầu nguyện cho ai? Có nhiều người nói tới lời cầu nguyện theo vùng địa lý, nghĩa là hết nước này sang nước khác, hết quốc gia này tới quốc gia khác. Và ngài cầu nguyện cho nhiều điều: cho hòa bình, cho công lý, cho việc tôn trọng con người, cho việc tôn trọng các quyền con người, và ngài cũng cầu nguyện cho các cá nhân cụ thể. Thế rồi toàn cuộc sống của ngài đã bị ghi dấu bởi đau khổ: trước hết ngài đã mất mẹ, tiếp đến là mất anh, rồi ngày 13 tháng 5 năm 1981 lại đã bị mưu sát.

Hỏi: Đức Gioan Phaolô II là một con người cầu nguyện, một nhà thần bí, một người chiêm niệm, đã chọn khẩu hiệu ”Totus tuus - Tất cả là của Mẹ” như sợi chỉ dẫn đường trong suốt cuộc sống, có phải vậy không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, Totus tuus: tất cả là của Mẹ diễn tả lòng sùng kính của Đức Gioan Phaolô II đối với Mẹ Maria, nhưng mà ngài cũng có lòng sùng kính rất lớn đối với Chúa Thánh Thần. Điều này ngài đã học được từ thân phụ của ngài. Thế rồi ngài cũng rất sùng mộ Kinh Mân Côi, qua đó ngài cùng với Mẹ Maria suy niệm cuộc đời của Chúa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, khía cạnh chiêm niệm này của Đức Gioan Phaolô II đi chung với ý thức cụ thể mạnh mẽ của ngài, và thật ra ngài là một vị thánh nhân bản một cách sâu xa. Ngài là một Giáo Hoàng đã có ảnh hưởng một cách sâu xa trong lịch sử...

Đáp: Chắc chắn rồi. Ngài rất gắn bó với quê hương mình, nhất là với Cracovia, gắn bó với nền văn hóa, với Giáo Hội Ba lan, nhưng rất cởi mở cho toàn Giáo Hội, cho toàn thế giới, đối với các quốc gia, và cả đối với tất cả các tôn giáo... Ngài có nhiều tình bạn với các người Do thái và cũng có các tiếp xúc với các người Hồi và các nhân vật của các tôn giáo khác. Ngài luôn luôn nói: ”Chúng ta xây cầu, chứ không xây tường”.

Hỏi: Khi nghĩ tới các Thánh, người ta thường tưởng tượng phải đi xa trong lịch sử. Trong trường hợp này chúng ta không cần phải nhìn lại thời gian xa đàng sau: chúng ta nói tới một Giáo Hoàng Thánh chỉ chín năm sau khi người qua đời. Như thế Đức Gioan Phaolô II thuộc thời đại của chúng ta, là người có một sứ điệp rất là thời sự, có phải không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chắc chắn là cả ngày nay nữa Đức Gioan Phaolô II cũng gợi hứng cho con người, nhất là giới trẻ: tôi đã trông thấy các người trẻ ở Rio de Janeiro, các người trẻ thuộc thế hệ mà tôi đã không biết. Nhưng khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến tên ngài, đã có một sự nhiệt tình rất lớn, cũng như nhiệt tình khi họ nghe loan báo Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tới tại Cracovia, trên quê hương và trong thành phố của Đức Gioan Phaolô II. Trong các môi trường khác nhau: môi trường xã hội, môi trường thần học - ngài đã luôn luôn hiện diện, ngài đã để lại một gia tài giáo lý cần đào sâu và thực hiện, nhất là trong lãnh vực bảo vệ các quyền con người và sự tự do của con người và của các quốc gia... Có thể đề cập tới các đề tài khác nhau: ngài luôn luôn hiện diện.

Hỏi: Thật thế, vì đã không có lớp người nào mà Đức Gioan Phaolô II không tiếp xúc. Đức Hồng Y vừa nhắc tới Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, nhưng mà Đức Gioan Phaolô II cũng gần gũi người già cả, bệnh tật, người nghèo, trẻ em, các cặp vợ chồng, và các người sống đời thánh hiến nữa, người đã là vị Giáo Hoàng của việc bênh vực sự sống... Tóm lại là một Giáo Hoàng đã thực sự nói với toàn nhân loại...

Đáp: Chắc chắn rồi, người đã là vị Giáo Hoàng bênh vực sự sống con người một cách tuyệt đối. Người cũng đã là vị Giáo Hoàng của gia đình. Ngài đã có một tương quan tình bạn với giới trẻ, tình bạn với con người. Ngay từ đầu ngài đã hiểu rằng người trẻ nhạy cảm, họ xin được đồng hành và trả lời cho các vấn nạn của họ. Ngài là vị Giáo Hoàng đã nói thay cho những người nghèo, nói với các quốc gia nhất là các quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Tại sao người viếng thăm các quốc gia thuộc thế giới thứ ba? Đó là để lên tiếng và kêu gọi người giầu ”Anh chị em phải trợ giúp người nghèo, nếu không sẽ xảy ra một thế chiến mới”. Người đã công du rất nhiều lần sang Phi châu, hay Á châu, nhất là viếng thăm các nước nghèo, để kêu lên, để nói thay cho người dân đau khổ vì nghèo túng, và cũng để kêu gọi những người giầu trên thế giới, để họ thay đổi cung cách hành xử đối với các nước nghèo đang cần được trợ giúp.

Hỏi: Nghĩa là Đức Gioan Phaolô II lắng nghe mọi người, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Điều này không có nghĩa là ngài đồng ý với tất cả những gì ngài nghe, nhưng ngài tôn trọng con người, không phải chỉ đối với các tín hữu kitô, nhưng đối với cả những người không tin, các người không phải là kitô hữu, người do thái, người hồi giáo, một sự tôn trọng rất lớn. Vì thế ngài đã là vị lãnh đạo tôn giáo đối với tất cả mọi người. Ngài đã chiến đấu chống lại mọi bức tường phân cách. Tôi nghĩ rằng chính ở đây ngài đã rộng mở Giáo Hội cho thế giới và đã khiến cho thế giới tới gần với Giáo Hội.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã sống biến cố tôn phong Hiển Thánh cho Đức Gioan Phaoô II như thế nào?

Đáp: Tôi không biết... Tôi không biết. Chắc chắn đối với tôi đó là một điều phi thường nghĩ rằng từ nay trở đi tôi sẽ gọi người là Thánh. (RG 27-4-2014)
 
Top Stories
Vietnam: Première assemblée annuelle des évêques du Vietnam au Centre pastoral de l’archidiocèse de Saigon
Eglises d'Asie
14:10 30/04/2014
Comme à l’accoutumée, les évêques du Vietnam ont choisi le soir du lundi de Pâques, le 21 avril, pour entamer les travaux de leur première assemblée annuelle de 2014. Les exposés et les échanges ont surtout concerné deux projets. Le premier jour, le secrétaire général de la Conférence, Mgr Cosme Hoang Van Dat, a esquissé le programme des débats de cette assemblée. Il s’est surtout attardé sur les deux ou trois thèmes principaux proposés à la discussion des évêques : le projet de création d’un institut de théologie et la construction du centre de pèlerinage marial de La Vang. Il devait être aussi question des nouveaux bureaux de la Conférence, nouvellement construits à Saigon.

Le contexte ecclésial dans lequel se déroulait cette assemblée, à savoir à la veille de la canonisation des deux papes Jean XXIII et Jean Paul II, était dans tous les esprits. Mgr Paul Bui Van Doc, qui est depuis quelques mois le président de la Conférence, n’a pas manqué de rappeler cet événement lors des premiers mots adressés aux évêques réunis au grand complet dans la métropole du Sud-Vietnam. Les travaux de la Conférence, a-t-il souligné, ont débuté au lendemain de la résurrection du Christ et s’achèveraient à la veille d’un des plus grands événements de l’histoire récente de l’Eglise universelle.

Réunis en cette première semaine après Pâques, les évêques, a affirmé leur président, se trouvent dans la même situation que les apôtres après la résurrection du Christ, attendant l’inspiration de l’Esprit et la mission qui leur sera assignée. Ces deux thèmes, l’inspiration de l’Esprit et la mission, ont été au cœur de la vie des deux pontifes dont l’Eglise proclame la sainteté. Le nom de Jean XXIII est associé à l’inspiration de l’Esprit qui l’a poussé à la convocation du concile Vatican II, tandis que celui de Jean Paul II est indissociable de la mission, la nouvelle évangélisation dans laquelle, en son temps, il a engagé l’Eglise. Inspiration de l’Esprit Saint et engagement pour la mission, tel doivent être les deux moteurs de l’Eglise et des évêques au Vietnam.

Voilà près de quatre années, que la création d’un institut de théologie de haut niveau fait partie des projets de la Conférence. En réalité, cet institut a déjà existé et s’appelait Institut pontifical Pie X. Les bâtiments qui l’abritaient existent toujours, à Da Lat, sur le flanc d’une colline au sommet de laquelle se trouvait l’université catholique du Vietnam. Ils ont été récupérés et utilisés par les autorités locales après 1975 malgré les protestations de l’évêque du lieu.

C’est Mgr Joseph Dinh Duc Dao, responsable de la Commission pour l’éducation catholique, qui a fait le point sur l’état d’avancement du projet. La mission du futur institut a été précisée : il s’agit, en premier lieu, d’élever la qualité de la formation intellectuelle du clergé vietnamien et de l’ensemble du peuple de Dieu, en particulier dans le domaine de la théologie. Selon la proposition faite par Mgr Dao, lors de cette assemblée, dans un premier temps, il faudra envisager d’abord l’ouverture d’une simple faculté de théologie, qui, au fur et à mesure de son développement, délivrera d’abord le diplôme du baccalauréat de théologie, puis de diplôme de licence et enfin le doctorat. Peu à peu, cette faculté deviendra un institut catholique, avec un corps professoral composé de prêtres séculiers, de religieux et avec des étudiants venant de l’ensemble du pays. Les évêques ont estimé que, dès aujourd’hui, l’Eglise du Vietnam était capable d’ouvrir la faculté de théologie telle qu’elle venait d’être définie.

Au deuxième jour, au cours des débats concernant la construction de la basilique du centre de pèlerinage de Notre-Dame de La Vang, trois évêques, responsables à titres divers de ce projet, sont intervenus : Mgr Matthieu Nguyên Van Khôi, chargé du projet architectural, Mgr Joseph Nguyên Chi Linh, chargé du recueil de fonds, et l’archevêque de Huê, Mgr François-Xavier Lê Van Hông, à qui revient la charge de mener à bien les constructions. Après avoir débattu longuement et écouté les divers points de vue, l’assemblée a décidé que, malgré les difficultés rencontrées, le travail accompli jusqu’à présent serait poursuivi dans la confiance et l’abandon à l’intercession de la Vierge Marie.

Plusieurs événements importants ont suivi cette première assemblée annuelle de la Conférence. Le 24 avril a eu lieu l’inauguration de l’immeuble abritant les bureaux de la Conférence épiscopale. La première pierre avait été posée en avril 2011, mais il fallut attendre jusqu’au mois d’octobre 2012 avant que commencent véritablement les travaux de construction du nouvel immeuble. Cette construction de huit étages, située au 72/12, rue Trân Quôc Toan, à Saigon, s’étend sur 31 m de long. A l’intérieur, dispersés à travers les étages, on trouve des salles de réception, des bureaux, des salles de conférence, des salles à manger, etc.

Dans la matinée de ce que même 24 avril, l’ensemble des membres de la Conférence, le représentant du Vatican, Mgr Girelli, et le cardinal Jean-Baptiste Pham Minh Mân, désormais archevêque émérite, s’étaient joints à l’archevêque de Saigon pour concélébrer une messe d’action de grâces. Mgr Paul Bui Van Doc y a pris officiellement la charge de l’archevêché de Saigon. Le curé de la cathédrale ainsi que les responsables des doyennés de l’archidiocèse l’ont accueilli, sur la place de la cathédrale, auprès de la statue de la Vierge. Le nouvel archevêque s’est adressé à l’assemblée et lui a demandé de le soutenir par ses prières. (eda/jm)

(Source: Eglises d'Asie, le 30 avril 2014)
 
Statement released at conclusion of Council of 8 Cardinals meetings
Vatican Radio
17:11 30/04/2014
2014-04-30 Vatican - The Vatican released a statement on Wednesday saying the Council of 8 Cardinals, which met for 3 days this week, has completed a first review of the Pontifical Councils. Part of the time was dedicated to planning the work to be completed between this week’s session and the next session, scheduled for the beginning of July. The 8 cardinals were appointed by the Pope shortly after his election to serve as advisers to him on the governance of the Church and on planned reforms of the Roman Curia.

It was also announced that the new Council for the Economy will meet for the first time on Friday, May 2nd and Pope Francis will greet the participants. The main focus of the meeting will be the Statutes of the Council itself and the planning of its work. And the new Commission for the Protection of Minors will have its first meeting later this week, from Thursday May 1st to Saturday the 3rd , at the Santa Marta residence. The Commission will reflect on the nature and scope of its tasks, as well as its integration with members representing different geographical areas worldwide. As with the New Council for the Economy, Pope Francis is scheduled to greet the members of the Commission. Both bodies were set up by him.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
CĐCGVN-Nam Úc “Nghi Thức Tưởng Niệm ngày Quốc Hận 30-4-2014”
Jos. Vĩnh SA
21:38 30/04/2014
Nghi thức tưởng niệm ngày Quốc Hận 30-4, thắp nến cầu nguyện cho quê hương VN và Thánh Lễ cầu cho Quốc Thái – Dân An, được tổ chức tại Trung Tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân Pooraka, vào lúc 7 giờ 00 tối, thứ Tư, ngày 30/4/2014 do một số anh em Công Giáo cựu quân nhân QL/VNCH đứng lên tổ chức, cùng với sự hỗ trợ của một số anh chị em trong phong trào Cursillo ngành VN tại Adelaide đồng hành.

Phút mặc niệm và chủ tế Thánh Lễ do Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng chủ sự, gồm các nghi thức:

1. Rước hai lá quốc kỳ VNCH từ ngoài hội trường vào trong hội trường, tiến lên nơi hành lễ do: 6 phụ nữ và 6 anh cựu QN/QLVNCH

2. Cung nghinh vòng hoa tưởng niệm. Đức ông Minh Tâm đi trước, hai cựu quân nhân cung nghinh vòng hoa theo sau. tiến đến bàn thờ quốc tổ và đặt trên bàn thờ

3. Theo sau là các anh em cựu quân nhân thuộc các quân binh chủng QLVNCH

4. Thượng kỳ

5. Nghi thức tưởng niệm, bằng 1 phút mặc niệm cho tất cả Quân, Dân, Cán, Chính đã hy sinh trong cuộc chiến VN và những đồng bào bỏ mình trên đường vượt biên, vượt biển tìm tự do.

6. Dâng nhang trước bàn thờ quốc tổ, Đức ông và hai cựu QN/QLVNCH

7. Thánh Lễ cầu cho Quốc Thái – Dân An được cử hành. Đức ông Minh Tâm chủ tế

8. Kết thúc Thánh Lễ. Tất cả các đồng hương và các cựu QN xếp thành 2 hàng, với nến sáng trên tay, rước từ cuối hội trường tiến lên bàn thờ, vừa đi, vừa hát với tâm tình thật sốt sáng và vang lên bản thánh ca: “Mẹ ơi! Đoái thương xem nước Việt Nam trời u ám chiến tranh điêu tàn. Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an, nước VN qua phút nguy nan” để cầu nguyện cho quê hương Việt Nam được ấm no tự do hạnh phúc.

Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm dẫn đầu đoàn thắp nến cầu nguyện, theo sau là các tín hữu và đồng hương cùng tiến lên gian cung thánh, đặt nến trên bàn.

9. Sau khi thắp nến, mọi người trở lại ghế ngồi, xem trình chiếu đoạn Video Clip về cuộc chiến VN và những ngày cuối cùng của chính thể VNCH, khi VC tấn công vào Sàigòn xâm chiếm miền nam VN và hình ảnh những cuộc vượt biển đi tìm tự do, trốn chạy cộng sản, của đồng bào trên những chiếc ghe, thuyền mỏng manh, bỏ mình, hy sinh trên biển cả vì sóng gió bao đào, vì cướp biển, hải tặc.

XEM HÌNH

Buổi lễ kết thúc lúc 8 giờ 30 trong thinh lặng cảm thương với những nỗi buồn xót xa.

Có khoảng trên 500 đồng hương đến tham dự, cùng với đại diện các hội đoàn, đoàn thể thuộc Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc và các anh em cựu QN/QL/VNCH trong những bộ quân phục chỉnh tề.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhân ngày 30 tháng 4:Chuyến Bay Cuối
Bảo Giang
08:42 30/04/2014
Nhân ngày 30 tháng 4:Chuyến Bay Cuối

Viết cho ngày 30-4-1975, Viết tặng cho những ai đi trên chuyến bay cuối cùng rời Đà-Nẵng vào trưa ngày 29-3-75. Đặc biệt, cho một người lính trẻ tên Trực, đã trở về với sự sống bằng cách ôm... chân chiếc máy bay boing 727 trong chuyến bay có một không hai trong lịch sử chiến tranh Việt-Nam. BG.

Cùng với lớp sóng người cuồn cuộn, chạy giặc bằng đôi mắt trắng ngược xuôi trên đường là từng đoàn, từng toán quân bị tan rã, bị đuổi bắt, đang hốt hoảng, hỗn loạn kéo nhau về thành phố. Họ kéo nhau về từ muôn lối, muôn ngả và bằng đủ mọi loại phương cách khác nhau. Kẻ trên xe, người chạy bộ. Kẻ hò hét, người khóc lóc. Kẻ gánh gồng, người ôm vũ khí, kẻ còn ...tay khôngi. Nhưng dù họ về bằng bất cứ phương tiện nào, hay từ bất cứ con đường nào đi chăng nữa, tất cả những con người này, quân cũng như dân, từ già cả đến trẻ, không phân biệt gái, trai đều có chung một khuôn mẫu giống nhau. Khuôn mẫu áy chính là sự king hoàng, hoảng hốt, lo sợ vẫn còn in hằn trên khuôn mặt, hiện diện trên ánh mắt và trong lời nói của người chạy loạn. Những tưởng rằng, khi họ đặt chân vào được thành phố, những dấu vết kinh hoàng, lo sợ kia sẽ được bỏ lại sau lưng. Ai ngờ, những nỗi nhọc nhằn thống khổ kia không chịu dừng lại khi bàn chân của họ đã thực sự bước vào trong lòng phố. Trái lại, nó còn tăng theo cường độ của lo âu bởi những bản tin đồn. Tin đồn mất nước, mất thành phố. Những bản tin đồn kém vui này càng lúc càng nhiều, người dân chạy loạn không còn biết tin vào ai. Họ dáo dác đôi mắt, nhìn trước nhìn sau, chỗ nào cũng thấy trống trải khó mà tìm được nơi an thân. Bởi vì: Khi nhìn lên, tiếng động cơ của các loại máy bay vần vũ không ngớt, Ngó ra khơi, tiếng máy tầu như mỗi lúc càng vỗ mạnh vào bờ. Và trên đường phố thì tiếng còi xe thi nhau kéo inh ỏi lẫn trong những tiếng chủi thề, văng tục. Vào lúc ấy, người dân chạy giặc hầu như đã mất hẳn niềm tin vào mảnh đất, nơi mà trước đó ít lâu họ ao ước được chạy đến bên nó, để nhờ nó giang tay ra bao bọc lấy mình. Có ngờ đâu, khi họ đã đổi cả sinh mạng, tài sản của gia đình để đến được nơi mong ước đó, họ mới biết được một điều. Chẳng có phần đất nào gọi là tạm yên để dừng chân cho người dân Việt, khi đôi dép râu và cái mũ cối của loài Hồ đã úp chụp xuống bên đường.

Thành phố Đà Nẵng không nhỏ và sinh hoạt thường nhật của Đà Nẵng được chia ra làm nhiều khu vực mang tính cách riêng biệt, khác nhau như: Vùng phi trường, khu bến cảng, khu thuộc bộ tư lệnh quân đoàn, khu tòa hành chánh, trường học, chợ, nhà thương v.v. Sinh hoạt ở đây vốn dĩ ngột ngạt, phức tạp, nay bỗng nhiên cùng lúc phải đón nhận thêm những lớp sóng người tràn về như thác lũ, thành phố như oằn mình, cong lưng. Hoặc giả, muốn gẫy đổ, bẹp dí xuống theo dấu chân của những người vừa đè lên mình nó. Vào lúc ấy, Đà Nẵng hầu như không còn lấy một khu đất trống. Từ trường học, nhà thương, đến bến tàu, công viên, hè phố. Đâu đâu cũng thấy người nằm la liệt và thế là Đà Nẵng của niềm tin yêu đang chìm vào trong hỗn loạn.

Người về chưa tìm được chỗ tạm dung thân, cư dân của thành phố đã vội lên cơn sốt, ngồi đứng không yên. Họ không yên tâm bởi vì tiếng đạn pháo đã nổ gần xát đâu đây. Và càng lo lắng hơn vì một bản tin chưa rõ xuất xứ nhưng cứ lao đi vùn vụt: Đà Nẵng rồi ra sẽ chịu chung một số phận bị rút bỏ giống như Huế, Quảng Trị! Từ khúc quanh ấy, Đà Nẵng không còn là Đà Nẵng của yêu thương, của bao bọc, của bất khuất, của tự hào. Đà Nẵng đang biến thành nơi của toan tính, nơi của lừa đảo phản bội. Nói cách khác, Đà Nẵng không còn đủ hấp lực để lưu giữ bước chân người ở lại. Kẻ mới đến, dĩ nhiên phải tìm đường đi tiếp, nhưng chính những người từng sống với nó thì cũng không kém phần quyết liệt, phải bỏ lại sau lưng khung trời và vùng đất đã bao bọc lấy âm phần của họ qua nhiều đời,, phải đạp lên trên xác của người mới về mà đi.

Lúc khởi đầu, câu chuyện gĩa từ Đà Nẵng chỉ xuất hịện trong những dinh thự, công sở. Nhưng chẳng bao lâu sau, nó loan truyền đến tất cả mọi hang cùng ngõ hẻm trong thành phố. Lúc đầu, người ta nói nhỏ vào lỗ tai của nhau ở trong công sở, trại binh, bộ tư lệnh. Nhung chỉ vài phút sau, bản tin chạy ra đường, ra phố vào trường học, qua chợ búa đến nhà thương. Thế là từ ông gìa bà cả đến đứa bé thơ. Từ ông quan to đến người lính hạng hai, chẳng còn một ai nghĩ đến chuyện phải ở lại bảo vệ lấy thành phó thân yêu nữa. Thay vào đó là những tính toán, dò hỏi và chỉ dẫn cho nhau phương cách ra đi nhanh nhất và an toàn nhất. Lạ thật! Đà Nẵng bỗng dưng bị coi là một phần đất có đầy sự chết, cần phải bỏ đi. Bỏ đi không một chút thương tiếc.

Rồi Đà Nẵng thực sự chìm sâu trong cơn bão lửa vào đêm 28-3-1975. Đêm ấy là đêm cả thành phố rung chuyển. Đà Nẵng đã cuộn tròn theo ngọn khói bốc lên cao. Từ xa nhìn lại, có lẽ chẳng một ai dám nghĩ rằng. Đó là thành phố có người ở, nhưng tin rằng nó là miệng một ngọn núi lửa đang thời kỳ bạo phát. Bởi lẽ, sau những loạt đạn pháo gọi là giải phóng thi nhau gầm thét là: Nơi đây là cảnh chợ tan hoang với ngọn khói lửa ngùn ngụt bốc lên không người cứu. Phía trường học kia là gạch ngói vỡ tan với những thân người chết chồng lên nhau. Nếu nơi đó là nhà thờ, nhà chùa. Qủa đạn giải phóng cũng không tha tượng Chúa, tượng Phật. Chúa đã chết khổ đau, Phật đã về nơi cực lạc, có nhận thêm một miểng đạn của bác, mất thêm một khúc chân, cánh tay hoặc bị chém ngang giữa người cũng chẳng ăn thua gì. Rủi nơi đó là nhà thương. Gặp người chưa chết thì nhận thêm mảnh đạn làm phần cơ nghiệp để hoàn toàn được giải phóng. Kẻ đã chết, nhưng chưa kịp chôn sẽ có được cơ hội chết thêm một lần nữa để đầu ở một nơi, xương thịt một nơi. Và nếu nơi đó là một tiệm bán thịt chó thì bác đảng lúc vào sẽ hưởng thêm khẩu phần không phải là thịt chó nướng.

Đến khi ánh bình minh vươn lên vào ngày 29-3-1975, Đà Nẵng đã thay hình đổi dạng. Hầu như không một nơi nào còn nguyên vẹn. Xác người Việt Nam nằm chết rải rác ở khắp mọi nơi. Họ đã chết một cách rất bất ngờ, chết thật tình cờ. Chết chẳng một lời giối dăng.

Có nơi, cả một gia đình, từ ông bà đến vợ chồng con cái đang quây quần bên mâm cơm. Qủa sơn pháo của Việt cộng nổ tung giữa bàn. Chẳng nói ra thì ai cũng hiểu được một điều là: Những người có mặt không kịp nhìn nhau, hoặc nói với nhau câu từ biệt. Riêng phần sương thịt của họ thì được trộn lẫn với các món ăn, bắn tung tóe văng vãi khắp mọi nơi trong nhà. Và nồi cơm, bát canh trở thành những nồi và bát máu, chờ Hồ nhân, cán cộng đến chia nhau.

Rồi lại có người đang bồng con thơ chạy trốn. ”soạt”, một âm thanh nghe rất lạ tai do điệu vung nhanh nhẹn từ cái mã tấu trong tay người đảng viên Việt cộng tạo ra. Kết qủa, đầu người thiếu phụ lăn rớt sang một bên, và đứa trẻ bị văng ra khỏi tầm tay của bà mẹ mà chẳng hiểu là chuyện gì xảy ra. Khi lớn lên, em được tuyên truyền là nhờ bác đảng làm giải phóng em mới có một ngày như hôm nay.

Đến ông gìa chống gậy rời đất bắc năm 54 mới lạ. Ông chạy chậm qúa. Chạy suốt hai mươi năm, nay lại gặp lũ ôn dịch ngày nào. Lão chưa kịp nói câu nào, đôi dép râu đã vả vào mặt lão, cái gậy liền rời tay lão. Từ nay cho mãi về sau lão chẳng còn phải lo sợ chạy trốn giặc cộng và cũng chẳng phải dùng cái gậy ấy làm chân đi đây đó nữa...

Rồi kẻ chưa kịp vui mừng vì chạy thoát ra khỏi một đoạn đường, nơi đang có cuộc giao tranh, hay nơi có tiếng đạn pháo gọi hồn của Hồ nhân. Lại bắt gặp một tiếng nổ bất ngờ do qủa mìn của giải phóng gài sẵn trên đường. Kết qủa, sau tiếng nổ, thân người ngã xuống không toàn thây. Chết mà vẫn tưởng mình nằm mơ.

Lại có cảnh chết đứng, người chết ngồi. Cảnh nằm xấp, hình nằm ngửa. Người cụt đầu, kẻ mất chân, mất tay. Đây người đang cháy dở. Kia một đống thịt vụn bầy nhầy với ruột gan, tim óc văng tung tóe, lôi kéo đàn chó đói đến tìm miếng ăn. Rồi lại thêm những vũng máu thâm đen đang rủ đàn kiến, lũ nhặng, lũ ruồi đến chia phần với giải phóng. Và chẳng nơi nào mà không có cảnh khóc, cảnh cười, cảnh réo gào. Cảnh đứa bé ngồi bên xác mẹ đã lạnh cóng. Và cảnh người còn sống lại ngược xuôi tìm sống. Vào buổi sáng hôm ấy, 29-3-1975 Đà Nẵng chỉ còn lại hai địa điểm tạm gọi là an toàn. Và nó là cái đích cho mọi người đổ xô đến. Đó là phi trường và bến tàu.

Khi nắng vừa lên, một vùng bãi biển rộng lớn và khu vực chung quanh bến tàu Đà Nẵng không còn một chỗ trống. Người gồng gánh, kẻ tay bồng tay bế. Thêm người tay súng, kẻ lưng lựu đạn. Người buồn rầu, kẻ cao ngạo ngồi trên xe nhăn răng ra cười chen lấn nhau. Một nơi gần đó, từng đoàn xe tăng, xe kéo pháo đợi tàu di tản. Tất cả đều một lòng quyết chiếm lấy phần đất riêng cho mình. Khi ấy từ quân đến dân. Từ giàu sang đến khố rách. Từ trí thức đến bần nông, lao động. Từ người sang đến kẻ hèn đều có chung một mục đích giống nhau: Phải dành lấy cho mình, cho con cái của mình một chỗ đứng trong chuyến tàu xuôi nam kia. Do đó, cảnh hỗn loạn và chết chóc càng thê thảm hơn. Lính mất người chỉ huy. Dân không người hướng dẫn nên có dịp va chạm tàn xát lẫn nhau. Lợi dụng tình thế bất ổn định ấy. Những thành phần bất hảo của xã hội đã ra tay hành nghề cướp của giết người. Chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt kiêu bạc. Một gói hành lý nom giàu sang, một thân thể nõn nà duyên dáng là có đủ chất liệu tạo ra cảnh cuồng xát.

Ở cuối đường tuyệt vọng ấy, niềm tin được sống sót của người dân Đà Nẵng chợt bùng lên khi những chiến hạm, tàu thuyền đón đoàn người di tản xuôi nam từ từ hướng vào bờ. Dĩ nhiên, chẳng một ai cần nghe lệnh. Họ vội vã kéo theo vợ con, cháu chắt, anh em ào ào lao vào dòng biển xanh và bơi ra chiến hạm. Lúc ấy, sóng biển không còn là sóng biển, thay vào đó là lớp sóng người nhấp nhô. Màu xanh biển đậm đã biến thành màu da người, màu quần áo, màu hành trang.

Niềm vui của ngày bất hạnh không kéo dài. Khi đoàn tàu chưa bắt đầu làm công tác vớt người xuôi nam. Cơn đạn pháo của Hồ nhân đã thi nhau réo gào. Nó đổ ầm ập xuống trên thân người giống như một trận mưa rào, hay như nắm cát ném xuống mặt thau nước. Nói theo kiểu của Văn Tiến Dũng trong “đại thắng mùa xuân” thì đời một ngưòi bộ đội đi làm giải phóng, cách riêng, đời của những anh đội kéo pháo, bắn pháo, chưa bao giờ có những giây phút hiên ngang anh dũng đến thế. Họ đã đứng thằng người nap đạn và bắn pháo thay vì phải chui rúc trong hang, trong ổ, nạp đạn, bắn vội vài trái rồi lại tìm chỗ ẩn thân. Bời vì, mục tiêu của họ hôm nay chỉ là đoàn người dân gồng gánh, đang tìm đường trốn chạy cộng sản! Anh hùng hết biết!

Kết qủa, biển người, biển nước biến thành biển lửa, quyện tròn theo cột khói, cột nước tung bắn lên cao. Trong phút chốc, đoàn tàu vội quay mũi ra khơi tránh đạn. Riêng đoàn người xuôi nam có số phận kém may mắn hơn. Họ bị vùi dập xuống lòng biển. Người để lại vợ con, anh em, cha mẹ. Kẻ để lại bạn bè chiến hữu lẻ loi. Sau cơn cuồng pháo thảm sát của Hồ nhân. Máu đỏ loang thẫm bờ biển xanh, và trên sóng nước nhấp nhô là những thân xác vô thừa nhận. Dưới nước là biển đỏ, trên bờ là ruộng máu. Xác người, cánh tay, cái chân, cái đầu, khúc ruột nằm phơi mình đón nắng. Trên bãi nóng, mồ hôi đỏ thấm vào cát chảy thành dòng nối vào biển màu. Từ gìơ phút ấy, khoảng 9 gìơ sáng ngày 29-3-1975, Đà Nẵng không còn một hình dạng nào như trước nữa. Đà Nẵng đang đợi thần chết với nhịp độ hỗn loạn hơn.

Ngoài bến tàu, phi trường Đà Nẵng được coi là nơi an toàn hơn. Gọi là an toàn thôi chứ thực ra nơi đây, trật tự, an ninh cũng không còn được kiểm soát. Nó cũng bị vùi dập, chìm trong khói lửa từ đêm trước. Những cánh chim từng vùng vẫy dọc ngang khắp bầu trời của quê hương. Cuối cùng nhận số phận hẩm hiu, như số phận của những người lính không được lệnh chiến đấu. Nó chỉ may mắn hơn ở bến tàu là số tử vong chưa lên cao.

Đêm ấy, trong một căn hầm trú ẩn tại phi trường, có những khuôn mặt quen thuộc như Phi, Trực, Danh, Đặng, Tiến… ngồi bó gối nhìn nhau. Họ là những ngươi lính trẻ năng động, là biểu tượng anh dũng cho một quân đội đầy sức sống, bỗng dưng biến thành những cái xác không hồn co ro bất động.

Lúc đầu họ còn cười, còn nói, còn coi cuộc pháo kích của Việt cộng là một trò chơi vui tai lạ mắt, không hịêu nghiệm. Chẳng bao lâu sau, nhìn cái máy liên lạc ở trong phòng, luôn phát ra những tiếng rè rè thay vì một mệnh lệnh cần thiết, họ đâm ra bực mình, gắt gỉng. Bởi lẽ, từng điếu thuốc đốt cháy đỏ trên đầu môi không làm tắt được những ánh chớp bùng nổ vì đạn pháo giữa lòng phi đạo. Trái lại, làm cho họ thêm bối rối giao động. Một sự giao động chưa từng xảy ra trong cuộc đời làm lính chiến của họ. Cuối cùng Phi tức tối nói như thét:

- D. M. giờ này không cho lệnh bay còn chờ đến khi nào. Chúng pháo thêm lúc nữa thì máy bay cũng thành tàu bò chứ hay ho gì.

Phi nói thế là vì họ là những người lính quen với đường bay và bầu trời. Họ đã từng lao vào vòng lửa đạn. Đã coi cái chết nhẹ nhàng như đôi cánh bay. Họ sợ gì đạn pháo? Vì khi bay lên cao, có thể họ sẽ không trở lại theo đôi cánh chim bị gãy. Tuy nhiên, đời lính bay, họ muốn nhận cái rủi ở trên cao hơn là phải ngồi chờ đạn pháo rơi nổ tung giữa hầm. Chuyện Phi nói ai cũng biết, nhưng không một ai dám nghĩ đến việc chui ra khỏi căn hầm, để tìm cánh chim lướt gió. Họ không dám bởi một lẽ đơn giản là không có lệnh. Lát sau, Danh nóng mắt, phụ họa:

-Đ.M., chỉ huy cái kiểu đếch gì mà không thấy lệnh lạc gì hết. Họ tính bắt mình ngồi đây chờ độc đắc hay sao đây?

Tiếng Danh thét tưởng chứng át cả tiếng đạn pháo. Mười con mắt nhìn nhau. Lát sau Tiến trả lời:

- Mày không muốn chờ, cũng phải chờ. Không có lệnh, mày vác con tàu đi là tù rục sương con ạ. Hơn nữa, đang pháo thế này ai mở phi đạo cho mày chạy trốn hả thằng ngốc kia?

Danh, một phi công khu trục đỏ mắt nhìn Tiến. Sự thật phơi bày trước mặt. Đã là lính, Danh phải tuân hành theo mệnh lệnh. Dù, có khi lại là một cái lệnh rất...ngốc. Danh hậm hực. Danh đau lòng, Danh tiếc bầu trời. Danh thương đường bay. Danh đưa chân đá tung cái thùng đạn kê làm ghế ngồi trong phòng trú ẩn:

- Dĩ nhiên tao cần phi đạo. Nhưng cái thằng mặt mẹt Ôtô kia, mày cũng muốn ngồi đây chờ lệnh chết nữa hay sao?

“Ô tô” là hỗn danh bạn bè đặt cho Đặng. Đặng giỏi lại nổi tiếng gặp may và lì lợm vì món nghề đổ Lôi Hổ bằng cách đáp ô tô trong rừng. Đại khái, đáp ”ôtô” là một cách đáp đùa dỡn với tử thần, chỉ những tay gan bằng trời mới dám thử. Bởi lẽ, sau khi nhắm đươc mục tiêu ở dưới đất. Từ trên cao độ, viên phi công sẽ tắt máy. Con tàu chở đầy người rơi tự do xuống trên mục tiêu. Nếu không bình tĩnh tính toán và mở máy con tàu lại đúng lúc. Tay mơ sẽ được đi tàu suốt. Số Đặng rất may, mới vào nghề bị vật cho một qủa, con chuồn chuồn của Đặng bị banh càng trên tuyến đường Trường Sơn. Hôm ấy, Đặng chết hụt và nổi danh. Hôm nay, gã ngửa mặt nhìn lên nóc hầm, vẻ hiền lành như con gái vừa lớn, diễu cợt:

-A, cái thằng này láo nhỉ? Vào giữa lúc tổ quốc lâm nguy. Mày lại dám ngồi trong tàu của tao để xem tao đáp trật đường à?

Danh vênh mặt:

-Sợ máu gì. Có lạnh càng cũng không hơn lúc tao ném bom nhầm ở ngoài...biển!

Vài tiếng cười khô khan héo úa vang lên. Đặng vươn tay đứng dậy, ném điếu thuốc cháy dở xuống đất. Đặng đi ra phía cửa hầm trú ẩn, ngửa mặt nhìn trời đêm. Lát sau, Đặng quay vào đứng giữa phòng. Bàn tay kéo mạnh các giây khóa trước ngực:

-Tới giờ đi hành nghề rồi đây. Thằng nào dám theo tao đi tàu... xuốt?

Không cần suy nghĩ. Danh đứng bật dậy:

-Tao!

- Khá lắm. Thằng bà gìa kia, Đặng chỉ Tiến, mày có đi không?

Tiến lừng khừng trả lời:

- Thôi thì tao cũng liều giao tấm thân vạn thặng của tao cho cái càng gẫy của mày để thử thời vận một phen xem sao.

-Mày không ân hận chứ? Còn hai thằng chó chết dở kia, ngồi yên à?

Hỏi xong, tự Đặng bảo Phi:

-Thôi mày ở lại. Chờ thằng an phi kia dẹp xong đạn pháo, mày làm ơn cho nó bám càng chuồn chuồn của mày mà dọt.

Tiếng Phi ngập ngừng:

-Khoan đã, đừng có vội!

-Khoan với dùi gì nữa. Tao đi đây!

Nói xong, Đặng lao mình ra khỏi căn phòng. Theo sau Đặng là Danh rồi Tiến. Có tiếng Phi đuổi theo sau:

- Cẩn thận nhá!

Ba bóng đen lao vụt trong trời đêm, được soi sáng bằng những ánh lửa của đạn pháo đuổi theo. Vừa chạy, vừa tránh đạn pháo. Nhưng cuối cùng, Đặng đã an toàn leo lên mình cánh chim quen thuộc. Thật may mắn, con tàu còn đầy bình săng. Đặng mở máy. Tiếng ”rô tô” rít đều trong gío làm Đặng phấn khởi. Cùng lúc ấy, Tiến leo lên tàu, đến ngồi trên cái ghế phía tay trái. Theo sau Tiến là hai ba người khác nữa. Đặng quay lại nhìn những người lính này, gã không hiểu những người này đến từ căn hầm nào mà nhanh đến thế. Con tàu đã sẵn sàng rời mặt đất. Đặng vẫn không thấy Danh, gã bực mình chửi đổng:

-Đ.M., cái thằng khu trục này làm gì mà chậm như rùa vậy. Không nhanh chân, chúng pháo vỡ tàu của bố mày ra bây gìơ.

Tiến đặt bàn tay trên vai Đặng, ngậm ngùi:

-Dọt đi. Nó... ở lại... giữa đường rồi!

Đặng nghiến răng, bàn tay ấn mạnh trên cần lái. Con tàu rung chuyển rời mặt đất giữa những tiếng ồn ào thúc dục từ phía sau lưng. Phần Trực, Phi, sau khi ghé đôi mắt nhìn chớp đỏ lên cao an toàn, cả hai lặng lẽ trở vào phòng trú ẩn. Họ lặng lẽ vì những ẩn tình riêng tư. Phi chưa đi vì cả gia đình Phi ở Đà Nẵng. Phi dự tính, sáng mai gã sẽ lấy con tàu về nhà, bốc cả nhà cùng bay vào nam rồi muốn đến đâu thì đến. Riêng Trực, có lẽ cái tên đã làm hại gã. Trực lúc nào không trực, lại trực chính đêm nay! Theo đó, Trực phải ở lại bảo vệ an phi như lời Đặng bông đùa.

Trời vừa tảng sáng, Trực chui ra khỏi căn hầm trú ẩn. Nghe từng đợt tiếng nổ vẫn vang dội quanh phi trường. Phi nắm cánh tay Trực kéo lại:

-Mày đi chịu chết à thằng ngốc?

-Chết cũng phải đi.

-Mày định đi đâu?

Trực không trả lời, nhưng dặn Phi:

-Mày chờ tao một lát. Tao sẽ về ngay rồi mình cùng dọt.

Phi vỗ mạnh tay trên vai Trực:

-Nhớ cẩn thận nghe. Đừng đi lâu quá.

-Được rồi.

Sau khi đạp máy xe, Trực quay lại bảo Phi:

-Qua trưa, tao chưa về, thì đừng chờ nữa.

Nói xong, Trực lao mình trên chiếc xe Honda ra khỏi cổng phi trường. Đến lúc này, Trực mới thực sự bàng hoàng vì sự đổi thay khác thường của Đà Nẵng. Chỉ sau một đêm, Đà Nẵng không còn là Đà Nẵng ngày xưa. Tất cả mọi nơi đều thấy những cảnh hỗn loạn và ngừơi người dành dật nhau chạy trốn. Họ chạy bởi vì từ phía đàng sau, bám sát theo gót chân họ là khói lửa và tiếng thét gào trong bi thương. Bên cạnh sự đổ nát tang hoang vì đạn pháo gây ra, sự thống khổ của người dân mong cầu sự sống còn gặp những cảnh tai ương không kém đạn pháo do những thành phần bất hảo của xã hội như lao công đào binh, du đãng, tù vượt ngục, lợi dụng thời cơ, thay đổi quần áo của các quân binh chủng ra tay gieo họa, và cướp của giết người dọc theo từng con phố. Đà Nẵng đã hoàn toàn mất an ninh. Các công sở trại binh đã bỏ trống.

Trực xả hết tốc lực, chiếc xe Honda đang chạy gấp, nó lao lên trên vũng máu và đám thịt nát vụn. Chiếc xe trượt bánh, hất tung Trực xuống mặt đường. Quên đau, Trực vội bò dậy. Dựng chiếc xe lên, chạy tiếp. Ngay lúc ấy, một toán người không rõ sắc phục xuất hiện ở cuối con đường, nổ một loạt đạn dài về hướng Trực. Hốt hoảng, Trực lao chiếc xe vào trong ngõ hẻm. Chiếc xe nằm quay ngang nổ máy. Chưa kịp hoàn hồn, một qủa pháo nổ ngay trước mặt làm bật tung cánh cửa. Thật nhanh, Trực chạy vào trong gọi lớn:

-Tâm, Tâm ơi!

Căn nhà vắng tanh không bóng người. Một cảm giác rợn lạnh đến với Trực. Trực rùng mình chạy ra phía sau. May mắn, Trực gặp ông bà Sinh, Tâm và mấy người em run rẩy trong căn hầm trú ẩn. Nghe tiếng người quen kêu gọi bên ngoài. Ông bà Sinh rồi Tâm lần lượt ra khỏi hầm. Sau phút bàng hoàng gặp gỡ nhìn nhau. Trực hỏi vội:

-Thưa bác, hai bác có đi không?

Ông Sinh vẻ vừa lo âu vừa chán nản:

-Đi làm sao kịp nữa hả cháu. Đường phố thì đầy những cướp bóc, lại còn đạn pháo không dứt!

-Nhưng tụi nó sắp vào đến nơi rồi bác ạ.

Ông Sinh khoa tay trước mặt làm một cử chỉ buông xuôi:

-Thôi mặc. Tới đâu thì tới. Đi cũng chết, ở nhà có khi cũng chết. Xin chiều theo ý của trời đất vậy.

Trực chưa biết tính ra sao. Nếu ông bà Sinh không chịu đi, dự định của Trực đêm qua, khi không theo Đặng làm chuyền tàu xuốt hoàn toàn mất ý nghĩa. Lý do, Trực muốn đến đón gia đình ông bà Sinh vào phi trường rồi cùng xa Đà Nẵng như đã bàn tính từ trước. Nhưng lúc này ông Sinh lại đổi ý làm Trực khó xủ. Như đoán biết được tâm trạng của Trực, Tâm bước đến trước mặt anh:

-Hay là anh đừng vào Sài Gòn nữa?

Trực lắc đầu:

-Không, anh phải đi. Hay em xin với ba mẹ để anh đưa em đi trước.

Khi không nghe được lời đề nghị của Trực, chả biết nghĩ gì, bà Sinh bảo chồng:

-Hay là mình cho con nó đi với anh ấy?

Sở dĩ bà Sinh nói như thế là vì bà có lý do của bà. Cách đây hơn hai năm. Khi Trực đổi ra Đà Nẵng. Trực đã đến chào ông bà Sinh theo lời dặn của ông Tước, bố của Trực và là người bạn thân lâu năm của ông bà Sinh. Từ lần chào thăm hỏi ấy, Trực thường xuyên lui tới nhà ông bà Sinh. Rồi cả đôi bên, dù chưa có lễ hỏi cưới chính thức cho Tâm và Trực. Nhưng họ đã mặc nhiên chấp nhận tình cảm âý. Kế đến bà cũng nghĩ rằng. Trực làm việc trong phi trường, hy vọng sẽ có phương tiện đưa Tâm vào nam. Chết duối thì vớt lấy nước bọt, bà nghĩ thế. Phần gia đình bà, lúc này nếu có muốn kéo nhau đi cũng chả còn phương cách nào khác, nên đành chịu. Khi nghe vợ hỏi ý kiến, Ông Sinh lặng lẽ một lát rồi hỏi con:

-Ý con muốn thế nào?

Tâm ôm chặt lấy bà Sinh:

-Má, hay cả nhà mình đi luôn đi, ở lại đây làm gì nữa?

Ông Sinh đôi mắt đỏ nhìn lên trần nhà, rồi nhìn ra khung cửa đã bị sập, tiếng ông dứt khoát:

-Ba mẹ sẽ ở lại nhà, nếu con muốn. Ba mẹ cho phép con đi trước.

Bà Sinh như hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông. Bà đi nhanh lại phía bàn thờ. Bà thắp cây nhang đưa cho Tâm:

-Chúng con lạy ông bà, lạy trời đất rồi đi mau lên, kẻo trễ.

Nước mắt tuôn hai hàng. Tâm run run cầm cây nhang trong tay. Nàng chưa kịp qùy lạy trước bàn thờ. Nàng đã oà lên khóc nức nở. Bà Sinh ôm xiết chặt con vào lòng:

- Thôi nín đi con. Mẹ khấn cầu trời đất cho chúng con đi dược bằng an. Nếu còn phúc còn phần, lo gì không có ngày gặp lại gia đình.

Tuy bà Sinh khuyên nhủ con nín đi, đừng khóc nữa. Nhưng chính trên khuôn mặt bà, chẳng lúc nào vơi dấu lệ. Bà không nói nên câu khi cầm tay Tâm đặt trong lòng tay Trực:

-Cháu Trực, hai bác tạm giao Tâm cho cháu. Cháu thưa lại với ba mẹ cháu đôi lời dùm bác.

Tiếng nói của bà tắc nghẹn lại giữa cổ. Ông Sinh vội quay mặt đi. Tâm qùy phục xuống trước mặt ông bà Sinh:

-Thưa ba mẹ...con đi.

Tiếng khóc vỡ oà trong gìơ tiễn biệt. Những bàn tay vội rời nhau. Tâm đi. Nàng được coi như là về nhà chồng trong ngày chạy giặc. Nàng đi không quần áo cưới, không xe kết hoa, không bàn tiệc. Riêng những người ở lại cầu mong cho nàng có được hơi thở tự do, không cộng sản. Không phải nhìn thấy những cái mũ cối những đôi dép râu làm hoen ố đời người.

Ra khỏi nhà, thật may mắn. Chiếc xe của Trực vẫn còn nằm nguyên trong vị trí cũ. Trực đến, dựng chiếc xe lên. Đạp máy, nhắm hướng trở lại phi trường.

Dù đoạn đường không xa lắm. Trực cũng mất khá nhiều thời gian mới vào được đến phi trường. Lúc này cổng phi trường đã không còn lính gác. Lớp sóng người chạy giặc đang ùn ùn kéo nhau vào. Trực dắt Tâm chạy bộ vào khu hầm trú ẩn tìm Phi. Căn phòng trống trơn. Khi chạy lên phòng phi hành. Tấm bảng vẫn ghi rõ gìơ bay cho các chuyến bay. Nhưng không thấy một bóng người. Trực hoang mang nhìn ra bãi đậu, gã chỉ thấy khói lửa nghịt trời. Giữa lúc đầy thất vọng, Trực giật mình vì tiếng gọi lớn từ phía sau lưng. Lúc quay lại, Trực nhìn thấy Phi, người bạn chung hầm đêm trước đang chạy đến:

-Mày làm gì bây gìơ mới tới. Muốn ở lại à?

-Còn cái cánh quạt nào hay không? Mà ông gìa, bà bô mày đâu sao không thấy.

Phi nhún vai tỏ vẻ không hài lòng:

-Rõ chán, đến gìơ phút cuối ổng đổi ý. Khi tao trở lại đây, chúng nó đã dông hết rồi.

-Mình ra ụ chứa tìm trực thăng...dọt luôn chăng?

-Ra đó là tan xác con ạ. Bọn ”đề lô” của chúng đã vào phi trường rồi. Bên an phi vừa tóm cổ được hai thằng khốn. Chúng gỉa dạng sỹ quan của mình đứng gọi máy khơi khơi ngay đầu phi đạo.

-Không liều, đứng đây chờ chết à?

Phi buông xuôi:

-Đành vậy. Vì có ra được, cũng không thể cất cánh.

-Tại sao?

-Rất đơn giản. Không một chiếc nào còn săng và không kiếm ra người đổ săng. Tàu không có săng cũng bằng không.

-Sao mày biết?

-Tao vừa từ ngoài đó trở về.

Trực buồn bã, đưa dôi mắt nhìn quanh. Ý định theo con tàu tháo chạy rời Đà Nẵng bị cắt ngang. Trực đề nghị:

-Ra bến tàu chăng?

Phi hất hàm cao ngạo:

-Hỏi câu ngu đến thế là cùng. Mình dân bay, ở đây có phương tiện còn phải bó tay. Ra ngoài đó, ai cho mày đi nhờ.

Vừa nói xong, đôi mắt Phi sáng lên, anh đập mạnh bàn tay trên vai Trực:

-Tao có cách rồi. Mày nhìn kia.

Theo hướng tay của Phi. Một chiếc máy bay hàng không dân sự kiểu Boeing 727 đang rà rà đáp xuống đường phi đạo. Không chậm trễ ba người kéo nhau lên chiếc xe Ford của quân cảnh không quân đậu gần đó. Trực ngồi vào ghế lái, phóng hết tốc lực chạy ra phi đạo.

Lúc ấy, vào khoảng gần trưa ngày 29-3-1975. Sau khi đáp xuống. Thay vì vào trong phi cảng, nó lại chạy vòng vòng dọc theo các con đường vào ra phi đạo. Đảo hết vòng nọ đến vòng kia, nhưng không dừng lại. Cùng lúc, từng lớp sóng người tìm sống, cuồn cuộn chạy đuổi theo sau lưng nó. Chiếc máy bay chạy không nhanh hơn người chạy bộ, nhưng không một ai lên được. Đã thế, từng mỗi vòng bánh máy bay chuyển động, là có từng đoàn người ngã gục xuống đất. Họ ngã gục, một phàn vì số người đông đảo, đứng dọc theo hai bên đường phi đạo, dành giật, chen lấn nhau để đuổi theo chiếc máy bay. Phần vì đạn pháo mỗi lúc một nhiều và chính xác. Cứ thế, tiếp theo từng tiếng nổ là những tiếng rú gào thảm thiết. Khi ngã xuống, người còn nguyên vẹn, kẻ nát tan. Mặc, kẻ còn sức sống, lại thế chỗ trống ào ào tiến lên. Họ xô lấn nhau, đạp trên xác người. Lội qua vũng máu để đuổi theo chiếc máy bay là hy vọng duy nhất của họ đang rề rề chạy trước mặt.

Cái chết gần kề trong gang tấc, nhưng không ai sợ hãi và nghĩ đến việc bỏ cuộc. Bởi lẽ, nếu họ không nhanh chân bắt kịp chiếc máy bay kia. Họ sẽ bị bỏ lại. Như thế, thảm nạn của cố đô Huế trong tết Mậu Thân năm nào sẽ tức khắc tái diễn trong cuộc đời của họ khi lũ Hồ nhân và đảng vẹm nhe răng, trợn mắt kéo nhau vào thành phố của họ. Do đó, cảnh hỗn loạn dành giật nhau trên xác người, trong vũng máu càng lúc càng ghê rợn hơn.

Lúc đầu, chiếc xe Ford an phi mở còi hụ chạy đuổi theo sau máy bay. Không chạy được bao xa. Trực đổi hướng, anh chạy vòng qua các công sự chiến đấu, rồi theo ngã tắt, Trực lái xe ra ”taxi quay” chận ngang đầu chiếc máy bay. Trong toan tính của Trực, anh muốn dùng chiếc xe làm vật cản đường, bắt chiếc máy bay phải dừng lại.

Khi máy bay đến khá gần. Phi dõng dạc đứng lên trong bộ quần áo và cái nón sắt có chữ QC. Tay Phi cầm súng chĩa thẳng vào chiếc máy bay như có ý ra lệnh cho viên phi công phải dừng lại, nếu không Phi sẽ nổ súng. Kết quả, Viên phi công như coi thường cái lệnh ấm ớ của Phi. Máy bay vẫn tà tà tiến đến, nó đang thách thức với hiệu lệnh và chiếc xe của Trực. Đến lúc nghe tiếng thét của Tâm. Trực hốt hoảng ấn mạnh chân ga. Chiếc xe lao thẳng vào ụ cát bên đường vào đúng lúc chiếc máy bay chạy ngang trước mặt. Cả ba chưa hết bàng hoàng, bỗng thấy chiếc máy bay như ngừng hẳn lại trước mặt. Hơn thế, cánh cửa ra vào của máy bay từ từ mở ra. Không một chậm trễ. Trực nhảy xuống khỏi xe, đỡ Tâm xuống, rồi cùng Phi chạy như lao vào trong lòng chiếc máy bay cứu tinh.

Niềm hy vọng được cứu sống bỗng bùng lên trên những đôi mắt kinh ngạc. Đoàn người chạy giặc như thác lũ đổ ào đến chung quanh máy bay. Họ không còn thì gìơ thẩm định xem. Đâu là cửa vào trong thân máy bay. Đâu là lối đi lên khoảng trống bên cạnh nơi đặt chân dưới thân máy bay hoặc là nơi chứa hàng. Họ chỉ cần biết một điều. Bất cứ cái gì của máy bay, họ có thể bám vào được là họ sẽ bám thật chặt. Chẳng ai dại dột buông tay ra khỏi cái vị trí họ vửa nắm được! Bởi lẽ, nếu họ buông tay ra, người khác sẽ sẵn sàng thay thế và họ sẽ mất hẳn chỗ đứng.

Trực và Phi cũng không ngoại lệ. Khi vừa bám vào được thân máy bay. Phi, Trực rồi Tâm dắt díu nhau lên. Họ là một trong những người đầu tiên lên và chiếm được chỗ dung thân an toàn nhất trên chiếc máy bay đó.

Chỗ ”an toàn” này do chính lời của Trực kể lại như sau:

-”Vì hốt hoảng chúng tôi trèo vội lên chiếc máy bay. Nhưng sau khi leo lên máy bay, đi được vài bước, Phi và tôi biết là lầm. Nơi tôi đang đứng là khoảng trống nhỏ dưới thân máy bay bên cạnh khu vực chứa càng và chân máy bay thay vì trong lòng của nó. Tôi quay đầu bước trở ra để tìm lối lên khác, nhưng không thể trở lại được. Lý do. Phía bên ngoài đã chật cứng người. Nếu tiếp tục lách ra, tôi sẽ không có cơ hội trở lại và sẽ mất luôn vị trí ”an toàn” sẵn có. Tôi và người bạn đành ở lại, gĩư lấy chỗ trong cùng của khoảng trống nhỏ đó, rồi muốn tới đâu thì tới. Tuy thế, chúng tôi không cô đơn, vì có vào khoảng ba mươi người đã chen chúc nhau trong một căn buồng không mấy thú vị chung quanh nơi để chân máy bay này. Như thế, so với những người còn ở dưới đất. Tôi đã...may mắn hơn họ nhiều.”

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, hút chưa xong vài hơi thuốc, chiếc máy bay như đã bị đè bẹp bởi làn sóng người di tản. Bên trong chật như nêm cối, bên ngoài hàng hàng lớp lớp người vẫn nối gót dành giật, kéo đẩy nhau lên. Ngay lúc ấy, một qủa pháo nổ làm rung chuyển mặt đất và thân tàu. Nhiều người có mặt tưởng tiếng nổ ấy đã xé tan tành chiếc máy bay ra hàng trăm nghìn mảnh vụn. May mắn, nó chỉ bị thủng một vài mảnh nhỏ bên thân cánh trái. Viên hoa tiêu vội vàng cho phi cơ chuyển bánh trước khi đóng cửa tàu.

Ai sẽ diễn tả nổi những tiếng gào thét trong kinh hoàng , đớn đau lúc bánh của con tàu bắt đầu lăn trên phi đạo. Bởi lẽ, dưới mỗi vòng quay của bánh xe là một đoạn dài những máu, những thịt của người Việt Nam chạy giặc. Họ là những người đang đứng trên đường hay là người bám vào trụ bánh, chân máy bay? Không ai có thể phân biệt được. Tuy nhiên, dưới sức nặng của con tàu và sự chuyển động mỗi lúc một nhanh dần đều của những vòng bánh đang quay là từng thớ thịt, lớp xương tan ra như cám trên đường. Vòng chuyển động tăng thêm, chiếc máy bay như lướt trên mặt đường từ từ rời phi đạo. Lúc nó rời phi đạo, nó còn mang theo lên không một số người vẫn ngoan cường bám chặt vào các trụ của chân bánh xe, hoặc là khung cửa. Chắc không có ai nỡ trách họ giỏi nghề đánh đu, hoặc là dại dột đem buộc mạng sống của mình vào trong hy vọng mong manh ấy?

Thử hỏi, cánh tay sắt nào có thể khóa chặt được thân người vào với những vị trí như thế? Chiếc máy bay lên cao dần, thân người mỗi lúc một nặng thêm. Những cánh tay mệt mỏi rã rời kia bắt buộc phải từ gĩa chân máy bay, và từ gĩa cụộc sống của chính họ. Họ bắt đầu lơ lửng giữa trời. Rồi chạm thật mạnh vào một vật cứng, người ta gọi là trái đất. Không một tiềng nấc, không một tiếng kêu đau đớn! Từng người, từng người. Nối tiếp nhau lơ lửng giữa không gian không dù. Tiếng kêu cứu không một ai nghe. Tiếng gào khóc không một ai hay biết. Chỉ thấy những cánh tay, cánh chân quờ quạng đảo ngược giữa trời xanh. Họ đang...bay. Bay với giấc mơ tự do không cộng sản. Bay với hơi thở cuối trên phần đất nặng đau thương nhưng lắm vương vấn này.

Máy bay đã lên cao, xa rời mặt đất. Nhưng không hiểu tại sao viên phi công không cho rút chân vào ụ chứa và đóng cái vỏ bọc phía bên ngoài lại. Phi bực mình chửi đổng:

-Đ.M. cái thằng lái tàu này, nó không biết rút chân và đóng cái bẩng phía dưới lại cho bố nó nhờ một tý hay sao? Bộ nó không biết hàng chục mạng sống trong cái lổ hổng nhỏ này sẽ chết vì sự ngu ngốc của nó à?

Phi chửi để mà chửi. Có chủi cũng chẳng ai nghe. Bỏi vì,

-Thứ nhất, nó sợ khi co chân lại sẽ kẹp chết người Việt Nam. Kẹp chết người nó phải tội và Chúa sẽ phạt nó.

-Thứ hai, nó sợ khi co lại sẽ kẹp dính người vào trong các trục chuyển động của bánh. Việc ấy sẽ gây ra trở ngại lớn khi nó muốn mở ra và đáp xuống.

Nhưng thật nhanh, do bản lãnh của những người đã từng bay. Phi bảo Trực cởi nút khóa dây thắt lưng ra, rồi khóa chặt thân người vào những trụ giây điện chằng chịt trong ụ bánh. Sở dĩ, Phi bảo Trực như thế. Vì khi bay lên cao độ, với áp xuất thay đổi, vị trí không an toàn, sẽ không thể nào điều khiển cánh tay của mình được như ý muốn. Kế đến, Phi rùng mình không dám nghĩ đến vịệc cái chân, cái bẩng đỡ phía ngoài nếu nó... nhất định không chịu co lên và đóng lại. Thì, vị trí nơi Phi, Trực đang đứng có khác gì cái hộp không đáy biết bay? Như thế, số mạng của những người đứng quanh đây chỉ có trời mới biết là còn hay mất.

Khi máy bay đã lên cao, chân máy bay vẫn không co lại. Những cơn gío mạnh như ngàn cơn lốc xoáy, theo nhau ào ào tràn ập vào khoảng trống. Khi vào chỉ có gió lộng, nhưng lúc trở ra, nó cuốn theo những thân người lỏng tay, không một bấu víu hoặc không thể cột người vào trong những vị trí khả dĩ vững chắc trong ụ tàu. Càng bay cao, gió càng làm lạnh buốt những thân người bé nhỏ. Rồi dù không muốn, những con người khôn khổ kia đành chấp nhận định mệnh khe khắt, rời tay, xa nơi có sự sống khổ đau. Trong khi đó, Trực, Phi may mắn hơn. Thân họ đã được khóa chặt vào trụ giây điện bằng những giây ba chạc, thăt lưng còn mang trên người, nhưng bốn cánh tay còn lại phải vòng qua, ôm chặt lấy và níu kéo sự sống lại cho Tâm. Chỉ một luc sau, Tiếng phi thét lên:

- Mày cởi nửa áo bên trên ra, cột người Tâm vào trụ giây điện. Nhanh lên, nếu không thì chết cả lũ bây gìơ.

-Được, mày ôm chặt nhá. Tao cởi áo đây.

Phi thét lớn hơn:

-Mau lên!

Tuy bảo Phi là ôm lấy Tâm để cho mình cởi nửa phần áo bay ở bên trên ra, nhưng Trực vẫn không dám rời Tâm. Một tay Trực ôm ngang người nàng. Cánh tay còn lại, cố gắng lắm, Trực chỉ mở được hàng nút áo trước ngực. Cởi một cái áo, công việc tưởng chừng như dễ dàng. Lúc này Trực thấy vạn nan. Lý do, người Trực đã khóa chặt vào trụ giây điện. Nếu mở ống khóa, có lẽ Trực sẽ tức khắc được nhảy dù không có dù về mặt đất. Nhưng không mở khóa, Trực làm sao cởi được áo?

Thoáng mắt, khoảng trống chung quanh ụ chứa chân máy bay. Lúc đầu chen chúc nhau có tới ba chục mạng người. Lúc này nhìn lại còn lác đác năm ba người. Tình cảnh ấy càng làm Trực lúng túng. Rồi khi nhìn xuống trên khuôn mặt sinh đẹp của người nữ sinh công lập Đà Nẵng, Trực không dấu nổi cơn đau. Trên nét mặt tái mét, xám xanh của nàng đã có vệt máu đỏ chảy ra từ hai bên lỗ mũi. Trực biết, Tâm đã hoàn toàn tê liệt. Nếu không có cánh tay của Phi, của Trực, Tâm không còn có mặt ở nơi đây. Trực chợt hối hận vì việc trở lại nhà ông bà Sinh và đưa Tâm ra đi. Trong khi đó, phía bên kia, chừng như sốt ruột vì mỗi lúc người Tâm một nặng, nhưng Trực vẫn chưa cởi xong cái áo. Phi lại chửi thề ầm ĩ, hét lên:

-Tao bảo mày buông tay ra, cởi áo mau lên, chết hết cả đám bây giờ.

Không hiểu nghĩ sao, Trực khẽ lách cánh tay giữa hai cột giây điện. Từ từ gỡ tay Tâm ra khỏi người Trực. Cùng lúc, Trực nhoài người đẩy Tâm xoay mặt về phía trước, bảo nàng:

-Em ôm Phi để anh cởi áo.

Tâm mở lớn đôi mắt nhìn Trực khẽ gật đầu. Sau cái gật đầu ấy, Tâm nới lỏng vòng tay qua người Trực. Nàng từ từ xoay người sang phía bên Phi. Nhưng đúng lúc Tâm nới vòng tay, quay người. Trực thấy hụt hẫng, rồi bàng hoàng nhìn theo. Cơn cuồng phong, đầy phẫn nộ giữa lưng trời đã nhanh tay cuốn người Tâm ra khỏi cánh tay của Trực và Phi.

-Á.....

Trực lao người đuổi theo:

-Tâm...!

Cùng theo tiếng thét kinh hoàng giữa khung trời ấy là toàn thàn Trực treo lơ lửng giữa cái hộp không đáy đang bay. Đôi mắt Trực như muốn rách toác ra theo bóng hình của người yêu dấu giống như một điểm đen, đang mờ nhạt giữa lưng trời. Nàng trở về với trái đất chăng? Không nàng đã về với giấc mơ trốn chạy cộng sản , cũng là giấc mơ hãi hùng khủng khiếp nhất trong đời người!

Một lúc sau, chân máy bay co rút vào trong thân tàu và cái cánh cửa đạy phía bên ngoài cũng được khép nhỏ lại. Con tàu chở người di tản về đến không phận Sài Gòn. Nắp đạy và chân máy bay lại mở ra. Đợt gío mạnh, lạnh cắt da tràn ập vào ụ cánh. Nó đánh thức Trực và Phi dậy. Khi nhìn thấy nhà, nhìn thấy phố. Niềm vui được sống sót căng tràn lên đôi mắt đỏ. Khi chiếc máy bay là là xát trên mặt đất. Phi phấn khởi đứng thẳng người dậy. Anh cởi tung giây khóa ngang người ra khỏi trụ giây điện. Nhẩy bổng sang bên Trực hét lớn:

-Mình sống....ự...

Câu nói chưa dứt, chân máy bay chạm mạnh trên mặt phi đạo. Sức va chạm qúa mạnh, thân máy bay rung chuyển, chồm lên. Nó hất tung Phi lên cao và lộn ngược vào trong góc trống. Phi gập người xuống không nói năng, chỉ còn lại đôi mắt trừng mở. Trực run người, hai tay ôm chặt lấy trụ giây điện.

-Phi...mày có sao không...?

Phi không trả lời. Trực gọi đến rát cổ, Phi vẫn làm ngơ! Phi đã bỏ Trực, Phi đã bỏ đàn chim. Phi đã bỏ chuyến bay cuối. Và Phi đã gĩa từ giấc mơ tự do, hòa bình không cộng sản trong phút cuối cùng của chuyến bay di tản, khi nó đã đưa Phi an toàn về đến miền đất tạm dung. Nằm trên chiếc bắng ca trong xe cứu thương. Trực nấc lên từng chập, nhưng không còn nước mắt, dù là giọt nước mắt thống khổ, dành cho cho Pjhi, cho Tâm… những ngưòi bạn đã bỏ Trực trong đoạn cuối cuộc hành trình đầy thê lương, kinh hoàng này...

Bảo Giang,
 
Hãy chỗi dậy !
Trầm Hương Thơ
09:12 30/04/2014
HÃY CHỖI DẬY !

Ba chín năm, đất nước Việt tơi tả
Bởi bạo quyền nhuộm đỏ cả quê hương
Ba chín năm, hằn lên nỗi chán chường
Bao triệu người tìm đường rời tổ quốc

Mất tự do nhân quyền nên bắt buộc
Mảnh giang sơn sắp lệ thuộc ngoại bang
Từng đoàn lũ quân tàu đang tiến sang
Đảng cộng sản dọn đàng dâng đất nước

Dầy mả tổ đem voi về đón rước
Cày nát tan bao tích trước quang vinh
Mộ tiền nhân vua chúa của dân mình
Nào Nguyễn Hụê hùng binh dẹp quân hán

Gò Đống Đa chúng cướp sạch đem bán
Đục khoét như giun sán ở trong thân
Cướp tất cả phá nát cứ ăn dần
Nay đã thối nên cần che thân rữa

Cứ mị dân để sống qua từng bữa
Còn chần chờ chi nữa hỡi nhân dân?
Hãy đứng lên! dẹp tan lũ vô thần
Đảng cộng nô đang bán dần Tổ Quốc.

"Hèn với giặc ác với dân" nhơ nhuốc
Hãy đứng lên! dẹp hết lũ vô luân
Hãy đứng lên! kẻo nước đang mất dần
Hãy đứng lên! toàn dân đừng sợ hãi!

Hãy đứng lên! dẹp đi đảng ăn hại!
Hãy đứng lên! lấy lại dẹp chữ "Tự Do"
Chữ "Nhân Quyền" Thượng Đế đã ban cho
Hoa "Dân Chủ" thơm tho đang chào đón.

Đất nước ta, ta có quyền lựa chọn
Sao cứ để một bọn hút máu người
Nước Việt Nam sẽ trổ vạn hoa tươi
Và sự thật tuyệt vời! đang đi đến

Hãy cùng nhau mỗi người một ngọn nến
Đốt sáng lên lòng mến rực Quê Hương
Hãy vùng dậy cùng nhau bước xuống đường
Hoa "Tự Do" tỏ tường đang đua nở.

Trầm Hương Thơ 30.04.2014
 
Hòa hợp hòa giải dấn tộc !!
Hà Minh Thảo
15:51 30/04/2014
HÒA HỢP HÒA GIẢI DÂN TỘC

Thỉnh thoảng, khi ngày ‘30 Tháng tư’ trở về trên Quê Hương, nhà nước và đảng cộng sản lại kêu gọi Hòa hợp Hòa giải. Do sự gian tham từ các đối tác tham gia tiến trình này, đồng bào trong nước ngày thêm khốn khổ, xã hội tăng sự băng hoại và các Giáo Hội càng chia rẽ. Ngày ‘30 Tháng tư 1975’ chỉ là sự tiếp nối Hiệp định Genève 20.07.1954 vì, với Hiệp định này, đảng cộng sản Việt Nam đặt thống trị độc tài trên Miền Bắc và, ngày Quốc Hận, người dân Miền Nam cùng chịu chung số phận. Ngày nay, vì không có sự Đối thoại và Chung sức trong nước, Đất Nước đang mất dần vào tay Tàu cộng và Hoa kỳ được mời để phân xử Nhân Dân và nhà nước. Nên nhớ, nhà nước nhận Quyền từ tay Nhân Dân, qua bầu cử tự do và bình đẳng, để điều hành Quốc Sự mà Quốc Sự bao gồm cả công cuộc Hòa hợp Hòa giải Dân tộc. Ba mươi chín năm đã trôi qua vẫn thất bại. Tại sao ?

I.- NGÀY 30.04.1975 và NHỮNG NGÀY THÁNG KẾ TIẾP.

Lúc 10 giờ 25 ngày 30.04.1975, qua làn sóng đài phát thanh Sài gòn, Tổng thống Dương Văn Minh đọc lệnh buông súng cho toàn quân Việt Nam Cộng hòa. Khoảng 12 giờ 30, các bộ đội vào dinh Độc lập để gặp Tổng thống và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu để chuẩn bị việc từ chức lúc 13 giờ 15 tại đài phát thanh Sài gòn và do Trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy Lữ đoàn 203 Thiết giáp nhận. Hiện diện ngoài đường phố Sài gòn nhiều nguy hiễm lúc đó chỉ còn :

1. Bộ đội Bắc Việt.

- Các sĩ quan, không còn mang quân hàm, còn e ngại sau khi vào Thủ đô quá dễ, sợ bị mắc bẫy ;
- những chiến binh thì ngơ ngác trước vẻ đẹp của Sài gòn, hòn ngọc Viễn Đông, với những nhà phố cao tầng giàu có. Những lính trẻ bị tuyên truyền về sự nghèo đói mà người dân miền Nam phải đến xin ăn ở Tòa Đại sứ Mỹ… Tôi rất vui khi gặp một bộ đội đóng quân ngoại ô Sài gòn dè dặt xin sách Đức Mẹ Hằng Cứu giúp. Tôi tặng cho em sách này kèm theo một cái mùng, nhưng đã bị cấp chỉ huy tịch thu…

2. Cách mạng 30 hay Sư đoàn 304.

- Thành phần tạp lục. Đa số là những kẻ được chỉ huy bởi những đặc công nằm vùng để đi ‘hôi của’ các cơ sở Mỹ và nhà người Việt đã bỏ đi và đe dọa, khủng bố hay cướp của đồng bào.

- Thành phần trí thức. Ngoài những dảng viên cộng sản nằm vùng, đa số trong họ hăng hái lập công với các đoàn quân ‘chiến thắng’, các ‘chính ủy’ rất có giá. Tự xưng ‘trí thức cách mạng’, họ gồm những học sinh, sinh viên và những linh mục ‘hổn láo’ nhằm vào hai Đức Cha Henri Lemaître, Khâm sứ Tòa Thánh) và P.X. Nguyễn Văn Thuận, Tổng Giám mục phó. Các ‘cha’ kéo theo một đám con hăng hái hành động chống Bề Trên… Góp phần kéo dài ‘đau khổ’ cho đồng bào cùng thời và con, cháu như hiện nay, các nghị sỉ, dân biểu thân công, những ‘vị’ đứng vào cái gọi là ‘Mặt trận Tổ quốc’ ‘không kể những người bị bắt buộc vì ‘không tự do’ tức có hà tì ưng thuận). Lẽ ra, cái tổ chức này phải góp phần hoàn thành ‘Hòa hợp Hòa giải Dân tộc’, nhưng do nhận lương tháng to tác, cái CÔNG ÍCH này không được thực hiện… Quý vị đều có dịp nghe ông Nguyễn Văn Thiệu nói ‘Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những việc cộng sản làm’. Người ta nói ông Thiệu nói 10 câu chỉ đúng có một. Quý vị nghĩ sao ?

II. CHÍNH SÁCH KHOAN HỒNG CHẾT NGƯỜI.

Số người Việt bỏ nước ra đi trong những ngày kế tiếp biến cố ‘30 Tháng tư’ không đông lắm, nhưng hỗn loạn vì thiếu phương tiện. Tuyệt đại đa số người Miền Nam là những người YÊU NƯỚC muốn sống trên Quê hương và xây dựng Non Sông gấm vóc. Trước khi bị đảo chính, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã tâm sự với một người bạn đem những trái nhản đầu mùa để cùng Người thưởng thức : « Có những người muốn Mỹ đem quân vào Việt Nam để, sau này, khi Mỹ rút, họ đi theo ». Thật vậy, khi bỏ nước đi lưu vong, cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, nhân viên CIA, chủ mưu chính biến 01.11.1963, được Trung ương Tình báo Mỹ đưa thẳng sang Hoa kỳ trong khi cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ đến Đài loan.

Thời Việt Nam Cộng hòa, khi người Mỹ hay ngoại quốc nào, dân sự hay quân nhân, sống tại Việt Nam làm sai vẫn bị người Việt biểu tình phản đối có cảnh sát bảo đảm trật tự, và bị xét xử bởi pháp luật Việt Nam không như ngày nay : người dân Việt bị công an đánh đập tàn nhẫn khi biểu tình ‘Hoàng sa, Trường sa, Việt Nam’ và phản đối Trung cộng bắn giết ngư dân Việt Nam trong lãnh hải Quê hương và, ngày 18.04.2014, 16 người Trung quốc đã vượt biên trái phép vào tỉnh Quảng Ninh và bị Việt Nam bắt giữ. Vài người trong họ cướp súng lực lượng biên phòng Việt Nam và bắn vào các chiến sĩ này hai người chết và 4 bị thương. Kẻ vượt biên vào lãnh thổ và tàn sát người thi hành công vụ không phải trả lời về hành vi phạm pháp và là quyền và bổn phận của một nhà nước có chủ quyền…

Thể chế Tự do và Dân chủ Việt Nam Cộng hòa hiến tặng đồng bào một đời sống tương đối ấm no, cách biệt giàu nghèo không lớn, giáo dục nhân bản và phi chính trị và đã có những cuộc bầu cử tự do, bình đẳng bất chấp tình trạng chiến tranh và cộng phỉ phá hoại. Nhờ thế, trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 03.09.1967, liên danh Trương Đình Dzu – Trần Văn Chiêu (tư sản cộng) về nhì với 17% số phiếu hợp lệ, được Phật giáo Aán quang ủng hộ, sau liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ với 34,8% số phiếu hợp lệ. Nếu đã là ‘đảng cử, dân bầu’ thì chắc gì ông Hồ Ngọc Nhuận đã là Dân biểu Hạ nghị viện để có những tuyên bố và hành động làm lợi cho cộng sản. Nhờ đó, ông mới được tha học tập cải tạo tập trung và là ủy viên Uũy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc, cơ quan có nhiệm ngăn chận những người yêu nước và có khả năng lập pháp ứng cử đại biểu Quốc hội mà ông phải chê là ‘đảng hội’.

Chánh phủ tự coi là Cách mạng hứa hẹn một chính sách khoan hồng, nhưng, cuối cùng, chỉ là những sự lường gạt và cướp bóc :

1. Học tập cải tạo.

Từ tháng 05.1975, các hạ sĩ quan Quân đội Việt Nam Cộng hòa hay nhân viên hành chánh từ chủ sự trở xuống phải trình diện học tập chính trị 3 ngày tại phường. Các cấp thấp hơn như binh sĩ, cán bộ phường khóm được miễn. Các sĩ quan cấp Uùy phải trình diện từ ngày 13 đến 16.06.1975 và dự trù vật dụng cá nhân, đồ ăn hoặc tiền bạc để dùng trong 10 ngày. Các cấp chỉ huy từ giám đốc trở lên, sĩ quan từ cấp tá, các dân biểu nghị sĩ, các lãnh tụ đảng phái mang theo vật dụng cá nhân, đồ ăn hay số tiền 13.000 đồng cho việc ăn uống trong 30 ngày.

Hàng trăm ngàn người nô nức đi trình diện học tập vì nghĩ rằng việc này cần phải làm cho xong để hy vọng sớm trở về làm ăn, nuôi gia đình. Nhưng thời gian vẫn trôi qua : 10 ngày rồi trọn cả tháng, người thân đi ‘học tập’ vẫn chưa về. Lòng tin nơi ‘kẻ chiến thắng’ cạn dần… người cộng sản Việt hứa… lèo. Sau đó, qua cái pháp lệnh, họ nói cải tạo viên phải học tập 3 năm rồi đổi ra vô hạn định một cách âm thầm.

Theo bản tường tình ‘Aurora Foundation’ năm 1983 do bà Ginetta Sagan và ông Stephen Denney thực hiện thì có hơn một triệu người đã đi cải tạo mà rất ít được về sau thời hạn mười ngày hay một tháng. Trên toàn quốc lúc bấy giờ có trên 150 trại cải tạo. Có khoảng 500 000 người được trả tự do trong vòng ba tháng; 200 000 ở trại từ hai đến bốn năm; 240 000 ít nhất năm năm; nhiều chục ngàn người trên mười năm.

2. Tịch thu ‘văn hóa đồi trụy’.

Ngày 27.05.1975, Đài phát thanh thành phố ra lệnh phải thu nộp tất cả các sách vở, báo chí, phim ảnh, tài liệu in ấn trước ngày Quốc hận được xếp vào loại ‘văn hóa đồi trụy’? Lệnh này gieo rắc sự Sợ hãi trong toàn thể đồng bào vì nhà nào lại không có sách vở, mọi gia đình dân Sài gòn đều có người viết lách, trẻ đi học chữ nghĩa. Chế độ tạo cho người dân ‘mặc cảm tội lỗi’, làm gì cũng sợ. Nói điều gì, cũng phải dòm trước, ngó sau, uốn lưỡi bảy lần mới phát biểu. Tâm trạng đó biến nhân cách con người thành thiếu trung thực, nghĩ một đằng làm một nẻo. Sống như thế kể là đáng buồn. Khi xưa, còn trẻ sợ ma, sợ người chết, nay bắt đầu sợ người sống, nhất là sợ chế độ cộng sản. Chế độ quản lý con người bằng cách đẩy người dân đến tâm trạng sợ hãi bằng cảnh cáo, hù dọa, học tập, lý lịch, bản tự kiểm bởi là các côn(g) an khu vực với những hình thức chế tài, kiểm soát, chế độ xin cho.

Tất cả các tác phẩm mọi loại đều phải đem nộp cho phường khóm do các phần tử ‘cách mạng 30’ điều hành. Các sách có giá nhiều người đọc, nhất là tiểu thuyết, các băng và dĩa nhạc vàng được chúng lấy đem về nhà cất và, sau này, bán rất có giá. Phần đông trong dân, sách được xé rời ra và để tại nhiều nơi. Việc đốt sách được thực hiện qua chiến dịch Bài trừ Văn hóa Đồi trụy-Phản động, đã nêu rõ 2 mục đích: về chính trị, bài trừ các luồng tư tưởng phản động chống đối chế độ và về văn hóa, xóa bỏ hình thức được coi là ‘đồi trụy theo hình thức tư bản’. Chính quyền mới khẩn cấp niêm phong, tịch thu sách tại các thư viện. Những nhà in, nhà xuất bản và nhà sách lớn tại Sài gòn đều bị niêm phong và đóng cửa.
Tại nhiều địa phương, công việc càn quét này giao cho các ‘cháu ngoan bác Hồ’, tuổi chỉ từ 10 đến 15. Đảng lợi dụng tuổi thơ. Tuổi các em là để vui đùa, ca hát, để nhởn nhơ, để chỉ biết thương, chứ không biết ghét hay oán hận. Thế giới các em là thế giới trẻ, không biết việc người lớn lừa dối.
3. Đổi tiền : một hình thức cướp của.

Ngày 06.06.1975, Ngân hàng Quốc gia Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập để thừa kế vai trò hội viên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cũ của Việt Nam Cộng hòa này trong các tổ chức tài chính quốc tế như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Phát triển Á châu ADB, Ngân hàng Thế giới WB. Do đó, tiền Việt Nam Cộng hòa cần được đổi.

Lúc 10 giờ đêm 21.09.1975, nhà cầm quyền ra lệnh kéo dài lệnh giới nghiêm đến 11 giờ sáng, thay vì 5 giờ như thường lệ, ngày 22.09.1975 và đợi thông báo quan trọng. Đến 4 giờ, đài phát thanh loan tin đổi tiền và những quy định thực thi công tác này :
- Thời gian : từ 11 đến 23 giờ ngày 22.09.1975, tức chỉ 12 tiếng đồng hồ. Thực tế đã kéo đến nhiều ngày. Bộ chính trị đảng ước lượng quá thấp số lượng tiền mặt trong túi người dân Miền Nam. Tại Ngân hàng Thành phố HCM (Trụ sở Việt Nam Thương tín cũ), từng đợt xe cam nhông chở đầy tiền giấy đến khai báo và nạp kho. Do biết số tiền không được đổi hết, nhiều người đã đốt bớt ;
- Hối giá : 500 đồng VNCH = 1 đồng mới CHMNVN. Mỗi gia đình được đổi tối đa 100.000 đồng VNCH ra thành 200 đồng CHMNVN. Tiểu thương có thể đổi thêm 100.000 đồng nữa. Những xưởng lớn thì giới hạn là 500.000 đồng.
Số tiền dư còn lại phải ký thác vào ngân hàng. Trương mục sau đó bị khóa đến đầu năm 1976 mới cho phép rút 30 đồng CHMNVN mỗi tháng. Cuối cùng, đến tháng 12.1976 thì trương mục bị đóng và số tiền không được rút nữa.

4. Lùa dân đi Vùng kinh tế mới.

Ngoài nguyên nhân kinh tế, việc di dân này còn có lý do chính trị là để giảm số người thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa tập trung ở những đô thị, nhất là vùng Sài gòn, hầu dễ kiểm soát phần tử chống đối và để chiếm nhà của họ. Dĩ nhiên, để lường gạt người dân ra đi, nhà cầm quyền hứa hẹn trợ giúp xây nhà cửa, đất đai và hạt giống để trồng trọt… Nhưng khi người dân đến nơi, chờ đợi… không có gì cả. Lý do, chánh quyền đuổi dân hứa, chớ đâu phải chánh quyền nơi họ đến hứa. Người bị gạt trở về thành phố, nhà cửa bị mất đành phải ở hè đường… bệnh tật và chết.
Trong những năm 1975-1980, Thành phố HCM đã đưa đi Vùng kinh tế mới khoảng 832.000 người. Phương pháp cưỡng bức người dân phải đi gồm thu hồi hộ khẩu, rút thẻ mua gạo và các nhu yếu phẩm, và cấm trẻ em nhập trường học. Theo lệnh ngày 19.05.1976 thì chính phủ đề ra năm hạng dân thành thị phải chuyển ra vùng kinh tế mới: 1. Dân thất nghiệp ; 2. Dân cư ngụ bất hợp pháp ; 3. Dân cư ngụ trong những khu vực dành riêng cho công chức và quân nhân ; 4. Tiểu thương gia, tiểu địa chủ, đại thương gia ; 5. Người gốc Hoa, dân theo đạo Công Giáo.

5. Phản kháng vì chán nản và tuyệt vọng.

Trước ngày 30.04.1975, tại các nơi làm việc văn phòng, những nữ nhân viên đâu có phải khiêng bàn tủ, nhất là tại ngân hàng. Các bà, các cô không bị đi hội họp. Nhưng, sau đó ngày đó, nhân danh ‘nam, nữ bình quyền’, sự miễn trừ không còn nữa. Thêm vào đó, những sự gian dối và cướp của của chế độ, người dân còn phải đi họp tổ. Vì không muốn nghe phát biểu tuyên truyền và để bày tỏ sự chán nản, bất mãn mà không bị làm phiền hà, người dân có lối phản ứng: cán bộ cộng nô chưa nói hết câu thì bà con vỗ tay… cám ơn. Dần dần, người dân đâm chai lì, không sợ nữa, họ phát biểu lung tung nơi công cộng, không còn thể thống gì. Những lời châm chọc, nói bóng gió chê bai cán bộ, chính quyền ngày càng công khai, càng bạo dạn đến không còn kiêng nể gì nửa. Cán bộ, đảng viên có nghe thấy cũng giả đui, điếc lảng đi chỗ khác. Nhiều chị đến họp mang theo con hay em. Khi muốn về, nhéo nhẹ nó một cái cho khóc, rồi đứng dậy, ra đi.

Ngoài ra, người dân còn diễu cợt chính quyền bằng những câu thơ hay câu chuyện hài hước nhằm nói cho hả dạ… Do đó, nảy sinh một thứ văn chương truyền khẩu mô tả sự thật của một chế độ phi nhân bằng đủ hình thức. Tuy thế, chế độ vẫn tồn tại cho đến hôm nay và sẽ còn phi nhân tiếp trong tương lai. Cộng sản Việt Nam còn vô cảm với người dân vì họ còn được sự tiếp tay hay lờ đi của những trí thức, kể cả cha thầy hay sư sãi, vô cảm với đồng bào và đồng đạo.

II. BA MƯƠI CHÍN NĂM THẤT BẠI HAY THÀNH CÔNG ?.

Ngày 30.04.1975, người cộng sản, tự cho là ‘kẻ chiến thắng’, có công thống nhất Đất Nước, một Quê hương mà chính họ cùng thực dân Pháp phân đôi ngày 20.07.1954 và đến hôm nay, ngày 30.04.2014, đã bị nhượng bộ nhiều phần đất cho Trung cộng. Dân (hay quân ngụy trang) của họ kiểm soát nhiều phần lãnh thổ chúng ta. Phe thắng trận đã xóa bỏ ranh giới lãnh thổ Việt Nam tại cầu Hiền Lương (Hiền hậu và Lương thiện : hai tính tốt của người Việt), nhưng lại gây nên một cuộc chiến khác với cuộc chia đôi Dân Tộc và đã không thể hòa giải được tại Miền Bắc từ 1954, rồi trọn cả nước từ 1975.

1. Thực trạng phân hóa Dân Tộc.

Một sáng Chúa Nhật tháng 05.1975, khi đi ngang Tòa Tổng Giám mục Sài gòn, thấy có đông người trong khuôn viên, tôi vào xem thì được biết họ đang yêu cầu Đức Cha P.X. Nguyễn Văn Thuận rời Sài gòn. Một sinh viên Công Giáo nói sự hiện diện của Đức Cha tại đây làm cản trở ‘Hòa hợp, Hòa giải Dân tộc’ và thực thi Hiệp định Paris. Tôi nói nhỏ rằng việc cử Đức Cha là một quyết định của Giáo Hội vì Việt Nam và Hiệp định Paris còn đâu mà thực thi. Đến Tết 1976, được tin anh ta đã vượt biên vì thân phụ anh đi học tập và gia đình bị mời đi kinh tế mới.

Xin phép được trình bày một nhận định về vấn đề có thể khác hơn những ý kiến đã được đưa ra. Đặt vấn đề ‘Hòa hợp, Hòa giải’ tức chúng ta chấp nhận có một tranh chấp lớn hay nhỏ cần phải tìm sự đồng thuận được xem như một tình trạng Hòa bình. Hoà bình chỉ có thể bền vững khi xây dựng trên bốn nền tảng : Chân lý, Công bình, Bác ái và Tự do. Đó là đề nghị của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII trong Thông điệp ‘Hòa Bình trên Trái Đất’ (Pacem in Terris) ban hành ngày 01.04.1963.

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo

 
Tôi giải phóng tôi
Trương Phú Thứ
15:57 30/04/2014
TÔI GIẢI PHÓNG TÔI

Tin nhắn từ một người quen về vợ chồng chú em họ ở ngoài Bắc sẽ đến thăm làm ông bà Thịnh vừa mừng vừa lo. Mừng vì gặp lại người thân sau hơn hai chục năm trời xa cách. Nghe nói chú em là là cán bộ trong ngành công an. Chỗ người nhà, có gì cần nhờ cậy cũng yên lòng. Lo vì chẳng biết lòng dạ của người đã thấm nhuần chủ nghĩa cộng sản như thế nào. Người em họ mà lúc còn chạy nhẩy lúc nào cũng quanh quẩn bên ông chẳng biết có còn chút tình nghĩa gia đình hay lại khô cằn hơn một hòn đá vô sản.

Ông bà Thịnh cùng là giáo chức của một trường trung học rất nổi tiếng ở Sài Gòn. Ba người con được ông bà thu xếp đi ra khỏi nước trên một tầu buôn sang Hồng Kông mấy ngày trước khi những chiếc mũ cối của bộ đội cộng sản nhởn nhơ trên đường phố Sài Gòn. Ông Thịnh lý luận với vợ dù cho cộng sản có khát máu đến đâu thì chắc cũng chẳng đụng chạm gì đến những người chỉ biết dậy dỗ bọn trẻ nên người. Ông lẩm bẩm “có chính chị chính em gì đâu”. Bà Thịnh, trái lại, sợ đến tắt thở. Qua báo chí, bà đọc tin tức bọn Khmer Đỏ giết đến gần một nửa dân số Miên mà đa số những người này chỉ phạm một cái tội là biết đọc biết viết. Đã đến nửa tháng sau ngày Sài Gòn rơi vào tay những người cộng sản miền Bắc mà chẳng thấy máu lửa gì nên ông bà Thịnh cũng bớt lo. Mấy “thằng 30 tháng 4” chạy lăng xăng như gà mắc đẻ trước cửa nhà nhưng đứa nào cũng còn chút lễ giáo của người Sài Gòn nên vai trò nghiêm nghị của nhà giáo vẫn còn được kiêng nể. Vài lần chúng cũng gõ cửa hoạnh hoẹ về mấy người con. Bà Thịnh cười xuề xoà nhỏ nhẹ:

“Chúng nó dại dột đi theo bọn Mỹ, bây giờ chẳng biết sống chết ra sao.”

Bà nói với giọng buồn rầu nhưng vẫn không giấu diếm được niềm vui trong lòng vì được tin chắc chắn chuyến tầu đã đưa các con đến bến bờ bình yên. Ông bà Thịnh quyết định không ra đi vì phải “tử thủ”, nếu chuyến đi của các con không thành mà trở về thì cũng có nơi ăn chốn ở. Ông Thịnh mang những bài học binh pháp của cụ cố Tôn Từ bên Tầu giải thích cho quyết định ở lại. Phàm bất cứ việc gì có thế công thì cũng phải có đường thủ. Dắt díu nhau đi hết mà phải quay trở về thì chẳng thà ra ngoài biển “làm mồi câu cá mập” còn hơn. Bà Thịnh nghe có vẻ hợp lý nên cũng chẳng thiết tha gì với chuyện ra đi. Hơn nữa họ hàng bà con, mồ mả tổ tiên tất cả còn ở miền đất Mỹ Tho trái ngọt cây lành. Rứt ruột bỏ đi sao đặng. Hình ảnh của những cuộc đấu tố ở miền Bắc làm cho nhiều người phải rùng mình khiếp sợ. Cộng sản là máu và nước mắt, là chết chóc và thù hận. Đằng sau của những vụ cướp chính quyền bằng bạo lực của các đảng cộng sản trên thế giới luôn luôn là những cuộc tàn sát tập thể, những trại tù khổ sai và cùng cực của đói khát bệnh tật. Bà Thịnh biết vậy nhưng cũng không thể nào đành lòng ra đi.

Hai tuần lễ sau khi những đôi dép râu dẫm nát đường phố Sài Gòn, người dân của miền đất mưa nắng hai mùa vẫn chưa thấy được cái đòn thù của những người cộng sản phương bắc. Hôm nay ông bà Thịnh ăn mặc tươm tất, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ đón vợ chồng chú em họ mà nghe đâu chú ấy cũng có vai vế trong ngành công an xã. Ông bà Thịnh cũng không biết rõ người em họ làm to đến cỡ nào nhưng có tí hơi hướm vẫn hơn. Bây giờ quyền hành trong tay những người có súng đạn. Luật pháp là một sản phẩm nhiều khi có tiếng khóc nhưng cũng có lúc không nhịn được những trận cười đến đứt ruột. Bà Thịnh sửa sọan những món đặc biệt miền Nam chỉ mong vừa lòng người em họ mà bà chưa một lần gặp mặt. Bà là dân Mỹ Tho và lớn lên ở Sài Gòn. Hầu hết dân thành phố chỉ nghe và hiểu lờ mờ về chủ nghĩa và những người cộng sản. Người miền Nam tính tình xuề xoà, chuyện gì xong rồi bỏ qua, ăn nhậu hôm nay không nghĩ đến ngày mai. Bây giờ phải đối mặt với những người cộng sản cũng trở nên loạng quạng.

Bà Thịnh đang nêm lại nồi nước lèo. Món hủ tíu Mỹ Tho là món “ruột” của bà. Nhiều người ăn xong chùi mép chưa sạch nhưng đã hẹn ngày tái ngộ. Nghe tiếng gọi ngoài cửa đặc giọng miền Bắc, bà Thịnh chắc là khách đã đến. Bà bật cười nghĩ đến ngày cưới, họ hàng bên ông Thịnh nói đặc một giọng “bắc chay”. Nhiều chữ chẳng hiểu gì nhưng vẫn cứ phải vâng dạ cho qua chuyện.

Ông Thịnh mở cửa nhìn người đàn ông mặc bộ quần áo lính đã ngả mầu đang dướn người nhìn lên tầng ba nhà ông. Người phụ nữ đứng bên cạnh dáng dấp quê mùa tay xách cái bị cói có vẻ nặng nề. Ông Thịnh nói to, giọng mừng rỡ:

“Hướng con chú An đây phải không?”

Người đàn ông không trả lời, chạy đến nắm tay ông khóc mếu máo:

“Anh ơi, đến bây giờ anh em mình mới được gặp nhau.”

Ông Thịnh cầm áo kéo người em con ông chú vào nhà. Người đàn bà đi sau có vẻ lấm lét. Ông Thịnh nói to như để báo tin cho bà vợ dưới bếp:

“Anh Hướng đây là con chú An. Mới ngày nào anh em quấn quýt bên nhau. Thế mà đã hơn hai mươi năm rồi.”

Vợ chồng Hướng nhìn bộ ghế bọc nhung đỏ thẫm, những đồ đạc trưng bầy trong phòng khách toàn là những hình ảnh xa lạ. Đã vài lần ông Thịnh mời khách ngồi, xem chừng như vợ chồng Hướng lại không dám nhưng rồi cũng rụt rè ngồi mấp mé trên làn vải nhung mịn màng. Bà Thịnh từ dưới nhà bếp đi lên, tay bưng khay nước, cười tươi:

“Anh chị Hướng dzô hồi nào dzậy?”

Không nghe ai trả lời. Vợ chồng Hướng chắc không hiểu câu hỏi của bà chị người miền Nam. Ông Thịnh nói:

“Nhà tôi hỏi chú thím vào đây bao giờ đấy.”

Vợ Hướng vội vã:

“Thưa chị, chúng em vào đây cũng được ba ngày rồi ạ. Lần mò hỏi thăm đủ chỗ mới tìm được nhà anh chị.”

Vợ Hướng nhìn bà Thịnh với nét sang cả của một giáo chức trung học như là ở một thế giới khác. Bộ quần áo lụa mầu nâu đậm may thật khéo ôm gọn thân hình vừa bước qua tuổi trung niên cũng là một hình ảnh xa vời mà người phụ nữ cán bộ nông nghiệp chưa bao giờ mơ với tay tới.

Bà Thịnh nói như lấy lòng:

“Mừng quá, anh em xa cách đã hai mươi năm mà còn được gặp nhau như thế này thì còn biết nói gì hơn.”

Hướng đứng bật dậy, hai tay đan chéo vào nhau thưa gửi thật cung kính:

“Báo cáo anh chị, chúng em chỉ mơ có ngày được vào Nam. Vào đây được gặp anh chị với cơ ngơi hoành tráng sang trọng như thế này thì chúng em mừng quá. Thật phúc đức các cụ nhà mình để lại.”

Bà Thịnh rót chai Coca Cola vào hai cái ly sáng bóng mời khách:

“Mời chú thím uống nước.”

Vợ chồng Hướng cũng đã nhìn thấy chai Coca Cola trên phố xá Sài Gòn nhưng vẫn chưa biết mùi vị chua ngọt ra sao. Vợ Hướng uống một hớp to, ra chiều thích thú:

“Gớm, của Mỹ có khác, mát mà lại thơm quá. Ở đây cái gì cũng đẹp cũng thơm cả”

Bà Thịnh bật cười nhìn người phụ nữ như đang lạc lõng ở một thế giới khác. Ông Thịnh kéo Hướng sang ngồi bên cạnh hỏi han bà con ruột thịt và những người trong làng. Hướng kê khai rành mạch người sống người chết, từng chi tộc, mỗi gia đình. Ông Thịnh chăm chú nghe, thỉnh thoảng hỏi về những người mà ông còn nhớ được. Nghe Hướng trả lời, nước mắt ông dàn dụa. Ông xót xa nói như đứt hơi “khốn nạn quá”, “tội nghiệp quá”. Giọng Hướng rầm rì như sợ tai vách mạch rừng, những người chết vì già yếu bệnh tật thì không nói làm gì nhưng cũng đã có người chết vì đói.

Vợ Hướng chỉ trỏ những đồ đạc bầy biện trong phòng khách, hỏi nhiều câu làm bà Thịnh phải lựa lời mà nói cho hợp tình hợp cảnh, đôi khi cũng không nhịn được cười. Ánh mắt vợ Hướng như lạc lõng trước những vật dụng thường ngày của người dân miền Nam. Cái đồng hồ chạy pin có con chim bay đi lượn lại “nhìn thích quá”. Cái dàn máy âm thanh “cực hiện đại, cả tỉnh nhà mình chắc đã có ai nhìn thấy”. Vợ Hướng xúm xít với nhiều câu hỏi. Bà Thịnh mở máy, một bản “nhạc vàng” ca tụng vẻ đẹp của các cô gái đất Thần Kinh và cảnh mộng mơ của xứ Huế, “Một chiều lang thang bên dòng Hương giang, tôi gặp một tà áo tím…”. Người phụ nữ cán bộ nông nghiệp cả đời chỉ đối mặt với “phân xanh phân bắc” thực sự rung động đã không kìm hãm được tư tưởng:

“Bài hát của Ngụy hay thế cơ mà. Bài hát của ta bên ấy thì chỉ toàn là hò với hét.”

Nói xong, vợ Hướng biết lỡ lời nhìn bà Thịnh thẹn thùng. Hướng như ngồi phải lửa, vội chữa cháy cho vợ:

“Thưa chị, ngày còn chiến tranh chúng em vẫn lén lút nghe nhạc vàng đấy. Bài nào cũng tình tứ lãng mạn quá.”

Ông Thịnh nhìn vẻ mặt thèm thuồng của vợ Hướng, nói như vừa đủ nghe:

“Có một cái máy nhỏ bằng hai bàn tay để trên nhà của các cháu. Để rồi tôi sẽ biếu chú thím.”

Vợ Hướng có vẻ kinh ngạc chỉ lên trần nhà:

“Thế mấy cái tầng trên này cũng là nhà của hai bác cả đấy ạ.”

Bà Thịnh mau mắn nói:

“Nhà này có ba tầng. Chúng tôi xây cũng hơn chục năm nay rồi.”

Vợ Hướng như không tin ở tai mình nhưng cũng biết nói khéo:

“Cơ ngơi của hai bác còn to hơn cả cái dinh ngoài đấy.”

Nói xong, vợ Hướng kính cẩn hai tay bưng một gói to bằng cái bánh chưng ngày Tết được buộc lạt kỹ lưỡng ngoài cái vỏ lá chuối khô, nói rất nhỏ nhẹ:

“Chúng em có cân gạo nếp biếu hai bác. Quà bánh nhà quê. Xin hai bác nhận cho.”

Bà Thịnh nhìn cân gạo nếp trên bàn mà thương cảm cho cảnh nghèo của vợ chồng Hướng. Chồng là công an xã, vợ là cán bộ nông nghiệp mà nghèo túng như vậy thì dân quê còn khổ sở đến thế nào. Bà quay sang nói với chồng rằng cơm nước đãi đằng khách đã sẵn sàng. Ông Thịnh nói trong nước mắt:



“Mời chú thím qua phòng ăn. Cũng đến bữa rồi.”

Bà Thịnh cầm tay vợ Hướng kéo xuống nhà dưới. Nhìn nhà bếp, từ cái nồi cái chảo cho đến những chai lọ xếp đặt đâu ra đó thật ngăn nắp và sạch sẽ, vợ Hướng như hoa mắt chẳng còn biết hỏi han thế nào cho ra đầu đuôi câu chuyện. Bà Thịnh cũng biết người miền Bắc đói rách nghèo khổ nhưng lại chưa bao giờ có được những hình ảnh mà qua lời kể của Hướng thì cũng đã có những người họ hàng bên ông Thịnh đã chết vì đói. Vợ Hướng đứng nhìn bà Thịnh sắp xếp những món ăn vào bát đĩa, muốn giúp một tay mà cũng chẳng biết phải làm gì. Nhà bếp mà chỗ nào cũng sạch sẽ trắng bóng như lau như ly chứ chẳng thấy cái kiềng ba chân với nắm rơm nắm rạ chỗ nào.

Món ăn thức uống đã được bà Thịnh bầy biện trên bàn. Ông Thịnh đi vội lên trên lầu lấy chai rượu Johny Walker chẳng nhớ ai cho để dưới gầm bàn viết đã nhiều năm rồi. Ông nhìn Hướng có vẻ ân cần:

“Chú Hướng uống chút rượu cho vui.”

Hướng thấy chai “rượu ngoại” mắt sáng lên, vui ra mặt. Anh công an xã cũng đã nhiều lần được mời mọc tiệc tùng đình đám nhưng cũng chỉ đến rượu trắng ngâm mấy cái rễ cây là cao nhất. Nghe nói “rượu ngoại” thơm ngon lắm, hôm nay mới được đụng môi thì còn phải nói.

Bà Thịnh bắt đầu giới thiệu các món ăn của người Sài Gòn. Món gà xé phay với những đọt rau răm xanh mơn mởn. Con cá lóc nướng trui vàng rộm xối mỡ hành thơm phức. Ông Thịnh mời mọi người ăn. Cũng bát cũng đũa mà sao vợ chồng Hướng có vẻ ngập ngừng. Ông Thịnh mở chai rượu rót cho Hướng một ly. Ông cũng rót cho mình một chút để Hướng có bạn rượu. Ông gắp cho Hướng đầy bát thì bà Thịnh cũng vun đầy cho vợ Hướng. Nhìn vẻ thèm khát của vợ chồng Hướng, ông bà Thịnh quá thương cảm nhưng cũng thấy vui vui. Hướng nhắp một ngụm rượu, hai tay cầm cái ly trịnh trọng:

“Đúng là rượu ngoại, thơm ngon quá sức.”

Ông Thịnh xởi lởi:

“Chú uống đi. Ở lại chơi với chúng tôi mấy ngày rồi đi đâu hãy đi.”

Vợ chồng Hướng như mở cờ trong bụng. Ông bà Thịnh không cho ở lại thì cũng chẳng biết đi đâu. Vài người làng gặp ngày hôm qua cũng chẳng ai mặn mà gì. Ông Thịnh là chỗ máu mủ nên cũng hơn. Vợ Hướng gắp một miếng cá to bỏ vào bát cho chồng cười nói:

“Bộ đội ta không giải phóng được Sài Gòn thì đến bao giờ chúng em mới được gặp các bác.”

Bà Thịnh nhìn vợ Hướng như muốn đuổi ra khỏi nhà. Giải phóng cái gì? Người ta đang sống vui sống khỏe mà nay đặt mìn, mai pháo kích, từ ngoài Bắc mang súng đạn vào cướp của giết người mà giải phóng cái nỗi gì. Vợ Hướng cũng không biết mình lỡ lời. Người phụ nữ quê mùa làm cán bộ nông nghiệp suốt ngày cãi nhau vì bát lúa nắm phân được học tập phải hiến ngay cả thân xác mình cho Bác cho Đảng cũng không nghĩ và nhìn ra ngoài được những giáo điều được tôi luyện. Đảng cho sống thì sống. Đảng bảo chết thì cũng “hạ quyết tâm” tuân lệnh.

Trái lại, Hướng tuy chỉ là một anh công an xã cấp dưới nhưng lại giỏi lý luận. Bất cứ chuyện gì lớn nhỏ, phải trái Hướng luôn phân giải nguyên do và kết cục của sự việc. Vừa vào đến Sài Gòn, nhìn nhà cửa tầng cao tầng thấp xe cộ chạy đầy đường, dân chúng người nào cũng quần áo bảnh bao là Hướng đã biết ngay cả miền Bắc đã bị cái bộ máy tuyên truyền khắc nghiệt của chế độ cộng sản lừa bịp. Nghe vợ nói đến hai chữ “giải phóng” mà anh chồng muốn lộn ruột. Hướng tự tay rót rượu vào cái ly pha lê sáng bóng, nhấp một ngụm to rồi đủng đỉnh nói:

“Chẳng biết ai giải phóng ai đây. Mình chui ra chui vào cái nhà gianh vách đất, ăn uống thì quanh năm chỉ có dưa khú với cà thâm, quần áo thì vá chằng vá chịt. Nhìn cơ ngơi của các bác, thức ăn thức uống ê hề như thế này. Cả miền Bắc bị lừa bịp bao nhiêu năm rồi.”

Hướng bắt đầu kể lể những oan khiên của người dân miền Bắc. Nghèo túng, bệnh họan mà từ đứa trẻ con cho đến những cụ già ai ai cũng phải vác trên vai mình đủ loại bổn phận và nghĩa vụ. Có vài cân gạo nếp giấm dúi ở xó bếp cũng phải lôi ra ủng hộ bộ đội đi B. Không ủng hộ thì bị hành hạ đủ điều cơ khổ. Mười người thì đến chín người bữa no bữa đói. Đã có biết bao người chết vì đói nhưng nào có ai dám mở miệng kêu than. Hướng say sưa kể chuyện với giọng điệu tức tối đến căm phẫn. Mồm ngồm ngoàm thức ăn, ly rượu mới vơi quá nửa đã tự tay rót đầy nhưng vẫn say sưa nói như để trút đi những uất hận bị đè nén trong lòng từ nhiều năm qua.

“Bác Phán nhà mình tháo cả cửa nhà làm hòm chôn cất những người chết đói ngoài đường hồi năm Ất Dậu thế mà cũng bị đội Cải Cách Ruộng Đất bắt ra ngoài đình làng đấu tố rồi mang đi chẳng biết chết mất xác ở đâu.”

Hướng nói huyên thuyên, không mạch lạc mà cũng chẳng có đầu đề, nhớ đến ai thì nói, chuyện vui chuyện buồn gì cũng nói cho hả hơi rượu. Đột nhiên Hướng lắc đầu xuống giọng nói như tiếc rẻ:

“Ông Tổng Thống Mỹ chẳng biết gì cả.”

Ông Thịnh giật mình, một anh công an xã mà tự nhiên lại có lời bình phẩm ông Tổng Thống Mỹ thì chắc là phải có chuyện để nói.

“Chú Hướng nói sao?”

Hướng vội vã:

“Thưa anh, ý là em nói cái hồi Mỹ bỏ bom ngoài ta đấy ạ. Thay vì bỏ bom thì cứ mang đồ hộp, thuốc lá với lại quần bò áo phông mà đổ xuống thì bất chiến tự nhiên thành. Dân mình đói khát quá. Công an bộ đội cũng bữa có bữa không, quần áo rách rưới tả tơi. Người nào cũng như con ma đói mà vớ được hộp thịt bò, điếu thuốc thơm của Mỹ thì chỉ quay ra giành giật bắn giết nhau thôi. Quân ta mà đánh quân mình thì hai bác nghĩ xem còn có binh pháp nào hơn.”

Ông Thịnh cười tủm tỉm:

“Sao hồi đó chú không viết cho ông Tổng Thống Mỹ cái thư. Hiến cho ông ta cái kế ấy thì còn hơn cả Khổng Minh bên Tầu nữa đấy.”

Hướng nhắp vội ngụm rượu nói to:

“Thưa anh, em không biết nhà ông ấy ở chỗ nào đấy chứ. Em mà biết nhà cửa ông ấy thì đi mấy ngày đường em cũng đi.”

Ông Thịnh cười ngặt nghẽo về cái ý tưởng ngộ nghĩnh mà nghe ra lại rất có lý. Đám bộ đội thèm khát đến nỗi giết nhau chỉ vì một bi thuốc lào. Nhìn lên trời những cây thuốc lá Philip sợi vàng lơ lửng trên không thì chắc sự nghiệp giải phóng hay di chúc của ông Hồ cũng bay theo mây khói. Bỏ súng, rã ngũ đạp lên nhau, chém giết nhau mà vồ vập hộp thịt bao thuốc. Dân đánh với quân, bộ đội đánh với công an. Thế là hết. Có vậy mà ông Tổng Thống Mỹ nghĩ không ra!.

Chai rượu vẫn còn quá nửa, Hướng với tay để ngay trước mặt như sợ ai giành giật mất. Ông Thịnh nhìn, vẻ thương hại:

“ Chú Hướng cũng uống rượu được đấy chứ. Nhưng mà vậy đủ rồi. Ngày mai ta lại tiếp tục.”

Hướng đã hơi ngà ngà say nhưng vẫn nghe rõ tiếng nói của ông anh họ là cái phao duy nhất cho vợ chồng Hướng bám víu nơi đất lạ. Đĩa gà xé phay chỉ còn lại một gắp rau. Con cá lóc nướng trui trơ bộ xương trên cái đĩa viền vàng choé. Hướng lại khề khà về cái chiến lược “thịt hộp thuốc lá thơm” nghe ra như chuyện đùa mà nếu những hộp thịt bò thịt gà, những bao thuốc lá Philip của Mỹ cứ ùn ùn túa ra như mưa từ những cái máy bay B52 thay vì những quả bom ngàn cân thì cuộc chiến đã kết thúc không có máu đổ thịt rơi mà lại đỡ tốn phí biết bao. Bộ đội hay công an, anh chị nào cũng đói lên đói xuống. Mang cái chủ nghĩa Mác Lê ra mà gặm vừa đau răng mà bụng lại vẫn đói cồn cào. Dân chúng thì đa số phải ăn độn khoai sắn, nhiều người phải ăn củ chuối cầm hơi. Đám thương binh từ chiến trường miền Nam trở về uốn lưỡi kể lại cái vị ngon ngọt của hộp thịt hộp bánh và mùi thơm huyền hoặc của điếu thuốc lá Mỹ càng làm cho những con ma đói từ quân đến dân thèm thuồng và có một giấc mơ. Đến ngày nào mới được cầm trong tay điếu thuốc lá sợi vàng như ông Hồ vẫn hút mỗi ngày?!

Ăn xong tô hủ tíu, húp cạn chút nước lèo ngon ngọt còn đọng lại trong đáy bát, vợ chồng Hướng lại còn được bà Thịnh mời ăn bát chè đậu đen. Hướng thích chí hỏi bà Thịnh:

“Thưa chị, nhà ta ngày nào cũng ăn uống như thế này sao”

Bà Thịnh nhỏ nhẹ:

“Hôm nay có chú thím thì cũng bầy biện hơn ngày thường nhưng ở đây thịt cá khi nào cũng ê hề.”

Hướng nắm tay vung lên cao:

“Thế mà cái loa phóng thanh ở làng cứ ông ổng suốt ngày đêm là dân miền Nam chết đói như rạ. Cả miền Bắc bị lừa bịp. Nói thật với anh chị chứ mà quân miền Nam ra giải phóng miền Bắc thì dân tình ngoài ấy chắc đỡ khổ hơn.”

Vợ Hướng mạnh dạn chen vào câu chuyện:

“Người đói khát rách rưới lại đi giải phóng người ấm no dư dật như thế này. Ngoài ấy ai cũng chộn rộn dành dụm mấy cái bát mẻ, vài cái giẻ rách mang vào Nam tiếp tế cho bà con họ hàng. Những cái thứ đấy mang vào đây không có chỗ mà vất đi. Rõ nỡm, tai quái ngược ngạo quá sức.”

Trời cũng đã sẩm tối, ông Thịnh dẫn vợ chồng Hướng lên tầng ba nơi phòng ngủ của cô con gái cả. Vợ chồng Hướng loá mắt với đồ đạc và cách bầy biện phòng ngủ của cô gái đang độ tuổi xuân thì. Những bình hoa lụa đủ mầu khoe sắc trong hương thơm của một loại nước hoa đắt tiền vẫn còn phảng phất đâu đây. Ông Thịnh cầm tay Hướng chỉ vào phòng tắm:

“Tắm rửa tất cả ở đây.”

Hướng nhìn chầm chầm vào cái bàn cầu trắng tinh chứa nước trong vắt ra vẻ xuýt xoa:

“Đi nắng về mà sẵn cái chậu nước rửa mặt như thế này thì tha hồ mát.”

Ông Thịnh cắn môi không dám cười thành tiếng:

“Ấy chết, cái đó là chỗ để ngồi lên thôi.”

Hướng ngạc nhiên cao giọng:

“Thưa anh, ngồi lên để làm gì ạ”

Ông Thịnh nói khẽ như thì thầm bên tai Hướng:

“Ngồi lên mà đi đồng như ở ngoài mình đấy.”

Nói rồi ông giảng giải “cứ việc đi vào đây, dùng cái cuộn giấy trắng này cho sạch sẽ rồi kéo cái nút này xuống là tất cả sẽ trôi đi”. Ông vừa nói vừa làm những động tác cần thiết. Vợ Hướng há hốc mồm, nói không ra tiếng:

“Giời ạ, thế mà em lại cứ ngỡ là cái chậu rửa mặt đấy.”

Ông Thịnh không thể cười được nữa. Ông cắn môi nhớ lại ngày xưa dân làng mình cũng chỉ có tầu lá chuối khô chứ nào ai mơ tưởng đến cuộn giấy trắng. Ông thương hại cho những người họ hàng làng nước lúc nào cũng đói rách mà lại còn bị chủ nghĩa cộng sản kìm kẹp đủ điều. Những con lật đật da bọc xương cả đời chỉ mơ đến bát cơm không độn khoai sắn đang khóc than cho thân phận nhục nhằn đau thương trước cảnh phồn vinh của thành phố vừa bị cưỡng chiếm. Ông Thịnh dặn dò chỉ dẫn cho vợ chồng Hướng chăn màn rồi ngồi nán lại hỏi Hướng mấy câu về một người trong họ nghe đâu làm to lắm ở Hà Nội. Vợ chồng Hướng cũng mù tịt chẳng biết đâu mà trả lời vì những người chóp bu trong đảng ông bà nào cũng dăm bẩy cái tên nên ai biết đâu mà mò.

Ông Thịnh khẽ đóng cửa đi xuống dưới nhà sau khi chỉ cho Hướng cách tắt bóng đèn trên trần nhà. Vợ chồng Hướng thẫn thờ ngồi trên chiếc giường nệm nhìn quanh quẩn những đồ đạc quần áo của cô con gái đang thời chưng diện. Mấy lọ nước hoa và những hộp son phấn trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường ngủ là những gì quá xa lạ đối với vợ Hướng nhưng cái “đài” có hát cả băng to hơn hai bàn tay là nỗi thèm khát mong chờ của Hướng từ nhiều năm rồi. Hướng nuốt nước bọt nói thầm vào tai vợ:

“Lúc chiều bác Thịnh nói cho mình cái đài, chắc là cái này đây.”

Vợ Hướng nhìn cái “đài” nói như vừa ra ngõ vớ được vàng:

“Mang cái này về thì cả làng đến mà ngó. Gớm, người trong này sao họ lắm của thế.”

Hướng nhìn quanh quẩn trong phòng ngủ xem có gì “văn minh và hiện đại” hơn cái “đài” không phải là muốn khám phá những mới lạ nhưng để sắp đặt một toan tính ngay lúc ông Thịnh khép cửa đi xuống nhà dưới. Vợ Hướng mở tủ nhìn mấy chiếc áo dài cười nhẹ:

“ Toàn những lụa là sang trọng, các chị lãnh đạo bên ta có mơ cũng không thấy.”

Nói xong, vợ Hướng lấy chiếc áo dài ướm thử vào mình như tắm gội trong hạnh phúc. Chiếc áo cũng hơi dài nhưng cắt ngắn đi khâu lại mấy mũi là vừa thôi. Vợ Hướng tuy hơi thiếu thước tấc nhưng được cái có làn da đẹp, mặc dù gần như ngày nào cũng phải phơi nắng đội mưa ngoài ruộng. Nhìn chiếc áo dài hoa lá sặc sỡ buông lơi bên người vợ quê mùa, Hướng cắn răng nhớ lại hình ảnh chỉ mới mâý ngày trước đây người đàn bà này còn gang mồm lên chửi “bọn đế quốc Mỹ” đã bòn rút đến tận xương tủy của người dân miền Nam để đồng bào ta ở miền Nam phải rách rưới đói khát chết đầy đường đầy chợ. Hướng nuốt nước bọt thèm bi thuốc lào nói chậm rãi như đang phà nạm khói ra khỏi họng:

“Xem có cái nào thích thì nhét vào bị nhanh đi. Lấy vài cái thôi, không khéo các bác ấy biết đấy.”

Vợ Hướng cầm lọ nước hoa nhỏ bằng ngón tay cái ngửi hít hà. Hướng như ngồi phải lửa:

“Ngu thế, các bác ấy ngửi thấy mùi nước hoa thì có mà mặt mo.”

Vợ Hướng nghe chồng, thấy có lý nên để lại chỗ cũ. Hướng nhỏ nhẹ như an ủi vợ:

“Thích thì sáng mai xin bác gái.”

Sau gần hai giờ đồng hồ lục lọi từ cái gương cái lược trên bàn đến những đôi giầy xếp hàng dưới gầm giường, vợ chồng Hướng thầm thì ra chiều tương đắc, vui ra mặt.

Hướng tắt đèn giục vợ đi ngủ. Vợ Hướng vừa ngả lưng trên tấm nện trải khăn giường trắng tinh đã thảng thốt kêu:

“Ối giời ơi, êm ái mà lại thơm lừng. Long sàng của vua cũng đến như thế này thôi chứ chẳng hơn.”

Hai vợ chồng để nguyên quần áo bụi bặm nằm dài trên giường. Hướng khẽ đập vào lưng vợ, thở dài. Chỉ mới vừa bước một chân vào đời sống của người dân miền Nam mà đã như thế này rồi. Nhiều lần một mình ở trụ sở công an xã, Hướng đã mở đài “ngụy” nghe những chương trình ca nhạc, văn học một cách say mê và nhen nhúm lên một khung cảnh tự do ấm no của người dân miền Nam. Con người ta đói rách ốm đau mà lại bị kìm kẹp trong cái nanh vuốt của một thể chế độc tài đảng trị thì không thể nào có những suy tư khai phá về tình yêu người, yêu đời như vậy. Thân mình đang nằm dưới cái đe ngàn cân của chủ nghĩa cộng sản mà không biết cựa quậy để đứng lên.

Buổi sáng nghe tiếng gõ cửa của ông Thịnh thì Hướng vẫn còn đang vật lộn với cơn thèm thuốc lào. Sau cả một lúc lâu tập tành cách sử dụng phòng tắm với những vật dụng hoàn toàn xa lạ, Hướng có cảm tưởng như đã đổi đời nhưng cái mùi huyền hoặc của khói thuốc lào vẫn vất vưởng đâu đây. Ông Thịnh ân cần hỏi han:

“Sao , lạ giường lạ chiếu có ngủ được không?”

Hướng chưa kịp trả lời thì vợ đã nhanh nhẩu:

“Chúng em cứ như lên tiên đấy bác ạ.”

Hướng lườm vợ vì câu nói hớ hênh, vội làm mặt nghiêm:

“Thưa anh, em vẫn không thể nào lý giải được tại sao người miền Nam lại không ra giải phóng chúng em ngoài ấy.”

Ông Thịnh không có câu trả lời. Chuyện “chính chị chính em” là những cái gì dã man tàn bạo và rất nhiều khi ngu đần, mình chỉ là một người mù qườ quạng trong đêm tối. Ông nhỏ nhẹ mời vợ chồng Hướng xuống nhà dưới ăn sáng. Vợ Hướng vai đeo cái bị cói, tay phải nắm chặt hai cái quai bị như sợ trộm mất của. Hướng khoác chiếc ba lô có vẻ như còn mới đựng vài bộ quần áo lính cũ mèm và mấy vật dụng lỉnh kỉnh, tưởng rằng là những thứ hiếm qúy nhưng ở đây vứt ra đường không ai nhặt. Ông Thịnh nhìn hai vợ chồng Hướng như sắp sửa lên đường tiếp tục chuyến đi thăm họ hàng nội ngoại trong Nam. Ông đi vào góc phòng lấy cái “đài có hát băng” đưa cho Hướng bảo mang về mà nghe cho đỡ buồn. Hướng run run cầm trong tay chẳng biết nói lời cám ơn mà chỉ sợ giấc mơ bay đi mất. Vợ Hướng vui ra mặt, chỉ mấy ngày nữa là cả làng sẽ kéo đến đầy nhà nghe nhạc vàng của miền Nam. Người nào nghe nhạc vàng thì còn sợ chứ Hướng là công an xã thì ai đụng đến. Vợ Hướng muốn xin mấy cái quần áo nhưng lại sợ nhỡ mà mấy cái áo “tự biên tự diễn” trong bị cói lòi ra thì còn mặt mũi nào. Tại sao cái loa phóng thanh của Nhà Nước ngày đêm ra rả bên tai là người dân miền Nam bị Mỹ Ngụy bóc lột đến xương tủy mà nay đất nước thống nhất chẳng thấy có đến một người chạy ra ngoài miền Bắc đề tìm cơm no áo ấm. Nhưng xó xỉnh nào của Sài Gòn cũng có người miền Bắc lê la bòn nhặt từ cái áo rách cho đến cái nồi méo mó.

Bữa ăn sáng không có những tiếng nói lanh chanh của vợ Hướng và ông chồng thì lại trầm tư ra chiều suy nghĩ, vẻ mặt coi bộ nghiêm nghị. Chân phải Hướng đè lên chiếc ba lô để dưới gầm bàn ăn, tay cầm đũa ngập ngừng gắp những lát lạp xưởng đỏ au. Hướng cầm ly cà phê sữa trong lòng hai bàn tay nói như vừa đủ nghe:

“Thưa anh chị, chúng em từ làng mình vào đây kính thăm anh chị mà lại được anh chị thương thế này thì thật quả là một đại phúc. Chúng em mừng rỡ nhìn thấy anh chị sung túc giầu có nhưng vẫn ân cần với họ hàng nghèo khó. Thật chúng em chẳng còn biết nói gì hơn.”

Hướng chưa dứt lời thì bà Thịnh đã cầm chiếc nhẫn vàng dúi vào tay vợ Hướng:

“Thím cầm lấy chút đỉnh về mua quà cho các cháu.”

Vợ Hướng gần như tắt thở. Cái nhẫn vàng đeo ở ngón tay áp út là nỗi mộng mơ của người cán bộ nông nghiệp đã nhiều năm ăn độn khoai sắn nhưng lại biết cân đo đến từng hột thóc ủng hộ chiến sĩ đi B. Hướng nhìn chiếc nhẫn vàng, chân phải vẫn đè chặt trên chiếc ba lô nóí thay vợ:

“Anh chị cho chúng em nhiều quá.”

Bà Thịnh nhanh nhẩu:

“Để tôi đưa thím lên lấy một ít quần áo của con Hai. Cháu nó cũng không cần đến nữa.”

Đến bây giờ vợ chồng Hướng mới nhớ đến mấy người con của ông bà Thịnh đã “trót dại đi theo bọn Mỹ Ngụy”. Vợ Hướng đi theo bà Thịnh lên trên lầu. Một lúc sau ôm xuống một mớ quần áo đủ mầu sặc sỡ. Ông Thịnh cũng cho Hướng đôi giầy và mấy bộ quần áo của anh con trai lớn. Vợ Hướng mân mê chiếc nhẫn vàng nói cười rộn ràng.

Sau một lúc lâu chuyện trò, Hướng đứng lên tay nắm chặt quai chiếc ba lô nói ra vẻ nghẹn ngào:

“Thưa anh chị, chúng em từ làng mình lặn lội vào đây thăm anh chị. Nhờ hồng phúc tổ tiên, anh chị mạnh khoẻ mà lại còn giầu sang như thế này thì chúng em rất lấy làm mừng và hãnh diện. Anh chị lại còn cho chúng em và các cháu đủ thứ. Nhờ ơn anh chị mà chúng em thật sự đổi đời. Chúng em xin phép anh chị về lo cho các cháu vài việc rồi lần sau chúng em vào sẽ quấy quả anh chị.”

Bà Thịnh muốn giữ khách chỉ vì chút máu mủ bên chồng nhưng sao mà chuyện trò với mấy người bên kia nhiều khi cũng thấy tắc họng. Bà nói ra vẻ ân cần:

“Chắc chú thím cũng còn nhiều nơi phải đi thăm nom, thôi vậy lần sau thì ở chơi với chúng tôi lâu hơn.”

Vợ Hướng nhanh nhẩu:

“Thưa chị, bên họ ngoại các cháu có mấy người ở thành phố Biên Hoà cũng là ông bác bà cô cả. Chúng em tranh thủ đến chào hỏi cho phải đạo.”

Ông Thịnh kéo Hướng ra ngoài phòng khách thầm thì dặn dò việc hương khói mồ mả tổ tiên. Ông móc túi đưa cho Hướng cái đồng hồ mầu vàng chói chang như để trả công. Ông nắm tay Hướng giọng sụt sùi:

“ Thôi thì mồ mả tổ tiên ngoài đấy nhờ chú thím chăm nom chứ còn biết trông cậy ai.”

Ông bà Thịnh đưa vợ chồng Hướng ra trước cửa nhà gọi một chiếc xích lô đạp đón xe đi Biên Hoà. Sau khi trả tiền cho người đạp xe, ông nói như khóc:

“Thế nào cũng có ngày tôi ra ngoài ấy thăm bà con họ hàng mình, mồ mả tổ tiên còn cả đấy.”

Chiếc xe từ từ lăn bánh một cách nặng nhọc. Ông bà Thịnh đứng trông theo cho đến lúc quá tầm mắt. Ngồi trên xe, Hướng nắm chặt bàn tay vợ đeo chiếc nhẫn vàng, mắt nhìn lên những toà nhà cao tầng hai bên phố. Hướng nghĩ đến mấy bộ quần áo chắc là “hàng ngoại”, đôi giầy đen bóng và nhất là chiếc đồng hồ mầu vàng chói chang đang nằm trong chiếc ba lô. Vợ chồng Hướng đã thực sự đổi đời. Bất chợt anh công an xã lẩm bẩm:

“Giá mà người trong này ra giải phóng ngoài ấy mới đúng. Thôi thì… tôi giải phóng tôi.”

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khu vườn tháng Năm kính đức mẹ Maria
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:50 30/04/2014
Khu vườn tháng Năm kính đức mẹ Maria

Nếp sống đạo đức trong Hội Thánh Công Giáo dành tháng Năm mỗi năm mừng kính Đức Mẹ Maria.

Tập tục đạo đức mang đậm mầu sắc rộn ràng tình cảm lòng yêu mến như có hiện nay đã bắt đầu thành hình từ thế kỷ thứ 18. Năm 1784 Dòng Kamillino ở thành phố Ferrara bên Ý đã tổ chức lần đầu tiên giờ thánh kính đức mẹ Maria vào tháng Năm.

Khuôn mẫu hình thức mừng kính Đức Mẹ từ đó theo dòng thời gian từ mấy thế kỷ qua được duy trì phát triển trong nếp sống đạo đức Hội Thánh Công Giáo trên hoàn vũ.

Tập tục nếp sống đạo đức này ăn rễ sâu trong lòng người giáo hữu Chúa Kitô khắp nơi. Vì thế, hằng năm vào tháng Năm nơi các thánh đường Công Giáo bàn thờ kính Đức Mẹ Maria được sửa dọn trang hoàng với nhiều bông hoa tươi thắm, những hàng nến cháy sáng rực rỡ.

Nhiều nơi, như tập tục nếp sống đạo đức bên Việt Nam còn có những giờ thánh kính đức mẹ, chầu Thánh Thể và các em nhỏ dâng hoa kính Đức Mẹ nữa.

Tên gọi tháng Năm - Mai (Đức) , May (Anh), Mai (Pháp) - có nguồn gốc từ vị Thần cổ xưa ở bên Ý „Maius“. Vị Thần nầy được sùng bái là người bảo vệ gìn giữ sự sinh sôi nẩy nở. Cũng theo thần thoại Hy Lạp „Maia“ là một người mẹ nhỏ. „Maia“ là vị Thần đất, là người mẹ của mọi sự sinh sản phát triển.

Tháng Năm theo quan niệm chung là tháng của thảo mộc cây cối. Vì trong tháng này mọi loài thảo mộc cây cối mọc phát triển cành lá tươi xanh, nụ hoa bung nở vươn mình ra ngoài từ trong thân cây. Tháng Năm vì thế theo tuần hoàn của thời tiết là tháng chào mừng thiên nhiên.

Theo thời tiết bốn mùa tuần hoàn xoay chuyển bên xứ Âu Châu cùng vùng bắc Mỹ châu, bắt đầu từ cuối tháng Ba sang tháng Tư hằng năm cây cối đã bắt đầu thức dậy sau mù Đông lạnh gía, nhú nụ lộc lá xanh nhỏ như y phục ra bên ngoài. Sang thánh Năm bộ y phục quần áo của chúng phát triển xanh tươi phủ kín khắp cành nhánh cùng tỏa bóng râm rợp mát mặt đất. Vào tháng này chim chóc đến đó làm tổ, sinh con bay chuyền lượn kêu hót inh ỏi vang trời, ong bướm bay lượn hút mật.

Các cánh hoa đã bung nở vươn mình ra ngoài thiên nhiên khoe hương sắc tươi thắm hấp dẫn. Các loài cỏ chui mọc lên từ dưới mặt đất ở khắp các đường đi, nơi các bãi cỏ. Bức tranh thiên nhiên mầu xanh tràn đầy sức sống là một phép lạ của thiên nhiên. Nó hướng tâm trí chúng ta tới Đấng Tạo Hóa đã lập làm nên bức tranh phép lạ thiên nhiên này.

Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên mọi sự ban cho có sức sống. Con người chúng ta ngắm nhìn chiêm ngưỡng và cúi đầu xin dâng lời cảm tạ Ngài.

Khu vườn đầu tiên Thiên Chúa tạo dựng cho con người được hưởng dùng là vườn địa đàng. Nhưng con người đã đánh mất nó. Vì Ông Bà nguyên tổ Adong Evà đã phạm tội không vâng lời Thiên Chúa cấm đoán. Và do đó, Ông Bà bị đuổi ra khỏi khu vườn địa đàng này. Hậu qủa là sự đau khổ, tội lỗi và sự chết xâm nhập vào đời sống con người.

Tháng Năm khi khu vườn phép lạ thiên nhiên phát triển bung nở rộ vẻ đẹp thần thánh làm con người chúng ta tưởng nhớ tới khu vườn địa đàng đầu tiên ngày xưa Thiên Chúa đã tạo lập cho Ông Bà nguyên tổ chúng ta, mà giờ đây đã bị mất. Dẫu vậy Thiên Chúa đã vì tình yêu thương mở ra một con đường cho con người. Con đường này không dẫn đưa trở lại khu vườn địa đàng, nhưng hướng đưa lên trời cao. Bắt đầu con đường này có đức mẹ Maria đứng đó rồi. Đức mẹ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ sinh hạ cùng nuôi dưỡng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Mẹ Maria đã nói lời xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa muốn cho mình. Và trong suốt dọc đời sống, Đức Mẹ đã phải sống trải qua những thử thách, những hy sinh đau khổ. Mẹ Maria đã cùng đồng hành với Chúa Giêsu con mình đến giờ phút cuối cùng lúc Chúa Giêsu bị đóng đinh chết trên thập gía. Và sau khi qua đời đức mẹ Maria đã được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn thân xác.

Hội Thánh Công Giáo ca tụng đức mẹ Maria không chỉ là người tôi tớ Chúa, nhưng cũng là nữ vương trời đất, là người được ân đức cao trọng trong mọi loài thụ tạo của công trình sáng tạo thiên nhiên.

Trong kinh cầu Đức bà, đức mẹ Maria được ca ngợi tôn vinh là Nữ vương các Thiên Thần, nữ vương các Thánh Tổ Tông, Nữ vương các Thánh Tiên Tri, nữ vương các Thánh Tông đồ, nữ vương các Thánh Tử vì đạo, nữ vương các Thánh Hiển tu, nữ vương các Thánh đồng trinh...

Ngoài ra người giáo hữu Chúa Kito còn xưng tụng đức mẹ Maria là „ nữ vương tháng năm“. Vì tháng Năm, tháng hoa nở rộ là tháng đẹp nhất trong năm. Và qua đấy muốn liên kết nối liền mối tương quan sự đẹp tươi thắm cây cối bông hoa là sự sống thiên nhiên với cuộc đời đức mẹ Maria, là mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa cho trần gian.

„Theo nếp sống Phụng vụ của Hội Thánh, tháng Năm còn trong mùa phục sinh mừng kỷ niệm mầu nhiệm Chúa Giêsu sống lại, và cũng là thời gian chờ đợi mừng lễ đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Hai khía cạnh này ăn với khớp truyền thống của Hội Thánh dành tháng Năm mừng kính Đức Mẹ Maria.

Đức Mẹ Maria là bông hoa tươi đẹp nhất trong khu vườn sáng tạo thiên nhiên. Đức mẹ là bông hoa „ Rosa - hoa hồng“ bung nở rộ trong thời gian, khi đức mẹ hạ sinh Chúa Giêsu, như món qùa tặng mùa xuân mới cho trần gian. Và đồng thời đức mẹ Maria là người có trái tim tâm hồn chan chứa lòng khiêm nhường đã đón nhận Chúa Giêsu vào trong cung lòng mình, và là người mở lòng mình ra sẵn sàng đón nhận ân đức Chúa Thánh Thần ban xuống cho mình.“ ( Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI., Kinh truyền tin ngày 9.5.2010.)

„ Hoa muôn sắc con dâng trước tòa, mầu tươi thắm hương ngát tốt xinh.

Hoa muôn sắc con dâng trước tòa, còn thua kém nhan Mẹ Chúa thiên đình.“

Tháng hoa kính Đức mẹ Maria, 01.05.2014

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Danh Tính Hai Môn Đệ Emmau
Nguyễn Trung Tây, SVD
23:58 30/04/2014
Nguyễn Trung Tây, SVD
Danh Tính Hai Môn Đệ Emmau


Thánh sử Luca tiếp nối Tin Mừng Phục Sinh (24:1-12) với câu chuyện nổi tiếng Trên Đường Emmau (c.13-35). Theo như thánh sử, trong cùng một ngày (ngày Phục Sinh), trên con đường bẩy dặm từ Jerusalem dẫn về Emmau, có hai người môn đệ của Đức Giêsu đang đi với nhau. Thánh sử chỉ nhắc tới tên một trong hai người môn đệ, Cleopas (c.18). Cleopas là tên đàn ông trong tiếng cổ Hy Lạp. Người còn lại, không hiểu sao, Luca không nhắc tới tên, ngay cả giới tính. Người này là nam hay nữ? Không ai biết! Với sự góp “công” của các nhà họa sỹ, Kitô hữu nói riêng và nhiều người nói chung vẫn nghĩ (vẫn tin?) rằng hai người môn đệ trên đường Emmau là hai người đàn ông. Hình ảnh hai nam môn đệ khuôn mặt đăm chiêu đồng hành với Đức Kitô phục sinh trên con đường vắng, ít hay nhiều, đã in đậm vào tâm trí của nhiều người.

Tên Clopas

Hegesippus, một nhà sử học Palestine sống vào khoảng giữa thế kỷ thứ hai có nhắc đến một nhân vật, có họ hàng với Đức Giêsu, ông này tên là Clopas [1]. Theo như Hegesippus, Clopas là em trai của thánh Giuse. Clopas, một cái tên Do Thái không mấy người có; tên Clopas thật sự ra chỉ xuất hiện hai lần trong hai bản văn của cùng thời. Một lần tại bản văn Murabba'at tiếng Aramic viết vào khoảng thế kỷ thứ hai (Mur. 33:5). Lần khác tên Clopas xuất hiện ngay trong đoạn văn John 19:25, “Ðứng bên khổ giá Ðức Giêsu, có Mẹ Ngài, và người chị em của Mẹ Ngài, Maria (vợ) của Clopas, và Maria người Magđala.” Như đã nhắc tới ở trên, Clopas là một cái tên ít thấy, ít khi xuất hiện. Nếu vậy, rất có thể “Maria (vợ) của Clopas” trong đoạn văn 19:25 chính là vợ của ông Clopas, em trai của thánh Giuse.

Tên Cleopas

Cleopas, như đã trình bày ở trên, là một cái tên tiếng Hy Lạp. Cleopas không phải là Clopas, tên tiếng Do Thái. Nhưng vào thế kỷ thứ nhất công nguyên, dưới ảnh hưởng của nền văn hóa Hy Lạp [2], người Do Thái sống tại Palestine thông thường được gọi và biết dưới cả hai tên, một Hy Lạp, một Do Thái. Thí dụ, Simon là tên Hy Lạp, nhưng tên Simon cũng được biết và gọi với tên Do Thái, Simeon. Rất có thể, em trai của thánh Giuse, ông Clopas được những người cùng thời biết tới và gọi với cái tên trong tiếng Hy Lạp: Cleopas.

Tạm Kết

Rất có thể ông Clopas đã có mặt tại thành phố Jerusalem khi Đức Giêsu bị hành hình trên cây thập tự. Và vợ của ông, Maria, theo như thánh sử John đứng dưới chân cây thập tự. Nếu vậy, rất có thể, hai người môn đệ trên đường Emmau chính là một đôi vợ chồng, Clopas và Mary, chú và cô của Đức Giêsu. Theo như thánh sử, vào ngày đầu tiên trong tuần, ông Cloepas và Mary đã bỏ thành phố Jerusalem về lại phố Emmau. Cả hai buồn phiền, thất vọng. Hai người đã không nhận ra Đức Kitô Phục Sinh cho tới khi Ngài bẻ bánh ngay trước mặt họ trên bàn ăn (c.30-31).

(Tài liệu: Bauckham, Richard. “All in the Family,” Bible Review (April 2000) 20-31)



Chú Thích
[1]. Dựa trên những truyền thống của địa phương, Hegesippus viết nhiều về Đức Giêsu và họ hàng của Ngài. Rất tiếc, ngoại trừ một vài mảng văn còn sót lại, toàn bộ những bài viết của ông không còn tồn tại. Thần học gia Kinh Thánh biết nhiều về Hegesippus và những bài viết của ông qua những đoạn văn trích lại và lời bình luận của thánh sử Eusebius, một nhà sử học nổi tiếng của Giáo Hội thời tiên khởi.

[2]. Palestine vào thời Đức Giêsu thuộc về đế quốc La Mã. Ngôn ngữ phổ thông vào thời Đức Giêsu cho toàn đế quốc là tiếng Cổ Hy Lạp (Koine/Phổ Thông).

□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com
 
Tin Đáng Chú Ý
Di dân lậu từ Bắc Việt Nam trồng và sản xuất cần sa ở Âu Châu
Từ Thức (Paris)
08:48 30/04/2014
DI DÂN LẬU TỪ BẮC VIỆT NAM TRỒNG VÀ SẢN XUẤT CẦN SA Ở ÂU CHÂU

(LTS: Nhà báo Từ Thức, nguyên Thông tín viên Việt Nam Thông Tấn Xã thời VNCH tại cuộc hòa đàm Ba Lê để giải quyết chiến tranh Việt Nam. Ông sống và làm việc tại Paris trên 40 năm qua.)

Các băng đảng người Việt đang nắm đa số hệ thống trồng và bán cần sa ở Âu Châu. Cần sa trồng tại chỗ đã dần thay thế cần sa xâm nhập vào Âu Châu từ Tây Ban Nha , nhất là từ Maroc. Các trại cần sa mọc ra như nấm. Cảnh Sát Pháp cho hay việc trồng cần sa ở Âu Châu không còn là một hoạt động tài tử cho nhu cầu cá nhân, nhưng đã trở thành một kỹ nghệ phi pháp quy mô độc quyền của các băng đảng người Việt.

Cần sa, cùng với mãi dâm là hai nguồn lợi khổng lồ của các băng đảng. Cho tới những năm gần đây, cần sa xâm nhập vào Âu Châu đều đến từ Tây Ban Nha và nhất là từ Maroc. Ở Maroc, có nhiều vùng nông dân sống hoàn toàn nhờ cần sa, như dân A Phú Hãn sống nhờ trồng nha phiến. Ngày nay, hệ thống cần sa trồng tại chỗ của các băng đảng người Việt cạnh tranh ráo riết với cần sa Maroc và dần dần nắm đa số thị trường.

Trong một phóng sự trên đài phát thanh France Inter ( 1), cảnh sát cho hay trong năm 2013, hàng trăm ‘’ trang trại ‘’ ( fermes ) cần sa của người Việt đã bị khám phá, và những ‘’ người làm vườn’’ ( jardiniers ) bị tống giam. Riếng tháng Tư , 2014, hai cơ sở trồng cần sa Việt Nam đã bị khám phá ở Marseilles và Lille.

Cần sa một một tệ trạng xã hội càng ngày càng phát triển ở Pháp cũng như tại các nước Âu Châu. Năm mươi phần trăm thanh thiếu niên nhìn nhận đã tiêu thụ cần sa , dưới hình thức marijuana hay haschisch. Cảnh sát Pháp cho France Inter hay ngày nay việc trồng cần sa tại chỗ không còn là chuyện tài tử để thoả mãn nhu cầu cá nhân, nhưng đã trở thành một hệ thống có tổ chức . Cảnh sát trưởng ( Commissaire ) Julien Gentille, thuôc sở Chống Nhập Cư Bất Hợp Pháp nói tất cả hệ thống trên đầu nằm trong tay những người Việt Nam, đến từ một vùng ở Bắc Việt những năm gần đây, qua một hệ thống di dân bất hợp pháp đại quy mô. Các cơ sở cần sa bên ngoài giống như những trang trại hay những căn nhà thường, nhưng bên trong được trang bị hệ thống nhiệt độ và tưới cây thích ứng. Mỗi cơ sở tốn khoảng 20. 000 euros ( khoảng 26.000 dollars ) tiền trang bị, nhưng có thể mang lại 150.000 euros mỗi ‘’ muà gặt ‘’ , và một năm có thể có 4 hay 5 muà gặt.

Đại úy Claude, thuộc sở Bài Trừ Ma Tuý cho biết những người làm trong các cơ sở này được một hệ thống đại quy mô đưa từ Việt Nam sang, làm để trả số nợ 30.000 Euros là số tiền trung bình phải trả cho tổ chức. Họ làm việc trong điều kiện cực kỳ khó khăn, vì chất hoá học và khí hậu : cần sa chỉ trồng được trong khí hậu cực nóng như miền nhiệt đới. Những người ‘’ chủ trại ‘’ không ngần ngại xử dụng bất cứ phương tiện gì để bảo vệ cơ sở chống trôm cắp hay sự phá hoại của đối thủ cạnh tranh : gài lựu đạn, chông, hơi ngạt , độc chất hoá học…

Các tổ chức cần sa Việt Nam dùng cùng một hệ thống phân phối như các tổ chức ma túy khac. Một dealer ngày nay cung cấp đủ, từ ma túy đến cần sa Maroc hay cần sa Việt Nam

Ông David Weingerger, thuộc Institut des Hautes Études de Sécurité cho hay để gia tăng chất lượng của cần sa, các tổ chức này đã dùng các chuyên viên hoá học, gọi là những facilitateurs. Những chuyên viên này cung cấp dụng cụ chế biến hay bán những phương pháp khoa học cho các cơ sở trồng cần sa.

Phóng sự của France Inter cho dư luận thấy một bộ mặt khác của di dân gốc Việt. Trước đây, người Việt mang hình ảnh tốt đối với người Âu Châu : những người công nhân cần cù, kín đáo, tôn trọng pháp luật địa phương; những sinh viên chăm chỉ, thành công ở học đường. Những năm gần đây, nhiều nước ở Âu Châu có những đội cảnh sát đặc biệt theo dõi hệ thống cần sa, hệ thống buôn bán thuốc lá lậu, cũng như những cảnh sát đặc biệt theo dõi người Việt trong những siêu thị, sau khi người ta khám phá những tổ chức của người Việt Nam mới nhập cảnh , đặc biệt là ở Bắc Âu, chuyên môn ăn cắp trong siêu thị.

(1) France Inter, 5H-7H, 29/04/ 2014
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cờ Bay
Lê Trị
16:35 30/04/2014
CỜ BAY
Ảnh của Lê Trị
Hẹn một ngày về trên trời quê hương.