Ngày 05-04-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa nhật 5 mùa chay A
Lm Giuse Nguyễn Thành Long
08:06 05/04/2017
Chúa Nhật 5 Mùa Chay A

Một Đức Kitô “rất Chúa” và cũng “rất người”

Trước khi đi vào cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã thực hiện một trong những phép lạ lớn nhất trong tất cả các phép lạ mà Ngài đã thực hiện, đó là phục sinh cho anh Ladarô. Qua phép lạ này, thánh sử Gioan muốn phác họa cho ta thấy một Đức Kitô với hai bản tính rõ rệt: nhân tính và thần tính. Hay nói cách khác, qua phép lạ này, thánh Gioan muốn cho ta thấy một Đức Kitô “rất người” và cũng “rất Chúa”.

1. Một Đức Kitô “rất người” (nhân tính)

“Rất người” được thể hiện cụ thể ở chỗ Ngài biết “vui với người vui, khóc với người khóc”. Ngài đã từng thổn thức xao xuyến trước cái chết của con trai bà góa thành Naim, và nay Ngài cũng thổn thức, thậm chí rơi lệ khi chứng kiến cảnh tang tóc của gia đình cô Matta. Ngài thổn thức rơi lệ vì Ngài rất yêu thương Ladaro; Ngài thổn thức rơi lệ vì Ngài cũng rất yêu thương hai người chị của anh là Matta và Maria. Ngài thấu hiểu được tâm trạng của họ nhất là trước cái chết của Ladaro. Không còn cha mẹ, ba chị em phải sống nương tựa vào nhau. Đã vậy, Ladaro lại lâm trọng bệnh và đột ngột ra đi, khi đang “nửa chừng xuân”, tức là độ tuổi đang còn dồi dào sức sống, để lại vết thương đau sâu hoắm trong tâm hồn hai người chị. Tin Mừng cho thấy cho dù Ladaro đã an nghỉ trong mộ bốn ngày rồi mà hai cô chị là Matta và Maria, vẫn còn sụt sùi khóc thương trước cái chết đoản mệnh của người em trai mình. Chúa Giêsu rất đồng cảm với họ và điều này cũng cho ta thấy phần nhân tính “rất người” nơi Ngài.

2. Một Đức Kitô “rất Chúa” (thần tính)

Phép lạ phục sinh Ladaro cũng còn cho thấy một Đức Kitô “rất Chúa”. Chúng ta biết, trước đó Chúa Giêsu chỉ làm những phép lạ thông thường, chẳng hạn như đặt tay chữa bệnh, khu trừ ma quỷ, hóa bánh ra nhiều… Dẫu sao, những phép lạ này cũng chỉ minh chứng rằng Ngài có quyền năng của một ngôn sứ. Vì chưng các ngôn sứ thời Cựu Ước vẫn có thể làm được những phép lạ này. Nhưng nay khi phục sinh cho Ladaro, Chúa Giêsu muốn chứng thực rằng Ngài là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, thật 100%. Bởi lẽ làm cho một người chết đã chôn trong mồ bốn ngày, được hồi sinh là một điều vượt quá khả năng của con người. Đành rằng thi thoảng vẫn xảy ra trường hợp người chết hồi sinh, nhưng thường là chết lâm sàng, tức là chết trên giường bệnh. Ở đây Ladaro đã chết đến bốn ngày, thân xác đã bắt đầu phân hủy, nhưng Chúa Giêsu vẫn làm cho sống lại được. Rõ ràng Ngài phải có quyền năng siêu phàm. Một điều đáng nói nữa là Chúa Giêsu thực hiện hành động phục sinh Ladaro hoàn toàn chủ động, chứ không phải theo kiểu hên xui may rủi. Chẳng phải trước đó Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Nào ta đi đánh thức Ladaro dậy” sao! Đối với Chúa Giêsu, cái chết của anh Ladaro chỉ như một giấc ngủ, và Ngài có thể đánh thức anh dậy bất cứ lúc nào Ngài muốn. Và quả thực, với quyền năng Thiên Chúa tự tại, Chúa Giêsu đã hồi sinh thân xác của anh Ladaro chỉ với một lệnh truyền: “Anh Ladaro, hãy ra khỏi mồ”. Tức khắc, người chết chỗi dậy và đi ra khỏi mồ, trước sự kinh ngạc tột cùng của những người chứng kiến. Tắt một lời, qua phép lạ này, thánh sử Gioan muốn nói ta thấy bên cạnh một Đức Kitô “rất người”, ta còn thấy một Đức Kitô “rất Chúa”. Để rồi qua đó, ta thêm niềm xác tín vào ơn cứu độ mà Đức Kitô đã đem đến cho chúng ta.

Trong Kinh Tiền Tụng Chúa Nhật V Mùa Chay năm A, Giáo Hội xưng tụng rằng: “Là người thật, Ðức Kitô đã khóc Ladarô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho Ladarô sống lại ra khỏi mồ. Ngày nay, cũng vì thương xót nhân loại, Người đã đưa chúng con vào đời sống mới nhờ các bí tích nhiệm mầu”.

Quả đúng như vậy. Là người thật, Chúa Giêsu dễ dàng đồng cảm với thân phận yếu hèn của chúng ta; là Thiên Chúa thật, Ngài có quyền năng để ban ơn giúp chúng ta thoát khỏi mọi hiểm nguy, nhất là giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của sự chết, và cho ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Vừa là người vừa là Chúa, Đức Giêsu đã trở thành trung gian đích thực giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người.

Vì thế chúng ta được mời gọi thêm niềm xác tín vào Đức Giêsu là Đấng luôn biết cảm thông thương xót đối với chúng ta, để rồi chúng ta biết năng chạy đến với Ngài, nhất là những khi ta gặp thử thách gian truân, để được Ngài ban ơn nâng đỡ; đồng thời, ta cũng được mời gọi liên kết mật thiết với Đức Giêsu qua các Bí tích, ngõ hầu ta được thông phần thiên tính với Ngài, và mai sau được hưởng sự sống đời đời. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Lễ Lá A. 9.4.2017
Lm Francis Lý văn Ca
17:12 05/04/2017
TRƯỚC KHI LÀM PHÉP LÁ:
* Phần nầy sẽ đọc khi giáo dân đã tề tựu đầy đủ ngoài NGOÀI Nhà Thờ hay Trung Tâm để cùng với Linh mục bắt đầu nghi thức làm phép và kiệu lá. Anh Chị Em thân mến, Hôm nay, cùng với Giáo Hội chúng ta bước vào tuần lễ quan trọng nhất trong năm phụng vụ, đó là Tuần Thương Khó được bắt đầu với Lễ Lá.

Nghi thức của ngày Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay gồm có hai phần chính:
1. Chúng ta tham dự nghi thức làm phép lá, cùng với đông đảo anh chị em tung hô Chúa là Vua như các trẻ em Dothái. Chúng ta tiếp nhận Ngài là Vua của cuộc sống chúng ta.
2. Chúng ta bước vào Tuần Thánh, tuần lễ Chúa chịu đau khổ, như nhắc nhở mỗi người, Chúa chịu vì tội lỗi nhân loại, trong đó có tội riêng của mỗi người chúng ta. Với tất cả những nghi thức mà Giáo Hội cử hành trong tuần nầy, mời gọi mỗi người trong Cộng Đoàn Dân Chúa, theo sát từng bước chân của Thầy Chí Thánh từ Nhà Tiệc Ly đến đỉnh đồi Calvariô. Sau cùng, từ mồ Chúa phục sinh, chúng ta cũng được phục sinh với Ngài trong một cuộc sống mới: cuộc sống trong ân tình với Chúa.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu nghi lễ hôm nay với bài ca nhập lễ, trước khi cùng với chủ tế bắt đầu nghi thức làm phép lá.

TRƯỚC BÀI I:
Bài đọc thứ I trình bày về sự đau khổ của người tôi tớ Thiên Chúa phải gánh chịu. Đây là hình ảnh đích thực dành cho những kẻ theo Ngài. Hãy chấp nhận với tinh thần phó thác như Đức Kitô.

TRƯỚC BÀI II:
Chúa Kitô, mặc dù Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng phải gánh chịu mọi nỗi đau đớn như con người chúng ta. Qua đó, Ngài dạy chúng ta bài học khiêm nhường.

TRƯỚC BÀI THƯƠNG KHÓ:
Thánh Mathêô tường thuật lại cuộc khổ nạn của Đức Kitô, Ngài là một trong những chứng nhân trong cuộc khổ nạn của Thầy Chí Thánh. Chúng ta cùng theo dõi bài tường thuật sau đây của thánh sử Mathêô.


LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.

Linh mục:
Anh Chị Em thân mến, Tình yêu của Thiên Chúa tỏ hiện cách rõ rệt qua sự thương khó, tử nạn của Con Ngài. Với tâm tình cậy trông, chúng ta dâng lên Ngài những ý nguyện cầu sau đây: 1. Xin cho Giáo Hội Hoàn Vũ, qua việc tưởng niệm việc Chúa chịu chết và sống lại, sẽ đem lại cho Cộng Đoàn Dân Chúa đó đây niềm tin vào sự sống lại đời sau. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho những thanh thiếu niên nam nữ, biết dùng năm tháng ngày giờ, trau dồi kiến thức về Kinh Thánh, giáo lý của Giáo Hội, ngõ hầu chuẩn bị cho tương lai một thế hệ siêu việt, trong nhiệm vụ làm chứng tá cho Tin Mừng Phục Sinh của Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho những anh chị em tân tòng đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tội trong mùa Phục Sinh. Xin Chúa cũng trả công cho những giảng viên giáo lý và tất cả những ai đã giúp đỡ họ trong suốt thời gian đã qua. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin Chúa ban cho những quốc gia kém may mắn về thực phẩm, với sự rộng rãi của các quốc gia đầy lòng quảng đại, họ sẽ nhận được sự giúp đỡ đầy tình người. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho những linh hồn thân nhân, ông bà cha mẹ và bằng hữu đã qua đời được hưởng niềm vui bất diệt trên thiên quốc. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng những tháng ngày Chúa ban, để tìm kiếm những điều đẹp lòng Chúa, luôn sống khiêm hạ và biết chạy đến Chúa với tâm tình thống hối. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:38 05/04/2017
41. SAY TRƯỚC KHI MỜI KHÁCH
Lý Thiếp Phụ rất thích uống rượu, nên đã viết thiệp mời thân hữu:
- “Tối nay có trăng đẹp, ngài có thể đến chơi chứ ?”
Khi bạn bè đến đủ thì Lý Thiếp Phụ đã say mèm rồi, ông ta lấy tay chỉ bình rượu lắp ba lắp bắp nói với khách:
- “Đáng lẽ tôi phải tiếp đãi các ngài thật chu đáo mới phải, nhưng cơn thèm rượu nổi lên, chịu không nổi nên đã uống quá nhiều và té nằm đây mà không biết.”
(Nam Đường thư)

Suy tư 41:
Cơn cám dỗ thì lúc nào cũng có, chỉ có điều là nó mạnh mẽ hay nhẹ nhàng hoặc từ từ hay gấp gáp mà thôi.
Cơn cám dỗ nó như một hạt giống của sự dữ đã được gieo vào tâm hồn của con người từ khi nguyên tổ phạm tội, nó vẫn nằm đó trong tâm hồn của chúng ta, và theo thời gian trưởng thành của thân xác, nó cũng từ từ lớn lên và nảy mầm khi gặp mưa nắng, mưa nắng đây chính là những hoàn cảnh bên ngoài đập vào con mắt và in trong trí, rồi khi có cơ hội là nó vùng lên cám dỗ tới tấp làm cho chúng ta phải khổ cực vì nó.
Không ai có thể lấy sức mình để thắng cơn cám dỗ nhưng phải nhờ ơn Chúa giúp mới được, ơn Chúa thì hằng ngày chúng ta đều có thể nhận lấy nơi bí tích Thánh Thể, trong toà cáo giải và trong những lần chúng ta cùng suy tư nguyện ngắm chung với cộng đoàn hay riêng tư một mình.
Mời khách, nhưng khách chưa tới mà mình đã say, đúng là hết ý.
Cơn cám dỗ lợi hại hơn chúng ta tưởng nên cần phải luôn đề cao cảnh giác, bởi vì nếu không cảnh giác thì trước khi Chúa đến chúng ta đã ngã gục rồi vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:40 05/04/2017

13. Cầu nguyện là con đường tắt đẹp nhất đạt tới sự toàn đức, tất cả tiến bộ của con người đều ở nơi sự cầu nguyện, cũng có nghĩa là tiến bộ trên đường tu đức.

(Thánh Ignatius of Loyola)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cho phép các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X được cử hành bí tích Hôn Phối
Đặng Tự Do
12:57 05/04/2017
Với sự đồng ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei (Giáo Hội Chúa) đã gởi một lá thư đến tất cả các giám mục trên thế giới về việc cho phép các linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X được cử hành bí tích Hôn Phối.

Lá thư được ký bởi chủ tịch của Uỷ ban Giáo hoàng này, là Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, cũng là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, và vị tổng thư ký, là Đức Tổng Giám Mục Guido Pozzo.

Để hôn nhân là thành sự, cô dâu và chú rể phải nói lên sự ưng thuận của họ trước một linh mục hay phó tế đã được Đức Giám Mục bản quyền cho phép. Cho đến nay, các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X không có năng quyền cử hành bí tích này. Tuy nhiên, theo thông báo mới thì từ nay, Đức Hồng Y Müller và Tổng giám mục Pozzo viết: “Tất cả các linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X có năng quyền ban bí tích hôn phối cho các tín hữu một cách hợp pháp”

Lá thư có đoạn viết:

“Theo cùng một quan điểm mục vụ nhằm trấn an lương tâm của các tín hữu, bất chấp tình trạng bất thường khách quan kéo dài về giáo luật của Huynh Đoàn Thánh Piô X, Đức Thánh Cha, theo đề nghị của Bộ Giáo Lý Đức tin và Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei, đã quyết định cho các Đấng Bản Quyền địa phương khả thể được ban năng quyền cử hành bí tích Hôn Phối cho các linh mục Huynh Đoàn Thánh Piô X đối với các tín hữu, theo các quy định sau đây.

Trong chừng mực có thể, Đấng Bản Quyền địa phương trao việc cử hành các nghi thức của bí tích Hôn Phối theo nghi thức Phụng Vụ cũ Vetus cho một linh mục của giáo phận (trong bất kỳ trường hợp nào khác cũng nên trao cho một linh mục hoàn toàn hợp lệ) miễn là linh mục này có thể được sự đồng ý của hai bên, sau đó việc cử hành Thánh lễ, theo sau các nghi thức này, có thể được trao cho một linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Nếu không được như thế, hay nếu không có linh mục nào trong giáo phận có thể nhận được sự đồng ý của hai bên thì Đấng Bản Quyền địa phương có thể ban năng quyền cần thiết cho một linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X được cử hành các nghi thức của bí tích Hôn Phối và Thánh Lễ sau đó, trong khi nhắc nhở vị linh mục này về nghĩa vụ phải chuyển càng sớm càng tốt các tài liệu liên quan cho giáo phận.

Lá thư kết luận rằng:

“Phương thế này sẽ giúp giảm bớt sự không thoải mái về lương tâm cho các tín hữu dưới sự chăm sóc mục vụ của Huynh Đoàn Thánh Piô X, cũng như bất kỳ sự không chắc chắn nào về tính thành sự của Bí Tích Hôn Nhân; và đồng thời đẩy mạnh tiến trình hướng tới việc thể chế hóa đầy đủ tổ chức này. Bộ trông mong nơi sự hợp tác của các vị”

Bức thư, được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận vào ngày 24 tháng 3 và đề ngày 27 tháng 3, đã được công bố hôm thứ Ba 4 tháng Tư.
 
Nội dung phần hai Thông điệp Populorum progressio của ĐGH Phaolô VI
Linh Tiến Khải
13:39 05/04/2017
Cách đây 50 năm ngày 26 tháng 3 năm 1967 ĐGH Phaolô VI công bố Thông điệp “Populorum progressio Tiến bộ các dân tộc”. Đây là một trong các tài liệu quan trọng nhất trong thế kỷ XX. Sau khi khẳng định “vấn đề xã hội là vấn đề luân lý”, phần đầu trình bầy một số các dữ kiện đồng thời cũng là lý do đòi buộc phải thăng tiến phát triển toàn vẹn cho mọi người và mọi dân tộc trên thế giới. Đây là điều Chúa Giêsu và Giáo Hội đã làm từ khi Kitô giáo khai sinh và vẫn tiếp tục làm cho tới ngày nay. Nỗ lực thăng tiến phát triển ấy bao gồm mọi lãnh vực cuộc sống con người, trong gia đình ngoài xã hội, trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá và tôn giáo. Tất cả dựa trên phẩm giá của con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, có các quyền tự do nền tảng không thể vi phạm, cũng như dựa trên sự thật các tài nguyên thiên nhiên là của toàn gia đình nhân loại, cần phải được khai thác và phân chia đồng đều và dựa trên đòi buộc luân lý mọi chương trình phát triển đều phải nhắm tới công ích, phục vụ và thăng tiến an sinh cho tất cả mọi người trên thế giới này.

Phần hai của Thông điệp tựa đề “Hướng tới việc phát triển liên đới của nhân loại”. Việc phát triển toàn vẹn cho con người chỉ có thể thực hiện được trong tình liên đới với ý thức cao độ tất cả là anh chị em với nhau trong đại gia đình nhân loại, con cái của Thiên Chúa. Đó là một sự hiệp thông thánh thiện, trong đó các con người, các dân tộc và các quốc gia gặp gỡ nhau trong tình huynh đệ, và có bổn phận cùng nhau làm việc để xây dựng tương lai chung của nhân loại. Tình liên đới huynh đệ bao gồm ba bổn phận. Trước hết là bổn phận của các quốc gia giầu phải trợ giúp các nước nghèo đang trên đường phát triển. Thứ hai là bổn phận tạo dựng công bằng xã hội trong các tương quan thương mại, kinh tế giữa các dân tộc hùng mạnh và các dân tộc yếu kém. Và thứ ba là bổn phận bác ái đại đồng nhằm thăng tiến một thế giới nhân bản hơn cho tất cả mọi người, trong đó ai cũng có cái gì đó để cho và để nhận, mà không trở thành chướng ngại phát triển của nhau.

** Sự trợ giúp các anh chị em yếu kém hơn bao gồm việc chống lại nạn nghèo đói. Trên thế giới có hàng trăm triệu người không có đủ thực phẩm mỗi ngày, thiếu dinh dưỡng và phải chết vì đủ mọi thứ tật bệnh. Với các tổ chức bác ái xã hội của mình như Caritas, Giáo Hội liên lỉ tìm cải tiến tình trạng sống của các anh chị em này không phân biệt ai. Tuy cấp thiết nhưng cuộc chiến chống lại bần cùng nghèo đói không đủ. Cần phải xây dựng một thế giới, trong đó tất cả mọi người, không phân biệt mầu da, chủng tộc và tôn giáo, có được một cuộc sống tràn đầy nhân bản, với các quyền tự do được tôn trọng hoàn toàn, trong đó công quyền dấn thân củng cố việc phát triển an sinh cho dân, các quốc gia giầu liên đới trợ giúp các nước nghèo phát triển. Mỗi nước phải sản xuất nhiều hơn và tốt hơn để nâng cao mức sống nhân bản cho dân tộc mình, và góp phần thăng tiến phát triển cho toàn nhân loại. Để được như vậy cần đào tạo các nhà giáo dục, kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật, các khoa học gia dùng các khả năng hiểu biết của mình phục vụ xã hội. Những dư thừa của các nước giầu phải được dùng để trợ giúp các nước nghèo, một cách quảng đại, không hà tiện, khép kín trong ích kỷ.

Để hữu hiệu tất cả mọi nỗ lực nói trên phải được phối hợp nhịp nhàng với các chương trình rõ ràng cụ thể, được nghiên cứu kỹ lưỡng, và với các phương tiện hữu hiệu hầu đáp ứng các nhu cầu trong hiện tại và trong tương lai. Việc thành lập một ngân quỹ quốc tế trợ giúp phát triển là một thí dụ cụ thể giúp đạt các mục đích đề ra với các thoả hiệp song phương hay đa phương, được thực thi nghiêm chỉnh, dựa trên nguyên tắc bình đẳng pháp lý và chính trị, tránh các tương quan tuỳ thuộc hay các hận thù phát xuất từ thời thực dân. Cũng phải làm sao để tránh chế độ tân thực dân kinh tế chính trị đẩy đưa các nước nghèo vào vòng kiềm toả của các nước giầu. Trước thảm cảnh nghèo đói của biết bao nhiêu người cần thực phẩm, thuốc men, trường học, nhà thương, nhà ở, mọi phung phí hay chi tiêu, đặc biệt là việc chạy đua vũ trang, nhằm khoa trương thanh thế quốc gia hay cá nhân, đều là các gương mù gương xấu đáng lên án.

Trong việc trợ giúp tài chánh phát triển cần có đối thoại làm sao để tinh thần liên đới quảng đại tránh cho các nước nghèo bị đè bẹp bởi tình trạng nợ nần vì tiền lời quá cao, hay bị can thiệp nội bộ khiến cho các cơ cấu xã hội bị đảo lộn.

** Đặc biệt quan trọng là sự bình đẳng trong các tương quan thương mại giữa các nước kỹ nghệ giầu bán sản phẩm của mình trên thị trường thế giới và các nước nghèo chỉ sống về nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên, thường là nạn nhân của nạn giá cả thay đổi lên xuống thất thường. Luật lệ của việc tự do trao đổi thương mại không thể một mình chỉ huy các tương quan quốc tế, vì sẽ tạo ra bất công trong các liên lạc thương mại. Một nền kinh tế trao đổi không thể chỉ dựa trên luật tự do cạnh tranh, thường tạo ra sự độc tài kinh tế và bất công xã hội. Vì thế cần có các biện pháp giúp bảo vệ thế quân bình trong việc canh tranh thế nào để giữ nó trong các giới hạn của công bằng, hợp luân lý và nhân bản. Cần có các hiệp ước quốc tế rộng rãi có khả năng đưa ra các luật lệ tổng quát điều hợp giá cả, bảo đảm việc sản xuất, nâng đỡ các kỹ nghệ mới khai sinh, làm sao để các tương quan quốc tế giữa các dân tộc được công bằng hơn về lâu về dài.

Trong việc xây dựng một thế giới công bằng và liên đới đại đồng hơn có các chướng ngại cần thắng vượt: đó là khuynh hướng duy quốc gia và kỳ thị chủng tộc. Lo lắng cho nền độc lập của quốc gia là một quyền chính đáng, nhưng cần thắng vượt nó để thoát ra ngoài sự khép kín cô lập gây thiệt thòi, bằng tình bác ái đại đồng bao gồm mọi thành phần của gia đình nhân loại. Sự kỳ thị chủng tộc thường khi che giấu các cạnh tranh bộ tộc và đảng phái chính trị tạo ra bất công, gây nguy hại cho hoà bình và ngăn cản sự cộng tác giữa các thành phần của cùng một quốc gia và giữa các nước với nhau. Cần thắng vượt các chướng ngại đó bằng cách phát huy tình liên đới đại đồng để mọi dân tộc đều được hưởng các lợi ích từ các tương quan tích cực trong các chương trình đầu tư, phân phối khả năng sản xuất, và trao đổi giữa các quốc gia láng giềng, vùng miền.

Đây cũng là điều đáng được các tổ chức đa quốc và cơ quan quốc tế lưu tâm để giúp các nước nghèo thoát ra khỏi tình trạng bế tắc của họ. Tình liên đới thế giới ngày càng hữu hiệu hơn phải cho phép mọi dân tộc là chính mình và nắm lấy vận mệnh của mình trong tay, thắng vượt các tương quan vũ lực trong quá khứ giữa các quốc gia, để đi tới các liên lạc quốc tế của sự tôn trọng và tình bằng hữu, tùy thuộc và cộng tác với nhau để thăng tiến chung với tinh thần trách nhiệm của từng người. Các dân tộc yếu kém hơn yêu cầu được góp phần tích cực vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, tôn trọng các quyền con người và ơn gọi của từng người hơn.

** Thế giới ngày nay đang bệnh hoạn, không phải vì phung phí tài nguyên và tham lam vơ vét từ phía ít người cho bằng thiếu tình huynh đệ giữa con người và các dân tộc đối với nhau. Vì là anh chị em trong cùng một đại gia đình nhân loại nên mọi người đều có bổn phận tiếp đón, liên đới và bác ái trợ giúp nhau theo tinh thần kitô. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người trẻ và các gia đình di cư tỵ nạn, sinh viên và công nhân di cư. Phải có các cơ cấu tiếp đón huynh đệ làm sao để bảo vệ họ chống lại sự cô đơn, tâm tình bị bỏ rơi, sự tuyệt vọng làm tê liệt các khả năng luân lý, và các tình trạng không lành mạnh, các ảnh hưởng tiêu cực đẩy đưa tới bạo lực, hay làm mất đi các giá trị tinh thần cao quý, hoặc bị khai thác bóc lột bất công.

Ý thức xã hội cũng phải hướng dẫn các nhà kỹ nghệ, doanh thương, giới lãnh đạo các hãng xưởng lớn khởi xướng tiến bộ xã hội và thăng tiến nhân bản tại các nước nghèo, tạo công ăn việc làm cho dân nghèo địa phương tại các quốc gia họ có hãng xưởng, chuẩn bị công nhân chuyên môn, huấn luyện các kỹ sư và giám đốc, tạo cơ hội để họ cộng tác và nắm giữ các trọng trách cao hơn. Trong cùng đường hướng đó việc gửi các chuyên viên phát triển của các tổ chức quốc tế hay song phương hoặc của các tổ chức tư là một hình thức cộng tác phát triển rất tốt. Bên cạnh sự chuyên nghiệp kỹ thuật cũng cần có tình yêu thương vô vị lợi, tinh thần cởi mở tôn trọng các đặc tính và sự phong phú văn hoá của các quốc gia tiếp đón họ. Giữa các cá nhân cũng như giữa các nền văn minh đối thoại chân thành là yếu tố tạo ra tình huynh đệ, và làm cho các dân tộc xích lại gần nhau, dựa trên ước muốn xây dựng một nền văn minh của tình liên đới đại đồng, trong đó con người chiếm chỗ trung tâm chứ không phải các sản phẩm hay kỹ thuật; và sự phát triển không chỉ liên quan tới kinh tế mà cũng liên quan tới các giá trị nhân bản, tinh thần và luân lý nữa. Chính vì thế Đức Pio XII đã đưa ra lời kêu gọi giáo dân truyền giáo, tự nguyện hay do các tổ chức hiệp hội và cơ quan công tư gửi đi làm việc tại các quốc gia đang trên đường phát triển. Thay vì đi quân dịch nguời trẻ lên đường làm việc trong các công tác dân sự trợ giúp phát triển để giúp các anh chị em khác thoát khỏi cảnh sống bần cùng, chậm tiến, dốt nát và bệnh tật. Mọi người đều phải cầu nguyện để xin cho nhân loại biết cương quyết loại bỏ các sự dữ to lớn đang đè nặng trên cuộc sống của biết bao anh chị em khác trên thế giới phải sống trong chậm tiến và không phát triển. Từng người với lòng hăng say và tình yêu thương vô vị lợi góp phần cụ thể vào việc khám phá ra các gốc rễ của sự bần cùng và tìm ra các phương thế loại trừ nó và trở thành người xây dựng hoà bình và phát triển.

** Phát triển là tên gọi mới của hoà bình. Các bất bình đẳng kinh tế, xã họi và văn hóa quá lớn giữa các dân tộc gây ra các căng thẳng và bất hoà khiến cho hoà bình gặp nguy hiểm. Chống lại bần cùng và bất công, cùng với việc cải tiến các điều kiện sống, là phát huy tiến bộ nhân bản và tinh thần cho tất cả mọi người, và như thế là thăng tiến thiện ích chung của nhân loại. Hoà bình không giản lược vào vắng bóng chiến tranh, hoa trái của thế quân bình ngày càng tạm bợ giữa các lực lượng. Hoà bình được xây dựng từng ngày trong việc theo đuổi một trật tự như Thiên Chúa muốn, bao gồm một sự công bằng hoàn thiện hơn giữa con người. Các dân tộc là các người có trách nhiệm đầu tiên đối với sự phát triển của mình, nhưng không thể thực hiện trong đơn độc mà cần được các dân tộc khác trợ giúp, nâng đỡ với các chương trình được phối hợp hài hoà. Sự cộng tác quốc tế này cần được các cơ cấu chuẩn bị, phối hợp và điều hành tạo thành một trật tự pháp lý được thừa nhận một cách đại đồng. Liên Hiệp Quốc có nhiệm vụ làm cho tất cả mọi dân tộc kết tình huynh đệ với nhau. Con đường hướng tới sự trưởng thành của nhân loại đòi hỏi cố gắng và hy sinh: nhưng chính sự đau khổ, được chấp nhận vì tình yêu thương các anh em khác, đem lại tiến bộ cho toàn gia đình nhân loại. Tất cả mọi người đều liên đới trên con đường ấy. Giờ hành động đã điểm: nó liên quan tới sự sống còn của biết bao trẻ em vô tội, việc đạt tới một điều kiện nhân bản hơn cho biết bao gia đình gặp nạn, nền hoà bình thế giới và tương lai của nền văn minh. Mọi người và mọi dân tộc phải lãnh lấy trách nhiệm của mình.

Thông điệp “Populorum progressio Tiến bộ các dân tộc” kết thúc với lời kêu gọi hướng tới các tín hữu Công Giáo, khích lệ giáo dân tại các nước đang trên đường phát triển lãnh nhận trách nhiệm đặc thù của họ là canh tân trật tự trần thế, đem tinh thần Tin Mừng vào trong các cộng đoàn, đề ra các thay đổi cần thiết cho các cuộc cải cách sâu rộng, đóng góp khả năng chuyên môn và tham gia các tổ chức công tư, dân sự và tôn giáo, giúp thắng vượt các khó khăn của các quốc gia đang trên đường phát triển, và làm việc thực hiện bằng việc đưa ra một nền luân lý quốc tế của công lý và bình đẳng. Đức Phaolô VI cũng kêu gọi các kitô hữu và tín hữu mọi tôn giáo chung sức giúp thế giới thắng vượt ích kỷ, kiêu căng, cạnh tranh, tham lam và bất công, để mở ra cho mọi người một cuộc sống nhân bản yêu thương và huynh đệ hơn. Ngài cũng mời gọi mọi người thiện chí ý thức được rằng con đường của hoà bình đi qua sự phát triển, các phái bộ cạnh các tổ chức quốc tế, hàng lãnh đạo quốc gia, các nhà giáo dục, các chuyên viên quảng cáo, mỗi người trong cương vị và bổn phận của mình, tất cả mọi người hãy là những người xây dựng hoà bình. Đức Phaolô VI cũng mời gọi giới lãnh đạo các dân nước ý thức bổn phận huy động các cộng đoàn của mình sống tình liên đới đại đồng, biết chấp nhận các đóng góp cần thiết từ sự xa xỉ và phung phí của họ để thăng tiến phát triển và cứu vãn hoà bình. Các đặc phái cạnh các tổ chức quốc tế làm phải làm sao để các lực lượng đối đầu với nhau biết cộng tác trong tình thân hữu, hoà bình và vô vị lợi cho sự phát triển liên đới của toàn nhân loại. Các tư tưởng gia Công Giáo kitô cần suy tư đào sâu để tìm ra các con đường dẫn đưa tới một cuộc sống huynh đệ hơn, trong một cộng đoàn nhân loại thực sự đại đồng. Tất cả mọi người trên thế giới hãy cùng nhau hoạt động thế nào để nền kinh tế phục vụ con người, cơm bánh đuợc phân phát cho tất cả như suối nguồn tình huynh đệ và dấu chỉ của Chúa Quan Phòng.
 
Một nữ tu người Syria nhận giải thưởng Phụ nữ quốc tế về lòng can đảm
Hồng Thủy
19:04 05/04/2017
Một nữ tu người Syria được vinh danh hôm 29/03 với giải thưởng “Phụ nữ quốc tế về lòng can đảm” của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ.

Sr Carolin và bà Melania Trump - AP
Đệ nhất phu nhân Hoa kỳ Melania Trump đã trao giải thưởng nhìn nhận những phụ nữ khắp toàn cầu, những người chứng tỏ lòng can đảm phi thường và sự lãnh đạo trong việc vận động cho nữ quyền, quyền hành và công lý, thường gặp nguy hiểm cho bản thân.

Nữ tu Carolin Tahhan Fachakh, dòng Nữ tử Đức Maria trợ giúp các Kitô hữu, sống ở Aleppo, Syria, được nhìn nhận đã hoạt động không mệt mỏi để trợ giúp nhu cầu của những nhóm dân dễ bị tổn thương nhất của Syria, đặc biệt là những người di cư nội địa và các trẻ em.

Bộ Ngoại giao Hoa kỳ nhìn nhận: “Trong giai đoạn bom đạn dữ dội xung quanh một trường học lân cận, sơ Carolin đã quên mình để bảo đảm rằng các trẻ em được mang trở lại nhà an toàn cho bố mẹ các em. Sơ là ngọn hải đăng hy vọng cho cả người Hồi giáo lẫn Kitô giáo, khi liều mạng sống trước nguy hiểm.”

Trong số các phụ nữ được vinh danh có Natalia Ponce de Leon, một phụ nữ sống sót sau vụ tấn công bằng axít, với gương mặt và thân thể bị cháy bỏng; cô đã chịu 50 cuộc giải phẫu để có thể sống còn.

Fadia Najib Thabet, một nhân viên bảo vệ trẻ em và tường thuật viên về các vụ vi phạm nhân quyền ở nam Yemen, liều mình cứu các trẻ em trong vùng khỏi nhóm khủng bố al-Qaeda và các nhóm vũ trang khủng bố khác.

Veronica Simogun, sáng lập the Family for Change Association và ủng hộ phụ nữ và các thiếu nữ ở Papua New Guinea, đã sống và làm việc tại một đất nước nơi mà 2/3 người nữ là nạn nhân vì giới tính của họ. (Catholic Herald 03/04/2017)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vinh Sơn Tân Bình : mừng bổn mạng
Martino Lê Hoàng Vũ
11:41 05/04/2017
Hôm nay, thứ tư 5. 4.2017, vào lúc 17g tại Giáo xứ Vinh Sơn F6, Quận Tân Bình thuộc Giáo hạt Chí Hòa đã diễn ra thánh lễ trọng thể mừng kính Thánh Vinh Sơn Ferrer, bổn mạng giáo xứ.

Trước thánh lễ,cộng đoàn đi rước kiệu cung nghinh Thánh Vinh sơn.Trong đoàn rước có đại diện các hội đoàn,hội Các Bà Mẹ Công Giáo,Legio Mariae,các em thiếu nhi,cộng đoàn phụng vụ và cha chủ tế.Trong lúc này mọi người cũng được nghe đọc hạnh Thánh Vinh sơn,một vị thánh hay làm phép lạ,dạy người ta sống yêu thương nhau và giữ đạo Chúa.Cha chánh xứ Antôn Nguyễn Đình Thục chủ tế thánh lễ.

Xem Hình

Trong phần mở đầu thánh lễ, cha chánh xứ nói đến niềm vui được mừng lễ bổn mạng Thánh vinh sơn năm nay.Vì nhiều năm ngày lễ Thánh Vinh sơn rơi vào Tuần Thánh hoặc Bát nhật Phục Sinh.Cha cũng chúc mừng bổn mạng quý ông,quý anh trong gia đình giáo xứ nhận thánh Vinh sơn làm bổn mạng, trong số đó có quý ông trong HĐMVGX.

Trong bài chia sẻ Lời Chúa,cha sau khi lược qua nội các bài đọc phụng vụ và những nét chính trong cuộc đời Thánh Vinh Sơn,cha Antôn nhắn nhủ mọi người hãy sống theo sự thật.Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay : “Sự thật sẽ giải phóng anh em”.Thực tế trong xã hội hôm nay người ta chuộng sống giả dối,lệch lạc,xuyên tạc và bóp méo sự thật,nhất là căn bệnh thành tích phát triển.Làm sao mỗi người tin hữu phải sống chân thật,sống theo Lời Chúa,cho dù có phải trả giá,phải nhiều hy sinh.Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta sự thật trọn vẹn. Ngài cũng là sự thật,chân lý nguyên vẹn và khách quan.Nếu ta thiếu tôn trọng sự thật thì không giải quyết được gì hết.

Thánh Vinh sơn luôn cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta trong việc sống theo sự thật của Tin Mừng.Chúng ta cũng phải tránh căn bệnh thành tích,báo cáo sai,nhưng phải sống theo sụ thật.Thánh Vinh sơn có lòng yêu thương mọi người,ngài học theo Chúa Giêsu sống khiêm nhường,phục vụ để làm chứng cho sự hiện diện của Chúa.Chúng ta tin rằng, trong cuộc sống,nếu ta chạy đến với ngài xin ơn gì ngài cũng sẽ ban cho chúng ta.Chúng ta hãy sống như con cái của Thiên Chúa,con cái của ánh sáng.

Sau lời nguyện hiệp lễ,ông Gioan B. Nguyễn Công Khanh,Chủ tịch HĐMVGX có những tâm tình tri ân cha xứ.Ông ghi nhận hồng ân Chúa tuôn đổ trên giáo xứ qua Thánh Vinh sơn.Giáo xứ vừa trùng tu lại đài Thánh Vinh sơn,một chỗ thân quen để mọi người đến cầu nguyện.Xin Thánh Vinh sơn tiếp tục ban cho giáo xứ, cha chánh xứ,các gia đình và mỗi người được bình an,niềm vui và thêm lòng đạo đức yêu mến Chúa hơn.

Kết thúc thánh lễ, cộng đoàn cùng đọc kinh trước Đài Thánh Vinh sơn trong khuôn viên giáo xứ.

Lạy Thánh Vinh sơn hay làm phép lạ cầu cho chúng con.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Biển đã chết và người dân hấp hối.
Phạm Trần
20:45 05/04/2017
BIỂN ĐÃ CHẾT VÀ NGƯỜI DÂN HẤP HỐI

"Một lần nữa tôi khẳng định biển miền Trung đã an toàn. Tất cả các hoạt động du lịch thể thao, nuôi trồng thủy sản có thể diễn ra. Tuy nhiên cần tiếp tục theo dõi, giám sát".

Đó là lời nói như đinh đóng cột của Bộ trưởngTài Nguyên-Môi Trường Trần Hồng Hà trước Quốc hội hai ngày 22-9 và 16-11 năm 2016

Đến ngày 15/02/2017, báo Biên Phòng đưa tin:” Chiều 14-2, thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có văn bản gửi UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế về hiện trạng môi trường biển sau sự cố môi trường biển miền Trung, trong đó nhấn mạnh môi trường biển miền Trung đã an toàn, trên cơ sở phân tích nước giữa và nước mặt, trầm tích đáy, màng bám hệ keo sắt.”

Biên Phòng cho biết:”Văn bản nêu rõ: Từ tháng 9-2016, Bộ TN&MT tiếp tục thực hiện đánh giá bổ sung các khu vực chưa an toàn, gồm: khu vực Sơn Dương, Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ, Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2) và hòn Sơn Trà, Thừa Thiên Huế (diện tích khoảng 160 km2).

Đến thời điểm hiện tại, kết quả cho thấy, chất lượng nước biển, trầm tích đáy ở 3 khu vực này đã ổn định, không còn các giá trị cao hơn các khu vực khác và đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng biển, National technical regulation on marine water quality), QCVN 43:2012/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích, National Technical Regulation on Sediment Quality) đối với vùng nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.

Bản tin nhấn mạnh:”Cụ thể, môi trường biển miền Trung đã an toàn trên cơ sở phân tích nước giữa và nước mặt, trầm tích đáy, màng bám hệ keo sắt. Các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, du lịch, tắm biển có thể tiến hành bình thường.”

Tin này đã dựa vào thông cáo số 380 vủa Bộ Tài Nguyên-Môi trường ra ngày 25/1/2017 “V/V hiện trang môi trường biển sau sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung” do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân ký.

Nhưng kết quả giảo nghiệm là dựa theo “tiêu chuẩn của Việt Nam”. Các tiêu chuẩn này có đạt trình độ Quốc tế và được Quốc tế công nhận hay không lại là chuyện khác.

Hơn nữa, các cuộc thử nghiệm của Việt Nam, từ khi phát hiện Formosa Hà Tĩnh gây ra thảm họa môi trường tháng 4/2016 vẫn còn nhiều nghi vấn về sự chính xác.

Nguyên do vì ngay từ đầu Hà Nội chỉ “ưu tiên” tập trung vào kết quả thử nghiệm của các nhà khoa học Việt Nam trước khi xem đến kết quả của các nhà khoa học độc lập được Việt Nam mời đến từ Israel, Đức và Mỹ.

Vì vậy, theo Bách Khoa Toàn Thư (mở) thì:” Tiến sỹ Friedhelm Schroeder (Đức) đã than phiền với Quỹ bảo vệ biển Đức (DSM) và với họ (phía Việt Nam) rằng nhóm của ông đã không được phép tự lấy mẫu nước bị nhiễm độc, cũng như chỉ được báo cáo dựa trên những kết quả của các nhà khoa học trong nước trước đó. Quỹ kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải bảo đảm sự minh bạch tuyệt đối về nguyên nhân, mức độ và phạm vi của thảm họa.”

Cho đến nay, sau một năm sống, chết dở dang của hàng triệu người dân 4 Tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Qủang Bình, Qủang Trị, Thừa Thiên-Huế) không thấy có bất cứ sự minh bạch nào về nghiên cứu hậu qủa môi trường trong khu vực nhiễm độc được công bố. Đấy là chưa kể khả năng các loại chất độc giết người và sinh vật biển đã lan sang các vùng biển khác ở Việt Nam, trong đó có Nha Trang, Vũng Tầu và Côn Đảo.

Như vậy, thì liệu có ai tin nổi lời nói của Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng biển ở 4 Tỉnh miền Trung nay đã an toàn ?

Cũng nên biết, ngay từ những ngày đầu thảm họa phía nhà nước Việt Nam đã từ chối đề nghị của Đại sứ Mỹ tại Hà Nội (David Osius) để Hoa Kỳ yểm trợ kỹ thuật điều tra nguyên nhân gây ra thảm họa cá chết trải dài trên 200 cây số dọc theo bờ biển.

Hà Nội cũng không muốn Cơ quan y tế Quốc tế (WHO, World Health Organization) của Liên Hợp Quốc dính vào vụ điều tra thảm họa Formosa.

Phía Việt Nam còn không chịu đem các mẫu cá và sinh vật biển đi thuê các phòng thí nghiệm tại một số nước tân tiến để tìm ra kết quả chính xác, có lẽ vì sợ tốn kém. Nhưng mặt khác cũng chứng minh cho sự tắc trách và coi thường an toàn thực phẩm và tính mạng người dân của đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN).

ĂN CÁ VÀ CHẤT ĐỘC

Vậy chuyện ăn cá nay được quy định ra sao ?

Sau 5 tháng khảo nghiệm, vào ngày 20/9/2016 liên bộ Tài nguyên, Y tế, Nông nghiệp đã phổ biến quyết định chuyện hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, theo đó người dân có thể ăn hải sản sống ở tầng nổi, không sử dụng hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý (trên 37 cây số).

Báo ViệtNam Express viết:”Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ này đã phối hợp với các bộ ngành liên quan và địa phương nghiên cứu quy mô lớn với 1.040 mẫu hải sản được lấy hàng ngày ở tất cả cảng cá, gò cá, các thuyền đánh bắt cá, đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung.

Từ kết quả nghiên cứu, Bộ Y tế kết luận, tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, trích, đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều an toàn để dùng làm thực phẩm.”

Tuy nhiên, bản tin viết tiếp:“Các hải sản như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý (tương đương 25 km) chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.” (theo VNEXPRESS)

Báo này trích lời Bộ Y tế cho biết:”Các mẫu đều được kiểm nghiệm chỉ tiêu xyanua, phenol, thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện Dinh dưỡng.”

Nhưng các chất độc xuất ra từ Formosa biến đi đâu mà ngon lành thế ?

Bộ này trả lời ngon ơ:”Tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm chứng (các tỉnh không chịu ảnh hưởng sự cố môi trường gồm Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu), đều không phát hiện bất kỳ mẫu nào có xyanua - chất được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt.

Các chỉ số: thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong hải sản ở 7 tỉnh (4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm chứng) trên đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định.”

Nhà nước Việt Nam còn cam kết:”Kết quả xét nghiệm đối với hải sản tại các đầm nuôi 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn.

Cũng theo kết quả kiểm nghiệm, đối với phenol, tất cả các mẫu hải sản tầng nổi như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi tại bốn tỉnh miền Trung đều không phát hiện mẫu nào có phenol.”

“Tuy nhiên”, theo VNEXPRESS, “Bộ Y tế phát hiện 132/1040 mẫu hải sản của bốn tỉnh miền Trung có phenol, bao gồm ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá - đây là những loài hải sản sống ở tầng đáy. Phân bố 132 mẫu hải sản có phát hiện phenol đều nằm trong vùng từ 5 đến 25 km (tương đương với khoảng 2,7-13,5 hải lý) với tỷ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh và Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô - Thừa Thiên Huế.”

XÚI AI, AI XÚI ?

Vậy trước thông tin “phấn khởi” này của nhà nước, ngư dân miền Trung có tin không ?

Rất ít người nhẹ dạ đã tin, nhưng không biết tương lai mạng sống họ và con cháu họ sẽ ra sao. Số đông đã hết tin vào miệng đảng từ lâu nên kiên trì đấu tranh đòi quyền sống và quyền được nói để bảo vệ công bằng và sự thật đang bị báo đài nhà nước xuyên tạc, mạ lỵ.

Điển hình như trong cuộc đấu tranh chống Formosa của đồng bào Công Giáo ở Giáo phận Vinh, đảng đã huy động báo Quân đội Nhân dân (QĐND) của Bộ Quốc phòng và Đài Truyền hình VTV của nhà nước tăng cường các bài viết phản công chống giáo dân, những nạn nhân đau khổ nhất của thảm họa Formosa.

Từ hai năm qua, những giáo dân này đã cùng với vị Chủ chiên của họ, Đức Cha Nguyễn Thái Hợp và một số Linh mục từ Hà Tĩnh đến Nghệ An và Quảng Bình, đã bất chấp bạo lực và dù bị vu khống, xuyên tạc, vẫn không ngừng đấu tranh ôn hòa đòi bồi thường công bằng và đòi đóng cửa Formosa để bảo vệ biển và bảo vệ môi trường sống cho con cháu mai sau.

Thay vì tiếp dân để thảo luận phải trái theo đúng tiêu chuẩn “cán bộ là đầy tớ của nhân dân” thì ngược lại, nhà nước đã sử dụng công an và công an đội lốt côn đồ, đôi khi cả Quân đội dùng võ lực, kể cả dao mác và súng đạn, đàn áp dân, những người chỉ có hai bàn tay trắng.

Trong bài “Tôn giáo đang bị các thế lực thù đich lợi dụng để chống phá Đảng và chế độ ta” (3/4/2017), báo QĐND viết:”Cùng với vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề “tôn giáo” để tạo sự chống phá đa diện nhằm vào Đảng và chế độ ta.

Mục đích của việc lợi dụng vấn đề này là để kích động, gây rối, phá hoại, gây mất ổn định chính trị-xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hãy cảnh giác, đấu tranh làm thất bại mưu đồ đen tối đó!”

Bài này viết tiếp:”Đáng chú ý, thời gian qua, lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành xã hội của chính quyền các cấp về vấn đề đầu tư, ô nhiễm môi trường, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, … các phần tử cực đoan trong tôn giáo nói chung, Công Giáo nói riêng, ra sức “bới lông, tìm vết”, tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật Nhà nước, trái với giáo lý tôn giáo.”

QĐND sau đó đã nhắm thẳng vào Giáo phận Vinh để tấn công các chức sắc Công Giáo với lời lẽ vu khống:”Lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta và được sự tiếp tay của các thế lực phản động bên ngoài, những kẻ cực đoan đội lốt tôn giáo kêu gọi, kích động giáo dân tụ tập, biểu tình, tuần hành, gây rối, tấn công người thi hành công vụ, đập phá phương tiện, cản trở hoạt động giao thông, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Khi chính quyền thực thi chức trách theo quyền hạn thì chúng vu cáo cơ quan chức năng “đàn áp, bắt giữ và đánh đập” người tham gia biểu tình; tán phát trên mạng xã hội “Thư ngỏ”, “Bản lên tiếng”, “Kháng thư”,… với nội dung vu cáo chính quyền bao che cho Formosa, “đàn áp, đánh đập” những người đi khiếu kiện đòi quyền lợi, kêu gọi người dân khởi kiện Formosa ra Tòa án hình sự quốc tế, “cùng đứng lên đuổi Formosa khỏi Việt Nam…..”

HÃNG SÁNG MẮT RA

Vậy nước biển miền Trung đã sạch chưa và cá tôm và các sinh vật biển khác mà nhà nước bảo cứ việc ăn thoải mái có nguy hiểm đến tính mạng con người không ?

Trước hết hãy nghe Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đáng – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế trao đổi với PV Báo Sức khỏe&Đời sống.

Ông nói:” Khi biển bị ô nhiễm các chất thải công nghiệp độc hại thì tất cả các thủy sản mà con người sử dụng làm thực phẩm như: cá, tôm, mực, nghêu, sò, ốc, rong biển...đều bị nhiễm độc. Chất độc được nói đến nhiều nhất ở vùng biển miền Trung là thủy ngân, xyanua, phenol, cadimi, chì...và nhiều kim loại nặng khác có thể xâm nhập vào tất cả sinh vật, động vật ở biển. Đặc biệt những chất độc này tồn dư rất lâu trong môi trường, nhất là ở sinh vật, động vật biển. Con người khi ăn những thủy hải sản nhiễm chất độc hại sẽ gây ngộ độc mãn tính, tồn dư các chất độc trong cơ thể lâu dài, đe dọa đến sức khỏe.

Ông nói tiếp:”Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy những người nhiễm thủy ngân, sau khi chết, mấy trăm năm sau xét nghiệm tóc vẫn còn thủy ngân. Sử sách đã ghi lại vua Tần Thủy Hoàng khi còn sống muốn “trường sinh bất lão” đã sai quân đi tìm chất thủy ngân để luyện kim đan để uống. Vị vua này chỉ thọ 49 tuổi. Những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra quanh khu vực lăng mộ của vua Tần Thủy Hoàng cùng 8.000 quân lính có dòng suối nhiễm thủy ngân nồng độ cao, đất khu vực này cũng nhiễm thủy ngân rất nặng. Như vậy sau hơn 2000 năm thủy ngân trong thi thể của vua Tần Thủy Hoàng và quân lính đã không thể phân hủy. Trường hợp vua Sa Hoàng Ivan 4 của Nga cũng như vậy. Ông vua này mắc bệnh xương khớp, các ngự y đã dùng một loại thuốc có chứa thủy ngân để xoa bóp đã khiến cơ thể nhiễm thủy ngân qua da và qua đời khi mới 34 tuổi (1530-1564). Sau này khi khai quật, xét nghiệm phát hiện trong xương có chất thủy ngân.”

Vị Giáo sư nhiều kinh nghiệm này còn kể:”Gần đây nhất tại Nhật Bản các nhà khoa học đã công bố bệnh Minamata do nhiễm độc thủy ngân hữu cơ. Vào những năm 50 tại vịnh Minamata các nhà máy hóa chất đã xả chất thải công nghiệp ra biển. 20-30 năm sau đã có nhiều người dân sống tại vùng này mắc các bệnh liệt, điếc, run rẩy chân tay, teo não...Các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện những người mắc bệnh này đều do ăn cá nhiễm thủy ngân. Sau đó Nhật Bản đã phải mất hàng chục năm để xử lý biển ô nhiễm.” (Sức khỏe&Đời sống,30/08/2016)

KHÔNG THUYẾT PHỤC

Sau đó, Phóng viên đặt câu hỏi:”Vừa qua Bộ Tài nguyên & Môi trường đã công bố nước biển 4 tỉnh miền Trung đã sạch, an toàn có thể nuôi trồng thủy sản. Liệu công bố này có quá vội vã không, thưa ông?

PGS.TS Trần Đáng đáp:”Theo ý kiến riêng của tôi những công bố này chưa đủ sức thuyết phục, chưa có độ tin cậy cao. Nhật Bản đã phải mất rất nhiều năm để làm sạch nước biển, đáy biển. Còn ở nước ta, nếu chỉ xét nghiệm nước biển thấy nồng độ các chất độc giảm xuống thì cho rằng nước biển đã sạch có thể nuôi trồng thủy sản là chưa đủ cơ sở khoa học.

Giáo sư Đáng lưu ý:”Thủy hải sản sống ở biển có thể ăn thức ăn ở đáy biển, trong khi các kim loại nặng thường lắng đọng ở đáy biển thì cá sẽ dễ dàng nhiễm độc. Người ăn các loại thủy sản đó sẽ nhiễm độc và hậu quả lâu dài đến đời con cháu.

Phóng viên hỏi tiếp:” Có ý kiến cho rằng hiện nay việc xét nghiệm các chỉ số an toàn thực phẩm ở cá, hải sản chưa thực sự toàn diện. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

PGS.TS Trần Đáng:” Theo tôi, các mẫu xét nghiệm không nên chỉ thực hiện ở 1 phòng thí nghiệm mà cần phải làm tại 3-4 phòng thí nghiệm để so sánh. Không nên lấy kết quả xét nghiệm từ 1-2 phòng thí nghiệm là có thể kết luận ngay là cá không nhiễm độc hay nhiễm độc. Tốt nhất, cần phải gửi mẫu đến các phòng kiểm nghiệm chuẩn quốc tế để xét nghiệm, xem kết quả có tương đồng hay sai lệch với phòng kiểm nghiệm trong nước. Việc này có thể gây tốn kém nhưng vì sức khỏe của nhân dân, ảnh hưởng đến giống nòi nhưng vẫn cần thiết phải làm.”

Cuối cùng, Giáo sư Đáng kết luận:”Công việc giám sát, theo dõi phải được thực hiện thường xuyên, kéo dài nhiều năm, mỗi năm phải lấy vài nghìn mẫu để xét nghiệm xem các thế hệ cá con sinh trưởng ra sao, có còn tồn dư các chất độc nữa hay không. Bộ Y tế cần tiếp tục giám sát, đến khi tất cả các chỉ tiêu quan trọng về an toàn thực phẩm ở trong ngưỡng an toàn mới khuyến cáo người dân ăn cá, hải sản trở lại. Mọi quyết định của các cơ quan chức năng đưa ra cần đặt lợi ích của người dân, sức khỏe của nhân dân lên trên hết.”

CẢNH GIÁC THỨ HAI

Tiếng nói khoa học thứ hai là của Giáo sư-Tiến sỹ Khoa học Phạm Ngọc Đăng trên báo Truyền thông Pháp luật (Pháp Luật Plus), ngày 29/08/2016.

Nhà báo hỏi:”Thưa GS, ngày 22.8 (2016) vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố nước biển tại 4 tỉnh miền Trung đã sạch có thể tắm biển, nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, ngay sau đó đã xuất hiện một văn bản về kết quả kiểm nghiệm 9 mẫu cá và ghẹ lấy tại Hà Tĩnh ngày 5/8 có 1 mẫu có lượng cadimi vượt ngưỡng, 5 mẫu nhiễm xyanua, 3 mẫu nhiễm phenol. Như vậy có thể hiểu là nước biển hiện vẫn đang bị nhiễm độc không?

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng trả lời:” Nước biển bị ô nhiễm có thể được pha loãng do tác dụng của các dòng hải lưu. Thí dụ trước đây 100 km2 mặt nước bị ô nhiễm nay lan tỏa ra 1000 km2 mặt nước bị ô nhiễm thì nồng độ chất ô nhiễm trong nước biển sẽ giảm đi khoảng 10 lần.

Ngoài ra môi trường biển còn có các vi sinh vật cũng như các loại tảo, cỏ biển …, chúng có thể tiêu hủy chất ô nhiễm, có tác dụng làm cho môi trường nước biển có thể được phục hồi.

Nhưng môi trường đáy biển, nơi sinh tồn các loài giáp xác như các loài ốc, sò, ngao, v.v…, các chất ô nhiễm bị lắng đọng ở đó, nhất là kim loại nặng, thì còn lâu chúng mới bị tiêu hủy.

Do đó cho đến nay chưa có số liệu chứng minh sự an toàn của nuôi trồng các hải sản sống ở tầng đáy biển. Vì vậy ngoài việc quan trắc kiểm tra ô nhiễm nước biển thì cần phải tiến hành quan trắc kiểm tra cả ô nhiễm môi trường tầng đáy biển nữa.”

Giáo sư Đăng giải thích thêm:”Khi nước biển bị Formosa đầu độc, tất cả các loài cá ở khu vực này đều bị nhiễm độc, những con bị nhiễm nặng hoặc yếu thì bị chết, những con khỏe hoặc ít bị nhiễm độc thì vẫn còn sống cho đến nay.

Các chất ô nhiễm cadimzi, xyanua và phenol xâm nhập vào cá, cua ghẹ sẽ được lưu giữ trong cơ thể của cá, cua, ghẹ. Chỉ khoảng 30 -40% chất độc được chúng thải nhanh ra ngoài, còn lại chúng được thải ra rất chậm chạp phải qua nhiều năm.”

Bấy nhiêu đã đủ giúp cho cán bộ Tuyên giáo và Tổng cục Chính trị Quân đội “sáng mắt sáng lòng chưa”, hay họ cần Bộ trưởng Tài Nguyên&Môi Trường Trần Hồng Hà cho vào Hà Tĩnh nhậu ít cá biển với vài xị đế nếp than thì mới tăng sức mà bênh đảng đến hơi thở cuối cùng ? -/-

Phạm Trần

(04/017)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tín lý “de fide” và lời yêu cầu tha thiết của một giáo dân về “Amoris Laetitia”
Vũ Văn An
01:50 05/04/2017
E. Christian Brugger là một giáo dân hoạt động trong lãnh vực đạo đức sinh học, từng giữ ghế Giáo Sư Thần Học Luân Lý tại Chủng Viện Thần Học Thánh John Vianey ở Denver, Colorado, Hoa Kỳ và hiện là Giáo Sư và Khoa Trưởng Trường Triết Học và Thần Học của Đại Học Notre Dame Australia, Sydney, Úc Châu.

Mới đây, ông có nêu vấn đề tại sao có sự hồ đồ lẫn lộn trong Giáo Hội hiện nay về Amoris Laetitia, và đâu là các hậu quả đối với việc hợp nhất của Giáo Hội? Và ông cho rằng sự hồ độ lẫn lộn này, xét cho cùng, là về hai tín điều “de fide” trong đức tin Kitô Giáo và một trong các hậu quả của sự hồ đồ lẫn lộn này chính là một ly giáo trên thực tế trong Giáo Hội Công Giáo.

Brugger cho rằng khi thuật ngữ “de fide” được dùng trong thần học Công Giáo để nói về một tín lý, thì nó có nghĩa một chân lý thuộc Mạc Khải Thiên Chúa. Hạn từ Mạc Khải Thiên Chúa có ý nói tới các chân lý được Thiên Chúa chọn để tự mạc khải Người và thánh ý Người cho nhân loại để hòa giải thế giới với chính Người, ngõ hầu con người nam nữ có thể sống kết hợp với Người một cách bất toàn ở đời này và, sau khi chết và phán xét, được sống hoàn toàn với Người trên thiên đàng. Như thế, Giáo Hội coi các tín lý “de fide” là cần thiết cho sự cứu rỗi. Vị thế của chúng trong giáo huấn Công Giáo là không thể sửa đổi. Và cách thế công bố chúng là vô ngộ.

Trong bài này, Brugger đề cập tới 3 vấn đề. Thứ nhất, ông dẫn nhập và giải thích ý niệm thần học “các đối tượng đệ nhị đẳng của vô ngộ” và cho thấy gần như mọi chân lý thuộc các vấn đề tính dục do Giáo Hội Công Giáo giảng dạy thuộc loại các đối tượng đệ nhị đẳng của vô ngộ này, và do đó, có thể gọi một cách chính đáng là các tín lý “de fide”. Thứ hai, bắt đầu từ sự bất đồng trong nội bộ Giáo Hội đối với thông điệp Sự Sống Con Người, Giáo Hội Công Giáo đã sống trong tình trạng thiếu hợp nhất đối với các tín lý “de fide” và sự thiếu hợp nhất này đã gia tăng hẳn do các vấn đề của Amoris Laetitia gây ra. Thứ ba, tác giả đề nghị một số gợi ý thực tiễn để cả hàng giáo phẩm lẫn hàng giáo dân có thể giải quyết cơn khủng hoảng này.

Các đối tượng đệ nhị đẳng của vô ngộ

Các văn kiện của Công Đồng Vatican II dạy rằng Chúa Giêsu muốn thẩm quyền vô ngộ của Giáo Hội Công Giáo, khi bênh vực và giảng dậy các chân lý của mạc khải Thiên Chúa (cũng gọi là “kho tàng đức tin”) phải mở rộng không những tới các chân lý mạc khải chính thức, mà cả các chân lý nhất thiết có liên hệ với các chân lý của mạc khải Thiên Chúa, cho dù các chân lý này chưa bao giờ được đề xuất như là được mạc khải một cách chính thức. Các chân lý này có thể được giảng dậy cách vô ngộ vì chúng cần thiết đối với việc bảo vệ về tôn giáo và trình bầy cách trung thành các chân lý của mạc khải Thiên Chúa (Lumen Gentium, số 25). Các chân lý này, đôi khi, được gọi là “các đối tượng đệ nhị đẳng” của vô ngộ, tương phản với “các đối tượng đệ nhất đẳng” tức các chân lý được mạc khải chính thức.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Thư năm 1998 nói rằng Giáo Hội không những sở hữu các chân lý đệ nhất đẳng của mạc khải Thiên Chúa nhờ linh hứng của Chúa Thánh Thần, mà còn sở hữu các đối tượng đệ nhị đẳng của vô ngộ nhờ “linh hứng đặc thù của Thần Trí Thiên Chúa”. Trong lời chú giải của ngài, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, lúc ấy là bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, viết rằng khi so sánh với các tín lý được mạc khải chính thức, “không có sự khác nhau nào về đặc tính trọn vẹn và không thể thay đổi trong sự tín phục (assent) phải có đối với các giáo huấn này”. Đức Hồng Y Ratzinger quả quyết rằng sự tín phục dành cho các chân lý này “dựa vào đức tin nơi ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần đối với Huấn Quyền và dựa vào tín lý Công Giáo về ơn vô ngộ của Huấn Quyền”. Như thế, giống các chân lý được mạc khải chính thức, các chân lý này cũng phải được sự tín phục của đức tin, cho dù người ta hiểu rằng chúng không có sự trợ giúp của mạc khải Thiên Chúa.

Dù “tín lý de fide”, thông thường (chứ không luôn luôn), vốn dành cho các giáo huấn được Giáo Hội xác định là đã được mạc khải chính thức, nhưng điều không kém đúng là các giáo huấn Công Giáo chuyên biệt nói về các đối tượng đệ nhị đẳng của vô ngộ cũng là các tín lý de fide, như Đức Hồng Y Ratzinger từng gọi chúng: “các tín lý phải được tin bằng đức tin [de fide tenenda]”. Bộ Giáo Luật qui định rằng chúng “phải được chấp nhận và tin giữ một cách chắc chắn” và bất cứ ai bác bỏ chúng “là tự đặt mình vào thế chống lại giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo” (Điều 750 §2).

Các tín lý luân lý về tính dục và hôn nhân

Các qui luật luân lý về tính dục và hôn nhân được Giáo Hội Công Giáo giảng dậy thuộc cả hai loại đối tượng đệ nhất và đệ nhị đẳng của vô ngộ. Các đối tượng đệ nhất đẳng bao gồm các chân lý được giảng dậy minh nhiên trong Mạc Khải Thiên Chúa, như cấm không được ngoại tình và đặc tính bất khả tiêu của hôn nhân; các đối tượng đệ nhị đẳng bao gồm các giáo huấn về tính dục và hôn nhân vốn được Giáo Hội giảng dậy từ thời các tông đồ như là phải tin một cách định tín (definitively). Những giáo huấn này, do cung cách chúng được đề xuất, phải được coi như là được giảng dậy một cách vô ngộ bởi Huấn Quyền Thông Thường và Phổ Quát của Giáo Hội, là thẩm quyền giảng dậy một cách vô ngộ khi các giám mục “dù tản mác khắp thế giới, nhưng vẫn duy trì sợi dây hiệp thông với nhau và với vị kế nhiệm Thánh Phêrô, giảng dậy một cách chân chính về một vấn đề đức tin và luân lý (res fidei et morum), nhất trí cùng một phán đoán (về vấn đề này) và giảng dậy phán đoán này như là phải được tin giữ một cách định tín (definitive tendendam)”.

Không thể có sự hoài nghi hữu lý nào về việc các giáo huấn của Giáo Hội về bối cảnh đặc biệt của hôn nhân dành cho việc biểu lộ tính dục dục quan chính đáng và tính sai lạc của mọi hình thức tính dục phi hôn nhân tự ý chọn lựa (như thủ dâm, giao hợp ngoài hôn nhân, các hành vi đồng tính luyến ái, các hành vi ngừa thai v.v…) vốn đã được các giám mục giảng dậy trong một nhất trí phổ quát, mọi thời và mọi nơi, rằng chúng rõ ràng liên hệ tới phúc lợi mau qua và trường cửu của tín hữu, và do đó phải tin giữ một cách định tín (definitive tendendam). Sự kiện người Công Giáo, trong các thời gần đây, bác bỏ một số hay tất cả các giáo huấn không hề đánh đổ sự kiện này: các điều kiện cho việc thi hành một cách vô ngộ Huấn Quyền Thông Thường và Phổ Quát đã hội đủ gần như suốt trong lịch sử lâu đời của Giáo Hội.

Thành thử, các chân lý căn bản của đạo đức tính dục được Giáo Hội Công Giáo giảng dậy và bảo vệ đều thuộc một cách hoặc trực tiếp (như các đối tượng đệ nhất đẳng) hoặc gián tiếp (như các đối tượng đệ nhị đẳng) vào kho tàng đức tin và do đó có thể gọi là, và thực sự là, các tín lý de fide.

Một ly giáo chưa được nhìn nhận trong Giáo Hội

Brugger cho rằng, bắt đầu với việc bất thuận đối với việc Giáo Hội Công Giáo tái khẳng định giáo huấn cổ xưa của mình về sự sai lầm của việc giao hợp cố tình ngừa thai trong Humanae Vitae (1968), và diễn tiến qua việc chấp nhận rộng rãi lối lý luận thực dụng, gọi là “duy tỷ hiệu” (“proportionalist”), trong thần học luân lý Công Giáo của thập niên 1970, nhiều người Công Giáo bắt đầu bác bỏ sự hiện hữu của các hành động vốn xấu từ bản chất (nghĩa là các hành động không bao giờ hợp pháp về phương diện luân lý vì quyết định của chúng luôn mâu thuẫn triệt để với thiện ích của con người nhân bản). Điều này, theo lý, sẽ dẫn người ta tới việc bác bỏ các giáo huấn của Giáo Hội về tính sai lầm của mọi loại sinh hoạt tính dục mà truyền thống vốn coi là xấu từ bản chất. Việc bác bỏ này hiện hữu trong mọi bình diện của Giáo Hội Công Giáo, từ hàng giáo dân tới hàng giáo phẩm, và tỏ ra vừa cương quyết vừa ương ngạnh.

Giáo Hội Công Giáo, do đó, trong nhiều thập niên qua, đã hiện hữu trong một tình huống thiếu hợp nhất khách quan và trầm trọng về các vấn đề tín lý de fide. Nói cách khác, theo Brugger, Giáo Hội Công Giáo đã và đang sống trong trạng thái ly giáo trên thực tế (de facto).

Mơ hồ lẫn lộn, thiếu hợp nhất, và Amoris Laetitia

Theo Brugger, có sự mơ hồ lẫn lộn trong Giáo Hội Công Giáo về Tông Huấn Amoris Laetitia vì một số vị giám mục nói và đưa ra chính sách trong giáo phận của các ngài rằng các người ly dị tái hôn, trong một số trường hợp, có thể được lãnh nhận Phép Thánh Thể mà không cần phải cương quyết sống tiết dục hoàn toàn với người bạn tình của mình. Một số vị giám mục khác, vì muốn giữ sự liên tục với truyền thống Công Giáo, nên đã chủ trương rằng điều này không hợp pháp và không thể hợp pháp được.

Các vấn đề về tín lý de fide do các lối giải thích trái ngược nhau này tạo ra là tính sai lầm từ bản chất của việc ngoại tình và tính bất khả tiêu tuyệt đối của hôn nhân Kitô Giáo; cả hai tính này đều đã được quả quyết một cách vô ngộ bởi Thánh Kinh và Thánh Truyền. Nếu các tín lý này đúng, thì người nào đã ly dị mà lại tích cực về phương diện tính dục với một người khác không phải là người phối ngẫu hợp pháp của mình trong khi người này còn sống, là phạm tội ngoại tình.

Dù Đức Hồng Y Kasper, và các vị giám mục khác bênh vực việc cho phép những người ly dị tái hôn được rước lễ, có khẳng định tính sai lầm của ngoại tình và tính bất khả tiêu của hôn nhân, nhưng xem ra việc khẳng định của các vị này bất tương hợp với việc cho phép rước lễ mà họ vốn bênh vực. Vì không ai trong tình trạng làm bậy nghiêm trọng một cách khách quan tỏ tường nhưng không chịu ăn năn lại có thể được tự do lãnh nhận Thánh Thể, từ tay một linh mục hay một giám mục hay bất cứ ai khác, vì “tình trạng và hoàn cảnh sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội vốn được Phép Thánh Thể biểu tượng và thể hiện” (Familiaris Consortio). Do đó, họ không được làm bất cứ điều gì sai lầm một cách khách quan.

Nhiều vị giám mục nhìn nhận sự mâu thuẫn trên và do đó chống lại việc cho phép rước lễ. Nhưng các vị khác tin rằng không có tranh chấp nào cả, nên đã cho rước lễ.

Như thế, hàng giáo phẩm hiện đang ở trong tình trạng thiếu hợp nhất một cách nghiêm trọng về các vấn đề thuộc kho tàng đức tin. Nói cách khác, Giáo Hội Công Giáo đang sống trong cảnh ly giáo trên thực tế. Sự tranh cãi chung quanh Amoris Laetitia không phải là nguyên nhân của sự thiếu hợp nhất này vì sự thiếu hợp nhất này vốn đã có từ nhiều thập niên qua. Nhưng cuộc tranh cãi này duy trì sự chia rẽ và làm cho sự chia rẽ ra sâu xa hơn một cách đáng kể. Nó làm sâu xa hơn vì Đức Giáo Hoàng đã bênh vực một lập trường ngược với giáo huấn muôn đời của Giáo Hội.

Các nghĩa vụ của Tòa Thánh

Vậy Đức Thánh Cha phải làm gì? Theo Brugger, ngài nên chỉ thị cho Đức Hồng Y Müller của thánh bộ Giáo Lý Đức Tin trả lởi năm câu hỏi do các vị Hồng Y Brandmüller, Burke, Caffara, và Meisner đệ trình. Việc này sẽ giúp làm sáng tỏ một số mơ hồ lẫn lộn có hại do chương tám của Amoris Laetitia nêu ra. Sau đó, ngài nên giảng dậy một cách rõ ràng và có thẩm quyền điều gì là đúng trong các vấn đề có liên quan tới luân lý tính dục vốn khiến người ta hoài nghi và mơ hồ kể từ lúc bắt đầu triều giáo hoàng của ngài. Ngài nên dạy rằng mỗi và mọi cuộc hôn nhân Kitô đã hoàn hợp thì tuyệt đối bất khả tiêu; mọi hình thức tự ý làm tình ngoài hôn nhân đều luôn luôn sai lầm, nhất là ngoại tình, và cả các hành vi đồng tính luyến ái, ngừa thai, thủ dâm, gian dâm; giao hợp tính dục với một người không phải là người phối ngẫu hợp pháp của mình luôn luôn là ngoại tình; ai còn bị ràng buộc bởi sợi dây hôn phối và sống với một người khác theo kiểu vợ chồng, đều rơi vào tình trạng ngoại tình; và người như thế phải tự chế đừng Rước Lễ trừ khi và cho tới khi xưng thú ăn năn các hành vi lỗi lầm của mình và quyết tâm sống thanh khiết.

Sau cùng, biết rằng hàng giám mục đang chia rẽ về các tín lý de fide thuộc luân lý, ngài nên hướng dẫn các giám mục anh em của ngài thành thực đối diện với cuộc khủng hoảng lần này trong Giáo Hội và quyết tâm nhất định vượt qua nó. Ngài nên triệu tập một Thượng Hội Đồng mật chỉ bao gồm các giám mục thế giới mà thôi ở Assisi hay Castel Gandolfo hay tại một địa điểm khác, không bị ai chú ý, không truyền thông, không chuyên viên, không quan sát viên đại kết, … với chủ đề là sự hợp nhất hàng giám mục trong các vấn đề luân lý. Không nên giới hạn thời gian cho Thượng Hội Đồng này, cứ để nó kéo dài bao lâu cần thiết. Ngài nên ngỏ lời với các anh em của ngài trong tình bác ái, không la mắng hay bóng gió, về việc sẽ tai hại biết chừng nào cho phần rỗi các linh hồn khi các vị kế nhiệm các tông đồ không hợp nhất về các vấn đề de fide.

Brugger tha thiết mong rằng vừa như một người cha đối với con cái vừa như một người anh đối với anh em, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nên khuyên nhủ mọi người bỏ qua một bên các cử chỉ nhỏ mọn và không có tinh thần Kitô Giáo, mọi tật xấu và ngu muội tự ái, và mọi biểu hiện của tinh thần bè phái, ăn năn vì các chia rẽ mà các ngài đáng lẽ nên nói tới từ lâu, và cam kết dấn thân cho mục tiêu chung là hợp nhất hàng giám mục. Ngài nên để, chứ không chỉ nói sẽ để, cho các anh em giám mục của ngài tự do đề cập tới các vấn đề bất đồng mà không sợ bị trả đũa. Ngài nên dùng tính ấm áp Á Căn Đình ngoại hạng của ngài để thuyết phục anh em giám mục của ngài thực sự mong muốn hợp nhất trong hàng giám mục; thúc giục các ngài tự do và thành thực nói với nhau; và làm dễ dàng sự đồng thuận về bất cứ thỏa thuận nào cần đạt tới. Sự hợp nhất mà ngài đang cố gắng hướng tới, sự hợp nhất mà ngài nhấn mạnh không nên mở rộng quá các vấn đề thuộc kho tàng đức tin, bằng cách nhấn mạnh rằng Giáo Hội cho phép sự đa dạng ở mọi điều khác, và ngài là người đầu tiên phải làm gương điều này cho mọi anh em của ngài.

Sau cùng, Brugger tha thiết xin ngài sẵn lòng làm bất cứ điều gì cần thiết, kể cả hy sinh tính mạng, để làm dễ dàng nơi các giám mục Công Giáo lời khẩn cầu lúc gần chết mà Chúa Giêsu đã ngỏ cùng Cha của Người: “Xin cho chúng nên một”.

Các nghĩa vụ của tín hữu giáo dân

Người giáo dân Công Giáo thì phải làm gì? Brugger nghĩ rằng họ nên đào luyện lương tâm của họ cho phù hợp với các chân lý luân lý định tín được Giáo Hội Công Giáo giảng dạy, nhất là các qui luật đạo đức tính dục và các giáo huấn về hôn nhân. Họ nên thấy rằng mọi qui luật tiêu cực (“ngươi đừng”) được Giáo Hội bênh vực nhất thiết hàm nghĩa một điều sự thiện tích cực được qui luật này bảo vệ và cổ vũ (thí dụ: ta không nên sát hại trẻ thơ vì sự sống là một sự thiện vĩ đại). Họ cần thấy hơn bao giờ hết rằng các giáo huấn về tính bất khả tiêu tuyệt đối của hôn nhân và việc ngăn cấm ngoại tình không phải là các qui luật của câu lạc bộ, mà là các chân lý luân lý hàm ý trong sự thiện vĩ đại của hôn nhân Kitô Giáo. Chúa Giêsu muốn hôn nhân là một sacramentum (dấu chỉ hay biểu tượng do Thiên Chúa thiết lập) của tình yêu tuyệt đối bất khả tiêu giữa Người và Giáo Hội; như thế, hôn nhân Kitô giáo một khi đã hoàn hợp thì tuyệt đối bất khả tiêu; ly dị không những sai, mà còn bất khả nữa: như Chúa Giêsu không thể nào ly dị khỏi Giáo Hội của Người thế nào, thì một người đàn ông cũng không thể ly dị khỏi người vợ đã thành sự của mình như vậy. Thành thử, nếu người này làm tình với bất cứ ai khác, vì bất cứ lý do gì, được xã hội chấp nhận ra sao, khi người vợ đã thành sự của họ còn sống, thì họ là người ngoại tình. Giống mọi tội khác, ngoại tình có thể tha thứ được; nhưng để được tha thứ, đòi phải ăn năn cách trọn (contrition) và cương quyết tránh xa tội lỗi. Đó là các chân lý luân lý Kitô Giáo; và chúng là các tín lý de fide của Giáo Hội Công Giáo.

Hơn nữa, theo Brugger, người Công Giáo không nên để cho nỗi lo lắng trước tình thế hiện nay làm lung lay đức tin của họ vào lời Chúa Giêsu hứa sẽ gìn giữ Giáo Hội khỏi các sai lầm đáng kết án và cung cấp cho ta con thuyền đáng tin cậy cho phần rỗi các linh hồn. Họ không nên rơi vào cơn cám dỗ của Wycliffe, Luther, hay Zwingli dùng các thất vọng của họ đối với các chức sắc của Giáo Hội, dù có lý, để chống lại chính Giáo Hội của Chúa Kitô. Họ nên hiểu ra rằng Giáo Hội từng chịu đau khổ từ bên ngoài và từ bên trong rất nhiều lần trong các thế kỷ, và so với các giai đoạn khác trong lịch sử, như thế kỷ thứ tư với lạc giáo Ariô, thế kỷ 14 với cuộc Đại Ly Giáo, Chế Độ Khủng Bố Pháp, Kulturkampf Đức, thì các nan đề của Giáo Hội hiện nay khá nhẹ.

Thêm vào đó, mọi người Công Giáo đã chịu phép rửa nên nhất quyết sống như một vị thánh. Chỉ một số rất ít các vị thánh được khắc hình trên các cửa sổ kính mầu. Số đông còn lại không bao giờ được chú ý hay nổi tiếng đủ để được bộ phong thánh của Rôma lưu tâm. Nhưng các ngài đã làm hết sức để biện phân và tuân theo ý Chúa Giêsu mỗi ngày, bằng cách quay lưng khỏi việc tự yêu mình cách sai lầm, khỏi tham vọng bác bỏ, thanh thản chấp nhận bị nhục mạ, ăn năn mọi tội lỗi biết được, nói không với mọi khuynh hướng nghĩ đến hoặc hành động dựa vào các thèm muốn tính dục ngoài hôn nhân, quay lưng khỏi những giận dữ vô chừng, và bác bỏ, bác bỏ, bác bỏ thứ ngôn ngữ xã hội phi Thiên Chúa về tính dục, phái tính, và hôn nhân do não trạng thế tục hiện đại cổ vũ.

Mọi người Công Giáo cần được xác tín rằng việc canh tân xã hội và Giáo Hội bắt đầu với chính họ. Trong lịch sử, canh tân hầu như chưa bao giờ diễn ra từ trên xuống dưới, từ ngôi vị giáo hoàng và Rôma, mà đúng hơn, từ dưới lên trên. Nó diễn ra khi các Kitô hữu nhất quyết sống thực đức tin vào Chúa Kitô và cố gắng học biết sức mạnh sự phục sinh của Người, kiên nhẫn chia sẻ các đau khổ của Người để có thể đạt tới sự phục sinh mà Người đã hứa hẹn.

Sau cùng, họ nên cầu nguyện cho sự hợp nhất của hàng giám mục.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh
Mỹ Lê
20:30 05/04/2017
NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH
Ảnh của Mỹ Lê
Nghệ sĩ là những người chăm sóc cái đẹp.
(Trích lời của ĐGH Benedict XVI)
 
VietCatholic TV
Chặng thứ Mười - Đàng Thánh Giá Thiên Chúa là Lòng Thương Xót
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
12:32 05/04/2017
Đàng Thánh Giá “Thiên Chúa là Lòng Thương Xót” do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại hí trường Côlôsêô
Bài Suy Niệm của Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti Tổng Giám Mục Perugia
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An


Chặng thứ Mười
Chúa Giêsu bị lột áo


X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu
Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ

Phúc Âm theo Thánh Máccô (15:24)

Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì.

Dưới chân thập giá, bên dưới Đấng chịu đóng đinh và những kẻ tội phạm đau khổ, là những lính tráng đang tranh cãi với nhau về áo xống của Chúa Giêsu. Đây là sự ti tiện của cái ác.

Những biểu hiện trên khuôn mặt của những người lính quá cách biệt và khác hẳn với sự đau khổ cũng như những sự kiện xảy ra tỏ tường xung quanh họ. Dường như những chuyện đó không ảnh hưởng gì đến họ. Trong khi Con Thiên Chúa đang trải qua những đau khổ của thập giá, họ tiếp tục sống một cuộc sống bị chi phối duy nhất bởi đam mê của họ. Đây là nghịch lý lớn nhất của tự do mà Thiên Chúa đã ban cho con cái mình. Đối mặt với cái chết của Chúa Giêsu, mỗi người nam nữ có thể lựa chọn: hoặc là chiêm ngưỡng Chúa Kitô hoặc là “bắt thăm”.

Khoảng cách giữa Đấng chịu đóng đinh và những đao phủ thủ hành hình Ngài là quá lớn. Trò chơi đáng thương để xem ai được áo xống của Người không làm cho họ nắm bắt được ý nghĩa của một cơ thể vô phương tự vệ và bị khinh miệt, bị chế giễu và chịu tử đạo, trong đó thánh ý Chúa được thực hiện cho phần rỗi của tất cả nhân loại.

Cơ thể mà Chúa Cha “chuẩn bị” cho Con của Ngài (xem Tv 40: 7; Dt 10: 5) giờ đây mạc khải tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha và ân sủng tổng thể mà Chúa Giêsu trao ban cho nhân loại. Đó là cơ thể bị tước hết tất cả mọi thứ ngoại trừ tình yêu, là cơ thể chứa đựng trong chính nó sự đau khổ vô biên của nhân loại và cho thấy tất cả những vết thương của nó; trên tất cả, những vết thương đau đớn nhất: là các vết thương của những trẻ em bị lạm dụng.

Cơ thể lặng câm và đẫm máu ấy, chịu đánh đòn và bị sỉ nhục, chỉ ra con đường của công lý; đó là công lý của Thiên Chúa, là điều biến đổi sự đau khổ tồi tệ nhất bởi ánh sáng của sự sống lại.

Lạy Chúa Giêsu,
Con muốn mang đến với Chúa tất cả những khổ đau của nhân loại.
Những thi thể của những người nam, nữ, trẻ em và người già, người bệnh và người tàn tật mà nhân phẩm của họ không được tôn trọng.
Quá nhiều bạo lực trong lịch sử đã đánh vào điều thân thiết nhất của nhân loại, vào điều thánh thiêng và được chúc phúc bởi vì nó đến từ Thiên Chúa.
Chúng tôi cầu xin cùng Chúa, cho những ai đã bị vi phạm đến những chiều sâu của con người họ, cho những ai không biết đánh giá cao những mầu nhiệm của cơ thể mình, cho những ai không thể chấp nhận cái đẹp hay những kẻ làm biến dạng nó, cho những người không tôn trọng sự mỏng dòn và thánh thiêng của cơ thể đang già đi và chết dần.
Và một ngày nào đó, sẽ sống lại!
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 30/03-05/04/2017: Đức Thánh Cha ngậm ngùi trước cuộc thương khó của dân thành Mosul
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
12:54 05/04/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha thăm giáo phận Carpi

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 8 giờ sáng Chúa Nhật mùng 2 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã dùng trực thăng để bay từ Vatican đến Carpi, cách Rôma 346 cây số đường chim bay về hướng bắc. Như vậy là một tuần sau chuyến viếng thăm lịch sử tại tổng giáo phận Milan, là tổng giáo phận lớn nhất ở Âu Châu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng thăm một giáo phận nhỏ bé chỉ bằng 1 phần 45 so với Milan, đó là giáo phận Carpi.

Giáo phận Carpi chỉ có 117 ngàn tín hữu Công Giáo, 39 giáo xứ với 60 linh mục. Cách đây gần 5 năm, tức là năm 2012, miền này bị động đất nặng làm cho 30 người chết, nhiều nhà cửa, thánh đường bị tàn phá. Hồi đó Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng đã viếng thăm giáo phận này và nay Đức Thánh Cha Phanxicô đến đây để khích lệ niềm hy vọng của các tín hữu và dân chúng. Ngài mời gọi các tín hữu đừng để sầu muộn thất bại đè bẹp, trái lại tín thác và hy vọng nơi Chúa và trỗi dậy, như Ngài đã cho ông Lazzaro sống lại.

Trong cuộc viếng thăm, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường Tử Đạo, rồi cuối lễ ngài làm phép 3 viên đá đầu tiên để xây thánh đường mới của giáo xứ thánh Agata, nhà tĩnh tâm thánh Antôn ở Mercadello, và trung tâm bác ái của giáo phận Carpi.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đến nơi lúc 9 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha đã được giáo quyền và chính quyền địa phương tiếp đón tại sân thể thao và ngài đi xe mui trần tiến về địa điểm hành lễ là nhà thờ chính tòa giáo phận Carpi mới được tái thánh hiến sau trận động đất.

Quảng trường dài trước Thánh Đường đông chật các tín hữu, khoảng 40 ngàn người. Trời có mây nhưng may mắn không mưa. Cạnh lễ đài được dựng trên thềm nhà thờ, có hàng trăm linh mục đồng tế thuộc giáo phận Carpi và những giáo phận phụ cận. Đồng tế với Đức Thánh Cha cũng có các giám mục thuộc miền Emilia Romagna.

2. Bài giảng thánh lễ tại nhà thờ chính tòa giáo phận Carpi

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cho ông Lazzaro đã chết 4 ngày được sống lại và rút ra những bài học hy vọng tin tưởng cho các tín hữu ở trong hoàn cảnh đau thương và tuyệt vọng. Ngài nói:

“Chúng ta nhận xét rằng giữa cảnh thất vọng đau buồn chung vì cái chết của Lazzaro, Chúa Giêsu không để cho mình bị buồn sầu chế ngự. Tuy cũng đau buồn, nhưng Ngài yêu cầu mọi người hãy tin tưởng vững vàng; Chúa không khép mình trong than khóc, nhưng Ngài cảm động và lên đường tiến về ngôi mộ. Ngài không để khung cảnh cảm xúc cam chịu chung quanh thu hút Ngài, nhưng tin tưởng cầu nguyện và thưa rằng: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha” (v.41).

“Anh chị em thân mến, cả chúng ta cũng được mời gọi quyết định xem mình đứng về phía nào. Ta có thể đứng về phía ngôi mộ hoặc đứng về phía Chúa Giêsu. Có người tiếp tục bị kẹt trong những đổ vỡ của cuộc sống, và có những người, như anh chị em, nhờ ơn Chúa giúp, đang gạt qua đổ vỡ và tái thiết trong niềm hy vọng kiên nhẫn.

“Đứng trước những câu hỏi lớn: “Tại sao” của cuộc sống, chúng ta có hai con đường: hoặc là đứng nhìn những ngôi mộ quá khứ và hiện tại với thái độ tư lự hoài tưởng, hoặc để cho Chúa Giêsu đến gần những ngôi mộ của chúng ta. Đúng vậy, vì mỗi người chúng ta đã có một ngôi mộ nhỏ, một vùng chết chóc trong tâm hồn: một vết thương, một thiệt hại đã chịu hoặc đã làm, một sự oán hận không ngừng, một sự hối hận tái xuất hiện, một tội lỗi không vượt qua được. Ngày hôm nay, chúng ta hãy nhận ra những ngôi mộ của chúng ta và mời Chúa Giêsu tiến vào đó. Thật là điều lạ lùng: chúng ta thường thích ở lại một mình trong những hang động tối tăm của chúng ta, thay vì mời Chúa Giêsu đi vào; chúng ta bị cám dỗ tìm kiếm chính mình, lẩm bẫm và chìm sâu trong lo âu, liếm những vết thương của mình, thay vì đi gặp Chúa, Đấng nói rằng: “Hãy đến cùng Thầy, hỡi những người mệt mỏi và bị áp bức, và Thầy sẽ bổ dưỡng cho” (Mt 11,28).

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Được Chúa Giêsu viếng thăm và giải thoát, chúng ta hãy cầu xin ơn được trở thành chứng nhân sự sống trong thế giới này, một thế giới đang khao khát sự sống, trở thành những chứng nhân khơi dậy và phục hồi niềm hy vọng nơi Thiên Chúa trong các tâm hồn mỏi mệt và bị buồn sầu đè nặng. Lời loan báo của chúng ta là niềm vui của Chúa hằng sống, ngày nay Chúa vẫn còn nói như đã nói với ngôn sứ Ezechiel: “Này đây, ta mở các ngôi mộ của các ngươi, hỡi dân Ta, Ta sẽ đưa các ngươi ra khỏi các ngôi mộ của các ngươi” (Ez 37,12)

3. Buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu giáo phận Carpi

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha nhắc đến lòng kính mến Đức Mẹ của các tín hữu và nhắn nhủ mọi người hãy dâng lên Mẹ những vui buồn, đau khổ và hy vọng của chúng ta. Ngài cám ơn các Giám Mục thuộc miền Emilia Romagna, các linh mục, tu sĩ nam nữ, chính quyền và tất cả những người đã cộng tác đặc biệt vào việc tổ chức cuộc viếng thăm và buổi lễ này.

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột võ trang đẫm máu ở vùng Kasai thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo, làm cho nhiều người chết và dân chúng phải di tản, tài sản của Giáo Hội cũng bị phá hoại và cướp bóc. Ngài cũng bày tỏ lo âu về tình hình ở Venezuela, và Paraguay, và kêu gọi chấm dứt mọi bạo lực, tìm kiếm các giải pháp bằng phương thế hòa bình. Đức Thánh Cha cũng không quên các nạn nhân vụ đất lở ở tỉnh Mocoa bên Colombia làm cho ít nhất hơn 200 người chết và 220 người bị mất tích.

Sau thánh lễ, khoảng 1 giờ, Đức Thánh Cha đã đến chủng viện giáo phận để dùng bữa trưa với các Giám Mục thuộc 15 giáo phận ở vùng Emilia Romagna, rồi lúc 3 giờ, ngài gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà nguyện chủng viện.

Sau đó lúc gần 4 giờ chiều, ngài đến đến thị trấn Mirandola ở mạn bắc thuộc giáo phận Carpi, viếng thăm nhà thờ chính tòa địa phương còn bị hư hại vì động đất và chưa sử dụng được. Ngài chào thăm dân chúng tại quảng trường trước thánh đường, rồi lúc 5 giờ, ngài đến giáo xứ thánh Giacomo Roncole, đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân động đất, trước khi đáp trực thăng về đến Vatican vào lúc 7 giờ tối cùng ngày.

4. Một phụ nữ từng đoạt giải thưởng Ratzinger sẽ viết bài suy niệm cho 14 chặng đàng thánh giá tại hí trường Côlôsê

Nhà thần học Anne-Marie Pelletier, người Pháp, từng đoạt giải Ratzinger là tác giả của những bài suy niệm 14 chặng đàng thánh giá tại hí trường Côlôsê vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm nay. Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết như trên hôm thứ Sáu 31 tháng Ba.

Theo chương trình, lúc 5h chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, 14 tháng Tư, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự nghi thức Tôn Vinh Thánh Giá, tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa ở Đền Thờ Thánh Phêrô. Sau đó, lúc 9 giờ 15 phút tối cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hí trường Côlôsê.

Bà Pelletier là một giáo dân, sinh năm 1946, đã lập gia đình và có ba người con.

Bà đã dành cả cuộc đời của mình trong việc nghiên cứu, biên soạn một loạt các tác phẩm thần học và triết học, và đã dành được nhiều giải thưởng đáng kinh ngạc, bao gồm giải thưởng Ratzinger năm 2014 về Thần học. Bà là người phụ nữ đầu tiên nhận được giải thưởng này.

Là một chuyên gia về chú giải Kinh Thánh, Pelletier đã dành hầu hết các nghiên cứu của mình cho chủ đề phụ nữ trong Kitô giáo.

Đức Hồng Y Ruini, lúc ấy là Chủ tịch Uỷ ban Khoa học của Tổ chức Joseph Ratzinger-Benedict XVI, đã lên tiếng ca ngợi việc trao giải thưởng cho bà Pelletier, và mô tả bà là “một nhân vật nổi bật của Giáo Hội Công Giáo Pháp đương đại, có một uy tín khoa học xứng đáng, một nhà văn hóa sống động, và có những cống hiến to lớn cho chứng tá Kitô trong xã hội”.

Những bài suy niệm cho 14 chặng đàng thánh giá tại hí trường Côlôsê luôn được chú ý rộng rãi trên toàn thế giới vì sự phong phú của những suy tư thần học. Ngay cả truyền thông thế tục cũng chú ý đến những bài suy niệm này vì chúng phản ánh những suy tư của Giáo Hội trước những bất công lan tràn trên thế giới và tình trạng xuống cấp và tháo thứ về luân lý, và đạo đức trong xã hội.

Những bài suy niệm 14 chặng đàng thánh giá tại hí trường Côlôsê được đánh giá cao có thể kể là những bài suy niệm năm 2013 do Đức Thượng Phụ Bechara Boutros al-Rahi biên soạn nói lên tình cảnh bi đát của các tín hữu Kitô vùng Trung Đông. Văn bản của các chặng đàng Thánh Giá năm 2007 do một học giả nổi tiếng về Thánh Kinh là Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi biên soạn thường được xem là một áng văn chương kiệt xuất.

5. Đức Thánh Cha bày tỏ âu lo về thương vong của thường dân lên quá cao trong chiến dịch giải phóng Mosul

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các phe tham chiến tại Mosul bảo vệ cuộc sống của các cư dân trong thành phố Mosul. Ngài nói sự an toàn của thường dân là một “nghĩa vụ khách quan và khẩn cấp”.

Ngài bày tỏ lập trường trên trong cuộc tiếp kiến chung hôm thứ Tư 29 tháng Ba, trong cùng một ngày khi các nhà lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ tại Iraq cáo buộc bọn khủng bố Hồi Giáo IS sử dụng thường dân làm lá chắn để ngăn cản các cuộc không kích của liên quân.

Tướng Joseph Votel nói với Ủy ban Quốc phòng Hạ Viện như trên trong cuộc điều trần liên quan đến cuộc điều tra chính thức của Quốc Hội Hoa Kỳ về vụ không kích hôm 17 tháng 3 làm thiệt mạng hơn 200 thường dân.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Iraq cần phải tìm kiếm “hòa bình, thống nhất và thịnh vượng” thông qua sự hòa giải giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo tại quốc gia này.

Đức Giáo Hoàng nói với phái đoàn các nhà lãnh đạo tôn giáo Iraq tại Quảng trường Thánh Phêrô rằng “Suy nghĩ của tôi hướng tới dân chúng đang bị mắc kẹt ở các quận phía tây của Mosul và những người bị chiến tranh tàn phá. Tôi xin lặp lại lời kêu gọi của tôi cho mọi nỗ lực để bảo vệ dân thường.”

Liên Hiệp Quốc ước lượng còn gần 400,000 người bị mắc kẹt trong vòng lửa đạn. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS, trong mưu toan bắt dân chúng làm bia đỡ đạn bắn chết bất cứ ai muốn bỏ trốn. Có các báo cáo cho thấy nhiều người đã chết vì đói.

Từ hôm Chúa Nhật 19 tháng Ba, trực thăng của Iraq và máy bay của Liên Quân do Hoa Kỳ lãnh đạo đã bắn phá liên tục vào đền thờ Hồi giáo al-Nuri, nơi tên khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi, đã tuyên bố thành lập cái gọi là “Nhà Nước Hồi Giáo” vào ngày 29 tháng Sáu năm 2014.

Vào sáng Chúa Nhật 19 tháng Ba, quân Iraq được báo cáo là chỉ còn cách đền thờ này có 100m. Tuy nhiên, cuộc chiến giành giật 100m cuối cùng này đầy cam go. Sau gần hai tuần lễ giao tranh ác liệt, quân Iraq vẫn không thể nào vượt qua được 100m cuối cùng này.

Trong một diễn biến bi đát, 230 thường dân vô tội, trong đó đa số là trẻ em đã bị chôn vùi trong 3 căn nhà sau một cuộc oanh kích của máy bay Liên Quân.

Nguyên nhân chính xác của tai họa này vẫn chưa rõ ràng, nhưng một chính trị gia và hai cư dân địa phương nói rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm giữ các căn nhà làm vị trí bắn tỉa và đã giữ các thường dân bên trong làm lá chắn. Cuộc không kích của liên quân nhắm vào những tên khủng bố có thể đã kích nổ một chiếc xe tải chứa đầy chất nổ, phá hủy và làm sập các ngôi nhà trong một khu vực rất đông dân cư.

Theo các nhân chứng, có khoảng 230 thân thể của phụ nữ và trẻ em đã được kéo ra từ ba ngôi nhà kế cận ở khu vực Jadida ở tây Mosul trong đêm thứ Tư và sáng thứ Năm 23 tháng Ba.

6. Đức Hồng Y Sarah nói rằng 'sự tàn phá phụng vụ' phản ánh cuộc khủng hoảng đức tin nghiêm trọng

Trong một bài diễn văn tại một hội nghị tại Đức nhân kỷ niệm 10 năm (2007-2017) tự sắc Summorum Pontificum của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 về việc sử dụng các hình thức Phụng Vụ trước cuộc cải cách của Công Đồng Chung Vatican II, Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã đưa ra một đánh giá thẳng thừng về “thảm hoạ, sự tàn phá và sự phân ly mà những người đề cao một thứ phụng vụ sống động và hiện đại đang gây ra.”

Đức Hồng Y Sarah nhắc nhở cử tọa rằng khi công bố tự sắc Summorum Pontificum, mở rộng việc tiếp cận phụng vụ truyền thống Latinh, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã bày tỏ hy vọng rằng hai hình thức nghi lễ Rôma này sẽ làm phong phú thêm cho nhau. Theo Đức Hồng Y, việc làm giàu đó là điều cần thiết trước tình trạng nghèo nàn của Phụng Vụ Công Giáo ngày nay.

Đức Hồng Y nói:

“Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của đức tin, không chỉ giới hạn trong số các tín hữu Kitô mà còn, và đặc biệt là nghiêm trọng trong số nhiều linh mục và giám mục, đã làm cho chúng ta không thể hiểu được phụng vụ Thánh Thể như một lễ tế hy sinh, như một hành động được thực hiện một lần và cho tất cả bởi Chúa Giêsu Kitô, như một hy lễ xuyên suốt trong toàn thể Giáo Hội, qua các thời đại, ở mọi nơi, xuyên suốt qua các quốc gia và các dân tộc khác nhau. Ngày nay, thường có một khuynh hướng bỉ báng là hạ giảm Thánh lễ xuống thành một bữa ăn đơn giản chung với nhau, việc cử hành xảy ra như một bữa tiệc ấm ớ, nhằm cử mừng chính cái cộng đoàn ấy, hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn, người ta muốn chuyển hướng kinh khủng sang một cuộc sống không còn ý nghĩa hoặc là người ta sợ phải gặp mặt Thiên Chúa mặt đối mặt, bởi vì ánh mắt của Ngài mạc khải và bắt buộc chúng ta phải nhìn ra sự thật một cách kiên quyết vào những khốn nạn trong đời sống nội tâm của chúng ta.”

Đức Hồng Y Sarah bày tỏ âu lo rằng:

“Ngày nay, có một số lượng đáng kể các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã đánh giá thấp cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà Giáo Hội đang trải qua: đó là chủ nghĩa tương đối trong giáo huấn về đạo lý, luân lí và kỷ luật, những lạm dụng nghiêm trọng, hủy hoại và giản dị Phụng Vụ Thánh.”

Ngài nói rằng thời kỳ sau Công Đồng Vatican II là một “mùa xuân” cho Giáo Hội, nhưng ngày nay các nhà quan sát khôn ngoan nhận ra rằng đáng buồn thay đang có một khuynh hướng “khước từ di sản hàng thế kỷ của Giáo Hội”.

Trong một nhận xét rất cay đắng, Đức Hồng Y nói: “Các nhà chính trị Châu Âu bị khiển trách vì bỏ rơi hoặc chối bỏ nguồn gốc Kitô giáo của nó. Nhưng người đầu tiên đã bỏ rơi căn cội Kitô và quá khứ của mình chính là Giáo Hội Công Giáo sau công đồng.”

7. Phái đoàn Ba Lan tố cáo Chủ tịch Âu Châu say rượu trong cuộc gặp gỡ Đức Giáo Hoàng

Một nhà lập pháp Ba Lan đã cáo buộc rằng ông Jean-Claude Juncker /giăng klốt giăng-kơ/, chủ tịch của Ủy ban Châu Âu, đã say sưa khi ông gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào tuần trước.

Krystyna Pawlowicz, một thành viên của quốc hội Ba Lan, đã viết một thư ngỏ gởi cho ông Juncker, nói rằng “sự phụ thuộc vào rượu” của ông gây nguy hiểm cho Liên minh châu Âu. Cụ thể, bà trích dẫn tình trạng tệ hại của ông trong cuộc gặp gỡ tại Vatican giữa Đức Thánh Cha với các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo chính trị của Liên Hiệp Âu Châu.

Bà Krystyna Pawlowicz, ngồi kế bên ông Jean-Claude Juncker trong cuộc họp này, viết:

“Hành vi của ông đã gây xúc phạm không chỉ đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mà còn cả với các vị lãnh đạo các quốc gia và các vị đứng đầu các chính phủ, kể cả những người phụ nữ như chúng tôi, là những người đã lịch sự yêu cầu ông đi chỗ khác nghỉ ngơi.”

Như chúng tôi đã đưa tin, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu đã có cuộc họp thượng đỉnh ở Rôma trong các ngày từ 24 đến 25 tháng Ba. Cuộc gặp gỡ này được tổ chức nhân kỷ niệm lần thứ 60 Hiệp ước Rôma, thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu. Tổ chức này sau đó đã phát triển thành Liên Hiệp Âu Châu.

Từ 6 quốc gia sáng lập ban đầu là Bỉ, Pháp, Tây Đức, Ý, Lục Xâm Bảo và Hà Lan, Liên Hiệp Âu Châu ngày nay gồm có 28 quốc gia thành viên, trải dài trên một diện tích rộng 4,475,757 cây số vuông với một dân số lên đến 510 triệu dân.

Nghị trình trong cuộc họp tại Rôma của các nhà lãnh đạo Âu Châu đã bao gồm việc thảo luận về tương lai của Liên minh trong 10 năm tới, sự rút lui của Anh, những chấn thương tài chính lặp đi lặp lại, làn sóng di cư và chủ nghĩa mị dân đang gia tăng nhanh chóng.

Lúc 6h chiều, ngày 24 tháng Ba, tại phòng họp Sala Regia trong dinh Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Âu Châu và đọc một diễn từ quan trọng nói lên quan điểm của Tòa Thánh về tương lai của đại lục này.

8. Ðức Thánh Cha kêu gọi từ bỏ võ khí hạt nhân.

Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cộng đồng thế giới từ bỏ võ khí hạt nhân, xây dựng hòa bình trên công lý, phát triển nhân bản toàn diện và trên sự tôn trọng các quyền căn bản của con người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp các nước tham dự Hội nghị của Liên Hiệp Quốc đã được tiến hành tại New York từ ngày 27 đến 31 tháng 3 năm 2017, nhắm thương lượng về một văn kiện pháp lý, có tính chất bó buộc, về sự cấm các võ khí hạt nhân, để đi tới sự hoàn toàn loại trừ thứ võ khí này.

Sứ điệp của Ðức Thánh Cha đã được Ðức Ông Antoine Camilleri, người Malta, Thứ trưởng ngoại giao, Trưởng đoàn Tòa Thánh tại Hội nghị tuyên đọc, trong đó Ðức Thánh Cha khẳng định rằng “một thứ luân lý và luật pháp dựa trên sự đe dọa phá hủy lẫn nhau, và có thể hủy diệt toàn thể nhân loại, là điều tương phản với chính tinh thần của Liên Hiệp Quốc. Vì thế, chúng ta phải dấn thân cho một thế giới không còn võ khí hạt nhân và hoàn toàn áp dụng Hiệp ước về sự không lan tràn thứ võ khí này”.

Ðức Thánh Cha cũng nhận xét rằng chủ trương trang bị võ khí hạt nhân để đối phương nể sợ mà không dám tấn công, đó là điều không thích hợp, vì nó không đáp ứng hữu hiệu những thách đố và những đe dọa chính đối với nền hòa bình và an ninh của thế giới trong thế kỷ 21 này như nạn khủng bố, các cuộc xung đột không đối xứng (conflitti asimetrici), an ninh tin học, các vấn đề môi trường, nghèo đói. Ngoài ra, việc sử dụng võ khí hạt nhân còn gây nên những hậu quả thê thảm về nhân mạng và môi trường, với những hậu quả tàn phá bừa bãi trong thời gian và không gian. Thêm vào đó, việc trang bị võ khí hạt nhân còn đưa tới sự phí phạm tài nguyên, lẽ ra được sử dụng cho những ưu tiên quan trọng hơn, như thăng tiến hòa bình và phát triển nhân bản toàn diện, chiến đấu chống nghèo đói và thực hiện chương trình hành động 2030 do Liên Hiệp Quốc đề ra để phát triển dài hạn”.

Cũng trong sứ điệp, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Hòa bình và sự ổn định quốc tế không thể dựa trên một cảm thức giả tạo về an ninh, trên sự đe dọa phá hủy nhau hoặc hoàn toàn tiêu diệt nhau, trên sự duy trì quân bình thế lực. Trái lại hòa bình phải được xây dựng trên công lý, phát triển nhân bản toàn diện, trên sự tôn trọng các quyền căn bản của con người, trên việc bảo tồn thiên nhiên, sự tham gia của tất cả mọi người vào đời sống công cộng, trên sự tín nhiệm giữa các dân tộc, thăng tiến các tổ chức hòa bình, trên sự được hưởng giáo dục và sức khỏe, đối thoại và liên đới.

Theo Ðức Thánh Cha, “trong viễn tượng này, cộng đồng quốc tế được kêu gọi đi xa hơn chủ trương trang bị võ khí để làm cho đối phương nể sợ: cần chấp nhận những chiến lượng nhìn xa trông rộng để thăng tiến đối tượng hòa bình và sự ổn định, và tránh những đường lối tiếp cận thiển cận về những vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế”.

9. Đại diện Vatican tại Liên Hiệp Quốc nói các quốc gia có nghĩa vụ luân lý phải phá hủy vũ khí hạt nhân

“Sự đe dọa của các loại vũ khí hạt nhân trong đó người ta bảo đảm hai bên đều chết hết nếu sử dụng đến vũ khí hạt nhân không thể là nền tảng cho một tình huynh đệ và một sự sống chung hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia”, đại diện của Vatican đã nói như trên trong một bài phát biểu tại phiên họp về giải trừ hạt nhân của Liên Hiệp Quốc.

Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza đã kêu gọi các thành viên Liên Hiệp Quốc chú ý đến lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô hãy cùng nhau xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Ngài nói rằng tất cả các quốc gia đều có một nghĩa vụ đạo đức phải ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như phải tiến đến việc phá hủy kho vũ khí hạt nhân của họ.

Ngài nói rằng vũ khí hạt nhân gây ra những “đau khổ không cần thiết” cho những người sống sót, và “đáng bị lên án mạnh mẽ và quyết liệt.” Ngài lập luận thêm rằng các quốc gia nên bồi thường cho những người bị phương hại do bức xạ từ các cuộc thử hạt nhân.

Đức Tổng Giám Mục Auza nói rằng cuộc thảo luận về giải trừ quân bị của Liên Hiệp Quốc là “hành động phản đối luận lý gieo rắc sợ hãi cho đối phương để tự vệ.” Ngài kêu gọi sự chấp nhận phổ quát nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng đường lối đối thoại.

10. Thêm một linh mục Mễ Tây Cơ bị giết, hôm sau lại có thêm một linh mục bị bắt cóc

Hôm thứ Hai 27 tháng Ba, một linh mục đã bị bắn chết ở bờ biển Thái Bình Dương của thành phố Nayarit, nâng tổng số linh mục Mễ Tây Cơ bị giết từ năm 2005 đến nay lên đến 37 vị.

Cha Felipe Altamirano Carrillo, 54 tuổi, là người thổ dân Cora, đã bị giết trong một vụ cướp có vũ trang trên đường trở về nhà sau khi dâng thánh lễ tại một họ nhánh hẻo lánh mà ngài phụ trách.

Chỉ riêng năm 2016, hai linh mục bị giết ở bang Veracruz, và một linh mục khác đã bị giết ở bang Michoacan phía Tây quốc gia này. Đầu năm nay, hôm 3 tháng Giêng, một linh mục là cha cha Joaquin Hernandez Sifuentes, 43 tuổi, đã bị giết tại Saltillo.

Tối thứ Ba 28 tháng Ba, lại có thêm một linh mục khác bị bắc cóc tại giáo phận Tampico.

Tuy nhiên, nguồn tin mới nhất của Hội đồng Giám mục Mễ Tây Cơ đưa ra chiều thứ Năm 30 tháng Ba, thì vị linh mục bị bắt cóc ở thành phố Tampico đã được trả tự do không hề hấn gì.

Cha Oscar Lopez Navarro, thuộc giáo phận Tampico đã bị bắt cóc vào tối thứ Ba.

Đức Cha José Luis Dibildox, Giám Mục Tampico nói rằng những kẻ bắt cóc cho biết họ muốn giáo phận trao cho họ một khoản tiền chuộc mạng. Nguồn tin của Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ đã không cho biết giáo phận Tampico có phải trả một khoản tiền nào để đổi lấy tự do cho cha Navarro hay không.

Bản tin cho biết:

“Chúng tôi rất vui khi được biết cha Navarro được trả tự do nhưng đau buồn trước tình trạng xã hội chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi bạo lực”.

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc xếp loại Mễ Tây Cơ là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các linh mục.

Một số linh mục Mễ Tây Cơ đã bị giết trong các vụ cướp, và trong một số trường hợp các vị bị giết rất dã man. Đó là dấu chỉ của sự suy đồi đạo đức, sự gia tăng nghèo đói cả về kinh tế lẫn văn hóa, dẫn đến các hình thái bạo lực coi thường tính mạng con người. Tuy nhiên, đa số các linh mục Mễ Tây Cơ bị giết là vì các ngài lớn tiếng lên án bất công, tham nhũng, nghèo đói, nhân danh Tin Mừng.

11. Đức Thánh Cha kêu gọi xóa bỏ các thành kiến giữa Công Giáo - Tin Lành

Đức Thánh Cha chào mừng Hội nghị về đề tài “Luther 500 năm sau” và gọi đây là một sự kiện không thể có được cách đây ít lâu.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 31 tháng Ba, dành cho 150 học giả quốc tế tham dự Hội nghị do Ủy ban Tòa Thánh về khoa sử học tổ chức từ ngày 29 tháng Ba về đề tài “Luther 500 năm sau. Đọc lại cuộc cải cách của Luther trong bối cảnh lịch sử Giáo Hội”.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nói: “Các tín hữu Tin Lành và Công Giáo cùng nói về Luther do sáng kiến của một cơ quan Tòa Thánh, một hội nghị như vậy là điều không thể tưởng tượng được cách đây ít lâu: ở đây chúng ta động chạm một cách cụ thể những thành quả hoạt động của Chúa Thánh Linh, Đấng vượt lên trên mọi biên giới và biến những xung đột thành cơ hội để tăng trưởng trong tình hiệp thông”.

Đức Thánh Cha vui mừng vì hội nghị kỷ niệm này mang lại cơ hội cho các học giả đến từ nhiều tổ chức cùng nhìn các biến cố lịch sử, đào sâu về con người của Luther và sự phê bình của ông chống lại Giáo Hội thời ấy, cũng như chức vụ Giáo Hoàng, những điều ấy chắc chắn sẽ góp phần vượt thắng bầu không khí nghi kỵ và cạnh tranh nhau, đã kéo dài quá lâu trong tương quan giữa hai bên. Theo Đức Thánh Cha, “sự nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiêm túc, không vướng thành kiến và bút chiến ý thức hệ, giúp các Giáo Hội đang đối thoại ngày nay, phân định và đón nhận những gì là tích cực và hợp pháp trong cuộc cải tổ, và xa tránh những sai lầm, phóng đại, thất bại, nhìn nhận những tội lỗi đã đưa tới chia rẽ”.

Và Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “Tất cả chúng ta đều biết là không thể thay đổi quá khứ, nhưng 50 năm sau cuộc đối thoại đại kết giữa Công Giáo và Tin lành, chúng ta có thể thực hiện một sự thanh tẩy ký ức, để có thể “kể lại lịch sự một cách khác”, không mang vết tích oán hận vì những vết thương đã phải chịu, làm cho sự nhận xét về nhau bị lệch lạc”.

12. Khuynh hướng tự tử tại Nhật Bản

Nhật Bản tuy là quốc gia được xếp vào hạng thứ 51 trong các nước hạnh phúc, nhưng dân chúng tại đây lại có khuynh hướng thiên về tự tử.

Một cuộc điều tra do bộ y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản thực hiện và mới công bố kết quả hôm 22 tháng 03 năm 2017, cho biết rằng khoảng 25% tổng số dân Nhật trưởng thành đều đã có ít nhất một lần nghiêm chỉnh nghĩ đến chuyện tự tử, và trầm trọng hơn cả, con số này đang gia tăng.

Hồi năm 2016, có hơn 21 ngàn vụ tự tử thành công tại Nhật. Con số chính xác các vụ tự tử năm 2016 là 21,764 vụ. So với các năm trước, tỷ lệ các vụ tự tử gia tăng: hồi năm 2008, tỷ lệ này là 19.1%, năm 2012 23.4% và năm 2016 tỷ lệ này tăng lên 23.6%.

Trong kết quả, cuộc nghiên cứu cho thấy một ý niệm tuyệt vọng đang lan tràn trong dân Nhật. Cuộc nghiên cứu này bắt nguồn từ mong ước của bộ y tế sức khỏe Nhật, muốn ngăn ngừa các vụ tự tử bằng cách đối đầu với những vấn đề sâu xa khiến cho người dân Nhật toan tính tự tử. Dạo tháng 10 năm 2016, bộ này đã gửi bản thăm dò ý kiến đến 3 ngàn người dân Nhật nam cũng như nữ, trên 20 tuổi. Ðã có hơn 2,000 bản trả lời được gửi trả về bộ.

Theo những bản trả lời này, 36.7% cho biết là đã nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng sau cùng đã vượt thắng được cuộc khủng hoảng, nhờ dành nhiều thời giờ giải trí hoặc tập trung vào công ăn việc làm hơn; trên 32% nhờ chia sẻ tâm sự với người chung quanh. Một chi tiết khác cũng đáng chú ý là gần 50% khẳng định rằng khi gặp khó khăn hay lo âu, họ luôn ngần ngại không muốn cầu cứu hay thổ lộ tâm sự với người khác, dù là các cơ cấu chuyên về việc giúp đỡ tâm lý.

Nhưng có một điểm rất là lạ: đó là trong bản thăm dò ý kiến, hoàn toàn không có câu hỏi nào liên quan đến nguyên do khiến cho một người nghĩ đến chuyện tự tử.

13. Đức Thánh Cha tiếp học viện Giáo Hoàng Tây Ban Nha

Đức Thánh Cha kêu gọi các linh mục thực thi đức bác ái mục tử, yêu mến Chúa hết lòng, vượt thắng cá nhân chủ nghĩa và có tinh thần hy sinh từ bỏ.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 1 tháng 4 dành cho 160 người thuộc ban giám đốc, các linh mục sinh viên và cựu sinh viên Học viện Giáo Hoàng Tây Ban Nha tại Roma, nhân dịp kỷ niệm 125 năm thành lập Học Viện này.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Ricardo Blázquez Pérez, Chủ tịch HĐGM Tây Ban Nha và một số Giám Mục.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa lời Chúa Giêsu trả lời cho một thầy Lêvi: “Con hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực” (Mc 12,30), và ngài rút ra những kết luận thực hành: đức bác ái mục tử đòi chúng ta phải đi ra ngoài, gặp gỡ tha nhân, cảm thông, đón nhận và thành tâm tha thứ cho họ. Nhưng không thể có sự tăng trưởng trong bác ái nếu sống trong cô độc. Vì thế, Chúa kêu gọi chúng ta họp thành một cộng đoàn, để đức bác ái tụ tập tất cả các linh mục trong mối liên hệ đặc biệt của sứ vụ và tình huynh đệ”.

Đức Thánh Cha cũng nói đến thách đố vượt thắng cá nhân chủ nghĩa, sống sự khác biệt như một hồng ân, tìm kiếm sự hiệp nhất trong hàng linh mục, là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống cộng đoàn.

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng việc đào tạo một linh mục không thể chỉ có tính chất trí thức, học vấn, lấy bằng cấp, tuy nó cũng rất quan trọng và cần thiết. Việc đào tạo ấy phải là một tiến trình toàn diện, bao trùm mọi khía cạnh trong cuộc sống, và giúp chúng ta xích lại gần Thiên Chúa và tha nhân.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục đừng hài lòng vì có một cuộc sống ngăn nắp, thoải mái, không phải lo lắng gì; cần từ bỏ những gì dư thừa để giúp đỡ những người túng thiếu và yếu đuối.

14. Đức Thánh Cha thăm trung tâm dành cho người mù

Trung tâm thánh Alessio - Margherita di Savoie dành cho những người khiếm thị đã được Đức Thánh Cha viếng thăm hôm thứ Sáu 31 tháng Ba. Với cuộc viếng thăm này, Đức Thánh Cha muốn tiếp tục chương trình “Thứ sáu lòng thương xót” ngài đã khởi xướng và thực hiện trong Năm Thánh Lòng Thương Xót vào chiều thứ sáu, mỗi tháng 1 lần.

Cùng đi với Đức Thánh Cha, có Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Trong cuộc viếng thăm vừa qua, Đức Thánh Cha gặp gỡ các người khiếm thị hoặc bẩm sinh, hoặc do bệnh tật. Nhiều người cũng mang một số khuyết tật khác. Trong số những người ở trung tâm có khoảng 50 trẻ em được huấn luyện chuyên biệt để làm được những công việc thường nhật, ngoài ra có 37 người già và người lớn cư ngụ thường xuyên tại Trung Tâm.

Đến nơi, Đức Thánh Cha đã được Ông Chủ tịch Trung Tâm Amegeo Piva và Ông Tổng giám đốc Antonio Organtini cùng với các nhân viên y tế, những người thiện nguyện và phục vụ, tiếp đón nồng nhiệt. Ông Organtini này cũng bị mù trong cuộc sống.

Đức Thánh Cha đã để lại một món quà cho trung tâm và ký vào một bản giấy da lưu niệm trong Nhà nguyện, nhắc nhớ cuộc viếng thăm này.

15. Giám mục Tây Ban Nha nói tông huấn Amoris Laetitia phải được diễn giải theo truyền thống của giáo huấn Công Giáo

Một giám mục Tây Ban Nha đã chỉ ra rằng tông huấn Amoris Laetitia phải được diễn giải theo truyền thống liên tục của giáo huấn Công Giáo về hôn nhân và Thánh Thể.

Trong một hướng dẫn dành cho giáo phận của mình, Đức Giám Mục Juan Antonio Reig Pla của Alcala de Henares thừa nhận rằng văn bản của Đức Giáo Hoàng kêu gọi các mục tử giúp đỡ những người Công Giáo bị ly dị và tái hôn theo một con đường biện phân. Nhưng ngài nói rằng con đường đó phải dẫn đến một điểm mà họ “có thể sống phù hợp với những lời của Chúa Giêsu.”

Vị giám mục viết: “Chỉ khi nào họ sẵn lòng thực hiện bước này, họ mới có thể nhận được bí tích Hòa Giải và Thánh Thể”

17. Đức Thánh Cha cho phép các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X được cử hành bí tích Hôn Phối

Với sự đồng ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei (Giáo Hội Chúa) đã gởi một lá thư đến tất cả các giám mục trên thế giới về việc cho phép bí tích Hôn Phối được cử hành bởi các linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X, do Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebvre thành lập.

Lá thư được ký bởi chủ tịch của Uỷ ban Giáo hoàng này, là Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, cũng là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, và vị tổng thư ký, là Đức Tổng Giám Mục Guido Pozzo.

Để hôn nhân là thành sự, cô dâu và chú rể phải nói lên sự ưng thuận của họ trước một linh mục hay phó tế đã được Đức Giám Mục bản quyền cho phép. Cho đến nay, các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X không có năng quyền cử hành bí tích này. Tuy nhiên, theo thông báo mới thì từ nay, Đức Hồng Y Müller và Tổng giám mục Pozzo viết: “Tất cả các linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X có năng quyền ban bí tích hôn phối cho các tín hữu một cách hợp pháp”

Lá thư có đoạn viết:

“Theo cùng một quan điểm mục vụ nhằm trấn an lương tâm của các tín hữu, bất chấp tình trạng bất thường khách quan kéo dài về giáo luật của Huynh Đoàn Thánh Piô X, Đức Thánh Cha, theo đề nghị của Bộ Giáo Lý Đức tin và Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei, đã quyết định cho các Đấng Bản Quyền địa phương khả thể được ban năng quyền cử hành bí tích Hôn Phối cho các linh mục Huynh Đoàn Thánh Piô X đối với các tín hữu dưới sự chăm sóc mục vụ của họ, theo các quy định sau đây.

Trong chừng mực có thể, Đấng Bản Quyền địa phương trao việc cử hành các nghi thức của bí tích Hôn Phối theo nghi thức Phụng Vụ cũ Vetus cho một linh mục của giáo phận (trong bất kỳ trường hợp nào khác cũng nên trao cho một linh mục hoàn toàn hợp lệ) miễn là linh mục này có thể được sự đồng ý của hai bên, sau đó việc cử hành Thánh lễ, theo sau các nghi thức này, có thể được trao cho một linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Nếu không được như thế, hay nếu không có linh mục nào trong giáo phận có thể nhận được sự đồng ý của hai bên thì Đấng Bản Quyền địa phương có thể ban năng quyền cần thiết cho một linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X được cử hành các nghi thức của bí tích Hôn Phối và Thánh Lễ sau đó, trong khi nhắc nhở vị linh mục này về nghĩa vụ phải chuyển càng sớm càng tốt các tài liệu liên quan cho giáo phận.

Lá thư kết luận rằng:

“Phương thế này sẽ giúp giảm bớt sự không thoải mái về lương tâm cho các tín hữu dưới sự chăm sóc mục vụ của Huynh Đoàn Thánh Piô X, cũng như bất kỳ sự không chắc chắn nào về tính thành sự của Bí Tích Hôn Nhân; và đồng thời đẩy mạnh tiến trình hướng tới việc thể chế hóa đầy đủ tổ chức này. Bộ trông mong nơi sự hợp tác của các vị”

Bức thư, được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận vào ngày 24 tháng 3 và đề ngày 27 tháng 3, đã được công bố hôm thứ Ba 4 tháng Tư.