Ngày 19-04-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
19:09 19/04/2020
Chương 25:

THẬP GIÁ

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”

(Lc 9, 23)


1. Nếu con cam tâm vác thập giá thì thập giá có thể nâng đỡ con, khiến cho con hy vọng đi đến nơi miến đất phúc lành, ở đó sẽ không có đau khổ. (sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


---------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
19:18 19/04/2020
98. CHIM ĐỪNG THAM NGỦ

Năm đầu của Minh Huệ Tông, Hình Công có đảm nhiệm qua chức tri phủ ở Tô Châu.

Nhiều năm liên tiếp bị hạn, tri phủ Hình bèn nghĩ ra một kế, hạ lệnh cho ai có hồ nước và hồ lau (sậy) phải trưng thuế, bá tính không ngớt báo oán.

Có người làm một bài thơ hài châm biếm:

- "Đong hết sơn điền và thủy điền, chỉ lưu biển xanh cùng trời xanh, ngư thuyền nếu qua nghĩ bãi giữa, mau báo hải âu đừng tham ngủ” (hàm ý là nếu không thuế khóa cũng phải thu).

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 98:

Làm quan mà có lòng tham lại thêm có óc thiển cận thì chỉ khổ dân mà thôi, nhưng thường ai có lòng tham thì các nhân đức khác đều...chạy mất, nhất là nhân đức khôn ngoan và hy sinh.

Người Ki-tô hữu nếu được làm quan thì việc trước tiên phải làm là cầu nguyện xin ơn khôn ngoan và hy sinh để phục vụ bá tánh thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì khi cầu xin ơn khôn ngoan thì thường là Thiên Chúa cũng ban cho những ơn khác như: ơn sống liêm khiết để thanh thoát trong khi sử dùng quyền hành, ơn công bằng để biết bênh vực người nghèo, ơn khó nghèo để không làm khổ dân...

Tham lam là ngủ quên trong bổn phận, có óc thiển cận là mĩm cười đắc thắng trên nỗi khổ của bá tánh, bởi vì quá tham lợi mà không còn thời gian để suy tính những kế hoạch giúp dân giàu nước mạnh...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đêm bừng sáng Ánh Phục Sinh
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
19:33 19/04/2020


Hội Thánh cử hành từ Nghi thức Canh thức đến Thánh lễ đêm Vọng Phục sinh thật dồi dào ý nghĩa. Riêng bản thân, tôi chú ý nhất hình ảnh Nến Phục sinh và cuộc xuất hành của Dân Chúa xưa.

Lễ Phục sinh năm nay lại được cử hành trong mùa dịch, mọi giáo dân bị cấm đến nhà thờ dự lễ, tôi càng thấm thía những hình ảnh ấy.

1. THẮP LỬA PHỤC SINH.

Giữa bóng đêm tràn ngập, ánh lửa Phục sinh đi tới đâu, Ánh sáng sẽ tỏa ra đến đó. Vị chủ tế cất lời ca khen "Ánh sáng Chúa Kitô".

Nến trên tay tín hữu cũng sáng lên. Màn đêm trở nên lung linh. Không gian dặt dìu, lấp lánh bởi những đốm sáng nhẹ nhàng, huyền hoặc.

Bóng đêm trong phụng vụ là biểu tượng của bóng tối trong đời mà thế giới và từng người có thể đang đối mặt. Nó chính là tội lỗi, là cám dỗ, hoặc những khổ đau, những lúc thiếu vắng niềm tin, bị chao đảo, bị mất phương hướng.

Bóng đêm còn là những nghi kỵ mà những người thân trong gia đình dành cho nhau. Vợ chồng không đủ niềm tin vào nhau, gia đình ly tán.

Bóng đêm như ập xuống cuộc đời mỗi người khi bị tấn công bởi những thất bại, bởi chạm phải sự nham hiểm của lòng người, hay mất mát trong việc làm ăn, lúc bệnh tật, lúc rơi vào hoàn cảnh bi đát mà không còn chỗ nương tựa...

Chính lúc này, khi ơn Phục sinh đã chiếu rọi, bệnh dịch vẫn tiến như vũ bão, tàn sát cơ man đồng loại của mình. Người chết, chết trong đơn độc, trong tủi phận. Người thân còn sống thậm chí không thể chứng kiến người thân chết. Họ biết người thân chết mà không biết làm sao cứu chữa...

Bóng đêm dày đặc. Nó khiến bao nhiêu người hoang mang, nghi nan, nao núng, mất niềm tin vào cuộc sống, mất đức tin vào Đấng mình tôn thờ.

Bóng đêm khắc sâu vết hằn không dễ xóa trong lịch sử nhân loại. Bóng đêm đau đớn. Bóng đêm không gồm những giọt sương nhưng ngập tràn nước mắt. Bóng đêm ghê rợn. Bóng đêm mang đầy nỗi chết chóc...

Nhưng giữa màn đêm ngập đầy ấy, ánh nến phục sinh được thắp sáng và được công bố là "Ánh sáng Chúa Kitô", thì cũng có nghĩa là trong ngày Chúa phục sinh, Ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô đã thắp lên giữa bóng đêm.

2. CUỘC XUẤT HÀNH CỦA Dân Chúa XƯA.

Phụng vụ Lời Chúa của đêm Vọng Phục sinh, Hội Thánh luôn công bố bài đọc Xuất hành, kể lại đoàn người xuất Ai cập rời khỏi vùng nô lệ.

Từ ngày phải làm nô lệ, bóng đêm đã dày đặc cả một dân tộc, một quốc gia.

Họ là ai? Là dân riêng Chúa ưu ái tuyển chọn. Dân Chúa ưu ái, dân được tuyển chọn lại phải sống kiếp nô lệ suốt hơn ba trăm năm. Giờ đây họ xuất hành, nghĩa là họ hy vọng ánh sáng ở phía trước đang đợi chờ.

Nhưng thực tế vẫn chưa có ánh sáng. Họ phải vượt sa mạc 40 năm ròng, hết ngày này đau khổ, đến ngày khác rát buốt mới có thể vào đất Chúa hứa...

Khi lâm vào tăm tối, Israel không thấy ánh sáng, lắm khi mất lòng tin.

Rồi mọi sự đi qua, cuộc định cư được thiết lập trên miền đất Chúa hứa. Kinh nghiệm từ những tăm tối đến vùng ánh sáng, Israel cho ta bằng chứng đức tin và sự từng trải, khi họ nhận ra lối đường diệu kỳ Chúa mang đến. Bởi thế, đêm tối trong đời đâu chỉ là mất mát, đâu chỉ là hủy diệt.



Dần dà họ khám phá cách sắc bén tình thương của Chúa. Nhất là mỗi khi Chúa kiên nhẫn chịu đựng, dìu họ đi trong đường lối và sự giáo dục của Người.

Israel chỉ khám phá tình yêu của Chúa khi mọi sự đi qua. Càng tiến xa, họ càng có thời gian để phản tỉnh, để nhận ra bàn tay uy hùng của Chúa dẫn dắt, che chở họ không bao giờ ngơi.

3. PHỤC SINH GIỮA MÀN ĐÊM CUỘC ĐỜI.

Ánh sáng Phục sinh được công bố giữa thực tại của đời sống nhuộm bóng đêm, rồi lại giữa hoàn cảnh lịch sử mà Kinh Thánh cho chúng ta tham dự vào, tôi thấy, niềm tin phục sinh thật ý nghĩa.

Nhất là được cùng thánh Gioan, người xác tín mầu nhiệm phục sinh ngay khi vừa nhìn thấy ngôi mộ trống (Ga 20, 8), tôi muốn khẳng định: Chúa chúng ta đang giải chiếu ánh sáng vào bóng đêm của trần thế hôm nay, như xưa Người giải chiếu ánh sáng huy hoàng trên đoàn dân nô lệ, dẫn họ vào vùng đất tự do. Tôi tin Chúa đang dẫn dắt thế giới như xưa Chúa dẫn đưa đoàn dân Dựu Ước từng bước từng bước một.

Vì thế, giữa bóng đêm, tôi thấy ánh nến phục sinh sáng lên. Và khi chúng ta mừng lễ Phục sinh, mừng mùa phục sinh, tôi thấy mầu nhiệm Phục sinh đang vượt thắng, đang soi rọi từng ngõ ngách của thế giới này.

Có một đáng tiếc: Nhiều ngày qua, trên các trang mạng, một số bài viết, bình luận, phát biểu một cách chủ quan về "thế giới Kitô giáo" (có ý nói đến châu Âu), không phải để cảm thông nhưng để săm soi, chỉ trích, hoặc tệ hơn: cười cợt giữa lúc bệnh dịch hoành hành dữ dội, nhiều người chết tức tưởi...

Với cái nhìn của loài người, hôm nay người này có thể tự đắc vì chiến thắng của bản thân, người kia có thể đang lầm lủi bước đi.

Nhưng với đức tin Kitô của mình, tôi muốn trưng cho anh chị em, và nếu có thể, nói với những người giáp mặt cùng cơn dịch dày đặc bóng tối: Anh chị em đang trải qua đau thương của người Dothái xưa. Anh chị em đang trải qua bóng đêm. Cho nên quá ý nghĩa, khi giữa bóng đêm mà chúng ta mừng lễ Phục sinh. Khi giữa bóng đêm mà chúng ta thắp sáng nến Phục sinh. Khi giữa trời đêm dày đặc, chúng ta tuyên xưng Chúa sống lại. Giữa bóng đêm, niềm tin chúng ta không giảm mà như tăng cao...

Đường hy vọng ở phía trước. Dân Dothái xưa khi đi trong bóng tối đã không nhìn thấy bất cứ điều gì. Nhưng sau khi mọi sự đã đi qua, họ mới nhận ra, bàn tay Chúa dẫn đưa quá diệu kỳ.

Có những lúc, Chúa phải đánh đòn chúng ta, Chúa phải giáo dục chúng ta. Chúa phải dùng ngọn roi thật đau, thật thấm thía để lôi chúng ta về phía Chúa.

Nếu hôm nay có ai đứng ngoài nhìn vào sự chết của những con người thuộc về thế giới mà tôi tạm gọi là thế giới Kitô giáo, để thấy bao nhiêu người đau khổ, gục ngã, rồi cho rằng họ bị đày đọa.

Thì đó là cái nhìn của con người, cái nhìn của hiện tại, tôi không dám phán đoán. Nhưng tôi chỉ xin: Mỗi người đều có một thân phận. Thân phận của từng người không do mình nắm số mệnh. Ai cũng tin rằng, số mệnh của đời người do một Đấng quyền năng khác nắm giữ.

Vậy, đứng trước mọi hoàn cảnh, nhất là những hoàn cảnh đầy đau thương, tê tái, là người đúng nghĩa thì không phải dùng những lời sát phạt, đả kích, gièm pha nhau để tuôn ra trong lúc này.

Nếu là người đúng nghĩa, chúng ta sẽ có ánh nhìn cảm thông, có đôi mắt ứa lệ cùng, có sự sớt chia, thương cảm.

Xin Chúa ban cho những ai đang lâm vào hoàn cảnh khổ đau, những gia đình, những phận người đang bị bóng đêm đè bẹp được nhìn thấy Ánh Sáng Phục Sinh là chính Chúa Kitô chiến thắng mà Hội Thánh đang công bố.

Xin Chúa ban cho từng người niềm hy vọng, để giữa cõi đời, nếu còn đón nhận ngọn roi Chúa giáo dục, sẽ bám vào Chúa, tin tưởng Chúa nhiều hơn.

Đặc biệt, những ngày ôn dịch đen tối, từng người càng vững vàng trong ánh sáng phục sinh của Đấng Toàn Năng, để cùng phục sinh vinh hiển với Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ kính Lòng Thương Xót 19/4/2020 tại nhà thờ Santo Spirito in Sassia
J.B. Đặng Minh An dịch
05:20 19/04/2020
Lúc 11g sáng Chúa Nhật 19 tháng Tư, Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh, cũng là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng thánh lễ trong nhà thờ Santo Spirito in Sassia, nơi chứa thánh tích của cả Thánh Faustina Kowalska và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Chúa Nhật này đánh dấu kỷ niệm 20 năm lễ tuyên thánh cho Thánh Faustina, và cũng là 20 năm ngày Đức Gioan Phaolô II thiết định trong toàn thể Giáo Hội Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót vào Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Chúa Nhật tuần trước chúng ta đã cử hành sự phục sinh của Chúa; hôm nay chúng ta chứng kiến sự phục sinh của các môn đệ Ngài. Một tuần đã trôi qua, một tuần lễ kể từ khi các môn đệ đã thấy Chúa Phục Sinh, nhưng bất chấp điều đó, họ vẫn sợ hãi, co rúm đằng sau “những cánh cửa đóng kín” (Ga 20:26), thậm chí không có khả năng thuyết phục Tôma, là người duy nhất vắng mặt, về sự phục sinh của Chúa. Chúa Giêsu làm gì khi thấy sự nhút nhát thiếu niềm tin này? Ngài trở lại và, đứng ở cùng một chỗ, “ở giữa” các môn đệ, và lặp lại lời chào của Người: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19, 26). Rồi Người bắt đầu lại từ đầu. Sự phục sinh của môn đệ Người bắt đầu từ đây, từ lòng thương xót trung thành và kiên nhẫn này, từ khám phá rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi vươn ra để nâng chúng ta dậy khi chúng ta té ngã. Người muốn chúng ta nhận ra nơi ngài, không phải như một người giao việc mà chúng ta phải giải trình công việc của mình, mà như người Cha của chúng ta, Đấng luôn nâng chúng ta dậy. Trong cuộc sống, chúng ta ngập ngừng tiến về phía trước, không chắc chắn, giống như một đứa trẻ mới chập chững bước vài bước và té ngã; một vài bước nữa và lại ngã nữa, nhưng mỗi lần cha đứa bé lại nâng nó dậy trên đôi chân của mình. Bàn tay luôn đặt chúng ta trở lại trên đôi chân của chúng ta là lòng thương xót: Chúa biết rằng nếu không có lòng thương xót của Người, chúng ta sẽ ở lại trên mặt đất; và Chúa biết rằng để tiếp tục bước đi, chúng ta cần phải được nâng dậy để đứng trên đôi chân của mình.

Anh chị em có thể phản đối: “Nhưng tôi cứ vấp ngã hoài!” Chúa biết điều này và Ngài luôn sẵn sàng nâng anh chị em dậy. Người không muốn chúng ta cứ tiếp tục suy nghĩ về những thất bại của chúng ta; đúng hơn, Chúa muốn chúng ta nhìn lên Ngài. Vì khi chúng ta ngã, Người thấy con trẻ cần được đặt trở lại trên đôi chân của chúng; trong những thất bại của chúng ta, Chúa thấy các con cái của Ngài cần đến tình yêu thương xót của Chúa. Hôm nay, trong nhà thờ đã trở thành đền thờ của lòng thương xót ở Rôma và cũng vào Chúa Nhật này, hai mươi năm trước, Thánh Gioan Phaolô II đã dành riêng cho Lòng thương xót Chúa, chúng ta vững dạ chào đón thông điệp này. Chúa Giêsu nói với Thánh Faustina: “Ta chính là tình yêu và lòng thương xót; không có sự đau khổ nhân sinh nào có thể vượt quá lòng thương xót của Ta” (Nhật ký, ngày 14 tháng 9 năm 1937). Có một lần, Thánh Nữ hài lòng nói với Chúa Giêsu rằng cô đã hiến dâng cho Người tất cả cuộc sống và tất cả những gì cô có. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu làm cô choáng váng: “Con chưa dâng lên cho Ta những điều thực sự là của con”. Có điều gì đó người nữ tu thánh thiện này giữ riêng cho mình chăng? Chúa Giêsu từ ái nói với cô rằng: “Con gái Ta, hãy dâng lên cho Ta cả những thất bại của con nữa” (10 tháng 10 năm 1937). Chúng ta cũng có thể tự hỏi mình: “Tôi đã dâng những thất bại của tôi lên Chúa chưa? Tôi có để Người thấy tôi vấp ngã để Người có thể nâng tôi lên chưa?” Hoặc là có một cái gì đó tôi vẫn giữ trong tôi? Một tội lỗi, một sự hối tiếc về quá khứ, một vết thương mà tôi có bên trong lòng, một mối hận thù với ai đó, một ý tưởng về một người cụ thể. Chúa chờ đợi chúng ta dâng lên Người những thất bại của chúng ta để Người có thể giúp chúng ta trải nghiệm lòng thương xót của Người.

Chúng ta hãy trở lại với các môn đệ. Họ đã bỏ rơi Chúa trong cuộc thương khó của Người và cảm thấy có lỗi. Nhưng khi gặp họ, Chúa Giêsu không đưa ra một bài giảng dài. Đối với họ, những người đã bị tổn thương trong lòng, Người cho họ thấy vết thương của chính mình. Bây giờ Tôma có thể chạm vào những vết thương ấy và nhận ra tình yêu của Chúa Giêsu và những đau khổ Chúa Giêsu đã phải chịu đựng cho mình, mặc dù ông đã bỏ rơi Người. Trong những vết thương đó, ông Tôma đã chạm vào đôi bàn tay dịu dàng của Chúa. Tôma đến muộn, nhưng một khi nhận được lòng thương xót, ông đã vượt qua các môn đệ khác: ông tin không chỉ mầu nhiệm phục sinh, mà còn cả tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Và ông đã thực hiện một lời tuyên xưng đơn sơ nhất và xinh đẹp nhất: “Lạy Chúa và Thiên Chúa của con!” (V. 28). Đây là sự phục sinh của người môn đệ: nó được hoàn thành khi con người yếu đuối và bị thương của anh ta bước vào trong Chúa Giêsu. Ở đó, mọi nghi ngờ được giải quyết; ở đó, Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa của tôi; ở đó, chúng ta bắt đầu chấp nhận bản thân và yêu cuộc sống như nó là.

Anh chị em thân mến, trong thời gian thử thách mà chúng ta hiện đang trải qua, cũng như Tôma, với nỗi sợ hãi và nghi ngờ, chúng ta đã trải nghiệm sự yếu đuối của mình. Chúng ta cần Chúa, Đấng nhìn thấy vẻ đẹp không thể kiềm chế vượt lên trên sự yếu đuối của chúng ta. Với Người, chúng ta tái khám phá rằng chúng ta quý giá như thế nào ngay trong sự mỏng dòn của chúng ta. Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta giống như những viên pha lê đẹp, mỏng manh nhưng đồng thời quý giá. Và, nếu là pha lê, chúng ta phải trong suốt trước mặt Người, để ánh sáng của Người - ánh sáng của lòng thương xót – có thể tỏa sáng trong chúng ta và thông qua chúng ta lan ra thế giới. Như Thư của Phêrô cho biết, đây là một lý do để “hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1 Pt 1: 6).

Trong ngày lễ Lòng Thương Xót này, thông điệp đẹp nhất đến từ Tôma, người môn đệ đến muộn; ông là người duy nhất mất tích. Nhưng Chúa chờ đợi Tôma. Lòng thương xót không bỏ rơi những người rơi lại phía sau. Bây giờ, trong khi chúng ta đang mong chờ sự hồi phục chậm chạp và cam go từ đại dịch này, có một mối nguy hiểm là chúng ta sẽ quên những người bị bỏ lại phía sau. Rủi ro là khi đó chúng ta có thể bị tấn công bởi một loại virus thậm chí còn tồi tệ hơn, đó là sự thờ ơ ích kỷ. Một loại virus lây lan bởi suy nghĩ rằng cuộc sống sẽ tốt hơn nếu nó tốt hơn cho tôi, và mọi thứ sẽ ổn nếu nó ổn với tôi. Nó bắt đầu từ đó và cuối cùng chọn người này hơn người khác, loại bỏ người nghèo và hy sinh những người bị bỏ lại trên bàn thờ những tiến bộ. Tuy nhiên, đại dịch hiện nay nhắc nhở chúng ta rằng không có sự khác biệt hay biên giới giữa những người phải chịu đựng. Tất cả chúng ta đều yếu đuối, tất cả đều bình đẳng, tất cả đều quý giá. Cầu xin cho chúng ta có thể bị rúng động sâu sắc bởi những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta: đã đến lúc xóa bỏ sự bất bình đẳng, để hàn gắn sự bất công đang làm suy yếu sức khỏe của cả gia đình nhân loại! Chúng ta hãy học hỏi từ cộng đồng Kitô giáo sơ khai được mô tả trong Tông đồ Công vụ. Họ nhận được lòng thương xót và sống với lòng thương xót: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.45 Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.” (Cv 2:44-45). Đây không phải là một ý thức hệ: đó chính là Kitô giáo.

Trong cộng đồng đó, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, chỉ có một người bị bỏ lại phía sau và những người khác chờ đợi anh ta. Ngày nay, xem ra lại xảy ra điều ngược lại: một phần nhỏ của gia đình nhân loại đã tiến lên phía trước, trong khi phần lớn vẫn còn ở phía sau. Mỗi người chúng ta có thể bị cám dỗ để nói: “Đây là những vấn đề phức tạp, chăm sóc cho những người nghèo không phải là công việc của tôi, những người khác phải quan tâm đến chuyện đó!” Thánh Faustina, sau khi gặp gỡ Chúa Giêsu, đã viết: “Trong một linh hồn đang đau khổ chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu trên thập tự giá, chứ không phải là một ký sinh trùng hay là một gánh nặng. Chúa ban cho chúng ta cơ hội để thực hành những hành vi thương xót, và cơ hội để thực hành những phán đoán” (Nhật ký 06 tháng 9 năm 1937). Tuy nhiên, một ngày nọ, chính cô đã phàn nàn với Chúa Giêsu rằng, người có lòng thương xót thường bị người đời cho là ngây thơ. Cô nói: “Lạy Chúa, họ thường lợi dụng lòng tốt của con”. Và Chúa Giêsu trả lời: “Đừng bận tâm về chuyện đó, đừng để điều đó làm phiền con, hãy luôn có lòng thương xót với tất cả mọi người” (ngày 24 tháng 12 năm 1937). Đối với mọi người: chúng ta đừng chỉ nghĩ về lợi ích của chúng ta, cho dù là những lợi ích chính đáng của chúng ta. Chúng ta hãy chào đón thời gian thử thách này như một cơ hội để chuẩn bị cho tương lai chung của chúng ta. Bởi vì không có một tầm nhìn bao quát, sẽ không có tương lai cho bất cứ ai.

Ngày nay, tình yêu đơn sơ và chậm bất bình của Chúa Giêsu làm sống lại trái tim của người môn đệ. Giống như tông đồ Tôma, chúng ta hãy đón nhận lòng thương xót, là sự cứu rỗi của thế giới. Và chúng ta hãy thể hiện lòng thương xót đối với những người dễ bị tổn thương nhất; chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể xây dựng một thế giới mới.


Source:Holy See Press Office
 
Trong thánh lễ kính lòng thương xót Chúa: ĐTC mời gọi chúng ta hãy trỗi dậy cùng với thánh Toma
Thanh Quảng sdb
07:01 19/04/2020
Trong thánh lễ kính lòng thương xót Chúa: ĐTC mời gọi chúng ta hãy trỗi dậy cùng với thánh Toma

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ Chúa Nhật kính lòng thương xót, Ngài mời gọi chúng ta hãy đón nhận tâm tình đầy yêu thương Chúa dành cho thánh Tông đồ Toma và chúng ta hãy chia sẻ lòng thương xót đó cho những người xung quanh.

(Tin Vatican - Sr Bernadette M. Reis, fsp)

Chúa Nhật tuần trước chúng ta mừng lễ phục sinh của chúa; hôm nay Đức Thánh Cha dâng lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa tại Nhà thờ kính Chúa Thánh Thần ở Saxony, cách Quảng trường Thánh Phêrô khoảng 200 mét. Thánh lễ được cử hành mà không có sự hiện diện của các tín hữu.

Các môn đệ được hồi sinh

Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết được cả tuần rồi mà các tông đồ vẫn còn sợ hãi, ẩn mình trong căn phòng đóng kín cửa! Chúa Giêsu đã hiện ra ban bình an cho các ông!

Bắt đầu lại

Đức Thánh Cha nói Chúa Giê-su khởi đầu một kỷ nguyên mới cho thế giới. Sự phục hồi cho các tông đồ của Chúa giúp các ông thành công xuyên qua một tâm lòng trung thành, lòng thương xót kiên tâm như Chúa không bao giờ mệt mỏi để nâng chúng ta lên khỏi nhưng xa ngã! Thiên Chúa là một người cha hằng nâng đỡ và vực chúng ta trỗi dậy mỗi khi chúng vấp ngã.

Đức Thánh Cha nói chúng ta hãy trở nên bàn tay, đôi chân của lòng thương xót. Dẫu Chúa biết chúng ta sẽ bị quỵ ngã, nhưng Chúa luôn chờ đón chúng ta trỗi dậy sau mỗi lần chúng ta ngã xuống!

Chúa đang chờ đợi chúng ta dâng lên cho Ngài những thất bại của ta hầu chúng ta có thể cảm nghiệm được lòng thương xót của Ngài.

Thánh Toma được phục sinh

Tất cả các môn sinh của Chúa đã bỏ rơi Chúa! Họ đều mang một mặc cảm bội phản, nhưng Chúa không đếm xỉa gì tới lầm lỗi đó; mà thay vào đó Chúa cho họ thấy các vết thương của thân thể Ngài.

Vì thánh Toma không có mặt lần đầu khi Chúa hiện ra, nên vừa hiện ra lần này, Chúa đã mời ông hãy đụng chạm vào những vết thương của Chúa để ông được vững tin và cảm nghiệm được tình yêu bao la của Chúa.

Đức Thánh Cha nói chính lúc Toma đụng chạm vào các vết thương của Chúa, ông đã được phục sinh với Chúa… Chúng ta cũng được nhận lãnh Thần khí cùng một cách thế như Toma!

Con người chúng ta rất mong manh

Thánh Toma giúp chúng ta hiểu linh hồn của chúng ta quý giá như thế nào đối với tình yêu thương của Chúa, nó tựa như viên pha lê óng ánh đẹp xinh nhưng lại mong manh dễ vỡ! Nếu đời chúng ta giống như viên pha lê, thì chúng ta phải phản ánh lòng thương xót của Chúa cho người thế...

Ánh sáng niềm tin yêu này giúp chúng ta vững tâm chờ đợi một ngày tươi sáng khi cả thế giới sẽ được hồi phục sau cơn đại dịch này!

Cái tồi tệ hơn cả đại dịch Covid-19

Đức Thánh Cha nói: Cái tồi tệ hơn cả đại dịch Vovid-19 là "Sự thờ ơ ích kỷ”. Đức Thánh Cha cầu xin chúng ta hãy học hỏi từ cộng đồng Kitô giáo tiên khởi: Họ đã nhận và cảm nghiệm được lòng thương xót, và họ đã sống với lòng thương xót đó! Họ đã bỏ mọi sự mình có, góp chung lại với nhau và phân phát cho mọi người tùy theo nhu cầu của mỗi người.

Đức Thánh Cha nói: Đây không phải là một thể chế chính trị mà đây là một mẫu sống của người Kitô hữu chúng ta.

Tương lai của chúng ta

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bài giảng của ngài bằng mời chúng ta hãy sống cuộc sống hiện tại này như là thời gian chuẩn bị cho tương lai của chúng ta.

Đức Thánh Cha nói: Nỗ lực phục hồi cần được mọi người chung sức, vì không có tương lai cho một ai đơn lẻ, như Tình yêu của Chúa Giêsu đã làm hồi sinh Toma thì lòng thương xót của Chúa cũng bao trùm tất cả, giúp chúng ta xây dựng một thế giới mới.
 
Hồng Y Nam Phi lên tiếng bênh vực quyết định ngừng tại trợ cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới
Đặng Tự Do
15:55 19/04/2020
Hôm thứ Ba 14 tháng Tư, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cáo buộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, đã phạm những sai lầm chết người và quá tin tưởng Trung Quốc.

“Tôi đang chỉ đạo chính quyền của mình tạm dừng tài trợ trong khi một cuộc tái duyệt được tiến hành để đánh giá vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới trong việc quản lý sai lầm một cách nghiêm trọng và che đậy sự lây lan của coronavirus,” ông Trump nói với các phóng viên hôm thứ Ba.

Một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư cho biết cơ quan này đã thất bại đối với người dân Hoa Kỳ.

“Người dân Mỹ xứng đáng được hưởng lợi từ WHO, nhưng điều đó đã không xảy ra, và vì thế ngay lập tức sẽ không có thêm nguồn tài trợ nào cho đến khi sự quản lý sai lầm, bao che và thất bại của nó có thể được điều tra đến nơi đến chốn”.

Quyết định của tổng thống Trump đã vấp phải những chống đối trên toàn cầu vì âu lo rằng trong lúc dầu sao lửa bỏng này vai trò của WHO rất quan trọng, và việc cắt nguồn tài trợ cho tổ chức này có thể dẫn đến các hậu quả kinh hoàng.

Tuy nhiên, cũng có những người bênh vực cho quyết định của tổng thống Trump.

Tại Úc, hôm Chúa Nhật 19 tháng Tư, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt cho rằng Úc thành công trong việc chặn đứng đại dịch coronavirus nhờ làm ngược lại các lời khuyên của WHO. Ông ủng hộ lời kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về vai trò của Trung Quốc và WHO trong trận đại dịch coronavirus kinh hoàng này, và nhấn mạnh rằng Úc đã đạt được thành công trong việc hạn chế sự lây lan của virus một phần là nhờ làm ngược lại những lời khuyên của WHO.

Tại Nam Phi, bình luận về quyết định của Tổng thống Donald Trump tạm dừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới, Đức Hồng Y Wilfrid Napier của Nam Phi đã tweet rằng “Đây không phải là thời điểm tốt nhất cho những người đã chào đời và đang lo sợ cho cuộc sống của họ dưới bàn tay của COVID-19! Nhưng đây là thời điểm TỐT NHẤT cho CÁC THAI NHI CHƯA CHÀO ĐỜI mà mạng sống đang bị đe dọa do áp lực của WHO đối với các quốc gia châu Phi đặc biệt là việc hợp pháp hóa phá thai!”

Sau đó, ngài tweet thêm rằng:

“Với lập trường kiên định mạnh mẽ chống phá thai, phải chăng tài liệu đính kèm giải thích hành động của Tổng thống Trump chống lại WHO?”

Tài liệu Đức Hồng Y Wilfrid Napier nhắc đến có tựa đề “Growing Abortion Advocacy at the World Health Organization” – “Biện minh cho phá thai ngày càng tăng tại Tổ chức Y tế Thế giới” do Học viện Nghiên cứu Dân số Thế giới - Population Research Institute - công bố.

Tài liệu, nguyên ngữ tiếng Anh có thể xem tại đây, nhận định rằng:

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ lâu đã thúc đẩy phá thai dưới chiêu bài sức khỏe. WHO từ lâu đã tuyên bố rằng việc hợp pháp hóa phá thai là rất quan trọng để giảm tỷ lệ phá thai không an toàn.

Trong nhiều năm, WHO đã xuất bản các sổ tay và các hướng dẫn lâm sàng chỉ thị cho các nhân viên y tế cách thực hiện phá thai đến 12 tuần và hơn thế nữa. Trong hơn một thập kỷ rưỡi, WHO đã ban hành các hướng dẫn cho các nhà hoạch định chính sách, và khuyến cáo họ phải kết hợp phá thai vào các chính sách và các quy định y tế.

Nhưng trong những năm gần đây, việc vận động phá thai của WHO đã dần tăng lên khi tổ chức này trở nên có tiếng nói hơn trong việc thúc đẩy chính sách phá thai an toàn. Và cuộc họp của Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 71 của WHO tại Geneva vào ngày 24 tháng 5, 2018 đã giới thiệu các chủ đề báo hiệu rằng WHO thậm chí có thể có vị thế mạnh hơn đáng kể trong việc ủng hộ phá thai trong tương lai gần.


Source:Population Research Institute
 
Trước cơn đại dịch Covid-19: Mối lo của các quốc gia không có một hệ thống y tế đầy đủ!
Thanh Quảng sdb
18:15 19/04/2020
Trước cơn đại dịch Covid-19: Mối lo của các quốc gia không có một hệ thống y tế đầy đủ!

Cơ quan Từ thiện và phát triển Công Giáo (CAFOD) đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự lây lan virus Covid-19 tại các quốc gia không có một hệ thống y tế đầy đủ và làm sao để đối phó với sự lây lan của cơn đại dịch này?

(Tin Vatican - Lydia O’ Kane)

Trong mấy tuần qua, một số quốc gia Châu Phi đã báo cáo các trường hợp lây nhiễm virut tại Nam Phi và Ai Cập đang có các cuộc bùng phát nghiêm trọng.

Cơ quan Từ thiện và phát triển Công Giáo (CAFOD) cho hay các quốc gia như Malawi, Sierra Leone và Nam Sudan thiếu các thiết bị quan trọng như máy thở và giường chăm sóc đặc biệt cho người nhiễm bệnh dịch.

Hệ thống y tế đơn sơ

Mối quan tâm lớn nhất của các quốc gia mà hệ thống y tế còn quá đơn sơ, mà nếu cơn đại dịch bị bùng phát tại các quốc gia ấy thì tình hình chắc chắn sẽ tồi tệ hơn ở Hoa Kỳ hoặc ở các nước châu Âu.

Cơ quan Từ thiện và phát triển Công Giáo (CAFOD) đang giúp đỡ các quốc gia đang phát triển đối diện với những thách thức do Covid-19 gây ra.

Ông Matthew Carter, Giám đốc Cơ quan Từ thiện và phát triển Công Giáo (CAFOD) cho hay mối quan tâm chính của họ là tổ chức nhắm tới các quốc gia ngoài châu Âu, như Sahara thuộc Châu Phi, hay các nước Á Châu, Trung Đông, Trung Mỹ và Châu Mỹ Latinh.

Tình hình các trại tỵ nạn

Ông cũng cảnh báo số lượng đông đảo các người tị nạn đang chạy trốn hoặc sống chen chúc trong các trại tỵ nạn chật chội. Sự chen chúc đó, theo ông, đang làm tăng khả năng và nguy cơ lây lan của đại dịch này!

Ông Carter nhấn mạnh đến các cộng đồng đặc biệt như ở thành phố Idlib nước Syria, nơi có gần một triệu người tị nạn sống chen chút trong các trại tỵ nạn. Ông cũng cho biết những tình huống tương tự như thế được tìm thấy ở Bangladesh, nơi có gần một triệu người tị nạn Rohingya.

Nâng cao nhận thức

Giám đốc của Cơ quan Từ thiện và phát triển Công Giáo (CAFOD) nhấn mạnh rằng chúng ta không có lựa chọn nào khác cho những nơi đó, ngoại trừ các biện pháp phòng ngừa là chìa khóa tạm thời cho thời điểm này.

Cơ quan Từ thiện và phát triển Công Giáo (CAFOD) đang nỗ lực làm việc với các nhân viên địa phương để giáo dục và nâng cao nhận thức này qua công tác giáo dục y tế...

Ông Carter cho hay rất nhiều những kinh nghiệm của chúng tôi, rút từ các chương trình trước đây, nơi Cơ quan đã làm việc và đối diện với các cơn dịch Ebola ở Tây Phi và gần đây ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Vì vậy, chúng tôi đang nghiên cứu một sự kết hợp đầy đủ về mọi lĩnh vực mà chúng tôi muốn cho cộng đồng nâng cao được các nhận thức này hầu đảm bảo được sự an toàn cho các chuyên gia và nhân viên phục vụ tại địa phương.

Tầm quan trọng của các cộng đồng đức tin

Ông Carter cho hay việc giáo dục, nâng cao những nhận thức này cần được sự hỗ trợ lớn lao của các vị lãnh đạo Giáo hội và các cộng đoàn đức tin khác để phân phát các tài liệu giáo dục, và chuyển tải sứ điệp này.

Cơ quan Từ thiện và phát triển Công Giáo (CAFOD) cũng đang quảng bá và chỉ dậy tầm quan trọng của việc năng rửa tay bằng xà phòng và chất cồn, xin mọi người thực thi hầu bảo đảm cho sự an toàn cho chính mình và cho người khác.

Đề cập tới việc thiếu các thiết bị quan trọng như máy thở, vốn không có sẵn ở một số quốc gia, ông Carter cho hay theo thống kê thì toàn thể nước Ethiopia chỉ có khoảng hai mươi cái máy thở. Đây là lý do tại sao, theo ông, Cơ quan Từ thiện và phát triển Công Giáo (CAFOD) tập trung vào sự chuẩn bị, phòng ngừa, nâng cao nhận thức là điều rất quan trọng trong lúc này. Đây là những việc cấp thiết trong thời điểm quan trọng bây giờ, chứ không phải là cách ly một thời gian 4 tuần như phần lớn các nước trên thế giới đang áp dụng!
 
Bác ái thời đại dịch coronavirus
Vũ Văn An
22:47 19/04/2020
Đại dịch coronavirus là dịp để các Kitô hữu minh chứng đức ái với những anh chị em nghèo của họ. Vì tình huống cấm cửa nói chung, họ buộc phải thích ứng các phương thức phục vụ thông thường.



Vì lệnh đóng cửa các nhà hàng và các cơ sở cung cấp các bữa ăn khác, các tổ chức Công Giáo Hoa Kỳ đã sáng chế ra nhiều đáp ứng để cung cấp các bữa ăn cho những người thiếu thốn, bất an về thực phẩm.

Tại Portland, Ohio, chẳng hạn, một tổ chức đã chọn phương thức cung ứng các bữa ăn lấy đem đi (to-go meals) thay vì mời người ta tới dùng bữa tại cơ sở của mình. Các thiện nguyện viên và nhân viên cơ hữu tại Blanchet House of Hospitality làm việc với nhau để cung cấp các bữa ăn và càphê đã đóng gói, 3 lần một ngày. Tổ chức này cung ứng 307 bữa ăn lấy đem đi vào buổi sáng.

Song song với các bữa ăn, tổ chức này cung cấp chỗ ở cho 53 người đàn ông, một điều xưa nay họ vốn đã làm. Tuy nhiên, các cư dân hiện nay rất lưu ý tới các điều kiện giữ cho họ và mọi sự được hợp vệ sinh khắp nơi trong nhà. Curtiss Goodwin, một nhân viên sống tại đây, nhận xét: “họ chăm chỉ hơn trong việc rửa tay. Một số ở trong nhà chứ không lang thang ngoài đường nữa”.

Dù nghèo, nhưng theo Curtiss, những người cư ngụ ở đây đều không tiêu cực. “Họ biết ơn vì chúng tôi có khả năng cung cấp một điều gì đó. Họ không có chỗ nào khác để đi. Tuần trước tôi thấy nhiều người hơn đến ngủ quanh nhà chúng tôi”.

Blanchet House cũng cho thấy nhiều cơ sở kinh doanh địa phương sẵn lòng giúp đỡ những người túng thiếu. Dù các tiệm tạp hóa như Trader Joe không còn tặng thực phẩm như trước đây họ vẫn làm, nhưng các trường Công Giáo phải đóng cửa vì coronavirus đã hiến tặng các thực phẩm họ không thể dọn cho các học sinh nữa.

Tại Vermont, các viên chức y tế yêu cầu một nhà chứa người vô gia cư, tên là ANEW Place of Burlington, phải trao nộp một số người cư trú nơi họ có nguy cơ cao mắc coronavirus. Mặc dù cơ quan y tế cung cấp phòng khách sạn cho các người này, nhưng họ không cung cấp bữa ăn.

Đó là lúc Jordan Easley, một giáo dân và là nhân viên của Giáo xứ Thánh Phanxicô kế cận, ra tay. Ông thành lập một nhóm e-mail với các giáo dân khác trong xứ để cung cấp các bữa ăn cho các người nói trên. Ông cho hay: “đây là cơ hội để yêu người lân cận. Đây là cách siêu dễ dàng và siêu hài lòng để phụng sự Chúa Kitô trong người nghèo”.

Song song với việc trợ giúp vật chất như trên, một số tổ chức còn nghĩ đến việc vận động cổ vũ bênh vực người nghèo trong hoàn cảnh đại dịch. Cộng đồng Lao Công Công Giáo Thánh Peter Claver ở South Bend, Indiana, yêu cầu bằng hữu thúc đẩy việc ban hành các luật lệ để cung cấp chỗ ở cho những người vô gia cư. Trong một e-mail, tổ chức này viết rằng “Mọi người khác được khuyên phải ‘về ở trong nhà", nhưng những thành viên trong cộng đồng của chúng tôi không có nơi nào để về. Càng tiếp tục ở lâu trên đường phố, họ càng dễ có nguy cơ bị lây nhiểm hơn”.

Cộng đồng Lao Công Công Giáo xin các người địa phương giúp đỡ bằng cách đòi cho có việc tài trợ khẩn cấp cho người vô gia cư trong cơn đại dịch và thúc giục họ tiếp xúc với các viên chức quận hạt. Cộng đồng cũng xin họ giúp thúc giục Quốc Hội chuẩn chi các ngân khoản cho người vô gia cư trong gói kích thích kinh tế sắp tới, và khuyến khích các cử tri tiếp xúc với các dân biểu của họ tại Washington.

Cộng đồng cho rằng “đây là dịp đầy ơn phúc để nhớ rằng chúng ta liên kết mật thiết với nhau biết chừng nào. Cầu xin sao cho mùa thách thức này trong cuộc hành trình trần thế của chúng ta kéo chúng ta vào sâu hơn trái tim đầy yêu thương cảm xót của Thiên Chúa”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Mừng lễ Chúa phục sinh thời bệnh dịch Corona
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:18 19/04/2020
Lễ mừng Chúa Giêsu Kitô phục sinh là ngày lễ khởi thuỷ của Kitô giáo. Khi Giáo hội mừng lễ Vượt qua, tưởng nhớ tới biến cố giải thoát dân Thiên Chúa khỏi cảnh sống nô lệ bên Aicập, ca tụng sự cao cả của Thiên Chúa và sự trung thành của người trong công trình sáng tạo xưa thuở ban đầu và sự sáng tạo mới trong đêm canh thức chờ đợi Chúa Giêsu Kitô chỗi dậy sống lại từ đêm tối sự chết.

Đây là đêm người có đức tin sống trải qua từ niềm thất vọng chán chường được biến đổi sang trạng thái tràn đầy niềm hy vọng phấn khởi, từ đau buồn tang tóc sang niềm vui mừng, từ sự chết biến đổi sang thành sự sống.

Nhưng năm nay cơn đại dịch bệnh Covid 19 đã làm mọi sự biến đổi ra khác!

Lễ phục sinh trọng đại của Kitô giáo và những ngày Chúa Nhật tiếp theo trong mùa phục sinh không có thể mừng rộng rãi trọng thể có giáo dân tham dự được. Niềm hy vọng nhường chỗ cho thất vọng chán nản, niềm vui mừng được thay và bằng đau buồn lo lắng, sự gặp gỡ bị giới hạn thay vì tự do, khả thể đe dọa bị lây bệnh nạn thay vì sức khoẻ. Bầu khí đời sống trong xã hội u ám trong hoang mang. Khắp nơi mọi người thu hẹp đời sống lại trong nhà mình. Gia đình tụ họp nhau xem lễ qua không gian ảo của màn hình Tivi và rồi cùng nhau đọc kinh cầu nguyện. Nhà tư sinh sống trở thành „thánh đường thu hẹp“. Nhiều người có suy luận bi quan cho đó là tai họa thảm khốc của ngày chung cuộc tận thế của thế giới!

Ngày chung cuộc tận thế được hiểu là những diễn tả mang tính cách tiên tri nói về ngày cuối cùng của thế giới. Sự tận cùng của thế giới theo thánh sử Mattheus diễn ra ở đồi Golgotha. Khi Chúa Giêsu chết trên cây thập gía :

„50 Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. 51 Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ.52 Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy.53 Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người „ ( Mt 27,50-53).

Khoa thần học đạo đức và sự loan báo tin mừng Chúa Giêsu rất khó khăn lúng túng trong việc tìm hiểu cắt nghĩa đối diện với những hình bi thảm khốc này. Nhưng trái lại kỹ nghệ làm phim ảnh lại không có suy nghĩ phê bình chỉ trích những pha hình ảnh này.

Những pha hình ảnh bi thảm hãi hùng của Kinh thánh diễn tả về ngày tận cùng của thế giới trở thành những gợi ý tưởng lạ lùng cho những cảnh đóng phim về những tai họa. Những nhà làm phim ảnh vui mừng có những cảnh tượng chung cuộc tận cùng đó. Vì những pha hình ảnh như thế sống động tạo ra cảm gíac rợn rùng da thịt kích thích sự tò mò, hấp dẫn ăn khách người xem.

Nhưng những chấm điểm về ngày chung cuộc diễn tả trong kinh thánh là niềm vui mừng về điều mới: Các mồ mả mở tung ra, sự chết bị chôn vùi và sự sống bắt đầu. Bài trình thuật sự thương khó Chúa Giêsu nói về sự chết không là điều gì sợ hãi. Nhưng dẫn đưa đến suy nghĩ về một quang cảnh lớn lao tận cùng: sự chiến thắng của Thiên Chúa, và Ngài trao ban sự chiến thắng đó cho tất cả mọi người có được sự sống.

Thánh tông đồ Phaolo cũng nhận ra tương tự như thế. Sự phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kito là nền tảng đức tin. Không có sự phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kitô sự chết sẽ không bị tiêu diệt. Sự sống lại của Chúa Giesu Kitô là lý do nền tảng của một niềm hy vọng không thể tưởng tượng ra được cho mọi người. Tất cả đều phải chết, nhưng qua nhờ Chúa Giêsu Kitô phục sinh, họ được cứu thoát khỏi sự chết dẫn đưa vào sự sống.

Sự phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kitô không thể biện hộ chứng minh theo lý luận khoa học được. Đó là sự chuyển tiếp từ thời điểm của chúng ta sang sự vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đó là sự việc của đức tin. Mà đức tin không thể bị cưỡng bức. Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của con người. Người có đức tin, tự nhận biết được giải thoát khỏi sự chết.

Và họ có thể hy vọng rằng những phục sinh nhỏ bé xảy ra trong những quãng thời gian khủng hoảng của đời sống luôn xảy ra, là dấu chỉ sự phục sinh sống lại to lớn.

Bức hình ảnh Lòng Chúa thương xót, tuy không là một tác phẩm nghệ thuật lớn lao do nhà danh họa nổi tiếng vẽ phác họa ra, nhưng lại có sức ảnh hưởng soi lòng đánh động nói với nhiêu người. Bên dưới bức ảnh có dòng chữ: „Lạy Chúa Giêsu, con trông cậy nơi Chúa.“.

Vâng, con người tín thác trông cậy vào Chúa mọi ngày trong suốt đời sống khi vui mừng hạnh phúc khoẻ mạnh, cũng như lúc gặp gian nan khốn khó gặp khủng hoảng lo âu sợ hãi bệnh nạn.

Đây là sứ điệp Chúa Nhật lòng Chúa thương xót gửi kêu gọi mọi người.

Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long
 
Văn Hóa
Tâm sự của Toma : Một chốn quay về
Sơn Ca Linh
08:16 19/04/2020
Tâm sự của Tôma theo Tin Mừng Gioan 20,19-31

Đêm bấn loạn, đêm lạc loài “Thứ Sáu”,
Ta say vùi trong giấc chập chùng quay.
Rồi thức dậy, những con đường xưa, những tháng ngày,
Mới hôm qua rượu nồng, hôm nay thành chén “chén đắng”.

Ta trốn chạy, một mình, những bước chân thầm lặng,
Thầm tính sổ đời, ôn lại những chuyện cũ tình xưa.
Sáng Ga-li-lê, chiều Ca-Phát, những con đường trưa…
Hoang vu sa mạc hay tối mịt đêm Biển Hồ giông tố….

Anh em đâu, Thầy đâu, dậy trong ta cuồng nộ,
Không lẽ chỉ một ngày mà tất cả chỉ là mơ !
Kiếp đau thương, đời khốn nạn, chờ cho đến bao giờ,
Cho đến bao giờ ta mới thấy “nhãn tiền Nước Chúa”?

Cùi đâu? Câm, què, đui, điếc… đâu? Sao không lên tiếng nói?
Mấy ngàn người kia, “5 chiếc bánh, 2 con cá”, lại quên?
Chẳng lẽ phải triệu hồi thiếu phụ Canaan, hay mụ goá Nain,
Để làm chứng cho “Đây quả thật là Người Công Chính”?

Ta cứ tưởng con đường về Sa Lem lần nầy là quyết định,
Xây vương quyền, xây mộng đẹp, xây lý tưởng tang bồng.
Có ai ngờ, đây lại “giờ” của khổ nhục, của tử vong,
Chiều Đồi Sọ, bóng tối dâng lên, đường tương lai phủ kín.

Mặc nước mắt, mặc nỗi buồn, mặc nhớ nhung bịn rịn,
Mặc râm ran đây đó, chuyện “Ngày Thứ Nhất” có “Tin vui”…
Mặc bạn bè họp nhau rồi kháo láo chuyện “dở khóc dở cười”,
Chẳng biết thiệt hư “Ngôi mộ trống”, “Thầy chúng ta đã sống lại” !

Thôi thì cứ trở về cho dẫu cõi lòng còn tê tái,
“một chốn để quay về” ít ra, còn ấm bếp lửa anh em.
Mình ta ngoài kia, càng xa càng hoang lạnh bóng đêm,
Nghĩ “bước chân Giu-đa” mà rùng mình khiếp hải !

Và mọi sự đổi thay bắt đầu từ “buổi chiều ngày hôm ấy”,
“bản tin”, “câu chuyện”, xoay quanh “Ngày Thứ Nhất trong tuần” !
Với riêng ta, mãi một đời mang một chút bâng khuâng,
Đã lỡ dại thách thức chạm “vết thương Thầy ngày thứ sáu”!

Nhưng nhờ “Lòng Chúa xót thương”, nên lòng tin vẫn hằng đau đáu
Mãi một đời tin phục: “Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con”.
Vâng, Thầy ơi, cuộc đời nầy “còn trời còn nước còn non”,
Còn một chốn để quay về, “chạm vào Thầy”, còn niềm vui sự sống !

Sơn Ca Linh (Phục Sinh 2020)
 
God bless America? Hoa Kỳ được Chúa chúc phúc
Dominic Truong
08:27 19/04/2020
God bless America? Hoa Kỳ được Chúa chúc phúc?

Tôi không phải là công dân Mỹ và cũng không sống ở Mỹ, nhưng tôi lại đặt vấn đề về nước Mỹ và cho nước Mỹ. Tôi thích nước Mỹ vì bản Hiến Pháp mà tổ phụ của họ đã đặt ra cho nước Mỹ hơn 200 năm lập quốc vẫn tuân thủ. Có những tu chính cho hợp với thời đại, nhưng các giá trị về phẩm giá con người trong bản tuyên ngôn độc lập không thể thay đổi, do đó người Mỹ vẫn thường tự hào "God bless America" (Nước Mỹ được Chúa chúc phúc - tựa một bài hát sáng tác năm 1918- trong thời thế chiến I). Có thể nói từ thế chiến I, nước Mỹ luôn dẫn dắt thế giới tự do chống lại phát xít Đức, Nhật và chống lại thế giới Cộng Sản và cho đến ngày nay mỗi khi có sự thay đổi chính quyền Mỹ đều ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Nước Mỹ có hai chính đảng, cộng hòa và dân chủ, và cứ 4 năm cả thế giới lại phải nghe những đấu đá chính trị để giành quyền cai trị, bôi xấu nhau để giành lá phiếu của cử tri. Chính trường Mỹ là thế, đừng bận tâm. Điều quan trọng là phe nào thắng cử và ảnh hưởng đến thế giới ra sao? Nước Mỹ quả thật là vĩ đại vì được chúc phúc. Chính quyền các nước chống Mỹ, đặc biệt là thế giới cộng sản chê bai chủ nghĩa tư bản, nhưng vẫn tìm mọi cách để cho con cháu du học Mỹ, và được định cư ở Mỹ thì càng tốt..

Tôi là người phò sinh (pro life) nên tôi không thích những người phò tử (pro choice), tôi quan tâm đến nước Mỹ vì vấn đề này, tổng thống nào phò sinh là tôi thích, dù là cộng hòa hay dân chủ. Từ quan điểm phò sinh nên tôi mới tự hỏi nước Mỹ còn được chúc phúc bao lâu nữa?

Thế giới hôm nay đang đảo điên vì dịch cúm tàu, chưa ai biết chính xác nước tàu thế nào vì còn bị che dấu thông tin. Theo những thông tin minh bạch ở thế giới tự do nước Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, kế đến là các nước ở châu Âu, rồi hầu hết các nước trên thế giới. Người ta đang quy kết trách nhiệm cho ĐCSTQ và Tổng Giám Đốc WHO? Người ta cho rằng bàn tay của Tập Cận Bình và Tedros nhuốm đầy máu của những người dân vô tội chết vì đại dịch, nhưng còn phải chờ xem thế giới sẽ xử trí thế nào với họ sau đại dịch?

Đứng trước đại dịch, con người mới bàng hoàng nhận ra cái quý nhất của con người là SỰ SỐNG, sinh mạng mất rồi danh vọng và tiền tài đều vô nghĩa. Đứng trước con virus vô hình người ta mới nhận ra sự bất lực của con người và quay về với THƯỢNG ĐẾ. Tiếng kinh vang vọng toàn thế giới khẩn cầu lòng thương xót của Ngài. Liệu Ngài có nghe lời cầu của chúng ta không?

Con người vốn rất lạ, khi bình an, sung túc, thành công lại muốn thay Trời hành đạo, đưa ra những luật lệ thỏa mãn cho nhu cầu của mình, đấu tranh giành giật tiền tài danh vọng, và tìm cách mời THƯỢNG ĐẾ đi chỗ khác chơi.

Có rất nhiều gợi ý cầu nguyện trong đại dịch này, nhưng lời cầu nguyện của Dân biểu Mỹ Randy Weber là lời cầu nguyện mà tôi cho là lột tả cốt lõi đã làm cho nước vĩ đại và được chúc phúc. Ông đã cầu nguyện rằng: "Cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho các nhà làm luật và thẩm phán (của nước Mỹ) vì đã ném Kinh Thánh ra khỏi lớp học,vì đã chà đạp lên hôn nhân thánh thiện mà công nhận hôn nhân đồng tính và vì đã giết những người vô tội của chúng con và cho đó là tự do lựa chọn."

Con người vốn không hoàn thiện, rất dễ mắc sai lầm, và nước Mỹ cũng không tránh khỏi sai lầm. Tôi chỉ muốn nói đến một trong ba lỗi lầm của nước Mỹ: Tu chính hiến pháp năm 1973, thường được gọi là Roe v. Wade, công nhận Pro-choice là một sai lầm của nước Mỹ. Không biết có bao nhiêu người Mỹ, từ quan tới dân nhận thức được như đại biểu Randy Weber và liệu nước Mỹ có sửa sai những lỗi lầm của mình không? Và ai sẽ sửa sai được những lỗi lầm này?

Chiến thắng của đạo luật Roe v. Wade đã đưa bao nhiêu thai nhi vào cõi chết? Theo thống kê được Google ghi chép, một năm có khoảng 56 triệu thai nhi bị sát hại trên thế giới. Nếu đem con số này so sánh với người qua đời vì đại dịch, thì người chết vì đại dịch chẳng thấm vào đâu. Đứng trước đại dịch con người nhao nhao lên án tội ác chống loài người. Vâng, tất nhiên thế giới phải lên án những tội ác chống lại loài người. Chả lẽ việc giết thai nhi không phải là tội ác chống lại loài người sao?

Không biết những người ủng hộ phá thai có bao giờ tự vấn xem cha mẹ mình có ủng hộ lập trường của mình không? Có một điều chắc chắn những bà mẹ của họ không ủng hộ họ, vì nếu các bà mẹ ủng hộ thì họ đã không có mặt trên trái đất này. Và thêm một điều chắc chắn nửa là bàn tay của những người ủng hộ phá thai đã nhuốm đầy máu của bao nhiêu thai nhi vô tội.

Tôi cho rằng tu chính hiến pháp Roe v. Wade của Mỹ đã tạo cơ hội cho những người ủng hộ phá thai giết thêm nhiều thai nhi vô tội. Họ đấu tranh nâng việc phá thai lên hàng nhân quyền hay nữ quyền, làm cho nhiều người lầm tưởng rằng đó là quyền của mình. Tự huyễn hoặc mình và u mê người khác, lầm tưởng rằng đó là quyền Trời ban cho mình mà vô tâm giết đồng loại của mình.

Con người khởi đầu sinh ra không có tự do, không ai có thể chọn nơi mình sinh ra. Bạn không thể chọn sinh ra ở châu này hay châu kia, không thể chọn sinh ra ở Mỹ hay ở Hoa cũng không thể chọn sinh ra trong gia đình giàu hay nghèo. Nhưng khi lớn lên con người có quyền tự do để lựa chọn: "chọn theo cái thiện hay cái ác". Giữa dòng đời thiện ác khó phân làm sao để nhận định được thiện hay ác. Đại dịch cúm tàu đã cho mọi người một nhận thức, cái quý nhất của con người là sự sống. Căn cứ vào điều quý nhất này để mà suy, tất cả những gì phạm đến sự sống là sự ác, và tội ác lớn nhất là tội giết đồng loại mà toàn thế giới vẫn gọi là tội ác chống lại loài người.

Chỉ cần nhìn lại nửa thế kỷ qua, đã có bao nhiêu thai nhi bị giết, và người ta đang bao che cho cái tội ác tày trời bằng những lý do - nào là để bảo vệ sức khỏe, nào là tránh được nạn nhân mãn...- và tuyên truyền đó là quyền tự do của con người. Họ cho đó là điều tốt nên làm để khỏa lấp tội ác, và siêu vi Vũ hán đã cho thấy tất cả những lý do biện minh đều không có giá trị, SỰ SỐNG mới là cái quý nhất, và GIẾT CHẾT SỰ SỐNG là TỘI ÁC.

Nếu nước Mỹ sửa sai được sai lầm của mình như lời cầu nguyện của Randy Weber. Một Bill Clinton, một Obama, một Gia dình Bill Gates, dù với những công trạng của họ với nước Mỹ và thế giới, cũng khó có thể tránh được tội ác chống lại loài người. Có thể nhiều nhà lãnh đạo các nước tự do cũng như các nước cộng sản sẽ bị đưa ra tòa án vì tội ác này - Nếu ngày nào đó có luật: phá thai là tội ác?

Tất nhiên đó là điều rất khó mà thực hiện. Sẽ có nhiều cản trở từ các chính giới Mỹ và các nhà lãnh đạo thế giới, vì quyền lợi của riêng họ. Họ sẽ tìm đủ mọi cách đánh phá để nước Mỹ không thể sửa sai. Mà theo nhận định của một vị tu hành: "thế giới ngày nay đang bị sự ác thống trị". Xin các bạn phò sự sống thêm lời cầu nguyện cho nước Mỹ sửa sai như lời cầu xin của Dân biểu Randy Weber.

Tôi xin các bạn cầu nguyện cho nước Mỹ, vì tôi tin "God bless America" qua bản hiến pháp của họ. Tổ phụ của nước Mỹ đã lập ra bản hiến pháp mà với sức người không thể làm được, họ phải nhận được ơn Trời dựa trên phẩm giá của con người để viết lên giá trị nhân sinh vào hiến pháp. Tiếc rằng các thế hệ sau này cố tình quên mất giá trị đó khi tu chính hiến pháp.

Theo ghi chép trên Google về Bill Clinton trước khi bổ nhiệm Ruth B. Ginsburg vào tối cao pháp viện năm 1993 đã phải chắc chắn bà ta ủng hộ phá thai (1); Obama đã chống đối các luật ngăn ngừa phá thai năm 1997/2008 (2); Gia đình Bill Gates đã bỏ ra 560 triệu cho thuốc ngừa thai hay phá thai (3). Bạn có thể tìm thấy rất nhiều các vị lãnh đạo các quốc gia ủng hộ phá thai trên Google. Con người đang toa rập nhau để giết thai nhi và cho đó là việc chính đáng. Không biết đến khi nào họ mới nhận thức được như Randy Weber: Đó là tội đại hình với Trời.

Hình ảnh đẹp khi người mạnh bênh vực kẻ yếu, nước giầu trợ giúp nước nghèo. Những viện trợ nhân đạo cho thiên tai, thảm họa, tất cả đều đẹp và được nhiều người nể phục, bái phục. Có lẽ Gia Đình Bill Gates xây dựng được rất nhiều hình ảnh đẹp với nhiều người dân trên thế giới về những việc hào phóng tài trợ, nhưng với bàn tay nhuốm đầy máu của thai nhi, liệu những công trình của Gia đình Bill Gates có tẩy xóa được những vết máu này hay không??? Có cần thiết phải tài trợ cho chính quyền Trung Cộng, một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngay đầu đại dịch này, trong khi không hề lên tiếng về mổ ghép nội tạng từ những người Pháp luân công trung quốc và sẵn sàng phê phán Tổng thống của mình khi Ông gọi tên "Chinese virus"? Hơi lạ! Nhưng thôi để lịch sử trả lời.

Trong các cuộc trà dư tửu hậu, nhiều người hay nói đến một thế lực ngầm điều khiển thế giới này vậy thế lực ngầm đó là ai? Nếu bạn ủng hộ sự sống, đặc biệt sự sống của các thai nhi, các bạn cứ vào Google tìm tất các chính trị gia cũng như các nhà tài phiệt trên thế giới, gõ tên cùa "họ hay tập đoàn của họ và việc phá thai". Chẳng hạn " Joe Biden and abortion" hay "Canada and abortion". Nếu ai ủng hộ chuyện phá thai, họ thường là con người hai mặt. Trước công chúng tay họ cầm chim bồ câu, sau hậu trường tay họ cầm con rắn độc. Tùy mức độ tra cứu và kiểm chứng của bạn, bạn sẽ hiểu nhiều về họ. Đồng thời tra cứu tiền của họ đầu tư vào lãnh vực nào, Các chính trị gia và các nhà tài phiệt cấu kết với nhau tạo nên một thế lực ngầm mà dân thường khó biết, hay biết một cách mơ hồ.

Theo Kinh Thánh cựu ước dân Do Thái xưa là Dân Chúa chọn, nhưng trong hơn hai thế kỷ gần đây Mỹ là nước được Thượng đế chúc phúc với bản hiến pháp tuyệt hảo, và khoảng nửa thế kỷ nay, hiến pháp đó đang bị đe dọa qua những tu chính hiến pháp. Không biết Tổng Thống Trump có điều chỉnh lại được hay không? Tôi chớm thấy một tia hy vọng khi Ông phát biểu trước hội đồng Liên Hiệp Quốc về định hướng tương lai của thế giới và khi Ông đồng hành cùng "March For Life" (Tuần hành vì sự sống) với tư cách vị Tổng Thống đầu tiên của Mỹ và Ông đã phát biểu kêu gọi chúng ta ủng hộ sự sống của các thai nhi. Nghe hai bài phát biểu không cầm giấy soạn sẵn, nói rành rọt, gãy gọn và dứt khoát về vấn đề, Ông hoàn toàn lột xác, không phải là cái Ông ăn nói lung tung trong chính trường Mỹ. Ở hai bài phát biểu đó bạn sẽ cảm nhận được con người thật của Ông. Nếu điều Ông nói không phát từ tâm tư suy nghĩ lâu ngày, Ông không thể nói chạm tới trái tim của những người yêu sự sống, xót thương cho những thai nhi bị giết. Tuy nhiên sau này lịch sử sẽ đúc kết cho chúng ta Ông là Vị Tồng Thống Vĩ Đại của Hoa Kỳ hay không? Và với lời cầu nguyện thay mặt cho nước Mỷ, Dân biểu Randy Weber đã cầu xin Thiên Chúa tha tội cho nước Mỹ vì những sai lầm trong tu chính hiến pháp "về việc quăng Kinh Thánh ra khỏi trường học, về việc công nhận hôn nhân đồng tính và về việc ủng hộ việc phá thai". Tổng Thống Trump và Dân Biểu Weber có thành công trong việc giúp nước Mỹ sám hối về những lỗi lầm của mình được không? Điều đo còn tùy thuộc rất nhiều vào cử tri Mỹ có đồng tình sám hối hay không?

Nếu nước Mỹ không sám hối như lời cầu xin của Dân Biểu Weber thì bản nhạc "God Bless America" sẽ chỉ còn trong ký ức tiếc nuối xa xưa của một thời vang bóng với những thế hệ sau này. Nhưng nếu nước Mỹ sám hối có thể giúp toàn thế giới sám hối với Trời, nếu không chuyện con người bị hủy diệt sẽ không còn xa.

Xin các bạn ủng hộ và yêu quý sự sống, ngoài những ý cầu nguyện trong đại dịch này, xin thêm lời cầu nguyện cho nước Mỷ chuyển mình sám hối, tùy theo tôn giáo của mình để các thai nhi trên toàn thế giới không còn phải bị hủy hoại vì ác tâm của một số con người.

Xin những ai phò phá thai miễn bàn luận, các bạn nên viết bài để chứng minh chuyện phá thai là đúng với Đạo của Trời Đất.

Dominic Truong

Những trích nguồn
(1) https://abcnews.go.com/Politics/president-bill-clinton-reveals-abortion-conversation-ruth-bader/story?id=66633389
(2) https://www.ontheissues.org/Social/Barack_Obama_Abortion.htm
(3) https://www.americamagazine.org/arts-culture/2019/07/26/review-melinda-gates-and-her-struggles-catholic-church
***Roe v. Wade, 22/01/1973, là một tu chính hiến pháp quyết định mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong đó Tòa án phán quyết rằng Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do của một phụ nữ mang thai có quyền phá thai mà không bị hạn chế quá mức của chính phủ. Wikipedia (tiếng Anh)
 
Video nhạc: Triệu Lời Tri Ân
Châu Đình An
08:36 19/04/2020
Triệu lời tri ân là sáng tác mới của Châu Đình An tri ân những vị anh hùng Bác sĩ, Tu Sĩ, Y Tá, Cảnh Sát, Cứu Hoả, Xe tải... là những người xả thân hy sinh mạng sống cứu giúp thế giới chống đại dịch CoronaVirus. "Million Words of Gratitude" (Music and lyrics from Châu Đình An) to Priests, Doctors, Healthcare services, Soldiers, Police, Firefighters, and heroes... who serve humanity, for us. They sacrificed their lives to save the World, fight the pandemic CoronaVirus today.


 
VietCatholic TV
Lòng Thương Xót trong bối cảnh đại dịch kinh hoàng. Bài giảng của Đức Thánh Cha Chúa Nhật 19/4/2020
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:00 19/04/2020
Lúc 11g sáng Chúa Nhật 19 tháng Tư, Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh, cũng là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng thánh lễ trong nhà thờ Santo Spirito in Sassia, nơi chứa thánh tích của cả Thánh Faustina Kowalska và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Chúa Nhật này đánh dấu kỷ niệm 20 năm lễ tuyên thánh cho Thánh Faustina, và cũng là 20 năm ngày Đức Gioan Phaolô II thiết định trong toàn thể Giáo Hội Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót vào Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Chúa Nhật tuần trước chúng ta đã cử hành sự phục sinh của Chúa; hôm nay chúng ta chứng kiến sự phục sinh của các môn đệ Ngài. Một tuần đã trôi qua, một tuần lễ kể từ khi các môn đệ đã thấy Chúa Phục Sinh, nhưng bất chấp điều đó, họ vẫn sợ hãi, co rúm đằng sau “những cánh cửa đóng kín” (Ga 20:26), thậm chí không có khả năng thuyết phục Tôma, là người duy nhất vắng mặt, về sự phục sinh của Chúa. Chúa Giêsu làm gì khi thấy sự nhút nhát thiếu niềm tin này? Ngài trở lại và, đứng ở cùng một chỗ, “ở giữa” các môn đệ, và lặp lại lời chào của Người: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19, 26). Rồi Người bắt đầu lại từ đầu. Sự phục sinh của môn đệ Người bắt đầu từ đây, từ lòng thương xót trung thành và kiên nhẫn này, từ khám phá rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi vươn ra để nâng chúng ta dậy khi chúng ta té ngã. Người muốn chúng ta nhận ra nơi ngài, không phải như một người giao việc mà chúng ta phải giải trình công việc của mình, mà như người Cha của chúng ta, Đấng luôn nâng chúng ta dậy. Trong cuộc sống, chúng ta ngập ngừng tiến về phía trước, không chắc chắn, giống như một đứa trẻ mới chập chững bước vài bước và té ngã; một vài bước nữa và lại ngã nữa, nhưng mỗi lần cha đứa bé lại nâng nó dậy trên đôi chân của mình. Bàn tay luôn đặt chúng ta trở lại trên đôi chân của chúng ta là lòng thương xót: Chúa biết rằng nếu không có lòng thương xót của Người, chúng ta sẽ ở lại trên mặt đất; và Chúa biết rằng để tiếp tục bước đi, chúng ta cần phải được nâng dậy để đứng trên đôi chân của mình.

Anh chị em có thể phản đối: “Nhưng tôi cứ vấp ngã hoài!” Chúa biết điều này và Ngài luôn sẵn sàng nâng anh chị em dậy. Người không muốn chúng ta cứ tiếp tục suy nghĩ về những thất bại của chúng ta; đúng hơn, Chúa muốn chúng ta nhìn lên Ngài. Vì khi chúng ta ngã, Người thấy con trẻ cần được đặt trở lại trên đôi chân của chúng; trong những thất bại của chúng ta, Chúa thấy các con cái của Ngài cần đến tình yêu thương xót của Chúa. Hôm nay, trong nhà thờ đã trở thành đền thờ của lòng thương xót ở Rôma và cũng vào Chúa Nhật này, hai mươi năm trước, Thánh Gioan Phaolô II đã dành riêng cho Lòng thương xót Chúa, chúng ta vững dạ chào đón thông điệp này. Chúa Giêsu nói với Thánh Faustina: “Ta chính là tình yêu và lòng thương xót; không có sự đau khổ nhân sinh nào có thể vượt quá lòng thương xót của Ta” (Nhật ký, ngày 14 tháng 9 năm 1937). Có một lần, Thánh Nữ hài lòng nói với Chúa Giêsu rằng cô đã hiến dâng cho Người tất cả cuộc sống và tất cả những gì cô có. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu làm cô choáng váng: “Con chưa dâng lên cho Ta những điều thực sự là của con”. Có điều gì đó người nữ tu thánh thiện này giữ riêng cho mình chăng? Chúa Giêsu từ ái nói với cô rằng: “Con gái Ta, hãy dâng lên cho Ta cả những thất bại của con nữa” (10 tháng 10 năm 1937). Chúng ta cũng có thể tự hỏi mình: “Tôi đã dâng những thất bại của tôi lên Chúa chưa? Tôi có để Người thấy tôi vấp ngã để Người có thể nâng tôi lên chưa?” Hoặc là có một cái gì đó tôi vẫn giữ trong tôi? Một tội lỗi, một sự hối tiếc về quá khứ, một vết thương mà tôi có bên trong lòng, một mối hận thù với ai đó, một ý tưởng về một người cụ thể. Chúa chờ đợi chúng ta dâng lên Người những thất bại của chúng ta để Người có thể giúp chúng ta trải nghiệm lòng thương xót của Người.

Chúng ta hãy trở lại với các môn đệ. Họ đã bỏ rơi Chúa trong cuộc thương khó của Người và cảm thấy có lỗi. Nhưng khi gặp họ, Chúa Giêsu không đưa ra một bài giảng dài. Đối với họ, những người đã bị tổn thương trong lòng, Người cho họ thấy vết thương của chính mình. Bây giờ Tôma có thể chạm vào những vết thương ấy và nhận ra tình yêu của Chúa Giêsu và những đau khổ Chúa Giêsu đã phải chịu đựng cho mình, mặc dù ông đã bỏ rơi Người. Trong những vết thương đó, ông Tôma đã chạm vào đôi bàn tay dịu dàng của Chúa. Tôma đến muộn, nhưng một khi nhận được lòng thương xót, ông đã vượt qua các môn đệ khác: ông tin không chỉ mầu nhiệm phục sinh, mà còn cả tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Và ông đã thực hiện một lời tuyên xưng đơn sơ nhất và xinh đẹp nhất: “Lạy Chúa và Thiên Chúa của con!” (V. 28). Đây là sự phục sinh của người môn đệ: nó được hoàn thành khi con người yếu đuối và bị thương của anh ta bước vào trong Chúa Giêsu. Ở đó, mọi nghi ngờ được giải quyết; ở đó, Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa của tôi; ở đó, chúng ta bắt đầu chấp nhận bản thân và yêu cuộc sống như nó là.

Anh chị em thân mến, trong thời gian thử thách mà chúng ta hiện đang trải qua, cũng như Tôma, với nỗi sợ hãi và nghi ngờ, chúng ta đã trải nghiệm sự yếu đuối của mình. Chúng ta cần Chúa, Đấng nhìn thấy vẻ đẹp không thể kiềm chế vượt lên trên sự yếu đuối của chúng ta. Với Người, chúng ta tái khám phá rằng chúng ta quý giá như thế nào ngay trong sự mỏng dòn của chúng ta. Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta giống như những viên pha lê đẹp, mỏng manh nhưng đồng thời quý giá. Và, nếu là pha lê, chúng ta phải trong suốt trước mặt Người, để ánh sáng của Người - ánh sáng của lòng thương xót – có thể tỏa sáng trong chúng ta và thông qua chúng ta lan ra thế giới. Như Thư của Phêrô cho biết, đây là một lý do để “hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1 Pt 1: 6).

Trong ngày lễ Lòng Thương Xót này, thông điệp đẹp nhất đến từ Tôma, người môn đệ đến muộn; ông là người duy nhất mất tích. Nhưng Chúa chờ đợi Tôma. Lòng thương xót không bỏ rơi những người rơi lại phía sau. Bây giờ, trong khi chúng ta đang mong chờ sự hồi phục chậm chạp và cam go từ đại dịch này, có một mối nguy hiểm là chúng ta sẽ quên những người bị bỏ lại phía sau. Rủi ro là khi đó chúng ta có thể bị tấn công bởi một loại virus thậm chí còn tồi tệ hơn, đó là sự thờ ơ ích kỷ. Một loại virus lây lan bởi suy nghĩ rằng cuộc sống sẽ tốt hơn nếu nó tốt hơn cho tôi, và mọi thứ sẽ ổn nếu nó ổn với tôi. Nó bắt đầu từ đó và cuối cùng chọn người này hơn người khác, loại bỏ người nghèo và hy sinh những người bị bỏ lại trên bàn thờ những tiến bộ. Tuy nhiên, đại dịch hiện nay nhắc nhở chúng ta rằng không có sự khác biệt hay biên giới giữa những người phải chịu đựng. Tất cả chúng ta đều yếu đuối, tất cả đều bình đẳng, tất cả đều quý giá. Cầu xin cho chúng ta có thể bị rúng động sâu sắc bởi những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta: đã đến lúc xóa bỏ sự bất bình đẳng, để hàn gắn sự bất công đang làm suy yếu sức khỏe của cả gia đình nhân loại! Chúng ta hãy học hỏi từ cộng đồng Kitô giáo sơ khai được mô tả trong Tông đồ Công vụ. Họ nhận được lòng thương xót và sống với lòng thương xót: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.45 Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.” (Cv 2:44-45). Đây không phải là một ý thức hệ: đó chính là Kitô giáo.

Trong cộng đồng đó, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, chỉ có một người bị bỏ lại phía sau và những người khác chờ đợi anh ta. Ngày nay, xem ra lại xảy ra điều ngược lại: một phần nhỏ của gia đình nhân loại đã tiến lên phía trước, trong khi phần lớn vẫn còn ở phía sau. Mỗi người chúng ta có thể bị cám dỗ để nói: “Đây là những vấn đề phức tạp, chăm sóc cho những người nghèo không phải là công việc của tôi, những người khác phải quan tâm đến chuyện đó!” Thánh Faustina, sau khi gặp gỡ Chúa Giêsu, đã viết: “Trong một linh hồn đang đau khổ chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu trên thập tự giá, chứ không phải là một ký sinh trùng hay là một gánh nặng. Chúa ban cho chúng ta cơ hội để thực hành những hành vi thương xót, và cơ hội để thực hành những phán đoán” (Nhật ký 06 tháng 9 năm 1937). Tuy nhiên, một ngày nọ, chính cô đã phàn nàn với Chúa Giêsu rằng, người có lòng thương xót thường bị người đời cho là ngây thơ. Cô nói: “Lạy Chúa, họ thường lợi dụng lòng tốt của con”. Và Chúa Giêsu trả lời: “Đừng bận tâm về chuyện đó, đừng để điều đó làm phiền con, hãy luôn có lòng thương xót với tất cả mọi người” (ngày 24 tháng 12 năm 1937). Đối với mọi người: chúng ta đừng chỉ nghĩ về lợi ích của chúng ta, cho dù là những lợi ích chính đáng của chúng ta. Chúng ta hãy chào đón thời gian thử thách này như một cơ hội để chuẩn bị cho tương lai chung của chúng ta. Bởi vì không có một tầm nhìn bao quát, sẽ không có tương lai cho bất cứ ai.

Ngày nay, tình yêu đơn sơ và chậm bất bình của Chúa Giêsu làm sống lại trái tim của người môn đệ. Giống như tông đồ Tôma, chúng ta hãy đón nhận lòng thương xót, là sự cứu rỗi của thế giới. Và chúng ta hãy thể hiện lòng thương xót đối với những người dễ bị tổn thương nhất; chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể xây dựng một thế giới mới.


Source:Holy See Press Office
 
Úc yêu cầu điều tra cả Trung Quốc và WHO, hạn chế được đại dịch nhờ làm ngược lại lời khuyên của WHO
Giáo Hội Năm Châu
14:59 19/04/2020


1. Úc yêu cầu điều tra cả Trung Quốc lẫn WHO về trách nhiệm đối với đại dịch coronavirus

Tính đến chiều Chúa Nhật 19 tháng Tư, tử vong toàn thế giới đã lên đến 160,835 người, trong số 2,334,459 trường hợp nhiễm coronavirus. Như thế, trong 24 giờ qua đã có thêm 6,505 người chết và 81,930 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại Hoa Kỳ nơi đến nay đã có 39,015 người chết và 738,923 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Trong 24 giờ qua, Hoa Kỳ tổn thất 1,867 người và thêm 29,057 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Hôm Chúa Nhật 19 tháng Tư, Úc đã lên tiếng kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về phản ứng trên toàn cầu đối với đại dịch coronavirus, bao gồm cả việc xử lý khủng hoảng của Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO.

Tổng trưởng Ngoại giao Marise Payne cho biết Úc sẽ tạo các áp lực để có một cuộc điều tra về phản ứng ban đầu của Trung Quốc trước sự bùng phát ở Vũ Hán, thành phố nơi COVID-19 xuất hiện vào cuối năm ngoái.

“Chúng tôi cần biết các chi tiết mà một đánh giá độc lập sẽ xác định cho chúng ta về nguồn gốc của virus, về các đường lối đối phó với nó, trong đó đề cập đặc biệt đến sự cởi mở trong việc chia sẻ thông tin”.

Payne cho biết Úc chia sẻ những lo ngại tương tự như Hoa Kỳ, khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc rằng WHO đã xử lý sai lầm trong cuộc khủng hoảng và cố tình che đậy sự nghiêm trọng của tình trạng dịch bệnh tại Trung Quốc trước khi nó lan rộng ra thế giới.

Giải thích về ý tưởng một cơ chế điều tra độc lập, bà Payne giải thích như sau:

“Tôi quan ngại liệu chúng ta có thể tin vào một tổ chức y tế chịu trách nhiệm phổ biến rất nhiều tài liệu truyền thông quốc tế và thực hiện nhiều công việc điều tra và tham gia từ sớm, nay lại tham gia vào cơ chế đánh giá này không”.

“Điều đó đối với tôi giống như vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Payne cho biết thêm, bà tin rằng các thiệt hại gây ra từ đại dịch này đã thay đổi mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc theo một nghĩa nào đó, với mối quan tâm của bà xung quanh sự minh bạch của Bắc Kinh bây giờ là “một điểm rất cao”.

2. Bộ trưởng Y tế Greg Hunt cho rằng Úc thành công trong việc chặn đứng đại dịch coronavirus nhờ làm ngược lại các lời khuyên của WHO

Bộ trưởng Y tế Greg Hunt ủng hộ lời kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về vai trò của Trung Quốc và WHO trong trận đại dịch coronavirus kinh hoàng này, và nhấn mạnh rằng Úc đã đạt được thành công trong việc hạn chế sự lây lan của virus một phần là nhờ làm ngược lại những lời khuyên của WHO.

Tính đến chiều Chúa Nhật 19 tháng Tư, Úc đã ghi nhận 6, 586 trường hợp nhiễm coronavirus, trong đó có 70 trường hợp tử vong. Số các trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận chỉ vài chục người trong một ngày.

Úc là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng lệnh cấm du lịch từ Trung Quốc.

“Theo tiêu chuẩn toàn cầu, Úc đã có thể có một kết quả rất quan trọng và thành công trong việc chặn đứng lây lan, nhưng chúng tôi đã làm được điều đó bằng cách tuân theo các chỉ dẫn mà các chuyên gia y tế của chúng tôi ở Úc đặt ra,” ông Hunt nói.

“Ngày 1 tháng Hai, khi chúng tôi ra lệnh cấm du lịch từ Trung Quốc, chúng tôi đã vấp phải những chỉ trích gay gắt từ phía các quan chức Trung Quốc, và một số quan chức của WHO ở Geneva.”

Ông Hunt nhận xét rằng mặc dù WHO đã thực hiện tốt việc phòng chống các bệnh như bại liệt, sởi và sốt rét, nhưng phản ứng của họ đối với coronavirus “đã chẳng giúp gì cho thế giới”.

“Chúng tôi đã làm rất tốt vì chúng tôi đã đưa ra quyết định của riêng mình với tư cách là một quốc gia,” ông nói thêm.

Trong những tuần gần đây, Úc đã chứng kiến tỷ lệ các trường hợp nhiễm bệnh mới chậm lại một cách đáng kể, các giới chức y tế hàng đầu tuyên bố nước này đã chặn đứng được tình trạng lây nhiễm.

Những hạn chế cứng rắn đối với việc di chuyển và tập hợp được thiết lập để duy trì ít nhất là trong một tháng tới khi các quan chức cố gắng kiểm soát sự lây lan của coronavirus.

3. 5 câu châm ngôn từ Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh có thể giúp bạn vượt qua đại dịch coronavirus

Ký giả Laura Dittus của tờ National Catholic Register của Hoa Kỳ có bài viết về 5 câu châm ngôn từ Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh có thể giúp chúng ta vượt qua đại dịch coronavirus.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch sang Việt Ngữ của ….

5 câu châm ngôn này có thể được tóm tắt bằng câu nói được Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh lặp đi lặp lại: “Hãy cầu nguyện, hy vọng và đừng lo lắng”

Đầu năm nay, tôi đã tìm đọc một số sách tiếng Tây Ban Nha để cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ và nghĩ rằng sẽ tốt hơn khi đọc một tiểu sử truyền cảm hứng. Tôi thực không ngờ Chúa đã quan phòng cách kỳ diệu cho tôi, để tôi chọn một cuốn sách nói về Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh thành Pietrelcina.

Cha Thánh Piô không chỉ là một vị thánh được mang Năm Dấu Thánh Chúa, nhưng còn đặc biệt hơn là ngài còn có khả năng xuất hiện ở cả hai nơi cùng một lúc. Ngài có các đặc sủng khi giải tội và trong nhiều trường hợp khác nữa. Tuy nhiên, có một điều không mấy khi được nhắc đến, nhưng có tính chất thời sự đối với chúng ta trong giai đoạn này, là ngài đã từng sống qua đại dịch cúm Tây Ban Nha kinh hoàng, một đại dịch tàn khốc xảy ra vào đầu thế kỷ 20. Thật là an ủi trong thời đại hiện nay khi có những vị thánh đã sống qua thời kỳ dịch bệnh này để chúng ta chạy đến nhờ các ngài cầu thay nguyện giúp, đồng thời học hỏi từ những vị thánh ấy những câu nói truyền cảm hứng và những tấm gương về một cuộc sống đạo đức. Cha Thánh Piô là một trong những vị này này.

Cha Thánh Piô là một nhân vật đầy ấn tượng rồi, nhưng ngài có một mối quan hệ đặc biệt với thời điểm đại dịch này vì chính ngài đã nhiễm virus H1N1 là con virus đã gây ra đại dịch Cúm Tây Ban Nha, kéo dài từ tháng Giêng 1918 đến tháng 12, 1920, lây nhiễm 500 triệu người, tức là 1 phần 3 dân số thế giới vào thời đó, và giết chết ít nhất 17 triệu người, có các tài liệu còn cho rằng có đến 50 triệu trường hợp tử vong. Ngài đã nhiễm virus H1N1 sau khi có Năm Dấu Thánh Chúa trên người không bao lâu. Một vài vị thánh đã nhiễm virus H1N1 và đã chết vì con virus đó như hai thánh Francisco và Jacinta Marto, là hai trong ba trẻ đã được thấy Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Cha Piô bị nhiễm virus nhưng đã hồi phục và tiếp tục sống một cuộc đời linh mục đầy hoa trái và hương thơm thánh thiện sau giai đoạn đó của cuộc đời.

Sau khi tìm hiểu một chút về cuộc sống của Cha Piô, tôi muốn tìm hiểu sâu hơn một chút về các tác phẩm của ngài. Khi đọc các bài viết của Cha Piô, tôi tình cờ gặp một số câu thật khôn ngoan, thật đáng khích lệ trong ánh sáng của những gì đang xảy ra trong thế giới của chúng ta ngày hôm nay, mặc dù tôi đã đọc những lời ấy vài tháng trước khi “social distance”, hay “khoảng cách xã hội”, trở nên một cụm từ thông dụng tại Mỹ. Một trong những trích đoạn trong những lá thư của Cha Piô mà tôi đọc lại vào tháng Hai năm nay được viết vào năm 1917 cho một trong những cô con gái tinh thần của ngài, là cô Antonietta Vona. Trong bức thư đó, ngài viết như sau:

Đừng lo sợ về bất kỳ tác hại nào trong tương lai có thể xảy ra với con trên thế giới này, bởi vì có lẽ điều đó có thể sẽ không xảy ra với con, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào nếu nó đến với con, Chúa sẽ cho con sức mạnh để chịu đựng nó... Nếu Chúa để con phải trải qua vùng nước đầy bão tố của nghịch cảnh, đừng nghi ngờ, đừng sợ hãi. Chúa luôn bên cạnh con. Hãy có can đảm và con sẽ được bình an. (Thư III, trang 833)

Đoạn văn này đưa ra cho chúng ta nhiều ủi an. Chúng ta được khuyên đừng “sợ hãi trước bất kỳ tác hại nào trong tương lai” vì nó có thể không bao giờ xảy ra. Chúng ta cũng được khuyên “hãy có can đảm”. Ở đây, ta nhớ rằng những lời mà Cha Piô viết là vào năm 1917, có thể không liên quan gì đến đại dịch sẽ xảy ra sau này ở Ý, từ 1918 đến 1919, nhưng được đưa ra trước sự kiện đó và vì thế chắc chắn đã an ủi cô con gái tinh thần của ngài khi trận dịch xảy ra.

Trong cùng một bức thư, Cha Piô cũng đưa ra cho Antonietta một số cụm từ nhất định để in sâu vào tâm hồn cô: “Đây là điều cha cảm thấy phải nói với con hôm nay trong Chúa: Để có thể sống một cuộc đời đạo đức liên tục, con hãy ghi nhớ một số câu châm ngôn xuất sắc và mạnh mẽ này trong tâm hồn con.” (Thư III, tr. 830)

Năm câu châm ngôn mà Cha Piô dành cho cô trong bức thư này là:

“Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rôma 8:28)

“Thiên Chúa là Cha chúng ta”

“Các con có thiếu thốn gì không?” (Luca 22:35)

“Đời đời”

“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gal 6:14)

Những câu châm ngôn này tốt cho bất kỳ dịp nào, nhưng ta có thể thấy giá trị đặc biệt của những châm ngôn ấy khi phải sống trong tình huống đại dịch này. Sự thật rằng “Thiên Chúa là Cha chúng ta” mang lại niềm an ủi rằng chúng ta luôn ở dưới sự chăm sóc quan phòng của Ngài, được yêu thương và bảo vệ, và rằng, ngay cả nếu chúng ta phải kinh qua những tình huống khó khăn, Chúa luôn ở với chúng ta.

Tôi thấy các châm ngôn trên thật là hữu ích vào thời điểm này, thêm vào đó tôi cũng muốn nhắc đến một cụm từ thường được Cha Piô lặp đi lặp lại: “Hãy cầu nguyện, hy vọng, và đừng lo lắng.” Những lời này có thể đóng vai trò như một phương châm nổi bật cho thời gian này, và thật sự đối với bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta luôn được kêu gọi để cầu nguyện, để tin tưởng vào Chúa, và đừng đầu hàng trước những lo lắng của chúng tôi.

Xin Cha Piô cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, và cho chúng ta nhận ra đang được sống khoảnh khắc hiện tại trong sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa. Xin cho chúng ta có thể nghe vang vọng những lời này của ngài - “Quá khứ của con, lạy Chúa, xin dâng lên lòng thương xót Chúa; hiện tại của con, xin phó dâng cho tình yêu Chúa; và tương lai con, xin tín thác nơi sự quan phòng của Người” - và hãy lấy những lời này làm những lời cầu nguyện của chúng ta, và phó thác cho sự bảo vệ của Cha chúng ta ở trên trời, cùng với sự cầu bầu của Mẹ Thiên Chúa.