Ngày 27-04-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đáp trả tình yêu
Lm Vũdình Tường
03:13 27/04/2018
Đáp trả tình yêu chính là thực hiện bác ái, không chỉ riêng cho thân nhân, mà cho tha nhân, tất cả mọi người, trong yêu thương. Đối xử bình đẳng với anh em đồng loại, không phân biệt màu da, ngôn ngữ. Thư thứ nhất thánh Gioan 1Gn 3,18 dùnh hình ảnh các em nhỏ khi ngài nói về thực hiện việc lành, bác ái và yêu thương. Tình yêu chân chính không phải là lời nói suông hay lời hay í đẹp mà chính là cử chỉ đẹp, hành động tốt. Hành động tốt là hành động làm rung động con tim người khác, hành động hỗ trợ sự sống, bảo vệ, nâng đỡ, ủi an, bảo bọc là hành động tốt. Thánh Gioan dùng hình ảnh các em nhỏ cho biết việc bác ái cần mang tâm tình yêu thương, đơn sơ của các em nhỏ bởi lời nói và hành động của các em thường xuất phát từ con tim chan chứa tình cảm yêu thương, chân thành. Việc bác ái đến từ tri thức thường có suy nghĩ, tính toán, phân biệt hơn thua; trong khi việc bác ái đến từ con tim không tính toán hơn thiệt là hành động do cảm xúc. Đáp ứng lại điều thấy cần nâng đỡ, hỗ trợ là hành động xuất phát từ con tim. Đây chính là tình yêu thánh Gioan khuyến khích chúng ta thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Bởi chính tình yêu này thể hiện tình Chúa trong ta. Tình yêu này không có điều kiện kèm theo. Trong tình yêu chúng ta có thể cùng lúc yêu thương người ở gần và người ở cách xa. Điều này cho biết tình cảm chúng ta dành cho nhau không lệ thuộc bởi điều kiện thời gian và không gian. Rất nhiều lần chúng ta nhớ đến người thân thương cách xa ngàn trùng và người ở xa đó không hề hay biết họ đang được yêu thương. Thiên Chúa yêu thương con người và con người đôi khi không đáp trả lại tình yêu Chúa. Dù con người từ chối đáp trả, Thiên Chúa không chán nản, buông xuôi nhưng luôn kiên nhẫn đợi chờ cho đến khi nào con người sẵn sàng.

Kitô hữu đáp trả tình yêu Chúa qua hành động yêu thương, việc làm bác ái cho đồng loại trong khả năng, hoàn cảnh của mình. Tình yêu Chúa tạo dựng và hỗ trợ sự sống, ban hy vọng cho những nơi thất vọng và dọi ánh sáng vào nơi bạo động và bất công thống trị. Kitô hữu được mời gọi trở thành nhân chứng và thực hành bác ái, yêu thương, thứ tha và bao gồm cả việc nhận thiếu sót, sai trái của chính mình. Thánh Gioan kêu gọi chúng ta lắng nghe tiếng nói nhẹ nhàng của lương tâm. Khi con tim cảm thấy an bình chúng ta biết có ơn Chúa trong người, khi đêm đến chúng ta mất ngủ tìm cách biện hộ cho lời nói hành động của mình là dấu chỉ con tim bất an. Trong trường hợp đó chúng ta cần thành tâm với mình và thành thật xin lỗi Chúa và nhận biết là tình yêu Chúa có sức mạnh xoá tan tội ta phạm. Con người không nhìn thấy Chúa nhưng nhìn thấy hành động yêu thương do các Kitô khác thực hiện vì Danh Chúa. Trong con tim thầm kín mỗi người đều có hạt giống yêu thương và tha thứ, chúng ta cần tạo cơ hội cho hạt giống đó nảy mầm, lớn lên và sinh hoa trái tình yêu. Đè nén tình yêu Chúa trong ta, ta sẽ không thể làm việc lành phúc đức. Cuộc sống thiếu việc thiện sẽ bị thất đức, thất nhân không chế.

Đức Kitô dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên sự liên kết mật thiết giữa thân và cành. Sự liên kết mật thiết này cần cho việc sinh hoa trái tốt. Hoa trái tốt còn nhờ vào việc xén tỉa; xén tỉa cành xấu, nhánh xấu giúp cành tốt sinh hoa trái tốt hơn. Xén tỉa đi chung với đau đớn, chia lìa nhưng là điều cần thiết. Xén tỉa trong Kinh Thánh cho biết Thiên Chúa có khả năng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Không gì có thể cản trở sức mạnh của Thiên Chúa. Sức sống Kitô hữu có được nhờ vào sức sống của Đức Kitô, Người là nguồn cung cấp sức sống cho nhân loại và ban sự sống trường sinh cho những cành nào gắn liền với thân Kitô. Đức tin và tình yêu Chúa là nền tảng cho cuộc sống của Kitô hữu. Xin Chúa ban sức mạnh để việc xén tỉa tẩy sạch cuộc sống chúng ta.

Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Chúa Nhật 5 Phục Sinh B
Lm Đan Vinh
06:29 27/04/2018
ĐỂ CÀNH NHO SINH ĐƯỢC NHIỀU HOA TRÁI
Cv 9,26-31 ; 1 Ga 3,18-24 ; Ga 15,1-8

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Ga 15,1-8

(1) Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. (2) Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. (3) Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em (4) Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho. Anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. (5) Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (6) Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. (7) Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. (8) Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái, và trở thành môn đệ của Thầy.

2.Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự hiệp thông với Đức Giê-su là điều kiện để đức Tin của các môn đệ phát sinh hoa trái. Cũng như cành nho kết hiệp mật thiết với thân cây mới có thể sinh hoa kết quả thế nào, thì các tín hữu cũng phải kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su và hiệp thông với nhau thì mới làm vinh danh cho Thiên Chúa và góp phần cứu rỗi tha nhân.

3.CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Thầy là cây nho thật: Trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã so sánh dân Ít-ra-en như một vườn nho gồm những cây nho thuần chủng hảo hạng mà Thiên Chúa đã chọn lựa và vun trồng (x Is 5,1-7). Nhưng Ít-ra-en đã biến thành loài nho tạp chủng, chỉ phát sinh ra quả dại trái chua (x. Gr 2,21). Trong Tân Ước, Đức Giê-su đã tự nhận Người thực là cây nho của Thiên Chúa (x Ga 15,1). + Cha Thầy là người trồng nho: Chúa Cha đã trồng cây nho này khi sai Đức Giê-su xuống trần gian để cứu độ loài người. + Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi: Thiên Chúa đồng thời cũng là chủ cây nho sẽ loại bỏ những cành nho nào không phát sinh hoa trái, nghĩa là không có lối sống tốt hơn người thu thuế và dân ngoại (x. Mt 5,46-47), không thánh thiện hơn các kinh sư và các Pha-ri-sêu giả hình (x. Mt 5,20), không trở thành muối ướp thiên hạ khỏi hư hỏng (x Mt 5,13), không chiếu tỏa ánh sáng tin yêu qua việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân (x. Mt 5,14-16). + Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn: Cây nho có khả năng sinh hoa trái ám chỉ các tín hữu tốt sẽ được chủ vườn tỉa bớt cành lá rườm rà là các thói hư tật xấu để họ phát sinh hoa trái là các việc lành nhiều hơn. + Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em: Lời Chúa ví như lưỡi dao sắc bén, sẽ thanh luyện, tỉa bớt các thói hư tội lỗi, làm cho các tín hữu ngày một nên hoàn thiện hơn.
- C 4-5: + Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em: Tin Mừng Gio-an có nhiều câu Đức Giê-su nói đến “ở lại trong” hay “gắn liền với”. Chẳng hạn: “Anh em hãy ở lại trong Thầy” (x. Ga 15,4), “Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4-5), “Lời Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,7), “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9-10) ; “Nếu không gắn liền với thân cây nho” (Ga 15,4). “Ở lại trong lời Người” (Ga 8,31), “Ở lại trong ánh sáng” là yêu thương anh em (1 Ga 2,10), “Mầm sống của Thiên Chúa sẽ ở lại trong người ấy, và người ấy sẽ không thể phạm tội, vì đã được Thiên Chúa sinh ra” (1 Ga 3,9). + Thầy là cây nho, anh em là cành: Giống như cành nho cần liên kết với thân cây nho thì các môn đệ cũng phải hiệp thông với Đức Ki-tô, để đón nhận được sức sống là Ơn Thánh Thần (x Ga 20,21). + Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái: Người môn đệ nếu biết hiệp thông và ở lại với Đức Giê-su thì sẽ đón nhận được nhựa sống ân sủng từ Đức Giê-su thông ban. Khi đó, sứ mệnh tông đồ dù bước đầu có khó khăn nhưng cuối cùng cũng sẽ thành công, giống như hạt giống sau ba lần thất bại vì được gieo vào đất xấu, cuối cùng đã gặt hái thành công khi được gieo vào đất tốt (x. Mt 13,3-8). + Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được: Đức Giê-su chính là nguồn sống ban ơn cứu độ. Các môn đệ sẽ thất bại trong việc loan báo Tin Mừng nếu không “ở lại trong” hay không kết hiệp với Người (x 1 Cr 3,6-7).
- C 6-8: + Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo: Những người không kết hiệp với Đức Giê-su, tức là không được Người tỉa sạch tội lỗi và các thói hư, không được ơn Thánh Thần thánh hóa, thì sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa và không được sống đời đời. + Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi: Số phận của những người này là sẽ bị phạt trong hỏa ngục muôn đời vào ngày tận thế, giống như “cỏ lùng” bị quăng vào lò lửa khi tới mùa gặt, nơi đó họ sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (x. Mt 13,41-42). + Thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý: Một khi đã kết hiệp với Đức Giê-su, thì lời cầu nguyện nhân danh Người sẽ đẹp lòng Chúa Cha và được Chúa Cha nhậm lời (x Ga 16,23). + Điều làm Chúa Cha được tôn vinh: Thánh ý của Chúa Cha là muốn cho mọi người được ơn cứu rỗi. Chúa Cha đã sai Chúa Con đến thế gian, để nhờ Con của Ngài mà nhân loại được sống đời đời. Vì thế, khi chúng ta sinh hoa trái, có lối sống tốt lành thánh thiện và làm cho nhiều người được ơn cứu độ... là chúng ta đã làm theo Ý Chúa Cha, làm cho Danh Cha cả sáng, hay được tôn vinh trước mặt người đời (kinh Lạy Cha). + Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy: Khi chúng ta trở thành chứng nhân của Đức Giê-su, giúp lương dân nhận biết tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa... là chúng ta phát sinh nhiều hoa trái và bấy giờ chúng ta mới trở thành môn đệ thực sự của Đức Giê-su.

4.CÂU HỎI:
1) Chúa Giê-su muốn dạy các tín hữu chúng ta điều gì qua đoạn Tin Mừng này?
2) Trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã so sánh dân Ít-ra-en với cây gì?
3)Trong Tân Ước, Đức Giê-su đã ví mình như cây nho và người trồng nho là ai?
4) Cây nho không sinh hoa trái sẽ bị chặt đi ám chỉ loại tín hữu nào?
5) Cây sinh trái tốt thì sẽ được chủ vườn làm gì để sai trái hơn? Lời Chúa ví như vật dụng gì để cắt tỉa cành nho?
6) Đức Giê-su đã nói những lời nào để mời gọi các môn đệ “hãy ở lại trong”hay “gắn liền với” Người?
7) Ai ở lại trong Chúa Giê-su và gắn bó với Người thì sẽ được gì?
8) Câu “Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” phải được hiểu như thế nào?
9) Số phận đời đời của những kẻ “không ở lại” trong Đức Giê-su ra sao?
10) Để lời cầu nguyện được Thiên Chúa chấp nhận thì chúng ta cần có thái độ thế nào đối với Đức Giê-su?
11) Các tín hữu phải có nếp sống ra sao để Chúa Cha được tôn vinh?
12) Cụ thể các tín hữu phải làm gì để phát sinh nhiều hoa trái?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5):

2. CÂU CHUYỆN:

1) BÓNG ĐIỆN CHÁY SÁNG NHỜ KẾT HIỆP VỚI NGUỒN ĐIỆN:

Một Linh Mục sang truyền giáo tại Phi Châu, sống trong một trung tâm truyền giáo ở một miền quê kém văn minh. Ngài dựng lên một nhà máy có máy phát điện nhỏ để cung cấp điện cho khu vực nhà thờ và nhà xứ. Một hôm một người dân bản địa đã tới thăm cha, ông rất bỡ ngỡ khi thấy cha bật một công tắc nhỏ ở vách tường là các bóng điện treo ở phòng khách và hành lang đồng loạt cháy sáng. Ông liền xin cha một bóng đèn mang về nhà và đã được như ý.
Ít ngày sau, vị linh mục có dịp đến thăm nhà ông. Khi bước vào nhà, ngài rất bỡ ngỡ khi thấy chủ nhà đã dùng một đoạn giây thừng treo chiếc bóng đèn cha cho giữa trần nhà. Thấy vẻ ngạc nhiên của cha, ông ta bèn phân bua: “Thưa cha, mấy bóng đèn Cha mới cho hôm trước, mang về treo lên nhưng không sao cháy sáng được như ở trong nhà cha... Vị linh mục mỉm cười và đã giải thích cho ông ta hiểu rằng : Chiếc bóng đèn điện chỉ cháy sáng nếu được nối liền với nguồn điện phát ra từ máy phát điện.

2) MẤT NIỀM TIN VÀO CHÚA SẼ BỊ BẤT HẠNH:

Văn hào Von-te (Voltaire) là một tín hữu đã bị mất đức tin để trở thành một nhà vô thần, chuyên viết bài để kich liệt chống lại niềm tin vào Thiên Chúa và Giáo Hội.
Vào năm 1778, Von-te bị bệnh thổ huyết. Quá lo sợ trước cái chết, ông đã cho người nhà đi mời một linh mục đến cho ông xưng tội. Và để cho linh mục tin là ông thật lòng ăn năn trở lại, ông đã viết sẵn một bản tuyên ngôn mang nội dung như sau:
"Tôi ký tên dưới đây hiện đang mắc bệnh thổ huyết trầm trọng. Trước đây 4 hôm tôi đã được xưng tội với Linh Mục Gauthier. Nếu Chúa gọi tôi về trong tuổi 81 này, tôi muốn được chết trong Giáo Hội Công Giáo là nơi tôi ra chào đời. Tôi hy vọng Thiên Chúa nhân từ sẽ tha hết các tội cho tôi và nếu tôi đã làm gương mù gương xấu thì nay tôi tha thiết xin Chúa bỏ qua cho tôi". Ký tên vào bản văn đó xong, Voltaire còn thêm mấy dòng nữa như sau: “Cha Gauthier bảo cho tôi biết là có một số người đã quả quyết rằng: Nếu tôi được khỏi bệnh, tôi sẽ lại chối phắt những việc mà tôi đã làm khi nguy tử. Tôi xin quả quyết từ nay sẽ không có chuyện chối bỏ đức tin nữa. Đây là chuyện bịa đặt mà người ta đã từng gán cho nhiều nhà thông thái và sáng suốt hơn tôi".
Và quả như nhiều người dự đoán, sau khi khỏe lại, phái tự do tư tưởng và những đồ đệ của Von-te lại đến công kênh ông đi tới rạp hát, và tại đây ông lại nuốt lời mới tuyên tín để công khai chối bỏ đức tin vào Chúa và thù nghịch với Hội Thánh.
Sau đó ít ngày, Von-te lại bị thổ huyết lại. Lần này ông cũng mời linh mục tới nhưng bạn bè của ông đã đến bao vây không cho linh mục được tiếp xúc với ông. Von-te rất tức giận và không ngừng nguyền rủa bọn người này. Khi được bạn bè đỡ ngồi dậy, ông đã cắn vào tay của họ. Thống chế Ri-sơ-li-ơ (Richelieu) chứng kiến cảnh này đã rùng mình ghê sợ, ông vừa bỏ ra ngoài vừa nói: "Thật là một thảm họa"
Ngày 30/5/1778 Von-te đã chết cách khốn nạn sau những cơn đau đớn quằn quại và rống lên tuyệt vọng. Đức Tổng Giám Mục Paris đã từ chối không cho ông được củ hành thánh lễ an táng trong nhà thờ.
Von-te chính là cây nho không sinh trái do mất đức tin vào Thiên Chúa và Hội Thánh.

3) SỐNG KẾT HIỆP VỚI CHÚA NOI GƯƠNG THÁNH NỮ TÊ-RÊ-SA:

Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, sinh năm 1873 tại A-lăng-sông (Alancon) nước Pháp. Ngay từ năm 15 tuổi, Tê-rê-sa đã được đặc ân gia nhập vào dòng kín Các-men. Chín năm sau, tức năm 1897, chị Tê-rê-sa đã an nghỉ trong Chúa do bị bệnh lao phổi. Thế mà, ngay sau khi qua đời, tiếng thơm nhân đức của chị đã vang đi khắp nơi. Rồi đến năm 1925, nghĩa là chỉ sau 28 năm, Tê-rê-sa đã được Đức Pi-ô XI phong lên bậc hiển thánh và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Mới đây, Đức Gio-an Phao-lô Đệ Nhị lại phong Tê-rê-sa lên hàng tiến sĩ, là thày dạy của Hội Thánh.
Đọc tiểu sử của thánh nữ, ta thấy Tê-rê-sa không phải vất vả đi khắp nơi rao giảng Lời Chúa cho dân chúng và đương đầu với bè lạc giáo như thánh phụ Đa-minh; Không sống đời khắc khổ, ăn chay đánh tội như thánh Phan-xi-cô Khó Khăn; Không phải bỏ quê hương đến những vùng xa xôi truyền giáo như thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê ; Không để lại nhiều tác phẩm có giá trị triết lý và thần học như thánh Tô-ma A-qui-nô ; Không làm nhiều phép lạ giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh như thánh Mác-tin Po-rê; Không chịu cực hình đau khổ để làm chứng cho Chúa như các thánh tử đạo Việt Nam... Thế nhưng tại sao Tê-rê-sa lại được Hội Thánh tôn vinh là đại Thánh của thế kỷ XX và XXI? Thưa chính là nhờ chị có đời sống nội tâm đạo đức, luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su như cành nho kết hiệp mật thiết với thân cây nho. Nhờ sự kết hiệp đó, dù không làm được những việc lớn lao bề ngoài, nhưng Tê-rê-sa đã mang lại nhiều ích lợi thiêng liêng cho Hội Thánh thời đại mới. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su, mà Tê-rê-sa đã mang lại một sinh lực mới cho Hội Thánh, như lời Chúa phán: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

3. THẢO LUẬN:

1) Cụ thể, bạn nên làm gì để noi gương thánh nữ Tê-rê-sa “Sống đời thường bằng một cách thức phi thường”?
2) Trong cuộc sống hằng ngày bạn có thể kết hiệp với Chúa bằng cách làm một việc tốt kèm theo lời nguyện tắt: ”Lạy Chúa, con làm việc này để thể hiện lòng con yêu mến Chúa”. Ngoài ra, bạn còn có thể làm gì để kết hiệp với Chúa?

4. SUY NIỆM:

1) Điều kiện để cây nho sinh nhiều hoa trái:
Cây nho muốn được sai trái nhiều quả cần hai điều kiện như sau:
- Cành nho cần kết hiệp mật thiết với thân cây: Nếu cành không liên kết với thân cây thì dòng nhựa trong thân sẽ không lưu chuyển để nuôi dưỡng cành, giúp cành trổ sinh hoa trái như lời Chúa phán: ”Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
- Cành nho cần được cắt tỉa: Nếu chủ vườn cứ để cho cành lá tự do phát triển, thì cây nho có thể xanh tốt đẹp mắt nhưng sẽ không phát sinh nhiều hoa trái. Xanh tốt như thế là thất bại vì điều người trồng nho là hoa trái chứ không phải nhiều cành và lá cây. Muốn cây nho đươc nhiều trái, chủ vườn cần tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa này làm cho nhựa cây không bị phân tán, nhưng tập trung vào các cành chính để chúng có khả năng sinh nhiều hoa ngon trái ngọt.

2) Điều kiện để các tín hữu phát sinh việc lành:
Các tín hữu muốn được sống dồi dào và phát sinh nhiều việc bác ái thì cần hai điều kiện:
- Một là phải kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu: Như Người đã nói với các môn đệ “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”(Ga 14,5). Tin mừng Gio-an 9 lần đã viết “ở lại trong”. Qua đó cho thấy đây là điều kiện không thể thiếu, nếu muốn đức tin phát sinh nhiều hoa trái như lời Chúa phán: ”Không có Thầy, các con không thể làm được gì”(Ga 14,5).
Thực vậy: Đức Giêsu chính là nguồn sống của các tín hữu chúng ta. Tách lìa Người, chúng ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Người là nguồn ân sủng thấm nhập vào lòng chúng ta, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, phát sinh những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng ta sẽ suy nghĩ nói năng và hành đông giống như Người.
- Hai là phải chịu cắt tỉa khi chịu các đau khổ thử thách: Cành nho muốn sai trái phải được tỉa bớt những cành lá rườm rà. Cũng vậy, linh hồn cũng cần được cắt tỉa nhưng gì ngãng trở ơn Chúa như:
+ Cắt tỉa đi những ý riêng của ta để chỉ đi tìm thánh ý Chúa.
+ Cắt tỉa những thói hư và lối sống đạo hình thức để được kết hiệp mật thiết với Chúa.
+ Cắt tỉa những thái độ phô trương quyền lực để biết ăn ở hiền hòa và khiêm hạ.
+ Khi sẵn sàng chấp nhận bị cắt tỉa qua những thất bại gặp phải, những phê bình chỉ trích của tha nhân, những nghi kỵ hiểu lầm của người khác… Chúa sẽ mài dũa chúng ta nên trưởng thành hơn, sẽ giúp chúng ta học tập các đức tính tốt.
Việc cắt tỉa tuy có làm chúng ta đau khổ, nhưng “thuốc đắng dã tật”: chúng sẽ đem lại cho chúng ta những ơn ích thiêng liêng vô cùng lớn lao.

3) Gương sống tình “Mến Chúa yêu người” của Đức Giê-su:
- Chính Đức Giê-su luôn cầu nguyện kết hiệp với Chúa Cha: Khi chịu phép rửa (x. Lc 3,21); Trước khi chọn các môn đệ (x. Lc 6,12); Trước khi biến hình (x. Lc 9,28); Trước khi chữa bệnh (x. Lc 5,16); Trước cuộc khổ nạn (x. Lc 22,34-46); Trong bữa Tiệc Ly, trong đêm bị nôp và trên cây thập giá (x. Lc 23,34.46)...
- Người còn sẵn sàng chịu cắt tỉa như: Bỏ ý riêng để vâng theo ý Cha: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha" (Lc 22,42).

4) Hiệp thông với Chúa Cha và chấp nhận chịu đau khổ:
Ngày nay thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã khám phá ra “Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng”, là sống Đức Ái noi theo lời dạy và gương lành của Đức Giê-su, để giúp chúng ta nên thánh. Thánh nữ đã viết về con đường này như sau:
“Đức Ái đã cho tôi thấy chìa khóa về ơn gọi của tôi. Tôi hiểu rằng: nếu Hội Thánh là một thân thể gồm nhiều chi thể, thì các chi thể đương nhiên phải có một chi trọng yếu hơn. Đó là trái tim luôn cháy lửa yêu mến. Chỉ có lòng mến mới thúc bách mọi thành viên trong Hội Thánh hăng hái hoạt động. Nếu ngọn lửa mến đó tắt đi thì các tông đồ không còn rao giảng Tin mừng, các vị tử đạo sẽ không hy sinh đổ máu. Tôi hiểu lòng mến bao trùm mọi ơn gọi khác, bao quát mọi không gian và thời gian. Tóm lại lòng mến là vĩnh cửu”.
Cụ thể con đường Thơ Ấu Thiêng Liêng được tóm lại giúp chúng ta dễ thực hành như sau:
- Quyết tâm sống câu châm ngôn: “Sống đời thường bằng một cách thức phi thường”.
- Tận hiến toàn thân để làm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.
- Luôn tin yêu phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng, như con thơ tin cậy phó thác ngủ yên trong vòng tay bà mẹ.
- Sẵn sàng đón nhận những đau khổ gặp phải do hiểu lầm hay khinh dể của tha nhân, như những món quà Chúa gởi giúp ta thanh luyện hầu ngày càng nên tốt lành thánh thiện hơn.

5. CẦU NGUYỆN:

“Ôi Giê-su là Tình Yêu của con. Con đã khám phá ra ơn gọi của con là Sống Tình Yêu! Con đã tìm ra chỗ đứng của con trong lòng Hội Thánh là Mẹ của con mà Chúa đã ban cho con. Con sẽ là Tình Yêu, và như vậy con sẽ là tất cả...” (Lời nguyện của thánh nữ Tê-rê-sa).
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. - Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc họp lần thứ 24 của Hội đồng Hồng Y với Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
00:18 27/04/2018
Hôm thứ Năm 26 tháng Tư, ông Greg Burke, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đã trình bày với các phóng viên về cuộc họp lần thứ 24 của Hội đồng Hồng Y Cố vấn.

Theo ông Greg Burke, Hội đồng Hồng Y cố vấn đã họp với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Rôma từ hôm thứ Hai 23 tháng Tư. Ngày thứ Tư 25 tháng Tư là ngày thứ ba và cũng là ngày cuối trong phiên họp lần thứ 24.

Tông Hiến mới

Một phần lớn công việc của các ngài đã được dành riêng cho bản dự thảo Tông Hiến mới dành cho giáo triều Rôma, sẽ được đệ trình lên Đức Thánh Cha để phê chuẩn lần cuối cùng. Các chủ đề trong Tông Hiến mới bao gồm việc phục vụ của Curia dành cho Đức Thánh Cha và các Giáo hội địa phương, đặc tính mục vụ trong các hoạt động của họ, việc thiết lập và các nhiệm vụ của Phân Bộ thứ ba của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và làm sao để việc công bố Tin Mừng và tinh thần truyền giáo trở nên nguyên tắc chủ đạo hướng dẫn toàn bộ các hoạt động của Curia.

Bảo vệ trẻ vị thành niên

Đức Hồng Y Sean O’Malley trình bày cho các vị Hồng Y những nỗ lực đã được thực hiện nhằm bảo vệ trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương trong Giáo Hội. Ngài cũng liên hệ đến cuộc họp gần đây giữa Ban cố vấn dành cho những người bị lạm dụng và Ủy ban Giáo hoàng về bảo vệ trẻ vị thành niên, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe những kinh nghiệm của các nạn nhân bị lạm dụng và xem câu chuyện của họ như là một điểm khởi đầu.

Trong những ngày cuối cùng, các buổi họp đã diễn ra cả buổi sáng lẫn buổi chiều. Cuộc họp tiếp theo của Hội đồng sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Sáu.
Source: Vatican News - Meeting of the Council of Cardinals with Pope Francis
 
Lại thêm một linh mục Mễ Tây Cơ thứ ba bị thiệt mạng trong vòng một tuần
Đặng Tự Do
02:09 27/04/2018
Hôm thứ Năm 26 tháng Tư, người ta đã tìm thấy thi hài của một linh mục bị bắt cóc ở trung tâm Mễ Tây Cơ. Ngài là linh mục thứ ba chết thảm trong bối cảnh bạo lực trong vòng một tuần qua.

Các công tố viên ở bang Morelos cho biết một thân nhân đã xác định thân thể được tìm thấy là của cha Moises Fabila Reyes, 83 tuổi.

Hôm thứ Năm, Đức Hồng Y Carlos Aguiar Retes, tổng giám mục tổng giáo phận Mexico City, đã ra một tuyên bố, xin “Đức Mẹ Guadalupe cầu bầu cho người quá cố trước con Mẹ.”

Đức Hồng Y Aguiar Retes viết: “Chúng tôi hiệp thông trong nỗi đau chụp xuống gia đình và bạn bè của Cha Moisés Fabila, chúng tôi cầu nguyện xin Thiên Chúa đón nhận linh hồn ngài, và xin Đức Mẹ Guadalupe an ủi các thân bằng quyến thuộc”.

Cha Fabila Reyes làm việc tại đền thờ Đức Mẹ Guadalupe của Thành phố Mexico, là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng nhất trên thế giới. Số lượng tín hữu đến thăm đền thánh này vào mỗi ngày 12 tháng Mười Hai hàng năm, lễ Đức Mẹ Guadalupe, có thể lên tới 5 triệu người.

Trong thông báo được đưa ra hôm thứ Năm, Văn phòng công tố Mễ Tây Cơ cho biết người thân của cha đã báo cáo với cục chống bắt cóc liên bang ở Mexico City rằng cha Fabila Reyes đã bị mất tích sau khi đi nghỉ vào đầu tháng Tư. Ngài bị bắt ở Cuernavaca, bang Morelos, là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hình thức tội phạm có tổ chức.

Trung tâm đa phương tiện Công Giáo cho biết ngài bị bắt cóc ngày 3 tháng 4 tại Morelos. Gia đình ngài đã phải trả một khoản tiền chuộc lên đến hơn 100,000 đô la. Theo Heraldo de Mexico, các khám nghiệm sơ bộ cho thấy vị linh mục 83 tuổi dường như đã chết vì đau tim, trong điều kiện thiếu thuốc men khi bị giam giữ.

Trước đó, vào ngày 20 tháng 4, Cha Juan Miguel Contreras bị bắn chết trong một nhà thờ ở ngoại ô Guadalajara, khi ngài đang ngồi tòa giải tội. Hai ngày trước đó, Cha Rubén Alcántara, là Cha Tổng Đại Diện của Giáo phận Cautitlan Izalli, bên ngoài Thành phố Mexico, đã bị đâm chết.

Như thế, có đến 5 linh mục đã bị giết kể từ đầu năm 2018 đến nay, đưa số linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ lên đến 24 vị từ ngày 24 tháng 12 năm 2012, khi chính quyền nhiệm kỳ sáu năm của Tổng thống Enrique Pena Nieto bắt đầu.

Thật là chua chát vì Mễ Tây Cơ, quốc gia có dân số Công Giáo lớn thứ hai trên thế giới, đối với các linh mục, còn nguy hiểm hơn cả Syria hay Iraq, nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang ra sức diệt chủng các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác.
Source: Crux . For the third time in a week, a priest is found dead in Mexico
 
Thắp nến cầu nguyện cho bé Alfie Evans tại quảng trường Thánh Phêrô
Đặng Tự Do
06:48 27/04/2018
Hàng trăm người tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô vào tối thứ Năm để cầu nguyện cho bé Alfie Evans. Đó là đêm thứ hai liên tiếp hàng trăm tín hữu, nam nữ tu sĩ, và các linh mục tụ tập tại tháp bút ở trung tâm quảng trường để cầu nguyện cho đứa trẻ 23 tháng tuổi bị bệnh nặng và đang chống chọi với cái chết một cách tuyệt vọng trong một bệnh viện ở Liverpool, Anh quốc.

Rất nhiều tranh cãi đã nổi lên xung quanh cậu bé và hoàn cảnh của cậu, phần lớn trong vài tuần qua, đã diễn ra tại các tòa án ở Anh, nơi mà cha mẹ trẻ của bé Alfie, là anh Tom Evans và chị Kate James, đã thuyết phục không thành công các quan tòa để cho họ đưa con mình qua Ý điều trị. Bệnh viện Alder Hey Children, nơi bé Alfie được điều trị đã quyết định áp dụng một kế hoạch kết liễu cuộc sống của cháu bé.

Bệnh viện Bambino Gesù do Vatican điều hành - chuyên chăm sóc trẻ em bị bệnh nặng, tàn tật và sắp chết - được chuẩn bị để tiếp tục điều trị cho Alfie, nhưng các tòa án đã không cho phép Alfie được qua Ý. Theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng, Italia thậm chí còn cấp cả tư cách công dân Ý cho Alfie trong một nỗ lực để tạo điều kiện cho đứa bé được đưa sang Rome.

Các quan tòa ương ngạnh quyết định đứa bé này phải chết nên đã cho phép các nhân viên y tế tại bệnh viện Alder Hey rút các ống truyền sinh ra. Một số người dự kiến đứa bé sẽ chết ngay sau đó. Nhưng trái với dự liệu của các bác sĩ, tính đến sáng ngày thứ Sáu 27 tháng Tư, bé Alfie Evans vẫn sống.

Nhiều người tham gia buổi canh thức đã tụ tập bên dưới cửa sổ nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa nhiều lời kêu gọi cho cậu bé. Không có những bài phát biểu chửi bới, không có những khẩu hiệu hoan hô đả đảo, không có những tiếng hét hô vang các khẩu hiệu. Chỉ có những cây nến, và những lời cầu nguyện. Tuy nhiên, nhiều người Anh như cha Alexander Lucie-Smith nhận xét rằng sự ngang ngược của các tòa án Anh đang làm nhục hình ảnh của quốc gia.

Mọi người sẽ đến quảng trường Thánh Phêrô vào tối thứ Sáu, lần này để cầu nguyện không chỉ cho Alfie, mà còn cho Asia Bibi, người mẹ của 5 đứa con đã bị giam giữ tại quê hương Pakistan của cô từ năm 2009, bị kết án là xúc phạm đến tiên tri Muhammad và bị lên án tử. Đức Tổng Giám Mục Sebastian Shaw của Lahore, đã yêu cầu các tín hữu liên đới cầu nguyện cho cô qua lời cầu nguyện và chay tịnh vào thứ Sáu 27 tháng Tư này.
Source: Catholic Herald - Hundreds gather in St Peter’s Square to pray for Alfie Evans
 
Vụ Alfie Evans: Nhân viên y tế Anh được khuyến cáo đừng mặc đồng phục nếu không muốn gặp rắc rối với người biểu tình
Đặng Tự Do
07:10 27/04/2018
Căng thẳng xung quanh trường hợp Alfie Evans ở Anh đã leo thang đến mức các nhân viên bệnh viện cảm thấy lo sợ cho sự an toàn của họ.

Alfie Evans được hỗ trợ sống tại bệnh viện nhi đồng Alder Hey ở Liverpool ở Anh vào tháng 12 năm 2016, đã bị cắt các ống truyền sinh vào ngày 23 tháng 4 năm nay sau một trận chiến pháp lý thất bại của cha mẹ em là Kate James và Tom Evans muốn duy trì sự sống của con mình.

Cảnh sát đã có mặt tại bệnh viện để chống đỡ làn sóng phản đối của người biểu tình.

Trong một thông báo nội bộ, các nhân viên y tế quốc gia ở Bệnh viện Hoàng gia Liverpool, cách bệnh viện nhi đồng Alder Hey chưa đầy năm cây số, đã được cảnh báo đừng mặc đồng phục hay đeo các ID khi đến bệnh viện vì lo sợ bị những người biểu tình chửi bới hay tấn công.

Trong một thông cáo báo chí, phát ngôn viên của Bệnh viện Hoàng gia Liverpool cho biết nhiều nhân viên của họ đã bị “chửi nhầm”. Do đó, ông khẳng định với dân chúng bệnh viện nhi đồng Alder Hey mới là nơi chăm sóc cho bé Alfie Evans. Bệnh viện Hoàng gia vô can trong chuyện này và yêu cầu dân chúng tạo điều kiện cho các nhân viên y tế chăm sóc tốt cho các bệnh nhân.
Source: News Australia Hospital workers told to ‘hide uniforms and IDs’ amid fear of attacks from protesters
 
Quan Hệ Giữa Nhà Nước Pháp Và Giáo Hội Bắt Đầu Cải Tiến
Lê Đình Thông
09:39 27/04/2018
Ngày 10/04/2018, trong diễn văn trước các vị Hồng Y, tổng giám mục và giám mục Hội đồng Giám mục Pháp tại Học viện Bernadins, tổng thống Macron mong muốn cải tiến mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội hiện suy yếu.

Trưa ngày 27/04 vừa qua, trong bản tin 13 giờ, hệ thống truyền hình France 2 truyền đi các tín hiệu đầy khích lệ, qua việc phát tuyến qua hai sinh hoạt đầy ý nghĩa: sinh hoạt của ca đoàn thiếu nhi Vương cung Thánh đường Notre-Dame de Paris (hình trên); và việc điều hành Nhà thờ chính tòa của Đức Ông Viện trưởng Patrick Chauvet.

Ca đoàn thiếu nhi do ca trưởng Henri Chalet điều khiển, đào tạo 40 em từ 8 đến 15 tuổi, mỗi tuần học nhạc từ 10 đến 16 tiếng, song song với chương trình giáo dục phổ thông. Các môn học gồm nhạc lý, kỹ thuật đơn ca và hợp ca, hát bình ca (chant grégorien), nhạc kịch, từ trung cổ đến hiện đại, trong cả hai lãnh vực đời và đạo. Ca đoàn thiếu nhi có các buổi trình diễn tại Notre-Dame de Paris, Oxford, Cambridge, Moscou.

Ca đoàn thiếu nhi và đại ca đoàn (maîtrise) được Đức Ông Viện trưởng Patrick Chauvet quán xuyến. Mỗi thứ sáu, ngài họp văn phòng gồm chánh văn phòng Lê Đình Thiên Ân và các chánh sở để bàn về công việc trong tuần. Nhà thờ chính tòa có dịp tiếp đón các vị quốc khách, như phu nhân tổng thống Donald Trump (hình dưới đây). Mỗi năm, có khoảng 14 triệu du khách đến thăm viếng.

Đức Ông Patrick Chauvet cho biết văn phòng ngài luôn rộng mở đón tiếp các tín hữu. Ngài thường đi dạo trong thánh đường để gặp gỡ mọi người. Ngài cho biết: ‘‘thánh đường là căn nhà của tôi’’.

Mỗi ngày, Đức Ông Chauvet cử hành kinh chiều vào 17 giờ 45 và thánh lễ 18 giờ 15. Ngoài tiếng Pháp, Đức Ông Chauvet sử dụng thông thạo Anh ngữ, tiếng la tinh, hy lạp và do thái.

Lê Đình Thông
 
ĐGH Phanxicô: Thiên Đàng là nơi vui vẻ hạnh phúc.
Giuse Thẩm Nguyễn
11:15 27/04/2018
(Vatican News) Trong Thánh Lễ sáng nay, Thứ Sáu 27 tháng Tư năm 2018 tại nhà nguyện Casa Santa Marta, ĐGH Phanxicô đã nói rằng Thiên Đàng là chốn vui vẻ hạnh phúc muôn đời chứ không phải là nơi buồn chán như một số người lầm tưởng. Những người tín hữu đang trên hành trình dương thế để về thiên đàng, nơi đó chúng ta sẽ được chào đón với niềm vui được gặp gỡ Chúa Giê-su.

Bài thánh thư hôm nay, trích từ sách Tông Đồ Công Vụ kể về lời thuyết giảng của Thánh Phao-lô tại đền thờ ở Antioch thuộc Pisidia rằng, dân thành Giê-ru-sa-lem và các thủ lãnh của họ đã không nhận biết Chúa Giê-su, đã kết án tử Người. Nhưng Chúa đã sống lại từ cõi chết.

Bước đi với lời hứa của Thiên Chúa trong lòng.

ĐGH nói rằng Thánh Phao-lô gọi sự phục sinh của Chúa Giê-su là hoàn tất Lời hứa của Thiên Chúa. Ngài nói rằng dân Chúa bước đi với lời hứa này trong lòng họ, biết rằng họ là dân đã “được chọn.”, ngay cả khi họ không trung thành, thì “họ vẫn tin vào lời Chúa hứa bởi vì họ biết Chúa là Đấng trung tín.”

“Cũng thế, chúng ta đang bước trên hành trình ấy. Khi được hỏi là chúng ta đang đi về đâu, câu trả lời là “về thiên đàng!” Có người hỏi vậy thiên đàng là gì? Khi đó chúng ta bắt đầu khựng lại, nghi ngờ về câu trả lời của mình. Chúng ta không biết cách tốt nhất để giải thích về thiên đàng. Chúng ta thường hình dung ra một thiên đàng xa xôi và trừu tượng nào đó…Vì thế có người nghĩ là “sẽ buồn chán lắm nếu mà ở đó muôn đời? Không, đó không phải là thiên đàng. Chúng ta đang bước đi trên con đường để được gặp mặt Chúa: Cuộc hội ngộ cuối cùng với Chúa Giê-su. Thiên đàng là cuộc gặp gỡ Chúa Giê-su.”

Chúa Giê-su đang cầu nguyện cho chúng ta.

ĐGH Phanxicô nói rằng chúng ta phải thường xuyên nhớ lại tư tưởng này: Tôi đang trên hành trình cuộc đời để gặp Chúa Giê-su.” Cuộc tao ngộ này sẽ làm cho chúng ta được hạnh phúc muôn đời.

“Vậy thì Chúa Giê-su làm gì lúc này?” Phúc Âm Thánh Gioan chỉ ra rằng Chúa Giê-su đang chuẩn bị chỗ cho chúng ta, đang cầu nguyện cho chúng ta.

ĐGH nhắc lại lời Chúa Giê-su trong Bữa Tiệc Ly khi Chúa hứa với thánh Phê-rô là Ngài sẽ cầu nguyện cho thánh nhân.

“Mỗi người chúng ta phải tự nhắc nhở mình rằng “Chúa Giê-su đang cầu nguyện cho con, đang chuẩn bị cho con một chỗ.” Chúa là Đấng trung tín và Ngài đang thực hiện lời Ngài đã hứa ấy. Thiên đàng sẽ là cuộc gặp gỡ Chúa, là được thấy mặt Thiên Chúa, Đấng đã đi trước để dọn chỗ cho mỗi người chúng ta. Điều này tăng thêm đức tin của chúng ta.”

Chúa Giê-su cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

ĐGH kế thúc bài chia sẻ rằng Chúa Giêsu là linh mục cầu thay nguyện giúp cho chúng ta mãi cho đến ngày tận thế.

“Xin Chúa ban cho chúng con ý thức về hành trình bước theo lời hứa này. Xin ban cho chúng con ân sủng để biết hướng về thiên đàng và thì thầm “Lạy Chúa, Chúa đang cầu nguyện cho con.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc về hội nghị hoà bình hai miền Nam Bắc Triều Tiên
Đặng Tự Do
18:07 27/04/2018
Hội đồng Giám mục Công Giáo của Hàn Quốc đã lên tiếng hoan nghênh bản tuyên bố được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh về hoà bình hai miền Nam Bắc Triều Tiên hôm thứ Sáu 27 tháng Tư. Các giám mục nói rằng đó là “một cơ hội quý giá” mà Thiên Chúa đã ban cho người dân Hàn Quốc để đáp lại những lời cầu nguyện của họ. Trong nhiều tháng qua, Giáo hội tại Hàn Quốc đã cầu nguyện mỗi tối cho hòa bình. Do đó, các giám mục nói, “có những điều kỳ diệu đang xảy ra ở vùng đất này.”

Mới năm ngoái, một hội nghị thượng đỉnh như thế dường như hoàn toàn là không thể được, vì Bình Nhưỡng và Hoa Thịnh Đốn liên tục chế nhạo lẫn nhau, cả với các đe dọa tấn công hạt nhân. Sau đó, vào tháng Giêng, Kim Jong Un cho biết ông muốn mở rộng cửa cho các cuộc đàm phán. Trong vòng vài tuần sau đó, các vận động viên Hàn Quốc đã diễn hành cùng nhau dưới một lá cờ tại Thế vận hội Mùa đông.

Hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Sáu được thế giới theo dõi chặt chẽ một phần vì Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sẽ gặp Kim Jong Un vào đầu mùa hè tới đây nếu thấy rằng Bắc Hàn có chút thiện chí hòa bình nào đó. Nếu điều đó xảy ra, các nhà quan sát nói rằng nó sẽ đánh dấu một sự trở lại với cộng đồng quốc tế của Bắc Triều Tiên.

Đức Hồng Y Andrea Yeom, Tổng giám mục Hán Thành và đồng thời là Giám Quản Tông Tòa Bình Nhưỡng đã lên tiếng cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô là người đã nhiều lần khích lệ các tín hữu trên thế giới cầu nguyện cho sự thành công của tiến trình hòa bình tại bán đảo Triều Tiên. Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn tất cả các tín hữu trên thế giới đã và đang cầu nguyện cho tiến trình hòa bình hai miền Nam Bắc Triều Tiên.

Trước đó một ngày Đức Hồng Y cùng với 3 vị Giám Mục Phụ Tá đã dâng lễ cầu nguyện cho sự thành công của hội nghị thượng đỉnh tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Hán Thành.

Diễn tiến cuộc họp

Lúc 9:30 sáng thứ Sáu 27 tháng Tư, Tổng thống Moon Jae-in đã đón Chủ tịch Kim Jong-un tại ranh giới quân sự hai miền trước cửa phòng họp của Ủy ban đình chiến quân sự tại Bàn Môn Điếm.

Sau khi ông Kim bước qua ranh giới Nam Hàn, ông Kim lại mời tổng thống Nam Hàn, bước qua lằn ranh để vào Bắc Hàn.

Sau cử chỉ biểu tượng đó, hai người quay lại phía Nam Hàn,, nắm tay, và bắt đầu cuộc họp.

Cuộc họp buổi sáng xong, hai nhà lãnh đạo tách ra dùng bữa trưa riêng biệt. Ông Kim quay lại phía miền Bắc để dùng bữa trưa.

Khi ông Kim quay lại buổi chiều, hai lãnh đạo đã tham gia lễ trồng cây thông biểu tượng cho hòa bình và đi dạo trước khi tiếp tục họp.

Buổi tối, hai ông đã dự tiệc khoản đãi ở Ngôi nhà Hòa bình cùng các thành viên tháp tùng.

Tháp tùng Kim Jong-un có bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim.

Tuyên bố chung

Tuyên bố chung ngày 27/4 có tựa đề là “vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất” gồm các điểm chính sau:

Hai bên nhấn mạnh vận mệnh của dân tộc sẽ được chính hai miền Nam-Bắc quyết định

Hai bên sẽ ngừng mọi “hành vi thù nghịch”

Khu phi quân sự sẽ được biến thành “vùng hòa bình” với việc ngừng các loa phóng thanh tuyên truyền bắt đầu từ 1/5

Hai bên sẽ nỗ lực xúc tiến cuộc gặp ba bên gồm hai miền Nam Bắc và Hoa Kỳ hoặc cuộc gặp bốn bên bao gồm cả sự góp mặt của Trung Quốc

Tổ chức đoàn tụ cho các gia đình

Kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường bộ, đường sắt dọc biên giới

Tiếp tục cùng tham dự các sự kiện thể thao như Asian Games 2018

Hứa hẹn vùng biển phía Tây sẽ trở thành hải phận hòa bình, ngăn ngừa xung đột quân sự ngẫu nhiên, đảm bảo hoạt động đánh bắt cá an toàn cho ngư dân




Source: Vatican News - North and South Korea agree to work for peace
Reuters From nuclear weapons to peace: Inside the Korean summit declaration
 
Ở Thiên Đàng có chán không? ĐTC Phanxicô trả lời “KHÔNG!”
Thanh Quảng sdb
18:34 27/04/2018
Ở Thiên Đàng có Chán không? ĐTC Phanxicô trả lời “KHÔNG!”

Trong bài giảng của thánh lễ được cử hành tại nhà nguyện Thánh Marta vào sáng thứ Sáu 27/4/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín rằng thiên đàng là nơi vui mừng vĩnh cửu trong một cuộc gặp gỡ thân tình mặt đối mặt với Chúa Giêsu, chứ không nhàm chán như một số người mường tưởng.

Đức Thánh Cha suy tư về cuộc hành trình trần gian đang tiến về thiên quốc, nơi chúng ta sẽ được chan hòa niềm vui gặp gỡ mặt đối mặt với Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha đã rút ra suy tư này từ Bài đọc thứ nhất được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, trong đó có bài phát biểu của thánh Phaolô trong hội đường tại Antioch ở Pisidia.

Thánh Phaolô nói với người Do Thái rằng những người Giê-ru-sa-lem và những người lãnh đạo tôn giáo của họ không nhận ra Chúa Giêsu, nên đã lên án chết cho Ngài. Nhưng Ngài đã sống lại từ cõi chết.

Dấn bước theo lời hứa của Thiên Chúa Trời trong lòng chúng ta

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thánh Phaolô đã cho sự sống lại của Chúa Giêsu là một việc làm thực hiện Lời hứa của Chúa Cha. Ngài nói rằng dân của Chúa đã ghi khắc lời hứa này trong lòng họ và ý thức được địa vị của họ là “những người được chọn”. Đức Thánh Cha nói tiếp, ngay cả khi họ không trung thành, "dân của Chúa luôn tin tưởng vào lời hứa của Chúa, bởi vì họ biết Thiên Chúa luôn thành tín với lời Người."

“Chúng ta cũng đang đi trên con đường ấy. Khi tự hỏi chúng ta đang hướng về đâu, chúng ta trả lời: ‘Hướng về trời!” “Vậy trời là gì?” Có thể chúng ta không có câu trả lời xác thực! Chúng ta cũng không biết cách nào tốt nhất để giảng giải về thiên đàng. Thường thì chúng ta hình dung một thiên đường trừu tượng và xa xôi.. . Và một số người nghĩ rằng: "Thiên đàng sẽ nhàm chán nếu cứ ở đó mãi mãi?" Không! Đó không phải là thiên đàng. Chúng ta đang tiến bước trên con đường hướng tới một cuộc gặp gỡ: cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu. Thiên đàng là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. ”

Chúa Giêsu chuyển cầu cho chúng ta

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chúng ta phải xác tín ý tưởng này: “Tôi đang hành trình trong cuộc hành trình tìm gặp Chúa Giêsu.” Cuộc gặp mặt này sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc viên mãn”.

"Nhưng Chúa Giêsu làm gì trong thời gian chờ đợi này?" Đức Thánh Cha tự vấn mỗi người tham dự lễ. Như Phúc âm Thánh Gioan đã hé lộ, Chúa Giêsu đang hoạt động trong chúng ta và chuyển cầu cho chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại những lời của Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly, khi Ngài hứa cùng Phêrô rằng Ngài sẽ cầu nguyện cho ông.

“Mỗi người chúng ta phải nói:“ Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi, hoạt động để chuẩn bị cho tôi một nơi. ”Ngài trung tín. Ngài làm như vậy bởi vì Ngài đã hứa với các môn sinh của Ngài. Thiên đàng là cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ với Chúa, Đấng đã đi trước để chuẩn bị một chỗ cho mỗi người chúng ta. Điều này làm tăng thêm niềm tin yêu của chúng ta. ”

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói Chúa Giêsu là linh mục chuyển cầu cho chúng ta đến tận cùng thế mạt.

“Xin Chúa ban cho chúng ta ý thức đó khi tiến bước trên đường của niềm tin yêu hy vọng vào lời hứa của Chúa. Cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để nhìn lên trên trời và xác tín: 'Chúa đang cầu nguyện cho tôi'. ”
 
Phản ứng tại Pháp về lời kêu gọi của tổng thống Macron hàn gắn các quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước
Lệ Hằng, F.M.A.
23:16 27/04/2018
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự một cuộc họp của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) tại trường đại học Bernardins ở Paris, vào ngày 9 tháng 4 năm 2018. Diễn biến này gây ngạc nhiên cho nhiều người. Đó là một vấn đề nhạy cảm trong một xứ sở nơi tôn giáo và nhà nước đã bị luật pháp tách biệt vào năm 1905. Bên cạnh đó, giờ đây Pháp cũng là nơi sinh sống của cộng đồng Hồi giáo và Do Thái lớn nhất châu Âu.

Ông Macron còn đi xa hơn thế khi kêu gọi có các mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa nhà nước và Giáo Hội Công Giáo.

Tổng thống nhận xét rằng việc ông có mặt giữa các Giám Mục tự nó đã là một thành tựu quan trọng vì “chúng ta chia sẻ cảm giác rằng mối liên hệ giữa Giáo hội và Nhà nước đã bị hư hại, rằng đã đến lúc chúng ta, cả các vị và tôi, đều muốn sửa chữa điều đó”.

Lớn lên trong một gia đình chẳng theo tôn giáo nào, Macron đã tự mình xin được chịu phép Rửa Tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo khi lên 12 tuổi.

Lời kêu gọi của tổng thống đã được các đối thủ chính trị đón nhận một cách hằn học. Jean-Luc Melenchon, ứng cử viên tổng thống thất cử trong cuộc đua vào tháng Năm 2017 nói:

“Chúng ta mất ba thế kỷ nội chiến và đấu tranh để có được như ngày hôm nay, hoàn toàn không có lý do gì để vặn ngược đồng hồ quay trở lại... vì một ý tưởng bất chợt như thế của tổng thống”

Cựu Thủ tướng Manuel Valls và lãnh đạo Đảng Xã hội Olivier Faure nói rằng việc tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước phải là một trụ cột chính trị, ở một đất nước mà các công chức bị cấm không được đeo mạng che mặt Hồi giáo và những trang phục khác có ý nghĩa tôn giáo.

Chính phủ của tổng thống Macron hiện đang vất vả tìm cách xác định lại các quy chế và vai trò của Hồi Giáo là tôn giáo lớn thứ hai tại Pháp, sau một loạt các cuộc tấn công của các chiến binh Hồi giáo giết chết khoảng 240 người kể từ đầu năm 2015.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo không coi nặng và chẳng kỳ vọng gì nhiều nơi các phát biểu của tổng thống Macron. Các ngài không nghĩ rằng một sớm một chiều các ngài có thể gây ảnh hưởng lên các quyết định của chính phủ.

Đức Hồng Y Georges Pontier, người đã gặp tổng thống vào tối thứ Hai, nói với đài truyền hình CNews rằng ông hiểu những nhận xét của tổng thống không có gì khác hơn là một lời mời gọi tham dự vào các cuộc đối thoại cởi mở hơn.

Ngài nói: “Một số người tưởng tượng Giáo Hội Công Giáo muốn áp đặt quyền hạn của mình trên tư duy của mọi người, và hơn thế nữa, nhưng điều đó không đúng”.
 
Top Stories
È mons. Joseph Nguyễn Đức Cường il nuovo vescovo di Thanh Hóa
Asia-News
04:09 27/04/2018
Papa Francesco ha scelto il 64enne ex parroco, nonché decano di Madagui per succedere a mons. Joseph Nguyễn Chi Linh, nominato arcivescovo di Huế due anni fa. Il prelato è stato ordinato sacerdote il 27 giugno 1992, per la diocesi di Ðà Lat. La messa di ordinazione avrà luogo il prossimo 28 giugno, presso la cattedrale di Thanh Hóa.

Hanoi (AsiaNews) – Papa Francesco ha nominato mons. Joseph Nguyễn Đức Cường (foto) nuovo vescovo di Thanh Hóa, diocesi centro-settentrionale del Paese che lo scorso anno ha celebrato gli 85 anni della sua fondazione. La sede era vacante dal 29 ottobre 2016, quando il pontefice aveva nominato mons. Joseph Nguyễn Chi Linh ad arcivescovo di Huế. Il 64enne nuovo prelato, successore di quest’ultimo, appartiene al clero di Ðà Lat e fino alla sua elezione due giorni fa era parroco, nonché decano, del decanato di Madagui.

Secondo di 10 figli (cinque maschi e cinque femmine), mons. Joseph Nguyễn Đức Cường è nato il 14 ottobre 1953 a Quảng Trường (distretto di Quảng Xương), villaggio situato nel territorio della diocesi di Thanh Hóa. Egli ha frequentato il seminario minore Simon Hoa, per poi continuare gli studi presso quello maggiore sempre a Ðà Lat, dove in seguito si è iscritto ai corsi del Pontificio Collegio S. Pio X, sottratto alla Conferenza episcopale nel 1980 dal regime comunista. Il prelato ha infine completato la formazione sacerdotale presso il Seminario Maggiore S. Giuseppe di Saigon, prima di esser ordinato sacerdote il 27 giugno 1992, per la diocesi di Ðà Lat.

Dopo la sua ordinazione, all’interno della diocesi egli ha ricoperto per nove anni l’incarico di vicario parrocchiale della chiesa di Tan Thanh, nella città di Bao Loc (provincia di Lam Dong); tra il 2001 ed il 2005 ha svolto la stessa funzione nella chiesa di Tan Bui, sempre a Bao Loc, di cui è diventato parroco nel 2005, prima di esser nominato parroco e decano di Madagui nel 2015. Mons. Joseph Nguyễn Đức Cường è stato inoltre vicario giudiziario del Tribunale del matrimonio (2010-2017), e vice rettore del seminario di Minh Hòa.

Oltre i confini della diocesi di Đà Lạt, egli ha rivestito il ruolo di vice direttore della Commissione catechistica eparchiale della provincia ecclesiastica di Sàigòn (2005-2014), della quale è diventato presidente nel 2014. Nello stesso anno, il prelato ha assunto anche la posizione di vice presidente della Commissione per il catechismo della Conferenza episcopale vietnamita.

La messa di ordinazione di mons. Joseph Nguyễn Đức Cường avrà luogo il prossimo 28 giugno alle sette di mattina, presso la cattedrale di Thanh Hóa.

Suffraganea di Hà Nội, la diocesi di Thanh Hóa si estende su un territorio di 11.700 km². I cattolici sono circa 147mila, il 3,5% dei 4,2 milioni di residenti locali. La circoscrizione è servita da 56 parrocchie e una chiesa, dove operano 92 sacerdoti, nove diaconi, 92 seminaristi, due religiosi e 299 religiose. La Chiesa gestisce anche un istituto di educazione e tre di beneficenza. Lo scorso anno, la comunità cattolica ha celebrato oltre 3mila battesimi.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trước hiện tượng tôn giáo ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’, Ki-tô hữu nên có thái độ nào?
Khắc Bá, S.J.
17:58 27/04/2018
Trong những ngày qua, đề tài về hiện tượng ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ trở nên nổi bật trên mạng xã hội nói riêng và truyền thông trong nước nói chung. Thú thật, bản thân tôi không có điều kiện tìm hiểu kỹ càng hiện tượng này, và cũng không có dịp tiếp xúc trực tiếp những người của ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’, nên tôi rất dè dặt khi nói đến hiện tượng này. Tuy nhiên, vì nó gây hoang mang cho nhiều người, nên tôi viết bài này để chia sẻ suy nghĩ của mình trước câu hỏi: người Ki-tô hữu nên có thái độ gì trước hiện tượng tôn giáo này?

Dựa vào một số thông tin từ mạng Internet[1], nội dung giáo lý của ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ có thể tóm tắt như sau: Thiên Chúa ‘có nam có nữ’, gồm Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ. Chúa Trời Cha đã tái sinh vào một người đàn ông Hàn Quốc tên là Anh Sahng-hong, và Chúa Trời Mẹ tái sinh chính là vợ ông, tên Zang Jah Gil. Đây là thời cận kề ‘tận thế’, nên họ chính là ‘Đấng Cứu Chúa’ của thời đại: sẽ cứu vớt những ai gia nhập đạo của họ. Đi kèm với tín điều này là một số luật: Thờ phượng ‘Đấng Cứu Chúa’ vào ngày Sabat (Thứ Bảy); giữ một số ngày lễ Do Thái giáo: Lễ Lều, Lễ Vượt Qua; không ăn đồ cúng; đập bỏ bát hương và các hình thức tôn kính tổ tiên truyền thống; dâng cúng 10% thu nhập.

Như thế, xét theo nội dung ‘giáo lý’, ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ hầu như không liên quan gì tới Ki-tô giáo. Nó chỉ liên quan ở cái tên và ở việc dùng một số điểm từ Kinh Thánh (nhưng lại được giải thích theo lối giản lược vào nghĩa đen – ‘fundamentalism’). Vì thế, thiết nghĩ Ki-tô hữu cần phải cẩn trọng khi nói về giáo lý của họ. Công bằng mà nói, chúng ta không thể kết án họ là ‘lạc giáo’. Vì nếu ‘lạc’, thì ‘lạc’ so với giáo lý nào? Nếu nói ‘lạc’, là ta đã đặt nó trong tương quan và so sánh với tiêu chuẩn Ki-tô giáo, trong khi giáo lý của họ lại chẳng liên hệ gì đến nội dung chính yếu của Ki-tô giáo, vốn được xác định từ căn bản Mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, được mặc khải từ Mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô nhập thể để cứu nhân loại và “chỉ một lần là đủ” (Rm 6,10), và Giáo Hội được giao phó sứ mạng rao truyền Tin Mừng này. Do đó, về mặt giáo lý, thiết tưởng chỉ nên nhấn mạnh sự ‘không liên hệ’ giữa họ và ta, và tạm xem họ là một ‘tôn giáo mới’ mà thôi.

Tuy nhiên, dường như vấn đề nằm ở những biến tướng trong việc thực hành của họ. Và theo thông tin từ nhiều nguồn[2], nó có những yếu tố tiêu cực và lệch lạc. Ở đây tôi không trực tiếp bàn về những cách thức thực hành của họ, nhưng thử suy xét vấn đề đáng bàn với Ki-tô hữu từ ba câu hỏi: tại sao hiện tượng tôn giáo này có sức lan toả mạnh mẽ? Ki-tô hữu nên tiếp cận thế nào đối với những tín hữu của ‘tôn giáo mới’ này? Và Giáo Hội Công Giáo, lẫn xã hội, có thể phản tỉnh điều gì?

Trước hết, thiết tưởng nội dung giáo lý của tôn giáo mới này không có nhiều kiến giải ‘hấp dẫn – sâu xa’ về mặt thiêng liêng. Vậy, điều gì khiến nhiều người dễ dàng tin theo và gia nhập? Theo tôi, có ba yếu tố quan trọng: thứ nhất, những khủng hoảng tinh thần của xã hội hiện đại; thứ hai, cách thức ‘truyền đạo’ của họ; và cuối cùng, yếu tố ‘cộng đoàn’.

Có thể nói, thời điểm hiện tượng tôn giáo này bùng phát cũng trùng thời điểm khủng hoảng tinh thần của xã hội. Thực vậy, có lẽ một trong những yếu tố nổi trội của thời đại này là việc ‘thông tin sự dữ’ chiếm lĩnh mọi không gian sống của con người. Từ báo chí, mạng xã hội, cho tới các góc quán cà phê, điều truyền đến tai mắt và lọt vào các câu chuyện đều là những thông tin về giết chóc, thảm hoạ, chiến tranh. Hiện tượng ‘bội thực tin dữ’ này ngấm ngầm dẫn đến những khủng hoảng tinh thần nhất định: người ta hoang mang và dễ đánh mất niềm tin vào sự thánh thiện tốt lành, vào cuộc sống. ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ dường như đã đi vào trọng tâm của hoàn cảnh ‘sa mạc tinh thần’ đó: họ đặc biệt nhấn mạnh đến những khủng hoảng, và diễn giải sự dữ dưới lăng kính giáo lý của họ.[3] Với cảm thức tôn giáo rất mạnh mẽ của người Việt, những diễn giải đó dễ dàng được tin nhận.

Hơn nữa, cách ‘truyền giáo’ của họ dễ khiến người ta thấy được ‘an ủi’. Quả vậy, từ những clip trên Internet, ta có thể nhận ra một điểm đặc biệt: các tín hữu của tôn giáo này tiếp cận người khác bằng cách đồng hành cá nhân, chân thành nâng đỡ, hỏi han về cuộc sống, về những khó khăn và khủng hoảng, rồi dần dà mới tìm cách giới thiệu giáo lý. Vì vậy, nhiều người trong số đó, nhất là những người cô đơn và gặp khủng hoảng, cảm thấy được an ủi, được đồng hành, được đón nhận.

Yếu tố thứ ba chính là tính ‘cộng đoàn’ trong việc thực hành của tôn giáo này. Theo nhiều thông tin, họ đặc biệt chú trọng việc sống và tương quan với nhau theo tính tập thể.[4] Vì thế, dù có thể mang những yếu tố tiêu cực, lệch lạc như truyền thông phản ánh, nhưng điều này nhắc ta về sức hấp dẫn của tính cộng đoàn đối với con người. Điểm này cũng dễ hiểu, vì mỗi người đều có nhu cầu cảm nhận mình thuộc về một nhóm, một công đoàn nào đó. Nhu cầu đó nằm trong bản chất mang tính xã hội của con người. Vì thế, nó trổi lên mạnh mẽ trong thời đại mà con người thấy mình bị cô lập, bị mất tính cộng đoàn vì lối sống công nghệ.

Vậy, Ki-tô hữu nên tiếp cận và có thái độ thế nào đối với những tín hữu của ‘tôn giáo mới’ này? Trước hết, chúng ta không nên quá lo lắng trước hiện tượng này, mà nên cầu nguyện để tín thác vào ý muốn của Thiên Chúa. Còn khi tiếp xúc với họ, chúng ta cần phải tôn trọng ‘cảm xúc tôn giáo’ của họ. Cũng đừng vội vàng ‘kết án’ họ là ‘tà đạo’, nhất là khi chưa hiểu rõ về họ. Tuy nhiên, nếu bằng lương tâm Ki-tô giáo, chúng ta nhận ra những lệch lạc rõ ràng, nhất là trong việc thực hành của họ, gây nguy hại đến những người tin vào tôn giáo này và cho cộng đồng xã hội, cũng như làm hoang mang đức tin một số Ki-tô hữu, thì chúng ta cần có trách nhiệm đối diện vấn đề. Nhưng phải đối diện thế nào? Có nhiều Ki-tô hữu ‘quá khích’, cảm thấy Thiên Chúa bị họ xúc phạm, nên muốn bảo vệ Thiên Chúa bằng cách căm ghét, thậm chí sỉ nhục họ. Đó là thái độ sai trái. Thiên Chúa đâu cần chúng ta bảo vệ Ngài! Điều Ngài muốn là chúng ta phải bảo vệ người anh chị em yếu đuối đang ở trước mặt mình, những người bị lầm lạc vì nhiều lý do. Vì thế, điều căn bản là phải thật lòng yêu mến, cầu nguyện cho họ; và nếu có khả năng thích hợp, thì hãy đối thoại và giúp họ nhận ra những lầm lạc.

Câu hỏi cuối cùng: trước hiện tượng tôn giáo này, xã hội và Giáo Hội Công Giáo có thể phản tỉnh được điều gì? Về mặt xã hội, hiện tượng này khiến tôi nhớ tới lời phát biểu (được nhà báo Thu Hà nhắc lại) của ông Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, trong cuộc phỏng vấn gần đây trên Vietnamnet.vn, ngày 12/03/15, nhằm giải mã hiện tượng bùng phát các lễ hội tâm linh một cách lộn xộn ở Việt Nam gần đây: “dường như những chính sách về tôn giáo nghiêm trọng và sai lầm trước đây mà cả hiện nay nữa đã tạo ra một quá trình sa mạc hóa về tâm linh ở Việt Nam, để giờ đây tâm hồn của người Việt đã biến thành một bãi hoang có thể chấp nhận các loại bụi gai xương rồng và không thể trồng được loại cây có hoa thơm, quả ngọt.”[5] Rõ ràng, nếu thật sự ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ là một hiện tượng lệch lạc, thì xã hội cũng phải tự suy xét trách nhiệm. Vì tâm thức tôn giáo – khuynh hướng tìm về điều thiêng liêng cho những câu hỏi nội tâm – tự nó thuộc về bản chất con người, nên nếu gặp ‘sa mạc’ thay vì ‘đất tốt’ thì nó sẽ bị biến dạng thôi!

Về mặt Giáo Hội, có lẽ đây là một cơ hội cho Giáo Hội và mỗi Ki-tô hữu cầu nguyện, phản tỉnh và học hỏi nhiều điều. Thật thế, nếu hiện tượng ‘bội thực tin dữ’ đã dẫn đến những khủng hoảng niềm tin, thì Giáo Hội cần đi ngược chiều: loan báo và giúp hiện thực hoá Tin Mừng và Bình An thật sự. Hơn nữa, chính chúng ta phải học hỏi từ ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ trong cách sống tương quan với anh chị em mình (tất nhiên là tránh đi những điều lệch lạc): mỗi người đều có những khó khăn nhất định, và đều có nhu cầu được nâng đỡ, vì thế Hội Thánh – mà cụ thể là từng Ki-tô hữu – cần quan tâm và giúp đỡ tha nhân cách cụ thể. Hội Thánh phải thật sự trở nên gần gũi, ấm áp với mọi người, như cách Đức Giê-su đã đến và chăm sóc các môn đệ.[6] Cuối cùng, chúng ta cần trở lại với tinh thần ‘cộng đoàn’ của Giáo Hội sơ khai, nơi mọi người cảm thấy mình cùng thuộc về một gia đình đầy tình thương. Tất nhiên, đây là những thách đố lớn lao, nhưng đồng thời cũng là lời mời gọi Thiên Chúa dành cho mỗi người trong việc xây dựng Giáo Hội, trong chính thời đại hôm nay, trở thành điểm quy tụ nhân loại hướng về vương quốc Tình Yêu.

Khắc Bá, S.J.

[1] Trong đó có cả trang Facebook mang tên ‘Hội Thánh của Đức Chúa Trời’: https://www.facebook.com/H%E1%BB%99i-Th%C3%A1nh-C%E1%BB%A7a-%C4%90%E1%BB%A9c-Ch%C3%BAa-Tr%E1%BB%9Di-774359376007813

[2] ví dụ: https://www.youtube.com/watch?v=lIofXXZzk9s

[3]https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=793462074097543&id=774359376007813

[4] http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/giai-ma-ta-dao-hoi-thanh-duc-chua-troi_54368.html

[5] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/da-cong-khai-ca-nhung-dieu-tung-cam-ky-225113.html

[6] Một số bạn trẻ Công Giáo chia sẻ rằng: họ đã lung lay đức tin, vì không cảm nhận được sự nâng đỡ và chăm sóc cách cụ thể trong lòng Giáo Hội.
 
Thông Báo
Ai Tín - Lm Antoine Nguyễn văn Phải - Qua Đời, Marseille, Pháp
Lm Francis Lý văn Ca
16:42 27/04/2018
AI TÍN

Linh Mục Antoine Nguyễn văn Phải

(11.7.1938 - 23.4.2018)


Chúng tôi vừa được tin Linh mục Antoine Nguyễn văn Phải, gốc họ đạo Thủ Ngữ, Địa Phận Mỹ tho đã qua đời tại Marseille, Pháp ngày thứ Hai 23.4.2018 lúc 13 giờ 15 chiều. Hưởng thọ 80 tuổi.

Thánh lễ an táng Cha Antoine sẽ được cử hành tại nhà thờ St Pierre, Marseille vào lúc 15.00 chiều ngày thứ Bảy 28.4.2018 và sau thánh lễ là nghi thức an táng Cha Antoine tại nghĩa trang của giáo xứ St Pierre.

Theo chúng tôi được biết, sau khi chịu chức Linh mục ở Sài Gòn, Cha Antoine về làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Gioan XXIII (1965-1966...) vừa mới được Đức Cha Giuse Trần văn Thiện, Giám mục Chính Toà Địa Phận Mỹ Tho thành lập năm 1965 - sau Công Đồng Vaticanô II (1962-1965) - Công Đồng nầy được Đức Thánh Cha Gioan XXIII triệu tập ngày 11.10.1962 và được Đức Thánh Cha Phaolô VI kết thúc ngày 8.12.1965.

Để ghi dấu biến cố trong đại trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Gioan XXIII, Đức Cha Giuse Trần văn Thiện đã chọn tên Tiểu Chủng Viện là Gioan XXIII.

Bây giờ Chủng Viện THÁNH Giáo Hoàng Gioan XXIII vẫn còn đó nhưng được trùng tu, sửa sang lại khang trang hơn là Nhà Hưu, Trung Tâm Mục Vụ, Trường Dự Bị Tu Thánh Gioan XXIII, Giáo Xứ… của Địa Phận Mỹ Tho.

Sau một năm làm giáo sư TCV Gioan XXIII, (1965-1966...) ngài đuợc Đức Cha Giuse Trần văn Thiện gởi qua Marselle, Pháp du học và vì hoàn cảnh đất nước xảy ra vào năm 1975, ngài xin ở lại Pháp và phục vụ Tổng Giáo Phận Marseille, đặc biệt là hăng say phục vụ Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn-Tha Hương tại Pháp cho đến những ngày hưu dưỡng.

Xin hiệp lời cầu nguyện cho linh hồn Linh mục Antione được nghỉ yên trong Nhà Chúa muôn đời.

Linh mục Francis Lý văn Ca

Kính Báo

Ngày An Táng Cha Antoine Nguyễn văn Phải - 28.4.2018
 
Văn Hóa
Ở lại trong tình yêu.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:21 27/04/2018
Ở lại trong tình yêu.

Người mẹ thường hay nói với con mình: Con không được chạy đi ra xa, nguy hiểm đó con. Con phải luôn ở bên cạnh mẹ!

Hay để an ủi vỗ về người con đang mếu máo khóc tìm mẹ, người mẹ cũng thường nói: An tâm nín khóc đi con. Có mẹ ở bên con rồi!

Những lời nói đó của người mẹ nói lên sâu đậm cùng cần thiết về mối tương quan sự sống cùng tình yêu giữa con người với nhau.

Trong đức tin đạo giáo mối tương quan sâu đậm cùng cần thiết như thế có không?

Đức tin vào Thiên Chúa không là một tòa nhà cơ quan, nhưng là tin vào một Thiên Chúa đã sinh xuống làm người. Người đó là Chúa Giêsu Kitô.

Khi đi rao giảng nước tình yêu Thiên Chúa trên trần gian, Chúa Giêsu Kitô đã nói về mối tương quan đức tin: Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy! ( Ga 15,9).

Đời sống trong xã hội ngày càng trở thành „mobil“ di chuyển thay đổi. Lối sống mobil trở thành biểu tượng một nếp sống tân thời, thích nghi với thời đại trong nhiều lãnh vực đời sống xã hội.

Nhưng càng di chuyển mobil thay đổi, thắc mắc về nguồn gốc, về đích điểm càng đặt ra gay gắt thêm: Tôi thuộc về ai, đi về nơi đâu? Đâu là bờ bến tôi có thể dừng lại như quê hương ?

Nếu không có câu trả lời cho những thắc mắc đó, sau cùng sẽ thành người lang thang ngoài đường, hay đứng giữa giữa trời mưa gío ngoài sân, bên lề đường đời sống xã hội.

Và thực tế có nhiều người không cửa nhà ở khắp nẻo đường sống xã hội trên thế giới, nhất là ở những xứ sở còn thiếu thốn, nghèo đói, chiến tranh tỵ nạn, hay đang trong tình trạng phát triển bùng nổ. Vì nhiều người bỏ vùng thôn quê kéo về vùng thành thị tìm nơi an toàn cùng kiếm kế sinh nhai làm ăn sinh sống….

Không là một đời sống an toàn, nếu người ta không biết nơi nào người ta có thể ở lại cư ngụ. Đây không chỉ là cần có một ngôi nhà ở với những bức tường vây chắn chung quanh, nhưng còn những điều khác hơn thế nữa: người bên cạnh tôi và cùng ở lại với tôi. Ai muốn tiếp tục đi tới vươn lên, người đó cần cho mình sự bảo vệ của người ở bên cạnh mình hằng chống đỡ bênh vực cho mình.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và rễ cây nho gắn nối liền với nhau nói về ý nghĩa „ anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy“.

Cây nho hay bất cứ một cây nào khác trong thiên nhiên cũng có phần thân cây nổi trồi lên khỏi mặt đất và phần chùm rễ cây ẩn chìm ăn sâu dưới lòng đất. Hai phần này phải liên kết gắn liền với nhau cây mới phát triển lớn lên nảy sinh cành lá xanh tươi, ra bông kết trái được.

Hình ảnh này diễn tả sự sống phát triển trong tương quan gắn liền giữa hai thành một.

Nếu thân cây không còn nối gắn liền với rễ cây bên dưới lòng đất, thân cây, cành, lá, hoa sẽ héo tàn, dần sẽ chết đứng, và lúc đó sẽ trở thành củi khô thôi. Không còn mối tương quan gắn liền thân cây với rễ cây, cây không có dòng nhựa sống luân chuyển nuôi cây nữa.

Hình ảnh thân cây (nho) gắn liền với rễ cây diễn tả mối tương quan gắn liền đời sống con người với nhau: cha mẹ với con mình, vợ chồng với nhau, các thành viên một hội đoàn , một xứ đạo với nhau, những tín hữu Chúa Giêsu Kitô trong Giáo Hội với Chúa Giêsu, Đấng là đầu Giáo hội, là nguồn sự sống, nguồn ơn cứu độ con người.

Gắn bó với Chúa Giêsu, ở lại trong tình yêu của Chúa là lắng nghe tuân giữ Lời Chúa trong kinh thánh, trong thiên nhiên và thầm kín trong tâm hồn mỗi người.

Thân cây, cành lá cây không làm ra rễ cây. Nhưng rễ cây làm cho thân cùng cành lá cây phát triển tươi tốt vươn lên.

Cũng vậy, cây đức tin vào Chúa luôn cần phải có rễ Chúa Giêsu mới phát triển đứng vững được.

„Đâu phải bạn mang rễ, mà là rễ mang bạn!“ (Roma 11,18)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cái Quạt
Đặng Đức Cương
08:20 27/04/2018
CÁI QUẠT
Ảnh của Đặng Đức Cương
Cái quạt mười tám cái nan
Anh phất vào đấy muôn vàn nhớ nhung
Gió sông, gió núi, gió rừng
Anh niệm thần chú thì ngừng lại đây
(Trích thơ của Nguễn Bính)