Ngày 14-04-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Biển hồ
Lm. Anphong Trần Đức Phương
08:16 14/04/2010
BIỂN HỒ

(CHÚA NHẬT III MÙA PHỤC SINH, NĂM C)

(Bài Đọc I: Công Vụ Tông Đồ 5: 27-32,40-41; Bài Đọc II: Khải Huyền 5: 11-14;
Bài Phúc Âm (Gioan 21: 1-19)


Mùa Phục Sinh là thời gian 50 ngày từ Lễ Phục Sinh đến Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong Mùa Phục Sinh, Bài Đọc I luôn trích trong Sách Công Vụ Tông Đồ (cho cả Năm A, B và C). Công Vụ Tông Đồ do Thánh Sử Luca viết vào khỏang năm 70-80, để ghi lại những hoạt động truyền giáo của các Thánh Tông Đồ, và sự phát triển của Hội Thánh buổi ban đầu; cũng như những khó khăn, những bách hại các Tông Đồ và các tín hữu phải chịu đựng trong thời gian đó. Bài Đọc I hôm nay ghi lại việc Thánh Phêrô và các Tông Đồ bị bắt và dẫn ra Thượng Hội Đồng Do Thái để xét xử và bị đánh đòn và bị cấm “không được rao giảng về Chúa Giêsu nữa”, nhưng các ông trả lời “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người” và các ông “vui mừng vì được chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu Kitô!” và tiếp tục rao giảng bất chấp mọi khó khăn thử thách.

Trong Mùa Phục Sinh, Bài Đọc II, (Năm C) thường được trích trong Sách Khải Huyền. Sách Khải Huyền là cuốn sách cuối cùng của toàn bộ Kinh Thánh, được viết vào thời kỳ Giáo Hội bị bách hại thật tàn bạo, nhất là thời Hoàng Đế Neron và Dômixianô. Sách được viết theo thể văn ‘biểu tượng’ gồm những ‘thị kiến’ và ‘mặc khải’ để an ủi, nâng đỡ đức tin cho các tín hữu đang bị bách hại năng nề vào thời đó. Bài Đọc II hôm nay diễn tả quang cảnh “Chiên Con” là chính Chúa Giêsu Kitô đã bị giết, nhưng giờ đây được “vinh dự và vinh quang với muôn lời chúc tụng đến muôn thưở, muôn đời!”

Trong Bài Phúc Âm hôm nay, Thánh Gioan ghi lại lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với Thánh Phêrô và một số Tông đồ ở Biển Hồ Tibêria và chỉ cách cho các ông bắt được một mẻ cá lạ lùng.

Nếu chúng ta có dịp đi hành hương kính viếng Đất Thánh, quê hương của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy nước Israel (Do Thái) nằm dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, biển ở phía tây. Sông Giođanô là một dòng sông chạy từ Libăng xuống Biển Hồ Tibêria, và tiếp tục chảy xuôi xuống phía nam tới Biển Chết (Biển Mặn). Hồ Tibêria là một hồ rất lớn nên thường được gọi là Biển Hồ Tibêria (Gioan 21:1), cũng có tên là Hồ Ghenesaret (Luca 5:1), hoặc Biển Hồ Galilêa (Matthêu 4:18; Matcô 1:16). Khách hành hương thường được đi thuyền ngang qua Biển Hồ để nhớ lại những biến cố rất quan trọng trong cuộc đời truyền giáo của Chúa Giêsu, và những liên hệ với các Tông đồ, vì hầu hết các Tông đồ đã sinh sống bằng nghề chài lưới trên Biển Hồ. Khi Chúa Giêsu gọi các Ngài, các Ngài đã “bỏ chài lưới để theo Chúa.”(Matcô 1:18).

Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ. Lúc đầu, các ông không biết là Chúa Giêsu. Các ông đã vất vả đánh cá suốt đêm mà chẳng được con cá nào. Chúa Giêsu đã bảo các ông: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền…” Làm theo lời chỉ dẫn của Chúa, các ông đã bắt được mẻ cá thật lớn. Chính lúc đó, Gioan ‘người môn đệ Chúa yêu’ nói cho Phêrô: “Thày đó!” thì bấy giờ các ông mới nhận ra Người.

Trong lần hiện ra này, Chúa Giêsu đã thân mật ăn bữa sáng với các ông. Sau đó, Chúa Giêsu đã trao quyền lãnh đạo đoàn chiên và thủ lãnh các Tông đồ cho Thánh Phêrô sau khi đã hỏi ông tới ba lần “Con có yêu mến Thày không?”, và Thánh Phêrô đã quả quyết thưa lại ba lần: “Con yêu mến Thày!”

Một quang cảnh thật cảm động nhắc nhở chúng ta về quyền lãnh đạo Giáo Hội mà Chúa Giêsu trao ban cho Thánh Phêrô như vị thủ lãnh chính, là vị Giáo Hoàng đầu tiên. Từ ngày đó tới nay, các Đức Giáo Hoàng được Chúa chọn qua các thời đại để điều hành Giáo Hội, và hiện nay là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, vị Giáo Hoàng thứ 265. Nếu xét theo Giáo Hội như một Nhiệm Thể, thì Chúa Giêsu vẫn là đầu của Giáo Hội, Chúa Giêsu vẫn ở cùng Giáo Hội và điều hành Giáo Hội của Chúa. Nhưng Chúa Giêsu trao quyền điều hành Giáo Hội hữu hình tại trần gian cho Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám Mục (coi sóc từng Giáo phận). Nhiệm vụ thật lớn lao và khó khăn! Vì thế, trong các Thánh Lễ, luôn có lời cầu nguyện cho Đức đương kim Giáo Hoàng và các Giám mục đang điều hành mỗi giáo phận.

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cùng hiệp lời cầu nguyện cho Giáo Hội toàn cầu, cho Đức Giáo Hoàng và các chủ chăn cùng toàn thể dân Chúa; nhất là các vị chủ chăn, các tín hữu đang bị bách hại, bị đe dọa, bị tù đày ở các nơi. Xin Chúa Thánh Thần an ủi, nâng đỡ, hướng dẫn để mọi người tùy theo địa vị Chúa trao ban, luôn cùng hợp tác xây dựng Giáo Hội Chúa, và giúp mọi người tìm về gia đình Giáo Hội để được hưởng ơn Chúa cứu độ. Xin cầu nguyện cho các Tân Tòng vừa được gia nhập gia đình Giáo Hội trong lễ Phục Sinh vừa qua; cho các người xa lạc Chúa được “tìm về nhà Cha” theo chương trình “Catholics Come Home” đang được phát động mạnh mẽ trong toàn Giáo Hội Hoa Kỳ. Xin cũng tiếp tục cầu nguyện cho các Linh Mục trong Năm Linh Mục này, cũng như cầu nguyện cho giới trẻ được ơn Chúa mời gọi để dâng hiến cuộc đời phục vụ Chúa trong chức vụ Linh Mục. Xin cùng hiệp lời cầu nguyện chung cho nhau.

 
Con có yêu mến Thầy không?
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
08:19 14/04/2010
CON CÓ YÊU MẾN THẤY KHÔNG?

CN 3 PHỤC SINH C

Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi. Có thể chia đời ngài ra làm hai. Cuộc đời phần một, từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy. Phần hai, từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Rôma. Cuộc đời phần một: Phêrô đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác. Cuối đời của Chúa, Chúa đã bị ông từ chối thê thảm (Mc 14, 66-72). Gom nhặt những đoạn phúc âm nói về Phêrô, ta thấy mãnh đời của ông có nét chân dung thế này: Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất. Mắng lần đầu tiên: Quân yếu tin (Mt 14, 31) Lần thứ hai: Ngu tối (Mt 15, 16) Lần thứ ba: Satan (Mc 8, 33) Chúa chỉ khen có một lần khi Phêrô tuyên xưng: Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa “Này anh Simon, con ông Gioana, anh có phúc vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy nhưng là Cha của Thầy” (Mt 16,16-17).

Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy 3 lần. Phêrô chối Chúa vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy. Trước cái chết, Phêrô rùng mình chối bỏ, tìm đường chạy trốn. Thế nhưng trước yếu đuối ấy, Phêrô đã khóc lóc nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông đã oà khóc nức nở như một đứa bé với dòng lệ sám hối. Chúa đã nhìn ông bằng ánh mắt thứ tha trìu mến. Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Trong sự vấp ngã yếu đuối cuộc đời phần một của người môn đệ này vẫn luôn có một tâm hồn chân thành.

Phần hai cuộc đời Thánh Phêrô: là một thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca bắt đầu từ trang Tin mừng Chúa nhật hôm nay. Câu chuyện kể về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria. Chúa Phục Sinh đã đưa đời ông từ đêm đen mờ mịt ấy đi về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời. Sứ mạng theo Đức Kitô khởi đầu từ đây. Bảy anh em ra đi đánh cá, vất vả cả đêm mà không được gì. Đức Giêsu Phục sinh đến với họ và ban tặng mẻ cá lạ lùng.

Sau mẻ cá, Đấng Phục sinh đã hỏi Ông: Phêrô, con có yêu mến Thầy không? Phêrô đáp: Thưa Thầy, Thầy biềt rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa hỏi ba lần. Phêrô xác định cả ba lần lòng yêu mến Thầy, càng về cuối càng cương quyết hơn. Ba lần chối Chúa đi từ chối nhẹ đến nặng thì hôm nay Phêrô ba lần xác định tình yêu từ nông đến sâu. Ba lời xác định ấy là bình minh rửa tội quá khứ. Chúa trao đàn chiên cho Phêrô: con hãy chăm sóc đoàn chiên của Thầy. Rồi Chúa nói với ông rằng: Thầy bảo cho anh biết, lúc còn trẻ anh tự thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh đã phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn tới nơi anh chẳng muốn. Phúc âm Gioan cắt nghĩa rõ con đường này là: Người nói như vậy có ý ám chỉ ông phải chết cách nào. Thế rồi Chúa bảo ông: hãy theo Thầy. Chỉ chờ đợi lời mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao. Từ đây “trên tảng đá này, Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được”. Từ đây, những trang sử vẻ vang của giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.

Ba lần được hỏi và thưa về tình yêu của Phêrô đối với Thầy Giêsu cũng là ba lần Phêrô được giao phó việc chăm sóc đoàn chiên. Đó là vai trò mục tử của Phêrô. Bằng tất cả trải nghiệm về đức ái mục tử theo gương Mục Tử Tối Cao, Phêrô đã dạy cho các mục tử trong Giáo hội tinh thần:"Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèm, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế khi Vị Mục Tử Tối Cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát." (1Pr5,2-4).

Phêrô trở thành một người lãnh đạo tốt. Người lãnh đạo tốt là người biết tự cảnh giác về sự yếu đuối của mình. Kinh nghiệm sa ngã đã giúp Phêrô thoát khỏi tính tự phụ và tin tưởng mù quáng vào khả năng của mình, đồng thời giúp ông thông cảm với yếu đuối của người khác. Như thế Phêrô còn học biết một sự thật tuyệt vời về Chúa Giêsu. Ông học được rằng, mặc dù ông đã chối Ngài nhưng Ngài vẫn yêu thương ông. Chính tình thương của Ngài đã mang ông trở về cuộc sống. Cái cảm nghiệm được yêu thương trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của mình đúng là một cảm nghiệm sửng sốt. Được yêu trong cái tốt của mình là chuyện bình thường. Được yêu ngay trong cái xấu của mình, đó mới là sửng sốt. Chính đó là ân sủng. Cũng như tất cả là ân sủng đối với Thánh Phaolô. Khi được tha thứ và yêu thương, ngài đã hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô, sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những "... lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi. Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi "phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng" (2Cor11,23-27). Phaolô viết từ ngục thất cho Timôthê "anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài". Phaolô không hổ thẹn vì “tôi biết tôi đã tin vào ai. ..(2Tim1,8-12). Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt "chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyêt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt" (2Cor 4,8-9) Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cor 5, 14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài "tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gal 2, 20). Vì Đức Kitô và vì Tin mừng thánh nhân đã sống và chết cho sứ mạng. Cuộc sống bôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô, mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?. .. Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta " (Rm 8, 35-39). Ân sủng của Chúa đối với Thánh Phêrô hay Thánh Phaolô đều là tình yêu cứu độ.

Cuộc đời Phêrô đầy lỗi lầm nhưng ông được Chúa yêu thương, được Chúa chọn lựa một cách đặc biệt. Tại sao Chúa không trao Giáo hội cho một Tông đồ trí thức, có tài lãnh đạo, có tài hoạch định? Chúa không đòi hỏi nơi Phêrô về tài năng, thông thái, khôn ngoan mà chỉ đòi hỏi lòng mến Chúa. Sau ba lần hỏi “con có yêu mến Thầy không”, sau ba lần Phêrô xác định lòng yêu mến, Chúa trao Giáo hội cho ngài.

Yêu mến chính là điều kiện nền tảng để có thể chu toàn sứ mệnh mà Chúa trao phó. Không có lòng yêu mến, công việc của người mục tử hay tín hữu dù thành công cũng chỉ là điểm tô, đánh bóng cho cá nhân mình.

Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau ? Thích chở nhau đi chơi ? Thích lặn lội mưa nắng đến tìm nhau ? Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm để mua một món đồ đưa cho người khác thì quả là dại dột! Nếu không yêu thì gò lưng đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngốc nghếch! Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng đi tìm người ta thì quả là khờ khạo ! Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác. Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một niềm hạnh phúc, lặn lội mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha ! Cho nên thánh Augustinô đã nói rất đúng: “Ubi amatur, non laboratur”: khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc. Đối với Chúa cũng thế. Nếu ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, vác thánh giá là một cực hình. Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì ta thích cầu nguyện, ta thấy hạnh phúc khi đến nhà thờ. Cho nên muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực. Yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái tích cực hơn, và nếu không yêu mến Chúa thì đạo trở thành gánh nặng, làm những bổn phận trong đạo không khác nào con trâu kéo cày.

Tình yêu Giêsu có sức mạnh cảm hoá con người và đối với bất cứ ai nếu họ biết đặt niềm tin nơi Ngài. Tình yêu Giêsu sẽ mở ra tương lai cho tội nhân, khép lại quá khứ để họ trở thành thánh nhân. Tình yêu Giêsu, một khi ta đã yêu Ngài thật sự, ta sẽ không còn hững hờ nữa mà dấn thân trọn vẹn cả cuộc đời cho tình yêu Giêsu.

Chúa hỏi Phêrô: con có yêu mến Thầy không? Đó cũng là câu hỏi mỗi ngày Chúa hỏi tôi: con có yêu mến Thầy không?
 
Mỗi ngày một câu Kinh Thánh
Pt. Nguyễn Định/Huyền Đồng
09:02 14/04/2010
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ ngày 16 đến 30-4-2010

Ngày 16-4-10: Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, người đã tiêu diệt sự thù ghét. (Ep 2, 16) -- Thân thể duy nhất là Hội Thánh, là Đức Kitô, Ngài đã tiêu diệt ngăn cách, thù hận, làm hoà. Tôi cần noi gương Chúa sống hiệp nhất trong gia đình và xã hộị.

Ngày 17-4-10: Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. (Ep 2, 17) -- Những kẻ ở xa chỉ dân ngoại, những kẻ ở gần chỉ người Do thái. Bạn cần sống hoà hợp mọi người, vì họ đều là con Chúa cả.

Ngày 18-4-10: Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha. (Ep 2, 18)

-Thánh Thần đã biến đổi Đức Kitô và liên kết bạn và tôi trong chi thể của Người. Tôi luôn sống hiệp nhất với mọi người trong Chúa.

Ngày 19-4-10: Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em, do lòng yêu thương của Người. (Pl 2, 13)

-Thiên Chúa hành động tích cực với ân sủng của Ngài cho con người. Bạn hãy cộng tác với Ngài trong việc làm để được ơn cứu độ.

Ngày 20-4-10: Anh em hãy làm việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. (Pl 2, 14) -- Phaolô nhắc đến dân xưa kêu ca, lẩm bẩm trách Chúa trong sa mạc. Đó là một bài học để bạn và tôi đừng làm vậy. Sống khiêm tốn và phục vụ để xứng đáng được Chúa tuyển chọn.

Ngày 21-4-10: Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ… (Pl 2, 15)

-Đứng trước xã hội nhiều bạo hành và cạm bẫy của thời đại cuối này.

Tôi cần chiếu sáng Tin Mừng của Chúa qua việc làm trong đời sống.

Ngày 22-4-10: Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người. (Cl 1, 19) -- Đức Giêsu đã nhập thể chịu chết và phục sinh để hoàn tất ý Chúa Cha. Tôi noi gương Người sống chu toàn ba chức vụ của Tín hữu là Tư tế, là Ngôn sứ và Vương đế.

Ngày 23-4-10: Cũng như nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình…Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật… (Cl 1, 20) -- Đức Kitô là nguyên nhân và đích điểm của việc cứu chuộc, là hoà giải tức là mầu nhiệm thập giá cho cả nhân loại. Tôi sống làm chứng bằng hy sinh và là làm hoà với nhau.

Ngày 24-4-10: Nhưng nay, nhờ Đức Kitô là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền… (Cl 1, 22)

-Một người đã chịu đau khổ và chết cho tôi, để tôi noi gương Người sống thánh. Vì thế tôi luôn hy sinh, làm hoà và tha thứ cho anh em.

Ngày 25-4-10: Ý muốn Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm. (1 Tx 4, 3) -- Chúa đòi hỏi người Tín hữu bước đầu là không lạm dụng tình dục. Con quyết tu luyện hằng ngày sau khi đã khấn hứa với Chúa, sống trong sạch chứ không lợi dụng, hưởng thụ.

Ngày 26-4-10: Mỗi người hãy hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự. (1 Tx 4, 4)

- Lập gia đình là thề hứa trung thành với nhau quan trọng như khi khấn thuộc về Chúa. Hãy yêu quí người mình chọn như chính bản thân mình. Tôi đã chọn ai thì hãy sống chung thủy và thánh thiện.

Ngày 27-4-10: Chứ không đam mê dục vọng như những người không biết Thiên Chúa. (1 Tx 4, 5) -- Tôi đã được học hỏi, tu luyện nhiều khoá, thế mà lại sống buông tuồng như người không biết Chúa. Từ nay tôi nhận lỗi đã làm, quyết sửa mình, trở về với người mình yêu.

Ngày 28-4-10: Đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình, vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó…(1 Tx 4, 6)

- Xin đọc Sáng thế đoạn 19 phá hủy thành Xơ-đơm và Mat 11 câu 24 về Ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn tôi.

Ngày 29-4-10: Thật vậy, Thiên Chúa đã không gọi chúng ta sống ô uế; nhưng sống thánh thiện. (1Tx 4, 7) -- Rõ ràng là Chúa muốn gọi và ban mọi ân huệ cho bạn hiện nay, để trở nên thánh. Tôi hết lòng sám hối, quyết từ bỏ mọi đam mê, để xứng đáng là người Kitô hữu.

Ngày 30-4-10: Ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm; nhưng khinh thường Thiên Chúa… (1 Tx 4, 8) -- Bấy lâu nay tôi được hưởng bao quyền lợi Chúa ban; nhưng tôi đã khước từ Lời Chúa dạy, chỉ lo hưởng thụ vinh thân phì da. Tôi quyết mau mắn sám hối trở về, vì cái rìu đã đặt sẳn gốc cây.
 
Tình Mẹ nơi Thiên Chúa
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
09:04 14/04/2010
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Phục Sinh, Năm C

(Suy niệm Tin Mừng Gioan - Ga 21, 1-19)

Thánh Gioan tông đồ giới thiệu cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu. Và qua bốn sách Tin Mừng, Chúa Giê-su mặc khải cho biết Thiên Chúa là Cha yêu thương và dạy chúng ta gọi Thiên Chúa Cha bằng tiếng “Abba” rất thân thương, đó là tiếng bập bẹ của đứa con thơ gọi cha mình.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là Thiên Chúa không chỉ yêu thương chúng ta bằng tấm lòng bao dung của một người cha mà còn bằng trái tim dịu dàng của một người mẹ nữa. Chính Thiên Chúa đã hé mở cho chúng ta thấy khối tình từ mẫu của Người qua miệng ngôn sứ I-sa-i-a:

“Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66,13) và sau nầy, qua thánh sử Mát-thêu, Chúa Giê-su phán:

“Giê-ru-sa-lem… đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Mat 23,37)

Đoạn Tin Mừng của thánh Gioan được trích đọc trong Thánh Lễ hôm nay phác họa rõ nét hơn mối tình từ ái của người mẹ được biểu lộ qua tấm lòng của Chúa Giê-su:

Khi biết các môn đệ phải thức thâu đêm chài lưới giữa biển khơi, vừa phải chịu đói lạnh, vừa mệt nhoài, mối tình từ mẫu nơi Chúa Giê-su đã đưa Người dấn bước đến với đàn con để chia sẻ sự nhọc nhằn vất vả của họ, ngay lúc trời vừa hừng sáng.

Sở dĩ Chúa Giê-su đến sớm như vậy vì Người không muốn để cho các môn đệ phải chịu đói lạnh lâu hơn. Như người mẹ hiền, Chúa Giê-su mang đến cho họ sự chăm sóc giúp đỡ ngay khi họ đang cần.

Biết rằng các môn đệ vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào, Người dạy họ thả lưới đúng nơi để bắt được nhiều cá, cho họ được thoả lòng.

Đối với người đi biển vừa mới lên bờ còn đang đói và lạnh thì không gì sung sướng bằng được thưởng thức ngay những miếng bánh và những con cá nướng còn nóng hổi và thơm phức. Chính vì thế, khi đến với các môn đệ, ngoài những thực phẩm khô, Chúa Giê-su còn tiên liệu mang theo than để nướng bánh và cá.

Rồi Chúa Giê-su ngồi trên bãi biển như một người mẹ gia đình, nhóm lửa lên, đem cá và bánh nướng trên than hồng cho sẵn, để khi các môn đệ vừa bước lên bờ là có ngay bữa ăn sáng còn đang nóng.

Sau đó, Chúa Giê-su còn gọi các môn đệ mang thêm cá mới bắt được, để Người tiếp tục phục vụ như người mẹ gia đình, tiếp tục nướng chín những con cá còn rất tươi, nướng thật thơm, thật ngon rồi trao cho từng đứa con đang đói. Thật đầm ấm như người mẹ hiền giữa đàn con ngoan, dạt dào tình mẫu tử.

***

Sự chăm sóc ân cần mà Chúa Giê-su dành cho các môn đệ ngày xưa, nay cũng được dành cho chúng ta. Hôm nay, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục chăm sóc và dọn bữa hằng ngày cho chúng ta.

Nơi bàn tiệc Thánh Thể, Chúa Giê-su đem Lời hằng sống của Thiên Chúa để ban tặng chúng ta. Nhờ Lương Thực tuyệt vời nầy, tâm hồn chúng ta được nuôi dưỡng và được dồi dào sức sống. Cũng nơi bàn tiệc yêu thương nầy, Chúa Giê-su phục sinh trao chính thân mình Người làm bánh nuôi dưỡng chúng ta, để chúng ta được hiệp thông nên một với Người, và qua đó, Người thông ban sự sống thần linh của Người cho chúng ta.

Hôm nay, Thiên Chúa còn tiếp tục nhờ Mẹ Maria để trao ban tình từ mẫu của Người cho chúng ta. Như mặt trăng đón nhận ánh sáng mặt trời rồi phản chiếu xuống mặt đất làm cho trái đất được chiếu sáng, thì Mẹ Maria cũng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và trao lại cho chúng ta. Qua Mẹ Maria, Thiên Chúa yêu thương ấp ủ chúng ta bằng một tình mẹ rất dịu dàng, dìu dắt chúng ta như đứa con thơ bé, vượt qua biển đời sóng gió về bến an bình.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng tình Cha bao la lẫn tình Mẹ dịu dàng. Ước gì chúng ta cũng biết đền đáp lại mối tình cao cả ấy với tất cả tấm lòng hiếu thảo của một người con ngoan.
 
Niềm vui thực thi sứ vụ Linh mục
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
09:42 14/04/2010
... Chỉ mới vỏn vẹn một năm nay thôi, tôi được hồng phúc sống niềm vui Linh Mục Tu Sĩ Thừa Sai. Năm nay được công bố là Năm Linh Mục khiến tôi tự hỏi Thừa-Tác-Vụ có ý nghĩa gì đối với tôi. Bởi vì, từ một năm và vài tháng qua, tôi thi hành chức vụ thừa tác.

Tôi muốn bắt đầu định nghĩa Thừa-Tác-Vụ hay Sứ-Vụ bằng cách trích dẫn lời của một Linh Mục Văn Sĩ Công Giáo người Hòa Lan. Cha Henri Jozef Machiel Nouwen (1932-1996) nói:

- Sứ Vụ là gì? Đúng ra Sứ Vụ thật đơn giản. Sứ Vụ là dâng hiến cuộc đời chúng ta cho bạn hữu, làm thế nào để cách sống của chúng ta trở thành nguồn suối hy vọng cho tha nhân. Mỗi một thọ sinh được mời gọi thi hành một sứ vụ - bạn và tôi - ở bất cứ nơi nào chúng ta đang sống. Nói cho đúng, sứ vụ không phải là điều gì chúng ta làm. Sứ Vụ được thực thi bất cứ nơi đâu chúng ta đang sống, khi chúng ta sống theo tinh thần của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tôi muốn giới thiệu với bạn hai từ diễn tả Sứ Vụ: ”trắc-ẩn” và ”tri-ân”.

Riêng tôi, chính với hai từ này mà tôi muốn duyệt qua và gợi lại những kinh nghiệm của tân Linh Mục một tuổi. Vâng, vỏn vẹn một tuổi sống nơi thành phố.

Bà quả phụ Correta Scott King (1927-2006) từng nói:

- Nét cao cả của một Cộng Đoàn được đánh giá bởi cử chỉ trắc ẩn của các thành viên, bởi con tim nhân hậu và bởi linh hồn đong đầy tình yêu.

Khi vị Linh Mục thi hành sứ vụ ở phía nam San Antonio thuộc bang California của Hoa Kỳ, nơi một khu phố có đông đảo dân giàu có - và đặc biệt là những vị cao niên - thì điều không thể tránh được là các giáo dân thường điện thoại xin Cha Sở đến thăm và mang Mình Thánh Chúa đến nhà cho họ. Rồi cũng có những người với đủ loại lo âu khốn khổ đến gỏ cửa Văn Phòng Giáo Xứ để trút bỏ gánh nặng ưu phiền. Nhiều khi ngay trên đường phố, nơi trường học, ở nhà thờ hay bất cứ một nơi nào đó, người dân chặn tôi đứng lại để kể lể nỗi lòng với các vấn đề thiên hình vạn trạng như: gia đình, vợ chồng, con cái, thức ăn, cái chết, khủng hoảng tài chánh v.v. Thôi thì đủ thứ chuyện nhiêu-khê!

Thế nhưng, chính những cuộc gặp gỡ như thế cho phép tôi đi đến kết luận:

- Sự hiện diện thật quan trọng! Chỉ cần vị Linh Mục có mặt là đủ!

Thừa tác vụ Linh Mục bên cạnh giáo dân chính là biết cảm-thông. Tôi kinh nghiệm sâu xa điều này mỗi khi thăm viếng và mang Mình Thánh Chúa đến cho các bệnh nhân. Thật cảm động biết bao khi thấy các tín hữu Công Giáo mong mỏi đợi chờ giây phút Cha Sở có mặt nơi tư gia để mang đến cho họ Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể. Giống y như thể là họ ”đói khát” lương thực của sự hiện diện và đồng hành lắm lắm! Cha Sở nói chuyện, hỏi han và cầu nguyện với họ, cho dầu chỉ vỏn vẹn trong vài phút, cũng đủ mang lại cho họ niềm vui bao la!

Linh Mục Henri Nouwen thật có lý khi nói rằng ”lòng trắc-ẩn” chính là hiện diện nơi nào người dân đang đau khổ, đang lang thang mất hướng không biết đi về đâu. Chỉ cần Cha Sở có mặt và nói với họ rằng:

- Tôi là người anh em và là Linh Mục của quí vị. Tôi không bỏ rơi anh chị em trong cô đơn. Tôi đồng hành với anh chị em trong đau khổ buồn phiền và nhờ vậy mà anh chị em sẽ được chữa lành..

Sứ Vụ trắc-ẩn không gì khác hơn là nói:

- Tôi có mặt với anh chị em, ngay cả khi tôi không thể giải quyết các vấn đề khó khăn của anh chị em, tôi vẫn hiện diện với anh chị em.

Khía cạnh thứ hai của thừa tác vụ Linh Mục là tri ân. Cha Thomas Merton (1915-1968) nói:

- Một người tri ân biết rõ THIÊN CHÚA là Đấng Nhân Lành, không phải bằng tai nghe, nhưng bằng chính kinh nghiệm bản thân. Và đây là điều quan trọng. Đó cũng là bài học tôi tiếp nhận khi thi hành thừa tác vụ Linh Mục.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đỗ vỡ, lạnh lùng, đầy cay đắng và hận thù. Chúng ta quên mất việc tận hưởng những sự kiện xem ra nhỏ nhặt nhưng mang đến cho chúng ta những giây phút tuyệt vời, gieo rắc niềm hy vọng. Chúng ta quên mất không cám ơn THIÊN CHÚA về những giây phút diệu kỳ ấy.

Trong sứ vụ của mình, vị Linh Mục không hẳn chỉ là người trao ban nhưng còn là người nhận lãnh các ân huệ nữa. Do đó vị Linh Mục phải niềm nỡ và tri ân. Một Cha Sở nên nói với giáo dân:

- Xin cám ơn anh chị em vì lòng tốt, sự nhã nhặn và nụ cười của anh chị em. Cám ơn anh chị em đã mời tôi đến nhà và nhất là, xin cám ơn vì anh chị em là những tín hữu Công Giáo chân thành.

Khi Cha Sở luôn tỏ ra tri ân con chiên bổn đạo thì họ sẽ từ từ tiến lại gần Cha Sở và khám phá ra nét đẹp đích thật của một tín hữu Công Giáo.

Thật thế, sau một ngày hoạt động chu toàn thừa tác vụ thánh bên cạnh giáo dân thì vị Linh Mục chỉ có thể nói lên lời tri ân, cảm tạ. Bởi vì, ”Tri Ân là đóa hoa đẹp nhất của tâm hồn”, Henry Ward Beecher đã nói như thế. Riêng tôi, sau một năm thực thi sứ vụ tôi chỉ biết dâng lời cảm tạ THIÊN CHÚA đã gọi tôi chia sẻ ơn gọi Linh Mục tuyệt vời. Đúng như thánh Cha Sở họ Ars Jean-Marie Vianney (1786-1859) đã nói:

- Linh Mục là tình yêu của Con Tim Đức Chúa GIÊSU.

Chứng từ của Cha Archie Tacay Thừa Sai dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Scheut tại Hoa Kỳ

... Vào lúc ấy, Đức Chúa GIÊSU cất tiếng nói: ”Lạy CHA là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen CHA, vì CHA đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy CHA, vì đó là điều đẹp ý CHA. CHA Thầy đã giao phó mọi sự cho Thầy. Và không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa CHA; cũng như không ai biết rõ Chúa CHA, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho. Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Các con hãy mang lấy ách của Thầy, và hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn các con sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Thầy êm ái, và gánh Thầy nhẹ nhàng” (Matthêu 11,25-30).

(”CHRONICA CICM”, Bulletin mensuel - 80è Année - No 2 - Mars 2010, trang 46-50).
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:16 14/04/2010
LÊN LŨY NGỒI NHÌN

N2T


Cuối năm nhà Tần, chư hầu các nước lao xao phản kháng triều đình.

Một lần nọ, quân Tần công đánh nước Triệu, nước Triệu rất nguy cấp, chư hầu các nước tương kế phái binh đến Cự Lộc cứu viện nước Triệu, khoảng mười mấy cơ binh, nhưng mọi người chỉ dám trốn trong doanh trại mà nhìn chứ không dám xuất binh tác chiến, chỉ có Hạng Vũ lãnh đạo quân Sở, coi cái chết như không, bởi vì Hạng Vũ đã đem thuyền nhận chìm dưới sông, hơn nữa chỉ chuẩn bị lương thực ba ngày mà thôi, do đó quân Sở chỉ có thể tiến mà không thể lùi nhờ đó mà chiến đấu rất hăng say, khiến quân Tần thua trận chạy dài.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Hạng Vũ triệu tập tướng lãnh của các chư hầu, các tướng lãnh đều sợ khí thế của Hạng Vũ nên quỳ phục trước mặt, từ đó về sau Hạng Vũ trở thành lãnh tụ quân đội chống lại nước Tần.

(Chuyện ngày xưa, suy tư ngày nay)

Suy tư:

Thời nay có những người chỉ biết nói mà không biết làm, chỉ biết hưởng thụ mà không thích lao động, chỉ biết nói dối chứ không biết nói sự thật, chỉ biết chỉ trích người khác mà không tự trách mình, họ chẳng khác gì người “lên lũy ngồi nhìn” mà không dám làm gì cả. Theo kinh nghiệm thì người không biết làm thường nói rất nhiều, tuyên bố rất ấn tượng, để che lấp cái không biết làm của mình.

Trong đời sống tu đức cũng vậy, tuyên bố sẽ nên thánh, sẽ thành người tốt, mà không thực hành hay không dám làm người tốt thì chẳng được gì cả, chỉ là người “lên lũy ngồi nhìn” mà thôi, và đương nhiên những hạng người này thường là miếng mồi ngon của ma quỷ và sự ác. Nhưng chỉ có những ai can đảm có quyết tâm vươn lên, có kế hoạch tốt đẹp cho tương lai, và dứt khoát trước những cám dỗ thử thách thì mới làm nên được việc lớn.

“Lên lũy ngồi nhìn” thì chỉ có những người cơ hội và những người thích tính toán hơn thua với tha nhân mà thôi, bởi vì trên đường tu đức và trong cuộc sống làm người tốt nếu không tiến thì lùi, chứ không thể ngồi nhìn hoặc đi hàng hai.

Ai hiểu thì hiểu.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:17 14/04/2010
N2T


27. Thánh Giá là đường chính của tu đức, là cửa ải của hiền nhân, là khu vực của thánh nhân, bởi vì Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại mà hy sinh chính mình trên Thánh Giá, con người nên hiến tế cùng một Thánh Giá, chấp nhận hy sinh, lấy yêu thương báo đáp yêu thương.

(Thánh Francis de Sales)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:19 14/04/2010
N2T


417. Kích thích sáng tạo là từ trong sự nhiệt thành.

 
Giáo Hội thời Các Thánh Tông Đồ
Lm Giacôbê Tạ Chúc
20:40 14/04/2010
Không biết phải nói thế nào, khi nhìn vào cái thuở ban đầu của Giáo hội sơ khai: “ Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42). Thật là một bức tranh tuyệt tác của Đấng Phục sinh mang lại cho các tín hữu. Chúng ta có thể thấy được, một đôi nét nổi bật trong cộng đoàn các tín hữu sau biến cố Đức Giêsu sống lại:

Một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương và cầu nguyện

Một cộng đoàn chịu bách hại vì Danh Đức Kitô

Một cộng đoàn thực sự có Chúa Phục sinh

Cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương và cầu nguyện

Không cần phải tìm đâu xa, lật giở các trang sách của Công Vụ các Tông đồ, chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Phải chăng đây là mẫu mực của một xã hội cộng sản nguyên thuỷ trong thời kỳ đầu, khi mọi người đều có thể hoà chung trong một nhịp sống của cộng đồng, không ai bị thiếu thốn hay bị loại trừ. Đích điểm của mỗi người là làm chứng cho Đức Giêsu Phục sinh. Bằng chính đời sống bác ái, gắn bó với nhau trong cùng một niềm tin, các Tông đồ và các tín hữu làm thành một gia đình trong ấm, ngoài êm. Một gia đình yêu thương, trách nhiệm. Mọi thành viên đều có ý thức và lý tưởng sống trong cộng đoàn: “ Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai, của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến” (Cv 2, 44-47).

Cộng đoàn chịu bách hại, gian nan, thử thách

Sau những bài giảng của Phêrô và các Tông Đồ, số các tín hữu ngày càng gia tăng, từ ba ngàn người (Cv 2,41), rồi đến năm ngàn (Cv 4,4), và hơn thế nữa. Các thủ lãnh Do thái, kỳ mục và các kinh sư tỏ vẻ khó chịu, ghen tức. Họ tìm đủ mọi cách để bắt bớ các Tông Đồ và những tín hữu theo các Ngài. Mặc cho các thế lực trần gian với những mưu mô, xảo trá. Các Tông đồ vẫn không hề lùi bước, và khi bị chất vấn trước các vị có thẩm quyền trong xã hội, Phêrô và Gioan đã không ngần ngại xác định lập trường của các Ngài: “ Xin hỏi: nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, điều ấy có phải lẻ trước mặt Thiên Chúa không? Các ông thử xét xem! (Cv 4,19). Tù đày, đòn roi, và bị cho là những người nghiện rượu, các Tông đồ vẫn trung kiên và vượt qua những thử thách với lòng hân hoan, phấn khởi: “ Họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến Danh Đức Giêsu” (Cv 5, 40), những cơn bách hại ngày một dâng cao và dần dần trở nên tàn khốc. Nếu đọc lại lịch sử của Giáo hội sơ khai, suốt trong ba thế kỷ đầu, chúng ta sẽ nhận thấy sự bách hại dành cho những người theo Chúa Kitô phải trả với giá thế nào.

Cộng đoàn có Chúa Giêsu Phục sinh

Nếu Đức Giêsu không sống lại, thì các cánh cửa vẫn đóng kín, và câu chuyện về Đấng Phục sinh sẽ dần vào dĩ vãng. Thế nhưng, đâu hẳn là thế, nhóm các Tông Đồ và các tín hữu đầu tiên đã đón nhận được sức mạnh của Đấng đã chiến thắng tử thần. Từ trong những cảm nghiệm của những lần hiện ra, Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho họ, Ngài vẫn đang sống và đồng hành cùng với các ngài. Nếu làm một cuộc so sánh và trắc nghiệm tâm lý trên các Tông Đồ, chúng ta sẽ thấy có sự thay đổi một cách hết sức lạ lùng. Trước Chúa Phục sinh, họ là những con người thất vọng, khiếp đảm, với bao nỗi sợ hãi chất chồng. Nhưng sau khi Chúa Giêsu sống lại, các Tông đồ xuất hiện với vai trò của những người rao giảng tin mừng của Chúa phục sinh. Vượt lên những giới hạn của con người, các Ngài trở nên những chứng nhân anh dũng của Chúa Giêsu, và lời rao giảng, cũng như đời sống của các Ngài đã làm cho hạt gống đức tin ngày một lớn mạnh hơn.

Giáo Hội sơ khai và Giáo hội ngày hôm nay vẫn là một, được xây dựng trên nền tảng của Chúa Giêsu Phục sinh. Một Giáo hội hiệp nhất, yêu thương và phải đối diện với những cơn bách hại mới, trong thời kỳ các phương tiện truyền thông tha hồ mà công kích. Đá tảng “Phêrô”, vẫn trường tồn và hiên ngang với những cơn địa chấn liên tiếp và ngày một dữ dội. Như xưa trên biển hồ Tibêria, Đức Giêsu Phục sinh vẫn đứng đợi các Tông Đồ từ sáng sớm, khi bình minh cho đến lúc hoàng hôn, thì hôm nay cũng vậy, Ngài vẫn ở cùng Giáo hội mọi ngày cho đến thời sau hết.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Luật sư Giáo Luật: hướng dẫn mới về lạm dụng tính dục cho thấy Giáo Hội hết sức cẩn trọng
Bùi Hữu Thư
07:54 14/04/2010
New York, ngày 12, tháng 4, 2010 (CNA/EWTN).- Tòa Thánh phổ biến một tài liệu hôm nay trình bầy các phương thức được Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin sử dụng để đáp ứng các tố cáo về lạm dụng tính dục. Luật sư Giáo Luật, linh mục Gerald Murray nói với CNA là “Hướng dẫn này sẽ giúp mọi người hiểu rằng Tòa Thánh, đang cộng tác với các giám mục địa phương, đang xúc tiến việc loại trừ các linh mục có tội phạm khỏi chức vụ tư tế.”

Cha Ciro Benedetti, phó giám đốc văn phòng truyền thông Tòa Thánh, nói với giới báo chí là các phương thức này “không có gì mới lạ” vì chỉ là một tóm lược các yếu tố và thể thức đã được thiết lập trong tài liệu Motu Proprio “Sacramentorum sanctitatis tutela” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II năm 2001.

Bình luận về tài liệu mang tên “Một Hướng Dẫn để hiểu các phương thức căn bản về các tố cáo lạm dụng tính dục,” luật sư Giáo Luật linh mục Gerald Murray nói đây là “một tóm lược về các phương thức được Tòa Thánh và các giám mục điạ phương sử dụng khi hành xử các vụ tố cáo lạm dụng tính dục các trẻ vị thành niên bởi các giáo sĩ.” Cha Murray tiếp, “Tài liệu này cung cấp các thông tin căn bản để làm sáng tỏ sự cẩn trọng của Giáo Hội trong việc xử trí và giải quyết các trường hợp có tội phạm ghê gớm do các giáo sĩ vi phạm.”

Tài liệu nói rằng tất cả mọi trường hợp vi phạm trước hết đều phải được điều tra tại địa phương.

Cha Murray giải thích: “Bổn phận của giám mục điạ phương là thực hiện một cuộc điều tra cẩn trọng ngay khi nhận được một tố cáo có vẻ ‘có sự thật’; và các kết quả của cuộc điều tra phải được gửi về Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Giám mục điạ phương cũng phải đề nghị phương thức phải sử dụng.”

Ngài nhấn mạnh, “Bổn phận của các giám mục địa phương là phải phúc trình các tố cáo về lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên một cách rõ ràng. Đây là một đòi hỏi có tính cách hết sức triệt để.”

Tài liệu cũng nói rõ là, như một phần của “quyền hành thông thường” của giám mục địa phương, là có quyền áp dụng các thể thức bảo vệ trẻ em và cộng đồng. Điều này có nghĩa là các ngài có phép để giới hạn sinh hoạt của một linh mục bất cứ lúc nào. Điều này cũng đúng trong khi có một cuộc điều tra đang tiếp diễn.

Cha Murray cũng giải thích là Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin có ba đường lối để theo khi có tố cáo về một linh mục. Hình thức thứ nhất là một cuộc phân xử tội trạng bởi Giáo Hội điạ phương. Hình thức thứ hai là một phân xử tội phạm có tính cách hành chánh bởi Giáo Hội điạ phương. Hình thức cuối cùng để có một quyết định về một linh mục bị tố cáo vi phạm tính dục là có sự phân xử trực tiếp của Đức Thánh Cha “và có kết quả là có một sắc lệnh loại trừ linh mục phạm tội ra khỏi chức vụ tư tế.”

Cha Murray nói: Quyết định gửi trực tiếp một trường hợp đến Đức Thánh Cha Benedict có thể được thực hiện “trong các trường hợp có những linh mục đã bị kết án là có tội trong một phiên tòa hình sự hay có các chứng cớ rõ rệt hết sức nặng nề. Trong các trường hợp này, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng có thể yêu cầu loại trừ linh mục đó ra khỏi hàng ngũ tư tế.”

Nếu linh mục bị tố cáo công nhận mình có vi phạm và chấp nhận một đời sống chuyên cần cầu nguyện và sám hối, mục vụ công cộng của cha sẽ bị ngăn cấm hay giới hạn theo phép của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Luật sư Giáo Luật cũng nói: Ngoài ra, “các linh mục tự ý xin được tục hồi ‘công nhận tội phạm của mình’ …. được Đức Thánh Cha miễn trừ khỏi các bổn phận của một người linh mục. Họ sẽ không bị lưu giữ như một linh mục.

Cuối cùng, cha Murray nói, “Hướng dẫn sẽ giúp mọi người hiểu rằng Tòa Thánh, hợp tác với các giám mục điạ phương, đang xúc tiến việc loại trừ các linh mục có tội ra khỏi hàng ngũ linh mục, và các giới chức công quyền phải được thông báo ngay khi một giám mục điạ phương nhận được một tố cáo có vẻ có sự thật.”

Văn phòng truyền thông Tòa Thánh đã phổ biến tài liệu này cho công chúng qua gia trang chính thức www.vatican.va, dưới tiêu đề “Lạm Dụng Tính Dục Vị Thành Niên: Phản Ứng của Giáo Hội.”
 
Đại hội Legio Mariae lần thứ nhất được tổ chức tai Laos
Lm. Raphael Trần Xuân Nhàn
08:41 14/04/2010
ĐẠI HÔI LEGIO MARIAE LAOS LẦN THÚ NHẤT TẠI LAOS

LÀO - Sáng ngày 11-04-2010 - Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, đã diễn ra Đại hội Legio Mariae lần thứ nhất được tổ chức tai đất nước Laos. Như cuộc hop cuối năm Curia Viengchan ngày 12/01/2010, tại nhà thờ chính toà Viengchan, hội nghị đã quyết định tổ chức Đại hội Legio Mariae Laos lần thứ I vào dịp lễ Truyền chức Tân Giám Mục Thakhek, giáo phận miền trung của Lào, sẽ thuận lợi cho việc tập trung của các hội viên từ Luang Prabang, Viengchan và Pakse (nam Lào).

Đoàn chúng tôi 12 người, 4 linh mục, 6 nữ tu và 2 giáo dân thuộc Comitium Vinh đã có mặt tại Viengchan ngày 07/ 04, Sau cuộc họp mặt các trưởng và phó các nghành chúng tôi đã cùng chia nhau đi nhiều hướng để hỗ trợ và thuê xe cho các hội viên trên 3 miền đất nước Laos, một số tình nguyện lên Luang Prabang (bắc Lào), và một nhóm xuống tân Pakse (nam Lào), một số anh chị đi về Thakhek trước để đặt phòng nghỉ và lo thực phẩm cho các đoàn, nhờ vậy chiều ngày 09-04-2010, hầu như các đơn vị đã có mặt đầy đủ, thật là vui, niềm vui này chồng lên niềm vui khác… sau khi trình bày và xin phép đức Tân Giám Mục Jean-Marie -Vianney Prida, cũng như cha xứ chính toà, đã được các Ngài ủng hộ và động viên, cũng như tạo mọi điều kiện cho cuộc Đại hội Legio Mariae Laos lần thứ I.

Sáng 11-04-2010 các biểu ngữ đã được các thầy đại chủng viện giúp treo lên giũa các lối đi và trong nhà thờ, mọi người hồi hộp đợi chờ giây phút hộ ngộ hiếm có. Từ sáng tinh sương mới 6 giờ các hội viên đã đến chật nhà sân nhà thờ chính toà, mọi người tay bắt mặt mừng, không thể diễn tả hết những xúc động….

Đúng 7 giờ anh trưởng Giuse Hoàng Trung Thông đọc chương trình sinh hoạt, tiếp đến sau vai lời chào thăm anh chi em Legio toàn quốc, cha Linh giám Comitium long trọng công bố khai mạc Đại hội Legio Mariae Laos lần thứ I. mọi người vỗ tay hoan hô và đứng lên hát kinh Chúa Thánh Thần lần 50 chục hạt, sau đó chị Tầm trưởng Curia Vienchăn điểm danh quân số, tiếp đến là một phút để mặc niệm cho các thành viên đã được Chúa gọi về trong năm qua. Huấn từ của cha linh giám cũng chia sẻ với các anh chị em Hội Viên về ý nghĩa của ngày Đại hội Legio Mariae Laos lần thứ I. hôm nay. Thiên Chúa đã thực hiện ý định yêu thương của Người đối với nhân loại và hôm nay với đạo binh Legio Mariae Laos là một ngày hồng phúc.

Kế tiếp là lời huấn từ vàng ngọc của đức Tân Giám Mục Jean-Marie -Vianney Prida, trước tiên ngài cảm ơn cha Linh giám Comitium Vinh và các hội viên Legio Mariae, nhờ sự phù hộ của Mẹ Maria mới có ngày hôm nay, ngài nói tiếp: "Tôi cảm phục tấm lòng dũng cảm của cha Linh giám, sự cộng tác đắc lực của anh trưởng Comitium, cũng như chị trưởng và phó Curia Vienchan, quý vị đã làm được những điều kỳ diệu trên đất nước Laos. Tôi hy vọng với đà phát triển này sẽ mang lại một tương lai tốt đẹp cho công cuộc truyền bá Tin Mừng tại đất nước Laos…Một lần nữa xin Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội chúc lành và luôn đồng hành với anh chi em Hội Viên trong sứ mạng truyền bá Tin Mưng Chúa Kitô Phục Sinh…",

Sau lời cảm ơn của cha linh giám với Đức Tân Giám Mục đến nghi thức dâng mình cho Đức Mẹ hết sức cảm động, cha linh giám và tất cả các Hội Viên tiến lên trước bàn thờ Đức Mẹ đặt tay lên Vesilium Quân Kỳ của Legio Maria đọc lời tuyên thệ. Sau khi chấm dứt nghi thức tuyên hứa anh Trưởng Giuse Hoàng Trung Thông lên ngỏ lời cảm ơn, tri ân Đức Giám Mục, cha tổng Đại Diện, cha quản xứ và các hội viên đã nhiệt tình chuẩn bị cho cuôc gặp gỡ lịch sử này.

Để giao lưu chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo, chị Tầm trưởng Curia Viengchan cùng các chị em Laos đã tạo điều kiện để mọi người có thể gặp gỡ trao đổi với nhau trong bữa tiệc nhẹ, chuẩn bị cho cuộc họp mặt tại Tp Sàigòn đầu tháng năm năm nay, ai cũng háo hức mong cho ngày hội ngộ tại Senatus Sàigòn. Trong buổi giao lưu văn nghệ nhiều bài hát Lào, Việt được lên khung, nhưng không thể thiếu điệu múa Sampa truyền thống của đất nước Laos vì ngày mai là ngày tết Laos sẽ vui chơi tạt nước 4 ngày, để kết thúc thay vì hát bài "Hà Nội Viêng Chăn", thì mọi người đổi lời bài hát "Sàigòn Viêng Chăn". Ai cũng thấy thời gian mau qua mà nuối tiếc, biết bao giờ mới hội ngộ đầy đủ như vậy nữa…

Ai có lòng yêu mến Đức Mẹ xin cầu nguyện nhiều cho Legio Mariae Laos được phát triển mạnh mẽ, ai thích truyền giáo trền đất nước Vạn Tượng, xứ sở chùa chiền thì mời đến đồng hành với Legio Mariae Laos. Chúng tôi sẵn sàng tiếp đón các nhà truyền giáo và khi trở về nước, chắc chắn quý vị sẽ không quên điệu múa Sampa.

Tạ ơn Chúa và Mẹ Maria.

Linh giám Comitium Vinh

Lm. Raphael Trần Xuân Nhàn
 
Thánh lễ cầu cho cố Tổng Thống Ba Lan và những người tử nạn trong vụ tai nạn máy bay
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
08:59 14/04/2010
Thánh lễ cầu cho cố Tổng Thống Ba Lan và những người tử nạn trong vụ tai nạn máy bay

ROMA, (zenit.org) - Một thánh lễ sẽ được cử hành tại vương cung thánh đường thánh Phêrô để cầu cho các nạn nhân của vụ tại nạn máy bay xảy ra tại Smolensk, Nga trong đó có tổng thống Ba Lan và phu nhân cùng với nhiều thành viên thuộc nội các chính phủ. Không có một ai sống sót.

Thánh lễ do Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên Trưởng Hồng Y Đoàn chủ sự vào lúc 17 giờ thứ Năm ngày 15 tháng Tư, với sự hiện diện của ngài đại sứ Ba Lan tại Roma Hanna Suchocka, các thành viên trong ngoại giao đoàn, viên chức chính quyền dân sự, và một số Kitô hữu Ba Lan và Roma.

Trước đó vào ngày 12 tháng Tư, các Hồng Y người Ba Lan đang giữ trọng trách trong các bộ của Tòa Thánh như: Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo; Đức Hồng Y Stanislaw Rylko, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, và Đức Hồng Y Zygmunt Zimowski, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Y Tế đã cử hành thánh lễ cầu nguyện cho những người tử nạn trong vụ tai nạn này.

Ngay sau thánh lễ, Đức Hồng Y Zygmunt Zimowski đã dành cho đài Vatican một cuộc phỏng vấn. Ngài đề cập đến một đau thương rất lớn của người dân Ba Lan cũng như của toàn thế giới. « Chúng tôi tưởng nhớ cố tổng thống Lech Kazcynski và phu nhân đồng thời cầu nguyện cho sự đổi mới của đất nước », ngài khẳng định.
 
Tôi nên ở lại hay rời bỏ Giáo Hội?
Lm. Giuse Trần Trung Liêm, O.P.
12:31 14/04/2010
TAI TIẾNG VỀ VIỆC LẠM DỤNG TÌNH DỤC TRẺ EM TRONG HÀNG GIÁO SĨ CÔNG GIÁO.

Lm. Timothy Radcliffe, O.P. "Should I Stay or Should I Go? Clerical-Abuse Scandal."

Những vụ việc lạm dụng tình dục của các linh mục tại Đức, Ý và Ái Nhĩ Lan vừa được phơi bày ra ánh sáng đã làm nổi dậy một làn sóng giận dữ và khinh bỉ của quần chúng. Tôi đã nhận được những email từ nhiều người trong khắp Âu Châu đặt câu hỏi làm thế nào họ có thể ở lại trong một giáo hội như thế được nữa? Không chỉ thế, tôi còn nhận được một đơn hướng dẫn phải điền như thế nào để rời bỏ Giáo Hội. SAO PHẢI Ở LẠI?

Trước hết, sao phải rời bỏ? Có người thấy rằng họ không thể ở lại hoặc đồng hóa mình với một thể chế quá thối nát và nguy hiểm cho trẻ em. Sự đau khổ của các trẻ em nạn nhân thực sự là khủng khiếp và đáng lên án đồng thời cũng phải là mối quan tâm trước hết của mọi người chúng ta. Những gì tôi viết không nhằm làm giảm nhẹ sự tồi tệ của hành vi xấu xa lạm dụng tình dục đối với các trẻ em. Tuy nhiên, các thống kê ở Mỹ, được trường Cao Học John Lay chuyên về tội phạm thực hiện năm 2004 cho thấy hàng giáo sĩ Công giáo không vi phạm nhiều hơn hàng giáo sĩ có gia đình trong các giáo phái khác.

Nhiều nghiên cứu còn cho thấy tỉ lệ thấp nơi giáo sĩ Công Giáo lạm dụng tình dục trẻ thành niên. Họ ít phạm hơn so với các giáo viên trường học và chỉ khoảng nửa phần so với những người dân thường. Sống độc thân không thúc đẩy người ta lạm dụng trẻ em. Thật không đúng khi nghĩ rằng rời bỏ Giáo Hội Công Giáo để gia nhập một giáo phái khác sẽ làm cho con em an toàn hơn. Chúng ta phải đối diện với một thực tế phũ phàng là việc lạm dụng đối với trẻ em lan rộng trên mọi thành phần của xã hội chúng ta. Dùng Giáo Hội Công Giáo như một vật thí thân thì chẳng phải là che giấu việc lạm dụng đang xẩy ra ở các nhóm khác hay sao?

Vậy còn việc che giấu trong Giáo Hội thì sao? Chẳng phải các giám mục đã không thực sự thất trách khi thuyên chuyển những linh mục phạm pháp vòng vòng trong địa phận mà không trình báo tình trạng của họ với cảnh sát và như vậy là để việc lạm dụng tình dục đối với trẻ em tiếp tục diễn ra hay sao? Đúng vậy, đôi khi việc đáng tiếc này đã xẩy ra! Tuy nhiên phần lớn những trường hợp này đã xẩy ra trong những thập niên 60 hoặc 70; lúc đó, các giám mục thường cho rằng lạm dụng tình dục là một tội chứ không phải là một tình trạng bệnh lý và thường khi các luật sư cùng các nhà chuyên viên tâm lý cam đoan với các giám mục là sau khi điều trị thì đã an toàn để tái bổ nhiệm các linh mục này vào nhiệm sở mới. Theo đó, thật không công bằng khi chúng ta xử lý những trường hợp trong quá khứ bằng sự hiểu về bản chất và sự nghiêm trọng của việc lạm dụng tình dục mà lúc đó cả xã hội và giáo hội đều không hiểu như vậy! Trào lưu nữ quyền nổi lên vào cuối thập niên 70, khi phanh phui những bạo hành phái nam đã thực hiện trên phái nữ cũng đã cảnh báo chúng ta về những nguy hại trầm trọng đã gây ra cho các trẻ em vô tội.

Còn Tòa Thánh Vatican thì thế nào? Khi còn là chủ tịch Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin và cả khi đã làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Bênêđictin đã tích cực xử lý vụ việc này. Giờ đây, người ta lại chĩa mũi dùi về chính ngài. Dường như một vài vụ việc vẫn chưa được xử lý thỏa đáng dù đã được trình đến ngài khi còn làm tại Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin. Phải chăng sự tín nhiệm nơi Đức Thánh Cha đã bị giảm thiểu? Đã có những cuộc biểu tình tại Quảng Trường Thánh Phêrô đòi Đức Thánh Cha phải từ chức. Riêng tôi, chúng ta không thể đổ lỗi cho ngài.

Thông thường người ta nghĩ Tòa Thánh là một tổ chức qui mô rộng lớn và có hiệu quả. Trên thực tế, Tòa Thánh lại rất nhỏ bé và hạn chế. Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin chỉ có 45 người làm việc, giải quyết các vấn đề liên quan đến tín lý và kỷ luật cho một giáo hội với 1.3 tỉ tín hữu, chiếm 17 phần trăm dân số toàn thế giới, và khoảng 400,000 linh mục. Khi tôi cần nhờ đến Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin, thì chính tôi đã thấy họ phải vất vả lắm để đương đầu với công việc như núi còn nhân sự lại hạn chế đến mức khiêm nhường! Như vậy cũng dễ hiểu khi thấy có những văn kiện đã bị quên lãng hoặc xếp nhầm chỗ... Lúc đó, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã than vãn với tôi là số nhân viên trong văn phòng ngài thật là không thể xuể so với công việc họ phải giải quyết.

Người ta nổi giận vì Tòa Thánh đã không mở các hồ sơ cho công chúng và đã không cung cấp cho các tín hữu một giải thích thỏa đáng cho những gì đã xẩy ra. Tại sao Tòa Thánh lại hay giấu diếm như vậy? Bị thương tổn và giận dữ, các tín hữu cảm thấy cần một hệ thống quản trị rõ ràng và minh bạch. Tôi cũng đồng ý với họ. Tuy nhiên, công bằng mà nói, chúng ta phải hiểu lý do tại sao Tòa Thánh lại cố gắng tự bảo vệ như vậy. Chỉ trong thế kỷ 20 mà thôi, số các vị tử đạo đã nhiều hơn tất cả các thế kỷ trước cộng lại. Các giám mục, các linh mục, các tu sĩ và giáo dân đã bị ám sát ở Đông Âu, trong khối Liên Bang Sô Viết, tại Phi Châu, ở Châu Mỹ Latinh và Á Châu. Nhiều người Công Giáo vẫn còn bị tù đày và thiệt mạng vì đức tin của họ. Dĩ nhiên, Tòa Thánh có khuynh hướng chú trọng đến việc giữ bí mật bởi lẽ điều này cần thiết để bảo vệ Giáo Hội khỏi những kẻ muốn phá hủy Giáo Hội. Do đó, cũng dễ hiểu khi Tòa Thánh phản đối cách mãnh liệt trước những đòi hỏi cần sự minh bạch và Tòa Thánh sẽ xem những kiến nghị hợp pháp cho sự công cộng hóa các hồ sơ như là một hình thức bách hại Giáo Hội. Và hiển nhiên, có những người trong hệ thống truyền thông đã muốn phá hủy sự tín nhiệm của Giáo Hội.

Dẫu vậy, chúng ta vẫn phải ghi ơn báo chí vì đã nhấn mạnh là Giáo Hội cần đối diện với những thất bại của chính mình. Nếu không do truyền thông đại chúng, có lẽ sự lạm dụng đáng xấu hổ này vẫn còn chưa được đề cập đến hoặc chưa được giải quyết. Việc bảo mật cũng là một kết quả của việc Giáo Hội nhấn mạnh đến quyền lợi của bất cứ ai khi bị kiện tụng ngõ hầu họ có thể giữ được thanh danh của mình cho đến khi thực sự tội trạng của họ được thành lập. Điều này rất khó lãnh hội được trong xã hội của chúng ta nơi truyền thông đại chúng sẵn sàng hủy hoại thanh danh của người khác mà không một chút do dự.

Tại sao rời bỏ Giáo Hội? Nếu vì muốn gia nhập một nơi ẩn náu an toàn hơn, một giáo hội bớt thối nát hơn, thì có lẽ quí vị sẽ phải thất vọng. Cả tôi nữa, tôi cũng muốn một guồng máy quản trị minh bạch hơn, cho tranh luận cởi mở hơn; nhưng sự kín đáo của Giáo Hội là điều có thể hiểu được, và đôi khi còn là một điều cần thiết. Cảm thông không luôn luôn có nghĩa là bỏ quá, nhưng là điều cần thiết nếu chúng ta muốn hành động cách công bằng.

Tại sao ở lại Giáo Hội? Tôi phải nói thật, giả như Giáo Hội Công Giáo rõ ràng tồi tệ hơn các giáo phái khác, thì tôi vẫn không rời bỏ Giáo Hội. Tôi không phải là người Công Giáo bởi vì Giáo Hội của tôi là tuyệt nhất, hoặc giả bởi vì tôi yêu thích giáo lý Công Giáo. Tôi quả thật rất yêu mến Giáo Hội của tôi; tuy nhiên, có những khía cạnh trong Giáo Hội tôi không thích lắm. Tôi không phải là người Công Giáo vì lý do giá cả và chất lượng theo kiểu chọn lựa giữa Walmart và Sears, nhưng bởi vì tôi tin Giáo Hội thể hiện được ở nơi mình điều gì đó thiết yếu cho chứng tá Kitô giáo về sự Phục Sinh, điều đó chính là sự hiệp nhất hữu hình.

Khi Đức Giêsu chết, cộng đoàn của ngài bị ta rã. Ngài đã bị phản bội, bị chối bỏ, và hầu hết các môn đồ của ngài đều lẩn trốn. Chỉ có các phụ nữ là đồng hành với ngài cho đến cuối cuộc hành trình. Vào ngày Phụ Sinh, ngài hiện đến với các môn đồ. Điều này còn hơn cả việc hồi sinh thể lý của một xác chết.

Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã chiến thắng những gì phá hủy cộng đoàn: tội lỗi, nhút nhát, dối trá, hiểu lầm, đau khổ và sự chết. Sự Phụ Sinh đã được trình bày cách hữu hình cho thế giới bằng sự xuất hiện đáng ngạc nhiên của một cộng đoàn đã được tái sinh. Những kẻ nhút nhát và những tên chối thầy đã được qui tụ lại. Họ đã không phải là một nhóm người danh thơm tiếng tốt và thẹn thùng vì những gì họ đã làm, nhưng thêm lần nữa họ lại trở nên một. Sư hiệp nhất trong Giáo Hội là một dấu chỉ cho thấy tất cả những quyền lực làm phân hóa và tan hoang Giáo Hội đã bị thảm bại nơi Đức Kitô.

Mọi Kitô hữu đều là một trong Thân Thể của Đức Kitô. Tôi vẫn tôn trọng và quí mến các Kitô hữu trong các giáo phái là những người vẫn hằng nâng đỡ và khởi hứng cho tôi. Tuy nhiên, sự hiệp nhất này cần cơ chế hữu hình nào đó. Kitô giáo không phải là một linh đạo mơ hồ nhưng là một tôn giáo của nhập thể nơi đó những chân lý sâu xa nhất đôi khi mặc lấy một hình thức hữu hình và hữu dạng. Xét theo lịch sử, sự hiệp nhất này đã được cụ thể hóa trên con người Phêrô, là Đá Tảng trong các Tin Mừng Matthêu, Marcô và Luca và là người mục tử của đoàn chiên trong Tin Mừng Gioan.

Ngay từ lúc khởi đầu và xuyên suốt lịch sử, Phêrô vẫn thường là phiến đá lắc lư, nguồn gốc gây vấp ngã, một phiến đá hư nát; tuy vậy, chính thánh nhân – và các đấng kế vị ngài, mà Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 là một trong các Đấng kế vị ấy – là người có nhiệm vụ giữ chúng ta lại với nhau ngõ hầu vào ngày Phục Sinh, chúng ta có thể làm chứng tá cho sự chiến thắng của Đức Kitô đối với sức mạnh chia rẽ của tội lỗi. Và như vậy, cho dẫu bất cứ chuyện gì có xẩy ra chăng nữa, Giáo Hội vẫn bị mắc kẹt với tôi. Chúng ta có thể cảm thấy ngượng ngùng khi nhận mình là người Công Giáo, nhưng chẳng phải Đức Giêsu vốn đã giữ bên mình những kẻ đồng hành đáng xấu hổ ngay từ thủa đầu rồi sao?

(Lm. Giuse Trần Trung Liêm, O.P. phỏng dịch)
 
Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người hiệp lòng đối với trận động đất ở Trung Quốc.
Tiến Hô
12:43 14/04/2010
Vatican, ngày 14 tháng 04 năm 2010 (CNA / EWTN News) Một trận động đất 7.1 độ richter xảy ra tại miền tây Trung Quốc vào sáng ngày Thứ Tư, để lại hậu quả hàng trăm người chết và hàng ngàn người bị thương. Tại buổi Tiếp kiến Chung ngày Thứ Tư, Đức Thánh Cha kêu gọi hiệp lòng cầu nguyện và cứu trợ cho các nạn nhân chịu đau khổ.

"Tâm tưởng của tôi vươn đến đất nước Trung Quốc và những người gánh chịu trận động đất mạnh, gây thiệt hại rất nhiều cho cuộc sống con người, bị thương tích và chịu tổn thất rất lớn", Đức Thánh Cha Benedict XVI nói sau bài giáo huấn hôm Thứ Tư tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Theo Tân Hoa Xã và Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc, trận động đất này đã làm rung chuyển thành phố Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải lúc 07 giờ 49' và phá hủy 85% nhà cửa nơi đây. Khoảng 400 người thiệt mạng và ước tính khoảng 10.000 bị thương. Theo báo cáo, dân số của thành phố khoảng 100.000 người.

Đức Thánh Cha nhớ đến các nạn nhân trong lời cầu nguyện của mình, ngài nói thêm, "tinh thần tôi gần gũi với những người bị thử thách bởi thiên tai nghiêm trọng như vậy."

Đối với những tổn thương của họ, Đức Thánh Cha nói, "Tôi cầu xin Thiên Chúa cứu vớt những đau khổ và lòng can đảm của họ trong cơn nghịch cảnh". Ngài hy vọng sẽ không thiếu sự hiệp lòng.

Caritas Quốc Tế báo cáo rằng, nhu cầu trước mắt cho các nạn nhân là bao gồm chỗ ở, vật tư y tế và nhân viên. Caritas khuyến khích Jinde Charities (một tổ chức bác ái ở Trung Quốc) đánh giá tình hình thông qua Giáo hội địa phương để có thể huy động các nỗ lực cứu trợ.
 
Đức Giáo Hoàng: Hòa bình và niềm vui cho mọi người
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
16:30 14/04/2010
Đức Thánh Cha nói đến sứ vụ của Giáo Hội là phổ biến lòng thương xót Chúa

CASTEL GANDOLFO, ITALY (Zenit. org).- Đức Biển Đức XVI nói sứ vụ của Giáo Hội là đem đến cho mọi người ‘thực tại vui mừng” về Tình Yêu thương xót của Chúa.

Ngài đề nghị điều nay hôm nay khi ngài ngõ lời với những đoàn người qui tụ tại Lâu Đài Tông Tòa Castel Gandolfo để đọc kinh Regina Caeli trưa. Đức Thánh Cha đang thực hiện một ít ngày nghĩ tại nhà nghỉ hè giáo hoàng sau Tuần Thánh và Phục Sinh.

“Đoạn Tin Mừng từ Thánh Gioan cho Chúa Nhật này là phong phú với lòng thương xót và nhân hậu của Chúa.” Đức Giáo Hoàng ghi nhận. “[…] Chúa Giesu tỏ bày những dấu thương khó và cho phép người cứng đầu Thomas chạm tới.

Đức Biển Đức XVI nói rằng “sự hạ mình của Chúa” với Thomas cứng lòng ‘cho chúng ta được hưởng lợi.

“Trên thực tế, chạm tới những vết thương của Chúa, người môn đệ nghi ngờ không những chữa lành sự dửng dưng của ông mà cũng của chúng ta”.

Ngài còn giải thích làm sao sứ vụ của Giáo Hội, “đời đời được Đấng An Ủi giúp đỡ [là] mang tin mừng tới mọi người, thực tại vui mừng Tình Yêu thương xót của Chúa, ‘nhờ vậy,’ như Thánh Gioan nói, ‘ anh em tin rằng Chúa Giesu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và nhờ vậy mà, bởi tin, anh em có thể sống nhân danh Người.’”

Đức Thánh cha qui chiếu về Năm Linh Mục, khuyến khích các mục tử theo Thánh Gioan Vianney. Ngài trưng dẫn thơ công bố năm thánh của ngài, trong đó ngài ghi chú rằng Cha Sở họ Ars ‘có khả năng biến đổi những tâm hồn và những sự sống của rất nhiều người bởi vì ngài cho họ khả năng cảm nghiệm tình Yêu thương xót của Chúa.”

Thời đại của chúng ta khẩn cấp cần một sự công bố và sự chứng minh tương tự cho chân lý Tình Yêu, “ ngài xác nhận. “Bằng cách này chúng ta sẽ biến Người thành thân thiện và gần gũi họn nữa, Người mà mắt chúng ta không thấy nhưng chúng ta tuyệt đối chắc về lòng thương xót vô cùng. ”

Đức Giáo Hoang kết thúc bằng cách phó thác sứ vụ của Giáo Hội cho Đức Mẹ, và nói thêm “chúng ta cầu xin Mẹ với lòng hân hoan niềm vui.”
 
Về ngày thứ Hai của Thiên Thần: Chúng tôi là những sứ giả của việc sống lại
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
16:36 14/04/2010
CASTEL GANDOLFO, ITALY (ZENIT.ORG).- Bài Huấn của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI phát biểu ngày thứ Hai Phục Sinh, 5-4, trước khi đọc kinh Regina Caeli tại Castel Gandolfo.



* * *

Anh chị em thân mến!

Trong ánh sáng Phục Sinh, mà chúng ta cử hành suốt tuần này, tôi lập lại lời cầu chúc hòa bình và niềm vui nhiệt tình nhất của tôi. Như anh chị em biết, ngày Thư Hai tiếp sau Ngày Chúa Nhật Phục Sinh theo truyền thống được gọi là “Ngày Thứ Hai của Thiên Thần”the Angel’s Monday.” Điều rất thích thú là suy nghĩ sâu sắc hơn về qui chiếu này đối với “thiên thần”. Dĩ nhiên, chúng ta nghĩ ngay tới những tường thuật tin mừng về việc phục sinh của Chúa Giêsu, trong đó gương mặt của sứ giả Chúa xuất hiện. Thánh Matthêu viết: ‘Và kìa đất rung chuyển dữ dội: Thiên Thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên. Diện mạo người như ánh chóp và y phục trắng như tuyết” (Mt. 28:2-3).

Tất cả các thánh sử nói rõ sau này là, khi các người nữ tới mộ và thấy mộ mở ra trống trơn, một thiên thần báo cho các bà biết Chúa Giêsu đã sống lại. Trong Thánh Matthêu, sứ giả này của Chúa nói với các bà: “Các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy, như Người đã nói” (Mt 28:5-6); rồi thiên thần chỉ cho các bà ngôi mộ trống và nói với các bà phải đi nói cho các môn đệ biết.

Thánh Maccô diễn tả thiên thần như “một người nam trẻ, mặc áo trắng,” trao cho các người nữ cũng một sứ điệp (x. Mc 16:5-6). Thánh Luca nói về “hai người nam y phục sáng chói,” nhắc các bà nhớ lại Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilee về sự chết và sống lại của Người (x. Lc 24:4-7). Thánh Gioan cũng nói về “hai thiên thần y phục trắng”; chính bà Magdalene kẻ thấy các thiên thần khi bà đứng khóc gần mồ, và các thiên thần nói với bà: “Này bà, sao bà khóc?” (Ga 20:11-13).

Tuy nhiên, thiên thần Phục Sinh cũng có một ý nghĩa khác. Điều thích hợp là nhớ rằng tiếng “thiên thần”, ngoài sự diễn tả các thiên thần, những tạo vật thiêng liêng có trí khôn và ý muốn, là những tôi tớ và sứ giả của Chúa, cũng là một trong những tước hiệu xưa nhất chỉ về chính Chúa Giêsu. Ví dụ, trong Tertullian, thế kỷ thứ ba, chúng ta đọc: “Người –Chúa Kitô—cũng được gọi là ‘thiên thần cố vấn,’ nghĩa là tiền hô, một tiếng chỉ một nhiệm vụ, chớ không chỉ bản tính. Trên thật tế, Người phải công bố cho thế giới biết chương trình vĩ đại của Chúa Cha cho việc phục hồi con người” (“De carne Christi,” 14). Ông Tertullian viết như thế. Nên về sau, Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, cũng được gọi là thiên thần của Chúa Cha: Người là Sứ Giả hảo hạn về tình yêu của Người.

Các bạn thân mến, bây giờ chúng ta hãy nghĩ tới điều Chúa Giêsu phục sinh nói với các Tông Đồ: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” ( Ga 20:21); và Người đã truyền thông Thánh Thần của Người cho các ông. Điều này có nghĩa là, như Chúa Giêsu là vị tiền hô về tình yêu của Chúa Cha, thì chúng ta cũng phải như vậy về đức bác ái của Chúa Kitô: Chúng ta là những sứ giả về sự phục sinh của Người, về chiến thắng của Nguời trên sự dữ và sự chết, là những kẻ mang tình yêu thần linh của Người. Do đó chúng ta tiếp tục theo bản tánh là những người nam và những người nữ, nhưng chúng ta nhận lấy sứ vụ của “các thiên thần,” những sứ giả của Chúa Kitô: Tất cả chúng ta được ban điều đó trong bí tích rửa tội và thêm sức.

Các linh mục, những thừa tác viên của Chúa Kitô, nhận lãnh điều đó cách đặc biệt, qua bí tích Truyền Chức Thánh: Tôi vui mừng nhấn mạnh điều này trong Năm Linh Mục này.

Anh Chị Em thân mến, bây giờ chúng ta quay về Đức Trinh Nữ Maria, và kêu xin ngài như Nữ Vương Thiên Đàng (Regina Caeli). Xin Mẹ giúp chúng ta lãnh nhận đầy đủ ân sủng mầu nhiệm Phục Sinh và nên những sứ giả can đảm và vui mừng về sự phục sinh của Chúa Kitô.

[Sau đó Đức Giáo Hoàng chào các người hành hương trong nhiều thứ tiếng. Bằng tiếng Anh ngài nói:]

Tôi rất vui mừng chào tất cả những người hảnh hương nói tiếng Anh hiện diện tại đây hôm nay để đọc kinh Regina Caeli. Trong những ngày đâu tiên này của Mùa Phục Sinh, chúng ta cử hành mãnh liệt mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa. Như những người nữ trong đoạn Tin Mừng hôm nay, mong tất cả mọi người chúng ta, đặc biệt những người đã được rửa tội trong ngày Phục Sinh này, giữ sống động trong tâm hồn chúng ta sự kính sợ và niềm vui của chúng ta trong sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, Xin Chúa chúc lành tất cả anh chị em!
 
Linh mục, người giảng dậy Chân Lý là Chúa Kitô
Linh Tiến Khải
17:29 14/04/2010
Trong tình trạng lẫn lộn và lạc hướng ngày này linh mục là người giảng dậy Chân Lý là Chúa Kitô, chứ không phải các tư tưởng và các triết lý của mình hay ý kiến mình ưa thích.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước gần 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 14-4-2010.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về chức Linh Mục thừa tác. Lý do là vì Năm Linh Mục sắp kết thúc với Đại Hội Linh Mục Thế Giới cử hành trong ba ngày mùng 9,10,11 tháng 6 tới đây tại Roma. Vì thế Đức Thánh Cha muốn dành một vài suy tư về đề tài này để khai triển thực tại phong phú của việc linh mục đồng hình dạng với Chúa Kitô trong ba nhiệm vụ giảng dậy, thánh hóa và cai quản. Trước hết Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa của sự kiện linh mục hành động trong con người của Chúa Kitô là Đầu và trong tư cách là đại diện của Chúa. Ngài nói:

Vị linh mục đại diện cho Chúa Kitô. Đại diện cho ai có nghĩa là gì? Trong ngôn ngữ thông thường nó có nghĩa là tiếp nhận một sự thừa ủy của một người để đại diện, nói và hành động thay cho người ấy, vì người được đại diện vắng mặt khỏi hành động cụ thể. Câu hỏi được đặt ra là vị linh mục có đại diện cho Chúa trong cùng một cách thức như thế hay không. Câu trả lời là không, bởi vì trong Giáo Hội Chúa Kitô không bao giờ vắng mặt, Giáo Hội là thân mình sống động của Chúa và Đầu của Giáo Hội là Ngài, hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội. Chúa Kitô không bao giờ vắng mặt, trái lại Ngài luôn luôn hiện diện trong một cách thế hoàn toàn tự do khỏi mọi hạn hẹp không gian và thời gian, nhờ biến cố Phục Sinh, mà chúng ta chiêm ngắm một cách đặc biệt trong mùa Phục Sinh này.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định như sau: Vì thế vị linh mục hành động trong con người của Chúa Kitô là Đầu và đại diện Chúa nhưng không bao giờ hoạt động nhân danh một người vắng mặt, mà trong chính Con Người của Chúa Kitô Phục Sinh, hiện diện với hành động hữu hiệu thật sự. Người hành động và thực hiện điều mà vị linh mục không thể làm được: đó là truyền phép rượu và bánh để chúng thật sự là sự hiện diện của Chúa và tha tội cho tín hữu. Chúa khiến cho hoạt động của Người hiện diện thực sự trong người chu toàn các cử chỉ đó. Truyền Thống đã nhận ra trong các lời nói liên quan tới sứ mệnh của Chúa ba nhiệm vụ là giảng dậy, thánh hóa và cai quản trong sự khác biệt và hiệp nhất sâu xa của chúng. Thật ra chúng là ba hành động của Chúa Kitô phục sinh, là Đấng dậy dỗ trong Giáo Hội ngày nay và trong thế giới, và như thế tạo ra đức tin, quy tụ dân Người, tạo ra sự hiện diện của sự thật và xây dựng sự hiệp thông đích thực của Giáo Hội hoàn vũ, thánh hóa và hướng dẫn.

Nhiệm vụ thứ nhất là giảng dậy. Nhiệm vụ ấy đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cấp thiết giáo dục ngày nay. Chúng ta đang sống một sự lẫn lộn lớn liên quan tới các lựa chọn nền tảng của cuộc sống và các câu hỏi liên quan tới thế giới và nguồn gốc của nó, chúng ta sẽ đi đâu, phải làm gì để chu toàn sự thiện, phải sống các giá trị táo bạo nào. Có nhiều triết lý trái nghịch nhau nảy sinh rồi biến mất tạo ra sự lẫn lộn liên quan tới các quyết định nền tảng phải sống làm sao, vì chúng ta không biết chúng ta được tạo dựng cho cái gì và đi về đâu. Cũng như xưa kia Chúa Giêsu quặn lòng thương xót dân chúng đi theo Ngài, vì thấy họ bơ vơ không biết đâu là ý nghĩa đích thật của Kinh Thánh, nên Ngài đã giảng giải Lời Chúa cho họ và chỉ cho họ thấy hướng đi. Nhiệm vụ của linh mục cũng thế: đó là khiến cho ánh sáng Lời Chúa hiện diện trong sự lẫn lộn và lạc hướng của thời đại chúng ta, ánh sáng là chính Chúa Kitô trong thế giới này.

Như vậy vị linh mục không gảng dậy các ý tưởng của chính mình hay một triết lý do chính linh mục sáng chế ra, tìm ra hay ưa thích; vị linh mục không tự mình mà nói, không nói cho mình để được người khác khâm phục hay nói cho phe phái của mình; không nói các chuyện riêng hay các sáng chế của mình, nhưng trong sự hỗn độn của mọi triết lý vị linh mục giảng dậy nhân danh Chúa Kitô hiện diện và đề nghị chân lý là chính Chúa Kitô, lời Chúa, kiểu sống và hành xử của Chúa. Đối với linh mục lời Chúa nói về Người cũng có giá trị: ”Giáo thuyết của Ta không phải của Ta” (Ga 7,16). Nghĩa là Chúa Kitô không đề nghị chính mình, mà như là Con Thiên Chúa, Người là tiếng nói của Thiên Chúa Cha. Cả linh mục cũng phải luôn luôn nói và hành động như thế: ”giáo thuyết của tôi không phải của tôi, tôi không phổ biến các tư tưởng của tôi hay các tư tưởng tôi ưa thích, mà tôi là miệng và tim của Chúa Kitô và tôi khiến vang vọng lên giáo thuyết chung và duy nhất mà Giáo Hội đại đồng đã tạo ra và trao ban sự sống”.

Đức Thánh Cha xác định thêm trong bài huấn dụ rằng sự kiện linh mục loan báo giáo lý của Chúa Kitô không có nghĩa là vị linh mục trung lập. Ở đây lời Chúa Kitô nói về Ngài cũng trúng đối với vị linh mục: ”Tôi không tự mình mà đến và không sống cho chính mình, nhưng tôi từ Thiên Chúa Cha mà đến và sống cho Thiên Chúa Cha”. Vị linh mục cũng phải nói: tôi không sống tự mình và cho mình, mà sống với và từ Chúa Kitô, vì thế những gì Chúa Kitô đã nói với chúng ta trở thành lời tôi cả khi không phải là của tôi. Cuộc sống của linh mục phải được đồng hóa với Chúa Kitô. Đức Thánh Cha nêu bật việc nội tâm hóa lời giảng dậy của linh mục như sau:

Giáo huấn mà linh mục được mời gọi cống hiến, các chân lý của đức tin, phải được nội tâm hóa và sống sâu đậm trong con đường thiêng liêng cá nhân, để linh mục thực sự bước vào sự hiệp thông sâu xa thân tình với chính Chúa Kitô. Vị linh mục phải tin, tiếp nhận và tìm sống trước hết như là của mình, những gì Chúa đã dậy dỗ và Giáo Hội truyền lại trong lộ trình đồng hóa với chức thừa tác của mình, như Cha sở thánh họ Ars đã nêu gương.

Do đó tiếng nói của linh mục thường khi xem ra cũng là ”tiếng kêu trong sa mạc” (Mc 1,3), nhưng chính đó lại là sức mạnh ngôn sứ của nó, trong nghĩa nó không bao giờ giống và có thể giống bất cứ nền văn hóa hay tâm thức thống trị nào khác, mà là cho thấy sự mới mẻ duy nhất có khả năng canh tân con người một cách sâu rộng và đích thật, nghĩa là chỉ cho thấy Chúa Kitô là Đấng sống động, là Thiên Chúa gần gũi hoạt động trong cuộc sống và cho cuộc sống thế giới, và trao ban cho chúng ta chân lý và kiểu sống.

Linh mục giảng dậy khi chú ý chuẩn bị bài giảng ngày lễ cũng như ngày thường, trong nỗ lực đào tạo giáo lý, trong các trường học trong các cơ cấu đại học và đặc biệt qua cuốn sách không được viết là chính cuộc sống của mình. Linh mục luôn luôn giảng dậy, không phải với yêu sách áp đặt các chân lý riêng, nhưng với xác tín khiêm tốn và tươi vui của người đã gặp gỡ Chân Lý, bị Chân Lý nắm bắt và biến đổi, và vì thế không thể làm gì khác hơn là loan báo Chân Lý ấy. Thật thế chức linh mục không ai có thể tự mình lựa chọn; nó không phải là kiểu đạt sự chắc chắn cho cuộc sống, để chiếm hữu một địa vị xã hội. Chức linh mục là lời đáp trả tiếng Chúa gọi, đáp trả ý muốn của Chúa để trở thành người loan báo chân lý của Chúa chứ không phải một sự thật riêng.

Các anh em linh mục thân mến, Dân Kitô xin được lắng nghe từ các giáo huấn của chúng ta giáo lý tinh tuyền của Giáo Hội, để qua đó canh tân cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng trao ban niềm vui, sự an bình và ơn cứu độ. Liên quan tới điểm này Kinh Thánh, bút tích của các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Hội Thánh, Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo là các điểm tham chiếu không thể tách rời khỏi nhiệm vụ giảng dậy cần thiết cho sự hoán cải, cho con đường đức tin và ơn cứu rỗi của con người.

Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói Thiên Chúa đã trao cho các linh mục một nhiệm vụ lớn lao là những người loan báo Lời Chúa Chân Lý cứu rỗi; là tiếng nói của Chúa trong thế giới để đem lại những gì ích lợi cho các linh hồn và con đường đức tin đích thực. Thánh Gioan Vianney đã là mẫu gương sáng ngời cho tất cả mọi linh mục. Ngài là người khôn ngoan và anh hùng kháng cự lại tất cả các áp lực văn hóa xã hội thời đó để dẫn đưa ra các linh hồn đến với Thiên Chúa. Đơn sơ, trung thành và cụ thể là các đặc thái chính trong việc giảng dậy của ngài, thêm vào đó là trong sáng trong đức tin và thánh thiện trong cuộc sống.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Top Stories
Karitativer Fonds Joseph
Joseph Dinh Huy Huong, Priester
09:23 14/04/2010
KARITATIVER FONDS JOSEPH

Saigon, 11.04.2010, Barmherzigkeitssonntag

Liebe Freunde,

Zuerst erlaube ich mir, mich vorzustellen. Ich bin Joseph Dinh Huy Huong, Priester der Diözese Saigon.

Vor kurzem habe ich einen Fonds mit dem Namen KARITATIVER FONDS JOSEPH gegründet, den ich Euch hier vorstellen möchte.

I. Vorstellung

Gründung:

Der Karitative Fonds Joseph (vietnamesisch: Qui Bac Ai Du Sinh) wurde am Fest Mariä Aufnahme in den Himmel, 15.08.2009, von Priester Joseph Dinh Huy Huong gegründet.

Ziel:

Ein kleiner Beitrag im Sinne der christlichen Nächstenliebe zum Aufbau einer Gesellschaft, in der sich noch viele Arme und Verlassene nach einem würdigen Leben sehnen.

Hauptaufgaben:

a) Notfallhilfe, Entwicklungshilfe in enger Zusammenarbeit mit anderen karitativen

Organisationen.

b) Unterstützung bei der Erstellung sozialer Projekte.

c) Vermittlung finanzieller Mittel für die Realisierung dieser Projekte.

Struktur:

Leiter: Joseph Dinh Huy Huong, Priester

Koordinator: Thomas von Aquin Bui Ba Toan, Arzt

Einige freiwillige Mitarbeiter

II. Wirkungsbereiche

Hilfe bei dringenden Notfällen: Der karitative Fonds Joseph hilft Opfern von Naturkatastrophen, unabhängig vom Glauben der Notleidenden.

Entwicklungsprojekte, z.B. Mikrokredite, besonders für ethnische Bevölkerungsgruppen.

Reparatur beschädigter Unterkünfte der Armen.

Hilfe für Alte und Verlassene, Behinderte, HIV- und AIDS-Kranke, ausgestoßene junge Schwangere, Waisenkinder.

Preiswerte Restaurants für Arme und kostenlose Mahlzeiten für Bedürftige.

Kostenlose Untersuchung und Behandlung der Armen, besonders derer, die in entfernten Gebieten leben.

Besuch der Priester und Ordensleute in Altenheimen.

Beratung bei Kirchen- und Schulbau.

Einige andere Projekte.

Sonderaufgaben: Hilfe für vietnamesische ethnische Gruppen in Kambodscha und Laos.

Liebe Freunde,

Christus hat uns gelehrt: Was ihr für einen meiner geringsten Brüder getan habt, das habt ihr mir getan (Mt 25,40) und Johannes hat argumentiert: Wenn jemand sagt: Ich liebe Gott!, aber seinen Bruder hasst, ist er ein Lügner. Denn wer seinen Bruder nicht liebt, den er sieht, kann Gott nicht lieben, den er nicht sieht (1 Joh 4,20). Folglich können wir die christliche Nächstenliebe durch kleine Handlungen in die Tat umsetzen. Christus hat Barmherzigkeit gegenüber Sündern, Verlassenen und Armen gezeigt. Er hat alle als Gotteskinder angenommen, egal ob sie Steuereinzieher, Ehebrecherinnen, Blinde, Krüppel, Leprakranke, etc. sind. Christliche Nächstenliebe bedeutet demzufolge die Liebe gegenüber den Leidenden bedingungslos nach Christi Vorbild zu leben. Christus hat gesagt: Daran werden alle erkennen, dass ihr meine Jünger seid: wenn ihr einander liebt (Joh 13,35).

In der heutigen vietnamesischen Gesellschaft ist der Graben zwischen Armen und Reichen sehr tief. Vielen Menschen um uns herum fehlen selbst die minimalsten Grundbedürfnisse wie Wohnsitz, Medikamente, Bildung, Nahrung, Kleidung... Alle diese Mitmenschen sollen wir wie uns selbst lieben. Liebe ist der Kern und die Vollendung des christlichen Lebens, die Zusammenfassung aller Gebote, wie Paulus beteuert hat: Denn das ganze Gesetz ist in dem einen Wort zusammengefasst: Du sollst deinen Nächsten lieben wie dich selbst (Gal 5,14).

Vom Herzen danke ich allen, die Nächstenliebe in irgendeiner Weise in die Tat umgesetzt haben oder umsetzen werden. Mein Wunsch an sie lautet: Erbarmen, Frieden und Liebe seien mit Euch in Fülle (Jud 1,2).

Joseph Dinh Huy Huong, Priester

Qui Bac Ai Du Sinh

112/10 Phan Van Tri, P. 10, Go Vap

Ho-Chi-Minh-Stadt, Vietnam

Tel: + (84) 83 589 0227Handy: + (84) 913 168 299
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhớ Hoàng Kim
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
08:21 14/04/2010
Hoàng Kim là ai mà lại nhớ. Chắc có người, khi đọc mấy dòng này, sẽ hỏi như vậy. Tôi xin thưa: tôi là người bạn đã quen biết và làm việc lâu năm bên cạnh Hoàng Kim, từ thập niên 60 ở Paris cũng như sau này ở Sài gòn. Tôi nhớ Hoàng Kim do một câu tôi đã đọc hơn 50 năm về trước, trong báo Thông cảm thời đó. Câu này có lẽ là của thánh Phan-xi-cô đờ Xan (Francois de Salle) do luật sư Đoàn Thanh Liêm trưng dẫn lại mà không cho xuất xứ, nên tôi cũng không biết từ đâu. Câu đó là: “Khi đã được quen biết một người qua những biểu dương thâm trầm của người ấy, thiết nghĩ ta có bổn phận phải trung thành với người. Đã là bạn rồi lại thôi thì chẳng bao giờ là bạn thật cả.” Chính câu này làm cho tôi nhớ Hoàng Kim và cảm thấy như có bổn phận phải viết đôi lời trong dịp giỗ lần thứ 25 này.

Hoàng Kim là linh mục Gio-a-kim Lương Hoàng Kim, gốc địa phận Thái Bình, nhập tịch địa phận Long Xuyên nhưng làm vịệc tại Sài gòn từ lúc về nước năm 1964 cho dến khi qua đời ngày 15.4.1985 ở tuổi 55. Những ai ở tuổi thanh niên vào thập niên 60 chắc nhiều người biết hay nghe nói đến Hoàng Kim qua các bài hát trong tập Họp mừng Vượt qua, và qua ca đoàn Hương Nam ở nhà thờ Vinh Sơn Chí Hoà. Hoàng Kim là một nhạc sĩ tài ba, một nhà phụng vụ tha thiết với các bản văn đọc trong nhà thờ, và một nhà thơ chuyên dịch các thánh thi bằng tiếng la tinh sang tiếng Việt, in trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Mấy hôm nay, đã có thông báo về lễ giỗ này trên mạng Vietcatholic.

Chiều mai, lúc 5g sẽ có lễ hát ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, để cầu nguyện cho người bạn quá cố của tôi và của các anh chị em trong Nhóm CGKPV. Chúng tôi mượn nhà thờ Kỳ Đồng để cử hành lễ này, vì đây là một thánh đường rông lớn, nơi có nhiều tín hữu tham dự các lễ nghi phụng vụ.. Cử hành lễ giỗ ở đây là chúng tôi muốn có một cộng đoàn đông đảo cùng cầu nguyện với chúng tôi cho người bạn, người cha, người thầy yêu quí, đồng thời cũng muốn làm vinh danh một tài ba âm nhạc và một nhà phụng vụ đã đóng góp đáng kể cho nền thánh nhạc và phụng vụ tại Việt Nam, bằng tác phẩm Thánh Vịnh Huyền Ca và các bài Thánh Thi trong sách Các Giờ kinh Phụng vụ.

Hoàng Kim ra đi để lại biết bao thương tiếc cho giáo dân đền thánh Vinh sơn Chí hoà, cho bạn bè, người quen biết xa gần và đặc biệt cho Nhóm CGKPV. Hôm nay cử hành lễ giỗ Hoàng Kim lần thứ 25, chúng tôi muốn bày tỏ lòng tri ân đối với một người đã dành cái phần tốt đẹp nhất của đời mình cho công trình phiên dịch CGKPV và sách Kinh thánh. Vậy, xin quí vi xa gần người quen biết cũng như không quen biết, cùng cầu nguỵện cho Gio-a-kim. Riêng tôi xin có bài thơ này viết từ 21 năm trước, để tưởng nhớ người bạn chí cốt này.

NHỚ HOÀNG KIM

Anh Hoàng Kim ơi !
Chiều Chúa nhật vừa rồi
Khi dắt xe ra khỏi cổng
Tôi chợt nghĩ đến anh
Mà lòng dạ bồi hồi.
Tôi muốn ghi vội ghi nhanh
Khi còn đang ngồi trên xe đạp
Những cảm nghĩ về anh.

Tôi định làm một bài thơ
Một bài thơ rất thân tình
Để hôm nay ra đọc trước mộ anh
Với lời lẽ đơn sơ
Và tất cả sự chân thành.

Đã bốn năm rồi xa cách anh
Xa anh trong mối sầu ly biệt
Trong nỗi nhớ nhung da diết.

Mỗi lần nhìn ảnh anh trên tường
Là mỗi lần tôi thấy rõ
Tất cả con người anh
Một con người quảng đại
Hết tình với bạn bè
Không biết giận mà chỉ biết cười
Để cho người ta chọc ghẹo chơi.

Hôm nay ra viếng mộ anh
Trong ngày nhớ các tín hữu đã qua đời
Tôi muốn nói với anh:
Anh vẫn sống giữa chúng tôi
Dòng thơ anh vẫn có người tiếp nối
Điệu nhạc của anh vẫn còn trong lòng người
Để cứ mãi vang lên những bài ca mới.

Anh Hoàng Kim ơi !
Phải chi lúc này anh còn ở lại
Để nhìn thấy tương lai
Mỉm cười với ta
Mà trong đó
Anh góp phần không nhỏ

Nhưng trên chốn cao xanh
Anh ở bên toà Chúa
Hẳn là anh thấy rõ
Anh nhìn thấy mỗi người chúng tôi
Anh biết chúng tôi đang làm gì
Và còn mong làm được gì hơn nữa.

Nếu anh đã có thể chuyển cầu
Thì xin chuyển cầu
Cho chúng tôi biết thương nhau
Dám bằng lòng chịu cực chịu khổ
Để làm việc bên nhau thật lâu dài.

(2.11.1989)
 
Nhân lễ giỗ 25 năm, vài dòng tiểu sử về Linh Mục Nhạc Sĩ Hoàng Kim.
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế
16:15 14/04/2010
Sau thời gian du học, Linh mục Gio-a-kim Lương Hoàng Kim đã lần lượt phục vụ trong các họ đạo Vườn Xoài, Mạc-ti-nho, Nghĩa Hoà và cuối cùng là Vinh-sơn. Có thể nói: tại mỗi nơi phục vụ, cha đều để lại nhiều kỷ niệm đẹp của người mục tử quan tâm săn sóc đoàn chiên.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của cha Hoàng Kim vượt ra ngoài ranh giới của mấy họ đạo. Ngay từ hồi còn học Phụng Vụ và Thánh Nhạc, cha đã sáng tác một số thánh ca, đáp ứng một nhu cầu ngày càng bức thiết, đặc biệt từ Công Đồng Va-ti-ca-nô 2, từ khi được sử dụng tiếng bản xứ để cử hành phụng vụ. Các bản thánh ca của cha, xuất phát từ những bản văn Kinh Thánh và Phụng Vụ, được lồng vào những cung điệu có màu sắc dân tộc khiến người hát hay người nghe cảm thấy gần gũi. Nét độc đáo của cha là ở đó. Vào đầu thập niên 70, khi tập “Họp mừng Vượt Qua” ra đời, cha Hoàng Kim đã trở thành một nhạc sĩ quen thuộc trong giới Công Giáo Việt Nam.

Đầu năm 1972 cha gia nhập Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ. Nhìn từ góc độ ngôn ngữ văn chương, đóng góp của cha Hoàng Kim trong công trình phiên dịch cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ, đặc biệt các Thánh vịnh, rất là to lớn. Riêng các thánh thi, hầu hết đều do cha chuyển ý. Suốt thời gian cộng tác với anh chị em, có thể nói cha đã quên nỗi đam mê của cha là thánh nhạc để dồn hết thì giờ sức lực cho công việc phiên dịch Lời Chúa.

Cũng vì lý do đó mà anh chị em Nhóm CGKPV cảm thấy có một món nợ tinh thần cần phải thanh thoả: nợ với người quá cố đã vì lợi ích chung mà quên sở thích riêng, nợ với cộng đoàn dân Chúa: làm sao cho các bản thánh ca của cha Hoàng Kim đừng bị mai một. Để thực hiện tập thánh ca này, anh chị em đã tìm được cộng tác viên đắc lực, đó là anh Đinh Công Huy, ca viên của cha Hoàng Kim do chính cha đào tạo, đã sưu tập có thể nói tất cả các bài cha đã sáng tác. Bộ sưu tập này mang tên “Thánh vịnh huyền ca”, tên mà chính cha Hoàng Kim đã chọn cho tập sách, hồi còn sống cha chưa có điều kiện tốt để thực hiện. Khi giới thiệu và giúp phổ biến tập thánh ca này, Nhóm Phiên Dịch CGKPV muốn thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ người anh, người bạn đã khuất, đồng thời muốn đưa phần đóng góp của cha Hoàng Kim vào trong kho tàng thánh nhạc Việt Nam.

Thay mặt Nhóm Phiên Dịch

CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ý kiến của một giáo viên Công Giáo về việc một học sinh Công Giáo bị thầy giáo đánh vì mang tượng Thánh Giá
Tôma Hoàng Kim Khánh
16:11 14/04/2010
Góp ý về vụ việc Giáo viên Ngô Văn Tuyên tại Trường Cấp 2 An Bằng......

Ý KIẾN CỦA MỘT GIÁO VIÊN CÔNG GIÁO VỀ VỤ ViỆC MỘT HỌC SINH CÔNG GIÁO BỊ THẦY GIÁO ĐÁNH VÌ MANG TƯỢNG THÁNH GIÁ.

Tin ". .. Em Lê Tiến Quốc, học sinh trường cấp 2 An Bằng - Vinh An, đi học, bị thầy giáo Ngô Văn Tuyên - Giảng viên Môn Giáo Dục Công Dân, không cho mang tượng Thánh Giá vào lớp học.... " được Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, Trưởng Ban Truyền Thông Tổng Giáo Phận Huế, đưa lên website tonggiaophanhue.net, ngày 13-4-2010, lúc 16g11', làm nhiều phụ huynh, giáo viên bất bình và phẩn nộ.

Là một giáo viên có 30 năm thâm niên, hiện đang giảng dạy tại một trường Trung Học Phổ Thông, tôi không muốn chỉ ra ở đây những sai sót của thầy Ngô Văn Tuyên về đạo đức hành xử, về nghiệp vụ sư phạm, về những qui định của ngành giáo dục, về luật pháp,. .. bởi những ai khi đọc tin trên, đều dễ dàng nhận ra, hơn nữa, đến hôm nay, có lẽ thầy Ngô Văn Tuyên cũng nhận ra những điều ấy.

Tôi muốn viết ra những điều suy nghĩ sau đây:

1. Tôi chắc rằng những em học sinh ở lớp 7/5 có mặt trong tiết 2, sáng thứ 2 ngày 12-4-2010, đủ hiểu biết để nhận ra: Việc "thầy gọi em học sinh Lê Tiến Quốc lên trước lớp, ra lệnh cho em cởi bỏ dây và tượng Thánh giá khỏi cổ" là vi phạm luật pháp.

Mặc dầu ở vào độ tuổi 13-14, trình độ văn hóa lớp 7, nhưng nhờ các phương tiện học tập, thông tin, liên lạc. .. hiện đại, nhanh chóng, hiệu quả, mà sự hiểu biết của các em vượt xa giới hạn tuổi thơ, lớp học ấy. Các em học sinh nói chung, cách riêng các em ở lớp 7/5 này, hiểu rằng các em có quyền theo hay không theo một tôn giáo nào, không ai có quyền ngăn cấm các em biểu lộ niềm tin của mình bằng cách này hay cách khác trong khuôn khổ của luật pháp hiện hành...

Thế thì trong tâm trí các em lúc này, thầy Ngô Văn Tuyên ra sao? Vì qua các tiết học Giáo dục Công dân, chính thầy dạy các em phải "Sống và làm theo luật pháp".

Tiên vàn, xin hãy làm người thượng tôn pháp luật.

2. Trước yêu cầu "cởi bỏ dây và tượng Thánh giá khỏi cổ" của thầy, em Lê Tiến Quốc đủ hiểu biết, khôn ngoan, để nhận ra cái yêu cầu của thầy là vô lý và em có lý (hay có quyền) khi trả lời "Chúa của em thì em đeo". Câu trả lời của em sao lại làm thầy "tát vào mặt em", "nắm cây Thánh Giá kéo đứt dây đeo khỏi cổ em", rồi " lôi em đến phòng phòng Hội Đồng trường để xử lý"?

Rõ ràng, chuổi hành động của thầy là chuổi phản ứng của kẻ yếu, cái đúng không thuộc về thầy.

Cách mà Thầy Ngô Văn Tuyên đã đối xử với em Lê Tiến Quốc làm tôi liên tưởng và so sánh giống như những việc mà người lính đi "bắt đạo" đã làm vào một thời xa cũ trong lịch sử Giáo hội Công Giáo Việt Nam.

3. Dư luận đang bức xúc trước nạn "bạo lực học đường" đang xảy ra ở mức độ ngày thêm trầm trọng, và ở nhiều dạng khác nhau. Xin đừng để những vụ việc mang tính kỳ thị tôn giáo của một vài cá nhân nào đó, như của thầy Ngô Văn Tuyên, làm cho "bạo lực học đường" nhức nhối thêm.
 
Văn Hóa
Quê ngoại Cồn Dầu
Lúa Lép
08:53 14/04/2010
Quê ngoại Cồn Dầu

Tôi không phải là nhà văn cũng chẳng phải là một người giỏi văn chương để viết bài gởi lên mạng. Tôi muốn viết vào đây tâm trạng của đứa cháu ngoại.

Im ắng một thời gian, tôi cứ ngỡ người ta đã nhận ra cái việc làm phi nhân nghĩa phi đạo lý với quê ngoại của tôi. Ai dè đâu hôm nay họ lại kéo đên dày xéo quê ngoại của tôi!!! Mồ yên mả đẹp đâu rồi ?Nét đẹp thuần tuý của dân Việt đâu rồi? Một thanh niên uy hiếp người già đã là chuyện trái đạo lý mà đây lại là một CÔNG AN, người của nhân dân lại UY HIẾP NGƯỜI GIÀ! Tác phong của chú lính cụ Hồ đấy các bạn!

Quê ngoại ơi! Mảnh đất ấy không chỉ là một nghĩa địa đơn thuần nhưng đó là Đất Thánh. Mẹ con vẫn thường bảo tụi con mỗi lần về quê: Mấy đứa nhớ ra Đất Thánh thắp hương cho ông bà ngoại. Qua biến cố này con cảm nhận được rằng: đúng là Vùng Đất Thánh, vùng đất cha ông của con đã vun đắp xây dựng từ bao nhiêu năm nay. Để đến nay có những lề thói, tình làng nghĩa xóm, nề nếp mà không thể có được trong một vài năm mà hàng trăm năm. Con nhớ mãi mỗi lần về đến bến đò là nói đầu tiên: con nhà Hai L… đó. Ơ đây không có con con ông A hay con bà B. nhưng là con nhà: con nhà Hồng, con nhà Xã Nhu, con nhà Tám Bán, con nhà Sanh, con nhà ba Dân,…. Con cảm thấy đau xót khi thấy người hành hung quê ngoại nhưng con cũng rất tự hào về sự trưởng thành đời sống đức tin của giáo xứ mình. Bà con ơi! Cậu dì ơi! Can đảm lên! Sống Tin Mừng là sống cho Sự thật, cho Công lý. Đừng nản lòng nhé quê ngoại của con. Nếu đây là việc của người phàm thì nó đã tan rã và họ đã đạt được kết quả từ lâu rồi. Bà con ơi! Hãy chiến đấu cho trận chiến chính nghĩa này. Kiên nhẫn, Kiên nhẫn….

Cậu Liễu, dì Tụng, anh Trường thương mến.

Con xin được gọi như vậy vì Cồn Dầu là quê ngoại của con nên con không có ai để gọi là chú, là bác hay cô. Con không hiểu vì lẽ gì cậu dì làm những việc khác thường như vậy. Cậu dì và anh hãy nhìn lại xem có nơi nào đẹp như quê mình không? Có làng quê ngoại ô nào của thành phố Đà Nẵng đẹp bằng quê mình không? Cậu dì ạ quê mình nó không chỉ đẹp ở cánh đồng trước nhà thờ xứ, luỹ tre làng, ao rau muống hay hàng cau lối vào nhà. Nhưng quê mình nó đẹp bởi nét đẹp của một làng quê Việt Nam thuần tuý! Tại sao chúng ta không biết bảo tồn di sản văn hoá của dân tộc? Trách nhiệm của chúng ta là phải bảo tồn di sản văn hoá của dân tộc cậu dì ạ. Cậu dì đừng vạch áo cho người xem lưng nữa, cõng rắn cắn gà nhà. Đừng quên công ơn những người đi trước đã dày công vun đắp cho mảnh đât này cậu dì nhé.

Con: Lúa lép
 
Thơ văn thiếu nhi Công Giáo 1 15/04/2010
Câu Lạc Bộ Sáng Tác Thơ Văn Công Giáo
21:32 14/04/2010
CÂU LẠC BỘ SÁNG TÁC THƠ – VĂN CÔNG GIÁO

¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯15/04/2010¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯

Kính thưa Quí Linh mục, Quí Tu sĩ nam nữ, Quí Giáo lý viên, Quí Phụ huynh và các em Thiếu Nhi thân mến.

Có lẽ các em còn e ngại chưa dám mạnh dạn viết bài. Nhưng có những tác giả lớn tuổi cũng rất thao thức về những điều tốt đẹp cho tuổi thiếu nhi, bằng nhiều cách chúng ta mời gọi các em vào những sân chơi có giá trị tinh thần. Sáng tác thơ văn thiếu nhi là một sân chơi thiết thực bổ ích cho các em, có một số tác giả cũng đã gởi bài viết cho thiếu nhi để cùng đồng hành và nâng đỡ các em. Chúng con cũng mong mọi người cùng đồng hành, giúp đỡ chúng con bằng cách giới thiệu cho các em về TRANG THƠ - VĂN THIẾU NHI CÔNG GIÁO này. Nếu có thể được xin gởi bài viết về thiếu nhi cho chúng con để làm một trang riêng dành cho các em.

Chúng con vẫn biết “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng có sự đồng hành của Quí Linh mục, Quí Tu sĩ nam nữ, Quí Giáo lý viên, Quí phụ huynh và các em, chúng con mạnh dạn bước đi và sẽ cố gắng hết sức mình để phục vụ các em.

Rất mong Quí Linh mục, Quí Tu sĩ nam nữ, Quí Giáo lý viên, Quí Phụ huynh và các em nhiệt tình hưởng ứng. Các bài được chọn sẽ đăng trên trang Đồng Xanh Thơ Sài Gòn của website www.dunglac.org và www.tamlinhvaodoi.net và được gởi đến trên 10.000 địa chỉ mail của các độc giả trong nước và hải ngoại.

Bài vở của các em xin đề là THƠ – VĂN THIẾU NHI CÔNG GIÁO và gởi về:

Hoàng Thi Ca.

Email: dxtsaigon@gmail.com

Chân thành cám ơn Quí Linh mục, Quí Tu sĩ nam nữ, Quí Giáo lý viên, Quí Phụ huynh và các em.

*****************

Chúng con xin chân thành giới thiệu đến Quí Linh mục, Quí Tu sĩ nam nữ, Quí Giáo lý viên, Quí Phụ huynh và các em TRANG THƠ – VĂN THIẾU NHI CÔNG GIÁO 01

Của các tác giả:

Trầm Tĩnh Nguyện;

Giáng Fa;

Hoa Mặt Trời;

Thế Kiên

và Đỗ Thảo Anh.

TRANG THƠ

THƠ TRẦM TĨNH NGUYỆN


CA DAO CHO BÉ

CHUỒN CHUỒN

“Chuồn chuồn có cánh thì bay”.

Nếu không có cánh, hỏi mày làm chi?

Làm chi? – Chẳng biết làm gì!

CON CÓC

“Con cóc là cậu ông Trời”.

Ông Trời đi vắng. Rồi đời cậu luôn!

Con cóc là cậu nỗi buồn.

CAU, TRẦU VÀ VÔI

“Con mèo mà trèo cây cau”.

Cây cau cùng với dây trầu bà con.

Bình vôi xớ rớ, dỗi hờn.

QUẠ VÀ DIỀU

“Chiều chiều quạ nói với diều”.

Lắm lời, lắm chuyện, ra chiều đàn anh.

Lắm điều, lại hóa lanh chanh!

CUA VÀ ỐC

“Con cua tám cẳng hai càng”.

Bò lui, bò tới, bò ngang, bò về.

Con ốc trông thấy mà mê!

CON CÒ

“Con cò lặn lội bờ sông”.

Mang theo cái giỏ bỏ trong cái thùng

Thương con, đâu quản bão bùng.

Trầm Tĩnh Nguyện

THƠ GIÁNG FA

BÉ BÌNH

Sáng nay bé Bình ngủ quên

Không đi dự lễ thế nên thấy buồn

Mắt nhòe mấy giọt lệ tuôn

Trên cao Chúa thấy, Chúa thương thật nhiều.

Bé Bình cũng thật đáng yêu

Ngước lên hỏi Chúa mấy điều ngu ngơ

Chao ơi đã tự bao giờ,

Con thương lắm lắm, Chúa chờ con nghen.

Chúa cười, Chúa tấm tắc khen,

Mọi người gọi bé: ngọn đèn thiếu nhi.

Em ơi đừng có buông chi

Mỗi khi muốn khóc nói thầm Chúa nghe!

THẦM THÌ

Mơ được rước Chúa vào lòng

Nên trong thánh lễ em không quậy lì

Tâm hồn em mãi thầm thì

Nói chuyện với Chúa còn chi vui bằng.

TRỜI MƯA

Chiều nay trời mưa to

Anh em Tèo bị ướt

Đôi mắt thì sướt mướt:

Làm sao tới nhà thờ.

Chắp tay ngước lên trời

Cầu cho đừng mưa nữa

Để hai đứa kịp giờ

Lát chiều học giáo lý.

Giáng Fa

THƠ HOA MẶT TRỜI

VÌ SAO CHÚA CHỊU CHẾT?

Bé vừa về đến cổng

Đã chào ông, chào bà

Rồi sà vào lòng bác

Khóe môi đầy bí mật

Vỗ nhẹ khuỷu tay tôi

Bác ơi, bác có biết

Vì sao Chúa chịu chết?

Bác cười vờ không biết:

Con nói thử xem nào,

Tại sao Chúa chịu chết?

Đôi môi cong duyên dáng

Ánh mắt bé long lanh

Âm thanh như nốt nhạc

Giọng bé rót niềm tin

Thơ ngây mà chắc nịch:

Bác ơi con có biết

Ở trường Sơ đã dạy

Chúa Giêsu chịu chết

Vì Chúa thương chúng con!

Rồi bé vội lon ton

Chạy đến chiếc bàn con

Kiễng chân hôn tượng Chúa.

MƯA NGUỒN

Những hạt mưa trong suốt

Làm buốt giá cơn mưa

Làm sâu thêm ánh mắt

Mưa dắt hạ vào mùa.. .

Mưa từng cơn nặng hạt

Nhạt nhòa cả chân mây

Đổ đầy trên nương rẫy

Mưa trút xuống rừng cây

Rì rầm qua kẽ lá

Cho màu lá xanh hơn

Mưa đơm trái trong vườn

Mưa trườn theo con suối

Mưa bắc cầu qua sông

Mưa ùa ra biển rộng

Lồng lộng MUÔN CÁNH GIÓ

Chở mưa về hồn hoang

Lang thang vào tâm thức

Qua ngóc ngách tâm hồn

Khiến trái tim rung cảm!

Ai rải những hạt mưa

Từ trên cao xuống thế

Làm biến hóa đổi thay

Rửa sạch quả đất này?

Ai rải những hạt mưa

Từ trên cao xuống thế

Đổ nguồn ơn cứu độ

Tỏ lộ tình yêu thương?

Những hạt mưa vương bay

Từ trời cao xuống thế

Mặt đất thấp âm âm

Hứng nguồn ơn cứu rỗi.

Hoa Mặt Trời

THƠ THẾ KIÊN

VÈ KHUYẾN HỌC

Ve vẻ vè ve

Nghe vè khuyến học:

Thì giờ vàng ngọc

Chúa phó cho ta,

Chớ để trôi qua

Mà không sinh lợi.

Muốn làm sinh lợi

Phải học phải chăm.

Chẳng kể tháng năm

Trẻ già cũng học

Đường đời có mốc,

Biển học không bờ

Nhưng có bậc đo,

Chuyên cần là bến.

Học để tự luyện,

Có đức có tài.

Tiến bước theo thời,

Mở mang nước Chúa.

Học vấn là cửa,

Bất học vô tri

Sao biết đường đi,

Sao kịp người trước.

Nếu ta chậm bước,

At bị thụt lùi…

Vậy gắng lên thôi,

Thì giờ quí lắm…

Mong thay…

YÊU AI?

Trên hết, em yêu Chúa,

Đấng tạo dựng muôn loài,

Đấng yêu thương con người,

Đấng chỉ đàng chính thật,

Em yêu Cha mẹ nhất,

Rồi đến anh chị em,

Người thân, người chưa quen

Em yêu vì danh Chúa.

NHỚ ƠN VÀ ĐOAN HỨA

Em nhớ ơn các đấng

Sinh thành, dưỡng dục em:

Mục tử, giáo lý viên,

Cha mẹ, thầy cô giáo.

Em đoan hứa: ngoan đạo,

Cầu nguyện cho người thân,

Giúp đỡ mọi tha nhân,

Và noi guơng các thánh.

Thế Kiên

***************************************************************

TRANG VĂN

***************

TÂM TÌNH CHỊ THÁNH NHỎ

Đỗ Thảo Anh

(Viết cho tuổi hồng)

Các em đã đoán biết chị Thảo Anh muốn đề cập đến ai rồi, phải không ? Người ta thân mật gọi chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu là Thánh nhỏ, vì chị ấy đã nên thánh bằng những công việc nhỏ nhỏ, những tâm tình đơn sơ, nhỏ nhỏ …

Hôm nay chị kể cho các em những tâm tình nhỏ nhỏ của chị Têrêxa. Chị chia sẻ với chúng ta những suy nghĩ tế nhị giúp chúng ta biết cách đem lại niềm vui cho những người chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc.

Ở trong dòng Kín cũng có những giờ chơi, đó là giờ các nữ tu trong dòng chuyện trò, vui đùa với nhau. Chị Têrêxa đã khuyên các tập sinh của chị như sau: “ Chị em đừng ra chơi với tư tưởng là để cho mình được vui thích, nhưng là để cho các chị em khác được vui thích” (Một Tâm Hồn, trang 364). Trong chiều hướng tư tưởng đó của Thánh nữ, khi chúng ta gặp gỡ, chuyện trò, tiếp xúc với ai, chúng ta nên có chủ ý trước tiên là để tạo niềm vui cho kẻ khác chứ không phải để giành lấy niềm vui trước tiên cho mình. Điều đó sẽ giúp chúng ta biết lắng nghe, chú ý đến vấn đề của kẻ khác hơn là cứ thao thao bất tuyệt bắt kẻ khác chỉ lắng nghe và chú ý đến vấn đề của mình trong suốt buổi trò chuyện. Chị Têrêxa nói thêm: “Giả như mình đang kể cho kẻ khác nghe một điều mà mình lấy làm thú vị lắm, nhưng họ lại ngắt lời (ở đây chị Thảo Anh hiểu là thái độ tỏ ý không thích) và nói sang chuyện khác, thì mình cũng chăm chú nghe họ, và đừng nói tiếp câu chuyện của mình nữa.” (Một Tâm Hồn, trang 364). Thái độ từ bỏ mình đó được thực hiện bởi vì như chị Têrêxa nói: “Lý do là khi nói chuyện, không cốt để làm vui lòng mình, nhưng là để làm vui lòng kẻ khác” (Một Tâm Hồn, trang 364).

Thật là đơn sơ, phải không các em. Nhưng đó lại là kết quả của một lòng đạo đức sâu xa, một sự can đảm quên mình. Và nếu chúng ta thực hành theo gương chị thánh, chúng ta cũng sẽ cảm thấy trong mình tâm tình của Thánh nữ: “Khi đã gặp gỡ, chuyện trò xong, chúng ta cảm thấy lòng vui tươi thanh thản, cảm nhận trong mình một nguồn sức mạnh mới để thực hành và tiến tới trên con đường trọn lành”. (Một Tâm Hồn trang 364).

Đỗ Thảo Anh