Ngày 19-04-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:22 19/04/2015
THAY ĐỔI THẤT THƯỜNG
N2T

Ở nước Tống có một người nuôi rất nhiều khỉ chó, ông ta rất hiểu lòng dạ của chúng nó, khỉ chó cũng biết làm cho ông chủ vui lòng. Ông ta thà để người trong nhà ăn cơm thiếu, nhưng luôn cho lũ khỉ chó có cảm giác thoả mãn khi ăn.
Không bao lâu lương thực không đủ dùng, chỉ có cách là hạn chế phần ăn của lũ khỉ chó, ông bèn nói với chúng:
- “Từ nay về sau cho chúng bây ăn hạt dẻ, buổi sáng ba hạt, buổi tối bốn hạt, đủ ăn chứ?” lũ khỉ chó không bằng lòng, rộ lên giận dữ.
Một lát sau, người nuôi khỉ lại thay đổi chủ trương như sau:
- “Vậy thì buổi sáng bốn hạt, buổi tối ba hạt, toàn bộ như thế đã đủ ăn chưa?”
Lũ khỉ chó cho rằng đã tăng thêm phần ăn, nên tất cả đều thích chí không thôi.
( Liệt tử)

Suy tư:
Khỉ là loài linh trưởng, có tài bắt chước, so với các loài vật khác thi khỉ là loài thông minh, nhưng cho dù thông minh đến đâu thì khỉ vẫn là khỉ, dù thông minh đến đâu cũng không thể giống như con người. Theo thuyết tiến hoá của ông Darwin thì loài vượn là tổ tiên của con người, nhưng cả mấy vạn năm qua con người ngày càng phát triển vượt bậc đến mức kiêu ngạo đòi thay Thiên Chúa vắt trời ra nước, làm mưa làm gió, vậy mà loài khỉ loài vượn cứ là khỉ là vượn, chẳng vượt qua con người về trí óc cũng như trong cung cách sinh hoạt.
Giống khỉ là như thế, cho ăn ba hạt buổi sáng và bốn hạt buổi tối, thì cũng giống như buổi sáng bốn hạt và buổi tối ba hạt, số lượng vẫn là bảy, vậy thì chỉ có khỉ mới vui vẻ và phấn khởi khi đổi ngược con số lại.
Con người ta tuy không phải là loài khỉ, nhưng cũng có những lúc tâm của ta biến thành khỉ khi chúng ta tham lợi, khi chúng ta tham danh, khi chúng ta tham sắc dục, mà lòng tham thì luôn thay đổi, nó không dừng lại ở một điểm nào miễn là có lợi cho bản thân.
Người có lòng tham thì luôn luôn thay đổi suy nghĩ cho phù hợp với lòng tham của mình, nên họ không coi trọng tình nghĩa, họ không trọng danh dự, không thích nói chuyện đạo đức, và họ sẵn sàng từ bỏ mọi sự để được thỏa mãn lòng tham...
Cũng có những lúc tôi đánh mất ơn thiên triệu của mình vì lòng tham, bởi vì tôi đã cung nghinh lòng tham đặt vào trong lòng mình, mà đem Đấng tạo dựng nên mọi sự là Thiên Chúa quẳng ra ngoài đường.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:24 19/04/2015
N2T

12. Con người ta nếu chỉ biết yêu chuộng và mong muốn sự vật muôn đời thì mới là có phúc; người như thế thì không vì hoàn cảnh thuận lợi mà tự cao và không vì nghịch cảnh mà lay động, họ ở thế gian này không có gì là yêu và cũng không có gì là sợ.

(Thánh Gregorius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kỳ thi giáo lý học kỳ I năm học 2014 – 2015 tại giáo xứ Sơn La
Micae Phạm Ánh
11:16 19/04/2015
Sáng nay, Chúa Nhật II PS, ngày 19 tháng 04 năm 2015, các em học sinh ở các lớp, Căn bản 3, Kinh Thánh 3, Căn bản 2, Kinh thánh 1 trên toàn giáo hạt Bột Đà đã bước vào kỳ thi giáo lý học kỳ I năm học 2014 - 2015.

Hình ảnh

Kỳ thi năm nay cùng giống các kỳ thi năm trước đó là thi với 3 chung: chung đề thi, chung ngày và chung giờ thi.

Tại giáo xứ Sơn La, sau thánh lễ khai mạc năm thánh giáo phận tại giáo xứ Sơn La, hội đồng coi thi và các em học sinh đã làm các thủ tục để bước vào phòng thi.

Ông Micae Võ Văn Đương chủ tịch Hội đồng coi thi đã nhắc nhở các em về nội quy của kỳ thi, nhằm giúp các em hiểu và làm bài tốt tránh gian lận trong thi cử.

Trước khi phát đề thi, các em học sinh đã được hội đồng coi thi cho kiểm tra niêm phong đề thi để bảo đảm đề thi vẫn được giữ bí mật cho tới khi phát đề thi.

Đúng 09h00, các em đã bước vào thời gian làm bài.

Cấu trúc đề: đối với các lớp Căn bản có 20 câu trắc nghiệm, 2 câu học thuộc và 1 câu suy luận

Đối với các lớp Kinh Thánh và vào đời, có 20 câu trắc nghiệm, 3 câu suy luận. Thời gian làm là 60 phút không kể thời gian giao đề

Ngay sau khi nhận được đề thi, các em đã nghiêm túc làm bài, không có tình trạng quay cóp, hỏi bài hay sử dụng tài liệu.

Buổi chiều: Đúng 13h00’, các em học sinh của các lớp: Vào đời, Kinh Thánh 2, Căn Bản 1 đã bắt đầu làm thủ tục để bước vào phòng thi.

Hội đồng coi thi đã ghi số báo danh và nhắc nhở nội quy và cho các em xem các bộ đề thi vẫn còn được niêm phong.

Sau khi xin ơn soi sáng và nhận đề thi, các em đã bước vào làm đề thi một cách nghiêm túc, không có tình trạng gian lận trong thi cử.

Tỉ lệ tham gia thi giáo lý của các em đạt 95%, còn một số em vì nhiều lí do không thể tham gia kỳ thi này thì sẽ thi lại vào Chúa Nhật IV PS.

Kỳ thi giáo lý năm nay đã diễn ra cách tốt đẹp và trang nghiêm. Một mùa gặt hái những thành quả của các me học sinh và của cả các thầy cô giáo lý viên. Hy vọng mọt kết quả bội thu sẽ tạo niềm tin cho học kỳ II đạt kết quả cao hơn và nhất là tạo nền tảng vững chắc cho đời sống đức tin, luân lý và bí tích cho các em sau nay.
 
Caritas xứ Trại Lê, GP Vinh khám bệnh phát thuốc cho bệnh nhân nghèo
Anthony Công Trần
11:24 19/04/2015
GIÁO XỨ TRẠI LÊ: TỔNG KẾT BA NGÀY MỔ MẮT, KHÁM CHỮA BỆNH VÀ PHÁT THUỐC MIỄN PHÍ, CHIÊU ĐÃI BỮA CƠM HUYNH ĐỆ CHO NHỮNG BỆNH NHÂN NGHÈO LƯƠNG TRONG CÁC XÃ HUYỆN LÂN CẬN.

Từ ngày 17 – 19/04/2015, Caritas Giáo xứ Trại Lê hợp tác với Nhóm thiện nguyện viên Lòng Thương Xót Chúa, cùng quý thầy ĐCV Vinh – Thanh, và đặc biệt các bác sĩ chuyên khoa mắt đến từ Sài Gòn, thực hiện đợt khám mổ mắt và phát thuốc miễn phí cho bà con lương giáo trong hạt Can Lộc và các xã, huyện lân cận.

Xem Hình

“Anh em hãy vui lòng phục vụ như thể phục vụ Chúa”(Ep 6,7). Đó là tâm tình của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô, và cũng là tâm tình chung của bà con giáo xứ Trại Lê trong lần phục vụ chương trình khám mổ mắt và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo lương giáo được tổ chức tại giáo xứ mình. Bởi thế, sau ba ngày làm việc cật lực, vui vẻ nhiệt tình. Con số bệnh nhân đến thăm khám, mổ mắt và nhận thuốc miễn phí là 1240 người. Trong số đó có 188 người được thay thủy tinh thể và bóc mộng thịt; 370 người được khám bệnh đại trà và nhận thuốc; 682 người được khám mắt và các chứng bệnh thần kinh và nhận thuốc điều trị theo phác đồ của các bác sĩ.

Điều đọng lại trong tâm hồn của mỗi một bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân khi đến đây, là tinh thần quảng đại, hy sinh phục vụ vui vẻ, hiền hậu của đội ngũ y bác sỹ, của những người phục vụ hướng dẫn bệnh nhân và cả những người nội trợ. Đặc biệt là lòng yêu thương, nhiệt tâm lo lắng của Cha Giuse Trần Đức Ngợi- quản xứ Trại Lê. Trong suốt thời gian 3 ngày, Cha Giuse luôn có mặt từ lúc sáng sớm cho đến chiều tối sắp xếp mọi công tác tổ chức của chương trình, tận tình hướng dẫn cho từng bệnh nhân, điều phối số bệnh nhân đến thăm khám một cách vui vẻ, trật tự văn minh theo tinh thần “văn hóa xếp hàng”; ngài động viên khích lệ những bệnh nhân trước và sau khi vào phòng mổ và phòng hậu phẩu.

Dù số lượng bệnh nhân đông đảo như thế, công việc vất vả khó nhọc, cộng với thời tiết đầu hè khắc nghiệt, nhưng ai cũng tỏ ra luôn mang trong mình một niềm vui. Vui vì được phục vụ Chúa nơi “những anh chị em nghèo khó”, vì "Tôi đã là đôi mắt cho người mù, đôi chân cho người què." (G 29,15 – sứ điệp Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 23). Điều đặc biệt, là tất cả mọi người về đây không những được khám mổ mắt và phát thuốc miễn phí, mà còn được phục vụ những bữa cơm trưa Buffet hoàn toàn miễn phí. Với cách ăn Buffet mới mẻ này, mọi người có cơ hội giao lưu gặp gỡ, và để mọi người lương cũng như giáo được hòa đồng xích lại gần nhau hơn.

Những ngày khám chữa bệnh trôi qua, nhưng tình thân ái yêu thương vẫn còn đọng lại mãi trong trái tim của mỗi người. Đó như là một dấu chỉ của Lòng Thương Xót Chúa được chiếu tỏa trong những thách đố của cuộc sống trầm luân này. Với con người, đôi mắt không chỉ là cửa sổ mở ra thế giới bên ngoài, mà nó còn là “cửa sổ của tâm hồn”, là yếu tố bộc lộ rõ nhất cảm xúc. Thật thế, “Nếu mắt anh sáng thì toàn thân anh sẽ sáng”.

Trong một thế giới xô bồ, bon chen, xảo trá và tính ích kỷ lên ngôi, thì cần lắm những tấm lòng quảng đại của những cá nhân, tập thể, để chiếu tỏa và trao ban niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh đến với hết thảy mọi người, và cùng nhau thắp sáng lên ngọn lửa yêu thương giữa lòng thế giới hôm nay.

PV. Anthony Công Trần.
 
Đại hội di dân giáo phận Phú Cường
Ban Di Dân Phú Cường
13:52 19/04/2015
Vào lúc 14g30 Chúa Nhật, 19.04.2015 – Khai mạc Đại Hội Di Dân Phú Cường tại giáo xứ Bà Trà, thuộc giáo phận Phú Cường.

Đến giờ đã định, có khoảng 500 anh chị em di dân tề tựu trong khuôn viên sân nhà thờ và chương trình sinh hoạt khởi động bắt đầu, với sự hướng dẫn của cha Matthêu Phan Thanh Hoàng làm cho bầu khí trở nên sinh động và mọi người thêm phấn chấn hơn.

Xem Hình

Kế đến, theo chương trình cha Phêrô Nguyễn Đình Dung – Đặc Trách Di Dân Giáo Phận – long trọng tuyên bố khai mạc Đại Hội với chủ đề: “Di Dân – Muối, Men Cho Đời” trong ánh sáng pháo hoa và tràng pháo tay vang lên; đồng thời, ca khúc chủ đề “Tiếng Gọi Xây Đời” (Lm Thanh Yên) được trỗi lên cùng với làn điệu sôi động của vũ đoàn “Thừa Sai Đức Tin & Bà Trà”:

Hãy trở nên ánh sáng cho cuộc đời,
Như muối cho dương trần
Như nhúm men trong bột
Bừng lên một sức sống mới.
Vì lòng yêu mến Chúa yêu mọi người,
Thôi thúc ta xây đời
Từ trái tim con người
Nồng say tình Chúa yêu thương. ..


Tiếp theo, cha Giuse Đào Nguyên Vũ, SJ – Tổng Thư Ký Ủy Ban Di Dân trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – được mời tiến lên lễ đài chào mừng, chúc Đại Hội thành công tốt đẹp và cùng chia sẻ về những vấn đề liên quan đến sứ vụ của người di dân Việt Nam hôm nay.

Sau đó, cha FX Nguyễn Minh Thiệu, SDB thuyết trình chuyên đề “Di dân – Muối, Men Cho Đời” bằng những cách thức đi vào lòng đời rất cuốn hút và đặc biệt, trong đó có vấn đáp trao đổi rất nhiệt tình giữa thuyết trình viên với cử tọa và có kèm theo những phần quà thưởng dành cho những câu trả lời đúng và hay nhất.

Lúc 17g00 cùng ngày, Đại Hội hân hoan chào đón Đức Giám Mục Giáo Phận Phú Cường đến viếng thăm, bằng ca khúc vũ điệu “Thắp Sáng Niềm Tin” (Lm Thanh Yên):

Hãy thắp sáng niềm tin cho mỗi tâm hồn
Và hãy đốt nóng tình yêu cho mỗi trái tim.
Hãy nối kết vòng tay chung xây tình người
Tình Chúa sẽ đến thế giới dâng trào niềm vui.
Như men muối ướp cho mặn đời
Ta xây đời nồng ấm tình thương.
Như ánh sáng chiếu soi cuộc đời
Ta xây đời từ trong trái tim...


Đức Giám Mục đã trực tiếp gặp gỡ anh chị em di dân và chủ sự thánh lễ Chúa Nhật III Phục Sinh, cùng với các linh mục đồng tế ( cha Bề Trên Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam, cha Đặc Trách Di Dân và một số cha thuộc các giáo xứ lân cận). Trong phần giảng lễ, Đức Cha đã nhấn mạnh đến giá trị và sự cần thiết trong bình an của Đấng Phục Sinh; đồng thời, mời gọi mỗi anh chị em di dân hãy trở nên khí cụ bình an của Chúa Phục Sinh trong đời sống hằng ngày, và đó cũng là một trong những phương thế hữu hiệu nhất để trở nên “Muối, Men Cho Đời”.

Sau thánh lễ, mọi người dùng bữa tối và tiếp đến là chương trình giao lưu văn nghệ: diễn viên bao gồm một số ca viên ca đoàn Bà Trà, nhóm ca sĩ Công Giáo Sài Gòn (Thanh Sử, Đông Nhi và Gia Ân) và các vũ đoàn Thừa Sai Đức Tin, Bà Trà, An Phú, Hồng Ân,. v.v... Nội dung chương trình được thể hiện bằng những tiết mục rất “chuyên nghiệp” làm cho khán giả tham dự đông đảo đến phút cuối.

Đúng vào lúc 22g00, cha Đặc Trách Di Dân dẫn lời bế mạc Đại Hội bằng việc long trọng cử hành Nghi Thức Sai Đi trong khi mỗi người cầm trên tay ngọn nến lung linh, biểu lộ sự hiệp thông, hân hoan và ra đi để trở thành “Muối, Men Cho Đời”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Các suy tư đóng góp cho Năm Thương Xót (3)
Vũ Van An
00:33 19/04/2015

III. Giáo Hội có thương xót như Chúa Kitô thương xót không?



Vừa được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Phanxicô đã cho mọi người thấy chiều hướng thương xót của triều đại ngài khi vẫn giữ huy hiệu giám mục: Miserando atque Eligendo (thương xót mà chọn lựa). Và Chúa Nhật sau đó, trong bài diễn văn đầu tiên với tín hữu, ngài nói tới việc tha thứ cho người đàn bà ngoại tình. Và với ngài, Đức Hồng Y Walter Kasper là thần học gia tuyệt vời của lòng thương xót, sau khi đọc tác phẩm của vị Hồng Y này tựa là "Mercy, The Essence of the Gospel and The Key to Christian Life” (Lòng Thương Xót, Yếu Tính của Tin Mừng và là Chìa Khoá mở ra Sự Sống Mới).

Ở đây, chúng tôi không có tham vọng trình bầy nội dung cuốn sách trên, chỉ dựa vào phát biểu của vị Hồng Y này về lòng thương xót ngay trước ngày khai mạc Thượng Hội Đồng Đặc Biệt về Gia Đình năm 2014.

Đức Hồng Y Kasper đặt câu hỏi: lòng thương xót có nghĩa gì đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội? Theo ngài, giới điều thương xót không chỉ áp dụng cho các Kitô hữu cá nhân mà còn cho cả Giáo Hội như một toàn bộ nữa. Vì nếu Thiên Chúa luôn luôn thương xót, thì tại sao Giáo Hội lại không thương xót? Hay, tại sao xem ra Giáo Hội không thương xót như Thiên Chúa thương xót? Câu hỏi này cho thấy có sự thiếu thoải mái nơi khá nhiều Kitô hữu.

Và Đức Hồng Y cho hay các Kitô hữu trên rất đúng. Bởi vì tại Công Đồng Vatican II, Giáo Hội vốn tự định nghĩa mình như một bí tích, dấu chỉ và dụng cụ phổ quát của cứu rỗi nhờ Chúa Kitô. Nếu Giáo Hội là bí tích chỉ tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Kitô, thì Giáo Hội cũng là bí tích chỉ lòng thương xót của Người. Bởi thế, giới truyền buộc Giáo Hội phải có lòng thương xót được đặt cơ sở trên chính bản sắc của Giáo Hội như Nhiệm Thể Chúa Kitô. Giáo Hội không phải là loại cơ quan xã hội hay bác ái; trong tư cách nhiệm thể Chúa Kitô, Giáo Hội là bí tích chỉ sự hiện diện liên tục đầy hiệu quả của Chúa Kitô trong thế gian. Giáo Hội là bí tích chỉ lòng thương xót trong tư cách “Chúa Kitô toàn diện”, nghĩa là Chúa Kitô nơi đầu và các chi thể. Như thế, Giáo Hội gặp gỡ Chúa Kitô trong chính các chi thể của mình và nơi những người đang cần sự giúp đỡ.

Tuy nhiên, vẫn còn khía cạnh thứ hai. Giáo Hội không những là tác nhân của lòng Chúa thương xót; mà còn là đối tượng của lòng thương xót ấy nữa. Là nhiệm thể Chúa Kitô, Giáo Hội được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc. Nhưng Giáo Hội bao gồm các tín hũu trong lòng mình và do đó phải không ngừng được thanh tẩy để có thể đứng vững một cách trong sạch và thánh thiện (Eph 5:23). Thành thử, Giáo Hội phải tự hỏi mình một cách phê phán và không ngừng xem mình có thực sự sống đúng với bản sắc của mình, đúng với ơn gọi của mình hay không. Ngoài ra, như chính Chúa Giêsu Kitô từng làm, cả ta nữa cũng giả thiết phải đương đầu với các lầm lẫn và sai phạm của Giáo Hội, không theo cách tự coi mình là chính trực mà theo lối thương xót. Tuy nhiên, ta phải rõ ràng về điều này: một Giáo Hội không có bác ái và thương xót không còn phải là Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô nữa.

Cho nên, sứ điệp thương xót có những hậu quả rất xa rộng đối với giáo huấn, sinh hoạt và sứ mệnh Giáo Hội. Lời trách móc tệ hại nhất chống lại Giáo Hội là đã không thực hành những gì mình truyền dạy người khác. Thực vậy, nhiều người cảm thấy Giáo Hội khắt khe, thiếu lòng thương xót. Chính vì thế Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, khi khai mạc Công Đồng Vatican II, đã nói rằng trước hết, Giáo Hội phải sử dụng liều thuốc thương xót.

Việc trên có thể diễn ra 3 cách: Giáo Hội phải công bố lòng thương xót của Thiên Chúa; Giáo Hội phải cụ thể cung cấp cho người ta lòng thương xót của Thiên Chúa dưới hình thức bí tích hòa giải; và Giáo Hội phải để lòng thương xót của Thiên Chúa xuất hiện và được thể hiện trong toàn bộ đời sống, các cơ cấu cụ thể và cả trong các luật lệ của mình.

Lòng thương xót và người nghèo

Có nhiều điều nên nói về bí tích thương xót, những điều vốn bị đánh giá thấp trong mấy thập niên vừa qua. Nhưng ở đây, Đức HY Kasper chỉ đề cập tới một khía cạnh rất quan trọng đối với Đức Phanxicô. Giáo Hội như chứng tá của lòng thương xót đóng vai chủ chốt trong chương trình của ngài muốn có một Giáo Hội nghèo cho người nghèo.

Chương trình trên không mới lạ gì. Nó chính là chương trình của Chúa Giêsu Kitô. Người tới để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo (Lc 4:18). Người không chỉ giảng dạy; Người, vốn giầu có, nay trở nên nghèo để chúng ta được trở nên giầu có (2Cor 8:9). Công Đồng Vatican II bàn tới sứ điệp này trong một chương của “Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội”, tuy bị lãng quên sau thời Công Đồng, nhưng đã trở thành quan trọng đối với nền thần học của Nam Bán Cầu. Ngày nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đem nó ra cho cả Giáo Hội hoàn cầu cùng suy nghĩ. Ta hay quên rằng hai phần ba anh chị em Kitô Giáo và Công Giáo của ta hiện sống ở Nam Bán Cầu, ấy vậy nhưng ta lại không chú trọng gì tới các nhu cầu, các vấn đề và các chủ trương của họ. Họ nghèo về vật chất, nhưng lại là những Giáo Hội rất sống động và sinh động mà ta cần lắng nghe. Họ tượng trưng cho tương lai Giáo Hội.

Đối với Đức Phanxicô, trở thành một Giáo Hội nghèo cho người nghèo, chủ yếu, không phải là một chương trình xã hội mà là một vấn đề Kitô học. Các anh chị em nghèo của ta là thành phần của nhiệm thể Chúa Kitô. Như Đức Phanxicô vốn nhấn mạnh, trong các thương tích của người nghèo và người bệnh, ta đụng tới các thương tích của Chúa Kitô nghèo. Chính Người nói với ta: điều các con làm cho họ, là các con làm cho Ta” (Mt 25). Đây là trải nghiệm của Thánh Phanxicô Thành Assidi. Vị thánh này, lúc bắt đầu con đường hồi tâm của ngài, đã ôm hôn một người cùi và có cảm giác là ôm hôn chính Chúa Kitô. Mẹ Terêxa cũng thuật lại cùng một trải nghiệm như thế khi bà choàng tay ôm một người đàn ông tả tơi đang hấp hối tại một trung tâm của Mẹ ở Calcutta.

Từ các vị thánh trên, ta học hỏi được nhiều về tính mẫn cảm và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, một tính mẫn cảm và nhân hậu ta nên mô phỏng đối với các người lân cận của ta. Bởi thế, Đức Phanxicô đã bén rễ rất sâu vào lịch sử Kitô Giáo. Quà phúc ngài dành cho Giáo Hội là biến một truyền thống cổ xưa thành một sứ điệp khẩn trương dành cho chúng ta ngày nay. Lòng thương xót là vấn đề chính của triều đại ngài và là một thách đố vĩ đại, nhất là đối với các Giáo Hội giầu có ở Bắc Bán Cầu.

Lòng thương xót và giáo luật

Nhiều người đặt câu hỏi: Điều trên có nghĩa gì đối với chính Giáo Hội và tác phong của Giáo Hội không những đối với những người nghèo theo nghĩa vật chất mà đối với cả những người ở bên trong Giáo Hội tự cảm thấy mình bị lãng quên, bị đẩy qua một bên, bị cho ra rìa và bị tuyệt thông, nếu không theo đúng nghĩa giáo luật thì ít nhất cũng theo nghĩa thực tế, vì những người này không được phép tham dự bàn tiệc của Chúa? Người ta thường hay thắc mắc: còn về những người ly dị và tái hôn thì sao?

Trước nhất, theo Đức HY Kasper, chữ lòng thương xót rất hay bị hiểu lầm và sử dụng sai. Việc này xẩy ra mỗi khi ta lẫn lộn lòng thương xót với nuông chiều yếu đuối hay với thứ thương xót giả hiệu, vì yếu đuối, cứ để mặc người ta làm theo ý họ. Nguy cơ là biến ơn thánh qúy giá của Thiên Chúa, một ơn thánh được “mua” hay “có được” nhờ chính máu của Người trên thập giá, thành thứ ơn phúc rẻ tiền, và biến ơn thánh thành một món hàng rẻ tiền bán ở tầng hầm. Đó là điều Dietrich Bonhoeffer muốn diễn tả khi ông viết rằng “ơn thánh rẻ tiền có nghĩa là công chính hóa tội lỗi chứ không công chính hóa người có tội… Ơn thánh rẻ tiền là giảng dậy sự tha thứ mà không đòi sự ăn năn, giảng dậy phép rửa mà không cần kỷ luật của Giáo Hội, giảng dậy Rước Lễ mà không cần xưng tội, giảng dậy sự tha tội mà không cần cá nhân phải xưng tội”.

Bởi thế, theo Đức HY Kasper, ta cần tìm hiểu lại ý nghĩa của kỷ luật Giáo Hội. Chữ đầu hết trong Tân Ước chỉ Giáo Hội, tức chữ Ecclesia, ngay từ đầu, đã chứa nhiều yếu tố luật lệ. Ý tưởng cho rằng Giáo Hội nguyên thủy của yêu thương sau này đã trở thành Giáo Hội của luật lệ là một ý tưởng không thể nào chứng minh được. Theo Tin Mừng Thánh Mátthêu, Chúa Giêsu ban quyền chìa khóa cho Thánh Phêrô cũng như ban cho ngài và cho mọi tông đồ quyền buộc và tha, nghĩa là quyền được tống xuất các cá nhân ra khỏi cộng đồng và tái nhận lại họ. Và Thánh Mátthêu từng ghi lại các qui luật rõ ràng để thi hành quyền này (Mt 16:19; 18:18).

Thành thử, việc không tuân hành kỷ luật Giáo Hội không thể nại tới Chúa Giêsu và Tân Ước để ủng hộ được. Nhưng vì kỷ luật Giáo Hội phải phù hợp với ý nghĩa Tin Mừng, nên nó cần được giải thích và áp dụng theo chiều hướng và tinh thần của Tin Mừng. Chính vì lý do này, Thánh Phaolô nói rõ: hình phạt tống xuất nhằm buộc người tội lỗi phải suy nghĩ về tác phong của mình mà ăn năn hối lỗi. Nếu người tội lỗi hối hận về hành động của họ và ăn năn, thì cộng đồng phải để lòng nhân hậu thắng thế một lần nữa (2Cor 2:5-11). Hình phạt là phương thế cuối cùng và chỉ có tính tạm thời. Nó là phương thế quyết liệt và cuối cùng được lòng thương xót sử dụng.

Hiểu kỷ luật Giáo Hội như liều thuốc đắng đót nhưng cần thiết của lòng thương xót như trên là cái hiểu phù hợp với truyền thống vốn coi Chúa Giêsu Kitô như thầy thuốc, người chữa lành và cứu vớt; một truyền thống trong đó, vị mục tử, nhất là vị giải tội, được hiểu không phải chỉ là quan tòa, mà trước nhất như một thầy thuốc của linh hồn. Lối hiểu có tính điều trị này về luật lệ và kỷ luật Giáo Hội dẫn ta tới vấn đề nền tảng là phải giải thích và giải nghĩa lề luật của Giáo Hội ra sao. Đây là một lãnh vực rất rộng mà theo Đức HY Kasper, ta không thể bàn thấu đáo ở đây, nhưng chỉ bàn tới khía cạnh tương quan của luật Giáo Hội với lòng thương xót mà thôi.

Lề luật và tinh thần

Theo Đức HY Kasper, giáo luật không chống lại Tin Mừng, nhưng Tin Mừng chống lại lối hiểu có tính duy pháp về giáo luật. Phải giải thích và áp dụng giáo luật dưới ánh sáng lòng thương xót vì lòng thương xót mở mắt để ta thấy tình thế cụ thể của người khác. Lòng thương xót cho thấy cá nhân không phải chỉ một trường hợp ta có thể sắp (subsume) vào một qui luật chung. Trái lại, đối với nền nhân học Kitô Giáo, điều chủ yếu là: trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không phải là một “số nhiều”; mỗi người và mỗi tình huống đều có tính độc đáo. Do đó, ta phải tìm ra các giải pháp công chính và công bình cùng một lúc. Nếu không chịu tìm như thế, thì như người Rôma vốn nói, summa ius (công lý cao nhất) sẽ trở thành summa iniuria (bất công cao nhất).

Các suy tư trên có nghĩa gì đối với vấn đề các người Công Giáo ly dị và tái hôn là việc đang được đem ra thảo luận, chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới (năm 2014). Đức HY Kasper cho hay: ngài không có câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi này. Trách nhiệm của Thượng Hội Đồng cùng với Đức Giáo Hoàng là phải quyết định vấn đề này. Trong mật nghị hội các Hồng Y đầu năm 2014, theo chỉ thị của Đức Phanxicô, ngài chỉ đề xuất một “số suy tư khiêm tốn” về vấn đề khẩn trương này mà thôi.

Không nhà thần học nào, kể cả Đức Giáo Hoàng, có thể thay đổi tín lý bất khả tiêu của một hôn nhân bí tích. Trái lại, tất cả chúng ta đều có lý do phải giúp đỡ và nâng đỡ để người ta trung thành với cuộc hôn nhân của họ vì lợi ích của chính họ và vì lợi ích của con cái họ. Đúng là tín lý không thể bị thay đổi và sẽ không bị thay đổi. Nhưng tín lý phải được áp dụng một cách thận trọng (prudence), một cách công chính và công bình theo các tình huống cụ thể và thường phức tạp. Bởi vì các tình huống này rất khác nhau. Không hề có một trường hợp ly dị và tái hôn tiêu biểu (typical); do đó, không thể có một giải pháp tiêu chuẩn chung cho mọi tình huống. Cần phải biện phân, và biện phân, thận trọng và khôn ngoan là các nhân đức chính của một giám mục mục tử. Ta không luôn thực hiện được điều tốt nhất, nhưng ta nên luôn luôn làm hết sức ta.

Bởi vậy, theo Đức HY Kasper, câu hỏi là: nếu một người, sau khi ly dị, bước vào một cuộc hôn nhân thứ hai theo dân luật nhưng rồi thống hối sự thất bại không chu toàn lời hứa của mình trước mặt Thiên Chúa, người phối ngẫu và Giáo Hội trong cuộc hôn nhân thứ nhất, và chu toàn hết sức các bổn phận mới của mình và làm những gì có thể làm được cho việc giáo dục con cái trong đức tin Kitô Giáo và có ước muốn nghiêm chỉnh được chịu các bí tích, mà ông cần để có sức mạnh trong tình huống khó khăn của mình, liệu ta có nên từ chối tha tội và tha thứ cho ông ta không sau một thời gian tái định hướng và ổn định? Trong Kinh Tin Kính, ta tuyên xưng: “tôi tin phép tha tội”. Nếu Thiên Chúa chịu ban cơ hội mới, tương lai mới cho mọi người biết ăn năn thống hối và làm những gì có thể trong tình huống của họ, tại sao Giáo Hội, vốn là bí tích của lòng Chúa thương xót, lại không chịu ban?

Đức HY Kasper cho rằng chủ điểm ở đây là việc giải thích thoả đáng đối với việc áp dụng. Thánh Tôma Aquinô, theo gương Aristốt, dạy ta phải áp dụng trí hiểu thực tiễn (practical intellect, khác với trí hiểu lý thuyết hay suy lý, theoretical or speculative intellect) vào một tình huống cụ thể. Nói cách khác, phải áp dụng nhân đức thận trọng: tức khôn ngoan áp dụng nguyên tắc phổ quát vào một tình huống cá biệt và đặc thù. Đây là phương thức từng được một số giáo phụ đưa ra, nhất là Thánh Basilêô Thành Xêdarêa: sử dụng nguyên tắc oikonomia của Chính Thống Giáo, hay nguyên tắc epikea của truyền thống La Tinh. Đầu thời cận đại, Thánh Alphôngsô Đệ Liguori đề xuất phương thức này trong hệ thống cái nhiên thuyết (probabilism) của ngài. Như thế, nếu đi theo chiều hướng này, Thượng Hội Đồng sẽ nằm trong truyền thống tốt nhất của Giáo Hội. Lẽ dĩ nhiên, các suy tư này không mở ra một phương thức tổng quát áp dụng cho mọi tình huống; chỉ có thể áp dụng cho một số nhỏ mà thôi; nhưng có thể trở thành một con đường cho những ai hết sức quan tâm và sẵn sàng đi theo lối hồi tâm.

Con đường trên vượt lên trên các cực đoan của chủ nghĩa khắt khe, vốn không thể là đường đi của người Kitô hữu trung bình, và cả chủ nghĩa lỏng lẻo nữa, vốn không tương hợp với lời kêu gọi nên thánh của Chúa Kitô. Tìm ra con đường vượt lên trên các cực đoan vốn luôn là phương cách của Giáo Hội, phương cách biện phân, cẩn trọng và khôn ngoan, phương cách của lòng thương xót cụ thể.

Lòng thương xót từ bên dưới

Theo Đức HY Kasper, cách nhìn thông thường trong thần học là bắt đầu từ bên trên. Ta biết một tín lý hay một qui luật và ta bắt đầu từ đó để áp dụng nó vào thực tại cụ thể, một thực tại thường là phức tạp và đa diện. Lòng thương xót dẫn ta tới một cách nhìn khác, không bắt đầu từ bên trên mà bắt đầu từ bên dưới, xem sét một tình huống cụ thể để rồi áp dụng vào đó một luật lệ hay một qui định. Nhưng đây không phải là đạo đức học hoàn cảnh, vì qui luật có giá trị trong chính nó và không do hoàn cảnh tạo ra. Đây chính là phương pháp của Thánh Inhaxiô Thành Loyola trong các bài linh thao của ngài; đây là lối Đức GH Phanxicô, một tu sĩ Dòng Tên thuần thành, thực hành nó. Ngài khởi đi từ một tình huống, một hoàn cảnh, rồi sử dụng sự biện phân các thần khí.

Đức HY Kasper quả quyết rằng: Chúa Giêsu cũng chỉ cho ta cùng một phương thức ấy. Khi được hỏi: “ai là người lân cận của tôi?”, Người không đưa ra một câu trả lời trừu tượng. Người kể một câu truyện cụ thể, câu truyện về người Samaritanô nhân hậu, tốt bụng (Lc 10:30-37): “có một người, trên đường từ Giêrusalem xuống Giêricô, rơi vào tay bọn cướp”. Một linh mục đi qua con đường ấy, thấy ông ta, nhưng bước sang phía khác tiếp tục đi. Cũng thế, một thầy Lêvi thấy ông ta nhưng theo phía kia tiếp tục bước. Nhưng khi một người Samaria đi qua, thấy người này, bèn động lòng thương. Ông cúi xuống, rửa và băng bó vết thương cho ông ta. Kể xong, Chúa Giêsu hỏi vị thầy Do Thái Giáo: “Người nào trong ba người này biến mình thành hàng xóm của người bị rơi vào tay bọn cướp?”. Câu trả lời rất đúng: “người thương xót ông ta”. Và Chúa Giêsu bảo: “thầy hãy đi và làm như thế”.

Thiên Chúa xử với ta y hệt như thế. Người cúi xuống để nâng ta dậy; để an ủi ta và chữa lành các vết thương của ta; và để ban cho ta cơ hội mới, thông ban cho ta sự sống mới, hy vọng mới. Và ai là người chính trực đến nỗi dám tự nghĩ là mình không cần tới lòng thương xót như thế? Lòng thương xót chính là tên của Thiên Chúa chúng ta. Lòng thương xót là lời mời gọi ta trở nên một con người nhân bản, cùng cảm nhận với những con người nhân bản khác đang đau khổ và thấy mình thiếu thốn. Lòng thương xót là lời mời gọi ta trở nên một Kitô hữu thực sự, dám theo gương Chúa Kitô và gặp gỡ Chúa Kitô trong các anh chị em đau khổ của mình. Lòng thương xót là yếu tính của Tin Mừng và là chìa khóa mở ra cuộc sống Kitô Giáo. Lòng thương xót là tin mừng nhất và đẹp nhất ta từng được kể và ta nên đem tới cho thế giới. Thiên Chúa, vì lòng thương xót, luôn ban cho ta cơ hội mới, tương lai mới thế nào thì lòng thương xót của ta cũng đem lại tương lai cho người khác, và cho thế giới, một thế giới đang hết sức cần tới nó như thế.

Phải nói, những dòng trên là những dòng tuyệt vời nói về lòng thương xót. Khó có ngòi bút nào nói hay hơn. Chỉ có điều, xem ra Đức Hồng Y chỉ biết đề cao lòng thương xót đến làm lu mờ các yếu tố khác, nhất là đức công bình của Thiên Chúa. Ngài có nói tới nó, nhưng không nói tới nó cách ngọn ngành. Thí dụ lòng ăn năn chẳng hạn, ngài bất cập rõ rệt khi nói tới nó. Ăn năn đòi người ta phải “đừng phạm tội nữa”. Đó chính là lời của Chúa Giêsu thương xót.

Người ta sợ rằng nhận định của ngài về Năm Thương Xót, coi nó như “một dấu chỉ thời đại” cũng chỉ bao hàm lòng thương xót “một chiều”: chiều “tôi cũng không kết án chị” mà quên đi chiều “đừng phạm tội nữa”.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Việt Nam
Diệp Hải Dung
21:44 19/04/2015
MẸ VIỆT NAM
Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia
Cúi xin Mẹ, ơi Mẹ Việt Nam
Đoái thương chúng con
giúp chúng con tìm về tương lai,
Mẹ như sao mai.
(Trích ca khúc của Nguyễn Tiên)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 14/04 – 20/04/2015: Tông Chiếu ấn định việc cử hành Năm Thánh Từ Bi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:28 19/04/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha bênh vực người nghèo tại Thượng đỉnh Mỹ Châu

Đức Thánh Cha kêu gọi các nước giàu đừng nghĩ rằng để cho người nghèo được hưởng những mảnh bánh vụn rơi từ bàn ăn của mình là đủ rồi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Châu kỳ 7, nhóm tại Thành Phố Panama trong hai ngày 10 và 11 tháng Tư với sự tham dự của 37 vị nguyên thủ quốc gia, trong đó lần đầu tiên có chủ tịch Raul Castro của Cuba và ông đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha đã được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên đọc tại Hội nghị, qua đó ngài cầu xin Thiên Chúa cho Hội nghị, “nhờ sự chia sẻ các giá trị chung, đạt tới những quyết tâm cộng tác trong lãnh vực quốc gia hoặc miền, đương đầu thực tế với các vấn đề và truyền đạt niềm hy vọng”. Đức Thánh Cha cho biết ngài hoàn toàn đồng ý với chủ đề Hội nghị thượng đỉnh là “Thịnh vương trong công bằng: thách đố cộng tác tại Mỹ châu”. Ngài viết: “Tôi xác tín rằng sự sự chênh lệch, phân phối bất công sự giàu sang và tài nguyên, chính là nguồn mạch gây ra những xung đột và bạo lực nơi các dân tộc, vì nó giả thiết rằng sự tiến bộ của một số người được kiến tạo bằng sự nhất thiết hy sinh của những người khác, và để có thể sống xứng đáng, thì phải chiến đấu chống lại người khác. Sự sung túc đạt được như thế là điều bất công từ cội rễ và xúc phạm đến phẩm giá con người”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “thách đố lớn trên thế giới ngày nay là hoàn cầu hóa tình liên đới và tình huynh đệ thay vì thứ hoàn cầu hóa sự kỳ thị và dửng dưng, và bao lâu người ta chưa đạt được một sự phân phối đồng đầu các tài nguyên phong phú, thì sẽ không giải quyết được những tai ương trong xã hội chúng ta” (Xc Evangelii Gaudium 202).

Đức Thánh Cha ghi nhận trong nhưng năm gần đây nhiều nước đạt được sự tiến bộ kinh tế mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều nước khác ở trong tình trạng nghèo đói. Hơn nữa trong các nước đang lên, đa số dân không được hưởng sự tiến bộ kinh tế chung, và thường thường hố chia cách giữa người giàu và người nghèo trở nên sâu rộng hơn. Ngài phê bình lý thuyết sai lầm gọi là “những giọt nước rơi” và sự “tràn ra thuận lợi” (Xc Evangelii Gaudium 54): hy vọng những người nghèo nhặt được những mẩu bánh vụn rơi từ bàn ăn của người giàu, đó là điều sai lầm. Cần có những hoạt động trực tiếp bênh vực những người kém may mắn nhất, quan tâm tới những người bé bỏng nhất trong một gia đình, phải là ưu tiên của các chính quyền. Giáo Hội luôn bảo vệ sự thăng tiến con người cụ thể (Centesimus annus 46), chăm sóc các nhu cầu của họ và giúp họ cơ hội phát triển”.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha đặc biệt lưu ý vấn đề di cư. Sự chênh lệch quá lớn về cơ hội giữa một số nước khiến cho nhiều người buộc lòng phải rời bỏ quê hương, gia đình của mình, và họ dễ trở thành con mồi cho nạn buôn người và lao động như nô lệ, không được quyền lợi cũng chẳng được công lý... Đó là những tình trạng trong đó nếu chỉ duy trì luật lệ để bảo vệ các quyền căn bản của con người thì không đủ.. Trong những tình trạng ấy, luật lệ mà không có lòng từ bi thương xót, thì không đáp ứng công lý”

2. Đức Thượng Phụ Fouad Twal cử hành Lễ Phục Sinh lần thứ hai chỉ trong vòng một tuần

Tối thứ Bẩy 11 tháng Tư, Đức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo nghi lễ Latinh Giêrusalem đã cử hành Lễ Vọng Phục sinh tại Jordan. Trước đó một tuần, lúc 7h30 sáng thứ Bẩy 30 tháng Ba, ngài đã cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh tại đền thờ Chúa Sống lại tại Giêrusalem.

Trong một bức thư gửi các linh mục Công Giáo, Hội đồng Giám mục Công Giáo của các đấng bản quyền tại Thánh Địa đã yêu cầu các linh mục cử hành Tam Nhật Vượt Qua vào cùng một ngày với các Giáo Hội Đông Phương theo lịch Julian.

Sự thống nhất mừng lễ Phục sinh ở nhiều khu vực đã được đặt ra vào tháng 10 năm 2012 bởi Hội đồng Giám mục Công Giáo của các đấng bản quyền tại Thánh Địa. Các vị đã đặt ra một thời hạn là hai năm để có sự chuyển tiếp.

Việc mừng lễ Phục sinh tại Giêrusalem và Bethlehem vẫn không thay đổi. Lịch Gregorian vẫn được tiếp tục áp dụng vì phải tôn trọng những hạn chế được áp đặt trong Thành Thánh từ thoả ước Nguyên Trạng, và thực tế là dòng người hành hương từ khắp nơi trên thế giới vẫn mừng lễ Phục sinh tại chính nơi Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn theo lịch Gregorian.

Tưởng cũng nên biêt Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Chúa Phục Sinh, diễn ra vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh lúc 7h30 SÁNG. Sáng thứ Bẩy chứ không phải tối thứ Bẩy, nghĩa là không thống nhất với phần còn lại của Giáo Hội. Việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.

3. Bất chấp lễ Phục sinh và thỏa hiệp ngưng bắn phiến quân thân Nga vẫn bắn phá bừa bãi

Thoả hiệp ngưng bắn được ký kết tại Minsk và bắt đầu có hiệu lực vào lúc 0 giờ ngày 15 tháng Hai dường như đã thất bại. Tại khu vực Spartak, nhiều nhà cửa của thường dân vô tội đã trúng hoả tiễn của phiến quân thân Nga ngay cả trong Tam Nhật Vượt Qua của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương và Chính Thống Giáo được cử hành một tuần sau lịch Phụng Vụ của Công Giáo nghi lễ La Tinh.

Thiếu tá Alexandre Lentsov nói:

“Có những vi phạm ngưng bắn trầm trọng tại Spartak - người ta sử dụng súng cối 82 mm trong khu vực gần trạm radar của sân bay, cả pháo 120 ly và xe tăng cũng được sử dụng.”

Aliona, cư dân Spartak, đã phải di tản nói:

“Bây giờ chúng tôi sống nhờ bạn bè ở Donetsk, nhà cửa của chúng tôi đã bị phá hủy”

4. Quan ngại của người dân Kenya về tình trạng an ninh sau vụ khủng bố tại trường đại học Garrisa

Các đám tang cho những sinh viên thiệt mạng trong vụ thảm sát tại trường đại học Garrisa nơi quân khủng bố Hồi Giáo Al Shabab đã sát hại gần 150 người, đa số là các sinh viên Kitô giáo, đã bắt đầu diễn ra từ hôm thứ Sáu 10 tháng Tư.

Cho đến nay, một số phụ huynh vẫn còn phải chờ đợi để được nhận lại thi hài những người thân yêu của họ. Các phương tiện truyền thông Kenya cho rằng chính quyền muốn dấu con số thật sự những người bị giết vì còn một số đông những sinh viên bị cho là “mất tích”.

Eva Njoau bạn của một sinh viên bị giết đang tham dự đám tang nói:

“Tôi cảm thấy nếu chính phủ đã có một số hành động cụ thể, như triển khai cảnh sát trong tuần lễ đó ở mỗi trường đại học, thì bây giờ đây chúng ta sẽ không phải đem Jojo đi chôn. Và tôi vẫn buồn vì Jojo không phải là ở đây để giải thích cho chúng ta về câu chuyện này. Còn bao nhiêu mạng sống nữa sẽ mất đi trong cùng một câu chuyện khủng bố như thế này? Đây không phải là lần đầu tiên.”

Philip Kago, chú của một sinh viên bị giết nói:

“Khủng bố đã tấn công trong quá khứ, Al Shabab vẫn đến đây hà rầm như vào chốn không người. Tôi kêu gọi tất cả các bạn hãy làm một điều đáng trân trọng: Đừng chết trên đầu gối của mình, hãy chết cho oanh liệt hơn”

5. Cách thức mừng lễ Phục sinh của người Chính Thống Giáo Ethiopia

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Có những khác biệt rất lớn trong cách thức chúng ta cử hành Mùa Chay, Tam Nhật Vượt Qua và Lễ Phục sinh so với anh chị em Chính Thống Giáo.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy đây thu được tại một nhà thờ Chính Thống Giáo tại Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia vào lúc 3 giờ sáng.

Vâng, 3 giờ sáng. Và Kibir Mulu, một tín hữu Chính Thống Giáo Ethiopia giải thích như sau:

“Chúng tôi đã chay tịnh trong hai tháng qua và hôm nay sẽ kết thúc lúc 3:30 sáng, và đó là lý do tại sao chúng tôi ở lại cho đến khi 3:30 sáng trong nhà thờ này.”

Yohannes Moges, một tín hữu khác giải thích thêm như sau”

“Là một tín hữu Chính thống lớn lên ở đây, tôi thấy lễ Phục sinh là một phần quan trọng trong nền văn hóa của mình. Người Ethiopia chúng tôi có xu hướng gia đình. Chúng tôi dâng lễ chung với nhau mỗi năm. Vì vậy đây là phong tục đối với tôi. Đây là lần thứ 20 tôi đã mừng lễ Phục sinh. Tôi thường thích đến nhà thờ này này vì tôi sống quanh đây. Bạn có thể nhìn thấy bầu không khí khá thiêng liêng tại đây vì thế tôi thường đến đây.”