Ngày 21-04-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Chúa Nhật tuần 3A sau Phục Sinh
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:26 21/04/2020
Chúa Nhật 3 PHỤC SINH. A
(Lc 24:13-35)
CẢM THÔNG.


Cùng ngày thứ nhất trong tuần,
Có hai môn đệ, thấm nhuần đau thương.
Em-maus dẫn lối lên đường,
Trở về quê cũ, tựa nương tháng ngày.
Truyện trò trao đổi hăng say,
Mỗi người một ý, chăng hay tình hình.
Giê-su tiến bước đồng tình,
Hỏi han giải thích, Thánh Kinh từ đầu.
Các ông khờ dại bao lâu,
Tiên tri loan báo, khổ sầu tôi trung.
Ki-tô cứu thế bao dung,
Đánh đòn hành hạ, tới cùng xót xa.
Khổ hình thập giá vì ta,
Hy sinh chịu chết, thứ tha tội đời.
Ba ngày sống lại rạng ngời.
Hoàng hôn ghé quán, xin mời cùng vô.
Giê-su cầm bánh tung hô,
Tạ ơn chúc tụng, tông đồ ngạc nhiên.
Đọan Người biến mất nhãn tiền,
Các ông sáng mắt, nhân hiền Thầy ơi!

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra rất nhiều lần với các môn đệ. Khi Chúa hiện ra, họ đã không nhận ra Chúa ngay. Bà Maria Mađalêna thấy Chúa đó, nhưng tưởng là người làm vườn. Ngoài bãi biển, Chúa nói hãy thả lưới bên hữu thuyền, các tông đồ cũng không nhận ra Chúa. Trên đường về quê Emmaus, hai môn đệ cũng không nhận ra Chúa đang đồng hành với các ông. Vậy sau khi sống lại, Chúa đã biến đổi hình dạng khác thường.

Được nhìn biết Chúa là một ơn Chúa ban. Chúa chỉ xuất hiện với người mà Chúa muốn tỏ bày. Câu truyện trong bài phúc âm kể rằng hai môn đệ trên đường Emmaus bước đi trong thinh lặng và chán nản. Các ông đã bỏ cuộc, nhưng trong lòng vẫn thao thức. Chọn cơ hội tốt, Chúa xuất hiện đồng hành để giải thích ý nghĩa sự đau khổ, sự chết và sự sống lại mà các tiên tri đã loan báo về Đấng Cứu Thế. Tuy hiểu lời Kinh Thánh, nhưng mắt các ông vẫn bị che kín.

Chúa kiên nhẫn đợi chờ sự thức tỉnh của hai môn đệ. Chúa biết hai ông là người chân thành và nhiệt tình. Chấp nhận lời mời ở lại quán trọ với bạn trong lúc chán nản. Nơi đây Chúa đã dâng thánh lễ thứ hai, qua nghi thức bẻ bánh như dấu chỉ và các môn đệ đã nhận ra Thầy. Lòng các ông phấn khởi và vui tươi. Tinh thần các ông như sống lại trong niềm hy vọng. Khởi đầu cho sứ mệnh mới, hai môn đệ lập tức trở lại Giêrusalem đem tin vui đến các môn đệ khác.

Trong cuộc đời chúng ta cũng thế, đã bao lần chúng ta chán nản rơi vào thất vọng. Chúng ta toan tính bỏ cuộc. Đôi khi chúng ta tìm giải quyết theo cách thức và nhãn quan của chúng ta. Tốt nhất, chúng ta hãy mời Chúa cùng đồng hành. Chúa sẽ đem lại nguồn an vui.

Chúng ta nghe câu truyện dấu chân trên cát. Trong giấc mơ, người đó bước bộ dọc theo bờ biển với Chúa. Bỗng nhiên những biến cố cuộc đời xuất hiện trong chớp nhoáng. Nhìn lại dấu chân trên cát, người đó thấy rằng trong những lúc vui tươi và hạnh phúc, có hai hàng dấu chân xuất hiện trên cát. Nhưng những lúc đau khổ, chỉ còn lại một hàng dấu chân. Người đó thưa với Chúa: Con không hiểu sao, trong lúc con cần Chúa, Chúa lại rời xa con. Chúa phán: Cha không bao giờ xa con, trong những lúc con gặp nguy nan và buồn nản. Khi con chỉ thấy một hàng dấu chân. Khi đó, Cha mang vác con trên vai.

Chúng ta hãy mời Chúa đồng hành trên đường lữ thứ. Chúng ta hãy rước Chúa cư ngụ trong nhà. Chúng ta hãy đón Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta. Mừng Chúa phục sinh, chúng ta hãy mở rộng cửa đón Chúa. Chúa chính sẽ là nguồn ủi an, nâng đỡ và dẫn dắt chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu.

TUẦN 3 MÙA PHỤC SINH
THỨ HAI
Gioan 6: 22-19


Sau khi hưởng dùng bánh và cá no nê, dân chúng lại cảm thấy đói. Thế là họ lũ lượt đi tìm kiếm Chúa và các môn đệ. Họ đã sang bên kia Biển Hồ, gặp Chúa họ đã thưa với Ngài: Thưa Thầy, Thầy đến đây lúc nào vậy? Họ không thấy Chúa xuống thuyền cùng với các môn đệ, thật lạ lùng, không biết Chúa đi tắt đường nào mà nhanh thế.

Chúa Giêsu thấu tỏ lòng họ: Các ngươi tìm Ta, không phải vì đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Ăn rồi lại đói. Họ muốn tìm Chúa để có của ăn. Họ không hiểu ý nghĩa việc Chúa làm. Chúa đâu đến thế gian để làm phép lạ hóa bánh nuôi dân. Chúa đến để giải thoát và cứu họ khỏi vòng tội lỗi và sự chết.

Chúa đã khuyên dạy dân chúng rằng: Hãy ra công làm việc không phải của ăn hay hư nát nhưng là của ăn trường tồn đem lại sự sống đời đời. Có lẽ họ cũng chưa hiểu Chúa nói gì. Con người dưới đất chỉ lo kiếm tìm những sự dưới đất. Chúa làm dấu lạ là muốn họ ngước nhìn lên, có một điều gì cao siêu, thanh thoát hơn từ trời cao. Con người chân đạp đất nhưng tâm hồn có thể hướng về trời. Chúa Giêsu đã mở ra cho họ con đường hướng lên trời.

Lạy Chúa, chúng con chỉ là bụi đất nhưng Chúa cho chúng con được sinh lại làm con Chúa và Chúa còn muốn chia xẻ sự sống đời đời với chúng con. Lạy Chúa, chúng con tin Chúa.

THỨ BA
Gioan 6: 30-35


Từ bánh ăn hằng ngày Chúa Giêsu dẫn dân chúng đến bánh hằng sống. Đám đông dân chúng nói với Chúa Giêsu: Ngài làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài. Con người không bao giờ no thỏa thèm khát về vật chất và cả tinh thần. Họ ước mong điều này, đuợc thỏa mãn, lại ước mong điều khác, cứ thế ước mong không bao giờ chấm dứt.

Một phép lạ chưa đủ, trăm sự lạ khác vẫn không vừa. Mỗi một dấu lạ là một mời gọi từ trời cao. Cho dù là một sự lạ nhỏ như chữa một người mù lòa, một kẻ câm điếc hay bại phong, đó là sự can thiệp quyền năng của Thiên Chúa vào đời sống tự nhiên của con người. Mỗi phép lạ là một dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa. Dân chúng đòi dấu lạ gì nữa, họ mới tin chứ! Có lẽ lòng của họ ra u mê và nghĩ rằng Chúa làm phép lạ như một vị phù thủy.

Phép lạ, đó là dấu hiệu của trời cao. Chúa Giêsu kiên nhẫn thực hiện nhiều phép lạ liên quan đến sự sống và cuộc sống của con người. Chúa hy vọng họ sẽ nhận ra dấu chỉ và hiểu được ý nghĩa tại sao Chúa xuống thế làm người. Chúa dẫn họ từ bánh ăn nuôi sống thể xác đến bánh ăn nuôi dưỡng linh hồn. Chúa Giêsu nói: Bánh Thiên Chúa là bánh từ trời xuống và ban sự sống cho thế gian. Chính Tôi là bánh ban sự sống.

Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con của ăn nuôi hồn chính là Thịt Máu của Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Chúng con tin.

THỨ TƯ
Gioan 6: 35-40


Chúa Giêsu nói với đám đông: Chính tôi là bánh ban sự sống. Ai đến với tôi sẽ không hề đói, ai tin vào tôi sẽ không hề khát bao giờ. Lời Chúa hứa ban sự sống là lời hứa chân thật. Con người chỉ làm ra của ăn vật chất cho con người hay hư nát. Các loại thuốc bổ dưỡng kéo dài sự sống cũng chỉ có giới hạn. Con người không vượt qua được sự già nua và chết chóc. Con người có ước vọng trường tồn nhưng con người không có thức ăn trường sinh.

Chỉ có Thiên Chúa đã Đấng Hằng Hữu có của ăn dẫn đến cuộc sống đời đời. Của ăn chính là Thịt Máu của Đấng đã có từ muôn đời. Đó chính là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Chúa Giêsu đã trở nên của ăn nuôi dưỡng linh hồn. Lương thực trường sinh chính là Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đã để lại món quà vô giá cho Giáo Hội. Chúa mời gọi chúng ta tham dự vào đời sống thần linh: Ai ăn Thịt và uống Máu ta sẽ có sự sống đời đời.

Cách thế duy nhất để được sống đời đời là được nuôi dưỡng bằng của ăn chính Chúa đã ban. Con người thật hạnh phúc, là thân phận cát bụi mà được Thiên Chúa yêu thương cho chia xẻ sự sống vĩnh cửu. Chúa phán: Tất cả những ai thấy Chúa Con và tin vào Ngài thì có sự sống đời đời.

Lạy Chúa, chúng con tin Chúa ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể. Xin Chúa dưỡng nuôi chúng con tới sự sống muôn đời.

THỨ NĂM
Gioan 6: 44-51


Chúa nói với đám đông rằng: Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, ai ăn bánh này thì sẽ không phải chết. Chúng ta không thể hiểu cùng một nghĩa đen của từ chết. Cha ông đã ăn manna và đã chết. Manna là bánh Thiên Chúa ban cho dân trên đường lưu lạc về đất hứa. Bánh manna từ trên không rơi xuống như sương sa chỉ để nuôi dưỡng thân xác, con người ăn manna để giữ sự sống. Nhưng theo luật tự nhiên, con người sẽ phát triển, già nua và trở về với cát bụi.

Bánh bởi trời mà Thiên Chúa ban không như manna sương sa xuống ngập tràn mặt đất. Bánh bởi trời đây, chính là mầm sống trường tồn. Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Con của Ngài. Đây là bánh hằng sống và là bánh thật từ trời xuống. Chúa phán rằng: Ai ăn bánh này sẽ không phải chết. Có nghĩa là không phải chết đời đời. Chúng ta phải hiểu rằng theo luật tự nhiên, con người sinh ra và phải đi dần về cõi chết. Đây là cái chết tự nhiên không thụ tạo thoát khỏi. Chúng ta ăn bánh bởi trời, thân xác chúng ta vẫn phải chết nhưng trong chúng ta có mầm sống trường sinh, ngày sau chúng ta sẽ sống lại chung hưởng hạnh phúc muôn đời với Đấng đã nuôi dưỡng chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban bánh trường sinh cho chúng con trong mỗi thánh lễ hằng ngày.

THỨ SÁU
Gioan 6: 52-59


Những người Do Thái cảm thấy khó chịu về lời nói của Chúa Giêsu. Họ tranh luận với nhau: Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được? Ý nghĩ đầu tiên trong trí hiểu của dân chúng là chính thịt máu nơi thân xác đang sống của Chúa Giêsu. Lời của Chúa cao siêu vượt trên ý nghĩ của con người. Chúa đã dùng những lời nói và hình ảnh rất cụ thể để diễn tả mầu nhiệm sự sống.

Cho dù người ta phản ứng thế nào, Chúa vẫn xác tín một điều: Nếu các ngươi không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ngươi không có sự sống nơi chính mình. Vì Thịt Ta là thật của ăn và Máu Ta là thật của uống. Chúa đã chuẩn bị của ăn trường sinh qua các dấu lạ. Chúa hóa bánh và cá ra nhiều hai lần. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa dùng chính bánh và rượu để thánh hóa trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Rồi Chúa truyền cho các môn đệ làm việc này để nhớ đến Chúa.

Chương trình của Chúa cao siêu tuyệt vời. Chẳng có từ ngữ nào diễn tả hết những sự lạ Chúa đã thực hiện trước mắt chúng ta. Chúng ta rất vui mừng vì được học biết Chúa và tin vào Chúa. Chúa Giêsu chính là chiếc cầu nối giữa Thiên Chúa và con người. Từ nay con người có thể ngước nhìn lên Thiên Chúa như người Cha nhân hiền luôn thương yêu và muốn mọi sự lành cho con cái loài người. Lậy Chúa, xin Chúa dủ lòng thương xót chúng con.

THỨ BẢY
Gioan 6: 60-69


Nói về bánh hằng sống cho con người thật là khó khăn. Cái hữu hạn sao chứa nổi điều vô hạn. Con người vật chất làm sao lãnh hội được của ăn thần linh. Chúng ta cũng không ngạc nhiên lắm khi một số các môn đệ của Chúa Giêsu cũng cảm thấy hơi khó chịu. Họ nói: Lời này chói tai quá! Ai mà nghe được. Chúa hiểu được lòng của họ.

Chúa rất kiên nhẫn từ từ giải thích cho họ hiểu. Trước hết họ phải biết chính xác Chúa Giêsu là ai. Chúa nói với họ: Trong trường hợp các con thấy Con Người lên nơi ở trước thì sao? Chúa đâu có thuộc trần thế này. Chúa giáng sinh làm người trong thời gian và khi hoàn tất mọi sự Ngài sẽ trở về với Cha của Ngài. Các tông đồ chưa thể hiểu được lời Chúa dậy. Chúng ta cũng cảm thông với sự kém hiểu biết của các tông đồ. Các ngài cũng chỉ là những người đánh cá và làm nghề lao động chân tay. Các ngài cần có thời gian học hỏi và thấm nhuần đạo lý của Chúa.

Tất cả những gì Thiên Chúa mặc khải không phải cho những người khôn ngoan thông thái, nhưng cho những kẻ bé mọn và đơn sơ. Càng khôn ngoan tài giỏi, càng không thể hiểu việc Chúa làm. Chỉ có tâm hồn chân thật biết phó dâng và tin tưởng mới lãnh hội được. Đức tin sẽ bù lại tất cả. Nếu chúng ta dùng trí khôn để suy nghĩ và dùng khoa học để phân tích, chúng ta sẽ không bao giờ gặp được Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
17:53 21/04/2020
3. Đức Chúa Giê-su đã vì yêu thương chúng ta mà chịu chết, vậy tại sao chúng ta không muốn thập giá chịu nạn của Chúa và cùng chết với Ngài? (Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
18:03 21/04/2020
100. THỊ LANG THAM QUYỀN CỐ VỊ

Vào thời Võ Tắc Thiên, binh bộ thị lang Hầu Trí Nhất vì tuổi tác cao nên hoàng đế ra lệnh cho về hưu, nhưng Hầu Trí Nhất không muốn tình nguyện về hưu nên nhảy lên chạy xuống để cho hoàng đế thấy sự nhanh nhẹn của mình, mọi người đều cười ông ta và nói:

- “Bất phủ chí sĩ”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 100:

Về hưu là chuyện tự nhiên như tre già măng mọc, nhưng măng sẽ không mọc nếu những ông quan già vẫn cứ tham quyền cố vị; hoán chuyển công việc là chuyện tự nhiên như sóng vỗ vào bờ hết đợt sóng này đến đợt sóng khác, nhưng sóng sẽ không vỗ bờ nếu biển lặng như tờ !

Có nhiều cha sở ở rất lâu nơi giáo xứ và cảm thấy mình có công trạng quá nhiều với giáo xứ, nên khi giám mục hoặc bề trên đổi qua giáo xứ khác thì không đi, lại còn “ăn rơ” với địa phương về vấn đề hộ khẩu để không đi xứ mới, làm cho cha sở mới được bổ nhiệm không đến nhiệm sở được, hoặc làm khó cho giám mục hay bề trên của mình...

Đức Chúa Giê-su đã từ bỏ địa vị Thiên Chúa cao sang của mình để xuống trần gian làm con người hèn hạ thấp hèn, vì Ngài yêu thương thế gian, thì sá chi cái công lao nhiều năm của cha sở nơi một giáo xứ chứ? Nếu mình không đi thì lớp đàn em sao “khả úy” được, nếu mình không vâng lời thì lớp em út sau làm sao “mọc” lên được chứ?

Tham quyền cố vị không chỉ là những ông quan già đến tuổi về hưu mà không muốn về, nhưng còn là nói đến những ông quan trẻ được thuyên chuyển đi qua nơi làm việc khác mà không chịu đi...

Người thế gian nể và kính trọng Giáo Hội và các linh mục là ở chỗ đó: biết vâng lời đi giáo xứ khác, khi mà mình đang làm rất nhiều công trình đạo đời cho giáo xứ mà mình đang coi sóc...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha mời gọi Âu Châu hãy làm sống lại Giấc mơ của thuở ban đầu lúc mới thành lập.
Thanh Quảng sdb
00:59 21/04/2020
Đức Thánh Cha mời gọi Âu Châu hãy làm sống lại Giấc mơ của thuở ban đầu lúc mới thành lập.

Lúc này là lúc châu Âu đang đối diện với một thời khắc đen tối nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai, cho nên việc làm sống lại Giấc mơ của thuở ban đầu khi cha ông chúng ta kiếm tìm một sự đổi mới cho cái châu lục già nua này! Đó là "giấc mơ của những người sáng lập!” Đức Thánh Cha Phanxicô gọi tất cả hãy đoàn kết hiện thực lại "giấc mơ cụ thể" này.

(Tin Vatican - Alessandro Gisotti)

Ngày 9 tháng 5 tới là ngày kỷ niệm 35 năm thành lập Liên minh Châu Âu. Chắc chắn, lể kỷ niệm năm nay sẽ mang những sắc thái đặc biệt: Trên thực tế, một số quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu, ngày kỷ niệm này sẽ hòa với những nỗ lực để làm cho cuộc sống dân chúng được trở lại "bình thường". Một số nước khác có thể vẫn còn vật lộn với các biện pháp ‘cách ly’ để chống lại sự lây lan của cơn đại dịch Covid-19...

Một điều chắc chắn là dịp kỷ niệm năm nay là một thời điểm đen tối nhất của Châu Âu tính từ sau Thế Chiến thứ hai cho tới hôm nay. Có thể đây là cơ hội để dừng lại và suy nghĩ về bản sắc và sứ mệnh chung của Liên minh Châu Âu. Rất ít người dân ở Châu Âu cho Ngày kỷ niệm này là của riêng họ, thậm chí nhiều người cũng chả biết sao lại có ngày đó!

Năm nay, vào đúng ngày 9 tháng 5 đánh dấu 70 năm ngày ông Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Robert Schuman tuyên đọc một bài phát biểu đáng ghi nhớ. Trong bài diễn văn đó, ông đã đề xuất thành lập một Tổ hợp than và thép chung cho cả Châu Âu (ECSC). Điều này đánh dấu bước khởi đầu làm rõ nét một con đường, liên kết cả lục địa Châu Âu lại thành một Liên minh Châu Âu được ra đời bốn mươi năm sau đó.

Trong bài diễn văn đó ông Schuman, nêu lên những hình ảnh về sự tàn phá gây ra bởi cuộc chiến tranh tàn khốc đã tàn phá Châu Âu và thế giới, và ông cũng cảnh báo rằng hòa bình thế giới sẽ không thể được bảo đảm nếu không có những nỗ lực sáng tạo nhằm ngăn chặn những nguy cơ đe dọa hòa bình và tình đoàn kết. Cái nhìn của ông đã khai mở ra con đường liên kết Âu Châu lại với nhau trong những thập kỷ tiếp theo, đúng như ông Schuman nói, "Châu Âu sẽ không còn ảnh hưởng và sức mạnh nếu không đi tới một sự liên hiệp đoàn kết lại với nhau". Cũng như mục tiêu chính của Tổ hợp Than và Thép (ECSC) của Pháp và Đức đã làm ra những "sản phẩm được cung cấp cho toàn thế giới mà không có sự phân biệt của nước này hay nước kia, ngay cả về phương diện ngoại tệ đi nữa! Tất cả chỉ nhắm vào một mục đích nâng cao mức sống và thúc đẩy nền hòa bình". Tổ hợp tiên phong này đã mở ra những cuộc hội họp thành lập Liên minh Âu Châu được tổ chức tại Milan vào tháng 6 năm 1985. Vì vậy, Ngày Liên hiệp Châu Âu được trùng vào với ngày mà ông Schuman đã đọc bài phát biểu nổi tiếng này.

Nguồn gốc của ngày kỷ niệm như vậy, trong một tình huống bi thảm cho giấc mơ châu Âu, nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có thể học được rất nhiều điều từ "những người sáng lập" ra nó mà một số các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đang lèo lái nó trong thời khắc này.

Trong dịp kỷ niệm này, chúng ta hãy nhớ lại lời của Đức nguyên Giáo hoàng Bêneđíctô XVI (Joseph Ratzinger) đã nói Liên Hiệp Châu Âu được điều hành bởi các "chính trị gia khách quan và thực tế" không chỉ nhắm tới một chủ nghĩa thực dụng thuần túy, mà nó còn liên quan đến đạo đức". Hãy trở về cội nguồn và các giá trị của các người sáng lập ra Liên minh Châu Âu là điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô liên tục nhấn mạnh cho các nhà lãnh đạo và dân chúng ở Châu Âu. Một việc điển hình gần đây nhất là khi ban phép lành và thông điệp Urbi et orbi của lễ Phục Sinh mới đây, Đức Thánh Cha đã gây được rất nhiều ấn tượng không chỉ cho các tín hữu mà còn cho những người không cùng tôn giáo. Trong dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo rằng "sau Thế chiến thứ hai, lục địa này đã có sức mạnh vực dậy nhờ tinh thần đoàn kết, thì trong cơn đại dịch này chúng ta cũng phải vượt lên trên những chia rẽ và tư lợi riêng tư để cùng nhau tìm ra vắc-xin ngăn chặn được sự lây lan của con vi khuẩn quái ác này và vun góp "tình huynh đệ con người" với nhau.

Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người sống trong lục địa này, dù ở bất cứ nơi đâu, trong bối cảnh nào đi nữa như ở tại Vatican hay Strasbourg, từ Albania đến Rumani... Tất tất chúng ta hãy trở về cội nguồn của những người sáng lập ra Liên minh Châu Âu hay theo bước chân của một người châu Âu vĩ đại khác là thánh Giáo hoàng John Paul II, Ngài đã nhận được Giải thưởng cao quí Charlemagne.

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại bài diễn văn ngày 6 tháng 5 năm 2016, khi nói về những người đứng đầu các tổ chức Liên minh Châu Âu, ĐTC đã nhắc lại lời của Elie W Diesel, một trong những người sống sót của trại tập trung Đức Quốc xã rằng: Chúng ta không được phép rơi vào những sai lầm quá khứ! Chúng ta phải cật lực cùng giúp nhau vượt qua được những giờ phút đen tối nhất của lịch sử để nhóm lên một tương lai sáng lạn hơn".

Giấc mơ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về châu Âu cũng giống như giấc mơ của những người sáng lập ra nó. Như chính ngài đã phát biểu trong cuộc họp báo trên máy bay trở về từ chuyến viếng thăm Rumani ngày 2 tháng 6 năm 2019, đó là một giấc mơ mà chúng ta phải "trở về". Một giấc mơ mời gọi chúng ta "đoàn kết" lại một cách cấp thiết hơn bao giờ hết để "xây lại giấc mơ châu Âu". Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome, ĐTC tiếp đón các vị Nguyên thủ quốc gia và Chính phủ Liên minh châu Âu, ngài đã nhấn mạnh "Châu Âu tìm được hy vọng trong tình đoàn kết, đây cũng là liều thuốc giải độc hiệu quả nhất cho chủ nghĩa duy chủng tộc hiện đại". ĐTC mời gọi hãy đoàn kết, hãy xây dựng lại giấc mơ châu Âu".

Đức Thánh Cha đã phát biểu những lời đó vào ngày 24 tháng 3 năm 2017, hôm nay ngài nhắc lại cùng những từ ngữ ấy. Ba năm đã trôi qua và ba tháng mới đây đã gây ra bao thảm trạng khổ đau, chết chóc và thống khổ - khiến cho bài phát biểu đó dường như trở nên xa vời hơn nữa trong thời gian này! Tuy nhiên, chính trong cuộc khủng hoảng này mà chúng ta đang đối diện, khiến nó trở nên cấp bách hơn, như ĐTC phát biểu thật cảm động vào ngày 27 tháng 3 vừa qua - đây thực sự là thời điểm đoàn kết bởi vì "không ai có thể được sự cứu rỗi đơn độc!".
 
Thánh lễ tại Santa Marta 21/4/2020: Sự im lặng của thời gian này dạy chúng ta lắng nghe
Đặng Tự Do
01:41 21/04/2020
Lúc 7 sáng thứ Ba 21 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cho trong thời gian này, được đặc trưng bởi đại dịch và một sự im lặng mới, tất cả chúng ta có thể phát triển các kỹ năng lắng nghe.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Trong thời gian này có rất nhiều sự im lặng. Im lặng cũng có thể được nghe thấy. Sự im lặng này là một chút mới trong thói quen của chúng ta, dạy chúng ta lắng nghe, khiến chúng ta phát triển kỹ năng lắng nghe. Hãy cầu nguyện cho điều này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài đọc Một trích từ sách Tông đồ Công vụ (Cv 4: 32-37) mô tả cuộc sống của các thành viên trong cộng đồng Kitô tiên khởi đồng tâm nhất trí với nhau và không ai coi tài sản của mình là của riêng, nhưng mọi thứ đều là của chung.

Bài Ðọc I: Cv 4, 32-37

“Họ một lòng một ý với nhau”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Ông Giuse, người mà các tông đồ đặt tên là Barnabê, nghĩa là con sự an ủi, một thầy tư tế, quê ở Cyprô, có một thửa ruộng, ông bán đi và đem tiền đặt dưới chân các tông đồ.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Được tái sinh bởi trời là được tái sinh nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể giữ Chúa Thánh Thần làm của riêng cho mình; chúng ta chỉ có thể để Ngài biến đổi chúng ta. Và sự ngoan ngoãn của chúng ta mở ra cánh cửa cho Chúa Thánh Thần: chính Ngài là người tạo ra sự thay đổi, sự biến đổi, sự tái sinh từ bởi trời này. Vì thế, Chúa Giêsu hứa gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta. Chúa Thánh Thần có khả năng làm nên những điều kỳ diệu, những điều mà chúng ta thậm chí không thể nghĩ ra.

Cộng đồng Kitô giáo tiên khởi này là một ví dụ. Đó là một thực tại, không phải là ảo mộng, những gì cộng đồng này nói với chúng ta là một mô hình, trong đó chúng ta có thể đạt đến khi ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần bước vào và biến đổi chúng ta. Một cộng đồng có thể nói là “lý tưởng”. Đúng là các vấn đề sẽ bắt đầu ngay sau đó, nhưng Chúa cho chúng ta thấy chúng ta có thể đi bao xa nếu chúng ta cởi mở với Chúa Thánh Thần, nếu chúng ta ngoan ngoãn. Trong cộng đồng này có sự hài hòa. Chúa Thánh Thần là bậc thầy của sự hòa hợp, Ngài có khả năng làm điều đó và Ngài đã làm điều đó ở đây. Ngài phải làm điều đó trong trái tim của chúng ta, Ngài phải thay đổi nhiều điều trong chúng ta, nhưng để làm cho hòa hợp: bởi vì chính Ngài là sự hòa hợp với Chúa Cha và Chúa Con. Và Chúa Thánh Thần, với sự hài hòa của Ngài, tạo ra những điều kỳ diệu như trong cộng đồng này.

Đây là một mô hình: Chúa đã cho chúng ta thấy mô hình này, một mô hình gần như của cộng đồng “trên trời”, để cho chúng ta thấy nơi chúng ta nên hướng đến.

Nhưng sau đó, cùng một Sách Tông đồ Công vụ này cho ta biết về nhiều vấn đề trong cộng đồng đã xảy ra theo dòng lịch sử. Chia rẽ bắt đầu trong cộng đồng. Thánh Giacôbê Tông đồ, trong chương thứ hai Lá Thư của ngài, nói: “Xin cho niềm tin của anh em được miễn dịch với sự thiên vị cá nhân”, vì đã có như thế! “đừng đối xử thiên tư”: các tông đồ phải lên tiếng để răn đe, vì đã có chuyện như thế! Và Thánh Phaolô, trong Thư Thứ Nhất gửi các tín hữu Côrinthô, trong chương 11, phàn nàn rằng: “Tôi đã nghe nói rằng có những chia rẽ giữa anh em”: các chia rẽ nội bộ trong cộng đồng đã bắt đầu. Đây là “lý tưởng” phải đạt được, nhưng nó không phải là dễ dàng: có rất nhiều điều gây chia rẽ một cộng đồng, dù cộng đồng ấy có thể là một giáo xứ, một giáo phận, hay một cộng đồng giáo sĩ hoặc tu sĩ... nhiều điều có thể chia rẽ cộng đồng.

Tôi thấy có ba điều chia rẽ các cộng đồng Kitô tiên khởi, đầu tiên là tiền bạc. Khi Thánh Giacôbê Tông đồ nói “đừng đối xử thiên tư”, ngài đưa ra một ví dụ “giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: ‘Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này’, còn với người nghèo, anh em lại nói: ‘Đứng đó!’ hoặc: ‘Ngồi dưới bệ chân tôi đây!’, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?” Thánh Phaolô cũng nói tương tự: “Người giàu mang theo thức ăn và ăn, còn người nghèo thì đứng đó, chúng ta để họ ở đó như muốn nói với họ: “Tự lo lấy cho mình đi nhé”. Tiền chia rẽ, lòng yêu mến tiền bạc của cải chia rẽ cộng đồng, chia rẽ Giáo hội.

Nhiều lần, trong lịch sử của Giáo hội, ở những nơi có những sai lệch về tín lý, tuy không phải lúc nào cũng vậy nhưng biết bao lần chúng ta thấy có tiền đứng đằng sau những chuyện như thế: tiền từ quyền lực, cả quyền lực chính trị, và tiền mặt, nhưng thảy đều là tiền. Tiền chia rẽ cộng đồng. Vì lý do này, sự thanh bần là mẹ của cộng đồng, vì sự thanh bần là bức tường bảo vệ cộng đồng. Tiền chia rẽ, gây ra tư lợi. Ngay cả trong các gia đình: có bao nhiêu gia đình cuối cùng chia rẽ với nhau vì gia tài? Có bao nhiêu gia đình như thế? Và họ không bao giờ nói chuyện lại với nhau. Biết bao nhiêu những gia đình như vậy!

Một điều khác chia rẽ một cộng đồng là sự vênh vang phù phiếm, đó là mong muốn cảm thấy mình hơn những người khác trong cộng đồng. “Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa, vì con không giống như những người khác”, đó là lời cầu nguyện của người Pharisêu. Phù phiếm trong tư duy, trong cách chưng diện, biết bao nhiêu lần - không phải luôn luôn nhưng biết bao nhiêu lần - việc cử hành bí tích là một ví dụ về sự phù phiếm, ai mặc trang phục đẹp nhất, ai làm cái này và ai làm cái kia. Phù phiếm cũng bước vào đó. Và sự phù phiếm gây ra chia rẽ. Bởi vì sự phù phiếm dẫn anh chị em đến chỗ trở thành một con công và nơi nào có một con công, luôn luôn có sự chia rẽ, luôn luôn.

Điều thứ ba chia rẽ một cộng đồng là những trò ngồi lê đôi mách: đây không phải là lần đầu tiên tôi đề cập đến chuyện này, đó là một thực tế. Đó là điều mà ma quỷ đặt vào chúng ta, cái gì đó giống như một nhu cầu nói về người khác. “Đó là một người tốt, NHƯNG,” có một chữ NHƯNG ngay lập tức, và đó là một viên đá để loại bỏ người khác, sau chữ NHƯNG ấy, ngay lập tức là một điều gì đó mà “tôi nghe thấy người ta nói”.

Thánh Linh luôn đi kèm với sức mạnh để cứu chúng ta khỏi thế giới tiền bạc, phù phiếm và ngồi lê đôi mách này, bởi vì Thánh Linh không thuộc về thế gian, nhưng chống lại thế gian. Chúa Thánh Thần có khả năng làm những điều kỳ diệu, những điều tuyệt vời này.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho sự ngoan ngoãn với Thánh Linh để Ngài biến đổi chúng ta và biến đổi các cộng đồng của chúng ta, các cộng đồng địa phương, giáo phận và tu trì của chúng ta: Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, để luôn tiến lên trong sự hòa hợp mà Chúa Giêsu muốn cho các cộng đồng Kitô giáo.


Source:Vatican News
 
TT Pháp Macron Điện Đàm Với Đức Thánh Cha
Lê Đình Thông
09:34 21/04/2020
Sau trận hỏa hoạn Nhà Thơ Đức Bà Paris vào năm ngoái, TT Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với Đức Thánh Cha Phanxicô. Vào lúc 16 giờ hôm nay (21/04/2020), TT Macron tiếp tục trao đổi điện thoại với Đức Phanxicô để bàn về các vấn đề quốc tế trong bối cảnh đại dịch hiện nay.

Theo đúng tôn ý của Đức Thánh Cha nói sau khi ban phép lành Urbi et Orbi, TT Macron đã đề cập đến việc xóa nợ cho các nước Phi châu, một phương cách để giúp các nước này có khả năng đương đầu với dịch bệnh coronavirus bắt đầu lan rộng qua châu lục này.

Trong thông điệp Phục Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các nước Châu Âu xóa hoặc giảm nợ cho các nước nghèo Phi châu trong khuôn khổ đại dịch hiện nay. Ngài kêu gọi các nước giầu có nên mở rộng niềm hy vọng và tình đoàn kết đến các nước anh em ở Phi châu.

Theo Trung tâm Kiểm soát Y tế của Liên hiệp Châu Phi, tính đến ngày 21/04/2020, châu lục này có 22 513 trường hợp bị nhiễm virus, 1 126 tử vong. Ai Cập và Nam Phi là hai quốc gia có nhiều bệnh nhân dương tính nhất, với trên 3 ngàn trường hợp nhiễm bệnh.

Lê Đình Thông
 
Gương Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan: Đánh bại đại dịch mà không cần khóa cửa
Trần Mạnh Trác
10:40 21/04/2020
Hồng Kông (AsiaNews / Agencies) - Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đang chiến thắng đại dịch coronavirus mà không cần phải dùng đến các biện pháp khóa cửa.

Không giống như Trung Quốc và một số quốc gia Tây phương, chính phủ của các vùng trên đã không ngưng hoạt động kinh tế và không hạn chế quyền tự do di chuyển của công dân một cách quá mức.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng đại dịch nổ ra vào tháng 1, người Đài Loan, Hàn Quốc và Hồng Kông vẫn có thể đi ra ngoài.

Trong khi ở châu Âu và Hoa Kỳ còn đang tranh luận về việc có nên mở các nơi công cộng hay không, thì các quán bar và nhà hàng ở Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan vẫn tiếp tục hoạt động như thường.

Hạn chế duy nhất của họ là mọi người phải đeo khẩu trang và găng tay bảo vệ, và tôn trọng sự xa cách xã hội. Cho đến nay, biện pháp này có vẻ hữu hiệu.

Cả ba nơi đều thấy trường hợp mới về lây lan đã giảm. Ngày hôm qua, Hồng Kông báo cáo không có trường hợp mới nào nữa; còn Đài Loan thì có hai; Hàn Quốc, 13. Con số tổng thể cũng thấp, do đó dẫn đến việc nới lỏng các hạn chế hơn nữa.

Các quốc gia như Ý đã áp dụng phương pháp hà khắc của Trung Quốc và đã trải qua những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế.

Phương pháp cuả Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan được coi là "dân chủ" hơn, và rất hiệu quả nhờ vào một số yếu tố chung sau đây.

Tốc độ hành động là chìa khóa thành công, và được hậu thuẫn bởi một hệ thống y tế xuất sắc.

Ba vùng trên cũng nhanh chóng đóng cửa biên giới với Trung Quốc, là tâm chấn của đại dịch, áp đặt các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt đối với những người nhập cảnh.

Cơ quan y tế cũng thử nghiệm hàng loạt để xác định người nhiễm bệnh và lập bản đồ tất cả các liên hệ của họ với người khác.

Tất cả điều này được ủng hộ bởi sự minh bạch của chính phủ với một chính quyền thường xuyên được thông báo cho công dân biết về sự tiến triển cuả cơn dịch.

Theo nhiều nhà quan sát, sự hợp tác tích cực của các cộng đồng bị ảnh hưởng cũng góp phần quyết định trong việc ngăn chặn dịch bệnh.

Như việc bầu cử lớn ở Hàn Quốc vào ngày 15 tháng 4, tuân thủ các tiêu chuẩn y tế do chính phủ thiết lập tại các trạm bỏ phiếu, là một ví dụ cụ thể.

Tuy nhiên, bây giờ, nhiều người ở Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông lo ngại rằng các điều kiện được cải thiện có thể khiến người ta mất cảnh giác, và tạo ra một làn sóng nhiễm trùng mới.

Vì lý do này, ba chính phủ vẫn giữ cảnh giác cao độ. Đài Loan thậm chí còn tập báo động một trường hợp khẩn cấp với 500 trường hợp mới trong một ngày, đòi hỏi việc khoá cửa một cách nhanh chóng hơn.
 
Thuốc thử Covid-19 sản xuất từ Trung Quốc bán cho Mỹ bị nhiễm trùng
Trần Mạnh Trác
10:43 21/04/2020
Washington (AsiaNews / Agencies) - Một tỷ lệ lớn các ống thuốc mua từ Trung Quốc để thử nghiệm Covid-19 đã bị phát hiện có ô nhiễm.

Sau khi phát hiện, Trường Y Khoa thuộc Đại học Washington (UW) đã ngừng sử dụng dù cho việc ô nhiễm dường như không gây ra nguy hiểm.

Trường đại học UW đã mua nhiều trăm ngàn ống thuốc thử nghiệm trị giá 125.000 đô la qua một nhà nhập khẩu ở Seattle để mua thuốc từ một nhà máy ở Thượng Hải.

Trường đại học đã giao 20.000 ống cho ty Y tế ở Seattle và Quận King và 15.000 ống khác cho các phòng y tế công cộng của tiểu bang.

Vài ngày trước đây, chất thuốc trong một số ống đã đổi màu ra mầu cam hoặc vàng thay vì hồng, là một dấu hiệu có sự phát triển của vi khuẩn. Một số khác xuất hiện nhiều vẩn đục.

Phòng thí nghiệm khám phá ra rằng thuốc bị nhiễm một loại vi khuẩn có tên là Stenotrophomonas maltophilia.

Sau khi phát hiện, việc sử dụng các ống thuốc đã dừng lại. Nhà cung cấp Trung Quốc đã cam kết hoàn trả số tiền đầu tư.

Trong những tuần gần đây, do tình trạng khẩn cấp và nguồn cung cấp hạn chế, các quốc gia như Tây Ban Nha, Séc, Malaysia và Philippines đã vối mua các dụng cụ thử nghiệm từ Trung Quốc, nhưng cuối cùng họ đã phải từ chối vì chúng bị lỗi chỉ có độ chính xác 40%.

Vấn đề không chỉ dừng lại ở các ống thử nghiệm như thế, còn những vấn đề rắc rối khác, chẳng hạn như Hà Lan đã phải loại ra một lô 600.000 khẩu trang nhập cảng từ Trung Quốc vì hư hỏng.
 
Bắt nạt các nhà thờ khi ra luật khẩn cấp, Bà Thống Đốc Kansas bị xử lỗi.
Trần Mạnh Trác
14:25 21/04/2020
Denver, ngày 21 tháng 4 năm 2020( CNA ).- “ Những hạn chế khẩn cấp của thống đốc Kansas nhắm vào các dịch vụ cuả các nhà thờ là sai trái vì đã đối xử các cuộc tụ họp tôn giáo nghiêm khắc hơn là các hoạt động tương tự khác,” một thẩm phán liên bang nói.

Ông thẩm phán đã ban lệnh tạm thời giải phóng cho hai nhà thờ Baptist, là những người đã thách thức sắc lệnh cuả tiểu bang Kansas.

Thẩm phán John Broomes, trong phán quyết ngày 18 tháng 4, nói rằng các hạn chế đối với các nhà thờ là nghiêm trọng hơn đối với các hạn chế về một số hoạt động phi tôn giáo tương đương.

“Các quy tắc của bà Laura Kelly (thống đốc tiểu bang) về cơ bản đã loại bỏ tất cả các cuộc tụ tập tôn giáo vì mục đích thờ phượng công khai,” thẩm phán nói. “Bà thống đốc đã không chứng minh rằng các cuộc tụ họp tôn giáo thì gây ra những rủi ro sức khỏe đặc biệt nào,” ông nói, “và không hề có miễn trừ nào cho các hoạt động tôn giáo trong khi vô số các hoạt động có rủi ro sức khỏe tương đương thì vẫn được cho phép.”

Ông thẩm phán nói rằng bên nguyên đơn có khả năng thắng kiện và bây giờ thì quyền tự do tôn giáo cuả họ sẽ bị thương tổn nếu sắc lệnh này không được điều chỉnh vừa đủ chỉ là để thúc đẩy mối quan tâm của nhà nước trong việc chống lại sự lây lan của coronavirus.

Ông Chuck Weber, giám đốc điều hành của Hội đồng các GM Công Giáo Kansas, nói rằng các giám mục Công Giáo đã cố gắng hợp tác trong cuộc chiến chống lại coronavirus và đã khen ngợi những nỗ lực trước đó của Bà Thống Đốc, nhưng cũng đã thấy những hạn chế về sự tụ họp trong muà Phục sinh là rắc rối.

Chúng tôi rất biết ơn phán quyết này và sẽ theo dõi những tiến triển pháp lý sau này, ông Weber nói.

Nguyên đơn là hai nhà thờ ở hai vùng khác nhau của Kansas: Nhà thờ Baptist ở thành phố Dodge ở phía tây Kansas, và Nhà thờ Baptist Calvary ở Thành phố Junction ở phía đông bắc Kansas. Cả hai nhà thờ đang thực hành các biện pháp phân ly xã hội, nhưng nói rằng họ tin việc đích thân tham dự vào việc cầu nguyện chung của cộng đoàn là một lệnh truyền từ Chúa.

Nguyên đơn cho biết, Bà Thống Đốc cần phải áp dụng các biện pháp hạn chế ít hơn và vì bà đã cho nhiều doanh nghiệp được hưởng ngoại lệ nhưng không cho phép nhà thờ, cho nên chính sách của bà là không công bằng.

Ba thống đốc Kelly, tuy nhiên, đã biện hộ các hạn chế và mô tả quyết định của vị thẩm phán là sơ bộ.

“Đây không phải là về tôn giáo. Đây là về một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng,” bà nói, “có sáu trường hợp tử vong và 80 trường hợp nhiễm coronavirus có nguồn gốc từ các cuộc tụ họp tôn giáo. Tính đến thứ hai, đã có hơn 100 trường hợp tử vong do coronavirus và gần 2.000 trường hợp được xác nhận tại bang này.”

“Tất cả chúng ta đều muốn tiếp tục cuộc sống bình thường càng sớm càng tốt, nhưng bây giờ dữ liệu và khoa học cho chúng ta biết vẫn còn mối đe dọa nghiêm trọng từ COVID-19 - và khi chúng ta tập hợp thành một nhóm lớn, virus lây lan,” Bà Thống Đốc tiếp tục. “Lệnh cấm của tôi là về việc cứu sống Kansans và làm chậm sự lây lan của virus để giữ cho hàng xóm, gia đình và người thân của chúng ta an toàn. Trong trường hợp khẩn cấp đe dọa sức khỏe cộng đồng, chúng ta phải có biện pháp chủ động để cứu sống.”

Ông Weber cho biết các giám mục Công Giáo của Kansas đã cố gắng tiếp cận và trở thành đối tác trong việc điều hướng những tình huống phức tạp này.

“Các giám mục Công Giáo Kansas chắc chắn nhận ra rằng bà Thống đốc Laura Kelly có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng của công dân và sử dụng các sắc lệnh hành pháp để thực hiện mục tiêu đó,” ông nói, lưu ý rằng những nhận xét ban đầu của các giám mục về những sắc lệnh này là đã khen ngợi Bà Thống Đốc đã hành động.

“Trong những lúc như thế này, xin đừng quên rằng sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước là một con đường hai chiều - một "con đường" cần được chia sẻ bởi chính phủ và cộng đồng tín ngưỡng,” ông nói thêm.

Các sắc lệnh hành pháp ban đầu của Bà Thống Đốc đã cấm các cuộc tụ họp hơn 10 người, các cuộc tụ họp tôn giáo thì được miễn, miễn là có sự cách ly xã hội một cách thích hợp.

Sau đó, trong một lệnh hành pháp ngày 7 tháng 4, Bà Thống Đốc nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp để làm chậm sự lây lan của coronavirus. Lần đầu tiên, Bà Thống Đốc liệt kê các nhà thờ và các cơ sở tôn giáo là các địa điểm bị cấm tụ họp đông người, bên cạnh các cơ sở khác như thính phòng, nhà hát, sân vận động và các địa điểm khác. Lệnh này có những hạn chế cụ thể đối với các hoạt động tôn giáo như cấm hơn 10 giáo dân ở cùng một tòa nhà.

Trong một tuyên bố ngày 8 tháng 4, các giám mục đã đình chỉ việc thờ phương công cộng và các cuộc tụ họp lớn tại các cơ sở của Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, các GM nói rằng biện pháp này là rắc rối bởi vì nó đặc biệt chỉ hạn chế các nhà thờ và các hoạt động tôn giáo trong khi cấp nhiều miễn trừ cho các cuộc tụ họp công cộng khác, cũng có những nguy cơ tương tự đối với sức khỏe cộng đồng.

Chúng tôi đặt câu hỏi về tính hợp hiến của các biện pháp này, các GM nói.

Ông Broomes, thẩm phán liên bang, cho biết nhiều trường hợp ngoại lệ đối với các doanh nghiệp là tùy tiện. Ông đưa ra một danh sách dài các hoạt động và cơ sở được miễn trừ: hầu hết là các hoạt động của chính phủ; sân bay; địa điểm chăm sóc trẻ em; khách sạn; hàng bánh; Trung tâm mua sắm; và các cơ sở bán lẻ khác có số lượng người đông đảo nhưng không đứng cạnh nhau một tầm tay hơn 10 phút.

Pháp lệnh tạm thời, chỉ áp dụng cho hai nhà thờ, sẽ kéo dài đến ngày 2 tháng Năm. Phiên điều trần vào thứ Năm sẽ cân nhắc liệu lệnh này nên được kéo dài hay mở rộng.

Vụ kiện của các nhà thờ Baptist được nhóm pháp lý Alliance Defending Freedom đại diện.

Luật sư trưởng Ryan Tucker cho biết ngày 18 tháng 4 rằng “ra lệnh để trừng phạt nhà thờ và đặc biệt cho phép người khác có tự do lớn hơn thì vừa vô lý vừa vi hiến.”

Ông nói thêm rằng quyết định của thẩm phán cho biết các nhà thờ phải tuân theo các thực hành xa cách xã hội của riêng họ, điều mà các nhà thờ này rõ ràng rất vui khi thực hiện, vì họ đã đề xuất những quy tắc đó cho sức khỏe và sự an toàn của mọi người.

Ông Tucker bày tỏ hy vọng rằng Bà Thống Đốc sẽ hành động nhanh chóng để khắc phục điều khoản vi hiến trong sắc lệnh và tránh sự cần thiết phải tiếp tục kiện tụng.
 
Estonia được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, cầu xin cho đại dịch sớm kết thúc
Đặng Tự Do
15:30 21/04/2020
Estonia là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong ba nước Baltic. Mặc dù tình hình không tồi tệ như ở một số quốc gia châu Âu khác, tính đến chiều thứ Ba 21 tháng Tư đã có 1,552 trường hợp được xác nhận và 43 trường hợp tử vong liên quan đến coronavirus.

Một hòn đảo của Estonia trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng. Một tỷ lệ lớn cư dân Saaremaa đã nhiễm virut, chiếm hơn một nửa số bệnh nhân phải điều trị tại bệnh viện.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng, Đức Cha Giám Quản Tông Tòa Estonia đã thánh hiến quốc gia cho Thánh Tâm Chúa Giêsu vào hôm Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót 19 tháng Tư.

Đức Cha Philippe Jourdan nói với Radio Vatican rằng hành động thánh hiến này nhằm hai mục đích: thứ nhất là cầu nguyện cho chấm dứt đại dịch Covid-19, và thứ hai là giúp mọi người biến những thời gian thử thách này thành cơ hội để hoán cải cá nhân.

“Chúng ta tin rằng Chúa không muốn điều xấu xảy ra với chúng ta, nhưng chúng ta nên sử dụng điều tệ hại này để hoán cải cá nhân,” Đức Cha nói.

Việc thánh hiến diễn ra vào Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót vì, theo Đức Cha Jourdan, Lòng thương xót Chúa được sùng kính cách đặc biệt ở các quốc gia Baltic. Ngài nhắc nhớ rằng một số lần hiện ra của Chúa với Thánh Faustina Kowalska đã xảy ra ở Latvia.

Về tình hình trên đảo Saaremaa, Đức Cha cho biết cuộc sống ở đó rất khác với phần còn lại của đất nước. Hòn đảo, và một số đảo lân cận, bị cô lập hoàn toàn. Một số người Công Giáo đang sống ở đó, và họ đang bị cách ly rất nghiêm nhặt.

Nhưng, người dân ở phần còn lại của Estonia ít bị hạn chế trong việc di chuyển.

Các nhà thờ vẫn mở cửa và mọi người có thể di chuyển tự do, mặc dù các cuộc tụ họp hơn hai người bị cấm, do đó, các thánh lễ đã bị đình chỉ.

Ít nhất các nhà thờ đều mở cửa, vì vậy mọi người có thể đến cầu nguyện trước Thánh Thể, được rước lễ - với tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết - và nhận Bí tích Hòa Giải. Theo một nghĩa nào đó, mọi người có khả năng sống một cuộc sống bí tích.

Đức Cha Jourdan cho biết thêm cảnh sát thỉnh thoảng kiểm tra để bảo đảm không có các cử hành tôn giáo nào được tổ chức. Ngài nói thêm rằng chính phủ đã rất hữu ích, cung cấp khẩu trang y tế và các sản phẩm vệ sinh khác cho tất cả các nhà thờ.

Tất cả các Thánh lễ đang được truyền trực tiếp trên internet, như ở các nơi khác trên thế giới.

Đức Giám Mục cũng bày tỏ sự cảm kích đối với những người trẻ tuổi đã đề nghị giúp đỡ những người già bằng cách mua sắm cho họ.

Ngài nói đây chỉ là một dấu chỉ của sự đoàn kết phi thường mà người Estonia đang thể hiện với nhau trong thời điểm khó khăn này.


Source:Vatican News
 
Các tín hữu Ý yêu cầu thánh hiến quốc gia cho Trái Tim Đức Mẹ
Đặng Tự Do
15:46 21/04/2020
Sau khi nhận được hơn 300 lá thư trong đại dịch coronavirus, các giám mục Italia sẽ phó dâng quốc gia cho sự bảo vệ của Đức Mẹ vào ngày thứ Sáu, 1 tháng Năm, tại một đền thờ ở miền bắc Ý, nơi đang là tâm chấn của dịch bệnh.

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội đồng giám mục Ý, nói rằng ngài đã nhận hơn 300 lá thư, “với tràn đầy tình yêu và lòng sùng kính đối với sự an ủi của Đức Mẹ”. Các lá thư này hỏi “tại sao Đức Hồng Y không dâng quốc gia cho trái tim vô nhiễm của Mẹ Maria? Tất cả những người đang đau khổ vì đại dịch này, tất cả những người đang làm việc trong các bệnh viện và phải chăm sóc cho tha nhân, tại sao không phó thác toàn quốc gia cho Mẹ Maria?”

Ngài lưu ý rằng công việc của các mục tử là hướng dẫn đoàn chiên của mình, “nhưng thường chính đoàn chiên, các Kitô hữu, lại những người thúc đẩy các mục tử của họ, như trong trường hợp này.”

Nghi lễ tín thác cho Đức Mẹ sẽ được cử hành chiều ngày 01/05 tại đền thánh Đức Mẹ Maria del Fonte, một đền thánh dâng kính Đức Mẹ ở Caravaggio thuộc tỉnh Bergamo, một trong những vùng của Ý bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi coronavirus; như thế, lời cầu nguyện “được bao bọc bởi những đau khổ và nỗi đau tại một vùng đất bị thử thách nặng nề bởi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.”

Tử vong tại Ý tính đến chiều thứ Ba 21 tháng Tư đã lên đến 24,648 người, trong số 183,957 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ trước đó, số trường hợp tử vong là 454 người, và thêm 2,256 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận. Như thế, các trường hợp tử vong và nhiễm bệnh mới đều giảm liên tục trong tuần qua.

Ngày 1 tháng Năm được chọn để dâng quốc gia cho Mẹ Maria vì ngày này bắt đầu tháng Năm, là tháng theo truyền thống được dâng kính Đức Mẹ. Ngày này cũng là lễ thánh Giuse Thợ và là cơ hội cầu nguyện cho những người lao động, hiện đang lo lắng về tương lai.

Theo truyền thống, Đức Mẹ đã hiện ra với một thiếu nữ nông dân, Giannetta Varoli, trên một cánh đồng cỏ khô bên ngoài thị trấn Caravaggio vào ngày 26/05/1432. Một đền thờ nhỏ đầu tiên đã được xây dựng vào cùng năm đó. Đến năm 1575, thánh Carolo Boromeo đã thuê một kiến trúc sư mở rộng đền thánh, như đền thánh hiện nay.

Từ đầu đại dịch coronavirus cho đến nay, Bergamo được coi là một trong những địa danh kinh hoàng nhất tại Ý. Từ ngày 22 tháng Hai, Thủ tướng Giuseppe Conte đã cách ly 10 thị trấn trong tỉnh Lodi cách Bergamo 70km về phía Nam. Đó là khu vực đỏ đầu tiên trên đất Ý. Quân đội và cảnh sát áp đặt lệnh cô lập trong nhà đối với cư dân trong khu vực. Tuy nhiên, Bergamo với 376 nhà máy và xí nghiệp mang lại một nguồn lợi lên đến 850 triệu Euros một năm đã được cho hoạt động bình thường. Vì thế, đến ngày 1 tháng Ba, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại Bergamo đã lên đến 220 người. Một tuần sau thành phố mới bị cách ly. Lúc đó đã quá muộn. Trong một tuyên bố có tựa đề “Noi Denunceremo”, nghĩa là “Chúng tôi sẽ lên tiếng”, 30,000 chữ ký đã thu được cho đến nay nhằm yêu cầu chính quyền mở một cuộc điều tra về các quyết định đã được đưa ra liên quan đến thành phố này, dẫn đến cái chết của 4,800 người cho đến nay.

Bergamo có 992,300 dân. Trong số đó 937,200 là người Công Giáo, chiếm tỷ lệ 94.5%, sinh hoạt trong 389 giáo xứ, dưới sự chăm sóc mục vụ của 706 linh mục triều. Bên cạnh đó còn có 189 linh mục dòng.


Source:Catholic News Agency

 
Tải xuống miễn phí Ấn phẩm về lời cầu nguyện và các bài suy niệm của Đức Thánh Cha
Thanh Quảng sdb
17:34 21/04/2020
Tải xuống miễn phí Ấn phẩm về lời cầu nguyện và các bài suy niệm của Đức Thánh Cha.
Bìa của Ấn phẩm “Kiên Vững Trong Cơn Hoạn Nạn”

Thánh bộ về Truyền thông của Tòa Thánh vừa đưa ra một thông báo về việc có thể tải xuống (download) một tác phẩm mới vừa được xuất bản mang tên “Kiên Vững Trong Cơn Hoạn Nạn”, bao gồm những lời cầu nguyện, khấn xin và các bài suy niệm của Đức Thánh Cha như một sự hỗ trợ kiên vững trong giai đoạn thử thách này.

(Tin Vatican - Eugenio Bonanata và Lm Benedict Mayaki SJ)

Ông Andrea Tornielli, giám đốc chủ biên của Thánh bộ Truyền thông Tòa thánh cho hay: Đây là một hỗ trợ nho nhỏ dành cho tất cả mọi người, để nhận thức và trải nghiệm sự gần gũi và lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta trong những lúc sầu đau, khổ cực, cô đơn và sợ hãi! Và cũng để nói lên tình hiệp thông trong Giáo hội - một sự tương trợ gắn bó trong thời gian thử thách này.

Ban biên tập của Thánh bộ Truyền thông của Tòa thánh đã phát hành một ấn phẩm kỹ thuật số, chứa một bộ sưu tập những lời cầu nguyện, các tâm tình khấn nguyện và những bài suy niệm của Đức Thánh Cha để nói lên tình hiệp thông trong Giáo hội giữa cơn đại dịch coronavirus.

Tác phẩm “Kiên Vững Trong Cơn Hoạn Nạn” đã có sẵn trên trang mạng của tòa thánh để những ai muốn tải xuống miễn phí dưới dạng PDF. Ấn phẩm gồm các ngôn ngữ: Anh, Ý, Tây Ban Nha và tiếng Pháp.

Nội dung

Ông Tornielli cho hay: Bìa cuốn sách có hình Đức Tổng lãnh Thiên thần Micae, người bảo vệ Giáo hội chống lại ma quỉ và phù trợ chúng ta trong cơn thử thách khó khăn này, để điều ác này không làm phương hại đến niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa và phân rẽ tình đoàn kết giữa chúng ta.

Thay vào đó, thời gian thử thách này sẽ trở thành một cơ hội cho người đọc và suy niệm nhìn ra những gì thực sự là cần thiết cho cuộc sống, những cảm nghiệm yêu thương Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, đặc biệt những ai đang cần tới lòng thương xót của Chúa nhất.

Những lời cầu nguyện truyền thống của Giáo hội

Tác phẩm “Kiên Vững Trong Cơn Hoạn Nạn” có ba phần:

Phần đầu là những lời cầu nguyện, các nghi thức và các lời khấn xin truyền thống Kitô giáo cho thời điểm khó khăn này. Phần này cũng bao gồm các phép lành cho bệnh nhân, những lời cầu nguyện xin Chúa gìn giữ cho khỏi sự dữ và các bản văn khác bắt nguồn từ các hoàn cảnh khác nhau trong Giáo hội qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Hướng dẫn mục vụ

Phần hai dành riêng cho các chỉ dẫn được Giáo hội ban hành giúp cho mọi người có thể tiếp tục sống các bí tích trước những giới hạn do luật pháp ban hành hầu phòng ngừa coronavirus không bị lây lan, khiến các tín hữu không thể tham dự hay cử hành các bí tích một cách bình thương. Phần này tập trung vào các yếu tố nói lên sự hiệp thông thiêng liêng với Giáo hội, và làm thế nào để có được sự tha thứ tội lỗi mặc dù không thể cử hành Bí tích Hòa giải được.

Tâm tình của Đức Thánh Cha

Phần cuối cùng là một tổng hợp những tâm tình của Đức Phanxicô với toàn thể Giáo hội trong thời điểm khó khăn đầy thử thách này. Nó bao gồn các bài giảng, suy niệm của ĐTC trong các Thánh lễ được cử hành tại nguyện đường thánh Marta, và các bài giáo lý và các chia sẻ của các buổi triều yết vào giờ Kinh trưa mỗi Chúa Nhật, bắt đầu từ ngày 9 tháng 3.

Ấn bản kỹ thuật số của cuốn sách này sẽ được cập nhật hàng tuần trước những diễn biến không ngừng và trước việc đào sâu và khám phá các kho báu thiêng liêng của kho tàng mặc khải của Giáo hội…

Chẳng hạn bạn có thể tải xuống “Chặng Đàng Thánh giá” do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự vào Thứ Sáu Tuần Thánh tại Quảng trường Thánh Phêrô vừa qua…
 
Văn kiện của Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Sự Sống: Đại Dịch và Tình Huynh Đệ Phổ Quát
Vũ Văn An
22:48 21/04/2020
Ngày 30 tháng Ba, 2020, trong cuộc yết kiến riêng tại Tông Điện, Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Sự Sống, đã trình Đức Giáo Hoàng Phanxicô bản văn “Đại Dịch và Tình Huynh Đệ Phổ Quát” do Hàn Lâm Viện soạn thảo nhân đại dịch Coronavirus. Đức Tổng Giám Mục viết trong một bản tuyên bố: “Đức Giáo Hoàng tâm sự với tôi hai quan tâm của ngài: ngay bây giờ phải làm thế nào giúp đỡ đặc biệt những người yếu thế nhất; còn về tương lai, làm thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này mà vững mạnh hơn trong tình liên đới’ kể cả ở bình diện hoàn cầu”.



Sau đây là nguyên văn văn kiện nói trên, đăng trên trang mạng của Hàn Lâm Viện, tại http://www.academyforlife.va/content/pav/en/news/2020/pandemic-and-universal-brotherhood.html

Toàn bộ nhân loại đang bị thử thách. Đại dịch Covid-19 đặt chúng ta vào tình trạng khó khăn chưa từng thấy, đầy bi đát và hoàn cầu, mà sức mạnh làm đảo lộn mọi kế hoạch trong cuộc sống của chúng ta ngày càng gia tăng hơn. Sự iện diện cùng khắp của cơn đe dọa này khiến chúng ta tra vấn nhiều khía cạnh trong cách sống của chúng ta, những cách sống chúng ta vốn coi là việc đương nhiên. Chúng ta đang đau đớn sống một nghịch lý mà chúng ta không bao giờ tưởng tượng được: để sống thoát căn bệnh này, chúng ta phải tự cô lập với nhau, nhưng nếu chúng ta có bao giờ phải học cách sống tách biệt với nhau như thế này, hẳn chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng điều chủ yếu xiết bao đối với cuộc sống của chúng ta là sống với những người khác.

Giữa niềm háo hức của chúng ta về kỹ thuật và quản lý, chúng ta thấy mình không được chuẩn bị về mặt xã hội và kỹ thuật đối với sự phát triển của việc lây lan này: chúng ta rất khó nhận ra và thừa nhận tác động của nó. Và bây giờ, chúng ta đang gấp rút hạn chế sự lây lan của nó. Nhưng nếu chúng ta xem xét sự mất ổn định của cuộc sống mà nó đang gây ra, chúng ta sẽ thấy sự thiếu chuẩn bị tương tự, chưa nói tới một sự phản kháng nào đó, đối với việc công nhận tính dễ tổn thương về thể chất, văn hóa và chính trị của chúng ta khi đối đầu với hiện tượng này. Sự bất ổn định này vượt quá khả năng của khoa học và của kỹ thuật nơi các thiết bị trị liệu. Sẽ không hợp tình hợp lý, và là một sai lầm, khi quy kết trách nhiệm về tình huống này cho các nhà khoa học và kỹ thuật viên. Đồng thời, điều chắc chắn đúng là chúng ta cần một tầm nhìn sâu rộng hơn và một đóng góp xuất phát từ sự suy tư có trách nhiệm hơn về ý nghĩa và giá trị của chủ nghĩa nhân bản, vì chúng cũng có tính cấp bách như việc nghiên cứu dược phẩm và vắc-xin. Và không phải chỉ có thế. Nhận ra sự sâu sắc và trách nhiệm này tạo ra một bối cảnh gắn bó và hợp nhất, liên minh và huynh đệ, do nhân tính chung của chúng ta, một nhân tính, không hề dẹp bỏ các đóng góp của những người nam nữ trong khoa học và chính phủ, trái lại, luôn hết lòng hỗ trợ những người này và khẳng định vai trò của họ. Sự cống hiến của họ, một sự cống hiến đã được mọi người biết ơn một cách xứng đáng và chân thành, chắc chắn, sau thời gian này, sẽ được củng cố và đánh giá cao.

Trong bối cảnh này, Giáo hoàng Hàn Lâm Viện về Sự Sống, với sự ủy nhiệm định chế của nó, luôn cổ vũ và hỗ trợ cuộc liên minh giữa khoa học và đạo đức học nhằm tìm kiếm một chủ nghĩa nhân bản tốt nhất, mong sao được đóng góp các suy tư của chính mình. Ý hướng của nó là định vị một số yếu tố của tình huống này, trong một tinh thần đổi mới, có nhiệm vụ nuôi dưỡng các mối tương quan xã hội và chăm sóc người ta. Tình huống đặc biệt mà hiện nay đang thách thức tình huynh đệ của cộng đồng nhân loại (humana communitas), tựu chung, cũng phải tự biến mình thành một dịp để tinh thần của chủ nghĩa nhân bản này ảnh hưởng đến nền văn hóa định chế một cách đều đặn: trong các dân tộc cá thể và trong mối liên kết hài hòa giữa các dân tộc.

Tình liên đới trong tính dễ bị tổn thương và trong các giới hạn.

Đầu tiên, đại dịch làm nổi bật một cách bất ngờ cay nghiệt tính bấp bênh vốn là đặc điểm triệt để của thân phận làm người của chúng ta. Ở một số khu vực trên thế giới, tính bấp bênh trong cuộc hiện sinh của các cá nhân và cộng đồng là trải nghiệm hàng ngày do nghèo đói làm cho mọi người không được chăm sóc, ngay cả khi sự chăm sóc có sẵn đó, hoặc không có đầy đủ thực phẩm, ngay cả lúc thực phẩm này không thiếu trên toàn thế giới. Ở những nơi khác trên thế giới, số lượng các khu vực bất trắc đã giảm dần nhờ các tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, đến mức chúng ta tự lừa dối mình rằng chúng ta không thể dễ bị tổn thương hoặc chúng ta có thể tìm ra giải pháp kỹ thuật cho mọi nan đề. Tuy nhiên, dù có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa, chúng ta vẫn không thể kiểm soát được đại dịch đang diễn ra, ngay ở trong các xã hội phát triển nhất về kinh tế và kỹ thuật, nơi nó đã lấn át khả năng của các phòng thí nghiệm và các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Những dự đoán lạc quan của chúng ta về khả năng của khoa học và kỹ thuật có lẽ đã cho phép chúng ta tưởng tượng rằng chúng ta sẽ có thể ngăn chặn sự lây lan của một dịch bệnh hoàn cầu có cường độ này, đến mức khả năng của nó dường như ngày càng xa vời. Chúng ta phải thừa nhận rằng tưởng tượng đó không đúng. Và ngày nay, chúng ta thậm chí còn được khuyến khích để nghĩ rằng, cùng với các tài nguyên bảo vệ và chăm sóc phi thường mà tiến bộ của chúng ta đã tạo ra, cũng có những tác dụng phụ cho thấy sự yếu kém trong các hệ thống của chúng ta và chúng ta không cảnh giác đủ đối với chúng.

Dù sao, điều rõ ràng một cách đau đớn là chúng ta không làm chủ số phận của mình. Và khoa học cũng đang cho thấy nhiều giới hạn của nó. Chúng ta đã biết điều này: các kết luận của khoa học luôn phiến diện, bất luận vì, do sự thuận tiện hay do các lý do thực tế, nó chỉ tập chú vào một số khía cạnh của thực tại và bỏ qua nhiều khía cạnh khác, hoặc vì, do bản chất của các lý thuyết khoa học, những lý thuyết, dù sao, chỉ có tính tạm thời và cần được duyệt lại. Nhưng trong sự bất trắc mà chúng ta đang trải qua khi đối phó với virút Covid-19, chúng ta đã tri nhận một cách rõ ràng mới mẻ tính tiệm tiến (gradualness) và phức tạp vốn là một phần của kiến thức khoa học, một kiến thức đòi phải đặc biệt chú ý tới phương pháp và việc xác nhận giá trị. Sự bấp bênh và các giới hạn trong hiểu biết của chúng ta cũng xuất hiện dưới dạng hoàn cầu, có thực và chung chia; không có luận điểm có thực chất nào cho phép một số nền văn minh hoặc thực thể tự coi mình đứng trên hết, tốt hơn những nền văn minh khác và có thể tự cô lập khi thuận tiện. Bây giờ, chúng ta đã đủ gần để “chạm” tới mối liên kết qua lại của chúng ta. Thật vậy, chúng ta liên kết với nhau bởi việc bị chường mặt cho tính dễ bị tổn thương nhiều hơn là bởi hiệu năng của các công cụ của chúng ta. Sự lây nhiễm lan truyền rất nhanh từ nước này sang nước khác; những gì xảy ra với một người trở nên có tính quyết định đối với mọi người. Tình huống này làm hiển thị hơn ngay lập tức những gì chúng ta tuy đã biết nhưng không nội tâm hóa được một cách đầy đủ: dù tốt hay xấu, các hậu quả do hành động của chúng ta luôn giáng xuống người khác cũng như giáng xuống chính chúng ta. Không có hành vi cá nhân nào mà không có các hậu quả xã hội. Điều này đúng cho từng cá nhân, và cho từng cộng đồng, xã hội và trung tâm dân số. Tác phong bất cẩn hoặc dại dột, một tác phong dường như chỉ ảnh hưởng đến chính chúng ta, trở thành mối đe dọa cho mọi người đang đương đầu với nguy cơ lây nhiễm, dù thậm chí không ảnh hưởng đến chính tác nhân. Nhờ cách đó, chúng ta học được điều này: sự an toàn của mọi người tùy thuộc sự an toàn của mọi người khác.

Sự bùng phát của dịch bệnh chắc chắn là một hằng số trong lịch sử loài người. Nhưng chúng ta không thể che giấu các đặc điểm của mối đe dọa ngày nay, một điều cho thấy: nó có thể thích ứng rất tốt tính bàng bạc của nó vào lối sống hiện tại của chúng ta và có thể phá vỡ các biện pháp bảo vệ. Với mạng lưới giao thông và chuyển hàng rộng khắp và hữu hiệu của mình, chúng ta hẳn nhận thức được các hiệu quả của các mô hình phát triển của chúng ta, những mô hình từ trước đến nay vẫn khai thác các khu rừng bất khả xâm phạm nơi mà các vi sinh vật xa lạ với hệ thống miễn dịch của con người được tìm thấy. Có lẽ chúng ta sẽ tìm ra giải pháp cho những gì đang tấn công chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải làm điều đó vì biết rằng loại đe dọa này đang thu thập tiềm năng có tính hệ thống lâu dài.

Thứ hai, tốt hơn nên giải quyết vấn đề bằng các nguồn tài nguyên khoa học và tổ chức tốt nhất mà chúng ta hiện có, tránh việc dùng ý thức hệ chỉ để nhấn mạnh tới mô hình xã hội nào chịu đánh đồng sự cứu rỗi với sức khỏe. Thay vì bị coi như một thất bại của khoa học và kỹ thuật, một điều chắc hẳn luôn khiến chúng ta phấn khích vì sự tiến bộ của nó, nhưng đồng thời cũng khiến chúng ta khiêm tốn sống với những giới hạn của nó, bệnh tật và cái chết là vết thương sâu nhất đối với những xúc cảm thân thương và sâu sắc nhất của chúng ta, nhưng, điều này không thể áp đặt lên chúng ta việc bác bỏ tính chính đáng của những xúc cảm này và sự đổ vỡ của các mối dây nối kết xúc cảm ấy. Và điều này, ngay cả khi chúng ta phải chấp nhận việc chúng ta không có khả năng đạt trọn được tình yêu mà những xúc cảm và mối dây ràng buộc này chứa đựng trong chính chúng. Mặc dù cuộc sống của chúng ta luôn luôn có tính tử sinh, chúng ta vẫn hy vọng rằng điều đó không đúng đối với mầu nhiệm tình yêu trong đó cuộc sống vốn cư ngụ.

Còn 1 kỳ
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Được dùng cục bông gòn tẩm dầu để ban phép Thêm sức trong mùa dịch bệnh không?
Nguyễn Trọng Đa
10:11 21/04/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Gần đây, con được một linh mục cựu sinh viên của chủng viện chúng con hỏi, liệu ngài có thể cử hành Bí tích Thêm sức, bằng cách sử dụng một cục bông gòn để xức dầu không, nhằm tránh Covid-19?. Suy nghĩ đầu tiên của con là được (khẳng định) vì chữ đỏ cho phép linh mục sử dụng một dụng cụ (thí dụ cục bông gòn, găng tay) để xức dầu bệnh nhân. Tuy nhiên, con đã nói chuyện với một chuyên viên phụng vụ và một nhà thần học bí tích, và cả hai đều nói rằng một dụng cụ là không được phép, và việc sử dụng một cục bông gòn (chẳng hạn) sẽ làm mất hiệu lực bí tích. Một giáo sư linh mục dòng Đaminh đã gửi cho con một lập luận dài về lý do tại sao điều này có thể sẽ xảy ra. Lập luận của ngài là khá thuyết phục. Bởi vì đây là mùa Thêm sức ở Hoa Kỳ, và với dịch Covid-19 vẫn còn, câu hỏi này sẽ còn được hỏi nhiều hơn. Con chỉ muốn gửi đến cha một bản tóm tắt về những gì đang được thảo luận xung quanh chủ đề này. - G. S., Denver, Colorado, Hoa Kỳ.


Đáp: Đây cũng là mùa Thêm sức và mùa rước lễ lần đầu ở Ý và nhiều nơi khác, mặc dù hầu hết các lễ cử hành này đã được hoãn lại cho đến tháng 9 là sớm nhất.

Câu hỏi về lý do, tại sao một dụng cụ để ban phép Thêm sức là không được coi là khả thi, liên quan đến các lập luận thần học và lịch sử phức tạp. Điều chắc chắn là rằng các tài liệu chính thức của Hội Thánh loại trừ rõ ràng khả năng này. Lý do cơ bản tại sao điều này là như vậy, theo tôi, là việc xức dầu Thêm sức gắn bó chặt chẽ với việc đặt tay dựa trên Kinh Thánh.

Chữ đỏ cho Sách Nghi thức Rôma của hình thức ngoại thường, được sử dụng ngay sau Công đồng Trentô nhưng phản ánh sự thực hành có lâu trước đó, loại trừ một cách tích cực một dụng cụ:

“3. Dầu Thánh được sử dụng trong việc ban bí tích Thêm sức, ngay cả khi thừa tác viên là một linh mục bình thường, phải được một Giám mục thánh hiến trong sự hiệp thông với Tòa Thánh vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh trước đó; và người ta không được sử dụng dầu cũ trừ trường hợp khẩn cấp. Ngay sau khi dầu thánh hiến đã giảm thành một lượng nhỏ, dầu ô liu chưa thánh hiến có thể được thêm vào nó, nhưng với số lượng ít hơn so với lượng dầu thánh hiến, mỗi khi điều này xảy ra. Không bao giờ được phép ban phép Thêm sức mà không có dầu thánh, cũng không tiếp nhận dầu này từ một giám mục lạc giáo hoặc ly giáo. Việc xức dầu không phải được thực hiện với một dụng cụ nào, nhưng phải bởi tay của thừa tác viên, được đặt đúng trên đầu của người lãnh bí tích.”

Nghi thức được mô tả như sau:

“6. Sau đó, vị chủ tế ban Thêm sức cho họ (một Giám mục đội mũ mitra vào lúc này, và một vị giám chức cao cấp hơn, chẳng hạn như một đệ nhất lục sự Toà Thánh (protonotary apostolic), khi họ quỳ thành hàng, nam trước và nữ sau. Khi một hàng kết thúc, tất cả đứng lên và các người khác quỳ tại chỗ, và cứ như vậy cho đến khi kết thúc. Vị chủ tế hỏi tên của mỗi người khi được cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu giới thiệu; và nhúng đầu ngón tay cái của ngài vào dầu thánh, ngài ban phép Thêm sức theo cách sau: đặt tay phải lên đầu người nhận, ngài dùng ngón tay cái vẽ dấu thánh giá trên trán của người đó, trong khi nói phần đầu tiên của công thức đến chữ thánh giá, và tiếp tục với phần còn lại của công thức, tạo một dấu thánh giá kép trên người ấy tại các chỗ được chỉ định:

“(Giuse..,) cha in trên con dấu Thánh gía +; và cha thêm sức cho con với dầu thánh, nhân danh Cha và Con, + và Thánh Thần. Tất cả thưa: Amen.”

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã thực hiện các thay đổi sâu sắc trong nghi thức Thêm sức, bao gồm thay đổi công thức. Để giải thích và cung cấp đầy đủ sức mạnh tín lý cho quyết định của ngài, Đức Giáo Hoàng đã ban hành tông hiến ‘Divinae Consortium Naturae’, ngày 15-8-1971. Tài liệu ngắn gọn này tóm tắt các yếu tố thiết yếu của giáo lý trong Bí tích Thêm sức qua các thời đại. Về việc cử hành bí tích, Đức Thánh Cha tuyên bố:

“Trên thực tế, công việc học hỏi và nghiên cứu cẩn thận đã được dành cho các năm qua, cho nhiệm vụ sửa đổi cách thức cử hành Bí tích này. Mục đích của công việc này là rằng "mối liên hệ mật thiết mà Bí tích này có với toàn bộ Việc Khai tâm Kitô giáo có thể được đặt ra rõ ràng hơn." Hơn nữa, mối liên hệ giữa phép Thêm sức và các Bí tích Khai tâm khác dễ dàng được nhận thấy hơn, không chỉ bởi vì các nghi thức đã được gắn kết chặt chẽ hơn, nhưng nó cũng đáng được chú ý từ cử chỉ và lời nói, mà qua đó chính phép Thêm sức được trao. Vì vậy, nghi thức và lời nói của Bí tích này 'nên diễn tả rõ ràng hơn các điều thánh thiện, mà chúng biểu thị, và người Kitô hữu, càng nhiều càng tốt, cần được giúp hiểu chúng một cách dễ dàng, và tham gia vào chúng một cách đầy đủ, tích cực, và ích lợi với tư cách một cộng đoàn.'

“Vì mục đích này, mong muốn của chúng tôi cũng bao gồm sự duyệt lại những gỉ là thiết yếu nhất của Nghi thức Thêm sức, mà qua đó các tín hữu đó nhận Chúa Thánh Thần như là quà tặng.

“Tân Ước cho thấy Chúa Thánh Thần đã ở với Chúa Kitô như thế nào để thực hiện sứ mệnh Thiên Sai đến viên mãn. Đối với Chúa Giêsu, khi nhận phép rửa của ông Gioan, đã thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chính mình (x. Mc 1, 10) và ở lại với mình (x. Ga 1, 32). Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn để thực hiện sứ vụ công khai của mình với tư cách là Đấng Thiên Sai, dựa vào sự hiện diện và trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Trong khi giảng dạy sự cứu rỗi cho người dân Nazareth, Ngài đã cho thấy qua những gì Ngài nói là sấm ngôn của Isaia “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi”, nhắc đến chính Ngài (x. Lc 4: 17-21).

“Sau đó, Ngài đã hứa với các môn đệ của mình rằng Chúa Thánh Thần sẽ giúp họ cũng làm chứng cho đức tin của họ mà không sợ hãi, ngay cả trước các kẻ bắt bớ họ (x. Lc 12,12). Vào ngày trước khi chịu khổ nạn, Ngài bảo đảm với các Tông đồ của mình rằng Ngài sẽ gửi Thần chân lý từ Chúa Cha đến (x. Ga 15,26) để ở lại với họ 'mãi mãi' (Ga 14,16), và giúp họ trở thành nhân chứng của Ngài (x. Ga 15:26). Cuối cùng, sau khi Ngài phục sinh, Chúa Kitô đã hứa ban Chúa Thánh Thần sớm đến với họ: ‘họ sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên họ. Bấy giờ họ sẽ là chứng nhân của Ngài” (Cv 1: 8; xem Lc 24:49.)

“Vào ngày lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần thực sự đã xuống một cách kỳ diệu trên các Tông đồ, khi họ quy tụ cùng với Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, và nhóm các môn đệ. Họ được 'tràn đầy' Chúa Thánh Thần (Cv 2: 4) đến nỗi nhờ linh hứng thiêng liêng, họ bắt đầu rao giảng 'các công trình cao cả của Thiên Chúa.' Hơn nữa, Thánh Phêrô xem Thần khí, Đấng đã xuống trên các Tông đồ, như một món quà của thời đại Thiên Sai (xem Cv 2: 17-18). Sau đó, những người tin vào lời rao giảng của Tông đồ đã được rửa tội, và họ cũng đã nhận được ‘ơn ban của Chúa Thánh Thần’ (Cv 2:38). Lúc đó, các Tông đồ, để hoàn thành ý muốn của Chúa Kitô, đã ban cho người mới được rửa tội bằng cách đặt tay, ơn ban của Chúa Thánh Thần để hoàn thành ân sủng của Bí tích Rửa tội. Đây là lý do tại sao Thư gửi tín hữu Hipri (Hr) đã liệt kê trong số các yếu tố đầu tiên của giáo lý Kitô giáo, việc giảng dạy về phép rửa tội và việc đặt tay (x. Hr.6: 2). Việc đặt tay này được truyền thống Công Giáo công nhận là khởi đầu của Bí tích Thêm sức, vốn theo một cách nào đó duy trì ân sủng của Lễ Ngũ tuần trong Hội Thánh.

“Điều này cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của Phép Thêm sức cho việc khai tâm bí tích, mà nhờ đó các tín hữu 'với tư cách là thành viên của Chúa Kitô sống được kết hợp với Ngài và nên giống như Ngài, qua Bí tích Rửa tội và qua Bí tích Thêm sức và Bí tích Thánh Thể.’ Trong Bí tích Rửa tội, các ngưởi mới được rửa tội tiếp nhận sự tha thứ tội lỗi, được Chúa nhận làm con cái, và tính cách của Chúa Kitô, mà qua đó họ được làm thành viên của Hội Thánh và lần đầu tiên trở thành người chia sẻ trong chức tư tế của Đấng Cứu Rỗi của họ (x. 1 Pt 2: 5,9). Nhờ Bí tích Thêm sức, những người được tái sinh trong Bí tích Rửa tội nhận được Món quà vô giá là chính Chúa Thánh Thần, nhờ Ngài 'họ được ban cho sức mạnh đặc biệt.' Hơn nữa, họ đã có ấn tín của Bí tích này, họ 'được liên kết hoàn hảo hơn với Hội Thánh', và 'họ có nghĩa vụ nghiêm ngặt hơn trong việc truyền bá và bảo vệ đức tin, cả bằng lời nói và bằng hành động, như là các chứng nhân đích thực của Chúa Kitô.'

Cuối cùng, Bí tích Thêm sức được liên kết chặt chẽ với Bí tích Thánh Thể, đến nỗi các tín hữu, sau khi được ký kết bởi Bí tích Rửa tội và Thêm sức, được kết hợp hoàn toàn vào Thân thể Chúa Kitô, thông qua việc tham dự Bí tích Thánh Thể.

“Từ thời xa xưa, việc ban ân sủng của Chúa Thánh Thần đã được thực hiện trong Hội Thánh, qua nhiều nghi thức khác nhau. Các nghi thức này đã trải qua nhiều thay đổi ở phương Đông và phương Tây, nhưng ý nghĩa của sự trao ban Chúa Thánh Thần vẫn được giữ nguyên. Trong nhiều nghi lễ phương Đông, dường như từ thời kỳ đầu, một nghi thức xức dầu thánh, vốn chưa được phân biệt rõ ràng với Bí tích Rửa tội, đã thắng thế cho việc ban Chúa Thánh Thần. Nghi thức đó tiếp tục được sử dụng ngày nay trong phần lớn hơn của các Giáo hội phương Đông.

“Ở phương Tây, có các chứng tá rất cổ xưa liên quan đến phần Khai tâm Kitô giáo, mà sau đó được công nhận rõ ràng là Bí tích Thêm sức. Có các chỉ thị cho việc thực hiện nhiều nghi thức sau khi rửa tội và trước bữa ăn Thánh Thể - thí dụ, xức dầu, đặt tay, thêm sức - có cả trong các tài liệu phụng vụ và trong nhiều chứng tá của các Giáo phụ. Do đó, qua nhiều thế kỷ, các câu hỏi và nghi ngờ đã nảy sinh về những gì thuộc về sự chắc chắn đối với bản chất của Nghi thức Thêm sức. Tuy nhiên, đáng nói đến, ít nhất là một số yếu tố, từ thế kỷ XIII trở về sau, trong các Công đồng chung và các tài liệu của các Giáo hoàng, đã đưa ra ánh sáng tầm quan trọng của việc xức dầu với Dầu Thánh, nhưng đồng thời không cho phép việc đặt tay bị lãng quên.

“Vị tiền nhiệm của chúng tôi, Đức Innocent III đã viết: 'Sự xức dầu trên trán với Dầu Thánh biểu thị cho việc đặt tay, mà tên gọi khác phép Thêm sức, bởi vì qua đó Chúa Thánh Thần được ban để được tăng trưởng và sức mạnh.' Một vị tiền nhiệm khác là Đức Innocent IV nhắc lại rằng các Tông đồ đã ban Thánh Thần 'thông qua việc đặt tay, mà phép Thêm sức hoặc việc xức dầu thánh lên trán là đại diện.' Trong lời tuyên xưng đức tin của Hoàng đế Michael Palaeologus đọc tại Công đồng Lyons thứ hai, đề cập đến Bí tích Thêm sức, rằng 'Các Giám mục ban bằng cách đặt tay, xức dầu với dầu thánh cho những người đã chịu phép rửa.' Sắc lệnh cho người Armenia, do Công đồng Florence ban hành, tuyên bố rằng 'chất thể' của Bí tích Thêm sức là 'Dầu thánh được làm từ dầu ô liu và balsam' và, trích dẫn lời của sách Công vụ Tông đồ liên quan đến thánh Phêrô và thánh Gioan, là những vị đã ban Thánh Thần qua việc đặt tay (xem Cv 8:17), và nói thêm:

'Trong Hội Thánh, khi đặt tay, Thêm sức được ban.' Công đồng Trentô, mặc dù nó không có ý định định nghĩa Nghi thức chính yếu của phép Thêm sức, chỉ định nó cách đơn giản bởi thuật ngữ 'Dầu thành của phép Thêm sức.' Giáo Hoàng Biển Đức XIV đã đưa ra tuyên bố này: 'Vì vậy, hãy nói điều này, không có gì phải bàn cãi: trong Giáo hội Latinh, Bí tích Thêm sức được ban bằng cách sử dụng Dầu Thánh, hoặc dầu ô liu trộn lẫn với balsam, và được Đức Giám Mục làm phèp, và bởi thừa tác viên ban bí tích bằng cách vẽ hình Thánh giá lên trán của người nhận, trong khi thừa tác viên ấy đọc lời của công thức.

“Sau khi xem xét các tuyên bố và truyền thống này, nhiều tiến sĩ thần học cho rằng để cho việc ban phép Thêm sức hợp lệ, buộc phải xức dầu thánh bằng ngón tay xức lên trán. Tuy nhiên, trong các nghi thức của Hội Thánh Latinh, việc đặt tay lên người được Thêm sức trước khi xức dầu cho họ bằng dầu thánh là luôn được quy định.

“Hơn nữa, liên quan đến lời của nghi thức, mà qua đó Chúa Thánh Thần được ban xuống, cần lưu ý rằng, trong Hội Thánh thời non trẻ, thánh Phêrô và thánh Gioan, để hoàn thành việc khai tâm cho các người đã được rửa tội ở Samaria, đã cầu nguyện cho họ để họ có thể nhận được Chúa Thánh Thần, và sau đó đặt tay lên họ (xem Cv 8: 15-17). Ở phương Đông, các dấu vết đầu tiên của cụm từ ngữ “ấn tín ơn Chúa Thánh Thần’ xuất hiện trong thế kỷ IV và V. Cụm từ ngữ này nhanh chóng được Giáo hội Constantinople chấp nhận và vẫn được sử dụng trong các Giáo hội Nghi lễ Byzantine.

“Tuy nhiên, ở phương Tây, các lời của nghi thức hoàn thành Bí tích Rửa tội ít được giải quyết cho đến thế kỷ XII và XIII. Nhưng trong Sách Nghi thức Rôma ở thế kỷ XII, công thức mà sau này trở nên phổ biến lần đầu tiên xuất hiện: ‘Cha ghi dấu Thánh giá cho con và Thêm sức cho con với dầu thánh cứu độ. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.’

“Từ những gì chúng tôi đã nhắc lại, rõ ràng là trong viêc ban phép Thêm sức ở phương Đông và phương Tây, mặc dù theo cách khác nhau, vị trí quan trọng nhất đã được chiếm giữ bởi sự xức dầu thánh, vốn theo một cách nào đó đại diện cho việc tông đồ đặt tay. Vì việc xức dầu thánh này biểu thị một cách hợp lý sự xức dầu thiêng liêng của Chúa Thánh Thần, Đấng được ban cho các tín hữu, Chúng tôi muốn khẳng định sự tồn tại và tầm quan trọng của nó.

“Về các từ được đọc khi xức dầu thánh, Chúng tôi đã xem xét là nó xứng đáng với phẩm giá của công thức đáng kính được sử dụng trong Hội Thánh Latinh, nhưng chúng tôi đánh giá cao cho công thức rất cổ xưa thuộc về Nghi lễ Byzantine, mà qua đó ân ban của chính Chúa Thánh Thần được bày tỏ, và sự tuôn tràn của Thánh Linh vào ngày Lễ Ngũ Tuần (xem Cv 2: 1-4, 38) được nhắc lại trong tâm trí. Do đó, chúng tôi chọn công thức này, lấy lại hầu như từng chữ một.

“Vì vậy, để cho việc sửa đổi Nghi thức Thêm sức, như là phù hợp, bao gồm cả bản chất của nghi thức bí tích, bởi Quyền Tông đồ Tối thượng của chúng tôi, Chúng tôi quyết định và đặt ra rằng trong Hội Thánh Latinh, các điều sau đây phãi được tuân giữ cho tương lai:

“Bí tích Thêm sức được ban thông qua việc xức dầu với dầu thánh trên trán, vốn được thực hiện bằng cách đặt tay, và qua các từ ngữ: Accipe signaculum Doni Spiritus Sancti (Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần.)

“Tuy nhiên, việc đặt tay trên ngưởi lãnh bí tích, được thực hiện với lời nguyện quy định trước khi xức dầu thánh, ngay cả khi nó không phải là điều cốt yếu của nghi thức bí tích, vẫn được coi là rất quan trọng, vì nó góp phần vào sự hoàn thành nghi thức và vào sự hiểu biết kỹ hơn về Bí tích. Rõ ràng là việc đặt tay trước này khác với việc đặt tay sau trong việc xức dầu thánh lên trán.

“Sau khi thiết lập và tuyên bố tất cả các yếu tố này liên quan đến nghi thức thiết yếu của Bí tích Thêm sức, Chúng tôi cũng chấp thuận, bởi Quyền Tông đồ Tối thượng của chúng tôi, Sách Nghi Thức (Ordo) cho cùng Bí tích này, được sửa đổi bởi Thành Bộ Phượng tự và Kỷ luật Bi Tích, sau khi tham khảo ý kiến của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và Thánh Bộ Phúc âm hoá cho các Dân tộc, về các vấn đề thuộc thẩm quyền của họ. Ấn bản Latinh của Sách Nghi thức này chứa hình thức bí tích mới sẽ có hiệu lực, ngay khi nó được xuất bản; các ấn bản bằng các ngôn ngữ địa phương, được soạn thảo bởi các Hội đồng Giám mục và được Tòa thánh phê chuẩn, sẽ có hiệu lực vào ngày mỗi Hội đồng Giám mục quyết định. Sách Nghi Thức cũ có thể được sử dụng cho đến cuối năm 1972. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-1973, chỉ có Sách Nghi Thức mới được sử dụng bởi các người hữu quan.”

Bí tích Thêm sức được cử hành theo cách như sau:

“26. Phó tế hoặc linh mục mang dầu thánh đến cho giám mục. Mỗi ứng viên tiến đến Giám mục, hoặc Giám mục có thể đi đến từng ứng viên. Người giới thiệu ứng viên đặt bàn tay phải của mình lên vai ứng viên và nói tên ứng viên cho Giám mục, hoặc ứng viên có thể nói tên của mình.

“27. Đức Gíám mục nhúng ngón cái tay phải của mình vào dầu thánh, và làm dấu thánh giá trên trán của người được Thêm sức, và nói:

“Giuse…, con hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần.

Người mới được Thêm sức trả lời: Amen.

Giám mục nói: Bình an của Chúa ở cùng con.”

Cần lưu ý rằng nghi thức mới, trong khi hợp nhất việc xức dầu bằng việc đặt tay, không còn quy định rằng vị chủ lễ đặt tay phải lên đầu ứng viên như trong hình thức ngoại thường. Sự khác biệt này đã khiến một số nhà thần học bí tích đặt câu hỏi về sự rõ ràng của nghi thức hiện tại, liên quan đến việc đặt tay và đề nghị phục hồi việc này. Trong thực tế, nhiều Giám mục vẫn tiếp tục đặt tay theo cách trước đây. Tuy nhiên, nếu ngài chỉ sử dụng ngón tay cái lên trán, thì đây cũng sẽ là sự đặt tay.

Các điều này, tôi tin rằng, là các lý do thần học cơ bản cho việc tại sao một dụng cụ không thể được sử dụng trong phép Thêm sức.

Cũng có một số nhà thần học, khi sử dụng các lập luận lịch sử và phụng vụ, cho rằng, ít nhất là về lý thuyết, có thể sử dụng một dụng cụ. Tuy nhiên, vì chúng ta đụng đến các câu hỏi về tính hợp lệ của bí tích, nên câu hỏi này không thể được trả lời trên cơ sở mục vụ. Nó chỉ có thể được quyết định bởi Quyền Tối thượng của Hội Thánh, và có lẽ sẽ cần một tài liệu về mức độ của một tông hiến để làm ra sự thay đổi, và chỉ khi sự thay đổi này được coi là có thể và ở trong quyền của Hội Thánh đối với các bí tích mà thôi. (Zenit.org 21-4-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/using-cotton-balls-at-confirmation/
 
Thánh Kinh tại Cốt Lõi của Lòng Tin Công Giáo
Monsignor J. Brian Bransfield / Nguyễn Văn
11:10 21/04/2020
Người ta chất vấn mọi điều người Công Giáo tin tưởng có xuất phát từ Kinh Thánh không? Câu tả lời vừa là “có” vừa là “không.” Hội Thánh “không kín múc sự chắc chắn của các chân lý được mặc khải chỉ qua Kinh Thánh mà thôi (Giáo Lý Công Giáo np. 82 Dei Verbum 9). Giêsu là nguồn mạch tối thượng của mọi điều người Công Giáo tin tưởng, vì Người mặc khải kế hoạch của Thiên Chúa cứu độ thế gian khỏi tội lỗi khi Người mặc khải về tình yêu của Cha. Giêsu làm điều này vì Người là Con Thiên Chúa. Người luôn luôn kết hợp với Cha của Người và như thế Người là sự viên mãn của cả hai Mặc Khải.

Sứ mạng của Giêsu tiếp tục qua việc hành đạo của Hội Thánh do Người thiết lập, và người đã ban cho Hội Thánh nguồn cảm hứng của Thần Khí để hướng dẫn trong mọi sự. Mặc Khải của Giêsu như thế đã trải rộng đến các Tông Đồ và truyền lại cho ta qua hai phương thế: Sách Thánh và Truyền Thống.

Sách Thánh là Lời do Thiên Chúa thần hứng, bộ sưu tập các sách thánh đã truyền lại cho ta chân lý Mặc Khải qua chữ viết.

Truyền thống, như được Hội Thánh hiểu, không chỉ là một tổng kết các tập quán đã tồn tại qua thời gian. Truyền thống bao gồm các đạo huấn, sự sống, và sự thờ phượng của Hội Thánh. Truyền thống được duy trì hiện nay từ các Tông Đồ đề cao thực tại rằng các Tông Đồ đã đón nhận lời nói và việc làm của Giêsu, đấng đã uỷ thác cho Hội Thánh năng quyền dạy dỗ nhân danh Người. “Truyền thống truyền đạt, trong sự trọn vẹn của nó, Lời Thiên Chúa được uỷ thác cho các tông đồ bởi Đức Kitô là Thầy và bởi Thần Khí (GLCG 81; Dei Verbum 9).

Kinh Thánh mặc khải rằng Thiên Chúa đã hoàn tất kế hoạch cứu độ yêu thương để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Đỉnh cao của toàn Kinh Thánh là lời và việc làm của Giêsu, đặc biệt nơi Cuộc Thương Khó, cái chết và Phục Sinh vinh quang của Người.

Các điều người Công Giáo tin tưởng được tìm thấy trong Kinh Thánh bằng hai cách: rõ ràng và ngụ ý. Một số đạo huấn của Hội Thánh Công Giáo dễ dàng tìm thấy trong Kinh Thánh. Thí dụ, Giêsu là Con Thiên Chúa, Người đã kêu mời Mười Hai Tông Đồ đi theo Người, Người đã chữa lành, đã tha tội và đã công bố Nước Thiên Chúa thể hiện nơi con người của Người, tất cả đều rõ ràng trong Kinh Thánh. Thần Khí bộc lộ ra ý nghĩa trọn vẹn của các sự kiện này trong và qua Hội Thánh, và làm cho các sự kiện này mang quyền năng trải qua lịch sử và trong đời sống của chúng ta hiện nay.

Một số điều chúng ta tin tưởng được dấu kín hơn. Tình yêu yêu thích dấu kín một số kín ẩn, để khi khám phá ra, chúng ta được bội phần hoan hỉ bởi vẻ đẹp của chúng. Mầu nhiệm về Giêsu quá sâu kín đến nỗi đôi khi các bạn phải tìm hiểu thật kỹ để thấy được mọi góc cạnh mà Người đã tỏ ra.

Thần Khí đã che khuất một số chiều kích của sứ mạng của Giêsu trong Kinh Thánh. Các chân lý của lòng tin được minh tỏ bởi truyền thống qua Thẩm quyền huấn đạo chính thức (Magisterium) của Hội Thánh. Những chân lý này không bao giờ trái nghịch với Lời Chúa trong Sách Thánh, nhưng diễn đạt chân lý của Sách Thánh rõ ràng hơn.

Thần Khí giúp chúng ta tìm ra và diễn đạt các mẫu nhiệm này. Đạo huấn về Ba Ngôi, có Ba Ngôi Vị trong một Thiên Chúa duy nhất được tìm thấy trong Kinh Thánh trong nhiều trường hợp khi Giêsu nói về sự liên hệ của Người với Cha và Thần Khí. Đặc ngữ mà Hội Thánh cần đến để bầy tỏ mầu nhiệm này được ban cho Hội Thánh trong hàng trăm năm bởi cùng một Thần Khí đã thần hứng cho các nhà ghi chép Phúc Âm khi họ chép lại những lời Giêsu mặc khải ra mầu nhiệm này vào lúc đầu tiên. Các đạo huấn của Hội Thánh về Mẹ Đầy Ơn Phúc, các thánh, vai trò của nhân đức và sự thánh thiện được tìm thấy trong Kinh Thánh một cách ngụ ý ở nhiều mức độ khác nhau.

(Nguồn: http://usccb.org/bible/understanding-the-bible/study-materials/articles/bible-at-core-of-catholic-beliefs.cfm -- Monsignor J. Brian Bransfield hiện là Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trước đây ông là Giám đốc điều hành Uỷ ban Loan Báo Tin Mừng)
 
VietCatholic TV
Tiến sĩ George Weigel: Những bài học cần rút ra cho Giáo Hội và thế giới sau vụ cáo gian ĐHY Pell
Giáo Hội Năm Châu
02:03 21/04/2020
Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và hiện là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo, vừa có một bài viết trên tờ First Things hô hào rằng vụ Tòa án tối cao ở Úc minh oan cho Đức Hồng Y Pell cần phải khiến cho cả Giáo hội và các chính quyền trên thế giới suy nghĩ rõ ràng hơn, và hành động công bằng hơn, khi phải đối mặt với tội ác lạm dụng tình dục. Biết bao các linh mục bị oan vì sự tín nhiệm đối với người khiếu nại, do các áp lực xã hội, trong quá nhiều trường hợp, đã được nâng lên thành tiêu chí duy nhất để xét xử. Bị cáo bị khẳng định ngay từ đầu có tội. Hành động như thế, người ta hủy bỏ hai trong số những trụ cột quan yếu của luật hình sự: đó là bị cáo phải được giả định là vô tội và nghĩa vụ của nhà nước là phải chứng minh được bị cáo thực sự có tội chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi một sự nghi ngờ hợp lý.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: After Cardinal Pell’s Rightful Acquittal. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


After Cardinal Pell’s Rightful Acquittal
George Weigel


Sau phán quyết trắng án đúng đắn của Đức Hồng Y Pell
J.B. Đặng Minh An dịch


Quyết định đồng thanh của Tòa án tối cao của Úc bác bỏ các bản án chống lại Đức Hồng Y George Pell về tội “lạm dụng tình dục trong quá khứ” và khẳng định ngài hoàn toàn vô tội đã được hân hoan chào đón. Sự thật và công lý đã được phục hồi. Một người vô tội đã được giải thoát khỏi nhà tù. Hệ thống tư pháp hình sự ở tiểu bang Victoria được cơ quan tư pháp tối cao của Úc khiển trách rằng họ đã gây ra những sai trái nghiêm trọng. Những kẻ thù ghét Đức Hồng Y Pell trên các phương tiện truyền thông Úc đã được nhắc nhở rằng sức mạnh của họ có những giới hạn.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều cần được suy xét sau vụ án này, trong đó chứa đựng tất cả những dấu ấn tỏ tường đến mức trắng trợn của một cuộc săn phù thủy.

Phải chăng tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc (ABC) do chính phủ tài trợ đã thông đồng với một sở cảnh sát Victoria bại hoại trong một nỗ lực nhếch nhác để đào bới những tội ác bị cáo buộc mà trước đó chưa từng được báo cáo? Tại sao một vụ án yếu đến mức như vậy lại có thể được đưa ra xét xử, trong bối cảnh là các bằng chứng nhằm thuyết phục rằng những gì được cáo buộc đã xảy ra chỉ đơn giản là không thể xảy ra trong khung thời gian và tình huống mà người khiếu nại tố cáo? Tại sao bồi thẩm đoàn chưa bao giờ được thông báo rằng người khiếu nại có tiền sử về các vấn đề tâm lý? Bầu không khí đánh hội đồng ở Victoria có ảnh hưởng như thế nào đến bồi thẩm đoàn bế tắc trong phiên tòa đầu tiên xét xử Đức Hồng Y, và ảnh hưởng ra sao đến bản án có tội vô lý đến mức không thể nào hiểu được của bồi thẩm đoàn trong phiên tòa tái thẩm? Tại sao Đức Hồng Y bị cấm cử hành thánh lễ trong hơn 400 ngày, ngay cả trong khi bị biệt giam?

Đây là những câu hỏi thích đáng với nước Úc và cần được các cơ quan công quyền ở đó kiểm tra; ít nhất cần phải có một cuộc điều tra của quốc hội về hành vi của ABC và cảnh sát Victoria. Vụ án Đức Hồng Y Pell cũng có ý nghĩa đối với các quốc gia khác và đối với Giáo hội trên thế giới, khi các quan chức chính quyền và các nhà lãnh đạo Công Giáo tiếp tục vật lộn với bệnh dịch toàn xã hội về nạn lạm dụng tình dục người trẻ.

Đức Hồng Y Pell đã có hai phiên xét xử bồi thẩm vì ở bang Victoria, một bị cáo trong vụ án hình sự không thể yêu cầu được xét xử bởi một phiên tòa gồm toàn các thẩm phán, từ chuyên môn gọi là “bench trial”. Chắc chắn chính sách này cần phải được xem xét lại trong tất cả các khu vực tài phán mà nó đang có hiệu lực, do khó khăn cực độ của việc đưa ra một bồi thẩm đoàn không thiên vị trong các tình huống công chúng đang bị gây sốt bởi các phương tiện truyền thông như những phiên tòa xung quanh vụ Đức Hồng Y Pell (giống như vụ Salem ở Mỹ năm 1692, hoặc vụ án Dreyfus tại Pháp năm 1894).

Tại tiểu bang Victoria, một cáo buộc hình sự về lạm dụng tình dục có thể được đưa ra xét xử chỉ dựa thuần túy trên lời của người khiếu nại. Không cần phải có bằng chứng cụ thể của hành vi lạm dụng được cho là đã xảy ra. Điều này cần phải được xem xét lại, không chỉ ở Úc mà còn ở cả các quốc gia khác.

Vụ kiện của công tố viên chống lại Đức Hồng Y Pell thuần túy dựa trên sự tin tưởng vào người khiếu nại, ngoài ra không có gì khác. Hai thẩm phán đưa ra quyết định phúc thẩm vào mùa hè năm ngoái đã giữ nguyên lời kết tội Đức Hồng Y cũng viện dẫn sự tín nhiệm tương tự trong quyết định của họ. Có một cái gì đó sai lầm rất nghiêm trọng ở đây. Mặc dù, sự tin tưởng vào sự thành thật của người khiếu nại nên là sự khởi đầu của một chuỗi lý luận pháp lý, nhưng nó không phải là sự kết thúc của vấn đề. Vì nếu “sự tin tưởng nơi sự thành thật” của người khiếu nại là tiêu chí duy nhất để xét xử, thì khi đó việc bảo vệ một người bị phỉ báng thực sự là không thể nào có thể thực hiện được trong một vụ án lạm dụng tình dục (hoặc bất kỳ cáo buộc nào khác).

Khi nâng một tiêu chí của xét xử pháp lý, là sự tín nhiệm đối với người khiếu nại, lên thành tiêu chí duy nhất để xét xử, là khẳng định ngay từ đầu bị cáo có tội, prima facie, và hủy bỏ hai trong số những trụ cột quan yếu của luật hình sự: đó là bị cáo phải được giả định là vô tội và nghĩa vụ của nhà nước là phải chứng minh được bị cáo thực sự có tội chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi một sự nghi ngờ hợp lý. Phán quyết của Tòa án Tối cao phản đối mạnh mẽ sự tập trung phán xét hẹp hòi này, tương tự như những gì Thẩm phán Mark Weinberg nêu ra khi bất đồng quan điểm với quyết định phúc thẩm sai lầm hồi tháng 8 năm ngoái. Các bồi thẩm viên và những ai hành nghề pháp lý trên toàn thế giới nên chú ý điều này. Nếu không, tình cảm sẽ thay thế lý trí trong việc xét xử các vụ án hình sự, và đó thực sự là sự kết thúc của pháp luật.

Sự thiếu trách nhiệm của truyền thông không chỉ là vấn đề ở Úc. Tuy nhiên, ABC đã đặt ra một kỷ lục mới cho sự xấu xa của nó trong chiến dịch phỉ báng chống lại Giáo Hội Công Giáo và Đức Hồng Y Pell, khi mở một chiến dịch đạt đến độ sâu mới của sự bại hoại ngay cả khi Tòa án Tối cao đang xem xét quyết định kháng cáo. Và ABC là một dịch vụ phát sóng thuộc sở hữu công cộng. Do đó, cần phải có một số suy nghĩ nghiêm chỉnh về trách nhiệm công cộng của các đài truyền hình nhà nước trên toàn thế giới. Không ai có quyền dùng tự do ngôn luận hoặc quyền tự do báo chí để tham gia vào các hành vi cố ý phỉ báng tính cách của người khác, và càng chắc chắn rằng không ai có thể dùng tiền của người nộp thuế để thực hiện các hành vi khốn nạn như vậy.

Đức Hồng Y Pell đã được minh oan, nhưng những vấn đề khác tiếp theo vẫn chưa được giải quyết. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng việc trắng án của Đức Hồng Y giúp cả Giáo hội và các chính quyền suy nghĩ rõ ràng hơn, và hành động công bằng hơn, khi phải đối mặt với tội ác lạm dụng tình dục.


Source:The First Things
 
Phạm thánh nghiêm trọng tại Cape Town: Bị cô lập, dân đói quá trộm cướp cả nhà thờ chính tòa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:06 21/04/2020


1. Mất công ăn việc làm vì virus Tầu, dân cướp phá nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận Cape Town

Tử vong tại Nam Phi cho đến nay là 58 người, trong số 3,300 trường hợp nhiễm coronavirus. Con số tuy không nhiều so với các quốc gia khác, nhưng Nam Phi đã áp dụng một biện pháp cách ly gắt gao từ ngày 27 tháng Ba. Ban đầu, tổng thống Cyril Ramaphosa chỉ có ý định cô lập cả nước trong 3 tuần, nhưng nay lệnh cô lập được gia hạn đến cuối tháng này vì e rằng quốc gia này không có đủ điều kiện y tế để đối phó nếu dịch bệnh bùng phát trên quy mô lớn.

Nam Phi là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới. Chênh lệch giàu nghèo rất cao. Khi quốc gia này đóng cửa hầu hết các hoạt động thương mại, những người nghèo bị tổn thương nặng nề nhất.

Ở Johannesburg, thực phẩm đã được phân phát vào hôm thứ Hai cho những người vô gia cư sống sót bằng cách nhặt rác và mang thủy tinh, nhựa và các vật liệu khác đến các trung tâm tái chế.

Tuy nhiên, ở các nơi khác như Cape Town, dân chúng đói quá đã cướp phá các siêu thị, cả nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận Cape Town cũng bị cướp phá.

Trong một video được công bố vào chiều thứ Hai 20 tháng Tư, Đức Cha Sylvester David, thuộc dòng Dòng Truyền Giáo Mẹ Maria Vô Nhiễm, là một trong hai Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận cho biết như sau:

“Thật đáng buồn và đáng báo động khi chúng tôi phải xác nhận với anh chị em tin tức đã được loan đi trên các phương tiện truyền thông xã hội rằng nhà thờ chính tòa của chúng ta đã bị cướp phá.”

Đức Cha David nói rằng nhiều đồ Phụng Vụ khác nhau đã bị đánh cắp trong quá trình cướp phá này bao gồm cả một bình đựng Mình Thánh Chúa, một hộp đựng Mình Thánh Chúa để trao cho kẻ liệt, bốn cây nến bạc, một chén mạ vàng và hai chiếc dĩa đựng Mình Thánh Chúa mạ vàng. Các thùng tiền cũng bị lấy đi.

Ngoài các thiệt hại vật chất, những kẻ cướp đã mạo phạm Thánh Thể.

“Các bánh thánh được thánh hiến trong bình đựng Mình Thánh Chúa đã được bỏ lại bên trong nhà tạm, nhưng những bánh thánh trong hộp đựng Mình Thánh Chúa để trao cho kẻ liệt đã bị lấy đi. Đã có sự mạo phạm,” Đức Cha David nói.

Vụ cướp phá nhà thờ chính tòa Đức Bà xảy ra vào khoảng những giờ đầu tiên của ngày thứ Bảy 18 tháng Tư. Thiệt hại đã được báo cáo cho Cảnh sát Trung tâm Cape Town khi vụ cướp được phát hiện vào ngày hôm sau bởi ông từ trông nom nhà thờ.

Truyền thông Nam Phi cho biết, ngoài các vụ trộm, những kẻ phá hoại đã giật tung cánh cửa nhà tạm khỏi các bản lề và xé các thảm bên dưới. Ước tính thiệt hại là hơn 100,000 Rand, tức là khoảng 5,400 Mỹ Kim.

Nhà thờ chính tòa Đức Bà Cape Town, có tên gọi đầy đủ là nhà thờ Đức Bà lánh nạn sang Ai Cập, là nhà thờ chính tòa của “Thành Phố Mẹ” – do Cape Town được coi là thành phố đầu tiên của Nam Phi. Ngôi nhà thờ này cũng là ngôi nhà thờ Mẹ của tất cả các nhà thờ Công Giáo Nam Phi và là thánh đường đầu tiên được xây trên đất Nam Phi.

Năm 1839, anh chị em giáo dân đã mua thửa đất này và hai năm sau đó khởi công xây dựng. Nam Phi lúc đó tràn ngập người Tin Lành Hà Lan, người Công Giáo không có bao nhiêu nên việc xây cất diễn ra rất chậm chạp.

Ngày 30 tháng 7, 1847, Tòa Thánh thiết lập Miền Giám Quản Tông Tòa Mũi Hảo Vọng. Ngày 28 tháng Tư, 1851, sau 12 năm xây dựng, ngôi nhà thờ mới được xây xong và thánh hiến. Đến ngày 13 tháng 6, 1939, Tòa Thánh đã thành lập giáo phận Cape Town.

100 năm sau khi được khánh thành, ngôi nhà thờ trở thành nhà thờ chính tòa vào năm 1951 khi Đức Thánh Cha Piô thứ 12 nâng giáo phận Cape Town lên hàng tổng giáo phận.

Do sự bùng phát COVID-19, Tổng giáo phận Cape Town đã đình chỉ việc cử hành thánh lễ công khai từ ngày 17 tháng 3.

Một lễ phạt tạ cho hành vi cướp phá này được dự trù diễn ra sau khi lệnh cô lập chấm dứt vào cuối tháng này.


Source:Catholic News Agency

2. Thượng nghị sĩ Mỹ phân tích sự nham hiểm của Trung Quốc trong dịch bệnh toàn cầu hiện nay

Tử vong toàn thế giới đã lên đến 169,967 người, trong số 2,474,857 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 42,298 người, trong số 789,234 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ qua, Hoa Kỳ thiệt mất 1,561 người và thêm 25,844 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton của tiểu bang Arkansas đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa của coronavirus từ lâu trước những người khác. Ông đã tham gia trong chương trình “The 700 Club” của đài truyền hình CBN vào tối thứ Hai để nói về vai trò của Trung Quốc trong đại dịch này và trình bày ý kiến liên quan đến các báo cáo cho rằng virus có khả năng đã phát sinh từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rất rõ ràng rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm gây ra đại dịch này trên thế giới,” Thượng nghị sĩ Tom Cotton nói.

“Tất cả các bằng chứng, chắc chắn chỉ mới là gián tiếp thôi, nhưng tất cả các bằng chứng hiện nay đều chỉ ra rằng các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là nguồn gốc có khả năng nhất cho loại virus này. Có thể đó là một trường hợp rủi ro tình cờ xuất phát từ sự kém cỏi của Trung Quốc, nhưng họ chắc chắn biết những rủi ro đó, họ biết những thiếu sót trong các phòng thí nghiệm đó”.

Đi xa hơn nữa, Thượng nghị sĩ Cotton nhận định rằng sau khi đại dịch đã bùng phát, Trung Quốc đã thực hiện các bước cần thiết để phát tán virus trên toàn thế giới.

“Thậm chí còn tệ hơn, vào cuối tháng 12, đầu tháng Giêng, một khi các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc đã rõ ràng rằng loại virus này rất dễ lây lan và gây chết người và đang truyền từ người sang người, họ tiếp tục khuyến khích người dân đi ra ngoài Trung Quốc đến những phần còn lại của thế giới,” ông nói.

“Tôi tin rằng đó là một quyết định có chủ ý được thiết kế để gieo mầm bệnh trên khắp thế giới nhằm bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không phải là quốc gia duy nhất chịu sự suy giảm sức mạnh so với các nước khác. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã gây ra đại dịch này, và tại sao phải có những hậu quả dành cho họ.”

Sau khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc không chỉ che đậy tin tức về virus này mà còn tích trữ các nguồn cung cấp, bao gồm cả các dược phẩm và các dụng cụ y tế nhằm kinh doanh kiếm lời trên sự đau khổ của các nước khác, kể cả bằng việc xuất khẩu các thiết bị y tế kém phẩm chất góp phần gây ra một tỷ lệ tử vong rất cao ở Âu Châu.

Thượng nghị sĩ Cotton nhấn mạnh rằng những điều này sẽ thay đổi cách chúng ta làm ăn với Trung Quốc; và trước mắt là phải thực hiện những gì có thể để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch coronavirus kinh hoàng này.


Source:CBN News

3. Chưa từng có: Tòa Thánh phải tuyên bố hoãn WYD và Đại Hội Gia Đình Thế Giới

Trong một tuyên bố được đưa ra vào chiều thứ Hai 20 tháng Tư, Ông Matteo Bruni /mát-tê-ô brú-nì/, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô, cùng với Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống, đã quyết định hoãn lại một năm Đại Hội Gia Đình Thế Giới và Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Toàn văn tuyên bố như sau:

Do tình hình sức khỏe hiện tại và những hậu quả của nó đối với việc di chuyển và tập hợp những người trẻ và gia đình, Đức Thánh Cha, cùng với Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đã quyết định hoãn các Hội nghị Thế giới tiếp theo lại một năm. Đại Hội Gia Đình Thế Giới, trước đây được dự trù tại Rôma vào tháng 6 năm 2021 và Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo, trước đây được dự định diễn ra tại Lisbon vào tháng 8 năm 2022, sẽ dời vào tháng 6 năm 2022 và vào tháng 8 năm 2023.

Nói tóm lại, Đại Hội Gia Đình Thế Giới sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng 6 năm 2022. Tương tự như vậy, Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo sẽ được tổ chức tại Lisbon vào tháng 8 năm 2023.


Source:Holy See Press Office

4. Tin vui: Các nhà thờ ở Nam Hàn được mở cửa trở lại

Các trường hợp nhiễm coronavirus tiếp tục giảm ở Nam Hàn. Hôm thứ Hai 20 tháng Tư, chỉ có 13 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận, trong đó có 7 người nhiễm bệnh khi ra nước ngoài. Đây là ngày thứ ba liên tiếp con số nhiễm bệnh mới dưới 20 trường hợp; ngày Chúa Nhật 19 tháng Tư chỉ có 8 trường hợp. Hôm 29 tháng 2, được kể là ngày căng thẳng nhất, có 909 người nhiễm bệnh tại Nam Hàn.

Tính chung, có 10,674 người bị nhiễm bệnh; 236 người chết. 1,006 người nhiễm bệnh trong khi ở nước ngoài, 90% nhiễm bệnh trong nước.

Chính phủ đã mở rộng các biện pháp cách ly xã hội đến cuối tháng 5, nhưng đã giảm bớt một số khía cạnh. Những nơi công cộng như nhà thờ, phòng tập thể dục và quán bar có thể mở cửa trở lại. Các kỳ thi tại các trường và các cuộc phỏng vấn xin việc làm cũng được phép. Tất cả điều này là thành quả của việc tuân thủ các hướng dẫn về sức khỏe. Giải bóng chày địa phương, một môn thể thao rất phổ biến với người Hàn Quốc, cũng được khởi động trở lại, mặc dù không có khán giả.

Nam Hàn được coi là một mô hình đáng đề cao trong cuộc chiến chống lại đại dịch: một sự đường lối dân chủ - cùng với Đài Loan – so với mô hình độc tài của Trung Quốc. Các chuyên gia nói rằng một trong những yếu tố chính đóng góp nhiều nhất cho thành công này, là phản ứng nhanh chóng trước những dấu hiệu đầu tiên của cuộc khủng hoảng; các xét nghiệm chẩn đoán rộng rãi; biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt; sự tham gia và hợp tác của dân chúng.

Hôm Chúa Nhật 19 tháng Tư, Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về vai trò của Trung Quốc và WHO trong trận đại dịch coronavirus kinh hoàng này, và nhấn mạnh rằng Úc đã đạt được thành công trong việc hạn chế sự lây lan của virus một phần là nhờ làm ngược lại những lời khuyên của WHO.

Ông Hunt nhận xét rằng mặc dù WHO đã thực hiện tốt việc phòng chống các bệnh như bại liệt, sởi và sốt rét, nhưng phản ứng của họ đối với coronavirus “đã chẳng giúp gì cho thế giới”.

“Chúng tôi đã làm rất tốt vì chúng tôi đã đưa ra quyết định của riêng mình với tư cách là một quốc gia,” ông nói thêm.


Source:Asia News

5. Sự im lặng của thời gian này dạy chúng ta lắng nghe

Lúc 7 sáng thứ Ba 21 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cho trong thời gian này, được đặc trưng bởi đại dịch và một sự im lặng mới, tất cả chúng ta có thể phát triển các kỹ năng lắng nghe.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Trong thời gian này có rất nhiều sự im lặng. Im lặng cũng có thể được nghe thấy. Sự im lặng này là một chút mới trong thói quen của chúng ta, dạy chúng ta lắng nghe, khiến chúng ta phát triển kỹ năng lắng nghe. Hãy cầu nguyện cho điều này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài đọc Một trích từ sách Tông đồ Công vụ (Cv 4: 32-37) mô tả cuộc sống của các thành viên trong cộng đồng Kitô tiên khởi đồng tâm nhất trí với nhau và không ai coi tài sản của mình là của riêng, nhưng mọi thứ đều là của chung.

Bài Ðọc I: Cv 4, 32-37

“Họ một lòng một ý với nhau”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Ông Giuse, người mà các tông đồ đặt tên là Barnabê, nghĩa là con sự an ủi, một thầy tư tế, quê ở Cyprô, có một thửa ruộng, ông bán đi và đem tiền đặt dưới chân các tông đồ.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Được tái sinh bởi trời là được tái sinh nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể giữ Chúa Thánh Thần làm của riêng cho mình; chúng ta chỉ có thể để Ngài biến đổi chúng ta. Và sự ngoan ngoãn của chúng ta mở ra cánh cửa cho Chúa Thánh Thần: chính Ngài là người tạo ra sự thay đổi, sự biến đổi, sự tái sinh từ bởi trời này. Vì thế, Chúa Giêsu hứa gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta. Chúa Thánh Thần có khả năng làm nên những điều kỳ diệu, những điều mà chúng ta thậm chí không thể nghĩ ra.

Cộng đồng Kitô giáo tiên khởi này là một ví dụ. Đó là một thực tại, không phải là ảo mộng, những gì cộng đồng này nói với chúng ta là một mô hình, trong đó chúng ta có thể đạt đến khi ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần bước vào và biến đổi chúng ta. Một cộng đồng có thể nói là “lý tưởng”. Đúng là các vấn đề sẽ bắt đầu ngay sau đó, nhưng Chúa cho chúng ta thấy chúng ta có thể đi bao xa nếu chúng ta cởi mở với Chúa Thánh Thần, nếu chúng ta ngoan ngoãn. Trong cộng đồng này có sự hài hòa. Chúa Thánh Thần là bậc thầy của sự hòa hợp, Ngài có khả năng làm điều đó và Ngài đã làm điều đó ở đây. Ngài phải làm điều đó trong trái tim của chúng ta, Ngài phải thay đổi nhiều điều trong chúng ta, nhưng để làm cho hòa hợp: bởi vì chính Ngài là sự hòa hợp với Chúa Cha và Chúa Con. Và Chúa Thánh Thần, với sự hài hòa của Ngài, tạo ra những điều kỳ diệu như trong cộng đồng này.

Đây là một mô hình: Chúa đã cho chúng ta thấy mô hình này, một mô hình gần như của cộng đồng “trên trời”, để cho chúng ta thấy nơi chúng ta nên hướng đến.

Nhưng sau đó, cùng một Sách Tông đồ Công vụ này cho ta biết về nhiều vấn đề trong cộng đồng đã xảy ra theo dòng lịch sử. Chia rẽ bắt đầu trong cộng đồng. Thánh Giacôbê Tông đồ, trong chương thứ hai Lá Thư của ngài, nói: “Xin cho niềm tin của anh em được miễn dịch với sự thiên vị cá nhân”, vì đã có như thế! “đừng đối xử thiên tư”: các tông đồ phải lên tiếng để răn đe, vì đã có chuyện như thế! Và Thánh Phaolô, trong Thư Thứ Nhất gửi các tín hữu Côrinthô, trong chương 11, phàn nàn rằng: “Tôi đã nghe nói rằng có những chia rẽ giữa anh em”: các chia rẽ nội bộ trong cộng đồng đã bắt đầu. Đây là “lý tưởng” phải đạt được, nhưng nó không phải là dễ dàng: có rất nhiều điều gây chia rẽ một cộng đồng, dù cộng đồng ấy có thể là một giáo xứ, một giáo phận, hay một cộng đồng giáo sĩ hoặc tu sĩ... nhiều điều có thể chia rẽ cộng đồng.

Tôi thấy có ba điều chia rẽ các cộng đồng Kitô tiên khởi, đầu tiên là tiền bạc. Khi Thánh Giacôbê Tông đồ nói “đừng đối xử thiên tư”, ngài đưa ra một ví dụ “giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: ‘Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này’, còn với người nghèo, anh em lại nói: ‘Đứng đó!’ hoặc: ‘Ngồi dưới bệ chân tôi đây!’, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?” Thánh Phaolô cũng nói tương tự: “Người giàu mang theo thức ăn và ăn, còn người nghèo thì đứng đó, chúng ta để họ ở đó như muốn nói với họ: “Tự lo lấy cho mình đi nhé”. Tiền chia rẽ, lòng yêu mến tiền bạc của cải chia rẽ cộng đồng, chia rẽ Giáo hội.

Nhiều lần, trong lịch sử của Giáo hội, ở những nơi có những sai lệch về tín lý, tuy không phải lúc nào cũng vậy nhưng biết bao lần chúng ta thấy có tiền đứng đằng sau những chuyện như thế: tiền từ quyền lực, cả quyền lực chính trị, và tiền mặt, nhưng thảy đều là tiền. Tiền chia rẽ cộng đồng. Vì lý do này, sự thanh bần là mẹ của cộng đồng, vì sự thanh bần là bức tường bảo vệ cộng đồng. Tiền chia rẽ, gây ra tư lợi. Ngay cả trong các gia đình: có bao nhiêu gia đình cuối cùng chia rẽ với nhau vì gia tài? Có bao nhiêu gia đình như thế? Và họ không bao giờ nói chuyện lại với nhau. Biết bao nhiêu những gia đình như vậy!

Một điều khác chia rẽ một cộng đồng là sự vênh vang phù phiếm, đó là mong muốn cảm thấy mình hơn những người khác trong cộng đồng. “Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa, vì con không giống như những người khác”, đó là lời cầu nguyện của người Pharisêu. Phù phiếm trong tư duy, trong cách chưng diện, biết bao nhiêu lần - không phải luôn luôn nhưng biết bao nhiêu lần - việc cử hành bí tích là một ví dụ về sự phù phiếm, ai mặc trang phục đẹp nhất, ai làm cái này và ai làm cái kia. Phù phiếm cũng bước vào đó. Và sự phù phiếm gây ra chia rẽ. Bởi vì sự phù phiếm dẫn anh chị em đến chỗ trở thành một con công và nơi nào có một con công, luôn luôn có sự chia rẽ, luôn luôn.

Điều thứ ba chia rẽ một cộng đồng là những trò ngồi lê đôi mách: đây không phải là lần đầu tiên tôi đề cập đến chuyện này, đó là một thực tế. Đó là điều mà ma quỷ đặt vào chúng ta, cái gì đó giống như một nhu cầu nói về người khác. “Đó là một người tốt, NHƯNG,” có một chữ NHƯNG ngay lập tức, và đó là một viên đá để loại bỏ người khác, sau chữ NHƯNG ấy, ngay lập tức là một điều gì đó mà “tôi nghe thấy người ta nói”.

Thánh Linh luôn đi kèm với sức mạnh để cứu chúng ta khỏi thế giới tiền bạc, phù phiếm và ngồi lê đôi mách này, bởi vì Thánh Linh không thuộc về thế gian, nhưng chống lại thế gian. Chúa Thánh Thần có khả năng làm những điều kỳ diệu, những điều tuyệt vời này.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho sự ngoan ngoãn với Thánh Linh để Ngài biến đổi chúng ta và biến đổi các cộng đồng của chúng ta, các cộng đồng địa phương, giáo phận và tu trì của chúng ta: Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, để luôn tiến lên trong sự hòa hợp mà Chúa Giêsu muốn cho các cộng đồng Kitô giáo.


Source:Vatican News