Ngày 06-04-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Những Bài Giảng trong Tuần Thánh 2008 của ĐTC Benedictô XVI
Lm. Giuse Ngô Quang Trung dịch
12:29 06/04/2008
ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
Những Bài Giảng trong Tuần Thánh 2008


Có tất cả sáu bài giảng đã được Đức Thánh Cha trình bày trong các buổi cử hành dịp Tuần Thánh vừa qua. Chúng tôi thu tập chung lại và sắp đặt theo trình tự thời gian để bạn đọc có dịp tìm hiểu những tư tưởng sâu sắc của Đức Thánh Cha, thể hiện những nét đặc thù trong triều Giáo Hoàng Joseph Ratzinger. Chắc chắn chính ngài đã dọn những bài giảng này cho mỗi buổi cử hành phụng vụ. Nội dung của những bài giảng này là đỉnh cao những bài giáo huấn của vị Giáo hoàng, vừa là mục tử của Giáo Hội toàn cầu, vừa là nhà thần học danh tiếng. Trong kho tàng những bài giảng của ngài, nhiều người coi đây là những kiệt tác, được so sánh với những bài giảng nổi tiếng của các Giáo Phụ lừng danh trong Giáo Hội, Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả, Thánh Ambrôsiô, Thánh Augustinô.
Sau đây là nội dung những bài giảng ấy.


CHÚA NHẬT LỄ LÁ
16 tháng Ba, 2008

Anh chị em thân mến, mỗi năm đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật Lễ Lá thuật lại cuộc tiến vào thành Giêrusalem của Chúa Giêsu. Cùng với các môn đệ của Người và một đám đông những người hành hương cứ mỗi lúc tăng theo, Người xuất phát từ đồng bằng miền Ga-li-lê về Thành Thánh. Các tác giả Tin Mừng đã thuật lại cho chúng ta ba tuyên bố của Chúa Giêsu liên quan đến Cuộc Khổ Nạn, như những bước tiến lên của Người, và qua đó cũng nói đến sự thăng tiến nội tâm mà Người đã thực hiện trong cuộc hành hương này. Chúa Giêsu tiến về đền thờ- về nơi mà Thiên Chúa, như sách Đệ Nhị Luật nói, đã chọn cho “danh Ngài ngự” (x. 12: 11; 14, 23). Thiên Chúa, Đấng tạo dựng trời đất, đã tự cho mình một tên gọi, đã tự làm cho mình được khẩn cầu; qủa thật, Người đã tự làm cho mình như được tiếp xúc với con người. Không chỗ nào có thể chứa nổi Người, nhưng chính vì lí do này mà Người đã tự cho mình một nơi chốn và một danh xưng để Người, là Thiên Chúa thật, được kính tôn như một Thiên Chúa bản vị ở giữa chúng ta. Chúng ta biết rõ từ bản tường thuật Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, Người đã yêu mến đền thờ như là nhà Cha của Người. Giờ đây Người lại thăm đền thờ này một lần nữa nhưng cuộc hành trình của Người vượt qua đền thờ ấy: đích điểm của những bước đi lên là Thánh Giá. Đó là cuộc đi lên đã được mô tả trong thư Do Thái như là cuộc tiến về căn lều không do người phàm dựng lên, nhưng do bởi Chúa, căn lều dẫn đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Cuộc đi lên cuối cùng để gặp Chúa đi qua Thánh Giá. Đó là cuộc đi lên hướng về “tình yêu cho đến cùng” (Ga 13, 1), là ngọn núi đích thật của Thiên Chúa, là nơi xác định cho sự tiếp xúc giữa Thiên Chúa và con người.

Trong khi Người vào Giêrusalem, dân chúng tôn vinh Chúa Giêsu như là Con Vua Đavít, với những lời của những người hành hương trong Thánh vịnh 118: “Hoan hô Con Vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời!” (Mt 21, 9). Và rồi Người tiến vào đền thờ. Tuy nhiên ở đó, ở nơi đáng lẽ đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người thì Người lại thấy những kẻ buôn bán súc vật và những người đổi tiền chiếm dụng nơi cầu nguyện này cho việc kinh doanh của họ. Chắc chắn những con vật để bán sẽ được thiêu đốt làm của lễ trong đền thơ; và cũng bởi vì ở trong đền thờ nên người ta không thể sử dụng những đồng tiền mang hình các hoàng đế Rôma, là những người chống lại Thiên Chúa đích thực, nên họ đã phải đổi những đồng tiền không mang hình ảnh ngẫu tượng. Tuy nhiên, tất cả những điều này đáng lẽ đã phải diễn ra ở một nơi khác: nơi đang xảy ra đây, theo mục đích đã được ấn định cho nó là lối vào các dân ngoại. Quả thật, Thiên Chúa của Israel đích thực là một Thiên Chúa của mọi dân tộc. Và mặc dù có thể nói các dân ngoại đã không tin vào Mặc Khải, nhưng họ vẫn có thể liên kết trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa qua cửa ngõ của niềm tin. Thiên Chúa Israel, vị Thiên Chúa của mọi dân tộc cũng luôn luôn chờ đợi lời cầu nguyện của họ, sự tìm kiếm của họ, lời khẩn nài của họ. Thay vào đó, việc buôn bán lại chiếm ưu thế – những việc trao đổi đã được hợp phép hoá bởi giới chức có thẩm quyền, mà chính nó đã lợi dụng từ việc kiếm chác của các những người buôn bán này. Những người buôn bán đã hành động một cách hợp pháp, tuân theo luật pháp hiện hành, nhưng chính luật pháp lại thối nát. “Sự tham lam…là ngẫu tượng”, thư gửi tín hữu Cô-lô-xê nói thế (3, 5). Đây là ngẫu tượng mà Chúa Giêsu đến để công kích và Người trưng dẫn I-sai-a: “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện” (Mt 21, 13; x. Is 56, 7), và Giê-rê-mi-a: “Nhưng các ngươi biến thành hang trộm cướp” (Mt 21, 13; x. Gr 7, 11). Chống lại mệnh lệnh được cắt nghĩa sai trái, Chúa Giêsu với hành động mang tính ngôn sứ, bảo vệ trật tự đích thực đã ghi trong Lề Luật và Các Tiên Tri.

Hôm nay, tất cả những điều trên phải đem đến cho chúng ta là các Kitô hữu, lương thực để suy nghĩ. Đức tin của chúng ta có đủ tinh tuyền và mở rộng để thoát bỏ khỏi nó chất “dân ngoại”? Dân chúng hôm nay đang đi tìm kiếm và đặt ra những vấn nạn, họ có thể trực giác được ánh sáng của vị Thiên Chúa duy nhất, có thể kết hợp lại trong những nẻo đường niềm tin, với lời cầu nguyện của chúng ta và với những vấn nạn nêu ra đó, cũng có thể trở thành những người tôn thờ Thiên Chúa? Việc nhận thức rằng lòng tham là ngẫu tượng có đi vào tâm hồn chúng ta và đi vào việc thực hành đời sống của chúng ta không? Có lẽ chúng ta lại không để cho các ngẫu tượng, bằng cách này hay cách khác, len lỏi cả vào sinh hoạt đức tin của chúng ta? Chúng ta có sẵn sàng để cho mình không ngừng được Chúa thanh tẩy, và để cho Người xua đuổi khỏi chúng ta và Giáo Hội tất cả những gì trái nghịch với Người?

Tuy nhiên trong việc thanh tẩy đền thờ, một vấn đề khác còn quan trọng hơn là việc chống lại những lạm dụng. Một thời gian mới trong lịch sử đã được báo trước. Điều Chúa Giêsu đã giảng giải cho người phụ nữ Samarianô liên quan đến câu hỏi của bà về sự thờ phượng đích thực, giờ đây đang bắt đầu: “Giờ đang đến, và lúc này đây, những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, vì Chúa Cha tìm kiếm những người thờ phượng như thế” (Ga 4, 23). Giờ mà các con vật được sát tế cho Thiên Chúa đã chấm dứt. Hy tế bằng các con vật chỉ là một sự thay thế, một hành vi quá khứ tìm tòi con đường đích thực để thờ phượng Thiên Chúa. Thư gửi tín hữu Do thái nói về đời sống và công việc của Chúa Giêsu, đãả­ dụng một câu trong Thánh vịnh 40: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế nhưng đã chuẩn bị cho con một thân thể” (Dt 10, 5). Thân thể Chúa Kitô, là chính Chúa Kitô đến để thay thế các hy tế bằng máu và các lễ vật bằng lương phẩm. Chỉ có“tình yêu cho đến cùng”, chỉ tình thương dành cho nhân loại được hiến trọn cho Thiên Chúa mới là sự thờ phượng đích thực, hy tế đích thực. Thờ phượng trong tinh thần và chân lý nghĩa là thờ phượng với Đấng là Sự Thật, thờ phượng hiệp thông với Thân Mình Người, trong đó Chúa Thánh Thần hợp nhất chúng ta.

Các tác giả tin mừng thuật lại rằng những chứng gian đưa ra chống lại Chúa Giêsu đã qủa quyết Chúa nói: “Tôi có thể phá huỷ đền thờ Thiên Chúa, và sẽ xây dựng lại trong ba ngày” (Mt 26, 11). Đứng trước Chúa Kitô đang bị treo trên thập giá, một số kẻ thách thức Người cũng nhắc đến những lời đó: “Mi là kẻ có thể phá huỷ đền thờ và xây dựng lại trong ba ngày, hãy tự cứu mình đi!” (Mt 27, 40). Bản văn chính xác về những lời Chúa Giêsu nói đã được thánh Gioan truyền lại cho chúng ta trong trình thuật về việc thanh tẩy đền thờ. Đáp lại đòi hỏi bằng một dấu chỉ để Chúa Giêsu có thể biện minh cho một hành động như thế, Người đáp lại: “Hãy phá huỷ đền thờ này đi, và trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2, 18 tt). Thánh Gioan thêm rằng khi suy nghĩ lại biến cố Phục sinh, các môn đệ mới hiểu rằng Chúa Giêsu đã ám chỉ Đền Thờ là Thân Mình của Người (x. 2, 21 tt). Không phải Chúa Giêsu phá huỷ đền thờ; nó bị để cho tàn phá bởi thái độ của những người biến nó, từ một nơi để gặp gỡ giữa các dân tộc với Thiên Chúa thành một “hang trộm cướp”, một nơi buôn bán. Vẫn luôn như vậy, bắt đầu với sự sa ngã của A-đam, sự sa ngã của nhân loại trở thành một cơ hội cho chúng ta phó thác hơn vào tình yêu Thiên Chúa. Giờ của đền thờ được xây bằng đá, giờ hiến tế các súc vật giờ đây đã qua đi: sự việc Chúa đuổi những người buôn không chỉ loại bỏ được sự lạm dụng mà còn hướng tới Thiên Chúa một cách thức thờ phượng mới: đền thờ mới được hoàn thành: chính Chúa Giêsu Kitô, nơi Người tình yêu của Thiên Chúa đổ tràn trên nhân loại. Bằng sự sống của Người, Người là đền thờ mới và sống động. Người đã đi qua Thánh Giá và đã phục sinh là không gian sống động cho tinh thần và sự sống nơi đó hình thái thờ phượng đích thực được thực hiện. Như thế, việc thanh tẩy đền thờ, như đỉnh cao của cuộc tiến vào thành Giêrusalem của Chúa Giêsu cũng đồng thời là một dấu chỉ về sự tiêu vong tiềm ẩn một công trình và lời hứa về Đền Thờ mới, một lời hứa về vương quốc của sự hoà giải và tình yêu mà khi hiệp thông với Chúa Kitô sẽ được thiết lập vượt qua mọi biên giới.

Thánh Mát-thêu mà Tin Mừng chúng ta sẽ nghe trong năm nay, đề cập vào cuối bản trình thuật về Chúa Nhật Lễ Lá, sau việc thanh tẩy đền thờ hai chi tiết nhỏ khác mà một lần nữa lại mang một đặc tính tiên tri và đồng thời soi sáng cho chúng ta biết ý định thực sự của Chúa Giêsu. Ngay sau những lời của Chúa Giêsu về ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc, tác giả Tin Mừng tiếp tục: “Có những kẻ mù loà và què quặt đến với Người trong đền thờ, và Người đã chữa họ lành”. Thêm nữa, Mát-thêu còn nói với chúng ta rằng các trẻ em reo hò trong đền thờ cùng với những lời tung hô của những người hành hương tại các cổng thành: “Hoan hô Con Vua Đavít” (Mt 21, 14 tt). Chúa Giêsu xua trừ việc mua bán thú vật và đổi tiền bằng thiện tâm chữa lành. Đây là việc thanh tẩy đền thờ đích thực. Người không đến như là một kẻ phá hoại, Người không đến với lưỡi gươm của một kẻ làm cách mạng. Người đến với ân huệ chữa lành. Người hiến thân cho những ai vì những đau đớn bệnh tật phải lê lết cho đến hết cuộc đời, và cho những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội. Chúa Giêsu tỏ bày Thiên Chúa như là một Đấng yêu thương, và quyền năng của Người như là quyền năng tình yêu. Như thế, Người dạy chúng ta điều luôn luôn đúng về sự thờ phượng Thiên Chúa đích thực: chữa lành, phục vụ và thiện tâm săn sóc.

Và lại có nhiều trẻ em tung hô Chúa Giêsu là con Vua Đavít và reo hò chúc tụng Người. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người rằng để vào Nước Thiên Chúa điều cốt yếu là phải trở nên như trẻ nhỏ. Chính Người, Đấng ôm lấy trọn vẹn thế giới, đã làm cho mình trở nên bé nhỏ để đến giúp đỡ chúng ta, lôi kéo chúng ta về với Thiên Chúa. Để nhận biết Thiên Chúa, chúng ta phải từ bỏ sự kiêu hãnh làm chúng ta choá mắt, nó muốn lôi kéo chúng ta khỏi Thiên Chúa như thể Thiên Chúa là đối thủ của chúng ta. Để gặp Thiên Chúa cần phải có thể nhìn bằng con tim. Chúng ta phải học để nhìn với một tâm hồn trẻ thơ, với một tâm hồn tươi trẻ không bị che khuất bởi những thành kiến hoặc bị đui mù vì những lợi lộc. Như thế, chính trong những người bé mọn, những người có được tâm hồn tự do và rộng mở để nhận biết Chúa Giêsu, mà Giáo Hội nhận ra hình ảnh của mình, hình ảnh của những người tin thuộc mọi thời đại.

Các bạn thân mến, giờ phút này chúng ta hãy kết nhập vào đoàn rước của những người trẻ thời đó – một cuộc rước lượn vòng đi qua toàn bộ lịch sử. Cùng với các bạn trẻ trên toàn thế giới chúng ta hãy đi đến gặp Chúa Giêsu. Chúng ta hãy tự để cho mình được Người hướng dẫn để đến với Thiên Chúa, để học hỏi từ chính Thiên Chúa con đường đích thật để là con người. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa cùng với Người, bởi vì nhờ Chúa Giêsu con Vua Đavít, Người đã ban cho chúng ta một không gian bình an và sự hoà giải ôm trọn lấy thế giới với Bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy cầu nguyện với Người, để chính chúng ta cũng trở nên cùng với Người và bắt đầu từ Người, những sứ giả xây dựng hoà bình, những người thờ phượng trong tinh thần và sự thật, để nước Người được tăng triển trong chúng ta và chung quanh chúng ta. Amen.


THỨ NĂM TUẦN THÁNH: THÁNH LỄ TRUYỀN DẦU
20 tháng Ba, 2008

Anh chị em thân mến, mỗi năm Thánh lễ Truyền Dầu thúc giục chúng ta trở về với tiếng “vâng” đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, tiếng vâng mà chúng ta đã thưa trong ngày lãnh chức linh mục. “Adsum- con đây!”, như tiên tri I-sai-a nói khi ông nghe tiếng Chúa gọi: “Ta sẽ sai ai? Ai sẽ đi cho Ta?”, I-sai đáp lại: “Con đây, xin hãy sai con” (Is 6, 8). Và chính Chúa, qua bàn tay của Đức Giám Mục, đặt tay của Người trên chúng ta để chúng ta hiến thân cho sứ mệnh của Người. Từ đó, chúng ta vượt qua muôn nẻo đường bước theo tiếng gọi của Người. Chúng ta có được như ông Phaolô, người mà sau nhiều năm vất vả phục vụ Tin Mừng, chịu nhiều đau khổ đủ loại, đã viết cho tín hữu Cô-rin-tô: “Bởi thế, vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí” (2 Cr 4, 1)? “Chúng tôi không sờn lòng nản chí.” Hôm nay chúng ta cũng hãy cầu nguyện để lòng nhiệt thành của chúng ta luôn được đốt cháy, để nó luôn được nuôi dưỡng bởi ngọn lửa sống động của Tin Mừng.

Thứ Năm Tuần Thánh cũng còn là một dịp để một lần nữa chúng ta tự hỏi: chúng ta nói tiếng “vâng” đáp lại điều gì? “Là linh mục của Chúa Giêsu Kitô” nghĩa là gì? Kinh Nguyện Thánh Thể II, có lẽ được soạn thảo tại Rô-ma trước khi thế kỉ thứ hai kết thúc, diễn tả bản chất của sứ vụ linh mục với những lời mà sách Đệ Nhị Luật (18, 5, 7) cũng đã đề cập đến bản chất của chức tư tế trong Cựu Ước: astare coram te et tibi ministrare (ứng trực và phụng sự Chúa). Có hai chức năng xác định bản chất của chức linh mục thừa tác: trước hết là “đứng trước Chúa.” Theo sách Đệ Nhị Luật, điều này phải được giải thích trong bối cảnh của của sự phân phối của cải thời trước, theo đó, các tư tế không nhận bổng lợi nào của Đất Thánh- họ sống bởi Chúa và cho Chúa. Họ không tham gia vào những công việc độ nhật thường ngày. Công vụ của họ là “ứng trực trước nhan Chúa”- nghĩa là chăm chú nhìn lên Chúa, sống cho Chúa. Tóm lại, cách dụng ngữ trên chỉ định một đời sống đắm chìm trong sự hiện diện của Chúa cùng với một sứ vụ là đại diện cho tha nhân. Cũng như những người canh tác đất đai để nhờ đó tư tế có thể sống còn, thì tư tế phải giữ cho giữ cho thế giới này luôn hướng về Thiên Chúa, chính họ phải hướng lòng lên Người. Nếu những lời này hôm nay được đặt trong Kinh Nguyện Thánh Thể ngay sau phần thánh hiến các lễ vật, nối tiếp đoạn Chúa hiện diện giữa cộng đoàn đang quy tụ để cầu nguyện, thì nó chỉ cho chúng ta thấy việc đứng đó là đứng trước Chúa đang hiện diện, nghĩa là, trước Thánh Thể, trọng tâm của đời sống linh mục. Nhưng dẫu vậy, ý nghĩa này còn mở rộng hơn nữa. Trong bài thánh thi của các giờ kinh Phụng vụ về Mùa Chay dẫn nhập vào giờ kinh sách- giờ kinh mà các đan sĩ thường cầu nguyện với Chúa vào ban đêm, thay cho mọi người- một trong các việc thực hành của Mùa Chay được đưa ra theo cách truyền lệnh: arctius perstemus in custodia- chúng ta hãy nhiệt tâm canh thức. Theo truyền thống đan viện Sy-ri-a, các đan sĩ được mô tả như “những người đứng trên đôi chân của mình”; đứng thẳng chân là cách thể hiện sự canh thức. Điều được coi như là phận vụ riêng của các đan sĩ thì cũng được nhìn nhận một cách hợp lí khi áp dụng cho sứ vụ linh mục, đúng như những lời trong sách Đệ Nhị Luật: linh mục phải là người canh thức. Ngài phải đứng để bảo vệ chống lại những thế lực mạnh mẽ của sự ác. Ngài phải canh giữ cho thế giới này luôn thức tỉnh hướng về Chúa. Ngài phải là người đứng thẳng trên chân mình: cương trực trước mọi dòng thời gian. Chính trực trong sự thật. Trung trực trong lời kết ước thực thi điều thiện. Ứng trực trước nhan Chúa, tự sâu thẳm của tư thế này cũng có nghĩa là nâng mọi người về với Chúa, là Đấng sẽ nâng tất cả mọi người chúng ta lên với Chúa Cha. Đó phải là sự nâng cao chính Người, chính Chúa Kitô, Lời Người, sự thật của Người, tình yêu của Người. Linh mục phải cương trực, không bị dao động, phải sẵn sàng chịu cả những sự xúc phạm vì Chúa, như được thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ: họ “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu” (5, 41).

Giờ đây chúng ta tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa thứ hai mà Kinh Nguyện Thánh Thể II lấy từ Cựu Ước- “Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa.” Linh mục phải là một người chính trực và tỉnh thức, một người đứng thẳng. Cộng thêm vào những đức tính này nữa là sự phục vụ. Theo bản văn của Cựu ước, từ ngữ này có một ý nghĩa chủ yếu theo nghi thức: vị tư tế phải chịu trách nhiệm về tất cả hành vi thờ phượng đã được Lề Luật quy định. Nhưng việc hành động theo nghi thức này dần dần được xếp loại như việc phục vụ, như một phận vụ phải thi hành, và điều này dẫn giải cho những công việc trên phải được thực hiện tinh thần nào này. Với việc đưa vào cách diễn tả “phục vụ” trong Kinh Nguyện Thánh Thể, ý nghĩa phụng vụ của từ ngữ được thích ứng một cách thức nào đó- để phù hợp với sự mới mẻ của phụng vụ Kitô giáo. Công việc vị linh mục làm trong khi cử hành Thánh Thể là phục vụ, và là việc phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con người. Sự thờ phượng mà Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha là hiến dâng mình cho đến cùng, vì phần rỗi con người. Linh mục phải tự đặt mình vào trong việc thờ phượng này, trong việc phục vụ này. Như thế, cách diễn tả “phục vụ” bao hàm nhiều chiều kích. Chắc chắn điều đầu tiên trong những chiều kích này là việc cử hành đúng đắn phụng vụ và các Bí tích nói chung, được thực hiện với sự tham dự nội tâm. Chúng ta phải học để mỗi ngày hiểu hơn phụng vụ thánh trong tất cả bản chất của nó, học để phát triển sự quen thân sống động với nó, để nó trở thành linh hồn của đời sống thường ngày. Chỉ khi đó chúng ta mới cử hành một cách đúng nghĩa, chính lúc đó mới tỏ hiện tất cả ars celebrandi, nghi thức cử hành. Không được có gì là giả tạo trong nghệ thuật này. Nếu Phụng Vụ là một trách nhiệm chính yếu của linh mục thì điều này cũng có nghĩa là cần phải đặt ra sự ưu tiên dành để học hỏi liên tục, tiếp cận mới và sâu xa hơn cách thế cầu nguyện, trong trường học của Chúa Giêsu Kitô và của các thánh trong mọi thời đại. Bởi vì phụng vụ Kitô giáo, tự bản chất vẫn luôn luôn là một lời loan báo, chúng ta phải là những con người thiết thân với lời Chúa, yêu mến lời Chúa và sống lời Chúa: chỉ khi đó chúng ta mới có thể cắt nghĩa lời Chúa một cách xứng hợp. “Phụng sự Chúa”- việc phục vụ của linh mục cũng có nghĩa là học biết Chúa trong lời của Người, và làm cho tất cả những ai Người đã uỷ thác cho ta được nhận biết Người.

Cuối cùng, có hai khía cạnh khác liên quan đến việc phục vụ. Không ai gần cận người chủ của mình hơn người tôi tớ, là kẻ có thể đi vào không gian riêng tư nhất trong đời sống của ông. Theo nghĩa này, “phục vụ” nghĩa là sự gần gũi, nó đòi hỏi sự thân tình. Nhưng sự thân tình này cũng có thể đưa đến một mối nguy: đó là sự tiếp xúc thường xuyên của chúng ta với điều thánh thiêng có thể gây cho chúng ta nhàm chán. Sự kính sợ biến mất. Với ảnh hưởng của thói quen, chúng ta không còn cảm nhận một biến cố cao trọng, mới mẻ, lạ lùng, là chính Người đang hiện diện, chính Người nói với chúng ta, chính Người tự hiến cho chúng ta. Chúng ta phải không ngừng chống lại sự hoá nhàm đối với thực tại ngoại thường này, chống lại sự dửng dưng của con tim, để luôn nhìn lại sự bất xứng của chúng ta và ân huệ đang diễn ra trong việc Người tự giao nộp vào bàn tay của chúng ta theo thể thức này. Phụng sự có nghĩa là gần gũi, nhưng trên hết là sự tuân phục. Người tôi tớ làm theo các mệnh lệnh: “Không phải theo ý con nhưng theo ý Cha” (Lc 22, 42). Với những lời này trên núi Ôliu, Chúa Giêsu dứt khoát đối đầu với tội lỗi, chống lại sự phản loạn của con tim hư hỏng. Tội của Ađam chủ yếu hệ tại việc ông ta đã muốn làm theo ý mình, chứ không theo ý Thiên Chúa. Cám dỗ của nhân loại luôn là muốn hoàn toàn tự lập, muốn chỉ theo ý riêng mình và muốn mãi như thế để được hoàn toàn tự do; chỉ theo sự tự do vô giới hạn như thế con người mới trọn vẹn là mình. Nhưng như vậy, chúng ta đã đặt mình chống lại sự thật. Bởi vì sự thật là chúng ta phải chia sẻ sự tự do của chúng ta với người khác và chúng ta chỉ tự do khi hiệp thông với người khác. Sự tự do được chia sẻ này chỉ có thể trở nên sự tự do đích thực nếu qua việc này chúng ta đi vào ý muốn của Thiên Chúa, chấp nhận những gì cấu thành mức độ của tự do. Sự tự do nền tảng này là một phần của hiện hữu con người, một sự hiện hữu không chỉ thuộc về nó và cho chính nó, càng ngày càng trở nên cụ thể trong linh mục: chúng ta không rao truyền chính chúng ta, nhưng chính Chúa và lời của Người, những gì chúng ta không thể tự ý tưởng tượng ra. Chúng ta chỉ loan truyền lời Chúa Kitô một cách đúng đắn khi thông hiệp với Thân Mình của Người. Sự tuân phục của chúng ta là tin cùng với Giáo Hội, suy nghĩ và nói năng cùng với Giáo Hội, phục vụ cùng với Giáo Hội. Điều này luôn bao hàm lời Chúa Giêsu đã nói với ông Phêrô: ‘Một người khác sẽ dẫn con đến nơi con chẳng muốn’. Được dẫn đến nơi chúng ta chẳng muốn đến là một khía cạnh căn bản của sự phục vụ, và chính điều này làm cho chúng ta được tự do. Được dẫn đi theo cách thế đó, có thể trái với chính tư tưởng và kế hoạch của chúng ta, nhưng chúng ta cảm nhận điều mới mẻ- sự phong phú của tình yêu Thiên Chúa.

“Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa”: Chúa Giêsu Kitô, vị Linh Tục Tối Cao thật sự của trần gian đã đem đến cho những lời này tính sâu thẳm mà trước đó người ta không thể hình dung được. Người vừa là Con vừa là Chúa, đã muốn trở thành người tôi tớ Thiên Chúa theo lối nhìn của sách tiên tri Isaia đã phác hoạ. Người đã muốn trở thành tôi tớ của tất cả mọi người. Người đã diễn tả tính toàn diện của chức linh mục tối cao trong cử chỉ rửa chân. Với hành vi yêu thương cho đến cùng, Người rửa sạch các bàn chân dơ bẩn; với sự khiêm hạ trong việc phục vụ, Người thanh tẩy chúng ta khỏi căn bệnh tự phụ. Như thế Người làm cho chúng ta có thể trở nên bạn hữu củaThiên Chúa. Người đã bước xuống, và sự đi lên đích thực của con người giờ đây được thực hiện trong việc chúng ta đi lên cùng với Người và tiến đến với Người. Sự nâng lên của Người là Thánh Giá. Đây là sự tự hạ sâu thẳm nhất, và, cũng như tình yêu được đẩy đến cực độ, thì đồng thời đó cũng là đỉnh cao của sự đi lên, của việc “nâng cao” con người. “Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa”- điều này giờ đây có nghĩa là bước vào lời mời gọi của Người như người tôi tớ của Thiên Chúa. Như vậy, Bí tích Thánh Thể như là sự hiện thực của việc bước xuống và nâng lên của Chúa Kitô, sẽ vượt ra ngoài chính nó để quy về nhiều cách thức phục vụ bằng tình yêu thương người đồng loại. Ngày hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn để có thể một lần nữa thốt lên tiếng “vâng” theo nghĩa đó để đáp lại lời mời gọi của Người: “Con đây. Lạy Chúa xin hãy sai con” (x. Is 6, 8). Amen.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH: THÁNH LỄ TIỆC LI
20 tháng Ba, 2008

Anh chị em thân mến, Thánh Gioan bắt đầu bản tường thuật về cách Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Người, với ngôn ngữ thật long trọng và mang đặc tính phụng vụ: “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (13, 1). “Giờ” của Chúa Giêsu đã đến, giờ mà tất cả hoạt động của Người hướng đến từ ban đầu. Thánh Gioan diễn tả những gì làm nên nội dung của giờ này bằng hai từ ngữ: “cởi bỏ” (metabainein, metabasis) và “agape”- tình yêu. Hai từ này giải thích cho nhau; cả hai cùng diễn tả cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu: thập giá và sự phục sinh, nhục hình chịu đóng đinh như là sự dương lên cao, như “cuộc vượt qua” cho vinh quang của Thiên Chúa, như một sự “thoát bỏ” khỏi thế gian để về với Chúa Cha. Không phải Chúa Giêsu chỉ ra đi và trở lại với Chúa Cha như sau một chuyến viếng thăm ngắn ngủi ở trần gian. Sự vượt qua này là một cuộc biến đổi. Người mang theo thân xác của Người, hiện hữu nhân tính của Người. Khi tự hiến trên Thánh Giá, Người được tan hoà và biến đổi theo một cách thế hiện diện mới, để Người ở mãi với Chúa Cha và đồng thời ở với loài người. Người biến đổi Thánh Giá, là hành động giết chóc, thành một hành vi tự hiến, hành vi yêu thương cho đến cùng. Với cách diễn đạt này, “cho đến cùng,” Thánh Gioan gợi ý trước cho những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh Giá: tất cả đi đến câu kết thúc, “Thế là đã hoàn tất” (19, 30). Qua tình yêu của người, Thánh Giá trở nên “metabasis,” biến đổi con người thành con người dự phần vào vinh quang của Thiên Chúa. Trong cuộc biến đổi này, Người ôm trọn tất cả chúng ta, đưa dẫn chúng ta đi vào quyền năng biến đổi của tình yêu Người, tới một mức độ là hiện hữu của chúng ta kết hợp với người, cuộc đời chúng ta trở nên một “cuộc vượt qua,” một cuộc biến đổi. Chúng ta đón nhận ơn cứu chuộc là như thế- trở nên những người dự phần vào tình yêu vĩnh cửu, một điều kiện mà tất cả cuộc đời chúng ta nỗ lực hướng tới.

Tiến trình cốt yếu trong giờ của Chúa Giêsu được thể hiện trong việc rửa chân, một hành vi tiên tri mang tính biểu tượng. Trong đó, Chúa Giêsu diễn tả thành một hành động cụ thể, điều mà bài ca giàu tính Kitô học của thư gửi tín hữu Phi-lip-phê trình bày như nội dung mầu nhiệm Chúa Kitô. Chúa Giêsu cởi bỏ áo ngoài của vinh quang, Người thắt vào chính Người “tấm khăn” của nhân loại, và trở nên một nô lệ. Người rửa những bàn chân dơ bẩn của các môn đệ và như vậy Người ban cho họ được thông phần vào bữa tiệc thần linh mà người mời họ đến dự. Tắm rửa bên ngoài để thờ phượng chỉ tẩy rửa con người theo nghi lễ, nhưng vẫn để con người nguyên như cũ, đã được thay thế bằng phép tẩy rửa mới: Người làm cho chúng ta nên thanh sạch qua lời và tình yêu của Người, qua ân sủng là chính Người. “Các con đã đựơc cắt tỉa nhờ lời Thầy nói với các con,” Người nói với các môn đệ trong diễn từ về cây nho (Ga 15, 3). Người lại tiếp tục rửa chân cho chúng ta bằng chính lời của Người. Vâng, nếu chúng ta đón nhận lời Chúa Giêsu bằng thái độ suy niệm, cầu nguyện và đức tin, những lời đó sẽ phát tỏa năng lực thanh tẩy trong chúng ta. Ngày nối tiếp ngày, chúng ta như bị phủ lấp bởi nhiều loại ô uế khác nhau, những lời nói rỗng tuếch, những thành kiến, những kiểu khôn ngoan vụn vặt, trí trá; nhiều hình thức giả dối che đậy hoặc công khai tiếp tục thấm sâu vào nội tâm của chúng ta. Tất cả những điều này làm mờ tối và ô uế tâm hồn chúng ta, gây nguy cơ làm cho chúng ta không thể đón nhận sự thật và sự thiện. Nếu chúng ta đón nhận những lời của Chúa Giêsu với một tâm hồn chăm chú thì những lời này tỏ rõ như là những cuộc tẩy rửa đích thực, thanh tẩy tâm hồn, thanh tẩy con người bên trong. Đây chính là điều mà Tin Mừng về việc rửa chân mời gọi chúng ta: hãy để cho mình luôn được rửa lại bằng nguồn nước tinh tuyền này, hãy để cho mình được biến thành mối hiệp thông thân tình với Chúa và anh em của chúng ta. Tuy nhiên, từ cạnh sườn của Chúa Giêsu, sau khi bị người lính đâm thâu, trào vọt ra không chỉ có nước mà còn cả máu nữa (Ga 19, 34; x.1 Ga 5, 6, 8). Chúa Giêsu không chỉ nói, Người không chỉ để lại cho chúng ta lời nói. Người tận hiến. Người rửa sạch chúng ta bằng sức mạnh chí thánh là máu Người, nghĩa là trao hiến “cho đến cùng,” cho đến đón nhận Thánh Giá. Lời của Người còn hơn là văn tự đơn thuần; đó là thịt và máu “cho sự sống trần gian” (Ga 6, 51). Trong bí tích Thánh Thể, Chúa lại quỳ gối trước đôi bàn chân của chúng ta và rửa sạch chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Người để sự tẩy sạch thánh thiện bằng tình yêu của Người được thấm sâu vào trong chúng ta hơn nữa, hầu chúng ta được thanh tẩy thực sự.

Nếu chúng ta chăm chú lắng nghe Tin Mừng, chúng ta có thể khám phá hai khía cạnh trong đoạn nói về rửa chân. Việc rửa chân mà Chúa Giêsu thực hiện cho các môn đệ Người trước hết chính là hành động của Người- ơn thanh tẩy, để “có thể đón nhận Chúa” được ban cho họ. Nhưng ơn huệ đó còn trở nên một kiểu mẫu, một phận vụ để cũng làm như vậy đối với nhau. Các Giáo phụ giải thích khía cạnh hai mặt của việc rửa chân bằng những từ ngữ “sacramentum” (bí tích) và “exemplum” (gương mẫu). Trong bối cảnh này, “sacramentum” không chỉ về một trong bảy bí tích, nhưng chỉ về mầu nhiệm Chúa Kitô trong toàn thể, từ nhập thể đến thập giá và sống lại: tính toàn thể này trở thành quyền năng chữa lành và thánh hoá, quyền năng biến đổi cho con người, nó trở nên “metabasis” của chúng ta, sự biến đổi giúp chúng ta bước vào một hình thức hiện hữu mới, hướng mở về Thiên Chúa và hiệp thông với Người. Nhưng cách hiện hữu mới này, không do công trạng của chúng ta, Người chỉ ban cho chúng ta để nó được biến thành động năng cho một đời sống mới trong chúng ta. Tính toàn thể của ơn ban và gương mẫu mà chúng ta tìm thấy trong đoạn nói về việc rửa chân là đặc trưng cho bản chất của Kitô giáo nói chung. So với chủ thuyết luân lí, Kitô giáo còn vượt xa hơn và khác biệt hơn. Hoạt động của chúng ta, nội dung luân lí của chúng ta không được đặt ra từ buổi đầu. Kitô giáo trước hết là một ơn ban: Thiên Chúa hiến thân cho chúng ta- Người không ban cho chúng ta một điều gì đó, nhưng ban chính mình Người. Và điều này không chỉ xảy ra vào lúc đầu, vào lúc chúng ta hoán cải mà thôi. Người vẫn còn là Đấng trao ban. Người luôn ban cho chúng ta những ân huệ mới. Người luôn đi trước chúng ta. Vì lí do đó mà việc cử hành trung tâm của Kitô hữu là Bí tích Thánh Thể: biết ơn vì đã được thoả mãn, hân hoan vì sự sống mới mà Người trao ban.

Mặc dù là như thế, chúng ta không thể mãi là những người đón nhận thụ động những điều thiện hảo của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta như những đối tác cá nhân và sống động. Tình yêu được trao ban là động năng của việc “yêu thương nhau,” nhằm hướng đến một sự sống mới trong chúng ta, xuất phát từ Thiên Chúa. Như thế chúng ta hiểu những lời mà ở phần cuối trình thuật rửa chân, Chúa Giêsu nói với các môn đệ Người và với tất cả chúng ta: “Thầy ban cho các con một giới răn mới: Hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng phải yêu thương nhau” (Ga 13, 34). “Giới răn mới” không hệ tại một tiêu chuẩn mới và khó khăn, một điều đã không hiện hữu trước đó. Giới răn mới hệ tại việc yêu thương nhau với Người, Đấng đã yêu chúng ta trước. Đây cũng là cách chúng ta phải hiểu Bài Giảng Trên Núi. Điều này không có nghĩa là vào thời đó Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta những nguyên tắc mới, tượng trưng cho những đòi hỏi của một thuyết nhân bản cao hơn với thuyết trước đây. Bài Giảng Trên Núi là một hành trình rèn luyện để nên đồng hình đồng dạng với những tâm tình của Chúa Kitô (x. Pl 2, 5), một hành trình thanh tẩy nội tâm hướng chúng ta đến việc cùng với Người sống chung với nhau. Thực tại mới là ân huệ dẫn chúng ta đi vào tâm thức của Chúa Kitô. Nếu nhìn nhận điều này chúng ta sẽ nhận ra đời sống chúng ta còn cách xa biết bao với thực tại mới này của Tân Ước; việc làm gương sống yêu thương, hiệp thông với tình yêu của Người mà chúng ta gửi đến cho nhân loại còn nhỏ bé biết bao. Như vậy chúng ta mắc nợ nhân loại một bằng chứng về tính khả tín của sự thật Kitô giáo, được thể hiện trong tình yêu. Chính vì lý do này chúng ta ước muốn cầu nguyện với Chúa nhiều hơn để làm cho chúng ta qua sự thanh tẩy của Người, được thành tín hơn trong giới răn mới.

Trong Tin Mừng về việc rửa chân, cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô lại trình bày một chi tiết khác nữa về việc thực hành đời sống Kitô giáo, mà kết cuộc chúng ta cần phải chú tâm. Vào lúc trước đó, ông Phêrô đã không muốn cho Chúa rửa chân cho mình: việc đảo lộn trật tự này, nghĩa là vị Thầy, Chúa Giêsu phải rửa chân, nghĩa là vị Thầy phải thực hiện việc phục vụ của một kẻ nô lệ, lại hoàn toàn tương phản với việc tôn kính của ông dành cho Chúa Giêsu, theo quan niệm của ông về mối tương quan giữa Thầy và môn đệ. “Thầy sẽ chẳng bao giờ rửa chân cho con,” ông nói với Chúa Giêsu một cách bộc trực thông thường (Ga 13, 8). Đây cũng là chính tâm thức mà sau lần tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa ở Xê-da-rê-a Phi-lip-phê, đã thúc đẩy Phêrô chống lại Chúa Giêsu khi Người báo trước sự thương khó và thập giá của Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy,” ông Phêrô tuyên bố một cách rõ ràng, dứt khoát (Mt 16, 22). Quan niệm của ông về Đấng Mêsia bao gồm một hình ảnh uy nghiêm, một vẻ cao trọng thần linh. Ông cần phải luôn luôn học biết rằng sự cao trọng của Thiên Chúa khác với quan niệm của chúng ta về sự cao cả; điều này hệ tại sự đi xuống, trong sự khiêm tốn phục vụ, trong sự triệt để của tình yêu đến mức hoàn toàn tự hiến. Và cả chúng ta cũng phải luôn học lại điều này, bởi vì chúng ta ước muốn một cách hệ thống vị Thiên Chúa của thành công, chứ không phải của Khổ Nạn; bởi vì chúng ta không thể hiểu được rằng vị Mục Tử đến như một Con Chiên tự hiến, và chính nhờ vậy dẫn chúng ta đến đồng cỏ đích thực.
Khi Chúa nói với ông Phêrô rằng nếu không rửa chân ông sẽ chẳng bao giờ được dự phần với Người, ông Phêrô mau mắn và mạnh mẽ yêu cầu được rửa đầu và tay nữa. Điều này được nối tiếp theo những lời sâu nhiệm của Chúa Giêsu: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa chân nữa” (Ga 13, 10). Chúa Giêsu ám chỉ một sự tắm rửa mà các môn đệ, theo chỉ thị của nghi thức, đã phải thực hiện; để có thể dự một bữa ăn, họ chỉ cần rửa chân. Nhưng dĩ nhiên, một ý nghĩa sâu xa hơn được giữ kín ở đây. Nó ám chỉ điều gì? Chúng ta không biết chắc chắn. Dù sao, chúng ta phải ghi nhớ rằng việc rửa chân, theo ý nghĩa của toàn chương, không chỉ thị một bí tích đặc biệt, nhưng là “sacramentum Christi” (Bí tích của Chúa Kitô) trong toàn thể của nó – sự phục vụ ơn cứu độ của Người, sự hạ mình đến chấp nhận thập giá, tình yêu của Người cho đến cùng, thanh tẩy chúng ta và làm cho chúng ta có thể đón nhận Thiên Chúa. Ở đây, sự phân biệt giữa tắm và rửa chân cũng thể hiện một sự ám chỉ cho đời sống trong cộng đoàn của các môn đệ, cho đời sống trong cộng đoàn Giáo Hội – một sự ám chỉ mà thánh Gioan có lẽ đã chủ ý truyền đạt cho cộng đoàn trong thời của ngài. Vì vậy, dường như điều rõ ràng là việc tắm rửa thanh tẩy chúng ta một cách dứt khoát và không cần phải lặp lại, đó là Bí tích Thánh Tẩy – sự nhận chìm trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, một sự kiện biến đổi đời sống chúng ta một cách sâu xa, ban cho chúng ta một điều gì đó như là một căn tính mới mẻ kéo dài, nếu chúng ta không quẳng ném nó đi như Giuđa đã làm. Nhưng dù duy trì lâu dài trong căn tính mới này, chúng ta cần phải “rửa chân” để sống hiệp thông với Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là gì? Theo tôi dường như Thư thứ nhất của thánh Gioan cho chúng ta chìa khoá để hiểu điều này. Trong đó chúng ta đọc thấy: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1, 8tt). Chúng ta cần “rửa chân,” rửa mọi tội lỗi hằng ngày, và do đó chúng ta cần thú nhận tội lỗi. Chúng ta không biết chắc điều này đã được thực hiện trong cộng đoàn của thánh Gioan như thế nào. Nhưng sự hướng dẫn qua lời Chúa Giêsu chỉ cho Phêrô thật rõ ràng: để có thể dự phần vào cộng đoàn thân tình với Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải thành tâm. Chúng ta phải nhìn nhận rằng dầu với căn tính là những người đã được chịu phép rửa tội, chúng ta vẫn phạm tội. Chúng ta cần sự thú nhận như điều đã được thực hiện trong Bí tích Hoà Giải. Trong đó, Chúa tiếp tục lại rửa những bàn chân dơ bẩn của chúng ta, và chúng ta có thể đồng bàn với Người.

Nhưng hiểu theo cách đó, từ ngữ lại mang một ý nghĩa khác nữa, trong đó Chúa mở rộng từ “sacramentum” (bí tích) bằng việc làm cho nó trở thành “exemplum” (gương mẫu), một ân huệ, một sự phục vụ anh chị em chúng ta: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). Chúng ta phải rửa chân cho nhau trong sự phục vụ yêu thương đối với nhau hằng ngày. Nhưng chúng ta cũng phải rửa chân của chúng ta theo nghĩa là phải luôn tha thứ cho nhau. Món nợ mà Chúa đã tha cho chúng ta luôn quá sức lớn so với tất cả những món nợ mà những người khác có thể nợ chúng ta (x. Mt 18, 21-35). Chính vì điều này mà ngày Thứ Năm Tuần Thánh thúc đẩy chúng ta: đừng để cho hận thù sâu kín trong lòng chúng ta đối với người khác trở nên chất đầu độc tâm hồn chúng ta. Nó cũng thúc đẩy chúng ta thường xuyên thanh tẩy ký ức của chúng ta, bằng việc hết lòng tha thứ cho nhau, bằng việc rửa chân cho nhau, như thế chúng ta có thể cùng đồng bàn trong bữa tiệc của Thiên Chúa.

Ngày Thứ Năm Tuần Thánh là một ngày biết ơn và hân hoan vì hồng ân trọng đại của tình yêu triệt để mà Chúa đã ban cho chúng ta. Giờ phút này chúng ta muốn cầu nguyện để lòng biết ơn và sự hân hoan này, với tình yêu của Người có thể trở nên trong chúng ta sức mạnh để yêu thương nhau. Amen.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH: ĐƯỜNG THÁNH GIÁ
21-3-2008

Anh chị em thân mến, năm nay chúng ta lại đi theo đường thánh giá, Via Crucis, lại gợi lên trong niềm tin chúng ta những chặng đường khổ nạn của Chúa Kitô. Mắt chúng ta cùng hướng lên để chiêm ngắm những sự đau khổ và sự đau buồn mà Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã mang vào giờ khắc đau thương nhất, đưa đến đỉnh cao trong sứ mệnh trần gian của Người. Chúa Giêsu chết trên thập giá và nằm trong mồ. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nhuốm đầy vẻ u buồn và sự thinh lặng thiêng liêng, khép lại trong sự thinh lặng của việc suy niệm và cầu nguyện. Trong khi trở về nhà, cả chúng ta cũng như những người đã có mặt vào lúc Chúa Giêsu chịu hi sinh, hãy đấm ngực mà nhớ lại những gì đã xảy ra. Có thể nào lại vẫn cứ dửng dưng trước cái chết của Chúa, của Con Thiên Chúa? Vì chúng ta, vì ơn cứu chuộc chúng ta, Người đã trở nên phàm nhân, đã chịu đau khổ và chịu chết.
Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy nhìn thẳng lên Chúa Kitô, cái nhìn của chúng ta thường bị phân tán vì những lợi thú trần gian rời rạc và chóng qua. Chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm thập giá của Người. Thập giá nguồn mạch sự sống và trường học của công lý và hoà bình, là gia sản chung của ơn tha thứ và lòng thương xót. Thập giá là bằng chứng trường tồn về một tình yêu tự huỷ và vô biên mà Thiên Chúa mang đến, Người trở nên người phàm, chịu thương tổn như chúng ta, và chịu đóng đinh tử hình.

Qua đường thánh giá đau buồn, con người của mọi thời đại, được hoà giải và được cứu chuộc nhờ máu Chúa Kitô, đã trở nên bạn hữu của Thiên Chúa, Con của Cha trên trời. “Bạn,” là tiếng Chúa Giêsu gọi Giuđa và trao cho hắn lời kêu gọi hoán cải cuối cùng và xúc động. “Bạn,” Người gọi mỗi người chúng ta, bởi vì Người là bạn thật sự của mỗi người. Tiếc rằng chúng ta không luôn luôn cảm nhận được chiều sâu của tình yêu vô biên mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Đối với Người không có sự phân biệt về chủng tộc hay văn hoá. Chúa Giêsu Kitô đã chết để giải phóng nhân loại khỏi sự vô tâm cố hữu của họ về Thiên Chúa, khỏi vòng xoay hận thù và bạo lực, khỏi nô lệ tội lỗi. Thập giá làm cho chúng ta trở thành anh chị em với nhau.

Nhưng trong giờ phút này đây chúng ta tự hỏi chúng ta đã làm gì với ân huệ này, chúng ta đã thực hiện được điều gì với sự mặc khải về dung mạo của Chúa Giêsu Kitô, với sự mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa chiến thắng hận thù. Còn có nhiều người trong thời đại chúng ta không nhìn biết Thiên Chúa và không gặp Người trong Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Nhiều người đi tìm một tình yêu hoặc sự tự do loại trừ Thiên Chúa. Nhiều người tin rằng họ không cần Thiên Chúa.

Các bạn thân mến: sau khi đã cùng sống cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu thì trong đêm nay chúng ta hãy để cho sự hi sinh của Người trên thập giá chất vấn chúng ta. Chúng ta hãy cho phép Người thách thức những xác tín nhân loại của chúng ta. Chúng ta hãy mở rộng con tim của chúng ta. Chúa Giêsu là sự thật giải phóng chúng ta đến với tình yêu. Chúng ta đừng sợ: khi chịu chết, Chúa Giêsu đã diệt trừ tội lỗi và đã cứu chuộc các tội nhân, nghĩa là tất cả chúng ta. Tông đồ Phaolô viết: “Chính Người đã mang vào thân thể của Người trên thập giá tội lỗi của chúng ta để một khi đã chết với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (1 Pr 2, 24). Đây là sự thật về ngày Thứ Sáu Tuần Thánh: trên thập giá, Đấng Cứu Chuộc đã làm cho chúng ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng chúng ta nên giống hình ảnh Người. Vậy chúng ta cùng thờ lạy Thánh Giá.

Lạy Chúa Kitô, xin ban cho chúng con sự bình an chúng con đang tìm kiếm, hạnh phúc mà chúng con ao ước, tình yêu đổ đầy tâm hồn chúng con, tâm hồn khao khát sự vô biên. Đây là những lời cầu nguyện của chúng con trong đêm nay, lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã chết cho chúng con trên thập giá và đã sống lại vào ngày thứ ba. Amen.

BÀI GIẢNG LỄ VỌNG PHỤC SINH
Tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Thứ Bảy Tuần Thánh, 22 tháng Ba 2008


Anh chị em thân mến,

Trong diễn từ li biệt của Người, Chúa Giêsu đã báo trước cái chết sắp tới và sự phục sinh của Người cho các môn đệ với những lời lẽ sâu nhiệm này: “Thầy ra đi và sẽ đến cùng anh em” (Ga 14, 28). Chết là “ra đi”. Xác của người chết dẫu còn ở lại, thì chính họ đã đi vào cõi vô định, và chúng ta không thể theo họ (x. Ga 13, 36). Nhưng trong trường hợp của Chúa Giêsu, có một điều hoàn toàn mới, làm thay đổi thế giới. Trong trường hợp cái chết của chính chúng ta, sự “ra đi” là dứt khoát, không có sự trở lại. Chúa Giêsu thì khác, Người nói về cái chết của Người: “Thầy ra đi và sẽ đến cùng anh em”. Chính qua việc ra đi mà Người trở lại. Sự ra đi của Người báo hiệu một cách thế hiện diện hoàn toàn mới và hoàn hảo hơn. Khi chết, Người đi vào tình yêu của Chúa Cha. Cái chết của Người là hành vi của tình yêu. Và tình yêu thì bất tử. Do đó, sự ra đi của Người được biến thành sự trở lại mới, theo một hình thức hiện diện đạt đến mức độ sâu xa hơn và không đi đến một kết thúc. Trong cuộc đời dương thế của Người, Chúa Giêsu cũng như tất cả chúng ta, bị trói buộc vào những điều kiện bên ngoài của sự hiện hữu thể lý: được xác định trong một nơi chốn và một thời gian. Tính xác thể đ?t ra những giới hạn cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể đồng thời ở hai nơi khác nhau. Thời gian của chúng ta được định đoạt để đi đến một đích điểm. Và giữa cái “tôi” và cái “anh” có một bức tường của tha tính. Chắc chắn rằng qua tình yêu một cách nào đó chúng ta có thể đi vào hiện hữu của tha nhân. Tuy nhiên, vật trở ngại không thể vượt qua của hiện hữu khác biệt vẫn còn tại chỗ. Còn Chúa Giêsu giờ đây được hoàn toàn biến đổi qua hành vi của tình yêu thì thoát khỏi những trở ngại và những giới hạn đó. Người không chỉ đi xuyên qua các cửa đóng kín trong thế giới ngoại tai, như các sách Tin Mừng tường thuật (x Ga 20, 19). Người có thể đi qua cửa nội tâm ngăn cách cái “tôi” khỏi cái “anh”, cửa đóng kín giữa hôm qua và hôm nay, giữa quá khứ và tương lai. Vào ngày Người long trọng tiến vào thành Giêrusalem, khi một số người Hi Lạp yêu cầu được gặp Người, Chúa Giêsu đáp lại bằng dụ ngôn hạt lúa mì phải đi qua cái chết để sinh nhiều hoa trái. Như vậy Người đã báo trước số mệnh của chính Người: những lời này không chỉ được nói với một hai người Hi Lạp trong khoảng thời gian của một ít phút. Qua Thánh Giá của Người, qua sự ra đi của Người, qua cái chết của Người như hạt lúa mì, Người đã thực sự đến giữa những người Hi Lạp, theo một cách thức mà họ có thể thấy Người và tiếp xúc với Người qua đức tin. Sự ra đi của Người được biến thành sự trở lại, bằng cách thức hiện diện phổ quát của Chúa Phục Sinh, trong đó Người là hôm qua, hôm nay và mãi mãi, trong đó Người ôm trọn tất cả thời gian và tất cả không gian. Giờ đây Người có thể vượt cả bức tường tha tính ngăn cách cái “tôi” khỏi cái “anh”. Điều này đã xảy ra với Phaolô, ông bày tỏ tiến trình hoán cải và Phép Thánh Tẩy của mình bằng những lời: “Không còn phải là tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Qua sự trở lại của Đấng Phục Sinh, Phaolô đạt được một căn tính mới. Cái “tôi” đóng kín của ông được mở toang. Giờ đây ông sống hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, trong cái “tôi” rộng lớn của những người tin đã trở thành duy nhất trong “Chúa Kitô”, như ông diễn tả (Gl 3, 28).

Các bạn thân mến, rõ ràng là qua Bí tích Thánh Tẩy, những lời kín nhiệm Chúa Giêsu nói tại bữa Tiệc Li một lần nữa lại trở thành hiện thực cho các bạn. Trong Bí Tích Thánh tẩy, Chúa đi vào cuộc đời của các bạn qua cửa ngõ của tâm hồn. Chúng ta không còn đứng ngoài lề hay đối lập với nhau nữa. Người đi qua tất cả những cánh cửa này. Đây là thực tại của Bí Tích Thánh Tẩy: Người, Đấng Phục Sinh đến; Người đến với các bạn và nối kết cuộc đời của Người với cuộc đời của các bạn, khi đưa các bạn vào ngọn lửa bùng cháy trong tình yêu của Người. Các bạn trở nên một, hợp nhất với Người, và như vậy nên một giữa chính các bạn. Trước tiên điều này xem ra khá trừu tượng và không hiện thực. Nhưng các bạn càng sống đời sống của những người chịu phép rửa các bạn càng cảm nghiệm được sự thật của những lời này. Những tín hữu- những người đã chịu phép rửa-thực sự không bao giờ bị cách biệt khỏi nhau. Các lục địa, các nền văn hoá, các cơ cấu xã hội hoặc ngay cả khoảng cách lịch sử có thể ngăn cách chúng ta. Nhưng khi gặp nhau, chúng ta biết nhau trên căn bản của cùng một Chúa, cùng một đức tin, cùng một niềm hi vọng cùng một tình yêu hợp nhất chúng ta. Và rồi chúng ta nhận ra rằng nền tảng của đời sống chúng ta là duy nhất. Chúng ta cảm nghiệm rằng trong sâu thẳm tâm hồn mình, chúng ta được cắm chắc trong cùng một căn tính, trên căn bản mà dù tất cả những khác biệt bên ngoài có thể to lớn, vẫn chỉ là phụ thuộc. Các tín hữu không bao giờ bị cách biệt khỏi nhau. Chúng ta sống trong hiệp thông với nhau bởi vì căn tính sâu xa nhất của chúng ta đó là Chúa Kitô ở trong chúng ta. Như thế đức tin là một sức mạnh để kiến tạo hoà bình và hoà giải trong thế giới: những khoảng cách giữa các dân tộc được vượt qua, trong Chúa chúng ta đã trở nên gần gũi nhau (x. Ep 2, 13).

Giáo Hội diễn tả thực tại sâu xa của Bí Tích Thánh Tẩy như là hồng ân đón nhận một căn tính mới qua những yếu tố khả giác được sử dụng trong việc cử hành Bí Tích. Yếu tố căn bản trong Bí Tích Thánh tẩy là nước; tiếp theo, yếu tố thứ hai là ánh sáng, được sử dụng một cách phong phú trong phụng vụ lễ Vọng Phục Sinh. Chúng ta hãy nhìn sơ lược vào hai yếu tố này. Trong chương cuối cùng của Thư gửi tín hữu Do Thái, có một lời phát biểu về Chúa Kitô, không trực tiếp nói đến nước, nhưng những ám chỉ trong Cựu Ước lại chỉ rõ mầu nhiệm của nước và ý nghĩa biểu tượng của nó. Ở đây chúng ta đọc: “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Người là vị mục tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu” (13, 20). Trong câu này có tiếng vọng lại lời tiên tri Isaia, trong đó Môsê được diễn tả như mục tử mà Chúa đã mang lên khỏi nước, khỏi biển (x. 63, 11). Chúa Giêsu xuất hiện như Mục Tử mới và cuối cùng đem lại sự viên mãn cho những gì ông Môsê đã thực hiện: Người dẫn chúng ta ra khỏi dòng nước chết chóc của biển cả, khỏi nước của tử thần. Trong bối cảnh này, chúng ta hẳn nhớ lại rằng mẹ của ông Môsê đã đặt ông vào một cái thúng trong dòng sông Nin. Rồi nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa ông được mang ra khỏi nước, được dẫn đưa từ sự chết đến sự sống, và như thế- đã được cứu khỏi dòng nước của sự chết- ông có thể dẫn đưa người khác đi qua biển cả của sự chết. Chúa Giêsu đã xuống với chúng ta trong dòng nước đen tối của tử thần. Nhưng nhờ máu Người, như thư gửi tín hữu Do Thái nói với chúng ta, Người được cất khỏi sự chết: tình yêu của Người nối kết với tình yêu của Chúa Cha, và như vậy từ vực thẳm của sự chết Người có thể vươn tới sự sống. Giờ đây Người nâng chúng ta từ sự chết đến sự sống đích thực. Đây là chính điều xảy ra trong Bí Tích Thánh Tẩy: Người lôi kéo chúng ta đến với Người, Người hướng chúng ta đi vào sự sống đích thực. Người dẫn chúng ta đi qua biển lịch sử vẫn luôn tối tăm, nơi chúng ta luôn bị đe doạ chìm nghỉm giữa tất cả những hỗn độn và nguy hiểm. Trong Bí Tích Thánh Tẩy, như vẫn vậy, Người cầm lấy tay chúng ta, Người dẫn chúng ta đi qua con đường xuyên qua Biển Đỏ của cuộc đời này và dẫn chúng ta đi vào sự sống vĩnh cửu, sự sống đích thực và công chính. Chúng ta hãy bám chắc tay của Người! Bất cứ điều gì có thể diễn ra, bất cứ điều gì có thể xảy đến, chúng ta đừng rời khỏi tay Người; chúng ta hãy bước theo con đường dẫn đến sự sống.

Thứ hai, có một biểu tượng về ánh sáng và lửa. Thánh Grêgôri thành Tua thuật lại một việc cử hành đã được duy trì tại một số nơi trong một thời gian dài, đó là dùng một kính pha lê để thắp lửa mới trực tiếp từ mặt trời cho việc cử hành lễ Phục Sinh. Có thể nói ánh sáng và lửa được nhận lại mới từ trời để từ nó tất cả ánh sáng và lửa trong năm được thắp lên. Đây là ý nghĩa biểu tượng mà chúng ta đang cử hành trong lễ Vọng Phục Sinh. Qua tình yêu triệt để của Người dành cho chúng ta, tình yêu mà trái tim của Thiên Chúa và trái tim của con người tiếp chạm với nhau, Chúa Giêsu Kitô đã thật sự lấy ánh sáng từ trời cao và đem đến trái đất- ánh sáng của sự thật và ánh sáng của tình yêu biến đổi sự sống con người. Người đã mang lại ánh sáng và giờ đây chúng ta nhận biết Thiên Chúa là ai và Người như thế nào. Và chúng ta cũng biết hoàn cảnh của chúng ta: Chúng ta là gì, và chúng ta hiện hữu cho mục đích gì. Khi chúng ta được rửa tội, ngọn lửa của ánh sáng này được thắp sâu vào tận đáy lòng chúng ta. Vì vậy vào thời Giáo Hội sơ khai, Bí Tích Thánh Tẩy cũng được gọi là Bí Tích của sự Khai Minh: ánh sáng của Thiên Chúa đi vào chúng ta; như thế chính chúng ta trở thành con cái sự sáng. Chúng ta không được để cho ánh sáng sự thật này, ánh sáng chỉ đường cho chúng ta bị tắt đi. Chúng ta phải bảo vệ nó khỏi tất cả những thế lực đang tìm cách tiêu diệt nó để xô đẩy chúng ta trở lại bóng tối ngăn cách về Thiên Chúa và về chính chúng ta. Đôi khi bóng tối dường như dễ chịu. Tôi có thể trốn tránh và dùng đời tôi để ngủ mê. Tuy nhiên chúng ta không được kêu gọi đi vào bóng tối, nhưng đi vào ánh sáng. Tuyên xưng những lời hứa của Bí Tích Thánh Tẩy mỗi năm, chúng ta lại thắp lên ánh sáng này. Vâng, tôi tin rằng thế giới và cuộc đời của tôi không phải là sản phẩm của sự may rủi, nhưng là của Lí Trí vĩnh cửu và Tình Yêu vĩnh cửu, được Thiên Chúa Toàn Năng tạo dựng. Vâng, tôi tin rằng trong Chúa Giêsu Kitô, trong mầu nhiệm nhập thể của Người, trong Thánh Giá và sự Phục Sinh của Người, dung mạo của Thiên Chúa đã được măc khải; rằng nơi Người Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta, Người nối kết chúng ta lại và dẫn chúng ta về cùng đích của chúng ta, về Tình Yêu vĩnh cửu. Vâng, tôi tin rằng Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lời sự thật và soi sáng tâm hồn chúng ta; Tôi tin rằng trong sự hiệp thông Giáo Hội tất cả chúng ta trở nên một Thân Thể với Chúa, và như thế chúng ta gặp thấy sự phục sinh và sự sống vĩnh cửu của Người. Chúa đã ban cho chúng ta ánh sáng sự thật. Anh sáng này cũng là ngọn lửa, một sức mạnh phát xuất từ Thiên Chúa, sức mạnh không huỷ diệt, nhưng tìm cách biến cải tâm hồn chúng ta, để chúng ta thật sự trở nên những người thuộc về Thiên Chúa, và để sự bình an của Người có thể trở thành hữu hiệu trong thế giới này.

Thời Giáo Hội sơ khai có một tục lệ là khi Đức Giám mục hay vị linh mục giảng xong thì hô to lên cho các tín hữu: “Conversi ad Dominum”- giờ đây hãy quay trở về với Chúa. Điều này có nghĩa trước hết là họ hãy quay về hướng Đông, về phía mặt trời mọc, là dấu chỉ Chúa Kitô đang trở lại, Đấng mà chúng ta đến gặp khi chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể. Ở nơi nào mà điều này không thực hiện được vì lí do nào đó thì ít nhất họ phải hướng về hình tượng Chúa Kitô tại cung thánh, hoặc hướng về Thánh Giá để nâng lòng lên Chúa. Điều này cốt yếu bao hàm một hành vi nội tâm: hướng tâm hồn lên Chúa Giêsu Kitô để hướng về Thiên Chúa hằng sống, về ánh sáng đích thực. Và liên quan tới điều này là lời xướng vẫn còn tới ngày nay, trước Kinh Nguyện Thánh Thể, được ngỏ tới cộng đoàn tín hữu: “Sursum corda”- “Hãy nâng tâm hồn lên”, vượt lên trên mối ngổn ngang của bận tâm, của ước muốn, băn khoăn và lơ đãng- “Hãy nâng tâm hồn lên, nâng bản thân sâu kín lên!” Trong cả hai lời xướng này chúng ta được mời gọi, như vẫn vậy, để đổi mới Bí tích Thánh Tẩy của chúng ta: Conversi ad Dominum- chúng ta một lần nữa phải tránh đi theo con đường lầm lạc, thường làm chúng ta phân tán trong tư tưởng và hành động. Chúng ta lại phải trở về với Đấng là Con đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta lại phải hướng về, phải chuyển hướng toàn bộ cuộc đời chúng ta về với Chúa. Rồi chúng ta lại phải để cho tâm hồn mình thoát khỏi lực hút ghì kéo tâm hồn chúng ta xuống, để hướng lên cao: trong sự thật và tình yêu. Vào giờ phút này, chúng ta hãy cảm tạ Chúa, bởi vì qua quyền năng lời Người và các Bí tích, Người chỉ cho chúng ta hướng đi đúng và nâng tâm hồn chúng ta lên cao. Chúng ta hãy cầu xin Ngừơi bằng những lời này: Vâng, lạy Chúa, xin tạo cho chúng con thành dân Phục Sinh, thành những người con ánh sáng, tràn đầy ngọn lửa mến yêu Ngài. Amen.

THÔNG ĐIỆP URBI ET ORBI
CHÚA NHẬT PHỤC SINH

23 tháng Ba, 2008

Resurrexi et adhuc tecum sum. Alleluia! – Con đã sống lại, Con vẫn hằng ở bên Cha. Allêluia! Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại, lặp lại những lời công bố hân hoan này với chúng ta hôm nay: lời công bố Phục Sinh. Chúng ta hãy chào đón lời công bố này với sự ngạc nhiên và lòng biết ơn sâu xa!

Resurrexi et adhuc tecum sum – Con đã sống lại, Con vẫn hằng ở bên Cha. Những lời này, trích từ một văn bản cổ xưa của Thánh Vịnh 138 (c. 18b), được hát lên trong phần đầu của Thánh Lễ hôm nay. Trong đó, vào lúc ánh mặt trời của ngày lễ Phục Sinh đang vươn lên, Giáo Hội nhận ra giọng nói của chính Chúa Giêsu, Đấng mà khi sống lại hướng về Chúa Cha với tất cả niềm hân hoan và mến yêu, đã thưa lên: Cha ơi, này con đây! Con đã sống lại, Con vẫn hằng ở bên Cha, và Con sẽ ở bên Cha mãi mãi; Thần Khí của Cha đã không bao giờ bỏ rơi Con. Qua đó, chúng ta có thể đi đến một nhận thức mới về những đoạn khác trong Thánh Vịnh này: “Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài… cả tối tăm cũng chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày, bóng tối và ánh sáng cũng như nhau.” (Tv 138: 8, 12). Thật thế: trong đêm canh thức Phục Sinh long trọng này, bóng tối trở thành ánh sáng, đêm đen nhường chỗ cho ngày sáng không có chiều tàn. Cái chết và sự phục sinh của Ngôi Lời nhập thể là một biến cố của tình yêu bất khả chiến bại, đó là chiến thắng của Tình Yêu giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết. Chiến thắng ấy đã thay đổi dòng lịch sử, ban cho sự sống nhân loại một ý nghĩa, một giá trị vĩnh cửu và mới mẻ.

“Con đã sống lại, Con vẫn ở gần bên Cha đến muôn đời.” Những lời này mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô Phục Sinh, trong khi để cho tiếng nói của Người vang vọng trong tim ta. Với hiến tế cứu độ của Người, Chúa Giêsu thành Na-da-rét đã làm cho chúng ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, để cả chúng ta cũng được dự phần trong cuộc đối thoại mầu nhiệm giữa Người và Chúa Cha. Chúng ta được nhắc nhớ về những lời Người đã từng nói với những ai lắng nghe: “Mọi sự đã được Cha Ta giao phó cho Ta. Và không ai biết rõ Cha trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mặc khải cho” (Mt 11, 27). Trong hướng nhìn này, chúng ta ghi nhận rằng những lời Chúa Giêsu Phục Sinh nói với Chúa Cha hôm nay – “Con vẫn hằng ở bên Cha” – cũng áp dụng gián tiếp cho cả chúng ta, “những con cái của Thiên Chúa và là những người đồng thừa tự với Chúa Kitô, miễn là chúng ta cùng chịu đau khổ với Người ngõ hầu chúng ta có thể cùng được hưởng vinh quang với Người” (x. Rm 8, 17). Qua sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, hôm nay chúng ta cũng vươn đến một cuộc sống mới, và khi liên kết tiếng nói của chúng ta với tiếng nói của Người, chúng ta công bố rằng chúng ta muốn lưu lại muôn đời bên Thiên Chúa, người Cha tốt lành và nhân hậu vô biên.

Bằng cách này, chúng ta tiến vào những chiều sâu của mầu nhiệm Vượt Qua. Biến cố đầy kinh ngạc về sự phục sinh của Chúa Giêsu bản chất là một biến cố của tình yêu: tình yêu của Chúa Cha khi trao ban Con của Người để cứu chuộc trần gian; tình yêu của Chúa Con trong sự vâng phục Chúa Cha vì tất cả chúng ta; tình yêu của Chúa Thánh Thần khi nâng Chúa Giêsu từ kẻ chết lên thân thể được biến đổi sáng láng của Người. Và còn nữa: tình yêu đáp trả của Chúa Cha “ôm ấp” Chúa Con “cách mới mẻ”, bao bọc Người trong vinh quang; tình yêu đáp trả của Chúa Con đối với Chúa Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, được trang hoàng bằng nhân loại đã được biến đổi. Từ nghi thức hôm nay, chúng ta sống lại cảm nghiệm tuyệt đối, một lần cho tất cả về sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta nhận được lời mời gọi hoán cải cho Tình Yêu; chúng ta nhận được lời mời gọi loại trừ thù hận và ích kỷ, và bước theo trong vâng phục những bước chân của Chiên Con bị sát tế vì ơn cứu độ chúng ta, để bắt chước Đấng Cứu Chuộc là Đấng “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”, Đấng là “nơi yên nghỉ cho linh hồn chúng ta” (x. Mt 11, 29).

Anh chị em Kitô hữu mọi nơi trên thế giới thân mến, anh chị em là những người nam nữ có tinh thần chân thành mở rộng cho sự thật, xin đừng để con tim nào đóng lại trước quyền năng của tình yêu cứu độ này! Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại cho tất cả mọi người; Người là niềm hi vọng của chúng ta – là niềm hi vọng đích thực cho mỗi người. Hôm nay, như Người đã làm với các môn đệ tại Galilê trước khi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu phục sinh cũng sai chúng ta đến mọi nơi như những chứng nhân hi vọng, và Người bảo đảm với chúng ta: Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28, 20). Khi hướng lòng trí chúng ta vào những vết thương nơi thân thể biến đổi của Người, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị của đau khổ, chúng ta có thể chăm sóc cho nhiều vết thương đang tiếp tục làm biến dạng nhân loại trong chính thời đại chúng ta. Nơi những thương tích vinh quang của Người, chúng ta nhận ra những dấu chỉ không thể tàn phai của tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Đấng mà các tiên tri loan báo: chính Người băng bó những tấm lòng tan nát, bảo vệ kẻ cô thế, công bố tự do cho kẻ bị giam cầm, an ủi mọi kẻ khóc than, ban cho họ dầu thơm hoan lạc thay tang chế, và bài tụng ca thay tâm hồn sầu não (x. Is 61, 1, 2, 3). Nếu chúng ta tiến lại gần Người với một lòng tín thác khiêm cung, chúng ta sẽ gặp thấy trong ánh mắt Người lời đáp trả cho những khát vọng sâu xa nhất trong tâm hồn chúng ta: đó là được biết Chúa và được thiết lập một tương quan sống động trong sự hiệp thông thực sự của tình yêu, một sự hiệp thông lấp đầy cuộc đời ta, và những quan hệ giữa con người và xã hội với cùng một tình yêu như thế. Vì lí do này, nhân loại cần Chúa Kitô: trong Người chúng ta có niềm hi vọng, “chúng ta được cứu rỗi” (x. Rm 8: 24).

Rất thường là những quan hệ giữa các cá nhân, giữa các nhóm và giữa các dân tộc đã không được đánh dấu bởi tình yêu mà bởi sự ích kỷ, bất công, thù hận và bạo lực! Đó là những tai ương của nhân loại, công khai và âm ỉ ở khắp chân trời góc biển, dù thường khi chúng bị lờ đi và đôi khi được cố ý che dấu; đó là những vết thương tra tấn những linh hồn và thân xác của biết bao người anh chị em chúng ta. Những vết thương đó đang chờ được chăm sóc và chữa lành bởi những vết thương vinh quang của Chúa Phục Sinh (x. Pr 2, 24-25) và bởi tình liên đới của những ai đang bước theo bước chân Người, thực thi những việc bác ái nhân danh Người, dấn thân tích cực cho công lí và loan truyền những dấu chỉ hi vọng rực sáng trong những miền đẫm máu bởi xung đột cũng như ở bất cứ nơi đâu mà phẩm giá con người tiếp tục bị sỉ nhục và chà đạp. Chúng ta hi vọng rằng đây chính là những nơi mà những hành động tự chế và tha thứ sẽ được gia tăng!

Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy để cho ánh sáng toả chiếu từ ngày long trọng này thắp sáng chúng ta; chúng ta hãy mở rộng con người chúng ta với lòng phó thác chân thành nơi Chúa Kitô phục sinh để cho vinh quang của Người trên tội lỗi và sự chết có thể chiến thắng khải hoàn nơi mỗi người chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong các thành phố và trong các quốc gia chúng ta. Hãy để ánh sáng này chiếu soi mọi miền thế giới. Cách riêng, làm sao chúng ta lại có thể quên một số nơi ở Châu Phi, như Dafur và Sô-ma-li-a, miền Trung Đông bị xâu xé, đặc biệt Thánh Địa, I-rắc, Li-Băng, và cuối cùng là Tây Tạng, tôi khích lệ tất cả mọi người hãy tìm ra những giải pháp bảo vệ hoà bình và thiện ích chung! Chúng ta hãy khấn xin sự viên mãn của hồng ân Vượt Qua của Người, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Đấng sau khi đã thông phần những đau khổ trong cuộc thương khó và khổ hình thập giá của người Con vô tội của Mẹ, cũng được hưởng niềm hân hoan khôn tả của sự phục sinh của Người. Được chia sẻ vinh quang của Chúa Kitô, xin Mẹ là người bảo vệ và hướng dẫn chúng ta trên nẻo đường đi đến tình liên đới huynh đệ và hoà bình. Đó là những lời chúc Phục Sinh của tôi gửi đến những ai hiện diện nơi đây, cũng như những người nam nữ của mọi quốc gia và lục địa đang hiệp nhất với chúng ta qua truyền thanh và truyền hình. Xin chúc mừng Phục Sinh!

BENEDICTUS PP. XVI

Lm. Giuse Ngô Quang Trung dịch
 
Gặp Chúa Phục Sinh giầu lòng thương xót
+ GM G.B. Bùi Tuần
16:04 06/04/2008
GẶP CHÚA PHỤC SINH GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã muốn lễ Chúa nhật thứ hai sau Phục sinh được dành đặc biệt cho việc tôn sùng Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Tất cả mọi người Công giáo tại Việt Nam hôm nay đều rất vui mừng với sáng kiến của Đức Cố Giáo Hoàng.

Riêng đối với tôi, đây là một nguồn an ủi lớn lao. Để cảm tạ Thiên Chúa giàu lòng thương xót, tôi xin được chia sẻ chút kinh nghiệm riêng tư.

Chia sẻ của tôi xin được bắt đầu bằng một diễn tả đơn sơ.

1/ Kinh nghiệm về bản thân là những chặng đường gồm ba yếu tố

Đời tôi là một chuỗi dài những chặng đường gặp Chúa. Chặng đường nào cũng gồm ba yếu tố sau đây.

a) Yếu tố đầu tiên nổi bật là đau khổ.

Đau khổ gồm nhiều loại dưới nhiều hình thức. Như những bệnh hoạn đau đớn phần xác hầu như bao giờ cũng có. Những yếu đuối luôn theo sát. Những trách nhiệm nặng nề đè nặng trên vai. Những mất mát do sự bất toàn bất xứng của mình. Những cô đơn bênh cạnh biết bao đồng hành xã hội. Những xuất hành lặng lẽ đi tìm hy vọng.

Với những đau đớn thể xác và tâm hồn, tôi đi ngày nọ sang ngày kia như đi trên những đường gập ghềnh, như bơi qua những con sông nguy hiểm, như chui vào những đường hầm tăm tối.

Nhưng nếu ngôn ngữ của tâm hồn là khao khát, thì khao khát của tâm hồn tôi là tìm về Chúa. Và tôi đã gặp Người.

b) Yếu tố thứ hai là gặp được Chúa Giêsu phục sinh.

Chúa Giêsu phục sinh đứng đợi tôi ở những nơi những lúc mà tôi không ngờ. Người đợi tôi, và ban cho tôi ơn tái sinh. Tôi được Chúa đổi mới. Tôi lãnh nhận được những ơn Chúa Thánh Thần.

Với ơn Chúa Thánh Thần, tôi nhận ra rằng:

Chúa yêu thương tôi.
Chúa kêu gọi tôi.
Chúa thánh hoá tôi.
Chúa sai tôi đi.

Tất cả đều là hồng ân. Và tôi nhận ra Chúa là Đấng giàu tình yêu thương xót.

c) Yếu tố thứ ba là nhận ra dung mạo thật của Chúa.

Dung mạo thật của Thiên Chúa là Tình yêu giàu lòng thương xót. Tôi nhận ra rất rõ: Thiên Chúa Tình yêu giàu lòng thương xót không phải là một khái niệm, một lý thuyết, một hình ảnh. Nhưng Người là Đấng thiêng liêng sống động gần gũi tôi.

Khi tôi kết hợp với Người, thì Người giúp tôi nhìn mọi sự với con mắt của trái tim Người.

Người ở lại với tôi. Tôi ở lại trong Người. Nhờ vậy, tôi có thể thấy: Từ thất bại có thể nảy sinh thành công, từ đau khổ có thể nảy sinh vui mừng, từ bế tắc có thể nảy sinh giải thoát, từ nô lệ có thể nảy sinh tự do, từ cõi chết có thể nảy sinh sự sống lại.

Chặng đường như trên không phải chỉ có một. Rất nhiều chặng đường như thế đã nối tiếp nhau, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tôi có cảm tưởng là Chúa để xảy ra như vậy, để tôi luôn ý thức đời tôi là một chuyến đi. Chuyến đi này luôn có bóng tối và ánh sáng chen kẽ nhau.

Nhận thức đó sẽ giúp tôi sống tinh thần thơ ấu thiêng liêng. Luôn đi tìm Chúa, luôn khao khát vâng phục ý Chúa, luôn biết ngỡ ngàng trước những lạ lùng Chúa làm nơi bản thân tôi và nơi Hội Thánh của tôi.

Tiện đây, tôi cũng xin chia sẻ cái nhìn của tôi về Hội Thánh chứng nhân của tôi.

2/ Kinh nghiệm về Hội Thánh chứng nhân của tôi

a) Hội Thánh làm chứng cho Chúa bằng con đường bác ái.

Đã từ lâu, nhưng nhất là hiện nay, Hội Thánh Việt Nam đang làm chứng cho Chúa bằng con đường yêu thương bác ái. Theo lời Chúa Giêsu đã phán: "Mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35).

Thực tế cho thấy, việc làm chứng cho Chúa bằng con đường yêu thương bác ái có những bậc đi lên. Những ai biết nhìn con người với con mắt của Chúa phục sinh giàu lòng thương xót sẽ thấy những bậc đó. Nếu chỉ dừng lại những việc bác ái, thì chưa phải là đã bác ái. Cần phải vượt qua các việc bác ái kiểm chứng được bề ngoài, để đi sâu vào những gì Chúa phục sinh giàu lòng thương xót muốn ta đem đến cho con người qua bác ái. Lúc đó mới thấy được việc ta và tha nhân gặp được Chúa trong thực hành bác ái là điều hết sức quan trọng.

b) Hội Thánh làm chứng cho Chúa bằng con đường Thánh Thể.

Hơn bao giờ hết, Hội Thánh Việt Nam đang lo xây cất nhà thờ, lo truyền chức nhiều linh mục, lo các thánh lễ được sốt sắng. Với mục đích thực thi lời Chúa dạy xưa về Thánh Thể: "Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22,19).

Tưởng nhớ đến Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể là nhớ đến Người vâng phục ý Chúa Cha, dâng mình chịu đau khổ, để hiến tế mình, hầu đền tội cho nhân loại.

Không những tưởng nhớ, mà còn thông công vào việc Chúa hiến tế mình. Đó là một tái sinh cho mình và cho kẻ khác. Điều đó phải là một thúc bách đối với ta, chứ không chỉ là một ý tưởng xa vời.

Vì thế, việc làm chứng cho Chúa bằng phép Thánh Thể càng ngày càng kêu mời chúng ta phải đi sâu vào mầu nhiệm Thánh Thể, để gặp Chúa Giêsu, để ở lại với Người, để ra đi theo lời sai đi của Người. Hình như chúng ta còn rất nhiều thiếu sót trong vấn đề này.

c) Hội Thánh làm chứng cho Chúa bằng con đường sống lương tâm tốt lành.

Sống lương tâm tốt lành, đối với người có đức tin, là sống kết hợp với Chúa. Chúa Giêsu phán: "Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong các con. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây. Các con cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, các con là cành, ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được" (Ga 15,4-5).

Lương tâm của ta có gắn vào lương tâm của Chúa Giêsu một cách mật thiết không?

Chúng ta vui mừng nhận thấy rằng: Nhiều người đã làm chứng cho Chúa một cách có hiệu quả qua con đường bác ái, qua con đường Thánh Thể, qua con đường sống theo lương tâm tốt lành. Đó là niềm vui phục sinh.

Nhưng bên cạnh niềm vui đó, vẫn còn vô số nỗi buồn. Những nỗi buồn đó là chính đáng. Nhưng Chúa Phục Sinh giàu lòng thương xót vẫn đợi chờ chúng ta.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:10 06/04/2008
ROI THẦN CỦA THẦN NÔNG

N2T


Khi con người trên mặt đất đông đúc thêm nhiều, đại thần Viêm đế xuống nhân gian dạy cho con người biết cày ruộng trồng trọt, do đó mà tôn kính gọi ông ta là Thần Nông. Con người từ từ không còn lo lắng đến thực vật, Thần Nông lại phát hiện có rất nhiều loại bệnh tật làm khốn quấy nhiễu con người, thế là ông ta tự mình nếm các loại thảo mộc, muốn tìm ra loại thuốc từ cỏ cây (dược thảo) để chữa bệnh, vì đó mà Thần Nông chỉ một ngày mà trúng độc bảy mươi lần, ruột lại bị thối rất nghiêm trọng.

Thiên đế sau khi biết được thì rất cảm động bèn tặng cho ông một cây roi thần, bất kỳ loại cỏ nào hể chỉ cần rút cây roi thần ra đánh một cái, thì dược tính của nó sẽ xuất hiện trên cây roi thần, Thần Nông bèn có thể biết được dược thảo như thế nào để chữa các tật bệnh, từ đó về sau ông ta không còn dùng miệng để nếm các loại dược thảo nữa.

(Tây Hán, Lưu An: Chuẩn Nam tử)

Gợi ý:

Từ sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, thì tình trạng trên mặt đất trở thành bi đát, nhất là, như lời thánh Phao-lô nói trong thư gởi tín hữu Rô-ma: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian, và tội lỗi gây nên sự chết.” (Rm 5, 12a) một người duy nhất đó chính là nguyên tổ chúng ta, người đã bất tuân lệnh của Thiên Chúa để nghe lời ma quỷ cám dỗ (Stk 3, 1-19).

Nhưng Thiên Chúa là Đấng yêu thương và nhân hậu, Ngài không muốn con cái của Ngài phải trầm luân trong đau khổ tội lỗi và sự chết, nên đã sai Thánh Tử Giê-su xuống thế làm người, mang lấy thân phận con người –ngoại trừ tội lỗi- để chia sẻ với con người những vui buồn, đau khổ và hạnh phúc, để qua đó mà Chúa Giê-su thông cảm và gánh lấy những yếu hèn của chúng ta.

Chúa Giê-su chính là vị cứu tinh của nhân loại, là “thần dược” chữa trị những linh hồn tội lỗi, là Đấng đã chiến thắng tử thần bởi sự phục sinh của mình, là cây “roi thần” đánh đuổi ma quỷ...

Các em thực hành:

- Xa lánh những gì làm cho các em phạm tội, như: chơi thân với bạn xấu, không nghe lời bạn xấu để phạm tội.

- Mỗi ngày nhớ cầu nguyện trước khi lên lớp và sau khi học xong, cầu nguyện khi chơi đùa với bạn bè...

- Phải đi xưng tội ngay khi phạm tội trọng.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:11 06/04/2008
N2T


15. Bí tích Thánh Thể đem lại bình an cho nội tâm, chí hướng tu đức và quyết tâm thực hành chí hướng ấy. Rót vào linh hồn một số lượng rất lớn, khiến cho nó dễ dàng đi trên con đường thánh đức vẹn toàn.

(Thánh Alphonsus Liguori)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha kêu gọi đừng loại bỏ các ông bà và người già
LM Trần Đức Anh OP
08:34 06/04/2008
VATICAN. Sáng 5-4-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 300 tham dự viên khóa họp toàn thể lần thứ 18 của Hội đồng Tòa Thánh về gia đình. Ngài đề cao vai trò của các ông bà trong gia đình và chống lại trào lưu gạt bỏ họ ra ngoài lề, kể cả chủ trương làm cho chết êm dịu (euthanasia).

Khóa họp của Hội đồng Tòa Thánh về gia đình tiến hành từ ngày 3 đến 5-4-2008 tại Vatican bàn về đề tài: ”Chứng tá và hiện diện của ông bà trong gia đình”. Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC cám ơn Hội đồng Tòa Thánh về gia đình vì đã đón nhận đề nghị do ngài đưa ra trong Đại hội gia đình Công Giáo thế giới kỳ 5 tại Valencia năm 2006, Tây Ban Nha: ”Không bao giờ được để cho các ông bà bị gạt ra ngoài khung cảnh gia đình vì bất kỳ lý do nào. Họ là một kho tàng mà chúng ta không thể tước đoạt khỏi các thế hệ trẻ, nhất là khi họ làm chứng tá đức tin”.

Sau đề đề cao vai trò của các ông bà và người già trong gia đình, ĐTC nhắc đến những biến chuyển kinh tế và đã hội đưa đến những thay đổi sâu xa trong đời sống gia đình ngày nay. ”Người già, trong đó có nhiều ông bà nội ngoại, bị đặt ra một vùng gọi là 'bãi đậu xe': một số ông bà nhận thấy mình là gánh nặng trong gia đình nên đã chọn lựa sống một mình hoặc vào nhà dưỡng lão, với tất cả những hậu quả đi kèm những quyết định ấy. Nhất là từ nhiều nơi, dường như nền văn hóa chết chóc đang lan tràn, đe dọa cả tuổi thứ ba. Càng ngày người ta càng đề nghị giải pháp làm cho chết êm dịu để giải quyết một số tình cảnh khó khăn”.

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Cần phải quan tâm đề cao giá trị của tuổi già dưới ánh sáng sự thật về con người, về gia đình và cộng đoàn, với những vấn đề liên hệ trong bối cảnh mới của gia đình và xã hội do sự phát triển hiện đại. Cần phải quyết liệt phản ứng mạnh mẽ chống lại những gì làm cho xã hội trở nên vô nhân đạo. Cộng đồng giáo xứ và giáo phận được tha thiết yêu cầu quan tâm tới các vấn đề này và tìm cách đáp ứng các nhu cầu mới mẻ của người già.. Cần phải đoàn kết để đánh bại mọi tình trạng bị gạt ra ngoài lề, vì không phải chỉ có những ông bà nội ngoại, người già, nhất tất cả mọi người đều bị đảo lộn vì não trạng cá nhân chủ nghĩa”.

ĐTC cũng tố giác điều gọi là những kiểu mẫu gia đình mới và chủ thuyết duy tương đối đang lan tràn làm suy yêu các giá trị cơ bản của gia đình. Các tai ương của xã hội chúng ta ta ngày nay đang cần các phương dược cấp thiết. Ngài nói: ”Đứng trước cuộc khủng hoảng gia đình, phải chăng người ta chẳng phải tái khởi hành từ sự hiện diện và chứng tá của các ông bà là những người vốn vững mạnh trong các giá trị và các dự án sao?” Thực vậy, ta không thể dự phóng tương lai mà không tham chiếu những kinh nguyện quan trọng trong quá khứ và những điểm tham chiếu tinh thần va luân lý” (SD 5-4-2008)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về ly dị và phá thai
LM Trần Đức Anh OP
14:49 06/04/2008
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 cổ võ thái độ yêu thương từ bi đối với những người ly dị và phá thai, để giúp họ chỗi dậy và tiếp tục tiến bước trên đường đời.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 5-4-2008, dành cho 300 tham dự viên Hội nghị quốc tế do Học viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 ở Roma về hôn nhân và gia đình tổ chức với chủ đề: ”Dầu xức trên các vết thương. Một câu trả lời đối với tai ương phá thai và ly dị”. Hội nghị được sự cộng tác và giúp đỡ của Hội hiệp sĩ Colombo.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến sự kiện: trong bối cảnh văn hóa ngày ngay với sự gia tăng chủ nghĩa cá nhân, duy khoái lạc, và quá nhiều khi thiếu tình liên đới, thiếu sự nâng đỡ thích hợp của xã hội, trong những hoàn cảnh khó khăn, tự do của con người bị đưa tới những quyết định trái ngược với tính chất bất khả phân ly của hôn nhân hoặc trái ngược với sự tôn trọng cần phải có đối với sự sống con người vừa mới được thụ thai và còn ở trong lòng mẹ. Phá thai và ly dị là những chọn lựa thường đưa tới những chấn thương và là nguồn mạch gây nên đau khổ cho những ai thi hành. Những chọn lựa ấy cũng làm tổn thương các nạn nhân vô tội là thai nhi và những con cái bị liên hệ vì gia đình đổ vỡ”.

ĐTC đề cao thái độ nhân từ và cảm thông không những đối với các nạn nhân yếu thế và vô tội của những bất công và tội lỗi, nhưng cả với những người nam nữ thi hành những hành vi tội lỗi và phải mang thương tích nội tâm, họ đang tìm an bình và cơ hội để trỗi dậy, phục hồi.

ĐTC nói: ”Đối với những người này, Giáo Hội có nghĩa vụ đầu tiên là đến gần họ trong tình yêu thương và tế nhị, ân cần và quan tâm từ mẫu, để loan báo cho họ sự gần gũi thương xót của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Chính Ngài là Người Samaritano Nhân Lành đổ dầu và rượu trên các vết thương của chúng ta và dẫn chúng ta vào nhà trọ là Giáo Hội, trong đó Ngài để cho chúng ta được săn sóc, chữa lành, ủy thác chúng ta cho các thừa tác viên của Ngài và đích thân trả tiền trước để chữa lành chúng ta.

ĐTC nói thêm rằng” ”Đi từ lòng từ bi ấy, Giáo Hội tỏ ra tín thác vững vàng nơi con người và nơi khả năng phục hồi của con người. Giáo Hội biết rằng với sự trợ giúp của ơn thánh, tự do của con người có khả năng hiến thân một cách chung kết và trung thành, khiến cho hôn nhân giữa một người nam và một người nữ có thể trở thành một khế ước bất khả phân ly”.

ĐTC cũng bàn tới những hậu quả của phá thai và ngài kêu gọi những người đã phá thai đừng để mình nản chí thất vọng, nhưng hãy khiêm tốn thống hối trong niềm tín thác: 'Chúa Cha rất từ bi đang chờ đợi chị em để tha thứ và ban an bình cho chị em trong bí tích hòa giải”. Sau cùng ngài đánh giá cao tất cả những sáng kiến xã hội và mục vụ nhắm hòa giải và săn sóc những người bị thương tổn vì phá thai và ly dị. (SD 5-4-2008)
 
ĐTC: cảm nghiệm Emmaus là biết tái khám phá ân huệ biến đổi nhờ gặp gỡ Chúa Kitô Phục sinh
Bình Hòa
14:55 06/04/2008
Bài huấn dụ của ĐTC Benedictô XVI Chúa nhựt 6-4-08: Trên đường Emmaus.

VATICAN - Bài huấn dụ trưa chúa nhựt thứ III Phục sính chú giải đoạn Tin mừng được đọc trong Thánh lễ, kể lại việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường về Emmaus. Đức Thánh Cha đã dừng lại ở những điểm chính sau đây. Thứ nhất, đường về Emmaus tượng trưng cuộc lữ hành của các tín hữu. Thứ hai, tâm trạng của các môn đệ cũng điển hình cho những kinh nghiệm về cuộc khủng hoảng đức tin của mỗi người chúng ta. Thứ ba, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã giúp cho các môn đệ thanh luyện đức tin. Sau cùng, qua đoạn trình thuật này, chúng ta nhận thấy phác hoạ cấu trúc của Thánh Lễ, với hai phần: lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh thể, thông hiệp vào bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, nhờ đó chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh. Trong phần chào thăm các phái đoàn hành hương sau khi ban phép lành Toà thánh, đức Bênêđictô XVI đã nhắc đến lễ nghi bế mạc Hội Nghị về Lòng Chúa Thương xót diễn ra vào buối sáng tại đền thánh Phêrô, với khẩu hiệu: “Hãy ra đi làm chứng cho lòng thương xót của Chúa, nguồn mạch hy vọng cho mỗi người và cho toàn nhân loại”. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ:

Anh chị em thân mến

Bài Tin mừng chúa nhựt hôm nay, chúa nhựt thứ Ba Phục sinh – là trình thuật nổi tiếng mệnh danh là “hai môn đệ Emmaus” (xc Lc 24,13-35). Tác giả kể lại rằng hai môn đệ của Chúa Giêsu, vào hôm sau ngày sabát, nghĩa là ngày thứ ba từ khi Người chịu chết, trong tâm trạng buồn rầu chán nản đã rời bỏ Giêrusalem, đi về một làng không xa đó, tên là Emmaus. Trên đường đi, Đức Giêsu phục sinh đã đên bên cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Người. Thấy họ buồn rầu, Chúa đã giải thích cho họ, dựa theo Kinh thánh, rằng đấng Mêsia phải chịu đau khổ và chết để đi vào vinh quang, Thế rồi, khi cùng vào một nhà với họ, Người đã ngồi vào bàn, đọc lời chúc lành trên bánh, bẻ ra và chính lúc ấy họ đã nhận ra Người, nhưng Người đã mất dạng, để lại cho họ sự ngỡ ngàng trước tấm bánh được bẻ ra, dấu chỉ của sự hiện diện của Người. Lập tức hai người đã trở vê Giêrusalem và họ thuật lại cho các môn đệ điều đã xảy ra.

Không ai có thể xác định địa điểm của làng Emmaus ở đâu. Đã có nhiều giả thuyêt đã được đề ra, và điều này gợi ý cho thấy rằng thực sự Emmaus có thể tượng trưng cho bất cứ một nơi nào: con đường dẫn về Emmaus là con đường của hết mọi Kitô hữu, và thậm chí của hết mọi người nữa. Trên mọi nẻo đường của chúng ta, Chúa Giêsu phục sinh trở nên kẻ đồng hành, để hâm lên trong trái tim sức nóng của lòng tin và hy vọng và bẻ tấm bánh của sự sống vĩnh cửu. Trong cuộc đàm đạo giữa các môn đệ với người khách lạ, thánh sứ Luca đã ghi lại tâm trạng của họ như thế này: “Chúng tôi vẫn hy vọng rằng” (24,21). Động từ đặt ở thời quá khứ nói lên tất cả: Chúng tôi đã tin, chúng tôi đã đi theo, chúng tôi đã hy vọng …, thế mà bây giờ mọi sự đã tiêu tan hết. Cả ông Giêsu Nazaret, một kẻ tỏ ra là ngôn sứ oai hùng về lời nói và việc làm, cũng đã thất bại, và chúng tôi đã mất hy vọng. Thử hỏi rằng trên đời này ai mà chẳng có lúc cảm thấy điều đó? Lắm khi chính lòng tin cũng bị khủng hoảng bởi vì những kinh nghiệm tiêu cực khiến cho ta cảm thấy bị bỏ rơi và phản bội ngay cả về phía Thiên Chúa nữa. Vì thế con đường về Emmaus trở nên hành trình để cho lòng tin của chúng ta vào Chúa được thanh luyện và trưởng thành: cuộc gặp gỡ với Chúa Phục sinh mang lại cho ta một lòng tin sâu đậm và chân chính hơn, sau khi đã được rèn luyện nhờ ngọn lửa của biến cố Phục sinh; một lòng tin vững mạnh bởi vì được nuôi dưỡng không phài do những tư tưởng của trần tục nhưng nhờ Lời của Chúa và Thánh Thể.

Bản văn Tin mừng tuyệt vời này đã chứa đựng cấu trúc của Thánh Lễ: trong phần đầu là lắng nghe lời Chúa qua Kinh Thánh; trong phần thứ hai, phụng vụ Thánh Thể và sự thông hiệp với Chúa Kitô hiện diện trong bí tích của Mình và Máu Thánh. Được nuôi dưỡng vào hai bàn tiệc này, Hội thánh được xây đắp liên lỉ và được đổi mới mỗi ngày trong lòng tin, hy vọng và yêu mến. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria chí thánh, chúng ta hãy cầu nguyện để cho mỗi người Kitô hữu và mỗi cộng đoàn, khi sống lại cảm nghiệm của các môn đệ Emmaus, biết tái khám phá ân huệ biến đổi nhờ gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh.
 
Cácch thế rao giảng Tin Mừng cho người trẻ hôm nay
Hồng Ân
20:04 06/04/2008
CÁCH THẾ RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO GIỚI TRẺ NGÀY NAY

Ngày quốc tế giới trẻ trong năm nay đã gần kề, vì thế hiện nay nổi lên những cuộc thảo luận về cách thế mà Giáo Hội có thể rao giảng Tin Mừng cách hữu hiệu cho giới trẻ trong thế giới ngày nay.

Đức Thánh Cha Beneđictô XVI, khi nói chuyện với các Giám Mục Nhật Bản khi họ qui tụ về Roma để viếng mộ thánh Phêrô vào ngày 15 tháng 12 năm vừa qua, đã nhấn mạnh rằng giới trẻ đang bị chính nền văn hoá trần thế lừa dối. Ngài nói: “Nếu như có thể định hướng những năng lực và nhiệt tình của giới trẻ đến những giá trị thuộc về Thiên Chúa, những giá trị mà tự bản chất đủ làm thoả mãn những nhu cầu sâu xa của họ, thì các bạn trẻ sẽ luôn được gợi hứng để dâng mình theo Chúa Kitô”

Thật không dễ dàng để đạt được điều đó. Robert Wuthnow, giáo sư về xã hội học và là giám đốc trung tâm nghiên cứu về tôn giáo của Đại Học Princeton, trong Tác phẩm: “After the Baby Boomers: How Twenty- and Thirty-Somethings are Shaping the Future of American Religion” (Princeton University Press), phân tích về văn hoá và não trạng ngự trị nơi người trẻ. Với số lượng người trẻ ở Mỹ là hơn 100 triệu, Wuthnow cho thấy rằng cuộc sống của người trẻ mang đặc trưng của sự khác biệt, của việc học hỏi, nghiên cứu và của việc đánh giá nhận thức. Xét theo chiều kích tôn giáo, giới trẻ đến từ nền văn hoá truyền thống chiếm một số lượng lớn, nhưng một số không nhỏ khác có niềm tin bất chợt và thiếu nhất quán do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Xu Hướng

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn thế giới của người trẻ, Wuthnow mô tả những khuynh hướng chính của họ: tôn trọng bậc làm cha làm mẹ, đời sống gia đình, lập gia đình muộn và có ít con với nhau bao có thể.

Về công việc: tiếp tục tăng trưởng trong các gia đình trẻ khunh hướng thu nhập gấp đôi. Giới trẻ thông thường học hành tới nơi tới chốn, cách chung theo học Đại Học; tuy nhiên công việc của họ thường không ổn định; nhưng mang tính uyển chuyển và có thu nhập cao.

Đời sống xã hội: thông dự vào xã hội trần thế, tuy nhiên không mặn nồng lắm. Sự toàn cầu hoá ảnh hưởng nhiều đến người trẻ, bởi lẽ họ cần tương quan nhiều hơn và cần sống trong sự giao lưu giữa các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau. Truyền thông xã hội và Internet giúp họ thăng tiến trong việc nhận thức, tiếp nhận thông tin và tư tưởng. Tác giả cũng trình bày vai trò quan trọng của Internet và các công cụ truyền thông hiện đại khác, cách riêng trong những lãnh vực liên quan đến tôn giáo. Theo như những thăm dò được trưng dẫn, thì việc sử dụng Internet với mục tiêu tôn giáo mang tính thông tin đối với niềm tin của họ; tuy nhiên họ cũng tìm kiếm thông tin về các tôn giáo khác nữa.

Theo tác giả, thì những các dòng tu đang phải đối diện với với những khó khăn về ơn gọi vì sự phân bố dân cư của người trẻ và tác giả cũng nhấn mạnh thêm rằng, so với thế hệ trước, thì giới trẻ ngày nay không quan tâm lắm về vấn đề này.

Về việc thực hành tôn giáo, tác giả trích dẫn những nghiên cứu cho thấy người trẻ, so với thế hệ trước, ít tham dự vào các nghi lễ tôn giáo. Hơn nữa, giữa những người từ 21 đến 45 tuổi đến nhà thờ, thì phần lớn là phụ nữ: hai trong số ba người đến nhà thờ thường xuyên là người nữ.

Hai nhóm khác biệt

Thống kê về sự thường xuyên đến nhà thờ được gắn kết với độ tuổi kết hôn và độ tuổi quyết định có con với nhau. Quả vậy, những người đến nhà thờ thường xuyên, họ lập gia đình và có con; trong khi những người ít đến nhà thờ thì thường sống độc thân.

Vì thế hiện hữu hai nhóm giới trẻ khác nhau, với những quan tâm và nhu cầu khác nhau, bởi vậy Giáo Hội cần hiểu rõ và quan tâm sâu xa đến vấn đề này. Nếu như tôn giáo không hiện diện trong đời sống người trẻ, thì chắn chắn họ sẽ tìm kiếm những giá trị khác.

Thách đố của Giáo Hội, theo tác giả, là tìm cách thu hút sự quan tâm của giới trẻ và thu hút họ đến với Giáo Hội nhờ những cách tay nối dài, tức là những người công giáo sống giữa đời. Đồng thời, tác giả cũng nêu lên rằng người trẻ vẫn còn đại diện cho một số lớn các tín hữu. Những người trong độ tuổi từ 21 đến 45 tuổi chiếm 40% số tín đồ trong các tôn giáo lớn ở Mỹ. Tuy nhiên con số này vẫn thấp so với thế hệ trước.

Theo tác giả, cho dẫu có sự suy giảm về con số, thì các tôn giáo lớn vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, và không thể bị Internet hay một điều thần bí nào có thể thay thế; và vì thế, các nhà lãnh đạo tôn giáo cần quan tâm hơn đến người trẻ. Nhìn vào các tôn giáo khác nhau, tác giả cho biết rằng Tin Lành giảm 2 %, Do Thái giáo 6 %; và giới trẻ tìm đến với giáo hội công giáo nhiều hơn so với Tin Lành. Tác giả cũng mô tả những yếu tố cần quan tâm về giáo hội công giáo, trong đó khoảng 2 triệu tín đồ Tin Lành có nguồn gốc từ Công Giáo, so với 600 ngàn của thế hệ trước.

Con đường dẫn đến Chúa Kitô

ĐTC Benedictô XVI đã nhấn mạnh đến việc rao giảng Tin Mừng cho người trẻ, cách đặc biệt trong buổi tiếp kiến các linh mục địa phận Roma ngày 17 tháng 02 vừa qua khi trả lời cho một trong những câu hỏi được cha Graziano Bonfitto nêu lên. ĐTC đã đưa ra những hướng dẫn để có thể thu hút người trẻ đến với Chúa Kitô và đến với Giáo Hội.

ĐTC nhấn mạnh rằng “Các nền văn hoá ban tặng nhiều cách thế để đến với Chúa Kitô”. Tuy nhiên nhiều người nhận thấy rằng nền văn hoá đương đại thật không xứng hợp với sự thật do ĐTC nêu lên.

ĐTC nêu bật tính CHÂN THÀNH, bởi vì người trẻ nhạy cảm với sự hiệp nhất giữa đời sống và chân lý được các linh mục rao giảng: “Chỉ trong con đường này, chỉ khi chúng ta thấm nhập cuộc sống của chúng ta vào trong sự sống của Thiên Chúa, thì những lời rao giảng của chúng ta được đón nhận và có giá trị thuyết phục. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của sự lựa chọn căn bản trong cuộc sống. Kitô giáo ban tặng sự sống và chính chúng phải hướng dẫn và giúp người trẻ hiểu tầm quan trọng của việc lựa chọn này.

Tìm kiếm Thiên Chúa

“Cần hiểu rằng đời sống không có Thiên Chúa sẽ dẫn đến tối tăm, cho dẫu có những giây phút dường như con người tìm thấy tia sáng của sự sống”. Việc tìm kiếm Thiên Chúa có nghĩa là biết, yêu mến và theo Chúa Kitô được trình bày trong Tin Mừng, chính Ngài là Đường. Vì thế, trong công việc mục vụ, chúng ta phải biết thu hút và nêu lên sự cần thiết trong việc chọn lựa Thiên Chúa, chính Ngài là Sự Sống; trong việc làm bạn với Chúa Kitô. Điều này giúp người trẻ đến với Giáo Hội, là mái ấm nơi đó họ sống Phúc Âm trong ân sủng của các bí tích.

Ngày nay hiện hữu một sự “khát khao về Thiên Chúa”, cho dẫu niềm khao khát này được ẩn dấu. Khám phá niềm thoả mãn của sự khát khao này là một trong những thách đố của giáo hội trong thế giới ngày nay.
 
Top Stories
Archive shows U.S.-Vatican diplomacy more complex than the public saw
Patricia Zapor/ Catholic News Service
15:46 06/04/2008
WASHINGTON (CNS) -- The letter from the pope to the U.S. president about the war was diplomatically florid, but clear in its message.

"Our contemporaries follow with their heartfelt prayers, and posterity will hold in honored memory, all those who -- undeterred by immense difficulties -- dedicate themselves to the sacred task of staunching the flow of youthful blood upon the fields of battle, and to the comforting of civilian victims despoiled and afflicted by the cruel conditions of our day," it said. "Blessed, indeed, are the peacemakers."

The year was 1940. Franklin D. Roosevelt was president and the war about which Pope Pius XII agonized was World War II.

The letter from Pope Pius to Roosevelt is part of a fascinating trove of material about U.S.-Vatican diplomatic relations on the Web site of the Franklin D. Roosevelt Presidential Library and Museum in Hyde Park, N.Y.

A series of memos and letters between the two leaders and their surrogates touches on efforts to avoid, then end the war; concerns for refugees and the fate of Christians in Russia; and worries about Allied bombing killing civilians and destroying important historic and religious sites in Rome.

As current President George W. Bush prepares to welcome Pope Benedict XVI to the White House April 16, one topic widely expected to surface during their private meeting and during the pope's address to the United Nations April 18 is the five-year-old U.S.-led Iraq War and how to end it. As recently as March 17, Pope Benedict stepped up appeals for an end to the "bloodbath and hatred" tearing apart Iraq.

After an Iraqi Chaldean archbishop was kidnapped Feb. 29 and murdered, Pope Benedict pleaded for "reconciliation, forgiveness, justice and respect for the civil coexistence among tribes, ethnicities and religious groups" to be the path to achieve peace. Pope John Paul II had been a fierce critic of the invasion of Iraq and made a point of reminding Bush of the Vatican's unequivocal opposition to the Iraq War during the president's 2004 visit to Rome.

The Roosevelt collection illustrates that diplomatic relations between the Vatican and the White House have historically involved unified strategies as well as differences of opinion, though those disagreements may not necessarily have made it into public view at the time.

At the time of the pope's March 1940 letter, Germany had invaded Poland and Czechoslovakia and tensions across Europe were high. By the summer of 1940, Hitler's troops would invade France, and Italy would enter the conflict.

Four months earlier, Roosevelt had angered supporters of strict separation of church and state when he reversed a policy of more than 70 years by appointing Myron Taylor as a formal diplomatic representative to the Vatican.

The United States has had some sort of diplomatic link to the Vatican most of the time since 1784, though relations were informal for decades after a political misunderstanding in 1867.

After the war, President Harry S. Truman attempted to name Gen. Mark Clark full ambassador to the Vatican, but withdrew the nomination in the face of public controversy.

For nearly 20 years the post of personal representative to the Vatican remained vacant. Presidents Richard Nixon and Jimmy Carter named personal envoys, but it wasn't until 1984 under President Ronald Reagan that the United States established formal diplomatic relations with the Vatican.

Reagan's first appointee, Ambassador William A. Wilson, held the post for two years. The seat has been filled with an ambassador since then, though various organizations have periodically sought to end the formal relationship as an improper government support of religion. They typically argue that diplomatic ties are inappropriate because the Vatican, though constituted as a civil state, is the Holy See of the Catholic Church.

The archive of Roosevelt's interactions with the Vatican consists of correspondence between the president and the pope and Taylor's telegrams and memos recounting his meetings and discussions with Pope Pius and with Vatican Secretary of State Cardinal Luigi Maglione. Later correspondence was with Msgr. Giovanni Battista Montini, a Vatican assistant secretary of state who would become Pope Paul VI in 1963.

A lengthy memo from September 1942 touches on some topics that sound remarkably contemporary. In it, Taylor recounts a meeting with Cardinal Maglione that dealt with how a post-war Europe would be constituted and how best to prevent "general disorder" while maintaining security and providing necessary aid.

"It is the opinion in Vatican circles, expressed both by the pope and the cardinal, that great disorder will prevail, and both have some doubt as to the ability of the United Nations or other influences to suppress it," Taylor wrote. "Naturally, I took the opposite course, indicating that, at least in some of the states (of Europe) the military authorities, in collaboration with those of the United Nations, might effectively prevent general disorder."

Taylor wrote that Cardinal Maglione in that meeting also voiced the Vatican's concern that it was difficult to envision the political, territorial and economic makeup of Europe after the war "and that, with a great variety of languages, political traditions and the hatreds engendered by war, as well as those which have for long previous periods existed, make very difficult the organization of such states in a cooperative way."

Substitute "Iraq" for "Europe" and the excerpts might have an echo in the speeches and private meetings in coming days.
 
On Japan’s Catholic Outposts, Faith Abides Even as the Churches Dwindle
Norimitsu Onishi
15:58 06/04/2008
SHINKAMIGOTO, Japan (April 6, 2008)— Fringed with sheer cliffs and the narrowest strips of flat land, covered in mountains of dense forest, the islands of the Goto Archipelago of Japan are some of the country’s most remote and forbidding. And yet atop hills overlooking fishing villages, reached by bridges and serpentine roads paved over just a generation ago, rise the steeples of Roman Catholic churches.

Ohso Church is one of the 29 Roman Catholic churches left in Shinkamigoto
Ohso Church, in the background, is one of the 29 Roman Catholic churches left in Shinkamigoto. Several churches have closed in recent years.

Japan’s persecuted Christians fled here centuries ago, seeking to practice their faith in one of the country’s southwesternmost reaches. They eventually forged Roman Catholic communities found nowhere else in Japan, villages where everyone was Catholic, life revolved around the parish and even the school calendar yielded to the church’s.

Today, one quarter of the roughly 25,000 inhabitants of the district, a collection of seven inhabited islands and 60 uninhabited ones, are Roman Catholic, an extraordinary percentage in a country where Christianity failed to take root. It is by far the highest level in Japan, where Catholics account for about one-third of 1 percent of the overall population and where the total number of Christians amounts to less than 1 percent.

But like Japan’s Roman Catholicism in general, this redoubt is also losing its vitality for reasons both familiar to Catholics in other wealthy nations and peculiar to Japan. Young Catholics here are loosening their ties to the church, their spiritual needs fulfilled elsewhere. Those who have left for the cities are marrying non-Catholics and are being absorbed into an overwhelmingly non-Christian culture.

Several churches have closed here in recent years. The membership is graying and dwindling at many of the surviving 29 churches, especially at those on the islands’ least accessible corners.

“The situation here is severe — a question of which churches will be abandoned next,” said the Rev. Shigeshi Oyama, 61, who, because of a shortage of priests, celebrated Mass at two churches on the Fifth Sunday of Lent recently.

Parishioners took part in Shinkamigoto Church, Japan
Parishioners arrived at Hiyamizu Church for the 7 a.m. Mass, ascending a steep concrete stairway to reach a small wooden white building with a red roof. They took off their shoes at the entrance, in keeping with the custom at many Japanese churches, and stepped onto the church’s cold, though carpeted, floor. Mostly elderly, with the women hewing to tradition by covering their heads with white veils, they listened to the liturgy on the raising of Lazarus.

After Mass, one of the few younger members, Toshiyuki Mori, 40, stood outside in the courtyard, smoking a cigarette and peering down at a small bay that a solitary boat was silently crossing. An irregular churchgoer, Mr. Mori had brought his son, Tomoyuki, 8, an altar boy, to church on this morning.

Much of Mr. Mori’s boyhood had centered on the parish, and he had married a woman of the same faith. But unlike their parents, the young couple had lost the habit of praying before meals or attending Mass.

It was not that their lives now were so busy, Mr. Mori said. “I guess my faith gradually faded,” he said.

He said he would not compel his son to remain a Catholic, adding, “Once he becomes aware to a certain degree, he can quit if that’s what he wants.”

For now, though, his son said, school was more fun than church.

“But Father Oyama bought us sweets,” the boy added. “And the day before yesterday, he bought us ice cream, for everybody up to sixth grade.”

Japan’s Catholic population — 452,571 in 2006, or 0.35 percent of the country’s total population of 127 million — is believed to have peaked, said the Rev. Ritsuo Hisashi, a spokesman at the Catholic Bishops’ Conference of Japan in Tokyo.

The church is grappling with problems like a shortage of young Japanese priests and nuns. In the diocese of Naha, in Okinawa, priests from Vietnam and the Philippines have come to fill the posts, Father Hisashi said.

Most Japanese follow a combination of Buddhism and Shintoism, though Christmas and weddings in chapels, stripped of their religious meaning, have taken root in Japanese society.

Christianity had a promising start in Japan with the arrival in 1549 of Francis Xavier, the Jesuit missionary. But the isolationist Tokugawa Shogunate eventually proscribed Christianity and expelled all missionaries; persecuted Christians went into hiding and fled to places like the Goto Archipelago. For more than two centuries, Japan’s “hidden Christians” practiced their faith in secret and without priests until after the United States forced Japan to open up in the mid-19th century — an example often held as proof of the resilience of Japanese Christian faith.

Shinkamigoto
Several churches have closed in recent years on the Goto Archipelago.

“Given that history, it’s all the more puzzling why there are so few believers now,” Father Hisashi said.

Here in Shinkamigoto, many say growing wealth has sapped the people’s faith. Catholics were far poorer than non-Catholics, occupying villages along this district’s harsh, western shore, or on its fringes, some more accessible by water than by land.

But starting three decades ago, roads were built linking the most remote villages. Catholics began making economic strides, erasing the gap between them and non-Catholics. Interest in the church began declining.

“The same thing happened in Europe,” said the Rev. Yasuhiko Hamasaki, a priest at the Kamigoto Catholic Center here. “When people start gaining material wealth, they end up seeking comfort and healing in material things.”

Aggravating matters were a low birthrate and demographic changes afflicting all of rural Japan. Here, with a decline in the fishing industry and public works, the young have gravitated to cities; many never return, inviting their aging parents to join them instead.

With the town’s population declining by double digits every month, local government officials are hoping to turn their churches — two of them soon to be added to Unesco’s World Heritage List — into tourist attractions.

One of them, Kashiragashima Church, is on an islet that was linked by a bridge to the main island only a couple of decades ago. Today, 16 elderly parishioners are left, served by a priest who visits two Sundays a month.

Nine of the residents took turns cleaning the church and adorning it with flowers from their own gardens. The parish’s lay leader, Yoshiki Matsui, 70, a fisherman, had mixed feelings about its designation as a World Heritage site. The parishioners were sure to decrease and the government would cover major repairs with the listing.

“But this was not built with the thought that it would become a cultural heritage site,” Mr. Matsui said.

Away from the archipelago’s Catholic villages, more and more of the young now live in cities with few churches and believers.

“The bishop of Nagasaki once said that when Catholic kids go out into a city, it’s a religion’s graveyard,” said Kyushiro Urakoshi, 77, a member of Komeyama Church.

Mr. Urakoshi had arrived early for Saturday evening Mass at Komeyama, the northernmost parish on a slender, fingerlike piece of land jutting out into the sea and reachable by a single-lane mountainous road.

Another parishioner, Tsuyako Takeya, 66, said all but her youngest child had migrated to cities. Only two of her five grandchildren had been baptized.

“My other children married non-Catholics,” Ms. Takeya explained, adding that she was unsure how many of her children had kept the faith.

Those who remain do what would have been unthinkable a generation ago by skipping Mass or marrying non-Catholics. The growing ties with non-Catholics have already changed some practices at Ohso Church, nearer the center of town.

Parishioners now say prayers for the dead during the Buddhist festival for ancestors in mid-August, one of Japan’s biggest holidays. Catholics also gather and, following Buddhist custom, pay tribute to a relative one year or three years after a death.

“In this age,” said Mitsunori Ikuta, 60, Ohso’s lay leader, “we have come to accept these things.”

(Source: New York Times, April 6,2008)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Thanh Hóa mừng lễ bổn mạng thánh Giuse
Hương Đăng
00:09 06/04/2008

VỚI CẢ TÂM TÌNH DÀNH CHO THÁNH GIUSE



“AI ƠI! CÓ VỀ THANH HOÁ…”

Nếu ai được chứng kiến cảnh hàng chục ngàn người đứng yên lặng dưới trời mưa tầm tả, để tham dự đại lễ kính Thánh Giuse - quan thầy của Giáo phận Thanh Hoá, hẳn mới hiểu được phần nào tâm tình của các Kitô hữu nơi đây dành cho ngài, cũng như sự gắn kết đồng lòng của mọi thành phần trong đại gia đình giáo phận, như tấm “pa-nô” chưng bày phía trước nhà thờ Chính toà: “Hiệp nhất - di sản ngàn đời của Giáo phận Thanh Hoá”.

Sáng ngày 02.04.2008, mặc dù bầu trời xám xịt báo hiệu cơn mưa sắp đến, vẫn có trên dưới 10.000 người đổ về nhà thờ Chính Toà để mừng lễ Quan Thầy của Giáo phận, thay cho ngày 19.03 trùng với tuần Thánh vừa qua. Điều đặc biệt hơn nữa, có phái đoàn gồm đông đủ mọi thành phần thuộc Gp. Phát Diệm, trên dưới 80 người, cũng vào chia vui với “người nhà” của mình.

Đúng 9h, bốn đội trống của các giáo họ: Xung Thượng, Ngoại Hải, Như Xuân, Sung Mãn(xứ Ba Làng) khởi tấu hồi trống chuẩn bị khai mạc cuộc rước xe hoa Thánh Giuse quanh bờ hồ xứ Chính Toà. Đức Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã long trọng mời mọi người tiến bước với tất cả tâm tình tri ân và tôn kính Thánh cả Giuse. Chiếc xe hoa thay cho kiệu Thánh Giuse bắt đầu chuyển bánh, thì trời cũng bắt đầu “giăng mưa”. Thế nhưng trật tự ban đầu vẫn không bị phá vỡ. Trong tiếng trống kèn vang dội của hai đội kèn xứ Ba Làng và Tam Tổng, mọi người vẫn đứng tại chỗ, mắt dõi theo đoàn rước, như lời khai lễ của Đức Cha Giuse: “Dù trời mưa lạnh nhưng chúng con vẫn đứng yên, lòng ấm áp bởi muốn bày tỏ lòng yêu kính dành cho Thánh cả, và để thay lời tạ ơn, vì Thánh cả đã gìn giữ, bảo vệ Giáo phận trải qua bao thăng trầm, thử thách, biến động…”

Mọi người đứng sát vào nhau dưới những chiếc ô đủ màu trong cơn mưa dầm dề, không phân biệt lương-giáo, lạ-quen…Một người giáo dân đứng gần tôi buột miệng: “Thánh Giuse muốn thử niềm tin và lòng yêu mến của mình đối với ngài, nhưng chắc chắn ngài sẽ rất vui mừng…” Có lẽ đúng như thế. Riêng bản thân tôi, hình như đâu đó trong cõi lòng, trên mi mắt có một chút nóng hổi của giọt lệ cảm động, bởi được chứng kiến tâm tình của con dân xứ Thanh dành cho Thánh Giuse cũng như dành cho Giáo phận. Chú Phêrô Nguyễn Văn Công- Ông Trùm giáo họ Xung Thượng (Ba làng) đã chia sẻ: “Chúng con rất phấn khởi vì có đội trống góp phần cho đại lễ của Giáo phận. Chúng con hết sức vui mừng và hân hoan vì được tề tựu về đây để mừng lễ Quan Thầy Giáo phận nhà, dù đường sá xa xôi và thời tiết không mấy thuận lợi, chúng con vẫn thấy rất vui và hăng hái”.

SỨ ĐIỆP CỦA NIỀM TIN VÀ TÌNH YÊU

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Giuse nhắc cho mọi người nhớ rằng, mọi sự trên đời không có gì là ngẫu nhiên, ngài nói: “Chúng ta không thể yêu thương nếu không có ai đó khắc tình yêu vào trong tâm hồn chúng ta. Chính Thiên Chúa đã khắc sâu tình yêu và niềm tin nơi Thánh Giuse. Thánh Cả đã tin vào đường lối của Thiên Chúa cách tuyệt đối. Niềm tin ấy giúp ngài hoàn toàn phó thác. Niềm tin ấy giúp Thánh cả yêu thương Đức Mẹ và Chúa Giêsu hết tình. Và niềm tin ấy đã giúp ngài cư xử “đẹp” với tha nhân. Niềm tin Kitô giáo hun đúc con tim các tín đồ nên giống Thánh Giuse. Niềm tin tôn giáo giúp chúng ta sống tốt, sống hiền và sống yêu thương. Để mừng kính Thánh Giuse hôm nay, chúng ta cam kết sống sứ điệp niềm tin và tình yêu, luôn tin tưởng, yêu mến mọi thành phần trong giáo phận. Và cùng với Thánh Giuse, bảo trì mọi di sản tinh thần cũng như vật chất và quyết tâm dựng xây giáo phận”.

Cuối buổi lễ, Đức Cha Giuse mời mọi người hướng về phần đất của Dòng Kín(đang xin trao trả chủ quyền) để cầu nguyện bằng những lời ca thật ý nghĩa của “Kinh Hoà Bình”, với ước mong cả hai bên cùng thương thảo để đi đến một quyết định tốt đẹp nhất. Hàng chục ngàn người cùng chung tiếng hát, chung tiếng lòng. Hy vọng một ngày không xa, Dòng Kín sẽ lại hiện diện trên mảnh đất thân yêu này.

“GÀ CÙNG MỘT MẸ… ‘CỨ’ HOÀI ‘ĐÁ’ NHAU”

Góp thêm phần vui vào ngày lễ là trận bóng giao hữu giữa linh mục đoàn hai Giáo phận Phát Diệm và Thanh Hoá. Hai đội trong trang phục áo vàng và đỏ tiến ra sân khi trọng tài thổi hồi còi khai mạc trận đấu, vào lúc kim đồng hồ chỉ đúng 14h30’. Trời mưa đã làm cho sân cỏ ướt đẫm và trơn trượt, nhưng tinh thần của hai đội đầy hăng hái và quyết tâm. Sau một giờ rưỡi cống hiến cho khán giả những pha bóng đẹp mắt, những tình huống bất ngờ cũng như những tiếng cười, tiếng hò reo vang dội, các cầu thủ đã rời sân trong bộ đồng phục lấm lem bùn đất, với tỷ số 3-2, nghiêng về đội Thanh Hoá.

Có nhiều kỷ niệm đẹp được ghi lại dưới những cơn mưa…Ngày 02.04.2008 cũng đã để lại trong trang sử của Giáo phận Thanh Hoá một ấn tượng khó quên về ngày đại lễ mừng Quan Thầy. Trong cơn mưa lạnh, một sự ấm áp đã thổi bùng lên trong con tim của những người yêu thương giáo phận và sự nghiệp của giáo phận, một hy vọng vào ngày mai được nhìn thấy giáo phận lớn mạnh vững chắc, nhờ tình yêu thương hiệp nhất, một lòng một ý của mọi thành phần trong đại gia đình Giáo phận Thanh Hoá thân thương.
 
Lễ khánh thành nhà thờ giáo họ Ỷ Quan, giáo phận Hà Nội
Giuse Trần Ngọc Huấn
12:56 06/04/2008
HÀ NỘI - Sáng ngày Chúa Nhật II Phục Sinh, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt cùng quý cha đã cử hành nghi thức cắt băng khánh thành tân thánh đường của giáo họ Ỷ Quan, thuộc giáo xứ Mang Sơn, giáo phận Hà Nội, với sự tham dự của rất đông bà con giáo dân và quý khách.

Cha phó xứ Mang Sơn Phêrô Nguyễn Văn Toản đã giới thiệu lịch sử nhà thờ của giáo họ Ỷ Quan: “Giáo họ chúng con được thành lập vào năm 1870. Thuở ban đầu, cha ông chúng con được đón nhận Tin Mừng do các Cha Thừa sai đem đến. Trên miền đất hoang sơ, các đấng đã đặt nền móng đức Tin cho chúng con với con số ban đầu thật ít ỏi. Năm 1870, giáo họ chúng con mới chỉ có 10 người theo đạo, đến năm 1890, đã tăng lên đến 50 người. Vì số giáo dân gia tăng nên các đấng đã cho dựng tạm một ngôi nhà nguyện nhỏ để làm chỗ cho bà con giáo dân đọc kinh cầu nguyện. Vì vậy, có thể nói ngôi nhà thờ đầu tiên của giáo họ Ỷ Quan chúng con được xây dựng vào năm 1890. Ngôi nhà thờ ban đầu nằm ở phía Tây làng, cách vị trí hiện nay khoảng 100m với chiều dài 6m, chiều rộng 4m.

Trải qua dòng thời gian và thiên tai đánh đổ nên năm 1940, cha ông chúng con đã khởi công xây dựng lại ngôi thánh đường giáo họ và được chuyển đến vị trí hiện nay. Năm 1950, ngôi nhà thờ thứ hai này của giáo họ chúng con được hoàn thành với chiều rộng 6m, dài 15m và cao 9m.

Đến năm 1980 thì ngôi nhà này đã trở nên ọp ẹp dột nát, chúng con được Cha Phêro Đỗ đạt Khoát động viên và cùng sửa chữa, lợp lại mái, làm thêm ghế.

Năm 2001, ngôi nhà thờ xuống cấp trầm trọng và không thể sử dụng tiếp nên cha xứ Anphong Nguyễn Ngọc Châu cùng với dân họ đã xin ĐHY Phaolo Giuse cho phép và giúp đỡ tái thiết ngôi nhà thờ này.

Năm 2005, chúng con được phép Đức Tổng khởi công đại tu ngôi thánh đường. Sau gần 3 năm cố gắng nỗ lực, hôm nay chúng con lại rất vinh dự khi được Đức Tổng về chủ sự lễ khánh thành ngôi nhà thờ của họ giáo chúng con. Ngôi nhà thờ mới này có chiều rộng 9m, dài 24m và cao 15m”.

Giáo họ Ỷ Quan hiện nay có 205 nhân danh, đa phần làm nghề nông nên đời sống còn rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, đời sống đạo đức của bà con giáo dân nơi đây luôn nhiệt thành và hăng say với một đức tin kiên vững. Ngôi thánh đường đã xuống cấp từ lâu nhưng với con số giáo dân ít ỏi, đời sống lại thiếu thốn nên việc tái thiết trở nên khó khăn, nhờ lời cầu nguyện và sự động viên giúp đỡ của các ân nhân xa gần cùng với những cố gắng nỗ lực của giáo họ, hôm nay ngôi thánh đường đã được long trọng cắt băng khánh thành.

Thật vậy, lễ tạ ơn khánh thành nhà thờ hôm nay có được là do hồng ân và tình yêu cao vời của Thiên Chúa ban cho chúng ta, tình yêu ấy luôn chan hoà cho hết mọi người. Đức tin là một hồng ân quý báu, một quà tặng vô giáo Thiên Chúa ban cho loài người. Đức tin đó hôm nay được biểu lộ bằng ngôi nhà thờ mới này được xây nên thờ kính Chúa. Sự hiện diện của ngôi nhà thờ là một bằng chứng trên đất Ỷ Quan luôn có những tâm hồn luôn hướng về Chúa, luôn trông cậy Chúa và không ngừng yêu mến Chúa hết lòng.
 
Bãi rác, làng Brong Ngol và Giọt nước
Sr. Minh Nguyên
14:26 06/04/2008
PLEIKU -- Tôi đã nghe nói rất nhiều về bãi rác và công việc của một số làng vùng Pleiku sống bằng nghề rác. Dịp tình cờ, tôi được đến bãi rác vào một ngày đang làm việc của hơn 100 người.

8g30 phút sáng ngày 5 tháng 4, tôi có mặt tại bãi rác của Hàm Rồng, xã Chưdrông, Tp. Pleiku. Xe gom rác từ thành phố và chở về nơi đây, từ 1 giờ sáng đã có một số người từ ba làng Brong Thoong, Brong Ngol, Oyố người Jarai đến bãi rác nhặt nhạnh bao ny-lông, đồng nát, nắp chai, nhôm, nhựa hay bất cứ cái gì có thể bán ve chai hoặc có thể ăn được đều cho vào bao. Bắt đầu 3g sáng, bãi rác nhộn nhịp người lớn. Và từ 5g sáng trẻ em theo chân cha mẹ ra bãi rác. Đồ nghề rất đơn giản, chỉ với cái bao 50, cái liềm hay khúc cây, lớn thì cái cào, bắt đầu một ngày mới với đống những rác tươi nguyên.

Lúc tôi đến thì tốp đầu tiên đã lục tục kéo nhau về với thành quả của một đêm lao động, người thì một, kẻ thì hai bao, người nào nhanh hơn thì ba bao, bán tại chỗ cho người Yuan (Kinh), mỗi bao giá 6 ngàn đồng. Ông Dên nói: hôm nào nhiều thì được hơn một chút thôi. Sau đó những người này về giọt nước của làng tắm rửa và chuẩn bị đi làm mướn. Trên bãi rác lúc này có rất nhiều người, nhưng đặc biệt trẻ em thì rất nhiều, hơn 100 người trên bãi rác thì số trẻ em chiếm hai phần ba, chúng được cha mẹ cho ngồi chơi gần chỗ mẹ nhặt rác hoặc lớn một chút thì một mình một bao đi nhặt.

Mùi rác xông lên nồng nặc, ruồi nhặng thì không thể ít hơn một chỗ nào khác. Dưới ánh nắng mặt trời, mùi xú uế rác của 2 hécta trên bãi đất mênh mông lưu trữ rác từ ngày này sang ngày nọ càng nồng nặc. Khói của bãi rác làm cho khung cảnh càng u ám và ảm đạm hơn. Đầu đường một số trẻ trai đứng chờ sẵn, khi xe rác tới là đu bám lên xe trước.

Trẻ em miệt mài cúi mặt trên bãi rác, tương lai của em cũng trong đống rác. Nhặt được quả mận cũng chia nhau, nhặt được bịch nước gì đó màu trăng trắng, chẳng biết có uống được không cũng chia nhau mút lấy mút để.

Một số rác đã được đốt thì những thiếu niên cho lên xe máy xới chở thuê cho người ta về bón cà phê… công việc của các làng này đều ở bãi rác. Họ không có đất canh tác, nhà nào may mắn có một rẻo nho nhỏ trồng vài luống rau…

Soeur Rosa Trần Thị Ước - Dòng Đaminh Rosa Lima cho biết anh chị em của ba làng này hầu như theo Tin Lành, chỉ có vài gia đình Công Giáo. Khi Soeur đến làng, họ nhận ra Amai (Soeur) và bảo nhau cho con đi học đạo. Mảnh đất truyền giáo trên vùng Pleiku- Kontum vẫn còn biết bao rộng lớn và mênh mông. Muốn đi lễ tiếng Jarai phải đi xa, nhưng với điều kiện đời sống khó khăn, chỉ thỉnh thoảng họ mới có thể đi nhà lễ.

Theo chân Amai Ước đến thăm làng Brong Ngol, lúc này hầu như người lớn đang tập trung tại giọt nước của làng tắm rửa sau một đêm vất vả bới rác. Đường đi xuống giọt nước khá khó khăn, dốc đứng, làng vạt núi thành những bậc thang cho dễ đi một chút, nhưng rất dễ trơn trượt, xuống đến nơi có giọt nước thì càng trơn hơn. Chính người viết bài này dù cẩn thận mà vẫn bị “chụp ếch”. Giọt nước là một mạch nước chảy từ trên núi xuống. Anh chị em dân tộc lấy cây tre làm ống máng đưa vào núi và lấy nước sinh hoạt từ đây.Tắm giặt thì ở giọt nước, một kiểu tắm công cộng. Nước mang về nhà sử dụng được cho vào những bình nhựa 1l, 2l… gùi về nhà. Việc đào giếng trên vùng cao nguyên này là điều không phải gia đình nào cũng có khả năng thực hiện được, khi mỗi ngày đi nhặt rác với vài chục ngàn trong khi một mét giếng với tiền công là 200 ngàn, mà giếng không phải chỉ một vài mét là có nước mà ít nhất cũng phải từ 12 m trở lên mới mong có nước xài, nhưng mùa khô thì không có nước. Vì thế cả làng đổ dồn vào giọt nước của làng. Thường thì giọt nước này nằm ở cuối làng. Việc đi lại lấy nước khó khăn vì xa xôi và vì đường dốc. Và theo văn hoá và cảm nhận của anh chị em dân tộc thì nước giọt uống ngon hơn nước giếng, nên dù gia đình nào ở gần nhà có giếng thì cũng xuống giọt lấy nước và tắm rửa.

Chỉ mong làng có cái giọt nước và cái đường lên xuống như làng bên thì bà con yên lòng lắm- Ông Bê một người trong làng tâm sự như muốn nói lên nỗi khát khao của cả làng sống bằng nghề rác này.

Vượt gần 600 cây số đến bãi rác, đến thăm làng, cảm nhận được nỗi vất vả của một ngày nhặt rác với mùi xú uế, với ruồi nhặng với sự lao nhọc và đường đi khó khăn của bà con đi lấy nước ở giọt, mới biết nỗi lòng ước mong có được một giọt nước, có được đường đi lên xuống dễ dàng là một khát khao cháy bỏng. Xin cho nỗi mong ước của làng Brong Ngol mau trở thành hiện thực với sự trợ giúp của quý ân nhân khắp gần xa với tình huynh đệ anh chị em trong bọc trứng của Mẹ Âu Cơ- Lạc Long Quân và trên hết trong tình huynh đệ sẻ chia của anh em con một Cha trên Trời.
 
Thánh Lễ cầu nguyện cho Ơn Kêu Gọi tại Pleiku, giáo phận Kontum
Sr. Minh Nguyên
14:37 06/04/2008
KONTUM, Trong những ngày này, các giáo xứ, giáo hạt và khắp nơi Giáo hội đều hướng lòng về ngày Chúa nhật Chúa Chiên Lành, ngày cầu nguyện cho ơn Thiên triệu linh mục và tu sĩ.

6g sáng ngày 06 tháng 4, nhà thờ Thăng Thiên, hạt Pleiku, giáo phận Kontum trong thánh lễ sáng Chúa Nhật bình thường như mọi ngày, hôm nay còn đón thêm 158 em cấp III từ khắp các giáo xứ trong Hạt về dâng thánh lễ cầu nguyện cho ơn gọi.

Cha Đại diện giám mục giáo phận Kontum - linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông cũng là cha quản hạt, đặc trách các gia đình ơn gọi giáo hạt, cha chánh xứ đã có sáng kiến tổ chức ngày ơn gọi trước một tuần tại hạt, còn ngày lễ Chúa Chiên Lành thì sẽ tổ chức tại các giáo xứ.

Theo truyền thống của giáo phận Kontum, ơn gọi thuộc độ tuổi học sinh cấp I và II thì các cha xứ có trách nhiệm, cấp III thuộc giáo hạt và cấp đại học dưới sự coi sóc của giáo phận.

Trong bài giảng, Đức cha Micae chia sẻ với các em và cộng đoàn nhiều nỗi ưu tư về việc truyền giáo trên mảnh đất giáo phận Kontum. Được biết giáo phận Kontum với diện tích 25.110 km2, dân số 1.500.000 người trong đó người công giáo hơn 244.000 người mà có tới với 81 nhà thờ và 276 địa điểm anh chị em có thể gặp gỡ và cầu nguyện mà giáo phận chỉ có 65 linh mục, 107 chủng sinh và ứng sinh, khoảng 371 nữ tu các Dòng. Quả thật là những con số biết nói của giáo phận Kontum. Sau thánh lễ, tôi hỏi Đức cha Micae: như vậy Đức cha cần bao nhiêu linh mục nữa mới đủ phục vụ anh chị em? Ngài dí dỏm trả lời: con cứ nói với Chúa cho Đức cha 1.000. Biết là Ngài nói vui, nhưng quả thật phải thêm thật nhiều ơn gọi, thật nhiều người phục vụ để trải đều trên vùng đất vốn nhiều anh chị em dân tộc này.

Trong bài giảng, Đức cha như nhắn nhủ và gọi mời các em phải cảm nhận được niềm vui vì làm con Chúa, vì nhờ sự Phục Sinh mà Ngài đã cho chúng ta được tươi trẻ lại. Hạnh phúc ấy chúng ta không chỉ hưởng một mình mà cũng phải nói lại, phải chia sẻ với những người khác như các Tông Đồ xưa đã làm. Người loan truyền niềm vui này không ai khác là chúng con. Ơn gọi là một điều thiêng liêng quý giá, là một hành trình dài, khó khăn, một chiều, là con đường chẳng mấy ai đi. Và các con phải cầu xin tha thiết với Chúa rằng: Lạy Chúa này con đây xin hãy phán, này con đây xin hãy đến và này con đây xin hãy chọn con.

Quả thật Chúa Giêsu có một nghệ thuật tiếp cận, nghệ thuật gợi ý và một nghệ thuật giảng dạy khi Ngài chung đường với hai môn đệ trên đường Emmaus. Điều này làm cho các môn đệ từ những người đang trong tâm trạng buồn nản, thất vọng, chán chường trở nên những người hân hoan, muốn chia sẻ niềm vui và hạnh phúc của mình khi gặp được Chúa, để giữa ban đêm các ông chỗi dậy về Giêrusalem thuật lại cho các Tông Đồ rằng mình đã thấy Chúa thế nào.

Bài giảng của Đức cha quả thực đã khơi gợi trong lòng các ơn gọi trẻ của giáo hạt Pleiku một ngọn lửa nhiệt huyết sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng hiến dâng. Sau thánh lễ, các em gặp gỡ nhau trong bữa ăn sáng tại nhà xứ. Tôi nghe được một số chia sẻ của các bạn nam và nữ: Con đi theo lớp ơn gọi này cũng khá lâu rồi, nhưng trong lòng con chưa xác tín lắm, nhưng hôm nay rõ ràng bài giảng của Đức cha đã làm con suy nghĩ lại. Một ý kiến khác bổ sung: con chỉ đi theo bạn con thôi, nhưng thật sự con đã bị đánh động bởi những con số thống kê mà đầu lễ con được nghe, quả thực giáo phận đang rất cần thợ gặt.

Một em khác chia sẻ thêm: hôm nay con mới biết cha Đông làm nhiều công việc như vậy. Vì trong bài giảng Đức cha Micae chia sẻ với cộng đoàn về những công việc của cha Phêrô Nguyễn Vân Đông, hạt trưởng Pleiku, cũng là đại diện Giám mục đặc trách UB BAXH giáo phận. Hiện nay cha còn kiêm nhiệm thêm hai giáo xứ chưa có linh mục là Mỹ Thạch và An Sơn… Quả là hy sinh với một linh mục đã ngoài 60 như thế.

Xin cho thánh lễ ngày cầu cho ơn thiên triệu hôm nay của hạt Pleiku và những thánh lễ tiếp tục của giáo phận Kontum nói riêng của Giáo hội Việt Nam nói chung sẽ khơi dậy nhiều tâm hồn thánh thiện hướng lòng theo tiếng gọi của Giáo hội, của Thiên Chúa đang tín nhiệm các bạn. Xin cho hôm nay và suốt dọc cuộc đời các bạn sẽ nghe thấy tiếng Chúa rõ hơn và các bạn dấn thân cách tích cực hơn.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thư của chính quyền Quận Đống Đa ngày 2/4/2008 yêu cầu giáo xứ Thái Hà di chuyển ảnh tượng Đức Mẹ
Gx Thái Hà
19:48 06/04/2008
 
Thư của chính quyền Quận Đống Đa ngày 6/4/2008 yêu cầu giáo xứ Thái Hà dẽp bỏ lều bạt
Gx Thái Hà
19:52 06/04/2008
HÀ NỘI -- Trong tối hậu thư UBND Quận Đống Đa gửi ngày 2/4/2008 cho LM Vũ Khỏi Phụng, linh mục chính xứ Thái Hà đã yêu cầu: “cho dỡ bỏ các lếu quán, bàn thờ để trả lại phần đất bị chiếm dụng, đưa ngay Đức Mẹ, ảnh Đức Mẹ và các cây thánh giá về trong khuôn viên của nhà thờ Thái Hà đồng thời có biện pháp quản lý giáo dân không làm những việc phi phạm pháp luật”. (Trích thư UBND Đống Đa ngày 2/4/2008)

Và tiếp theo vào sáng sớm hôm nay thứ Hai ngày 7/4/2008 (giờ Hà Nội), nhân viên công lực đã đến áp lực cho bỏ tượng ảnh, thánh giá, lều bạt nơi hàng rào biên giới khu đất đang tranh chấp, như chúng tôi đã lian tin và kèm theo hình ảnh vào ngày hôm nay...

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lịch Sử Kitô Học Thời Giáo Hội Sơ Khai (1)
Vũ Văn An
06:07 06/04/2008

Lịch Sử Kitô Học Thời Giáo Hội Sơ Khai



Nếu hiểu Kitô Học như một học lý đã được khai triển đầy đủ về con người và việc làm của Chúa Giê-su Kitô trong khuôn khổ một cái nhìn thần học và triết lý về thế giới, thì Kitô Học ấy chỉ đã được xây dựng dần dần trong diễn trình phát triển của Kitô giáo buổi sơ khai. Nhưng nếu hiểu Kitô Học như những phát biểu nào đó về ý nghĩa của Chúa Kitô cũng như ý nghĩa các biến cố trong đời sống của Người, thì đức tin Kitô giáo, ngay cả đức tin của chính Kitô giáo thời sơ khai kia, không thể nào có được mà không có một Kitô Học. Thực thế, theo nghĩa thứ nhất, Kitô Học luôn luôn tùy thuộc vào một suy tư triết lý của một thời đại nhất định nào đó; nhưng ngay trong nghĩa thứ hai, nó cũng đòi người ta phải vay mượn một số ý niệm và một số tước hiệu nào đó, cũng như phải giả thiết một vài quan điểm liên quan đến mối tương quan giữa Thiên Chúa và thế giới, giữa thời gian và cánh chung thế trần. Với một quan điểm như thế, câu hỏi chính liên quan đến Kitô Học buổi đầu Kitô giáo mà các nghiên cứu ngày nay cố gắng giải đáp chính là câu hỏi này: sự nhận thức về Chúa Giê-su lịch sử đã diễn biến nhanh chóng thành đức tin vào Con Thiên Chúa trên trời như thế nào? Ta biết rằng thế giới trong đó Kitô giáo xuất hiện vốn rất quen thuộc với những khuôn mặt cứu thế với các phẩm tính thần linh. Người Do thái chẳng hạn vẫn hằng mong chờ Đấng Thiên Sai hay Con Người; các dân ngoại trong thế giới Hy Lạp vốn tin có những thần linh được gửi từ trời xuống để mạc khải, còn các tôn giáo Đông Phương (Lưỡng Hà, Ba Tư) vốn có lòng tin vào những vị thiên sứ. Cho nên Kitô Học, một cách phát biểu sự gắn bó nội tâm đối với Chúa Giê-su và Phúc Âm của Người, chắc chắn đã phát xuất từ sự liên kết tức khắc khuôn mặt Chúa Giê-su vào các ý niệm ấy, hay từ việc hội nhập vào các ý niệm ấy từ từ qua giòng thời gian. Các học giả phần lớn đều nhất trí ở điểm đó. Tranh luận hay chăng chỉ là vấn đề tìm xem con người của Chúa Giê-su và các biến cố trong cuộc đời của Người đã đóng góp phần đáng kể ra sao vào cái Kitô Học kia. Tranh luận cũng còn trong việc tìm xem các ý niệm trên, tức các ý niệm mà các Kitô hữu vốn đã thừa tự được hoặc các ý niệm họ vay muợn được do ảnh hưởng các kinh nghiệm mới, phần nào thuộc nguồn Do Thái phần nào thuộc nguồn Hy Lạp. Sau cùng, là vấn đề thời điểm nào các ý niệm khác nhau kia đã được Kitô giáo tiếp nhận.

1. Giáo Hội Sơ Khai



a. Các Tước Hiệu và ý niệm: Trước nhất là tước hiệu Con Người. Nếu nguyên khởi tước hiệu này, vốn được chính Chúa Giê-su long trọng áp dụng vào chính mình, có ý chỉ về một con người từ trời ngự xuống trên các đám mây, thì việc xưng Chúa Kitô bằng tước hiệu ấy hàm nghĩa lòng mong chờ việc Người “đến” trong vinh quang từ trời (parousia). Nhưng điều ấy giả thiết Người đã ở trên trời rồi (Lc 22:69; Cv 7:56), ngự bên tay phải Thiên Chúa và do đó, việc Người chết đâu có nghĩa là thất bại nữa, mà phải được tiếp nối bằng sự sống lại và tôn lên để ở cùng Thiên Chúa. Như thế việc áp dụng tước hiệu Con Người vào Chúa Giê-su đã đưa lại một giải thích chân thực cho cuộc khổ nạn của Người: Con Người phải bị ‘trao nộp’ vào tay thế gian (Mc 9:31; 10:33; 14:41; Lc 24:7; 1 Cor 11:23). Sự cần thiết ấy đã được phát biểu qua kiểu nói cuộc khổ nạn của Con Người ‘đã được chép’ (Mc 9:12), và kiểu nói đó đã được sử dụng làm chứng cớ Kitô Học dựa trên Cựu Ước. Vì thuật ngữ Con Người đã có một chỗ nhất định trong giòng văn khải huyền của Do Thái, nên việc sử dụng nó trong Kitô giáo cho người ta thấy khả thể có những liên kết với những nhóm vốn tư duy bằng các thuật ngữ cánh chung (tận cùng thế gian, tiền hiện hữu của Con Người). Hình ảnh về Con Người từ lâu vốn có liên hệ với hình ảnh về Đấng Được Xức Dầu (Messiah) trong Do Thái giáo (Enoch 37:71). Ý niệm sau sau đó đã thay đổi, và hiệu quả đầy đủ của việc thay đổi này đã được nhìn thấy rất rõ trong Kitô giáo sơ khai. Thực vậy, Đấng Được Xức Dầu không còn là người thuộc chi họ Đavít với sứ mệnh lên ngôi để thiết lập một vương quốc trường cửu và đầy phúc nữa, nếu Người là đấng sẽ đến như Con Người từ các tầng mây trời; và một miêu tả như trong sứ điệp thiên thần của Lc 1.32 cho ta cái cảm tưởng quá sớm và xem ra không phù hợp với thân phận lịch sử của Chúa Giê-su. Mc 12:35-37 còn có thể coi như một phản kháng chống lại hình ảnh truyền thống về Đấng Được Xức Dầu: không nên quá nhấn mạnh đến dòng dõi Đavít. Dưới ảnh hưởng cuộc đời lịch sử của Chúa Giê-su, các Kitô hữu tiên khởi đã đạt đến chỗ coi cuộc khổ nạn của Đấng Được Xức Dầu như là con đường dẫn đến vinh quang của Người (Lc 24:26; CV 3:18...) và quan niệm được rằng điều làm Người trở thành Đấng Được Xức Dầu chính là việc Người bước vào vinh quang và việc Người sẽ trở lại. Có lẽ có một số trong họ cho rằng Người chỉ trở thành Đấng Được Xức Dầu khi sống lại {Cv 2:36; 3:13; ở đây, bề ngoài xem ra có yếu tố của một Kitô Học theo hướng ‘thừa nhận’(adoptionist)}. Cái ý niệm về một Đấng Được Xức Dầu chịu khổ nạn dù có thể có trong Do Thái giáo cũng không thấy có chỗ đứng nào trong Kitô Học trên. Không một tài liệu Kitô giáo nào nhắc đến việc ấy.

Dù được nhắc đến rất ít, nhưng tước hiệu tôi tớ Thiên Chúa phải được coi như một tước hiệu của Chúa Giê-su từ rất lâu. Nó đã được dùng như một công thức nhất định trong các trình thuật sớm nhất (Cv 4:30; Didache 9:10; I Clement 59), và dường như các Kitô hữu quen dùng công thức này trong việc chữa bệnh. Theo Công vụ 3:13 và Mát-thêu 12:18, và luận đoán từ Hy ngữ là tiếng đã được sử dụng (pais chứ không phải lougos), tước hiệu này có ý chỉ về một dung mạo rất quen thuộc của người tôi tớ đau khổ của Gia-vê trong Isaia 42, và không phải tước hiệu chung chung theo kiểu đã dùng chỉ Đavít trong Lc 1:69. Do đó, nó không nhấn mạnh trước hết đến sự tùng phục, nhưng đến việc được Thiên Chúa chọn để chịu khổ nạn; phẩm giá thực sự của đấng được Thiên Chúa sai đến đã được phát biểu rất rõ trong tước hiệu này. Do đó, tước hiệu này, xét theo nguyên gốc, có thể đã chứa sẵn một giải thích cho mầu nhiệm thập giá cùng một cách như tước hiệu ‘Con Người’ vậy.

Sau đó người ta cảm thấy không thích tước hiệu ‘Tôi Tớ’ nữa vì nó đem lại cho Chúa Giê-su một vị thế quá thấp, nên người ta đã hiểu tước hiệu này như là ‘Con Thiên Chúa’ (pais cũng có thể có nghĩa là ‘con trẻ’); hiển nhiên điều đó đã được thấy trong lời kinh của Polycarp trong sách Cuộc Tử Đạo của Polycarp 20:2 (ở đây từ ngữ monogenis, con một, đã bổ nghĩa cho pais). Nhưng có lẽ vì khó có thể hiểu đồng nghĩa như thế, nên tước hiệu này mỗi ngày một ít được dùng đi và cuối cùng đã biến mất. Rất có thể tước hiệu Con Thiên Chúa khởi thủy mang theo ý niệm tuyển chọn. Vì Con Thiên Chúa vốn là một tước hiệu dành cho vua tại Phương Đông xưa, có liên hệ đến các thần thoại về nguồn gốc thần linh của vua chúa. Tuy nhiên khi đem áp dụng vào vua chúa Israel, như trong Tv 2:7, thì căn bản thần thoại đã biến đi, nhường chỗ cho ý niệm thừa nhận (adoption); “Con là con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra con”, nghĩa là “kể từ hôm nay, con sẽ là con Ta”. Thánh vịnh này có lẽ đã được giải thích theo ý nghĩa xức dầu trong Do Thái giáo, và sau đó được gán cho ý nghĩa Kitô Học trong Kitô giáo. Trong trường hợp như vậy, giây phút bắt đầu tư cách làm con (sonship) có lẽ là lúc sống lại: như vậy Kitô Học ở đây rõ ràng theo khuynh hướng thừa nhận (adoptionist), theo đó Chúa Giê-su, khi sống ở thế gian, chỉ là một con người, nhưng lúc sống lại đã trở nên Con Thiên Chúa. Sau này, lúc Người chịu phép rửa đã được coi như giây phút Người bắt đầu là Con Thiên Chúa; chứng cớ tốt nhất của việc này là trình thuật cổ xưa nhất về việc Người chịu phép rửa. Đây là một truyền thống được bảo tồn bên ngoài các sách Phúc Âm ta hiện có và chỉ đến với chúng ta qua bản văn Phương tây của Lc 3:22; trong đó, tiếng từ trời nói với Chúa Giê-su chính là câu Tv 2:7 gồm cả chữ ‘hôm nay’ nữa. Nhưng ngay cả bản văn theo qui điển chính thức đi chăng nữa, tức câu ‘Con là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng’, thì vẫn mang theo ý niệm tuyển chọn chứ không hẳn ý niệm sinh ra hoặc giống nhau về bản tính với Thiên Chúa. Cho nên tước hiệu ấy cũng có ý nghĩa ‘thừa nhận’ đặc biệt vì công thức ‘con là con Ta’ trong thuật ngữ pháp chế đông phương vốn dùng để nhận ai làm con nuôi (‘con sẽ là con ta’). Và dù sao, ‘Con Thiên Chúa’ trong các văn bản xưa nhất của Kitô giáo chỉ là một thuật ngữ thay thế thuật ngữ Đấng Được Xức Dầu mà thôi, và quan điểm này chẳng hề suy suyển gì dù trong Cựu Ước, ‘Con Thiên Chúa’ không được dùng để chỉ Đấng Được Xức Dầu, và như chúng tôi được biết, không dùng trong bất cứ văn chương Do Thái giáo nào.

Bên cạnh những tước hiệu trên, một vài hiện tượng trong sinh hoạt của Giáo Hội sơ khai có thể dùng làm nguồn gốc cho một Kitô học sớm nhất: dùng tên Giêsu để chữa bệnh; chứng cớ không phải chỉ có trong các trình thuật của Tông Đồ Công Vụ, mà còn trong các bản kinh như trong Cv 4:30 nữa: ‘và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Chúa Giê-su’. Cũng thế, các phép rửa đã được thực hiện nhân danh Chúa Giê-su và các bữa ăn thánh đã được cử hành trong niềm mong chờ Con Người sẽ đến. Tất cả các hiện tượng ấy đều là bằng chứng về một Kitô Học của thời ấy khi các môn đệ và các tín hữu của Chúa Giê-su không nghĩ về vị thầy của mình như một người đã chết và đã đi khỏi, nhưng nhờ việc sống lại của Người mà biết được rằng Người đã được nâng lên ở với Thiên Chúa, và ý thức rõ rằng quyền lực của Người vẫn còn hiện diện cách đầy hiệu quả nơi họ như một bảo đảm rằng họ sẽ được tái hợp với Người trong tương lai. Niềm xác tín về vương quốc đang đến ấy đã nối kết việc Thiên Chúa can thiệp đem lại giải thoát trong quá khứ với việc hoàn tất ơn cứu độ trong tương lai; thời gian hiện tại do đó mang theo mình đặc tính trung điểm (intermediate), và những gì trước đó họ cảm nghiệm trong cuộc đời của Chúa Giê-su đều được giải thích dưới ánh sáng của tương lai. Điều này giải thích tại sao ngay cả những người đã cùng ăn uống với Chúa Giê-su cũng nghĩ về Người dưới ánh sáng của thứ Kitô Học đơn giản này.

b. Nguồn Gốc Từ Cuộc Sống Lịch Sử Của Chúa Giêsu: Ta không còn tránh né được câu hỏi các môn đệ Chúa Giê-su đã nắm được các quan điểm Kitô Học nêu trên vào lúc nào. Muốn trả lời câu hỏi này, thiết tưởng ta cần trả lời câu hỏi khác: chính Chúa Giê-su đã chấp nhận đến mức nào tước hiệu Đấng Được Xức Dầu? Nếu ta quan niệm rằng các môn đệ Chúa Giê-su không thể làm ngơ câu hỏi liệu Người có phải là Đấng Được Xức Dầu hay không, và nếu ít nhất cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giê-su khiến người ta phải chú mục đến một chuyển dịch xức dầu, thì điều ấy hẳn phải hàm ý chính Chúa Giê-su đã tự nhận mình là Đấng Được Xức Dầu và do đó các môn đệ đều nhìn nhận Người như vậy. Hậu quả là các môn đệ hẳn đã nghĩ về con người của Người qua lăng kính chờ mong Đấng Được Xức Dầu ngay lúc Người còn tại thế; các hoài mong này mang hình thức gì thì ta không rõ, nhưng chắc chắn không nhất thiết chỉ là một thứ quân chủ quốc gia. Ta có thể quả quyết hơn nếu ta biết Chúa Giê-su đã dự ứng ra sao cái kết quả không mấy thành công trong chuyến lên Giêrusalem của Người. Nếu đã dự đoán được điều ấy thì hẳn Người đã liên kết hai ý niệm Xức Dầu và thống khổ lại với nhau như thuật ngữ giá chuộc muôn người trong Mc 10:45, một thuật ngữ hết sức đặc thù và có tính Kitô giáo về hình thức. Căn bản bên trong giòng tư tưởng Do Thái của thuật ngữ trên có thể tìm thấy nơi Is 53 và 4, Mcb. 6:29 và 17:22. Tuy nhiên ta vẫn không rõ Người đã liên kết các ý niệm đó đến mức nào; việc liên kết này có thể đã không gây được ấn tượng quan trọng nào nơi các môn đệ, vì các ông rất ngạc nhiên khi thấy Người chịu đau khổ và chịu chết. Chúng tôi nhắc đến những điều này chỉ để chứng tỏ rằng hạt giống phát sinh ra tư tưởng Kitô Học có thể đã có trong cuộc đời của Chúa Giê-su. Thêm vào đó, chúng tôi cũng xin nhắc đến mối liên hệ hết sức đặc biệt của các môn đệ đối với vị thầy của họ, một mối liên hệ rất khó so sánh với tình thầy trò theo nghĩa Tây phương. Vì mối liên hệ ấy nói lên sự tôn kính nể sợ của những môn đồ cảm thấy sững sờ trước sự cao cả của một vị thánh đang hiện diện giữa họ nhưng chính vị thánh ấy xét ngay trong thẩm cung bản nhiên lại vẫn là một người xa lạ đối với họ.

Nguồn gốc đích thực phát sinh ra mọi Kitô Học phải được tìm thấy trong các biến cố xẩy ra sau cái chết của Chúa Giê-su. Theo một truyền thống cổ xưa nhất (1 Cor 15:3...; Mc 14:28; Ga 21), niềm xác tín rằng Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết không dựa vào hiện tượng căn mồ trống, điều mà thánh Phao-lô không bao giờ nhắc đến, mà là dựa vào các lần hiện ra của Thầy, đấng mà các môn đệ tin là đã chết. Từ những lần hiện ra ấy, các ông kết luận rằng Chúa Giê-su không nằm vùi trong sự chết, nhưng đã được đưa vào vinh quang của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là giáo huấn của Chúa Giê-su đúng, nước Thiên Chúa quả đang đến, và giai đoạn cuối cùng của thời gian với lời hứa kẻ chết sống lại đã bắt đầu đến cùng với việc sống lại của Chúa Giê-su. Do đó, việc sống lại của Người không phải là một biến cố không có chỗ đứng trong thế giới quan của các môn đệ, ngược lại, nó là hậu quả ‘đúng’ của những điều họ đã cảm nghiệm. Bên trên cái cảm nghiệm ấy, điều kỳ thú và đầy hứa hẹn là việc nhìn nhận rằng mặc dù bề ngoài xem ra như thất bại, Phúc Âm và vương quốc của Chúa Giê-su nay đã được Thiên Chúa xác nhận. Chỉ đến nay, các môn đệ mới cảm thấy tự tin là họ đã hiểu đầy đủ ý nghĩa những việc Chúa Giê-su đã làm, cũng như tầm quan trọng trong con người và định mệnh của Người. Như thế, đức tin vào sự sống lại chính là khởi đầu của mọi Kitô Học. Vì sự thay đổi có tính quyết định đầu tiên trong mối liên hệ của các môn đệ đối với Thầy của họ là ý niệm mạc khải về nước Thiên Chúa, lần đầu tiên tỏ lộ cho ho, nay đã trở thành điều chắc chắn, một sự chắc chắn tóm lược hết những gì đã xẩy đến với họ cũng như hết những gì họ vốn trông chờ, một giải thích cho quá khứ và một hy vọng cho tương lai.

2. Kitô giáo khuynh hướng Hy Lạp trước thời thánh Phao-lô



a.Tôn Thờ Chúa Giêsu Như 'Chúa': Sự thay đổi thứ hai trong mối liên hệ chính là việc chuyển hướng nhấn mạnh đến hiện tại hơn là tương lai; một Giáo Hội vốn mong chờ ơn cứu độ nay trở thành một Giáo Hội đã nắm được ơn cứu độ ấy; Con Người, Đấng được chờ mong sẽ đến trong các tầng mây trời, nay, dù niềm chờ mong kia vẫn còn đó, được coi đang hiện diện trong Giáo Hội, đang cai trị Giáo Hội, và đang được tôn thờ trong phụng vụ của Giáo Hội. Mối liên hệ này được diễn tả một cách đặc biệt qua một tước hiệu mới, tước hiệu Chúa, trong Hy ngữ là kyrios, một tước hiệu sau đó đã trở nên hết sức phổ quát trong các Giáo Hội nói tiếng Hy Lạp. Trong các tôn giáo của các xứ lân cận, tước hiệu này từ lâu vốn có nghĩa đặc biệt chỉ tước hiệu thần minh. Tại Ai Cập, từ ‘Chúa’ phần lớn dùng để chỉ vương quyền của thần minh đối với thế giới. Khi dịch Cựu Ước sang tiếng Hy Lạp, các dịch giả người Ai Cập sử dụng tước hiệu kyrios thay thánh danh Yahweh, có thể họ đã nghĩ đến tập tục của người Do Thái thường đọc trại Yahweh thành adonai (Chúa) vì lý do húy kính. Nhưng trong các đoạn văn này, họ lại không chuyển dịch từ adonai như họ vẫn thường làm ở những bản văn khác, nhưng đã thay nó bằng từ kyrios. Điều ấy cho thấy cái âm của từ này hẳn phải có tầm quan trọng đối với họ vì họ chủ ý nghĩ đến vương quyền thần linh đối với thế giới, như chính Philo đã xác nhận trong De Plantatione 86. Ngược lại, tại Syria, ‘Chúa’ trời là vị thần mà mọi người chúng ta đều là ‘nô bộc’; như thế tước hiệu này liên hệ mật thiết với ý niệm phục mệnh, tôn thờ mà các thần dân phải có đối với ‘Chúa’ của họ. Khi Giáo Hội Kitô thờ phượng ‘Chúa’ của mình dĩ nhiên họ không nghĩ ngay đến vấn đề vương quyền đối với trần gian cho bằng đến nghĩa vụ thờ kính tôn giáo, nhưng sau đó khi đọc các đoạn văn Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp, trong đó ‘Chúa’ của họ được gán cho tước hiệu kyrios, dần dần họ đã liên kết được ý nghĩa vũ trụ học với ý nghĩa thờ kính kia. Đàng khác, việc sử dụng tước hiệu ‘Chúa’ trong việc thờ kính hoàng đế xem ra có liên hệ đến tập quán của người Ai Cập. Dù sao, nếu không phải là nguyên nhân, thì tập quán của người Ai Cập quen gọi vị vua đang cai trị mình là ‘Chúa’ có nhiều điểm tương đồng với tập quán của Kitô giáo. Thực thế, trong cả hai trường hợp, một con người lịch sử đã được tôn vinh là Thiên Chúa qua việc sử dụng tước hiệu này. Chỉ sau khi ý thức được nét tương tự đó, Kitô giáo mới ráng làm rõ nghĩa việc sử dụng tước hiệu này.

Người ta có thể hỏi liệu việc tôn thờ Chúa Giê-su như ‘Chúa’ có liên hệ gì đến một dạng huyền nhiệm học (mysticism) nào đó trước thời thánh Phao-lô hay không. Ta biết thánh Phao-lô vốn dùng kiểu nói ‘trong Chúa’ (như Rm 16) trong đó ‘ở trong Chúa’ chỉ có nghĩa là ‘thành một Kitô hữu’, một công thức vốn đã thịnh hành trước thời thánh nhân. Như vậy điều ấy có nghĩa là bất cứ ai tham dự vào việc thờ phượng Kitô giáo đều cũng trở thành chi thể trong huyền thể Chúa Kitô, và do đó đều ở ‘trong Chúa’. Một thứ huyền nhiệm học có tính tế tự cũng có thể đã phát sinh với ý niệm cho rằng phép rửa tội có nghĩa là được an táng và được sống lại từ cõi chết với Chúa Kitô, một ý niệm mà trong Rm 6:3,4, rõ ràng thánh Phao-lô cho là rất quen thuộc với Giáo Hội tại thành Rôma, nhưng không hẳn quen thuộc với chính bản thân Ngài.

b.Nguồn Gốc Việc Thờ Phượng Chúa Kitô: Như thế, không kể các ý niệm đặc biệt đối với thánh Phao-lô, ta có thể lần trở lại các ý niệm khác nhau, tuy không luôn luôn nhất quán với nhau, nhưng đã diễn tả được tầm quan trọng của Chúa Kitô như đấng đang hiện diện ở đây và lúc này: đó là việc thờ phượng ‘Chúa’ với nghĩa tế tự, và ở một vài nơi khác, việc thờ phượng ‘con chiên’, việc cử hành cuộc thống khổ và việc sống lại của Người như những biến cố trong đời một vị thần linh, trong phép rửa và dĩ nhiên trong Thánh Thể nữa, và huyền nhiệm học có tính tế tự về việc ‘ở trong Chúa’. Theo các ý niệm đã được trình bày trên đây (nói về mạc khải), người ta không chờ đợi Chúa Kitô có đầy đủ vinh quang Thiên Chúa trước thế mạt; các quan điểm nhắc đến ở đây trình bày Chúa Kitô như Chúa của Giáo Hội, được tôn thờ như Thiên Chúa, ngay trong thời gian hiện tại. Câu tuyên xưng ‘Chúa Giê-su là Chúa’ (1 Cor 12:3; Rm 10:9; Pl. 2:11) có nghĩa là nhân danh Chúa Giê-su, là ‘tên trọng hơn hết các tên’ tức tước hiệu ‘Chúa’, mọi đầu gối đều phải bái qùy (kể cả các thiên thần), và do đó tước hiệu Chúa có ngay trong lúc này.

Vấn đề là mối liên hệ mới với Chúa Kitô tức việc liên kết Kitô Học vào hiện tại này đã có từ lúc nào. Các nét riêng rẽ tạo ra toàn bộ bức tranh có thể dễ dàng tìm thấy vết tích trong Giáo Hội sơ khai tại Palestine (ý niệm ‘con chiên’ chẳng hạn, để chỉ Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi con người); còn việc giải thích cái chết và việc Người sống lại theo chiều hướng mầu nhiệm, thì môi trường ngoại giáo có nhiều ảnh hưởng. Vấn đề gây tranh luận nóng bỏng nhất là vấn đề ấn định thời điểm phát sinh ra tước hiệu ‘Chúa’ theo nghĩa long trọng tức nghĩa tôn giáo. Khảo sát kỹ các văn bản, người ta thấy tước hiệu này lần đầu tiên trở nên quen thuộc nơi các Giáo Hội nói tiếng Hy Lạp. Trong các trình thuật của Phúc Âm nhất lãm, tước hiệu này chỉ xuất hiện dần dần; trong Maccô, tước hiệu này ít khi có ý nghĩa long trọng, ngoại trừ đoạn 11:3 (nhưng trong cả đoạn này người ta cũng hoài nghi không chắc nó có ý nghĩa tôn giáo hay không), nhưng trong Gioan, và đặc biệt trong Luca, tước hiệu ấy được nhắc đến nhiều. Mặt khác, cũng trong các Giáo Hội nói tiếng Hy Lạp, tước hiệu ‘Đấng Được Xức Dầu’ (Messiah) bắt đầu nhường chỗ cho tước hiệu ‘Chúa’. Đấng Được Xức Dầu được dịch sang tiếng Hylạp là christos nhưng khi chuyển từ Hy Lạp qua La-tinh, tước hiệu này chỉ được chuyển âm thành christus chứ không được dịch nghĩa; điều ấy cho thấy cùng với giòng thời gian, tước hiệu ‘Kitô’đã được coi như một tên riêng, không được coi là một tứơc hiệu nữa vì đã được tước hiệu kyrios thay thế rồi. Như vậy xem ra ý nghĩa lớn lao của tước hiệu long trọng ‘Chúa’ đã có nơi các Giáo Hội nói tiếng Hy Lạp trước thời thánh Phao-lô (như Antiokia và Damascô), dù không có chứng cớ gì là chính họ đã tạo nên. Việc sử dụng thuật ngữ ‘đấng Kitô đức Chúa’ trong trình thuật giáng sinh (Lc 2:11) cho thấy nó có thể phát xuất từ Palestine; có người cho công thức bằng tiếng Aramaic ‘Maranatha’ (Lạy Chúa, xin hãy đến) là công thức có trong 1 Cor 16:22 và Didache 10:6 cũng phát xuất từ Palestine. Nhưng thực ra, ta không biết rõ nguyên lai công thức này. Chỉ biết rằng việc cầu nguyện cùng Chúa Giê-su có rất sớm, giữa cả những Kitô hữu nói tiếng Aramaic. Quan điểm này tìm thấy chứng cớ do sự kiện thánh Phao-lô miêu tả các Kitô hữu như những người hằng ‘kêu cầu danh Chúa Giê-su Kitô Chúa chúng ta’ (1 Cor 1:2), một kiểu nói đã quá quen thuộc đến nỗi được dùng làm lời mào đầu cho một bức thư. Con Người được người ta chờ mong đến từ trời, và Chúa của Giáo Hội đang ở với Thiên Chúa có thể được kêu tên và được cầu khấn trong kinh cầu mà không làm hại chi đến tôn giáo độc thần hoặc làm lu mờ ký ức về cuộc sống trần thế của Chúa Giê-su. Dù cấu trúc lịch sử ấy không đầy đủ chi tiết, người ta vẫn có cảm tưởng rằng các khai triển căn bản về Kitô Học đã có sẵn trước thời thánh Phao-lô, nhưng chắc chắn không hoàn toàn do Giáo Hội tại Giêrusalem, vì Kitô giáo Hy Lạp đóng vai trò quan trọng trong diễn trình ấy.

Viết theo Martin Dibelius, trong Twentieth Century Theology in the Making , do Jaroslav Pelikan chủ biên

Bản tiếng Anh của R.A. Wilson Fontana

(Còn tiếp)