Ngày 18-04-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:19 18/04/2015
TRẺ CON TRANH LUẬN VỀ MẶT TRỜI
N2T

Khổng tử đi du lịch về phía đông, thấy hai đứa trẻ đang tranh luận, Khổng tử bèn hỏi chúng nó tranh luận về điều gì.
Đứa trẻ tên Giáp nói: “Cháu cho rằng mặt trời khi mới mọc thì khoảng cách rất gần con người, đến trưa thì càng rất xa”.
Ất nói: ”Con thì cho rằng mặt trời khi mới mọc thì rất xa, đến trưa thì ngược lại rất gần”.
Giáp nói: “Mặt trời khi mới mọc thì to lớn như cái ô dù che nắng trên xe ngựa, đến trưa thì rất nhỏ như cái đĩa. Giải thích như thế này: lớn vì nó gần, nhỏ vì nó xa, lại không đúng hay sao?”
Ất nói: “Mặt trời khi mới ló ra, người ta cảm thấy mát mẻ, đến trưa thì ai cũng cảm thấy nóng, lẽ nào không phải xa mới cảm thấy mát, gần không cảm thấy nóng sao?”
Khổng tử sửng sốt, không thể giải đáp.
Hai đứa trẻ cười nói: “Ai nói ông là người có học vấn chứ?”
(Liệt tử)

Suy tư:
Những đứa trẻ tuy nhỏ nhưng cũng có những suy nghĩ của chúng nó, người lớn thường hay coi trẻ em không ra gì, thậm chí còn cho rằng chúng không biết gi, đúng là quan niệm sai lầm, lầm to. Vì hiểu lầm như thế nên các người lớn cứ diễn đủ trò xấu xa trước mắt trẻ em, vì cứ cho là chúng không biết gì ! Cái tai hại chính là ở đấy, thiếu hiểu biết về trẻ em, cứ cho chúng nó như mình từ thuở xa xưa.
Trẻ em phạm pháp đó là trách nhiệm của xã hội, của người lớn, mà người lớn trước hết là bố mẹ, anh chị; người lớn là hết mọi người lớn trong xã hội. Không có lửa thì không thể nào có khói, không có gương mù gương xấu thì sẽ không có những thiếu niên hư hỏng. Đức Chúa Giê-su đã nói với chúng ta: “Những ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.” (Mt 8, 6) . Ngài đã nghiêm khắc lên án những ai làm việc xấu xa để trẻ nhỏ bắt chước, việc xấu xa chính là: gian dâm, trộm cắp, vu khống, ngoại tình dâm ô…
Có những lúc vô tình tôi đã làm gương xấu cho trẻ em, người khác làm gương xấu bị phạt một, nhưng nếu tôi là linh mục, nam nữ tu sĩ mà làm gương xấu cho trẻ em thì bị phạt gấp trăm, gấp ngàn lần.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 3 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:20 18/04/2015
Chúa Nhật III PHỤC SINH

Tin Mừng : Lc 24, 35-48
“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.”


Anh chị em thân mến,
Lời đầu tiên hôm nay của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng cũng chính là “bình an cho các con”, như thế để cho chúng ta hiểu ra rằng: bình an chính là hạnh phúc mà con người mãi mê tìm kiếm, nhưng tìm mãi tìm hoài mà cũng không tìm thấy bình an đích thực, chỉ là những bình an giả tạo mà thôi. Hôm nay tôi xin chia sẻ với anh chị em một thực tại sống động mà chúng ta -những người Ki-tô hữu- đang thực hiện, đó chính là mỗi người trở nên chứng nhân về việc Chúa đã chết và đã sống lại qua ngôn hành của chúng ta trong cuộc sống.

1. Anh em có gì ăn không ?
Ma quỷ thì không có thân xác nên không thể ăn được, chỉ những ai còn sống mới biết đói biết khát, chỉ những ai đói mới đòi ăn và khát mới đòi uống, nhưng Đức Chúa Giê-su thì không phải vì đói vì khát mà xin ăn, nhưng chính là để chứng minh cho các môn đệ của Ngài biết rằng Ngài đã sống lại.

Đức Chúa Giê-su hỏi các môn đệ có gì ăn không, là để cho các tông đồ nhận ra Chúa chính là Thầy của mình đã từ cõi chết sống lại, đó cũng là một đòi hỏi của Tin Mừng: cho kẻ đói ăn.

Có rất nhiều người chung quanh chúng ta đang ngửa tay hỏi chúng ta: các anh các chị có gì ăn không ? Họ xin ăn không phải để nói rằng họ đã từ cõi chết sống lại, nhưng là để cho chúng ta nhận ra Đức Chúa Ki-tô phục sinh đang ở trong người của họ, để chúng ta nhận ra chính Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, chung quanh chúng ta, nơi những người đói khát, nghèo khó...

Các tông đồ đã mau mắn đem bánh lại cho Chúa ăn, các ngài vui mừng quá đổi vì Chúa đã sống lại.

Khi chúng ta mau mắn đưa cơm bánh cho người nghèo là chúng ta vui mừng vì được phục vụ Chúa Phục Sinh nơi người anh em chị em nghèo khó, đó chính là niềm vui phục sinh, là cách làm chứng cho mọi người biết rằng Đức Chúa Giê-su vẫn ngày ngày đang sống lại nơi mỗi một người Kitô hữu.

Ai có đói mới thấy quý từng mảnh vụn cơm bánh, ai có khát mới thấy từng giọt nước là quý, ai có ngửa tay nói anh có gì ăn không, mới thấy giá trị của sự sống là cao quý vô cùng, mới thấy rõ thật giá trị của cơm thừa canh cặn, mới thấy rõ sự nhục nhã của kiếp ăn xin nghèo đói. Do đó, chỉ cần một ánh mắt khinh bỉ, chỉ cần một lời nói bóng gió, chỉ cần một thái độ khinh khi là làm cho tâm hồn của họ thêm đau đớn...

Ai có cầm bánh đưa ra cho người nghèo đói ăn thì mới cảm nghiệm được niềm vui của tâm hồn, nó thanh thoát, nó toả lan đến những người chung quanh, bởi vì chính họ đã nếm được sự hạnh phúc của việc cho kẻ đói ăn tức là cho Chúa Giê-su Phục Sinh ăn...

2. Anh em có gì ăn không ?
Đây không còn là một lời xin, đây cũng không còn là một lời đòi hỏi của người nghèo đói, nhưng là môt câu hỏi thân thiết quan tâm lẫn nhau giữa người với người, giữa anh em chị em với bè bạn.

Nếu mỗi ngày chúng ta gặp nhau mà hỏi: anh có gì ăn không, con cái anh có gì ăn không, để quan tâm và giúp đỡ, thì quả thật bình an của Thiên Chúa đang ở trong chúng ta. Một câu hỏi năm xưa của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh đã làm cho các tông đồ vui sướng như thế nào, thì hôm nay, một câu hỏi như thế của chúng ta đối với người anh em chị em, thì cũng khiến cho họ rất sung sướng và hạnh phúc, vì họ được biết có người luôn quan tâm đến họ và gia đình họ.

Nếu chúng ta ai cũng biết bỏ đi cái ích kỷ nhỏ nhen trong tâm hồn để nói với người hàng xóm đang chật vật vì miếng cơm : anh chị hôm nay có gì ăn không ? thì chính họ đã nhận ra được Tin Mừng phục sinh nơi con người của chúng ta, bởi vì chỉ có những ai có một tâm hồn bình an, yêu thương, khiêm tốn mới có thể thật lòng quan tâm đến người khác cách vô vị lợi.

Đức Chúa Giê-su không khách sáo khi nhận bánh nơi các môn đệ của mình, Ngài ăn ngay trước mặt các ông, cũng vậy, có những lúc chúng ta không cần hỏi anh em có gì ăn không, nhưng chúng ta vẫn có thể chủ động quan tâm giúp đỡ người anh em, đó chính là thái độ tích cực mà–có thể nói- chỉ có những Ki-tô hữu mới có thói quen tốt đẹp này...

Anh chị em thân mến,
Có lúc nào chúng ta hỏi người anh chị em nghèo đói bên cạnh nhà mình: anh chị em có cần gì không, tôi giúp đỡ ?

Có lúc nào chúng ta chủ động coi những người lân cận của mình hôm nay ai bị bệnh phải đi bệnh viện, ai già cả neo đơn, ai có con cái đông lo không xuể...?

Đó chính là chúng ta thay mặt Đức Chúa Giê-su Phục Sinh quan tâm đến anh chị em, đem bình an và hạnh phúc của Ngài đến cho mọi người vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:26 18/04/2015
N2T

11. Đức ái thì nhẫn nhục trong nghịch cảnh, tự chế trong hoàn cảnh thuận lợi, anh dũng trong đau khổ, khi làm việc thiện thì vui vẻ, khi bị cám dỗ thì rất vững vàng, khi tiếp đãi người thì cực kỳ hào phóng sảng khoái, trong tình anh em thật thì phấn khởi khác thường, trong tình anh em giả thì sẽ rất nhẫn nại, khi bị nhục mạ thì trấn tĩnh, trong phẫn nộ thì an tịnh, trong thù hận thì thiện lương, trong nguy hiểm thì không nghĩ gia hại người khác, trong tội ác thì sám hối, trong chân lý thì thoải mái.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:28 18/04/2015
TỰ SƯỚNG
Đám con gái ca đoàn nhìn thấy cha sở thì đua nhau nói:
- “Tuần trước cha đi Mũi Né ăn đồ biển hấp dẫn quá.”
Lại có đứa hỏi cha sở:
- “Hôm qua cha đi ăn nhà hàng với đại gia nào mà sang trọng quá vậy, sao cha không kêu tụi con đi với.”
Cha sở vội vàng vàng nói:
- “Ờ, ờ, soa các con biết được ?”
Đám con gái nháy nhau cười khúc khích trả lời:
- “Tụi con thấy cha tự sướng trên facebook đó mà.”
----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thái Lan và Armenia là hai nước sùng đạo nhất trên thế giới
Đặng Tự Do
00:45 18/04/2015
Viện Gallup hợp tác với tổ hợp thăm dò dư luận WIN đã phỏng vấn 64,000 người trên thế giới về quan điểm tôn giáo và việc thực hành niềm tin tôn giáo của họ. Kết luận được đưa ra cho thấy Thái Lan, nơi Phật Giáo chiếm đa số; và Armenia nơi Kitô Giáo chiếm đa số là hai quốc gia sùng đạo nhất.

93.6% trong tổng số 67.8 triệu dân Thái theo Phật giáo. Trong khi đó, trong 3 triệu người Armenia, 98% là các tín hữu Kitô, đông nhất là các tín hữu thuộc Giáo Hội Armenia Tông Truyền với 92.6%.

Hơn 90% số người được khảo sát tại Thái Lan, Armenia, Bangladesh, Georgia, Morocco, Fiji, và Nam Phi mô tả mình là người có niềm tin tôn giáo và có thực hành đạo thường xuyên hay không thường xuyên nhưng niềm tin tôn giáo có những ảnh hưởng nhất định trong phán đoán và trong việc lựa chọn các quyết định cá nhân trong cuộc sống. Con số này là 70% ở Nga, 56% ở Mỹ, và 30% ở Vương quốc Anh.

Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Cộng hòa Tiệp, và Tây Ban Nha là những nước có tỷ lệ cao nhất những người xưng mình là vô thần.
 
Tổng thống Ecuador chào mừng chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
06:21 18/04/2015
Cùng ngày thứ Năm 16 tháng Tư khi Tòa Thánh công bố lịch trình chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại ba nước Mỹ Châu La Tinh là Ecuador, Bolivia và Paraguay từ mùng 6 đến 12 tháng 7 tới đây, tại thủ đô Quito, Đức Hồng Y Raul Vela, Tổng Giám mục Quito và tổng thống nước này là ông Rafael Correa đã có một cuộc họp báo.

Đức Hồng Y Raul Vela nói: “Chúng ta không thể bỏ qua sự tồn tại của các quốc gia Mỹ La tinh khác nhưng chúng ta có thể nói rằng Chúa đã thể hiện lòng yêu mến của Ngài, khi Ngài đặt trong trái tim của Đức Thánh Cha ý định thăm Ecuador, Bolivia và Paraguay trong chuyến tông du đầu tiên này đến lục địa của chúng ta.”

Tổng thống Rafael Correa nói:

“Chào mừng ngài. Chào mừng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng con sẽ làm việc hết sức để chuyến viếng thăm lần này cũng là một kỷ niệm không phai mờ như đã từng xảy ra với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II 30 năm trước, để chuyến tông du này làm đất nước chúng con tốt hơn lên, làm cho chúng con nhân bản hơn, huynh đệ hơn và hiệp nhất hơn. Ecuador đang cử mừng, chúng con đang chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô”

Ecuador có 15.7 triệu dân trong đó 74% là người Công Giáo.

Đức Thánh Cha sẽ thăm Ecuador từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 7, sau đó là Bolivia và Paraguay từ mùng 8 đến mùng 10 và từ mùng 10 đến 12 tháng 7.
 
Hội Đồng Giám Mục Nam Phi đau buồn vì làn sóng bạo lực chống người nước ngoài
Đặng Tự Do
06:51 18/04/2015
Trong bản tin đánh đi hôm 17 tháng Tư, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, trích dẫn thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Nam Phi do Đức Cha William Slattery, Tổng Giám Mục Pretoria ấn ký, cho biết các Giám Mục nước này đau buồn về tình trạng bạo lực chống người nước ngoài ở Durban mà Đức Hồng Y Wilfrid Napier, Tổng Giám Mục Durban đã lên án và xu hướng lan tràn bạo lực tương tự ở các thành phố khác như Johannesburg.

Bạo lực đã diễn ra sau khi báo chí địa phương tường thuật rằng vua người Zulu, là Goodwill Zwelithini, nói người nước ngoài phải rời khỏi Nam Phi. Hiến pháp Nam Phi chỉ công nhận vai trò có tính cách nghi lễ và biểu tượng của vua người Zulu.

Vua người Zulu sau đó đã tuyên bố rằng những lời của ông đã bị hiểu nhầm.

Các Giám Mục Nam Phi nhận định rằng:

"Trong khi chúng tôi thừa nhận những lời lẽ của Hoàng thượng, vua của dân tộc Zulu, không có ý định gây ra cảnh bạo lực này, chúng tôi tin rằng ông nên dứt khoát lên án bạo lực này và công khai cổ võ các giá trị của lòng hiếu khách truyền thống trong nền văn hóa Zulu"

Nguồn gốc của bạo lực là tình trạng thù địch giữa những người nghèo với nhau: trong số 50 triệu cư dân Nam Phi, có khoảng 5 triệu người nhập cư từ các nước đang gặp khó khăn: như Somalia, Ethiopia, Zimbabwe và Malawi, và thậm chí cả từ Trung Quốc và Pakistan. Do tỷ lệ thất nghiệp cao, đã có những căng thẳng giữa người bản địa và người nhập cư, nhiều người trong số họ dính líu vào các tội phạm.

Các Giám Mục viết: "Chúng tôi hiểu được sự tức giận mà mọi người có thể cảm thấy đối với người nước ngoài vì những lý do chính đáng khác nhau. Nhưng chúng ta là một đất nước hòa bình; chúng ta là một đất nước đa văn hóa. Chúng ta đã chiến thắng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sử dụng rất ít bạo lực và mọi chuyện đã được giải quyết một cách hòa bình ".

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Nam Phi mời gọi người nước ngoài đừng dính líu vào các loại tội phạm và cảnh báo tất cả mọi người sử dụng có trách nhiệm các phương tiện truyền thông xã hội để tránh truyền đi những thông điệp hận thù.

Các Giám mục kết luận bằng cách yêu cầu chính phủ phải can thiệp để xác định những ai đã kích động xung đột và giải quyết tận căn những vấn đề đã tạo nên một "bối cảnh bạo lực khủng khiếp như thế này".
 
Đức Giáo Hoàng bất ngờ gọi điện thoại cho một ký giả Á Căn Đình
Đặng Tự Do
07:28 18/04/2015
Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa đã gây sửng sốt với một cú điện thoại bất ngờ, lần này là với một nhà báo ở Á Căn Đình quê hương của ngài.

Alfredo Leuco, ký giả viết cho tờ Clarin ở Buenos Aires, đã viết một bức thư ngỏ đến Đức Thánh Cha, xin ngài đừng cho nữ tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner một cơ hội khác để lợi dụng hình ảnh ngài vào những lợi thế chính trị.

Với cuộc bầu cử tổng thống tại Á Căn Đình đang gần kề, Leuco viết cho Đức Thánh Cha một bức thư trong đó có đoạn viết: "Rất nhiều người, có lẽ là đa số người Á Căn Đình đồng bào của con, nghĩ rằng Đức Thánh Cha đang sắp phạm một sai lầm."

Trước sự ngạc nhiên của Leuco, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời bằng một cú điện thoại cá nhân. Mặc dù Leuco không tiết lộ chi tiết của cuộc đàm thoại, nhà báo này nói rằng ông hứa sẽ cố gắng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng. Ông nói cú điện thoại này là "thành tựu vĩ đại nhất trong cuộc đời nhà báo của tôi."

Leuco gởi thư đến Đức Thánh Cha sau khi có những báo cáo tại Á Căn Đình theo đó Tổng thống Kirchner sẽ gặp Đức Giáo Hoàng vào ngày 7 tháng Sáu tới đây. Các quan chức Vatican cho biết không có cuộc họp nào như thế trên lịch trình của Đức Thánh Cha.
 
Nga trả lại ngôi nhà thờ và tu viện Smolny cho Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga
Đặng Tự Do
07:39 18/04/2015
Chính phủ Nga đã quyết định trả lại tu viện Smolny và Vương Cung Thánh Đường Smolny để dùng vào các mục đích thờ phượng và tu trì.

Vương Cung Thánh Đường Smolny nằm ở vị trí trung tâm và được bao bọc bởi tu viện Smolny ở thành phố St. Petersburg. Tu viện và nhà thờ đã được xây dựng cho con gái của Đại đế Peter khi cô gia nhập đời sống thánh hiến tại đây. Nhà thờ đã được hoàn thành vào năm 1764.

Năm 1922, chính phủ cộng sản đã bị tịch thu nhà thờ và biến thành một nhà kho. Trong những thập kỷ sau đó, ngôi nhà thờ này đã được sử dụng như một thính đường hòa nhạc. Việc thờ phượng được tái tục vào năm 2010 nhưng đến nay quyền sở hữu nhà thờ và tu viện mới được trao lại cho Chính Thống Giáo Nga.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi gây ý thức về tệ nạn buôn người
Lm. Trần Đức Anh OP
08:53 18/04/2015
VATICAN. ĐTC kêu gọi Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa xã hội nỗ lực gây ý thức nơi dư luận quần chúng về tệ nạn buôn người và những hình thức nô lệ mới.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 18-4-2015, dành cho 45 thành viên khóa họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa xã hội.

ĐTC nhận xét rằng ”trong chế độ kinh tế hoàn cầu hiện nay chịu sự thống trị của lợi lộc, có những hình thức nô lệ mới nảy sinh, một cách nào đó chúng tệ hại và vô nhân đạo hơn cả những thứ nô lệ trong quá khứ. Vì thế, theo sứ điệp cứu độ của Chúa, chúng ta được kêu gọi tố giác và bài trừ những hình thức ấy. Nhất là chúng ta phải làm cho mọi người ý thức về tai ương mới này trên thế giới mà nhiều khi người ta muốn che giấu.”

ĐTC tái lên án nạn buôn người, cưỡng bách lao động, mại dâm, buôn bán cơ phận người là ”những tội ác rất nặng nề, một vết thương trong thân thể nhân loại ngày nay. Ngoài ra cần tìm những phương thế thích hợp để trừng phạt những người đồng lõa với thị trường vô nhân đạo này, cải tiến cách thức giải thoát và giúp các nạn nhân tái hội nhập vào xã hội, canh tân những qui luật về quyền tị nạn. Cần giúp các nhà cầm quyền dân sự ý thức về tính chất trầm trọng của thạm trạng này, nó là một sự thoái hóa của nhân loại”. (SD 18-4-2015)
 
Đức Giáo hoàng Benedicto XVI hiện diện, nhưng ẩn dật
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
16:21 18/04/2015
Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI hiện diện, nhưng ẩn dật

Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. từ ngày 28.02.2013 vẫn luôn hiện diện giữa lòng Giáo Hội trong nội thành Vatican, nhưng không xuất hiện trong các lễ nghi phụng vụ nơi thánh đường và cả nơi trước công chúng. Lý do là vì ngài nghỉ hưu lui vào đời sống ẩn dật trong tu viện „ Mater ecclesiae“.

Một vị Giáo hoàng đi nghỉ hưu. Đó là điều lạ thường gây ra thắc mắc cho nhiều người trong và ngoài Giáo Hội.

1. Ngày 18.04.2005 mật nghị các Hồng Y, lúc đó có 115 vị Hồng Y vào hội họp trong phòng kín nhà nguyện Sixtin ở Vatican để bầu vị Giáo Hoàng mới thay thế đức cố giáo Hòang Gioan Phaolo II. đã băng hà trước đó hơn hai tuần.

Và ngày hôm sau 19.04.2013, vị Giáo hoàng mới được bầu Benedicto XVI. xuất hiện nơi „ban-công“ đền thờ Thánh Phero ra mắt chào mừng giáo dân chúng đứng chờ đợi dưới sân đền thờ cùng toàn thế giới, sau lời công bố „Habemus Papam“.

Vị Giáo hoàng mới được bầu lên Benedicto XVI. chính là Hồng Y Ratzinger, người Đức. Trong suốt triều đại gần 27 năm của Đức Giáo Hoàng qúa cố Gioan Phaolo II. ngài là vị Bộ Trưởng bộ Tín lý đức tin của Giáo Hội Công Giáo.

Một trang lịch sử mới của Giáo Hội Công Giáo được bắt đầu viết từ đây với vị Giáo Hoàng mới Benedicto XVI., ngài là Giáo Hoàng thứ 265. trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo.

2. Điều gì đã diễn ra trong phòng họp bầu phiếu tuyệt đối kín ở nhà nguyện Sixtin bên Vatican trong những ngày bầu cử đó. Không ai biết. Và cũng không có một mảy may một thông tin được công bố nói ra bên ngoài. Tất cả được giữ kín bảo mật kín, đốt hết đi, không có biên bản ghi chép lưu lại.

Sau này, ngày 25.04.2005, khi được hỏi về việc được bầu thành Giáo Hong, Đức Benedicto XVI. đã tâm sự:

„ Tôi nhận ra , tên tôi càng có thêm nhiều phiếu trong những lần bỏ phiếu tiếp theo. Tôi cảm thấy bị choáng váng. Tôi tin rằng, tôi đã làm xong nhiệm vụ được trao phó trong đời tôi. Và tôi hy vọng được phép sống thanh thản bằng an đi nghỉ hưu. Tràn đầy lòng tin tưởng xác tín sâu xa, tôi đã thưa cùng Chúa: Lạy Chúa, xin Chúa đừng bắt con nữa. Chúa còn có những người trẻ, người tốt hơn con. Con tin rằng họ có đầy đủ năng lực đặc biệt lạ thường, có Charisma sức thu hút con người về cho Chúa. Xin hãy để những người này gánh vác công việc to lớn của Giáo Hội.

Bỗng một mảnh giấy nhỏ của một vị Hồng Y trong phòng họp viết chuyển cho tôi, làm tôi rất cảm động. Vị Hồng Y đó viết nhắc tôi nhớ đến bài giảng tôi đã giảng trong thánh lể an táng đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II. . Trong bài giảng đó tôi đã lấy lời Chúa Giêsu nói với Thánh tông đồ Phero: Hãy theo Ta. , làm đề tài chính nói về ơn kêu gọi của Đức cố Giáo hoàng đáng kính của chúng ta.

Tôi đã trình bày, Đức cố giáo hoàng Karol Wojtyla luôn luôn giữ lời này của Chúa trong suốt đời sống của ngài. Và ngài luôn luôn nói: Phải, lạy Chúa, con theo Chúa, cả khi Chúa dẫn đưa con đi đến nơi con không muốn.

Vị Hồng Y anh em đó viết cho tôi: Nếu Chúa nói với cha rằng : „Hãy theo Ta“, cha hãy nhớ đến điều cha đã giảng hôm rồi trong thánh lễ an táng đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II. Xin đừng chối từ. Nhưng hãy vâng lời, như cha đã đã nói về vị Giáo hoàng vĩ đại qúa cố.

Những lời trên tấm giấy đó thấm nhập vào trái tim tôi. Thoải mái dễ chịu không là con đường của Chúa. Và chúng ta cũng không là người được tạo thành cho sự thoải mái dễ chịu, nhưng cho sự cao cả , cho sự tốt lành thánh đức. Vì thế, sau cùng tôi không còn gì khác hơn để nói lời „ Dạ, tôi xin vâng theo ý Chúa trong sự tin tưởng phó thác nơi Ngài. Và tin tưởng nơi anh em, thưa các Đức Hồng Y đã tín nhiệm bầu tôi. „

Đó là những tâm sự tràn đầy lòng đạo đức khiêm nhường của Đức Giáo Hoàng Benedickto XVI. về diễn tiến ngài được anh em Hồng Y dồn phiếu bầu làm Giáo Hoàng các đây 10 năm.

3. Chúng ta nhớ lại bài giảng trong đền thờ Thánh Phero ngày 18.04.2013 trước khi các đức Hồng Y vào mật nghị bầu vị Giáo hoàng mới.

Trong bài giảng này, như xưa nay đều đồng loạt nói đế phần „ chủ nghĩa tương đối“ trong xã hội ngày hôm nay, mà đức Hồng Y Ratzinger nhận mạnh nơi bài giảng. Nhưng ngay nơi phần đều bài giảng đó, đức Hồng Y Ratzinger đã nói rất căn bản tha thiết đến thần học lòng thương xót của Chúa. Và có lẽ tư tưởng thần học trong bài giảng đó là mấu chốt lịch sử chọn bầu ngài làm giáo hoàng thứ 265. của Giáo Hội Công Giáo:

„ Lòng thương xót của Chúa Giêsu Kito không phải là là ân đức rẻ rúng, cũng không được hiểu lầm lòng thươmg xót của Chúa như sự tầm thường của sự dữ xâu xa. Chúa Kito đã gánh mang nơi thân xác mình và trong tâm hồn mình toàn gánh nặng sự dữ có sức phá hủy. Ngài đã đốt cháy, đã biến đổi sự dữ trong sự khổ nạn đau đớn, trong lửa nồng cháy tình yêu mến của ngài. Ngày sự đền bù thưởng công và năm của lòng thương xót tỏ hiện trong mầu nhiệm phục sinh của Chúa, trong sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kito.

Đó chính là sự đền bù của Chúa: chính ngài chịu đau khổ nơi Con của Ngài vì chúng ta. Chúng ta càng để cho lòng thương xót Chúa gây tác động trong tâm hồn mình, chúng ta càng liên kết với sự đau khổ của Ngài, và như thế chúng ta sẵn sàng bù đắp thêm vào „ những gì còn thiếu nơi sự đau khổ của Chúa Giêsu Kito“ Col 1,24.“.

4. Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. tính từ ngày được bầu chọn trở thành Giáo hoàng , Giám mục Roma hôm 19.04.2005 cho đến ngày từ chức thoái vị 28.02.2013, thời gian trị vì chịu trách nhiệm đứng đầu Hội Thánh được 07 năm, 10 tháng và 09 ngày .

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. hôm 11.02.2013 trước Hồng Y đoàn nhóm họp ở Vatican đã loan báo cho toàn thể Hội Thánh:

„Sau khi nhiều lần xét mình kỹ lưỡng trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự chắc chắn rằng sức lực của tôi, vì tuổi cao, không còn thích hợp nữa để thi hành sứ vụ Phêrô một cách thích đáng nữa. Tôi ý thức rõ sứ vụ này, do yếu tính thiêng liêng, phải được chu toàn không những bằng hoạt động và bằng lời nói, nhưng còn bằng đau khổ và cầu nguyện.

Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, đang chịu những biến chuyển mau lẹ và bị giao động vì những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin. Để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn. Nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được trao phó cho tôi.

Vì thế, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám Mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, được ủy thác cho tôi do tay các Hồng Y ngày 19 tháng 4 năm 2005.“.

5. Từ ngày lui về nghỉ hưu vì lý do sức khoẻ, Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu Benedicto XVI. rất ít xuất hiện trước công chúng. Nhưng không vì thế mà ngài biến mất hẳn sân khấu đời sống Giáo Hội. Trái lại , ngài dành thời giờ cầu nguyện cho Giáo Hội.

Như đức tổng giám mục Gaenswei, vị thư ký riêng của ngài, cho biết lịch trình sinh hoạt của ngài bắt đầu lúc 7.45 giờ với Thánh lễ Misa, sau đó bữa sáng, cầu nguyện, đọc sách báo, trả lời thư từ , tiếp khách đến thăm. Sau bữa ăn trưa đi ra ngoài vườn đi đạo ngắn, và buổi chiều ra hang đá Đức mẹ Lộ Đức trong vườn đọc kinh lần chuỗi. Tinh thần còn minh mẫn năng động, nhưng càng ngày càng khó khăn hơn trong việc đi đứng, nên phải chống gậy hay dùng xe bám vịn vào.

Ngài vẫn chơi đàn dương cầm những bản nhạc của nhạc sĩ Mozart và những bản thánh ca theo mùa phụng vụ. Buổi chiều sau giở Kinh tối khoảng 9.00 giờ ngài đi ngủ.

6. Đức đương kim Giáo hoàng Phanxico đã hết lòng ca ngợi Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu Benedicto XVI. là người của Thiên Chúa, con người vĩ đại khôn ngoan. Vị Giáo hoàng nghỉ hưu hoàn toàn không chen mình vào việc điều hành nội bộ của Giáo Hội.

Hai hoặc ba tháng Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm ngài. Cũng vị thư ký tổng giám mục Gaenswei cho biết, mỗi khi đi tông du thăm viếng những nước ở hải ngoại, Đức Thánh Cha Phanxico, và vào những dịưp lễ mừng trọng thể thường đến thăm cùng tham khảo ý kiến Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu Benedicto XVI.

Hôm 16.06.2015 Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu Benedicto XVI.mửng sinh nhật thứ 88. Và ngày 19.04.2015 kỷ niệm 10 năm ngài được bầu trở thành Giáo hoàng thứ 265. của Giáo Hội Công Giáo.

Một vị Giáo Hoàng đã vâng nghe theo tiếng Chúa: Hãy theo ta, cống hiến cả đời mình cho Giáo Hội. Bây giờ từ hai năm nay luo vào nghỉ hưu, nhưng vẫn quan tâm tới đời sống Giáo Hội qua nếp sống ẩn dật khiêm nhường và cầu nguyện

Đấy là đời sống của người có lòng đạo đức thâm sâu, của bậc thánh nhân quân tử: Hiện diện, nhưng trong ẩn dật thinh lặng.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long



 
Tóm Tắt Tông Chiếu Ấn Định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót
J.B. Đặng Minh An
22:35 18/04/2015
Xem Toàn văn Tông Chiếu Ấn Định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót

Tông Chiếu Ấn Định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót có tên là “Misericordiae Vultus” (Khuôn mặt xót thương) gồm 25 đoạn trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả những điểm nổi bật nhất của lòng thương xót, tập trung chủ yếu vào ánh sáng của thiên nhan Chúa Kitô. Lòng thương xót không phải là một khái niệm trừu tượng mà là một khuôn mặt để nhận biết, chiêm ngưỡng, tôn thờ; và là động lực thức tỉnh chúng ta trước sự sống mới và cấy trong chúng ta lòng can đảm để nhìn về tương lai với niềm hy vọng và với quyết tâm canh tân để Giáo Hội trở nên một dấu chỉ đáng tin cậy của lòng thương xót là “nền tảng của đời sống Giáo Hội”.

Mở đầu Tông Chiếu, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Chúa Giêsu Kitô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha. Những lời này có thể tổng hợp sâu sắc mầu nhiệm của đức tin Kitô. Lòng Thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giêsu thành Nagiarét, và đạt đến đỉnh cao nơi Ngài.”

Lý do công bố Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót

Chúng ta cần phải liên tục chiêm ngắm mầu nhiệm của lòng thương xót. Đó là suối nguồn của niềm vui, sự thanh thản và bình an. Ơn cứu rỗi của chúng ta phụ thuộc vào đó. Lúc này, lúc khác chúng ta được mời gọi để dán mắt nhìn chăm chú hơn lòng thương xót để chúng ta có thể trở thành một dấu chỉ thuyết phục hơn cho tác động của Chúa Cha trong cuộc sống của chúng ta. Vì lý do này, Đức Thánh Cha đã tuyên bố một Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót như một thời gian đặc biệt cho Giáo Hội; một thời gian trong đó chứng tá của các tín hữu có thể phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Thời gian cử hành Năm Thánh

Năm Thánh sẽ được khai mạc vào ngày 08 Tháng 12 năm 2015, Đại Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngày lễ phụng vụ này nhắc nhớ tác động của Thiên Chúa ngay từ đầu của lịch sử nhân loại. Sau khi ông Adong và bà Evà đã phạm tội, Thiên Chúa không muốn để nhân loại cô đơn trong thống khổ của sự dữ. Vì thế, Ngài quay sang nhìn Đức Maria, thánh thiện và tinh tuyền trong tình yêu (x Eph 1: 4), và chọn Mẹ là Mẹ của Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Đứng trước ách nặng nề của tội lỗi, Thiên Chúa đáp lại với sự sung mãn của lòng thương xót.

Ngày 8 tháng 12 cũng được chọn cũng vì ý nghĩa phong phú của ngày lễ này trong lịch sử gần đây của Giáo Hội. Thực vậy, ngày 08 Tháng 12 năm 2015 là ngày kỷ niệm lần thứ năm mươi bế mạc Công Đồng Chung Vatican II. Giáo Hội cảm thấy một nhu cầu lớn lao phải giữ cho sự kiện này sống động. Với Công Đồng này, Giáo Hội bước vào một giai đoạn mới trong lịch sử của mình.

Năm Thánh sẽ được bế mạc vào Lễ Trọng Chúa Kitô Vua 20 tháng 11 năm 2016 với ý hướng phó thác đời sống của Giáo Hội, của nhân loại, và của toàn bộ vũ trụ cho quyền Chủ Tể của Chúa Kitô, Đấng là Vua Vũ Trụ.

Lòng Thương Xót là từ then chốt nói lên tác động của Thiên Chúa đối với nhân loại

Như chúng ta thấy trong Kinh Thánh, lòng thương xót là một từ khóa chỉ ra hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài không hạn chế mình trong việc khẳng định tình yêu của Ngài, nhưng còn đi xa hơn là làm cho tình yêu này thành hữu hình và đụng chạm đến được. Tình yêu, nói cho cùng, không bao giờ chỉ là một khái niệm trừu tượng. Tự chính bản chất của nó, tình yêu hướng đến một cái gì đó cụ thể: ý định, thái độ, và những hành vi được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Lòng thương xót của Thiên Chúa là mối quan tâm từ ái của Ngài cho mỗi người chúng ta. Ngài cảm thấy có trách nhiệm; nghĩa là, Ngài ước muốn sự khang an của chúng ta và muốn thấy chúng ta hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và an bình. Đây là con đường mà tình yêu nhân hậu của các tín hữu Kitô phải đi. Như Chúa Cha yêu thương, con cái của Ngài cũng phải thế. Như Cha đầy lòng thương xót, chúng ta cũng được mời gọi để xót thương nhau.

Lòng Thương Xót là nền tảng của đời sống Giáo Hội

Lòng Thương Xót là nền tảng của đời sống Giáo Hội. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội phải được bao bọc trong sự dịu dàng mà Giáo Hội đưa ra với các tín hữu; không có gì trong lời rao giảng của Giáo Hội và trong chứng tá của Giáo Hội với thế giới có thể thiếu vắng sự thương xót. Chính sự khả tín của Giáo Hội được nhìn thấy trong cách thức Giáo Hội thể hiện tình yêu thương xót và trắc ẩn.

Xã hội ngày nay càng ngày càng quên dần Lòng Thương Xót

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta đừng quên một giáo huấn quan yếu được đưa ra bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp thứ hai của ngài, Dives in Misericordia (Giàu Lòng Thương Xót), được đưa ra bất ngờ, đã làm nhiều người kinh ngạc. Có hai đoạn đặc biệt mà Đức Thánh Cha muốn lôi kéo sự chú ý. Đầu tiên, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh sự kiện là chúng ta đã quên đi chủ đề lòng thương xót trong môi trường văn hóa hôm nay: “Có lẽ là hơn bao giờ hết, não trạng của con người ngày nay xem ra muốn chống lại một Thiên Chúa của lòng thương xót, và trong thực tế có xu hướng muốn loại ra khỏi cuộc sống và triệt hạ khỏi trái tim con người những ý tưởng của lòng xót thương. Từ ngữ và khái niệm 'thương xót' dường như gây xao xuyến trong con người, mà nhờ vào sự phát triển to lớn chưa từng có trong lịch sử của khoa học và kỹ thuật đã trở thành chủ nhân của trái đất, đã chinh phục và thống trị nó (x. Sáng Thế 01:28). Sự thống trị trái đất này, đôi khi được hiểu một cách phiến diện và hời hợt, dường như không còn chỗ cho lòng thương xót.”

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng thúc đẩy việc loan báo khẩn cấp hơn và đưa ra những chứng tá cho lòng thương xót trong thế giới đương đại: “Xuất phát từ tình yêu dành cho con người, cho tất cả những gì là nhân bản và những gì, theo trực giác của nhiều người đương thời với chúng ta, là đang bị đe dọa bởi một mối nguy hiểm lớn lao. Mầu nhiệm của Chúa Kitô... buộc tôi phải rao giảng lòng thương xót như tình yêu từ bi của Thiên Chúa, đã được mạc khải trong cùng một mầu nhiệm của Chúa Kitô. Mầu nhiệm ấy cũng buộc tôi phải trông cậy và khẩn cầu lòng xót thương trong giai đoạn khó khăn, và quan trọng này trong lịch sử Giáo Hội và thế giới.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng giáo huấn này của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là thích hợp hơn hơn bao giờ hết và đáng được đề cao một lần nữa trong Năm Thánh này.

Ơn gọi của Giáo Hội trong Năm Thánh này

Giáo Hội được mời gọi biến mình thành một người đầy tớ của tình yêu từ bi của Thiên Chúa và làm trung gian của tình yêu ấy cho tất cả mọi người. Do đó, bất cứ nơi nào Giáo Hội hiện diện, lòng thương xót của Chúa Cha phải là hiển nhiên. Trong các giáo xứ, các cộng đồng, các hiệp hội và các phong trào, nói tắt một lời, là bất cứ nơi nào có những Kitô hữu, tất cả mọi người phải tìm được một ốc đảo của lòng thương xót.

Ơn gọi của mỗi cá nhân trong Năm Thánh này: “Hãy thương xót như Cha các ngươi có lòng thương xót”

Nếu chúng ta muốn sống Năm Thánh này, trong ánh sáng lời Chúa: Hãy có lòng xót thương như Chúa Cha. Vị Thánh Sử nhắc nhở chúng ta về giáo huấn của Chúa Giêsu, Đấng đã phán: “Hãy thương xót như Cha các ngươi có lòng thương xót” (Lc 6:36). Đó là một chương trình sống vừa đòi hỏi vừa phong phú với niềm vui và bình an.

Xót thương như Chúa Cha, vì vậy, là “phương châm” của Năm Thánh này. Nơi lòng thương xót, chúng ta tìm thấy bằng chứng về cách thức Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài trao ban toàn bộ chính Ngài cho chúng ta, luôn luôn, tự nguyện, không yêu cầu hồi đáp. Ngài đến giúp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu khẩn Ngài.

Những thể hiện cụ thể của lòng thương xót trong Năm Thánh này

Ước muốn cháy bỏng của Đức Thánh Cha là trong Năm Thánh này, chúng ta có thể suy tư trên các hoạt động thể lý và thiêng liêng của lòng thương xót. Đó sẽ là một cách để thức tỉnh một lương tâm quá thường khi mờ mịt trước cảnh nghèo đói. Chúng ta hãy tái khám phá những hoạt động thể lý của lòng thương xót: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên các hoạt động thiêng liêng của lòng thương xót: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Năm Thánh này sẽ là một năm hồng ân, một năm thương xót

Thánh Luca viết rằng Chúa Giêsu, vào ngày Sabát, đã trở lại Nagiarét và, như thường lệ, Ngài bước vào hội đường. Người ta mời Ngài đọc Kinh Thánh và đưa ra lời bình luận. Đoạn văn được đọc trích từ Sách Tiên Tri Isaia, trong đó viết: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Ðức Chúa” (Is 61: 1-2). Một “năm hồng ân của Ðức Chúa” hay “một năm thương xót”: đây là những gì Chúa đã công bố và đây là những gì giờ đây chúng ta muốn sống. Năm Thánh này sẽ mang đến sự phong phú trong sứ mệnh của Chúa Giêsu được vang vọng trong những lời của vị tiên tri: là mang một lời nói và cử chỉ an ủi cho người nghèo, để loan báo tự do cho những ai bị trói buộc bởi các hình thái nô lệ mới trong xã hội hiện đại, để phục hồi ánh sáng cho những ai không thể nhìn thấy nữa vì họ bị co cụm trong chính mình, để phục hồi phẩm giá cho tất cả những ai mà nhân phẩm đã bị cướp mất. Lời rao giảng của Chúa Giêsu lại trở nên hữu hình trong đáp trả đức tin mà các Kitô hữu được mời gọi đưa ra qua chứng tá của họ. Cầu xin cho những lời của Thánh Tông Đồ [Phaolô] đồng hành với chúng ta: “Ai làm những việc bác ái, thì hãy làm những điều ấy trong hân hoan” (Rm 12: 8).

Mùa Chay của Năm Thánh là một thời điểm sống sốt sắng, giao hòa với Chúa và anh chị em mình qua Bí Tích Hòa Giải

Mùa Chay trong Năm Thánh này cũng nên được sống sốt sắng hơn như một thời thuận tiện để cử hành và trải nghiệm lòng thương xót Chúa. Biết bao nhiêu trang Sách Thánh rất thích hợp cho suy niệm trong những tuần Mùa Chay giúp chúng ta tái khám phá ra khuôn mặt đầy thương xót của Chúa Cha! Sáng kiến “24 giờ cho Chúa,” được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hoà giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự.

Trong Mùa Chay, Đức Thánh Cha sẽ sai đi các Thừa Sai của Lòng Thương Xót

Trong Mùa Chay của Năm Thánh này, Đức Thánh Cha có ý định sai đi các Thừa Sai của Lòng Thương Xót. Các ngài sẽ là một dấu chỉ của sự lo lắng từ mẫu của Giáo Hội đối với dân Chúa, để dân Chúa có thể bước vào sự phong phú sâu xa của mầu nhiệm rất cơ bản này của đức tin. Sẽ có những linh mục mà Đức Thánh Cha sẽ ban cấp quyền tha thứ cả những tội lỗi chỉ dành quyền giải cho Tòa Thánh. Đức Thánh Cha cũng yêu cầu các Giám Mục mời và chào đón những Thừa Sai này để, trên hết tất cả, họ có thể là những vị giảng thuyết có sức thuyết phục của lòng thương xót. Cầu mong sao cho từng giáo phận có thể tổ chức “các cuộc đại phúc” để các Thừa Sai này có thể là sứ giả của niềm vui và sự tha thứ. Các Giám mục được yêu cầu cử hành bí tích hòa giải với anh chị em giáo dân của mình để thời gian ân sủng do Năm Thánh mang lại sẽ làm cho nhiều con cái Chúa có thể cất bước trên cuộc hành trình về nhà Cha một lần nữa. Xin cho các vị mục tử, đặc biệt là trong Mùa Chay, siêng năng trong việc kêu gọi các tín hữu quay lại “gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và tìm thấy ân sủng” (Dt 4:16).

Với những người phạm vào những tội ác và những kẻ tham nhũng

Đức Thánh Cha cầu mong cho thông điệp của lòng thương xót này đến được với tất cả mọi người, và không một ai có thể thờ ơ với lời mời gọi trải nghiệm lòng thương xót. Ngài hướng lời mời hoán cải này còn nhiệt thành hơn nữa đến những ai có những hành vi đang làm họ xa cách với ân sủng của Thiên Chúa. Cách riêng, Đức Thánh Cha nghĩ đến người người nam nữ thuộc về các tổ chức tội phạm các loại. Vì thiện ích của họ, ngài cầu xin họ thay đổi cuộc sống mình.

Lời mời này cũng được gởi đến những ai chủ động hay bị dính líu vào tham nhũng. Vết thương mưng mủ này là một tội nghiêm trọng đang kêu thấu đến trời cao đòi trả thù, vì nó đe dọa chính nền tảng của cuộc sống cá nhân và xã hội. Tham nhũng ngăn chặn chúng ta hướng đến tương lai với niềm hy vọng, vì sự tham lam tàn bạo của nó làm tiêu tan kế hoạch của những người yếu thế và chà đạp những người nghèo nhất trong những người nghèo.

Ơn xá trong Năm Thánh

Năm Thánh cũng bao gồm việc ban các ân xá. Thực hành này sẽ có được một ý nghĩa càng quan trọng hơn trong Năm Thánh Từ Bi. Sự tha thứ của Thiên Chúa không có giới hạn. Trong cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm rõ hơn nữa tình yêu của Ngài và quyền năng tiêu diệt tất cả tội lỗi nhân loại của tình yêu ấy. Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, và Ngài không bao giờ mệt mỏi tha thứ trong những cách thế liên tục mới mẻ và đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, dù được tha thứ, những hậu quả xung khắc của tội lỗi vẫn còn đó. Trong Bí Tích Hòa Giải, Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta những tội lỗi, mà Ngài thực sự tẩy sạch; nhưng tội lỗi để lại một ảnh hưởng tiêu cực trong cách nghĩ và hành động của chúng ta. Dù thế, lòng thương xót của Thiên Chúa còn mạnh hơn cả điều này. Nó trở thành sự xá miễn về phía Chúa Cha, Đấng qua Hiền Thê của Chúa Kitô, là Giáo Hội của Ngài, vươn ra đến những tội nhân được tha thứ và giải phóng người ấy khỏi mọi cặn bã sót lại do hậu quả của tội lỗi, để người ấy có thể hành động với lòng bác ái, ngõ hầu lớn lên trong tình yêu hơn là rơi trở lại vào vòng tội lỗi.

Viễn tượng đại kết

Sau khi khẳng định cả Do Thái Giáo và Hồi Giáo đều xem lòng thương xót là một trong những thuộc tính quan trọng nhất của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha bày tỏ niềm tin vững chắc rằng Năm Thánh cử hành lòng thương xót Chúa này sẽ thúc đẩy một cuộc gặp gỡ với những tôn giáo và những truyền thống tôn giáo cao quý khác; ngài cầu xin cho Năm Thánh này mở ra cho chúng ta sự đối thoại càng nhiệt thành hơn, để chúng ta biết và hiểu được người khác tốt hơn; ngài cầu xin cho năm hồng ân này có thể loại bỏ tất cả các hình thức khép kín đầu óc và thiếu tôn trọng, và xua tan mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử.

Kết luận

Hướng đến Đức Trinh Nữ Maria, Đức Thánh Cha cầu xin sự dịu ngọt trên thánh nhan Mẹ dõi theo chúng ta trong Năm Thánh này, để tất cả chúng ta có thể tái khám phá niềm vui về sự dịu dàng của Thiên Chúa. Ngài cũng khẩn cầu cùng các Thánh và những Chân Phước đã dâng hiến đời mình rao truyền lòng thương xót Chúa, đặc biệt là vị tông đồ vĩ đại của lòng thương xót Chúa, là Thánh Faustina Kowalska. Xin thánh nữ, là người đã được mời gọi để bước vào những chiều sâu thẳm của lòng thương xót Chúa, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta và nài xin cho chúng ta ân sủng để sống và tiến bước luôn luôn theo lòng thương xót của Thiên Chúa và với một niềm tin vững chắc vào tình yêu của Ngài.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu xin trong Năm Thánh này Giáo Hội có thể vang vọng những lời của Chúa vang lên mạnh mẽ và rõ ràng như một thông điệp và một dấu chỉ của sự tha thứ, sức mạnh, sự trợ giúp, và tình yêu. Xin cho Giáo Hội không bao giờ mệt mỏi mở rộng lòng thương xót, và luôn kiên nhẫn trao ban lòng từ bi và sự ủi an. Xin cho Giáo Hội trở thành tiếng nói của mỗi người nam nữ, và lặp lại cách tự tin không ngừng rằng: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu. Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.” (Tv 25: 6).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại lễ Lòng Chúa Thương xót Của Cộng đồng CGVN tại Brunswick, Melbourne
Minh Trung
11:56 18/04/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Giáo xứ Phú Bình : Thánh lễ tạ ơn 5 năm cung hiến nhà thờ
Martin Lê Hoàng Vũ
09:11 18/04/2015
Giáo xứ Phú Bình: Thánh lễ tạ ơn 5 năm cung hiến nhà thờ

Chiều thứ sáu 17.4.2015, cộng đoàn giáo xứ Phú Bình, hạt Phú Thọ, Sài gòn đã long trọng mừng 5 năm cung hiến nhà thờ giáo xứ.Nhân dịp này, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đại diện của Đức Thánh Cha Phanxicô và Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam đã về thăm mục vụ giáo xứ và chủ tế thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho giáo xứ.Từ lúc 4 giờ 30 chiều, cha chánh xứ Phú Bình, cha hạt trưởng Phú Thọ, quý cha cùng quý hội đoàn và các em thiếu nhi đã ra đón chào Đức Tổng Giám mục nơi cổng chính nhà thờ.Kế đó,Đức Tổng Giám mục đi vào nhà xứ để thăm hỏi cha chánh xứ Phú Bình và quý cha.

Xem Hình

Thánh lễ với bậc lễ trọng kỷ niệm cung hiến nhà thờ được bắt đầu bằng cuộc rước đoàn đồng tế tiến lên cung thánh nhà thờ.Cùng đồng tế với Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli còn có cha Giuse Phạm Bá Lãm Hạt trưởng Phú Thọ, cha Giuse Nguyễn Văn Niệm chánh xứ Phú Bình, cha Giuse Vũ Minh Danh chánh xứ Tân Phước, cha Giuse Hoàng Ngọc Dũng, thư ký của Đức Tổng Giám mục.

Trước khi mở đầu thánh lễ, cha chánh xứ Phú Bình nói lên niềm vui mừng và xúc động khi được đón tiếp Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli trong ngày trọng đại.Sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục là niềm khích lệ cho cộng đoàn giáo xứ Phú Bình, nhờ đó sống đức tin vững mạnh hơn trong năm Tân Phúc âm hóa giáo xứ và trong sự hiệp thông với Hội Thánh toàn cầu.Cha nói khái quát giáo xứ Phú Bình được hình thành cách đây 57 năm, sau biến cố di cư năm 1954, với số giáo dân hiện nay khoảng 2700 người, giáo dân từ các giáo phận trên cả nước tụ về sinh sống tại đây, đặc biệt có những anh chị em người dân tộc Nùng, Hoa.

Thánh lễ tiếp nối với các bài đọc được chọn từ Phụng vụ Lời Chúa lễ cung hiến nhà thờ.Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli chào đầu lễ, cha hạt trưởng Phú Thọ đọc các lời nguyện bằng tiếng Việt,ca đoàn hát kinh Vinh Danh bằng tiếng Latinh.Sau đó, bài Tin Mừng theo Thánh Gioan chương 6, từ câu 1- 15, do một Thầy Phó tế công bố, là câu chuyện Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám mục Girelli nói bằng tiếng Anh và cha thư ký thông dịch lại.Trước tiên, ngài cám ơn và chúc mừng mọi thành phần trong cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Phú Bình; quý cha, quý nữ tu sống đời thánh hiến, những người nghèo khổ, bệnh tật và tất cả mọi người đang hiện diện trong ngôi nhà thờ khang trang này.Có được ngôi nhà thờ này là kết quả của sự hiệp nhất, kiên nhẫn và tình yêu của anh chị em tín hữu nơi đây.Chúng ta là những viên đá sống động xây ngôi nhà thờ, là một cộng đoàn được mời gọi đóng góp vào nhiều lãnh vực như phụng vụ, bác ái và đào tạo đời sống đức tin.Chúng ta thấy được vai trò trung tâm của bí tích Thánh Thể trong cộng đoàn tín hữu.Từ bí tích Thánh Thể, chúng ta học yêu thương nhau và yêu thương người thân cận.Tin Mừng hôm nay thuật lại phép lạ Chúa Giêsu làm cho cá và bánh hóa ra nhiều để nuôi dân chúng.Cậu bé đã chia sẻ phần lương thực của mình cho những người đang đói từ năm chiếc bánh và hai con cá của mình,phần đóng góp tuy đơn sơ,khiêm tốn,nhưng là tất cả những gì em mang theo.Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng; khi chúng ta biết dâng hiến phần nhỏ bé của ta, thì các phép lạ sẽ luôn xảy ra.Thiên Chúa có thể nhân lên gấp bội những hành vi nhỏ bẻ bằng tình yêu của chúng ta,và cũng cho chúng ta được chia sẻ tình yêu với Ngài.Hai con cá và năm chiếc bánh là biểu hiện cho sự đóng góp của chúng ta, rất cần thiết để Chúa chia sẻ cho tất cả mọi người.Ngài mời gọi chúng ta dứt khoát cộng tác với Ngài.Dân chúng đông đảo được ăn no nê cảm thấy phấn khởi, họ muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua.Tuy nhiên, Chúa Giêsu không phải là vị Vua như thế, Ngài cho con người không chỉ được thỏa mãn bởi cơm ăn vật chất, nhưng còn cho con người thỏa mãn tâm linh,sự thật, công lý, tình yêu, thỏa mãn chính khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa của con người.Xin cho chúng ta trung thành đón nhận bí tích Thánh Thể để được liên kết gắn bó với Ngài.

Sau lời hiệp lễ, ông Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ cám ơn Đức Tổng Giám mục Girelli bằng tiếng Anh.Trong lời đáp từ, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli cám ơn quý cha,và chúc mừng cộng đoàn giáo xứ Phú Bình. Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh đến hai biểu tượng nhà tạm và tòa giảng là diễn tả sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể và Lời Chúa.Ước mong mỗi gia đình đọc Lời Chúa, siêng năng đến nhà thờ tham dự thánh lễ.Ngoài ra, Đức Tổng Giám mục Girelli nói đến sự vất vả hy sinh của cha chánh xứ trong việc xây dựng kiến thiết nhà thờ và xây dựng cộng đoàn giáo xứ, Đức Tổng Giám mục Girelli trao cho cha chánh xứ một món quà lưu niệm đánh dấu cuộc viếng thăm.

Thánh lễ kết thúc cộng đoàn giáo xứ cùng với Đức Tổng Giám mục Girelli và quý cha chia sẻ niềm vui trong bữa tiệc liên hoan mừng tạ ơn nhân ngày kỷ niệm cung hiến

Martin Lê Hoàng Vũ
 
Thánh lễ cung hiến thánh đường giáo xứ Tân Thành, Bình Phước, Phú Cường
Thái Phong
09:18 18/04/2015
THÁNH LỄ TẠ ƠN KHÁNH THÀNH VÀ CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG GIÁO XỨ TÂN THÀNH

Bầu khí của Giáo xứ Tân Thành, Hạt Bình Long, Giáo Phận Phú Cường, thuộc tỉnh Bình Phước (Thứ Bảy ngày 18 tháng 04 năm 2015) nhộn nhịp hơn hẳn mọi ngày, khung cảnh thiên nhiên trở nên rực rỡ não nhiệt hơn,vì hôm nay cộng đoàn giáo dân khắp nơi quy tụ lại nơi Thánh đường mới để cùng với cha chánh xứ ĐaMinh Nguyễn Ngọc Minh và cộng đoàn Dân Chúa Giáo xứ Tân Thành vui mừng dâng thánh Lễ tạ ơn Chúa, khánh thành và Thánh hiến Bàn Thờ, do Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước vị chủ chăn của Giáo phận Phú Cường chủ sự. Ánh sáng của Chúa Phục sinh đã được bừng sáng lên để chiếu rọi, lan tỏa trong cung lòng u tối của cộng đoàn nơi vùng truyền giáo xa nhất của Giáo Phận Phú Cường.

Xem Hình

Vừa đặt chân tới nơi, chúng ta đã được nhìn thấy Cờ xí tung bay trước ngôi thánh đường nguy nga hoành tráng vừa mới được xây dựng, đựơc lắng nghe âm thanh của lời chào mừng đón tiếp quý khách, hòa lẫn tiếng nhộn nhịp của ban trống, ban trắc, hòa quyện trong âm thanh của đoàn Kèn Tây vang rền trong không gian khiến cho lòng người thêm phấn khởi vui mừng hơn. Không vui sao được bởi nơi vùng xa sôi nghèo nàn hẻo lãnh này, người ta đâu giám ước mơ có được một ngôi nhà Thờ để thờ phượng Chúa, thế mà hôm nay một ngôi Thánh đường mới được Thánh hiến. Vui mừng vì kể từ nay không còn phải đi xe hàng giờ để tham dự thánh lễ nhờ ở giáo xứ bạn ở xa nữa, không phải mang áo mưa để che mưa mỗi khi chuyển trời mưa đang lúc tham dự thánh lễ trong ngôi nhà mái tranh tạm bợ, và không còn lo lắng rằng giáo xứ chưa có cơ sở để phát triển đời sống đức tin cho con em trong tương lai.

Giáo xứ Tân Thành chính thức được thành lập vào tháng 05 năm 2008, với tài sản chỉ một mảnh đất nhỏ, mọi người trong xứ chung tay góp sức để làm được căn chòi lá tạm bợ để dâng lễ mỗi Chúa Nhật. Đến năm 2009 Đức Cha Giáo Phận cử cha ĐaMinh Nguyen Ngọc Minh làm Chánh xứ Tiên Khởi, kể từ đó cha cùng Giáo dân quyết tâm góp nhặt trong chính cộng đoàn cũng như đi đến các nhà Hảo tâm để xin trợ Giúp. vào ngày 15 tháng 05 2010, Viên Đá Đầu tiên đựơc đặt xuống nền móng để chính thức xây dựng ngôi thánh đường. Trải qua bao gian khó và vất vả, hôm nay giáo xứ hân hoan đón nhận hồng ân thánh hiến chính những công khó mà cộng đoàn đã khỗ cực để Hiến cho Chúa một ngôi nhà Thờ vật chất có thể nói là đẹp nhất vùng.

Xin tạ ơn Chúa vì bao hồng ân Chúa đã trao ban cho Giáo xứ Tân Thành chúng con. Xin Chúa tiếp tục gởi đến vùng truyền giáo chúng con đây những nhà hảo tâm quảng đại, để giúp đỡ những giáo xứ, giáo điểm lân cận chúng con tuy đã được thành lập, nhưng vẫn chưa có nơi thờ phượng Chúa, và sinh hoạt đời sống đức tin cho xứng đáng, bởi lẽ họ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Trận chiến oai hùng và đẹp nhất trong cuộc chiến tranh bảo vệ tự do của quân đội Việt Nam Cộng Hòa
Trần Đoan Hùng
08:47 18/04/2015
TRẬN CHIẾN OAI HÙNG VÀ ĐẸP NHẤT TRONG CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỰ DO CỦA QUÂN ĐỘI VIỆT NAM CỘNG HÒA

1. Nhân sự kiện 40 năm khép lại cuộc chiến (30/4/1975 – 30/4/2015) :

Trong những ngày nầy, những ngày kỷ niệm 40 năm biến cố khép lại cuộc huynh đệ tương tàn khốc liệt và đau thương nhất trong lịch sử Việt Nam : biến cố 30.4.1975, rất nhiều ký ức về cuộc chiến có dịp được phơi bày, tường thuật.

“Bên thắng cuộc” thì khắp nơi tưng bừng mừng kỷ niệm chiến thắng bằng tuyên truyền rầm rộ và hoành tráng với tầng suất và đầu tư cao nhất. Trong khi “bên thua cuộc” thì đó đây vẫn tổ chức hồi niệm ngày “quốc hận” trong bầu khí của trầm mặc mang dấu ấn tiếc nhớ và ngậm ngùi.

Và cũng trong những ngày nầy, trên các phương tiện truyền thông gần như ngập tràn các tư liệu liên quan đến cuộc chiến tranh, cho dù đã 40 năm trôi vào dĩ vãng, nhưng những vết thương của cuộc tương tàn nồi da xáo thịt (mà các tài liệu nầy gợi nhớ) vẫn nhức nhối trong tâm hồn của hàng triệu con dân Việt Nam.

Bằng chủ trương và đường lối tuyên truyền cố hữu của hệ thống chính trị độc tài, độc đảng, chính quyền cọng sản Việt nam cố sức trình bày những chiến tích lừng danh của quân đội nhân dân miền Bắc qua toàn bộ hệ thống báo đài lề phải đang nắm trong tay. Và dĩ nhiên, đó chỉ là “sự thật cọng sản”, một sự thật mà chính một lãnh tụ tầm cở của đế quốc cọng sản Liên Sô - Tổng Bí Thư Mikhail Gorbachev : đã phải thốt lên : “Tôi đã bỏ nửa đời người phục vụ lý tưởng CS, nay tôi đau buồn nói rằng CS chỉ tuyên truyên Dối Trá và Bịp Bợm.”

Nói như thế, không phải hoàn toàn phủ nhận những chiến thắng mà quân đội cụ Hồ đã đạt được trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn mà họ “treo cái đầu dê” bằng những mỹ từ “giải phóng miền Nam khỏi ách xâm lược Mỹ”. Thôi thì cứ để cho “bên thắng cuộc” thoải mái tụng kinh bài ca chiến thắng vĩ đại vì họ đã trả giá quá đắt : hơn 3 triệu người chấp nhận “sinh Bắc tử Nam” kia mà !

Ở đây, trong bài nhận định giản đơn và khiêm tốn nầy, chỉ xin được góp một chút hương thơm để kính nhớ hương hồn các anh linh tử sĩ của quân đội Việt Nam Cọng Hòa đã hy sinh chiến đấu miệt mài suốt 20 năm để giữ gìn Đất Mẹ từ bờ sống Bến Hải cho đến mũi Cà Mau, cùng những vùng biến đảo xa xôi Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Sơn, Phú Quốc.

2. Quân đội Việt Nam Cọng Hòa và giá trị chiến đấu

Trong đoạn kết của bài viết “CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA” tác giả Sơn Tùng đã phần nào cay đắng thốt lên :

“Cuộc chơi rõ rệt không công bằng, nhưng nguời lính VNCH vẫn miệt mài chiến đấu và hy sinh. Cho đến khi hoàn toàn bị trói taỵ Cuộc chơi tàn. Nhưng người lành lặn bị lùa vào các trại cải tạọ. Đui, què, mẻ sứt...không còn được ai nhắc tới, biết tớị những người chết không yên, mồ mả bị đào xới lăng nhục.

Bốn mươi cái 30/4 đã trôi qua, hào quang của những kẻ đã chiến thắng nhờ sức mạnh súng đạn ngoại bang đã tắt lịm trong cái xã hội cực kỳ thối nát. Bao giờ lương tâm mới thức tỉnh trong những con người vẫn còn muốn ném bùn vào nét chân dung của người lính VNCH ?”

Nhưng lịch sử vẫn luôn công bằng. Những giá trị đích thực cho dù có bị vùi dập, loại trừ, chà đạp…thì rồi vẫn đến lúc được khám phá, trưng bày, đón nhận.

Chính tác giả Sơn Tùng trong bài viết trên, đã trích dẫn những tường thuật và nhận định của những nhà báo, phóng viên mang lập trường thiên cọng, bênh vực cho cuộc chiến tranh của Hà Nội, nhưng khi chứng kiến những trận đánh cuối cùng của Quân Đội Việt nam Cọng Hòa đã phải thay đổi cái nhìn :

“Sự hèn nhát và vô đạo ấy đã làm thức tỉnh lương tâm một số người từng góp phần cổ võ cho CSBV xâm chiếm miền Nam, khi họ chứng kiến những trận đánh cuối cùng của một số đơn vị QLVNCH. Trong số nầy có 3 nhà báo Pháp Jean Larteguy, Jean Lacouture và Pierre Darcourt. Ba nhà báo nầy đã có mặt tại miền Nam Việt Nam trong cơn hấp hối của Saigon, có lẽ chờ đợi đón mừng "bộ đội giải phóng" để chứng kiến cái chết ô nhục của quân đội miền Nam mà họ đã phỉ báng trong suốt bao nhiêu năm. Nhưng sau khi chiến tranh chấm dứt, họ trở về Pháp, và đã làm cho cả thế giới ngạc nhiên với những gì họ viết ra về Người Lính Việt Nam Cộng Hòa.

Jean Larteguy ghi lại như sau khi tới thăm một đơn vị Dù cố thủ tại Sài Gòn:

"Thứ Hai 28/4/75.

Saigon sáng nay yên tĩnh.

Các đơn vị của một lữ đoàn Dù chiếm đóng vị trí của họ trong thành phố, sau bức tường, trong các khu vườn. Họ không buồn rầu, và không tuyệt vọng. Họ điều động như thể đang dự một cuộc thao dượt. Đôi lúc họ còn cười với nhau, và liệng cho nhau những chai Coca-Colạ Họ không nuôi một ảo tưởng về số phận của họ, về kết quả của trận đánh tối hậu nầỵ Nhưng tôi có cảm tưởng là họ nhất định chiến đấu tới cùng, và sẽ tự chôn mình trong những đổ nát của Saigon.

Và những binh sĩ tuyệt vơì nầy vẫn còn có được các cấp chỉ huy ở bên họ. Một trong các cấp ấy là một đại tá. Tôi hỏi ông ta xem tình hình ra saọ

Ông trả lời:

- Chúng tôi sẽ chiến đấu, và chúng tôi sẽ là những người chót chiến đấụ Hãy nói cho mọi người biết rằng chúng tôi chết không phải vì Thiệu, vì Hương hay vì Minh.

Sau khi Dương văn Minh đã tuyên bố đã đầu hàng. Lartéguy lại được chứng kiến tận mắt trận đánh cuối cùng của các đơn vị QDVNCH tại Saigon, và ghi lại như sau:

"Gần Lăng Cha Cả, quân Dù đánh trận chót. Họ chiến đấu tới 11 giờ 30 trưa, cho tới khi các cấp chỉ huy của họ từ Dinh Tổng Thống trở về sau cuộc gặp gỡ bi thảm với tướng Minh. Các sĩ quan nầy khuyên họ nên ngưng chiến đấụ. Họ vừa hạ được 5 xe tăng T-54. Những xe ấy còn đang cháy ngùn ngụt. Một chiếc nổ tung vì đạn trong xe

Quân Dù không để lại trên trận địa một thứ gì, dầu là vũ khí, đồ trang bị, người bị thương hoặc người chết"

Lartéguy cũng được thấy tận mắt các sinh viên Trường Võ Bị Đà Lạt, lực lượng trừ bị chót của QLVNCH, tiến ra trận địạ

"Và trong những bộ đồng phục mới, giày chùi xi bóng láng, các sinh viên anh dũng của Trường Võ Bị Đà Lạt đã đi vào chỗ chết. Chỉ còn thiếu có cái mũ diễn hành và đôi bao tay trắng".

Một đồng nghiệp của Lartéguy là Raoul Coutard đã thu được cảnh xuất quân bi tráng ngay vào máy quay phim và cố nén xúc động để hỏi các sinh viên sĩ quan:

- Các anh có biết là sắp bị giết chết không?

Một thiếu úy trả lời:

- Chúng tôi biết chứ.

- Vì sao?

- Tại vì chúng tôi không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản…..

"...Các xe tăng đầu tiên của cộng sản vào Saigon từ phía Đông, qua tỉnh lộ Thủ Đức và Biên Hòạ.. Bộ binh thì tiến từ phía Bến cát và Tây Ninh. Tuy vậy, bọn nầy chỉ tới được trung tâm Saigon vào lúc 5 giờ chiềụ .Từ ngày hôm trước, các đơn vị cộng quân nầy dã bị chặn tại gần Hốc Môn, gần nơi có Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù do Lữ Đoàn 4 của sư đoàn Dù trấn giữ, dưới sự chỉ huy của đại tá Vinh, sĩ quan to con, mặt phong trần, nhất định bất chấp lệnh ngưng bắn. Các đơn vị cộng quân bị thiệt hại nhiềụ. Sau đó, chúng còn phải giao tranh 2 lần trên đường phố Saigon : một lần trước trụ sở Cảnh Sát Công Lộ; nơi đây chừng 100 cảnh sát viên chiến đấu oanh liệt trong hơn một giờ, trước khi bị xe tăng cộng sản đè bẹp;lần thứ hai ở ngã tư Hồng Thập Tự và Lê van Duyệt, là nơi chỉ có 4 người lính dù võ trang đại liên và bazooka mà chiến đấu được trong 50 phút. Đến khi hết đạn, họ đi ra ngoài, nắm vai nhau, lập thành vòng tròn rồi cho nổ một tràng lựu đạn tự sát.

Đến chiều tốị 400 chiến sĩ Mũ Đỏ (Dù) được gom từ trận Hốc Môn và từ phi trường, tụ lại quanh đại tá Vinh, và còn chiến đấu gần chợ chính và các nơi có ruộng lúa của tỉnh Chợ Lớn. Dến 10 giờ đêm, đại tá Vinh cho lệnh các binh sĩ chia thành toán nhỏ, lợi dụng bóng đêm để rút về đồng bằng."

Darcourt cho biết đại tá Vinh đã ở lại vị trí và tự sát.

Và có lẽ nhận định sớm nhất và công bằng nhất về giá trị đích thực của Quân Đội Việt nam Cọng Hòa và cuộc chiến đấu anh dũng của họ đó là nhận định của một nhà báo Mỹ mà Sơn Tùng đã ghi lại như sau :

Hai ngày sau khi Saigon sụp đổ, Peter Kanh, nhà báo Mỹ đoạt giải Pulitzer, đã viết một bài bình luận dài trên tờ Wall Street Journal (2/5/75) tựa đề "Truy điệu Nam Việt Nam", trong đó có đoạn viết về Quân Lực VNCH như sau :

"...Nam Việt Nam đã chống cự hữu hiệu trong 25 năm, và họ đã không phải luôn luôn được người Mỹ giúp. Tôi nghĩ ít có xã hội nào bền bỉ chịu đựng được một cuộc chiến đấu lâu dài như vậỵ..Quân lực VNCH đã chiến đấu can đảm và vững mạnh trong một số trận đánh mà chúng ta còn nhớ, thí dụ như trận An Lộc Quân đội ấy đã chiến đấu giỏi và can đảm ở nhiều trận đánh khác mà chúng ta không còn nhớ địa danh. Quân lực ấy đã can đảm và chiến đấu trong hàng ngàn trận đánh nhỏ, và giữ vững hàng ngàn tiền đồn hẻo lánh ở những nơi mà cái tên nghe rất xa lạ với người Mỹ...

Hàng trăm ngàn người của quân lực ấy đã tử trận. Hơn nửa triệu người của quân lực ấy đã bị thương...Và trong những tuần lễ chót, khi mà người Mỹ nào cũng biết là cuộc chiến đấu đã thua rồi thì vẫn còn những đơn vị của quân lực ấy tiếp tục chiến đấu, thí dụ tại Xuân Lộc. Nhờ có những sự chiến đấu ấy mà người Mỹ và một số người Việt lựa chọn mới an toàn thoát đi được. Rốt cuộc, quân lực ấy đã tài giỏi hơn sự ước lượng của người ta. Phía mạnh hơn chưa chắc đã là phía tốt hơn".

3. Trận chiến oai hùng và đẹp nhất

Sau khi điểm qua những ghi nhận đó, cùng với những tư liệu chiến tranh đã và đang hiện diện trên khắp các diễn đàn quốc tế cũng như quốc nội, người viết xin được phép chọn lựa một trận chiến tiêu biểu cuối cùng như là dấu ấn oai hùng nhất, đẹp nhất trong những trận chiến lừng danh của quân đội Việt nam Cọng Hòa. Đó là trận chiến bảo vệ ngôi trường thân yêu của các chiến sĩ THIẾU SINH QUÂN, thuộc trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu vào đêm 29 và trọn ngày 30/4/1975.

Và đây là những lý do để người viết chọn lựa trận đánh nầy như là biểu tượng đẹp nhất của những trang chiến sữ nội chiến Việt nam, xứng đáng là tấm gương soi chiếu cho mọi đạo quân trên thế giới.

Sau đây là những trích dịch từ các bài viết mà một trong số đó là chính chứng từ của những thiếu sinh quân đã từng tham dự trận đánh oai hùng nầy.

Một đạo quân trong lứa tuổi học trò

“Đó là cuộc chống trả của các THIẾU SINH QUÂN ở Vũng Tàu trong đêm 29 và gần trọn ngày 30-4-75, khi cộng quân xâm nhập và chiếm đóng các vị trí trọng yếu trong Thị Xã. Vũng Tàu coi như bỏ ngỏ và rơi vào tay cộng quân. Ngoại trừ một cứ điểm duy nhất còn chống cự do những thiếu niên tuổi 12, 13 .... đến 17 tự lập phòng tuyến quyết tâm tử thủ. Cứ điểm đó là trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu và những chiến sỹ gan dạ anh hùng đó là những thiếu sinh măng trẻ của trường.” [1]

Một đạo quân thắm tình đồng đội

“Trong lúc mọi người đang chìm đắm trong những suy tư riêng, tôi bỗng nghe tiếng loa phóng thanh từ trong trường vọng lại:

- Các anh Thiếu Sinh Quân lớp lớn xin trở về trường! Chúng em cần các anh lắm.

Tiếng gọi của em nhỏ Thiếu Sinh Quân vang vọng trong màn đêm, thúc bách não nuột như tiếng kêu chim chíp của gà con mất mẹ, làm cho tôi vô cùng xốn xang, bức xúc. Các em chẳng có nơi nào dung thân, chỉ còn biết trông cậy vào các anh lớn đùm bọc. Là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn lớp lớn nhất, tôi nhận ra trách nhiệm của mình. Tôi không thể ngồi yên khi nghĩ đến bạn bè và đàn em đang ở trong trường. Có thể lúc này Bắc quân đã có mặt đâu đó gần Vũng Tàu hay quanh trường, nhưng tiếng gọi loa đã khiến tôi phải đứng lên và cương quyết trở lại trường với các em. Bố Mẹ Vần lo lắng khuyên chúng tôi đổi ý. Tôi cám ơn Bố Mẹ Vần và nói trước khi cùng Thịnh phóng vào đêm tối:

- Tụi con không thể bỏ các em được!

Về đến trường, các bạn cùng liên lớp với tôi như Lâm A Sáng, Phạm Ngọc Trình, Nguyễn Văn Minh cũng đã có mặt. Tôi nhận thấy các bạn đã phá cửa kho vũ khí của trường và đang hì hục khuân vác súng đạn ra các ổ canh gác. Một toán các Thiếu Sinh Quan khác thì đang xả thịt một con bò, lui cui nấu cơm và luộc thịt. Thế là tôi vớ lấy một cái nón sắt, chụp một khẩu carbine cùng với Thịnh, cũng trang bị y hệt, lúc nào cũng kè kè bên cạnh. Hai đứa chúng tôi tự xem trách nhiệm tổ chức canh gác như nhiệm vụ được anh em giao phó.

Nhìn lên bầu trời đen thẳm với nỗi cô đơn chợt đến, chợt đi, tôi suy nghĩ lan man với một bài toán không đáp số. Vì trách nhiệm của anh lớn bảo bọc đàn em, chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc chiến. Cuộc chiến này sẽ đi về đâu ? Chúng tôi không biết. Tương quan lực lượng nghiêng lệch ra sao? Chúng tôi chẳng cần bàn. Không ai trong chúng tôi tin là mình sẽ chiến thắng, nhưng chúng tôi vẫn sẽ chiến đấu, ít nhất chúng tôi cũng phải đánh trả đích đáng những ai muốn chiếm lấy ngôi trường này, nơi dung thân cuối cùng của chúng tôi.” [2]

Một đạo quân kỷ luật, quả cảm và vững vàng kỷ năng tác chiến

“Mặc VC kêu gọi và đe doạ, Thiếu Sinh Quân vẫn kiên trì tử thủ, khiêng chướng ngại vật làm lũy phòng ngự, tổ chức giao liên, tiếp tế đạn dược, nước uống và lương khô, cứu thương và cứu hoả .... Anh lớn chỉ huy các em nhỏ, áp dụng tuyệt vời những bài học quân sự và kỹ thuật tác chiến đã được giảng dậy ở quân trường.

Đúng 9:30 sáng ngày 30-4. Cộng quân ra lệnh gọi đầu hàng lần chót nhưng các chiến sỹ tí hon vẫn kiên quyết kháng cự, trả lời chúng bằng những loạt đạn dữ dội hơn.

VC nổi cơn khát máu. Chúng khai hoả, mở cuộc tấn công ào ạt mong giải quyết chiến trường nhanh chóng. Nhưng chúng phải lập tức dội ngược lại, không ngờ sức chống cự quá mãnh liệt và hoả lực từ bên trong bắn ra vô cùng chính xác vào những bia sống, những cái bia người "SINH BẮC TỬ NAM". Các em chưa bao giờ được bắn, nay đã bắn với tất cả căm thù, mong dành lại những gì sắp bị cướp mất.

Thiếu Sinh Quân có đầy đủ vũ khí cá nhân và vũ khí cộng đồng. Ngoài ra còn có lợi điểm là các công sự trong trường, vừa đánh vừa di chuyển, ẩn núp, trong khi bộ đội VC lớ ngớ như bầy chuột chù ra ngoài ánh sáng. Lại có những thanh thiếu niên và Quân Nhân vỡ ngũ bên ngoài hào hứng và kích động, tìm cách lẻn vào tăng cường tay súng, nhập cuộc cùng các Thiếu Sinh Quân chiến đấu ngay trong sân trường, đột kích, đánh bọc hậu bọn bộ đội khiến chúng nao núng và hốt hoảng.

VC đã bắn sập một khoảng tường nhưng không thể nào vượt qua được lưới đạn của các chiến sỹ nhỏ tuổi nhưng can trường. Các em đã chiến đấu thật gan dạ, nhanh nhẹn, khôn ngoan, phối hợp nhịp nhàng và KỶ LUẬT như những đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến nhà nghề.

Đây là trận đánh thực sự đầu tiên và cũng là trận đánh cuối cùng của các em còn đang giở khoá học. Trận đánh QUYẾT TỬ đã đi vào lịch sử.

Các Thiếu Sinh Quân đã chiến đấu không nao núng dù có nhiều em ngã gục. Những đứa con bé bỏng của quê hương đã chết trong giờ phút cuối cùng của miền Nam, khi tóc còn xanh, mộng đời chưa trọn. Đồng bào chứng kiến cảnh bi thương này đã oà lên khóc. Có những bà mẹ kêu gào, lăn xả vào cản ngăn họng súng bọn bộ đội để che chở cho những thiếu niên ở bên trong.

Tiếng nổ, tiếng hò hét, tiếng kêu khóc, tiếng loa uy hiếp của VC đã tạo nên một không khí chiến trường lạ lùng chưa từng thấy .... Các Thiếu Sinh Quân chiến đấu với tất cả nhiệt tình và sinh lực của tuổi trẻ hăng say hào hứng như đang tham dự một trò chơi lớn.[3]

Một đạo quân giữ vẹn châm ngôn của Quân Đội Việt Nam Cọng Hòa :

TỔ QUỐC – DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM.

“Cuộc chống cự kéo dài đến 3:00 chiều. Cho đến khi kho đạn dược đã cạn và kho lương thực bị bốc cháy, các Thiếu Sinh Quân mới bằng lòng cho VC thương thảo. Họ đòi hỏi VC chấp nhận một giờ ngưng bắn, sau đó sẽ buông súng và mở cổng ...

Và các em đã dùng một giờ ngưng bắn để thu dọn chiến trường, săn sóc đồng đội bị thương, gói liệm thi hài những vị tiểu anh hùng đã gục ngã, và chuẩn bị làm lễ hạ kỳ. Họ KHÔNG ĐỂ CHO BỌN CS làm nhục lá cờ VÀNG BA SỌC ĐỎ, lá cờ biểu tượng thiêng liêng gói ủ hồn dân tộc mà họ đã thề nguyền PHẢI THƯƠNG YÊU và BẢO VỆ.

Có chừng hơn một Trung Đội TSQ đã tập họp trước sân cờ, đứng trang nghiêm và thành kính nhìn lên lá Quốc Kỳ còn nguyên vẹn màu tươi thắm bay phất phới trên nền mây ngọc bích. Hai TSQ lớp 12 là Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Chung bước tới, đứng nghiêm trước kỳ đài theo lễ nghi quân cách, dơ tay chào.

Họ từ từ nắm từng nấc giây, cho lá cờ hạ xuống thật chậm và từ tốn như cố kéo dài giây phút thiêng liêng cảm động này, nước mắt đầm đìa.

Tất cả TSQ từ trong các tầng lầu, từ các hố cá nhân, các giao thông hào, sau những gốc cây, bờ tường, sau những mái nhà...., không ai bảo ai, đồng loạt đứng bật dậy đồng thanh cất tiếng hát bài quốc ca.

Gần 700 giọng hát hùng tráng cát lên, vang khắp sân trường. Bọn bộ đội nghe, ngơ ngác không phản ứng. Tiếng hát phủ tràn trên tuyến địch vang đến tận bến Dâu, bến Đình............ Mọi người dân Vũng Tàu đã đều nghe và rung động. Tiếng hát bay ra biển khơi, bay lên trời cao, âm thanh lồng lộng theo gió chiều, đất trời cùng ngẩn ngơ rớm lệ theo tiếng hát.

Các Thiếu Sinh Quân đã làm lễ mai táng đất nước, đã TRANG NGHIÊM RỬA SẠCH tấm bia DANH DỰ của Quân Đội VNCH, đã vuốt mắt cho Mẹ Việt Nam yên nghỉ qua lễ hạ kỳ lần cuối chỉ một không hai này. Họ hát bằng tiếng nấc thê lương và phẫn uất từ sâu thẳm trái tim, với những nghẹn ngào cùng dàn dụa của nước mắt. Đồng bào cùng thổn thức thương tủi và thổn thức hát theo.” [4]

Trong hồi ức của những người đã từng kinh qua cuộc chiến, đặc biệt trong những ngày tháng cuối cùng của chế độ Việt nam Cọng Hòa, nhất là hồi ức của những người lính bảo vệ tự do, thì cho dù thời điểm 30.04.75 có là ngày chiến bại, có là thời điểm tan hàng, mất nước…thì với trận chiến đấu anh dũng và bi hùng của đoàn quân Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, mãi mãi sẽ là trận chiến oai hùng nhất, đẹp nhất, xứng đáng được xếp đầu tiên trên mọi trang quân sử.

Trần Đoan Hùng

[1] CUỘC CHIẾN ĐẤU BI HÙNG của Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu ( tác gỉa Đào Vũ Anh Hùng)

[2] Trận Chiến Ðấu Bi Hùng của Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu Tháng 4 1975 (Tác giả : CTSQ Nguyễn Anh Dũng và CTSQ Lâm A Sáng. Colorado, ngày 24 tháng 10 năm 2002 (Edited by Bắc Phong Sài Gòn/ K23 Thủ đức)

[3] CUỘC CHIẾN ĐẤU BI HÙNG của Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu ( tác gỉa Đào Vũ Anh Hùng)

[4] SĐD
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Halleluia! Halleluia! Halleluia!
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
16:18 18/04/2015
Halleluia! Halleluia! Halleluia!

Trong nếp sống đức tin của Giáo Hội, bắt đầu từ ngày lễ mừng Chúa Giêsu sống lại lời Halleluia được hát đọc lên trọng thể.

Trong suốt mùa phục sinh cho tới ngày lễ mừng kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, kinh Regina coeli Halleluia - Lạy nữa vương thiên đàng hãy vui mừng halleluia…, được xướng đọc mỗi ngày thay cho Kinh Đức Chúa trời sai Thánh Thiên Thần Truyền tin cho đức mẹ Maria.

Và lời tung hô hallleuia được hát hay xướng đọc lên trước khi công bố lời Chúa trong phúc âm. Lời Alleluia chỉ không đọc hay trong mùa chay từ thừ Tư lễ Tro đến Thứy bảy Tuần thánh hằng năm.

Lời Halleluia phát xuất từ nguyên ngữ tiếng Do Thái. Đó là lời tung hô nói lên sự vui mừng hân hoan có nguồn gốc từ thời xa xưa trong phụng vụ đạo Do Thái, mang ý nghĩa : Hãy ca tụng Thiên Chúa.

Lời Halleluia có hai phần chữ „hallelu“ : Hãy ca tụng, - và chữ „ia“: Thiên Chúa, viết tắt của chữ Jehova hay Jahwe, đó ngôn ngữ kinh thánh chỉ về Thiên Chúa.

Halleluja là cách chuyển trong tiếng Đức từ ngôn ngữ Do Thái הַלְּלוּיָהּ (hallelu-Jáh).

Theo tiếng Latinh viết là Alleluia từ tiếng Hy lạp „ἁλληλουϊά“. Vì trong tiếng Hy Lạp không có mẫu tự h.

Câu tung hô Halleluia trong các Thánh Vịnh phần Cựu ước có tới 23 lần: TV. 104,35; 105,45; 106,1.48; 111,1; 112,1; 113,1.9; 115,18; 116,19; 117,2; 135,1.21; 146,1.10; 147,1.20; 148,1.14; 149,1.9; 150,1.6.

Các Thánh vịnh từ 112 tới 118 theo cung cách truyền thống đều bắt đầu bằng câu Hallel : hãy ca ngợi .

Câu Halelu-Jáh có trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan bốn lần ( KH 19,1–6).

Dựa theo phụng vụ Do Thái, các tín hữu Chúa Kitô ngay từ thời sơ khai đã nói lên vui mừng cùng ngợi thành Giêrusalem trên trời bằng lời Halleluia : „ Các cửa thành Giê-ru-sa-lem vang tiếng ca hoan hỷ, mọi nhà sẽ cùng hát: "Ha-lê-lui-a!„ (Sách Tobia 13,18)

Bằng lời ca ngợi Halleluia trong sách Khải Huyền, Con Chiên Thiên Chúa được tung hô ca mừng là người chiến thắng: "Ha-lê-lui-a!Thiên Chúa ta thờ là Đấng cứu độ, Đấng vinh hiển uy quyền! (Kh 19,1.)

Chữ Halleluia là chữ rất cổ xưa có từ thời kinh thánh được các vị Tư Tế xướng lên và dân chúng giáo hữu lặp lại trong lễ nghi phụng vụ, để ca tụng Thiên Chúa

Chữ Halleluia được dùng đọc hay hát lên trong các lời Kinh phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, nhưng không dịch ra các ngôn ngữ địa phương, mà giữ nguyên chữ như vậy, tương tự như tiếng Amen.

Halleluia là lời hát diễn tả niềm hy vọng trong lúc gặp khủng hoảng. Hy vọng luôn luôn là dấu chỉ về một tương lai mới như trong Thánh Vịnh 112 đã cọ lời cầu nguyện: „ Ha-lê-lui-a. Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban.“ (Tv 112, 1)

Xưa nay đã có nhiều nhạc sĩ thiên tài lấy hứng từ Halleluia dệt nên những khúc trường ca nói lên sự vui mừng hân hoan rất thời danh. Khúc ca Halleluia hùng traăng của nhạc sĩ Haendel trong trường ca Messiah xưa nay rất được ưa chuộng hát trong các buổi hòa nhạc vào mùa lễ trọng mừng Chúa Giêsu phục sinh.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Thông Báo
Thông Báo : Ngày Thánh Mẫu hành hương Banneux 10-05-2015
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
16:16 18/04/2015
Ngày Thánh Mẫu hành hương Banneux 10-05-2015

Rue de L´Esplanade 57, 4141 Banneux (Sprimont), Belgien

„ Lạy nữ vương Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con con cháu Evà, ở chốn khách đầy kêu đến cùng Mẹ. “

Khi hiện ra cùng cô bé Beco năm 1933 ở Banneux, Đức Mẹ Maria đã dẫn cô đến dòng suối nước và nói với cô: “ Con hãy nhúng tay vào dòng suối nước này dành cho mọi dân tộc!”.

Từ ngày đó dòng suối nước linh thiêng bên thánh địa Banneux trở thành dòng suối nước chữa lành ban ơn bình an tâm hồn cũng như thân xác cho những ai đến cầu nguyện xin ơn đang khi nhúng tay vào đó.

Theo dấu chân cô bé Beco như lời Đức Mẹ đã nhắn nhủ, và tập tục lòng đạo đức xưa nay trong Giáo Hội, ngày Chúa Nhật 10.05.2015 chúng ta sẽ kéo về dòng suối nước thánh địa Banneux hành hương kính viếng Đức Mẹ Maria tháng hoa.

Năm nay 2015, ít nhiều người cũng đã trên dưới 30 năm hay có thể 40 năm sống xa quê hương. Vẫn biết quê hương không chỉ là nơi mình sinh ra, lớn lên, nhưng còn là nơi mình đang sinh sống. Dẫu vậy, người Việt Nam có cội nguồn quê hương là dân tộc đất nước Việt Nam.

Ngày xưa, như trong Kinh Thánh thuật lại, dân Do Thái trong cuộc xuất hành từ Ai Cập, đã ròng rã suốt 40 năm đi trong sa mạc trở về quê hương miền đất Chúa hứa.

Chúng ta sau thời gian dài hằng ba hay bốn thập niên xa quê hương, vẫn nặng lòng tha thiết nhớ về nơi đó với lòng cảm kích cùng biết ơn, nhất là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng ta. Nên dịp hành hương lần này mang sâu đậm ý nghĩa hướng về quê hương đất nước Việt Nam chúng ta với lòng biết ơn thể hiện qua lời cầu nguyện cho quê hương, cho dân tộc được thái bình. Cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phát triển tích cực trên nền tảng đức tin vào Chúa, và nhất là cho các gia đình, là tế bào của xã hội dân tộc, được gìn giữ bảo vệ, có đời sống lành mạnh về thề xác cũng như về tinh thần.

Năm nay cũng kỷ niệm năm thứ sáu- đệ lục chu niên- các Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở ba nước Âu Châu: Bỉ, Đức và Hòalan, cùng tổ chức chung Ngày thánh mẫu hành hương Banneux từ tháng Năm 2010.

Đây là một tập tục đạo đức thánh thiện tốt đẹp do ân đức của Thiên Chúa nhờ lời bầu cử của Đức mẹ Banneux ban cho chúng ta, và cùng do lòng đạo đức nhiệt thành sốt sắng sống đức tin của mọi người đã đang kiến tạo nên tập tục thánh đức tốt lành này.

Đức Mẹ Banneux đi lùi hướng mắt về đàng sau

Đức Mẹ Maria khi hiện ra với Mariette Beco khởi đầu trong khu vườn sau nhà và đã dẫn Mariette theo con đường ra đến dòng suối nước. Trên con đường này Đức mẹ đã dẫn Mariette đi, Đức Mẹ đi trước quay mặt về phía Mariette cùng những người đi theo sau. Như thế Đức Mẹ đi lùi, mặt quay hướng nhìn người đi theo đàng sau. Điều này nói lên, Đức Mẹ hằng quan tâm đến mọi người, nhìn cùng lắng nghe tâm sự của con người.

Những người đến nơi này kính viếng luôn được Đức Mẹ ngó xuống nhìn cùng lắng nghe chúng ta tâm sự. Nơi dòng suối nước ban ơn lành, hai tay nhúng vào dòng nước xin ơn và mắt ngước lên tượng Đức Mẹ Banneux trên bờ tường cũng đang nhìn ta bên dưới.

Và cũng do cung cách Đức Mẹ đã làm như thế, nên ở thánh địa Banneux, kiệu Đức mẹ Banneux đi đầu mặt quay về phía người tín hữu đi theo sau kiệu. Đây là một đặc điểm riêng ở thánh địa Banneux, và hầu như không thấy có ở nơi nào khác.

Xin ca ngợi và cám ơn mọi người trong các Cộng Đoàn đã nhiệt thành hăng say cùng chung tay đóng góp tổ chức, tham dự đông đảo hàng ngàn người thật sinh động hôm qua, hôm nay và ngày mai tập tục đạo đức tốt lành Ngày Thánh mẫu hành hương Banneux hằng năm của chúng ta.

Cùng hòa nhịp với nếp sống đạo đức lòng sùng kính Đức Mẹ, cuộc hành hương tới Banneux với tâm tình hướng về quê hương Việt nam, về nôi gia đình của chúng ta, và lòng biết ơn cùng suy niệm noi gương các Vị Thánh Việt Nam, cha ông tiền nhân của chúng ta ngày xưa đã sống đức tin vững vàng vào Thiên Chúa trong suốt cả cuộc đời.

10.30 giờ đón tiếp gặp gỡ

11.30 giờ rước kiệu cung nghinh Đức Mẹ và các Thánh Tử đạo Việt Nam.

12.30 giờ Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ ở nhà thờ lớn, các em đánh Trắc và dâng hoa kính Đức Mẹ.

14.00 – 15.30 giờ ăn trưa - Gặp gỡ nhau

15.30 giờ Chặng đàng Thánh gía

16.30 giờ Chầu Thánh Thể - Tôn kính Xương các Thánh Tử đạo Việt Nam

Ngày hành hương kính viếng Đức Mẹ Banneux là ngày hội gặp gỡ bên dòng suối ban ơn tuôn chảy từ trái tim lòng thương xót Chúa qua lời bầu cử của Đức Mẹ và các Thánh Tử đạo Việt Nam cho bản thân riêng mỗi người, cho gia đình, cho các Cộng đoàn Việt Nam, cho Giáo Hội hoàn vũ và cho Quê hương Giáo Hội Việt Nam .

Chúng ta cùng nhau trẩy về hành hương bên dòng suối nước Đức Mẹ Banneux, cùng gặp gỡ nhau và cùng sống đức tin vào Thiên Chúa tình yêu.

Thay mặt Ban tổ chức xin kính mời mọi người cùng về hành hương kính viếng Đức Mẹ Banneux 2015, kỷ niệm đệ lục chu niên ngày Thánh mẫu Banneux, và dịp 40 năm hướng về Quê hương Giáo Hội Việt Nam.

Lm. Phanxico Nguyễn Xuyên, Cộng đoàn Công Giáo Brüxelles, Vương quốc Bỉ

Lm. Giuse Trần đức Hưng, Xứ Nữ vương các Thánh tử đạo, Vương quốc Hòa Lan

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long, Giáo đoàn Đức Mẹ Lavang Köln – Aachen, Đức quốc
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đồi Hoa
Richard Drysdale
16:09 18/04/2015
ĐỒI HOA
Ảnh của Richard Drysdale
Thượng Đế yêu hoa,
Ngài tạo dựng đất đai.
Loài người yêu hoa,
làm bình đựng hoa.