Ngày 27-04-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Phục sinh 26/4/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:00 27/04/2020
Bài Ðọc I: Cv 2, 14. 22-28

"Không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong cõi chết".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, hãy nghe những lời này: Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng Ðavít đã nói về Người rằng: 'Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông: vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Ðấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa'".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Ðáp: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: "Ngài là chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con".

Xướng: Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.

Xướng: Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát.

Xướng: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 17-21

"Anh em được cứu độ bằng Máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu anh em gọi Người là Cha, Ðấng không thiên vị ai khi xét đoán mỗi người theo việc họ làm, thì anh em hãy sống trong sự kính sợ suốt thời anh em còn lưu trên đất khách. Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 24, 13-35

"Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp".

Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông.

Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
18:59 27/04/2020
8. Chúng ta cùng nhau đi lên núi Can-va-ri-ô, để Chúa Giê-su không mãi mãi cô đơn; chúng ta không chỉ đồng hành với Ngài nửa đường, nhưng hơn thế nữa, chúng ta cùng chịu đóng đinh vào thập giá với Ngài. (Thánh nữ Gemma Galgani)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
19:07 27/04/2020
4. LÝ GIÁP KHÔNG KEO KIỆT

Ở Kim Hoa có người tên Lý Giáp thích bóc lột người khác để làm béo mình.

Nhà của ông ta ở gần chùa, trong chùa có hai hòa thượng được người trong thôn kính trọng ngưỡng mộ, mỗi khi ra ngoài khất thực thì được dân chúng vui vẻ cúng nhường rất nhiều, vợ của Lý Giáp cũng ôm những đồ vật của chồng cúng cho hòa thượng, Lý Giáp biết được thì ghi hận trong lòng.

Một hôm, hai hòa thượng có chuyện nên lại đến nhà của Lý Giáp, Lý Giáp cố ý làm bộ niềm nở, nhưng ngấm ngầm ra lệnh cho đầy tớ làm bốn cái bánh độc để hòa thượng ăn, nhưng hòa thượng trước khi đến thì đã ăn no nên ôm bánh đem về.

Sáng sớm ngày hôm sau, hai đứa con trai của Lý Giáp đến chùa chơi đùa, hòa thượng cảm thấy vui và hỏi thăm thì biết là con của Lý Giáp, nên vội vàng về phòng tìm kiếm cái gì có thể ăn để cho chúng nó, nhưng chỉ thấy trên bàn có mấy chiếc bánh chưa ăn nên vội vàng phân làm hai đưa cho hai đứa nhỏ.

Hai đứa chỉ ăn một phần, còn lại thì bỏ vào trong túi áo mang về đến nhà thì kêu đau bụng, không lâu sau thì chết. Lý Giáp đau khổ vô cùng, nhìn thấy trên thân con có mang một cái bánh độc thì biết trúng độc mà chết, nên chỉ biết nuốt nước mắt mà thôi.

Có người đem câu chuyện này kể cho người bủn xỉn nghe, và muốn lấy chuyện này để giễu cợt họ, người bủn xỉn ấy nói:

- “Anh nói Lý Giáp vì bủn xỉn mà gặp tai họa sao, theo tôi thấy thì ông ta không phải vì bủn xỉn mà gặp tai họa, nếu là tôi ư, tiếc gì mấy cái bánh ấy để chết chứ?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 4:

Hại người vì lòng tham thì nhiều hơn hại người vì lòng ghét, đọc báo coi truyền hình đều thấy như thế, đa số con người ta hại nhau cũng chỉ vì lòng tham mà ra.

Vì tham mà anh em ruột thịt giết hại lẫn nhau; vì tham mà bà con láng giếng chửi nhau, thù hận nhau và không nhìn mặt nhau; vì tham mà bạn bè trở thành đối thủ không đội trời chung với nhau.v.v...Người có lòng tham thì luôn là người bủn xỉn keo kiết, cho nên họ cũng không biết đến bác ái là gì, mà nếu có biết thì cũng là vì tư lợi riêng mới bỏ tiền của ra mà thôi.

Ai đem tiền bạc của cải giúp người vì thấy mình có bổn phận giúp đỡ họ, là người khôn ngoan đem của cải trần thế của mình để “xây nhà” trên thiên đàng; ai bo bo giữ của cải cho mình mà làm ngơ trước sự khốn khó của tha nhân là người đem tiền bạc của cải của mình mua “nhà” trong hỏa ngục, khốn nạn đời đời, đó là chân lý và là niềm tin của mọi tín ngưỡng, nhưng đức tin của người Ki-tô hữu thì cao hơn một bực, đó là khi họ giúp đỡ cho tha nhân là chính họ giúp đỡ Đấng đã vì họ mà trở nên nghèo hèn, đó là Đức Chúa Giê-su.

Khuyên người bủn xỉn nên sống quảng đại là việc làm tốt, nhưng trước hết hãy nói cho họ nghe về tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho nhân loại qua cuộc giáng trần, khổ nạn, chịu chết và phục sinh của Đức Ki-tô qua chính cuộc sống của bản thân mình, đó chính là lời khuyên hay nhất cho “người keo kiết, bủn xỉn” vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ tại Santa Marta 27/4/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nghệ sĩ trong trận đại dịch
Đặng Tự Do
01:15 27/04/2020
Lúc 7 sáng thứ Hai 27 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những nghệ sĩ là những người mà sự sáng tạo của họ có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, đặc biệt trong đại dịch coronavirus kinh hoàng này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho các nghệ sĩ, những người có khả năng sáng tạo rất lớn, và cầu nguyện cho con đường thẩm mỹ do họ đưa ra cho chúng ta trong tương lai. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng sáng tạo trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã đưa ra các suy tư về bài Tin Mừng trong đó Chúa khiển trách đám đông chỉ lo toan tìm kiếm những của ăn hay hư nát, mà không màng đến những của ăn dẫn đến cuộc sống đời đời.

Phúc Âm: Ga 6, 22-29

“Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.

Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Dân chúng đã lắng nghe lời Chúa Giêsu suốt cả ngày, và sau đó họ còn được chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều. Khi nhìn thấy quyền năng của Chúa Giêsu, họ muốn tôn Người lên làm vua. Trước đó, họ đến với Chúa Giêsu để nghe lời Người và để cầu xin sự chữa lành cho các bệnh nhân. Họ ở lại cả ngày để nghe Chúa Giêsu mà không thấy chán, không mệt mỏi, hay bắt đầu thấy mệt mỏi, nhưng họ đã ở đó, hạnh phúc. Nhưng rồi khi họ thấy rằng Chúa Giêsu có thể cho họ ăn, là điều mà họ không ngờ tới từ đầu, họ nghĩ: “Đây sẽ là một người cai trị tốt cho chúng ta và ông ta chắc chắn có thể giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của người La Mã và đưa đất nước tiến lên”. Họ đã vui mừng với ý tưởng đưa Ngài lên làm vua. Ý định của họ đã thay đổi, bởi vì họ đã thấy và nghĩ rằng: “Chà... đây là một người làm phép lạ, là người có thể nuôi sống mọi người, có thể là một người cai trị giỏi.” Và ngay lúc đó, họ đã quên mất nhiệt tình mà Lời Chúa đã sinh ra trong lòng họ.

Chúa Giêsu ra đi và cầu nguyện. Đám đông ở lại đó và ngày hôm sau họ tìm kiếm Chúa Giêsu, “bởi vì Ngài phải ở đây”, họ nói, vì họ thấy không có thuyền nào khác, ngoài một chiếc duy nhất của các môn đệ Ngài, mà Chúa Giêsu lại không có mặt trên chiếc thuyền đó. Khi thấy có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến, họ liền xuống các thuyền này và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu. Và khi họ nhìn thấy Người, lời đầu tiên họ nói là: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?”, như thể nói: “Chúng tôi không hiểu, đây có vẻ là một điều kỳ lạ.”

Và Chúa Giêsu đưa họ trở lại cảm giác đầu tiên, với những gì họ có trước khi chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, tức là khi họ chăm chú lắng nghe lời Chúa: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ - như lúc ban đầu, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê và các ngươi đã hài lòng”. Chúa Giêsu tiết lộ ý định của họ và nói: “Nhưng như thế, các ngươi đã thay đổi ý định ban đầu”. Và dân chúng thay vì tự biện minh: “Không, Chúa ơi, không có đâu”, họ khiêm tốn nhìn nhận. Chúa Giêsu tiếp tục: “Các ngươi hãy ra công làm việc, không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi.” Đám đông dân chúng, là những người tốt, đã nói: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”. Đây là một trường hợp, trong đó Chúa Giêsu sửa chữa thái độ của mọi người, của đám đông, bởi vì giữa cuộc hành trình, họ đã rời xa ý định ban đầu, là tìm kiếm niềm an ủi tinh thần, và đã đi theo một con đường không đúng, một con đường trần tục chứ không phải là con đường Tin Mừng do Chúa Giêsu vạch ra.

Điều này khiến chúng ta phải tự xét mình, chúng ta bắt đầu với một con đường đi theo Chúa Giêsu, đằng sau Chúa Giêsu, theo đuổi các giá trị Tin Mừng, và nửa chừng chúng ta có một ý tưởng khác, chúng ta thấy một số dấu chỉ và chúng ta di chuyển theo hướng đó và chúng ta theo đuổi một cái gì đó có thể là tạm thời hơn, vật chất hơn, trần tục hơn, và chúng ta mất đi ký ức về nhiệt tình đầu tiên mà chúng ta có, khi nghe Chúa Giêsu nói. Chúa luôn trở lại cuộc gặp gỡ đầu tiên, và giây phút đầu tiên khi Ngài nhìn chúng ta, nói chuyện với chúng ta khiến chúng ta nảy sinh ước muốn theo Ngài. Đây là một ân sủng chúng ta phải cầu xin Chúa, bởi vì trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn có những cám dỗ lầm đường lạc lối. Chúng ta tự nhủ “Nhưng điều đó là OK, ý tưởng đó cũng tốt, không sao đâu” rồi chúng ta rẽ sang một bên. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng luôn luôn quay trở lại ơn gọi đầu tiên, giây phút đầu tiên, và đừng quên, đừng quên câu chuyện của tôi, khi Chúa Giêsu nhìn tôi với tình yêu và nói với tôi: “Đây là con đường của con”

Tôi luôn nghĩ đến một trong số những điều mà Chúa Giêsu nói vào buổi sáng Phục sinh: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông” (Mc 16:7), Galilê là nơi gặp gỡ đầu tiên. Ở đó các môn đệ đã gặp Chúa Giêsu. Mỗi người trong chúng ta đều có một “Galilê” của riêng mình, trong khoảnh khắc đó Chúa Giêsu đến gần chúng ta và nói: “Hãy theo Thầy”. Trong cuộc sống, những gì xảy ra với đám đông dân chúng ở đây là tốt, bởi vì sau đó họ hỏi Ngài: “Chúng tôi phải làm gì?”, và khi Chúa bảo họ, họ lập tức tuân theo - điều đó xảy ra khi chúng ta rời xa Chúa và tìm kiếm các giá trị khác, những thứ khác, và chúng ta mất đi sự mới mẻ của ơn gọi đầu tiên. Tác giả của thư gởi cho người Do Thái cũng đề cập đến chúng ta về điều này: “Hãy nhớ những ngày đầu tiên”. Đừng quên ký ức về cuộc gặp gỡ đầu tiên, ký ức về “Galilê của tôi”, khi Chúa nhìn tôi với tình yêu và nói: “Hãy theo Thầy”.


Source:Vatican News



 
Thư của Đức Thánh Cha gởi đến các nhà báo, những tình nguyện viên và những người bán báo đường phố
Đặng Tự Do
14:15 27/04/2020
Hôm 27 tháng Tư, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố một bức thư ngỏ gởi đến các nhà báo, tình nguyện viên và người bán báo đường phố. Nội dung như sau:

Chúng tôi công bố bên dưới lời chào Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến các nhà báo, những tình nguyện viên và những người bán báo đường phố, là những người đang gặp khó khăn lớn trong thời điểm khẩn cấp về sức khỏe này:

Lời chào của Đức Thánh Cha

Ngày 21 tháng 4 năm 2020

Cuộc sống của hàng triệu người trong thế giới của chúng ta – vốn đã và đang phải vật lộn với rất nhiều thách thức khó đối mặt, lại còn bị đè nặng thêm bởi đại dịch - đã thay đổi và đang gặp thử thách. Những người mong manh nhất, những người vô hình, những người vô gia cư có nguy cơ phải trả giá đắt nhất.

Vì vậy, tôi muốn gởi lời chào tới thế giới báo đường phố và đặc biệt là những người bán báo, mà chủ yếu là những người vô gia cư, những người bị thiệt thòi nghiêm trọng, những người lâm vào cảnh thất nghiệp: hàng ngàn người trên khắp thế giới sống được và có một công việc nhờ bán những tờ báo ngoại thường này.

Ở Ý tôi nghĩ đến kinh nghiệm tốt của Scarp de ‘tenis, là dự án của Caritas giúp hơn 130 người gặp khó khăn có thu nhập và tiếp cận được với các quyền công dân cơ bản. Không chỉ như thế. Tôi đang nghĩ đến kinh nghiệm của hơn 100 tờ báo đường phố trên khắp thế giới, được xuất bản ở 35 quốc gia bằng 25 ngôn ngữ khác nhau, bảo đảm công việc và thu nhập cho hơn 20,500 người vô gia cư trên thế giới. Báo đường phố đã không được bán trong nhiều tuần qua và những người bán báo không có công ăn việc làm. Vì vậy, tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với các nhà báo, những tình nguyện viên, những người sống nhờ vào các dự án này, và những người trong thời gian này đang làm việc với nhiều ý tưởng sáng tạo. Đại dịch đã làm cho công việc của các bạn trở nên khó khăn nhưng tôi chắc chắn rằng mạng lưới rất lớn các báo chí đường phố trên thế giới sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trước. Nhìn vào những người nghèo nhất trong những ngày này có thể giúp tất cả chúng ta nhận thức được những gì đang thực sự xảy ra với chúng ta, và tình trạng thực sự của chúng ta. Xin gửi đến tất cả các bạn thông điệp khích lệ và tình huynh đệ của tôi. Cảm ơn công việc các bạn làm, cảm ơn thông tin các bạn mang đến và những câu chuyện về hy vọng mà các bạn kể.


Source:Vatican News
 
Tổng trưởng Bộ Giám Mục đề nghị một thay đổi sâu rộng trong thái độ của hàng giáo sĩ đối với phụ nữ
Đặng Tự Do
19:51 27/04/2020
Đối với một số linh mục và chủng sinh, “phụ nữ tiêu biểu cho một mối nguy hiểm, nhưng thực tế, mối nguy hiểm thực sự lại chính là những người đàn ông không có mối quan hệ cân bằng với phụ nữ,” Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám Mục nói.

Đức Hồng Y đã bày tỏ lập trường trên trong cuộc phỏng vấn về vai trò của phụ nữ trong các chủng viện và công việc đào tạo tại chủng viện. Cuộc phỏng vấn được thực hiện cho số tháng Năm Phụ bản phụ nữ của Nguyệt San Quan Sát Viên Rôma.

Khi được hỏi, liệu việc phụ nữ không tham gia vào các chương trình đào tạo linh mục có phải là vì những lấn cấn mà những phụ nữ và linh mục có thể gặp phải khi làm việc chung với nhau hay không, Đức Hồng Y nói, vấn đề có lẽ sâu sắc hơn điều đó, và ngài bắt đầu với cách thức phụ nữ được đối xử trong gia đình.

“Có một sự lúng túng vì sợ hãi - phần lớn xuất phát từ người đàn ông đối với người phụ nữ hơn là ngược lại,” ngài nói.

Trong một số nền văn hóa, phụ nữ thường được mô tả là “chước cám dỗ”.

“Chúng ta phải thay đổi hoàn toàn cách thức các linh mục tương tác với phụ nữ,” Đức Hồng Y nói, “đó là lý do tại sao trong quá trình đào tạo, điều quan trọng là có sự tiếp xúc, thảo luận, trao đổi với phụ nữ.”

Có những phụ nữ trong ban giảng huấn tại chủng viện như các giáo sư và những người cố vấn, “sẽ giúp một ứng viên linh mục tương tác với phụ nữ một cách tự nhiên, bao gồm cả việc đối mặt với thử thách tiêu biểu bởi sự có mặt của phụ nữ, chẳng hạn như hấp lực của người phụ nữ.”

Theo Đức Hồng Y, việc cô lập các linh mục tương lai khỏi những người phụ nữ không bao giờ là một ý tưởng tốt, và như thế là không có sự chuẩn bị cho họ khi thực thi thừa tác vụ của mình.

Khi được hỏi liệu ngài có đồng ý hay không với quan điểm cho rằng nếu phụ nữ đã được tham gia vào việc đào tạo tại các chủng viện từ lâu, thì điều đó có thể giúp ngăn chặn các tai tiếng lạm dụng tình dục, Đức Hồng Y cho rằng “chắc chắn có một sự thật trong đó bởi vì đàn ông là một hữu thể có tình cảm. Nếu không có sự tương tác giữa hai giới, thì có nguy cơ phát triển sự bù trừ, có thể “được thể hiện qua việc hành xử quyền lực hoặc trong các mối quan hệ khép kín, việc đóng kín này có thể trở thành thao túng và kiểm soát, và có thể dẫn đến lạm dụng lương tâm và lạm dụng tình dục.”

“Tôi nghĩ rằng đối với một linh mục, học cách liên hệ với phụ nữ trong môi trường đào tạo là một yếu tố nhân bản hóa thúc đẩy sự cân bằng trong tính cách và tình cảm của người đàn ông,” Đức Hồng Y nói.

Đức Hồng Y Ouellet cho rằng về phương diện linh hướng, chọn một linh mục làm cha linh hướng cho các chủng sinh vẫn tốt hơn, là chọn một người phụ nữ. Nhưng ngài nói rằng các chủng viện cần đưa các phụ nữ vào quá trình đào tạo, đặc biệt là trong việc giúp đánh giá các ứng viên cho chức tư tế, sự trưởng thành của họ về tâm lý xã hội và bản sắc tâm sinh lý.


Source:Crux
 
Một đạo sĩ Hồi giáo đổ lỗi Covid-19 gây ra vì đàn bà.
Trần Mạnh Trác
20:53 27/04/2020
Karachi, ngày 27 tháng 4 năm 2020 (UCA News):Một đạo sĩ thuyết giáo nổi tiếng cuả Pakistan đã bị trù dập tơi bời bởi những nhà hoạt động nhân quyền, sau khi ông tuyên bố rằng đại dịch coronavirus là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vì có những người phụ nữ ăn mặc hở hang.

Maulana Tariq Jameel, một đạo sĩ cấp cao trong phong trào hồi giáo trở về nguồn Tablighi Jamaat, đã đưa ra nhận xét ngược ngạo này trong buổi gây quỹ trực tuyến cho người nghèo vào ngày 24 tháng 4, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Imran Khan.

Trong lời cầu nguyện, ông đạo sĩ 67 tuổi đã lên án những phụ nữ ưỡn ẹo và hở hang. Ông tuyên bố những hành động vô đạo đức như thế đã mang đến cho đất nước sự phẫn nộ của Đấng Toàn Năng.

Ông cũng cáo buộc các phương tiện truyền thông đã phổ biến sự dối trá, nhưng khi bị chất vấn trong một chương trình nói chuyện, ông vội xin lỗi họ. Còn về các phụ nữ, ông vẫn chưa có phản hồi.

Trong số những người nhanh chóng kết án nhà thuyết giáo là bà bộ trưởng nhân quyền Shireen Mazari.

“Đơn giản là ngu xuẩn cho bất kỳ ai dưới bất kỳ chiêu bài nào còn cho rằng đại dịch Covid-19 là kết quả của việc phụ nữ mặc áo ngắn tay hoặc vì các nhà trường dạy học trò những điều lầm lạc. Điều này đơn giản là vì thiếu hiểu biết về đại dịch hoặc là vì một tư duy sai lầm. Hoàn toàn không thể chấp nhận được,” Bà bộ trưởng tuyên bố.

“Chúng tôi sẽ không chấp nhận sự đả kích phụ nữ với những lời buộc tội lố bịch như vậy. Chúng tôi ở Pakistan đã chiến đấu hết mình để đạt được những quyền ghi trong hiến pháp của Cộng hòa Hồi giáo Pakistan.”

Bà Sherry Rehman, một thượng nghị sĩ, đòi hỏi ông đạo sĩ phải xin lỗi.

“Tại sao Maulana Tariq Jameel chưa xin lỗi phụ nữ chứ? Ông cần đấy. Ông đổ lỗi đại dịch này cho những người phụ nữ Pakistan mà ông cáo buộc là vô đạo đức. Đây là một sự vu khống trên nhiều cấp độ, hoàn toàn không thể chấp nhận được. Đã đến lúc ông ta phải tự kiểm thảo (suo moto). Ông đang xâm phạm vào các quyền cơ bản,” Bà nghị sĩ tweet.

“Ông gây nguy hiểm cho những người phụ nữ từng bị tổn thương vì nghèo đói và thiếu sức khỏe. Làm thế nào mà ông ta nói lên được những lời kích động thù địch chống lại phụ nữ trước quốc hội chứ??! Tariq Jameel cần xin lỗi nữ giới.”

Trong một tuyên bố, Ủy ban Nhân quyền Pakistan cho biết họ kinh hoàng trước lời tuyên bố không thể giải thích được của nhà thuyết giáo. "Những lời mô tả trắng trợn như vậy là không thể chấp nhận được và nhất là khi được phát sóng trên truyền hình công cộng, thì chỉ tạo thêm thái độ khinh bỉ phụ nữ vốn đã có trong xã hội.”

Trong một bài xã luận ngày Chúa Nhật, tờ báo Dawn xuất bản tiếng Anh, đáng tin cậy nhất của Pakistan, cũng đã đưa ông đạo sĩ ra mổ sẻ.

“Một người như ông Maulana cho rằng phụ nữ đáng bị đổ lỗi cho đại dịch toàn cầu, thì không chỉ là một thông tin xấu mà còn là một sự khích động. Lời tuyên bố đó có vấn đề; Nó không chỉ biểu lộ ra một thái độ khinh khi phụ nữ lầm lạc sâu xa, mà nó lại còn được phát sóng, không bị cản trở, từ một diễn đàn rất cao cấp,” tờ báo viết.

“Tâm lý này phản ánh cái xu hướng đáng tiếc của xã hội là gạt ra rìa những người phụ nữ, đơn giản là vì cấu trúc quyền lực xã hội cho phép coi những người phụ nữ là những sinh vật thấp hèn hơn. Lời nhận xét ấy còn củng cố thêm một ý tưởng nguy hiểm nhưng rất phổ biến nữa, đó là việc đàn áp phụ nữ là được phép.”

“Thực tế là ở Pakistan và các nơi khác, phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và bạo lực có hệ thống. Trong đại dịch này, các vụ lạm dụng trong nước đã tăng vọt khi những người phụ nữ bị buộc phải ở nhà trong thời gian dài với những kẻ hành hạ họ. Bất chấp những thách thức này, giới phụ nữ đã cố gắng để được công nhận và có những người đã đạt được những thành quả tuyệt đỉnh - bằng chứng là nhiều nhà lãnh đạo phái nữ trên toàn cầu đã phản ứng rất hiệu quả trong cơn đại dịch này.”
 
Đức Thánh Cha cám ơn các tờ báo đường phố: Cám ơn đã chia sẻ những câu chuyện hy vọng
Thanh Quảng sdb
21:21 27/04/2020
Đức Thánh Cha cám ơn các tờ báo đường phố: Cám ơn đã chia sẻ những câu chuyện hy vọng

Đức Thánh Cha Phanxicô viết thư cho các tờ báo đường phố để bày tỏ tình đoàn kết của ngài với các tình nguyện viên và những người vô gia cư trong cơn đại dịch Covid-19.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Trong một bức thư được gửi vào thứ Hai (27/4/2020) cho hơn 100 tờ báo đường phố trên khắp thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận sự bùng phát coronavirus đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người sống dựa vào sự thu nhập hàng ngày...

Ngài cũng nhìn nhận rằng các tờ báo đường phố và đặc biệt là các nhà phát hành nhằm gửi đến những người vô gia cư, những người bị thua thiệt hoặc thất nghiệp: hàng ngàn người trên khắp thế giới sống và kiếm được đôi đồng nhờ bán những tờ báo thông thường này, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

Tiếng nói của những người bên lề xã hội

Những tờ báo đường phố là ấn phẩm được xuất bản để hỗ trợ những người viết, in ấn và phân phối chúng. Những tờ báo này thường nói lên tiếng nói bên lề xã hội trong cộng đồng của họ.

Hơn 100 tờ báo đường phố được xuất bản tại 35 quốc gia, qua 25 ngôn ngữ khác nhau. Họ cung cấp việc làm cho 20.500 người.

Đức Thánh Cha Phanxicô đánh giá cao về trách vụ này và nhắc lại việc ngài nhiệt liệt ủng hộ một dự án của Caritas ở Ý có tên (Hội Người Đánh Tenis Nghèo) Scarp de Tenis.

Ấn bản này đã cung cấp thu nhập cho hơn 130 người phục vụ tờ báo...

Trả giá cao

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhìn nhận rằng đại dịch Covid-19 đã khiến những người sống vào những tờ báo đường phố này không còn kế sinh nhai! Ngài cho biết họ là những người nghèo túng và đáng thương mà cơn đại dịch Covid-19 đẩy đưa họ vào thảm trạng này!

Tôi muốn bày tỏ tình hiệp thông với các nhà báo, tình nguyện viên và những người sống nhờ vào các ấn phẩm này và những người ngày nay đang tìm mọi cách để khôi phục lại…

Trong cơn Đại dịch, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đã làm cho những công việc này trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là vô vọng! Nhưng tôi tin chắc rằng mạng lưới các ấn bản báo đường phố hữu ích này sẽ được tái bản lại và khởi sắc hơn...
 
Chính trị, nhà thờ và Covid-19
Vũ Văn An
22:46 27/04/2020
Trước đại nạn tầm cỡ Covid-19, thẩm quyền chính trị lẽ dĩ nhiên được đề cao để ứng phó hữu hiệu và các biện pháp họ đưa ra nhằm chặn đứng lây lan và chết chóc được mọi tầng lớp dân chúng tuân theo, kể cả tầng lớp tôn giáo, trong đó, có quần chúng Công Giáo và các nhà lãnh đạo của họ.

Nhưng sức chịu đựng của con người trước các hạn chế tự do hình như luôn có giới hạn: các biện pháp phòng ngừa nghiêm khắc cho đến nay, có nơi đã lên tới 2 tháng, 1 phần 6 của năm. Câu nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại đúng cả trong đại nạn Covid-19.

Dân chủ bị đe dọa

Sự mất kiên nhẫn trên đã được biểu lộ qua bài báo của linh mục Dòng Tên Bill McCormick trên tờ America ngày 27 tháng 4, 2020: “Around the world, democracy is at risk from the coronavirus” (khắp thế giới, dân chủ đang gặp nguy cơ từ coronavirus).



Vị linh mục trên dường như được đánh động bởi câu phát biểu ngày 13 tháng 4 của Tổng thống Donald Trump: “khi một ai đó là tổng thống của Hiệp Chúng Quốc, thì thẩm quyền là toàn diện”. Câu nói này được nói ra trong bối cảnh nhiều người cho là Đảng Dân Chủ cổ vũ thẩm quyền địa phương và tiểu bang trong khi Đảng Cộng Hòa muốn bành trướng thẩm quyền liên bang.

Đến mức nào thì ai mà biết, nhưng theo Cha McCormick, câu nói ấy dường như được nói thay cho nhiều nhà lãnh đạo khác khắp thế giới. Thực vậy, nhân đại dịch Covid-19, các cuộc bầu cử đã được triển hạn ở ít nhất 50 quốc gia trên thế giới. Các chính phủ có thêm quyền trinh thám mở rộng để theo dõi các cá nhân không những lây nhiễm mà cả không lây nhiễm lấy lý do ngăn ngừa lây nhiễm nữa, như đã diễn ra ở Trung Hoa, Nam Hàn, Singapore, Do Thái và nay Úc Đại Lợi với Covidsafe App hiện được hơn 2 triệu người “download”. Chưa hết, hiện có nhiều giới hạn mới đối với tự do ngôn luận lấy cớ là ngăn chặn “thông tin sai lạc” tại những nơi như Hung Gia Lợi và Thái Lan. Tại Chile, Serbia và nhiều quốc gia khác, quân đội đã được triển khai để chấp pháp trật tự công cộng.

Cha McCormick cho rằng các hạn chế tạm thời ấy thường là cần thiết. Tuy nhiên, điều lo ngại là hiếm có bảo đảm các quyền hành mới trên đây chịu chấm dứt dù cơn khủng hoảng đã qua đi và trong một số trường hợp, cuộc khủng hoảng còn được sử dụng như cái cớ cho khát vọng lâu dài muốn toàn trị. Điển hình rõ nhất trong đại dịch Covid-19 là Viktor Orban của Hung Gia Lợi. Hiện nay thủ tướng của nước này đang cai trị bằng sắc lệnh, không bị Quốc Hội giám sát và các cuộc bầu cử bị đình hoãn vô hạn định. Và một số quyền cấp cho ông ít có liên quan đến cuộc khủng hoảng y tế, như tăng quyền kiểm soát báo chí chẳng hạn.

Tổng thống Trump mẫn cảm với cảm quan tôn giáo

Tham vọng mở rộng thẩm quyền liên bang của Tổng thống Trump không biết sẽ đi đến đâu. Nhưng rõ ràng Ông Trump đã không bỏ lỡ dịp sử dụng Covid-19 một cách có lợi cho viễn tượng nhiệm kỳ hai của Ông.

Thực vậy, theo Christopher White của tạp chí Crux, chính trong bối cảnh Covid-19, ngày 25 tháng 4 vừa qua, Ông Trump đã có một “hội nghị video” với 600 nhà lãnh đạo Công Giáo để nói với họ rằng ông là “tổng thống tốt nhất trong lịch sử Giáo Hội”.

White cho rằng trong băng ghi âm cuộc điện đàm, ông Trump nhiều lần nhấn mạnh tới việc ông ủng hộ phong trào phò sự sống và tự do chọn trường học, cố tình tô đậm nét tương phản với chính phủ Obama.

Trong số những vị tham dự cuộc điệm đàm có các Hồng Y Dolan của New York, O’Malley của Boston, Tổng Giám Mục Gomez của Los Angeles và là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ...

Cũng theo Christopher White, Đức Hồng Y Dolan và Đức Tổng Giám Mục Gomez, trước đó, tức ngày 17 tháng 4, đã tham dự một “hội nghị Video” khác của Ông Trump với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác, để bàn về việc mở lại các nơi thờ phượng. Cuộc điện đàm này không mang lại kết quả cụ thể nào có lẽ vì, như Ông Trump chỉ ra, lệnh đóng cửa các nơi thờ phượng thuộc tiểu bang chứ không phải liên bang. Vì thế ông chỉ có thể khuyến khích các tiểu bang nới lỏng lệnh cấm mà thôi.

White cho biết thêm: trong khi các Giáo Hội Thệ Phản nhấn mạnh đến việc mở lại các nơi thờ phượng, thì hai vị giáo phẩm Công Giáo không đề nghị chi cụ thể cả về khía cạnh này. Có lẽ vì quyết định cử hành các thánh lễ công cộng và ban các bí tích khác thuộc thẩm quyền của các Giám Mục địa phương.

Chính vì thế, cho đến nay, trong khi phần lớn các giáo phận Hoa Kỳ tiếp tục duy trì lệnh cấm, thì có ba giáo phận đã cho phép việc cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, dù hạn chế về số người theo qui định địa phương.

Trở lại cuộc điện đàm 25 tháng 4, trong nhận xét mở đầu, Ông Trump cám ơn các nhà giáo dục Công Giáo trong các cố gắng giáo dục từ xa trong thời Covid-19 cũng như các nâng đỡ tâm linh họ cung cấp cho các gia đình. Ông cũng nhắc đến chương trình cung cấp ngân phiếu bảo vệ nhân Covid-19 (COVID-19 paycheck protection program), được lồng vào gói trợ giúp khởi đầu do Quốc Hội thông qua hồi tháng Ba nhằm cung cấp các khoản cho vay có thể được miễn trả. Ông nói với các vị tham dự rằng ông nhấn mạnh phải bao gồm các định chế Công Giáo vào chương trình, “nếu không tôi sẽ không xử lý”.

Ông cũng nói đến các thành tích kinh tế khác cũng như cố gắng chặn đứng Covid-19. Nhưng điều ông nhấn mạnh hơn cả vẫn là thành tích phò sự sống, “ở một mức độ chưa có tổng thống nào thấy trước đây, theo nhận định của mọi người”. Ông nhắc đến việc đích thân tham dự diễn hành phò sự sống hồi tháng Giêng cũng như việc ông ủng hộ chính sách Mexico City, ngăn không được dùng tiền Liên Bang trợ giúp việc phá thai.

Sau nhận xét của ông, người lên tiếng đầu tiên là Đức Hồng Y Dolan. Đức Hồng Y cám ơn tổng thống vì “đã can đảm nhấn mạnh đến việc phải lồng các cộng đồng vô vị lợi, thuộc đức tin, và các trường học của chúng tôi” vào gói kích thích mới đây. Đức Hồng Y hy vọng sự trợ giúp này, nhất là cho các trường Công Giáo, kéo dài cả sau tháng 9. Ngài nói: “chúng tôi cần tổng thống hơn bao giờ hết”.

Tổng thống Trump đáp lại: “qúy vị sẽ có một Giáo Hội Công Giáo rất khác” nếu ông không được tái cử.

Michael J. O’Loughlin của tạp chí America thì cho hay: sau khi điện đàm với Tổng thống Trump, Đức Hồng Y Dolan đã lên chương trình Fox & Friends của Fox News để ca ngợi tổng thống đã mẫn cảm “đối với cảm quan của cộng đồng tôn giáo”.

Đức Hồng Y nói “tôi thực sự chào kính sự lãnh đạo của ông”. Có điều ngài cũng ca ngợi sự lãnh đạo của Thống đốc Cuomo (Dân chủ) của Tiểu Bang New York và Thị Trưởng New York de Blasio.

Tuy nhiên, những lời ca ngợi nồng ấm nhất vẫn dành cho tổng thống Trump. Ngài nói: “chúng tôi có những vị quyên tặng đầy chất anh hùng... và chúng tôi vốn nhận được lời hứa hẹn của các nhà lãnh đạo, và như tôi đã nói, nhất là Tổng Thống Trump, người thực sự biểu lộ sự lo lắng đối với các trường học Công Giáo, các cơ quan bác ái Công Giáo, ngành chăm sóc sức khỏe Công Giáo”.

Thế thượng phong của các giám mục Ý

Ở Ý, Thủ tướng Conte không được như thế: ông đang bị Hội Đồng Giám Mục Ý cho là vi phạm tự do tôn giáo. Thực vậy, theo John Allen, vấn đề xoay quanh chuyện cử hành thánh lễ công cộng. Cho đến nay, dù Thủ tướng Conte cho phép mở lại nhiều ngành sinh hoạt kể cả những ngành khó có thể thi hành “khoảng cách xã hội” như salon, tiệm hớt tóc... nhưng các nơi thờ phượng thì vẫn tiếp tục phải đóng cửa, dù dễ áp dụng khoảng cách này.

Một điểm nữa cần nói là Giáo Hội Công Giáo Ý là định chế “hết lòng” tuân theo luật lệ của chính phủ. Ít nhất cho đến nay. Họ vẫn chờ chính phủ ra chỉ thị mới chính thức mở cửa các nhà thờ cho việc thờ phượng công cộng. Dù thủ tướng Conte thừa nhận việc đó và từng lên tiếng ca ngợi, nhưng, đến khi bắt đầu nới lỏng lệnh cấm tụ họp, ông xem ra không lưu ý tới nguyện vọng tha thiết của giáo hội này, dù vị chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý chính thức đệ đạt.

Theo Allen, đứng trước thái độ ít hợp tác đó, Hội Đồng Giám Mục Ý đã chính thức lên tiếng đe dọa rằng nếu không nhận được đáp ứng thỏa đáng của chính phủ, các ngài sẵn sàng giành thẩm quyền đã ban cho dưới các điều khoản tự do tôn giáo của hiến pháp Ý và tự ý hành động độc lập.

Tuy nhiên, trong một nhận định ngỏ cùng tạp chí Crux, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Ý, cha Ivan Maffeis, đã khôn khéo nói rằng “hiện còn quá sớm” để thả nổi khả thể ấy.

Ngài cho biết thêm “chúng tôi tin tưởng các cuộc thương lượng sẽ tiếp diễn trong tinh thần hợp tác thân ái và xây dựng vốn đánh dấu các tuần lễ khó khăn này”. Còn nếu thương thuyết bế tắc thì là một chuyện khác.

Allen thì nghĩ rằng trong các cuộc thương lượng nói trên, phần nhượng bộ phần lớn là của ông Conte nhiều hơn của các Giám Mục Ý. Vì hiện đang có áp lực đòi tống cổ Conte, ít nhất cũng vì ông thiếu khả năng điều hành việc tái thiết sau Covid-19. Nên muốn sống còn, Conte cần bạn. Mà người bạn vững chãi hiện có đối với ông chính là Giáo Hội Công Giáo. Ông vốn là một tín hữu, sùng mộ Cha Thánh Piô Năm dấu, cố gắng hết mình duy trì liên hệ tốt với cả Vatican lẫn Hội Đồng Giám Mục Ý. Mất sự ủng hộ này, tương lai ông sẽ đi đoong.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, Giáo Hội Công Giáo “phỗng tay trên” vì nếu họ tự ý tách hàng để tự ý sinh hoạt độc lập, chương trình chống Covid-19 của Conte sẽ lâm nguy khi các nhóm khác cũng tự ý tự sinh hoạt độc lập.

Điểm cũng quan trọng nữa, theo Allen, là: trong cuộc tranh luận này, không hề có cánh tả cánh hữu. Nữ bộ trưởng Elena Bonetti, tuy cánh tả, nhưng từng tuyên bố “tôi không thể giữ im lặng liên quan đến quyết định không thể nào hiểu được không chịu nhượng bộ khả thể cử hành các buổi lễ tôn giáo. Tôi không nghĩ có bất cứ bào chữa nào cho việc nại vào ý kiến cứng rắn của ủy ban khoa học kỹ thuật. Nhiệm vụ của giới lãnh đạo chính trị là bảo vệ phúc lợi toàn diện của xứ sở, và tự do tôn giáo nằm trong số các tự do nền tảng của chúng ta”.

Không như ở Hoa Kỳ, nơi tôn giáo có khuynh hướng đảng phái, mọi đảng lớn của Ý đều có cánh Công Giáo cả và bất cứ khi nào có vấn đề quan trọng đối với Giáo Hội, các nhà lập pháp đều được các lãnh đạo đảng cấp quyền đầu phiếu theo lương tâm. Theo Allen, có lẽ việc các chính trị gia có xu hướng cánh tả lên tiếng chống lại việc đóng cửa các nơi thờ phượng là một mưu toan phá tan mưu toan độc quyền hóa việc chống lại này của chính trị gia cực hữu và dân túy Matteo Salvini gần đây. Nếu thế, thì đây là một con bài tẩy nữa nằm trong tay các Giám Mục ý trong cuộc thương lượng nhằm mở lại các thánh lễ công cộng.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ trực tuyến xin ơn cầu bầu của Đức Mẹ La Vang tại tổng giáo phận Huế
Emily Nguyễn
15:46 27/04/2020
Trong tinh thần hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ, trước cơn đại dịch coronavirus hiện đang gây ra nhiều đau khổ và chết chóc trên toàn thế giới, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh của tổng giáo phận Huế đã cử hành một thánh lễ đồng tế trực tuyến cùng với các linh mục tại linh đài Đức Mẹ La Vang thuộc tỉnh Quảng Trị, Việt Nam vào lúc 8 giờ sáng Chúa Nhật 26 tháng Tư để xin Đức Mẹ che chở cho Việt Nam và thế giới.

Trước khi cử hành thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục đã “thay mặt Hội Đồng Giám Mục, các linh mục và nam nữ tu sĩ của tổng giáo phận Huế, chúng tôi chính thức đến với Đức Mẹ để nói lên nguyện vọng của chúng ta trong thời điểm đặc biệt này”

Đức Cha đã dâng lên cho Đức Mẹ một bó hoa tươi “trong tình hiệp thông với mọi người, để thể hiện tình con thảo với Đức Mẹ” một truyền thống tốt đẹp của các giáo dân Việt Nam luôn dành cho Đức Mẹ trong mọi ngày, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Đặc biệt là trong dịp đại dịch với sức ảnh hưởng toàn cầu hiện nay, khi thế giới phải bị xô đẩy vào một tình huống bất an, nguy hiểm với những rủi ro và hậu quả không lường trước mắt.

Dưới cơn mưa tầm tã như cùng chia sẻ nỗi lo lắng hoang mang của trần gian thời đại dịch, và dù không có giáo dân do lệnh cách ly vẫn còn hiệu lực, thánh lễ vẫn diễn ra thật sốt sắng và trang trọng.

Đặc biệt, phần lớn bài giảng của vị chủ tế trong thánh lễ đã bao gồm nghi thức cầu nguyện dưới chân tượng Mẹ linh thiêng. Đức Tổng Giám Mục đã thay mặt giáo phận và toàn thể giáo dân VN trong nước cũng như hải ngoại để đọc lời khẩn nguyện rất cảm động, chân thành lên Đức Mẹ, nài xin Đức Mẹ gìn giữ và dẫn dắt thế giới ra khỏi cơn dịnh bệnh coronavirus và những hâu quả tàn khốc của nó không những về mặt sức khoẻ mà còn về kinh tế, xã hội, đạo đức, và ý thức tâm linh.

Linh mục đoàn và tất cả mọi người tham dự đã nắm tay nhau trong phần Kết Lễ khi cùng hát bài Kinh Hoà Bình. Đức Cha chủ tế cũng không quên chúc lành cho tất cả mọi người tham dự thánh lễ trực tuyến hay thông công trong khi ca đoàn hát những lời kinh cầu ơn che chở khẩn thiết lên Mẹ Thiên Chúa.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thằng Linh Thằng Lượm
Lm. Nguyễn Trung Tây
21:08 27/04/2020
Lời dẫn: Những con thuyền gỗ, nếu sống sót qua những tàn nhẫn tạo ra bởi người trên biển, mang tới trại tỵ nạn nhiều thiếu niên hoặc bố bị hải tặc Thái giết chết, hoặc mẹ bị bắt mang đi, hoặc bố mẹ bị rớt lại ngay tại "bãi." Các em trở thành thiếu niên tỵ nạn mồ côi sống không hạnh phúc…

Nhìn thấy lon sắt nằm lăn lóc bên vệ đường, tiền đạo Lượm cong người, bậm môi sút mạnh. Lon sắt nhấc bổng thân mình bay vèo vèo ngang qua nhánh cây khuynh diệp. Lon xoáy tròn lao tới đập thẳng nát vụn cửa kiếng căn nhà hộp. Thủy tinh vỡ chập chờn khuôn mặt hốt hoảng và nhịp chân nhanh nhanh của người đàn bà mập tròn với cặp chân mày nhổ nhỏ như cây kim bẻ cong. Đẩy mạnh cánh cửa nhôm nhà hộp sang một bên, người đàn bà cúi nhìn những mảnh kiếng vỡ vụn nằm ngơ ngác trên nền đất đen. Ngó nhìn quanh quẩn, ánh mắt người đàn bà rớt xuống trên hai khuôn mặt tái xanh của hai thằng nhóc tóc cháy vàng hoe. Sốc cao cao hai tay áo, bà ta chĩa ngón tay chuối sứ vào mặt hai tên nhóc,

— Ơ! Cái quân mất dạy! Bà truyền đời cho chúng bay biết, cơm không ăn nhưng muốn ăn cám thì bà cho tụi bay ngày mai, Mùng Một Tết, cả hai thằng xách sô đi rửa chuồng “nợn”!

Người đàn bà phóng tới, miệng hét to,

— Bắt nó! Bắt hai thằng đó mang lên Ban Trật Tự. Bắt nó! Ới bà con ơi! Đó, đó, hai cái thằng mặc áo thun màu đỏ đó. Các ông các bà ơi! Bắt nó hộ tôi…

Tiếng hét giật giọng mời gọi những bước chân quay lui nhìn theo bốn cẳng chân ống điếu thiếu nhi quậy tung bụi đỏ góc đường trại tỵ nạn. Nhiều người bịt mũi, có người nhăn mặt, có người che mũi ắt xì, có người mở miệng lẩm bẩm chửi thề. Ngó nhìn quanh quẩn, không thấy ai hưởng ứng lời kêu gọi "SOS", người đàn bà thẹn thùng, đứng lại. Bà ta ôm ngực thở hắt, tiếng thở đứt quãng, ồ ề, hờ! hờ! hờ! Bà hậm hực, mắt dõi nhìn theo bóng hai thằng nhỏ đang dần dần mất hút.

Hôm nay Ba Mươi Tết. Chỉ còn mười mấy tiếng nữa thôi, không gian sẽ chuyển mình khoác vào người tà áo xuân. Tết! Nhưng trại tỵ nạn Sungai Besi, không khí vẫn nhạt nhẽo lờ đờ nước hến. Ba Mươi Tết, cảnh sát Mã cấm đốt pháo cấm nổi lửa nấu bánh chưng. Tết Việt Nam không phải của người Mã, cho nên trại tỵ nạn vẫn sinh hoạt bình thường. Thịt heo vẫn bị cấm. Người vi phạm kỷ luật vẫn xách sô chùi rửa nhà vệ sinh. Hoạt động duy nhất trong trại có khả năng khơi dậy không khí rộn ràng ngày Tết xảy ra nơi hội trường lãnh thư; bởi Ba Mươi Tết năm nay rơi đúng vào ngày thứ Ba, cũng là ngày Hội Trăng Lưỡi Liềm Mã Lai ghé vào phát thư.

Trời xuân, nhưng nắng xích đạo hầm hập đập thẳng da mặt tỵ nạn. Trời đã quá trưa, mặt trời Mã Lai như thường lệ đều đặn hít vào khè ra lửa đỏ đốt cháy loang loáng làn da đen bóng mồ côi. Tiền đạo đội banh tiểu học Hùng Vương-Thằng Lượm đổi hướng. Thay vì chạy về khu nhà Âu Cơ, nó quẹo trái chạy thẳng một lèo tới sân trường tiểu học Hùng Vương. Thủ quân đội banh Hùng Vương-Thằng Linh chạy theo sau, miệng hét to,

— Đợi tao với! Lượm ơi! Đợi tao với!

Nhưng mặc cho bạn réo gọi đằng sau, thằng Lượm tiếp tục phóng tới. Thằng Linh cuối cùng vượt lên, bắt theo kịp bạn. Phóng lên thềm gạch, hai thằng nhóc ngồi xuống bậc thềm dẫn vô cửa lớp, hơi thở nặng nề.

Trời xanh Giao Thừa yên lặng không gợn nhăn cơn gió, thằng Linh tay vuốt vuốt tóc, tay lau mồ hôi loang lổ khuôn mặt bám bụi đỏ. Trời nắng Ba Mươi không hằn sâu đường mây trắng trên bầu trời xanh, thằng Lượm im lìm nhìn về phía trước. Hội trường phát thư tiếp tục ồn ào nhộn nhịp bước chân người, tiếng xướng ngôn viên trên phòng Thông Tin,

— Phạm Thanh Nhàn, không rõ số tàu. Ngô thị Mai Phương, tàu PB 705. Vũ Hoàng Liêm, tàu PB 706.

Ba Mươi Tết, dân tỵ nạn hớn hở kéo nhau tới văn phòng thư tín, hoặc để lãnh thư hoặc chỉ để nhìn ngó khung cảnh rộn rịp mà tưởng đang ngắm chợ hoa Nguyễn Huệ. Bởi hội trường lãnh thư tưng bừng người, nhà cơm tự nhiên trống vắng hàng dài nhọc nhằn chờ đợi thau cơm. Rảnh rỗi, nhân viên hãng thầu người Hoa mặc áo thun quần đùi mồ hôi chảy nhễ nhãi đứng nhìn dân tỵ nạn Việt Nam hân hoan với ngân phiếu, mừng vui với tiền đô, buồn thiu với thư tín.

Có người rạng rỡ nụ cười săm soi nhìn tờ money order in hình Nữ Thần Tự Do. Có người nhảy tưng tưng, hét to, “Happy New Year!”, khi nhìn thấy tờ giấy 20 đô la màu xanh hình tổng thống Andrew Jackson dấu giữa tờ giấy bạc thuốc lá. Có người nước mắt long lanh đỏ hoe trước trang thư mở rộng. Nơi hội trường lãnh thư, hàng người dài ngoằng tiếp tục xếp hàng rồng rắn, nóng nảy chờ đợi. Sau khung cửa kính, nhân viên bưu điện Mã sắc mặt lạnh lùng cú vọ, xòe ra những ngón tay khô khốc cầm thẻ tỵ nạn săm soi nhìn ngó.

Hai tay giơ cao vuốt vuốt những hạt mồ hôi lăn tròn trên khuôn mặt, thằng Linh khơi chuyện,

— Giờ mà có cây cà rem thì tuyệt cú mèo!

Nhưng thằng Lượm không hưởng ứng lời ước cây kem của thằng bạn. Nó tiếp tục im lìm nhìn xuống sân gạch. Thằng Linh lại lên tiếng,

— Ủa! Thư đâu?

Thằng Lượm lúng búng trong miệng,

— Không phải thư của tao...

Nó vòng vo giải thích,

— Thư bên Đức! Không phải thư bên Mỹ.

Nhìn mặt thằng Linh ngơ ngác không hiểu, thằng Lượm nói thêm,

— Thư trùng tên người nhận. Không phải thư của anh tao...

Thằng Linh xụ mặt, thở dài, vậy là đọi, đọi rỗng bao tử, đọi hốc mặt mày, đọi khỏi ăn Tết... Thằng Linh nuốt nuốt nước miếng. Nó thở dài, miệng sao đắng nghét.

Một tuần nay nó thấy thằng Lượm chiều chiều bỏ, không ra sân dợt banh nữa. Tối tối trong khi đang chơi ở sân trường với đám bạn mồ côi, thằng Lượm bỏ về khu Âu Cơ đắp mền kín mít. Có lần thằng Linh còn thấy thằng Lượm nằm trên giường, khóc thút thít!

Tối hôm qua thấy bạn bỏ đi, thằng Linh đi theo. Về tới khu Âu Cơ, nó thấy giường của thằng Lượm trống trơn. Đi ra sân sau, thằng Linh giật mình, tim đập thình thịch. Nó thấy bóng trắng nhờ nhợ nhập nhòe đang ngồi một mình ở sân cỏ. Trống ngực thằng Linh đập rộn ràng, bình bịch! bình bịch! Thời gian gần đây tụi bạn Âu Cơ hay nói sân sau khu Âu Cơ có ma, con ma vú dài thoòng loòng, lưỡi đỏ lòm thè dài tới rốn đong đu trên những hàng cây khuynh diệp. Có đứa còn giơ tay vừa thề vừa nói chính mắt nhìn thấy con ma con gái bị hải tặc bắt ngồi khóc hu hu. Giờ thấy bóng trắng ngồi trên sân cỏ Âu Cơ khóc thút thít, thằng Linh thiếu điều muốn...tè ướt cả quần sà-lỏng; nhưng nó cố trấn tĩnh, cất giọng hỏi,

— Lượm? Phải mày không Lượm?

Bóng trắng không động đậy! Đâu đây tiếng khóc nho nhỏ lại nổi lên! Thằng Linh nhấc hai cẳng chân tính bỏ chạy. Nhưng nó nhíu mày, dừng bước, bởi nhận ra hình dạng gầy ốm quen thuộc của thằng Lượm. Thằng Linh hoàn hồn. Bước tới mấy bước, nó cất tiếng cự nự,

— Lượm! Mày làm tao hú hồn. Mày, mày làm sao vậy? Sao lại ngồi đây?

Thằng Lượm thôi không khóc nhưng cũng không trả lời. Ngồi xuống cạnh bên thằng Lượm, thằng Linh giơ tay choàng qua vai bạn. Thằng Lượm không phản ứng. Năm phút sau, nó đứng dậy bỏ thẳng về giường kéo mền che kín mít. Thằng Linh lẽo đẽo đi theo sau, mặt buồn thiu. Nó cũng leo lên giường, tay gác lên trán, mắt nhìn trần nhà, nghĩ ngợi lung tung. Lượm ơi, nói đi, mày sao vậy? Thằng Linh xót xa trong bụng. Nó biết nó thương thằng anh em kết nghĩa nhiều thật nhiều!

…Hồi mới tới đảo Bidong, nó với thằng Lượm, hai đứa bày đặt chích máu ăn thề. Phải gọi là chích máu ăn thề, bởi vì hai đứa nhát thỏ đế, sợ đau, chỉ dám dùng cây kim khâu chích đầu ngón tay mà thôi, chứ không dám dùng dao lam Gillette cắt đầu ngón tay lấy máu. Thằng Linh đi kiếm con Hoa Tiểu Thư, mượn cái kim khâu và mấy cây nhang. Mượn kim khâu thì dễ òm bởi vì chị Hương của con Hoa thêu đẹp như vẽ, trong nhà đầy kim khâu đít vàng. Nhưng khi thằng Linh nhắc tới mấy cây nhang, con Hoa Tiểu Thư lắc đầu,

— Tao Công Giáo, trong nhà không có nhang cúng. Mày đi mà hỏi con Thủy Sún, nó đạo Phật, chắc có nhang cúng trong nhà.

Nghe nhắc tới con Thủy Sún, thằng Linh sụ mặt, chân bước thẳng lên chùa. Nó ghét con Thủy Sún bởi con Thủy hay rủ rê thằng Lượm đi chơi riêng... Tới cửa chùa, rình rình không có ai, thằng Linh len lén rút mấy cây nhang trên bàn thờ Phật, dấu vào sau áo thung. Bước ngang qua chánh điện, thằng Linh cúi đầu, miệng lẩm nhẩm mấy câu xin nhang của Đức Phật. Bước ra tới cửa chùa, nó phóng chạy một mạch về khu Âu Cơ. Đi thẳng tới giường của nó, thằng Linh dấu mấy cây nhang dưới gối.

Riêng thằng Lượm thì chạy đi kiếm con Thủy Sún, nhờ con Thủy chôm của ba nó rượu đế. Chuyện này phải vô cùng bí mật, bởi nếu cảnh sát Mã Lai biết, ba con Thủy và thằng Lượm thúi hẻo luôn. Con Thủy làm mặt nghiêm, hỏi thằng Lượm,

— Lượm lấy rượu để làm chi vậy? Con nít ranh bày cũng bày đặt rượu chè!

Thằng Lượm nóng gà, tính cự nự con Thủy mấy câu. Nhưng thấy mặt con nhỏ da trắng hồng hồng, thằng Lượm mềm lòng, mở miệng sạo ke,

— Để bóp chân cho thằng Linh. Thằng Linh đá banh, bị bầm chân, phải lấy rượu bóp tan máu bầm.

Mang rượu về tới nhà, chờ tới tối, hai đứa rủ nhau đi ra sân sau khu Âu Cơ xì xụp đốt nhang, khấn vái kết nghĩa huynh đệ,

— Trên có trời, dưới có đất, con và thằng Lượm kết nghĩa anh em…

Nói tới đây, thằng Linh tịt ngòi pháo... Thằng Lượm nhắc bạn,

— Có phước cùng hưởng, có nạn cùng chia.

Thằng Linh hích cùi chỏ vào ngực thằng Lượm,

— Tới phiên mày! Mày nói đi.

Bị bán cái, thằng Lượm lắp bắp nhắc lại nguyên câu,

— Trên có trời, dưới có đất, con và thằng Linh kết nghĩa huynh đệ. Có phước cùng hưởng, có nạn cùng chia.

Thằng Linh lớn hơn mấy tháng, được làm đại ca. Thằng Lượm nhỏ hơn, làm tiểu đệ. Hai đứa khấn xong, thằng Linh lấy đầu kim chích vào ngón tay của nó và ngón tay của thằng Lượm cho máu đỏ chảy xuống ly rượu. Hai đứa mắt nhắm chặt lại chia nhau uống cạn ly rượu đế kết nghĩa.

Thằng Linh hồi đó còn tính rủ cả con Hoa Tiểu Thư vào cho đủ ba người như ba anh em Lưu Bị, Vân Trường, và Trương Phi. Nhưng thằng Lượm phản đối quyết liệt,

— Con Hoa Tiểu Thư điệu thấy mồ. Lại hay nhõng nhẽo, hơi chút là khóc nhè. Mày thích thì đi mà kết nghĩa với nó. Coi chừng tụi mày hóa ra vợ chồng, đẻ con một bầy, thúi hẻo!

Thằng Linh thở dài. Thì có bao giờ nó dám kêu ca chi đâu. Nhưng chiều hôm qua ông bầu đội banh Hùng Vương hỏi thủ quân Linh tại sao tiền đạo Lượm gần đây không chịu dợt banh nữa. Anh Cường than thở, “Còn mấy ngày nữa thôi, đội banh mình đấu với đội banh trường Tàu. Không dợt banh, sao đá với người ta?"

Nghe anh Cường càm ràm, thủ quân Linh sụ mặt. Thì cũng bởi ông bầu Cường...

Mới tháng trước, đội banh trường Tàu kết nghĩa với trường tiểu học Hùng Vương ghé vào trại tỵ nạn đấu giao hữu. Nhờ công lừa bóng sút banh của tiền đạo Lượm, đội banh thiếu niên trại tỵ nạn ghi được bàn thắng ngay trong mười lăm phút hiệp đầu. Tan hiệp một, đội nhà dẫn với tỷ số 1-0. Trong giờ giải lao, thằng Linh thấy ông trưởng trại thì thào to nhỏ vào tai anh Cường. Sang hiệp hai, thằng Linh thấy anh Cường giữ lại thằng Lượm, không cho ra sân banh. Trong sân, thủ quân Linh cứ ngóng mắt nhìn về phía đội nhà đợi chờ tiền đạo Lượm phóng ra sân cỏ. Nhưng thằng Lượm vẫn cứ ngồi yên trên ghế, cạnh anh Cường. Khi tiếng còi kết thúc trận đấu ré lên trên sân cỏ, tuýt! tuýt! tuýt!, tỷ số giữa hai đội banh 1-2, phần thắng nghiêng về đội Tàu. Thằng Linh hậm hực, tức bầu Cường kềm chân tiền đạo Lượm, nếu không đội banh Hùng Vương đã dứt đẹp đội banh trường Tàu. Tức anh Cường, nhưng nói không được, nó…ghét ông bầu! Gặp bầu Cường xa xa, thủ quân Linh lơ lơ cúi mặt tìm đường né. Thấy thằng Linh thái độ là lạ, anh Cường gọi thằng Linh vào văn phòng,

— Sao gặp anh mà cứ né né, làm như không muốn nhìn mặt vậy?

Bị bầu Cường chiếu tướng, thằng Linh ngập ngừng. Nó cúi đầu, ngón chân di di lên nền đất đen. Anh Cường xuống giọng,

— Có gì thì cũng phải nói cho anh biết chứ...

Như chỉ đợi có thế, thằng Linh vỡ òa khóc tung tóe,

— Sao anh Cường không cho thằng Lượm ra sân?

Anh Cường cười xòa! Lôi từ trong túi quần cái khăn mù xoa trắng tinh, bầu Cường lau lau những hàng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của thủ quân Linh.

...

Giờ này nằm trên giường, gác hai tay dưới gáy, thằng Linh nghĩ ngợi lung tung. Nó muốn nói Lượm ơi, chỉ còn mấy ngày nữa thôi. Gắng lên đi Lượm! Gắng lên! Mình dứt đẹp đội banh trường Tàu… Nhưng mới chỉ nghĩ được tới đó, mắt thằng Linh trĩu nặng, cơn buồn ngủ kéo ập tới bịt kín đôi mắt của nó. Thằng Linh lòng dặn lòng, mình sẽ chỉ nhắm mắt lại một phút, đúng một phút thôi, rồi sẽ mở mắt ra ngay…

Khi nó mở mắt ra, bình minh ngày Ba Mươi Tết rực rỡ bên khung cửa sổ, cái mền rêu xanh đã rớt xuống sàn đất từ lúc nào. Nhìn sang bên cạnh, thằng Linh thấy thằng Lượm đang nằm bên cạnh, người thằng Lượm cong lại như con tôm, miệng chảy nước miếng nhễu nhão xuống cái áo thun trắng đục…

Tan lớp, thằng Lượm rủ thằng Linh đi lãnh thư anh nó từ Mỹ gửi qua. Thằng Linh hí hửng, bỏ ăn trưa đi theo bạn. Nó nghĩ thầm trong đầu, có tiền rồi, chắc chắn thằng Lượm sẽ dẫn nó chạy ra căng-tin mua hai khúc bánh mì kẹp cá thu hộp, có ớt đỏ, dưa leo. Tụi nó sẽ nấu một nồi chè đậu xanh với bột báng nước dừa cho mấy đứa bạn thân trong khu Âu Cơ đón mừng Giao Thừa tối nay. Thằng Linh biết thằng Lượm chắc chắn sẽ gọi con Thủy Sún tới. Riêng nó, nó sẽ gọi con Hoa Tiểu Thư. Thằng Linh cũng biết con Hoa hơi điệu, giọng nhão băng, nhưng nó thích con Hoa mặt trắng đẹp như bôi phấn, môi đỏ như đào hát cải lương. Nó cũng sẽ nói với thằng Lượm mua ngay một cái ao thun mới, quần đùi hiệu Adidas, và đôi dép mới để đón Giao Thừa, tiện thể chụp hình cho ông anh thằng Lượm coi. Thằng Linh biết là thằng Lượm thế nào cũng đưa cho nó tiền mua cái áo mới, bởi vì cái áo thun đỏ thằng Linh mặc đã thủng lỗ. Nhưng thằng Linh sẽ từ chối. Nó là đại ca, chỉ có cho đi, chứ không nhận! Thằng Linh cũng sẽ nhắc nhở thằng Lượm là thế nào tụi nó cũng phải mời anh Cường tới ăn chung chén chè.

Trong khi đang vẽ bức tranh tương lai với tờ ngân phiếu, thằng Linh thấy thằng Lượm bước ra, hai tay trống rỗng, không thư, không tiền. Nhìn thấy thằng Linh xớ rớ đứng gần đó, thằng Lượm bỏ đi thẳng một nước. Thấy chó, thằng Lượm cúi xuống nhặt đá ném! Thấy lon sắt, thằng Lượm co chân sút bay. Hên không bị chộp cổ mang lên Văn Phòng An Ninh. Ở đó, thế nào cũng bị phạt, xách sô nhựa rửa mười mấy cái nhà vệ sinh trong trại tỵ nạn. Thằng Linh gãi gãi tai lầm bầm trong miệng, "Giao Thừa mà chùi cầu tiêu thì thiệt là trúng mánh! Thúi hẻo cả năm!"

Nắng trưa ngày Ba Mươi Tết tiếp tục nhặt từng cục than hồng quẳng ném tung tóe xuống trại tỵ nạn. Thằng Linh sờ bụng, bụng óp eo đói meo. Thằng Linh hỉnh hỉnh lỗ mũi hít hít mùi thịt bò chiên thơm mùi hành tỏi từ căn nhà hộp nồng nàn bay tới. Thằng Linh nhớ tới bánh chưng ăn với củ kiệu ngon bá cháy. Giờ này mà có bánh chưng, nó dám nuốt chửng một hơi hết nguyên một cái. Thằng Linh nuốt nước miếng, nhìn ngó quanh quẩn. Lưỡi nó khô ran, miệng sao đắng ngét. Thằng Linh lục lục túi quần đùi. Nó lôi ra cục bi, rồi một cục kẹo xinh gôm. Thằng Linh cẩn thận gỡ tờ giấy trắng của cục kẹo xinh gôm màu hồng. Nó bẻ cục kẹo vuông be bé ra làm hai phần bằng nhau. Đưa cho thằng Lượm một nửa, nửa phần còn lại, thằng Linh bỏ thẳng vào mồm nhai nhóp nhép. Giơ cao tờ giấy trắng đục, thằng Linh chăm chú nhìn hình in con khủng long đang vươn cao đầu dáng vẻ đe dọa. Nó ngần ngừ, nhưng rồi cũng quay sang đưa cho thằng Lượm miếng giấy in hình khủng long,

— Cho chú em.

Nhìn hình in, thằng Lượm mặt tươi rói. Một tay cầm tờ giấy in, tay kia cầm nửa cục kẹo xinh gôm màu hồng đưa thẳng vào miệng, nhai tóp tép! Tiền đạo Lượm bất chợt dừng lại, mặt nghi ngờ,

— Ở đâu mà mày có cục kẹo xinh gôm vậy? Nói thật đi. Mày chôm của thằng Toàn Mập, có đúng không?

Thằng Linh phản ứng cấp kỳ,

— Tầm bậy! Thằng Toàn Mập hết đồ viện trợ lâu rồi em ạ. Cục kẹo xinh gôm này cô Cao Ủy Christine cho tao sáng nay, hai cục lận. Tao cho con Hoa Tiểu Thư một cục. Mày không tin, đi mà hỏi con Hoa…

Thằng Linh cộ mắt nhìn thằng Lượm, nhưng rồi nhanh chóng đổi đề tài,

— Ê, chiều nay, tan học, tụi mình ra sân dợt banh nhé… Anh Cường hỏi sao lâu rồi không thấy mày…

Thằng Lượm ngần ngừ, cúi mặt nhìn nền gạch,

— Thằng Minh Hô... Tao! Tao ghét nó…

Thằng Linh trợn mắt, giọng điệu hung hăng con bọ hung,

— Ơ! Lại cái thằng cà chớn đó!!!

Nhận xét về tiền đạo đội banh Hùng Vương, anh Cường nói,

— Tiền đạo Lượm đá banh như trâu cui, nhưng nhát như cáy, lại hay tủi thân...

Thằng Linh nhớ có lần, trong khi đang dợt banh, thằng Lượm lơ là sút banh đập vỡ nát khung cửa sổ kiếng thư viện. Anh Cường nổi giận, la tiền đạo Lượm mấy câu. Có thế thôi, tiền đạo Lượm nước mắt ngắn dài ngồi thụp xuống sân cỏ, ôm mặt khóc hu hu!!!

Thằng Linh biết rõ lý do tại sao thằng Lượm tủi thân hay khóc nhè. Nhưng nó sẽ không bao giờ nói cho bầu Cường biết. Chuyện đó, nó chỉ giữ kín cho riêng mình nó mà thôi.

Nhưng đừng có thấy thằng Lượm nhỏ con mà coi thường. Thằng Lượm đã dẫn banh xuống khung thành thì đố có ai mà cản được. Thế nào cũng lủng lưới, ôm nguyên rổ banh về nhà. Bởi thế có lần hậu vệ Minh Hô nổi cáu, Minh Hô canh me đợi tiền đạo Lượm hào hứng dẫn banh xuống. Minh Hô đưa chân ra, thằng Lượm né không kịp, té lăn lăn mấy vòng trên sân cỏ, máu xịt đỏ lỗ mũi! Thủ quân Linh nhào tới đập hậu vệ Minh Hô te tua như con cua ghẻ sứt hai gọng càng!!!

Tối hôm đó, thằng Lượm sốt nặng, rên hừ hự, người nóng như cục than hồng. Thằng Linh chạy ra ngoài hàng rào bứt một nắm lá khuynh diệp, rồi chạy đi nhổ lén mấy bụi sả trồng trong sân khu nhà hộp tiền chế. Về tới khu Âu Cơ, nó dấu anh Cường nổi lửa nấu nước xông hơi cho thằng Lượm. Nó còn te te chạy sang nhà con Hoa Tiểu Thư xin thuốc cảm. Con Hoa lắc đầu,

— Tao không có. Nhưng tao biết thằng Toàn Mập có mấy vỉ thuốc cảm dấu ở dưới gối đó...

Thằng Linh gãi gãi tai,

— Cho tao mượn mấy đồng tiền Mã, được không?

Con Hoa lắc lắc đầu,

— Tiền ở đâu mà có!

Thằng Linh tiu nghỉu chạy về khu Âu Cơ. Nhìn lên giường thằng Toàn Mập, thằng Linh thấy trống trơn, ngoại trừ cái gối bông. Nó đi ngang qua giường thằng Toàn Mập! Rồi làm vẻ như ngứa chân, thằng Linh nhìn quanh, nhanh chóng ngồi thụp xuống gãi gãi. Ngang tầm cái gối của thằng Toàn Mập, thằng Linh nhè nhẹ lật lên. Nó nhìn thấy vỉ thuốc như lời con Hoa nói. Nó còn thấy dưới gối mấy tờ giấy tiền Mã. Thằng Linh biết con nhà Toàn Mập có ông cậu người Mã gốc Tàu chủ tiệm vàng ở Kuala Lumpur. Nhờ có cậu, thằng Toàn Mập nhận đồ viện trợ thường xuyên. Thấy tiền, thằng Linh ngần ngừ, nhưng nó chép miệng, thôi kệ, khi có tiền, nó sẽ trả lại cho con nhà Toàn Mập.

Chôm được tiền của Toàn Mập, thằng Linh chạy ra căng tin Tàu mua ngay tô cháo huyết dê nóng mang về cho thằng Lượm. Vừa xông nước nóng nấu lá khuynh diệp và lá sả xong, thấy tô cháo huyết nóng, không nói một lời, tiền đạo Lượm ngồi dậy húp xùm xụp, thoáng chốc cạn đáy.

Ngày hôm sau, thằng Lượm hỏi thằng Linh,

— Tiền đâu mà mày có?

Thằng Linh ậm ừ không trả lời. Không biết ai nói, cuối cùng cũng lòi ra vụ thằng Linh ăn cắp sả khu nhà hộp và chôm thuốc của thằng Toàn Mập. Thằng Linh đoán chắc tại con Hoa Tiểu Thư lẻo mép. Nhưng vụ nó chôm tiền, cả con Hoa Tiểu Thư và thằng Lượm đều không biết chi. Ngày hôm sau, thấy Toàn Mập ngồi khóc hu hu kêu mất tiền, thằng Lượm nhìn thằng Linh, mặt bọ hung! Nhưng thằng Linh miệng huýt sáo, làm mặt tỉnh bơ... Một tháng sau, nhận được tiền chú nó bên Mỹ gửi qua, thằng Linh yên lặng trả lại dưới gối Toàn Mập, vừa tiền thuốc vừa tiền giấy mà nó đã chôm, đủ nguyên, không thiếu một xu…

Nắng xế trưa 30 Tết tiếp tục đốt lửa chiếu sáng sân trường tiểu học nơi có hai thằng nhỏ mồ côi đang ngồi yên lặng trầm tư. Trời nhiệt đới xích đạo vẫn lặng yên không gợn một sợi gió. Thằng Linh giơ tay lau lau những hạt mồ hôi đang lăn dài trên vầng trán. Bây giờ nó đã hiểu bởi thằng Minh Hô, thằng Lượm bỏ dợt banh. Nhưng thằng Linh nhíu cặp chân mày tự hỏi, "Lượm ơi! Sao tối hôm qua, ngồi khóc trên sân cỏ? Sao vậy, Lượm ơi?"

Tiếng pháo từ khu phố Tàu của thủ đô Kuala Lumpur tiếp tục nổ đì đùng. Sân gạch xi măng ngùn ngụt bốc lên hơi nóng phả vào mặt hai thằng bé. Trời cao tiếp tục len lỏi chui xuyên qua những lỗ hổng trên mái tôn xanh xanh màu thép. Nắng trời buông mình rớt xuống nghiêng nghiêng điểm chấm hoa trời, hoa trời nở tung trên hai mảnh áo thun mồ côi. Một cánh chim én mùa Xuân bay sà xuống sát mặt đất trong khi thằng Lượm bất chợt cất tiếng,

— Chiều nay tao lên Chùa…cúng một năm cho ba tao.

Thằng Linh ngưng một nhịp thở; nó thấy sân gạch tư nhiên mở rộng với ba thằng Lượm và bao nhiêu người thanh niên khác đang chòi đạp ngụp lặn trong làn nước xanh. Đứng bên cạnh thằng Linh, thằng Lượm khóc gào gọi ba. Thằng Lượm hốt hoảng quỳ xuống lạy. Nó lạy Trời, lạy Phật, và lạy cả ngư phủ Thái Lan. Nhưng tiếng khóc của thằng Lượm vẫn không át được tiếng đạn bắn thẳng vào những mảng tóc đen nhấp nhô. Trời, Phật, và ngư phủ đều nhắm mắt không thấy thằng Lượm quỳ lạy giữa sàn tàu gỗ. Sóng tiếp tục đẩy tới. Trời tiếp tục xanh trong. Máu đỏ tiếp tục loang lổ. Chỉ trong thoáng chốc, ba thằng Lượm cùng bao nhiêu người thanh niên trên chuyến tàu định mệnh biến tan. Nước biển vịnh Thái Lan vẫn xanh xanh, màu xanh ngây thơ vô tội, màu xanh đậm đặc dịu hiền. Không còn chút chi vương vấn lẫn lộn trên làn nước xanh, dù chỉ một gợn máu đỏ tươi.

Thằng Linh mắt hoe hoe đỏ. Tự nhiên nó muốn khóc. Nhưng nó gồng lên, làm mặt cứng. Đại ca mà! Không thể khóc nhè vớ vẩn như con gái… Thằng Linh vội vàng đứng lên để cản lại những hàng nước mắt bắt đầu đọng quanh mi,

— OK! Chiều nay tụi mình đi lên chùa.

Nhưng nó lại ngồi thụp xuống,

— Ơ! Mà mày đã có nhang chưa?

Thằng Lượm gật đầu, nói ngay,

— Có, có rồi. Con Thủy cho tao mười cây…

Thằng Linh cắt ngang,

— Thủy? Con Thủy nào?

Thằng Lượm thật thà khai cung,

— Thủy, con Thủy Sún, chứ còn con Thủy nào ở đây?

Thằng Linh làm bộ,

— Tao tưởng mày nói con Thủy Ghẻ…

Thằng Lượm dính bẫy tại chỗ,

— Con Thủy Ghẻ dữ như quỷ. Ai thèm chơi với nó. Lần trước tao ghé nhà con Thủy Ghẻ xin nó chút rượu. Tao vừa mới mở miệng ra, nó làm cái mặt bọ hung cất giọng cự nự, “Mới bây lớn mà đã bày đặt rượu chè”. Tao ghét, bỏ đi thẳng một nước sang nhà con Thủy Sún. Con Thủy Sún chỉ tội bị sâu ăn siết mấy cái răng cửa mà thôi, chứ tính tình hiền khô…

Thằng Linh bĩu môi,

— Thôi đi! Mày khỏi vòng vo tam quốc, cả khu Âu Cơ đứa nào cũng biết là mày khoái con Thủy Sún...

Bị chọc đúng vào ngay lỗ rốn, thằng Lượm quê một cục. Nó ăn miếng trả miếng,

— Thì cũng như mày khoái con Hoa Tiểu Thư vậy thôi. Con gái con đứa, điệu thấy mà phát ớn!

Thằng Linh không nhịn, phản pháo cấp kỳ,

— Thì con Thủy Sún cũng thế thôi. Điệu giàn trời. Nhìn muốn nóng lạnh!

Thằng Linh nhìn thằng Lượm. Thằng Lượm nhìn thằng Linh. Cả hai đứa yên lặng, rồi cả hai cùng phá ra cười. Dứt tràng cười tung tóe, thằng Linh hỏi,

— Ê, miếng giấy in đâu rồi?

Thằng Lượm móc tay vào túi quần, kiếm tờ giấy in,

— Mày cho tao cái hình in con khủng long rồi đó nhe. Thằng nào ba xạo, chết xuống địa ngục, quỷ sứ cắt đứt phăng cái lưỡi…

Thằng Linh lên giọng đại ca,

— Ai thèm xạo ke như chú em. Đưa đây. Đưa tay trái ra đây.

Thằng Lượm chìa tay trái ra. Thằng Linh le lưỡi liếm tờ giấy màu trắng đục có hình chú khủng long màu đỏ tươi. Nó dí nguyên cả tấm hình lên làn da đen cháy nơi cổ tay khẳng khiu thằng Lượm. Di di chà chà tới luềi, thằng Linh cuối cùng lôi tờ giấy màu trắng đục ra, hình con khủng long đỏ tươi rõ nét hiện ra trên cánh tay trái thằng Lượm. Thằng Lượm cúi nhìn hình con khủng long, mũi hỉnh hỉnh,

— Nước miếng mày thúi òm!

Thằng Linh kê nhẹ,

— Đừng có làm tàng. Mày thì ngon hơn ai. Tối qua, mày chui lén vô giường tao ngủ ké, nước miếng chảy hôi rình cái gối của tao… Chút nữa về tới nhà, tao bắt chú em mang mền của tao ra vòi nước chà xà phòng giặt sạch. Nếu không tao đưa mày lên Ban Trật Tự…

Thằng Linh chống hai tay vào eo, sửa giọng,

— Bà truyền đời cho mày biết, cơm không ăn lại muốn ăn cám, thế thì tối nay Giao Thừa, bà sẽ cho mày đi rửa chuồng "nợn"…

Thằng Lượm nhột nhạt, quê một cục với thằng Linh. Nó bĩu môi,

— Mày làm như ngon lắm…

Thằng Linh nhún vai,

— Không ngon hơn ai, nhưng ngon hơn chú em là được rồi.

Thằng Lượm chưa kịp phản pháo, thằng Linh đã đứng dậy, hai tay nó phủi phủi bụi cát ở hai bên hông quần đùi,

— Thôi, tụi mình về nhà đi!

Thằng Lượm đứng lên, mặt mũi ngớ ngẩn,

— Về nhà? Về nhà nào?

Thằng Linh trợn mắt, tay đập đập vai bạn,

— Mày mát vừa vừa thôi, về nhà Âu Cơ chứ còn nhà nào. Về nhà tìm thằng Toàn Mập mượn tiền nó. Tối nay tụi mình nấu chè đón Giao Thừa.

Thằng Lượm nhìn thẳng vào mặt thằng Linh,

— Sao mày biết thằng Toàn Mập có tiền?

Thằng Linh hỉ hỉ lỗ mũi. Lần này nó không nhịn nữa, mở miệng nó cự nự thằng Lượm,

— Thằng cà chớn! Mày đừng có làm tàng! Sáng nay, thằng con nhà Toàn khoe cậu nó mới ghé vào trại lì xì cho nó tiền Tết…

Chỉ còn khoảng mười tiếng đồng hồ nữa thôi, Giao Thừa sẽ ghé thăm trại tỵ nạn. Trời xanh cuối năm bỗng dưng nổi gió. Gió chiều Ba Mươi Tết thổi tung tóe những sợi tóc rối bù cháy vàng hoe hoe của hai thằng bé mồ côi. Một đứa bước tới, vừa bước đi vừa lấy năm ngón tay vuốt vuốt những sợi tóc bám phủ ngổn ngang trên trán. Thằng thứ hai chậm rãi đi theo phía sau, mặt nó cúi xuống, nhìn cánh tay trái có hình con khủng long đỏ tươi rõ nét, miệng cười tươi. Hai thằng nhỏ mồ côi cuối cùng bắt kịp nhau trên con đường dẫn về khu Âu Cơ trại tỵ nạn. Bóng hai thằng nhỏ đổ thật dài, sau cùng loang lổ, nhạt nhòe, rồi biến mất ngay tại ngõ quẹo dãy nhà long house trại tỵ nạn Sungai Besi.

Những tràng pháo sớm từ thủ đô Kuala Lumpur tiếp tục nổ đì đùng, tạch tạch, đùng! tạch tạch, đùng Xuân tỵ nạn đã về!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thuyền Gỗ Tị Nạn
Nguyễn Trung Tây Lm.
16:24 27/04/2020
THUYỀN GỖ TỊ NẠN

Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

"Thuyền trôi xa về đâu ai biết

Thuyền có về ghé bến tự do

Trời cao xanh hay trời oan nghiệt.

Trời có buồn hay trời chỉ làm ngơ"

(Trích thơ Mán Thuận)
 
VietCatholic TV
9g tối 29/4: Toàn thế giới đọc kinh Mân Côi xin Mẹ cầu bầu. Cập nhật tình hình Tòa Thánh và Italia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:58 27/04/2020


1. Tòa Thánh và các giáo phận tại Ý sẽ sớm hoạt động trở lại như bình thường

Hôm 20 tháng Tư, Nam Hàn đã nới rộng các biện pháp phong tỏa và cho mở lại một số hoạt động, trong đó có các thánh đường, trước sự tiếp tục giảm sút số người bị lây nhiễm Coronavirus.

Tổng giáo phận Hán Thành đã tái tục các Thánh lễ có giáo dân tham dự. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là Thánh Lễ Chúa Nhật thứ Ba Mùa Phục sinh hôm 26 tháng Tư, tại Nhà thờ Công Giáo Phường-Đồng trong Tổng giáo phận Hán Thành.

Để tham dự Thánh lễ anh chị em giáo dân phải ghi danh trước. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ được nhanh chóng bãi bỏ.

Tại Ý, hôm Chúa Nhật, Thủ tướng Giuseppe Conte đã tuyên bố ngày thứ Hai 4 tháng Năm là ngày chấm dứt tình trạng cô lập tại Ý. Một số hoạt động vẫn còn bị hạn chế nhưng hầu hết các hoạt động khác sẽ được tái tục như trước đây.

Cho đến nay, Ý là quốc gia cô lập lâu nhất thế giới, cụ thể là từ ngày 8 tháng Ba đến nay.

Nhà lãnh đạo Ý cũng tuyên bố sẽ mở lại các trường học vào tháng 9 và hầu hết các doanh nghiệp khác trong ba tuần tới.

Nhưng ông cảnh báo rằng mọi người sẽ phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp khoảng cách xã hội khi các hạn chế hiện tại được dỡ bỏ vào ngày 4 tháng Năm.

Những cái ôm và cái bắt tay nhau vẫn không được khuyến khích và quyết định khởi động lại giải vô địch túc cầu Serie A rất được hâm mộ tại Ý đã bị hoãn lại.

“Ý đang bước vào kỷ nguyên của trách nhiệm và cùng tồn tại với con virus độc địa này,” ông Conte nói trên đài truyền hình quốc gia.

“Nếu bạn yêu nước Ý, hãy giữ khoảng cách với người khác.”

Thông báo của Thủ tướng Conte được đưa ra sau một cuộc đàm phán căng thẳng với các nhà lãnh đạo các miền và các doanh nghiệp nhằm quyết định phương thế quốc gia 60 triệu dân này làm sao bước ra khỏi kinh nghiệm đau thương nhất kể từ Thế chiến II.

Cho đến thứ Hai 27 tháng Tư, tử vong tại Ý đã lên đến 26,644 người, trong số 197,675 trường hợp nhiễm coronavirus. Như thế, con số tử vong tại Ý đứng thứ hai sau Hoa Kỳ; và số trường hợp nhiễm bệnh đứng thứ ba sau Hoa Kỳ và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, số trường hợp nhiễm bệnh mới đã giảm và Ý tin rằng tỷ lệ lây nhiễm coronavirus tại quốc gia này chỉ trong trong khoảng 0.2 đến 0.7, nghĩa là đủ thấp dưới ngưỡng quan trọng là 1.0 để có thể quay lại làm việc.

260 trường hợp tử vong mới được báo cáo vào ngày Chúa Nhật 26 tháng Tư, là tổn thất nhân mạng thấp nhất trong một ngày kể từ ngày 14 tháng Ba.

Ông Conte cho biết, nếu Ý cứ tiếp tục cô lập như thế này, quốc gia sẽ đi đến bờ vực phá sản, và các thiệt hại có thể là không thể đảo ngược được.

Ý đã quyết định đóng cửa mọi thứ vào ngày 8 tháng Ba khi ngày càng rõ ràng rằng một vụ lây nhiễm ban đầu ở các khu vực phía bắc quanh Milan đang lan rộng.

Các nhà khoa học hiện tin rằng dịch bệnh có thể xâm nhập tại Ý vào tháng Giêng và virus này đã lan tràn vào thời điểm cái chết đầu tiên vì COVID-19 được ghi nhận vào ngày 21 tháng Hai.

Nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ý hiện đã giữ vững được tình hình và ông Conte dường như cảm thấy đủ an toàn để tập trung vào việc điều chỉnh một nền kinh tế mà nhóm của ông dự kiến sẽ giảm 8% trong năm nay.

Conte cho biết chính phủ của ông sẽ cho phép một nhóm các công ty chiến lược trên thế giới có thể tiếp tục hoạt động vào thứ Hai 27 tháng Tư.

Các nhà hàng có thể mở cửa để bán mang đi và các cửa hàng bán sỉ có thể tiếp tục kinh doanh vào ngày 4 tháng Năm.

Tất cả các cửa hàng khác sẽ bắt đầu hoạt động ba tuần sau đó, cũng như rất nhiều viện bảo tàng tại Ý.

Các nhà hàng sẽ được phép bán ăn tại chỗ và các cửa hàng cắt tóc sẽ trở lại vào ngày 1 tháng Sáu.

Các trường học ở Ý sẽ tiếp tục bị đóng cửa cho đến tháng 9 và là một trong những sinh hoạt cuối cùng của cuộc sống hàng ngày được phép tiếp tục.

Conte cho biết việc trở lại trường học đầy nguy hiểm vì nhiều giáo viên lớn tuổi và có nguy cơ nhiễm virus cao hơn.

Các trường học là trung tâm của sự chú ý của chúng tôi và sẽ mở cửa trở lại vào tháng 9, Thủ tướng cho biết.

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý cho biết các thánh lễ trong tổng giáo phận Perugia của ngài sẽ được mở lại trong tuần tới.

Ngài cho biết mọi người đã phản ứng với thử thách từ đại dịch coronavirus kinh hoàng này bằng sự quảng đại, sáng tạo và dũng cảm. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng, việc theo dõi các thánh lễ trên mạng thông qua việc phát trực tuyến không giống như việc hiện diện trong Thánh lễ, là “nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu”.



2. Sáng kiến lần chuỗi Mân Côi toàn cầu của Dòng Đa Minh vào lúc 9g tối 29 tháng Tư

Trong đại dịch kinh hoàng hồi thế kỷ 17, một tu sĩ người Ý, là John Ricciardi d’Altamura, đã bắt đầu truyền thống đọc kinh Mân Côi liên tục. Ông tổ chức một nhóm giáo dân đọc kinh Mân Côi vào những giờ khác nhau trong ngày, sắp xếp sao cho mỗi giờ đều có ai đó đọc kinh Mân Côi. Như thế, những ai hấp hối có thể yên tâm là được bao phủ trong những lời cầu nguyện liên tục.

Đứng trước đại dịch coronavirus kinh hoàng này, các nữ tu Dòng Đa Minh tại Fatima đã đề nghị cha Lawrence Lew, tổng phụ trách Kinh Mân Côi của Dòng Đa Minh thực hiện một sáng kiến tương tự nhưng trên quy mô toàn thế giới.

Cụ thể vào lúc 9g tối giờ địa phương ngày 29 tháng Tư, tất cả các tín hữu Công Giáo trên thế giới được mời gọi cùng đọc Kinh Mân Côi và kết thúc với hai lời nguyện mới do Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị.

“Nếu có thể, những buổi đọc kinh Mân Côi như vậy nên được phát trực tiếp hoặc chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội,” cha Lawrence nói. Ngài nhấn mạnh rằng “Nếu tất cả chúng ta cùng cầu nguyện vào 9 giờ tối theo giờ địa phương của mình thì sẽ tạo một hiệu ứng liên tục các kinh Mân Côi trong ngày đó.”

Tại sao chọn ngày 29 tháng Tư? Ngày 29 tháng 4 là ngày lễ kính Thánh nữ Catêrina thành Siena. Thánh nữ là một nữ tu Dòng Đa Minh, một Tiến Sĩ Hội Thánh, một Quan Thầy của Ý và Âu châu, và là Quan Thầy của các y tá.

“Tôi khuyến khích toàn thể gia đình Dòng Đa Minh - các tu sĩ nam nữ, anh chị em giáo dân, các dòng ba, và những người trẻ trên khắp thế giới cùng nhau đọc kinh Mân Côi theo sáng kiến này,” Cha Gerard Timoner, O.P, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đa Minh nói.

Xin quý vị và anh chị em tham gia với Dòng Đa Minh vào ngày 29 tháng Tư để giao phó thế giới cho Đức Mẹ, cầu xin cho cuộc khủng hoảng sức khỏe COVID-19 này chấm dứt.



3. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về ngày Thánh Hiến quốc gia cho Trái Tim Đức Mẹ

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ vừa quyết định tham gia cùng với Hội Đồng Giám Mục Canada trong này thánh hiến quốc gia cho Trái Tim Đức Mẹ.

Khi thế giới tiếp tục phải đối diện với những ảnh hưởng đang diễn ra của đại dịch coronavirus toàn cầu, Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã tuyên bố rằng các giám mục Hoa Kỳ sẽ tham gia cùng với Hội Đồng Giám Mục Canada vào ngày 1 tháng Năm trong việc tái Thánh hiến cả hai quốc gia cho sự cầu bầu Đức Mẹ.

Sự thánh hiến hoặc phó thác tập thể một quốc gia cho Đức Maria có ý nghĩa như một lời nhắc nhở cho các tín hữu về chứng tá Tin Mừng của Đức Mẹ và cầu khẩn sự can thiệp hiệu quả của Mẹ trước Con Mẹ. Đức Cha John Carroll của giáo phận Baltimore, là giám mục đầu tiên của Hoa Kỳ, đã đề cao lòng sùng kính đối với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và đặt Hoa Kỳ dưới sự bảo vệ của Mẹ trong một lá thư mục vụ vào năm 1792. Hai mươi mốt giám mục tham dự khóa họp khoáng đại lần thứ sáu của Công đồng Miền Baltimore vào năm 1846 đã quyết định chọn Đức Trinh Nữ Maria, dưới danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, làm Quan Thầy của Hoa Kỳ, và Đức Giáo Hoàng Piô IX đã phê chuẩn quyết định này vào năm sau đó. Gần đây, lễ cung hiến Đền thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Washington, D.C. vào năm 1959 là cơ hội khác để các giám mục một lần nữa thánh hiến quốc gia cho Đức Mẹ. Một số vị Giáo Hoàng cũng đã dâng hiến thế giới cho Đức Maria trong những dịp khác nhau.

Lễ thánh hiến vào ngày 1 tháng Năm diễn ra sau một hành động tương tự của Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ Latinh và Caribê, gọi tắt là CELAM. Các Giám Mục thuộc CELAM đã hiến dâng các quốc gia của mình cho Đức Mẹ Guadalupe vào hôm Chúa Nhật Phục sinh. Việc tái thánh hiến được dự trù ở quốc gia chúng ta vào ngày 1 tháng Năm không làm thay đổi sự chỉ định Đức Maria là Quan Thầy của Hoa Kỳ dưới danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Trái lại, lễ thánh hiến này tái khẳng định và canh tân sự phó thác cho Đức Maria trước đây, và liên kết chúng ta trong tình liên đới với Đức Thánh Cha. Gần đây, ngài đã thành lập Đài tưởng niệm Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo hội, như một nguồn mạch bảo vệ chúng ta và ban sức mạnh cho chúng ta.

Trong một lá thư gửi đến các giám mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Gomez nhấn mạnh rằng:

“Lễ thánh hiến này sẽ mang đến cho Giáo hội cơ hội cầu nguyện với Đức Mẹ, xin Mẹ tiếp tục bảo vệ những người yếu thế, chữa lành những người đau yếu và ban ơn khôn ngoan cho những người đang hoạt động để chữa trị loại virus khủng khiếp này. Mỗi năm, Giáo hội đều tìm kiếm sự cầu thay nguyện giúp đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa trong tháng Năm. Năm nay, chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Mẹ một cách nhiệt thành sốt sắng hơn nữa khi chúng ta cùng nhau đối diện với những ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu này.”

Đức Tổng Giám Mục Gomez sẽ chủ sự một phụng vụ ngắn gọn với lời cầu nguyện thánh hiến vào ngày Thứ Sáu mùng 1 tháng Năm lúc 3g chiều giờ Miền Đông Hoa Kỳ và mời các giám mục tham gia từ các giáo phận tương ứng của các ngài và yêu cầu các ngài mở rộng lời mời tham gia này đến các tín hữu trong giáo phận của mình. Một hướng dẫn phụng vụ sẽ có sẵn để hỗ trợ các tín hữu có thể tham gia bằng cách truy cập các phương tiện truyền thông xã hội của USCCB, bao gồm Facebook, Twitter và Instagram.



Thánh lễ tại Santa Marta 27/4/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nghệ sĩ trong trận đại dịch

Lúc 7 sáng thứ Hai 27 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những nghệ sĩ là những người mà sự sáng tạo của họ có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, đặc biệt trong đại dịch coronavirus kinh hoàng này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho các nghệ sĩ, những người có khả năng sáng tạo rất lớn, và cầu nguyện cho con đường thẩm mỹ do họ đưa ra cho chúng ta trong tương lai. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng sáng tạo trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã đưa ra các suy tư về bài Tin Mừng trong đó Chúa khiển trách đám đông chỉ lo toan tìm kiếm những của ăn hay hư nát, mà không màng đến những của ăn dẫn đến cuộc sống đời đời.

Phúc Âm: Ga 6, 22-29

“Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.

Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Dân chúng đã lắng nghe lời Chúa Giêsu suốt cả ngày, và sau đó họ còn được chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều. Khi nhìn thấy quyền năng của Chúa Giêsu, họ muốn tôn Người lên làm vua. Trước đó, họ đến với Chúa Giêsu để nghe lời Người và để cầu xin sự chữa lành cho các bệnh nhân. Họ ở lại cả ngày để nghe Chúa Giêsu mà không thấy chán, không mệt mỏi, hay bắt đầu thấy mệt mỏi, nhưng họ đã ở đó, hạnh phúc. Nhưng rồi khi họ thấy rằng Chúa Giêsu có thể cho họ ăn, là điều mà họ không ngờ tới từ đầu, họ nghĩ: “Đây sẽ là một người cai trị tốt cho chúng ta và ông ta chắc chắn có thể giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của người La Mã và đưa đất nước tiến lên”. Họ đã vui mừng với ý tưởng đưa Ngài lên làm vua. Ý định của họ đã thay đổi, bởi vì họ đã thấy và nghĩ rằng: “Chà... đây là một người làm phép lạ, là người có thể nuôi sống mọi người, có thể là một người cai trị giỏi.” Và ngay lúc đó, họ đã quên mất nhiệt tình mà Lời Chúa đã sinh ra trong lòng họ.

Chúa Giêsu ra đi và cầu nguyện. Đám đông ở lại đó và ngày hôm sau họ tìm kiếm Chúa Giêsu, “bởi vì Ngài phải ở đây”, họ nói, vì họ thấy không có thuyền nào khác, ngoài một chiếc duy nhất của các môn đệ Ngài, mà Chúa Giêsu lại không có mặt trên chiếc thuyền đó. Khi thấy có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến, họ liền xuống các thuyền này và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu. Và khi họ nhìn thấy Người, lời đầu tiên họ nói là: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?”, như thể nói: “Chúng tôi không hiểu, đây có vẻ là một điều kỳ lạ.”

Và Chúa Giêsu đưa họ trở lại cảm giác đầu tiên, với những gì họ có trước khi chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, tức là khi họ chăm chú lắng nghe lời Chúa: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ - như lúc ban đầu, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê và các ngươi đã hài lòng”. Chúa Giêsu tiết lộ ý định của họ và nói: “Nhưng như thế, các ngươi đã thay đổi ý định ban đầu”. Và dân chúng thay vì tự biện minh: “Không, Chúa ơi, không có đâu”, họ khiêm tốn nhìn nhận. Chúa Giêsu tiếp tục: “Các ngươi hãy ra công làm việc, không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi.” Đám đông dân chúng, là những người tốt, đã nói: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”. Đây là một trường hợp, trong đó Chúa Giêsu sửa chữa thái độ của mọi người, của đám đông, bởi vì giữa cuộc hành trình, họ đã rời xa ý định ban đầu, là tìm kiếm niềm an ủi tinh thần, và đã đi theo một con đường không đúng, một con đường trần tục chứ không phải là con đường Tin Mừng do Chúa Giêsu vạch ra.

Điều này khiến chúng ta phải tự xét mình, chúng ta bắt đầu với một con đường đi theo Chúa Giêsu, đằng sau Chúa Giêsu, theo đuổi các giá trị Tin Mừng, và nửa chừng chúng ta có một ý tưởng khác, chúng ta thấy một số dấu chỉ và chúng ta di chuyển theo hướng đó và chúng ta theo đuổi một cái gì đó có thể là tạm thời hơn, vật chất hơn, trần tục hơn, và chúng ta mất đi ký ức về nhiệt tình đầu tiên mà chúng ta có, khi nghe Chúa Giêsu nói. Chúa luôn trở lại cuộc gặp gỡ đầu tiên, và giây phút đầu tiên khi Ngài nhìn chúng ta, nói chuyện với chúng ta khiến chúng ta nảy sinh ước muốn theo Ngài. Đây là một ân sủng chúng ta phải cầu xin Chúa, bởi vì trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn có những cám dỗ lầm đường lạc lối. Chúng ta tự nhủ “Nhưng điều đó là OK, ý tưởng đó cũng tốt, không sao đâu” rồi chúng ta rẽ sang một bên. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng luôn luôn quay trở lại ơn gọi đầu tiên, giây phút đầu tiên, và đừng quên, đừng quên câu chuyện của tôi, khi Chúa Giêsu nhìn tôi với tình yêu và nói với tôi: “Đây là con đường của con”

Tôi luôn nghĩ đến một trong số những điều mà Chúa Giêsu nói vào buổi sáng Phục sinh: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông” (Mc 16:7), Galilê là nơi gặp gỡ đầu tiên. Ở đó các môn đệ đã gặp Chúa Giêsu. Mỗi người trong chúng ta đều có một “Galilê” của riêng mình, trong khoảnh khắc đó Chúa Giêsu đến gần chúng ta và nói: “Hãy theo Thầy”. Trong cuộc sống, những gì xảy ra với đám đông dân chúng ở đây là tốt, bởi vì sau đó họ hỏi Ngài: “Chúng tôi phải làm gì?”, và khi Chúa bảo họ, họ lập tức tuân theo - điều đó xảy ra khi chúng ta rời xa Chúa và tìm kiếm các giá trị khác, những thứ khác, và chúng ta mất đi sự mới mẻ của ơn gọi đầu tiên. Tác giả của thư gởi cho người Do Thái cũng đề cập đến chúng ta về điều này: “Hãy nhớ những ngày đầu tiên”. Đừng quên ký ức về cuộc gặp gỡ đầu tiên, ký ức về “Galilê của tôi”, khi Chúa nhìn tôi với tình yêu và nói: “Hãy theo Thầy”.

 
Thánh Ca
Thánh Ca: Xin Ở Lại Với Con – Trình bày: Đình Trinh
Đình Trinh
02:27 27/04/2020