Ngày 11-04-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đứng gần Thập Giá Chúa Giêsu có thân mẫu Người
Lm Raniero Cantalamessa
01:04 11/04/2020
Đức Maria trên đồi Canvê

(Bài giảng thứ ba Mùa Chay năm 2020 của Lm. Raniero Cantalamessa)

(Dịch từ nguồn http://www.cantalamessa.org/?p=3870&lang=en, “Standing By The Cross Of Jesus Was His Mother.”)

Lời Chúa sẽ đồng hành với chúng ta trong suy niệm này là Tin Mừng Gioan 19,25-27: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.”

Trong bài suy niệm này chúng ta chỉ tìm hiểu phần đầu của trình thuật và phần còn lại của đoạn Tin Mừng chứa đựng lời của Chúa Giêsu sẽ để cho lần tới.

Nếu Đức Maria, thân mẫu Người, đã hiện diện trên đời Canvê dưới chân thập giá Chúa Giêsu, chắc chắn mẹ đã ở Giêrusalem trong những ngày này, và nếu mẹ ở Giêrusalem, thì mẹ đã chứng kiến mọi sự và hiện diện trong mọi biến cố xảy ra. Mẹ đã có mặt tại thời điểm Philatô nói “Ecce Homo!” Mẹ đã nhìn thấy thân xác con mình bầm dập, loang máu, đầu đội mão gai; mẹ đã nhìn thấy Người trần truồng gần như hoàn toàn trước đám đông, toàn thân run rẩy, bầm tím trong những cơn co giật sắp chết. Mẹ đã nghe choang choảng tiếng búa đóng đinh và những lời nhục mạ: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…” Mẹ đã nhìn thấy những tên lính chia nhau áo xống con mình và cả chiếc áo choàng mà có lẽ chính mẹ đã dệt nên.

Tin Mừng nói với chúng ta rằng “đứng gần thập giá Chúa Giêsu có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala.” Như vậy, Đức Maria không trơ trọi một mình, mẹ là một trong số những người phụ nữ ở đó. Nhưng Đức Maria hiện diện như là mẹ Người, và sự kiện này làm thay đổi mọi sự, bởi vì nó đặt Đức Maria vào một hoàn cảnh rất khác biệt so với những người phụ nữ khác. Tôi còn nhớ đám tang của một cậu con trai 18 tuổi. Mấy phụ nữ đi theo xe tang. Họ mặc toàn màu đen và tất cả đều khóc, đến nỗi họ nhìn rất giống nhau. Nhưng một người trong số họ, người mẹ thì khác lắm, mọi người hiện diện cứ nghĩ về bà và hầu như tò mò nhìn bà! Bà là một góa phụ, và cậu con trai này là đứa con duy nhất. Cặp mắt của bà luôn cứ bám theo quan tài, và người ta có thể thấy miệng bà cứ liên tục mấp máy tên con mình. Trong thánh lễ, khi các tín hữu đáp Sanctus, họ tuyên xưng: “Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh,” bà cũng bắt đầu vừa lẫm bẩm mà như không ý thức vừa nhìn con, “Thánh, Thánh, Thánh…” Hình ảnh này làm tôi nghĩ đến Đức Maria dưới chân thập giá.

Nhưng Đức Maria được đòi hòi điều gì đó còn khó khăn hơn rất nhiều: đó là tha thứ. Khi mẹ nghe Con mình kêu lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34), mẹ biết Chúa Cha trên trời muốn mẹ lặp lại chính những lời ấy với tất cả lòng mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Và Đức Maria đã lặp lại những lời ấy. Mẹ đã tha thứ.

Nếu Chúa Giêsu đã bị cám dỗ ở trong sa mạc, thì Đức Maria bị cám dỗ cách đặc biệt dưới thập giá. Và đó là cám dỗ rất sâu xa và đớn đau, bởi lý do là chính Chúa Giêsu. Mẹ đã tin vào những lời hứa, mẹ đã tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa; mẹ biết rằng Chúa Giêsu có thể xin Chúa Cha đã sai đến cho Người “hơn mười hai đạo binh các thiên thần” (Mt 26,53). Nhưng mẹ thấy rằng Chúa Giêsu đã không xin điều đó. Nếu Chúa xuống khỏi thập giá, Người cũng đã giải thoát mẹ khỏi nỗi đau đớn khủng khiếp này, nhưng Người đã không làm gì.

Nhưng Đức Maria đã không kêu lên: “Hãy xuống khỏi thập giá; hay cứu con và cứu mẹ nữa!” Mẹ cũng không kêu: “Con tôi ơi, con đã cứu người khác, sao giờ đây con không cứu mình đi?” Mặc dầu thật dễ dàng linh cảm được rằng những ý tưởng và ước muốn như thế xuất hiện rất thường tình trong lòng người mẹ. Đức Maria đã im lặng.

Nói một cách rất người, có nhiều lý do để Đức Maria kêu lên với Thiên Chúa: “Ngài đã lừa dối tôi!” như tiên tri Giêrêmia ngày nọ đã kêu lên: “Lạy Chúa, Ngài đã lừa dối tôi, và tôi đã bị lừa dối” (Gr 20,7) – và rồi mẹ có thể chạy trốn khỏi Canvê. Thay vào đó, mẹ đã không bỏ chạy, nhưng lưu lại ở đó, mẹ đứng trong thing lặng, và như thế mẹ trở thành một vị tử đạo vì đức tin theo cách thế rất đặc biệt, một chứng tá trổi vượt về niềm tin vào Thiên Chúa, sau Con mẹ.

Ý tưởng về Đức Maria đã kết hợp với hy tế Con mình được diễn tả cách tinh tế và long trọng nơi bản văn Công Đồng Vaticanô II: “Đức Nữ Trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, và Ngài đã đứng ở đó theo ý Chúa muốn (x. Ga 19,25). Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hy lễ do lòng mình sinh ra.” (Lumen gentium, 58.)

Vì vậy, Đức Maria không chỉ đứng gần thập giá Chúa Giêsu theo nghĩa thể lý và địa lý. Mẹ hiện diện ở đó còn theo nghĩa tâm linh. Mẹ đã kết hợp với thập giá Chúa Giêsu; mẹ đã cùng chịu đau khổ. Mẹ chịu đau khổ trong trái tim mình những nổi đau mà Con mẹ phải chịu trong thân xác. Và ai có thể nghĩ khác được, nếu họ hiểu làm mẹ có nghĩa là gì rồi?

Chúa Giêsu cũng là một con người, và như một người tại thời điểm đó, trong ánh mắt của mọi người, Chúa chỉ là một đứa con bị hành quyết trước mặt mẹ mình. Chúa Giêsu không còn nói: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến?” (Ga 2,4). Lúc này đây chính là giờ của Người đã đến, Người và mẹ Người đều có chung cái gì đó rất lớn lao, chính là sự đau khổ. Trong những giây phút cuối cùng này mà xem ra cả Chúa Cha cũng như bỏ rơi mình cách khó hiểu dưới cặp mắt nhân loại của Người, Chúa Giêsu chỉ còn có ánh mắt của mẹ mình mang lại sự an ủi và đỡ nâng cho Người. Sao khi ở trong vườn Giệtsimani, Người đã xin ba môn đệ “hãy ở lại đây và hãy thức với thầy” (Mt 26,38), giờ đây Người có cần đến sự hiện diện và nâng đỡ của mẹ mình không?

Đứng gần thập giá Chúa Giêsu

Như thường lệ, khi bước theo Đức Maria là tôn chỉ của chúng ta, mẹ là hình ảnh và tấm gương, là hoa trái và mẫu gương đầu tiên của Hội Thánh, giờ đây chúng ta phải tự hỏi rằng Chúa Thánh Thần muốn nói gì với Hội Thánh khi quyết định cho Đức Maria hiện diện ở đó và ghi lại những lời của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh.

Một lần nữa, đó là lời của chính Thiên Chúa cho thấy rõ ràng con đường từ Đức Maria đến Hội Thánh và nói với mỗi người tín hữu phải làm gì để bắt chước mẹ: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người là Đức Maria và gần mẹ là người môn đệ Người yêu mến.” Trong sự kiện (fact) chứa đựng những giáo huấn (parenesis). Điều xảy ra trong ngày đó cho thấy điều phải xảy ra trong mọi ngày: chúng ta phải ở bên “Đức Maria gần thập giá Chúa Giêsu,” như môn đệ được Chúa yêu mến đã làm.

Hai điều ẩn chứa trong câu này. Trước hết, chúng ta phải ở “gần thập giá” và thứ đến, chúng ta phải ở gần thập giá “Đức Giêsu.” Hai điều này khác biệt, dầu chúng không thể tách biệt.

Đứng gần thập giá “Đức Giêsu.” Những lời này nói với chúng ta rằng điều đầu tiên và quan trọng nhất phải làm không phải chỉ đứng gần thập giá, nhưng là đứng gần thập giá “của Đức Kitô.” Thật vậy, không đủ chỉ đứng gần thập giá trong nỗi đau và thinh lặng. Điều này có thể được xem là anh hùng, nhưng không phải là điều quan trọng nhất. Nó không có ý nghĩa gì hết. Điều sống còn là đứng gần thập giá Chúa Giêsu. Nói cách khác, điều đáng nói không phải thập giá của chúng ta nhưng là thập giá của Đức Kitô. Đau khổ tự thân không phải là điều có giá trị nhưng là đức tin, và theo cách này, chúng ta đón nhận những đau khổ của Chúa Kitô. Điều đầu tiên là đức tin.

Điều lớn lao nhất của Đức Maria dưới thập giá chính là đức tin của mẹ, đức tin đó lớn hơn cả đau khổ. Thánh Phaolô nói thập giá là quyền năng và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa dành cho chúng ta, những người được cứu độ (1 Cr 1,18,24); đó là quyền năng của Thiên Chúa “dành cho ai có đức tin” (Rm 1,16). Vì thế, nó dành cho tất cả những ai có đức tin và không dành cho những ai đơn thuần chịu đau khổ, dầu như chúng ta sẽ thấy, cả hai điều này thường liên kết với nhau.

Đây là căn nguyên của sức mạnh và phong nhiêu của Hội Thánh. Sức mạnh của Hội Thánh đến từ việc rao giảng thập giá Chúa Giêsu, nó là biểu tưởng của sự điên rồ và yếu đuối trong cặp mắt thế gian, do đó nó từ chối mọi khả năng hoặc ước muốn đối diện với thế giới vô tín và vô ý, với những phương thế của chúng ta, như sự lợi khẩu, năng lực tranh luận, mỉa mai, châm biếm, chế nhạo, và tất cả ‘những sức mạnh’ khác của thế gian (x. 1 Cr 1,27). Cần phải từ bỏ ưu thế của con người để sức mạnh thần linh của thập giá Chúa Kitô có thể được nhìn thấy. Chúng ta phải nhấn mạnh về điểm này bởi vì nó cần được nhấn mạnh. Phần lớn các tín hữu không bao giờ được giúp đỡ để thấu hiểu mầu nhiệm này, vốn là trung tâm điểm của Tân Ước và của kerygma. Nó thay đổi cuộc sống con người.

“Đứng gần thập giá.” Nhưng dấu chỉ và bằng chứng nào để chúng ta thực sự tin vào thập giá Đức Kitô và “lời của thập giá” không phải chỉ là một lời, một nguyên lý trừu tượng, một mảng cuối cùng của thần học hay ý thức hệ, nhưng thực chất thập giá là gì? Dấu chỉ và bằng chứng là ở đây: đó là bạn hãy vác thập giá và hãy bước theo Chúa Giêsu (x. Mc 8,34). Dấu chỉ là chịu đau khổ với Người (x. Pl 3,10; Rm 8,17), chịu đóng đinh với Người (x. Gl 2,20), để hoàn tất những đau khổ nơi mình đang còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô (x. Cl 1,240. Toàn bộ cuộc đời Kitô hữu phải là một hiến tế sống động giống như hiến tế của Chúa Kitô (x. Rm 12,1). Đó không chỉ là vấn đề chấp nhận đau khổ cách thụ động, mà còn chịu đau khổ cách chủ động và sống kết hợp với Chúa Kitô. “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1 Cr 9,27), như thánh Tông Đồ đã từng nói. “Toàn bộ đời sống của Chúa Kitô là thập giá và tử đạo, vậy sao bạn lại tìm kiếm sự nghỉ ngơi và niềm vui?” Tác giả sách Gương Phúc nói như thế. (Cf. Thomas à Kempis, The Imitation of Christ, II, 12.)

Quả thật, có hai cách thế khác biệt để đặt mình trước thập giá của Chúa Kitô. Một trong những cách đó, mang đặc điểm của thần học Thệ Phản, là dựa trên đức tin và sự thủ đắc (appropriation). Nghĩa là dựa trên thập giá của Đức Kitô và không có gì đáng tự hào ngoài ngoài thập giá Chúa Kitô. Cách thứ hai được hun đúc từ quá khứ, đặc biệt nhờ nền tu đức Công Giáo, là nhấn mạnh đến việc cùng đau khổ với Chúa Kitô, chia sẻ cuộc khổ nạn của Người, và như trường hợp của một số vị thánh, là kinh nghiệm nơi bản thân trong hiện tại cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, bao gồm các đấu đanh. Phong trào đại kết đòi hỏi chúng ta phải xây dựng lại tổng hợp về những gì mà trong Hội Thánh đã hủy bỏ vì sự chia sẻ và chống đối nhau.

Dĩ nhiên, đây không phải là vấn đề đặt công trình của Thiên Chúa và của chúng ta trên cùng vị trí như nhau, nhưng là đón nhận lời Kinh Thánh nói rằng: một trong hai, cả đức tin và hành động, nếu không có nhau, nó sẽ chết (x. Gc 2,14tt). Đó là đức tin vào thập giá Chúa Kitô, đức tin đó cần phải trải qua những đau khổ để trở thành xác thực. Thánh Phêrô nói rằng: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa” (1 Pr 1,6-7).

Thập giá của chúng ta tự thân không mang lại ơn cứu độ hoặc quyền năng hay sự khôn ngoan; đơn giản tự thân nó chỉ là đau khổ con người, hay chỉ là hình phạt. Nó trở thành quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa vì nó kết hợp chúng ta với thập giá Chúa Kitô, với thánh ý của Thiên Chúa. Khi khám phá những cố gắng trong đời sống mình, thánh Gioan Phaolô II viết một bức thư về đau khổ, ngài nói rằng: “Đau khổ có nghĩa là trở nên dễ bị tổn thương cách đặc biệt, là mở ra cho những hoạt động của quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, được ban cho nhân loại trong Đức Kitô.” (John Paul II, Salvifici Doloris, 23.) Đau khổ kết hợp chúng ta với thập giá Chúa Kitô không chỉ thuần lý trí mà còn cả hiện hữu và thể lý nữa; đó là một dạng chuyển đưa, một phương tiện dẫn vào thập giá Chúa Kitô, không phải song song với đức tin nhưng là một với nó.

“Tôi sẽ hy vọng chống lại mọi hy vọng”

Nhưng đây là thời gian phải tiến về phía trước. Mầu nhiệm vượt qua không dừng lại một mình cây thập giá Chúa Kitô hay một mình sự phục sinh; cũng không dừng lại trong cả hai, cái này sau cái kia, kề nhau và phối hợp. Nó hệ tại trong việc trải qua từ biến cố này đến biến cố kia, từ chết đến sống, từ chết đến vinh quang và vương quốc (x. Lc 24,26; Cv 14,22). Vì thế, nó rất là năng động, chứ không phải là tĩnh lặng, trong một vận hành hoặc là biến cố mà thường được hiểu như không thể bị gián đoạn mà không bị phá hủy.

Đối với thánh Gioan, thập giá Chúa Giêsu không chỉ là giờ phút cái chết của Người, nhưng còn là “sự vinh quang” của Người. Sự phục sinh đã thực hiện trong đó rồi, trong dấu chỉ của Thần Khí được tuôn đổ từ cạnh sườn bị đâm thâm (x. Ga 7,37tt). Vì thế, trên đồi Canvê, Đức Maria không chỉ có kinh nghiệm về cái chết của Con mẹ, nhưng còn kinh nghiệm về hoa trái đầu tiên của phục sinh. Hình ảnh về Đức Maria dưới chân thập giá theo nghĩa như thế mà chúng ta có được từ bài Stabat Mater, trong đó, Đức Maria không chỉ “sầu muộn, buồn phiền, và đau đớn,” nếu vậy có lẽ là không đầy đủ. Trên đồi Canvê, mẹ không chỉ là “Mẹ sầu bi” nhưng còn là “Mẹ hy vọng - Mater spei,” như Hội Thánh khẩn cầu mẹ trong một thánh thi.

Thánh Phaolô đã quả quyết điều này liên quan đến Ábraham trong hoàn cảnh khó khăn của ông: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin” (Rm 4,18). Với tất cả lý do đó, chúng ta phải nói như vậy về Đức Maria dưới chân thập giá: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, mẹ vẫn trông cậy và vững tin,” nghĩa là trong một hoàn cảnh theo cách con người nói, không có lý do gì nữa để hy vọng. Một cách nào đó chúng ta không thể giải thích được nữa. Có lẽ mẹ cũng đã không thể giải thích cho chính mình được. Giống như Ábraham, Đức Maria đã tin rằng Thiên Chúa có thể “làm cho” Con mình chổi dậy “từ cõi chết” (x. Hr 11,19).

Một trong những bản văn Công Đồng Vaticanô II nói về niềm hy vọng của Đức Maria dưới chân thập giá như là một sự kiện quyết định cho ơn gọi làm mẹ của ngài. Bản văn nói rằng khi được kết hợp với Người, Đấng đã chết trên thập giá, “Đức Maria đã cộng tác cách đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Người thật là mẹ chúng ta.” (Lumen gentium, 61.)

Chúng ta hãy qua trở lại với Hội Thánh, nghĩa là với chúng ta. Thánh Augustinô nói về ba biến cố được Hội Thánh tưởng niệm trong Tam Nhật Vượt Qua, đó là đóng đinh, mai táng và phục sinh của Chúa: “Trong đời sống hiện tại của mình, chúng ta ý thức ý nghĩa của đóng đinh, trong khi, nhờ đức tin, chúng ta có niềm hy vọng vào ý nghĩa của việc mai táng và sự phục sinh.” (Cf. St. Augustine, “Letter 55,” 14, 24.) Hội Thánh giống như Đức Maria, sống sự phục sinh “trong hy vọng.” Cũng vì điều này, thập giá là đối tượng của kinh nghiệm, trong khi phục sinh là đối tượng của hy vọng.

Cũng như Đức Maria đã ở bên Người Con chịu đóng đinh, cũng thế, Hội Thánh được mời gọi gần gũi với Đấng Chịu đóng đinh của ngày hôm nay: đó là những người nghèo, người đau khổ, người bị lăng nhục, người bị xỉ vả… Làm sao Hội Thánh có thể gần gũi với họ? Gần gũi trong hy vọng như Đức Maria. Lòng trắc ẩn hay chỉ xoa dịu không đủ đối với những đau khổ của họ. Nó còn rất ít ỏi. Mọi người đều có thể làm điều này, ngay cả những ai không biết gì về phục sinh. Hội Thánh phải chuyển giao niềm hy vọng, loan báo đau khổ này không phải là vô lý, nó rất ý nghĩa, bởi vì sẽ có sự phục sinh sau cái chết. Hội Thánh phải trả lời cho những thắc mắc về niềm hy vọng của chúng ta (x. 1 Pr 3,15).

Dân chúng cần niềm hy vọng để sống giống như họ cần ôxy để thở. Hội Thánh cũng cần niềm hy vọng để tiến bước trong lịch sử và không được làm biến dạng bởi những thử thách bên trong cũng như bên ngoài. Trong yết kiến chung vào ngày 11 tháng Ba, là lần cuối cùng xuất hiện trước khi lệnh đình chỉ vì virus corona, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi chúng ta phải sống trong thời gian thử thách “với sức mạnh, trách nhiệm và hy vọng.” Tôi rất thích nhắc lại cách đặc biệt lời kêu gọi của ngài về niềm hy vọng.

Từ lâu và cả bây giờ, hy vọng đã và đang là nhân đức nhỏ bé và nghèo hèn giữa các nhân đức đối thần. Nhà thơ Charles Péguy đã có một hình ảnh rất đẹp liên quan đến vấn đề này. Ông nói rằng có ba nhân đức đối thần – tin, cậy và mến - giống như ba chị em: hai người chị đã lớn, còn lại thì vẫn mãi là một cô bé. Cả ba cùng nắm tay nhau bước đi trên một con đường, hai chỉ lớn mỗi người một bên, còn cô bé nhỏ thì ở giữa. Cô bé này chính là hy vọng. Mọi người nhìn họ và nói: “Dĩ nhiên là hai chị lớn đã kéo cô bé vào giữa.” Họ sai lầm: Chính cô bé nhỏ hy vọng đã giữ cho hai chị kia, bởi vì nếu hy vọng dừng lại, mọi sự cũng dừng lại. (Cf. Charles Péguy, le Porche du Mystère de la Deuxième Vertu [The Portal of the Mystery of the Second Virtue] in Oeuvres Poétiques Complètes, vol. 5 (Paris: Gallimard, 1975), p. 655.)

Chúng ta phải trở thành “những người đồng minh của cô bé hy vọng,” như chính nhà thơ đã nói. Có lẽ có gì đó mà bạn đã hy vọng mãnh liệt, hy vọng rằng Chúa có thể can thiệp, và không gì đã xảy ra. Rồi sau đó bạn lại hy vọng và lại không có gì xảy ra. Mọi sự vẫn cứ như trước, mặc dầu bạn đã làm tất cả, dâng hết lời nguyện và cả nhiều nước mắt, có lẽ nhiều dấu chỉ mà lần này Chúa nhậm lời bạn chăng? Nếu bạn tiếp tục hy vọng lần nữa; nếu bạn hy vọng luôn mãi, cho đến cùng, bạn trở thành một người “đồng minh của hy vọng.”

Điều này có nghĩa là bạn cho phép Thiên Chúa như “lừa dối” bạn, làm bạn thất vọng nhiều lần như Người muốn. Hơn thế nữa, nghĩa là bạn cảm thấy hạnh phúc từ trong sâu thẳm, trong tận đáy lòng bạn, rằng Thiên Chúa đã không lắng nghe bạn bởi vì, theo cách thức này, Người đã để cho bạn chứng tỏ với Người bằng chứng khác về niềm hy vọng của bạn, để bạn biết hy vọng nhiều hơn, càng lúc càng khó khăn hơn nhưng bạn vẫn hy vọng. Như thế, Người đã ban cho ban một ân sủng lớn lao hơn điều bạn đã xin: ân sủng của hy vọng vào Người. Chính Người có sự vĩnh cửu để chúng ta “tha thứ cho Người” vì sự chậm trễ!

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng hy vọng không chỉ là một tâm tình nội tậm đẹp đẽ và thơ mộng, khó khăn như bạn muốn, mà là, khi tất cả được nói và được làm, nó không kêu gọi hoạt động hoặc làm bộn phận cụ thể và vì thế cuối cùng là vô nghĩa. Trái lại, hy vọng chính xác có nghĩa là còn có điều gì ta chúng có thể làm, một bổn phận cần thực hiện, và do đó, chúng ta không còn phó mặc cho sự trống rỗng hay tê liệt bởi sự lười biếng.

Vì thế, cả khi chúng ta không thể làm gì nữa để thay đổi một hoàn cảnh khó khăn, chúng ta vẫn có gì đó lớn lao để làm, nó giữ chúng ta còn phải bộn rộn để không rơi vào thất vọng và nó giúp chúng ta kiên nhẫn cho đến cùng. Đây là “bổn phận” lớn nhất mà Đức Maria đã hoàn tất khi hy vọng, dưới chân thập giá, và vì thế, lúc này đây mẹ sẵn sàng để giúp đỡ chúng ta làm như vậy.

Chúng ta có thể tìm thấy một số sự đột biến thực sự và cảm giác hy vọng bất ngờ trong Kinh Thánh. Chẳng hạn có một đoạn trong sách Ai Ca, bài ca về linh hồn ở trong thử thách hoàn toàn bị bỏ rơi, hầu như có thể áp dụng cho Đức Maria dưới chân thập giá:

“Tôi là người đã sống cảnh lầm than, dưới làn roi giận dữ của Người… Người dẫn tôi, bắt tôi lần bước, trong tối tăm, không ánh sáng soi đường… Hồn tôi hết được bình an thư thái, tôi đã quên mùi hạnh phúc rồi. Tôi tự nhủ: cuộc sống của mình nay chấm dứt, hy vọng nơi ĐỨC CHÚA cũng tiêu tan” (Ac 3,1.2.18).

Nhưng sau đó, chúng ta tìm thấy một niềm hy vọng bất ngờ, và tình hình thay đổi. Tại một điểm nào đó, người thờ phượng nói với chính Người: “Lượng từ bi ĐỨC CHÚA đâu đã cạn, lòng thương xót của Người mãi không vơi. Tôi tự nhủ: ĐỨC CHÚA là phần sản nghiệp của tôi, vì thế nơi Người, tôi trông cậy… ĐỨC CHÚA xử tốt với ai tin cậy Người, với ai hết lòng tìm kiếm Chúa… Vì quả thật, Đức Chúa chẳng bỏ rơi mãi mãi: có làm khổ, Người cũng xót thương, vì Người vốn từ bi cao cả” (Ac 3,21-32). Từ chính lúc đó, tiên tri quyết định quay trở lại với hy vọng, giọng thay đổi: lời than van quay lại với sự khẩn cầu tin tưởng vì sự can thiệp của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy quay trở lại với Đức Maria, người đã đứng gần thập giá khi hy vọng chống lại mọi hy vọng. Chúng ta hãy cầu xin mẹ như mẹ của hy vọng với những lời rất cổ xưa của thánh thi của Hội Thánh:

Salve Mater misericordiae,

Mater Dei, et mater veniae,

Mater Spei, et mater gratiae,

Mater plena sanctae laetitiae,

O MARIA!

Chào Mẹ, mẹ của lòng thương xót,

Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của tha thứ,

Mẹ của Hy Vọng và Mẹ của Ân Sủng,

Mẹ đầy niềm hy vọng thánh thiện,

Ôi Maria!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương (dịch)

(Thứ Sáu Tuần Thánh 2020)

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Ý nghĩa về sự Phục sinh của Đức Giêsu
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
03:34 11/04/2020

Chúa Nhật Phục Sinh
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9

Biến cố Chúa Giêsu phục sinh là trung tâm điểm và là nền tảng của Kitô giáo. Bởi lẽ, nếu không sống lại thì Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa và sự nghiệp của Người kết thúc nơi nấm mồ. Đức Giêsu chỉ là một nhân vật tôn giáo thất bại. Chính thánh Phaolô đã quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Kitô trỗi dậy” (1 Cr 15,14-15). Với những lời này, thánh Phaolô muốn nhấn mạnh biến cố Phục sinh là nền tảng. Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Niềm tin Kitô giáo sẽ đứng vững hay sụp đổ với chân lý này. Vì là biến cố quan trọng nhất, nên chúng ta cần phải tìm hiểu, suy tư và học hỏi nhiều hơn.

Chúng ta cần tập trung suy tư và tìm hiểu sâu hơn biến cố Chúa Giêsu Phục sinh để khám phá ý nghĩa cốt lõi và điều mới mẻ nơi biến cố này.

Khi nói tới sự Phục sinh, chúng ta cần phân biệt ba trường hợp:

1) Tưởng đã chết nhưng sau đó sống lại;
2) Đã chết thật nhưng được sống lại;
3) Đã chết thật, sau đó sống lại và sống cuộc sống mới.

1- Trường hợp I: Tưởng đã chết, sau sống lại

Đây là trường hợp mà chúng ta có thể chứng kiến trong cuộc sống hằng ngày: Chẳng hạn đối với thiên nhiên, vào mùa đông giá lạnh, cây cối trơ trọi, cằn cỗi như đã chết, nhưng khi mùa xuân về, khí hậu ấm áp, thiên nhiên bừng dậy, cây cối sinh chồi nẩy lộc, chúng như được phục sinh. Sức sống trở lại. Hay trường hợp có ai đó, bị tai nạn, bất tỉnh nhân sự, nhưng sau khi được cấp cứu, họ tỉnh lại và tiếp tục sống. Những trường hợp này bên ngoài tưởng đã chết, nhưng thực ra bên trong không chết và sau đó sống lại một cách mạnh mẽ. Đây không phải là trường hợp của Chúa Giêsu phục sinh. Người không phải tưởng đã chết, hay giả vờ chết, rồi sau đó sống lại. Nhưng Người thực sự đã chết và được mai táng trong mồ.

2- Trường hợp II: Đã chết thật và sống lại

Đây là ba trường hợp đã chết được Chúa Giêsu cho sống lại, đó là: trường hợp của Ladarô đã chết 4 ngày và được chôn trong mồ, nhưng Chúa Giêsu đã làm cho anh sống lại (x. Ga 11,1-45); trường hợp người con trai bà góa thành Naim đã chết, người ta khiêng đi chôn, và được Chúa cho sống lại (x. Lc 7,11-17). Và trường hợp con gái ông Giarô (Mc 5,22-43).

Đây là những trường hợp mà sự sống sinh học, thể lý của họ đã bị chấm dứt hoàn toàn, thân xác của họ chỉ là một thây ma. Nhưng nhờ quyền năng thần linh, Chúa Giêsu đã làm cho họ sống lại và sống thêm một thời gian. Dù Tin Mừng không nói đến số phận cuối cùng của ba người này thế nào, nhưng chúng ta chắc chắn rằng sau khi được sống lại, họ sống một thời gian, sau đó, họ cũng phải chết. Vì họ không thể bẻ gãy xiềng xích của sự chết trói buộc định mệnh con người. Cái chết vẫn là quy luật tất yếu. Đây không phải là trường hợp sống lại của Chúa Giêsu nhưng chỉ là hình bóng tiên báo sự Phục sinh của Người.

3- Trường hợp III: Đã chết, nhưng sau phục sinh

Đây chính là trường hợp Phục sinh của Chúa Giêsu. Nghĩa là Chúa đã chết thật, sau ba ngày được an táng trong mồ, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết; Người Phục sinh có nghĩa là Người đi vào một cách thế hiện hữu mới mẻ, đi vào đời sống hoàn toàn khác, đó là sự sống của Thiên Chúa. Sự sống đó được Đấng Phục Sinh khai mở, sự sống hoàn toàn mới, sự sống trọn vẹn và không bị hủy hoại, sự sống này không còn nằm dưới lề luật của cái chết và thay đổi. Sự sống này được Thánh Gioan gọi là “zôê” khác với “bios” - sự sống sinh học, tự nhiên. Bởi thế, khi Phục sinh, Đức Giêsu không trở lại đời sống bình thường trên thế gian như Ladarô và những người chết đã được Người làm cho sống lại. Nhưng Người đã bước vào một đời sống hoàn toàn khác biệt – vào sự bất tử, vào sự sống vĩnh hằng, vào sự vô biên của Thiên Chúa. Người không bao giờ chết nữa, Người là Đấng Hằng Sống, được hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa.

Tin Mừng cho chúng ta những chứng cớ không thể nghi ngờ về sự kiện “Con Người sẽ chỗi dậy trong ngày thứ ba” là một điều hoàn toàn khác và mới mẻ đã xuất hiện (x. Lc 24,36-43). Những lần Đức Giêsu hiện ra minh chứng điều đó: Người không phải là một bóng ma, Người vẫn là chính Người với một con người có thân xác, còn mang những dấu đanh, nhưng Người là Đấng hoàn toàn mới lạ, Người hiện hữu theo một cách thức mới mẻ, nên không còn bị lệ thuộc bởi thời gian, không gian và nơi chốn. Người có thể xuất hiện và hiện diện với các môn đệ khi các cửa nhà đều đóng kín. Đó là một sự hiện hữu hoàn toàn mới mẻ.

Kết luận

Như thế, Đức Giêsu là người đầu tiên đi vào sự sống mới này, nên Người là người mở đường dẫn con người tới cuộc sống đó. Sự Phục sinh của Đức Giêsu không phải là một sự kiện đơn thuần chỉ liên quan đến Người mà thôi, nhưng là một “biến chuyển nhảy vọt” liên quan đến định mệnh toàn thể nhân loại. Trong sự Phục sinh của Đức Giêsu một khả thể mới của hiện sinh con người gắn kết với tất cả mọi người và từng người, mở ra một tương lai, một nền tảng cho niềm hy vọng về sự Phục sinh của con người.

Khi diễn tả về mầu nhiệm này, Chính Thống Giáo dùng Icône Chúa Phục Sinh như là Đấng Cứu Độ đầy ánh sáng, Người đi xuống ngục tổ tông, bẻ gãy xiềng xích sự chết, kéo họ lên và đưa họ vào sự sống mới với Người.

Như thế, biến cố Phục sinh của Chúa Kitô minh chứng Thiên Chúa quyền năng, Người làm chủ sự sống và sự chết, Người chiến thắng sự dữ. Biến cố này minh chứng thần tính của Đức Giêsu: Người là Thiên Chúa thật, đã sống lại, để giải phóng con người khỏi vòng luẩn quẩn của cái chết và dẫn con người tới sự sống mới. Nếu cái chết trên thập giá minh chứng rằng Đức Giêsu là một con người, thì sự Phục sinh minh chứng Người là Thiên Chúa.

Đồng thời, biến cố Phục sinh là hoa quả đầu mùa cho những kẻ an giấc, là nền tảng cho niềm hy vọng vào sự Phục sinh của chúng ta trong tương lai. Như Thánh Phaolô quả quyết: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,20). Đó là chân lý nền tảng. Chúng ta tin tưởng như thế. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Chúa Phục sinh kinh thiên động địa
Lm. Nguyễn Xuân Trường
03:54 11/04/2020

Mấy bà ra viếng mộ đã kinh ngạc trước cảnh Chúa Phục sinh kinh thiên động địa: “Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết.” Cảnh trời nghiêng đất ngả, Thiên thần Chúa hiện ra chói lọi ánh chớp này biểu lộ một Thiên Chúa quyền năng.

Thiên Chúa quyền năng đã biến cảnh trời sầu đất thảm chiều Thứ Sáu tử nạn thành cảnh trời quang mây tạnh sáng Chúa Nhật Phục sinh.

Thiên Chúa quyền năng đã biến Đức Giêsu chịu đóng đinh đến chết thành Chúa Giêsu trỗi dậy Phục sinh.

Thiên Chúa quyền năng đã biến cảnh huyệt mộ chết chóc buồn sầu thành cảnh đất trời Phục sinh vinh hiển.

Thiên Chúa quyền năng đã biến những người phụ nữ buồn rầu thất thểu ra viếng mộ người chết thành những tông đồ đầu tiên hân hoan hớn hở loan báo Tin Mừng Phục sinh.

Thiên Chúa quyền năng làm cho cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng của phận người, mà là sự sống mới, sự sống đời đời.

Chúa Giêsu đã chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa quyền năng khi từ cõi chết sống lại. Chúa Phục sinh đã chứng tỏ sự sống chiến thắng sự chết, sự lành thắng sự dữ, điều thiện thắng điều ác, tình thương thắng hận thù, chân lý thắng gian dối, hiền lành thắng bạo lực, niềm vui thắng buồn sầu, tin tưởng thắng sợ hãi, ánh sáng thắng bóng tối, và trên hết, Thiên Chúa thắng Satan.

Niềm tin yêu, vui mừng và hy vọng Phục sinh phải trở thành lẽ sống và lối sống hàng ngày của chúng ta. Amen.


Chúa sống lại lai láng niềm vui

1. Niềm vui Chúa sống lại. Chúa đã sống lại rồi, Alleluia! Tin Chúa sống lại được thiên thần báo tin cho mấy bà ra viếng mộ, rồi mấy bà chạy đi báo tin cho các môn đệ, các môn đệ chạy đi báo tin cho nhau. Nhà nhà loan tin, làng nước loan tin: Chúa sống lại rồi! Tiếng reo vui mừng Chúa Phục sinh lan tỏa muôn nơi. Hãy hình dung lúc này ai đang dương tính nhiễm bệnh được báo tin âm tính khỏi bệnh, nước này nối tiếp nước kia công bố hết dịch thì thế giới mừng vui biết bao. Tin Chúa Phục sinh, gặp Chúa Phục sinh từ cõi chết còn vui hơn thế nhiều.

2. Niềm vui đời sống mới. Chúa Phục sinh không chỉ để cho chúng ta mừng ngày lễ, nhưng là để cho chúng ta sống cả đời. Hình ảnh “tảng đá lăn ra khỏi cửa mộ” không phải để cho Chúa Phục sinh đi ra, nhưng là để cho chúng ta có thể đi vào sự Phục sinh của Chúa. Tin Chúa Phục sinh, chúng ta hãy sống hân hoan hạnh phúc, chứ đừng cứ nhăn nhó như mùa thương khó! Thánh Phaolô mời gọi chúng ta sống đời sống mới: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” Hãy đổi mới trái tim chai đá bằng trái tim tin yêu.

3. Niềm vui sống đời đời. Chúa sống lại từ cõi chết đã mở ra 1 chân trời vĩnh cửu cho nhân loại. Từ nay cái chết thân xác không phải là tiếng nói cuối cùng của đời người, mà lại là bước nhảy dẫn con người vào sự sống đời đời. Phận người không bị giới hạn vài chục năm sống nơi trần thế, mà trở thành vô biên trong sự sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu Kitô đã sống lại, chúng ta sẽ được sống lại với Ngài. Đó là niềm tin đem niềm vui và hy vọng cho chúng ta. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:37 11/04/2020

12. Ma quỷ sợ hãi câu ca Alleluia trên mọi sự.

(Thánh John of Cross)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:45 11/04/2020
91. MÈ (VỪNG) GIẤY GƯƠNG

Vi Chính người đất Ngô không có tài học vấn, nhưng thích đàm luận thơ văn giữa nơi quảng đình to lớn, nhưng cũng chỉ nói được vài lời vài chữ, lúc có người hỏi cặn kẻ và truy hỏi xuất xứ thì không tài nào trả lời được, có người chế nhạo ông ta là “mè giấy gương”.

Nguyên nhân là người đất Ngô thích ăn chè và bánh làm bằng mè, do đó người bán mè trong chợ đặc biệt là nhiều, có một người chuyên môn dùng “giấy gương” để gói những đồ thừa, vừa lúc có người đếm và mua hàng hóa của hắn ta. Sau khi lấy mè làm bánh, người ấy nhìn nhìn tờ “giấy gương” còn thừa, bèn ra ngoài huênh hoang rung đùi khoe học vấn, nhưng nhiều lần đều bị người ta hỏi cho đến cùng nên nhất thời không trả lời được, người ấy bèn nói:

- “Mè giấy gương” của nhà tôi chỉ đến đây thì chấm hết ạ”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tưư 91:

Người ta thường nhìn giá trị của mỗi người theo bằng cấp của họ, cho nên mới có chuyện tiến sĩ mà không làm nổi bài luận văn, viết văn viết báo thì chấm phẩy không biết để vào đâu, bởi vì tiến sĩ này là tiến sĩ tiền, nghĩa là dùng tiền để mua bằng cấp; con người ta cũng thường hay đánh giá người khác qua bằng cấp nên có những vị cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ ăn nói giống như những ma cô mặc rô bảo kê các cô gái đứng đường, bởi vì tư cách của họ giống như thế mặc dù họ có bằng cấp đàng hoàng...

Đánh giá người khác qua bằng cấp học vấn mà thôi thì chưa đủ, bởi vì bằng cấp học vấn chỉ là mực đo trình độ trí thức chứ không thể mực thước đo giá trị đạo đức của một con người.

Trước mặt Thiên Chúa giá trị của mỗi người đều giống nhau, bởi vì tất cả đều được cứu chuộc bằng giá máu Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su Ki-tô, cho nên người Ki-tô hữu không thể chỉ nhìn nhận giá trị con người bằng học vấn, nhưng là nhìn nhận mọi người đều có một linh hồn cao quý hơn mọi bằng cấp trên thế gian này...

Khoe khoang học vấn là đem cái tôi của mình ra...phơi nắng cho đen để không ai thấy được tâm hồn mình; đem tinh thần phục vụ và yêu thương của mình trãi ra trong cuộc sống, là đem giá trị Phúc Âm gieo vào tâm hồn của mọi người...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa Nhật Phục Sinh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:47 11/04/2020
Chúa Nhật LỄ PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 20, 1-9.

“Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.


Anh chị em thân mến,

Hôm nay Chúa Nhật Phục Sinh, bài tin mừng hôm nay tường thuật câu chuyện cô Ma-ri-a Ma-da-lê-na đến mộ của Đức Chúa Giê-su từ sáng sớm, nhưng rất kinh hoàng vì cửa mộ đã mở toang, và xác của Đức Chúa Giê-su không thấy đâu cả ! Thật ra Ngài đã sống lại rồi, sống lại thật như lời Ngài đã phán trước.

Tìm Đức Chúa Giê-su phục sinh nơi mộ trống

Không ai đi tìm người sống nơi nấm mồ chết, nhưng người ta hy vọng người chết sẽ bằng an ra đi về nơi cõi vĩnh hằng.

- Cách nhìn của người không phải là Ki-tô hữu.

Người ta cũng sẽ không tìm thấy Đức Chúa Giê-su phục sinh nơi những người Ki-tô hữu sống bê tha gây gương mù gương xấu, bởi vì những người này như những ngôi mộ âm u lạnh lẽo không có sinh khí, nhưng họ sẽ tìm thấy Ngài nơi những Ki-tô hữu sống thực hành lời của Ngài dạy là phục vụ tha nhân như phục vụ chính Ngài, bởi vì phục vụ chính là dấu hiệu sống động của Thần Khí Thiên Chúa.

- Cách nhìn của người Ki-tô hữu.

Trong cuộc sống thường ngày, có những lúc chúng ta nhìn những người tội lỗi bằng cặp mắt không mấy thiện cảm, nhìn những người có thành tích không mấy tốt đẹp bằng thái độ khinh chê, tâm hồn của họ như những nấm mồ trống không có Đức Chúa Giê-su Phục Sinh, vâng, dưới cái nhìn và suy tư của chúng ta, họ là những người vắng bóng Thiên Chúa trong cuộc sống.

- Đức Chúa Giê-su Phục Sinh vẫn đồng hành với chúng ta.

Ngài đồng hành với chúng ta trong thân phận của người nghèo khó, đang chờ chúng ta mời Ngài vào trong quán trọ bên đường như hai môn đệ thành Em-mau; Ngài cũng đang đồng hành với mọi người trên con đường dương thế, nhưng mấy ai nhận ra Ngài là Đức Giê-su Phục Sinh?

Anh chị em thân mến,

Tối hôm qua trong thánh lễ Vọng Phục Sinh chúng ta đã long trọng xác tín và tuyên xưng rằng Đức Chúa Giê-su đã từ cõi chết sống lại vinh hiển, và tiếng hoan ca Al-le-lu-ia vẫn sẽ còn vang vọng mãi cho đến ngày Ngài lại đến trong vinh quang.

Chúng ta vui mừng vì tin vào Đức Chúa Giê-su phục sinh, nhưng mỗi người trong chúng ta vẫn chưa thật sự sống lại với Ngài, bởi vì chúng ta không muốn tìm Chúa Phục Sinh nơi những nấm mồ chết, tức là chúng ta không muốn tiếp xúc trò chuyện với những người đang bị cho là kẻ tội lỗi, bởi vì chúng ta vẫn chưa đẩy được tảng đá kiêu ngạo, ghét ghen che lấp tâm hồn của chúng ta, làm cho chúng ta không thoát ra được để đi tới với tha nhân và vươn lên tới Thiên Chúa...

Lăn tảng đá tự kiêu tự mãn ra khỏi tâm hồn mình, là chúng ta sẽ thấy ánh sáng phục sinh của Chúa Giê-su nơi những nấm mộ trống, tức là những người tội lỗi và bất hạnh trong cuộc đời này...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chút suy tư về Lễ Phục Sinh 2020
Lm. Hữu Độ, CRM
10:18 11/04/2020
Năm nay thế giới mừng Lễ Phục Sinh trong một cách khác thường, chỉ vì đại dịch Corona. Hãy nhìm xem: bãi đậu xe trống trơn – hàng ghế Thánh Đường trở nên thừa thải – chẳng còn thấy những con người ăn mặc lịch sự, chỉnh chu đến dự Lễ - chẳng còn thấy những ca viên đứng chật gác đàn, rộn ràng hoan hỉ với những bài Thánh Ca mừng Chúa Phục Sinh. Tất cả là khác thường. Trái đất vẫn cứ quay, một ngày 24 giờ vẫn không thay đổi, nhưng mọi sinh hoạt của nhân loại dường như co cụm lại trong nhà. Đường phố vắng hoe, lòng người lo sợ.

Chúa Giêsu đã Phục Sinh, Chúa mang cho nhân loại niềm hy vọng rất lớn lao là chúng ta sẽ phục sinh giống như Chúa, nghĩa là chúng ta sẽ được sống hạnh phúc muôn đời trên Thiên đàng với Chúa sau này.

Thế nhưng tâm trí tôi vẫn cứ bị ám ảnh với cái chết của Chúa hôm Thứ Sáu tuần Thánh vừa qua. Phúc âm thuật lại: “Vì không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày Sabat nên những anh lính Rôma đến xin phép Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Khi đến gần Đức Giêsu thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân của Người, nhưng một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu và nước chẩy ra.” (Jn.18:31-34)

Đọc đoạn Phúc âm này tôi nhớ lại trong Cựu Ước, khi dân Do Thái đi trong hoang địa, kêu trách Chúa và Maisen thì Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ sợ hãi quá nên đến thú tội với Maisen và xin ông cầu cùng Chúa cho. Chúa truyền cho ông Maisen đúc một con rắn đồng treo lên cây gỗ và hễ ai nhìn lên rắn đồng thì được cứu khỏi chết. Hình ảnh con rắn đồng đó là hình ảnh chỉ về Chúa Giêsu bị treo trên thập giá sau này, để những ai nhìn vào Chúa mà kêu cứu thì khỏi phải chết đời đời. Hiện nay ngành Y khoa trên thế giới vẫn lấy biểu tượng con rắn với cây gậy là hình ảnh trong Cựu Ước để nói lên rằng Y khoa là ngành tìm ra thuốc và cách thức để cứu mạng sống con người.

Người ta qua Y khoa vẫn đang cố gắng tìm ra thuốc để cứu nhân loại khỏi cơn đại dịch Corona, nhưng người ta vẫn phải nhìn lên Thiên Chúa và xin Ngài thương cứu giúp. Với con siêu vi trùng quá bé nhỏ gần như vô hình, thế mà cả nhân loại run sợ, khiếp đảm. Người ta trong lúc này thấy mạng sống của mình mong manh và yếu đuối biết chừng nào. Corona virus đâu sợ ai vì nó tấn công mọi thứ hạng người, từ người quyền thế nhất đến người cùng đinh nhất. Corona virus không cần hộ chiều nhưng nó có quyền đi khắp mọi quốc gia. Corona virus chẳng cần học một khóa kinh tế nào, nhưng nó đánh bại mọi nền kinh tế trên toàn thề giới. Con người sợ Corona virus, vì nó có thể giết con người. Con người tìm mọi cách đuổi nó đi.

Chúng ta là người Công Giáo, có Đức Tin, là hồng ân cao quí Thiên Chúa ban tặng. Trong ngày Lễ Phục Sinh năm nay, chúng ta hãy:

• Nhìn vào Chúa để kêu cầu Chúa cứu nhân loại khỏi con đại dịch Corona.

• Nhìn vào Chúa để kêu cầu Chúa cho chúng ta xa trách tội lỗi là thứ nguy hiểm hơn siêu vi trùng Corona bội phần vì nó làm chúng ta chết đời đời.

• Nhìn vào Chúa để tạ ơn Chúa, đã đổ những giọt máu và nước cuối cùng từ Trái Tim Ngài, để nói lên rằng Ngài yêu chúng ta tận cùng, không còn gì để giữ lại nữa. Hơn nữa nước có ý nghĩa là rửa sạch tội lỗi và máu Chúa là chất nuôi sống linh hồn chúng ta. (xem mạc khải Lòng Chúa Thương Xót)

• Nhìn vào Chúa để vui mừng và hy vọng, vì Chúa đã sống lại cho chúng ta niềm tin vững mạnh: nhân loại sẽ vượt qua cơn dịch Corona này, và nhất là nhân loại sẽ sống lại với Chúa vinh quang.

Xin kính chúc quí ông bà và anh chị em được vui khỏe và bình an trong Mùa Phục Sinh khác thường nhưng cũng rất đáng ghi nhớ này.
 
Đêm Vọng Phục Sinh : Mừng Vui Lên !!!
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
20:28 11/04/2020
Đêm Vọng Phục Sinh: Mừng Vui Lên !!!

(Lc 24, 1-12)

Anh chị em thân mến, sau Nghi thức Làm Phép Lửa, Nến Phục Sinh được thắp lên như sự hiện diện của chính Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở giữa chúng ta. Từ trong bóng tối đêm đen, Nến Phục Sinh dẫn chúng ta bước vào ánh sáng cử hành long trọng đêm Vọng Phục Sinh. Cây Nến này chính là biểu tượng trong mùa Phục Sinh.

Chúng ta vừa rước Nến Phục Sinh cháy sáng với lửa được làm phép vào nhà thờ đặt trên chân nến, đến phần làm phép Nước, Nến sẽ được nhúng vào nước, sau đó Tân Tòng được Rửa tội bằng Nước Phép này, những người đã đã chịu phép Rửa tội sau khi lặp lại lời hứa cũng được rảy trên mình cùng một nước mới này.

Trên thân Nến có các mẫu tự Hy Lạp: Alpha và Omega (có nghĩa là “chữ đầu” và “chữ cuối”trong bảng mẫu tự Hy Lạp), tượng trưng cho Chúa Kitô là đầu và là cuối (là nguyên thủy và cùng đích) của tất cả mọi tạo vật. Nến cũng được đánh dấu theo năm, năm nay là năm 2020.

Cây Nến này được thắp sáng suốt cả Mùa Phục Sinh, trong các Thánh lễ và sẽ được đốt lên vào mỗi dịp cử hành phép Rửa tội và trong Thánh lễ an táng.

40 ngày Chay Thánh qua đi, nay Giáo hội bước vào 50 ngày Mùa Phục Sinh và kêu gọi con cái mình Mừng vui lên. Này người trần hỡi hãy vui lên Al-lê-lui-a, vì Chúa đã sống lại thật rồi đem niềm vui cho thế giới. Chúa đã sống lại rồi, vinh quang tỏa lan khắp nơi. Chúa đã sống lại rồi, cho muôn người hưởng phúc quê Trời.

Mừng vui lên! Hỡi anh chị em!!! Chúa đã sống lại thật rồi.

Chúa Giêsu sống lại là một biến cố siêu việt, một sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại, nền tàng cho niềm tin của chúng ta. Chúa sống lại được chứng thực, không chỉ là ngôi mộ trống, khăn liêm được xếp gọn mang tính khả giác, mà là bằng chứng từ trời. Thiên Thần làm chứng tỏ tường khi nói: “Các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Ðức Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28,5-6).

Chúa Giêsu sống lại như lời Người đã báo trước: “Ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại”. (x.Mt 20,17-19; Mc 10,33-34; Lc 18,31-33). Đây cũng là trọng tâm lời rao giảng của các tông đồ: “Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các tông đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại” (Cv 1,22; 2,23.32; 3,15; 13,30; 17,3.8; 26,23). Thánh Phêrô đứng chung với mười một Tông đồ rao giảng: “Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại” (Cv 2, 24). Thánh Phaolô công bố: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi sẽ nên trống rỗng, và Đức Tin của anh em cũng trống rỗng… Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị” (1Cr, 15, 14-17). Các Tông đồ tuyên xưng: “Chúa Giêsu Kitô ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại”.

Xác tín của các Tông đồ về mầu nhiệm Phục Sinh được Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI diễn giải: “Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì sự tử nạn của Đức Kitô mất hết ý nghĩa cao trọng thiêng liêng. Như thế, Thập giá chỉ là bi kịch khổ hình và Đức Kitô chịu chết đã làm cuộc sống trở thành phi lý. Trái lại, mầu nhiệm Phục Sinh chứng tỏ Người chịu nạn chịu chết “đã được mai táng và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Thánh Kinh” (1Cr 15, 4).

Như thế, tuyên xưng của Thánh Phaolô về mầu nhiệm phục sinh đã có từ Kinh Thánh, Thánh Phaolô là người lãnh nhận và truyền lại: “Tôi đã truyền đạt cho anh chị em những gì mà bản thân tôi đã nhận được, đó là Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo Lời Thánh Kinh, Ngài đã được mai táng trong mồ, Ngài đã sống lại theo lời Thánh Kinh” (1Cr 15, 3-4).

Nhờ Phục sinh, phép Rửa Tội mới có giá trị: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta đuợc dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4-5).

Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì không có sự sống đời đời vì “cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong” (1Cr 15,18). Như vậy, “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15, 18-19).

Phải tin vào Đức Giêsu Kitô phục sinh để được cứu rỗi: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10, 9).

Mừng vui lên, sao không thể không vui, bởi vì đêm nay Chúa Kitô ra khỏi ngục vinh thắng, đêm mà xiềng xích sự chết do Tội Tổ Tông gây ra bị bẻ gãy. Sự chết đó đã khiến cho bao người thất vọng, làm tiêu tán hết mọi nỗ lực của con người. Nay Con Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng phục, với cái giá phải trả là chết trên thập giá, để hòa giải tội nhân với Chúa, mang lại sự sống cho con người.

Vâng, Chúa Kitô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng hằng sống” (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Người đã mở lòng đất và mở ra thật rộng để hướng về Trời, đưa chúng ta ra khỏi mồ tăm tối, dẫn chúng ta từ đất về trời với Chúa Cha.

Vậy chúng ta có thể cao rao: “Chúa Kitô... Ðấng từ cõi chết sống lại và chiếu toả ánh sáng bình an của Người trên toàn thể nhân loại, Ðấng là Con Thiên Chúa, là Ðấng hằng sống và hằng trị mãi mãi muôn đời”. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chuyện phấn khởi muà Phục Sinh: Cha xứ đi xe Popemobile ban phép lành xua đuổi coronavirus
Trần Mạnh Trác
14:06 11/04/2020
Dublin (Nguồn Reuters) – Một linh mục người Ireland cương quyết không để cho con trùng coronavirus giam giữ ngài khỏi các con chiên cuả ngài, đã nghĩ ra một sáng kế để có thể ban phép lành Thánh Thể vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh cho từng người một, bằng cách đi vòng quanh giáo xứ trên chiếc xe cuả một Giáo Hoàng, một chiếc 'popemobile' cũ.

Cha Malachy Conlon, chánh xứ ở một bán đảo nông nghiệp thuộc quận County Louth cuả Ireland, đã đứng sau lớp kiếng bảo vệ cuả một chiếc xe màu trắng mui trần, để ban phép lành cho những người dân địa phương, đứng xếp hàng rải rác trên các con đường cuả bán đảo. Hình ảnh một chiếc xe mui trần màu trắng như thế thường là tâm điểm thu hút mọi sự chú ý, khi những đoàn xe hộ tống Đức Giáo Hoàng đi tông du vòng quanh thế giới.

Chiếc xe 'Popemobile' của Cha Conlon thực sự là một chiếc xe đã được Thánh Giáo Hoàng John Paul II sử dụng trong chuyến tông du Anh Quốc và Nam Phi vào năm 1980. Sau đó, nó được bán cho một giáo dân ở địa phương, và rồi bà góa phụ cuả người nông dân đó vẫn giữ nó làm kỷ niệm ở trong kho.

Sau khi Ireland ra lệnh giới nghiêm toàn quốc vào ngày 27 tháng 3, tức là mọi người phải ở trong nhà ít nhất là cho đến Chúa Nhật để làm chậm sự lây lan của vi-rút, thì Cha Conlon đã yêu cầu giáo dân không tụ tập đến nhà thờ vào lễ Phục sinh nữa, mà thay vào đó, họ sẽ được ban phép lành bên các vệ đường.

"Hội đồng mục vụ đã bàn thảo làm sao để phục vụ mọi người vào thời điểm khó khăn này và khi chúng tôi nói chuyện, thì ý tưởng này đã phát triển. Một cách rất tự phát", Cha Conlon cho biết như vậy, sau khi đã lái xe 6 giờ liên tiếp dưới ánh nắng mặt trời ven biển vùng đông bắc Ireland.

"Đã có rất nhiều đám đông, thật là một kết quả cảm động. Tôi chưa bao giờ nhận được nhiều tin nhắn như tối nay, mọi người đã đánh giá cao sự kiện và cảm thấy được kết nối với nhau, mặc dù tất cả mọi người đang phải cách ly nhau."
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Vọng Phục sinh 11/4/2020
J.B. Đặng Minh An dịch
16:54 11/04/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Vọng Phục sinh vào lúc 9g tối thứ Bẩy 11 tháng Tư tại bàn thờ Ngai Tòa bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


“Sau ngày Sa-bát” (Mt 28: 1), những người phụ nữ đã đến ngôi mộ. Tin Mừng của Đêm Thánh Vọng Phục sinh bắt đầu với ngày Sa-bát. Đó là ngày trong Tam Nhật Phục sinh mà chúng ta có xu hướng lơ là khi chúng ta háo hức chờ đợi cuộc vượt qua từ thập giá của ngày Thứ Sáu tiến đến lời tung hô Alleluia của Chúa Nhật Phục Sinh. Tuy nhiên, năm nay, chúng ta đang trải nghiệm, hơn bao giờ hết, sự im lặng thật lớn lao của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Chúng ta có thể tưởng tượng mình ở vị trí của những người phụ nữ vào ngày đó. Như chúng ta hiện nay, trước mắt họ là thảm kịch đau khổ, về một bi kịch bất thình lình xảy đến. Họ đã nhìn thấy cái chết và nó đè nặng lên trái tim họ. Nỗi đau xen lẫn nỗi sợ hãi: liệu họ có chịu chung số phận với Thầy không? Sau đó, cũng có nỗi sợ về tương lai và tất cả những gì sẽ cần phải được xây dựng lại. Một ký ức đau đớn, một hy vọng bị cắt ngắn. Đối với họ, như đối với chúng ta hiện nay, đó là giờ khắc đen tối nhất.

Tuy nhiên, trong tình huống này, những người phụ nữ ấy đã không để mình bị tê liệt. Họ không chịu khuất phục trước sự ảm đạm của khổ đau và tiếc nuối, họ không cuộn tròn trong chính mình hoặc trốn chạy khỏi thực tại. Họ đang làm một việc đơn giản nhưng phi thường: đó là chuẩn bị tại nhà các loại hương thơm để xức xác Chúa Giêsu. Họ không ngừng yêu thương; trong đêm đen của tâm hồn, họ thắp lên một ngọn lửa thương xót. Đức Mẹ đã dành ngày thứ bảy đó, ngày sẽ được dành riêng để kính nhớ Mẹ, để cầu nguyện và hy vọng. Mẹ đã đáp lại nỗi buồn bằng niềm tin vào Chúa. Những phụ nữ này không biết rằng họ đang chuẩn bị, trong bóng tối của ngày Sa-bát đó, cho “buổi bình minh của ngày thứ nhất trong tuần”, là ngày sẽ thay đổi lịch sử. Chúa Giêsu, giống như một hạt giống bị chôn vùi trong lòng đất, sắp sửa làm cho cuộc sống mới nở hoa trên thế giới; và những người phụ nữ này, bằng lời cầu nguyện và tình yêu, đã giúp tạo nên bông hoa hy vọng đó. Có bao nhiêu người, trong những ngày đau buồn này, đã làm và vẫn đang làm công việc gieo hạt hy vọng mà những người phụ nữ đó đã làm! Với những cử chỉ nhỏ của sự quan tâm, tình cảm và cầu nguyện.

Tảng sáng, những người phụ nữ đi đến ngôi mộ. Ở đó thiên thần nói với họ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói” (c. 5-6). Họ nghe về sự sống ngay cả khi họ đang đứng trước một ngôi mộ. Và sau đó họ gặp Chúa Giêsu, là Đấng mang lại mọi hy vọng, Người khẳng định thông điệp này và nói: “Đừng sợ” (câu 10.). Đừng sợ, đừng khuất phục sợ hãi: Đây là thông điệp của hy vọng. Nó được gửi đến chúng ta, ngày hôm nay. Đây là những lời mà Thiên Chúa lặp lại cho chúng ta trong chính đêm nay.

Tối nay, chúng ta có được một quyền cơ bản không bao giờ có thể bị tước mất khỏi chúng ta: đó là quyền hy vọng. Đó là một hy vọng mới và sống động đến từ Thiên Chúa. Đó không chỉ là một sự lạc quan; nó không phải là một cái vỗ nhẹ vào lưng hay một lời khích lệ sáo rỗng. Đó là một hồng ân từ thiên đường, là điều mà chúng ta không thể tự mình kiếm được. Trong những tuần qua, chúng ta đã liên tục lặp lại, “Tất cả rồi sẽ tốt thôi”, khi bám víu vào vẻ đẹp của tình nhân loại và để cho những lời khích lệ này vươn lên từ trái tim của chúng ta. Nhưng khi ngày tháng dần qua và nỗi sợ hãi tăng lên, ngay cả hy vọng mãnh liệt nhất cũng có thể tan biến. Hy vọng vào Chúa Giêsu thì khác. Ngài gieo vào lòng chúng ta niềm tin rằng Chúa có thể khiến mọi sự nên tốt, vì ngay cả từ ngôi mộ Ngài vẫn có thể mang lại sự sống.

Ngôi mộ là nơi không ai bước vào có thể bước ra. Nhưng Chúa Giêsu bước ra vì chúng ta; Ngài đã sống lại vì chúng ta, để mang lại sự sống nơi có cái chết, để bắt đầu một câu chuyện mới ở chính nơi một hòn đá đã lấp lại. Chúa Giêsu, Đấng đã lăn đi hòn đá bịt kín lối vào của ngôi mộ, cũng có thể loại bỏ những viên đá trong trái tim chúng ta. Vì vậy, chúng ta đừng thối chí; Chúng ta đừng đặt một hòn đá trước hy vọng. Chúng ta có thể và phải hy vọng vì Chúa là Đấng trung tín. Ngài không bỏ rơi chúng ta; Ngài đến thăm chúng ta và bước vào cảnh ngộ đau đớn, thống khổ và chết chóc của chúng ta. Ánh sáng của Người xua tan bóng tối của ngôi mộ: hôm nay Chúa muốn ánh sáng đó xuyên qua cả những góc tối nhất trong cuộc sống của chúng ta. Anh chị em thân mến, ngay cả khi, trong trái tim mình, anh chị em đã chôn vùi hy vọng, xin đừng ngã lòng: Thiên Chúa vĩ đại hơn. Bóng tối và cái chết không có tiếng nói cuối cùng. Hãy mạnh mẽ lên, vì với Chúa không có gì hư mất!

Lòng can đảm. Đây là một từ thường được Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng. Chỉ một lần duy nhất người khác nói điều đó, để khuyến khích một người mù đang cầu xin Chúa chữa lành: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (Mc 10:49). Chính Người, Đấng Phục Sinh, Đấng đã nâng chúng ta lên khỏi sự khốn cùng của chúng ta. Nếu, trên hành trình của anh chị em, anh chị em cảm thấy mệt mỏi và yếu đuối, hoặc vấp ngã, đừng sợ, Chúa chìa ra một bàn tay nâng đỡ và nói với anh chị em: “Can đảm lên!” Anh chị em có thể nói, như Don Abbondio (trong cuốn tiểu thuyết Manzoni) “Can đảm không phải là một cái gì đó bạn có thể mang đến cho mình” (I Promessi Sposi, XXV). Đúng thế, anh chị em không thể trao ban nó cho chính mình, nhưng anh chị em có thể nhận như một món quà. Tất cả những gì anh chị em phải làm là mở lòng cầu nguyện và lăn đi, từng một chút, hòn đá được đặt ở lối vào trái tim của anh chị em để ánh sáng của Chúa Giêsu có thể đi vào. Anh chị em chỉ cần kêu cầu Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến với con giữa chập chùng những âu lo của con và xin cũng bảo với con rằng: Can đảm lên!” Với Chúa, Lạy Chúa, chúng con dẫu bị thử thách cũng không lung lay. Và, dẫu cho có bất cứ nỗi buồn nào có thể đọng lại trong lòng chúng con, chúng con cũng sẽ được củng cố trong hy vọng, vì với Chúa, thập giá dẫn đến sự phục sinh bởi vì Chúa ở cùng chúng con trong bóng tối của màn đêm; Chúa là sự chắc chắn giữa những bấp bênh của chúng con, là lời nói vang lên trong sự im lặng của chúng con, và không gì có thể cướp đi tình yêu mà Chúa dành cho chúng con.

Đây là thông điệp Phục Sinh, một thông điệp của hy vọng. Thông điệp này còn một phần thứ hai, là sai đi. Chúa Giêsu nói: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê.” (Mt 28:10). Các thiên thần bảo: “Người đi Galilê trước các ông” (c. 7). Chúa đi trước chúng ta. Thật đáng khích lệ khi biết rằng Người đi trước chúng ta trong cuộc sống và trong cái chết; Người đi trước chúng ta đến Galilê, nghĩa là đến một nơi gợi lên cho Người và các môn đệ ý tưởng về cuộc sống hàng ngày, gia đình và công việc. Chúa Giêsu muốn chúng ta mang lại hy vọng cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đối với các môn đệ, Galilê cũng là nơi đáng nhớ, vì đó là nơi đầu tiên các ngài được kêu gọi. Trở về Galilê có nghĩa là nhớ rằng chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương và kêu gọi. Chúng ta cần tiếp tục cuộc hành trình, nhắc nhở bản thân rằng chúng ta được sinh ra và tái sinh nhờ một lời mời được đưa ra một cách nhưng không cho chúng ta vì tình yêu. Đây luôn là điểm mà chúng ta có thể khởi hành một lần nữa, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng và thử thách.

Nhưng còn nhiều hơn nữa. Galilê là khu vực xa nhất từ Giêrusalem, nơi các vị đang hiện diện. Và không chỉ về mặt địa lý mà thôi. Galilê cũng là nơi sự thánh thiêng của Thành Thánh trở nên nhạt nhoà nhất. Đó là một khu vực nơi mọi người của các tôn giáo khác nhau sống chung: đó là “Galilê của dân ngoại” (Mt 4:15). Chúa Giêsu gửi họ đến đó và yêu cầu họ bắt đầu lại từ đó. Điều này nói gì với chúng ta? Thưa: Chúa muốn nói với chúng ta rằng thông điệp hy vọng không nên bị giới hạn ở những nơi thánh thiêng của chúng ta mà nên được mang đến cho mọi người. Tất cả mọi người đều cần có sự bảo đảm, và nếu chúng ta, những người đã chạm vào “Lời ban sự sống” (1 Ga 1: 1) mà không mang đến cho họ, thì ai là những người sẽ đem đến cho họ đây? Thật là đẹp biết bao khi được là Kitô hữu, là người mang đến sự ủi an, là người mang đỡ gánh nặng của người khác và là người khích lệ: là những sứ giả của sự sống trong thời điểm chết chóc! Trong mọi miền Galilê, trong mọi khu vực của gia đình nhân loại mà tất cả chúng ta thuộc về, và là một phần của chúng ta - vì tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau – cầu xin cho chúng ta có thể mang đến bài hát của cuộc sống! Chúng ta hãy làm câm nín những tiếng kêu gào chết chóc, đừng chiến tranh nữa! Cầu xin cho chúng ta có thể ngăn chặn việc sản xuất và buôn bán vũ khí, vì chúng ta cần bánh mì chứ không phải là súng. Hãy đặt dấu chấm hết cho nạn phá thai và tình trạng giết chết những người vô tội. Xin cho tâm hồn của những người đủ dùng biết cởi mở để lấp đầy những bàn tay trắng của những người thiếu thốn các nhu cầu căn bản.

Những người phụ nữ, cuối cùng, đã “ôm chầm lấy” chân Chúa Giêsu (Mt 28: 9); đôi chân đã đi rất xa để gặp chúng ta, đến mức bước vào và bước ra khỏi ngôi mộ. Những người phụ nữ ôm chầm lấy đôi chân đã giẫm đạp cái chết và mở ra con đường hy vọng. Hôm nay, như những người hành hương tìm kiếm hy vọng, chúng con bám lấy Chúa, lạy Chúa Giêsu Phục sinh. Chúng con quay lưng lại với cái chết và mở rộng trái tim cho Chúa, vì Chúa là chính Sự Sống.


Source:Holy See Press Office
 
Ngay từ ngôi mộ của Chúa Giêsu rực lên sức sống
Thanh Quảng sdb
20:20 11/04/2020
Ngay từ ngôi mộ của Chúa Giêsu rực lên sức sống

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành lễ Vọng Phục Sinh trong Thánh đường Thánh Phêrô gần như trống vắng không người và ngài tập trung bài giảng vào niềm hy vọng và món quà của lòng can đảm mà Chúa Giêsu mang lại với niềm xác tín rằng Chúa có thể biến mọi sự nên tốt lành.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành lễ Vọng Phục Sinh trong Thánh đường Thánh Phêrô gần như trống vắng không người; nhưng hàng triệu người trên khắp thế giới qua các trang mạng đã hiệp thông với Đấng kế vị Chúa Kitô công bố Tin mừng Phục sinh vang lên trong trái tim mọi người, trong gia đình của mọi người trên toàn thế giới.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào hai món quà mà Chúa Kitô Phục sinh mang lại cho các môn sinh của Chúa trong mọi thời đại: niềm hy vọng và lòng can đảm.

Thứ bảy tuần thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Như những người phụ nữ thân quen của Chúa ngay tảng sáng Thứ Bảy, ngày thứ nhất trong tuần đã ra viếng mộ Chúa, chúng ta cũng bắt chiếc họ một cách đặc biệt trong năm nay đại dịch này.

Trước mắt những người phụ nữ là niềm đau nỗi khổ trước cái chết bi thương của Chúa, nó đang đè nặng lên trái tim họ. Tuy thế, thảm trạng đó không làm chùn lòng những người phụ nữ này! Họ đã can đảm chuẩn bị thuốc thơm để đi xức dầu cho thi thể Chúa!

Tình yêu đã thôi thúc họ, vượt thắng mọi bóng tối đang trùm phủ con tim họ, thắp lên trong họ một ngọn lửa mến thương dành cho Chúa.

Một người phụ nữ khác đó là Đức Maria, chắc chắn Mẹ đã dành trọn vẹn thời giờ để cầu nguyện…

Chúa Giêsu, giống như một hạt giống được gieo vào lòng đất, sửa soạn đầm chồi, nẩy mầm sống hầu sinh hoa kết trái cho nhân thế! Những người phụ nữ này, bằng lời cầu nguyện và tình yêu, đang kiến tạo nên bông hoa hy vọng đó.

Bình minh của niềm hy vọng

Bình minh đến với niềm hy vọng, Chúa Giêsu phục sinh mang đến cho những người phụ nữ niềm hy vọng: Đừng sợ! Đây là thông điệp của hy vọng. Nó được gửi đến chúng ta ngày hôm nay. Đây là những lời mà Chúa cũng nhắc lại với chúng ta ngay trong đêm này.

Đức Thánh Cha Phanxicô quả quyết: Hy vọng là quyền lợi của chúng ta, một hy vọng được trao ban từ Thiên Chúa. Nó không chỉ là sự lạc quan mà thôi mà nó còn là một món quà từ thiên quốc. Mọi sự rồi sẽ được tốt đẹp, điều mà chúng ta trải nghiệm trong suốt tuần qua, dù những tháng trước thảm trạng cơn dịch đang trôi qua, như đang làm tiêu tan đi niềm hy vọng của chúng ta!

Hy vọng của Giêsu thì khác. Ngài gieo vào lòng chúng ta niềm xác tín rằng Chúa có thể biến mọi sự nên tốt lành như ngay từ ngôi huyệt mộ Ngài mang lại sự sống, Chúa đã phục sinh, một việc cả thể chưa từng có bao giờ!

Chúa đã mở cửa mồ, xin Ngài cũng loại bỏ những tảng đá đang đè nặng trái tim của chúng ta. Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta; Ngài sẽ đến với chúng ta và song hành trước những thảm trạng bi thương đau đớn chết chóc của chúng ta. Ánh sáng của Ngài xua tan đi bóng đêm từ huyệt mộ: hôm nay Chúa muốn ánh sáng đó xuyên thấu đến tận những ngóc ngách tăm tối nhất trong cuộc đời của chúng ta.

Lòng can đảm

Món quà của lòng can đảm Chúa ban cho chúng ta bằng cách lấy đi cả những viên đá nhỏ nhất đang đè nén trái tim chúng ta. Ánh sáng của Chúa phục sinh xuyên xuất nỗi sợ hãi thẳm sâu nhất của chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Giống như Chúa Giêsu đi trước các môn đệ của Ngài đến Galilê, thì Chúa cũng đi trước chúng ta như thế.

Thật đáng khích lệ khi biết rằng Chúa đi bước trước chúng ta trong cuộc sống và trong cái chết. Ngài đi trước chúng ta đến Galilê, nghĩa là đến nơi mà Ngài và các môn đệ của Ngài đã từng sống... Chúa Giêsu muốn chúng ta có cùng niềm hy vọng đó, cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đối với các môn đệ, Galilê cũng là nơi đầy kỷ niệm, là nơi họ được kêu gọi đầu tiên. Trở về Galilê, có nghĩa là xác quyết rằng chúng ta được Chúa yêu thương và kêu gọi.

Sai đi

Galilê cũng tiêu biểu một chốn thành thị trần thế, nơi có nhiều người ngoại bang sinh sống. Đó là nơi mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài qui tụ lại sau khi Chúa phục sinh. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích điều này như một dấu chỉ cho thấy sứ điệp hy vọng của Chúa không bị giới hạn ở những nơi thánh thiêng mà nó cần được mang đến cho tất cả mọi người, bất kể họ sống ở đâu. Chúng ta, những người theo Chúa, cần phải mang sứ điệp sự sống đến bất cứ nơi nào như một Galilê tồn tại xung quanh chúng ta! Vì nếu chúng ta "những người đã được soi dẫn bằng Lời hằng sống" mà không phân phát thì tha nhân biết trông mong vào ai?

Chúng ta hãy an ủi lau khô những giọt nước mắt vì chết chóc, hãy giúp chấm dứt chiến tranh! Thay vì sản xuất và buôn bán vũ khí, chúng ta hãy làm và phân phát bánh nuôi sống! Hãy ngừng phá thai và giết những người vô tội! Hãy rộng mở trái tim tới những người nghèo đói...

Ôm chân Chúa Giêsu


Những người phụ nữ đã ôm chầm lấy chân Chúa, đôi chân đã dẫm nát sự chết và mở ra con đường hy vọng.

Ngày nay, như những người hành hương tìm kiếm hy vọng, chúng ta cũng hãy bám lấy Chúa Giêsu Phục sinh. Chúng ta hãy chống trả lại cái chết và mở rộng trái tim cho sự sống…
 
Video Đức Giáo Hoàng gọi bất ngờ cho chương trình truyền hình Ý
Trần Mạnh Trác
20:55 11/04/2020
(Vatican News) Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gây bất ngờ cho các khán giả của một chương trình truyền hình Ý tên là 'A Sua Immagine' (Trong hình ảnh của Người) khi Ngài gọi điện thoại đến chương trình để bày tỏ sự gần gũi với tất cả những người đang cống hiến cuộc sống của họ để giúp đỡ người khác.

Cô Lorena Bianchetti, người dẫn chương trình, đã nhận ra giọng nói của ĐGH ngay lập tức và kêu lên "Ôi Đức Giáo Hoàng Phanxicô!"... "Chào mừng đến với chương trình."

"Cô nhận ra giọng nói của tôi!" Đức Giáo Hoàng trả lời.

Cô Lorena cảm ơn Đức Giáo Hoàng đã gọi, và cảm ơn ngài "trên hết, vì những gì Đức Thánh Cha đã làm cho tất cả chúng ta, vì cách mà Ngài tham gia vào những đau khổ của chúng ta như một người Cha.”

Sau đó, cô có một câu hỏi: "Đức Thánh Cha sống thế nào trong những ngày này?"

Đức Giáo Hoàng trả lời: "Tôi đang nghĩ về Chúa bị đóng đinh và về nhiều câu chuyện đóng đinh trong lịch sử, như của những người ngày nay, trong cơn đại dịch này." ĐGH liệt kê những người mà Ngài thường xuyên nhắc đến: bác sĩ, y tá, nữ tu, linh mục. Họ đã "chết trên chiến tuyến, giống như những người lính, những người đã hiến dâng cuộc sống của họ vì tình yêu".

Ngài so sánh họ với Đức Mẹ Maria, kiên định dưới chân thập giá. “Họ tìm thấy cây thánh giá đó,” Đức Giáo Hoàng nói, "trong cộng đồng của họ, trong bệnh viện, trong khi điều trị cho người bệnh". Họ đang"bị đóng đinh ngày hôm nay, chết vì tình yêu."

Đức Giáo Hoàng sau đó nhấn mạnh rằng Ngài gần guĩ với những người đang đau khổ, đặc biệt là vì đại dịch, nhưng Ngài nói Ngài "đang nhìn lên, nhìn về hy vọng, vì hy vọng không gây ra thất vọng. Dù cho nó không lấy đi những nỗi đau, nhưng nó không làm thất vọng. "

Cô Lorena sau đó hỏi thêm: "Vậy, thưa Đức Thánh Cha, một lần nữa, bất chấp tất cả, đây sẽ là một lễ Phục sinh của sự Phục sinh, một Phục sinh của hòa bình?"

"Phục sinh luôn kết thúc trong Phục sinh và trong hòa bình," Ngài trả lời. Điều này không có nghĩa là "kết thúc có hậu", Ngài nói tiếp, "mà là một cam kết yêu thương làm cho bạn bước đi được trên một con đường khó khăn. Nhưng Chuá đã giẫm chân lên đó trước. Điều này đem lại nguồn an ủi cho chúng ta và cho chúng ta thêm sức mạnh."

Xin coi video cuả chương trình dưới đây:

 
Thông điệp Phục sinh của Đức Hồng Y George Pell: Trong đau khổ, chúng ta tìm thấy ơn cứu chuộc
J.B. Đặng Minh An dịch
23:09 11/04/2020


Như chúng tôi đã loan tin, với tỷ số tuyệt đối 7/7, mà nhiều người cho rằng chưa từng có trong lịch sử quốc gia này, Tối Cao Pháp Viện Úc Đại Lợi đã truyền rằng Đức Hồng Y George Pell hoàn toàn vô tội.

Ngài đã được trả tự do trong một vài giờ sau đó từ nhà tù Barwon gần Geelong, thuộc tiểu bang Victoria. Ngài đã trở về Sydney ngày hôm sau bằng xe hơi.

Cho đến nay, Đức Hồng Y Pell là gương mặt đáng chú ý nhất của Công Giáo Úc trong thời gian cả một thế hệ trong cương vị là Tổng Giám Mục Melbourne, sau đó là Tổng Giám Mục Sydney, rồi là Hồng Y, và cuối cùng là người được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn vào năm 2013 để chỉnh đốn nền tài chính của Vatican.

Ngài là một cây bút viết các bài chính luận thường xuyên trên báo chí, và là một bình luận viên truyền hình và đài phát thanh, một người rất thích tranh luận - với sự cứng rắn của một cựu cầu thủ bóng đá theo luật Úc – trước những tấn kích nhắm vào Giáo Hội liên quan đến vấn đề phá thai, quyền của người đồng tính, phong chức cho phụ nữ, và vô số các vấn đề cấp tiến khác, thậm chí ngài còn tham gia vào các cuộc tranh luận khoa học về các vấn đề như biến đổi khí hậu. Vì thế, ngài là tiêu điểm của trào lưu chống Công Giáo, chống giáo sĩ và chống chủ nghĩa bảo thủ ở một đất nước rất thế tục.

Nhiều người khuyên ngài nên ẩn dật một thời gian, đừng viết lách gì nữa. Tuy nhiên, Đức Hồng Y đã không chấp nhận bất cứ sự nhượng bộ nào. Vì thế, chỉ ba ngày sau, ngài đã công bố thông điệp sau đây.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Ai cũng khổ. Không ai lúc nào cũng trốn thoát được khổ đau. Mọi người đều phải đối diện với một vài câu hỏi. Tôi nên làm gì trong tình huống này? Tại sao có quá nhiều sự ác và đau khổ? Và tại sao điều này lại xảy ra với tôi? Tại sao lại xảy ra đại dịch coronavirus?

Người Hy Lạp và La Mã cổ đại nghĩ rằng các vị thần rất thất thường, họ phải chịu trách nhiệm về những trừng phạt mà chẳng có lý do nào. Người ta tuyên bố rằng khi chúng ta gói những món quà Giáng sinh, thì chúng ta đang theo tập tục cổ xưa của những người hiến tế cho một vị thần cụ thể là người sẽ che đậy món quà đó để các vị thần khác không ghen tị.

Những người vô thần ngày nay tin rằng vũ trụ, bao gồm cả chúng ta, là sản phẩm của những tình cờ mù quáng, rằng không có Trí thông minh siêu việt nào tồn tại để giúp giải thích trình tự DNA của chúng ta, cũng như tại sao 10,000 dây thần kinh kết nối với một con mắt, hay tại sao lại có các thiên tài như Shakespeare, Michelangelo, Beethoven và Albert Einstein.

Một cách giải thích khác đến từ thuyết bất khả tri cực đoan. Chúng ta không biết và có lẽ chúng ta không muốn biết. Ở đây, những người theo thuyết bất khả tri có thể chiến đấu chống lại số phận một cách câm nín hoặc quay sang tức giận, lui vào đêm đen “hung hăng chống lại ánh sáng”.

Phục sinh mang đến câu trả lời Kitô giáo cho đau khổ và sự sống. Kitô hữu là những người độc thần được phát triển từ trong mặc khải của Do Thái Giáo; họ cũng tôn thờ Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và Giacóp. Họ tin rằng gần 2000 năm trước, một người Do Thái trẻ bị đóng đinh trên đỉnh đồi ở Giêrusalem, vào một chiều thứ Sáu, bị khinh khi và bị từ chối. Mọi người đều thấy Ngài chết, trong khi một số ít, những người có đức tin, đã nhìn thấy Người sau khi Người sống lại một cách nhiệm mầu vào ngày Chúa Nhật kế đó. Các tông đồ không công bố rằng hồn phách của Chúa Giêsu tiếp tục hiện ra. Nhưng các ngài tuyên bố về sự trở lại của toàn bộ con người của Ngài từ trong kẻ chết, phá vỡ tất cả các quy tắc về sức khỏe và vật lý, vì các Kitô hữu tin rằng chàng trai trẻ này là Con Một của Thiên Chúa, là Thiên Chúa, và là Đấng Thiên Sai. Xương của Chúa Giêsu sẽ không bao giờ được tìm thấy. Trước sự thất vọng của nhiều người, đây là một Đấng Thiên Sai, Người không phải là một vị quân vương vĩ đại như Đavít hay Sôlômon, nhưng là người tôi trung đau khổ mà tiên tri Isaia đề cập đến, là Đấng cứu chuộc chúng ta, là Đấng cho chúng ta nhận được ơn tha thứ và đi vào cõi hạnh phúc vĩnh hằng.

“Đây là cây thánh giá nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian.”

Thế hệ của tôi và những người trẻ hơn một chút đang trải qua một khoảnh khắc độc đáo. Đó là một khoảnh khắc chưa từng có. Chúng tôi không sống trong đại dịch cúm Tây Ban Nha sau Thế chiến thứ Nhất, phần nào có thể nói là xa xưa quá, và chúng tôi đã nghe nói về Cái Chết Đen khủng khiếp vào thế kỷ 14, trong đó một phần ba dân số đã chết ở một số nơi. Điều mới mẻ là khả năng của chúng ta để chống lại căn bệnh một cách thông minh, giảm thiểu sự lây lan.

Cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục gây hại cho hàng ngàn nạn nhân. Từ nhiều quan điểm, cuộc khủng hoảng này cũng trầm trọng đối với Giáo Hội Công Giáo, nhưng chúng ta đã đau đớn cắt bỏ một căn bệnh ung thư đạo đức và điều này là tốt. Cũng thế, một số người sẽ coi COVID-19 là thời điểm tồi tệ cho những người tuyên bố tin vào một Thiên Chúa tốt lành và hợp lý, là Tình yêu và Trí tuệ tuyệt đối, là Đấng tạo tác nên vũ trụ. Tất cả những đau khổ đều là một mầu nhiệm, nhưng đặc biệt là những đau khổ vì số lượng quá lớn những người chết vì dịch bệnh và chiến tranh. Nhưng Kitô hữu có thể đối phó với đau khổ tốt hơn những người vô thần có thể giải thích được vẻ đẹp và hạnh phúc của cuộc sống.

Và nhiều người, hầu hết hiểu được chiều hướng mà chúng ta đang hướng tới khi chỉ ra rằng Con duy nhất của Thiên Chúa không cũng không khá hơn và chịu nhiều đau khổ hơn về phần mình. Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta và chúng ta có thể giải thoát sự đau khổ của mình bằng cách hiệp nhất đau khổ của chúng ta với đau khổ của Ngài và dâng lên Thiên Chúa.

Tôi vừa mới ngồi tù 13 tháng vì một tội ác mà tôi không hề phạm phải, hết thất vọng này đến thất vọng khác. Tôi biết Chúa ở cùng tôi, nhưng tôi không biết Ngài định làm gì, mặc dù tôi nhận ra rằng Ngài đã để tất cả chúng ta tự do. Nhưng với mỗi cú đánh, thật là một niềm an ủi khi biết rằng tôi có thể dâng nó cho Chúa vì một mục đích tốt đẹp nào đó chẳng hạn như biến sự đau khổ to lớn thành năng lượng tâm linh.

Nguồn gốc của các dịch vụ y tế của chúng ta bắt nguồn sâu sắc từ truyền thống phục vụ của Kitô Giáo, công việc liên tục của họ trong nhiều giờ và với nguy cơ nhiễm trùng cao độ. Ngày nay không giống như trong thời Rôma ngoại giáo, khi các Kitô hữu là những người nổi bật vì chỉ có họ mới ở lại với các bệnh nhân và chăm sóc họ trong thời kỳ bệnh dịch. Ngay cả Galen, danh y cổ đại nổi tiếng nhất, cũng đã bỏ trốn đến dinh điền ở miền quê của mình trong thời dịch bệnh.

Kiko Arguello, người đồng sáng lập Con đường Tân Dự Tòng, tuyên bố rằng một sự khác biệt cơ bản giữa những người kính sợ Chúa và những người theo chủ nghĩa thế tục hiện đại được tìm thấy trong cách tiếp cận đau khổ. Quá thường, những người không tôn giáo muốn loại bỏ nguyên nhân của sự đau khổ, thông qua phá thai, trợ tử hoặc loại trừ nó khỏi tầm nhìn của mình, bỏ rơi những người thân yêu của chúng ta không được chăm sóc trong các viện dưỡng lão. Kitô hữu nhìn thấy Chúa Kitô trong tất cả những người đau khổ - những nạn nhân, những bệnh nhân, người già - và cảm thấy nghĩa vụ phải giúp đỡ họ.

Đó là một phần trong thông điệp Phục sinh của Chúa Kitô.


Source:The Australian
 
Top Stories
George Pell Easter message: In the suffering, we find redemption
Cardinal George Pell
22:20 11/04/2020
Every person suffers. None escapes all the time. Everyone is confronted with a couple of questions. What should I do in this situation? Why is there so much evil and suffering? And why did this happen to me? Why the coronavirus pandemic?

The ancient Greeks and Romans thought the gods were capricious, liable to punish without reason. It is claimed that when we wrap up our Christmas presents we are following the ancient practice of those offering a sacrifice to a particular god who would cover it so the other gods would not be jealous.

The atheists today believe that the universe, including us, is the product of blind chance, that no transcendent Intelligence exists to help explain our DNA sequence, the 10,000 nerves connected to an eye, the genius of Shakespeare, Michelangelo, Beethoven and Albert Einstein.

Another option is a radical agnosticism. We don’t know and perhaps we don’t want to know. Here the agnostics can battle against fate with a Stoic dignity or turn furious, journey into the night “raging against the light”.

Easter provides the Christian answer to suffering and living. Christians are monotheists who developed from within the Jewish revelation; they too follow the God of Abraham, Isaac and Jacob. They believe that nearly 2000 years ago a young Jew was crucified on a hilltop in Jerusalem, one Friday afternoon, despised and rejected. Everyone saw him die, while a limited number, those with faith, saw him after a miraculous bodily resurrection on the next Sunday. The claim is not that Jesus’ soul goes marching on. It was a return of his entire person from death, breaking the rules of health and physics, as Christians believe this young man was the only Son of God, divine, the Messiah. Jesus’ bones will never be found. To the dismay of many this was a Messiah, who was not a great monarch like David or Solomon, but Isaiah’s suffering servant, who redeems us, enables us to receive forgiveness and enter into a happy eternity.

“Behold the wood of the cross on which hangs the Saviour of the World.”

My generation and those younger are passing through a unique moment. It is not unprecedented. We were not alive for the Spanish flu pandemic after World War I, somewhat comparable so far, and we have heard of the terrible Black Death in the 14th century, where one-third of the population died in some places. What is new is our capacity to fight the disease intelligently, mitigate the spread.

The sexual abuse crisis damaged thousands of victims. From many points of view the crisis is also bad for the Catholic Church, but we have painfully cut out a moral cancer and this is good. So too some would see COVID-19 as a bad time for those who claim to believe in a good and rational God, the Supreme Love and Intelligence, the Creator of the universe. And it is a mystery; all suffering, but especially the massive number of deaths through plagues and wars. But Christians can cope with suffering better than the atheists can explain the beauty and happiness of life.

And many, most understand the direction we are heading when it is pointed out that the only Son of God did not have an easy run and suffered more than his share. Jesus redeemed us and we can redeem our suffering by joining it to His and offering it to God.

I have just spent 13 months in jail for a crime I didn’t commit, one disappointment after another. I knew God was with me, but I didn’t know what He was up to, although I realised He has left all of us free. But with every blow it was a consolation to know I could offer it to God for some good purpose like turning the mass of suffering into spiritual energy.

The roots of our health services are deeply rooted in the Christian tradition of service, their continuing work of long hours and with a lively danger of infection. It wasn’t like this in pagan Rome where Christians were unique because they stayed with their sick and nursed them in times of plague. Even Galen, the best known ancient physician, fled to his country estate during the plague.

Kiko Arguello, co-founder of the Neocatechumenal Way, claims that a fundamental difference between God-fearers and secularists today is found in the approach to suffering. Too often the irreligious want to eliminate the cause of the suffering, through abortion, euthanasia, or exclude it from sight, leaving our loved ones unvisited in nursing homes. Christians see Christ in everyone who suffers — victims, the sick, the elderly — and are obliged to help.

That is part of the Easter message of the Risen Christ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chiên Vượt Qua là niềm Hy vọng của chúng ta
Lm. Jos. Đồng Đăng
07:59 11/04/2020
CHIÊN VƯỢT QUA LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA

Dẫn nhập: Hầu hết những tín hữu Công Giáo trên thế giới đang phải chấp nhận đối diện với một ‘Mùa Phục Sinh buồn’: không được tập họp đông đủ trong các giáo đường, không được cùng nhau tham dự Bí tích Thánh Thể một cách trực tiếp, nhiều người đang bị cách ly như thể phải sống trong những ‘hầm mộ’. Thực tế đó đáng buồn, không ai phủ nhận. Tuy nhiên, với con mắt đức tin, chúng ta sẽ nhìn ra rằng, trong cơn đại dịch, chúng ta biết sống chậm lại với một tâm hồn lắng đọng để suy niệm một cách thấu đáo về Mầu Nhiệm Vượt Qua có ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta. Ý nghĩa đặc biệt đó chính là: trong bóng đêm của nghi ngại, của khủng hoảng, của ngờ vực và đau thương, ánh sáng phục sinh sẽ chiếu tỏa. Đức Giêsu đã phục sinh! Người sẽ không còn chết nữa. Và giữa cơn đại dịch Coronovirus, chúng ta hy vọng mọi đau khổ sẽ qua, ‘sau cơn mưa, trời lại sáng’. Trong bối cảnh phụng vụ mừng Mầu Nhiệm Vượt Qua, chúng ta cùng dừng lại để suy niệm về cuộc vượt qua của người Do Thái, cuộc vượt qua của Đức Giêsu, và cuộc vượt qua của chúng ta trong đời sống, nhất là trong đại dịch Covid-19 này.

1. Cuộc vượt qua của người Do Thái

Ngày ấy, dân Do Thái bị bắt làm tôi người Ai Cập hơn bốn trăm năm. Họ phải lao động cật lực, sống mòn mỏi trong kiếp khổ sai, tưởng chừng như không bao giờ thấy ánh dương hy vọng. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã nghe thấu nỗi thống khổ của họ và sai Môsê đến để đồng hành và cứu giúp họ. Môsê đã đến gặp trực tiếp vua Ai Cập để thương lượng cho dân đi lên núi cầu nguyện cùng Thiên Chúa, vì đó là nhu cầu không thể thiếu được của mỗi con người. Nhưng vì quá độc ác và nhẫn tâm, Pharaô không đã động gì tới những lời yêu cầu của Môsê, không mủi lòng trước cảnh khổ cực lầm than của người dân nô lệ. Và cuối cùng, Thiên Chúa đã dùng bàn tay mạnh mẽ của Người để can thiệp. Qua Môsê, Chúa đã giáng chín tai họa xuống trên dân Ai Cập nhưng vua Pharaô vẫn lòng chai dạ đá. Cuối cùng, tai họa thứ mười ập đến. Chúa sát hại tất cả các con đầu lòng Ai Cập từ loài vật cho đến loài người, từ con đầu lòng của dân cho đến con đầu lòng của vua, kẻ sẽ kế vương vị. Đêm ấy, Chúa ra lệnh cho người Do Thái mỗi nhà phải giết một con chiên độ một tuổi, lấy máu bôi lên khung cửa và ai phải ở nhà nấy, không được ra khỏi nhà, cứ ở nhà cầu nguyện và chờ Chúa can thiệp. Khi giờ đã điểm, Thiên Chúa sai thiên thần đến sát hại các con đầu lòng Ai Cập, từ loài vật cho đến loài người. Đến nhà nào thấy có máu bôi lên khung cửa thì thiên thần Chúa vượt qua và không sát hại. Hôm đó, toàn thể Ai Cập chìm ngập trong cảnh tang tóc. Nhà vua phải đến cầu khẩn Môsê kẻo cả dân Ai Cập phải chết trong bàn tay mạnh mẽ của Thiên Chúa. Thế rồi, người Ai Cập không những thả tự do để người Do Thái đi mà còn phải hối thúc họ đi càng nhanh càng tốt.

Khi người Do Thái đi khỏi Ai Cập được một lúc thì dân Ai Cập lại đuổi theo với đầy đủ khí giới. Họ sợ không có người làm thuê nên đuổi bắt cho kỳ được. Dân Do Thái thấy quân binh Ai Cập đuổi theo liền hoảng sợ. Khi chạy đến bờ Biển Đỏ, họ khốn đốn vì trước là biển, sau là người Ai Cập, họ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Thế là người dân la ó, sợ sệt, thậm chí muốn dùng gươm mà sát hại lẫn nhau vì thà rằng anh em mình kết liễu nhau còn đỡ đau hơn nhát gươm của kẻ thù. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã kịp thời ra tay giải cứu. Khi người Ai Cập đuổi theo thì Chúa bảo Môsê dơ tay trên biển khiến nước rẽ ra và dân Do Thái đi qua giữa lòng biển ráo chân. Rồi khi Dân Chúa đã đi qua thì nước ập lại nhấn chìm người Ai Cập. Người Do Thái thấy xác người Ai Cập nổi đầy bờ và họ nhận ra tình thương của Thiên Chúa. Như vậy, đang khi dân riêng của Chúa gặp thử thách, Người đã không bỏ mặc nhưng dủ lòng thương và ra tay cứu vớt. Sự can thiệp của Thiên Chúa là sự can thiệp để bảo vệ sự thật, giải phóng những người nô lệ, tháo gỡ xiềng xích cho họ được tới bến bờ tự do. Đây như thể là chiếc búa đập tan cường quyền, là hồi chuông cảnh tỉnh những ai dám thách thức Chúa, chống đối Chúa, như thể “giơ chân đạp mũi nhọn” thì khốn cho họ mà thôi.

2. Cuộc vượt qua của Đức Giêsu

Cuộc vượt qua của người Do Thái dù vĩ đại nhưng cũng chỉ là hình ảnh báo trước về cuộc vượt qua thứ hai đó là cuộc vượt qua của Đức Giêsu. Dù bị giết chết do tay người đời nhưng Đức Giêsu đã phục sinh bởi Người là Thiên Chúa toàn năng. Đức Kitô phục sinh ban cho chúng ta một hồng ân, một quà tặng, một chân trời mới, đó là hồng ân cứu độ, là sự giải phóng chúng ta khỏi xiềng xích tội lỗi, cho chúng ta được vào bến bờ tự do. Tin Mừng đêm vọng phục sinh đã mang lại cho chúng ta một lời hân hoan: Này anh chị em đừng sợ. Người đã sống lại như lời Người đã phán! Quả vậy, sự sống vốn đã bị tước đoạt, đã bị phá hủy, đã bị tiêu diệt trên cây thập tự giá, nay đã chỗi dậy và bắt đầu rung động.[1] Khi Đức Giêsu tắt thở, bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới (Mt 27,51; Mc 15,38; Lc 23,45), phá vỡ ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người, cho con người được bước vào diện kiến tôn nhan Chúa. Nếu như theo luật Môsê, chỉ có các thầy thượng tế mới được phép đi qua phía bên kia bức màn mỗi năm một lần (x. Dt 9,7), thì giờ đây, Đức Kitô – Đấng bị đâm thâu trên thập giá đã xé toang bức màn ngăn cách, cho con người được vào diện kiến tôn nhan Chúa. Từ đây, bất kể là ai, là giáo sỹ, tu sỹ hay giáo dân; là người giàu sang quyền quý hay hạng cơ bần, là tầng lớp “trâm anh thế phiệt” hay “thấp cổ bé miệng”; là người sống trong cung lâu đài các hay những người cơ nhở, những người sống lay lắt ở đầu đường xó chợ, v.v, tất cả đều có cơ hội bước qua cánh cửa lòng thương xót của Thiên Chúa. Cánh cửa đó chính là Đức Giêsu Kitô; Ngài là cửa cho chiên ra vào; Ngài là dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng giải thoát con người. Thư gửi tín hữu Do Thái đã cho chúng ta thấy ý nghĩa cao trọng này bằng những lời như sau: “Vậy, thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10,19-20).

Khi sống lại, Đức Kitô đã lăn tảng đá ra khỏi mồ, và hơn thế nữa, Người còn muốn phá vỡ mọi bức tường ngăn cách, chôn chặt con người trong những cái nhìn bi quan, cằn cỗi, trong những tháp ngà cô lập, làm họ xa rời cuộc sống và thậm chí nhiều khi trở thành thân bệnh hoạn vì ‘thiếu ánh nắng mặt trời’, giống như ai đó ở trong nhà quá lâu và đến khi đi ra dễ bị trúng gió vì không thích ứng kịp với thời tiết. Chúa còn muốn phá vỡ bức tường an toàn ngụy tạo của chúng ta như tiền tài, danh vọng, quyền lực, vinh hoa, phú quý, địa vị, hoành tráng, kiêu hãnh, thông minh, đẳng cấp, dũng khí, thần tượng, … tất cả chỉ là rác rưởi, chỉ là phù vân khi con người nhắm mắt xuôi tay. Phù vân chỉ là phù vân, tất cả mọi sự chỉ là phù vân. Khi đứng trước thân phận mỏng giòn, phù du của kiếp người, thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã than rằng: “Ôi nhân sinh là thế ấy, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”! Hay Thi Sỹ Nguyễn Gia Thiều cũng đã thốt ra hai câu thơ đầy bi đát:“Trăm năm chẳng có gì đâu/Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì”. Vậy, chỉ nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô, chúng ta mới có niềm vui cứu độ. Khi tiền tài bỏ ta, khi người thân xa cách ta, khi danh vọng không bên ta, khi nhà cửa không theo ta, v.v, thì vẫn có Chúa tháp tùng chúng ta qua thung lũng sự chết. Đó là niềm tin, niềm hy vọng đích thực của Chúng ta.

3. Cuộc vượt qua của chúng ta trong đời sống, nhất là trong đại dịch Coronavirus

Ngày nay, chúng ta cũng có một mặt biển cần vượt qua đó là biển đời. Trước biển đời vốn dĩ được xem là bể khổ: sinh, bệnh, lão, tử, con người thường có xu hướng trốn chạy. Vì thế, có nhiều người than thân trách phận rằng: đời xanh như lá, bạc như vôi! Tín đồ Phật giáo thì xem “thế giới này là xấu xa, là ô trọc, là nguồn mạch những bất hạnh và những đau khổ của con người”. Vì thế, để thoát khỏi đau khổ, con người phải giải thoát mình khỏi thế tục. Phật giáo chủ trương “xuất thể” và đề cao vấn đề tự giải thoát mà không cần Thiên Chúa. Còn người Công Giáo, là Kitô hữu thì sao? Thưa, người Kitô hữu không phải là người chạy trốn cuộc đời, không phải là lên núi ở ẩn nhưng là “bơi giữa biển đời”, phải vượt qua những khó khăn trong cuộc sống: vượt qua những hoài nghi ngờ vực; vượt qua tính ghen tương ích kỷ; vượt qua những nhỏ nhen hẹp hòi để xây dựng đời sống gia đình, cộng đoàn, xây dựng Giáo hội, vượt qua những khó khăn trong đời sống mưu sinh của cơm áo, gạo tiền, và vượt qua những gánh nặng của ốm đau bệnh tật, chấp nhận chịu khó để nên đồng hình đồng dạng với Chúa, Đấng đã chịu khổ, chịu chết vì chúng ta.

Nhân loại đang bị bao phủ bởi một áng mây u ám đó là đại dịch coronavirus. Một cách nào đó chúng ta có thể nói rằng, chúng ta giống như các môn đệ đang ở trong vườn Giết-sê-ma-ni với Đức Giêsu; chúng ta đang hoảng loạn tựa như các môn đệ đã bỏ chạy, biền biệt tăm hơi khi Đức Giêsu bị bắt; chúng ta đang nao núng, sợ hãi đóng kín cửa nhà, sợ chủng vi rút Corona xâm nhập. Ngày xưa các môn đệ Đức Giêsu cũng sợ những người Do Thái gõ cửa rồi sợ cùng bị quy một án như Thầy mình. Và có khi tệ hơn nữa, trong hoàn cảnh hiện nay, niềm tin của một số người đang bị lung lay tận gốc rễ một cách khốc hại. Nhiều người trong chúng ta đang quằn quại trong đau khổ, đang bị cám dỗ và nghi hoặc rằng chúng ta không còn chỗ nào để nương náu, vì đến cả khoa học, các tổ chức chính phủ và kiến thức vượt trội của con con người đến giai đoạn lịch sử hiện tại cũng không thể đưa ra một giải pháp nào trước đại dịch Corona. Đại dịch làm cho nỗi thống khổ của những người dễ bị tổn thương – những người di cư và tị nạn, những người già nua, những người ốm yếu, những người nghèo khổ, những người thất nghiệp – càng thêm nhức nhối. Trước mắt của nhiều người, đặc biệt là những người đang bị vi rút Corona tấn công, mọi sự chỉ như áng mây buồn, u ám và thất vọng. Vậy, chúng ta không còn điểm tựa nào khác chăng?

Thưa, có! Chúng ta có một điểm tựa vững chắc đó là điểm tựa Giêsu. Chính Người là đường, là sự thật và là sự sống của chúng ta. Nếu chúng ta tín thác vào Người, chúng ta sẽ không đánh mất niềm hy vọng. Những tảng đá che phần mộ Đức Giêsu đã được gỡ ra nhường chỗ cho ánh sáng rọi vào; ánh sáng đó báo hiệu Đức Kitô Phục sinh xuất hiện. Cũng vậy, chúng ta như đang ở trong ‘hầm mộ’ của cơn đại dịch Coronavirus, chúng ta hãy mở cửa lòng để ánh sáng dọi vào, để Đức Kitô phục sinh ngự giá và ban bình an, niềm hạnh phúc bất diệt cho tâm hồn chúng ta.

Kết luận: Tóm lại, cử hành phụng vụ Tuần Thánh nhắc chúng ta về ý nghĩa của sự vượt qua. Dân Do Thái đã vượt qua ách nô lệ Ai Cập, Đức Kitô cứu con người thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, và chúng ta được mời gọi vượt qua biển đời đầy chông gai thử thách. Để vượt qua biển đời, chúng ta cần một ‘chiếc la bàn’, cần một ánh đuốc soi đường, đó là niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Chớ gì giữa bao thử thách gian truân, giữa những lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, giữa những lúc như bị trôi dạt giữa trùng khơi thì chúng ta vẫn còn một điểm tựa, còn một chỗ để bỏ neo con thuyền cuộc đời chúng ta. Đó chính là Đức Giêsu Kitô. Chính Người là niềm hy vọng vững chắc của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện để mọi người trên thế giới tìm được ý nghĩa sâu xa trước những thử thách khủng khiếp mà chúng ta đang phải đối mặt. Xin cho mọi người trên thế giới vững tin vào Đức Kitô phục sinh; Người đã ở trong phần mộ chỉ một thời gian ngắn trước khi bước vào cõi sống muôn đời. Như vậy, sự chết không phải là tiếng nói cuối cùng khi chúng ta dành một chỗ cho niềm hy vọng [3]. Xin Người lăn ‘tảng đá’ của nỗi sợ hãi vì đại dịch Coronavirus đang vây bủa chúng ta. Xin Người nhen nhóm lên trong chúng ta niềm hy vọng về một “ngày mai trời lại sáng”!

----------
[1] X. R. Guardini, II Signore, Milano, 1984, tr. 501.
[2] Theo lời chú thích trong cuốn New American Bible (St. Joshep Medium Size Edition), tr. 64, Lều tạm thời theo luật Môsê có hai bức màn, theo đó đền thờ được xây dựng. Chỉ có thượng tế mới được qua bức màn phía trong lều tạm (màn thứ hai) mỗi năm một lần vào dịp Lễ Xá Tội (Lv 16,1-18). Sau cái chết của Đức Giêsu, tất cả mọi người đều được bước vào cung thánh, trước sự hiện diện của Chúa.
[3] Hồng Y Tagle, Cardinal Tagle’s 2020 Easter Message, https://zenit.org/articles/cardinal-tagles-2020-easter-message/?fbclid=IwAR1XXJLruRcANajI8cMhvTYQ1hFptQ-aX5YTBtfbJUglt63zioXCdQ0Ix3w, truy cập ngày 11/4/2020. In this Message, Cardinal Tagle said: “Jesus stayed in the tomb for a brief time before rising to eternal life. Death does not have the final say when you make space for hope”.
 
Đêm thánh sáng tạo mới.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:11 11/04/2020
Hằng năm vào đêm thứ bảy tuần thánh, Giáo hội có nghi lễ canh thức đón mừng Chúa Giêsu phục sinh sống lại từ cõi chết.

Tuần tự những biến cố nền tảng của vũ trụ, những thắc mắc trung tâm điểm của đời sống con người được ôn nhớ thuật kể lại trong lễ nghi phụng vụ canh thức qua các bài tường thuật của kinh thánh: lửa và nước, ánh sáng và bóng tối, tội lỗi và sự tha thứ, sự chết và sự sống, ý nghĩa và không ý nghĩa.

Theo qui định của Giáo hội có tất cả 09 bài Kinh Thánh được đọc trong đêm canh thức này. Nhưng Giáo hội cho phép rút ngắn không cần phải đọc cả 09 bài, nên chỉ còn phải đọc 05 bài.

- Khởi đầu là bài tường thuật lịch sử công trình sáng tạo vũ trụ trong sách Sáng Thế ( St 1,1-2,2). Bài tường thuật kinh thánh với những chi tiết về công trình sáng tạo vũ trụ này không phải là một thiên khảo luận khoa học thiên nhiên. Nhưng qui hướng đến ý nghĩa thần học đạo đức: Ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã có mặt, thần linh của Ngài „ bay lượn trên sóng nước còn hoang vu“. Thiên Chúa muốn vũ trụ này được thành hình theo ý định của Ngài, chứ vũ trụ không là tập hợp do những nguyên tử ngẫu nhiên gộp lại thành hình.

Thiên Chúa cũng muốn tạo thành con người giống theo hình ảnh của Ngài, chứ sự sống con người không là do hỗn hợp vật thể nào làm ra. Thiên Chúa từ khởi thủy là đấng sáng tạo thành con người thân xác cũng như linh hồn sự sống. Vì thế sự sống con người chỉ riêng trên nền tảng đã có ý nghĩa rồi. Ngay từ khởi đầu ý muốn sáng tạo sự sống con người bắt nguồn từ Thiên Chúa., như Ngài nói với chúng ta: Con được tạo thành sinh ra do ý muuốn của Ta. Ta yêu mến con. Con là công trình quan trọng trong công trình sáng tạo thiên nhiên của Ta.

- Bài tường thuật thứ hai trích nơi sách Xuất hành ( Xh 14,15-15,1) nói về dân Do Thái ngày xưa đi trở về quê hương Thiên Chúa hứa từ nước Aicập, nơi họ sống đời nộ lệ bị đàn áp ngược đãi, đi vượt qua an toàn giữa lòng biển đỏ. Bài tường thuật chi tiết đó có những khúc đoạn biến cố được viết mang tính cách kịch tính bi thảm hóa. Phải, có mầu sắc hình ảnh thêu dệt phóng đại thêm vào do ảnh hưởng tâm tính văn hóa cùng cảm nhận của những người viết thuật lại.

Nhưng trung tâm bài tường thuật muốn nói lên rõ rằng: Đấng Tạo Hóa không đơn giản tạo thành sinh ra con người trên vũ trụ, rồi để con người mặc kệ với số phận của họ. Không, Đấng Tạo Hóa trung thành với họ. Ngài dẫn đưa họ đi và hằng cùng đồng hành với trên mọi bước đường. Ngài không để họ bơ vơ một mình cả trong thời gian bất hạnh xấu nhất.

Ở cuối đường hầm tăm tối xuất hiện loé lên đốm lửa ánh sáng soi đường. Tràn đầy niềm tin tưởng vào Ngài, con người bước đi, và sẽ tới đích điểm. Tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng đoan hứa với con người sẽ không bao giờ bỏ rơi họ.

Đây cũng là hình ảnh nói về sự sáng tạo Thiên Chúa thực hiện cho con người qua cuộc giải thoát cứu độ dân Israel khỏi cảnh nô lệ bên Aicập ngày xưa cách đây hằng mấy ngàn năm trước Chúa giáng sinh.

Không có sử sách ghi lại vào thời điểm nào cuộc xuất hành của dân Do Thái từ Aicập diễn xảy ra. Có gỉa thuyết cho rằng cuộc xuất hành có thể xảy ra khoảng những năm 1450 hay 1440 trước Chúa giáng sinh, dưới thời Vua Thutmosis III. triều đại Pharao bên Aicập.

Cũng có đa số những nhà nghiên cứu lịch sử khảo cổ cho rằng cuộc xuất hành của dân Do Thái xảy diễn ra khoảng vào thế kỷ 13. hay 12. trước Chúa giáng sinh dưới thời triều đại 20. của vương triều Pharao.

- Bài thánh thư thứ ba là bài trích sách ngôn sứ Ezechiel. ( Ez 36,16- 28). Trung tâm chính của bài tường thuật, Ngôn sứ Ezechiel loan báo Thiên Chúa sẽ sáng tạo một trái tim mới nơi con người. Ngài sẽ lấy ra khỏi lồng ngực con người trái tim bằng đá, và sẽ thay vào đó trái tim bằng thịt.

Lẽ dĩ nhiên đây là một hình ảnh nói lên một ý nghĩa có pha trộn mầu sắc tưởng tượng phantasie: Con người không cần phải giữ lòng mình cố thủ cứng nhắc, không cần phải chiến đấu lâu dài hơn nữa để dành phần thắng lợi cho riêng mình. Nhưng họ phải sống là con người chân thành, có lòng yêu thương bác ái, có lòng cảm thương với nhau. Đó chính là con người mà Thiên Chúa muốn tạo dựng nên giống hình ảnh của Ngài. Một hình ảnh con người như thế là lời đoan hứa cao đẹp, để có một tương lai sáng sủa bình an!

Ngôn sứ Ezechiel nói đến một sáng tạo mới là cung cách con người sống đối xử với nhau trong tình bác ái yêu thương giống như hình ảnh Thiên Chúa, Đấng là tình yêu thương.

- Bài thánh thư thứ tư trích thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi Giáo đoàn Roma ( Rm 6,3-11). Trong bức thư này, thánh Phaolô nhắc lại con người ai cũng phải chết, nhưng sẽ cùng được sống lại với Chúa Giêsu Kitô.

Như vậy phải hiểu như thế nào? Khả năng tâm trí con người chúng ta không suy hiểu biết được điều này. Nhưng con người ai cũng có một đời sống. Và khi đời sống đó trên vũ trụ qua đi, chúng ta còn có một quê hương nữa vẫn tồn tại, mà Thiên Chúa ban cho. Ngay cả khi con người mất tất cả, điều này cũng không là một tai họa xảy đến. Vì con người cùng với Chúa Giêsu Kitô chiến thắng tất cả. Vậy sự gì có thể chia lìa con người chúng ta ra khỏi Chúa Giêsu Kitô?

Đây cũng là hình ảnh, phải là lời tuyên tín về một sáng tạo mới Thiên Chúa thực hiện cho người qua Chúa Giêsu Kitô, Đấng từ cõi chết phục sinh sống lại

- Và bài tường thuật thứ năm là bài Tin mừng Chúa Giêsu Kitô chỗi dậy sống lại từ nấm mồ người chết trong lòng đất. ( Mt 28,1-10)

Lẽ dĩ nhiên đây không phải là bài tường thuật lịch sử theo cung cách mới, nhưng là kinh nghiệm, cảm nghiệm của con người xưa kia sống sát gần với Chúa Giêsu Kitô. Và họ làm chứng rằng: Họ đã gặp Chúa Giêsu Kitô sống lại. Ngài đã hiện ra với họ. Chúa Giêsu Kitô, người thợ mộc thành Nazareth, và là Con Thiên Chúa, đã chết, nhưng không nằm yên trong nấm mồ chôn dưới lòng đất. Ngài còn đang sống.

Điều này nói lên: Đấng từ trời cao xuống trần gian mang ơn cứu độ chữa lành cho phần rỗi linh hồn muôn đời không là lời hứa suông cho trần gian. Tin tưởng vào sự phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kitô không là giấc mơ của điều mơ tưởng không có niềm hy vọng. Nhưng là tương lai của con người chúng ta.

Chúa Giêsu Kitô, một người đã bẻ gẫy phá tan sức mạnh sự chết, làm đảo lộn phá tan điều hoang mang hồ nghi của trần gian xưa nay về sự sống lại của con người. Thánh Phaolô đã viết xác tín: Nếu Chúa Giêsu Kitô không sống lại thì sự rao giảng làm chứng, và đức tin của chúng ta trở thành trống rỗng vô nghĩa lý. ( 1 Cor. 15,14).

Sự phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kitô làm đảo lộn những gì con người suy luận xưa nay, đồng thời xóa chối bỏ những định kiến của con người cho rằng chết là hết, là chấm dứt. Sự Phục sinh mang tầm ý nghĩa xóa bỏ bức tường cứng nhắc để tiến vào khung trời đất mới, quê hương của tự do không còn là nô lệ cho tội lỗi. Nơi đó là tương lai cho con người.

Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết, là người thứ nhất, người tiên phong trước chúng ta, và chúng ta bước theo Ngài.

Đêm canh thức đón mừng Chúa phục sinh là đêm thánh thứ hai sau đêm thánh vô cùng Chúa Giêsu giáng sinh xuống trần gian làm người ngày 25.12..

Đêm canh thức phục sinh trở thành đêm thánh sáng tạo mới trong công trình sáng tạo thiên nhiên cho con người được cứu độ thoát khỏi hình phạt của tội lỗi.

„ Chúa Giêsu ngày thứ ba sống lại đem các Thánh lên!“ ( Kinh cầu chịu nạn)

Đêm canh thức vọng phục sinh, thứ Bảy Tuần Thánh 11.04.2020

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Sự Phục Sinh Của Chúa Giêsu
Lm. Văn Minh, CSJB
09:35 11/04/2020
SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊSU

Trong cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu đã mạc khải sự thật phục sinh cho các môn đệ và một số người khác. Trong Phúc Âm Mac-cô 8:31, ngài đã tuyên bố với họ: "Con Người...sẽ bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. (cũng xem Mt 17:22; Lc 9:22). Ngài cũng nói về sự phá hủy của ngôi đền thờ và rằng ngài sẽ xây lại nó trong ba ngày (Ga 2:19; Mc 14:58; xem Mt 26:61). Chúa Giêsu ngụ ý rằng xác ngài sẽ được chôn cất trong ngôi mộ trong ba ngày (Mt 12:39; 16: 4). Trong Phúc Âm Mat-thêu 21:42, Chúa Giêsu đã chỉ ra manh mối để chúng ta hiểu về cái chết và sự phục sinh của ngài khi đưa ra hình ảnh của viên đá bị từ chối sẽ trở thành đá tảng góc tường. Ngoài ra, một số tư tế và người Pha-ri-sêu đã lặp lại những lời tiên tri của Chúa Giêsu về sự phục sinh của mình (Mt 27:63).

Trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, Thánh Phaolô khẳng định giá trị của đức tin con người đối với sự phục sinh của Chúa Giê-su rằng nếu Chúa Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của ngài và niềm tin của chúng ta là trống rỗng. Đoạn "chúng ta cũng là nhân chứng sai lầm của Thiên Chúa, bởi vì chúng ta đã làm chứng giả chống lại Thiên Chúa rằng Người cho Chúa Ki-tô sống lại" (1 Cor 15: 14-15). Sự phục sinh của Chúa Giêsu mang lại hy vọng mới cho các tín hữu. Nếu như nhiều người thất vọng với cái chết của Chúa Giê-su, thì bây giờ chúng ta có lý do chính đáng để hy vọng vào lời hứa của ngài rằng chúng ta sẽ có thể dự cùng một bữa tiệc trên trời với ngài.

Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Roma (Rm 6:41), tuyên xưng rằng sự chia sẻ của chúng ta với cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su là một sự kiện cánh chung. Các tín hữu ở Cô-rin-tô tin tưởng rằng các môn đệ của Chúa Giê-su không những chỉ cùng chết với Chúa Giê-su qua bí tích rửa tội mà còn được sống lại và đồng hưởng vinh quang Thiên Quốc với Ngài (1 Cor 15:1-7; 15:11).

Thánh Phao-lô xác tín về việc Chúa Giê-su phục sinh khi được ngài hiện ra với mình: "Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non" (1 Cor. 15:8). Thật vậy, trên đường đi từ Giê-ru-sa-lem đến Đa-mas để bắt các tín hữu Ki-tô giáo, ông đã bị ngã ngựa bởi một luồng sáng từ trời và tiếng Chúa Giê-su phục sinh đã nói với ông: "Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? " Ông nói: 'Thưa Ngài, Ngài là ai? ' Người đáp: 'Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ' " (Cv 9: 4-5). Bước ngoặt đó đã củng cố thêm về niềm tin của ông về Chúa Giêsu phục sinh. Ông đã được chữa sáng mắt và bắt đầu ca ngợi và rao giảng về Chúa phục sinh. Không có lý do gì để ông phải từ bỏ quyền lực và danh vọng; chịu nhiều khổ cực nguy hiểm, đòn roi, tù đày, đói khát và chết chóc chỉ vì một niềm tin phù phiếm cả. Chắc chắn rằng Phao-lô đã cảm nhận được Chúa Giê-su phục sinh, đấng đã hiện ra với ông, luôn đồng hành với ông và đã ban Thánh Thần hướng dẫn ông như lời của Kha-na-ni-a nói: "Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần"(Cv 9:17).

Các thánh tông đồ và những người tín hữu thân cận với Chúa Giê-su cũng đã minh chứng về sự phục sinh của Chúa. Có lẽ các chứng cứ đưa ra được viết theo các chủ đích thần học riêng của các thánh ký nên các yếu tố xác thực về lịch sử đã bị bỏ qua. Nhưng sự kiện tất cả các tông đồ và nhiều môn đệ khác đã hy sinh sự an toàn và mạng sống của họ để rao giảng về sự phục sinh đã là lời chứng hùng hồn và còn mạnh mẽ hơn tất cả các chứng cứ lịch sử. Có người cho rằng họ bị ảo giác, nhưng không thể nào tất cả đều rơi vào tình trạng đó.

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI xác nhận rằng đức tin Kitô giáo đặt nền tảng vào sự nhận thức về Chúa Kitô phục sinh. Nếu thiếu niềm tin này, đức tin Kitô giáo sẽ bị dập tắt. Chúa Kitô sẽ không còn là một nguyên tắc và vì thế, tiêu chuẩn của chúng ta sẽ trở thành sự xét đoán cao nhất. Việc Chúa Kitô sống lại đã làm thay đổi cả thế giới. Sau đó, ngài trở thành tiêu chuẩn cho chúng ta noi theo. Bởi vì Thiên Chúa đã thực sự mạc khải chính mình. Sự phục sinh trở thành chủ đề thiết yếu để chúng ta suy gẫm về Chúa Giê-su.

Nhìn từ một giác độ lịch sử, những câu chuyện về sự phục sinh mang lại nhiều thắc mắc. Thánh Mac-cô viết về lời tiên tri của Chúa Giêsu sau khi ngài biến hình, ngài đã buộc tội họ không được tiết lộ những gì họ đã thấy với bất cứ ai, ngoại trừ khi Con Người chỗi dậy từ cõi chết (Mc 9: 9). Vào thời điểm đó, các môn đệ không hiểu ý nghĩa của những lời của Chúa Giê-su và họ đã đặt ra câu hỏi: "Chỗi dậy từ cõi chết có nghĩa là gì?" (Mc 9:10). Sự phục sinh có thể mất đi ý nghĩa của nó nếu nó chỉ là sự hồi sinh của một xác chết như sự hồi sinh của con trai của góa phụ Na-in (Lc. 7: 11-17), con gái của Giai-rô (Mc 5: 22-24, 35 -43 parr.) và La-za-rô (Ga 11: 1-44). Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nhấn mạnh đến sự khác biệt của sự phục sinh của Chúa Giê-su. Đầu tiên, nó dẫn đến một sự sống hoàn toàn mới, một cuộc sống không còn chịu sự thống trị của sự chết và sự thay đổi. Cuộc sống này cho thấy một chiều kích mới về sự tồn tại của con người. Nó gây ảnh hưởng và mở đường cho nhân loại tiếp cận một tương lai mới. Thánh Phao-lô khẳng định rằng nếu người chết không được sống lại thì Chúa Ki-tô cũng đã không sống lại (Xem 1 Cor 15:15). Thánh nhân khẳng định rằng: "Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu" (1 Cor 15:20). Sự phục sinh của Chúa Giê-su tạo ra một đặc điểm mới của sự tồn tại của loài người. Theo Đức Benedict XVI, Chúa Giêsu đã sở hữu một cuộc sống mới và đã bước vào chiều kích bao la của chính Thiên Chúa. Từ bối cảnh mới này, ngài đã mạc khải bản thân với các môn đệ của mình.

Sau khi Chúa Giê-su phục sinh, các tín hữu đã tin rằng ngài đến từ Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa. Đối với các môn đệ, sự phục sinh cũng là sự thật y như sự kiện Chúa Giê-su bị đóng đinh vậy. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI diễn tả tiếp, vì bị choáng ngợp bởi sự việc đã xảy ra, sự do dự và kinh ngạc ban đầu của các môn đệ của Chúa Giêsu đã biến mất, và họ không còn có thể bỏ qua sự xác tín này. Sau đó, họ tin rằng Chúa Giêsu còn sống và cuộc sống của ngài đã biến đổi thành một dạng khác, khác với cuộc sống của con người trong thế giới hữu hình này.

Tắt một lời, ta không nên quá tập trung vào các dữ kiện lịch sử mà tìm hiểu về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên ta vẫn có thể tìm hiểu về niềm tin này không những chỉ trên các bản văn mà còn dựa vào các chứng tích còn lưu lại qua các vần thơ, điệu nhạc và các bức tranh hội hoạ từ thời Giáo hội sơ khai. Điều quan trọng hơn là các chứng nhân đã sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ để minh chứng cho niềm tin đó. Lịch sử không phải là tiếng nói sau cùng. Chứng nhân quan trọng nhất chính là Chúa Giêsu, đấng đã nói tiên tri về sự phục sinh của ngài và đã mạc khải chân lý này cho các chứng nhân. Ai tin rằng ngài "là đường, là sự thật và là sự sống", thì đương nhiên cũng tin rằng lời chứng của ngài là chân lý. Niềm tin này sẽ đem đến cho nhân loại một niềm hy vọng mới. Nó xua tan sự u tối của sự tuyệt vọng khi con người phải đối diện với đau khổ và sự chết. Nó hướng dẫn và khích lệ ta sống theo tiêu chuẩn mà Chúa đã mạc khải và dạy dỗ ta. Thiếu niềm tin này, xã hội sẽ trở nên băng hoại, con người sẽ đặt ra các tiêu chuẩn sống riêng cho mình và rồi họ sẽ tự tàn sát lẫn nhau cho đến khi tất cả đều chết.

Lm. Văn Minh, CSJB
 
Văn Hóa
Hành trình sa mạc xưa và nay
LM. Nguyễn Hồng Phúc
08:44 11/04/2020

Hành trình sa mạc năm xưa Tiến về Đất Hứa có thừa gian nan. Đoàn dân Do Thái kêu than Bỗng đâu rắn lửa lan tràn khắp nơi. Trong cơn “Gần đất xa trời” Dân xin - Đức Chúa truyền lời Môisê: “Đúc đồng hình rắn treo lên Ai nhìn tin Chúa, Chúa liền cứu sinh”.(*) Giêsu - lạy Đấng Cứu tinh Ngày nay thế giới hiện tình xót xa, Dịch virus Corona Phần hai thế giới tại nhà cách ly. Trăm ngàn người đã ra đi. Con nhìn lên Đấng chết vì chúng con. Giêsu - Lời hứa sắt son “Ngày nào Ta bị đánh đòn treo cao”(**) Hoàn thành hình bóng năm nào Trao ban sự sống dồi dào nhân gian. Xưa nay sa mạc hoang tàn Nhờ Giêsu - sự sống càng phong nhiêu./.

(*) x. Ds 21, 4b-9 (**)x. Ga 12, 32

Hành trình sa mạc xưa và nay

Hành trình sa mạc năm xưa
Tiến về Đất Hứa có thừa gian nan.
Đoàn dân Do Thái kêu than
Bỗng đâu rắn lửa lan tràn khắp nơi.
Trong cơn “Gần đất xa trời”
Dân xin - Đức Chúa truyền lời Môisê:
“Đúc đồng hình rắn treo lên
Ai nhìn tin Chúa, Chúa liền cứu sinh”.(*)
Giêsu - lạy Đấng Cứu tinh
Ngày nay thế giới hiện tình xót xa,
Dịch virus Corona
Phần hai thế giới tại nhà cách ly.
Trăm ngàn người đã ra đi.
Con nhìn lên Đấng chết vì chúng con.
Giêsu - Lời hứa sắt son
“Ngày nào Ta bị đánh đòn treo cao”(**)
Hoàn thành hình bóng năm nào
Trao ban sự sống dồi dào nhân gian.
Xưa nay sa mạc hoang tàn
Nhờ Giêsu - sự sống càng phong nhiêu./.

LM. Nguyễn Hồng Phúc
________________
(*) x. Ds 21, 4b-9
(**)x. Ga 12, 32
 
Viên Ngọc Ở Tận Cùng Chén Đắng
Sơn Ca Linh
08:46 11/04/2020
Chút cảm nhận từ Bài Giảng Thứ Sáu Tuần Thánh 2020 tại đền Thờ Thánh Phêrô của cha Raniero Cantalamessa

Đang cười vui,
Tự nhiên nghe tin buồn: mẹ chết.
Vội vã trở về,
Để nhìn mặt mặt mẹ một lần sau hết.
Nhưng, đang mùa Covid,
Người ta đưa xác mẹ đi rồi
Mà chẳng có được một người thân.
Dẫu biết sinh ly, tử biệt, định mệnh căn phần,
Nhưng trước nỗi đau nầy,
Như muối xát gan, kề môi nuốt từng giọt đắng…

Đã chuẩn bị hết rồi,
Sẽ cùng vợ, với căn phòng, với hoa và nến…
Mấy ngày nữa thôi ta đón một hài nhi vào đời.
Được làm cha ! Ôi một hạnh phúc tuyệt vời !
Nhưng lặng lẽ trong đêm,
Người bác sĩ trẻ, bỏ lại, một mình ra đi về xứ lạ !
Chén đắng phận người, kẻ ra đi, người ở lại,
Ai cũng phải một lần uống cạn,
Mà nếu được chọn, hết thảy chắc từ nan…

Nên thật khó mà tin,
Giữa cuộc sống đa đoan, chén đắng muôn nghìn,
Cứ nhấp cạn,
Dưới đáy ly thế nào cũng hiện ra viên ngọc quý.
Nhưng duy chỉ một lần giữa muôn nghìn thế kỷ,
Có người đã kề môi uống cạn chén đau thương.
Uống với ta, uống cùng ta, giọt đắng đoạn trường,
Khổ nhục, đắng cay,
Cả cái chết đoạ đày oan khiên thập giá.

Nên từ đó người ta tin
Chén đắng khổ đau thành nhiệm mầu cao cả,
Vì ở cuối đường, dưới đáy ly,
Đã rạng ngời “viên ngọc quý PHỤC SINH”.
Đúng là:
“Chỉ khi nào Ta bị treo lên,
Ta sẽ kéo muôn người cùng đi lên khải hoàn vinh thắng” (Ga 12,32)

Bí quyết của Ngài,
Thì ra, đem hương vị tình yêu ướp nồng vị đắng,
Đón nhận lưỡi gươm đời để nên trọn lễ dâng.
Nên kể từ,
Con đường lên Núi Sọ, loang máu Đấng Emmanuel,
Đã khai mở cuộc “trường chinh”
Chọn “Thập giá tình yêu” để bước vào quê hương sự sống.

Nên hôm nay,
Trên những con đường Luân Đôn, Madrid, New York…hay Vũ Hán,
Dẫu ngập tràn những chén đắng,
Con mất cha, vợ mất chồng, tan nát, vĩnh biệt, đau thương…
Hãy vững tin,
Ngài đang có ở đây,
Tay trong tay, cùng nhịp bước trên mọi nẻo đường
Để lần nữa, kề môi, chung chia nhấp từng giọt đắng.
Để lần nữa,
Không phải một lần với tên trộm ngày xưa rồi thinh lặng.
Mà hôm nay, với chúng ta:
Sau khi uống cạn chén đắng nầy,
“Con sẽ ở trên thiên đàng với Ta” vĩnh viễn ! (Lc 23,43).

Sơn Ca Linh (Vọng Phục Sinh 2020)


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chúa Đã Phục Sinh
Nguyễn Đức Cung
19:46 11/04/2020
CHÚA ĐÃ PHỤC SINH

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Chúa Đã Phục Sinh Alleluia!
 
VietCatholic TV
Bài giảng xuất sắc thu hút sự chú ý của ĐGH: Đại dịch dưới ánh sáng cuộc thương khó Chúa Kitô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
09:34 11/04/2020
Lúc 6g chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 10 tháng Tư tại bàn thờ Ngai Tòa bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Sau bài thương khó, cha Raniero Cantalamessa, dòng Phanxicô Capuchin, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng đã trình bày bài giảng sau đây.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.


“Ta có kế hoạch cho phúc lợi của con chứ không phải cho những tai ương”

Bài thuyết giảng Thứ Sáu Tuần Thánh 2020 tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Raniero Cantalamessa


Bản dịch Việt ngữ: J.B. Đặng Minh An

Thánh Grêgôriô Cả nói rằng Kinh Thánh “phát triển cùng với các độc giả của mình” cum legentibus crescit. [1] Kinh Thánh đưa ra những ý nghĩa luôn luôn mới tùy theo những câu hỏi mà mọi người có trong lòng khi đọc Kinh Thánh. Và năm nay, chúng ta đã đọc trình thuật Cuộc Thương Khó với một câu hỏi - đúng hơn là với một tiếng khóc - trong trái tim chúng ta đang nổi lên trên toàn trái đất. Chúng ta cần tìm kiếm câu trả lời mà Lời Chúa đưa ra.

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là lời tường thuật về một tội ác, khách quan mà nói, là thê thảm nhất đã phạm phải trên trái đất này. Chúng ta có thể nhìn nó từ hai góc độ khác nhau: từ phía trước hoặc từ phía sau, nghĩa là, từ nguyên nhân của nó hoặc từ tác động của nó. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những nguyên nhân lịch sử dẫn đến cái chết của Chúa Kitô, chúng ta bị nhầm lẫn và mọi người sẽ bị cám dỗ để nói, như Philatô đã làm, “Ta vô can trong vụ đổ máu người này” (Mt 27:24). Thập tự giá được hiểu rõ hơn khi chúng ta chú ý đến tác động của nó hơn là nguyên nhân của nó. Hãy tự hỏi những hệ lụy từ cái chết của Chúa Kitô là gì? Bởi vì khi đã được nên công chính nhờ đức tin, được làm lành và bình an với Thiên Chúa, chúng ta sẽ đầy lòng cậy trông được hưởng sự sống đời đời. (xem Rom 5: 1-5).

Có một hiệu ứng mà tình hình hiện tại có thể giúp chúng ta nắm bắt cách đặc biệt. Thập giá của Chúa Kitô đã thay đổi ý nghĩa của đau đớn và sự khổ đau của con người đối với mọi loại đau khổ, thể xác và đạo đức. Đau khổ không còn là hình phạt, hay một lời nguyền. Nó đã được cứu chuộc tận gốc khi Con Thiên Chúa tự mình gánh lấy khổ đau. Đâu là bằng chứng chắc chắn nhất cho thấy thức uống mà ai đó đưa cho bạn không có thuốc độc trong đó? Thưa: đó là khi người ấy uống cùng một ly trước khi bạn uống. Đây là những gì Thiên Chúa đã làm: trên thập giá, Ngài đã uống, trước toàn thế giới, chén đau đớn đến tận cùng cặn bã của nó. Đây là cách Ngài cho chúng ta thấy nó không có độc, nhưng có một viên ngọc ở dưới cùng của nó.

Và không chỉ nỗi đau của những người có niềm tin, mà là nỗi đau của mỗi con người. Chúa Giêsu đã chết cho tất cả mọi người. Ngài nói: “một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12:32). Ngài kéo lên tất cả mọi người, chứ không chỉ một số! Thánh Gioan Phaolô II đã viết từ giường bệnh của mình, sau vụ mưu ám sát ngài, rằng “Chịu đau khổ có nghĩa là trở nên đặc biệt nhạy cảm, đặc biệt mở ra cho hoạt động quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, được ban cho nhân loại trong Chúa Kitô.” [2] Nhờ thập giá Chúa Kitô, đau khổ, theo cách riêng của nó, cũng đã trở thành một loại ‘bí tích phổ quát của ơn cứu độ’ cho loài người.

Tất cả những điều này chiếu dõi ánh sáng nào trên tình huống bi thảm mà nhân loại đang trải qua vào lúc này? Ở đây cũng vậy, chúng ta cần xem xét các tác động nhiều hơn là nguyên nhân, và không chỉ những tác động tiêu cực mà chúng ta nghe thấy hàng ngày trong các báo cáo đau lòng mà còn cả những tác động tích cực, mà phải có sự quan sát cẩn thận hơn, chúng ta mới nắm bắt được.

Đại dịch coronavirus đã bất thình lình đưa chúng ta ra khỏi mối nguy lớn nhất mà các cá nhân và cả loài người luôn dễ bị rơi vào: đó là ảo tưởng về sự toàn năng của mình. Một giáo sĩ Do Thái đã viết rằng chúng ta có cơ hội để mừng lễ vượt qua rất đặc biệt trong năm nay, đó là cuộc vượt qua “từ tình trạng lưu vong của ý thức” [3]. Một loại virus, đơn thuần là thành phần nhỏ nhất và vô hình nhất trong tự nhiên, đã đủ để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta chỉ là phàm nhân, rằng sức mạnh và công nghệ quân sự không đủ để cứu chúng ta. Như một Thánh vịnh trong Kinh Thánh nói: “Dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.” (Tv 49:21). Điều đó thật chí lý dường nào!

Trong khi đang vẽ những bức bích họa trong Nhà thờ Thánh Phaolô ở Luân đôn, một lúc nào đó, danh họa James Thornhill đã rất phấn khích về bức bích họa của mình đến nỗi anh ta lùi lại để nhìn cho rõ hơn và không biết rằng anh ta sắp rơi xuống khỏi mép giàn giáo. Một người trợ lý kinh hoàng nhận ra rằng gào lên với anh ta trong lúc này chỉ là đẩy nhanh thêm thảm họa. Không suy nghĩ đến lần thứ hai, anh nhúng một cây cọ vào sơn và ném nó vào giữa bức bích họa. Người họa sư, kinh hoàng, lao về phía trước. Công việc của anh ta bị hủy hoại, nhưng anh đã được cứu.

Đôi khi Chúa làm điều này với chúng ta: Ngài phá vỡ các dự án của chúng ta và sự bình thản của chúng ta để cứu chúng ta khỏi vực thẳm mà chúng ta không thấy. Nhưng chúng ta cần cẩn thận để không bị lừa dối. Thiên Chúa không phải là người ném cây cọ vào bức bích họa lấp lánh của xã hội công nghệ chúng ta. Thiên Chúa là đồng minh của chúng ta, không phải là đồng minh của virus! Chính Người đã nói trong Kinh Thánh, “Ta có kế hoạch cho phúc lợi của con chứ không phải cho những tai ương” (Ger 29:11). Nếu những tai họa này là sự trừng phạt của Thiên Chúa, thì sẽ không thể giải thích được tại sao cả người tốt lẫn kẻ xấu đều bị tấn công như nhau, và tại sao người nghèo thường lại phải gánh chịu những hậu quả tồi tệ nhất. Phải chăng họ tội lỗi nhiều hơn những người khác?

Đấng đã từng khóc trước cái chết của Ladarô, ngày hôm nay cũng khóc vì tai họa đã giáng xuống nhân loại. Vâng, Thiên Chúa “đau khổ”, như mọi người cha và mọi người mẹ. Khi chúng ta phát hiện ra điều này vào một ngày nào đó, chúng ta sẽ xấu hổ về tất cả những lời buộc tội chúng ta đã gán cho Ngài trong cuộc sống. Thiên Chúa tham gia vào nỗi đau của chúng ta để vượt qua nó. Thánh Augustinô đã viết “Thiên Chúa nhân lành tột đỉnh sẽ không cho phép bất kỳ điều ác nào xảy ra trong các kỳ công của Ngài, trừ khi trong sự toàn năng và tốt lành của Người, Thiên Chúa có thể đưa ra điều tốt lành từ cái ác.” [4]

Phải chăng Chúa Cha có lẽ đã mong muốn cái chết của Con Ngài để rút ra điều tốt đẹp từ đó? Không, không phải như thế, Ngài chỉ đơn thuần là cho phép tự do của con người diễn ra, tuy nhiên, Ngài làm cho nó phục vụ những mục đích của mình chứ không phải những mưu đồ của con người. Đây cũng là trường hợp đối với các thảm họa tự nhiên như động đất và dịch bệnh. Ngài không mang chúng đến. Ngài đã cho thiên nhiên một loại tự do, tất nhiên khác về phẩm chất so với tự do của con người, nhưng vẫn là một dạng tự do. Tự do phát triển theo những quy luật phát triển riêng của nó. Thiên Chúa đã không tạo ra một thế giới như một chiếc đồng hồ được lập trình, trong đó mọi chuyển động nhỏ nhất có thể dự đoán được. Một số người gọi tự do trong thiên nhiên là “tình cờ” nhưng Kinh Thánh gọi là “sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.

Thành quả tích cực khác của cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay là cảm giác liên đới. Trong ký ức của nhân loại, có khi nào người dân của tất cả các quốc gia lại cảm thấy mình rất đoàn kết, rất bình đẳng, ít xung đột hơn vào thời điểm đau đớn này không? Chưa bao giờ, như bây giờ, chúng ta cảm nhận được những sự thật trong những lời này của một trong những nhà thơ vĩ đại của chúng ta: “Hãy làm hòa với nhau, hỡi các dân tộc! Trái đất đang phủ phục trước một mầu nhiệm quá sâu xa”. [5] Chúng ta đã quên đi việc xây dựng các bức tường. Virus không biết biên giới là gì. Ngay lập tức, nó đã phá vỡ mọi rào cản và sự phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, sự giàu có và quyền lực. Khi thời điểm này qua đi, chúng ta không nên trở lại thời điểm trước đó. Như Đức Thánh Cha đã khuyên bảo, chúng ta không nên lãng phí cơ hội này. Chúng ta đừng cho phép quá nhiều đau đớn, rất nhiều cái chết, và rất nhiều sự tham gia anh hùng từ phía các nhân viên y tế trở nên vô ích. Quay trở lại với cách thức mọi thứ đã diễn ra trong quá khứ là một sự “suy thoái” mà chúng ta nên âu lo nhất.

Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,
rèn giáo mác nên liềm nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. (Is 2: 4)


Đây là thời điểm để đưa vào thực hành những lời của tiên tri Isaia mà nhân loại đã trông mong từ lâu sự ứng nghiệm của những lời này. Chúng ta hãy nói “Đủ rồi!” đối với cuộc chạy đua vũ trang bi thảm. Hãy nói điều đó với tất cả khả năng của các bạn, những người trẻ tuổi, bởi vì trên hết, số phận của các bạn đang bị đe dọa. Chúng ta hãy dành những nguồn lực đang được chi ra một cách vô giới hạn cho vũ khí vào các mục tiêu mà chúng ta thấy là cần thiết và cấp bách nhất: đó là sức khỏe, vệ sinh, thực phẩm, cuộc chiến chống đói nghèo, chăm sóc thiên nhiên. Chúng ta hãy để lại cho thế hệ tiếp theo một thế giới nghèo hơn về hàng hóa và tiền bạc, nếu cần, nhưng giàu hơn về nhân tính.

Lời Chúa nói với chúng ta điều đầu tiên chúng ta nên làm vào những lúc như thế này là kêu lên với Chúa. Chính Chúa là Đấng đã đặt trên môi miệng của mọi người những lời kêu lên cùng Người, vào những thời điểm vang lên những lời than thở cay đắng đến mức hầu như là buộc tội: “Tỉnh thức mau! Tại sao lại ngủ, Chúa ơi? Dậy đi! Đừng khước từ chúng con mãi mãi! Hãy đứng dậy, giúp chúng con! Hãy cứu chúng con vì lòng thương xót Chúa” (Tv 44, 24, 27). “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? “ (Mc 4:38).

Phải chăng Thiên Chúa muốn được cầu xin rồi mới ban phát các ơn ích của Ngài cho chúng ta? Phải chăng lời cầu nguyện của chúng ta có thể làm cho Thiên Chúa thay đổi kế hoạch của Người? Không, không phải thế đâu, nhưng có những điều mà Thiên Chúa đã quyết định ban cho chúng ta như hoa trái từ ân sủng của Ngài, và cả từ lời cầu nguyện của chúng ta, gần như là Ngài muốn chia sẻ công nghiệp với các tạo vật của mình đối với các ơn ích nhận được. [6] Thiên Chúa là Đấng nhắc nhở chúng ta phải làm điều đó. Chúa Giêsu nói “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7: 7).

Khi dân Do Thái bị rắn độc cắn trong sa mạc, Thiên Chúa truyền cho ông Môisê treo một con rắn bằng đồng lên một cây cột, và bất cứ ai nhìn vào nó sẽ không chết. Chúa Giêsu áp dụng biểu tượng này lên chính Người khi Người nói với ông Nicôđêmô, “Như ông Môisê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3:14 -15). Tại thời điểm này, chúng ta cũng đã và đang bị một con “rắn” độc vô hình cắn. Chúng ta hãy dán mắt nhìn vào Đấng đã được ‘nâng lên’ cho chúng ta trên thập tự giá. Chúng ta hãy tôn thờ Ngài nhân danh chính chúng ta và cả loài người. Những ai nhìn vào Người với đức tin sẽ không chết. Và dẫu có chết đi, người ấy sẽ đi vào cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa Giêsu đã tiên báo “Sau ba ngày, Thầy sẽ sống lại” (x Mt 27:63). Chúng ta cũng vậy, sau những ngày này, những ngày mà chúng ta hy vọng sẽ chóng qua, sẽ sống lại và ra khỏi ngôi mộ, là nhà chúng ta. Tuy nhiên, không phải để trở về cuộc sống cũ như Ladarô, mà là một cuộc sống mới, như Chúa Giêsu. Một cuộc sống huynh đệ hơn, nhân bản hơn, và Kitô giáo hơn!

[1] Moralia in Job, XX, 1.
[2] John Paul II, Salvifici doloris [On the Meaning of Human Suffering], n. 23.
[3] https://blogs.timesofisrael.com/coronavirus-a-spiritual-message-from-brooklyn (Yaakov Yitzhak Biderman).
[4] x St. Augustine, Enchiridion 11, 3; PL 40, 236.
[5] Giovanni Pascoli, “I due fanciulli” [“The Two Children”].
[6] See St. Thomas Aquinas, Summa Theologicae, II-IIae, q. 83, a. 2.


Source:Vatican News
 
Lễ Vọng Phục Sinh tại Vatican do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:24 11/04/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Vọng Phục sinh vào lúc 9g tối thứ Bẩy 11 tháng Tư tại bàn thờ Ngai Tòa bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


“Sau ngày Sa-bát” (Mt 28: 1), những người phụ nữ đã đến ngôi mộ. Tin Mừng của Đêm Thánh Vọng Phục sinh bắt đầu với ngày Sa-bát. Đó là ngày trong Tam Nhật Phục sinh mà chúng ta có xu hướng lơ là khi chúng ta háo hức chờ đợi cuộc vượt qua từ thập giá của ngày Thứ Sáu tiến đến lời tung hô Alleluia của Chúa Nhật Phục Sinh. Tuy nhiên, năm nay, chúng ta đang trải nghiệm, hơn bao giờ hết, sự im lặng thật lớn lao của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Chúng ta có thể tưởng tượng mình ở vị trí của những người phụ nữ vào ngày đó. Như chúng ta hiện nay, trước mắt họ là thảm kịch đau khổ, về một bi kịch bất thình lình xảy đến. Họ đã nhìn thấy cái chết và nó đè nặng lên trái tim họ. Nỗi đau xen lẫn nỗi sợ hãi: liệu họ có chịu chung số phận với Thầy không? Sau đó, cũng có nỗi sợ về tương lai và tất cả những gì sẽ cần phải được xây dựng lại. Một ký ức đau đớn, một hy vọng bị cắt ngắn. Đối với họ, như đối với chúng ta hiện nay, đó là giờ khắc đen tối nhất.

Tuy nhiên, trong tình huống này, những người phụ nữ ấy đã không để mình bị tê liệt. Họ không chịu khuất phục trước sự ảm đạm của khổ đau và tiếc nuối, họ không cuộn tròn trong chính mình hoặc trốn chạy khỏi thực tại. Họ đang làm một việc đơn giản nhưng phi thường: đó là chuẩn bị tại nhà các loại hương thơm để xức xác Chúa Giêsu. Họ không ngừng yêu thương; trong đêm đen của tâm hồn, họ thắp lên một ngọn lửa thương xót. Đức Mẹ đã dành ngày thứ bảy đó, ngày sẽ được dành riêng để kính nhớ Mẹ, để cầu nguyện và hy vọng. Mẹ đã đáp lại nỗi buồn bằng niềm tin vào Chúa. Những phụ nữ này không biết rằng họ đang chuẩn bị, trong bóng tối của ngày Sa-bát đó, cho “buổi bình minh của ngày thứ nhất trong tuần”, là ngày sẽ thay đổi lịch sử. Chúa Giêsu, giống như một hạt giống bị chôn vùi trong lòng đất, sắp sửa làm cho cuộc sống mới nở hoa trên thế giới; và những người phụ nữ này, bằng lời cầu nguyện và tình yêu, đã giúp tạo nên bông hoa hy vọng đó. Có bao nhiêu người, trong những ngày đau buồn này, đã làm và vẫn đang làm công việc gieo hạt hy vọng mà những người phụ nữ đó đã làm! Với những cử chỉ nhỏ của sự quan tâm, tình cảm và cầu nguyện.

Tảng sáng, những người phụ nữ đi đến ngôi mộ. Ở đó thiên thần nói với họ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói” (c. 5-6). Họ nghe về sự sống ngay cả khi họ đang đứng trước một ngôi mộ. Và sau đó họ gặp Chúa Giêsu, là Đấng mang lại mọi hy vọng, Người khẳng định thông điệp này và nói: “Đừng sợ” (câu 10.). Đừng sợ, đừng khuất phục sợ hãi: Đây là thông điệp của hy vọng. Nó được gửi đến chúng ta, ngày hôm nay. Đây là những lời mà Thiên Chúa lặp lại cho chúng ta trong chính đêm nay.

Tối nay, chúng ta có được một quyền cơ bản không bao giờ có thể bị tước mất khỏi chúng ta: đó là quyền hy vọng. Đó là một hy vọng mới và sống động đến từ Thiên Chúa. Đó không chỉ là một sự lạc quan; nó không phải là một cái vỗ nhẹ vào lưng hay một lời khích lệ sáo rỗng. Đó là một hồng ân từ thiên đường, là điều mà chúng ta không thể tự mình kiếm được. Trong những tuần qua, chúng ta đã liên tục lặp lại, “Tất cả rồi sẽ tốt thôi”, khi bám víu vào vẻ đẹp của tình nhân loại và để cho những lời khích lệ này vươn lên từ trái tim của chúng ta. Nhưng khi ngày tháng dần qua và nỗi sợ hãi tăng lên, ngay cả hy vọng mãnh liệt nhất cũng có thể tan biến. Hy vọng vào Chúa Giêsu thì khác. Ngài gieo vào lòng chúng ta niềm tin rằng Chúa có thể khiến mọi sự nên tốt, vì ngay cả từ ngôi mộ Ngài vẫn có thể mang lại sự sống.

Ngôi mộ là nơi không ai bước vào có thể bước ra. Nhưng Chúa Giêsu bước ra vì chúng ta; Ngài đã sống lại vì chúng ta, để mang lại sự sống nơi có cái chết, để bắt đầu một câu chuyện mới ở chính nơi một hòn đá đã lấp lại. Chúa Giêsu, Đấng đã lăn đi hòn đá bịt kín lối vào của ngôi mộ, cũng có thể loại bỏ những viên đá trong trái tim chúng ta. Vì vậy, chúng ta đừng thối chí; Chúng ta đừng đặt một hòn đá trước hy vọng. Chúng ta có thể và phải hy vọng vì Chúa là Đấng trung tín. Ngài không bỏ rơi chúng ta; Ngài đến thăm chúng ta và bước vào cảnh ngộ đau đớn, thống khổ và chết chóc của chúng ta. Ánh sáng của Người xua tan bóng tối của ngôi mộ: hôm nay Chúa muốn ánh sáng đó xuyên qua cả những góc tối nhất trong cuộc sống của chúng ta. Anh chị em thân mến, ngay cả khi, trong trái tim mình, anh chị em đã chôn vùi hy vọng, xin đừng ngã lòng: Thiên Chúa vĩ đại hơn. Bóng tối và cái chết không có tiếng nói cuối cùng. Hãy mạnh mẽ lên, vì với Chúa không có gì hư mất!

Lòng can đảm. Đây là một từ thường được Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng. Chỉ một lần duy nhất người khác nói điều đó, để khuyến khích một người mù đang cầu xin Chúa chữa lành: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (Mc 10:49). Chính Người, Đấng Phục Sinh, Đấng đã nâng chúng ta lên khỏi sự khốn cùng của chúng ta. Nếu, trên hành trình của anh chị em, anh chị em cảm thấy mệt mỏi và yếu đuối, hoặc vấp ngã, đừng sợ, Chúa chìa ra một bàn tay nâng đỡ và nói với anh chị em: “Can đảm lên!” Anh chị em có thể nói, như Don Abbondio (trong cuốn tiểu thuyết Manzoni) “Can đảm không phải là một cái gì đó bạn có thể mang đến cho mình” (I Promessi Sposi, XXV). Đúng thế, anh chị em không thể trao ban nó cho chính mình, nhưng anh chị em có thể nhận như một món quà. Tất cả những gì anh chị em phải làm là mở lòng cầu nguyện và lăn đi, từng một chút, hòn đá được đặt ở lối vào trái tim của anh chị em để ánh sáng của Chúa Giêsu có thể đi vào. Anh chị em chỉ cần kêu cầu Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến với con giữa chập chùng những âu lo của con và xin cũng bảo với con rằng: Can đảm lên!” Với Chúa, Lạy Chúa, chúng con dẫu bị thử thách cũng không lung lay. Và, dẫu cho có bất cứ nỗi buồn nào có thể đọng lại trong lòng chúng con, chúng con cũng sẽ được củng cố trong hy vọng, vì với Chúa, thập giá dẫn đến sự phục sinh bởi vì Chúa ở cùng chúng con trong bóng tối của màn đêm; Chúa là sự chắc chắn giữa những bấp bênh của chúng con, là lời nói vang lên trong sự im lặng của chúng con, và không gì có thể cướp đi tình yêu mà Chúa dành cho chúng con.

Đây là thông điệp Phục Sinh, một thông điệp của hy vọng. Thông điệp này còn một phần thứ hai, là sai đi. Chúa Giêsu nói: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê.” (Mt 28:10). Các thiên thần bảo: “Người đi Galilê trước các ông” (c. 7). Chúa đi trước chúng ta. Thật đáng khích lệ khi biết rằng Người đi trước chúng ta trong cuộc sống và trong cái chết; Người đi trước chúng ta đến Galilê, nghĩa là đến một nơi gợi lên cho Người và các môn đệ ý tưởng về cuộc sống hàng ngày, gia đình và công việc. Chúa Giêsu muốn chúng ta mang lại hy vọng cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đối với các môn đệ, Galilê cũng là nơi đáng nhớ, vì đó là nơi đầu tiên các ngài được kêu gọi. Trở về Galilê có nghĩa là nhớ rằng chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương và kêu gọi. Chúng ta cần tiếp tục cuộc hành trình, nhắc nhở bản thân rằng chúng ta được sinh ra và tái sinh nhờ một lời mời được đưa ra một cách nhưng không cho chúng ta vì tình yêu. Đây luôn là điểm mà chúng ta có thể khởi hành một lần nữa, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng và thử thách.

Nhưng còn nhiều hơn nữa. Galilê là khu vực xa nhất từ Giêrusalem, nơi các vị đang hiện diện. Và không chỉ về mặt địa lý mà thôi. Galilê cũng là nơi sự thánh thiêng của Thành Thánh trở nên nhạt nhoà nhất. Đó là một khu vực nơi mọi người của các tôn giáo khác nhau sống chung: đó là “Galilê của dân ngoại” (Mt 4:15). Chúa Giêsu gửi họ đến đó và yêu cầu họ bắt đầu lại từ đó. Điều này nói gì với chúng ta? Thưa: Chúa muốn nói với chúng ta rằng thông điệp hy vọng không nên bị giới hạn ở những nơi thánh thiêng của chúng ta mà nên được mang đến cho mọi người. Tất cả mọi người đều cần có sự bảo đảm, và nếu chúng ta, những người đã chạm vào “Lời ban sự sống” (1 Ga 1: 1) mà không mang đến cho họ, thì ai là những người sẽ đem đến cho họ đây? Thật là đẹp biết bao khi được là Kitô hữu, là người mang đến sự ủi an, là người mang đỡ gánh nặng của người khác và là người khích lệ: là những sứ giả của sự sống trong thời điểm chết chóc! Trong mọi miền Galilê, trong mọi khu vực của gia đình nhân loại mà tất cả chúng ta thuộc về, và là một phần của chúng ta - vì tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau – cầu xin cho chúng ta có thể mang đến bài hát của cuộc sống! Chúng ta hãy làm câm nín những tiếng kêu gào chết chóc, đừng chiến tranh nữa! Cầu xin cho chúng ta có thể ngăn chặn việc sản xuất và buôn bán vũ khí, vì chúng ta cần bánh mì chứ không phải là súng. Hãy đặt dấu chấm hết cho nạn phá thai và tình trạng giết chết những người vô tội. Xin cho tâm hồn của những người đủ dùng biết cởi mở để lấp đầy những bàn tay trắng của những người thiếu thốn các nhu cầu căn bản.

Những người phụ nữ, cuối cùng, đã “ôm chầm lấy” chân Chúa Giêsu (Mt 28: 9); đôi chân đã đi rất xa để gặp chúng ta, đến mức bước vào và bước ra khỏi ngôi mộ. Những người phụ nữ ôm chầm lấy đôi chân đã giẫm đạp cái chết và mở ra con đường hy vọng. Hôm nay, như những người hành hương tìm kiếm hy vọng, chúng con bám lấy Chúa, lạy Chúa Giêsu Phục sinh. Chúng con quay lưng lại với cái chết và mở rộng trái tim cho Chúa, vì Chúa là chính Sự Sống.


Source:Holy See Press Office