Ngày 03-04-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đạo Nhu của Chúa Giêsu trong cái nhìn Triết Đông
LM Trầm Ly
08:54 03/04/2012
Khi chúng ta càng tiến gần đến đỉnh cao của nhiệm cục cứu độ - cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá trong Tuần Thánh - chúng ta sẽ càng thấy rõ nét hơn con người của Chúa Giêsu - một con người đầy chất nhu hiền, hiền như cừu non ngoan ngùy im lặng cho người ta xén lông: "tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, chẳng tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi" (Is 50, 4-7).

Tìm hiểu các vị sáng lập trong các tôn giáo lớn hay các vị sáng lập Dòng, các vị thánh, tôi nhận thấy trong các vị ấy đều có chất nhu hiền, hay nói theo ngôn ngữ của nền triết học Đông Phương, đó là, các vị mang tính âm (học thuyết âm dương). Thật vậy, trong vũ trụ vạn vật, tất cả mọi sự đều có hai mặt đối lập nhưng tương tác nương trợ nhau để sinh ra sự sống. Âm bao gồm tất cả những gì là nhẹ nhàng, mềm dịu, bóng tối, bên dưới, chất lỏng, mát lạnh, bên phải, phía trong... Dương bao gồm tất cả những gì là nhanh nhẹn, cứng rắn, ánh sáng, bên trên, chất rắn, nóng ấm, bên trái, phía ngoài... Vì thế, chúng ta thấy có mặt trời thì ắt phải có mặt trăng, có trời thì cũng phải có đất, có mưa thì phải có nắng, có nam thì ắt phải có nữ, có tay phải thì có tay trái... Vũ trụ vạn thể để sinh tồn và phát triển cũng cần phải tuân theo quy luật âm dương như thế. Đó là thuyết âm dương trong Kinh Dịch. Để cho có sự hài hòa và phát triển thì âm dương phải điều hòa: Nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo (Hệ Từ Thượng, ch.V). Chữ Đạo ở đây mang nghĩa rất rộng, vốn xuất phát từ Trung Hoa cổ đại (Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi...), hầu hướng dẫn và dạy dỗ con người hướng đến một cuộc sống vẹn toàn và hạnh phúc đích thật. Chữ Đạo là một từ diễn tả sự vẹn toàn trên tất cả bình diện trong cuộc sống, như vật chất, tinh thần, siêu hình, luân lý, tâm linh... Theo Hán ngữ, Đạo là Con Đường như là phương tiện hướng đến mục đích, Con Đường của chân, thiện và mỹ, Con Đường dẫn đưa con người đến hạnh phúc và bình an. Nhưng theo Đạo Đức Kinh, Đạo là gì đó mà không thể diễn tả trọn vẹn bằng ngôn ngữ loài người được: "Đạo khả đạo phi thường Đạo (ĐĐK, Thượng Kinh, ch.I)" (Đạo mà diễn tả được thì không còn là Đạo nữa). “Đạo” ở đây là Nguyên Lý tối hậu, Chân Lý tận cùng của vũ trụ vạn thể – tương tự như “Không” của nhà Phật, hay Chúa của Thiên Chúa giáo. Đạo, trong Đạo Đức Kinh, là lối diễn tả tạm thời và hạn hẹp bằng cách vay mượn ngôn ngữ để nói về Chân Lý thẳm sâu và vô tận mà trí lực hạn hẹp của con người không thể thấu hiểu.

Vâng. Có một nét độc đáo của Đạo mà Lão Tử muốn truyền lại cho hậu thế, đó là Đạo mang thuộc tính âm hơn là dương. Thế nhưng, tính âm ở đây không chỉ là tính âm theo như Kinh Dịch đã nói nhất âm nhất dương chi vi đạo, nhưng mà là vượt trên cả tính âm ấy nữa. Hay nói cho dễ hiểu, tuy là âm đó, nhưng thực sự nó là dương vậy. Như vậy, tưởng rằng nó là âm, nhưng thực ra chính là dương được thăng hoa, được chuyển hóa ở tầm mức cao hơn: "Nhu thắng cương, nhược thắng cường (ĐĐK, c. 78)" (Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh).

Trong bài giảng Hiến Chương Nước Trời (Bài Giảng trên núi) về các mối phúc (theo thánh sử Mathêu hoặc kể cả Luca), hoặc câu nói của Chúa Giêsu: "hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường" (Mt 11,29), cũng như thái độ của Chúa Giêsu âm thầm 30 năm làm thợ mộc cho người cha nuôi và 3 năm còn lại đã rong ruổi không có nơi tựa đầu để rồi ngửa tay xin nước uống của người phụ nữ Samari, và nhiều chi tiết cho cuộc hành trình rao giảng của Ngài, cho đến ngày kết thúc kiếp phàm nhân trên cây gỗ chữ thập trong sự cô đơn, tủi nhục và câm nín... (Nếu theo Đạo Đức Kinh, Chúa Giêsu chính là Nhu Nhược. Nhưng thông thường, chữ nhu nhược vẫn bị hiểu sai ý nghĩa thực của nó) chúng ta thấy Chúa Giêsu sống mang tố chất âm nhiều hơn: nhu hiền, vâng phục, khiêm tốn, nhẫn nhục, chịu đựng, thất bại... Còn nếu là dương, thì Chúa Giêsu lẽ ra sẽ phải nóng nảy, trả đũa, la hét, chửi rủa, kiêu ngạo, tự mãn, nổi loạn, đấu tranh, chống đối, dữ dằn, háo thắng, háo chiến... Nhưng ngược lại, Ngài đưa má cho người ta giật râu, đưa mặt ra cho người ta cười nhạo, cho người ta gí bọt giấm vào miệng... Chúa Giêsu - Vua đất trời - đã thất bại đến là tội nghiệp! Đúng là một thất bại trên mọi thất bại của trần gian. Ngài đã thua đậm!

Ai cũng biết đến vị thánh hiền của Ấn Độ là Mahatma Gandi, vẫn còn đang sống mãi trong lòng dân tộc ông. Ngài đã sống nhân hiền và nghèo khó, ngài dùng bất bạo lực để thắng bạo lực, và đã ngã gục vì bạo lực trần gian! Vị thánh Francois de Sales, khi còn chưa ngộ đạo, rất nóng nảy và kiêu ngạo, nhưng chẳng bao lâu sau đó, ngài đã tuyên bố một câu đầy trải nghiệm: "Tất cả mọi sự trên cõi đời này sẽ bị khuất phục bởi sự diệu hiền chứ không phải bằng bạo lực”.

Ngắm nhìn xã hội ngày nay, nhất là những nước phát triển khoa học kỹ thuật tột bực, chúng ta lại chứng kiến già lẫn trẻ vội vã nhiều hơn, nóng nảy nhiều hơn. Xem ra đất nước nào càng phát triển, con người ở đó càng bị căng thẳng thần kinh và ít biết kiên nhẫn hơn. Cứ quan sát những nơi đợi chờ trong nhà thương, trạm xe buýt, những nơi xếp hàng tính tiền trong siêu thị, cửa hàng,... chúng ta nhận thấy hầu như khuôn mặt nào cũng thấp thỏm không yên, thậm chí có khi bắt gặp những thái độ gắt gỏng khó chịu khi bị xâm phạm chút quyền lợi. Đồng hồ càng được chế tạo cao cấp bao nhiêu thì ra như con người lại không có đủ thời gian, nên cứ thế tất bật cho đến hoảng loạn. Khi xưa sử dụng đồng hồ cát, con người thật sự đến là thong dong và vui hưởng cuộc sống an nhàn! Con người bây giờ đang sợ hít thở bầu khí vì lỗ hổng tầng ozone do chất thải công nghiệp và máy móc hiện đại, bầu khí cả trong và ngoài ngôi nhà mình, sợ những thực phẩm và thức uống vì bao nhiêu hóa học đang tác động... Thời đại này là thời đại dành cho tầng lớp chiến thắng và có máu mặt: thương gia, đại gia, sinh viên giỏi, nhân viên có tay nghề cao, các nhà lãnh đạo xuất sắc hoặc giàu có... Xã hội hôm nay đang ở trong thời đại tuyển lựa và loại trừ trên mọi bình diện. Thậm chí, trong môi trường tôn giáo, các ứng sinh cho các chức vị như linh mục, giám mục, hồng y, tổng trưởng bộ... cũng ở trong guồng máy của xã hội như thế, nhưng có phần tinh vi và khôn khéo hơn.

Khi mà thế giới càng ngày càng trở thành một bộ máy tuyển chọn và đào thải - Tuyển chọn cái tốt nhất, đẹp nhất, và đào thải cái kém cỏi, cái xấu xí - thì những cái xấu, cái dở sẽ càng không còn chỗ đứng nơi thế giới ấy nữa. Dẫn chứng rõ nhất là sinh sản vô tính (phương pháp cloning: cấy tế bào nguyên thủy chưa phân hóa), với hy vọng là trong tương lai thế giới này sẽ là thế giới của những con người ưu tuyển!

Khi thế giới mỗi lúc đi trên con đường mang tố chất dương, như thể hiện, trình diễn, chiến thắng, danh vọng, giàu có, trọng bề ngoài, tài trí, nhanh nhẹn, hiệu quả... thì thế giới sẽ ngày càng xa tố chất âm, đó là thuộc tính của Đạo. Khi đã xa Đạo, con người sẽ đi đến tình trạng bị hủy hoại, một sự hủy hoại tận bên trong, tận cốt lõi của nhân loại nói chung, và của tâm hồn của mỗi người nói riêng. Chính đám đông trải thảm cho Vua Giêsu và tung hô: "Vạn tuế, vạn tuế Đức Vua Đavit!" thì sau đó chưa đầy một tuần, cũng là đám đông ấy gào thét kết án: "Đóng đinh nó vào thập giá!" Kẻ xa Đạo thì đông hơn người theo Đạo. Thế giới mang tố chất dương thật hấp dẫn! Vì thế giới này hứa hẹn nhiều phần thưởng, nhưng phần thưởng đó chỉ là quả bóng xà phòng được thổi phồng lên, được phản chiếu từ ánh sáng mặt trời cho người ta thấy nhiều màu sắc lấp lánh, rồi ngay sau đó vỡ toang một cách chưng hửng! Chúa Giêsu đã khước từ ba sự cám dỗ rất hấp dẫn của Satan khi Ngài đang ăn chay cầu nguyện trên núi.

Hãy chiêm ngắm từng hành vi của thầy Giêsu, Con Thiên Chúa, khiêm cung cởi áo choàng, thắt dây lưng, cúi xuống, rửa chân cho từng đồ đệ nghèo hèn của mình. Thầy Giêsu - Thiên Tử - chỉ vỏn vẹn có 12 đồ đệ, nhưng lại là đồ đệ nhát đảm, đầy những giới hạn và hám danh lợi vật chất.

...Hãy chiêm ngắm Vua vũ trụ bị lôi ra như tên tử tội trước tổng trấn Philatô, Ngài đã im lặng cách ngoan ngùy trước những câu tra vấn của y cũng như tiếng giận dữ của dân chúng.

...Hãy chiêm ngắm thập giá gỗ quá nặng với sức của con người Giêsu mà Ngài phải tự kéo lê lết lên đồi Calvê, sau 40 ngày chay tịnh.

...Sau cùng, hãy lắng nghe 7 lời sau cùng của Người Con Chí Ái trên thánh giá...

Từng cử chỉ, thái độ, lời nói, việc làm của thầy Giêsu chất chứa đầy tràn âm tính, và đây, cũng chính là chất tình chất yêu vậy.

Vâng! "Đây là cây gỗ giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian, chúng ta hãy đến thờ lạy."
 
Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh: Hiện điện
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:49 03/04/2012
Thứ Năm Tuần Thánh: (Xh 12, 1-8. 11-14; 1Cor 11, 23-26; Ga 13, 1-15).

Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu, có nghĩa là hiện hữu đời đời. Với lịch sử ơn cứu độ, Thiên Chúa đã tỏ hiện ra với loài người qua nhiều hình thức. Thiên Chúa đã xuất hiện với các tổ phụ qua các thiên thần và qua bụi gai cháy mà không tàn lụi và các sự lạ lùng trong thiên nhiên vũ trụ như sấm, chớp, động đất, cột mây và lửa cháy bụi gai không tàn lụi.

Thiên Chúa đã nuôi dưỡng Dân Do-thái bằng Manna, thịt chim cút và suối nước nguồn. Gia bảo của Dân lữ hành là Hòm Bia Thiên Chúa. Hòm Bia chứa đựng Manna và bia đá khắc ghi Thập Giới luôn hiện diện giữa toàn dân. Dân chúng tin tưởng chính Thiên Chúa đang cùng đồng hành với họ.

Môisen đặt Hòm Bia nơi Lều Tạm để nên dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện với dân Ngài. Khi di chuyển hay khi lâm trận, dân Do-thái đã khiêng Hòm Bia cùng đồng hành chiến đấu. Họ tin tưởng rằng Thiên Chúa đã cùng chiến đấu với họ.

Khi thời gian đã mãn, Chúa Giêsu giáng trần hiện diện giữa lòng Dân tộc. Chúa đã đi vào lòng đời và đã đồng hành với họ, nhưng chẳng mấy ai nhận ra Ngài. Chúa đến nhà các gia nhân mà các gia nhân không nhận ra người. Thánh Gioan đã ghi nhận: Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1, 11).

Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Nazarét, Chúa Giêsu xuất hiện rao giảng tin mừng cho các dân thành nước Do-thái trong vòng ba năm. Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ để bày tỏ quyền năng của Ngài. Dân chúng nhận lãnh các ân sủng chữa lành, ngắm nhìn sự lạ và lắng nghe tin mừng cứu độ nhưng họ vẫn không nhận biết sự viếng thăm này của Thiên Chúa.

Khi giảng dậy, Chúa Giêsu dùng nhiều dụ ngôn để nói về Nước Trời. Ngài đã mở cửa Nước Trời để đón nhận những ai muốn lắng nghe và thực hành lời Chúa. Chúa Giêsu mời gọi và chọn từng người gia nhập vào đoàn tông đồ và môn đệ. Chúa đi rong ruổi khắp các làng mạc để đưa những con chiên lạc trở về. Chúa thương yêu ấp ủ dân như gà mẹ ấp con dưới cánh (Lc 13,34).

Xưa kia, mỗi khi lâm trận hay gặp khó khăn, dân Do-thái khiêng Hòm Bia đi tiên phong dẫn đường chiến đấu với quân thù. Ngày nay, khi đối diện với muôn nghịch cảnh ở đời, chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta có thể múc tận nguồn ân sủng và sự khôn ngoan nơi Thánh Thể Chúa. Chúa luôn hiện diện đó để đón chờ chúng ta đến viếng thăm.

Các Nghi Thức ngày Thứ Năm Tuần Thánh ghi khắc sâu xa về ý nghĩa việc Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể. Trước khi cử hành nghi thức Bẻ Bánh, Chúa đã hạ mình cúi xuống rửa chân cho các tông đồ. Một thái độ bất ngờ và rất ấn tượng làm cho ông Phêrô phải ngại ngùng bối rối và chối từ. Chúa đã nêu gương đời sống phục vụ mà chưa từng có ai đã nghĩ tới.

Chúa Giêsu đã dành phần quan trọng nhất trong dịp Lễ Vượt Qua của người Do-thái để thiết lập một lễ Vượt Qua mới bằng chính máu của Ngài. Đây là giáo ước mới: Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy." Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em (Lc 22, 19-20).

Chúa Giêsu muốn các tông đồ hãy cử hành việc này mà tưởng nhớ đến Chúa. Ngay từ thời các tông đồ, mọi nơi mọi lúc Giáo Hội không ngừng thực hiện lời di chúc thánh này. Bí tích Thánh Thể trở thành trung tâm điểm của đời sống người tín hữu. Qua Bí tích tình yêu này, Chúa Giêsu kết hợp nhiệm mầu với con người. Chúa đã tha thiết cầu nguyện cùng Chúa Cha rằng: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con (Ga 17,23).

Tiếp theo nghi thức bẻ bánh là những lời lẽ rất chân tình, Chúa khuyên dạy các tông đồ hãy sống khiêm nhu phục vụ: Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ (Lc 22, 26). Chúa Giêsu đã chuẩn bị tâm hồn các tông đồ để đối diện với tất cả những gì sẽ xảy ra trong cuộc đời nhân chứng.

Chúa Giêsu muốn nối kết mọi người với chính thân mình. Chúa phán: Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Ga 15,5).Chúa ban nguồn sự sống cho mọi người. Chúa mời gọi mọi người hãy vác thánh giá theo Chúa. Hãy đến học với Chúa, vì Chúa hiền từ và khiêm nhượng trong lòng. Những ai buồn sầu khổ sở, hãy đến, Chúa sẽ nâng đỡ bổ sức cho. Chúa còn cho chúng ta được đồng bàn cùng ăn một bánh và uống chung một chén.

Chúa muốn hiện diện với chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể. Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Thịt Máu của Chúa. Chúa hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể để chúng ta có thể tôn thờ, gặp gỡ, tâm sự, cầu nguyện và còn là thần lương bổ dưỡng tâm hồn. Chúa Giêsu đã gói trọn tất cả lề luật trong giới răn yêu thương: Yêu Chúa và yêu người.

Bắt đầu từ chiều nay, tất cả các cộng đoàn dân Chúa trên khắp thế giới sẽ tượng niệm hành trình thương khó của Chúa một cách trọng thể. Ngay sau thánh lễ, nghi thức rước Thánh Thể đến tòa cạnh để mọi người cùng tôn thờ và suy niệm. Khung cảnh trong nhà thờ trống vắng, không hoa nến, không khăn bàn thờ và nhà tạm mở cửa trống. Nhắc nhớ chúng ta về sự nín lặng mà Chúa phải cam chịu do sự thù ghét cáo gian buộc tội của con người. Chúa bị bắt, chịu kết án và chịu khổ hình.

Không phải Chúa chịu hình khổ một lần mà các sự khổ đau vẫn tiếp tục xảy ra nơi nhiệm thể của Chúa Kitô là Giáo Hội của Ngài. Chúa đã chấp nhận thân phận làm người, nên mỗi người đều được mời gọi để chia phần đau khổ và vinh dự của Chúa. Chúa còn đóng vai những người cùng khốn, kẻ xấu số, kẻ bị bỏ rơi, bệnh hoạn tật nguyện, người đói khát và kẻ tù đầy. Những ai ra tay giúp đỡ những kẻ xấu số này sẽ được Chúa thưởng công: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”(Mt 25,40). Khi các Kitô hữu bị bách bớ, Chúa đã rat ay bênh vực: Saulô, Saulô, tại sao người bắt bớ Ta?

Chúng ta hãy dùng thời giờ thinh lặng để ở lại bên Chúa. Cảm nhận tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Ngắm nhìn hình ảnh đau thương của Chúa nơi hiện trường hành xử. Cây gỗ giá đã trở thành giá cứu chuộc. Một thân hình vạm vỡ mạnh khỏe bị đánh gục ngã. Chúa chịu hình khổ như thế để làm gì? Chiêm niệm sâu lắng về mầu nhiệm ơn cứu độ.

Bí Tích Tình Yêu là giao ước mới được ký kết bằng giá máu. Giá máu của Đấng là trung gian vũ trụ, nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành. Con người đã đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá. Người Con đó lại xin Chúa Cha tha thứ cho tất cả những việc hung ác họ đã làm. Chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm tình yêu tha thứ này. Quỳ bên Thánh Thể Chúa, chúng ta hãy cùng khẩn nguyện xin ơn yêu thương và tha thứ.
 
Thứ Sáu Tuần Thánh: Người tôi tớ
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
11:00 03/04/2012
Thứ Sáu Tuần Thánh: Người tôi tớ (Is 52, 13-53.12; Dt 4, 14-16. 5,7-9; Ga 18, 1-19.42).

Tiên tri Isaia đã trình bày bài ca thứ tư về người Tôi Tớ Chúa rất bi thương. Người tôi tớ mang lấy sự đau yếu hèn mọn và tội lỗi của nhân loại. Isaia tả chân dung của người tôi tớ với hình ảnh thảm thương: Người tàn tạ, mất hết vẻ người, dung nhan không còn, bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn, như kẻ đau đớn nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bị coi như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Người hiến thân tình nguyện và không mở miệng, chẳng hé môi như con chiên bị đem đi giết.

Con đường Thiên Chúa chọn để đến với con người là con đường khiêm hạ. Một Thiên Chúa cao cả vĩ đại hạ thân làm một con người xác phàm, ngoại trừ tội lỗi. Chúa chọn sinh ra trong khó nghèo, sống đơn sơ đạm bạc, gặp gỡ giới bình dân nghèo khổ và chọn lựa các môn đệ từ những người chài lưới, lao động và ít học. Chúa Giêsu xuất hiện là một Đấng Messia âm thầm và kín đáo. Chúa rao giảng về Nước Trời cho những kẻ đơn sơ bé mọn. Từ mấy trăm năm trước, các tác giả Thánh Vịnh đã nói về Ngài như một đấng bị khinh bỉ và chối từ. Một vị Thiên Chúa giáng trần như bị lạc lõng giữa cõi đời: Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi, thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai (Tv 22, 7-8).

Người tôi tớ bị đối xử cách bất công. Tinh thần của người tôi tớ bị áp đảo, thân xác bị đòn đánh và áo choàng bị cắt xẻ chia chắc cho nhau. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay, xương con đếm được vắn dài; chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem. Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn (Tv 22, 17-19). Mọi người từ Vua quan đến hàng Tư tế và dân chúng hùa nhau la hét và lên án tử hình. Hình ảnh người tôi tớ là hình ảnh của chính Chúa Giêsu trên đường chịu nạn. Không còn thiếu một hình khổ nào mà Chúa không phải chịu. Tất cả mọi lời tiên tri đã được hoàn tất nơi con người của Chúa Giêsu.

Lời than của Thánh Vịnh: Con bị tai ương, người thân kẻ nghĩa chẳng tới gần, bà con ruột thịt cũng đứng xa. Kẻ tìm giết con bủa giăng cạm bẫy, đứa mưu hại con buông lời độc địa, suốt ngày chúng nghĩ kế phỉnh gạt con (Tv 38, 12-13). Chúa hiểu rõ sứ mệnh của người tôi tớ. Chúa không hóa giải hoặc trốn lánh những đau khổ sẽ phải chịu. Mọi sự xảy đến tự nhiên, không ai sắp đặt nhưng đã được tiên báo mọi chi tiết diễn tiến của người tôi tớ dâng mình làm hiến lễ. Đêm hôm Chúa bị bắt, trong số các môn đệ thân tín có kẻ phản bội, kẻ chối Chúa, nhiều kẻ bỏ chạy và có kẻ đứng xa xa ngóng nhìn. Thật sự, giữa sức mạnh của cường quyền và áp lực xã hội, các tông đồ phải rút lui và trốn chạy, đây là lẽ thường. Sau khi hoàn tất chén đắng, Chúa Giêsu đã phục sinh từ cõi chết. Chúa đã qui tụ các tông đồ và ban Thánh Thần cho họ. Các Tông đồ đã trở thành những chứng nhân đích thực rao giảng tin mừng Nước Trời. Đây chính là chương trình cứu độ của Chúa.

Tư tưởng của Chúa không phải tư tưởng của con người. Đường lối của Chúa đi không là đường của thế gian. Chúa hạ thân làm người. Chúa chấp nhận thân phận của người tôi tớ phục vụ. Chúa đã đến gặp gỡ tất cả các tầng lớp cùng đinh và người sầu khổ. Từ đáy vực thẳm, Chúa nâng con người lên. Chúa Giêsu trở thành trung gian hòa giải giữa Thiên Chúa và loài người: Bởi vậy, Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa (Dt 9,15). Chỉ có Chúa Kitô mới đền bù đầy đủ tội lỗi do con người mắc phạm.

Ngày xưa cha ông chúng ta đã dùng các con thú vật để tiến lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa. Qua các nghi lễ đền tội, các tư tế đánh đập các con vật để gánh tội mình, rồi xua chúng vào hoang mạc cho chết dần. Máu của chiên bò tanh hôi có thể dùng như dấu chỉ thay thế sự hy sinh bản thân. Nay Chúa Giêsu đã dùng chính máu mình để hiến dâng lễ hiến tế đền tội cho nhân loại. Chỉ một lần là đủ: Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta (Dt 9,12).

Giá máu hy tế của Con Thiên Chúa xóa bỏ tội lỗi của con người: Cũng vậy, Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người (Dt 9,28). Công cuộc cứu độ của Chúa mở rộng cho mọi người, nhưng chỉ những ai sống, thực hành và mong đợi thì được ơn cứu độ. Ví như dòng sông ân sủng bao la tươi mát như nước nguồn tuôn chảy không ngừng, nhưng nếu chúng ta không uống và không nhận lãnh, chúng ta sẽ bị chết khô, chết khát. Và nếu chúng ta không ngụp lặn và tắm gội trong ân sủng, chúng ta sẽ chẳng được lành sạch và no thỏa.

Hy tế của Giêsu trên thập giá là Giao Ước mới trọn vẹn và hoàn hảo. Xưa cây thập giá thường để treo các tội nhân bị tử hình, nay thập giá trở thành giá treo Đấng Cứu Độ. Chúa Giêsu chấp nhận một xử hình bị xem là nhục nhã và thấp hèn nhất. Chúa đã vác cây thập giá thật, bị đóng đinh chân tay vào thập giá và đã chết trên thập giá. Cây thập giá trở thành giá cứu chuộc. Vào mỗi Thứ Sáu Tuần Thánh, khi Giáo Hội cử hành nghi thức Suy Tôn Thánh Giá, mỗi người chúng ta lại có cơ hội đến thờ lạy và hôn kính Thánh Giá của Chúa. Linh mục nâng cao Thánh giá và ca lên: Đây là cây gỗ giá, nơi treo Đấng cứu Độ trần gian, chúng ta hãy đến thờ lạy.

Mỗi thứ Sáu, chúng ta có thói quen đọc và suy niệm 14 chặng đàng thánh giá. Mỗi chặng đường, chúng ta nguyện: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho Thiên hạ. Chúa Kitô đã dùng Thánh Giá để cứu độ. Thánh Giá là giá máu. Thánh giá là bảo chứng của tình yêu. Thánh giá là biểu tượng của niềm tin. Thánh giá là dấu chỉ của niềm hy vọng. Thánh giá là sự chiến thắng tội lỗi. Qua thánh giá, chúng ta sẽ nhận lãnh triều thiên vinh quang. Thánh giá là đường dẫn đến sự sống. Làm dấu thánh giá, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta cùng tôn thờ thánh giá Chúa. Hãy ý thức mỗi khi chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta hãy làm dấu thánh giá trên mình một cách kính cẩn. Chúng ta mang thánh giá trên cổ, trên ngực và trên người cách tôn trọng. Các mục tử ban phép lành hình thánh giá một cách trang nghiêm và thánh thiện. Thánh giá là gia bảo của mọi tín hữu. Đặt thánh giá nơi tôn kính trên bàn thờ, trong phòng hoặc trong nhà. Thánh giá được dương lên cao khắp nơi. Nơi nào có người Kitô hữu, nơi đó có thánh giá. Nơi nào có thánh giá, nơi đó đã có hạt giống đức tin. Đã có biết bao đấng bậc cha ông của chúng ta đã dám hy sinh mạng sống giữ vững đức tin: Thà chết, chứ không bước qua thánh giá.

Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh giá để chuộc tội cho thiên hạ. Xin cho chúng con biết vác thánh giá hàng ngày mà theo Chúa: Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được (Lc 14,27). Mang thánh giá là mang thân phận của người tôi tớ. Tôi tớ thì biết phục vụ. Tôi tớ thì phải chịu thua thiệt. Xin giúp chúng con biết dấn thân phục vụ anh chị em trong tình yêu.
 
Thứ Bảy Tuần Thánh: Mồ đá
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
11:01 03/04/2012
Bài Thương Khó của Chúa Giêsu kết thúc với câu: Vì là ngày chuẩn bị lễ của người Do-thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa Giêsu trong mồ đá (Ga 19,42). Chúa Giêsu đã tắt hơi thở. Chúa đã chết trên thập giá. Người ta đã hạ xác Chúa xuống, khâm liệm cùng với thuốc thơm và chôn trong mồ đá. Họ đã lấp cửa mộ. Xem ra mọi sự đã xong. Mọi người trở về nhà mình. Có kẻ thì vui mừng vì đã đạt được ước nguyện. Có kẻ thỏa mãn vì đã tiêu diệt được đối phương. Có kẻ thì lo sợ vì không hiểu được sự việc, nên Vua quan đã cho lính canh mộ. Có kẻ buồn sầu chán nản bỏ về quê cũ. Có kẻ thương khóc đau buồn. Có người âm thầm suy niệm và tin tưởng, hy vọng. Sự kiện Chúa Giêsu bị án tử hình thập giá là một biến cố rất quan trọng được ghi chép rất cẩn thận.

Đây là một biến cố lịch sử, lịch sử của Ơn Cứu Độ. Giờ đây chúng ta không tìm tòi chứng tích hay thử nghiệm. Chúng ta dùng thời gian thinh lặng qúi báu để gẫm suy về sự đau khổ và sự chết của Chúa. Ai trong chúng ta cũng từng có những kinh nghiệm đau thương khi phải vĩnh biệt người thân. Sau cái chết của Chúa Giêsu, đã có biết bao nhiêu người bị thất vọng, bị hụt hững và buồn sầu chán nản. Tâm trạng khác biệt của mỗi tâm hồn khi đối diện với cái chết của Chúa. Trong số đó có cả các tông đồ đã bỏ mọi sự đi theo Chúa. Mẹ Maria và Gioan đau buồn nhận lời trăn trối của Chúa. Đức Maria đã can đảm hiện diện dưới chân thập giá và ngắm nhìn con mình trong cơn hấp hối. Sự sầu bi của Mẹ mang một ý nghĩa sâu thẳm. Mẹ đang đồng công chịu khổ đau với Con mình để hoàn tất lễ hiến tế.

Mẹ ôm xác con lạnh giá. Mẹ vẫn một lòng xác tín, con của mẹ là Con Thiên Chúa. Mẹ đã sống và suy gẫm mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể ngay từ khởi đầu. Mẹ đành phải chôn táng xác con nơi mộ đá. Lòng mẹ thổn thức. Mẹ không bỏ cuộc. Mẹ gẫm suy từng lời, từng hành động và từng sự kiện xảy ra. Lòng mẹ như bị dao sắc thâu qua trái tim. Trở lại khung cảnh tang thương, phòng không trống trải và tâm hồn vắng lặng. Giờ đây, chỉ có Mẹ là niềm hy vọng và là niềm cậy trông. Mẹ tiếp tục qui tụ cầu nguyện, an ủi vỗ về và là chỗ tựa nương cho các tông đồ. Mẹ cùng các tông đồ đã sống trong những giây phút tĩnh lặng sâu thẳm.

Trong biến cố Thương Khó của Chúa, nhiều người đã vấp phạm. Giuđa bán Chúa. Phêrô đã chối Chúa. Gioan bỏ áo choàng mà chạy. Các tông đồ khác lẩn trốn. Các môn đệ hoang mang nghi ngờ tản mác. Dân chúng phân rẽ người thương, kẻ ghét và người theo, kẻ chống. Chỉ còn một số bà đạo đức cùng với mẹ Maria dõi theo bước chân Chúa. Đức Mẹ đã theo sát con mình từng chặng đường. Mẹ nhìn con tàn tạ, thân xác con nát bét vác thập giá nặng, khóc thương Con chịu những mũi gai nhọn đâm vào mình. Mẹ chứng kiến lễ hy tế cho đến giây phút cuối khi Con tắt thở. Mẹ một lòng tin tưởng, nhẫn nhục, vững tâm và can đảm. Còn các tông đồ sống trong tâm trạng ngại ngùng, sợ hãi và lo buồn. Mẹ đã củng cố lòng tin của các ông. Mẹ không trách cứ những lỗi lầm và yếu đuối của các tông đồ. Mẹ đã giúp các ông tìm lại niềm tin qua những lời Chúa Giêsu đã tiên báo: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại (Ga 2,19).

Khung cảnh nhà thờ vào Thứ Bảy Tuần Thánh thật trống vắng. Không cử hành phụng vụ, cung thánh để trần, không hoa nến và khăn bàn, nhà tạm trống vắng và mọi người sống tinh thần canh thức. Chúa Giêsu còn trong mồ đá. Từ tạo thiên lập địa và cho đến ngày tận cùng của vũ trụ, sự kiện Chúa chết nằm trong mồ đá chỉ xảy ra một lần. Gioan thánh sử đã viết: Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa (Ga 1,1). Ngôi Lời đã nhập thể hóa thân làm người, gọi là Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã tắt thở trên thập giá. Gioan đã xác nhận: Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người (Ga 19,33).

Chúa Giêsu đã dậy rằng: Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12,24). Chúa Giêsu đã chuẩn bị tinh thần và lời giảng dạy rất rõ ràng. Chúa đã nói với ông Nicôđêmô: Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy (Ga 3,14). Chính Chúa dâng hiến cuộc sống mình để vâng theo thánh ý Chúa Cha. Đây là chén đắng Chúa đã tự nguyện uống. Trong tâm tình bồn chồn canh thức nơi vườn Dầu: Chúa Giêsu sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha (Mt 26,39). Chúa đã chọn con đường đau khổ thánh giá để đạt tới vinh quang sống lại.

Chúa Giêsu đến không phải để phá bỏ lề luật nhưng làm cho kiện toàn. Chúa đã giảng dạy, đã sống và kiện toàn mọi lề luật và giới răn. Con đường Chúa đi là con đường của tình yêu. Tình yêu khỏa lấp mọi đau khổ. Chúa đã chấp nhận đường thánh giá cũng chỉ vì tình yêu. Chỉ ai biết yêu mới học được bài học của thập giá. Chúa Giêsu đã từng dậy: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13). Tình yêu Chúa bao la tuyệt vời. Chúng ta cùng chiêm ngắm, gẫm suy và chìm lặng trong biển tình của Chúa. Chúa đã hiến dâng đến giọt máu cuối cùng. Chúa đã yêu thương và tha thứ tất cả mọi lỗi lầm cho những người đã nhúng tay giết hại Chúa: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23,34).

Chúa đã tha thứ và xóa sạch tất cả mọi tội lỗi của những kẻ vu oan, thù ghét, đánh đập, chửi rủa, khinh bỉ, nhạo cười, bội phản và giết Chúa. Chúng ta không nên khơi lại lỗi lầm của họ. Chúng ta không khinh bỉ lên án quân Giu-rêu, quân dữ, thằng Baraba…Chúng ta cũng không phiền trách hay kết án họ. Chúa đã chết cho tội lỗi của họ rồi. Đúng thật, họ đã làm vì họ không biết. Khi Chúa tắt thở, bóng tối bao phủ mặt đất, đã có nhiều người đấm ngực ăn năn: Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Người này đích thực là người công chính! " Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về (Lc 23,47-48).

Điều quan trọng nhất là chúng ta có những tâm tình nào khi tưởng niệm việc Chúa chịu thương khó, chịu chết và chôn trong mộ đá. Chúng ta đã suy niệm, lắng nghe và diễn tuồng theo trình thuật của bài Thương Khó. Đã có những giọt nước mắt cảm thương chảy xuống. Cũng có những tâm tình xót xa và thương hại. Điều cần thiết là phải đấm ngực ăn năn như dân chúng xưa. Chúng ta ăn năn hối lỗi vì đã phạm tội làm xỉ nhục danh Chúa, tội vu vạ cáo gian, tội bỏ Chúa chạy theo tà thần, tội ích kỷ, tội thù ghét, tội gian dối, tham lam, tội đồng lõa hại người và tội giết hại người qua lời nói và hành động. Chúng ta biết việc chúng ta đã và đang làm. Điều này khác với dân chúng ngày xưa khi họ kết án Chúa vì không biết việc họ làm.

Lạy Chúa, Chúa nằm trong mồ đá. Chúa đã phải chịu cam khổ cực hình vì tội lỗi của chúng con. Tội lỗi của mỗi người chúng con càng làm cho vai Chúa trĩu nặng. Xin cho chúng con biết ăn năn sám hối tội mình và quay trở về bên Chúa. Chỉ cần bỏ đi được một tội hay bớt đi một thói quen xấu mỗi ngày, chúng con sẽ tìm thấy niềm vui hé mở của Nước Trời. Chúa đã chết để mang lại sự sống và sự sống dồi dào hơn. Chúa Giêsu phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).
 
Lễ Chúa Phục Sinh: Thấy và Tin
Lm Đan Vinh
11:05 03/04/2012
THẤY VÀ TIN Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9

1. LỜI CHÚA: Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8).

2. CÂU CHUYỆN: SỨ MỆNH RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH CHO CÁC DÂN TỘC :

Một câu chuyện ngụ ngôn về sứ mệnh được sai đi của Giáo hội như sau :

Sau khi chịu chết trên thập giá, Đức Giê-su đã sống lại và vào trong vinh quang. Tuy vậy, trên tay chân và cạnh sườn, Người vẫn còn mang những dấu đau thương từ những cây đinh và lưỡi đòng đâm thâu. Một vị thiên thần đã hỏi Người rằng: “Chắc Chúa đã phải chịu muôn vàn đau khổ nhục nhã do loài người dưới thế gây ra ?” Đức Giêsu đáp : “Đúng vậy !” Thiên thần hỏi tiếp : “Có phải tất cả con cái loài người đều biết Chúa đã chịu đau khổ và chịu chết để đền thay tội lỗi của họ không ?” Chúa trả lời : “Chưa đâu, mới chỉ có một số ít người nhận biết mà thôi”. Thiên thần lại nói : “Thế thì Chúa đã làm gì để họ nhận biết ơn cứu độ đó ?” Đức Giêsu đáp : “Ta lại đi loan báo tin vui cho những người khác, đến khi nào tất cả mọi người trên địa đầu đều được nghe Tin Mừng Cứu Độ ấy mới thôi”. Vị thiên thần đã hiểu rõ tính bốc đồng của loài người, nên tỏ ra nghi ngờ họ, nên hỏi tiếp : “Giả như Phêrô, Gioan và các Tông đồ quên không thi hành sứ mệnh rao giảng đó thì sao ? Nếu các tín hữu các thế hệ sau này có lúc nào đó gặp phải những bách hại chống đối của kẻ ác mà chán nản muốn buông suôi thì sao ? Chúa có lập một chương trình cứu độ nào khác nữa không ?” Chúa Giêsu trả lời : “Ta sẽ không bao giờ lập ra thêm một chương trình cứu độ nào khác nữa ! Ta đã biết trước tính khí con cái loài người luôn nhát đảm sợ sệt và bất định, nên đã thổi hơi ban sức mạnh là Thần Khí của Ta đến cho họ, để giúp họ thi hành sứ mệnh, và Ta hoàn toàn tin tưởng họ sẽ chu toàn được sứ mệnh đó”.

3. SUY NIỆM:

Bằng lối văn súc tích và hàm chứa những tư tưởng sâu sắc, Tin Mừng Gioan đã mô tả cuộc hành trình đức tin và đức mến của ba nhân vật quan trọng trong bài Tin Mừng Phục Sinh hôm nay như sau :

LÒNG MẾN ĐÃ THÚC BÁCH MARIA MÁCĐALA ĐI TÌM CHÚA :

Niềm vui phục sinh khởi đầu bằng việc bà Maria Macđala đi thăm mộ Đức Giêsu ngay từ sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần. Bà hốt hoảng khi thấy tảng đá che cửa mồ đã bị lăn sang một bên và xác Thầy bên trong mồ biến mất. Cũng như chính lòng mến đã khiến bà can đảm đứng dưới chân thập giá (x. Ga 19,25), và ở lại chứng kiến việc an táng Thầy (x. Mt 27,61) chiều Thứ Sáu, thì giờ đây lại thôi thúc và cùng với mấy bà khác đem theo dầu thơm ra mộ để tiếp tục ướp xác Đức Giêsu (x. Mc 16,2). Khi thấy mồ trống, Maria hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ Phêrô và Gioan (x. Ga 20,2). Theo bà suy nghĩ thì có ai đó đã đến lấy cắp xác Thầy và bà không biết rõ họ để Người ở đâu (x. Ga 20,13.15). Maria chẳng hề dám có tư tưởng về chuyện Thầy đã phục sinh, mà chỉ mong tìm lại được xác Thầy mang về mà thôi. Sau khi Phêrô và Gioan chạy ra mộ rồi trở về, thì một lần nữa, do lòng mến thôi thúc, Maria lại quay ra mồ mà than khóc. Trong lần ra mộ này, bà đã vinh dự là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh hiện ra. Người còn trao cho bà sứ mệnh đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ như sau : “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ rằng : Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).

LÒNG MẾN ĐÃ LÀM GIOAN NHẬN BIẾT CHÚA TRƯỚC ANH EM :

Gioan là một trong bốn môn đệ được Đức Giêsu kêu gọi đầu tiên (x Mt 4,21). Ông là một trong ba môn đệ được được chứng kiến Người biến hình (x Mt 17,1) và cũng là môn đệ được Thầy yêu quý nhất (x Ga 13,23). Tình yêu đối với Thầy đã thúc bách ông, làm cho ông trở thành người can đảm nhất : dám theo sát Thầy từ lúc bị bắt đến khi bị xét xử trước hai tòa án đạo đời, dám đứng dưới chân thập giá để chứng kiến giờ phút cuối cùng của Thầy và được Người trao phó Đức Maria làm mẹ để đón về nhà mà phụng dưỡng (x Ga 19,27). Cũng tình yêu ấy đã giúp Gioan trở thành người đầu tiên trong nhóm Mười Hai nhận ra Chúa tại biển hồ Tibêria (x Ga 21,7). Cũng chính tình yêu ấy đã khiến Gioan chạy nhanh hơn và đạt đến đức tin trước Phêrô (x Ga 20,8).

LÒNG MẾN LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÊRÔ ĐƯỢC CHÚA TRAO QUYỀN CHĂN CHIÊN :

Phêrô là một trong bốn môn đệ đã theo Đức Giêsu trước hết (x. Mt 4,18-20). Ông đã tình nguyện bỏ hết mọi sự mà theo Thầy (x. Mt 19,27-29; Lc 18,28-30). Ông luôn được xếp đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2). Ông còn là một trong ba môn đệ được chứng kiến Chúa biến hình trên núi cao (x Mt 17,1), chứng kiến phép lạ Người làm cho một bé gái mới chết sống lại (x Lc 8,51) và có mặt khi Thầy hấp hối trong vườn Ghếtsêmani (x Mt 26,37). Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu thường đến trọ tại nhà Simon Phêrô tại Caphácnaum (x Mc 1,29). Có lần Phêrô đại diện anh em để tuyên xưng đức tin “Thầy chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Nhờ đức tin đó, Phêrô đã được Người khen là có phúc, và hứa sẽ xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin vững chắc như đá của ông. Người cũng trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho ông (x Mt 16,17-19). Ong cũng được Đức Giêsu trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em sau khi trở lại (x. Lc 22,31-32). Dù còn có nhiều khuyết điểm như : khuyên Thầy đừng chấp nhận theo con đường thập giá vào vinh quang và đã bị Người nặng lời quở trách (x Mt 16,22-23), hoặc có lúc ông đã bị Người trách về sự kém lòng tin (x Mt 14,31) hay không để Thầy rửa chân cho (x Ga 13,6-8). Phêrô cũng có lỗi khi quá cậy vào tài sức riêng của mình (x Mt 26,33-35). Nhất là đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước đó (x Mt 26,69-75).

Nhưng Phêrô cũng có lòng yêu mến Thầy hơn ai hết. Lòng mến của ông thể hiện qua thái độ dứt khoát từ bỏ nghề chài lưới và chấp nhận theo Chúa đi lưới các linh hồn (x Mt 4,18-20). Ông cũng hay được Thầy hỏi ý kiến như có nên nộp thuế đền thờ không ? (x Mt 17,24-27). Ông hay hỏi ý kiến Thầy như nên tha thứ đến mấy lần ? (x Mt 18,21). Ông đại diện anh em mà tuyên xưng lòng tin và hứa trung thành với Thầy đến cùng (x Ga 6,68-69). Ông bảo vệ Thầy bằng việc rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế khi chúng đến bắt Thầy (x Ga 18,10). Ông không khiếp nhược trốn chạy như các người khác, mà cùng Gioan theo dõi diễn tiến cuộc khổ nạn của Người (x Ga 18,15). Trong Tin Mừng hôm nay, khi nghe các phụ nữ báo tin xác Thầy bị đánh cắp, Phêrô cùng với Gio-an cùng chạy ra mộ kiểm chứng thựic hư. Trước sự kiện mồ trống, các khăn vải liệm xác vẫn còn, thì Phêrô đã tin Thầy đã phục sinh (x Ga 20,8-9). Rồi Phêrô còn được Chúa Phục Sinh hiện ra trước Nhóm Mười Hai (x Lc 24,34 ; 1 Cr 15,5). Khi được Gioan mách bảo người mặc áo trắng đứng trên bờ là Thầy, Phêrô vội khoác áo vào rồi nhảy xuống biển bơi vào để sớm gặp Thầy (x Ga 21,7). Ông cũng tuyên xưng lòng mến ba lần và được Thầy trao sứ mệnh chăn dắt đàn chiên (x Ga 21,15-17). Ông còn chứng tỏ lòng mến tột cùng khi sẵn sàng chết để làm chứng cho Thầy vào lúc cuối đời (x Ga 21,18-19).

GIÁ TRỊ CỦA ĐỨC TIN VÀ LÒNG MẾN :

Chính lòng mến Chúa đã làm cho Maria Mácđala ăn năn sám hối từ bỏ tội lỗi, là người đầu tiên đi ra thăm mồ và đã được Chúa Phục Sinh hiện ra trao sứ mệnh loan Tin Mừng cho các Tông đồ. Cũng chính lòng mến Thầy của Gioan đã làm cho ông nhận ra Thầy và thấy ý nghĩa của những sự kiện dẫn vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu. Lòng mến Đức Giêsu cũng làm cho Phêrô luôn gắn bó mật thiết với Thầy, hy sinh mọi sự để theo làm môn đệ Thầy. Dù có lúc yếu đuối sa ngã phạm tội, nhưng ông đã mau hồi tâm sám hối trở về và được Thầy tín nhiệm trao sứ mệnh làm đá tảng của đức tin, bảo vệ năng đỡ đức tin của các anh em, và còn được trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh. Đối với các tín hữu chúng ta, lòng mến rất cần để chúng ta khỏi rơi vào thất vọng hay hốt hoảng khi gặp đau khổ thất bại trong cuộc đời. Cuộc sống chúng ta nhiều lúc giống như một ngôi mộ trống rỗng, khi những gì chúng ta yêu quý nhất, những người thân yêu nhất không còn, chúng ta chạy đôn chạy đáo đi tìm trong nước mắt đau thương như Maria Mácđala xưa (x Ga 20,11.13). Nhưng sự chết đã không thể giam hãm được Đức Giêsu, Sự sống đã chỗi dậy từ cõi chết, Ánh Sáng đã bừng lên từ bóng tối, Tình Yêu đã chiến thắng hận thù và Tin Mừng đã và sẽ được loan truyền khắp thế gian.

4. THẢO LUẬN :

1- Nơi Đức Giêsu sự sống đã chiến thắng thần chết, tình yêu đã chiến thắng hận thù. Còn bạn, bạn có tin rằng đối với những kẻ biết đặt trọn niềm tín thác cậy trông vào Chúa thì “sau cơn mưa trời sẽ lại sáng”, “Sau cơn bĩ cực tới hồi thái lai” hay không ? 2- Khi gặp phải những hoàn cảnh đau thương trái ý, bạn cần làm gì để không bị chán nản thất vọng, nhưng luôn đặt trọn niềm hy vọng vào Chúa sẽ giải cứu và giúp bạn được ơn chỗi dậy ?

NGUYỆN CẦU :

-LẠY CHÚA GIÊSU PHỤC SINH. Vì Chúa đã phục sinh, nên con luôn vững tâm cậy trông vào Chúa. Vì Chúa đã phục sinh, nên con sẽ không sợ khi gặp phải đau khổ thất bại trong cuộc đời. Vì Chúa đã phục sinh, nên con đã hiểu được lý do của những hành động dấn thân : Cha Đamiêng hy sinh phục vụ trại phong, cha Kônbê tình nguyện chết thay cho một tử tù, các bậc tiền nhân sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho Chúa.

-LẠY CHÚA GIÊSU, sự phục sinh của Chúa vừa là lời mời gọi, vừa có sức lôi cuốn chúng con vươn mình lên cao để nhận rõ giá trị giới hạn của sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng, chức quyền trần gian… để chúng con dám noi gương các thánh : sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình yêu Chúa và dám sống chết cho tình yêu ấy. Để chúng con quyết tâm dấn thân đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, và sẵn sàng chấp nhận những hy sinh thiệt thòi gặp phải. Vì chúng con luôn xác tín rằng : “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

Lạy Chúa, Chúa nằm trong mồ đá. Chúa đã phải chịu cam khổ cực hình vì tội lỗi của chúng con. Tội lỗi của mỗi người chúng con càng làm cho vai Chúa trĩu nặng. Xin cho chúng con biết ăn năn sám hối tội mình và quay trở về bên Chúa. Chỉ cần bỏ đi được một tội hay bớt đi một thói quen xấu mỗi ngày, chúng con sẽ tìm thấy niềm vui hé mở của Nước Trời. Chúa đã chết để mang lại sự sống và sự sống dồi dào hơn. Chúa Giêsu phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:58 03/04/2012
DỄ NỔI GIẬN
N2T

Có một người rất dễ nổi giận.
Trong mùa hè anh ta nhìn thấy người đội mũ của mùa đông thì cảm thấy không hợp thời, bèn đi đến trước mặt gây sự. Mọi người không ai có thể ngăn được hai người đang to tiếng với nhau, nhưng vì việc này mà anh ta lâm bệnh.
Qua một thời gian sau thì mùa đông lại đến, bệnh cũng bớt đi nhiều. Một hôm đứa em trai cùng đi tản bộ với anh ta, đột nhiên người em phát hiện phía trước có người đội mũ mùa hè đi tới, thế là vội vàng chạy lên phía trước, năn nỉ người ấy, nói:
- “Xin giúp một chút, anh tôi bị bệnh mới dậy, mời ông tránh đi chỗ khác được không ?”

Suy tư:
Nổi giận thường làm cho con người ta mất khôn, nên sự nổi giận cũng được coi như là một cơn mất trí ngắn, khi nổi giận thì quên mất thân phận của mình, cho nên nổi giận chính là cửa ngỏ để ma quỷ len lõi vào trong đời sống cộng đoàn để làm cho cộng đoàn chia ra năm bè bảy nhóm…
Nguyên nhân việc dễ nổi giận chính là sự kiêu ngạo, mà kiêu ngạo chính là coi mình tài giỏi hơn mọi người, coi mình là trung tâm của cộng đoàn rồi phê bình, kết nhóm để đấu đá nhau…
Nguyên nhân dễ nổi giận cũng chính là do trong lòng chất chứa thành kiến hoặc hận thù, nên khi có dịp thì nắm lấy cơ hội để bôi nhọ, chửi mắng và làm nhục người khác…
---------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Thứ Tư Tuần Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 03/04/2012
THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Giu-đa Is-ca-ri-ot đã phản bội thầy mình là Đức Chúa Giê-su, và đồng thời cũng đã phản bội bạn bè của mình là các tông đồ khi ông vì ham tiền mà đã bán Chúa. Một kinh nghiệm đau thương cho những người bị phản bội, một đau buồn cho những người -vì yêu thương vô vị lợi- mà không lên án xét xử kẻ phản bội.

Hôm nay, Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy trở nên người bạn trung thành của Ngài, để bù đắp những đau khổ do Giu-đa Is-ca-ri-ot gây ra trong tâm hồn của Ngài.

1- Chúa Giêsu mời gọi tôi làm bạn của Ngài.
“Nếu hôm nay anh em nghe tiếng Chúa thì chớ cứng lòng”.

Đức Chúa Giê-su đang nói với chúng ta, cách kêu gọi của Chúa khác hẳn với cách kêu gọi của loài người, mỗi người được Chúa kêu gọi cách khác nhau. Khi kêu gọi chúng ta Ngài không hứa sẽ đưa chúng ta đến cuộc sống an nhàn hay sung túc ở đời này, nhưng là hứa đưa chúng ta đến đời sống vĩnh cữu với Cha trên trời.
Đức Chúa Giê-su đã để mắt đến chúng ta, khi thánh Luca đã cho chúng ta thấy có một chàng thanh niên đến hỏi Ngài về sự sống đời đời (Lc 18, 18-23)

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta trở nên bạn của Ngài: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền cho”. Ngài không gọi chúng ta là những tôi tớ, nhưng là bạn hữu, mà đã là bạn hữu thì được thông phần với bạn của mình. Ngài gọi chúng ta là bạn, vì :
- Ngài yêu thương chúng ta, Ngài muốn chúng ta kiên vững tin vào Ngài, Ngài yêu thưong chúng ta, tìm kiếm chúng ta như tìm con chiên lạc.
- Ngài đã làm người, đã hạ mình hết mức, đã giang rộng cánh tay để đón nhận chúng ta.

Ngài đã muốn hiện diện bên chúng ta, sát chúng ta, chúng ta không thấy Ngài nhưng Ngài vẫn có đó, đợi chờ và yêu thương tôi, như lời Ngài đã nói với thánh Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin, nhưng phúc thay những người không thấy mà tin”.
Đức Chúa Giê-su vẫn ở mãi với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong bí tích Thánh Thể.

2. Câu trả lời của tôi.
Nếu Đức Chúa Giê-su ở trong tôi thì tôi phải làm gì ?

a. Đó là sự kết hợp với tinh thần của Chúa.
Bằng cách : không phạm tội trọng, không quay lưng với Ngài, luôn luôn lịch sự với Ngài, và năng chuyện trò với Ngài.

- Tôi phải cố gắng tìm hiểu Ngài thích gì, cần gì nơi tôi: đó là sự nguyện ngắm và yêu thương kết hợp với Ngài.

b. Kết hợp với hy sinh.
Bằng cách : từ bỏ ý riêng của mình, tức là đánh (cái) tôi, đánh ngã (cái) tôi và đánh chết (cái) tôi, đó là ba bứơc để trở nên người bạn thân thiết của Đức Chúa Giê-su.

3. Suy niệm.

A. Kết hợp với tinh thần của Chúa.
Tinh thần của Đức Chúa Giê-su mà chúng ta thấy rõ nhất khi Ngài cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, đó chính là tinh thần phó thác khi Ngài đang bị cơn đau khổ hành hạ, không phải nơi thân xác, nhưng là trong tâm hồn. Ngài đã phó thác trọn vẹn trong thánh ý của Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”, phó thác là một hành vi, một sự tin tưởng tuyệt đối vào Đấng toàn năng, là Đấng có quyền cho và có quyền lấy lại...

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta rất dễ dàng kết hợp với Chúa khi chúng ta đau khổ, khi chúng ta gặp bất hạnh và chán chường, bởi vì -xét cho cùng- đau khổ chính là phương tiện mà Thiên Chúa đã dùng để tôi luyện tinh thần phó thác của chúng ta, Đức Chúa Giê-su trong thân phận con người cũng không thoát khỏi sự thử thách ấy...

Để trở nên người bạn trung thành với Đức Chúa Giê-su, chúng ta phải có tinh thần của Ngài: tinh thần phó thác. Trong cơn hoạn nạn mới biết ai là bạn thân thiết, phó thác không có nghĩa là khoán trắng, nhưng phó thác với tình yêu và tin tưởng, đó chính là tinh thần phó thác đích thực của Đức Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu.

B. Kết hợp với hi sinh
Hi sinh tức là chịu mình thua thiệt, hi sinh tức là quên mình đi mà chỉ có tha nhân. Đức Chúa Giê-su đã làm như thế khi tự huỷ mình ra không để trở nên con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, nơi Ngài chỉ có việc cứu chuộc con người là chính, và vì thế Ngài đã chết đi.

Có ba bước để đánh (cái) tôi :
1. Đánh tôi.
2. Đánh ngã tôi.
3. Đánh chết tôi.

Hy sinh cũng là từ bỏ ý riêng của mình, ý riêng chính là cái tôi.
“Đánh tôi” tức là đánh cho cái tôi của mình không còn chiều theo tính xác thịt nữa, tính xác thịt tức là lòng tham sân si mà mỗi ngày ma quỷ luôn dùng như một khí cụ để cám dỗ chúng ta. Cái tôi, chúng ta đánh nó, nhưng không quyết tâm đánh thì nó lại ngóc đầu lên và càng kiêu ngạo thêm, do đó bước thứ hai phải là đánh ngã tôi.

“Đánh ngã tôi” tức là đánh phủ đầu bằng những việc hãm mình dẹp xác, bằng lời cầu nguyện liên lĩ, bằng sự chay tịnh và lãnh nhận các bí tích, lúc đó cái tôi sẽ không còn có hội đứng lên, đánh cho nó ngã. Nhưng ngã mà thôi thì cũng chưa đủ, bởi vì khi chúng ta té ngã thì chúng ta có thể lồm cồm đứng dậy, dù đứng dậy nghiêng ngã, cái tôi cũng vậy, nếu đánh nó ngã rồi thì nó cũng sẽ còn chỗi dậy, do đó, bước thứ ba phải “đánh chết tôi”.

“Đánh chết tôi” rồi thì sẽ trở nên gần giống Đức Chúa Giê-su hơn, chết thì không thể đứng dậy, chết thì không thể còn ham muốn, nhưng bất động, thiêu huỷ và mất đi. Cái tôi của chúng ta cũng vậy, cần phải đánh chết nó, nó mới không còn bò dậy để làm cho chúng ta sống trong cái tôi dục vọng của mình. Đức Chúa Giê-su chỉ một bứơc mà Ngài đã đánh chết cái tôi của mình, một bước đó chính là yêu thương và vâng phục thánh ý của Cha, Ngài vì yêu thương Cha và yêu thương nhân loại tội lỗi nên đã quyết tâm đánh chết cái tôi của mình: “...nhưng đừng xin theo ý con, mà xin theo ý Cha” .

“Đánh chết tôi” để trở nên người bạn đồng hình đồng dạng với Đức Chúa Giê-su đau khổ, chết và phục sinh; đánh chết tôi để mỗi người trong chúng ta trở nên tạo vật mới trong ân sủng của Thiên Chúa nhờ Đức Chúa Giê-su, Đấng mời gọi chúng ta, hết thảy, trở nên bạn thiết nghĩa của Ngài...

3. Cầu nguyện

Lạy Đức Chúa Giê-su,
Chúa đã mời gọi chúng con trở nên những người bạn thân thiết với Chúa, Chúa đã trở nên quá gần gủi với con người của chúng con khi giáng sinh nơi hang đá Bê-lem, và Chúa đã bày tỏ cho chúng con thấy tình yêu của Chúa đã dành cho chúng con quá đổi, khi Chúa đã chấp nhận chịu chết, thí mạng sống cho người mình yêu -là nhân loại tội lỗi- trên thập giá giữa đồi Cal-vê.

Xin Chúa ban cho chúng con, không chỉ trở nên bạn của Chúa trong những ngày của Tuần Thánh này, mà là mỗi giây phút trong cuộc đời của chúng con. Amen

---------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:02 03/04/2012
N2T

33. Linh hồn ơi, khi ngươi còn ở trong thân xác thì cũng giống như ở trong bụi gai vậy, không thể tránh khỏi sự vây hãm của cám dỗ và sự châm chích của gai nhọn.

(Thánh Bernard)
 
Ông Đã Thấy Và Đã Tin
LM. Đan Vinh
20:44 03/04/2012
ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Ga 20,1-9

(1) Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá lăn khỏi mộ. (2) Bà liền chạy về gặp Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu ?”. (3) Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. (4) Cả hai người cùng chạy, nhưng môn đệ kia mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. (5) Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó nhưng không vào. (6) Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, (7) và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. (8) Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (9) Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng : Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết.

2.Ý CHÍNH:

Gioan viết Tin Mừng nhằm mục đích “Để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Riêng đoạn Tin Mừng hôm nay, Gio-an cho thấy Đức Giê-su thực sự đã từ cõi chết sống lại như Người đã báo trước.

3.CHÚ THÍCH:

-C 1: +Ngày thứ nhất trong tuần : Theo Sáng Thế Ký, thì một tuần lễ có bảy ngày. Ngày thứ nhất là ngày sau ngày Sabát và khởi đầu một tuần lễ. Về sau, Giáo hội dựa vào việc Chúa Phục Sinh hiện ra vào ngày thứ nhất, nên đã gọi đó là ngày Chúa Nhật hay Ngày của Chúa. +Sáng sớm… lúc trời còn tối : Về thời gian khi các phụ nữ ra thăm mộ, các Tin Mừng có những diễn tả hơi khác nhau : Ở đây Gioan viết : “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối” (x. Ga 20,1); Còn Mátthêu viết : “Sau ngày Sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng (x. Mt 28,1); so với Máccô : “Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc” (x. Mc 16,2) ; Riêng Luca lại viết : “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng” (x. Lc 24,1). +Maria Mácđala : Mácđala là một thị trấn nằm trên bờ phía Tây Biển Hồ Ghennêxarét. Đây là Maria quê tại Mácđala. Bà đã từng bị 7 quỷ ám trước khi theo Đức Giêsu (x. Lc 8,2). Bà là một trong những phụ nữ đầu tiên đã ra thăm mộ Chúa (x. Ga 20,1; Mt 28,1; Lc 24,10). Trước đó, bà can đảm đứng gần thập giá (x. Ga 19,25; Mt 27,56) và chứng kiến hai môn đệ mai táng Đức Giê-su (x. Mt 27,61; Mc 15,47).

-C 2: +Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô : Câu này nói lên vai trò quan trọng đặc biệt của Phêrô là người đứng đầu Nhóm Mười Hai. Do đó, Maria Mácđala cần phải báo cáo với ông trước tiên về việc xác Thầy biến mất. +Và người môn đệ Đức Giêsu thương mến : Cách nói “môn đệ được Đức Giêsu thương mến” là kiểu nói riêng trong Tin Mừng Gioan. Một kiểu nói khiêm tốn : tác giả muốn ám chỉ mình nhưng lại không muốn nhắc đến tên riêng của mình. +Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi không biết :: Khi thấy mồ trống, Maria Mácđala không nghĩ đến việc Chúa phục sinh như nhiều lần Người đã báo trước, mà bà chỉ theo suy luận tự nhiên mà cho rằng ai đó đã đến lấy xác thầy đưa ra khỏi mồ. “Chúng tôi” ám chỉ Maria không có một mình mà cùng đi với mấy bà khác nữa (x. Mt 28,1).

-C 3-4: +Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ : Khi được các phụ nữ thông báo tin mộ trống và xác Thầy biến mất, hai môn đệ nòng cốt là Phêrô và Gioan liền tức tốc chạy ra mộ để kiểm tra thực hư. Điều đó cho thấy lòng nhiệt thành và ý thức trách nhiệm trổi vượt của hai ông. +Môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước : Lý do Gioan chạy nhanh hơn và đến mộ trước Phêrô là vì còn trẻ nên có sức khỏe hơn và cũng vì yêu mến Thầy hơn.

-C 5-6: +Băng vải còn ở đó : Đây là tấm vải lớn bao bọc toàn thân Đức Giêsu. Khăn này theo truyền thuyết còn được giữ lại tại nhà nguyện thánh Gio-an ở Turinô miền Bắc nước Ý. +Nhưng không vào : Có thể do Gio-an chờ Phêrô là đàn anh vào trước. Nhưng đúng hơn có lẽ do bàng hoàng trước sự kiện cửa mộ rộng mở và mải lo suy nghĩ về những tấm khăn để lại, đủ thời gian cho Phêrô kịp chạy đến nơi. +Simon Phêrô … vào thẳng trong mộ : Phêrô vốn tính nóng nảy nên lập tức vào mộ.

-C 7-9: +Và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi : Bên trong mộ các khăn liệm xác vẫn còn để lại, khác với trường hợp Ladarô khi sống lại ra ngoài trong tình trạng “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn (x. Ga 11,43-44). Điều này cho thấy Đức Giêsu không cần đến sự giúp đỡ của người đời mới có thể chỗi dậy ra khỏi mồ được. Người đã tự lăn tảng đá che kín mộ thế nào thì cũng tự tháo gỡ các khăn liệm và khăn che mặt như vậy. Sự kiện khăn còn để lại cho thấy Thầy đã sống lại. Vì kẻ trộm sẽ bao giờ mất công cởi các dây vải ra xếp gọn một nơi rồi mới đem xác đi ! +Ông đã thấy và đã tin : Dấu chỉ ngôi mộ trống và các băng vải liệm xác xếp gọn để lại đã giúp Gioan suy luận và đạt tới đức tin vào mầu nhiệm Đức Giêsu đã từ cõi chết sống lại. +Trước đó hai ông chưa hiểu rằng : Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết : Trước khi thấy các dấu chứng thì Gioan và các Tông đồ đều không tin Thầy sống lại, dù Người đã ba lần báo trước (x. Mt 16,21 ; 17,23 ; 20,19). Nhưng khi thấy các dấu chứng mồ trống, các khăn vải liệm xác, dây băng được cuộn lại riêng một chỗ, thì các ông đã nhớ lại những lời Thánh Kinh ứng nghiệm nơi Đức Giêsu và tin Người đã thực sự từ cõi chết sống lại (x.Tv 16,10; Tv 2,7; Hs 6,2).

4.CÂU HỎI: 1) Tại sao ngày nay người ta gọi ngày Thứ Nhất trong tuần là Chúa Nhật ? 2) Về thời điểm bà Maria Mácđala ra thăm mồ Chúa, so sánh giữa 4 tác giả Tin Mừng ta thấy có sự gì khác biệt không ? 3) Bạn biết gì về bà Maria Mácđala ? 4) Bà Maria Mácđala đã báo tin xác Thầy biến mất cho 2 Tông đồ nào đầu tiên ? Tại sao ? 5) Qua câu nói với Phêrô và Gioan, bà Maria Mácđala có tin Chúa đã phục sinh hay không ? 6) Thái độ chạy nhanh ra mồ của Phêrô và Gioan cho thấy ý thức trách nhiệm của 2 ông thế nào ? 7) Tại sao Gioan chạy nhanh hơn Phêrô ? 8) Tại sao ông Gioan đến mộ trước Phêrô mà không vào ngay ? 9) Phêrô và Gioan cùng thấy hiện tượng mồ trống, băng vài và khăn che đầu được xếp gọn, nhưng ông nào đã tin vào mầu nhiệm Chúa phục sinh ? 10) Do đâu mà hai ông Gioan và Phêrô tin Thầy đã thực sự sống lại chứ không phải bị kẻ gian lấy cắp xác như báo cáo của bà Maria Mácđala trước đó ?

II.SỐNG LỜI CHÚA:

1.LỜI CHÚA: Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8).

2.CÂU CHUYỆN: SỨ MỆNH RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH CHO CÁC DÂN TỘC :

Một câu chuyện ngụ ngôn về sứ mệnh được sai đi của Giáo hội như sau :

Sau khi chịu chết trên thập giá, Đức Giê-su đã sống lại và vào trong vinh quang. Tuy vậy, trên tay chân và cạnh sườn, Người vẫn còn mang những dấu đau thương từ những cây đinh và lưỡi đòng đâm thâu. Một vị thiên thần đã hỏi Người rằng: “Chắc Chúa đã phải chịu muôn vàn đau khổ nhục nhã do loài người dưới thế gây ra ?” Đức Giêsu đáp : “Đúng vậy !” Thiên thần hỏi tiếp : “Có phải tất cả con cái loài người đều biết Chúa đã chịu đau khổ và chịu chết để đền thay tội lỗi của họ không ?” Chúa trả lời : “Chưa đâu, mới chỉ có một số ít người nhận biết mà thôi”. Thiên thần lại nói : “Thế thì Chúa đã làm gì để họ nhận biết ơn cứu độ đó ?” Đức Giêsu đáp : “Ta lại đi loan báo tin vui cho những người khác, đến khi nào tất cả mọi người trên địa đầu đều được nghe Tin Mừng Cứu Độ ấy mới thôi”. Vị thiên thần đã hiểu rõ tính bốc đồng của loài người, nên tỏ ra nghi ngờ họ, nên hỏi tiếp : “Giả như Phêrô, Gioan và các Tông đồ quên không thi hành sứ mệnh rao giảng đó thì sao ? Nếu các tín hữu các thế hệ sau này có lúc nào đó gặp phải những bách hại chống đối của kẻ ác mà chán nản muốn buông suôi thì sao ? Chúa có lập một chương trình cứu độ nào khác nữa không ?” Chúa Giêsu trả lời : “Ta sẽ không bao giờ lập ra thêm một chương trình cứu độ nào khác nữa ! Ta đã biết trước tính khí con cái loài người luôn nhát đảm sợ sệt và bất định, nên đã thổi hơi ban sức mạnh là Thần Khí của Ta đến cho họ, để giúp họ thi hành sứ mệnh, và Ta hoàn toàn tin tưởng họ sẽ chu toàn được sứ mệnh đó”.

3.SUY NIỆM:

Bằng lối văn súc tích và hàm chứa những tư tưởng sâu sắc, Tin Mừng Gioan đã mô tả cuộc hành trình đức tin và đức mến của ba nhân vật quan trọng trong bài Tin Mừng Phục Sinh hôm nay như sau :

a.LÒNG MẾN ĐÃ THÚC BÁCH MARIA MÁCĐALA ĐI TÌM CHÚA :

Niềm vui phục sinh khởi đầu bằng việc bà Maria Macđala đi thăm mộ Đức Giêsu ngay từ sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần. Bà hốt hoảng khi thấy tảng đá che cửa mồ đã bị lăn sang một bên và xác Thầy bên trong mồ biến mất. Cũng như chính lòng mến đã khiến bà can đảm đứng dưới chân thập giá (x. Ga 19,25), và ở lại chứng kiến việc an táng Thầy (x. Mt 27,61) chiều Thứ Sáu, thì giờ đây lại thôi thúc và cùng với mấy bà khác đem theo dầu thơm ra mộ để tiếp tục ướp xác Đức Giêsu (x. Mc 16,2). Khi thấy mồ trống, Maria hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ Phêrô và Gioan (x. Ga 20,2). Theo bà suy nghĩ thì có ai đó đã đến lấy cắp xác Thầy và bà không biết rõ họ để Người ở đâu (x. Ga 20,13.15). Maria chẳng hề dám có tư tưởng về chuyện Thầy đã phục sinh, mà chỉ mong tìm lại được xác Thầy mang về mà thôi. Sau khi Phêrô và Gioan chạy ra mộ rồi trở về, thì một lần nữa, do lòng mến thôi thúc, Maria lại quay ra mồ mà than khóc. Trong lần ra mộ này, bà đã vinh dự là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh hiện ra. Người còn trao cho bà sứ mệnh đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ như sau : “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ rằng : Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).

b.LÒNG MẾN ĐÃ LÀM GIOAN NHẬN BIẾT CHÚA TRƯỚC ANH EM :

Gioan là một trong bốn môn đệ được Đức Giêsu kêu gọi đầu tiên (x Mt 4,21). Ông là một trong ba môn đệ được được chứng kiến Người biến hình (x Mt 17,1) và cũng là môn đệ được Thầy yêu quý nhất (x Ga 13,23). Tình yêu đối với Thầy đã thúc bách ông, làm cho ông trở thành người can đảm nhất : dám theo sát Thầy từ lúc bị bắt đến khi bị xét xử trước hai tòa án đạo đời, dám đứng dưới chân thập giá để chứng kiến giờ phút cuối cùng của Thầy và được Người trao phó Đức Maria làm mẹ để đón về nhà mà phụng dưỡng (x Ga 19,27). Cũng tình yêu ấy đã giúp Gioan trở thành người đầu tiên trong nhóm Mười Hai nhận ra Chúa tại biển hồ Tibêria (x Ga 21,7). Cũng chính tình yêu ấy đã khiến Gioan chạy nhanh hơn và đạt đến đức tin trước Phêrô (x Ga 20,8).

c.LÒNG MẾN LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÊRÔ ĐƯỢC CHÚA TRAO QUYỀN CHĂN CHIÊN :

Phêrô là một trong bốn môn đệ đã theo Đức Giêsu trước hết (x. Mt 4,18-20). Ông đã tình nguyện bỏ hết mọi sự mà theo Thầy (x. Mt 19,27-29; Lc 18,28-30). Ông luôn được xếp đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2). Ông còn là một trong ba môn đệ được chứng kiến Chúa biến hình trên núi cao (x Mt 17,1), chứng kiến phép lạ Người làm cho một bé gái mới chết sống lại (x Lc 8,51) và có mặt khi Thầy hấp hối trong vườn Ghếtsêmani (x Mt 26,37). Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu thường đến trọ tại nhà Simon Phêrô tại Caphácnaum (x Mc 1,29). Có lần Phêrô đại diện anh em để tuyên xưng đức tin “Thầy chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Nhờ đức tin đó, Phêrô đã được Người khen là có phúc, và hứa sẽ xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin vững chắc như đá của ông. Người cũng trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho ông (x Mt 16,17-19). Ong cũng được Đức Giêsu trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em sau khi trở lại (x. Lc 22,31-32). Dù còn có nhiều khuyết điểm như : khuyên Thầy đừng chấp nhận theo con đường thập giá vào vinh quang và đã bị Người nặng lời quở trách (x Mt 16,22-23), hoặc có lúc ông đã bị Người trách về sự kém lòng tin (x Mt 14,31) hay không để Thầy rửa chân cho (x Ga 13,6-8). Phêrô cũng có lỗi khi quá cậy vào tài sức riêng của mình (x Mt 26,33-35). Nhất là đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước đó (x Mt 26,69-75).

Nhưng Phêrô cũng có lòng yêu mến Thầy hơn ai hết. Lòng mến của ông thể hiện qua thái độ dứt khoát từ bỏ nghề chài lưới và chấp nhận theo Chúa đi lưới các linh hồn (x Mt 4,18-20). Ông cũng hay được Thầy hỏi ý kiến như có nên nộp thuế đền thờ không ? (x Mt 17,24-27). Ông hay hỏi ý kiến Thầy như nên tha thứ đến mấy lần ? (x Mt 18,21). Ông đại diện anh em mà tuyên xưng lòng tin và hứa trung thành với Thầy đến cùng (x Ga 6,68-69). Ông bảo vệ Thầy bằng việc rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế khi chúng đến bắt Thầy (x Ga 18,10). Ông không khiếp nhược trốn chạy như các người khác, mà cùng Gioan theo dõi diễn tiến cuộc khổ nạn của Người (x Ga 18,15). Trong Tin Mừng hôm nay, khi nghe các phụ nữ báo tin xác Thầy bị đánh cắp, Phêrô cùng với Gio-an cùng chạy ra mộ kiểm chứng thựic hư. Trước sự kiện mồ trống, các khăn vải liệm xác vẫn còn, thì Phêrô đã tin Thầy đã phục sinh (x Ga 20,8-9). Rồi Phêrô còn được Chúa Phục Sinh hiện ra trước Nhóm Mười Hai (x Lc 24,34 ; 1 Cr 15,5). Khi được Gioan mách bảo người mặc áo trắng đứng trên bờ là Thầy, Phêrô vội khoác áo vào rồi nhảy xuống biển bơi vào để sớm gặp Thầy (x Ga 21,7). Ông cũng tuyên xưng lòng mến ba lần và được Thầy trao sứ mệnh chăn dắt đàn chiên (x Ga 21,15-17). Ông còn chứng tỏ lòng mến tột cùng khi sẵn sàng chết để làm chứng cho Thầy vào lúc cuối đời (x Ga 21,18-19).

d.GIÁ TRỊ CỦA ĐỨC TIN VÀ LÒNG MẾN :

Chính lòng mến Chúa đã làm cho Maria Mácđala ăn năn sám hối từ bỏ tội lỗi, là người đầu tiên đi ra thăm mồ và đã được Chúa Phục Sinh hiện ra trao sứ mệnh loan Tin Mừng cho các Tông đồ. Cũng chính lòng mến Thầy của Gioan đã làm cho ông nhận ra Thầy và thấy ý nghĩa của những sự kiện dẫn vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu. Lòng mến Đức Giêsu cũng làm cho Phêrô luôn gắn bó mật thiết với Thầy, hy sinh mọi sự để theo làm môn đệ Thầy. Dù có lúc yếu đuối sa ngã phạm tội, nhưng ông đã mau hồi tâm sám hối trở về và được Thầy tín nhiệm trao sứ mệnh làm đá tảng của đức tin, bảo vệ năng đỡ đức tin của các anh em, và còn được trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh. Đối với các tín hữu chúng ta, lòng mến rất cần để chúng ta khỏi rơi vào thất vọng hay hốt hoảng khi gặp đau khổ thất bại trong cuộc đời. Cuộc sống chúng ta nhiều lúc giống như một ngôi mộ trống rỗng, khi những gì chúng ta yêu quý nhất, những người thân yêu nhất không còn, chúng ta chạy đôn chạy đáo đi tìm trong nước mắt đau thương như Maria Mácđala xưa (x Ga 20,11.13). Nhưng sự chết đã không thể giam hãm được Đức Giêsu, Sự sống đã chỗi dậy từ cõi chết, Ánh Sáng đã bừng lên từ bóng tối, Tình Yêu đã chiến thắng hận thù và Tin Mừng đã và sẽ được loan truyền khắp thế gian.

4.THẢO LUẬN: 1) Nơi Đức Giêsu sự sống đã chiến thắng thần chết, tình yêu đã chiến thắng hận thù. Còn bạn, bạn có tin rằng đối với những kẻ biết đặt trọn niềm tín thác cậy trông vào Chúa thì “sau cơn mưa trời sẽ lại sáng”, “Sau cơn bĩ cực tới hồi thái lai” hay không ? 2) Khi gặp phải những hoàn cảnh đau thương trái ý, bạn cần làm gì để không bị chán nản thất vọng, nhưng luôn đặt trọn niềm hy vọng vào Chúa sẽ giải cứu và giúp bạn được ơn trỗi dậy ?

5.NGUYỆN CẦU:

-LẠY CHÚA GIÊSU PHỤC SINH. Vì Chúa đã phục sinh, nên con luôn vững tâm cậy trông vào Chúa. Vì Chúa đã phục sinh, nên con sẽ không sợ khi gặp phải đau khổ thất bại trong cuộc đời. Vì Chúa đã phục sinh, nên con đã hiểu được lý do của những hành động dấn thân : Cha Đamiêng hy sinh phục vụ trại phong, cha Kônbê tình nguyện chết thay cho một tử tù, các bậc tiền nhân sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho Chúa.

-LẠY CHÚA GIÊSU, sự phục sinh của Chúa vừa là lời mời gọi, vừa có sức lôi cuốn chúng con vươn mình lên cao để nhận rõ giá trị giới hạn của sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng, chức quyền trần gian… để chúng con dám noi gương các thánh : sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình yêu Chúa và dám sống chết cho tình yêu ấy. Để chúng con quyết tâm dấn thân đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, và sẵn sàng chấp nhận những hy sinh thiệt thòi gặp phải. Vì chúng con luôn xác tín rằng : “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha phê bình việc cấm vận của Hoa Kỳ và kêu gọi tự do hơn tại Cuba
Bùi Hữu Thư
08:59 03/04/2012
HAVANA (CNS) -- Sau ba ngày thăm viếng Cuba, Đức Thánh Cha Benedict XVI lần đầu tiên đề cập đến việc cấm vận của Hoa Kỳ tại hòn đảo này và hậu quả của điều này đối với người dân nghèo tại Cuba.

Đức Thánh Cha nói trong diễn văn của nghi lễ từ biệt, và không nhắc đến tên của quốc gia Hoa Kỳ: "Tất cả mọi người Cuba cần phải hợp tác để xây dựng một xã hội cải tiến và hòa giải, nhưng việc tiến bộ khó khăn vì "thiếu tài nguyên, và một tình trạng ngày càng suy đồi khi các biện pháp chế tài kinh tế, từ bên ngoài, đã làm cho người dân phải mang gánh nặng một cách bất công."

Nghi thức này phải chuyển vào bên trong hội trường vào lúc cuối vì một trận mưa bất thình lình.

Vatican đã nhiều lần phê bình việc Hoa Kỳ bế quan tỏa cảng như một biện pháp đã không ép buộc được chính phủ cộng sản Cuba tôn trọng nhân quyền, nhưng lại có kết quả tai hại đến người dân Cuba, nhất là những người nghèo khó.

Đức Thánh Cha nói là việc sống chung hòa bình đòi hỏi các cá nhân và các quốc gia "từ bỏ các thể chế không thể lay chuyển và các quan điểm đơn phương, thường làm cho việc thông cảm khó khăn hơn, và làm cho các nỗ lực hợp tác trở nên vô hiệu hóa."

Ngài nói: "Kiên nhẫn và đối thoại" rất cần thiết.

Trước khi rời phi trường quốc tế Havana, Jose Marti International Airport để bay trở về Rôma, Đức Thánh Cha Benedict nói với các chính khách và dân chúng Cuba rằng ngài chắc chắn là nơi nào có Chúa Giêsu Kitô hiện diện, thì "tuyệt vọng nhường chỗ cho hy vọng, sự thiện hảo xóa tan những lo âu và một quyền năng cao cả sẽ mở ra một chân trời cho những khả dĩ có ích lợi và bất ngờ."

Ngài nói ngài hy vọng sự hiện diện của ngài tại Cuba sẽ tăng sức cho những ai "trong kiên trì và hy sinh" đang thực thi công trình truyền giáo.

Và ngài nói ngài hy vọng không một người Cuba nào sẽ bị ngăn cản không được theo đuổi "việc tìm kiếm những tự do căn bản của mình," hay cảm thấy bị loại trừ ra khỏi thách đố này vì họ thiếu nghị lực hay tài nguyên.

Trong khi Đức Thánh Cha nói sứ điệp của ngài được thúc đẩy bởi đức tin và ước muốn chia xẻ đức tin này, ngài nhấn mạnh rằng chính các xã hội sẽ được tốt đẹp hơn khi người dân được tự do tuyên xưng đức tin của họ và khi các trường học dựa trên đức tin và các dịch vụ xã hội được cho phép hoạt động.

Ngài cầu xin cho ánh sáng đức tin sẽ chiếu dọi trên Cuba, và giúp cho người dân ở đây "nuôi dưỡng sự hòa điệu trong xã hội và cho phép tất cả những gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn Cuba và những giá trị cao quý nhất của Cuba được triển nở, để trở nên nền tảng cho việc xây dựng một xã hội có tầm nhìn rộng lớn, được cải tiến và hòa giải."

Trên nhiều dặm dài của con đường đưa đến phi trường, đám đông chen chúc tới hai ba hàng. Một số người phất cờ Vatican hay Cuba, nhưng họ không bầy tỏ sự nồng nhiệt đã được thấy khi đoàn xe môtô hộ tống Đức Thánh Cha tại Mễ Tây Cơ mấy ngày trước đó. Nhiều người dân đã quay lưng lại đại lộ để kiểm xoát đám đông trong khi Đức Thánh Cha đi qua trên chiếc xe popemobile và trời bắt đầu đổ mưa.

Mặc dầu chuyến đi Cuba đã chấm dứt, Đức Thánh Cha hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho quốc gia này tiến bộ trong việc trở nên một nơi chốn "có công lý và liên đới sống chung trong một bầu khí thân hữu an hòa."

Ngài nói: "Việc tôn trọng và cổ võ cho tự do, đang hiện diện trong tâm hồn mỗi người, rất cần thiết để có thể đáp ứng đầy đủ cho những đòi hỏi căn bản của phẩm giá của họ, và bằng cách này, xây dựng một xã hội trong đó tất cả mọi người đều là những thành viên hoạt động không thể thay thế" trong tương lai của chính đời sống của họ, của gia đình họ và của chính quốc gia Cuba."
 
Sứ điệp Tòa Thánh chúc mừng các Phật Tử
LM. Trần Đức Anh OP chuyển dịch
08:57 03/04/2012
VATICAN - Trong sứ điệp chúc mừng các Phật tử trên thế giới nhân lễ Vesakh, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn đề cao việc giáo dục các thế hệ trẻ về công lý và hòa bình nhờ đối thoại liên tôn.
Đối với tín đồ Phật giáo nguyên thủy, lễ Vesakh kính nhớ các biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Phật như đản sinh, thành đạo, viên tịch và nhập niết bàn. Năm nay lễ này được cử hành vào ngày 6-5 tới đây. Tại các nước theo Phật giáo Đại Thừa, như Việt Nam, Đại Hàn và Trung Quốc, các biến cố trên đây được mừng vào những ngày khác nhau.

Nguyên văn Sứ điệp công bố hôm 3-4-2012 tại Vatican:
Giáo dục các thế hệ trẻ về công lý và hòa bình nhờ đối thoại liên tôn
Sứ điệp nhân dịp lễ Vesakh/Hanamatsuri
2012 A.D / 2555 Phật Lịch
Thành Vatican
Quý bạn Phật Tử quí mến,

1. Nhân danh Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, năm nay tôi lại vui mừng gửi đến quý bạn những lời cầu chúc chân thành nhân dịp lễ Vesakh/Hanamatsuri. Tôi cầu mong rằng đại lễ hằng năm này mang lại vui mừng và khang an cho tất cả các bạn ở mọi nơi trên thế giới.

2. Ngày nay, trong các lớp tại trường học và đại học ở các nơi trên thế giới, càng ngày các học sinh sinh viên thuộc các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau ngồi cạnh nhau và cùng học hỏi với nhau. Sự khác biệt này khơi lên những thách đố và kêu gọi suy tư sâu xa hơn về sự cần thiết phải giáo dục người trẻ tôn trọng và hiểu tín ngưỡng tôn giáo và lối sống đạo của người khác, tăng trưởng trong sự hiểu biết về niềm tin của mình, phát triển trong tư cách là những con người có trách nhiệm và đồng thời sẵn sàng cộng tác với các sinh viên học sinh thuộc các tôn giáo khác để giải quyết những xung khắc và thăng tiến tình thân hữu, công lý, hòa bình và sự phát triển nhân bản chân chính.

3. Cùng với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, chúng tôi nhìn nhận rằng nền giáo dục chân chính hướng chúng ta về siêu việt cũng như về những người quanh chúng ta. Nơi nào giáo dục là một thực tại, thì nó cũng là một cơ hội đối thoại trong sự đối tác với nhau và trong sự lắng nghe đón nhận người khác. Trong bầu không khí như thế, người trẻ cảm thấy họ được quí chuộng vì thực chất của họ và vì đóng góp mà họ có thể mang lại; sự quí chuộng anh chị em thuộc tín ngưỡng và những lối sống đạo khác với mình chính là một cơ hội để tăng trưởng. Như thế bầu không khí ấy mang lại vui mừng vì họ nhận ra nhau như những người có khả năng liên đới và cảm thông, được mời gọi kiến tạo một xã hội công chính và huynh đệ, điều ấy mang lại cho họ niềm hy vọng nơi tương lai (Xc Sứ điệp nhân ngày Hòa bình thế giới, 1-1-2012).

4. Trong tư cách là Phật Tử, quý bạn thông truyền cho người trẻ một điều khôn ngoan: đó là đừng làm hại tha nhân, sống quảng đại và cảm thông, thực thi lòng quí mến và biết ơn, một món quà quí giá đối với xã hội. Đó là một cách diễn tả cụ thể qua đó một tôn giáo có thể góp phần giáo dục các thế hệ trẻ, trong sự chia sẻ trách nhiệm và cộng tác với tha nhân.

5. Thực vậy, người trẻ là một lợi điểm cho mọi xã hội. Do sự chân thực của họ, họ khích lệ chúng ta tìm ra một câu trả lời cho những vấn đề cơ bản nhất về sự sống và sự chết, về công lý và hòa bình, ý nghĩa đau khổ và những lý do để hy vọng. Như thế, họ giúp chúng ta tiến triển trong hành trình về Chân Lý. Do sự năng động của họ, như những người xây dựng tương lai, người trẻ buộc chúng ta phải phá đổ các bức tường đáng tiếc là vẫn còn chia cách chúng ta. Qua những vấn nạn của họ, họ kích thích chúng ta đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa.
6. Quý bạn thân mến, tâm hồn chúng tôi hiệp với quý bạn và chúng ta cầu nguyện để, cùng nhau, chúng ta có thể hướng dẫn người trẻ qua tấm gương của chúng ta, thích hợp để dạy họ trở thành những dụng cụ công lý và hòa bình. Chúng ta chia sẻ trách nhiệm chung đối với các thế hệ trẻ hiện nay và tương lai bằng cách giáo dục họ trở thành những người ôn hòa và xây dựng hòa bình.

Chúc mừng lễ Vesakh/Hanamasutri vui tươi

Hồng y Jean-Louis Tauran
Chủ tịch
Tổng Giám Mục Pier Luigi Celata
Tổng thư ký
 
Kiên nhẫn, tiến bộ: những ý kiến khác biệt về việc đối phó với chính quyền Cuba
Bùi Hữu Thư
21:08 03/04/2012
HAVANA (CNS) – Nước Cuba Đức Thánh Cha Benedict XVI viếng thăm từ ngày 26 đến 28 tháng 3 là một quốc gia được hưởng nhiều tự do và được công nhận chính thức hơn là trong thời kỳ Chân Phước Gioan Phaolô II khi ngài đến thăm nơi này lần thứ nhất năm 1998.

Từ ngày đó, chính quyền cộng sản đã quyết định cho phép Giáng Sinh là một ngày nghỉ lễ quốc gia, và bây giờ cho phép các thành viên của đảng cộng sản tự khai mình là người Công Giáo. Để chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 400 năm Đức Nữ Đồng Trinh Bác Ái El Cobre, bức tượng được tôn kính đã được phép đi du hành trên khắp quốc gia, một biến cố được tổng thống Raul Castro cho hay là “đã đem được tất cả những tín hữu và những người không tin về với nhau.”

Một sự tiến bộ như vậy về tự do tôn giáo là điều các giới lãnh đạo giáo hội Cuba và chính Đức Thánh Cha Benedict himself đã nói là họ hy vọng xây dựng thêm sau cuộc viếng thăm này. Nhưng trong các chiều kích khác của nhân quyền, việc cải tổ của chính quyền Cuba vẫn không được coi là đáng khích lệ.

Đức Cha Jose Felix Riera, thư ký phụ tá của hội Đồng Giám Mục Cuba nói: "Người dân cần phải được tự do bầy tỏ ý kiến mà không lo sợ bị hình phạt. Khi có ai suy nghĩ hay bầy tỏ một ý kiến khác, họ bị kết án là đã được Hoa Kỳ mua chuộc, hay là một người phản nghịch. Những cải tổ ‘nhỏ nhặt’ như cho pép người dân mua một điện thoại cầm tay – những điều này đối với tôi không đáng kể."

Đức Thánh Cha Benedict, trong tuyên cáo chính thức trong và trước chuyến đi Cuba, đã khẳng định giá trị của tự do.

Ngài nói với các ký giả ngày 23 tháng 3, khi trả lời một câu hỏi về Cuba: "Giáo hội luôn luôn đứng về phía tự do: tự do lương tâm, tự do tôn giáo.”

Ngài nói trong bài giảng trong Thánh Lễ tại Santiago de Cuba ngày 26 tháng 3: "Thiên Chúa không những tôn trọng sự tự do của nhân loại: dường như Người còn đòi hỏi điều này nữa.”

Nhưng đề cập đến vấn đề những ai còn bức xức về nhịp độ thay đổi tại Cuba trong nửa thế kỷ dưới chế độ cộng sản, Đức Thánh Cha nói “con đường đối thoại hợp tác và xây dựng” giữa giáo hội và chính quyền ở đây còn dài và ‘đòi hỏi phải kiên nhẫn.’”

Đức Cha Perez cho hay Đức Thánh Cha Benedict không nói rằng người Cuba phải thụ động trước sự đàn áp.

Đức Cha nói: "Tôi cho rằng khi Đức Thánh Cha yêu cầu phải kiên nhẫn, ngài không muốn nói là bất động…. không có nghĩa là khoanh tay để cho mọi sự xẩy ra mà không có trách nhiệm. Có lẽ ngài đang nghĩ về sự tiệm tiến (từ từ) là bình thường đối với các phương thức của con người và xã hội.”

Đức Cha Perez là chánh xứ nhà thờ Thánh Rita thành Cascia, tại Cuba, nơi Các Bà Áo Trắng -- "Damas de Blanco" – tham dự thánh lễ mỗi Chúa Nhật, rồi diễn hành trên đại lộ phía trước để phản đối những vi phạm nhân quyền của chính phủ.

Các Bà Áo Trắng là các thân nhân của người Cuban bị bỏ tù năm 2003 vì tranh đấu cho việc tự do đầu phiếu và các cải cách chính trị khác. Các tù nhân được phóng thích năm 2011 nhờ một sự can thiệp của Đức Hồng Y Jaime Ortega Alamino tổng giáo phận Havana. Đa số các cựu tù nhân chính trị đã xuất ngoại để định cư.

Các phụ nữ này đã tiếp tục chống đối thay cho các tù nhân lương tâm khác vẫn còn bị giam giữ trong các trại tù Cuba. Các thành viên của nhóm này thường bị bắt và thả ra sau dưới 24 giờ. Họ cũng đã bị các nhóm du đãng do chính quyền kiểm xoát tấn công.

Đối với một người trong số các bà này là Alejandrina Garcia de la Rivas, 46 tuổi, cố vấn của Đức Thánh Cha là điều khó có thể chấp nhận.

Bà nói: "Là người Công Giáo chúng tôi hiểu ý nghĩa của chữ kiên nhẫn.... và giận dữ, nóng nẩy và tuyệt vọng là tội lỗi. Nhưng chúng tôi sợ hãi. Chúng tôi phải làm một cái gì."

Bà Garcia đã nói lên lời tri ân về sự đón tiếp Đức Cha Perez đã dành cho nhóm các bà tại nhà thờ của ngài và về sự yểm trợ của các thành viên khác trong hệ thống phẩm trật của Cuba.

Bà nói: Đức Cha Manuel de Cespedes Garcia-Menocal ở Matanzas khi hãy còn là một linh mục thì ngài làm tuyên uý cho chồng bà Garcia trong tù và vẫn còn là một người bạn hữu của gia đình. Bà ghi nhận rằng Đức Tổng Giám Mục Dionisio Garcia Ibanez of Santiago de Cuba đã mạnh dạn bảo vệ các Bà Áo Trắng khi họ bị nhóm du đãng bạo hành hồi đầu năm nay, và bà Garcia nói bà tri ân công trình Đức Hồng Hy Ortega đã tranh đấu cho việc giải phóng nhóm tù nhân trong đó có chồng bà.

Bà Garcia cũng nói là bà hoan nghênh những nguyên tắc đằng sau chính sách không đối kháng của các giám mục về việc đối thoại với chính quyền.

Bà nói: "Tôi cho rằng (các giám mục) đã có ý kiến đúng về việc hòa giải tất cả mọi người Cuba, giúp đỡ tất cả mọi người Cuba không có ngoại lệ, ngay cả những ai đàn áp chúng tôi. Nhưng họ cũng sợ hãi; họ sợ hãi vì chính họ cũng đau khổ và bị đe dọa."

Bà Garcia nói: điều các Bà Áo Trắng mong muốn là các giám mục Cuba cần nhấn mạnh là cuộc đối thoại của họ với chính quyền phải bao gồm cả các đại biểu của nhóm đối lập chính trị. Theo quan niệm của bà, một sự tham gia như vậy có nghĩa là có sự tiến bộ thực sự tới một cuộc cải cách chính trị lâu dài.

Trước khi Đức Thánh Cha Benedict đến Cuba, Các Bà Áo Trắng đã chính thức xin cho có một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với ngài. Vào buổi tối trước ngày cuối cùng ngài còn ở lại Cuba, khi bà Garcia và một thành viên khác của nhóm này là Laura Maria Labrada Pollan, đã tiếp xúc với Catholic News Service để được phỏng vấn, dường như chắc chắn là Đức Thánh Cha sẽ không chấp thuận lời yêu cầu của họ. Tuy nhiên, hai người vẫn sốt sắng cùng với các Bà Áo Trắng tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha dâng tại Quảng Trường Cách Mạng Havana.

Bà Garcia cho hay: Họ đã không may mắn. Cả hai đã bị bắt trước 6 giờ sáng ngày 28 tháng 3, và giải tới một trại giam quân đội bên ngoài Havana, nơi đây họ bị chụp hình, lăn tay và cân đo. Sau đó cảnh sát thả họ về nhà bà Labrada vào buổi chiều lúc 3 giờ, bốn giờ sau khi Thánh Lễ của Đức Thánh Cha chấm dứt.
 
Lời cầu xin có thể được đáp ứng không ngờ
Vũ Văn An
19:19 03/04/2012
Tác giả Sidney Callahan, một nhà tâm lý và học giả nổi tiếng của The Hastings Center, một trung tâm đạo đức sinh học hàng đầu của Hoa Kỳ , ngày 2 tháng 4 vừa qua, trên Blog của tạp chí America, có kể lại câu truyện lời cầu của bà được “đáp ứng” cách bất ngờ ra sao.

Có khi nào lời cầu xin của ta được đáp ứng cách không ngờ hay không? Sáng Thứ Bẩy vừa rồi, tôi gặp một tai họa nhỏ. Sau khi đáp chuyến xe lửa 7 giờ 23 vào thành phố dự hội nghị Đạo Đức Sinh Học của Đại Học New York về Bộ Óc Luân Lý, tôi thấy đường xe điện ngầm bị đóng vì xây cất. Để tránh mưa và tiết kiệm thì giờ, tôi vội nhẩy lên một chiếc taxi với ý định kịp dự buổi nói truyện lúc 8 giờ 30 về “Đời Sống Luân Lý của Trẻ Sơ Sinh”.

Vừa đến cửa dẫn vào bàn đăng ký, tôi bỗng hốt hoảng thấy mình bỏ quên túi xách tay trong xe taxi. Ví tiền, bằng lái, sổ địa chỉ, 150 đôla, 5 thẻ tín dụng, điện thoại di động, chìa khóa, cây chì và tô môi, tất cả đều mất hết, dù tôi rất cẩn thận giữ được cây dù và tập hồ sơ của hội nghị. Làm sao gọi được ai giúp, mua được bữa ăn trưa và trở về nhà đây? Một lời cầu vô vọng bỗng bật khỏi môi tôi: “Ôi lạy Chúa, xin vui lòng, xin vui lòng, con thực sự cần Chúa giúp con trong lúc này”.

Ngay tức khắc, những nhân viên an ninh tốt bụng có mặt ở đấy cung cấp cho tôi cả điện thoại di động, lẫn cây viết, giấy và số điện thoại khẩn cấp để liên lạc. Nhưng làm gì có hóa đơn hay bất cứ ghi chép nào cho thấy số xe taxi. Và vì nghĩ rằng các buổi thuyết trình này có lẽ là những buổi mắc tiền nhất tôi từng tham dự, nên tôi vội vàng bước vào đại giảng đường.

Những mất mát kia đành bỏ lại phía sau vậy. Vả lại, có lẽ cũng nhờ tôi nhận ra một cách hợp lý rằng đó chỉ là một vấn đề nhỏ. Tuổi của mình, đáng lý ra còn có thể gặp những tai họa khủng khiếp hơn như bệnh tim, ung thư hay mất trí. Chứ cái mất mát này chỉ gây bất tiện và làm mình mắc cỡ và tự trách mình chút chút thôi. Hơn nữa, há tôi đã chẳng từng viết nhiều cuốn sách (Callahan viết tới 11 cuốn sách) để giải thích việc Chúa cho phép bất hạnh xẩy ra trên thế gian như một hệ luận cần thiết sóng đôi với tự do của ta đó sao?

Nhưng giữa lúc đang chăm chú ghi chép bằng cây viết đi mượn và đang dự buổi trình bày kế tiếp về các nền luân lý tương phản của Kant và Aristốt, nhìn lên, tôi thấy một nhân viên an ninh đang làm hiệu cho mình. Ông đến gọi tôi vì người tài xế xe taxi đã đem túi xách tay của tôi tới! Người công dân Hoa Kỳ gốc Á Châu chính trực đó đã cố gắng nhiều mới nhớ lại địa điểm tôi xuống xe và tới đây tìm tôi. Đây quả là điển hình đời thực của một bộ óc luân lý đang hành động. Từ khước bất cứ tiền bạc nào ngoài cái giá của cuốc xe, ông ta còn tỏ vẻ không thích khi được tôi ôm hôn tha thiết để cám ơn.

Tuy thế, tôi hoàn toàn té ngửa về phương diện xúc cảm trước tin mừng đáng ngạc nhiên này. Vì giờ đây tôi khỏi phải mắc cỡ thú nhận sự vụng về của mình với gia đình (họ vốn không có thói quen đọc blog của tôi). Nhưng dù muốn hay không, tôi vẫn phải nhìn nhận sự lệ thuộc của mình vào người khác và bản thân tôi quả dễ dàng gặp tai nạn và lầm lỗi biết là chừng nào.

Về phương diện thần học, tôi phải tự hỏi phải chăng mình đã quá coi thường các lời cầu xin. Đêm vừa qua, trong cầu nguyện, đang loay hoay với những ý nghĩ ấy, tôi cảm thấy Chúa gửi cho tôi một sứ điệp nửa đùa nửa thật rằng: “Và lúc đó, con có thực sự nghĩ là Cha có thể cứu con không?”. Câu hỏi quá đúng. Nếu không xử lý được các lời cầu xin ngay lúc này và ở đây, làm sao tôi có thể sẵn sàng với lời “xin vâng” đời đời của Thiên Chúa?

 
Top Stories
Myanmar: L’Osservatore Romano salue la victoire d’Aung San Suu Kyi, figure de « l’espérance »
Eglises d'Asie
08:52 03/04/2012
Dans son édition datée du 3 avril, le quotidien du Saint-Siège, L’Osservatore Romano, s’est félicité en ‘une’, par un long article, de la victoire électorale remportée dimanche 1er avril par Aung San Suu Kyi et son parti, la Ligue nationale pour la démocratie (NLD). Sous le titre « Le siège de l’espérance », le quotidien salue la victoire de celle qui, avec son groupe constitué de 42 autres membres de la NLD élus ce dimanche, représentera 10 % des sièges de la chambre basse du Parlement à Naypyidaw.

Pour le quotidien, qui est une voix semi-officielle du Saint-Siège, « les effets du retour d’Aung San Suu Kyi au Parlement et de la victoire de son parti seront nombreux et profonds ». L’Osservatore Romano met en avant les déclarations de la leader de l’opposition démocratique qui avait évoqué, dès l’annonce de la victoire de son parti aux élections partielles, « l’avènement d’une ère nouvelle ». « La Dame » de Rangoun avait alors précisé : « Il ne s’agit pas tant de notre triomphe que de celui de ceux qui ont décidé de participer au processus politique du pays. » Le quotidien du Vatican évoque également « les bénéfices économiques significatifs » que ces résultats électoraux et le déroulement globalement satisfaisant du scrutin pourraient apporter à la Birmanie. Est notamment évoquée la possible levée des sanctions financières imposées par les Etats-Unis et l’Union européenne aux régimes des généraux birmans. L’« allégement » de ces sanctions pourrait intervenir « si, après les élections, les ouvertures démocratiques et les réformes [engagées depuis un an par Naypyidaw] ne subissent pas une drastique marche arrière ». L’Osservatore Romano reste en effet prudent, estimant que la pérennité des multiples changements constatés ces derniers mois dans le pays dépend de « la volonté des anciens militaires » actuellement au pouvoir.

A l’unisson des médias internationaux, tous les autres médias du Saint-Siège ont salué « le triomphe » d’Aung San Suu Kyi aux élections partielles du 1er avril. Radio Vatican a ainsi parlé d’un « jour historique » pour la Birmanie et d’un « moment capital » pour ses institutions politiques. Chargé du dossier ‘Birmanie’ à la Congrégation pour l’évangélisation des peuples, le P. Massimo Cenci, PIME, a attribué à Aung San Suu Kyi le mérite du « réveil » que connaît aujourd’hui la Birmanie. « Suu Kyi a su fédérer l’aspiration des Birmans non seulement à la démocratie, mais à se sentir acteurs de ce qui se passe dans leur pays d’un point de vue social et politique », a expliqué le prêtre, tout en ajoutant qu’il était trop tôt pour parler d’une transition pleine et entière vers la démocratie. « Même si ce qui s’est passé ce week-end en Birmanie est à marquer d’une pierre blanche dans l’histoire de ce pays, nous devons adopter une attitude prudente : ‘Wait and see.’ », a-t-il ajouté, précisant que le Vatican et le Saint-Siège suivaient attentivement la situation. Quant aux conséquences de ce scrutin pour l’Eglise de Birmanie, le P. Cenci a expliqué que « dans ses activités, l’Eglise sur place se heurtait à des restrictions importantes et que, pour autant que l’ouverture en cours se concrétiserait, l’Eglise ne pourrait que profiter d’une situation où les libertés seraient mieux respectées ».

Dans un pays où les catholiques sont peu nombreux (1,5 % de la population) et où les nombreuses dénominations protestantes forment elles aussi une petite minorité (3 % de la population), les chrétiens, s’ils ne constituent pas une force politique, sont néanmoins au cœur des préoccupations du gouvernement en raison de leur forte présence au sein des minorités ethniques de Birmanie.

Dans l’immédiat, avant même la publication officielle du résultat des élections partielles, les dirigeants de l’Eglise catholique ont, à l’unisson du pays tout entier, célébré la victoire d’Aung San Suu Kyi. A l’agence Fides, Mgr Raymond Saw Po Ray, président de la Commission ‘Justice et Paix’ de la Conférence épiscopale du Myanmar, a déclaré que le triomphe de la NLD et de sa figure de proue constituait « un nouveau départ pour le pays, le début d’une ère de grande espérance pour nous tous ». Il précisait : « L’opposition sera présente au Parlement ; c’est un facteur de pluralisme qui fera du bien au pays. »

Quant à l’avenir, il ajoutait : « Nous espérons tous que le pays s’engage dans une nouvelle ère de justice et de paix. En tant qu’Eglise, nous prions pour cela et nous sommes prêts à apporter notre contribution. En tant que chrétiens, nous sommes une petite minorité qui désire se mettre au service de la nation afin de garantir un avenir de paix et de bien-être dans le respect de la dignité de l’homme et des valeurs de solidarité. (…) Nous sommes certains qu’Aung San Suu Kyi travaillera pour l’intérêt et le bien commun, prêtant sa voix à de nombreux membres de la société jusqu’ici peu écoutés. Le défi majeur à relever pour le pays demeure aujourd’hui le retour à la paix, surtout en ce qui concerne les minorités ethniques. Aujourd’hui, la population birmane a la possibilité de donner un nouveau cours à la vie du pays. Espérons que cette opportunité sera saisie avec bonne volonté par toutes les composantes de la société et par le gouvernement. »

(Source: Eglises d'Asie, 3 avril 2012)
 
Let Christians and Buddhists guide the young to respect and tolerance for other religions
AsiaNews
17:08 03/04/2012
The Pontifical Council for Interreligious Dialogue releases a message for Vesakh, Buddhism's main celebration. Young people must be educated to be "responsible human beings" and "be ready to join hands with those of other religions to resolve conflicts and to promote friendship, justice, peace and authentic human development."

Vatican City (AsiaNews) - By example and teaching, Christians and Buddhists can guide the young to respect other people's religious beliefs, know better their own faith and "join hands with those of other religions to resolve conflicts and to promote friendship [and] justice". This is the thrust of the message released by the Pontifical Council for Interreligious Dialogue to the Buddhist community on the occasion of this year's feast of Vesakh/Hanamatsuri, the most important Buddhist festivity, which marks the main events in the Buddha's life.

This year, Vesakh/Hanamatsuri will be celebrated in various nations with large Buddhist communities on different dates: 8 April in Japan; 5 May in Sri Lanka, Singapore, Malaysia, Burma, Cambodia and Laos; 6 May in India, Nepal, Pakistan and Indonesia; 28 May in South Korea, Taiwan, Vietnam, Tibet, China, Hong Kong and Macau and 4 June in Thailand.

Titled 'Christians and Buddhists: Sharing Responsibility for Educating the Young Generation on Justice and Peace through Interreligious Dialogue,' the message says, "Today, more and more in classrooms all over the world, students belonging to various religions and beliefs sit side-by-side, learning with one another and from one another. This diversity gives rise to challenges and sparks deeper reflection on the need to educate young people to respect and understand the religious beliefs and practices of others, to grow in knowledge of their own, to advance together as responsible human beings and to be ready to join hands with those of other religions to resolve conflicts and to promote friendship, justice, peace and authentic human development."

"With His Holiness Pope Benedict XVI, we acknowledge that true education can support an openness to the transcendent as well as to those around us. Where education is a reality there is an opportunity for dialogue, for inter-relatedness and for receptive listening to the other. In such an atmosphere, young people sense that they are appreciated for who they are and for what they are able to contribute; they learn how to grow in appreciation of their brothers and sisters whose beliefs and practices are different from their own. When that happens there will be joy in being persons of solidarity and compassion called to build a just and fraternal society giving thus hope for the future" (Cf Message of World of Peace, 1st January 2012).

"As Buddhists you pass on to young people the wisdom regarding the need to refrain from harming others and to live lives of generosity and compassion, a practice to be esteemed and recognized as a precious gift to society. This is one concrete way in which religion contributes to educating the young generation, sharing the responsibility and cooperating with others."

"As a matter of fact, young people are an asset for all societies. By their genuineness, they encourage us to find an answer to the most fundamental questions about life and death, justice and peace, the meaning of suffering, and the reasons for hope. Thus they help us to progress in our pilgrimage towards Truth. By their dynamism, as builders of the future, they put pressure on us to destroy all the walls, which unfortunately still separate us. By their questioning they nurture the dialogue between religions and cultures."

Signed by the Council's president, Card Jean-Louis Cardinal Tauran, and its secretary, Archbishop Pier-Luigi Celata, secretary of the same council, the message ends saying, "Dear friends, we join our hearts to yours and pray that together we will be able to guide the young people by our example and teaching to become instruments of justice and peace. Let us share the common responsibility we have towards the present and future generations, nurturing them to be peaceful and to be peace makers."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Chính Tòa Thanh Hóa thi Giáo lý Mùa Chay năm 2012
Thanh Hóa
08:43 03/04/2012
Giáo xứ Chính Tòa Thanh Hóa thi Giáo lý Mùa Chay năm 2012

Sáng nay, 02/04/2012, tại nhà thờ Chính Tòa Thanh Hóa diễn ra Hội thi giáo lý Mùa Chay cấp giáo xứ năm 2012. Tới dự khai mạc hội thi có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám mục giáo phận Thanh Hóa cũng là cha xứ Chính Tòa, cha Thường vụ giáo xứ Antôn Trịnh Đình Thiệu, cha phó xứ Phêrô Vũ Văn Thăng và Ban giám khảo gồm các ông trong ban điều hành giáo xứ, Sơ Kim Liên – Giám sư tại Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa.

Mọi người đến từ các giáo họ trong giáo xứ với những bộ trang phục đẹp nhất, đúng qui chuẩn của một cuộc thi. Gương mặt cũng có phần hồi hộp lo lắng. Có những chị lần đầu tham gia còn quay sang hỏi nhỏ người bên cạnh thi như thế nào. Cái mà chị hỏi chưa chắc đã là thể lệ của cuộc thi. Mà cò lẽ chị hỏi như để trấn an mình và tìm một cách để quên đi sự hồi hộp.

Học và thi giáo lý Mùa Chay là một truyền thống tốt đẹp của nhiều giáo phận trong cả nước, đặc biệt là các giáo phận phía Bắc. Cứ Mùa Chay về, các giáo xứ, các giáo họ lại nhộn nhịp với việc tách nhóm, tách lớp để học giáo lý. Trừ các em học sinh đang bận rộn với trường, lớp, bài vở, mọi thành phần dân Chúa đều tham gia vào việc học giáo lý. Các em sẽ chuyển học và thi vào mùa hè. Cùng với các nhóm thi, các giáo xứ sẽ tạo điều kiện để từng cá nhân dự thi phần “nhân tài”.
Đó như một cách thức để giáo dân tiếp cận với giáo răn, lề luật của Chúa, hiểu hơn về các màu nhiệm, hiểu thêm về thánh ý nhiệm màu…và để tuân giữ đúng hơn những điều Chúa dạy. Học giáo lý cũng là lúc con người quay trở về bài học Chúa dạy, từ đó mà trở về với giá trị tốt đẹp nhất, căn bản nhất.

Đức Cha phát biểu trong khai mạc hội thi tại xứ Mẹ Chính Tòa cũng khẳng định điều đó. Xưa kia Đức Giêsu truyền cho các môn đệ hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Cũng nhờ lệnh truyền đó mà Lời Chúa, giáo huấn Chúa được truyền ban, lưu giữ cho đến ngày hôm nay. Học và thi giáo lý chính là việc tiếp thu lệnh truyền đó trong đạo đức bình dân. Có học thì phải có thi. Có như thế mới tạo được một phong trào sôi nổi. Xưa kia, khi giáo dân còn sống tập trung hơn, mỗi cuộc thi giáo lý là một lần mỗi cá nhân, mỗi nhóm, mỗi họ đạo thi đua với nhau. Ai hay nhóm nào được giải cao là một niềm tự hào, một vinh dự lớn.

Ngày nay, guồng quay xã hội trở nên hối hả. Vì cuộc sống nhiều người phải rời xa gia đình, quê hương để đi làm ăn. Đặc biệt là giới trẻ. Không những thế, nhiều khi những lo toan bộn bề của cuộc sống, những ảnh hưởng không nhỏ từ xã hội tác động mà phong trào học có phân giảm sút. Đó là một lỗ hổng lớn cho đời sống đức tin của người giáo dân. Vì vậy, tổ chức và phát triển các cuộc thi giáo lý là cần thiết.

Đức Cha chúc mọi người bình tĩnh và tự tin với phần thi của mình. Đồng thời Đức Cha cũng mong muốn, tại xứ Mẹ Chính Tòa – trung tâm của giáo phận sẽ cho thấy một kết quả tương xứng, làm gương cho các xứ khác.

Sau phần khai mạc, hội thi được bắt đầu. Thành phần ban giám khảo gồm: Cha Phêrô Vũ Văn Thăng, Sơ Kim Liên, và các ông trong ban điều hành giáo xứ.

Dự tính cuộc thi sẽ kết thúc trong ngày hôm nay, 02/04/2012.

Ban Truyền Thông
 
Thánh lễ Truyền Dầu giáo phận Bắc Ninh tại giáo xứ Yên Mỹ
Thùy Chi
08:40 03/04/2012
BẮC NINH - Đúng 9 giờ sáng thứ Ba Tuần Thánh, ngày 3.4.2012 , thánh Lễ Truyền Dầu của Giáo phận Bắc Ninh năm nay được tổ chức tại Nhà thờ Yên Mỹ (làng Yên Mỹ, xã Xuân Hòa, huyện Mê Linh, Hà Nội) thuộc Giáo hạt Tây Nam, cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 40km trên trục đường quốc lộ 2 nằm trong tỉnh Vĩnh Phúc đi Hà Giang.

Xem hình ảnh

Bà con giáo dân giáo xứ Yên Mỹ rất phấn khởi khi năm nay Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh cho lễ Truyền Phép Dầu tại giáo xứ mình, một giáo xứ nằm trong khu vực châu thổ Sông Hồng thuộc trung du và miền núi phía Bắc. Cách giáo xứ Yên Mỹ không xa là khu du lịch Đại Lải có hồ Đại Lải rộng 525ha, nằm trong địa phận xã Ngọc Thanh và xã Cao Minh, giáp xã Xuân Hòa thuộc thị xã Phúc Yên, cách nội thành Hà Nội 50 km, cách sân bay Nội Bài 15 km. Từ giáo xứ Xuân Hòa đi đến giáo xứ Vĩnh Yên chừng 24km. Một giáo xứ nằm bên dãy núi Tam Đảo. Nơi du lịch Tam Đảo có nhiệt độ lý tưởng, luôn thấp hơn 5 độ so với thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện giờ cha xứ Yên Mỹ là cha Giuse Trần Đăng Can và cha xứ Vĩnh Yên là Cha Tổng Đại diện Giuse Trần Quang Vinh.

Rất đông giáo dân trong giáo xứ và các giáo xứ khác trong giáo phận đã về Yên Mỹ để dự thánh Lễ Dầu do Đức cha giáo phận cử hành. Điều đặc biệt là có đông đủ 63 quý cha triều dòng trong giáo phận và hai tân linh mục vừa chịu chức ngày 31.3.2012 vừa qua. Theo như chúng tôi được biết, quý cha Dòng Chúa Cứu Thế đang phục vụ tại xứ Nà Phặc, đã đi 220 km để tới dự lễ Dầu.

Vào lúc 8 giờ 45 phút, đoàn đồng tế gồm có Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, cha Tổng Đại Diện Giuse Trần Quang Vinh, quí cha quản hạt của 4 giáo hạt Bắc Ninh, Bắc Giang, Tây Bắc, Tây Nam và cha xứ Giuse Trần Đăng Can cùng linh mục đoàn giáo phận đi sau Thánh Giá nến cao tiến vào nhà thờ trong tiếng ca đoàn hát vang ca nhập lễ, trong tâm tình huynh đệ bày tỏ sự hiệp thông của linh mục đoàn với Giám mục của mình.
Sau bài giảng của Đức cha giáo phận là nghi thức tuyên hứa của linh mục đoàn. Quý cha lặp lại lời tuyên hứa với giám mục về lời hứa khi lãnh tác vụ linh mục. Tuyên hứa xong, đoàn rước Phó tế cầm trên tay mình là ba bình dầu từ phòng thánh tiến ra Cung thánh trong bài thánh ca dâng lễ. Tiếp đến, là Phụng vụ Thánh Thể, xen kẽ trong phần Phụng vụ Thánh Thể, Đức cha Cosma đã làm phép bình dầu bệnh nhân.
Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức cha giáo phận đã làm phép hai bình dầu, dầu thánh hiến và dầu dự tòng. Thánh lễ lúc 10 giờ 40 phút, Đoàn đồng tế linh mục rước ba bình Dầu Thánh vào trong phòng thánh. Tại đây, các linh mục nhận Dầu mới về giáo xứ của mình.

Thánh lễ Truyền Dầu diễn tả rõ ràng sự hiệp thông của chức vụ Linh mục và Hy tế của Chúa Kitô trong Hội Thánh. Đó là ý nghĩa về Thánh lễ Truyền Dầu mà Giáo Hội muốn quy tụ hàng giáo sĩ và giáo dân về bên Giám mục giáo phận cử hành Thánh lễ Truyền Dầu.
 
Thánh Lễ cho bệnh nhân và khuyết tật tại giáo xứ Tân Phú
Đaminh Hùng
21:44 03/04/2012
G/X Tân Phú: Thánh Lễ Dành Cho Các Bệnh Nhân Và Khuyết Tật

“Dù cho tôi đây chẳng đáng là gì, dù cho thân tôi đây chẳng có công trạng chi, nhưng tôi tin Chúa vẫn thương tôi, từng giờ từng phút chẳng ngơi”.

Lúc 8h00 ngày 02-4-2012 cũng vào thứ hai Tuần Thánh, cha chánh xứ, quý cha phụ tá và HĐMV Giáo xứ Tân Phú hạt Tân Sơn Nhì, GP Sài Gòn tổ chức thánh lễ đặc biệt cầu cho các bệnh nhân và người khuyết tật trong giáo xứ, do cha chánh xứ chủ sự,, Thánh lễ này đã trở thành thông lệ vào Tuần Thánh hàng năm của Giáo xứ.

Xem hình

Trước Thánh lễ, để cho các bệnh nhân chuẩn bị tâm hồn đón nhận Mầu nhiệm Cứu độ của Chúa Phục Sinh. Theo chương trình, lúc 07h00 các thân nhân đã nhanh chóng đưa các cụ chân tay đã yếu ngồi trên những chiếc xe lăn, người thì chống nạng, có cụ còn có thể dò từng bước được các con cháu dìu đến Thánh đường. Khi đã ổn định Ban tổ chức dành 30 phút để cha chánh xứ và 03 cha phụ tá đến bên giải tội cho từng bệnh nhân.

Chia sẻ đầu lễ, cha chánh xứ gợi lên ý cầu nguyện: Trong thánh lễ đặc biệt hôm nay chúng ta cùng hợp nhau đây để cầu cho anh chị em trong mọi hoàn cảnh đang mang trong mình những nỗi khổ đau, bệnh tật nhưng không ngoài sự quan phòng Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa ban cho anh chị em có thêm sức mạnh để vâng theo Thánh ý Chúa, đồng thời các cụ, các anh chị dâng lên Chúa những đau khổ bệnh tật, kết hợp với cuộc Thương Khó Chúa Giêsu như những bông hoa tuơi xinh làm của lễ dâng lên Thiên Chúa và luôn luôn biết làm những gì là đẹp lòng Thiên Chúa.

Chia sẻ trong bài giảng: Nỗi đau khổ của quý ông bà anh chị đã được con cháu báo hiếu bằng cách tận tụy chăm sóc, nâng đỡ đã xoa dịu đi phần nào những nỗi đau thể xác. Nhưng những đau khổ cách này hay cách khác về tinh thần chỉ có Chúa mới chữa lành được mà thôi. Hôm nay quý ông bà anh chị hãy can đảm chấp nhận thánh giá Chúa trao và vâng theo ý Chúa trọn vẹn, như chính Chúa Giêsu đã chấp nhận chọn con đường đau khổ và chết trên thập giá để cứu rỗi loài người chúng ta. Nguyện xin Chúa chúc lành và trợ sức cho quý ông bà anh chị em đang phải chịu đựng với bệnh tật.

Ban Phục Vụ Bệnh Nhân của Giáo xứ:

Trao đổi với vị Trưởng Ban Phục Vụ chăm sóc Bênh Nhân Giáo xứ Tân Phú cụ Micae Nguyễn Văn Rường năm nay 92 tuổi, cụ cho biết: hiện Cụ đang phục vụ ban này liên tục từ 20 năm qua kể từ ngày thành lập; trải qua nhiều giai đoạn không ít khó khăn, đến nay đã mời gọi được một số anh chị thiện nguyện, dấn thân làm tông đồ tham gia vào Ban Phục Vụ. Với đội ngũ hơn 30 người phục vụ tại một giáo xứ đông giáo dân, hiện có đến 160 bệnh nhân già cả và khuyết tật, mỗi thứ sáu đầu tháng Ban Phục Vụ phân công để hướng dẫn các Thừa tác viên G/x trao Mình Thánh cho khoảng 100 bệnh nhân đau liệt được rước Mính Thánh Chúa tại nhà.

Cụ Rường còn cho biết thêm, Ban sẵn sàng phục vụ các người liệt lào lâu năm trong giáo xứ và ngay cả khi cần phải có mặt trong giờ hấp hối kịp thời để giúp cho bệnh nhân dọn mình đón nhận các Bí Tích cần thiết trong giờ lâm chung, mỗi khi có người hấp hối các anh chị thay phiên nhau túc trực để giúp cho kẻ liệt được ơn chết lành, thời gian canh thức vô hạn có khi một đêm, có khi kéo dài. Ngoài ra, tại các giáo xứ chung quanh khu vực có bệnh nhân hấp hối, khi có nhu cầu cần đến các anh chị sẵn sàng đi phục vụ.

Bước vào tuần thánh và để đón mừng đại lễ Chúa Phục Sinh sắp đến, Giáo xứ trao tặng cho mỗi bệnh nhân một phần quà bằng hiện kim 100.000đ. Tuy không nhiều nhưng nói lên niềm an ủi, tình hiệp thông chia sẻ của công đoàn G/x và đặc biệt có sự quan tâm chăm sóc của cha chánh xứ, quý cha phụ tá và HĐMVG/x. Nguyện xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cưu mang, nâng đỡ, phù hộ cho các cụ đang đau yếu bệnh tật được ơn can đảm, mạnh mẽ, lòng luôn tín thác vào ơn của Chúa trong những ngày còn lại.

daminhhung
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nguồn Bình An
Phạm Tuấn Anh
21:35 03/04/2012
NGUỒN BÌNH AN
Ảnh của Phạm Tuấn Anh, Toronto, Canada
Mây mù giăng lối đường đi gập ghềnh.
Tâm hồn nghiêng ngả chông chênh,
Tìm đâu điểm tựa nương thân giữa đời.
Về đây nương tựa Chúa thôi …
(Trích Thơ của M. Madalena Hoa Ngâu)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền