Ngày 17-04-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Con mắt thứ ba
LM Inhaxiô Trần Ngà
00:48 17/04/2009
Chúa Nhật 2 Phục Sinh (Gioan 20, 19-31)

Cách xử sự của Tô-ma cũng là cách xử sự thông thường của nhiều người. Người ta chỉ chấp nhận là có thật những gì người ta có thể xem bằng mắt, bắt bằng tay. Còn những gì người ta không thấy, bị xem như là không có. Vì thế, khi một số người được hỏi tại sao không tin Thiên Chúa, không tin có linh hồn, không tin có sự sống đời sau… họ trả lời thật đơn giản: "Có thấy đâu mà tin!"

Thế nhưng, có vô số điều chúng ta không thấy nhưng chúng ta vẫn phải nhận là chúng hiện hữu. Người ta không thể nhìn thấy tình mẫu tử nơi người mẹ, không nhìn thấy ý chí kiên cường nơi bậc anh hùng, không nhìn thấy trí khôn tuyệt vời của nhà khoa học … nhưng không ai dám phủ nhận rằng những thực tại nầy không có.

Với đôi mắt trần nầy, tầm nhìn của người ta rất hạn hẹp, như "cóc ngồi đáy giếng coi trời bằng vung".

Với đôi mắt trần nầy, chúng ta chỉ nhận thấy một ít sự vật phù du mà thôi. Còn những điều quan trọng, những điều chính yếu thì không thể nhận thấy, quả đúng như Antoine de Saint Exupéry nhận định: "L'essentiel est invisible pour les yeux" [những thực tại thiết yếu thì mắt trần không thấy được]

Do đó, nhân loại cần đến những con mắt khác, những con mắt thứ ba để nhận thức những thực tại cao siêu. Con mắt nầy giúp người ta nhìn xa, nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn thấy điều thiết yếu, nhìn thấy chân lý…

Con mắt thứ ba của các nhà vi trùng học là ống kính hiển vi. Nhờ nó mà mới đây, nhà vi trùng học người Mỹ, tiến sĩ M. Blaser phát hiện có đến hơn 250 loài vi khuẩn vui sống ngay trên lớp da của mỗi người chúng ta và ông gọi đùa làn da của chúng ta là một vườn thú lớn! (nguồn: http://vietbao.vn)

Con mắt thứ ba của các nhà thiên văn là ống kính thiên văn, nhờ đó các nhà khoa học có thể thấy được những ngôi sao cách mặt đất đến mười tỉ năm ánh sáng. ..

Con mắt thứ ba của các nhà quân sự là màn ảnh ra-đa, là vệ tinh quan sát… Chúng giúp các nhà quân sự phát hiện máy bay địch từ xa, giúp nắm rõ địa hình cũng như các bí mật quân sự của đối phương nhằm đạt tới chiến thắng.

Trong Phật giáo, con mắt thứ ba của nhà tu hành đạt đạo là 'huệ nhãn', giúp người ta thấy được những thực tại tâm linh siêu hình.

Đối với Đức Giê-su, con mắt thứ ba mà Người mong muốn các môn đệ phải có là Đức Tin. Nhờ Đức Tin, nhân loại có thể nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương, nhận ra Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ, nhận ra mình có hồn thiêng bất tử, biết mình có cuộc sống mai sau, có thiên đàng, hoả ngục…

***

Tông đồ Tô-ma chưa có con mắt thứ ba. Anh chỉ tiếp cận với thế giới qua đôi mắt trần. Anh chủ trương rằng chỉ những gì được xem thấy tận mắt, được sờ tận tay… mới là điều có thực. Chính vì thế, khi nghe các môn đệ bảo: "Nầy Tô-ma, Thầy đã sống lại và đã hiện ra với chúng tôi", Tô-ma cho là chuyện đùa.

Cho dù Tô-ma có thấy Chúa tận mắt đi nữa, chắc gì anh tin, vì biết đâu đó chỉ là bóng ma của Chúa Giê-su hiện về. Vì thế, anh đòi kiểm chứng bằng cách xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa mới được.

Chúa Giê-su không hài lòng với quan điểm đó. Người nói: "Tô-ma, vì anh đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin." Như thế, phúc cho những ai không dùng đôi mắt trần, nhưng dùng con mắt thứ ba, con mắt Đức Tin để nhận ra Chúa.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa luôn tuyên dương những ai có Đức Tin vì đó là con mắt tối cần giúp thấy được những thực tại siêu nhiên và đạt tới ơn cứu độ;

Chúa khiển trách các môn đệ khi các ông yếu lòng tin;

Chúa buồn phiền vì dân Do-Thái thiếu lòng tin;

Chúa sửa dạy Tô-ma là kẻ cứng lòng tin;

Xin khai mở cho chúng con con mắt thứ ba, con mắt Đức Tin, để nhận biết Thiên Chúa Cha là Cha yêu thương, nhận biết Chúa là Đấng cứu độ nhân loại và nhận biết Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá và nhận biết những người chung quanh là thân mình của Chúa. Amen.
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
01:08 17/04/2009
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (82)

821. Tôma có lý khi cứng lòng tin.

Tôma vừa chứng kiến cái chết của Thầy mình: Thầy đã tắt thở, đã chết thật, đã được mai táng trong mộ bịt lấp bằng một tảng đá to. Thế mà các bạn lại nói với Tôma: Thầy đã sống lại rồi...Thầy đã gặp gỡ các anh em nơi nầy nơi kia...
Các bạn nầy, các anh em nầy là ai? Đó là những kẻ mà chẳng bao lâu trước đây, khi Thầy lâm nạn, không một ai trong họ dám lên tiếng bênh vực. Ai cũng sợ vạ lây nên đi lánh mặt hoặc bỏ chạy trốn. Phêrô, cầm đầu những người nầy, đã không ngượng ngùng ba lần chối Thầy một cách dứt khoát. Và khi thấy Thầy chết một cách công khai và vô cùng nhục nhã trên thập giá, những người nầy đã tỏ ra ê chề tuyệt vọng!
Như vậy thì làm sao bây giờ Tôma có thể tin được những lời của những người yếu hèn và nhát đảm như thế?

822. Chúa Giêsu không trách sự cứng lòng tin của Tôma.

Đối với Tôma, Chúa Giêsu không phiền trách gì về sự cứng lòng tin của ông. Chúa cho ông thoả mãn lòng tin thực nghiệm của ông: cho ông được xỏ tay vào lỗ đinh ở tay của Ngài và lỗ đòng đâm ở cạnh sườn Ngài. Và Chúa Giêsu chỉ nói một câu rất nhẹ nhàng để bổ túc cho sự cứng tin hợp lý của Tôma:
- “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay cho những ai không thấy mà tin.”
Có lẽ chính nhờ sự cứng tin như thế mà Tôma sau nầy sẽ tin chắc vào sự sống lại của Chúa Giêsu hơn ai hết.
Chúng ta thấy có những gương trước mắt: người nào cứng tin, nhưng một khi đã tin, thì sẽ tin rất vững. Còn kẻ nào quá dễ tin thì cũng sẽ dễ dàng mất niềm tin, hoặc cũng sẽ dễ dàng sa vào những điều mê tín hời hợt.

823. Gương đức tin của Đức Mẹ

Đức tin là nhân đức nổi bật nhất trong đời sống của Đức Mẹ.
Bà thánh Isave đã lớn tiếng ngợi khen Đức Mẹ: Phước cho Bà vì bà đã tin.
Giáo Hội tuyên xưng Đức Mẹ là Mẹ của các tín hữu, Mẹ của các kẻ tin.
Thánh phụ Augustinô quả quyết: chính đức tin đã làm cho Đức Mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế.
Đức Mẹ luôn sống trong một đức tin thẳm sâu. Ngài luôn nhìn thấy mọi sự xảy ra trong đời mình dưới ánh sáng đức tin.
Thiên Chúa tin vào Đức Mẹ nên đã sai thiên thần Gabirie mang tin đến cho Ngài. Về phần mình, Đức Mẹ cũng tin vào Thiên Chúa nên đã cúi đầu vâng phục Lời Chúa, mặc dầu Lời Chúa phán ra quá lạ lùng và không thể nào thực hiện được theo sức loài người. Dầu vậy, Đức Mẹ vẫn nhắm mắt tin vào Thiên Chúa với tất cả mọi sự mạo hiểm, mọi điều nguy biến, mọi nỗi đớn đau trong cuộc đời.
Đức tin của Đức Mẹ không hề lay chuyển khi sinh con quá túng thiếu và khổ cực trong hang đá, cũng như khi nhìn thấy con chết tất tưởi trên thập giá.

824. Gương đức tin của các tổ phụ Dân Chúa

Sách Thánh để lại cho chúng ta nhiều gương đức tin mạnh mẽ của các tổ phụ Dân Chúa. Chúng ta hãy nhìn xem gương đức tin của ông Noê, Abraham và Môsê.
Nhờ đức tin, ông Noê đã được Chúa cho biết các điều chưa xảy ra, và vì có lòng kính sợ Chúa, ông đã được Chúa cho đóng tàu để cứu gia đình mình. Bởi đó, ông đã lên án thế gian và xứng đáng được thưởng sự công chính do đức tin ban cho.
Nhờ đức tin, ông Abraham theo lời Chúa gọi, đi đến một nơi ông sẽ nhận được làm cơ nghiệp. Ông vâng lệnh ra đi, mặc dầu ông không biết mình đi đâu. Ông cứ vững tin, mặc dầu trong trường hợp của mình, ông không còn hy vọng gì nữa. Lòng tin của ông không chút nao núng mặc dầu ông cảm thấy thân xác mình gần tàn phế vì khi ấy, ông đã ngót 100 tuổi, và vợ ông là bà Sara, cũng đã hết thời sinh con.
Nhờ đức tin, ông Môsê, khi khôn lớn, đã không chịu nhìn nhận mình là con của công chúa Pharaon. Ông thà chịu khổ với dân Israen của mình còn hơn hưởng sự vui sướng trong triều đình Ai cập. Ông lấy sự sĩ nhục vì Chúa làm quý hơn mọi châu báu của dân Ai Cập vì ông hằng nhìn xem phần thưởng dành cho mình. Ông đã từ bỏ Ai cập mà không sợ vua giận. Ông đứng vững như xem được Đấng Vô Hình.

825. Gương đức tin của thánh Phaolô

Sau khi trở lại với Chúa, Phaolô đã sống trọn vẹn đức tin của mình trong nhiều thập niên hăng say đi rao giảng Lời Chúa khắp nơi. Trước khi chết, ngài đã nói cho đồ đệ Timôtêô biết đức tin mạnh mẽ của mình: “Thầy đã chiến đấu anh dũng. Thầy đã chạy hết cùng đường và Thầy đã giữ vững được đức tin.” (2Tm 4,7) )

826. Một người cha truyền lại cho con một gia tài lớn lao nhất

Một nhà văn kia kể lại rằng:
- Mỗi ngày, ba tôi đem một tấm ván dài ra, bắt tôi dùng con dao nhỏ, rạch lên đó một cái. Chỉ có thế thôi.
Tôi thật vô cùng ngạc nhiên, nhưng ba tôi không hề hé môi giải thích.
Tôi cứ tiếp tục rạch mỗi bữa vào chỗ cũ như vậy, và cuối cùng, sau mấy trăm ngày, tấm ván đứt ra làm hai.
Bấy giờ, ba tôi vịn vai tôi mà bảo rằng: “Con thấy không. Với sự bền chí cầm con dao bé nhỏ nầy, cưa mỗi ngày một cái, con có thể làm cho tấm ván dày, đứt ra làm hai. Bao nhiêu việc đời, cũng chỉ như thế thôi. Người ta, nếu biết quyết chí mỗi ngày, làm mãi công việc mà mình đeo đuổi, thì ắt phải có ngày thành công. Đó là bài học luyện chí mà ba nghĩ là một gia tài lớn lao nhất mà ba truyền lại cho con vậy.

827. Tuy tuổi già nhưng lòng vẫn còn trẻ

Lúc về già, Voltaire vẫn giam mình cả năm trong phòng riêng để nghiên cứu thêm về vật lý và hoá học vì ông nói rằng mình tuy giỏi văn chương nhưng chưa giỏi các khoa học, thì vẫn là người còn thiếu sót. Và lúc đã bảy mươi tuổi rồi, ông vẫn mở mang đồn điền Fermey, vẫn viết sách và soạn kịch.
Clémenceau, vị anh hùng cứu quốc của Pháp, lúc về già, vẫn không để cho ngòi bút của mình khô mực, rỉ sét.
Những người như Voltaire, Clémenceau, tuy tuổi đã già, nhưng lòng vẫn còn trẻ. Trái lại, có thể có nhiều người tuy còn trẻ mà ý chí đã khô cằn. Họ an nhiên ngồi nhìn năm tháng trôi qua. Họ thở than vì mình sinh ra không gặp thời. Họ đổ thừa cho số kiếp mình không may mắn. Họ không chịu đinh ninh rằng việc gì người khác làm được, ta cũng có thể làm được vì người ta chỉ hơn thua nhau ở chỗ có ý chí, có chí khí mà thôi.

828. Phải nhẩn cường, chứ không nên thị cường.

Khi xây dựng sự nghiệp, cần phải đoàn kết rộng rãi, lắng nghe ý kiến của người khác, như vậy mới sáng mắt, sáng lòng, biết làm như thế nào và cũng biết mình còn có những khó khăn thiếu sót gì.
Trong cuộc chiến Hán Sở tranh hùng, Lưu Bang hầu như đánh trận nào thua trận nấy, nhưng chỉ một trận Cai Hạ đã làm cho Hạng Vũ phải thất điên bát đảo, lập nên Nhà Hán.
Nếu sau mấy lần thất bại mà đã nhụt chí, không dám phấn đấu, thì sao có thắng lợi?
Người thắng, lại cần phải nhẫn nại, không nên vì tạm thời thắng lợi mà kiêu ngạo, cần phải duy trì thế thắng, cố gắng hơn nữa, nếu không thì sớm muộn cũng sẽ bị thất bại.
Người thắng cũng có thể trở thành người thua, người thua cũng có thể trở thành người thắng, đó là điều thường thấy trong quá trình phát triển của lịch sử.
Lập được sự nghiệp lớn, không phải là điều dễ dàng, mà phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết để trả giá, vì thế, làm việc gì cũng cần phải thận trọng, không được qua loa đại khái, và cũng không được cậy mình mạnh, ăn hiếp người yếu, nếu không, sớm muộn cũng có một ngày mình cũng bị người khác chèn ép ức hiếp. Bởi lẽ, vì trên đời nầy, không có ai là tuyệt đối mạnh, và cũng không có người nào tuyệt đối yếu. Mạnh và yếu cũng chỉ là tương đối. Khi mạnh, cần phải tự giữ, cũng phải nghĩ tới khi mình cũng có thể bị thay thế, vì thế, cần phải nhẫn cường, chứ không nên thị cường (cậy mạnh). (3 Điều Nên Biết – Giang Văn Toàn)

829. Ôn cũ biết mới.

Khổng Tử, nhà giáo dục vĩ đại của Trung Quốc, sớm nhận ra tầm quan trọng của việc ôn tập đối với việc ghi nhớ. Ông đã chỉ ra rằng: “Ôn cũ, biết mới” và “lúc học, cũng chính là lúc ôn.”
Từ đó, có thể thấy rằng ôn tập là phương pháp cơ bản nhất để có được kiến thức vững chắc và phòng chứng hay quên.
Rất nhiều người có trí nhớ siêu việt cũng thường dựa vào việc ôn tập để gặt hái những thành công. Ví dụ như Các Mác, người có kiến thức uyên bác và nắm vững rất nhiều ngoại ngữ. F. Ănghen đã viết rắng: Mác có thói quen, cứ một khoảng thời gian sau, lại đọc lại những chỗ đánh ký hiệu trong những ghi chép và trong những quyển sách do chính ông viết để cũng cố những ghi nhớ vốn đã rất chính xác của mình.
Lý Chính Đạo, người đã đạt giải thưởng Nobel, cũng kể rằng: Khi đọc xong một đoạn văn thì tôi gặp sách lại, tự mình nhẩm lại theo mạch tư duy. Nếu nghĩ không ra thì xem lại sách, xem xem tại sao mình lại không nghĩ ra, mà người khác lại nghĩ ra.
Căn cứ theo đường quên của Ebbinghaus, thì sau khi ghi nhớ được hai mươi phút, ta lại quên mất một nữa; nếu cứ như thế trong thời gian dài thì sẽ phải học lại từ đầu.
Do đó, ôn tập kịp thời, mới có thể có được hiệu quả cao.
Học sinh trung học phải nắm lấy hai mươi phút sau khi tan học, kịp thời ôn lại kiến thức đã học một lần. Bài học ngày hôm nào thì phải ôn tập ngay ngày hôm đó. Hằng tuần, phải ôn tập lại toàn bộ. Mỗi bài học, mỗi một phần kiến thức, đều phải tiến hành ôn tập tổng kết; nửa học kỳ, phải tổng ôn tập một lần. (Để Có Trí Nhớ Vượt Trội – Phương Nga và Lam Trình)

830. Hãy giảm nhẹ gánh nặng cho trái tim.

Nếu bạn đang mong được một ai đó tha thứ, hãy cố gắng hết mình. Cuộc sống nầy quá ngắn ngủi, vậy tại sao lại phải luôn mang gánh nặng trong tim?
Thần thoại Ai Cập kể rằng khi một người chết đi, linh hồn của họ sẽ bay sang một chiều không gian khác, và ở đó, họ có thể nhìn lại cuộc đời mình.
Bản chất thật của người đó sẽ được đưa tới gặp thần Anubis, người giám sát một chiếc cân. Một bên bàn cân là chiếc lông vũ sự thật.
Thần Anubis sẽ lấy trái tim của người đó, đặt lên bàn cân bên kia. Nếu trái tim nhẹ hơn chiếc lông vũ, linh hồn người đó sẽ được tự do. Nếu trái tim nặng hơn do chất đầy những oán hận, nuối tiếc, thù hằn và ăn năn, linh hồn sẽ được gởi đi tái tạo lại.
Câu chuyện thần thoại nầy mang đến chúng ta một thông điệp sâu sắc: hãy giảm nhẹ gánh nặng cho trái tim.
Tự thương mình, chỉ là cái cớ che đậy sự ích kỷ.
Việc níu kéo quá khứ sẽ chỉ dựng nên một bức tường ngăn bản thân tiếp tục sống và tận dụng những món quà mà cuộc sống mang lại.
Hãy giải thoát bản thân mỗi người bằng sự tha thứ và yêu thương.
 
Thiên Chúa là tình yêu, một khi đã yêu, Ngài yêu cho đến cùng
Lm Minh Anh
01:33 17/04/2009
Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa

Thật ý nghĩa khi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đấng Phục Sinh tỏ mình cho các môn đệ nhân Chúa Nhật "LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA". Trong vài phút, chúng ta thử quan chiêm Trái Tim Đức Giêsu, trái tim người Thầy; đồng thời cũng thoáng qua trái tim Tôma, trái tim học trò; nhờ đó có thể hiểu được đôi chút lòng Chúa, đôi chút lòng ta.

Trái Tim Giêsu, một trái tim chan chứa yêu thương mà Tin Mừng không ngừng lặp đi lặp lại. Đã bao lần "Ngài chạnh lòng thương" trước cảnh cùng khốn của con người: Thấy dân chúng tất tưởi bơ vơ như chiên không người chăn, "Ngài chạnh lòng thương"; thấy người ta đang khiêng đi chôn con trai duy nhất của một bà goá, "Ngài chạnh lòng thương"; thấy những người phong cùi tiến đến từ xa, "Ngài chạnh lòng thương"; thấy hai người mù đang dò dẫm lại gần, "Ngài chạnh lòng thương"... Và chắc hẳn các tông đồ, kể cả Tôma, cũng đã ít nhiều cảm nhận cái thổn thức "chạnh thương" đó nơi Thầy mình. Cũng trái tim đó, bởi đã chạnh thương cho đến cùng nên bị đâm thâu, để giọt máu sau hết và chút nước cuối cùng nhỏ xuống mà có lẽ Tôma đã chứng kiến xa xa hay ít nữa đã nghe thuật lại chiều ngày thứ sáu hôm ấy vì ông không dám lại gần.

Trái Tim Tôma, một trái tim nhát đảm và ngờ vực. Thầy mất, không ai biết vì lý do, "Đi Đi Mô" rời bỏ cộng đoàn. Phải chăng trái tim Tôma đang tan nát vì thương tích, vì những vết đau dù không nhìn thấy nhưng là những thương tích có thật và đau thật. Một trái tim ngờ vực khủng hoảng đến tội nghiệp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin". Ôi, còn đâu bao lời tiên báo và giáo huấn của người Thầy khả ái? Còn đâu những cảm nghiệm đầy thán phục khi chứng kiến những phép lạ của Con Đức Chúa Trời?

Thật là mỉa mai, thật là chua xót cho người môn sinh tuyệt vọng. Thật là thất đoạt, thật là vô ích cho người Thầy luống công. Sự ngã lòng của Tôma xúc phạm đến Thầy đâu kém việc bán thầy hay chối thầy của hai bạn đồng môn! Có khi còn tệ hơn, bởi lẽ, Juđa và Phêrô tránh né liên luỵ đến một người sắp từ giã cõi sống trong khi Tôma lại đan tâm chối nhận một Đấng vừa trở về từ cõi chết.

Vì thế, cũng bởi "chạnh lòng thương", tám ngày sau, Đức Giêsu lại phải hiện ra một lần nữa và trái tim đã yêu dấu loài người quá bội đó đã biết lựa lời khôn khéo nhẹ nhàng trách yêu Tôma, Ngài dỗ dành chứ không mắng mổ, chìu chuộng chứ không phỉ báng: "Hãy đặt ngón tay con vào đây, hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Thôi, đừng cứng lòng nhưng hãy tin".

Lạ thay, Tin Mừng không nói gì về việc Tôma có sấn tới thọc tay vào lỗ đinh Thầy, đặt tay vào cạnh sườn Thầy mà trong đó cũng có một trái tim hay không. Nhưng chúng ta có thể đoan chắc, chính Đức Giêsu Phục Sinh đã một lần nữa "chạnh thương chạm đến" và băng bó trái tim thương tích của người học trò. Tim đụng tim, lòng chạm lòng, nhờ đó, tâm hồn người môn đệ được bình an trở lại và thay vì cất lên Magnificat: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa thì một cách nào đó, Tôma đã phải thưa lên Credo: Tôi tin! Bởi lẽ, trước tiên là phải tin, sau đó mới có thể ca khen Đấng mình tuyên xưng.

Vậy là tim chữa lành tim, lòng cảm mến lòng. Tim Thầy chữa lành tim trò, lòng Thầy khoả lấp lòng môn đệ. Nhờ lòng Thầy chạnh thương mà từ đây, lòng người môn đệ xác tín thay cho ngờ vực; yêu mến thay cho hững hờ; chứng tá, thay cho trốn chạy; và bình an thay cho bất an.

Hơn lúc nào hết, có lẽ mỗi người trong chúng ta hôm nay, dù ở đấng bậc nào, cũng đều cảm thấy cần đến lòng Chúa xót thương hơn ai hết. Vì chỉ có Chúa mới là Đấng xót thật và thương thật; chỉ có Chúa mới biết được mỗi người cần đến lòng Ngài xót thương biết bao; chỉ có Chúa là Đấng có thể chữa lành, có thể hàn gắn, có thể đem về và có thể ban lại sự bình an, một sự bình an không ai lấy mất. Vì bình an của Chúa là chính Chúa.

Mừng kính Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta có thể cầu nguyện: "Lạy Chúa, phải chăng lòng con đây cũng đang "đi đi mô", bất an vì ngờ vực, hững hờ vì thiếu lòng mến, trốn chạy vì nhát đảm. Xin hãy chữa lành tim con như đã chữa lành tim người môn đệ; cho con biết năng chạy đến Thánh Tâm rất yêu dấu của Chúa để múc lấy sự thứ tha, lòng mến yêu và niềm tin cậy. Để với những ân phúc đó, con cũng biết thứ tha, quảng đại và độ lượng với anh chị em con. Nhờ đó, khi thấy con, người ta có thể nói: "Trong tâm hồn người nầy còn có một trái tim, đồng thời có một ai đó đang sống và đang ban sinh khí cho trái tim đó", Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:53 17/04/2009
THỰC ĐƠN

N2T


- “Ngài tìm gì vậy ?” đại sư hỏi một vị học giả đến thỉnh giáo.

- “Sự sống.” Vị học giả trả lời.

Đại sư nói: “Nếu ngài muốn sự sống, thì trước hết phải chết với văn tự.”

Vị học giả năn nỉ đại sư giải thích rõ thêm chút xíu nữa. Ông ta nói: “Ngài đã sa vào hoàn cảnh khó khăn, mất đi phương hướng. Bởi vì cái mà ngài khát vọng là sự sống của thực chất, nhưng lại thỏa chí dựa vào văn tự để duy trì sự sống. Nên biết, thực đơn không thể đút cho anh no bụng, thực đơn cũng không thể giúp giải quyết cơn đói khát cho anh.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Thực đơn không thể làm cho chúng ta no, nếu chủ quán không dọn thức ăn để chúng ta ăn.

Cũng vậy, văn tự không thể làm cho chúng ta sống, dù văn tự đó là Kinh Thánh hoặc Phúc Âm, nếu chúng ta không thành tâm thực hành những lời hằng sống trong Kinh Thánh hoặc Phúc Âm.

Có một vài người Ki-tô hữu đọc nhiều sách các thánh, nghiên cứu nhiều về Kinh Thánh, tham dự nhiều khóa học về Lời Chúa, được phân công đọc sách thánh trong thánh lễ, nhưng họ vẫn không có được cuộc sống chứng nhân cho Chúa trước mặt bàn dân thiên hạ, bởi vì họ tuy đọc nhiều sách thánh nhưng lại không muốn thực hành điều Chúa dạy trong sách; họ tuy được phân công công bố Lời Chúa cho cộng đoàn, nhưng chính họ cũng không “rửa lòng” để xứng đáng công bố Lời Chúa cho anh chị em...

Thực đơn không thể làm cho chúng ta no, sách thánh hoặc các loại sách tu đức khác cũng không làm cho chúng ta có cuộc sống chứng nhân, nếu chúng ta không thành tâm thay đổi cuộc sống của mình cho phù hợp với Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:54 17/04/2009
N2T


142. Thánh đức của nội tâm hoàn toàn không cần thiết phải thực hành những việc khổ công bên ngoài, để hiện ra đức hạnh đến từ mặt nội tâm.

(Thánh Christina)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:56 17/04/2009
N2T


88. Tóc đen không biết siêng năng sớm học, tóc bạc hận vì học quá muộn.

 
Đức Kitô đã sống lại thật
Giuse Đinh Lập Liễm
03:00 17/04/2009
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH B

ĐỨC KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI THẬT

+++

A. DẪN NHẬP

Tuần trước chúng ta đã long trọng mừng lễ Chúa sống lại, một biến cố trọng đại đối với Hội thánh và niềm tin của chúng ta. Biến cố vô tiền khoáng hậu này đã được ghi trong các sách Tin mừng và trong sinh hoạt của Giáo hội, nhưng có nhiều người còn chưa tin, họ đưa ra những lý lẽ để bác bỏ việc Đức Giêsu sống lại từ cõi chết. Ngày nay không thiếu gì những người còn đòi bằng chứng việc phục sinh của Đức Giêsu, giống như trường hợp ông Tôma ngày xưa.

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có thể có được tri thức là do kinh nghiệm, do suy luận và do người khác chỉ bảo cho. Nhưng tri thức của chúng ta phần lớn là do người khác chỉ bảo cho, có thể đến 80%. Chúng ta vẫn tin họ, nếu không thì cuộc sống sẽ không tiến bộ được.

Trong đời sống tôn giáo hay đời sống thiêng liêng, chúng ta không thể tự sức mình tìm ra được những chân lý cao sâu, tất cả phải do Chúa mạc khải và do Hội thánh truyền lại. Đức tin không phải là chấp nhận suông một số chân lý hay một giáo thuyết, mà là dấn thân tin theo Đức Kitô là “đường, là sự thật và là sự sống”(Ga 14,6). Đức tin ấy còn phải được trui rèn, thử thách và phải được diễn tả ra bằng việc làm, nhất là trong việc tuân theo thánh ý Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 4,32-35

Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca nêu lên một điểm sáng ngời trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem: Tinh thần chia sẻ ! Mọi người đoàn kết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt. Họ chỉ có một lòng một ý đến nỗi để mọi sự làm của chung.

Đây là một việc làm tự nguyện chứ không có tính cách bắt buộc. Việc làm đặc biệt này khiến cho người ngoại giáo hết sức ngạc nhiên và thán phục. Các tín hữu bán những bất động sản như ruộng đất, nhà cửa rồi đem tiền giao cho Hội thánh giữ. Hội thánh phân phối lại cho các tín hữu theo nhu cầu của từng người. Họ không phân bì ghen tị nhau vì có người góp nhiều mà hưởng ít, và cũng có người góp ít mà hưởng nhiều. Do đó, không ai trong cộng đoàn phải thiếu thốn.

Nhưng điều thánh Luca muốn làm nổi bật lên, đó là tình liên đới sâu đậm giữa các Kitô hữu tiên khởi rập theo tinh thần Tin mừng, hợp với thánh vịnh mà họ cùng ca lên:

Anh em xum họp một nhà,

Bao là tốt đẹp, bao là thú vui.

(Tv 133,1)

+ Bài đọc 2: 1Ga 5,1-6

Thánh Gioan viết bức thư này có ý nói lên cái cốt lõi của đời sống Kitô hữu, đó là phải tin yêu: tin vào Đức Kitô sẽ thắng được thế gian. Kẻ tin vào Đức Kitô hằng sống sẽ được thông phần vào sự chiến thắng sự dữ của Đấng chịu đóng đinh. Tín hữu là người đã tin rằng Đức Giêsu là Kitô. Mà tin vào Đức Giêsu Kitô thì cũng phải yêu mến Đấng đã sinh ra Đức Giêsu Kitô, tức là Thiên Chúa.

Có đức tin chưa đủ, còn phải yêu mến điều mình tin, tức là yêu mến Thiên Chúa. Nhưng làm sao để biết mình yêu mến Thiên Chúa ? Thánh Gioan trả lời cho chúng ta: đó là thực hành các giới răn của Ngài. Đối với người Kitô hữu, các giới răn của Thiên Chúa không còn là những luật buộc nặng nề, chúng chỉ là lời đáp trả theo tiếng gọi của tình yêu.

+ Bài Tin mừng: Ga 20,119-30

Đoạn kết Tin mừng của thánh Gioan (chương 21 được thêm vào sau này) là một mời gọi cuối cùng để hiểu đúng qui chế của đức tin. Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ để nhằm hướng họ về tương lai và chứng tỏ giờ đây Ngài hiện diện bởi Thánh Thần trong sự phát triển công cuộc truyền giáo của Hội thánh.

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại hai lần Chúa Phục sinh hiện ra với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly: lần thứ nhất vào chiều phục sinh, ông Tôma vắng mặt; lần thứ hai vào 8 ngày sau và lần này có mặt ông Tôma. Sự cứng lòng tin của ông Tôma tạo cơ hội cho Ngài trình bầy cho các môn đệ thế nào là tin: phải hoàn toàn tín nhiệm vào Lời Ngài mà không đòi hỏi những dấu chứng cụ thể.

Tin vào Đấng Phục sinh và vào cách hiện diện của Ngài không thuộc lãnh vực thị giác: điều thánh Gioan muốn nhấn mạnh khi kể lại chuyện Tôma, là để tạo cơ hội đặt vào miệng Đức Giêsu những lời này:”Phúc thay những người không thấy mà tin”(Ga 20,29). Các dấu chỉ dành cho đức tin thì nhiều, nhưng chúng không hề là bằng chứng mà là để nói với chính đức tin. Và khi nói với người không là Kitô hữu, ta còn phải quan tâm để cho những dấu chỉ ấy nói lên.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Nên tin hay chối bỏ ?

I. CÂU CHUYỆN VỀ ÔNG TÔMA

1. Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các Tông đồ hai lần cách nhau một tuần. Một lần hiện ra ngay chính chiều ngày sống lại, mà không có mặt ông Tôma, còn lần sau thì có mặt ông Tôma. Mục đích Ngài hiện ra là làm cho các môn đệ tin rằng Ngài đã sống lại thật và chính các ông là những chứng nhân, để sau này củng cố đức tin cho những người khác. Ngài hiện ra với toàn thể con người phục sinh của Ngài, cho các ông xem thấy tay chân và cạnh sườn, ăn uống trước mặt các ông.

Rất tiếc trong khi Chúa Giêsu hiện ra lần thứ nhất không có mặt ông Tôma. Các ông thuật lại cho Tôma việc Chúa đã hiện ra và quả quyết rằng:”Chúng tôi đã xem thấy Chúa rồi”. Nhưng Tôma, con người đa nghi và thực nghiệm, trả lời:”Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông, có mặt ông Tôma, để tiếp tục củng cố lòng tin cho các ông, đặc biệt với ông Tôma. Đức Giêsu âu yếm nhìn Tôma và nói:”Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin”. Tôma xúc động thưa với Chúa trong hối hận:”Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con”. Tôma đã tin và ông trở thành chứng nhân sống động cho Chúa Phục sinh, củng cố niềm tin cho chúng ta.

2. Nói về con người của ông Tôma

a) Con người cô đơn

Tôma là con người rất yêu Đức Giêsu. Ông yêu Ngài đủ để sẵn sàng cùng đi với Ngài lên Giêrusalem, sẵn sàng để chết với Ngài trong khi các môn đệ khác phân vân, sợ hãi. Nhưng khi Đức Giêsu chịu chết rồi, ông tỏ ra bi quan, rơi vào tình trạng cô đơn. Ông đã rút lui khỏi các cuộc họp mặt hiệp thông của các môn đệ. Ông tìm sự cô đơn hơn là họp nhau lại.

Vì thế, khi Đức Giêsu trở lại với các môn đệ thì ông không có mặt. Mặc dầu các tông đồ nói với ông là đã xem thấy Chúa. Với tâm trạng phân vân do bản tính bi quan, ông tuyên bố chẳng bao giờ ông tin Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cho đến khi thấy tận mắt, đặt ngón tay vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài. Đức Giêsu đã hiểu rõ tâm trạng của ông nên đã hiện ra và giải quyết những thách thức và đòi hỏi của ông. Lúc đó, Tôma chỉ biết dào dạt tình thương mến trong lời nghẹn ngào:”Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”.

b) Con người thực nghiệm

Tôma là con người có đầu óc cụ thể, thích tìm hiểu, thích kiểm nghiệm, giống như những nhà khoa học thực nghiệm hôm nay: những gì thấy và hiểu được thì mới tin. Chủ trương của ông hoàn toàn giống thuyết Tân sinh lý. Ông chỉ tin ở tai nghe mắt thấy, chân tay sờ mó được. Nói cách khác, điều làm cho ông tin phải có bằng chứng. Việc Chúa sống lại chưa có bằng chứng đối với ông, chỉ khi nào mắt thấy tai nghe Chúa sống lại thì ông mới tin. Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông, xét theo phương diện tự nhiên, thì không sai. Nhưng trong lãnh vực siêu nhiên thì không đúng.

c) Con người can đảm

Khi Đức Giêsu hiện ra và giải quyết những thách thức và đòi hỏi của ông, ông đã lấy lại được niềm tin và là một niềm tin sâu sắc bù lại những nghi ngờ trước kia. Lúc này thực sự ông muốn đi Giêrusalem để cùng chết với Chúa. Theo truyền thuyết, Ông Tôma đã đi truyền giáo ở Ấn độ, gặp nhiều gian nan thử thách, nhưng vẫn trung kiên rao giảng Đấng Phục sinh mà chính mắt ông đã thấy. Sau cùng ông là Tông đồ đầu tiên đã nhận lấy cái chết để theo gương Thầy mình.

Nơi Tôma, có cái gì rất đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Với Tôma, có đức tin không phải là chuyện dễ, ông không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay. Tôma là người muốn biết chắc chắn, ông tính thật kỹ giá phải trả. Một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến cùng. Đức tin như Tôma tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi dễ dàng, để rồi sau đó rút lại điều mình đã hứa.

II. CÂU CHUYỆN CỦA CHÚNG TA

1. Tin trong đời thường

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần có sự hiểu biết về nhiều vấn đề. Sự hiểu biết của chúng ta có thể do kinh nghiệm, do suy luận và do sự chỉ bảo của người khác. Kinh nghiệm là sự hiểu biết cá nhân do đã trừng trải, đã kinh qua nhiều sự việc do tai nghe mắt thấy. Nhưng kinh nghiệm bản thân thì quá ít ỏi trước sự hiểu biết bao la của muôn sự vật và con người.

Hầu hết chúng ta biết được điều này điều kia là do chúng ta tin vào những gì người khác nói với chúng ta. Có nhà chuyên môn ước lượng rằng 80% những kiến thức của chúng ta là do tin tưởng vào người khác mà có. Chẳng hạn, trong chúng ta ít có ai được may mắn du hành quanh thế giới. Cách duy nhất để chúng ta biết về phần lớn các quốc gia trên thế giới là do người khác nói cho chúng ta biết. Nói cách khác, chúng ta tin vào những người đã từng đến những nơi ấy. Nếu họ kể cho chúng ta rằng có một xứ sở nọ tên là Trung hoa, và dân chúng ở đó thế này thế kia, chúng ta sẽ tin họ.

Phương cách để chúng ta có được những tri thức thông thường còn chân thực như thế, thì cách thức để chúng ta có được những tri thức tôn giáo càng chân thực hơn nữa. Phần lớn tri thức tôn giáo mà chúng ta có là do chúng ta tin vào những gì Kinh thánh kể lại cho chúng ta. Nói cách khác, phần lớn tri thức tôn giáo của chúng ta là do niềm tin.

(M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 118)

Chúng ta đều không được đặt tay vào cạnh sườn Đức Giêsu như thánh Tôma, để trực tiếp cảm nghiệm được Đức Giêsu Phục sinh từ cõi chết. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin vào chứng cớ của Thánh kinh. Chúng ta cũng có thể làm hơn thế nữa. Chúng ta có thể xử dụng tặng phẩm Chúa ban là lý trí để xác quyết thêm điều Kinh thánh đã truyền cho chúng ta. Và rồi, chúng ta cũng có thể qùy gối xuống như thánh Tôma đã làm và thưa với Đức Giêsu:”Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con”. Đáp lại, Đức Giêsu sẽ nói với chúng ta:”Hạnh phúc biết bao cho kẻ chẳng thấy mà vẫn tin”.

2. Tin có cần thấy và hiểu không ?

Có nhiều người tỏ ra là những người hiểu biết, những người học thức, làm gì cũng phải hợp lý, không sống theo dư luận hay vào hùa với người khác. Họ chủ trương rằng: chỉ những gì họ THẤY và HIỂU được thì mới tin, nếu không thì sự tin đó là thái độ của con trẻ hay của những người còn non kém về tri thức. Nhưng thực tế thì thế nào ? Có những thực tế trái ngược hẳn với chủ trương của họ, khiến họ phải câm miệng.

Truyện: Có hiểu mới tin

Một vị trạng sư tự phụ rêu rao trước mặt đám đông rằng: mình chỉ tin cái gì mình hiểu thôi. Trong đám đông có một thằng nhỏ đã được nghe cha xứ giảng, đứng lên hỏi:

- Thưa ông, nếu vậy ông không tin những gì ông không hiểu ư ?

- Dĩ nhiên thế.

- Thưa ông, vậy xin ông cho cháu biết: tại sao ông cử động được ngón tay ?

- Tại vì ta muốn, chỉ có thế thôi.

- Ông muốn, vậy sao ông không cử động được hai tai ?

Vị trạng sự bí lối không biết trả lời bằng cách nào, bèn mắng:

- Thằng nhỏ này muốn giảng cho ta phải không ?

Nghe vậy, mọi người đều cười.

(Trần công Hoán, Tìm hiểu ít thắc mắc, tr 50)

Chúng ta hãy tạm đồng ý với chủ trương của họ, và sẽ xem cái chủ trương “thấy và hiểu” của họ có áp dụng vào thực tế hay không. Bạn hãy cầm lấy ly nước. Ly nước ấy chẳng là gì khác mà chỉ là ocxy và hytrô thôi. Mắt ta không trông thấy ocxy và hytrô nhưng ta vẫn tin rằng ly nước ấy chứa toàn hai chất ấy thôi nếu ta đem nó ra điện giải. Như vậy, nguyên tắc THẤY mới tin không còn đúng nữa, vì không thấy ocxy và hytrô mà vẫn tin nó có đấy.

Ta chưa bao giờ được thấy tận mắt một phi thuyền không gian, ta cũng chẳng hiểu nổi những nguyên tắc cũng như các kỹ thuật tân kỳ của các nhà bác học, nhưng ta vẫn tin là các nhà bác học đã sáng chế ra các phi thuyền không gian, và phi thuyền Apollô 11 đã lên nguyệt cầu. Trong chúng ta, ai dám nói là mình đã hiểu các nguyên tắc chế tạo phi thuyền của các nhà khoa học, tại sao ta lại vẫn tin ? Phải chăng chúng ta đã tự mâu thẫn với nguyên tắc của chúng ta.

Thực sự trong đời sống hằng ngày, ta dùng đến lòng tin rất nhiều, vì nếu không thế, đời sống sẽ không có thể được. Ở gia đình, cha mẹ dạy ta nhiều điều mà ta vẫn tin. Ở trường học, thầy cô truyền đạt cho chúng ta biết bao nhiêu kiến thức, ta chưa hề biết, có khi không hiểu nữa, thế mà ta vẫn tin, không thắc mắc gì. Nếu ta không tin vào những sự kiện lịch sử thì làm sao ta có thể học được môn đó. Dĩ nhiên lòng tin của ta chỉ có tính cách tương đối thôi bởi vì những cái đó có thể sai lầm được.

Đứng trong phương diện thiêng liêng, lòng tin của chúng ta không phải là cái gì phi lý hay là thái độ của những người thiếu hiểu biết, nhưng trái lại, ta phải nói rằng: tin là thái độ của con người hiểu biết, là thái độ của con người biết dấn thân, biết quyết tuyển. Chúng ta không tin viển vông nhưng tin vào sự chân thật của Chúa qua sự mạc khải của Ngài. Chúng ta sẽ tin những điều chúng ta không thấy và không hiểu, nhưng những điều ấy không bao giờ mâu thuẫn với lý trí con người, vì những cái ấy vượt trên tầm hiểu biết của trí khôn con người. Vi thế người ta mới có chữ SUPERNATUREL: vượt lên trên cái tự nhiên, đó là siêu nhiên.

3. Đức tin còn đòi thử thách

Có một niềm tin thì dễ, tin suông càng dễ hơn, nhưng có được đức tin là chuyện khó. Vì đức tin bao giờ cũng đòi thử thách và cần phải có ơn Chúa thì mới đứng vững được.

Chúng ta hãy xem cách hành động của tổ phụ Abraham để làm gương. Khi nghe tiếng Thiên Chúa, Abraham kể ra có nhiều cớ để từ chối đề nghị của Thiên Chúa. Người ta thường dễ phiêu lưu, mạo hiểm khi còn trẻ tuổi, chưa bị gắn buộc bởi nghĩa vụ gia đình, hoặc chưa gây được sự nghiệp. Abraham đã cao niên, tuổi quá thất tuần (St 12,4), lại đã lập gia thất (St 11,29), còn cơ nghiệp thì dư dật, bộ hạ đông đúc, lục súc không ít. Lời Thiên Chúa mời gọi xem như chẳng đem thêm gì đến cho tổ phụ...

Người ta lại cũng dễ thay đổi môi trường sinh hoạt khi có môi trường phong phú hơn đem đến cho mình cơ hội sống an toàn, sung mãn, với đủ tiện nghi: nhưng khi ấy Abraham đang sống tại Hâran, một thị xã miền Mésopotamia mà lịch sử công nhận là văn minh, phồn thịnh. Bỏ Hâran đã chắc gì tìm thấy một vị trí khá hơn ? Nơi Thiên Chúa ấn định là nơi xa lạ, chẳng hiểu đến, rồi làm ăn có nổi không. Đành rằng Chúa cũng hứa nơi ấy sau này sẽ phì nhiêu cho con cháu Abraham(St 12,2-3): nhưng tổ phụ làm gì có con cái để mà hy vọng cho hậu thế (St 18,11-12)?

Vậy mà lời Chúa vang lên, Abraham đáp liền, rời cảnh an ninh, nếp sống nhàn hạ, lên đường để khởi xướng một giai đoạn lang thang, long đong, chật vật, hết nếm mùi đói kém lại chịu cảnh khói lửa chiến tranh (St 12,10; 14,13-14). Abraham đã gỡ mọi dây luyến ái để gia nhập đất khách quê người: mà tổ phụ đã làm như thế CHỈ VÌ THIÊN CHÚA ĐÃ GỌI, CHỈ VÌ ABRAHAM ĐÃ TIN.

Đức tin bao giờ cũng là một cuộc VĨNH BIỆT, CHIA LY, vĩnh biệt cái lòng tự phụ làm mình đinh ninh là có thể giải quyết mọi vấn đề, đối phó với các trở ngại bởi duy sức riêng mình, chẳng cần nhờ đến sự can thiệp bên ngoài, bên trên. Vĩnh biệt để chấp nhận một trật tự khác: trật tự siêu nhiên của Thiên Chúa.

(Nguyễn huy Lịch, báo Nhà Chúa, số 3, 1968, tr 6-7)

4. Phải sống niềm tin của mình

Chúng ta ai cũng có đức tin hoặc mạnh hoặc yếu, nhưng có đức tin chưa đủ, còn phải sống đức tin nữa, nghĩa là đức tin phải được thể hiện ra bằng việc làm như thánh Giacôbê nói:”Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Chúng ta phải kiểm chứng xem chúng ta đã sống đức tin như thế nào:

1. Mọi người và nhất là người trẻ hôm nay có bao giờ bắt gặp mình đang cầu nguyện, và ý thức mình cầu nguyện với ai, cầu nguyện như thế nào ? Người trẻ hôm nay khi bước vào nhà thờ, có thực sự tìm kiếm, có ý thức rằng mình đến với Chúa, và nếu có, thì cảm nhận được sự hiện diện của Ngài như thế nào ? Và nhất là khi tham dự bàn tiệc Lời Chúa, người trẻ hôm nay có bao giờ tìm hiểu ý nghĩa của việc tham dự ấy, và có thực sự hiệp thông với Đức Kitô chăng ?

2. Giới trẻ tin vào những điều người ta nói về Chúa, còn chính Chúa thì họ không tin. Nếu tin thì sao đi lễ họ ngồi trên xe honda ở ngoài nhà thờ, vừa xem lễ vừa nhai kẹo, truyện trò, hoặc xem lễ “vọng” ?

Người Pharisêu tỏ ra “thông đạo”, hiểu biết nhiều về đạo, về luật, mà lại không nhìn ra Chúa; còn người mù từ mới sinh không học hành gì thế mà có thể nhận ra Đức Giêsu là con loài người, và tin vào người sau một cuộc đối thoại ngắn ngủi:

- Anh có tin vào con loài người không ?

- Thưa ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin.

- Anh đã thấy Người, chính người đang nói với anh đây.

- Thưa Ngài, tôi tin (Ga 9,35-38)

Đức tin bao giờ cũng là sự gặp gỡ, một cuộc đối thoại trực tiếp cá nhân với Đức Giêsu, chứ không phải là sự chấp nhận một giáo lý trên bình diện một học thuyết, như kiểu người ta nhìn nhận một chân lý khoa học hay toán học.

(Thiện Cẩm, Trái chín đầu mùa, tr 202)

Đức cha Matagrin, tổng giám mục Grenoble, đã đưa ra nhận xét này: trong Giáo hội Việt nam, còn nhiều người tin Chúa, nhưng ít người là Kitô hữu.

Kitô hữu là người có Đức Kitô trong mình, là gắn bó với Đức Kitô, là gắn bó với giáo lý của Ngài. Đức Kitô là trung tâm điểm của đời mình; nhiều người tin Chúa, nhưng ít người là Kitô hữu. Đó là sự sơ suất đáng buồn và đã gây tai hại trong việc truyền giáo và sống đạo.

(Đc Bùi Tuần, Nói với giáo dân, 1991, tr 9)

Truyện: Tuyên xưng đức tin.

Bên Nhật bản, tại một học đường ở Nagasaki, có tất cả chừng 150 học sinh, nhưng duy có một em là người Công giáo.

Em ở nội trú, nhưng mỗi bữa ăn, em vẫn thản nhiên hiên ngang chắp tay cầu nguyện trước và sau bữa ăn. Nhiều trò khác chế diễu và thưa với thầy giáo.

Ngày kia thầy kêu trò lại hỏi:

- Tại sao trò lại làm như thế ?

- Thưa thầy, con là Kitô hữu nên phải cầu nguyện Chúa luôn, con không được vô phép lãnh thực phẩm của Chúa ban mà không cảm tạ Chúa.

Liền đó, thầy úp mặt xuống bàn viết khóc và nói một cách hổ thẹn:

- Trò ơi, ta đây là người tin Chúa song ta chẳng dám tỏ ra cho ai biết. Từ đây sắp tới, nhờ ơn Chúa, ta sẽ rán làm phận sự một tín đồ.

Ta phải hiên ngang xưng Chúa ra mọi nơi, trong lời nói cũng như hành động. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 nói: ” Ta phải truyền giảng Phúc âm bằng lối mới. Vậy thế nào là lối cũ ? Lối cũ là chú trọng vào việc thành lập các ủy ban, cơ quan, hội đoàn rồi sinh hoạt. Lối ấy nay không thích hợp. Ngày nay phải truyền giảng Phúc âm bằng đường lối mới. Điều đó không có nghĩa là có Phúc âm mới: Phúc âm luôn thế, nhưng lối truyền giảng phải mới nghĩa là sống đời chứng tá, diễn tả Phúc âm bằng lối sống hiện tại của mình”.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Tình Chúa xót thương
LM Giacôbê Tạ Chúc
03:31 17/04/2009
Đức cố Giáo Hòang Gioan Phaolô II đã chọn Chúa nhật thứ hai sau Phục sinh là ngày tình Chúa xót thương. Việc tôn sùng này đã được Chúa tỏ ra cho nữ tu Maria Faustina Kowalska vào năm 1931.

Sống trong một thời đại đầy biến động, chưa bao giờ con người trong một thế giới phải đương đầu với biết bao chồng chất của khổ đau, càng văn minh tiến bộ, con người càng đánh mất chính mình. Của cải vật chất thì có thừa, thế nhưng tình thương yêu thì lại vắng bóng. Hằng ngày, nếu xem tivi, hay đọc báo, theo dõi các tin tức, chúng ta sẽ nhận ra một điều: thiên tai xảy ra khắp nơi và hậu quả của nó thì khôn luờng, chiến tranh, hận thù, nạn thanh trừng giữa các băng nhóm, những băng cướp có tổ chức, có quy mô, tai nạn máy bay, tai nạn giao thông… Con người ngày hôm nay thích chế tạo ra bom hạt nhân thay vì sản xuất lúa gạo. Khỏang cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng. Xem ra những giá trị hạnh phúc mà con người đang cố chạy theo chỉ là một thứ ảo ảnh. Trước những trào lưu tục hóa, sống buông thả, nhất là trong giới trẻ. Ai có thể cứu được thế giới này? Thưa chỉ có tình thương của Chúa Giêsu. Lòng xót thương của Ngài chính là phao cứu hộ cho con người. Thiên Chúa biểu lộ lòng xót thương của Ngài để cứu độ các linh hồn, tội lỗi của nhân lọai đang tràn ngập khắp mọi nơi, trái tim của Chúa Giêsu, tại nơi cạnh sườn của Ngài Máu và Nước vẫn mãi chảy vào trong từng thân phận của con người. Chúa nhật thứ II Phục sinh, Chúa Nhật lòng Chúa xót thương, như là một thông điệp cho nhân lọai, cho con người, hãy sống bằng tình yêu thương, sống vị tha và hướng thiện. Phong trào cầu nguyện với chuỗi lòng thương xót Chúa nở rộ đó đây. Cầu nguyện thôi chưa đủ, phải bắt tay vào chung xây nền văn minh của tình thương, những mái ấm từ thiện, những chia sẻ nhân ái, những nhịp cầu cảm thông sẽ là chiếc cầu nối đưa con người xích lại gần nhau và gặp gỡ Đấng Ki Tô Phục sinh.

Nhân lọai hôm nay được thừa hưởng một gia tài vô cùng to lớn của những phát minh khoa học kỹ thuật, trong mọi lãnh vục, con người hầu như làm chủ được. Thế mà những tồn đọng của tội nguyên tổ là một thứ rào cản mà con người khó có thể vượt qua được chính mình. Thói kiêu ngạo, tự phụ, ích kỷ, sống theo bản năng thấp hèn vẫn ngày đêm hấp dẫn và mê hoặc con người. Lòng xót thương của Chúa Giêsu sẽ là liều thuốc hiệu nghiệm để chữa trị. Có điều con người có muốn dùng thuốc này hay không?
 
Tôn vinh lòng thương xót của Chúa
Pm. Cao Huy Hoàng
03:32 17/04/2009
“Con xin tôn vinh lòng thương xót Chúa thật lớn lao, lớn hơn muôn ngàn tội lỗi của con và nhân loại. Con xin tín thác lòng thương xót Chúa mãi muôn đời. Con xin tín thác lạy Chúa Giêsu Chúa con ơi”

Kitô hữu công giáo khắp vũ hoàn hân hoan mừng Chúa Phục Sinh, vì mầu nhiệm phục sinh đã làm chứng rằng tình yêu của Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết và khai mở một niềm hy vọng mới cho nhân loại.

Không ai thấy được Thiên Chúa. Cũng không ai nhìn thấy tình yêu. Nhưng nơi Người Con Chí Ái, hình ảnh và tình yêu của Thiên Chúa được tỏ hiện. Chân dung một Đức Giêsu đến và chung phần đau khổ với người trần thế đã bộc bạch tấm lòng của Thiên Chúa Cha cho nhân loại. "Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để cứu vớt những tội nhân hối cải trở về" (Mt 9:13). Và lòng yêu thương, ước muốn cứu rỗi những con người tội lỗi đã làm kim chỉ nam cho hành trình dương thế của Ngài dẫn tới quyết định chọn cái chết đau thương nhất để đền thay tội lỗi nhân loại. Chỉ có cái chết mới thỏa lòng yêu của Thiên Chúa Cha. Chỉ có cái chết mới đúng giá cứu chuộc. Quả vậy, tội lỗi nhân loại thật nặng nề, kinh khủng, nhưng Tình Yêu của Thiên Chúa mãnh liệt hơn.

Tình yêu ấy tuôn trào từ Lòng Chúa Cha, và thể hiện nơi trái tim của Người Con:

“Ôi Máu và Nước, từ trái tim Chúa Giêsu như mạch nguồn tình thương tuôn trào ra cho chúng con. Nầy con tin tưởng nơi Chúa, con tin tưởng nơi Ngài” (Lời nguyện Lòng Thương Xót Chúa - Lời ca bài hát Lòng Thương Xót Chúa của Ns. Nguyễn Chánh).

Tình yêu ấy là tình yêu cứu độ. Máu và Nước ấy là nguồn suối cứu độ:

“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra. Alleluia. Và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên. Alleluia. Alleluia”

Đáp lại tình yêu vô cùng của Thiên Chúa cách cân xứng phải là một Đức tin tuyệt đối vào Đức Giêsu. Tin tưởng và phó thác vào Ngài.

Thánh Tôma không tin vào lời chứng của những người đã gặp Chúa Giêsu sống lại. Ông đòi cho được tận mắt xem thấy nơi nguồn nước cứu độ chảy ra, tận tay sờ vào những dấu đinh của người tử nạn. Và ông được thỏa mãn. Đúng là Chúa đã sống lại thật.

Tôi nhớ ở chỗ tôi, những năm 1985, có trung tá Dương Văn Bình-quen gọi là Bình Cụt- cải tạo về làm lò rèn nuôi vợ nuôi con. Mọi người rất thương ông, vì ông đã hy sinh 2 chân mình. Ông thường nói: “đây không phải là vết sẹo của chiến tranh đâu nghe mấy chú, nhưng là vết sẹo của tình yêu quê hương đất nước đấy!”. Và còn những vết sẹo trên thân Cha, trong người Mẹ, của người thân… Những vết sẹo do phẩu thuật, do tai nạn lao động trên rừng, trên rẫy…trong cuộc đời cũng không hiếm là những vết sẹo của tình yêu, của hy sinh đấy chứ!

Nhưng, thiết tưởng không có vết sẹo nào kinh hoàng cho bằng những lỗ đinh và vết đòng nơi thân người Chúa Giêsu. Và còn đặc biệt hơn nữa, lỗ đinh và vết đòng ấy làm chứng một tình yêu hiến thân đã chiến thắng sự chết- Tình Yêu Phục Sinh. Vì yêu đã chết, và vì yêu đã sống lại, để người mình yêu cũng được sống lại và tràn đầy hạnh phúc tình yêu không bao giờ phai tàn.

Cảm ơn Thánh Tôma đại diện cho một thế hệ thực dụng để nhờ đó, những con người thực dụng thời nay có được một chân lý “phúc cho ai không thấy mà tin”. Cứ nhìn ngắm Chúa Giêsu trên Thánh Giá và nhớ rằng Ngài đã sống lại mà vẫn còn mang những dấu vết của cuộc tử nạn, sẽ không còn lý do gì để ngờ vực về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu ấy là “lòng thương xót”- tên gọi dành cho tội nhân. Ai không cảm thấy mình là người có tội, ai mất cảm thức về tội, sẽ không hiểu thấu lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa. Có lẽ bạn và tôi, chúng ta, không ai dám nói mình vô tội! Vậy thì, hãy đến với lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh.

Không chỉ ở bên Mỹ, mà bên Việt Nam ngày nay, nhiều nơi nhiều người đã “Tôn vinh lòng thương xót Chúa” qua việc thực hiện Tuần Cửu Nhật Thương Xót, lần chuỗi thương xót, đọc kinh 3 giờ chiều… là tín hiệu thật đáng mừng để công trình thương xót của Thiên Chúa không trở nên vô ích.

Những anh em Phan Sinh yêu mến Thánh Phụ, theo linh đạo của Thánh Phụ đã từng được gọi là Thánh Phanxicô 5 dấu đã sớm đón nhận chương trình Tôn Vinh Lòng Thương Xót Chúa và nhận được muôn vàn hồng ân từ việc tín thác hoàn toàn vào Chúa Giêsu. Tôi vẫn nghe anh em hát và sống điều mình hát cách hồn nhiên lắm: “Chúa ôi, xin cho lòng con luôn khao khát, được thuộc về Chúa khi còn sống trên đời nầy. Vì ngoài Chúa ra, có nơi nào hạnh phúc? Vì ngoài Chúa ra, có nơi nào bình yên?”.

Một số anh em bệnh tật và đau khổ vì những bất hạnh trong gia đình, đã kết hiệp những đau khổ của mình với Chúa Giêsu lòng thương xót “máu nước tuôn trào” và đã tìm được bình an, hạnh phúc thật trong lòng.

Các gia trưởng, các bà mẹ đã bắt đầu những giờ kinh lòng thương xót. Và quả thật, lòng thương xót Chúa đã biến đổi đời sống đức tin các gia đình đến mức không ngờ!

3 giờ chiều thứ bảy tuần thánh tôi nhận được một message: “Đêm qua, đông người quá, em không hôn chân Chúa được. Bây giờ, em xuống nhà thờ hôn chân Chúa và đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa dưới chân Chúa luôn. Xin Chúa thương xót chúng con và toàn thế giới.”

Lạy Chúa, xin cho 3 giờ chiều mỗi ngày trở nên giờ hẹn của những người cần đến lòng Chúa thương xót. A men.
 
Bản nhạc: Tôn vinh lòng thương xót Chúa
Pm. Cao Huy Hoàng
05:03 17/04/2009
 
Nỗi chiều
Trầm Thiên Thu
05:15 17/04/2009
Cây phượng đứng lặng lẽ
Nơi góc sân Nhà thờ
Những bông hoa thắm đỏ
Thánh thiện bao ước mơ
Tiếng chuông chiều vang vọng
Dìu dặt khúc kinh cầu
Hướng tâm hồn lên Chúa
Con nghe lòng lắng sâu
Chiều nhạt nhòa bóng nắng
Mưa chợt về thênh thang
Gội mát đời phiêu lãng
Nhạc lòng trổi xênh xang
Ngước nhìn lên Thập giá
Chúa chết treo nhục hình
Lửa tin yêu cháy đỏ
Cùng Ngài con phục sinh.
 
Niềm tin Phục Sinh khởi sự một con người mới
Lm Jude Siciliano OP
07:14 17/04/2009
CHÚA NHẬT 2 MÙA PHỤC SINH (B)

Cv: 4: 32-35; Tv: 118; I Ga 5: 1-6; Ga 20: 19-31

Anh chị em thân mến,

Trong câu chuyện về Chúa Phục sinh hôm nay, Tô-ma thật đáng thương. Ông bị chê trách và được gọi là "Tô-ma đa nghi", vì ông nghi ngờ về tin vui của các Môn đệ báo cho ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!". Kể từ ngày đó trở đi, hễ có ai không tin một điều gì, thì bị tặng cho biệt hiệu là "Tô-ma đa nghi ". Và khi ai gọi anh chị em là "Tô-ma đa nghi", hàm ý bảo rằng anh chị em hãy nín thinh để nghe, và đừng cãi lời về những điều người ta nói với anh chị em về một câu chuyện khó tin ngoài sức tưởng tượng.

Nhưng thật ra, sau những chuyện về Tô-ma và các Môn đệ phải trải qua lúc Chúa bị bắt và chịu tử hình, thì ai còn có thể trách thái độ dè dặt của Tô-ma khi nghe các Tông đồ khác mừng rỡ kể chuyện lại. Đối với Tô-ma, các ông kia hơi vui mừng quá đáng. Câu chuyện Chúa đang sống và hiện ra với các Môn đệ kia có vẻ như một câu chuyện khó tin ngoài sức tưởng tượng.

Vậy, thử hỏi chúng ta có vui khi biết có Tô-ma là người đa nghi, kẻ luôn muốn có bằng chứng chắc chắn về việc Chúa Giêsu sống lại hay không? Nếu ai cũng tin ngay, có lẽ chúng ta sẽ có nhiều thắc mắc. Không ai nói là sự sống lại của Chúa Giêsu là chuyện dễ tin, ngay cả với câu hỏi của Tô-ma. Nhưng, thật ra, tôi cũng mừng là có một Tô-ma lúc đó. Vì quả thật hiện có một Tô-ma đang ở trong tôi mỗi khi tôi đặt vấn đề về đức tin cho riêng mình.

Tô-ma trong tâm hồn tôi đã thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, vì nếu tôi tin Chúa Giêsu Phục sinh thì tại sao tôi không chứng tỏ đức tin của tôi? Tại sao tôi còn sợ và thiếu lòng tin? Tại sao tôi không đầu tư nhiều cho việc nâng cao đức tin? Tại sao có những lúc làm việc cho Chúa lại sợ sai nên ngần ngừ không dám dấn thân, đôi khi còn thận trọng xem xét mọi nguồn cơn của sự việc? Tôi là như vậy đấy? Rõ rằng Tô-ma trong Phúc âm hãy còn sống động trong tôi, và luôn đòi hỏi những bằng chứng cụ thể.

Có điều làm chúng ta an tâm là Tô-ma, kẻ đa nghi không bị cộng đoàn giáo hữu đầu tiên khai trừ vì thiếu đức tin theo kiểu nói "Vậy, nếu anh không tin chúng tôi thì đừng ở đây nữa! hãy đi đi!". Nhưng mãi đến tám ngày sau câu nói "không tin", Tô-ma vẫn còn ở đó với các ông kia mà. Đối với các tín hữu bấy giờ, điều này nên thận trọng. Hãy tự hỏi, chúng ta có đủ kiên nhẫn với những người hay chất vấn trong giáo xứ không? Vì muốn mọi người trong cộng đoàn đều như nhau, nên chúng ta thường có thái độ tẩy chay những người hay thắc mắc về lề luật và các quy định của Giáo hội.

Không những các môn đệ kiên nhẫn với Tô-ma, mà cả Chúa Giêsu cũng kiên nhẫn với ông nữa. Khi Tô-ma gặp Chúa Giêsu, Ngài không quở trách ông. Vì lời đầu tiên của Chúa Giêsu với các môn đệ và có Tô-ma hiện diện là "Bình an cho anh em". Rồi, kế đó, Chúa Giêsu mới đưa bằng chứng cho Tô-ma xem, "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy".

Tô-ma muốn thấy rõ bằng chứng thật về Chúa sống lại. Và muốn tự kiểm chứng lại lời các môn đệ đã nói với ông. Vì vậy, tôi hài lòng là Tô-ma là người đa nghi. Có lẽ cũng có lúc tôi đã lên tiếng không tin mấy về việc Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại. Sau khi Tô-ma tuyên xưng đức tin, thì Phúc âm lại dành cho chúng ta, những người không có đó để trông thấy Chúa Giêsu, nghe lời Ngài, và sờ tay vào Ngài như Tô-ma đã được làm. (nhưng Tô-ma có thật đã đưa tay sờ vào các vết thương của Chúa chưa thì Phúc âm không nói) Được gọi là những người có "Phúc", vì "Phúc thay những người không thấy mà tin!". Chúng ta cần đặt niềm tin vào lời những người đã có đức tin.

Đức tin của chúng ta có được là do lời nói và việc làm của những chứng nhân, họ đã thấy Chúa Giêsu sống lại. Nếu không có những chứng nhân chân thật này, thì chúng ta không có bằng chứng cụ thể nào về sự sống của Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta. Hôm nay trong phép Thánh Thể, chúng ta nên mừng cho những người đã dạy chúng ta đức tin, và đã cho chúng ta bằng chứng huyền diệu để sống đức tin trong thế giới hiện tại. Họ là ánh sáng chiếu soi trong bóng tối. Nhờ họ mà chúng ta có "Phúc" như Chúa Giêsu nói, vì chúng ta chưa thấy mà đã tin.

Một vấn nạn được đặt ra: Việc chúng ta gặp Chúa Kitô sống lại có quan trọng không? Đức tin của chúng ta về sự sống lại được ích gì, giống như thánh Gioan và vài người có kinh nghiệm sống với Chúa Kitô. Tôi đang đọc về đời sống của một người Mỹ. Mới trước đây thôi, ông là người hướng dẫn đời sống thiêng liêng và là người có đời sống nội tâm rất mạnh. Đó là Tô-ma Merton. Sau những năm sống phóng túng, ông có kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa Giêsu, và về tình thương của Ngài đối với ông khi ông đang quỳ cầu nguyện trong một nhà thờ ở Rôma.

Phần đông chúng ta không có kinh nghiệm hiện thực về việc Chúa Kitô sống lại. Nhưng, có những lúc chúng ta có kinh nghiệm sống lại sau khi đã chết thì sao? Có một phụ nữ nói với tôi về cái chết của chồng bà cách đây vài năm. Họ đã kết hôn trong 40 năm. Bà nói: "khi chồng tôi chết, tôi cũng kể như chết rồi". Tuy vậy, trong năm vừa qua bà đã có một đời sống mới. Bà liên lạc với nhiều người hơn trước, gặp nhiều ban ngành v.v... Lại có những người khác cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong phụng vụ, trong khi họ cầu nguyện. Chúng ta hãy nhìn những người có đức tin chung quanh chúng ta. Hoặc lúc chúng ta ngồi bên cạnh một người đang hấp hối, chúng ta vẫn cảm thấy bình an và tin tưởng mặc dù chúng ta đang đau khổ và buồn phiền. Cách đây vài năm, tôi đang ngồi với một anh em trong dòng đang hấp hối. Anh đó mỉm cười và nói "tôi có cảm tưởng như tôi đang ở phòng chờ đợi trước cửa thiên đàng". Sự can đảm của anh trên giường bệnh giúp thêm đức tin cho tôi. Và tôi cảm thấy sự hiện diện của Chúa Phục sinh trong Ti-mô-tê. Câu nói "ngày đầu tiên trong tuần" có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống, vì chúng ta luôn gặp Chúa Kitô Phục sinh, và Ngài nói với chúng ta như đã nói với Tô-ma và các môn đệ khác "Bình an cho anh em".

Câu chuyện Phục sinh có thể bắt đầu bằng nhiều cách cho mọi người như: nói lời "ngày đầu tiên trong tuần". Các thánh sử thường viết rõ ngày giờ về những chuyện khác trước chuyện Chúa Giêsu sống lại, nhưng tại sao các ông không viết rõ ngày giờ sống lại của Chúa Giêsu? Chẳng lẽ họ quên ngày tháng, giờ giấc rồi sao? Không đâu. Vì câu chuyện trong Phúc âm thường khác với những câu chuyện khác. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy các ông viết rõ rằng "ngày đầu trong tuần". Đây là bắt đầu một ngày mới. Loài người vừa bắt đầu một đời mới. Khi chúng ta nói: Thiên Chúa tạo dựng ngày đầu, và bây giờ Ngài đang tạo dựng ngày thứ nhất mới. Tạ ơn Chúa về lễ Phục Sinh. Mọi khởi sự đều mới, và chúng ta có nhiều cơ hội, một tương lai đầy triển vọng. Một mặt trời vừa mọc lên. Một ánh sáng mới chiếu rọi bóng tối: Đó là "ngày đầu tiên trong tuần".

Trong "ngày đầu tiên" của Thiên Chúa trong Đức Giêsu, đã cho chúng ta cơ hội để bắt đầu. Vậy chúng ta nên tự xét mình trong Thánh Thể: Chúng ta có muốn từ bỏ quá khứ trong chúng ta không? Chúng ta nên bắt đầu lại bằng việc gì? Làm thế nào thay đổi cách sống khi chúng ta còn nằm trong bóng tối mộ phần? Đối với chúng ta, ai là người được coi là không còn hy vọng nữa? Đây là "ngày đầu tiên". Hãy nghĩ xem nên chấm dứt quan hệ với ai, hay những vụ việc gì. Tóm lại, hôm nay Chúa dạy chúng ta: việc gì cũng có thể làm được vì đây là "ngày đầu tiên".

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
14:10 17/04/2009
Chúa Nhật II Phuc Sinh (20,19-31)

1.- Ngữ cảnh

Xem trong bài Ga 20,19-23.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Đức Giêsu hiện ra với các môn đê không có Tôma (20,19-23):
-a) Lời chào “bình an” thứ nhất với việc chứng minh (cc. 19-20),
-b) Lời chào “bình an” thứ hai với sứ mạng (cc. 21-23);
2) Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và Tôma (20,24-29):
-a) Tôma không tin anh em (cc. 24-25),
-b) Đức Giêsu và Tôma (cc. 26-31);
3) Tóm tắt mục tiêu sứ mạng của Đức Giêsu (20,30-31).

3.- Vài điểm chú giải

- Nếu tôi không thấy dấu đinh... (25): Đây là lời Tôma khẳng định rằng ông không tin, hoặc để ông tin, Đức Giêsu cũng phải hiện ra với ông, như đã hiện ra với các môn đệ kia. Đức Giêsu đã đáp ứng yêu cầu của ông, Người đã mời ông làm như ông nói lúc này, để có thể tin.

- Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin (27): Dịch sát là “đừng cứ tiếp tục không tin nữa, nhưng hãy bắt đầu tin đi”. Đức Giêsu mời Tôma thay đổi thái độ.

- Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con (28): Đây vừa là một tiếng kêu vừa là một hô-cách dưới dạng chủ-cách (= “Lạy Chúa và lạy Thiên Chúa của con!”) vừa là một lời tuyên xưng đức tin (= “Ngài là Chúa và Thiên Chúa của con”) độc đáo chưa ai làm. “Chúa của con” nhắm đến Đức Giêsu của lịch sử, còn “Thiên Chúa của con” là một lượng định mang tính thần học về bản thân Người. Tuyên xưng Đức Giêsu là “Đức Chúa” thì bà Maria Mácđala và các môn đệ đều đã làm (20,18.25); nhưng tuyên xưng vị “Chúa tể” này là “Thiên Chúa”, thì chỉ có Tôma mới làm ở đây. Vì thế, cũng có thể hiểu câu này là một phép thế đôi (hendiadys): “Chúa của con” cũng là “Thiên Chúa của con”.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ không có Tôma (19-23)

Khi hiện ra, điều đầu tiên Đức Giêsu làm là cho các môn đệ thấy rằng các ông có Người đang sống giữa các ông. Rồi Người không chỉ nói về bình an, Người còn cung cấp nền tảng chắc chắn cho lời của Người: các vết thương. Vậy Người chính là Đấng đã chết trên thập giá, nhưng Người đã thắng cái chết. Các vết thương cũng là dấu chỉ cho thấy tình yêu vô biên của Người. Do đó, Người là nền tảng của sự bình an và nguồn mạch tuôn trào niềm vui cho các môn đệ.

Đức Giêsu lại ban cho sự bình an cho các ông, rồi cho các ông được thông phần vào chính sứ mạng, chính sự sống và quyền của Người là tha tội. Các ông sẽ bị từ chối, ghét bỏ, nên chỉ khi nào bám vững vào sự bình an của Người, các ông mới chu toàn được nhiệm vụ. Như Chúa Cha đã sai Người, nay Người sai các môn đệ. Trong tư cách Chúa Con, Người làm chứng về Chúa Cha; trong tư cách môn đệ Người, các môn đệ đi làm chứng về Người và đưa người ta tới chỗ tin vào Người, để rồi trong Người, các ông được thông hiệp với Chúa Cha. Để các ông chu toàn được sứ mạng, Đức Giêsu ban cho các ông Chúa Thánh Thần là sự sống mới không tàn phai. Nối tiếp sứ mạng của Người, các môn đệ sẽ tha tội và cầm buộc.

Ở trong một thế giới đang làm cho các ông phải lo sợ, các ông đã có ở giữa mình Đấng chiến thắng thế gian (x. 16,33) và được đầy sự bình an và niềm vui của Người. Đức Giêsu đã mở cửa ra cho các ông và làm cho các ông có thể đi vào thế giới và mang các ân huệ đến cho thế giới. Các môn đệ không được khép mình lại trong nỗi sợ hãi trước thế giới, nhưng phải đầy tin tưởng đi vào thế giới.

* Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và Tôma (24-29)

Các môn đệ đã gặp Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra và được Người sai đi (cc. 19-23) đảm bảo với Tôma rằng: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”, nhưng Tôma không tin anh em. Ông yêu cầu Đấng Phục Sinh cũng phải hiện ra với ông, như đã hiện ra với các môn đệ khác. Không những ông muốn thấy Người, ông còn muốn chạm vào các vết thương của Người. Vì ông khép mình lại trước lời chứng của anh em, nên chưa tìm ra con đường đưa tới đức tin và sự bình an phục sinh. Phản ứng của Tôma rất đáng trách, vì ông đã tỏ ra không tin vào lời chứng về Đức Giêsu Phục Sinh (“thấy Chúa”: “thấy” là động từ chuyên biệt để nói về đức tin; “Chúa” là danh xưng của Đức Giêsu sau Phục Sinh) của tập thể (“chúng tôi” # Hội Thánh).

Đức Giêsu lại hiện ra với các môn đệ, và cũng như lần trước, Người ban bình an, sự vững vàng an toàn và sự che chở. Đức Giêsu lấy sáng kiến đi đến với Tôma, cho ông thấy những dấu chỉ của cái chết và tình yêu của Người, và cũng chứng minh rằng Người là nguồn mạch ơn cứu độ. Tôma đã tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, một lời tuyên xưng chưa hề có ai nói lên... Ông theo một lộ trình dài hơn mọi anh em, nhưng ông đã đến gần Đức Giêsu hơn mọi anh em. Vì đối với cá nhân ông, Đức Giêsu là Đức Chúa và Thiên Chúa. Người là Đức Chúa, có quyền năng cứu độ. Quan hệ với Người có tính vững bền trọn vẹn mãi mãi vì Người là Thiên Chúa. Sau đó, Đức Giêsu nhìn đến các thế hệ tín hữu tương lai. Chứng từ về kinh nghiệm mà các môn đệ đã có về Đức Giêsu Phục sinh là động lực đưa họ đến đức tin.

* Tóm tắt mục tiêu sứ mạng của Đức Giêsu (30-31)

Cuối cùng, tác giả TM IV tóm tắt mục tiêu của công trình của Đức Giêsu và cho thấy, đối với những người không được thấy, đâu là nẻo đường đưa tới đức tin. Các tín hữu hôm nay được mời gọi tin vào Đức Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Đức tin nối kết chúng ta với Người, và nhờ Người là Chúa Con, chúng ta được đưa vào thông hiệp với Chúa Cha. Đó là sự sống đời đời.

+ Kết luận

Ân ban căn bản của Đấng Phục Sinh là sự bình an (20,19.21.26). Ngay trong các diễn từ cáo biệt, Đức Giêsu đã hứa ban sự bình an này cho các môn đệ. Người có tư cách để ban sự bình an này vì Người về cùng Chúa Cha (14,27) và vì Người thắng thế gian (16,33). Nay Người đã thực sự thắng cái chết, là dấu chỉ tối hậu về sức mạnh tiêu diệt của thế gian, và đã thật sự lên cùng Chúa Cha. Người đã đạt tới mục tiêu của Người, Người lại đang sống giữa các môn đệ trong tư cách là Đấng chiến thắng. Chính Người là nền tảng của sự bình an của các ông.

Đã nhận được các lời chứng của các môn đệ, kinh nghiệm của Tôma, các Kitô hữu hôm nay được mời gọi xác tín: quả thật, Đức Giêsu là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, và hãy tin vào Người. Niềm tin nối kết họ với Người, và nhờ Người là Chúa Con, các Kitô hữu được đưa vào hiệp thông với Thiên Chúa Cha.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Đức Kitô mà chúng ta gặp trong Lời Chúa, trong các buổi cử hành Phụng vụ, trong giờ cầu nguyện giữa cộng đoàn anh chị em, là Đức Kitô Phục Sinh. Người ban cho chúng ta bình an và Thánh Thần, và sai chúng ta đi hân hoan chia sẻ niềm tin và niềm hy vọng ấy. Chúng ta cần phải để Người đưa chúng ta ra khỏi ngôi mộ của sợ hãi, của ích kỷ, để tin tưởng đi vào lòng thế giới. Quả thật, Đức Giêsu không giải thoát các môn đệ khỏi những ưu phiền (x. 16,33), nhưng ban cho chúng ta sự vững vàng, không lay chuyển và sự tin tưởng an bình.

2. Các môn đệ của Đức Giêsu cần xác tín rằng Đấng đang sống giữa họ cũng chính là Đấng đã chết trên thập giá; các ông cũng phải nhận biết rằng Người vẫn mang những vết tích của cuộc Thương Khó, dù đã sống lại; Người chính là “Con Chiên đứng như thể đã bị giết” (Kh 5,6). Các vết thương ấy là dấu chứng tỏ tình yêu vô biên của Người, nhưng cũng là dấu cho thấy sự tàn ác của loài người: dấu của tình yêu vô biên, để họ luôn luôn tin tưởng dấn thân; dấu của sự tàn ác con người, để họ có cái nhìn thực tế, biết rằng mình dấn thân vào trong thế giới nào.

3. Khi ban Thánh Thần trên các môn đệ, Đức Giêsu đã thổi hơi vào các ông và bảo: “Hãy nhận lấy Thánh Thần”. Thánh Thần chính là làn hơi của Thiên Chúa, Người như là gió. Người ta không thấy gió, người ta không biết gió bắt nguồn từ đâu và đến đâu thì dừng lại. Cho dù các nhà khí tượng học có bao trước được các trận bão, ta vẫn có cảm tưởng mình bị một sức mạnh vừa huyền bí vừa mạnh mẽ bao trùm. Gió thổi và gây tiếng động. Gió bẻ gãy và nhổ bật lên. Gió tàn phá nhưng cũng làm cho đất đai ra phì nhiêu. Có khi gió quạt mát, có lúc gió thiêu đốt. Về làn gió Thánh Thần cũng thế. Người mạnh mẽ, Người len lỏi vào mọi sự. Nếu chúng ta mở lòng ra với Người, Người sẽ bẻ gãy, Người nhổ tung và phá hủy tất cả những gì chống lại tình yêu Thiên Chúa; Người cũng làm cho các con tìm nên dồi dào phong phú. Người liên tục làm việc trong lòng chúng ta, như thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà [liên tục] kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4,6).

4. Tôma đã tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu theo cách chưa ai làm: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Ông đã đi theo con đường dài hơn con đường của các anh em, nhưng đã đến gần Đức Giêsu hơn. Đối với cá nhân ông, Đức Giêsu là Đức Chúa và là Thiên Chúa. Ông tin, ông quy phục Đức Giêsu, ông bày tỏ niềm tin vào Người. Maria Mácđala cũng như các môn đệ đã tin vào Đức Giêsu như là Đức Chúa. Tương quan của họ với Người nay có giá trị vĩnh viễn và trọn vẹn, bởi vì Đức Chúa ấy chính là Thiên Chúa. Đức Giêsu chính là Thiên Chúa đang tìm đến gần con người để ban cho con người sự sống đời đời. Tôma nhận biết Đức Giêsu như thế và gắn bó với Người. Do đó, người nào chỉ nói đến một Tôma thiếu lòng tin, là quên mất là ông đã đạt đến niềm tin nào nhờ sự trợ giúp của Đức Giêsu.

5. Tất cả những gì Đức Giêsu đã làm và đã nói, được ghi lại là để đưa loài người đến chỗ chính mình tin chính xác vào Người: Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Niềm tin kết hiệp chúng ta với Người, và nhờ Người là Con Thiên Chúa, chúng ta được đưa vào hiệp thông với Thiên Chúa Cha. Đây chính là sự sống đời đời. Như thế, mọi sự tùy thuộc vào đức tin này, vì chỉ đức tin này mới đưa vào sự sống vĩnh cửu.

6. Hôm nay, ngày lễ “Lòng Thương xót Chúa” mà Đức cố giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã thiết lập ngày 30-4-2000, chúng ta nhớ đến hình ảnh Đức Giêsu từ bi thương xót do thánh Faustina Kowalska (1905-1938; Đức Gioan-Phaolô II phong thánh 30-4-2000 và thiết lập lễ Lòng Thương Xót Chúa) để lại: Người mặc y phục trắng, bàn tay phải ban phép lành, bàn tay trái vén mép áo ngực, từ đó thoát ra các tia sáng xám và đỏ, tượng trưng BT Thánh Thể và BT Rửa Tội. Đức Giêsu là hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng với thánh nữ Faustina Kowalska và Đức Gioan-Phaolô II thưa với Người: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Người!” Chúng ta hãy trở thành hiện thân của Lòng Chúa thương xót qua lối sống hợp nhất, chia sẻ nâng đỡ nhau, sẵn sàng tha thứ cho nhau.
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
14:12 17/04/2009
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (79)

781. Người công giáo là người được Chúa Giêsu Kitô ghi năm dấu thánh.

Nếu chúng ta xưng mình là Kitô-hữu – những người theo Chúa Giêsu Kitô -, nếu chúng ta xưng mình là người Công giáo – những kẻ tin vào Chúa Kitô sống lại -, thì chúng ta phải mang năm dấu thánh của Ngài trong đời sống đức tin của mình. Vì thế, ai cũng có thể tra vấn đức tin của chúng ta:
- “Làm ơn cho tôi xem tay của bạn! Làm ơn cho tôi xem chân của bạn! Làm ơn cho tôi xem cạnh sườn của bạn! Nếu tôi không thấy những vết thương giống như của Chúa Kitô, đó là dấu vết yêu thương người nghèo, che chở người yếu thế, bênh đỡ người có tội, yêu thích điều công chính, làm những điều như Chúa Kitô đã làm, sống như Chúa Kitô đã sống, chết cho tha nhân như Chúa Kitô đã chết, thì tôi không tin.”

782. Người công giáo được gọi là người tín hữu, nghĩa là người có đức tin.

Bạn có muốn hiểu thế nào là người tín hữu không?
Người tín hữu không phải là người thuộc về một dân tộc riêng biệt nào, dẫu dân tộc nầy oai vang đến đâu mặc lòng, vì Chúa đã phán rõ: Hãy đi giảng dạy mọi dân thiên hạ. (x.Mc 16,15)
Người tín hữu không phải là người của đảng phái nào. Họ có thể vừa là một người sống đạo rất tốt, vừa là hội viên đắc lực của một đảng phái nào đó, miễn là nguyên tắc của đảng nầy không đi ngược lại với đức tin của Giáo Hội Công giáo.
Người tín hữu không phải là kẻ đọc kinh và cầu nguyện nhiều, dẫu kinh nguyện giữ một vai trò thiết yếu trong đời sống đức tin của họ. Ai cũng biết, bên ngoài, người Hồi giáo cũng đọc kinh và cầu nguyện rất nhiều.
Người tín hữu không phải là người chỉ biết đi Nhà Thờ vì tuy Nhà Thờ là nơi quan trọng nhất của đức tin của họ, nhưng khi ở ngoài Nhà Thờ, họ vẫn phải sống đức tin mạnh mẽ của mình như khi họ ở trong Nhà Thờ.
Vậy người tín hữu là người thế nào? – Đó là người nhờ được chịu Phép Bí Tích Rửa Tội nên có được một Đức Tin siêu nhiên lạ lùng và luôn biết sống theo Đức Tin của mình trong mọi lúc, trong mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh.

783. Chúng ta hãy luôn cầu xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta.

Ân huệ Đức Tin mà Chúa ban cho chúng ta, đòi hỏi chúng ta rất nhiều cố gắng và sự chấp nhận điều vượt khả năng của con người.
Hiểu được tâm trạng nầy của con người, Chúa Giêsu đã đích thân xuất hiện trước mặt Tôma để cũng cố niềm tin của ông, đồng thời cho ông thấy rằng nhiều khi Đức Tin đòi hỏi sự chấp nhận vô điều kiện và vượt trên mọi lý luận.
Thật vậy, cuộc sống Đức Tin của chúng ta đầy dẫy những “chấp nhận, tín thác, khuất phục.”
Tôi chấp nhận có Thiên Chúa Ba Ngôi, mà lý trí tôi hoàn toàn không hiểu gì được vì đây là mầu nhiệm trên hết các mầu nhiệm.
Tôi hoàn toàn trao phó đời tôi cho Đức Kitô, Đấng mà tôi chưa bao giờ gặp mặt.
Tôi cúi đầu trước một sự kiện mà tôi không thể nào lý luận được: Thiên Chúa vĩnh cửu và vô hình, lại được một trinh nữ loài người cưu mang và hạ sinh.
Tôi tin, và ánh sáng Đức Tin soi dẫn đường đời tôi đi, nhưng nhiều lúc, tôi cảm thấy mình đi trong bóng tối, trong ngõ cụt, trong nghi ngờ...
Các tông đồ ngày xưa cũng vậy: dù sống bên cạnh Con Thiên Chúa, vẫn phải thốt lên: “Xin Thầy thêm đức tin cho chúng con!”
Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ cố gắng hơn trong việc cộng tác với ơn Chúa để phát triển Đức Tin của mình. Một mình chúng ta, chúng ta sẽ bất lực, và Đức Tin sẽ chết. Nhưng có Chúa, Đức Tin chúng ta sẽ lớn mạnh vì không có gì, Thiên Chúa không làm được (x.Lc 1,37). Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được điều nầy khi ngài hãnh diện nói: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13). Và nếu có lúc nào gặp tối tăm mịt mù, chúng ta hãy xác tín rằng: “Dù phải bước qua thung lũng tối, tôi vẫn không sợ vì Chúa ở cùng tôi.” (Tv 23,4)

784. Đức Tin là một ân huệ Chúa ban, nhưng chúng ta phải cộng tác vào.

Đức Tin là một ân huệ Chúa ban cho chúng ta, nhưng ân huệ nầy không phải là một trái chín muồi để chúng ta chỉ việc dễ dàng hái ăn, cũng không phải là một viên ngọc để chúng ta cất giữ cẩn thận.
Đức Tin là một hạt giống được gieo vào tâm hồn chúng ta. Hạt giống nầy cần phải biến đổi: nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái. Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để diễn tả điều nầy.
Chúng ta nhận lãnh ân huệ Đức Tin khi chịu phép Rửa Tội, nhưng trải qua thời gian, có thể có người trong chúng ta làm cho Đức Tin phát triển lớn mạnh, trái lại, có thể có người trong chúng ta làm cho Đức Tin lẹt đẹt, khô cằn, không sinh hoa trái, hoặc chết đi.
Đâu là nguyên nhân của sự khác biệt nầy? Chính thái độ của con người chúng ta là nguyên nhân: thái độ tích cực cộng tác với ơn Chúa trong việc chăm sóc và bảo vệ hạt giống Đức Tin, hay là thái độ thờ ơ lãnh đạm, hoặc tệ hơn nữa, cố tình phá hủy mầm sống của hạt giống Đức Tin.

785. Đức Tin là điều quan trọng nhất của người công giáo.

Đức Tin là rễ sống của người công giáo. Cây sẽ héo khô nếu rễ cằn cổi. Cây Đức Tin của bạn sẽ chết héo nếu rễ Đức Tin của bạn cằn cổi và thối nát.
Đức Tin là khí thiêng liêng người công giáo phải thở. Thân xác sẽ chết nếu không thở được khí. Nếu không thở khí Đức Tin, đời sống siêu nhiên của người công giáo sẽ chết.
Đức Tin là mặt trời chiếu sáng đời người công giáo. Trong bóng đêm, vạn vật đều tối đen. Khi mọc lên, mặt trời soi cho thấy rõ tất cả. Đức Tin là mặt trời làm cho người công giáo thấy rõ ý nghĩa của mọi sự trên đời nầy.
Đức tin là ngọn đèn soi bước người công giáo đi trên đường đời nầy. Sống trên gian trần, người công giáo là khách bộ hành đi giữa bóng tối của thế tục và tội lỗi. Ngọn đèn Đức Tin sẽ soi dẫn người công giáo biết đi trên con đường về Quê Trời.
Để gìn giữ Đức Tin của mình, người công giáo không được nhượng bộ điều gì khả dĩ làm sứt mẻ Đức Tin.
Đức Tin của người công giáo phải hoàn toàn tinh ròng, không pha trộn một chút gì tì ố. Vì thế, người công giáo phải tuyệt đối xa lánh những gì nguy hiểm cho đức tin như tinh thần thế tục, bạn bè xấu, sách báo xấu, phim ảnh xấu, tivi xấu,. ..
Đức Tin của người công giáo phải sâu sắc, vì thế, người công giáo phải học hỏi để đào sâu giáo lý, nghe giảng Lời Chúa, đọc sách báo đạo công giáo, nghe và xem các chương trình phát thanh và phát hình công giáo, bàn hỏi khi gặp thắc mắc về giáo lý, luôn cầu xin Chúa ban thêm Đức Tin cho mình.
Đức Tin của người công giáo phải trưởng thành, không sống theo tình cảm bên ngoài hay thay đổi, nhưng luôn giữ Đạo, sống Đạo và truyền Đạo bằng đời sống cầu nguyện thân tình, hy sinh vô vị lợi và treo cao gương tốt sáng ngời.

786. Hãy có một tâm hồn đẹp!

Một vóc dáng đẹp và một gương mặt đẹp đều có thể già đi. Một tâm hồn đẹp thì trái lại, càng đẹp và tinh anh thêm năm tháng..
Vóc dáng đẹp và gương mặt đẹp nhưng lại không có một tâm hồn đẹp, thì thật là vô vị. Ngược lại, một tâm hồn đẹp, dù không có bề ngoài bắt mắt của một vóc dáng hay gương mặt tươi đẹp, vẫn cuốn hút biết bao. (Để Có Một Tâm Hồn Đẹp – Edward de Bono)

787. Biết chia sẻ, quan tâm đến người khác.

Bạn không sống và làm việc một mình. Xung quanh bạn, có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người thân,. .. Bạn cùng chia sẻ với những niềm vui nỗi buồn của họ và cảm nhận rằng quan tâm đến nhau là một đức tính thể hiện tình người cao nhất.
Những người cảm thấy hài lòng với cuộc sống, luôn quan tâm đến người xung quanh. Họ chủ động chia sẻ mình với cuộc sống, với những băn khoăn, lo lắng, sở thích của mọi người....
Hãy dành một khoảng thời gian, như dành ra một tiếng trong một tuần để làm một điều gì đó giúp đỡ người khác – làm từ thiện chẳng hạn.
Bạn đừng tiếc thời giờ. Hãy cho đi cả thời gian với những người cần chia sẻ. Điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy mình có ích cho người khác, làm cuộc sống của bạn có ý nghĩa hơn. Nó cũng giúp bạn thêm yêu cuộc sống, biết quý trọng con người. Từ đó, bạn sẽ có tinh thần để làm việc bằng tất cả khả năng và tấm lòng với hiệu quả cao nhất. (Bí Quyết Của Thành Công – David Niven, Ph.D.)

788. Chỉ cần bạn dám tin mình sẽ làm được.

Có vô vàn những khả năng có thể xảy ra trong cuộc đời bạn, và những khả năng đó có thể đến với bất cứ lúc nào.
Tôi (Keith D.Harrell) đã nhận ra điều nầy trong đời mình khi tôi được Hiệp Hội Thuyết trình viên quốc gia (NSA) trao giải thưởng vì những đóng góp của mình. Tôi được đưa vào danh sách những người có tên trong Toà Nhà Danh Vọng của NSA - một vinh dự to lớn dành cho cho những người làm nghề thuyết trình.
Cảm giác lúc ấy, thật không sao diễn tả được, tràn ngập niềm vui khi khả năng của mình được mọi người công nhận.
Thành công đó càng khẳng định thêm niềm tin của tôi vào sự đúng đắn của con đường mình đã chọn.
Đâu có ai ngờ được rằng một đưa trẻ nhút nhát, gầy nhom, cao lêu nghêu và mắc chứng nói lắp như tôi ngày nào, giờ đây lại có thể trở thành một trong những người có tài ăn nói như thế.
Mọi việc đều có thể xảy ra, và bạn sẽ chẳng nói trước được điều gì cả: chỉ cần bạn dám tin. (Thay Thái Độ, Đổi Cuộc Đời – Keith D.Harrell)

789. Đừng sống với quá khứ!

Quá khứ đã qua rồi, và không thể thay đổi được nữa.
Chúng ta chỉ có thể sống và trải nghiệm đời mình trong hiện tại mà thôi.
Nếu chúng ta khóc than cho quá khứ, thì vô tình chúng ta đã mang những kí ức buồn đến hiện tại, và khi làm như vậy, chúng ta đã để lỡ mất những trải nghiệm quý giá mà hiện tại đang trao tặng cho mình.
Hãy để mọi biến cố trong quá khứ của chúng ta trở thành những kỉ niệm.
Khi chúng ta giải tỏa mọi cảm xúc lệ thuộc vào những kỉ niệm ấy, thì chúng ta sẽ được tự do hơn để sống một cuộc sống hiện tại trọn vẹn, vui tươi và sẵn sàng cho tương lai phía trước. (Chữa Lành Nỗi Đau – Louise L.Hay)

790. Lời cam kết với chính mình

Từ ngày hôm nay, tôi tự cam kết với chính mình...sẽ luôn luôn đi về phía ánh sáng của cái Thiện, sẽ chiến đấu với cả những bóng tối tội lỗi trong mình. Vũ khí, chính là Tri Thức và Những Việc làm Tốt của tôi...
Tôi không ngần ngại thừa nhận những người tốt tôi gặp trên đường đời là “Thầy”, miễn là họ chỉ dẫn cho tôi con đường đi tới ánh sáng của cái Thiện.
Tôi sẽ chọn con đường Đến Với Mọi Trái Tim và theo đuổi Những Niềm hạnh Phúc Chân Chính.
Là một chiến sĩ dũng cảm, tôi sẽ chiến đấu và đánh bại mọi kẻ thù. Tên gọi của chúng là “Ươn hèn”, “Dốt nát”, “Tối tăm”, “Nghèo đói”, “Bất công”,. ..
Tôi sẽ cố gắng sống như Một Con Người Có Nhân Cách nhất, vì cuộc sống, vì hạnh phúc của tôi cùng những người ở quanh tôi.
Tôi sẽ dùng Tình Yêu, sự Cảm Thông để đối xử với người khác.
Tôi sẽ góp sức cùng những người xung quanh để vươn đến một cuộc sống hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Và bằng tất cả những điều đó, tôi biết rằng Nhân Cách của tôi sẽ hình thành và mãi ghi đậm dấu ấn trong lòng người khác... (Những Quy Tăc Vàng Của Cuộc Sống - Lại Thế Luyện)
 
Làn nước Bí tích rửa tội
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:55 17/04/2009

Làn nước Bí tích rửa tội



Gia đình người Công giáo khi có em bé mới chào đời, cha mẹ không chỉ sống trong niềm vui mừng hạnh phúc thiên đàng, mà Trời cao ban tặng cho họ. Nhưng còn lo cho em bé được nhận lãnh làn nước Bí tích Rửa tội.

Tại sao vậy?

Có thể nói, đó là bổn phận tinh thần của cha mẹ lo cho con em mình. Họ không chỉ lo cho con có quần áo mới ấm, được săn sóc ăn uống no đủ khoẻ mạnh. Nhưng còn lo cho đời sống tinh thần của con em mình hôm nay cùng ngày mai nữa. Một trong những săn sóc cho đời sống tinh thần của em bé là đời sống đức tin đạo giáo. Đức tin vào Thiên Chúa ghi dấu trong tâm hồn em bé qua làn nước Bí tích Rửa tội là hướng đi cùng điểm tựa bình an cho tâm hồn tinh thần đời em.

Ngày xưa cha mẹ em bé đã lãnh nhận đức tin cho đời sống tâm hồn họ. Ngày nay có con nhỏ, họ muốn tiếp tục trao đức tin đó cho con mình.

Một đời sống có bình an được chúc lành từ Trời cao là một đời sống hạnh phúc. Đó là điều mong ước của con người xưa nay.

Nhưng đâu là ý nghĩa của làn nước Bí tích Rửa tội, mà người Công Giáo lãnh nhận?

Có một Lời của Chúa Giêsu nói với ông Nicodemo về Bí tích này: Tái sinh lại trong Nước và trong Thánh Thần Thiên Chúa. (Ga 3,1-13).

Tái sinh lại trong nước và trong Thánh Thần Thiên Chúa là gì? Phải chăng con người chúng ta phải sinh ra lại sau khi đã chào đời ra khỏi lòng mẹ ? Và như thế nào được?

1. Ý tưởng của Thiên Chúa

Mỗi người chúng ta là một công trình tạo dựng của Trời cao. Công trình đó là ý tưởng mong muốn của Thiên Chúa,

Khi tạo dựng ban cho con người thân xác cùng sự sống, Thiên Chúa đã họach định một chương trình riêng cho mỗi người, cùng phú bẩm cho họ khả năng riêng, để trong dòng thời gian họ trở nên như họ là, theo ý tưởng của Thiên Chúa muốn.

Có thể nói, Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã trao cho mỗi con người một sứ mệnh hay một công tác tương xứng với khả năng mỗi người.

Một người từ khi sinh ra chào đời đều phải sống trải qua nhiều chặng đường phát triển về thể xác lẫn trí khôn tinh thần cho tới khi trưởng thành. Trong những khoảng chặng đường phát triển đó, em bé bạn trẻ cần sự săn sóc yêu thương của cha mẹ cùng của những người thân khác. Qua đó, em bé học hỏi nhận ra được, Thiên Chúa Đấng tạo dựng nên em muốn em trở thành người như ý tưởng của ngài.

Trong khu vườn, bông hoa Hồng khi phát triển nở ra không thành bông hoa Huệ được. Nhưng bông hoa Hồng nở thành bông hoa Hồng có cánh hoa đỏ tươi thắm cùng gai nhọn của chủng lọai nó. Và có như thế, nó mới chiếu tỏa vẻ đẹp hấp dẫn của riêng chủng loại hoa hồng.

Cũng vậy, mỗi người phải phát triển thành một người có cá biệt như mình là, phát triển và chiếu tỏa vẻ đẹp trong sáng của mình.

Từ khía cạnh đó, họ chiếu tỏa ra vẻ đẹp tình yêu mến giống như hình ảnh Thiên Chúa, Đấng là tình yêu (1 Ga 4,16). Tình yêu mến nối liền trời và đất lại với nhau. Trên Trời cao em bé được Thiên Chúa yêu mến. Và dưới đất em bé đón nhận tình yêu thương của cha mẹ, anh chị em trong gia đình cùng họ hàng người quen thân.

Như thế, làn nước Bí tích rửa tội không làm cho em bé trở thành người xa lạ, không bắt em phải mặc chui vào một khuôn mẫu theo trí tưởng tượng mà chính khuôn mẫu đó không hợp cùng không liên quan gì tới em.

Không, không như thế. Mừng Bí tích rửa tội của em, mọi người cùng mừng nhân phẩm riêng cá biệt của em trong ân đức tái sinh của làn nước đức tin, cùng kính trọng với niềm hy vọng nhân phẩm cá biệt của em dần phát triển lớn mạnh vững chắc như em trở nên là em.

Trong niềm hãnh diện vui mừng đó, Ông bà, Cha Mẹ, anh chị em họ hàng người quen thân cùng tham dự lễ nghi Bí tích làn nước Rửa tội của con em mình.

2. Làn nước phát triển

Đời sống của mỗi người là một con đường dài với những chặng phát triển khác nhau. Con đường đời sống mỗi người phát triển không ai giống ai. Mỗi người có một con đường đời sống riêng biệt mà Đấng Tạo Hóa là Thiên Chúa đã có ý tưởng muốn cho như vậy rồi. Chính bản thân mỗi người khi đã trải qua những chặng đường đó cũng cảm nhận khám phá ra những bất ngờ ngạc nhiên.

Về điều này, Chúa Giêsu đã nói chuyện với Ông Nicodemo: Ngọn gió thổi đâu tùy như nó muốn. Người ta nghe tiếng gío thổi hú, nhưng không biết từ đâu gió thổi tới cùng đi về hướng nào. Cũng vậy với đời sống một người được sinh ra trong Chúa Thánh Thần (Ga 3,8).

Như thế những chặng đường phát triển đời sống của một người luôn năng động cùng vượt qúa tầm suy nghĩ tưởng tượng của con người.

Những chặng đường phát triển trong đời sống không phải chỉ nhẹ nhàng trôi chảy như dòng nước, như làn gió thổi. Vì là qúa trình năng động, nên cũng phải trải qua lúc khai sinh trong đau đớn.

Dấu chỉ nguyên thủy của rửa tội là người được rửa tội phải được nhậm chìm sâu trong dòng nước thiên nhiên, như chính Chúa Giêsu đã bị nhậm chìm sâu trong dòng nước sông Giordan do tay của Thánh Gioan Tiền Hô ngày xưa.

Điều này nói lên ý nghĩa: người được rửa tội chìm sâu trong hoàn cảnh khó khăn cùng đau đớn. Trong đường đời sống họ phải sống trải qua điều bấp bênh cùng cả sai lạc lầm lỗi nữa. Nhưng họ không bị bỏ rơi một mình. Thiên Chúa, Đấng là ý tưởng đời sống con người hằng cùng đồng hành với và cùng ra tay cứu giúp.

Làn nước rửa tội gợi lên hình ảnh nối liền với dòng nước tẩy rửa cứu độ khỏi tội lỗi ngày xưa đã cứu gia đình Ông Noe thoát khỏi cơn lụt đại hồng thủy, như trong sách Kinh Thánh ( St 7,1-24); cùng nhớ đến dòng nước cứu độ, mà Thiên Chúa đã cho dân Do Thái đi qua Biển Đỏ trở về quê nhà Israel bằng an không bị chết chìm trong lòng biển cả cùng thoát khỏi tay truy lùng của Vua Pharao xứ Ai Cập. (Xh 14,1-31).

Những tín hữu Chúa Kitô thời Giáo Hội thuở ban đầu cùng thời bị cấm đạo bên Roma, đã lấy con cá làm biểu hiệu cho Chúa Giêsu. Không gian sống của loài cá là dòng nước. Không có nuớc loài cá không sống còn được. Loài cá do thiên nhiên đã tạo dựng nên có khả năng bơi vượt lội qua những dòng nước sâu, dòng nước chảy lao mạnh nguy hiểm.

Theo ngôn ngữ Hy lạp chữ cá được viết như sau: ICHTHYS. Từ những mẫu tự của chữ này, người ta suy diễn đọc ra:

1. I = Jesos - Giêsu

2. CH = Christos - Kitô

3. TH = ( Theos) Thiên Chúa

4. Y = (uios) người Con

5. S = (soter) Ðấng cứu chuộc.

Hình ảnh này muốn nói đến Chúa Giêsu, ngài có khả năng vượt qua dòng nước sâu thẳm cùng nguy hiểm của sự chết. Người tín hữu Chúa Giêsu Kitô được tắm gội trong dòng nước rửa tội cũng nhận được ít nhiều khả năng thiên nhiên loài cá của Chúa Giêsu: được Ngài cứu độ khỏi chết về phần linh hồn

********************

Nước là yếu tố căn bản cần thiết cho sự sống tồn tại phát triển trong thiên nhiên của mọi giống loài. Nhưng trong nước cũng ngầm chứa sức mạnh phá hủy tẩy trừ mọi vướng mắc cản trở dù cứng chắc tới đâu.

Nước biểu hiệu của sự sống, của tẩy rửa khỏi dơ bẩn, và cũng của sự tận cùng mang gây ra đau khổ chết chóc.

Làn nước Bí tích rửa tội tẩy trừ tội lỗi tội nguyên tổ, nhưng không bài trừ hậu qủa do tội đó gây ra như đau khổ và phải chết.

Làn nước rửa tội mang đến cho linh hồn sự sống trong ơn nghĩa Chúa, Đấng là sự sống, niềm hy vọng cùng ơn cứu chuộc cho con người.
 
Những hành động cương quyết của Ðức Tin
LM. Nguyễn Hữu Thy
15:59 17/04/2009
Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh/B

Những hành động cương quyết của Ðức Tin

(Ga 20,19-31)

Thú thật, tôi rất có thiện cảm với Tông đồ Tôma, và tôi rất thông cảm với thái độ của ông. Mặc dù Ðức Giêsu đã trách thái độ nghi ngờ của ông trong một hoàn cảnh như thế là rất hợp lý, mặc dù ông thường bị coi là người cứng lòng, thiếu đức tin. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có thể học hỏi được gi qua thái độ của Tôma?

Sau khi Ðức Giêsu chết chưa được bao lâu, thì các môn đệ khác quả quyết là họ đã được nhìn thấy Chúa, Người vẫn còn sống! Ðối với Tôma, sứ điệp đó đến quá bất ngờ. Nhất là nó đi ngược lại tất cả những kinh nghiệm thực tế cho đến giờ phút đó: Người chết không bao giờ có thể sống lại được. Vâng, một điều như thế chưa hề xảy ra, tức một người sau khi đã chết rồi lại hồi sinh và tiếp tục sống! Tôma không thể chấp nhận được điều đó. Ông không muốn dễ dàng chạy theo những kẻ cả tin, hay chấp nhận những điều thêu dệt bịa đặt. Ông không để mình bị lôi cuốn vào chứng từ của các môn đệ khác. Ông muốn trước hết được nhìn thấy Chúa tận mắt, được sờ tay vào các vết thương của Chúa. Nghĩa là ông muốn có bằng chứng cụ thể hẳn hoi, chứ không chỉ bằng lời nói suông. Tôma không muốn để cho mình dễ dàng bị lèo lái bởi những tin đồn thổi thiếu kiểm chứng. Tôma đúng là con người thực tiễn, muốn mọi sự phải cụ thể. Ông muốn đứng hai chân trên nền đất vững chắc của thực tế. Vâng, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta cũng có biết bao trường hợp cần phải có thái độ như thế. Chẳng hạn: ai muốn mua một chiếc xe thì cần phải kiểm tra và xem xét thật kỹ lưỡng toàn bộ chiếc xe đó. Và theo thiển ý, tôi nghĩ rằng một phần nào của sự thận trọng này cũng có thể áp dụng vào lãnh vực có liên quan tới sự chọn lựa của đức tin.

Ðã có nhiều bạn trẻ vì quá hấp tấp quyết định và chọn lựa ơn gọi của mình, để trở thành Linh mục hay Nam-Nữ Tu sĩ mà chưa thấu hiểu hay biết rõ được bậc sống mình chọn với những sở trường sở đoản, với những an ủi và thử thách của nó, vì thế về sau khi thực sự đã bước vào cuộc sống đó, họ đã phải hối hận về sự quyết định vội vàng của mình. Vì thế mới có cái cảnh: «bỏ thì thương, vương thì tội», tiến thoái lưỡng nan. Và rồi họ đã sống một cách bất hạnh. Nhưng sự bồng bột nhẹ dạ đó càng nguy hiểm bội phần khi phải đối mặt với những lời tuyên truyền phỉnh gạt của những lạc giáo. Chính tôi đã có lần được quen biết một thiếu nữ: Sau khi vừa tròn 18 tuổi, cô đã nhẹ dạ nghe theo những lời dụ dỗ đường mật của một lạc giáo và đã bỏ nhà đi theo họ. Nhưng sau đó ít năm, cô đã biết suy nghĩ chín chắn hơn và đã khám phá ra là mình đã lầm lẫn, cô liền hối hận và phải vất vả rất nhiều để có thể bắt đầu lại từ đầu. Giá người thiếu nữ đó đã có thể tìm được lời khuyên nơi Tông đồ Tôma, chắc chắn cô ta đã không dễ dàng chạy theo những tiên tri giả như thế và đã lãng phí bao năm tháng quí báu của tuổi thanh xuân!

Trong Giáo Hội cũng không thiếu những người hồ hởi chạy theo nhóm này hay nhóm nọ: hoặc thủ cựu hay cấp tiến hoặc quá khích; hay: hễ nghe tin đồn có Chúa hoặc Đức Mẹ hiện ra chỗ này chỗ nọ thì liền vội vàng cơm đùm áo gói chạy tới đó kính viếng ngay, v.v…! Cuối cùng, quan điểm sống «thận trọng» của Tôma có lẽ thật cần thiết cho những người dễ bị lung lạc như thế.

Vậy, điều quan trọng ở đây là trong vấn đề tín ngưỡng, vấn đề đức tin, chúng ta cần phải thận trọng, không cả tin, không dễ chấp nhận dư luận, vì dư luận là con dao hai lưỡi: nó có thể giúp ta mà cũng có thể hại ta. Ðồng thời một điều khác cũng quan trọng tương tự là người ta cần phải luôn kiểm điểm, thanh luyện và củng cố niềm tin của mình, hầu cho:

· Không bị «hỏng chân» và khỏi bị rơi vào tình trạng chới với như chiếc thuyền nan trên giòng nước cuốn, không còn biết đâu là bến bờ,

· khỏi bị chao đảo và bị cuốn hút bởi những tiên tri giả mà sa chân lạc lối,

· phải luôn giữ vững được những điểm tích cực then chốt có thể củng cố và nâng đỡ niềm tin của chúng ta.

Ngày nay, chúng ta không có được hoàn cảnh thuận lợi như các môn đệ xưa. Chúng ta không có thể trực tiếp gặp gỡ và tiếp xúc với Ðấng Phục Sinh như các ngài. Vì thế có lẽ không thiếu những người muốn có được lý do và bằng chứng cụ thể rõ ràng cho niềm tin của mình như Tông đồ Tôma xưa!

Cuộc sống Ðức Giêsu là cả một cuộc sống cho kẻ khác: Một cuộc sống hy sinh xả kỷ! Người đã từ bỏ tất cả vì phần rỗi nhân loại. Tình yêu, hòa bình và sự công chính mang lại hạnh phúc chân thật giữa con người với con người và giữa con người với Thiên Chúa. Ðó là một thứ hạnh phúc mà sự chết cũng không thể xóa bỏ được.

Vì thế, khi tôi đem hết mọi nỗ lực để phát triển tình yêu, kiến tạo hòa bình và xây dựng sự công chính, tôi sẽ cảm nghiệm được rằng một phần nào đó của sự hạnh phúc chân thật giữa con người với con người và giữa con người với Thiên Chúa đã bắt đầu triển nở. Ðồng thời điều đó cũng có nghĩa là tôi đang đi đúng đường. Hơn nữa, trong việc tìm kiếm nền tảng cho niềm tin của tôi như thế, tôi không hề lẻ loi một mình, nhưng có biết bao nhiêu người cùng đồng hành với tôi và nâng đỡ tôi. Ðó là khi tôi có thể nhìn thấy rõ được nơi nhiều người là đức tin đã giúp cho họ có khả năng làm chủ được cuộc sống của mình. Vâng, trong cuộc sống đức tin tôi đã tìm gặp được sự an ủi, sự khuyến khích và động viên của biết bao nhiêu người qua cuộc sống can đảm đầy ấn tượng của họ, thí dụ: Người đàn bà đã từ bao năm âm thầm nhẫn nhục tận tụy chăm sóc lo lắng cho người chồng bệnh tật; hay người thanh niên, dù bị chúng bạn trêu chọc, châm biếm, vẫn trung thành với đức tin của mình; hay người đàn ông đang quì trong tòa cáo giải, dù cho bao lỗi lầm nặng nề, vẫn cương quyết can đảm làm lại từ đầu.

Tất cả những thái độ và hành động đó là những hành động cương quyết và đầy quả cảm phát xuất từ một đức tin sống động! Những hành động cương quyết của đức tin.
 
Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
16:27 17/04/2009
Chúa Nhật II Phục Sinh

LỜI CHÚA: Gioan 20,19-31

Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan: "Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái, Đức Chúa GIÊSU hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: ”Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Đức Chúa GIÊSU lại phán bảo các ông rằng: ”Bình an cho các con. Như CHA đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Bấy giờ trong 12 Tông Đồ, có ông Tôma không cùng ở với các ông khi Đức Chúa GIÊSU hiện đến. Các môn đệ khác nói với ông rằng: ”Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông nói với các ông kia rằng: ”Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Thầy, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Đức Chúa GIÊSU hiện đến đứng giữa mà phán: ”Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: ”Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: ”Lạy Chúa con, lạy THIÊN CHÚA của con”. Đức Chúa GIÊSU nói với ông: ”Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin
”.

SUY NIỆM

Xin suy tư về 3 điều: nỗi sợ hãi của các Tông Đồ; lòng cứng tin của Tôma và hồng ân tha thứ của Đức Chúa GIÊSU KITÔ Phục Sinh.

1/ Nỗi sợ hãi của các Tông Đồ.

Lúc ấy là buổi chiều Chúa Nhật Phục Sinh. Tin Vui Đức Chúa GIÊSU KITÔ Sống Lại quá mới mẻ. Các Tông Đồ chưa được diễm phúc trông thấy Thầy Chí Thánh. Trong khi các biến cố đau thương dồn dập xảy ra từ Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh vẫn còn đó. Chỉ vỏn vẹn 3 ngày nhưng lại kinh hoàng đến gần như bất tận. Nói thế để diễn tả trạng huống hỗn độn của 12 Tông Đồ: Giuđa phản bội Thầy. Phêrô chối bỏ Thầy. Các vị còn lại hoảng sợ chạy trốn, ngoại trừ Gioan.

Kinh hoàng, hoảng sợ là tâm tình con người khi đối diện với gian nguy và thử thách. Cuộc sống nào cũng tràn đầy khó khăn. Nhưng khó khăn củng cố niềm tin sâu xa vào sự trợ giúp của THIÊN CHÚA, Đấng là CHA Nhân Lành. Ngài không bao giờ để con người mang gánh nặng quá sức. Ngài không bỏ rơi con người đơn độc trong cuộc chiến đấu. Vào mọi lúc và ở bất cứ nơi đâu, tín hữu Công Giáo hãy luôn khẩn cầu cùng Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng đã đánh bại cái chết cùng sự dữ. Ngài là Đấng Toàn Thắng, là Vị Vua Khải Hoàn. Trong gian nan khốn khó hãy ngước nhìn Đức Chúa GIÊSU KITÔ, hãy van xin Ngài. Ngài sẽ đến và ban cho mỗi người sức mạnh, an bình và Tình Yêu.

2/ Lòng cứng tin của Tôma.

Tông Đồ Tôma đại diện cho lớp người kiêu căng, thiển cận, ngoan cố và mù quáng. Họ tự ban cho mình khả năng phê phán tất cả và quyền kiểm chứng mọi sự. Trước mọi dấu chỉ tình yêu, họ chỉ bịt tai nhắm mắt lập đi lập lại: ”Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Thầy, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Ôi cái quyền kiểm chứng hạn hẹp của loài người thật đáng thương biết bao! Làm sao con người có thể hiểu cho thấu và suy cho tường mọi biến cố xảy ra trên trần thế này? Điều khôn ngoan nhất chính là lòng khiêm tốn. Khiêm tốn chấp nhận mọi giáo huấn của các Mục Tử trong Giáo Hội Công Giáo, duy nhất, thánh thiện và tông truyền.

3/ Hồng ân tha thứ của Đức Chúa GIÊSU KITÔ Phục Sinh.

Vì biết rõ cái dại-dột cứng-đầu của Tôma, nên Người đáp ứng ngay: ”Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”.

Đó chính là thái độ khoan dung tha thứ vô bờ của Đấng vừa là THIÊN CHÚA vừa là Vị CỨU TINH muôn loài. Đôi Bàn Tay mang thương tích của Đức Chúa GIÊSU KITÔ luôn luôn giang rộng để tiếp rước mọi tội nhân, tất cả các hối nhân. Tiếp rước để trao ban an bình và ơn tha thứ. Tín hữu Công Giáo hãy mau mau nép vào vòng tay của Thầy Chí Thánh và khiêm tốn tuyên xưng: ”Lạy Chúa con, lạy THIÊN CHÚA của con”.

Dịp Đại Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) thiết lập Lễ Lòng Thương Xót Chúa mừng vào Chúa Nhật II sau Lễ Phục Sinh.

Toàn trái đất tràn ngập lòng Nhân Lành của THIÊN CHÚA. Nếu các tâm hồn biết thật sự đón nhận lòng Thương Xót THIÊN CHÚA tuôn đổ trên mọi thọ tạo thì chắc chắn sẽ không có người bất hạnh, kẻ tội nhân và người bị bỏ rơi. Nhưng TẤT CẢ cùng quy tụ trong một đàn chiên duy nhất được hướng dẫn và bảo vệ bởi Đấng Chăn Chiên Nhân Lành đã hiến mạng sống vì đàn chiên. Đấng Chăn Chiên Nhân Lành không hiến dâng mạng sống một lần nhưng tiếp tục trao ban Sự Sống mỗi ngày cho tất cả mọi người cho đến tận cùng thời gian.

Sự dữ tràn ngập trái đất vì Kẻ Thù Satan luôn luôn tìm cách gieo rắc chia rẽ và oán thù. Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa nhắc nhở từng tín hữu Công Giáo van xin Lòng Nhân Lành THIÊN CHÚA và mở cửa tiếp rước Đấng là Tình Quân muôn thưở: ”Này đây Thầy đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Thầy và mở cửa, thì Thầy sẽ vào nhà người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Thầy. Ai thắng, Thầy sẽ cho ngự bên Thầy trên ngai của Thầy, cũng như Thầy đã thắng và ngự bên CHA Thầy trên ngai của Ngài. Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” (Khải Huyền 3,20-22).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH nói: Chỉ có Chúa Kitô phục sinh mới khỏa lấp trống vắng trong tâm hồn con người
Jos Tú Nạc, NMS
01:12 17/04/2009
VATICAN CITY – Sự phục sinh của Chúa Ki-tô không phải là một truyền thuyết hoặc truyện thần tiên; đó là một và là sự kiên duy nhất mà đã hủy diệt tận gốc rễ của tội lỗi và có thể khỏa lấp sự trống vắng trong tâm hồn con người, ĐGH Benedict đã phát biểu trong thông điệp Phục sinh của Ngài.

Nhưng Chúa Ki-tô vẫn muốn loài người kiên định chiến thắng của Người bằng việc sử dụng những khí cụ của công lý, chân lý, khoaqn dung và yêu thương để kết thúc nỗi thống khổ ở Châu Phi, xây dựng hòa bình ở Holy Land và đấu tranh với đói nghèo trên toàn thế giới, Ngài đã phát biểu trong thông điệp “urbi et orbi” của mình ngày 12 tháng Tư (tới thành phố và thế giới).

“Châu Phi chịu đựng một cách bất tương xứng từ những cuộc xung đột không kết thúc và tàn khốc, thường bị lãng quên, mà nó đang gây ra quá nhiều thương vong và tàn phá những quốc gia khu vực,” và gia tăng số người châu Phi lâm vào cảnh cướp bóc, đói, nghèo và bệnh tật, ĐGH đã nói trong thông điệp được phát thanh từ Quảng trường Peter tới hàng triệu người trên thế giới.

Ngài nói khi Ngài thăm Holy Land từ ngày 8 – 15 tháng Năm Ngài sẽ “nhắc lại một cách mạnh mẽ một thông điệp tương tự” của sự hòa giải và hòa bình Ngài đã đem đến Châu Phi trong thời gian viếng thăm Cameroon và Angola từ ngày 17 – 23 tháng Ba vừa qua.

Trong lúc hòa giải khó khăn, Ngài nói, đó là một điều tối cần thiết “đưa ra một điều kiện tiên quyết cho một tương lai của tất cả sự an toàn và chung sống hòa bình và nó chỉ có thể được thành tựu qua tái tạo, kiên trì và những nỗ lực nhiệt tình để giải quyết xung đột giữa người Israel và người Palestine.”

ĐGH Benedict đã đọc thông điệp của Ngài và đã đọc lời cầu nguyện trang trọng sau khi cử hành Thánh lễ kỷ niệm Phục sinh buổi sáng tại Quảng trường St. Peter, mà đài phát thanh Vatican đưa tin đã có 100,000 người than dự. Ngài đã gửi lời chào mừng Phục sinh bằng 63 thứ tiếng và động viên, cổ vũ đặc biệt tới những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất ngày 6 tháng Tư và trận động đất nhỏ liên quan ở tỉnh L’Aquila - Ý.

Vào ngày 11 tháng Tư, trước Lễ Phục sinh, ĐGH Benedict đã rửa tội và làm phép chuẩn cho một người nữ và hai người nam từ Ý, một phụ nữ đến từ Trung quốc và Heidi Sierras, một người mẹ 29 tuổi của bốn đứa con từ Modesto, Calif.

Vào nghi lễ buổi chiều tại St. Peter Basilica, ĐGH đã yêu cầu rằng ngọn lửa mong manh và ánh sáng yếu ớt của ngôi lời Thiên Chúa và tình yêu của Người, mà Thiên Chua đã thắp sáng trong mỗi Ki-tô hữu, có thể không bị dập tắt “giữa phức tạp của thời đại này …nhưng nó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, sáng láng hơn bất cứ lúc nào hết, để chúng ta, cùng với Ngài, Có thể là những người của thời đại, những vì sao tỏa sáng thời kỳ của chúng ta trải qua.”

Sáng hôm sau, khi cử hành Thánh lễ Phục sinh, ĐGH đôn đốc những Ki-tô hữu truyền bá hy vọng thế giới về nhu cầu tuyệt vọng.

“Vào lúc lương thực thế giới thiếu hụt, náo động tài chính, những hình thức khổ nghèo xưa và nay, khí hậu xáo trộn thay đổi, những đe dọa khủng bố chưa từng có (và) gia tăng sợ hãi nhiều hơn trong tương lai, nó cần để tái hiện những vùng đất hy vọng,” Ngài nói trong thông điệp Phục sinh.

Sự Phục sinh của Chúa Ki-tô “không phải một truyền thuyết hay một giấc mơ, nó không phải là một ảo ảnh hay điều không tưởng, mà là một sự kiện khác thường và không thể lập lại được” đem ánh sáng đến những nơi tối tăm của thế giới, Ngài nói. “Những cảm giác trống trải, không đinh hướng, mà có xu hướng làm mê hoặc con người, đã bị kiệt quệ bởi ánh sáng và hy vọng phát xuất từ sự Phục sinh,” Ngài nói.

Nhưng trong lúc Chúa Ki-tô phục sinh đã chế ngự cái chết, “vẫn còn rất nhiều, thực tế, quá nhiều dấu hiệu của quyền lực tối cao từ trước,” ĐGH nói. Chúa Ki-tô muốn con người hôm nay cả nam và nữ giúp Người “khẳng định chiến thắng của Người bằng việc dung khí cụ riêng của Người: khí cụ công lý và chân lý, lòng nhân từ tha thứ và yêu thương” và mở ra thứ hy vọng kích thích sự can đảm để làm những điều thiện mà thậm chí nó phải trả một giá rất đắt,” Ngài nói.

Trận động đất ở trung tâm nước Ý không lúc nào nguôi quên trong tâm trí Ngài trong Tuấn Thánh và phụng vụ Phục sinh. Vào lúc kết thúc Chặng Đường Thánh Giá, dưới ánh nến lung linh tại Rome’s Colosseum ngày 10 tháng Tư, ĐGH Benedict một lần nữa kêu gọi cầu nguyện cho những người phải gánh chịu hậu quả của trận động đất

“Chúng ta hãy cầu nguyện trong boáng tối đêm nay, vì sao hy vọng – ánh sáng của Chúa Phục sinh – cũng sẽ xuất hiện đến họ,” Ngài nói.

Dưoi71 tấm vải che trên một ngọn đồi nhìn về phía Coloseum, ĐGH quỳ suốt giờ phụng vụ trong lúc tất cả nam, nữ từ Ý, Ấn độ, cũng như những tu sỹ khó khăn Francis từ Holy Land, trong số họ nang thập giá gỗ màu đen. Sau nơi thương khó thứ 14, DHY Agostino Vallini, chánh xứ Rome cấm Thánh giá tới chỗ ĐGH đứng và giơ cao.

ĐGH Benedict đã phát biểu khi kết thúc nghi lễ: “Chúng ta đã sống lại một sự kiện bi thảm của một con người hiệp nhất trong lịch sử của mọi thời đại, người mà đã thay đổi thế giới không bằng cái chết của những người khác, mà bằng cách đặt chính bản thân Người bị chết treo trên Thập giá.”

“Chúng ta, những người đã phục sinh cùng Chúa Ki-tô qua Phép rửa, bây giờ phải theo Người một cách trung thành tuyệt đối với sự thánh thiện của cuộc sống, đi về hướng Phục sinh vĩnh cửu, duy trì bởi sự nhận thức được rằng những khó khăn, chiến đấu, gian nan thử thách và thống khổ trong cuộc sống của chúng ta – gồm cả cái chết – có thể không còn ngăn cách chúng ta với Người và tình yêu của Người,” ĐGH đã huấn dụ.
 
Các trường học Do Thái tại Israel không được giảng dậy về Thiên Chúa giáo
Bùi Hữu Thư
04:22 17/04/2009

Các trường học Do Thái tại Israel không được giảng dậy về Thiên Chúa giáo



GIÊRUSALEM
(CNS) – Ông Daniel Rossing dùng một chữ để tóm tắt mức độ giảng dậy về Thiên Chúa giáo tại các trường công lập Do Thái: Không (có gì.)

Ông Rossing, giám đốc Trung Tâm Độc Lập Giêrusalem về Tương Quan Do Thái - Kitô giáo.

Ông Rossing, một người Do Thái theo đạo chính thống nói, "Mọi dấu hiệu cho thấy có một sự thiếu hiểu biết sâu rộng về đạo Công Giáo nói chung và đặc biệt là các biến chuyển lớn đã xẩy ra trong Giáo Hội Công Giáo về Do Thái giáo và người Do Thái.”

Ông Rossing được coi là một chuyên gia giảng dậy về Kitô giáo. Trung tâm của ông tổ chức các buổi hội thảo và các khóa học về Kitô giáo và các môn học liên tôn cho các nhóm từ các binh sĩ và giáo viên đến người thường dân Do Thái muốn học hỏi thêm.

Vào tháng 5, Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ đến thăm một quốc gia, nơi người Công Giáo ít hơn 2 phần trăm dân số, nhưng lại là nơi đại đa số dân chúng hầu như không biết gì về Giáo Hội Công Giáo. Ông Rossing cho hay trọng trách lớn nằm nơi giới truyền thông để giải thích lịch sử và tầm quan trọng của cuộc viếng thăm.

Ông Rossing tiếp, khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến thăm Do Thái năm 2000, “giới truyền thông có vẻ bi quan trong thời gian ngay trước cuộc viếng thăm, nhưng trong cuộc viếng thăm, đã có một sự thay đổi hoàn toàn, và các bài báo hết sức tích cực. Có nhiều chương trình truyền hình với những nhân vật quan trọng và trí thức trình bầy."

Ông nói, “Vì sự nhậy cảm của người Do Thái đối với Giáo Hội Công Giáo, một lời nói hay cử chỉ sơ xuất của Đức Thánh Cha Benedict có thể gây nên một xúc động lớn, và làm giảm đi sự chú ý đến các khía cạnh khác của cuộc thăm viếng.”

Trung tâm của ông dự trù tổ chức một buổi hội thảo để chuẩn bị cho giới truyền thông ngay trước khi Đức Thánh Cha đến thăm. Ông cho hay chính phủ Do Thái cũng cảm thấy điều quan trọng là làm sao cho công chúng và giới truyền thông nhìn cuộc viếng thăm với một nhãn quan tích cực.

Ông nói, "Tất cả mọi người đều đang chuẩn bị. Thái độ của công chúng về cuộc viếng thăm tùy thuộc vào cách thức giới truyền thông chú ý đến cuộc viếng thăm nhiều hay ít và có tích cực hay không."

Mới đây trung tâm của ông Rossing và Viện Nghiên Cứu về Do Thái Giáo tại Giêrusalem phổ biến kết quả của một cuộc thăm dò thái độ của người Do Thái đối với Kitô giáo. Ông Rossing nói, vì giới trẻ không biết gì về Kitô hữu và Kitô giáo, ông không ngạc nhiên khi thấy kết quả là giới trẻ Do Thái có khuynh hướng ít chấp nhận các Kitô hữu hơn là những người trên 30 tuổi.

"Giới trẻ từ 18 đến 20 là sản phẩm trọn vẹn của hệ thống giáo dục và không được tiếp xúc với Kitô giáo, trong khi những người lớn tuổi hơn đã có những ảnh hưởng, cơ hội và tiếp xúc nhiều hơn. Nếu chúng ta cũng có một cuộc thăm dò tương tự (về người Do Thái) tại Đức hay Pháp, tôi nghĩ kết quả phải khác xa nhiều lắm.."

Ông Rossing tiếp, “Còn vấn đề chương trình giáo dục về Kitô Giáo, 68 phần trăm các người trả lời là Do Thái không Chính Thống cho hay Kitô giáo cần được giảng dậy trong trường học, 52 phần trăm cho hay Tân Ước cần được học hỏi. Tuy nhiên, 73 phần trăm người Do Thái Chính Thống và 90 phần trăm người Do Thái Chính Thống tuyệt đối lại chống lại việc giảng dậy Kitô giáo trong các trường dưới bất cứ hình thức nào.

Chỉ có 3 phần trăm cho hay họ không có ý kiến. Như vậy dân chúng không hưởng ứng việc này. Hiện nay nếu có gì được dậy đó là Thập Tự Chiến và cuộc đàn áp Inquisition. Không có môn học nào để so sánh các tôn giáo."

Ông nói đa số trẻ em ở tuổi đi học chưa hề nghe nói về một chuyến viếng thăm trước đây của một Giáo Hoàng.

Ông tiếp, “Có nhu cầu khẩn thiết để giáo dục quần chúng. Có một cái gì thiếu sót lớn lao.”
 
Loan báo cho thế giới niềm hy vọng và sự tươi vui phát xuất từ Chúa Kitô phục sinh
Linh Tiến Khải
05:07 17/04/2009
Hãy loan báo cho thế giới niềm hy vọng và sự tươi vui phát xuất từ Chúa Kitô phục sinh. Đức Thánh Cha đã mời gọi hơn 40.000 tín hữu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư 15-4-2009 tại quảng trường thánh Phêrô như trên. Trong các nhóm hiện diện cũng có một phái đoàn Việt Nam do cha Anthony Nguyễn Duy Tường, phó xứ Saint Patrick tại San José, bắc tiểu bang California, hướng dẫn. Ngày 15-4-2009 cũng là sinh nhật thứ 82 của Đức Thánh Cha.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về niềm vui thiêng liêng mà Chúa Kitô phục sinh trao ban cho tín hữu. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói buổi gặp gỡ ngày thứ tư cũng tràn đầy niềm vui mà không có nỗi khổ đau khốn khó nào có thể xóa bỏ được, vì nó phát xuất từ niềm tin chắc chắn Chúa Kitô đã vĩnh viễn chiến thắng sự dữ và cái chết. Niềm vui của Chúa Kitô phục sinh không chỉ kéo dài trong Tuần Bát Nhật mà trải dài ra trong 50 ngày cho tới lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, và trong suốt cuộc sống của kitô hữu.

Các bài đọc kinh thánh của mùa phụng vụ này cống hiến cho tín hữu chất liệu suy niệm giúp đào sâu ý nghĩa và giá trị của lễ Phục Sinh. ”Con đường thập giá” mà chúng ta đã đi trong Tam Nhật Thánh để sống cuộc khổ nạn đớn đau với Chúa Kitô đã trở thành ”con đường ánh sáng” đem lại ủi an trong lễ Vọng Phục Sinh. Dưới ánh sáng của sự phục sinh chúng ta có thể nói rằng toàn con đường khổ đau này là đường của ánh sáng và sự tái sinh tinh thần, con đường của an bình nội tâm và niềm hy vọng vững vàng. Sau tiếng khóc, sau sự lạc lõng của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là sự thinh lặng đợi chờ của Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh và vào rạng đông của ”hôm sau ngày thứ bẩy” đã vang lên lời loan báo Sự Sống đã đã chiến thắng cái chết: ”Chúa sự sống đã chết; nhưng giờ đây sống và chiến thắng!” Cái mới mẻ của sự phục sinh quan trọng tới độ Giáo Hội không ngừng công bố việc kỷ niệm nó mỗi ngày Chúa Nhật. Thật thế mỗi Chúa Nhật là ”ngày của Chúa” và lễ Phục Sinh hằng tuần của dân Thiên Chúa. Vì thế để minh nhiên mầu nhiệm cứu độ tràn ngập cuộc sống thường ngày của chúng ta, các tín hữu Kitô đông phương gọi ngày Chúa Nhật trong tiếng Nga là ”ngày của sự phục sinh” (voskrescénje). Đức Thánh Cha nêu bật tầm quan trọng của sự phục sinh như sau:

Loan báo sự sống lại của Đức Giêsu thành Nagiarét như biến cố thực sự, lịch sử được chứng thực bởi nhiều chứng nhân uy tín vì thế là điều nền tảng đối với lòng tin của chúng ta và đối với chứng tá Kitô. Chúng ta mạnh mẽ khẳng định điều này, vì cả thời nay nữa cũng không thiếu người tìm chối bỏ tính cách lịch sử của nó, bằng cách giản lược trình thuật tin mừng thành một huyền thoại, một ”thị kiến” của các Tông Đồ, bằng cách lấy lại và trình bầy các giả thuyết mòn cũ như là giả thuyết mới và khoa học. Chắc chắn là đối với Đức Giêsu sự phục sinh không phải là một việc đơn thuần trở lại cuộc sống trước đó. Thật thế vì trong trường hợp này thì đó sẽ chỉ là một chuyện của qúa khứ: vì cách đây 2000 năm có một người đã được trở lại cuộc sống trước đó như ông Ladarô chẳng hạn.

Sự phục sinh nằm trên một chiều kích khác: đó là việc bước vào một chiều kích mới mẻ nền tảng, liên quan tới cả chúng ta nữa và liên hệ tới toàn gia đình nhân loại, lịch sử và vũ trụ. Biến cố này đã đưa vào một chiều kích mới mẻ của sự sống, mở rộng thế giới này cho sự sống vĩnh cửu và đã thay đổi cuộc sống của các nhân chứng tận mắt như được chứng minh trong các trình thuật phúc âm và các tài liệu khác của Tân Ước. Nó là một lời loan báo mà nhiều thế hệ dọc dài lịch sử đã tiếp nhận với lòng tin và thường làm chứng bằng chính giá máu của họ, vì biết rằng như thế là họ được bước vào trong chiều kích mới mẻ này của sự sống. Cả trong lễ Phục Sinh năm nay nữa, tại mọi nơi trên trái đất này đã vang lên tin vui không thay đổi nhưng luôn mới mẻ đó là: Đức Giêsu chết trên thập giá đã sống lại, hiện sống hiển vinh, vì Ngài đã đánh bại quyền lực của cái chết đã đem con người vào trong sự hiệp thông mới với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Đó là chiến thắng của lễ Phục Sinh, đó là sự cứu rỗi của chúng ta! Và vì thế chúng ta có thể cùng thánh Agostino hát lên rằng: ”Sự phục sinh của Chúa Kitô là niềm hy vọng của chúng ta”, vì Người dẫn đưa chúng ta vào trong một tương lai mới.

Thật vậy sự phục sinh của Đức Giêsu xây nền cho niềm hy vọng vững vàng của chúng ta và soi sáng toàn cuộc lữ hành của chúng ta trên dương thế này. Lòng tin nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại là trọng tâm của toàn sứ điệp tin mừng, là nõi tủy kinh ”Tin Kính” của chúng ta. Từ kinh tin kính nòng cốt đó chúng ta có thể tìm thấy một kiểu nói uy tín trong một đoạn nổi tiếng của thư thứ I thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô (15.3-8), để trả lời cho vài người trong cộng đoàn tuyên xưng sự sống lại của Chúa Giêsu, nhưng lại khước từ sự sống lại của những người đã chết. Văn bản trung thực truyền lại điều thánh nhân đã nhận được từ cộng đoàn tông đồ liên quan tới cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô bắt đầu với khẳng định long trọng này: ”Thưa chị anh em, tôi xin nhắc lại cho anh chị em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh chị em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó anh chị em được cứu thoát, nếu anh chị em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì có tin cũng vô ích” (1-2). Thánh nhân thêm ngay rằng chính ngài truyền lại cho họ điều ngài đã nhận lãnh. Rồi Đức Thánh Cha nêu bật như sau:

Trước hết thánh Phaolô trình bầy cái chết của Đức Giêsu và đưa ra trong văn bản đơn sơ này hai ghi chú liên quan tới tin “Đức Kitô đã chết”. Thứ nhất là Ngài ”chết vì tội lỗi chúng ta”; thứ hai là ”theo lời Kinh Thánh” (c. 3). Kiểu nói ”theo lời Kinh Thánh” đặt để biến cố cái chết của Chúa Giêsu vào trong tương quan với lịch sử giao ước của Thiên Chúa với dân Ngài trong Cựu Ước, và khiến cho chúng ta hiểu rằng cái chết của Con Thiên Chúa thuộc lịch sử cứu rỗi, và còn hơn thế nữa nó khiến cho chúng ta hiểu rằng lịch sứ ấy nhận được cái luận lý và ý nghĩa của nó từ cái chết này. Cho tới lúc đó cái chết của Đức Kitô đã như là một bí ẩn, không có kết cục chắc chắn. Nhưng trong mầu nhiệm phục sinh các lời của Kinh Thánh được thành toàn, nghĩa là cái chết đã hiện thực theo lời Kinh Thánh ấy là một biến cố đem theo mình một luận lý: cái chết của Chúa Kitô làm chứng rằng Lời của Thiên Chúa đã trở thành ”thịt xác”, đã trở thành ”lịch sử” nhân loại. Qua ghi chú thứ hai chúng ta hiểu biến cố đó đã xảy ra thế nào và tại sao: Chúa Kitỗ đã chết ”vì tội lỗi chúng ta”. Với các lời này văn bản của thánh Phaolô xem ra lấy lại các lời trong bài ca thứ tư của ngôn sứ Isaia: Người Tôi Tở của Thiên Chúa ”đã lột bỏ chính mình cho tới chết”, đã mang lấy ”tội lỗi của nhiều người”, và khi bầu cử cho ”các người có tội”, Ngài đã có thể đem lại sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa. Như thế cái chết của Ngài chấm dứt cái chết; con đường Thập giá đem lại sự phục sinh.

Tiếp đến thánh Phaolô đề cập tới sự phục sinh của Chúa Kitô vào ”ngày thứ ba theo lời Thánh Kinh”. Nhiều nhà chú giải cho rằng nó có ý nghĩa như trong Thánh Vịnh 16: ”Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ” (TV 16,10). Đây là một trong các văn bản hay được Kitô giáo thời tiên khởi dùng để chứng minh cho tính cách cứu thế của Đức Giêsu. Vì theo sự giải thích của người do thái sự rữa nát của thân xác bắt đầu vào ngày thứ ba. Và lời Kinh Thánh ứng nghiệm nơi Đức Giêsu là Đấng đã sống lại ngày thứ ba, nghĩa là trước khi thân xác bắt đầu rữa nát. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng chiến thắng của Chúa Kitô xảy ra qua sức mạnh tạo dựng của Lời Chúa. Quyền năng đó của Thiên Chúa đem lại hy vọng và niềm vui: và đó là nội dung giải phóng của mạc khải phục sinh. Trong lễ Phục Sinh Thiên Chúa tự tỏ hiện và quyền năng tình yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa hủy diệt các sức mạnh phá hoại của sự dữ và cái chết. Chúng ta hãy để cho ánh quang của Chúa phục sinh soi chiếu và tiếp đón Chúa với lòng tin như các chứng nhân đầu tiên xưa kia như thánh Phaolô và loan báo tin vui phục sinh cho mọi người.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Slovac, Croat và tiếng Ý. Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Ý Đức Thánh Cha đã đặc biệt chào một nhóm các Phó Tế dòng Tên và thân nhân về Roma hành hương. Ngài cũng chào đông đảo các bạn trẻ thuộc tổng giáo phận Milano, đang chuẩn bị cho lễ tuyên xưng lòng tin sau khi lãnh bí tích Thêm Sức. Ngài cũng cầu chúc các bệnh nhân và các cặp vợ chồng mới cưới để cho ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh chiếu sáng cuộc đời và sống kinh nghiệm niềm vui phát xuất từ sự hiện diện của Ngài.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
 
Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh phê bình Quốc Hội Bỉ chỉ trích Đức Giáo Hoàng
LM Trần Đức Anh, OP
16:24 17/04/2009
VATICAN -. Phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh phê bình Quốc hội Vương Quốc Bỉ đã chỉ trích ĐTC về những lời tuyên bố của ngài về việc sử dụng túi cao su trong việc phòng ngừa bệnh Sida.

Trong thông cáo công bố hôm 17-4-2009, Phủ Quốc Vụ khanh Tòa Thánh cho biết:

”Đại sứ Vương Quốc Bỉ, theo lệnh của Bộ ngoại giao, đã chuyển tới Đức TGM ngoại trưởng Tòa Thánh nghị quyết của Hạ viện Bỉ yêu cầu chính phủ nước này ”Lên án những lời tuyên bố không thể chấp nhận được của ĐGH nhân dịp cuộc viếng thăm của ngài tại Phi châu và chính thức phản đối với Tòa Thánh”. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra ngày 15-4 vừa qua.

”Phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh đau buồn ghi nhận hành động đó, một hành động lạ thường trong quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Vương Quốc Bỉ. Phủ quốc vụ khanh than phiền vì một Quốc hội đã nghĩ là nên phê bình ĐTC, dựa trên một sự trích dẫn cuộc phỏng vấn bị cắt xén, rút ra khỏi văn mạch, được một vài nhóm sử dụng với ý đồ hăm dọa rõ ràng, như thể thuyết phục ĐGH đừng bày tỏ lập trường về một số đề tài có tầm quan trọng rõ ràng về luân lý, và đừng giảng dạy đạo lý của Giáo Hội.”

”Như đã biết, khi trả lời một câu hỏi về hiệu năng và tính chất thực tiễn của lập trường Giáo Hội liên quan tới cuộc chiến chống bệnh Sida, ĐTC đã tuyên bố rằng cần phải tìm giải pháp cho vấn đề này trong hai chiều hướng: một đàng là trong sự nhân bản hóa tính dục, và đàng khác là trong tình bạn chân thành và sự sẵn sàng đối với những người đang chịu đau khổ, ngài nhấn mạnh sự dấn thân của Giáo Hội trong hai lãnh vực. Nếu không có chiều kích luân lý và giáo dục, thì cuộc chiến chống Sida sẽ không thể thắng được.

Phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh nhận xét rằng: ”Trong khi tại một số nước Âu Châu đã bùng lên một chiến dịch truyền thông chưa từng có về giá trị trổi vượt, nếu không muốn nói là tuyệt đối, của túi cao su trong cuộc chiến chống Sida, thì thật là điều an ủi khi nhận thấy rằng những nhận xét thuộc phạm vi luân lý do ĐTC khai triển đã được hiểu và đánh giá cao, nhất là các nước Phi châu và những người bạn chân thành của Phi châu. Như người ta có thể đọc thấy trong tuyên ngôn mới đây của Liên HĐGM miền Tây Phi châu (Cerao) khẳng định rằng: ”Chúng tôi cám ơn vì sứ điệp hy vọng mà ĐTC đã đến để ủy thác cho chúng tôi tại Camerun và Angola. Ngài đã đến khích lệ chúng tôi sống hiệp nhất, hòa giải trong công lý và hòa bình, để chính Giáo Hội tại Phi châu trở thành ngọn lửa hy vọng nồng nhiệt cho cuộc sống của toàn thể đại lục. Và chúng tôi cám ơn ngài vì đã tái đề nghị cho tất cả mọi người, một cách tế nhị, rõ ràng và tinh tế, giáo huấn chung của Giáo Hội trong vấn đề mục vụ các bệnh nhân Sida”. (SD 17-4-2009)

Mặt khác, Bà Bộ trưởng nội vụ Pháp, Michèle Alliot-Marie, đã bênh vực lập trường của ĐTC.

Trong thư gửi tới ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris, Chủ tịch HĐGM Pháp, bà Alliot-Marie viết rằng ”Lời ĐTC Biển Đức 16 đáng được hiểu trong tất cả sự phức tạp của vấn đề, đứng trước những trình bày nhiều khi vội vã và giản lược hóa một cách sai trái về những lời của ngài..” Bà cũng chúc mừng GIáo Hội về những suy tư liên quan đới việc duyệt lại các luật về luân lý sinh học ở Pháp.

Trong thư phúc đáp, ĐHY Vingt-Trois viết: ”Tôi đặc biệt đánh giá cao sự quan tâm của Bà muốn thấy con người của ĐTC Biển Đức 16 được tôn trọng và lời của ngài được đặt trong bối cảnh với những sắc thái riêng”.

ĐHY cũng lên án sự kiện có quá nhiều chính trị gia tham gia cuộc tranh luận về vấn đề này mà không có sự phân định cần thiết (Le Figaro 17-4-2009)
 
Chuyến viếng thăm Thánh Địa của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI
Thúy Dung
16:37 17/04/2009
Phòng Báo Chí Tòa Thánh vừa công bố chương trình chi tiết chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bê nê đíc tô 16 tại Thánh Địa từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 15 tháng 5. Chuyến viếng thăm lần đầu tiên của ngài tại vùng đất khói lửa mịt mù này với tư cách Giáo Hoàng sẽ gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm nước Jordan. Trong số những nơi Đức Thánh Cha viếng thăm, đáng kể nhất là Đền Kỷ Niệm ông Môsê trên núi Nebo và Đền thờ Hồi Giáo Vua Hussein. Đây là một đền thờ Hồi Giáo cấp quốc gia tại thủ đô Amman.

Giai đoạn thứ hai Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Do Thái và Palestine. Tại đây Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Bảo Tàng Viện Yad Vassem là trung tâm tưởng niệm các nạn nhân người Do Thái bị Đức Quốc Xã tàn sát trong thế chiến thứ hai. Đức Thánh Cha cũng sẽ viếng thăm Nazareth và Bethlehem là những thánh tích quan trọng của Kitô Giáo. Tại Bethlehem, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ với chủ tịch Palestine.

Trong cuộc gặp gỡ gần đây với các Rabbi Do Thái tại Rôma, Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng chuyến hành hương của ngài tại Do Thái và Palestine sẽ củng cố thêm sự hiểu biết chung giữa 3 tôn giáo độc thần là Kitô Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha trong thời gian gần đây đã gặp một số khó khăn xuất phát từ việc tha vạ tuyệt thông cho bốn Giám Mục thuộc Huynh Đoàn Piô X trong đó có Giám Mục Richard Williamson là người đã phủ nhận biến cố tàn sát người Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã.

Trong cuộc gặp gỡ với đại diện các tổ chức Do Thái Giáo đến từ Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha đã khẳng định Giáo Hội chống lại tất cả các hình thức bài Do Thái. Ngài nhấn mạnh rằng thù hận thể hiện nơi vụ tàn sát người Do Thái trong thời Đức Quốc Xã là một tội ác chống lại Thiên Chúa và nhân loại, và trang sử thê thảm này không thể bị quên lãng. Theo Đức Thánh Cha, cần phải làm cho ký ức về thảm kịch này tăng cường các mối quan hệ giữa Kitô Giáo và Do Thái Giáo và đào sâu ao ước chữa lành mọi vết thương.

Đức Thánh Cha cũng đã nhắc lại một vài đoạn trong bài diễn văn ngài đã đọc tại trại tập trung Auschwitz hôm 28 tháng 5 năm 2006.

Tại địa điểm này Đức Thánh Cha đã nói như sau:

"Nơi chúng ta đang đứng đây là một nơi đáng ghi nhớ. Đây là địa điểm tàn sát người Do Thái. Quá khứ không bao giờ chỉ đơn thuần là quá khứ. Nó luôn luôn có một điều gì đó muốn nói với chúng ta. Nó khuyên chúng ta con đường phải chọn và những nẻo đường phải tránh xa.

Cũng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tôi đã từng đi dọc theo những hàng bia bằng nhiều ngôn ngữ được dựng lên để tưởng nhớ những người đã chết nơi đây: những bia mộ bằng các thứ tiếng như Bạch Nga, Tiệp Khắc, Đức, Pháp, Hy Lạp, Do Thái vân vân.

Tất cả những bia mộ này nói lên nỗi thống khổ của nhân loại và cho chúng ta thấy sự lên án một chế độ đối xử với con người không khác gì là đồ vật, và thất bại không nhìn thấy nơi con người hình ảnh của Thiên Chúa.

Nhiều bia mộ là những nhắc nhở sâu sắc. Có một mộ bia như thế viết bằng tiếng Do Thái. Những kẻ cầm quyền trong Đại Đế Quốc Đức Thứ Ba đã muốn nghiền nát toàn thể dân tộc Do Thái, muốn loại trừ dân tộc ấy khỏi sổ bộ của các dân tộc trên thế giới. Thật là ứng nghiệm cách kinh hoàng lời Thánh Vịnh: “Chúng ta bị đưa đi giết như cừu non cho kẻ sát nhân”.

Sâu thẳm trong lòng, những kẻ tội phạm dã man này, khi quyết tâm xóa sạch dân tộc này, đã muốn giết chết Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi Áp ra ham, Đấng đã phán trên núi Sinai và thiết đặt những nguyên tắc dẫn dắt nhân loại. Đó là những nguyên tắc có giá trị muôn đời. Nếu dân tộc này, mà chính sự tồn tại của nó đã là một chứng tá cho Thiên Chúa - Đấng đã nói với nhân loại và dẫn đưa chúng ta về với Người, bị hủy diệt thì Thiên Chúa cuối cùng phải chết và quyền lực phải thuộc về nhân loại, thuộc về những kẻ sử dụng bạo lực để chứng tỏ cho thấy họ mới là chủ tể của thế giới.

Bằng cách hủy diệt dân tộc Do Thái, bằng cách dựng lên những trại tàn sát, tối hậu họ muốn xé nát nguồn cội của niềm tin Kitô và thay thế bằng một niềm tin do chính họ sáng tạo ra: là niềm tin nơi sự lãnh đạo của con người, nơi quyền lực."
 
Top Stories
Pope Benedict XVI spends 82nd birthday resting
Earth Times
03:55 17/04/2009
Castel Gandolfo, Italy - Following a week of intense Easter festivities, Pope Benedict XVI was set Thursday to spend his 82nd birthday resting at the papal residence of Castel Gandolfo in the hills south of Rome. The low-key commemoration contrasted with April 16, 2008 when Benedict, who was on an apostolic visit to the US, was feted in Washington by then US president George W Bush.

On that occasion a choir sang "Happy Birthday" for the pontiff on the White House lawn.

In March this year Benedict made his first trip to Africa as pontiff when he visited Cameroon and Angola, while his next trip abroad is scheduled in May when he will travel to Jordan, Israel and the Palestinian Territories.

Before then, he is expected to visit Italy's central Abruzzo region which last week was struck by a devastating earthquake in which almost 300 people were killed.

Unlike many other monarchies, Vatican City state does not officially celebrate birthdays of popes but holds public holidays to mark the anniversary of their election.

Benedict who took that name following his election on April 19, 2005, was born as Joseph Ratzinger in the town of Marktl am Inn, Bavaria, Germany.
 
VIETNAM: Comme à Noël, les chrétiens de Son La ont été empêchés de célébrer les fêtes de Pâques
Eglises d'Asie
14:20 17/04/2009
La situation religieuse, en milieu ethnique, n’évolue pas partout de la même façon. Alors que les responsables catholiques de la région des Hauts plateaux du centre constatent une amélioration sensible lors des fêtes de Pâques, la communauté chrétienne de Son La s’est heurtée comme à Noël à la décision arbitraire des autorités leur interdisant de se rassembler pour les fêtes. À Noël, le président du comité populaire du lieu avait décrété le couvre-feu pour toute la nuit. À Pâques, les faits se sont répétés.

Le dimanche de Pâques le P. Nguyên Trung Thoai, conformément à la mission que lui avait confiée son évêque, s’est présenté à Son La pour y accomplir son ministère. Pour l’accueillir, les fidèles s’étaient rassemblés devant une maison chrétienne, dans le quartier « Quyêt Thang », lieu pour lequel avait été décrété le couvre-feu le jour de Noël. Les autorités locales avaient, elles aussi, mobilisé des dizaines de personnes (portant lunettes noires) pour empêcher le prêtre et les fidèles de célébrer Pâques. Mais, contrairement à ce qui s’était passé à Noël dernier, la foule des fidèles (une centaine) a réagi et a protégé le prêtre qui a pu rentrer à l’intérieur de la maison prévue pour le culte. Mais la troupe mobilisée par les autorités a pénétré à sa suite et l’a empêché de célébrer la messe et d’accomplir son ministère La scène s’est passée en plein jour au vu et au su de toute la population chrétienne et non chrétienne du lieu.

On a appris par la suite, que dans les jours qui ont suivi Pâques, le 13 et le 14 avril, une délégation de la sécurité conduite par un général devait se rendre à Son La pour une enquête. Les choses en sont à ce point.

Légende photo: Affrontements de chrétiens et de la troupe mobilisée par les autorités. ©VietCatholic News

(Source: Eglises d'Asie, 17 avril 2009)
 
VIETNAM: Les fêtes de Pâques sur les Hauts plateaux du Vietnam du centre, racontées par deux témoins privilégiés
Eglises d'Asie
14:22 17/04/2009
Les fêtes de Noël et de Pâques sont une, bonne occasion pour juger de la situation religieuse dans les régions habitées par les ethnies minoritaires dont les activités religieuses sont soumises au contrôle tout particulier du pouvoir. Cette année, au lendemain de Pâques, Radio Free Asia a recueilli, sur les Hauts plateaux du centre, les confidences de deux témoins privilégiés, une religieuse et un prêtre (1). L’un et l’autre parlent d’une certaine amélioration de la situation, ce qui contraste avec les nouvelles diffusées sur Internet, concernant la communauté chrétienne de Son La, dans la région montagneuse du nord-ouest du pays (2).

Selon les déclarations d’une religieuse montagnarde, dans le diocèse de Kontum, les églises ne manquent pas. Elles sont même relativement nombreuses. Mais, toutes ne sont pas autorisées par les autorités civiles à accueillir les fidèles pour les fêtes de Pâques. Les prêtres voulant célébrer ces fêtes dans un quelconque lieu de culte sont obligés de solliciter l’autorisation du pouvoir local qui l’accorde ou la refuse. Les rares églises qui reçoivent cette autorisation sont alors envahies par une foule de catholiques montagnards venus en masse après avoir parcouru quelquefois une centaine de kilomètres et campant auprès du lieu de culte quelques jours avant la fête.

Un prêtre qui a exercé son ministère sur les hauts plateaux lors des récentes fêtes de Pâques a déclaré que, cette année, les autorités civiles ont été un peu plus généreuses et ouvertes que les années précédentes. Certains lieux de culte situés aux frontières du Laos et du Cambodge ou dans des régions jugées peu sûres étaient jusqu’ici interdits aux prêtres. Parmi les lieux inaccessibles aux prêtres se trouvaient les villages dits « révolutionnaires ». Ils s’étaient rangés du côté de la Révolution bien avant 1975 et ont été, de ce fait, soumis à des contraintes idéologiques plus sévères. Cette année des ministres du culte ont pu se rendre plus facilement dans ce type de village, dans les districts de Dac Ha de Dac Tô, par exemple.

Selon le prêtre la raison de ce changement d’attitude des autorités tient au fait qu’elles redoutaient les immenses rassemblements de montagnards autour de la cathédrale de Kontum lors des grandes fêtes et les troubles qu’ils auraient pu engendrer. Pour les éviter, le pouvoir s’est résolu à autoriser les cérémonies de Pâques dans un certain nombre de lieux de culte de la province. Lors des cinq années précédentes, il y avait une église ouverte pour six districts. Désormais, chacun d’entre eux en possède une et quatre prêtres y travaillent à plein temps.

Cependant beaucoup d’églises sont restées fermées. Selon le prêtre, en plus des raisons citées plus haut, il existe un motif très fréquent poussant les autorités à interdire les cérémonies religieuses dans certains lieux: les conflits quelquefois très vifs existant entre la population et le pouvoir local à propos d’expropriations de terrain. Ces conflits existent partout, ajoute le prêtre, et non seulement sur les Hauts plateaux.

Par ailleurs, le prêtre a parlé de la suspicion et de la discrimination dans lesquels étaient tenus les croyants par le pouvoir local. Lorsque les fidèles montagnards, après avoir participé aux fêtes de Pâques dans un lieu de culte autorisé, revenaient dans leur village, ils ont souvent été l’objet de représailles, soumis à des amendes pour s’être absenté sans permission. Selon le prêtre; cette animosité des autorités contre les croyants a perdu aujourd’hui de sa gravité.

(1) Radio free Asia, émission en vietnamien du 14 avril 2009.
(2) VietCatholic News, Voir la dépêche EDA suivante.

(Source: Eglises d'Asie, 17 avril 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chủng sinh khoa Triết ĐCV Hà Nội hành hương lên Lạng Sơn
Trần Quang
01:05 17/04/2009
LẠNG SƠN - Ngày 13 tháng 04 năm 2009, trong tâm tình hân hoan mừng Chúa Phục sinh, 94 anh em chủng sinh Khoa Triết Đại Chủng Viện Hà Nội cùng với quý Cha giáo đã có một chuyến hành hương Phục sinh thật ý nghĩa tại giáo phận Lạng Sơn.

Xuất phát lúc 5h00 sáng, đoàn đã đến Tòa giám mục Lạng Sơn để chào Bề trên và thăm quan Tòa giám mục. Trong cuộc gặp gỡ, Cha tổng đại diện giáo phận Lạng Sơn đã cho anh em chủng sinh biết thêm nhiều thông tin về giáo phận Lạng Sơn và công cuộc truyền giáo tại đây. Ngài cũng mời gọi anh em cầu nguyện nhiều hơn cho Giáo phận Lạng Sơn – một giáo phận còn rất nhiều bộn bề cần giải quyết.

Tiếp đến, quý cha giáo và anh em chủng sinh đã cùng nhau hiệp dâng Thánh lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa Lạng Sơn. Thánh lễ do cha Vincent Phạm Đình Khoan – linh hướng Đại Chủng Viện Hà Nội – chủ tế cùng với quý cha giáo đồng tế. Trong thánh lễ, ngài mời gọi cộng đoàn phụng vụ cầu nguyện đặc biệt cho Giáo phận Lạng Sơn.

Bữa cơm thân mật ngay sau đó tại nhà cơm Tòa Giám mục Lạng Sơn tuy đơn sơ nhưng thắm đượm tình thân hữu.

Buổi chiều, đoàn hành hương đã đi tham quan những địa danh nổi tiếng ở Lạng Sơn như: Chùa Tam Thanh, Núi Nàng Tô Thị, Chợ Đông Kinh…

Trước khi kết thúc chuyến hành hương, quý Cha giáo và anh em chủng sinh đã đến thăm và dùng cơm tối tại giáo xứ Mỹ Sơn. Tại đây, đoàn đã được cha xứ và giáo dân đón tiếp trong niềm vui và sự quý mến.

22h00, đoàn đã về lại Cộng Đoàn Nhà Đức Mẹ La Vang – Cổ Nhuế, kết thúc tốt đẹp chuyến hành hương Phục Sinh.

Xin tạ ơn Chúa về một chuyến hành hương tốt đẹp với biết bao điều ích lợi còn đọng lại nơi anh em chủng sinh. Xin Chúa cũng chúc lành cho Quý Bề Trên và giáo dân giáo phận Lạng Sơn.
 
Tân Giáo Xứ Phúc Yên - giáo phận Vinh - mừng Lễ Phục Sinh đầu tiên
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
01:27 17/04/2009
VINH - Từ lâu tôi đã được nghe nói nhiều về cộng đoàn Phúc Yên, về lòng đạo đức và tâm huyết đối với Giáo hội của bà con nơi đây. Dịp Phục Sinh năm nay, tôi thật may mắn khi được về Phúc Yên tham dự cử hành Tam Nhật Thánh và hiệp thông cùng cộng đoàn Phúc Yên mừng Chúa Phục Sinh. Với Đại gia đình Phúc Yên, đây là dịp đặc biệt đáng lưu vào trang sử quê hương: lần đầu tiên Lễ Phục Sinh được cử hành tại ngôi thánh đường Phúc Yên thân yêu. Tân Giáo xứ Phúc Yên được chính thức thành lập từ tháng 8 năm 2008.

Giáo xứ Phúc Yên nằm trên địa bàn xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Nằm về phía tả ngạn Sông Lam, do ở sát bờ sông, hàng năm người dân Phúc Yên phải hứng chịu nhiều thiên tai lụt lội. Theo Kỷ yếu Phúc Yên ghi lại: Tân giáo xứ Phúc Yên ngày nay được hình thành vào khoảng năm 1800. Khởi đi từ thời điểm này, cộng đoàn Phúc Yên đã trải qua nhiều bước thăng trầm do thiên nhiên và lịch sử. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, người dân Phúc yên vẫn một lòng kiên trung sống đạo, yêu mến Chúa và Giáo hội sắt son, can đảm giữ gìn mảnh đất cha ông đã gây dựng.

Nguyên là giáo họ trực thuộc xứ mẹ Văn Thành, nằm bên kia sông Lam. Suốt những năm tháng dài, kể từ khi sáp nhập vào Văn Thành (1922), bà con Phúc yên đã hy sinh cao độ, vượt qua bão tố mưa sa trên những chuyến đò sang sông dự lễ, đọc kinh tại nhà thờ xứ. Thời gian gần đây, khi đã hội tụ đủ các điều kiện chính yếu cho việc chia tách xứ, giáo dân Phúc Yên đã trình bày nguyện vọng được lập xứ mới lên Bề trên Giáo phận, và bà con đã được thoả chí toại lòng. Ngày 29 – 08 – 2008, giáo dân Phúc Yên đã vinh dự tổ chức mừng biến cố trọng đại: Kỷ niệm 200 năm thành lập Giáo họ và mừng ngày thành lập Tân Giáo xứ Phúc Yên.

Ngày Thứ sáu Tuần Thánh (10 – 4 – 2009), cộng đoàn Phúc Yên đã cùng tham dự giờ suy ngắm trọng thể các chặng đường thánh giá mà Đức KiTô đã đi qua. Bên thập giá Chúa, dừng lại ở các điểm chính trong hành trình khổ nạn của Ngài, cộng đoàn đã cùng cất lên: “...Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi... xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang”. Những tháng ngày qua, thực sự giáo dân Phúc Yên đã cảm nghiệm và sống sứ điệp của tình yêu thập giá. Mỗi chặng đường mà người dân Phúc Yên đã trải qua đều chất chứa những dấu ấn đau thương, khổ nhục, “hằn vết thê lương”... mà Thầy Chí Thánh đã từng vui chịu vì Yêu.

Thánh lễ Vọng Phục Sinh là thời khắc xúc động khó tả đối với giáo dân Phúc Yên. Mỗi người trong số họ không khỏi bồi hồi khi được quy tụ bên nhau trong ngôi thánh đường mà chính bàn tay họ đã dày công kiến tạo, đang bừng sáng lên bởi ánh nến Phục Sinh. Hoà mình trong ánh sáng của Đấng đã khải hoàn vinh thắng, cộng đoàn Phúc Yên cùng “...Nguyện xin cho cây nến này dâng Chúa đây luôn luôn được toả sáng, phá tan mọi bóng tối đêm nay...”. Trong niềm hy vọng Phục Sinh, mỗi con tim Phúc Yên cùng thắp lên ngọn nến của Sự Thật – Công Lý và Hoà Bình, mong muốn được góp phần mình để kiến tạo các giá trị ấy.

Sau thánh lễ Vọng Phục Sinh, nhiều giáo dân Phúc Yên đã vui sướng bộc lộ cảm xúc với tôi: “Cũng vào giờ này năm trước, chúng con phải vất vả lặn lội giữa đêm khuya để qua sông dự lễ... Giờ được thế này quả thật Chúa thương chúng con nhiều quá !”, “Khi những ngọn nến được thắp sáng lên, con thấy sao mà yêu quê hương Phúc Yên, yêu nhà thờ Phúc Yên tha thiết đến vậy !”, “Đây là Lễ Phục Sinh đẹp nhất trong đời con !”...

Trong thánh lễ sáng Chúa Nhật Phục Sinh, nhiều người con của Phúc Yên đang học tập, làm việc tại những nơi xa cũng về kịp để dự lễ Phục Sinh đầu tiên tại giáo xứ nhà. Trước đông đảo bà con giáo dân, Cha Gioan Nguyễn Hồng Pháp (Giáo sư ĐCV Vinh Thanh) chủ sự thánh lễ, đã khen ngợi và bày tỏ niềm khâm phục trước tinh thần sống đạo mạnh liệt, lòng thao thức, trăn trở của giáo dân Phúc Yên với công cuộc mở mang nước Chúa, với bao khó khăn thúc bách mà Giáo hội đang đối diện. Trong bài giảng lễ, sau khi nêu lên các bằng chứng thuyết phục của niềm tin, chứng minh sự Phục sinh đích thực của Đức KiTô, Cha Gioan đã kêu mời cộng đoàn Phúc Yên hãy đặt niềm xác tín tuyệt đối vào Đấng Phục Sinh như các tông đồ xưa, và mong muốn mỗi người hãy can đảm tiếp tục lên tiếng bênh vực và làm chứng cho Sự Thật; vì “chỉ có Sự Thật mới giải phóng chúng ta ra khỏi bóng đêm tội lỗi và sự chết, mới cứu thoát con người khỏi đau thương, bất công, và oan nghiệt !...”.

Không ngừng đồng hành với Đức KiTô trên hành trình thập giá, hôm nay, cộng đoàn Phục Yên đang được diễm phúc thông chia niềm vui Phục Sinh với Ngài. Từ con số nhân danh 50 ngày khai sinh, giờ đây Đại gia đình Phúc Yên đã quy tụ số thành viên hơn 1000. Từ ngôi nhà nguyện nhỏ đơn sơ bằng tranh nay bà con đã có được ngôi nhà thờ kiên cố, có khuôn viên khang trang, nhà phòng rộng rãi... Những bậc cha mẹ luôn là tấm gương sáng về đời sống đạo đức và tinh thần phục vụ cho con cái mình. Mới được thành lập, nhưng dường như Hội Bác Ái của giáo xứ đã có một bề dày trong việc cứu giúp, nâng đỡ tha nhân, tích cực tham gia công cuộc bác ái của Giáo Hội và xã hội. Người dân Phúc Yên rất năng động trong công việc mưu sinh và bén nhạy trước thời cuộc. Dù đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng các bậc cha mẹ đã lo lắng cho con cái mình được vươn xa, vươn cao. Hiện nhiều bạn trẻ trong giáo xứ đã có cuộc sống ổn định tại nước ngoài; nhiều bạn đang làm việc học tập tại các thành phố lớn trong nước và khá thành đạt. Thật đáng ghi nhận khi được biết, một số bạn trẻ Phúc Yên đã và đang sẵn sàng lên đường theo đuổi ơn gọi tận hiến phục vụ, có những bạn là thành viên của nhóm bảo vệ sự sống... Được Bề trên giao phó kiêm nhiệm Phúc Yên, Cha Giuse Trần Đức Ngợi đang chú tâm khơi dậy tiềm năng tinh thần sống đạo nơi đây. Ngoài bổn phận thường xuyên qua Phúc Yên cử hành Phụng Vụ, trao ban Bí Tích, Cha còn quan tâm tới việc thăng tiến nhận thức, trình độ văn hoá và giúp mọi thành viên trong cộng đoàn sớm hội nhập vào nếp sống văn minh của toàn xã hội. Những tín hiệu này cho thấy, tân Giáo xứ Phúc Yên đang trên bước đường khởi sắc.

Tạm biệt Phúc Yên, tôi thầm cám ơn Chúa đã cho tôi được sống những ngày hồng phúc trong tuần thực tập mục vụ tại đây. Ấn tượng về Tân Giáo xứ Phúc Yên mừng lễ Phục Sinh đầu tiên thật sâu sắc và đẹp đẽ trong tôi. Vui cùng Phúc Yên, tôi nghĩ nhiều về bổn phận của mình: Sống và đem hy vọng của Đức KiTô Phục Sinh đến cho muôn người !

Phúc Yên ơi, ta cùng nhau bước nhé,

Bước tung gieo hạnh phúc yêu thương

Đức KiTô Vinh Thắng đã mở đường

Đường Công Lý, Hoà Bình và Sự Thật

Trong ngày mới nào lên đường ca hát

Khúc trẻ trung, khúc thơm hương xứ nhà

Đấng Phục Sinh đang sánh bước cùng ta

Sống cho Người và sống cho nhau nhé
!!!
 
Trong thánh lễ Vọng Phục Sinh, một cô gái xông vào nhà thờ lớn Hà Nội!
Nguyễn Văn Biển
01:53 17/04/2009
HÀ NỘI - Vào lúc 22g30 ngày thứ 7 tức là đêm Lễ Vọng Phục Sinh khi cộng đoàn giáo dân khoảng 3000 người ngồi trong nhà thờ và ngồi ngoài nhà thờ đang hát kinh: Đây Chiên Thiên Chúa gần chấm dứt. Mọi người đang âm thầm cầu nguyện thì lối giữa phía cuối nhà thờ có một phụ nữ khoảng 25 đến 28 tuổi, cao khoảng 1m70. Tóc quăn ngang vai màu nâu (xin xem ảnh) đi rất nhanh tiến lên phía gian cung thánh hướng về phía đức Tổng Giám Mục Hà Nội, lập tức bị một số giáo dân khống chế đưa ra ngoài nhà thờ.

Trong khi bị đưa ra ngoài nhà thờ đối tượng này đòi quay lại và thở ra nồng nặc mùi rượu. Tại ngã tư phố Nhà Chung và Lí Quốc Sư có hai phụ nữ ngồi trên xe máy đợi sẵn.

Tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội trên 100 năm nay chưa bao giờ xảy ra việc này. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đối với người công giáo. Động cơ nào khiến cô gái ấy và những ai đứng sau xui khiến cô gái ấy làm việc này vì đây là một việc làm có tính toán rất chính xác về thời gian, địa điểm của cô gái này. Chúng tôi sẽ quay lại việc này trong bài sau.
 
Lễ an tháng một linh mục cả cuộc đời dấn thân phục vụ tại giáo phận Vinh
Trần Dũng
02:45 17/04/2009
THUẬN NGHĨA - Vào lúc 13h ngày 13/4/2009, lại thêm một khoảng lặng trầm buồn khi những hồi chuông đổ dồn loan tin linh mục Giuse Nguyễn Quang Nam đã về với Chúa. Khép lại hành trình 79 năm cuộc đời trần thế, 45 tuổi đời linh mục là một di sản tinh thần vô giá - di sản được định hình và hun đúc trong huyết lệ tủi sầu…

Xem hình ảnh

Những ngày trung tuần của tháng 4 đang trôi đi với khá nhiều biến cố. Liên tiếp trong những ngày qua, 12 và 13/4/2009, giáo phận Vinh đau buồn tiễn đưa hai người con ưu tú, những mục tử đã sống can đảm và trọn vẹn cho lý tưởng dấn thân. Chúng tôi về giáo họ Đập Đanh (giáo xứ Cồn Cả, giáo hạt Thuận Nghĩa), nơi quàn linh cữu cha già Giuse, để thắp cho ngài nén nhang tiễn biệt.

Ngược dòng thời gian, tìm về những năm tháng nhọc nhằn của một đời người, để thêm một lần cảm nghiệm sâu xa hơn về sự kỳ lạ của ơn gọi dâng hiến. Linh mục Giuse Nguyễn Quang Nam sinh ngày 16/5/1930 tại giáo họ Mỹ Thịnh, xứ Thanh Tân, hạt Bột Đà (xã Hiến Sơn, Đô Lương, Nghệ An) trong một gia đình đạo hạnh. 12 tuổi, cha già vào trường tập Xuân Phong (Diễn Châu), bắt đầu những chặng đường thăng trầm mới. Năm 1964, cha Giuse lãnh nhận thiên chức linh mục sau khi đã trải qua những trở ngại, gián đoạn khác nhau. Nhưng niềm vui của hồng ân cao quý ấy đã không thể trọn vẹn trong suốt 21 năm bị quản thúc sau đó tại quê nhà. Những năm cuối của thập niên 90, ngài mới thực sự bước vào cánh đồng truyền giáo bao la của giáo phận. 24 năm của một khúc quanh mới là quãng thời gian ngài hăng say phục vụ đến quên mình: 1985-1986 (phó xứ Đông Tháp), 1987-1994 (quản xứ Hậu Thành kiêm xứ Quy Hậu), 1994-1998 (quản xứ kiêm hạt Vạn Lộc), 1998-2002 (quản xứ Quy Chính kiêm hạt Vạn Lộc), 2002-2008 (quản xứ Đức Lân kiêm xứ Vĩnh Hoà)…

Đi dọc diễn trình ấy là hình ảnh của một con người với những cốt cách rất đáng trân trọng, là dấu ấn về vị mục tử nhân hiền, trung thành và tận tụy. Non nửa thế kỷ qua, với những thang trật mục vụ khác nhau đã đủ để minh chứng thuyết phục cho tình yêu tận hiến mà suốt đời ngài dấn thân không mỏi. Ở tuổi 79, ngài đã vĩnh viễn ra đi, giữa tuổi già và di chứng của bệnh tật, để lại sự tiếc thương vô hạn cho linh mục đoàn và giáo dân khắp địa phận.

Trong ngôi thánh đường ấm cúng, thi hài cha già Giuse nằm đó, khuôn mặt phúc hậu và thanh thản, mặc cho ngoài kia gió mưa giăng mắc. Từ chiều ngày 13/4, các thánh lễ, các buổi đọc kinh, cầu nguyện diễn ra liên tục. Linh tộc con cháu và các đoàn thể thay nhau túc trực bên linh cữu ngài. Nghi thức khâm liệm được tiến hành lúc 21h ngày 14/4.

Từ sáng sớm ngày 15/4/2009, mặc dù cơn mưa từ chiều tối ngày hôm trước chưa tạnh hẳn, nhưng đã có khá đông giáo dân đến viếng quan và tham dự thánh lễ. Chúng tôi nhận thấy trên những vòng hoa kính viếng lời phân ưu sâu sắc của Hội đồng linh mục giáo phận, Linh mục đoàn giáo hạt Thuận Nghĩa, các đoàn thể, chính quyền, đoàn con cái quê hương và các giáo xứ mà cha Giuse từng phục vụ…

Đúng 8h30’, thánh lễ an táng cố linh mục Giuse Nguyễn Quang Nam được cử hành trọng thể tại nhà thờ giáo họ Đập Đanh, giáo xứ Cồn Cả. Cha Phêrô Nguyễn Phúc Chính - Phó Chủ tịch Hội đồng Linh mục kiêm Quản hạt Thuận Nghĩa chủ sự thánh lễ và nghi thức tiễn biệt, trước sự hiện hiện của hơn 60 linh mục trong và ngoài giáo phận, quý nam nữ tu sỹ và đông đảo bà con giáo dân xa gần.

Giảng trong thánh lễ, linh mục Antôn Phạm Đình Phùng - Thư ký Toà Giám mục khi diễn tả về nỗi trống vắng trước cái chết, đã đồng thời khơi gợi niềm hy vọng lớn lao cho những người ở lại: “Xin Chúa ban cho chúng ta cảm nghiệm được rằng, Đấng Phục sinh đang đón nhận linh hồn cha già Giuse về với Chúa và Ngài ban cho chúng ta cảm nhận được rằng Chúa đang sống với chúng ta. Cha già cũng đang sống với chúng ta. Sống trong đức tin. Sống trong niềm hy vọng. Sống bằng lời của Chúa hướng dẫn chúng ta mọi ngày”.

Cha Antôn Nguyễn Văn Đính, Quản xứ Cồn Cả và cũng là nghĩa tử của cha già Giuse, thay mặt tang quyến bày tỏ niềm tri ân sâu sắc đến quý cha, quý nam nữ tu sỹ, các đoàn thể và bà con giáo dân đã đến phúng viếng, hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn cố linh mục Giuse. Ngài cũng không quên gửi lời cảm ơn tới những ai đã chia sẻ, giúp đỡ, tận tình chăm sóc cha già trong lúc lâm bệnh, đau yếu cũng như tổ chức chu đáo tang lễ trong những ngày vừa qua.

Sau nghi thức tiễn biệt là lễ di quan ra khu vực huyệt mộ. Bà con giáo dân đầu trắng những vòng khăn tang, đứng nghiêm trang dọc các lối đi khi di ảnh và linh cữu rước qua. Những khúc hát của niềm hy vọng, những giọt nước mắt tiếc thương vô hạn đã lưu luyến tiễn biệt cha già về nơi an nghỉ cuối cùng.

Lời ai điếu xúc động cho người ra đi nhưng trong Chúa Kitô Phục sinh, chúng ta tin rằng, linh hồn cha già Giuse đang bắt đầu một hành trình sự sống mới.

Trần Dũng

TÂM TÌNH CỦA CON CHÁU TRƯỚC LINH CỬU CHA GIÀ GIUSE NGUYỄN QUANG NAM
(Tại họ Đập Đanh, xứ Cồn Cả, Gp. Vinh)

Phút đau thương, chúng con nghiêng mình kính cẩn.
Thương Cha già hàng ngàn lụy châu rơi!
Đau đớn thay! Cha già ơi! Con cháu đây! Con cháu đây!
Đâu nói được nên lời: thương Cha lắm, nhưng ý trời đành vâng chịu!
Tưởng nhớ xưa, lúc sinh thời niên thiếu;
giữa quê nhà Mỹ Thịnh xứ Thanh Tân;
Trong gia đình đạo hạnh; bảy anh em...
Tính tình Cha vui vẻ hiền lành,
Chăm chỉ học hành ngày càng thêm giỏi.
Bước trưởng thành khi Cha lên 8 tuổi.
Vinh dự đời ơn gọi đến cùng Cha.
Dưới bàn tay dẫn dắt: Cha Ngọc Bác nhà ta.
Năm 42 Cha cập tuổi 13,
Ơn Chúa gọi Cha được vào trường tập.
Qua 3 năm, niềm vui Cha, tràn ngập,
Cha được về Tiểu Chủng viện Xã Đoài,
Vui làm sao sướng thật Cha ơi.
Cha xứng đáng con người Chúa tuyển chọn.
Đời cứ tưởng thuyền xuôi, biển lặng.
Thế gặp thời, thời thế đổi thay.
Ơn Thiên triệu Cha bám chặt tháng ngày,
Mãn Trường Tiểu Cha được đi xuất xứ.
Đất Vạn Lộc nơi đầu tiên Cha ở,
Giúp Cha Khanh phục vụ giáo dân.
Hình ảnh 1 thầy kẻ giảng trẻ trung,
Được xứ mến họ thương Cha già kính trọng.
Cha thực hành gieo mần hy vọng,
Cho bao người hiểu rộng Chúa Ki tô.
Giữa trần gian sóng dữ gió to,
Thuyền Giáo Hội vẫn vững vàng tay lái.
Được 2 năm Cha chuyển về nơi mới,
Cha về làm quản lý trường “ La tinh”.
Dốc hết tâm, Cha đưa hết sức mình,
Lo chu đáo cho chủng sinh; cha Bề trên tin phục...
Qua 2 năm toại lòng mong ước,
Tình thương Chúa ban xuống hải hà,
Được giáo phận gọi Cha về Trường Đại.
Niềm khát khao giờ đây vươn tới;
Ghế sinh viên Thần – Triết học đêm ngày,
Mùi hương thơm tỏa ngát tận trời mây;
Về quê mẹ con cháu nức lòng phấn khởi.

Ngày tháng ngày, giáo dân mong đợi,
Mau đến mùa gặt hái tốt lành...
Nào ngờ đâu biển động sóng thần,
Buộc Cha phải trở về quê cũ,
Bởi lý do “Cha bị” con nhà địa chủ,
Luật hiện hành hành: “Cha không được đi tu”.
Mắt người đời nhìn Cha: Cha như một kẻ thù.
Sống cô lập không cho ai thấu nhập...

19 – 3 năm 64, bổng chốc,
Tòa Giám Mục báo công khai, Cha được tiến chức,
Lãnh hồng ân Linh mục đời đời...

Ai thấu cho Cha, những biến cố Cha ơi!
Họ chẳng biết, họ hiểu lầm,- gây nên họa!.
Trên quê nhà, Cha luôn bị hành hạ;
Đổ lên đầu những nhục nhã trần gian.
Mất quyền tự do phải cách biệt giáo dân...
Nhưng có Chúa an bài, Cha vẫn sống hiên ngang.
Đức nhịn nhục, đức khiêm nhường, Cha đã thắng.
Lúc nguy nan, tay không rời chuỗi hạt,
Gọi Mẹ hiền, kêu tới thánh Giuse,
Rồi tháng ngày Cha sống giữa bộn bề.
Lòng thương xót không bao giờ chấp trách.

Suốt đời Cha, một tấm gương trong sạch.
Đã chiếu soi cảm hóa bao tâm hồn...
Một chặng dài, hâm mốt năm ròng,
Cha gắn bó cận kề cùng con cháu.
Mua bàn máy Cha may đồ may áo.
Bốc thuốc cứu người những lúc gian nan.
Cha tìm mạch nguồn mạch giếng cho dân,
Lại làm vườn đào ao nuôi cá.
Cha yêu trẻ, mến già, yêu thôn xóm.
Sống tình thương, càng cảm hóa lòng người,
Mến phục Cha khắp chốn khắp nơi.
Bao định kiến, hoài nghi, mặc cảm,
Được bỏ dần, gây thân thiện với Cha.

Năm 85 được chính sách “Mở ra”.
Cha an bình phấn khởi nhận bằng sai,
Ra Đồng Tháp 2 năm, lên Hậu Thành tới 7.
Chục năm trời dẫn 2 xứ đi lên,
Xây xứ đường cơ sở được mở mang,
Cha linh hướng mấy linh tu thành đạt.
Năm 94 được phái vào Vạn Lộc,
Vừa làm xứ, vừa làm hạt Cha ơi!
Đến ra tay Cha không kịp nghỉ ngơi:
Xây nhà phòng, mở trường học cho đời...
Sang 98 Cha chuyển sang Quy Chính,
Kiêm sở Dòng lại kiêm cả Trang Đen.
Bốn năm qua Cha làm mấy công trình,
Đưa phúc lợi, toại lòng dân, người đời ca ngợi.

Hai ngàn linh hai, nhận bằng sai Cha lại,
Được chuyển về nơi cũ Yên Thành.
Vâng lời trên, Cha quản xứ Đức Lân:
Một xứ nhỏ, giáo dân nghèo khó;
Thương con chiên với tấm lòng rộng mở,
Hết sức mình bao tiền của bỏ ra:
Xây sửa ao, đào giếng mới, tu sửa nhà;
Xây cổng ngọ; lập thêm nhiều đoàn thể...
Cuộc đời Cha chẳng bao giờ được nghỉ,
Công ơn Cha xiết kể nào bằng.
Kỷ Sửu này Cha đáo khóa bát tuần,
Sức càng giảm ngũ quan lại càng kém.
Được quan tâm Bề trên giáo phận;
Cho nghỉ hưu về giáo họ Đập Đanh.
Gần con Cha: Cha Nghĩa tử ân tình;
Tình nghĩa phụ để ngài chăm sóc.
Hơn nửa năm, Cha chưa quen chưa thuộc...
Bệnh đã hành thân xác Cha ơi!..

Xuống Xã Đoài- vào viện Tỉnh- ra Bạch Mai.
Y bác sỹ vô phương cứa chữa.
Con cái- ban nghành- giáo dân- xứ sở,
Đã nhiệt tình giúp đỡ nuôi Cha.
Rồi những ngày con cháu gần xa, đều lui tới thăm Cha.

Cha ơi Cha! Cha có biết...
Trong cơn bệnh nguy nan khẩn cấp,
Tưởng rằng Cha rồi sẽ vượt qua,
Chúa an bài sống mãi với tuổi già,
Bên con cháu quây quần đầm ấm.
Thương xót thay sức người dòn mỏng,
Cha vâng lời Chúa gọi ra đi.
Cha ra đi không trăn trối lời gì,
Chỉ để lại bao niềm thương nỗi nhớ,
Cha đi rồi, Cha về cùng Chúa,
Cha đừng quên con cháu Cha ơi!

Cầu mong Cha an giấc ngàn đời.
Ơn tận hiến Chúa Trời tận thưởng,
Đốt nén hương nghiêng mình kính cẩn,
Vĩnh biệt Cha thương nhớ nghìn thu.
Cha ơi, Cha !!!

Nguyễn Quang Cử
 
Tâm tình nhắn gởi các bạn Dự Tòng và Tân Tòng nhân dịp đại hội lần thứ IV tại Tuy Hòa
LM. Giuse Trương Đình Hiền
05:11 17/04/2009
Tâm tình nhắn gởi các bạn Dự tòng và Tân tòng nhân dịp đại hội lần thứ IV

Các bạn tân tòng và dự tòng rất thương mến,

Mùa Phục sinh lại về. Chúa Nhật II Phục Sinh, Chúa Nhật của “Lòng thương xót Chúa”, ngày đại hội Tân Tòng hằng năm “đến hẹn lại lên” trong niềm hân hoan của tuần Bát Nhật Phục Sinh vưa kết thúc và trong bối cảnh vui mừng của toàn Dân Chúa khi “bản gia phả” của Hội Thánh Công Giáo, “dòng tộc tư tế, vương đế” ghi thêm được nhiều tên mới, tên của những anh chị em vừa được dòng nước Thánh Tẩy của Đêm Canh Thức Phục Sinh tái sinh.

Quả thật, sự sống lại của Đức Kitô làm phát sinh một cộng đoàn huynh đệ, khởi đầu cho một Hội Thánh, một dân tộc, một đoàn Dân mới hiệp nhất trong bác ái yêu thương, duy nhất trong niềm tin, trong một Lời chứng, một giáo lý để rao giảng và tuyên xưng, một đại gia đình của tình hiệp thông yêu thương và chia sẻ. Cộng đoàn đó, dưới sự tác động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đang tiếp tục làm cho Đức Kitô phục sinh hiện diện và làm cho công trình cứu độ của Ngài được đơm hoa kết trái.

Mỗi người chúng ta được thuộc về cộng đoàn đó. Đặc biệt các anh chị em Tân tòng trên khắp thế giới vừa mới được thuộc về cộng đoàn nầy trong Đêm vọng Phục Sinh qua bí tích Thánh tẩy, và hôm nay hân hoan cùng với mọi thành phần Dân Chúa dâng lời tạ ơn để cảm tạ “lòng Chúa xót thương” vì hồng ân vĩ đại được trở nên con cái Thiên Chúa.

Năm nay, chúng ta trở về họp mặt trong tinh thần qui chiếu về câu trả lời của thánh Phêrô dành cho Chúa Giêsu vào một buổi sáng “Ngày Thứ Nhất trong tuần” trên bờ hồ Tibêriat, sau bữa “điểm tâm phục sinh” với những tấm bánh thơm và con cá nướng do chính Đức Kitô phục sinh khoản đãi: “THẦY BIẾT CON YÊU MẾN THẦY” (Ga 21,15).

Để trả lời được câu nói đó, chắc chắn Tông đồ Phêrô đã phải nhìn lại xuyên suốt cuộc đời mình, đặc biệt, trong tương quan với Thầy Chí Thánh.

- Thầy biết con yêu mến Thầy khi con còn là một tên dân chài vô danh tiểu tốt, sống nổi trôi với thuyền và lưới trên biển hồ Galilê, nhưng đã được chính Thầy kêu gọi: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4,19)

- Thầy biết con yêu mến Thầy khi Thầy ân cần chữa lành bệnh sốt cho má con. (Mt 8,14-15)

- Thầy biết con yêu mến Thầy, khi Thầy dành cho con đặc ân tháp tùng Thầy trong những biến cố đặc biệt của Thầy: Phục sinh con gái ông Giairô, biến hình trên núi Ta-bo, hấp hối trong vườn cây Dầu…

- Thầy biết con yêu mến Thầy đang khi trong bữa tiệc ly Thầy đã quỳ xuống rửa chân cho con.

- Thầy biết con yêu mến Thầy khi đưa mắt nhân từ trìu mến nhìn con để thứ tha sau khi con yếu đuối và hèn nhát chối Thầy ba lần trong đêm Thầy bị nộp.

- Thầy biết con yêu mến Thầy khi sáng tinh mơ Ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc vừa nghe các bà phụ nữ loan Tin mừng Chúa sống lại, con đã vội vã cùng Gioan chạy trối chết tới bên mộ trống.

- Thày biết con yêu mến Thầy, khi rạng sáng cũng vào “ngày thứ nhất” trên biển hồ Tibêriat, vừa nghe lời mách bảo của Gioan: “Chúa đó”, con đã vội vã mặc áo vào và lao ngay xuống biển để được diện kiến Thầy….

Các bạn tân tòng và dự tòng rất thương mến,

Nếu hiểu đức tin chính là cuộc hành trình từ “trái tim con người đến với trái tim Thiên Chúa và đến với trái tim của nhân loại”, thì quả thật, mỗi người chúng ta đều được đặt trước câu chất vấn của Chúa Giêsu: “Con có yêu mến Thầy không ?”, để tự mình tìm câu trả lời cho Ngài như tông đồ Phêrô: “Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Cho dù mỗi người với mỗi thân phận và cuộc sống khác nhau, và việc “giác ngộ niềm tin” cũng không hề y khuôn giống hệt, thì thái độ cốt yếu của đức tin, của lòng đạo, của sự nhiệt thành tông đồ…vẫn được qui chiếu trên chính câu trả lời của Phêrô 2000 năm trước: “Thầy biết con yêu mến Thầy”.

- Con yêu mến Thầy, cho dù con chỉ mới tập tò những bài giáo lý dự tòng đầu tiên mà mọi khái niệm công giáo đối với con sao còn xa xôi mờ mịt.

- Con yêu mến Thầy, cho dù con không có được cơ hội và phương tiện để được thường xuyên gặp gỡ Thầy trong thánh lễ và kinh nguyện mỗi ngày.

- Con yêu mến Thầy, khi xung quanh con không có ai đồng cảm với chọn lựa niềm tin của con, cho dù đó là những người thân ruột thịt.

- Con yêu mến Thầy, nên con phải trả giá cho tình yêu nầy với biết bao lời dị nghị dèm pha, kết án và dè bỉu cùng với những ánh mắt đố kỵ, bất đồng.

- Con yêu mến Thầy nên con đành bỏ đi những thói quen ươn lười, những cách ứng xử ích kỷ nhỏ nhen của đời thường, những tư tưởng và hành vi tự do phóng túng của nền “luân lý ngoại giáo” mà vô tình con đã bị cuốn theo.

- Con yêu mến Thầy nên con sẵn sàng đi cả mấy chục cây số đường dài, bỏ lại những cuộc vui với bạn bè, hy sinh những cuộc hẹn với tình nhân…chỉ để ngồi nghe bài giáo lý đôi khi thật nhạt nhẽo, hay tham dự những thánh lễ Chúa Nhật dài lê thê…

- Thầy biết con yêu mến Thầy nên con đã tự nguyện xin lãnh nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo và bắt đầu một cuộc hành trình niềm tin với tất cả xuyến xao và lo lắng: rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai.

- Thầy biết con yêu mến Thầy cho dù cuộc sống đức tin trong con sao còn non yếu quá, trong khi cuộc sống đời thường lại bị muôn chiều áp lực khiến nhiều khi con gục ngã thảm thương và lê lết chỗi dậy trong chán chường mệt mõi…

Các bạn dự tòng và tân tòng thân mến,

Như vậy xem ra câu trả lời của Phêrô ngày nào đúng là “mẫu số chung” cho mọi cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa, của mỗi người Kitô hữu hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Tuy nhiên, đức tin đúng nghĩa không bao giờ chỉ là một “công thức trả lời” bằng môi mép mà phải là lời tuyên xưng phát xuất tận đáy lòng và được biểu hiện cụ thể qua đời sống. Chính vì thế, trong những ngày đặc biệt nầy, và trong suốt chiều dài cuộc sống, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau sống sứ điệp Phục Sinh, sống hồng ân Kitô hữu đó là được luôn sẵn sàng và trung thành trả lời cho Chúa Kitô: Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa.

Để trả lời như thế một cách xác tín và trung thành, chúng ta hãy cầu cho nhau:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
Xin hãy gọi tên chúng con
Như Chúa đã gọi tên
Chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
Xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài.
Như Chúa đã đi với hai môn đệ emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hải,
Xin hãy đến và đứng giữa chúng con
Như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
Xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
Như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì,
Xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
Như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy chúa Giêsu phục sinh,
Xin tỏ mình ra
Cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
Để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
Và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền

CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI HỘI TÂN TÒNG LẦN THỨ IV
Chúa Nhật II PS, kính Lòng Thương Xót Chúa (19.04.2009)


I. CHƯƠNG TRÌNH TỔNG QUÁT

07.00 GIỜ: TẬP TRUNG, ĐIỂM DIỆN CÁC ĐƠN VỊ VÀ CÁ NHÂN VỀ THAM DỰ.
07.30: ỔN ĐỊNH, THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH,

GIỚI THIỆU THAM DỰ VIÊN VÀ BAN ĐIỀU HÀNH ĐẠI HỘI.

08.00: CHA CHÁNH XỨ CHỦ SỰ GIỜ KINH KHAI MẠC –

BAN HUẤN TỪ - DẪN VÀO CHỦ ĐỀ ĐẠI HỘI “Thầy biết con yêu mến Thầy”

08.30: CHIA SẺ CẢM NGHIỆM “CON YÊU MẾN THẦY” (Cảm nghiệm sống đức tin)
09.45: GIẢI LAO.
10.00: SINH HOẠT NĂNG ĐỘNG THÂM NHẬP CHỦ ĐỀ.
10.30: CHUẨN BỊ PHỤNG VỤ - THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ
11.45: CƠM TRƯA.
13.00: TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI HỘI LẦN IV

– BẾ MẠC ĐẠI HỘI

II. CHƯƠNG TRÌNH CHI TIẾT

1. Ban tiếp đón: Huy, Cẩm, Quảng, T. Hải…
2. Ban linh hoạt viên: Sr. Mai, Quang, Hạc, Thục, Phong.
3. Ban Phụng vụ: (Hát): Tập hát CĐ: Sr. Tâm. CĐ: Hiện Xuống. (Lễ nghi): Hạc. Sr.Mai.
4. Ban Trật tự: Hổ.
5. Ban ẩm thực: Đội Vô Nhiễm (Legio Mariae)
6. Ban truyền thông: Đức
7. Ban văn hóa (Đ.san) Cha chánh xứ, Thầy Đạt, Sr. Mai, Hạc, M. Hằng…
8. Ban thư ký: Hạc, Phong, Mỹ Yến
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hà thành: Giết người có thưởng
Anmai, CSsR
00:50 17/04/2009
Theo thông tấn xã VnExpress ngày 16 tháng 4 năm 2009 cho hay: “Hà Nội sẽ mạnh tay xử lý người sinh con thứ ba”. Đọc dòng tít ấy tôi cảm thấy lòng mình nó nhói lên một cái thật đau. Tưởng chừng cái nhói ấy nó sẽ vơi đi trong giây lát nhưng nó cứ âm ĩ mãi. Thôi thì cứ viết ra vài dòng suy tư cho nhẹ cõi lòng.

Với tiêu chí ấy, Hà Nội sẽ mạnh tay với những ai sinh con thứ ba, còn ai “kế hoạch hoá gia đình” được thì sẽ không bị phạt. Hoá ra là người nào “kế hoạch hoá gia đình” để không sinh con thứ ba thì bình an vô sự, còn người nào lỡ để “vỡ kế hoạch hoá gia đình” thì sẽ bị trừng phạt như là đuổi việc, hạ mức lương, cảnh cáo, cắt các khoản tiền thưởng …

Chẳng hiểu người ta dựa vào cái tiêu chuẩn nào, cái tiêu chí nào để người ta hạn chế tỷ lệ sinh con. Người ta vẫn lu loa rằng vì tỷ lệ dân số tăng cao nên làm cho đất nước nghèo ???

Học không cao, hiểu không rộng nhưng bảo rằng dân số tăng làm cho đất nước nghèo không hợp lý. Vấn đề nghèo không phải vì đông dân nhưng nghèo vì tham nhũng, nghèo vì tri thức lẫn văn hoá còn quá kém. Vấn đề cần chú tâm thì người ta lại không chú tâm. Con người vốn dĩ mang trong mình cái rắc rối để rồi càng làm cho vấn đề thêm rối. Vấn đề cần làm người ta lại không làm còn vấn đề không cần làm thì người ta lại cứ làm.

Chuyện cần làm để nâng cao chất lượng sống cho dân đó là nâng cao dân trí, nâng cao văn hoá, nâng cao đời sống luân thường đạo lý.

Thử hỏi một đất nước hạn chế sinh sản nhưng trình độ văn hoá thấp, kiến thức khoa học kém, đời sống nhân bản dường như không có thì làm sao mà phát triển được.

Mới đây thôi, lễ hội hoa anh đào được tổ chức ở Hà Thành, chỉ với vài cây hoa anh đào vậy mà phải mất đến 500 cảnh sát bảo vệ !?!?!? Những người nước ngoài rất đỗi ngạc nhiên với văn hoá của Việt Nam. Ở những nước khác sẽ không bao giờ xảy ra chuyện như vậy. Lý do vì sao thì chắc ai ai cũng hiểu đó là văn hoá của người Việt quá kém !

Văn hoá kém thì còn có cách để bổ túc văn hoá ở các trung tâm bồi dưỡng giáo dục thường xuyên của các quận huyện chứ đạo đức kém thì sẽ bổ túc ở đâu đây ? Đạo đức của con người phải được nung nấu, đào luyện và bồi dưỡng ngay từ mái ấm gia đình và trường học. Thử hỏi ngày hôm nay đời sống gia đình của người Việt Nam đang đứng ở đâu ? Chắc là khó trả lời vì trả lời đúng sự thật thì quá đau lòng, thôi thì trả lời gian dối cho mát tai vì lẽ báo chí cũng như các cơ quan truyền thông đại chúng vẫn quen hành xử theo “Hà Nội Mới” và “VTV3”. Mà “Hà Nội Mới” và “VTV3” làm gì thì chắc khán thính giả quá hiểu.

Với một nền văn hoá kém và đạo đức có vấn đề thì làm sao mà đất nước có thể thoát nghèo được.

Ông bà ta vẫn thường dạy “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, “giấy rách phải giữ lấy lề” … đã nghèo, đã đói mà còn không sạch và không thơm nữa nghĩa là làm sao ? Nghèo, đói đi chăng nữa phải có đạo đức, phải có luân lý chứ nghèo, đói mà phi đạo đức, phi luân lý thì làm sao mà ngóc đầu lên nổi.

“Hà Nội sẽ mạnh tay xử lý người sinh con thứ ba”. Dòng tít này sao mà đau lòng quá ! Một cách nào đó, dòng tít này báo cho mọi người rằng họ sẽ xử lý những ai không chịu “kế hoạch hoá gia đình”. “Kế hoạch hoá gia đình” mà người ta kêu gọi, cổ vũ đó là gì ? Xin thưa đó là giết người. Chỉ có giết người thì mới không sinh con thứ 3 thôi.

Người ta vẫn dùng những từ hoa mỹ để lấp liếm những hành động mà ngay như con vật cũng không làm đó là giết đi đứa con trong bụng mình. “Kế hoạch hoá gia đình” đó là cụm từ hoa mỹ thay cho từ giết người.

“Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em” ! Trong cái uỷ ban đó có cái phòng gọi là phòng “hút điều hoà kinh nguyệt !”. “Hút điều hoà kinh nguyệt” ấy là gì ? Xin thưa đó hàng tháng người đàn bà có cái chuyện hết sức bình thường của tạo hoá, tháng nào không có nghĩa là có dấu hiệu một mầm sống đang tượng hình trong dạ mình. Vào phòng đó để “hút điều hoà kinh nguyệt” nghĩa là hút đi cái thai, cái mầm sống đang nẩy sinh trong mình. Tên rất đẹp nhưng thật sự đó là hành vi giết người.

Như đã nói, vốn học chẳng cao, hiểu chẳng rộng nhưng được biết là con vật, dù nó không có suy nghĩ, không có được hiểu biết, không có trí khôn như con người những nó cũng chẳng nỡ lòng nào để giết đi chính đứa con ruột của nó.

Đơn giản nhất, hai con vật gần gũi với con người đó là chó và mèo. Không cần nói nhiều, ai cũng biết là con mèo, khi nó sinh con, nếu ai biết được con của nó nằm ở đâu thì bất cứ giá nào nó cũng gắp con nó chuyển đi nơi khác để bảo vệ con nó. Nó phải chuyển đi vì sợ nguy hiểm đến tính mạng của con nó. Con chó, không cần nói nhiều, những con chó cái mới sinh con, đố ai dám đến gần vì lẽ nó rất dữ, nó sợ người ta đánh cắp con nó nên nó canh chừng con nó một cách hết sức cẩn thận.

Con chó, con người xem ra nó sống có tình, có cảm hơn những con người nhẫn tâm “kế hoạch hoá gia đình”, nhẫn tâm đi nạo phá chính mầm sống mà Đấng Tạo Hoá ban cho mình.

Ăn ở bất nhân thất đức như thế làm gì mà phát triển được.

Thử hỏi những người đi phá thai trong lòng có cảm thấy thanh thản, bình an hay không ? Thử hỏi những người tiếp tay cho việc nạo phá thai có an tâm khi cộng tác vào chuyện giết người hay không ? Một con người có lương tâm thật có thanh thản khi giết người hay không ? Và khi người mà mình giết lại là chính đứa con yêu trong bụng mình.

Lẽ ra người ta cổ vũ, người ta nâng cao đời sống tri thức, văn hoá, đạo đức để nâng cao đời sống cho con người, đàng này người ta cổ vũ và tán thưởng cho những hành động phá thai, giết người.

Phá thai, giết người là những hành động làm trong phòng kín, làm trong bóng tối nhưng làm sao có thể giấu được Ánh Sáng Chân Lý, tiếng nói của Lương Tâm.

Nghĩa trang Anh Hài ở đâu đó khắp mọi miền đất nước, bức tường Anh Hài đang cao dần bên mảnh đất Mai Thôn là dấu chứng cho hành động phi nhân bất nghĩa của những con người vô luân thất đức. Có thể họ thanh thản ngoài bề mặt là khống chế tình trạng phát triển dân số nhưng thử hỏi trong lòng những con người giết người cũng như cộng tác vào công việc giết người có bình an thật sự trong tâm hồn không ?

Một Thủ Đô luôn tự hào với 4000 năm văn hiến lại cổ vũ cho việc giết người sao ?

Văn hiến này là văn hiến gì vậy ? Tự đáy lòng, tận sâu thẳm lương tâm mỗi người sẽ có câu trả lời đúng nhất cho chuyện: “Hà Nội sẽ mạnh tay xử lý người sinh con thứ ba”
 
Thưởng và Phạt
Trần Doãn
00:55 17/04/2009
Thưởng phạt hầu như bao trùm mọi ngóc ngách của cuộc sống mọi người. Một người đi làm chuyên cần, đúng giờ đúng giấc, hoàn thành tốt mọi việc sẽ được lãnh lương đầy đủ. Còn đi muộn về sớm, ngày đi ngày không, tiền lương cuối tháng sẽ bị trừ đi, chưa kể là dễ bị đuổi việc. Một học sinh không chịu học bài và làm bài, đến lớp quậy phá thì chắc chắn sẽ bị điểm thấp, có khi bị đuổi học. Không quốc gia nào có thể duy trì được an ninh trật tự nếu không có luật pháp trừng trị những người làm điều sai trái. Còn phần thưởng của một bà nội trợ sau một ngày đầu tắt mặt tối, nấu nướng, giặt giũ, quét dọn nhà cửa, lo cho chồng con được đầy đủ mọi cái ăn cái mặc, sẽ là gì nếu không phải là một gia đình hạnh phúc? Mọi cái tốt đẹp ở trên đời không phải tự nhiên mà có được.

Mọi việc làm sai quấy luôn dẫn tới một hậu quả tai hại. Hút thuốc dễ bị ung thư phổi, uống rượu nhiều sẽ bị hư gan, cờ bạc là bác thằng bần. Những cặp vợ chồng suốt đời chung thủy với nhau, cùng lo cho con cái, khi về già thường được thư thái hơn những người thay vợ đổi chồng như thay áo, bỏ bê con cái. Trong tình cảnh suy thoái kinh tế hiện nay những người có chuyên môn cao, tức là đã phải trải qua bao nhiêu năm học tập miệt mài gian khổ, ít bị ảnh hưởng nhất. Tất cả đều là lẽ thường tình.

Cộng sản VN thi hành thưởng phạt một cách man rợ và cực đoan nhất. Sau chiến tranh họ thẳng tay trừng phạt các cựu quân nhân viên chức của VNCH bằng cách bắt đi tù đầy cải tạo nhiều năm, tịch thu tài sản, đuổi vợ con họ đi các vùng kinh tế mới, tạo nên một vạn lý trường thành của chủ nghĩa lý lịch để bít hết con đường tiến thân vào đời của con cái họ. Còn đối với “phe ta” họ lại đãi ngộ quá mức. Từ trong rừng trong rú với trình độ văn hóa lớp 2 bước ra về thành phố được bố trí làm chủ tịch, hiệu trưởng, giám đốc, thủ trưởng các ngành các cấp mà bản chất vẫn không thoát khỏi ngu muội gian manh.

Từ hang Pác Bó chui ra

Vươn vai một cái rồi ta chui vào.


Phạm Tuân vì có công bắn rơi pháo đài bay B-52 nên được chiếu cố cho “quá giang” bay lên vũ trụ trong phi thuyền Liên-xô vào ngày 23-7-1980 nhưng bản thân lại thiếu trình độ khoa học và ngoại ngữ, chẳng làm điều gì ích quốc lợi dân trong chuyến bay vô cùng tốn kém:

Đi dép lốp lên tầu vũ trụ.

Đi về rồi mà chẳng biết làm chi.

Một thằng bay được vi vu

Triệu thằng chết đói rù rù khắp nơi.


Kết quả của kiểu khen thưởng man rợ của một đảng cướp đó là nền kinh tế bị lụn bại, đời sống toàn dân bi đát, hàng triệu người cùng đường phải liều mình bỏ nước ra đi.

Thưởng phạt trong Ki-tô giáo rất khác với cách suy nghĩ thường tình của con người. Người Ki-tô luôn phải sống trước mặt Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm can họ. Tội, trong Ki-tô giáo, trước hết là vì nó xúc phạm đến Thiên Chúa. Vì thế một tư tưởng thầm kín nhất của một người, không một ai khác có thể biết, cũng có thể thành tội. Luật pháp thế gian chỉ có thể kết tội về điều người ta thực sự đã làm, không luật pháp nào có thể xét xử ai về điều mà họ chỉ mới suy tính trong đầu. Trong Ki-tô giáo thì lại khác: Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. (Mt 5,27-28).

Tâm tình của một người đứng trước Thiên Chúa còn quan trọng hơn những việc làm cụ thể của người đó. Có hai người lên đền thờ cầu nguyện… Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18,9-14)

Thưởng phạt trong Ki-tô giáo mang tính cách vĩnh cửu trong khi thời gian của một đời người thì rất ngắn, vì thế một người phải dám từ bỏ đi những lợi lộc trước mắt, thậm trí chấp nhận hy sinh ngay cả đến mạng sống mình trong hiện tại thì mới có thể giữ được mạng sống đó trong đời đời. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được (Mt 10,39)

Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? (Mt 16,26).

Tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ không thể nào so sánh được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta (Rm 8,18).

Đỉnh cao của thưởng phạt Ki-tô giáo là vào ngày tận thế, Đức Ki-tô sẽ phán xét mọi người dựa theo thái độ của họ đứng trước những người khốn khổ nhất vì họ chính là hiện thân của Người. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn…”Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn…” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn…”Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu”Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.” (Mt 25,31-46)

Nền văn minh Âu Mỹ chịu ảnh hưởng sâu đậm của Ki-tô giáo nhưng dần dà do lối sống đặt nặng hưởng thụ vật chất người ta từ khước đi luật của Thiên Chúa mà Giáo Hội có nhiệm vụ diễn giảng.

Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy (Mt 18,18).

Thay vào đó, họ tự đặt ra cho mình một thứ luật pháp thế tục bao dung cho lối sống hưởng thụ của mình, cho phép họ yên tâm tha hồ ly dị, phá thai… trái với luật của Thiên Chúa. Đối với họ, Thiên Chúa nếu có, chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là đưa họ lên thiên đàng vào đời sau nếu thực sự có một đời sau đó. Thiên Chúa chỉ còn có quyền thưởng chứ không còn khả năng phạt ai. Sau biến cố 11-9-2001 có đầy rẫy trên báo chí những lời người ta dồn dập an ủi nhau rằng mọi người chết đều đã được lên thiên đàng. Chúng ta cũng thành tâm cầu mong điều đó nhưng trong nhiều lần Đức Giê-su đã nhấn mạnh đến sự hiện hữu của lửa hỏa ngục đời đời. Đó là cái đáng cho người ta phải sợ hãi hơn tất cả những tai ương trong cuộc đời mau qua này: “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời” (Mt 18,8).

Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt 13,41-42).

Tình cảnh khốn khổ của những người phải vào trong lò lửa khủng khiếp đời đời đó được đẩy lên tột đỉnh, mọi khát vọng khi đó chỉ là còn thèm thuồng một giọt nước mát mà thôi: Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm” (Lc 16,23-24).

Ngày nay nhiều linh mục rất ngần ngại khi nói về lửa hỏa ngục đời đời vì nó có vẻ không còn phù hợp với thời đại mới. Nhưng đó vẫn luôn phải là nhiệm vụ mà Chúa trao phó cho Giáo Hội. Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.” (Lc 16,27-30).

Nhưng Ki-tô giáo không phải chỉ có thưởng và phạt. Vượt trên tất cả mọi giáo điều này nọ, Ki-tô giáo chính là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3,16)

Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người chính là để giải thoát con người khỏi não trạng sợ sệt ấu trĩ của những người làm công, mong chủ thưởng và sợ chủ phạt. Kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do (Ga 8,35-36).

Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su nói rằng cho dù chị có phải sa vào lửa hỏa ngục đời đời đi nữa thì ở đó tình yêu của chị dành cho Thiên Chúa vẫn tràn đầy như thường.

Mọi người Ki-tô đều được mời gọi sống tình yêu với Đức Giê-su. Tình yêu đó sẽ làm cho họ cũng trở thành Con Thiên Chúa giống như Đức Giê-su và thôi thúc họ thể hiện ý muốn của Thiên Chúa khi dấn bước qua bao thăng trầm đắp đổi của cuộc lữ hành trần gian. Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người (1 Cr 4,11-13).

Chúa nhật Phục Sinh 12-4-2009.

Tri ân ĐTGM Ngô Quang Kiệt, người đã thay mặt cho toàn dân tộc bị đọa đầy để nói lên lời chân lý với bạo quyền Cộng sản, chính họ mới là những người đáng thương nhất vì u mê lầm lạc và nhất là vì trống vắng tình yêu.
 
Ký sự từ một vùng Đất Nóng
Trần Khải Thanh Thủy
02:54 17/04/2009
1/ Đất làng vừa một tấc:

Về lại Hà Nam - nơi con sông Đáy hiền hoà chảy, phía trên là cả dãy núi đá vôi chạy dài thơ mộng, cũng là nơi ẩn chứa trong lòng bao nhiêu di tích, danh lam thắng cảnh và huyền thoại, từ chùa Long Đọi Sơn (tên chữ là Diên Linh tự) do vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1054, đến Bia Sùng Thiện Diên Linh, do vua Lý Nhân Tông chủ động làm từ 1118 đến 1121, rồi Đền Lăng, thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành. Hai vị vua đã cùng các tướng lĩnh xây dựng lực lượng chống thù trong giặc ngoài, gìn giữ độc lập dân tộc...

Tất cả mọi thứ đều có tuổi thọ cả nghìn năm, thứ được coi là đệ nhất danh thắng của trấn Sơn Nam (Chùa Long Đọi Sơn) với 18 pho tượng La Hán, 6 pho tượng Kim Cương, một pho tượng Di Lặc bằng đồng (nặng một tấn, đúc năm 1864), thứ là bảo vật quốc gia (Bia Sùng Thiện Diên Linh) ca ngợi công lao tài trí của Lý Nhân Tông trong việc xây dựng, kiến thiết đất nước và việc làm nhân hậu bao dung của Thái hậu Ỷ Lan thông qua việc cúng 72 mẫu ruộng, để nhà chùa trồng cây trái hoa màu, làm đèn nhang phục vụ cho việc cầu siêu tịnh độ cho quê hương đất nước và các tín chủ mười phương tìm về. Ở mặt sau, phía dưới là bài thơ của Lê Thánh Tông làm vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467) nhân dịp đi bái yết sơn lăng lên thăm chùa.

Trước đó, năm 986, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng làm công tác tịch điền dưới chân núi Đọi, nhân dân nô nức tới xem. Biết tin, hai anh em nhà Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Đạt liền làm một chiếc trống lớn ra dự lễ đón vua. Khi gióng lên, tiếng kêu như sấm, âm vang cả một vùng non nước, vua thấy hay liền hỏi cách làm và tôn vinh là Trạng Sấm. Từ đó nghề làm trống hình thành và kéo dài cho tới nay. Hiện tại, trong làng Đọi Sơn vẫn có hơn 500 hộ làm trống, sản sinh ra hàng chục nghệ nhân lão luyện, đem trống đi khắp nước...

Chừng như chưa đủ cho một vùng đất nổi tiếng là lễ trọng, đất thiêng, thu hút bao nhiêu du khách xa gần tìm về trong các dịp lễ hội, tham quan, du lịch...Lịch sử tỉnh Hà Nam còn cất giấu cả huyền tích về Lê Lộc(cha đẻ Lê Hoàn) bị con hổ trắng (do chính mình nuôi để trông cá) vồ chết. Khi nhận ra mình cắn nhầm người chủ tốt, Hổ đã cõng ông về núi Cõi giấu xác, rồi bỏ ăn bỏ ngủ, ngày đêm canh gác xác cho đến lúc chết vì đau khổ, ân hận, xa xót. Sau đó mối đùn lên thành mộ, dân trong vùng gọi là Mả Dấu hay “mộ hổ táng” hết mực linh thiêng.

Ngồi bên cạnh tôi là chị Cao Thúy Hòa - người của thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Nhớ về cái tuổi thần tiên, thơ trẻ của mình, chị ngậm ngùi kể:

Ngày trước quê chị đẹp đẽ, thanh bình, êm ả và thơ mộng lắm, ngủ dạy bước chân xuống đất là nhìn thấy núi, thấy sông. Núi nằm vắt ngang trước nhà, lúc trường tồn khoẻ khoắn như hổ rình mồi, lúc đủng đỉnh oai phong như trâu gặm cỏ, lúc vươn mình như ngựa phi dưới nắng chiều tà, lúc trầm mặc tôn nghiêm như người con gái quàng khăn voan trắng ngủ quên cả nghìn năm trên đỉnh núi. Còn con sông thì hiền hoà, êm ả chảy ngay dưới chân...Cả tuổi thơ trẻ hồn nhiên của chị cùng lũ bạn gắn bó với nó, vừa tắm táp, bơi lội thoả thích, vừa hò hét chạy đuổi theo nhau suốt dọc triền sông. Chính vì sống trong cảnh mơ mộng lãng mạn ấy mà chị nuôi ước mơ được làm công tác nghệ thuật và trở thành cán bộ của đài truyền hình Hà Nội... Không ngờ càng về già càng xa xót, bàng hoàng khi chứng kiến cảnh "chùm khế ngọt" quê mình bị lũ người cơ hội, thực dụng, hư hỏng từ nơi khác kéo về trèo leo, bứt phá, trở thành khế chát, khế chua, khế còi và sớm hay muộn cũng sẽ thành khế ngạt, khế độc, đầy đoạ cuộc sống của thôn, trong đó có gia đình chị.

Suốt chặng đường dài, ngồi nghe chị kể về cuộc sống quê mình hiện tại: bần hàn, lam lũ, hoang mang, lo lắng, khác hẳn với cuộc sống yên bình, lặng lẽ trước kia, tôi bất giác thở dài, nhớ về câu thơ của nhà thơ Ngô Xuân Sách:

Đất làng vừa một tấc
Mà bao kẻ đến cày.
Thóc giống còn mấy hạt
Đợi mùa sau sẽ hay.


Câu thơ hoạ chân dung nhà văn Nguyễn thị Ngọc Tú, với tác phẩm "Đất làng ","Thóc giống","Đợi mùa sau", cũng là ngầm chê bai thói trăng hoa của bà, hoà cái tôi chân chính vào trong cái chúng ta tầm thường giả dối, biến con người mình thành người của làng (văn học nghệ thuật), biến cơ thể phồn thực nảy nở mà tạo hoá ban tặng cho mình thành một miếng đất thịt ở giữa làng để cho hết bồ nọ, bồ kia tìm đến, cày bừa, xáo xới, gây không ít tai tiếng, đến mức có mấy đứa con là "hạt giống", cũng không thể rõ là con của ai? Đành đợi vụ mùa thu hoạch xong, cũng là thời gian sàng lọc, mới hay mọi sự, mới tỏ mọi nhẽ, mới rõ mọi đàng...

Tìm về ngôi nhà nhỏ- nơi chị gắn bó cả quãng đời thơ ấu, mới thấy hết những điều chị kể. Thiên nhiên quả là ưu ái cho thôn Bồng Lạng - quê chị- một diện tích chỉ vẻn vẹn 1,1km2 nằm gọn lỏn giữa núi và sông, phía Tây là núi đá vôi, phía Đông là núi đất sét, dọc núi đá và núi đất là con sông Đáy hiền hoà chảy qua, vừa tạo cảnh quan thiên nhiên môi trường đẹp đẽ, cũng là nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú, vô cùng thuận lợi cho việc khai thác xi măng.

Cũng chính vì nhận ra lợi ích trước mắt này mà những kẻ thực dụng đã bất kể cảnh êm thấm, yên bình từ nghìn đời của người dân nơi đây để nhảy vào khai thác, bằng cách xây dựng liên tiếp 4 nhà máy xi măng, bỏ qua mọi hiểm hoạ rình rập và làm đảo lộn cuộc sống của 800 hộ gia đình( 3.000 nhân khẩu), trong đó chiếm 2/3 là phụ nữ trẻ em, người già cả.

Đầu tiên là Xi măng Hoàng Long, khởi công xây dựng từ 2003, với giá đền bù rẻ như bèo (7,5 triệu /sào -360 m2) kèm bao lời hứa hẹn ồn ào. Nào sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho chính những người trong độ tuổi lao động ở trong thôn, đào tạo họ từ nông dân thành công nhân thời đại khoa học kỹ thuật. Nào đảm bảo sự thu nhập của các gia đình tự nguyện bán ruộng, giao nộp mặt bằng cho nhà máy. Nào sẽ cộng tác và hỗ trợ tích cực cùng địa phương, nhằm góp phần biến đổi bộ mặt của thôn Bồng Lạng từ thôn quê hẻo lánh thành đô thị nhộn nhịp v.v… và v.v…

Hơn 50 ha đất trong tổng số 450 ha quỹ đất của làng bị cái lưỡi của công nghiệp Hoàng Long nuốt gọn, không những không gây ra điều tiếng gì mà còn giúp bà con nuôi một hy vọng ảo về một sự đổi mới tư duy của đảng, sự đổi đời thoát kiếp của bản thân, không phải nông dân chân lấm tay bùn, sống phụ thuộc vào thiên nhiên, nay nóng mai lạnh, sớm nắng, chiều mưa nữa mà là thu nhập ổn định trong nhà máy xí nghiệp, trong cơ chế thị trường.

Trên cở sở thu hồi đất một cách qúa ư dễ dàng đó, 3 nhà máy khác gồm xi măng Thanh Liêm, Xi măng Tràng An, Nhà máy chế biến thức ăn gia súc và hóa chất tiếp tục vào cuộc liếm hết 300 ha đất trên tổng số 450 ha đất của làng.

Đến lúc này sau gần 5 năm bị mất đất vô cớ, trong khi cả làng vạ vật không công ăn việc làm, con cái có nguy cơ bị đuổi khỏi trường học vì bố mẹ không đủ tiền đóng góp, song công ty xây dựng, phát triển và đầu tư Xuân Thành vẫn ngang nhiên nhảy vào chiếm đất như lũ đàn anh ích kỷ, hẹp bụng trước đó, người dân trong thôn mới bừng tỉnh trước một hiểm hoạ nhỡn tiền

2/ Tiếng nói người dân:

Ông Đinh Xuân Hải, chi hội trưởng Chi hội Nông dân (tổ 3) cho biết: Trước đây, thôn có 450 mẫu đất canh tác. Sau khi các dự án của 4 nhà máy xi măng và chế biến thức ăn gia súc đổ bộ vào, số đất này chỉ còn lại 166 mẫu. Nếu như Công ty Xuân Thành cố tình triển khai dự án, biến dự án thành dự... ớn, đồng nghĩa với việc trải oan khiên lên đầu 3.000 người dân chúng tôi, vì ngoài khói bụi xi măng, chất thải và thán khí các loại, cùng tiếng ồn suốt ngày đêm chúng tôi còn gì để sống, lấy gì để ăn?

Ông Như Văn Thử, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐND xã Thanh Nghị cho biết: Hết đất dân thôn Bồng Lạng chỉ còn một cách duy nhất... bồng bế nhau đi lên tận trung ương mà ăn mày lòng tốt của thiên hạ, hay lãnh đạo đảng và nhà nước. Cứ cho rằng cả 5 nhà máy đều có chế độ tuyển dụng như lời cam kết khi cắm mốc xây dựng, giải phóng mặt bằng, thì chỉ những lao động trong độ tuổi 20 - 25 còn có cơ may được tuyển dụng, còn số lao động quá tuổi như chúng tôi biết làm gì để khỏi bị chết đói đây?

Bà Nguyễn Thị Phương, bày tỏ đầy bức xúc:

Cả nhà tôi có 6 nhân khẩu, chỉ có 18m2 đất sản xuất nông nghiệp và nhiều gia đình khác trong thôn cũng chẳng hơn gì. Nếu Nhà máy xi măng Xuân Thành cứ cố tình làm thì 18m2 đất của gia đình tôi cũng biến thành bụi khói xi măng nốt... thật trần đời chưa có bao giờ lại khốn khổ, khốn nạn như lúc này. Cứ bảo dân bất ly hương, sao ông đảng và chính phủ Việt Nam lại chỉ đạo cho người lấy hết đất của chúng tôi để chúng tôi thành...ắt ly hương? già rồi chỉ có hai bàn tay trắng, mà còn phải tha phương cầu thực ở quê người, làm sao chúng tôi sống nổi, mất đất rồi thì tương lai con cái chúng tôi sẽ ra sao?

Ông Lê Minh Tài chán ngán:

Cứ bảo nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra", vậy mà chúng tôi kêu gào cả 5,7 năm nay nhưng xã, huyện, tỉnh có ai thèm nghe đâu? Chúng tôi mất đất thì cứ mất mà nhà máy làm thì cứ làm, sống chết mặc dân, còn tiền lãi lờ thì lãnh đạo nhà máy hưởng, lãnh đạo tỉnh, huyện được chia phần, chỉ chết cái thằng thấp cổ bé họng chúng tôi: Kêu trời thì trời cao, kêu đất thì đất dày, kêu lãnh đạo thì từ xã, huyện, tỉnh đến trung ương, mặt họ còn dày hơn... đất thó.

Qua tìm hiểu, gia đình ông thuộc diện phải giải toả phục vụ dự án xây dựng Nhà máy xi măng Xuân Thành. Ngoài số đất canh tác 3 vụ lúa, khoai, lạc ra, gia đình ông còn có đất khai hoang từ năm 1960 để trồng cây lâu năm. Nhưng số đất có bề dày 40 năm tuổi thọ này lại không hề được tính trong bảng áp giá đền bù, dù chỉ là với cái giá...chết đói: 7,5 triệu/sào. Khi ông xót của thắc mắc, bị phó trưởng ban giải phóng mặt bằng huyện Thanh Liêm Lê Hồng Sơn gắt:

Đất này không hợp pháp, đất đai là sở hữu của nhà nước, của địa phương, sao ông dám tự tiện khai hoang, bỏ qua cho ông băm mươi mấy năm trời là may mắn qúa rồi, giờ nhà nước cần trưng thu để làm công trình lớn, phục vụ nhu cầu dân sinh thì lấy lại chứ sao?

Không đúng, tại sao nhiều vật liệu kiến trúc không được ghi trong bảng giá, thậm chí còn bị trừ 20% số tiền? Chả lẽ vật liệu này do chúng tôi bỏ tiền túi ra mua cũng là của nhà nước sao?

Vớ vẩn, nhiều vật kiến trúc không được đền bù là do...chưa có “cơ chế giá”chứ sao(?!)”Còn bị trừ 20% số tiền là do số lượng vượt mức so với khi lập bảng giá, thế thôi?

Bị trừ đầu trừ đuôi, trên cơ sở cả lừa đảo lẫn ăn cướp, đàn ông Bồng Lạng chỉ còn nước tự di dân ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình vào tận phía Nam mưu sinh kiếm sống, bỏ lại vợ con, bố mẹ già, cắt đặt thay phiên nhau, vài năm giành dụm đủ tiền mới dạt về quê một lần, mặt bủng, môi chì vì cuộc vật lộn mưu sinh khốn khó nơi chân trời lạ.

Số còn lại, kiên quyết bám trụ, bám đất bằng cách gửi đơn khiếu nại, khiếu tố vượt cấp, lại bị coi là "chống lại các chủ chương chính sách tốt đẹp của đảng và nhà nước", vì vậy, dân không chịu đảng thì đảng phải trị dân, kết quả kẻ có tiền, quyền kê được chỗ đứng giữa lòng đảng thì lộng hành công khai, còn người dân không quyền hành, tiền bạc bị dồn tới nước chết.

3/ Buổi sáng kinh hoàng

Ngồi trong căn nhà nhỏ của chị Hoà, đối diện với con sông Đáy lững lờ chảy, chúng tôi đang trò chuyện cùng người cha già 86 tuổi của chị thì có tiếng lao xao ngoài cửa, hoá ra thấy chiếc xe đỗ ngay cạnh nhà, biết tin chị về, họ hàng làng nước kéo đến chơi. Chưa qua được cơn chấn thương tinh thần do công ty Xuân Thành đưa lại, người nào người nấy bừng bừng phấn kích:

Chưa khi nào người dân chúng tôi gặp cảnh kinh khiếp hãi hùng đến thế, bà Nguyễn thị Dậu 75 tuổi, bần thần kể lại:

Hôm ấy là sáng 16-12-2008, tôi vừa trở dạy, đang lúi húi cơm nước dọn dẹp trong nhà ngoài sân thì nghe tiếng con tôi hốt hoảng thông báo:

U ơi, công an bắt chị Nhan rồi, cả 18 người của công ty Đại Xuân nữa.

Không tin vào tai, vào mắt mình, tôi lật đật chạy lên nhà con trai, con dâu thì thấy khắp đường làng ngõ xóm, khắp trong rừng, trong núi, công an vây kín... dễ có đến 500 người, người nào người ấy nanh ác, dữ tợn, tay cầm dùi cui điện, dùi cui gỗ, tay che kính chắn ghi rõ 4 chữ CSCĐ (Cảnh sát cơ động). Chưa kể vòi rồng phun nước, bình xịt hơi cay...phía sau lù lù xe chở tù, chở họ... cả đoàn xe không dưới 20 cái.

Biết con trai và cháu nội không có nhà, chỉ còn một mình con dâu, tôi cố kiết đi bằng được đến chỗ nó để xem xét tình hình... Vậy mà nhất định họ không cho tôi đi, họ cản tôi lại, đầy lạnh lùng, thô bạo:

Bà ơi, bà về đi, đây là nơi cơ quan an ninh đang làm việc!

Mặc! Tôi nguẩy ra khỏi sự lôi kéo, ngăn cản của họ, tiến lên:- Tôi phải gặp bằng được con tôi, chúng nó có tội tình gì mà các ông bắt bớ đánh đập dã man thế, các ông có phải con người không?

Cuối cùng, sau bao nhiêu liều lĩnh, cố gắng, tôi cũng tiến về được phía chiếc xe tù, nơi con dâu tôi bị tống lên đó. Đập mạnh vào cánh cửa xe, tôi gào lên:

Thả con tôi ra, bớ làng nước, tôi là mẹ chồng của nó đây, chồng con nó đi vắng, có gì cũng phải thông báo cho gia đình chúng tôi một tiếng chứ, tự nhiên không đâu lại kéo quân bắt người vô tội à?

Chị ấy chống người thừa hành công vụ.

Chống ai, ai chống, lấy gì mà chống, nó thân cô, thế cô, liễu yếu đào tơ, sức vóc học trò, lấy tay không chống lại vũ khí dã man hiện đại của các ông à?

Mặc cho tôi đứng phía dưới đập nát tay vào cánh cửa xe tù, chúng không hề mảy may rung động, những bộ mặt lạnh tanh máu cá, mất hết cả tính người, nên bao nhiêu tiếng gào thét, kêu cầu, nài xin, phẫn nộ của người mẹ già cả đều không ảnh hưởng tới trái tim thú của chúng nó, một bầy súc vật đi hai chân, nói tiếng người, đánh đập người vô tội...

Bên cạnh tôi là đám người làng xanh xám, người lên tiếng phản đối việc làm ác độc của chính quyền huyện, tỉnh, người bày tỏ sự cảm thông đau xót với con dâu tôi và 18 người vừa bị bắt của công ty Đại Xuân:

Khiếp qúa, chúng nó xộc vào dùng dùi cui điện đánh phủ đầu anh em nhà chị Nhan, sau đó ông Chất, công an tỉnh, ra lệnh:"

Vào trong, bắt nốt con kia ra, nhanh lên!" Thế là nó lao vào, lôi xềnh xệch chị ấy ra, không cho chị ấy được mở miệng thanh minh lấy một tiếng... Sợ chị ấy kêu gọi, nhắn nhủ đám anh em công nhân dưới quyền hay sao mà chúng nó, đứa tốc áo chị, đứa dúi dùi cui điện vào người, làm chị ấy bị điện giật co rúm người lại, đái vãi cả ra quần, rồi ngất lịm

Tôi tối tăm mặt mũi, chưa kịp bày tỏ gì, thì bà con dân làng đã kể tiếp:

Cái con Lò Thế Giang, công an ấy, ác qúa bà ạ, nó dúi dùi cui vào miệng cái Nhàn, làm con bé ngất sỉu, gẫy hai cái răng cửa, máu trào ra, cả chú lái xe cho công ty Đại Xuân cũng bị chúng đánh, ngã dúi ngã dụi, rồi cả bọn xông vào tống lên xe tù... Giờ chắc cả chị Nhan, cô Ngà chết ngất rồi, chẳng nghe thấy tiếng bà gào đâu

Chị Hoàng thị Huệ, hội viên hội phụ nữ, ngồi bên cạnh bà Dậu, bàng hoàng kể:

Từ ngày rời vú mẹ, chập chững biết đi đến bây giờ, hơn 40 tuổi đầu, em mới chứng kiến cái cảnh hãi hùng, công an đánh người làng mình như thế: Chị Nhan giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Xuân bị chúng nó dùng cui gỗ, đánh thục mạng vào đầu gối, chưa đủ, còn dí dùi cui điện vào người vào lưng, co rúm người lại, ngất xỉu, thế là chúng nó, xốc nách chị lôi ra xe tù ấn vào ca bin...Lôi mạnh đến nỗi lật hết cả quần áo chị ấy ra, hở cả khoảng lưng tím bầm vì bị dùi cui nện

Nhưng lý do tại sao, tôi ngơ ngác hỏi: Chị Nhan làm sao? Sao lại bị bắt?

Chị ấy là doanh nghiệp trẻ có tiếng của thôn, người tạo công ăn việc làm cho cả làng trong suốt 20 năm trời nay, cũng là người đứng đơn phản đối không đồng ý cho công ty xi măng Xuân Thành đổ bộ vào thôn cướp nốt mảnh đất ba vụ cuối cùng của dân làng.

Thì ra là cá lớn nuốt cá bé, tôi cay đắng nghĩ!

Ngồi uống rựơu cùng chú lái xe, anh Nguyễn văn Tiến, em rể chị Hoà, lên tiếng xác nhận:

Ba cái nhà máy xi măng Hoàng Long, Thanh Liêm, Tràng An ngoạm 80% đất làng rồi, giờ công ty Xuân Thành nhảy vào nữa thì coi như dân nhẵn như chùi, chẳng còn tí đất cắm dùi...Trong khi quyền lợi của người dân thì chẳng thấy đâu? Ba công ty hứa hẹn nhận 650 người làng vào làm việc trong nhà máy, cuối cùng cả vài năm nay rồi, tất cả chỉ được 50 đứa làm bảo vệ, lương 500.000/ tháng. Qúa là ngửa tay xin việc, ngửa váy hứng dừa, hứng cả ngày giời mà dừa rơi đâu hết. Tiền công không đủ để ăn sáng, nói gì đến khẩu phần vợ, con? Vì thế, đến lần qúa tam...năm bận này, dân làng hội họp, bàn bạc rồi ra quyết định tẩy chay Xuân Thành, không bán đất với giá rẻ, bàn giao mặt bằng cho họ nữa. Ba keo mèo mở mắt rồi, gầy còm xơ xác lắm rồi, một cái lưỡi mèo không đủ để cho 4 anh em họ hàng nhà xi măng cùng xâu xé nữa... Thế là có chuyện.

Nghĩa là chúng nghi chị Nhan cùng hai bên gia đình nội ngoại có mặt trong công ty, đứng đầu phong trào phản kháng tẩy chay này, nên mua chuộc lãnh đạo tỉnh, ký giấy thuê giám đốc công an tỉnh, điều động 500 quân nhảy vào cưỡng chế, để dằn mặt Đại Xuân, dằn mặt dân làng, cắm mốc bằng được phải không? Tôi lờ mờ hiểu ra nút thắt bí ẩn của câu chuyện, hỏi lại bà con:

Không một chút e dè, sợ sệt, Huệ rắn rỏi đáp:

Đúng đấy chị ạ, công an cậy lệnh, cậy đông, lấy thịt đè người, bắt chị Nhan và 18 người, trong đó có 9 người là người của công ty Đại Xuân còn lại là người làng, chiếm đa phần là con thương binh, liệt sĩ, rồi nhốt họ vào giam tại trại Mễ, bắt họ phải nhận, phải khai tội "chống người thi hành công vụ", tội "lôi kéo người nhà, anh em công nhân trong công ty chống lại chính quyền", rồi lần lượt thả về, còn chị Nhan không chịu ký thì bị giam đúng một tháng hai ngày, ngất lên ngất xuống, cuối cùng chồng chị phải làm giấy bảo lãnh theo đúng ý họ, kèm bao nhiên tiền đút lót mới được tại ngoại chờ ngày xét xử:

Xe tù chở chị Nhan và 18 người đem về trại Mễ ( thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) giam giữ

Trời đất, thời này là thời nào mà chúng cố tình đổi trắng, thay đen thế, lại còn đưa ra xử cơ à? Không biết lũ chúng nó- những kẻ coi miếng ăn hơn cả đạo lý, tình người sẽ trả lời công luận thế nào, nếu cố tình đưa ra ánh sáng? Cho dù quan toà, viện kiểm sát và công an có cố tình toa rập chị, còn lòng dân đang phẫn nộ, làm sao chúng có thể bưng bít sự thật mãi được? Cái kim trong bọc cũng lòi ra nữa là cả núi tội ác của lũ chúng nó giữa thanh thiên bạch nhật?

4- Tìm gặp nhân chứng:

Trước mắt tôi là chị Nguyễn thị Nhan, cao, gầy, chân tay lều nghều như nhện, tiếng nói còn chưa tròn vành rõ tiếng - di chứng của cuộc tra tấn ngày 16-12 và 32 ngày nằm bệt, chết ngất trong tù.

Đầy bàng hoàng đau xót chị kể:

Tất cả với em vẫn như một cơn ác mộng, không hề có lệnh cưỡng chế, không thông báo qua điện thoại, bỗng dưng 5, 600 công an đổ bộ về làng, chặn ngõ, ngăn đường bằng cả dãy hàng raò sắt, rồi cứ thế đánh đập người nhà em, từ em dâu, em trai cho đến công nhân của em, 18 người tất cả, em là nạn nhân thứ 19, cũng là người phải chịu nhiều oan trái nhất

Chị có thể cho biết căn nguyên, lý do:

Đang ngồi, chạm vào câu hỏi của tôi, chị giãy nảy như chạm phải sâu róm- Đến em cũng không biết vì sao mình lại bị đối xử thô bạo thế. Từ bé, em chưa bao giờ làm việc gì thất đức cả. 16 tuổi đi thanh niên xung phong, làm theo lời đảng gọi: "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên" "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua", Trở về làng lấy chồng, cả hai vợ chồng đều bắt đầu sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng, buôn từng con cá, lá rau ngoài chợ, rồi vào rừng kiếm củi, xuống đầm san lấp... khổ không để đâu cho hết, khổ đến mức chỉ dám đẻ một đứa, dù là con gái. Sau đó vay vốn ngân hàng.... Cả nhà, anh em bên chồng, bên vợ cùng dồn sức vào thành lập hợp tác xã khai thác đá rồi công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Xuân. Thuế nộp đủ, tiền vay ngân hàng trả đúng hạn, lương của 200 công nhân không hề thiếu một xu, cũng không để bất kỳ trường hợp nào gặp phải tai nạn đáng tiếc...Hiện hợp đồng khai thác đá 5 năm đã hết hạn từ mấy tháng rồi, riêng hợp đồng khai thác điện mới ký được một năm, đến giữa năm 2012 mới hết hạn, cho nên công ty vẫn tiếp tục sử dụng...

Chợt giọng chị trùng xuống, khuôn mặt cương nghị rắn rỏi ánh lên những nét bực bội, buồn phiền, chán nản: - Vậy mà không bồi thường, không thoả thuận, không giải thích, đơn phương chấm dứt hợp đồng, rồi kéo cả tiểu đoàn về cắt điện, cưỡng chế

Đưa mắt quan sát căn phòng làm việc của chị, mắt tôi vô tình vập vào tấm giấy xác nhận của uỷ ban nhân dân xã Thanh Nghị về việc chị đóng góp công đức cho chùa triền, tiền làm đường xá cho dân làng đi lại, tiền ủng hộ quỹ thiên tai bão lụt, quỹ vì người nghèo v.v

Chưa kịp lên tiếng hỏi rõ hơn về lĩnh vực này, ngồi bên chị Hoàng thị Huệ đã cất tiếng:

Ở góc độ xã hội, chị Nhan là một cựu chiến binh, một doanh nghiệp trẻ, tạo việc làm cho hơn 200 lao động trong suốt 20 năm qua, được cả làng cả xã cả huyện Thanh Liêm biết đến, đặc biệt trong lĩnh vực từ thiện, nào tiền công đức cho đình chùa miếu mạo 17 triệu, tiền làm đường, rải gạch, rải đá san lấp chỗ trũng cho các cháu đi lại 20 triệu, rồi quỹ ủng hộ đồng bào thiên tai lũ lụt, quỹ ’vì người nghèo" v.v hết năm này sang năm khác, không biết bao nhiêu mà kể. Cánh chị em trong hội phụ nữ, hễ có khó khăn là chỉ biết tìm đến chị vì chị giàu lòng nhân ái, không bao giờ để cho họ phải về không, hay nài nỉ dài dòng, đặt mình vào mối quan hệ con người cầu xin con người. Ngày 15-12 -2008 chị vinh dự nhận giấy mời dự đại hội toàn quốc của các doanh nghiệp trẻ, diễn ra trong 4 ngày( từ 20 đến 24-12) thì sáng 16-12 chị bị bắt.

Trong tù họ đối xử với chị như thế nào? Có đánh đập gì không? Sao luật pháp Việt Nam lại cho phép bắt người dễ dàng thế nhỉ. Tôi hỏi, và không kiềm chế được lòng mình, những ý nghĩ tuôn trào nhảy nhót trong óc, ý nọ đuổi theo ý kia:

Bỗng dưng không đâu, ký lệnh điều quân xộc đến bắt 19 người vào tù, quả là luật rừng chứ đâu phải luật pháp? Bản thân chị là doanh nghiệp giỏi, thuộc diện vua biết mặt, chúa biết tên, coi việc cứu người -phúc đẳng hà sa làm trọng mà còn như thế, thử hỏi những người thấp cổ bé họng, dân ngu cu đen thì còn bị chà đạp, hà hiếp đến đâu?

Vô tình chạm đến nỗi đau chị kể:

Đến bây giờ em vẫn không thể nào có được giấc ngủ trọn vẹn, mệt qúa thiếp đi thì thôi, cứ mở mắt ra là bàng hoàng tự hỏi mình là người như thế nào? Sao bỗng dưng lại bị biến thành can phạm, bị tra tấn dã man, rồi phải vào ngồi tù, 31 ngày khổ ải nằm bẹp ngất lên ngất xuống vì bị đòn cân não, rồi phải mất tiền triệu để được chồng bảo lãnh chờ ngày ra toà, không lẽ pháp luật Việt Nam bây giờ suy đồi đến thế? Biến trắng thành đen, không thành có, đúng thành sai...

Đúng thế, tôi giảng giải:Luật nào cũng tồn tại trên cơ sở đạo đức. Nói chính xác hơn: đạo đức là nguốn sống của luật pháp. Vì thế luật pháp mà không có đạo đạo đức làm nền tảng, lẽ sống, thì luật ấy là luật rừng, cá lớn nuốt cá bé, lấy số đông đàn áp số ít, cậy vũ khí để trừng phạt người lương thiện, biến lương thiện thành tội phạm, còn kẻ có tiền thành quan toà, tước đoạt danh dự mạng sống của người tốt? Xã hội như thế thì sự suy đồi đạo đức là việc nhỡn tiền chứ còn gì nữa, đâu có xứng đáng để tồn tại.

Chia tay tôi, chị bày tỏ:

Em đã đọc hết quyển "tố tụng hình sự" rồi, sẽ thuê luật sư để bảo vệ mình, để nhanh chóng lấy lại danh dự và tài sản đã mất. Dù thế nào thì em vẫn tin xã hội phải còn những người tốt, niềm oan khuất trái ngang của mình sẽ được làm sáng tỏ...

Vì thời gian có hạn, lượng thông tin thu nạp được trong một ngày đi thăm người già, người ốm, cũng đã đầy, tôi cùng chị Cao Thúy Hòa trở lại Hà Nội, lòng day dứt không nguôi về những chuyện đau lòng vừa phải chứng kiến ở một vùng quê qúa hiền lành nhu mì - như một cô gái xinh xắn, giữ nguyên chất hương rừng, gió núi nên đã bị lũ ác nhân, ích kỷ, lực điền cậy khoẻ, cậy đông, cậy sự thiếu hiểu biết của người dân đè đầu cưỡi cổ, gây bao thảm cảnh cho họ cũng là cho hai vợ chồng nhà doanh nghiệp trẻ cùng 18 người liên quan... và tôi tự nhủ: Nhất định tôi sẽ trở lại vùng đất này, tìm gặp lại bà con, tìm gặp 18 người bị bắt và bị đánh cùng chị Nhan để xem bản chất của sự việc cưỡng chế, bắt người của công an tỉnh Hà Nam và uỷ ban tỉnh ra sao? Việc làm này có được lòng dân ủng hộ hay không? Tại sao Đảng và nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cứ gieo rắc tai hoạ cho dân theo kiểu: "cho dân và vì dân" mãi thế này?

Bồng Lạng 12-3-2009
(Nguồn: http://daohieu.com/website/?pg=cs&id=584)
 
Các trí thức Công giáo Hà Nội trong xã hội hôm nay
+ GM F.X. Nguyễn Văn Sang
03:14 17/04/2009
Trong cuộc họp tại Hà Nội về đề tài: Các trí thức Công giáo Hà Nội trong xã hội hôm nay
(Bài phát biểu của GM Nguyễn văn Sang, Giám mục Thái Bình)

Kính thưa Đức Tổng Giám Mục Hà Nội.
Kính thưa các Cha,
Các Tu sĩ nam nữ,
Các vị trí thức trong đạo ngoài đời trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Tôi được hân hạnh, theo lệnh Đức Tổng trình bày cùng các vị đề tài: “Các trí thức Công giáo Hà Nội trong xã hội ngày nay”. Tại sao lại là tôi, giám mục thôn quê nơi đồng chua nước mặn, vị chủ chăn của đa số là nông dân trồng lúa, trong khi còn bao đấng anh tài xuất chúng, bằng cấp đầy mình đang như ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam.

Có lẽ theo tôi nghĩ, vì tôi là người gốc Hà Nội, sinh ra và lớn lên giữa hàng me hàng sấu bên bờ hồ, đã từng là học sinh lang thang trên các đường phố, trốn học lấy tiền đi ăn bánh tôm Hồ tây. Nhưng sau cùng được ơn Chúa gọi dấn thân vào con đường phục vụ: làm linh mục ở giữa Thủ đô, rồi làm Giám mục Phụ tá 10 năm cho Đức Hồng y Giuse Trịnh Văn Căn. Như vậy tôi có gốc rễ và liên đới chặt chẽ với những ai là con dân Hà Nội. Tôi đã từng dạy học, làm Giám đốc Chủng viện, một thứ Đại học Công giáo, từng giữ một số vai trò chủ chốt trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Và nói gọn tôi cũng là thành phần trí thức Hà Nội như các vị, đã trải qua những năm tháng khắt khe ác liệt và đầy thử thách. Rồi trong môi trường Xã Hội Chủ Nghĩa, chúng ta cùng lớn lên và hoạt động, chia ngọt sẻ bùi với nhau. Có lẽ với lí do đó mà tôi được chọn làm người mở đầu để nói lời với các thành phần trí thức thủ đô trong xã hội hôm nay.

Dĩ nhiên đề tài này tập trung vào trí thức giáo dân, không kể đến trí thức trong hàng ngũ giáo sĩ, và cũng chỉ nói tới trí thức giáo dân trong địa bàn thủ đô Hà Nội, chứ không có tham vọng đề cập trí thức Công giáo trong phạm vi cả nước. Sau khi đã khoanh vùng cho đề tài, chúng ta đặt ra một số câu hỏi liên quan:

1. Người có trí thức là có gì ?

Đó là người có một số nhận thức và hiểu biết đạt tới trình độ cao thuộc phạm vi nào đó trong xã hội.

Cái danh hiệu đó hoặc được công quyền nhìn nhận qua các văn bằng chứng chỉ, hoặc do dư luận quần chúng trao tặng.

2. Vậy ai là trí thức?

Phải kể đến ở đây là các giáo sư, kỹ sư, bác sĩ, các văn nghệ sĩ và một số nghành nghề hiểu biết khác. Trong thời phong kiến, người trí thức được đề cao, thường được chọn lựa để làm quan trong triều đình và tham gia vào bộ máy cai trị ở địa phương như: quan tuần, quan phủ, nha lại.

Trong cách phân chia giai cấp cũ, họ đứng đầu: sĩ nông công thương. Tuy tới đời Hồ Quý Ly, nhiều kẻ “trốn việc quan đi ở chùa” ruộng vườn bỏ hoang hoặc dâng cúng hết vào các chùa chiền, nên có câu nghịch lại: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”.

Trong số trí thức “thường thường bậc trung như vậy” nổi lên những người tài đức gọi là kẻ sĩ, thuộc hàng sĩ phu, hay hiền nhân quân tử, có năng lực lãnh đạo dân chúng, an quốc trị dân như lịch sử đã ghi.

3. Vậy ngày nay các trí thức công giáo ra sao?

Có thể nói đa số trí thức ngày nay trong thủ đô này đều được đào tạo hoặc trước hoặc sau ngày độc lập dân tộc 2/9, do đó chịu ảnh hưởng xã hội khác nhau.

Ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực và sâu đậm hay nhẹ nhàng tùy từng đối tượng.

Một số trí thức Công giáo sau ngày độc lập nhận thức đường lối cách mạng đi ra kháng chiến chống Pháp không phải là không có, và sau ngày thắng lợi trở về thủ đô tham gia vào các công tác, tham gia quốc hội, chính quyền trong phong trào yêu nước. Chúng ta có thể kể tên được như cụ Vũ Đình Tụng, bác sĩ Nguyễn Tấn Di Trọng, luật sư Đàm, Cụ Tham Điện v.v… Đáng tiếc là lúc đó chưa có Công đồng Vatican II hướng dẫn người Giáo dân sống nhập thế ra sao cho đúng đắn, các vị gặp những khó khăn lúng túng khi tham gia một số đoàn thể xã hội, một phần do sự cứng rắn dễ thông cảm của giáo quyền, một phần do chính sách chống tôn giáo ở các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô cũ, do đó tạo điều kiện cho một số người Công giáo Việt Nam lúc đó do dự nếu không phải là thụ động.

Trong cuộc tọa đàm về Công giáo và Dân tộc do Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức ở Hà Nội vào ngày 27-28/4/2006 vừa qua, các vị linh mục đã nêu ra ảnh hưởng của chính sách chống tôn giáo đó trong các trường đại học, trung học ở Nga và ở tại Việt Nam, rồi những sai phạm trong cải cách ruộng đất mà người Công giáo nhất là thành phần trí thức được liệt vào hạng tư sản, tiểu tư sản v.v... bị thiệt hại rất nhiều, tuy có thể có một vài âm mưu dụ dỗ của thế lực phản động, song với hai triệu người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 đã là một cuộc bỏ phiếu bằng chân như một số các báo chí quốc tế đã gọi như vậy!!!

Nhà nghiên cứu Mác xít và giáo sư lỗi lạc về nghiên cứu tôn giáo, Trưởng ban cố vấn về Tôn giáo của Mặt Trận Tổ Quốc cụ Đặng Nghiêm Vạn trong buổi họp đã phát biểu ý kiến rằng: “chính tôi cũng đã được học mấy năm đầu ở Đại học Lomoxop, toàn dạy về các môn chống tôn giáo, sau khi về nước, chúng tôi cũng tiếp tục các giáo trình này. Ít lâu sau, hiểu rõ sự sai lầm của giáo dục đó, chúng tôi đã đứng lên xin lỗi các sinh viên”. Thật là một con người cộng chân chính và can đảm.

Tôi được tin cụ đau nặng sau lại qua khỏi, khi bình phục, cụ còn tuyên bố: kỳ này phải cố gắng để cho các tôn giáo tham gia tích cực và cụ thể vào các công việc bác ái xã hội và giáo dục, là những điều mới chỉ được qui định và khuyến khích song chưa có cơ chế để thực hiện trong xã hội.

Trong môi trường xã hội như vậy, các vị trí thức Công giáo Hà Nội đa số đã chọn lối giữ đạo thụ động nếu không nói là bỏ đạo. Các vị cổ vũ lối giữ đạo tại tâm, ít đi nhà thờ, có khi lý lịch không dám khai là Công giáo, nhất là đi lại các cha cố được gán cho là “phản động”. Nói chung có vài trường hợp danh từ Công giáo đem lại chút gì lợi lộc! Ví dụ: thời kỳ bao cấp còn tem phiếu, ai khai là Công giáo đến lễ Noen được mua thêm gói chè, bao thuốc, cân đường v.v... Còn một khi sinh mạng chính trị, kể cả sinh mạng thực tế của chính mình, của vợ con gia đình bị đe dọa, khi mà miếng cơm manh áo, đồng tiền bát gạo cũng là một sức mạnh cám dỗ một số trí thức Công giáo đã để cuộc đời Đức tin buông xuôi.

Đã có một thời đòi hỏi trí thức phải vừa Hồng vừa Chuyên. Hồng thì không phải ai cũng có thể đạt tới. Chỉ có chăm chỉ cố gắng rèn cái Chuyên nhẫn nhục để sinh tồn trong xã hội.

Còn các bậc trí thức Công giáo được đào tạo sau 2/9 ở trong tình trạng bi đát tồi tệ hơn nữa. Từ tiểu học, trung học, rồi đại học biết bao pháo đài cản trở cho cuộc sống Đức tin, để thành danh thành đạt làm một trí thức ở vào địa vị cao, ngành nghề trổi vượt phải chuyên vượt bậc như một số các vị trước đây mới có thể đứng vững, và tất nhiên đời sống Đức tin bị buông xuôi. Biết bao học sinh, sinh viên ta vì vấn đề giữ đạo mà đành là kẻ “nửa đường đứt gánh”, “bán đồ nhi phế !”

May thay thời kỳ đó đã lui vào dĩ vãng, công cuộc đổi mới của đảng và chính phủ đề ra đã cởi trói cho nhiều ngành nghề, về các lãnh vực xã hội khác, trong đó cả tôn giáo.

Trên nguyên tắc đã có những nghị định pháp lệnh về tôn giáo tỏ ra cởi mở cho các sinh hoạt tôn giáo, bảo đảm cho tự do tín ngưỡng của các công dân được tiến hành bình thường.

Đại hội Đảng X vừa qua lại là lần đổi mới thứ II vấn đề tôn giáo tuy còn vài vướng mắc và sai phạm ở một số nơi, một số cá nhân, song rất thuận lợi cho đồng bào Công giáo nói chung và giới trí thức nói riêng phấn khởi đóng góp công sức vào xây dựng kiến thiết đất nước giầu mạnh.

Các vị trí thức Thủ đô bước ra ánh sáng, tuy có vị còn thận trọng e dè, không kể một số đã quen thụ động, các vị đã đến nhà thờ, tiếp xúc với các cha, các thầy, các nam nữ tu sĩ, lo lắng cho con cái học hành đạo đức, kinh bổn v.v.. Nhiều vị đã cảm thấy niềm an ủi của đạo Thánh trong lúc tuổi già, nhóm trẻ sinh viên năng động cảm thấy sức mạnh lôi cuốn của sách vở Công giáo và tình liên đới với nhau để thực hành Bác Ái.

Đó là cuộc sống thiêng liêng mà các cán bộ đoàn không thể nào đem lại cho các sinh viên Công giáo như chính họ đã thú nhận và vui lòng để các bạn đó tham gia vào các đoàn thể Công giáo thoải mái, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội hơn.

4. Trong một môi trường xã hội cởi mở như vậy, các vị trí thức thủ đô sẽ sống thế nào và làm gì cho xứng danh vừa là công dân trí thức Việt Nam vừa là trí thức Công giáo Thủ đô ?

A) Trước hết, trong các vị là trí thức Công giáo thủ đô Hà Nội, văn gia, thi sĩ, nghệ sĩ v.v... Học thức của các vị về phần đời đa số là tuyệt vời, song tôi xin lỗi các vị về mặt kiến thức giáo lý, đạo đức, có thể ngang bằng hay sâu rộng như kiến thức phần đời chăng? Tôi xin được phép hồ nghi. Và nhân đây tôi trích câu truyện về anh sinh viên trong tập sách “ĐỐI THOẠI TÔN GIÁO” do Bạch Lạp biên soạn, được Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành năm 2005 tại Hà Nội:

“Thưa Cha, tôi là một con chiên cũ của Cha, tôi đã từng theo mẹ đi chầu lễ và đã từng chịu lễ lần đầu do tay Cha, đã từng theo anh em đi học kinh bổn trong những ngày niên thiếu, đã từng vào hội Ca-lễ, hát trong Thánh đường và giúp lễ trên bàn thờ... Nhưng đến tuổi trưởng thành, hấp thụ một nền học vấn khoa học tiến bộ, tôi nhận thấy những kinh bổn ngày xưa mình học là hão huyền trẻ con cả. Nhân tiện Cha đang thảo luận về khoa vũ trụ học, tôi xin đan cử một ví dụ trích trong kinh cám ơn sau khi chịu lễ mùa Sinh Nhật mà ngày trước tôi vẫn nghe mẹ tôi và cả nhà thờ đọc: "Chúa có phép vô cùng, lấy ba ngón tay nâng nổi cả và trời đất".

Thiên Chúa như bên đạo dạy là Đấng thiêng liêng vô hình, vô tượng, làm gì có chân tay mà nâng đỡ vũ trụ. Mà giả sử như Thiên Chúa có hình có tượng thì không biết Ngài đứng ngồi vào chỗ nào để nâng đỡ vũ trụ, và 3 ngón tay ấy to lớn biết chừng nào, vì như chính Cha đã nói trên, vũ trụ rộng lớn bằng triệu triệu quang niên.

Tôi nhớ lại lời nhà du hành vũ trụ Liên xô Ti-tốp khi bay trong vũ trụ có nói đùa đại khái rằng: Tôi đã bay lên trời, mà chẳng thấy thiên đàng, chẳng thấy Đức Chúa Trời đâu cả. Vậy xin Cha giải thích cho chúng tôi được rõ.

Anh sinh viên ngồi xuống giữa những tiếng vỗ tay nồng nhiệt và những tiếng cười giòn dã.

Từ lúc anh sinh viên xưng ra là con chiên cũ của Cha, Cha đã nhớ ra con người ấy trong đám con cái của Cha, cách đây 10 năm... Đó là thằng Khoái biệt hiệu là cu Nhoai của xứ, có nghĩa là cũng bướng, cũng lười, cũng ngỗ nghịch như thằng Nhoai trong câu truyện Cha xứ soạn cho các em học bổn.

Thằng Khoái mồ côi cha từ thuở còn nằm ngửa trên tay mẹ. Một bà mẹ gốc gác ở Thái Bình, lấy chồng sinh con muộn, sinh được mỗi một con trai, lại góa chồng sớm.

Người đàn bà buôn thúng bán mẹt tần tảo nuôi con, nhưng tối sớm không quên sự đạo nghĩa, mà cũng năng nắn đứa con đi nhà thờ kinh hạt lễ lạy sớm chiều.

Cha xứ biết rõ thằng Khoái từ những ngày nó còn thò lò mũi xanh, theo mẹ đi nhà thờ. Thằng bé thông minh nhưng rất ươn lười và ngỗ nghịch. Nói là đi học bổn nhưng toàn là nói dối mẹ đi chơi. Phải hai ba kỳ sát hạch mới được chịu lễ lần đầu. Bà mẹ mấy lần đến xin Cha xứ cho con vào hội Ca-lễ, nhưng trong giờ tập hát, giúp lễ, thằng bé chỉ phá quấy, kèn cựa với anh em, bắt nạt những đứa bé hơn.

Người mẹ lếch thếch kèm cặp con đi nhà thờ lễ lạy được ít lâu, rồi vắng bóng cả hai mẹ con, cho đến một hôm người mẹ đi một mình vào hầu Cha xứ, khóc mếu kể lể về con mình.

Con cứ phải dỗ nó đi lễ, mỗi một lễ là một bát phở, thế nhưng nó cũng chỉ đi được ít lâu là bỏ, bảo thế nào cũng không được. Nó viện lẽ, đi lễ rồi đi học cứ bị các thầy giáo và các bạn bè chê là mê tín, lạc hậu. Nó bảo thầy giáo dạy rằng: tổ tiên người ta bởi con khỉ mà ra, chứ chẳng có chúa chiếc nào dựng nên. Con nghe bấy nhiêu sự như dao đâm vào ruột. Con giận nó quá cũng đâm ra bỏ cả lễ lạy kinh hạt.

Cha xứ nghe câu chuyện vừa buồn cười vừa thương hại, Cha lựa lời an ủi:

Thôi con cái chúng ta hư về đạo lý cũng do hoàn cảnh ngày nay một phần. Để bù lại, mình càng phải cố gắng sốt sáng đọc kinh cầu nguyện xin Chúa thương ban ơn cho chúng con. Bà không nên giận con cái mà bỏ cả kinh hạt lễ lạy.

Người đàn bà nghe lời Cha xứ lại sốt sáng đạo đức như xưa. Người ta vẫn thấy bà quỳ lâu trước tượng Đức Mẹ khóc lóc... Những giọt nước mắt ấy phải chăng để đền bù cho đứa con xa lạc... những giọt nước mắt ấy thể nào cũng làm cho Chúa để ý thương nghe.

Mười năm trôi qua, thằng cu Nhoai năm xưa là anh chàng sinh viên to béo đang đối diện với Cha xứ trong căn phòng này... Bỗng nhiên Cha xứ bừng bừng nổi giận... Cha vốn tính hiền lành nhân hậu, thỉnh thoảng do "cơn hỏa vượng" như các vị lương y xem mạch cho cha thường nói. Cha quát mắng đôi chút xong việc lại thôi ngay, nhưng trong những trường hợp như thế này, cha không cầm được cơn nóng giận. Âu là một khuyết điểm của một con người, khó khắc phục.

Đó là trường hợp của những con người học hành kinh bổn ít, cái vốn về đạo lý tẻo teo, thế mà cũng lên mặt phê phán về đạo, lên mặt dạy đời, huyênh hoang cho mình là tiến bộ thoát "gông cùm mê tín lạc hậu".

Trong cơn nóng giận, Cha xứ tiến ra diễn đàn gọi giật giọng:

Anh Khoái!

Sinh viên Khoái đứng lên, đôi mắt của anh gặp đôi mắt nảy lửa của Cha xứ. Trong ánh mắt ấy, anh thấy hiện lên một dĩ vãng. Cái ngày xưa anh còn gần gũi Cha, anh vừa sợ Cha lại vừa mến !... sợ vì Cha có uy quyền để chinh phục và bắt anh phải nghe theo chứ không như người mẹ anh ù lì đần độn mà anh hay mè nheo bắt nạt. Nhưng anh cũng mến Cha, vì Cha tỏ ra một lòng thương vô bờ đối với con cái và riêng đối với anh.

Những ngày mẹ anh bận việc buôn bán vẫn gửi anh ở nhà xứ, những ngày lễ trọng, chịu lễ lần đầu v.v.. Cha xứ chăm sóc cho anh từng tí, từ bát cơm đến manh áo, nhiều khi chữa bệnh cho anh. Anh giật mình vì thấy Cha xứ hỏi:

Anh học năm thứ mấy ?

Thưa Cha, tôi...con... con học năm thứ ba.

Mỗi ngày anh học mấy tiết ?

Thưa trung bình sáu bảy tiết, còn thời giờ tham khảo nghiên cứu không kể.

Anh bỏ học kinh bổn đã lâu chưa ?

Thưa từ 10 năm nay.

Ngày trước kinh bổn trình độ của anh đạt tới mức nào ?

Thưa tôi đã chịu lễ lần đầu.

Cha xứ cười khà nói to cho mọi người:

Với một rúm kinh bổn anh bạn học được khi chịu lễ lần đầu - nghĩa là trình độ nhận thức về đạo lý ngang bậc tiểu học, và bỏ những 10 năm trời không ôn tập ngó ngàng chi tới cả duyệt lại toàn bộ vấn đề đạo lý, nhất là trong những lãnh vực khó khăn như vấn đề vũ trụ quan chúng ta đang thảo luận - những vấn đề mà ngay những người chuyên môn như tôi học đến bạc đầu vẫn thấy mình còn dốt. Xin các vị đánh giá xem anh bạn sinh viên của chúng ta to gan chừng nào. Đàng khác, trong lãnh vực học tập văn hóa để có một trình độ khoa học tương đối như anh bạn ngày nay, mỗi ngày 6, 7 tiết, trung bình mỗi tuần 30 giờ, mỗi tháng 100 giờ, mỗi năm v.v.. Trong khi đó anh không dành một giây phút nào để học tập kinh bổn, lại cốt ý làm quên đi những gì đã tiếp thu trong lúc thiếu thời, tất nhiên anh bạn không thể nào nhận thức một vấn đề tôn giáo cho đúng đắn được... cái sự mất cân bằng trong nhận thức đưa đến sự phán đoán sai lệch có thể ví được với thằng người đầu to đít bé... không thể tiến lên với trạng thái đó, mà chỉ có ngã quay lơ bên đường.

Rất đáng tiếc, lại còn dựa vào sự kém hiểu biết ấy mà từ bỏ cái lý tưởng cha ông mình ôm ấp, mà mình có vinh dự thừa kế, vênh vang ra bộ đã tìm được con đường chân lý đi theo.

Đối với anh bạn cũng như đối với tất cả những ai chỉ trích đạo thuyết Công giáo, tôi xin có lời nhắc nhở rằng: Hãy học biết, tìm hiểu đạo thuyết cho đúng đắn, nếu không được bằng cái trình độ văn hóa khoa học mình đang có, thì ít ra cũng phải có một cố gắng đáng kể, như thế mới tránh được tình trạng nhận xét sai lệch, hoặc đấm không trúng đích, hoặc đá vào quãng không”. (Trích trong: “Đối Thoại Tôn Giáo”, của Bạch Lạp, tr.564-570)

Thực ra trong thế giới và xã hội ngày nay có rất nhiều vấn đề thuộc mọi lĩnh vực cần có ánh sáng Đức tin soi chiếu để có thể sống sao cho đúng đắn, và cần thiết để soi lối chỉ đường cho người khác.

Ví dụ: về phương diện sinh lý học, y học, môi sinh thậm chí văn chương văn nghệ như sự ca tụng tính dục trong văn chương hiện đại qua tác phẩm của nhà văn Việt Nam: Võ Thi Hảo với Dàn hỏa thiêu, Trắng Đen, Bóng đè; Dan Brown với cuốn phim và tiểu thuyết Mật mã Da Vinci v.v…

Mấy người trong các vị có kiến thức thâm sâu về thần học, triết học, kinh thánh để phân biệt phải trái, và trong các vấn đề nóng bỏng đó để soi sáng cho mình, cho gia đình.

Do vậy, tôi xin Đức Tổng cứu xét cho tổ chức các lớp Giáo lý, Thần học, Kinh thánh v.v., dành cho lớp trí thức Công giáo thủ đô. Ngày nay chúng ta có nhiều linh mục, giám mục, nam nữ tu sĩ du học các môn có bằng cấp cao, chuyên môn lớn, có đủ khả năng phụ trách các lớp như vậy.

B) Người Công giáo không sống cô đơn trên ốc đảo ngoài tổ quốc nơi đã cưu mang mình và là nơi mình sinh sống đóng góp xây dựng cho nên giầu mạnh. Họ còn có Giáo Hội Công giáo là Mẹ là Thầy; giáo phận với Giám mục phụ trách và giáo xứ như một gia đình thân ái. Họ không sống đạo một mình nhưng cùng với anh em trong xã hội. Họ được định nghĩa là người giáo dân với cái nét đặc trưng là có tính cách thế trần.

Cũng như ở phần đời, có Đảng, có Đoàn, có các tổ chức gom góp tụ hội những công dân để thống nhất đường lối cùng nhau sinh hoạt sao cho ích nước lợi dân. Về phần đạo cũng thế, người Công giáo qui tụ trong các đoàn thể, hiệp hội để cùng nhau chia sẻ tâm tình đạo đức, bồi dưỡng thêm lý tưởng giáo lý thích hợp cách riêng cho mỗi thành phần trong Giáo Hội.

Trong mỗi xứ họ có biết bao hội đoàn ngày nay đang sinh hoạt sôi nổi và đem lại lợi ích cả phần hồn và phần xác. Vd: Huynh đoàn Đaminh, Dòng Ba Phanxicô, Hội hát, Bà mẹ Công giáo, Hội phụ nữ, Hội con cái Đức Mẹ, Hội Thiếu nhi Thánh Thể v.v…

Ước mong Đức Tổng Giám Mục, nhất là Cha chính xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội nghiên cứu xem xét để anh em chị em trí thức Công giáo thủ đô được kết hợp với nhau thành một đoàn thể để sinh hoạt đạo đức chung, nâng đỡ nhau, trợ giúp nhau cả tinh thần vật chất.

C) Người Công giáo, đặc biệt các vị trí thức Công giáo không phải chỉ là người có Đạo như sở hữu một thứ đạo gia truyền, cũng không phải là người theo đạo giữ đạo như một thói quen, song phải là Người Sống Đạo, sống cuộc sống của Đức Kitô, như cành nho kết hợp với cây nho. Do đó, người có đạo phải đi nhà thờ cầu nguyện, dâng lễ, lãnh nhận các Bí tích và làm các việc đạo đức bác ái xã hội. Đó là việc làm chứng tá lòng tin. Vì như lời Thánh Giacôbê nói: “nếu xét về việc tin có Đức Chúa Trời, thì Ma Quỉ còn tin mạnh hơn chúng ta. Nếu anh tin, anh hãy bày tỏ lòng tin bằng các việc lành thánh để làm chứng lòng tin của anh” (X. Giacôbê 2,14-26). Người ta gọi người sống đạo như vậy là người Công giáo thực hành: “ Pratiquants”.

Cũng có ý kiến là thực hành không phải chỉ đi lễ, đọc kinh, chịu các Bí tích, mà thực hành còn là Thực Hành Bác Ái, yêu thương lẫn nhau, sống công chính trong cuộc sống, giúp đỡ những người đau khổ tinh thần cũng như vật chất. Vừa rồi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ra bức thư chung “SỐNG ĐẠO HÔM NAY” có thể giúp các bậc trí thức nói riêng và mọi người Công giáo nói chung sống đạo trong xã hội ngày nay. Nội dung bức thư phong phú và liên hệ tới rất nhiều người, song trực tiếp liên hệ tới các trí thức Công giáo thủ đô, theo tôi nên chú trọng tới 2 điểm:

Điểm thứ nhất: xây dựng cho mình và cho mọi người chung quanh một lương tâm ngay chính, biết tôn trọng sự thật và được hướng dẫn bởi các nguyên tắc Kitô giáo. Có một lương tâm ngay chính để thoát khỏi những áp lực chung quanh do các yếu tố độc hại là một giá trị quí báu cho bất cứ một xã hội nào. Gần đây trong xã hội chúng ta bị thống trị vì vô lương tâm gây ra biết bao tội ác cho cá nhân và xã hội.

Linh mục Thiện Cẩm đã viết trong tập san Công giáo và Dân tộc rằng: “xã hội ta ngày càng trở nên giả dối: từ cơ chế cho đến việc thực hiện đường lối, chính sách, từ giáo dục, thi cử, đến y tế v.v., tất cả đều cứ như nửa thật nửa đùa. Thậm chí mỗi con người Việt Nam hình như không thực sự là mình, hay ít ra không sống đích thực như mình là mình, mà chỉ sống với cái tôi khác, hoặc còn tùy theo người đối diện mà thể hiện cái tôi của mình". (Trích Nguyệt san số 141, ra tháng 9/2006, trang 3: Đòi hỏi chân lý trong cuộc sống).

Nhất là trong lãnh vực giáo dục, đào tạo con người, linh mục Thiện Cẩm đã mạnh mẽ dựa vào những thực tế mà lên án: “Tôi được đọc bài viết của ông Nguyễn Viết Hùng, trên một tờ báo điện tử, có lẽ là báo Báo Thanh Niên, nếu tôi không nhớ lầm, trong đó có đoạn viết: “có ở đâu mà người dân phải kêu lên trên báo chí: “con tôi khổ quá, ông Bộ trưởng Giáo dục ơi!” Có bao giờ lại đổ đốn lắm bằng cấp “tưởng rằng đồ thật, hóa đồ chơi” đến bây giờ.

Có tiến sĩ dạy đại học cho in giáo trình sai kiến thức cơ bản, có thầy giáo vòi tiền “mãi điểm” thi của sinh viên, rồi những kẻ dùng bằng-lái-mua gây tai nạn giao thông chiếm kỷ lục thế giới; có kẻ mang danh trí thức, nghệ sĩ mà đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh không còn biết xấu hổ là gì” Để xảy ra tình cảnh đáng sợ đó có trách nhiệm của hệ thống giáo dục không? Chắc chắn là có”.

Đây không phải là người đầu tiên, hay người duy nhất nói về đề tài nhức nhối này. Tôi nhớ có lần đã đọc được những nhận định thẳng thắn và nghiêm khắc của giáo sư Võ Tòng Xuân của Đại học Cần Thơ, thêm vào đó, trong một buổi họp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như trong một buổi họp khác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hà Nội, nhiều giáo sư và nhà khoa học cũng đã lên tiếng than phiền về tình trạng giáo dục” vô giáo dục hiện nay! Bản thân tôi cũng đã nhiều lần đề cập tới vấn đề, và trong bài trước cũng đã nhắc lại.

Trong bài viết của mình, ông Nguyễn Viết Hùng có cho một thí dụ về chuyện gian dối trong hệ thống giáo dục và thi cử ở nước ta hiện nay: “một trường ở Thanh Hóa thi tú tài đỗ 90%. Mấy ngày sau, cho cùng đề đó nhưng coi nghiêm túc như thi đại học, kết quả đạt chưa đầy 20% (Báo Tuổi Trẻ, ngày 5/11/2002)”. Sự giả dối này tôi cũng đã đề cập tới trong bài viết trước. Còn chính thủ tướng Phan Văn Khải, trong bài diễn văn đọc trước ngày 16/6/2006 vừa qua,-để từ biệt Quốc hội, sau khi quyết định xin nghỉ hưu trước thời hạn, cũng đã nhìn nhận rằng công cuộc đổi mới chưa thành công trong việc giáo dục đào tạo. Tuy nhiên thủ tướng không nêu lên những lý do của sự thất bại này. Nhưng theo nhiều người, thì lý do chủ yếu là những người có trách nhiệm trong công tác này chỉ làm cho có hình thức”. (X. trang 4&5 - Đòi hỏi chân lý trong vấn đề giáo dục).

Có người nói chúng ta đang sống trong thời đại “văn hóa phong bì”. Các phong bì nó có cái hay để che đậy một cách tế nhị số tiền được biếu xén cách phải phép như trong các cuộc lạc quyên, từ thiện v.v., song nó được dùng để che đậy những hành vi đút lót, tham nhũng diễn ra ở mọi giới trong xã hội đến nỗi có câu ca dao:

Thanh cha thanh mẹ thanh gì
Nếu có phong bì, thì mới thanh-kiu
(thank you)”

Điểm thứ hai: song có một lương tâm ngay chính nhiều khi chưa đủ, nhất là chúng ta lại là trí thức Công giáo cần phải trong nhiều trưởng hợp được soi sáng bằng những chân lý của đạo Chúa Kitô. Lương tâm con người dễ bị ảnh hưởng của xã hội, của lý thuyết này nọ, lối sống sai trái như thể bị hư đi, và nếu không có những nguyên tắc đạo đức Kitô chỉ đạo, các bậc trí thức của chúng ta trong mọi nghành nghề có thể đi lạc đường và đóng góp vào sự sai lầm của xã hội, đi tới những tai hại không lường trước.

Ví dụ: trong vấn đề đề cao tính dục của văn chương hiện đại, đề cao tự nhiên chủ nghĩa nếu không nói là tự do quá đang trong văn chương nghệ thuật, làm ảnh hưởng tới nền luân lý hiện tại, nhiễm vào đầu óc non nớt của đám thanh thiếu niên, tác động buông mình cho những tệ nạn xã hội như: nghiện hút, mãi dâm, ăn chơi trụy lạc v.v…

Ví dụ: trong việc nhận định về tôn trọng sự sống con người ngay khi còn ở trong lòng mẹ mà lương tâm không được soi sáng bởi các tôn chỉ đạo đức Kitô giáo, đã đưa xã hội chúng ta phải đương đầu với nạn phá thai trầm trọng. Theo tin trên Vietnam Net: Việt Nam vào số trong 3 nước phá thai nhiều nhất thế giới và kỷ lục mang thai ở tuổi vị thành niên rất cao. Phải chăng đó là dấu hiệu lương tâm con người không còn được soi sáng bằng những tôn chỉ đạo đức, nhất là đạo đức Kitô giáo mà các trí thức Công giáo chúng ta có nhiệm vụ cao quí và nặng nề để khắc phục trong xã hội hôm nay. Vậy để lương tâm được soi sáng sao không nhờ vào các cuộc học hỏi như trên tôi đã đề nghị mở các lớp bồi dưỡng giáo lý, nhất là mở các cuộc hội thảo bàn về những vấn đề đạo Công giáo liên quan tới xã hội ngày nay.

Ví dụ: Tiêu chuẩn đạo đức cho các cuộc trình diễn nghệ thuật ca nhạc v.v.

Nghệ thuật tạo hình với quan điểm tôn giáo.

S.O.S văn chương tính dục ngày nay trong xã hội. (Đã có bản thảo, đợi dịp sẽ trình bày).

Việc giáo dục tính dục trong các môi trường học đường.

Người Công giáo ghĩ gì về nạn sex trong trường học làm mẹ tuổi 14, làm bố tuổi 16 và các tệ nạn khác vẫn đăng trong các báo chí. Người Công giáo nghĩ gì và làm gì trước hàng hiệu Top Ten (đứng trong số ba nước đi đầu về nạn phá thai và thiếu nữ mang thai vị thành niên).

Việc cờ bạc, cá độ với tiêu chuẩn đạo đức.

Việc các quán cà-fê ôm, khách sạn lắc, bia mại dâm trá hình v.v…

Chạy điểm, chạy trường, chạy thầy cô trong học đường.

Nói chung một số người tỏ ra bi quan thấy dấu hiệu của sự sa sút về đạo đức, thuần phong mĩ tục bị coi nhẹ v.v.. Nhưng người Công giáo thường bình chân như vại: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”

Chúng tôi, các vị đâu phải là thất phu, mà là sĩ phu Công giáo, tại sao chúng ta không ngồi lại nơi nhau từ mọi địa vị xã hội, nhất là để trau dồi và bồi dưỡng về các vấn đề trên để tìm phương thế chữa trị: làm cho “Dân giầu Nước mạn” còn cần đến Tâm linh và Đạo đức chứ không phải chỉ có về kinh tế.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có Ủy Ban Văn Hóa sao không chủ trì những cuộc hội thảo đó. Ủy Ban Giáo Dân có trách nhiệm gì trong vấn đề này. Mỗi tiểu ban có người chuyên trách về văn nghệ: đọc và thẩm tra những sách vở, báo chí liên hệ đến đạo. Ví dụ: Trong văn chương cuốn sách dịch Mật Mã Da Vinci mà tôi đã tập hợp trong một cuốn sách tựa đề là: “Gian Dối và Nhạo Báng”, xin Ban Tôn Giáo cho in song song với cuốn Tiểu thuyết đang bày bán ở các hiệu sách trong cả nước, song không được in, vì có lời hứa sẽ cho thu hồi cuốn sách đó, nhưng trong thực tế vẫn còn thấy bán như thường trong các hiệu sách!!! Sách sáng tác ở Việt Nam nhiều vô kể, tôi sẽ đề cập trong bài tham luận S.O.S văn chương tính dục trong các tác phẩm như: Dàn Hỏa Thiêu, Bóng Đè, nhất là cuốn sách của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh “Mẫu Thượng Ngàn” đề cập tới rất nhiều đến tôn giáo một cách thiếu khách quan.

Về phim ảnh, kịch nghệ thuật, đĩa hình v.v., nhất là một nghệ thuật nghe nhìn dễ đến với quần chúng hơn cả. Trước đây ở cửa các nhà thờ thường có bảng thông tin về mức độ luân lý của các cuốn phim đang chiếu có thể giúp cho các bậc phụ huynh và các thanh thiếu niên xét đoán. Cũng vẫn còn nhiều điều chúng ta không đề cập hết trong bài này được, song các vị sẽ dành đề đến phần thảo luận.

Sau này, xã hội còn cởi mở hơn, chúng ta còn có các trường Đại học, Trung học dân lập Công giáo, các Bệnh viện đa khoa, các Trung tâm y tế dành cho người nghèo miễn phí- các trí thức Công giáo thủ đô “có đất để dụng võ”, “có sân chơi để thi thố tài năng ngành nghề” việc sống đạo thực hành sẽ phong phú hơn, như ngày nay ở Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển: có những hiệp hội bác ái, kỹ sư, giám đốc quy tụ với nhau xin Đức Hồng y hướng dẫn đề ra qui tắc để sinh hoạt tôn giáo và thường đề ra một số lợi nhuận để làm việc bác ái xã hội.

Mong thay cho các vị trí thức Công giáo thủ đô cũng sẽ được như vậy để nên chứng nhân cho Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh ngành nghề, làm Muối cho đời, làm Men cho cuộc sống đẹp tươi.

Để kết luận, tôi vẫn thích kể lại đoạn kết của cuốn phim “Sám hối” chiếu tại Nga thời kỳ “đổi mới” kể lại cảnh “một bà lão mất cả gia đình” vì một cán bộ cấp cao ở tỉnh nhà, nên đã ba lần đào mộ lấy xác hắn đặt ngay cửa ra vào, sau cùng bị bắt và bị đưa ra tòa. Được xử trắng án, bà bơ vơ muốn tìm một nhà thờ để cầu nguyện. Tới một ngã ba đường, bà lão không biết phải đi đường nào nên hỏi một ông chủ quán nước bên đường:

Con đường trước mặt có dẫn tới nhà thờ không?

Ông chủ quán trả lời:

- Con đường trước mặt không dẫn tới nhà thờ.

Bà lão nổi giận nói:

- Đường mà không dẫn tới nhà thờ mà cũng gọi là đường à!

Con đường các vị tri thức thủ đô đang đi có dẫn tới nhà thờ chăng? Là nơi chúng ta hội tụ (Ecclesia nhà thờ có nghĩa là hội tụ) để gặp gỡ Chúa và thông hiệp với nhau, là nơi chúng ta cầu nguyện, lĩnh nhận Bí tích, nhất là Phép Thánh Thể, để rồi chúng ta lại ra đi xây dựng các ngôi nhà thờ trong tâm hồn mọi người, ở mọi nơi.

Kính thưa các quí vị,

Tôi đã làm mất nhiều thì giờ của quí vị, song đây là lần đầu chúng ta gặp nhau trong chừng ấy năm xa cách. Biết bao tâm tình, biết bao vui buồn trong dĩ vãng ngổn ngang trong lòng không sao diễn tả bằng lời nói:

Ấp úng nói không ra
Nghẹn ngào không kể hết
Bâng khuâng lòng chẳng hết
Huyền nhiệm tình chúng ta.
Vì tình yêu thăm thẳm tựa Biển sâu
Những cảm xúc trào lên như Sóng vỗ
(Lặn) xuống một hơi... tâm hồn tan vỡ
...”

Vậy nên,

Thôi đành để trong tương lai, có dịp chúng ta lại gặp nhau trao đổi nhiều hơn.

Xin cảm ơn các vị đã lắng nghe.

Ghi chú: Do buổi họp tại Hà Nội trùng với thời gian diễn ra Hội nghị APEC (11/2006), nên được hoãn lại vô thời hạn. Do đó, đến hôm nay bài này mới được công bố. Xin mọi người thứ lỗi.
 
Báo Du lịch bị đình bản
BBC
05:10 17/04/2009
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa quyết định đình bản báo Du lịch trong ba tháng vì 'sai phạm nghiêm trọng' trong số Tết Kỷ Sửu 2009.

Quyết định ký hôm thứ Ba 14/04 viết "lãnh đạo báo Du lịch đã không chấp hành sự chỉ đạo đối với các thông tin quan trọng, phức tạp và nhạy cảm".

Số Du lịch Xuân Kỷ Sửu có một số bài đề cập tới chủ đề biên giới lãnh thổ cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phó tổng biên tập phụ trách báo Du lịch Nguyễn Trung Dân cho hay sau bốn tháng từ khi số báo Xuân được xuất bản, quyết định được ký, chuyển một cách vội vã và có hiệu lực ngay trong ngày.

Ông Dân nói "sẽ chấp hành quyết định" của Bộ nhưng khẳng định tờ báo không có sai phạm như nêu trong quy định.

Ban biên tập tờ báo bị buộc là đã "vi phạm nghiêm trọng các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 và khoản 2 Điều 10 Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí".

Theo đó, tờ báo bị cáo buộc không 'thông tin trung thực', không tuân thủ 'tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước' và đã 'kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước'.

Quyết định của bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cũng viết rằng "Lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên [báo Du lịch] đã kiểm điểm nhưng thiếu nghiêm túc, chưa nhận thức đầy đủ tính chất, mức độ nghiêm trọng của khuyết điểm".

Trong thời gian đình bản ba tháng, bộ này cho hay sẽ có biện pháp củng cố, kiện toàn tổ chức tờ báo và nhân sự lãnh đạo. Ông Nguyễn Trung Dân cho hay ông sẵn sàng chuẩn bị tinh thần ra đi, "chỉ mong tờ báo được tiếp tục hoạt động".

Báo Du lịch là cơ quan của Tổng cục Du lịch Việt Nam. Báo có phiên bản online, phiên bản in ra một tuần hai số.

Thông tin phức tạp, nhạy cảm

Ấn bản Xuân của báo Du lịch đăng bài viết của một số tác giả được tiếng là 'nói thẳng' như nhà văn Nguyên Ngọc và tiến sỹ Nguyễn Quang A.

Trong số này cũng có cả bài của nhà bất đồng chính kiến Bùi Minh Quốc.

Báo Du lịch Xuân dành nhiều diện tích để đề cập tới chủ đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong bài viết tựa đề 'Ải Nam Quan', báo này cũng trích đăng lại bài thơ Hận Nam Quan trong vở kịch thơ của Hoàng Cầm.

Đặc biệt, số này còn có bài 'Tản mạn cho đảo xa' của tác giả Trung Bảo, ca ngợi tinh thần của những người tham gia biểu tình phản đối chính sách của Trung Quốc đối với các quần đảo của Việt Nam cuối 2007 - đầu 2008.

Tác giả này viết: "Nếu có 'kẻ xấu' nào đó 'kích động' người ta đi biểu tình vì yêu nước, ta nên tôn trọng những 'kẻ xấu' này".

"Ngược lại, khi 'người tốt' tìm cách ngăn cản sự biểu lộ đầy phẫn uất một cách chính đáng của người dân vì chứng kiến đất mẹ bị xâm phạm, thì hẳn những kẻ vẫn mạo xưng 'người tốt' này cần phải được xem lại."

Ông cũng cảnh báo: "Lịch sử cũng sẽ không bỏ qua cho chúng ta khi cứ giả như không có, không biết một phần đất nước vẫn đang còn bị xâm lấn."

Trong một phỏng vấn với BBC, Phó tổng biên tập Nguyễn Trung Dân nói ông không cho rằng báo Du lịch đã 'xé rào'.

"Người Việt Nam nào cũng làm như tôi (khi quyết định cho đăng các bài trên). Động viên lòng yêu nước của người dân thì có gì mà không làm?"

(Nguồn: BBC)
 
Báo La Croix nói về hoàn cảnh Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Yves Kerihuel
16:16 17/04/2009
XUÂN BÍCH VN - Tờ La Croix rất hiếm khi đưa tin về Việt Nam. Thế nhưng lần này, nhân lễ Phục Sinh, nó đã có một bài viết về hoàn cảnh của người Công giáo Việt Nam trong đó tác giả đặt tựa đề là « Lễ Phục Sinh vẫn đang còn bị giám sát đối với các tín hữu Công giáo Việt Nam », mà theo tác giả là vẫn «luôn đang phải chịu một sự thiếu tự do».

Tác giả đã viếng thăm các địa phận Hải Phòng, Thanh Hóa, Huế nhân dịp Tuần Thánh và Phục Sinh vừa qua.

Tại Hải Phòng, phóng viên Yves Kerihuel của báo La Croix ghi nhận rằng từ nay đối với các giám mục, «thật khá dễ dàng để được cấp phép của chính quyền khi đó là xây dụng một nhà thờ mới ở nơi đã có cộng đoàn kitô hữu rồi.» Từ khi được bổ nhiệm làm giám mục Hải Phòng, Đức cha Vũ Văn Thiên đã có thể xây dựng được khoảng «12 nhà thờ, không tính đến những ngôi nhà nguyện nhỏ».

Về việc xin phong chức, bổ nhiệm và thuyên chuyển các linh mục cũng như gởi đi du học, thì «trong đa số trường hợp», như phóng viên ghi nhận, «câu trả lời là tích cực» và diễn ra «bình thường trong một thời hạn 30 ngày». Nhất là các chủng viện có thể tiếp nhận các ứng viên linh mục hai hay ba năm một lần, thậm chí mỗi năm như ở Huế, điều mà vài năm trước đây không có.

Trái lại, tác giả cũng ghi nhận rằng, có những đơn xin mà các giám mục trên thực tế không được cho phép. Trước hết là việc mua đất đai. Để tránh luật cấm, cần phải tìm ra một người giáo dân ký giấy mua rồi hiến đất của mình cho Giáo Hội, nhưng các thủ tục có thể là rất lâu. Cũng thế, một giáo phận không có quyền lập một giáo xứ mới: trước tiên, cần phải tập hợp một cộng đoàn kitô hữu trong nhà tư, và chỉ sau nhiều năm tạm thời mà người ta mới có thể xin phép xây dựng một ngôi nhà thờ.

Đặc biệt phóng viên cho biết về vấn đề hoàn trả lại các tài sản của Giáo Hội, bị tịch thu sau 1954, thì chính phủ tỏ ra cứng rắn nhất. Mỗi địa phận ở miền Bắc đều đã từng bị cưỡng đoạt đất đai, nhà cửa. Trường hợp Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà đã được truyền thông đưa tin rộng rãi. Nhưng còn biết bao nhiêu trường hợp khác hẳn có thể là như thế… Phóng viên dẫn chứng: ở giáo phận Thanh Hóa, có khoảng 15 tu viện, trường học hay bệnh viện thuộc về các dòng tu, cũng như tiểu chủng viện, đã bị chiếm đoạt và sử dụng «vì công ích hay sự phát triển của đất nước», theo kiểu diễn tả hành chánh quen gặp.

Đức cha Nguyễn Chí Linh cho phóng viên biết: «Vào tháng Giêng năm 2008, trường đại học nằm trong dòng kín xưa đã muốn mở rộng ra, nhưng chúng tôi đã cảnh báo họ rằng họ không có quyền xây dựng trên đất đai của chúng tôi».

Ông Nguyễn Bá Quốc cho biết: «Với tư cách là người Công giáo, bổn phận của chúng tôi là bảo vệ gia sản của Giáo Hội». Phóng viên cho biết là bất chấp những đe dọa, nhưng ông vẫn chấp nhận đứng đầu của phong trào phản kháng này. Kết quả là trường đại học Thanh Hóa đã từ bỏ kế hoạch xây dựng của mình.

Đối với Đức giám mục Thanh Hóa, điều cốt lõi không phải ở đó: «Chúng tôi hẳn sẽ sẵn sàng nhường đất đai của chúng tôi nếu chúng tôi đã chắc chắn có thể thực hiện những gì chúng tôi muốn mà không phải báo cáo cho Nhà Nước». Và liệt kê những công trình mà các giám mục muốn phục hồi, bắt đầu bằng các cơ sở giáo dục tiểu học và trung học – vì các dòng và giáo phận chỉ được phép mở các trường mẫu giáo và các trung tâm cho trẻ mồ côi và người khuyết tật – và các bệnh viện.

(Nguồn: La Croix, phóng viên Yves Kerihuel đã viếng thăm Thanh Hóa, Hải Phòng và Huế)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Trao Trọn Con Tim
Lm. Trần Cao Tường
01:00 17/04/2009

TRAO TRỌN CON TIM



Ảnh của Cao Tường

Chúa nhật Tình Thương: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,

để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,

nhưng được sống muôn đời."

(Gioan 3:16)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bướm
Trầm Tĩnh Nguyện
06:11 17/04/2009

BƯỚM



Ảnh của Trầm Tĩnh Nguyện, Việt Nam

Con sâu thành bướm thì xinh,

Con thành con Chúa thì tình nở hoa.

Cõi Trời ở cõi người ta.

(Trầm Tĩnh Nguyện)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền