Ngày 23-04-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:07 23/04/2013
HAI BIỂN CỦA PALESTIN
N2T

Palestin có hai biển: một là biển Ga-li-lê và hai là Biển Chết. Biển Ga-li-lê thì nước trong, sạch sẽ, con người và cá thích bơi lội trong biển này; nước của Biển Chết là nước chết, không có cá vì quá mặn, quá dơ và không thể uống.
Nhưng điều thú vị là hai biển đó cùng có một nguồn nước là do sông Gio-đan chảy vào.
Vậy thì có gì làm cho chúng nó khác biệt chứ, chính là: một biển thì đón nhận và cho đi (thoát ra), một biển là đón nhận mà không cho đi.
Nước sông Gio-đan chảy vào thượng nguồn biển Ga-li-lê và thoát ra từ hạ nguồn của nó, nước biển này con người đều có thể sử dụng.
Còn nước sông Gio-đan sau khi chảy vào Biển Chết thì không thoát ra được, Biển Chết hoàn toàn chiếm hữu nó. Nó được nước nhưng không thoát ra, cho nên nó chết.

Suy tư:
Cho đi thì có phúc hơn là nhận, biển hồ Ga-li-lê nước trong và sạch là vì nó được thoát ra, tức là cho đi, và dù nó có thoát ra nhưng nó không bao giờ cạn, và làm cho nguồn nước thêm dồi dào phong phú sạch sẽ; trái lại Biển Chết là vì nó nhận mà không cho đi, tức là không thoát ra, cho nên nó bí và trở nên nhơ bẩn...
Chúng ta nhận nơi Chúa từ ơn này đến ơn khác, nhưng chúng ta ích kỷ, bo bo giữ cho mình mà không chia sẻ với tha nhân, thì lòng chúng ta cũng như Biển Chết, không bạn hữu không tri kỷ, bởi vì chúng ta chỉ biết mình và sống cho mình, chứ không sống với, sống cho...
Thiên Chúa rất công bằng và không thiên vị ai, khi Ngài ban cho chúng ta điều gì ơn gì, là Ngài muốn chúng ta thay mặt Ngài chia sẻ điều đó với tha nhân, với những người chung quanh mình, càng cho đi thì chúng ta càng nhận nhiều, mà nhận nhiều nhất chính là ơn Chúa và tình người.
Ai hiểu thì hiểu !
-------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:10 23/04/2013
N2T

41. Nếu con muốn thăng tiến đến bước cao nhất, thì con phải dũng cảm ra tay, kê cái rìu trên gốc tư dục, chặt triệt tình cảm yêu bản than mình và yêu các vật thế gian.

(sách Gương Chúa Giê-su)
----------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Yêu thương nhau
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:57 23/04/2013
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH, năm C
Ga 13, 31-35

YÊU THƯƠNG NHAU

Cả cuộc đời của Chúa Giêsu nói lên Tình Yêu. Ngài đã diễn tả Tình Yêu hoàn hảo, trọn vẹn nhất là cái chết trên thập giá :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).Chúa nhật V Phục Sinh cho chúng ta thấy bối cảnh của Nhà Tiệc Ly, chiều Thứ Năm Thánh khi Chúa Giêsu dùng bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ, những người thân tin nhất với Chúa Giêsu. Ngài cho các môn đệ hiểu rõ về tình thương của Ngài đối với họ. Tình thương đòi phải trung thành không phản bội, giờ này Giuđa kẻ phản bội Chúa vẫn đang có mặt, Ngài đã tế nhị vạch mặt kẻ phản lại Ngài và Giuđa đã bỏ ra đi trong bóng đêm. Lúc đó, Chúa Giêsu nói :” Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người “.

Chúa Giêsu luôn hướng về giờ này. Giờ đau thương nhưng lại là giờ tử nạn. Giờ chết nhưng là Giờ Phục Sinh. Mầu nhiệm tử nạn đan quyện Mầu nhiệm sống lại. Thập giá là do sự độc ác của con người bầy ra để đóng đinh, xử tội người khác. Nhưng đối với Chúa Giêsu, Thập giá mang ơn cứu độ cho con người. Thánh giá trở nên vinh quang, khải hoàn. Giờ chết trở thành giờ cứu rỗi. Bóng tối trở nên ánh sáng. Giờ định mệnh xem ra là tang thương, nhưng giờ này lại là giờ vinh hiển bới qua cái chết, Chúa đã đánh bại tử thần. Qua cái chết, và Phục sinh, Chúa đã cứu độ nhân thế. Giờ ăn lễ Vượt qua cuối cùng, Chúa đã bộc bạch tâm tình cho các môn đệ. Ngài gặp gỡ các môn đệ để chia ly với các môn đệ :”Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi “. Chúa tỏ hết tâm hồn yêu thương các môn đệ và rồi Ngài dạy dỗ các môn đệ “ Hãy yêu thương nhau “. Ra đi để chịu chết, Chúa Giêsu không để lại cho các môn đệ của cải, vàng bạc, ruộng vườn vv…Ngài để lại cho các môn đệ một di chúc, một lời trăn trối yêu thương. Đây là giới luật yêu thương. Chúa không chỉ nói với các môn đệ riêng tư là hãy yêu thương nhau nhưng Ngài còn đi xa hơn nữa là dạy cả Giáo Hội phải sống chia sẻ Tình Thương. Chiều thứ năm thánh, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ một bài học yêu thương :” Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương “. Ở đây không phải chỉ là tình bằng hữu nhưng là tình thương thật sự. Tình thương hiến mạng sống cho nhau.

Tình yêu mà Chúa truyền cho các môn đệ thực hành là tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. Tình yêu không nằm trên môi miệng, trong lời nói mà tình yêu diễn tả bằng chính mạng sống của con người. Do đó, người Kitô hữu càng gắn bó với Chúa, càng mật thiết với Chúa, họ càng yêu thương như Chúa, đặc biệt quan tâm, yêu thương các người nghèo, người neo đơn, cơ nhỡ, tàn tật vv…Các Thánh đã làm gương cho chúng ta về giới luật yêu thương chẳng hạn như Chân Phước Têrêsa Calcutta, Cha thánh Maximialô Kolbê, Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Anphongsô vv…Nhiều bác sĩ đã tận tình làm công việc từ thiện bác ái giúp đỡ người nghèo, và những người neo đơn, cơ cực. Nhiều thiện nguyện viên trên thế giới đã lăn xả làm việc không mệt mỏi giúp đỡ những người nghèo khổ, những nơi có bão lụt, thiên tai vv…Đức Bác Ái Kitô giáo không phải là một lời khuyên nhưng là một điều răn mới. Yêu nhau quả thực từ xưa đến nay vẫn đã được con người thực hành, nhưng mới ở chỗ, Chúa Giêsu nói và đã thực hiện là không loại trừ bất cứ ai cả, đặc biệt mới là yêu thương ngay cả kẻ thù :” Ai vả má phải, đưa cả má trái “. Yêu như Chúa yêu. Đó là cái mới của giới luật yêu thương mà Chúa đã dạy cho nhân loại.

Yêu thương là cốt lõi của Tin Mừng Chúa Giêsu. Yêu thương cũng là cốt lõi của Đạo Công Giáo. Bởi vì, Chúa Giêsu đã dạy :” Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương các con “. Nơi khác chúng ta đọc thấy :” Cứ dấu này người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ của Ta.Đó là các con hãy yêu mến nhau “. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại :” Họ bỏ tất cả làm của chung, cùng nhau cầu nguyện, bẻ bánh…đến nỗi những người chung quanh đều kêu lên :” Kìa xem họ yêu thương nhau “.

Yêu thương là cái tinh túy nhất của Đạo do Chúa Giêsu thiết lập. Liệu chúng ta có sống thực hành đức ái như Chúa đã dạy không và nhiều người khi nhìn vào chúng ta họ có kêu lên:” Kìa xem các Kitô hữu yêu thương nhau “ không ?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết thực hành giới răn của Chúa là yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa ban giới luật yêu thương lúc nào ?
2.Cái mới của giới luật yêu thương do Chúa thiết lập là gì ?
3.Yêu như Thầy yêu là sao ?
4.Yêu thương là gì đối với Đạo Công Giáo ?
 
Yêu thương là phục vụ
Lm Đan Vinh
08:35 23/04/2013
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH C

Cv 14,21b-27 ; Kh 21,1-5a ; Ga 13,31-33a.34-35

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 13,31-33a.34-35

(31) Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. (32) Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. (33a) Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy. Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. (34) Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (35) Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau.

2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay trích trong diễn từ của Đức Giê-su nói trong bữa Tiệc ly vào chiều thứ Năm Tuần thánh. Khi Giu-đa rời khỏi bàn tiệc lao mình vào bóng đêm thì Đức Giê-su tuyên bố “Giờ Người được tôn vinh đã bắt đầu” đúng theo thánh ý Chúa Cha. Sau đó Đức Giê-su ban cho các môn đệ điều răn mới là “Hãy yêu thương nhau như Thầy”. Tình yêu ấy chính là dấu chỉ để người đời phân biệt ai là môn đệ thực sự của Người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 31-32: + Khi Giu-đa đi rồi: Có lẽ Giu-đa ra khỏi phòng tiệc sau khi Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ và trước khi thiết lập bí tích Thánh Thể. Từ giờ phút này, Người nói về số phận của Người và trăn trối những lời cuối cùng cho các môn đệ. + Giờ đây Con Người được tôn vinh: Cuộc thương khó bắt đầu, vì Giu-đa đã tiến hành việc nộp Người. + Và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người: Thiên Chúa cũng được vinh hiển nhờ việc Đức Giê-su “vâng lời cho đến chết trên cây thập giá” (x. Pl 2,8). + Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình: Nếu Đức Giê-su làm cho Chúa Cha được vinh hiển nhờ cái chết của Người trên thập giá, thì Chúa Cha cũng sẽ ban cho Người được vinh hiển bằng cách cho Người sống lại vinh quang.

- C 33a.34-35: + Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy: Đức Giê-su giống như người cha trăn trối những lời sau hết cho con cái trước khi chết. + Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em: Điều răn này mới ở chỗ: thay vì lấy bản thân làm khuôn mẫu để yêu người khác như luật cũ dạy “Yêu đồng loại như chính thân mình” (x. Lv 19,18), Đức Giê-su lại đòi môn đệ phải yêu thương nhau theo khuôn mẫu tình yêu của Người dành cho họ, là hy sinh mạng sống mình vì họ. Thánh Gio-an viết: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết được tình yêu là gì: Đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta” (1 Ga 3,16). + Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy...: Tình yêu hy sinh như thế sẽ trở thành dấu chỉ đặc biệt để người đời nhận biết ai là môn đệ đích thực của Đức Giê-su.

4. CÂU HỎI: 1) Giu-đa có được Đức Giê-su rửa chân cho không ? 2) Giu-đa có được tham dự bữa tiệc Thánh Thể không ? 3) Tại sao sau khi Giu-đa rời bàn tiệc, Đức Giê-su lại nói: “Giờ đây Con Người được tôn vinh” ? 4) So sánh với điều răn yêu người theo luật Mô-sê, thì điều răn yêu thương của Đức Giê-su mới ở điểm nào ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

2. CÂU CHUYỆN: ĐẶC ĐIỂM CỦA TÌNH YÊU THỰC SỰ:

- YÊU THƯƠNG LÀ QUÊN MÌNH VÌ NGƯỜI MÌNH YÊU:

Vào năm 1995, một trận động đất với cường độ mạnh đã xảy ra tại Thành phố Kô-bê Nhật Bản. khiến cho nhiều nhà cửa trong thành phố sụp đổ trở thành những đống gạch khổng lồ, gây thiệt hại rất lớn cho thành phố về người và của. Các đội cứu hộ ngày đêm làm việc khẩn trương để lôi ra từ những đống gạch đổ nát nhiều xác chết và người bị thương. Nhưng cũng chính từ tai họa này, người ta đã khám phá ra một câu chuyện cảm động về một tình yêu hy sinh quên mình như sau:

Đến ngày thứ hai của cuộc đào bới, thì từ dưới một ngôi nhà đổ nát, người ta đã đào lên được hai mẹ con vẫn còn sống thoi thóp. Đứa con nhỏ mới được vài tháng tuổi đang nằm ngủ yên trong lòng mẹ, đang khi mẹ của em lại bị hôn mê bất tỉnh. Sau khi được cứu sống, một nhà báo đã phỏng vấn bà mẹ trẻ ấy như sau: “Làm thế nào mà hai mẹ con chị có thể sống được đến hai ngày dưới đống gạch đổ nát kia?”. Chị đáp: “Tuy bị vùi dưới tòa nhà, nhưng rất may chúng tôi đã không bị đè chết. Mấy tiếng đồng hồ sau thì con tôi khóc đòi ăn đang khi tôi chẳng còn giọt sữa nào. Tôi quờ quạng tìm xem có cái gì ăn cho đỡ đói không. Bất ngờ bàn tay tôi chạn vào một con dao sắc trong cái giỏ bên mình. Tôi cầm dao rạch một đường ở ngón cái cho chảy máu, rồi ấn ngón tay bị cắt vào miệng con để bú máu thay vì sữa mẹ. Sau khi bú ngón tay của tôi được mươi phút thì cháu nằm im ngủ. Nhưng rồi lại tiếp tục khóc vì đói. Tôi liền rạch thêm một đường nữa nơi ngón tay khác và cho cháu bú. Sau đó tôi ngất đi lúc nào không biết cho tới khi cả hai mẹ con được cứu sống”. Nhà báo tiếp tục hỏi: “Thế chị không nghĩ rằng làm như thế thì chị sẽ bị mất máu chết sao?” Chị ta trả lời: “Lúc ấy, tôi không nghĩ đến mình, mà chỉ lo kiếm cái gì cho con bú để nó được sống!”.

- YÊU THƯƠNG KHÔNG ÍCH KỶ NHƯNG LUÔN NGHĨ ĐẾN NGƯỜI YÊU:

Một ông lão đang đào đất gieo trồng mấy hột đào. Cháu trai của ông thấy vậy liền thắc mắc hỏi: “Ông ơi, tại sao ông lại phải vất vả trồng đào làm chi? Liệu ông có sống được tới ngày cây đào ra trái hay không?”. Bấy giờ ông lão mới âu yếm đặt tay lên vai đứa cháu, vừa cười vừa nói: “Này cháu, trái đào chúng ta ăn bây giờ chẳng phải là do người khác sống trước chúng ta đã trồng đó sao ? Chúng ta ăn trái đào do người trước trồng, thì tại sao ta lại không trồng cho người sau được hưởng ? Còn nếu ai cũng nghĩ rằng: chỉ khi nào được ăn mình mới trồng, thì liệu bây giờ chúng ta có được ăn những trái đào này hay không hả cháu?”

- YÊU THƯƠNG LÀ QUẢNG ĐẠI CHO HƠN NHẬN :

Một sinh viên nghèo nọ theo học ngành mỹ thuật, ngày kia ghé thăm phòng vẽ của một danh họa Pháp. Bấy giờ căn phòng thật vắng lặng. Rồi cậu ta thấy có một lão hành khất đang ngồi ở một góc tối để chờ làm mẫu cho họa sĩ vẽ. Thấy bộ dạng tiều tụy đáng thương của người hành khất, cậu sinh viên kia động lòng trắc ẩn liền mở bóp ra và tìm mãi mới lấy ra được một quan tiền tặng cho ông lão nghèo khổ kia. Khi họa sĩ đến làm việc, người hành khất mới hỏi xem cậu sinh viên có lòng quảng đại kia là ai. Dựa theo lời của người hành khất, họa sĩ đã trả lời: “Thưa đó là một sinh viên nghèo nhưng rất hiếu học”. Chiều hôm đó, cậu sinh viên đã nhận được một món quà gói kín, trên có đề tên người gửi là “Nam tước Giắc đờ Rót-sin” (Jacques De Rothschild). Mở gói quà ra, cậu rất vui mừng đếm được tới 10 ngàn quan, kèm theo một bức thư nội dung như sau: “Đây là số tiền lời do một quan tiền mà cậu đã bố thí cho người nghèo sáng hôm nay!”. Thì ra người hành khất ngồi chờ làm mẫu cho họa sĩ vẽ chính là một nam tước ham thích hội họa. Ông cũng là một người giàu có và tốt bụng.

- TÌNH YÊU CÓ SỨC ĐỔI MỚI NGƯỜI YÊU:

Cách đây ít lâu, đài truyền hình Thành phố đã chiếu một bộ phim giáo dục rất hay, mang tựa đề “Giai điệu hạnh phúc” (La Mélodie du bonheur). Câu chuyện về một cô dự tu tên là Ma-ri. Chị được mẹ bề trên sai đi làm gia sư trong một gia đình của viên đại úy góa vợ. Mấy đứa con của viên đại úy lúc đầu tỏ ra ngang bướng khó dạy. Nhưng nhờ thái độ khoan dung vui vẻ cùng với tài nhảy múa đàn hát, nhất là nhờ một tình thương bao la, cảm thông và chia sẻ… mà cô giáo Ma-ri đã dần dần cảm hóa được lũ học trò tinh nghịch và biến chúng trở thành những học sinh chăm ngoan và tài giỏi.

- TÌNH YÊU TÁI TẠO SỨC SỐNG MỚI CHO CỘNG ĐOÀN:

Một tu viện trưởng đến thăm một vị ẩn sĩ khôn ngoan, để xin tư vấn về cách điều hành tu viện. Ông cho biết: trước đây tu viện của ông là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương đến viếng thăm và cầu nguyện. Nhà nguyện trong tu viện luôn vang tiếng hát cầu kinh của khách thập phương. Số người đến gõ cửa xin vào tu đông đến nỗi không còn chỗ nhận thêm. Thế nhưng hiện nay tu viện lại rơi vào tình trạng vắng tanh vắng ngắt. Các tu sĩ chỉ còn lèo tèo mười lăm người già. Ai nấy chỉ lo cho bản thân mình mà không biết nghĩ đến kẻ khác. Nói chung tình trạng tu viện hiện đã xuống cấp tồi tệ. Sau đó, tu viện trưởng đã yêu cầu vị ẩn sĩ tư vấn để tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Vị ẩn sĩ đã góp ý như sau: “Theo thiển ý tôi thì nguyên nhân chủ yếu của tình trạng xuống cấp kia chính là tội vô tình!” và giải thích thêm: “Đức Giê-su hiện đang cải trang thành một người trong tu viện, mà không ai nhận ra Người”.

Nhận được lời giải đáp, tu viện trưởng trở về tu viện triệu tập các tu sĩ và cho biết Đức Giê-su hiện đang cải trang thành một thành viên trong nhà dòng. Ai trong cộng đoàn cũng có thể là Đức Giê-su ! Từ ngày đó, các tu sĩ đã đối xử với nhau như đối với Đức Giê-su: họ đã biết quan tâm phục vụ nhau, tôn trọng nhau và sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm khuyết điểm cho nhau. Bầu khí cộng đoàn dần dần nồng ấm trở lại và mọi người đều thấy an vui. Ngày ngày họ chăm chỉ lao động khiến năm ấy tu viện được một mùa nho và lúa mì bội thu. Họ chia sẻ hoa lợi cho dân nghèo chung quanh. Tấm gương đạo đức của họ đồn xa khiến khách hành hương khắp nơi lại lục tục kéo về tu viện dự lễ, nghe giảng và xưng tội. Số tu sĩ ngày một gia tăng. Chính nhờ thực hành tình yêu thương nhau cụ thể mà tu viện đã từ tình trạng mất sinh khí trở nên sinh động và ngày một nên tốt đẹp hơn.

3. SUY NIỆM:

- THẾ NÀO LÀ MỘT TÌNH YÊU ĐÚNG NGHĨA: Yêu thương không dừng lại những biểu hiện bên ngoài như: Mắt nhìn đắm đuối, lời nói dịu dàng, cử chỉ âu yếm, tim đập loạn nhịp... Tình yêu đúng nghĩa biểu lộ qua các việc: Luôn nghĩ đến và làm điều tốt cho người mình yêu, quảng đại cho đi mà không tính tóan, không chấp nhất những lầm lỗi và bào chữa lỗi lầm cho người mình yêu, sẵn sàng hy sinh chịu chết cho người yêu.

- YÊU THƯƠNG NHƯ THẦY: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đức Giê-su đòi các môn đệ thực hành giới răn mới yêu thương như Người qua các việc làm cụ thể như sau: Rửa chân hầu hạ cho các môn đệ, cảm thông chia sẻ với môn đệ như “bạn hữu thân tình”. “Yêu cho đến cùng” qua việc hiến thân làm của ăn cho môn đệ và sẵn sàng chịu chết đền tội thay cho họ.

Các tín hữu hôm nay cũng được Chúa mời gọi: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu”. Chúng ta chỉ có thể thực hành được giới răn mới này khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Chúa, ý thức giới hạn của mình để xin Chúa giúp, noi gương Người phục vụ anh em, luôn quên mình và hy sinh cho tha nhân ngay cả mạng sống của mình. Tóm lại, tình yêu “như Thầy đã yêu” không phải là thứ tình yêu vị kỷ, chiếm đoạt, lợi dụng người yêu để trục lợi (Éros), nhưng là một tình yêu quảng đại, vị tha, sẵn sàng hiến dâng và luôn hy sinh cho người yêu (Agapè).

- YÊU THƯƠNG LÀ PHƯƠNG THẾ TRUYỀN GIÁO HỮU HIỆU: Có nhiều dấu hiệu để giúp người khác nhận ra người ki-tô hữu như: đeo ảnh, làm dấu thánh giá, treo ảnh Chúa trong nhà... Nhưng dấu hiệu quan trọng nhất mà Đức Giê-su dạy trong Tin mừng hôm nay chính là sống tình yêu thương. Đây cũng là một phương thế truyền giáo hữu hiệu như Lời Chúa phán: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Tiếc thay, hiện nay vẫn còn những bất đồng sâu sắc về đức tin giữa những người cùng tôn thờ Thiên Chúa và cùng tin vào Đức Giê-su, nhưng chưa hiệp thông với nhau, còn đang phân hóa thành các tôn giáo như: Công Giáo, Chính Thống, Anh Giáo, Tin Lành... Thậm chí còn có những mối hận thù và giết hại lẫn nhau giữa những người cùng tin vào Chúa Giê-su như hai cộng đồng Công Giáo và Tin Lành ở Bắc Ai-Len, hai bộ tộc Hu-tu và Tút-si ở Ru-ăng-đa… Biết đến bao giờ mọi tín hữu mới có thể cùng đọc chung kinh tin kính, mừng các đại lễ Giáng Sinh và Phục Sinh trong cùng một ngày, cùng cử hành một lễ nghi phụng vụ ? Thế giới hiện nay giống như một sa mạc khô khan cằn cỗi vì thiếu tình yêu. Ước chi các cộng đoàn Ki-tô sẽ trở thành những ốc đảo, có những thảm cỏ xanh tươi và suối nước trong lành, cuốn hút các con chiên lạc quay về sống trong đại gia đình có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em như lời cầu nguyện của Đức Giê-su: “Xin cho chúng nên một” (Ga 17,21).

4. THẢO LUẬN: 1) Bạn thích câu chuyện nào nhất trong các câu chuyện kể trên và rút được bài học vào về tình yêu chân chính ? 2) Bạn có hài lòng về bầu khí yêu thương theo lời Chúa dạy trong gia đình, hội đòan, xứ đạo của bạn hiện nay chưa ? Tại sao ? 3) Bạn cần làm gì để loan báo Tin Mừng tình thương, giúp người lương nhận ra Chúa đang hiện diện trong cộng đòan của bạn ?

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU, xin dạy chúng con biết yêu thương và hợp tác với người khác trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian. Xin cho chúng con biết đến với tha nhân không chút thành kiến, nhưng luôn tin tưởng họ. Khi làm việc chung, xin cho chúng con biết nhìn thấy Chúa ở giữa chúng con để sẵn lòng bỏ qua những tự ái, ích kỷ nhỏ nhen hay những thành kiến hẹp hòi về người khác.

LẠY CHÚA, ước chi chúng con dám quên mình đến với tha nhân. Xin cho chúng con đón nhận được ơn Thánh Thần sẵn sàng mở rộng đôi tai để lắng nghe người khác, mở lòng để đóan nhận mọi người và mở rộng tay để nối vòng tay lớn. Xin cho thánh ý Chúa sớm được thực hiện nhờ sự hiệp nhất của các môn đệ Chúa, cùng nhau xây dựng một “Trời Mới Đất Mới” công bình và yêu thương, bắt đầu từ gia đình, cộng đoàn rồi đến xứ đạo và sau cùng đến mọi dân tộc trên thế giới.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chiến tranh Vietnam dưới tầm nhìn của một tuần báo Công Giáo Hoa Kỳ
Vũ Văn An
05:12 23/04/2013
Trên tuần báo Công Giáo The America, số ngày 25 tháng 3 vừa qua, linh mục Raymond A. Schroth, Dòng Tên, đã duyệt lại con đường xã luận của tuần báo này đối với cuộc chiến tại Việt Nam và sự can thiệp của Hoa Kỳ tại đó.

Hơn hai mươi năm sau biến cố Điện Biên Phủ, tuy tuần báo The America phải đương đầu với nhiều chủ đề nhức đầu như Công Đồng Vatican II, kiểm soát sinh đẻ, thế hệ trẻ và các cuộc bạo động chống chiến tranh, nhưng chủ đề gây chia rẽ nhất trong ban biên tập là Chiến Tranh Việt Nam.

Tháng 7 năm 1954, đại diện Hoa Kỳ, Liên Bang Xô Viết, Anh, Trung Hoa, Pháp và Nam Bắc Việt Nam đã chấm dứt nhiều tuần lễ thương thảo tại Genève để tìm giải pháp thống nhất “Đông Dương”. Hiệp Định Genève phân chia Việt Nam tại vĩ tuyến 17 với điều kiện quốc gia Việt Nam sẽ được tái thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử vào năm 1956. Nhưng cuộc tổng tuyển cử này không bao giờ được tổ chức. Vì tại Nam Việt Nam, nền Cộng Hòa mới mẻ đã bầu Ông Ngô Đình Diệm làm tổng thống, trong khi tại Bắc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã lập chính phủ cộng sản để tiến hành cuộc chiến tranh du kích tại Miền Nam.

Trong thời gian này, linh mục Vincent S. Kearney, Dòng Tên, người từng viếng thăm Việt Nam và hay lên tiếng về chủ đề chiến tranh ở đây, trong bài “Vietnam after Geneva” (9/11/54) cho rằng Hiệp Định Genève đã đem lại cho Cộng Sản Bắc Việt nhiều lợi thế đáng kể. Với một biên giới dài với Trung Hoa, người và vũ khí rất dễ xâm nhập qua biên giới. Người Cộng Sản lại đang thắng cuộc chiến tranh ý thức hệ; ban ngày, họ đóng vai “nông dân hiền hoà” nhưng ban đêm họ “mọc lên” từ đồng lúa để đặt mìn trên đường và quấy phá người Pháp.

Linh mục Masse, Dòng Tên, người cũng từng thăm viếng Việt Nam, trong bài “The Revolt in Vietnam” (11/26/60), phúc trình rằng người Nam Việt Nam càng ngày càng bất mãn với Ông Diệm vì ông đã cử nhiệm nhiều người trong gia đình ông vào các chức vụ cao cấp và không cho phép tự do báo chí cũng như đối lập nghị trường. Thực tế, ông là một nhà độc tài. Ấy thế nhưng Cha Massae vẫn coi Ông Diệm là một nhà ái quốc liêm chính, một triết gia tìm cơ sở siêu hình cho nền dân chủ Á Châu.

Nói chung, trong thời gian này, các người chủ biên của tuần báo America coi Việt Nam như một cuộc chiến tôn giáo đang chia rẽ Hoa Kỳ. Một số công dân vẫn coi Hoa Kỳ chính trực như một “thành trên đồi”, nhưng nhiều người khác tin rằng xứ sở đang đánh mất linh hồn của mình cho cuộc chiến hao phí nhân mạng. Tháng 5 năm 1963, Ông Diệm xua quân dẹp cuộc biểu tình của Phật Giáo tại Huế, nơi anh ông là Đức Cha Ngô Đình Thục, làm giám mục. Có tin binh lính đã bắn vào đám đông, sát hại một số người biểu tình, trong đó, có trẻ em. Bất ổn lan tới Sài Gòn. Tuy biết mình không thể bênh vực mọi chính sách của Ông Diệm, tuần báo America vẫn giữ lập luận tiêu chuẩn của mình là: kẻ thù Ông Diệm là Cộng Sản; các sai lầm của ông bị cường điệu thái quá. Dù sao, ông vẫn là người mà ta cần.

Đảo chính

Cuộc ám sát vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 cả Ông Diệm lẫn người em và cố vấn không chính thức của ông là Ngô Đình Nhu đã khiến tuần báo viết bài xã luận cho rằng nếu không có Ông Diệm, toàn diện Việt Nam đã bị Cộng Sản Hà Nội thống trị rồi. Các chủ biên đều nhận rằng Ông Diệm đã hy sinh tự do báo chí để thắng cuộc chiến tranh: “Có thể ông sai. Có thể ông đúng. Ta hãy chờ xem” (16/11/1963).

Cả sau khi tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào cuối tháng 11 năm đó, tuần báo này vẫn tiếp tục cho rằng Ông Diệm tốt cho Việt Nam, người Phật Giáo đã rơi vào bẫy của Hà Nội và người Công Giáo đang bị bách hại. Bởi thế, các chủ biên nhiệt liệt hoan hô việc tổng thống Lyndon B. Johnson ra lệnh tấn công Bắc Việt tiếp sau vụ tầu Maddox bị hải quân miền Bắc tấn công tại Vịnh Bắc Bộ vào tháng 8 năm 1965. Ông Johnson còn sử dụng thẩm quyền hậu-vịnh-Bắc Bộ do Quốc Hội trao cho để nới rộng chiến tranh. Cuối năm 1968, ông đã hoàn tất “Operation Rolling Thunder”, một chiến dịch ném bom kéo dài, và nâng con số binh lính lên tới 536,000 người. Đến lúc này, gần 40,000 binh sĩ Hoa Kỳ đã bỏ mình trong các trận đánh.

Tại Hoa Kỳ, phong trào hòa bình xuất hiện dưới nhiều hình thức: trong đó có biểu tình ngồi, đầy trang quảng cáo phản chiến và nhiều hành động bất tuân, như đốt thẻ trưng binh. Tờ America không chấp nhận bất cứ hình thức nào. Chủ bút tờ báo còn nặng lời chỉ trích một lá thư gửi tổng thống Johnson đăng trên tờ New York Times dưới tựa đề “Nhân danh Thiên Chúa, hãy ngưng lại!”. Lá thư này được ký bởi 2,500 linh mục, mục sư, và giáo sĩ Do Thái. Tuần báo America gọi lá thư này là “tiếng gào ủy mị” chỉ tổ làm vui lòng Cộng Sản.

Những giọng nói mới

Một cái nhìn khác bắt đầu xuất hiện trên tờ America sau khi linh mục Daniel L. Flaherty, S.J., chủ biên điểm sách, phỏng vấn tiểu thuyết gia Morris West, tác giả cuốn The Ambassador, một tiểu thuyết dựa nhiều vào Ông Diệm. West mô tả gia đình ông Diệm như “những người Công Giáo bất khoan nhượng của thời Trung Cổ” và chính West đã từ bỏ các cuộc thập tự chinh có tính quân sự chống lại chủ nghĩa Cộng Sản. Hơn nữa, trong bài “Christian Realism in Vietnam” (30/8/66), John C. Bennett thẳng thừng quả quyết: “trước nhất ta cần thấy rằng ta đang can dự vào các hành vi phi nhân không thể khoan dung được về phương diện luân lý”. Bennett khuyên người Mỹ nên từ bỏ niềm tin vốn ám ảnh họ xưa nay rằng chế độ Cộng Sản là số phần tệ hại nhất xẩy ra cho một quốc gia. Tháng 6 năm 1967, các dấu hiệu của một cuộc tự vấn lương tâm bắt đầu xuất hiện. Linh mục Davis hỏi nhiều bằng hữu, trong đó có một giám mục và năm linh mục cùng một câu hỏi này “Ta có nên rút chân ra không?”

Trong câu trả lời, John Deedy, một chủ biên của tờ Commonweal, cho hay Hoa Kỳ đang thi hành “một sứ mệnh bất chính và liều lĩnh… gần như diệt chủng”. Ấy thế nhưng bài xã luận ngày 23 tháng 9 vẫn cố gắng giải thích tại sao Hoa Kỳ có mặt tại Việt Nam. Bài xã luận cho rằng chúng ta ở đó “để ngăn ngừa 17 triệu người Việt khỏi bị nuốt chửng bởi chủ nghĩa cộng sản tham ăn và gây hấn. Chúng ta không ở đó để nuôi dưỡng những chiếc rễ yếu ớt của dân chủ”. Nhưng chỉ trong mấy tháng sau đó, khi cả thương vong lẫn làn sóng chống chiến tranh dâng cao, các nhà phê bình đưa ra yếu tố mới cho phương trình luân lý: liệu phí tổn luân lý có tương xứng với phương thế chính trị hay không?

‘Các người anh em nhân bản của ta’

Ngày nay, người Công Giáo Mỹ nào cũng nghĩ năm 1968 là một bước ngoặt. Năm sóng gió đó có các vụ ám sát Martin Luther King Jr. và Robert F. Kennedy, vụ bạo động tại Đại Hội Đảng Dân Chủ tại Chicago, việc leo thang cuộc chiến tại Việt Nam và thông điệp “sự sống con người” của Đức Phaolô VI, là thông điệp thực tế đã tha hoá phần đông một thế hệ vì đã cấm đoán việc ngừa thai. Khoảng giữa thập niên 1960, báo chí Công Giáo toàn quốc mỗi ngày mỗi quan tâm hơn tới các vấn nạn luân lý do cuộc chiến nêu ra. Năm 1965, tờ Commonweal (Công Giáo) càng ngày càng ủng hộ những người biểu tình chống chiến tranh, và đến tháng 12, năm 1966, các chủ biên của họ tuyên bố rằng: “Hoa Kỳ nên rút chân ra khỏi Việt Nam”.

Tháng Giêng năm 1968, tờ National Catholic Reporter (Công Giáo) tuyên bố “Chiến tranh Việt Nam hiện nay rõ ràng vô luân”. Chỉ trước đó một tháng, các chủ bút tờ U.S. Catholic lên án chiến tranh Việt Nam là vô luân, vì cho rằng bom lửa và oanh kích trải thảm đang giết cả những người chiến đấu lẫn người không chiến đấu, việc giết người đang thú vật hóa kẻ giết người, và việc nước Mỹ càng ngày càng can thiệp vào Việt Nam đã phân hóa người Mỹ và làm hao phí tài nguyên quốc gia.

Cùng tháng đó, một bài xã luận của tờ America gợi ý rằng việc ngưng oanh kích, mà các giám mục của Nam Việt Nam yêu cầu, có thể sẽ dẫn tới bàn hội nghị, nhưng thêm rằng “đã đến lúc phong trào hòa bình phải ngưng việc bào chữa cho Hà Nội”. Trong bối cảnh này, một bài báo đáng lưu ý của linh mục John McLaughlin, Dòng Tên, một phụ tá chủ bút, khiến nhiều người cau mày. Với tựa đề “A Bombing Pause?” (1/27/68), bài báo này khởi đầu như sau: “Ta đang mau chóng tiến tới khúc quanh quan trọng trong chiến tranh Việt Nam, một khúc quanh đòi phải ngưng ném bom vô điều kiện Miền Bắc”. Việc ngưng ném bom này sẽ giảm thiểu cảnh đau khổ cho nhân dân Bắc Việt Nam: “dù ta đang có chiến tranh với những người dân này, nhưng họ là anh em nhân bản của ta”.

Nhưng mùi hương hòa bình mau chóng tan biến với cuộc tấn công Tết Mậu Thân vào cuối tháng Giêng, khi Việt Cộng lợi dụng lợi thế đường hầm, những đường mòn hóa trang và lòng hiếu khách của các đồng minh ở địa phương, đã đột nhiên tấn công khắp Nam Việt Nam, kể cả cổng Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Cuộc tấn công này diễn ra ngay trong ngày Tết, ngày người Việt Nam mừng tân niên, nghĩa là lúc ai cũng ngầm hiểu phải có cuộc ngưng chiến không chính thức. Về phương diện kỹ thuật, phía Hoa Kỳ “chiến thắng” vì đã gây nhiều tổn hại nặng nề cho quân chính qui Hà Nội và Việt Cộng, nhưng tại chính quê nhà, Nước Mỹ chịu một trấn thương tâm lý rất nặng và trấn thương này mãi mãi không lành lặn.

Ngày 11 tháng 5, năm 1968, Cha Davis trao nhiệm vụ chủ biên cho Cha Donald R. Campion, Dòng Tên, một nhà xã hội học 46 tuổi. Ngài thừa hưởng một ban nhân viên gồm 13 tu sĩ Dòng Tên, những người sau đó ít năm đã chia thành 3 phe đối với chính sách về Việt Nam: tiếp tục hoàn toàn hỗ trợ chính phủ; hỗ trợ tổng quát nhưng dè dặt về luân lý; kết án về luân lý coi chiến tranh là không chính nghĩa và phải chấm dứt ngay lập tức.

Vì nghĩ rằng không ai nên viết về chiến tranh khi chưa cảm nghiệm về nó, nên linh mục Michael V. Gannon, một giáo sư sử tại Đại Học Florida, đã qua Việt Nam để lắng nghe chính các chiến binh tại trận tiền trong một tháng. Ngày 31 tháng 8, năm 1968, ngài viết bài “Up Tight in Vietnam”, trong đó, ngài cho rằng hầu hết binh sĩ cũng bối rối và ngã lòng về cuộc chiến giống hệt người ở quê nhà. Một binh sĩ mô tả động lực của anh chỉ là cố sống sót, giúp bạn bè sống sót để “thoát khỏi địa ngục này”. Tệ hơn nữa, một tuyên úy Thệ Phản cho hay: nhiều binh sĩ thích giết chóc. Trong những cuộc tán gẫu về đêm, họ rộ lên cười khi có người kể lại mình đã đâm bụng nhiều “tên VC”. Mục sự này tự hỏi “Ta phải làm gì với những thanh niên này?”.

Tu sĩ Dòng Tên ngồi tù

Một số tu sĩ Dòng Tên cảm thấy buộc lòng phải chống đối chiến tranh, dù có vì thế mà vi phạm luật pháp. Các hoạt động của linh mục Daniel Berrigan, S.J., khiến ông phải biệt xứ một thời gian ở Châu Mỹ La Tinh, một việc bị tờ National Catholic Reporter cho là có sự can thiệp của hàng giáo phẩm, nhưng tờ America thì bác bỏ việc này. Cha Berrigan cũng đã qua Hà Nội để lãnh nhận các tù binh được Cộng Sản đồng ý trả tự do. Ngài mô tả cuộc viếng thăm này trong một cuộc phỏng vấn. Rồi tháng 5, 1968, 9 nhà tranh đấu, trong đó, có Cha Berrigan, xâm nhập hội đồng trưng binh tại Catonsville, Md., đốt sạch các hồ sơ trưng binh tại một bãi đậu xe.

Trong một bài xã luận về phiên tòa và kết án Chín Người của Catonsville, các chủ bút thú nhận có sự chia rẽ giữa họ với nhau nhưng đồng ý với nhau trong các điểm sau: Đạo Luật “Selective Service” cần được tu chính để cho phép người ta có quyền phản đối lương tâm một cách có chọn lựa, và các bị cáo có quyền bất đồng. Nhưng liệu người ta có quyền thách thức lương tâm người khác đến nỗi bác bỏ tự do của họ hay không? Câu trả lời là không. Các chủ bút vì thế kết luận: 9 người này đã chọn lầm phương thế để bất đồng.

Một năm sau, 15 người ở Chicago lại làm một cuộc tấn công tương tự vào họi đồng trưng binh. Bài “What to Do About Joe Mulligan?” (9/20/69), của Cha James C. Fleck, S.J., liên quan tới một trong 15 người này, đó là Joseph Mulligan, 27 tuổi, một sinh viên thần học Dòng Tên, chưa chịu chức, quê ở Detroit. Cha Fleck phỏng vấn một số bè bạn của Mulligan. Điều chắc chắn là Bộ Tư Pháp sẽ xử, kết án và cầm tù Mulligan. Nhưng Dòng Tên phải làm gì đây? Họ có cần phải trả lệ phí cho luật sư bênh vực hay không? James O’Connor, S.J., một giáo sư giáo luật, chống lại hành động của Mulligan và không muốn cho anh được thụ phong, nhưng Dòng là một gia đình và đã là gia đình thì phải trả lệ phí cho việc bênh vực con cái mình. Robert Hartnett, S.J., một nhà khoa học chính trị, người nổi tiếng chống lại quan điểm săn lùng Cộng Sản của TNS Joseph McCarthy, tuyên bố: “Nếu anh ta muốn hành động như thế, đáng lý anh ta không nên gia nhập Dòng”.

Trong khi đó, linh mục Robert F. Drinan, S.J., khoa trưởng Cao Đẳng Luật Khoa Boston, người sắp tranh cử vào Quốc Hội vào năm 1970, qua Việt Nam. Trong bài “Political Freedom in Vietnam” (28/6/69), ngài tiết lộ rằng chính phủ Thiệu Kỳ đã giam cầm ít nhất 20,000 người “vì sự đối lập không Cộng Sản của họ đối với chế độ Sài Gòn”. Cha Drinan tranh cử vào quốc hội với cương lĩnh chống chiến tranh. Ngài phục vụ 5 khóa quốc hội cho tới năm 1980, khi Đức Gioan Phaolô II yêu cầu huyền chức ngài; một phần vì Đức GH chống việc các linh mục giữ chức vụ chính trị nhưng chính yếu vì Cha Drinan ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai.

Điểm ngoặt

Năm xã luận 1969 chấm dứt với cuộc thảm sát Mỹ Lai. Các chủ bút thắc mắc không biết có phải người Mỹ đã đánh mất khả năng thương tiếc người bị thảm sát hay không? Liệu xúc cảm nhân bản có trở thành một thương vong mới của cuộc chiến hay chăng?

Nếu có một điểm ngoặt rõ ràng trong thái độ của tờ America về chiến tranh, thì điều đó hết sức rõ ràng trong bài xã luận “Easter and the American Conscience” (4/10/71). “Điều ta cần làm là tự vấn về chính sự đồng lõa của ta”. Bài xã luận cho rằng ta chịu trách nhiệm đối với nền văn hóa phụ từng sản sinh ra những tên giết người của Charles Manson, và quyết định thúc đẩy cuộc chiến tàn bạo ở Việt Nam. Theo các chủ bút, vì Phục Sinh là lời mời gọi người hối cải tiến tới cuộc sống mới, nên ta phải chấm dứt sự can thiệp vào cuộc chiến ấy càng sớm càng tốt. Việc hủy hoại sự sống của người vô tội “đã vượt quá cái điểm lợi lộc tương xứng nhân danh công lý”.

Cuối cùng Đức Cha Marvin Bordelon, giám đốc Văn Phòng Quốc Tế Sự Vụ của Hội Đồng Công Giáo Hoa Kỳ (tiền thân của HĐ Giám Mục Hoa Kỳ), đã “giải mã” bản tuyên bố khó hiểu hồi tháng 11 của các giám mục Hoa Kỳ về chiến tranh (1/8/72). Ngài viết: đối với một số người, bản tuyên bố chỉ có nghĩa “việc can thiệp thêm của Hoa Kỳ vào cuộc chiến ở Đông Nam Á rõ ràng là vô luân”. Đức Cha Thomas Gumbleton của Detroit cho hay bất cứ ai đồng ý với các giám mục “có thể từ khước không tham chiến”. Tuy nhiên, Đức TGM của New Orleans là Đức Cha Philip Hannan không đồng ý như thế.

Qua xuân 1972, tờ America đề nghị ân xá cho những người chống trưng binh đang ngồi tù và những người đang trốn khỏi nước; các cuộc hòa đàm ở Paris đang được tái tục; và nhiều chiến thắng ở mặt trận đang tăng cường Bắc Việt Nam. Tại một cuộc họp của ban chủ bút vào tháng 5, việc chiến thắng theo nghĩa cổ điển đã không còn được coi là một khả hữu nữa. Cùng lắm, Hoa Kỳ chỉ có thể bác bỏ không cho người Cộng Sản Việt Nam một chiến thắng quân sự rõ rệt, nhưng không thể bảo đảm cho người Nam Việt Nam một nền hòa bình lâu dài. Ấy thế nhưng các chủ bút vẫn viết rằng can thiệp thêm về quân sự là điều không thể “chấp nhận được nữa về chính trị hay luân lý”.

Hai tháng sau khi Henry Kissinger tuyên bố “hòa bình đang ở tầm tay”, cú sốc cuối cùng xuất hiện khi chính phủ Nixon ra lệnh oanh kích Hà Nội và Hải Phòng vào dịp Giáng Sinh, “một cuộc không kích kéo dài và tàn hại chưa từng được phát động chống kẻ thù nào chỉ trong vòng hai tuần”. Tờ America viết rằng không thể có bất cứ biện minh nào cho hành vi tàn bạo ấy.

Ngày 30 tháng 4, 1975, xe tăng của lục quân Bắc Việt Nam đã phá sập cổng dinh Độc Lập ở Sài Gòn. Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Trực thăng Hoa Kỳ bốc nhân viên Tòa Đại Sứ Mỹ và nhiều người khác khỏi mái nhà.

Bài học quá khứ

Đọc diễn trình xã luận trên đây ta thấy tuần báo America chỉ là điều được Đức Ông Charles Pope của tổng giáo phận Hoa Thịnh Đốn gọi là nhiệt kế, hoàn toàn phản ảnh dư luận thời thượng. Lúc dư luận này còn ủng hộ ông Diệm và chính nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa, thì tờ America cũng ủng hộ. Trái lại khi dư luận ấy đổi chiều, tờ America cũng không ngần ngại đổi chiều theo. Điều đáng buồn là sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, với việc hàng triệu người Việt liều chết vượt biên, vượt biển tìm tự do bằng bất cứ phương tiện nào, một cuộc bỏ phiếu bằng máu và nước mắt, và đa số đã chọn Hoa Kỳ làm quê hương thứ hai, quan điểm của tờ America đối với chiến tranh Việt Nam vẫn là thái độ của một chiếc nhiệt kế cho phe thân cộng . Tờ báo vẫn cho rằng: “Hai mươi năm sau ngày Tổng Thống Minh đầu hàng, Việt Nam thật tươi đẹp, thịnh vượng và hoà bình. Ở Hà Nội, tôi đi thăm Hồ Chí Minh được ướp xác trong ngôi mộ có điều hòa không khí. Tại viện bảo tàng tội ác chiến tranh ở Sài Gòn, có chiếc máy chém tượng trưng cho chế độ cai trị của người Pháp. Trong một bức hình, một anh G.I. hãnh diện giơ cao, như khoe thành tích, chiếc đầu lâu, chiếc bả vai và cánh tay trái nát bươm của một cán binh Việt Cộng bị lựu đạn làm nổ tung… Trong nhà thờ chính tòa, tôi kính viếng chiếc quan tài để mở của vị giám mục 84 tuổi của Sài Gòn… Hôm ấy, tôi nhận cho riêng mình câu nói mà phóng viên chiến trường Neil Sheehan viết trên tờ New York Thời Báo: “Tôi không thể không lo ngại việc chúng ta tự thoái hóa chính mình trong diễn trình tiến hành cuộc chiến tranh này… Và tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không làm việc ấy một lần nữa, nhân danh một thứ thập tự chinh chống Cộng nào đó”.

Người ta sợ rằng đối với lập trường sai lạc trên đây, người Việt tại các nước tự do có một phần trách nhiệm, vì đã chỉ chú trọng nói với những lỗ tai cố tình điếc của cộng sản Hà Nội và trong khi Hà Nội nói với những lỗ tai sẵn sàng nghe của thế giới tự do, thì chúng ta ít chú trọng tới việc này.
 
Tôi thấy Đức Giáo hoàng Phanxicô giống như khi ngài ở tại giáo xứ, nhưng bây giờ với nhiều người hơn
LM. Phan Du Sinh
05:44 23/04/2013
Cựu sinh viên của cha Bergoglio chia sẻ những ấn tượng

Guillermo Ortiz đã gặp cha Jorge Bergoglio năm 1977 khi ngài là giám tỉnh Dòng Tên ở Argentina.

Ortiz muốn là thành viên của dòng Tên, và cuối cùng đã thực hiện được ước nguyện này.

Cha Ortiz bây giờ làm việc trong bộ phận nói tiếng Tây Ban Nha của đài phát thanh Vatican và nói với Zenit về một vài điều ngài còn nhớ được trong những năm tháng ấy và những ấn tượng của ngài về Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Zenit: Cha đã gặp cha Bergoglio khi nào?

Cha Ortiz: Tôi đã gặp ngài khi ngài làm giám tỉnh của Dòng Tên Argentina. Dòng Tên được chia ra thành nhiều tỉnh dòng, mà trong nhiều trường hợp trùng với các quốc gia. Bây giờ tỉnh dòng này là tỉnh dòng Argentina – Urugoay. Vào thời đó chỉ là tỉnh dòng Argentina. Cha ở Buenos vào tháng 7 năm 1977, và cha đi đến Cordoba trong tư cách là giám tỉnh. Tôi gặp ngài để nói với ngài rằng tôi muốn gia nhập dòng Tên. Ai muốn trở thành tu sĩ dòng Tên thì họ phải đến với cha giám tỉnh. Tôi gặp ngài tại đó, ngài rất hòa nhã, một con người mà ta có thể dễ dàng nói chuyện mà không gặp bất cứ khó khăn nào. Vì tôi còn một năm rưỡi nữa mới kết thúc việc học, nên ngài nói: “Nếu con lặp lại ước muốn này sau một thời gian nhất định, chúng tôi sẽ xem xét, bởi vì trong thời gian đó, nhiều điều có thể xảy ra”. Ngài đã mời tôi tham dự thánh lễ ngài sẽ cử hành.

Tôi vào dòng Tên tháng 1 năm 1979; đó là năm cuối của ngài trong tư cách là giám tỉnh. Thỉnh thoảng ngài dâng thánh lễ tại nhà tập, ngài cũng chủ toạ những cử hành quan trọng nhất của chúng tôi, đó là lúc tôi thấy ngài. Và vào các ngày Chúa Nhật, ngài thường tới tham dự giờ giải trí với các tập sinh ở Maximo, có cả những sinh viên triết và thần học trước đã ở tại Maximo.

Ngài nhớ về cha Bergoglio trong những năm đó ra sao?

Cha Ortiz: Ngài kết thúc nhiệm kỳ Giám Tỉnh vào tháng 12 năm 1979. Nhiệm kỳ Giám Tỉnh kéo dài 6 năm và sau đó Giám Tỉnh có thể đi truyền giáo hoặc đến một nơi nào khác. Trong trường hợp của ngài, sau khi hết làm giám tỉnh, ngài bắt đầu làm hiệu trưởng và huấn luyện ở Colegio Maximo. Vào thời điểm đó, có sự kiện rất quan trọng, đó là vào năm 1980, nhà nguyện ở cuối Colegio Maximo được nâng lên thành giáo xứ. Colegio Maximo vào lúc đó, có khoảng 10 mẫu; mảnh đất này hiện không còn nữa. Phía trước là Colegio Maximo, đại học triết và thần học, nơi đây chúng tôi cũng học những môn nhân văn; phía sau là một nhà nuôi gia súc. Khi nhập học vào năm 1979, tôi được gởi tới làm việc trong khu người nghèo phía sau Maximo, nơi có căn nhà nuôi gia súc, căn nhà này đã bắt đầu được sử dụng như một nhà nguyện. Dần dần, nhà nguyện này trở thành nhà thờ và không lâu sau đó, cha Bergoglio, hiệu trưởng của trường Maximo, đã được chọn làm cha xứ. Ngài là cha xứ tiên khởi của nhà thờ đó, một giáo xứ của những người lao động vùng San Miguel với khoảng 30.000 người dân.

Thật rất quan trọng đối với tôi khi có ngài làm hiệu trưởng và huấn luyện, thỉnh thoảng cũng còn là người linh hướng nữa. Tôi sống tại Colegio Maximo cho đến năm 1984. Đó là lý do tại sao lãnh vực mục vụ thì rất quan trọng đối với tôi, chúng tôi là gì bây giờ đó là nhờ sống theo lời mời gọi của Đức Phanxicô: đi ra ngoài, gặp gỡ con người mà không để một chướng ngại nào ngăn cản, như ngài đang sống. Ngài đã không đến với một thư ký, và lúc đó ngài chẳng có một thư ký nào cả.

Tôi nhớ câu chuyện về một cậu bé mà tôi biết ở Buenos Aires, một cậu bé đã rơi vào ma túy, và đã nghe chương trình phát thanh mà tôi làm. Em đến thăm tôi và thỉnh thoảng chúng tôi nói chuyện với nhau. Bẵng đi một thời gian tôi không gặp em, một ngày nọ chúng tôi gặp nhau trên đường và em nói với tôi: “Em đã gặp Đức Hồng Y Bergoglio”. Em cho tôi biết, một hôm em đi qua Toà giám mục, vì em là người đưa thư, và em để lại một lời nhắn cho Đức Hồng Y rằng em muốn nói chuyện với ngài. Vài ngày sau, đó là ngày nghỉ việc của em và em đang ngủ, cha em báo cho biết em có điện thoại, nhưng em không muốn trả lời vì là ngày nghỉ của em; tuy nhiên, cha em nói đó là Hồng Y Bergoglio. Ngày hôm ấy, Hồng Y Bergoglio quay số điện thoại mà cậu bé đã để lại cho ngài, và ngài nói chuyện trực tiếp với cậu bé để hỏi xem lúc nào cậu bé muốn đến Toà giám mục.

Zenit: Theo cha, cái gì là đặc điểm tiêu biểu nhất của Đức Phanxicô?

Cha Ortiz: Ngài giống như điều này, một con người cởi mở và ngài luôn để ý chăm sóc người khác, xuất phát từ sự gặp gỡ sâu xa với Chúa. Điều ngài nhắc lại hôm nay, điều ngài nói trong Thánh lễ Dầu, lời mời gọi đi ra khỏi chính mình, ý tưởng người mục tử phải quen hơi đoàn chiên, là điều gì mà chúng tôi, những người từng làm việc với ngài, đã luôn kinh nghiệm, với một sự chăm sóc đặc biệt con người. Khi chúng tôi còn là sinh viên, ngài sai chúng tôi đi tìm kiếm thiếu nhi để dạy giáo lý và thăm viếng người bệnh. Chúng tôi dành chiều thứ bảy và sáng Chúa nhật để đi thăm dân chúng, dù chúng tôi chưa phải là linh mục, nhưng ngài mời gọi chúng tôi ra đi và tìm biết dân chúng. Và không chỉ quan tâm đến tôn giáo, nhưng còn quan tâm đến chiều kích xã hội nữa, vì lúc ấy ngài tổ chức nồi cháo cho trẻ em, nhiều trẻ em đã tới. Và vào lúc ấy Colegio Maximo tăng nhân số, ngài cố gắng có được bò, heo, cừu để chúng tôi có thịt ăn.

Vào thời đó chúng tôi chưa có học bổng như sau này, chúng tôi chăn nuôi súc vật. Chúng tôi ăn nhiều rau, những các trẻ em của nồi súp ăn thịt. Thịt rất quan trọng đối với một người Argentina, và đó là lý do tại sao ngài nỗ lực như thế.

Tôi cũng còn nhớ, chúng tôi có một phòng giặt, nơi chúng tôi để các quần áo dơ. Ngài giặt chúng và báo cho chúng tôi đã sẵn sàng để chúng tôi đem đi phơi. Trong lúc ấy, chúng tôi theo các lớp học. Ban chiều, ngài cho lợn ăn. Ngài làm cách tự nhiên. Khía cạnh thiêng liêng không tách rời khỏi sự việc hàng ngày. Khi chúng tôi trở về sau khi đi thăm dân chúng ngày Chúa nhật, ngài đã chuẩn bị bữa ăn cho chúng tôi.

ZENIT: Cha cảm nhận điều gì khi thấy ngài xuất hiện ở ban công Đền thờ thánh Phêrô?

Cha Ortiz: Ngài luôn là một con người rất đặc biệt, rất có năng lực, một con người quản trị. Tôi luôn biết rằng khi còn là giám mục, ngài là một nhân vật nặng ký, ngài cũng như thế giữa các hồng y. Tôi đã nói chuyện với ngài hôm thứ Bảy trước mật viện. Khi ngài đến Roma, tôi biết nơi ngài sinh sống và ngài phải đi như thế nào qua con đường Hoà giải. Thay vì gọi điện ngài và quấy rầy ngài, tôi muốn ra ngoài để gặp ngài giữa đường.

Trong chương trình bằng tiếng Tây Ban nha của đài Vatican chúng tôi có hơn 29 quốc gia, vì thế tại đó có khoảng 25 hồng y. chúng tôi không thể phỏng vấn một vài hồng y đó và những vị khác nữa. Hơn nữa, tôi biết rằng ngài không thích bị phỏng vấn, vì thế tôi không muốn quấy rầy ngài. Tuy nhiên, ngày thứ Bảy trước mật viện, tôi muốn chào thăm ngài và chúng tôi cùng đi bộ khoảng 15 phút. Tôi lấy làm cảm kích vào ngày đó vì sự thanh thản và hài hước của ngài, khi trao đổi về nhiều chuyện khác nhau. Chúng tôi nói về những điều làm chúng tôi bật cười và về những chuyện nghiêm chỉnh, nhưng ngài luôn có cùng sự thanh thản và niềm vui. Chúng tôi đã nói một chút về điều mà các truyền thông đang bàn tán. Và ngài tiếp tục sống trong an bình, khi di chuyển và hành động theo một lối vững vàng, trong điều ngài nói, vốn phát xuất từ một sự bình an nội tâm sâu xa mà tôi biết ngài giữ gìn cẩn thận.

Tôi luôn nghĩ rằng [được bầu làm giáo hoàng] là điều gì có thể xảy ra, nhưng vì tuổi tác của ngài, đã 76 tuổi, tôi nghĩ ngài không thể là giáo hoàng. Nhưng là một tu sĩ dòng Tên, vì lời khấn vâng phục Đức Giáo hoàng, và trong đài Vatican nơi có tiếng nói của giáo hoàng, tôi phải chuẩn bị mọi sự.

Chúng tôi có nhiều ngôn ngữ trong kỳ mật viện, một tiếng rưỡi phát thanh trong những lúc có khói, ngoài chương trình thường nhật của chúng tôi. Chúng tôi có 91 phút phát thanh mỗi ngày vào nhiều thời điểm khác nhau. Hơn nữa, khi có một hoạt động đặc biệt của giáo hoàng, chúng tôi làm các bài tường thuật mà các kênh khác phát lại. Vì thế chúng tôi phải làm những tin tức tường thuật và bầu chọn giáo hoàng. Tôi đã quyết định rằng, cho ngôn ngữ chúng tôi, ngay khi có khói trắng, tôi sẽ đến phòng thu âm và tường thuật cho đến khi giáo hoàng xuất hiện và một lúc sau đó. Tôi không nghĩ có khói trắng hôm đó và chúng tôi đã làm việc với một tập hồ sơ thông tin về tất cả các hồng y. Khi chúng tôi thấy khói trắng, chúng tôi bắt đầu việc phát thanh. Khi Hồng y Tauran xuất hiện và nói tới Hồng y Jorge Mario, tôi không thể tiếp tục phát thanh, tôi không thể xếp đặt các ý tưởng, tôi cảm thấy một điều gì rất sâu xa. Sau đó, cám ơn Chúa, khi thời gian trôi qua, trước khi ngài xuất hiện tại bao lơn, tôi đã bước lui, rời bỏ mi-cô vì tôi không thể phản ứng như tôi đã thường vượt qua. Ngài bắt đầu nói bằng tiếng Ý và người ta ra hiệu cho tôi phiên dịch, nhưng tôi không màng tới, vì tôi đang nhìn thấy người tôi quen biết, tôi hiểu điều ngài nói và tôi không nhận thức mình phải phiên dịch. Khi ngài rời bỏ ban công, tôi mới có phản ứng và nói tóm lại những gì ngài đã nói.

Điều chúng ta thấy nơi đây trong vài giây, rất quan trọng về nhân cách của ngài. Sau này tôi đã viết một bài có đầu đề “Đức Phanxicô là như thế đó”. Đó là một giây phút rất cảm động. Những ngày này, tôi đang phát thanh về các cuộc cử hành và bài giảng và tôi đang thấy cùng một điều như tôi đã thấy ở giáo xứ, nhưng với nhiều người hơn.

ZENIT: Vì thế những tuần lễ đầu tiên này là sự tiếp nối điều ngài là trong tư cách một linh mục, một giám mục và hồng y sao?

Cha Ortiz: Tôi không thấy khó khăn gì khi thấy ngài như là linh mục quản xứ của Roma, hay linh mục quản xứ của thế giới, vì ngài luôn xem mình là một linh mục. Khi ngài xuất hiện như là Giám mục của Roma, ngài đang ở trên cùng một vị trí như các giám mục khác. Ngài là Giám mục Roma nhưng thêm vào đó, ngài chủ toạ trong đức ái.

Ngài thích được gọi là cha khi làm hồng y; ngài tự giới thiệu mình là một linh mục. Một lần kia tôi đến chào thăm ngài nhưng người tiếp tân nói với tôi: “Cha tới chậm hai hoặc ba phút và nhắn lời xin lỗi với cha”. Lẽ dĩ nhiên tôi nói rằng tôi có thể chờ mà không có vấn đề gì, nhưng tôi nói với người ấy: “Đừng gọi ngài là cha, ngài là hồng y mà”, và người tiếp tân nói: “Nhưng ngài lấy làm khổ sở nếu chúng tôi gọi ngài là Hồng y hay Đức cha”.

Khi ai ở với ngài, người ấy ở với một người làm cho Đức Giêsu Kitô hiện diện, ngài mời gọi họ cử hành một Đức Kitô sống động, đi ra khỏi phòng thánh để gặp dân chúng. Ngài dùng xe điện ngầm; ngài thiết lập giáo họ cho Villas Miserias [khu ổ chuột], như một nơi khác nữa để đem lại sự chăm sóc đặc biệt. Mỗi ngày sau 6 giờ chiều, ngài đi ra ngoài để đồng hành với một trong các linh mục, trong khi các linh mục làm cuộc thăm viếng, khi trở về linh mục sẽ thấy giám mục Bergoglio đã dọn cho họ bữa ăn chiều. Ngài cũng đồng hành với các linh mục bị bệnh vào ban đêm. Những cử chỉ đó nói đến sự “ra đi” của ngài.

Lối sống của đức Phanxicô đã có một lời đáp trả ấn tượng. 60,000 người tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng ngày thứ Hai, 300,000 người tham dự lễ Phục sinh. Đó là một lời đáp trả. Tôi nhận được điện từ Argentina và được biết rằng có nhiều người đang trở về với Giáo hội sau một thời gian vắng bóng. Một người nói với tôi rằng bà đã cãi lộn với cha xứ và đã ngưng cầu nguyện, và bây giờ bà nói với tôi: “Với Đức Phanxicô, tôi nhận ra rằng một điều chẳng ăn nhập với điều khác”. Và bà tiếp tục cầu nguyện.

ZENIT: Cha nghĩ như thế nào, Đức Phanxicô có nhiều tính chất của dòng Tên không?

Cha Ortiz: Chú ý của tôi đã luôn luôn bị khuất phục, không chỉ bây giờ thôi, bởi khả năng của ngài đặt linh đạo Ignatio làm nền tảng của mọi điều ngài nói, bởi cơ cấu của tư tưởng ngài về vấn đề cảm xúc, điều rất quan trọng trong linh thao. Trong cách suy nghĩ, cảm xúc, hành động của ngài, có linh đạo Ignatio. Tôi đã chia sẻ ý tưởng đó với những anh em khác trong dòng mà chưa biết ngài, và anh em đã nói rằng họ thấy linh đạo Ignatio trong các bài giảng của ngài.

ZENIT: Cha đã có cơ hội gặp ngài kể từ khi ngài làm giáo hoàng không?

Cha Ortiz: Vâng, tôi đã có cơ hội gặp ngài hai lần. Vào ngày thứ Bảy khi tiếp kiến các ký giả, biến cố rất quan trọng đối với tôi, và Chúa nhật vừa qua, khi làm tường thuật từ tiền sảnh ban phép lành, cửa kề bên nơi phép lành Urbi et Orbi diễn ra. Tôi đã lại ở với ngài tại đó, và ngài nhắn lời thăm hỏi mẹ tôi. Vào ngày tiếp kiến, tôi đã tặng cho ngài hình vẽ của một bé gái 7 tuổi, tôi nghe được sau đó từ một linh mục khác rằng ngài giữ nó trên bàn làm việc của ngài ở nhà Matta. Tôi cũng đưa cho ngài những tấm ảnh về cha Brochero, vị thánh kế tiếp của chúng tôi, sẽ được phong thánh vào ngày 14/9. Tôi biết ngài sùng kính cha Brochero, vì thế giờ đây ngài có thể phân phát những tấm ảnh thánh đó.
 
Đức Thánh Cha mừng lễ thánh Giorgio bổn mạng
LM. Trần Đức Anh OP
07:29 23/04/2013
VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi toàn thể Giáo Hội can đảm loan báo Tin Mừng, dù gặp phải những bách hại và khó khăn.

Trên đây là ý chính bài giảng ứng khẩu của ĐTC trong thánh lễ lúc 10 giờ sáng 23-4-2013, nhân lễ thánh Giorgio bổn mạng của ngài.

Đồng tế thánh lễ với ĐTC tại Nhà nguyện Paolina trong dinh Tông Tòa có hơn 45 Hồng Y cư ngụ tại Roma, và một số chức sắc thuộc Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Đầu thánh lễ, ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, đã đại diện các Hồng Y chúc mừng lễ bổn mạng ĐTC và nhắc lại vài nét nổi bật trong cuộc đời của thánh Giorgio: Người đã từ bỏ chức vụ sĩ quan cấp cao trong quân đội của hoàng đế Roma, để trở thành chiến binh của Chúa Kitô. Thánh nhân cởi bỏ binh giáp để mặc lấy áo giáp đức tin và đức ái. ĐHY Sodano cầu chúc ĐTC được hồng ân sức mạnh Kitô mà Chúa Thánh Linh phú cho các vị tử đạo trong mọi thời đại. Chính hồng ân sức mạnh Thánh Linh đổ tràn tâm hồn viên sĩ quan trẻ Giorgio của quân đội Roma, đã giúp thánh nhân đương đầu với mọi khó khăn trong việc từ bỏ binh nghiệp để trở nên môn đệ Chúa Kitô, phân phát tài sản của mình cho người nghèo. ĐHY niên trưởng nói thêm rằng: ”Cùng với ĐTC, chúng con cũng cầu xin ơn sức mạnh Kitô cho những người đang còn chịu đau khổ vì đức tin, như thời thánh Giorgio. Như cách đây mấy ngày, ĐTC đã nhắc nhở chúng con rằng thời kỳ của các vị tử đạo vẫn chưa chấm dứt!”.

Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc, ĐTC ghi nhận một số điểm: trước tiên là chính lúc Giáo Hội bị bách hại, thì cũng là lúc bùng lên công trình truyền giáo của Giáo Hội: các tín hữu Kitô bị bách hại như thế đã đi tới tận miền Fenicia, đảo Cipro, và Antiokia, để công bố Lời Chúa. Họ mang trong mình lòng nhiệt thành tông đồ và nhờ đó đức tin được phổ biến. Và khi đến Antiokia, các tín hữu ấy đã bắt đầu nói với cả những người Hy Lạp. Chính Thánh Linh đã giúp họ có sáng kiến nói với cả những người Hy Lạp, đã thúc đẩy họ đi xa hơn nữa!

ĐTC cũng nhận xét rằng: Tại Jerusalem bấy giờ, có những người nghe tin về điều ấy, thì cảm thấy căng thẳng, và họ đã gửi Barnaba đến ”thanh tra tông tòa”; với một chút tinh thần khôi hài, chúng ta có thể nói cuộc thanh tra tông tòa của Barnaba ấy là khởi điểm thần học của Bộ giáo lý đức tin! Nhưng thánh Barnaba đến nơi đã thấy mọi sự tốt đẹp. Giáo Hội trở thành một người Mẹ có nhiều người con, người Mẹ cho chúng ta đức tin, mang cho chúng ta căn tính. Căn tính Kitô chính là sự thuộc về Giáo Hội.

Về điểm này, ĐTC Phanxicô phê bình lập luận của những người cho rằng mình muốn sống với Chúa Giêsu chứ không muốn sống với Giáo Hội; thật là một điều tách biệt vô lý khi muốn theo Chúa Giêsu ngoài Giáo Hội, yêu Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội”. Chính Giáo Hội là Mẹ ban Chúa Giêsu cho chúng ta, trao tặng chúng ta căn tính: căn tính này không phải chỉ là một ấn tích, nhưng là sự thuộc về Giáo Hội”.

ĐTC cảnh giác thái độ chiều theo hoặc thỏa hiệp với thế gian, tìm an ủi nơi trần thế mà không ý thức về những bách hại và khó khăn. Ngài nói: ”Nếu chúng ta muốn tiến bước một chút trên con đường trần thế, thương thảo với thế gian - như những người Macabêu xưa kia bị cám dỗ muốn thực hiện, thì chúng ta sẽ không bao giờ được sự an ủi của Chúa. Và nếu chúng ta chỉ tìm an ủi, thì đó chỉ là một sự an ủi hời hợt, chứ không phải là ơn an ủi của Chúa, chỉ là một sự an ủi của phàm nhân. Giáo Hội luôn tiến bước giữa Thập Giá và sự Phục Sinh, giữa bách hại và sự an ủi của Chúa. Đó chính là hành trình của Giáo Hội: ai tiến trên con đường này thì không ai lầm”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được lòng nhiệt thành tông đồ, thúc đẩy chúng ta tiến bước, như anh em với nhau! Hãy tiến bước, mang theo danh Chúa Giêsu giữa lòng Hội Thánh là Mẹ chúng ta, và như thánh Ignatio đã nói, Giáo Hội ”có phẩm trật và Công Giáo” (SD 23-4-2013)
 
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho Các Giám Mục Syria bị bắt cóc
Bùi Hữu Thư
07:45 23/04/2013
Các Giám Mục Syria bị bắt cóc

2013-04-23 Vatican Radio

(Vatican Radio) Giám Dốc Văn Phòng Truyền Thông Vatican ngày hôm nay phổ biến một bản tin về vụ bắt cóc các Giám Mục Chính Thống Giáo tại Syria.

Sau đây là bản dịch thông tin của Đài Radio Vatican.

Việc bắt cóc hai Giám Mục Chính Tòa Aleppo, Mar Gregorios Ibrahim thuộc Giáo Hội Chính Thống Syriac, và Paul Yazigi thuộc Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp Antioch, và vụ thảm sát tài xế của họ trong khi hai vị đang thi hành một sứ vụ nhân đạo, là một khẳng định về tình hình bi đát trong đó dân chúng Syria và các cộng đồng Kitô giáo tại Syria đang trải qua.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã được báo cáo về hành động hết sức tàn bạo mới đây đã xẩy ra trên đỉnh của sự gia tăng bạo tàn trong những ngày qua và đòi hỏi một tình trạng khẩn cấp về cứu trợ có chiều kích vĩ đại.

Đức Thánh Cha Phanxicô đang theo dõi các biến cố rất mật thiết và ngài đang cầu nguyện cho sức khỏe và việc giải phóng hai giám mục bị bắt giữ. Ngài cũng cầu nguyện để cho, với sự trợ giúp và cầu nguyện của tất cả mọi người, dân chúng Syria cuối cùng có thể thấy được những đáp ứng cụ thể đối với thảm kịch của nhân loại và những niềm hy vọng có thật và việc hòa giải sẽ xuất hiện nơi chân trời.
 
Cuốn sách vừa được dịch cho thấy những cuộc đối thoại giữa ĐTC Phanxicô và giáo sỹ Do Thái
Jos. Tú Nạc, NMS
09:49 23/04/2013
COLORADO SPRING (CNA) – Cuốn sách đầu tiên của ĐTC Phanxicô đồng tác giả là một giáo sỹ Do Thái Á Căn Đình đã chứng minh sự đoan kết của Đức Thánh Cha với vần đề đối thoại liên tôn, theo nhận xét của dịch giả.

Alejandro Bermudez, dịch giả cuốn sách nói: “Nội dung cuốn sách cho thấy sự hiểu biết của ngài rằng việc đối thoại liên tôn dựa trên hai nền tảng: một cảm giác rất mạnh mẽ thuộc bản sắc tôn giáo của mỗi người và sự trân trọng, khoan dung cá nhân chân thành.”

Ban đầu cuốn sách được viết bằng tiếng Tây Ban Nha, “‘On Heaven and Earth’ (Trời và Đất): ĐTC Phanxicô bàn về đức tin, gia đình và Giáo Hội ở thế kỷ 21”, giờ đây lần đầu tiên được dịch sang tiếng Anh, xuất bản bởi Image Book, in ấn của Random House, phát hành vào ngày 19 tháng 4.

Trong phần giới thiệu cuốn sách, ĐTC Phanxicô viết rằng đối thoại “được thai nghén từ một thái độ tôn trọng hướng đến người khác, từ một thái độ tin tưởng rằng người khác có một điều gì đó tốt để nói với mình. Nó giả định rằng chúng ta có thể dành chỗ trong trái tim của chúng ta cho quan điểm của họ, ý kiến của họ và những đề xuất của họ.”

“On Heaven and Earth”” là một cuộc đối thoại giữa ĐTC Phanxic ô và Giáo sỹ Do Thái Abraham Skorka, Viện trưởng Chủng viện Do Thái Mỹ Latin ở Buenos Aires, Á Căn Đình. “On heaven and Earth” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2010.

Theo nhà xuất bản, “cuốn sách ghi lại những cuộc thảo luận chuyên đề từ cuộc đối thoại hàng nhiều giờ giữa hai nhà lãnh đạo tôn giáo.”

Bermudez, giám đốc điều hành Thông Tấn xã Công Giáo (CNA), nói rằng trong suốt cuộc đối thoại của cuốn sách, ĐTC Phanxiô, lúc ấy là ĐHY Jorge Bergoglio, đã tìm thấy những lý lẽ chung với Skorka nhưng “tuyệt đối không đưa ra những nhượng bộ” về những giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.

Trợ tá của Bermudez, Diego Rosemberg, nói với Bermudez rằng cuốn sách bắt đầu bằng những cuộc đối thoại về những khía cạnh tâm linh của truyền thống chung giữa Công Giáo và Do Thái giáo.

“On Heaven and Reath” bao hàm một loạt những chủ đề, trong đó bàn về: Thiên Chúa, chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa chính thống, đồng tính luyến ái, phá thai, Holocaust, an tử, hôn nhân đồng giới và nghèo đói.

Cho đến gần đây, những tác phẩm của ĐTC Phanxicô toàn bằng tiếng Tây ban nha. “On Heaven and Earth” là tác phẩm đầu tiên của ngài được xuất bản bằng tiếng Anh. Hai tác phẩm nói về Linh đạo Dòng Tên, được gọi là “Humility, the Road towards God” (Khiêm nhường, con đường hướng đến Thiên Chúa) và “Corruption and Sin” (Tham nhũng và tội lỗi) sẽ được xuất bản vào tháng này ở Ý.

Eric Greenberg, một giáo sỹ Do Thái là viên chức của Liên đoàn Chống Phỉ báng, nói rằng cuốn sách “tuyệt vời thể hiện mối quan hệ ấm áp và tích cực mà ĐTC Phanxicô đã phát triển cùng với người Do Thái và Do Thái giáo.”

“Những trao đổi chân thành tôn trọng giữa ĐHY Jorge Bergoglio (lúc ấy) và giáo sỹ Do Thái Abraham Skorka về một loạt các chủ đề nhạy cảm và phức tạp … là một mô thức không chỉ cho những người Do Thái giáo và những người Công Giáo mà còn cho tất cả những ai đang tìm kiếm cuộc đối thoại liên tôn hữu ích trong việc giúp đỡ để hàn gắn một thế giới bị phân chia.”
 
Cuộc chiến đấu chống hôn nhân đồng phái tại Pháp
Linh Tiến Khải
10:32 23/04/2013
Phỏng vấn ông Antoine Renard, Chủ tịch Liên minh các hiệp hội gia đình công giáo Pháp

Trong các ngày qua tình hình tại Pháp sôi động với các cuộc biểu tình chống dự luật hôn nhân đồng phái, liên tục diễn ra trong nhiều thành phố khắp nước. Ngày Chúa Nhật 21-4-2013 đã có 230.000 người biểu tình trong thủ đô Paris. Sau khi thách thức thái độ châm biến của giới truyền thông phò dự luật hôn nhân đồng phái của chính quyền đảng xã hội, các lực lượng biểu tình thuộc nhiều hiệp hội và giai tầng xã hội khác nhau nhất quyết ”ăn thua đủ” với tổng thống François Hollande. Theo kết qủa của một cuộc thăm dò dư luận mới đây đàng sau phong trào ”Biểu tình cho tất cả” có 55% tổng số dân Pháp không chấp nhận luật cho phép hôn nhân đồng phái và quyền nhận con nuôi.

Từ mấy tháng qua uy tín của tổng thống Hollande và của đảng xã hội đã ”xuống dốc không phanh” vì các vụ tai tiếng gian tham hối lộ và bất lực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh cũng như nạn thất nghiệp trong nước khiến cho người dân Pháp vô cùng bất mãn. Dân chúng cho rằng chính quyền mất thời giờ cho hôn nhân đồng phải và quyền nhận nuôi con của họ là những chuyện ”trời ơi đất hỡi”, mà không muốn nghiêm chỉnh lo cho các vấn đề cấp bách hơn nhiều đối với hạnh phúc của đa số dân như công ăn việc làm và tình trạng kinh tế suy thoái, đang khiến cho cuộc sống của dân chúng vô cùng khốn đốn.

Trong các cuộc biểu tình tuần qua ban đầu tại Nantes, là quê sinh của thủ tướng Jean Marc Ayrault, và sau đó tại Versailles và Paris, các người biểu tình đã hô to các khẩu hiệu sống sượng như: ”Hollande phát xít, độc tài xã hội”. Tại Paris và nhiều thành phố khác đã xảy ra các vụ tấn kích tập thể ngoạn mục của các nhóm thanh niên chống hôn nhân đồng phái gọi là ”Hommen”. Chúng chứng minh cho thấy đây là các nhóm có tổ chức chặt chẽ và có các hành động cương quyết bất ngờ. Họ đeo các mặt nạ trắng có vẽ các giọt lệ, khóc cho tình trạng luân lý xã hội suy đồi, hay biểu tượng bị bịt miệng, mình trần với các hàng chữ mầu đen và các biểu tượng của phong trào chủ hòa và các khẩu hiệu bênh vực ”quyền của các trẻ em”. Các nhóm Hommen mặc quần Jean nhiều mầu từ đỏ tới xanh, và thường hành động theo nhóm từ 20 tới 80 người. Họ chiếm các quảng trường hay các trực đại lộ, dùng khói mầu và xích chân tay vào các đài kỷ niệm, hát quốc ca Pháp và hô các khẩu hiệu chống hôn nhân đồng phái, bảo vệ gia đình truyến thống, và quyền của các trẻ em được giáo dục bởi cha mẹ. Hành động táo bạo nhất là ngày 15-4-2013 một nhóm khoảng 30 người đã xích tay nhau chặn đường Rivoli gần quảng trường Vendôme nơi có bộ Tư Pháp, và ngăn chặn lưu thông trong giờ cao điểm nhất.

Ngày 16-4-2013 Phong trào ”Biểu tình cho mọi người” kêu gọi dân chúng tiếp tục phản đối, liên tục vào mỗi buổi chiều cho tới tối mịt, nhưng trong ôn hòa, bất bạo động. Năm dân biểu thuộc đảng tân Golíst đối lập đã không thể vào bàn giấy nằm cạnh trụ sở quốc hội, vì hàng rào đầy đặc cảnh sát bị dân chúng bao vây bên ngoài. Môt trong các dân biểu là ông Damien Meslot đã tố cáo việc huy động lực lượng an ninh qúa đông đảo không tương xứng với thái độ hòa hoãn của các đoàn người biểu tình. Tuy kêu gọi dân chúng bình tĩnh, nhưng phong trào đã không tha thứ cho chính quyền vụ bắt giữ 200 người biểu tình trong các ngày qua, đôi khi chỉ vì họ mang huy hiệu của phong trào. Ngoài ra, phong trào đã mạnh mẽ tố cáo vài nhân viên cảnh sát không mang huy hiệu trà trộn vào đám đông, cố ý gây ra các hành động bạo lực để có cớ bắt các người biểu tình. Tổ chức bảo vệ các trẻ em Pháp báo động rằng ”nền dân chủ tại Pháp đang lâm nguy” vì các hành động đàn áp của chính quyền đảng xã hội. Chiều ngày 17-4-2013 Quốc hội đã bắt đầu thảo luận dự luật hôn nhân đồng phái. Phe đối lập có ý đưa ra 700 khoản tu chính, nhưng chính quyền áp đặt việc thảo luận nội trong 25 giờ đồng hồ. Lý do vì tổng thống Hollande muốn quốc hội bỏ phiều thông qua dự luật vào ngày 23-4-2013. Và đa số dân biểu xã hội theo lập trường này. Tuy nhiên, bầu khí xã hội tại Pháp càng lúc càng căng thẳng, đến độ nguyên thủ tướng Jean Pierre Raffarin đã báo động trên đài phát thanh là nước Pháp đang có nguy cơ sống lại bầu khí xã hội nổi loạn hồi tháng 5 năm 1968. Ông nói: ”Chúng ta hãy nhìn rõ một sự đe đọa hỗn loạn trong nước. Nếu sự giận đữ của các nghiệp đoàn đạt tột đỉnh cộng với sự giận dữ của phía xã hội, thì chúng ta sẽ ở trong một tình trạng mong manh rất lớn”. Sự kiện nghiêm trọng đó là dự luật hôn nhân đồng phái trái nghịch với Luật dân sự và hai thỏa hiệp quốc tế mà chính nước Pháp đã ký nhận. Dân biểu Hervé Mariton hứa là phe tân Golist sẽ tổ chức trưng cầu dân ý.

Do sáng kiến của thủ tướng Ayrault một phái đoàn của Phong trào Biểu tình cho mọi người đã được Bộ trưởng nội vụ Manuel Valls tiếp kiến. Nhưng chính quyền đảng xã hội không muốn thay đổi lập trường.

Hồi mùa hè năm 2012 Giáo Hội công giáo Pháp đã phát động ”Ngày toàn nước cầu nguyện”, và đã mạnh mẽ gây ý thức cho toàn dân trước các hậu qủa trầm trọng đe dọa gia đình và xã hội do dự luật này gây ra. Việc khước từ sự khác biệt như kiểu nhân bản nhận diện, và đặc biệt là sự khước từ phái tính khác nhau sẽ gây ra các hệ lụy trầm trọng trong cuộc sống gia đình, trong nền giáo dục và trong cuộc sống xã hội. Ngoài ra, sự kiện chính quyền đã tìm mọi cách để tránh né các cuộc thảo luận công cộng, cả trong tiến trình của quốc hội nữa, là bằng chứng cho thấy ý đồ đen tối của chính quyền đảng xã hội muốn tàn phá gia đình, là tế bào nền tảng của mọi xã hội lành mạnh.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị bài phỏng vấn ông Antoine Renard, Chủ tịch Liên minh các hiệp hội gia đình công giáo Pháp, kiêm phát ngôn viên phong trào ”Biểu tình cho mọi người”, về cuộc đấu tranh chống hôn nhân đồng phái tại Pháp hiện nay.

Hỏi: Thưa ông, ông và phong trào ”Biểu tình cho mọi người” có còn chờ đợi gì nơi chính qyuền và tổng thống Hollande nữa không?

Đáp: Tôi không còn chờ đợi gì nữa từ chính quyền, nhưng trái lại từ tổng thống thì tôi chờ đợi, vì ông có trách nhiệm luân lý và chính trị phải bảo đảm cho các cơ cấu, và từ các cơ cấu ấy giờ đây chúng tôi chờ đợi một bằng chứng của sự sáng suốt đối với dự luật hôn nhân đống phái và quyền nhận con nuôi.

Hỏi: Liên minh các hiệp hội gia đình công giáo Pháp đang sống giai đoan căng thẳng hiện nay ra sao?

Đáp: Người ta có cảm tưởng là đã thành công trong việc tạo ra được một biến cố đã chờ đợi từ lâu: đó là một phần ngày càng gia tăng trong dân chúng đã nói lên tiếng nói của họ, không phải để bênh vực các lợi lộc cá nhân, nhưng là để bênh vực các nguyên tắc, bênh vực xã hội và bênh vực tương lai của gia đình. Có sự hài lòng và niềm hy vọng lớn, nhưng cũng có sự giận dữ và một sự tước đoạt thực sự khi thấy chính quyền không muốn lắng nghe tiếng nói của chúng tôi.

Hỏi: Vậy bầu khí bên trong phong trào ”Biểu tình cho mọi người” hiện nay như thế nào, thưa ông?

Đáp: Trong khu tổng hành dinh của phong trào thì tâm tình nổi bật là sư thanh thản và cương quyết. Chúng tôi muốn tiếp tục tranh đấu trong sự hợp pháp hoàn toàn, vì ý thức rằng sức mạnh của phong trào là chính ở nơi thái độ bất bạo động và không hiếu chiến, tôn trọng và có khả năng lắng nghe.

Hỏi: Thưa ông Renard, có người nhắc tới các nguy cơ của khuynh hướng qúa khích có thể xảy ra, riêng ông thì ông nghĩ sao?

Đáp: Tôi tin rằng nguy cơ là từ phía chính quyền, và đây là điều rất gây âu lo và bận tâm. Chứ nguy cơ không có từ phía phong trào ”Biểu tình cho mọi người”, cả khi dĩ nhiên nếu không được lắng nghe, thì chúng tôi sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa. Thế rồi đúng thật là có nhiều người trẻ đã dấn thân một cách tự phát trong phong trào lớn này, và họ là các thành phần dấn thân nhất. Họ có nguy cơ nghe theo các người lãnh đạo đang lên nhưng ít được linh hứng, nhưng trong phong trào ”Biểu tình cho mọi người” không có những người như thế. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi bình tĩnh.

Hỏi: Thế thì bên ngoài phong trào có nguy cơ bị lệch hướng hay không?

Đáp: Vâng, có, và đây là một nguy cơ thực, nhưng tôi xác tín rằng có vài nhóm sẽ không được dân chúng ủng hộ. Vả lại chính quyền có lỗi trong việc khiêu khích loại phản ứng như thế, với thái độ qúa khích của mình. Có các cá nhân riêng rẽ có thể ”bị cháy cánh”, nhưng tôi không tin là họ được người ta đi theo. Thế rồi từ phía chính quyền thật là vô trách nhiệm chiếu đèn trên các hiện tượng ngoài lề, cả khi đó là trò chơi cũ rích của quyền bính.

Hỏi: Ông có tin rằng đã có việc sử dụng không cân xứng các phương tiện cảnh sát và lực lượng an ninh để chống lại phong trào biểu tình cho mọi người hay không?

Đáp: Vâng, đó là điều rõ ràng là như thế. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng cả giới truyền thông cũng đã trở thành đồng lõa một cách kinh khủng của một chiến dịch nói xấu, xuyên tạc hoàn toàn bất công đối với chúng tôi.

Hỏi: Ông có cho rằng các tín hữu công giáo là một thành phần đáng kể, và hơn thế nữa họ chiếm đa số trong phong trào này hay không?

Đáp: Vâng, tôi tin là như thế. Và đó là bằng chứng cho thấy rằng, mặc dù việc thực hành đạo có sút giảm, nhưng tại Pháp vẫn còn có một nền văn hóa Kitô sâu xa đang tỉnh dậy. (Avvenire 16.18-4-2013)
 
Mười điều răn chính trị trong Thánh Kinh
Linh Tiến Khải
10:34 23/04/2013
Phỏng vấn triết gia chính trị Michael Walzer

Hồi tháng 3 năm 2013 triết gia chính trị Michael Walzer, người Mỹ, đã cho ấn hành bản tiếng Ý tác phẩm ”Dưới bóng của Thiên Chúa: các chính trị gia và Thánh Kinh Do thái”. Tác phẩm bàn về các ý niệm chính trị trong Thánh Kinh Cựu Ước.

Ông Michael Walzer, đã từng là giáo sư triết lý chính trị ”Học viện Nghiên cứu sâu” của đại học Princeton, New Jersey, và là người đồng xuất bản nguyệt san trí thức ”Bất đồng ý kiến”. Giáo sư là tác giả của 27 cuốn sách và 300 bài khảo luận liên quan tới các đề tài: luân lý đạo đức chính trị, các cuộc chiến chính đáng và không chính đáng, chủ thuyết quốc gia, tính cách chủng tộc, công bằng kinh tế, chủ nghĩa phê bình xã hội, chủ nghĩa cấp tiến, sự khoan nhượng và bổn phận chính trị.

Trong số các sách của giáo sư có các cuốn như: ”Cuộc cách mạng của các Thánh: Nghiên cứu nguồn gốc các nhà chính trị cấp tiến” (1965); ”Các bắt buộc: Khảo luận về sự bất phục tùng, chiến tranh và quốc tịch” (1970); ”Chiến tranh chính đáng và không chính đáng” (1977); ”Xuất hành và cách mạng” (1983); ”Các lãnh vực của công lý” (1983); ”Giải thích và khuynh hướng phê bình xã hội” (1987); ”Cộng đồng dân sự và nền dân chủ Mỹ” (1992); ”Hướng tới một xã hội dân sự toàn cầu” (1995); ”Liên quan tới sự khoan nhượng” (1997); ”Các lý lẽ từ Phe Tả” (1997); ”Truyền thống chính trị do thái cuốn I” (2000); ”Truyền thống chính trị do thái cuốn II (2003); ”Các nhà chính trị thời lưu đầy trong Thánh Kinh” (2001); ”Các nhà chính trị và sự đam mê: tiến tới một chủ nghĩa tự do công bằng hơn” (2004); ”Lý luận về chiến tranh” (2004); ”Luật lệ, các nhà chính trị và luân lý trong Do thái giáo” (2006); ”Dưới bóng của Thiên Chúa: các chính trị gia và Thánh Kinh Do thái” (2012).

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Michael Walzer về các ý niệm chính trị trong Thánh Kinh Cựu Ước.

Hỏi: Thưa giáo sư, tại sao các văn bản kinh thánh lại thường chứa đựng các ý tưởng và các ý niệm chính trị như thế?

Đáp: Nhận xét này không thể áp dụng cho tất cả mọi văn bản kinh thánh: tôi nghĩ tới các bút tích thần bí, là các văn bản rõ ràng không có tính cách chính trị. Tuy nhiên, Thánh Kinh là một cuốn sách đặc biệt: đây là một sưu tập các bút tích đã được viết ra dọc dài hơn 800 năm phản ánh lịch sử và nền văn hóa của các người Israel cổ xưa. Các người Israel này đã sống dưới quyền bính của một chủ thể độc lập, hay đúng hơn họ đã sống trong hai đơn vị chính trị độc lập với nhau: đó là vương quốc Israel miền bắc và vương quốc Giuđa miền nam. Vì thế trong Thánh Kinh có khoảng trống rộng rãi cho các tìm tòi và tin tức chính trị liên quan tới hai vương quốc này. Thêm vào đó lại còn có các văn bản luật lệ và bút tích của các ngôn sứ có tính cách tôn giáo, nhưng cũng không kém phần chính trị, trong nghĩa chúng liên quan tới việc thực thi công lý. Trái lại điều thiếu trong Thánh Kinh đó là một ”lý thuyết hay triết lý chính trị” liên quan tới đặc thái của các thể chế chính trị khác nhau, hay các ràng buộc trung thành mà dân chúng phải tuân giữ. Như chúng ta biết, các nhậy cảm này là một sáng chế của người Hy Lạp.

Hỏi: Trong cuốn sách cuối cùng của giáo sư tựa đề: ”Dưới bóng của Thiên Chúa: các chính trị gia và Thánh Kinh Do thái”, giáo sư đã bắt đầu với một chương nói về ”ý tưởng của giao ước”. Đâu là ý nghĩa của nó? Và giao ước đã nắm vai trò nào trong các thời đầu tiên của lịch sử Hoa Kỳ?

Đáp: Giao ước kinh thánh như được miêu tả trong sách Xuất Hành là một loại thỏa hiệp, mà dân do thái ký kết với Thiên Chúa của mình. Nó là một thỏa hiệp có điều kiện: nếu Israel trung thành với các luật lệ do Thiên Chúa đề ra, thì sẽ được hòa bình và thịnh vượng trong Đất Hứa. Ngoài ra, giao ước là một thỏa hiệp bên trong giữa người Israel với nhau, với mục đích là để sống theo các luật lệ nào đó. Trong trường hợp này giao ước kinh thánh là một thỏa hiệp xã hội, mà các triết gia thuộc thế kỷ thứ XVIII và các người di dân Mỹ đầu tiên đã nói tới.

Trong giải thích của họ, giao ước trở thành một thỏa hiệp đời, được hợp thức hóa với sự đồng ý của các người cầm quyền. Trong trật tự đối với các luật lệ của Thiên Chúa và đối với nhiều khả thể được mở ra cho các người tân tiến để được chấp thuận theo những gì Thánh Kinh miêu tả, đây là một vấn đề mà các triết gia của ”sự đối nghịch xã hội” như Hobbes, Locke, Rousseau, Puffendorf vv... đã tránh không đề cập tới.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong Thánh Kinh chúng ta thấy miêu tả một loạt các cuộc chiến vô tận: tại sao chiến tranh lại chiếm nhiều chỗ trong Thánh Kinh như vậy? Từ các văn bản về chiến tranh này nảy sinh ra một vấn nạn do thái và kitô liên quan tới ý niệm về việc ”thánh chiến”, có đúng thế không?

Đáp: Tất cả mọi tôn giáo độc thần: Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đều đã đề ra các giáo thuyết nhằm biện minh cho ”thánh chiến” của Do thái giáo, jihad của Hồi giáo hay các đạo binh thập tự của Kitô giáo. Các giáo thuyết này khẳng định rằng chính Thiên Chúa đồng ý với các cuộc chiến đó, vì thế các người lính chiến đấu hàng đầu phải được coi như các ngôn sứ và các nhà giảng thuyết. Thế rồi ở bên trong ba tôn giáo độc thần này cũng đã nảy sinh ra các phê bình sít sao liên quan tới ý niệm ”thánh chiến”: lý thuyết về ”chiến tranh chính đáng”, dựa trên ý niệm thánh chiến. Chiến tranh chính đáng là một sáng chế của Giáo Hội công giáo, được phát triển bên Tây Ban Nha hối thế kỷ XVI bởi Francisco de Vitoria và Francisco Suarez. Các suy tư này công khai quy chiếu truyền thống giáo phụ và thần học kinh viện, nhằm mục đích phản bác tư tưởng cho rằng có thể gây chiến tranh với các mục đích tôn giáo.

Hỏi: Thế còn vấn đề bạo lực trong các văn bản kinh thánh thì sao thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, đó là điều tôi sắp nói tới. Trong văn bản kinh thánh có kể lại nhiều cuộc chiến vì dân Israel là một trong các dân tộc sống trong vùng Trung Đông Cổ. Mà như qúy vị đã học biết trong chương trình trung học tại Italia, là một trong các chương trình giáo dục vẫn được coi là tốt nhất thế giới, Trung Đông Cổ xưa kia là một thế giới đầy bạo lực, trong nghĩa chiến tranh là phương thế bình thường trong việc cai trị. Dĩ nhiên không phải mọi cuộc chiến được miêu tả trong Thánh Kinh đều là ”thánh chiến” trong nghĩa riêng của từ thánh chiến, mà đó là các hành động chính trị có mục đích xâm lăng để bành trướng đế quốc, hay có mục đích tự vệ chống lại quân thù. Các nước lớn muốn thôn tính các nước nhỏ khác, và các nước nhỏ tìm cách liên minh với nhau để chống lại các đạo binh xâm lăng. Hay chiến tranh xảy ra giữa các nước nhỏ láng giềng với nhau vì tham vọng hay các tranh chấp của các vua quan. Tuy nhiên, trong Thánh Kinh chúng ta cũng tìm thấy nhiều trình thuật cử hành tư tưởng hòa bình, chẳng hạn như trong sách ngôn sứ Isaia. Và đề tài hòa bình, thịnh vượng, cuộc sống an lành là một trong các đề tài thần học nổi bật được rất nhiều văn bản của Thánh Kinh Cựu Ước khai triển.

Hỏi: Vẫn liên quan tới ý niệm về ”chiến tranh chính đáng”, giáo sư là người nổi tiếng vì đã có công thời sự hóa gương mặt của nó, và đưa nó vào trong các nếp gấp của lãnh vực chính trị hiện đại. Thế giáo sư nghĩ gì về ”chiến tranh chính đáng”?

Đáp: Cuốn sách của tôi xuất bản năm 1977 tựa đề ”Chiến tranh chính đáng và không chính đáng”, là một ấn bản đời về ý niệm ”chiến tranh chính đáng” của lý thuyết công giáo. Ở đây trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn hạn hẹp này khó mà có thể trình bầy vấn đề một cách rốt ráo. Nói một cách tổng hợp ngắn gọn, cốt lõi luận thuyết của tôi đó là các cuộc chiến tự vệ hay để bảo vệ một dân tộc thứ ba đều là chiến tranh chính đáng, chẳng hạn như trong trường hợp bảo vệ dân tộc Camphuchia hay dân tộc Rwanda khỏi các cuộc diệt chủng. Trên bình diện luân lý đạo đức đây là các cuộc chiến mà người ta có thể, và trong một số trường hợp phải có bổn phận chiến đấu. Thế rồi lý thuyết về ”chiến tranh chính đáng” cũng đưa ra các luật lệ hướng dẫn các cuộc chiến chính đáng này: điều quan trọng hàng đầu đó là phải bảo đảm không được gây thiệt mạng cho thường dân, tức cho những người không phải là các chiến binh. Nói cách khác, chủ ý của tôi không chỉ triệt để là triết lý mà thôi, bởi vì nó nhắm cống hiến cho các công dân của các chế độ dân chủ các dụng cụ phán đoán giúp lượng định sự hợp pháp luân lý đạo đức của các cuộc chiến do các giới lãnh đạo của họ dấn thân lãnh trách nhiệm. (Avvenire 27-3-2013)
 
ĐTC đối thoại với thanh niên và thúc giục họ theo đuổi các lý tưởng lớn hơn
Đồng Nhân
16:13 23/04/2013
Quảng trường Thánh Phêrô đã vang lên vô số câu trả lời của thanh thiếu niên đối với Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Một lần nữa, dòng khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô quá đông, nên dòng xe cộ đã phải ngưng bắt đầu từ Quảng trường Đức Thánh Cha Piô XII .

Trong khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng, Đức Thánh Cha đã phá vỡ khoảng cách giữa Ngài và Quảng trường, và bắt đầu cuộc trò chuyện với giới trẻ hành hương.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi muốn hỏi các bạn: có khi nào các bạn nghe tiếng Chúa mời gọi các bạn đi theo Ngài cách gần gũi hơn không, khi đang có một mong muốn, một bồn chồn nhất định nào đó? Các bạn đã vâng nghe lời Chúa không? Tôi không thể nghe các bạn ... Các bạn đang ở đây! Các bạn đã có mong muốn nào để làm tông đồ của Chúa Giêsu không? Giới trẻ phải có những ước muốn về các lý tưởng cao đẹp. Các bạn có nghĩ như vậy không? Các bạn đồng ý không? Hãy hỏi Chúa Giêsu những gì Ngài muốn nơi các bạn và hãy cản đảm lên! Hãy can đảm, hãy hỏi Chúa đi!"

Trước đó, vào buổi sáng, Đức Thánh Cha đã truyền chức linh mục cho 10 phó tế. Ngài nhắc lại rằng đằng sau mỗi ơn gọi, luôn luôn có một người, một người bà, một người cha, một người mẹ hay cả một cộng đoàn đang cầu cầu nguyện. Ngài nói thêm rằng ơn gọi được sinh ra trong lời cầu nguyện và qua cầu nguyện.

Các bạn trẻ đã nồng nhiệt reo hò hưởng ứng nhưng Đức Thánh Cha đề nghị các bạn trẻ hãy nồng nhiệt chào đón Chúa Giêsu.

Ngài nói: "Cảm ơn các bạn rất nhiều vì các lời reo hò, nhưng các bạn cũng hãy chào đón Chúa Giêsu, hãy hô vang 'Chúa Giêsu' thật lớn tiếng".

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng xin mọi người cầu nguyện cho người dân Venezuela đang phải chứng kiến bạo lực gia tăng sau cuộc bầu cử với kết quả sát sao.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng nói về các nạn nhân của trận động đất mạnh ở Trung Quốc, làm 200 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Suy nghĩ của tôi cũng đang gần gũi với những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở miền tây nam của Hoa Lục. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân và cho những người đang đau khổ vì trận động đất dữ dội".

Trong số các lời chào mừng, Đức Thánh Cha đã đặc biệt nhắc đến một nhóm thanh niên ở Venice. Ngài đã kết thúc cuộc gặp gỡ với khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô trong một lời chào rất đặc trưng của Ngài.

Ngài nói: "Tôi chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành, và dùng một bữa ăn trưa ngon miệng!"
 
Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình ở Venezuela và đối thoại ''dựa trên sự thật”'
Đồng Nhân
16:14 23/04/2013
Trước tình trạng bất ổn chính trị ở Venezuela, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một lời kêu gọi đặc biệt vào trưa Chúa Nhật 21 tháng Tư, sau khi ngài đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng chung với các tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha nói rằng Ngài lo lắng về tình trạng bất ổn, và kêu gọi các nhà lãnh đạo Venezuela hãy tìm kiếm một giải pháp hòa bình.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi theo dõi chặt chẽ những gì đang xảy ra ở Venezuela. Tôi lo ngại sâu sắc, cầu nguyện liên lỉ và hy vọng rằng họ sẽ tìm ra phương cách đúng đắn và hòa bình, để vượt qua các khó khăn nghiêm trọng mà đất nước đang trải qua. Tôi mời gọi người dân thân yêu của Venezuela, và đặc biệt là các nhà hoạch định thể chế và chính khách hãy từ chối mạnh mẽ bất cứ hình thức bạo lực nào, và thiết lập một cuộc đối thoại dựa trên sự thật, sự công nhận lẫn nhau, lợi ích chung và tình yêu đất nước".

Ngay sau lời tuyên bố của Đức Thánh Cha, cả Tổng thống đắc cử Nicolas Maduro, và nhà lãnh đạo đối lập, Henrique Capriles, đã cám ơn Đức Thánh Cha.

Tổng thống tân cử Maduro gửi tin nhắn của mình trên Twitter: @ NicolasMaduro: "Tôi đồng ý với Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi đang quan tâm về sự không khoan dung, hận thù và bạo lực vốn gây ra nhiều thương vọng. Cùng với Ngài, trọng kính Đức Thánh Cha, chúng ta cầu khẩn Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc và Thánh Phanxicô Assisi hãy bảo vệ người dân và ban hòa bình, cùng với lời chúc lành của Đức Thánh Cha. Xin cho đất nước sớm có hoà bình”.

Còn ông Henrique Capriles, nhà lãnh đạo phe đối lập, cho biết rằng ông chỉ công nhận cuộc bầu cử sau khi có cuộc kiểm phiếu lại. Ông cũng trả lời cho Đức Thánh Cha thông qua mạng xã hội. @ Hcapriles: "Xin triệu lần cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô về việc Ngài lưu tâm đến Venezuela, và việc tìm kiếm các giải pháp dựa trên cơ sở sự thật".

Đức Hồng Y Jorge Urosa của Venezuela cảm ơn Đức Thánh Cha vì đã cầu nguyện cho Venezuela, và nói rằng "Hội đồng Giám mục Venezuela muốn đóng một vai trò trung gian hòa giải để thúc đẩy đối thoại".

Các Giám mục Venezuela kêu gọi mọi người bình tĩnh, sau khi Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia công bố một cuộc kiểm toán về cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống mới đây.

Theo kết quả ban đầu, ông Nicolás Maduro, phó tổng thống của cố tổng thống Hugo Chávez đã đánh bại lãnh tụ đối lập Henrique Capriles Radonski với một tỉ lệ sít sao chỉ là 2%. Ông Maduro đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Các Giám mục Venezuela nói trong một tuyên bố là kết quả bầu cử cho thấy "sự phân cực chính trị rất rõ ràng, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Venezuela",

Các giám mục nói tiếp: "Nhân danh Chúa, chúng tôi khuyên các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội hãy loại trừ sự công kích, nói xấu lẫn nhau, và những thứ ngôn ngữ kích động, nhằm tránh cuộc chiến đường phố, thường dẫn đến các hành vi bạo lực và đôi khi dẫn đến cái chết nữa, để lắng nghe Lời Chúa đang mời gọi đối thoại và hòa giải".
 
Phiến quân Syria nhanh chóng đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đồng Nhân
16:27 23/04/2013
Hôm thứ Hai, phiến quân Syria đã chặn xe chở hai vị Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Hy Lạp và Syria trên
đường từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ về Aleppo. Tài xế đã bị bắn chết. Đức Tổng Giám Mục Yuhanna Ibrahim là Tổng Giám Mục thành Aleppo của Chính Thống Giáo Syria, Đức Tổng Giám Mục Boulos Yazigi là Tổng Giám Mục thành Aleppo của Chính Thống Giáo Hy Lạp, và hai linh mục tháp tùng đã bị phiến quân bắt cóc.

Trong một bản tuyên bố đưa ra cùng ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các vị giáo sĩ bị bắt cóc và kêu gọi hòa bình cho Syria.

Theo tổ chức cứu trợ Công giáo L'Oeuvre d'Orient, lúc 2 giờ chiều thứ Ba 23 tháng Tư, phiến quân đã trả tự do cho cả bốn vị.
 
Việc phong chân phước cho Đức Tổng Giám mục Romero sẽ được xúc tiến
Đồng Nhân
16:26 23/04/2013
Con đường dẫn tới việc phong chân phước cho Đức Tổng Giám mục Oscar Romero đã được khai thông. Cáo thỉnh viên của án phong chân phước cho Đức Tổng Giám Mục người El Salvador vừa cho biết như trên.

Đức Tổng Giám Mục Romero đã bị bắn chết trong khi đang cử hành Thánh Lễ tại San Salvador vào năm 1980. Lực lượng cánh hữu dưới quyền của Roberto D'Aubisson, một chính trị gia hàng đầu của El Salvador, bị nghi là đã giết hại ngài.

Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, cáo thỉnh viên của vụ án nói với tờ National Catholic Reporter rằng Tòa thánh Vatican đã nghiên cứu hồ sơ về Đức Tổng Giám mục Romero kể từ năm 1996. Cả Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đều nhiều lần nhắc đến Đức Tổng Giám Mục Romero như một vị tử đạo vì đức tin. Tuy nhiên, một số người hoài nghi đã đặt câu hỏi liệu vị giám chức El Salvador đã bị giết chết do thù hận vì đức tin, hay do các lý do chính trị.

Gần đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai thông tiến trình này.
 
Top Stories
Fr Lombardi: Pope Francis is praying for the kidnapped Syrian bishops
Vatican Radio
11:20 23/04/2013
The Director of the Vatican Press Office on Tuesday released a statement on the kidnapping of the Orthodox bishops in Syria.

The kidnapping of the two Metropolitan bishops of Aleppo, Mar Gregorios Ibrahim of the Syriac Orthodox Church, and Paul Yazigi of the Greek Orthodox Church of Antioch, and the killing of their driver whilst they were carrying out a humanitarian mission, is a dramatic confirmation of the tragic situation in which the Syrian population and the Christian communities in Syria are living. The Holy Father has been informed of this recent, extremely grave act, which comes on top of the increasing violence of the past days and a humanitarian emergency of enormous proportions. Pope Francis is following the events with deep participation and he is praying for the health and the liberation of the two kidnapped bishops. He is also praying so that, with the support and prayers of all, the Syrian people may finally see tangible responses to the humanitarian drama and real hopes of peace and reconciliation rise on the horizon.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chuẩn bị Thêm Sức: Khai mạc khóa Ephata ''Be Opened'' tại GX Đức Mẹ Lavang Las Vegas
Phan Văn Sỹ & Lê Tuyết Mai
08:21 23/04/2013
KHAI MẠC KHÓA EPHATA “ BE OPENED “
“ Đền Thánh Mẹ La Vang Las Vegas “

Với tấm lòng rộng mở và luôn quan tâm săn sóc cho đàn chiên, nhất là cho thế hệ tương lai của Đền Thánh nói riêng và cho Giáo Hội hoàn vũ nói chung cũng như quê hương, dân tộc, cha Giám Đốc Đền Thánh Giuse Đồng Minh Quang đã mời cha Dominic Nguyễn Đông Hùng và anh JB. Nguyễn Văn Nhật đến hướng dẫn khóa Ephata “ Be Opened “ cho các em đang chuẩn bị chịu phép Thêm Sức vào tháng sáu tơi đây trong ba ngày 19 đến 21 tháng 4 năm 2013.

Đúng 6:45 PM. Ngày 19-4-2013, Khóa Ephata “ Be Opened “ được khai giảng dưới sự chủ tọa của cha Giuse Đồng Minh Quang, Giám Đốc Đền Thánh Mẹ La Vang, anh Đại Diện Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang JB. Trần Xuân Huân với sự hiện diện hướng dẫn của cha Dominic Nguyễn Đông Hùng SJ. Director of St. Agnes Lê Thị Thành Retreat House Waller, Texas và anh JB. Nguyễn Văn Nhật từ Houston Texas, Ủy Viên Ban Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ đến giúp với sự trợ giúp của soeur Maria Bùi Kim Tuyến, Tuyên Úy Ban Giáo Lý & Việt Ngữ, Cô Lê Tuyết Mai Trưởng Ban Giáo Lý & Việt Ngữ cùng các thầy cô giáo như cô giáo Tâm Định, Vân Trần, Sơn Đào, Thủy Nguyễn, Thu Hà, Thủy Phạm … đa số các em tham dự nằm trong lớp giáo lý chuẩn bị Thêm Sức, có 28 em theo học trong khóa này và được chia làm 5 gia đình, mỗi gia đình được sự góp mặt của các thầy cô giáo, một số phụ huynh làm trợ tá cùng các huynh trưởng, nghĩa sĩ cùng hy sinh nhận đến giúp khóa.

Sau lời chào mừng và đón tiếp các em đến với khóa học, cô giáo Tâm Định thật vui tươi, linh họat, với nụ cười luôn nở trên môi như tạo niềm vui và khích lệ các em đang nhút nhát, dè dặt đến với khóa học, cô giới thiệu thành phần tham dự buổi lễ khai mạc hôm nay như đã nói trên, sau đó cô giáo Tâm mời cha Quang có đôi lời với các em. Với những lời chân tình đầy thương yêu của vị chủ chăn, cha Quang chia sẻ: “ Cha chào mừng các con đến với khóa học Ephata “ Be Opened “ này, qua khóa này, cha đoan chắc với các con, Chúa Thánh Thần sẽ giúp sức các con có một đời sống đạo tốt lành hơn, ngoan hiền hơn. Các con hãy tin tưởng và hãy đặt niềm tin vào sự hướng dẫn của cha Hùng và anh Nhật là những người có đầy nhiệt tâm, nhiệt huyết và thiện chí cũng như kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm qua, đã hy sinh đến với các con. Cha biết hiện có 28 các con tham dự khóa này, nhưng ngoài ra còn có những trợ tá, nhà bếp, những người đỡ đầu và cả Cộng Đoàn đã và đang lo lắng cầu nguyện cho các con, chuẩn bị cho các con cả tháng nay. Với Thánh Thần Chúa hướng dẫn, cha tin chắc rằng các con qua khóa này sẽ tránh xa cạm bãy sự lôi kéo của sự xấu hiện nay lan tràn khắp mọi nơi trên thế giới. Cha cám ơn các con đã hy sinh đến tham dự khóa “.

Cô Thủy nguyễn khéo léo với lối nói chuyện tạo niềm vui cho các em biết qui luật cần thiết trong khóa học để duy trì trật tự và nếp sinh họat cần thiết trong lớp, các em rất vui thích với lối nói, giải thích của cô. tiếp đến cô giáo Tâm ngỏ lời cám ơn cha Hùng và anh Nhật đã vì lòng yêu mến Cộng Đoàn và thương yêu các em, không quản ngại xa xôi, hy sinh đến giúp khóa để chuẩn bị thật tốt cho các em nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức vào những ngày sắp đến. Cha Hùng đã từng đi nhiều nơi để hướng dẫn các khóa Ephata như East Houston, Texas, Garland Texas, Riverdale Georgia, Ninneapolis, MN; New York… đến West Hoa Kỳ. Sau đó cô Tâm nhường lời cho cha Hùng và anh Nhật nhắn nhủ đôi lời với các em trước khi vào khóa học.

Cha Hùng với bản tính tươi vui, rất thích hợp với giới trẻ, ngài nói: “ Cha chào mừng các con đến với khóa Ephata “ Be Opened “ ( hãy Mở Ra ), có mở ra thì Chúa mới vào với các con được chứ ! phải không ? Các con sẽ được chia ra từng nhóm gọi là gia đình, sẽ cùng chia sẻ với nhau trong gia đình, chung vui với nhau, chơi chung với nhau…, chữ Ephata phát xuất từ đâu, cha mời các con cùng đứng lên nghe đọan Phúc Âm: “ Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rổi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “ Êphata, nghĩa là: Hãy mở ra !”Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng …” Sau đó cha Hùng giải thích chữ Êphata và ngài nói qua kinh nghiệm hướng dẫn nhiều năm, hy vọng qua khóa này, các con sẽ gặt hái được nhiều thành quả do ơn Chúa Thánh Thần ban xuống trên các con “. Anh Nhật tiếp nối với lời chào mừng các em và nói qua ý nghĩa khóa học và những kết quả đạt được do kinh nghiệm đã hướng dẫn. Anh Nhật chia các em thành 5 nhóm gọi là 5 gia đình và bắt đầu đi vào sinh họat từng nhóm.

Năm 2010, Đền Thánh Mẹ La Vang cũng đã mở một khóa Ephata “ Be Opened “, hôm nay khóa này là khóa thứ hai ( 2013). Vì lý do thật lâu mới có khóa học vì Cộng Đòan Las Vegas thật bé nhỏ, lại nhu cầu cho các em chịu Phép Thêm Sức phải mấy năm mới đủ túc số người hội đủ, hầu Đức Giám Mục Joseph A Pepe mới đến ban phép Thêm Sức, và dịp này mới mời cha Hùng và anh Nhật về giúp các em Tĩnh Tâm, mở khóa Ephata. Chính vì những mối ưu tư hàng đầu hiện nay của Giáo Hội, xã hội nói chung và của Đền Thánh Mẹ La Vang nói riêng, cha Giám đốc, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh đều mong muốn làm sao giúp con em mình sống có trách nhiệm, tư lập, trưởng thành với những hành động thiện hảo theo đường hướng của Hội Thánh, dám từ chối những hành động, thói xấu, tội ác trong xã hội. Môi trường sống của các em khắp nơi đang bị ô nhiễm từ học đường đến ngoài xã hội qua lối cứ xử ích kỷ, thiếu bác ái, độc ác, thích hưởng thụ, lười biếng… Thế giới ngày nay sự dữ lan tràn khắp nơi và tác động nhiều vào giới trẻ khiến các em bị lôi cuốn vào những tội ác như đem súng vô trường học bắn giết bạn bè, thầy cô giáo, điển hình nhất là vụ tội ác tại Boston ngày 15-4-2013 vừa qua, hai anh em , tuổi 19 và 26 là Dzhokha Tsarnaev và Tamerkan Tsarnaev đã đặt bom tại cuộc chạy đua Mahaton ở Boston làm chết 4 người, bị thương khoảng 200 người, nhiều người phải cưa tay, cưa chân. Cho đến nay nhiều người còn bàng hoàng vì bị ám ảnh qua vụ nổ bom ấy.

Cùng chia sẻ những mối ưu tư của của các bậc phụ huynh, và nhất là chuẩn bị thật tốt cho các em sắp được nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức vào tháng 6 tới đây, cha Giám Đốc Đền Thánh, Soeur Tuyên Úy cùng Ban Giáo Lý đã cố gắng hiệp cùng các phụ huynh tổ chức khóa Ephata- Be Opened- Hãy Mở Ra. Đây là khóa thứ II được tổ chức tại Đền Thánh, khai mạc từ chiều ngày 21 -4 -2013 đến chiều Chủ Nhật 23-4-2013, với những giờ cầu nguyện, sinh họat, chơi game, tổ chức sinh họat gia đình từng nhóm với tính cách đa dạng sẽ giúp các em xây dựng, vun đắp đời sống thiêng liêng, giúp các em khơi dậy niềm tin mãnh liệt vào tình yêu Thiên Chúa, sống hiếu thảo với cha mẹ, hòa nhã và cởi mở với bạn bè và nhất là có tinh thần trách nhiệm với Cộng Đoàn mình đang sống. Ephata “ Hãy Mở Ra “, là lời mời gọi các em hãy mở lòng ra với thiên Chúa, với tương quan gia đình, bạn hữu trong cuộc sống để khai mở và phát triển những năng lực tiềm ẩn trong các em, giúp các em sống trọn vẹn hơn với ơn gọi làm người Kitô hữu. Từ những nhu cầu thiết yếu trên, khóa Ephata-Be Opened- Hãy Mở Ra- đã được hình thành vào năm 2010 và mở ra một chân trời mới cho các em, sau khóa học các em đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Các em về nhà chạy đến ôm hôn cha mẹ mà trước đây các em rất hờ hững, có em về nhà giúp cha mẹ công việc trong nhà. Các bậc phụ huynh thật sự đã rưng rưng ngấn lệ cảm động vì sự đổi mới thật tiến bộ của các em. Hy vọng sau khóa II Ephata- Be- Opened- Hãy Mở Ra – này các em sẽ gặt hái nhiều thành quả trội vượt hơn nữa.

Các em là mầm non của đất nước, Giáo Hội và xã hội và nhất là của Cộng Đoàn, tre già măng mọc, nhờ các khóa học Ephata-Be- Opened- Hãy Mở Ra, Cộng Đòan sẽ có những tông đồ nhiệt thành để đảm đang công việc nhà Chúa, duy trì, phát triển Cộng Đoàn và Đền Thánh Mẹ trong tương lại. Xin cám ơn cha Hùng, cám ơn anh Nhật, và quí thầy cô giáo nhờ sự hy sinh của quí vị, qua quí vị, các em đã có một bộ mặt mới tốt lành do Thánh Linh Chúa phủ lên. Cũng xin cám ơn mỹ ý tạo điều kiện mở lớp của cha Giám Đốc Giuse Đồng Minh Quang và sự hy sinh của soeur Maria Bùi Kim Tuyến, Tuyên Úy Ban Giáo Lý cùng các thầy cô giáo,phụ huynh và mọi người đã góp phần vào./.

Phan Văn Sỹ & Lê Tuyết Mai

Las Vegas ngày 21-4-2013
Mùa Phục Sinh năm 2013.
Phan Văn Sỹ & Lê Tuyết Mai

 
Mừng kỉ niệm 200 năm ông Ozanam tại Đà Lạt
Thanh Tâm
11:29 23/04/2013
ĐÀ LẠT - Hôm 23.4.2013 có lễ kỉ niệm 200 năm ông Ozanam tại Đà Lạt. Ông Ozanam đã thành lập Hội Bác Ái Vinh Sơn lo giúp cho người nghèo. Ông đã được phong Chân phước.

Hội Bác Ái Vinh Sơn có trụ sở chính tại Paris và hiện nay có cả triệu Hội viên trên khắp thế giớ. Hội được các Đức Giáo Hoàng khuyến khích vì hoạt động giúp người nghèo. Liên Hiệp Quốc ghi nhân và tán dương thành tích của Hội.

Xem hình ảnh
 
Sinh hoạt Họ đạo Thánh Tâm Cộng đoàn CGVN Nam Úc
Jos. Vĩnh
18:00 23/04/2013
Buổi Pinic Hội Ngộ của giáo dân họ đạo Thánh Tâm tại công viên “REGENCY PARK”
Họ đạo Thánh Tâm là một trong 4 họ đạo của CĐCGVN – Nam Úc. Nhằm thắt chặt tinh liên đới các gia đình trong họ đạo. Ngày 20 tháng 04 năm 2013 thật là một ngày vui đáng nhớ của Họ Đạo Thánh Tâm, thuộc Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc. Buổi sinh hoạt được Ban Chấp Hành Họ Đạo Thánh Tâm tổ chức từ 10 giờ sáng đến 2 giờ trưa tại công viên “Regency Park”. Có tất cả 34 thành viên thuộc Họ Đạo tham dự buổi sinh hoạt vui chơi và ăn uống ngoài trời này, trong đó có những bác cao niên tuổi đã hơn 80 và cũng có những em thiếu nhi chỉ độ 4 - 5 tuổi.
Nhiều sinh hoạt đã diễn ra như kể chuyện vui chơi, hướng dẫn tập thể dục dưỡng sinh, tham gia trò chơi “lotto/ kéo co"
Thời tiết thật tốt, sinh hoạt thật vui, lòng người thật ấm vì đã vâng theo lời Chúa dạy: mọi người đều nối kết với nhau trong sự tương kính, trong tình thân ái và yêu thương như anh em một nhà.
BCH họ Thánh Tâm
 
Văn Hóa
Nhạc Hồn Tử Sĩ
Duy Hân
06:35 23/04/2013
Hồn Tử Sĩ, nhạc: Lưu Hữu Phước, tiếng hát: Thái Thanh, slideshow: Duy Hân

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền : Một Ngày Nắng Đẹp
Dominic Đức Nguyễn
21:29 23/04/2013
MỘT NGÀY NẮNG ĐẸP
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Tạ ơn Chúa cả đầu ngày
Ban cho trời đẹp hôm nay tuyệt vời
Tâm thanh hướng tạ ơn Trời
Ơn lành rải xuống muôn đời thế nhân.
(Trích thơ của Trầm Hương Thơ)