Ngày 20-04-2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giám Mục Balan chính thức xác nhận phép lạ Thánh Thể sau khi có ý kiến của Bộ Giáo Lý Đức Tin
Đặng Tự Do
00:44 20/04/2016
Đức Cha Kiernikowski trong thánh lễ sáng Chúa Nhật 17/04/2016 tại nhà thờ Thánh Jack ở Legnica
Một Bánh Thánh chảy máu tại Balan “có tất cả dấu ấn của một phép lạ Thánh Thể” đã được phê chuẩn để tôn kính sau một thời gian dài suy tư và sau những ý kiến của Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng như của các cơ quan pháp y thuộc chính quyền dân sự.

Lời loan báo này đã được Đức Cha Zbigniew Kiernikowski Giám Mục giáo phận Legnica đưa ra vào ngày Chúa Nhật 17/04.

Trong bản tuyên bố đấng bản quyền địa phương cho biết là vào Ngày Lễ Giáng Sinh năm 2013, một Bánh Thánh đã rơi xuống sàn. Nó đã được đặt vào một hộp chứa nước. Những tia máu đỏ đã xuất hiện trên bánh thánh sau đó.

Sau khi phát hiện điều này, Đức Giám Mục lúc đó của giáo phận Legnica, là Đức Cha Stefan Cichy, nay đã hưu dưỡng, đã thiết lập một uỷ ban để tiếp tục quan sát hiện tượng này.

“Vào tháng Hai 2014, một mảnh nhỏ có tia máu đã được tách ra và đặt vào một khăn thánh. Ủy ban đã quyết định yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện các cuộc xét nghiệm toàn diện.”

Thông cáo y khoa cuối cùng của Cục Pháp Y Balan cho biết: “Dựa trên hình ảnh cấu trúc mô, thì những mảnh vụn được phát hiện có chứa những phần rời rạc của một dạng cơ bắp rất giống với cơ tim với những thay đổi thường thấy trong thời gian đau đớn. Các nghiên cứu di truyền cho thấy mô này có nguồn gốc con người.”

Sau khi đã tham khảo ý kiến của Bộ Giáo Lý Đức Tin vào Tháng Giêng 2016, và sau một thời gian dài suy tư và cầu nguyện, Đức Cha Kiernikowski long trọng tuyên bố rằng Bánh Thánh này “có tất cả những dấu ấn của một phép lạ Thánh Thể”.

Vào Tháng Tư, theo những đề nghị của Toà Thánh, Ngài đã yêu cầu cha chính xứ của nhà thờ nơi xảy ra hiện tượng này, là Cha Andrzej Ziombrze, “hãy chuẩn bị một nơi xứng đáng cho Thánh Tích để người tín hữu có thể tôn kính”.

Cuối bản tuyên bố Đức Cha Kiernikowski viết:

“Tôi hy vọng rằng điều này sẽ làm sâu sắc thêm sự tôn sùng Thánh Thể và sẽ có tác động sâu sắc đến đời sống của những người đến viếng Bánh Thánh này”.

Anh chị em giáo dân đọc tuyên bố chính thức của giáo phận xác nhận phép lạ Thánh Thể
 
Tuyên bố của Đức Giám Mục Legnica về phép lạ Thánh Thể tại giáo xứ Thánh Jack, Legnica, Balan
J.B. Đặng Minh An dịch
00:43 20/04/2016
Đức Cha Kiernikowski trong thánh lễ sáng Chúa Nhật tại nhà thờ Thánh Jack ở Legnica


Anh chị em thân mến trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!

Với tư cách là Giám Mục Legnica, tôi long trọng công bố trước công chúng và thông báo về một sự kiện đã diễn ra tại giáo xứ Thánh Jack tại Legnica trong đó có các dấu ấn của phép lạ Thánh Thể. Vào ngày 25 Tháng Mười Hai 2013 trong khi phân phát Mình Thánh Chúa, một Bánh Thánh đã được truyền phép rơi xuống sàn nhà và sau đó được nhặt lên và được đặt trong một hộp chứa đầy nước. Ngay sau đó, những tia màu đỏ xuất hiện. Đức Cha Stefan Cichy, là Giám mục Legnica lúc ấy, đã thiết lập một ủy ban để quan sát hiện tượng này. Vào tháng Hai năm 2014, một mảnh nhỏ màu đỏ của Bánh Thánh được tách và đặt trên một khăn thánh. Ủy ban đã truyền lấy mẫu để tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng bởi các viện nghiên cứu có liên quan.

Trong thông báo chính thức của Cục Pháp y, chúng ta đọc thấy như sau:

“Dựa trên hình ảnh cấu trúc mô, thì những mảnh vụn được phát hiện có chứa những phần rời rạc của một dạng cơ bắp rất giống với cơ tim với những thay đổi thường thấy trong thời gian đau đớn. Các nghiên cứu di truyền cho thấy mô này có nguồn gốc con người.”

Vào tháng Giêng năm nay, tôi đã trình bày toàn bộ vấn đề với Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin tại Vatican. Hôm nay, theo khuyến cáo của Tòa Thánh, tôi truyền cho cha sở là cha Andrzej Ziombro chuẩn bị một nơi thích hợp để trưng bày thánh tích để các tín hữu có thể tôn kính cách xứng đáng.

Tôi cũng yêu cầu cung cấp cho các du khách những thông tin và tiến hành giảng dạy thường xuyên để giúp các tín hữu có thái độ thích hợp với Thánh Thể. Tôi cũng truyền hình thành một cuốn sách ghi lại tất cả những trường hợp nhận được các ơn ích và các sự kiện kỳ diệu khác.

Tôi hy vọng rằng điều này sẽ làm sâu sắc thêm sự tôn sùng Thánh Thể và sẽ có tác động sâu sắc đến đời sống của những người đến viếng Bánh Thánh này. Chúng ta cần thấy nơi dấu chỉ mầu nhiệm này một cử chỉ ngoại thường của tình yêu và sự tốt lành của Thiên Chúa, là Đấng đã đến với con người chấp nhận sự sỉ nhục tột cùng.

Tôi thân ái xin anh chị em cầu nguyện cho tôi và nguyện chúc lành cho anh chị em

+ Zbigniew Kiernikowski

Giám Mục Legnica
 
Tin Lành Lutheran Na Uy chấp nhận “hôn nhân đồng tính”
Đặng Tự Do
01:15 20/04/2016
Ba phần tư dân số của Na Uy là tín hữu của Giáo Hội Tin Lành Lutheran. Quốc gia này đã công nhận các kết hiệp đồng tính như là hôn nhân từ năm 2009. Giáo Hội này đã cố chống lại trào lưu trên và cho đến phiên họp khoáng đại năm 2014 vẫn tiếp tục giữ vững lập trường.

Tuy nhiên, trong phiên khoáng đại tuần qua, áp lực của phe cấp tiến đã thắng thế. Từ nay, các mục sư trong Giáo Hội này muốn hay không cũng phải cử hành lễ cưới cho các cặp đồng tính.

Theo thống kê vào tháng 7, 2015, Na Uy có 5,207,700 dân. Người Công Giáo chỉ có 1.8% dân số sinh hoạt trong một giáo phận duy nhất là giáo phận thủ đô Oslo; và 2 miền phủ doãn tông tòa.
 
Trò hề công lý Pakistan: Kẻ chủ mưu thiêu sống một cặp vợ chồng người Công Giáo trong lò gạch được ung dung về nhà
Đặng Tự Do
03:40 20/04/2016
Trong bản tin hôm 19 tháng Tư, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã bày tỏ sự thất vọng sâu xa đối với nền tư pháp của Pakistan trước các diễn biến mới nhất liên quan đến vụ thiêu sống hai vợ chồng người Công Giáo trong một lò gạch tại huyện Kot Radha Kishan, tỉnh Kasur, bang Punjab.

Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm Chúa Nhật 2 tháng 11, 2014 trong khi dọn dẹp nhà cửa chị Shama Bibi, 31 tuổi, tìm thấy những giấy tờ cũ của người cha chồng. Chị đem đốt những giấy tờ này thì một người làm chung là Muhammad Irfan la làng lên là chị đã đốt một bản sao của kinh Qu'ran. Một đám đông khoảng 300 người Hồi Giáo kéo đến vây quanh chị và chồng là anh Shahzad Bibi, 35 tuổi. Chúng bắt họ đưa đến một lò làm gạch. Tại đây chúng đánh đập hai vợ chồng què chân rồi quăng vào lò lửa nung gạch.

Chị Shama Bibi đang có thai và là mẹ của 4 người con nhỏ.

Tội ác khủng khiếp này tạo ra sự công phẫn nơi cộng đồng các Kitô hữu Pakistan, nhưng cũng tạo ra một sự phấn khích cao độ nơi những người Hồi Giáo mà trong tim đen của họ việc giết hại những Kitô hữu như thế không phải là một tội ác nhưng trái lại là một hành động đáng tuyên dương “vì chính nghĩa của đạo Hồi”.

Shahbaz Sharif, Thống đốc bang Punjab và là anh trai của Thủ tướng Chính phủ Pakistan Nawaz Sharif-- đã cho mở một cuộc điều tra về trường hợp tử vong này và mặt khác ra lệnh cho cảnh sát bảo vệ chặt chẽ các khu phố Kitô giáo trước nguy cơ bạo loạn lan rộng.

Ngày 4 tháng 11 năm 2014, lực lượng chống khủng bố Pakistan bắt giữ 4 nghi can trong đó có Yousaf Gujjar, người chủ của lò gạch.

Hôm 23 tháng 11 năm 2014, Tòa án Tối cao Pakistan đã yêu cầu chính quyền nước này mở một cuộc điều tra về vụ giết người tàn bạo này. Tòa cũng đòi nhà cầm quyền phải điều tra về trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc thi hành một án lệnh của tòa đưa ra vào tháng Sáu cùng năm nhằm bảo vệ các cộng đồng thiểu số.

Cho đến cuối năm 2014, tổng cộng 106 người đã bị câu lưu. Trong phiên sơ thẩm vào tháng Giêng năm 2015, chánh thanh tra cảnh sát tỉnh Kasur, người thực hiện điều tra, chỉ đích danh Yousaf Gujjar là kẻ chủ mưu. Các nhân chứng cho biết Yousaf Gujjar thiếu tiền công của hai vợ chồng nạn nhân nên đã nhân dịp này kích động đám đông cuồng nộ giết chết các nạn nhân. Viên chánh thanh tra cảnh sát nói với tòa án về Yousaf Gujjar như sau: “Nếu không có sự xúi giục của cá nhân này, tai nạn sẽ không bao giờ xảy ra”.

Nhiều người lầm tưởng công lý sẽ được thực hiện. Nhưng không phải như thế. Tổ chức “Legal Evangelical Assistance and Development” gọi tắt là LEAD chuyên trợ giúp pháp lý cho các Kitô hữu bị bách hại tại Pakistan cho biết mọi sự đã dần dần bị đảo ngược. Chỉ huy cảnh sát huyện Kot Radha Kishan là Asi Mohammad Ali đột nhiên phủ nhận tất cả những cáo buộc của ông ta đối với Yousaf Gujjar.

Yousaf Gujjar, do đó, được tòa truyền tha cho về nhà hôm thứ Hai 18 tháng Tư vừa qua. Trong khi đó, thân nhân của anh chị Shahzad Masih và Sharma tiếp tục gánh chịu những áp lực rất lớn từ những nhóm Hồi Giáo quá khích phải bãi nại nếu không họ sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Hai vợ chồng anh chị Shahzad và Shama Bibi
 
Chúng ta đều là những kẻ có tội, cho nên xin đừng đạo đức giả
Bùi Hữu Thư
08:19 20/04/2016

Vatican, 20/4/2016: Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích về lòng thương xót: Các bác sĩ không thể sợ bị nhiễm trùng vì bệnh nhân.

Xin đừng đạo đức giả và phán đoán kẻ khác y như chính mình không bao giờ phạm tội.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều này trong bài giảng sáng nay tại quảng trường Thánh Phêrô trong buổi triều kiến chung, khi ngài suy niệm về Thánh Kinh Thánh Luca nói về người Pharisêu Simon và người đàn bà có tội được Chúa Giêsu tha thứ.

Ngài nói rằng trình thuật này chứng tỏ lòng thương xót một cách rõ ràng. Đức Thánh Cha ghi nhận rằng ông Simon muốn mời Chúa Giêsu đến nhà vì đã nghe nói đến những gì tốt đẹp Chúa đã làm và Chúa là một tiên tri cao trọng. Trong khi mọi người ngồi ăn trưa, một phụ nữ được tất cả mọi người trong thành biết tiếng là người tội lỗi bước vào. Bà này không nói gì cả, đã đến quỳ trước chân Chúa Giêsu và oà khóc, nước mắt bà làm ướt chân Chúa. Sau đó bà đã lấy tóc mình để lau chân Chúa, hôn chân Người, và xức dầu thơm bà mang trên mình lên chân Chúa. Nhận thấy lòng chân thành của đức tin và sự hối cải của bà, Chúa đã nói rằng các tội lỗi của bà đã được tha, và bà có thể đi về bình an.

Đức Thánh Cha so sánh: Simon, một ‘người tuyệt đối trung thành với lề luật’, đã phán đoán kẻ khác theo bề ngoài, trong khi người đàn bà đã bầy tỏ lòng thành của mình qua các cử chỉ của bà.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: Người Phasisêu phản đối Chúa Giêsu vì đã để cho bị ‘nhiễm độc’ bởi người tội lỗi.

Đức Thánh Cha nói: Mặc dầu Simon mời Chúa Giêsu đến nhà, ông không muốn bị ảnh hưởng hay phải dính líu cuộc đời với Chúa, trong khi người đàn bà lại hoàn toàn tin cậy nơi Chúa với tấm lòng yêu mến và tôn kính..
Đừng sợ bị nhiễm độc

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Lời Chúa dậy chúng ta biết phân biệt giữa tội lỗi và người có tội: “Với tội lỗi chúng ta không thể bao dung, trong khi với người có tội – nghĩa là tất cả chúng ta! – tất cả chúng ta đều có bệnh, cần được chữa lành, và muốn chữa bệnh, bác sĩ phải đến gần, thăm hỏi họ, và đụng chạm tới họ. Và dĩ nhiên, người bệnh, muốn được chữa lành thì phải công nhận họ cần có bác sĩ.”

Lòng chân thành đem lại sự tự do

Đức Thánh Cha nhắc: Không sợ bị ‘lây’, Chúa Giêsu tha thứ cho bà. Chúa có tự do khi làm như vậy, nhờ sự gần gũi với Thiên Chúa, là Cha của các Lòng Thương Xót.

“Và sự gần gũi mật thiết với Thiên Chúa, Đấng giầu lòng xót thương, đã khiến cho Chúa Giêsu có sự tự do. Thực vậy, bước vào mối tương quan với kẻ tội lỗi, Chúa Giêsu chấm dứt tình trạng cô lập hoá của phán xét vô lương tâm của người Pharisêu và các đồng bạn của ông – là những người khai thác lợi dụng bà – và lên án bà.”

Chúng ta hãy nhìn vào nội tâm

“Tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, nhưng thường khi chúng ta bị rơi vào chước cám dỗ của lòng đạo đức giả, là tin rằng chúng ta tốt lành hơn người khác để nói rằng: “Hãy nhìn xem tội lỗi của bạn kìa…”

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp: “Ngược lại, tất cả chúng ta nên nhìn vào tội lỗi chúng ta, những sa ngã, những sai lầm, và ngước nhìn lên Chúa. Đây là con đường cứu rỗi: mối tương quan của “Tôi” kẻ tội lỗi và Chúa.”

Đức Thánh Cha suy niệm: sự hối cải của người đàn bà tội lỗi trước mắt tất cả mọi người cho thấy nơi Chúa Giêsu sáng rực quyền năng của lòng thương xót của Thiên Chúa, có khả năng biến cải các tâm hồn.

Đức Thánh Cha nói: Người đàn bà tội lỗi dậy cho chúng ta biết sự nối kết giữa đức tin, tình yêu và lòng biết ơn. Ngài ghi nhận rằng kẻ được tha thứ lại được ban cho khả năng yêu thương, trong khi những ai chỉ được tha thứ chút ít, thì chỉ yêu thương rất ít.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bằng việc cầu nguyện cho chúng ta được ban ơn đức tin, và khuyến khích chúng ta tạ ơn Thiên Chúa về Tình Thương cao cả chúng ta không xứng đáng được lãnh nhận nơi Người.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại hội Linh mục Tuyên úy đoàn Việt Nam Úc Châu 2016 bế mạc
Trần Văn Minh
08:58 20/04/2016
Melbourne, sau giờ kinh sáng, Thánh lễ đặc biệt lúc 9 giờ 30 sáng Thứ Tư 20/4/16 tại Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, được quý cha trong Tuyên Úy đoàn Việt Nam Úc châu từ khắp các tiểu bang đồng tế, để chuẩn bị bế mạc đại hội Linh mục Tuyên Úy đoàn thường niên 2016.

Mời xem hình

Thánh lễ do Linh mục Bùi Xuân Mỹ chủ tế cùng với các Linh mục Tuyên Úy đoàn bao gồm quý cha:

TUYÊN ÚY ĐOÀN,

CỘNG ĐỒNG Công Giáo VIỆT NAM LIÊN BANG ÚC CHÂU. (VCCA).

Linh mục Chu Văn Chi Sydney

Đức ông Nguyễn Minh Tâm Adelaide.

Linh mục Bùi Sơn Lâm Sydney.

Linh mục Bùi Xuân Mỹ Canberra.

Linh mục Nguyễn Minh Nguyên Brisbane.

Linh mục Vũ Trọng Tuyển Melbourne.

Linh mục Trần Ngọc Tân Melbourne.

Linh mục Nguyễn Hữu Quảng Melbourne.

Linh mục Hoàng Kim Huy Melbourne

Trước khi cử hành mầu nhiệm Thánh, Linh mục chủ tế Bùi Xuân Mỹ Canberra, đã ngỏ lời cám ơn linh mục quản nhiệm Giuse Trần Ngọc Tân và Cộng đoàn Công Giáo Thánh Vinh Sơn Liêm, đã có lòng quảng đại đón tiếp và phục vụ chu đáo anh em linh mục từ khắp các tiểu bang trên toàn nước Úc về họp. Trong phần chia sẻ lời Chúa, Linh mục Chu Văn Chi đã nói về nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã trao phó cho các linh mục, là được sai đi loan báo tin mừng, Cha cũng kể một câu chuyện về một nữ tù nhân bị giam trong ngục, vào đêm Chúa Phục Sinh đã hô vang lời: Alleluia và đã được các bạn tù cùng nhất loạt hô vang lời Alleluia. Sau đó cô bị đánh, khi cai ngục trả về lại xà lim, cô nói dù bị đánh đau, nhưng cô rất vui sướng vì đã loan báo được tin mừng đến nhiều người. Trong dịp này, cha cũng ngỏ lời cám ơn và xin mọi người hợp ý cầu nguyện cho anh em linh mục luôn hoàn thành sứ vụ mà Thiên Chúa trao phó.

Thánh lễ khai mạc đại hội đã được các Linh mục đồng tế chiều Thứ Hai 18/4/16.

Sau thánh lễ, một bữa ăn tối mừng họp mặt thật vui vẻ, và các linh mục đã có cuộc họp sơ khởi bàn về nghị trình cho đại hội thường niên của Tuyên Úy đoàn Linh mục Việt Nam Úc châu.

Sang ngày kế tiếp, đại hội đã được Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Melbourne, cũng là cố vấn của ban tuyên úy đến chủ tế lễ đồng tế lúc 5.30 chiều Thứ Ba, cùng dùng bữa và dự giờ họp với tuyên úy đoàn. Được biết, đại hội đã diễn ra trong ba ngày, kết thúc vào trưa thứ Tư 20/4/2016.



Đây là phiên họp cuối, đúc kết và kết thúc đại hội lúc 12 giờ trưa, với thành phần ban đại diện 2016 – 2018 như sau:

1. Chủ Tịch: Linh Mục Paul Chu Văn Chi - Sydney.

2. Phó Chủ Tịch: Linh Mục Peter Bùi Xuân Mỹ - Canberra.

3. Thư Ký: Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm - Adelaide.

4. Thủ Quỹ: Linh Mục Giuse Trần Ngọc Tân - Melbourne

5. Ủy Viên Truyền Thông: Linh Mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng - Melbourne.

6. Cố Vấn: Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá TGP Melbourne.

Sau bữa cơm trưa, các linh mục lưu luyến chia tay nhau ra về lại nhiệm sở. Trong tình thân ái, quý cha hết lời cám ơn đến cha quản nhiệm và cộng đoàn, nhất là các chị em trong các ban lo về ẩm thực và phục vụ. Nấu ăn đã ngon, trang trí đẹp mà còn có thêm chút hài hước, các cha sau các buổi họp được thưởng thức thêm niềm vui qua các món ăn trên thực đơn như: Nhà hàng Mã Lai, Nhà hàng Korean, Nhà hàng Thánh Vinh Sơn Liêm thật đặc biệt, dù “cơm đâu cũng gạo nhà này” qua các đầu bếp chị Cẩm, chị Trị, chị Vinh cùng các chị Thanh (Lý) hai chị Hải, chị Mây, Đinh Thanh, chị Hóa, hai chị Vân, chị Phúc, chị Sáng, Hà, vv. và xin Chúa chúc lành cho hết mọi người đã bằng mọi cách giúp đỡ cho đại hội.
 
Lễ Chúa Chiên Lành: Ngày cầu nguyện cho ơn gọi tại họ đạo Búng, GP. Phú Cường
Phượng Nguyễn
08:51 20/04/2016
LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH TRONG TRÁI TIM TRẺ THƠ HỌ ĐẠO BÚNG

Một màu nắng dịu dàng tràn ngập trên quê hương tôi, quê hương của những ai đi xa đều muốn quay về, quê hương của bao đời người đã đến và sinh sống tại Búng, một họ đạo đã có 44 linh mục- linh mục tiên khởi là Thánh Phêrô Đoàn Công Qúi- với bề dày đạo đức, lòng nhiệt thành minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa, và một tình yêu trẻ thơ đang triển nở trên mảnh đất mầu mỡ này.

Xem Hình

Nơi vườn cây Huỳnh đường, dưới bóng giáo đường cổ kính, hình ảnh Chúa Chiên lành, vác con chiên lạc trên vai với đôi mắt dịu dàng thương mến. Một đời người, một rừng cây, vì lợi ích giáo dục trẻ thơ, gieo mầm tin yêu ơn Thiên Triệu, ơn gọi cao quý phụng sự Thiên Chúa với những hy tế trên bàn thờ, vì thế Lễ Chúa Chiên Lành được tổ chức long trọng trên mảnh vườn ươm ơn gọi phía sau nhà thờ Búng

Vào lúc 8g, ngày 17-4-2016 cha sở Micae Lê văn Khâm chính thức khai mạc buổi trình diễn tu phục, giới thiệu và giao lưu các dòng tu bằng lời cầu nguyện xin ơn Thánh Thần hoạt động trên các em, để các em hướng vào tương lai theo Thánh ý Chúa.

Những chiếc khăn quàng nổi bật hình thánh giá trên màu áo trắng như khung cảnh thơ mộng đầy quyến rũ của tháp chuông vút cao in bóng Thánh giá trên nền trời xanh biếc. Thánh giá, tình yêu và con đường- tất cả đang trải rộng trước mắt các em.

Phần trình diễn Tu Phục cho thấy 48 dòng tu với ơn gọi, linh đạo tôn chỉ, mục đích- những dòng tu có mặt trên đất nước Việt Nam và nước ngoài, để các em cầu nguyện xin ơn Chúa dìu dắt. Chương trình văn nghệ đặc sắc gieo vào lòng các em một niềm tin sâu sa, một sự khởi đầu tốt đẹp, một sự chọn lựa tiên quyết theo bước Chúa Giêsu vào đời.

Sau giờ giải lao, các em Thiếu Nhi được giao lưu gặp gỡ với các Sơ, các Thầy, xin những tờ bướm qua những câu hỏi ngây ngô và nụ cười hồn nhiên trẻ thơ, khiến cái nắng gay gắt trở nên dễ chịu. Đỉnh cao của ngày Cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu hôm nay là Thánh lễ đồng tế được diễn ra trong bầu không khí nóng, giữa nhiệt độ bốc cao và nơi các em một tình yêu ngời sáng. Cha sở Micae, quý cha phó, quý cha đại diện các dòng tu dâng lễ trong bầu khí sốt mến với tiếng hát thanh thanh của ca đòan Thiếu Nhi Họ đạo Búng.

Qua Tin mừng Thánh Gioan, Cha sở Micae đưa dẫn mọi người đến dòng suối mát trong, với Chúa Giêsu- vị mục tử nhân lành. Ta đã biết từ khi các ngươi còn trong lòng mẹ, cả những ý nghĩ thầm kín và trong mọi hoạt động. Và con chiên biết Ta. Hình ảnh chủ chiên quy tụ đoàn chiên, từng con chiên đưa vào đàn không để con nào đói, bị hư hại; một đoàn chiên lành mạnh tới đồng cỏ xanh, và được sống dồi dào. Hồng ân Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa vẫn ân ban dư đầy cho những người dấn thân trong ơn gọi, cảm nhận hồng phúc Thiên Chúa dành riêng cho mình. Hôm nay các dòng tu đến đây, để các em có dịp gặp gỡ, nhận ra chương trình Chúa hoạch định riêng, tiến tới theo ơn gọi, để mọi người cộng tác chung với nhau, làm thành sườn nối kết ơn cứu độ trên Thánh giá. Xin Chúa cho các em hôm nay, Giáo Hội ngày mai nhận được ơn gọi, và đáp trả; bởi Lời Chúa là hạt giống tốt tươi gieo vào mảnh đất mầu mỡ này.

Hình ảnh thật đẹp nơi vườn ươm ơn gọi có sự hiện diện của các Linh mục và Tu sĩ đọng lại sâu sa trong lòng các em; sự mềm mại dễ thương của các em thật trong sáng và tinh khiết cho ánh nắng ban mai ùa vào, nở hoa.

Cha phó Giuse Lê Anh Hùng đại diện Họ đạo Búng cảm ơn các dòng tu đã đến đây giao lưu. Sự quảng đại của quý Tu sĩ là ấn tượng đẹp màu áo mà các em vinh dự mặc vào, là một hứa hẹn cho ơn Thiên Triệu trong tương lai.

Cuộc lễ đã kết thúc vào lúc 11g, mọi người ra về trong niềm vui quê hương Việt Nam có rất nhiều thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo, và chủ đề GIEO MẦM TIN YÊU hôm nay sẽ sinh sôi những hạt 30, 60 và 100.
 
17 năm sinh hoạt Liên Đới Nghể Nghiệp tại giáo xứ Việt Nam Paris 2000-2016
Trần Văn Cảnh
09:04 20/04/2016
17 NĂM SINH HOẠT LIÊN ĐỚI NGHỀ NGHIỆP TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS 2000-2016

NHỮNG NGÀY CHUẨN BỊ NĂM 1999. Theo hướng thông điệp « Ðệ tam thiên niên », do Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố vào ngày 10.11.1994 cho toàn Giáo Hội, ngày 16.01.1998, Ðức Hồng Y Jean Marie Lustiger, Tổng Giám Mục Paris đã công bố một chương trình Bác Ái để chuẩn bị năm thánh 2000, nâng mức sống đạo của các giáo xứ trong Tổng Ðịa Phận Paris và mở ra một đường lối mục vụ mới đi vào thế kỳ XXI. Một Ủy Ban « Bác Ái năm 2000 » đã được thành lập.

Tham dự tích cực chương trình «Bác Ái Năm 2000», Ban Giám Ðốc Giáo Xứ Việt Nam đã chọn tiểu ban cuối cùng và đã đưa ra một sáng kiến rất độc đáo « Sống bác ái qua liên đới nghề nghiệp ». Một lá thư ngỏ « Thành lập Liên Đới Nghề Nghiệp » đã được phổ biến trong các thánh lễ Chúa Nhật trong tháng hai và tháng ba năm 1999 và được phổ biến rộng rãi qua báo Giáo Xứ Việt Nam, số 151, ngày 01.03.1999. Hưởng ứng lời mời của Ban Giám Ðốc và Ban thường vụ, các ngành nghề lần lượt tổ chức những « Ngày gặp gỡ » để chuẩn bị thành lập Liên Ðới Nghề Nghiệp.

Nhóm Thân Hữu Taxi đã được thành lập từ 1996, qui tụ khoảng 42 anh chị nhóm viên hành nghề taxi, với cha Tuyên Úy Mai Đức Vinh và hai người điều hành : Đại diện: Anh Nguyễn Minh Dương, Phó đại diện: Anh Trần Xuân Lâm.

Nhóm Chuyên gia đã đáp lời mời của cha Tuyên Úy Đinh Đồng Thượng Sách, họp lần đầu tiên ngày 17.10.1999, qui tụ 17 anh chị nhóm viên và bầu Ban đại Diện : Trưởng Ban : A. Lương Công Bình, Phó trưởng Ban : A. Võ Thành Nhơn, Thư ký : C. Lê Xuân Phương, Thủ Quĩ : A. Nguyễn quốc Tuấn, Tiếp tân : C. Võ Ngọc Nga, Phụng vụ : A. Vũ thiện Tiến.

Ngày 07.11.1999, hai mươi người, hầu hết là trẻ tuổi, thuộc ngành xây dựng, điện, ống nước, sưởi, sơn, âm thanh, đã đáp lời mời của Ðức Ông Mai Ðức Vinh về dự phiên họp đầu tiên của Liên Ðới Xây Dựng. Anh em đã bỏ phiếu tín nhiệm ba anh dưới đây vào Ban Ðại Diện Nhóm Xây Dựng, nhiệm kỳ 2 năm : Trưởng Ban : A. Ðặng Thái Sơn, Phó Trưởng Ban : A. Nguyễn văn Nam, Thư ký : A. Phan Quốc Minh.

Ngày 05.12.1999, đã đáp lời mời của cha Nguyễn Văn Cẩn và thầy sáu vĩnh viễn Phạm Bá Nha, 20 anh chị em Nhóm Doanh Thương đã đáp lời mời của Cha Cẩn và Thầy Nha về Giáo Xứ cùng họp mặt, nhận biết nhau, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp và cầu nguyện với nhau. Trong một phiên họp khác vào đầu năm 2000, các anh chị em đã bầu được Ban Ðại Diện gồm : Ðại diện : Anh Đỗ Văn Hoà, Phó đại diện: chị Kim Hạnh, Thư ký: Anh Nguyễn Văn Sáng, Thủ qũy : Chị Phạm Sơn Hải.

Nhóm Dịch Vụ đã được thành lập vào năm 2001 do cha tuyên Úy Trần Anh Dũng và hai vị đồng hành là chị Mỹ Phước và chị Đào Kim Phượng.

1. ĐẠI HỘI THÀNH LẬP NĂM 2000 : TÌNH LIÊN ĐỚI NGHỀ NGHIỆP

Chiều 01-05-2000, tại Giáo xứ, Đại hội Liên Đới Nghề Nghiệp đã được tổ chức với gần 200 người tham dự, gồm các anh chị em thuộc các nhóm Chuyên Gia, Dịch vụ, Doanh Thương, Thân Hữu Taxi và xây Dựng.

Hai công việc quan trọng đã được thực hiện :

1. Gặp gỡ, làm quen và trao đổi, từ 15g45 đến 16g30, trong 5 nhóm thảo luận, theo ba câu hỏi sau : 1. Lý do nào phải liên đới nghể nghiệp? 2. Bằng phương thức nào để liên kết các nhóm nghề nghiệp? 3. Cảm tưởng về đại hôi Liên Đới Nghể Nghiệp.

2. Ba quyết nghị của Đại Hội đã được công bố : 1- Thành lập năm nhóm Liên Ðới Nghề Nghiệp : Xây dựng, Doanh thương, Dịch vụ, Thân hữu Taxi và Chuyên gia. Ban Ðại Diện mỗi nhóm sẽ tiếp tục « qui tụ các thành viên thuộc ngành nghề của mình, trao đổi với các thành viên để đưa ra một chương trình sinh hoạt thích hợp. 2- Ban Ðồng Hành và Ban Ðại Diện năm nhóm sẽ có các buổi họp chung định kỳ nhằm « trao đổi kinh nghiệm » và « góp ý xây dựng cho sinh hoạt chung », để hình thức sinh hoạt này ngày càng phát huy tinh thần « tương trợ huynh đệ của Giáo Xứ ». 3- Tổ chức Ðại Hội Liên Ðới Nghề Nghiệp hàng năm vào lễ Thánh Giuse Thợ, nhằm ngày Lễ Lao Ðộng 01-05.

2. ÐẠI HỘI 2001 : HỌC THUYẾT XÃ HỘI Công Giáo

Ðại Hội 01.05.2001 đặc biệt nổi sắc với bài thuyết trình của cha Trần Anh Dũng về đề tài « Con người là con đường đầu tiên của Giáo Hội » để giúp các hội thảo viên hiểu rõ hơn về học thuyết xã hội của Giáo Hội, qua ba thông điệp mới của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II « Rédemptor hominis » (1979), « Laborem hominis » 1981 và Sollicitudo Rei Socialis » 1987.

Và thảo luận của năm nhóm qua 5 câu hỏi do cha Dũng đưa ra :

• Ông bà Anh chi biết gì về « Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo » ?

• Vì sao Giáo Hội luôn trung thành bênh vực và tôn trọng phẩm giá con người ?

• Tại sao Giáo Hội mời gọi mỗi cá nhân tín hữu tích cực đóng góp để xây dựng xã hội trần thế ?

• Ông bà Anh Chị có nghĩ rằng cần phải liên đới để xây dựng Cộng đoàn Giáo xứ, không phân biệt nghề nghiệp, chức phận không ?

• Ðâu là những phương thế sinh hoạt hiệu nghiệm giúp xây dựng và phát triển « Liên Ðới Nghề Nghiệp » trong Cộng đoàn Giáo xứ ?

Trong phần báo cáo sinh hoạt của các nhóm, nhiều tin vui đã được loan báo.

3. ÐẠI HỘI 2002 : CHỨNG TÁ ĐỨC TIN TRONG NGHỀ NGHIỆP

Với chủ đề « Chứng tá đức tin trong nghề nghiệp », cha Ðinh Ðồng Thượng Sách và luật sư Lê Ðình Thông đã dẫn nhập vào câu hỏi « Bạn nghĩ thế nào về vấn đề chứng tá đức tin trong nghề nghiệp ? » để các nhóm thảo luận.

Ðặc biệt năm nay nhóm chuyên gia đã cho ra mắt Mạng Lưới Internet của Giáo Xứ vào ngày 01.05.2002. Và cũng từ năm nay, các nhóm LÐNN đã lấy một sáng kiến mới là quyết định tổ chức tiệc liên đới vào sau Ðại Hội, tại nhà hàng Chinagora để gây quĩ sinh hoạt, giúp Giáo Xứ, hay giúp truyền giáo, xã hội ở Việt Nam.

4. ÐẶI HỘI 2003 : LIÊN ĐỚI TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY, TRONG CỘNG ĐOÀN VÀ TRONG NHÓM VỚI NHAU

Với chủ đề « Liên đới trong đời sống thường ngày, trong cộng đoàn và trong nhóm với nhau », đại hội đã được coi cuộn phim ghi lại những sinh hạt và tiến triển của Phong Trào Liên đới Nghề nghiệp tại Giáo Xứ. Cuốn phim phóng sự « Ba năm chập chững » do Ông Lê Ðình Thông đựng ra, giới thiệu khung cảnh của Giáo xứ, giới thiệu nguồn gốc của LÐNN do Ban Giám Ðốc lập ra vào năm 2000, rồi ống kính lần lượt giới thiệu tựợng trung một số người đại diện cho năm nhóm. Thân Hữu Taxi với anh Trần Bá Lạc, Chị Dương Thị Ðào, và anh Trần Văn Tá. Doanh thương với cửa tiệm may sửa chữa quần áo ở quận 15 Paris, do anh chị Ðỗ Văn Hoà làm chủ. Nhóm Dịch Vụ dọi ống kính vào một nhà thương quận 14, nơi chị Nguyễn Thị Soi làm việc trong chức vụ y tá. Nhóm Xây Dựng với Ông Nguyễn Văn Thơm. Nhóm Chuyên gia với Cha Ðinh Ðồng Thượng Sách và ông Trần Văn Cảnh trong thư viện giáo xứ.

Ðược cuốn phim gợi ý, các hội thảo viên mỗi nhóm nghề nghiệp đi vào một phòng họp riêng để cùng trao đổi và thảo luận.

Cha Trần Anh Dũng đã tóm tắt thật vắn gọn những kết quả thảo luận và nhường lời cho Ðức Ông loan báo một công việc mà Liên Ðới vừa thực hiện và phát hành hôm nay. Ðó là cuốn « NIÊN GIÁM LIÊN ÐỚI NGHỀ NGHIỆP 2003 ». Vỏn vẹn trong 78 trang sách, cuốn Nien Giám LÐNN 2003 có một nội dung cô đọng qua ba phần trình bày. Phần một : tài liệu về tổ chức, ý nghĩa và phân chia ngành nghề. Phần hai Danh tánh, ngành nghề, địa chỉ , điện thoại các thành viên của các nhóm. Chuyên gia đếm được 108 người, Dịch Vụ 48, Doanh Thương 19, Thân Hữu Taxi 43, Xây dựng 24. Phần ba : sinh hoạt các nhóm. Cuốn niên giám hy vọng sẽ đem lại lợi ích cho những ai cần đến.

Hơn một tháng sau, ngày 20.06.2003, bữa cơm liên đới đã được tổ chức tại ASIA PALACE gây quĩ giúp việc truyền giáo ở Việt Nam.

5. ÐẠI HỘI 2004 : TRUYỀN GIÁO TRONG NGHỀ NGHIỆP

Ngày đại hội 01.05.2004, hai việc đã được đề nghị để đào sâu đề tài « Truyền giáo trong nghề nghiệp » :

1. Trình chiếu phim truyền giáo do ông Lê Đình Thông thực hiện.

2. Thảo luận chung xoay quanh các câu hỏi : Truyền giáo và ‘‘dụ vào đạo’’ có khác nhau không ? Truyền giáo là bổn phận của giáo sỹ hay của bạn ? Trong Thánh Kinh những câu nào nói về truyền giáo ? Kết quả truyền giáo đem lại, là của Chúa hay của bạn? Tạo sao khi đi truyền giáo, Chúa dạy phải đi tay không... ?

3. Thánh lễ kết thúc đại hội vào lúc 17g20.

4. Bữa cơm Liên Đới chung tại AciaPalace, Paris 13, được 200 người dự, đông bằng năm ngoái. Mỗi năm cải tiến về tổ chức. Cám ơn và hoan hô tinh thần phục vụ liên đới của nhóm Taxi. Tới giờ cuối, và có người muốn đến chung vui, nhưng nhà hàng từ chối kê thêm bàn. Năm sau xin mua vé sớm hơn, để khỏi mất dịp gặp gỡ vui vẻ. Số tiền chi tiêu còn lại của bữa cơm sẽ gửi về giúp qũi truyền giáo tại Việt Nam.

6. ÐẠI HỘI 2005 : KINH NGHIỆM LIÊN ĐỚI CỦA CÁC NGHIỆP ĐOÀN CHỦ VÀ THỢ Ở PHÁP

Với chủ đề « Rút kinh nghiệm liên đới của các nghiệp đoàn chủ và thợ ở Pháp », đại hội đã được nghe hai người trình bày : Ông Trần Văn Cảnh về « Từ quan niêm liên đới trong Hiến chương Âu châu đến kinh nghiệm liên đới nghề nghiệp của các nghiệp đoàn chủ » ; Ông Lê Ðình Thông về « Từ nghoệp đoàn lao động đến Liên Ðới Nghề Nghiệp ». Sau đó, trong 4 nhóm nhỏ khác nhau, đại hội đã thảo luận theo 4 câu hỏi : Bạn có ý kiến gì về LÐNN tại Giáo xứ ? Xin bạn cho biết ưu khuyết điểm của đại hội LÐNN. Bạn đã làm gì cho LÐNN Giáo xứ ? Và sẽ làm gì cho LÐNN Giáo xứ ?

Sau đó đại hội đề nghị những sinh hoạt cho năm tới : Có thể tổ chức hướng nghiệp, hành hương, tìm việc, picnic, tĩnh tâm, thuyết trình về kinh nghiệm nghề nghiệp. Xin mở lại Văn Phòng kiếm việc như trước đây. Cập nhật và in lại tập Niên Giám. Báo Giáo Xứ nên đăng những bài về Liên Ðới Nghề Nghiệp.

Ðặc biệt trong phần kết thúc đại hội, Đức Ông Giám Ðốc đã công bố rằng kể tứ nay, hai người đại diện của LÐNN tại Giáo Xứ là thầy Tạ Ðình Chung và Giáo sư Trần Văn Cảnh.

7. ÐẠI HỘI 2006 : THỪA KẾ GIA TÀI

Trong những phiên họp chuẩn bị đại hội, nhóm trách nhiệm, theo đề nghị của nhiều người trong cộng đoàn, đã quyết định chọn một đề tài hội học khác với những năm trước. Ðó là đề tài « Thừa kế gia tài ». Ðề tài được bà chưởng khế Mỹ Linh trình bày rầt rõ ràng qua 3 phần : chưởng khế là ai ? Gia tài gồm những gì ? Ai được hưởng và hưởng bao nhiêu ? Sau phần trình bày, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Bà Chưởng Khế Mỹ Linh đã cố gắng giải đáp rất nhiều, nhưng vẫn chưa đủ, dẫu đã tăng thêm hơn nửa giờ. Cuối cùng, Ban tổ chức đã phải xin chấm dứt để tiếp tục chương trình đi dụ thánh lễ và dùng cơm trưa chung thịi kho cá bông lau.

Chiều tối thứ bảy 29.04.2006 trước đó, các thân hữu liên đới đã được mời dụ tiệc liên đới tại Asia Palace, gây quĩ giúp việc truyền giáo ở Việt Nam. Kết quả thâu được 6480€, trả chi phí xong, còn lời 2255€. Tất cả khoản tiền này đã được Ðức Ông gởi về cho Ðức Giám Mục Ðịa Phận Ðà lạt để giúp quĩ truyền giáo cho đồng bào thiểu số.

8. ÐẠI HỘI 2007 : LUẬT LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG CẤM ĐOÁN KỲ THỊ

Với đề tài hội học « Những khía cạnh luật pháp về thâu tuyển nhân viên và những cấm đoán kỳ thị », đại hội đã được nghe luật sư Andrée, một thành viên của Tiểu Ban Luật trong Nhóm Chuyên gia. Nhiều câu hỏi liên quan đến tình trạng kỳ thị trong môi trường lao dộng Pháp và đến vấn đề bảo vệ người lao động gốc việt trước những kỳ thị đã được đặt ra. Luật sư Andrée và luật sư Lê Ðình Thông đã trả lời thoả mãn người hỏi.

Về những việc đã thực hiện, ông Trần Văn Cảnh đã nêu ra 7 việc :

1. NHÓM LIÊN ĐỚI TRẺ : Một thơ pháp việt đã được làm để gởi cho các bạn trẻ mới ra trường hầu giới thiệu Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp và đề nghi họ quy tụ lại lập một NHÓM LIÊN ĐỚI TRẺ (Jeunes diplômés). Nhưng nhóm này chưa được thành lập.

2. Việc chia nhóm chuyên gia. : Chuyên Gia đã được qui tụ vào Ba ngành, như quyết định của buổi họp 20/10/2006 : Ngành NHA Y DƯỢC với các Ðại Diện là Bs Tú, Bs Ðỉnh, Ds Chi, Ds Phương, Bà Nguyện. Ngành KỸ SƯ vói các Ðại Diện là ÔÔ Ðĩnh, Khải, Vượng, Trân, . Ngành LUẬT, QUẢN TRỊ và KHOA HỌC XÃ HỘI với các Ðại Diện là ÔÔ Thông, Khang, Bà Mỹ Linh

3. « Nhóm Chỉ dẫn và tìm kiếm việc làm » gồm Ks Ðặng Mạnh Ðĩnh, Ks Khải, Ks Vượng, Ks Trân. Một khung phương án đã được thực hiện. 8 việc làm đã được giới thiệu qua 3 đợt khác nhau. Nhóm cần sự tham gia và hỗ trợ của các Ðồng Hành và Các Ðại Diện Ngành trong việc cung cấp việc làm và phổ biến các cung cấp ấy.

4. Quầy hướng nghiệp và Trang hướng nghiệp. Trong hai ngày thân hữu 20 và 21/05/2006, một quầy hướng nghiệp đã được mở ra. Khoảng 10 thành viên đã tiếp tay, thay nhau trực quầy để tư vấn.

5. Về việc mỗi ngành viết một bài giới thiệu đăng Báo và Internet GX : Bài giới thiệu có mục đích trình bày hoặc chỉ dẫn về những kinh nghiệm nghề nghiệp, cách học nghề, vào nghề, thực hành nghề, thăng tiến nghề,..

Tháng 12/2006 : Ngành Doanh thương đã viết bài và đã đăng Báo GXVN

Tháng hai 2007 : Ngành Chuyên Gia đã viết hai bài, đã đăng báo và Internet

Tháng ba 2007 : Ngành Dịch Vụ đ đã viết bài dưới dạng phỏng vấn, đã đăng báo và Internet

Tháng tu 2007 : Ngành Thân Hữu Taxi, đã viết bài, đã đăng tháng 04.2007

Tháng năm 2007 : Ngành Xây Dựng

6. Niên Giám Liên Đới Nghề Nghiệp 2007 đã được thực hiện và hiện có trong tay các hội thạo viên là nhờ công khó của Đức Ông Mai Đức Vinh, Thầy Phạm Bá Nha và Chị Thân Thị Kim Liên.

7. Tăng cường Ban đại diện liên ngành. Tất cả các đại diện ngành đều là thành viên của Ban Ðại Diện Liên Ngành. Ðặc biệt, từ tháng ba năm 2007, hai người đã nhận cộng tác tích cực hơn là Ông Lê Triung Tú trong lãnh vực thơ ký và ông Nguyễn Ðình Chiểu trong lãnh vực sinh hoạt.

8. Cải tiến Internet www.giaoxuvnparis.org Từ một năm nay, ban trách nhiệm Internet, dưới sự điều động của thầy Tạ Ðình Chung, đã đưa ra sáng kiến cải tiến việc trình bày màn ảnh của trang mạng lưới giáo xứ cho hấp dẫn và vui tươi hơn. Ðồng thời nâng cao khả năng lưu trữ và giúp tìm b0i dễ dàng hơn. Việc cải tiến này đã thành hình từ hôm nay 01.05.2007.

9. ÐẠI HỘI 2008 : ĐẦU TƯ ĐỊA ỐC

Ông Nguyễn Bá Bảo nói chuyện về « Đầu tư địa ốc » qua hai khía cạnh 1- Nhà cửa cho thuê, nghĩa là có người có nhà, cần cho thuê, và có người cần tìm nhà để mướn mà ở ; 2- Rồi nhà cửa cho bán hay mua.

Ngoài ra, 4 công việc thực hiện khác đã được ghi nhận :

• Tiệc LÐNN Truyền giáo trưa 08/05/2008, tại nhà hàng OLYMPIA, CHINATOWN, lời 3033€, Ðức Ông Mai Ðức Vinh đã gởi về Hội Ðồ Giám Mục Việt Nam.

• Quầy hướng nghiệp trong hai ngày thân hữu giáo xứ vào tháng năm 2007

• Viết và phổ biến những bài hướng học và hướng nghề

• Ngành Chuyên gia sinh hoạt trong ba nhóm : Nha Y Dược, Kỹ sư Kỹ nghệ, Luật Quản trị Xã hội

10. ÐẠI HỘI 2009 : Y KHOA PHÒNG NGỪA

Niên khóa 2008-2009, Liên Ngành LĐNN đã gởi về 3500 € giúp quĩ truyền giáo việt nam, đã khích lệ, hỗ trợ và tham dự sinh hoạt của các ngành Chuyên gia, Taxi, Xây Dựng,… ; đã góp phần bảo trì và phát triển mạng lưới http://giaoxuvnparis.org, tờ báo « Giáo Xứ Việt Nam » và cuốn sách « Giáo Xứ Việt Nam Paris 60 năm ».

• Ðại hội 01/05/2009 về đề tài « Y khoa phòng ngừa » do bốn bác sĩ hướng dẫn. Bác sĩ Tạ Thanh Minh nói về cao áp huyết, Bác sĩ Bích Hiền nói về bệnh tiểu đường, Bác sĩ Lê Trung Tú nói về bệnh ung thư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa phụ giúp trả lời chung.

• Bữa cơm thân hữu Liên đới Truyền Giáo mà LĐNN tổ chức hằng năm, năm 2009 có tên là « Tiệc Liên Đới Truyền Giáo Năm Thánh 2010 » vì LĐNN muốn « Đóng góp tài chánh vào việc tổ chức năm thánh 2010 ». Chắc hẳn vì mục đích cao đẹp này, nhờ sự mời gọi của các cha, do sự tận tình của các cán bộ của Phong trào Liên đới Nghề Nghiệp, mà hơn 300 giáo hữu và bạn bè đã đến tham dự. Kêt quả thâu được 8000€. Tất cả khoản tiền này đã được gởi về cho ĐHY Phạm Minh Mẫn, chủ tich UBGM-HĐGMVN đặc trách tổ chức Năm Thánh 2010.

11. ÐẠI HỘI 2010 : SỐNG NĂM THÁNH VỚI Giáo Hội MẸ VIỆT NAM

1. Học hỏi và trao đổi về « Sống Năm Thánh với Giáo Hội Mẹ Việt Nam”. Dựa trên một tập sách nhỏ đã được soạn sẵn, dài 48 trang, cha Trần Anh Dũng đã giới thiệu sơ qua 3 thời kỳ của Lịch sử Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam.

Ngoài ra, Gs Trần Văn Cảnh đã được mời thuyết trình về « Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam và của Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp » cho hôi Liên Tu sỹ VN tại Pháp (30/06/2009), cho Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (03/07/2010) và cho Giáo Xứ Việt Nam trong 8 tuần lễ, từ 09/05 đến 27/06/2010, trong mỗi Chúa Nhật, trước thánh lễ 11 giờ 30.

2. Tiệc Liên Đới giúp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức Năm Thánh 2010, gửi về cho ĐTGM Nguyễn Văn Nhơn 6000€.

12. ÐẠI HỘI 2011 : SỐNG GƯƠNG LAO ĐỘNG CỦA THÁNH GIUSE

Năm nay, lịch làm việc có sự trùng hợp, ngày 01.05.2011 trùng vào Chúa Nhật đầu tháng, ngày lễ của Giới Trẻ. Do đó, Liên Đới Nghề Nghiệp đơn giản hóa Đại Hội Thường Niên, không tổ chức báo cáo, thuyết trình và trao đổi, mà chỉ có Thánh Lễ 11g 30 chung với cộng đoàn.

Nhưng vẫn duy trì Bữa Cơm Liên Đới, tổ chức vào trưa thứ bảy, 07.05.2011, 12g00 tại nhà hàng China Town, 44, Ave d’Ivry, 75013 Paris. Vé ăn giá 35 euros, mục đích giúp Giáo Xứ tu bổ cơ sở. Tổng kết, bữa tiệc đã thâu được 8535€, chi cho nhà hàng hết 4080€ ; tiền lời góp quỹ tu bổ cơ sở giáo xứ là 4455€.

13. ÐẠI HỘI 2012 : LINH ĐẠO CỦA LIÊN ĐỚI NGHỀ NGHIỆP

1. Gặp gỡ trao đổi qua bữa cơm huynh đệ. Qua Thơ Mời gửi ngày 21.04.2012 tại Giáo Xứ và phổ biến ngày 26.04.2012 trên Vietcatholic gần 300 người đã đến tham dự bữa cơm huynh đệ. Được Nhóm Tầu 101 và Nhóm Liên Đới Nghề Nghiệp Doanh Thương thực hiện, dẫu chỉ có ba món : chả giò, phở bò và chè đậu, nhưng vì làm sốt dẻo và có chất lượng cao, bữa cơm huynh đệ đã được mọi người khen ngon và là một dịp gặp gỡ thành công lớn của Đại Hội năm nay. Kết quả, bữa cơm thu được 3.520 €, chi hết 955 €, lời 2.565 € giúp quỹ giáo xứ.

2. Học hỏi và trao đổi thảo luận. Không kể mục tiêu gặp gỡ, Đại Hội còn có mục tiêu trao đổi, góp ý và thảo luận. Trong việc truyền thông, sự trao đổi, đối thoại là quan trọng. Nhưng sự lắng nghe là điều kiện tiên quyết cho mọi người tham dự.

Lắng nghe cộng đoàn và các thành viên phong trào, từ 14 g30, ba người đã đúc kết, suy nghĩ và đưa ra những đề nghị, những gợi ý.

Đức Ông Mai Đức Vinh, Giám Đốc Giáo Xứ và Tuyên Úy Liên Ngành của Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp đã theo lời đề nghị của các Đại Diện Năm Ngành LĐNN và gợi ý về « Linh đạo của Liên Đới Nghề Nghiệp »

Giáo sư Trần Văn Cảnh, một trong những thành viên sáng lập và hiện là người trách nhiệm Liên Ngành LĐNN đã « Báo cáo những việc Liên Ngành đã thực hiện và đề nghị chương trình cho những năm tới ».

Giáo sư Lê Đình Thông, một trong những thành viên sáng lập và hoạt động trong Phong trào LĐNN, đã thuyết trình về đề tài : « Liên Đới Đức Tin theo gương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ».

Sau khi đã lắng nghe gợi ý, báo cáo, dự án và tuyết trình, các hội thảo viên đã góp ý và thảo luận mà anh chị thư ký đã tóm tắt như sau : 1-Nhận định : Đại Hội LĐNN năm 2012 có khoảng 300 người đến tham gia bữa ăn, nhưng chỉ khoảng 50-70 người tham dự cuộc họp và Thánh Lễ. 2- Đặt vấn đề : Chữ “Liên đới nghề nghiệp” không thực tế, không mấy người hiểu rõ, có cần phải đổi tên ? Để thu hút nhiều người đến với Phong trào, LĐNN có cần phải tổ chức giúp tìm kiếm việc làm và hướng học, hướng nghiệp ? Đại hội LĐNN được tồ chức hàng năm một lần vào tháng 5, có nên chuyển sinh hoạt này vào tháng 10 để phù hợp với mục đích truyền giáo hơn hay không ? 3- Trả lời và quyết định : Bốn trả lời đã được đưa ra. Một quyết định đã được lấy : « Giữ ngày Đại Hội 01/05, tuy nhiên có thể dời Bữa Tiệc Liên Đới Truyền Giáo qua tháng 10 ».

3. Mừng lễ Thánh Giuse thợ. Sau hơn 2 giờ học hỏi, thảo luận và ít phút giải lao, mọi người được mời tham dự thánh lễ kính Thánh Giuse Thợ, quan thầy của Liên Đới Nghề Nghiệp, do cha Đinh Đồng Thượng Sách, Tuyên Úy Ngành Chuyên Gia LĐNN, làm chủ tế, với sự đồng tế của các cha và các phó tế trong Ban Giám Đốc Giáo Xứ và Ban Đồng Hành Phong Trào LĐNN.

14. ÐẠI HỘI 2013 : SỐNG ĐỨC TIN QUA CÁC NGÀNH NGHỀ LĐNN

Áp dụng quyết định của đại hội 2012, từ năm 2013, mỗi năm có 2 ngày sinh hoạt lớn cho Liên Ngành Liên Đới Nghề Nghiệp.

Đại Hội : Ngày 01/05/2013, Phong trào Liên Đới Nghề Nghiệp đã cử hành Đại Hội thứ XIV, xoay quanh ba việc : cầu nguyện chung qua lễ thánh Giuse Thợ, trao đổi thảo luận về đề tài « Sống Đức Tin qua các ngành nghề LĐNN » và gặp gỡ qua bữa cơm huynh đệ, gây quĩ giúp giáo xứ, thâu được 4685 €, chi hết 1357 €, còn lại cho quĩ là 3328 €.

Tiệc Truyền Giáo : Thứ bảy, ngày 19/10/2013. Vào dịp Khánh Nhật Truyền Giáo, gần 300 người, đích xác là 276, đã đáp lời mời của Giáo Xứ Việt Nam Paris, đến tham dự TIỆC TRUYỀN GIÁO, gây quỹ giúp việc truyền giáo ở Việt Nam. Kết quả thâu được đã gửi về cho Đức Cha Long, chủ tịch ủy ban truyền giáo HĐGMVN. Ngài đã biên thơ báo tin nhận được và cám ơn Đức Ông và các anh em LĐNN về món tiền 5000€ đã tặng Ủy Ban.

15. ÐẠI HỘI 2014 : CHÚNG TA CÙNG NHAU LIÊN ĐỚI SỐNG ĐỨC TIN

Đại Hội : Cùng nhau mừng lễ Thánh Giuse Thợ, cùng nhau nghe chia sẻ Lời Chúa về « Liên đới sống đức tin ». Và cùng nhau chia sẻ bữa cơm huynh đệ đơn giản nhưng ấm tình người giúp quỹ giáo xứ, thâu được 4056,00 €.

Tiệc truyền giáo : Thứ bảy 25 tháng 10 năm 2014, Tiệc Truyền Giáo hàng năm đã được Giáo Xứ Việt Nam Paris tổ chức, với sự cộng tác của nhiều đơn vị mục vụ trong giáo xứ, mà chủ lực là Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp. Gần 300 người đã đến tham dự. và năm 2014 được 5500,00 €.

16. ÐẠI HỘI 2015 : LAO ĐỘNG LÀ CỘNG TÁC VÀO VIỆC SÁNG TẠO CỦA CHÚA

Đại Hội 11 giờ trưa, ngày 1 tháng 5 năm 2015, hòa trong niêm vui chung của Giáo Hội mừng lễ Thánh Giuse lao động, Giáo Xứ Việt Nam Paris đã hân hoan mừng đón Đại Hội Liên Đới Nghề Nghiệp lần thứ 16. Cùng nhau cử hành lễ thánh Giuse thợ và nghe Đức Ông Mai Đức Vinh chia sẻ Lời Chúa về « Lao động là cộng tác vào việc sáng tạo của Chúa » ; Cùng nhau nhìn lại, nhớ lại động lực, mục tiêu và sinh hoạt của Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp là Để sống Phúc Âm, Để sống tình người và Để xây dựng Giáo Xứ. Và cùng nhau chia sẻ bữa cơm huynh đệ giúp quỹ giáo xứ, thâu được 4435€,00 €.

Tiệc Cơ Sở Giáo Xứ Việt Nam Paris : Năm nay phong trào Liên Đới Nghề Nghiệp đã tổ chức bữa cơm vào 25.10.2015, số tiền thu được dành cho việc mua cơ sở mới của Giáo Xứ thay vì gửi về cho Ủy Ban Truyền Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và bữa cơm tổ chức tại Giáo Xứ thay vì đi nhà hàng quận 13. Kết quả của bữa cơm này là : tiền bán vé thu 11.487,00€, bán vé tombola, 1.620,00€, gian hàng Doanh Thương, 1.040,00€. Tổng cộng thu được : 14.147,00€. Số chi là 1.382,00€. Như vậy còn lại cho cơ sở : 12.762,00€.

17. LỜI KẾT : ĐẠI HỘI 2016 : HỒNG ÂN Thiên Chúa BAO LA

Ðể kết luận bài khảo luận này, chúng ta ghi nhận rằng Liên Ðới Nghề Nghiệp có nguồn gốc từ Ðức Ái Tin Mừng và từ những giảng dậy xã hội của Giáo Hội qua Công Ðồng Vatican II. Liên Ðới Nghề Nghiệp đã được chuẩn bị nhiều năm trườc khi thành hình. Liên Ðới Nghề Nghiệp đã được thành lập tại Giáo Xứ từ năm 2000 và sinh hoạt đều đặn cho đến năm nay 2016. Ðược như vậy, Liên Ðới Nghề Nghiệp hẳn thật đã được hưởng rất nhiều « Hồng Ân ». Lời kết luận thích đáng nhất có lẽ là lời chia sẻ của Ðức Ông Mai Ðức Vinh trong Ðại Hội ngày 01 tháng 5 năm 2007, mà ta có thể trích ra để áp dụng cho Đại Hội Liên Đới Nghề Nghiệp 01.05.2016 : Hồng Ân Thiên Chúa Bao La.

« Hồng Ân Thiên Chúa bao la » là ý tưởng tôi muốn chia sẻ với Đại Hội hôm nay, để chúng ta vừa cảm tạ Thiên Chúa, vừa thăng tiến tổ chức Liên Đới Nghề Nghiệp (LĐNN), vừa sống tích cực năm Hồng Ân của Giáo Xứ chúng ta.

Cảm tạ hồng ân: Chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa không ngừng (Rm 1,8 ; Cl 1,3, Cr1,4). Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về tinh thần ‘Cảm tạ Hồng ân’, Ngài đã cảm tạ Chúa Cha trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 14,19, Mc 6,41), trước khi cho Lazarô sống lại (Ga11,41), trước khi lập Bí tích Thánh Thể (Mt 26,27) … Theo gương Ngài, mỗi người chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa về sức khoẻ, về gia đình, về công ăn việc làm mỗi ngày và về bảy tuổi đời của LĐNN. Tất cả đều là hồng ân Chúa ban cho chúng ta. Đây chính là chủ đích cơ bản của việc cầu nguyện ban tối và ban sáng của mỗi Kitô hữu. Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, không một hồng ân nào chúng ta có mà chúng ta đã không lãnh nhận (Ga 1,16-17 ; 15,4-8).

Phát triển hồng ân : Càng ý thức về hồng ân Chúa trao ban, chúng ta càng có bổn phận làm phát triển hồng ân đã lãnh nhận. Đó là điều Chúa Giêsu đòi hỏi trong dụ ngôn « Những đầy tớ được chủ trao cho các nén bạc » (Mt 25,14-30). Những nén bạc mà Chúa trao cho mỗi người chính là khả năng nghề nghiệp chúng ta đang có : Trước mặt Chúa, nghề sống nào cũng giá trị, cũng đáng qúy, nghề nào cũng là những nén bạc Chúa trao ban cho mỗi người. Và người nào cũng phải quan tâm phát triển nghề sống mình đang có. Có nhiều hình thức, nhiều cách thế, nhiều môi trường làm phát triển nghề sống, như học hỏi thêm về lý thuyết, về chuyên môn, về kinh nghiệm, học qua sách vở, qua việc làm thực tế, qua trao đổi kinh nghiệm với bạn bè đồng nghiệp, trong môi trường bạn hữu, môi trường cộng đoàn, môi trường xã hội, và đặc biệt với lời cầu nguyện cùng Thánh Giuse thợ mộc, cùng Chúa Giêsu lao động, cùng Đức Maria nội trợ. Chủ yếu của LĐNN là cung hiến cho từng người chúng ta những cách thế, những môi trường thuận lợi để làm lời lãi nén bạc Chúa trao gửi, để phát triển nghề sống của mình, nói tắt, để phát triển hồng ân Thiên Chúa trao ban.

Sống năm hồng ân : LĐNN gồm những giáo dân đang tuổi hoạt động nhất của xã hội, của Giáo Hội, của gia đình và của Cộng Đoàn Giáo Xứ. Vì thế, trong năm Hồng Ân, kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo Xứ, LĐNN phải có một đóng góp nổi bật. Để cụ thể hóa, tôi xin để nghị hai việc làm: 1) Từng cá nhân hãy cố sống tốt trong ngành nghề của mình theo tinh thần công bằng và bác ái của Tin Mừng, và tham gia tích cực vào các sinh hoạt chung của Giáo Xứ. 2) Quyết tâm làm vững mạnh và phát triển LĐNN nói chung và cách riêng trong ngành nghề Chuyên gia, Dịch vụ, Doanh thương, Xây dựng, Thân hữu Taxi của mình. LĐNN là một thân thể, hễ một chi thể phát triển là cả thân thể phát triển (xem Rm 12,4-6). Tất cả cho mỗi người và mỗi người cho tất cả ».

Paris, ngày 17 tháng 04 năm 2016

Chuẩn bị sinh nhật thứ 17, vào ngày 01.05.2016

của Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp

Trần Văn Cảnh
 
Cộng đoàn Phục Sinh San Gabriel, TGP Los Angeles mừng 40 năm thành lập
CĐ Phục Sinh
22:47 20/04/2016
Nhìn hình ảnh đoàn nguời đi kiệu, từng hội đoàn, từng ban ngành nối đuôi nhau. Các bác, các cô chú đủ màu sắc trong đồng phục của mỗi ban ngành. Nhìn nét mặt hân hoan hiện lên trên từng guơng mặt của mỗi nguời, mới cảm nhận đuợc tinh thần tham gia tích cực của giáo dân qua từng thời gian. 40 năm nhìn lại…. Thời gian thắm thoát thật nhanh…..

Hình ảnh

Hồng ân của Ngài thật sự đã đến với cộng đoàn chúng ta, Đức Cha David G. O’Connell và Cha chính xứ Tony Diaz, CMF cùng với hai cha Quản nhiệm: Nguyễn Văn Long, SVD, Nguyễn Hoài Chương, SDB; Các Cha Cựu Quản Nhiệm gồm qúi Cha: Trần Công Nghị, Nguyễn Văn Thịnh, SDB, Nguyễn Ngọc Hoàn, CM, Đinh Ngọc Ký, SVD; cũng như Các Cha Khách: Nguyễn Huy Bảo, Bùi Công Hiến Linh, OH, Nguyễn Công An, SVD, Nguyễn Quốc Tuấn; và các Cha Dòng như: Rev. Theo Fuentes, CMF, Rev. Val Ramon, CMF, Rev, Jim Curran, CMF, Rev, Gaspar Masilamani, CMF, và hai thầy Phó tế: Richard Medina, Guido Zamalloa, CMF.

Sự hiện diện của Đức Cha cũng như Các Cha trong Thánh lễ đã nói lên được hạt giống Đức Tin của giáo dân Cộng Đoàn Phục Sinh càng ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Bao nhiêu thăng trầm thử thách, vui có, buồn có, mặc dầu là ngày vui nhưng vẫn có một chút gì đó vương vấn trong lòng. Lòng vẫn không quên đuợc Các Cha cũng như Các Vị từng làm việc trong Cộng đoàn đã ra đi. Người còn lại vẫn luôn tiếp tục công việc duy trì và phát triển cộng đoàn. Đó là sứ mạng mà hầu hết người Công Giáo trưởng thành cùng chung sức nhau làm việc trong cộng đoàn mà không so đo.

Thôi thì hãy để cho mọi sự việc đều có Ý Chúa và Ơn Chúa đến thật là tốt đẹp, đem lại cảm giác bình an cho mỗi người, liên kết hiệp nhất các hội đòan và tha thứ cho nhau nếu có điều chi không vừa ý!!!

Lời phát biểu cảm nghĩ của vị Chủ tịch Cộng đòan tiên khởi 1976, Bác Nguyễn Kim Hàm cũng như lời cám ơn chân thành của anh Chủ tịch đuơng nhiệm 2016 Trần Minh Quân với Các Cha và Quí Vị Quan Khách cũng thấy được thời gian có tuy có thay đổi nhưng công việc Nhà Chúa vẫn không thay đổi. Hãy cùng nhau nhìn những ưu điểm và khả năng mà mỗi người Chúa ban, ủng hộ, khuyến khích và khen tặng để các vị có thể hoàn thành vai trò Chủ tịch của một Cộng đoàn, để cho Cộng đoàn được duy trì sinh họat về sau luôn tốt đẹp.

Đúng là một ngày vui thật trọn vẹn của Cộng đoàn chúng ta. Sau khi tham dự Thánh lễ thật sốt sắng, chụp hình lưu niệm với Đức Cha và các Cha, tất cả giáo dân trong Cộng đoàn đều đi thẳng tới nhà hàng để dự tiệc mừng.

Tiệc mừng khaiu mạc đúng giờ trong bầu khí thật tưng bừng với đội lân của các em Thiếu Nhi Fatima của Cộng đoàn, đoàn rước nến khai mạc trang trọng của anh Chủ tịch và các em thiếu nhi, ban nhạc và Các Ca sĩ của VietCatholic thật hay. Thực đơn hấp dẫn với các món ăn được bà con ủng hộ tận tình. Đan xen với văn nghệ giúp vui là các cuộc Xổ số cũng náo nhiệt. Văn nghệ thật ấn tượng với màn múa của các bác gái cao niên thật khâm phục! Các Anh Chị Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình với vũ khúc Bên Nhau thật xứng đôi. Vui nhất là màn relax của tất cả mọi người.

Sau khi ăn uống đầy đủ. Màn “Exercise Tập Thể” vui ơi là vui, ai cũng có mặt trong tiết mục đặc biệt này. Thật là thoải mái, cả cộng đoàn cùng hòa nhịp vui tươi, không còn những khoảng cách, mà hạnh phúc cho tất cả mọi nguời sau những tháng ngày dài vất vả chuẩn bị cho Ngày Đại Lễ này.

Bữa tiệc nào cũng phải chấm dứt, nhưng dư âm vui vẻ thể hiện qua gương mặt vẫn còn đó. Chỉ biết nói lên lời cám ơn chân thành với những sự hy sinh lớn bé của toàn thể mọi người cách chung và cách riêng, vẫn có những sai sót đó, nhưng vẫn không lớn bằng sự âm thầm làm việc để có đuợc một ngày vui trọn vẹn cho Cộng đoàn. “Vui là Chính, Vui để con tim mỗi người chúng ta gần lại bên nhau hơn…”.

Tất cả đều là Hồng Ân!!!
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
10 điều cấm sinh viên-mấy điều tha cho Đảng ?
Phạm Trần
21:28 20/04/2016
10 ĐIỀU CẤM SINH VIÊN-MẤY ĐIỀU THA CHO ĐẢNG ?

Vào ngày 5 tháng 4 năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam đã công bố 10 Điều cấm sinh viên không được làm trong nhà trường và ngoài xã hội. Nếu vi phạm, họ sẽ bị phạt qua 4 giai đọan từ “Khiển trách” đến “Cảnh cáo”, qua mức nặng hơn là “Đình chỉ học tập có thời hạn” , sau cùng là “Buộc thôi học”.

Nếu những điều cấm cản này chỉ tập trung vào đạo đức, công dân giáo dục, thuần phong mỹ tục và việc học hành của sinh viên thì không sao. Nhưng khi Bộ GD&ĐT đem các quyền con người của công dân được Hiến pháp công nhận vào cuộc trắc nghiệm lòng trung thành với đảng, nhà nước để xâm phạm quyền tự do tư tưởng thì Bộ này là tay sai của Ban Tuyên giáo và là cánh tay nối dài của Bộ Công an.

Chi tiết 10 Điều cấm sinh viên được viết trong Thông tư số 10/2016/TT, về “Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo Đại học hệ Chính quy” ,công bố ngày 05 tháng 04 năm 2016.

(Đại học hệ Chính quy được đào tạo tập trung dành cho các thí sinh đạt kết quả tốt nhất ở các kỳ thi tuyển sinh chính thức hằng năm của các trường đại học trên toàn quốc) .

Trước hết , sinh viên phải:”Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ trường đại học và các quy chế, nội quy của cơ sở giáo dục đại học.” và “Tham gia hoạt động trong tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam vv…”

NỘI DUNG CẤM

Trong số 10 Điều cấm, những điều quan trọng gồm:

1). Tổ chức hoặc tham gia tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện trái pháp luật; tham gia tệ nạn xã hội. gây rối an ninh, trật tự an toàn trong cơ sở giáo dục đại học hoặc ngoài xã hội.

Việc quyết định để cấu thành tội phạm khi tham gia “tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện” không thuộc quyền Bộ GD&ĐT nên khi Bộ này tự ý quyết đóan “trái pháp luật” đối với hành động của sinh viên là giẫm lên Bộ Tư pháp.

Hơn nữa quyền biểu tình đã được Hiến pháp quy định tại Điều 25 :” Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Chỉ tiếc rằng Bộ Chính trị đảng Cộg sản Việt Nam chưa cho phép Dự Luật biểu tình của Bộ Công an được trình ra Quốc hội vì sợ đảng lâm nguy nên đã tìm mọi cách trì hõan. Vì vậy khi chưa có luật thì Bộ Giáo dục không thể quy trách sinh viên đã làm trái luật.

Hơn nữa nhóm chữ gây rối an ninh, trật tự an toàn” đã được lực lượng Công an sử dụng tối đa để đàn áp người dân đi khiếu kiện đòi công bằng hay tham gia các cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lược trong mấy năm qua. Khi Bộ GD&ĐT lạm dụng nhóm chữ này để chống sinh viên cả trong nhà trường và ngoài xã hội là Bộ này đã “Công an hóa học đường” để ngăn cấm không cho sinh viên tham gia chống Trung Quốc khi cần thiết.

2). Sản xuất, buôn bán, vận chuyển, phát tán, tàng trữ, sử dụng hoặc lôi kéo người khác sử dụng vũ khí, chất nổ. các chất ma tuý, các loại dược phẩm., hoá chất cấm sử dụng; các tài liệu, ấn phẩm, thông tin phản động, đồi trụy và các tài liệu cấm khác theo quy định của Nhà nước; tổ chức, tham gia, truyền bá các hoạt động mê tín dị đoan, các hoạt động tôn giáo trong cơ sở siáo dục đại học và các hành vi vi phạm đạo đức khác.

Đã có ai trong Bộ GD&ĐT định nghĩa được nội dung thế nào là “phản động” chưa, hay phải nhờ đến Ban Tuyên giáo của đảng chỉ đường vẽ lối ? Nếu chỉ sợ bóng sợ gió, nhìn gà tưởng cáo để quy chụp quyền được thông tin của dân thì ngành giáo dục đã biến thành Ban an ninh Chính trị nội bộ đảng hay Tổng cục Chính trị Quân đội.

3). Thành lập. tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị trái pháp luật; tổ chức, tham gia các hoạt động tập thể mang danh nghĩa cơ sở giáo dục đại học khi chưa được Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học cho phép.

Một lần nữa, “mang tính chất chính trị” là như thế nào ? Điều mơ hồ và võ đóan tùy tiện này đã vi phạm khỏan 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013, theo đó:”Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Vì vậy, nếu chưa làm sáng tỏ được thế nào là “mang tính chất chính trị” thì mọi quyết định liên quan đến hoạt động của sinh viên đều vi Hiến.

4. Đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, “xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Intenet.”

Thêm lần nữa, nhóm chữ “xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Intenet” đã bị Bộ GD&ĐT lạm dụng, tự chế ra để ngăn chặn và kìm kẹp tư tưởng của sinh viên.

Khi nêu ra lý do “xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước…” là Bộ GD&ĐT muốn kiểm soát chặt chẽ sinh viên và không để họ lọt ra ngoài vòng cương tỏa của đảng.

Nhưng hành động như thế nào thì một sinh viên bị coi là xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước… ? Từ xưa đến nay, Công an đã bắt giam nhiều người bị cáo buộc “xâm phạm an ninh quốc gia” mà không cần có bằng chứng để buộc tội họ.

Ngoài ra sinh viên cũng không được “Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật khác” là quyết định mơ hồ, không căn cứ vào bất cứ Luật lệ nào.

HÌNH PHẠT

Vậy nếu sinh viên vi phạm những cấm cản vô lý của Bộ GD&ĐT thì hình phạt sẽ thế nào ?

Theo Quy định mới thì tùy theo số lần, tính chất và mức độ nghiêm trọng, các hình phạt được xếp qua 4 giai đọan :

a) Khiển trách: áp dụns đối với sinh viên có hành vi vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ nhẹ;

b) Cảnh cáo: áp dụng đối với sinh viên đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng hành vi vi phạm có tính chất thường xuyên hoặc mới vi phạm lần đầu nhưng mức độ tương đối nghiêm trọng;

Nhưng thế nào là “tương đối nghiêm trọng” và căn cứ vào đâu, luật lệ nào để xác định “tương đối” hay “không tương đối” ?

Tiếp theo còn có 2 hình phạt :

c) Đình chỉ học tập có thời hạn: áp dụng đối với những sinh viên đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm; sinh viên vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Tùy từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào quy chế đào tạo để quyết định thời hạn đình chỉ học tập theo các mức: đình chỉ một học kỳ, đình chỉ một năm học hoặc đình chỉ theo thời gian sinh viên bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

d) Buộc thôi học: áp dụng đối với sinh viên đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến cơ sở giáo dục đại học và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù giam.

Quy định mới đã gặp phản ứng dữ dội của sinh viên.

Báo An Ninh Thủ đô viết ngày 19/04/2016:”Ngay lập tức, phản ứng đầu tiên của không ít bạn trẻ thắc mắc vì sao lại phải đưa ra một quy định chẳng khác nào kiểm soát, can thiệp quyền tự do phát ngôn của sinh viên? Nhiều sinh viên hiểu đơn giản là trên trang Facebook của mình, việc tự do viết bình luận, chia sẻ thông tin, hình ảnh mình thích hoặc không thích là điều mà nhà trường, thậm chí bố mẹ cũng không có quyền ngăn cấm.”

Một sinh viên Đại Học Kiến trúc chia sẻ với tờ báo này:”Nếu như nói trực tiếp không ai nghe thì chúng em còn có mạng xã hội để giãi bày suy nghĩ cá nhân của mình. Bây giờ lại cấm không được nói trái chiều thì chẳng nhẽ trước hành động không đúng vẫn chỉ được nói xuôi chiều, chỉ khen, không chê?”.

Tuy nhiên những biện pháp trừng phạt sinh viên đã được áp dụng từ năm 2007 mà không đem lại kết qủa. Báo An ninh Thủ đô viết tiết:”Việc hạ hạnh kiểm, buộc thôi học có thời hạn, yêu cầu chuyển trường… đã từng được các trường phổ thông, đại học áp dụng khi phát hiện sinh viên, học sinh, thậm chí là phụ huynh “nói xấu” nhà trường. Điều này vẫn gây ra những phản ứng trái chiều, bên ủng hộ, bên cho là thiếu cơ sở xử lý.”

19 ĐIỀU CẤM ĐẢNG VIÊN

Vì vậy, nếu Sinh viên chỉ bị cấm làm 10 Điều mà chưa biết có làm nổi hay không thì mọi người cũng đừng quên từ năm 2011, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng “lên ngôi” Tổng Bí thư đảng khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương đã công bố 19 Điều cấm đảng viên không được làm.

Đến nay, 5 năm sau, một số đông đảng viên, kể cả cấp Lãnh đạo vẫn trơ ra như đá và coi trời bằng vung mặc cho Tham nhũng tiếp tục sống vinh quang và êm ấm để sinh sôi nẩy nở trong rất nhiều tầng lớp cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 " Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã thành gỗ mục cho sâu mối mọt ẩn náu.

Tình trạng trên bảo dưới không nghe, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng, chạy chỗ làm ngồi mát ăn bát vàng, lao động tiền nhiều không lấm tay cho đến nói nhiều làm ít hay đánh trống bỏ dùi đã thành một nếp sống mới trong hệ thống cầm quyền từ Lập pháp sang Hành pháp và Tư pháp.

Thậm chí tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong hàng ngũ đảng cũng đã thăng hoa. Các “nhóm lợi ích” đã được tổ chức theo mô hình băng đảng để rút ruột ngân sách, dự án kinh tế, xây dựng và móc túi dân.

Có người ở cấp cao chỉ nhăm nhe bỏ đảng chạy lấy người cho cả con cái, dòng họ khi có dịp. Tình trạng gửi con ra nước ngoải du học để chuyển tài sản không còn là chuyện làm kín hay hiếm hoi trong thời đại ngày nay.

Tất cả những thứ “trăm hoa đua nở” này đã diễn ra giữa ban ngày nhưng nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ mạng sống ngư dân và chủ quyền đang bị Trung Quốc hung hăng toan chiếm từ đất liền ra Biển Đông lại ít thấy nhà nước quan tâm bằng hành động.

Vậy Quy định số 47-QĐ/TW về “những điều đảng viên không được làm” đã nói gì ?

Hãy đọc cho đỡ nhớ 19 Điều đảng cấm:

1 - Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép.

2 - Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố…

3 - Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định…

4 - Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ. Đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý…

5 - Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên… Tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo.

6 - Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự.

7 - Đảng viên tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội khi chưa được tổ chức Đảng có thẩm quyền cho phép.

8 - Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ… Thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác. Có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định…

9 - Làm trái quy định trong những việc: quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước; huy động vốn và cho vay vốn tín dụng; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án…

10 - Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định…

11 - Chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các văn bản trái quy định. Tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi.

12 - Đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái quy định. Đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái quy định.

13 - Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực; kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định…

14 - Tổ chức du lịch, tặng quà, giải trí để lợi dụng người có trách nhiệm dẫn đến việc ban hành quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp mà mình tham gia.

15 - Dùng công quỹ để thăm viếng, tiếp khách, tặng quà, xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị…

16 - Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước hoặc ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

17 - Tổ chức, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; cho vay trái quy định của pháp luật; sử dụng các chất ma túy; uống rượu, bia đến mức bê tha và các tệ nạn xã hội khác…

18 - Mê tín, hoạt động mê tín. Lập đền, miếu, nơi thờ tự của các tôn giáo trái phép; ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp…

19 - Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, Tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc nhằm trục lợi.

KÊ KHAI TÀI SẢN LÀM GÌ ?

Đó là những điều đảng cấm đảng viên, nhưng tại sao Tham nhũng cứ thi đua vui chơi tung tăng trước nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 5 năm qua ?

Hỏi cho vui vậy thôi chứ ông Trọng cũng đã có lần nhức nhối nói:"Sốt ruột, bức xúc lắm, không phải bây giờ mà mấy năm trước Đảng đã gọi đây là quốc nạn, giặc nội xâm, quyền lực lớn mà không kiểm soát dễ sinh hư hỏng, tham nhũng… Lãng phí cũng ghê gớm, có khi còn hơn tham nhũng, về thời gian, công sức, tiền bạc..."

Ông Trọng tâm sự đảng “ phải chống nhiều thứ như lợi ích nhóm, cục bộ, suy thoái và cả tham nhũng nhỏ. "Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu". (ViệtNamNet, 27/09/2013)

Bằng chứng Tham nhũng đang cười vào mũi đảng còn được chứng minh qua trò “kê khai tài sản” của các cấp Lãnh đạo, 8 năm sau có lệnh phải làm.

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ tuyên bố ngày 16/12/2015: “Kê khai tài sản đang là hình thức”

Báo trong nước viết:”Thống kê mới nhất của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về kê khai tài sản từ năm 2007 đến 2014 cho biết đã có trên 5,55 triệu lượt kê khai, xác minh được 2.632 trường hợp...

Theo TTCP, nếu năm 2007, chỉ có hơn 313.000 người kê khai thì đến năm 2012, con số này là 642.000 người, năm 2014 tăng lên 1.019.956 người.

Tuy nhiên, số người sau kê khai bị phát hiện vi phạm, bị xử lý kỷ luật chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, từ năm 2007-2014, chỉ có... 18 cán bộ bị xử lý kỷ luật vì kê khai không trung thực. Trong đó, năm 2009 kỷ luật 3 người, năm 2010 cao nhất với 9 người, còn lại năm 2013 và 2014 mỗi năm 3 người.”

Ông Đạt, thừa nhận: “Giờ phát hiện đâu xử lý tới đó thôi chứ theo đúng thực tế và dư luận thì người ta nói hình thức cũng là có cơ sở. Kê khai đối tượng thì nhiều nhưng phát hiện kê khai không trung thực và xử lý vi phạm thì lại rất ít. Phát hiện đã ít rồi, lại phải căn cứ vào cơ chế, quy định pháp luật mới xử lý được”.

Theo người đứng đầu Cục Chống tham nhũng, nguyên nhân ít phát hiện và xử lý kê khai không trung thực là do kê khai tài sản, thu nhập dựa trên nguyên lý tự kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu không chịu kê khai, kê khai không trung thực thì đều có hình thức xử lý song quan trọng là có phát hiện được không. “Bây giờ, kê khai này cũng đang là hình thức, người ta cũng đang giấu các thứ cho nên khó phát hiện lắm!”

Lý do kê khai đã thành hình thức vì có ai kiểm tra khai báo đâu ! Thậm chí khai xong, giao cho Thủ trưởng cất vào hộc tủ, không ai thèm coi mà dân thì chỉ biết há miệng chờ sung rụng đâu dám đụng tới.

Ngay việc các ứng cử viên Quốc hội và Hội đồng Nhân dân sắp bầu vào ngày 22/05/2016 cũng đã phải khai tài sản mà có người nào trong Hội đồng Bầu cử Trung ương dám ngó tới xem thật, sai ra sao đâu ?

Cử tri thì tất nhiên không được phép thắc mắc.

Như vậy, khi các đảng viên là bậc cha chú của sinh viên mà còn ma mãnh, che chở cho nhau đến thế thì có hy vọng gì Bộ GD&ĐT sẽ thành công với 10 điều cấm kỵ kia ?

Bởi vì nếu cấp lãnh đạo trong đảng, những kẻ có chức, có quyền và Đại biểu Quốc hội mà còn được tha trào cho nhau thì dân phải tiếp tục bị bóp cổ là điều đương nhiên. -/-

Phạm Trần

(04/016)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nguyên Văn Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Phanxicô (các số 136-149)
Vũ Văn An
22:26 20/04/2016
Chương Bốn: Lòng yêu thương và hôn nhân (tiếp theo)

Đối thoại

136. Đối thoại là điều chủ yếu để cảm nghiệm, phát biểu và cổ vũ lòng yêu thương trong đời sống hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, nó chỉ có thể là hoa trái của một thời kỳ tập luyện lâu dài và nhiều đòi hỏi. Đàn ông và đàn bà, người trẻ và người lớn, thông đạt khác nhau. Họ nói các ngôn ngữ khác nhau và hành xử khác nhau. Cách ta đặt câu hỏi và trả lời, âm sắc ta sử dụng, việc chọn thì giờ và một số nhân tố khác qui định cách thông đạt tốt của ta. Ta cần phát triển một số thái độ để phát biểu lòng yêu thương và khích lệ việc đối thoại chân chính.

137. Hãy dành thì giờ, thì giờ có giá trị. Nghĩa là sẵn sàng để lắng nghe một cách kiên nhẫn mọi điều người khác muốn nói. Việc này đòi phải tự ra kỷ luật cho mình để đừng nói cho tới lúc thuận tiện. Thay vì đề xuất ý kiến hay lời khuyên, ta cần phải chắc chắn là ta đã nghe hết mọi điều người khác muốn nói. Nghĩa là vun sới sự thầm lặng nội tâm giúp ta có khả năng lắng nghe người khác mà không xao lãng về phương diện tâm trí và xúc cảm. Đừng nên vội vã, hãy để qua một bên mọi nhu cầu và lắng lo của anh chị em, và chừa đủ không gian (cho việc lắng nghe). Người phối ngẫu kia thường không cần một giải đáp cho các vấn đề của họ, cho bằng đơn giản được lắng nghe, cảm thấy có ai đó đang thừa nhận các nỗi đau, các nỗi chán chường, lo sợ, giận hờn, hy vọng và giấc mơ của họ. Biết bao lần chúng ta đã nghe những ta thán như: “anh ấy không lắng nghe tôi”. “Ngay cả khi anh có vẻ (lắng nghe), thực ra anh vẫn đang làm một điều gì khác”. “Tôi nói với cô ấy nhưng tôi cảm thấy như cô ấy không thể chờ cho tôi nói hết”. “Khi tôi nói với cô ấy, cô ấy đều ráng đổi đề tài, hoặc trả lời tôi những câu trả cụt lủn để kết thúc câu chuyện”.

138. Hãy khai triển thói quen dành tầm quan trọng thực sự cho người khác. Nghĩa là đánh giá cao họ và nhìn nhận quyền họ được hiện hữu, được suy nghĩ như họ đang suy nghĩ và quyền được hạnh phúc. Đừng bao giờ coi thường điều họ nói hay suy nghĩ, ngay cả khi anh chị em cần phát biểu quan điểm riêng của mình. Mọi người đều có điều gì đó để đóng góp, vì họ có các kinh nghiệm riêng ở đời, họ nhìn sự vật từ một thế nhìn khác và họ có những quan tâm, các khả năng và những cái nhìn thấu suốt riêng. Ta nên có khả năng biết thừa nhận sự thật của người khác, giá trị trong các quan tâm sâu xa nhất của họ, và đâu là điều họ đang cố gắng thông đạt, bất kể hung hãn ra sao. Ta phải đặt ta vào đôi giầy của họ và ráng nhìn sâu vào trái tim họ, nhận rõ các quan tâm sâu xa nhất của họ và lấy đó làm khởi điểm để đối thoại thêm.

139. Hãy có một tâm trí rộng mở. Đừng bị sa lầy vào chính các ý nghĩ và ý kiến của mình, nhưng hãy sẵn sàng thay đổi và mở rộng chúng. Phối hợp hai lối suy nghĩ khác nhau có thể dẫn tới một tổng hợp làm phong phú cả hai. Sự hợp nhất mà ta muốn có không phải là sự độc dạng, mà là “sự hợp nhất trong đa dạng” hay “sự đa dạng hòa giải” (reconciled diversity). Sự hiệp thông huynh đệ được phong phú hóa nhờ lòng kính trọng và biết đánh giá các dị biệt trong một viễn ảnh toàn diện nhằm thăng tiến ích chung. Ta cần giải thoát ta khỏi tâm tư cho rằng tất cả chúng ta phải như nhau. Một sự sắc sảo nào đó cũng cần phải có để ngăn ngừa cái dáng “tĩnh tại” có thể nhiễu loạn diễn trình đối thoại. Thí dụ, nếu những tâm tư khó chịu bắt đầu ló dạng, chúng phải được xử lý một cách mẫn cảm, kẻo chúng làm ngưng đọng tính năng động của cuộc đối thoại. Khả năng nói điều mình nghĩ mà không xúc phạm tới người khác là một điều quan trọng. Phải cẩn thận lựa lời mà nói để đừng xúc phạm tới người khác, nhất là khi thảo luận các vấn đề khó khăn. Nhấn mạnh một điểm không bao giờ được bao gồm việc nói cho hả giận và gây mếch lòng. Giọng kẻ cả chỉ tổ gây mếch lòng, chế diễu, tố cáo và xúc phạm người khác. Nhiều bất đồng giữa các cặp vợ chồng không hẳn là về những việc quan trọng. Phần lớn là về những chuyện vụn vặt. Tuy nhiên, điều làm thay đổi bầu khí là cách sự việc được nói tới hay thái độ khi nói chúng ra.

140. Hãy tỏ tình âu yếm và quan tâm với người kia. Lòng yêu thương vượt thắng cả những rào cản mạnh nhất. Khi yêu thương ai, hay khi cảm thấy được ai yêu thương, ta có thể hiểu rõ hơn điều họ muốn thông đạt. Sợ người khác như một thứ “đối thủ” là dấu hiệu của yếu đuối, cần được vượt qua. Điều quan trọng là đặt căn bản cho lập trường của mình trên các chọn lựa, niềm tin hay giá trị vững chắc, chứ đừng trên nhu cầu phải thắng một luận điểm hay chứng tỏ mình đúng.

141. Sau cùng, ta hãy nhìn nhận điều này: để đối thoại xứng đáng, ta phải có một điều gì đó để nói. Điều này chỉ có thể là hoa trái của một sự phong phú nội tâm được nuôi dưỡng bằng việc đọc (sách báo), suy nghĩ bản thân, cầu nguyện và cởi mở đối với thế giới bao quanh. Nếu không, các cuộc đàm thoại sẽ trở nên buồn chán và tầm thường. Khi cả hai người phối ngẫu đều không cố gắng trong phạm vi này và ít giao tiếp thực sự với người khác, đời sống gia đình sẽ trở nên ngột ngạt và cuộc đối thoại trở nên nghèo nàn.

Tình yêu say mê

142. Công Đồng Vatican II dạy rằng lòng yêu thương vợ chồng này “bao gồm thiện ích của toàn bộ con người; nó có thể phong phú hóa các tâm tư tình cảm và các phát biểu thể lý của chúng bằng một phẩm giá độc đáo và cao thượng hóa chúng thành những nét đặc biệt và biểu hiện cho tình bạn chuyên biệt của hôn nhân” (138). Vì lý do này, lòng yêu thương nào thiếu khoái cảm hay say mê đều không đủ để biểu tượng hóa sự kết hợp của trái tim con người với Thiên Chúa: “Mọi nhà huyền nhiệm đều quả quyết rằng tình yêu siêu nhiên và tình yêu thiên giới tìm được biểu tượng mà chúng tìm kiếm nơi tình yêu vợ chồng, hơn là tình bạn, tình hiếu thảo hay việc hiến thân cho một chính nghĩa. Còn lý do thì phải tìm trong chính tính toàn bộ của nó” (139). Vậy thì làm sao ta có thể không dừng lại để nói tới các tâm tình và dục tính trong hôn nhân?

Thế giới xúc cảm

143. Thèm muốn, cảm giác, xúc cảm, những điều mà người xưa gọi là “các đam mê”, tất cả đều có vị trí quan trọng trong đời sống vợ chồng. Chúng được đánh thức mỗi khi “người kia” trở nên hiện diện và là một phần đời ta. Đặc điểm của mọi sinh vật là muốn vươn tới những sinh vật khác, và khuynh hướng này luôn có những dấu hiệu căn bản thuộc cảm giới: khoan khoái hay đau đớn, vui mừng hay buồn bã, âu yếm hay sợ sệt. Chúng làm cơ sở cho sinh hoạt tâm lý sơ đẳng nhất. Con người nhân bản sống trên trái đất này, nên tất cả những gì họ làm và tìm kiếm đều nhuốm mầu đam mê.

144. Là người thật, Chúa Giêsu cũng đã biểu lộ các xúc cảm của Người. Người đau đớn vì bị Giêrusalem từ bỏ (xem Mt 23:27) và điều này làm rơi nước mắt Người (xem Lc 19:41). Người cũng xúc động sâu xa trước nỗi đau khổ của người khác (xem Mc 6:34). Người cảm nhận sâu xa cảnh tang chế của họ (xem Ga 11:33), và Người khóc trước cái chết của một người bạn (xem Ga 11:35). Các điển hình nhậy cảm này của Người cho thấy trái tim nhân bản của Người đã rộng mở ra sao đối với người khác.

145. Tự nó, cảm thấy một xúc cảm là điều không tốt không xấu về phương diện luân lý (140). Bắt đầu cảm thấy thèm muốn hay ghê tởm không hề có tội hay đáng trách. Chính hành vi ta làm, do một đam mê kích thích hay đi kèm, mới xấu hay tốt. Nhưng nếu các xúc cảm được vun sới, duy trì, và vì chúng ta phạm các hành vi xấu, thì cái xấu là ở trong quyết định nuôi dưỡng chúng và trong các hành vi xấu do đó mà ra. Cũng trong đường hướng này, sự kiện một ai đó làm tôi khoan khoái không nhất thiết là một điều tích cực. Nếu với sự khoan khoái này, tôi đi tìm cách để người này trở thành nô lệ của tôi, thì xúc cảm này rõ ràng là để phục vụ tính ích kỷ của tôi. Tin rằng chúng ta tốt chỉ vì “chúng ta cảm thấy tốt” là một sai lầm lớn lao. Có những người cảm thấy mình có khả năng yêu thương lớn lao vì họ có nhu cầu âu yếm lớn lao, nhưng họ không biết chiến đấu cho hạnh phúc của người khác và sống khép kín trong các thèm muốn riêng của mình. Trong trường hợp như thế, các cảm xúc chỉ làm ta quên đi các giá trị lớn lao và che đậy tính vị kỷ vốn không cho phép ta có được một cuộc sống gia đình lành mạnh và hạnh phúc.

146. Nói thế, nhưng nếu đam mê đi kèm một hành vi tự do, nó có thể biểu lộ sự sâu sắc của hành vi này. Lòng yêu thương vợ chồng luôn cố gắng bảo đảm để toàn bộ đời sống xúc cảm của người ta mang lợi ích lại cho gia đình như một toàn thể và phục vụ cuộc sống chung của gia đình. Gia đình sẽ trưởng thành khi đời sống xúc cảm của các thành viên trở thành một hình thức nhậy cảm không làm ngột ngạt hay che khuất các quyết định và giá trị lớn lao, nhưng đúng hơn tuân thủ tự do của mỗi người (141), phát sinh từ tự do này, phong phú hóa, hoàn thiện hóa và hoà hợp tự do này để phục vụ mọi người.

Thiên Chúa yêu thích niềm vui của con cái Người

147. Điều trên đòi phải có một diễn trình sư phạm bao gồm việc quên mình. Xác tín của Giáo Hội này thường bị bác bỏ như đi ngược lại hạnh phúc con người. Đức Bênêđíctô XVI tóm lược lời tố cáo này một cách hết sức rõ ràng như sau: “Với tất cả các giới điều và lệnh cấm, há Giáo Hội đã không biến điều qúy giá nhất ở trên đời thành đắng đót đó ư? Há Giáo Hội đã không thổi còi vào đúng lúc niềm vui, vốn là ơn phúc Đấng Tạo Hóa ban cho, đem lại cho chúng ta một hạnh phúc, mà, tự nó, vốn là một tiền vị của Đấng Thần Linh đó sao?” (142). Ngài trả lời rằng, dù các thổi phồng và các hình thức lệch lạc của lối sống khổ hạnh trong Kitô Giáo không thiếu, nhưng giáo huấn chính thức của Giáo Hội, một giáo huấn luôn trung thành với Thánh Kinh, không bác bỏ “ái dục (eros) đúng nghĩa, nhưng đúng hơn tuyên chiến với hình thức biến dạng và phá hoại của nó, vì việc thần hóa giả tạo eros... đã tước hết phẩm giá thần thiêng của nó và đã phi nhân hóa nó” (143).

148. Việc huấn luyện trong lãnh vực xúc cảm và bản năng là điều cần thiết, và đôi lúc, việc này cần phải đặt ra các giới hạn. Đi quá trớn, thiếu kiểm soát hay bị ám ảnh bởi một hình thức khoái cảm đơn nhất có thể đưa tới kết quả làm suy yếu hay làm vấy bẩn chính khoái cảm này (144) và phá hoại cuộc sống gia đình. Con người chắc chắn có thể vận dụng các đam mê của mình một cách tốt đẹp và lành mạnh, dần dần hướng chúng về lòng vị tha và việc tự hoàn thành mình một cách toàn diện, một thành toàn chỉ có thể làm giầu cho các mối liên hệ liên bản ngã giữa lòng gia đình. Việc này không có nghĩa phải từ bỏ các giờ phút hưởng thụ sâu sắc (145), nhưng đúng hơn, tổng hợp những giờ phút này với những giờ phút dành cho các cam kết quảng đại, các hy vọng kiên nhẫn, các mệt mỏi và đấu tranh để đạt một lý tưởng. Đời sống gia đình là tất cả những điều đó, và nó đáng được sống hết sức viên mãn.

149. Một số trào lưu linh đạo dạy rằng thèm muốn phải bị trừ khử, coi đây như là con đường giải thoát khỏi đau khổ. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Thiên Chúa yêu thích việc vui hưởng được con người nhân bản cảm nhận: Người dựng nên chúng ta và “cung cấp dồi dào mọi sự để chúng ta vui hưởng” (1Tm 6:17). Chúng ta hãy vui mừng khi vì yêu thương lớn lao, Người phán với ta: “này con, hãy cư xử tốt với chính con... Đừng để con mất một ngày vui” (Hc 14:11-14). Các cặp vợ chồng cũng thế, họ đáp trả thánh ý Thiên Chúa khi tiếp nhận huấn thị của Thánh Kinh: “Hãy hân hoan trong ngày thịnh vượng” (Gv 7:14). Điều quan trọng là được tự do để thực hiện niềm khoái cảm vốn tìm được các cách phát biểu khác nhau ở những thời điểm khác nhau của đời sống, phù hợp với nhu cầu của tình yêu hỗ tương. Theo chiều hướng này, ta có thể đánh giá cao các giáo huấn của một số bậc thầy Đông Phương: họ thúc giục ta mở rộng ý thức, kẻo ta trở nên nghèo nàn bởi chỉ có duy một trải nghiệm hạn hẹp có thể che kuuất mắt ta.Việc mở rộng ý thức này không bác bỏ hay tiêu diệt thèm muốn cho bằng làm nó rộng lớn và hoàn hảo hơn.

Kỳ sau: Chiều kích gợi dục của tình yêu...
_____________________________________________________________________________________________________________
(138) Hiến Chế Gaudium et Spes, 49.
(139) A. SertillanGes, L’Amour chrétien, Paris, 1920, 174.
(140) Cf. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae I-II, q. 24, art. 1.
(141) Cf. ibid., q. 59, art. 5.
(142) Thông Điệp Deus Caritas Est (25 tháng 12, 2005), 3: AAS 98 (2006), 219-220.
(143) Ibid., 4: AAS 98 (2006), 220.
(144) Cf. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae I-II, q. 32, art.7.
(145) Cf. id., Summa Theologiae II-II, q. 153, art. 2, ad 2: “Abundantia delectationis quae est in actu venereo secundum rationem ordinato, non contrariatur medio virtutis” (tạm dịch: sự sung mãn hân hoan trong hành vi tính dục, được sắp xếp theo lý trí, không mâu thuẫn với phương thế nhân đức).
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nữ Sinh Áo Trắng
Tấn Đạt
18:11 20/04/2016
NỮ SINH ÁO TRẮNG
Ảnh của Tấn Đạt
Áo trắng em mặc đến trường
Đừng bao giờ để ... ai thương lại gần
Dầu là theo dấu bước chân
Đừng bao giờ để làm thân, hẹn hò
Áo trắng thì phải biết lo
Biết không cô nhỏ học trò sáng nay?
(Trích thơ của Trần Hoàng Vy)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 14/04– 20/04/2016: Bữa Ăn Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:53 20/04/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Một con người đã té xuống đất

“Khi một tâm hồn chai đá biết để mở ra với Thần Khí, Thiên Chúa sẽ luôn ban ơn sủng dồi dào và một phẩm giá được phục hồi. Điều này cần được diễn ra ngang qua sự khiêm nhường, tự hạ. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Sáu, 15.04, tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta.” Bài đọc một hôm nay thuật lại cuộc hoán cải của Thánh Phao-lô.

“Có lòng nhiệt thành với những điều thánh thiêng thì không có nghĩa là sẽ có một con tim rộng mở với Thiên Chúa.” Đức Thánh Cha đã minh họa điều này bằng gương của Sao-lô (Phao-lô), quê ở Tác-xô, một người đầy sốt sắng trong niềm tin tưởng và nghiêm chỉnh tuân giữ những quy tắc mà đức tin truyền dạy, nhưng lại có một con tim khép kín, hoàn toàn câm điếc trước Đức Kitô, thậm chí ông còn đồng ý tiêu diệt và bỏ tù những Kitô đang sống ở Đa-mát.

Sự khiêm nhường làm tan chảy con tim

“Ngay trên con đường thực hiện mục tiêu đã đặt ra, tất cả mọi sự đã đảo ngược so với dự định của Phao-lô. Cuộc hành trình trên con đường Đa-mát ấy đã trở thành khúc tình sử về một con người dám để cho Thiên Chúa biến đổi trái tim mình: Một luồng ánh sáng từ trới chiếu xuống bao phủ lấy Phao-lô. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông. Trong phút chốc, mắt ông hóa mù lòa, không còn thấy gì nữa. Một Phao-lô đầy mạnh mẽ và xác tín, giờ đây đã ngã xuống đất. Nhưng chính trong hoàn cảnh đó, ông thấu hiểu sự thật về mình: Ông đã không là một người như Thiên Chúa mong muốn, vì Thiên Chúa tạo dựng tất cả chúng ta là những con người hiên ngang, đầu đội trời chân đạp đất. Vì thế, tiếng nói bởi trời không chỉ tra vấn Phao-lô: ‘Tại sao ngươi bắt bớ ta?’ nhưng còn mời gọi ông đứng dậy.

‘Hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.’ Nhưng khi bắt đầu đứng dậy, Phao-lô nhận ra mình đã mù, không còn thấy gì cả. Ông để cho người ta dẫn ông đi. Và từ đó, con tim của ông bắt đầu mở ra. Như vậy, Phao-lô đã được những người bạn đồng hành cầm tay dẫn tới Đa-mát. Ông ở trong tình trạng mù lòa suốt ba ngày và cũng chẳng ăn, chẳng uống gì cả. Con người này đã bị té xuống đất và ngày lập tức nhận ra rằng cần phải chấp nhận sự nhục nhã, bẽ mặt này trong khiêm hạ. Như vậy, chính con đường tiến về Đa-mát ấy đã mở toang con tim của Phao-lô và giúp ông biết khiêm tốn hơn. Cũng thế, khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta khiêm tốn và cho phép những nhục nhã, bẽ mặt xảy xa với chúng ta, chỉ với mục đích là giúp chúng ta trở nên ngoan ngoãn, giúp mở rộng con tim chúng ta ra với Đức Giêsu. Đó là một con tim đã hoán cải.

Chúa Thánh Thần là nhân vật chính

Con tim của Phao-lô đã tan chảy. Trong những ngày cô đơn và bị mù lòa ấy, cái nhìn nội tâm của Phao-lô đã biến đổi. Thiên Chúa sai Kha-na-ni-a đến đặt tay trên Phao-lô để cho mắt ông lại thấy được. Có một khía cạnh quan trọng trong tiến trình năng động này cần được để ý.

Chúng ta nhớ rằng nhân vật chính của câu chuyện không phải các thượng tế, kinh sư; cũng không phải Tê-pha-nô, cũng không phải Phi-líp-phê hay viên thái giám, và cũng không phải là Phao-lô… nhưng là chính Chúa Thánh Thần. Nhân vật chính trong Giáo Hội là Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng hướng dẫn Đoàn Dân Chúa. Khi Kha-na-ni-a đặt tay trên Phao-lô, ngay lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa. Con tim chai đá của Phao-lô đã tan chảy và trở nên ngoan ngoãn trước Thần Khí.

Phẩm giá được phục hồi

Thật là đẹp khi chúng ta chiêm ngắm cách thức Thiên Chúa biến đổi tâm hồn con người, cho dù đó là những tâm hồn trai đá, ngang bướng, để trở nên mềm mại và ngoan ngoãn trước Thần Khí. Cách nào đó, tất cả chúng ta đều có lòng chai dạ đá. Nếu ai trong anh chị em không có, xin vui lòng giơ tay lên xem. Ít nhiều, tất cả chúng ta đều có lòng chai đá. Bởi vậy, chúng ta hãy nài xin để được nhìn thấy những chai đá đó quật ngã chúng ta xuống đất. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng khiêm tốn xin ơn để đừng nằm mãi dưới đất nhưng biết đứng dậy, đứng dậy với phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã tác tạo nên ta. Đó chính là ơn sủng của một con tim rộng mở và ngoan ngoãn trước Thần Khí.”

2. Hai loại bách hại

“Sự bách hại là lương thực hằng ngày của Giáo Hội.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba, ngày 12 tháng Tư, tại Nguyện đường thuộc Nhà trọ Thánh Marta.

Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Các Kitô hữu phải đối diện với hai loại bách hại. Loại thứ nhất, rõ ràng và dễ nhận thấy, là bách hại của các vị tử đạo, đã bị giết chết vì đức tin, giống như đã xảy ra với Thánh Tê-pha-nô, vị tử đảo tiên khởi, hay với các Thánh Anh Hài bị Hê-rô-đê sát hại. Ngày hôm nay cũng có rất nhiều Kitô hữu bị giết chết như thế, vì tin vào Đức Kitô. Loại thứ hai có vẻ lịch sự và ít bạo lực hơn, thường ẩn dưới lớp vỏ văn hóa, sự tiến bộ và tinh thần hiện đại. Nhiều Kitô hữu vẫn đang bị bách hại một cách ‘lịch sự’ như thế, vì muốn diễn tả giá trị cao cả của việc làm con Thiên Chúa.

Như vậy, vẫn còn tồn tại những cuộc bách hại đẫm máu: bị xé ra từng mảnh bởi một con dã thú để làm vui lòng khán giả đang ngồi xem trên đấu trường hay cho nổ tung một quả bom được gài sẵn ở lối ra nhà thờ. Nhưng cũng có những cuộc bách hại diễn ra cách lịch sự và có học thức dưới ‘tấm áo của văn hóa’: Họ sẽ giam lỏng bạn vào một góc tối của xã hội, đe dọa tước đi việc làm của bạn nếu bạn không tuân thủ luật lệ mà họ đặt ra là chống lại Thiên Chúa Tạo Hóa.”

Các vị tử đạo của đời sống thường ngày

Khởi đi từ trình thuật về cuộc tử đạo của thánh Tê-pha-nô được mô tả trong sách Công vụ Tông Đồ, theo phụng vụ của ngày hôm nay, Đức Thánh Cha nhận thấy thực tế rằng kể từ hai ngàn năm nay các cuộc bách luôn xảy ra trong lịch sử đức tin Kitô giáo:

“Tôi muốn nói rằng bách hại là lương thực hằng ngày của Giáo Hội. Đức Giêsu cũng đã nói như thế. Khi làm một vòng tham quan Roma và đến Colosseo, chúng ta nghĩ tới các vị tử đạo đã bị những con sư tử hung hãn giết chết. Nhưng các vị tử đạo không chỉ có ở Colosseo và cũng không chỉ có vào thời điểm đó nhưng ngày hôm nay vẫn còn có các vị tử đạo. Mới ba tuần trước đây, những Kitô hữu đang cử hành lễ Phục Sinh với nhau ở Pakistan đã bị giết chết. Chắc chắn, họ được phúc tử đạo vì đang mừng mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh. Và như thế, Giáo Hội không ngừng bước đi với các vị tử đạo của mình.

Bách hại cách ‘lịch sự’

Cuộc tử đạo của Thánh Tê-pha-nô mở đầu cho một sự bách hại bài Kitô giáo rất khốc liệt ở Giê-ru-sa-lem. Điều ấy cũng tương tự với việc ngày hôm nay nhiều người không có tự do để tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu. Nhưng còn có một cuộc bách hại khác mà chúng ta ít khi nhắc đến. Đó là cuộc bách hại đội lốt văn hóa, được ngụy trang với vỏ bọc hiện đại và sự phát triển.

Tôi muốn nói cách mỉa mai rằng, đó là một cuộc bách hại có ‘giáo dục’. Cuộc bách hại ấy xảy ra không phải khi người ta tuyên xưng danh Đức Giêsu, nhưng là khi người ta muốn diễn tả giá trị của việc làm con cái Chúa. Đó là một cuộc bách hại chống lại Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, nơi chính con người của những con cái Thiên Chúa. Nói cách dễ hiểu hơn, chúng ta nhận thấy rằng ngày nay, những cường quốc có quyền thiết định luật pháp để bắt buộc người khác phải đi trên con đường mà họ vạch ra. Khi một quốc gia không theo những luật pháp này, hay ít nhất không muốn có những luật pháp ấy trong hệ thống pháp luật của mình, ngay lập tức sẽ bị cô lập, bị cáo buộc và bị bách hại. Những bách hại đó tước mất đi sự tự do của con người, và ngay cả quyền chối từ của lương tâm.

Đây là sự bách hại của thế gian, tước mất tự do, trong khi Thiên Chúa ban cho chúng ta tự do để có thể làm chứng tá về Thiên Chúa Cha, Đấng tạo dựng nên chúng ta và làm chứng về Đức Kitô, Đấng đã cứu chuộc chúng ta. Cuộc bách hại ấy có một kẻ chủ mưu.

Đức Giêsu đã vạch mặt chỉ tên kẻ chủ mưu của loại bách hại có ‘giáo dục’ này, đó là tên thủ lĩnh thế gian. Những cường quốc muốn áp đặt những quan điểm, thái độ, luật lệ chống lại phẩm giá của con cái Thiên Chúa; bắt các tín hữu chống lại Đấng Hóa Công. Đây là cuộc chống đạo có quy mô lớn. Như thế đời sống của những Kitô hữu luôn có hai cuộc bách hại này. Nhưng Đức Giêsu đã hứa với chúng ta là sẽ không bỏ rơi chúng ta. ‘Anh em hãy cẩn thận. Đừng để rơi vào tinh thần thế gian. Hãy tỉnh thức luôn! Và hãy can đảm tiến về phía trước, vì Thầy luôn ở với các con.’”

3. Bữa Ăn Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục

Chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một ký giả kia được phép xuống hỏa ngục và lên thiên đàng để làm một bản phóng sự về đời sống của nhân dân tại đó.

Sau một cuộc hành trình gay go, ký giả trên lọt được vào địa ngục đúng vào giờ ăn. Nhìn vào bàn ăn, anh ta không khỏi lấy làm lạ khi thấy trưng bày toàn sơn hào hải vị đang bốc khói hương ngào ngạt làm anh ta không khỏi nuốt nước bọt.

Nhưng lúc các kiều dân địa ngục tiến vào phòng ăn, chàng ta lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy họ ốm o gầy mòn, chỉ còn da bọc xương, vài người đi không muốn nổi. Sự kinh ngạc tan biến khi chàng phóng viên chứng kiến cảnh họ dùng bữa. Vì muỗng nĩa rất dài buộc dính vào đôi tay không cho phép họ đưa thức ăn vào miệng, nên dù họ có cố gắng thế nào đi nữa, thức ăn chỉ đổ tháo ra đầy bàn hay rơi tung tóe xuống mặt đất. Tệ hại hơn là cảnh họ tranh giành nhau: vài người dùng muỗng nĩa để thay vì đưa thức ăn vào miệng, lại biến chúng thành những khí giới đập đánh nhau. Thật là một bãi chiến trường. Khi chuông báo giờ ăn đã mãn, họ buồn phiền rời phòng ăn, dạ dày vẫn trống rỗng.

Quá sợ hãi, chàng ký giả lập tức từ giã địa ngục để tiếp tục lên phóng sự trên thiên đàng. Ðến nơi cũng đúng vào giờ cơm. Bàn ăn cũng trưng bày những thức ăn ngon miệng. Quan sát nhân dân, chàng ta thấy ai nấy đều phương phi, khỏe mạnh, tuy đôi tay họ cũng được gắn chặt những muỗng nĩa rất dài. Có khác là thay vì họ cố gắng đưa thức ăn vào miệng mình, họ lại dùng muỗng nĩa để đút thức ăn cho nhau. Phòng ăn vang lên những giọng nói cười vui, thỏa mãn.

Kết thúc bài phóng sự tường trình về những điều mắt thấy tai nghe, chàng ký giả viết: Ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Kết thúc thời gian sáng thế, Thiên Chúa phán với hai ông bà nguyên tổ: “Hãy sinh sôi nảy nở và hãy nên đầy dẫy trên đất. Hãy làm bá chủ nó. Hãy trị trên cá biển và chim trời và mọi loài sinh vật nhung nhúc trên đất. Này Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ lá sinh hạt giống có trên mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hạt giống, chúng sẽ làm thức ăn cho các ngươi”.

Với công trình sáng tạo và lời chúc phúc trên, Thiên Chúa muốn biến mặt đất thành Vườn Ðịa Ðàng, nhưng con người đã chia mặt đất thành đông, tây, nam, bắc, thành những nước thống trị và những nước bị đô hộ, thành những quốc gia giàu và những nước nghèo. Ðó là chưa kể con người đã và đang biến Vườn Ðịa Ðàng thành địa ngục qua bao nhiêu cuộc chiến tranh lớn nhỏ mà xét cho cùng cũng chỉ vì tranh giành quyền lợi, tranh nhau miếng ăn, manh áo. Thật vậy, ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.

4. Ngoan ngoãn trước sự hướng dẫn của Thần Khí

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, 14 tháng Tư, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Cần phải ngoan ngoãn trước sự hướng dẫn của Thần Khí, đừng chống lại Người.” Đức Thánh Cha cũng mạnh mẽ cảnh giác những ai biện minh tội chống lại Thần Khí với lý do là “phải trung thành với lề luật”.

Khởi đi từ bài đọc một trích sách Công vụ Tông Đồ thuật lại cuộc gặp gỡ giữa ông Phi-líp-phê, một nhà truyền giáo, với viên thái giám, là quan chức cao cấp trong triều của nữ hoàng Canđakê, nước Êthiôpia; Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng của mình dựa trên những trang sách rất đẹp ấy và mời gọi mọi người biết sống ngoan ngùy trước sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Đừng viện cớ là phải trung thành với lề luật để chống lại Thần Khí

Nhân vật chính trong cuộc gặp gỡ, được trình bày nơi bài đọc một, không phải là ông Phi-líp-phê cũng không không là viên thái giám người Êthiôpia, nhưng là chính Chúa Thánh Thần. Và chính Thánh Thần đã giơ cánh tay uy quyền mà hành động. Chính Ngài đã làm cho Giáo Hội được nảy sinh và không ngừng triển nở. Trong quá khứ, Giáo Hội đã trưng dẫn cho chúng ta những hình ảnh minh họa về việc chống lại Thần Khí: những con tim chai đá và khép kín, ngu muội, ngăn cản Thánh Thần. Chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện như: Phê-rô và Gioan chữa lành cho người bại liệt nằm ở Cửa Đẹp Đền Thờ, những lời lẽ đầy tâm tình và những công việc vĩ đại mà Tê-pha-nô đã làm… Nhưng người ta vẫn đóng kín lòng mình trước những dấu chỉ này và chống lại Thần Khí. Họ tìm cách biện minh bằng cách lấy lý do là phải ‘trung thành với lề luật’, nói khác đi, là trung thành với từng con chữ của lề luật.

Hôm nay, Giáo Hội đề nghị chúng ta điều ngược lại: đừng chống lại Thần Khí, những hãy biết ngoan ngoãn và vâng nghe Người. Đó mới chính là thái độ đúng đắn của Kitô hữu. Ngoan ngoãn với Thần Khí và sự ngoan ngoãn này chính là thưa tiếng xin vâng để Thánh Thần có thể hoạt động và không ngừng xây dựng Giáo Hội. Phi-líp-phê, một trong số các Tông đồ, cũng bận rộn như bao giám mục khác và chắc chắn lúc đó, ông cũng đang vất vả với trăm công ngàn việc. Nhưng Thần Khí đã nói ông hãy bỏ lại những gì còn dang dở trong chương trình kế hoạch và đi tới Êthiôpia. Phi-líp-phê đã vâng lời. Trong cuộc gặp gỡ với viên thái giám, Phi-líp-phê đã giải thích Tin Mừng cũng như thông điệp cứu độ của Tin Mừng cho ông. Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong tâm hồn của người Êthiôpia này và ông đã biết mở lòng ra trước món quà đức tin quý giá. Sau đó, ông cảm thấy một điều gì đó thực sự mới mẻ trong tâm hồn mình. Cuối cùng, ông xin được rửa tội. Đó chính là sự ngoan ngoãn trước Thần Khí.

Ngoan ngoãn với Thần Khí mang lại cho chúng ta niềm vui

Hai con người, một là nhà truyền giáo và một là người chẳng hề biết gì về Đức Giêsu, nhưng Thần Khí đã gieo một sự tò mò tốt lành, một sự tò mò tốt lành chứ không phải tò mò nhiều chuyện. Cuối cùng, viên thái giám ấy đã bước đi trên con đường của mình với niềm vui, niềm vui của Thần Khí, khi biết ngoan ngoãn với Người.

Trong những ngày trước, chúng ta đã nghe điều mà người ta làm để chống lại Thần Khí, còn ngày hôm nay, chúng ta được xem một mẫu gương thật đẹp về hai con người đã ngoan ngoãn trước tiếng nói của Thánh Thần. Ngoan ngoãn với Thần Khí là nguồn mạch mọi hoan lạc. Tôi muốn làm điều này nhưng Thiên Chúa lại mời gọi tôi làm một điều khác; nhưng tôi sẽ tìm được niềm vui khi biết đáp trả lại lời mời gọi của Thần Khí.

Thánh Thần làm cho Giáo Hội không ngừng tiến về phía trước

Lời cầu nguyện đẹp là biết nài xin sự ngoan ngoãn. Chúng ta tìm thấy lời cầu nguyện ấy trong sách Samuen quyển thứ nhất, lời cầu nguyện của tư tế Ê-li dạy cho cậu bé Samuen trong đêm khuya khi cậu nghe thấy có tiếng người gọi: ‘Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.’

Đây là một lời cầu nguyện đẹp mà chúng ta có thể thân thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa, xin hãy phán, vì con đang lắng tai nghe.’ Lời cầu nguyện xin ơn được ngoan ngoãn với Thần Khí và sự ngoan ngoãn này sẽ thúc đẩy Giáo Hội trở thành khí cụ của Thánh Thần. ‘Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.’ Chúng ta hãy cầu nguyện như thế và nhiều lần trong ngày: Khi chúng ta bối rối hoang mang, khi chúng ta nghi ngờ khó hiểu hay đơn giản là khi chúng ta muốn cầu nguyện. Và với lời cầu nguyện ấy, chúng ta xin ơn được ngoan ngoãn với Thần Khí.

5. Các thày thông luật đã đóng kín tâm hồn trước Lời Chúa và trước cuộc sống của tha nhân

Các thày thông luật kết án người khác đã chống lại Lời Thiên Chúa. Họ khép kín tâm hồn trước những lời loan báo của các ngôn sứ. Đối với họ, cuộc sống của tha nhân chẳng có gì đáng phải bận tâm, chỉ có khuôn khổ của lề luật và những phép tắc mới là điều quan trọng. Đây chính là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Hai, ngày 11 tháng Tư, tại nguyện đường Thánh Marta.

Trọng tâm bài giảng được Đức Thánh Cha triển khai từ bài đọc một trích sách Công vụ Tông Đồ, thuật lại việc các thày thông luật kết án ông Tê-pha-nô bằng những lời phỉ báng, vì họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông. Bấy giờ, họ mới xui mấy người phao lên rằng: “Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Mô-sê và Thiên Chúa.” Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Tâm hồn họ đã đóng kín trước chân lý của Thiên Chúa và chỉ bám lấy sự đúng sai theo lề luật. Nhưng khi chỉ biết đến sự chính xác của lề luật, của những con chữ, họ không tìm được lối đi nào khác ngoài sự dối trá, dựng lên chứng gian và giết chết người khác. Có lần, Đức Giêsu đã từng khiển trách họ bởi thái độ này, vì ‘cha ông họ đã giết các ngôn sứ’, còn chính họ lại là những người xây lăng cho các ngôn sứ ấy. Nhưng các thày thông luật, các tiến sĩ của chữ nghĩa này thật ra là những người hoài nghi hơn là đạo đức giả: ‘Nếu chúng tôi được sống vào thời cha ông chúng tôi, chắc chắn chúng tôi sẽ không làm việc đó.’ Và như thế, họ đã phủi sạch tay mình và tự xét mình là những người trong sạch. Nhưng tâm hồn họ lại đóng kín trước Lời Chúa, trước chân lý và trước sứ giả của Thiên Chúa, là những người thông truyền lời loan báo đến Dân Người.

Tôi cảm thấy đau buồn khi đọc một đoạn nhỏ trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, thuật lại việc Giuđa hối hận, đến gặp các thượng tế và nói rằng: ‘Tôi đã phạm tội nộp người vô tội.’ Và Giuđa muốn trả lại tiền. Nhưng các thượng tế đáp: ‘Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!’ Trái tim họ đã thật sự khép kín trước người đàn ông đáng thương này. Giuđa đã ăn năn hối hận nhưng không biết phải làm gì để chuộc lỗi. Và điều mà anh nhận được là một câu nói lạnh nhạt: ‘Mặc xác anh!’ Giuđa đã ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ. Các thượng tế đã làm gì khi Giuđa thắt cổ? Phải chăng họ đã nói: ‘Ôi, tôi nghiệp anh quá’? Không. Họ không tỏ ra thương xót nhưng ngay lập tức đề cập đến số bạc Giuđa đã bỏ lại: ‘Không được phép bỏ vào quỹ Đền Thờ, vì đây là giá máu.’… Theo luật thì chúng ta phải làm như thế này, như thế nọ, như thế kia…. Ôi, những vị tiến sĩ của chữ nghĩa!

Đối với các vị tiến sĩ ấy, mạng sống của một con người chẳng có nghĩa lý gì, sự ăn năn hối hận của Giuđa chẳng hề quan trọng. Điều duy nhất quan trọng với họ là khuôn khổ của lề luật, là những từ ngữ, chữ nghĩa và tất cả những gì mà họ đã xây đắp lên. Đây chính là sự chai cứng trong tâm hồn họ. Nhưng những người có con tim chai đá và mù tối ấy đã không thắng nổi chân lý mà Tê-pha-nô đang nói. Vì thế, họ tìm những nhân chứng giả để có thể kết án ông.

Kết cục của Tê-pha-nô cũng giống như bao vị ngôn sứ khác, và cũng giống như Đức Giêsu. Và đây cũng chính là điều không ngừng được lặp lại trong lịch sử của Giáo Hội. Lịch sử ấy nói với chúng ta về bao nhiêu người đã bị giết hại, bị kết án cho dẫu là hoàn toàn vô tội: bị kết án với lời của Thiên Chúa, vì bị cho rằng đã chống lại Lời Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghĩ đến việc săn phù thủy hay nghĩ đến thánh Gioana thành Arc của nước Pháp, nghĩ đến rất nhiều người khác đã bị đưa lên dàn hỏa thiêu. Họ bị xử tử vì, theo các thẩm phán, không hành xử đúng với Lời Chúa. Gương của Đức Giêsu vẫn còn đó. Khi Ngài một mực trung tín và vâng phục Lời của Cha, Ngài đã phải chết treo nhục nhã trên thập giá. Với tất cả sự dịu dàng, từ tốn, Đức Giêsu đã nói với hai môn đệ trên đường Emmaus: ‘Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều các Ngôn Sứ đã nói!’ Phần chúng ta, ngày hôm nay, chúng ta cũng hãy nài xin Thiên Chúa, với cùng một sự dịu dàng, từ tốn ấy, đoái xem đến những ngu muội lớn cũng như nhỏ trong tâm hồn chúng ta. Xin Chúa chăm nom, vỗ về chúng ta và nói với chúng ta rằng: ‘Ôi, kẻ khờ dại và chậm tin’ và sau đó, xin Chúa bắt đầu giải thích mọi sự cho chúng ta.”