Ngày 19-04-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 20/04: Bối Cảnh – Thật thật, giả giả – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
03:06 19/04/2023

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan

Ông Gio-an nói: “Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:42 19/04/2023

41. Đức Mẹ Ma-ri-a là sự an ủi của người khốn khó.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:44 19/04/2023
28. CÂY SỒI VÀ CÂY LIỄU

Sau đêm mưa to gió lớn thì ánh bình minh trong lành tới rồi, Lý Sát dẫn con trai của mình là Tiểu Bảo đi ra ruộng coi có hư hại gì không.

Tiểu Bảo kinh ngạc la lên:

- “Ba, ba, ba coi nè, cây sồi cao lớn vậy mà cũng bị trốc gốc, nhưng cây liễu mềm yếu này thì lại không bị ảnh hưởng gì cả, vẫn đẹp đẽ đứng bên cạnh con suối nhỏ này, thật kỳ lạ, con tưởng rằng cây liễu bị gió thổi thì sẽ dễ dàng bị ngã, còn cây sồi thì sẽ không hề hấn gì, sao lại tương phản như thế chứ?”

Lý Sát nói:

- “Này con, cây sồi cao lớn sừng sửng không hiểu được khiêm tốn cho nên mới bị gió thổi ngã nhào. Cây liễu mềm yếu nhưng biết khiêm tốn cúi đầu, tránh gió, cho nên mưa to gió lớn cũng không thể làm hại nó.”

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 28:

Dưới con mắt của các nhà đạo đức thì cây sồi cao lớn là một hình ảnh của người kiêu ngạo sẽ bị gãy khi gặp gió bão thổi mạnh, để khuyên người khác nên sống khiêm tốn hơn trong cuộc sống.

Nhưng dưới khía cạnh tu đức thì cây sồi là hình ảnh cùa người cam đảm, của các vị thánh tử đạo thà chết can đảm để làm chứng cho đức tin còn hơn thỏa hiệp với cái ác để được sống.

Thánh Gioan Tẩy Giả là một điển hình, ngài thà chết để nói lên sự thật việc làm sai trái của vua Hê-rô-đê, chứ không thỏa hiệp cho qua khi vua làm điều sai trái.

Hình ảnh cây sồi kiêu ngạo hay hình ảnh cây sồi can đảm đều rất hữu ích cho đời sống của người Ki-tô hữu chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lời Chúa Và Thánh Thể Chúa Nhật III Phục Sinh - A
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:17 19/04/2023
Lời Chúa Và Thánh Thể Chúa Nhật III Phục Sinh - A

Lc 24, 13 – 35

Sự kiện Chúa Giêsu phục sinh được các Thiên Thần loan báo cho các bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ ông Gia-côbê và bà Salômê (x. Lc 24, 1 – 12), các bà về thuật lại cho các Tông Đồ ở Galilêa, hai môn đệ làng Emmaus trong nhóm các bà chẳng những chưa tin mà còn lo sợ (x. Lc 24). Chúa Giêsu Phục Sinh tiếp tục hiện ra dưới dáng dấp của một người lữ hành, tỏ ra không biết, rồi đồng cảm với hai ông, đã dùng Kinh Thánh để giải thích, bẻ bánh trước mặt hai ông, giúp lòng họ sốt sáng lên và làm cho mắt họ sáng ra để nhận ra Người (x. Lc 24, 13 – 35).

Trở lại Giêrusalem, hai ông thuật lại cho các Tông Đồ trong khung cảnh cửa đóng then cài. Đang lúc đứng bàn chuyện, Chúa Giêsu hiện đến với họ khiến họ kinh hoàng khiếp sợ “bối rối tưởng mình thấy ma” (Lc 24, 37).

“Bình an cho các con ! Thầy đây, đừng sợ” (Lc 24, 36). Đó là lời cầu chúc đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh, kèm theo là những chứng tích ở tay chân với những vết thương, họ “vẫn còn chưa tin” (Lc 24, 41). Chúa phải nghĩ đến cách ăn cá nướng và mật ong, trích dẫn luật Môisen, lời các tiên tri và Thánh Vịnh là những bằng chứng không thể sai lầm về sự phục sinh và cuộc sống mới của Chúa. Chính Chúa thực hiện những lời Sách Thánh đã chép, và tiếp theo bằng miệng : “Chính Thầy đây” (Lc 24, 39), đúng Thầy là sự thật và là sự sống. Đó là lý do tại sao các tông đồ, những người ban đầu nghi ngờ, thậm chí khi nhìn thấy cơ thể sống của Chúa cũng chưa tin đã trở nên những chứng nhân rao giảng về sự sống lại của Chúa cách hùng hồn (x. Cv 4).

Lời Chúa sưởi ấm con tim

Giả bộ khách đồng hành, tham gia vào cuộc hành trình buồn bã của hai môn đệ, giữa bóng đêm của ngày đang qua và bóng tối đang phủ kín tâm trí họ, Chúa Giêsu Phục Sinh bắt đầu gợi chuyện, nghe họ bộc bạch về đau khổ và thất vọng cũng như đắng cay của chính mình sau khi Thầy chết, các môn đệ tản mác mỗi người một ngả, đức tin của họ bị tan vỡ, mọi sự xem ra đã hết, các xác tín sụp đổ, niềm hy vọng tắt ngóm. Thấy họ buồn sầu như thế, Chúa nói chuyện với hai ông và “giải thích” Kinh Thánh, “bắt đầu từ Môsê và các tiên tri“, giúp họ hiểu rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Ðấng Cứu Thế đã được thấy trước trong chương trình của Thiên chúa và được loan báo trước trong Thánh Kinh (x. Lc 24, 27). Như thế, Chúa đốt cháy lên trong con tim họ một ngọn lửa hy vọng. Khi đó hai mộn đệ cảm thấy một sức thu hút ngoại thường nơi con người bí mật ấy và mời Người ở lại với họ chiều hôm đó : “Mời ông ở lại với chúng tôi“, lý do “vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn ” ( Lc 24, 29 ).

Thánh Thể mở mắt đức tin

“Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn” (Lc 24, 29 ). Đây là lời mời xin tha thiết của hai ông vào ngày thứ nhất trong tuần, lúc mà tâm hồn đang trĩu nặng vì buồn nản, đang trên đường trở về quê. Chúa Giêsu chấp nhận và cùng họ vào nhà và khi ngồi vào bàn Người làm phép và bẻ bánh, thì họ nhận ra Người, nhưng Người đã biến khỏi cái nhìn của họ, để họ lại đầy kinh ngạc. Họ không bao giờ nghĩ rằng người khách lạ ấy lại chính là Thầy mình mới sống lại. Hai ông đã nhận ra Người tại bàn ăn chỉ với một hành vi ” bẻ bánh ” đơngiản ( Lc 24, 35 ). Khi trí khôn được chiếu sáng, con tim được đốt nóng, những dấu chỉ bắt đầu gợi lên lòng sốt mến và thôi thúc họ ” chỗi dậy trở về Giêrusalem ” ( Lc 24, 33 ) để thuật lại tất cả những gì họ đã thấy và đã nghe cho ” mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp ” (Lc 24, 33).

Lời Chúa và Thánh Thể trong đời sống người tín hữu

Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giê-su (x. Lc 24,35). Như thế, con đường về làng Emmaus trở thành con đường lòng tin của chúng ta: Thánh Kinh và Thánh Thể là hai yếu tố không thể thiếu được cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Ðức Giêsu khi người bẻ bánh, liền về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống: đó là cuộc gặp gỡ với Ðấng Phục Sinh.

Trong đời sống thường ngày của người tín hữu, có những lúc gặp khó khăn, thất vọng, dẫn đến buồn sầu trở về “làng Emmaus“, quay lưng lại với chương trình của Thiên Chúa, rời xa Thiên Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui như hai môn đệ làng Emmaus, sau khi đã “nhận ra” Chúa trong việc bẻ bánh, thì mau mắn trở lại Giêrusalem lòng tràn đầy niềm vui, kể cho anh em mình tất cả những gì đã xảy ra. Niềm vui gặp gỡ Đấng Phục Sinh, niềm vui phải lây sang người khác làm cho Giáo hội tăng trưởng và lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Ðó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa.

Thánh Phaolô cũng bảo chúng ta : ” Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Người đến“( 1 Cr 11, 26 ). Như thế, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu trở thành những chứng nhân, sẵn sàng loan báo cái chết và sự phục sinh của Ðức Kitô với lòng hăng say và niềm vui vì được gặp gỡ Chúa. Hãy để cho Lời Chúa sưởi ấm con tim và Thánh Thể Người mở đôi mắt đức tin của chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta bằng niềm hy vọng và tình bác ái, để chúng ta có thể đồng hành với các anh chị em buồn sầu và tuyệt vọng, sưởi ấm con tim họ với Tin Mừng, và bẻ bánh tình huynh đệ với họ.

Cùng với Mẹ Maria, chúng ta nhìn lên Mẹ Maria như gương mẫu để bắt chước. Xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa, nhất là hăng say loan báo Tin Mừng Chúa sống lại để mọi người tin mà được cứu độ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Vô ngần vô hạn
Lm. Minh Anh
14:21 19/04/2023

VÔ NGẦN VÔ HẠN
“Thiên Chúa ban Thần Khí cho Ngài vô ngần vô hạn!”.

Sir Frances Drake có một lời cầu nguyện thật lạ thường, “Lạy Chúa, xin cứ quấy rầy con, thúc bách con dám táo bạo hơn, lao ra những vùng biển rộng lớn, nơi bão tố thể hiện quyền làm chủ của Chúa; nơi mất đất liền, con sẽ lần dò những vì sao! Xin đẩy lùi chân trời hy vọng của con ở người đời; giục giã con hướng tới một tương lai chỉ biết cậy trông vào Chúa, cậy trông vào sức mạnh, khôn ngoan và tình yêu, những quà tặng ‘vô ngần vô hạn’ của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến quà tặng vô giá nhất mà Sir Frances Drake đề cập, đó là Thần Khí Đấng Phục Sinh trao cho những ai thuộc về Ngài, “Đấng được Thiên Chúa sai đi”, và cũng là Đấng “Thiên Chúa ban Thần Khí cho Ngài ‘vô ngần vô hạn!’”.

Trình thuật Công Vụ Tông Đồ cho thấy quyền năng mạnh mẽ của Thần Khí đó nơi các tông đồ! Trước thượng hội đồng, bị tra vấn về việc đã rao giảng một Đức Kitô tử nạn và phục sinh; Phêrô và các tông đồ lên tiếng, “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta!”. Những lời dứt khoát ấy chỉ có thể phát xuất từ những con người đầy Thần Khí, tin tưởng tuyệt đối vào Ngài; Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời”.

Chúa Phục Sinh sẽ không dè sẻn khi phân chia món quà Thánh Thần cho bất cứ ai! Ngài ban tặng Thánh Thần cách ‘vô ngần vô hạn’. Nhờ Thánh Thần, Ngài nâng toàn bộ cuộc sống chúng ta lên một bình diện khác, bình diện ân sủng! Sự hào phóng của Ngài, trước hết, thể hiện trong Thánh Thể. Mỗi khi chúng ta tiếp nhận Mình Máu Thánh, Chúa Phục Sinh để lại trong tâm hồn chúng ta một sự đổi mới; đồng thời, giúp chúng ta đào sâu sự hiện diện của Thánh Thần. Trong hiệp thông, thể xác và linh hồn của chúng ta được chuẩn bị để hưởng nếm sự bất tử của mầu nhiệm Phục Sinh. Tất nhiên, một quà tặng như thế luôn chờ đợi một sự đáp trả. Trước sự rộng lượng của Chúa Phục Sinh, nào ai có thể keo kiệt trong việc đáp đền!

Thánh Thần, tặng phẩm của Chúa Phục Sinh là món quà hiệp nhất, cung cấp thuốc giải độc cho mọi khuynh hướng chia rẽ; Thánh Thần chống lại sự kiêu ngạo, ích kỷ bằng cách nhắc nhở chúng ta về sự khiêm nhường; thúc đẩy chúng ta sống bác ái, ban sức mạnh để mỗi người cho đi “Giêsu”, quà tặng ‘vô ngần vô hạn’ đã lãnh nhận, mà không tính toán.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa ban Thần Khí cho Ngài vô ngần vô hạn!”. Bởi Thánh Thần, Chúa Giêsu đi vào trần gian, luôn hoạt động trong Thánh Thần; để rồi khi trút hơi thở, Ngài “trao Thần Khí”. Nhờ Thánh Thần, các tông đồ mạnh dạn nói và làm chứng. Trong Thánh Thần, con cái Giáo Hội hơn hai ngàn năm qua, đủ can đảm, không ngừng “lao ra vùng biển rộng lớn, bất chấp bão tố”; cũng bởi Thánh Thần, họ được tái sinh, sống đời sống mới trong ân sủng phục sinh. Thánh Thần là tình yêu, sức mạnh, và là món quà tuyệt hảo của Đấng không tính toán; trái lại, ban ân sủng cho chúng ta một cách hào hiệp. Và tất nhiên, Ngài cũng đang chờ đợi sự đáp trả của chúng ta, hầu mỗi người không cần “lần dò những vì sao”, chỉ cần ngoan nguỳ dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần để hoàn tất những gì Chúa Phục Sinh còn dang dở; đó là trở nên những chứng tá “hướng đến một tương lai” đầy sự hiện diện của Thiên Chúa trong một thế giới loại trừ Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con vô vàn ân sủng, nhiều hơn con đáng được; cho con biết tặng trao quà tặng ‘vô ngần vô hạn’ “Giêsu” một cách ‘vô hạn vô ngần’ cho anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con
Lm. Đan Vinh
21:51 19/04/2023

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH A
Cv 2,14.22-33; 1 Pr 1,17-21; Lc 24,13-35
LẠY CHÚA, XIN Ở LẠI VỚI CHÚNG CON

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 24,13-35
(13) Cùng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem sáu mươi dặm. (14) Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. (15) Đang lúc trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. (16) Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. (17) Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. (8) Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”. (19) Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một Ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. (20) Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá (21) Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. (22) Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, (23) không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. (24) Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói: còn chính Người thì họ không thấy”. (25) Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Ôi những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin vào lời các ngôn sứ ! (26) Nào Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? (27) Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. (28) Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. (29) Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Bấy giờ Người vào ở lại với họ (30) Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. (31) Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. (32) Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (33) Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở về Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp lại đó (34) Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon” (35) Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

2. Ý CHÍNH : CHÚA PHỤC SINH ĐỒNG HÀNH VỚI HAI MÔN ĐỆ :
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Phục Sinh đã hiện ra đồng hành với hai môn đệ đang chán nản bỏ về quê là làng Em-mau. Nhờ nghe Lời Chúa mà hai người này từ tâm trạng bị vấp ngã trước mầu nhiệm thập giá (18 và 21), đã lấy lại đức tin (25-27.32). Hơn nữa họ còn nhận ra Chúa Phục Sinh khi tham dự lễ nghi bẻ bánh (30-31). Rồi nhờ đức tin mà họ đã lập tức trở về Giê-ru-sa-lem để loan báo Tin Mừng cho anh em.

3. CHÚ THÍCH :
- C 13-16 : + Cùng ngày hôm ấy : Tức là ngày Thứ Nhất trong tuần. + Có hai người trong nhóm môn đệ : Hai môn đệ này thuộc nhóm 72 (x. Lc 10,1), không thuộc nhóm 12. Tin Mừng nhắc đến tên một trong hai ông là Cơ-lê-ô-pát (18). Còn ông thứ hai không được nêu tên và được suy đoán là chính Lu-ca, tác giả đã tường thuật câu chuyện này. + Làng Em-mau : Một nơi cách Giê-ru-sa-lem khoảng 11 km về phía Tây. Nhưng cho tới nay các nhà chú giải vẫn chưa xác định được vị trí của ngôi làng này. + Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra : Biến cố tử nạn của Đức Giê-su là mối bận tâm sâu đậm của các môn đệ, đến nỗi dù đang buồn chán thất vọng, các ông vẫn bàn tán với nhau đang khi đi đường. + Chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ : Đức Giê-su Phục Sinh luôn yêu thương và quan tâm đến các môn đệ. Khi họ gặp hoàn cảnh khó khăn nan giải, thì Người liền hiện đến để ban ơn nâng đỡ. + Mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người : Bị ngăn cản có thể do tâm trạng buồn sầu thất vọng, nên không nghĩ người khách lạ kia lại có thể là Thầy Giê-su của họ. Cũng có thể do khuôn mặt Đức Giê-su Phục Sinh đã được biến dạng khác với khi còn sống. Trước đó vào sáng Ngày Thứ Nhất trong tuần, bà Ma-ri-a Mác-đa-la cũng đã không nhận ra Chúa khi Người hiện ra bên mộ đã an táng Người.
- C 17-18 : + “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” : Chúa Phục Sinh chủ động bắt chuyện để các ông dễ dàng tâm sự những lo buồn chất chứa trong lòng. + Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem… : Các ông nghĩ đây là một khách hành hương lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua, và không quan tâm đến một biến cố lớn mới xảy ra trong thành mấy ngày qua.
- C 19-21 : + Chuyện ông Giê-su Na-da-rét… : Cho đến lúc này, các môn đệ mới công nhận Đức Giê-su là Ngôn sứ có quyền lực trong lời rao giảng và các phép lạ đã làm. Các ông đi theo Người với hy vọng có được một địa vị trong Vương quốc của Người. + Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình : Sự kiện mới xảy ra đã làm các ông chán nản thất vọng : các nhà lãnh đạo dân Ít-ra-en đã nộp Người để quan Phi-la-tô kết án đóng đinh thập giá. Còn Thiên Chúa thì không làm gì để cứu vị Ngôn sứ của Người. Sự việc xảy ra tới nay đã sang ngày thứ ba rồi !
- C 22-24 : + Cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi… : Tâm trạng của các ông vẫn hoang mang, dù mấy phụ nữ và các Tông đồ đã nhìn thấy mồ trống, và thiên thần hiện ra bảo rằng “Người vẫn còn sống”, nhưng riêng các ông này thì cho điều đó thật khó tin. Câu này cho thấy hai môn đệ này không phải thuộc loại người dễ tin. Do đó, một khi họ tin thì chắc đã phải có những bằng chứng xác đáng không thể phản bác được.
- C 25-27 : + Ôi những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin vào lời các ngôn sứ ! : Lời Chúa quở trách đức tin yếu kém của hai ông có hơi nặng nề, nhưng thực ra vẫn hàm chứa một tình cảm âu yếm. + Nào Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? : Chúa Giê-su nhắc lại lời Người đã từng báo trước về số phận của Người trước đó: “Con Người phải chịu đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22; 17,25). + Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ… : Luật Mô-sê và sấm ngôn của các ngôn sứ ám chỉ tòan bộ Thánh Kinh Cựu Ước, đã làm chứng về con đường cứu thế mà Đức Giê-su đã chọn theo là : « Qua đau khổ vào trong vinh quang » (x. Lc 24,44 tt).
- C 28-31 : + Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa : Thái độ giả vờ ở đây không phải là giả dối, nhưng là cách thức thử xem phản ứng của các môn đệ, để biết các ông có thực lòng muốn nghe và muốn Người ở lại với mình hay không. Một đức tin chỉ có giá trị khi người tin tự nguyện mở lòng đón nhận, chứ không chấp nhận do bị ép buộc. + Họ nài ép Người : Đây là thái độ hiếu khách quen thuộc của Người Pa-lét-tin (x. Lc 14,23). Chính Lời Chúa giải thích Kinh Thánh đã đánh tan những lo lắng bất an trong lòng hai môn đệ, nên các ông đã xin Người ở lại nhà các ông để có thể tiếp tục nói chuyện với các ông. + Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn : Đây là lời hai môn đệ mời vị khách lạ kia ở lại cách khép léo tế nhị. Đây cũng là lời cầu nguyện chân thành của các tín hữu trước khi được hiệp lễ.
- C 32-31 : + Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ : Khó có thể nghĩ rằng Đức Giê-su đã truyền phép Thánh Thể như Người đã làm trong bữa Tiệc Ly. Nhưng ở đây, Lu-ca cố ý dùng kiểu nói quen thuộc trong phụng vụ Thánh Thể (x. Lc 22,19), là cử chỉ Đức Giê-su đã làm khi nhân bánh ra nhiều (x. 9,16), ám chỉ nghi lễ Bẻ Bánh (x. Cv 2,46; 20,7.11). Sau này mỗi khi tham dự thánh lễ, các tín hữu cũng được nghe lời Chúa giáo huấn và được tham dự bàn tiệc Thánh Thể như hai môn đệ hôm nay. + Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người : Tiến trình đức tin của các tín hữu cũng bắt đầu từ việc lắng nghe Lời Chúa, rồi tin theo Chúa và được thánh hóa nhờ tham dự bàn tiệc Thánh Thể, như bà Ly-đi-a thời Giáo Hội sơ khai (x. Cv 24,13-15). + Nhưng Người lại biến mất : Từ đây Chúa Giê-su sẽ hiện diện cách thiêng liêng vô hình khi các tín hữu đọc Thánh Kinh, nghe lời giảng của các mục tử, tham dự thánh lễ và phục vụ bác ái…
- C 32-35 : + Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? : Nhờ được nghe giảng Thánh Kinh, các môn đệ đã thấy được ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su như một chặng đường Người phải trải qua để vào trong vinh quang phục sinh. + Ngay lúc ấy, họ đứng dậy… : Việc nhận ra Chúa Phục Sinh và lòng tin yêu Chúa đã biến đổi hai môn đệ từ chỗ thất vọng muốn buông xuôi, trở thành con người mới đầy phấn khởi và hy vọng. Tâm trạng ấy làm các ông hăng hái đi lại quãng đường dài 11 cây số trở về Giê-ru-sa-lem để báo tin vui cho các tông đồ và môn đệ khác. + Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon : Sự kiện Si-mon Phê-rô được Chúa Phục Sinh hiện ra trước các tông đồ khác đã được chính Chúa Giê-su tiên báo trước cuộc khổ nạn (x Lc 22,31-32) và sau này cũng được thánh Phao-lô nhắc đến trong thư Cô-rin-tô (x 1 Cr 15,5). + Thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường : Cuối cùng hai ông đã chia sẻ niềm vui Phục Sinh cho Nhóm Mười Một tông đồ và các môn đệ ở Giê-ru-sa-lem.

4. CÂU HỎI :
1) Hai môn đệ quê làng Em-mau kể trên thuộc nhóm 12 tông đồ hay nhóm 72 môn đệ? Tên của các ông là gì?
2) Tại sao hai môn đệ làng Em-mau và bà Ma-ri-a Mác-đa-la lại không nhận ra ngay người đang nói chuyện với mình là Chúa Phục Sinh? 3) Việc Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ làng Em-mau nói lên điều gì về tình yêu của Người đối với các tín hữu chúng ta?
4) Câu trả lời của hai môn đệ cho thấy đức tin của các ông về sứ mạng của Đức Giê-su thế nào? Các ông đi theo Đức Giê-su nhằm mục đích gì? Tại sao giờ đây các ông lại chán nản tuyệt vọng?
5) Hai môn đệ này có phải là những người dễ tin vào mầu nhiệm sống lại của Chúa Giê-su không? Tại sao?
6) Chúa Giê-su trong vai khách bộ hành đã làm gì để củng cố đức tin còn non yếu của hai môn đệ?
7) Chúa Giê-su giả vờ muốn đi xa hơn nhằm mục đích gì?
8) Câu nào của hai môn đệ là lời cầu nguyện mẫu về lòng tin yêu Chúa cho các tín hữu chúng ta hôm nay?
9) Hai môn đệ đã nhận ra người khách lạ chính là Thầy Giê-su Phục Sinh khi nào?
10) Hai ông cho biết lòng mình bừng cháy lên ngọn lửa tin yêu Chúa vào lúc nào?
11) Điều gì khiến hai môn đệ vội vã đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho anh em?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : Họ mới bảo nhau : “Dọc đường khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32)

2. CÂU CHUYỆN :

1) TIN CẬY VÀO QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA :
Được thăng giáo hoàng là một việc rất trọng đại. Khi Đức Pi-ô XI đăng quang, sau khi thực hiện xong các lễ nghi rồi, ngài về phòng riêng, ngồi vào chiếc bàn viết của Đức tiên Giáo hoàng Bê-nê-dic-tô XV, thì tự nhiên ngài cảm thấy một mối lo âu ập xuống trên mình, vì tình hình Giáo hội khi ấy đang bị kẻ thù tấn công tư bề, Hội Thánh đang trải qua một giai đoạn thử thách mới : Tuy Thế Chiến Thứ Nhất đã chấm dứt, nhưng Thế chiến Thứ Hai lại đang âm ỉ và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nghĩ đến những chuyện ấy, lòng Đức Pi-ô XI ngập tràn lo âu. Bấy giờ ngài qùi gối trước Thánh Giá và cầu nguyện sốt sắng. Đang lúc cầu nguyện, tự nhiên tay ngài chạm vào một tấm ảnh đặt trên bàn làm việc của Đức tiên giáo hoàng, ngài liền cầm tấm ảnh lên xem và nỗi lo sợ trong lòng trước đó tự nhiên biến mất. Ngài cảm thấy tâm hồn được bình an. Đó là bức hình vẽ Chúa Giê-su đang đứng trên mũi thuyền và ra lệnh cho sóng gió yên lặng. Từ ngày đó, Đức Pi-ô XI luôn để bức ảnh ấy trên bàn làm việc, và mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn không biết phải làm gì, Đức Pi-ô XI lại ngồi nhìn vào bức ảnh rồi cầu xin Chúa Giê-su hãy phán một lời, thế là mọi khó khăn đang gặp đều tự nhiên tan biến (W.J. Diamond- Đồng cỏ non).

2) CHÚA BỒNG TA TRÊN ĐÔI TAY CỦA NGƯỜI?
Một người tân tòng sau khi theo đạo đã gặp phải nhiều tai ương hoạn nạn : bệnh tật, rủi ro mất xe, mất tiền bạc… Anh đã nhiều lần xin Chúa cho tai qua nạn khỏi mà xem ra Chúa vẫn ngỏanh mặt làm ngơ khiến anh đâm ra chán nản và thôi không cầu nguyện và cũng không đến nhà thờ dự lễ nữa. Thế rồi một đêm kia, anh nằm mơ thấy mình đang đi bách bộ với Chúa Giê-su trên bãi biển. Anh quay nhìn ra sau thì thấy trên nền cát ướt có 4 dấu chân : hai dấu chân lớn của Chúa, và hai dấu chân nhỏ của anh. Khi gặp chỗ lởm chởm nhiều sỏi đá thì anh không thấy Chúa đi bên cạnh nữa. Quay lại nhìn thì anh chỉ thấy hai dấu chân trên cát của anh. Anh chán nản ngồi nghỉ mệt trên một tảng đá thì Chúa Giê-su lại hiện đến ngồi bên. Anh thắc mắc hỏi Người : “Lạy Chúa, vừa qua Chúa biến đi đâu để con phải một mình đương đầu với những khó khăn như vậy?” Bấy giờ Chúa Giê-su mới âu yếm nhìn anh và nói : “Con hãy thử nhìn kỹ lại xem hai dấu chân trên cát kia là của ai?” Lúc đó, anh ta mới nhìn kỹ và nhận ra đó hai dấu chân to là của Chúa Giê-su. Anh lại hỏi : “Lạy Chúa, thế thì dấu chân của con đâu?” Chúa liền trả lời : “Con ơi, hãy nhớ rằng : Ta luôn ở bên con mọi giây phút trong cuộc đời con. Chính khi con gặp gian nan thử thách là lúc Ta đang bồng con trên cánh tay Ta đó !”

3) CHÚA ĐẾN VỚI CHÚNG TA QUA THA NHÂN CẦN ĐƯỢC TRỢ GIÚP :
Vào một buổi sáng cuối đông, bác thợ giầy thức dậy rất sớm dọn dẹp nhà cửa và cho thêm củi than vào lò sưởi để đón chờ khách quý là Chúa Giê-su. Người đã hiện ra với bác trong giấc mơ ban đêm và hứa sẽ đến nhà thăm bác vào ngày hôm sau. Khi ánh bình minh vừa ló rạng, thì bác thợ giầy đã nghe thấy có tiếng gõ ngoài cửa. Tưởng là Chúa đã đến, bác liền vội ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đứng mặt bác không phải là Chúa Giê-su, mà là anh phát thư như mọi lần. Băng tuyết ngoài trời khiến mặt mũi và tay chân của anh ta đỏ lên như gấc. Bác thợ giầy cảm thông liền mời anh ta vào nhà ngồi bên lò sưởi và pha trà nóng mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đã nói lời cám ơn và từ giã đi lo công việc.
Ít phứt sau, nhìn qua khung cửa kính, bác thấy một bé gái khoảng 7-8 tuổi đang co ro đứng trước cửa nhà khóc, bác liền ra hỏi thăm thì được biết em bị lạc mẹ ngoài chợ và đang tìm đường về nhà nhưng không tìm thấy đường vì tuyết rơi trắng xóa. Bác thợ giầy liền lấy bút viết vài chữ trên tờ giấy và gắn ngoài cửa nhà để thông báo cho Chúa Giê-su biết mình cần đi ra ngòai một lát. Nhưng tìm đường dẫn cô bé về nhà không đơn giản. Mất mấy tiếng đồng hồ bác mới tìm được nhà của đứa bé, và khi ra về thì trời đã xế chiều.
Về đến nhà, bác lại thấy có người đang ngồi đợi nhưng không phải là Chúa, mà là một bà mẹ trẻ gần nhà với vẻ mặt buồn bã. Chị cho biết đứa con nhỏ của chị đang lên cơn sốt ở nhà và chị chạy sang tìm bác để nhờ giúp đưa bé đi nhà thương. Bác thợ giầy liền hối hả theo chị về nhà giúp đưa cháu bé đến bệnh viện chăm sóc. Nửa đêm bác mới trở về nhà mình và nằm lăn ra giường ngủ quên cả việc ăn uống. Trong giấc mơ, bác thợ giầy đã nghe thấy tiếng Chúa Giê-su : « Hôm nay Ta cám ơn con đã sẵn sàng tiếp đón và cho Ta vào nhà để sưởi ấm và còn dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn Ta bị lạc có thể trở về nhà mình. Cám ơn con đã giúp đưa Ta đến bệnh viện để kịp thời thuốc thang chữa trị ». Thì ra hôm nay Chúa Giê-su đã giữ lời hứa đến thăm bác thợ giầy không phải một mà là ba lần. Người hiện thân qua những người cần được trợ giúp như Người đã nói : « Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy » (Mt 25,40).

4) TÍN THÁC VÀO TÌNH THƯƠNG QUAN PHÒNG CỦA CHÚA :
Một sĩ quan Công Giáo, người Anh được sai đến phục vụ tại một nơi xa xôi hẻo lánh. Ông cùng với gia đình xuống tầu đến nhiệm sở mới. Tầu rời bến được vài ngày thì biển động dữ dôi. Một cơn bão ập đến làm tầu có nguy cơ bị đắm. Mọi người trên tầu hết sức sợ hãi. Bà vợ của vị sĩ quan là người mất bình tĩnh hơn cả vì bà đã không tiếc lời trách móc chồng đã đưa cả gia đình vào mối nguy hiểm, nhất là khi thấy chồng vô tư chẳng mấy quan tâm. Chính thái độ bình thản của chồng khiến bà càng thêm tức giận.
Trước tình thế đó, sau khi nói mấy lời an ủi vợ, viên sĩ quan đã rời căn phòng và một lát sau quay lại với thanh kiếm tuốt trần trên tay. Bằng ánh mắt đau khổ ông tiến lại bên vợ và dí mũi kiếm vào ngực bà. Mới đầu bà ta tái xanh mặt mày, nhưng sau đó bà bỗng cười không chút nao núng sợ hãi. Viên sĩ quan hỏi :
- Làm sao mình có thể cười khi sắp bị mũi kiếm đâm vào ngực?
- Tại sao em lại phải sợ khi lưỡi kiếm ấy trong tay của người chồng rất mực yêu em.
Bấy giờ viên sĩ quan liền nghiêm giọng giải thích :
- Vậy tại sao em lại muốn anh phải sợ cơn bão tố này, khi biết nó nằm trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa là Đấng quyền năng và hằng yêu thương anh?

3. SUY NIỆM :

1) TÂM TRẠNG CỦA HAI MÔN ĐỆ LÀNG EM-MAU :
Đây là hai trong số 72 môn đệ của Đức Giê-su đã được Người sai từng hai người đi giảng đạo (x. Lc 10,1a). Hai ông đã đến Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua. Giờ đây đại lễ đã xong, hai ông quay trở về nhà riêng tại làng Em-mau. Một trong hai ông tên là Cờ-lê-ô-pát, còn người kia không được nêu tên, có thể là chính tác giả Lu-ca. Hai ông này vừa đi vừa trò chuyện với nhau với vẻ mặt buồn bã thất vọng. Sở dĩ họ mang tâm trạng như thế là vì mấy lý do như sau :
- Một là Đức Giê-su «là một Ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để bị án tử hình, và đóng đinh Người vào thập giá » (Lc 24,19b-20).
- Hai là biến cố đau thương của Đức Giê-su đã xảy ra trái với ước vọng của các ông khi đi theo Thầy, khiến các ông hoàn toàn thất vọng và muốn buông xuôi : « Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Nhưng các sự việc ấy đã xẩy ra đến nay là ngày thứ ba rồi » (Lc 24,21).

2) VAI TRÒ CỦA KINH THÁNH VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ CỦNG CỐ ĐỨC TIN :
- Biến cố tử nạn của Đức Giê-su là mối bận tâm sâu đậm của các môn đệ, đến nỗi dù đang buồn chán thất vọng, các ông vẫn bàn tán với nhau khi đi đường. Đức Giê-su Phục Sinh đã yêu thương và luôn quan tâm đến các môn đệ, nên Người đã chủ động hiện đến đồng hành bắt chuyện và giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong Sách Thánh. Nhờ cảm nghiệm được Lời Chúa nên các ông đã lấy lại niềm tin qua câu nói : “Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên khi dọc đường, Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” (Lc 24,32).
- Tuy nhiên hai môn đệ chỉ nhận ra Người khi tham dự bí tích Thánh Thể : Hai ông đã mời Người ở lại : “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn (Lc 24,29). Rồi chính bầu khí yêu thương chia sẻ Bánh Thánh giữa cộng đoàn mà mắt họ đã mở ra, như Tin Mừng thuật lại: « Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất » (Lc 24,30-31).

3) ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA TRONG CUỘC SỐNG :

Trong cuộc sống, mỗi lần gặp phải thử thách, nhiều người trong chúng ta thường nghĩ rằng : Chúa đã bỏ rơi mình rồi. Chúa không còn quan tâm giúp mình nữa… và từ đó sinh ra chán nản, bỏ bê đọc kinh cầu nguyện, lười biếng dự lễ Chúa Nhật và có khi còn mê tín dị đoan : đi coi bói tóan, cậy nhờ sự giúp đỡ của thầy bùa thầy ngải… Chúng ta cần xác tín rằng : Chúa Phục Sinh vẫn luôn đồng hành với chúng ta. Không những Người ở bên ta khi ta được bình an, mà ngay cả những lúc ta gặp gian nan khốn khó như bị bệnh tật, tai nạn, thất bại… Người vẫn ở bên và đồng hành với chúng ta. Người sẵn sàng trợ giúp và bồng ẵm ta trên tay nếu ta biết tín thác cậy trông vào Người. Hãy siêng năng tham dự thánh lễ để được nghe Lời Chúa giáo huấn và được kết hiệp mật thiết với Chúa Thánh Thể khi lên rước lễ.

4) SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG CHO THẾ GIỚI HÔM NAY :

- Hai môn đệ làng Em-mau sau khi gặp Chúa đã lập tức trở về Giê-ru-sa-lem để chia sẻ Tin Mừng Phục Sinh cho cộng đoàn.
- Loan báo Tin Mừng hôm nay không những là chia sẻ niềm tin yêu cho tha nhân bằng đời sống quên mình vị tha và khiêm nhường phục vụ, mà còn là sự thực thi bác ái cụ thể như kinh « Thương Người có mười bốn mối » đã dạy. Nhờ đó đến ngày phán xét chúng ta sẽ được Chúa đón nhận vào hưởng hạnh phúc đời đời trong Nước Trời như lời Chúa phán : “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25,34-36).

4. THẢO LUẬN:
Khi gặp một người lỡ đường xin tá túc ban đêm, chúng ta nên làm gì để vừa bảo đảm an toàn cho gia đình, vừa thực hành bác ái “Cho khách đỗ nhà” như kinh Thương Người đã dạy?

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn rồi, vì lòng chúng con đang khao khát được nghe lời Chúa. Xin ở lại với chúng con, vì đức tin chúng con mỏng dòn yếu đuối, rất cần được Chúa trợ giúp vượt qua khó khăn của cuộc đời. Xin ở lại với chúng con, vì chúng con dễ sa chân lạc bước, chỉ biết tìm kiếm thỏa mãn những đam mê bất chính và dễ chán nản buông xuôi khi gặp thử thách gian nan. Xin ở với chúng con, để chúng con thấy Chúa đang hiện diện nơi những người đau khổ và chân thành phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Xin ở lại với chúng con, vì khi gặp được Chúa, chúng con sẽ được ơn biến đổi cuộc đời. Xin ở lại với chúng con, vì tâm hồn chúng con vẫn còn xao xuyến mãi, cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa.- AMEN.
 
Chúa đồng hành với ta trong đêm tối cuộc đời
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
22:19 19/04/2023


Vào xế chiều hôm ấy, hai môn đệ buồn bã giã từ Giê-ru-sa-lem đi về Em-mau, lòng nặng trĩu ưu phiền vì thầy Giê-su đã chết! Thế là thần tượng của họ đã sụp đổ; giấc mộng vàng mong được vinh hiển trong triều đại Vua Giê-su đã tan thành mây khói.

Đang lúc họ đang ưu sầu tuyệt vọng như thế, thì Chúa Giê-su tiến lại cùng đi với họ, dùng lời Kinh thánh sưởi ấm tâm hồn họ.

Hôm nay, nhiều lúc trong cuộc đời, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức, sóng gió, bão táp cuồng phong… Đó là những đêm tối trong cuộc đời. Có bình minh thì cũng có hoàng hôn. Có ánh nắng rực rỡ của trưa hè thì cũng phải có những ngày đông ảm đạm. Cuộc sống con người cũng có ngày buồn chen lẫn ngày vui, có đêm đen xen kẽ ban ngày.

Đêm tối cuộc đời có thể là chứng bệnh nan y đang hành hạ bản thân mình hay những người thân thuộc trong gia đình khiến cho cả nhà phải đau khổ, buồn lo. Đêm tối cuộc đời có thể là cảnh vợ con nheo nhóc nghèo đói, nợ nần chồng chất… Đêm tối cuộc đời có thể là tình duyên trắc trở, hạnh phúc tan vỡ hay một tai nạn giao thông...

Trong những hoàn cảnh như thế, chúng ta cảm thấy thất vọng, chao đảo, mất hết niềm tin, mọi thứ như đều đổ sụp. Chúng ta rơi vào tâm trạng của hai môn đệ Emmau. Chúng ta cần nơi nương tựa, bám víu.

Khi gặp hoàn cảnh đó, hãy tìm đến với Chúa Giê-su, chỉ có Ngài là chốn nương tựa vững bền. Nơi Ngài, chúng ta tìm được bình an, hoan lạc. Ngoài Ngài ra, chẳng còn nơi đâu khác.

Ngài đang ở bên chúng ta, đang đồng hành với chúng ta, sẵn sàng chia sẻ ngọt bùi với chúng ta. Chúng ta hãy thưa với Ngài như hai môn đệ Emmau xưa: Xin Chúa ở lại với chúng con, vì bây giờ là đêm tối… bây giờ là tuyệt vọng âu sầu. Xin hãy ở lại với chúng con!

Lạy Chúa Giê-su,

Hôm xưa khi cùng đi với hai môn đệ tiến về Emmau, Chúa đã dùng ánh sáng lời Chúa để soi sáng cho hai môn đệ hiểu rằng đấng Cứu thế phải trải qua đau thương rồi mới tiến đến phục sinh khải hoàn vinh hiển… thì nay, xin cho chúng con cũng biết dùng lời Chúa để xoá tan mây mù u tối đang vây phủ tâm hồn, làm bừng lên trong chúng con niềm hy vọng được sống lại với Chúa và hưởng hạnh phúc đời đời. Amen.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các chuyên viên đại diện 5 châu họp mặt chuẩn bị Tài liệu Làm việc cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính đồng nghị vào tháng Mười tới
Vu Van An
01:30 19/04/2023
Theo tin của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng, từ ngày 12 đến ngày 19 tháng Tư, một nhóm chuyên viên từ khắp năm châu, từng tham gia trong nhiều tư cách vào diễn trình thượng hội đồng, đã họp nhau tại Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng để làm việc và biện phân về Giai đoạn Châu lục và bẩy tài liệu sau cùng của các Phiên họp Thượng Hội Đồng Châu lục nhằm mục đích khởi đầu việc suy tư sẽ dẫn tới giai đoạn kế tiếp là soạn thảo Instrumentum Laboris (Tài liệu Làm việc) cho cuộc họp thứ nhất của Phiên họp Toàn thể Thường lệ Lần thứ XVI của Thượng Hội Đồng Giám Mục (Tại Vatican, 4-29 tháng Mười năm 2023).



Sau một khoảnh khắc cầu nguyện và buổi dẫn nhập, công việc bao gồm việc chia sẻ sâu rộng về Giai đoạn Châu lục nói chung và về kinh nghiệm sống trong các phiên họp cấp châu lục. Sau đó, các tài liệu sau cùng Văn phòng Tổng thư ký nhận được, thành quả biện phân cộng đồng của dân Chúa, được phân tích chi tiết nhằm làm nổi bật các căng thẳng và ưu tiên sẽ được Phiên họp Toàn thể tháng Mười nghiên cứu sâu rộng.

Công việc được tiến hành trong phòng khóa kín. Cuối thời gian này, một cuộc họp báo sẽ được tổ chức vào ngày 20 tháng Tư năm 2023.

Nhân dịp này, trang mạng của Văn phòng Tổng thư ký có đăng tải bẩy tài liệu cuối cùng của 7 khu vực Châu lục bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Bồ đào nha và tiếng Tây ban nha. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các Tài liệu cuối cùng này:

I.Tài liệu cuối cùng của Phiên họp Lục địa Á Châu về tính đồng nghị

1. Khái quát về Á Châu

Tài liệu sau cùng của Châu Á khởi đầu bằng phần nói tới tính đa dạng về mọi mặt của Châu Á, nơi có nhiều nền văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ và sắc tộc đa dạng, là châu lục lớn nhất thế giới cả về diện tích địa lý và dân số. Nó có diện tích 44.6 triệu Kilômét vuông, chiếm khoảng 30% tổng bề mặt trái đất. Châu Á là nơi sinh sống của khoảng 4.6 tỷ người với hơn 2,300 ngôn ngữ được sử dụng trên khắp châu Á. Nơi đây còn được coi là nơi sản sinh và cái nôi của các các tôn giáo lớn trên thế giới như Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Kitô giáo, Phật giáo, đạo Jain, đạo Sikh, đạo Lão, Nho giáo và một số tôn giáo khác. Hồi giáo là tôn giáo nổi bật nhất và được thực hành bởi 1.2 tỷ người, tiếp theo là Ấn Độ giáo với 900 triệu người.

Mặc dù các hệ thống niềm tin, giá trị và biểu tượng thay đổi từ nơi này sang nơi khác, nhưng tính liên kết qua lại của cộng đồng nhân loại đã kéo các dân tộc châu Á xích lại gần nhau. Giá trị tương quan (với Thượng đế, bản thân, những con người khác và vũ trụ) của châu Á mang theo nó tính thống nhất của gia đình nhân loại và tính thống nhất của các dân tộc châu Á.

Châu Á có sự tương phản đáng nghi ngờ vì một mặt có nhiều tỷ phú nhất thế giới, mặt khác, nó có 320 triệu người cực kỳ nghèo khó, sống dưới mức nghèo khổ, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Đại dịch gần đây đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và phân chia kinh tế giữa người có và người không có.

Về chính trị cũng vậy, chúng ta thấy các hệ thống quản trị đa dạng bao gồm chế độ dân chủ nghị viện, các chế độ độc tài quân sự, các nhà cai trị cộng sản, các chế độ quân chủ lập hiến, và các hình thức chính phủ tổng thống.

Bên cạnh những lợi ích mà sự thống nhất và đa dạng mang lại cho châu Á, khu vực này cũng tiềm ẩn nhiều thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến Giáo hội và cuộc sống của người dân Châu Á. Một số thách thức là nghèo đói lan rộng khắp châu Á, mối đe dọa sinh thái đã mang lại sự mất cân bằng trong cuộc sống của người dân, những thách thức tham nhũng có hệ thống, làn sóng di cư kinh tế để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn, sự bất ổn chính trị gây ra sự gián đoạn nội bộ đối với hòa bình và hòa hợp, v.v.

Tất cả những điều này có tác động trực tiếp đến Giáo hội khi Giáo hội tìm cách vươn tới mọi dân tộc.

Trong khi Kitô giáo vẫn còn là một thiểu số rất nhỏ ở hầu hết các vùng của Châu Á, sự sống động và phong phú của các nền văn hóa cá thể mang lại niềm vui cho đời sống Giáo hội. Lục địa châu Á rộng lớn và bị chia thành bốn khu vực dễ nhận biết, cụ thể là Trung Á, Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á.

Được thành lập trên phẩm giá rửa tội chung của chúng ta, hành trình đồng nghị này thực sự là một biểu hiện của Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương đồng hành với nhau như một. Những tác động tích cực của việc đem mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội, cả trong và ngoài Giáo hội tham gia vào một diễn trình cầu nguyện với nhau, lắng nghe nhau và nhận ra tiếng nói của Chúa Thánh Thần, mang lại cho họ một kinh nghiệm mới về sức sống và sự năng động cho đời sống của Giáo hội.

Trong số 4 tỷ người sống ở châu Á, Giáo Hội Công Giáo chỉ chiếm 3.31% tổng số dân số, nhưng nó đóng góp to lớn vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội và vươn tay ra với những người nghèo và những người bị thiệt thòi trong xã hội.

Trong một xã hội Châu Á đa nguyên, Giáo Hội Công Giáo tiếp tục loan truyền sứ điệp yêu thương bằng cách lên quyền lực cho những người ở bên lề qua việc giáo dục và tích nhập họ vào dòng chính của xã hội.

Hàng ngàn linh mục, người thánh hiến nam nữ, cùng với các nhà truyền giáo giáo dân và giáo lý viên, đang dấn thân vào việc đào tạo đức tin và phục vụ các nhu cầu thiêng liêng và mục vụ của cộng đồng Công Giáo khắp Á Châu.



2. Diễn trình Thượng Hội Đồng

Tài liệu sau cùng nói đến năm giai đoạn: giai đoạn tiền Thượng Hội Đồng; giai đoạn thứ nhất ở các Giáo Hội địa phương; giai đoạn thứ hai: biện phân và soạn thảo bản đúc kết các báo cáo của các Giáo Hội địa phương; giai đoạn ba: Phiên họp châu lục; giai đoạn bốn: biện phân và soạn thảo tài liệu sau cùng của châu lục; giai đoạn năm: Uỷ Ban trung ương của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu chấp thuận và thông qua tài liệu sau cùng của châu lục.

Trong phần nói tới Phiên họp châu lục, tài liệu sau cùng cho hay: Mỗi Hội đồng Giám mục Á Châu được yêu cầu cử ba đại biểu và mỗi Thành viên Liên kết có thể cử hai đại biểu đến dự Phiên họp châu lục. Ngày 23 tháng 2, Phiên họp Lục địa châu Á đã chính tức khai mạc tại Trung tâm Huấn luyện Mục vụ Baan Phu Waan ở Bangkok, Thái Lan. Trong những buổi họp sau đó, dự thảo Tài liệu Sau cùng của Á Châu đã được mang ra thảo luận chi tiết.

Bước sang giai đoạn thứ tư: nhóm Biện Phân và Soạn thảo được giao nhiệm vụ hoàn thiện tài liệu cuối cùng. Họ gặp nhau từ 27 – 28 tháng 2 năm 2023 để tổng hợp các sửa đổi theo đề xuất của các đại biểu của Phiên họp Châu Á. Việc biên tập cuối cùng của tài liệu được thực hiện trên tinh thần cộng đồng, tình bạn thân thiết, và sự biện phân trong cầu nguyện. Sau đó, Nhóm đã đệ trình công việc của mình lên Ủy ban Trung ương của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu để "xác nhận và phê duyệt."

Bước sang Giai đoạn thứ năm: Tài liệu cuối cùng của Phiên họp lục địa châu Á về tính đồng nghị đã được trình lên Ủy ban Trung ương của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu tại cuộc họp trực tuyến vào ngày 3 tháng 3 năm 2023. Việc này dành riêng cho các Giám mục-Chủ tịch của các Hội đồng Giám mục để 'xác nhận và phê duyệt' Tài liệu Cuối cùng của Phiên họp Lục địa Châu Á, bảo đảm rằng đây là kết quả của một hành trình đồng nghị đích thực, bảo vệ sự hợp nhất của Giáo hội không bao giờ bị suy thoái thành đồng nhất hoặc phân cực.

Sau khi cân nhắc dự thảo tài liệu cuối cùng, Ủy ban Trung ương của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, vào ngày 3 tháng 3 2023, 'đã phê duyệt và xác nhận' tài liệu cuối cùng và sau đó được gửi đến Văn phòng Thư ký Thượng Hội đồng như là Tài liệu cuối cùng của Phiên họp Lục địa Châu Á về Thượng Hội đồng.

3. Những tâm tình chung đối với diễn trình

Tài liệu cho rằng đây không phải là một diễn trình dân chủ mà là một khoảnh khắc ân sủng và chữa lành cho Giáo Hội, một Giáo Hội phải biến thành nơi ẩn náu cho mọi người, không loại trừ ai, một Giáo Hội phải hiện diện cả ở những nơi có bạo lực, bất ổn và đau khổ.

Tài liệu nhấn mạnh đến hình ảnh chiếc lều, nó là nơi chào đón mọi người, gặp gỡ nhau nhưng cũng là nơi gặp gỡ Thiên Chúa.

Tuy nhiên, thực tại Châu Á mang nhiều sắc thái khác nhau và “các thách đố về thời gian và ngôn ngữ trở thành một ‘trở ngại’ cho một số quốc gia.” Tuy nhiên, những người tham gia diễn trình này đã đóng góp một cách xây dựng qua tinh thần cầu nguyện và biện phân để làm Giáo Hội trở nên tốt đẹp hơn. Việc tham dự của số lượng người đông đảo vào diễn trình Thượng Hội Đồng đã cho thấy một tình yêu sâu sắc đối với Giáo Hội bất chấp các thiếu sót và yếu điểm của Giáo Hội định chế, đồng thời cho thấy ở chân trời vẫn còn niềm hy vọng và niềm vui để Giáo Hội tiến lên phía trước vì tình yêu Thiên Chúa dành cho Dân Người.

Tài liệu thú nhận: tính đa dạng mênh mông của các quan điểm và kinh nghiệm khắp châu Á khiến việc tổng hợp mọi cơ hội và thách đố đơn nhất do các nước khác nhau nêu lên trở thành khó khăn. Nhưng “nhờ ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần, các đoạn sau đây cung cấp những tầm nhìn thông sáng đối với các âm vang, các căng thẳng, và ưu tiên như đã được các Giáo Hội tại Á Châu phát biểu. Nhóm Biện phân và Soạn thảo cũng đã tự do nhận diện một số khoảng trống (lacuna) mà chúng tôi cảm thấy hoặc vắng bóng hoặc không được bàn đầy đủ trong các bản báo cáo của các Hội Đồng Giám Mục nhưng là các điểm chủ chốt từng được thảo luận tại Phiên Khoáng Đại 50 của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu”. Tài liệu “hy vọng rằng những tầm nhìn thông sáng này trung thành với tâm trí của các diễn trình liên hệ của các nước châu Á”

4. Các Âm vang ở Á Châu

Khi tham dự diễn trình Thượng Hội Đồng này, Á Châu âm vang với các tâm tình vui buồn, dễ bị tổn thương và bị tổn thương.

Nhưng trước khi đề cập tới các tâm tình trên, Tài liệu cho rằng mặc dù diễn trình được tiếp nhận tốt và làm cho dễ dàng khắp các nước Á Châu, một số báo cáo cho thấy diễn trình tham khảo và lắng nghe đã gây ngã lòng và thất vọng vì thiếu việc giải thích rõ ràng và việc chấp nhận mục tiêu hội họp và lắng nghe. Một số cho rằng việc tham gia diễn trình này có tính chính trị hay ý thức hệ hơn là đồng nghị thực sự theo quan điểm Công Giáo. Một số tín hữu hoài nghi về mục đích và thành quả của diễn trình này. Một số giáo phận sợ rằng tiếng nói của những người sống trong các khung cảnh thiểu số và các cộng đồng Kitô giáotruyền thống không gây được ảnh hưởng bình đẳng đối với diễn trình Thượng Hội Đồng và cả thành quả của nó. Cũng có gợi ý cho rằng lắng nghe là một trách vụ khó khăn vì nhiều người thích được ca ngợi hơn là bị chỉ trích hoặc nhận xét về. Những người dám lên tiếng đôi khi bị coi là chống đối.

a.Cảm nghiệm vui buồn

Nói đến cảm nghiệm vui mừng, tài liệu cho rằng diễn trình Thượng Hội Đồng vừa là một kinh nghiệm tâm linh vừa là một hành trình tâm linh, cởi bỏ con người mình để lắng nghe Thiên Chúa nhằm không ngừng đổi mới bản thân dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Diễn trình cũng giúp ta hiểu rõ bản chất và tình huống thực sự của Giáo Hội. Diễn trình này hân hoan vì là nơi ân sủng, gặp gỡ và biến đổi.

Nhờ diễn trình này, qua Tài liệu Làm việc của Giai đoạn châu lục, “điều ấm lòng là được đọc đi đọc lại về tình yêu sâu sắc dành cho Giáo Hội từ rất nhiều Giáo Hội khắp thế giới. Tình yêu và cam kết này với đức tin vang dội khắp Tài Liệu Làm việc của Giai đoạn Lục địa và chắc chắn phản ảnh cảm thức gần như phổ quát được người Công Giáo khắp thế giới biểu lộ”.

Tuy nhiên, kinh nghiệm đồng hành này phần nào bị phủ mờ bởi những đe dọa từ bên ngoài: tại một số quốc gia Á Châu, nhiều Kitô hữu vẫn đang chịu đựng nhiều đe dọa đối với đức tin của họ. Nhiều Kitô hữu đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin, nhiều người khác liên tục bị kỳ thị vì đức tin của mình.

b. Cảm nghiệm thương tích

Tài liệu nói tới các lạm dụng liên quan tới tài chánh, tài phán, lương tâm, và tình dục, mang lại một hình ảnh tiêu cực cho Giáo Hội, khiến Giáo Hội bị bất khoan dung, ghét bỏ nơi các phương tiện truyền thông xã hội và báo chí, và khiến một số người lìa bỏ Giáo Hội. Ở bình diện quản trị, việc thiếu minh bạch và giải trình đã dẫn tới cuộc khủng hoảng lòng tin cậy vào Giáo Hội.

Tài liệu cũng nói đến việc thiếu bao gồm phụ nữ “trong việc quản trị và các diễn trình ra quyết định”, việc thiếu hiểu biết và thất bại trong việc chăm sóc mục vụ cho một số nhóm người vốn là thành phần của Giáo Hội nhưng thường không cảm nhận mình được chào đó: cha mẹ đơn thân, những người trong các cuộc hôn nhân bất hợp lệ, hỗn hợp, những người LGBTQIA+, cũng như di dân và nhiều người khác.

Tài liệu không quên nhắc đến giới trẻ, người bản địa, những người mà nguyện vọng và tiếng nói thậm chí không được nhấn mạnh đủ trong chính Tài liệu Làm việc của Giai đoạn Lục địa. Tài liệu cũng cho rằng tiếng kêu của người nghèo và trái đất “là những vấn đề chưa được bàn đến một cách thoả đáng mặc dù đây là các quan tâm lớn đối với các dân tộc Á Châu”.

Một số thương tích của Giáo Hội là do sự xâm nhập của các ý thức hệ như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ, và chủ nghĩa duy vật do việc phát triển kinh tế mau chóng và việc tự do tiếp cận phương tiện truyền thông xã hội mang lại. Mặt khác, tiếng nói của Giáo Hội bị cấm cách bởi các chế độ áp bức; việc cấm cách này dẫn tới thái độ thụ động chịu đựng cộng hưởng bởi sợ hãi, thậm chí thờ ơ.

Tài liệu cho rằng những vui buồn và vết thương trên là dịp để thăm dò những nẻo đường mới để tiến tới một Giáo Hội đồng nghị qua tinh thần bao gồm, dấn thân đối thoại đại kết, liên tôn như nẻo đường xây dựng hòa bình, hòa giải và hoà hợp, mặc dù ở nhiều nơi, con đường đối thoại chỉ có một chiều từ Giáo Hội, không được đáp ứng từ phía bên kia, bảo vệ các vị thành niên và người trưởng thành dễ bị tổn thương, lắng nghe nhau “để mang lại sự biến đổi ở mọi bình diện của Giáo Hội”, dấn thân vào việc “biến đổi phương thức nhìn vào mình, cá nhân hóa và phân cực hóa thành phương thức truyền giáo, cộng đoàn và tích hợp nhiều hơn”.

5. Các căng thẳng tại Á Châu

Tài liệu thừa nhận một số căng thẳng phổ quát và một số căng thẳng đặc thù của châu Á.

Căng thẳng trong việc sống tính đồng nghị

Tài liệu thừa nhận có một loại chia rẽ bên trong Giáo Hội giữa hàng giáo sĩ và giáo dân, giữa Giám Mục và các linh mục/tu sĩ, giữa các nhóm Giáo Hội và các phong trào, giáo phận, hội đồng và cả với bên ngoài giữa Giáo Hội và các thẩm quyền chính trị, thậm chí giữa các tôn giáo.

Mô thức tôi tớ trong lãnh đạo đang gặp trở ngại khi các linh mục có xu hướng áp đặt, thống trị, độc đoán đối với giáo dân.

Tài liệu nhấn mạnh tới vai trò giáo lý viên: ở Á Châu, họ không những là các thầy dạy đức tin mà còn là các nhà lãnh đạo các cộng đồng. “Trong nhiều thế kỷ, họ chuẩn bị các tín hữu lãnh nhận bí tích và đồng hành với họ trong việc sống đức tin này”.

Tài liệu nhấn mạnh tới việc đồng trách nhiệm của mọi người vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.

Căng thẳng trong việc đưa ra quyết định

Nhiều nơi khoán trắng việc đưa ra quyết định cho các linh mục và Giám Mục. Tiếng nói thiểu số và cả của giáo dân thường bị làm ngơ. Thậm chí trong các cơ cấu được giáo luật khuyến cáo như hội đồng mục vụ hay hội đồng tài chánh cũng chỉ có đối thoại và tham khảo giáo dân cách hời hợt.

Trong môi trường Á Châu với truyền thống tôn trọng các nhà lãnh đạo, thường có sự lạm dụng lòng tôn trọng này.

Căng thẳng trong các ơn gọi linh mục

Tài liệu cho rằng các nhân tố “quá chỉ trích hàng giáo sĩ”, các tai tiếng lạm dụng, các thái độ và tác phong không lành mạnh của các linh mục, ảnh hưởng của nền văn hóa thế tục và duy vật, đã làm giảm ơn gọi làm linh mục.

Căng thẳng về phụ nữ và giới trẻ

Tài liệu cho rằng tại nhiều Giáo Hội ở châu Á, sự tham gia của phụ nữ rất đáng kể. Tuy nhiên, thiếu sự hiện diện của họ trong các vai trò lãnh đạo. Nhiều người quy lỗi cho các khác biệt văn hóa và cấu trúc tổ phụ truyền thống nơi các xã hội châu Á.

Về giới trẻ, tài liệu cho hay họ chiếm tới 65% dân số nhưng tương đối lại khiếm diện trong sinh hoạt Giáo Hội, nhất là sinh hoạt lãnh đạo. Ngược lại, nhiều người trẻ cho rằng Giáo Hội mới là người khiếm diện trong cuộc sống của họ.

Tài liệu lưu ý tới kỹ thuật kỹ thuật số là phạm vi người trẻ thành thạo. Giáo Hội nên đầu tư nhiều hơn vào lãnh vực này để rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng là nên giúp giới trẻ phân biệt được thế giới ảo và thế giới thực.

Căng thẳng về người nghèo

Tài liệu thừa nhận nhiều loại người nghèo ở châu Á: nghèo về vật chất (các nhóm thiểu số sắc tộc, các công nhân di dân, các khu ổ chuột ở thành phố...); nghèo về xã hội (bị Giáo Hội và xã hội làm ngơ: người không được giáo dục, người khuyết tật, thuộc các đẳng cấp thấp, bà mẹ đơn thân, người ly dị và tái hôn...)

Tài liệu khuyến cáo thay đổi giáo luật nhằm cho phép người nghèo được bao gồm vào sinh hoạt bình thường của Giáo Hội.

Tài liệu đích danh nói tới việc “có những lúc, Giáo Hội im lặng trước số phận và tiếng kêu của người Đalít (đẳng cấp thấp nhất của Ấn độ), người bộ lạc, người bản xứ”.

Căng thẳng về tranh chấp tôn giáo

Tài liệu quả quyết rằng càng ngày càng có các tranh chấp tôn giáo, thậm chí bách hại tinh vi và trực tiếp, một phần vì sự gia tăng của nền văn hóa bạo lực, thiếu một nền công lý hữu hiệu, chính trị hóa tôn giáo.

“Các Giáo Hội ở Châu Á luôn phải đi dây giữa việc trung thành với Tin Mừng nhưng không đặt tín hữu vào thế bị đe doạ.”

Căng thẳng do chủ nghĩa giáo sĩ trị

Tài liệu cho rằng giống như ở nhiều nơi khác trên thế giới, chủ nghĩa giáo sĩ trị cũng là một quan tâm ở châu Á. Nó được coi như một trong các nguyên nhân tạo ra việc thiếu tính đồng nghị trong Giáo Hội tại châu Á. Chủ nghĩa này được hiểu là thiếu tham vấn trong các vấn đề quản trị, các thái độ thống trị và cảm thức ta đây của một số linh mục, quá tỏ uy quyền trên giáo dân...

Ngược lại, bị giáo dân chỉ trích quá trớn, nhiều linh mục cảm thấy cô đơn, cô lập. Điều này khiến một số người trẻ muốn đi tu làm linh mục ngập ngừng, không dám dấn thân.

6. Các thực tại và dị biệt của châu Á

Tài liệu cho rằng ý thức được thân phận thiểu số của mình (chỉ chiếm 3.31%, lắm nơi chỉ là 1% tổng dân số châu Á), người Công Giáo châu Á cảm thấy vui mừng được tham gia diễn trình hoàn cầu lần này.

Tuy nhiên, “các cách phát biểu thờ phượng và cầu nguyện bằng thân xác của chúng tôi, vốn bao gồm các giác quan của con người, điệu nhẩy, nghệ thuật, thi ca, và im lặng, đôi khi thấy căng thẳng với cung cách chính thức trong việc cử hành các bí tích”. Tài liệu thừa nhận có sự căng thẳng “giữa các nền văn hóa châu Á và cách phát biểu đức tin của chúng ta bằng ngôn ngữ, hình ảnh và cả ý niệm về thẩm quyền và quyền lực”.

Hiện đang có sự căng thẳng gia tăng giữa các giá trị tâm linh truyền thống và hiện đại ngay trong hàng giáo sĩ, tu sĩ và các gia đình khiến đức tin bị tương đối hóa, các linh mục bị lôi cuốn theo lối sống duy vật, duy cá nhân, số người không thực hành tôn giáo gia tăng.

Tài liệu nhấn mạnh đến gia đình, coi đó là phạm vi cần được ưu tiên trong cố gắng giáo dục để giải quyết các phó sản của cuộc khủng hoảng qua các hiện tượng bạo lực gia đình, bà mẹ không cheo cưới, cha mẹ đơn thân, hoãn lập gia đình, hệ thống của hồi môn, ly dị và tuyên bố vô hiệu.

Tài liệu kêu gọi phải lưu ý nhiều hơn tới các gia đình hỗn hợp tôn giáo mà con số hiện nay càng ngày càng gia tăng một cách đáng quan tâm tại châu Á.

Tài liệu cũng lư ý tới hiện tượng gia tăng chia rẽ căn cứ vào đẳng cấp, ngôn ngữ, sắc tộc và tư thế kinh tế xã hội.

Tài liệu cho rằng ngoại diện và lối sống thế tục của giới lãnhđạo Giáo Hội cũng gây căng thẳng vì chúng đi ngược lại tình thần khó nghèo của Tin Mừng.

Trong liên hệ tôn giáo, Tài liệu cho rằng những tố giác sai lầm về phạm thượng và khủng bố là những vấn đề chính các Kitô hữu đang gặp phải.

Việc sa lầy trong các cơ cấu dân chủ, bao gồm quân sự hóa và áp bức chính trị, là các thách thức tại một số quốc gia châu Á.

7. Các thiếu sót được nhận diện trong bản trả lời của châu Á

Tài liệu cho rằng một số vấn đề từng được Hội nghị Toàn thể 50 của Liên Hội đồng Giám Mục Châu Á nhận diện đã không được các báo cáo toàn quốc của các Giáo Hội châu Á nhắc đến. Nay xin được nêu ra, hy vọng sẽ được Phiên họp Toàn thể Thượng Hội Đồng trong hai năm 2023/2024 xem xét: chăm sóc căn nhà chung (Châu Á là một trong những nơi tác động của việc thay đổi khí hậu lên đến mức bào động); chia sẻ nguồn lực (cả vật chất lẫn tinh thần); tuổi trẻ trong hiện tại (ma túy, cờ bạc, ghiền trực tuyến, bệnh tâm thần, gia đình tan vỡ...); hôn nhân và gia đình (gia đình tan vỡ,, thiếu cam kết cổ vũ sự sống, sợ kết hôn và giảm sinh suất do khó khăn kinh tế và ảnh hưởng ý thức hệ, phá thai, bạo hành gia đình, loạn luân...); chăm sóc người già; cảnh nghèo (320 triệu người nghèo châu Á); đô thị hóa không bền vững và nạn tham nhũng có hệ thống...

Tài liệu tự hỏi một giáo hội đồng nghị phải làm gì tại châu Á khi là một thiểu số về nhân khẩu học, kinh tế xã hội, văn hóa, và chính trị và do đó trở thành dễ bị tổn thương hơn đối với các chế độ áp bức và cực đoan cũng như các tranh chấp chính trị? Câu trả lời là phải có sự liên kết giữa lòng đạo và luân lý: kinh nghiệm tôn giáo phải biến đồi đời sống luân lý.

Với người bản địa, tài liệu cho rằng gần 60% người bản địa thế giới cư ngụ tại châu Á, nhưng các bản trả lời đã không đề cập nhiều đến họ.

Về sự hiện diện của Giáo Hội trong thế giới, Tài liệu cho rằng các bản trả lời của các Giáo Hội địa phương chỉ biết nhìn vào nội bộ Giáo Hội, quên đi missio ad gentes (sứ mệnh đối với các dân ngoại) hiện đông vô kể tại châu Á.

Về vấn đề di dân, người tỵ nạn và di tản trong nước cũng như việc buôn người, hiện đang gia tăng nhanh chóng tại châu Á, cũng không được bàn đến một cách sâu rộng. Cả vấn đề xây dựng hòa bình, một nhu cầu hết sức cấp bách tại châu Á hiện nay, nơi không thiếu các cuộc tranh chấp đẫm máu, cũng đã bị lơ là nhiều trong các bản trả lời tham vấn.

Rồi vấn đề bảo đảm an toàn cho các vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương, tuy con số các vụ lạm dụng ít được báo cáo, một phần do lý do văn hóa, nhưng đây là quan tâm chính của Giáo Hội châu Á. Tuy nhiên, nó ít được nhắc đến trong các bản trả lời của các Giáo Hội địa phương.

Cuối cùng Tài liệu nói đến việc thiếu sót, không bàn thỏa đáng tới vai trò của các Giám Mục, những vị “đóng một vai trò không thể thay thế trong việc sinh động hóa diễn trình đồng nghị tại Giáo Hội địa phương”.

8. Các ưu tiên trong các trả lời của châu Á

Tài liệu cho rằng các câu trả lời của châu Á rất đa dạng và khác biệt, bao trùm nhiều vấn đề và thách thức khác nhau, nhưng vẫn có những điểm chung qua 6 ưu tiên sau:

Đào tạo

Muốn có một Giáo Hội đồng nghị, cần có việc đào tạo khởi đầu và liên tục ở mọi bình diện.

Các chủng sinh, linh mục, giám mục, các người thánh hiến nam nữ cần được đào tạo để sống phong thái lãnh đạo đồng nghị, cổ vũ văn hóa đồng nghị...

Giáo dân cần được đào tạo để lãnh các vai trò tích cực, theo ơn gọi phép rửa của họ...

Bao gồm và hiếu khách

Phụ nữ, thanh niên và những người bị gạt ra bên lề hoặc bị loại trừ, đặc biệt chú ý đến những người bị bỏ rơi (ví dụ: trẻ em đường phố và người già), cũng nên cung cấp sự chăm sóc mục vụ quan trọng cho những người ly dị, tái hôn, cha mẹ đơn thân, gia đình tan vỡ, người khuyết tật, tù nhân, những người xác định là LGBTQIA+, người già, người phụ thuộc vào chất kích thích, người hành nghề mại dâm, v.v., những người bị tổn thương và trở thành nạn nhân, những gia đình tan vỡ và những người đấu tranh với bản dạng phái tính, những người phải di tản và bị ngược đãi, cùng nhiều người khác phải tìm thấy vị trí của mình trong Giáo Hội.

Các cơ cấu cần được tái duyệt để mọi người cảm nhận được thuộc về Giáo Hội và trở thành “đại sứ” của Chúa Kitô“, "đại sứ” của bao gồm và hiếu khách.

Các môn đệ truyền giáo

Trong bối cảnh Châu Á, chúng ta phải học cách làm chứng tá ngôn sứ và “thì thầm” Tin Mừng cho nhau... Trong khi thừa nhận rằng các Kitô hữu là một thiểu số ở Châu Á, chứng tá có một không hai của các vị tử đạo Châu Á mang đến một thách thức và nguồn khích lệ.

Chúng ta cũng phải học cách lớn lên trong đối thoại, tham vấn và biện phân cộng đồng. Đồng thời, việc tôn trọng các mẫn cảm của các dân tộc Á Châu khác cũng phải là tâm điểm của Giáo Hội...

Giải trình và minh bạch

Giải trình và minh bạch không những trong các vấn đề tài chánh mà cả trong các diễn trình ra quyết định và cai quản. Việc này có thể cần tới việc duyệt lại Giáo Luật.

Tinh thần hợp tác và đồng trách nhiệm phải được cổ vũ.

Cầu nguyện và thờ phượng

Việc cầu nguyện và thờ phượng của chúng ta phải phản ảnh và đánh động tấm lòng của người châu Á. Các cử hành phụng vụ phải mang tính “đồng nghị” hơn (có sự tham gia, hội nhập văn hóa, dễ liên hệ và vui vẻ) để mọi người có thể tìm thấy một không gian thánh thiêng và an toàn để thờ phượng Thiên Chúa. Sự hòa nhập văn hóa trong đời sống và việc thờ phượng của Giáo hội cũng phải làm sinh động đời sống của các tín hữu.

Môi trường

Giáo Hội phải đi đầu không những trong việc bảo vệ mà còn để chữa lành Mẹ Đất, canh tân bộ mặt trái đất. Là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi trở nên một Giáo Hội xanh, sống liên đới và tôn trọng, bảo vệ, bênh vực, và nuôi dưỡng tính đơn nhất của toàn thể sáng thế của Thiên Chúa. Quan tâm môi trường không phải chỉ là chiều kích sinh thái mà còn là chiều kích tâm linh và xã hội nữa vì nó ảnh hưởng tới mọi người, nhất là người nghèo.

9. “Cởi giầy ra”: hành trình đồng nghị của châu Á

Tập tục châu Á vốn cởi giầy ra khi vào nhà hay đền thờ, dấu chỉ tôn trọng, dấu chỉ chúng ta ý thức về người khác khi bước vào đời sống họ, nói lên ý thức sâu sắc của chúng ta trước thể thánh thiêng.

Chúng ta cởi giầy khi đứng trước tính đa dạng văn hóa và tôn giáo, tôn trọng lắng nghe và đàm đạo, biện phân và quyết định, bỏ qua bên mọi định kiến và thiên kiến để đón chào người khác.

Giầy có thể là biểu tượng của vị thế, cởi nó ra, chúng ta trở thành những người bình đẳng trong tư cách hữu thể nhân bản.

Cởi giầy ra chúng ta cũng ý thức được chất đất, làm chúng ta cảm nhận gần gũi hơn các thực tại thực địa của người châu Á.
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Niềm đam mê truyền giáo: Nhân chứng: các vị tử đạo
Vu Van An
15:17 19/04/2023

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 19 tháng 4 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới chứng tá của các vị tử đạo. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Sau khi… nói về việc loan báo Tin Mừng và nói về lòng nhiệt thành tông đồ, sau khi xem xét chứng tá của Thánh Phaolô, “nhà quán quân” đích thực của lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta sẽ hướng sự chú ý của chúng ta không phải đến một nhân vật đơn nhất, mà là hàng loạt các vị tử đạo, nam nữ, thuộc mọi thời đại, ngôn ngữ và quốc gia, những người đã hy sinh mạng sống vì Chúa Kitô, những người đã đổ máu để tuyên xưng Chúa Kitô. Sau thế hệ của các Tông đồ, các vị là những “nhân chứng” tinh túy của Tin Mừng. Các vị tử đạo: đầu tiên là phó tế Stêphanô, bị ném đá chết bên ngoài tường thành Giêrusalem. Chữ “tử vì đạo” có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp “martyria”, thực ra có nghĩa là chứng nhân. Nghĩa là, tử đạo là chứng nhân, người làm chứng đến chỗ đổ máu. Tuy nhiên, rất nhanh trong Giáo hội, chữ tử đạo bắt đầu được dùng để chỉ những người làm chứng đến chỗ đổ máu [1]. Nghĩa là, một vị tử đạo có thể là một người làm chứng hàng ngày. Nhưng sau đó nó được sử dụng để chỉ người hiến máu mình, người hiến cuộc sống mình.

Tuy nhiên, các vị tử đạo không được coi như những “anh hùng” hành động cá nhân, như những bông hoa nở trong sa mạc, nhưng như hoa trái chín mọng và tuyệt vời trong vườn nho của Chúa, nghĩa là Giáo hội. Đặc biệt, các Kitô hữu, nhờ sốt sắng tham dự việc cử hành Thánh Thể, đã được Chúa Thánh Thần hướng dẫn đặt cuộc sống của họ trên cơ sở mầu nhiệm tình yêu đó: nghĩa là, trên sự kiện Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình vì họ, và do đó cả họ nữa cũng có thể và nên hiến mạng sống của họ cho Người và cho anh chị em của họ. Một sự quảng đại tuyệt vời, cuộc hành trình chứng nhân Kitô giáo. Thánh Augustinô thường nhấn mạnh động lực này của lòng biết ơn và sự đền đáp cho đi nhưng không. Chẳng hạn, đây là những gì ngài đã giảng vào ngày lễ Thánh Lôrensô: Thánh Augustinô nói, trong Giáo Hội Rôma đó, “ngài đã thi hành chức vụ phó tế; chính tại đó, ngài đã ban chén thánh chứa máu Chúa Kitô; ở đó, ngài đã đổ máu của mình ra vì danh Chúa Kitô. Tông đồ diễm phúc Gioan đã giải thích rõ ràng về mầu nhiệm bữa tiệc ly của Chúa khi ngài nói: 'Như Đức Kitô đã hiến mạng sống Người cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải hiến mạng sống cho anh em mình' (1 Ga 3:16). Thưa anh em, Thánh Lôrensô hiểu điều này, và ngài đã làm điều này; và chắc chắn ngài đã chuẩn bị những thứ tương tự như những thứ ngài đã nhận được tại chiếc bàn đó. Ngài yêu Chúa Kitô trong cuộc sống của mình, ngài bắt chước Người trong cái chết của Người” (Các Bài Giảng 304, 14; PL 38, 1395-1397). Bằng cách này, Thánh Augustinô đã giải thích động lực thiêng liêng đã truyền cảm hứng cho các vị tử đạo. Với những lời này: các vị tử đạo yêu mến Chúa Kitô trong cuộc sống của mình và bắt chước Người trong cái chết của mình.

Anh chị em thân mến, hôm nay, chúng ta hãy nhớ đến tất cả các vị tử đạo đã đồng hành với đời sống của Giáo hội. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, các ngài nhiều hơn trong thời đại của chúng ta so với những thế kỷ đầu tiên. Ngày nay có nhiều vị tử đạo trong Giáo hội, nhiều người trong số họ, vì tuyên xưng đức tin Kitô giáo mà bị trục xuất khỏi xã hội hoặc kết cục phải ngồi tù… có rất nhiều. Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta rằng “Giáo hội coi việc tử đạo”, người môn đệ này, “như một hồng phúc phi thường và như bằng chứng đầy đủ nhất của tình yêu. Nhờ tử đạo, người môn đệ được biến đổi nên hình ảnh của Thầy mình bằng cách tự nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới – cũng như việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong việc đổ máu của Người” (Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 42). Các vị tử đạo, noi gương Chúa Kitô và với ân sủng của Người, biến bạo lực của những người bác bỏ lời loan báo thành một cơ hội tuyệt vời của tình yêu, cao cả, đi xa đến mức tha thứ cho những kẻ hành hạ chính mình. Điều này thật đáng lưu ý: các vị tử đạo luôn tha thứ cho những kẻ hành hạ các ngài. Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên, đã chết khi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tha cho họ, họ không biết việc họ làm”. Các vị tử đạo cầu nguyện cho những kẻ hành hạ mình.

Mặc dù chỉ một số ít người được yêu cầu tử đạo, “tuy nhiên, tất cả phải sẵn sàng để tuyên xưng Chúa Kitô trước mặt người ta. Họ phải sẵn sàng để tuyên xưng đức tin ngay cả giữa những cuộc bách hại, là điều không bao giờ thiếu đối với Giáo hội, khi đi theo con đường thập giá” (ibid., 42). Nhưng, những cuộc bách hại này có phải là một điều chỉ thuộc thời đó mà thôi không? Không, không: hôm nay. Ngày nay, có rất nhiều cuộc bách hại các Kitô hữu trên khắp thế giới. Ngày nay có nhiều người tử vì đạo hơn những thời đầu tiên. Nhiều. Các vị tử đạo cho chúng ta thấy rằng mọi Kitô hữu đều được kêu gọi làm chứng nhân bằng đời sống, ngay cả khi điều này không đi đến mức đổ máu, hiến thân cho Thiên Chúa và cho anh em mình, noi gương Chúa Giêsu.

Và tôi muốn kết thúc bằng cách nhắc lại chứng tá Kitô giáo hiện diện ở mọi nơi trên thế giới. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến Yemen, một vùng đất đã nhiều năm bị ảnh hưởng bởi một cuộc chiến khủng khiếp, bị lãng quên, gây ra nhiều cái chết. và vẫn còn khiến nhiều người, đặc biệt là trẻ em, đau khổ cho đến tận ngày nay. Trên chính mảnh đất này đã có những chứng nhân đức tin sáng chói, chẳng hạn như các Nữ tu Thừa sai Bác ái, những người đã hy sinh mạng sống của mình ở đó. Ngày nay họ vẫn còn hiện diện ở Yemen, nơi họ giúp đỡ người già ốm yếu và người khuyết tật. Một số người trong số họ đã chịu tử vì đạo, nhưng những người khác vẫn tiếp tục, mạo hiểm mạng sống của họ, nhưng họ vẫn tiếp tục. Các nữ tu này chào đón tất cả mọi người, thuộc bất cứ tôn giáo nào, vì bác ái và tình huynh đệ không có ranh giới. Tháng 7 năm 1998, Sơ Aletta, Sơ Zelia và Sơ Michael, trong khi trở về nhà sau Thánh Lễ, đã bị giết bởi một kẻ cuồng tín, vì các sơ là Kitô hữu. Gần đây hơn, ngay sau khi bắt đầu cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn, vào tháng 3 năm 2016, Sơ Anselm, Sơ Marguerite, Sơ Reginette và Sơ Judith đã bị giết cùng với một số giáo dân, những người đã giúp đỡ các sơ trong công việc bác ái giữa những người bé nhỏ nhất. Các sơ là những vị tử đạo của thời đại chúng ta. Giữa những giáo dân bị giết này, cũng như các Kitô hữu, có một số tín hữu Hồi giáo làm việc với các nữ tu. Điều này thúc đẩy chúng ta thấy việc làm chứng bằng máu có thể đoàn kết những người thuộc các tôn giáo khác nhau ra sao. Người ta không bao giờ được giết người nhân danh Thiên Chúa, vì đối với Người, tất cả chúng ta đều là anh chị em. Nhưng cùng với nhau, người ta có thể hiến mạng sống của mình cho người khác.

Vậy chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta không bao giờ mệt mỏi trong việc làm chứng cho Tin Mừng, ngay cả trong những lúc gian truân. Xin cho tất cả các thánh tử đạo trở thành hạt giống hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc, cho một thế giới nhân bản và huynh đệ hơn, khi chúng ta chờ đợi Nước Trời biểu hiện trọn vẹn, khi Thiên Chúa là tất cả trong mọi người (x. 1Cr 15:28). Cảm ơn anh chị em.

___________________________

[1] Origen, In Johannem, II, 210: “Giờ đây, tất cả những ai làm chứng cho sự thật, dù ủng hộ nó bằng lời nói hay việc làm, hoặc bằng bất cứ cách nào, đều có thể được gọi một cách thích đáng là chứng nhân (tử vì đạo); nhưng nó đã trở thành thông lệ của tình anh em, vì họ được sự ngưỡng mộ như những người đã chiến đấu đến chết vì chân lý và lòng dũng cảm, để giữ danh hiệu tử đạo đúng đắn hơn cho những người đã làm chứng cho mầu nhiệm Thiên Chúa bằng cách đổ máu vì nó.”
 
Đức Thánh Cha kêu gọi: Hãy nhớ đến những người dân đau khổ của Yemen
Thanh Quảng sdb
18:09 19/04/2023
Đức Thánh Cha kêu gọi: Hãy nhớ đến những người dân đau khổ của Yemen

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ và nói về nhiều vị tử đạo của Giáo hội, đặc biệt cầu nguyện cho những người làm việc ở Yemen, bị chi phối bởi chiến tranh trong nhiều năm qua.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

Nói chuyện với khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ, và hướng về hình ảnh của Thánh Phaolô, mô tả ngài là “một 'nhà vô địch' thực sự của lòng nhiệt thành tông đồ”.

Đề cập đến bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha lưu ý rằng, “hôm nay cái nhìn của chúng ta hướng về hàng loạt các vị tử đạo, nam nữ thuộc mọi lứa tuổi, ngôn ngữ và quốc gia đã hy sinh mạng sống vì Chúa Kitô”.

Các Thánh Tử Đạo, hoa trái vườn nho của Chúa

Nói về các vị tử đạo, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng họ không nên được coi như những ‘anh hùng’ hành động một cách cá nhân, nhưng đúng hơn là “như những hoa trái trưởng thành và xuất sắc trong vườn nho của Chúa” trong Giáo hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng các Kitô hữu, khi tham gia cử hành Bí tích Thánh Thể, “được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để đặt cuộc sống của họ trên nền tảng của mầu nhiệm tình yêu,” đó là Chúa Giêsu đã hiến mạng sống của Ngài cho họ, và do đó họ cũng có thể hy sinh mạng sống của mình cho Ngài và cho các anh chị em của họ.

Các vị tử đạo của Giáo hội

Sau đó, Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta “tưởng nhớ tất cả các vị tử đạo đã đồng hành với đời sống của Giáo hội.”

Ngài giải thích rằng các vị tử đạo Kitô giáo trong thời đại chúng ta nhiều hơn so với các thế kỷ đầu sơ khai của Giáo hội. Công đồng Vatican II “nhắc nhở chúng ta rằng 'tử đạo, qua đó người môn đệ trở nên giống như thầy của mình, người tự nguyện chấp nhận cái chết vì lợi ích của thế gian, nhờ đó người tín hữu trở nên giống như Chúa qua sự đổ máu, được Giáo hội quý trọng như một món quà đặc biệt và là bằng chứng tối cao của lòng bác ái'.”

Chiến tranh ở Yemen

Kết thúc bài giáo lý, Đức Thánh Cha Phanxicô nêu gương chứng nhân Kitô hữu hiện diện trên khắp thế giới, cách đặc biệt, ĐTC tập chú đến Yemen, “một vùng đất đã bị thương tích trong nhiều năm bởi một cuộc chiến nghiệt ngã và bị lãng quên, nơi đã gây ra bao nhiêu cái chết và vẫn còn gây đau khổ cho biết bao người, đặc biệt là trẻ em.”

Đức Thánh Cha cho hay tấm gương về sự tự hiến của những người phục vụ Chúa Kitô trong quốc gia đau khổ này là các Nữ tu Thừa sai Bác ái, những người “ngày nay vẫn còn hiện diện ở Yemen, giúp đỡ những người già và bệnh tật.”

Đức Thánh Cha cho hay các sơ chào đón tất cả mọi người, thuộc bất kỳ tôn giáo nào, “bởi vì bác ái và tình huynh đệ không có ranh giới. Người ta không bao giờ được giết người nhân danh Thiên Chúa, vì đối với Người, tất cả chúng ta đều là anh chị em. Nhưng cùng nhau, chúng ta có thể hy sinh mạng sống của mình cho người khác.”

Chúng ta không bao giờ mệt mỏi để làm cho thế giới phát triển

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện, “để chúng ta không mệt mỏi trong việc làm chứng cho Tin Mừng ngay cả trong những lúc gian truân” và để “tất cả các vị tử đạo trở thành những hạt giống hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc cho một thế giới nhân bản và bình đẳng hơn”, một thế giới huynh đệ, trong khi chờ đợi Nước trời được thể hiện trọn vẹn, khi Thiên Chúa là tất cả của tất cả.”
 
Đức Phanxicô lên án những cáo buộc xúc phạm và vô căn cứ chống lại Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Đặng Tự Do
18:17 19/04/2023


Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường trình nhan đề “Francis denounces “offensive and unfounded” allegations against John Paul II”, nghĩa là “Đức Phanxicô lên án những cáo buộc “xúc phạm và vô căn cứ” chống lại Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tố cáo những cáo buộc “xúc phạm và vô căn cứ” gần đây chống lại Đức Gioan Phaolô II sau khi chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 16 tháng 4 năm 2023. Nhận xét của Đức Thánh Cha diễn ra sau cáo buộc của Pietro Orlandi cho rằng Đức Gioan Phaolô II phạm tội lạm dụng tình dục và đóng vai trò trong vụ mất tích của em gái mình vào năm 1983.

“Tôi hướng lòng biết ơn khi nghĩ đến Thánh Gioan Phaolô II, đối tượng của những suy luận xúc phạm và vô căn cứ trong những ngày qua,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói từ cửa sổ của Điện Tông tòa, thu được tràng pháo tay từ đám đông tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô

Emanuela Orlandi, con gái của một nhân viên Vatican, 15 tuổi khi cô biến mất ở trung tâm Rôma gần 40 năm trước, vào ngày 22 tháng 6 năm 1983. Kể từ đó, nhiều giả thuyết khác nhau đã xuất hiện về những gì có thể xảy ra với cô, thậm chí trở thành chủ đề của một cuốn phim tài liệu của Netflix, có tên là “Cô gái Vatican,” phát hành vào tháng 10 năm 2022.

Mới đây, hệ thống tư pháp của Vatican đã đồng ý mở lại cuộc điều tra về vụ mất tích khét tiếng của cô.

Những “suy luận” của Pietro Orlando

Lời biện hộ của Đức Phanxicô được đưa ra sau một tuần đặc biệt sôi động ở Rôma liên quan đến vụ án Orlando. Thứ Ba tuần trước, ngày 11 tháng 4, anh trai của Emanuela Orlandi, Pietro, người đã đấu tranh để làm sáng tỏ vụ mất tích của em gái mình, đã dành 8 giờ đồng hồ với công tố viên trưởng của Vatican.

Vào buổi tối, Pietro Orlandi đã có một số tuyên bố gây sốc trong chương trình trò chuyện của Ý 'Di Martedì' trên kênh La7 TV. Anh ta phát một đoạn ghi âm của một thành viên được cho là của một nhóm tội phạm có tổ chức ở Rôma, người này cáo buộc rằng các cô gái đã được đưa vào Vatican và bị lạm dụng và Đức Gioan Phaolô II đã biết điều đó.

Pietro Orlandi sau đó nói thêm rằng ông nghe nói rằng Đức Gioan Phaolô II sẽ đi chơi đêm với hai “Đức Ông” người Ba Lan và rằng ngài “chắc chắn sẽ không ban phép lành cho các gia đình,” một lời bóng gió cho thấy vị Giáo hoàng người Ba Lan có thể đã tham gia vào việc lạm dụng trẻ vị thành niên.

Một số nhân vật của Giáo hội bênh vực Đức Gioan Phaolô II

Vị Hồng Y người Ba Lan Stanislaw Dziwisz, Tổng giám mục hiệu tòa của Krakow và từng là bí thư của Đức Gioan Phaolô II, đã phản ứng mạnh mẽ trước những lời bóng gió của Pietro Orlandi. Ngài tố cáo những lời buộc tội là “lan man, sai sự thật từ đầu đến cuối, phi thực tế, gây cười đến mức hài hước nếu không muốn nói là bi thảm, và thực sự là tội phạm.”

Hôm thứ Sáu, ngày 14 tháng Tư, giám đốc biên tập của Bộ Truyền thông, Andrea Tornielli, đã đăng một bài báo trên Vatican News lên án những lời buộc tội là “vô lý”.

“Mặc dù vụ thảm sát nhân cách này trên các phương tiện truyền thông gây buồn và mất tinh thần khi làm tổn thương trái tim của hàng triệu tín hữu cũng như người không tin, sự phỉ báng cần bị lên án vì nó không xứng đáng với một quốc gia văn minh khi đối xử với bất kỳ người nào, dù sống hay chết, dù là giáo sĩ hay giáo dân, giáo hoàng, thợ cơ khí hoặc thanh niên thất nghiệp, theo cách này,” ông viết.

Pietro Orlando và luật sư bào chữa cho mình

Sáng thứ Bảy, ngày 15 tháng 4, luật sư của Pietro Orlandi, Laura Sgrò, đã gặp công tố viên trưởng tại Vatican. Ngay sau khi Vatican News đăng một bài báo nhấn mạnh rằng luật sư và thân chủ của bà “từ chối nêu đích danh ai đã đưa ra cáo buộc đó” để hỗ trợ cho những tuyên bố chống lại Đức Gioan Phaolô II.

“Cả Pietro Orlandi và luật sư Laura Sgrò đều không thấy phù hợp để cung cấp cho công tố viên trưởng tên hoặc các yếu tố hữu ích liên quan đến nguồn của những tuyên bố này và độ tin cậy của chúng”. Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, tuyên bố trong bản tin của Phòng Báo Chí Tòa Thánh rằng Laura Sgrò đã giữ im lặng, viện dẫn “bí mật nghề nghiệp”.

Trong ngày, luật sư đã nhanh chóng phản ứng bằng cách nói rằng Vatican đang gây áp lực buộc cô ta phải vi phạm đạo đức nghề nghiệp – là điều mà Vatican đã kiên quyết phủ nhận vào tối thứ Bảy.

Luật sư cũng bảo đảm rằng danh sách 28 cái tên đã được Pietro Orlandi đưa ra cho công tố viên trưởng trong phiên điều trần của ông vào ngày 11 tháng 4 và thân chủ của bà vẫn “sẵn sàng” cung cấp các yếu tố khác. Laura Sgrò biện minh cho sự im lặng của mình trước công tố viên trưởng rằng cô ta phải bảo đảm rằng khách hàng của mình có trách nhiệm cung cấp thông tin, chứ không phải cô ấy.

Pietro Orlandi nói với Reuters vào ngày 16 tháng 4 rằng ông đang “lặp lại những gì người khác đã nói” trong chương trình trò chuyện ở Ý và rằng “việc Đức Phanxicô bảo vệ Đức Gioan Phaolô II là đúng”.

Đức Gioan Phaolô II cũng mới bị chỉ trích vào đầu tháng Ba sau khi xuất hiện một số cáo buộc rằng ngài đã giải quyết sai các vụ lạm dụng tình dục với tư cách là Tổng Giám mục Krakow từ năm 1964 đến năm 1978 từ một nhà báo Hà Lan. Các giám mục Ba Lan đã phản ứng tương tự vào dịp đó vì “nguồn tin” cũng bị nghi ngờ tương tự, trong trường hợp đó, không phải là mafia mà là hồ sơ của công an mật Cộng sản.


Source:Aleteia

 
Nhật Ký Trừ Tà số 236: Ác Quỷ Là Những Kẻ Thất Bại Đau Khổ
Đặng Tự Do
18:20 19/04/2023


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #236: Demons Are Sore Losers”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 236: Ác Quỷ Là Những Kẻ Thất Bại Đau Khổ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Ma quỷ là những kẻ thua cuộc đau đớn và không chấp nhận thất bại. Sau khi giải thoát một phụ nữ trẻ bị ám nặng, Đội trừ tà đã nhận được một số tin nhắn từ những con quỷ bị trục xuất. Nó được viết một phần bằng tiếng Ukraine, ngôn ngữ mà cô gái trẻ không nói được, và có nội dung: “Tôi đang theo đuổi cô gái này.” Ký tên “666.”

Các văn bản tiếp tục chế nhạo chúng tôi và bảo chúng tôi từ bỏ và để cô ấy đi. Chúng muốn cô ấy trở lại với chúng một cách tuyệt vọng. Nhiều lần lũ quỷ nói điều đó một cách rõ ràng: “Tôi muốn cô ấy trở lại.” Một lần khác họ nhắn tin, “Tôi muốn cô gái. Tôi cần cô ấy. Trả cô ấy lại cho tôi càng sớm càng tốt. Tụi bay không thể cứ tiếp tục như thế này”.

Tin tốt là cô ấy thực sự đã được giải thoát và những lời chế nhạo của ma quỷ giúp xác nhận điều đó-- chúng đã bị đuổi ra ngoài và chúng muốn cô ấy trở lại. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cô ấy sống một cuộc sống Kitô hữu vững chắc. Bây giờ cô ấy có thể lãnh nhận các bí tích và có một sự bình an nơi cô ấy mà trước đây không có. Cô vừa có một lễ Phục sinh tuyệt vời với gia đình.

Mặc dù cô ấy đã được giải thoát nhưng lũ quỷ vẫn có thể tấn công từ bên ngoài. Điều này đặc biệt đúng đối với các mục tiêu có giá trị cao, mà cô ấy chắc chắn là như vậy. Vài ngày trước, tôi đã cầu nguyện trực tuyến với cô ấy trong một cuộc tấn công như vậy và lũ quỷ nhanh chóng bị trục xuất-- một dấu hiệu khác cho thấy cô ấy không còn bị chiếm hữu nữa.

Sau đó, sau khi cô ấy đã đi ngủ và ngủ say, điện thoại của tôi lại xuất hiện thêm nhiều tin nhắn ma quỷ. Cuộc trao đổi kéo dài khoảng 20 phút. Đây là một đoạn trích:

Ác quỷ: HÃY RA XA KHỎI CÔ GÁI BÉ STEPHEN CỦA TÔI. MÀY SẼ LÀM TỔN THƯƠNG CHÍNH MÌNH.

Tôi đáp: “Cầu mong Đức Trinh Nữ Maria đuổi quỷ.” Tôi đã gửi ảnh Đức Mẹ Guadalupe nhiều lần. Bức tranh này đặc biệt hiệu quả trong một lễ trừ tà chống lại những con quỷ ô uế.

Quỷ đáp: “Sao không đi ngủ? Cút đi. Sau đó, chúng đưa ra nhận xét về một vật cụ thể trong phòng của tôi chỉ để cho tôi biết rằng chúng đang theo dõi tôi.

Tôi đáp: “Xin Đức Trinh Nữ Maria đuổi quỷ. Xin Thánh Giuse trừ quỷ”.

Quỷ đáp: “Mày không biết cô ấy sắp chết sao? Mày đang lãng phí thời gian của mày.”

Tôi đáp lại: “Cầu mong Đức Trinh Nữ Maria đuổi quỷ.”

Quỷ đáp: “Hãy để cô gái nhỏ đến với tao.”

Tôi lại nhắn tin hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe nhiều lần.

Những con quỷ đã gửi những tin nhắn tục tĩu, hình ảnh khiêu dâm và những lời chế nhạo không thể lặp lại.

Tôi đáp: “Nhân danh Chúa Giêsu, tôi ra lệnh cho ngươi nhìn vào biểu tượng của Đức Maria trong năm phút rồi rời đi.”

Rất nhanh, các tin nhắn văn bản dừng lại và những con quỷ đã biến mất. Rõ ràng lệnh nhìn vào hình ảnh Đức Mẹ đã có hiệu quả. Họ không thể đứng nhìn Mẹ thánh của Chúa Giêsu, đặc biệt là những con quỷ ô uế này. Và họ rời đi.

Tôi không lôi kéo ma quỷ vào một cuộc trò chuyện, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần cảnh báo chống lại. Thay vào đó, với mỗi lời chế nhạo, tôi gửi lại một lời cầu nguyện bằng lời nói hoặc bằng hình ảnh, chẳng hạn như hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria. Một lần nữa, Đức Trinh Nữ đạp lên đầu Satan (St 3,15)!

Sự thất bại của chúng khi tôi giải phóng được người phụ nữ trẻ này phải nhắc nhở lũ quỷ rằng thất bại cuối cùng của chúng đã cận kề. Khi tôi đưa ra quan điểm rằng “thời gian không còn nhiều” (1 Cô 7:29) và chúng sẽ bị phán xét vì tất cả những điều ác chúng đang làm, phản ứng của chúng rất mạnh mẽ và tức thì.* Rõ ràng là chúng không muốn đối mặt sự phán xét cuối cùng và sự trừng phạt không thể tránh khỏi của chúng.

Nhưng đối với những người theo Chúa Kitô: “Họ sẽ thấy Con Người ngự đến trong đám mây với quyền năng và vinh quang rực rỡ... khi các dấu lạ ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì ơn cứu độ anh em đã gần kề” (Lc: 21:27-28).
Source:Catholic Exorcism
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội nghị thường niên HĐGMVN 2023 ngày thứ Hai
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
10:00 19/04/2023
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

Sáng ngày 19 tháng 4, sau khi cử hành Phụng vụ Giờ Kinh Sáng, Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM), đã chủ sự Thánh lễ dâng lên Thiên Chúa ngày làm việc thứ hai của Hội nghị trong sự bầu cử của thánh Giuse.

Trong hai phiên họp buổi sáng, Hội nghị đã thực hiện các công việc: phê chuẩn bản dịch Ngũ Thư (Sách Sáng Thế, Sách Xuất Hành, Sách Lêvi, Sách Dân Số, Sách Đệ Nhị Luật); lắng nghe phúc trình của Uỷ ban Phụng tự đối với việc đào tạo phụng vụ cho các thành phần dân Chúa theo tinh thần và hướng dẫn của Tông thư Desiderio Desideravi của Đức Thánh Cha Phanxicô; lắng nghe Uỷ ban Giáo dân chia sẻ các chương trình huấn luyện đoàn thể trong thời gian vừa qua, đồng thời cũng trình bày một vài lưu tâm về sinh hoạt đoàn thể; góp ý với Uỷ ban Văn hóa để hoàn thiện Hướng dẫn tôn kính tổ tiên.

Hai phiên họp buổi chiều, Hội nghị đã nghe Đức Tổng Giuse Vũ Văn Thiên và Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng phúc trình về tiến trình phong thánh cho Đức Cha Francois Pallu và Đức Cha Pierre Lambert de la Motte; tiếp nhận một số góp ý của Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh và trao đổi về một số việc trong bản văn Quy chế của HĐGM.

Ngày làm việc thứ hai của HĐGM kết thúc vào buổi tối sau khi Chầu Thánh Thể, do Đức Giám Mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng chủ sự, và cử hành Phụng vụ Giờ Kinh Tối.
 
VietCatholic TV
Tin buồn cho Putin: 95% Lực Lượng Đặc Biệt đã tử trận. Sợ trúng kế Ukraine, Nga rút quân ở Donetsk
VietCatholic Media
03:10 19/04/2023


1. Nga rút bớt quân khỏi vùng Donbas sau các tổn thất kinh hoàng và e ngại trúng kế của quân Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 19 tháng Tư, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong 24 giờ qua Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi 30 cuộc tấn công của quân xâm lược Nga vào các trục Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Maryinka.

Cô cho biết: “Quân xâm lược tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công dù chịu tổn thất nặng nề. Những nỗ lực chính tập trung vào các trục Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Maryinka. Trong ngày, gần 30 đợt tấn công của địch đã bị đẩy lui tại các khu vực vừa nêu của mặt trận. Những trận chiến khốc liệt nhất đang diễn ra ở Bakhmut và Maryinka”.

Liên bang Nga tiếp tục phớt lờ Luật Nhân đạo Quốc tế, tấn công và nổ súng không chỉ vào các vị trí của quân đội Ukraine, mà còn vào cơ sở hạ tầng dân sự của các khu vực đông dân cư, khủng bố thường dân.

Quân xâm lược đã thực hiện 4 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và 44 cuộc không kích, đồng thời tiến hành gần 20 cuộc tấn công bằng hệ thống hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của quân đội Ukraine và các khu vực đông dân cư.

Trong đêm quân Nga đã phóng 5 máy bay không người lái chứa đầy chất nổ vào thành phố Zaporizhzhia. May mắn là tất cả đều bị bắn hạ trước khi chúng tiếp cận các mục tiêu.

Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết một đoàn xe của quân Nga tìm cách rút lui khỏi khu vực Donetsk sau các tổn thất đáng kể đã bị các máy bay Ukraine tấn công. 4 xe thiết giáp và 4 xe chuyển quân, 4 hệ thống pháo đã bị phá hủy.

Thứ trưởng Hanna Maliar nhận xét rằng Nga đang rút quân khỏi một số khu vực trong vùng Donbas sau các tổn thất rất lớn. Có thể là họ muốn tập trung chiếm cho được thành phố Bakhmut. Cũng có thể là vì họ lo ngại một cuộc tổng phản công của quân Ukraine vào các khu vực khác.

Trong 24 giờ qua, 470 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với một xe tăng, 11 xe thiết giáp, 6 hệ thống pháo, và 4 xe chuyển quân.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 18 Tháng Tư, 183.130 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Ngoài ra, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy hay bắt giữ 3.661 xe tăng Nga, 7.098 xe thiết giáp, 2.810 hệ thống pháo, 538 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 285 hệ thống phòng không, 308 máy bay chiến đấu, 293 máy bay trực thăng, 2.353 máy bay không người lái cấp tác chiến và chiến thuật, 911 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.676 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 330 thiết bị chuyên dụng.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn dọc chiến tuyến Donbas. Tuy nhiên, có khả năng thực tế là Nga đã giảm quân số và giảm các hoạt động tấn công xung quanh thành phố Donetsk, nhiều khả năng là để chuyển hướng nguồn lực sang khu vực Bakhmut.

Tại Bakhmut, các lực lượng Bộ Quốc phòng Nga và Tập đoàn Wagner của Nga tiếp tục đạt được những bước tiến chậm chạp. Giới tuyến ở trung tâm thị trấn phần lớn đi dọc theo tuyến đường sắt chính. Ukraine nói chung đang giữ không cho Nga bao vây từ phía nam dọc theo đường Korsunskovo, là con đường chính cũ dẫn ra khỏi thị trấn về phía tây.

Đối với cả hai bên, trình tự chính xác của bất kỳ sự rút quân lớn nào của các đơn vị xung quanh Bakhmut đã trở thành một vấn đề quan trọng, Ukraine muốn giải phóng lực lượng cho một cuộc phản công trong khi Nga có thể mong muốn tái tạo lực lượng dự bị tác chiến.

3. Tại sao Nga không thể ám sát Tổng thống Zelenskiy? Câu trả lời: 95% quân số của lực lượng đặc biệt đã bị loại khỏi vòng chiến. Nhiều Lữ Đoàn không bao giờ quay trở lại Nga

Tổng thống Zelenskiy đã từng thăm chiến trường Bakhmut ngay khi giao tranh đang ác liệt. Hôm thứ Ba 18 Tháng Tư, ông đã thăm Avdiivka, một thành phố gần Bakhmut và là một trong 2 chiến trường sôi động hiện nay. Tuyên truyền viên của Điện Cẩm Linh Olga Skabeyeva đặt câu hỏi: “Lực lượng đặc biệt Spetsnaz của chúng ta đâu mà để hắn ta muốn đi đâu thì đi?”

Ký giả Olivia Burke của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có câu trả lời trong bài tường trình nhan đề “NOT SO SPECIAL Putin’s elite Special Forces wiped out on Ukraine battlefield after suffering 95% casualty rate, leaked docs reveal” nghĩa là “KHÔNG QUÁ ĐẶC BIỆT. Tài liệu bị rò rỉ tiết lộ rằng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Putin đã bị xóa sổ trên chiến trường Ukraine sau khi chịu tỷ lệ thương vong lên tới 95%”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các tài liệu bị rò rỉ của Ngũ Giác Đài, các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Putin đã phải chịu tỷ lệ thương vong đáng kinh ngạc là 95% trong cuộc chiến ở Ukraine.

Lực lượng Spetsnaz đáng gờm đã “cực kỳ cạn kiệt” trên chiến trường, với một số đơn vị chỉ suýt chút nữa bị tiêu diệt trong những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược.

Các binh sĩ - những người đã trải qua khoảng 4 năm huấn luyện gian khổ - được tường trình đã chịu “tổn thất đáng kể” sau khi bị buộc phải hỗ trợ các binh sĩ bộ binh.

Nó đánh dấu một đòn nặng nề đối với Mạc Tư Khoa, khi các quan chức Mỹ cho biết có thể phải mất tới một thập kỷ để bổ sung lực lượng đặc nhiệm đang cạn kiệt.

Những phát hiện gây chấn động, được tờ Washington Post đưa tin, cho thấy âm mưu của Putin muốn chiếm được Ukraine trong vài ngày đã bị phản tác dụng mạnh mẽ.

100 trang thông tin tuyệt mật bao gồm những tiết lộ nguy hiểm về kế hoạch tấn công của Ukraine và báo cáo rằng Hoa Kỳ đã theo dõi các đồng minh chủ chốt.

Các tài liệu cũng đưa ra đánh giá nghiêm trọng về các đơn vị Spetsnaz ốm yếu, vốn thường được dành riêng để thực hiện các hoạt động bí mật như ám sát và lật đổ chính quyền các nước không thân thiện với Nga.

Những người lính vô nghĩa được biết đến với sự tàn nhẫn của họ, nhưng đã bị hạ gục đáng kể bởi vụ rò rỉ đáng xấu hổ.

Tình báo tuyệt mật của Hoa Kỳ từ cuối năm ngoái cho thấy các đội quân tinh nhuệ đã được lệnh hỗ trợ các lực lượng khác của Nga trên tiền tuyến.

Có vẻ như các chỉ huy vụng về của Nga đã không tin tưởng các chiến binh thông thường sẽ có thể hoàn thành công việc, vì vậy họ đã hấp tấp gửi những tài sản tốt nhất của họ vào thay thế.

Nhưng động thái này được cho là đã thất bại ngoạn mục, dẫn đến tổn thất thảm khốc cho lực lượng Spetsnaz.

Những tuyên bố táo bạo được hỗ trợ bởi một loạt các hình ảnh vệ tinh trước và sau cho thấy một căn cứ được sử dụng bởi Lữ đoàn Spetsnaz riêng biệt số 22.

Sự xuất hiện của họ trên mạng đã thúc đẩy một cuộc điều tra an ninh quốc gia mà đỉnh điểm là vụ bắt giữ vệ binh quốc gia Jack Teixeira, 21 tuổi.

Một bức ảnh được chụp vào tháng 11 năm 2021, bốn tháng trước khi bắt đầu chiến tranh, cho thấy trụ sở chính ở miền nam nước Nga chật cứng các phương tiện chiến thuật.

Một bức ảnh khác được chụp một năm sau đó, vài tháng sau lần triển khai đầu tiên của Spetsnaz tới Ukraine, cho thấy sự thiếu hụt đáng kể các khí tài chiến tranh.

Tình báo Hoa Kỳ cho biết điều này tiết lộ rằng “chỉ trong mấy tháng Lữ đoàn Spetsnaz đặc biệt số 22 của Nga đã phải trở về sau các hoạt động chiến đấu ở Ukraine vào cuối mùa hè năm 2022 vì đã chịu tổn thất đáng kể”.

Đơn vị Lực lượng Đặc biệt được báo cáo là đã duy trì tỷ lệ tiêu hao ước tính từ 90 đến 95% trong những tháng bị ném vào chiến trường Ukraine.

Các tài liệu bị rò rỉ khẳng định Lữ Đoàn Spetsnaz 346 “đã mất gần như toàn bộ lữ đoàn sau khi 125 binh sĩ còn lại trong tổng số 900 người bị tái triển khai.”

Lữ Đoàn Spetsnaz 25 được tường trình đã không bao giờ quay trở lại cố hương từ Ukraine, có thể do tổn thất đáng kể về người và trang thiết bị.

Những thất bại tan nát của lực lượng biệt kích được đào tạo nghiêm ngặt của Nga được cho là đã cản trở khả năng của Putin trong việc hoàn thành các hoạt động bí mật ở Ukraine.

Các chuyên gia Hoa Kỳ tin rằng các đơn vị Spetsnaz khét tiếng giờ đây sẽ được coi là ít đáng sợ hơn nhiều vì những người giỏi nhất của họ đã được sử dụng từ rất sớm.

Ba trong số những chiến binh ưu tú - trong đó có một người được mệnh danh là “Đặc vụ Stalin” đã bị giết trong trận chiến giành thành phố Mariupol bị bao vây vào tháng 3 năm ngoái.

Đại úy Konstantin Druzhkov, 33 tuổi, Islam Abduragimov, 19 tuổi và Shamil Aselderov được tường trình đã bị trung đoàn Azov của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine “loại khỏi vòng chiến”.

Đồ đạc của họ được tìm thấy bị vứt bỏ trên một trong những chiếc xe bọc thép Tigr đặc trưng của Spetsnaz đã bị bắt giữ.

Số người chết sau đó lại tăng lên khi Thiếu tá Dmitry Toptun, người chỉ huy một tiểu đoàn cơ giới, được báo cáo là đã bị nổ tung theo chiếc xe thiết giáp.

Xe bọc thép của viên chỉ huy hàng đầu này được tường trình đã bị trúng hỏa tiễn chống tăng khi chiến đấu ở Izyum, gần Kharkiv.

Chỉ huy lính Dù Thiếu tá Alexey Osokin cũng thiệt mạng trong trận chiến, sau cái chết của 17 chỉ huy cấp cao của Putin.

Rob Lee, một chuyên gia quân sự về Nga và là thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nói với tờ Washington Post rằng Nga đã đánh rơi quả bóng bằng cách vội vàng dựa vào các lực lượng đặc biệt.

Ông tin rằng sự cạn kiệt nhanh chóng của quân đội và pháo binh đã thay đổi cục diện cuộc chiến và làm thất bại toàn bộ cuộc xâm lược một cách hiệu quả.

Ngay từ đầu, các binh sĩ lực lượng đặc biệt được giao nhiệm vụ đánh chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine và bắt cóc Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Họ cũng được cho là đã được triển khai ở Kharkiv ở phía đông, nơi nhiều người trong số họ đã bị giết hoặc bị bắt làm tù binh.

Nga đã thường xuyên giảm quy mô thiệt hại kể từ khi chiến tranh bắt đầu, mặc dù các báo cáo cho thấy con số tăng vọt.

Sau vụ rò rỉ, Ngũ Giác Đài đã “bắt đầu hạn chế những người trong toàn chính phủ nhận được các bản tóm tắt tình báo hàng ngày được phân loại cao”, CNN đưa tin hôm thứ Năm.

Nguồn bị cáo buộc, Teixera, được cho là có biệt danh 'OG' và thường xuyên đăng tài liệu lên các trang mạng xã hội.

Nghi phạm, người đã nắm giữ quyền kiểm soát hệ thống Internet an ninh hàng đầu kể từ năm 2021, phải đối mặt với án tù 15 năm cho mỗi tội danh liên quan đến các tài liệu bị rò rỉ.

Một âm mưu bị cáo buộc của các quan chức cấp cao Điện Cẩm Linh nhằm phá hoại Putin cũng được tiết lộ trong các tài liệu mật.

Kế hoạch được báo cáo - mà Điện Cẩm Linh đã bác bỏ - xoay quanh việc Putin bị mất khả năng trong khi điều trị hóa trị.

Theo các tài liệu, thông tin về âm mưu phá hoại Putin được cho là đến từ một nguồn không xác định của Nga có quyền truy cập vào vòng tròn bên trong của Điện Cẩm Linh.

4. Zelenskiy thăm quân đội ở Avdiivka

Hôm thứ Ba, tổng thống Zelenskiy đã đến thăm quân đội Ukraine tại Avdiivka, vùng Donetsk, là một trong 4 chiến trường chính hiện nay.

Ông Zelenskiy đã nghe báo cáo của các chỉ huy về tình hình chiến trường và trao phần thưởng cho các binh sĩ.

“Tôi vinh dự có mặt ở đây ngày hôm nay, để cảm ơn các bạn vì sự phục vụ của các bạn, vì đã bảo vệ đất nước của chúng ta, Ukraine, và gia đình của chúng ta,” tổng thống Zelenskiy nói.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cũng đã đến thăm một cơ sở chăm sóc sức khỏe ở vùng Poltava, nơi những người bảo vệ Ukraine bị thương đang được điều trị.

“Tôi đã đến thăm một trong những cơ sở chăm sóc sức khỏe nơi các quân nhân Ukraine đang điều trị ở vùng Poltava. Tôi đã nói chuyện với những người lính bị thương và trao giải thưởng cho họ”, Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu cuối ngày gởi quốc dân đồng bào.

Tổng thống cũng trao giải thưởng cho các đại diện của dịch vụ y tế của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

“Tôi muốn cảm ơn bạn. Các bạn đang làm rất tốt, điều này không chỉ được đánh giá cao bởi các chàng trai và cô gái đang điều trị ở đây mà còn bởi tất cả công dân Ukraine”, tổng thống nói thêm.

Tổng thống Zelenskiy cũng đã kiểm tra khoa X-quang và phẫu thuật thần kinh của bệnh viện và quan sát công việc của trung tâm y tế phục hồi chức năng. Tổng thống đã được xem thấy các thiết bị hiện đại giúp thực hiện phục hồi chức năng cho các bệnh nhân.

5. Thêm MiG-29 của NATO cho Ukraine trước cuộc phản công, bất chấp các đe dọa của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “More NATO MiG-29s for Ukraine Ahead of Counteroffensive”, nghĩa là “Thêm MiG-29 của NATO cho Ukraine trước cuộc phản công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Slovakia đã hoàn tất việc chuyển giao tất cả 13 máy bay chiến đấu MiG-29 của mình cho Ukraine khi các quốc gia NATO tập hợp lại để hỗ trợ Kyiv trong cuộc chiến phòng thủ chống lại Nga.

Ba Lan cũng đã gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine, giao 4 chiếc MiG-29 vào tháng 3 và tuần trước đã nhận được sự chấp thuận cung cấp 5 máy bay chiến đấu khác.

Cộng hòa Tiệp và Ba Lan đã đồng ý bảo vệ không phận Slovakia cho đến khi nước này nhận được các máy bay chiến đấu F-16 mới do Mỹ sản xuất vào năm 2024.

Thành viên NATO Slovakia hôm thứ Hai tuyên bố họ đã hoàn tất việc chuyển giao toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 của nước này cho Ukraine, nơi chúng sẽ được sử dụng trong nhiệm vụ phòng thủ liên tục của Kyiv trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Bộ Quốc phòng Slovakia thông báo rằng đợt thứ hai và cũng là đợt cuối cùng gồm 9 máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư MiG-29 do Nga sản xuất đã được chuyển giao cho Ukraine. Slovakia hiện đã gửi tất cả 13 máy bay MiG-29 của mình tới Ukraine, 4 máy bay chiến đấu khác đã được tặng vào tháng 3.

“Tất cả 13 máy bay chiến đấu MiG-29 được công bố đã được bàn giao an toàn cho lực lượng vũ trang Ukraine. Slovakia đã làm đúng. Đối với Ukraine, những chiếc máy bay này thể hiện sự hỗ trợ đáng kể trong việc phòng thủ trước sự xâm lược của quân đội Nga và bảo vệ tính mạng con người”.

Slovakia và Ba Lan là những quốc gia NATO đầu tiên gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine, sau nhiều tháng kêu gọi từ các nhà lãnh đạo ở Kyiv. Các thành viên NATO khác cho đến nay đã từ chối gửi máy bay do phương Tây sản xuất cho Ukraine sử dụng, mặc dù các cuộc thảo luận đang diễn ra về đề xuất cung cấp máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.

Bratislava cho biết 4 chiếc MiG của Slovakia được tặng vào tháng 3 đã bay về Ukraine. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng như thế nào là không rõ ràng. Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết hồi đầu tháng này rằng hành vi phá hoại đáng ngờ – bởi các kỹ thuật viên người Nga đã ký hợp đồng bảo trì máy bay tại một căn cứ không quân của Slovakia cho đến cuối năm 2022 – có thể đã khiến các máy bay phản lực không thể chiến đấu. Nad nói, những chiếc máy bay “có thể bay, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng cũng có khả năng chiến đấu.” Theo The Kyiv Independent, cảnh sát không thể chứng minh ý định phá hoại, nhưng các khiếm khuyết chỉ xuất hiện ở những phần mà người Nga tiếp cận.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Slovakia qua email để yêu cầu bình luận.

Bratislava cho biết chín chiếc còn lại được giao trong tuần này đã được vận chuyển với “sự an toàn cao nhất”, đồng thời cảm ơn tất cả những người đã tham gia “trong hoạt động hậu cần quan trọng và đòi hỏi khắt khe này”. Ukraine đang vận động hành lang để có thêm vũ khí của NATO trước cuộc phản công mùa xuân dự kiến. Nếu thành công, quân đội Kyiv có thể giải phóng nhiều vùng lãnh thổ do Nga nắm giữ. Có vẻ như không có bất kỳ máy bay nào do NATO sản xuất sẽ được chuyển giao kịp thời để hỗ trợ chiến dịch.

“Ngoài ra, không giống như nước láng giềng của chúng ta, những chiếc máy bay này vô dụng đối với chúng ta,” một cựu chỉ huy lực lượng không quân Slovakia nhận xét. Ông đã chỉ ra những thách thức về hậu cần và tình trạng thiếu nhân sự khiến các máy bay MiG-29 không còn phù hợp với Slovakia.

Ba Lan cũng đã chuyển giao 4 máy bay và tuần trước đã nhận được sự chấp thuận của Đức để cung cấp một lô 5 máy bay chiến đấu khác. Họ phải được Đức đồng ý vì phi đội này trước đây thuộc về Đức.

Mạc Tư Khoa đã đe dọa trả đũa nhanh chóng đối với máy bay do NATO tài trợ. “Việc chuyển giao thiết bị quân sự này, như chúng ta đã nhiều lần nói, không thể ảnh hưởng đến kết quả” của cuộc chiến đang diễn ra, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hồi tháng Ba. “Tất nhiên, các thiết bị này sẽ bị phá hủy” ông ta nói thêm.

Báo Ba Lan Dziennik Gazeta Prawna hồi Tháng Giêng đưa tin rằng Warsaw đã cung cấp những chiếc MiG-29 khác cho Ukraine dưới chiêu bài gửi phụ tùng thay thế để sửa chữa phi đội máy bay chiến đấu do Nga sản xuất hiện có của Ukraine.

Hãng thông tấn AP đưa tin, Ba Lan và Cộng hòa Tiệp sẽ can thiệp để giúp bảo vệ bầu trời nước láng giềng Slovakia cho đến khi Bratislava nhận được máy bay chiến đấu mới. Slovakia đã đồng ý với thỏa thuận mua 14 chiếc F-16 do Mỹ sản xuất, mặc dù kế hoạch giao hàng hiện đã bị trì hoãn đến năm 2024.

Để đổi lấy việc tặng máy bay MiG-29 cho Ukraine, Mỹ đã cung cấp cho Slovakia 12 máy bay trực thăng tấn công Bell AH-1Z mới. Số máy bay này trị giá khoảng 1 tỷ đô la, nhưng Bratislava được cho là sẽ chỉ trả khoảng 340 triệu đô la với tài trợ quân sự nước ngoài của Mỹ chi trả phần còn lại.

6. Thủ lĩnh Chechnya Kadyrov nổi giận với các binh lính của mình vì để cho bị bắt

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Chechen Leader Kadyrov Slams His Own Soldiers for Being Captured”, nghĩa là “Thủ lĩnh Chechnya Kadyrov nổi giận với các binh lính của mình vì để cho bị bắt.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nhà độc tài Chechnya, Ramzan Kadyrov, đã từ chối gặp các binh sĩ của ông được lực lượng Ukraine trả tự do sau khi bị bắt làm tù binh, và nói rằng “một người lính Chechnya không có lý do gì để bị bắt.”

Hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin, hôm thứ Bảy, 5 binh sĩ Chechnya đã được gặp người thân và các quan chức chính phủ ở Grozny, thủ đô của nước cộng hòa miền nam nước Nga, sau một cuộc trao đổi tù nhân để lấy tù binh chiến tranh Ukraine.

Magomed Daudov, Chủ tịch Quốc hội Chechnya cho biết, một số binh sĩ Chechnya đã bị bắt vào ngày 14 tháng 12 và các cuộc đàm phán để thả họ đã được “giữ bí mật để đối phương của chúng ta không thể can thiệp vào quá trình này”. Đối phương mà Magomed Daudov đề cập đến không phải là người Ukraine vì Ukraine chắc chắn là một bên trong cuộc đàm phán trao đổi tù binh. Đối phương mà Magomed Daudov nói chính là những người Chechnya đấu tranh giành độc lập khỏi Nga. Các binh sĩ của phe đối lập đang chiến đấu bên cạnh quân Ukraine.

Kadyrov nói rằng anh ta không nằm trong số những người chào đón những người trở về, và nói rằng một “chiến binh Chechnya phải chứng minh rằng anh ta không có lựa chọn nào khác ngoài bị bắt”.

“Bạn cần chứng minh điều đó bằng cách quay trở lại tiền tuyến,” ông ta nói, mô tả việc một người lính thể hiện rằng họ không trốn tránh trận chiến là một “vấn đề danh dự”, “không sợ đối đầu với đối phương và không tìm cơ hội hạ vũ khí.”

Ông đưa ra ví dụ về một người lính Chechnya, Kirgiz Musikhanov, người đã bị thương trong trận chiến và bị Ukraine bắt giữ. Sau khi được trả về, anh ấy đã hồi phục đủ để gia nhập lại lực lượng đặc biệt Akhmat, đơn vị của Kadyrov chiến đấu cho Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Kadyrov viết: “Tất nhiên, việc bị giam cầm không phải là một tội ác và chúng ta rất vui vì các chiến binh đã sống sót. Nhưng nhà lãnh đạo Chechnya, trung thành với Vladimir Putin, nói rằng trước khi bị bắt, binh lính của ông đã thông báo rằng họ sắp hết đạn và ông đề nghị họ nên cẩn thận lục soát “mọi hộp đạn”.

Trong khi nhà độc tài nói rằng đó “cũng là lỗi của tôi” vì đã không “chuẩn bị đầy đủ” cho họ, nhưng những người lính được thả “giờ đây có cơ hội chứng minh với bản thân, đồng đội, chỉ huy và cả đất nước” rằng họ đã bị bắt làm tù binh.

Những người lính này là một phần của cuộc trao đổi tù binh, trong đó công ty quân sự tư nhân của Tập đoàn Wagner đã trao trả 130 binh sĩ Ukraine. Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho rằng nhóm lính đánh thuê do Yevgeny Prigozhin đứng đầu có thể đã tham gia vào cuộc trao đổi độc lập với Bộ Quốc phòng Nga.

“Kadyrov có khả năng sử dụng trao đổi tù binh để củng cố danh tiếng của chính mình như một silovik có năng lực và tàn bạo,” ISW cho biết hôm Chúa Nhật, sử dụng từ tiếng Nga silovik để chỉ một người có ảnh hưởng ở Nga thường liên kết với các lực lượng vũ trang hoặc cơ quan an ninh.

Newsweek đã gửi email cho Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

7. Biden gia hạn lệnh cấm các tàu liên kết với Nga cập bến các hải cảng của Hoa Kỳ

Tổng thống Joe Biden đã gia hạn lệnh cấm các tàu có liên quan đến Nga đến các cảng của Hoa Kỳ. Lệnh cấm, ban đầu được công bố vào tháng 4 năm ngoái, đã ấn định sẽ hết hạn vào tuần này.

“Các chính sách và hành động của Chính phủ Liên bang Nga nhằm tiếp tục cuộc chiến tranh có tính toán trước, phi lý, vô cớ và tàn bạo chống lại Ukraine tiếp tục tạo thành tình trạng khẩn cấp quốc gia do gây xáo trộn hoặc đe dọa gây xáo trộn quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ,” Biden đã viết trong một bức thư gửi Quốc hội. “Vì vậy, tôi đã xác định rằng cần phải tiếp tục tình trạng khẩn cấp quốc gia được tuyên bố trong Tuyên bố 10371.”

8. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết “Không có bằng chứng cho đến nay Trung Quốc đang cung cấp viện trợ quân sự nguy hiểm cho Nga”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm thứ Ba rằng cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Nga.

“Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ và cho đến nay chúng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Nga,” ông nói với các phóng viên báo chí.

“Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Sẽ là một sai lầm lớn nếu ủng hộ cuộc chiến bất hợp pháp của Putin”

Trung Quốc đã tuyên bố trung lập trong cuộc chiến ở Ukraine và kêu gọi hòa bình trong cuộc xung đột. Nhưng họ cũng từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga hoặc đưa ra bất kỳ lời kêu gọi công khai nào yêu cầu Nga rút quân. Các nhà lãnh đạo của cả hai nước đã gặp nhau vào tháng Ba.

Trước đó vào hôm thứ Ba, người đứng đầu lực lượng Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã cảnh báo về mối quan hệ đối tác giữa Nga và Trung Quốc, nói với các nhà lập pháp rằng điều đó “rất đáng lo ngại”.

“Họ không có bạn bè,” Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện. “Họ đã xác định rằng sẽ tốt hơn nếu họ cùng nhau đạt được các mục tiêu chiến lược của mình. Đó là một viễn cảnh đáng lo ngại cho thế giới.”

Aquilino nói thêm rằng mối quan hệ này ràng buộc “trực tiếp” vấn đề về thông tin sai lệch và các hình thái tuyên truyền.

9. Hoa Kỳ “sẽ xem xét các lựa chọn sáng tạo và đôi khi khá thách thức” để đưa Gershkovich về nhà

Hoa Kỳ “sẽ xem xét các lựa chọn sáng tạo và đôi khi khá thách thức” để cố gắng đưa phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal bị giam giữ về nước, nhưng quá trình này có thể mất nhiều thời gian.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết

“Cho đến khi một người Mỹ về nhà, chúng tôi luôn khám phá và tái khám phá những lựa chọn có thể có để đưa người Mỹ đó về nhà”

Trong quá khứ, người Nga đã muốn các thủ tục pháp lý - mà Hoa Kỳ coi là “bất hợp pháp” - diễn ra trước tòa trước khi họ tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nghiêm túc nào, Tướng Kirby cho biết, và nhấn mạnh rằng quá trình này có thể mất nhiều thời gian

Hôm thứ Ba, một tòa án Nga đã bác bỏ đơn kháng cáo của Gershkovich để chấp hành việc giam giữ trước khi xét xử dưới hình thức quản thúc tại gia thay vì tại Nhà tù Lefortovo khét tiếng. Anh ta sẽ bị giam giữ ở đó cho đến ít nhất là ngày 29 tháng 5 và đối mặt với án tù lên đến 20 năm về tội gián điệp mà Hoa Kỳ đã lên án mạnh mẽ.

Gọi việc Gershkovich không được tiếp cận lãnh sự thường xuyên là “kinh khủng”, Tướng Kirby nói rằng Hoa Kỳ chưa nghe thấy những lo ngại “cụ thể” về các điều kiện giam giữ công dân Hoa Kỳ, nhưng nói rằng việc giam giữ anh ta là “vô nhân đạo”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức chỉ định Gershkovich bị Nga giam giữ sai trái. “Tôi nghĩ rằng điểm khởi đầu cho quan điểm của chúng ta về vấn đề này, bao gồm cả việc hợp tác với người Nga, là để giúp thế giới hiểu những gì đã xảy ra, đó là ngay từ đầu, điều này không bao giờ nên diễn ra theo cách này,”. Ông nhấn mạnh rằng các quan chức Hoa Kỳ “vẫn đang tìm hiểu chính xác tất cả những điều này sẽ đi đến đâu” trong các cuộc đàm phán.

Tuần trước, Đặc phái viên của Tổng thống về các vấn đề con tin Roger Carstens nói rằng người Nga chưa cho biết họ muốn gì để đổi lấy việc thả Gershkovich.
 
Putin đi lễ với vết sẹo lớn hình chữ Z gây lắm đồn đoán. Đức Giám Mục Rudolf Voderholzer lên tiếng về GH Đức
VietCatholic Media
04:58 19/04/2023


1. 'Vết sẹo' trên cổ Putin khi đi lễ nhà thờ làm dấy lên tin đồn về sức khỏe

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Scar' on Putin's Neck During Church Service Sparks Health Rumors”, nghĩa là “'Vết sẹo' trên cổ Putin khi đi lễ nhà thờ làm dấy lên tin đồn về sức khỏe.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Việc Vladimir Putin xuất hiện tại một buổi lễ ở nhà thờ với vết sẹo trên cổ làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng ông ta có thể bị ốm nặng.

Nhiều người đã đưa ra các giả thuyết trong những tháng gần đây về sức khỏe của tổng thống Nga, bao gồm cả tuyên bố rằng ông bị ung thư, bệnh Parkinson hoặc cả hai. Điện Cẩm Linh đã nhiều lần khẳng định rằng ông có sức khỏe tốt.

Tuy nhiên, tin đồn đã lan rộng sau khi Putin được quay phim và chụp ảnh tại lễ Phục sinh của Chính thống giáo tại Nhà thờ Chúa Cứu thế ở thủ đô Nga vào hôm Chúa Nhật Phục Sinh.

Hãng tin Ukraine Dialog.ua đưa tin bức ảnh do hãng thông tấn Tass chụp cho thấy “một vết lạ” trên cổ anh ta, “giống như một vết sẹo rộng”. Dialog nói rằng nhà báo người Ukraine Denis Kazansky đã thu hút sự chú ý vào bức ảnh, mà bên cạnh đó anh ấy viết “Volodya bị sao vậy?

“Tôi nghĩ rằng tôi đã tìm ra chữ Z đến từ đâu,” Kazansky nói thêm, gợi ý rằng vết sẹo có hình chữ cái Z đã trở thành biểu tượng cho cuộc xâm lược Ukraine toàn diện của Putin.

Trong khi đó, chính trị gia Ukraine Oleksiy Goncharenko đã thêm vào suy đoán này trong một bài đăng video trên kênh You Tube của ông hôm thứ Hai, trong đó ông nói rằng chuyến thăm của Putin tới một buổi lễ Phục sinh ở Mạc Tư Khoa có nghĩa là “sức khỏe trầm trọng của ông ta làm bùng lên sức sống nội tâm mới.”

“Anh ta trông không được tốt lắm trong nhà thờ ngày hôm qua. Anh ta di chuyển khó khăn. Và trong các bức ảnh, có thể thấy rõ một vết sẹo trên cổ anh ấy,” Goncharenko nói bằng tiếng Nga. “Rất có thể, anh ấy đã trải qua một số thủ tục y tế.”

“Tôi không biết họ đã làm gì ở đó. Có thể họ đã thực hiện một số kiểu thông khí nhân tạo cho phổi hoặc thứ gì đó khác,” anh nói thêm.

Năm ngoái, cơ quan điều tra Proekt cho biết dựa trên các tài liệu du lịch bị rò rỉ, Putin bị ung thư tuyến giáp hoặc một căn bệnh khác.

Một cựu điệp viên Liên Xô đã tuyên bố rằng nhà lãnh đạo Nga mắc bệnh Parkinson, trong khi Tạp chí New Lines tuyên bố đã thu được đoạn ghi âm của một nhà tài phiệt nói rằng ông ta “bị bệnh ung thư máu rất nặng”. Không có tuyên bố nào được xác nhận và Newsweek đã gửi email cho Điện Cẩm Linh để bình luận.

Tin đồn về sức khỏe của Putin cũng theo sau sự mô hồ xung quanh thông báo của Điện Cẩm Linh rằng Tổng thống Nga đã đến thăm các vùng lãnh thổ Kherson và Luhansk bị Ukraine xâm lược. Trong khi Điện Cẩm Linh không nói chính xác thời điểm chuyến đi diễn ra, nhà lãnh đạo Nga đã chúc các binh sĩ một lễ Phục sinh vui vẻ, lễ mà những người theo đạo Chính thống giáo đánh dấu vào Chúa Nhật vừa qua.

Tuy nhiên, hãng truyền thông điều tra độc lập Agentstvo cho biết phân tích đoạn phim cho thấy chuyến thăm của ông Putin có thể diễn ra trước hôm Chúa Nhật. “Lễ Phục sinh sắp đến rồi phải không?” Putin đã được nghe nói trong một phiên bản trước đó của video được xuất bản bởi cơ quan truyền thông.

Nó cho biết đoạn clip đã nhanh chóng bị Điện Cẩm Linh gỡ bỏ và đăng tải lại, với dòng chữ “sắp đến rồi” đã bị xóa. Khi được hỏi về sự khác biệt, phát ngôn viên của Putin, Dmitry Peskov nói rằng chuyến thăm của Putin diễn ra vào hôm thứ Hai sau lễ Phục sinh và bình luận của ông “chỉ là một sự nhầm lẫn”.

“Lễ Phục sinh được tổ chức trong 40 ngày,” Peskov nói, khi ông chỉ trích cách một số phương tiện truyền thông đã “nhảy vào cụm từ này và ngay lập tức bắt đầu đưa ra các giả thuyết về những điều không xảy ra.”

2. Đức Cha Rudolf Voderholzer lên tiếng chống lại các quyết định của Tiến trình Công nghị Đức

Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám mục Giáo phận Regensburg ở miền nam Đức, tái bày tỏ dè dặt đối với đề nghị lập một hệ thống mới để điều hành Giáo Hội Công Giáo tại Đức, như được đề ra trong Tiến trình Công nghị tại nước này.

Đề nghị này là thành lập một Hội đồng Công nghị gồm các giám mục và các giáo dân nam nữ để điều hành Giáo Hội Công Giáo tại Đức. Điều này đã bị Tòa Thánh bác bỏ trong thư công bố ngày 23 tháng Giêng năm nay, với chữ ký của Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin và Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giám mục. Dầu vậy, trong đại hội hồi tháng Hai vừa qua, tại thành phố Frankfurt, các thành viên Tiến trình Công nghị bất chấp và vẫn tiến hành dự án và tuyên bố Hội đồng Công nghị sẽ được thành lập vào ngày 10 tháng Mười Một năm nay tại thành phố Essen, Bắc Đức.

Trong thư gửi bà Irma Stetter-Karp và Đức Cha Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Đức Cha Voderholzer nói rằng những quyết định tại thành phố Frankfurt không có giá trị pháp lý và Đức Cha cho biết ngài không thể ủng hộ những quyết định như vậy.

Đức Giám Mục Giáo phận Regensburg cũng nhấn mạnh rằng đại hội tới đây của Hội đồng Giám mục Đức trước hết, sẽ cứu xét dự thảo và bỏ phiếu riêng rẽ. Sự kiện hai phần ba giám mục có mặt tại khóa họp của Tiến trình Công nghị ở Frankfurt và đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo không thể coi là đủ. Người ta chưa xác định công việc của cơ quan mới này sẽ được tài trợ như thế nào. Ngày 24 tháng Tư sắp tới, Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Đức sẽ nhóm họp, các giám mục giáo phận ở Đức sẽ quyết định về ngân sách cho mục tiêu này.

3. Ukraine có quyền tự bảo vệ mình khỏi sự xâm lược của Nga trong lĩnh vực tâm linh cũng như tự bảo vệ mình trên chiến trường

“Putin giết hại người ta về mặt thể lý, trong khi Thượng Phụ Kirill giết hại linh hồn người ta,” Đức Tổng Giám Mục Epifaniy của Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine độc lập đã cho biết như trên và khẳng định rằng “Ukraine có quyền tự bảo vệ mình khỏi sự xâm lược của Nga trong lĩnh vực tâm linh cũng như tự bảo vệ mình trên chiến trường.”

Đức Tổng Giám Mục cho biết như trên trong cuộc gặp gỡ chúc mừng Phục sinh các quân nhân cùng với Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

“Thật đáng tiếc khi thấy rằng 'thế giới Nga', với tư cách là một trong những công cụ xâm lược của nó, đã sử dụng các thể chế Giáo Hội. Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, do Kirill Gundyaev đứng đầu, đang phục tùng chế độ chuyên chế Cẩm Linh như một nô lệ công cụ của nó. Không chỉ chúng tôi, mà các chuyên gia quốc tế độc lập cũng công nhận rằng các thực thể của Giáo Hội Chính thống Nga, đã tham gia một cách có hệ thống vào việc chuẩn bị và thực hiện hành vi xâm lược Ukraine,” Đức Tổng Giám Mục Epifaniy nói.

Theo Đức Cha Epifaniy, một phần thiết yếu của cuộc kháng chiến ở Ukraine là đoạn tuyệt hoàn toàn với mọi ràng buộc vào Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Ngài than thở rằng một bộ phận của cộng đồng Chính thống giáo ở Ukraine vẫn còn dính líu với Kirill.

“Nhìn bề ngoài, tổ chức tôn giáo tự gọi mình là Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, hay UOC, giữ khoảng cách với Thượng Phụ của mình và với Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga, nhưng trên thực tế, tổ chức này vẫn phải tuân theo họ,” Đức Tổng Giám Mục Epifaniy nói. Chức sắc cao nhất của UOC là Tổng Giám Mục Onufriy không có quyền bổ nhiệm Giám Mục cho UOC. Thẩm quyền này vẫn nằm trong tay Thượng Phụ Kirill.

Đức Cha Epifaniy nói ngài tin rằng “cách duy nhất để khắc phục tình trạng này là thông qua luật pháp cấm bất kỳ tổ chức tôn giáo nào ở Ukraine phụ thuộc vào các trung tâm tôn giáo của Nga.”

Tưởng cũng nên nhắc lại là một tai tiếng lớn đã xảy ra trong hàng giáo phẩm Giáo Hội Chính thống Ukraine, thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, sau khi các phương tiện truyền thông tiết lộ rằng Đức Tổng Giám Mục Onufriy có hộ chiếu Nga.

Tiết lộ được đưa ra bởi trang web Ukrainska Pravda của Ukraine, trang này thậm chí còn hiển thị các bức ảnh chụp hộ chiếu Nga của Đức Tổng Giám Mục Onufriy.

Theo trang web, hộ chiếu Nga đã được tìm thấy trong nhà xứ của 20 giáo phẩm cao cấp của Giáo Hội Chính thống Ukraine, bao gồm cả Đức Tổng Giám Mục Onufriy.

Như Ukrainska Pravda tiết lộ, Giám mục Yuri Haron cũng là một công dân Nga. Theo báo cáo, Haron đã đến Nga vào ngày 8 Tháng Giêng năm 2022, một tháng trước cuộc xâm lược và vào ngày 7 Tháng Giêng năm 2023, gần một năm sau cuộc xâm lược.

Ngoài ra, thông tin của các nhà báo Ukraine cho biết cựu Tổng Giám Mục Oleg Ivanov có quốc tịch Nga và hợp tác với lực lượng Nga trong cuộc xâm lược.

Trước các tiết lộ này, Giáo Hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã phủ nhận các mối liên hệ với Nga, và chính Đức Tổng Giám Mục Onufriy tuyên bố rằng ngài chỉ là công dân của Ukraine.
 
Lính Dù Nga nửa đêm bỏ trốn cũng không xong, tử trận hàng trăm. Patriot phòng không đã đến Ukraine
VietCatholic Media
16:21 19/04/2023


1. Lính Dù Nga nửa đêm bỏ trốn cũng không xong, hàng trăm người tử trận cùng 16 chiến xa và 9 hệ thống pháo

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 19 tháng Tư, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết hệ thống phòng không Patriot đã đến Ukraine và sẽ sớm được sử dụng ở Ukraine.

Trích dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov, cô nói “bầu trời tươi đẹp của chúng ta trở nên an toàn hơn vì các hệ thống phòng không Patriot đã đến Ukraine”.

Cô cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ, Đức và Hà Lan đã cung cấp cho họ. Theo Bộ Quốc Phòng Ukraine, lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng nước này vận động hành lang cho những hệ thống phòng không Patriot là vào tháng 8 năm 2021, ngay cả trước cuộc xâm lược, trong một chuyến thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine.

Các bộ trưởng của chính phủ Ukraine vẫn thúc giục các cường quốc nước ngoài cung cấp các hệ thống hỏa tiễn gần đây nhất là vào tháng 12, khi Mỹ vạch ra kế hoạch cung cấp chúng. Chính phủ Hà Lan sau đó đã đồng ý vào Tháng Giêng.

Liên quan đến tình hình chiến sự, Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết: “Những nỗ lực chính của đối phương vẫn tiếp tục tập trung vào các trục Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Maryinka; với những trận chiến khốc liệt nhất đang diễn ra ở Bakhmut và Maryinka”.

Các nguồn tin của Nga cảnh báo rằng quân Ukraine đang chuẩn bị phản công. Theo Thống Đốc Donetsk là ông Pavlo Kyrylenko, các chỉ huy quân sự Nga đang rút bớt quân khỏi khu vực Donetsk để đề phòng quân Ukraine đánh vào khu vực Zaporizhzhia để uy hiếp bán đảo Crimea.

Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết hai Lữ Đoàn Dù của Nga đã tìm cách rút lui về Berdiansk và Melitopol thuộc khu vực Zaporizhzhia để dưỡng quân và chờ bổ sung quân số. Tuy nhiên, khuya ngày thứ Tư họ đã bị không quân Ukraine phối hợp với Lữ Đoàn pháo binh số 40 tấn công dữ dội. Kết quả sơ bộ là 4 xe tăng, 12 xe thiết giáp, 9 hệ thống pháo, 16 xe chuyển quân bị phá hủy. Hàng trăm quân Nga tử trận. Vào rạng sáng, hình ảnh từ các máy bay không người lái cho thấy tại hiện trường một quang cảnh thật là thê lương.

Các binh sĩ không may này là tàn quân của hai Lữ Đoàn Dù 56 và 108 được lệnh rút lui khỏi Marinka sau các thương vong nặng nề.

Trong 24 giờ qua, 620 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 4 xe tăng, 12 xe thiết giáp, 9 hệ thống pháo, 16 xe chuyển quân.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 19 Tháng Tư, khoảng 183.750 quân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Ngoài ra, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 3.665 xe tăng Nga, 7.110 xe thiết giáp, 2.819 hệ thống pháo, 538 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 285 hệ thống phòng không, 308 máy bay chiến đấu, 293 máy bay trực thăng, 2.376 máy bay không người lái cấp tác chiến và chiến thuật, 911 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.692 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 330 thiết bị chuyên dụng.

2. Người đứng đầu NATO kêu gọi các đồng minh “làm nhiều hơn nữa” khi nói đến vũ khí và nguồn cung cấp cho Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm thứ Ba rằng các đồng minh NATO cần cung cấp thêm vũ khí và các khí tài chiến tranh khác cho Ukraine.

Đề cập đến thông tin có trong các tài liệu bị rò rỉ của Hoa Kỳ cho thấy Ukraine có thể sớm hết đạn phòng không, ông Stoltenberg cho biết viện trợ quân sự sẽ rất quan trọng trong việc giúp người Ukraine giành lại các vị trí.

Ông Stoltenberg nói: “Chúng tôi ghi nhận số lượng lớn vũ khí, đạn dược, và các khí tài chiến tranh khác đã được cung cấp cho Ukraine, nhưng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa”.

“Bởi vì chúng ta cần bảo đảm rằng người Ukraine ở một vị trí mà họ có thể chọc thủng phòng tuyến của Nga cũng như vượt qua các bãi mìn và ở một vị trí mà họ có thể giải phóng, giành lại lãnh thổ,” ông nói thêm.

3. Bộ Ngoại giao Nga triệu tập đại sứ Mỹ, Anh và Canada

Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập các đại sứ Mỹ, Canada và Vương quốc Anh “liên quan đến sự can thiệp thô bạo vào công việc của Liên bang Nga và các hoạt động không phù hợp với quy chế ngoại giao”, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova đã cho biết như trên.

Video cho thấy Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga Lynne Tracy đến Bộ Ngoại giao Nga và ra về khoảng một giờ sau đó.

Theo Maria Zakharova, Bộ Ngoại Giao Nga đã đưa ra một “sự phản đối mạnh mẽ” đối với Tracy vào hôm thứ Ba vì những tuyên bố ủng hộ nhà phê bình Điện Cẩm Linh đang bị bỏ tù Vladimir Kara-Murza.

Bộ Ngoại Giao Nga cũng cáo buộc Đại Sứ Mỹ vi phạm Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao và đe dọa chấm dứt thời gian lưu trú tại Mạc Tư Khoa trước thời hạn nếu bà lạm dụng tư cách.

“Điều đặc biệt lưu ý là bất kỳ bước đi nào của phía Mỹ nhằm kích động bất hòa và thù địch trong xã hội Nga, cũng như sử dụng cơ quan ngoại giao để che đậy hoạt động lật đổ, sẽ bị đàn áp nghiêm khắc”, Maria Zakharova nói.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận Đại Sứ Tracy đã gặp các quan chức Nga tại Bộ Ngoại giao hôm thứ Ba, nhưng không cung cấp chi tiết về những gì đã được thảo luận. Phát ngôn nhân nói: “Theo nguyên tắc chung, chúng tôi không thảo luận về các cuộc thảo luận ngoại giao”.

Maria Zakharova nói rằng Đại sứ Anh tại Mạc Tư Khoa Deborah Bronnert cũng đã bị triệu tập sau “những tuyên bố khiêu khích” về việc kết án Kara-Murza.

Vương quốc Anh đã lên án bản án hôm thứ Hai, gọi đó là bản án có động cơ chính trị. Vương quốc Anh cũng triệu tập đại sứ Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong tuyên bố rằng họ coi “lời kêu gọi của các nhà ngoại giao nước ngoài đòi hủy bỏ phán quyết của tòa án Nga” là “sự can thiệp thô bạo” vào công việc nội bộ.

Bộ Ngoại giao Nga cho đến nay vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào liên quan đến việc triệu tập đại sứ Canada.

4. Lãnh đạo NATO và quan chức Mỹ cho biết Nga chưa chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Belarus

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman cho biết hôm thứ Ba rằng họ chưa thấy Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, bất chấp những tuyên bố từ Mạc Tư Khoa rằng họ có ý định làm như vậy.

NATO vẫn chưa thấy “bất kỳ thay đổi nào trong tư thế hạt nhân của Nga đòi hỏi bất kỳ thay đổi nào trong tư thế hạt nhân của chúng ta”, Tổng thư ký Stoltenberg cho biết qua video tại Hội nghị NATO về Kiểm soát vũ khí, Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Washington, DC.

Tổng thư ký Stoltenberg nói rằng việc Mạc Tư Khoa đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân “là một phần của mô hình mà chúng ta đã thấy thực sự trong nhiều năm - nhưng đặc biệt là kể từ cuộc xâm lược Ukraine - của những lời hoa mỹ nguy hiểm, vô trách nhiệm về hạt nhân”.

Tổng thư ký Stoltenberg cho biết NATO đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Sherman lặp lại ý kiến của Stoltenberg. Bà nói rằng Nga vẫn chưa chuyển vũ khí tới Belarus nhưng gọi mối đe dọa này là “một sự leo thang nguy hiểm, không còn nghi ngờ gì nữa”.

“Tất cả chúng ta đã theo dõi và lo lắng rằng Vladimir Putin sẽ sử dụng thứ mà ông ấy coi là vũ khí hạt nhân chiến thuật phi chiến lược hoặc sẽ thực hiện một số hiệu ứng trình diễn để leo thang nhưng trong một sự leo thang có rủi ro được kiểm soát. Tất cả chúng ta đã rất cảnh giác với điều này và điều rất quan trọng là phải luôn cảnh giác với điều này,” Sherman nói. “Tôi nghĩ thông báo gửi vũ khí hạt nhân tới Belarus của ông ấy là nỗ lực nhằm sử dụng mối đe dọa này một cách có kiểm soát”.

Một số thông tin cơ bản: Vào tháng 3, Putin nói với truyền thông nhà nước rằng Mạc Tư Khoa sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ đặc biệt cho vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào đầu tháng 7. Ông cho biết một hệ thống hỏa tiễn tầm ngắn Iskander, một thiết bị có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, đã được chuyển giao cho Belarus.

Belarus là một trong những đồng minh thân cận nhất của Putin và được sử dụng làm bệ phóng cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

5. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau về chiến tranh thông tin của Nga.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, nhà nước Nga đã sử dụng một cách có hệ thống các hoạt động thông tin như một yếu tố chính trong chiến lược của mình.

Nga đã phát triển nhiều kênh và các trung gian để truyền bá thông tin sai lệch: cố ý tạo và chia sẻ các thông tin sai lệch hoặc bị thao túng.

Một thành phần của thông tin sai lệch của Nga là 'rửa sạch tường thuật', theo đó Nga quảng cáo thông tin từ các ủy nhiệm hoặc các nguồn truyền thông xã hội chưa được xác minh, sau đó tràn sang các phương tiện truyền thông chính thống hơn hoặc do nhà nước điều hành.

Điều này nhằm mục đích làm mờ nguồn thông tin, giúp nhà nước Nga dễ dàng tránh xa thông điệp hơn. Sau đó, nó quảng bá những đoạn tường thuật gây hiểu lầm, đồng thời che giấu lợi ích thụ hưởng từ cuộc đầu tư đó.

Các diễn viên nhà nước Nga trình bày các câu chuyện bị thao túng theo cả hai cách được dàn dựng và cơ hội. Các ưu tiên hiện tại của họ gần như chắc chắn bao gồm việc làm mất uy tín của chính phủ Ukraine và giảm hỗ trợ quốc tế cho Ukraine.

6. Các tài liệu của Mỹ bị rò rỉ sẽ không ảnh hưởng đến hành động của các đồng minh NATO liên quan đến Ukraine

Các tài liệu Ngũ Giác Đài bị rò rỉ không ảnh hưởng đến hành động của các đồng minh NATO liên quan đến Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên báo chí hôm thứ Ba.

Ông nói: “Tất cả chúng ta đều thấy rằng một số thông tin rò rỉ này là không chính xác và bị thao túng. Tôi không nghĩ chúng sẽ tác động đến những gì các đồng minh NATO đang làm khi nói đến Ukraine.”

CNN đã xem xét 53 tài liệu bị rò rỉ, tất cả đều được tạo ra từ giữa tháng Hai đến đầu tháng Ba. Chúng chứa nhiều loại thông tin được phân loại cao – cung cấp một cửa sổ hiếm hoi về cách Hoa Kỳ do thám các đồng minh cũng như đối thủ. Một số tài liệu, mà các quan chức Mỹ cho là xác thực, tiết lộ mức độ nghe lén của Mỹ đối với các đồng minh chủ chốt, bao gồm Hàn Quốc, Israel và Ukraine.

7. Các ngoại trưởng G7 đã lên án “tuyên bố hạt nhân vô trách nhiệm” của Nga

Các ngoại trưởng G7 đã lên án “tuyên bố hạt nhân vô trách nhiệm” của Nga và mối đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus là “không thể chấp nhận được”, sau cuộc họp kéo dài ba ngày tại thị trấn nghỉ mát Karuizawa của Nhật Bản.

Họ cảnh báo: “Bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hay hạt nhân nào của Nga đều sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng”.

Tháng trước, Nga cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với Belarus về việc bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của nước láng giềng nhỏ hơn, do đó đưa một số kho vũ khí của họ đến gần phần còn lại của Âu Châu.

Nhóm G7 cũng kêu gọi đồng minh Trung Quốc của Nga “hãy hành động như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Các tài liệu của chính phủ Mỹ bị rò rỉ đã tiết lộ rằng Trung Quốc đã phê duyệt việc cung cấp vũ khí cho Mạc Tư Khoa nhưng muốn các lô hàng được giữ bí mật.

8. Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng. Truyền hình nhà nước Nga thảo luận về kế hoạch thống trị thế giới sau khi thắng trong chiến tranh hạt nhân

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Discusses Plan to Rule the World After Winning Nuclear War”, nghĩa là “Truyền hình nhà nước Nga thảo luận về kế hoạch thống trị thế giới sau khi thắng trong chiến tranh hạt nhân.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các khách mời trên truyền hình nhà nước Nga đã thảo luận về kế hoạch thống trị thế giới sau chiến tranh hạt nhân với phương Tây trong cuộc tranh luận về căng thẳng toàn cầu hiện nay do chiến tranh Ukraine gây ra.

Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Vladimir Solovyov đã nhiều lần kêu gọi leo thang hơn nữa cuộc chiến Ukraine và gây hấn với phương Tây khi xung đột tiếp diễn.

Trong những tháng gần đây, quân đội Nga đã phải vật lộn để đạt được các bước tiến ít ỏi trong cuộc xâm lược Ukraine nhằm cố gắng chiếm thành phố Bakhmut của Donbas trước một cuộc phản công được dự đoán trước của Kyiv.

Nếu các lực lượng Ukraine tạo được các bước đột phá, họ có thể tiến đến Crimea bị Nga tạm chiếm, nơi mà một đồng minh của Putin cảnh báo có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong một buổi phát sóng, Solovyov lập luận rằng phương Tây đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu và khẳng định Nga nên hành xử quyết liệt hơn.

Solovyov thường xuyên kêu gọi một đường lối hung hăng hơn, phàn nàn về việc phương Tây ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột chống lại Nga.

Trong một video, được tải lên tài khoản YouTube của Russian Media Monitor hôm thứ Hai, hiệu trưởng Trường Truyền hình của Đại học Quốc gia Mạc Tư Khoa, Vitaly Tretyakov, đã đặt câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra sau một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Anh ấy nói: “Tất nhiên chúng ta sẽ thắng, điều này thậm chí không cần phải thảo luận. Nhưng điều gì sẽ xảy ra sau chiến thắng của chúng ta?

“Giả sử, chúng ta đã thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, một cuộc chiến tranh nhanh và hạn chế, chúng ta có tất cả. Sau đó, chúng ta phải thống trị thế giới như thế nào đây. Kẻ chiến thắng phải thống trị thế giới.”

“Chúng ta có cương lĩnh, kế hoạch thống trị thế giới không? Tôi không biết, tôi chưa nghe về điều đó.”

Solovyov nói đùa rằng kế hoạch thống trị thế giới được viết trên một chiếc khăn ăn và sẽ được vạch ra khi mọi người ngồi trong nhà hàng.

Tretyakov tiếp tục: “Khi Putin nói rằng 10 năm tới sẽ rất khó khăn, tất nhiên điều này không chỉ liên quan đến chiến tranh trên lãnh thổ của Ukraine cũ, nơi chỉ đơn giản là một quốc gia nên bị thanh lý.”

“Giống như cách quốc gia Đức Quốc xã của Hitler bị thanh lý, Ukraine phải bị thanh lý như thế. Sau đó, có thể quyết định phải làm gì với những vùng đất và những người từng phục vụ quốc gia này, nhưng đó là một chủ đề riêng biệt.”

Solovyov nói thêm rằng, ngay từ bây giờ, Nga nên tập trung vào việc đào tạo các nhà lãnh đạo Âu Châu mới để giúp Nga cai quản thế giới.

Ông nói rằng Nga chưa mất Phi Châu hay Mỹ Châu Latinh bởi vì họ có những người ở các lục địa này giải quyết vấn đề này ngay bây giờ.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.

9. Tòa Bạch Ốc phản đối nhận xét của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva

Tòa Bạch Ốc đã đáp trả sau khi Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva nói trong chuyến đi tới Trung Quốc rằng Mỹ nên ngừng “khuyến khích” cuộc chiến ở Ukraine

“Trong trường hợp này, Brazil đang lặp đi lặp lại tuyên truyền của Nga và Trung Quốc mà không hề nhìn vào sự thật,” phát ngôn nhân của hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Kirby nói, đồng thời cho biết thêm rằng những bình luận của Lula là “có vấn đề sâu sắc”.

Cuộc tranh cãi diễn ra khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bắt đầu chuyến công du Mỹ Latinh ở Brazil, nơi ông gặp Lula và cảm ơn “những người bạn Brazil của chúng ta vì sự hiểu biết rõ ràng về nguồn gốc của tình hình ở Ukraine”.

Lula cũng cho biết Mỹ và Âu Châu “cần bắt đầu nói chuyện về hòa bình” và Kyiv phải chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022 khi các lực lượng Nga xâm lược Ukraine.

Nhận xét của ông lặp lại quan điểm thường được Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh sử dụng, đổ lỗi cho phương Tây về cuộc chiến.

Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira, người cũng đã gặp Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga trước đó trong ngày, nhận xét rằng: “Tôi không biết bằng cách nào hoặc tại sao tổng thống lại đưa ra kết luận đó nhưng tôi không đồng ý chút nào.”

Bất chấp những bình luận của Lula về Hoa Kỳ, người đàn ông 77 tuổi, là người đã trở lại nắm quyền vào Tháng Giêng sau hai nhiệm kỳ từ 2003 đến 2010, cũng đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Washington.

Chuyến thăm của ông tới Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, bị hoãn lại do một đợt viêm phổi, diễn ra sau cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc vào tháng 2 với tổng thống Mỹ Joe Biden.

Brazil đã không tham gia cùng các quốc gia phương Tây trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì cuộc xâm lược của nước này và đã từ chối yêu cầu cung cấp đạn dược cho Ukraine.

Sau cuộc gặp với Bộ Trưởng Ngoại Giao Brazil hôm thứ Hai, ông Lavrov nói: “Chúng tôi rất biết ơn những người bạn Brazil vì họ đã hiểu rõ nguồn gốc của tình hình ở Ukraine. Chúng tôi rất biết ơn vì họ mong muốn được đóng góp vào việc tìm cách giải quyết tình trạng này.”

“Chúng ta quan tâm đến việc giải quyết cuộc xung đột càng sớm càng tốt”, ông Lavrov nói.

Nhưng ông nói thêm rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải dựa trên “tính đa cực”, cáo buộc phương Tây “đang cố gắng thống trị chính trường quốc tế”.

Kirby nói rằng Washington không có “bất kỳ sự phản đối nào đối với bất kỳ quốc gia nào muốn cố gắng chấm dứt chiến tranh”.

“Chiến tranh có thể xảy ra ngay bây giờ, ngay hôm nay, nếu ông Putin ngừng tấn công Ukraine và rút quân ra khỏi nước này”.

Chuyến đi của ông Lavrov tới Brazil diễn ra sau khi cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Lula, Celso Amorim, gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Cẩm Linh vào tháng 3 để thảo luận về việc mở các cuộc đàm phán hòa bình.

Brazil là điểm dừng chân đầu tiên của ông Lavrov trong chuyến công du Mỹ Latinh kéo dài một tuần, bao gồm cả Venezuela, Nicaragua và Cuba - những quốc gia có các chính phủ cánh tả có quan hệ thù địch với Hoa Kỳ.

Ông Lavrov và Vieira cho biết các cuộc đàm phán của họ cũng tập trung vào năng lượng và thương mại.

Brazil và Nga có kim ngạch thương mại song phương kỷ lục 9,8 tỷ Mỹ Kim vào năm ngoái.

10. Ba Lan đạt được thỏa thuận về việc khởi động lại quá trình vận chuyển ngũ cốc của Ukraine

Ba Lan đã đạt được thỏa thuận về việc khởi động lại việc vận chuyển ngũ cốc Ukraine qua lãnh thổ của mình bắt đầu từ hôm thứ Sáu, theo các quan chức chính phủ.

“Chúng ta sẽ bắt đầu vận chuyển qua Ba Lan những hàng hóa nằm trong phụ lục của quy định từ nửa đêm ngày thứ Sáu,” văn phòng thủ tướng Ba Lan đã tweet hôm thứ Sáu, trích lời Bộ trưởng Bộ Phát triển và Công nghệ Ba Lan Waldemar Buda.

“Chúng ta sẽ giới thiệu niêm phong điện tử và hệ thống SENT cho những hàng hóa này. Quy định sẽ bao gồm một hồ sơ bảo vệ chúng ta khỏi việc để hàng hóa ở lại Ba Lan,” dòng tweet nói thêm.

Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Ukraine Yulia Svyrydenko cho biết Kyiv đang chờ thông tin chính thức từ phía Ba Lan về các khía cạnh kỹ thuật của việc vận chuyển các sản phẩm.

Thông báo này được đưa ra sau các cuộc đàm phán Ukraine-Ba Lan tại Warsaw vào thứ Ba.

“Chúng ta đối xử với các vấn đề mà các đối tác của Ba Lan gặp phải với sự quan tâm giống như Ba Lan đối với các vấn đề của chúng ta. Do đó, chúng ta phải phản ứng kịp thời và mang tính xây dựng đối với tình hình khủng hoảng này,” bà nói, theo một tuyên bố của Bộ Kinh tế Ukraine.

Ba Lan cấm nhập khẩu ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác từ Ukraine “để bảo vệ thị trường nông sản Ba Lan khỏi sự bất ổn”, văn phòng Thủ tướng Ba Lan cho biết trong một tuyên bố cuối tuần qua.

Khi Putin xâm lược Ukraine, Nga đã chặn các cảng và tuyến đường biển được sử dụng để xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang Phi Châu và Trung Đông. Đáp lại, Liên minh Âu Châu đã dỡ bỏ thuế đối với ngũ cốc từ Ukraine để dễ dàng phân phối đến các thị trường toàn cầu đó.

Kể từ đó, ngũ cốc Ukraine đã chảy vào Ba Lan nhưng phần lớn vẫn ở lại nước này, khiến giá giảm và khiến nông dân Ba Lan chịu thiệt hại tài chính đáng kể.

11. 'Vết sẹo' trên cổ Putin khi đi lễ nhà thờ làm dấy lên tin đồn về sức khỏe

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Scar' on Putin's Neck During Church Service Sparks Health Rumors”, nghĩa là “'Vết sẹo' trên cổ Putin khi đi lễ nhà thờ làm dấy lên tin đồn về sức khỏe.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Việc Vladimir Putin xuất hiện tại một buổi lễ ở nhà thờ với vết sẹo trên cổ làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng ông ta có thể bị ốm nặng.

Nhiều người đã đưa ra các giả thuyết trong những tháng gần đây về sức khỏe của tổng thống Nga, bao gồm cả tuyên bố rằng ông bị ung thư, bệnh Parkinson hoặc cả hai. Điện Cẩm Linh đã nhiều lần khẳng định rằng ông có sức khỏe tốt.

Tuy nhiên, tin đồn đã lan rộng sau khi Putin được quay phim và chụp ảnh tại lễ Phục sinh của Chính thống giáo tại Nhà thờ Chúa Cứu thế ở thủ đô Nga vào hôm Chúa Nhật Phục Sinh.

Hãng tin Ukraine Dialog.ua đưa tin bức ảnh do hãng thông tấn Tass chụp cho thấy “một vết lạ” trên cổ anh ta, “giống như một vết sẹo rộng”. Dialog nói rằng nhà báo người Ukraine Denis Kazansky đã thu hút sự chú ý vào bức ảnh, mà bên cạnh đó anh ấy viết “Volodya bị sao vậy?

“Tôi nghĩ rằng tôi đã tìm ra chữ Z đến từ đâu,” Kazansky nói thêm, gợi ý rằng vết sẹo có hình chữ cái Z đã trở thành biểu tượng cho cuộc xâm lược Ukraine toàn diện của Putin.

Trong khi đó, chính trị gia Ukraine Oleksiy Goncharenko đã thêm vào suy đoán này trong một bài đăng video trên kênh You Tube của ông hôm thứ Hai, trong đó ông nói rằng chuyến thăm của Putin tới một buổi lễ Phục sinh ở Mạc Tư Khoa có nghĩa là “sức khỏe trầm trọng của ông ta làm bùng lên sức sống nội tâm mới.”

“Anh ta trông không được tốt lắm trong nhà thờ ngày hôm qua. Anh ta di chuyển khó khăn. Và trong các bức ảnh, có thể thấy rõ một vết sẹo trên cổ anh ấy,” Goncharenko nói bằng tiếng Nga. “Rất có thể, anh ấy đã trải qua một số thủ tục y tế.”

“Tôi không biết họ đã làm gì ở đó. Có thể họ đã thực hiện một số kiểu thông khí nhân tạo cho phổi hoặc thứ gì đó khác,” anh nói thêm.

Năm ngoái, cơ quan điều tra Proekt cho biết dựa trên các tài liệu du lịch bị rò rỉ, Putin bị ung thư tuyến giáp hoặc một căn bệnh khác.

Một cựu điệp viên Liên Xô đã tuyên bố rằng nhà lãnh đạo Nga mắc bệnh Parkinson, trong khi Tạp chí New Lines tuyên bố đã thu được đoạn ghi âm của một nhà tài phiệt nói rằng ông ta “bị bệnh ung thư máu rất nặng”. Không có tuyên bố nào được xác nhận và Newsweek đã gửi email cho Điện Cẩm Linh để bình luận.

Tin đồn về sức khỏe của Putin cũng theo sau sự mô hồ xung quanh thông báo của Điện Cẩm Linh rằng Tổng thống Nga đã đến thăm các vùng lãnh thổ Kherson và Luhansk bị Ukraine xâm lược. Trong khi Điện Cẩm Linh không nói chính xác thời điểm chuyến đi diễn ra, nhà lãnh đạo Nga đã chúc các binh sĩ một lễ Phục sinh vui vẻ, lễ mà những người theo đạo Chính thống giáo đánh dấu vào Chúa Nhật vừa qua.

Tuy nhiên, hãng truyền thông điều tra độc lập Agentstvo cho biết phân tích đoạn phim cho thấy chuyến thăm của ông Putin có thể diễn ra trước hôm Chúa Nhật. “Lễ Phục sinh sắp đến rồi phải không?” Putin đã được nghe nói trong một phiên bản trước đó của video được xuất bản bởi cơ quan truyền thông.

Nó cho biết đoạn clip đã nhanh chóng bị Điện Cẩm Linh gỡ bỏ và đăng tải lại, với dòng chữ “sắp đến rồi” đã bị xóa. Khi được hỏi về sự khác biệt, phát ngôn viên của Putin, Dmitry Peskov nói rằng chuyến thăm của Putin diễn ra vào hôm thứ Hai sau lễ Phục sinh và bình luận của ông “chỉ là một sự nhầm lẫn”.

“Lễ Phục sinh được tổ chức trong 40 ngày,” Peskov nói, khi ông chỉ trích cách một số phương tiện truyền thông đã “nhảy vào cụm từ này và ngay lập tức bắt đầu đưa ra các giả thuyết về những điều không xảy ra.”
 
Thiện chí của Tòa Thánh bị đáp lại bằng thái độ bất chấp thủ đoạn, kẻ cả bôi nhọ Đức Gioan Phaolô II
VietCatholic Media
18:15 19/04/2023


1. Thiện chí của Tòa Thánh bị đáp lại bằng những hành động bất chấp thủ đoạn

Emanuela Orlandi, 15 tuổi, biến mất vào ngày 22 tháng 6 năm 1983, sau khi rời căn hộ của gia đình ở Thành phố Vatican để đi học nhạc ở Rome. Cha cô là một nhân viên giáo dân của Tòa thánh.

Sự biến mất của cô ấy là một trong những bí ẩn lâu dài tại Rôma, và trong nhiều năm đã được liên kết với mọi thứ từ âm mưu giết Đức Gioan Phaolô II, một vụ bê bối tài chính liên quan đến ngân hàng Vatican và thế giới tội phạm mafia của Rôma.

Vụ án đã xảy ra 40 năm rồi và các cơ quan tư pháp dân sự của Ý đã bỏ nhiều công sức nhưng không đạt được kết quả nào. Mong muốn tìm ra số phận của cô đã đưa gia đình Orlandi đến nhiều khúc quanh bất ngờ, các thư nặc danh và các báo cáo cho rằng đã nhìn thấy cô ở chỗ này chỗ nọ.

Cuối năm 2017, Pietro Orlandi nhận được thư nặc danh cho rằng Emanuela có thể đã được chôn cất tại nghĩa trang Teutonic, là nơi an nghỉ cuối cùng trong nhiều thế kỷ qua cho người gốc Đức. Đây là một bước ngoặt kỳ lạ khác đối với một gia đình đã phải chịu những chỉ dẫn sai lầm, và sự chú ý của giới truyền thông kể từ khi cô gái, Emanuela Orlandi, biến mất.

Các nguồn tin bảo ông hãy tìm kiếm nơi mà một thiên thần đang chỉ xuống trong nghĩa trang.

Điều đó đã dẫn ông Orlandi đến ngôi mộ của Công chúa Sophie thành Hohenlohe, qua đời năm 1836; và ngôi mộ của Công chúa Charlotte Federica thành Mecklemburg, qua đời năm 1840.

Thông qua luật sư của gia đình, tháng Hai năm 2019, ông Orlandi đã chính thức yêu cầu Vatican mở lăng mộ của hai Công chúa. Gia đình đã nhận được sự chấp thuận của Tòa Thánh vào tháng Sáu năm 2019.

Giovanni Arcudi, giáo sư pháp y tại Đại học Rome Tor Vergata, đã lãnh đạo nhóm khai quật các ngôi mộ vào hôm 11 tháng 7, 2019. Tuy nhiên, cuộc khai quật cho thấy các ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng.

Trước phát hiện này, ông Orlandi nói với chi nhánh Sky News của Ý, rằng ông cảm thấy nhẹ nhõm vì Emanuela không ở đó và biết ơn Tòa Thánh đã nhanh chóng nhận lời thỉnh cầu của gia đình.

Tuy ông Pietro Orlandi đã hài lòng rồi, để mọi sự được minh bạch, Chánh Án quốc gia thành Vatican truyền cho đào xung quanh vào ngày 20 tháng 7, 2019. Kết quả cũng không thấy gì cả.

Từ đầu năm nay, Tòa Thánh đã quyết định mở lại cuộc điều tra về sự mất tích của Emanuela, và hôm thứ Ba tuần trước Pietro, anh trai của Emanuela Orlandi, đã dành 8 tiếng đồng hồ để gặp gỡ các công tố viên Vatican.

Đứng trước nhiệt tình của Tòa Thánh, lẽ ra Pietro Orlandi phải có lòng biết ơn, nhưng ông ta lại có suy nghĩ khác. Ông ta nghĩ rằng Tòa Thánh biết một điều gì đó nhưng không nói ra. Vì thế, ông ta quyết định gây ra một chuyện rất lớn để gây một áp lực nặng nề lên Tòa Thánh. Thủ đoạn này đã khiến nhiều người trước đây có cảm tình hay lòng thương cảm với gia đình Emanuela Orlandi quay lưng lại với họ.

Ông ta đã làm gì? Thưa: sau khi gặp gỡ các công tố viên của Tòa Thánh, ông ta có một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình. Trong cuộc phỏng vấn đó, ông ta mở một đoạn thu âm trong đó một tên trùm Mafia nói rằng Tòa Thánh thường xuyên bắt cóc các cô gái để lạm dụng tình dục và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II biết điều đó. Đó là một cáo buộc cực kỳ xúc phạm và hoàn toàn vô lý. Người ta kinh ngạc trước sự vô ơn và khả năng bất chấp thủ đoạn của ông Pietro Orlandi.

2. Đức Phanxicô lên án những cáo buộc “xúc phạm và vô căn cứ” chống lại Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường trình nhan đề “Francis denounces “offensive and unfounded” allegations against John Paul II”, nghĩa là “Đức Phanxicô lên án những cáo buộc “xúc phạm và vô căn cứ” chống lại Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tố cáo những cáo buộc “xúc phạm và vô căn cứ” gần đây chống lại Đức Gioan Phaolô II sau khi chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 16 tháng 4 năm 2023. Nhận xét của Đức Thánh Cha diễn ra sau cáo buộc của Pietro Orlandi cho rằng Đức Gioan Phaolô II phạm tội lạm dụng tình dục và đóng vai trò trong vụ mất tích của em gái mình vào năm 1983.

“Tôi hướng lòng biết ơn khi nghĩ đến Thánh Gioan Phaolô II, đối tượng của những suy luận xúc phạm và vô căn cứ trong những ngày qua,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói từ cửa sổ của Điện Tông tòa, thu được tràng pháo tay từ đám đông tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô

Emanuela Orlandi, con gái của một nhân viên Vatican, 15 tuổi khi cô biến mất ở trung tâm Rôma gần 40 năm trước, vào ngày 22 tháng 6 năm 1983. Kể từ đó, nhiều giả thuyết khác nhau đã xuất hiện về những gì có thể xảy ra với cô, thậm chí trở thành chủ đề của một cuốn phim tài liệu của Netflix, có tên là “Cô gái Vatican,” phát hành vào tháng 10 năm 2022.

Mới đây, hệ thống tư pháp của Vatican đã đồng ý mở lại cuộc điều tra về vụ mất tích khét tiếng của cô.

Những “suy luận” của Pietro Orlando

Lời biện hộ của Đức Phanxicô được đưa ra sau một tuần đặc biệt sôi động ở Rôma liên quan đến vụ án Orlando. Thứ Ba tuần trước, ngày 11 tháng 4, anh trai của Emanuela Orlandi, Pietro, người đã đấu tranh để làm sáng tỏ vụ mất tích của em gái mình, đã dành 8 giờ đồng hồ với công tố viên trưởng của Vatican.

Vào buổi tối, Pietro Orlandi đã có một số tuyên bố gây sốc trong chương trình trò chuyện của Ý 'Di Martedì' trên kênh La7 TV. Anh ta phát một đoạn ghi âm của một thành viên được cho là của một nhóm tội phạm có tổ chức ở Rôma, người này cáo buộc rằng các cô gái đã được đưa vào Vatican và bị lạm dụng và Đức Gioan Phaolô II đã biết điều đó.

Pietro Orlandi sau đó nói thêm rằng ông nghe nói rằng Đức Gioan Phaolô II sẽ đi chơi đêm với hai “Đức Ông” người Ba Lan và rằng ngài “chắc chắn sẽ không ban phép lành cho các gia đình,” một lời bóng gió cho thấy vị Giáo hoàng người Ba Lan có thể đã tham gia vào việc lạm dụng trẻ vị thành niên.

Một số nhân vật của Giáo hội bênh vực Đức Gioan Phaolô II

Vị Hồng Y người Ba Lan Stanislaw Dziwisz, Tổng giám mục hiệu tòa của Krakow và từng là bí thư của Đức Gioan Phaolô II, đã phản ứng mạnh mẽ trước những lời bóng gió của Pietro Orlandi. Ngài tố cáo những lời buộc tội là “lan man, sai sự thật từ đầu đến cuối, phi thực tế, gây cười đến mức hài hước nếu không muốn nói là bi thảm, và thực sự là tội phạm.”

Hôm thứ Sáu, ngày 14 tháng Tư, giám đốc biên tập của Bộ Truyền thông, Andrea Tornielli, đã đăng một bài báo trên Vatican News lên án những lời buộc tội là “vô lý”.

“Mặc dù vụ thảm sát nhân cách này trên các phương tiện truyền thông gây buồn và mất tinh thần khi làm tổn thương trái tim của hàng triệu tín hữu cũng như người không tin, sự phỉ báng cần bị lên án vì nó không xứng đáng với một quốc gia văn minh khi đối xử với bất kỳ người nào, dù sống hay chết, dù là giáo sĩ hay giáo dân, giáo hoàng, thợ cơ khí hoặc thanh niên thất nghiệp, theo cách này,” ông viết.

Pietro Orlando và luật sư bào chữa cho mình

Sáng thứ Bảy, ngày 15 tháng 4, luật sư của Pietro Orlandi, Laura Sgrò, đã gặp công tố viên trưởng tại Vatican. Ngay sau khi Vatican News đăng một bài báo nhấn mạnh rằng luật sư và thân chủ của bà “từ chối nêu đích danh ai đã đưa ra cáo buộc đó” để hỗ trợ cho những tuyên bố chống lại Đức Gioan Phaolô II.

“Cả Pietro Orlandi và luật sư Laura Sgrò đều không thấy phù hợp để cung cấp cho công tố viên trưởng tên hoặc các yếu tố hữu ích liên quan đến nguồn của những tuyên bố này và độ tin cậy của chúng”. Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, tuyên bố trong bản tin của Phòng Báo Chí Tòa Thánh rằng Laura Sgrò đã giữ im lặng, viện dẫn “bí mật nghề nghiệp”.

Trong ngày, luật sư đã nhanh chóng phản ứng bằng cách nói rằng Vatican đang gây áp lực buộc cô ta phải vi phạm đạo đức nghề nghiệp – là điều mà Vatican đã kiên quyết phủ nhận vào tối thứ Bảy.

Luật sư cũng bảo đảm rằng danh sách 28 cái tên đã được Pietro Orlandi đưa ra cho công tố viên trưởng trong phiên điều trần của ông vào ngày 11 tháng 4 và thân chủ của bà vẫn “sẵn sàng” cung cấp các yếu tố khác. Laura Sgrò biện minh cho sự im lặng của mình trước công tố viên trưởng rằng cô ta phải bảo đảm rằng khách hàng của mình có trách nhiệm cung cấp thông tin, chứ không phải cô ấy.

Pietro Orlandi nói với Reuters vào ngày 16 tháng 4 rằng ông đang “lặp lại những gì người khác đã nói” trong chương trình trò chuyện ở Ý và rằng “việc Đức Phanxicô bảo vệ Đức Gioan Phaolô II là đúng”.

Đức Gioan Phaolô II cũng mới bị chỉ trích vào đầu tháng Ba sau khi xuất hiện một số cáo buộc rằng ngài đã giải quyết sai các vụ lạm dụng tình dục với tư cách là Tổng Giám mục Krakow từ năm 1964 đến năm 1978 từ một nhà báo Hà Lan. Các giám mục Ba Lan đã phản ứng tương tự vào dịp đó vì “nguồn tin” cũng bị nghi ngờ tương tự, trong trường hợp đó, không phải là mafia mà là hồ sơ của công an mật Cộng sản.


Source:Aleteia

3. Nhật Ký Trừ Tà số 236: Ác Quỷ Là Những Kẻ Thất Bại Đau Khổ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #236: Demons Are Sore Losers”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 236: Ác Quỷ Là Những Kẻ Thất Bại Đau Khổ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Ma quỷ là những kẻ thua cuộc đau đớn và không chấp nhận thất bại. Sau khi giải thoát một phụ nữ trẻ bị ám nặng, Đội trừ tà đã nhận được một số tin nhắn từ những con quỷ bị trục xuất. Nó được viết một phần bằng tiếng Ukraine, ngôn ngữ mà cô gái trẻ không nói được, và có nội dung: “Tôi đang theo đuổi cô gái này.” Ký tên “666.”

Các văn bản tiếp tục chế nhạo chúng tôi và bảo chúng tôi từ bỏ và để cô ấy đi. Chúng muốn cô ấy trở lại với chúng một cách tuyệt vọng. Nhiều lần lũ quỷ nói điều đó một cách rõ ràng: “Tôi muốn cô ấy trở lại.” Một lần khác họ nhắn tin, “Tôi muốn cô gái. Tôi cần cô ấy. Trả cô ấy lại cho tôi càng sớm càng tốt. Tụi bay không thể cứ tiếp tục như thế này”.

Tin tốt là cô ấy thực sự đã được giải thoát và những lời chế nhạo của ma quỷ giúp xác nhận điều đó-- chúng đã bị đuổi ra ngoài và chúng muốn cô ấy trở lại. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cô ấy sống một cuộc sống Kitô hữu vững chắc. Bây giờ cô ấy có thể lãnh nhận các bí tích và có một sự bình an nơi cô ấy mà trước đây không có. Cô vừa có một lễ Phục sinh tuyệt vời với gia đình.

Mặc dù cô ấy đã được giải thoát nhưng lũ quỷ vẫn có thể tấn công từ bên ngoài. Điều này đặc biệt đúng đối với các mục tiêu có giá trị cao, mà cô ấy chắc chắn là như vậy. Vài ngày trước, tôi đã cầu nguyện trực tuyến với cô ấy trong một cuộc tấn công như vậy và lũ quỷ nhanh chóng bị trục xuất-- một dấu hiệu khác cho thấy cô ấy không còn bị chiếm hữu nữa.

Sau đó, sau khi cô ấy đã đi ngủ và ngủ say, điện thoại của tôi lại xuất hiện thêm nhiều tin nhắn ma quỷ. Cuộc trao đổi kéo dài khoảng 20 phút. Đây là một đoạn trích:

Ác quỷ: HÃY RA XA KHỎI CÔ GÁI BÉ STEPHEN CỦA TÔI. MÀY SẼ LÀM TỔN THƯƠNG CHÍNH MÌNH.

Tôi đáp: “Cầu mong Đức Trinh Nữ Maria đuổi quỷ.” Tôi đã gửi ảnh Đức Mẹ Guadalupe nhiều lần. Bức tranh này đặc biệt hiệu quả trong một lễ trừ tà chống lại những con quỷ ô uế.

Quỷ đáp: “Sao không đi ngủ? Cút đi. Sau đó, chúng đưa ra nhận xét về một vật cụ thể trong phòng của tôi chỉ để cho tôi biết rằng chúng đang theo dõi tôi.

Tôi đáp: “Xin Đức Trinh Nữ Maria đuổi quỷ. Xin Thánh Giuse trừ quỷ”.

Quỷ đáp: “Mày không biết cô ấy sắp chết sao? Mày đang lãng phí thời gian của mày.”

Tôi đáp lại: “Cầu mong Đức Trinh Nữ Maria đuổi quỷ.”

Quỷ đáp: “Hãy để cô gái nhỏ đến với tao.”

Tôi lại nhắn tin hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe nhiều lần.

Những con quỷ đã gửi những tin nhắn tục tĩu, hình ảnh khiêu dâm và những lời chế nhạo không thể lặp lại.

Tôi đáp: “Nhân danh Chúa Giêsu, tôi ra lệnh cho ngươi nhìn vào biểu tượng của Đức Maria trong năm phút rồi rời đi.”

Rất nhanh, các tin nhắn văn bản dừng lại và những con quỷ đã biến mất. Rõ ràng lệnh nhìn vào hình ảnh Đức Mẹ đã có hiệu quả. Họ không thể đứng nhìn Mẹ thánh của Chúa Giêsu, đặc biệt là những con quỷ ô uế này. Và họ rời đi.

Tôi không lôi kéo ma quỷ vào một cuộc trò chuyện, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần cảnh báo chống lại. Thay vào đó, với mỗi lời chế nhạo, tôi gửi lại một lời cầu nguyện bằng lời nói hoặc bằng hình ảnh, chẳng hạn như hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria. Một lần nữa, Đức Trinh Nữ đạp lên đầu Satan (St 3,15)!

Sự thất bại của chúng khi tôi giải phóng được người phụ nữ trẻ này phải nhắc nhở lũ quỷ rằng thất bại cuối cùng của chúng đã cận kề. Khi tôi đưa ra quan điểm rằng “thời gian không còn nhiều” (1 Cô 7:29) và chúng sẽ bị phán xét vì tất cả những điều ác chúng đang làm, phản ứng của chúng rất mạnh mẽ và tức thì.* Rõ ràng là chúng không muốn đối mặt sự phán xét cuối cùng và sự trừng phạt không thể tránh khỏi của chúng.

Nhưng đối với những người theo Chúa Kitô: “Họ sẽ thấy Con Người ngự đến trong đám mây với quyền năng và vinh quang rực rỡ... khi các dấu lạ ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì ơn cứu độ anh em đã gần kề” (Lc: 21:27-28).
Source:Catholic Exorcism