Ngày 20-04-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nhận diện mục tử và người chăn thuê
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
06:22 20/04/2013
Hằng năm cứ đến ngày Lễ Chúa Chiên Lành (Chúa Nhật IV Phục Sinh), cả Giáo hội hướng đến việc cổ võ ơn thiên triệu trong bậc tu trì nói chung và cách riêng ơn gọi làm linh mục. Có thể luận suy rằng khi người ta yêu sách phẩm hạnh cần có của một bậc sống thì mặc nhiên người ta khẳng định sự cao quý và cần thiết của bậc sống ấy.

Một sự thật dễ thấy, đó là khi đề cập đến mặt tích cực và khi đó là một trong những nhân đức hay lý tưởng thì người ta dễ đón nhận và cũng dễ tự bằng lòng khi thấy mình chưa đạt đến. Một trong những luận lý để tự châm chước đó là phận người còn nhiều hạn chế, thiếu sót vì như lời người xưa: “nhân vô thập toàn”. Trái lại khi nói đến điều tiêu cực, hay mặt trái của vấn đề thì người ta khó đón nhận, vì ai ai cũng vấn vương chút sĩ diện, chút tự ái nào đó. Dù vậy, qua những lời của chính Chúa Kitô, chúng ta cũng cần xem xét đôi điều để phân biệt mục tử với người chăn thuê.

Đã nói là phân biệt hai thực thể nào đó thì chắc chắn giữa chúng phải có nét tương đồng khiến người ta dễ lầm lẫn. Vì thế, trước hết chúng ta cùng xem xét một vài nét xem ra tương đồng giữa người chăn thuê và vị mục tử:

1.Qua cửa ràn chiên: Cả hai, vị mục tử và kẻ chăn thuê đều đường đường chính chính qua cửa ràn chiên mà vào và ra chứ không leo tường hay chui rào. Có thể nói rằng dù được tấn phong giám mục thành sự, được truyền chức linh mục thành sự, dù có sắc phong, có văn thư bổ nhiệm hợp pháp…thì cũng chưa hẳn đã là mục tử chính hiệu.

2.Biết chiên: Dù rằng khó có thể có cái “biết” theo nghĩa Kinh Thánh đó là đồng thân, chung phận, nhưng người chăn thuê cũng biết con chiên một cách nào đó khả dĩ đáng gọi là biết theo nhãn quan nhân loại.

3.Chiên nghe tiếng và đi theo mục tử cũng như kẻ chăn thuê: Ít ai phản đối sự thật này, vì người chăn thuê không phải là người lạ hay là kẻ trộm (x.Ga 10,5;8). Ngoại trừ một số ít chiên “cá biệt” hoặc bị gán nhãn mác là “chống giáo sĩ”, thì có thể nói là đại đa số giáo dân Công giáo, cách riêng giáo dân Công giáo Việt Nam đều ngoan, theo nghĩa là biết vâng nghe lời các đấng bậc.

4.Người chăn thuê và mục tử đều dẫn chiên đến đồng cỏ và nguồn nước: Rất có thể chiên không được hưởng dùng các loại cỏ xanh tươi hay dòng nước mát trong cách tốt nhất, nhưng người chăn thuê vẫn không quên bổn phận cung cấp thức ăn và nước uống cho đàn chiên.

Tiếp đến chúng ta cùng nhận diện những điểm khác biệt giữa người chăn thuê và vị mục tử. Đây là nội dung muốn chia sẻ. Hy vọng rằng khi trực kiến với hình ảnh mang tính phản diện thì chúng ta dễ giật mình hơn, không chỉ với những người đang trong phận vụ mục tử mà còn với cả những người trong danh phận con chiên.

1.Làm chỉ vì tiền: Mục đích nhắm của bất cứ người làm thuê nào, nếu thực sự là làm thuê, thì đều vì tiền công. Người chăn thuê cũng có thể có tấm lòng với đàn chiên, nhưng ưu tiên số một vẫn là tiền công, dù là công nhật, công tháng, công năm hoặc hưởng lương theo sản phẩm.

2.Làm hết giờ hơn là làm hết việc: Trong thân phận người làm thuê thì người ta rất mong đến giờ tan sở. Giả như người làm thuê nếu có làm hết việc thì ít khi hết lòng. Nếu người làm thuê làm ăn lương theo sản phẩm thì có đó chuyện làm hết sức, nhưng làm cách công tâm và hết tình thì chưa hẳn có. Trái lại, nếu đúng là mục tử thì có thể nhiều khi làm không hết việc, thậm chí có khi không được việc trước mắt, nhưng luôn thực thi hết lòng.

3.Không quan tâm đến chiên ngoài đàn: Đây là một điều tất yếu đương nhiên. Đã là làm thuê thì ít có ai thích dài tay với những việc xem ra không quá đòi buộc phải làm hoặc có xao nhãng hay không làm cũng chẳng bị trừ lương. Đã là mục tử thì không thể quên lời của Thầy chí thánh, Giêsu: “Ta còn nhiều chiên ở ngoài đàn…”

4.Không bao giờ sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì chiên: Cần thú nhận rằng chẳng có ai dại gì tự nguyện bị thiệt thân vì những gì không thuộc về mình. Khi thấy sói đến người chăn thuê sẵn sàng bỏ chiên để giữ lấy mạng sống mình (x.Ga 10,12). Chuyện hiến dâng mạng sống vì chiên xem ra chẳng hề có trong tâm trí của người chăn thuê. Trái lại, đây là điểm không thể thiếu để thẩm định ai mới là mục tử.

Với bốn điểm đồng và bốn điểm dị, thầm mong khi phân biệt mục tử với người chăn thuê, chúng ta thêm xác tín rằng ngoài việc cần thiết cầu nguyện liên lỉ cho các mục tử trong Giáo hội, thì đang còn đó nhiều việc đáng làm và nên làm. Cũng hy vọng rằng một số mục tử nào đó trong Giáo hội, dù chưa hẳn xứng danh mục tử tốt lành nhưng không phải là những người chăn thuê. Và mong sao không hề có những kẻ chăn thuê đang mang danh mục tử.

Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ muốn đoàn chiên của Người sống và hành xử như “đoàn cừu của Panurge”, mà là như đoàn dân Thiên Chúa trưởng thành, đầy ý thức và tinh thần trách nhiệm, luôn tích cực cộng tác với ơn Chúa để dệt xây những mục tử tốt lành như lòng Chúa ước mong.
 
Lịch phụng vụ tháng 5 /2013
Lm. Anphong Trần Đức Phương
06:36 20/04/2013
LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 5/2013

Theo truyền thống lâu đời trong Giáo Hội, Tháng 5 là tháng đặc biệt dâng kính Đức Mẹ và thường được gọi là Tháng Hoa.

Trong tháng này chúng ta sẽ mừng Lễ các Chúa Nhật (Năm C) 6, 7, mùa Phục Sinh, và Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Chúa Nhật lễ Thiên Chúa Ba Ngôi; ngoài ra chúng ta cũng mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời (vào Thứ 5, ngày 9 tháng 5; nhưng thường được chuyển mừng vào Chúa Nhật 7 mùa Phục Sinh), Lễ Thánh Giuse Thợ, Lễ Đức Mẹ Fatima, Lễ Đức Mẹ Đi Thăm Bà Thánh Elisabet.

LỄ THÁNH GIUSE THỢ (Ngày 1/5):

Hôm nay là ngày Quốc Tế Lao Động, vì thế Giáo Hội muốn dâng kính Thánh Giuse, để mọi người chúng ta noi theo gương lao động của Thánh Giuse và chăm chỉ làm việc để nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp công sức để xây dựng thế giới này mà Thiên Chúa đã dựng nên cho chúng ta hưởng dùng; đồng thời cũng đóng góp vào công cuộc cứu chuộc nhân loại. Thánh Lễ hôm nay được thành lập vào năm 1955 do Đức Giáo Hoàng Piô XII.

Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng hiệp ý dâng lời cầu nguyện "Lạy Chúa là Cha, là Đấng sáng tạo và điều hành vũ trụ, trong mọi thời đại, Chúa kêu gọi con người phát triển và dùng tài năng của mình để giúp đỡ người khác. Noi theo gương sáng và sự hướng dẫn của Thánh Giuse, xin Chúa giúp chúng con làm công việc mà Chúa muốn, hầu được hưởng phần thưởng mà Chúa đã hứa ban."

Các Bài Đọc: Có thể lấy những bài sau đây: Bài Đọc 1: Sáng Thế 1:26-2:3; hoặc: Thơ Côlôssê 3: 14-15,17, 23,24. Bài Phúc Âm: Matthêu 13: 54-58.

LỄ CHÚA NHẬT 6 MÙA PHỤC SINH (Ngày 5/5):

Bài Phúc Âm Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay (Gioan 14:23-29) ghi lại một đoạn những lời Chúa Giêsu tâm tình với các Tông Đồ trong bữa Tiệc Ly trước khi từ giã các Tông Đồ và đi vào cuộc khổ nạn. Chúa Giêsu an ủi các Tông Đồ và ban bình an cho các Tông Đồ và cho các Tông Đồ biết Chúa Cha sẽ sai Chúa Thánh Thần xuống và an ủi các Tông Đồ, rồi bảo các Tông Đồ: "Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Thày đi rồi lại trở lại với các con." Trước đó Chúa Giêsu căn dặn các Tông Đồ là "Ai yêu mến Thày thì sẽ giữ Lời của Thày và Chúa Cha sẽ yêu mến người ấy và ở trong người ấy." Bài Đọc 1 (Cv 15:1-2,22-29) ghi lại việc các Tông Đồ và Thánh Phaolô ra quyết định về những người tòng giáo không phải cắt bì, chỉ cần giữ lề luật Chúa, để có thể được ơn cứu độ. Bài Đọc 2 (Khải Huyền 21:10-14,22,23) ghi lại thị kiến về "Thành Thánh Giêrusalem mới," đầy vẻ huy hoàng trong ánh sáng, và là nơi Thiên Chúa cao cả ngự trị.

LỄ CHÚA NHẬT CHÚA LÊN TRỜI (Ngày 12/5):

Lễ Chúa Giêsu Lên Trời được mừng vào Thứ Năm ngày 9 tháng 5, nhưng được chuyển vào ngày Chúa Nhật 7 Mùa Phục Sinh (Ngày 12/5) vì lý do mục vụ, để giáo dân có thể đi dâng lễ dễ dàng hơn.

Bài Phúc Âm hôm nay (Gioan 16:16-20) ghi lại việc Chúa Giêsu nói cho các Tông Đồ biết là Chúa Thánh Thần sẽ đến và an ủi các Tông Đồ, rồi Chúa Giêsu ban phép lành cho các Tông Đồ và "rời khỏi các Tông Đồ mà lên trời." Bài Đọc 1 (Cv 1: 1-11) ghi lại việc Chúa Giêsu đã sống lại thật và hiện ra với các Tông Đồ nhiều lần khác nhau trong 40 ngày, sau đó người về trời, sau khi đã hứa với các Tông Đồ là Chúa Thánh Thần sẽ đến thánh hóa các Tông Đồ và sai các Ngài đi các nơi "cho đến tận cùng trái đất" để làm những chứng nhân rao giảng Phúc Âm tình thương của Chúa. Trong Bài Đọc 2 (Ephêsô 1:17-23), Thánh Phaolô cầu xin cho các tín hữu được ơn khôn ngoan sáng suốt nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, Đấng đã chết để chuộc tội nhân loại, nhưng đã sống lại và lên trời vinh hiển và "làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Ngài, và là sự viên mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người.

LỄ ĐỨC MẸ FATIMA (Ngày 13/5):

Thánh lễ hôm nay kỷ niệm lần đầu tiên Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Đã có rất nhiều bài viết về Đức Mẹ Fatima, về 3 mệnh lệnh Fatima và về Bí mật Fatima. Chúng ta có thể đọc trong các báo chí hay trong các mạng lưới toàn cầu.

Các Bài Đọc: Bài Đọc 1 (Cv 19:1-8); Bài Phúc Âm (Gioan 16:29-33).

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG (Ngày 19/5):

Khi Chúa Giêsu về trời, Ngài hứa sẽ ban Đức Chúa Thánh Thần xuống trên các Tông Đồ để thánh hóa các Ngài và thêm sức mạnh để các Ngài đi khắp nơi rao giảng Danh Chúa và can đảm chịu mọi khó khăn, bách hại và thử thách.

Như lời Chúa Giêsu đã hứa, Chúa Thánh Thần luôn ở với Giáo Hội và gìn giữ Giáo Hội vượt qua mọi gian nan thử thách, mọi cuộc bách hại. Con thuyền của Giáo Hội vượt biển trần gian, luôn luôn gặp những cơn sóng gió, bão táp, nhiều khi thật mạnh mẽ, và con thuyền Giáo Hội bị chao đảo, nhưng không bao giờ bị đắm chìm. Chính Chúa Giêsu cũng đã hứa, "Ở cùng Giáo Hội mọi ngày cho đến tận thế." Chúa Giêsu cũng nói với Thánh Phêrô, "Con là hòn đá tảng, trên hòn đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày, dù sức mạnh của tử thần cũng không thắng nổi." (Matthêu 16:18).

Ngày nay Giáo Hội cũng đang gặp thật nhiều thử thách, và bách hại; nhưng chúng ta đừng qúa sợ hãi hay nản lòng. Hãy cầu nguyện chung cho nhau, hãy cầu nguyện cho các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, nhất là Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô, rồi tin tưởng phó thác mọi sự trong bàn tay uy quyền của Chúa.

Con thuyền của Giáo Hội không phải là để chở các vị thánh, nhưng để chở con người trần gian, có nhiều yếu đuối và sa ngã, dù ở địa vị nào. Chúng ta đừng phê bình chỉ trích lẫn nhau, hay phàn nàn kêu trách, nhưng hãy cầu xin lòng thương xót của Chúa: "Nhờ cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới," và xin Chúa thứ tha mọi tội lỗi vì yếu đuối của con người chúng ta.

Thánh Lễ Vọng: Các bài đọc: Bài Đọc 1: (Sáng Thế 11:1-9); hoặc (Xuất Hành 19:3-8, 16-20); hoặc (Egiêkiel 37:1-14); hoặc (Giôen 3:1-5). Bài Đọc 2: Rôma 8:22-27. Bài Phúc Âm: Gioan 7: 37-39).

Thánh lễ trong ngày: Bài Đọc 1 (Cv 2:1-11) ghi lại việc Chúa Thánh Thần xuống trên các Thánh Tông Đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái và ban ơn thánh hóa các Thánh Tông Đồ và các Ngài bắt đầu giảng dạy dân chúng. Trong Bài Đọc 2 (Rôma 8: 8-17), Thánh Phaolô mời gọi chúng ta là các tín hữu của Chúa, chúng ta đừng sống theo tính xác thịt, vì lòng chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần. Hãy xin Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta và gìn giữ chúng ta sống xứng đáng là những tín hữu của Chúa Kitô và đáng được xưng với Chúa là Cha (Chúng ta nhớ lại Kinh Lạy Cha). (Bài Đọc 2 cũng có thể lấy ở: 1 Corintô: 12:3-7,12,13). Bài Phúc Âm (Gioan 20:19-23) ghi lại lần Đức Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các Thánh Tông Đồ, ban ơn Chúa Thánh Thần cho các Ngài và ban cho các Ngài quyền tha tội: "Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha, các con cầm buộc tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại." (Bài Phúc Âm cũng có thể lấy ở Gioan 14:15-16,23-26).

CHÚA NHẬT LỄ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI (Ngày 26/5):

Thánh Lễ hôm nay kính một Đức Chúa Trời mà Ngài có ba Ngôi: Ngôi Nhất là Chúa Cha, Ngôi Hai là Chúa Con, Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần. Khi chúng ta cúi đầu làm Dấu Thánh Giá, hay đọc kinh Sáng Danh là chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta được chịu các Bí Tích nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thiên Chúa Ba Ngôi là một Mầu Nhiệm; nhưng chúng ta biết được là do lời Chúa Giêsu nói với các Thánh Tông Đồ: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân để họ trở thành môn đệ của Thày và ban Phép Rửa cho họ nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần." (Matthêu 28:19). Ở nhiều nơi khác, Chúa Giêsu cũng nói đến Đức Chúa Cha, nói đến Đức Chúa Thánh Thần. Các Bài Đọc: Bài Đọc 1: (Sách Châm Ngôn 8: 22-31) nói đến sự hằng hữu của Thiên Chúa, Đấng có từ thuở đời đời trứơc khi vũ trũ được tạo thành. Trong Bài Đọc 2 (Rôma 5:1-5), Thánh Phaolô nói cho chúng ta biết: Ơn Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết nhẫn nại chịu đựng mọi thử thách và luôn vững lòng trông cậy và sống bình an trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc chúng ta. Bài Phúc Âm (Gioan 16:12-15) ghi lại những lời Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ là "Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên các Tông Đồ và thánh hóa các Tông Đồ để các Tông Đồ khôn ngoan hướng dẫn Dân Chúa đi theo đường lối Chúa.

LỄ ĐỨC MẸ ĐI THĂM BÀ THÁNH ELISABET (Ngày 31/5):

Thánh Lễ hôm nay để kỷ niệm biến cố Đức Mẹ "vội vã đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa, để thăm gia đình ông Giacaria và bà Elisabet, là người chị họ của Đức Mẹ .

Chúng ta nhớ lại khi Sứ Thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Mẹ, sứ thần đã nói cho Đức Mẹ biết "kìa bà Elisabet là chị họ của Mẹ cũng đã thụ thai được 6 tháng ..." Lúc đó Đức Mẹ, vì sẵn có lòng thương người, nên nghĩ ngay đến việc phải đi thăm người chị họ ngay để giúp bà trong những ngày sắp sinh nở trong tuổi già. Khi đến nơi, hai chị em rất vui mừng gặp gỡ nhau và Gioan, con trong lòng bà Elisabet, đã nhảy mừng. Bà Elisabet đã nói lời chúc tụng Mẹ Maria, "Phúc cho em là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện." Còn Đức Mẹ đã khiêm tốn dâng lời cảm tạ Chúa "vì Chúa đã nhìn đến phận hèn của tôi tớ Chúa, vậy từ nay mọi thế sẽ khen tôi diễm phúc..." (Chúng ta hãy nhớ đến Kinh Cảm Tạ "Magnificat"). Xin xem Bài Phúc Âm Thánh lễ hôm nay (Luca 1:39-56). Trong Bài Đọc 1 (Rôma 12:9-16), Thánh Phaolô mời gọi chúng ta là các tín hữu của Chúa, chúng ta hay thương yêu nhau như những anh em trong cùng một gia đình, hãy khiêm tốn giúp đỡ những người cần giúp đỡ. Hãy tha thứ và cầu nguyện cho những người bách hại chúng ta. Hãy khiêm tốn và đừng tự kiêu tự đại. (Bài Đọc 1 cũng có thể lấy ở sách Tiên tri Xôphônia 3:14-18).

Vậy trong Tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ, chúng ta hay vui mừng hái những bông hoa hy sinh, hãm mình, những chuỗi kinh Mân Côi, những lời ca tiếng hát để tạ ơn Chúa cho Đức Mẹ, và cầu nguyện xin Đức Mẹ giúp chúng ta biết noi gương Đức Mẹ, sống khiêm nhường, khó nghèo, và luôn biết yêu thương giúp đỡ mọi người cần đến sự thăm viếng giúp đỡ của chúng ta.Nhờ lời Mẹ Maria, Thánh Giuse, các Thánh Tử Đạo Việt Nam và các Thánh chuyển cầu, xin Chúa thương gìn giữ Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô, và các phẩm trật trong Giáo Hội, cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam, cho các Giáo Hội đang bị bách hại ở các nơi trên thế giới, cho mọi người chúng ta, và cho gia đình chúng ta.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:54 20/04/2013
BÀI THƠ CỦA EM GÁI NHỎ

N2T


Bà Donald có cất giữ một thứ rất quý báu, đó là một bài thơ mà cháu gái bà là Heidi viết khi nó mười bốn tuổi, đó là bài thơ khi mà Heidi ở với hai vợ chồng già của bà được ba tháng tại Massachusetts, Heidi nói với bà nội:

- “Bài thơ này cháu làm cho bà nội đó.”

Bài thơ được kết thúc như sau:

“Tình yêu cần phải có thời gian,

nhưng càng quan trọng hơn là: tình yêu cần có bà.

Bởi vì nếu không có bà,

thì không có thời gian, và cũng không có tình yêu.”


(Christophers)

Suy tư:

Tình yêu cần phải có thời gian và đối tượng.

Tình yêu của Thiên Chúa cũng cần thời gian và đối tượng, đối tượng chính là con người.

- Thiên Chúa cần có thời gian để giáo huấn.

- Thiên Chúa cần có thời gian để ban ơn.

- Thiên Chúa cần có thời gian để đợi con người hối cải.

- Thiên Chúa cần có thời gian để bày tỏ ý định của mình cho con người.

- Thiên Chúa cần có thời gian để chuẩn bị chương trình cứu độ của Ngài.

- Thiên Chúa cần có thời gian để kiên nhẫn và tha thứ.

Nếu không có đối tượng là con người, thì Thiên Chúa sẽ mất thời gian vô ích.

Nếu không có đối tượng là con người, thì Thiên Chúa sẽ không tỏ mình ra cho họ.

Nếu không có đối tượng là con người, thì Thiên Chúa sẽ không hy sinh Con Một của mình.

Nếu không có đối tượng là con người, thì Đức Chúa Giê-su sẽ không xuống thế làm người, chịu đau khổ, chết và sống lại.

Nếu không có đối tượng là con người, thì ai sẽ là người cất tiếng ngợi khen tình yêu của Ngài trên khắp vũ trụ này ?

Mỗi cuộc sống của chúng ta là một bài thơ dâng tặng cho Thiên Chúa, vì đối tượng tình yêu của chúng ta chính là Ngài...

--------------

http://nhantai.info

http://www.vietcatholic.net/nhantai

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:46 20/04/2013
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH
(Ngày cầu cho ơn thiên triệu)

Tin mừng : Ga 10, 27-30.
“Tôi ban sự sống đời đời cho chiên của tôi”.


Bạn thân mến,
Giáo Hội dành riêng chúa nhật này để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục, tu sĩ, để Giáo Hội ngày càng có thêm nhiều người hiến dâng cuộc sống của mình để phục vụ Thiên Chúa trong ơn gọi của mình, trong niềm xác tín vào ơn gọi linh mục mà tôi đã lãnh nhận từ nơi Giáo Hội, tôi xin chia sẻ với bạn ba điểm này :

1. Ơn thiên triệu là một sáng kiến của Thiên Chúa.
Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương nhân loại mà có những sáng kiến độc đáo vượt qua trí khôn của con người để cứu chuộc nhân loại, trong đó có sáng kiến kêu gọi một số người sống đời tận hiến, để thay mặt Ngài để hiến tế, để tha tội, để phục vụ tha nhân và loan truyền Phúc Âm cho mọi người, đó chính là các linh mục, các tu sĩ nam nữ, và những người tự nguyện sống trong các cộng đoàn tu hội đời được Giáo Hội chấp thuận.

Ơn thiên triệu tự nó đã nói lên được lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi, bởi tự bản chất của nó là mời gọi, là triệu tập những người thiện chí đi theo lời mời gọi của Ngài để trở nên một dụng cụ mới hơn, đắc lực hơn trong công việc rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc.

Sáng kiến này được Đức Chúa Giê-su thực hiện đầu tiên khi Ngài kêu gọi các tông đồ đi theo Ngài, để tiếp tục sứ mạng cứu chuộc của Ngài ở trần gian, và hơn hai ngàn năm nay Thiên Chúa –qua Giáo Hội- vẫn tiếp tục mời gọi những tâm hồn thiện chí biết quên mình để phục vụ và yêu thương Ngài nơi tha nhân, chính ơn gọi này đã làm cho nhân loại ngày càng tốt tươi hơn, gần gủi với nhau hơn, và thấy rõ được tình yêu Thiên Chúa hơn, qua đời sống tận hiến của các linh mục và các tu sĩ nam nữ trong Giáo Hội.

Bởi vì Ơn thiên triệu là một sáng kiến độc đáo của Thiên Chúa, nên chỉ có Thiên Chúa mới độc quyền kêu mời và tuyển chọn ai thì theo ý muốn của Ngài mà thôi, và như thế thì thật vinh dự cho người được chọn vậy...

2. Linh mục là quà tặng Thiên Chúa ban cho thế gian.
Đức Chúa Giê-su –Đấng cứu độ trần gian- đã vì yêu thương nhân loại mà thiết lập chức linh mục –bí tích Truyền Chức thánh- để qua bí tích này, nhân loại đón nhận vô vàn ân sủng của Ngài ban cho qua các linh mục, và chính nhờ bí tích này mà Đức Chúa Giê-su –qua bí tích Thánh Thể- đã trở nên của ăn của uống nuôi dưỡng linh hồn những người tin vào Ngài. Đây là một hồng ân và là một món quà vô giá, mà chỉ có Thiên Chúa mới hào phóng ban tặng cho nhân loại mà thôi, bởi vì không một cá nhân nào tự quyền cho mình lam linh mục, không một tổ chức nhân loại nào có quyền tự phong chức linh mục cho người khác, hoặc đặt người trong tổ chức của mình làm linh mục, nếu đoàn thể đó không hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo và đức giáo hoàng Rô-ma.

Các tín hữu Công Giáo càng ý thức mình là người Ki-tô hữu, thì càng đề cao vai trò của các linh mục trong đời sống thiêng liêng của mình, bởi vì từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời, người Ki-tô hữu đã được hưởng biết bao ơn lành của Thiên Chúa từ tay các linh mục, đó chính là hồng ân và là quà tặng của Thiên Chúa ban cho họ, chính qua bí tích Truyền Chức thánh mà linh mục trở nên Đức Chúa Ki-tô thứ hai để tiếp tục sứ mạng và công việc của Đức Chúa Ki-tô tại trần gian này, đó là hiến tế, tha tội và thông ban ân sủng của Thiên Chúa cho người giáo dân.

Không có linh mục thì không có thánh lễ, không có thánh lễ thì không có tiệc thánh Mình và Máu Đức Chúa Ki-tô, tức là không có hy tế dâng lên Chúa Cha xin Ngài ban ơn và tha tội cho nhân loại tội lỗi, do đó mà giáo dân cần phải yêu mến, trân trọng và gìn giữ món quà quý giá mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, đó là các linh mục của Chúa.

3. Cầu nguyện, hy sinh và yêu thương các linh mục, tu sĩ nam nữ.
Bạn thân mến,
Có giáo dân khóc vì có một số linh mục không làm tròn bổn phận cao quý của mình, có một vài giáo dân bực mình vì có một số linh mục cũng như các tu sĩ nam nữ chưa thực sự dấn thân vì Tin Mừng và vì tha nhân, có những người chống đối và chỉ trích cách sống của một số linh mục, vì những linh mục này sống không giống với những gì mà họ đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa và Giáo Hội...

Trách cứ, buồn phiền, chỉ trích của bạn và của tôi với các linh mục là do những bức xúc mà có, nhưng nếu chỉ trích mà không cầu nguyện cho các ngài, buồn phiền mà không yêu mến các linh mục, trách cứ mà không tha thứ, thì –xét cho cùng- cũng chẳng cải thiện được gì, mà có khi còn mở đường cho người khác chống đối các linh mục của chúng ta. Do đó, mà bạn và tôi nên tự hỏi mình: có lúc nào tôi cầu nguyện cho các linh mục của Giáo Hội không ?

Trong ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu hôm nay, tôi xin mời anh chị em trong giáo xứ của mình tăng gia lời cầu nguyện và làm các việc hy sinh, để cầu nguyện cho các linh mục và các tu sĩ nam nữ trong Giáo Hội. Bởi vì chỉ có cầu nguyện, hy sinh và yêu thương là những phương thế chữa lành, và ban sức mạnh giúp cho các linh mục và các tu sĩ nam nữ đi trọn con đường tận hiến của mình mà thôi...
--------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
Xin Thiên Chúa và Đức Mẹ Ma-ri-a –Mẹ của các linh mục và của các tu sĩ nam nữ- chúc lành cho tất cả chúng ta.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:49 20/04/2013
N2T

39. Nếu con muốn khống chế bản thân mình để hưởng thụ sự bình an trong lòng cách chân chính, thì con phải từ bỏ ý riêng và sự thiên kiến của con.

(Thánh John Berchmans)
---------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:51 20/04/2013
HÃY ĐỂ TRẺ NHỎ ĐẾN VỚI THẦY
Cha sở đang cầu nguyện trong nhà thờ, ngài bực mình vì tiếng la hét đùa giỡn của các em trong sân nhà thờ, nhưng ngài nhớ lại lời của Đức Chúa Giê-su: “hãy để các trẻ nhỏ đến với Thầy...” ngài mĩm cười đứng dậy đi ra.
Các em nhỏ đang đùa giỡn trong khuôn viên nhà thờ, thấy cha sở đi ra đều lấm lét tái mặt, có em bỏ chạy, có em chuẩn bị khóc...
Cha sở vừa cười vừa ôn tồn nói:
- “Các con cứ vui chơi đi, nhưng nhớ giữ sân nhà thờ sạch sẽ và đừng chạy nhảy leo trèo, nguy hiểm lắm đó.”
---------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần một khuôn mặt truyền giáo
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:52 20/04/2013
VẼ VANG GIÁO HỘI VIỆT NAM

33. Linh mục Giu-se NGUYỄN CAO TRÍ, CSJB.

- Cha sở giáo xứ thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ, thành phố Đài Nam (Tainan) thuộc giáo phận Đài Nam, Đài Loan.
- Cha sở giáo xứ thánh An-tôn.
- Cha sở giáo xứ Long Điền (Lungtien).

Linh mục Giu-se Nguyễn Cao Trí là linh mục của hội dòng Tiểu Đệ thánh Gioan Tẩy Giả (Congregation of Saint John Baptist, viết tắt là CSJB), thuộc tỉnh dòng Đức Tin (Việt Nam), đi truyền giáo tại Đài Loan, ở nhà dòng mẹ tại Taichung một năm học tiếng Hoa. Ngày 27/12/2003 ngài cùng với 17 anh em tu sĩ của hội dòng được đức giám mục Vương Dũ Vinh nguyên giám mục giáo phận Đài Trung phong chức linh mục.
Sau khi chịu chức linh mục thì cha Cao Trí được bài sai của bề trên đến phục vụ tại giáo phận Đài Nam (Tainan), theo lời mời của đức giám mục giáo phận Đài Nam, tại đây sau một thời gian làm phó xứ thì đến năm 2010, ngài được đức cha bổ nhiệm làm chánh xứ giáo xứ thánh Phê-rô và Phao-lô của giáo phận, và kiêm nhiệm thêm các giáo xứ khác là: giáo xứ thánh An-tôn, giáo xứ Long Điền thuộc giáo phận Đài Nam.
Đây là sự vẽ vang cho Giáo Hội Việt Nam cách chung và cách riêng cho các linh mục tu sĩ nam nữ đang truyền giáo tại đảo quốc Đài Loan.
Xin mọi người cầu nguyện cho các nhà truyền giáo Việt Nam trên khắp thế giới.
-------------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Theo tiếng gọi của Trời cao.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
06:20 20/04/2013
Theo tiếng gọi của Trời cao.

Ngày trước, những người vào sống trong nhà Dòng,Tu viện hay chủng viện, được gọi là những người đi tu, những người nhà Đức Chúa Trời.

Ngày nay, họ được gọi là những người chọn nếp sống đời tu trì tận hiến.

Danh xưng gọi họ có khác nhau, nhưng nội dung vẫn như nhau. Vì họ là những người nghe theo tiếng Chúa kêu gọi ra đi sống làm việc tinh thần đạo giáo, việc của Chúa, việc do Giáo Hội trao.

1. Họ là ai và làm gì?

Họ là những con người như bao con người được Chúa tạo thành với thân xác, trí tuệ tinh thần, thần kinh cảm giác cùng ý chí lòng muốn.

Họ là những người đã lãnh nhận làn nước Bí Tích Rửa tội.

Họ là những người có cả sở trường và sở đoản, mặt sáng và mặt có bóng tối che khuất, mặt mạnh và mặt yếu. Họ có những điều làm đúng, và cũng có điều sai trái.

Họ có niềm vui, nụ cười, và cũng có cả nỗi buồn phiền đau khổ cùng dòng nước mắt.

Họ đứng thẳng đi bằng đôi chân. Nhưng cũng có lúc ngã qụy nằm ẹp xuống nền mặt đất.

Họ có khả năng suy nghĩ, có trí nhớ, óc tưởng tượng. Nhưng cũng có giai đoạn quên, có lúc không thể suy nghĩ sâu rộng hay lâu dài được nữa.

Họ có trái tim biết yêu và được yêu mến qúi chuộng. Nhưng họ hướng nguồn tình yêu của trái tim mình theo hướng cao thượng dành cho Thiên Chúa và mọi người, chứ không cho riêng mình cùng cho riêng một ai.

Họ là những con người mong muốn vươn lên, muốn tiến tới phía đàng trước. Nhưng họ phải chấp nhận giới hạn về thể xác lẫn tinh thần trí tuệ của mình như bao con người khác.

Việc sống đời hy sinh cầu nguyện là việc quan trọng đời sống tu trì. Nhưng không phải chỉ có thế. Đời sống của họ phải làm sao chiếu tỏ niềm vui, niềm hy vọng là nhân chứng cùng rao truyền phúc âm của Chúa nữa cho con người giữa lòng xã hội.

Đức nguyên thánh cha Benedicto XVI. đã có suy tư về nếp sống ơn Kêu Gọi:

„Linh mục và tu sĩ được mời gọi để trao ban chính mình một cách vô điều kiện cho Dân Thiên Chúa, trong một sự phục vụ yêu thương cho Tin Mừng và Giáo hội, với niềm xác tín vào niềm hy vọng vốn chỉ có thể đến từ một sự mở ra đối với Thiên Chúa. Do đó, ngang qua những chứng tá về đức tin và lòng nhiệt thành tông đồ, họ có thể thông truyền, đặc biệt với các thế hệ trẻ, một khao khát mạnh mẽ để quảng đại và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô, Đấng mời gọi họ bước theo Ngài một cách gần gũi hơn.

Khi một người môn đệ của Đức Giêsu chấp nhận lời mời gọi thần linh để dâng hiến chính mình trong đời sống linh mục hay tu trì, chúng ta chứng kiến một hoa trái chín mùi nhất của cộng đoàn Kitô hữu, giúp chúng ta nhìn vào tương lai của Giáo Hội và sứ mạng rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội trong niềm tin tưởng và hy vọng.

Điều này đòi hỏi cần có những người thợ gặt mới để công bố Tin Mừng, để cử hành Thánh Lễ và bí Tích Hòa Giải.

Vì thế, không thể thiếu những linh mục nhiệt thành, những người luôn ở bên người trẻ với tư cách là “những người bạn đồng hành”, giúp đỡ họ, trong bước đường đời đầy khó khăn và cam go, nhận ra Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (xem Ga 14,6).

Các linh mục cũng là người nói cho người trẻ về lòng can đảm của Tin Mừng, về vẻ đẹp của việc phục vụ Thiên Chúa, cộng đoàn Kitô hữu và anh chị em của mình! Các linh mục là hiện thân của hoa trái phát sinh từ một sự dấn thân nhiệt thành vốn trao ban ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của họ, vì đời sống này được đặt nền tảng trên niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x. Ga 4,19).“ ( Sứ điệp ngày cầu nguyện cho Ơn Kêu Gọi 2013)

Dẫu vậy, đời sống tu trì ở mỗi hoàn cảnh xã hội nền văn hóa có nhiều khác biệt cùng thách đố đòi hỏi.

2. Những thách đố đòi hỏi

Nhiều người nghĩ rằng đi tu chỉ chuyên chăm lo việc cầu nguyện không phải lo toan đến sự đời, đến miếng cơm manh áo.

Suy nghĩ này có phần nào đúng. Nhưng nếu chỉ có thế thì đời tu trì nhàm chán một chiều , và có nguy cơ sinh ra tự mãn dậm chân tại chỗ !

Không, không, không hẳn chỉ có thế, như suy nghĩ tin tưởng. Trái lại, những người chọn nếp sống tu trì cũng không thoát khỏi vòng bị thách đố đòi hỏi.

Đức đương kim Thánh Cha Phanxico đã có nhận xét chính xác về điều này:

“ Khi Giáo Hội không ra khỏi chính mình để phúc âm hóa, Giáo Hội trở nên “quị ngã” và sau đó bị nhuốm bệnh (x. người đàn bà còng lưng trong Tin Mừng). Những điều xấu xa theo thời gian xảy ra trong thể chế Giáo Hội có nguồn gốc từ sự qui ngã và một thứ “tự yêu mình” (theological narcissism).

Trong sách Khải Huyền, Đức Giêsu nói rằng Ngài đứng ở cửa và gõ. Rõ ràng bản văn liên hệ tới việc Ngài gõ cửa từ bên ngoài để vào bên trong, nhưng tôi nghĩ về những lần Đức Giêsu gõ cửa từ bên trong để chúng ta cho Ngài đi ra bên ngoài. Giáo Hội quị ngã giữ Đức Giêsu bên trong mình và không để Ngài đi ra ngoài.“ (26.03.2013)

Thách thức đòi buộc người tu trì phải sống dấn thân đi đến với con người trong đời sống xã hội.

Đến với con người trong xã hội đòi hỏi phải có sự hiểu biết căn bản về trình độ văn hóa của con người thời đại ở nơi đất nước địa phương. Việc này thúc bách họ phải học hành cập nhật hóa với mức đà tiến bộ của xã hội. Tiến trình này nằm trong khuôn khổ hội nhập văn hóa.

Đời sống tu trì ngày hôm nay, trừ Dòng khổ tu đời sống chiêm niệm ra, không chỉ hoàn toàn thu gọn trong nhà thờ, trong văn phòng, trong thư viện khu vực nhà xung quanh vây rào kín. Trái lại họ phải ra đi tiếp xúc làm việc ngoài xã hội công cộng.

Đi ra dấn thân vào lòng xã hội là việc tốt cùng cần thiết. Nhưng có nguy cơ bị lôi kéo xao lãng nới lỏng nếp sống tu trì. Đây là thách đố lớn cho họ. Vì thế, họ phải làm sao giữ được mức thăng bằng quân bình trung thành với nếp sống đời tu trì và đừng quên dấn thân cho con người trong xã hội; giữa nếp sống đạo đức thiêng liêng và nếp sống nhân bản.

Họ ra đi làm việ chiện diện cùng đồng hành giữa con người là nhân chứng cho Chúa giữa lòng thế giới.

Là con người với thất tình - hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục - luân chuyển sẵn trong máu mủ, nên họ cũng bị thử thách cám dỗ. Đây cũng là những thách đố bắt họ phải chiến đấu với chính mình để lựa chọn. Thách đố cám dỗ này luôn có trong suốt dọc đời sống mỗi người, nó không trừ ai.

Thách đố đòi hỏi nữa là họ phải tuân giữ kỷ luật đời tu trì suốt đời. Sự hy sinh từ bỏ nếp sống riêng của mình lúc thuở ban đầu thì dễ. Nhưng càng về lâu dài càng có nhiều suy nghĩ cám dỗ khó khăn đặt thêm ra.

Thách đố đòi hỏi không hẳn là điều gì tiêu cực làm chùng lòng nản chí. Nhưng trái lại, là đà thúc đẩy cho cố gắng sống vươn lên, là dịp cơ hội cho suy tư đổi mới lại cung cách sống.

Và trong trung tâm căn bản tiếng gọi theo nếp sống tu trì còn ẩn chứa điều gì thánh thiêng hấp dẫn lôi kéo con người nữa.
3. Nghe theo tiếng gọi

Ngày xưa Chúa Giêsu đi dọc bờ hồ Gagileo lên tiếng kêu gọi các Ông Phero, Anrê, Gioan : „Hãy theo Ta!“. Họ nghe tiếng Chúa gọi qua đôi tai và đi theo Ngài

Nhưng sau các Tông đồ, Chúa không kêu gọi những người theo Chúa bằng âm thanh tiếng nói nghe được bằng tai.

Tiếng Chúa kêu gọi không phát ra bằng âm thanh. Nhưng là lời thầm trong tâm hồn người được gọi. Và họ nghe tiếng Gọi đó bằng cảm nhận của trái tim lòng yêu mến.

Ơn Kêu Gọi theo Chúa là một ân huệ đặc biệt của Trời cao nói vào trong tâm hồn người được kêu gọi.

Đức nguyên thánh Cha Benedictô XVI. đã có suy tư xác tín về ơn kêu gọi:

“ Con người không thể tự mình tìm ra Ơn Kêu gọi Linh mục. Họ cũng không thể vẽ nghĩ ra ơn Kêu gọi như một thể loại cách thế sinh sống kiếm đạt được cho đời sống mình.

Người ta cũng không thể đơn giản tự mình chọn ơn kêu gọi là điều gì chắc chắn bảo đảm, sự đùm bọc.

Ơn Kêu gọi không là sự đùm bọc riêng, sự chọn riêng. Ơn Gọi linh mục tự con người không thể ban cho mình được, cũng không thể tự tìm kiếm ra được.

Ơn Kêu Gọi chỉ có thể là câu trả lời cho ý muốn của Người kêu gọi và cho lời kêu gọi của Người mà thôi.“


****************

Mẹ Thánh Terexa Calcutta nói về ơn Kêu Gọi của mình:

"Theo huyết thống tôi là người Albani.
Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ.
Theo đức tin, tôi là một nữ tu công giáo.
Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian.
Theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu"


Những người chọn cuộc sống đời tu trì tận hiến xưa nay chắc cũng có tâm tình tương tự như Mẹ Thánh Terexa:

“Theo máu mủ mầu da chủng tộc cùng nơi sinh, tôi là người Việtnam, người Đức, người Pháp, người Hoa Kỳ, người Ý.....
Trên giấy tờ căn cước thông hành tôi có quốc tịch Việtnam, Mỹ, Pháp, Đức, Anh.....
Theo đức tin đạo giáo tôi là người tín hữu Chúa Kitô.
Tôi sống dân thân làm việc theo tiếng kêu Gọi của Thiên Chúa trong khu vườn của Chúa nơi Hội Thánh Công giáo trên trần gian với phận vụ là Tu Sỹ, là Phó Tế, là Linh mục...giữa dòng sông xã hội trần thế.
Là con người, tôi hằng ghi nhớ công ơn cha mẹ tôi đã sinh thành dưỡng dục, uốn nắn đức tin và tình yêu đời tôi.
Thiên Chúa là niềm vui, niềm hy vọng cùng sức mạnh đời tôi.
Ngài là khởi đầu và cùng đích đời tôi.”


Ngày thế giới cầu nguyện cho Ơn Kêu Gọi, 21.04.2013

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long


 
ĐTC Phanxicô điện thoại thợ đóng giày Á Căn Đình sửa giày
Jos. Tú Nạc, NMS
06:27 20/04/2013
VATICAN – ĐTC Phanxicô, người đã nhanh chóng được biết đến với phong cách mộc mạc của mình, sẽ tiếp tục dùng đôi giày đen giản dị của ngài và đã gọi người thợ đóng giày của ngài từ quê nhà Buenos Aires, Á Căn Đình để sựa lại đôi giày.

Qua 40 năm, người thợ đóng giày 81 tuổi Calos Samaria đã cung cấp giày từ cửa hàng của ông ở ngoại ô thủ đô của Á Căn Đình cho ĐTC Phanxicô, người mà được biết đến trước khi ngài được bầu chọn làm giáo hoàng khi còn là ĐHY Jorge Bergoglio.

“Xin chào ông Samaria, Bergoglio đây, “cuộc trò chuyện điện thoại bắt đầu.

“Nhưng đây là ai vậy?” Người thợ giày phản ứng với sự ngạc nhiện.

“Ông Samaria, Phanxicô đây, Giáo Hoàng đây mà!” Đức Thánh Cha trả lời.

Theo chương trình đài phát thanh Ba Tây, Đức Thánh Cha bảo ông Samaria “không đóng giày đỏ nhé, đóng giày đen bình thường như mọi khi thôi.”

Ông Samaira cho biết giày mà ĐTC Phanxicô mang “đơn giản và làm bằng da thuộc màu đen, với mũi giày mềm mại và không trang trí.”

“Ngài không muốn đi giày mới, tôi chỉ sửa những đôi giày cũ cho ngài,” ông Samaria nói.

Tuy nhiên, ông cho biết thêm là ông có ý định “đóng một đôi mới cho ngài, nhưng đơn giản thôi vì ngài nói tháng 5 này ngài có thể đi thăm viếng.”
 
ĐTC trả lời thư cho hội «Các Bà Mẹ Quảng Trường Tháng Năm» tại Buenos Aires
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
17:22 20/04/2013
ROMA, (Zenit.org) - Tổng giám mục Antoine Camilleri, thư ký Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh, vừa nhân danh Đức Giáo Hoàng Phanxicô hồi âm cho bà Hebe de Bonafini, Đại Diện Hiệp Hội « Các Bà Mẹ Quảng Trường Tháng Năm » tại thủ đô Buenos Aires, Argentina, trong một lá thư đề ngày 10 tháng Tư.

Hiệp hội này được các bà mẹ thành lập vào năm 1977 để tố cáo chế độ độc tài trong những năm 1976 -1983 về trường hợp mất tích những người con của mình.

Vào ngày 21 tháng Ba 2013, bà Bonafini đại diện các thành viên đã gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong thư, bà chúc mừng Đức Thánh Cha nhân dịp được bầu làm giáo hoàng, đồng thời cám ơn tất cả những gì ngài đã làm cho dân chúng ở những khu ổ chuột tại Buenos Aires khi còn làm Tổng Giám Mục. Bà cũng xin Đức Thánh Cha tiếp tục ủng hộ những người đang đấu tranh để xóa bỏ nghèo khổ trong một thế giới bất công.

Đáp lại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm ơn bà Bonafini về lời chúc và tình cảm cao quý dành cho ngài.

Về phần mình, ngài biểu lộ sự chia sẻ nỗi đau của bà và của nhiều bà mẹ trong gia đình khác. Đức Thánh Cha cũng cầu chúc bà « sức mạnh đấu tranh diệt trừ nạn đói nghèo khắp nơi và đẩy lui đau khổ của nhiều hữu thể nhân loại đang cần nhu cầu trợ giúp ». Đây cũng là trách nhiệm của ngài khi nhấn mạnh « tình liên đới và đầy sự quý mến » đối với những ai đang « đứng bên cạnh những người không có điều kiện thuận lợi để giúp đỡ họ, cảm thông với họ và để đáp trả những nguyện vọng chính đáng của họ ».

Đức Thánh Cha cũng cầu xin Thiên Chúa để Ngài « soi sáng cho những nhà hữu trách mưu cầu lợi ích chung ngõ hầu họ biết chống lại những tại họa nghèo khổ bằng những phương tiện hiệu quả, công bằng và liên đới ».

Sau cùng, Đức Thánh Cha không quên ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả các thành viên trong hiệp hội, « dấu chỉ của niềm hy vọng », đồng thời ngài cũng xin họ cầu nguyện cho mình.
 
Một số nghi vấn về Đức Phanxicô hồi ngài còn ở Argentina
Vũ Văn An
19:35 20/04/2013
Trên tờ National Catholic Reporter, ngày 12 tháng 4 vừa qua, John L. Allen có nói tới lần đi Buenes Aires vào đầu tháng này để học hỏi về Đức Phanxicô từ những người quen biết ngài hơn cả lúc còn là Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, mục đích có được một cái nhìn thấu suốt về con người và cái nhìn của ngài về Giáo Hội. Tuy nhiên, ông tập chú vào một số nghi vấn mà người ta đã nêu ra đối với ngài lúc còn ở Argentina, cụ thể là các nghi vấn liên quan tới a) phản ứng của ngài đối với hai linh mục bị tố cáo lạm dụng tính dục; b) hội đồng giám mục mà ngài là chủ tịch không hoàn tất các hướng dẫn về lạm dụng tính dục; c) mối liên hệ của ngài với nền độc tài quân phiệt của Argentina trong thập niên 1970, lúc làm bề trên tỉnh Dòng Tên; d) thái độ của ngài đối với nền thần học giải phóng; e) và sự không rõ ràng trong quan điểm của ngài đối với vấn đề kết hợp dân sự trong cuộc tranh luận toàn quốc về hôn nhân đồng tính trong các năm 2009 và 2010.

Các linh mục lạm dụng

Ngày 18 tháng 3, tờ The Washington Post cho đăng tải một câu truyện từ Argentina liên quan tới hồ sơ của Đức HY Bergoglio đối với cuộc khủng hoảng tình dục, trong đó nổi nhất có hai vụ liên quan tới 2 linh mục là các cha Julio César Grassi, bị kết án năm 2009 về hai vụ lạm dụng, và cha Napoleon Sasso, bị kết án vì lạm dụng 5 trẻ gái.

Nói chung, người ta cho rằng Đức HY Bergoglio đã không xử lý hai vụ này theo các tiêu chuẩn hiện đã được giáo hội tại các nơi khác trên thế giới chấp nhận. Bài báo viết rằng ngài không gặp các nạn nhân, không ngỏ lời xin lỗi hay đền bù tài chánh, và không đưa ra biện pháp giáo luật nào đối với hai linh mục liên hệ.

Tuy nhiên, theo Allen, điểm quan trọng không được bài báo cũng như hầu hết các nhận định sau đó ghi nhận là: cả hai linh mục Grassi và Sasso đều không phải là linh mục của tổng giáo phận Buenos Aires, và do đó, không thuộc thẩm quyền giám sát của Đức HY Bergoglio và do đó, ngài không thể áp dụng bất cứ hành vi giáo luật nào đối với họ.

Linh mục Sasso thuộc một giáo phận nhỏ là Zárate-Campana. Phần lớn thừa tác vụ linh mục của ngài diễn ra tại tổng giáo phận San Juan, nơi lời tố cáo lạm dụng tính dục thiếu niên đầu tiên xuất hiện vào năm 1994. Sau một cuộc lượng giá về tâm lý vào năm 1997, ngài được gửi tới một trung tâm điều trị dành cho các linh mục gặp khủng hoảng tại Buenos Aires, gọi là Domus Mariae (Nhà Đức Mẹ).

Nguồn tin của Giáo Hội nói rằng linh mục Sasso không được Đức HY Bergoglio cấp bất cứ năng quyền linh mục nào và chưa có lúc nào ngài đảm trách việc giám sát linh mục này.

Trong các năm 2002 và 2003, linh mục Sasso trở lại giáo phận Zárate-Campana và làm việc tại một trung tâm phân phối cháo tại thành phố Pilar, nơi ngài bị tố đã phạm ít nhất 5 hành vi lạm dụng đối với cáa trẻ gái tuổi từ 11 tới 14. Đó chính là các tội mà ngài bị kết án vào tháng 11 năm 2007 với 17 năm tù.

Giám mục Zárate-Campana vào lúc xuất hiện lời tố cáo lần đầu tiên là Đức Cha Rafael Eleuterio Rey, người đã từ chức hồi tháng 2 năm 2006 vì lý do sức khỏe. Người kế nhiệm ngài là Đức Cha Oscar Domingo Sarlinga. Trong phiên xử cha Sasso vào năm 2007, người ta có trưng bằng cớ là lá thư của Đức TGM Italo Destéfano của TGP San Juan, người đã qua đời năm 2002, trong đó ngài thúc giục các giám mục phải có hành động đối với linh mục Sasso.

Phần lớn các nguồn tin của Giáo Hội tại Argentina đều tin rằng trách nhiệm xử lý vụ Sasso chủ yếu nằm trong tay các vị giáo phẩm này, chứ không phải Đức HY Bergoglio.

Trong khi đó, linh mục Grassi thuộc giáo phận Morón, nơi ngài được chỉ định sau khi bỏ dòng Salêdiêng vào năm 1991. Tuy nhiên, linh mục này có mối liên hệ trực tiếp hơn với vị giáo hoàng tương lai, vì Đức HY Bergoglio công khai hỗ trợ qũy “Happy Children” do linh mục Grassi thành lập năm 1993 để phục vụ thanh thiếu niên nghèo tại trung tâm thành phố.

Linh mục Grassi rất nổi trong giới truyền thông Argentina và có tiếng là người gây qũy khôn khéo vì đã bắt liên lạc được với những người đóng góp có quyền thế. Đàng khác, không như linh mục Sasso, linh mục này thi hành phần lớn thừa tác vụ linh mục của mình ngay tại Buenos Aires.

Một hệ thống truyền hình Argentina lần đầu tiên lên tiếng tố cáo linh mục Grassi về tội xách nhiễu tình dục vào năm 2002. Tới lúc vụ án 9 tháng kết thúc vào năm 2009, linh mục Grassi bị kết 2 hành vi lạm dụng và kêu án 15 năm tù. Bản án này được một tòa phá án duy trì vào năm 2010. Hiện nay, linh mục Grassi đã được tự do sau khi một lệnh quản thúc tại gia đã bị hủy bỏ hồi tháng Hai năm ngoái trong khi ngài chờ kết quả một vụ thượng tố khác trước Tối Cao Pháp Viện Buenos Aires.

Theo Allen, có 3 điểm cần được nêu lên về phản ứng của Đức HY Bergoglio đối với vụ Grassi. Thứ nhất, các nhà phê bình cho rằng Đức HY Bergoglio đã không đưa ra bất cứ hành vi giáo luật nào đối với linh mục Grassi như huyền chức linh mục của ngài chẳng hạn. Tuy nhiên, theo giáo luật, hành vi phải thuộc Đức Cha Luis Guillermo Eichhorn, giám mục Morón. Trên thực tế, giáo phận Morón cho rằng mình đang đợi kết quả dứt khoát của hệ thống pháp luật dân sự, một điều cho đến nay vẫn chưa xẩy ra.

Thứ hai, khi vụ xử lần đầu linh mục Grassi chấm dứt vào năm 2009, hội đồng giám mục có ủy nhiệm cho một nhà luật học nổi tiếng của Argentina là Marcelo A. Sancinetti nghiên cứu vụ này. Lúc đó, Đức HY Bergoglio là chủ tịch của hội đồng, còn phát ngôn viên của hội đồng là linh mục Jorge Oesterheld, thì cho Allen hay: Đức HY chấp thuận quyết định ủy nhiệm vừa nói.

Cho đến nay, Sancinetti đã công bố 3 cuốn phúc trình và hiện đang chuẩn bị cuốn thứ tư, tổng cộng lên tới hơn 1,000 trang tư liệu. Theo kết luận của Sancinetti, linh mục Grassi vô tội đối với mọi cáo buộc, vì các lời tố cáo không nhất quán với bằng chứng và mắc nhiều mâu thuẫn nội bộ. Các nhà phê bình thì cho rằng Sancinetti gần như dựa hoàn toàn vào tư liệu của bị cáo để tiến hành cuộc thẩm định của mình, nhưng niềm tin vào sự vô tội của linh mục Grassi được nhiều giới Công Giáo hỗ trợ. Điều này giải thích phần nào sự do dự của Đức HY Bergoglio trong việc đưa ra tuyên bố cũng như gặp gỡ những người tố cáo.

Oesterheld thì cho Allen hay chủ trương căn bản của Đức HY Bergoglio là “ngài không muốn đi trước hệ thống luật pháp”, nhưng thích chờ cho diễn trình thượng tố làm việc cho đến chót trước khi đưa ra bất cứ phán đoán nào.

Thứ ba, một số cơ sở báo chí vốn tường thuật rằng Đức HY Bergoglio, hay Giáo Hội nói chung, đã trả chi phí luật sư cho linh mục Grassi. Nhưng theo luật sư của ngài là Daniel Cavo, thì việc đó không có. Cavo cho Allen hay: các tốn phí của linh mục Grassi được một nhóm ủng hộ viên của ngài và qũy “Happy Children” chi trả, chứ ngài không nhận bất cứ trợ giúp tài chánh nào của tổng giáo phận.

Các chỉ dẫn về lạm dụng

Ngày 5 tháng 4, tờ The Wall Street Journal, tường thuật rằng hội đồng giám mục Argentina không thực hiện được hạn cuối cùng là tháng 5, 2012, do Vatican ấn định, để đệ nạp các chính sách chính thức trong cuộc chiến đấu chống nạn lạm dụng tính dục trẻ em. Bài báo ghi chú rằng Đức HY Bergoglio là cựu chủ tịch của hội đồng này.

Dưới mắt một số người, việc không đúng kỳ hạn ấy nêu lên nhiều câu hỏi về thái độ nghiêm chỉnh của Đức HY Bergoglio đối với vấn đề lạm dụng tính dục. Theo Allen, 4 điểm sau đây cần được nêu ra. Thứ nhất, bài báo của tờ The Wall Street Journal không ghi nhận việc nhiệm kỳ chủ tịch hội đồng giám mục Argentina của Đức HY Bergoglio chấm dứt vào năm 2011. Nên về phương diện kỹ thuật, trách nhiệm lỡ hẹn với kỳ hạn của Vatican không ở nơi Đức HY Bergoglio mà ở nơi vị kế nhiệm ngài là Đức TGM José María Arancedo của Santa Fe.

Thứ hai, theo các giám mục, tập chỉ dẫn trên đang gần hoàn tất. Đức Cha Sergio Buenanueva, giám mục phụ tá của giáo phận Mendoza, người giám sát diễn trình soạn thảo cho hay: một dự thảo sẽ được đem ra thảo luận tại phiên họp của hội đồng vào hôm thứ Hai, sau đó đệ trình Vatican thẩm định.

Thứ ba, các giám mục cho hay một lý do khiến không kịp giờ hoàn tất nhiệm vụ là vì các ngài muốn đợi hội nghị thượng đỉnh họp vào tháng Hai năm 2012 về cuộc khủng hoảng lạm dụng tại Đại Học Gregoriana ở Rôma, được tổ chức một phần nhằm giúp các hội đồng giám mục chưa hoàn thành được tập chỉ dẫn. Ý niệm là giúp các hội đồng đủ tín liệu cần thiết để bảo đảm cho các tập chỉ dẫn của họ nhất quán không những với kỳ vọng của Vatican mà còn với các thực hành tốt nhất trong thế giới Công Giáo, như Đức và Hoa Kỳ. Đây là một biện hộ đáng tin trong căn bản, vì đại diện nhiều hội đồng giám mục mà Allen tiếp xúc trong dịp này đều nói cùng một điều như thế. Đức Cha Buenanueva cho rằng khi hoàn tất, tập chỉ dẫn này sẽ áp dụng phương thức “tuyệt đối không khoan nhượng” theo kiểu mẫu Hoa Kỳ.

Thứ tư, Oesterheld cho biết một lý do nữa khiến diễn trình cần nhiều thì giờ hơn dự tính vì khi còn là chủ tịch hội đồng, Đức HY Bergoglio “rất kính trọng” sự kiện mỗi giám mục đều có mối liên hệ trực tiếp với Vatican, và ý muốn không “hất cẳng” thẩm quyền ấy cũng là một phần của lý do khiến cho hội đồng cần nhiều thời gian như thế mới dàn xếp được một chính sách chung. Oesterheld cho rằng cũng chính cái lòng kính trọng này chắc chắn sẽ dẫn Đức Phanxicô tới việc hỗ trợ diễn trình “phân quyền” rộng rãi hơn trong tư cách giáo hoàng, dành nhiều quyền ứng xử cho các giáo hội địa phương và các hội đồng giám mục.

Đức HY Bergoglio và “cuộc chiến bẩn thỉu”

Lời tố cáo đặc biệt chống Đức HY Bergoglio được đưa ra lần đầu nhân cơ mật viện năm 2005 và sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng là ngài đã can dự vào việc bắt giữ và tra tấn 2 linh mục Dòng Tên Orlando Yorio và Franz Jalics, năm 1976. Cả hai hoạt động trong thừa tác vụ xã hội và bị giới quân sự tình nghi bắt liên lạc với phe tả chống đối chính phủ.

Lời tố cáo trên, về căn bản, đã không còn giá trị sau lời tuyên bố của linh mục Jalics vào ngày 28 tháng 3. Linh mục này hiện đang sống trong một đan viện ở Đức. Ngài nói: “Sự thực là Orlando Yorio và tôi không bị Cha Bergoglio tố cáo”.

Về hồ sơ tổng quát của Đức HY Bergoglio trong thời độc tài quân phiệt, Allen có tham khảo với sử gia Roberto Bosca của Đại Học Astral ở Buenos Aires và hỏi ông ta về mối liên hệ của Đức HY Bergoglio với chính phủ quân sự, từng lên nắm quyền hồi tháng 3 năm 1976 và đã cai trị Argentina dưới danh nghĩa hoa mỹ “Diễn Trình Tái Tổ Chức Quốc Gia” cho tới tháng 12 năm 1983.

Theo Bosca, giống phần đông người Argentina hồi đó, Đức HY Bergoglio không ủng hộ cũng như không chống đối chế độ quân sự. “Gần như không có một hồ sơ nào ghi chép về bất cứ điều gì ngài nói hay viết trong thời gian đó để ủng hộ hay chống đối nó… Đức HY Bergoglio lúc đó thực sự không phải là một thẩm quyền trong giáo hội. Ngài chưa làm giám mục Buenos Aires, mà chỉ là một bề trên miền của một dòng tu. Bản chất công việc của ngài không cho phép ngài có chủ trương ủng hộ hay chống đối chính phủ, và tôi có cảm tưởng trong thời gian ấy, ngài chỉ chú tâm vào việc làm của mình mà thôi.

"Nói cho ngay, nếu muốn hỏi Cha Bergoglio có chủ trương gì, thì phải hỏi bất cứ thành viên nào của bất cứ nghề nghiệp gì cùng một câu hỏi như vậy, xem ông bác sĩ này, ông thợ máy kia hay ông thợ cạo nọ có chủ trương ra sao? Đàng khác, chả có lý do gì khiến chính phủ phải lắng nghe xem ngài nói gì, vì ngài đâu có thẩm quyền gì cao đủ khiến họ phải coi chừng.

"Cách ngài đương đầu với chế độ cũng ít nhiều là cách phần đông dân chúng Argentina đương đầu, nghĩa là họ làm việc của họ và cố gắng sống cuộc sống của họ”.

Thần học giải phóng

Dù ngài chịu tiếng là chống thần học giải phóng trong thập niên 1970, nhưng Bosca nhấn mạnh thực sự không phải thế. Theo Bosca, ngài chấp nhận tiền đề của nền thần học này, nhất là việc ưu tiên chọn người nghèo, nhưng không theo nghĩa ý thức hệ. Việc ngài nhấn mạnh phải gửi các linh mục tới các khu ổ chuột (villas miserias) của Buenos Aires phản ảnh quan điểm này.

Lúc đó, nếu ngài có chống điều gì, thì theo Bosca, chắc hẳn là việc chúc lành cho các cuộc nổi loạn có võ trang. Điều này không hẳn chỉ là một khả thể lý thuyết xuông tại Argentina, nếu ta xét tới sự ra đời của phong trào Montoneros. Theo Bosca, phong trào này thực ra là “một phong trào du kích Công Giáo” dựa trên ba trụ ý thức hệ chính là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Peron và thần học giải phóng. Chủ nghĩa Peron chỉ nhiều luồng tư tưởng chính trị khác nhau tại Argentina nhưng tất cả đều lấy hứng từ cựu tổng thống Juan Peron và người vợ tên Eva của ông ta, những người muốn tranh đấu cho một đường lối thứ ba giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản.

Bosca cho rằng khá nhiều linh mục tại Argentina gia nhập phong trào Montoneros và trở thành linh mục du kích, như Cha Camillo Torres ở Colombia. Khi chế độ quân sự tại Argentina tiếp tục tồn tại, thì Montoneros ít còn là một phong trào đối kháng, mà trở thành một nhóm khủng bố đô thị theo cánh tả, giống như Đạo Quân Đỏ ở Âu Châu. Một ước lượng từ giữa thập niên 1980 cho rằng Montoneros chịu trách nhiệm về khoảng 6,000 cái chết của binh sĩ, cảnh sát và dân thường trong thập niên trước đó. Bosca cho hay: “điều chắc chắn là Cha Bergoglio chống đối Montoneros; chứ không chống chính thần học giải phóng hoặc việc ưu tiên chọn người nghèo”.

Hôn nhân đồng tính và kết hợp dân sự

Ngày 19 tháng 3, tờ The New York Times tường trình rằng khi Argentina bắt đầu sôi động với cuộc tranh luận kịch liệt trên toàn quốc về hôn nhân đồng tính vào hai năm 2009 và 2010, Đức HY Bergoglio âm thầm ủng hộ một giải pháp thỏa hiệp nhằm bao gồm các cặp đồng tính vào các cuộc kết hợp dân sự. Người cung cấp nguồn tin này là một ký giả Argentina tên Sergio Rubin, đồng tác giả với Francesca Ambrogetti một cuốn sách ghi lại cuộc phỏng vấn Đức HY Bergoglio tựa là El Jesuita.

Nhưng câu truyện của Rubin mau chóng bị Miguel Woites, giám đốc Văn Phòng Thông Tin Công Giáo Argentina, một cơ sở cung cấp tin tức của tòa TGM Buenos Aires, bác bỏ. Woites nhấn mạnh rằng Đức HY Bergoglio “không bao giờ” ủng hộ việc thừa nhận các cuộc kết hợp đồng tính. Ông cho hay tường trình của New York Times là hoàn toàn sai lạc.

Về vấn đề này, Allen được ba nguồn tin tại Argentina cho hay: về căn bản, tờ New York Times không sai: Đức HY Bergoglio quả có ủng hộ các cuộc kết hợp dân sự. Điều này được xác nhận bởi hai chức sắc cao cấp của hội đồng giám mục Argentina, cả hai từng làm việc với Đức HY Bergoglio và tham dự các cuộc thảo luận hậu trường khi hội đồng cố gắng lên khuôn chủ trương của mình. Một trong 2 vị cho Allen hay “Đức HY Bergoglio có ủng hộ các cuộc kết hợp dân sự”.

Mariano de Vedia, một ký giả kỳ cựu của tờ La Nación, từng bao dàn các vấn đề giáo hội/nhà nước tại Argentina nhiều năm, cho hay ông xác nhận tờ New York Times đã tường thuật đúng chủ trương của Đức HY Bergoglio. Còn Guillermo Villareal, một ký giả Công Giáo tại Argentina, thì cho hay: hồi ấy nhiều người biết chủ trương ôn hòa của Đức HY Bergoglio bị Đức TGM Héctor Rubén Aguer của La Plata, lãnh tụ phe diều hâu, chống đối. Sự dị biệt không phải ở chỗ có nên chống hôn nhân đồng tính hay không, mà là phải chống đối dữ dội ra sao và liệu có chỗ nào để thoả hiệp về các cuộc kết hợp dân sự hay không.

Villareal mô tả sự bế tắc về hôn nhân đồng tính như là cuộc bỏ phiếu duy nhất trong đó Đức HY Bergoglio thất bại trong suốt nhiệm kỳ 6 năm làm chủ tịch hội đồng.

Ở hậu trường, nguồn tin cho hay Đức HY Bergoglio cố gắng tránh phô trương trong vấn đề hôn nhân đồng tính. Chẳng hạn, một người trẻ Công Giáo cho Allen hay anh muốn tổ chức một buổi đọc kinh Mân Côi công cộng bên ngoài quốc hội vào đêm trước cuộc bỏ phiếu, vì biết rằng những người ủng hộ hôn nhân đồng tính cũng sẽ có mặt ở đó. Anh viết thư cho Đức HY Bergoglio để lãnh ý kiến thì được ngài điện thoại trực tiếp cho hay: tốt hơn nên cầu nguyện tại nhà.

Oesterheld nghĩ rằng Đức HY Bergoglio đi theo đường lối cứng rắn của đa số các giám mục của hội đồng dù đó không hẳn là bản tính của ngài. "Lúc đó, có nhiều quan điểm khác nhau trong hội đồng giám mục về việc Giáo Hội nên cởi mở đến đâu. Đức Hồng Y đã đi theo điều được đa số mong muốn. Ngài không áp đặt quan điểm của riêng mình. Ngài chưa bao giờ công khai bày tỏ cảm nghĩ riêng về vấn đề này, vì ngài không muốn tỏ ra muốn phá hoại chủ trương chung của các giám mục”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi sự dữ
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
06:29 20/04/2013
Ngay tối 19-4-2013, có thể nói là hầu hết dân chúng trên thế giới nói chung, cách riêng người nước Mỷ và đặc biệt là dân chúng thành phố Boston đã thở phào nhẹ nhỏm khi nghe biết tin can phạm thứ hai trong vụ nổ bom ngày 15-4 vừa qua ở Boston đã bị bắt giữ. Không thể không nhìn nhận thành quả ấy là nhờ sự hiện đại về vũ khí, công nghệ, kỷ thuật... cùng với nhiệt tâm của các cơ quan công quyền và an ninh của nước Mỷ. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng cái nhân tố mang tính quyết định đem lại sự thành công trong việc khử trừ và bắt giữ hai tội phạm (hay nghi phạm) người Chechnya ấy chính là "truyền thông".

Sau khi vụ nổ bom xảy ra, đã có thông báo rằng những ai có bất cứ thông tin gì liên quan đến sự kiện ấy thì gửi cho các cơ quan Chính quyền, chẳng hạn như những hình ảnh, những đoạn video clip... Chính nhờ các thông tin này mà sự thật về những người được gọi là "khủng bố" đã bị phơi bày. Khi hình ảnh các nghi phạm được công bố trên các phương tiện truyền thông cách rộng rãi thì việc truy tìm và bắt giữ họ chỉ là vấn đề thời gian.

Các phương tiện thường có tính lưỡng diện, kể cả truyền thông. Thế nhưng nếu có được sự tự do một cách nào đó trong việc thông tin thì rất nhiều sự dữ sẽ bị diệt trừ. Viết đến đây, bản thân tôi mong sao nước Việt quê nhà có được một sự tự do về thông tin như nhiều quốc gia văn minh tiến bộ và dân chủ trên thế giới để nhiều quốc nạn như tham nhũng, cửa quyền, bất công... sẽ bị diệt trừ cách hữu hiệu. Và điều gì đến thì sẽ đến đó là sự dữ sẽ bị loại bỏ dần vì những người làm điều dữ sẽ khó có thể kéo dài việc làm xấu xa của mình trước ánh sáng sự thật. Một sự thật không thể chối cãi đó là ở đâu nền thông tin còn bị áp chế, thì ở đó sự dữ còn ngang nhiên tung hoành. Và chúng ta có thể nói ngược lại rằng ở đâu người ta muốn duy trì sự gian ác, bất công thì người ta thường áp chế hoặc giữ độc quyền nền thông tin, vì họ sợ sự thật bị phơi bày. Có thể khẳng định rằng nếu thiếu can đảm tranh đấu đòi hỏi quyền tự do thông tin theo nội hàm Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc thì chúng ta đang phạm tội "bao che" hoặc "dung dưỡng" hoặc "cam chịu một cách thiếu trong sáng" khiến cho sự dữ tồn tại và hoành hành.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cộng đồng Người Việt Tự do Victoria Úc châu thắp nến hiệp thông cùng đồng bào trong nước đòi sửa đổi hiến pháp
Minh Trần
17:21 20/04/2013
Melbourne, Lúc 7 giờ tối Ngày 20 Tháng 04 Năm 2013. Tại tiền đình Nghị viện Tiểu bang Victoria (Parliament House). Hàng trăm đồng bào, đã hưởng ứng lời kêu gọi cuả Cộng đồng Người Việt Tự Do Victoria Úc châu, cùng nhau tập trung về quảng trường trung tâm thành phố để tham dự đêm thắp nến, cầu nguyện hiệp thông cùng đồng bào trong nước, đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam sửa đổi hiến pháp theo yêu cầu, góp ý của các tổ chức nhân sĩ trí thức, các tôn giáo và những người yêu chuộng nhân quyền và tự do.

Tại tiền đình Quốc hội tiểu bang Victoria, nơi quảng trường thật lý tưởng cho buổi thắp nến cầu nguyện. Mọi người được chính quyền và cảnh sát giúp đỡ tổ chức biểu tình theo đúng tinh thần luật pháp cuả đất nước tự do để bày tỏ nguyện vọng cuả mình.

Thành phần khách mời, chúng tôi nhận thấy có Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long đại diện TGP Melbourne, Các vị dân biểu Victoria như: Luke Donnellan, Murray Thompson, Ông Nguyễn Văn Bon chủ tịch Cộng đồng Người Việt tự do Tiểu bang Victoria và đại diện Thượng tọa Thích Phước Tấn, Linh mục Hoàng Kim Huy báo Dân Chúa. Ông Vũ Hoàng Châu (Phật giáo Hòa Hảo) Lữ Kim Huy Cao Đài, cùng với đại diện các đoàn thể trong Cộng đồng Người Việt Tự Do Victoria.

Trước bàn thờ tổ quốc được trang trí lư hương và cờ Úc Việt Nam Cộng Hòa. Sau lời chào mừng quan khách và mục đích của buổi thắp nến của ông Nguyễn Văn Bon Chủ tịch cộng đồng. Quý vị dân cử, Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long, đại diện các tôn giáo đã lên phát biểu, tất cả đều cùng quan điểm hết lòng ủng hộ bản kiến nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam, cùng các bản kiến nghị của các tôn giáo bạn và nhân sĩ trí thức trong nước, đề nghị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải sửa đổi hiến pháp.

Tại quảng trường, chúng tôi ghi nhận đầy đủ mọi thành phần đồng bào Việt Nam từ Nam phụ lão ấu, từ khắp các vùng trong Tiểu bang Victoria về tham dự, chưa kể số rất đông những người Úc cùng các sắc dân khác cũng về đây từ rất sớm, để dự đêm thắp nến cầu nguyện và hiệp thông với đồng bào trong nước.

Chương trình làm nức lòng mọi người, khi Huy Bảo một em bé 8 tuổi đã cất cao lời bài hát “Việt Nam Tôi đâu” của nhạc sỹ Việt Khang và bài “Triệu con tim” của Nhạc sỹ Trúc Hồ được đồng bào cùng cất tiếng hát theo và cũng đã khóc vì uất ức.

Sau khi buổi lẽ kết thúc bằng lễ truy điệu và dâng hương trước bàn thờ tổ quốc, ban tổ chức đã mời mọi người dùng chung một bữa ăn nhẹ bằng bánh mì, ngồi sát bên nhau quay lưng trước thềm toà nhà quốc hội, mọi người nghe những bài hát đấu tranh, ngước nhìn trời đêm mà mong ước cho quê hương Việt Nam sớm được hưởng tư do dân chủ thực sự.
 
Văn Hóa
Mục Tử đích thực
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
17:17 20/04/2013
Vị Mục Tử nhân lành được phái đến
Ra sức chăm lo chăn dắt đàn chiên
Đem lại cho chúng sự sống vững bền
Bảo vệ khỏi mọi hiểm nguy rình rập.

Vị Mục Tử thực sự sống cùng chiên
Khác xa những kẻ chăn thuê dắt mướn
Sẵn sàng hy sinh trong mọi tình huống
Quyết tâm không để mất mát chiên mình.

Mục Tử đích thực hết tình vì chiên
Chiên đi theo vì vốn quen tiếng nói
Được dẫn tới đồng cỏ xanh bên suối
Ăn uống no say khỏi mọi thiếu thốn.

Vị Mục Tử nhân lành vốn tín thác
Nơi Cha cao trọng hơn hết mọi loài
Chính Ngài truyền lệnh Mục Tử trông coi
Không để chiên tuột khỏi tay của Ngài.

Vị Mục Tử nên một cùng với Cha
Chứa chan tình yêu nồng nàn cao trọng
Tự hiến mình để đem lại sự sống
Sự sống dồi dào nơi chốn trường sinh.

Nung nấu ước nguyện nơi mình cháy bỏng
Muốn mọi thành phần mô phỏng tương quan
Mối hiệp nhất bền chặt Cha với Con
Giáo Hội chỉ một Chủ Chăn duy nhất.

Ngày 16.04.2013