Ngày 15-04-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mẹ của lòng thương xót
+GM Giuse Vũ Duy Thống
08:36 15/04/2011
Bài giảng tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Tàpao sáng ngày 13.4.2011

Tà Pao bên Mẹ chiều nay,
Đi Đàng Thánh Giá mùa Chay, giữa trời.
Nghe trong tim, Mẹ dặn lời:
Nay đời tử nạn, mai đời phục sinh.


Những ngày cuối mùa Chay, đến với Đức Mẹ Tàpao, rất tự nhiên ta muốn sống lại cảnh dưới chân Thánh Giá, ở đó giữa nỗi tang thương của việc “lá vàng trên cây, lá xanh rớt xuống”, Mẹ thường được hình dung cách nhân loại là Mẹ sầu bi, nghĩa là người mẹ phải đau khổ chứng kiến cuộc hành quyết tàn bạo và bất công của người đời trên con ruột mình. Đâu đó mùa này trong một số nhà thờ, người ta còn gặp thấy trưng bày bức tượng Đức Mẹ mặc áo đen mặt buồn thảm trái tim rướm máu với bảy mũi dao nhọn đâm thâu. Đúng là Mẹ sầu bi. Nhưng ở một góc nhìn khác tích cực hơn và cũng giàu ý nghĩa hơn, như Phúc Âm mô tả, Mẹ được khắc họa trong dáng đứng kiên cường ở bên phải thánh giá và được xưng tụng là Nữ Vương nhân lành và là Mẹ của lòng thương xót. Điều này dựa trên những cơ sở:

1. Mẹ hiệp công cứu chuộc loài người

Trong suốt cuộc sống của Chúa Giêsu trên trần gian, từ tuổi thơ ấu đến tuổi trưởng thành, từ khi âm thầm đến lúc công khai, bao giờ Mẹ cũng hiện diện bên Chúa. Cách riêng trong công cuộc khổ nạn, Mẹ chẳng những đã hiện diện, mà còn đồng hành theo Chúa trên đàng thánh giá cho đến cùng. Các môn đệ tiếng là những kẻ theo Chúa gần gũi trong ba năm đời rao giảng, thế mà trên đường thánh giá chẳng thấy bóng ông nào; còn Mẹ dẫu chẳng xuất đầu lộ diện muốn để cho Chúa khỏi bận vướng, lại theo bước Chúa sít sao trên đường khổ nạn, nước mắt nuốt vào trong để Chúa khỏi bịn rịn khi thực thi công cuộc cứu độ.

Stabat Mater: Mẹ đứng đó lặng thầm không nói một câu chẳng buông một tiếng dẫu là tiếng thở dài, dáng đứng kiên cường vừa chịu đựng “xin vâng”, vừa hiệp thông trong sự đau khổ dằn vặt của con mình. Nếu Chúa Giêsu chịu chết để chuộc tội cho thiên hạ và ban ơn cứu rỗi cho hết mọi người, thì Đức Mẹ bởi đã hiệp thông với Chúa Giêsu trọn vẹn, không chỉ về thời lượng từ đầu đến cuối mà đúng hơn, còn về tinh thần gắn bó keo sơn mẹ con vuông tròn. Ngày xưa dựa vào đây người ta đã bảo Mẹ là đấng Đồng Công cứu chuộc (bài hát “trên đồi Golgota”); nhưng ngày nay đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu, và vì Mẹ cũng cần đến ơn cứu độ của Con mình, nên xưng tụng Mẹ hiệp công cứu chuộc là thích đáng hơn.

Nếu “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con một mình”, thì Mẹ cũng hiệp thông trong tình yêu đại lượng ấy mà vâng theo ý Thiên Chúa. Mẹ hiệp công cứu chuộc bằng chính trái tim của Mẹ, nên Mẹ cũng nhạy cảm hơn bất cứ ai trong gia đình nhân loại về tình lân mẫn đối với con cái loài người. Mẹ là Mẹ của lòng thương xót.

2. Mẹ nhận lấy lời trăn trối của Chúa Giêsu để trở nên Mẹ nhân loại.

Nhưng dưới chân thánh giá hôm ấy, Mẹ còn nhận lấy một lời đặc biệt của Chúa Giêsu khi giới thiệu thánh Gioan cho Mẹ “Thưa Bà, này là con Bà”. Xét về bối cảnh giờ tử nạn thì đây chẳng khác nào lời người ra đi dành cho người ở lại, mang màu trăn trối linh thiêng, Chúa Giêsu muốn Đức Mẹ nhận Gioan làm con và muốn Đức Mẹ đối xử với Gioan như đối xử với chính mình. Gioan từ đó là hiện thân của sống động của Chúa Giêsu trong đời Đức Mẹ. Xét về hình thức của câu nói, nhất là kèm theo vế thứ hai Chúa Giêsu giới thiệu Đức Mẹ cho thánh Gioan “Này là Mẹ con”, người ta thấy trải ra như hai vế của bản hợp đồng ký kết song phương, được đóng ấn bởi công cuộc cứu chuộc dưới sự chứng giám của Đấng chịu đóng đinh. Nếu công cuộc của cứu độ thực hiện một lần thay cho tất cả và có giá trị vĩnh cửu thì bản hợp đồng “mẹ - con” cũng sẽ tồn tại mãi mãi. Nhưng xét về nội dung, lời trăn trối ấy chính là thiết lập tình mẫu tử thiêng liêng giữa Đức Mẹ và toàn thể nhân loại. Truyền thống vẫn coi Gioan như đại diện cho nhân loại mới đã được sinh ra trong ơn cứu rỗi, và Đức Mẹ từ lời trăn trối của Chúa Giêsu cũng là Evà mới hạ sinh mọi người trong tình mẫu tử thiêng liêng nhiệm mầu ấy.

Nếu tình mẫu tử nhân gian dù bất toàn, vẫn luôn được con người khắp nơi ca ngợi “bao la như biển Thái Bình…”, thì tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Mẹ đối với con cái loài người lại còn bao la lớn rộng muôn trùng, mênh mông chan chứa bao dung ngàn đời. Đó là tình yêu thương chan hòa được mở ra cho hết mọi người.

3. Mẹ thể hiện tình mẫu tử bằng lòng xót thương.

Đón nhận nhân loại vào trong gia đình thiêng liêng, Đức Mẹ đã vận dụng tất cả khả năng của mình để tôn vinh Thiên Chúa qua việc giúp đỡ con cái nhân loại. “Đầy ơn phước”, được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ cận kề Thiên Chúa hơn bất cứ ai, nên cũng đầy quyền thế hơn bất cứ ai, để có thể can thiệp chuyển cầu ơn phúc một cách hiệu quả chẳng sai bao giờ. Tất cả những ơn lành trần thế nhận được qua việc khấn với Đức Mẹ đều xuất phát từ một địa chỉ chung là quyền thế của Đức Mẹ bên cạnh Thiên Chúa. Nhưng quyền thế ấy được vận dụng như thế nào là do nhịp rung trái tim của Mẹ, một trái tim có nguồn gốc nhân loại, nên không những có niềm trắc ẩn rung động cảm thông trìu mến của tình mẫu tử nhân loại như bất cứ ai, mà còn vượt trội vì đã đến mức thập toàn ở trên đỉnh cao thánh đức.

Quyền thế, Mẹ là Nữ Vương; nhưng xót thương, Mẹ là Thánh Mẫu. Hướng lên Nữ Vương, ta ca ngợi; nhưng hướng về Thánh Mẫu, ta nguyện cầu. Chính vì vậy, yêu mến cậy trông cũng là thái độ thích hợp khi về bên Mẹ, như ta đang làm đây giữa lòng Mùa Chay tại TTHH Thánh Mẫu Tàpao này. Những ai khắc khoải sám hối thao thức đổi mới canh tân có thể xin Mẹ dìu dắt, chắc chắn Mẹ sẽ dẫn đến tòa giải tội để nhận lấy ơn tha thứ. Những ai đau buồn sầu khổ vì đau yếu bệnh nhiều hoặc vì gánh nặng vai mang, mong ước đời sống bình an có thể kêu khấn xin Mẹ đỡ nâng, chắc chắn Mẹ sẽ sớm hỗ trợ để ban cho cuộc sống an bình. Và mọi khách hành hương chúng ta đều có chung một nỗi niềm thống hối Mùa Chay, ta cứ vững tin và cậy trông chắc chắn Mẹ sẽ chúc lành và giúp ta trang bị lại trái tim tinh tuyền.

Tóm lại, vì Mẹ đã hiệp công trong ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, vì Mẹ đã nhận mọi người làm con cái, và vì lòng Mẹ rất bao dung, nên dưới chân thánh giá, Mẹ đích thực là Mẹ của lòng xót thương. Vấn đề được đặt ra cho ta không phải là băn khoăn xét xem Mẹ có yêu ta hay không, mà là tự hỏi xem mình đã yêu Mẹ như thế nào. Nếu kết thúc bài Phúc Âm cho biết “Từ giờ ấy môn đệ đem Mẹ về nhà mình”, thì cũng thế, từ hôm nay, ta hãy đem Mẹ về nhà bằng lòng tôn sùng yêu mến, bằng việc siêng năng lần hạt và bằng việc sống đẹp dưới ánh nhìn của Mẹ. Làm như thế, chắc chắn ta sẽ được Mẹ ấp ủ trong lòng xót thương đời này và đời sau. Của đau con xót, ta là con Mẹ, chắc chắn Mẹ sẽ xót lắm khi thấy con của Mẹ đi hoang.

Rất may, tại TTHH Tàpao này đang trong mùa xây dựng, có thể còn thiếu nhiều thứ, như thiếu đường rộng rãi, thiếu bãi đậu xe, thiếu chỗ sạch sẽ, thiếu ghế ngồi gần … Nhưng có một điều không bao giờ thiếu, đố anh chị em biết? Thưa đó là tấm lòng xót thương của Đức Mẹ dành cho con cái thể hiện qua việc ban ơn hoán cải. Các cha giải tội ở đây đã làm chứng: nhiều cuộc đời tội lỗi đến đây đã tìm lại được cuộc sống bình an và nhiều tâm hồn nguội lạnh đến đây về lại giáo xứ đã trở nên sốt sắng lạ thường.

“Người ta bảo Mẹ lạ lùng,
Hiển linh với áo phập phồng gió đưa.
Còn con lại thấy lạ chưa:
Tàpao người đến, về chừa tội khiên”.

Vâng, “về chừa tội khiên” là ơn lạ nhất và hiển nhiên nhất Đức Mẹ thực hiện tại Linh địa Tàpao này.
 
Những bài hát sử dụng trong Tuần Thánh và Phục Sinh
+GM Phaolô Nguyễn Văn Hòa
10:00 15/04/2011
 
Chúa đã sống lại thật
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
18:04 15/04/2011
CHÚA NHẬT PHỤC SINH, năm A

Ga 20, 1-9

Có nhiều lần khi dâng lễ Phục Sinh cho anh chị em Dân tộc Kơho, tôi đã xác tín và nói to điều này với tất cả những anh chị em Dân tộc đang có mặt mừng lễ Phục Sinh:” Nếu chúng ta theo Đạo Công Giáo, Chúa chúng ta Đức Kitô chết mà không sống lại thì quả thực Đạo chúng ta đang theo không có giá trị gì ! Và tôi giải thích tiếp, không có một Vị Lãnh Đạo, Sáng Lập Đạo nào trên thế giới lại nói: chết rồi ba ngày sẽ sống lại. Riêng Chúa Giêsu chúng ta đang tin, đang tôn thờ đã chết và đã sống lại thật đúng như lời Ngài nói và rồi cả nhà thờ vỗ tay vang lên. Alléluia, Chúa đã sống lại thật. Alléluia “.

Tin Mừng hôm nay viết về vị tông đồ Gioan như sau: ” Ông đã thấy và Ông đã tin “ (Ga 20, 8b ). Gioan đã thấy ngôi mộ t và đã tin Chúa đã sống lại thật sau khi Ngài được an táng ba ngày trong mồ. Thánh Gioan đã hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Kitô phục sinh. Đó là niềm tin cơ bản nhất của người Kitô hữu. Người Dân tộc Kơho mà tôi đã có dịp phục vụ họ nhiều năm. Theo tôi nhận xét, họ có đức tin tuyệt vời. Đức tin không phải tự nhắm mắt lại để tin những điều người khác nói, nhưng đức tin của họ phát xuất tự đáy cõi lòng và khi đã tin, họ tin rất chân thật, sâu xa. Sở dĩ họ có lòng tin và đức tin sâu xa như thế bởi vì niềm tin của họ không so đo, họ không đòi phải chứng minh như những người trí thức, như những nhà khoa học. Đức tin của họ phát xuất từ cõi thâm sâu của con tim. Thực tế, họ tin vào Chúa phục sinh như Kinh Thánh và Huấn Quyền Hội Thánh dạy họ, nhưng trên hết mọi sự là do lòng đạo đức của họ.

Chúa đã sống lại thật là Tin Mừng Phục Sinh lớn lao cho cả nhân loại. Đêm vọng Phục Sinh nhân loại cử hành lại việc Chúa Giêsu chết và sống lại. Ngày Chúa nhật Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi mọi Kitô hữu chiêm ngắm Chúa Giêsu sống lại, Chúa Giêsu Phục Sinh. Thánh Gioan trong Ga 20, 1-9 đã dẫn mọi Kitô hữu cùng chiêm ngắm ngôi mộ trống với thánh Phêrô và thánh Gioan. Thánh Phêrô giảng cho mọi người nghe lời tuyên xưng Chúa sống lại…Và khi linh mục rảy nước thánh, ca đoàn hát “ Tôi đã nhìn thấy nước chảy vọt ra từ trái tim Chúa Kitô, Alléluia ! Chúa Kitô chiến thắng đã trở về, tỏ cho thấy vết thương nơi cạnh sườn Ngài. Alléluia “. Còn Kinh tiền tụng lại hát vang: ” Đám người được rửa tội, rực rỡ trong niềm vui Phục sinh, đang nhảy mừng trên khắp mặt đất “.

Niềm vui Phục sinh phải được lan tỏa nơi mọi người. Cuộc đời của người Kitô hữu luôn đầy ắp niềm vui Phục sinh. Chúa Phục sinh hiện diện trong các mầu nhiệm: Ngài hiện diện trong anh sáng, trong các Lời Kinh Thánh và nay Chúa Phục sinh hiện diện trong các Bí tích như Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể. Chúa hiện diện hoàn hảo trong Mình Máu Chúa Kitô. Người Kitô hữu phải sống Tin Mừng Phục Sinh trong từng biến cố cuộc đời: vui, buồn, thử thách, tất cả phải dậy lên niềm vui Phục Sinh. Anh nến phục sinh mà mỗi người Kitô hữu đã thắp lên từ cây nến mẹ Phục sinh phải chiếu tỏa luôn mãi cho mình và đến với mọi người.

Niềm vui Phục sinh phải được mọi Kitô hữu tỏa sáng để làm chứng cho Chúa sống lại. Phục sinh là sống chia sẻ, bác ái, yêu thương.Niềm vui Phục sinh là đẩy lùi những đam mê, xác thịt để sống chính trực công chính.

Chúng ta sẽ làm chứng cho Đức Kitô Phục sinh khi chúng ta luôn sống đức tin sâu xa và tin tưởng như thánh Gioan: ” Tôi đã thấy và tôi đã tin “ ( Ga 20, 8 ba ).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đánh bại thần chết, xin thương cứu độ chúng con. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Ông bà anh chị em có cảm nghiệm gì về mầu nhiệm Phục sinh ?

2.Tại sao thánh Gioan đã thấy mồ trống và Ông đã tin ?

3.Phêrô là người thế nào ?

4.Muốn sống mầu nhiệm Phục sinh ta phải làm gì ?
 
Tam Nhật Thánh
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
18:19 15/04/2011
THỨ NĂM THÁNH

Thứ năm thánh cho chúng ta hồi tưởng lại việc Thiên Chúa giải thoát dân Israen ra khỏi đất Ai Cập và cứu nguy dân trong thời Xuất Hành. Việc hồi tưởng này đã được dân Do Thái đạo ngày nay trên khắp thế giới cử hành một cách rất trọng thể. Bữa tối Vượt Qua, Chúa Giêsu dùng tiệc mừng với các môn đệ nơi nhà Tiệc Ly. Bữa Vượt Qua này tiên báo thánh lễ Chúa Giêsu thiết lập, và cho chúng ta hiểu việc rửa chân của Chúa cho các môn đệ, Chúa truyền chức Linh mục, Giám mục, thiết lập Bí Tích Thánh Thể và để lại giới răn yêu thương.

Trong bữa ăn gồm bánh không men và rượu nho, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và rượu biến nên thành Mình và Máu của Ngài như một dấu thánh, dấu mà Ngài sẽ thực hiện ngày thứ sáu thánh khi Ngài đổ máu trên Thập giá để cứu chuộc nhân loại. Chiên Vượt qua xưa đã cứu dân khỏi Ai Cập thì nay chiên hy tế sẽ cứu dân mới của Thiên Chúa. Chúa thực hiện cái chết trên Thập giá và truyền làm việc này mà nhớ tới Ngài, qua việc này Chúa đã truyền chức Giám mục và Linh mục cho các môn đệ thân yêu của Ngài. Dân Do Thái ăn thịt chiên vượt qua, ngày nay Mình và Máu Chúa Kitô sẽ là lương thực nuôi sống con người có lòng tin. Việc cử hành nghi lễ tạ ơn đã được các Linh mục tái diễn lại hằng ngày trên bàn thờ.

Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ là bài học khiêm nhượng thẳm sâu, Chúa dạy cho các môn đệ và mọi người. Ngày nay, mỗi thứ năm thánh, các Linh mục làm lại cử chỉ hết sức khiêm nhượng này để minh chứng Chúa Giêsu là Đấng “ hiền lành và khiêm nhượng “.

Bài học khiêm nhượng này kéo theo việc Chúa ra giới luật yêu thương mới “ Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con “ “ Cứ dấu này người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau “.

Tối Thứ Năm Thánh, chúng ta nghĩ tới lệnh truyền của Chúa Kitô “ Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta “. Do đó, mọi thánh lễ cử hành đều tưởng niệm về Chúa và về những gì Ngài đã thực hiện để cứu nhân loại, để cứu chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi.

THỨ SÁU THÁNH

Cái chết trên Thập giá là cái chết nhuốc khổ nhất thời Chúa Giêsu. Do đó, các tên linh đóng đinh người khác, thi hành bản án của những tên đồ tể, thường chuốc lấy những sự oán hận của họ. Những tên lính vì sợ những người bị đóng đinh nguyền rủa, nên thường cắt lưỡi người tử tội để tránh phải nghe những lời oán than, hận thù của những tử tội và không phải nghe những lời của họ xúc phạm đến Thiên Chúa.

Ở đây, những tên lính chắc sẽ lấy làm ngạc nhiên và kinh hoàng vì sự nhịn nhục, hiền lành, yêu thương của Chúa Giêsu đối với họ. Phải chi những người lính hiểu được những lời viết trên thập giá “ In ri “: đây là Vua, có lẽ những người lính này đã hiểu cái chết đối với Chúa Giêsu không phải là một thất bại, ngõ cụt nhưng là một chiến thắng dẫn họ đến vinh quang phục sinh. Chúa chết để cứu độ, để giải thoát họ, chứ không phải để oán thù, ân hận họ vv…

Thứ sáu thánh cho chúng ta hiểu một thực tại sâu xa: Chúa chết để cứu thoát chúng ta và mang lại sự sống mới, mang lại hạnh phúc cho chúng ta.



THỨ BẢY THÁNH

LỄ VỌNG PHỤC SINH

Hôm nay theo thánh Augustinô, chúng ta mừng lễ “ mẹ của các lễ vọng ”. Chính vì thế, chúng ta thực hiện đêm canh thức của Dân Do Thái trước Lễ Vượt Qua. Dân Do Thái tưởng niệm biến cố vĩ đại nhất, Thiên Chúa đã thực hiện cho dân tộc họ là cứu họ ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Tuy nhiên, đêm nay cũng hướng về tương lai là mong Đấng Cứu Thế sẽ đến. Chúng ta nhớ lại đoạn 12, 42 của Sách Xuất Hành: ” Đó là đêm Chúa canh thức để dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; vì vậy vào đêm này toàn thể con cái Israen phải canh thức cho Chúa qua hết các thế hệ của họ “.

Đêm Vọng Phục Sinh qui tụ giáo dân lại để tuyên xưng đức tin. Cuộc canh thức của lễ Vọng Phục Sinh là thắp nến sáng. Lửa mới được làm phép, rồi cây nến Phục Sinh được đốt lên, anh sáng bùng lên trong đêm tối, các cây nến con được thắp nơi cây nến mẹ, cây nến phục sinh. Mọi Kitô hữu cầm nến trong tay, để nhớ lại cây nến thắp sáng mà họ nhận được trong ngày họ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Mọi người rước vào nhà thờ và vị Chủ tế hoặc Thầy phó tế công bố “ Ánh sáng Chúa Kitô “. Và rồi xông hương cây nến Phục sinh được đặt cung kính trên giá nến trước cung thánh. Và vị Chủ tế hoặc thầy phó tế hát “ Exultet “. Đây là đêm Chúa Kitô bẻ gẫy xiềng xích của sự chết, Ngài đã đứng dậy từ cõi âm phủ, trong chiến thắng khải hoàn.

Trong đêm Vọng Phục Sinh, Chúa muốn dạy chúng ta cử hành mầu nhiệm Phục sinh bằng cách cho ta nghe Cựu Ước và Tân Ước. Bài ca “ Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời “ kết thúc việc nghe Lời Chúa trong Lề luật và các ngôn sứ, chuông nhà thờ vang lên hân hoan, vui vẻ. Thánh Phaolô nhắc lại cho chúng ta phép rửa tội là chết và sống lại trong Chúa Kitô. Cả nhà thờ hát vang Alléluia để chuẩn bị lắng nghe sứ điệp các thiên thần nói với các thánh nữ: ” Tại sao các bà đi tìm người sống nơi những người chết ? Ngài không có ở đây, Ngài đã sống lại “ ( Lc 24, 5-6 ).

Lễ Vọng Phục Sinh trình bầy cả một cuộc hành trình đức tin và điều rõ ràng nhất, ấn tượng và hoàn hảo nhất là Chúa đã khải hoàn ra khỏi mồ, chiến thắng sự chết. Sứ điệp các thiên thần loan báo cho các thánh nữ cũng là sứ điệp các thiên thần loan báo cho mỗi người có đức tin.
 
Suy Niệm Tuần Thánh
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
18:25 15/04/2011
THỨ HAI TUẦN THÁNH

Phản ứng của Giuđa trước việc bà Maria xức dầu cho Chúa Giêsu hoàn toàn giả hình bởi Giuđa chẳng thương gì người nghèo. Giuđa chỉ muốn bỏ tiền vào túi riêng của mình. Còn Chúa Giêsu đã coi hành vicủa Maria là một dấu hiệu đẹp đẽ của tình yêu.Chúa Giêsu đã chấp nhận việc Maria xức nước hoa cho Chúa Giêsu quả thực là một cử chỉ đẹp phát xuất từ trái tim yêu thương, từ con tim đầy nhạy cảm trước một con người mà cô rất tôn kính, mến yêu.

Ở đây, Maria đã hiểu thế nào là tình yêu, thế nào là lòng tôn kính mến yêu một Vị Chúa là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Do đó, hành vi xức dầu thơm cho Chúa Giêsu là thừa nhận sự yêu thương.

Chính vì thế, Giáo Hội mời gọi mọi Kitô hữu hãy nhớ tới bản chất của Hội Thánh là lo cho người nghèo, nhưng đồng thời cũng phải hiểu rõ rằng Thiên Chúa là Tình yêu.

THỨ BA THÁNH

Thánh Phêrô hôm nay đã hiểu thế nào về sự bồng bột, nông cạn của mình. Những lời lẽ mà thánh Phêrô nói với Chúa xem ra rất rẻ, và tầm thường. “ Con sẽ chịu chết vì Thầy “.Đây là lời Phêrô bộc bạch với Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly. Tuy nhiên lời ấy xem ra rất tầm thường bởi vì khi gặp khó khăn Phêrô đâu có giữ được điều Phêrô đã nói. Phêrô đã không giữ lời, ông đã chối phăng khi đứa tớ gái tố Ông cũng ở trong nhóm Chúa Giêsu. Ông nói “ Tôi chẳng biết cô đang muốn nói gì “. Và rồi Ông lại chối khi có những người tố giác Ông khi ông ở sân xử án Chúa Giêsu, Ông nói “ Ngay cả người ông nói đấy, tôi cũng chẳng biết “. Phêrô nghe tiếng gà gáy lần thứ hai và lòng Ông tan nát, Ông khóc lóc than van. Đây là một bài học hết sức cay đắng cho Phêrô.

Chúng ta hãy học bài học cay đắng của Phêrô và biết hồi tâm ăn năn khóc lóc để trở về với Chúa tình thương.

THỨ TƯ THÁNH

“ Giờ Ta chưa đến “. Đây là câu Chúa Giêsu đã thốt ra sau những biến cố, người Do Thái, Pharisêu, Kinh sư và Tư tế muốn ám hại, bắt bớ và giết chết Ngài. Câu nói này làm cho chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá, Bởi vì, người Biệt Phái đã có lần lấy đá ném Chúa, Ngài đã đi nơi khác, người đồng hương đưa Ngài lên triền núi, tính xô Ngài xuống cho Ngài chết, nhưng tất cả những dịp ấy chưa xẩy ra được vì giờ của Ngài chưa tới. Giờ đây có nghĩa là giờ Thiên Chúa Cha ấn định cho Ngài.

Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đã biết “ Giờ của Ngài sắp đến “. Chúa Giêsu tỏ cho mọi người biết trước cái chết của Ngài khi chỉ cho thấy một môn đệ trong nhóm 12 phản lại Ngài. Ngài biết trước cái chết, nhưng Ngài hết lòng vâng phục Thiên Chúa Cha để ứng nghiệm những lời Kinh Thánh nói về Ngài.” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ (Ga 15, 13 ).

TAM NHẬT THÁNH

THỨ NĂM THÁNH

Thứ năm thánh cho chúng ta hồi tưởng lại việc Thiên Chúa giải thoát dân Israen ra khỏi đất Ai Cập và cứu nguy dân trong thời Xuất Hành. Việc hồi tưởng này đã được dân Do Thái đạo ngày nay trên khắp thế giới cử hành một cách rất trọng thể. Bữa tối Vượt Qua, Chúa Giêsu dùng tiệc mừng với các môn đệ nơi nhà Tiệc Ly. Bữa Vượt Qua này tiên báo thánh lễ Chúa Giêsu thiết lập, và cho chúng ta hiểu việc rửa chân của Chúa cho các môn đệ, Chúa truyền chức Linh mục, Giám mục, thiết lập Bí Tích Thánh Thể và để lại giới răn yêu thương.

Trong bữa ăn gồm bánh không men và rượu nho, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và rượu biến nên thành Mình và Máu của Ngài như một dấu thánh, dấu mà Ngài sẽ thực hiện ngày thứ sáu thánh khi Ngài đổ máu trên Thập giá để cứu chuộc nhân loại. Chiên Vượt qua xưa đã cứu dân khỏi Ai Cập thì nay chiên hy tế sẽ cứu dân mới của Thiên Chúa. Chúa thực hiện cái chết trên Thập giá và truyền làm việc này mà nhớ tới Ngài, qua việc này Chúa đã truyền chức Giám mục và Linh mục cho các môn đệ thân yêu của Ngài. Dân Do Thái ăn thịt chiên vượt qua, ngày nay Mình và Máu Chúa Kitô sẽ là lương thực nuôi sống con người có lòng tin. Việc cử hành nghi lễ tạ ơn đã được các Linh mục tái diễn lại hằng ngày trên bàn thờ.

Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ là bài học khiêm nhượng thẳm sâu, Chúa dạy cho các môn đệ và mọi người. Ngày nay, mỗi thứ năm thánh, các Linh mục làm lại cử chỉ hết sức khiêm nhượng này để minh chứng Chúa Giêsu là Đấng “ hiền lành và khiêm nhượng “.

Bài học khiêm nhượng này kéo theo việc Chúa ra giới luật yêu thương mới “ Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con “ “ Cứ dấu này người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau “.

Tối Thứ Năm Thánh, chúng ta nghĩ tới lệnh truyền của Chúa Kitô “ Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta “. Do đó, mọi thánh lễ cử hành đều tưởng niệm về Chúa và về những gì Ngài đã thực hiện để cứu nhân loại, để cứu chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi.

THỨ SÁU THÁNH

Cái chết trên Thập giá là cái chết nhuốc khổ nhất thời Chúa Giêsu. Do đó, các tên linh đóng đinh người khác, thi hành bản án của những tên đồ tể, thường chuốc lấy những sự oán hận của họ. Những tên lính vì sợ những người bị đóng đinh nguyền rủa, nên thường cắt lưỡi người tử tội để tránh phải nghe những lời oán than, hận thù của những tử tội và không phải nghe những lời của họ xúc phạm đến Thiên Chúa.

Ở đây, những tên lính chắc sẽ lấy làm ngạc nhiên và kinh hoàng vì sự nhịn nhục, hiền lành, yêu thương của Chúa Giêsu đối với họ. Phải chi những người lính hiểu được những lời viết trên thập giá “ In ri “: đây là Vua, có lẽ những người lính này đã hiểu cái chết đối với Chúa Giêsu không phải là một thất bại, ngõ cụt nhưng là một chiến thắng dẫn họ đến vinh quang phục sinh. Chúa chết để cứu độ, để giải thoát họ, chứ không phải để oán thù, ân hận họ vv…

Thứ sáu thánh cho chúng ta hiểu một thực tại sâu xa: Chúa chết để cứu thoát chúng ta và mang lại sự sống mới, mang lại hạnh phúc cho chúng ta.



THỨ BẢY THÁNH

LỄ VỌNG PHỤC SINH

Hôm nay theo thánh Augustinô, chúng ta mừng lễ “ mẹ của các lễ vọng ”. Chính vì thế, chúng ta thực hiện đêm canh thức của Dân Do Thái trước Lễ Vượt Qua. Dân Do Thái tưởng niệm biến cố vĩ đại nhất, Thiên Chúa đã thực hiện cho dân tộc họ là cứu họ ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Tuy nhiên, đêm nay cũng hướng về tương lai là mong Đấng Cứu Thế sẽ đến. Chúng ta nhớ lại đoạn 12, 42 của Sách Xuất Hành: ” Đó là đêm Chúa canh thức để dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; vì vậy vào đêm này toàn thể con cái Israen phải canh thức cho Chúa qua hết các thế hệ của họ “.

Đêm Vọng Phục Sinh qui tụ giáo dân lại để tuyên xưng đức tin. Cuộc canh thức của lễ Vọng Phục Sinh là thắp nến sáng. Lửa mới được làm phép, rồi cây nến Phục Sinh được đốt lên, anh sáng bùng lên trong đêm tối, các cây nến con được thắp nơi cây nến mẹ, cây nến phục sinh. Mọi Kitô hữu cầm nến trong tay, để nhớ lại cây nến thắp sáng mà họ nhận được trong ngày họ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Mọi người rước vào nhà thờ và vị Chủ tế hoặc Thầy phó tế công bố “ Ánh sáng Chúa Kitô “. Và rồi xông hương cây nến Phục sinh được đặt cung kính trên giá nến trước cung thánh. Và vị Chủ tế hoặc thầy phó tế hát “ Exultet “. Đây là đêm Chúa Kitô bẻ gẫy xiềng xích của sự chết, Ngài đã đứng dậy từ cõi âm phủ, trong chiến thắng khải hoàn.

Trong đêm Vọng Phục Sinh, Chúa muốn dạy chúng ta cử hành mầu nhiệm Phục sinh bằng cách cho ta nghe Cựu Ước và Tân Ước. Bài ca “ Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời “ kết thúc việc nghe Lời Chúa trong Lề luật và các ngôn sứ, chuông nhà thờ vang lên hân hoan, vui vẻ. Thánh Phaolô nhắc lại cho chúng ta phép rửa tội là chết và sống lại trong Chúa Kitô. Cả nhà thờ hát vang Alléluia để chuẩn bị lắng nghe sứ điệp các thiên thần nói với các thánh nữ: ” Tại sao các bà đi tìm người sống nơi những người chết ? Ngài không có ở đây, Ngài đã sống lại “ ( Lc 24, 5-6 ).

Lễ Vọng Phục Sinh trình bầy cả một cuộc hành trình đức tin và điều rõ ràng nhất, ấn tượng và hoàn hảo nhất là Chúa đã khải hoàn ra khỏi mồ, chiến thắng sự chết. Sứ điệp các thiên thần loan báo cho các thánh nữ cũng là sứ điệp các thiên thần loan báo cho mỗi người có đức tin.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:29 15/04/2011
MỘNG TỬU
N2T

Có một người rất thích uống rượu, một hôm nằm ngủ thì mơ thấy rượu, và khi anh ta mơ thấy mình lấy rượu để hâm nóng, thì đột nhiên tỉnh lại, anh ta rất buồn rầu, giận dữ tự trách mắng mình:
- “Mình thật là một thằng ngu, tại sao không uống lạnh nhỉ ?”

Suy tư:
Trong giấc mơ thấy mình uống rượu, mà uống nóng hay uống nóng thì có can hệ gì, bởi vì đâu có thật, chỉ có những ai quá quyến luyến với những gì mình yêu thích thì mới giận dữ với giấc mơi mà thôi.
- Có những người thích uống rượu thì nằm mơ thấy toàn là rượu.
- Có những người đang yêu thì năm mơ toàn là thấy người yêu.
- Có những người ham mê quyền lực thì nằm mơ thấy toàn quyền lực.
- Có những người ham tiền nên nằm mơ toàn thấy tiền bạc.v...
Mơ trong giấc ngủ thì là chuyện bình thường của con người, nhưng sống mà như sống trong mơ là chuyện không bình thường, bởi vì người thích sống trong mơ là người không thực tế, là người thường đem đau khổ đến cho người khác vì những mơ mộng hảo huyền của mình.
Nằm mơ là chuyện của trong mơ và không có thật, mơ thì cứ mơ, nhưng không thể vì giấc mơ mà giận mình, cũng không thể vì giấc mơ mà quyết hận người này, hại người nọ.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (Chúa Nhật Lễ Lá (A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:21 15/04/2011
CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Tin mừng: Mt 26, 14- 27, 66.

“Cuộc thương khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”.


Anh chị em thân mến,

Hôm nay là chủ nhật Lễ Lá, và cũng là ngày mở đầu tuần Thương Khó của Chúa Giê-su đã chịu vì tội lỗi của nhân loại và của chúng ta. Trong tuần này Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng nhau chia sẻ những đau khổ của Chúa Giê-su từ khi vào thành Giê-ru-sa-lem cho đến khi Ngài trút hơi thở cuối cùng trên thập giá.

Chia sẻ nổi đau khổ

trong tâm hồn với Chúa Giê-su


Một hôm mùa xuân hỏi:

- “Có cái gì so với sự chết càng đau khổ hơn không ?”

Chúa Tạo Vật trả lời:

- “Có, giữa chết và không chết”.

- “Nghĩa là sao ?”

- “Thể xác thì sống nhưng tâm hồn thì đã chết rồi” (1).


Ai đã từng bị hiểu lầm, ai đã từng bị kết án cách bất công, ai đã từng nếm mùi nhục nhã trước những người đã hàm ơn mình bây giờ lại đấu tố mình, mới thấy những đau khổ trong tâm hồn của Chúa Giê-su là chừng nào.

Ngồi trên mình lừa và được tung hô “vạn tuế, vạn tuế”, được dân chúng cởi áo lót đường đi, được tuyên xưng “Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến...” thì còn gì hãnh diện và oai cho bằng ! Nhưng Chúa Giê-su thì lại khác, tâm hồn của Ngài đang đau khổ, đau khổ vì biết rằng chính những con người cầm lá tung hô vạn tuế Ngài ngày hôm nay, thì ngày mai cũng chính họ vung nắm tay la hét đấu tố và khống cáo Ngài trước tòa án Phi-la-tô: đóng đinh nó vào thập giá.

Phi-la-tô đang sống nhưng tâm hồn đã chết trước những quyền lợi, đám đông dân chúng đang hò hét la mắng Chúa Giê-su: họ đang sống nhưng tâm hồn đã chết trước những vô ơn bội nghĩa.

Những hình ảnh đó vẫn còn đậm nét trong tâm hồn chúng ta, khi chúng ta, ngày hôm nay, cũng cầm lá trong tay để tung hô Chúa Giê-su là vua, là Đấng nhân danh Chúa mà đến, nhưng rồi cũng chính chúng ta, ngày mai, sẽ đóng đinh Ngài vào thập giá vì những tội lỗi của chính mình, Chúa Giê-su thật sự đang đau khổ khi tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, bởi vì Ngài biết chúng ta đang sống nhưng tâm hồn đã chết trước những cám dỗ của ma quỷ và thế gian.

Trong cuộc sống hằng ngày với biết bao là công việc phải lo toan, tiếp xúc nhiều hạng người, có những lúc chúng ta ôm một mối hận trong lòng vì những phản bội, những “ăn cháo đái bát” của người anh em chị em, chúng ta đau khổ, chúng ta oán trời, chúng ta than vãn vì lòng người đen bạc thay trắng đổi đen. Nhưng Chúa Giê-su thì Ngài không một lời oán trách, không một thái độ thù nghịch, Ngài hiền lành như con chiên bị đem đi làm thịt, dù rằng tâm hồn Ngài đau khổ có thể chết được, như lời của tiên tri I-sai-a:

“Phần tôi, tôi đã nói:

Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì” (Is 49, 4a).


Vâng, Ngài chẳng được gì cả khi thi ân giáng phúc cho những người Do Thái, Ngài đã phí công vô ích, vì những người mà Ngài đã hết lòng yêu thương, ban ơn, giờ đây đang kết án tử cho Ngài. Nhưng Chúa Giê-su tin chắc rằng với máu của Ngài đổ ra, với những cực hình mà Ngài phải chịu, và với cái chết nhục nhã trên thập giá, Ngài sẽ cứu chúng ta là những người đang sống nhưng tâm hồn thì đã chết, cũng được sống lại với Ngài.

Anh chị em thân mến,

Bài Thương Khó của Chúa Giê-su mà chúng ta vừa nghe, đã khiến cho nhiều tâm hồn tội lỗi trở lại con đường ngay nẻo chính, nó cũng đã đánh động nhiều tâm hồn kiêu ngạo chỉ biết kết án tha nhân chứ không biết kết án mình. Đây không những là bài tường thuật lịch sử về cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su vì yêu thương mà chịu khổ hình và chịu chết mà thôi, nhưng còn là một bán án kết tội nhân loại và chúng ta, bởi vì nhân loại và bản thân mỗi người trong chúng ta, đang từng giây từng phút đóng đinh Chúa Giê-su vào thập giá vì tội của mình.

Chia sẻ với những đau khổ trong tâm hồn của Chúa Giê-su chính là việc mà ba thánh tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan đã làm khi ở trong vườn Cây Dầu, nhưng hơn thế nữa, chúng ta chia sẻ những đau khổ trong tâm hồn của Chúa Giê-su, bằng những đau khổ trong tâm hồn của mình: khi chúng ta âm thầm chịu đau khổ vì sự phản bội của anh em, vì sự lừa lọc trắng trợn của người khác, vì sự vô ơn bội nghĩa của người mà mình đã hết lòng thương yêu giúp đỡ...

Không oán trách người hiểu lầm mình, không trả thù người vô ơn, không giận ghét người bạc nghĩa, không nói xấu người chỉ trích mình.v.v... đó là việc làm tích cực nhất của chúng ta, để chia sẻ nổi đau với Chúa Giê-su trong cuộc sống của mình, đó chính là cuộc thương khó nối dài của Chúa Giê-su trên con người chúng ta, và đó cũng chính là tâm tình của một người bạn trung tín vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

(1) Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:35 15/04/2011
N2T

31. Lửa trong hỏa ngục đốt cái gì, không phải đốt tội của con sao ?

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:37 15/04/2011
LINH MỤC CHUI
Ngài là một linh mục chui (1) học chưa xong thần học, nhưng được một giám mục già đặt tay truyền chức linh mục.
Ngài giúp mục vụ cho giới trẻ trong một giáo xứ nhỏ ở Sài Gòn, có một chiều chủ nhật trước khi nhậu một can nhựa 10 lít rượu đế với đám thanh niên, thì ngài chủ sự chầu phép lành Mình Thánh.
Ngài đi xiêu vẹo lên bàn thờ, đứng không vững để đặt mặt nhật (hào quang), mặt ngài đỏ kè, nồng nặc mùi rượu...
Chầu phép lành xong, một giáo dân trí thức tức giận nói:
- “Cái thứ linh mục học hành không đến nơi đến chốn”.
Đau thật.

(1) “Linh mục chui” là dùng để chỉ các linh mục được phong chức mà không công khai, chỉ có giám mục truyền chức và các ngài hoặc một ít bà con biết mà thôi. “Linh mục chui” thì có nhiều loại: đã học hết chương trình triết và thần của Giáo Hội, hoặc chỉ mới học một vài môn triết hoặc thần học, thì giám mục cho chịu chức để phục vụ Giáo Hội trong hoàn cảnh khó khăn.
-----------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Thập Giá và phận người
Tạ Văn Tịnh OP.
21:17 15/04/2011
Sau sự kiện 11-9-2001, người ta tìm thấy một thanh sắt hình cây thập giá trong đống đổ nát của tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới. Sau đó, cây thập giá này được sử dụng trong các thánh lễ và các buổi cầu nguyện cho những người xấu số và cả những người làm việc ở đó. Phải chăng giữa cảnh chết chóc và hận thù, người ta dùng cây thập giá để mời gọi yêu thương và tha thứ? để hy vọng khi tuyệt vọng? Và, phải chăng sự hiện diện âm thầm của cây thập giá là lời nhắc nhở thâm thúy về những giới hạn tất nhiên của con người cũng như chính cuộc đời?

Có thể nói, nỗi khát vọng sâu thẳm nhất của con người là tìm kiếm hạnh phúc. Tất cả các triết gia, nghệ sĩ, đến phu làm đường đều có chung một mục đích là làm thỏa mãn hạnh phúc cho mình và cho cộng đoàn mình. Tuy nhiên, để tìm kiếm được niềm hạnh phúc không phải là điều dễ dàng, lắm khi thất bại.

Nhân loại đang hối hả đi vào tương lai nhờ thủ đắc những công cụ kỹ thuật tiên tiến nhất mà các thế kỷ trước đó tạo ra. Những thành tựu khoa học, công nghệ thực sự đã có nhiều bước tiến phi thường, đặc biệt về tin học, đến nỗi nó tác động vào hầu hết mọi lãnh vực trong đời sống xã hội, thậm chí được mệnh danh là “thời đại tin học”. Khoa học thế kỷ XX đã vén mở cho lý trí những hiểu biết về vũ trụ, về nhân sinh, và thậm chí cả tình trạng tương lai của nhân loại. Bên cạnh đó, nó mong muốn đáp ứng cho con người cuộc sống tiện nghi, sung túc, giải đáp được những thắc mắc mà triết học đặt ra và thay thế cho vai trò của tôn giáo trong đời sống con người. Thế nhưng chúng ta đã thực sự hạnh phúc?

Bước sang thế kỷ XXI, tiên vàn người ta nghĩ đến những giới hạn của thân phận làm người qua những tai ương do thiên nhiên mang lại cũng như do chính con người gây nên. Chiến tranh, khủng bố, thiên tai, dịch dệnh, đang làm cho sự sống của con người càng ngày càng trở nên bấp bênh. Trận đông đất và sóng thần ở Nhật Bản, cuộc cách mạng Hoa Lài ở một số nước Á Châu là những thực tế mới nhất. Mặt khác, sự bấp bênh của nền kinh tế nơi nhiều quốc gia đang tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của nhiều người. Giữa những biến cố thăng trầm như vậy, người ta suy tư về thân phận của mình.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thiên tài về tình yêu, quê hương và thân phận con người đã ra đi, nhưng ca khúc Thân cát bụi vẫn còn vang vọng đâu đây về hình ảnh của một người sau một chặn đường vừa tuyệt vời vừa mệt nhoài của kiếp nhân sinh. Âu cũng là điều kiện nghiệt ngã chung của thân phận làm người ở đời. Thân cát bụi vẫn âm vang những lời ca vừa linh thiêng, vừa u uẩn như một tiếng thở dài thăm thẳm và mãi mãi còn đó những câu hỏi vừa mơ hồ vừa hiện sinh về nguồn gốc, về tương lai cũng như số kiếp con người: Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi?

Suy cho cùng đây cũng là nỗi khắc khoải chung của con người muôn thủa. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, con người thủ đắc được gì? có vị trí và ý nghĩa gì? hay chỉ là cát bụi? Đâu là nơi con người ta được trở về với chính mình trong một cuộc sống đầy khắc khoải, lo âu và mệt mỏi?

Những biến cố lịch sử đầu thiên niên kỷ thứ ba là lời nhắc nhở sâu xa nhất về những giới hạn của kiếp phàm trần. Chúng ta không thể đi tìm ý nghĩa của đời mình dựa trên nền tảng vật chất, cũng không thể đặt hy vọng vào những giá trị trần thế. Trước thực tại ấy, thúc đẩy con người đi tìm những giá trị bền vững nơi tôn giáo.

Dõi theo những biến cố của Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Kitô không chỉ cứu độ con người thoát khỏi tội lỗi và sự chết do tội lỗi gây ra, mà còn tác động đến những thân phận làm người ở đời bằng những hành động rất cụ thể. Ngài là một vị Vua vinh hiển, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhưng đã cúi xuống với những mảnh đời bất hạnh và cùng cực nhất của xã hội Do thái thời bấy giờ, để bênh vực, an ủi và chữa lành họ. Giữa lúc con người ta đang phải quàn quại trong đau đớn xác thịt, đang bị xã hội khinh miệt, đang chới với giữa dòng đời bôn ba, thì Đức Giêsu đã đến và nâng họ lên. Lời rao giảng của Chúa không chỉ để khai mở cho lý trí nhận biết về Nước Trời, mà đó còn là những thực tại nhắm đến con người được bắt gặp trong những biến cố đời thường. Ngày nay, chúng ta tìm đến với Chúa không phải là để được giàu sang, hay có một địa vị, nhưng là để được an ủi, nâng đỡ và yêu thương. Đức Kitô đến thế gian không phải là để tiêu diệt hết những khổ đau của nhân loại, nhưng là làm cho đau khổ trở nên có ý nghĩa, và mang niềm hy vọng cho những ai đang khổ đau.

Thật vậy, nơi Đức Kitô con người ta có thể tìm được nguồn hạnh phúc vô biên. Người chính là niềm hy vọng cho những ai đang tuyệt vọng, là chỗ dựa tinh thần cho những giới hạn của phận người, là cứu cánh của những khát vọng sâu thẳm nhất. Đồng thời, nơi đó, chúng ta thực sự được trở về với chính mình trong tương quan yêu thương, thân thiện và vị tha. Thập giá là tất cả những gì Chúa Kitô đang nói với nhân loại.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC tiếp kiến tân Thượng Phụ của Giáo hội Maronite
Nguyễn Trọng Đa
07:55 15/04/2011
ĐTC tiếp kiến tân Thượng Phụ của Giáo hội Maronite

VATICAN – Trưa ngày 14-4, ĐTC Biển Đức 16 tiếp kiến các Giám mục và tín hữu của Giáo Hội Maronite, nhân dịp sự kiện hiệp thông Giáo hội của tân Thượng phụ của Giáo hội này, là Đức Bechara Boutros Rai ngày 24-3 qua.

ĐTC nhấn mạnh ở phần đầu bài diễn văn của Ngài rằng đây là chuyến đi thăm đầu tiên Đấng Kế vị Thánh Phêrô của Thượng phụ Rai, kể từ khi ngài được bầu chọn lên Tòa thượng phụ Antioch của Giáo hội Maronite.

Đề cập đến Thượng Hội Đồng Giám Mục vùng Trung Đông (tháng 10-2010), ĐTC nhấn mạnh rằng vào dịp đó thật là cần thiết "để nhắc lại nhiều lần sự cấp bách loan báo Tin Mừng cho những người không biết Tin mừng thật rõ, hoặc đã rời xa khỏi Giáo hội. Với mọi lực lượng quan trọng hiện diện ở Lebanon và Trung Đông, tôi biết các ngài có nhiều nỗ lực để loan báo, làm chứng và sống hiệp thông Lời Sự sống, nhằm tái khám phá sự nhiệt tình năng động của các Kitô hữu thời ban sơ".

Ngài nói: “Khu vực này của thế giới, vốn đã được các tổ phụ, các ngôn sứ, các tông đồ và chính Chúa Kitô chúc phúc bằng sự hiện diện và việc giảng dạy của các Ngài, khát mong nền hòa bình lâu dài mà Lời Chân Lý, được hoan nghênh và chia sẻ, có thể thiết lập".

ĐTC nói tiếp về việc giáo dục những người trẻ tuổi, Ngài mong muốn rằng vai trò "của Đức Thượng phụ trong việc huấn luyện sẽ được xã hội công nhận nhiều hơn, để cho các giá trị cơ bản được được truyền đạt mà không phân biệt đối xử, và để đảm bảo rằng giới trẻ ngày nay trở thành các người nam nữ có trách nhiệm với gia đình nói riêng và xã hội nói chung, để xây dựng tình đoàn kết và tình huynh đệ lớn hơn giữa mọi thành viên của đất nước. Xin các ngài chuyển đến giới trẻ lòng mến trọng và tinh cảm của tôi, nhắc nhở cho họ rằng Giáo Hội và xã hội cần sự nhiệt tình và niềm hy vọng của họ".

Ngài kết luận: "Vì vậy, tôi mời gọi các ngài hãy gia tăng các nỗ lực trong việc đào tạo linh mục và nhiều người trẻ được Chúa kêu gọi trong các giáo phận và Dòng tu. Bằng việc giảng dạy và hiện diện của các vị này, cầu chúc các vị trở nên các chứng nhân đích thực cho Lời Chúa, để giúp các tín hữu neo bám cuộc đời và sứ mạng của họ trong Chúa Kitô!" (VIS 14-4-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Pakistan: Nhiều thanh nữ Kitô hữu bị ép trở lại Hồi giáo, bị hiếp dâm và ép buộc kết hôn
Nguyễn Trọng Đa
08:00 15/04/2011
Pakistan: Nhiều thanh nữ Kitô hữu bị ép trở lại Hồi giáo, bị hiếp dâm và ép buộc kết hôn

Lahore – Tại Pakistan, nạn thiếu nữ bị buộc phải đổi sang đạo Hồi, bị hãm hiếp và ép buộc kết hôn đang gia tăng. Các nạn nhân, phần lớn là các cô gái Ấn giáo và Kitô hữu, tức thuộc các nhóm thiểu số tôn giáo, than phiền điều này với các nguồn tin địa phương của hãng tin Fides.

Đây là một hiện tượng đáng lo ngại cho Giáo Hội tại Pakistan trong một thời gian, và Giáo Hội đang cố gắng để giải quyết, tìm kiếm sự hợp tác của các tổ chức, nhưng đây là một trận chiến không cân sức.

Một nữ tu nói với Fides: “Các cô gái Kitô hữu là yếu nhất và dễ bị tổn thương nhất, bởi vì các cộng đồng của họ là nghèo khổ, không tự vệ và bị gạt bên lề, do đó dễ dàng tiếp xúc với các sách nhiễu và đe dọa. Thường các em gái không có can đảm tố cáo sự bạo hành”. Nữ tu che giấu các em và hỗ trợ cho các em trốn thoát. Nữ tu nói tiếp: “Tuy nhiên, xu hướng này là đáng lo ngại: mỗi năm có hàng trăm trường hợp bị tố cáo, nhưng chỉ có một số phần nhỏ được đưa ra ánh sáng mà thôi”.

Trong một xã hội chấp nhận sự phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số tôn giáo, đặc biệt là phụ nữ, một tôn giáo chiếm ưu thế và một địa vị xã hội liên quan được sử dụng để áp đặt sự độc tài.

Một báo cáo gửi đến Fides do Trung tâm trợ giúp pháp lý và giải quyết (CLAAS) thực hiện, vốn chăm lo trợ giúp pháp lý cho các Kitô hữu bị kỳ thị và đàn áp ở Pakistan, khẳng định vấn đề này, và báo cáo một số trường hợp khủng khiếp xảy ra chủ yếu ở tỉnh Punjab.

Sidra Bibi, một thiếu nữ Kitô hữu 14 tuổi ở huyện Sheikhupura, Punjab, là con gái của một công nhân trong ngành công nghiệp bông. Một người Hồi giáo địa phương đã để ý đến cô và bắt đầu gạ gẫm cô, và cuối cùng bắt cóc và hãm hiếp cô ấy, trước khi đe dọa giết chết cô. Bị lạm dụng về thể xác và tâm lý, cô gái mang thai. Cô tìm cách trốn thoát khỏi người làm khổ cô, và bây giờ đã về lại với gia đình, trong tình trạng kiệt sức. Cảnh sát đã từ chối nhận đơn khiếu nại của cô, và bây giờ các luật sư của CLAAS đang xử lý trường hợp này.

Tina Barkat, cô gái Kitô hữu 28 tuổi, được một người bạn trai Hồi giáo làm quen, và sau khi làm bạn với cô nhiều tháng, đã yêu cầu cô chuyển sang đạo Hồi. Gia đình bắt đầu đọc kinh thánh Koran cho cô nghe, bắt cóc và đe dọa cô, và sau đó cho cô kết hôn với một thành viên Hồi giáo của gia đình. Các luật sư đang hành động để tiêu hủy hôn nhân này.

Một số phận tương tự đã rơi xuống Samina Ayub, một thiếu nữ Kitô hữu 17 tuổi, sống với gia đình gần thành phố Lahore. Bị một người Hồi giáo bắt cóc, cô đã buộc phải chuyển sang đạo Hồi, đổi tên Fatima Bibi, và buộc phải kết hôn theo nghi thức Hồi giáo. Gia đình cô đã báo cáo vụ bắt cóc, nhưng cảnh sát không truy tố những người có trách nhiệm. Trường hợp này vẫn chưa được giải quyết, và gia đình kêu gọi sự huy động của xã hội dân sự để cứu Samina.

Shazia Bibi, một thiếu nữ Kitô hữu 19 tuổi ở Gujranwala, bang Punjab, làm người giúp việc nhà cho một phụ nữ Hồi giáo, chủ một cửa hàng tạp hóa. Người con trai Hồi giáo ở cửa hàng này yêu Shazia. Trong thỏa thuận với bà chủ, họ đã tổ chức chuyển đạo Hồi giáo cho cô và buộc cô phải kết hôn. Kế hoạch đã thành công, nhưng bây giờ, nhờ gia đình của Shazia, trường hợp này đã kết thúc tại tòa án.

Ngoài ra, hai cô gái Kitô hữu khác, là Uzma Bibi, 15 tuổi ở Gulberg, và Saira Bibi, 20 tuổi, một y tá ở Lahore, đã bị các người láng giềng bắt cóc, chuyển sang đạo Hồi và sau đó bị buộc phải kết hôn theo nghi thức Hồi giáo. Gia đình của các cô đã bị sốc và khiếu nại cho các cô gái. Hiện nay các vụ này đã được đưa lên Tòa Thượng thẩm Lahore, được các luật sư thuộc CLAAS làm người đại diện. (Fides 13-4-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Philippines: Tập đoàn McDonald's hủy bỏ quảng cáo sau khi các Giám mục phản đối
Nguyễn Trọng Đa
08:06 15/04/2011
Philippines: Tập đoàn McDonald's hủy bỏ quảng cáo sau khi các Giám mục phản đối

Philippines – Tập đoàn thức ăn nhanh McDonald's của Mỹ đã loại bỏ một quảng cáo trên truyền hình tại Philippines, sau khi đối mặt với vô số lời chỉ trích từ các lãnh đạo Giáo hội.

Trong quảng cáo này, một cô gái khoảng 5 tuổi hỏi một cậu bé cùng tuổi là có thể làm bạn gái của cậu ấy không. Cậu bé từ chối cô bé cách cộc lốc, phàn nàn rằng các bạn gái là hay đòi hỏi quá mức.

Nhưng sau khi cô gái nói rằng cô chỉ muốn có một số khoai tây chiên kiểu Pháp của tập đoàn McDonald's mà thôi, gương mặt của cậu bé sáng lên và quảng cáo kết thúc với cặp trai gái này đi cạnh nhau, nắm nhẹ tay nhau.

Các lãnh đạo Giáo hội Philippines phàn nàn về quảng cáo, nói rằng nó đã gửi thông điệp sai lầm cho trẻ em.

Đức Giám mục Deogracias Yniguez, một thành viên cấp cao của Hội đồng Giám mục Công giáo, nói rằng các mối quan ngại đã tập trung vào việc lấy trẻ em nhỏ làm quảng cáo thương mại theo kiều người lớn.

Ngài nói với hãng tin AFP: “Chúng tôi cần phải rất nhạy cảm và biết ơn nền văn hóa và các giá trị của đất nước chúng tôi”.

Sau khi thảo luận với các Giám Mục, Tập đoàn McDonald's đã đưa ra một tuyên bố, nói: “Chúng tôi nhìn nhận và tôn trọng lập trường của Hội đồng Giám mục Philippines (CBCP), và đã ngừng phát sóng quảng cáo thương mại này trên tất cả các đài truyền hình ở đất nước này".

McDonald's ở Philippines nói thêm: "Trong những năm qua, chúng tôi đã cố gắng để sản xuất các quảng cáo làm nổi bật các giá trị tích cực, như tình yêu cho gia đình và làm việc từ thiện, vốn phản ảnh thương hiệu của chúng tôi. McDonald's vẫn cam kết cổ vũ các giá trị tích cực, và sẽ tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn chất lượng tốt hơn vào những gì chúng tôi làm, cho dù đó là thức ăn, dịch vụ, và thậm chí cách thức chúng tôi giao tiếp với công chúng nữa”. (ICN 14-4-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Assisi: Hành hương ảo được mở tại hầm mộ thánh Phanxicô
Nguyễn Trọng Đa
08:09 15/04/2011
Assisi: Hành hương ảo được mở tại hầm mộ thánh Phanxicô

Roma - Các giám chức tại Vương cung thánh đường thánh Phanxicô thành Átxidi (Assisi, Ý) đã lắp đặt hai camera ghi hình trong hầm mộ của nhà thờ, để cho người Công giáo trên khắp hành tinh có thể thực hiện cuộc “hành hương ảo" (Virtual pilgrimage) đến mộ thánh nhân.

Việc lắp đặt các camera ghi hình, có thể được truy cập tại địa chỉ www.sanfrancesco.org, trùng hợp với việc mở lại hầm mộ của Thánh Phanxicô, vốn đã đóng cửa từ ngày 25-2 qua cho công tác tân trang và bảo trì.

Hầm mộ này là nơi an nghỉ của thánh nhân kể từ năm1230.

Các người sùng mộ thánh nhân, Đấng sáng lập Dòng Phanxicô, cũng có thể gửi lời xin cầu nguyện của mình với thánh nhân theo địa chỉ thư điện tử latuapreghiera@sanfrancesco.org

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, Đức Hồng y Angelo Bagnasco, chủ tế thánh lễ mừng việc mở lại hầm mộ cho công chúng ngày 9-4 qua.

Vị phục vụ của tu viện Phanxicô ở Átxidi, linh mục Giuseppe Piemontese, nói với nhật báo L'Osservatore Romano: "Việc chuẩn bị và sự chờ đợi chuyến thăm của ĐTC Biển Đức 16 đến Átxidi ngày 27-10 tới là các động cơ cho việc khôi phục sự huy hoàng độc đáo của nhà thờ, vốn là trung tâm và trái tim của Átxidi và của các tu sĩ Phanxicô trên khắp thế giới".

Nhờ công sức miệt mài của Sergio Fusetti, các bức tường của hầm mộ - vốn trở nên đen do khói nến thắp ở hầm mộ trong nhiều thế kỷ qua - đã được khôi phục lại màu đỏ độc đáo ban đầu. Một hệ thống chiếu sáng mới cũng đã được lắp đặt.

Sự tân trang lần cuối của hầm mộ đã diễn ra năm 1818, theo yêu cầu của ĐTC Piô VII. Lần ấy, các công nhân đã khai quật thận trọng khu vực xung quanh ngôi mộ, để khách hành hương có thể nhìn thấy rõ ngôi mộ lần đầu sau nhiều thế kỷ. (CNA 14-4-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Công an Trung quốc đánh đập tàn bạo các linh mục hầm trú bị bắt
Mai Trang
08:22 15/04/2011
Hai linh mục Trần Hải Long (Chen Hailong 陳海龍) và Trương Quảng Quân (Zhang Guangjun 張廣軍) bị tra tấn hàng tháng trời vì các ngài nhất định không gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước. Giáo dân trong tỉnh Hà Bắc biết rõ danh tính của hơn 20 linh mục bị tra tấn dã man vì quyết trung thành với Giáo Hội Công Giáo.

Bắc Kinh (AsiaNews) - Kể từ tháng Giêng vừa qua, ít nhất là hai linh mục hầm trú (hiệp thông với Đức Giáo Hoàng), ở giáo phận Tuyên Hoá (Xuanhua 宣化) và Tây Loan Tử (Xiwanzi 西彎子) gần Bắc Kinh đã bị giam giữ và bị đánh đập tàn bạo. Họ ở trong số ít nhất 20 linh mục hầm trú ở giáo phận Tuyên Hoá và Tây Loan Tử đã bị tra tấn và bị áp lực gia nhập vào Giáo Hội được nhà nước đỡ đầu thông qua Hội Công Giáo Yêu Nước do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát trong suốt hai thập niên vừa qua.

Vào ngày 9 tháng Tư vừa qua, cha Trần Hải Long ở Tuyên Hoá đã bị nhà cầm quyền hạt Diên Khánh (Yanqing 延庆) thuộc Bắc Kinh bắt đi, cho đến hôm 12 tháng Tư vẫn chưa được thả ra.

Cha Trương Quảng Quân, cũng thuộc giáo phận Tuyên Hoá, đã bị bắt giữ vào tháng Hai và bị đánh đập rất tàn bạo. Đến ngày 29/3, gia đình cha mới được phép đưa về nhà điều trị. Đầu và chân ngài đầy những vết bầm tím, dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngài đã bị tra tấn rất tàn bạo.

Cha Trương đã bị tra tấn chỉ vì từ chối không chịu đồng tế với giáo sĩ quốc doanh, không chịu "đăng ký" xin nhận "thẻ hành nghề linh mục", một hình thức nhìn nhận Giáo Hội quốc doanh do nhà nước bảo trợ. Cha nói: "Việc tôi đồng tế (với các linh mục yêu nước) là điều không bao giờ có thể xảy ra. Trong khi bị giam giữ, tôi chẳng hề mong sẽ được rời khỏi nơi đây để được tự do bằng con đường đó".

Ngày 13 tháng Giêng vừa qua, lúc đang lẩn trốn trong nhà một giáo dân, ngài đã bị bắt. Công an giả dạng một kỹ thuật viên đến để kiểm tra hệ thống khí đốt trong nhà đã tìm thấy ngài. Ngài bị đưa đến một khách sạn ở Trác Lộc (Zhuolu 涿鹿) nơi công an cấm không cho ngài được phép ngủ trong 5 đêm.

Sau khi được thả về một thời gian ngắn vào dịp Tết Nguyên Đán hồi tháng Hai năm ngoái, Hôm 8/3, cha Trương bị triệu tập lên văn phòng 'Mặt trận thống nhất’ ở đó ngài đã bị đánh đập và tra tấn một cách tàn nhẫn vì vẫn cương quyết không đồng tế với giáo sĩ quốc doanh.

Theo các nguồn tin tại khu vực Trương Gia Khẩu (Zhangjiakou 张家口), kể từ thập niên 1990, hơn 20 linh mục ở giáo phận Tuyên Hoá và Tây Loan Tử đã bị bắt giữ, đánh đập, bỏ tù, đi học tập nhằm ép buộc họ "đăng ký" và "trồi lên" (nghĩa là ra công khai không còn trong tình trạng hầm trú nữa).

"Chúng tôi rất bực mình vì những lời hăm dọa, bạo lực và những phương thức vô nhân đạo các cán bộ nhà nước đã áp dụng với các linh mục của chúng tôi," nguồn tin riêng ghi nhận.

"Nếu nhà nước thực sự ủng hộ việc xây dựng một xã hội hòa hợp và tự do tôn giáo, chúng tôi những người Công giáo ở Trung Quốc, hy vọng họ sẽ thả tất cả các giáo sĩ bị giam giữ và tôn trọng lương tâm của các vị ấy”.

Thêm vào đó, tám linh mục có tên sau đây đã bị bắt đi học tập cải tạo dài hạn:

Điền Vĩnh Phong (Tian Yongfeng 田永峰), Bùi Hữu Minh (Pei Youming 裴有明), Hồ Tuệ Binh (Hu Huibing 胡慧兵), Lương Ái Quân (Liang Aijun 梁愛軍), Vương Vĩnh Sinh (Wang Yongsheng 王永生), Dương Toàn Nghĩa (Yang Quanyi 楊全義), Cao Kim Bửu (Gao Jinbao 高金寶), và linh mục Trương Quế Lâm (Zhang Guilin 張桂林).

Dưới đây là danh sách các linh mục trong khu vực Trương Gia Khẩu, là những người bị giam giữ và tra tấn kể từ những 1990 đến nay, do giáo dân ở Hà Bắc ghi lại:

Năm 1990: Cha Vương Kiến Sinh (Wang Jiansheng 王建生) và Thôi Thái (Cuitai 崔泰) bị giam giữ và bỏ tù trong 3 năm; Cha Trương Lựu (Zhang Li 張力) cũng bị bắt, bị kết án và bỏ tù.

Tháng Tám năm 2006: Cha Lý Hội Sinh (Li Huisheng 李會生) bị bắt tại huyện Trương Bắc (Zhangbei 張北). Ngài bị đánh đập tàn nhẫn phải nhập viện, sau đó bị kết án tù bảy năm, hiện vẫn đang thụ án.

Mùa đông năm 2007: Cha Vương Trung (Wang Zhong 王忠) bị bắt tại Cô Nguyên (Guyuan 沽源). Ngài đã được phóng thích nhưng công an theo dõi đêm ngày để ngăn không cho ngài làm việc mục vụ.

Tháng Chín năm 2007: Cha Vũ Trung Huân (Yu Zhongxun 宇中勳) đã bị bắt lần thứ hai. Ngài bị tra tấn rất tàn bạo. Ngài từng bị trói vào cột bóng rổ suốt đêm, phải khom lưng trong hơn 10 ngày, và bị châm bằng tàn thuốc lá trên khắp cơ thể, rồi bị buộc phải uống nước ớt.

Tháng Bảy năm 2008: Cha Trương Kiến Lâm (Zhang Jianlin 張建林) bị bắt và giam giữ trong bảy tháng, bị tra tấn và hiện vẫn đang tiếp tục bị theo dõi.

Ngày 08 tháng Sáu 2009: Cha Lưu Kiến Trung (Liu Jianzhong 劉建忠) bị bắt giam, bị cấm không cho ngủ nghỉ trong vòng sáu ngày, bị buộc phải đứng chịu đựng sự tra tấn trong suốt 18 giờ mỗi ngày, trong suốt sáu tháng.

Ngày 14 tháng Sáu, 2009: Cha Trương Tôn Tuệ (Zhang Cunhui 張存慧) đã bị công an bắt khi đang trên đường đến dâng lễ. Sau đó cha bị buộc phải trải qua khóa học tập dài tám tháng.

Ngày 30 tháng 5 năm 2010 (Lễ Chúa Ba Ngôi): Cha Lý Đức (Li De 李德) cũng đã bị công an bắt khi đang trên đường đến nơi dâng thánh lễ. Cha Lý đã được thả về sau 2 tháng bị tạm giam. Trong suốt thời gian ngồi tù cha đã không được phép ngủ và còn bị tra tấn.

Tháng 2 năm 2011: Cha Nhâm Hà (Ren He 任河) của giáo phận Tây Loan Tử đã bị bắt đi khi đang hướng dẫn một khóa linh thao dành cho giáo dân tại nhà riêng của một giáo dân.
 
Ấn Độ: Giáo Hội mong đợi tiểu bang có chính quyền mới thay thế cộng sản
Tiền Hô
11:34 15/04/2011
Kolkata (Ấn Độ), 15 Tháng Tư 2011 (UCANEWS) - Lãnh đạo Giáo Hội đang mong đợi một sự thay đổi chính quyền tại tiểu bang phía đông của West Bengal, nơi mà chế độ cộng sản đã cai trị trong hơn ba thập kỷ qua.

Khoảng 56 triệu người được quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử gồm 6 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 18 Tháng Tư, để bầu ra 294 thành viên hội đồng lập pháp tiểu bang. Giai đoạn cuối cùng là ngày 10 Tháng Năm, và kết quả sẽ công bố ba ngày sau đó.

"Chúng tôi muốn những nhà lãnh đạo sẽ đưa chúng tôi tiến về phía trước, được giải thoát và người dân được định hướng", Cha Santanam Irudaya Raj - thành viên của Hội đồng linh mục Tổng Giáo Phận Calcutta nhận xét.

Tổng Giáo Phận này quyết giữ lại tên cũ là Calcutta thay vì tên mới Kolkata do liên minh do Đảng Cộng sản Ấn Độ (Marxist) bây giờ đặt cho thủ phủ của tiểu bang.

"Chính quyền chủ nghĩa Marx đã được nắm quyền quá lâu và đây là thời điểm họ phải giao cho một đảng khác", Cha Raj nhận xét. Theo Cha, đang có những "dấu hiệu đầy đủ" để chỉ sự thay đổi có ở trong tầm tay.

Đức Tổng Giám Mục Lucas Sirkar của Calcutta nói rằng, nhà nước yêu cầu các nhà lãnh đạo phải làm việc theo hiến pháp và hy sinh quan tâm đến lợi ích của nhân dân. Ngài hy vọng chính phủ mới sẽ tập trung vào giáo dục, cơ hội việc làm, cải thiện các cơ sở chăm sóc sức khỏe không phân biệt đối xử.

Gracy Sundar - một nữ tu tỉnh Dòng Thánh Giá Chị nói rằng chị không thấy hy vọng nhiều ở hai mặt trận chính trong cuộc đấu đá. Đại hội Trinamool của Bộ trưởng đường sắt liên bang là liên minh cầm quyền đối lập. Tuy nhiên, chị hoanh nghênh sự cạnh tranh giữa hai bên vì "nó cần thiết để nhà nước tiến về phía trước".

Eugene Gonsalves - Chủ tịch Hiệp hội Công giáo của Bengal thì cho rằng, nếu chính phủ mới là của "những người không xứng đáng" thì họ có thể phải đối mặt với những thách thức. "Lúc mà họ đã có bài học trong công việc, thì đó sẽ là thời điểm họ phải rút lui", ông nói thêm.

Gonsalves nói rằng Kitô hữu chỉ chiếm có 1.5% dân số nên họ mong đợi chính phủ mới bảo vệ quyền thiểu số vốn được bảo đảm trong hiến pháp Ấn Độ. "Các cộng đồng Kitô giáo trong tiểu bang bị bỏ rơi trong mọi lĩnh vực", ông nói.

Nhưng Cha Reginald Fernandes - giám đốc Seva Kendra, một trung tâm phục vụ xã hội của Tổng Giáo Phận Calcutta thì không lạc quan trước cơ hội của sự thay đổi. Cha nói, "Sự thay đổi sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề trong tiểu bang. Nó chỉ có thể mở ra sự thay đổi bề ngoài".

Vị linh mục này lo lắng là bởi vì tình trạng bất ổn ở quận Midnapore West - điểm nóng của chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Theo Cha, chỉ có các sáng kiến hòa bình của người dân mới có thể giải quyết vấn đề và Giáo Hội sẽ tham gia phong trào như vậy. Quận này sẽ bầu cử vào Tháng Bẩy.

Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục Sirkar đã yêu cầu các giáo xứ và các tổ chức Giáo hội cầu nguyện "để củng cố đời sống truyền giáo ở khu vực Midnapore".

Cha Shyam Charan Mandi - một linh mục giáo xứ trên địa bàn quận cho biết, mọi người muốn được cứu khỏi sự ngột ngạt mà họ phải chịu đựng từ các nhà lãnh đạo chính trị hiện nay.
 
Uỷ Ban Vatican bầy tỏ ưu tư mạnh mẽ về mối tương quan với Trung Quốc
Bùi Hữu Thư
14:01 15/04/2011
VATICAN (CNS) Một Uỷ Ban của Tòa Thánh về Trung Quốc đã bầy tỏ mối ưu tư mạnh mẽ về mối tương quan ngày càng thoái hóa với chính phủ Trung Quốc và kêu gọi chính quyền quốc gia này tránh áp dụng những biện pháp làm cho các vấn đề giữa quốc gia và Giáo Hội thêm trầm trọng.

Đặc biệt, ủy ban này yêu cầu các giới chức Trung Quốc ngưng không tiếp tục phong chức cho các giám mục không có sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Benedict XVI.

Bản văn mang tiêu đề "Điệp Văn cho người Công Giáo Trung Hoa" được phổ biến ngày 14 tháng Tư sau ba ngày họp của uỷ ban tại Vatican.

Ủy ban bầy tỏ lòng hân hoan về tin Giáo Phận Thượng Hải đang phát động án phong Chân Phước cho Paul Xu Guangqi, một học giả Trung Hoa đã từng cộng tác mật thiết với linh mục nổi danh Matteo Ricci, một nhà truyền giáo Dòng Tên thế kỷ 16 và 17.

Đức Thánh Cha Benedict đã tiếp xúc với các thành viên của uỷ ban vào ngày cuối của buổi họp của họ. Ngài ngợi khen ước muốn của người Công Giáo Trung Hoa là được kết hiệp với Rôma mà ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo về tu đức để đối phó với các thách đố hiện tại.

Điệp văn của uỷ ban bắt đầu bằng việc ghi nhận "bầu khí nói chung về sự mất định hướng và lo sợ cho tương lai" của giáo hội Trung Hoa, tiếp theo các sự thoái hóa về mối tương quan giữa quốc gia và giáo hội.

Điệp văn nói là trong hoàn cảnh có rất nhiều giáo phận không có giám mục, việc chọn lựa giám mục là một nhu cầu khẩn thiết, nhưng đồng thời cũng là "môt vấn để hết sức ưu tư."
 
Dấn thân vì người nghèo
Jos. Tú Nạc, NMS
19:58 15/04/2011
Toyohiko Kagawa là con người của đức tin. Nhưng ông nghĩ rằng đức tin tôn giáo không chỉ đặt nặng vào một bản liệt kê những điều luật. Ông tin tưởng vào nó là sự yêu thương và phục vụ tha nhân. Chính vì vậy Kagawa đã tìm cách giúp đỡ để phát triển đời sống của những người Nhật bần cùng nhất.

Năm 2009 là năm đặc biệt nhất ở Kobe, Nhật Bản. Những người thẩm quyền tổ chức kỷ niệm. Đó là 100 năm kể từ khi Toohiko Kagawa dời đến sống ở khu vực nghèo nàn nhất trong thành phố này – những khu nhà ổ chuột. Ngày 24 tháng Mười Hai năm 2009 là ngày kỷ niệm chính thức kỷ niệm sự kiện này tròn 100 năm.

Toyohiko Kagawa sinh năm 1888 tại Nhật Bản. Gia đình ông rất giầu có. Nhưng cha mẹ ông đã mất khi ông còn nhỏ. Nên ông phải sống với những thành viên khác trong gia đình mình. Khi ông khôn lớn. Họ gửi ông đến một trường học. Ở đó ông đã gặp một số người Ki-tô giáo nói cho ông nghe về đức tin của họ. Kagawa cảm thấy rất thú vị và vì thế ông đã trở thành một Ki-tô hữu.

Nhưng gia đình ông không hài lòng về đức tin mới nhận biết của ông. Họ từ bỏ ông khỏi thành phần gia đình vì ông là một Ki-tô hữu. Nên ông đã không trở về nhà với gia đình. Ông đến sống ở khu nhà ổ chuột – nơi nghèo nhất của thành phố.

Nhà cửa trong khu ổ chuột được xây dựng rất tồi tàn. Đường phố bẩn thỉu và bệnh tật tràn lan. Nhưng Toyohiko Kawaga đến để phục vụ những người sống ở đó.

Cuộc sống không dễ dàng đối với Kagawa. Những tội phạm và những người khác đã tấn công ông tại nhà. Và ông cũng chỉ có ít tiền để lo cho chính mình. Những người bệnh tật và thân nhân những người chết đến ông để tìm kiếm sự giúp đỡ. Rồi ông cũng lâm bệnh nặng. Toyohiko Kagawa đã mô tả cái cảnh mà ông thập tử nhất sinh như thế nào.

“Điều kiện của tôi hầu như hoàn toàn vô vọng. Tôi phải cố gắng hết sức mới thở được. Mất một tuần lễ tôi năm trên giường. Tôi chỉ biết cầu nguyện và trông chờ. Tôi thầm nghĩ đây là lúc cái chết đến với tôi. Bác sỹ bảo tôi hãy nói với bạn bè tôi như vậy. Tôi cầu nguyện bốn giờ đồng hồ. Tôi chờ trút hơi thở cuối cùng. Nhưng rồi tôi đã trải qua một sự huyền bí và diệu kỳ. Đó là một nhận thức đầy hân hoan của Thiên Chúa sống trong tôi. Một cảm giác mà Thiên Chúa đang ở trong tôi và tất cả quanh tôi. Tôi cảm thấy vui sướng vô bờ. Tôi có thể thở lại bình thường. Cơn sốt đã ra đi. Tôi đã quên đi cái chết. Đêm đó bác sỹ trở lại muộn. Ông đã viết xong hồ sơ khai tử cho tôi. Bây giờ ông sợ người ta gọi ông là bác sỹ bất tài kém tướng.”

Kagawa tiếp tục công việc của mình ở khu nhà ổ chuột. Ông đã quyết định thành lập một nhóm để giúp đỡ những người nghèo khổ, cùng nhau đóng góp để mua những thứ mà họ cần. Với cách đó họ có thể mua với giá rẻ. Họ cũng giúp đỡ nhiều công nhân trong những công việc với đồng lương thấp. Họ xây dựng một ngôi trường để những công nhân có thể học vào buổi tối. Và, ông giúp họ tổ chức thành từng nhóm, một hiệp hội mậu dịch. Điều này có nghĩa là họ có thể cùng nhau làm việc và bảo vệ quyền lợi của họ.

Năm 1921, những người thợ thuyền này quyết định một cuộc đình công – họ ngưng làm việc. Họ làm điều này để những người có thẩm quyền có thể lắng nghe những vấn đề của họ. Những công nhân này muốn họ có quyền lợi nhiều hơn trong công việc. Kagawa đã dẫn đầu cuộc phản đối của công nhân. Nên sau đó cảnh sát đã bắt ông, Kagawa nói,

“Đây là lần đầu tiên trong nhiều chuyến đi của tôi tới đồn cảnh sát. Họ bỏ tù tôi mười ba ngày. Nhưng tôi đã có một thời gian thoải mái khi ở trong tù. Ở đó tốt hơn khu nhà ổ chuột mà tôi đang sống. Nó sạch sẽ và có tổ chức. Tôi bắt đầu viết cuốn sách thứ ba của tôi. Tôi có thể nghiên cứu và cầu nguyện mà không bị người khác gây phiền toái.”

Kagawa đã viết rất nhiều sách. Ông viết thi ca và truyện ngắn. Ông viết về Ki-tô giáo và chính trị. Ông cũng viết về những khu nhà ổ chuột và bằng cách nào để phát triển chúng. Sau khi làm việc ở những khu nhà ổ chuột một thời gian, Kagawa nhận thấy nhiều người khác cũng cần sự giúp đỡ. Những nông dân đang sống ở miền quê cũng rất nghèo. Bởi vì phần nào những nông dân này đã phải mướn đất từ những địa chủ giàu có.

Kagawa đã thành lập một nhóm người để giúp đỡ những nông dân này có tiếng nói trên diễn đàn chính trị. Nhóm này muốn có những điều luật mới để bảo vệ nông dân. Kagawa cũng chỉ cho họ biết làm như thế nào tốt hơn để sử dụng đất của họ. Điều này giúp họ tăng canh những vụ mùa mới với những loại cây trên những vùng dất không cần đến. Nó cũng giúp cho đất trồng được tốt hơn.

Mất nhiều năm Kagawa đã tranh luận rằng mọi người đề có thể bầu cử. Vào thời đó, những người nghèo không được đi bỏ phiếu. Nên chính phủ đặt ít nỗ lực vào việc giúp đỡ họ. Nhưng, năm 1925, chính phủ đã thay đổi luật pháp. Những người nghèo được cho cơ hội đi bầu. Kagawa đã giải thích bằng cách nào để chính phủ thay đổi quan điểm của mình.

“Đột nhiên, mọi người trở nên quan tâm đến những người nghèo trong những khu nhà ổ chuột. Họ đã khám phá ra những gì mà tôi đã phát biểu vào năm 1923- rằng chính phủ nên tái xây dựng những khu nhà ổ chuột. Sau đó chính phủ đã vận dụng những đề nghị của tôi. Họ đã cấp đủ ngân sách để tái xây dựng những khu nhà ổ chuột ở những thành phố lớn nhất của Nhật Bản – Tokyo, Osaka, Yokahama, Kobe, Kyoto và Nagoya. Nên những khu nhà ổ chuột trong những thành phố này đã biến mất. Chính quyền thành phố đã xây những tòa nhà lớn chứa được nhiều hộ gia đình. Những đường phố được tái thiết. Nhiều năm quan tâm của tôi đến những khu nhà ổ chuột – những đêm không ngủ để viết về những điều kiện khủng khiếp của khu nhà ổ chuột – đã thành công.”

Nhà chức trách ở Kobe không quên những việc làm của Kagawa. Toshizou Ido là một trong những người dồn sự quan tâm vào năm 2009 những kỷ niệm dành cho Kagawa. Toshizou Ido là một nghị sỹ của Hyogo, khu vực của Nhật Bản bao gồm cả Kobe. Ông nói,

“Ngày nay tiền bạc có ý nói đến mọi thứ. Càng nhiều người sở hữu, càng nhiều người đặt giá trị chúng như một thành công. Nhưng những hành động của Kagawa được đặt trên căn bản của sự đối lập. Chúng được đăt trên căn bản của cảm xúc con người, về sự hiểu biết và cùng nhau làm việc. Vậy, tôi tin rằng điều đó có thể mang đến nhiều bài học giá trị bằng cách học tập những thành tựu của Kagawa.”

 
Top Stories
Holy Thursday collection for disaster relief in Japan
Carol Glatz
09:41 15/04/2011
VATICAN CITY (CNS) -- Pope Benedict XVI has decided the collection taken up at his Holy Thursday evening Mass will be used to help those affected by the devastating earthquake and tsunami in northeast Japan.

The March 11 disaster left more than 13,000 people dead and another 13,700 unaccounted for. More than 150,000 were made homeless and many lost their jobs, especially in the fishing industry.

Each year, the pope chooses where to send the collection taken up during the Mass of the Lord's Supper at the Basilica of St. John Lateran, the cathedral of the Diocese of Rome.

Pope Benedict's decision to use the collection from the Mass April 21 to support Japanese earthquake and tsunami victims was announced by the Vatican April 14.

In announcing the pope's decision to use the Holy Thursday collection for Japan, the Vatican also published the pope's Holy Week schedule.

The pope was to celebrate the usual slate of Holy Week and Easter liturgies: Palm Sunday Mass in St. Peter's Square April 17; the chrism Mass in the morning April 21 in St. Peter's Basilica; the Mass of the Lord's Supper that evening; on Good Friday, April 22, the afternoon liturgy of the Lord's Passion in St. Peter's Basilica, followed by the nighttime Way of the Cross; the Easter Vigil April 23 in St. Peter's Basilica; and Easter morning Mass April 24 in St. Peter's Square.
 
The Holy See and the Church in China: firm and merciful
Bernardo Cervellera
09:47 15/04/2011
The message from the Commission on the Church in China, released today reiterates the elements necessary for ecclesial communion, after the illicit ordination of Chengde and the Assembly of Catholic representatives in Beijing. No excommunication, but the Pope stresses that faith and unity of the Church are fundamental. Process of cause for the beatification of Paul Xu Guangqi begins. On 24 May the World Day of Prayer for the Church in China.

Vatican City (AsiaNews) – Firm and merciful, demanding freedom and open to dialogue with Beijing, the message to Chinese Catholics released today by the Vatican Commission for the Church in China teeters on the brink of this difficult synthesis. The April 11 to 13 meeting came after the two humiliations suffered by Benedict XVI and the Holy See with the illicit ordination of Chengde and the National Assembly of Catholic Representatives: both actions contrary to the instructions of the pope, and in the presence of bishops in communion with the Pope who, willingly or forced, were present at both events.

The message centers on these two facts and points out that the mandate of the pope is necessary for episcopal ordinations in the name of faith and should not be seen as undue meddling "in internal affairs of a state." The message reminds China of this fact, which similarly to Stalin is always fearful of Vatican "divisions", and contemporarily those Chinese bishops, who while in formal communion with the pope, are fascinated by the "patriotism" and "independence" of a so-called "conciliar" Church.

The document is clear in recalling the canonical sanctions (excommunication) linked to acts of disobedience, and demands that every bishop justify himself and explain how and why these events occurred to the Holy See and the faithful, shocked by the affront to the dictates of the pope.

But the Message - and the pope – does not excommunicate anyone. This is because the Commission is concerned above all about the unity of the Church in China, a Church that three years after the Pope's Letter (2007) which called for reconciliation, is more divided than ever.

Hence the exhortation to "love, to forgive, and to be faithful," to "safeguard unity and ecclesial communion even at the cost of great sacrifice." Even the Pope, who was present at the Commission’s last session stressed that "the faith of the Church, laid out in the Catechism of the Catholic Church and to be defended even at the cost of sacrifices, is the foundation on which the Catholic communities in China have to grow in unity and communion. "

The text reiterates its condemnation of organisms which intruding into the life of the Church try to shape it according to "the principles of independence and autonomy, self-management and democratic administration of the Church" incompatible with Catholic doctrine. The quotation, taken from the Pope's letter to Chinese Catholics (No. 7) was intended to refer to the Assembly of Catholic representatives, which places itself above the authority of bishops, and the Patriotic Association, which controls the lives of bishops and official community.

But the document does not suggest any practical action, it merely limits itself to reaffirming ecclesial values. Many unofficial bishops ask their colleagues recognized by the government to be more decisive and courageous, by leaving the PA. But this is not happening because of fear, for fear and convenience: for the past several years the PA has implemented a campaign of "sympathy" towards bishops by giving them huge benefits (new houses, cars, money, ...) making any break, as requested by the Pope, increasingly difficult.

It is likely that it is precisely this fragility of new bishops - young in their forties who have never lived in a Church independent from the state - to push the Commission to request a more profound formation of seminarians and clergy.

Even regarding the Chinese government the stance is one of both firmness and magnanimity: the Message reiterates that the appointment of bishops belongs to the Holy See, while at the same time offering Beijing the possibility to reach an agreement on the choice of candidates.

The message, with "fear and trepidation for the future, launches an appeal (toBeijing?),"so that the problems do not grow and that the divisions are not deepened, at the expense of harmony and peace”. The PA has in fact threatened several times to proceed to appoint dozens of bishops without the consent of the Holy See, regardless of the demands of faith and communion.

As proof of its desire to collaborate with the Chinese government, the Commission states its willingness to discuss ecclesiastical divisions with it. The government, in fact, want diocese to follow the map of administrative divisions, which means obliterating ancient episcopal sees. So far, the Vatican has held together the two subdivisions, but this proposal gives way to a restructuring of the distribution of bishops in China, avoiding areas of high concentration - eg, around Beijing - and areas where the sees are rather more rare.

In this time "of disorientation and anxiety" of "pain" and "trials", the Commission (and the Church in China) is comforted by the evidence of the many missionaries and charitable commitments of priests, nuns and faithful, as well as the holiness of the Church and prayer.

The message notes that the proposal has been accepted from the diocese of Shanghai to initiate the cause of beatification of Paul Xu Guangqi, the Chinese Mandarin baptized by the Jesuits in the early seventeenth century, a great scientific personality of his time much appreciated by Chinese historians, in addition to the cause of beatification of Matteo Ricci.

It also recalls that May 24, the feast of Mary Help of Christians, celebrated at the shrine of Sheshan (near Shanghai), remains throughout the universal Church a Day of Prayer for the Church in China.

(Source: http://www.asianews.it/news-en/The-Holy-See-and-the-Church-in-China:-firm-and-merciful-21311.html)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mục vụ Di dân Tu viện thánh Martin tổ chức Đêm Hội lễ giỗ Quốc Tổ
F.X. Trần Kim Ngọc, O.P.
08:55 15/04/2011
Xuân Lộc - Cùng hoà chung với đồng bào Việt Nam hướng về Đền Hùng, Ban Mục vụ Di dân thuộc Tu viện thánh Martin tổ chức Đêm Hội lễ giỗ Quốc Tổ (tại địa điểm 1) cho một khu nhà trọ khoảng gần 300 phòng.

Xem hình ảnh

Đến với đêm hội, bà con di dân đều háo hức. Chương trình đêm hội gồm có hai phần. Phần thứ nhất là phần lễ; trong phần này, có nghi thức “Nghinh Thiên - Tế Trời” và cầu cho: “Quốc Thái Dân An”, “Tổ Tiên Nội Ngoại” và “Gia Tộc - Thân Hữu”. Phần lễ diễn ra trong bầu khí trang trọng với nghi thức khai mạc bằng bài hát cầu xin Chúa Thánh Thần, kế đến là đôi lời giới thiệu về nguồn gốc Quốc Tổ để dẫn vào phần nghi thức. Phần thứ hai là phần hội; trong phần này, bà con tham gia nhiệt tình vào những tiết mục qua các bài hát tân - cổ và chơi lôtô...

Cũng nên nói thêm, việc tổ chức những lễ hội theo truyền thống văn hoá của dân tộc nằm trong nỗ lực hội nhập văn hoá nhằm đưa các giá trị Tin Mừng vào trong nếp sinh hoạt văn hoá của đồng bào dân tộc. Chúng tôi nghĩ rằng đây là việc rất cần thiết trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

Trời đã về khuya, lòng người vẫn như đang muốn lưu lại với tiếng cười lời hát và những trò chơi. Nhưng thôi! Chương trình đành phải khép lại với lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa để xin Ngài chúc phúc lành xuống cho đất nước, cho đồng bào và cho những người di dân nghèo đang sống nơi đất khách quê người.
 
Khóa bồi dưỡng quản trị giáo xứ tại Trung Tâm Mục Vụ GP Bắc Ninh
Xương Giang
09:30 15/04/2011
BẮC NINH - từ ngày 11-15/4/2011, 51 học viên từ một số xứ họ trong giáo hạt Bắc giang thuộc giáo phận Bắc ninh đã tập trung về Trung tâm mục vụ giáo phận Bắc ninh tham gia khóa học quản trị xứ họ.

Xem hình ảnh

Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Bắc ninh mở khóa mục vụ quản trị xứ họ hầu khơi dậy nơi quý vị ban hành giáo tinh thần và ý thức về Giáo hội cũng như trách nhiệm xây xựng Giáo hội theo định hướng “Nước Trời” ngay tại môi trường sống là chính các xứ họ.

Trong khóa học này, các học viên được trang bị những kiến thức cơ bản về vai trò, quyền hạn và nhiệm vụ của người Kitô hữu nói chung và của mỗi vị ban hành giáo nói riêng.

Tham gia khóa bồi dưỡng ban hành giáo, các vị ban hành giáo cũng được tìm hiểu về lịch sử giáo phận và mẫu gương 100 vị đầu mục (các ban hành giáo) đã anh dũng hy sinh cho đức tin mà giáo phận chuẩn bị mừng kỷ niệm 150 năm (1862-2012). Đặc biệt, các học viên học hỏi về người con ưu tú nhất của giáo phận Bắc ninh và của các bàn hành giáo là thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh.

Trong thánh lễ bế mạc, các học viên dâng lời tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho các vị ban hành giáo tiền nhiệm đã quan đời. Cũng trong thánh lễ bế mạc này, quý vị ban hành giáo nói lên quyết tâm sống và phục vụ theo “Bài ca chỉ đường” như là “Kim chỉ nam” cho toàn thể ban hành giáo của giáo phận Bắc ninh.

Bài Ca Chỉ Đường:
Trên đường phụng sự Phúc Âm,
Toàn Ban Hành Giáo quyết tâm thực hành:
Nêu gương đạo đức trung thành,
Hết niềm kính Chúa, ái nhân chân tình.
Luôn luôn bình tĩnh tự tin,
Lập trường kiên định không thiên không lùi.
Nhưng hằng hoà nhã vui tươi,
Khiêm nhường nhịn nhục đúng lời Chúa khuyên.
Phục tùng tự nguyện cấp trên,
Tu thân, đoàn kết tiến lên không ngừng.
Tránh điều tham nhũng bất công,
Vì Chúa hết lòng phục vụ nhân dân.
Chẳng cầu danh lợi phù vân,
Chỉ cần phần thưởng Chúa ban đời đời.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Dấy lên một Mùa Kinh!
Văn Quảng
09:39 15/04/2011
đất biên giới còn ủ
những hồn xưa
đá đảo xa vẫn hồ như
bóng lính
Tây Nguyên nhớ người
mình
Cửu Long khóc dân lành
gió Trường Sơn
sóng Biển Đông
sinh hận tử oan trùng
trùng gọi những lời kinh.

kinh môi chị nóng tim anh
kinh lòng mẹ nâng bước
con
kinh Tiền Nhân về làm
mùa bão tố.

vó ngựa Quang Trung gõ
nhịp mõ
trống Mê Linh phổ những
hồi chuông
đêm Lam Sơn bập bùng ánh
nến
hồn Việt Tộc quyện
hương khói bay lên

hãy dấy lên một mùa kinh
Vô Úy!
hãy dấy lên một mùa kinh
Công Lý!
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Điện thoại thông minh dự báo kẹt xe
Trầm Thiên Thu
19:49 15/04/2011

IBM đang thử nghiệm phần mềm điện thoại thông minh (smartphone, ĐTTM) được thiết kế để dự báo ùn tác xe và cảnh báo các tài xế về kẹt xe.

IBM nói rằng các nhân viên của họ ở San Francisco và Silicon Valley ở Bắc California đã thử nghiệm kỹ thuật này để giúp các tài xế trên thế giới tránh các điểm ùn tắc giao thông.

Thông tin báo qua máy vi tính kết nối Internet xác định các kiểu xe di chuyển.

Các dữ liệu thu được từ các bộ phận cảm ứng trên đường dùng bản đồ trực tuyến được phân tích để xác nhận tình trạng thường dẫn đến kẹt xe. Các kết quả được nối kết để hình thành dự báo khi tài xế gặp khó khăn khi chạy trên đường.

Tài xế cóa thể chạy và sẽ được báo trước 35 hoặc 40 phút về tình trạng giao thông. Các nhà nghiên cứu của IBM làm việc với cảnh sát bang California và đội Mobile Millennium thuộc ĐH Berkeley, ở California, về dự án này. Ứng dụng ĐTTM cho phép người ta nhận các cảnh báo có thể gây ùn tắc trước khi khởi hành hoặc đang trên hành trình.

Thiết bị phân tích giao thông gọi là Traffic Prediction Tool (TPT) do IBM phát triển. TPT tiếp tục phân tích các dữ liệu có thể gây ùn tắc trên các tuyến xa lộ, đường xe lửa và các đường trong thành phố.

(Lược dịch từ news.discovery.com)
 
Văn Hóa
Lời cầu trên đất
Một dòng sông
08:34 15/04/2011
khi con quỳ gối
trên mảnh đất tổ tiên bao đời từng quỳ gối
mảnh đất thấm đẩm nước mắt khổ đau
thấm đẩm máu thánh tử đạo
những người chết vì niềm tin
vì rao truyền chân lý
nghẹn ngào con khấn nguyện
xin Chúa cho mảnh đất con đang quỳ đây được an bình
đừng động đất đừng sóng thần
đừng thiên tai đừng mất mùa đừng chiến tranh giặc giã
xin cho mọi người sống trên đất này được no cơm ấm áo
được tự do
được tôn trọng phẩm giá
và được nhận biết Thiên Chúa là Cha

ngày xưa khi Thánh gia phải rời quê hương trốn sang Ai Cập
nổi đau của Yuse là lớn lao
nổi nhớ nhà của Marie là khôn tả
mỗi lúc chiều về trên xứ lạ
cả hai nhiều lần phải rơi lệ
vì thương nhớ quê hương
thương nhớ mái nhà xưa
thương nhớ làn khói lam chiều
nhớ làng quê nghèo Nazareth
nhớ dòng sông Jordan
nhớ làn ru điêu hò dân tộc
… nỉ non tiếng ai bên bờ sông Babylon
Babylon
Babylon
ta ngồi ta khóc ta nhớ Sion
Sion
Sion
lưỡi ta dính trong họng ta
nếu ta không nhớ đến người

như Thánh Gia xưa
trên đời này không ai không có một quê hương để thương nhớ
và cũng không ai không thương nhớ quê hương
mẹ Việt Nam ơi
mỗi khi con quỳ gối xuống lòng đất mẹ
hồn nghẹn ngào
ôi tổ quốc thân yêu
ôi quê hương quê nhà quê mẹ quê cha quê xưa quê cũ quê tôi dấu yêu

nơi mỗi bình minh trước biển cả
tôi vẫn chờ đợi một mặt trời rẻ quạt nan như Victor Hugo từng chờ đợi
nơi mỗi hoàng hôn trên đỉnh núi
tôi vẫn đợi một mặt trời không lặn trên đôi tay nguyện cầu của Môi Sen
mỗi làn gió nhẹ
tôi chờ tiếng mẹ à ơi
mỗi bình minh
tôi chờ gói xôi mẹ nấu
mỗi trưa nắng
tôi đợi tấm lưng đẫm mồ hôi cha
mỗi đêm về
tôi chờ ngọn đèn sáng trên bàn thờ cả nhà quỳ gối
mỗi mùa mưa lũ
chờ nước sông réo chờ gió hò reo
mỗi mùa nắng hạ
mỗi mùa lúa chín
mỗi mùa trăng tròn
mỗi năm mỗi tháng mỗi ngày mỗi giờ mỗi khắc
tôi vẫn chờ
một câu ca dao một làn ví dặm một điệu lý xàng xê một câu xề vọng cổ
tôi chờ trong nổi khát khao không bao giờ cạn
dân tộc ấm no
chờ hơi thở bát ngát tự do
chờ tình thương chờ công lý
chờ những đầu óc rộng mở biết chấp nhận dị biệt của anh em
chờ hạnh phúc chan hòa khắp đất nước
mãi mãi tôi chờ
và tôi vẫn chờ mãi mãi …

lạy Chúa trời con
xin cho con được sống trong tự do trong hạnh phúc và được chết bình an trên mảnh đất này
cùng các anh em con …
 
Hoa Vạn Tuế
Thanh Sơn
00:02 15/04/2011

Chúa Nhật Lễ Lá


BUỒN cho nhân thế bội tình
CHO ta gẫm sự hy sinh của Ngài
NHÂN tâm đầy những chông gai
THẾ nhân, vạn tuế rước Ngài hôm nay
BỘI tình sau chỉ vài ngày
TÌNH đời tráo trở bàn tay xưa rày

TUNG hô vạn tuế, lạy Thầy!
HÔ rồi cởi áo trải ngay lót đàng
HÔM nay chí thánh vinh quang
TRƯỚC giờ chưa có ai sang hơn vầy
PHỤ thân cũng chẳng hơn Thầy
TÌNH dâng như bát nước đầy trào tuôn
HÔM sau thấy khó ta chuồn
SAU này liên lụy vương buồn vào thân

CẦN chi thời thế đổi vần
THẦY mặc chúng bắt, lãnh phần khổ đau
NHỮNG lời hứa đã quên mau
LÚC này mới thấy vàng thau rõ ràng
KHỔ từ "cái hôn bẽ bàng"
ĐAU hơn "kẻ phản rõ ràng Giuđa"

SONG Ngài hiến mạng cho ta
RỒI đây thể hiện Ý CHA muôn đời
QUAY về vĩnh cửu NGÔi LỜI
BƯỚC cho hoàn tất cứu đời nhân gian
BUỒN trên Thánh Giá ngút ngàn
ĐAU trong đền thánh bức màn xé đôi
MẶC nhiên rung chuyển đá rơi
THẦY cho nhân loại đến hơi cuối cùng.


 
Hoa Vạn Tuế
Thanh Sơn
00:05 15/04/2011
Chúa Nhật Lễ Lá


BUỒN cho nhân thế bội tình
CHO ta gẫm sự hy sinh của Ngài
NHÂN tâm đầy những chông gai
THẾ nhân, vạn tuế rước Ngài hôm nay
BỘI tình sau chỉ vài ngày
TÌNH đời tráo trở bàn tay xưa rày

TUNG hô vạn tuế, lạy Thầy!
HÔ rồi cởi áo trải ngay lót đàng
HÔM nay chí thánh vinh quang
TRƯỚC giờ chưa có ai sang hơn vầy
PHỤ thân cũng chẳng hơn Thầy
TÌNH dâng như bát nước đầy trào tuôn
HÔM sau thấy khó ta chuồn
SAU này liên lụy vương buồn vào thân

CẦN chi thời thế đổi vần
THẦY mặc chúng bắt, lãnh phần khổ đau
NHỮNG lời hứa đã quên mau
LÚC này mới thấy vàng thau rõ ràng
KHỔ từ "cái hôn bẽ bàng"
ĐAU hơn "kẻ phản rõ ràng Giuđa"

SONG Ngài hiến mạng cho ta
RỒI đây thể hiện Ý CHA muôn đời
QUAY về vĩnh cửu NGÔi LỜI
BƯỚC cho hoàn tất cứu đời nhân gian
BUỒN trên Thánh Giá ngút ngàn
ĐAU trong đền thánh bức màn xé đôi
MẶC nhiên rung chuyển đá rơi
THẦY cho nhân loại đến hơi cuối cùng.


 
Hoa Vạn Tuế
Thanh Sơn
00:07 15/04/2011
Chúa Nhật Lễ Lá


BUỒN cho nhân thế bội tình
CHO ta gẫm sự hy sinh của Ngài
NHÂN tâm đầy những chông gai
THẾ nhân, vạn tuế rước Ngài hôm nay
BỘI tình sau chỉ vài ngày
TÌNH đời tráo trở bàn tay xưa rày

TUNG hô vạn tuế, lạy Thầy!
HÔ rồi cởi áo trải ngay lót đàng
HÔM nay chí thánh vinh quang
TRƯỚC giờ chưa có ai sang hơn vầy
PHỤ thân cũng chẳng hơn Thầy
TÌNH dâng như bát nước đầy trào tuôn
HÔM sau thấy khó ta chuồn
SAU này liên lụy vương buồn vào thân

CẦN chi thời thế đổi vần
THẦY mặc chúng bắt, lãnh phần khổ đau
NHỮNG lời hứa đã quên mau
LÚC này mới thấy vàng thau rõ ràng
KHỔ từ "cái hôn bẽ bàng"
ĐAU hơn "kẻ phản rõ ràng Giuđa"

SONG Ngài hiến mạng cho ta
RỒI đây thể hiện Ý CHA muôn đời
QUAY về vĩnh cửu NGÔi LỜI
BƯỚC cho hoàn tất cứu đời nhân gian
BUỒN trên Thánh Giá ngút ngàn
ĐAU trong đền thánh bức màn xé đôi
MẶC nhiên rung chuyển đá rơi
THẦY cho nhân loại đến hơi cuối cùng.


 
Hội chứng Giuđa
Trầm Thiên Thu
20:03 15/04/2011

Giuđa bán Chúa một lần

Còn con bán Chúa cả đời mà quên

Lại còn ảo tưởng ngày đêm

Ngỡ mình là một thánh nhân hơn người

Bao nhiêu tội lỗi tày trời

Vậy mà còn dám chê cười Giuđa

Con ăn chia với quỷ ma

Chỉ tìm tư lợi, vô tư bán Thầy



Thấy dân cầm lá trên tay

Vạn tuế đón Thầy, con ảo tưởng thêm

Ngỡ Thầy được vậy là ngon

Ắt là trò cũng hưởng phần thơm lây

Thế nên con bất cần đời

Tháng ngày con chẳng coi ai ra gì

Ngông nghênh, tự đắc, kiêu sa

Ai dám giỡn đùa thì sẽ biết tay



Ai dè Chúa chịu đắng cay

Khiến con thất vọng trắng tay ê chề

Bán Thầy, con chẳng ngại gì

Bán đi bán lại giá ba mươi đồng

Rốt cuộc tay trắng hoàn không

Con càng thất vọng, chán chường, sầu lo

Nhiễm vào hội chứng Giuđa

Càng ngày càng hóa trầm kha quá rồi!



Thầy ơi! Con biết tội rồi

Ăn năn xin Chúa một lời thứ tha

Từ nay con dốc lòng chừa

Xin vâng Thánh Ý mặc dù khổ đau!


Lễ Lá – 2011
 
Dấy len một mùa kinh!
Văn Quảng
21:22 15/04/2011
đất biên giới còn ủ những hồn xưa
đá đảo xa vẫn hồ như bóng lính
Tây Nguyên nhớ người mình
Cửu Long khóc dân lành
gió Trường Sơn
sóng Biển Đông
sinh hận tử oan trùng trùng gọi những lời kinh

kinh môi chị nóng tim anh
kinh lòng mẹ nâng bước con
kinh Tiền Nhân về làm mùa bão tố

vó ngựa Quang Trung gõ nhịp mõ
trống Mê Linh phổ những hồi chuông
đêm Lam Sơn bập bùng ánh nến
hồn Việt Tộc quyện hương khói bay lên

hãy dấy lên một mùa kinh Vô Úy !
hãy dấy lên một mùa kinh Công Lý !


Ngày 12-4-2011
 
Dấy lên một mùa kinh!
Văn Quảng
21:23 15/04/2011
đất biên giới còn ủ những hồn xưa
đá đảo xa vẫn hồ như bóng lính
Tây Nguyên nhớ người mình
Cửu Long khóc dân lành
gió Trường Sơn
sóng Biển Đông
sinh hận tử oan trùng trùng gọi những lời kinh

kinh môi chị nóng tim anh
kinh lòng mẹ nâng bước con
kinh Tiền Nhân về làm mùa bão tố

vó ngựa Quang Trung gõ nhịp mõ
trống Mê Linh phổ những hồi chuông
đêm Lam Sơn bập bùng ánh nến
hồn Việt Tộc quyện hương khói bay lên

hãy dấy lên một mùa kinh Vô Úy !
hãy dấy lên một mùa kinh Công Lý !


Ngày 12-4-2011