Ngày 04-04-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ẩn hiện
Lm Vũđình Tường
04:46 04/04/2013
Môn đệ Đức Kitô chứng kiến cảnh thầy mình bị nhà cầm quyền kết án tử hình. Ngài vác thập giá lên đỉnh đồi Sọ, nơi đó là nơi đóng đinh người bị kết án. Ngài bị đóng đinh và thực sự chết trên thập tự. Thân xác ngài được chôn trong mộ đá. Nhóm chủ trương giết Đức Kitô vui mừng ăn tiệc vì đã thực hiện thành công âm mưu giết người mình không ưa, không thích. Môn đệ Đức Kitô trái lại tìm đường chạy trốn tản mát khắp nơi. Người tháo chạy về quê cũ mong tránh đại nạn xảy đến. Kẻ lẩn trốn sau cửa then cài mong tránh khỏi nhà cầm quyền lùng bắt. Hy vọng theo Thầy tan vỡ, tương lai mù tối, an toàn bản thân bị đe doạ và bắt bớ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Khi mà những kẻ chống đối Đức Kitô đang ăn mừng chiến thắng thì ngoài kia cũng có một điều huyền diệu, vượt quá sức hiểu biết của con người, âm thầm bùng lên toả sáng như ánh hừng đông. Ánh sáng này chiếu dọi xoá tan bóng tối và đồng thời gây chấn động mãnh liệt trong lòng mọi người. Điều huyền diệu mau chóng loan truyền trên môi miệng mọi người và làm chấn động dư luận, nhất là những kẻ đang ăn mừng chiến thắng vì đã khai trừ được Đức Kitô. Nghe tin họ liền gửi thám tử đi do thám đồng thời ra lệnh ngăn cấm không được loan truyền tin đó cho người khác biết.



Thám tử mau mắn về thuật lại điều mắt thấy tai nghe cho nhóm lãnh đạo. Quả thật, tảng đá chặn ngôi mộ chôn ông Giêsu được ai đó lăn sang một bên. Khi chúng tôi vào trong thấy khăn liệm xác được gấp cẩn thận để vào một phía còn xác ông Giêsu thì không có trong mộ. Theo nhận xét của chúng tôi thì đây có lẽ không phải là việc vội vàng lấy xác rồi ra đi ngay nhưng dành thời giờ dọn dẹp, gấp khăn liệm và bỏ vào một cách gọn gàng. Người đó làm việc cẩn thận, gọn gang, chu đáo và mất nhiều thời gian thế mà đám lính canh ngoài mộ không hề phát giác ra. Quả là điều lạ chúng tôi không thể giải thích.

Ngoài mộ có vài chị phụ nữ mặt mày sáng rỡ, tươi cười, vui mừng kể lại việc chính các bà đã gặp ông Giêsu sống lại từ cõi chết và các bà đã nói chuyện với Ngài. Nhà cầm quyền và những nhà lãnh đạo tôn giáo vẫn biết điều ông Giêsu loan báo trước khi chết là ông sẽ bị kết án, bị giết và sau ba ngày sẽ sống lại nhưng không ai tin là điều tiên đoán đó lại là sự thật. Điều tiên đoán đó nay thành sự thật. Thực tế này khó chối bỏ chỉ còn cách là ra lệnh cấm, hoặc phao tin tuyên truyền phản điều công chúng tin. Tin loan chậm ra sau đó sẽ liệu cách.

Đám thám tử thuật tiếp. Các bà còn cho biết ông Giêsu đã nhờ các bà đưa tin báo cho môn đệ ông tụ họp tại Jerusalem để ông gặp họ. Chúng tôi chất vấn các bà việc ông Giêsu sống lại như bằng cách nào? Họ tỏ ra ngơ ngác, bà này nhìn bà kia không biết. Chứng tỏ các bà không phải là thủ phạm trong vụ mất xác. Các bà xác nhận sự việc xảy ra trước khi các bà đến thăm mộ. Có bà còn nói chúng tôi tưởng đến thăm mộ, thăm kẻ chết nhưng lại vui mừng được đàm đạo với người sống lại t ừ cõi chết. Cũng có nguồn tin khác cho biết ông Giêsu sau khi sống lại đã hiện ra với rất nhiều người và họ đều kể sự kiện, chi tiết hiện ra tương tự nhau. Điều này cho thấy không phải là họ nghe đồn về việc ông Giêsu sống lại từ cõi chết hay bị tuyên truyền, xuyên tạc mà chính họ xác nhận là chứng nhân, đã gặp, nói chuyện với ông Giêsu và ông đã gọi tên từng người. Như thế không thể kết luận họ mơ mộng hay tưởng tượng mà chính là sự thực mà nhiều người sẵn sàng làm nhân chứng sống động. Họ còn thêm sau khi sống lại thân xác ông Giêsu không bị ảnh hưởng bởi thời gian và không gian. Ông có thể âm thầm đi qua cửa then cài vào nhà. Ông có thể vừa hiện ra ở đây rồi vài phút sau lại hiện ra ở nơi cách đây người thường phải đi bộ từ ba bốn ngày. Điều kinh ngạc khác là ông muốn cho ai nhìn thấy ông thì cho còn khi không muốn thì có nhìn cũng không thấy. Ông Giêsu lúc ẩn, lúc hiện nên không thể nào đoán trước hay rình rập bắt quả tang làm chứng. Điều chắc chắn là số người đã gặp ông Giêsu sống lại từ cõi chết rất nhiều. Lạ hơn nữa là môn đệ ông trước đây trốn chạy nay họ tự nhiên ra ánh sáng, vui mừng nói với mọi người là họ không còn sợ nữa vì họ đã gặp được Thầy của họ sống lại từ cõi chết.

Sự việc ông Giêsu sống lại mang đến cho họ hai điều. Thứ nhất họ cảm thấy bình an, ngay cả khi bị bắt, tra tấn, đánh đập, giam cầm họ vẫn trung thành xác nhận, làm chứng điều mắt đã nhìn tai đã nghe. Thứ hai họ không còn sợ chết như trước đây, nhưng vui sống ngay cả trong lao tù, sống trong hy vọng vì họ tin thân xác này chết đi sẽ được ông Giêsu cho sống lại như chính ông Giêsu đã sống lại.

Ngày nay Kitô hữu đặt nền móng trên niềm tin các tông đồ đã thấy, tin và làm chứng Đức Kitô chịu đóng đanh, chết và sống lại từ cõi chết.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Truyền đạt đức tin trong thế giới hôm nay
Lm Đan Vinh
08:57 04/04/2013
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH ABC (Cv 5,12-16 ; Kh 1,9-11a.12-13.17-19 ; Ga 20,19-31)

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 20,19-31

(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ tội ai, thì người ấy bị cầm giữ”. (24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. (25) Các môn đệ khác nói với ông: “chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người. Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. (26) Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. (27) Rồi Người bảo Ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. (28) Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (29) Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (30) Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ. Nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ Danh Người.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng thuật lại hai lần Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ để củng cố niềm tin của các ông như sau: Lần thứ nhất (c 19-25): vào buổi chiều sau khi sống lại, Chúa Phục Sinh đã hiện đến đứng giữa các môn đệ đang hội họp mà không có Tô-ma. Người cho các ông xem các vết thương nơi bàn tay và cạnh sườn để chứng minh Người đã sống lại sau cuộc tử nạn, rồi thổi hơi ban Thánh Thần và trao quyền tha tội cho các ông. Lần thứ hai (c 24-29): Tám ngày sau, Chúa Giê-su lại hiện ra với các môn đệ và có Tô-ma. Người đặc biệt đáp ứng các đòi hỏi của ông. Rồi khi ông đã đạt đến đức tin, thì Người dạy: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 19-20: + Ngày thứ nhất trong tuần: Ngày nay, Giáo Hội đã chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần để mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và gọi là Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. Đây là ngày lễ nghỉ, thay thế cho Thứ Bảy (Sa-bát) của Do Thái Giáo. + Đức Giê-su đến: Người hiện đến trong lúc phòng đang đóng kín. Điều này cho thấy thân xác của Người sau phục sinh có đặc tính thiêng liêng siêu việt, có khả năng hiện diện khắp nơi. + Bình an cho anh em! Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa: Đức Ki-tô Phục Sinh đem lại sự bình an (x. Ga 20,19.21) và niềm vui (x Ga 20,20) cho các môn đệ (x Ga 14,27). + Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Qua đó, Người chứng tỏ Người chính là Đấng đã từng bị đóng đinh thập giá trước đó (x. Ga 19,18), và bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn (x. Ga 19,34). Như vậy có sự liên kết mật thiết giữa hai mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.

- C 21-23 + Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em: Tông đồ nghĩa là “được sai đi”. Sứ mạng này xuất phát từ Chúa Cha truyền cho Đức Giê-su, và giờ đây đến lượt Đức Giê-su Phục Sinh lại truyền cho các môn đệ và tất cả mọi tín hữu. + Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”: Theo Kinh Thánh, hơi thở chính là sự sống. Như xưa, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người A-đam và ban sự sống cho ông (x. St 2,7), thì nay, Đức Giê-su Phục Sinh cũng thổi Thần Khí cho các môn đệ. Rồi đến lượt các môn đệ lại sẽ ban sự sống thiêng liêng ấy cho các tín hữu qua các bí tích. + “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”: Đức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1,29). Khi chữa lành một người bại liệt, Đức Giê-su đã tuyên bố có quyền tha tội (x. Mt 9,6). Trong Tin Mừng hôm nay, Người còn thiết lập bí tích giải tội, để ban quyền tha tội cho các tông đồ bằng việc thông ban Thánh Thần cho các ông. Từ đây các giám mục kế vị các tông đồ sẽ tiếp tục thông ban quyền tha tội cho các linh mục là những cộng sự viên của các ngài.

- C 24-25: + Một người trong Nhóm Mười Hai tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô: Tô-ma là một trong Mười Hai Tông đồ (x. Mt 10,3). Biệt danh là “Sinh Đôi”. Tính tình bộc trực và can đảm (x. Ga 11,16). Ông ưa nêu ra thắc mắc khi Đức Giê-su giảng để được Người dạy cho hiểu rõ hơn (x.Ga 14,5). + Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người...: Tô-ma đòi được “mắt thấy tay sờ”, nghĩa là đòi một đức tin khả giác giống như một nhà khoa học thực nghiệm (x. Ga 20,25). + “... thì tôi chẳng có tin”: Nhiều môn đệ khác cũng cứng tin như thế. Tin Mừng Nhất Lãm đã nói tới sự cứng tin của các ông như sau: “Nhưng có mấy ông vẫn hoài nghi” (Mt 28,17); “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy” (Mc 16,14) ; hoặc Chúa phán: “Sao anh em lại hoảng hốt ? Sao còn ngờ vực trong lòng ?” (Lc 24,38)

- C 26-27: + “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy”. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy: Đức Giê-su đã thoả mãn những đòi hỏi của Tô-ma. + Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin: Tuy khiển trách tội cứng lòng của Tô-ma, nhưng Đức Giê-su cũng thông cảm và chỉ mời gọi ông hãy bỏ đi sự cứng lòng để tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của Người.

- C 28-29: + Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !”: Tô-ma là môn đệ cuối cùng tin Đức Giê-su sống lại, nhưng lại là người đầu tiên tuyên xưng nội dung đức tin đầy đủ nhất về Đức Giê-su: Người vừa là Chúa (Đấng Mê-si-a), vừa là Con Thiên Chúa (x Mt 16,16). + Phúc thay những người không thấy mà tin”: Qua câu này, Chúa Giê-su muốn nói rằng: Từ nay trở đi, đức tin vào mầu nhiệm Phục Sinh sẽ không được dựa trên kinh nghiệm khả giác về các lần hiện ra nữa, nhưng sẽ dựa trên lời chứng của các tông đồ (x. Ga 19,35). Sau này các ông còn sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho đức tin vào mầu nhiệm Phục Sinh này nữa.

4. HỎI ĐÁP:

HỎI 1) Thân xác Chúa Giê-su sau phục sinh có phải là thân xác đã chịu khổ nạn trước đó không?

ĐÁP: Thân xác Chúa Giê-su sau khi phục sinh cũng chính là thân xác đã từng trải qua cuộc khổ nạn. Trong Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su đã chứng minh mầu nhiệm Phục Sinh gắn liền với cuộc Tử Nạn bằng cách: “Cho các môn đệ xem các vết thương ở hai bàn tay và cạnh sườn Người” (c.20). Cho sờ vào Người (x. Lc 24,36-40), và Người còn ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông (x. Lc 24,41-43) để chứng minh Người thực đang sống chứ không phải chỉ là hồn ma.

Tuy nhiên thân xác Chúa Giê-su sau khi phục sinh lại có những đặc tính khác thường như: Đi xuyên qua tường mà vào nhà Tiệc ly đang khi các cửa đều đóng kín vì sợ người Do thái (x. Ga 20,19). Khuôn mặt của Người sau phục sinh biến đổi khác trước khiến bà Ma-ri-a gặp Người mà lầm tưởng là người làm vườn (x. Ga 20.14-15), khiến hai môn đệ làng Em-mau không nhận ra Người trong suốt chặng đường dài Người đồng hành và giải thích Kinh thánh cho họ (x. Lc 24,16). Thân xác Người có đặc tính siêu việt: Dù không có mặt tại chỗ mà vẫn nghe được những đòi hỏi của Tô-ma (x. Ga 20,25).

HỎI 2) Hai lần Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ cách nhau một tuần giống và khác nhau thế nào ?

ĐÁP: Về thời điểm: Cả hai lần Chúa Phục Sinh hiện ra với cộng đòan môn đệ tại nhà Tiệc Ly đều vào buổi chiều Ngày thứ Nhất trong tuần. Từ đây Ngày thứ Nhất trở thành Ngày của Chúa (Chúa Nhật) thay thế cho Ngày Hưu Lễ (Sa-bát) của đạo Do thái. Về sĩ số hiện diện: Lần thứ nhất sĩ số các môn đệ hiện diện là 10 vị do thiếu Tô-ma và lần thứ hai sĩ số đủ 11 vị. Về lời chào: Trong cả hai lần Chúa Phục Sinh đều chào các môn đệ bằng một công thức: “Bình an cho anh em !”.

HỎI 3) Trong lần hiện ra thứ hai với các Tông đồ và có Tô-ma ở đó. Chúa Giê-su đã ra lệnh cho Tô-ma sờ vào các vết thương ở tay và cạnh sườn Người. Vậy Tô-ma có làm như vậy không?

ĐÁP: Tô-ma tượng trưng cho những người cứng tin, chỉ tin Chúa sống lại dựa vào cảm nghiệm và sự xét đoán theo lương tri của mình, chứ không dựa trên người khác. Nhưng trong lần này, sau khi được gặp Chúa Phục Sinh và được nghe Người ra lệnh xỏ ngón tay vào lỗ đinh ở bàn tay, thọc bàn tay vào vết thương ở cạnh sườn Thầy đúng như đòi hỏi trước đó của mình, thì ông đã đạt tới đức tin trọn vẹn, biểu lộ qua lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con!”. Tin mừng không đề cập đến việc ông có sờ vào các vết thương ở tay chân và cạnh sườn của Thầy như ông đã yêu cầu trước đó hay không (c. 27-28).

HỎI 4) Đức tin của ông Tô-ma giá trị thế nào đối với đức tin của các tín hữu sau này ?

ĐÁP: Chúa Giê-su nói với Tô-ma và qua ông, Người muốn nhắn nhủ các tín hữu sau này: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Thực vậy: có những mầu nhiệm về Thiên Chúa, mà người phàm tuy không thể thấy hay không cảm nghiệm được nhưng vẫn phải tin qua các chứng nhân đức tin. Vì đức Tin là điều kiện để được vào Nước Trời của Chúa Giê-su: "Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án" (Mc 16,16).

Nên biết rằng cũng nhờ tuyên xưng đức tin, mà Tông đồ Phê-rô đã được Chúa Giê-su đặt làm đá tảng đức tin của Hội thánh, được trao quyền cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19), được quyền chăn chiên (x. Ga 21,15-17) và quyền củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,23). Các Tông đồ cũng được Chúa Giê-su trao quyền giáo huấn về đức tin: “Ai nghe anh em là nghe Thầy. Ai khước từ anh em là khước từ Thầy. Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40; Lc 10,16).

Tóm lại: Việc Tông đồ Tô-ma cứng tin lại thêm sự bảo đảm cho lòng tin của chúng ta hôm nay. Vì niềm tin vào mầu nhiệm Chúa sống lại của chúng ta không chỉ dựa trên những lời rao giảng mà thôi, nhưng trên đức tin của những chứng nhân có đầu óc sáng suốt và thực tế, đã nhìn thấy tận mắt và đã sờ tận tay mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giê-su. Do đó, thánh Grêgôriô đã nói: ”Chính ngón tay đa nghi của Tô-ma đã trở nên ông thầy của toàn thế giới; bàn tay đa nghi của Tô-ma đã dạy cho mọi người một sự thật cách chắc chắn, đó là Đức Giê-su đã phục sinh”.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).

2. CÂU CHUYỆN: VỀ MỘT PHƯƠNG THẾ TRUYỀN GIÁO HỮU HIỆU

Ngày nay rao giảng về mầu nhiệm Chúa Phục Sinh cho người khác có thể chấp nhận không phải dễ. Ngòai việc cần ơn trợ giúp của Chúa, còn cần phải có chứng tích yêu thương cụ thể của người rao giảng. Câu chuyện sau đây là một bằng chứng:

Một vị linh mục ở nước Bờ-ra-din (Bra-sin) đã thuật lại kinh nghiệm truyền giáo của mình như sau: “Mỗi ngày, khi đi ngang qua một con đường ở Ri-ô đờ Da-nê-rô (Rio de Janeiro), tôi đều thấy một thanh niên ngồi dựa lưng vào tường và chìa chiếc nón ra xin tiền khách qua đường. Anh ta không đi lại được vì đôi chân bị què. Sau đó vì qua lại nhiều lần trên con đường này, nên tôi không còn để ý đến chàng thanh niên hành khất bị què kia.

Rồi một hôm, khi tôi đang đứng nói chuyện với một người quen ở một bên đường, thì thấy có nhiều người đi bộ ngang qua chỗ anh què ăn xin mà như không nhìn thấy anh và không chia sẻ tiền bạc gì để giúp đỡ anh. Tôi liền nghĩ đến thái độ làm lơ của thầy Tư tế và thầy Lê-vi trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu. Hai ông này đã tránh sang một bên đường mà đi và chỉ có người Sa-ma-ri ngoại giáo đã tỏ lòng thương xót nạn nhân bằng hành động cụ thể (x. Lc 10,30-35). Tôi quyết định noi gương người Sa-ma-ri nên đã vui vẻ tiến lại gần bắt chuyện: “Này anh bạn, anh có thể đứng dậy được không? Anh có muốn đi đứng giống như mọi người không? ...”Anh ta đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi dò xét, và khi đọc được sự thành thật trên gương mặt của tôi, anh đã trả lời: “Tôi luôn hy vọng sẽ có ngày cuộc đời của tôi tốt hơn và tôi được thoát khỏi cái nghề ăn xin nhục nhã hiện nay. Dĩ nhiên là tôi mơ ước một ngày nào đó tôi có thể tự mình đi đứng được như bao người khác. Nhưng làm sao kiếm ra tiền để lắp một đôi chân giả và mua được một cặp nạng đây?” Sau khi nghe anh tâm sự, tôi đã síết chặt tay anh và nói: “Tôi xin hứa là trong một ngày gần đây, giấc mơ của anh sẽ trở thành hiện thực”.

Trong bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật mùa Chay hôm ấy, tôi đã kể về số phận đáng thương của người ăn xin này cùng với ước mơ nhỏ bé của anh. Rồi tôi đề nghị cộng đoàn cùng nhau làm một cuộc lạc quyên tại chỗ để giúp đỡ anh ta như một cách ăn chay tinh thần. Số tiền lạc quyên thu được hôm ấy đã gần đủ chi phí làm đôi chân giả và cặp nạng gỗ mà người ăn xin cần sử dụng. Tuần sau, khi tôi và hai đại diện cộng đoàn đến gặp và cho biết kết quả thì chàng thanh niên kia rất vui mừng. Ngay lúc đó, anh được chở đến bệnh viện chấn thương chỉnh hình để được ráp một đôi chân giả, và tập đi với đôi nạng mới.

Trong lễ Phục Sinh năm ấy, tôi mời anh đến nhà thờ dự lễ và dành cho anh chỗ ngồi đặc biệt cạnh bàn thờ chính. Trong bài giảng, tôi đã đề cập đến trường hợp của anh như sau: “Hôm nay chúng ta mừng ngày Chúa Giê-su trỗi dậy từ trong cõi chết, bước vào một cuộc sống mới. Người kêu gọi chúng ta mở rộng lòng giúp đỡ những anh chị em đang lâm cảnh nghèo khổ để họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hôm nay, nhờ sự quảng đại của cộng đòan mà anh bạn của chúng ta đây đã nhận được một cuộc sống mới”. Nói đến đây tôi mời anh què đứng dậy để giới thiệu anh với cộng đoàn. Sau đó mọi người trong nhà thờ đều phấn khởi khi nghe những lời phát biểu chân thành của anh, và vỗ tay tán thưởng khi nghe anh ngỏ ý xin gia nhập cộng đoàn. Cuối cùng anh què đã được xếp vào đội hình những người lên dâng lễ hôm đó.

3. SUY NIỆM:

1) Dễ tin và cứng tin: Trong đời sống hằng ngày, ngòai việc nhận biết nhờ tai nghe hay mắt thấy, chúng ta còn phải tin vào lời dạy của thầy cô thì mới có thể thăng tiến về học tập và kiến thức, phải tin vào cha mẹ mới có thể nên người được, phải tin vào lời nói của các đối tác làm ăn mới có thể kinh doanh thành công được... Tuy nhiên thực tế cũng có nhiều người đã bị lừa vì dễ tin lời nói ngon ngọt. Vậy về việc tin vào lời nói của người khác chỉ thực sự tốt đẹp nếu người nói là người đáng tin, điều họ nói hợp lý và người nghe phần nào có cảm nghiệm về điều ấy.

Riêng về mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su, các môn đệ không phải là những người dễ tin: Dù các ông đã được nghe Đức Giê-su ba lần tiên báo về cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, nhưng các ông vẫn không muốn chấp nhận (x Mt 16,21-23). Rồi sau cuộc tử nạn của Chúa, khi bà Ma-ri-a Mác-đa-la báo tin Thầy Giê-su vẫn còn sống và chính bà đã được nhìn thấy Người, nhưng các ông vẫn không tin (x Mc 16,9-11). Vào chiều ngày Thứ Nhất trong tuần, khi Chúa Giê-su Phục Sinh hiện đến thì các môn đệ lại sợ hãi như nhìn thấy ma. Chúa Giê-su đã trấn an và chứng minh Người không phải là ma như sau: “Sao anh em lại hỏang hốt ? Sao anh em ngờ vực trong lòng ? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,38-40). Sau đó thấy các ông vẫn chưa tin, Người đã ăn một mẩu cá nướng trước mặt các ông (x Lc 24,41-43).

2) Đức tin của Tô-ma và của các tín hữu chúng ta: Tuy Tô-ma là người cứng tin, nhưng sau khi đã được gặp gỡ Chúa và đã cảm nghiệm về sự phục sinh của Người, ông đã đạt tới một đức tin sâu xa và vững mạnh nhất, thể hiện qua lời tuyên xưng đức tin : “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con !” (Ga 20,28). Chúa Giê-su cũng qua ông Tô-ma chúc phúc cho các tín hữu sẽ tin theo Người sau này như sau: “Vì đã trông thấy Thầy, nên con tin. Phúc thay người không thấy mà tin”. Ngày nay tuy không ai trong chúng ta được gặp Chúa Phục Sinh, không trực tiếp nghe lời nói của Người, cũng không được ăn uống tiếp xúc với Người như các Tông đồ xưa, nhưng đức tin của chúng ta sẽ có phúc nếu chúng ta tin vào lời rao giảng của các Tông đồ là những chứng nhân đức tin, là những người không dễ tin nhưng đã từng cảm nghiệm về mầu nhiệm phục sinh như ông Tô-ma trong Tin Mừng hôm nay. Do đó, cùng với thánh Grêgôriô chúng ta có thể nói: “Ngón tay đa nghi của Tô-ma đã trở nên ông thầy của toàn thế giới ; bàn tay đa nghi của Tô-ma đã dạy cho mọi người một sự thật chắc chắn, đó là thân xác Đức Giê-su Ki-tô thực sự đã sống lại”.

3) Sứ vụ cứu độ của Hội Thánh hôm nay là gì ? : Đức Giê-su Phục Sinh cũng tiếp tục trao sứ mạng “xóa bỏ tội lỗi và ban ơn tha tội” cho Hội thánh như sau: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội ai thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23). Việc tha tội này được thực hiện bằng việc rao giảng Tin mừng và ban bí tích rửa tội cho những ai có lòng tin (x. Mt 28,19-20), và ơn tha tội qua bí tích giải tội. Quyền tha tội này chính là quyền “cầm buộc và tháo cởi” đã được Đức Giê-su trao cho Tông đồ Phê-rô (x. Mt 16,19) và trao chung cho Nhóm Muời Hai (x. Mt 18,18).

4) Truyền đạt Đức Tin cho con người ngày nay bằng cách nào ? : Trước khi về trời, Chúa Phục Sinh đã trao cho Hội Thánh sứ vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân (x Mt 28,19-20). Sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho con người ngày nay không dễ chút nào. Muốn thuyết phục người ngày nay tin vào Chúa Giê-su, tin vào lời Người rao giảng thì cần có những điều kiện như sau:

- Một là phải nhận được ơn Thánh Thần: Ta hãy năng cầu nguyện kết hiệp với Đức Mẹ Ma-ri-a, các anh em Chúa, các Tông đồ và môn đệ như trong lễ Ngũ Tuần. Chỉ khi có ơn Thánh Thần thôi thúc trợ giúp, việc tông đồ truyền giáo mới mang lại thành công như lời Chúa Giê-su dạy: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

- Hai là hiệp nhất với Chúa qua việc vâng lời các mục tử trong Hội Thánh: Khi kết hiệp với Chúa Giê-su qua việc vâng phục các vị chủ chăn trong Hội Thánh, công việc tông đồ của chúng ta mới có thể mang lại kết quả tốt đẹp, như ông Si-mon đã thưa với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng tôi đa vất vả suốt đêm, mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Các ông đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới (Lc 5,6).

- Ba là phải rao giảng bằng lối sống chứng nhân tình thương: Thế giới ngày nay đầy rẫy những kẻ hoài nghi và không tin tưởng. Cách thức duy nhất làm cho họ được ơn biến đổi trong lòng tin là làm sao để họ có thể “nhìn thấy” Đức Giêsu và “đụng chạm“ vào Người qua con người nhân bản của các tín hữu, qua lời nói thân thiện lễ độ và lối ứng xử khiêm tốn phục vụ vị tha của chúng ta. Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lo II đã nói: “Người thời nay không thích nghe các thầy dạy, mà chỉ thấy các chứng nhân; và giả sử như người ta có thích nghe các thầy dạy, thì các thầy dạy đó trước tiên phải là những chứng nhân”.

- Hôm nay cũng là lễ kính “Lòng Thương xót của Chúa” mà Đức Gioan-Phaolô II đã thiết lập ngày 30-4-2000. Chúng ta hãy nhớ đến hình ảnh Đức Giê-su từ bi thương xót do thánh Faus-ti-na Ko-wals-ka để lại: Người mặc y phục trắng, bàn tay phải ban phép lành, bàn tay trái vén mép áo ngực, từ đó thoát ra các tia sáng xám và đỏ, tượng trưng Bí tích Thánh Thể và Bí tích Rửa Tội. Đức Giêsu là hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng với thánh nữ Faus-ti-na Ko-wals-ka thưa với Người rằng: “Lạy Chúa Giê-su, con xin tín thác vào Người !” Chúng ta hãy trở thành hiện thân của Lòng Chúa thương xót qua lối sống hiệp nhất, chia sẻ nâng đỡ nhau, sẵn sàng tha thứ cho nhau.

4. THẢO LUẬN: 1- Bạn đánh giá thế nào về phương cách truyền giáo của vị linh mục người Bờ-ra-din trong câu chuyện trên? 2- Qua bí tích thêm sức, bạn đã được Chúa Phục Sinh thổi hơi thông ban Thánh Thần và được trao sứ vụ“làm chứng nhân” cho Chúa. Vậy bạn quyết tâm sẽ làm gì trong những ngày này để đưa một người chưa biết Chúa được tin nhận vào Người ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Tông đồ Tô-ma tuy lúc đầu cứng lòng tin, nhưng sau đó đã đạt đến một đức tin trọn hảo khi gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Chính sự “cứng lòng” của Tô-ma lại trở thành chỗ dựa vững chắc cho đức tin của chúng con hôm nay. Rồi các tông đồ cũng đã tỏ ra trung thực và khiêm tốn khi thuật lại cả những điều thiếu sót, các sự chậm tin và hồ nghi của mình để đức tin của chúng con hôm nay được thêm vững mạnh. Giờ đây cùng với Tô-ma xưa, chúng con long trọng tuyên xưng rằng: “Lạy Chúa là Cứu Chúa và là Thiên Chúa của con”.

- LẠY CHÚA. Trong những ngày này, xin cho chúng con thêm xác tín vào quyền năng của Chúa, để năng thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con tin ! Nhưng xin Chúa hãy trợ giúp lòng tin yếu kém của con!” (x. Mc 9,24). Con nhận thấy đức tin của con hiện vẫn còn yếu đuối và có nguy cơ chết dần do thiếu hành động, như lời thánh Gia-cô-bê: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Xin cho chúng con biết tuyên xưng đức tin bằng lời nói, và nhất là bằng các việc bác ái cụ thể như: thăm viếng, an ủi những người đau khổ; nhường cơm xẻ áo cho những người đói rách bất hạnh... như Chúa dạy và được Hội thánh tóm lại trong kinh “Thương người”. Vì đây là phương thế truyền giáo hữu hiệu nhất trong thế giới hôm nay.
 
Các vết sẹo dấu chứng phục sinh
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:59 04/04/2013
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH ABC (Cv 5,12-16 ; Kh 1,9-11a.12-13.17-19 ; Ga 20,19-31)

Trong mùa Phục Sinh, các bài đọc sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại: mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ, Ngài đều trao ban bình an: “bình an cho các con” và “cho các ông xem tay chân và cạnh sườn” là những vết thương cuộc khổ nạn của Ngài.

Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo.Tôma muốn sờ đến để biết chắc Thầy đã sống lại. Khi Chúa Phục Sinh mời gọi Tôma: “hãy đặt ngón tay vào lỗ đinh và hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn”, chắc hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh. Khi ấy, Tôma khám phá thật sâu một Tình Yêu.Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông. Các vết sẹo của Thầy đã chữa lành vết thương hoài nghi của Tôma. Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân. Ông thoát ra khỏi sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin. Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy. Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.

Tại sao thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang các thương tích của cuộc khổ nạn? Các vết sẹo ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

1. Những vết sẹo giúp các môn đệ nhận ra Chúa

Chúa Giêsu phục sinh giúp các môn đệ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo. Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn. Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng: Thầy chính là Đấng đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được tử thần. Các môn đệ mặc dầu được tiên báo trước về cuộc Phục sinh (Mt 18,31-34), nhưng những tang tóc và lo sợ xâm chiếm hết tâm hồn họ lúc này. Cho nên để họ được an tâm và bình an hơn, Chúa nói: “hãy xem chân tay Thầy đây...”. Thân xác phục sinh của Chúa bây giờ vẫn còn mang những dấu vết của cuộc thụ nạn như các dấu đinh, lằn roi... Chúa bảo họ cứ sờ vào đó để khỏi còn phải nghi ngờ về bóng ma hay thần linh nào khác “Chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39); “Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,40). Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay nhen lửa và nướng cá bên biển hồ Tibêria. Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ.(x.Ga 21,1-14).

Các Tông đồ đã thấy được thân xác vinh quang phục sinh của Chúa.

Thân xác Chúa phục sinh cũng là thân xác trước khổ nạn, nhưng nay không còn bị lệ thuộc vào không gian vào thời gian như thân xác trước nữa. Chúa ra khỏi mồ (Lc 24,3), Chúa vào giữa nhà các Tông đồ đang cửa đóng then cài (Ga 20,19), Chúa đi trên biển (Ga 21,7). Vì thế, thánh Phaolô gọi thân xác phục sinh của Chúa là thân xác thiêng liêng, chí thiện (1Cr 15,40). Thánh Thần tràn ngập trong thân xác ấy.Thân xác Chúa Kitô Phục Sinh được Kinh Thánh gọi là: bất tử (1Cor 15,53), bất diệt, linh thiêng (1Cor 15,44), bất khả thực (Kh 7,16), huyền diệu (Mt 28,1; Ga 20,19). Lanh lẹ (Lc 24,26). Chúa Kitô Phục Sinh đã cởi bỏ tất cả những yếu hèn của nhân loại như đói khát, mệt mỏi. Dù Chúa có ăn uống chút ít, song đó không phải là nhu cầu tự nhiên. Nhưng Chúa làm như vậy để các Tông đồ xác tín hơn rằng Ngài đã sống lại thật với cùng một thân xác trước kia.

2. Những vết sẹo là chứng tích của tình yêu cao cả

Thương tích trên thân thể phục sinh của Chúa Giêsu là một nhắc nhở rằng, Ngài là Thiên Chúa nhưng cũng là một con người như chúng ta, và Ngài đã chịu đau khổ để thông cảm với mọi đau khổ của loài người và để làm gương cho chúng ta.

Khi nhìn đến Chúa Giêsu với các thương tích của cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ cảm thấy an ủi hơn, gần gũi hơn với Thiên Chúa và cố gắng vươn lên, không chìm đắm trong buồn sầu cay đắng, không tầm thường hóa cuộc đời trong tội lỗi và vững tin rằng, sự sống lại vinh hiển có giá trị hơn đời này gấp bao lần mà chính Chúa Giêsu đã mở đường đi về sự sống mới.

Qua cuộc khổ nạn mà các vết sẹo vẫn còn lưu lại trên thân thể, Chúa Giêsu Phục Sinh muốn nói với chúng ta rằng sự đau khổ, trong ý nghĩa tích cực là những hy sinh có giá trị cứu độ. Với các vết sẹo ấy, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, đau khổ không là một bất hạnh cần phải lẫn tránh, mà tội lỗi gây ra đau khổ mới là điều xấu xa cần phải tránh xa.

Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi ban chính Người Con Một; và Người Con Một đã yêu cho đến cùng, đã chịu khổ nạn với trái tim bị đâm thâu khi tự hiến trên thánh giá. Chúng ta cũng phải đáp trả sao cho cân xứng với tình yêu ấy.

Có câu chuyện “Trái tim có nhiều vết sẹo” diễn tả tình yêu chia sẽ trao ban qua những thương tích cuộc đời.

Một buổi chiều trong công viên, có một chàng trai đang chăm chú vẽ một trái tim. Trên khung giấy trắng dần dần hiện ra một trái tim thật đẹp, thật hoàn hảo khiến mọi người đứng xem đều trầm trồ khen ngợi.

Bỗng một ông lão đi đến. Ông trầm tư ngắm nghía bức tranh của chàng trai một hồi lâu, rồi lặng lẽ mượn bút vẽ một hình thoạt nhìn rất lạ, nhìn thật kỹ mới nhận ra đó là hình một trái tim…

Chàng trai ngac nhiên nhìn trái tim ông lão vừa vẽ, nó bị chắp vá chằng chịt, nhưng rõ ràng vẫn là một trái tim. Trên trái tim ấy, có chỗ như bị khuyết lõm, có chỗ như bị cắt đi và được ghép nối bởi những mảnh to nhỏ khác nhau. Mọi người bắt đầu bàn tán và lắc đầu tỏ ý không hiểu ý nghĩa hình vẽ trái tim của ông lão.

Chàng trai thắc mắc:

- Cụ ơi! Cháu không hiểu vì sao ông lại vẽ trái tim như vậy? Làm sao trái tim lại mang nhiều vết sẹo và ráp nối như thế?

Ông cụ mỉm cười rồi nói:

- Đúng! Trái tim của ta có thể không hoàn hảo, nhưng nó là một trái tim thật sự. Đấy chỉ là do trái tim này đã có thời gian sống và trải nghiệm nhiều hơn trái tim của cậu. Hãy nhìn những dấu vết này! Tuy có nhiều thương tích nhưng tôi luôn tự hào về nó. Cậu biết không, khi tôi trao một mảnh tim của tôi cho một người thân, cha mẹ, anh chị, bạn bè và cả những người mà tôi tình cờ gặp được… thì ngược lại, họ cũng trao cho tôi một mảnh tim của họ để đắp vào chỗ trống ấy. Những mảnh tim này không hoàn toàn giống nhau: phần trái tim mà cha mẹ trao cho tôi bao giờ cũng lớn hơn phần tôi trao lại; con gái tôi dành cho tôi phần trái tim trong trẻo nhất; bạn đời tôi tặng cho tôi phần trái tim đẹp nhất và chung thủy nhất… Những mảnh tim ấy đã ghép vàp nhau và tạo thành những vết chắp vá của trái tim tôi. Chính điều này luôn nhắc tôi nhớ về những người tôi yêu dấu, những tình yêu mà tôi đã được chia sẻ trong đời…

Ông lão nói tiếp:

- Còn những vết lõm này là phần trái tim tôi trao đi mà chưa được nhận lại. Cậu biết đấy, tình yêu trao đi chẳng cần đến sự đền đáp. Dù những khoảng trống này nhiều lúc làm tôi đau đớn, nhưng cũng chính nhờ chúng mà tôi có động lực để khao khát được sống, và có niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Chàng trai ạ, nhờ những mảnh chắp vá này mà trái tim của tôi có sức sống mãnh liệt, trưởng thành và cảm nhận cuộc sống trọn vẹn, sâu sắc hơn.

Đám đông im lặng, còn chàng trai không giấu được nỗi xúc động đang dâng trào trong lòng. Anh tự hào cầm bút cắt đi một mảnh trong trái tim hoàn hảo của mình và đắp vào một phần khuyết của trái tim ông lão. Đáp lại, ông lão cũng tặng anh một mảnh trái tim ông.

Giờ đây, trái tim của chàng trai đã có một vết sẹo. Tuy không còn hoàn hảo nữa, nhưng chàng trai cảm thấy trái tim mình đầy sức sống hơn bao giờ hết. Anh nhận ra sức mạnh và vẻ đẹp của trái tim không phải ở chỗ nó được giữ kỹ để không có một vết tích, tổn thương nào của cuộc đời mà trái lại, càng hòa nhập và biết chia sẻ, dám yêu, dám sống và sẵn sàng cho đi, trái tim của con người càng trở nên nhạy cảm, sâu sắc và đập mạnh mẽ hơn...

3. Những vết sẹo là dấu chứng của phục sinh

Thân xác Chúa Phục Sinh mang những vết sẹo cuộc khổ nạn. Những cái sẹo ấy sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc. Những cái sẹo gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau. Nhưng nếu không có những cái sẹo thì cũng chẳng có phục sinh. Chúa Giêsu vượt thắng sự chết, đập tan quyền lực của tử thần, Ngài phục sinh và bước vào một cuộc sống mới viên mãn hơn, vững bền hơn. Dẫu rằng vẫn còn đó những dấu vết của thương đau, những vết sẹo của bạo lực bất công, nhưng giờ đây Ngài đã khởi sự một sự sống bất diệt, vượt trên vòng lao lý của khổ đau, của giới hạn kiếp người, Ngài đã bước vào thế giới của niềm vui, của Tình Yêu!

Con người chúng ta, ai cũng thường mang những vết sẹo trên thân xác. Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng trời kỷ niệm. Sống chiều kích Phục Sinh trong ý nghĩa trao ban và tận hiến chính là sống ý nghĩa “trái tim có nhiều vết sẹo”.

Nếu hiểu cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là sự vượt qua nghịch cảnh để bước vào đời sống mới, thì mỗi khi một cá nhân, một gia đình hoặc một tập thể vượt qua được những nghịch cảnh của đời mình thì cũng có thể gọi đó là sự phục sinh!

Tony Melendez là một người Nicaragua, sinh năm 1962 và bị mất cả hai tay vì ảnh hưởng tai hại của một loại thuốc cảm cúm mà bà mẹ đã uống khi không biết là bà đang mang thai. Sau khi Tony được 1 tuổi, cả gia đình được ông ngoại bảo lãnh sang Los Angeles Hoa Kỳ, ở đây Tony học sử dụng mọi thứ bằng đôi chân, kể cả học đánh đàn ghita. Đến năm 16 tuổi, với cây đàn ghita, anh thường hát dạo ở một góc phố Laguna Beach để kiếm tiền cho gia đình. Anh cũng rất chán nản với tương lai đi ăn xin như vậy, và anh tự hỏi, "chẳng lẽ cuộc đời mình chỉ đi ăn xin như thế thôi hay sao?".

Rồi một ngày kia anh nhận được lá thư mời đến trình diễn cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong ngày Đại Hội Giới Trẻ vào tháng 9 năm 1987 ở Los Angeles. Trong cuộc họp mặt đó có trên 6.000 người trẻ từ khắp nơi đến tham dự.

Anh đã nhận lời trình diễn và cũng kể từ đó cuộc đời anh thay đổi. Sau khi trình diễn một bài do anh sáng tác, cả hội trường đứng dậy hoan hô anh, ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng đứng dậy và đi đến tận bục trình diễn để hôn anh, và điều quan trọng là câu nói của Đức Gioan Phaolô II. Ngài nói, "Tony, con là một người thực sự can đảm. Con đang đem lại hy vọng cho mọi người ở đây. Cha ao ước con sẽ tiếp tục đem hy vọng cho tất cả mọi người".

Từ lúc đó trở đi, anh được mời đi lưu diễn ở nhiều nơi trong nước, và bất cứ ai trông thấy một thanh niên cụt hai tay nhưng vui vẻ dùng đôi chân đánh đàn và say sưa cất tiếng hát với những lời lẽ không than van, không cay đắng, không oán hờn thì tất cả mọi người đều ngập tràn hy vọng. Chính Tony, anh chia sẻ như thế này: "Có lúc tôi thực sự tin rằng tôi phải có đầy đủ chân tay, mắt mũi để yêu thương, để phục vụ, để lo lắng cho người khác. Tôi nghĩ là tôi cần những điều đó. Dĩ nhiên, có đôi tay thì giúp đỡ người khác dễ dàng hơn. Nhưng tình yêu thì không cần đôi tay. Để yêu thương ai đó, tất cả những gì bạn cần là con tim và để ý đến họ."

Với thân thể tật nguyền, Tony Melendez đã đem lại hy vọng cho những người thấy anh trình diễn. Đó là chứng từ của một hành trình phục sinh.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các chiến lược tân phúc âm hóa
Vũ Văn An
11:19 04/04/2013
Các chiến lược tân phúc âm hóa

Vũ Văn An 2/7/2013

________________________________________

Thượng Hội Đồng về Tân Phúc Âm Hóa tuy không đưa ra được một viễn tượng mới và một chiến lược tổng thể để tân phúc âm hóa, nhưng thực sự đã đẩy mạnh một cách tiếp cận khác hẳn, rất phong phú, có tính mục vụ đối với đời sống Công Giáo ngày nay.

Cách tiếp cận trên gồm các thành tố chính sau đây: tạo bối cảnh cho hoạt động mục vụ; nhìn Thiên Chúa theo cái nhìn mạc khải của Chúa Giêsu; tiếp nhận lối nhìn của Chúa Giêsu bằng việc hồi tâm và đích thân bước chân theo Người; nối rộng tầm nhìn ấy qua các mối liên hệ gần gũi nhất hàng ngày, nhất là liên hệ gia đình; qua việc tham dự vào các cộng đoàn nhỏ (cộng đoàn căn bản); biến đổi giáo xứ qua việc hồi tâm, huấn luyện môn đệ và nối vòng tay lớn; xây dựng hợp tác qua các mối dây đại kết và các phong trào Giáo Hội; và sau cùng, một Giáo Hội đổi mới.

Có thể gọi những thành tố ấy là những ngọn nến nhỏ, mà nếu cùng đốt lên được, chúng sẽ tạo thành ngọn lửa mới của mùa gặt tân phúc âm hóa.

Bén rễ trong đức tin

Hiển nhiên, việc sút giảm trầm trọng tỷ lệ những người thường xuyên liên hệ với Giáo Hội tại các nước đang phát triển là nguyên nhân chính đem lại lời kêu gọi tân phúc âm hóa. Người ta đưa ra nhiều lý thuyết để giải thích đà sút giảm này. Tuy nhiên, nguyên nhân chính được nêu đích danh hiện nay chính là chủ nghĩa duy thế tục với rất nhiều chủ nghĩa phụ họa đi theo như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa duy vật. Những chủ nghĩa này đang lên bản sắc không những cho thế giới phát triển nói chung, mà điều khủng khiếp hơn, nó còn lên bản sắc cho cả các tín hữu nữa. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng công khai nói đến “sa mạc” của thế giới hiện đại, trong đó Thiên Chúa không còn được nhắc tới nữa.

Thành thử, tân phúc âm hóa mời gọi con người hiện đại tái khám phá ra Thiên Chúa qua mối liên hệ bản thân với Chúa Giêsu Kitô. Trọng tâm của tân phúc âm hóa là đích thân cảm nhận được Chúa Giêsu Kitô một cách mới mẻ trong mọi chiều kích của Người: trong Lời Chúa, trong bí tích, trong cộng đoàn và nơi người nghèo. Thượng Hội Đồng thường nói tới Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu phái tới để giúp ta đích thân tham dự vào thực tại Thiên Chúa.

Tất cả những điều trên đều là chiến lược giúp ta hồi tâm, đều là các chiến lược nhằm kêu gọi người Công Giáo hồi tâm sâu xa và giúp họ hiểu ra rằng đời họ là một đời cảm nghiệm hồi tâm. Các thừa tác vụ Lời Chúa, nhất là các thừa tác vụ phụng vụ và cầu nguyện, đem tín hữu tới việc tiếp xúc sống động với Chúa Giêsu Kitô. Các chiến lược hồi tâm này giúp người Công Giáo nhận ra ơn tha thứ, ơn chữa lành, ơn canh tân và tình yêu vô điều kiện vốn là thành phần trong cảm nghiệm sống của họ. Việc hồi tâm này diễn ra trong khi người Công Giáo cảm nghiệm Thánh Lễ, các bí tích và việc cầu nguyện hàng ngày.

Người Công Giáo tiếp nhận được tầm nhìn mới qua cảm nghiệm đời sống Công Giáo của họ. Lời Thiên Chúa mở rộng tầm nhìn này; việc cử hành bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, thâm hậu hóa tầm nhìn hồi tâm ấy trong tâm hồn người Công Giáo. Điều này mời gọi họ có thái độ thờ phượng hoàn toàn khác với thói quen tẻ nhạt “đi lễ cho xong” trong vòng 45 hay 50 phút xưa nay của họ.

Đôi khi các nghị phụ của Thượng Hội Đồng cũng nói tới nhu cầu hồi tâm nơi các vị giám mục và hàng giáo sĩ nữa. Điều này có thể khiến nhiều người ở cả bên trong lẫn ở bên ngoài Giáo Hội phải ngỡ ngàng: làm thế nào các nhà lãnh đạo Giáo Hội lại có thể không hiểu cái cốt lõi của cảm nghiệm đức tin này? Tuy nhiên, có nghị phụ đã minh nhiên nói tới việc hàng giáo sĩ quá dễ dàng trở thành các viên chức chứ không phải những nhà truyền giáo, chỉ chú tâm vào những nhu cầu tổ chức bề ngoài hơn là lo lắng xây dựng mối liên hệ với Thiên Chúa.

Nhiều nghị phụ khác nói tới việc phải tập chú vào hàng ngũ giáo dân, cả trong các vai trò chuyên nghiệp như giáo lý viên lẫn trong cuộc sống hàng ngày làm chứng nhân Chúa Kitô của họ. Tân phúc âm hóa sẽ không tài nào hiểu nổi nếu không có các giáo lý viên, những người giáo dân lo vun trồng Lời Chúa và chi tiết hóa nó trong huấn giáo của Giáo Hội, trong cuộc sống tín hữu, một cách đầy bản vị và mạnh mẽ. Các nghị phụ coi diễn trình dự tòng (Nghi Lễ Khai Tâm Kitô Giáo Cho Người Trưởng Thành) như là một trong các hồng phúc vĩ đại của Công Đồng Vatican II, một diễn trình hồi tâm và lớn lên được coi như điển hình hàng đầu của mọi diễn trình giáo lý.

Quan điểm trên phát sinh ra hàng loạt các can dự thiêng liêng trên cả hai bình diện bản thân và giáo xứ, tất cả nhằm đem người Công Giáo tới con đường hồi tâm chắc chắn hơn. Các giáo hội địa phương và các giáo xứ có thể tập chú vào các kinh nghiệm canh tân, các biến cố cầu nguyện, các buổi thờ lạy trong Chúa Thánh Thần, cùng với các buổi tĩnh tâm và “đại phúc” của giáo xứ để đẩy mạnh cảm thức hồi tâm này. Dĩ nhiên, cả các buổi cầu nguyện hàng ngày cũng phải trở thành một phần của cảm nghiệm hồi tâm liên tục để mỗi ngày một trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Phải cần nhiều năm người ta mới khai triển hết các hệ luận của chiều hướng hồi tâm này.

Gia đình và cộng đoàn

Không một phiên họp nào của Thượng Hội Đồng qua đi mà gia đình lại không được nhắc đến. Các nghị phụ coi cha mẹ và gia đình là các nhân tố không thể nào miễn chuẩn được đối với việc tân phúc âm hóa. Gọi gia đình là “giáo hội tại gia”, các nghị phụ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cảm nghiệm sống đức tin và hồi tâm trong gia đình, coi nó như yếu tố chủ chốt trong việc chuyển giao đức tin. Chắc chắn lòng đạo bình dân thuộc lãnh vực này. Lòng đạo này chính là các hình thức sùng kính bộc phát và sâu sắc từng xác định ra nền văn hóa Công Giáo và cả bản sắc các gia đình trong nền văn hóa ấy nữa, trong đó, cò lòng sùng kính Đức Maria, lòng sùng kính các thánh và Kinh Mân Côi.

Dù nhiều nghị phụ gi nhận có nhiều khó khăn như các áp lực đối nghịch nhằm phá hoại cảm thức hợp nhất của gia đình, những gia đình bị tan vỡ, nhiều gia đình không có tính hạt nhân, cũng như nhiều gia đình sống trong cảnh ly dị hoặc ly thân, các ngài vẫn cho rằng đây không hẳn là lý do khiến ta không chia sẻ đức tin trong gia đình; ngược lại, các ngài còn khuyến khích ta càng nên chia sẻ đức tin với nhau hơn nữa.

Nhiều giám mục từ các nước đang phát triển nhấn mạnh rằng các cộng đoàn Kitô giáo nho nhỏ mà có nơi gọi là các cộng đoàn căn bản đã trở thành nhân tố chủ yếu trong việc phát triển và duy trì đức tin. Các ngài nói đến cung cách người Công Giáo góp tay vào việc củng cố đức tin của người khác, do đó, trở thành một phần của hệ thống trợ giúp lớn hơn nhằm đem kinh nghiệm hồi tâm đến với người khác. Các giáo xứ tại các nước đã phát triển nên học hỏi lợi ích do các cộng đoàn đức tin này tích góp được xưa nay.

Về phương diện tổ chức, các nhóm nhỏ có thể thực hiện được điều mà các giáo xứ, vì quá lớn và thường có tính ẩn danh, nên không thể thực hiện được. Các nhóm nhỏ này đem lại cho cảm nghiệm sống Công Giáo một khuôn mặt bản vị. Ngoài ra, chúng còn là điểm đầu tiên của vòng tay lớn nối liền với những người không phải là tín hữu, mời gọi được con số mỗi ngày một lớn hơn những người xưa nay chưa hề lưu tâm bước vào liên hệ đức tin với ta. Một số người có thể thấy mình khó mà bước vào một nhà thờ giáo xứ, nhưng bước vào nhà một người hàng xóm, xem ra dễ dàng hơn.

Những nhóm nhỏ này, nhờ trình bày Lời Chúa một cách nhất quán và kéo dài hơn, nên có thể giúp tín hữu cảm nghiệm được sức mạnh của Lời Chúa qua suy niệm, thảo luận, đích thân chia sẻ và cùng nhau cầu nguyện. Biến việc đọc Lời Chúa (lectio divina) thành một phần trong việc chia sẻ của nhóm có thể là cách tốt nhất để nối kết người Công Giáo với cảm nghiệm chiêm niệm và thờ lạy, vì Lời Chúa sẽ dẫn dắt họ tới việc ý thức được đầy đủ và sẵn sàng tiếp nhận hành động của Thiên Chúa trong đời họ.

Biến đổi giáo xứ

Hầu như trong phiên họp nào, THĐ cũng đều nhắc đến giáo xứ như hạt nhân của đời sống Công Giáo và việc canh tân. Các nghị phụ từ khắp mọi châu lục đều nói đến vai trò chính yếu của giáo xứ trong việc tân phúc âm hóa. Nếu Công Đồng Vatican II có nhấn mạnh tới tầm quan trọng và sức mạnh của phụng vụ đối với đời sống Công Giáo, thì nó cũng đã xác nhận tính trung tâm của giáo xứ, nơi Thánh Thể được cử hành một cách công khai và thường xuyên trước một cộng đoàn tín hữu. Các nghị phụ của THĐ khuyến khích việc cử hành đầy sốt sắng và nhiều ý nghĩa này, coi nó như gia trị chủ chốt trong cảm nghiệm Công Giáo. Các ngài nói đến việc chào mời và bao gồm mọi người, coi chúng như một phần trong cảm nghiệm giáo xứ. Nhìn đời sống Công Giáo theo chiều kích tương quan, người Công Giáo mới có thể nhìn ra giáo xứ như là cộng đoàn tụ tập chính đối với các cộng đoàn đức tin nhỏ hơn (các gia đình và các nhóm nhỏ), những cộng đoàn vốn là đối tượng của tân phúc âm hóa.

Giáo xứ cũng phải cổ vũ đức ái, coi nó như phương cách chủ yếu qua đó, tân phúc âm hóa nhận được những chứng tá thuyết phục nhất. Nếu Ba Ngôi là cảm nghiệm tình yêu bao la của Thiên Chúa, thì hẳn Ba Ngôi sẽ hướng dẫn để ta biểu lộ tình yêu ấy cho toàn thể nhân loại. Các nghị phụ đặc biệt nêu cao công trình của Mẹ Têrêxa và nhiều sáng kiến khác nhằm nuôi dưỡng người nghèo và chăm sóc người túng thiếu, coi chúng như những điển hình cho thấy thực tại đức tin đã được biểu lộ ra sao trong đức ái. Chúa Giêsu luôn thực hiện lời giảng của Người song hành với các phép lạ, những việc lạ lùng để biểu tỏ sức mạnh giải thoát và sự tha thứ của Thiên Chúa đối với mọi người, nhất là những ai không được quí trọng trong xã hội.

THĐ thường đề cập tới nhu cầu phải vươn tay ra tới những ai không có đức tin hay những ai đã trở nên “mệt mỏi” trong đức tin của họ. Phần lớn việc này là của giáo xứ và các phong trào khác có liên hệ với giáo xứ. Không văn kiện nào được chú ý bằng tông thư “Về Việc Phúc Âm Hóa Trong Thế Giới Hiện Đại” của Đức Phaolô VI. Tông thư này cho rằng phúc âm hóa là sứ mệnh chủ yếu của Giáo Hội, là lý do biện minh cho sự hiện hữu của Giáo Hội. Dù việc tân phúc âm hóa đặc biệt tập chú vào những người đã tiếp nhận đức tin rồi, chứ không phải những người chưa minh nhiên nghe nói về Tin Mừng, nhưng nó vẫn nhìn nhận rằng ta không thể chủ trương bất cứ phạm trù cứng ngắc nào trong một thế giới hết sức linh hoạt như thế giói ngày nay, một thế giới mà trong đó, con người thay đổi gắn bó như cơm bữa.

Làm thế nào các giáo xứ có thể vươn tay ra xa hơn các thành viên của mình, điều này vẫn còn là một thách đố lớn đối với họ. Một số giáo xứ bị mang tiếng là chỉ loanh quanh nghĩ tới phụng vụ và giáo lý; nhưng không hiếm các giáo xứ mang được hình ảnh biết vươn tay ra quá bên kia các thành viên của mình để nắm lấy những người đã thôi không còn thực hành đức tin của họ nữa hay những người sẵn sàng đáp lại một lời mời.

THĐ không quan niệm các giáo xứ và các giáo phận như những đơn vị làm việc riêng rẽ trong lãnh vực tân phúc âm hóa. Ý niệm nổi bật của THĐ là: quả thật “tất cả chúng ta đều cùng nhau có mặt ở đây”; ta không cần các phong trào và giáo xứ biệt lập.

Nới rộng tầm nhìn

Thêm vào đó, THĐ cũng rất cởi mở đối với các chiều kích đại kết và liên tôn của tân phúc âm hóa. Nhiều đại diện Thệ Phản đã tham dự THĐ, tất cả đều hân hoan và hỗ trợ nói đến động thái của Giáo Hội Công Giáo đối với việc tân phúc âm hóa. TGM Rowan Williams, người cầm đầu Hiệp Thông Anh Giáo lúc đó, đã đọc một trong các bài diễn văn chính tại THĐ. Ngài nói tới tầm quan trọng của việc giúp đỡ người ta tạo được mối liên hệ với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu trong khi thực hành chiêm niệm.

Cuộc đối thoại liên tôn phần lớn đã tập chú vào Hồi Giáo và nhu cầu chia sẻ các niềm tin và quan tâm chung để phát huy việc hiểu biết lẫn nhau. Vì các giám mục của các nước phần đông theo Hồi Giáo thường ghi nhận: nhiều khó khăn đã và đang xẩy ra cho tín hữu Kitô Giáo, trong một xã hội mà việc trở lại Kitô Giáo bị coi là một tội ác, do đó, khuyên người ta trở lại thường đem theo án tù.

Còn các giám mục Á Châu thì suy nghĩ về vị trí độc đáo của Kitô Giáo giữa các tôn giáo từng đã phát triển từ lâu, trước khi Chúa Giêsu Kitô ra đời, và các giá trị chung mà người Công Giáo chia sẻ với các tín ngưỡng cổ xưa này cũng như tư thế đối thoại mà người Công Giáo bắt buộc phải có khi tương tác với tín hữu các tôn giáo khác.

Ý niệm cho rằng tân phúc âm hóa bắt đầu có từ thời Vatican II được nhắc tới luôn tại THĐ. Thực thế công trình nền tảng của Công Đồng trong bốn hiến chế chính về phụng vụ, Giáo Hội, mạc khải và Giáo Hội trong thế giới hiện đại quả đã cung cấp sơ đồ để Giáo Hội tự phát biểu mình một cách mới mẻ trước thế giới hiện đại, mà vẫn phù hợp với truyền thống sâu xa nhất của mình. Lời kêu gọi mạnh dạn sống đức tin trong khi đối thoại với nền văn hóa hiện đại và với mọi tôn giáo đã vang dội lại niềm tin tưởng mà Đức GH Gioan XXIII đã đem tới khi ngài yêu cầu hãy mở tung mọi cửa sổ của Giáo Hội Công Giáo để nhiều luồng khí mới hơn tràn vào.

Như thế, THĐ trông chờ một dân Công Giáo đổi mới, biết dùng cảm nghiệm của mình mời gọi người khác bước vào đức tin, chứ không phải chỉ là những người tiếp nhận đức tin qua nền văn hóa Công Giáo. Cảm nghiệm này hướng về Chúa Giêsu và cộng đoàn đức tin do Người khởi đầu. Vì sống trong thế gian, người Công Giáo đem vào thế gian sức mạnh do các mối liên hệ của đức tin đem tới, chia sẻ các mối liên hệ này một cách tự do ngay trong gia đình họ và mời gọi người khác tham dự vào niềm vui của đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô.

Một khi các mục tiêu và đường hướng trên đây bén rễ, thì tầm nhìn chủ yếu của đức tin Công Giáo và dân Chúa, những người đã gặp được vị cứu tinh của mình nơi Chúa Giêsu, sẽ biến cải không những hàng tỉ người vốn tự nhận mình là Công Giáo, mà quan trọng hơn, còn rất nhiều người khác ở bên ngoài cộng đồng đức tin của mình.
 
ĐTC: Chúa Kitô phục sinh giúp can đảm và dấn thân sống các thực tại thường ngày
Linh Tiến Khải
07:38 04/04/2013
Sự Phục Sinh của Chúa Kitô soi sáng cuộc đời, giúp chúng ta tin tưởng sống các thực tại thường ngày và can đảm dấn thân đương đầu với chúng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 70.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 3-4-2013 tại quảng trường thánh Phêrô. Trong số hàng trăm phái đoàn tham dự có nhóm 13 tân Phó Tế của dòng Tên và thân nhân, trong đó có hai thầy Việt Nam là thầy Cao Gia An và thầy Nguyễn Mai Kha, đã được Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh văn hóa truyền chức chiều thứ ba mùng 2-4-2013 tại nhà thờ Chúa Giêsu ở Roma. Ngoài ra còn có một nhóm tín hữu Việt Nam đến từ Hoa Kỳ.

Trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha các bạn trẻ đã thay phiên nhau ca hát. Xe díp chở Đức Thánh Cha đã đi một vòng giữa các lối đi quanh quảng trường để ngài chào tín hữu.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài tiếp tục trình bầy các bài giáo lý về Năm Đức Tin. Trong Kinh Tin Kính chúng ta lập lại kiểu nói: ”Ngày thứ ba Người đã sống lại theo lời Thánh Kinh”. Đó là biến cố chúng ta đang cử hành: Sự Sống Lại của Chúa Giêsu là trung tâm sứ điệp Kitô ngay từ đầu đã vang lên và được thông truyền để đến được với chúng ta.

Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Côrintô như sau: ”Trước hết tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai” (1 Cr 15,3-5). Lời tuyên xưng đức tin ngắn gọn này loan báo Mầu Nhiệm Phục Sinh, với các lần hiện ra đầu tiên của Chúa Phục Sinh với thánh Phêrô và với Nhóm Mười Hai: Cái Chết và sự Sống Lại của Chúa Giêsu là trung tâm niềm hy vọng của chúng ta. Không có niềm tin này nơi cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu niềm hy vọng của chúng ta sẽ yếu ớt, và cũng sẽ không phải là niềm hy vọng nữa, và chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là trung tâm niềm hy vọng của chúng ta. Thánh Tông Đồ khẳng định: ”Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (c. 17). Đức Thánh Cha ghi nhận tình trạng đức tin hiện nay như sau:

Rất tiếc là thường khi người ta đã tìm làm lu mờ đi niềm tin nơi sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, và các nghi ngờ cũng len lỏi vào giữa cả các tín hữu nữa. Một chút niềm tin đó là ”tin vào nước hoa hồng”, như người ta thường nói: nó không phải là niềm tin mạnh mẽ. Và điều này xảy ra vì sự hời hợt bề ngoài, đôi khi vì sự thờ ơ, người ta lo lắng cho hàng ngàn chuyện được coi là quan trọng hơn đức tin, hay vì một quan điểm chỉ ở chiều ngang của cuộc sống. Nhưng chính sự Phục Sinh mở ra niềm hy vọng lớn hơn cho chúng ta, bởi vì nó mở ra cho cuộc sống chúng ta và cuộc sống của thế giới tương lai vĩnh cửu của Thiên Chúa, niềm hạnh phúc tràn đầy, sự chắc chắn rằng sự dữ, tội lỗi, cái chết có thể được vượt thắng. Và điều này đưa chúng ta tới chỗ tin tưởng sống các thực tại thường ngày hơn, đương đầu với chúng với lòng can đảm và dấn thân. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô soi sáng các thực tại thường ngày ấy với một ánh sáng mới mẻ. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô là sức mạnh của chúng ta!

Nhưng sự thật đức tin về sự Phục Sinh của Chúa Kitô đã được thông truyền cho chúng ta như thế nào? Có hai loại chứng tá trong Thánh Kinh Tân Ước: vài chứng tá là trong hình thức của lời tuyên xưng đức tin, nghĩa là các công thức tổng hợp chỉ cho thấy trung tâm của đức tin; các công thức khác trái lại trong hình thức trình thuật biến cố Phục Sinh và các sự kiện gắn liền với nó. Hình thức thứ nhất là hình thức tuyên xưng đức tin, chẳng hạn như lời tuyên xưng mà chúng ta vừa mới nghe, hay hình thức của Thư gửi tín hữu Roma, trong đó thánh Phaolô viết: ”Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9). Ngay từ những bước đầu tiên của Giáo Hội niềm tin nơi Mầu Nhiệm cái Chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu đã vững vàng và rõ ràng. Tuy nhiên, hôm nay tôi muốn dừng lại trên các chứng tá trong hình thái thứ hai là hình thái trình thuật mà chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng. Trước hết chúng ta ghi nhận rằng các chứng nhân đầu tiên của biến cố này là các phụ nữ. Vào tảng sáng, họ ra mồ để ướp xác Chúa Giêsu, và họ tìm thấy dấu chỉ đầu tiên: đó là ngôi mộ trống (X. Mt Mc 16,1). Tiếp theo đó là cuộc gặp gỡ với một sứ giả của Thiên Chúa báo cho biết rằng Đức Giêsu thành Nagiarét, Đấng bị đóng đanh, không ở đây, Người đã sống lại (cc. 5-6). Rồi Đức Thánh Cha đã đề cao các phụ nữ như sau:

Các phụ nữ đã được thúc đẩy bởi tình yêu thương và họ biết tiếp nhận lời báo đó với đức tin: họ tin và ngay tức khắc họ thông truyền nó, chứ không giữ nó cho riêng mình. Niềm vui được biết rằng Chúa Giêsu sống, niềm hy vọng tràn ngập con tim không thể kìm hãn được. Điều này cũng phải xảy ra trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta cảm thấy niềm vui là Kitô hữu! Chúng ta tin nơi một Đấng Phục Sinh đã chiến thắng sự dữ và cái chết! Chúng ta có can đảm ”đi ra” để đem niềm vui và ánh sáng này vào mọi nơi của cuộc sống thường ngày! Sự Phục Sinh của Chúa Kitô là sự chắc chắn lớn nhất của chúng ta; và nó là kho tàng qúy báu nhất! Làm sao lại không chia sẻ với các người khác kho tàng đó, sự chắc chắn đó? Nó không phải chỉ để cho chúng ta mà thôi, mà là để thông truyền nó, trao ban nó cho người khác, chia sẻ với người khác. Đó chính là chứng tá của chúng ta.

Có một yếu tố khác nữa. Trong các lời tuyên xưng đức tin của Tân Ước chỉ có các người nam, các Tông Đồ, chứ không phải các phụ nữ được nhớ tới như các chứng nhân của sự Phục Sinh. Điều này bởi vì theo Luật do thái thời đó, các phụ nữ và trẻ em không thể làm chứng tá một cách đáng tin cậy. Trái lại trong các Phúc Âm phụ nữ có một vai trò hàng đầu nền tảng. Ở đây chúng ta có thể tiếp nhận một yếu tố thuận lợi cho tính cách lịch sử của sự Phục Sinh: nếu nó đã là một sự kiện được bịa ra, trong bối cảnh của thời đó, thì nó sẽ không được gắn liền với chứng tá của các phụ nữ. Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Trái lại, các thánh sử kể lại một cách đơn sơ điều đã xảy ra: các phụ nữ là các chứng nhân đầu tiên. Điều này nói muốn rằng Thiên Chúa không lựa chọn theo các tiêu chuẩn của con người: các chứng nhân đầu tiên của biến cố Chúa Giêsu sinh ra là các mục đồng, những người đơn sơ khiêm hạ; các chứng nhân đầu tiên của sự Phục Sinh là các phụ nữ. Và điều này thật là đẹp. Và đây một chút là sứ mệnh của phụ nữ: của các bà mẹ, của đàn bà! Làm chứng cho con cái cháu chắt biết rằng Chúa Giêsu sống, là Đấng đang sống, đã phục sinh. Hỡi các bà mẹ và chị em phụ nữ, hãy tiến lên với chứng tá đó!

Đối với Thiên Chúa chỉ có con tim là đáng kể, khi chúng ta rộng mở cho Người, nếu chúng ta giống như trẻ em, chúng tin tưởng. Nhưng điều này cũng khiến cho chúng ta suy nghĩ về sự kiện trong Giáo Hội và trên con đường lòng tin, nữ giới đã và đang có một vai trò đặc biệt như thế nào trong việc rộng mở các cánh cửa cho Chúa, trong việc theo Người và thông truyền Gương mặt của Người, bởi vì cái nhìn của đức tin luôn luôn cần đến cái nhìn đơn sơ và sâu xa của tình yêu. Các Tông Đồ và các môn đệ vất vả hơn để tin. Các phụ nữ thì không. Thánh Phêrô chạy tới mồ, nhưng dừng lại ở ngôi mộ trống; còn Tôma phải sờ tay vào các vết thương của thân thể Chúa Giêsu. Cả trong con đường lòng tin của chúng ta thật là quan trọng biết và cảm thấy rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, không sợ hãi yêu thương Chúa: đức tin được tuyên xưng với môi miệng và con tim, với các lời nói và với tình yêu.

Sau các cuộc hiện ra với các phụ nữ Chúa Giêsu hiện diện một cách mới mẻ: đó là Đấng chịu đóng đanh, nhưng thân xác Người vinh hiện; Người không trở lại với cuộc sống trần gian nữa, nhưng trong một điều kiện mới mẻ. Ban đầu họ không nhận ra Người, và chỉ qua các lời và các cử chỉ của Người mắt họ mới mở ra: cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh biến đổi, trao ban một sức mạnh mới cho đức tin, một nền tảng không thể sụp đổ. Đối với chúng ta cũng thế, có biết bao nhiêu dấu chỉ qua đó Chúa Phục sinh tỏ hiện ra: Thánh Kinh, bí tích Thánh Thể và các Bí tích, lòng bác ái, các cử chỉ của tình yêu đem đến một tia sáng của Chúa Phục Sinh. Chúng ta hãy để cho mình được chiếu sáng bởi sự Phục Sinh của Chúa Kitô, chúng ta hãy để cho mình được biến đổi bởi sức mạnh của Người, để qua chúng ta trong thế giới các dấu chỉ của chết chóc nhường chỗ cho các dấu chỉ của sự sống. Tôi thấy có biết bao nhiêu bạn trẻ tại quảng trường. Họ đây: với họ tôi xin nói: Các con hãy mang theo sự chắc chắn này: đó là Chúa sống và bước đi bên cạnh chúng ta trong đời. Đó là sứ mệnh của chúng ta! Hãy đưa niềm hy vọng đó tiến lên. Hãy cắm neo vào niềm hy vọng ấy: cái neo này ở trên trời: hãy cầm chắc lấy dây neo, hãy cắm neo và đưa niềm hy vọng tiến lên. Các con là chứng nhân của Chúa Giêsu, hãy làm chứng rằng Người sống và điều này sẽ trao ban hy vọng cho chúng ta, sẽ trao ban hy vọng cho thế giới hơi già nua này vì chiến tranh, vì sự dữ vì tội lỗi. Các bạn trẻ ơi hãy tiến lên!

Đức Thánh Cha đã chào các nhóm tín hữu bằng tiếng Ý. Ngài đặc biệt cám ơn các bạn trẻ Libăng đã soạn các bài suy niệm cho buổi đi đàng Thánh Giá tối thứ sáu Tuần Thánh và cám ơn các ca đoàn tiếng Anh đã hát mừng ngài. Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Đức Thánh Cha nhận xét: than vãn không ích lợi gì cả
Bùi Hữu Thư
18:28 04/04/2013
Đức ThánhCha Phanxicô
Xin hãy cậy tin vào Chúa Giêsu trong những lúc tối tăm nhất

ROME, 3 tháng 4, 2013 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Thánh Lễ ngài cử hành ngày thứ tư 3 tháng 4 tại nhà nguyện Thánh Mác Tha: “Chúng ta không được ích lợi gì khi than vãn: hãy tin cậy vào Chúa Giêsu vì Người ở gần bên chúng ta trong những lúc tối tăm nhất.”

Theo đài phát thanh Vatican, trước sự hiện diện của các nhân viên của Domus Romana Sacerdotalis, Đức Thánh Cha đã bình giải Thánh Kinh về vụ hai môn đệ thất vọng và buồn rầu sau khi Chúa Gêsu bị đóng đinh vào thập giá, và đã gặp Chúa Kitô Phục Sinh trên đường Em Mau.

Đức Thánh Cha đã nhắc rằng tất cả các môn đệ đều sợ hãi sau khi Chúa Giêsu qua đời. Trên đường đi, họ nhắc lại các biến cố xẩy ra trong những ngày vừa qua và “than vãn”.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh: “Họ không ngừng than vãn, và họ càng than vãn thì họ càng tự khép kín tâm tư, khiến cho không có chân trời trước mặt và có bức tường ngăn cản họ.”

Niềm hy vọng của họ bị tan biến, họ chỉ thấy sự xụp đổ của những gì họ đã tin: “Và bằng cách nào đó, theo Đức Thánh Cha, họ đã nhận chìm đời sống của họ trong sự than vãn, họ cứ bước đi, họ cứ bước đi như thế trong khi kêu than. Tôi tự hỏi, biết bao lần khi chúng ta gặp khó khăn, khi thập giá đến với chúng ta, chúng ta có nguy cơ là tự giam mình trong những tiếng kêu than. Chính vào những lúc đó, chính Chúa Kitô đang ở ngay bên cạnh, mà chúng ta không hay biết. Người đồng hành với chúng ta. Nhưng chúng ta không nhận biết Người.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Và nếu Chúa Giêsu nói với chúng ta, và chúng ta nghe thấy những điều tốt đẹp, thì bên trong chúng ta, trong thâm tâm, chúng ta tiếp tục sợ hãi: chúng ta cảm thấy dường như tốt hơn là cứ phải kêu than! Đây là một hình thức an toàn: đây là sự thật của tôi, tôi đã thất bại! Và tôi không còn hy vọng.”

Nhưng Đức Thánh Cha, như Radio Vatican đã nhấn mạnh: “Thật là tuyệt vời khi thấy sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu đối với các môn đệ tại Em-mau! Trước hết, Người đã lắng nghe họ, rồi Người giải thích từ từ, từ từ cho họ… Rồi cuối cùng, Người cho họ thấy. Y như Người đã làm với Maria Mađalêna tại cửa mộ trống.”

Đức Thánh Cha đã suy luận ra giáo huấn cho ngày hôm nay: “Chúa Giêsu đã làm y như vậy đối với chúng ta ngay cả trong những lúc tăm tối nhất. Người vẫn luôn luôn ở với chúng ta, Người đồng hành với chúng ta. Và cuối cùng Người cho chúng ta thấy sự hiện diện của Người.”

Sau đó Đức Thánh Cha đã ghi nhận rằng: “Những sự kêu than không tốt, không chỉ là khi chúng ta than phiền về người khác, nhưng ngay cả khi chúng ta tự than trách mình, khi chúng ta có vẻ chua cay: “Than vãn không tốt vì làm mất đi niềm hy vọng. Xin hãy tránh buớc vào cách sống trong khi kêu than này, nhưng khi mọi sự không tốt đẹp, chúng ta hãy trú ngụ trong Chúa Kitô,và hãy đặt niềm tin nơi Người.”

“Xin đừng tự hủy mình trong sự than vãn, vì sẽ làm mất đi niềm hy vọng, sẽ làm mất đi chân trời mở rộng, và tự giam mình sau một bức tường. Để rồi chúng ta không thể thoát ra. Nhưng Chúa Kitô rất kiên nhẫn, Người biết cách làm cho chúng ta thoát ra khỏi các hoàn cảnh này.”

Đức Thánh Cha tiếp: Đây là điều đã xẩy ra đối với các môn đệ tại Em-mau, họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh: “Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa Kitô. Người luôn luôn đồng hành với chúng ta trên đường đời, ngay cả trong những giờ phút tối tăm nhất. Chúng ta cần tin chắc rằng Chúa không bào giờ bỏ rơi chúng ta. Người luôn luôn ở kế bên. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất; Xin đừng tìm an ủi trong việc kêu than: vì than khóc không ích lợi gì mà chỉ làm cho chúng ta đau lòng hơn.”
 
Đức Giáo hoàng Phanxicô qua cái nhìn của một người bạn cũ
Chỉnh Trần, SJ
09:46 04/04/2013
Cha Gustavo Larrazabal, dòng Thừa sai Claret, một người bạn cũ của Đức Giáo Hoàng
Phanxicô, nói chuyện về quá khứ của ĐGH hồi còn ở Argentina và ý nghĩa của nó đối với tương lai Giáo Hội.


Thưa cha, cha đã quen biết Đức tân Giáo Hoàng trong hoàn cảnh như thế nào?

ĐHY Jorge Bergoglio đã giảng và chia sẻ về những mối bận tâm khác nhau của ngài, chẳng hạn như tham gia các hoạt động dân sự và giáo dục. Một lần nọ ngài đã ghé thăm nhà xuất bản của dòng ở Argentina, nơi mà tôi đang làm giám đốc vào thời điểm đó, và đã đề nghị chúng tôi xuất bạn những đề tài đó. Chỉ trừ ra tiểu sử của ngài và cuộc trò chuyện với một rabbi đã được Vergara xuất bản, chúng tôi xuất bản mọi thứ ngài trao cho chúng tôi.

Và tôi đã từng gặp Đức hồng y. Chúng tôi trò chuyện và trao đổi về những ý tưởng. Suốt 1 năm trời, chúng tôi đã xây dựng được một mối tương quan thân thiết. Ngài đánh giá cao nhà xuất bản và chẳng bao giờ muốn nhận tiền nhuận bút cả. Ngài nói rằng số tiền đó cần dành cho những việc tông đồ. Ngài thậm chí muốn kí một tài liệu trong đó nói rằng nếu có bất cứ điều gì xảy ra đối với ngài do những điều ngài viết, ngài không muốn bất cứ ai đến và đòi hỏi bất cứ điều gì từ các tu sĩ dòng Claret. Tôi đã có chút bối rối về điều này và phần nào không muốn. Thực tế là tờ giấy đã chẳng bao giờ được kí và đó là lỗi của tôi.

ĐHG Phanxicô là một văn sĩ cừ chứ?

Vâng, ngài là một văn sĩ rất giỏi. Ngài đã không có thời gian để biên tập. Ngài xuất hiện tại văn phòng của tôi, ôm một bọc giấy tờ trong tay và nói, “Đây là tất cả. Cha hãy sắp xếp lại tốt nhất như cha có thể.” Chúng tôi, những nhà biên tập, cách riêng là bản thân tôi đã biên tập, đọc lại và gửi bản thảo cuối cùng để ngài duyệt. Ngài có thể đưa ra một vài ý kiến riêng, nhưng sự thật là chúng tôi hoàn toàn được tự do.

Một chút tranh luận giữa chúng tôi là chuyện của những cái bìa sách. Đối với tôi, bìa sách rất quan trọng vì nó có mục đích quảng bá cho cuốn sách. Có hai lần tôi đã để hình của ngài trên trang bìa và ngài không hài lòng. Tuy nhiên, tôi nói với ngài rằng, “Không có một trang bìa tốt, sách sẽ không bán được. Vì thế, ĐHY có thể không ưng ý nhưng bìa vẫn sẽ giữ như thế ạ.”

Ngài là một người khiêm nhường đúng không?

Chắc chắn rồi. Năm 1998, sau khi vị tiền nhiệm của ngài là ĐHY Guarracino qua đời, ngài đã trở thành Tổng Giám Mục Buenos Aires. Ngài đã ngay lập tức quyết định rời tòa giám mục, vốn trước đây là một dinh thự nằm trong khu vực mà tổng thống và gia đình của ông cũng cư ngụ. Ngài đã cho một dòng tu thuê và chọn một căn phòng giản dị trong trên lầu ba của tòa nhà Văn phòng giáo phận.

Ngài cũng có một văn phòng rất giản dị ở tầng 2. Khi ngài đi lại trong thành phố Buenos Aires, ngài đã không cần dùng xe ô tô riêng hay một tài xế. Ngài đi bộ, tàu điện, xe buýt hoặc lúc khẩn trương ngài sẽ đi taxi. Tôi thường mời ngài đến một vài nơi để dâng Thánh Lễ hoặc làm phép nhà cho một hiệu sách. Khi tôi đề nghị được đưa đón ngài, ngài luôn nói rằng: “Không, không. Đừng lo, tôi sẽ tự lo được. Cha phải dành thời gian chăm lo cho người dân.”

Ngài cũng không có một thư kí hay các đức ông ở chung quanh phục vụ, mặc dầu tổng giáo phận khá lớn với 6 vị giám mục phụ tá. Nhưng khi giáo dân muốn gặp ngài, họ luôn luôn cảm thấy ngạc nhiên khi nhận thấy rằng thật dễ dàng biết bao để có một cuộc hẹn gặp ngài. Thỉnh thoảng ngài thậm chí tự mở cửa cho khách, vì nhiều buổi chiều ngài ở nhà một mình. Nếu bạn biết lối đi thì cứ tự nhiên lên tầng 2. Nếu không, ngài sẽ đi xuống để mở cửa cho bạn. Thậm chí khi đã làm Giáo Hoàng ở Rôma, ngài đã báo riêng cho người vẫn bán báo cho ngài ở Buenos Aires rằng ngài sẽ không cần đặt báo hàng ngày nữa. Ngài rất nồng hậu, rất cá tính và giàu tình cảm.

Khi tôi mừng sinh nhật 50 tuổi, tôi đã mời ĐHY Bergoglio đến dâng lễ và dự tiệc mừng. Ngài đã đến, nhưng từ chối chủ tế. Ngài nói rằng vị trí chủ tế dành cho tôi và ngài sẽ đồng tế cùng với các cha các thầy Claret đang hiện diện. Sau đó, trái với thói quen của ngài là hiếm khi dự tiệc và rất thận trọng trong việc ăn uống vì lý do sức khỏe, ngài đã ở lại chia vui với mẹ của tôi, các thành viên trong gia đình và mọi người hiện diện khá lâu. Khi ngài cáo từ, một vài người đã tiễn ngài một đoạn để đón taxi vì ngài từ chối việc sẽ có người rời bữa tiệc để đưa ngài về nhà.

Trong cương vị là một giám mục, ngài rất nổi tiếng. Không phải nổi tiếng theo nghĩa đề cao bản thân nhưng về lòng trắc ẩn, sự thân mật, gần gũi và cách cư xử nồng hậu của ngài dành cho mọi người.

Mọi thứ sẽ thay đổi ở Rôma? Ngài có thể sẽ thay đổi chăng?

Khi bạn đã 76 tuổi, bạn không dễ gì thay đổi nữa. Ngài đã chứng minh điều đó trong những ngày đầu tiên ở Vatican. Ngài không muốn sống trong dinh thự. Nhưng không hẳn chỉ là vì tuổi tác. Ngài vẫn giữ phong cách đi lại ở Buenos Aires của ngài tại Vatican. Có nhiều thứ đã được hoàn toàn hội nhập trong con người của ngài.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một bậc thầy về phong cách. Ngài biết phong cách của một người có thể để lại nhiều ấn tượng. Ngài không làm những cử chỉ đó như một kiểu biểu diễn nhưng diễn tả một đức tin sâu xa. Điều đặc biệt thú vị đó là trong vài ngày qua ngài đã không tự gọi mình là giáo hoàng nhưng là giám mục Rôma. Điều đó diễn tả sự hiểu biết cụ thể về sứ vụ giáo hoàng.

Vậy thì rõ ràng ĐHY Bergoglio là một vị mục tử rồi. Còn một thần học gia thì sao?

Trên hết, ngài là một mục tử, nhưng không vì nói thế mà khẳng định ngài không phải là một nhà thần học. Ngài rất quan tâm đến mục vụ. Ví dụ, dù ngài dồn mọi quan tâm đến vấn đề xã hội và người nghèo, ngài chưa bao giờ ủng hộ thần học giải phóng, nhưng cũng không kiềm hãm nó. Khi nói về việc huấn giáo, ngài nói: “trong tư cách là một mục tử, tôi cho phép những điều đó diễn ra. Tôi muốn rằng nó sẽ không phải là một bản giáo lý độc nhất, bởi vì nó làm cho thực tế phong phú hơn. Tôi cho phép những điều đó diễn ra, cung cấp mọi thứ trong phạm vi mà tín lý Giáo Hội cho phép và không để rơi vào tình trạng lạc giáo hay những suy tư gây phiền phức.” Tôi nghĩ rằng đây là cách ngài dùng để tiếp cận thần học giải phóng. Ngài đã không loại trừ cũng không cỗ võ nó.

Khi có những điều đi trệch với quan điểm của Giáo Hội, ngài đã phải đương đầu với chúng. Điều đó đã đặt ngài trong thái độ đối kháng với chính quyền trong một vài trường hợp. Bởi vì, mặc dầu nhiều cơ quan trong chính quyền Argentina, đặc biệt là những đơn vị lo về vấn đề xã hội và giáo dục thật sự ủng hộ và hỗ trợ những dự án phát triển và giáo dục của Giáo Hội, nhưng khi đụng đến những vấn đề của luân lý và học thuyết xã hội, ngài cần phải mạnh mẽ lên tiếng. Đó là trường hợp liên quan đến vấn nạn nóng bỏng là hôn nhân đồng tính, vốn là biểu ngữ của chủ nghĩa giải phóng và bình đẳng giới. ĐHY Bergoglio đã cố gắng đàm phán để tìm kiếm 1 giải pháp nhằm ngăn chặn việc công nhận hôn nhân đồng tính, nhưng có thể cho phép một điều khoản liên quan đến những công đoàn vốn sẽ bảo vể các đôi bạn. Những nỗ lực của ngài gặp phải các thế lực khác làm trệch hướng và cuối cùng chính phủ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Ngài muốn đối thoại và đàm phán, dĩ nhiên luôn luôn duy trì lập trường của Giáo Hội.

Những vấn nạn hôm nay đối với Giáo Hội tại Argentina là gì, thưa cha?

Vấn nạn quan trọng nhất thật sự mang tính toàn cầu chứ không riêng gì Giáo Hội Argentina. Điều quan trọng đối với chúng tôi là làm sống lại những nỗ lực truyền giáo và mục vụ cho các gia đình. Những người không kết hôn đang là chủ để khẩn cấp nhất không phải bởi vì họ không thể kết hôn nhưng vì họ đơn giản không muốn kết hôn. Chúng tôi cũng phải đối diện với vấn đề ly dị và tái hôn cũng như vấn đề độc thân linh mục.

Sau khi sự hưng phấn vì một người Argentina được bầu làm Giáo hoàng lắng xuống, thách đố mà Giáo Hội đang đối diện chính là việc nhìn thấy làm thế nào tất cả những điều này sẽ được sử dụng cho một cuộc tái sinh đức tin. Chúng tôi sẽ phải nhận ra đâu là những cử chỉ cụ thể để Giáo Hội dấn thân vào và làm thế nào để chuyển tải tất cả nguồn năng lượng này. Tôi tin rằng, trong sâu thẳm tâm hồn, người ta sẽ bắt đầu phản tỉnh về ý nghĩa của việc bầu chọn này một cách nghiêm túc và sâu sắc hơn.

Có người quan ngại rằng ĐGH Phanxicô là một người ngoài ở Vatican? Sứ mạng và hiệu quả của ngài có thể ảnh hưởng thế nào?

Tôi tin và đây là ý kiến riêng của tôi rằng ngài biết rất rõ những gì ngài phải làm. Chỉ trong vòng có vài ngày mà ngài đã thiết lập một nhịp độ rất rõ ràng. Ngài biết rõ nhiều người ở giáo triều. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ phải chờ xem ai sẽ là người bước vào giáo triều. Chủ đề liên quan đến những bổ nhiệm rất tế nhị và có những vấn đề nhạy cảm và khó khăn trong tình hình Giáo Hội vốn cần nhiều sự thận trọng và nhận định. Nhưng tôi tin ĐGH Phanxicô nhìn thấy rõ những thách đố cần phải được giải quyết và ngài ý thức sâu sắc rằng ngài phải hành động nhanh chóng bởi vì tuổi tác của ngài, ngài không có nhiều thời gian.

Điều e ngại duy nhất của tôi là sức khỏe của ngài. Ngài sống rất mực thước nhưng nhịp sống tại Vatican sẽ rất bận rộn so với cuộc sống trước đây của ngài. Ở Buenos Aires, trong một mức độ nào đó, ngài có thể kiểm soát thời gian của mình. Nhưng bây giờ, trong tư cách là người đứng đầu bộ máy, sẽ có những vấn đề về lễ tân ngoại giao vượt ngoài tầm kiểm soát. Dẫu sao đối với ngài, ngài biết chính xác ngài cần phải làm gì.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện và biên dịch bởi biên tập viên Carmen Aguinaco của US Catholic.

(dịch và biên tập từ bản tiếng Anh của http://www.uscatholic.org/articles/201303/inside-look-pope-francis-27083)
 
Quan niệm của niềm tin do thái-kitô về bệnh tật, khổ đau và cái chết
Linh Tiến Khải
09:58 04/04/2013
Để xác tín hơn về giá trị và các hiệu qủa của Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân thật thích hợp, khi tìm hiểu sâu hơn quan niệm của niềm tin do thái-kitô đối với bệnh tật khổ đau và cái chết.

Như đã biết, khi rơi vào trình trạng bệnh tật, khổ đau có thể dẫn đưa tới cái chết, chúng ta gặp khủng hoảng vì cảm nghiệm được một cách thấm thía các hạn hẹp, sự giòn mỏng, yếu đuối bất lực của mình trước tật bệnh và khổ đau. Con người cảm thấy bị tha hóa, bị tách rời khỏi các môi trường sống thường ngày và phải tùy thuộc cậy nhờ sự trợ giúp của người khác. Nhưng chính cuộc khủng hoảng đó của sức khỏe một cách tự phát rộng mở con người cho sự siêu việt, và hướng nó tới các phản ứng rất khác nhau: như cố gắng tìm giải thích các lý do, tin rằng bệnh tật là do qủy thần gây ra nên cần phải chạy tới với ma thuật để được giải thoát, rồi có các cung cách phản ứng mê tín dị đoan, hay các phản ứng tôn giáo... Khi quan niệm bệnh tật như hậu qủa của sự vi phạm các điều luật, vượt qúa các cấm đoán, hay như sự tung hoành của các sức mạnh xấu xa đen tối vv... , người bệnh tìm sự chữa lành như một sự giải thoát khỏi các sức mạnh thù nghịch đó, như việc tái hội nhập các sức mạnh sinh động, như sự can thiệp của các sức mạnh tốt lành. Các tôn giáo khác nhau soạn thảo các tiến trình được quy định thành cơ cấu nhằm giúp người bệnh vơi nhẹ đau đớn. Một tôn giáo càng đạt được độ cao bao nhiêu, thì lại càng tự giải thoát khỏi quan niệm, theo đó các sức mạnh cao siêu có thể bị bắt buộc tạo ra một ảnh hưởng vật lý trên người bệnh, và lại càng chuyển dời sự chờ mong ảnh hưởng siêu nhiên trên thái độ luân lý của bệnh nhân bấy nhiêu như niềm tin, sự kiên nhẫn, sự mạnh mẽ của tâm hồn vv...

Niềm tin do thái-kitô quan niệm bệnh tật như là ”một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa”, nghĩa là như một việc biểu lộ đặc biệt sự hiện diện tích cực và cứu rỗi của Chúa. Thiên Chúa Tạo Hóa là ”Đấng yêu mến sự sống” như tác giả sách Khôn Ngoan khẳng định trong chương 11: ”Qủa thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? Lậy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,24-26). Thiên Chúa đã tạo dựng nên ”mọi sự đều tốt lành” như tác giả sách Sáng Thế lập lại 7 lần trong chương 1 khi miêu tả việc tạo dựng vũ trụ, muôn loài muôn vật và con người. Như thế Thiên Chúa, Đấng yêu thương sự sống, không muốn sự bất toàn, bệnh tật và khổ đau. Nhưng vì loài người đã bị cám dỗ kiêu căng bất phục tùng và đã phạm tội, nên độc dược của sự dữ lan tràn gây ra bệnh tật trong tâm hồn và trên thân xác con người, mà cái chết khiến cho thân xác con người phải thối rữa và nhất là cái chết của linh hồn là điểm tới biểu tượng cho các hậu qủa thê thảm của tội lỗi.

Khi rao giảng Tin Mừng cứu độ, Đức Giêsu Kitô cứu chữa linh hồn con người và việc chữa lành tật bệnh trên thân xác cho những ai có lòng tin là dấu chỉ ơn cứu rỗi mà Đấng Cứu Thế đem đến cho nhân loại, như ngôn sứ Isaia đã loan báo trong chương 61: Đấng Cứu Thế đã được xức dầu, có Thần Khí ngự trị trên Người và được sai đi ”loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tâm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, và công bố năm hồng ân của Chúa... an ủi mọi kẻ khóc than” (Is 61,1-2).

Bệnh tật khổ đau và cái chết vẫn mang ý nghĩa hậu qủa của tội lỗi và sự dữ trong cuộc sống con người, nhưng lời rao giảng và gương sống của Đức Giêsu Kitô, Đấng Thánh vô tội mà chấp nhận bị ngược đãi, kết án và bị giết chết như kẻ có tội, mà vẫn tiếp tục yêu thương tha thứ, đã trao ban cho bệnh tật, khổ đau và cái chết một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ và cách mạng. Giờ đây bệnh tật và khổ đau bao gồm một ơn gọi. Chúng là một thử thách cam go, một nỗ lực giúp người bệnh tấn tới trên con đường công chính hướng về ơn cứu độ. Nó là một tình trạng mới, một dụng cụ để đạt ơn cứu độ theo các nhu cầu mới của lòng tin, qua đó bệnh nhân có cung cách hành xử và các tâm tình tích cực, đặc biệt là lòng kiên nhẫn, tươi vui chứ không buồn sầu, thụ động cam chịu, và không tuyệt đối hóa giá trị của sự khỏe mạnh vật lý, của thân xác, mà sớm muộn gì nó cũng phải từ bỏ với cái chết và sự thối rữa theo luật vật chất tự nhiên.

Trong Phúc Âm thánh Gioan có hai câu chuyện chứng minh cho thấy tật bệnh là dịp để tôn vinh quyền năng của Thiên Chúa. Đó là biến cố Chúa Giêsu chữa anh mù từ lúc mới sinh như kể trong chương 9 và biến cố Chúa Giêsu cho ông Ladarô bạn Người chết chôn trong mồ bị rữa nát bốn ngày được sống lại, như kể trong chương 11.

Câu chuyện chữa người mù từ lúc mới sinh cho thấy quan niệm cổ điển do thái luôn luôn coi tật bệnh là hậu qủa hay hình phạt của tội lỗi. Chúa Giêsu sửa sai quan niệm ấy, và cho thấy một mục đích khác của tật bênh.

Khi cùng các môn đệ đi ngang qua người mù các môn đệ hỏi: ”Thưa Thầy ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Chúa Giêsu trả lời: ”Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy khi trời còn sáng... ” Chúa Giêsu đã nhổ nước miếng xuống đất trộn thành bùn, xức vào mắt anh ta, và bảo anh ta đi rửa ở suối ”Shilôắc”. Anh đã đi, đã rửa, và được sáng mắt (Ga 9,1-41).

Trong trường hợp của ông Ladarô, Chúa Giêsu đã cố ý chờ cho ông chết chôn trong mồ bốn ngày, thịt đã hoàn toàn thối rữa hết rồi. Sau đó Người mới đến Betania để truyền cho ông sống lại. Và Người làm điều này trước mặt đông đảo nhiều chứng nhân, trong đó có các pharisêu, luật sĩ, ký lục, nghĩa là giới lãnh đạo Do thái không muốn tin và chấp nhận Người là Đấng Cứu Thế, và như thế để cho họ một bằng chứng cụ thể Người là Thiên Chúa. Vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền làm cho kẻ chết đã rữa nát rồi sống trở lại nguyên vẹn và lành mạnh.

Quan niệm bệnh tật như là sự thử thách thanh luyện con người đòi buộc các thành phần khác trong cộng đoàn phải dấn thân can thiệp trợ giúp người anh chị em bị bệnh, vừa để giúp giảm bệnh tật và đau đớn cho họ, vừa để thăng tiến ý thức sử dụng tốt bệnh tật và khổ đau. Bệnh tật và khổ đau tự chúng là điều tiêu cực và vô ích, không ai muốn chấp nhập cả. Nhưng trong nhãn quan đức tin kitô chúng là dịp sinh ích lợi cho người bệnh là thành phần của cộng đoàn cũng như cho toàn cộng đoàn. Đây là dịp sống tình yêu thương huynh đệ, liên đới và hiệp nhất trong Giáo Hội, là thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô.

Trong xã hội Israel xưa kia việc thăm viếng các bệnh nhân đã được coi như là một bổn phận diễn tả tình yêu và lòng thương xót, không phải chỉ để an ủi khích lệ người đau yếu, mà cũng là để cùng cầu nguyện với họ và cho họ được lành bệnh và được ơn tha thứ tội lỗi nữa. Cộng đoàn kitô thừa hưởng gia tài tinh thần và các thói quen này từ thời các Tông Đồ. Bằng chứng là trong chương 25 thánh sử Mátthêu ghi lại giáo huấn của Chúa Giêsu về ngày phán xét sau hết, trong đó Chúa khẳng định rằng tất cả những gì các kitô hữu làm cho một trong các người bé mọn nhất là làm cho chính Chúa. Trong ngày phán xét ấy Đức Giêsu, Vua các vua, sẽ nói với những người ở bên phải rằng: ”Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han”. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ”Lậy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù mà đến hỏi han đâu?” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ”Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: ”Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Qủy và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ”Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: ”Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chinh ra đi để hưởng sự sống muôn đời.” (Mt 25,21-46).

Sách Công Vụ chương 28 cũng kể rằng khi thánh Phaolô bị giải về Roma, trên đường bị đắm tầu phải giạt vào đảo Malta. Tại đây quan Publio có ông thân sinh đang ốm liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ, thánh nhân đã vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên ông và chữa ông lành. Thấy thế các bệnh nhân khác trên đảo cũng đến với thánh nhân và được chữa lành (Cv 26,7-9).

Trong bối cảnh bí tích của cuộc sống kitô, sự kiện Giáo Hội can thiệp để trợ giúp tín hữu bị bệnh qua việc ban Bí tích Xức Dầu cầu nguyện chữa lành và tha tội, thật là điều hợp lý và rất đễ hiểu. Nó cho thấy Giáo Hội đồng hành với tín hữu, là các chi thể của mình mầu nhiệm Chúa Kitô, trong suốt cuộc đời họ, từ lúc sinh ra cho tới khi từ giã cõi đời này để trở về Nhà Cha.

(Thần Học Kinh Thánh bài 1137)
 
Tâm tình cuả một người cha về ĐGH: Ngài đã ôm lấy mọi kẻ bất hạnh xấu số.
Trần Mạnh Trác
11:37 04/04/2013
(Nguồn CNA / EWTN News) "Đó là một phước lành sâu sắc! Trong khoảng khắc đó, ĐGH đã ôm lấy tất cả những người nghèo khó!" là tâm tình tri ân cuả Tiến sĩ Paul Gondreau, cha của một em bé xấu số.

"Nghiã cử cuả Ngài không chỉ dành cho tôi và vợ tôi," ông nói thêm, "nhưng là dành cho tất cả các phụ huynh của các con em có nhu cầu đặc biệt và cho tất cả những người thân thuộc."

Ông đặt câu hỏi "Ai có thể đã nghĩ rằng một đưá bé tật nguyền về thể chất mà lại có thể đánh động thế giới một cách sâu sắc như thế?"

Thật vậy, ai đã có dịp xem đoạn video lúc Đức Giáo Hoàng ôm hôn đưá bé trai 9 tuổi bị bại liệt tại quảng trường Thánh Phêrô sau lễ Phục Sinh mà không bồi hồi xúc động?

Ngài thấy người ta nâng lên cho ngài một trẻ trai bại liệt, đôi mắt bàng hoàng, hai tay bơi chải như thể tìm kiếm một cái phao. ĐGH ôm lấy em, hôn vào má nó, áp thân nó vào ngực mình, nâng niu nó thật lâu, lâu hơn bình thường, rất lâu. Mắt đưá bé rạng rỡ ra, nụ cười hớn hở, nó cũng ghì chặt lấy ngài, thật chặt, làm sô sếch chiếc mũ đội và đôi kính mắt. (Xin xem note *)

Truyền thông trên khắp thế giới đã phát đủ mọi góc cạnh những hình ảnh cuả giây phút kỳ diệu đó. Tấm hình nào cũng đẹp.

Bé trai tên là Dominic, con cuả tiến sĩ Gondreau, giáo sư thần học tại Providence College ở Rome. Tiến sĩ Gondreau là người ở Rhode Island, ông làm thỉnh giảng (hợp đồng một định kỳ nhất định) ở đây và cùng với vợ, bà Christina, và gia đình sống tại Rome.

Cùng với Dominic, gia đình Gondreaus còn có bốn người con khác: cô gái lớn Alena Maria 16 tuổi , trai trưởng Lucas 12 tuổi, và cặp út 5 tuổi song sinh, Maria và Junia.

Tuy nhiên biến cố kỳ diệu đó "suýt nữa đã không xảy ra", tiến sĩ Gondreau kể lại.

Họ đến quá trễ và không tìm được chỗ ngồi tốt, tuy nhiên lính phòng vệ Thụy Sĩ đã đưa Dominic và bà mẹ tới một khu đặc biệt dành cho người khuyết tật.

Tại đây, một nhân viên trật tự tên là Augustino bỗng nẩy ra một ý nghĩ trong đầu là Dominic nên được gặp Đức Thánh Cha khi đoàn xe cuả ngài đi qua đây.

Khi Đức Thánh Cha đến gần, Augustino nói với bà Christina hãy sẵng sàng đưa Dominic ra khỏi ghế và bế em lên.

Bà mẹ đã làm như vậy, nhưng Đức Giáo Hoàng, vì "rõ ràng đang hân hoan với một đám đông lớn," đã nhìn về hướng khác và đi qua mất.

"Ông trật tự có vẻ muốn xin lỗi vợ tôi," ông Gondreau nói, "nhưng vợ tôi thì nghĩ rằng thật là tuyệt vời khi được gần gũi với Đức Giáo Hoàng như thế, như vậy là đủ rồi."

Nhưng xe cuả Đức Thánh Cha đã quay vòng lại khu vực đó lần thứ hai, Augustino lập tức qui tụ các nhân viên trật tự khác lại và tìm cách ra hiệu cho người tài xế cuả ĐGH dừng lại.

"Họ nâng em lên cho Đức Giáo Hoàng và chúng ta đều biết việc gì đã xảy ra sau đó," ông Gondreau nói.

Ở xa, các thành phần gia đình Gondreau vẫn không hay biết gì cho đến khi đứa con trai lớn theo dõi màn ảnh video và báo động cho mọi người.

Ông Gondreau kể tiếp: "Lập tức nước mắt cuả tôi trào ra, và đứa con trai Lucas của tôi cũng vậy."

"Tôi sẽ luôn luôn trân trọng cái giây phút tuyệt vời khi đưá con trai Lucas của tôi kêu lên, 'Xem Dominic kìa!'"

Bình luận về sự súc động cuả thế giới trước việc Đức Giáo Hoàng 'bế và ru' đưá con trai cuả mình, ông Gondreau gọi đó là một sự việc "sâu sắc".

"Là một dấu hiệu mâu thuẫn bởi vì đây là một thế gian đang từ chối Chúa Kitô mà lại bị đánh động bởi hình ảnh cuả một đưá bé không có nghiã lý gì nếu nhìn qua một lăng kính khác ngoài Chúa Kitô."

Bởi vì những người tàn tật "đang chia sẻ thập giá của Chúa Kitô cách mật thiết hơn" hơn so với bất cứ ai khác, họ cũng "làm chứng tình yêu của Chúa sâu sắc hơn và là những công cụ mạnh mẽ hơn của lòng thương xót của Chúa Kitô".

"Đây là việc Thiên Chúa làm... Ngài chọn những người yếu đuối và dễ bị tổn thương để đánh động và làm thẹn thùng những kẻ mạnh mẽ và khôn ngoan. Ngài đã làm điều này nhiều lần trong lịch sử cứu độ."

Ông Gondreau cho biết em Dominic đã sinh thiếu tháng (3 tháng rưỡi) nhưng khỏe mạnh. Tuy nhiên, em bị nhiễm trùng sau đó và cơ thể của em phải dành tất cả các nguồn lực để chiến đấu với bệnh tật.

"Do đó gây ra chứng bại não."

Năm nay chín tuổi, cậu bé có "nhận thức hoàn toàn bình thường" nhưng bị hạn chế nghiêm trọng về thể chất.

Trong một nền văn hóa mà "phẩm giá con người bị giảm vào năng suất", và một thế giới mà "phá thai là rất phổ biến," ông Gondreau cho biết cuộc sống của đứa con trai mình "như không có ý nghĩa gì. "

Tuy nhiên, khi nhìn qua đôi mắt của Chúa Kitô, thì rõ ràng mục đích của đưá con trai là yêu thương và dạy người khác làm thế nào để yêu thương.

Em Dominic là một món quà cho tất cả chúng ta. Một phụ nữ đã nói với bà mẹ của em Dominic sau khi em được ĐGH ôm hôn rằng "Bà có biết rằng đưá con trai của bà đang chỉ cho những người khác biết làm thế nào để yêu thương không?"

Note *: Xin xem video cuả CTV (Centro Televisivo Vaticano), ở giây phút thứ 1:48:08 sau đây:
Xin nhấn vào đây
 
Một Kitô hữu phải thường xuyên sống trong bình an
Bùi Hữu Thư
16:16 04/04/2013
Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong thánh lễ sáng thứ năm, Đức Thánh Cha suy niệm về sự kỳ diệu và an ủi

VATICAN, ngày 4 tháng 4, 2013 (Zenit.org) – Đức Thánh Cha Phanxicô dâng thánh lễ ngày thứ năm như thường lệ tại Domus Sanctae Marthae, ngài suy niệm về bài Phúc Âm theo thánh Luca về sự bình an, ngài nói đó là một quà tặng “không được bán và chúng ta không mua được."

Ngài nói các môn đệ đã thấy người què được Chúa Giêsu chữa lành và họ đã thấy được Chúa Giêsu, “họ đã hết sức sửng sốt, không phải vì điên rồ; nhưng vì họ đã hết sức ngạc nhiên và thán phục."

Nhưng thán phục như thế nào? Đức Thánh Cha nói: “Đây là một cái gì làm cho chúng ta phải sửng sốt vì vui sướng: hay thật, thật là hay. Đây không chỉ là một sự hăng hái giản dị: ngay cả những khán giả trong sân vận động cũng bị kích động về toán cầu thủ mình ưa thích. Không, đây không phải là một sự hăng say, mà là một cái gì thâm thúy hơn: đó là sự diệu kỳ đã xẩy đến khi chúng ta thấy mình được ở gần bên Chúa Giêsu."

Đức Thánh Cha giải thích: sự ngạc nhiên này, là khởi đầu của trạng thái thông thường của Kitô hữu.” Ngài ghi nhận, chắc chắn chúng ta không thể sống mãi mãi trong sự kinh ngạc, nhưng tình trạng này là khởi đầu “đánh dấu sự an ủi cho tâm hồn và tâm linh.” Thực vậy, tình trạng của một Kitô hữu phải là một sự an ủi về tâm linh, bất kể đến các vấn đề khó khăn, đau đớn và bệnh tật.

Đức Thánh Cha nói: "Bước cuối cùng của sự an ủi là bình an: chúng ta bắt đầu bằng sự kinh ngạc, vì sự kỳ diệu của niềm an ủi này là bình an.” Các Kitô hữu, ngay khi trong các thử thách đau đớn nhất, không bao giờ đánh mất “sự bình an và sự hiện diện của Chúa Giêsu” và “với một chút cố gắng”, chúng ta có thể nói với Chúa: “Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng này là dấu chỉ của việc gặp gỡ Chúa: một niềm an ủi về tâm linh”; và trên hết, ngài nhấn mạnh: “đừng bao giờ đánh mất sự bình an.” Chúng ta ngắm nhìn Chúa, chịu đau đớn trên Thánh Giá, nhưng không mất bình an. Bình an, sự bình an này không phải của chúng ta: không được bán và chúng ta không mua được.” Đây là một quà tặng của Chúa, chúng ta phải khẩn khoản nài xin.

Bình an “giống như bước cuối cùng trong sự an ủi tâm linh này, và đã khởi đầu bằng một sự kinh ngạc vui sướng.” Do đó, chúng ta không được “lừa dối mình bằng các ảo tưởng khác, chỉ khiến cho chúng ta tin rằng chính những ảo tưởng ấy là sự thật. Thật vậy, là Kitô hữu chúng ta cần tin rằng “thực tại có thể không đẹp đẽ lắm.”

Đức Thánh Cha chấm dứt bằng việc cầu xin cho có ân sủng của sự an ủi tâm linh và bình an, sẽ “khởi sự với sự kinh ngạc vui sướng vì được gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô.”
 
Top Stories
Hai Phong: deuxième jour du procès de Doan Van Vuon et de ses frères
Eglises d'Asie
09:39 04/04/2013
Alors que le procès de Doan Van Vuon et de ses frères entre, aujourd’hui 4 avril 2013, dans son troisième jour, des renseignements assez précis nous parviennent concernant les débats de la journée précédente. Deux récits en langue vietnamienne ont été mis en ligne dans la soirée du 3 avril. L’un est un compte-rendu paru sur Facebook et rédigé par l’un des avocats de la famille de Doan Van Vuon, Me Trân Dinh Triên. Le second est dû à Mme Hiên, épouse du second accusé, Doan Van Quy, qui a été interviewée par le service d’information des rédemptoristes vietnamiens VRNs à l’issue de la seconde journée du procès.

Dans la matinée, les juges et les avocats de la défense ont continué les interrogatoires entamés la veille. Ceux-ci ont concerné particulièrement ceux que le Tribunal a appelé « les personnes ayant subi des dommages » ainsi que les témoins. Les « personnes ayant subi des dommages » ne sont autres que les sept membres des forces de la Sécurité publique légèrement blessés au cours de l’opération de confiscation de l’élevage de crustacés de Doan Van Vuon. Selon Me Trân Dinh Triên, ces interrogatoires ont été marqués par une grande tension. Les avocats ont souvent été interrompus par le président du tribunal. Beaucoup de leurs questions n’ont pas eu de réponse.

Celles-ci concernaient les points très précis de l’opération de menée en janvier 2012 par les forces de l’ordre : Ces dernières étaient-elles armées ? Quels sont ceux qui ont tiré les premiers ? Y avait-il des impacts de balles sur les gilets pare-balles ? Cette opération était-elle légale ? N’y avait-il pas intrusion sur une propriété privée ?

Les avocats ont aussi interrogé les agents de la Sécurité sur l’identité de l’autorité ayant ordonné l’attaque et ont demandé d’où venaient les balles dont on avait trouvé les traces sur la maison de la victime. Les témoins et les agents de la Sécurité ont répondu en se contredisant les uns les autres. Ils ont aussi affirmé avoir retiré une demande d’indemnisation, primitivement présentée au tribunal. Ils ont surtout répété qu’ils avaient obéi aux ordres de leurs supérieurs et qu’aucun d’eux ne s’était posé la question de savoir si l’opération était légale ou non.

La tension dans la salle d’audience a monté d’un cran lorsque l’un des avocats de la défense s’est adressé à Lê Van Mai, ancien responsable de la Sécurité et chef du service d’enquête pour le district de Tiên Lang. Celui-ci a refusé de répondre, arguant de son état de santé. Après une passe d’armes sur ce sujet entre l’avocat et le président du tribunal, ce dernier a annoncé une suspension d’audience, coïncidant avec la pause du déjeuner.

Après la pause, à 14h00, l’avocat s’est retrouvé de nouveau face à face avec l’ancien chef de la Sécurité. Il lui a rappelé que la décision d’expropriation forcée prise par le district de Tiên Lang avait été condamnée par les plus hautes instances de l’Etat et lui a demandé quelle était son opinion à ce sujet. L’ancien responsable de la Sécurité a répondu qu’il appartenait au Comité populaire du district de juger si cette décision était bonne ou mauvaise, le service de sécurité auquel il appartenait ne faisant qu’exécuter les ordres. Après cette première réponse, Lê Van Mai s’est ensuite contenté de déclarer : « Je ne répondrai pas ! », ou d’user d’expressions similaires pour esquiver les nombreuses autres questions qui lui ont été posées.

Au bout de 30 minutes d’interrogatoire infructueux, le président de séance a brusquement annoncé la fin de l’audience.

(Source: Eglises d'Asie, 4 avril 2013)
 
Pope: The joyful wonder of being Christian
Vatican Radio
12:43 04/04/2013
VATICAN - Pope Francis celebrated morning Mass Thursday in Domus Sanctae Marthae together with staff of the Vatican Typography during which he spoke of the wonder of our encounter with the Risen Lord.

Continuing his reflections on the Pascal Mystery as presented in the Liturgy of the Word, Thursday in the Octave of Easter, Pope Francis noted how all of the readings speak of amazement and wonder: the crowds' amazement at Peter’s healing of the crippled man and the wonder of the disciples at the Risen Christ’s appearance to them.

"Wonder is a great grace, the grace that God gives us in our encounter with Jesus Christ. It is something that draws us outside of ourselves with joy. .. it is not a mere enthusiasm" like that of sports fans "when their favorite team wins", but "it's something deeper". It is having an inner experience of meeting the Living Christ and thinking that it is not possible: "But the Lord helps us understand that is the reality. It is wonderful! "

"Perhaps, the opposite experience is more common, the [experience] that human weakness and even mental illness, or the devil, lead us to believe that ghosts, fantasies, are reality: that is not of God. This joy, that is so unbelievably great, is of God. And we think, 'No, this can’t be real!'. This is the Lord's. This wonder is the beginning of the habitual state of Christians. "

Pope Francis continued, "of course we cannot live forever in [a state of] wonder. No, we really cannot. But it is the beginning. Then, this astonishment leaves an impression in the soul and spiritual consolation. It is the consolation of those who have encountered Jesus Christ”.

Pope Francis concluded: "First wonder, then spiritual consolation and finally, the last step: peace. Even in the most painful tests, a Christian never loses the peace and presence of Jesus. With a little 'courage' we can pray: 'Lord, grant me this grace which is the hallmark of our encounter with you: spiritual consolation and peace'. A peace that we cannot lose because it is ours, it is the Lord's true peace that cannot be bought or sold. It is a gift from God. This is why we ask for the grace of spiritual consolation and peace of mind, that starts with this joyful wonder of our encounter with Jesus Christ. So be it. "
 
Pope: Peace is priceless
L’Osservatore Romano
12:44 04/04/2013
L’Osservatore Romano 2013-04-05 - Peace cannot be bought or sold: it is a gift from God – and we must ask for it. Pope Francis reminded us of this on Thursday morning, 4 April, when he spoke of the “awe” shown by the disciples of Emmaus before the miracles of Jesus. The Holy Father commented on the Gospel passage from Luke (24:35-48) which was read at his usual morning Mass in the chapel of the Domus Sanctae Marthae, at which employees of the Vatican were present. This morning there were 50 supervisors and workers from Vatican Typography.



“The disciples who were witnesses of the lame man's healing and now see Jesus”, the Pope said, “are a bit out of themselves, but not because of some mental illness: outside themselves because of their awe”. But what is this awe? “It is something”, said the Holy Father, “that drives us out of ourselves, for joy: this is great, it is very great. This is not mere enthusiasm: even fans in a stadium are enthusiastic when their team wins, right? No, this is not some enthusiasm, it is something more profound: it is the wonder that comes when we find ourselves with Jesus”.



This astonishment, the Holy Father explained, is the beginning “of the habitual state of the Christian”. Certainly, he noted, we cannot live forever in wonder, but this is condition is the beginning which allows a “mark to be left on the soul and spiritual consolation”. Actually, the condition of being a Christian should be one of spiritual consolation, notwithstanding problems, pains, sickness. “The last step of consolation”, the Pontiff said, “is peace: one begins with awe, and the minor tone of this wonder, of this consolation, is peace”. The Christian, even in the most painful trials, never loses “the peace and the presence of Jesus” and with “a little courage”, we are able to say to the Lord: “Lord, give me this grace that is the sign of the encounter with you: spiritual consolation”; and, above all, he emphasized, “never lose peace”. We look to the Lord, who “suffered so upon the Cross, but he never lost peace. Peace, this peace, is not our own: it is not sold and we do not buy it”. It is a gift of God for which we must beg. Peace is like “the final step of this spiritual consolation, which begins with a joyful wonder”. Wherefore, we must not “trick ourselves with our or others' fantasies, which lead us to believe that these fantasies are reality”. In truth, it is more Christian “to believe that reality may not be so pretty”. The Pope ended by asking for the grace of spiritual consolation and of peace, which “begins with this joyful wonder in the encounter with Jesus Christ”.



The Salesians Fr Sergio Pellini, Director General of the L'Osservatore Romano and the Printing Press, and Fr Marek Kaczmarczyk, Sales Manager – among others – concelebrated with the Pontiff. Also present were Technical Director Domenico Nguyen Duc Nam, Antonio Maggiotto and Giuseppe Canesso.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gx Châu Bình mừng bổn mạng Lòng Chúa Thương Xót
Trầm Thiên Thu
09:49 04/04/2013
TGP SAIGON – Lúc 18 giờ Thứ Năm, 4-4-2013, trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót (CĐ LCTX) thuộc Gx Châu Bình (Thủ Đức) đã hiệp dâng Thánh Lễ mừng bổn mạng sớm (thay vì mừng Lễ LCTX vào Chúa Nhật II Phục Sinh).

Đây cũng là dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ nhì của CĐ LCTX Gx Châu Bình, nhưng ban chấp hành chính thức được 1 năm.

Đến tham dự có 3 thành viên ban chấp hành CĐ LCTX TGP Saigon, các đại diện các xứ đoàn bạn và hơn 100 thành viên CĐ LCTX của Gx Châu Bình. Số người tham dự khá đông, hầu như chật nhà thờ, đặc biệt thấy có khoảng 1/3 là các em Thiếu Nhi Thánh Thể và nhiều bạn trẻ.

Chủ tế là Lm Gioan Maria Vianney Phạm Mạnh Cương (Dòng Đồng Công, chính xứ Châu Bình), đồng tế là 5 linh mục Dòng Đồng Công, và 1 phó tế. Bắt đầu Thánh Lễ Lm Cương trao huy hiệu LCTX cho 24 thành viên chính thức gia nhập CĐ LCTX. Sau đó mọi người cùng đọc kinh tận hiến cho LCTX.

Thánh Lễ thật long trọng. Lm Cương trìu mến gọi là Gia đình LCTX, thiết nghĩ cách gọi này thân thiện và gần gũi, nói lên tính liên đới mật thiết giữa các thành viên như một gia đình thực thụ.

Còn trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, hai bên cung thánh có câu đối nói về Chúa Phục Sinh:

Lời tiên báo ba ngày sống lại

Chúa Phục Sinh muôn kiếp vĩnh tồn

Sách Công Vụ hôm nay nói về việc một anh cứ níu lấy ông Phêrô và ông Gioan, nên toàn dân rất kinh ngạc, chạy ùa tới các ông tại hành lang gọi là hành lang Salômôn. Thấy vậy, ông Phêrô lên tiếng: “Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi vậy?” Cv 3:12). Rồi ông Phêrô giải thích: “Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân.15 Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng” Cv 3:13-15). Một cách tóm lược mạch lạc và chính xác, đồng thời cũng nói lên lòng khiêm nhường của ông Phêrô.

Thật vậy, chúng ta phải tuyên xưng không ngừng: “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!” (Tv 8:2). Tại sao? Vì “con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8:5-7). Nhân loại chúng ta thật là hạnh phúc biết bao!

Tin Mừng hôm nay là trình thuật Lc 24:35-48, nói về việc Chúa Giêsu hiện ra mà các Tông đồ tưởng là ma, vì các ông ở trong phòng kín, cửa đóng then cài, thế nhưng bỗng dưng Đức Giêsu đứng sừng sững giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”. Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Ngài trấn tĩnh: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”.

Nói xong, Ngài đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì vừa mừng vừa ngỡ ngàng, Ngài hỏi thẳng: “Ở đây anh em có gì ăn không?”. Các ông đưa cho Ngài một khúc cá nướng. Ngài cầm lấy và ăn trước mặt các ông, rồi bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”.

Lm Gioan Maria Vianney Cái Thiên Duy, phó xứ Châu Bình, chia sẻ: “Chúa Giêsu trước và sau khi phục sinh vẫn là một, nhưng sự cảm nghiệm nơi mỗi người chúng ta có khác về Ngài. Chúa Giêsu là đối tượng của đức tin. Sau khi Ngài phục sinh, Ngài không nhắc lại sự yếu đuối và nhát đảm của các môn đệ, Ngài chỉ hướng họ tới tương lai. Bản chất của tình yêu là trao ban vô điều kiện. Không ai có thể đáp lại LCTX một cách cân xứng. Là thành viên Gia đình LCTX, chúng ta phải biết xót thương nhau, phải nối dài LCTX tới mọi người, vì đã nhận thì phải cho, vậy mới xứng đáng với LCTX”.

Chính Chúa Giêsu đã đặt lòng thương xót là một trong tám mối phúc: “Phúc thay ai biết thương người, vì họ sẽ được Chúa Trời xót thương” (Mt 5:7). Thực hiện lòng thương xót là thể hiện đức tin vào Đức Kitô, đặc biệt trong Năm Đức Tin này. Vả lại, Chúa Giêsu đã có lần nói: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16:10).

Cuối Thánh Lễ có Phép Lành Toàn Xá cho những người tham dự. Hôm nay là ngày mừng bổn mạng của Gia đình LCTX, mà trong dịp lễ kính LCTX, “linh hồn nào xưng tội và rước lễ sẽ được ân xá cả tội lỗi và hình phạt” (Nhật Ký, số 699). Tình Giêsu trên cả tuyệt vời!

Sau Thánh Lễ, và cũng để kết giờ phụng vụ, mọi người đồng thanh: “Lạy Chúa Giêsu, xin thêm đức tin cho chúng con”. Đó là lời cầu nguyện của các Tông đồ xưa (Lc 17:5), rất cần thiết hằng ngày, không chỉ trong Năm Đức Tin này mà suốt cả cuộc đời của mỗi chúng ta. Lời cầu nguyện đó cũng tương tự câu Chúa Giêsu dạy chúng ta qua Thánh nữ Faustina Kowalska: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”.
 
Giới thiệu về Cộng đoàn CGVN tại Hồng Kông
Thủy Quyên
10:59 04/04/2013
TRÊN ĐƯỜNG LỮ HÀNH

Chúng tôi, tập thể những tín hữu công giáo người Việt Nam của xứ Giuse tại Hồng Kông vô cùng hân hoan hòa cùng niềm vui đón mừng kỷ niệm 25 năm ngày thành lập giáo xứ.

Cộng đoàn “Các Thánh tử đạo Việt Nam tại Hong Kong”, có tên tiền thân là “Cộng đoàn Hy vọng”, là sự qui tụ của hầu hết các chị em phụ nữ đã được thoát ra từ những nức nở đau thương của rào gai trại cấm, vì tỵ nạn tới HK sau ngày 16/6/1988. Kể từ năm 1986, đã có Thánh lễ bằng tiếng Việt được cử hành bởi Cha Stephen Trần Đạt Minh là cha sở nhiệm kỳ đầu tiên của giáo xứ Thánh Giuse, tại 57 Kwun Tong Road, Kowloon, Hong Kong.

Giống y như tính chất là trung tâm “đô hội quốc tế”, là cửa ngõ thế giới của vùng cảng biển Hong Kong, cộng đoàn công giáo VN ở đây cũng được xem như là nơi được lãnh nhận mọi ân huệ, là bến đỗ, là sân ga, thường xuyên đón tiếp các bạn bè giáo hữu lại qua trên khắp toàn cầu. Chính vì vậy, sau bao nhiêu năm dù không có Cha tuyên úy, nhưng cộng đoàn vẫn duy trì, bền vững nhờ hồng ân Chúa gắn kết, cùng những phép lạ vô biên.

Có thể nói rằng, nhờ hồng ân Chúa ban và soi sáng, cơ duyên của người công giáo Việt Nam đã gắn liền với tuổi đời của giáo xứ Thánh Giuse. Vì kể từ khi giáo xứ bắt đầu được thành lập vào năm 1986, Cha Trần Đạt Minh, vị đảm nhiệm quản xứ đầu tiên, ngoài việc chăm lo cho cộng đồng người Hồng Kông, đã đồng thời rất mực quan tâm đến số ít những người Việt Nam vừa chạy đến Hồng Kông lánh nạn vào khoảng từ năm 1978 và đang trong thời gian chờ đợi đi định cư, nên Cha Trần Đạt Minh đã tận tình giúp đỡ, cử hành Thánh lễ bằng tiếng Việt đầu tiên cho họ tại đây.

Từ sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, dòng người Việt lần lượt chia làm nhiều giai đoạn phải rời nước ra đi. Ngày 16/6/1988, chương trình nhân đạo ở mảnh đất trung chuyển Hồng Kông khép lại. Những người Việt tới Hồng Kông sau thời mốc đó được gọi là thuyền nhân và bị phân loại. Nhiều vấn đề về người tỵ nạn bắt đầu nảy sinh. Cùng năm đó, Cha Phêrô Lê Văn Thắng được giáo phận Hồng Kông đề cử đặc trách riêng về người tỵ nạn Việt Nam.

Cộng đoàn công giáo Việt Nam chúng tôi chính thức được thành lập vào năm 1994, có tên khai sinh là Cộng đoàn Hy Vọng, nay gọi là Cộng đoàn Các Thánh Tử đạo Việt Nam. Đó là cộng đoàn của những người Việt đã thực sự cảm mến Hồng Kông, hoặc đã kết duyên với người bản xứ nên đã chọn Hồng Kông làm nơi định cư lý tưởng cho mình.

Chương trình tỵ nạn dần chấm dứt cũng là lúc cộng đoàn Hy vọng ngày một sinh sôi nảy nở, lớn dần lên trong tình thương yêu của cộng đồng giáo xứ Thánh Giuse và được sự công nhận của Giáo phận. Thánh lễ tiếng Việt được cử hành độc lập vào mỗi Chúa nhật lúc 12g30’ hàng tuần, ban đầu bởi các Linh mục dòng Chúa Cứu Thế.

Năm 1997, Cha Lê Văn Thắng tiếp quản chính xứ, Ngài tiếp tục tận tình quan tâm đến thân phận yếu hèn của tập thể những người Việt Nam còn đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc hòa nhập vào xã hội Hồng Kông. Từ khắp mọi ngả của Hồng Kông, các gia đình công giáo Việt Nam qui tụ về nhà thờ Thánh Giuse mỗi Chúa nhật trong tâm tình cảm tạ, tôn vinh Thiên Chúa, đồng thời chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau các nhu cầu của cuộc sống thường ngày, song song với việc duy trì một góc riêng nền văn hóa Việt trên đất khách.

Có khoảng 300 tín hữu công giáo Việt Nam trong số gần 8000 người Việt đang định cư ở Hồng Kông. Thực là một cộng đoàn vô cùng nhỏ bé và vô cùng đặc biệt khi “Ban điều hành” toàn bộ đều là các chị em phụ nữ, tự giác phân công hợp tác các công việc tự quản cộng đoàn mình.

Chúng tôi hầu hết là những người Việt Nam thân cô thế cô, không có thân bằng quyến thuộc ở Hồng Kông, nhưng xứ Giuse đã và đang là căn nhà ấm cúng tràn đầy hồng ân trong đời sống tinh thần của người Việt xa xứ. Mỗi năm nhằm các ngày lễ trọng, chúng tôi tham dự Thánh lễ chung và các hoạt động thường niên trong tinh thần ba hợp nhất của xứ Giuse.

Con cái chúng tôi lớn lên giữa 2 văn hóa Việt-Trung hòa hợp. Hầu hết đều được rửa tội trong Thánh lễ tiếng Việt khi chúng mới sinh và tiếp tục theo học chung trong lớp giáo lý tiếng Hoa để được lãnh bí tích thêm sức và rước lễ lần đầu tại xứ. Giáo xứ luôn nhiệt tình tạo điều kiện cho nhóm chúng tôi có phòng học riêng khi tổ chức cho con em học thêm tiếng Việt, hoặc có những người đã luôn sẵn sàng tình nguyện dạy tiếng Hoa, tiếng Anh cho nhóm mới tới định cư - hoặc các tu sĩ chia sẻ Lời Chúa với các tân tòng trước Thánh lễ mỗi tuần.

Trước khi được Cha Phêrô Lâm Minh, Cha Tổng đại diện của giáo phận Hồng Kông phụ trách chính thức, thì cộng đoàn Các Thánh Tử đạo Việt Nam cũng đã được Chúa đoái thương luôn gửi các Linh mục, Giám mục từ các dòng, các quốc tịch từ khắp mọi nơi tới dâng Thánh lễ hàng tuần trong suốt bấy nhiêu năm qua, trong đó phải kể đến sự chăm lo chăn dắt thường xuyên liên tục cho tới tận ngày hôm nay của các Cha Hội Thừa sai Paris như Cha Phêrô Lâm Minh, Cha Gabriel Lê Hòa Lạc, Cha Phaolô Hoa Thiên Lộc, và sự đồng hành trong đời sống đức tin với cộng đoàn của các thầy, các sơ từ mọi dòng tu đang cư trú tại Hồng Kông. Đặc biệt là kể từ khi có các thầy dòng Ngôi Lời tới trợ giúp, hướng dẫn chúng tôi cách biết dành nhiều thời gian hơn cho Chúa, tới nay mỗi năm 2 lần, để chuẩn bị Đại lễ mừng Chúa Phục sinh và mừng Chúa Giáng sinh, cộng đoàn đều tổ chức chương trình tĩnh tâm nhằm nhận thức sâu sắc hơn cách gần gũi với Chúa. Đó kể như là phần lương thực thiêng liêng trong đời sống của mỗi gia đình công giáo Việt Nam chúng tôi.

Chính vì đã duy trì được nhiều năm như vậy mà cho tới nay tất cả người công giáo Việt Nam trên toàn thế giới đều biết tới cộng đoàn Các Thánh Tử đạo Việt Nam ở Hong Kong và đều có thể ghé thăm bất cứ lúc nào mỗi lần họ có cơ hội đặt chân tới Hồng Kông.

Vì cộng đoàn Việt Nam đa phần là chị em phụ nữ, lại sống tản mác xa nhà thờ, và hầu hết đều mang theo con thơ, nên không tránh khỏi còn nhiều mặt hạn chế, song chúng tôi luôn mong muốn khiêm nhường là được gần gũi học hỏi, được hòa mình với cộng đồng giáo xứ Giuse hôm qua, hôm nay và cho tới ngày sau hết của cuộc đời.

Năm Đức tin, giúp mọi người hiểu thêm về tiểu sử của Cha Tổng đại diện Phê rô Lâm Minh, và về mối tương quan giữa các Linh mục Hội Thừa Sai Paris với cộng đoàn công giáo VN ở đây.

Cha Tổng đại diện Phêrô Lâm Minh và Cộng đoàn CGVN tại Hồng Kông

Sau những năm đầu thành lập, còn lại ba Linh mục thuộc hội Thừa sai Paris, cùng là quốc tịch Pháp hiện phục vụ tại Hong Kong, đã và đang thay nhau chăm lo, phụ trách dâng Thánh lễ tiếng Việt hàng tuần cho cộng đoàn.
Nếu như Cha Gabriel Lê Hòa Lạc nặng tình với người Việt vì đã được sai đi ôm “mối tình đầu” truyền giáo trên đất Việt nam từ thập niên 50 của thế kỷ trước; Cha Phao lô Hoa Thiên Lộc cũng là một người Pháp đến truyền giáo lúc Việt nam giao thời khoảng những năm 70; thì Cha Phê rô Lâm Minh lại đặc biệt hơn cả, Ngài dù cũng mang quốc tịch Pháp, nhưng xuất thân lại là một người Việt gốc Hoa.

Sinh ra trong một gia đình công giáo cần lao, cả hai ba mẹ là người gốc Trung Hoa. Năm 1934, ông Cụ Cố họ Lâm lúc đó mới 14 tuổi, đã từ Quảng Đông sang Bạc Liêu, miền nam VN để lập nghiệp. Thời xưa, Sài gòn đã từng là Hòn ngọc Viễn đông, phồn vinh giống như Hong Kong bây giờ.

Cha Lâm Minh, là con cả trong gia đình gồm 6 anh chị em. Thuở thiếu thời, Ngài đã mến Chúa hết lòng và ước mong được dấn thân phục vụ. Ngài tu học trong Đại chủng viện Sài gòn. Mọi việc sẽ khác nếu không có biến cố tháng 4/1975 xảy ra. Khi bắt đầu bước vào học thần học năm thứ 4 thì bị chính quyền cấm đoán không cho học tiếp, thầy Lâm Minh lúc bấy giờ lo lắng sẽ không có cơ hội để tiến tới hiến dâng trọn đời cho Chúa, nên đã tìm cách rời đi khỏi VN.

Tháng 11 năm 1978, thầy đến trại tỵ nạn Malaysia. Trải qua 8 tháng gian nan trong thân phận tỵ nạn, tới tháng 7/1979 thì được Hội Thanh niên Thánh Linh tại Pháp bảo lãnh sang Pháp quốc, nơi được mệnh danh là “trưởng nữ của Giáo hội”, cho thầy định cư.

Một năm đầu, thầy sống và hoạt động chung với nhóm này. Tới năm 1980, thầy được gửi tới xứ Bordeaux, một thành phố cảng thuộc miền Tây Nam nước Pháp, là thủ phủ rượu vang nổi tiếng thế giới. Thầy vừa học vừa giúp xứ, để thích ứng cuộc sống và để học tiếng Pháp.

Năm 1981 thầy vào Chủng viện tiếp tục học thêm 1 năm.

Sau đó thầy được sai ra giúp xứ thêm 6 tháng nữa, đến ngày 7/5/1983 thầy chịu chức Phó tế.

Ngày 14/1/1984, Thày Lâm Minh được phong chức Linh mục ở xứ Bordeaux, khi ấy vị Linh mục trẻ chuẩn bị bước sang tuổi 31.

Năm 1989, trong lần đi về Úc đại lợi thăm gia đình người em gái. Cha Lâm Minh đã ghé ngang qua Hong Kong để tìm gặp người thày dạy từ VN của mình, chính là Cha Stephen Trần Đạt Minh, lúc đó đang quản xứ Giuse của chúng ta ngày nay.

Và ngẫu nhiên tới năm 1991, Ngài được sai về Hong Kong phục vụ, ban đầu ở xứ “Sao biển” Chai Wan, HK - tiếp theo về xứ “Chúa Kitô phục sinh” Kwun Tong, làm việc trong vòng 5 năm.

Thời điểm này, cũng là lúc vấn đề về người Việt tỵ nạn đang hết sức nhức nhối. Tại các phân khu trại cấm White Head- Shatin, HK thì đã có nhiều Linh mục tới trợ giúp, còn Cha Lâm Minh thường vào giúp cho trại cấm Sekong và đảo xa Tai A Chau.

Ở hội dòng, Ngài từng giữ chức vụ là Cha bề trên của Hội thừa sai Paris toàn HK trong 2 nhiệm kỳ, từ năm 2002 đến 2008.

Ở Đại chủng viện Chúa Thánh thần Hong Kong, sự thánh thiện của Ngài thật xứng với vai trò của Ngài là Cha Linh hướng cho tất cả các tu sĩ.

Từ năm 2009, Ngài được Đức Cha bổ nhiệm là Cha tổng đại diện, phụ trách Liên hội dòng trong giáo phận, và phụ trách tất cả các cộng đoàn công giáo ngoại quốc trên toàn địa phận Hong kong, trong đó có cộng đoàn công giáo Việt nam tại Hong Kong và Ma cau.

Đến giờ, khi đã và đang đương nhiệm ở ngai vị Tổng đại diện, nhưng Ngài vẫn vẹn nguyên bản tính khiêm nhường, giản dị đến kinh ngạc. Ngài vẫn dùng chiếc điện thoại cũ rích, chỉ độc nhất một bộ com-lê dành cho những lần đi nghị sự, và Ngài vẫn thường xuyên bôn ba khắp các ngả HK bằng phương tiện giao thông công cộng. Tôi làm hướng dẫn du lịch gần10 năm ở HK cũng không thông thạo đường đi lối lại được như Ngài, Ngài quả thực còn rành hơn cả một người dân bản xứ chính gốc.

Ngài thường bất ngờ thăm viếng các gia đình công giáo, sau mỗi lần công du tới dâng lễ ở các quận HK. Gia đình tôi cũng là một trong số được nhận niềm hân hạnh bất ngờ đó, và nhờ vậy có cuộc tìm hiểu tỉ mỉ về thân thế của Ngài.

Cộng đoàn công giáo Việt nam tại Hong Kong là một cộng đoàn nhỏ bé mà lại vô cùng đặc biệt, tất cả đều đã phải trải qua những tháng năm tỵ nạn khắc khoải đầy nước mắt vào thập niên 90. Hơn ai hết, Cha Lâm Minh đồng cảm với chúng tôi trong mọi phương diện, vì chính Ngài cũng từng âm thầm rơi lệ những ngày đầu khi mới làm người ly xứ, với niềm đau đáu nhớ quê hương và nỗi khủng hoảng tinh thần.

Cuộc đời này sẽ thiệt thòi cho những ai không tin rằng mọi sự được an bài bởi quyền năng Thiên Chúa. Vì nếu bạn thật sự tin, bạn sẽ xác tín rằng có Chúa luôn đồng hành đỡ nâng mỗi chúng ta hết mọi ngày trong đời sống. Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi đang hiện hữu như một phép lạ: rằng Cha Phêrô Lâm Minh, người Mục tử tốt lành mà Chúa gửi đến đi cùng với bạn tự lúc nào mà bạn đã chẳng hay. Và điều tôi muốn nói ở đây là con đường Ngài được Chúa sai đi, chính là thông qua từ việc bắt đầu: cũng làm một người tỵ nạn.

Chúng con vô cùng cám ơn Đức Cha và Giáo Phận Hồng Kông, cảm ơn các Linh mục là ân nhân của cộng đồng người Việt, cảm ơn vị Cha tiên khởi Trần Đạt Minh, cảm ơn Cha Lê Văn Thắng “linh hồn của người tỵ nạn Việt Nam”, cảm ơn các Linh mục quản xứ Giuse, và đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Ban hành giáo và toàn thể giáo dân xứ Giuse đã thực sự coi chúng tôi là anh em một nhà của cùng một Cha trên trời. Chúng tôi mong muốn ngày một nỗ lực sống xứng đáng hơn để trung kiên đức tin và loan truyền ơn cứu độ của Chúa tới những người xung quanh và thế hệ con cháu của chúng tôi.

Tháng 3/2013
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tại sao người Công giáo ủng hộ ông Vươn
Đoàn Xuân Lộc/ BBC
22:14 04/04/2013
Tại sao người Công giáo ủng hộ ông Vươn


Lễ cầu nguyện cho ông Vươn và gia quyến diễn ra hôm 31/3

Trong những ngày qua, nhiều nhân sỹ, trí thức và công luận nói chung đã lên tiếng ủng hộ, bênh vực gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

Trong số đó, có không ít người Công giáo.

Tối 31/03/13, tại Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội đã có một thánh lễ cầu nguyện cho ông Vươn và gia đình. Buổi cầu nguyện này đã quy tụ rất đông người, trong đó có một số nhân sỹ, trí thức như giáo sư Ngô Đức Thọ, tiến sĩ Nguyễn Quang A và nghệ sỹ Kim Chi.

Trước đó, vào ngày 29/03/13, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên Giám mục Giáo phận Hải Phòng và Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi một văn thư cho Tòa án Nhân dân Thành phố Hải Phòng.

Văn thư này đã nêu lên các sai trái của chính quyền và mất mát về vật chất và tinh thần mà gia đình ông Vươn phải chịu từ những việc làm phi pháp đó cũng như yêu cầu ‘trả tự do và được bồi thường thiệt hại thỏa đáng’ cho họ.

Tại sao các Giám mục Việt Nam và người Công giáo bày tỏ cảm thông và lên tiếng bênh vực gia đình ông Vươn như vậy?

Bênh vực người bị áp bức

Trong văn thư của mình hai vị Giám mục cho biết họ đã nhận được lời kêu cứu của đại diện gia đình ông Vươn – một gia đình Công giáo, thuộc Giáo phận Hải Phòng – và ‘cảm thấy thật thiếu sót nếu không cùng với công luận gửi văn thư này lên quý vị về phiên tòa lịch sử’.

Do đó, có văn thư và thánh lễ trên phần vì gia đình ông Vươn là những người Công giáo.

"Từ khi được bầu làm Giáo hoàng, Đức Giáo hoàng Francis luôn nhấn mạnh và có những cử chỉ hướng tới người nghèo, những kẻ đơn côi hay những ai đang phải chịu tù tội."

Nhưng đây không phải lý do chính yếu làm Giáo hội và người Công giáo đồng cảm và ủng hộ ông Vươn và người thân.

Trong bài viết của mình sau khi tham dự buổi cầu nguyện cho gia đình ông Vươn được lưu hành nhiều trên mạng, nghệ sỹ Kim Chi nói rằng nghệ sỹ thấy ‘lòng rộn vui vì chỉ trong vòng ít phút mà người đã đến đông kín cả trong và ngoài phòng nguyện. Điều này chứng tỏ tình thương con người vẫn dành cho nhau nhiều lắm’. Cũng như ‘rất mừng khi thấy tinh thần hiệp thông mạnh mẽ của các linh mục, tu sĩ và giáo dân ở đây với các gia đình nạn nhân’.

Đúng vậy, người Công giáo lên tiếng, hiệp thông với ông Vươn và gia đình vì việc cầu nguyện, liên đới, bảo vệ những người nghèo khổ, cô thế, cô thân, những người bị áp bức là một lời mời gọi – nếu không muốn nói là bổn phận – của họ.

Tin Mừng mà Chúa Giêsu loan báo là Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, bị giam cầm, bị áp bức. Từ khi được bầu làm Giáo hoàng, Đức Giáo hoàng Francis luôn nhấn mạnh và có những cử chỉ hướng tới người nghèo, những kẻ đơn côi hay những ai đang phải chịu tù tội.

Giáo hội lập ra Ủy ban Công lý và Hòa bình cũng nhằm để lên tiếng và bênh vực cho những người vô tội, yếu đuối bị áp bức, bị bất công đối xử. Giáo hội và người Công giáo nhận thấy rằng gia đình ông Vươn là một trong những người đó.

Văn thư của Đức cha Thiên và Đức cha Hợp đã nêu rõ hành vi sai trái có hệ thống và thái độ, hành động bạo quyền của chính quyền và chính những điều đó đã đây đưa một dòng họ vào vòng lao lý, tù tội.

Không thờ ơ với đất nước

Vì đặc tính và sứ vụ ấy của mình, dù không làm chính trị, Giáo hội không hề thờ ơ với tình hình đất nước. Ngược lại Giáo hội luôn quan tâm, nỗ lực kiếm tìm giải pháp tích cực dựa trên giáo huấn xã hội của Giáo hội qua đó góp phần nhỏ của mình vào công cuộc xây dựng một đất nước phát triển, dân chủ và nhân ái.

Giáo hội đã cảnh báo chính quyền về nguy cơ bùng nổ mâu thuẫn liên quan tới đất đai

Và có thể nói vụ ông Vươn – từ nguyên nhân, bối cảnh, diễn tiến của vụ việc đến đối tượng trực tiếp hay gián tiếp liên can – lột tả được nhiều khía cạnh của thực trạng của xã hội Việt Nam mà Giáo hội đã nhiều lần lên tiếng trước đó.

Chẳng hạn, trong bản Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay vào tháng 5 năm 2012, Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có ý kiến về tình hình đất nước trong chín lĩnh vực khác nhau, trong đó có luật đất đai.

Ủy ban này nhận định rằng ‘luật đất đai hiện hành, vừa đi ngược tự nhiên, vừa không tôn trọng Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Đó là nguyên nhân của khoảng 80% các khiếu kiện trong nước’.

Việc ‘quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân đã phát sinh đặc quyền, đặc lợi của chính quyền trong việc quy hoạch và thu hồi đất cho các dự án, tước mất quyền căn bản của người dân’. Hơn nữa, nay có tình trạng ‘dùng vũ khí chống lại việc thu hồi đất’.

Liên quan đến lĩnh vực luật pháp, Ủy ban này chỉ ra rằng ‘Việt Nam có một hệ thống pháp luật đồ sộ, nhưng không hiệu quả từ lập pháp đến hành pháp, vì thiếu sự công khai, minh bạch, và nhất là thiếu sự độc lập về tư pháp’.

Hơn nữa, ‘việc áp dụng luật pháp chưa nghiêm minh và tùy tiện, nhất là ở cấp địa phương, đã dẫn đến những oan sai và đôi khi đẩy người dân đến bước đường cùng’.

'Bất cập, phi lý'

Vào tháng 11 năm 2012, Ủy ban Công lý và Hòa bình cũng ra một Bản phúc trình về tình hình công lý, hòa bình và nhân quyền trong xã hội Việt Nam hiện nay, nêu cụ thể bảy tệ nạn đang xảy ra tại Việt Nam. Trong đó trong đó tình trạng ‘xử án bất công’, ‘dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp dân sự’ và ‘tham nhũng thành quốc nạn’.

"Văn thư của Tòa Giám mục Hải Phòng và Ủy ban Công lý và Hòa bình gửi cho Tòa án Hải Phòng cũng đề cập đến ‘luật đất đai bất cập’ và việc dùng bạo lực trong vụ cưỡng chế đầm ông Vươn."

Văn thư của Tòa Giám mục Hải Phòng và Ủy ban Công lý và Hòa bình gửi cho Tòa án Hải Phòng cũng đề cập đến ‘luật đất đai bất cập’ và việc dùng bạo lực trong vụ cưỡng chế đầm ông Vươn.

Và mới đây, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã có Bản nhận định và góp ý gửi tới Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó các Giám mục Việt Nam đã thẳng thắn, mạnh mẽ, công khai nêu bật những bất cập, phi lý đang xảy ra tại Việt Nam và những hậu quả của chúng, cũng như kêu gọi phải có những thay đổi căn bản về ‘quyền con người’, ‘quyền làm chủ của nhân dân’, và về việc ‘thi hành quyền bính chính trị’, trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này.

Nêu lên một vài ý kiến, nhận định trước đây của Ủy ban Công lý và Hòa bình để thấy rằng việc Đức cha Vũ Văn Thiên và Đức cha Nguyễn Thái Hợp lên tiếng bảo vệ gia đình ông Vươn không đơn thuần họ là những người Công giáo.

Văn thư của hai vị Giám mục hoàn toàn hợp và nêu bật được quan điểm và vai trò của Giáo hội về đất nước và đối với đất nước.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một trí thứ Công giáo hiện nghiên cứu tại Global Policy ở London, Anh Quốc.
 
Thông Báo
Thông báo những điều liên quan đến Đại Hội Thánh Mẫu La Vang Houston, Texas
Nguyễn Đức Vượng
18:33 04/04/2013
Houston, Texas, ngày 4/4/2013: Chỉ còn không đầy một tháng nữa là đến ngày khai mạc Đại Hội Thánh Mẫu La Vang 2013 tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, Houston, Texas, kính gửi đến quý vị một vài thông tin về Đại Hội dưới đây:



1. Đại Hội Thánh Mẫu của mọi giới và mọi người: Như xưa Mẹ đã hiện ra tại La Vang Quảng Trị cho người Công Giáo và cả người lương dân, Mẹ không từ bỏ một ai muốn chạy đến kêu cầu Mẹ. Đại hội Thánh Mẫu lần này cũng được mời gọi các hội đoàn, ban ngành, nhóm hay ngay cả những người lương dân không thuộc hay chưa thuộc Giáo Xứ Đức Mẹ la Vang vẫn có thể ghi danh hoặc trực tiếp đến để tham dự thánh lễ, rước kiệu cầu nguyện vvv. Nếu muốn đi theo đoàn thể, hay nhóm, xin ghi danh với cô Tổng Thư Ký Ban Tổ Chức Trần Đinh Kim Oanh (281) 793-7742 để được sắp xếp một cách chu đáo cho mọi người.

2. Các gia đình trong Giáo Xứ Mẹ La Vang sẽ đón tiếp quý vị từ xa đến nghỉ đêm tại các gia đình, (có thể là quý Linh Mục, Tu Sĩ Nam Nữ, có thể là các đoàn viên của các hội đoàn, các ca viên của các ca đoàn hay những người già yếu và giáo dân từ xa đến.) Xin liên lạc trực tiếp với văn phòng giáo xứ (281) 999-1672 hay quý cha (832) 692-4761 để được sắp xếp.

3. Mời tham gia chương trình văn nghệ trong những ngày Đại Hội: Chúng con kính mời quý Đoàn thể, Ca Đoàn và nghệ sĩ từ xa tới muốn giúp vui trong chương trình văn nghệ của Đại Hội xin liên lạc với Cha Thiên Ân (832) 692-4761, hay Chị Hoàng Michell (832) 576-4965 trước ngày 10/4/2013 để tiện việc sắp xếp.

4. Kính mời quý vị vào gia trang Đại Hội để biết thêm chi tiết: http://www.dhtmlv.org/

Xin Thánh Cả Giuse Đấng luôn đồng hành với Mẹ và con Thiên Chúa Đức Giêsu, các Đấng luôn gìn giữ và ban phúc lành trên những việc đạo đức mà chúng ta cùng đang thực hiện.
 
Văn Hóa
Tin là đón nhận và đi vào Tình Yêu của Thiên Chúa
Jos. Vinc. Ngọc Biển
09:41 04/04/2013
Khi tôi còn nhỏ, tôi vẫn thường nghe thấy người lớn dạy con cái, cháu chắt của mình rằng: “chúng ta là con nhà có hồn có xác, phải biết phụng thờ Thiên Chúa bằng việc siêng năng đi lễ nhà thờ, chịu khó lần hạt để thể hiện niềm tin của mình vào Chúa” . Khi lớn lên một chút, có dịp đi đây đó, học hỏi và từng trải trong cuộc sống, tôi mới khám phá ra rằng: tin không phải là chỉ có chuyện đi lễ nhà thờ, đọc năm ba câu kinh, lần một vài tràng chuỗi Mân côi là xong. Không phải chỉ có thế, mà tin ở đây còn phải là một thái độ, một hành vi lựa chọn. Tin Thiên Chúa thì cũng có nghĩa là ở lại trong Người. Ở lại trong Người là gì nếu chẳng phải là Tình yêu được nên một với Người!

Đọc lại lịch sử Giáo Hội thời sơ khai ta thấy rất rõ về những hành vi sống và bảo vệ đức tin của các Tông đồ và những tín hữu tiên khởi. Khi bị truy lùng và cấm đạo suốt III thế kỷ, các ngài đã phải bới đất, đào hầm để lẩn chốn (hầm đó ngày nay người ta gọi là hang toại đạo). Chấp nhận thiếu thốn tư bề: ốm đau, bệnh tật, dơ bẩn...để bảo vệ đức tin, để trung thành phụng sự và yêu mến Chúa, Đấng đã yêu mình trước.

Lược qua lịch sử Giáo Hội Việt Nam, những thử thách đau khổ của cha ông ta cũng không kém gì các tông đồ và những tín hữu thời Giáo Hội sơ khai. 300 năm bắt đạo, cũng là 300 năm tổ tiên chúng ta sống trong đau khổ liên lỉ, đôi khi sự cấm cách có trùng xuống, nhưng đấy cũng chỉ là hình thức hoãn binh để chuẩn bị cho một cuộc bắt bớ mới ác liệt, tàn khốc hơn mà thôi. Những hình khổ như: xiềng xích, gông cùm, bỏ đói, phơi nắng, đánh đòn, voi giầy, phân thây, thắt cổ, thiêu sống, trôi sông và cuối cùng là đầu rơi máu đổ...đã không làm cho các ngài sợ hãi, ngược lại, đứng trước những đau khổ dã man, các ngài được “Tình yêu Đức Kitô thúc bách” (2 Cr 5, 14) nên đây lại là cơ hội thuận tiện để các ngài biểu lộ tình yêu tuyệt đối của mình vào Chúa cách mãnh liệt hơn. Vì thế, các ngài đón nhận tất cả, đánh đổi tất cả, ngay cả cái chết để tin có Thiên Chúa và chọn Thiên Chúa là gia nghiệp của mình. Chỉ có tình yêu với Thiên Chúa và niềm tin mãnh liệt vào Người mới có thể giúp các ngài vượt qua được vũ lực, quyền bính, ma quỷ và yếu đuối của chính mình.

Qua những hành vi lựa chọn của cha ông, chúng ta thấy toát lên một chân lý là: tin đồng nghĩa với việc đón nhận thập giá: “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. (Lc 14,27), tin là chấp nhận thân phận của hạt lúa gieo vào lòng đất: “Thầy bảo thật anh em: nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, nó sẽ trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24), tin là đi vào quỹ đạo của tình yêu, một tình yêu dẫn đến cả cái chết, chết cho người mình yêu: “Không có tình thương nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Hành vi đức tin đó được khởi đi và gợi hứng từ việc chiêm ngắm Đức Kitô, một Đức Kitô đã được Chúa Cha đem trồng vào trong mảnh vườn Giáo Hội qua cung lòng Đức Maria: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3,16). Hạt giống đó được ví như hạt lúa mì gieo vào lòng đất, chấp nhận thối đi để sinh nhiều bông hạt khác.

Là môn đệ của Thầy Giêsu, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường mà Đức Giêsu đã đi. Con đường của hạt lúa gieo vào lòng đất. Chấp nhận mọi đau thương để đổi lấy hạnh phúc. Chấp nhận lên đồi Canvê để có Đêm Thánh Phục Sinh. Chấp nhận chén đắng cuộc đời để có mật ngọt của tình yêu là ơn cứu độ.

Như vậy, đức tin là một quà tặng của Thiên Chúa cho con người, con người phải đón nhận nó như một hồng ân. Hồng ân đó không mua được bằng tiền, không có được bằng quyền, mà phải đánh đổi bằng cả cuộc sống qua thái độ biết ơn và bằng con đường tình yêu. Tin là tin vào Thiên Chúa. Tin cũng là đi vào Tình Yêu của Người. Tin cũng có nghĩa là sống Tình Yêu đó trong cuộc đời: “Vạn sự đã do Tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về Tình yêu và đi vào trong Tình yêu” ( R.Tagore).

Giáo Hội của Chúa luôn hướng về nội dung đức tin là Thiên Chúa, nhưng lại hiện hữu rất sống động qua hành vi đức tin được thể hiện nơi con cái của mình trong mọi thời đại. Sự kết hợp giữa hai chiều kích này đã được Đức Bênêđictô nói rõ: “Có sự hiệp nhất sâu xa giữa hành vi tin tưởng và nội dung đức tin mà chúng ta chấp nhận” . Quả thật, “cũng như cái xác không hồn là cái xác chết. Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26).

Ước mong sao khi tin, chúng ta không chỉ dừng lại ở một niềm tin mang tính thụ động, nhưng niềm tin đó phải được thể hiện cách sống động trong đời thường của chúng ta, đức tin ấy: “dẫn chúng ta vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và vào Giáo Hội” .

Như vậy, tin có nghĩa là đi vào Tình Yêu của Thiên Chúa. Đỉnh cao của Tình Yêu này chính là Thánh Giá cứu chuộc. Vì vậy, đón nhận Thánh Giá trong cuộc đời là một sự can đảm để sống đức tin và cũng là biểu hiện của người đang ở trong Tình Yêu của Thiên Chúa.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đèo Ngang
Tấn Đạt
21:15 04/04/2013
ĐÈO NGANG
Ảnh của Tấn Đạt
Dừng chân đứng lại: trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
(Trích thơ của Bà Huyện Thanh Quan)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 29/3-5/4 - Giới thiệu bộ phim ''Một Thiên Chúa bị cấm''
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
11:25 04/04/2013
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư Mùng 3 tháng Tư

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư Mùng 3 tháng Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý về năm Đức Tin đã được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 khởi xướng. Trước 35,000 khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã nói về biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu và vai trò của các phụ nữ trong việc truyền bá đức tin.

"Tiếp tục loạt bài giáo lý về Kinh Tin Kính, giờ đây chúng ta chuyển đến câu: "Ngày Thứ Ba Ngài đã sống lại như lời Thánh Kinh” "

Niềm tin vào sự Phục sinh của Chúa Kitô là trung tâm điểm đức tin của chúng ta, là cơ sở cho niềm hy vọng của chúng ta vào những lời hứa của Thiên Chúa và cũng là là cơ sở cho niềm tin mãnh liệt của chúng ta vào chiến thắng chung cuộc trên tội lỗi và sự chết.

Các nhân chứng đầu tiên của biến cố Phục Sinh là những phụ nữ, là những người đã đến mồ vì lòng yêu mến Chúa, họ đã đón nhận với niềm vui thông điệp Phục Sinh và sau đó báo tin mừng này cho các Tông Đồ.

Đến lượt chúng ta cũng phải như thế, chúng ta cần phải chia sẻ niềm vui phát sinh từ đức tin của chúng ta vào biến cố Phục sinh! Trong lịch sử Giáo Hội, phụ nữ đã có một vai trò đặc biệt trong việc mở cửa đức tin vào Chúa Kitô cho nhiều người, vì đức tin luôn luôn là một phản ứng đối với tình yêu.

Với con mắt đức tin, chúng ta cũng gặp Chúa Phục Sinh trong nhiều dấu chỉ sự hiện diện của Ngài: Thánh Kinh, Thánh Thể và các bí tích khác, và các nghĩa cử bác ái, lòng tốt, sự tha thứ và lòng thương xót mang lại một tia Phục Sinh của Người vào thế giới của chúng ta. Cầu xin cho đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô Phục sinh có thể biến chúng ta thành những dấu chỉ sống động trong thế giới của chúng ta về sự chiến thắng của cuộc sống và hy vọng trên tội lỗi, sự dữ và cái chết ".

Đức Giáo Hoàng đã chào hỏi các tín hữu như sau:

"Tôi nồng nhiệt chào đón tất cả các du khách nói tiếng Anh hiện diện tại buổi triều yết ngày hôm nay, bao gồm cả những người từ Anh, Scotland, Wales, Ireland, Na Uy, Thụy Điển, Úc, Phi Luật Tân, Canada và Hoa Kỳ. Một cách đặc biệt tôi chào thăm các phó tế mới được thụ phong linh mục từ trường Học Viện Giáo Hoàng Ái Nhĩ Lan và gia đình họ.

Tôi cũng nồng nhiệt chào đoàn đại biểu của Thượng viện Hoa Kỳ. Tôi cám ơn các dàn hợp xướng đã ca ngợi Thiên Chúa trong các bài hát. Tôi chân thành xin Chúa tuôn đổ niềm vui và bình an là hồng ân vĩnh cửu của Chúa Phục Sinh.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu đón nhận chiến thắng của Chúa Kitô trên sự ác và diễn tả qua những thực tại cụ thể của lịch sử và xã hội.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng lần đầu tiên, trưa ngày mùng Một Tháng Tư, tức là thứ hai sau Phục Sinh, với khoảng 40 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô. Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Cầu chúc tất cả anh chị em lễ Phục Sinh tốt đẹp! Tôi cám ơn anh chị em hôm nay đến đây đông đảo để chia sẻ niềm vui của lễ Phục Sinh, mầu nhiệm chủ yếu của đức tin chúng ta. Ước gì sức mạnh Phục Sinh của Chúa Kitô đến với mỗi người - nhất là những người đang chịu đau khổ - và tất cả những ai đang trong hoàn cảnh cần niềm tín thác và hy vọng hơn cả”.

”Chúa Kitô đã chiến thắng sự ác một cách trọn vẹn và chung kết, nhưng mỗi người chúng ta, những người thuộc mọi thời đại, có nhiệm vụ đón nhận chiến thắng ấy trong cuộc sống bản thân và trong những thực tại cụ thể của lịch sử và xã hội. Vì thế, tôi thấy một điều quan trọng là nhấn mạnh điều mà hôm nay chúng ta cầu xin Chúa trong Phụng Vụ: “Lạy Cha, là Đấng làm cho Giáo Hội của Cha được tăng trưởng bằng cách luôn ban cho Giáo Hội những người con mới, xin ban cho các tín hữu của Cha được biểu lộ trong cuộc sống bí tích mà họ đã lãnh nhận trong đức tin” (Kinh Tổng nguyện thứ 2 tuần bát nhật Phục Sinh).

“Đúng vậy, bí tích rửa tội làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, bí tích Thánh Thể liên kết chúng ta với Chúa Kitô, phải trở thành sự sống, nghĩa là phải được biểu lộ của các thái độ, lối cư xử, những cử chỉ và chọn lựa. Ơn thánh chứa đựng trong các bí tích Phục Sinh là một tiềm năng canh tân rất lớn cho cuộc sống bản thân, cho đời sống gia đình, cho các quan hệ xã hội. Nhưng tất cả đều tiến qua tâm hồn con người: nếu tôi để cho ơn thánh của Chúa Kitô phục sinh đạt tới, nếu tôi để ơn thánh biến đổi tôi trong những khía cạnh không tốt, có thể gây hại cho tôi và tha nhân, thì có nghĩa là tôi để cho chiến thắng của Chúa Kitô vững mạnh trong đời sống của tôi, mở rộng những hoạt động tốt lành của tôi. Đó chính là sức mạnh của ơn thánh!”

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

“Anh chị em thân mến, biểu lộ trong cuộc sống bí tích chúng ta đã nhận lãnh: đó chính là sự dấn thân hằng ngày của chúng ta và tôi có thể nói đó là niềm vui thường nhật của chúng ta! Niềm vui cảm thấy mình là dụng cụ của ơn thánh Chúa Kitô, như những nghành của cây nho là chính Ngài, được sống động nhờ nhựa sống của Thánh Linh Ngài”.

“Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, nhân danh Chúa đã chịu chết và sống lại, và nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria chí thánh, để Mầu Nhiệm Phục sinh có thể tác động sâu xa trong chúng ta và trong thời đại chúng ta ngày nay, để oán ghét nhường chỗ cho tình thương, dối trá nhường chỗ cho sự thật, oán thù nhường chỗ cho tha thứ, sầu muộn nhường chỗ cho vui mừng”.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha còn chào thăm tất cả các tín hữu hành hương đến từ các đại lục để tham dự buổi đọc kinh này.

3. Đức Thánh Cha Phanxicô viếng mộ Thánh Phêrô

Chiều Thứ Hai Phục Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi thăm khu vực hầm mộ bên dưới Đền thờ Thánh Phêrô, trong đó có mộ của Thánh Phêrô. Cùng đi với Ngài có linh mục trưởng Đền thờ là Đức Hồng Y Angelo Comastri, và các vị đứng đầu của các dự án khảo cổ học là các tiến sĩ Pietro Zander và Mario Bosco, Đức Thánh Cha đã đi qua các hầm mộ, nghe lời giải thích của các nhà khảo cổ, trước khi đến mộ của Thánh Phêrô, chính xác nằm bên dưới bàn thờ trung tâm và vòm nhà thờ.

Đức Thánh Cha Phanxicô dừng lại cầu nguyện trong nhà nguyện Clementine, trước khi đi đến các hang Vatican, nơi đó Ngài đã kính cẩn cầu nguyện trước các mộ của các Đức Giáo Hoàng của thế kỷ 20, gồm có: Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV, Đức Giáo Hoàng Piô XI, Đức Giáo Hoàng Piô XII, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I. Chuyến thăm kéo dài khoảng 45 phút, bắt đầu từ năm giờ chiều giờ Rôma. Trên đường ra về, Đức Thánh Cha Phanxicô chào các nhân viên thi hành công vụ, và trở về Nhà thánh nữ Martha giống như cách Ngài đã đi đến, tức là Ngài hoàn toàn đi bộ.

4. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Tư năm 2013

Tòa thánh đã công bố ý cầu nguyện của Đức Thánh Phanxicô cho tháng 4-2013.

Ý chung là: "Xin cho việc cử hành đức tin, công khai và trong cầu nguyện, đem lại sự sống cho các tín hữu".

Ý truyền giáo là: "Xin cho các Giáo hội truyền giáo có thể là dấu chỉ và công cụ của niềm hy vọng và sự sống lại".

5. Đức Thượng phụ Latinh ở Giê-ru-sa-lem nói rằng Đức Giáo Hoàng sẽ được ‘chào đón nồng nhiệt’ như một người hành hương

Trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh tại Nhà thờ Mộ Thánh, Đức Thượng Phụ Latinh ở Giê-ru-sa-lem đã nói về tầm quan trọng của sự hiệp nhất Kitô giáo, hối thúc người Công giáo địa phương hãy tích cực truyền giáo, và nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được "chào đón nồng nhiệt" như một người hành hương tại Thánh Địa.

Đức Thượng phụ Fouad Twal nói: "Thiên Chúa mời gọi chúng ta nơi đây hãy mang ánh sáng đức tin ở trung tâm của khu vực Trung Đông, nơi Kitô giáo được sinh ra, nơi Giáo Hội Mẹ của Giê-ru-sa-lem đã được sinh ra, và nơi mà tất cả mọi thứ thuộc Kitô giáo đã được sinh ra". Ngài nói thêm:

”Đó là lý do tại sao việc truyền giáo mới của chúng ta, để được cập nhật hóa và có có hiệu quả, phải bắt đầu lại từ Giê-ru-sa-lem: bắt đầu từ cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, là những người "chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42); và bắt đầu lại từ cộng đoàn đầu tiên bắt nguồn từ chính Chúa Kitô, có một chính nghĩa và sẵn sàng thực hiện bất kỳ sự hy sinh nào đến mức tử vì đạo. Vì vậy, tôi nhắc lại lời mời của tôi với tất cả các khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến Đất Thánh. Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng tai sẽ là người được chào đón nhất.

Nhắc lại các đau khổ của các Kitô hữu ở Syria và Đất Thánh, Đức Thượng phụ Twal nói rằng "sống làm người Kitô hữu ở Trung Đông không phải là một sự lựa chọn, nhưng là một ơn gọi. Để biết sự sống lại, người ta phải biết đến thập giá".

6. Tin tức ngày Thứ Sáu Tuần thánh trên thế giới: hành hương tại Giê-ru-sa-lem, và đóng đinh vào thập giá tại Phi Luật Tân

Theo thông lệ vào ngày thứ Sáu Tuần thánh, các lễ nghi tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem và việc diễn lại việc Chúa chịu đóng đinh tại một ngôi làng phía bắc Phi Luật Tân đã gây sự thu hút cho khách hành hương Kitô giáo.

Hãng tin Associated Press nói rằng "Hàng trăm Kitô hữu nối đuôi nhau đi qua các ngõ hẻm lát đá cuội của thành phố cổ Giê-ru-sa-lem", trong khi hãng tin Agence France Presse nói “hàng chục ngàn người...".

Đưa tin về việc diễn lại sự kiện Chúa bị đóng đinh, trong đó dân làng tình nguyện bị đóng đinh và treo trên thập tự giá trong "nhiều phút", hãng tin AP dẫn lời Đức Tổng Giám mục Jose Palma, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Phi Luật Tân, nói:

“Việc diễn lại này là không phải mong muốn của Chúa Giêsu Kitô. Chúng tôi biết rằng việc diễn lại sự kiện Chúa chịu đóng định đã có từ lâu rồi... nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng việc này không nên được thực hiện nữa”. Ngài nói thêm: "Tất cả chúng ta nên tập trung vào cầu nguyện thì hơn".

Hãng tin Reuters cho biết rằng tập tục trên đã có cách đây khoảng 60 năm, và hiện nay là một sự hấp dẫn du lịch lớn.

Đức Giám mục phụ tá Pablo David, giáo phận San Fernando, nói với hãng tin Reuters: "Chúng tôi không có lập trường xóa bỏ các tập tục này. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi có quyền cấm cản, chỉ vì chúng mang tính cách các thói tục dân gian hơn là phụng vụ Rôma của chúng tôi. Một bộ phận dân chúng vẫn xem các Phụng Vụ Rôma là quá xa lạ, hoặc thuộc trí tuệ chứ không thuộc cảm xúc”.

Hãng tin Agence France Presse viết: “Người Công giáo nhiệt tâm ở Phi Luật Tân tái diễn các giờ sau hết của Chúa Giêsu Kitô vào ngày thứ Sáu Tuần thánh, tự đánh vào lưng và đóng đinh mình vào thập giá, trong một nghi lễ rùng rợn, vốn vẫn tồn tại mặc dù Giáo Hội không chấp thuận". Hãng tin cho biết rằng Hội đồng giám mục Phi Luật Tân đã chỉ trích việc thực hành này trong nhiều thập kỷ qua.

7. Đức Thánh Cha bổ nhiệm người kế nhiệm Ngài ở Tổng giáo phận Buenos Aires

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm người kế nhiệm Ngài, làm Tổng giám mục của tổng giáo phận Buenos Aires, Argentina.

Đức cha Mario Aurelio Poli, người đang là Giám Mục giáo phận Santa Rosa, được bổ nhiệm kế vị Đức Giáo Hoàng trông coi tổng giáo phận của Argentina. Ngài từng là một Giám mục phụ tá ở Buenos Aires từ năm 2002 đến năm 2008 khi Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio còn là Tổng Giám Mục tại đây.

8. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp nhận Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô ngày 7 tháng Tư

Tòa thánh Vatican đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chính thức tiếp nhận Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô vào ngày 7-4, ngày Chúa Nhật thứ 2 mùa Phục Sinh và cũng là lễ kính Lòng Thương Xót Chúa.

Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ chính tòa của vị Giám Mục Rôma. Đức Tân Giáo Hoàng đã trì hoãn việc tiếp nhận nhà thờ này, để cho việc cử hành không diễn ra trong Mùa Chay sám hối.

9. Đông đảo tín hữu địa phương và khách hành hương trong Vương Cung Thánh Đường Emmaus

Cũng như mọi năm, các cư dân của Al Qubeibe (Kinh Thánh gọi là Emmaus) hân hoan khi thấy rất nhiều xe bus và xe hơi đậu gần vương cung thánh đường. Hàng trăm tín hữu địa phương từ Giê-ru-sa-lem, các nơi khác nhau của Bờ Tây và Israel, và người hành hương từ các nơi như Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan và Pháp, đã cùng nhau kỷ niệm ngày cuối cùng của Tuần Thánh ở nơi này. Đây là nơi mà, sau cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ để họ biết rằng các tin đồn là đúng sự thật: Ngài đã thực sự sống lại.

Đông đảo tín hữu địa phương và khách hành hương vào nhà thờ để tham dự lễ trọng truyền thống, được cử hành bởi Linh mục Quản thủ Thánh địa, Pierbattista Pizzaballa. Mặc dù có nhiều ghế xếp đặt xung quanh gian giữa nhà thờ, nhiều tín hữu đã phải đứng để theo dõi buổi lễ vì các tín hữu quá đông. Tuy nhiên, niềm vui lễ Phục sinh chắc chắn đã giúp họ đứng tham dự thánh lễ, tiếp theo là một bữa ăn sáng mộc mạc.

Đối với một số nhóm hành hương, đây là thánh lễ cuối cùng của cuộc hành hương bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá tuần trước. Cần phải rời khỏi Al Qubeibe để đến ngay sân bay, họ ăn bữa ăn dã ngoại cá nhân trong các khu vườn. Còn những người không theo một lịch trình chặt chẽ lại được hưởng vẻ đẹp của khu vực đỉnh đồi, với quang cảnh tuyệt đẹp của nó. Sau bữa ăn, họ đến vào một trường học cũ, được biến tạm thời thành căn phòng ăn cho dịp này. Một bữa ăn chung đơn giản được phục vụ, và được chia sẻ bởi các tu sĩ và các tín hữu... một sự chia sẻ rất có ý nghĩa do chính tên của địa điểm nổi tiếng này.

Sau khi ăn uống và dành thời gian tận hưởng môi trường xung quanh, các tín hữu một lần nữa vào nhà thờ. Lúc này, ai cũng có chỗ ngồi, không ai phải đứng để tham dự giờ Kinh lễ Phục sinh. Vào cuối nghi thức biểu tượng này, cộng đoàn cùng hát thánh ca trong tiếng chuông ngân vang vọng khắp thung lũng.

Sau các nghi thức, vị Quản thủ Thánh địa, linh mục Pierbattista Pizzaballa, lên xe của ngài trở về Giê-ru-sa-lem giữa tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Phía sau xe của ngài, đoàn xe bus đã được phép từ Bộ Quốc phòng Israel sử dụng trạm kiểm soát quân sự Al Jib, rút ngắn chuyến đi trở về. Nếu họ bị buộc phải qua trạm kiểm soát Kalandiya là trạm kiểm soát chính từ Bờ Tây đến Giê-ru-sa-lem, chuyến đi sẽ lâu thêm vài giờ nữa.

Việc cử hành lễ tại Emmaus là một ngày vui vẻ tràn đầy niềm hoan hỉ huynh đệ, khi tất cả mọi người cảm nghiệm sự sống lại và sự hiện ra công khai của Chúa Giêsu theo cách riêng của mình. Được cổ vũ bởi ngày này, nhiều người hành hương đã trở về, tự hứa là sẽ khuyến khích gia đình, bạn bè và những người quen biết của mình hãy đến Đất Thánh vào năm tới, để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm tình cảm này.

10. Tòa Thánh Vatican tuyên phong 65 vị tử đạo của thế kỷ 20

Lần đầu tiên, Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô đã chuẩn y một loạt công bố, nhằm tuyên phong 65 vị tử đạo mới, tất cả đều thuộc thế kỷ 20.

Trong một loạt các Sắc lệnh ban hành ngày 27 tháng 3 với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô, Thánh Bộ Phong Thánh đã xác nhận việc tử đạo của một số người Tây Ban Nha, Romania, Đức, Hungary, và Ý.

Thánh Bộ cũng khẳng định một phép lạ được gán cho sự cầu bầu của nữ tu Maria Theresa Bonzel (1830 - 1905), người Đức sáng lập Tu hội các Nữ Tu Thánh Phanxicô chầu thánh thể liên tục. Giống như các vị tử đạo được tuyên phong cùng một ngày, nữ tu hiện giờ có đủ điều kiện để được phong Chân phước.

Cuối cùng, các sắc lệnh của Tòa thánh xác nhận "nhân đức anh hùng” của 7 ứng viên: 5 linh mục, một thầy trợ sĩ và một nữ giáo dân. Tất cả có thể có đủ điều kiện cho việc phong chân phước, nếu có một phép lạ được gán cho sự cầu bầu của họ.

11. Phim Un Dios Prohibido

Trong một sự trùng hợp rất đặc biệt, các vị tử đạo người Tây Ban Nha được Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn y án phong Thánh hôm 27 tháng Ba cũng là những nhân vật chính trong cuốn phim vừa mới được hoàn thành và sắp trình chiếu trong Mùa Hè này.

Bộ phim Tây Ban Nha này có nhan đề 'Un Dios Prohibido' (Một Thiên Chúa bị cấm) mô tả thảm kịch của một nhóm các tu sĩ Dòng Claretian truyền giáo, khi các ngài bị bắn chết năm 1936, trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.

Bộ phim kể lại việc các chủng sinh trẻ bị đe dọa vì đức tin Kitô giáo như thế nào. Nhà nước cộng sản trao cho họ một tối hậu thư bắt phải bỏ đạo, họ quyết định duy trì thực hành đức tin của mình, bất chấp các sự đe dọa cho cái chết của họ. Họ đã cầu nguyện và rước lễ trong bí mật, trước khi bị bắn chết.

Họ bị giết hồi tháng 8-1936. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước cho các vị tử đạo hồi tháng 10-1992. Bộ phim sẽ được chiếu ở các rạp của Tây Ban Nha trước mùa hè năm 2013.