Ngày 03-04-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 04/04: Hai hình ảnh Phục Sinh – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
02:42 03/04/2024


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:14 03/04/2024

8. Thánh sủng là từ trong tay của Thiên Chúa mà đến, nhưng qua tay Đức Mẹ Ma-ri-a để đến với chúng ta.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:19 03/04/2024
20. KHOE BẠN QUÝ

Giáp và Ất hai người cùng đi đường, Giáp ngước mặt nhìn thấy phía trước phóng nhanh lại một chiếc xe ngựa rất đẹp của người phú quý, bèn nói với Ất:

- “Ngay cả yếu nhân ngồi trên xe ấy cũng là bạn tớ, nhìn thấy tớ thì nhất định phải xuống xe, tớ nên tránh họ một tí.”

Không ngờ chỗ mà Giáp mới núp sau cổng lớn ấy là nhà của người phú quý ấy, đúng lúc gặp ông ta vừa đi vào nhà và phát hiện ra anh ta, kinh ngạc nói:

- “Ban ngày ban mặt mà thằng ăn cướp này ở đâu đi vào nhà thế này, lại còn dám núp trong nhà của ta nữa chứ?”

Nói xong ra lệnh cho gia nhân đánh Giáp một trận và đuổi đi.

Ất hỏi:

- “Anh vừa nói ông nhà giàu ấy là bạn của anh, tại sao lại bị nó đánh đập nhục nhã như thế?”

Giáp trả lời:

- “Hắn và tôi thường đùa với nhau như thế.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 20:

Người luôn giữ sĩ diện thì bị mất sĩ diện, bởi vì họ quá chú trọng đến từng chi tiết mà một người bình thường không để ý. Bạn bè thì nhận là bạn bè, thân quen thì nói là thân quen, bạn học thì nói là bạn học, có gì đâu mà phải giấu giếm đến nỗi phải nói láo...

Thời nay có người vì thể diện mà phải nói láo với mọi người:

- Có người nói không quen biết thằng bạn nối khối khi học tiểu học trường làng, vì mình bây giờ đã giàu có rồi, họ đã nói láo.

- Có người chối thẳng thừng là chưa hề thấy mặt con mẹ ấy bao giờ, mà con mẹ ấy là người bà con của mình rách rưới đang ở quê nhà, họ nói láo là để giữ thể diện...ba cọc ba đồng.

- Có người tuyên bố với đám đông rằng mình chưa hề biết cái “ông cha” (linh mục) ấy, mà “ông cha” ấy là thằng em bà con nghèo khổ của mình năm xưa ở quê nhà, bởi vì ngài bây giờ quá giỏi hơn mình, họ đã nói láo vì sĩ diện..

Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, thì mỗi một con người đều có một sứ mệnh thiêng liêng liên đới với nhau, do đó chúng ta đừng chê bai ai nhưng cần lắm những lời khen ngợi chân thành và khuyến khích, bởi vì có khi vì sĩ diện mà chúng ta chê người này và khen người nọ, mà chê và khen vì cái sĩ diện...ba cọc ba đồng thì không có giá trị trước mặt mọi người.

Hãy sĩ diện vì mình là người con của Thiên Chúa để mà sống tốt lành hơn với nhau trong cuộc đời này...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Vết Thương Của Lòng Thương Xót
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
06:32 03/04/2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
(Ga 20, 19-31)
Vết Thương Của Lòng Thương Xót

Tại Rôma, ngày 30-04-2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong nữ tu Faustina lên bậc hiển thánh và chính thức thiết lập ngày lễ kính Lòng Chúa Xót Thương vào Chúa Nhật II Phục Sinh trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Kể từ đó việc sùng kính Lòng Chúa Xót Thương ngày một phát triển sâu rộng trên khắp thế giới.

Khi nói về “Chúa Nhật Lòng Chúa Xót Thương” thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã viết như sau : “Cũng như Thánh Faustina, chúng ta tuyên xưng rằng ngoài Lòng Chúa Xót Thương, không còn nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại, đặc biệt cần thiết cho thời đại chúng ta hôm nay, một thời đại mà nhân loại đang phải trải qua những lo lắng hoảng sợ trước bao nhiêu sự dữ. Kêu cầu đến lòng thương xót của Chúa rất cần thiết để tự đáy tâm hồn đầy khổ đau, lo lắng, và bất ổn của chúng ta luôn trào dâng một niềm cậy trông vững chắc…”

Từ cạnh sườn bị đâm thủng : nguồn ánh sáng và lòng thương xót tuông trào. Phép Rửa tội đích thực là lòng thương xót của Thiên Chúa được “sinh ra” từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Kitô, “nguồn suối của lòng thương xót, tuôn trào sự tha thứ“, không chỉ tha thứ tội Tổ Tông, mà còn liên kết chúng ta với Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần.

Cuộc gặp gỡ thương xót của Đức Kitô với Tôma, không chỉ riêng Tôma mà cả các môn đệ kia nhờ Tôma mà thấy tỏ tường những vết thương của Thầy Chí Thánh. Các môn đệ hết sức vui mừng vì được gặp Chúa.

Cử chỉ trao ban bình an của Chúa cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con“. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân “tha thứ các tội lỗi” diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi Phục Sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa đổ xuống trên toàn thế giới, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng.

Như thánh Tôma, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: “Hãy sỏ ngón tay con vào đây, hãy đưa tay ra và thọc vào cạnh sườn Thầy!” (Ga 20,19) Cử chỉ này đã đủ cho Tôma. Ông không thể sai lầm. Tay Chúa Kitô có một lỗ đanh, cạnh sườn Chúa có vết thương: ngần ấy các dấu chỉ của tình yêu mà Chúa Giêsu không che giấu, thậm trí Người cho chúng ta thấy: lỗ đanh, vết thương ở cạnh sườn Người mà từ đó máu và nước chảy ra: lòng thương xót của Thiên Chúa.

Để giúp chúng ta chuẩn bị lãnh nhận Thánh Thể là của ăn nuôi dưỡng linh hồn, Chúa để lại “phép lạ của Lòng Thương Xót”, đó là bí tích Giải tội. Ở đây Chúa hiện diện với chúng ta như Đấng Cứu Độ với lòng thương xót, là suối nguồn thương xót để ủi an, tha thứ và hoán cải đời sống chúng ta, cho dù tội lỗi chúng ta có đầy tràn.

Mỗi lần chúng ta đi xưng tội với đức tin và tâm tình sám hối thì thật không thể hiểu nổi Lòng Thương xót của Thiên Chúa bao dung tha thứ biết chừng nào. Anh trộm lành ngày xưa vừa nhận mình là kẻ có tội và quay sang xin với Chúa, ngay lập tức anh được Chúa thứ tha: “Ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta”.

Chúa nói với thánh Faustina: “Khi con đi xưng tội, tức là con đến với nguồn Thương xót này, gồm Máu và nước đổ ra từ Trái Tim Ta luôn luôn tuôn xuống linh hồn con... nơi Tòa Án Thương Xót, những phép lạ cao cả nhất tiếp diễn không ngừng… Đây là nơi gặp gỡ của Thiên Chúa Thương xót và linh hồn tội lỗi.

Con hãy dùng đức tin khi quỳ dưới chân người đại diện của Ta… Chính Ta đang chờ đợi con ở đó… Hãy xưng tội trước mặt Ta. Cá nhân vị linh mục đó là Ta, chỉ cách có bức màn. Đừng bao giờ thắc mắc vị linh mục mà Ta dùng đó là ai. Hãy mở linh hồn con khi xưng tội như là xưng với Ta, và Ta sẽ ban cho linh hồn con đầy ánh sáng…Hãy chỉ cho các linh hồn biết phải tìm đâu niềm an ủi. Đó chính là nơi tòa giải tội... bằng đức tin chân thành, hãy đến với vị đại diện Ta nơi tòa giải tội, và kể hết cùng ngài những khốn khổ của linh hồn, và rồi phép lạ của Lòng Thương xót sẽ xảy ra. Một linh hồn giống như thây chết đã thối rữa, đối với quan điểm của loài người là hết hy vọng, là mất tất cả. Nhưng đối với Thiên Chúa lại không vậy. Phép lạ của Lòng Thương xót sẽ phục hồi hoàn toàn linh hồn đó.” (Trích Thông điệp và việc sùng kính Lòng Thương xót Chúa).

Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, xin thương xót chúng con và thế giới.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của lòng nhân từ hay thương xót, xin giúp chúng con là con cái Mẹ duy trì lòng tin vào Con Mẹ, Ðấng cứu chuộc chúng con. Amen.
 
Trải nghiệm niềm vui lạ thường
Lm. Minh Anh
15:22 03/04/2024
TRẢI NGHIỆM NIỀM VUI LẠ THƯỜNG
“Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”.

Một ấn phẩm Anh trao giải cho ai định nghĩa hay nhất về “Một Người Bạn Tốt Nhất”. Trong hàng nghìn câu trả lời, có những câu sau đây: “Một người hiểu được sự im lặng của bạn”; “Một người đến, khi cả thế giới ra đi”; “Một người nhân lên niềm vui, chia sẻ hạnh phúc và nỗi đau; giúp bạn trải nghiệm niềm vui lạ thường ngay giữa những mất mát!”. Câu trả lời cuối cùng thu hút sự chú ý của nhiều người nhất!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay chỉ ra “Người Bạn Tốt Nhất!”: Giêsu, Đấng Phục Sinh xuất hiện đúng lúc cho các bạn của Ngài. Luca ghi lại một tâm trạng khó tả vừa không thể, vừa rất thật, “Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”. Họ vui mừng đến mức không thể tin đó là sự thật; đúng hơn, họ chưa chuẩn bị đủ để có thể ‘trải nghiệm niềm vui lạ thường!’.

Bất cứ cuộc gặp nào với Chúa Giêsu đều luôn dẫn đến việc ‘trải nghiệm niềm vui lạ thường!’. Nó là một kinh nghiệm rất khác vượt quá sự say mê, phấn khích. Các môn đệ vui mừng, nhưng ‘Điều này là không thể!’. Hãy chụp lại ‘cái khung tâm trí’ đẹp đẽ này! “Chưa tin” có nghĩa là không chắc mình phải tin điều gì. Kìa, một Giêsu bị đóng đinh đang đứng trước họ với những hõm sâu còn chưa khô trên thân mình; một Giêsu đang yêu cầu một chút gì đó để ăn. Họ sốc, không tin và không chắc! Nhưng dường như nơi họ, vẫn có một niềm vui đang chực bùng nổ vì những gì họ đang thấy, nhưng có điều gì đó đang kìm hãm. Tất cả là quá tốt nhưng không biết có đúng như vậy không?

Một đôi khi, được hưởng nếm ân sủng Chúa, chúng ta vẫn do dự! Một trong những lý do khiến chúng ta chần chừ trong việc đón nhận nó cách trọn vẹn chính là sự nản lòng! Trước cái chết của Thầy, các môn đệ vô cùng nản lòng; và bây giờ, dù Thầy ở trước mặt, họ vẫn tần ngần để ‘buông bỏ sự nản lòng’ mà họ đang cố ‘ôm chặt’. Cũng thế, chúng ta dễ dàng để sức nặng của thế giới, sức nặng tội lỗi của mình hoặc của người khác ghì xuống; chúng ta tức giận, khó chịu và ủ rũ. Chúng ta ‘ôm chặt’ chúng! Đang khi nhận lấy niềm vui phục sinh giả thiết là phải ‘buông bỏ’ sự nản chí để chăm chút nhìn vào thực tại Chúa muốn chúng ta tập trung vào. Ngài mời bạn nhìn xa hơn để đạt được một điều gì đó vĩ đại hơn; nhìn vào chiến thắng của Ngài để vui mừng.

Kìa! Phêrô đang hướng niềm vui của đoàn người chạy theo ông đến việc ‘trải nghiệm niềm vui lạ thường’ ở Đấng mà nhờ Ngài, anh què đi được - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ nỗi hân hoan, “Lạy Chúa, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!”.

Anh Chị em,

“Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”. Chúa Giêsu Kitô - Đấng chiến thắng sự chết - đang ở với chúng ta. Ngài là “Người Bạn đến, khi cả thế giới ra đi”; “Người Bạn Tốt Nhất nhân lên niềm vui”. Hãy sống chết cho tình bạn siêu việt này! Mỗi ngày, qua Lời Chúa, Thánh Thể, chúng ta chia sẻ sự sống của Ngài; nhờ đó, trải nghiệm thiên đàng ngay giữa biển trần. Hãy sống giây phút hiện tại, thưởng thức nó! Mọi khoảnh khắc đều là thời điểm đẹp nhất, vui nhất, hạnh phúc nhất vì Giêsu, “Người Bạn Tốt Nhất” có thể giúp bạn và tôi ‘trải nghiệm niềm vui lạ thường’ ngay giữa những mất mát, đổ vỡ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, lấy khỏi con những vui thú ‘tầm thường’; giúp con buông bỏ những gì vô nghĩa, hầu có thể hưởng nếm niềm vui ‘lạ thường’ mang tên “biến đổi” của Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Nền tảng của đức tin
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
22:12 03/04/2024
NỀN TẢNG CỦA ĐỨC TIN
( Chúa Nhật II Phục Sinh )

Hằng năm, vào Chúa nhật II mùa Phục Sinh, chủ đề đức tin lại được nhấn mạnh, đặc biệt qua bài Tin Mừng thánh Gioan tường thuật về dữ kiện thường được gọi là “sự cứng lòng tin” của tông đồ Tôma. Một trong những điều kiện cần thiết để đạt đến sự sống đời đời đó là đức tin. Nghi thức tiếp nhận anh chị em dự tòng cách nào đó khẳng định chân lý này. Là tín hữu Kitô, chúng ta dễ dàng chân nhận rằng đức tin tiên vàn là hồng ân do Chúa ban tặng. Tuy nhiên phía con người cần thiết phải có sự đáp trả. Để đáp trả hay nói cách khác là để tiếp nhận hồng ân Chúa ban tặng dĩ nhiên cần có một vài cơ sở hay nền tảng nào đó. Xin được chia sẻ một vài nền tảng mà con người thường dựa vào đó để đón nhận hồng ân đức tin.

1. Một dấu hiệu đổi thay mang tính tích cực: Xin đừng tiên thiên trách cứ tông đồ Tôma vì không chịu tin lời chứng của anh em đồng môn rằng Chúa đã sống lại. Các cửa vẫn đóng kín, nghĩa là anh em vẫn còn sợ người DoThái thì lời chứng của anh em làm sao khả tín (x.Ga 20,19). Tin Mừng ghi rõ: một tuần sau khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các Ngài thì các cửa của căn nhà vẫn đóng im ỉm. Chẳng có gì đổi thay cách tích cực thì đừng mong thuyết phục được ai. Sách Công Vụ Tông đồ tường thuật rằng chính nhờ sự đổi thay trong cách sống của các Kitô hữu tiên khởi đã làm nhiều người mến phục và gia nhập cộng đoàn. Cũng là những con người bình thường, thế mà giờ đây họ lại sống quảng đại yêu thương cách chân thành: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu…Và Chúa cho cộng đoàn ngày mỗi có thêm những người được cứu độ” (Cvtđ 2,44-46).

Quả thực, lịch sử minh chứng rằng ít thấy chuyện người ta gia nhập Hội Thánh, đón nhận đức tin vì “bị thua lý” mà thường là vì cảm mến một tấm lòng hay gương sáng của các Kitô hữu.

2. Sự góp phần của trí khôn: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Là “cây sậy biết suy tư” (Pascal), chúng ta cần nhìn nhân vai trò quan trọng của trí khôn, ngay cả trong việc tiếp nhận hồng ân đức tin. Nói đến đức tin là nói đến một sự quy thuận của lý trí trước một thực tại tuy rằng “siêu lý” tức là vượt quá tầm lý luận của trí khôn nhưng không “phi lý”. Vai trò của lý trí vẫn có đó trong các hành vi của đức tin.

Các nhà thần học, cách riêng các nhà thần học kinh viện vốn đề cao vai trò của lý trí trong việc nhận biết Thiên Chúa. Các phương pháp tổng hợp, diễn dịch hay loại suy chính là những công cụ sắc bén và hữu hiệu của trí khôn để đạt đến những điều mới lạ. Và ngay cả trong lãnh vực đức tin, các phương pháp trên đã góp phần thật đáng kể.

Vấn đề đặt ra là dù được kiểm chứng hay kiểm nghiệm thì sự thoả mãn của trí khôn vẫn còn bị hạn chế, đặc biệt trong lãnh vực đức tin, một lãnh vực vượt quá tầm luận lý con người. Tạ ơn Chúa và cám ơn thánh Tông đồ Tôma. Khi Chúa Phục Sinh ngõ lời với ngài trong lần hiện ra sau đó: “Đặt ngón tay con vào đây và nhìn xem tay Thầy…”, thì Tôma đã không thực hiện yêu cầu đặt ra trước đó với anh em. Đức tin không phải là kết quả của một quá trình cân, đong, đo, đếm.. thuần lý. Đến đây chúng ta mới hiểu câu nói của Đấng Phục Sinh: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,28). Nếu chỉ đặt nền tảng trên luận lý thì quả là còn nhiều khó khăn phải vượt qua để đến với đức tin.

3. Cảm nhận mình được Chúa hiểu, Chúa yêu và Chúa đón nhận mình như mình đang là: đây chính là nền tảng vững vàng và căn bản để đón nhận hồng ân đức tin. Mình yêu sách, mình ra điều kiện trước anh em, thế mà Thầy chí thánh vẫn biết. Thầy biết mà Thầy không trách mắng, lại còn muốn cho mình được thoả mãn yêu sách. Tôma cảm nhận sự thông biết của Thầy và nhất là cảm nhận tấm lòng của Thầy. Chính vì thế ngài đã không thực hiện theo yêu sách đề ra mà đã vội vàng quỳ xuống và tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

Cuộc đời của nhiều vị thánh như chị Têrêxa Hài đồng Giêsu hay như Mẹ Têrêxa thành Cancuttta minh chứng cho ta thấy điều này. Các Ngài không chỉ nhận ra các dấu hiệu đổi thay mang tính tích cực đó đây mà chính các Ngài đã góp phần dệt xây các dấu hiệu ấy cách hăng say và hữu hiệu. Các Ngài thường có trí khôn vững vàng với sự luận suy sắc bén. Thế nhưng các cơn cám dỗ về đức tin thường được gọi là đêm tối đức tin vẫn đến với các Ngài, có khi rất dữ dội và dai dẳng. Chính nhờ cảm nghiệm được Chúa hiểu, được Chúa yêu thương đã giúp các Ngài kiên trì vượt qua chước cám dỗ khủng hoảng đức tin.

Để có được chút cảm nghiệm này, chắc chắn không thể nào thiếu một đời sống cầu nguyện trong chuyên chăm trong sâu lắng. “Lex orandi, lex credendi” (Luật cầu nguyện là luật tin). Chính trong sự sâu lắng và chuyên chăm kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng ta mới có thể nhận ra Đấng Hằng Sống, Đấng là Tình Yêu “đang ở trong ta hơn là ta ở trong ta” (Âugustinô). Và thiết nghĩ rằng đây chính là một nền tảng vững chắc để suy phục, tôn thờ Đấng giàu lòng thương xót.

Chúa Nhật II Phục Sinh được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chỉ định làm ngày kính tôn về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Lòng Thương Xót là một trong những hạn từ diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta. Đã và đang có đó tình trạng bất cập và nhiều khi lại sinh ra thái quá đó là giới hạn tình yêu của Thiên Chúa qua các “ơn chữa lành”. Lòng Thương Xót chính là hạn từ diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, môt tình yêu vượt quá tầm luận lý của con người. Dẫu biết chúng ta là loài “tro bụi” không chỉ mong manh mà còn lắm bất túc và bất toàn thế mà Thiên Chúa vẫn tín trung chọn chúng ta làm “hình ảnh của Người” (x.St 1,26-29). Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nổi đã ban chính Người Con Một (Ga 3,16). Thiên Chúa đã sai Con của Người vào trần gian để chung thân phận với con người, gánh lấy hậu quả của phận tôi đòi nhân loại và nhất là để chia phần phúc vinh quang hằng hữu cho mọi người.

Những ai biết tin vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thì hầu chắc sẽ biết nỗ lực trở nên một dấu chỉ nhỏ về Lòng Chúa Xót Thương cho tha nhân. “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).

Ban Mê Thuột
 
Lòng Chúa thương xót
Lm. Thái Nguyên
23:52 03/04/2024

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Chúa Nhật 2 Phục Sinh: Ga 20, 19-31.

Suy niệm

Hoài nghi là điều bình thường khi đứng trước những điều chúng ta nghe, nhất là nghe những điều quá lạ lùng vượt ngoài lý trí. Nhưng phải là sự hoài nghi tích cực, đòi nỗ lực suy tư và tìm cách khám phá về sự thật. Khi nghe các anh em nói Thầy đã sống lại và đã hiện ra thì Tôma đã không tin. Ông không để cho mình dễ dàng bị thuyết phục bởi luận chứng suông như vậy. Ông đòi thấy những dấu chứng để minh chứng về sự thật này.

Đức Giêsu nói với ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây…”. Tôma kinh hoàng thưa lên: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Như thế, dấu chỉ để người nhận ra Chúa phục sinh không phải là vinh quang chói lọi hay cái gì khác, mà là chính dấu đinh. Nếu chính Đấng phục sinh vinh hiển đã không muốn dùng vinh quang hay quyền lực của mình để khuất phục thế gian, thì phương chi là chúng ta. Và nếu Chúa đã muốn dùng những dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn làm những dấu chứng phục sinh, thì mỗi người chúng ta cũng không có dấu chứng nào hơn là những vết thương của những thập giá hằng ngày để làm chứng cho Chúa phục sinh.

Các tông đồ cũng đã nhận ra chính Thầy Giêsu nơi năm dấu tích, chứ không phải trong ánh hào quang. Chúa Giêsu thực sự là “người” khi “đầu đội vòng gai, mình mặc áo đỏ” nghĩa là khi Ngài bị đánh đập, sỉ nhục; Ngài thực sự là “Chúa” khi bị đóng đinh trên thập giá vì yêu thương con người. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ mong cho mình được chễm chệ trên giàu sang danh giá, trên địa vị chức tước, trên sự hưởng thụ an nhàn và thỏa mãn cho bản thân. Tất cả lối sống đó đều đối nghịch với thập giá Đức Kitô và không đưa tới sự phục sinh của Ngài. Lối sống đó chẳng thương xót ai mà chỉ làm thương tổn tha nhân.

Tin mừng Phục Sinh cho chúng ta thấy có hai con đường dẫn tới đức tin: một con đường bằng lý luận với những bằng chứng rõ ràng như tính cách của Tôma; và con đường thứ hai là dựa vào tình yêu, thoạt xem có vẻ tầm thường, nhưng thực ra lại nhanh chóng, nhẹ nhàng và cũng không kém phần vững chắc như Gioan khi ông thấy mộ trống và Đức Giêsu hiện ra bên bờ biển hồ Tibêria. Chúng ta hãy củng cố đức tin của mình bằng cả hai con đường đó. Phải có những suy nghĩ lý luận thật vững chắc về Chúa, mặt khác chúng ta cũng hãy cố gắng yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn, bởi vì cũng như thánh Gioan, nếu có thêm sức mạnh của tình yêu, chúng ta sẽ được mở mắt để nhận biết những gì mà người không yêu Chúa không nhận biết.

Chúa Nhật II phục sinh hôm nay, Giáo hội tuyên xưng và tán dương lòng thương xót Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này đáp lại ý Chúa muốn qua thánh nữ Maria Faustina: “Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương. Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại dương hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta” (Tiểu nhật ký, số 699). Thánh Gioan Phaolô II qua đời vào đêm cuối tuần Phục Sinh đầu tiên (ngày 2 tháng 4 năm 2005). Lòng thương xót Chúa đã chiếu một luồng ánh sáng vào cái chết của một vị thánh thời đại.

Trong Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Điều tối quan trọng đối với Hội Thánh, cũng như để làm cho lời rao giảng của Hội Thánh đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành động của Hội Thánh cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha” (số 12). Đáp lại lời kêu gọi trên, trong Thư gởi cộng đoàn dân Chúa (17.9.2015), HĐGMVN nhấn mạnh: “Mỗi người Công Giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống”.

Người Kitô hữu đôi khi không cần trí tuệ để tin vào những thực tại thiêng liêng; không cần giác quan để kiểm soát những dấu chỉ mầu nhiệm trong đạo, mà cần sống bằng lòng mến. Càng yêu mến nhiều thì càng tin chắc. Càng tin vững thì càng bình an. Như vậy, con đường của lòng tin là con đường của lòng mến. “Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Những ai luôn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh đều luôn sống tích cực và khám phá ra điều kỳ diệu qua những điều bình thường. Chính đức tin này kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Thương xót là hành động của Cha,
là tiêu chuẩn để biết ai con cái,
là sống với tất cả lòng nhân ái,
nhưng bao hàm công bằng và sự thật.
Thương xót không dung túng điều xấu xa,
nhưng cho con biết kiên nhẫn vượt qua,
để đón nhận những hồng ân cao cả,
xứng đáng với những gì con người “là”.
Thương xót là hành động cao quí nhất,
là phẩm chất sâu nhất của con người,
là hành vi thờ phượng cao hơn cả,
vì điều Chúa muốn không phải là lễ vật,
mà trước tiên là sống với lòng nhân,
không thể nào cân phân theo lý lẽ.
Đức Giê-su đã trở nên người thế,
để thể hiện lòng thương xót của Cha,
trên thập giá Ngài cũng đã thứ tha,
trước lòng dạ bạc ác của con người,
ngay cả ông Tô-ma cứng lòng tin,
Ngài cũng đã hạ mình cho xem thấy.
Chúa muốn con nên hoàn thiện như Cha,
không phải là không còn gì thiếu sót,
mà là sống nhân từ và tha thứ,
không xét đoán và càng không lên án,
luôn bao dung và đại lượng vô vàn,
vì thương xót là tình yêu vô giới hạn.
Xin cho con được đầy lòng thương xót,
dù nhiều khi rất đắng đót trong đời,
nhưng nhờ vậy phát sinh con người mới,
để tình Chúa sáng tỏa khắp muôn nơi,
là niềm vui ơn cứu độ cho đời. Amen.




 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thói hư và nhân đức. 13. Đức công bình
Vũ Văn An
05:14 03/04/2024

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phê-rô, Thứ tư, 3 tháng 4 năm 2024, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý mới về các thói hư và nhân đức. Hôm nay, ngài trình bầy phần nói về đức công bình. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh và tiếng Ýdo Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Lễ Phục sinh vui vẻ, chào anh chị em buổi sáng!

Thế là chúng ta tới nhân đức chính thứ hai: hôm nay chúng ta sẽ nói về đức công bình. Đó là đức tính xã hội tuyệt hảo. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo định nghĩa nó như sau: “Nhân đức luân lý hệ ở ý chí kiên trì và cương quyết dành cho Thiên Chúa và tha nhân những gì thuộc về họ” (số 1807). Đó là đức công bình. Thông thường, khi đề cập đến đức công bình, phương châm đại diện cho nó cũng được trích dẫn: “unicuique suum”, nghĩa là “cho mỗi người điều của họ”. Đó là nhân đức của pháp luật, tìm cách điều chỉnh các mối quan hệ giữa con người với nhau một cách công bằng.

Nó được mô tả một cách phúng dụ bằng cái cân, bởi vì nó nhằm "điểm số đồng đều" giữa người ta, đặc biệt là khi họ có nguy cơ bị bóp méo bởi sự mất cân bằng nào đó. Mục đích của nó là trong một xã hội, mọi người đều được đối xử theo phẩm giá của mình. Nhưng các bậc thầy cổ xưa đã dạy rằng để đạt được điều này, những thái độ đạo đức khác cũng cần thiết, chẳng hạn như lòng nhân từ, sự tôn trọng, lòng biết ơn, sự nhã nhặn, trung thực: những nhân đức góp phần vào sự chung sống tốt đẹp giữa người ta. Công bình là một nhân đức cho sự chung sống tốt đẹp giữa người ta.

Tất cả chúng ta đều hiểu công bình là nền tảng cho sự chung sống hòa bình trong xã hội: một thế giới không có luật pháp tôn trọng quyền lợi sẽ là một thế giới không thể sống được, nó sẽ giống như một khu rừng rậm. Không có công bình thì không có hòa bình. Không có công bình thì không có hòa bình. Trên thực tế, nếu công bình không được tôn trọng thì xung đột sẽ nảy sinh. Không có công bình, luật lợi dụng kẻ mạnh đối với kẻ yếu được thiết lập, và điều này là không đúng.

Nhưng công bình là một nhân đức hành động cả theo mức lớn lẫn mức nhỏ: nó không chỉ liên quan đến phòng xử án mà còn liên quan đến đạo đức vốn phân biệt cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nó thiết lập những mối quan hệ thành thật với người khác: nó thực tại hóa giới luật của Tin Mừng, theo đó ngôn từ của người Kitô hữu phải là: “Có, có”, “Không, không”; Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5:37). Sự thật nửa vời, lời nói xảo quyệt muốn lừa dối người khác, sự dè dặt che giấu ý định thực sự không phải là thái độ phù hợp với công bình. Người chính trực là người ngay thẳng, giản dị và thẳng thắn, không đeo mặt nạ, thể hiện đúng bản chất của mình và nói sự thật. Chữ “cám ơn” thường được tìm thấy trên môi họ: họ biết rằng, dù chúng ta có cố gắng rộng lượng đến đâu, chúng ta vẫn luôn mắc nợ người khác. Chúng ta yêu cũng là vì chúng ta đã được yêu trước.

Vô số mô tả về người chính trực có thể tìm thấy trong truyền thống. Chúng ta hãy xem một số trong số này. Người chính trực tôn trọng luật pháp và biết rằng luật pháp là rào cản bảo vệ những người không có khả năng tự vệ trước sự bạo ngược của kẻ mạnh. Người chính trực không chỉ chăm sóc hạnh phúc cá nhân của mình mà còn mong muốn lợi ích của toàn xã hội. Vì vậy, họ không nhượng bộ trước sự cám dỗ chỉ nghĩ đến bản thân mình và quan tâm đến công việc của riêng mình, dù hợp pháp đến đâu, như thể chúng là điều duy nhất hiện hữu trên thế giới. Nhân đức công bình nói rõ ràng rằng không thể có điều tốt thực sự cho mình nếu không có điều tốt cho mọi người, và đặt nhu cầu này vào tâm hồn.

Vì vậy, người chính trực sẽ trông chừng hành vi của mình để không gây tổn hại cho người khác: nếu phạm sai lầm thì xin lỗi. Người chính trực luôn xin lỗi. Trong một số trường hợp, thậm chí họ còn hy sinh lợi ích cá nhân để mang nó đến cho cộng đồng. Họ mong muốn một xã hội trật tự, trong đó người ta dành quang vinh cho chức vụ chứ không phải chức vụ dành vinh quang cho người ta. Họ ghê tởm các tiến cử và không trao đổi ân huệ. Họ yêu trách nhiệm và gương mẫu trong việc cổ vũ tính hợp pháp.

Thực ra, đó là con đường đi đến công bình, là liều thuốc giải độc cho nạn tham nhũng: việc giáo dục con người, đặc biệt là giới trẻ, về nền văn hóa hợp pháp thật quan trọng biết bao! Đó là con đường ngăn chặn căn bệnh ung thư tham nhũng và tiêu diệt tội phạm, loại bỏ mặt đất dưới chân nó.

Hơn nữa, người chính trực tránh xa những hành vi có hại như vu khống, làm chứng gian, lừa đảo, cho vay nặng lãi, nhạo báng và bất lương. Người chính trực giữ lời mình nói, trả lại những gì mình đã mượn, công nhận mức lương chính xác cho tất cả người lao động - người không trả mức lương chính xác cho người lao động thì không công bằng mà là bất công - người đó cẩn thận không đưa ra những phán xét liều lĩnh đối với người khác, bảo vệ danh tiếng tốt đẹp của người khác.

Không ai trong chúng ta biết trên đời này người chính trực nhiều hay hiếm như những viên ngọc. Nhưng họ là những người thu hút được ân sủng và phúc lành cho bản thân họ và thế giới nơi họ đang sống. Họ không phải là kẻ thua cuộc so với những người “xảo quyệt và xảo quyệt”, bởi vì, như Kinh thánh đã nói, “ai tìm kiếm công bình và tình yêu sẽ tìm thấy sự sống và vinh quang” (Cn 21:21). Người chính trực không phải là những nhà luân lý đóng vai trò kiểm duyệt, mà là những người ngay thẳng “đói khát đức chính trực” (Mt 5:6), những người mơ mộng khao khát trong lòng tình huynh đệ phổ quát. Và tất cả chúng ta đều rất cần giấc mơ này, đặc biệt là ngày nay. Chúng ta cần những người đàn ông và đàn bà chính trực, và điều này sẽ khiến chúng ta hạnh phúc.
 
Tài liệu mới của Bộ Giáo lý Đức tin về nhân phẩm sẽ nói gì?
Vũ Văn An
15:05 03/04/2024

Tạp chí The Pillar, ngày 3 tháng 4 năm 2024, tường trình rằng Bộ Giáo lý Đức tin sẽ công bố vào tuần tới một tài liệu đã được hứa hẹn từ lâu về phẩm giá con người, với một cuộc họp báo dự kiến vào ngày 8 tháng 4.



Tuyên bố, có tựa đề Dignitas infinita, sẽ được đưa ra tại cuộc họp báo bởi Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, người đứng đầu bộ giáo lý, cùng với Cha Armando Matteo, thư ký giáo lý của bộ và là nhà thần học người Ý.

Trong tháng 12, Đức Hồng Y Fernández từng lên tiếng về tuyên bố mới này, cho thấy nó sẽ ít gây tranh cãi hơn Fiducia supplicans, tuyên bố cuối cùng của Bộ Giáo lý Đức tin, được ban hành vào cuối năm ngoái.

Khi Đức Hồng Y tìm cách làm dịu cuộc tranh cãi về việc tiếp nhận Fiducia, vốn dự liệu việc các linh mục ban phước lành cho những người có quan hệ đồng tính, Fernández đã nói rằng tài liệu sắp tới của Bộ sẽ đề cập đến “không những các vấn đề xã hội mà còn là lời chỉ trích mạnh mẽ các vấn đề đạo đức như phẫu thuật chuyển đổi giới tính, mang thai hộ và ý thức hệ giới tính,” và dự đoán nó sẽ ít gây tranh cãi hơn Fiducia.

Nhưng với tuyên bố được đưa ra để xử lý một chủ đề gây tranh cãi triền miên, bản văn, chính xác, muốn nói gì - và nó có thể sẽ dựa vào những tài liệu gần đây nào của Vatican?

Các bản văn không được công bố

ĐHY Fernández đã nói rằng Dignitas infinita đã trải qua một quá trình tham vấn nghiêm ngặt, với việc xuất bản sau vòng tham vấn cuối cùng gần đây với danh sách đầy đủ các thành viên Hồng Y của Bộ Giáo lý Đức tin sau một số dự thảo trước đó.

Tuy nhiên, các bản văn đã công bố và chưa công bố của bộ phận tín lý có thể đã đưa ra dấu hiệu về những gì Bộ Giáo lý Đức tin dự định nói trong tuyên bố của họ vào tuần tới.

Trong khi một số nhà hoạt động trong và xung quanh Giáo hội đã thúc đẩy các giáo phận tiếp nhận thái độ thế tục đối với tình dục và giới tính, nhiều người đã tìm kiếm sự hướng dẫn từ các hội đồng giám mục địa phương của họ và từ Rome về cách giải quyết các trường hợp cá biệt của những người tự nhận mình là người chuyển giới và yêu cầu hoặc được tiếp cận một số bí tích nhất định hoặc thực hiện một số vai trò trong đời sống giáo hội.

Vào năm 2018, Bộ Giáo lý Đức tin khi đó đã chuẩn bị sẵn một bản văn cho một tài liệu đề cập đến lý thuyết giới tính, điều gọi là các vấn đề chuyển giới và một loạt chủ đề liên quan.

Như The Pillar đã đưa tin trước đây, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cũng đã có tài liệu riêng về các vấn đề tương tự được chuẩn bị và sẵn sàng để công bố. Tuy nhiên, sau khi gửi nó đến Bộ Giáo lý Đức tin để xem xét, bản văn trên thực tế đã bị gác lại theo yêu cầu của Rome, chờ Vatican phát hành cuối cùng về cùng chủ đề.

Trong thời gian tạm thời, một số giáo phận đã ban hành hướng dẫn và chính sách của riêng mình để giải quyết các trường hợp đang chờ đợi hoặc cấp bách ở địa phương.

Mặc dù tuyên bố cuối cùng được ấn định công bố vào tuần tới đã trải qua nhiều vòng tham vấn và sửa đổi, nhưng bản văn này có thể được củng cố mạnh mẽ bởi bản văn năm 2018 chưa được công bố của Bộ Giáo lý Đức tin mà The Pillar có được trước đó, trong đó tuyên bố rằng “giới tính của một người là một thực tại phức tạp, bản sắc của nó bao gồm các yếu tố thể lý, tâm lý và xã hội”.

“Một số [người], bắt đầu từ một cái nhìn sai lầm về con người, muốn tách biệt và thậm chí đối lập các yếu tố khác nhau tạo nên giới tính của một con người. Họ tạo ra sự phân cực giữa khía cạnh thể xác và tâm lý tình dục của con người”, Bộ Giáo lý Đức tin viết vào năm 2018.

Dự thảo năm 2018 đưa ra hướng dẫn về mục vụ bí tích cho những người được xác định là người chuyển giới – một vấn đề được tranh luận nhiều ở một số giáo phận trong những năm gần đây.

Về hôn nhân, bản văn dự thảo năm 2018 giải thích rằng “các mục tử khó có thể thừa nhận ai đó kết hôn khi, theo đánh giá của những người thận trọng và khôn ngoan, chủ nghĩa chuyển đổi giới tính của chủ đề này đủ rõ ràng từ các hành động bên ngoài. Vì chủ nghĩa chuyển đổi giới tính có thể có những mức độ mãnh liệt khác nhau, nên cần phải đánh giá kỹ càng từng tình huống, chẳng hạn để không phủ nhận một cách bất công quyền kết hôn tự nhiên”.

“Một người trải qua một thủ tục phẫu thuật để xác định lại giới tính thì không thể kết hôn một cách hợp pháp; điều này đúng trong cả hai trường hợp cố gắng chuyển đổi từ nữ sang nam và từ nam sang nữ, bởi vì thủ tục phẫu thuật như vậy không làm thay đổi bản sắc giới tính của người đó”, bản văn cho biết thêm như thế.

Thần học Công Giáo xác định rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Và giáo luật đòi hỏi một người phải có khả năng quan hệ tình dục để kết hôn, một điều dường như thông thường là bất khả cả khi một người đã trải qua phẫu thuật “chuyển đổi giới tính” mong muốn sau này kết hôn với một người khác giới.

Về các chức thánh, dự thảo giải thích rằng một người “có những đặc điểm thể lý của một người đàn ông mà về mặt tâm lý, cảm thấy mình là phụ nữ” sẽ không phù hợp để trở thành linh mục, và một phụ nữ được xác định là nam giới “không có khả năng nhận các chức thánh một cách hợp lệ.”

Dự thảo cũng kêu gọi các giám mục phân định, “trên cơ sở từng trường hợp” liệu một người được xác định là chuyển giới có thể trở thành người bảo trợ bí tích rửa tội hoặc thêm sức hay không, một thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường hoặc một giáo lý viên.

Bản văn dự thảo giải thích: “Ngoài việc tuân thủ hoàn toàn giáo huấn của Giáo hội và danh tiếng tốt, việc thực hiện những vai trò này đòi hỏi sự trưởng thành, quân bình và đào tạo phù hợp, cũng như loại trừ bất cứ hình thức gây gương mù nào đối với các tín hữu”.

Về phép rửa tội, bản văn dự thảo của Bộ Giáo lý Đức tin giải thích rằng “một người trưởng thành đã trải qua điều trị tâm lý hoặc nội tiết tố hoặc một thủ tục phẫu thuật để cố gắng xác định lại giới tính, có thể được rửa tội sau khi chuẩn bị thích hợp”.

Tương tự như vậy, bản văn dự thảo đề cập đến Bí tích Thánh Thể bằng cách giải thích rằng “những người trưởng thành đã trải qua một thủ tục phẫu thuật để cố gắng xác định lại giới tính có thể được nhận Bí tích Thánh Thể, trong cùng điều kiện như tất cả các tín hữu khác nếu không có nguy cơ gây tai tiếng”.

Một chú thích cuối trang trong bản văn đề cập đến các phần trong Ecclesia de Sacramentia, tức thông điệp của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Các phần được tham chiếu, 36, 37 và 38, giải thích sự cần thiết của việc rước lễ và xưng tội trong bí tích đối với những người Công Giáo có ý định lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.

Các nghi vấn (Dubia) đã được trả lời

Nhiều chủ đề và vấn đề tương tự cũng đã được giải quyết vào năm ngoái, khi Bộ Giáo lý Đức tin đưa ra câu trả lời cho một số câu hỏi chính thức được đặt ra cho Bộ về vai trò của những người xác định là LGBT trong lễ rửa tội và đám cưới Công Giáo.

Vào tháng 11 năm 2023, bộ đã đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi do Đức Giám Mục José Negri của Brazil đặt ra khi nêu ra các câu hỏi “liên quan đến khả năng tham gia vào các bí tích rửa tội và hôn nhân của những người chuyển giới và những người đồng tính”.

Mặc dù Bộ không định nghĩa thuật ngữ “những người đồng tính”, mà dường như được sử dụng để chỉ những người hình thành mối quan hệ đồng tính, nhưng Bộ đã tóm tắt các câu hỏi như sau:

1. Người chuyển giới có được rửa tội không?
2. Người chuyển giới có thể làm cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu tại lễ rửa tội không?
3. Người chuyển giới có được làm nhân chứng trong đám cưới không?
4. Hai người “đồng cảm” [homoaffective] có thể được kể là cha mẹ của một đứa trẻ cần được rửa tội và được nhận làm con nuôi hoặc được nhận bằng các phương pháp khác như đẻ thuê không?
5. Một người “đồng tính” và sống thử có thể làm cha đỡ đầu cho một người đã được rửa tội không?
6. Người đồng tính sống thử có được làm nhân chứng trong đám cưới không?

Khi trả lời, Bộ Giáo lý Đức tin cho biết rằng một người chuyển giới đã trải qua điều gọi là phẫu thuật chuyển giới có thể lãnh nhận bí tích rửa tội “trong cùng điều kiện như những tín hữu khác, nếu không có tình huống nào có nguy cơ gây ra tai tiếng công khai, hoặc sự mất phương hướng giữa các tín hữu.”

Tài liệu đã bổ sung một loạt các cân nhắc chi tiết, nhằm giải quyết các trường hợp “có những nghi ngờ về hoàn cảnh đạo đức khách quan mà một người thấy mình trong đó, hoặc về các khuynh hướng chủ quan của mình đối với ân sủng”.

Nó nói thêm rằng trẻ em hoặc thanh thiếu niên có “các vấn đề thuộc bản chất chuyển giới” cũng có thể được rửa tội nếu chúng được chuẩn bị tốt và sẵn sàng chịu phép rửa.

Bản thân giáo luật không thiết lập các tiêu chuẩn cụ thể liên quan đến cha mẹ của những đứa trẻ được rửa tội, chỉ quy định rằng thừa tác viên rửa tội phải có “niềm hy vọng vững chắc” rằng một đứa trẻ được rửa tội sẽ được nuôi dạy như một người Công Giáo.

Đã có hướng dẫn nhất quán của Tòa Thánh trong nhiều thập niên, nói rằng việc rửa tội cho một đứa trẻ không được trì hoãn vô thời hạn vì những lo ngại mục vụ về tình trạng cuộc sống của cha mẹ, vì điều này sẽ tước đi phương tiện cứu rỗi của đứa trẻ. Thay vào đó, các mục tử được khuyến khích đảm bảo có người bảo trợ phù hợp cho đứa trẻ.

Trả lời câu hỏi thứ hai, Bộ Giáo lý Đức tin cho biết năm ngoái rằng những người chuyển giới trưởng thành đã trải qua phẫu thuật có thể làm cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu “trong một số điều kiện nhất định”.

Các câu trả lời dubia cho biết, “Tuy nhiên, vì nhiệm vụ này không cấu thành một quyền, nên sự khôn ngoan mục vụ đòi hỏi không được phép thực hiện nếu có nguy cơ gây tai tiếng, hợp pháp hóa quá mức hoặc mất phương hướng trong lĩnh vực giáo dục của cộng đồng giáo hội”.

Về phần mình, giáo luật quy định rằng người đỡ đầu rửa tội, hoặc cha mẹ đỡ đầu, phải là một người Công Giáo đã Thêm sức, “người có đời sống đức tin phù hợp với chức vụ được đảm nhận”.

Bộ cũng cho biết vào năm ngoái rằng giáo luật không cấm người chuyển giới làm nhân chứng tại một đám cưới Công Giáo.

Chuyển sang câu hỏi thứ tư, Bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh rằng phải có niềm hy vọng có cơ sở rằng một đứa trẻ được rửa tội sẽ được giáo dục theo đức tin Công Giáo.

Câu trả lời không đề cập một cách chuyên biệt đến những câu hỏi dường như đã được nêu ra, tức là liệu cả hai người trong một cuộc kết hợp đồng tính luyến ái có nên được coi như “cha mẹ” hay không khi đánh giá các giấy phép cần thiết để rửa tội cho trẻ sơ sinh và khi ghi phép rửa tội vào sổ đăng ký giáo xứ - cả hai câu hỏi này thường được thảo luận giữa các luật sư giáo luật.

Liên quan đến câu hỏi thứ năm, Bộ lưu ý rằng giáo luật đòi hỏi những người bảo trợ rửa tội, hoặc cha mẹ đỡ đầu, phải có năng khiếu đảm nhận vai trò này và có “một đời sống đức tin phù hợp với chức năng được đảm nhận”.

Giải quyết câu hỏi thứ sáu và cũng là câu hỏi cuối cùng, Bộ Giáo lý Đức tin viết: “Không có điều gì trong luật giáo hội phổ quát hiện nay cấm một người sống thử, đồng tính luyến ái làm nhân chứng cho một cuộc hôn nhân”.

Đối thoại và giáo dục

Một bản văn quan trọng khác có thể thấm nhuần tư tưởng và ngôn ngữ của Dignitas infinita có thể là một tài liệu năm 2019 của Bộ Giáo dục Công Giáo, có tựa đề “Người nam và người nữ được Người tạo dựng - Hướng tới con đường đối thoại về vấn đề lý thuyết giới tính trong giáo dục”.

Bản văn đó đề cập đến các xu hướng đang phát triển trong thực hành giáo dục và chương trình giảng dạy “được cho là truyền đạt một quan niệm trung lập về con người và cuộc sống, nhưng trên thực tế phản ảnh một nền nhân học chống lại đức tin và lý trí đúng đắn”.

Bộ giáo dục cho biết: “Sự mất phương hướng liên quan đến nhân học vốn là một đặc điểm phổ biến trong bối cảnh văn hóa của chúng ta chắc chắn đã góp phần gây bất ổn cho gia đình trong tư cách một định chế, mang theo nó xu hướng triệt tiêu các dị biệt giữa đàn ông và đàn bà, trình bầy chúng chỉ đơn thuần như sản phẩm của điều kiện lịch sử và văn hóa.”

Đề cập đến “hệ tư tưởng được đặt tên chung là 'lý thuyết giới tính', vốn "phủ nhận sự khác biệt và tính hỗ tương trong bản chất của người nam và người nữ và hình dung một xã hội không có sự khác biệt về giới tính, từ đó loại bỏ nền tảng nhân học của gia đình," bản văn năm 2019 nói rằng nghị trình này hạ thấp bản sắc và phẩm giá con người thành “sự lựa chọn của cá nhân, một lựa chọn cũng có thể thay đổi theo thời gian”.

Nam và Nữ cho biết: “Tầm nhìn Kitô giáo về nhân học coi tình dục là thành phần cơ bản của nhân cách con người. “Khi mỗi người lớn lên, sự đa dạng như vậy, gắn liền với sự bổ sung cho nhau của hai giới, cho phép đáp ứng triệt để thiết kế của Thiên Chúa tùy theo ơn gọi mà mỗi người được kêu gọi”.

Trích dẫn lời Đức Phanxicô, Bộ giáo dục đã đặt ra khuôn khổ mà vì nó, Giáo hội có thể và nên tìm cách can dự vào cuộc thảo luận rộng rãi hơn về các vấn đề giới tính và phái tính, nhưng không ảnh hưởng đến hoặc giáo huấn của Giáo hội, hoặc phủ nhận trật tự tạo dựng và mệnh lệnh của luật tự nhiên.

“Trong khi các hệ tư tưởng về phái tính đòi hỏi phải đáp ứng, như Đức Phanxicô đã chỉ ra, ‘đối với những gì đôi khi là những khát vọng có thể hiểu được’, thì chúng cũng tìm cách ‘khẳng định mình là tuyệt đối và không thể nghi ngờ, thậm chí ra lệnh cho trẻ em nên được nuôi dạy như thế nào’, và do đó loại trừ đối thoại."

“Tuy nhiên,” bản văn tiếp tục, “công việc khác về phái tính [gender] đã được thực hiện nhằm cố gắng đạt được sự hiểu biết sâu sắc hơn về những cách thức mà sự khác biệt về giới tính giữa nam và nữ được thể hiện trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Chính trong tương quan với loại nghiên cứu này, chúng ta nên cởi mở để lắng nghe, lý luận và đề xuất.”

Chuyên biệt đề cập đến trường phái lập luận đang nổi lên nhằm tìm cách đóng khung phái tính, giới tính sinh học và phát biểu tình dục cá nhân như các khía cạnh của sự tự phát biểu và thành toàn cá nhân, tài liệu năm 2019 đã trình bày lại giáo huấn của Giáo hội để trả lời những gì nó nhấn mạnh, về cơ bản, như một hình thức hiện đại của thuyết ngộ đạo hiện sinh:

Bộ viết: “Lý thuyết phái tính (đặc biệt là ở những hình thức cấp tiến nhất của nó) nói về một quá trình biến chất dần dần, đó là một sự rời xa tự nhiên và hướng tới một lựa chọn tuyệt đối cho quyết định cảm xúc của chủ thể con người”.

“Vấn đề ở đây không nằm ở sự phân biệt giữa hai thuật ngữ [giới tính và phái tính], điều có thể giải thích chính xác mà nằm ở sự tách biệt giới tính khỏi phái tính. Sự tách biệt này là gốc rễ của những khác biệt được đề xuất giữa các “khuynh hướng tình dục” đa dạng, vốn không còn được định nghĩa bởi sự khác biệt về giới tính giữa nam và nữ, và sau đó có thể mang những hình thức khác, chỉ do cá nhân quyết định, người được coi là hoàn toàn tự chủ.”

Bản văn năm 2019 cho biết: “Điều này lên đến tuyệt đỉnh trong việc khẳng định sự giải phóng hoàn toàn của cá nhân khỏi bất cứ định nghĩa giới tính nào được đưa ra một cách tiên thiên và sự biến mất của các phân loại được coi là quá cứng ngắc”.

Bộ kết luận: “Cần phải tái khẳng định nguồn gốc siêu hình của sự khác biệt giới tính, như một sự bác bỏ về mặt nhân học đối với những nỗ lực phủ nhận tính hai mặt nam-nữ của bản chất con người, từ đó gia đình được tạo ra. Việc phủ nhận tính hai mặt này không chỉ xóa bỏ quan niệm coi con người như kết quả của một hành động sáng tạo mà còn tạo ra ý tưởng coi con người như một kiểu trừu tượng “tự chọn cho mình bản chất của mình là gì.”
 
Lm. Raymond J. de Souza: Đức Thánh Cha Phanxicô và bí mật của Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng
J.B. Đặng Minh An dịch
22:11 03/04/2024

Trong một cuộc phỏng vấn, lại một cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiết lộ những bí mật của Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng vào năm 2005. Ngài có vi phạm lời thề phải giữ bí mật của Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng không? Linh mục Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Convivium của Canada có bài nhận định sau được đăng trên tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình EWTN của Hoa Kỳ. Nguyên ngữ tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ:

Trong một cuốn sách phỏng vấn được phát hành bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiết lộ các chi tiết, bao gồm cả kết quả bỏ phiếu, từ mật nghị năm 2005. Đức Thánh Cha có vi phạm nghĩa vụ phải giữ bí mật của Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng không?

Có và Không. Đó là một vấn đề làm sáng tỏ một vấn đề rộng lớn hơn trong Giáo hội, đó là những giới hạn của luật về quyền lực của giáo hoàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiết lộ rằng “Ratzinger là ứng cử viên của tôi” vào năm 2005, nhưng có một nhóm đang cố gắng thực hiện “một thủ đoạn hoàn chỉnh”, trong đó phiếu bầu cho Hồng Y Jorge Bergoglio sẽ chặn Hồng Y Joseph Ratzinger.

“Họ đang lợi dụng tôi, nhưng đằng sau họ đã nghĩ đến việc đề cử một Hồng Y khác. Họ vẫn chưa thể thống nhất được ai, nhưng họ sắp sửa đưa ra một cái tên,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói với nhà báo Tây Ban Nha Javier Martínez-Brocal trong cuốn sách Người kế vị. Đoạn trích được tờ báo ABC của Tây Ban Nha đăng vào Chúa Nhật Phục sinh. Cuốn sách chưa được phát hành bằng tiếng Anh.

Liên quan đến tính bảo mật nghiêm ngặt của những gì diễn ra trong Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng trong khi các Hồng Y phải tuyên thệ giữ bí mật về các thủ tục của mật nghị viện, “các giáo hoàng có quyền nói điều đó”.

Đúng không? Hay đó là một phiên bản của điều mà cựu tổng thống Richard Nixon đã nói một cách khét tiếng với người dẫn chương trình truyền hình Anh David Frost, “Khi tổng thống làm điều đó, điều đó có nghĩa là nó không thể bất hợp pháp”?

Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng được quy định bởi tông hiến Universi Dominici Gregis, do Thánh Gioan Phaolô II ban hành năm 1996 và được sửa đổi bởi Giáo hoàng Bênêđíctô XVI vào năm 2007 và 2013. Về vấn đề bí mật, các Hồng Y trong mật nghị phải tuyên thệ như sau:

“Một cách đặc biệt, chúng tôi hứa và thề sẽ giữ bí mật với tất cả mọi người, giáo sĩ hay giáo dân, về mọi thứ liên quan đến việc bầu chọn Giáo hoàng Rôma và về những gì xảy ra tại nơi bầu cử, liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến kết quả biểu quyết; chúng tôi hứa và thề sẽ không tiết lộ bí mật này dưới bất kỳ hình thức nào, trong hoặc sau cuộc bầu cử Giáo hoàng mới, trừ khi được chính Đức Giáo Hoàng đó cho phép rõ ràng…” (53)

Do đó, có vẻ như Đức Hồng Y Bergoglio, người đã tuyên thệ vào năm 2005, đã thề sẽ không “tiết lộ bí mật này dưới bất kỳ hình thức nào, trong hoặc sau cuộc bầu cử”. Sự cho phép duy nhất để làm như vậy sẽ phải đến từ vị “Tân Giáo Hoàng” trong Cơ Mật Viện 2005, tức là Đức Bênêđíctô XVI. Do đó, với những nhận xét của ngài trong Người kế vị, người đọc phải cho rằng Giáo hoàng Phanxicô đã nhận được “sự cho phép rõ ràng” từ Đức Bênêđíctô vào một thời điểm nào đó sau mật nghị năm 2005.

Văn bản của Đoạn 53 nói rõ rằng chính “Đức Tân Giáo Hoàng” là người có thể cấp phép cho tiết lộ về cuộc bầu cử mà ngài đã được bầu. Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đúng khi nói rằng ngài “có giấy phép” phát biểu về Cơ Mật Viện năm 2013 vì ngài được bầu làm Giáo Hoàng trong cuộc bầu cử đó. Nhưng liên quan đến Cơ Mật Viện 2005, nếu đọc rõ ràng Đoạn 53, ngài không được phép làm như vậy, trừ khi ngài được phép của Đức Bênêđíctô.

Sẽ không có gì đáng chú ý nếu Đức Bênêđíctô đã trao quyền đó. Sự bất thường của “hai giáo hoàng” có thể đã khiến Đức Bênêđíctô trao quyền cho Đức Phanxicô phát biểu về mật nghị năm 2005 bên cạnh quyền mà ngài đã có để phát biểu về mật nghị năm 2013. Người ta có thể dễ dàng tưởng tượng ra một tình huống trong đó một vị giáo hoàng đương nhiệm có thể muốn thảo luận điều gì đó về mật nghị trước đó có liên quan đến một vấn đề hiện tại.

Trong trường hợp được Đức Bênêđíctô cho phép, sẽ hữu ích hơn nếu trong cuộc phỏng vấn được viết thành sách “Người kế vị”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rõ hơn về điều đó.

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu không hề có “sự ủy quyền rõ ràng”? Hiến chế của Thánh Gioan Phaolô II bao gồm điều này:

“Tôi ra lệnh cho các đại cử tri Hồng Y, graiter onerata ipsorum conscientia, giữ bí mật về những vấn đề này ngay cả sau khi cuộc bầu cử Giáo hoàng mới diễn ra, và tôi nhắc nhở họ rằng không được phép tiết lộ bí mật theo bất kỳ cách nào trừ khi có một nhu cầu đặc biệt và phải được chính Đức Giáo Hoàng cho phép một cách rõ ràng” (60).

Đoạn văn đó gợi ý, thuần túy và đơn giản, rằng “Đức Giáo Hoàng” có thể cấp phép – cho chính mình hoặc cho người khác. Không có đề cập đến “cùng một Giáo hoàng” như xuất hiện trong Đoạn 53. Vì vậy, có thể đọc rằng Đức Giáo Hoàng có thể ủy quyền cho bất kỳ Hồng Y cử tri nào phát biểu về bất kỳ mật nghị nào. Vì vậy, chẳng hạn, Đức Gioan Phaolô có thể ủy quyền cho một cử tri phát biểu không chỉ về mật nghị bầu cử tháng 10 năm 1978 mà ngài được bầu, mà còn về mật nghị bầu cử chân phước Gioan Phaolô I vào tháng 8 năm 1978.

Đức Gioan Phaolô chưa bao giờ nói về kết quả bầu cử trong mật nghị tháng 10 năm 1978, nhưng ngài có kể lại hai chi tiết. Đầu tiên, trong cuộc bỏ phiếu, Đức Hồng Y Maximilien de Fürstenberg, cựu hiệu trưởng của trường Đại Học Bỉ nơi linh mục trẻ Karol Wojtyła đã ở, đã đến gặp ngài và nói: “Magister adest et vocat te” - “Thầy đang ở đây và đang gọi bạn” (Ga 11:28). Thứ hai, Chân phước Stefan Wyszynski, giáo chủ Ba Lan, đã nói với ngài rằng: “Nếu ngài được bầu, ngài phải đưa Giáo hội bước vào thiên niên kỷ thứ ba”.

Trong trường hợp của Đức Thánh Cha Phanxicô, có thể yên tâm cho rằng những tiết lộ của ngài về mật nghị năm 2005 là hợp pháp.

Một vấn đề liên quan nảy sinh: Nếu không hợp pháp thì sao? Không ai có thể phán xét giáo hoàng Rôma, và ngài là nhà lập pháp tối cao trong Giáo hội. Như vậy có phải là giáo hoàng không thể vi phạm luật của Giáo hội không?

Giáo hoàng có thể thay đổi luật, nhưng nếu ngài vi phạm mà không thay đổi thì hành động đó vẫn trái luật - mặc dù không ai có thể chấp pháp trong trường hợp đó.

Vấn đề đã được nêu lên gần đây vì Đức Thánh Cha thường đồng tế Thánh lễ mà không có mặc trang phục phù hợp cho một vị đồng tế (Ngài đã không làm chủ tế trong Thánh lễ công khai một thời gian). Bây giờ, có thể Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép thay đổi luật về vấn đề này và không công bố nó, vì vậy việc thực hành phụng vụ của ngài sẽ hợp pháp. Tuy nhiên, khó khăn với luật bí mật là chúng có vẻ như tuyên bố với người khác rằng “nếu tổng thống làm điều đó thì điều đó không thể là bất hợp pháp”.

Sự tương tự cũng được áp dụng ở cấp giáo phận. Giáo luật có quy định việc chấp pháp đối với các giám mục hành động trái luật. Tuy nhiên, hiện tại, vì một giám mục là “đại diện của Chúa Kitô” trong giáo phận của mình, nên hầu như không ai có thể làm gì nếu ngài chọn hành động trái luật. Việc chấp pháp sẽ diễn ra sau đó và có thể rườm rà và tốn thời gian. Vấn đề đó trong những năm gần đây đã góp phần làm xói mòn lòng tin giữa các giám mục và các linh mục của họ.

Những tiết lộ trong Người kế vị có thể được quan tâm nhiều hơn hoặc ít hơn. Nhưng có thể an toàn khi coi chúng là hợp pháp. Giáo hội có một nhà lập pháp tối cao duy nhất và vẫn là một xã hội pháp quyền.


Source:National Catholic Register
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gx Đức Mẹ La Vang Fresno California Mừng Chúa Phục Sinh
Magarita Nguyễn Phương Lan
03:21 03/04/2024

Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Fresno California Mừng Chúa Phục Sinh.
Xem Hình
 
Lễ Phục sinh và họp mặt tân tòng tại Gx. ĐMLV, Miami
LongK Nguyễn
17:53 03/04/2024
Đại Lễ Phục sinh và họp mặt tân tòng tại Gx. ĐMLV, Miami
Xem Hình
 
Giáo xứ Thánh vinh Sơn Liêm Calgary, Canada Giáo xứ cùng hiệp hành với gia đình
Khanh Lai
23:35 03/04/2024
Giáo xứ Thánh vinh Sơn Liêm Calgary, Canada Giáo xứ cùng hiệp hành với gia đình.

Xem hình ảnh

Chúa nhật cuối tháng 3, vào lúc 6 giờ chiều Chúa nhật ngày 31/3/2024, cũng đúng ngày lễ Chúa Phục Sinh. Hôm nay số người đông hơn tham dự tham dự đông đảo hơn. Ca Đoàn Đức Mẹ La Vang đã hát lên lời ca của thánh lễ Phục sinh Alleluia, Alleluia, thì số người có ngày Sinh Nhật cũng đông hơn cùng với gia đình.

MC là 1 Huynh trưởng Đoàn Thiếu Nhi đã Giới thiệu với cộng đoàn về từng người có ngày Sinh Nhật trong tháng Ba, từ người lớn tuổi nhất là 80 và người bé nhất là 3 tuổi.

Thánh lễ long trọng cử hành, cùng tạ ơn Chúa đã cho được thêm 1 tuổi, tiếp tục được sống trong mái nhà Chúa là Giáo hội là Giáo xứ mình đã và đang giúp góp nhất là sự hiện diện thường xuyên đến để tạ ơn Ngài là Chúa của sự sống, xin cho một tuổi nữa khôn ngoan đạo đức và mạnh khỏe.

Sau thánh lễ là một bữa cơm thanh đạm do Ba nhà Hàng Thanh Thy, Kingdom, Phi Nhung do người giáo dân làm chủ và một số người hảo tâm nấu nướng đem tới, đoàn Thiếu Nhi đã đứng ra tổ chức MC, Karaoke, chụp hình thật vui. Chương trình mừng Sinh Nhật cho thành viên trong Giáo xứ trong tháng Ba, Giáo xứ cùng hiệp hành với gia đình đã kết thúc với những bài hát Mừng Sinh nhật thật ý nghĩa.

Tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn người.

Vương Nguyễn tường trình từ Calgary
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Viết cho Quê Hương
Đinh văn Tiến Hùng
03:17 03/04/2024
* Viết cho QUÊ HƯƠNG *
Ghi nhớ Tháng Tư Đen

Xin mượn phần đầu bản Trường thi TRẢ TA SÔNG NÚI của thi sĩ Vũ Hoàng Chương để mở đầu bài : VIẾT CHO QUÊ HƯƠNG

Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà
Sông khoe hùng dũng, núi nguy nga
Trả ta sông núi bao người trước
Gào thét đòi cho bọn chúng ta…
Trả ta sông núi từng trang sử
Dân tộc còn nghe vọng thiết tha
Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ:
Không đòi, ai trả núi sông ta
VHC

-Tháng tư đen phủ kín bầu trời
Gieo tang thương kinh hoàng khắp nơi
Bởi bọn người biến thành quỉ đỏ
Giết giống nòi nô lệ ngoại bang

Đem tâm hồn hoài vọng Quê Hương,
Xót xa in dấu nỗi sầu vương,
Đất trời còn Cộng nô thống trị,
Bao giờ xóa hết cảnh bi thương !

+ Giờ đây tôi đã thấy !!!

*Giờ đây tôi đã thấy,
Những điều mình ước mơ,
Không còn là sự thật,
Như khi còn bé thơ !

Đất Nước tôi ngày ấy,
Dòng sông chảy lững lờ,
Cánh diều bay theo gió,
Cưỡi trâu hát líu lo.

Không phải sống dật dờ,
Từng ngày lo cơm áo,
Cuộc đời luôn thanh thản,
Đua chen thấy vu vơ.

Trai nóng lòng mong đợi,
Quyểt chí cố học hành,
Lớn giúp nhà giữ nước,
Đền đáp ơn sinh thành.

Gái đảm đang nội trợ,
Không đua đòi phấn son,
Luôn kính cha thương mẹ,
Cùng săn sóc chồng con.

Ôi Quê Hương đẹp quá !
Sông núi dệt nên thơ,
Bao anh hùng liệt nữ,
Gìn giữ mãi đến giờ.

Nhưng giờ tôi đã thấy,
Đâu còn giống như xưa,
Cuộc đời vừa đổi mới,
Nói bao nhiêu cho vừa !

*Ngày nay tôi đã thấy,
Bọn rừng rú kéo về,
Đỉnh cao khoe trí tuệ,
Hung bạo trong say mê.

Giờ đây tôi đã thấy,
Trước sau một lũ hề,
Đem xã hội chủ nghĩa,
Gieo hỗn loạn tứ bề.

Giờ đây tôi đã thấy,
Loài quỉ đỏ bạo tàn,
Vùi cho dân đói rách,
Sống tủi nhục lầm than.

Giờ đây tôi đã thấy,
Dịch Cô-vít dâng cao,
Mỗi ngày thêm người chết,
Dân hoảng loạn biết bao

Giờ đây tôi đang thấy,
Nhiều cảnh quá thương tâm,
Bao tổ chức từ thiện,
Hết lòng hỗ trợ dân.

Giờ đây tôi đã thấy,
Cuộc sống khác khi xưa,
Chúng hô rằng đổi mới,
Lừa bịp bạn thấy chưa?

Giờ đây tôi đã thấy,
Tà quyền ngồi trên cao,
Vơ vét cho đầy túi,
Chẳng giúp dân tí nào.

Giờ đây tôi đã thấy,
Nuối tiếc năm tháng xưa,
Ngày nay đang mùa dịch,
Dân sống một kiếp thừa.


+ Đất Nước Tôi

“Một tấc đất của Tiền nhân để lại cũng không thể lọt vào tay kể khác.”
(Lời lưu truyền phải gìn giữ Nước của vua Lê Thánh Tôn)

*Đất Nước tôi bao kỷ niệm yêu dấu,
Tôi chào đời, trưởng thành với buồn vui,
Nơi mẹ cha tận tụy suốt cả đời,
Mong cho tôi trở thành người hữu dụng.

Đất Nước tôi với biển rừng thơ mộng
Với ruộng đồng trải rộng cánh cò bay,
Người dân quê an vui sống từng ngày,
Dưới hàng tre ôm mái tranh vương khói.

Đất Nước tôi rừng bạt ngàn mời gọi,
Khoáng sản, gỗ quí ẩn chứa khắp nơi,
Kho tàng đó đang thúc giục gọi mời,
Phải khai thác cho Quê Hương khởi sắc.

Đất Nước tôi biển trong xanh bát ngát,
Sáng dương buồm phấn khởi kéo ra khơi,
Ôm ấp nguồn sống lòng biển ngàn khơi,
Chiều về khoang thuyền chất đầy tôm cá.

Đất Nước tôi được hưởng nguồn gia phả,
Của tổ tiên cố lưu giữ ngàn đời,
Nên cháu con quyết ghi tâm nhớ lời.
Đừng để một tấc đất vào tay kẻ địch.

*Đất Nước tôi giờ đây bọn lừa bịp,
Đem dâng cho lũ Tàu cộng xâm lăng,
Từ rừng biên giới đến đất Tây nguyên,
Cả đảo Trường Sa, Hoàng Sa ngoài biển.

Đất Nước tôi nơi chiến lược trọng điểm,
Nhượng chín chín năm cho lũ giặc Tàu,
Đây Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong,
Thành Đặc khu, vùng Tự trị, Tô giới.

Đất Nước tôi An ninh mạng giả dối,
Bọn tà quyền cố bịp mặt người dân,
Khiến dân chúng không thể ngẩng cao đầu,
Không thể liên lạc kết hợp tranh đấu.

Đất Nước tôi không còn gì che giấu,
Khi toàn dân đã thức tỉnh vùng lên,
Khắp trong nước không còn sợ hãi ươn hèn,
Già trẻ cùng đứng lên đòi quyền sống.

Đất Nước tôi dâng hào khí sống động,
Của khí thiêng Sông Núi, hồn Tổ Tiên,
Mồ hôi xương máu liệt nữ anh hùng,
Cuốn hút cuồng phong không gì cản nổi.

Đất Nước tôi tà quyền thật bỉ ổi,
Dân biểu tình đòi công lý tự do,
Lại đàn áp như một lũ côn đồ,
Phản Dân Nước chính là một trọng tội.

Đẩt Nước tôi Việt cộng phải xám hối,
Phải cúi đầu nhận tội và thật lòng,
Cùng toàn dân xây dựng lại Non Sông,
Để cùng nhau mở đầu Trang Sử Mới.

+ Niềm Tin Thắp Sáng

* Mến tặng Lớp Trẻ Việt Nam và Hải ngoại còn nghĩ đến Giáo Hội & Tổ Quốc

*Tôi đang thấy giữa vùng trời bão tố,
Bao bạn trẻ ngụp lặn trong đêm đen,
Những cánh tay đang chới với kiếm tìm,
Nguồn hy vọng một Niềm Tin Thắp Sáng!

Tôi đang thấy trong vũng lầy sa đọa,
Bao bạn trẻ bị băng hoại tâm hồn,
Nhìn cuộc đời như đỉnh núi cô đơn,
Không thấy hải đăng Niềm Tin Thắp Sáng!

Tôi hiểu tà thuyết ‘Tam vô nhị các’
Bọn cộng sản đang gieo rắc khắp nơi,
Ru lớp trẻ vô vọng cả cuộc đời,
Chẳng quan tâm đến Niềm Tin Thắp Sáng!

Tôi thấy chùa chiền, giáo đường lộng lẫy,
Có phải chăng tôn giáo được tự do?
Có phải chăng dân chúng đang ấm no?
Đâu có phải là Niềm Tin Thắp Sáng!

Tôi đang thấy bao phát minh khoa học,
Đầy tiện nghi để phục vụ con người,
Đổi cuộc đời cho cuộc sống thêm tươi,
Nhưng vẫn thiếu một Niềm Tin Thắp Sáng!

*Tôi bừng tỉnh nghe lòng mình dào dạt,
Tôi yêu đời với lớp trẻ hôm nay,
Nhìn Tổ Quốc tâm hồn vẫn hăng say,
Đầy nhiệt huyết cùng Niềm Tin Thắp Sáng!

Tôi phục Trưng, Triệu đuổi Tàu tan tác,
Lê Lợi, Quang Trung phá giặc xâm lăng.
Thái Học, Đề Thám chống Pháp hiên ngang,
Bừng sức sống đem Niềm Tin Thắp Sáng!

Gương Tuổi Trẻ năm xưa còn vang dội,
Quốc Toản ‘Phá cường địch báo hoàng ân’
Hồng Thái ‘Bom Sa Điện xé vang trời’
Hiến Tổ Quốc với Niềm Tin Thắp Sáng!

Ta sẽ thấy nơi Quê Hương ta đó,
Bao người trẻ là lớp lớp nhân tài,
Dâng Tổ Quốc cho tất cả tương lai,
Đặt hạnh phúc vào Niềm Tin Thắp Sáng!

Xưa bao anh hùng nữ kiệt vùng dậy,
Chống giặc ngoại xâm giữ vững Non Sông,
Nay Lớp trẻ Việt Nam quyết một lòng,
Dẹp quỉ đỏ đem Niềm Tin Thắp Sáng!

Ta quật cường như Tổ Tiên dựng Nước,
Ta vào đời với khí thế hiên ngang,
Tay trong tay ta ca khúc khải hoàn,
Xây dựng Nước trong Niềm Tin Thắp Sáng.


+ Xuân Quê Hương như thế đó!

*Xuân này kém hẳn những Xuân qua,
Bầu trời tang tóc khắp nước nhà,
Đón Tết, vui Xuân không còn nữa,
Dân đen đói khổ mắt lệ nhòa ! (1)

*Lẳng lặng mà nghe chúng bảo nhau,
‘Mất mùa là tại thiên tai,
Được mùa do bởi thiên tài đảng ta’ (2)
Đói nghèo đâu tại bọn ta,
Bởi dân lười biếng hóa ra đói nghèo !

Lẳng lặng mà nghe chúng bảo nhau, (4)
Bán dân bán nước cho anh Tàu,
Thành Đô sẽ tới vài năm nữa,
Thái thủ hiên ngang ta nghểnh đầu.

Lẳng lặng mà nghe chúng bảo nhau,
Tích lũy túi tham chóng làm giầu,
Đảng có tan tành ta đâu sợ,
Vác đầy túi bạc chạy cho mau.

Lẳng lặng mà nghe chúng bảo nhau,
Đất nước nghèo khổ có chi đâu,
Bão lụt cuốn trôi do trời đấy,
Mặc kệ dân đen kiếp ngựa trâu.

Lẳng lặng mà nghe chúng bảo nhau,
Kỷ niệm Hoàng Sa một bọn ngu,
Biển đảo đã bán sao đòi lại?
Phen này bắt bọn đó đi tù.

Lẳng lặng mà nghe chúng bảo nhau,
Học thuyết dối trá phải đứng đầu,
Nếu nói một lần dân bất tín,
Nói hoài sẽ thấm chẳng bao lâu.

*Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Quan to quan bé chạy đi đâu,
Cá chết ngập tràn ngoài bờ biển,
Đất khô nứt nẻ chẳng hoa mầu.

Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Người dân kiếm sống bạc cả đầu,
Tượng đài lão Hồ hàng ngàn tỉ,
Học sinh vượt sông chẳng có cầu.

Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Công ty ngoại quốc chia đấu thầu,
Chiếm lĩnh hoàn toàn nguồn kinh tế,
Hủy diệt môi sinh chẳng bao lâu.

Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Thứ nhì xuất gạo bán đi đâu,
Bây giờ lũ lụt dân chết đói,
Mười hai tỉnh đòi tiếp gạo mau.

Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Tà quyền Việt cộng tội ngập đầu,
Dân đen đói khổ da bọc xương,
Lại bắt hiến máu sống khổ đau.

Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Phải giữ đất nước để mai sau,
Con cái lớn lên còn hãnh diện,
Ngẩng mặt hiên ngang với hoàn cầu.

Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Toàn dân nước Việt quyết diệt Tàu,
Cũng lũ Việt cộng đang thống trị,
Để còn đứng thẳng với năm châu.

*Xuân này nhớ mãi những xuân xưa,
Nuối tiếc khôn nguôi mấy cho vừa,
Tiệc vui pháo nổ, mai đào nở,
Quây quần con cháu đón giao thừa.

*Ghi chú :
(1) Nhái thơ ông Hồ chúc nhân dân miền Bắc Tết Mậu Thân 1968.
(2) Trích ca dao thời đồ đểu Cộng sản Việt Nam.
(3) Có phải dân lười vì mọi thứ mang nhãn hiệu dân làm chủ, nhưng nhà nước quản lý? Chính bọn tà quyền Việt cộng là bọn lười biếng nhất, chỉ sống do bóc lột của dân.
(4) Giao cảm cùng bài thơ ‘Chúc Tết’ của nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương

+ Đốt lò hương cũ – Giấc mơ chưa thành

Nhìn gương Uy Viễn tướng công,
Noi theo hậu duệ một lòng sắt son,
Ngả nghiêng Đất Nước cơ đồ,
Đốt lò hương cũ, giấc mơ chưa thành !

Thân trai sống giữa thời chinh chiến,
Dẹp bút nghiên, chọn cuộc sống tang bồng,
Vui buồn sinh tử với Non Sông,
Dưới bóng nguyệt say sưa vung kiếm báu.

‘Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,
Nợ tang bồng vay trả, trả vay,
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.’

Chàng xông pha khắp bốn vùng chiến thuật,
Rừng núi là nhà, bạn cùng mưa nắng gió sương.
Sáng săn giặc Cộng vùng A-sao, A-lưới,
Chiều Tây nguyên bom cầy nát Đắc-tô.
Tay ghì súng quyết ngăn xe giặc không cho vào An-lộc,
Cùng tiếng hét, tiếng hô, đè lên tiếng súng,
Xác giặc bật lên như hình nộm có lò xo cuồng điên say máu.

Đây Ma-thiên-lãnh, hang tử thần Tức-chụp,
Đã bao năm là sào huyệt bất khả xâm của Cộng thù,
Không thể dùng bom, dùng súng, ta phải dùng dao quyết tử.

Thân nam nhi có xá chi đâu!
Một lời thề không thể lùi bước!
‘Nhân sinh từ cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh, (*)
Đã chắc rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ,
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong,
Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.’

Nhưng than ôi ! Ta thấy gì hôm nay,
Non Sông tan tác tràn đầy,
Còn đâu hạnh phúc bao ngày đã qua,
Chỉ vì giặc Cộng gian ngoa,
Theo gương Mao Mác dân ta điêu tàn,
Giặc Hồ một lũ tham lam,
Bán đất dâng biển ngoại bang giặc Tàu,
Âm mưu ác hiểm khởi đầu,
Thảm họa môi sinh lan tràn khắp nơi,
Cá chết, ruộng vườn héo khô,
Xả lũ mênh mông cuốn trôi cửa nhà,
Thành Đô chẳng còn bao xa,
Việt Cộng thái thú thật là nhục thay.

Oai linh sông núi cõi bờ,
Dân tộc sẽ thắng đón chờ quang vinh,
Hồi sinh Đất Nước thanh bình,
Thỏa lòng tâm nguyện mà mình ước mơ,
Toàn dân Nước Việt đón chờ,
Non Sông bừng sáng rợp cờ vàng bay,
Bên trời gác kiếm từ đây,
Công thành thân thỏa tháng ngày tiêu dao.

‘Đường mây rộng thênh thang cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo.’

- Ghi chú : Xin mạo muội mượn lời thơ của cụ Nguyễn công Trứ qua bài ‘Chí Làm Trai’
Lời thơ của Uy Viễn tướng công xin để trong ngoặc với chữ nghiêng.
(*) Người đời ai mà không chết, phải làm sao ghi tấm lòng son trong sử xanh.


*Sầu Xuân Viễn Xứ*

Xuân Kỷ Dậu Quang Trung phá giặc,
Vạn quân Thanh khiếp sợ chạy tan tành,
Dũng khí ấy đã hòa vào Sông Núi,
Để Dân tộc luôn được sống an lành,
Bài học đó luôn còn đang vang vọng,
Trường Xuân Ca muôn thuở vẫn còn đây.

Ôi từ độ ta xa rời Tổ quốc,
Đất chuyển mình cùng non nước vần xoay,
Hồn ta dâng bao thổn thức vơi đầy,
Khi Xuân đến với chuỗi ngày viễn xứ.
Đáy lòng ta còn chất đầy quá khứ,
Của những ngày khi Sông Núi reo ca,
Bao Mùa Xuân Hy vọng nơi Quê nhà,
Ta giã biệt theo bước chân vội vã.

Trước mặt ta giờ Mùa Xuân băng giá,
Thân mỏi mòn bóp nghẹt cả con tim,
Kiếp mộng du ta khắc khoải kiếm tìm,
Mong thấy lại bao Mùa Xuân dĩ vãng,
Tâm hồn ta mang khung trời ảm đạm,
Khúc ca nào đang réo gọi Xuân về,
Cõi lòng ta chợt lúc tỉnh lúc mê,
Những tháng năm dài mỏi mòn chờ đợi.

Giờ Xuân đến nghe âm vang réo gọi,
Mau trở về xây dựng lại Quê Hương,
Tổ Quôc nay đâu có là thiên đường,
Khi quỉ đỏ đang gieo rắc tang tóc,
Chỉ còn nghe tràn đầy bao tiếng khóc.
Đất nước nay ngạo mạn lũ sài lang,
Bọn Tàu cộng chiếm đất biển ào sang,
Còn đâu non sông một thời rực rỡ !

Tổ tiên xưa đã khổ công gìn giữ,
Vùng lên khí thế quật khởi hiên ngang,
Quyết tiêu diệt quân cướp bóc gian tham,
Không muốn cúi đầu trở thành thái thú,
Chối bỏ vinh hoa khước từ ô nhục,
Gương anh hùng nữ kiệt rạng sử thi,
Để cháu con muôn dời phải khắc ghi,
Những di chúc không thể nào chối bỏ,

Trang Sử Việt bao hào hùng còn đó,
Toàn dân vùng dậy chống giặc xâm lăng,
Giữ yên bờ cõi Giang sơn Lạc Hồng,
Để đem lại những Mùa Xuân tuyệt mỹ.
Nhưng nay việt cộng tà quyền ma quỉ,
Bán biển đất qua mật ước Thành Đô,
Hòng xóa bỏ Đất Việt trên bản đồ,
Ôi còn Mùa Xuân nào cho ta nhỉ


+ Tết Ta hay Tết Tàu?

Tết Ta hay Tết Tàu xâm lược mới?
Khắp Đất Nước tràn ngập những kẻ thù,
Lòng người trĩu nặng, trời đất âm u,
Sống vất vưởng sắp đến ngày mất nước!

Bọn Tàu cộng đổ vào như quân cướp,
Ồn ào, dơ bẩn như lũ cái bang,
Náo loạn, giành giật, điệu bộ nghênh ngang,
Coi Viêt Nam là thuộc địa của chúng.

Chiếm giữ Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc,
Đặc khu kinh tế, trọng điểm nước ta,
Dân Tàu lũ lượt, tự do vào ra,
Nhưng lại tuyệt cấm người Việt lui tới.

Không chỉ các nơi cửa khẩu biên giới,
Mà còn nhiều tỉnh khắp Bắc, Trung, Nam,
Khi mua bán hay hàng hóa đem sang,
Chúng ngang nhiên sài tiền nhân dân tệ.

Xem đây là thuộc địa, dân nô lệ,
Nên chúng thẳng tay đàn áp đánh người,
Trước bọn côn an một lũ đười ươi,
Đứng trơ mặt không dám vào can thiệp.

Hết đất Thủ Thiêm tà quyền cướp hết,
Đến vườn rau Lộc Hưng xóm đạo nghèo,
Phải chăng tà quyền đang phải vâng theo,
Những thủ đoạn của ngoại bang thâm độc?

Ôi dân nghèo biết bao năm cực nhọc,
Dựng đơn sơ một mái ấm gia đình,
Bỗng phút chốc bị đập phá tan tành,
Khi Tết đến phải lang thang vất vưởng!

Hành động minh chứng thật là ô nhục,
Bóc lột dân để dâng lũ quan thày,
Việt cộng chính là bọn cướp ban ngày,
Đẩy dân nghèo vào con đường thuyệt vọng!

*Đất Nước ta bây giờ như thế đấy!
Bọn tà quyền vẫn cúi mặt làm ngơ,
Nhận Tàu cộng làm chúa tể tôn thờ,
Vì sung sướng được làm quan thái thú.

Hãy nhìn lại trang sử hào hùng cũ,
Những chiến công oanh liệt của năm xưa,
Hai Bà Trưng phá giặc giữ cõi bờ,
Để mở đầu ghi một trang sử mới.

Những Ngô Quyền, Hưng Đạo Vương quật khởi,
Phá tan Hán Mông trên sóng Bạch Đằng,
Giành độc lập tự chủ cho Giang San,
Khiến giặc xâm lăng tan hàng khiếp đảm.

Nhưng đừng quên một ngày trời ảm đạm,
Để lại vết nhơ không thể xóa mờ,
Khi Nguyễn tất Thành chính tên giặc Hồ,
Bồi tàu mở đầu âm mưu bán nước.

Sao Việt cộng không biết noi gương trước?
Của tổ tiên quyết tâm chống giặc thù,
Biến Đất Nước giờ đâu còn Mùa Xuân,
Tết Ta hay Tết Tàu năm năm nay nhỉ?

* LỜI THỀ TÂM HUYẾT * ANH HÙNG NỮ KIỆT NƯỚC VIỆT

Còn trời, còn Nước, còn Non,
Còn Sông Núi đó ta còn đứng đây,
Trải bao năm tháng vơi đầy,
Dẫu xa Tổ Quốc lòng này sắt son,
Dù cho sông cạn núi mòn,
Lời thề tâm huyết luôn còn khắc ghi.

Lý Thường Kiệt

Nam Quốc Sơn Hà – Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam
Nam quốc sơn hà là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt viết bằng văn ngôn. Đây là bài thơ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, khẳng định chủ quyền của nhà cầm quyền Đại Việt trên các vùng đất của mình. Bài thơ được cho là bài thơ thần, do thần đọc giúp Lê Hoàn chống quân Tống năm 981 và Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm 1077.
Tiếng thơ vang vọng khắp đất trời khiến quân giặc nổi loạn, lòng người Việt lại đắm chìm vào ngọn lửa yêu nước. Lý Thường Kiệt lúc bấy giờ không cần đứng trên đài tuyên ngôn nhưng vẫn có thể tuyên bố chủ quyền đất nước.


Quang Trung

Quang Trung Nguyễn Huệ luôn sáng suốt trong việc nhận định tình hình địch và ta. Qua lời dụ tướng sĩ trước lúc lên đường ở Nghệ An, Quang Trung đã chỉ rõ“đất nào sao ấy”, “người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác”.Ông còn vạch rõ tội ác của chúng đối với nhân dân tạ: “Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bốc nước ta, giết hại dân ta, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi”. Quang Trung Nguyễn Huệ luôn sáng suốt trong việc nhận định tình hình địch và ta. Qua lời dụ tướng sĩ trước lúc lên đường ở Nghệ An, Quang Trung đã chỉ rõ “đất nào sao ấy”, “người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác”. Ông còn vạch rõ tội ác của chúng đối với nhân dân tạ: “Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bốc nước ta, giết hại dân ta, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi”.

-Rồi Mùa Xuân Kỷ Sửu 1789 – Mùa Xuân Chiến Thắng oanh liệt của Đại Đế Quang Trung dẹp tan 50 vạn quân Thanh cũng là Mùa Xuân Chiến Thắng của Toàn Dân Việt – chấm dứt một ngàn năm lệ thuộc Tàu với Lời thề răn đe giặc xâm lăng vẫn vang vang Sông Núi:
“ Đánh cho để dài tóc,
Đánh cho để đen răng,
Đánh cho nó chích luân bất phản,
Đánh cho nó phiến giáp bất toàn,
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ “

Nhưng tiếc thay anh hùng Nguyễn Huệ mất sớm, nếu không một trang sử mới đầy hy vọng sẽ mở ra cho Dân tộc Việt Nam – và bờ cõi Nước Ta đâu phải cắt đất nhường biển như bọn cầm quyền hèn hạ CS đang làm – mà đã mở rộng sang tận Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây gấp ba, bốn lần như hiện nay…

Ngô Quyền

Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng: Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịp sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát.
*Trận Bạch Đằng 938
Ngô Quyền định kế rồi, bèn cho đóng cọc ở hai bên cửa biển. Khi nước triều lên, Ngô Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ quân Nam Hán đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Ngô Quyền bèn tiến quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu. Quân Nam Hán không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa. Ngô Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi. Vua Nam Hán đồn trú ở cửa biển để cứu trợ nhưng không làm gì được; thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về.

Đinh Tiên Hoàng

-Xưa Đinh Tiên Hoàng
Rồng vàng báo ứng
Điềm mở đế vương
Hoa Lư dấy nghĩa
Bình dẹp sứ quân
Hoà bình vừa lập
Việc khác chưa thành
Triều nghi mới chế
Khiển lệnh cờ hồng
Quân ngũ liền lệnh
Lừng lẫy võ công
Bày ra mưu rộng
Lưu lại phép vương
Giúp cho hậu thế
Thông thái vô lường
Ơn thấm lòng dân
Đời xa chẳng quên...
(Trích văn bia đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư)

Lý Thái Tổ

Dời đô về Thăng Long
Thành Hoa Lư vốn là một kinh đô nhỏ của triều Đinh, Tiền Lê tại một thung lũng chật hẹp nhưng dễ phòng thủ phía nam vùng thượng du của đồng bằng sông Hồng, Việt Nam. Lúc lên ngôi Lý Thái Tổ cho rằng Hoa Lư thành thì hẹp, đất thì thấp, muốn dời đô về Đại La (nay là Hà Nội), tức thành Tống Bình đời Đường, nơi mà Cao Biền sau khi đuổi quân Nam Chiếu đã xây dựng lại phủ trị của An Nam đô hộ phủ. Nhà vua ra chiếu rằng:
Xưa kia nhà Thương đến vua Bàn Canh đã năm lần thiên đô,nhà Chu đến vua Thành Vương đã ba lần thiên đô, không phải là theo ý riêng một mình, là nghĩ đến kế muôn năm về sau. Nhà Đinh và Lê không theo lối cũ của Thương, Chu, cứ để kinh đô ở mãi nơi này, trẫm rất đau lòng. Duy có thành Đại La ở giữa khu vực của trời đất, có cái thế long, hổ vững bền, địa thế rộng và bằng phẳng, đất thì cao mà sáng sủa, rõ là khu vực phồn thịnh. Đã xét khắp đất Việt, chỉ có nơi ấy là thắng địa, là nơi đô hội thật là kinh đô của muôn đời sau….

Trần Khánh Dư
Bán than-

Một gánh kiền khôn quẩy xuống ngàn,
Hỏi rằng "chi đó", gửi rằng "than".
Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt,
Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn.
Ở với lửa hương cho vẹn kiếp,
Thử xem đá sắt có bền gan.
Nghĩ mình lem luốc toan nghề khác,
Nhưng sợ trời kia lắm kẻ hàn.

Hai Bà Trưng

-Hãy xem kìa Hai Bà Trưng phận gái má đào với lời thề trả nợ Nước thù nhà:
“Một xin rửa sạch thù nhà Hai xin dựng lại nghiệp xưa vua Hùng,
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này “

-Bà Triệu nêu cao ngọn cờ chính nghĩa, hiên ngang lời thề trước đầu voi ra trận:
“ Tôi muốn cỡi cơn gíó mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch cõi bờ, để cứu Dân tộc ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu khom lưng để làm tì thiếp người.

-Đảm lược đầy hào khí, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, không hề lay chuyển trước bả lợi danh, mãnh tướng Trần bình Trọng khi bị Thoát Hoan bắt, thấy người tài giỏi muốn chiêu dụ hàng để cho làm Vương đất Bắc, Ông trợn mắt lớn tiếng quát:
” Ta thà làm quỉ Nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc !”

-Rồi thượng tướng Trần quang Khải sau khi phá tan giặc, trước khí thế tướng sĩ dâng cao, mở tiệc khao quân tại Thăng Long thành, hứng khởi ngâm bải thơ đầy hào khí:
“ Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm hồ Hàm Tử quan,
Thái bình nghi nỗ lực,
Vạn cổ thử giang san.”
( Chương Dưong cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù,
Thái bình nên gắng sức,
Non Nước ấy nghìn thu. )

-Vâng Non Nước này đã trải nghìn thu mà vẫn vững như bàn thạch dù trải
qua bao nhiêu lần giặc ngoại xâm quấy phá, chính Thánh Tông Thượng Hoàng sau khi đại phá quân Nguyên đã hạ bút quyết tâm với hai câu thơ bất hủ :

“ Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cồ điện kim âu!
( Xã tắc đôi phen chồn ngựa đá,
Non Sông nghìn thuở vững âu vàng! )

-Đặng Dung một dõng tướng nhà Trần, cùng con hết lòng giúp Nước, sự nghiệp chưa thành, bị bắt vào tay giặc tuẫn tiết giữ trọn khí phách, ông lưu lại bài thơ Thuật Hoài ghi nỗi lòng mình cùng Non Nước:

“ Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca,
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa,
Tri chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà,
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.”

( Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say,
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước gẫm càng cay,
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây,
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày. )

Trần Hưng Đạo

-Nhưng nổi bật nhất là danh tướng văn võ song toàn hai lần đại phá quân Nguyên, làm rạng ngới trang sử Việt, vang danh đông tây kim cổ: Hưng Đạo Vương Trần quốc Tuấn. Trước thế giặc mạnh vua Trần nhân Tông ngỏ ý muốn cầu hoà để cứu muôn dân, Hưng Đạo Vưong can đảm tâu rằng :
“ Bệ hạ nói câu ấy thì thiệt nhân đức, nhưng mà tôn miếu xã tắc thế nào?
Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu tôi trước rồi hãy hàng sau. “
Vua quan nghe lời khí tiết vững lòng tin tưởng, tướng sĩ hăng say, Đạo Vương liền truyền hịch khích lệ ba quân

Lê Lợi

-Nối tiếp từ đất Lam Sơn, người anh hùng áo vải Lê Lợi, tính tình cương trực, hay giúp người nghèo, luôn nuôi chí lớn, nên phất cờ khởi nghĩa đã thu phục được lòng dân, văn tài nghĩa sĩ theo phò rất đông. Quân Minh sợ trước uy thế mỗi ngày lớn mạnh của Lê Lợi, muốn chiêu dụ qui hàng hứa cho làm quan lớn cùng nhiều bổng lộc, nhưng Ông không chịu khuất phục thẳng thấn cự tuyệt :

“ Làm trai sinh ra ở trên đời nên gíup nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người! ”
Ông được tướng sĩ mến phục, nhiều nhân tài xả thân trợ giúp như Lê Lai đã mặc long bào liều mình xông ra tiền quân để chết thay.

-Như Nguyễn Trãi theo chân cha là Nguyễn phi Khanh bị giặc Minh bắt giải về Kim lăng, đến ải Nam quan ông quay về khi nghe lời cha trối dạy :
“ Con phải quay về mà trả thù cho cha, rửa nhục cho Nước, chứ đi theo khóc lóc mà làm gì? ”.
Trở về Nguyễn Trãi tìm đến gíúp Lê Lợi, thành quân sư nổi tiếng suốt 10 năm bày mưu kế cho Bình Định Vương dẹp tan giặc Minh, xây dựng một Giang sơn hùng mạnh.
Ông lưu lại một áng văn kiệt tác Bình Ngô Đại Cáo,phản ảnh hoài bão của một Vị Minh quân, cùng khí tiết một dũng tướng mưu lược và trở thành kim chỉ nam cho chiến lược thu phục nhân tâm. Ngày nay mỗi lần đọc lại Bình Ngô Đại Cáo, ta vẫn còn thấy hào khí của tiền nhân bừng bừng nổi dậy qua hai câu đầy nghĩa khí và nhân đạo:

“ Đem Đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy Trí nhân mà thay cường bạo. “

Hãy trích một đoạn để cùng nhau Luận cổ suy kim :
“…Từng nghe,
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo.
Như Nước Việt ta từ trước,
Vốn xưng văn hiến đã lâu,
Sơn Hà cương vực đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác,
Từ Đinh,Lê,Lý,Trần gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương.
Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.
……………..

Ta đây,
Núi Lam Sơn dấy nghĩa,
Chốn hoang dã nương mình,
Gẫm Non Sông căm mối thế thù.
……………..
Than ôi !
Vùng vẫy một mảnh nhung y nên công đại định,
Phẳng lặng bốn bể thái vũ mở hội vinh thanh,
Bá cáo xa gần,
Ngỏ cùng nghe biết ………

Và chính Vị anh hùng áo vải Lam Sơn, sau khi dẹp tan ngoại xâm an bang Đất Nước, lên ngôi Hoàng Đế đã khẳng định chiến lược bảo vệ Tổ Quốc với quyết tâm không hề lay chuyển :
Biên phòng hảo vị trù phương lược,
Xã tắc ưng tu kế cửu an,

( Phòng thủ biên cương là hệ trọng,
Sơn hà trù liệu kế an bang )

*Có một điểm nổi bật, nhiều anh hùng tuổi trẻ từ 13 đến 25 tuổi đều hăng say tham gia chiến trận diệt quân thù như : Trần Quang Khải 17- Trần Khánh Dư 18- Trần Quốc Toản 15- Trịnh Khải 13- Đinh Liệt 16- Trần Khát Chân 19…
Phía nữ kiệt : Trưng Trắc 27- Trưng Nhị 25 và các nữ tướng đều dưới tuổi 25 như Thánh Thiên- Vũ Thục Nương- Lê Chân- Công chúa Phật Nguyệt…
Riêng bà Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa khi bà 18 tuổi.

-Nối tiếp lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn thái Học, không thành công trong sự nghiệp lật đổ thực dân Pháp, nhưng hào khí anh hùng đã hun đúc biết bao anh thư hào kiệt bước theo tiếng gọi tâm huyết :”Không thành công thì thành nhân”. Nên khi bước lên đoạn đàu đài cùng 13 liệt sĩ, vẫn coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, ngâm lời thơ đầy khí phách:

“ Chết vì Tổ Quốc- Cái chết vinh quang-
Lòng ta sung sướng – Trí ta nhẹ nhàng! ”

-Phạm Hồng Thái ôm bom ám sát tên Toàn quyền Berlin không thành, gieo mình xuống dòng Châu Giang để khỏi rơi vào tay giặc, hô vang lời chào từ biệt Tổ Quốc : “ Việt Nam Muôn Năm! “

-Gương chí sĩ Phan bội Châu với cả một đời bôn ba tìm đường cứu nước, tỏ bày tinh thần ái quốc qua hai bài thơ ‘Sống – Chết ‘ hào hùng khí tiết :

Sống tủi làm chi đứng chật trời
Sống nhìn thế giới hổ chăng ngươi,
Sống làm nô lệ cho người khiến,
Sống chịu ngu si để chúng cười
Sống tưởng công danh, không tưởng Nước,
Sống lo phú qúi,chẳng lo đời,
Sống mà như thế đừng nên sống,
Sống tủi làm chi đứng chật trời !

Chết mà vì Nước,chết vì Dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần,
Chết buổi Đông Chu hồn Thất quốc,
Chết như Tây Hán lúc tam phân,
Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương phách hoá thần,
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì Nước chết vì Dân !

-Như Ngoại Hầu Cường Để, dù bôn ba nơi xứ người vẫn khắc khoải vọng về Cố Hương mà nhắc nhở con dân:

“Bảo nhau phải hết một lòng,
Phen này ta quyết chẳng dong quân thù,
Ông cha trước bình Ngô sát Thát,
Nòi giống mình hèn nhát chi đâu,
Sao ta lại chịu cúi đầu,
Làm tôi tớ Pháp như trâu như bò!
………………

Than ôi! Ta không thể quên lời dạy tâm huyết của Vua Lê Thánh Tôn :
“ Ta phải giữ gìn cho cẩn thận,đừng để cho ai lấy mất một phân núi,một tấc sông của Vua Thái Tổ để lại. “

Cùng di chúc muôn đời vua Trần nhân Tông lưu cho con cháu Lạc Hồng :
“ Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không thể lọt vào tay kẻ khác”

Dù một ngàn năm xâm lược Tàu đô hộ, sử Việt vẫn ghi lại bao trang sử hào hùng với Lời thề quyết tâm bảo vệ Non Sông !
Dù một trăm năm thực dân Pháp cai trị, dân Việt đã vùng lên với Lời thề sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.

*Lời kết

Nhìn trang Sử Việt hùng oanh
Tổ tiên xưa đã đấu tranh giữ gìn
Cháu con không thể ngồi yên
Để bọn Việt cộng tà quyền phá tan
Nghĩ xem từ Tháng Tư Đen
Chúng khiến Đất Nước thấp hèn kém xưa
Quyết tâm tranh đấu muôn người
Giang sơn kỳ vọng đẹp tươi uy hùng

Đinh Văn Tiến Hùng- Tổng hợp
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Chương Ba 1
Vũ Văn An
16:44 03/04/2024

Chương ba: Thần học và những thống khổ của thời hiện đại



Kitô giáo không phải là một con đường cứu rỗi riêng tư và một hướng dẫn cho một cuộc sống ngoan đạo; đó là một con đường cứu rỗi thế giới và một triết lý về cuộc sống toàn diện. Điều này làm cho nó trở thành một loại thuốc nổ. Vì vậy, khi bạn gửi những người truyền giáo đi rao giảng nó, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng cho một số vụ bùng nổ.

—Giám mục James Edward Walsh, M.M. (1)

Vào ngày 29 tháng 6 năm 1972, trong Thánh Lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong bài giảng của mình, đã nhận xét ngài có “cảm giác rằng qua một vết nứt nào đó, làn khói của Satan đã xâm nhập vào đền thờ của Thiên Chúa. Có sự nghi ngờ, không chắc chắn, rắc rối, bất an, không hài lòng, đối đầu. Giáo hội không được tin cậy.... Người ta tin rằng sau Công đồng [Vatican thứ hai] sẽ có một ngày tươi sáng cho lịch sử Giáo hội. Thay vào đó, những gì xẩy đến là một ngày của những đám mây, của bóng tối, của sự tìm kiếm, của sự không chắc chắn.... Ta tin rằng có một điều gì đó siêu tự nhiên (ma quỷ) đã nhập vào thế giới để quấy rầy, bóp nghẹt thành quả của Công đồng Chung và ngăn cản Giáo hội vỡ òa trong niềm vui vì đã lấy lại được nhận thức đầy đủ về chính mình.” (2) Đây là những nhận xét tự phát trong một bài giảng lễ của một vị giáo hoàng không hề phản đối việc đổi mới thần học của Công đồng (1962–1965). Thật vậy, như đoạn văn này cho thấy, ngài đã mong đợi những điều vĩ đại, và thậm chí ngài đã thúc đẩy một số cải cách—nổi bật là phụng vụ bản ngữ trong số đó—đi xa hơn nhiều so với những gì mà các Nghị Phụ Công Đồng đã dự đoán. Việc nhắc đến ma quỷ có thể khiến những người theo chủ nghĩa thế tục hoặc ngay cả những người theo chủ nghĩa cấp tiến Công Giáo bối rối trước những quan niệm tiền hiện đại như vậy về nguồn gốc của cái ác và sự nhầm lẫn. Nhưng Đức Phaolô đang mô tả một sự phát triển nghiêm túc không thể chối cãi về thần học cũng như về giáo hội vốn đã hiện hữu suốt một phần ba cuối cùng của thế kỷ hai mươi. Và ngài không đơn độc trong nỗi đau khổ của ngài.

Nhiều nhà thần học canh tân nhất đã chuẩn bị nền tảng dẫn đến Công đồng, chẳng hạn như Yves Congar và Henri de Lubac, và một số người tham gia quan trọng trong các cuộc thảo luận của công đồng - hai giáo hoàng sau này (Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI) trong số họ —đều kinh hoàng không kém về cách giải thích công việc của họ và những hậu quả sau đó. Trước Công đồng, Giáo hội chiếm một vị trí dường như vững chắc trên thế giới—mặc dù Giáo hội đã quá ngờ vực tính hiện đại. (3) Và việc Giáo hội sẵn lòng thực hiện việc tự phân tích là nhằm tham gia vào thế giới hiện đại một cách hữu hiệu hơn từ quan điểm của một sự hiểu biết phong phú hơn về truyền thống Công Giáo. Sau Công đồng, không phải chỉ là một câu hỏi lý thuyết nơi một số giới khi họ hỏi liệu có hay chăng một truyền thống có thể nhận diện được và có thẩm quyền.

Những gì đã bắt đầu như một sự tái lượng giá cao hơn về cuộc sống trần thế đã nhanh chóng chuyển sang điều mà đối với nhiều người dường như là việc từ bỏ triệt để các phạm trù tôn giáo đúng nghĩa để chuyển sang các phạm trù trần thế và chính trị. Karl Barth, có lẽ là nhà thần học Thệ phản vĩ đại nhất của thế kỷ 20, người đã được mời làm quan sát viên tại Công đồng nhưng bị bệnh tật ngăn cản không thể tham dự, đã nhận xét sau đó, “Có chắc chắn như thế là việc đối thoại với thế giới phải được đặt trước việc công bố cho thế giới?” (4) Thiết kế nổi tiếng cho sự tham gia xã hội của Công Giáo, Gaudium et Spes, “Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại”, đặc biệt khiến Barth không những ngạc nhiên đối với việc nó quá lạc quan mà còn lạc điệu với viễn kiến về thế giới tìm thấy trong Tân Ước. (5)

Thần học thường được những người không phải thần học gia coi như một môn học trên mây và trừu tượng, trong tính thuần khiết nguyên thủy của nó, tương tự như vật lý hoặc toán học căn bản. Quả có điều gì đó đáng nói cho quan điểm này liên quan đến một số chiều kích nào đó của thần học. Nhưng thần học cũng là một hoạt động của con người và như vậy bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thế giới trong đó nó được thực hiện, ngay cả khi nó ảnh hưởng đến thế giới đó—chứ không chỉ theo những cách “tôn giáo”. Một truyền thống như Công Giáo—coi việc gắn bó với vạn vật là một phần của sự hiểu biết thần học của mình—có nhiều điều để nói về hôn nhân, giáo dục, tổ chức xã hội, kinh tế, các vấn đề quốc tế, chăm sóc người nghèo, chiến tranh và hòa bình, đạo đức học về nghiên cứu y sinh học, phá thai, tình dục và một loạt các câu hỏi khác. Và không thể tránh khỏi việc Công Giáo bị lôi kéo vào những cuộc tranh luận sôi nổi về những vấn đề như vậy, đó là những câu hỏi khó ngay cả trong thời điểm tốt nhất, bởi vì cả Giáo hội và thế giới đều phải đối đầu với nhiều cuộc khủng hoảng và thách thức triệt để trong thế kỷ XX. Những vấn đề này phần nào bị che lấp bởi những cải thiện chung trong sự thịnh vượng vật chất và sức khỏe con người vốn bắt đầu lan rộng trên hoàn cầu trong cùng một thời kỳ dưới khái niệm “tiến bộ”. Hai cuộc chiến tranh thế giới, sự phát triển của vũ khí hạt nhân và những lo lắng về các mối đe dọa môi trường đã phần nào làm lung lay niềm tin đơn giản vào sự tiến bộ, nhưng sự tiến bộ như một sự kiện bao trùm vẫn tiếp tục, bất chấp mọi dấu chỉ ngược lại, để định hình các nền văn hóa hiện đại và hậu hiện đại.

Như Đức Gioan Phaolô II đã lưu ý trong thông điệp Centesimus Annus [Bách chu niên] năm 1991 của ngài, nhìn lại một trăm năm, có nhiều điều đáng ngưỡng mộ trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Nhưng cũng có nhiều sai lầm xảy ra trong thế kỷ 20, và phần lớn nó liên quan đến một “nhân học” sai lầm và do đó có hại. Về nhân học này, ngài muốn nói đến một quan điểm về con người vừa còi cọc vừa méo mó theo nhiều cách khác nhau. Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Cộng sản, tất nhiên, là những thí dụ rõ ràng nhất của một vấn đề lớn hơn mà Henri de Lubac đã xem xét với sự tinh tế về mặt thần học và triết học trong cuốn sách kinh điển của ngài The Drama of Atheist Humanism [Bi kịch của Chủ nghĩa Nhân bản Vô thần].(6) Trong cả hai trường hợp, một phản ứng phóng đại theo hướng chủ nghĩa tập thể (trong Chủ nghĩa Quốc xã, Volk [nhà nước]; trong Chủ nghĩa Cộng sản, giai cấp công nhân) đối với điều mà nhiều người coi là chủ nghĩa cá nhân quá mức của phương Tây và sự tàn phá của chủ nghĩa tư bản, đã kết cục ở sự áp bức và hủy diệt hàng triệu con người bình thường (một trăm triệu và còn nhiều nữa dưới Chủ nghĩa Cộng sản, bốn mươi triệu dưới chế độ Quốc xã). Trớ trêu thay, hai hệ tư tưởng lớn của thế kỷ 20 này lại được phát triển như một loại tôn giáo thay thế hứa hẹn sẽ làm cho người nghèo và những người bị áp bức những điều mà Kitô giáo đã không thể làm được. Đức Gioan Phaolô II lưu ý rằng một nền nhân học bị bóp méo cũng có thể được tìm thấy ở các quốc gia dân chủ và phát triển. Mặc dù họ đã không (và hiện vẫn không) điều hành các trại tử thần và trại lao động khổ sai của những kẻ toàn trị, nhưng họ chứa đựng bên trong mình một “nền văn hóa chết chóc” (7) gắn liền với một quan niệm sai lầm về quyền tự do cá nhân, đáng chú ý nhất là việc chấp nhận phá thai, vốn đã sát nhân gấp nhiều lần hơn kể từ khi nó được hợp pháp hóa ở phương Tây so với chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Cộng sản cộng lại. Nền văn hóa chết chóc cũng tự biểu lộ ở sự vô tư đối với việc thử nghiệm trên phôi người cũng như những bóng ma đáng sợ của thuyết ưu sinh (một đặc sản của Đức Quốc xã), “quyền được chết”, và thậm chí là cái chết êm dịu do bác sĩ hỗ trợ.

Tất nhiên, phân tích của De Lubac về việc tất cả những điều này xảy ra như thế nào đã cho thấy những sai lầm trí thức hiện đại, như ngài thấy, chúng đã cho phép những thứ quái dị như vậy thuyết phục đủ số người khiến chúng trở thành một sự hiện diện công cộng trong một thời đại tự coi mình là đỉnh cao của những luồng tư tưởng tiến bộ đa dạng. Nhưng trong một trong những cuộc tranh luận thần học nổi tiếng nhất trong đạo Công Giáo vào thế kỷ 20, de Lubac và một số nhà thần học đồng nghiệp của ngài cũng đổ lỗi một phần cho một số yếu tố sâu xa trong thần học Công Giáo - đặc biệt, trong cách quan niệm về tự nhiên và ân sủng, sau cuộc Phản Cải cách, những yếu tố đã cho phép một số người nghĩ về những sự vật tự nhiên như phần nào hiện hữu một cách gần như tự trị, theo tư cách riêng của chúng, không qui chiếu gì tới Thiên Chúa. Sự tách biệt này được dự tính như một cách để tranh luận chống lại các quan niệm về ân sủng của các phái Luthêrô và Calvinô, những quan niệm đối với một số nhà thần học Công Giáo vào thế kỷ 16 và sau đó, dường như đã xóa bỏ tự nhiên, phần nào theo kiểu tư duy Hồi giáo cực đoan. Các vấn đề về ân sủng và tự nhiên nổi tiếng là khó giải quyết, và các lập trường của các bên khác nhau vẫn đang ở thế tranh chấp. Nhưng de Lubac và các đồng minh của ngài tuyên bố đã nhìn thấy trong truyền thống Công Giáo một trào lưu bắt nguồn một phần từ cách giải thích sai lầm về Thánh Tôma trong gần nửa thiên niên kỷ trong Giáo Hội Công Giáo vốn coi tự nhiên hiện hữu bên ngoài ân sủng như mở cửa cho một chủ nghĩa tự nhiên vô thần. (8)

Theo nghĩa đó, de Lubac là một phần của phong trào lớn hơn nhằm nghiên cứu một cách đổi mới về Thánh Tôma và các nhà Kinh viện mà chúng ta đã xem xét trong các chương trước - mặc dù quan điểm của ngài mâu thuẫn với quan điểm của một số nhà thần học Tân Tôma có ảnh hưởng nhất, và ngài đã bị tấn công và chịu kết quả là bị hạn chế về kỷ luật. Hơn nữa, theo quan điểm của ngài, quan niệm sai lầm về tự nhiên và ân sủng đã làm sai lệch cách hiểu đúng đắn về hàng ngũ giáo dân như Thân thể của Chúa Kitô — khiến họ phần lớn trở thành những người thụ động nhận lãnh ân sủng do hàng giáo sĩ phân phát. Thần học mà ngài và những người khác đề xuất trên cơ sở nghiên cứu lịch sử trở về nguồn (res-source) nơi các Giáo phụ và truyền thống trước Thánh Tôma, có nhiều mục tiêu, trong số đó, có việc điều chỉnh các mối quan hệ giữa ân sủng và tự nhiên, giáo dân và giáo sĩ, Giáo hội và thế giới. Thậm chí, ngài còn đồng sáng lập một bộ sách, Sources chrétiennes [Các Nguồn Kitô giáo], để cung cấp các bản văn chủ yếu. Nghịch lý thay, việc trở về nguồn cổ xưa này, được giải thích cách thích đáng là chắc chắn, nhưng, vào thời Công đồng, cũng được cho là cơ sở để cập nhật (aggiornamento) theo các đường lối mục vụ nhiều hơn là theo các đường lối Kinh viện cứng ngắc. Tất nhiên, các nhà Kinh viện phản đối, nhưng sau Công đồng, khi người ta hiểu rõ tầm nhìn của de Lubac về một truyền thống bắt nguồn từ các Giáo phụ tự nó là một cú hãm nghiêm trọng đối với các bất đồng chính kiến và thử nghiệm, một số người buộc tội ngài đã dựng nên một truyền thống thống nhất có tính thần thoại nhằm làm lơ [pass over] tiếng nói của phụ nữ và những người khác.(9)

Huyền nhiệm học phu thê

Một sự thay đổi lớn và đáng chú ý khác đã xảy ra trong thế kỷ 20 trong thần học Công Giáo. Đức tin Công Giáo là một điều phức tạp—không những là một tập hợp các mệnh đề tín điều hay một thẩm quyền có phẩm trật hay một hệ thống giáo phận hoàn cầu được tổ chức xuống tận giáo xứ địa phương. Nó là tất cả những điều đó, chắc chắn như thế. Nhưng nó cũng chứa đựng sự phong phú về văn hóa to lớn, những ảnh hưởng có từ buổi bình minh của lịch sử loài người ở Ai Cập, Trung Đông và Israel; toàn bộ phạm vi tư tưởng và thực hành của nền văn minh Hy Lạp-La Mã và những khu vực mà nó tiếp xúc, từ Anh đến Ấn Độ; những thu lượm [infusions] lặp đi lặp lại từ các dân tộc mới đã học giáo lý ở Đức và các quốc gia Slave, Châu Phi, Tân Thế giới và Viễn Đông; và thời hiện đại kéo dài từ sự ra đời của khoa học hiện đại qua cuộc cách mạng chính trị cho đến các trào lưu hậu hiện đại và đôi khi là hậu Kitô giáo trong thế giới đương thời. Trên thế giới, không có gì hoàn toàn giống như thực thể này từng thu lượm cho mình nhiều của cải đa dạng của mọi quốc gia như thế. Nhà thần học vĩ đại người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar đã tóm tắt tất cả bằng cách nói rằng, theo quan điểm Công Giáo đúng đắn, “sự thật có tính giao hưởng.” (10)

Đồng thời, Công Giáo đã nổi tiếng trong suốt hiện hữu của nó như một đức tin có tính nhất quán rõ ràng và đáng kể. Để so sánh, ngay cả các quyền tài phán đối nghịch của Chính thống giáo Đông phương dường như cũng bị phân mảnh, chưa nói đến các giáo phái Thệ phản đang phát triển và tự ý sinh sôi đã mọc lên ở phương Tây và tiếp tục mọc lên trên khắp thế giới. Tuy nhiên, trong thế kỷ 20, một điều đáng chú ý đã xảy ra trong đạo Công Giáo. Nó chuyển từ một lập trường triết học và thần học được khái niệm một cách có kỷ luật chặt chẽ và cứng ngắc - đáng chú ý nhất là sự phục hưng của Tân kinh viện vốn coi Thánh Tôma Aquinô như một mô hình về cách suy nghĩ về các chân lý của đức tin - sang một suy tư về Thiên Chúa và con người một cách linh hoạt, đa diện và phi hệ thống. Một số sử gia đã mô tả lập trường mới này, vốn có trước Công đồng Vatican II dưới hình thức thầm lặng, là “huyền nhiệm học phu thê”, trong đó tình yêu nồng nàn của Thiên Chúa dành cho dân của Người được mô tả tốt nhất như một phép loại suy: bằng tình yêu say đắm giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Chủ đề đó đã có từ lâu trong truyền thống, bắt đầu từ Cựu Ước, đặc biệt nhất là trong Diễm Ca. Nó đã mang những đặc điểm khác nhau trong Tân Ước theo quan điểm của Giáo hội là Nàng dâu của Chúa Kitô. Thánh Augustinô, Thánh Bernađô thành Clairvaux, Thánh Phanxicô thành Assisi, Thánh Tôma Aquinô, Dante Alighieri, Pascal, Thánh Phanxicô đờ Sales, Chateaubriand, Gerard Manley Hopkins, và nhiều nhân vật Công Giáo vĩ đại khác đã tham gia vào sự nhấn mạnh tới truyền thống tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng ngay cả sự hiện diện kết hợp của họ cũng vẫn nhỏ nhoi so với bước ngoặt bắt đầu trước Thế chiến thứ hai và đã thống trị mọi nơi trong triết học và thần học Công Giáo, ngoại trừ một số rất ít người theo học thuyết Tôma và các truyền thống tương tự. Cuốn Catholicism [Đạo Công Giáo] của Henri de Lubac, viết năm 1938, bắt đầu gây ảnh hưởng rộng rãi theo hướng này ngay sau Thế chiến thứ hai và là “bản văn không thể thiếu” đối với những nhân vật có ảnh hưởng như Karol Wojtytla (sau này là Gioan Phaolô II), Joseph Ratzinger (sau này là Bênêđictô XVI), và Hans Urs von Balthasar (theo thỏa thuận chung, một trong những nhà tư tưởng Công Giáo vĩ đại nhất của thế kỷ XX). Cuốn sách quan trọng của chính Balthasar, Love Alone Is Credible [Chỉ có Tình yêu mới Đáng Tin], xuất bản năm 1963, thể hiện ngay trong tiêu đề của nó rằng tư tưởng Công Giáo đã thay đổi như thế nào. Tất nhiên, tiêu đề của von Balthasar có thể được chấp nhận bởi một người theo học thuyết Tôma hoặc môn đệ của một số trường phái lý luận phát triển cao khác, nhưng đó không phải là điều đã xảy ra. Trong các bàn tay vĩ đại—von Balthasar, de Lubac, Wojtyła, Ratzinger—sự nhấn mạnh mới vẫn mạch lạc, năng động và trung thành với truyền thống. Thật vậy, Love Alone Is Credible rất đáng chú ý vì nó cho thấy tình yêu theo nghĩa Kitô giáo không dẫn đến một đức tin được định nghĩa bởi cảm xúc mơ hồ, mà dẫn đến những chân lý tín điều cốt lõi. Nhưng bên ngoài những nhân vật vĩ đại này, đối với phần lớn, việc nhấn mạnh tới tình yêu Thiên Chúa thường đủ dẫn đến điều có thể gọi là nền thần học trôi dạt.

Tệ hơn nữa, ngay khi cả thần học Công Giáo và văn hóa đại chúng bắt đầu nhấn mạnh rằng “tất cả những gì bạn cần là tình yêu”, thì khía cạnh hôn nhân của “nền huyền nhiệm phu thê” đã bước vào một cuộc khủng hoảng, ngay giữa những người Công Giáo, mà đối với họ nó vẫn chưa xuất hiện. Các nền thần học và đạo đức cổ xưa đã coi đam mê tình dục bằng một thái độ không ít cảnh giác—và đúng như vậy, bởi vì sức mạnh của tình dục, như những câu chuyện kể về chính các vị vua vĩ đại của Do Thái là Đavít và Salômôn đã cho thấy, đã dẫn đến nhiều đau khổ, bạo lực (thậm chí giết người), và sự tan rã của chính hôn nhân. Nhà thơ thời trung cổ Dante đã viết Divine Comedy [Thần khúc] vĩ đại của mình về “Tình yêu làm lay động Mặt trời và các vì sao khác”, nhưng ông cũng ghi nhận cách thức những kẻ ngoại tình cuồng nhiệt Paolo và Francesca đã bị giết bởi một người chồng ghen tuông và kết cục bị đày xuống địa ngục, bị cuồng phong đam mê thổi bay không ngừng. Bắt đầu từ thập niên 1960, khi tình yêu được đề cao hàng đầu, hôn nhân ở tất cả các quốc gia phương Tây rơi vào khủng hoảng; ly dị, ngoại tình và gian dâm trở nên phổ biến. Con hoang mọc lên như nấm. Không có gì mới dưới ánh mặt trời, và những vấn đề này luôn hiện hữu trong thế giới của loài người sa ngã. Nhưng quy mô là một điều mới lạ. Thí dụ, hầu hết các xã hội trong lịch sử đều có tỷ lệ ngoại hôn khoảng 6% và đã phản ứng với sự gia tăng tỷ lệ đó bằng các chiến dịch đạo đức mạnh mẽ. (11). Tại Hoa Kỳ, vào đầu thiên niên kỷ Kitô giáo thứ ba, tỷ lệ con hoang vào khoảng 25 phần trăm cho người da trắng, 70 phần trăm cho người da đen và hơn ba mươi phần trăm tổng số. Năm 1960, cứ 1,000 cuộc hôn nhân thì có khoảng 9 vụ ly hôn. Đến năm 2000, có khoảng hai mươi.

Có một mối tương quan qua lại, nhưng không phải là nguyên nhân và hậu quả nào đó theo cả hai hướng giữa những thay đổi trong tư tưởng và những thay đổi trong thực hành, bởi vì những thay đổi này cũng dẫn đến những phát triển trong thực hành từng định hình lại truyền thống. Người Công Giáo cũng vậy, tỷ lệ ly hôn và phạm tội về cơ bản ngang bằng với những người hàng xóm không Công Giáo của họ. Chẳng hạn, việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu [Annulments] ít được biết đến trong Giáo Hội Công Giáo trước hậu bán thế kỷ XX. Một số linh mục khá đáng tin cậy nói rằng có lẽ tỷ lệ thấp trước đó là sai lầm vì nhiều người kết hôn thực tế không có điều kiện thích hợp để làm như vậy. Nhưng không thể phủ nhận được việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu đã trở thành gần như một hành vi tương đương với ly hôn đối với nhiều người Công Giáo trong giai đoạn chúng ta đang nghiên cứu. Và cảm thức về sự không vĩnh viễn của nhiều cuộc hôn nhân chắc chắn ảnh hưởng đến sự tiếp nhận và hiệu ứng của những cách trình bày khá chính thống về hôn nhân và mối liên hệ của nó với nền huyền nhiệm phu thê của các nhà thần học và giáo hoàng hiện đại. Thí dụ, Thần học Thân xác của Đức Gioan Phaolô II là một nỗ lực đáng chú ý nhằm chống lại các khuynh hướng phổ biến nhưng lại có rất ít tác động đến suy nghĩ và hành vi của hầu hết người Công Giáo. (12)

Tuy nhiên, xét theo nhiều cách, thần học mới là một cải tiến thực sự đối với những cứng ngắc đôi khi quá đơn sơ và có tính phòng thủ của học thuyết Tôma lâu đời. Reginald Garrigou-Lagrange, bậc thầy của cả Maritain lẫn Karol Wojtyła trẻ tuổi, đã đặt ra thuật ngữ la nouvelle théologie [Thần học mới] để gọi các phong trào mới—và lập luận trong một bài báo nổi tiếng rằng chúng đang dẫn Giáo hội đến chỗ diệt vong. (13) Đôi khi, trong thế kỷ XX, dường như Garrigou-Lagrange và các đồng minh của ngài đã không phóng đại các mối nguy hiểm này. Nhưng bất cứ giải trình toàn diện nào về truyền thống trí thức Công Giáo trong thế kỷ qua đều phải đánh giá tất cả những hiện tượng này, cả tích cực lẫn tiêu cực, trong vai trò vẫn chưa hoàn thành của chúng.
 
VietCatholic TV
Oanh liệt: Nhà máy lọc dầu lớn nhất Nga và nhà máy chế tạo UAV mới tinh bị tấn công, nổ long trời
VietCatholic Media
02:46 03/04/2024


1. Ukraine tấn công nhà máy máy bay không người lái Shahed, và nhà máy lọc dầu sâu bên trong nước Nga

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine attacks Shahed drone factory, oil refinery deep inside Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các quan chức địa phương, một cơ sở chế tạo máy bay không người lái nằm sâu trong lãnh thổ Nga đã bị bắn phá vào sáng thứ Ba.

Thống đốc địa phương Rustam Minnikhanov cho biết máy bay không người lái đã tấn công các cơ sở sản xuất máy bay không người lái do Iran giúp Nga xây dựng ở Yelabuga và Nizhnekamsk ở nước cộng hòa Tatarstan của Nga, cách biên giới với Ukraine khoảng 1.500 km.

“Thật không may, ở Yelabuga, có những nạn nhân do cơ sở bị phá hủy. Họ được cung cấp tất cả các hỗ trợ y tế cần thiết”, Minnikhanov nói và không tiết lộ thêm thông tin chi tiết.

Truyền thông Ukraine dẫn nguồn tin từ cơ quan tình báo quân sự GUR ở Kyiv đưa tin Ukraine đã tấn công một nhà máy sản xuất máy bay không người lái kiểu Shahed ở Yelabuga.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Tư, 3 Tháng Tư, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, gọi tắt là GUR, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết khẳng định lực lượng đặc biệt “đã tấn công một nhà máy sản xuất máy bay không người lái và một nhà máy lọc dầu nằm sâu trong lãnh thổ Nga bằng máy bay không người lái”, đồng thời đưa ra một video là video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Trong khi GUR đứng đằng sau vụ tấn công vào Yelabuga, thì cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu ở Nizhnekamsk là một hoạt động chung của GUR và Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU.

Một máy bay không người lái tầm xa của Ukraine đã tấn công cơ sở chế biến dầu chính tại nhà máy lọc dầu Nizhnekamsk, sau đó một đám cháy bùng phát ở đó. Đây là một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga.

“Chúng tôi tiếp tục làm việc một cách có hệ thống để bảo đảm rằng Nga ngày càng có ít cơ hội tài trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Chúng tôi sẽ tiếp tục cắt nguồn cung cấp oxy cho quốc gia xâm lược để giảm thiểu dòng tiền petrodollar vào ngân sách quân sự của Liên bang Nga”, Yusov nói.

Vụ tấn công nhà máy lọc dầu Nizhnekamsk được xem là câu trả lời của Thiếu Tướng Vasyl Maliuk đối với yêu cầu dẫn độ của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Tưởng cũng nên nhắc lại là vào ngày 31 Tháng Ba, trong một diễn biến khá khôi hài Sergey Lavrov đã lên tiếng yêu cầu “chính quyền Kiev” dẫn độ Thiếu Tướng Vasyl Maliuk sang Nga vì vị tướng này đã liên tục chỉ huy các cuộc tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga, nghiêm trọng nhất là các vụ tấn công gần đây vào các nhà máy lọc dầu và các vụ tấn công trước đó vào cầu Kerch, hay còn gọi là cầu Crimea.

Vào tháng 7 năm 2023, AP đưa tin Iran đang giúp Nga xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở Yelabuga, trích dẫn dữ liệu tình báo Mỹ do Tòa Bạch Ốc công bố. Nga sử dụng máy bay không người lái loại Shahed tự sản xuất mà họ gọi là “Geran” để tấn công cơ sở hạ tầng dân sự và năng lượng của Ukraine gần như hàng ngày.

Trong khi Minnikhanov cho biết các cuộc tấn công vào cơ sở sản xuất không gây thiệt hại nghiêm trọng, quy trình công nghệ của doanh nghiệp không bị xáo trộn và chỉ có 6 người bị thương thì truyền thông Nga và các kênh Telegram lại đưa tin nhà máy đã chịu thiệt hại nặng nề, đồng thời cho biết thêm một máy bay không người lái khác đã tấn công tổ hợp lọc dầu Taneko ở Nizhnekamsk, và đăng ảnh về những vụ nổ long trời ở một trong những giàn khoan dầu.

Theo một cuộc điều tra của Idel.Realiii, dịch vụ Tatar-Bashkir của Radio Free Europe/Radio Liberty, hai máy bay không người lái khác đã tấn công một khu công nghiệp ở Yelabuga, nơi chính quyền Nga sử dụng các sinh viên chưa đủ tuổi nhập ngũ để sản xuất máy bay không người lái.

Cơ quan báo chí Alabuga thân Putin cho biết các máy bay không người lái đã tấn công các khu ký túc xá, thể hiện điều này như thể Ukraine tấn công cơ sở hạ tầng dân sự chứ không phải cơ sở của một khu công nghiệp máy móc và quốc phòng lớn, nơi có hơn 20 doanh nghiệp, trong đó có một nhà máy sản xuất máy bay không người lái.

Năm nay, Ukraine đã tăng cường sản xuất máy bay không người lái có thể bay trên khoảng cách 1.000 km, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov nói với hãng tin Welt của Đức.

Fedorov cho biết: “Hầu hết các máy bay không người lái tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga đều có tầm hoạt động từ 700 đến 1.000 km, nhưng hiện nay có những mẫu có thể bay hơn 1.000 km”.

2. Video từ Crimea cho thấy xe tăng Nga được ồ ạt đưa vào Ukraine bằng đường hỏa xa

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Video Shows Russian Tanks Brought in on Trains”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các lực lượng Nga được cho là đang vận chuyển xe tăng thay thế ở Crimea bằng đường hỏa xa, đoạn phim mới xuất hiện cho thấy, trước những tháng mùa xuân và mùa hè ấm áp hơn mà Ukraine đã cảnh báo có thể sẽ báo trước các cuộc tấn công cơ giới mới từ Mạc Tư Khoa.

Hôm thứ Sáu, phong trào du kích quân sự thân Ukraine Atesh, hoạt động trên bán đảo Crimea, đã cho biết rằng các lực lượng Nga đang xây dựng các phương tiện quân sự ở Crimea.

Nga đã kiểm soát Crimea trong thập kỷ qua sau khi sáp nhập lãnh thổ này từ Ukraine vào năm 2014. Kyiv tuyên bố sẽ đòi lại Crimea, nơi từ đó Nga đã hỗ trợ các hoạt động xâm lược Ukraine kể từ khi nước này tấn công Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Nga cũng đặt một phần căn cứ của Hạm Đội Hắc Hải ở Crimea, nơi Ukraine đã nhiều lần nhắm tới và thường thành công.

Atesh cho biết trong tuyên bố của mình rằng toàn bộ một tiểu đoàn xe tăng, hay 31 xe tăng, đã được chuyển đến Yevpatoria, một thành phố phía tây Crimea, phía bắc cảng Hắc Hải tại Sevastopol.

Đoạn phim lan truyền trên mạng, bao gồm một đoạn clip ngắn được kênh Telegram địa phương ở Crimea đăng tải, dường như cho thấy các xe tăng đã sẵn sàng để vận chuyển.

Không rõ liệu những chiếc xe tăng được cho là đã di chuyển tới phía tây Crimea sẽ được sử dụng để tăng cường nguồn lực trên bán đảo hay sẽ được triển khai dọc theo tiền tuyến ở đất liền Ukraine.

Trong khi đó, Ukraine đã tấn công vào Cầu Kerch, còn được gọi là Cầu Crimea, nối bán đảo với đất liền Nga để cản trở dòng tài nguyên cung cấp cho quân đội Mạc Tư Khoa. Tướng Vasyl Maliuk, nhà lãnh đạo cơ quan an ninh SSU của Ukraine, cho biết vào cuối tháng trước rằng Nga không còn sử dụng cây cầu này để bổ sung kho vũ khí và đạn dược cho Mạc Tư Khoa.

Nga đã đốt hết kho xe tăng của mình sau hơn hai năm chiến tranh tổng lực ở Ukraine. Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa đã huy động ngành công nghiệp quốc phòng của mình và các chuyên gia phương Tây cho rằng Nga sẽ có thể duy trì dòng xe thiết giáp và xe tăng trong tương lai gần.

Các báo cáo từ Atesh và kênh Telegram Crimea địa phương được đưa ra khi các nguồn tin Ukraine và các nhà phân tích phương Tây cho rằng Mạc Tư Khoa đã tiến hành một “cuộc tấn công bằng xe tăng và xe thiết giáp lớn nhất trong cuộc xâm lược” gần thành phố Avdiivka phía đông Ukraine vào hôm thứ Bảy.

Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Kỳ, đây có vẻ là cuộc tấn công bọc thép quy mô lớn nhất của Nga kể từ khi Mạc Tư Khoa phát động cuộc tấn công dữ dội vào Avdiivka vào tháng 10 năm 2023.

Trong những tuần đầu tiên tấn công Avdiivka, nơi từng là thành trì của Ukraine, Nga đã mất nhiều xe tăng và xe thiết giáp. Trong lúc giao tranh đang ở đỉnh điểm, Kyiv đã chia sẻ đoạn phim cho thấy các phương tiện quân sự của Nga rải rác trên các cánh đồng xung quanh thành phố.

ISW đánh giá vào giữa tháng 12 rằng Nga sau đó chuyển sang các cuộc tấn công do bộ binh chỉ huy để “bảo toàn xe thiết giáp sau hai đợt tấn công đầu tiên vào khu định cư”.

ISW viết hôm Chúa Nhật: “ Việc Bộ chỉ huy quân đội Nga sẵn sàng đưa một tiểu đoàn xe tăng tham gia một cuộc tấn công gần Avdiivka cho thấy rằng cuộc tấn công này là một nỗ lực ưu tiên”.

ISW cho biết thêm hôm Chúa Nhật rằng giao tranh quanh Tonenke cuối tuần qua là “dấu hiệu tích cực cho thấy khả năng phòng thủ của Ukraine trước các cuộc tấn công quy mô lớn trong tương lai của Nga và các hoạt động tấn công dự kiến vào mùa hè năm 2024 của Nga”.

Các quan chức Ukraine đã cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới trong những tháng tới. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Mạc Tư Khoa sẽ thực hiện một nỗ lực mới sớm nhất là từ tháng 5 cho đến mùa hè.

3. Làm thế nào để nướng trọn một trung đoàn xe tăng Nga chỉ trong vài giờ? Dễ lắm, hãy nhào vào tấn công những hỏa tiễn giận dữ nhất của Ukraine, giữa ban ngày, bằng các lực lượng sai lầm

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “How To Lose A Russian Tank Regiment In Just a Few Hours: Attack Ukraine’s Angriest Missileers, In Broad Daylight, With The Wrong Forces”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trung đoàn xe tăng số 6 phát động cuộc tấn công bằng xe tăng lớn nhất trong cuộc chiến—và đã bị tiêu diệt

Khi các trung đoàn Nga xâm lược tàn tích Avdiivka, một thành trì cũ của Ukraine ở tỉnh Donetsk phía đông Ukraine, và sau đó tiếp tục tấn công về phía tây, một đơn vị chủ chốt của Ukraine đã chờ đợi họ.

Trung đoàn xe tăng 6 là lực lượng dự bị tác chiến của Sư đoàn xe tăng 90—đơn vị “đột phá” của nó. Nếu quân Nga thăm dò các tuyến phòng thủ của Ukraine ở phía tây Avdiivka phát hiện ra điểm yếu, thì nhiệm vụ của Trung đoàn 6 là khai thác điểm yếu đó — và đột nhập vào khu vực hậu phương của Ukraine để tàn phá.

Vậy tại sao vào thứ Bảy Tuần Thánh, Sư đoàn 90 lại cử Trung đoàn Xe tăng số 6 tấn công trực tiếp vào các vị trí phòng thủ nguyên vẹn do Lữ đoàn 25, một phần của lực lượng không kích tinh nhuệ của Ukraine, trấn đóng ngay phía tây làng Tonen'ke?

Cuộc tấn công ban ngày của Trung đoàn Xe tăng số 6 là một trong những cuộc tấn công bọc thép lớn nhất, nếu không muốn nói là lớn nhất trong cuộc chiến kéo dài 25 tháng của Nga với Ukraine. Theo Trung tâm Chiến lược Phòng thủ Ukraine, gọi tắt là CDS, trung đoàn “tiến một chút về phía tây bắc của thị trấn”.

Nhưng không lâu. Cuộc tấn công kết thúc trong thảm họa đối với quân Nga khi 48 xe của Trung đoàn Xe tăng số 6 — 36 xe tăng T-90 và 12 xe chiến đấu BMP do hàng trăm binh sĩ điều khiển — lao vào một bãi mìn. Sau đó, lính dù Ukraine đã bắn hỏa tiễn chống tăng, thứ mà họ nổi tiếng là giỏi, đồng thời phóng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất chứa đầy chất nổ.

CDS đưa tin người Ukraine “đã đẩy lùi cuộc tấn công lớn đầu tiên này”. Trung đoàn Xe tăng số 6 rút lui, bỏ lại 20 phương tiện bị hư hỏng và có thể có rất nhiều xác chết.

Nhóm phân tích Frontelligence Insight của Ukraine lưu ý: “Có thể đưa ra hai quan sát quan trọng”.

“Thứ nhất, lực lượng Nga trong khu vực không bị mất năng lực và hoàn toàn có đủ nguồn lực để tiến hành các hoạt động trên cấp tiểu đoàn. Điều này đáng lo ngại, vì mặc dù có tổn thất đáng kể tương đương với việc tiêu diệt toàn bộ lực lượng cấp sư đoàn hoặc một quân đoàn không người lái ở Avdiivka, khả năng tập hợp một tiểu đoàn xe tăng tăng cường vẫn là mối đe dọa đối với lực lượng phòng thủ Ukraine.”

Tệ hơn nữa, người Ukraine đang phải vật lộn hoàn toàn với nhân lực và cung cấp cho các vị trí tiền tuyến của họ trong khi chờ đợi viện trợ bị trì hoãn từ lâu ở Hoa Kỳ cũng như việc thông qua luật huy động mới ở Kyiv - một đạo luật cho phép các lực lượng vũ trang Ukraine được thực hiện các nhiệm vụ tuyển thêm hàng vạn quân mới.

Quan sát thứ hai của Frontellect Insight mang lại nhiều hy vọng hơn cho Ukraine. “Trung đoàn 6 được giao nhiệm vụ khai thác các lỗ hổng trong phòng thủ và tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine. Đó là tin tốt cho Ukraine vì việc sử dụng lực lượng khai thác để tạo đột phá cho thấy lực lượng Nga đang gặp phải thách thức đáng kể và có những biện pháp khá liều lĩnh”.

Nói cách khác, Sư đoàn 90 có thể đã nhận ra rằng họ không đạt được tiến bộ như dự định - và trở nên thiếu kiên nhẫn và do đó cẩu thả. Nó đã triển khai trung đoàn đột phá của mình trước khi chọc thủng phòng tuyến của Ukraine.

Một lực lượng được thiết kế để tấn công vào khu vực hậu phương không được phòng thủ của quân Ukraine lại lao thẳng vào mìn, máy bay không người lái và các hỏa tiễn chống tăng nổi tiếng của lực lượng không kích Ukraine.

4. Vụ nổ làm bùng lên trận hỏa hoạn lớn tại cơ sở quốc phòng Nga ở Siberia

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “'Explosion' Sparks Huge Fire at Russian Defense Facility in Siberia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Một đám cháy lớn đã bùng phát tại nhà máy Uralmash, một cơ sở quốc phòng của Nga ở thành phố Yekaterinburg, truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Ba.

Hãng tin Đông Âu thân Ukraine Nexta dẫn lời một nhân chứng nói rằng đã có một “vụ nổ” và sau đó “khói đen xuất hiện”.

Các kênh Telegram khác chia sẻ hình ảnh và video về khói và lửa tại cơ sở ở Siberia.

Cơ quan báo chí của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga được hãng thông tấn nhà nước Interfax dẫn lời cho biết diện tích đám cháy đã tăng lên 4.000 mét vuông. Một bản cập nhật được công bố sau đó cho biết ngọn lửa đã được khống chế trên diện tích 4.500 mét vuông.

Đã xảy ra một loạt vụ cháy bí ẩn ở Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tấn công Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Ukraine hiếm khi tuyên bố chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công trên đất Nga.

Các video và hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những đám khói đen khổng lồ bốc lên trên nhà máy - một trong những nhà máy sản xuất lớn nhất của Nga, phục vụ ngành công nghiệp quân sự của nước này.

Anton Gerashchenko, cựu cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho biết: “Một vụ hỏa hoạn lớn tại Uralmashzavod ở Yekaterinburg của Nga - truyền thông Nga,” cho biết khi chia sẻ đoạn phim về vụ cháy trên X, trước đây gọi là Twitter.

“Uralmashzavod là một doanh nghiệp chế tạo máy ở Yekaterinburg, Nga. Nó có liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng của Nga”, ông nói.

Theo Reuters, cơ sở này nằm trên phố Mashinostroiteley, sản xuất thiết bị cho các cơ sở năng lượng bao gồm nhà máy điện hạt nhân, cũng như cho các ngành khai thác mỏ, luyện kim và công nghiệp xi măng.

Ban quản lý Uralmashzavod cho biết mặc dù tòa nhà bốc cháy nằm trên lãnh thổ của nhà máy nhưng nó không thuộc về công ty và nằm “cách xa các cơ sở sản xuất của chúng tôi”.

Nguyên nhân vụ cháy vẫn chưa rõ ràng. Chưa có báo cáo về thương vong. Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đưa tin, một máy bay không người lái đang được sử dụng để hỗ trợ các dịch vụ khẩn cấp vì khói dày đặc “làm phức tạp” công việc của họ.

“ Ngọn lửa đã được khoanh vùng. Mười lăm bình oxy và hai bình propan đã được di tản khỏi xưởng”, dịch vụ báo chí của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết.

5. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy thảo luận về việc sản xuất máy bay không người lái với các quan chức quân đội và chính phủ

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã gặp các quan chức quân đội và chính phủ để thảo luận về kế hoạch sản xuất máy bay không người lái và dự án xây dựng hệ thống kiểm soát chiến tranh điện tử tích hợp để bảo vệ Ukraine và binh lính của nước này khỏi các cuộc tấn công của Nga.

Chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp rất cụ thể và kéo dài gần ba giờ về máy bay không người lái với các quan chức quân đội và chính phủ.

Chúng tôi đã sửa đổi và chỉ định kế hoạch sản xuất cho tất cả các loại máy bay không người lái trong năm nay, bao gồm máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, máy bay ném bom, trinh sát và máy bay không người lái tầm xa cho các nhiệm vụ đặc biệt.

Chúng tôi đã thảo luận về cách bảo đảm tính linh hoạt của ngành công nghiệp quốc phòng. Nhu cầu của tuyến đầu liên tục thay đổi và các nhà sản xuất của chúng ta phải đáp ứng kịp thời.

Các quyết định quan trọng đã được đưa ra nhằm hợp lý hóa các thủ tục mua sắm và nhập khẩu phụ tùng, tăng cường sản xuất máy bay không người lái và đào tạo người vận hành máy bay không người lái.

Một quyết định khác là dự án xây dựng hệ thống điều khiển tác chiến điện tử tích hợp để bảo vệ binh lính và trang thiết bị của chúng ta khỏi các máy bay không người lái của Nga. Nó đã được thử nghiệm ở một số khu vực nhất định. Chúng tôi dự định mở rộng quy mô lên toàn bộ tiền tuyến.

6. Bom lượn của Nga là 'Vũ khí thần kỳ' Và Ukraine vẫn còn nhiều tháng nữa mới có thể đáp trả bằng F-16.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia’s Glide-Bombs Are ‘Miracle Weapons.’ And Ukraine Is Still Months Away From Fighting Back With F-16s.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Lực lượng không quân Nga đang ném hàng trăm quả bom lượn mỗi ngày vào các vị trí của Ukraine dọc chiến tuyến dài 600 dặm trong cuộc chiến kéo dài 25 tháng của Nga với Ukraine.

Ukraine Deep State lưu ý rằng bom lượn KAB là một “vũ khí thần kỳ” đối với người Nga. Và người Ukraine “thực tế không có biện pháp đối phó nào”.

Để hình dung tình hình hiện tại nguy hiểm như thế nào đối với các lữ đoàn Ukraine, hãy xem xét rằng chỉ cần 125 KAB mỗi ngày trong vài ngày cuối cùng cũng có thể khiến việc phòng thủ Avdiivka, một thành trì cũ của Ukraine ở miền đông Ukraine, do Lữ Đoàn 110 Cơ Giới phụ trách không thể trụ được.

Tất nhiên, lữ đoàn còn có những vấn đề khác - cụ thể là tình trạng thiếu đạn pháo trầm trọng trở nên không thể tránh khỏi sau khi các thành viên Quốc Hội tại Hạ viện Hoa Kỳ cắt viện trợ cho Ukraine vào tháng 10.

Nhưng KAB chính là cọng rơm cuối cùng. Egor Sugar, một người lính thuộc Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân Ukraine, đơn vị phụ trách bảo vệ cuộc rút lui của đơn vị đồn trú Avdiivka vào giữa tháng 2, cho biết: “Tất cả các tòa nhà và công trình chỉ đơn giản biến thành một cái hố sau khi chỉ cần một quả bom lượn KAB xuất hiện”.

Có khả năng việc mở rộng mạnh mẽ lực lượng phòng không tiền tuyến của Ukraine sẽ làm giảm lợi thế ném bom lượn của Nga. Lực lượng không quân Ukraine đã chuyển một phần của dàn hỏa tiễn đất đối không Patriot tầm bắn 90 dặm đến gần chiến tuyến phía đông vào khoảng tháng 2 và đã bắn hạ được tới 14 máy bay ném bom lượn Sukhoi Su-34 của không quân Nga và các máy bay hộ tống Sukhoi Su-35.

Tốc độ của các cuộc ném bom lượn có thể đã giảm đi phần nào khi các cuộc bắn hạ tăng vọt. Nhưng sau đó, vào ngày 8 tháng 3, một máy bay không người lái của Nga đã phát hiện ra khẩu đội Patriot đang di chuyển cách chiến tuyến 20 dặm và báo hiệu cho một hỏa tiễn đạn đạo Iskander làm nổ tung hai bệ phóng của Ukraine.

Lực lượng không quân Ukraine chỉ có ba khẩu đội Patriot do Mỹ sản xuất, cùng với khoảng ba chục bệ phóng. Bị cắt viện trợ thêm của Mỹ, lực lượng không quân không thể mạo hiểm mất thêm những chiếc Patriot - nhất là khi lực lượng này cũng đang cố gắng bảo vệ các thành phố của Ukraine trước hỏa tiễn của Nga.

Vì vậy, vào giữa tháng 3, các cuộc bắn hạ máy bay ném bom lượn đã kết thúc và các cuộc ném bom lượn lại tiếp tục với tốc độ 100 vụ mỗi ngày. Theo Deep State, chiến thuật tiêu chuẩn của Nga hiện nay là cho Sukhois bắn phá một đơn vị đồn trú của Ukraine bằng bom lượn KAB - và sau đó cho bộ binh Nga tấn công theo kiểu “tấn công banzai”, nghĩa là bằng các đơn vị nhỏ nhưng thường xuyên.

Deep State đưa tin hôm thứ Ba: “Mặc dù mặt trận đã ổn định nhất định vào đầu tháng, nhưng đối phương đã thực hiện một số lượng lớn các cuộc tấn công KAB và tấn công banzai trong 10 ngày qua”.

Không rõ người Ukraine có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng KAB như thế nào. Trung tướng Ukraine Ivan Gavrylyuk cho biết sự xuất hiện muộn của các chiến binh Lockheed Martin F-16 cũ của lực lượng không quân Ukraine sẽ giúp ích.

Và vâng, điều đó là có thể. F-16 có cảm biến, khả năng tự vệ và hỏa tiễn tốt hơn so với các chiến đấu cơ Sukhoi và MiG hiện tại của lực lượng không quân. Nếu Kyiv sẵn sàng mạo hiểm những chiếc F-16 quý giá của mình – chỉ 50 hoặc 60 chiếc trong số đó sẽ được nhận bắt đầu vào mùa xuân hoặc mùa hè này – thì họ có thể thành công trong việc đánh trả các máy bay ném bom lượn.

Nhưng có thể phải mất một thời gian nữa F-16 mới có đủ số lượng để tạo ra sự khác biệt. Trong khi đó, lực lượng không quân Ukraine chỉ có thể triển khai hệ thống phòng không trên mặt đất để chống lại máy bay ném bom Nga.

Gavrylyuk cho biết, ngoài rủi ro đối với các đội phòng không, các đội này còn thiếu một số loại hỏa tiễn nhất định.

Đó rõ ràng là sự ám chỉ đến những hỏa tiễn Patriot tốt nhất của lực lượng không quân, hầu hết được sản xuất tại Hoa Kỳ. Trừ khi và cho đến khi các thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ nhượng bộ và chấp thuận khoản tài trợ trị giá 61 tỷ Mỹ Kim vốn bị trì hoãn từ lâu cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine, người Ukraine có thể không bao giờ có đủ Patriot để chống lại hoạt động ném bom lượn mà hiện nay là chìa khóa mang lại lợi ích trên chiến trường cho Nga.

Gavrilyuk nói: “Những yếu tố này và các yếu tố khác khiến lực lượng quốc phòng Ukraine gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ đẩy lùi kẻ xâm lược”.

7. Pháp trao cho Ukraine số lượng lớn vũ khí

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “France Hands Ukraine Massive Arms Boost”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine sẽ nhận được hỏa tiễn mới và hàng trăm xe thiết giáp như một phần của đợt viện trợ quân sự mới do Pháp công bố, với sự hỗ trợ được công bố khi Kyiv đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược và chuẩn bị cho một cuộc tấn công mùa hè của Nga.

Bộ trưởng lực lượng vũ trang Pháp Sébastien Lecornu cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo La Tribune của Pháp ấn bản hôm Chúa Nhật rằng: “Để duy trì một chiến tuyến rộng lớn như vậy, quân đội Ukraine cần có các xe thiết giáp chở quân của chúng tôi”.

Lecornu cho biết Paris sẽ gửi “hàng trăm” xe thiết giáp chở quân VAB tới Ukraine vào đầu năm 2025. Bộ trưởng cho biết: “Thiết bị cũ này, vẫn còn hoạt động, sẽ trực tiếp đến Ukraine với số lượng lớn”. Pháp hiện đang loại bỏ dần các thiết giáp VAB.

Pháp cũng sẽ tặng hỏa tiễn phòng không Aster 30 cho lực lượng phòng không trên mặt đất.

Pháp là nhà cung cấp viện trợ quân sự đáng kể cho Ukraine, một phần trong nỗ lực của Âu Châu nhằm tăng cường hỗ trợ cho Kyiv với viện trợ trong tương lai từ nhà cung cấp lớn nhất của Ukraine, Mỹ, đang ở thế cân bằng. Một làn sóng viện trợ quân sự mới trị giá 60 tỷ Mỹ Kim đã bị trì hoãn tại Quốc hội trong nhiều tháng.

Ngũ Giác Đài đã công bố khoản viện trợ trị giá 300 triệu Mỹ Kim cho Ukraine vào giữa tháng 3 nhưng cho biết đây chỉ là biện pháp tạm thời cho những nhu cầu cấp thiết nhất của Kyiv chứ không phải là sự thúc đẩy lâu dài.

Đầu tuần này, Lecornu cho biết Pháp sẽ sớm có thể cung cấp cho Ukraine 78 khẩu pháo tự hành Caesar 155 ly khác. Pháo binh và đạn dược cho các hệ thống này luôn đứng đầu danh sách mong muốn của Kyiv.

Lecornu cho biết hôm Chúa Nhật: “Chúng tôi cũng đang phát triển các loại vũ khí điều khiển từ xa trong một khoảng thời gian rất ngắn để giao cho Ukraine vào đầu mùa hè này”.

Kyiv đã cố gắng kiềm chế những bước tiến chậm nhưng ổn định của Nga ở miền đông Ukraine, cũng như các cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa ở phía bắc và phía nam của tiền tuyến hiện tại. Điện Cẩm Linh đã nắm quyền kiểm soát thành phố chiến lược Avdiivka ở phía đông vào giữa tháng 2 và kể từ đó đã tuyên bố chủ quyền đối với một số thị trấn ở phía tây khu định cư khi Ukraine gấp rút thiết lập các tuyến phòng thủ mới.

Ukraine cho biết họ dự đoán một cuộc tấn công mới của Nga, có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 5 và kéo dài đến những tháng mùa hè. Các quan chức Kyiv và các nhà phân tích phương Tây cho rằng tình trạng thiếu hụt và chậm trễ trong viện trợ quân sự đã hạn chế các hoạt động của Ukraine và cản trở nỗ lực của họ nhằm ngăn chặn những lợi ích từ Nga.

Sau khi Ukraine dường như đã đẩy lùi một cuộc tấn công cơ giới hóa quy mô lớn của Nga xung quanh Avdiivka hôm thứ Bảy, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết thành công của Ukraine xung quanh thành phố cho thấy “các lực lượng Ukraine có thể đạt được những hiệu quả chiến trường đáng kể, nếu họ được trang bị đúng cách và đầy đủ.”

“Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, điều đó có nghĩa là chúng tôi không có phòng không, không có hỏa tiễn Patriot, không có thiết bị gây nhiễu cho tác chiến điện tử, không có đạn pháo 155 ly”, nhà lãnh đạo Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, nói với tờ Washington Post hồi đầu tháng này.

Ông nói thêm: “Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ quay trở lại, rút lui, từng bước một, từng bước nhỏ”. “Chúng tôi đang cố gắng tìm cách nào đó để không rút lui.”

8. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh Ngày 01 tháng 4 năm 2024

Trong bản tin tình báo ngày 1 Tháng Tư,, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến kỹ nghệ quốc phòng của Nga.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến

Các lệnh trừng phạt có thể tiếp tục làm gián đoạn đầu vào quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Sự cô lập của Nga đã hạn chế số lượng quốc gia mà nước này có thể giao dịch trực tiếp, rất có thể sẽ làm tăng thời gian và chi phí để có được những mặt hàng mà nước này từng có thể mua tự do. Nghiên cứu từ Viện các nền kinh tế mới nổi của Ngân hàng Phần Lan cho thấy các nước bên thứ ba đang tính phí bảo hiểm hơn 60% đối với việc xuất khẩu một số hàng hóa bị trừng phạt sang Nga.

Trong khi Nga tăng cường sản xuất các loại vũ khí chủ chốt được sử dụng nhiều nhất ở Ukraine, chẳng hạn như đạn pháo, thì tác động của các biện pháp trừng phạt rất có thể là lớn nhất đối với các hệ thống vũ khí phức tạp và tiên tiến hơn của Nga. Những hệ thống này trong quá trình sản xuất và phát triển gần như chắc chắn phải phụ thuộc ngày càng nhiều vào các phụ tùng và công nghệ nước ngoài.

Các biện pháp trừng phạt có thể tiếp tục làm gián đoạn cả cung và cầu đối với xuất khẩu vũ khí của Nga, cũng như làm phức tạp đáng kể cơ chế thanh toán cho Nga. Điều này gần như chắc chắn đã góp phần làm giảm đáng kể xuất khẩu vũ khí của Nga và gia tăng sự chậm trễ giao hàng, bao gồm cả một số khách hàng vũ khí quan trọng nhất còn lại của nước này. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, thị phần của Nga trong buôn bán vũ khí toàn cầu đã giảm xuống 11% trong giai đoạn 2019-2023, so với 21% trong giai đoạn 2014-2018.

9. Một người Ukraine phản bội tổ quốc bị đánh bom trên xe

Chính quyền địa phương do Nga bổ nhiệm cho biết, một quả bom xe xảy ra trên lãnh thổ do Nga kiểm soát ở khu vực Luhansk phía đông Ukraine đã giết chết một quan chức chính phủ do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm hôm thứ Hai.

Chi nhánh địa phương của Ủy ban Điều tra Nga, cơ quan điều tra các tội phạm lớn, cho biết phó giám đốc một cơ quan giáo dục nhà nước đã thiệt mạng khi “một thiết bị không xác định phát nổ trong xe hơi” vào chiều thứ Hai, AFP đưa tin.

Theo hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti, Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga, thông báo đã bắt giữ 4 nghi phạm bị cáo buộc là đồng phạm của vụ tấn công khủng bố vào phòng hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa.

FSB cho biết 4 nghi phạm bị bắt ở Cộng hòa Dagestan miền nam nước Nga đang âm mưu một vụ tấn công khác ở thành phố Kaspiysk của Dagestan, theo tờ The Kyiv Independent.

10. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh ngày 31 tháng Ba

Trong bản tin tình báo ngày 31 Tháng Ba,, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến việc Nga dùng xà lan để bảo vệ các chiến hạm của Hạm Đội Hắc Hải.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Phân tích hình ảnh gần đây đã xác định được bốn sà lan được bố trí ở lối vào cơ sở của Hạm đội Hắc Hải tại Hải cảng Novorossiysk. Đây là một nỗ lực nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của cảng trước các cuộc tấn công từ thuyền không người lái của Ukraine.

Do nguy cơ bị Ukraine tấn công ngày càng tăng tại quê hương truyền thống Sevastopol, cảng Novorossiysk hiện đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ những tài sản quý giá nhất của Hạm đội Hắc Hải.

Cựu Tư lệnh Hạm đội Hắc Hải, Đô đốc Viktor Sokolov bị cách chức sau thành công của Ukraine trong việc sử dụng thuyền không người lái chống lại các mục tiêu của Nga cả trên biển và trong cảng. Người thay thế ông, Phó Đô đốc Sergei Pinchuk, có thể đã tìm cách cải thiện cơ hội sống sót của các tàu Nga bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa và phòng thủ hơn nữa, bao gồm thu hẹp khoảng cách ra vào các cơ sở cảng.
 
Tiết lộ của Mỹ gây sốc dân Nga: Putin cố ý để xảy ra vụ khủng bố. NATO có cách, Nga không thể thắng
VietCatholic Media
16:09 03/04/2024


1. Mỹ nói với Nga đích danh rằng Tòa thị chính Crocus có thể là mục tiêu tấn công. Putin cố tình để cho vụ tấn công xảy ra để mưu lợi chính trị

Tờ Washington Post có bài tường trình nhan đề “U.S. told Russia that Crocus City Hall was possible target of attack”, nghĩa là “Mỹ đã nói với Nga rằng Tòa thị chính Crocus có thể là mục tiêu tấn công”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hơn hai tuần trước khi những kẻ khủng bố tiến hành một cuộc tấn công đẫm máu ở ngoại ô Mạc Tư Khoa, chính phủ Mỹ đã nói với các quan chức Nga rằng Tòa thị chính Crocus, một địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc nổi tiếng, là một mục tiêu tiềm năng, các quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề này cho Washington Post biết như trên.

Mức độ cụ thể cao được truyền tải trong cảnh báo nhấn mạnh sự tin tưởng của Washington rằng Nhà nước Hồi giáo đang chuẩn bị một cuộc tấn công đe dọa số lượng lớn dân thường. Tiết lộ này mâu thuẫn trực tiếp với tuyên bố của Mạc Tư Khoa rằng các cảnh báo của Mỹ quá chung chung không giúp gì trong việc ngăn chặn vụ tấn công.

Việc Mỹ xác định phòng hòa nhạc Crocus là mục tiêu tiềm năng - một thực tế chưa được báo cáo trước đây - đặt ra câu hỏi mới về lý do tại sao chính quyền Nga không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để có thể bảo vệ địa điểm, nơi các tay súng đã giết chết hơn 140 người và phóng hỏa tòa nhà. Một nhánh của Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công nguy hiểm nhất ở Nga trong 20 năm qua. Các quan chức Mỹ đã công khai nói rằng nhóm này, được gọi là Nhà nước Hồi giáo-Khorasan, hay ISIS-K, là những kẻ duy nhất “chịu trách nhiệm”, nhưng Putin đã cố gắng đổ lỗi cho Ukraine.

Cuộc tấn công đã làm sứt mẻ thêm hình ảnh về sức mạnh và an ninh mà nhà lãnh đạo Nga tìm cách truyền tải, đồng thời bộc lộ những điểm yếu cơ bản trong bộ máy an ninh quốc gia vốn đã bị hao mòn sau hơn 2 năm chiến tranh ở Ukraine. Theo các nhà phân tích và quan sát chính trị Nga, ở trong nước, các đặc vụ của Putin dường như quan tâm nhiều hơn đến việc bịt miệng những người bất đồng chính kiến và chống đối tổng thống hơn là nhổ tận gốc những âm mưu khủng bố.

Bản thân nhà lãnh đạo Nga đã công khai bác bỏ các cảnh báo của Mỹ chỉ 3 ngày trước vụ tấn công ngày 22 Tháng Ba,, gọi đó là “sự tống tiền trắng trợn” và là nỗ lực “đe dọa và gây bất ổn cho xã hội của chúng ta”.

Các quan chức Mỹ quen thuộc với thông tin mà Washington chia sẻ với Mạc Tư Khoa đã phát biểu với điều kiện giấu tên để thảo luận về các cuộc trò chuyện và thông tin tình báo nhạy cảm. Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia từ chối bình luận về câu chuyện này. Trước đó, Hội đồng An ninh Quốc gia đã thừa nhận rằng Hoa Kỳ đã chuyển tải thông tin “về một cuộc tấn công khủng bố đã được lên kế hoạch ở Mạc Tư Khoa” nhưng không nói rằng Tòa thị chính Crocus được coi là mục tiêu có thể xảy ra.

Phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh đã không trả lời các câu hỏi của The Washington Post liên quan đến cảnh báo về Tòa thị chính Crocus. Nhưng hôm thứ Ba, Sergei Naryshkin, nhà lãnh đạo Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga, nói với các phóng viên ở Mạc Tư Khoa rằng thông tin mà Hoa Kỳ chia sẻ “quá chung chung và không cho phép chúng tôi xác định đầy đủ những kẻ đã phạm tội ác khủng khiếp này”, theo hãng thông tấn Interfax do nhà nước điều hành.

Naryshkin cho biết, trước thông tin tình báo Mỹ, Nga “đã thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn chặn” một cuộc tấn công. Nhưng video từ hiện trường vụ tàn sát cho thấy các tay súng không gặp phải bất cứ sự kháng cự đáng kể nào. Truyền thông Nga đưa tin hơn một giờ sau khi vụ nổ súng bắt đầu các đơn vị cảnh sát chuyên trách mới đến và sau đó đợi hơn 30 phút trước khi vào tòa nhà, lúc đó những kẻ tấn công đã trốn thoát.

Các quan chức và chuyên gia cho biết, mặc dù Washington thường xuyên chia sẻ thông tin về các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra với nước ngoài, nhưng theo chính sách được gọi là “nghĩa vụ cảnh báo”, việc cung cấp thông tin về các mục tiêu cụ thể cho đối phương là điều bất thường. Làm như vậy có nguy cơ tiết lộ cách Hoa Kỳ thu được thông tin tình báo, có khả năng khiến các hoạt động giám sát bí mật hoặc các nguồn nhân lực gặp rủi ro.

Nhưng thông tin liên quan đến một cuộc tấn công vào phòng hòa nhạc cũng chỉ ra mối nguy hiểm tiềm tàng đối với người Mỹ ở Nga. Vào ngày 7 tháng 3, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã công khai thông báo rằng họ đang “theo dõi các báo cáo cho thấy những kẻ cực đoan sắp có kế hoạch tấn công vào các cuộc tụ tập lớn ở Mạc Tư Khoa, bao gồm cả các buổi hòa nhạc” và khuyên công dân Hoa Kỳ “tránh tụ tập đông người trong 48 giờ tới”.

Theo những người quen thuộc với vấn đề này, Hoa Kỳ đã chia sẻ thông tin của mình với Nga vào ngày 6 Tháng Ba, tức là một ngày trước cảnh báo công khai đó. Naryshkin cho biết “các cơ quan tình báo Hoa Kỳ” đã cung cấp thông tin cho FSB, cơ quan an ninh nhà nước của Nga.

Thực hiện chính sách nghĩa vụ cảnh báo, Mỹ gần đây cũng đã chia sẻ thông tin khủng bố với một đối thủ khác là Iran. Vào Tháng Giêng, các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng Nhà nước Hồi giáo đang lên kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công ở nước này, theo các quan chức Mỹ. Họ cho biết thông tin tình báo đủ cụ thể để có thể giúp chính quyền Iran ngăn chặn các vụ đánh bom kép tự sát khiến ít nhất 95 người thiệt mạng ở thành phố Kerman. Nhà nước Hồi giáo, vốn coi cộng đồng người Hồi giáo Shiite chiếm đa số ở Iran là những kẻ bội đạo, đã tấn công một cuộc tụ tập hàng ngàn người đưa tang khi họ tưởng niệm 4 năm ngày mất của Thiếu tướng Qasem Soleimani, người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Iraq vào năm 2020.

Wall Street Journal lần đầu tiên đưa tin về cảnh báo của Mỹ đối với Iran.

Theo một quan chức Mỹ, mặc dù thiếu an ninh hiệu quả tại Tòa thị chính Crocus, có những dấu hiệu cho thấy chính phủ Nga, ít nhất là ban đầu, đã nghiêm chỉnh xem xét cảnh báo của Washington - trong đó có thông tin về kế hoạch tấn công một giáo đường Do Thái của Nhà nước Hồi giáo. Một ngày sau khi Mạc Tư Khoa nhận được thông tin đó, FSB thông báo rằng họ đã ngăn chặn một cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo vào một giáo đường Do Thái ở Mạc Tư Khoa.

Islam Khalilov, 15 tuổi, cho biết anh đang làm công việc kiểm tra áo khoác của phòng hòa nhạc vào đêm xảy ra vụ tấn công, nói rằng nhân viên của Crocus đã được thông báo về khả năng xảy ra một cuộc tấn công khủng bố, không lâu sau cảnh báo công khai ngày 7 tháng 3. Khalilov nói trong một cuộc phỏng vấn với Dmitry Yegorov, một nhà báo thể thao nổi tiếng người Nga, được đăng trên YouTube: “Chúng tôi đã được cảnh báo có thể xảy ra các cuộc tấn công khủng bố và chúng tôi đã được hướng dẫn phải làm gì và đưa người đến đâu”. Khalilov cho biết đã có biện pháp kiểm tra an ninh chặt chẽ hơn tại địa điểm, bao gồm cả chó đã được huấn luyện.

Tại sao an ninh không được tăng cường và duy trì sau cảnh báo ban đầu vẫn chưa rõ ràng. Một số quan chức Mỹ suy đoán, có thể các cơ quan an ninh Nga không nhận thấy cuộc tấn công nào xảy ra trong những ngày ngay sau ngày 7 tháng 3 nên cho rằng thông tin của Mỹ là không chính xác và vì thế họ mất cảnh giác.

Putin đã công khai chế giễu những cảnh báo khủng bố từ cái mà ông cho là “một số cơ cấu chính thức của phương Tây” trong cuộc gặp với các quan chức hàng đầu của FSB vào ngày 19 tháng 3. “Các bạn biết rõ về chúng nên tôi sẽ không đi vào chi tiết vào thời điểm này”, Putin nói, theo bản ghi chính thức của Điện Cẩm Linh.

Putin nhấn mạnh rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của FSB là ở Ukraine, như một phần của cái mà ông gọi một cách hoa mỹ là “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga. Putin đánh đồng lực lượng Ukraine với những kẻ khủng bố và cho rằng chúng gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Nga. Putin nói: “Chế độ Kiev theo chủ nghĩa phát xít mới cũng đã chuyển sang chiến thuật khủng bố “, bao gồm cả “những nỗ lực chiêu mộ thủ phạm của các cuộc tấn công lật đổ và khủng bố nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng và không gian công cộng ở Nga”.

Sau khi chính quyền Nga bắt giữ các nghi phạm trong vụ tấn công Tòa thị chính Crocus, Putin và các lãnh đạo cao cấp khác tuyên bố rằng Kyiv đã thuê các tên khủng bố này và lên kế hoạch để chúng trốn sang Ukraine. Đó là cáo buộc mà các quan chức Mỹ và Ukraine đã bác bỏ. Cả đồng minh thân thiết nhất của Putin là nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko cũng báo cáo rằng ban đầu những tên khủng bố chạy sang Belarus chứ không phải là Ukraine như Putin nói.

Nga trước đây đã rất biết ơn khi nhận được sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ. Hai lần dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, ông Putin đã cảm ơn người Mỹ vì đã chia sẻ thông tin giúp ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố ở St. Petersburg vào năm 2017 và 2019.

Với các tiết lộ mới nhất, có vẻ rõ ràng là Putin biết đích danh địa điểm khủng bố nhưng ông ta đã để cho nó xảy ra để mưu lợi chính trị.

2. Putin có thể bố trí lại cựu tư lệnh thất sủng để ngăn chặn mối đe dọa từ NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Could Redeploy Disgraced Former Commander to Thwart NATO Threat”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Putin có thể bổ nhiệm Đại tướng Alexander Lapin làm tư lệnh Quân khu Leningrad, chạy dọc biên giới phía đông bắc của NATO, theo nhiều báo cáo.

Sự phát triển này được cơ quan truyền thông Ura.ru của Nga đưa tin, trích dẫn một nguồn tin giấu tên trong “giới quân sự” của Nga. Hãng tin Fontanka ở St. Petersburg đưa tin rằng ông được coi là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vụ tư lệnh Quân khu Leningrad, nhưng cho biết ông vẫn chưa được bổ nhiệm chính thức.

Sau khi Putin ký các sắc lệnh quân sự mới vào tháng 2 để tái lập các Quân khu Mạc Tư Khoa và Leningrad, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ đánh giá rằng động thái này cho thấy ông ta đang chuẩn bị cho một cuộc chiến quy mô lớn tiềm tàng với NATO trong tương lai.

Quân khu Leningrad, đóng quân gần Phần Lan, thành viên NATO và các nước vùng Baltic, là thành phần chủ chốt của lực lượng vũ trang Nga, có nhiệm vụ giám sát một phần chiến lược phòng thủ của quốc gia ở khu vực phía Tây nước Nga. Phần Lan có chung đường biên giới dài 800 dặm với Nga.

Lapin từng giữ chức Tư lệnh Quân khu Trung tâm của Nga cho đến tháng 10 năm 2022 và được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng lực lượng Lục Quân của nước này vào Tháng Giêng năm 2023.

Ông gây chú ý vì bị các nhân vật chủ chốt của Nga trong cuộc chiến chỉ trích gay gắt, bao gồm cả lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov và Yevgeny Prigozhin - người sáng lập quá cố của đội lính đánh thuê Tập đoàn Wagner - vì những thất bại quân sự mà Nga phải gánh chịu ở Ukraine.

Vào tháng 11 năm 2022, Kadyrov kêu gọi ngay lập tức “thay đổi chiến thuật và nhân sự”. Ông cũng gọi Lapin là “kẻ bất tài” sau khi quân đội Nga rút lui khỏi Lyman ở vùng Donbas phía đông Ukraine vào tháng 10 năm 2022. Kadyrov cáo buộc ông đã “được ban lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu che đậy từ trên cao”.

Nhà lãnh đạo Chechnya cũng cáo buộc rằng vị tướng này không có mặt ở thành phố Lysychansk khi quân đội của ông ta chiếm giữ thành phố này – một “thành tích” khiến Putin phong tặng ông ta danh hiệu Anh hùng nước Nga vào ngày 4 tháng 7 năm 2022.

Vài ngày sau, một cơ quan truyền thông ủng hộ Điện Cẩm Linh đưa tin Lapin đã bị cách chức.

Vào tháng 2, Putin đã ký sắc lệnh chính thức tái lập Quân khu Leningrad và Quân khu Mạc Tư Khoa, trong đó Quân khu Leningrad tiếp quản phần lớn lãnh thổ trước đây thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga và Quân khu Mạc Tư Khoa tiếp quản phần lớn lãnh thổ trước đây thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga. Quân khu phía Tây.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, vào thời điểm đó đã đánh giá rằng việc tái lập Quân khu Mạc Tư Khoa và Quân khu Leningrad “hỗ trợ các mục tiêu song song là củng cố quyền kiểm soát các hoạt động của Nga ở Ukraine trong thời gian ngắn và trung bình và chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thông thường quy mô lớn có thể xảy ra trong tương lai chống lại NATO trong dài hạn.”

3. Tòa án Nga gia hạn việc giam giữ trước khi xét xử nhà báo Nga gốc Mỹ Alsu Kurmasheva

Một tòa án Nga vừa gia hạn việc giam giữ trước khi xét xử nhà báo Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva, người phải đối mặt với 15 năm tù vì tội truyền bá “thông tin sai lệch”.

Tại tòa án ở thành phố phía Tây Kazan hôm thứ Hai, Kurmasheva mỉm cười nhưng phàn nàn về tình trạng tồi tàn của phòng giam nơi cô bị giam giữ, một phóng viên AFP cho biết.

Là một nhà báo của Đài Âu Châu Tự do được Hoa Kỳ tài trợ, cô đã bị bắt vào năm ngoái vì không ghi danh “đặc vụ nước ngoài”.

Đài Âu Châu Tự do cho biết cô sau đó đã bị buộc tội phát tán thông tin sai lệch theo luật kiểm duyệt mới sau cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine vào năm 2022.

Thời gian giam giữ trước khi xét xử của cô hiện đã được kéo dài đến ngày 5 tháng Sáu. Phiên điều trần không liên quan đến nội dung vụ án.

Năm 2022, Kurmasheva biên tập một cuốn sách có tựa đề “Nói không với chiến tranh” – tập hợp các cuộc phỏng vấn và câu chuyện của những người Nga phản đối chiến dịch của Mạc Tư Khoa chống lại Ukraine.

Đài Âu Châu Tự do hôm thứ Hai gọi việc giam giữ cô là “quá đáng” và nói rằng cô bị nhốt “đơn giản chỉ vì cô mang hộ chiếu Mỹ”.

“Những cáo buộc chống lại Alsu là vô căn cứ. Đó không phải là một quy trình pháp lý, mà là một âm mưu chính trị, và Alsu và gia đình cô ấy đang phải trả một cái giá khủng khiếp một cách vô lý”, nhà lãnh đạo Đài Âu Châu Tự do Stephen Capus nói.

Ông nói thêm: “Nga phải chấm dứt sự giả tạo này và ngay lập tức thả Alsu vô điều kiện”.

Kurmasheva, sống ở Praha cùng chồng và hai con, đã bị tịch thu hộ chiếu Mỹ và Nga vào tháng 6 năm ngoái sau khi đi Nga vì lý do gia đình khẩn cấp.

Sau đó, cô bị bắt vì không ghi danh làm “đặc vụ nước ngoài” vào tháng 10 trong khi chờ trả lại hộ chiếu.

Tội danh đó có thể dẫn tới 5 năm tù trong khi phát tán “thông tin sai sự thật” có mức án tối đa là 15 năm.

Các nhóm nhân quyền đã cáo buộc Nga sử dụng luật áp bức để nhắm vào những người chỉ trích chế độ và các nhà báo độc lập.

Kurmasheva là nhà báo Mỹ thứ hai bị bắt ở Nga kể từ khi Mạc Tư Khoa bắt đầu cuộc tấn công quân sự ở Ukraine. Phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal đã phải ngồi tù hơn một năm ở Mạc Tư Khoa vì tội gián điệp: ông cũng phủ nhận các cáo buộc.

Các luật sư của Kurmasheva đã kêu gọi thả cô ra khỏi tù và quản thúc tại gia trong khi chờ xét xử.

Bộ Ngoại giao Mỹ năm ngoái cho biết vụ bắt giữ Kurmasheva “ là một trường hợp khác về việc chính phủ Nga quấy rối công dân Mỹ”.

Washington cáo buộc Mạc Tư Khoa bắt giữ công dân Mỹ mà không có bằng chứng để đổi lấy việc trả tự do cho những người Nga bị giam ở nước ngoài.

4. Đồng minh của Putin đưa ra lời đe dọa hạt nhân đối với 2 nước NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Putin Ally Makes Nuclear Threats to 2 NATO Countries”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, Vladimir Solovyov, đã đề nghị tiến hành tấn công hạt nhân vào hai thành viên của liên minh quân sự NATO.

Solovyov, một đồng minh của Putin và là người dẫn chương trình truyền hình nhà nước, đã đưa ra cảnh báo trong hai buổi phát sóng riêng biệt các chương trình Buổi tối với Vladimir Solovyov và Tối Chúa Nhật với Vladimir Solovyov. Julia Davis của The Daily Beast đã chia sẻ các đoạn trích của chương trình phát sóng trên X.

Quan điểm cho rằng Nga có thể tấn công các thành viên NATO để đáp lại viện trợ và vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine trong cuộc chiến đang diễn ra đã được Solovyov và nhiều quan chức Nga khác đưa ra thường xuyên kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Putin đã tuyên bố từ tháng 9 năm 2022 rằng Nga đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ” của mình, đồng thời tuyên bố rằng “đây không phải là một trò lừa bịp”. Gần đây hơn, vào tháng 2, ông đã cảnh báo trong bài phát biểu quốc gia thường niên tại Mạc Tư Khoa rằng “các lực lượng hạt nhân chiến lược của ông đang ở trạng thái sẵn sàng hoàn toàn”.

Davis viết trong đoạn clip truyền hình nhà nước đầu tiên: “Trong khi đó ở Nga: Vladimir Solovyov bảo đảm với các nhà tuyên truyền đồng nghiệp rằng không ai trong số họ sẽ bị xét xử sau khi chiến tranh kết thúc, bởi vì khi đó, người Anh sẽ bị tiêu diệt bằng các cuộc tấn công hạt nhân”.

“Ngược lại ở Nga: Lễ Phục sinh sẽ không trọn vẹn nếu không có những lời đe dọa hạt nhân của Vladimir Solovyov đối với Pháp,” cô viết trong một bài đăng khác, chia sẻ buổi phát sóng.

Trong đoạn clip truyền hình nhà nước đầu tiên, Vladimir Kornilov, một nhà khoa học chính trị, bắt đầu bằng việc nói rằng tờ báo Anh The Daily Telegraph “đã viết một cách công khai rằng người dân Nga phải chịu trách nhiệm. Sau khi chiến tranh kết thúc, tất cả mọi người đều phải bị xét xử, kể cả Thượng phụ Kirill.”

Solovyov xen vào: “Xin thứ lỗi, ai sẽ phán xét chúng tôi?”

“Người Anh,” Kornilov trả lời.

Solovyov tiếp tục đưa ra cảnh báo hạt nhân đầu tiên của mình. “Đó là đất nước mà đến thời điểm đó sẽ bị chôn vùi dưới làn sóng phóng xạ?” anh ta nói.

Kornilov cho biết ông hy vọng “sẽ không xảy ra chiến tranh hạt nhân”.

“Sẽ không đâu, sóng thần phóng xạ sẽ quét sạch nó thôi,” Solovyov trả lời.

Giáo hội Chính thống Nga, đứng đầu là Thượng phụ Kirill, một đồng minh của Putin, gần đây đã thông qua một tài liệu coi việc Putin xâm lược Ukraine là một “Thánh chiến”.

Trong buổi phát sóng truyền hình nhà nước thứ hai, Solovyov chỉ trích thị trưởng Paris Anne Hidalgo vì cuối tuần qua đã nói rằng các vận động viên Nga và Belarus “không được chào đón” tại Thế vận hội năm nay, được tổ chức ở thủ đô của Pháp.

“Tôi muốn nhắc nhở con quái vật Đức Quốc xã xấu xí khó chịu này rằng hôm nay là ngày kỷ niệm 210 năm quân đội Nga tiến vào Paris. Cả hồi đó và bây giờ, chúng tôi không quan tâm liệu bạn có vui khi gặp chúng tôi hay không. Bất cứ khi nào chúng tôi cần tiêu diệt tất cả các bạn, chúng tôi sẽ làm điều đó”, Solovyov nói.

Anh ta nói thêm: “Vậy Paris, bạn không muốn chào đón các vận động viên của chúng tôi à? Chào mừng siêu thanh của chúng tôi nhé! Nhanh chóng, đáng tin cậy và rất khó chịu.”

Putin đã cảnh báo vào tháng 2 rằng “Nga sẽ không để bất kỳ ai can thiệp vào công việc nội bộ của mình”.

Nhận xét của ông được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị các thành viên NATO có thể gửi bộ binh tới Ukraine. Các đồng minh khác của NATO, bao gồm cả Mỹ, đã từ chối làm như vậy sau đề xuất của Macron.

5. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề nghị quỹ 100 tỷ trong 5 năm cho Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO’s Stoltenberg floats $100B, five-year fund for Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hai nhà ngoại giao nói với POLITICO rằng nhà lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg sẽ đề xuất một quỹ trị giá 100 tỷ Mỹ Kim trong 5 năm cho Ukraine khi các ngoại trưởng liên minh gặp nhau vào hôm thứ Tư 3 Tháng Tư.

Gói tài chính này sẽ là một phần trong sáng kiến rộng lớn hơn nhằm khuyến khích các đồng minh hỗ trợ Kyiv, vì gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ Mỹ Kim của Mỹ đang bị đình trệ tại Quốc hội.

Một ý tưởng là để 32 thành viên của liên minh đóng góp vào quỹ 100 tỷ Mỹ Kim theo tỷ lệ tương đương với tỷ lệ họ tài trợ cho ngân sách chung của NATO – tức là dựa trên Tổng thu nhập quốc dân của họ.

Nó cũng xảy ra khi các đồng minh của NATO đang thảo luận về cách để liên minh này dần dần tiếp quản một nhóm đa quốc gia do Mỹ đứng đầu nhằm điều phối việc vận chuyển vũ khí tới Ukraine, như POLITICO đưa tin.

Theo các nhà ngoại giao, các nước NATO đang hy vọng hoàn thiện các chi tiết của những đề xuất này trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO tại Washington vào tháng 7.

6. Mỹ cân nhắc bán chiến đấu cơ, hỏa tiễn và bộ dẫn đường mới cho Israel

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US weighs selling new fighter jets, missiles and guidance kits to Israel”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chính phủ Mỹ đang xem xét bán vũ khí mới cho Israel bao gồm chiến đấu cơ, hỏa tiễn không đối không và bộ dẫn đường, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi Mỹ ngừng cung cấp vũ khí nếu Israel không làm nhiều hơn để hạn chế thương vong dân sự ở Gaza.

Chính quyền Tổng thống Biden đang cân nhắc việc bán cho Israel tới 50 chiến đấu cơ F-15 mới, 30 hỏa tiễn không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 và một số bộ dụng cụ đạn tấn công trực tiếp chung nhằm biến bom câm thành dẫn đường chính xác, và các loại vũ khí khác, theo một trợ lý quốc hội và một người quen thuộc với các cuộc thảo luận.

Theo trợ lý quốc hội, mặc dù việc mua bán vẫn đang chờ chính phủ Mỹ chấp thuận - và phải mất nhiều năm nữa vũ khí mới đến được Israel - chính quyền đã thông báo không chính thức cho các ủy ban quốc hội có liên quan. Bước đó thường có nghĩa là chính quyền Hoa Kỳ đã sẵn sàng tiến hành việc bán hàng.

Phát ngôn nhân của Bộ Quốc phòng đã chuyển các câu hỏi tới Bộ Ngoại giao. Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao cho biết bộ này không bình luận về doanh số bán hàng tiềm năng trong tương lai.

Tin tức về các thỏa thuận có khả năng đang chờ giải quyết được đưa ra khi các nhà phê bình trong và ngoài chính phủ Mỹ nói rằng Tổng thống Joe Biden có trách nhiệm hạn chế bán vũ khí cho Israel khi số người chết ở Gaza gia tăng. Ngay cả các thành viên trong đảng của Tổng thống Biden gần đây cũng chỉ trích gay gắt Israel về các hoạt động của nước này tại khu vực này. Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer, quan chức Do Thái cao cấp nhất trong chính phủ Mỹ và là đồng minh mạnh mẽ của Israel, hồi tháng trước đã kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử mới ở Israel, khiến chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu phẫn nộ.

Nó cũng xuất hiện trong bối cảnh các đảng viên Đảng Dân chủ đang có sự rạn nứt về việc liệu Tổng thống Biden có nên thúc đẩy việc bán vũ khí trong nỗ lực gây áp lực với Thủ tướng Netanyahu đừng tiến hành một cuộc xâm lược quy mô lớn vào thành phố Rafah ở phía nam, nơi có hơn 1 triệu dân thường đang trú ẩn khỏi cuộc giao tranh giữa lực lượng Israel và quân đội Israel. Các chiến binh Hamas ở phía bắc.

Hamas vẫn giữ hơn 100 con tin Israel - phần lớn là dân thường - sau khi bắt cóc họ trong cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 vào các thị trấn của Israel và các quan chức đang đàm phán để trao đổi con tin cho các tù nhân Palestine.

Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen đã nói rằng việc ngăn chặn việc bán vũ khí tấn công, điều mà Tổng thống Biden đã miễn cưỡng thực hiện, nên được xem xét.

Josh Paul, người đã từ chức tại Bộ Ngoại giao để phản đối việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ sát thương cho Israel, cho biết việc hoàn tất thỏa thuận sẽ là “bằng chứng nữa” cho thấy chính quyền không sẵn sàng có biện pháp cứng rắn với Netanyahu.

“Tôi nghĩ rằng đối với tất cả các cuộc nói chuyện của tổng thống về việc muốn hạn chế các hoạt động của Israel ở Rafah, đây là bằng chứng tiếp tục cho thấy trên thực tế, chính quyền tiếp tục tiến hành chuyển giao cho Israel, bất kể tình hình thực tế ở Gaza và bối cảnh chính trị ở Gaza như thế nào.” Mỹ,” Paul nói. “Họ cam kết hỗ trợ Israel và đây là bằng chứng cho điều đó.”

Trong khi đó, một cuộc không kích của Israel hôm thứ Hai đã phá hủy khu vực lãnh sự của đại sứ quán Iran ở Syria, giết chết một sĩ quan cao cấp của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, gọi tắt là IRGC, và một số người khác. IRGC vận chuyển vũ khí và tiến hành huấn luyện cho các nhóm chiến binh trên toàn khu vực.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden dự kiến sẽ gặp trực tuyến với các quan chức Israel để thảo luận về kế hoạch của Israel về một chiến dịch ở Rafah nhằm tiêu diệt tận gốc tàn dư của Hamas. Các quan chức Mỹ trong những tuần gần đây đã kêu gọi những người đồng cấp Israel không tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào thành phố vì hơn 1 triệu dân thường đang trú ẩn ở đó. Hầu hết các con tin Israel cũng được cho là đang ở đâu đó trong thành phố.

Các quan chức Mỹ đã công khai tuyên bố rằng họ tin rằng việc tiến vào Rafah mà không có kế hoạch bảo vệ những thường dân đó sẽ là một sai lầm.

Tin tức về việc chính quyền Tổng thống Biden đang cân nhắc việc bán vũ khí mới xuất hiện vài ngày sau khi tờ Washington Post đưa tin rằng chính quyền Tổng thống Biden đang xúc tiến gói vũ khí cũ cho Israel, bao gồm hơn 1.800 quả bom MK-84 nặng 2.000 pound và 500 quả bom MK-82 500. -bom nổ. Quốc hội đã được thông báo về các phần của gói đó từ năm 2008.

Giống như những chiếc F-15 và những loại đạn dược mới đang được cân nhắc, những quả bom đó sẽ không đến được Israel trong vài năm nữa.

7. Mykhailo Podolyak, cố vấn cho nhà lãnh đạo văn phòng tổng thống Ukraine, hôm nay đã nhấn mạnh rằng “không được có ảo tưởng”.

Không có ảo tưởng. Không có chiến tranh vị trí, tức là các cuộc giao tranh không tiến lên được, không giành được lãnh thổ nhưng cường độ chiến đấu cực cao, không có dấu hiệu “đóng băng”.

Quân xâm lược Nga vẫn chưa giải quyết được các nhiệm vụ cơ bản của mình (trong số đó là tiêu diệt một quốc gia có chủ quyền, chiếm giữ và hợp pháp hóa việc sáp nhập các lãnh thổ nước ngoài, thanh lọc và bắt cóc cũng như tiêu diệt các nhóm lớn dân cư không trung thành và sau đó tiếp tục leo thang.

Quân xâm lược Nga đang ném tất cả nguồn lực của mình vào cuộc chiến. Một cuộc chiến kiểu này chỉ có giải pháp quân sự.

Vì vậy, một lần nữa: chúng ta đừng ảo tưởng; sẽ không thể chỉ ngồi và chờ đợi; vẫn sẽ cần phải mở rộng đáng kể sản xuất quân sự và bảo vệ Ukraine với số lượng vũ khí tương đương. Càng nhanh, càng hiệu quả và tình hình sẽ càng tốt hơn.

8. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định Nga đang tìm cách áp đặt luật pháp của mình lên các quốc gia NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Seeking to Impose Its Laws on NATO States: ISW”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, Nga đang tìm cách áp đặt luật pháp của mình lên các quốc gia thành viên của liên minh quân sự NATO.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW đã bình luận về nhận xét gần đây của Tổng công tố Nga Igor Krasnov trong phân tích mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine hôm Chúa Nhật.

Krasnov nói với nhà báo Pavel Zarubin của VGTRK trong một cuộc phỏng vấn đăng trên Telegram rằng Mạc Tư Khoa “sẽ tiếp tục khẳng định quyền của mình, trái với luật pháp quốc tế, trong việc thực thi luật liên bang Nga đối với các quan chức của NATO và các quốc gia hậu Xô Viết vì những hành động của họ được thực hiện trong lãnh thổ của họ”. ISW cho biết: đó là các quốc gia mà tòa án Nga không có thẩm quyền xét xử.

Căng thẳng giữa các quốc gia thành viên NATO và Nga đang ở mức cao trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 12 cảnh báo Putin sẽ tấn công NATO.

Vào ngày 12 tháng 3, nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra cảnh báo hạt nhân đáng lo ngại với phương Tây, nói rằng đất nước của ông về mặt kỹ thuật đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh hạt nhân. Vài tuần trước đó, ông đã cảnh báo trong bài phát biểu Thông điệp Quốc gia hàng năm rằng “các lực lượng hạt nhân chiến lược của ông đang ở trạng thái sẵn sàng hoàn toàn”.

ISW cho biết hôm Chúa Nhật: “Điện Cẩm Linh tiếp tục nỗ lực thực thi luật pháp liên bang Nga ở các quốc gia hậu Xô Viết, nơi Nga không có thẩm quyền pháp lý”.

Tổ chức nghiên cứu này lưu ý rằng nhiều quan chức từ các quốc gia thành viên NATO – chẳng hạn như Bộ trưởng Nội vụ Estonia Lauri Laanemets và Thủ tướng Estonia Kaja Kallas – đã bị Bộ Nội vụ Nga đưa vào danh sách truy nã vì “bị cáo buộc vi phạm nhiều luật của Nga” trong quốc gia của họ.

“ISW tiếp tục đánh giá rằng nỗ lực của Điện Cẩm Linh nhằm thực thi luật liên bang của mình đối với các quan chức NATO vì các hành động ở quốc gia của họ đã phủ nhận một cách hiệu quả chủ quyền của các quốc gia này và là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm đặt ra các điều kiện thông tin biện minh cho sự leo thang có thể xảy ra của Nga chống lại các quốc gia NATO trong tương lai.”

Trong một diễn biến khá khôi hài, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, cho biết ông ta đã yêu cầu “Kiev” phải dẫn độ sang Nga Tướng Vasyl Maliuk, là nhà lãnh đạo Cục Tình Báo Bộ SSU, vì các cuộc tấn công trên đất Nga, mà Lavrov gọi chung là các hành động khủng bố, bao gồm vụ tấn công cầu Kerch và gần đây hơn là các nhà máy lọc dầu của Nga. Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev thay vì Kyiv như chính người Ukraine và các nước phương Tây gọi.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với CBS News đăng ngày 28/3 rằng nếu Putin không dừng lại, xung đột có thể nổ ra trên đất NATO.

Căng thẳng giữa Mạc Tư Khoa và phương Tây tăng vọt sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi cuối tháng 2 đề xuất rằng các thành viên NATO có thể gửi bộ binh tới Ukraine. Ông đã nhấn mạnh lại tuyên bố đó vào tháng 3, nói rằng “chúng tôi không thể loại trừ các lựa chọn” bởi vì “an ninh của Âu Châu và an ninh của người dân Pháp đang bị đe dọa ở đây”.

Ông Macron từng nói rằng “không có giới hạn” đối với sự hỗ trợ của Paris dành cho Kyiv.

“Hôm nay, để có hòa bình ở Ukraine, chúng ta không được yếu đuối,” ông Macron nói trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia Pháp TF1 và France 2 vào ngày 14/3. “Nếu chiến tranh lan sang Âu Châu, đó sẽ là lựa chọn duy nhất và Nga phải gánh trách nhiệm. Nhưng hôm nay nếu chúng ta quyết định yếu đuối, hôm nay chúng ta quyết định không đáp trả, là chúng ta đã bị đánh bại rồi. Và tôi không muốn điều đó.”

Ông nói thêm: “Nếu Nga thắng cuộc chiến này, uy tín của Âu Châu sẽ giảm xuống mức 0”.

9. Tình trạng mất điện trầm trọng ở Kharkiv

Thống Đốc khu vực Kharkiv, Oleh Syniehubov, cho biết từ mười ngày trước, Kharkiv ở phía đông bắc Ukraine đã mất toàn bộ điện sau khi Nga tấn công hệ thống năng lượng của thành phố bằng một cuộc tấn công hỏa tiễn có chủ đích.

Ông cho biết công ty năng lượng Centrenergo của Ukraine khẳng định rằng nhà máy nhiệt điện Zmiiv, một trong những nhà máy lớn nhất ở khu vực Kharkiv, đã bị phá hủy hoàn toàn.

Kể từ cuộc tấn công, Centrenergo của Ukraine đã cố gắng khắc phục, nhưng thời gian ngừng hoạt động vẫn phải được áp dụng để hạn chế việc sử dụng năng lượng, khi các cuộc tấn công tiếp tục nhắm vào việc sử dụng năng lượng trên toàn quốc. Ước tính 700.000 người bị mất điện sau khi nhà máy bị tấn công và khoảng 120.000 người trong khu vực vẫn đang bị ảnh hưởng do cắt điện.

Hiện tại, tình trạng mất điện ở Kharkiv kéo dài bốn giờ và Oleh Syniehubov cho biết sẽ mất vài tuần để khôi phục lại toàn bộ nguồn điện - và điều đó đang hy vọng rằng lực lượng vũ trang Nga sẽ không tấn công các mục tiêu tương tự nữa.

Ông nói với BBC: “Thiệt hại là rất nghiêm trọng”. “Chúng ta cần thời gian để sửa chữa nó.”

BBC đã phỏng vấn người dân ở Kharkiv về tác động của vụ tấn công hỏa tiễn đối với cuộc sống của họ.

Chủ một tiệm làm tóc, chỉ được xác định là Natalia, nói với phóng viên Sarah Rainsford: “Điều đó thực sự khó khăn, đặc biệt vì chúng tôi đều là phụ nữ và khi làm việc xong vào đêm khuya thì trời rất tối”.

Cô sử dụng máy phát điện để duy trì hoạt động kinh doanh ngay cả khi mất điện.

Một người dân khác của thành phố cho biết thời gian cắt điện có thể bị lệch: “Lẽ ra họ sẽ cắt điện khu vực của tôi lúc 09:00, vì vậy tôi đặc biệt dậy sớm để sạc mọi thứ. Sau đó tôi vào thang máy và bị kẹt. Họ cắt điện sớm quá!”

Một sinh viên tên Liza lo ngại về kho vũ khí quân sự của Nga: “Mọi người chán nản và nghĩ đến việc rời Kharkiv một thời gian. Chúng tôi nhận thấy quân đội của chúng tôi đang gặp khó khăn.”

Nhưng chủ tiệm Natalia lại lạc quan hơn. “Chúng tôi là bất khả chiến bại,” cô nói.

10. Kaja Kallas buộc phải bác bỏ trò đùa Cá tháng Tư đang lan truyền nhanh

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Kaja Kallas forced to dismiss viral April Fools’ NATO joke”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

“Không đúng,” thủ tướng Estonia thở dài.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã bác bỏ trò đùa Cá tháng Tư nói rằng cô đã “giành được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Pháp, Đức và Vương quốc Anh để trở thành tổng thư ký tiếp theo của NATO”.

Trò đùa đã lan truyền sau khi được xuất bản lần đầu bởi Estonian World - một tạp chí trực tuyến có trụ sở tại Luân Đôn viết về người Estonia trên khắp thế giới - cũng lưu ý rằng Kallas sẽ là người phụ nữ đầu tiên và là người đầu tiên từ Trung và Đông Âu lãnh đạo liên minh quân sự.

Lời chúc mừng tràn ngập, với một nhà bình luận nổi tiếng, nhà sử học Timothy Garton Ash, nói trên X () rằng “đây là một tin tuyệt vời - và gửi một thông điệp quan trọng tới nước Nga của Putin”. Diễn biến này xảy ra sau khi thế giới hết sức kinh ngạc trước thái độ trâng tráo của Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga, khi ông này ra lệnh truy nã Thủ tướng Estonia Kaja Kallas vì tội “có tâm tình bài Nga”.

Ngay sau đó, Kallas bước vào để dập tắt cơn sóng thần của những người dễ tin, trả lời Garton Ash, “Đây là trò đùa Cá tháng Tư của ai đó. Không đúng đâu.”

Cựu quan chức hàng đầu của NATO Camille Grand trên X. cho biết: “Việc trò đùa Cá tháng Tư này đã thu hút rất nhiều sự chú ý và ủng hộ cho thấy tiếng nói mạnh mẽ của Kaja Kallas trên chính trường chiến lược Âu Châu”.

Silver Tambur, một nhà xuất bản của tờ Estonian World, nói với POLITICO rằng mục đích của bài báo là nhằm tăng cường sự chú ý của công chúng đối với nỗ lực tranh cử NATO của Kallas. “Đó là một phần những gì chúng tôi muốn làm và tôi rất vui vì câu chuyện đã nhận được sự chú ý,” anh nói.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh quốc phòng POLITICO vào tháng 11, Kallas cho biết cô quan tâm đến việc đảm nhận công việc hàng đầu tại NATO khi liên minh thời Chiến tranh Lạnh tiếp tục điều hướng cuộc chiến của Nga ở Ukraine, cùng với việc tập trung vào các chiến lược chung chống lại Trung Quốc và các mối đe dọa mới nổi khác.

Nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo NATO hiện tại Jens Stoltenberg, người lãnh đạo liên minh quân sự từ năm 2014, sẽ kết thúc vào tháng 10 năm nay.

Nhà lãnh đạo mới của NATO sẽ được bổ nhiệm vào mùa hè này và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đang ở vị trí hàng đầu để đảm nhận công việc này sau khi nhận được sự tán thành từ Washington, Luân Đôn, Paris và Berlin.
 
ĐGH lên tiếng chê trách ĐTGM Georg Gänswein và ĐHY Robert Sarah trong cuộc phỏng vấn gây tranh cãi
VietCatholic Media
17:07 03/04/2024


1. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cám ơn Đức Thánh Cha vì kêu gọi trả tự do cho tù nhân

Đức Tổng Giám Mục Trưởng Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, vì đã kêu gọi trao đổi tất cả các tù binh giữa Nga và Ukraine, đồng thời, cám ơn tất cả ban lãnh đạo ngành ngoại giao Tòa Thánh vì hỗ trợ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk bày tỏ lập trường trên đây, hôm mùng 01 tháng Tư vừa qua, trong sứ điệp Video tuần lễ thứ 111 về cuộc tấn công qui mô của Nga chống Ukraine.

Trong sứ điệp Phục sinh, trước khi ban phép lành “Urbi et Orbi” với ơn toàn xá, cho Roma và toàn thế giới, trưa Chúa nhật, ngày 31 tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha đã nói đến chiến tranh tại Israel, Gaza, và Ukraine, nhấn mạnh “sự tôn trọng các nguyên tắc công pháp quốc tế và kêu gọi thực hiện một cuộc trao đổi toàn bộ các tù nhân giữa Nga và Ukraine, trao đổi tất cả”.

Đức Tổng Giám Mục Trưởng Shevchuk nói: “Những lời Đức Thánh Cha Phanxicô trên đây trong sứ điệp Phục sinh có một tiếng vang đặc biệt trong tâm hồn người Ukraine, biểu lộ lòng biết ơn đặc biệt đối với Đức Giáo Hoàng, nhân danh gia đình các tù binh của chúng ta, vì ngài đã kêu gọi trao đổi tất cả. Chúng tôi hy vọng các chính quyền sẽ nghe những lời Đức Thánh Cha và các gia đình Ukraine cũng như Nga sẽ chờ đợi những người thân yêu trở về nhà”.

Trong sứ điệp, Đức Tổng Giám Mục Trưởng cũng cám ơn ngành ngoại giao Tòa Thánh, đặc biệt Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, và Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Paul Richard Gallagher, vì tái ủng hộ chủ quyền và nền độc lập của Ukraine.

“Chúng tôi cám ơn Đức Hồng Y Quốc vụ khanh vì đã tuyên bố rằng nước Nga gây hấn phải là người trước tiên chấm dứt tấn công và giết hại người Ukraine, để các cuộc thương thuyết có thể bắt đầu tìm một giải pháp hòa bình và ngoại giao cho cuộc chiến này. Vì chúng tôi hiểu rằng khi Nga ngưng tấn công chúng tôi, sẽ không còn chiến tranh nữa, và khi Ukraine ngưng bảo vệ mình thì sẽ không còn quốc dân và quốc gia Ukraine nữa”.

Đức Tổng Giám Mục Trưởng cám ơn Đức Tổng Giám Mục Gallagher, vì mới đây trong cuộc phỏng vấn dành cho America Magazine đã nói rằng các biên giới quốc gia không được thay đổi bằng võ lực và các biên giới Ukraine là thành phần của những nền tảng công pháp quốc tế. “Tòa Thánh tôn trọng chủ quyền, nền độc lập và sự bất khả xâm phạm của biên giới Ukraine. Đối với người Ukraine, những lời này nói cho con tim của cộng đồng quốc tế, thật là điều rất quan trọng”.

2. Linh mục tuyên úy cộng đoàn Công Giáo Ukraine tại Thụy Sĩ bị kỷ luật

Linh mục tuyên úy cộng đoàn Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, tại Thụy sĩ đã bị giáo quyền liên hệ cách chức vì đả kích Đức Giáo Hoàng là “phò Nga”.

Đó là linh mục Nazar Zatorskyy, thuộc quyền Đức Cha Hlib Lonchyna, Giám quản Tông tòa Giáo phận Thánh Volodymyr Cả ở Paris, bao gồm các tín hữu Công Giáo Ukraine tại Pháp, Bỉ, Hoa Lục và Thụy Sĩ. Cha bị Đức Cha thu hồi sắc lệnh bổ nhiệm.

Cha Nazar năm nay 45 tuổi, cũng đang là sinh viên ban Tiến sĩ Thần học tại Đại học Fribourg. Cha đã từng ví Vladimir Putin với nhà độc tài Hitler của Đức, phê bình sự trung lập của Thụy Sĩ trong cuộc chiến Nga chống Ukraine, cũng như phê bình Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã do dự lên án Mạc Tư Khoa. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài truyền hình Thụy Sĩ nói tiếng Ý, khi Đức Giáo Hoàng kêu gọi Ukraine cũng như phía Nga hãy có can đảm “trương cờ trắng”, thương thuyết với nhau để chấm dứt chiến tranh, cha Nazar cáo buộc ngài là “tuyên truyền phò Nga”.

Đức Giám Mục bản quyền đã tước quyền làm việc mục vụ của cha Nazar, nhưng vẫn cho cha được cử hành thánh lễ. Cha tuyên bố với báo “Sonntags Blick”-Ngắm nhìn Chúa nhật, rằng cha không bị cấm nói, nên cha sẽ “tiếp tục chiến đấu cho tự do của Ukraine”.

3. Đức Phanxicô ca ngợi Đức Bênêđíctô nhưng khiển trách Đức Tổng Giám Mục Gänswein, và gọi Đức Hồng Y Sarah là ‘cay đắng’ trong cuốn sách mới

Elise Ann Allen của tạp chí Crux, ngày 2 tháng 4 năm 2024, tường trình rằng trong một cuốn sách phỏng vấn mới khác sẽ được xuất bản vào ngày thứ Tư 3 Tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở ra những căng thẳng giữa ngài và thư ký riêng của người tiền nhiệm Bênêđíctô XVI, Đức Tổng Giám Mục người Đức Georg Gänswein, người mà ngài nói đã khiến mọi việc “khó khăn” đối với ngài.

Nhiều người dự đoán rằng cuốn sách này chắc chắn sẽ gây ra thêm nhiều tranh cãi, đau khổ và chia rẽ trong Giáo Hội. Nhưng trước hết, nó sẽ phơi bày những rạn nứt sâu xa trong nội bộ Giáo triều Rôma.

Nói chuyện với Nhà báo Tây Ban Nha Javier Martinez-Brocal của ABC Español, Đức Phanxicô đề cập đến những so sánh giữa ngài và Đức Bênêđíctô, nói rằng những so sánh như vậy là bình thường, và ngay cả Đức Bênêđíctô cũng được so sánh với Đức Gioan Phaolô II.

Tuy nhiên, ngài cho biết một số điều được cho là không đúng sự thật đối với Đức Bênêđíctô XVI, và bày tỏ niềm tin của mình rằng những người coi việc từ chức của Đức Bênêđíctô là “sự kết thúc của Giáo hội” và việc đã gây ra tổn hại to lớn đều có “quan điểm hơi mang tính ý thức hệ. “

Đức Phanxicô, không nêu tên, cho biết Đức Bênêđictô đã từng “trục xuất” một người nói xấu ngài ra khỏi tu viện Mater Ecclesiae nơi Đức Bênêđíctô cư ngụ, “nhưng ngài đã làm điều đó một cách dịu dàng. Ngài quả là một chính nhân.”

Đức Phanxicô nói rằng ngài từng tâm sự với Đức Bênêđíctô rằng Gänswein, người từng là thư ký riêng của Đức Bênêđíctô trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài và những năm sau khi ngài từ chức, “đã làm một số điều rất khó khăn đối với tôi”.

Đưa ra một ví dụ cụ thể, Đức Phanxicô cho biết ngài đã từng thay thế nhà lãnh đạo một cơ quan của Vatican, không đề cập đến tên, “và quyết định này đã gây ra một số tranh cãi”.

“Giữa tất cả những ồn ào đó, người thư ký đã chủ động đưa ngài đến gặp Đức Bênêđíctô, vì người đó muốn chào thăm ngài. Vì vị giáo hoàng danh dự rất tốt bụng nên ngài đã chấp nhận,” Đức Phanxicô nói như thế, đồng thời cho biết vấn đề là “họ đã loan truyền bức ảnh về cuộc gặp gỡ đó, như thể Đức Bênêđíctô đang trả lời quyết định của tôi”.

Ngài nói, “Thành thật mà nói, điều đó không đúng,” đồng thời cho biết nhiều người muốn Đức Bênêđíctô trở nên “mạnh mẽ” hoặc “chỉ đạo” nhiều hơn trong những năm ngài nghỉ hưu và “tham gia vào trò chơi gây tranh cãi. Nhưng ngài chưa bao giờ làm thế.”

Khi được hỏi liệu ngài có tham khảo ý kiến của Đức Bênêđíctô XVI về quyết định đẩy lùi việc tự do hóa việc sử dụng Thánh lễ Latinh truyền thống của Đức Bênêđíctô hay không, Đức Phanxicô cho biết ngài chưa bao giờ nói chuyện với Đức Bênêđictô về điều đó, nhưng Đức Bênêđíctô đã từng bảo vệ ngài khi ngài phải đối đầu với những lời chỉ trích về việc ngài ủng hộ các cuộc kết hợp dân sự cho các cặp đồng tính.

Ngay sau khi cuộc tranh cãi về những nhận xét đó nổ ra, Đức Phanxicô cho biết, một nhóm Hồng Y đã đến gặp Đức Bênêđíctô về vấn đề đó, và trong cuộc gặp, “Đức Bênêđíctô không hề bị kích động, bởi vì ngài biết rất rõ những gì tôi nghĩ”.

“Ngài lắng nghe họ tất cả, từng người một, trấn an họ và giải thích” việc phân biệt giữa kết hợp dân sự và hôn nhân bí tích, nói với các Hồng Y rằng “đây không phải là một tà giáo”.

“Ngài đã bảo vệ tôi xiết bao!” Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết, tình huống này đã giúp ngài hiểu rằng có những người “che đậy một nửa và lợi dụng cơ hội nhỏ nhất để cắn tôi”, nhưng Đức Bênêđíctô “luôn bảo vệ tôi”.

Đức Phanxicô cũng đề cập đến những căng thẳng với những người ủng hộ Đức Bênêđíctô khác, đặc biệt đề cập đến cuốn sách xuất bản Tháng Giêng năm 2020 Từ sâu thẳm trái tim chúng ta: Chức linh mục, cuộc sống độc thân và cuộc khủng hoảng của Giáo Hội Công Giáo, được xuất bản với tư cách đồng tác giả của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Robert Sarah.

Vào thời điểm đó, người ta có ấn tượng rằng Đức Bênêđíctô đang đứng về phía Sarah bảo thủ trong việc bảo vệ luật độc thân linh mục vào thời điểm Đức Phanxicô đang cân nhắc các đề xuất cho phép truyền chức hạn chế cho những người đàn ông đã có gia đình ở một số khu vực của Amazon, sau Thượng hội đồng Giám mục năm 2019 về Amazon.

Đức Phanxicô nói, trước sự náo động, “Tôi cảm thấy buộc phải yêu cầu thư ký của Đức Bênêđíctô ‘tự nguyện nghỉ phép’, thôi giữ chức vụ Bộ trưởng Phủ Giáo hoàng cũng như tiền lương của ngài”.

Ngài mô tả Sarah là “một người đàn ông tốt” và một người của cầu nguyện, nhưng cũng tin rằng trong nhiệm kỳ làm bộ trưởng bộ phụng vụ của Vatican, Sarah “ngay lập tức bị các nhóm ly khai thao túng”.

Ngài nói: “Đôi khi tôi có ấn tượng rằng việc làm việc trong Giáo triều Rôma khiến ngài hơi cay đắng”.

Năm ngoái, sau cái chết và tang lễ của Đức Bênêđíctô XVI, Đức Phanxicô đã phái Gänswein trở lại Giáo phận Freiburg quê hương của ngài ở Đức mà không có chức vụ chính thức nào, bị nhiều người coi là làm mất mặt trực tiếp.

Những lời của Đức Phanxicô được đưa ra trong cuốn sách phỏng vấn mới Người Kế vị về mối quan hệ của ngài với Đức Bênêđíctô XVI, được Planeta xuất bản vào ngày 3 tháng Tư.

Nói một cách khái quát về mối quan hệ của ngài với Đức Bênêđíctô, Đức Phanxicô nói “Ngài không bao giờ ngừng ủng hộ tôi,” và ngay cả khi Đức Bênêđíctô không đồng ý với điều gì đó, “Ngài chưa bao giờ nói điều đó,” và thay vào đó chỉ chú ý đến các khía cạnh khác của một vấn đề nhất định nào đó.

“Nếu có một người tiến bộ, cấp tiến thì đó chính là ngài. Đến mức vào thời Công đồng Vatican II, người ta nhìn ngài một cách nghi ngờ. Ngay cả quyết định từ chức cũng rất tiến bộ, rất cấp tiến”, ngài nói thế, đồng thời ca ngợi Đức Bênêđíctô là “một nhà thần học vĩ đại”.

Ngài cho biết, “Tôi luôn chú ý điều này ngài là một trong những người đầu tiên luôn thận trọng và chính xác tại Công đồng Vatican II để đạt được mục tiêu cải tổ”.

Đức Phanxicô cho biết khi còn là Tổng Giám mục của Buenos Aires, mỗi lần ngài đến thăm Joseph Ratzinger lúc bấy giờ là Hồng Y, và là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin để thảo luận về những vấn đề như bổ nhiệm giám mục và cuộc khủng hoảng lạm dụng.

Ngài nói, Đức Bênêđíctô đã “hành động can đảm” về vấn đề lạm dụng và nghiêm chỉnh trong việc giải quyết mọi việc.

Ngài nhớ lại có lần, Đức Hồng Y Ratzinger lúc ấy đã có một cuộc gặp với các quan chức của Phủ Quốc vụ khanh Vatican để giải quyết các cáo buộc chống lại người sáng lập Đạo Binh Chúa Kitô bị thất sủng, Cha Marcial Maciel Degollado, và ngài đã mang hồ sơ về Maciel đến cuộc họp.

Tuy nhiên, sau cuộc họp, ngài đã gác hồ sơ lại, nói với thư ký rằng “hãy mang về văn khố, bên kia đã thắng”.

(Có khả năng nhắc đến cuộc xung đột giữa Ratzinger và Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ của Vatican, Hồng Y người Ý Angelo Sodano, người thân cận với Đạo Binh và phản đối hành động chống lại Maciel. Vai trò của Sodano sau đó đã được Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna công khai hóa).

Đức Phanxicô nói, bất chấp thất bại, Đức Bênêđíctô “không gạt vụ việc sang một bên hoặc bỏ qua. Ngài đã tìm kiếm thời điểm thích hợp và nhiều năm sau, với tư cách là giáo hoàng, điều đầu tiên ngài làm là đối mặt với vấn đề đó và giải quyết nó. Ngài là một chiến binh không đầu hàng, không bỏ cuộc cho đến khi hoàn thành những gì ngài cho là chính đáng “.

Năm 2006, với tư cách giáo hoàng, Đức Bênêđíctô XVI đã loại bỏ Maciel khỏi thừa tác vụ tích cực và kết án ông sống đời cầu nguyện và sám hối.

Đức Phanxicô nhớ lại Đức Bênêđíctô, trước khi từ chức, đã bảo vệ ngài vào năm 2011 khi các quan chức cấp trung trong Bộ Giám mục lúc bấy giờ muốn ngài mất chức lãnh đạo, vì thế ngài đã chuẩn bị từ chức khi ngài đến tuổi nghỉ hưu là 75, và đã chọn một tên mới là Tổng Giám mục tiếp theo của Buenos Aires.

Tuy nhiên, thay vì chấp nhận, Đức Phanxicô nói rằng Đức Bênêđíctô đã từ chối, nói rằng: “Tôi không biết tại sao Đức Hồng Y Bergoglio lại có quá nhiều đối phương ở đây,” và gia hạn nhiệm kỳ của ngài thêm hai năm nữa.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài tin rằng quyết định từ chức của Đức Bênêđíctô có thể là quyết định có hậu quả nhất mà ngài đã đưa ra. Đức Phanxicô cho biết ngài đã biết tin từ chức ngay sau khi nó được công bố, và một người bạn là nhà báo ở Rôma đã gọi điện cho ngài để cung cấp tin tức và thông tin chi tiết về mọi việc đang diễn ra.

Nhớ lại cuộc gặp đầu tiên với Đức Bênêđíctô XVI sau khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô cho biết đã 10 ngày sau khi được bầu làm giáo hoàng và trong cuộc trò chuyện đó, Đức Bênêđíctô đã đưa cho ngài một chiếc hộp chứa tài liệu về vụ tai tiếng Vatileaks.

Đức Bênêđíctô đề nghị những người mà ngài nghĩ nên bị cách chức, Đức Phanxicô nói, đồng thời cho biết ngài đã tiếp nhận những đề xuất này.

Đức Phanxicô cho biết ngài chưa bao giờ xem xét nghiêm chỉnh những báo cáo về căng thẳng giữa ngài và Đức Bênêđíctô, gọi chúng là “vô nghĩa. Tôi không can dự vào chúng”.

Ngài cho biết ngài đã gặp Đức Bênêđíctô thường xuyên và các ngài đã thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn như tiến trình cải cách “Con đường Đồng nghị” gây tranh cãi ở Đức.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã cho Đức Bênêđictô xem một lá thư vào tháng 6 năm 2019 mà ngài đã viết cho ban lãnh đạo Hội đồng Giám mục Đức, cảnh cáo rằng tiến trình này có nguy cơ phá vỡ sự hiệp nhất của Giáo hội, ngài nói rằng: “Đức Bênêđíctô nói rằng đó là một trong những tài liệu có liên quan nhất và cũng sâu sắc nhất mà Tôi đã viết.”

Ngài nói, “Chúng tôi đã nói về mọi điều một cách rất tự do”.

Nói về sự quá vãng của Đức Bênêđíctô XVI, Đức Phanxicô nhớ lại việc ngài biết được tình trạng sức khỏe của Đức Bênêđíctô không được tốt nhờ một y tá điều trị cho ngài, và ngài đã đến thăm Đức Bênêđíctô sau khi kết thúc buổi tiếp kiến chung hàng tuần, trong thời gian đó ngài xin các tín hữu cầu nguyện cho Đức Bênêđíctô.

Ngài nói rằng ngài đã ngồi với Đức Bênêđíctô một lúc, nói vài lời dịu dàng và ban phước lành cho Đức Bênêđíctô, nhưng trong khi rời đi cùng với y tá đã thông báo cho ngài về tình trạng sức khỏe bấp bênh của Đức Bênêđíctô, một trong những bác sĩ có mặt đã nhìn cô y tá một cách không hài lòng và gọi cô là “một điệp viên.”

Ngài nói, “Thái độ của những bác sĩ đó là giữ kín mọi điều. Theo một cách nào đó, điều đó khiến tôi hiểu rằng họ gần như đã ‘giam giữ Đức Bênêđíctô’”.

Khi được hỏi liệu ngài có phong Đức Bênêđíctô XVI là tiến sĩ Giáo hội hay không, một danh hiệu cao quý được trao cho các vị thánh được coi là đã có đóng góp đáng kể cho thần học hoặc tín lý, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng hiện nay quá trình ban vinh dự đó đang bị đình trệ.

“Có một căn bệnh của các dòng tu là yêu cầu những người sáng lập của họ được phong làm tiến sĩ của Giáo hội. Tôi đã dừng nó lại bởi vì, nếu chúng ta bắt đầu trao danh hiệu này cho mọi người, nó sẽ mất đi ý nghĩa của nó”, ngài nói thế, nhưng nói thêm rằng Đức Bênêđíctô “tất nhiên có khả năng thuộc hạng mục như vậy”.

Về những tin đồn rằng ngài đang có kế hoạch cải cách các quy tắc quản lý cách thức hoạt động của các mật nghị viện, Đức Phanxicô nói “chẳng có gì liên quan đến điều này cả,” và trong khi tất cả các giáo hoàng trong thế kỷ qua đã sửa đổi mật nghị viện theo một cách nào đó, thì ngài thấy không cần thiết phải làm như vậy. Về việc từ chức giáo hoàng trong tương lai, Đức Phanxicô bày tỏ niềm tin của mình rằng “điều đó tùy thuộc vào mỗi người”.

Ngài cho biết, “Ngay bây giờ, cánh cửa này đang mở…khả thể này luôn hiện hữu, nhưng Đức Bênêđíctô đã mở nó ra. Một số hỏi tôi xem tôi có định từ chức không. Có thể, nhưng hiện tại tôi thấy chưa cần thiết”.
 
Thánh Ca
Thánh Ca Phục Sinh: Khúc Ca Khải Hoàn - Sáng tác: Lm. Hùng Cường–Viễn Xứ - Trình bày: Ca Sĩ Kim Thúy
Kim Thúy
00:53 03/04/2024

Khúc Ca Khải Hoàn
Sáng tác: Lm. Hùng Cường – Viễn Xứ
Hòa âm: Việt Nguyễn
Trình bày: Ca Sĩ Kim Thúy