Ngày 10-04-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Làm chứng cho Chúa Phục Sinh
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
00:10 10/04/2018
Chúa Nhật III Phục Sinh, năm B
Cv 3,13-15, 17-19 1 Ga 2,1-5 Lc 24,35-48

Đức Giêsu sống lại chia sẻ quyền năng phục sinh của Ngài cho nhân loại, cho thế giới, cho mỗi người chúng ta, và cho nhiều người khác nữa qua mỗi người chúng ta.Các bài đọc Chúa Nhật thứ 3 Phục Sinh vẫn tiếp tục giới thiệu cho chúng ta về Chúa Phục Sinh và quá trình các môn đệ đến với Chúa Phục Sinh.

Thánh Luca trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay và đoạn Phúc Âm Chúa Nhật Phục Sinh tường thuật lại việc Chúa sống lại theo nhãn giới Thánh Kinh và dưới sự tác động, soi sáng của Chúa Thánh Thần. Các môn đệ của Chúa thực sự đã sống với Chúa Giêsu, đã được Ngài loan báo trước về cái chết và sự phục sinh của Ngài. Tuy nhiên sự việc xẩy ra, Chúa Giêsu bị bắt, bị kết án tử hình và bị đóng đinh trên cây Thập giá. Rồi Ngài được táng xác trong mộ, sau ba ngày Ngài đã sống lại đúng như lời Ngài đã nói. Bà Maria Mađalêna đã được Chúa Phục Sinh hiện ra và bà được diễm phúc nhận ra Chúa sống lại, khi Ngài gọi tên bà…Simon Phêrô và Gioan đã nhận ra Chúa, đã tin vào Chúa Phục Sinh. Tuy nhiên khi bà Maria Mađalêna, Simon Phêrô, Gioan và hai môn đệ trên đường Emmaus tường thuật lại sự việc của Chúa Phục Sinh, các môn đệ vẫn cứng lòng không muốn tin vì tưởng Chúa là ma :” Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ?...”.Các môn đệ sợ sệt, lo âu vv…Chúa Phục Sinh đã mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh và Người nói :” Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại…”.Chúa Phục Sinh cho các môn đệ thấy vinh quang Phục Sinh của Ngài. Bởi vì, trước đó các môn đệ vẫn còn mù mờ, sợ hãi và chưa hoàn toàn tin tưởng vào Chúa sống lại. Đức Kitô Phục Sinh đến với các môn đệ, nâng đỡ, ủi an và củng cố đức tin cho các ông. Và rồi Chúa Phục Sinh cho các thấy, hiểu về sứ vụ của các ông là làm chứng cho Chúa sống lại và cho các ông thấy vinh quang Phục Sinh thật vĩ đại, thắp sáng niềm tin, niềm hy vọng cho các ông để các ông can đảm bước theo chân Người.

Khi các môn đệ nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, các ông vui mừng và với sự tác động của Chúa Thánh Thần, các ông đã mạnh dạn làm chứng cho Chúa Phục Sinh. Chúa Phục Sinh cũng mời gọi chúng ta làm chứng cho Người, trở nên những chứng nhân cho tình yêu của Người giữa dòng đời, giữa lòng thế giới. Giữa cuộc đời đầy tâm tối, u sầu, chán chường, thử thách, thất vọng có khi đi đến tuyệt vọng, Chúa sống lại vẫn cho chúng ta ánh sáng hy vọng để dọi chiếu vào thế gian tăm tối. Do đó, làm chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh là dùng chính đời sống mình để chứng tỏ cho mọi người, cho thế giới biết quyền năng Đức Kitô Phục Sinh đã tác động và biến đổi chúng ta. Đó chính là để cho Đức Kitô nói với tha nhân qua con người chúng ta. Đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay cho chúng ta bắt gặp sự ăn ý giữa Tin Mừng của thánh Gioan:” Chúa ban bình an và minh chứng Chúa đã sống lại thật; đồng thời cho chúng ta hiểu vinh quang của Thập giá “. Thực vậy, có đau khổ mới có vinh quang. Có cái chết chiều Thứ Sáu Tuần Thánh mới có buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần. Sứ mạng của mỗi Kitô hữu là trao ban ánh sáng phục sinh cho người khác, cho nhân loại còn đang sống trong âm u, tối tăm và tội lỗi.

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi chúng con, xin ban cho chúng con một quả tim mới, cái nhìn mới, sự suy nghĩ mới để chúng con biết phân định đâu là chân lý, đâu là sự giả trá, để chúng con trở thành những chứng nhân cho Chúa Phục Sinh giữa lòng thế giới hôm nay. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Tại sao Chúa Phục Sinh lại ban bình an cho các môn đệ ?
2.Ánh sáng phục sinh là gì ?
3.Làm chứng cho Chúa sống lại là làm sao ?
4.Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở nên gì ?

 
Emmau - Đamas
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
15:46 10/04/2018
Có thể nói đường đi Emmau có khác chi đường đi Đamas. Hai môn đệ chán chường về quê, Saolô hăng hái lên đường bắt bớ.Tiếc thương Đức Giêsu trên đường đi Emmau hay thù ghét Ngài trên đường đi Đamas, cả hai đều chỉ thấy Ngài trong cõi chết. Họ đều cần ơn “trở lại” để đổi mới cuộc đời.

Chính Chúa Giêsu Phục Sinh đã giúp họ trở lại bằng sự hiện diện đồng hành, bằng đòn quật ngã khỏi yên ngựa.

Dưới tác động của ân sủng, họ được biến đổi và trở nên chứng nhân loan báo Tin mừng Phục sinh.

1. Hành trình Emmau:

Ai đã từng có một lần thất bại trong tình yêu hay trên đường sự nghiệp sẽ hiểu được tâm trạng buồn phiền chán nản, nặng trĩu ưu sầu của hai môn đệ trên đường Emmau. Mộng vàng tan bay, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng bỗng dưng đổ vỡ tan tành. Những năm tháng theo Thầy đi rao giảng, họ luôn ôm ấp hoãi bảo lớn lao. Thầy sẽ lập quốc, đánh đuổi đế quốc La mã.Thầy sẽ là vua. Họ sẽ là các quan đại thần quyền thế. Khát vọng vinh quang trần thế này không đúng ý Chúa, nhưng là động lực thúc đẩy các môn đệ.

Kể từ khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì đối họ, tất cả đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng giải thoát dân tộc.Thập giá được giương cao và vị cứu tinh được chờ đợi với biết bao kỳ vọng đã kết thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô nhục.

Nổi buồn mất mát và nổi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh. Họ đã không nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh đang cùng đi với họ. Ưu tư duy nhất là ưu tư về chính mình. Thái độ ấy đã bịt mắt, đã che đi nguồn sáng nên họ đã không nhận ra sự hiện diện đầy thân tình của Đấng Phục Sinh.

Đức Giêsu Phục Sinh đến như người bạn đồng hành. Ngài chăm chú lắng nghe họ kể nổi đau buồn. Ngài đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích Thánh Kinh “Bắt đầu từ Môisen và duyệt qua hết các tiên tri, chú giải cho họ những gì liên quan đến Người trong các bản văn Thánh Kinh”. Vậy thì cả lịch sử cứu độ hướng về Ngài và chỉ có ý nghĩa vì Ngài. Lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, mọi lịch sử chỉ là lịch sử cứu độ, lịch sử của Đức Kitô “Đức Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một”. Nghe Lời Chúa, lòng họ bừng lên, nội tâm được biến đổi.

Trong quán trọ, họ nhận ra Ngài qua cử chỉ bẻ bánh. Mắt họ mở ra khi “Đức Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng bẻ ra và trao cho họ”. Đó là cử chỉ của Chúa trong bữa tiệc ly, một dấu ấn đã in sâu vào tâm hồn các môn đệ. Cảm nhận bừng cháy trong tâm hồn khi Đức Giêsu ngõ lời, nhưng Ngài đã biến đi. Hai ông đã phục hồi niềm tin, đã tìm lại được Chúa, Đấng Hằng sống trên đường đời của họ.Từ nay, Chúa ở với họ,tỏ ra cho họ qua những dấu chỉ niềm tin, lôi kéo họ vào mầu nhiệm Phục sinh.

Con đường dẫn đưa những người lữ khách từ Giêrusalem đến quán trọ Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về Giêrusalem lại hoá nên gần gũi thân quen, bởi vì Tin mừng đang cháy bỏng trong tim và trên môi của họ. Họ gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đấng Phục sinh.

Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẽ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen.

Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các Ngài nữa vì Đấng Phục sinh đang cùng họ đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế.

2. Hành trình Đamas:

Trước khi trở lại, đối với Phaolô,Tin mừng về Đức Kitô quả là một chuyện vô lý nhất chưa từng nghe nói bao giờ. Giêsu đã sống lại. Môn đệ của ông ta loan báo rằng ông ta đã chết và đã sống lại.

Nghe bài diễn văn của Simon-Phêrô, người dân chài rao truyền rằng:Giêsu Nazareth, người mà Thiên Chúa đã uỷ thác bằng các phép lạ tuyệt diệu, người mà các ông đã bắt và đã kết tội tử hình,đóng đinh vào thập giá, nhưng Thiên Chúa đã phục sinh Ngài. Phải,Thiên Chúa đã cho cho sống lại…chúng tôi đã chứng kiến, tất cả chúng tôi đã là nhân chứng tại chỗ..

Saolô với tư cách là người có học, một biệt phái mộ đạo. Ông có thông biết thánh kinh bằng hay hơn kẻ chài lưới có bàn tay chai cứng ? Phêrô, Gioan đã nhân danh Đức Giêsu đặt tay lên người bệnh và người bệnh được khoẻ mạnh. Phêrô và Gioan đã bị nhốt trong ngục tối, cửa sắt khoá chặt, quân đội súng ống canh gác ngày đêm trước dãy tường kiên cố. Thế nhưng, Phêrô, Gioan đã được thả tự do bởi một bàn tay kỳ diệu. Người lạ gặp thấy hai ông đang lên tiếng to trong hành lang của đồn là Đức Giêsu đã sống lại, hai ông đã chứng thực về những phép lạ các ông cử hành nhân danh Thầy Chí Thánh.

Saolô không thể chấp nhận như thế mãi được, phải ra tay tiêu diệt bọn tà đạo này. Nhận lệnh từ Giêrusalem, Saolô lên đường đi Đamas. Dưới ánh nắng mặt trời chói chang, bụi tung mịt mù, trời nóng như thiêu đốt. Không quan trọng ! Saolô ra đi, điều cần thiết nhất là nhanh chóng bắt hết bọn tà đạo về Giêrusalem.

Và bỗng chốc, một luồng ánh sáng chói lọi bao phủ lấy Saolô làm ông ngã ngựa. Ông không còn thấy gì nữa. Ông nghe có tiếng gọi ông: “Saun,Saun,sao ngươi lại bắt bớ Ta?”

Ông hỏi lại: “Thưa Ngài, Ngài là ai?”. Tiếng nói lại âm vang: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại”( Cv 9,5). Saolô hoàn toàn bối rối. Ông nào có bắt bớ Chúa Giêsu, mà bắt bớ các môn đệ Ngài thôi ! Thê rồi ông chợt hiểu ra, Chúa Giêsu và các môn đệ ngài là một, và Saolô đã khuất phục: “Lạy Chúa,Chúa muốn con làm gì?”.Chúa truyền cho Saolô vào thành gặp Khanania. (Cv 9,5-8). Saolô đứng dậy, ông chớp mắt mà không thấy gì. Ông được đưa về Đamas. Sau ba ngày,có một người Dothái thuộc cộng đoàn mới đã đến gõ cửa và bảo: “Saolô,người anh em,hãy nhìn thấy lại”.Phép lạ đã xảy ra, Saolô lại thấy được. Saolô đã chịu phép rửa bởi tay Khanania. Ông cần thời gian để tĩnh tâm, học hỏi và cầu nguyện.Thế là ông rời bỏ Đamas để sang vùng Ảrập sống trong thanh vắng. Thầy của ông đã chuẩn bị 30 năm thì ông cũng phải chuẩn bị ba năm (Gal 1,17). Ba năm trời ông nghiền ngẫm thánh kinh, đối chiếu trực tiếp với Thần Khí Chúa để hiểu rõ Tin mừng. Ba năm trời đã cho ông tâm tình của Chúa Kitô,đã đồng hoá ông với Đức Kitô đến nổi ông phải tuyên bố: “Không phải tôi sống,nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi” ( Col 2,20).

Kể từ lúc sáng mắt, Saolô đã hoàn toàn đổi mới. Ông nhiệt thành loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa với tất cả thao thức “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5,14). Với tên mới Phaolô, vị tông đồ được Chúa chữa sáng mắt đã ra đi khắp chân trời góc biển rao giảng Tin mừng và trở nên vị tông đồ dân ngoại lừng danh. Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2,20).

Hành trình Đamas đã làm thay đổi cuộc đời Phaolô. Sống và chết cho Đức Kitô trong tiến trình của cuộc sống muôn màu của Phaolô mãi mãi vẫn thốt lên lời tuyên tín như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ, đói khát,trần truồng, nguy hiểm,gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta “ (Rm 8,35-39).

Đọc lại hành trình Emmau, hành trình Đamas để nhận thấy người Kitô hữu chỉ bắt đầu là Kitô hữu thực sự khi khởi đi từ niềm tin Chúa Kitô sống lại.

Trong hành trình theo Chúa, người tín hữu có lúc phải đối diện với vô vàn khó khăn phức tạp của đời sống muôn mặt. Có những thất bại, có những chống đối làm choáng váng, ngỡ ngàng hoang mang vì Đức Giêsu như không còn hiện diện và can thiệp. Ngài dường như bỏ mặc cho thế gian hoành hành.

Chính trong những lúc thất vọng hay bị bách hại thì Đức Kitô lại tỏ bày dấu chỉ để người tín hữu nhận ra Ngài đang hiện diện, đang đồng hành khơi lên niềm hy vọng tràn đầy.

Hãy biết nhận ra Ngài qua các dấu chỉ như hai môn đệ Emmau. Hãy biết nhận ra Ngài qua từng biến cố đau đớn như Phaolô té ngựa trên đường Đamas.

Với tất cả niềm tin và lòng yêu mến, nhất định người Kitô hữu sẽ trở nên chứng nhân của niềm hy vọng, chứng nhân của sự sống, chứng nhân của niềm vui.



 
Từ người bỏ cuộc trở nên Sứ giả Tin Mừng
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
21:43 10/04/2018
SUY NIỆM Chúa Nhật III PHỤC SINH - B

( Lc 24, 35 – 48 )

Tin Mừng Chúa Nhật III Phục sinh tập trung vào hai môn đệ rời Giêrusalem mang theo sự buồn sầu thất vọng về làng Emmaus. Quả thật, chính tại Giêrusalem hai ông đã chứng kiến các biến cố dẫn đến cái chết của Chúa Kitô như lời hai ông kể cho vị khách (Không Hay Biết) : "Có một người tên là Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi" (Lc 24, 19 - 21). Đúng là mấy phụ nữ rằng thuật lại rằng Chúa Giêsu đã sống lại, nhưng đó là một tin lạ lùng không thể tin được, các bà chẳng những không củng cố được lòng tin cho các ông mà còn làm các ông "khiếp sợ" (x. Lc 24, 22), sợ đến nỗi bỏ cuộc, rời Giêrusalem, nơi mà "giấc mơ" của họ bị vỡ tan vì Thập Giá.

Và dĩ nhiên, dưới dáng dấp của người đồng hành, Chúa Giêsu đã hiện ra cùng đi với họ. Trên đường, với hai ông, Chúa chỉ là Vị Khách lạ, "người không hay biết". Nhưng chính "người không hay biết" ấy đã làm cho các ông vơi đi nỗi buồn. Sự thất vọng mà họ có không cho phép họ tin rằng Thập Giá của Chúa Kitô là chìa khóa để mở cửa bước vào nhà Cha.

Với sự thẳng thắn và yêu thương, "người không hay biết" than : "Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người" (Lc 24, 25-27).

Vị Khách đã mở lòng mở trí cho hai ông, hai ông lắng nghe và cảm thấy có một sức thu hút ngoại thường khiến các ông cất lơi : "Mời ông ở lại với chúng tôi", lý do "vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn" ( Lc 24, 29 ). Với lời mời thịnh tình ấy, Chúa Giêsu đáp lại bằng một cử chỉ chia sẻ khi đồng bàn với họ : "Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông" (Lc 24, 30). Cử chỉ Thánh Thể này giúp cho "hai kẻ bỏ cuộc" nhận ra Chúa.

"Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào" (Lc 24, 13-35). Câu này kết thúc trình thuật kinh nghiệm phục sinh của hai môn đên trên đường Emmaus, tổng hợp cách kỳ diệu ý nghĩa về sự hiện hữu Kitô của người môn đệ Chúa Kitô. Đâu là tính mới lạ của Kitô giáo nếu không phải là sống cái chuẩn mực của đời sống, với niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và thất vọng? Cuộc hành trình của hai môn đệ trên đường Emmaus với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống của họ cũng như chúng ta : "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" (Lc 24, 32)

Trên con đường đến Emmaus, chúng ta có thể nhận ra con đường đức tin của chính mình, thay vì quán trọ, thì có Giáo Hội. Thánh Lễ cung cấp cho chúng ta Lời Chúa và Thánh Thể, những yếu tố không thể thiếu cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Nếu chúng ta ra khỏi nhà với những khó khăn, lo toan, với tinh thần của hai môn đệ làng Emmaus, chúng ta hay đến nhà thờ, ít là Chúa Nhật, nơi Thiên Chúa ở với chúng ta, nơi mà Lời Chúa được giải thích ban cho chúng ta sự an ủi, Bánh Hằng Sống được trao ban để phục hồi, chữa lành, chăm sóc chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui.

Con đường của hai môn đệ của Emmaus là con đường của tất cả chúng ta. Nếu trên đường đi, lòng chúng ta không còn bị khép kín vì buồn bã, chúng ta có thể gặp Đấng Phục Sinh trong Ngôi Lời làm cho lòng chúng ta nóng lên, và trong Bánh Thánh làm cho mắt chúng ta sáng lên. Trong Lời Chúa và Thánh Thể, chính chúng ta đang đi từ cõi chết đến cõi sống và chúng ta nhận ra sự thật về điều mà các nhân chứng đầu tiên đã truyền cho chúng ta: chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã sống lại vì chúng ta cũng đã gặp Người. Chúng ta được sống lại với cuộc sống mới trong tình yêu.

Chúa Kitô loan báo Tin Mừng về sự sống lại của Người cho chúng ta trên đường đi, như các môn đệ. Người nói với chúng ta về câu chuyện tình của Thiên Chúa với dân Ngài, Người nhắc nhở chúng ta về sự trung tín không ngừng của Thiên Chúa, Đấng đã ký kết giao ước đời đời với chúng ta. Chúa Kitô nói với chúng ta và mở lòng chúng ta hiểu Kinh Thánh. Như thế, Người mạc khải cho chúng ta sự sâu thẳm của Trái Tim đầy yêu thương, Người "phải" chịu đau phiền và phải chết. Người không thể làm gì khác ngoài yêu chúng ta cách tuyệt đối và vô hạn vượt qua mọi rào cản của cái chết và thân xác.

Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giê-su (x. Lc 24,35). Như thế, con đường về làng Emmaus trở thành con đường lòng tin của chúng ta: Thánh Kinh và Thánh Thể là hai yếu tố không thể thiếu được cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Ðức Giêsu khi người bẻ bánh, liền về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống, khiến họ đang là kẻ bỏ cuộc trở nên người loan báo Tin Mừng về Đức Kitô tử nạn và phục sinh.

Trong đời sống thường ngày của người tín hữu, có những lúc gặp khó khăn, thất vọng, dẫn đến buồn sầu trở về "làng Emmaus", rời xa Thiên Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui như hai môn đệ làng Emmaus. Niềm vui gặp gỡ Đấng Phục Sinh, niềm vui phải lây sang người khác làm cho Giáo hội tăng trưởng và lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Ðó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa.

Cùng với Mẹ Maria, chúng ta nhìn lên Mẹ Maria và khẩn cầu Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa, ngõ hầu trở nên sứ giả loan báo Tin Mừng Chúa sống lại cho mọi người tin mà được cứu độ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
TT. Pháp Emmanuel Macron mong muốn cải thiện mối quan hệ Nhà Nước và Giáo Hội
Lê Đình Thông
08:31 10/04/2018
Tối qua (09/04), tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đọc diễn văn lịch sử trước các vị Hồng Y và giám mục Pháp tại hội trường Học viện Bernadins giữa lòng thủ đô Paris. Trong suốt một tiếng đồng hồ, TT Macron nói lên thực trạng mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội, đồng thời đưa ra các biện pháp chấn chỉnh.

Trong thư mời của Hội đồng Giám mục Pháp gửi tổng thống Emmanuel Macron, các vị chủ chăn mong muốn chính phủ Pháp sớm đưa ra các biện pháp thích hợp để người Công Giáo tham gia tích cực các sinh hoạt chính trị trên hai bình diện quốc gia và châu Âu, mang lại một hướng đi mới cho đức tin, muối men về vai trò người tín hữu trong sinh hoạt chính trị.

Trong diễn từ gần một tiếng, TT Macron nhấn mạnh nước Pháp luôn coi trọng vai trò của các tôn giáo. Ông mời gọi các vị giám mục và chính phủ cùng nhận định mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội đang bị tổn thương, cần được kịp thời chấn chỉnh.

Đức Cha Georges Pontier, Tổng giám mục Marseille hiện là Chủ tịch HĐGM Pháp cho biết trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, một phần người Công Giáo đã bỏ phiếu cho ứng cử viên cực hữu để chống lại chính sách tôn giáo của cựu tổng thống François Hollande.

Theo tổng thống Macron, trong nhiều năm qua, chính giới Pháp đã không đánh giá đúng mức về vai trò của người Công Giáo. Đó là nguyên nhân đưa đến tình trạng phân hóa hiện nay. Theo lời vị lãnh đạo 66,6 triệu dân Pháp, người Công Giáo có vị trí xứng đáng trong các tổ chức nhân đạo, từ thiện nhằm hàn gắn sự thương đau của những thành phần nghèo khó. Từ nay, những người Công Giáo được mời gọi tham gia chính trị để việc làm của họ trở nên hữu hiệu hơn. Tổng thống Pháp đã nhắc lại giáo huấn của Phúc âm cũng như quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô về một nhân sinh quan đầy tình nhân ái.

Trước đó, Đức TGM Pontier, Chủ tịch HĐGM Pháp bầy tỏ mối quan ngại về dự luật sinh học đạo đức, việc trợ tử, việc thụ thai nhân tạo.

Theo LM Stalla-Bourdillon, tuyên úy các nhà lập pháp Công Giáo, cuộc trao đổi giữa vị lãnh đạo nước Pháp và HĐGM Pháp sẽ củng cố mối quan hệ sẵn có giữa hai bên. Đức Cha Antoine de Romanet, tổng tuyên úy quân đội cho rằng diễn văn của tổng thống Pháp đưa ra định hướng mới đầy khích lệ cải thiện chính sách biệt lập tôn giáo.

Lê Đình Thông
 
Hiện tượng đáng lo ngại: theo thống kê cuả Gallup, số người Công Giáo dự lễ giảm sút trong nhiều năm qua.
Trần Mạnh Trác
11:12 10/04/2018
(CNA/EWTN 10/4/18) Căn cứ vào một cuộc khảo sát cuả viện Gallup, thì số lượng người Công Giáo đi dự lễ đã giảm nhanh và đều trong vòng 10 năm qua, nay chỉ còn có 39 %.

So với những năm 2005-2008, số trung bình những người đi dự thánh lễ trong vòng 7 ngày là 45%, nhưng từ năm 2014 cho đến 2017 thì giảm 6 %.

Thời hoàng kim có lẽ là vào năm 1955, khi mà 3 trong 4 người Công Giáo đã không quên đi dự thánh lễ hằng tuần, lúc đó số tham dự trung bình cho mọi lứa tuổi là 75%.

Rồi thì, con số đó dần dần thay đổi, phản ảnh một sự thay đổi lịch sử trong giáo hội, cách riêng là trong nhóm trẻ tuổi thì số tỷ lệ có một sự trồi sụt bất thường rất thú vị.

Đối với số người trẻ tuổi từ 21 đến 29, thì trong những năm 2005-2008 có sự gia tăng đến 29%, nhưng qua đợt thấng kê mới nhất , năm 2014-2017, thì lại giảm còn có 25%.

Nhóm tuổi tham dự cao nhất là 60 tuổi trở lên, bây giờ đang là 49%, tức là đã giảm so với 59% trong 10 năm vừa qua.

Sự tăng giảm của giới trẻ chủ yếu là việc giới trẻ đang có xu hướng bỏ đạo không theo Kitô giáo nữa hoặc chọn không theo một đạo nào cả. Năm 2016, Gallup đã báo cáo rằng một trong năm người Mỹ tuyên bố rằng họ không liên hệ với bất kỳ một tôn giáo nào.

"Đó là xu hướng lựa chọn của những người trẻ tuổi ở Mỹ không muốn liên hệ chính thức với một tôn giáo nào hay là họ đã được giáo dục hoàn toàn không theo một cơ sở tôn giáo," cuộc khảo sát cho biết.

Điều thú vị, là ở số tuổi từ 30-39, thì lại có một sự gia tăng nhỏ, là từ 40 lên đến 43 phần trăm trong mười năm qua.

Viện Gallup cũng lưu ý rằng tuy sự tham dự Thánh Lễ hàng tuần sút giảm nhưng tỷ lệ tổng thể của những người Mỹ nhận mình là người Công Giáo thì "khá ổn định," tức là không giảm, lý do có lẽ là, theo viện Gallup, là do sự tăng triển của số dân nhập cư gốc Latin.

Cuộc nghiên cứu cũng cho biết về số người dự lễ cuả các nhà thờ Tin Lành, vẫn khá ổn định, giữ vững số 45 % trong mười năm qua, mặc dù số giáo dân Tin Lành nói chung đang giảm sút đáng kể, từ 71% vào 60 năm trước, bây giờ chỉ còn có 47% trên tổng số dân Mỹ.
 
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Tông huấn Gaudete et Exsultate
Đặng Tự Do
16:10 10/04/2018
Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, là Tổng Giám Mục Galveston-Houston và Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ Công Giáo, đã ra thông báo hoan nghênh Tông huấn “Gaudete et Exsultate” (Mừng rỡ Hân hoan) của Đức Thánh Cha Phanxicô về “Ơn gọi thánh thiện trong thế giới đương đại.” Trong tuyên bố, Đức Hồng Y DiNardo bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của ngài đối với Đức Thánh Cha vì những lời khuyên và lời mời gọi mỗi Kitô hữu “thừa nhận và mở lòng mình ra với những điều Thiên Chúa mong muốn nơi họ.”

Đức Hồng Y DiNardo viết về “Gaudete et Exsultate” như sau:

“Tôi muốn đích thân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của tôi với Đức Thánh Cha vì những lời mạnh mẽ, và thẳng thắn của ngài trong Tông huấn Gaudete et Exsultate. Trong Tông huấn này, Đức Thánh Cha Phanxicô rất rõ ràng - Ngài đang làm nhiệm vụ của mình như là vị Đại Diện Chúa Kitô, bằng cách thúc giục mạnh mẽ mỗi và mọi Kitô hữu, một cách tự do vô điều kiện, hãy nhìn nhận và mở lòng mình ra với những gì Thiên Chúa mong muốn nơi họ: Đó là: “nên thánh, như Ngài là thánh” (1 Pr 1:15) Nhiệm vụ được ủy thác cho mỗi người chúng ta trong Nước Rửa Tội rất đơn giản - nhờ ân sủng và quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi để trở thành những vị thánh.

'Đừng sợ sự thánh thiện (số 32).' Những lời này của Đức Thánh Cha đã bật lên trong tôi khi tôi đọc Tông huấn này lần đầu tiên. Một cách nào đó, mỗi người chúng ta có một nỗi sợ hãi không dám cố gắng vươn đến sự thánh thiện - một nỗi sợ hãi rằng chúng ta sẽ bị người đời chế giễu, chê chối, hoặc thậm chí ghét bỏ, chúng ta sẽ bị tách biệt khỏi đám đông. Tuy nhiên, đó chính là những gì Chúa đã kêu gọi mỗi người và mọi người trở nên! Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta: Một Kitô hữu không thể nghĩ đến sứ mệnh của mình trên trái đất này nếu không nhìn thấy sứ mệnh ấy là một con đường nên thánh, vì 'đây là ý muốn của Thiên Chúa, đó là sự thánh hóa anh em (1 Thes 4: 3) (số 19.). '

Đức Thánh Cha mô tả sự thánh thiện đến qua những cố gắng hàng ngày mà mỗi người chúng ta phải đối mặt. Trong cuộc sống thường nhật, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta: 'Chúng ta cần nhận biết và chống lại khuynh hướng hung hăng và ích kỷ của chúng ta, và đừng để cho chúng đâm rễ sâu trong chúng ta' (số. 114). Tuy nhiên, ngài nói, đây là trận chiến thật ngọt ngào, vì nó cho phép chúng ta vui mừng mỗi khi Chúa chiến thắng trong cuộc sống của chúng ta '(số 158).

Một đoạn văn đặc biệt chỉ ra sự cần thiết phải hành động một cách lịch thiệp trong tất cả các tương tác của chúng ta, đặc biệt là khi sử dụng các phương tiện truyền thông. Đức Thánh Cha viết: “Các Kitô hữu cũng có thể bị lôi cuốn vào mạng lưới bạo lực bằng lời nói thông qua internet và các diễn đàn truyền thông kỹ thuật số”. Điều này có thể đúng ngay cả trong các phương tiện truyền thông Công Giáo (số 115). Ngay cả trong những bất đồng nóng giận của chúng ta với nhau, chúng ta luôn luôn cần phải nhớ rằng chính Thiên Chúa là Đấng phán xét chứ không phải con người (Giacôbê 4:12).

Trong ánh sáng của niềm vui Phục Sinh, khi chúng ta cử hành sự sống lại của Chúa chúng ta, tôi khuyến khích mọi Kitô hữu nhen nhóm lại ơn gọi nên thánh khi được rửa tội của chúng ta bằng cách đọc những lời khuyên tuyệt vời này của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt là phần rất đẹp về Tám Mối Phúc Thật. Qua việc trình bày Hiến Chương Nước Trời, và đưa ra những ví dụ về cách sống ơn gọi nên thánh của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, Đức Thánh Cha đã ban cho chúng ta một công cụ tuyệt vời để đổi mới tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho nhau.”
Source: U.S. Conference of Catholic Bishops - President of U.S. Conference of Catholic Bishops Welcomes Pope Francis’s Apostolic Exhortation on Holiness in the Contemporary World; Rejoice and Be Glad
 
ĐGH nói với Thừa Sai Lòng Thương Xót rằng sự phục vụ của họ rất quý giá cho Giáo Hội.
Giuse Thẩm Nguyễn
16:26 10/04/2018
(Vatican News) Trong buổi tiếp kiến chung với khoảng 550 các Thừa Sai Lòng Thương Xót tại Vatican, ĐGH Phanxicô tái khẳng định rằng nhiệm vụ của họ rất cần thiết cho Giáo Hội và cũng nhắc nhở họ rằng con đường của người Kitô là một con đường đầy khó khăn “với những tảng đá dễ vấp ngã và những vỏ chuối dễ trượt chân.”

Hội Đồng Giáo Hoàng về Phúc Âm Hóa đã tổ chức một cuộc họp mặt các Thừa Sai Lòng Thương Xót tại Roma trong vài ngày để cầu nguyện và tường trình. Trong cuộc gặp ĐGH Phanxicô vào hôm thứ Ba, ĐGH đã nói rằng họ đang cung cấp một dịch vụ thiết yếu cho Giáo Hội

Mặc dầu mục đích ban đầu của ĐGH là giao nhiệu vụ chọ họ chỉ giới hạn trong Năm Lòng Thương Xót thôi, nhưng ĐGH đã quyết định gia hạn nhiệm vụ và khuyến khích họ tiếp tục cải tiến “sứ vụ thương xót” vì có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều người đã hoán cải trở lại nhờ sự phục vụ của họ.

Thông điệp của Lòng Thương Xót.

ĐGH nói rằng “thông điệp họ mang nhân danh Chúa Kitô là làm hòa với Thiên Chúa… Thiên Chúa cần nhiều người mang thông điệp tha thứ và thương xót cho toàn thế giới.” Đây là nhiệm vụ mà Chúa đã ủy thác cho các tông đồ vào chiều ngày phục sinh của Ngài. Đời sống của những người muốn hoàn thành sứ mạng này phải phản ánh nhiệm vụ của mình. ĐGH nhắc nhở rằng “Để là người cộng tác của lòng thương xót, thì trước hết chúng ta phải sống với tình yêu xót thương mà chúng ta đã nhận được.”

Thánh Phao-lô: gương mẫu của vị Thừa Sai Lòng Thương Xót đích thực.

ĐGH đã phản ánh sâu xa về kinh nghiệm của Thánh Phao-lô khi thánh nhân nhận mình là “kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo…đã nhận được lòng thương xót của Chúa. (1Tm 1:13). Bởi vì quá khứ của mình mà ngài trở thành sứ giả để làm hòa với Thiên Chúa (2 Cor 5:20) và công bố rằng tôi chẳng làm gì gây cớ cho ai vấp phạm, để không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi.(2 Cor 6:3). ĐGH nói rằng chìa khóa để cộng tác với Thiên Chúa là luôn nhận thức rằng “Thiên Chúa đối xử với tôi một cách xót thương.”

Thiên Chúa đi bước trước.

ĐGH đã đưa ra một số lời khuyên cụ thể là các linh mục nên nhớ rằng Thiên Chúa đi bước trước. Vì thế khi một người đến với Phép Giải Tội, các ngài cần nhớ là ân sủng của Thiên Chúa đã sẵn sàng. “Trái tim linh mục của chúng ta phải nhận thấy phép lạ của người đã được gặp Chúa và đã cảm nghiệm hiệu năng ơn thánh của Chúa”

Công việc của linh mục là bước thứ hai.

ĐGH giải thích rằng sự cộng tác của các linh mục trong ơn thánh Chúa tạo ra hiệu quả rồi, vì vậy "đừng làm cho hoạt động ơn thánh của Thiên Chúa trở nên hư vô, nhưng phải nâng đỡ và để cho hoạt động ấy được hoàn thiện”. Giống như người cha của người con hoang đàng, cha giải tội cần nhìn vào mắt của hối nhân, lắng nghe họ và mở rộng vòng tay đón nhận họ để họ có cảm nghiệm về tình yêu của người cha “tha thứ không điều kiện, mặc cho con áo lễ hội và đeo nhẫn cho con, một dấu hiệu con là con của gia đình cha.”

Con đường trượt ngã.

ĐGH khuyên các linh mục hãy khuyến khích các hối nhân và cho họ niềm hy vọng, giúp họ đừng có mặc cảm bối rối ngại ngùng khi trở lại với phép giải tội – bởi vì “con đường ngổn ngang đá và vỏ chuối làm con trượt ngã.”

ĐGH kết luận rằng “Hãy sống kết hợp với Thiên Chúa, Nguồn mạch sự Sống, các Thừa Sai Lòng Thương Xót được mời gọi để là người giải thích và làm chứng về trải nghiệm này là mọi người, không phân biệt là ai, lúc khó khăn ngặt nghèo tìm đến lòng thương xót thì đều được chào đón tận tình.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tình trạng của các tín hữu Kitô tại dải Gaza
Đặng Tự Do
16:29 10/04/2018
Theo linh mục Công Giáo duy nhất tại dải Gaza, trong sáu năm qua số Kitô hữu trong lãnh thổ này đã giảm mạnh từ 4,500 người xuống còn 1,000, do những điều kiện khắc nghiệt mà họ phải đối phó trong cuộc sống.

Người dân tại Gaza “sống trong một nhà tù lộ thiên vì chúng tôi không thể đi ra đi vào lãnh thổ này. Chúng tôi không thể thăm người thân, tìm việc làm, thuốc men hay bệnh viện tốt ở bên ngoài”, cha Mario da Silva nói với ACI Prensa.

Dải Gaza có diện tích 365 km vuông, là một phần của Palestine, nằm ở phía tây Israel với dân số 1.8 triệu người. Kể từ năm 2007, lãnh thổ này đã được cai trị bởi phong trào Hồi giáo Hamas.

Kể từ khi Hamas lên nắm quyền ở đó, Israel và cả Ai Cập đã phong tỏa kinh tế dải Gaza, hạn chế dòng người và hàng hóa ra vào vùng đất nhằm giảm bớt các vụ tấn công hoả tiến bắn vào Israel từ lãnh thổ này.

Cha Silva, linh mục của Dòng Ngôi Lời, nhớ lại rằng khi ngài đến Gaza vào năm 2012 “tình hình đã rất khó khăn. Theo thời gian, tôi hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn, nhưng nó chỉ trở nên tồi tệ hơn.”

Người dân Gaza chỉ có điện trong ba giờ mỗi ngày, và thiếu nước uống.

Hầu hết người dân Gaza đang thất nghiệp, và những người làm việc phải sống với số tiền ít ỏi “khoảng 150-200 đô la một tháng”.

“Gaza thực sự là một nhà tù. Mọi người không có tiền và có một tình hình thật khủng khiếp. Đó là tình trạng đói nghèo tràn lan.”

Các điều kiện khắc nghiệt tại Gaza đã dẫn đến những cuộc di dân của người Kitô hữu Palestine.

Cha Silva cho biết thêm: “Mỗi năm các tín hữu Kitô được phép thăm viếng những nơi thánh trong Lễ Phục Sinh và Giáng Sinh”, và nhiều người trong số họ ra đi không bao giờ trở lại”.
Source: Catholic News Agency - As Palestinian Christians flee Gaza, priest expresses grave concern
 
Tông Huấn Gaudete Et Exsultate Của Đức Thánh Cha Phanxicô Về Ơn Gọi Nên Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
16:31 10/04/2018
Tông Huấn Gaudete Et Exsultate Của Đức Thánh Cha Phanxicô Về Ơn Gọi Nên Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay

1. “CÁC CON HÃY VUI MỪNG VÀ HÂN HOAN” [là câu] Chúa Giêsu nói với những người bị bách hại hoặc bị xỉ nhục vì Người (Mt 5:12). Chúa đòi hỏi mọi sự nơi chúng ta, và đổi lại Người ban cho chúng ta sự sống thật, là hạnh phúc mà vì nó chúng ta được dựng nên. Người muốn chúng ta thành những vị thánh chứ không phải chỉ hài lòng với một cuộc sống tẻ nhạt và tầm thường. Ơn gọi nên thánh hiện diện nhiều cách khác nhau ngay từ những trang đầu của Thánh Kinh. Chúng ta thấy điều ấy được diễn tả trong lời Chúa phán cùng ông Abraham: “Hãy đi trước mặt Ta, và hãy nên trọn lành” (St 17: 1).

2. Những điều sau đây không phải là một tiểu luận về sự thánh thiện, chứa đựng các định nghĩa và sự phân biệt hữu ích cho sự hiểu biết chủ đề quan trọng này, hoặc một cuộc thảo luận về các phương tiện thánh hoá. Mục tiêu khiêm tốn của tôi là tái đề nghị lời mời gọi nên thánh một cách thực tế cho thời đại của chúng ta, với tất cả những rủi ro, thách đố và cơ hội. Vì Chúa đã chọn mỗi người trong chúng ta “để nên thánh và trọn lành trước mặt Người trong tình yêu” (Eph 1: 4).

CHƯƠNG MỘT ƠN GỌI NÊN THÁNH

CÁC THÁNH ĐANG KHUYẾN KHÍCH VÀ ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚNG TA

3. Thư gửi tín hữu Do Thái trình bày một số chứng từ khuyến khích chúng ta “kiên tâm chạy trong cuộc đua trước mặt chúng ta” (12: 1). Thư nhắc đến ông Abraham, bà Sara, ông Môsê, ông Giđeon và những người khác (xem 11: 1-12: 3). Trên hết, thư mời gọi chúng ta nhận ra rằng “một đám mây nhân chứng vĩ đại” (12: 1) thúc đẩy chúng ta không ngừng tiến bước hướng về mục tiêu. Những nhân chứng này có thể bao gồm các bà mẹ, các bà (nội ngoại) của chúng ta hoặc những người thân yêu khác (xem 2 Tim 1: 5). Cuộc sống của họ có thể không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng ngay cả giữa những lỗi lầm và thất bại của họ, họ vẫn tiếp tục tiến bước và tỏ ra rất đẹp lòng Chúa.

4. Các thánh giờ đây sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa nhưng vẫn duy trì mối dây yêu thương và hiệp thông của các ngài với chúng ta. Sách Khải Huyền chứng minh điều này khi nói về sự cầu bầu của các vị tử vì đạo: “Tôi thấy dưới bàn thờ, các linh hồn của những người đã bị giết vì Lời Chúa và vì chứng từ họ đã làm; họ kêu lớn tiếng rằng, ‘Lạy Chúa Tể chí thánh và chân thật, đến bao giờ Người mới xét xử?’” (6: 9-10). Mỗi người chúng ta có thể nói: “Được bao quanh, dẫn đầu và hướng dẫn bởi những người anh chị em của Thiên Chúa.... Tôi không cần phải vác một mình, thật ra, tôi không bao giờ có thể vác một mình. Tất cả các thánh của Thiên Chúa đều ở đó để bảo vệ tôi, để nâng đỡ tôi và cõng tôi” .

5. Các tiến trình phong chân phước và phong thánh công nhận những dấu chỉ về đức tính anh hùng, việc hy sinh mạng sống của một người trong việc tử vì đạo, và những trường hợp nào đó mà đời sống không ngừng được hiến cho tha nhân, thậm chí cho đến khi chết. Điều này cho thấy việc noi gương Đức Kitô cách điển hình, một điều đáng cho các tín hữu ngưỡng mộ. Chẳng hạn như, chúng ta có thể nghĩ đến Chân Phước Maria Gabriella Sagheddu, người đã hiến đời mình cho việc hiệp nhất của các Kitô hữu.

CÁC VỊ THÁNH “BÊN CẠNH NHÀ” CHÚNG TA

6. Chúng ta không cần chỉ nghĩ đến những vị đã được phong chân phước và phong thánh. Chúa Thánh Thần ban tràn đầy sự thánh thiện giữa dân thánh và trung tín của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa đã vui lòng làm cho những người nam nữ nên thánh và cứu họ, không phải như những cá nhân chẳng có liên hệ gì với nhau, mà như một dân có thể nhìn nhận Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong sự thánh thiện” . Trong lịch sử cứu độ, Chúa đã cứu một dân. Chúng ta không bao giờ hoàn toàn là chính mình trừ khi chúng ta thuộc về một dân. Đó là lý do tại sao không ai được cứu một mình, như một cá nhân cô lập. Trái lại, Thiên Chúa kéo chúng ta đến với Ngài, trong khi kể đến cả cơ cấu phức tạp của các mối liên hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng nhân loại. Thiên Chúa muốn bước vào đời sống và lịch sử của một dân tộc.

7. Tôi thích chiêm ngưỡng sự thánh thiện hiện diện trong sự kiên nhẫn của dân Thiên Chúa: nơi những cha mẹ nuôi nấng con cái họ với tình yêu thương bao la, nơi những người nam nữ làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình, nơi người bệnh tật, nơi các tu sĩ già cả mà không bao giờ mất nụ cười của họ. Trong sự kiên trì hàng ngày của họ, tôi thấy sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu. Rất thường thì đó là một sự thánh thiện được tìm thấy ở những người hàng xóm cạnh nhà chúng ta, là những người, đang sống giữa chúng ta, phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là “giai cấp trung lưu của sự thánh thiện”.

8. Chúng ta hãy được khích lệ bởi những dấu chỉ của sự thánh thiện mà Chúa cho chúng ta thấy qua các phần tử khiêm tốn nhất của dân ấy, là dân “cũng chia sẻ chức năng ngôn sứ của Đức Kitô, khi truyền bá một chứng từ sống động cho Người, đặc biệt là bằng một đời sống đức tin và đức ái”. Chúng ta nên kể đến sự thể là, như Thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá đề nghị, lịch sử thực sự được thực hiện bởi rất nhiều người trong họ. Khi chị viết: “Các nhân vật vĩ đại nhất của việc làm ngôn sứ và sự thánh thiện bước ra từ đêm tăm tối nhất. Nhưng phần lớn dòng hình thành của cuộc sống thần bí vẫn còn không thể thấy được. Chắc chắn những bước ngoặt quyết định nhất trong lịch sử thế giới đều được đồng xác định cách thực tế bởi những linh hồn không bao giờ được một sách lịch sử nào đề cập đến. Và chúng ta sẽ chỉ biết về những linh hồn ấy, mà chúng ta vẫn mắc nợ họ vì những bước ngoặt quyết định trong cuộc sống cá nhân của chúng ta vào ngày mà tất cả những gì ẩn dấu đều được tỏ lộ”.

9. Sự thánh thiện là bình diện hấp dẫn nhất của Hội Thánh. Nhưng ngay cả bên ngoài Hội Thánh Công Giáo và trong những hoàn cảnh rất khác nhau, Chúa Thánh Thần làm nổi lên “những dấu chỉ của sự hiện diện của Ngài, để giúp cho những người theo Đức Kitô”. Thánh Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta rằng “chứng nhân cho Đức Kitô phải chịu ngay cả việc đổ máu đã trở thành một gia sản chung của người Công Giáo, Chính Thống, Anh giáo và Tin Lành”. Trong cuộc tưởng niệm đại kết cảm động được tổ chức tại Hý Trường (Colosseum) vào Đại Năm Thánh 2000, ngài đã tuyên bố rằng các vị tử đạo là “một di sản nói lên một cách mạnh mẽ hơn tất cả các nguyên nhân của sự chia rẽ”.

CHÚA MỜI GỌI

10. Tất cả điều này đều quan trọng. Tuy nhiên, với Tông Huấn này, tôi muốn nhấn mạnh cách chủ yếu đến lời mời gọi nên thánh mà Chúa nói với mỗi người trong chúng ta, lời mời gọi mà Người cũng nói, một cách cá nhân, với từng người: “Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (Lev 11:44 , xem 1 Phêrô 1:16). Công đồng Vaticanô II đã nói rõ điều này: “Được củng cố bởi rất nhiều phương tiện cứu rỗi lớn lao như thế, tất cả mọi tín hữu, bất kể ở điều kiện hay bậc sống nào đều được Chúa mời gọi – mỗi người theo cách của riêng mình - đến sự thánh thiện trọn lành như chính Đức Chúa Cha là Đấng trọn lành”.

11. Công Đồng nói, “Mỗi người theo cách riêng của mình”. Chúng ta không nên nản chí trước các mẫu gương thánh thiện có vẻ như không thể đạt được. Có một số chứng từ có thể hữu ích và gợi hứng cho chúng ta, nhưng không phải là để chúng ta sao chép, vì điều ấy thậm chí có thể dẫn chúng ta đi sai con đường riêng mà Chúa có ý dành cho chúng ta. Điều quan trọng là mỗi tín hữu nhận ra con đường riêng của chính mình, là họ nói lên những điều tốt nhất của chính mình, những hồng ân cá nhân nhất mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng họ (xem 1Cr 12:7), thay vì vô vọng cố gắng bắt chước một điều gì đó không dành cho họ. Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm nhân chứng, nhưng có nhiều cách thực tế để làm nhân chứng. Thật vậy, khi nhà thần bí vĩ đại, Thánh Gioan Thánh Giá, viết Ca Khúc Tâm Linh (Spiritual Canticle) của mình, ngài thích tránh tất cả những quy tắc cứng rắn và chặt chẽ. Ngài giải thích rằng các vần thơ của ngài được sáng tác để có thể hữu ích cho mọi người, mỗi người “theo cách của riêng mình”. Vì sự sống của Thiên Chúa được truyền đạt “cho một số người theo cách này và cho những người khác theo cách khác”.

12. Bằng những hình thức khác nhau này, tôi cũng nhấn mạnh rằng “thiên tài của người phụ nữ” được nhìn thấy trong những phong cách thánh thiện nữ tính, là phương tiện thiết yếu để phản ảnh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong thế giới này. Thật vậy, trong những thời mà phụ nữ có khuynh hướng bị lờ đi hoặc không được nhìn đến, Chúa Thánh Thần đã làm nổi bật những vị thánh mà sự hấp dẫn của các ngài đã tạo ra sức mạnh tinh thần mới và những cải cách quan trọng trong Hội Thánh. Chúng ta có thể đề cập đến Thánh Hildegard thành Bingen, Thánh Bridget, Thánh Catarina thành Siena, Thánh Têresa thành Avila và Thánh Têrêsa thành Lisieux. Nhưng tôi cũng nghĩ đến tất cả các phụ nữ vô danh hoặc bị quên lãng, mỗi người theo cách riêng của mình, đã nâng đỡ và biến đổi các gia đình và cộng đồng bằng sức mạnh của chứng từ của họ.

13. Điều này phải kích thích và khuyến khích chúng ta dâng hiến tất cả và ôm lấy kế hoạch đặc biệt mà Thiên Chúa muốn cho mỗi người chúng ta từ muôn thủa: “Trước khi Ta thành hình ngươi trong bụng mẹ, Ta đã biết ngươi” (Gr 1: 5).

CŨNG CHO ANH CHỊ EM

14. Ðể nên thánh không buộc phải là một giám mục, một linh mục hay một tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện. Trường hợp đó không đúng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống cuộc đời với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi công việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Anh chị em được mời gọi đến đời sống thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống quyết tâm của mình với niềm vui. Anh chị em đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội Thánh. Anh chị em làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc với sự liêm chính và kỹ năng trong khi phục vụ anh chị em mình. Anh chị em là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ trẻ nhỏ cách theo Chúa Giêsu. Anh chị em ở địa vị thẩm quyền ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc cho công ích và từ bỏ lợi ích cá nhân.

15. Hãy để ân sủng của bí tích Rửa Tội của anh chị em sinh hoa trái trên con đường nên thánh. Hãy để mọi thứ được mở ra cho Thiên Chúa; hướng về Ngài trong mọi tình huống. Đừng lo sợ, vì quyền năng của Chúa Thánh Thần cho phép anh chị em làm điều này, và cuối cùng, sự thánh thiện là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của anh chị em (x. Ga 5: 22-23). Khi anh chị em cảm thấy bị cám dỗ ở lỳ trong sự yếu đuối của mình, thì hãy ngước mắt nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh và thưa: “Lạy Chúa, con là một kẻ tội lỗi đáng thương, nhưng Chúa có thể làm phép lạ để làm cho con tốt hơn một chút”. Trong Hội Thánh, tuy thánh thiện, nhưng bao gồm những người tội lỗi, anh chị em sẽ tìm thấy mọi điều anh chị em cần để lớn lên theo hướng thánh thiện. Chúa đã ban cho Hội Thánh các món quà Thánh Kinh, các bí tích, các nơi thánh, các cộng đoàn sống động, chứng từ của các thánh và vẻ đẹp đa diện, bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, “như một cô dâu trang điểm với đồ trang sức” (Is 61:10).

16. Sự thánh thiện này mà Chúa mời gọi anh chị em sẽ lớn lên bằng những cử chỉ nho nhỏ. Đây là một thí dụ: một phụ nữ đi mua sắm, chị ấy gặp một người hàng xóm và họ bắt đầu nói chuyện, và việc bép xép bắt đầu. Nhưng chị ấy tự nhủ trong lòng: “Không, tôi sẽ không nói xấu ai cả”. Đây là một bước tiến trong sự thánh thiện. Sau đó, ở nhà, một trong những đứa con của chị muốn nói chuyện với chị về những hy vọng và ước mơ của nó, và mặc dù mệt mỏi, chị ấy ngồi xuống và lắng nghe với sự kiên nhẫn và tình yêu. Đó là một sự hy sinh khác mang lại sự thánh thiện. Sau đó, chị trải qua một vài lo âu, nhưng nhớ lại tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria, chị lấy tràng hạt ra và cầu nguyện với đức tin. Một con đường nên thánh khác. Rồi chị ra đường, gặp một người nghèo và dừng lại để nói một lời tử tế với người ấy. Thêm một bước nữa.

17. Đôi khi, cuộc sống đặt ra những thách đố lớn. Qua chúng, Chúa lại một lần nữa mời gọi chúng ta đến một sự hoán cải có thể làm cho ân sủng của Người trở nên rõ ràng hơn trong cuộc sống của mình “ngõ hầu chúng ta có thể chia sẻ sự thánh thiện của Người” (Dt 12:10). Vào những lúc khác, chúng ta chỉ cần tìm một cách hoàn hảo hơn để làm những gì chúng ta đang làm: “Có những sự linh hứng chỉ hướng đến việc hoàn thiện hoá một cách phi thường những điều bình thường chúng ta làm trong cuộc sống”. Khi Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận bị tù, ngài đã không chịu lãng phí thì giờ chờ đợi ngày ngài được trả tự do. Thay vào đó, ngài đã chọn “sống giây phút hiện tại, và làm cho nó đầy tình thương”. Ngài quyết định: “Tôi sẽ nắm lấy những cơ hội hiện diện mỗi ngày; Tôi sẽ hoàn thành các hành động bình thường một cách phi thường”.

18. Bằng cách này, được ân sủng của Thiên Chúa hướng dẫn, chúng ta hình thành bằng nhiều cử chỉ nhỏ bé sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã muốn cho chúng ta, không phải như các người nam và người nữ đủ cho chính mình, mà là “những người quản lý tốt của ân sủng đa dạng của Thiên Chúa” (1 Phr 4:10). Các giám mục Tân Tây Lan đúng khi dạy chúng ta rằng chúng ta có khả năng yêu thương với tình yêu vô điều kiện của Chúa, bởi vì Chúa Phục Sinh chia sẻ sự sống mãnh liệt của Người với đời sống mỏng manh của chúng ta: “Tình yêu của Người không có giới hạn và, một khi được ban cho, thì không bao giờ bị lấy lại. Nó không có điều kiện và vẫn trung tín. Để yêu như thế không phải là dễ dàng bởi vì chúng ta thường quá yếu đuối. Nhưng chỉ thử yêu như Đức Kitô yêu thương chúng ta cho thấy rằng Đức Kitô chia sẻ sự sống lại của Người với chúng ta. Bằng cách này, đời sống của chúng ta chứng tỏ quyền của Người đang hoạt động - ngay cả trong sự yếu đuối của con người”.

SỨ VỤ CỦA ANH CHỊ EM TRONG ĐỨC KITÔ

19. Một Kitô hữu không thể nghĩ đến sứ vụ của mình trên thế gian mà không nhìn thấy nó như một con đường để nên thánh, vì “đây là ý muốn của Thiên Chúa, sự thánh hóa của anh em” (1 Th 4:3). Mỗi vị thánh là một sứ vụ, được Chúa Cha dự định để phản ánh và hiện thân, ở một thời điểm cụ thể trong lịch sử, một khía cạnh nào đó của Tin Mừng.

20. Sứ vụ ấy có ý nghĩa trọn vẹn nhất trong Đức Kitô, và chỉ có thể hiểu được qua Người. Ở cốt lõi của nó, sự thánh thiện là việc trải nghiệm, trong sự kết hợp với Đức Kitô, những mầu nhiệm của cuộc đời Người. Nó bao gồm việc kết hợp chúng ta với cái chết và sự phục sinh của Chúa bằng một phương cách độc đáo và cá nhân, liên tục chết và sống lại với Người. Nhưng nó cũng có thể đòi hỏi phải tái tạo trong cuộc sống của mình những khía cạnh khác nhau của cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu: cuộc sống ẩn dật, cuộc sống của Người trong cộng đồng, gần gũi với những kẻ bị bỏ rơi, nghèo đói và những cách khác mà Người đã diễn tả tình yêu tự hiến của Người. Sự chiêm niệm về những mầu nhiệm này, như Thánh Ignatiô thành Loyola đã chỉ ra, dẫn chúng ta đến việc nhập thể chúng trong những lựa chọn và thái độ của mình. Bởi vì “mọi sự trong đời sống của Chúa Giêsu là dấu chỉ của mầu nhiệm của Người”, “toàn thể đời sống của Đức Kitô là mặc khải về Chúa Cha”, “toàn thể cuộc đời của Đức Kitô là một mầu nhiệm cứu chuộc”, ‘toàn thể cuộc đời Đức Kitô là một mầu nhiệm về việc đồng quy [về Đức Kitô]”. “Đức Kitô cho phép chúng ta sống trong Người tất cả những gì chính Người đã sống, và Người sống nó trong chúng ta”.

21. Kế hoạch của Chúa Cha là Đức Kitô, và chính chúng ta trong Người. Cuối cùng, chính Đức Kitô là Đấng yêu thương trong chúng ta, vì “sự thánh thiện không là gì khác hơn là đức ái được sống trọn vẹn”. Kết quả là, “thước đo sự thánh thiện của chúng ta xuất phát từ tầm vóc mà Đức Kitô đạt được trong chúng ta, đến mức độ mà, do quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta dùng Người làm mẫu mực cho cả cuộc đời mình”. Mỗi vị thánh là một sứ điệp mà Chúa Thánh Thần lấy từ sự sung mãn của Chúa Giêsu Kitô và ban cho người dân Người.

22. Để nhận ra lời mà Chúa muốn nói với chúng ta qua một trong các vị thánh của Người, chúng ta không cần phải vướng mắc vào các chi tiết, vì ở đó chúng ta cũng có thể gặp các sai lầm và thất bại. Không phải mọi sự một thánh nhân nói đều hoàn toàn trung thành với Tin Mừng; không phải tất cả những gì ngài làm đều xác thực hay hoàn hảo. Điều chúng ta cần phải chiêm ngắm là toàn thể cuộc đời, toàn thể cuộc hành trình lớn lên trong sự thánh thiện, việc phản chiếu Chúa Giêsu Kitô xuất hiện khi chúng ta hiểu được ý nghĩa tổng thể của các ngài như một con người.

23. Đây là một lời triệu tập mãnh liệt cho tất cả chúng ta. Anh chị em cũng cần phải nhìn toàn thể cuộc đời của mình như một sứ vụ. Hãy cố gắng làm thế qua việc lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện và nhận ra các dấu chỉ mà Ngài ban cho anh chị em. Hãy luôn cầu xin Chúa Thánh Thần điều mà Chúa Giêsu mong đợi ở anh chị em từng giây phút của cuộc đời anh chị em và trong mỗi quyết định của anh chị em, để phân biệt vị trí của nó trong sứ vụ mà anh chị em đã nhận được. Hãy để cho Chúa Thánh Thần rèn đúc trong anh chị em mầu nhiệm cá nhân có thể phản chiếu Chúa Giêsu Kitô trong thế giới ngày nay.

24. Chớ gì anh chị em nhận ra lời ấy là gì, sứ điệp của Chúa Giêsu mà Thiên Chúa muốn nói với thế giới bằng đời sống của anh chị em. Hãy để cho mình được biến đổi. Hãy để cho mình được Chúa Thánh Thần đổi mới, ngõ hầu điều này có thể xảy ra, nếu không thì anh chị em thất bại trong sứ vụ cao quý của mình. Chúa sẽ mang nó đến hoàn thành bất chấp các lỗi lầm và sơ xuất của anh chị em, với điều kiện là anh chị em không từ bỏ con đường yêu thương mà vẫn luôn mở lòng ra cho ân sủng siêu nhiên của Người, là điều thanh lọc và soi sáng.

HOẠT ĐỘNG THÁNH HOÁ

25. Cũng như anh chị em không thể hiểu được Đức Kitô ở ngoài vương quốc mà Người đến để mang lại, vì vậy sứ vụ cá nhân của anh chị em cũng không thể tách ra khỏi việc xây dựng vương quốc ấy: “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt 6:33). Sự đồng hoá của anh chị em với Đức Kitô và ý muốn của Người liên quan đến cam kết cùng Người xây dựng một vương quốc tình yêu, công lý và hòa bình phổ quát. Chính Đức Kitô muốn cảm nghiệm điều này với anh chị em, trong tất cả các nỗ lực và hy sinh mà vương quốc này đòi hỏi, nhưng cũng trong tất cả niềm vui và sự phong phú mà vương quốc này mang đến. Anh chị em không thể lớn lên trong sự thánh thiện mà không tự mình dấn thân, bằng cả thân xác lẫn linh hồn, để cố gắng hết sức cho nỗ lực này.

26. Thật không lành mạnh khi yêu sự thinh lặng trong lúc chạy trốn việc tương tác với người khác, muốn được bình an và yên tĩnh trong khi tránh hoạt động, tìm cầu nguyện trong khi thờ ơ với việc phục vụ. Tất cả mọi sự đều có thể được chấp nhận và hòa nhập vào cuộc sống của chúng ta trong thế giới này, và trở nên một phần của con đường nên thánh của chúng ta. Chúng ta được mời gọi để làm người chiêm niệm ngay cả trong hành động và lớn lên trong sự thánh thiện bằng cách thi hành sứ vụ riêng của mình một cách có trách nhiệm và đại lượng.

27. Chúa Thánh Thần có thúc giục chúng ta thi hành một sứ vụ và sau đó yêu cầu chúng ta từ bỏ nó, hoặc không hoàn toàn tham gia vào nó, để bảo vệ sự bình an nội tâm của mình không? Tuy nhiên, đã có những lúc chúng ta bị cám dỗ để hạ thấp sự tham gia hoặc cam kết mục vụ trong thế gian vào vị thế thứ yếu, như thể chúng là “những trò tiêu khiển” dọc theo con đường lớn lên trong sự thánh thiện và sự bình an nội tâm. Chúng ta có thể quên rằng “cuộc sống không có một sứ vụ, mà là một sứ vụ”.

28. Không cần phải nói, bất cứ điều gì được thực hiện từ sự lo âu, tự hào hoặc nhu cầu gây ấn tượng với những người khác sẽ không dẫn đến sự thánh thiện. Chúng ta được thách đố để chứng tỏ sự cam kết của mình bằng một cách mà mọi sự chúng ta làm có ý nghĩa theo Tin Mừng và đồng hoá mình nhiều hơn với Chúa Giêsu Kitô. Thí dụ, chúng ta thường nói về linh đạo của giáo lý viên, linh đạo của linh mục triều, linh đạo của công việc. Cũng vì lý do đó, trong Evangelii Gaudium tôi đã kết luận bằng cách nói về một linh đạo của sứ vụ, trong Laudato Si' về một linh đạo môi sinh, và trong Amoris Laetitia về một linh đạo của đời sống gia đình.

29. Điều này không có nghĩa là bỏ qua sự cần thiết của những giây phú yên tĩnh, cô tịch và im lặng trước Thiên Chúa. Ngược lại. Sự hiện diện liên tục của các vật dụng mới, sự kích động của việc du lịch và hàng loạt các hàng hoá tiêu thụ đôi khi không để cho tiếng nói của Thiên Chúa được lắng nghe. Chúng ta bị tràn ngập bởi những lời nói, bởi những thú vui phiến diện và bởi một tiếng ồn ào càng ngày càng gia tăng, không được đổ đầy bằng niềm vui, mà bằng sự bất mãn của những người mà cuộc sống đã mất đi ý nghĩa. Làm thế nào chúng ta không thể nhận ra nhu cầu phải chặn cuộc đua này lại và và phục hồi không gian cá nhân cần thiết để thực hiện một cuộc đối thoại chân thành với Thiên Chúa? Tìm được không gian ấy có thể là điều đau đớn nhưng nó luôn luôn hiệu quả. Sớm hay muộn, chúng ta cũng phải đối diện với chính con người thật của mình và để cho Chúa đi vào. Điều này có thể không xảy ra trừ khi “chúng ta thấy mình đang nhìn chằm chằm vào vực thẳm của một cám dỗ đáng sợ, hoặc có cảm giác chóng mặt khi đứng bên bờ vực thẳm của tuyệt vọng, hoặc tìm thấy mình hoàn toàn cô đơn và bị bỏ rơi”. Trong những hoàn cảnh như vậy, chúng ta tìm thấy động lực sâu xa nhất để sống trọn vẹn cam kết của mình với công việc của mình.

30. Cùng những trò tiêu khiển nhan nhản khắp nơi trên thế giới ngày nay cũng làm cho chúng ta có khuynh hướng tuyệt đối hóa thời gian rảnh rỗi của mình, để chúng ta có thể hoàn toàn đắm mình vào các công cụ cung cấp cho chúng ta việc giải trí hoặc những thú vui chóng qua. Hậu quả là, chúng ta đến độ không bằng lòng với sứ vụ của mình, cam kết của chúng ta trở nên lỏng lẻo, và tinh quảng đại và sẵn sàng phục vụ của chúng ta bắt đầu giảm sút. Điều này làm mờ đi cảm nghiệm tâm linh của chúng ta. Liệu có nhiệt tình tâm linh nào có thể nên vững chắc khi ở bên cạnh sự suy nhược trong việc Phúc Âm hoá hay phục vụ người khác không?

31. Chúng ta cần một tinh thần thánh thiện có khả năng lấp đầy cả sự cô độc và việc phục vụ của chúng ta, cuộc sống cá nhân của chúng ta và những nỗ lực Phúc Âm hoá của chúng ta, để mỗi giây phút có thể là một biểu hiện của tình yêu tự hiến trong mắt Chúa. Bằng cách này, mỗi phút của cuộc đời chúng ta có thể là một bước đi dọc theo con đường lớn lên trong sự thánh thiện.

SỐNG ĐỘNG HƠN, NHÂN BẢN HƠN

32. Đừng sợ sự thánh thiện. Nó sẽ không lấy đi một năng lượng, sức sống hay niềm vui nào của anh chị em. Trái lại, anh chị em sẽ trở thành điều mà Chúa Cha đã nghĩ đến khi tạo thành anh chị em, và anh chị em sẽ trung thành với chính con người sâu thẳm nhất của mình. Sự lệ thuộc vào Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ và dẫn chúng ta đến việc nhận ra phẩm giá cao quý của mình. Chúng ta thấy điều này ở Thánh Giôsêphine Bakhita: “Bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ khi mới lên bảy, chị đã chịu đựng rất nhiều trong tay của các chủ nhân độc ác. Nhưng chị đã hiểu được chân lý sâu sắc rằng Thiên Chúa, không phải con người, là Chủ Nhân thật của mọi con người, của mọi sự sống con người. Kinh nghiệm này đã trở thành một nguồn khôn ngoan tuyệt vời cho người con gái khiêm tốn của châu Phi”.

33. Theo mức độ mà mỗi Kitô hữu lớn lên trong sự thánh thiện, họ sẽ mang lại hoa trái lớn hơn cho thế giới của chúng ta. Các giám mục của Tây Phi đã nhận thấy rằng “chúng tôi đang được mời gọi trong tinh thần Tân Phúc Âm hóa để được Phúc Âm hóa và Phúc Âm hóa qua việc giúp đỡ tất cả các anh chị em, những người đã được Rửa Tội, gánh lấy vai trò của mình như là muối đất và ánh sáng thế gian bất ở cứ nơi nào anh chị em sống”.

34. Đừng sợ nhìn lên cao hơn, để cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Đừng sợ để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sự thánh thiện không làm cho anh chị em trở nên ít nhân bản hơn, vì nó là một cuộc gặo gỡ giữa sự yếu đuối của anh chị em và quyền năng của ân sủng của Thiên Chúa. Vì theo lời của León Bloy, khi tất cả được nói và làm, “bi kịch lớn duy nhất trong cuộc đời là không trở thành một thánh nhân”.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

(còn tiếp)
 
Bạo lực bùng lên tại dải Gaza
Đặng Tự Do
16:44 10/04/2018
Hàng chục người đã thiệt mạng kể từ hôm thứ Sáu 6 tháng Tư vừa qua khi các cuộc đối đầu bạo lực giữa những người biểu tình Palestine và các lực lượng Israel đã bùng lên dọc biên giới Israel-Gaza.

Quân đội Israel đã bắn đạn thật thẳng vào những người biểu tình Palestine dọc theo hàng rào biên giới. Theo quân đội Israel, bạo lực trong những ngày này được kể là khốc liệt nhất tại Gaza từ năm 2014.

Bảy người, kể cả một thiếu niên, đã bị bắn chết ở miền đông Gaza vào hôm thứ Sáu. Bộ Y tế Palestine ở Gaza cho biết như trên trong một tuyên bố.

Hơn 1,000 người bị thương, ít nhất 25 người trong số đó bị thương nghiêm trọng. Hàng chục người bị thương đã được điều trị gần hàng rào biên giới. Mười hai phụ nữ và 48 trẻ em nằm trong số những người bị thương.

Những căng thẳng đã bùng lên ở cả hai phía của biên giới Gaza-Israel trong ngày 6 tháng Tư là ngày người Palestine gọi là ngày “Thứ Sáu Cuồng Nộ”. Đó là một phần trong các cuộc biểu tình “March of Return”, với mục tiêu là vượt qua hàng rào biên giới và trở về những vùng đất của họ, nay đã trở thành một phần của Israel..
Source: CNN -Fresh violence erupts along Gaza-Israel border as Palestinians march again
 
Tin tức loan truyền nhanh trên Internet về hiện tượng máu Chúa rỉ ra tại Đền Thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem
Đặng Tự Do
17:42 10/04/2018
Sau khi được hạ xuống từ trên thánh giá, thi thể Chúa được đặt lên một phiến đá để xức dầu trước khi chôn cất. Phiến đá ấy được gọi là “the Stone of the Anointing” (Phiến đá xức dầu) và được đặt bên trong Đền Thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem.

Trong tuần qua, tin tức loan truyền rất nhanh trên Tweeter nói rằng đã xảy ra hiện tượng máu rỉ ra từ hôm Thứ Sáu Tuần Thánh Chính Thống Giáo 6 tháng Tư vừa qua.

Một tweet đọc được như sau: “Tin tức mới nhất từ #Jerusalem tại nhà thờ Phục Sinh: máu được rò rỉ từ phiến đá đặt thi thể Chúa Giêsu trước khi chôn cất. Bạn có thể nghe thấy cảnh sát Israel đang đóng cửa khu vực này”, đã được retweet khoảng 1,800 lần và nhận được hơn 2,500 cái likes trong vài giờ đầu tiên. Tweet này do Twitter Nicola Kanaan tung ra.

Nhà thờ Thánh Mộ - Holy Church of the Holy Sepulchre - là danh từ của Công Giáo, người Chính Thống Giáo gọi là nhà thờ Phục sinh – Holy Church of Resurrection.

Các tweet được chia sẻ và đánh giá cao ngay trong ngày đầu tiên trên trang web Reddit, nơi người dùng chủ yếu vào để xem một video là có thật hay không.

Khi bị chất vấn bởi các Twitter khác là những người không thể tìm thấy thông tin về vấn đề này từ các nguồn khác, Kanaan tung ra một đoạn video thứ hai, mà ông cho là cảnh quay bên ngoài Nhà thờ Mộ Thánh cho thấy đám đông đang xô đẩy nhau để vào nhà thờ xem phép lạ.

Sự thật là gì?

Video trong đó ông Kanaan tuyên bố là “tin tức mới nhất” và ông đã tận mắt chứng kiến hôm 06 tháng Tư năm 2018, thực ra đã được chính ông tải lên YouTube vào ngày 11 tháng Chín năm 2015. Nói cách khác, ông Kanaan không nói sự thật. Tin này chỉ là fake news.

Nhiều người ngây thơ tung tin giả với dụng ý cổ vũ lòng đạo đức nơi người khác. Tin giả không làm tăng vinh quang Chúa, gây nên nên thất vọng, và là một dấu chỉ phản chứng của niềm tin Kitô. Hãy nghe lời Chúa cảnh báo:

“Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Ðức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Ðừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Ðừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Ðừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Ðức Vua cao cả. Ðừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ. (Mt 5, 33-37).
Source: Church POP -Is Blood Currently Leaking Miraculously in a Jerusalem Church? Here’s the Truth
 
Năm Năm Triều Đại ĐGH Phanxicô 2013-2018
PT Phạm Bá Nha
19:50 10/04/2018
Năm Năm Triều Đại ĐGH Phanxicô 2013-2018

Tới ngày 13.3. 2018, triều đại ĐGH Phanxicô được 5 năm, kỷ niệm tròn 5 năm Đức Phanxicô thực thi sứ vụ Chủ Chăn Giáo Hội hoàn cầu. Chúng ta cầu nguyện cho Ngài. Như Ngài đã ‘‘xin anh chị em cầu cho tôi’’ ngày ra mắt sau khi được bầu, 13.3.2013. Dịp này, ĐGH bình tĩnh hài lòng, không tổ chức bữa tiệc mừng nào, vẫn tiếp tục họp, làm việc, âm thầm. Nhìn chung, từ 79% (9.2013) lên 90%, người ủng hộ Đức Phanxico (2.2015). Đa số, hai đăc tính dành cho Đức Phanxicô, ‘‘cảm thương’’(94%) và ‘‘khiêm nhường’’ (91%). Trong khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, số % ít hơn vào 1980-1990 (Vietcatholic 8.3.2018). Với Đức Phanxicô, phần đông ủng hộ, nhưng có dấu hiệu không hài lòng (vietcatholic News, 7.3.2018)

Linh mục dòng Tên, Andreas Atlogg, chủ biên tạp chí Stimmen der Zeit, nhận xét: chỉ mới năm năm Đức Phanxico đã biến đổi gương mặt Giáo Hội (Vietcatholic News, 15.3.2018)

Sức mạnh của danh xưng, đổi mới triệt để.

Tên thật ĐGH đương kim là Jorge Mario Bergoglio, sinh 17.12.1936, tại Buenos Aires, Argentina, trong gia đình có 5 anh anh em di dân gốc Ý. Khi làm Giáo Hoàng, 13.3.2013, lấy Tông hiệu là Phanxico, có liên quan đến thán Phanxico Assisi khó khǎn. Vì Ngài vốn Dòng Tên, nên Tông Hiệu là Phanxico Xaviê, một linh mục Dòng Tên. Nhưng chính ĐGH giải thích chọn tông hiệu như sau:

Trong cuộc bầu cử Giáo Hoàng, ngồi bên cạnh ĐHY Claude Hummes, nguyên Tổng Giám mục Sao Paolo, một người bạn thân tôi. Khi tình huống trở nên ‘‘nguy hiểm’’, ngài an ủi tôi, không sao đâu ! Nhưng số phiếu bầu lên 2 phần 3, mọi người vỗ tay. Vì đã bầu được Giáo Hoàng. Ngài ôm tôi và nói: ‘‘Đừng quên người nghèo’’. Lời này đi sâu vào trái tiim tôi: người nghèo, người nghèo. Liên hệ đến người nghèo, gần như lập tức tôi nghĩ đến Thánh Phanxico Assisi.

ĐHY Timothy Dolan, một nhân chứng trong mật nghị cũng xác nhận, ngay sau khi được chọn, Đức Bergolio cho biết: ‘tôi chọn tên Phanxico vì yêu qúi Thánh Phanxico Assisi’’.

Yếu tố rõ nét trong triều đại Phanxico: gần gũi với người nghèo

Công việc Đức Phanxico đã thực hiện

Theo Zenit, 20.3.2018, phòng báo chí Tòa Thánh công bố thống kê về triều Giáo Hoàng Phanxicô sau 5 năm:

1. Hai Thông điệp: Lumen fidei (Ánh Sáng Đức Tin), ban hành 20.6.2013. Laudato Si (Ngợi Khen Chúa), 19.5.2015

2. Ba Tông Hụấn: Avangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), 24.11.2013. Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), 19.3.2016. Gaudete et Exsultate (Mừng rỡ Hân hoan (9.4.2018)

3. Sắc chỉ Misericordiae Vultus (Khuôn Mặt Thương Xót) 11.4. 2015

4. Tự sắc: 3 trong năm 2013. 2 trong 2014. 4 trong 2015. 9 trong 2016. 4 trong 2017. 1 trong 2018.

5. Yết kiến chung: 219 lượt

6. Các chủ đề Giáo Lý, thứ Tư: Tuyên xưng Đức Tin, Các Bí Tích, Các ơn Chúa Thánh Thần, Giáo Hội, Lòng Thương Xót, Niềm hy vọng Kitô giáo. Thánh lễ.

7. Kinh Truyền Tin, Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

8. Du hành quốc Tế, 22 lần, 250.000 cây số, đến: Ba Tây, Jordan, Palestine, Do Thái, Nam Hàn, Albanie, Quốc Hội Âu Châu ở Strasbourg, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Phi Luật Tân, Bosnia và Herzecovia, Ecuador, Bolivia, Paraguay, Cuba, Hiệp Chủng Quốc, Kenya, Ugandan, Cộng Hòa Trung Phi, Mễ Tây Cơ, Hy Lạp, Armenia, Balan, Azerbaijan, Thụy Điển, Ai Cập, Bồ Đào Nha (Fatima) Colombia, Miến Điện, Bagladesh, Chilê và Peru.

9. Du hành trong nước Ý: 18 lần

10. Viếng thăm mục vụ các giáo xứ Roma: 16 xứ

11. Thượng Hội Đồng đặc biệt, lần 3, về gia đình, 5-9. 10. 2014

12. Thượng Hội Đồng thường lệ, lần 14, về gia đình, 4-25. 10. 2015

13. Thượng Hội Đồng thường lệ, lần 15, về giới trẻ, 3-18. 10. 2018

14. Thượng Hội Đồng đặc biệt, về Amazon, 10. 2019

15.Các năm đặc biệt:

Năm Đời Sống Tận Hiến, 29.11.2014 – 2.2.2016

Năm Thánh đặc biệt Lòng Thương Xót (8.12.2015- 20.11. 2016)

16. Tháng đặc biệt: Tháng truyền giáo (10.2019)

17.Các ngày thế giới, ngoài những ngày ấn định, thêm:

7.9. 2013: Thế giới cầu cho hòa bình I, cho Syrie

24 giờ cho Chúa Nhật thứ Sáu, Mùa Chay. Khai mạc 2914

19.11.1017: khai mạc 2017, Chúa Nhật 23 Mùa Chay, Thế giới người nghèo

Chúa Nhật Lời Chúa: Một Chúa Nhật trong nam Phụng vụ, khai mạc 2017

14.1. 2018: Thế giới Di Dân, Chúa Nhật II, tháng 9. Sứ điệp: người Di Dân

24.1, 2018: Thế giờ

23.2. 2018: Thế giới cầu cho hòa bình II, cho Syrie, nam Soudan, Congo

18. Ngày Giới trẻ Thế Giới

Lần thứ 28, tại Rio de Janeiro, Brasil, 23-28.7.2013

Lần thứ 31, tại Krakow, Ba Lan, 26-31.7. 2016

Lần thứ 34, tại Panama, Trung Mỹ, 22-27.1. 2019

19. Bổ nhiệm Hồng Y: Đức Phanxico bổ nhiệm 61 Hồng Y, trong đó 49 vị được bầu Giáo Hoàng.

19 Hồng Y, ngày 22.2. 2014

20 Hồng Y, ngày 14.2.2015

17 Hồng Y, ngày 19.11.2016

5 Hồng Y, ngày 28.6.2017

20. Phong 880 Hiển Thánh. Trong đó có 800 vị Tử Đạo ở Otranto. 9 nghi lễ tại Roma, 3 nghi lễ ở Hoa Kỳ, Sri Lanka, Bồ Đào Nha, 5 vụ phong thánh Tương Đương (canonizations equipollent)

Năm năm cải tổ

- 13.4.2013: lập hội đồng 9 Hồng Y (C9), giúp cai quản và cải tổ giáo triều

- 24.6.2013: lập ủy ban GH qui chiếu, giúp công trình tôn giáo (ngân hàng IOR)

- 18.7. 2013: lập ủy ban GH qui chiếu, định hướng tổ chức kinh tế quản trị

- 24.2. 2014: lập bộ phận Kinh Tế, của HĐ kinh tế và văn phòng tổng thanh tra.

- 22.3. 2014: lập Ủy ban GH Bảo vệ vị thành niên

- 27.6. 2015: lập bộ phận Truyền Thông

- 15.8.2015: ban hành 2 tự sắc Mitis et misericors Jesus và Mitis judex Dominus Jesus, cải tổ các vụ án tuyên bố hôn nhân vô hiệu

- 4.6.2016: Cho phép cất chức giám mục cẩu thả, liên quan đến lạm dụng tình dục

- 15.8.2016: lập bộ Giáo Dân, bộ Sự Sống

- 17.8.2016: lập bộ Phát Triển con người toàn diện

- 18.10.2016: cải tổ Hàn Lâm viện giáo Hoàng về sự sống

- 3.9.2017: ban lại tự sắc Magum principium cho Hội Đồng GM chức năng dịch thuận văn bản phụng vụ.

- 21.11.2017: lập bộ phận thứ ba, dành cho ngoại giao đoàn.

- 12.2.2018: cải tổ nghỉ hưu các Giám mục (La Croix 10.3.2018)

Mười điểm về Đức GH Phanxicô

Ngay khi bước ra ban công Vương cung Thánh đường Phêrô, 13.3.2013, ĐTC Phanxicô khiến cả thế giới chú ý vì thông điệp đơn sơ, lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Đây là 10 điểm cần biết về Đức GH Phanxicô.

1.GH Phanxicô của những cái đầu tiên: xưng hiệu Phanxicô, từ Agentina Châu Mỹ, xuất thân từ Dòng Tên, linh mục đầu tiên sau Công Đồng Vatican II

2. GH Phanxicô là tội nhân như mọi người, được TC lòng lành nhìn đến và kêu gọi sống đời phục vụ. Khẩu hiệu từ khi làm Giám Mục Miserando atque Eligendo (Được Ngài thương xót và chọn lấy)

3. Với GH Phanxicô, Giáo Hội phải nên giống như viện dã chiến sau trận đánh. Các thừa tác viên Tin Mừng phải là người sưởi ấm, xoa dịu dân chúng.

4.GH Phanxicô muốn giữ mọi chuyện đơn sơ: không dùng xe Limousin, di chuyển b¢ng xe công cộng khi còn bên Buenos Aires, bây giờ còn dùng xách tay, giầy, nhẫn và Thánh giá cũ, làm việc nhà trọ, để dễ tiếp xúc với mọi người.

5. Hai Giáo Hoàng tại Vatican không phiền Đức Phanxicô. Ngài coi Đức Benedicto XVI như người Ông khôn ngoan, đáng kính, nghiêm túc, l¡ng nghe trong gia đình

6. Ngài là người cải cách: cải tổ xong ngân hàng Vatican (2.2014) thành Phòng Kinh Tế, giám sát tài chánh. Lập ban Cố vấn, gồm 9 Hồng Y (G9).

7. Giáo Hoàng nói ‘‘không’’ với nền kinh tế loại trừ trong tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Tin của Tin Mừng). Cần loại trừ nạn đầu cơ tài chánh và tự tác tuyệt đối thị trường

8. Với Giáo Hoàng Phanxicô, Kitô hữu không được rơi vào thứ tôn giáo ‘‘không có Chúa’’, trần tục hóa thiêng liêng. Bên ngoài sùng đạo, phô trương, kinh doanh, mà không tìm vinh quang Thiên Chúa.

9. Giáo Hoàng Phanxicô là con nhiệt thành với Đức Mẹ Vô Nhiễm. Sau khi được bầu, Ngài đã đến Thánh đường Đức Bà Cả 2 lần ký thác triều giáo hoàng. Giáo Hoàng tin r¢ng Đức Mẹ có vai trò quan trọng trong Tân Phúc Âm hóa. Nơi Mẹ, khiêm nhường, dịu hiền là sức mạnh của người yếu thế.

10. Giáo Hoàng Phanxicô là con Giáo Hội khi nhận ‘‘Tôi là con của Giáo Hội’’. Phải bận tâm đến nhu cầu thiết thực. Tin Mừng phải tác động thực sự trên tín hữu. Tìm kiếm cân b¢ng mới. Những đề xuất phải đơn sơ, sâu s¡c và rạng rỡ hơn. (conggiao.info.phanxico.vn 12.9.2016)

Những nét nổi bật: báo Osservatore Romano, 14.3.2018, đưa ra 5 điểm nổi bật trong triều đại Phanxico:

- Lòng thương xót: Mở Năm thánh LTX (2015-2016), khẩu hiệu Thương Xót như Cha Trên Trời là Đấng thương xót (LC 6, 36), b¢ng hai tông s¡c: Misericordiae Vultus (mở) và Mesericordiea et Misera (đóng). Ban năng quyền tha vạ cho một số linh mục, mà chỉ Giáo Hoàng có quyền. Ngày 22.2.2016, sau Kinh Truyền Tin, tại công trường Phêrô phân phát 40. 000 hộp LTX, trong có chuỗi Mân Côi, tấm ảnh LTX, mảnh giấy nhỏ ghi: hướng dẫn cách mạng dịu hiền.

- Giáo Hội phải ‘‘Đi ra’’: Chương trình hành động của ĐTC, trình bày trong tông huấn ‘’Niềm vui Tin Mừng’’. Mang Tin Mừng rao giảng ngoài đường phố, ngã tư mời gọi những ai g¥p không trừ một ai. ĐTC giải thích cách ra đi có khả năng an ủi, nâng đỡ trợ giúp.

- Người nghèo: tinh thần triều đại Phanxicô là tinh thần của Phanxicô thành Assisi. Chương trình của ngài: Tôi mơ ước một giáo hội nghèo vì người nghèo. Nên ngài đã đến thăm vùng ngoại ô, nhà tù, viện mồ côi, rửa chân cho người di cư. ĐTC lên án gây ra nghèo khó.

- Vùng ngoại ô: ĐTC nhìn thế giới từ ngoại ô để soi chiếu hành động và quyết đinh cho triều đại. Trong các chuyến công dun, ĐTC đã nhìn tận m¡t thảm cảnh di cư, di dân vùng tuyệt vọng. Nơi phát sinh cả sự dữ lẫn sự lành. Thông điệo Laudato Si, c¡t nghĩa rõ. Ngài khuyên, hãy mở nhà thờ cho người ta vào.

- Chống lại ma qủi: trong bài giảng 11.4.2018, tại Marta, ĐTC nói: Trong thế kỷ 21, chúng ta phải học từ Tin Mừng chống lại ma quỷ. Mưu ma quỉ là ‘‘gây chia rẽ’’ chia c¡t chúng ta khỏi Thiên Chúa, làm chúng ta chống nhau. Đ¥c tính ma quỉ là: lớn lên, lây lan và biện minh. Dùng vũ khí Tin Mừng để biết gì đến từ Thiên Chúa, gì đến từ ma quỉ. (RV 14.3,2018)

Những nhận định về Đức Phanxicô

Trong bộ sách về ‘‘Nền thần Học của ĐGH Phanxicô’’ 11 tập của ĐÔ Dario Edoardo Viganon, Vụ Trưởng Thông Tin Tòa Thánh, gửi t¥ng, do Roberto Reploe viết, 2016, ấn hành 7 thứ tiếng: Ý, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Balan và Lỗ Ma Li. ĐGH Danh Dự

Bebedicto XVI xác định: ĐGH Phanxicô được đào tạo sâu về triết học và thần học. Có sự liên tục nội tại giữa hai triều Giáo Hoàng, bất chấp khác biệt phong cách và tính tình.

Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin trả lời phỏng vấn Vatican New, về13.3.2013: Đ¥c điểm nền tảng triều đại Phanxicô là ‘‘niềm vui’’ hiển nhiên không phát xuất từ bất cẩn, mà từ biết được Chúa yêu thương. Các đ¥c điểm khác: Lòng Thương Xót, Phúc Âm hóa, nhìn ra ngoài. Thực tế, mọi triều giáo hoàng đều bị chỉ trích cả. Có chỉ trích phá hoại gây hấn (in Cruce, b¢ng Thánh Giá. Và cũng có chỉ trích xây dựng. Đó là bình thường, vì triều đại GH nào đều bị chỉ trích.

ĐHY Oswald Gracias, Chủ tịch HĐGM Ấn Độ và 33 Giám Mục họp, mừng 5 năm của ĐGH nói: ĐGH Phanxico là Giáo Hoàng của LTX, của dân ngoại biên.

Linh Mục Bernard Hagenkord, biên tập viên kỳ cựu báo Tin Tức Vatican trưng dẫn kết quả bầu cử các Hồng Y chọn một người‘‘đến từ tận cùng trái đất’’, làm chúng ta hiểu được quá khứ của tu sỹ Dòng Tên ở tận Argentina là Giáo Hoàng có nhiều quan điểm mới về con người và thế giới. Con người đến gần với Chúa Giêsu và yêu thương và đến gần mọi người

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson, gửi điện chúc mừng ĐGH và nhận định: LHQ và Tòa Thánh là lực lượng phi thường tạo điều kiện thăng tiến tự do tôn giáo và nhân quyền. Chống khủng bố, bạo lực, nạn buôn người, ngăn chận lan truyền bệnh tật, tìm giải pháp hòa bình. Cuộc g¥p gỡ giữa ĐGH với TT Donald Trump, 5.2017, làm nổi bật sự hợp tác này. Mong hai bên tiếp tục cổ vũ hòa bình, tự do và nhân phẩm

Ý tưởng hướng dẫn triều đại

Ngay việc nhận tên ‘‘Phanxicô’’ cho thấy triều đại mang dấu ấn của Thánh Phanxicô khó nghèo. Chúng ta theo dõi những tư tưởng hướng dẫn hành động, Ngài nói trong các dịp, như thế nào ?

- Trên bao lơn ngày ra m¡t, 13.3. 2013, Tân Giáo Hoàng Phanxico ngỏ lời: Anh chị em thân mến ! Chúc buổi tối tốt lành. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi và ĐGH Benedito XVI.

- Nhiều lần khác nhau, về ơn tha thứ:

‘‘Trong tòa giải tội chỉ có tha thứ. Chúa không đe dọa’’, nhưng kêu gọi chúng ta trở về với ‘‘lòng nhân từ, khoan dung, cho chúng ta niềm tự tin’’ (RV 2.3.2018)

- Con đường phục vụ, với cử chỉ sống động là bác ái. Ngài đã trao cho người nhỏ bé nhất, tù nhân, tị nạn, bệnh tật, trẻ em. ĐGH khuyên giáo sỹ: Tôi yêu cầu anh em là những mục tử mang n¥ng mùi con chiên của mình’’(Thứ Năm Truyền Dầu, 28.3. 2013, để con chiên ‘ngửi mùi‘’ mà theo, sống trong đoàn. Mục tử lo đàn chiên, chứ không đàn chiên lo cho mục tử.

Linh mục phải gần gũi dân. Sự gần gũi là chìa khóa mở cửa sự thật, tín trung, lòng Thương Xót vô hạn. (lễ Truyền Dầu, 2018)

‘Lòng bác ái không giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết điều lành, thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác hơn mình. Nhiệt thành, không trễ nải. Lấy tinh thần sốt sáng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc g¥p gian truân và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà’’(Rm 12,9-13) (RV 15.3.2017, tiếp kiến thứ Tư, 13.3.2017)

‘Người chỉ huy phải phục vụ. Người đứng đầu anh chị em phải là tôi tớ anh chị em (Lễ tại nhà tù Regina Caeli, Roma, 29.3.20218, ĐTC rửa chân cho 12 tù nhân. Thứ Năm Tuần Thánh, 2018)

- ‘‘Niềm Vui’’ là chủ đề của triều đại Phanxicô.

Niềm vui chúng ta cảm nghiệm hàng ngày, giữa những chuyện nhỏ nh¥t trong đời sống, đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa chúng ta ‘con ơi, hãy vui những gì con có…Đừng khước từ niềm vui trong ngày’’ (Hc 14.11, 14) (Tông Huấn ‘’Nỉềm Vui của Tin Mừng, số 4)

- Giữa xã hội hỗn loạn, ĐGH khuyên: Sự ác lan tràn, tình yêu của nhiều người trở nên nguội lạnh. (Mt 24) (Radio Vatican News 6.2.2018)

Người Kitô hữu biết r¢ng đau khổ không thể bị tiệu hủy được, nhưng có thể có ý nghĩa, trở thành hành động tình yêu, phó thác vào bàn tay Thiên Chúa, Đấng không thể bỏ rơi chúng ta, và như thế, đó là bước tăng trưởng của Đức tin và tình yêu. (Thông điệp Lumen fidei, số 56)

Kết luận bằng những ghi nhận của:

- ĐHY Reinhard Marx, chủ tịch hội đồng Kinh tế: Có những biểu lộ tích cực trong lãnh vực tổng kết tài chánh, làm chủ chi tiêu và giảm thiếu hụt ngân sách Tòa Thánh. Để thêm hiệu lực, ngân sách lớn nhất, cần soạn lại, đông người nhất là thành lập bộ Thông Tin. Hai bộ về Giáo Dân, Gia đình và 6 Hội Đồng Giáo Hoàng thành bộ Phát Triển Toàn Diện.

- Đức cha Marcello Semeraro, Thư ký C9, trong phiên họp 23, đầu 4.2018: Từ ĐGH Pio X, Paul VI, Gioan Phaolô II, Giáo triều không ngừng tiến hóa, đã làm cho Giáo Hội thích hợp hơn, ĐGH Phanxico chỉ tiếp tục, chú trọng về truyền bá Phúc Âm, truyền giáo và cách sống.

Năm 2015, ĐGH Phanxicô nói đến triều đại ‘‘ng¡n ngủi, 4 hay 5 năm’’. Nay đã đến

hạn. Nhưng ĐGH đang nh¡m tới Thượng HĐ Giới trẻ, 10.2018, JMJ 1.2019, và Thượng HĐ về Amazone, cuối 2019. Việc cải tổ, ĐGH linh tính không nhìn thấy kết quả.

- Đức cha Olivier Ribadeau Dumas, Tổng thư ký HĐ GM Pháp: Từ nhiều năm nay tôi ngạc nhiên khi g¥p được những người thực sự có khả năng l¡ng nghe. Chúng ta không còn hệ thống từ trên xuống dưới, nhưng đối m¥t với những tôi tớ đích thực đang có mối lo đi tìm những gì tốt cho Hội Thánh. Tiến trình cải tổ công cuộc cải tổ b¡t đầu.

(Mai Khôi, GXVN Paris, dịch từ https: // la-croix.com 10.3.2018)

- Trong sách ‘’Le Vatican, Vérites et Légentes’’(Vatican, sự thật và huyền thoại)’’ của Christophe Dickès, 8.3.2016, kể: Đức Giáo Hoàng Phanxicô dạy 4g30, rồi vào nhà nguyện đ¡m chìm trong cầu nguyện, suy niệm lâu dài, gần 2 giờ. Ngài đọc kinh phụng vụ, các bài khác chuẩn bị bài giảng, văn kiện trong ngày. Dâng lễ với cả trăm người. Điểm tâm chung ở phòng tập thể ở nhà Marta. Ngài thích sống cộng đòan. (http://danchua.eu/index. 21.3.2018)

Phó Tế Phạm Bá Nha
 
Tóm Lược Tông Huấn Hân Hoan Nhẩy Mừng của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
23:01 10/04/2018
Như đã loan báo, ngày 9 tháng Tư vừa qua, Tông Huấn thứ ba của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được công bố. Tựa đề Tông Huấn là: Hãy Hân Hoan Và Nhẩy Mừng: Về Ơn Gọi Nên Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay.



“Hãy hân hoan và nhẩy mừng” (Mt 5:12) là lời Chúa Giêsu nói với những người sẵn sàng chịu bách hại hay hạ nhục vì danh Người. Chúa yêu cầu mọi sự ở nơi ta, nhưng bù lại, Người hiến tặng ta sự sống thực sự, hạnh phúc mà ta vốn được tạo dựng để thụ hưởng. Người muốn ta nên thánh chứ không bằng lòng với cuộc sống buồn tẻ, tầm thường (§ 1).

Hãy Hân Hoan Và Nhẩy Mừng là một tông huấn, một loại văn kiện được xếp hàng sau thông điệp nhưng trên các bài giảng và diễn văn của Đức Giáo Hoàng. Nó là tông huấn thứ ba của Đức Phanxicô, sau Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) và Niềm Vui Yêu Thương (Amoris Laetitia). Niềm Vui Tin Mừng vốn được mọi người ca ngợi là “hiến chương” của triều giáo hoàng Phanxicô. Trong khi Niềm Vui Yêu Thương là tâm điểm của nhiều tranh cãi kể từ ngày được công bố.

Hân Hoan Nhẩy Mừng có thể sẽ không tạo nên nhiều tranh cãi như Niềm Vui Yêu Thương, nhưng chắc chắn ta cần đọc nó với một chút lưu ý tới các cuộc tranh cãi hiện nay. Tuy nhiên, không lời ca ngợi hay chỉ trích nào là chính đáng khi không thừa nhận tiền đề đơn giản của nó: Thiên Chúa kêu gọi mọi người chúng ta nên thánh.

Nhân dịp này, tạp chí The Jesuit Post (Giêsu Hữu Bưu Báo) cung cấp cho chúng ta một bản tóm lược Tông Huấn Hân Hoan Nhẩy Mừng . Chúng tôi hy vọng bản tóm lược này sẽ giúp quí độc giả một cái nhìn tổng quan đầy đủ về Tông Huấn.

Nhập Đề (§§1-2)

Hân Hoan Nhẩy Mừng nhằm mục đích thực tiễn: nó không phải là “một khảo luận về sự nên thánh, chứa đựng các định nghĩa và phân biệt hữu ích giúp ta hiểu chủ đề quan trọng này, hay một cuộc thảo luận về các phương thế nên thánh khác nhau”. Đúng hơn, nó là một suy niệm về việc phải đáp ứng lời mời gọi nên thánh của Chúa Giêsu ra sao: “Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng” (§1).

Chương 1 (§§3-34): Ơn Gọi Nên Thánh

Trong chương này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thảo luận tính đa dạng về hình thức của việc nên thánh: “Chúng ta được kêu gọi trở thành các chứng nhân, nhưng có nhiều cách khác nhau để làm chứng” (§11). Ngoài các vị thánh và các vị tử đạo, những vị mà đời sống là “một noi gương Chúa Kitô đầy điển hình”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn ca ngợi “giai cấp thánh thiện trung lưu”: tức sự thánh thiện hàng ngày của “những cha mẹ đang dưỡng dục con cái bằng cả một tấm tình yêu thương mênh mông, của những người đàn ông đàn bà đang làm việc cực nhọc để nâng đỡ gia đình mình, của người bệnh, của những tu sĩ già không bao giờ để mất nụ cười” (§7).

Đức Giáo Hoàng viết “Chúa Thánh Thần ban sự thánh thiện dồi dào cho các tín hữu thánh thiện” bắt đầu từ Phép Rửa (§15). Ở đây, ngài nhắc đến ơn gọi nên thánh phổ quát, bằng cách trưng dẫn Lumen Gentium §11: “Mọi tín hữu, bất kể điều kiện và bậc sống, đều được Chúa mời gọi, mỗi người một cách, tiến tới sự thánh thiện hoàn toàn, sự thánh thiện mà Chúa Cha rất hoàn hảo”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh nhóm chữ “mỗi người một cách”, vì tính đa dạng về hình thức của việc nên thánh có nghĩa: các Kitô hữu phải biện phân Chúa đã kêu gọi mỗi người họ phải nên thánh ra sao. Dù có nhiều hình thức sống tốt lành, mọi người chúng ta có ơn gọi độc đáo do Chính Thiên Chúa mời gọi bước vào. Ở đây, một cách có ý nghĩa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận định rằng Thánh Gioan Thánh Giá “thích xa lánh các qui luật cứng ngắc áp dụng cho mọi người. Ngài giải thích rằng các vần thơ của ngài được trước tác để mọi người hưởng được lợi ‘theo cách riêng của họ’. Vì sự sống của Thiên Chúa được thông ban ‘cho người này thì cách này, cho người kia thì cách kia’”(§11). Điều này nhắc ta nhớ đến việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô năng nói đến sự cần thiết của việc biện phân và khôn ngoan liên quan tới các trường hợp cá thể, một thể tài khiến nhiều người yêu mến ngài nhưng cũng không thiếu người không ưa ngài. Nhưng ở đây, ngài vào sâu hơn: tính độc đáo này là một điều kiện tất yếu không chỉ do bản chất của biện phân hay do luân lý tính, mà còn do chính bản chất lời kêu gọi mỗi người của Thiên Chúa nữa.

Như xưa nay ngài thường hay làm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặc biệt nhắc tới phụ nữ trong chương này, cả các phụ nữ thánh thiện như Thánh Hildegard thành Bingen hay Thánh Têrêsa thành Avila, những vị xuất hiện đúng lúc “các phụ nữ có xu hướng bị ngó lơ nhất hay lãng quên nhất” lẫn “các phụ nữ vô danh hoặc bị quên lãng”, chuyên dưỡng dục những người ở quanh mình một cách chúng ta biết đã làm Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảm kích sâu xa (§12).

Dù mọi người có một ơn gọi độc đáo, nhưng mọi sứ mệnh “đều có ý nghĩa viên mãn nhất của nó nơi Chúa Kitô, và chỉ có thể hiểu được qua Người mà thôi” (§20). Ở đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một tu sĩ Dòng Tên hàng đầu. Làm Kitô Hữu là làm môn đệ Chúa Kitô, nghĩa là bước vào chính Tin Mừng. “Ở cốt lõi của nó, sự thánh thiện là việc cảm nghiệm các mầu nhiệm của đời sống Chúa Kitô, trong sự kết hợp với Người”. Chiêm niệm các mầu nhiệm về cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô “như Thánh Inhaxiô thành Loyola đã chỉ ra, sẽ dẫn chúng ta tới việc nhập thể chúng vào các chọn lựa và thái độ của ta” (§20).

Xét về nhiều phương diện, chương này đã được soạn thảo để phản ảnh các hoài mong của người trẻ trong Cuộc Gặp Gỡ Tiền Thượng Hội Đồng hồi tháng Ba vừa qua: “Người trẻ hiểu ý nghĩa tổng quát của việc đem ý nghĩa lại cho đời sống và sống cho một mục đích, nhưng nhiều người không biết cách nối kết điều này với ơn gọi hiểu như một hồng phúc và một tiếng gọi từ Thiên Chúa”. Trong Tông Huấn này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với họ rằng: “Cả các con nữa, các con cần coi toàn bộ đời sống các con như một sứ mệnh” (§23).

Chương 2 (§§35-62): Hai Kẻ Thù Tinh Tế của việc Nên Thánh

Chương này nói tới “hai hình thức thánh thiện sai lạc có thể dẫn chúng ta ra sai lầm: thuyết ngộ đạo và thuyết Pêlagiô” (§35). Tư liệu này phần lớn khá quen thuộc với những ai theo dõi triều giáo hoàng này, nhất là với những ai từng đọc Huấn Thị Placuit Deo của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Tuy nhiên, trong đồng văn của Tông Huấn này và trong lời lẽ làm ta nhớ tới Evangelii Gaudium, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh việc các xu hướng này sẽ làm ta và mọi người ra xa sự thánh thiện như thế nào.

“Thay vì rao giảng Tin Mừng, người ta phân tích và xếp loại người khác, và thay vì mở cửa dẫn vào ơn thánh, người ta hao mòn năng lực của mình vào việc thanh tra và kiểm chứng. Không trong trường hợp nào, họ đã thực sự quan tâm tới Chúa Giêsu Kitô hay người khác” (§35).

Điều cũng đáng lưu ý là chương này chứa những phụ chú bác học nhất trong văn kiện, trong đó, có các trích dẫn từ Công Đồng Trent; Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo; Công Đồng Orange lần thứ hai; Thánh Augustinô, Thánh Tôma Aquinô, Thánh Bonaventura, Thánh Têrêsa thành Lisieux và Đức Gioan Phaolô II; và hàng chục trích dẫn Thánh Kinh. Dù các tham chiếu này không có chi là bất thường đối với một văn kiện giáo hoàng, nhưng chương này có lúc có tính tri thức hơn là phần nhập đề của Hân Hoan Nhẩy Mừng từng hứa hẹn. Các trích dẫn này có lẽ nói được đôi điều gì đó về loại độc giả mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn tìm cách thuyết phục trong chương này.

Chương 3 (§§63-109): Dưới sự soi sáng của Thầy

Chương 3 tập trung vào gương sáng của Chúa Giêsu, nhất là ở việc giải thích Các Mối Phúc và chuơng 25 Tin Mừng Mátthêu. Vì dù “có thể có bất cứ số lượng lý thuyết nào về điều tạo thành sự thánh thiện, với những giải thích và phân biệt đa dạng... không gì có tính soi sáng hơn việc quay về với lời Chúa Giêsu nói và thấy cách Người giảng dậy về chân lý” (§63).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Chúa Giêsu giải thích một cách hết sức đơn sơ thánh thiện nghĩa là gì khi Người ban cho chúng ta Các Mối Phúc (xem Mt 5:3-12; Lc 6:20-23)” coi “như thẻ căn cước của người Kitô hữu” (§63). Từ đó, các Mối Phúc hướng dẫn ta làm điều Đức Phanxicô thúc giục ta hướng tới ở chương 2, nghĩa là noi gương Chúa Giêsu. Ngài lý luận “vì những người trung thành với Thiên Chúa và lời của Người, bằng cách hiến mình đi, sẽ nhận được hạnh phúc đích thực” (§63) .

Trong chương này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng có hai “ý thức hệ tấn công tâm điểm của Tin Mừng”: có những Kitô hữu tách biệt các đòi hỏi của Tin Mừng ra khỏi mối liên hệ bản thân của họ với Chúa, ra khỏi việc kết hợp nội tâm với Người, ra khỏi việc mở lòng mình ra cho ơn thánh của Người’ và có “những người hoài nghi sự dấn thân xã hội của người khác, coi nó hời hợt, thế trần, thế tục, duy vật, cộng sản hoặc dân tuý” (§100). Đức Phanxicô cho rằng Giáo Hội không phải chỉ là một cơ quan phi chính phủ, mà là một cơ quan phi chính phủ nhưng luôn khẳng định điều tốt của người lân cận là điều làm thành bản chất đời sống Kitô hữu. Đức Phanxicô khai triển điểm vừa nói một cách khá chi tiết, trích dẫn Thánh Tôma Aquinô một lần nữa để biện luận rằng “các việc thương xót đối với người lân cận” đem lại vinh quang cho Thiên Chúa lớn lao hơn bất cứ hành vi thờ phượng nào (§106).

Một trong các điểm có tính “Phanxicô” hơn cả trong bản văn là:

“Thí dụ, việc chúng ta bảo vệ trẻ chưa sinh cần phải rõ ràng, cương quyết và đầy nhiệt tâm, vì ở đây, phẩm giá sự sống con người bị lâm nguy; sự sống này luôn thánh thiêng và đòi phải yêu thương mỗi người, bất kể giai đoạn phát triển của họ. Tuy nhiên, thánh thiêng không kém là sự sống của người nghèo, người đã sinh ra, người túng thiếu, người bị bỏ rơi và kém may mắn, người tàn tật dễ bị tổn thương và người có tuổi có nguy cơ bị an tử trá hình, các nạn nhân của nạn buôn người, các hình thức mới của nạn nô lệ, và mọi hình thức bác bỏ” (§101).

Các vị giáo hoàng vốn phò sự sống, nhưng không phải ai ai cũng cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đủ cứng rắn về vấn đề này. Thành thử, việc ngài bảo vệ “trẻ chưa sinh” quả gây ngạc nhiên cho những người mà đối với họ Đức Giáo Hoàng Phanxicô không thích hợp với các tường thuật của họ. Mặt khác, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng việc bảo vệ này phải bao trùm toàn thể gia đình nhân loại, kể cả các di dân (§102).

Đức Phanxicô kết thúc chương này với một câu tuyên bố rất mạnh dạn cho rằng một đời sống biết suy niệm các Mối Phúc và chương 25 Tin Mừng Mátthêu cùng gương sáng các thánh “sẽ mưu ích cho chúng ta; chúng sẽ làm cho chúng ta thực sự hạnh phúc” (§109).

Chương 4 (§§110-157): Các Dấu Chỉ Sự Thánh Thiện Trong Thế Giới Ngày Nay

Trong chương 4, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thảo luận 5 “biểu thức lớn lao của tình yêu Thiên Chúa và người lân cận” mà ngài coi “hết sức quan trọng dưới góc độ một số nguy hiểm và giới hạn hiện diện trong nền văn hóa ngày nay”. “Những dấu chỉ hay thái độ thiêng liêng” này sẽ giúp chúng ta “hiểu lối sống Chúa kêu gọi chúng ta sống”. Trước hết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu năm thái độ này về phương diện tiêu cực:

“Trong nền văn hóa này, chúng ta thấy cảm thức lo âu xao xuyến, đôi khi dữ dội, khiến ta rối trí và yếu nhược; thái độ tiêu cực và buồn bã; chán chường do chủ nghĩa duy tiêu thụ, vị kỷ gây nên; thái độ duy cá nhân và mọi hình thức linh đạo bắt chước, không có gì liên quan tới Thiên Chúa, vốn đang trổi vượt nơi thị trường tôn giáo hiện nay” (§111).

Về phương diện tích cực, Kitô hữu, đúng hơn, nên là người kiên nhẫn và hiền lành (§§112-121); hân hoan (§§122-128); mạnh bạo và hăng say (§§129-139); có tinh thần cộng đoàn (§§140-146); và liên tục cầu nguyện (§§147-157). Đức Giáo Hoàng Phanxicô soạn thảo chương này theo mẫu bước chân theo và trở nên giống Chúa Giêsu, một nỗ lực suốt đời dẫn chúng ta tới và được nâng đỡ bởi Bí Tích Thánh Thể:
Trong Bí Tích Thánh Thể, Thiên Chúa chân thật duy nhất nhận được sự thờ phượng vĩ đại nhất mà thế giới có thể dành cho Người, vì chính Chúa Kitô đã được dâng tiến. Khi chúng ta lãnh nhận Người trong lúc Hiệp Lễ, chúng ta đổi mới giao ước của chúng ta với Người và để Người thực hiện trọn vẹn hơn nữa công việc Người biến đổi cuộc sống của chúng ta (§157).

Chương 5 (§§158-201): Chiến Đấu Thiêng Liêng, Cảnh Giác, và Biện Phân

Tựa đề của chương này nhắc nhở chúng ta rằng khó có thể đóng khung Đức Giáo Hoàng Phanxicô: "chiến đấu thiêng liêng" nghe có vẻ lỗi thời và thậm chí phản động nữa đối với một số người. Nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngại nói rõ mục đích của ngài khi viết như sau:

“Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục. Chúng ta cần sức mạnh và lòng can đảm để chống lại các cám dỗ của ma quỷ và để loan báo Tin Mừng. Trận chiến đấu này ngọt ngào, vì nó cho phép chúng ta hân hoan mỗi khi Chúa chiến thắng trong đời sống của chúng ta” (§158).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục nói rằng chúng ta "không chỉ đơn thuần đương đầu với một cuộc chiến đấu chống lại thế giới và não trạng thế gian" hay "chống lại các yếu đuối và xu hướng của con người chúng ta ... Mà còn là một cuộc chiến đấu liên tục chống lại ma quỷ, hoàng tử của sự ác" (§ 159). Và ma quỷ có thật: "Do đó, chúng ta không nên nghĩ ma quỷ chỉ là một huyền thoại, một biểu tượng, một kiểu nói ví von hoặc một ý niệm" (§161) (Ai đó nên gửi phần này cho Eugenio Scalfari).

Đời sống thiêng liêng đòi sự cảnh giác và giữ cho "các ngọn đèn của ta tiếp tục thắp sáng" (§164). Tiến bộ trong đời sống thiêng liêng không bảo đảm để ta thoát khỏi cạm bẫy của ma quỷ. Thật vậy, "sự sa đọa thiêng liêng" của những người như vậy còn "tệ hơn sự sa ngã của người tội lỗi, vì đây là một hình thức mù lòa hoàn toàn làm người ta thoải mái và tự mãn" (§165). Dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô không liên kết, nhưng người ta có quyền nghĩ rằng hai chủ nghĩa Ngộ Đạo và Pêlagiô nói ở Chương 2 phát xuất từ sự sa đọa này.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc chương này bằng cách đưa ra một câu hỏi, mà câu trả lời vốn là chủ đề yêu thích của ngài. Câu hỏi là: "Làm thế nào chúng ta có thể biết được điều gì đó xuất phát từ Chúa Thánh Thần chứ không xuất phát từ tinh thần thế gian hay tinh thần ma quỷ?" Câu trả lời là: biện phân.

Dĩ nhiên, biện phân đã ở tuyến đầu trong nhiều cuộc thảo luận về triều giáo hoàng này. Tại gốc rễ là câu hỏi liệu "một số mới mẻ nào đó ... là rượu mới do Thiên Chúa mang tới hay chỉ là ảo tưởng do tinh thần thế gian này hay tinh thần ma quỷ tạo ra". Nhưng, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng không những việc chọn các đường hướng mới đòi phải có sự biện phân, mà cả việc giữ vững đường đi nữa "Ở những thời điểm khác, điều ngược lại có thể xảy ra, khi các lực lượng của sự ác xui khiến ta đừng thay đổi, cứ để sự việc như chúng hiện là, nhất quyết đề kháng một cách cứng nhắc đối với sự thay đổi." Đức Phanxicô lên tiếng chống lại "tính cứng ngắc" mà ngài nói thường bác bỏ, không chịu xem xét sự thay đổi cần thiết trong các kỷ luật của Giáo hội. Ngài nói: những người như vậy "ngăn chặn việc làm của Chúa Thánh Thần". Nhưng "chúng ta tự do, nhờ sự tự do của Chúa Kitô" (§168).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết, sự biện phân nên được thực hiện trong những vấn đề cả lớn lẫn nhỏ. Những người theo dõi triều giáo hoàng này hẳn sẽ lưu ý điều này: ngài mượn dịp này để lén đưa vào một câu nói rất ưa thích của mình trong chú thích: "Non coerceri a maximo, conteneri tamen a minimo divinum est” (" Thần thánh thực sự thì không bị giới hạn bởi điều lớn nhất, nhưng cũng không bị chứa trong điều nhỏ nhất”).

Sự biện phân "không phải chỉ là trí thông minh hoặc sự hiểu biết thông thường. Nó là một hồng phúc" do Chúa Thánh Thần ban cho (§166). Thật vậy, dù "sự biện phân thiêng liêng không loại trừ những cái nhìn sâu sắc hiện sinh, tâm lý học, xã hội học hay luân lý học ... nó vượt trên chúng." Xa hơn chút nữa, ngài viết:

“Các tiêu chuẩn vững vàng của Giáo Hội cũng không đủ. Chúng ta nên luôn nhớ rằng sự biện phân là một ơn thánh. Cho dù nó có bao gồm lý trí và khôn ngoan, nhưng nó vượt xa chúng, vì nó cố gắng thoáng nhìn thấy kế hoạch bí ẩn và độc đáo mà Thiên Chúa vốn dành cho mỗi người chúng ta, một kế hoạch nhận được khuôn hình của nó giữa rất nhiều tình huống và hạn chế khác nhau (§170).

Ở đây, chúng ta lại thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang đối thoại với những người nghĩ rằng giáo huấn của ngài về sự biện phân không lưu ý đủ tới sức mạnh quy chuẩn trong giáo huấn của Giáo Hội.

Hơn nữa, "vấn đề không phải là khám phá những gì chúng ta có thể rút ra từ cuộc sống này, mà là nhận ra việc làm cách nào chúng ta có thể hoàn thành tốt hơn sứ mệnh đã được trao phó cho chúng ta lúc chịu Phép Rửa" (§174). Thật vậy, dù chỉ được minh nhiên nhắc đến hai lần, Phép Rửa là một chủ đề bàng bạc trong văn kiện này: "Hãy để ân sủng Phép Rửa của anh em sinh hoa trái trên con đường thánh thiện" (§15). Nếu đây là một thông điệp về ơn gọi nên thánh, thì Phép Rửa hẳn còn có thể nổi bật hơn nữa trong văn kiện này.

Cuối cùng, những người thông thạo linh đạo Thánh Inhaxiô hẳn sẽ đánh giá cao lời khuyên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên ta cầu nguyện "trong lúc đối thoại với Chúa, hàng ngày thành thực “xét mình" (§169). Việc xét mình như vậy có thể vô ích nếu không phải là một biện phân các thần khí, và việc biện phân sẽ không hoàn chỉnh nếu không phải là một thái độ cầu nguyện liên lỉ được việc xét mình cổ vũ.

Kết luận (§§176-177) với Kinh Kính Mừng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận bằng cách xin Mẹ Maria cầu bầu để giúp mọi người chúng ta cùng Chúa Giêsu bước tới sự thánh thiện. Mẹ Maria là gương mẫu của sự thánh thiện đó: "Mẹ đã sống Các Mối Phúc của Chúa Giêsu hơn mọi người khác". Gương sáng của Mẹ là gương sáng về niềm vui, sự biện phân, đau khổ và trung thành: Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẩn thiết kêu gọi "Mẹ Maria là đấng thánh của các thánh, được diễm phúc hơn mọi người khác. Nếu chúng ta theo gương của Mẹ, chúng ta sẽ được dự phần vào hạnh phúc mà thế gian sẽ không thể lấy mất khỏi chúng ta".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cuộc Họp Thường Niên Tuyên úy Đoàn VN Úc Châu
Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
06:43 10/04/2018


Cuộc Họp Thường Niên Tuyên úy Đoàn VN Úc Châu Từ Ngày 09/04 Đến 11/04/2018 tại Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly Sydney.

Hàng năm các Linh mục Tuyên úy hay Quản Nhiệm lo việc mục vụ cho người Việt Nam tại Úc Châu, thường về tham dự cuộc họp thường niên để chia sẻ và bàn thảo những chương trình chung cho cả Úc Châu.

Năm nay cuộc họp được tổ chức ở Sydbney có tất cả 13 Linh Mục về họp gồm:

Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm
Lm. Phêrô Bùi Xuân Mỹ
Lm. Phaolô Chu Văn chi
Lm. Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Tuyết
Lm. Henry Trần Hữu Đức
Lm. Phêrô Đặng Đình Nên
Lm.Anthony Nguyễn Hữu Quảng
Lm. Phêrô Hoàng Kim Huy
Lm. Giuse Trần Ngọc Tân
Lm. Giuse Vũ Minh Nguyên
Lm. Phêrô Trần Văn Trợ
Lm. GioanBaotixita Lê Hồng Mạnh

Anh em Lm. Đã thông qua biên bản và lượng giá các việc đã thực hiện trong năm qua. Đặc biệt nỗ lực góp một bàn tay xây dựng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang Việt Nam là $87,895 Úc kim được gởi về cho Đức Tổng Giám Mục Huế. Đồng thời anh em cũng có thời gian là tổ chức Đại Hội La Vang toàn quốc vào đầu tháng 10/2018 nhân dịp kỷ niệm 220 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (1798 – 2018)

Cuộc họp cũng đề ra các chương trình cho các năm tới và ngày mai anh em bàn về các công tác chi tiết hơn về Đại Hội La Vang toàn quốc, cũng như bầu lại Tân Ban Chấo Hành nhiệm kỳ 2018 – 2020.

Cuộc họp Tuyên úy Đoàn năm 2019 sẽ được tổ chức tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Perth Tây Úc.

 
Khóa thường huấn Liên Hiệp Nữ Đa Minh Việt Nam cho quí Bề trên và các Chị Giáo
Nt. Maria Phaolô Vũ Thị Ngọc Lan
09:48 10/04/2018
KHÓA THƯỜNG HUẤN CHUNG CỦA LIÊN HIỆP NỮ ĐA MINH VIỆT NAM DÀNH CHO QUÝ BỀ TRÊN VÀ QUÝ CHỊ GIÁO

Trung Tâm Mục Vụ Thánh Martino – Hố Nai, ngày 2/04/2018, bầu khí sớm mai của ngày mới sau Đại Lễ Phục Sinh được lan tỏa với tràn ngập tiếng cười rộn rã chào hỏi, tay bắt mặt mừng của 136 tham dự viên đến từ 8 Hội Dòng Nữ Đa Minh hiện diện từ Nam ra Bắc (Đa Minh Bùi Chu, Tam Hiệp, Rosa Lima, Lạng Sơn, Thái Bình, Phú Cường, Bà Rịa và Bắc Ninh) từ cổng đến sảnh tòa nhà Trung Tâm.

Xem hình

Khởi đi từ thao thức của quý Bề Trên Tổng Quyền trong phiên họp thường kỳ vào tháng 09 năm 2017 “hãy tổ chức một hoạt động chung” bên cạnh việc ký kết một giao ước cầu nguyện cho gia đình Liên Hiệp Nữ Đa Minh, và được sự ủy nhiệm của Quý Bề trên trong Ban Thường Vụ, Ban Tổ Chức Khóa thường huấn chung 02-05/04/2018 tại TTMV Thánh Martinô – Hố Nai của Liên Hiệp được hình thành.

Một trong những thao thức, ưu tư và thách đố của đời sống Thánh Hiến hôm nay có lẽ là vấn đề giáo dục giới tính, việc giúp chị em sống trưởng thành và quân bình trong tình cảm giữa trào lưu tục hóa và chủ nghĩa cá nhân của xã hội. Với nhu cầu thiết thực này, Ban Thường Vụ đã mời hai vị Giảng Sư đến chia sẻ cho Khóa học là Soeur Cecilia Vũ Trang Nhung – Tổng Phụ Trách Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa – chuyên ngành về Thần Học Luân Lý và Thầy Giáo Sư Tiến Sĩ Phaolo Đỗ Mạnh Cường với chủ đề “TU SĨ SỐNG KHIẾT TỊNH THÁNH HIẾN & GIÁO DỤC GIỚI TÍNH CHO GIỚI TRẺ TRONG XÃ HỘI TỤC HÓA HÔM NAY”.

Thật vui mừng khi thấy sự nhiệt tình đăng ký tham gia khóa của các Hội Dòng sau khi thông tin chương trình được gửi tới quý Dòng Nữ Đa Minh, trong đó các tham dự viên là quý Bề trên Tổng Quyền, ban Tổng Cố Vấn các Dòng, quý Chị Bề trên, chị Trường các cộng đoàn và quý Chị Giáo các cấp. Như lời chào mừng và tuyên bố khai mạc khóa học của Soeur Maria Đinh Thị Sáng – Bề trên Tổng Quyền Dòng Nữ Đa Minh Tam Hiệp cũng là Chủ Tịch Liên Hiệp Nữ Đa Minh Việt Nam: Thật là ý nghĩa khi chị em quy tụ về Trung Tâm Mục Vụ Đền Thánh Martino để tham dự khóa học thường huấn trong tuần Bát Nhật Phục Sinh để cho Ánh Sáng, Niềm Vui và sự Bình An của Đức Kitô khải hoàn được tuôn tràn trên từng nét mặt thánh hiến và thúc đẩy chúng ta ra đi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh như Chị thánh Madalêna khuôn mẫu cho người nữ giảng thuyết của gia đình Đa Minh chúng ta. Ngoài ra, sự tham dự của chị em thuộc quý Hội dòng là bằng chứng sống động củng cố cho tinh thần liên đới và hợp tác của Liên Hiệp mặc dù Hội Dòng nào cũng có đầy đủ các chương trình thường huấn, tĩnh tâm, hay các khóa học riêng cho các khối của Dòng mình.

Chúng ta cũng có đủ lý do để có thể không tham gia, tuy nhiên khi thấy quý Dòng tích cực tham gia khóa học thì đây là niềm vui và sự tốt đẹp mà chị em đang đóng góp cho Liên Hiệp như lời Thánh Vịnh 133, 1 có nói “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, chị em được sống vui vầy bên nhau”. Thật vậy, các tham dự viên đều cảm nhận được niềm vui, sự ngọt ngào, tốt đẹp vì chị em được học chung, sống chung, ăn chung, chia sẻ công tác chung, Phụng vụ Thánh Lễ và Kinh Nguyện chung trong suốt khóa học.

Bắt đầu các giờ học, chị em cùng được khởi động qua các vũ điệu vui tươi hồn nhiên mà ban phục vụ đã chuẩn bị như món khai vị để giúp chị em hăng hái khởi động cho các giờ học.

Ba ngày đầu, lớp học lần lượt được Sr. Cecilia chia sẻ về các đề tài: (1) Tính Dục Nhân Bản; (2) Tính Dục và Nhân Bản; (3) Tính dục và đời sống Khiết tịnh của người tu sĩ. Nội dung bài học được trình bày dựa trên nền tảng Thần Học Luân Lý, lập trường Tín Lý của Giáo Hội và được lồng ghép với nhiều câu chuyện thực tế với đời tu và nữ tu nói chung nhưng không kém phần hài hước. Với phong thái tự tin, hoạt bát và dí dỏm cùng tài nghệ ca hát của Soeur Cecilia, lớp học cảm thấy vui tươi, nhẹ nhàng và hấp dẫn.

Bên cạnh giờ học, quý tham dự viên được chia đều thành 8 tổ để thảo luận chung vào đầu giờ học buổi chiều. Có lẽ đây là thời gian quý báu mà chị em được lắng nghe, học hỏi nhiều nhất về những kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, quản trị, và đào tạo của các Hội dòng. Nhiều thao thức và vấn nạn được nêu lên để cùng nhau tìm ra những

phương cách tốt nhất giúp thăng tiến đời sống của chị em trong bối cảnh xã hội hôm nay, nhất là việc đối diện với mặt trái của các phương tiện truyền thông, của việc sử dụng điện thoại, hay những cám dỗ ảnh hưởng đến đời sống thanh khiết của tu sĩ hôm nay.

Phần đúc kết chia sẻ của các tổ và giải thích của Soeur Cecilia giúp cho những vấn đề được đặt ra trong các câu hỏi thảo luận được rõ hơn, phong phú hơn và bổ túc thêm cho những gì đã được chia sẻ trong bài học.

Nếu như Soeur Cecilia cung cấp cho quý tham dự viên món ăn đặc sản gồm nhiều hương vị với cái nhìn đa chiều về tâm sinh lý, luân lý và những gì liên quan đến khiết tịnh Thánh Hiến (được biên soạn trong tài liệu và trình bày cách rõ ràng), thì sang ngày Thứ Tư của khóa học, Thầy Tiến Sĩ Phaolo Đỗ Mạnh Cường cung cấp một món ăn mới với đề tài “Giáo dục giới tính cho người trẻ hôm nay”.

Thật là xót xa khi nhìn vào các số liệu thống kê khoa học mới nhất về thái độ của người trẻ Việt Nam với các giá trị đạo đức, đời sống văn hóa tinh thần của học sinh, tình trạng phá thai, quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử, v.v… Thoạt đầu chúng ta có thiết nghĩ sự xuống dốc về đạo đức, lý luân này phần lớn là do các phương tiện truyền thông gây ra. Tuy nhiên, trong cái nhìn của thầy, việc giáo dục giới tính không phải là ngăn chặn, dựng nên những hàng rào, vì cách này sẽ đẩy vào sự phòng thủ và bế tắc. Nhưng nền tảng sâu xa của giáo dục giới tính là khám phá ra những giá trị, sống những giá trị đó nơi bản thân, giải phóng năng lượng bằng việc trao ban các giá trị và tái tạo các giá trị. Sáng tạo các giá trị bằng cầu nguyện và lao động (ora et labora).

Bốn này học trôi qua thật nhanh, tất cả các tham dự viên lại trở về với nhiệm sở của mình, lại tiếp tục với sứ vụ được trao, nhưng có lẽ trong tâm tư của mỗi người phần nào cũng cảm nhận được Niềm Vui Phục Sinh qua món quà lãnh nhận trong suốt khóa học.

Xin Chân thành cám ơn quý Bề Trên Ban Thường Vụ Liên Hiệp đã tổ chức khóa học và tạo điều kiện để chị em được tham dự khóa học thật ý nghĩa. Mong ước sẽ có thêm những khóa học chung cho chị em trong các Hội Dòng. Xin Chúa chúc lành cho công việc chung của Liên Hiệp. Hẹn ngày tái ngộ

“Tạ Ơn Chúa đã trao ban tình yêu! Tình yêu giao hòa đất với trời! Tạ Ơn Chúa đã trao ban tình thương, tình thương kết hợp người với người!”
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng bổn mạng ca đoàn Truyền Tin
Văn Minh
10:53 10/04/2018
“Này tôi đây là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38).

Trên đây là lời chia sẻ của cha Antôn Nguyễn Thanh Hà, trong Thánh lễ Truyền Tin cho Đức Maria – bổn mạng của ca đoàn Truyền Tin giáo xứ Vĩnh Hòa (kỷ niệm 15 năm thành lập) 2003 – 2018.

Thánh lễ trọng thể do cha Gioakim Lê Hậu Hán – chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa – chủ tế. Đồng tế cùng ngài có cha Antôn Nguyễn Thanh Hà, Dòng Ngôi Lời, cùng đông đảo các em thiếu nhi và cộng đoàn trong giáo xứ cùng đến hiệp dâng Thánh lễ.

Xem Hình

Đầu lễ, cha chủ tế mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các thành viên trong ca đoàn luôn biết sống khiêm nhường trước mặt Đức Maria, hy sinh thời gian, công sức đem lời ca tiếng hát của mình cùng nhau làm vinh danh Chúa.

Chia sẻ trong Thánh lễ, cha Antôn Nguyễn Thanh Hà đã diễn tả về Mầu nhiệm Ngôi Hai Con Thiên Chúa nhập thể xuống làm người qua cung lòng Trinh Nữ Maria: Đức Maria là một phụ nữ bình thường như bao nhiêu phụ nữ khác, sống đơn sơ giản dị, Đức Mẹ không chỉ đẹp ở bên ngoài, mà còn đẹp ở trong tâm hồn. Vì vậy, Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm trung gian cứu độ nhân loại, sau khi được xứ thần đến báo tin, Đức Mẹ đã không chút đắn đo, do dự, Mẹ đã đáp lời “Xin vâng” để cùng Ngài thực hiện chương trình cứu chuộc, cho dù có gặp phải những khó khăn, thử thách, diễn ra ngay trước mặt, Mẹ đã phó thác tuyệt đối cuộc đời mình vào quyền năng của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Mừng ngày lễ Truyền Tin hôm nay, xin cho cộng đoàn trong giáo xứ chúng ta, cách riêng, đối với các thành viên trong ca đoàn cũng biết nói lời xin vâng giống như Mẹ trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, và cộng tác vào chương trình cứu độ bằng đời sống đức tin của mình.

Thánh lễ nối tiếp với lời nguyện tín hữu và dâng những của lễ được đại vị đại diện ca đoàn cùng cha chủ tế dâng lên Thiên Chúa với lòng cảm mến và biết ơn.

Sau phần hiệp lễ, chị Maria Phạm Thị Dzạ Thảo, đoàn trưởng, thay mặt lên ngỏ lời cảm ơn quý cha, quý chức HĐMVGX, quý vị ân nhân, quý vị phụ huynh của các ca viên, cùng mọi thành phần dâng Chúa đến hiệp dâng Thánh lễ cũng như những người âm thầm cầu nguyện giúp đỡ cách này cách khác trong Thánh lễ hôm nay được tốt đẹp, và bó hoa tươi thắm được vị đại diện dâng lên quý cha trong tiếng pháo tay của cộng đoàn. Đáp lời, cha xứ Gioakim thay mặt cộng đoàn cảm ơn cha Antôn đã nhận lời về dâng Thánh lễ cho cộng đoàn lúc 19g00 thứ Bảy. Đồng thời, chúc mừng ca đoàn Truyền Tin được nhiều hồng ân của Thiên Chúa, tinh thần hăng say phục vụ bằng lời ca tiếng hát của mình để cùng nhau làm sáng danh Chúa. Nhân đây, ngài cũng mời gọi các bạn trẻ hy sinh thời gian tham gia vào ca đoàn, để đem lời ca tiếng hát của mình giúp cộng đoàn tham dự trong Thánh lễ được thêm phần sốt sắng.

Thánh lễ khép lại lúc 18g45, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an và cùng nhau hát vang bài “Tiếng hát bay xa”.

Được biết, ca đoàn Truyền Tin hiện nay có 35 ca viên đến từ trong và ngoài giáo xứ Vĩnh Hòa, tập hát vào lúc 20g00 tối thứ Năm và sau Thánh lễ tối thứ Bảy, hát trong Thánh lễ lúc 5g00 sáng và lúc 19g00 tối thứ Bảy, lễ ngày Chúa Nhật tuần II lúc 16g00, và 12g00 trưa ngày 13 mỗi tháng. Ngoài ra, hát lễ cưới, an táng, theo sự sắp đặt của Ban Điều hành giáo xứ, đi phúng viếng cầu nguyện cho người qua đời, và thăm hỏi các ca viên trong ca đoàn mỗi khi đau yếu.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Cách thức xông hương
Nguyễn Trọng Đa
09:06 10/04/2018

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi là một linh mục Công Giáo thuộc Giáo Hội Đông Phương Syro-Malankara. Tôi muốn biết về tầm quan trọng của số lắc xông hương khác nhau trong phụng vụ Thánh lễ Rôma. Liệu có ý nghĩa gì cho việc phân loại này không? - L. K., Leuven, Bỉ.


Đáp: Trong bài trả lời hôm nay, chúng tôi sẽ sử dụng một số tài liệu đã được công bố cách đây 12 năm trước. Hầu hết các chỉ dẫn liên quan đến việc xông hương được ghi trong Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) và trong Sách Lễ Nghi Giám mục. Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma quy định cụ thể:

"276. Xông hương diễn tả lòng tôn kính và cầu nguyện, như Thánh Kinh đã nói (x. Tv 140,2; Kh 8,3).

“Ðược tuỳ ý xông hương trong bất cứ hình thức Thánh Lễ nào:

“a. Khi đi rước tiến vào;

“b. Ðầu lễ, xông hương thánh giá và bàn thờ;

“c. Khi rước và công bố Tin Mừng;

“d. Sau khi đặt bánh và chén rượu trên bàn thờ, xông hương lễ phẩm, thánh giá và bàn thờ, cũng như vị tư tế và giáo dân;

“e. Khi nâng bánh thánh và chén sau truyền phép.

“277. Khi bỏ hương vào bình hương, vị tư tế làm dấu thánh giá chúc lành mà không đọc gì.

Trước và sau khi xông hương, cúi sâu chào những người hay những vật được xông hương, ngoại trừ bàn thờ và lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ.

“Phải xông hương ba lần: Thánh Thể, di tích Thánh Giá và ảnh Chúa được trưng bày cho tôn kính công khai, lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ, thánh giá bàn thờ, sách Tin Mừng, nến phục sinh, vị tư tế và giáo dân.

“Xông hương hai lần các di tích và ảnh các Thánh được trưng bày cho tôn kính công khai, và chỉ lúc đầu cuộc cử hành, khi xông hương bàn thờ.

“Bàn thờ được xông hương bằng những cái lắc bình hương theo cách thức sau đây:

“a. Nếu bàn thờ tách biệt vách tường, vị tư tế đi vòng chung quanh bàn thờ mà xông;

“b. Nếu bàn thờ dính liền với vách tường, vị tư tế xông hương phía phải, rồi phía trái;

“Nếu thánh giá đặt phía trên bàn thờ hay tại bàn thờ, thì xông hương thánh giá trước khi xông bàn thờ; trong những trường hợp khác, xông thánh giá khi đi ngang qua.

“Vị tư tế xông hương lễ phẩm ba lần trước khi xông thánh giá và bàn thờ, hoặc xông theo hình thánh giá trên các lễ phẩm" (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Cùng với các chỉ dẫn chung này cho Thánh Lễ, Sách Lễ Nghi Giám Mục (số 84-98) cho biết thêm chi tiết. Hương được sử dụng:

- cho nghi lễ cung hiến một nhà thờ hoặc bàn thờ.

- trong nghi thức làm phép dầu và thánh hiến dầu thánh, khi dầu đã làm phép và dầu thánh không có sẵn ở đó.

- khi chầu Mình Thánh với Mặt Nhật được đặt lên.

- tại đám tang.

- trong các cuộc kiệu trọng thể, chẳng hạn lễ Dâng Chúa trong Đền Thánh, Chúa Nhật Lễ Lá và Lễ Mình Thánh Chúa.

- khi hát Thánh Ca Tin Mừng trong giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều trọng thể.

Sách Lễ mới làm sáng tỏ quy định của lễ nghi, nêu ra rằng chỉ có Giám mục mới có thể đặt hương vào bình hương, trong khi ngài ngồi, và Thánh Thể được xông hương từ vị trí quỳ gối.

Tất cả những ai tiếp nhận việc xông hương là phải đứng. Toàn thể các vị đồng tế được xông hương chung, trước khi giáo dân được xông hương. Các Giám mục và các kinh sĩ không đồng tế cũng được xông hương chung với giáo dân. Nhưng trong các trường hợp này, khi một Giám mục chủ tọa nhưng không đồng tế, ngài được xông hương chung với các vị đồng tế.

Theo tập tục, vị lãnh đạo nhà nước, trong khi tham dự chính thức trong buổi phụng vụ, được xông hương sau Đức Giám Mục.

Vị chủ lễ không nên đọc kinh nào hoặc nói lời nào cho đến khi việc xông hương đã hoàn tất. Trong Giờ Kinh Phụng Vụ, Điệp ca của bài ca “Chúc tụng” (Benedictus) hoặc của bài ca “Linh hồn tôi” (Magnificat) không được lặp lại, cho đến khi việc xông hương hoàn tất.

Sách đưa thêm một số chú thích được lấy từ ấn bản năm 1886 về lễ nghi liên quan đến cách đưa bình hương tới gần Giám mục, đề nghị đổ ba thìa hương vào bình hương, và mô tả cách thức cầm bình hương. Thí dụ, chú thích 75 nêu rõ:

"Người thủ hương cầm dây đầu bình hương bằng tay trái, cầm dây phía cuối gần bình hương bằng tay phải, sao cho bình hương có thể lắc qua lại dễ dàng. Người thủ hương chú ý để thực hiện việc này với nét mặt nghiêm trang và duyên dáng, chứ không cử động đầu hoặc thân thể trong khi lắc bình hương, giữ bàn tay trái với đầu dây gần ngực mình, và chuyển động cánh tay phải qua lại với một nhịp đều đặn".

Cùng với các tài liệu chính thức này, chúng ta có thể đưa thêm các chỉ dẫn được cung cấp bởi Đức cha Peter Elliott trong cuốn sách xuất sắc của ngài “Các buổi lễ của Nghi lễ Rôma hiện đại” (Ceremonies of the Modern Roman Rite):

"216. Thái độ và kỹ năng sử dụng bình hương trước tiên phụ thuộc vào cách thức cầm dây chuỗi của bình hương, khi xông hương cho người hay vật. Mỗi người nên thực hiện những gì là thuận tiện nhất qua thực hành, nhưng xin đề xuất một phương pháp dễ dàng như sau (a) Giữ đĩa và phần trên của dây xích trong tay trái, ngang với ngực của mình. Với bàn tay phải, giữ dây xích giữa ngón trỏ và ngón giữa. Giữ dây bằng ngón cái, sao cho bát lắc của bình hương có thể được điều khiển và kiểm soát cách dễ dàng. (b) Với bàn tay phải, nâng bát bình hương lên ngang ngực. Sau đó, nâng bàn tay phải lên ngang mắt (thấp hơn khi xông hương bàn thờ), và lắc bát bình hương tới lui về hướng người hoặc vật được xông hương, xoay nó một cách vững chắc và không vội vã bằng cách điều khiển dây. (c) Sau khi đã hoàn thành số lần lắc theo yêu cầu, hãy hạ thấp bát bình hương xuống một chút. Sau đó đưa bình hương về phía mình, hoặc giao nó cho ngưởi thủ hương hoặc thầy phó tế.

"217. Có hai loại lắc hoặc 'ductus'. Để thực hiện một cú hai lắc, người thủ hương lắc hai lần vào người hoặc vật được xông hương, rồi hạ xuống. Để thực hiện một lắc đơn, bình hương chỉ được lắc một lần rồi hạ xuống, ngoại trừ khi xông hương bàn thờ, khi các lắc đơn được thực hiện liên tục khi chủ tế đi xung quanh bàn thờ.

"218. Các quy tắc thông thường về các hình thức xông hương khác nhau là như sau: (a) Ba cú và mỗi cú hai lắc được thực hiện để xông hương Mình Thánh Chúa, tượng Chịu nạn, các tượng hay ảnh Chúa khi trưng bày công khai để tôn kính, lễ vật trên bàn thờ, thánh giá trên bàn thờ, Sách Tin Mừng, Cây nến Phục sinh, chủ tế (Giám mục hay linh mục), đại diện của chính quyền chính thức có mặt tại buổi lễ, ca đoàn, cộng đoàn và thi hài ngưởi chết; (b) hai cú và mỗi cú hai lắc được thực hiện để xông hương cho di ảnh và tượng Đức Mẹ, và tượng các thánh khi trưng bày công khai để tôn kính. Bàn thờ được xông hương bằng các lắc đơn. Khi rước kiệu, người thủ hương di chuyển bình hương theo chiều dài từ tay phải. Trong tay trái của mình, người thủ hương cầm tàu hương ngang ngực, nhưng tay trái nằm phẳng trên ngực nếu có một người khác cầm tàu hương.

"219. Không cần thiết để cho bình hương va vào dây xích. Khi xông hương người, hoặc lễ vật trên bàn thờ, dây xích nên được giữ xa bình hương khoảng 20 cm (8 inch); khi xông hương bàn thờ hoặc thánh giá, dây xích nên được giữ xa khoảng 30 cm (12 inches). Trước và sau khi xông hương xong, cần cúi mình sâu trước người được xông hương. Trong khi cúi mình sâu trước và sau khi xông hương một người, người thủ hương cầm bình hương bằng tay phải, vốn được đặt trên ngực.

"220. Khi đặt hương vào bình hương, số lượng hương sử dụng cần phải được điều chỉnh bởi các yếu tố, chẳng hạn kích thước của nhà thờ. Tuy nhiên, dấu hiệu hương cháy lên chỉ hoàn tất khi hạt hoặc bột hương được bố trí đều trên than đốt. Việc khơi than hoặc làm vỡ than bằng thìa, mà chỉ làm xáo trộn các hạt và đu đưa bình hương để không tạo ra khói, là nực cười".

Các quy định trước Công đồng Vatican II, và vẫn có thể áp dụng khi sử dụng hình thức ngoại thường, là giống như thế nhưng chi tiết hơn, và có một số khác biệt phức tạp.

Mặc dù các tài liệu chính thức được trích dẫn trên đây không đặc biệt quy định "hai cú hai lắc", vốn được đề cập bởi Đức cha Elliott, việc lắc này mô tả cách thức xông hương, vốn là tập tục phổ quát trong thực tế, trong đó mỗi "cú" (ductus) gồm có hai “lắc” (ictus, swings). Vì vậy, bình hương được nâng lên, lắc hai lần về vật hoặc người được xông hương, rồi hạ xuống.

Thí dụ, sự mô tả sau đây về “hai cú hai lắc” được tìm thấy trong quyển sách nghi thức trước công đồng Vatican II của Fortescue-O'Connell: "Hai cú hai lắc ('ductus duplex') được thực hiện bằng cách nâng bình hương lên ngang mặt, sau đó lắc về phía vật hoặc người được xông hương, và lắc thêm lần nữa, sau đó hạ thấp bình hương". Sự mô tả này về hai cú hai lắc (double swing), được dựa trên các sắc lệnh của Thánh bộ Nghi lễ năm 1862 và 1899 (Các sắc lệnh số 3110 và 4048).

Sự khó khăn xuất hiện, bởi vì các sách phụng vụ hiện nay không phân biệt giữa lắc đơn và lắc đôi trong “cú, ductus", nhưng chỉ nói số lượng "cú" trong mỗi trường hợp, hoặc bao nhiêu lần bình hương được nâng lên và hạ xuống cho việc lắc.

Tuy nhiên, luật trước đây đã đưa ra sự phân biệt này và quy định hai cú hai lắc cho người và vật như quy định hiện tại. Không có lý do để giả định rằng sự thực hành này đã bị hủy bỏ.

Tương tự như vậy, vì tập tục đích thực cũng là một nguồn luật, việc sử dụng hai cú hai lắc, như được Đức cha Elliott mô tả, được sử dụng trong thực tế ở mọi nơi - kể cả trong các Thánh lễ của Đức Thánh Cha.

Tuy nhiên, mặc dù thật là rất hữu ích để nhắc lại luật, câu hỏi của bạn đọc đề cập nhiều hơn đến ý nghĩa nào được gắn với số lần lắc bình hương. Có một ý nghĩa rõ ràng là số lần lắc càng nhiều càng nói đến sự cao trọng hơn, nhưng tôi không tán thành quan điểm này, bởi vì số lần lắc như nhau không hàm ý sự bình đẳng. Nếu không, chúng ta sẽ đặt Bí Tích Thánh Thể ngang hàng với chủ tế, và rõ ràng như thế là không được.

Về mặt lịch sử, việc sử dụng hương đã đi vào phụng vụ Công Giáo Latinh theo nhiều cách khác nhau và cho các mục đích khác nhau.

Các sự xuất hiện sớm nhất của hương trong một nhà thờ ở Rôma bắt đầu từ thế kỷ IV, và việc sử dụng là trước tiên để lấp đầy không gian bằng hương thơm dễ chịu, theo một thời trang cũng được sử dụng trong các nhà ở tại Rôma.

Cách thức thứ hai là thông qua việc sử dụng hương cho các nghi lễ an táng. Đã có một sự đề cập đến điều này trong tác phẩm của Tertullian (160-220), và có khá nhiều bằng chứng về việc sử dụng nó cho mục đích này trong Kitô giáo thời ban đầu. Sự thực hành này sau đó được mở rộng đến các di tích và ngôi mộ của các vị tử đạo, và sự cung hiến nhà thờ.

Việc sử dụng hương phụng vụ trong phụng vụ Rôma sớm nhất trong các thế kỷ VII và VIII là một cử chỉ tôn kính được dành cho Đức Giáo Hoàng và Sách Tin Mừng. Điều này có thể đã được cảm hứng từ việc người Rôma sử dụng hương cho các quan tòa và sách các Đạo luật.

Việc xông hương cho các giáo sĩ bàn thờ và lễ vật đã được thực hành từ thế kỷ IX, có thể thông qua ảnh hưởng của cái gọi là phụng vụ Gallican được sử dụng ở Pháp và Đức, vốn chịu ảnh hưởng của Ảnh hưởng Đông phương. Vào khoảng năm 1350, các chữ đỏ về cách thức xông hương đã được thiết lập khá tốt. Tuy nhiên, các giao thức chi tiết hơn và sự tiêu chuẩn hóa của việc thực hành lại là sản phẩm của nhiều thời đại sau đó.

Vì lý do này, số lần lắc bỉnh hương được quy định sẽ đáp ứng nhu cầu thiết lập một sự thống nhất nhất định về việc thực hành, theo một luật tôn vinh, và không có các ý nghĩa tượng trưng.

Nhìn chung, mặc dù hương tôn vinh một người thánh hoặc một vật, nó trước tiên và trước hết là một sự chứng tỏ lòng tôn kính và tôn vinh đối với Thiên Chúa, mà trong đó khói hương trầm bay lên thể hiện các lời cầu nguyện của Giáo Hội lên ngai Thiên Chúa. Bằng cách này, ý nghĩa tổng thể cũng là giống như ý nghĩa của hương trầm được sử dụng trong phụng vụ Đông phương. (Zenit.org 10-4-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Lá thư Canada: Thiên tài về Nhạc và Thơ
Trà Lũ
16:49 10/04/2018
Thành phố Toronto có rất nhiều công viên. Công viên lớn nhất tên là High Park, ở về mạn tây. Nhà tôi ở gần công viên to lớn này. Báo chí vừa đưa tin là các con gấu ở công viên vừa thức dậy sau giấc ngủ đông miên dài 3 tháng. Tôi ở đây đã lâu thế mà không biết trong công viên có gấu và không biết loài gấu ngủ cả mùa đông. Xưa nay tôi chỉ biết cây cối ở đây ngủ mùa đông và sẽ thức dậy vào mùa xuân. Gấu ngủ đông đã thức dậy nghĩa là mùa xuân đang tới. Tôi có một ông bạn già, cứ mùa đông là ông về VN để trốn lạnh. Tôi vừa gặp lại ông tuần qua. Ông kể cho tôi nghe nhiều chuyện VN lắm, và câu chuyện làm tôi quan tâm nhất là chuyện ông nói về các tháp Chàm ở miền Trung của người Chiêm Thành ngày xưa. Ông cho tôi xem các hình ông chụp. Hiện nay các tháp này đang xuống cấp trầm trọng vì hình như không có sự bảo quản gì cả. Chuyện ông kể vào đúng lúc tôi đang đọc mấy trang sách cũng nói về tháp Chàm. Quả là một sự trùng hợp kỳ lạ.

Mà các cụ có biết tôi đang đọc sách gì không ? Chắc là không vì ở hải ngoại này có biết cơ man nào là sách. Tôi xin kể từ từ nha. Xin cho tôi tạm quên chuyện tháp Chàm để nói về cuốn sách quý mà tôi đang có trong tay. Thưa đó là cuốn ‘ Lang Thang Trên Nước Mỹ’ của Tu Dinh ở Colorado. Ông nhà văn này lạ lắm, ông như người đi rong chơi trong vườn, ông thấy hoa gì lạ mắt và đẹp là ông hái và làm thành một bó hoa, rồi ông đem khoe với mọi người. Đây là tập sách thứ 5 ông khoe các sưu tầm của ông. Ông có một cái nhìn rất trí thức về rất nhiều vấn đề. Từ việc Vua Pháp Macron trẻ hơn vợ 30 tuổi với khẩu hiệu ‘Tiến Lên’, En Marche, tới Vua Trump với khẩu hiệu cũng ý tiến lên ‘ Make America Great Again’... Khi viết về nước Mỹ, trang 1375 ông viết : Trong cuộc chiến Việt Nam, chiến lợi phẩm của nước Mỹ là nước Tàu. Qủa là đúng, phải không cơ. Hai miền VN chỉ là hai con bài.

Bên cạnh những ý nghĩ tiến bộ như vậy, tác giả còn trích dẫn cả lời hô hào ngày xưa của đại lãnh tụ Trường Chinh trong việc bài trừ chữ quốc ngữ ABC vì là của Tây. Rồi ông ta hô hào trở về cái chữ của cha ông là chữ nho của Trung Quốc. Sau đó ông hô hào hãy bỏ cái y khoa chỉ đục khoét nạo của bọn đế quốc Tây Phương mà hãy dùng thuốc nam của cha ông lấy từ thuốc Tàu danh tiếng khắp hoàn cầu...

Sau đó có những bài rất tươi mát cho ta xả hơi. Tu Dinh hết lời ca ngợi sắc đẹp của phụ nữ. Ông chủ trương phụ nữ là những sinh vật đẹp nhất hành tinh, thân xác của họ là những tuyệt phẩm của tạo hóa, và ông chứng minh bằng rất nhiều trang hình mầu, hình những thiếu nữ không mặc quần áo. Ông là một nhà nghệ thuật, những hình ông trích dẫn thật là đẹp và mát mắt, không hề gợi dục. Rồi bên cạnh những kỳ tích đó ông còn trích dẫn những bài của nhiều tác giả mà ông thích, chẳng hạn bài của TS Mai Thanh Truyết, của GS Đàm Trung Pháp, của cụ Trà Lũ... Rồi đến bài của chính ông, như những bài bàn về CS, bàn về ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’. Xưa nay nhiều người vẫn thắc mắc ‘ theo định hướng xã hội’ là theo cái gì’. Ông giải nghĩa rất dễ hiểu :

- Giao thương với thế giới, cộng sản bắt buộc phải theo luật kinh tế thị trường là kinh tế tự do, còn ở trong nước, công sản áp dụng kinh tế xã hội chủ nghĩa tức là kinh tế độc quyền.

Mà ‘kinh tế độc quyền’ là gì ? Là 9 cái độc này :

- Nắm lập pháp = quốc hội là của đảng

- Nắm tư pháp = các tòa án là của đảng

- Nắm hành pháp = chính phủ là của đảng

- Nắm tự do ngôn luận = báo chí và truyền thông là của đảng

- Nắm giáo dục = áp dụng sách lược nhồi sọ và ngu dân

- Độc quyền tư tưởng = dân phải theo tư tưởng của đảng

- Kiểm soát và hạn chế Internet = không có tự do internet

- Nắm đất đai và tài nguyên = kho vàng của đảng

- Nắm hệ thống tài chánh = kho tiền của đảng

Nắm giáo dục nhồi sọ và độc quyền tư tưởng, người cộng sản suy nghĩ giùm người dân, người dân không được quyền suy nghĩ khác. Người cộng sản sợ nhất là Tự Do.

Xin hết các chuyện miên man về cả cuốn sách , bây giờ xin trở về trang 1386 mà tôi đang đọc. Theo tác giả Tu Dinh thì cái đảng CSVN hiện nay là cái ‘quả’ của cái ‘nhân’ diệt chủng mà tổ tiên người VN đã gây ra ngày xưa. Tu Dinh viết :

... Các vua chúa VN từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18 đã chiếm toàn bộ lãnh thổ của vương quốc Champa, và diệt hết dân tộc Champa. Đất nước của họ không còn trên bản đồ thế giới, hiện chỉ còn rải rác từ Miền Trung đến Miền Nam những ngọn tháp và đền đài hoang tàn của dân tộc Champa ngày xưa, và một ít người Champa hiện đang lang thang ngay trên đất nước đã mất của chính họ, nó còn mang linh hồn Champa. Trên trái đất này, hình như chưa có dân tộc nào đã chiếm trọn lãnh thổ và tiêu diệt sạch một dân tộc khác trên bản đồ thế giới. Duy nhứt, chỉ Việt Nam đã có hành động diệt chủng rất tàn bạo này. Việt Nam ta quả là tàn ác.

Tác giả kết luận : Nhân sinh ra qủa, đó là luật đất trời. Bởi cái nhân diệt chủng dân tộc Champa qúa ư tàn bạo của các vua chúa Việt Nam, nên ngày nay dân tộc VN phải sống trong cái ‘qủa’ là thảm họa cộng sản, đã kéo dài gần thế kỷ, và còn tiếp tục.

Nghe đến đây thì ông bạn già vừa đi VN về gật gù cái đầu ra chiều đồng ý với tôi và ông Tu Dinh về luật nhân quả này. Ông cười hì hì rồi bảo : Chắc ta phải mời ca sĩ Chế Linh liên lạc với sắc dân Champa hiện còn sống , liên kết họ lại và giúp họ bảo trì các đền đài lăng miếu tổ tiên ngày xưa của họ hiện bị bỏ hoang tàn. Đây là những di tích lịch sử quý báu, ta phải bảo tồn. Chế Linh là con cháu của Vua Chế Bông Nga ngày xưa mà.

Nghe tới Chế Bông Nga thì ông bạn già lại cười hắc hắc. Đây cũng là trường hợp quả báo hay nhân quả. Ông bảo theo nhà sử học Nguyễn Văn Thư, thời đó, từ năm 1377, Vua Chế Bồng Nga của nước Chiêm Thành còn gọi là người Chăm hay Champa, hung hăng đem quân ra tấn công và tàn phá thành Thăng Long thủ đô của VN những 3 lần, cướp bóc và bắt đem về nhiều thanh niên thiếu nữ làm nô lệ, khiến nhiều người nghĩ rằng dân Việt mất đến nơi. Nhưng với lòng dũng cảm, đoàn kết và khôn ngoan, dân ta đã lật ngược thế cờ. Chế Bồng Nga đã tử trận. Tổng kết các cuộc chiến mấy trăm năm với họ như sau :

- Lê Đại Hành san phẳng kinh đô Indrapura

- Lý Thánh Tông hạ Chế Ma na, sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị. Sau đó Chiêm Thành chịu thần phục, nhưng đã nhiều lần nổi loạn đòi lại đất

- Trần Nhân Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho Chế Mân, và được tặng Châu Ô và Châu Ri, tức xứ Huế ngày nay.

- Cha con Hồ Quý Ly chiếm lấy Đà Nẵng và Quảng Ngãi

- Chúa Nguyễn Phúc Tần tiến vào Nam chiếm đến Nha Trang và Khánh Hòa

- Chúa Nguyễn Phúc Chu bắt vua Chiêm, chiếm đất Bình Thuận, Phan Rí, Phan Rang. Chiêm Thành bị xóa tên trên bản đồ vào cuối thế kỷ 18.

- Cuối cùng, thế kỷ 19, Vua Minh Mạng xóa sổ Thuận Thành Trấn, chấm dứt lịch sử nước Chiêm Thành...

Nghe đến đây thì ông bạn già hỏi tôi : Theo như ông, và Ông Tu Dinh thì hồn Vua Chế Bồng Nga và tổ tiên của ông ta đã dùng nạn cộng sản để trả thù dân VN sao? Vậy muốn chấm dứt CSVN thì ta phải lập đền thờ tạ tội cùng vua Chế và xin vua Chế tha tội ngày xưa, đúng không ?

Về đề nghị này , các cụ độc giả nghĩ sao cơ ?

Chuyện Tháp Chàm ở Miền Trung đã đưa các cụ đi xa qúa rồi. Lâu lắm tôi và ông bạn gìa mới có dịp gặp nhau nên chúng tôi miên man rất nhiều chuyện là vậy. Để chấm dứt chuyện người Chàm, tôi hỏi ông chuyện ở VN : Ngôn ngữ ở Saigon và Hà Nội nay ra sao ? Ông lại cười, ông bảo : Có rất nhiều tiếng mới, những thứ tiếng nghe vừa lạ tai vừa thấy kỳ cục và buồn cười. Ví dụ nha. Khi nói về một phi cơ dành riêng cho lãnh tụ nào đó, VC gọi là ‘chuyên cơ’, phi công trưởng gọi là cơ trưởng, phi công phó gọi la ‘cơ phó’, phi hành đoàn là ‘tổ lái’, nghe có lạ tai không. Về làm ăn buôn bán, cái gì cũng phải chạy chọt đút lót, nghĩa là hối lộ. Bây giờ ở VN người ta gọi hối lộ là ‘lịch sự’ hay ‘bôi trơn’. Nếu đem dâng tiền hối lộ mà được cho lại một ít thì VC gọi là ‘tiền lùi’. Đồ giả thì gọi là đồ ‘đểu’, như hàng đểu, bằng đểu, rượu đểu, thuốc đểu...Nghĩ mà buốn cười, nhân loại đã qua các thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, còn VN ta bây giờ tiến tới đồ đểu !

Rồi tôi hỏi ông bạn về âm nhạc hiện nay thì sao ?

Ông như được hứng, nói ngay : Ngày xưa, sau 1975 khi tôi còn kẹt ở VN thì nhạc rừng rú của VC từ Hà Lội tràn vào Saigon. Nhưng dân Miền Nam đã khựng lại, họ không thèm hát ‘thề phanh thây uống máu quân thù’, bây giờ là nhạc vàng như thủa xưa, tiếng quen thuộc ai cũng nói bây giờ là nhạc bolero. Dân ưa thích những Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Nguyễn Văn Đông. À, tháng Ba vừa rồi có đám tang của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, ông là cựu đại tá của VNCH ngày xưa. Ở tù VC ra, Ông không thèm đi Mỹ. Đám tang của ông có biết bao nhiêu là vòng hoa. Điều cảm động nhất là khi xe tang chạy qua, tôi thấy người đàn ông con trai nào cũng giơ tay lên chào rất nghiêm trang và kính cẩn.

Rồi ông bạn tôi miên man bàn tới Phạm Duy và Trinh Công Sơn. Ông bảo đây là 2 thiên tài. Giới trẻ miền Bắc rất thích nhạc Trịnh Công Sơn. Nhiều người bây giờ coi Trịnh Công Sơn vừa là thi sĩ vừa là nhạc sĩ, mặt nào cũng tuyệt vời. Già trẻ lớn bé gì cũng thấy bóng dáng mình trong nhạc Trịnh Công Sơn. Tác giả Từ Thức người đi du lịch rất nhiều kể 2 chuyện này làm tôi cảm động quá :

- Một buổi chiều tàn, trong một bià rừng Brazil khỉ ho cò gáy tôi nghe

có tiếng khàn khàn vọng ra từ một căn nhà gỗ : Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em với những thoáng mây bay...Người hát là một ông già Ấn Độ, sống ở VN từ nhỏ. Ông vượt biển, tàu bị đắm, ông được một tàu của Ba Tây vớt. Ông ở lại Ba Tây làm nghề canh rừng. Suốt ngày ông lủi thủi một mình, tháng năm đằng đẵng, nên ông mơ đến những cơn mưa trên tầng tháp cổ... Trịnh Công Sơn đã đem giấc mơ này tới cho ông.

- Một ngày ở ngoại ô La Havanne, trong một tiệm ăn nhỏ bên

bờ biển, nơi người ta đamg bán lậu tôm hùm cho du khách, tôi nghe một giọng hát đàn bà, rất trong rất ngọt, từ trong bếp vọng ra : Ngày gió lớn. Tai nghe môi gọi thầm. Gọi tên em, tên Việt nam, trong tiếng nói da vàng. Người hát là một bà Bắc Kỳ, từ Hà Nội sang Cuba, trong một chương trình hợp tác gì đó. Có lẽ bà đã mệt nhoài sau nhiều năm hát thề phanh thây uống máu quân thù...

Trịnh Công Sơn nhỏ bé gầy gò, ăn nói nhỏ nhẹ và ôn tồn, Sơn trở thành bạn của mọi người một cách rất tự nhiện. Đặc biệt Trịnh Công Sơn có đôi mắt rất tinh anh và láu lỉnh, còn nụ cười thì hiền lành như một thày tu khiêm tốn. Đây là phong thái của một người có thực tài.

Sơn gốc người Huế, học trường Pháp nhưng lời nhạc của anh là lời thơ. Người khác dùng thì là lời tầm thường, Sơn dùng thì nó biến thành ma lực, thành lời có hồn. Người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ... Mùa thu không về, mùa xuân cũng ra đi... Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...

Có chỗ lời hát mang dấu ấn Thánh Kinh trong lễ nhà thờ Công Giáo : ...Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi...

Kẻ thù của Sơn là chiến tranh. Lời nhạc của anh là những tiếng nức nở : ...Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng, Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn...

Nhiều người hễ nói tới Trịnh Công Sơn thì liền kết án bảo anh là người phản chiến. Người hiểu Sơn nhất, quý Sơn nhất, không muốn mất một thiên tài là thiếu tướng Lưu Kim Cương của Không quân VNCH biệt khu Tân Sơn Nhứt. Trong các lời ca, Sơn không hề có một lời ca ngợi CS, Sơn chỉ nói tới tình yêu và chiến tranh tàn khốc mà thôi. Bạn bè tôi cho biết khi người ta hỏi Phạm Duy về tình yêu nơi Trịnh Công Sơn, Phạm Duy đáp ngay : Tình yêu của Sơn chỉ hương hoa, lãng mạn, trên mây trên gió, không thực. Còn tôi í à, yêu là xáp lá cà, là tới bến luôn’. Tôi cho câu nói này của Phạm Duy rất đúng, đúng cho cả 2 người.

Nghe các bài của Trịnh Công Sơn, giọng nhừa nhựa đầy khói thuốc của Khánh Ly, giọng vượt thời gian của Thái Thanh, giọng truyền cảm của Lệ Thu, ta thấy lòng mình chơi vơi...

Sau 1975, Trịnh Công Sơn có kết thân với nhạc sĩ Văn Cao. Văn Cao phê bình về người bạn mới : Sơn làm nhạc và lời dễ như lấy từ trong túi áo ra.

Thật tiếc một thiên tài đã bỏ chúng ta ra đi khi vừa 62 tuổi, vào ngày đầu tháng Tư này, năm 2001. Nhạc sĩ Phạm Duy thọ 92, hơn Trịnh Công Sơn 30 tuổi. Giá mà thiên tài Trịnh Công Sơn thọ bằng thiên tài Phạm Duy thì vườn hoa thi ca và âm nhạc Việt Nam sẽ đẹp thêm biết chừng nào !

TRÀ LŨ.

-