Ngày 18-04-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bình Minh Trên Bờ Biển
Linh mục Phêrô Hồng Phúc
00:08 18/04/2010
BÌNH MINH TRÊN BỜ BIỂN

Lần thứ ba Chúa Giêsu hiện ra trên bờ biển với các tông đồ và cả ba lần Chúa hiện ra đều là sự bất ngờ đối với các ông.

Lần thứ nhất, Chúa hiện ra trao ban bình an cho các Tông đồ giữa lúc các ông sợ hãi đóng cửa kín, ở trong nhà. Chúa cho các ông xem tay và cạnh sườn để các ông vững tin và vui mừng. Chúa còn thổi hơi trao ban Thánh Thần, ban năng quyền tha tội cho các Tông đồ (x. Ga 20, 19-23); Lần thứ hai, khi Chúa Giêsu hiện ra với Tôma và bảo: “Con hãy xỏ ngón tay con vào đây. Hãy thọc tay con vào cạnh sườn Thầy. Chớ cứng lòng nhưng hãy tin”(Ga 20,27). Tôma đã quì gối xuống. Bao nhiêu những hoài nghi của ông, bao nhiêu những đòi hỏi của ông đã biến mất. Thầy phục sinh sáng láng và chiến thắng sự chết. Bằng chứng là Người mang dấu đinh trên tay chân và nhất là một lưỡi đòng đâm thủng trái tim. Hỏi có ai mang một trái tim bị đâm thủng mà lại sống được chăng? Nhưng Đức Giêsu Kitô mang đầy đủ những dấu tử thương ấy, Ngài Phục sinh và cho phép Tôma xỏ ngón tay vào bàn tay, thọc bàn tay vào cạnh sườn mình. Một sự thật hiển nhiên như vậy, Tôma đâu còn dám phải thử nghiệm lại nữa. Ông chỉ còn biết quì gối xuống và kêu lên: “Lạy Chúa! Lạy Thiên Chúa của con”(Ga 20,28); Lần thứ ba này cũng vậy, Chúa Giêsu hiện ra trên bờ biển, các tông đồ còn chưa rõ là người hay là ma, là Thầy hay là người ta nhưng rõ ràng Chúa Giêsu có mặt ngay trên bờ biển, nơi mà các tông đồ đang đánh cá với những dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu thứ nhất: Khi Chúa Giêsu nói với các ông hãy thả lưới bên phải thuyền và các ông đã kéo lên toàn là cá lớn (Ga 21,6);
- Dấu hiệu thứ hai: Với Gioan trẻ trung đã cảm nhận rất rõ, và cảm nhận rất nhanh trước cả các tông đồ, bởi Gioan xưng mình là người được Chúa yêu riêng. Chính tình yêu đã làm cho con mắt tâm hồn của Gioan nhạy cảm hơn con mắt của thần kinh thị giác. Vì vậy mà Gioan đã báo cho các tông đồ biết, đặc biệt là Phêrô “Thầy đó!” (Ga 21,7);
- Dấu hiệu thứ ba: Các tông đồ vào bờ, đối diện với một sự thật, như Tôma đã từng đối diện và các ông đã không làm gì hơn là sự im lặng. Im lặng vì sự thật đã quá rõ ràng: “Các ông biết rằng đó là Chúa” (Ga 21,12).

Chúa Giêsu hiện ra để lo cho các tông đồ. Ngài ban bình an cho các tông đồ khi các ông ở trong nhà đang hoang mang sợ hãi. Trên bờ biển Ngài trao bánh và lửa vì các ông đang đói và rét. Tâm hồn các ông lo sợ thì được bình an, thân xác các ông đang đói rét thì được cá bánh và lửa nữa. Chúa Giêsu lo cho các ông từng ly từng tí, cả tâm hồn cả thể xác. Chúa Giêsu đã đến với các tông đồ bằng sự sống, sự sống đích thật, sự sống làm cho các tông đồ nhận ra “Thầy của mình ” nhưng không phải là một Giêsu Nazareth chịu chết vì bản án, một bản án mà quan tổng trấn Philato đã cho đóng một tấm bảng lên phía trên đầu của Chúa, một bản án mà do chính những người Do Thái đã cố tình gây nên. Bây giờ Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn là “Thầy của mình” nhưng là sự sống chiến thắng sự chết, chiến thắng ma quỉ, chiến thắng thế gian. Chúa không còn bị lệ thuộc vào bất cứ qui luật tự nhiên nào; Chúa không còn bị lệ thuộc vào bất cứ quyền lực nào; Chúa không còn lệ thuộc vào bất cứ sự tối tăm nào dù cho đó là vương quốc của ma quỉ, của thế gian, của xác thịt.

Chúa Giêsu đã chiến thắng và hôm nay Ngài trao ban sự sống mới đó cho các tông đồ. Hình ảnh một trăm năm mươi ba con cá mà lưới không rách (Ga 21,11) là hình ảnh tượng trưng để chúng ta thấy sự sống mới của Chúa Giêsu đã thâu tóm tất cả vạn vật. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh thì một trăm năm mươi ba con cá tượng trưng cho 153 nước vào thời các tông đồ có tên trên bản đồ, và như vậy, Chúa Giêsu trao một sự sống mới, sự sống bất diệt như là tấm lưới kia đã kéo được tất cả những cá lớn mà không hề bị rách để các tông đồ từ đây chính thức trở thành lưới người đi chinh phục thế giới bằng sức sống mới của Chúa Kitô Phục Sinh.

Lần thứ ba Chúa Giêsu hiện ra trên bờ biển, Ngài đã trao cho các tông đồ một sức mạnh để các ông chuẩn bị ra khơi giữa bình minh sắp sang ngày mới, không còn bóng đêm lẩn khuất và cũng chẳng còn phải kéo lưới suốt đêm mà không được con cá nào. Bình minh của ngày mới bắt đầu, lưới đầy toàn cá lớn. Các tông đồ nhận sứ mệnh của Chúa Giêsu để lướt biển sóng ra khơi và thi hành sứ mệnh “Loan báo Tin Mừng cho muôn dân”(Cv 5,42).

Đến lượt chúng ta hôm nay cũng được Chúa Giêsu mời gọi để làm chứng nhân cho Tin Mừng, bởi vì chúng ta luôn được chứng kiến phép lạ hằng ngày của Chúa nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta được nghe Lời Chúa hằng ngày do những chứng nhân thực tế đã ghi chép lại. Đến lượt chúng ta hôm nay nhận được sứ mệnh “ra khơi thả lưới” chúng ta hãy tiếp tục làm chứng nhân Tin Mừng cho Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh giữa thời hiện tại.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh,
Chúa vẫn đang đứng trên bờ biển để chờ đón chúng con.
Bình minh của ngày mới đã bắt đầu.
Chúng con được ăn bánh, ăn cá
và được sưởi ấm bởi lửa của Chúa
đã truyền sức nóng cho chúng con.
Xin cho chúng con tiếp tục một ngày sống mới
vượt qua bóng đêm của đêm đen.
Chúng con ra đi làm chứng nhân Tin Mừng Nước Chúa
để mỗi người chúng con hôm nay
loan truyền Chúa chịu chết
và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến. Amen
.



 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:21 18/04/2010
BẤT QUY DƯỢC

N2T


Thời Xuân Thu, có một người nước Tống biết cách phối chế một loại thuốc để trị da nức nẻ vào mùa lạnh cóng, ông ta và người nhà đời này tiếp đời nọ làm nghề giặt xơ bông để sinh sống, có loại thuốc “bất quy” thì có thể đề phòng hai bàn tay bị nức nẻ khi ướt lạnh. Có một người khách muốn mua lại loại thuốc ấy với giá trăm đồng vàng, người nước Tống rất phấn khởi bèn thương lượng với những người trong họ tộc, nói:

- “Chúng ta đời này đến đời nọ làm nghề giặt xơ bông, thu nhập không nhiều, bây giờ một phương thuốc có thể đổi lại trăm đồng vàng, thực là lời lớn”.

Thế là đem phương thuốc “bất quy” bán cho khách, người khách đem phương thuốc này dâng cho Ngô vương.

Không lâu sau đó, nước Việt và nước Ngô chiến tranh với nhau, mùa đông lạnh đánh thủy chiến nên các binh lính của Ngô vương sử dụng thuốc “bất quy”, do đó mà chiến thắng. Ngô vương bèn báo đáp người khách ấy bằng một thửa đất rất lớn.

(Chuyện ngày xưa, suy tư ngày nay)

Suy tư:

Không ai đem bán thuốc gia truyền của tổ tiên để lại, không ai đem môn võ gia truyền của cha ông truyền lại dạy cho người ngoài tộc, không ai đem nghề gia truyền của tổ tiên truyền cho người khác, bởi vì gia truyền tức là những điều bí mật làm nổi tiếng dòng họ của mình, và chỉ truyền lại cho con cái mà thôi. Tuy nhiên, sự đời những chuyện tưởng như không thể xảy ra nhưng lại đã xảy ra, đó là chuyện con cái vì ham tiền mà đem thuốc gia truyền của cha ông để lại, đó là chuyện vì ham danh vọng mà con cái đem môn võ gia truyền của tổ tiên truyền lại cho người khác.v.v…

Những phương thuốc gia truyền, những món võ gia truyền đều là những công lao mồ hôi, trí óc và có khi đổ máu của cha ông truyền lại, con cháu phải có bổn phận gìn giữ và làm cho nó ngày càng thêm tốt đẹp hoàn hảo, chứ không thể vì đồng tiền, vì danh vọng mà đem đổi chác hoặc dâng tặng cho người khác, đó chính là bất hiếu và đại tội với tổ tiên vậy.

Phương thuốc “gia truyền” mà Chúa Giê-su để lại cho Giáo Hội Công Giáo là bảy (7) bí tích, trong đó đặc biệt nhất là bí tích Thánh Thể. Giáo Hội –nhất là các linh mục- và mỗi người Ki-tô hữu đều có bổn phận gìn giữ, phát huy và loan truyền tình yêu của Chúa khi cử hành các bí tích.

Không một đức giám mục nào vì hám lợi cá nhân mà truyền chức linh mục cho người bất xứng, nếu có thì những linh mục này sẽ trở thành công cụ đắc lực của ma quỷ, gây gương mù gương xấu cho giáo dân; không một linh mục nào vì ham danh hoặc vì ham lợi cá nhân mà ban bí tích Rửa Tội cho những người chưa đủ điều kiện, bởi vì như thế là phạm tội xúc phạm đến các bí tích và coi thường ân sủng của Chúa.

Đem gia tài (thuốc gia truyền, võ gia truyền, nghề gia truyền…) của tổ tiên đi bán để hưởng lợi là tội đại bất hiếu; đem ân sủng của Chúa bán đi để được cái lợi ở đời này thì sẽ mất hạnh phúc đời sau, tức là mất linh hồn vậy.

Ai hiểu thì hiểu.

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:22 18/04/2010
N2T


31. Ai muốn đạt được mục đích thì phải dùng phương pháp tương xứng, chính là Thánh Giá mà Chúa Giê-su đã chỉ rõ ràng cho chúng ta.

(Thánh Terese of Lisieux)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:23 18/04/2010
N2T


421. Khi làm việc thì anh trở thành một ống tiêu, những lời nói lảm nhảm theo thời gian sẽ đi qua tim ống tiêu và phát ra tiếng nhạc.

 
Mục Tử hay người chăn thuê
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
23:44 18/04/2010
Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Phục Sinh, Năm C

Hằng năm cứ đến ngày Lễ Chúa Chiên Lành (Chúa Nhật IV Phục Sinh), cả Giáo hội hướng đến việc cổ võ ơn thiên triệu trong bậc tu trì nói chung và cách riêng ơn gọi làm linh mục. Năm nay các mục tử lại được chăm sóc đặc biệt hơn vì đang trong Năm Linh mục, nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của cha thánh Gioan Maria Vianey. Lại trùng hợp các biến cố không mấy hay do chủ ý của các cơ quan truyền thông đó đây muốn hạ phẩm thiên chức linh mục qua một vài “xì căng đan” đáng tiếc của hàng mục tử, cho dù rất nhiều sự kiện đã là của thời quá khứ cách đây vài ba chục năm. Có thể luận suy rằng khi người ta yêu sách phẩm hạnh cần có của một bậc sống thì mặc nhiên người ta khẳng định sự cao quý và cần thiết của bậc sống ấy.

Một sự thật dễ thấy, đó là khi đề cập đến mặt tích cực và khi đó là một trong những nhân đức hay lý tưởng thì người ta dễ đón nhận và cũng dễ tự bằng lòng khi thấy mình chưa đạt đến. Một trong những luận lý để tự châm chước đó là phận người còn nhiều hạn chế, thiếu sót vì như lời người xưa: “nhân bất thập toàn”. Trái lại khi nói đến điều tiêu cực, hay mặt trái của vấn đề thì người ta khó đón nhận, vì ai ai cũng vấn vương chút sĩ diện, chút tự ái nào đó. Nói rằng bạn chưa hoàn hảo thì chúng ta dễ chấp nhận ngay nhưng nếu nói rằng bạn xấu xa thì xem ra dễ có phản ứng. Hoặc giả như cho rằng bạn nói chưa đúng thì dễ chấp nhận nhưng nếu ai đó cho rằng chúng ta nói sai thì vấn đề lại trở thành trầm trọng. Một cách nào đó để tăng phần hiệu ứng thì thay vì khắc họa chân dung người mục tử nhân lành, chúng ta thử định hình khuôn mặt của người chăn thuê.

Trước hết chúng ta cùng xem xét một vài nét xem ra tương đồng giữa người chăn thuê và vị mục tử:

- Biết chiên: Dù rằng khó có thể có cái “biết” theo nghĩa Kinh Thánh đó là đồng thân, chung phận, nhưng người chăn thuê cũng biết con chiên một cách nào đó khả dĩ đáng gọi là biết theo nhãn quan nhân loại.

- Chiên nghe tiếng và đi theo kẻ chăn thuê: Ít ai phản đối sự thật này, vì người chăn thuê không phải là người lạ hay là kẻ trộm (x. Ga 10,5;8).

- Người chăn thuê dẫn chiên đến đồng cỏ và dòng suối: Rất có thể chiên không được hưởng dùng các loại cỏ xanh tươi hay dòng nước mát trong cách tốt nhất, nhưng người chăn thuê vẫn không quên bổn phận cung cấp thức ăn và nước uống cho đàn chiên.

Tiếp đến chúng ta cùng nhận diện những điểm khác biệt giữa người chăn thuê và vị mục tử. Đây là nội dung muốn chia sẻ. Hy vọng rằng khi trực kiến với hình ảnh mang tính phản diện thì chúng ta dễ giật mình hơn, không chỉ với những người đang trong phận vụ mục tử mà còn với cả những người trong danh phận con chiên.

1. Làm chỉ vì tiền: Mục đích của bất cứ người làm thuê nào, nếu thực sự là làm thuê, thì đều vì tiền công. Người chăn thuê cũng có thể có tấm lòng với đàn chiên, nhưng ưu tiên số một vẫn là tiền công, dù là công nhật, công tháng hay công năm.

2. Làm hết giờ hơn là làm hết việc: Trong thân phận người làm thuê thì người ta rất mong đến giờ tan sở. Giả như người làm thuê nếu có làm hết việc thì ít khi hết lòng. Nếu người làm thuê làm ăn lương theo sản phẩm thì có đó chuyện làm hết sức, nhưng làm cách công tâm và hết tình thì cần xét lại. Chuyện làm “hợp tác xã” trong nông nghiệp một thời ở xã hội Việt Nam như là một minh chứng. Khi người ta không thực sự thấy quyền làm chủ của mình trên mảnh đất cày cấy thì dù cán cuốc đang giơ lên mà trùng với tiếng kẻng báo hết giờ thì nó được nhẹ nhàng đặt trên vai chứ không cắm xuống đất để thêm một chút đất được tơi xốp.

3. Không quan tâm đến chiên ngoài đàn: Đây là một điều tất yếu đương nhiên. Đã là làm thuê thì ít có ai thích dài tay với những việc xem ra không quá đòi buộc phải làm hoặc có xao nhãng hay không làm cũng chẳng bị trừ lương.

4. Không bao giờ sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì chiên: Cần thú nhận rằng chẳng có ai dại gì tự nguyện bị thiệt thân vì những gì không thuộc về mình. Khi thấy sói đến người chăn thuê sẵn sàng bỏ chiên để giữ lấy mạng sống mình (x. Ga 10,12). Chuyện hiến dâng mạng sống vì chiên xem ra chẳng hề có trong tâm trí của người chăn thuê.

Hy vọng rằng qua một vài nét phác họa chân dung người chăn thuê, chúng ta thêm xác tín rằng ngoài việc cần thiết cầu nguyện liên lỉ cho các mục tử trong Giáo hội, thì còn đó nhiều việc đáng làm và nên làm. Cũng hy vọng rằng một số mục tử nào đó trong Giáo hội, dù chưa hẳn xứng danh mục tử tốt lành nhưng không phải là những người chăn thuê. Và mong sao không hề có những kẻ chăn thuê đang mang danh mục tử. Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ muốn đoàn chiên của Người sống và hành xử như “đoàn cừu của Panurge”, mà là như đoàn dân Thiên Chúa trưởng thành, đầy ý thức và tinh thần trách nhiệm, luôn tích cực cộng tác với ơn Chúa để dệt xây những mục tử tốt lành như lòng Chúa ước mong.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video Đức Thánh Cha thăm viếng Malta
VietCatholic Network
05:44 18/04/2010
 
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho sự lành thánh của Giáo Hội nhân ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 83
Bùi Hữu Thư
06:15 18/04/2010
VATICAN, 16, tháng 4, 2010 (Zenit.org).- Hôm nay Đức Thánh Cha Benedict XVI được 83 tuổi, ngài sinh hoạt như thường lệ với rất nhiều điện tín chúc mừng từ khắp nơi trên thế giới.

Tổng Thống Ý Giorgio Napolitano gửi Đức Thánh Cha một điện văn bầy tỏ “lòng ái mộ sâu xa đối với giáo triều cao cả của ngài.”

Tại Vatican, Đức Thánh Cha không mừng sinh nhật của ngài, mà là ngày bổn mạng của ngài, ngày lễ thánh Giuse.

Ngài tiếp đón tổ chức Gây Quỹ cho Giáo Hoàng (Papal Foundation) đặt căn cứ tại Hoa Kỳ; đây là một nhóm tài trợ cho các hoạt dộng của Đức Thánh Cha.

Ngài nói với họ hôm nay: “Tôi xin các bạn cầu nguyện cho các nhu cầu của Giáo Hội hoàn vũ và cầu khẩn một sự tuôn đổ các ân sủng của Thánh Thần về các ơn thánh thiện, hiệp nhất và sốt sắng truyền giáo trên toàn thể đoàn dân Chúa.”

Vào cuối buổi tiếp kiến, các thành viên của Quỹ Giáo Hoàng tặng Đức Thánh Cha một bánh sinh nhật và hát bài "Happy Birthday" mừng ngài.

Trong khi đó tại Virginia, Hiệp Hội Hồng Y Newman (Cardinal Newman Society) tuyến bố là họ đã thu thập được một triệu kinh cầu cho Đức Thánh Cha.

Hiệp Hội đã khởi sự một chiến dịch Cầu Nguyện Mùa Phục Sinh cho Đức Thánh Cha để đáp lại lời mời vào ngày Lễ Lá của Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan tổng giáo phận New York, kêu gọi các giáo dân cầu nguyện cho ngài.

Trên một triệu kinh cầu gồm có 247.352 chuỗi Mân Côi, 131.441 chuỗi Kính Lòng Thương Xót Chúa, và 23.554 Thánh Lễ do các linh mục dâng. Các kinh nguyện khác được cam kết dâng cho Đức Thánh Cha còn có các Giờ Chầu, các ngày ăn chay, và các thánh lễ xin theo ý chỉ của Đức Thánh Cha, và các tuần cửu nhật.
 
ĐGH Gioan Phaolô II: Một người cha thánh thiện chân thành
Jos. Tú Nạc, NMS
09:11 18/04/2010
ĐỨC GIÁO HOÀNG JOHN PAUL II: MỘT NGƯỜI CHA THÁNH THIỆN CHÂN THÀNH

Ngày 2 tháng Tư, năm 2005. Họ đã chứng kiến những cảnh tượng khó tin mà tôi không bao giờ quên được. Hàng trăm ngàn người trẻ tràn vào Quảng trường Thánh Phê-rô… đã không cầm được nước mắt trước thi hài của một người già nua, người mà không phải là một ngôi sao nhạc Rock, người đạt huy chương vàng Thế vận hội hay biểu tượng Hollywood. Ngài là vị Giáo hoàng già giặn, người đã có một cái chết gây sự quan tâm trước những con mắt của thế giới.

Ngày 8 tháng Tư, hàng triệu người đã quy tụ trong những thánh đường, hội trường, khu vực, địa điểm công cộng và trường học trên Trái Đất – nhiều người nhiệt thành đến trước lúc bình minh – để theo dõi tang lễ của ai đó, người mà đã nói với họ hãy phục vụ tha nhân trước khi thỏa mãn bản thân.

Tuần đó không thể nào quên đã tràn ngập những kỷ niệm của 26 năm trôi qua trên ngôi vị Giáo hoàng của Đức Gio-an Phao-lô II. Những chủ đề về “Mở ra những cánh cửa” và “Bước qua ngưỡng cửa” đã không rời xa tôi và những ai trong khoảnh khắc đặc biết bất thường trong Quảng trường Thánh Phê-rô mãi mãi không thể nào quên. Họ đã làm cho tôi hồi tưởng một buổi chiều khi những ánh mắt của thế giới bị thu hút về Quảng trường Thánh Phê-rô tối 16 tháng Mười, năm 1978.

Các Hồng y của Giáo hội Công giáo La Mã bầu chọn Đức Hồng y Karol Wojtila với tư cách người kế vị Thánh Tông đồ Phê-rô thứ 264. Một điều gì đó mới mẻ đang diễn ra trên bối cảnh thế giới và chúng ta vẫn có thể thấy nụ cười rạng rỡ và tiếng nói rền vang Quảng trường Thánh Phê-rô. Họ đã gọi tới La Mã một người từ một đất nước xa xôi, một vận động viên trẻ trung, người mà đã dẫn đưa thế giới và Giáo hội bằng bão táp. Điệp khúc của Ngài mang đến: “Đừng sợ! Hãy mở toang những cánh cửa đón Đức Ki-tô.” Những lời ấy đã ghi khắc trong tôi và cương vị linh mục của tôi.

Đức Gio-an Phao-lô II đã hưởng ứng một hội nghị khoáng đại bất ngờ với thanh niên Công giáo và Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2000. Ngài đã kêu gọi giới trẻ của thế giới “vui mừng với danh hiệu của mình.” Điều đó không thể nhận định rằng DGH đã nhìn những bạn trẻ của Ngài như ẩn dụ của cách tân và hy vọng. Điều đáng chú ý đó là giới trẻ cũng tự thấy và hiểu mình theo cùng một phương cách.

Năm nay mừng lễ kỷ niệm lần thứ 25 của tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới trong đời sống mục vụ của Giáo hội phổ quát. Qua Ngày Giới trẻ Thế giới tăng cường sinh lực thanh niên và trung niên thừa tác viên khắp nơi toàn Giáo hội, DGH Gio-an Phao-lô II đã tung ra một điều gì đó hoàn toàn mới. Không thể không nghĩ về năm 1984 khi Ngài đưa ra kế hoạch đậm nét mục vụ này.

Kể từ Ngày Giới trẻ năm 2002, giới trẻ đã nhận xét về cách mà DGH nhìn họ, trìu mến yêu thương đánh giá cao về họ, nhưng cũng tạo cho họ cảm thấy mình như trở nên hoàn hảo hơn và có thể làm việc nhiều hơn nữa. Giới trẻ trên toàn thế giới đều dùng những ngôn từ tương tự, hầu hết cùng môt điệp khúc phổ biến: “Đức Thánh Cha nhìn tôi bằng cái nhìn đặc biệt” và “Ngài đã nói với tôi.”

Đây thực sự là một món quà tuyệt vời hoặc sức thu hút của Đức Gio-an Phao-lô II. Đó là phẩm chất của một người huyền bí và thiêng liêng. Ngài đã có thể được sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa và để cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa và trong những người mà Ngài đã gặp gỡ. Và Ngài liên tục mời gọi người những người khác bước vào sự hiện diện đó. Rất hiếm những nhà lãnh đạo đã có tác động đến giới trẻ như vậy.

HIện tượng Ngày Giới trẻ Thế giới đã trở nên luống gieo hạt mạnh mẽ cho ơn thiên triệu đối với thiên chức linh mục, đời sống tận hến và các thừa tác viên. Cho dù đó là vì những ai đã cảm nhận một tiếng gọi tham dự dốc cạn niềm tin mãnh liệt của họ, hoặc vì những sự kiện này đã đánh thức những thanh niên lần đầu tiên trước tiếng gọi đặc biệt của Thiên Chúa. Ngày Giới trẻ Thế giới có thể là những khoảnh khắc về nhận thức thay đổi cuộc đời. Không một nghi ngờ trong tâm trí chúng ta rằng một vụ mùa thu hoạch ơn thiên triệu Ngày Giới trẻ Thế giới đang tiến triển trên mọi miền thế giới.

Chúng ta thường tự hỏi tại sao giới trẻ đã đáp lời Đức Gio-an Phao-lô II như họ đã làm, nhất là trong những năm cuối ngôi vị của Ngài. Chúng ta tin rằng Ngài đã phải tận tụy và khủng hoảng nghiêm trọng của cương vị làm cha ưu phiền trước thế giới hôm nay. Nhiều người hỏi những người cha có thực sự cần thiết hoặc thậm chí khao khát cho con cái được khôn lớn hay không. Trái với niềm tin của một số người rằng vai trò của người cha vắng mặt có thể được đảm trách bởi người mẹ hoặc những ảnh hưởng nam tính khác. Hậu quả của sự mồ côi cha đối với con cái là mối lo âu khôn xiết.

Một quan hệ duy nhất giữa Đức Gio-an Phao-lô II và giới trẻ đã được thực hiện với cương vị làm cha trong một thế giới đầy ảo tưởng và giả dối. Đức Gio-an Phao-lô II đã thực hiện những điều “toàn chân.” Cương vị là cha tinh thần của ngài là một phản ảnh về cương vị làm cha của Thiên Chúa. Trong niều trường hợp Cố Giáo hoàng là người cha mà nhiều người trẻ không bao giờ có và không bao giờ biết. DGH Gio-an Phao-lô II là một tấm gương mẫu mực vĩ đại để noi theo, người mà thu hút được tình yêu và lòng trung thành vì Ngài đã thể hiện tư cách làm cha, với mối liên kết độc đáo của sức mạnh và lòng thương xót.

Một trong những bài học sâu sắc nhất mà ngài đã dạy chúng ta đến vào lúc hoàng hôn của ngôi vị Giáo hoàng lúc đó Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy rằng mọi người đều phải chịu đau khổ, thậm chí cả Cha sở của Christ. Thay vì giấu những yếu đuối của mình, như hầu hết những nhân vật được quần chúng ái mộ thực hiện. Ngài đã cho toàn thế giới thấy những gì mà Ngài đã trải qua. Trong một nền văn hóa ám ảnh thanh niên mà người ta đang liên tục kêu gọi để từ chối những tàn phá của thời gian, tuổi tác và bệnh tật, Ngài nhắc nhở chúng ta rằng lão hóa và đau khổ là quy luật tự nhiên đối với đời sống con người.

Tháng Tư năm 2005, khi Đức Gio-an Phao-lô II gần kề cái chết vì bệnh Parkinson, người vận động viên ấy đã bất động, tiếng nói rền vang đã im lặng và bàn tay sản sinh những Tông huấn đồ sộ đã không còn chắp bút. Nhưng những thông điệp đầy uy lực Ngài rao giảng đã đến ngay sau đó. Khi Ngài không thể nói hoặc cử động. Đó là hiện diện tình cảm thắm thiết nồng nàn cả Karol Wojtila mà thế giới đã chứng kiến những gì là xác thực, đoàn kết nhân loại và tất cả mọi thông điệp đã chú ý đến.

Ở Karol Józef Wojtila chúng ta có một người thầy lỗi lạc, người truyền tin và mẫu mực của sự tinh túy và nhân loại, một nhà truyền thống uyên bác, người mà đã trở nên một vị “Giáo chủ Hòa giải Đại chúng.” Đây là người con của đất nước Ba Lan và là người con của Giáo hội Công giáo đã chết một cái chết vang lừng vượt lên trên khoảng thời gian bao trùm những ngày sám hối của Mùa Chay cùng những khởi đầu của mùa Phục Sinh. Đó là bài học cuối cùng, của người cha vĩ đại. những ngày thế giới đã ngưng lại. Thế giới đã kỷ niệm. Thế giới đã cầu nguyện, hưởng ứng phía sau niềm tin tưởng.

( A Truly Holy Father)
 
Ðức Giáo Hoàng cam kết mang lại công lý cho nạn nhân bị lạm dụng
VOA
09:51 18/04/2010
Ðức Giáo hoàng cam kết mang lại công lý cho nạn nhân bị lạm dụng

Chủ nhật, 18 tháng 4 2010- Ðức Giáo hoàng Benedict XVI được chào đón khi đến Floriana để cử hành Thánh lễ

Đức Giáo hoàng Benedict cam kết với các nạn nhân bị các giáo sĩ lạm dụng rằng Giáo hội Công giáo La Mã sẽ làm hết sức để đưa các vị tu sĩ ra trước công lý.

Đức Giáo hoàng Benedict đưa ra cam kết như vậy trong cuộc gặp ở Malta với một nhóm đàn ông, những người cho rằng họ bị các tu sĩ lạm dụng khi hồi còn niên thiếu.

Vatican nói rằng Đức Giáo hoàng Benedict đã bày tỏ sự hổ thẹn và đau buồn trước nỗi đau mà những người đàn ông phải chịu đựng khi họ còn là trẻ nhỏ.

Vatican cho biết, Ðức Giáo hoàng đã nói với những người đàn ông đó rằng Giáo hội sẽ làm hết sức để điều tra các cáo buộc lạm dụng và triển khai các biện pháp hiệu quả để bảo vệ các thanh thiếu niên trong tương lai.

Ðức Giáo hoàng đã cầu nguyện với những người đàn ông hôm Chủ Nhật tại đại diện của Vatican ở Malta.

Ðức Giáo hoàng tới Malta trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ một loạt các vụ bê bối lạm dụng tình dục bắt đầu ảnh hưởng tới Giáo hội Công giáo La Mã.
 
Top Stories
Wietnamczycy do Polaków
Vietnamese Organizations in Poland
00:10 18/04/2010
Wietnamczycy do Polaków

dodane 2010-04-17 19:28

Łączymy się z Narodem polskim w serdecznym bólu po stracie Prezydenta RP i tak licznego grona najlepszych synów Polski.

My, córki i synowie Narodu wietnamskiego, przebywający poza granicami komunistycznego państwa, mogący więc swobodnie wypowiadać się, także w imieniu Wietnamczyków żyjących w kraju, łączymy się z Narodem polskim w serdecznym bólu po stracie Prezydenta RP i tak licznego grona najlepszych synów Polski.

Większość ofiar smoleńskiej tragedii stanowią ludzie, którzy poświęcili swoje życie zwycięskiej walce z komunistyczną dyktaturą a następnie budowie wolnej Ojczyzny, państwa z którego Polacy mogą być dumni. Byli wśród nich tacy, którzy wielokrotnie okazywali nam swoją solidarność, byli naszymi sojusznikami a także osobistymi przyjaciółmi. Trzeba wspomnieć tu zwłaszcza byłego Marszałka Sejmu Macieja Płażyńskiego oraz jednego z Ojców „Solidarności”, posła Arkadiusza Rybickiego, wysokich urzędników różnych struktur państwa z Rzecznikiem Praw Obywatelskich, doktorem Januszem Kochanowskim na czele oraz działaczy społecznych wśród których szczególnie wspominamy Stefana Melaka. Pozostanie na zawsze w pamięci Wietnamczyków oraz innych narodów, wciąż żyjących w niewoli, że prezydent Lech Kaczyński zgodził się gościć w pałacu Belwederskim konferencję „Wolność i Solidarność”, której uczestnikami byli opozycjoniści z krajów zniewolonych, a którą zorganizowali działacze dawnej polskiej opozycji demokratycznej. Gesty, takie jak ten, są dla ludzi żyjących w opresji, niesłychanie ważnym znakiem solidarności i pamięci ze strony wolnego świata. Prezydent Lech Kaczyński i jego urzędnicy rozumieli to i zachowali się zgodnie z piękną polską maksymą „za Waszą wolność i Naszą”. Nie zapomnimy tego!

Pamięć ofiar smoleńskiej tragedii jest żywa wśród Wietnamczyków w kraju. W intencji jej ofiar odbywają się nabożeństwa i czuwania. Kilka godzin po katastrofie, Mszę świętą oraz wielogodzinne czuwanie modlitewne z zapalonymi świecami, zorganizowali wierni parafii katolickiej w Thai Ha. Kilkutysięczna rzesza wiernych wspominała podczas Mszy świętej wyrazy solidarności, jakie płyną do nich z Polski, zwłaszcza wciągu ostatniego roku, kiedy milicja i Ministerstwo Bezpieczeństwa Publicznego przystąpiły do zmasowanych prześladowań Kościoła katolickiego.

W dniach żałoby Polska jest szczególnie bliska sercom wszystkich ludzi na świecie. Specjalne miejsce ma w sercach Wietnamczyków, których łączy z Polską wspólne marzenie o wolności, w Polsce już zrealizowane. Będziemy zawsze pamiętać tych Polaków, którzy odważyli się przeciwstawić totalitaryzmom XX wieku, którzy szczególnie dobrze rozumieją potrzebę wolności innych. Strasznym żalem napełnia świadomość tego, że wielu z nich poległo tak tragicznie w symbolicznym dla historii XX wieku miejscu. Łączymy się w bólu z Narodem polskim, szczególnie z rodzinami i przyjaciółmi ofiar straszliwej katastrofy.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Thanh hóa mở khóa tập huấn dâng hoa kính Đức Mẹ
Vân Sơn
08:51 18/04/2010
Giáo phận Thanh hóa mở khóa tập huấn dâng hoa kính Đức Mẹ

Dâng hoa là một hình thái đạo đức bình dân kính Đức Mẹ trong tháng Năm được các giáo xứ tại Việt Nam, nhất là các giáo xứ tại miền Bắc tổ chức cách trọng thể và diễn ra trong cả tháng Năm.

Xem hình khoá tập huấn dâng hoa

Những bài ca vãn, những điệu múa luôn được tập luyện kỹ càng, nhuần nhuyễn trong những tuần trước đó, để đến ngày đầu tháng Năm tất cả các hội hoa bắt đầu dâng hoa biệt kính Mẹ.

Nhận thấy đây là một truyền thống quí báu đáng được lưu truyền, thể hiện tâm tình con thảo với Đức Maria và muốn phát huy truyền truyền thống quí báu đó trong toàn giáo phận với sự đồng thuận trong các cử điệu, các bài ca, các hình thức thể hiện, Đức cha giáo phận đã quyết định mở khóa tập huấn dâng hoa chung trong toàn giáo phận.

Hơn 100 học viên – là các người được tuyển cử từ 51 giáo xứ trong giáo phận, đã tập trung về giáo xứ Chính tòa để tập huấn trong ba ngày từ 16-18/04/2010.

Dưới sự hướng dẫn của quí sơ Hội Dòng MTG Thanh hóa, các học viên tích cực tập luyện và thể hiện được tính chuyên môn của mình trong các bài học, vì các chị, các mẹ là những người đã từng tập luyện cho các con hoa tại các giáo xứ của mình trong nhiều năm qua.

Thời gian các học viên ăn ở và sinh hoạt chung với nhau là một hiệu quả phụ vô cùng hữu ích. Vì qua khóa tập huấn này, các chị, các mẹ có cơ hội giao lưu làm quen với nhau, cùng học hỏi các kinh nghiệm tập hoa trong các giáo xứ và có cơ hội để cùng nhau ôn lại các bài ca vãn cổ quí giá đã thất truyền hay bị lạc điệu.

Sưu tầm các điệu dâng hoa và các bài vãn (hát) hoa cũ là mong muốn của Đức cha Giuse và Ủy ban Phụng tự giáo phận. Ngài mong muốn trong thời gian tới giáo phận sẽ lập ra một nhóm chuyên gia đi các giáo xứ để sưu tầm và biên tập lại để phổ biến chung trong toàn giáo phận.
 
Giới tri thức và doanh nhân hành hương tại đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Thái Hà
Jos. Nguyễn Văn Thống
09:07 18/04/2010
Giới tri thức và doanh nhân hành hương tại đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Thái Hà

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì muôn phúc lộc Người ban cho dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội trong suốt 80 năm qua, và cũng chuẩn chuẩn bị bước vào những ngày cao điểm bế mạc năm thánh Thái Hà. Đồng thời, giới trí thức và doanh nhân giáo xứ Thái Hà nói riêng và tổng Giáo Phận Hà Nội nói chung đã ý thức được tầm quan trọng của đời sống thiêng liêng, nên sáng ngày 18/4/2010, đã diễn ra ngày hành hương đặc biệt dành cho giới tri thức và doanh nhân.

Xem hình hành hương

Đúng 8h không khí của ngôi đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, giáo xứ Thái Hà đã trở nên rộn ràng vì sự hiện diện của những công giáo ưu tú, họ là các thầy cô giáo, các văn nghệ sỹ, các luật sư, kỷ sư, nhà báo, các chuyên viên và các nhà doanh nhân công giáo....

Bắt đầu cho buổi hành hương đặc biệt này, cộng đoàn hành hương đã bước vào những giây phút tĩnh lặng để chầu Mình Thánh Chúa, bởi ai cũng cảm nghiệm được rằng: nếu không có ơn Chúa thì mọi việc làm đều vô nghĩa.

Buổi hành hương cũng mời gọi giới tri thức và doanh nhân bước vào cuộc hội thảo với các chủ đề về đức tin và các vấn đề liên quan như: những thuận lợi và khó khăn cho giới tri thức và doanh nhân Công giáo đang gặp phải? Làm sao để tri thức và doanh nhân Công giáo liên kết với nhau và với Hội Thánh?......." Trong thời gian ngắn ngủi gặp gỡ này, giới tri thức và doanh nhân cũng đưa ra một số giải pháp để nhằm giúp nhau giữ vững đức tin trong môi trường đang sống, cũng như cố gắng cống hiến những khá năng có thể trong lĩnh vực của mình cho sự phát triển giáo hội...

Đúng 12h,cộng đoàn hành hương bước vào Thánh lễ trong tâm tình hân hoan vui sướng với sự chủ tế Thánh lễ trọng thể của Đức Cha Fx Nguyễn Văn Sang, nguyên giám mục giáo phận Thái Bình và đông đảo các linh mục trong dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội. Thánh lễ đã diễn ra trong tâm tình tạ ơn và cầu xin sự bình an của Thiên Chúa, Mẹ Hằng Cứu Giúp cho nhà dòng cũng như cộng đoàn hành hương.

Sau Thánh lễ, một bữa cơm huynh đệ thật thân mật nói lên sự hiệp nhất mãnh mẽ của cộng đoàn con cái Chúa.

Buổi hành hương dành cho giới tri thức và doanh nhân kết thúc lúc 14h cùng ngày, mọi người tạm biệt nhau ra về, trông ai cũng luyến tiếc và mong ước ngày gặp mặt lần thứ hai cho giới tri thức và doanh nhân.

Hà Nội 18/4/2010
 
Giáo xứ Phú Bình, hạt Phú Thọ, TGP. Sài Gòn: Ngày ấy và bây giờ
Martin Lê Hoàng Vũ
09:29 18/04/2010
Giáo xứ Phú Bình, hạt Phú Thọ, TGP. Sài Gòn: Ngày ấy và bây giờ

Nhà thờ Phú Bình mới – thánh lễ cung hiến nhà thờ vào ngày 17.4.2010

Ngày 20 tháng 07 năm 1954, hiệp định Geneve phân chia đất nước Việt Nam thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, miền Bắc thuộc chế độ Cộng Sản, miền Nam thuộc chế độ Cộng Hòa. Sự kiện này làm dấy lên làn sóng những người miền Bắc ồ ạt di cư vào miền Nam, cắm lều căng bạt tạm trú rải rác ở nhiều nơi. Năm 1955 các trại di cư dần dần trở thành các trại định cư và hình thành các xứ đạo “di cư”, do các Linh Mục gốc các địa phận miền Bắc coi sóc.

Trong bối cảnh này, Linh Mục Thomas Phạm Ngọc Biểu, gốc địa phận Hà Nội, sau khi chu toàn nhiệm vụ ổn định một số trại định cư cho giáo dân gốc Hà Nội, đã có sáng kiến đi tìm địa điểm để lập một trại Tiểu Thủ Công Nghệ quy tụ các nghành nghề cơ khí như: máy nổ, nghề điện, sắt, thợ mộc, thợ tiện,… giúp người di cư mưu sinh hướng tới việc thành lập xứ đạo.

Nhà thờ Phú Bình cũ
Nhờ sự giúp đỡ và qua trung gian của Linh Mục Giuse Bùi Văn Nho, Cha Sở Nhà Thờ Thánh Jeanne d’Arc – Ngã sáu Chợ Lớn, một chủ đất người Pháp đã sẵn lòng nhượng cho Linh Mục Phạm Ngọc Biểu một thửa đất khoảng 12 hecta ở vùng ngoại ô Đô Thành Sài Gòn, phía Đông là Hương Lộ 14 cũ (nay là đường Lạc Long Quân), phía Tây là vùng đất trống sình lầy (nay là đường Khuông Việt), phía Nam là nghĩa địa Phú Thọ Đô Thành Sài Gòn (nay là đường Hòa Bình – Đầm Sen), phía Bắc là đường Lê Đại Hành nối dài nay là đường Âu Cơ.

Với Thửa đất này, Linh Mục Phạm Ngọc Biểu đã bắt tay vào việc lập trại Tiểu Thủ Công Nghệ, vẽ sơ đồ, chia lô cho làm hơn 24 dãy nhà tường xây, mái ngói, ghi số nhà theo thứ tự 24 chữ cái, được cơ quan Caritas Đức tài trợ, để cấp phát cho các gia đình đến ở. Khởi đầu chỉ là một số gia đình gốc Bắc di cư, không phân biệt tôn giáo, kể cả người Nùng, người Tày, người Thái, trong số những người đầu tiên này chỉ có 3 gia đình là Công Giáo với số nhân khẩu khoảng 20 người. Trại Tiểu Thủ Công Nghệ lấy danh xưng Phú Bình, nghe kể được ghép bởi 2 chữ đầu: vùng Phú Thọ (Đô Thành Sài Gòn) và huyện Bình Lục (miền Bắc, quê Cha Biểu).

Chỉ một thời gian ngắn sau khi lập trại, Phú Bình đã trở thành địa danh thu hút thêm nhiều gia đình Công Giáo di cư, gốc các địa phận miền Bắc như: Hà Nội – Bùi Chu – Thái Bình – Thanh Hóa – Vinh … đến lập nghiệp.

Nhu cầu sinh hoạt tôn giáo hằng ngày của bà con giáo dân đã trở thành vấn đề lớn, Cha Cố Biểu đã cấp tốc cho dựng một nhà nguyện tạm thời bằng vải bạt và năm 1955 tiến hành làm một nhà thờ tạm vách ván, kèo cây, mái tôn dài 30 mét, rộng 12 mét nằm trên phần đất mà hiện nay Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Khiết Tâm đang sử dụng.

Đây là thời điểm manh nha và chính thức hình thành nên Giáo Xứ Phú Bình, đến năm 1958, Giáo Xứ Phú Bình được ghi tên vào sổ các Giáo Xứ Địa phận Sài Gòn.

Các Nhiệm Kỳ Linh Mục Chánh Xứ:

Kể từ ngày chính thức lập xứ vào năm 1958 cho đến 2008, sau 50 năm tồn tại, Giáo Xứ Phú Bình đã trải qua 4 nhiệm kỳ các Cha Chánh Xứ khác nhau.

Nhiệm Kỳ 1: Từ năm 1955 đến năm 1980

Là người có công sáng lập nên Trại Tiểu Thủ Công Nghệ và Giáo Xứ Phú Bình, Cha Cố Thomas Phạm Ngọc Biểu là Cha Chánh Xứ tiên khởi, coi sóc và xây dựng Giáo Xứ ròng rã suốt 25 năm và đã có 5 thời kỳ các Cha phó xứ:
Cha Antôn Nguyễn Quang Bạch (1968 - 1970)
Cha Giuse Phạm Đức Trịnh (1970 - 1972)
Cha Antôn Bùi Vĩnh Phước (1972 – 1973)
Cha Matthêu Trịnh Quốc Bảo (1973 – 1975)
Cha Antôn Nguyễn Quang Bạch (1975 – 1980)

Nhiệm Kỳ 2: Từ năm 1981 đến năm 1992

Ngày 27 tháng 08 năm 1980, Cha Cố Thomas qua đời, Cha Antôn Nguyễn Quang Bạch lúc đó đang làm phó xứ, đã được bổ nhiệm làm Chánh Xứ Phú Bình, kế thừa công việc của Cha Cố Thomas. Đây là thời kỳ có nhiều khó khăn và biến động do bối cảnh xã hội. Năm 1987 Cha Giuse Mai Văn Rự được sai phụ giúp công việc mục vụ tại Phú Bình với tư cách là phụ tá cho đến năm 1991. Cha Antôn Bạch coi sóc xứ Phú Bình đến năm 1992 thì về coi sóc xứ Tân Hiệp – Hóc Môn đến năm 2006. Do bệnh mắt của Ngài ngày càng trở nên trầm trọng, cho nên sau một thời gian nghỉ bệnh tại tư gia ở xứ Tân Mỹ – Hóc Môn, Cha Antôn đã qua đời tại đây vào ngày 06 tháng 09 năm 2008, thi hài được an táng tại Nghĩa Trang Giáo Xứ Trung Chánh.

Nhiệm Kỳ 3: Từ năm 1992 đến năm 1997

Sau khi hai Họ Lẻ Vĩnh Hòa và Phú Hòa được nâng lên hàng Giáo Xứ, vào tháng 04 năm 1992, Cha Phêrô Nguyễn Xuân Đính đang coi sóc xứ Bình Thới được chuyển về làm Chánh Xứ Phú Bình. Ngoài những công việc mục vụ thiêng liêng lo cho phần rỗi các linh hồn, Cha Đính còn động viên bà con đổ đất nâng cao và đổ bê-tông toàn bộ sân chung quanh Nhà Thờ, đồng thời còn cho sữa chữa lại mái và trần Nhà Thờ, thay mới toàn bộ mái và trần, sữa lại gian Cung Thánh, trang hoàng thêm bức phù điêu Tiệc Ly, 14 chặng đường Thánh Giá.

Rất tiếc là đang lúc nhiệt tâm với công việc Nhà Chúa thì Cha Đính ngã bệnh, Bề trên đã cho bào đệ của Ngài là Cha Phaolô Nguyễn Xuân Đỉnh, lúc đó đang làm Chánh Xứ Tân Phước, đảm nhận chức vụ quản nhiệm, coi sóc Phú Bình thay cho bào huynh. Cho đến năm 1997, Cha Đính về nghỉ bệnh tại nhà Bà Cố thuộc xứ Bùi Phát và qua đời ngày 12 tháng 06 năm 2003.

Nhiệm Kỳ 4: Từ năm 1997 …

Sau thời gian bị ngắt quãng không có Cha Xứ, vào ngày 26 tháng 10 năm 1997, Giáo Xứ Phú Bình đã hân hoan đón Cha Giuse Nguyễn Văn Niệm về làm Tân Chánh Xứ. Đây là một bước ngoặt của Giáo Xứ. Tuy đã sang tuổi 60 nhưng Cha Tân Chánh Xứ vốn sẵn có lòng nhiệt thành vì Nhà Chúa, đã lăn xả vào những công việc mục vụ để thăng tiến, nâng cao đời sống đạo, đặc biệt quan tâm việc giáo dục đức tin cho thanh thiếu nhi và sinh hoạt của các đoàn thể, các ca đoàn, tổ chức Giáo Xứ theo quy chế Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ do Đức Hồng Y Tổng Giám Mục phê chuẩn (đồng thời nhiều lần trao đổi với Chính quyền địa phương về việc quản lý đất đai của Giáo Xứ mà bà con Giáo dân bức xúc …).

Nhà Thờ Mới
Nhà thờ Phú Bình mới


Từ năm 2002, Cha Xứ đương nhiệm Giuse Nguyễn Văn Niệm đã bàn bạc với Hội Đồng Mục Vụ lên kế hoạch gom tiền tiết kiệm hàng tháng tại các hộ gia đình trong xứ, hướng đến việc xây dựng một công trình để chào mừng Kỷ Niệm Kim Khánh của Giáo Xứ vào năm 2008. Sau 5 năm, vào ngày 09 tháng 12 năm 2007, trong cuộc họp Đại Hội Toàn Xứ, mọi người đã nhất trí biểu quyết xây dựng lại Ngôi Thánh Đường với Tháp Chuông kiên cố, thay thế ngôi Nhà Thờ được xây dựng từ năm 1959.

Sau nhiều cuộc họp toàn xứ để xem xét bản vẽ thiết kế và phối cảnh, công việc xây Nhà Thờ mới được tiến hành và khởi công vào tháng 07 năm 2008 như là công trình của toàn xứ trong Năm Kim Khánh 2008, được dự kiến sẽ Khánh Thành trong năm 2010, để ghi nhớ và chào mừng Năm Thánh Giáo Hội tại Việt Nam.

Toàn cảnh quan nhà thờ Phú Bình năm 2010 - Nhìn từ hồ nước trước nhà thờ nhìn vào

Và hôm nay, ngày 17.4.2010, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục phụ tá giáo phận Sài Gòn đã về dâng thánh lễ khánh thành và cử hành nghi thức cung hiến thánh đường giáo xứ Phú Bình, sau gần 2 năm thi công xậy dựng đã hoàn thành trong tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa và tấm lòng quảng đại của các vị ân nhân trong và ngoài xứ.

 
Linh Mục Nguyên Chủ Tịch Công giáo Tiến Hành Pháp thăm Thái Hà
Joseph Nguyễn Văn Thống
15:19 18/04/2010
Nếu như tất cả trên thế giới ai cũng đấu tranh cho sự thật thì cả thế giới sẽ được thay đổi bộ mặt của nó

“Nếu như tất cả trên thế giới ai cũng đấu tranh cho sự thật thì cả thế giới sẽ được thay đổi bộ mặt của nó” Đó là câu nói của Cha Jean- Marie Hericher nhân dịp Ngài đến thăm Việt Nam và đặc biệt là đến hành hương ngôi đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong tâm tình đặc ân hồng ân Năm Thánh Thái Hà và nhân dip dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội kỷ niệm 80 có mặt tại Hà Nội.

Lúc 18h, tối chủ nhật, ngày 18/4/2010, tại ngôi đền Đức Mẹ Hằng Cứu, Giáo Xứ Thái Hà. Cha Jean- Marie Hericher nguyên là chủ tịch của Công giáo Tiến Hành Nước Pháp, đi cùng Ngài là Cha Đa Minh Nguyễn Xuân Nghĩa, giáo xứ Thánh Phao Lô, địa phận AuTun, nước Pháp, đã cùng dâng Thánh lễ đồng tế với Cha Giuse Đinh Tiến Đức CSsR và đông đảo cộng đoàn giáo xứ Thái Hà tham dự Thánh lễ.

Xem hình bấm vào đây

Trong nhiều năm qua, giáo xứ Thái Hà đã đi vào lòng lịch sử giáo hội Việt Nam nói riêng và giáo hội hoàn vũ nói chung với một biểu tượng của công cuộc đi tìm công lý và sự thật. Chính vì lẽ đó, giáo xứ Thái Hà thu hút không chỉ mọi phẩm trật trong giáo giáo hội Việt Nam nhưng còn là nơi hiệp thông của mọi phẩm trật trên toàn thế giớí, giáo hội Pháp là điển hình. Nhìn lại lich sử giáo hội Việt Nam thì giáo hội Pháp đã luôn đồng hành và hiệp thông với giáo hội Việt Nam suốt nhiều thế kỷ qua từ khi hạt giống Tin Mừng có mặt trên mảnh đất hình chữ “ S”

Cha Jean- Marie Hericher đã nhiều lần đến Việt Nam, Ngài hiểu rõ về một giáo hội phải sống trong một xã hội không có sự tự do tôn giáo đích thực và một xã hội mà nhân phẩm của con người không được coi trọng. Một xã hội mà công lý và sự thật đang bị chà đạp nên Ngài đã và đang dành cho Giáo xứ Thái Hà những tình cảm và Ngài đã chia sẻ với cộng đoàn: “Khi mà tôi tới Hà Nội, món quà đầu tiên tôi được nhận là dây Tola trên đó có viết chữ là “Hạnh Phúc, Phúc Thât” điều đó làm cho tôi nhớ đến Tám Mối Phúc Thật mà trong kinh Thánh Chúa Giêsu nói tới và nghĩ tới anh chị em là tôi nghĩ đến phúc cho những người nghèo khó, không phải anh chị em nghèo khó trong tình trạng khó nghèo mà là anh chị em vẫn đang cùng toàn giáo hội để đấu tranh, để mỗi một con người đều có giá trị riêng của họ và mỗi con người sống phẩm giá của mình là con cái Chúa. Nước Việt Nam có cái quyền đó như những người trên tòa thế giới.”

Ngài cũng nói tiếp: Tôi đi nhiều nơi trên nước pháp thì tôi đã nhìn thấy những hình ảnh, những con người đấu tranh cho sự thật, nếu như tất cả trên thế giới ai cũng đấu tranh cho sự thật thì cả thế giới sẽ được thay đổi bộ mặt của nó và lời của Tám Mối Phúc Thật thật sự có ý nghĩa cho mỗi con người.

Qua lời chia sẻ của Cha Jean- Marie Hericher, chúng ta nhìn lại về giáo hội Việt Nam trong những năm qua và chúng ta ước vọng rằng: Chúng ta sẽ có một giáo hội Việt Nam sống mầu nhiệm hiệp thông, một giáo hội biết lên tiếng trước những bất công, biết đấu tranh cho sự thật để công lý và sự thật sớm được thực hiện trên quê hương đất nước của chúng ta.

Đáp lại tâm tình của Cha Jean- Marie Hericher. Cha Giuse Đinh Tiến Đức CSsR cũng đã đại diện cho Giáo xứ và Tu Viện Thái Hà nói lên rằng: “chúng con biết ơn vì sự hiện diện của Cha Jean- Marie Hericher, Cha Đa Minh Nguyễn Xuân Nghĩa trong thánh lễ này, như bằng chứng của mầu nhiệm hiệp thông sâu xa với những biến cố đã và đang xảy ra với cộng đoàn giáo xứ và bài chia sẻ của Cha Jean- Marie Hericher là nguồn khích lệ lớn lao cho cộng đoàn trong công cuộc đi tìm công lý và sự thật.”

Sau Thánh lễ, Cha Jean- Marie Hericher và Cha Đa Minh Nguyễn Xuân Nghĩa đã dâng lên Mẹ Hằng cứu Giúp bỏ hoa tươi thắm như đoàn con khắp muôn phương về hành hương nơi Đền Thánh dâng kính mẹ với tất cả tấm hồn sốt mến.

Chúng ta cũng hãy hiệp lời cầu xin Chúa cho mọi người trên quê hương Việt Nam thực hiện lời Cha Jean- Marie Heriche để biết đấu tranh cho sự thật để làm mùa xuân của công lý và sự thât sớm hiển hiện trên quê hương Việt Nam yêu dấu.

Hà Nội 18/4/2010
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo Hội Việt Nam Vững Một Niềm Tin !
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
12:40 18/04/2010
Giáo Hội Việt Nam Vững Một Niềm Tin !

Tình Thánh Giá đã gieo mầm hy vọng
Xanh khắp miền giải Chữ S thân thương
Và thắp lên trong vô số tâm hồn
Niềm kiêu hãnh xả dâng dòng máu thắm

Giáo hội Việt Nam niềm tin ngời sáng
Từ đêm trường bách hại tiến bước ra
Những anh linh đẹp tựa vạn sắc hoa
Nở rực rỡ chan hoà trong nắng sớm

Và hôm nay những bước chân lý tưởng
Lại ra đi trên sóng lớn, can trường
Đường Thánh giá dù vạn nẻo mờ sương
Đoàn dũng chí sánh chung đường Chân Lý

Giữa lênh đênh cơn phong ba thể chế
Vững tin nơi Hàng Hải Gia tuyệt vời
- Đức KiTô vẫn đồng hành dẫn lối
Đưa Giáo hội về bến đợi bình an

Hãy tự hào với Giáo Hội Việt Nam
Và vui cùng niềm vui làm con Chúa
Bạn nghe chăng lời chứng nhân trăn trở
Nỡ lòng nào phá vỡ mối hiệp thông !

Tia hy vọng đã hé mở bên lòng
Đừng dập tắt lửa hồng soi Sự Thật
Đừng khoanh tay nhìn kiếp đời lay lắt
Đang lao đao bởi lừa lọc, bất công…

Giáo hội Chúa như dấu chỉ niềm mong
Cho lữ khách giữa bềnh bồng bão tố
Sa-tan kia dù hoành tung hiểm dữ
Sẽ đến ngày phải lộ tên: Ác Thần !

Hãy vững tin cùng Giáo Hội Việt Nam
Trên con đường Tình Thương và Công Lý !!!








 
Thông Báo
Thông báo về ngày Thánh Thể 2010 của Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm
Linh Mục Đominic Nguyễn Đức Hạnh
10:10 18/04/2010
ĐAN VIỆN BIỂN ĐỨC THIÊN TÂM

13055 SE County Road 4271

Kerens, TX 75144

(903) 396-3201

www.ThienTamOSB.org


THÔNG BÁO VỀ NGÀY THÁNH THỂ 2010


Trong tâm tình tôn thờ Thiên Chúa và thờ kính Người trong phép Thánh Thể,

Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm tại Tiểu Bang Texas, Hoa Kỳ, sẽ tổ chức Ngày Thánh Thể 2010,

với chủ đề được trích trong phúc âm Luca chương 22 câu 19: «Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày».

Ngày Thánh Thể được tổ chức vào ngày 4 tháng 6 đến ngày 6 tháng 6 năm 2010 trong khuôn viên của Đan Viện, tại thị trấn Kerens, giữa đường Dallas và Houston, cách thành phố Dallas khoảng 70 dặm về hướng Nam.

Các chương trình được tóm tắt như sau:

  • · Thứ Sáu (ngày 4 tháng 6):
- Thánh Lễ Khai Mạc vào lúc 6 giờ chiều, tiếp theo là Đêm Sinh Hoạt và Chầu Thánh Thể qua đêm

  • · Thứ Bảy (ngày 5 tháng 6):
- Các chương trình Hội Thảo dành cho các giới về Thánh Thể bắt đầu từ 8:30 sáng,

và đặc biệt có giờ hội thảo dành riêng cho các bạn trẻ theo sau;

- Thánh Lễ Đại Trào và Rước Kiệu Thánh Thể vào lúc 5:30 chiều;

- Đêm Xin Ơn Chữa Lành vào lúc 9 giờ tối

  • · Ngày Chúa Nhật (ngày 6 tháng 6):
- Thánh Lễ Bế Mạc vào 8:30 sáng

Trân trọng kính mời tất cả các tín hữu, các đoàn thể Công giáo tiến hành và qúy ông bà anh chị em

cùng đến tham dự và tôn thờ Thánh Thể.

Ngày Thánh Thể 2010 là cơ hội để mọi thành phần tín hữu chúng ta cùng nhau cầu nguyện,

xin ơn tha thứ, ơn bình an và thăng tiến hạnh phúc.

Trong khung cảnh mới thành lập, Đan Viện cũng xin sự cộng tác của qúy vị, của các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành và tất cả các tín hữu gần xa trong mọi lãnh vực. Để tiện việc chuẩn bị chu đáo cho chương trình,

Đan Viện cần những hợp tác trong các lãnh vực, đặc biệt là:

  • Chăng Lều
  • Ban vệ sinh
  • Ban tiếp tân
  • Ban phụng vụ
  • Ban trang trí
  • Ban y tế
  • Ban ẩm thực
  • Ban kỹ thuật
  • Ban an ninh và trật tự
Để biết thêm chi tiết của chương trình, xin qúy vị thăm trang nhà: www.ThienTamOSB.org.

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể, nguồn suối yêu thương và của nuôi linh hồn,

ban muôn hồng ân cho qúy vị.

Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm kính mời qúy linh mục, qúy nam nữ tu sĩ

và toàn thể qúy vị về với Phép Thánh Thể, kính tin và tôn thờ.

Linh Mục Đominic Nguyễn Đức Hạnh

Phụ Trách Đan Viện

Kính Mời.
 
Văn Hóa
Chúa Đã Mời Gọi Con
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
13:14 18/04/2010
Chúa đã mời gọi con

Từ đồi cao Thánh giá

Lời bao dung tha thứ

Dẫn con bước về Ngài

Dẫn con theo tiếng Chúa

Nên chứng nhân giữa đời

Đem tình yêu mở lối

Trong đêm tối nhân loài

Nẻo trần lắm chông gai

Bởi xa hoa lạc thú

Bàn tay Ngài nâng đỡ

Xoa dịu ấm hồn côi

Xin cho con một đời

Trung kiên theo Tiếng Gọi

Xin cho con một đời

Chọn Ngài không thay đổi

Dù thân con tội lỗi

Mong được sống cho Ngài

Cho hết thảy những ai

Muốn tìm về bên Chúa.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Bên Hàng Giậu- Wild Flowers
Nguyễn Đức Cung
22:39 18/04/2010

HOA BÊN HÀNG GIẬU – Wild Flowers



Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Mong lên chinh phục chị Hằng

Bỏ quên hoa nở bên hàng giậu thưa.

(nđc phóng ngữ)

"In the hopes of reaching the moon men fail to see the flowers that blossom at their feet.”

(Albert Schweitzer)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền