Ngày 01-04-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Í Cha, Í Con
Lm Vũđình Tường
06:48 01/04/2015
Í cha, í con đây không phải là hai cha con người Ý mà là hai cha con thằng í. Hai cha con thằng í có lúc chung một í, có lúc khác í, lại cũng có lúc khắc í. Í kiến khác nhau xảy ra trong nhiều trường hợp như í anh, í tôi, í ông, í bà, í mày, í tao, í vợ, í chồng, í bên nội, í bên ngoại, í phe này, í nhóm kia. Phức tạp lắm không kể xiết.

Khác í hay khắc í là một thực tại trong cuộc sống. Vì những khác í mà có những phát minh, sáng kiến dẫn đến phát minh mới, thành công tốt đẹp. Trái lại, khắc í là nguyên cớ gây nên đổ vỡ, chia lìa, li dị, đánh nhau, giết nhau, lìa nhau, tranh chấp đời nọ qua đời kia. Có thể nói tất cả các cám dỗ trong cuộc sống ít nhiều đều do khắc í gây nên. Đây là một trong cám dỗ phổ thông, nhẹ nhàng nhất nhưng hậu quả dữ tợn nhất, không thể lường được. Cám dỗ chiều theo í riêng là cha, là mẹ của tất cả các cám dỗ trên đời. Cám dỗ này trở nên nguy hiểm hơn khi có tiếng xúi dục, đốc thúc từ bên ngoài. Là cha, là mẹ của tất cả các cám dỗ vì mọi cám dỗ cuối cùng đều do tự í chọn lựa, chiều theo í riêng. Trộm cắp là do tự í, hút sách, nghiện bài bạc, rượu chè do tự í. Mê tình dục, thích ngao du cũng do tự í. Cãi lại, thù dai, biếng nhác, chối đạo cũng do í riêng. Vì thế chiều theo í riêng trở thành cám dỗ nguy hiểm hơn tất cả các cám dỗ khác. Đã thế, không phải chỉ một í đâu mà đôi khi có nhiều í kiến khác nhau bàn ra, tán vào gây nên tranh luận. Tục ngữ có câu nghe đơn giản nhưng diễn tả cái phức tạp của khắc í. Câu ‘chín người mười í’ diễn tả khắc í trong thực tế.

Không phải chỉ con người mới biết nguy hiểm của chiều theo í riêng mà Thiên Chúa biết rõ điều đó nên khi Đức Kitô dậy chúng ta cầu nguyện. Ngài dậy xin cho í Thiên Chúa được thể hiện, không phải í riêng cá nhân mà là í Thiên Chúa được thể hiện.

Cuộc đời rao giảng Đức Kitô cũng nhiều lần xác quyết Ngài đến không phải làm theo í riêng mà làm theo í Chúa Cha. Nhận biết chiều theo í riêng là một cám dỗ nguy hiểm nên trong vườn Cây Dầu, đêm trước khi chịu khổ hình, Đức Kitô còn cầu nguyện rõ ràng.

"Lậy Cha, nếu được xin cất chén này khỏi Con, nhưng xin đừng theo í Con, một theo í Cha. "

Lời cầu trên cho thấy Đức Kitô phải phấn đấu mãnh liệt trong giây phút định mệnh giữa chiều theo í riêng và thuận theo í Chúa Cha. Chiều theo í riêng tránh khỏi thập giá, không thương khó, không đóng đinh và cũng không sống lại.

Ma quỉ hiểu rõ chiều theo í riêng là cách cám dỗ hữu hiệu hơn tất cả mọi cám dỗ. Kinh nghiệm bản thân của ma quỉ. Chúng đòi theo í riêng làm loạn. Chúa phạt. Chúng thành công trong việc cám dỗ tổ phụ nhân loại chiều theo í riêng. Chúng áp dụng bài cũ, trong phút cuối đời của Đức Kitô chúng cám dỗ Đức Kitô chiều theo í riêng. Trong vườn địa đàng chúng không ra mặt cám dỗ nhưng mượn hình con rắn, núp bóng rắn nói chuyện với tổ phụ và tổ phụ đã mắc mưu. Trên thập giá Đức Kitô chịu đóng đinh ma quỉ không mượn hình rắn nhưng mượn miệng lưỡi của những kẻ đứng quanh pháp trường lên tiếng thay chúng.

Thánh Marco (14,29tt) thuật lại "Kẻ qua đường nói với Đức Kitô. Có giỏi thì xuống khỏi thập giá cứu mình đi"

Các Thượng Tế và các Kinh Sư cũng chế diễu: "hắn cứu được thiên hạ mà chẳng cứu nổi mình. Ông Kitô vua Israel cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin."

Thánh Luca thêm cả trưởng lãnh binh đền thờ và đám lính dưới quyền ông cũng chế nhạo Đức Kitô: "Nếu ông là vua dân Do Thái thi hãy cứu lấy mình đi."

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ. "Ông không phải lả Đức Kitô sao, hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi nữa."

Những người này không ai nói với ai, không bàn thảo trước với nhau nhưng chung một í, ca cùng một bài, nhạo báng Đức Kitô cùng một luận điệu. Có thể là trùng hợp chăng? Rất khó. Cùng luận điệu suy nghĩ, cùng ăn khớp trong lời nói, cùng cách diễu cợt xuất hiện nơi các thành phần, giai cấp cách biệt là điều khó xảy ra. Suy nghĩ của nhóm trí thức rất khác biệt với dân giả. Lí luận của lãnh binh đền thờ khác với suy nghĩ quân lính. Cách nhìn của người qua đường khác với suy nghĩ của tên trộm chuyên nghiệp. Làm sao giải thích những trùng hợp không những về tư tưởng mà cả lời nói cũng như cách chế nhạo. Tìm đâu ra nhiều trùng hợp xảy ra cùng một lúc như thế. Vì thế giả thiết ma quỉ mượn miệng lưỡi con người cám dỗ Đức Kitô là giả thiết đáng tin cậy.

Chúng cám dỗ Đức Kitô chọn lựa í Con, bỏ í Cha. Chúng đã thất bại. Cám dỗ chiều theo í Con là cám dỗ cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Đức Kitô xảy ra trên thập tự. Cám dỗ mãnh liệt này đến từ môi miệng của bao nhóm người hiện diện nơi pháp trường.

Cám dỗ xuống khỏi thập giá chính là cám dỗ chiều theo í riêng, đừng theo í Chúa Cha nữa. Thời gian vẫn còn đủ để đổi í. Làm như thế không những được sống mà còn có kẻ tin theo nữa. Xuống khỏi thập giá để chúng ta tin là điều hứa cho thành quả của bất tuân, chống lại í Chúa Cha. Cái thành quả to lớn chúng hứa với tổ phụ Adong Eva là được bằng Thiên Chúa. Thành quả chúng hứa với Đức Kitô là được tôn vinh làm vua dân Do Thái cộng thêm có lãnh bin đền thờ và dân chúng tin theo. Đáp lại Đức Kitô làm thinh, không đáp trả. Tuy nhiên khi người trộm kêu van: "Khi nào vào nước ông, xin nhớ đến tôi." Lúc đó Đức Kitô đáp lại anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng."

Đức Kitô bắt đầu rao giảng công khai, ma quỉ cũng cám dỗ Chúa và trước khi tắt hơi thở chúng cũng cám dỗ Chúa. Đừng nghĩ khi đau yếu, kiệt lực ma quỉ sẽ tha không cám dỗ. Chính lúc yếu nhược nhất là lúc ma quỉ tấn công mãnh liệt nhất bởi chúng chỉ biết dối trá và hận thù, không hề biết thương xót.

Xin cho í Chúa được thể hiện trong đời ta.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Thánh Giá và chúng ta
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
09:52 01/04/2015
THÁNH GIÁ VÀ CHÚNG TA

Nói đến thánh giá là nói đến tình yêu: Tình yêu diệu vợi của Thiên Chúa đã làm phát sinh những kết quả vô cùng từ thánh giá.

Học lấy tình yêu của Thiên Chúa nơi thánh giá Chúa Kitô, chúng ta xác tín mạnh mẽ, chỉ một mình Thiên Chúa mới là Người Yêu đích thực của chúng ta. Nhờ Người Yêu và nhờ tình yêu có một không hai ấy, con đường thánh giá trở thành con đường đẹp, tinh tuyền, xóa hết những tội lỗi, những thù nghịch để chỉ còn lại một bầu trời dung thứ, bình an, thắng vượt, nghĩa ân.

Chúa Kitô muôn đời trở nên vì Thiên Chúa gần gũi, sống động của con người. Thánh giá của Người mãi mãi là cây thánh giá của ơn nâng đỡ, sớt chia, ủi an dành cho từng người chúng ta.

Biết bao nhiêu tâm hồn chìm trong tội, nhận ra bầu trời trong–mát–dịu của thánh giá, can đảm tách rời khỏi quá khứ tội lỗi, làm lại cuộc đời.

Biết bao nhiêu tâm hồn suốt đời chỉ chìm trong bạo lực đã nhìn lên bóng thánh giá mà rửa mình sạch mọi dơ bẩn để trở nên hiền hòa, đức độ.

Biết bao nhiêu con người đêm ngày ngụp lặt trong bất công, xảo kế, bỗng một lần nhìn lên thánh giá, đã quay lưng với tất cả lợi lộc từ những gian xảo mang lại, để biến mình thành môn đệ Chúa Kitô.

Biết bao nhiêu những tâm hồn lồng lộn dữ dằn như những con thú hoang, bỗng một lần khám phá ánh sáng yêu thương chiếu dọi từ thánh giá, đã trở nên hiền hòa, nhân hậu, đáng mến.

Biết bao nhiêu kẻ sống ích kỷ, đêm ngày chỉ biết tư lợi, bỗng một lần nhìn lên thánh giá, đã trở thành kẻ xả kỷ, biết hiến thân và hiến dâng.

Cũng vậy: Biết bao nhiêu tâm hồn bị đày ải, khổ đau, cuộc sống như chỉ còn muốn sống cho qua ngày, đoạn tháng, bỗng được tình yêu của thánh giá chiếu rọi, trở nên bình an hơn, chấp nhận trong vui tươi hơn.

Biết bao nhiêu kẻ tử tù, trên đường đi về cái chết, đã nhìn thấy thánh giá, và thánh giá bỗng trở nên sức mạnh khiến cuộc ra đi không còn đau đớn, chỉ còn là niềm tin chiến thắng.

Biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta thầm lặng, hoặc công khai, giữa những lúc bị bách hại, vì thánh giá, bất chấp mọi đe dọa, đêm ngày rao giảng đức tin vào tình yêu kỳ diệu của thánh giá Chúa Kitô.

Biết bao nhiêu người, nhìn cứ tưởng yếu đuối, mỏng dòn, nhưng nhờ tin vào thánh giá Chúa Kitô, họ đã có sức mạnh phi thường vượt thắng mọi thách thức mà con người, hay hoàn cảnh, hay môi trường mang lại.

Biết bao nhiêu người nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi…, vì thánh giá Chúa Kitô, đã có thể sống trung thành với đức tin mà không gợn một chút nghi nan, một chút u uất nào.

Biết bao nhiêu tâm hồn đầy chữ nghĩa, khoa bản, hiểu biết…, nhìn lên thánh giá, đã biết học lấy bài học của khiêm tốn, sống đơn sơ, thậm chí thô sơ với mọi anh chị em dù họ thấp kém, hay sang trọng.

Ngược lại, cũng có biết bao nhiêu tâm hồn, nhờ tình yêu đối với thánh giá, và đêm ngày chỉ biết suy tư cùng thánh giá, ôm lấy thánh giá trọn đời mình, dù họ là người kém cõi, ít hiểu biết, lại trở nên khôn ngoan, thấu hiểu những chân lý cao siêu lạ thường.

Biết bao nhiêu người suốt đời chỉ biết nhìn lên thánh giá, chọn thánh giá làm lẽ sống, vì thế đời họ luôn luôn sáng rực nụ cười và gieo nụ cười ấy khắp nơi.

Biết bao nhiêu người đã có thể trải lòng mình cho mọi người ở mọi nơi, mọi lúc, nhờ kiên định trong tình yêu đối với thánh giá Chúa Kitô.

Biết bao nhiêu người bước ra từ trong đau khổ, vẫn không mất niềm bình an, bởi họ đã tin vào thánh giá Chúa Kitô.

Nhìn thân xác quằn quại trên thánh giá, một thân xác không còn hình tượng người ta, khó có ai bảo rằng đó là “Con Người” đẹp nhất trần gian.

Nhưng quả thật, đó là “Con Người” đẹp nhất trần gian!

Loài người chỉ có thể khám phá vẻ đẹp của “Con Người”, một khi họ nhìn Người bằng ánh mắt của tình yêu mà Người đã yêu, và vẫn yêu.

Chúa Kitô, một tình yêu kiểu mẫu, một tình yêu rực sáng, một tình yêu dòi dọi, một tình yêu vĩnh cửu, một tình yêu đại lượng.

Người là người đẹp nhất bởi vì Người đã yêu, vẫn yêu, yêu đến cùng, yêu cả khi không nhận được tình yêu từ người mình yêu, yêu càng mãnh liệt khi bị kẻ mình yêu khước từ, chống đối, giết chết.

Người là người đẹp nhất bởi tình yêu nguyên tuyền, không một chút phai, không một chút nhạt, không một chút suy suyển, dẫu Người chỉ nhận được những cuồng nộ, những bạo lực.

Người là người đẹp nhất, bởi tình yêu của Người đứng trên tất cả mọi tình yêu. Tình yêu của Người còn đứng trên cả sự tàn ác, hung bạo của những kẻ mình yêu.

Mãnh lực của tình yêu Giêsu Kitô vừa lạ lùng, vừa cuốn hút, vừa êm đềm, vừa mạnh mẽ.

Tất cả chúng ta hãy sống, hãy tỉnh thức mà khám phá tình yêu quá đỗi ấy. Hãy bắt chước Người mà yêu đến cùng, yêu đến hy sinh, yêu đến mất mạng sống… cho tất cả mọi anh chị em mà Chúa dạy chúng ta phải yêu.

“Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác Thập giá mình mà theo Ta”. Đó là lời mời gọi Chúa Kitô dành cho những kẻ muốn tiếp bước đi theo Người, để họ nhận ra điều kiện tiên quyết là phải hy sinh. Hy sinh là chữ đầu tiên mà ta có thể sống để tháp nhập mình vào thánh giá Chúa Kitô.

Hãy để thánh giá Chúa sống trong đời ta. Thánh giá sẽ nhắc ta trong mọi chiều kích của cuộc đời rằng: LẼ SỐNG CỦA CHÚNG TA LÀ CHÍNH CHÚA GIÊSU KITÔ.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:02 01/04/2015
TÀI XẾ KHÉO LÉO
N2T

Có một người lái xe buổi tối, lái qua một ngã tư đường, lúc ấy đèn vàng đã chuyển thành đèn đỏ, anh ta nghĩ rằng chắc không có xe, thế là tăng tốc vượt qua, kết quả là bị cảnh sát thổi còi, thật xui.
Cảnh sát hỏi anh ta:
- “Anh không nhin thấy đèn đỏ sao ?”
Anh ta đá:
- “Có thấy.”
Cảnh sát lại hỏi:
- “Vậy thì tại sao anh vượt đèn đỏ ?”
Anh ta trả lời:
- “Bởi vì tôi không nhìn thấy anh.”
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Có người nói đèn xanh đèn đỏ quan trọng hơn cảnh sát giao thông, lại có người nói cảnh sát giao thông quan trọng hơn đèn xanh đèn đỏ...
Người nói đèn xanh đèn đỏ quan trọng là người biết chấp hành luật lệ giao thông, là người có ý thức trách nhiệm cao, họ sống và làm việc bằng lý trí và con tim yêu mến; ngược lại, người cho rằng cảnh sát giao thông quan trọng hơn, nên thường hay vượt đèn đỏ khi không có cảnh sát giao thông chốt ở đó, những người theo quan niệm này thường là vô kỷ luật, không có ý thức và sống hình thức bên ngoài.
Người Ki-tô hữu không nhìn thấy Chúa bằng con mắt xác thịt, nhưng nhìn thấy Chúa dạy mình qua Giáo Hội, qua Thánh Kinh và qua những vị mục tử hợp pháp mà Chúa đã trao phó; họ nhìn thấy Chúa yêu thương họ qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa Giải; họ nhìn thấy Chúa chăm nom họ qua vũ trụ, qua anh chị em.v.v...
Đèn giao thông xanh đỏ vàng là đại diện cho luật đi đường, đại diện cho chính phủ, tuân giữ luật giao thông là yêu nước yêu người; tuân giữ giới luật của Chúa, thực hành Lời Chúa, vâng lời Giáo Hội là người yêu mến Chúa và tha nhân như chính mình, dù họ chưa bao giờ thấy Chúa bằng con mắt xác thịt.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thứ Năm Tuần Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:07 01/04/2015
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
N2T


Bữa tiệc ly
Bữa ăn chiều Thứ Năm năm nọ của Đức Chúa Giê-su với các môn đệ là bữa ăn cuối cùng của Ngài ở trần gian, hay nói cách khác, Đức Chúa Giê-su đã biết cuộc sống tại thế của Ngài sắp chấm dứt, bữa ăn phần xác kết thúc –tiệc ly, để rồi mở đầu cho bữa ăn phần hồn vĩnh viễn và viên mãn –Máu Thịt của Ngài, đó là bí tíchThánh Thể.

Để chuẩn bị cho bữa tiệc được trọn vẹn, Đức Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ hai việc quan trọng để được tham dự tiệc Hằng Sống :
1. Phục vụ.
2. Yêu thương.

Phục vụ và yêu thương giống như bánh miến và rượu nho kết hợp với nhau để thành lương thực hằng sống; phục vụ và yêu thương giống như giọt nước pha trong rượu, trộn lẫn vào nhau để hương vị phục vụ vừa với khẩu vị của mỗi người.

A. Suy tư.

1- Phục vụ
“Nên trong một bữa ăn. Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rữa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”.

Trước khi ăn người ta thường rửa tay, đây là phép vệ sinh tối thiểu, nhưng rửa chân cho các môn đệ không phải là phép vệ sinh, mà là một hành vi phục vụ, một thái độ khiêm tốn của người mà các môn đệ gọi là Thầy và là Chúa, Đấng ấy là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

“Anh em gọi gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” .

Chỉ có bố mẹ mới rửa chân cho con cái, vì đây là tình yêu, thói đời, không một ông chủ nào rửa chân cho đầy tớ, không một ông thầy nào rửa chân cho học trò vì làm như vậy là tự giảm giá trị nhân cách của mình. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã làm điều ấy, không phải để biểu diễn, không phải để mị dân, nhưng là vì yêu thương các môn đệ, và dạy cho các ông một bài học là phục vụ. Bởi vì phục vụ là dấu chỉ để người ta nhận ra mình là môn đệ của Đức Chúa Giê-su Kitô –Thiên Chúa làm người-

“Một ngày nọ, chim thiên nga hỏi Chúa Tạo Vật (Đấng sáng tạo):
- Con có thể làm môn đồ của Ngài được chứ ?
Chúa tạo vật vui vẻ trả lời: “Được, được”.
Một lúc sau Chúa Tạo Vật nói với chim thiên nga :
- “Con nhìn xem con vịt mẹ đàng kia kìa, nó vừa kiếm ăn từ dưới bùn lầy đi lên đấy, chân nó quá dơ, con đến giúp rửa chân cho nó đi”.
Chim thiên nga lắc đầu không chịu, nói to :
- “Làm môn đồ của Chúa Tạo Vật thì không thể nào đi rửa chân cho người khác”.
Chúa Tạo Vật nói :
- “Này con, nếu con không rửa chân cho người khác, thì ai biết con là môn đồ của Ta chứ ??”


Câu chuyện nhỏ nhưng đạo lí thì lớn.
Phục vụ tha nhân không vì họ là anh em bà con của mình, nhưng vì họ là hình ảnh Đức Chúa Giê-su, là hình ảnh của Chúa Tạo Vật, bởi vì họ là anh em của mình trong đức ái.
Ai cũng thích người khác phục vụ mình, chứ không ai thích mình phục vụ người khác, đó chính là bản chất cốt yếu của căn tính con người là kiêu căng và thích thống trị, không một liều thuốc nào có thể chữa trị được căn bệnh “truyền thống” kiêu căng ấy nơi con người, cũng như không có ai có đủ bản lãnh để chiến thắng nó.

Chỉ có Đức Chúa Giê-su, Đấng đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là đến để phục vụ mọi người, và cái giá phải trả đó chính là chết trên thập giá. Với cái chết này, Đức Chúa Giê-su đã trị được căn bệnh kiêu căng và thích thống trị của con người, của ma quỷ; và với cái chết này, Đức Chúa Giê-su đã ghi tận trong tim mỗi người môn đệ của Ngài hai chữ phục vụ, và phục vụ đã trở nên đấu chỉ để cho nhân loại nhận ra mình là người môn đệ của Đức Chúa Giê-su, Đấng đã phục vụ cho đến chết.

2. Yêu thương
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”

Yêu thương nhau là chuyện cũ rất xưa của loài người, nhưng vẫn cứ mới cho người mới yêu, được yêu, và càng mới hơn nữa cho những người biết khám ra yêu thương chính là phục vụ Thiên Chúa trong tha nhân.

Có người nói yêu thương là sự rung cảm của hai con tim.
Có người nói yêu thương là sự liên kết giữa hai tâm hồn.
Có người nói yêu thương là xoá bỏ hận thù.
Có người nói yêu thương là sống chết có nhau.
Có người nói yêu thương là trao ban, là cho đi...

Đức Chúa Giê-su nói: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”
Đức Chúa Giê-su không đợi lúc sắp chết trên thập giá mới nói những câu này, Đức Chúa Giê-su không đợi khi sống lại mới nói câu này, nhưng Ngài đã nói trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ –bữa tiệc ly- bởi vì yêu thương và phục vụ là nhân tố chính để được tham dự tiệc Con Chiên trong Nước Trời. Không yêu thương thì không phục vụ, mà đã phục vụ thì điều cốt lõi là phải có yêu thương, và khi đã vì yêu thương mà phục vụ thì chúng ta mới xứng đáng tham dự tiệc Con Chiên –bí tích Thánh Thể-

Cuộc đời của Đức Chúa Giê-su là cuộc đời của phục vụ, cuộc sống của Đức Chúa Giê-su là cuộc sống của tình yêu, Ngài vì dân chúng mà phục vụ không ngơi nghỉ, Ngài vì dân chúng lầm than mà thi ân giáng phúc cho họ không biết cơ man nào mà kể. Và cuối cùng Ngài bị nghiền nát để trở nên tấm Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng linh hồn người tín hữu không những ngay đời này mà cho đến cả đời sau.

B. Cầu nguyện
Lạy Đức Chúa Giê-su Thánh Thể,
Hôm nay là ngày Thứ Năm Tuần Thánh, mỗi người trong chúng con đều hiểu rất rõ ý nghĩa của các lễ nghi trong chiều nay, chúng con thuộc lòng từng câu từng chữ mà Chúa đã nói với các môn đệ trong ăn bữa cuối cùng với họ, chúng con đã hiểu và chúng con đã tin. Nhưng cái hiểu biết của chúng con chưa rốt ráo, chưa trọn vẹn, nên chúng con chưa phục vụ tốt tha nhân, nên chúng con chưa thật tình yêu thương mọi người.

Hôm nay quỳ trước Nhà Tạm của Chúa trong nơi yên tĩnh này, tâm hồn của chúng con mới được soi sáng về ý nghĩa của phục vụ và yêu thương, đó chính là hai phương thế giúp chúng con tiến tới bàn tiệc thánh thiên quốc.

Xin Chúa ban cho chúng con biêt phục vụ quên mình, phục vụ mà không đòi điều kiện; biết yêu thương cách chân thành mà không đòi được yêu, để chúng con xứng đáng tham dự bí tích của tình yêu là Mình và Máu Thánh của Chúa. Amen

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh ra thông cáo biện hộ việc bổ nhiệm một Giám Mục Chí Lợi
Nguyễn Việt Nam
02:55 01/04/2015
Đức Cha Juan Barros
Buổi lễ nhậm chức Giám Mục giáo phận Osorno của Đức Cha Juan Barros hôm 21 tháng Ba đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng khi 3,000 người gồm cả những người chống cũng như những người ủng hộ việc bổ nhiệm này to tiếng với nhau ngay trong buổi lễ.

Những người chống việc bổ nhiệm này cho rằng Đức Cha Juan Barros đã có một quan hệ chặt chẽ với linh mục Fernando Karadima, là người đã gây ra những tai tiếng rất tai hại cho Giáo Hội tại Chí Lợi (còn gọi là Chi Lê).

Cha Fernando Karadima đã từng là một gương mặt rất có thế giá trong Giáo Hội tại nước này. Ông đã giúp đào tạo khoảng 40 linh mục trong đó có 4 vị sau này là Giám Mục, trong đó có Đức Cha Juan Barros.

Tháng 2 năm 2011, Bộ giáo lý Đức Tin tuyên bố rằng những cuộc điều tra tại Chí Lợi cho thấy cha Karadima đã lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và truyền cho cha Karadima, lúc ấy 84 tuổi, phải lui vào sống ẩn dật, chấm dứt mọi thừa tác vụ công khai. Quyết định của Bộ giáo lý Đức Tin đã được đưa ra dù rằng trước đó tòa án đời đã hủy bỏ những cáo buộc chống lại cha Karadima xét vì những vụ lạm dụng đã xảy ra quá lâu.

Tai tiếng trong vụ cha Karadima gây ra những thiệt hại nặng nề cho Giáo Hội vì những cáo buộc cho rằng Đức Tổng Giám Mục Juan Francisco Fresno, Tổng Giám Mục Santiago de Chile, đã bao che cho những tội lỗi của cha Karadima trước những cáo buộc của anh chị em giáo dân từ năm 1984.

Đức Cha Juan Barros lúc ấy là cha thư ký cho Đức Tổng Giám Mục. Vì thế, ngài bị nghi ngờ đã có những ý kiến chống lại việc mở một cuộc điều tra các tội lỗi của cha Karadima.

Cha Ciro Benedettini, Phó giám đốc văn phòng báo chí Vatican, cho biết vào ngày thứ Hai 31 tháng 3 rằng trước khi Đức Thánh Cha tuyên bố việc thuyên chuyển Đức Cha Juan Barros từ Giám Mục giáo phận quân đội Chí Lợi về làm Giám Mục giáo phận Osorno, “Bộ Giám Mục đã xem xét cẩn thận việc đề cử vị giám mục này và không tìm thấy lý do khách quan nào chống lại với bổ nhiệm”

Trước đó, Đức Tổng Giám mục Fernando Chomali Garib của tổng giáo phận Concepcion, Chí Lợi, tiết lộ rằng ngài đã riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô để thảo luận về việc bổ nhiệm gây tranh cãi này, và Đức Giáo Hoàng đã nói với Đức Tổng Giám Mục rằng ngài đã phân tích tất cả các hồ sơ quá khứ và không thấy có lý do khách quan nào cho thấy không nên bổ nhiệm Đức Cha Barros làm giám mục giáo phận Osorno.

Đức Cha Barros sinh ngày 15 tháng 7 năm 1956, được thụ phong linh mục vào ngày 29 tháng 6 năm 1984. Ngày 12 tháng 4 năm 1995 được bổ nhiệm Giám Mục phụ tá giáo phận Valparaíso. Ngày 21 tháng 11 năm 2000, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Iquique trước khi được bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận quân đội Chí Lợi vào ngày 9 tháng 10 năm 2004. Ngày 10 tháng Giêng năm nay, ngài được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám Mục Osorno.
 
Bosnia-Herzegovina tiết lộ quan tâm an ninh trong chuyến thăm của ĐGH tại Sarajevo
Nguyễn Việt Nam
10:02 01/04/2015
Bộ trưởng Nội vụ của Bosnia-Herzegovina tiết lộ rằng chính phủ nước ông có những tin tình báo về các mối đe dọa an ninh liên quan đến chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Sarajevo vào tháng Sáu.

Ông Dragan Lukac nói thêm: “Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết. Nhưng các lực lượng an ninh của Bosnia sẽ có khả năng đối phó với những vấn đề này và đảm bảo an toàn cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng.”

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Sarajevo, là trung tâm của một khu vực có một lịch sử đẫm máu về xung đột tôn giáo, sẽ diễn ra vào ngày thứ Bẩy 6 tháng 6.
 
VietCatholic phát hình các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha trong Tam Nhật Vượt Qua
VietCatholic Network
01:54 01/04/2015
Dưới đây là các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha trong Tam Nhật Vượt Qua. VietCatholic sẽ có videos tường thuật những biến cố này (vài giờ sau khi biến cố xảy ra).

1. Lễ Dầu (Chrism Mass) tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Lúc 9h30 sáng thứ Năm Tuần Thánh Mùng 2 tháng Tư – (14:30 giờ Sàigòn, 0:30 sáng giờ California), Đức Thánh Cha sẽ cử hành Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong thánh lễ dầu các linh mục lặp lại những lời hứa các ngài đã tuyên thệ khi thụ phong linh mục. Sau đó, các loại dầu được làm phép để dùng trong suốt năm khi thực hiện các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Phong Chức Linh Mục, và Bí tích Xức Dầu.

2. Lễ Tiệc Ly tại nhà tù Rebibbia ở ngoại ô Rôma

Lúc 5h30 chiều thứ Năm Tuần Thánh Mùng 2 tháng Tư – (20:30 giờ Sàigòn, 8:30 giờ California), Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại nhà nguyện "Padre Nostro" trong khuôn viên nhà tù Rebibbia và rửa chân cho một số nam tù nhân trong trại Rebibbia và cả một số nữ tù nhân đến từ một nhà tù phụ nữ gần đó.

3. Nghi thức Suy Tôn Thánh Giá tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Lúc 5h chiều thứ Sáu Tuần Thánh Mùng 3 tháng Tư – (20:00 giờ Sàigòn, 8:00 giờ California), Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành nghi thức Suy Tôn Thánh Giá tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

4. Đàng Thánh Giá tại Hí trường Côlôsêô của Rôma

Lúc 9:15 tối thứ Sáu Tuần Thánh Mùng 3 tháng Tư – (0:10 sáng ngày thứ Bẩy giờ Sàigòn, 12:15 trưa thứ Sáu giờ California) tại hí trường Côlôsêô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng thánh giá trọng thể và ban phép lành Tòa Thánh cho những ai tham dự. Văn bản của các chặng đàng thánh giá năm nay do Đức Cha Renato Corti viết. Để hiệp thông với Đức Thánh Cha, quý vị và anh chị em và anh chị em có thể tham khảo văn bản của Đàng Thánh Giá này tại đây: http://vietcatholic.net/Media/stationsofCross2015.pdf (Muốn download thì right-click và chọn Save as)

5. Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Lúc 8h30 tối Thứ Bảy Tuần Thánh (23:30 giờ Sàigòn, 11:30 giờ California), Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Vọng Phục sinh bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

6. Thánh Lễ Phục Sinh và buổi đọc thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới

Lúc 10h15 sáng Chúa Nhật Mùng 05 tháng Tư - (15:15 giờ Sàigòn, 01:30 sáng giờ California) tại tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ Phục sinh. Tiếp theo đó, ngài sẽ lên bao lơn của đền thờ để đọc thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới. Xin lưu ý quý vị và anh chị em là Đức Thánh Cha sẽ ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

 
ĐTC: Noi gương Chúa Giêsu hiến dâng mạng sống cho Thiên Chúa và tha nhân
Linh Tiến Khải
10:11 01/04/2015
Nếu chúng ta lên rước lễ mà không thực sự sẵn sàng rửa chân cho nhau, thì chúng ta không nhận biết Thân Mình của Chúa Kitô.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô. Vì chúng ta đang ở trong Tuần Thánh nên ĐTC đã trình bầy về ý nghĩa Tam Nhật Thánh. Ngài nói:

Ngày mai là Thứ Năm Tuần Thánh. Vào ban chiều với Thánh Lễ “Tiệc Chiều của Chúa” sẽ bắt đầu Tam Nhật Thánh cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, tột đỉnh toàn năm phụng vụ của cuộc sống kitô.

Tam Nhật bắt đầu với việc tưởng niệm Bữa Tiệc cuối cùng. Trong ngày vọng của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu hiến dâng cho Thiên Chúa Cha mình và máu của Ngài dưói hình bánh và rượu, làm của dưõng nuôi các Tông Đồ, và truyền cho các vị lưu truyền việc hiến dâng ấy để tưởng niệm Ngài. Khi nhắc lại việc rửa chân, Phúc Âm của lễ này diễn tả cùng một ý nghĩa của Thánh Thể dưới một viễn tượng khác. Như một người đầy tớ, Chúa Giêsu rửa chân cho ông Simon Phêrô và mười một môn đệ khác (x. Ga 13,4-5). Với cử chỉ ngôn sứ đó Ngài diễn tả ý nghĩa cuộc sống và cuôc khổ nạn của ngài như việc phục vụ Thiên Chúa và các anh em: “Thật ra Con Người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mc 10,f45). Điều này cũng xảy ra trong bí tích Rửa Tội, khi ơn thánh Chúa đã rửa chúng ta sạch khỏi tội lỗi và chúng ta được mặc lấy Chúa Kitô (x. Cl 3,10). Điều này cũng xảy ra mỗi khi chúng ta tưởng niệm Chúa trong bí tích Thánh Thể: chúng ta hiệp thông với Chúa Kitô Người Tôi Tớ để vâng lệnh Ngài, lệnh yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34; 15,12). Nếu chúng ta lên rước lễ mà không thực sự sẵn sàng rửa chân cho nhau, thì chúng ta không nhận biết Thân Mình của Chúa Kitô. Đó là việc phục vụ của Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến mình một cách toàn hảo.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh chúng ta suy niệm mầu nhiệm cái chết của Chúa Kitô và thờ lậy Thánh Giá. Trong những lúc cuối cùng của cuộc sống, trước khi phó thần hồn cho Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu nói: “Đã hoàn tất” (Ga 19,30). Lời này có nghĩa gì? Nó có nghĩa là công trình cứu chuộc đã hoàn tất, rằng Toàn Thánh Kinh đã tìm thấy sự thành toàn trong tình yêu của Chúa Kitô, Chiên Con bị sát tế. Với hiến tế của mình Chúa Giêsu đã biến đổi sự gian ác lớn lao nhất trong tình yêu vĩ đại của Ngài.

Dọc dài các thế kỷ, với chứng tá của mình có những người nam nữ phản ánh một tia sáng của tình yêu toàn thiện, tràn đầy và không nhiễm uế. Tôi thích nhớ tới một chứng nhân anh hùng của thời đại chúng ta ngày nay đó là cha Andrea Santoro, linh mục thuộc giáo phận Roma và là thừa sai bên Thổ Nhĩ Kỳ. Vài ngày trước khi bị ám sát tại Trebisonda bên Thổ Nhĩ Kỳ, cha đã viết: “Tôi ở đây để sống giữa dân này và để cho phép Chúa Giêsu làm điều đó bằng cách cho Ngài mượn thịt xác tôi… Ta chỉ có khả năng cứu rỗi, khi hiến dâng chính thịt xác mình. Phải mang lấy sự dữ của thế giới và chia sẻ sự khổ đau, bằng cách làm cho nó thấm nhập xác thịt mình cho tới tận cùng như Chúa Giêsu đã làm” (A. Polselli, Don Andrea Santoro, le eredità, Città Nuova, Roma 2008, tr. 31). Ước chi thí dụ này và biết bao thí dụ khác nâng đỡ chúng ta trong việc hiến dâng mạng sống mình như món quà của tình yêu tặng cho các anh em khác, noi gương Chúa Giêsu. Và cả ngày nay nữa cũng có biết bao nhiêu người nam nữ, các vị tử đạo thật hiến dâng mạng sống họ với Chúa Giêsu để tuyên xưng đức tin, chỉ vì lý do đó. Đó là một việc phục vụ, phục vụ của chứng tá kitô cho tới đổ máu, việc phục vụ mà Chúa Kitô đã làm cho chúng ta: Ngài đã cứu chúng ta cho tới cùng. Và đó là ý nghĩa của từ “Đã hoàn tất”. Thật đẹp biết bao nếu tất cả chúng ta vào cuối cuộc đời mình với các sai lầm, các tội lỗi và cả các việc lành, với tình yêu của chúng ta đối với tha nhân, chúng ta có thể nói với Thiên Chúa Cha như Chúa Giêsu: “Đã hoàn tất”, không phải với sự toàn vẹn như Người, nhưng nói: “Lậy Chúa, con đã làm tất cả những gì con có thể làm. Đã hoàn tất”. Khi thờ lậy Thập Giá, khi nhìn Chúa Giêsu, chúng ta nghĩ tới tình yêu, việc phục vụ, cuộc sống chúng ta, các kitô hữu tử đạo, và nghĩ tới cuộc sống mình sẽ ích lợi cho chúng ta. Không ai trong chúng ta biết khi nào điều này sẽ xảy ra, nhưng chúng ta có thể xin ơn thánh có thể nói: “Lậy Cha, con đã làm điều con có thể làm. Đã hoàn tất”.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh là ngày, trong đó Giáo Hội chiêm ngưỡng “việc ngủ nghỉ” của Chúa Kitô trong mồ, sau chiến thắng của thập giá. Trong ngày Thứ Bẩy, một lần nữa Giáo Hội tự đồng hóa với Mẹ Maria: toàn đức tin của Giáo Hội đã được tiếp nhận nơi Mẹ, là người tin toàn vẹn, đầu tiên. Trong sự tối tăm bao trùm thụ tạo, Mẹ một mình cầm giữ cho ngọn đuốc đức tin nơi sự sống lại của Chúa Giêsu được cháy sáng, bằng cách hy vọng chống lại mọi hy vọng (x. Rm 4,18).

Trong lễ vọng phục sinh, trong đó lại vang lên lời tung hô Alleluiya, chúng ta cử hành Chúa Kitô Phục Sinh, trung tâm và cùng đích của vũ hoàn và của lịch sử. Chúng ta canh thức đầy hy vọng đợi chờ sự trở lại của Ngài, khi lễ Vuợt Qua sẽ được biểu lộ tràn đầy. ĐTC giải thích thêm điểm này như sau:

Đôi khi tối tăm của đêm đen xem ra vào thấu tận linh hồn; đôi khi chúng ta nghĩ “không còn làm được gì nữa”, và con tim không tìm ra sức mạnh để yêu thương. Nhưng chính trong sự tối tăm đó Chúa Kitô thắp sáng lên ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa: một ánh sáng phá tan đêm tối và loan báo một khởi đầu. Hòn dá của đớn đau đã được lật qua một bên, nhường chỗ cho niềm hy vọng. Đó chính là mầu nhiệm cao cả của sự phục sinh! Trong đêm thánh này Giáo Hội trao ban cho chúng ta ánh sáng của Đấng Phục Sinh, để nơi chúng ta không còn có sự tiếc nuối nữa nhưng có niềm hy vọng cho những ai rộng mở cho một hiện tại tràn đầy tương lai: Chúa Kitô đã chiến thắng cái chết và chúng ta cùng chiến thắng vời Ngài. Như là kitô hữu chúng ta được mời gọi là những tuần canh trời sáng biết nhận ra các dấu chỉ của Đấng Phục Sinh, như các phụ nữ và các môn đệ đã làm khi chạy tới mộ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần.

Anh chị em thân mến, trong các ngày Tam Nhật Thánh chúng ta đừng chỉ hạn chế tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa, nhưng cũng hãy bước vào trong mầu nhiệm, và nhận lấy các tâm tình và thái độ của Chúa, như tông đồ Phaolô mời gọi chúng ta. “Anh em hãy có chính các tâm tình của Chúa Kitô Giêsu” (Fl 2,5). Và khi đó sẽ là lễ Vưọt Qua tốt lành cho chúng ta,

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Tây Âu cũng như các đòn hành hương đến từ các nước Indonesia, Nhật Bản, Hồng Kông, Mêhicô, Equador, Argentina. Ngài chúc mọi người Tam Nhật Thánh sốt sắng và luôn sẵn sàng làm chứng cho tình yêu hy hiến của Chúa Kitô và có cùng các tâm tình của Chúa.

Với các doàn hành hương Ba Lan ĐTC nhắc cho mọi người nhớ mùng 2 tháng 4 là kỷ niệm ngày thánh Gioan Phaolô II qua đời. ĐTC nói: chúng ta nhớ tới ngài như chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô khổ đau, chết và phục sinh. Chúng ta hãy xin ngài bầu cử cho chúng ta, cho các gia đình và Giáo Hội, để ánh sáng phục sinh dãi tỏa trên mọi bóng tối của cuộc sống và khiến cho chúng ta được tràn ngập niềm vui và sự an bình.

Với các nhóm tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào các sinh viên tham dự đại hội sinh viên quốc tế tại Roma, học sinh Học viện thánh Vinh Sơn de Paoli vùng Reggio Emilia nhân kỷ niệm 150 năm hoạt động. Ngài khích lệ họ lớn lên trong tình bạn với Chúa, “vì điều cần thiết không phải là một cuộc sống thoải mái, mà là một trái tim si tình”. ĐTC cũng chào các tham dự viên cuộc tuần hành quốc tế Montefortiana tỉnh Verona.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ĐTC nhắc cho mọi người nhớ ngày giỗ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài xin người trẻ học đương đầu với cuộc sống với niềm hăng say của thánh nhân; anh chị em đau yếu biết tươi vui vác thánh giá khổ đau như người, và các đôi tân hôn biết luôn để Thiên Chúa vào trung tâm cuộc đời hôn nhân để có đươc nhiều tình yêu và hạnh phúc hơn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Linh mục đoàn giáo phận Bắc Ninh tái tuyên hứa trong Lễ truyền dầu
Lô Giang
08:56 01/04/2015
Bắc Ninh: Thánh Lễ truyền dầu là dịp để Linh mục đoàn tái khẳng định lời hứa trong ngày lãnh nhận chức Thánh trước mặt Đấng bản quyền và cộng đoàn. Đây cũng được xem như ngày Lễ kỉ niệm sự kiện Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể và truyền chức Linh mục.

Hình ảnh

Sáng thứ ba tuần Thánh (31.03), tại Nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh, Đức Cha Giáo phận đã long trọng cử hành Thánh Lễ truyền dầu. Cùng đồng tế với Đức Cha có đông đủ các Cha trong Giáo phận. Ước tính có gần hai ngàn tín hữu từ khắp nơi về tham dự Thánh Lễ.

Trong bài giảng, Đức Cha Giáo phận nhấn mạnh đến sứ vụ của các linh mục. Linh mục chính Đức Kitô thứ hai. Ngài cũng nhắc tới tinh thần hy sinh cho đất nước của cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, qua đó Ngài khẳng định Thánh chức Linh mục chắc hẳn sẽ hơn hẳn những sự nghiệp chính trị đơn thuần.

Bước sang nghi thức tuyên hứa, trước mặt cồng đoàn Dân Chúa, các linh mục đã lặp lại lời hứa khi lãnh tác vụ linh mục trước mặt Giám mục của mình. Sau lời tuyên hứa, Đức Cha mời gọi cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho các linh mục, để các ngài chu toàn sứ mạng Thiên Chúa trao phó, trở nên những thừa tác viên trung thành của Chúa Ki-tô linh mục Thượng phẩm.

Phần phụng vụ Thánh Thể bắt đầu bằng việc rước các bình dầu và lễ vật ra trước bàn thờ cách long trọng. Kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể, Đức Cha làm phép dầu Bệnh Nhân (OI). Sau lời nguyện Hiệp lễ, Đức Cha tiếp tục làm phép dầu Dự Tòng (OS) và thánh hiến Dầu Thánh (SC).

Sau phép lành thánh lễ, đoàn đồng tế rước các bình Dầu đã được làm phép và thánh hiến. Dầu Thánh sẽ được phân chia vào các bình nhỏ để linh mục lãnh nhận để phục vụ cho việc cử hành các bí tích trong suốt Năm Phụng Vụ.

Theo truyền thống của Giáo Hội, Thánh Lễ truyền dầu thường được cử hành vào thứ năm Tuần Thánh nhằm diễn tả lại sự kiện Chúa Giêsu truyền phép Thánh lễ và truyền chức Linh mục. Tuy nhiên, vì địa bàn mục vụ rộng lớn nên Giáo phận đã dịch ngày Lễ này vào thứ 3 Tuần Thánh để quý Cha kịp trở về nơi mình coi sóc cử hành trọn vẹn các nghi thức tuần Thánh/.
 
GP Phan Thiết: Thánh Lễ Truyền Dầu tại Nhà Thờ Chính Tòa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:01 01/04/2015
Năm nay, Lễ Truyền Dầu được tổ chức vào ngày thứ Tư Tuần Thánh (1.4.2015) tại Nhà Thờ Chính Tòa. Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống cùng linh mục đoàn giáo phận cử hành Thánh lễ làm phép dầu: Thánh hiến, Dự tòng và Bệnh nhân. Đông đảo tu sĩ nam nữ các cộng đoàn, quý chủng sinh và bà con giáo dân cùng hiệp thông cầu nguyện. Ca đoàn tổng hợp quý thầy, quý nữ tu hát lễ.

Hình ảnh

Khởi đầu, vị đại diện Giáo xứ Chính tòa dâng lời chúc mừng Đức Cha và quý cha và cộng đoàn. Thánh vịnh viết: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay. Anh em được sống vui vầy bên nhau”. Hình ảnh trước lễ, Đức Cha và quý cha tay bắt mặt mừng, chuyện trò vui vẻ, một bầu khí đầm ấm yêu thương hiệp nhất của gia đình giáo phận. Ngày xưa, trong bữa Tiệc Ly, Thầy trò thân mật tình gia đình, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh thể và Bí tích Truyền chức. Hơn hai ngàn năm qua, Giáo Hội luôn sống tinh thần yêu thương hiệp nhất. Chúng con tạ ơn Chúa. Chúng con chúc mừng Đức Cha quý cha, quý phó tế trong ngày hôm nay, sum vầy vui vẻ hạnh phúc trong tình thương của Chúa.

Đức Cha Giuse bắt đầu thánh lễ với kinh Vinh danh.Thánh lễ ghi đậm nét hình ảnh sống động của Giáo Hội địa phương. Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh “Christus Dominus” đã xác định: “Giáo phận là một phần Dân Thiên Chúa được giao phó cho một Giám mục chăm sóc, với sự cộng tác của linh mục đoàn, để nhờ liên kết với vị chủ chăn của mình và qua ngài, Giáo phận được tập trung trong Chúa Thánh Thần nhờ Phúc âm và Thánh Thể, làm thành một Giáo Hội riêng biệt, trong đó Giáo Hội Duy nhất, Thánh thiện, Công Giáo và Tông truyền của Chúa Kitô hiện diện và hành động thực sự.” (CD 11).

Đức Cha Giuse giảng lễ, suy niệm câu Tin Mừng “vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” (Lc 4,18).

Thánh lễ hôm nay có tên gọi lễ “làm phép dầu”, lễ “truyền dầu,” hay đơn giản hơn nữa là lễ “dầu”, nhưng cách gọi nào (3 chữ, 2 chữ hay 1 chữ), luôn luôn có chữ không thể thiếu, đó là chữ “dầu”. Dầu là yếu tố quan trọng trong cử hành này, cả trong phần phụng vụ Lời Chúa cũng như trong nghi thức làm phép. Vì thế xin chia sẻ với cộng đoàn một chút hên quan đến dầu, cách riêng câu "Vì Chúa đã xức đầu tấn phong tôi" trong sách ngôn sứ Isaia được lặp đi lặp lại nhiều lần hôm nay.

1/ "Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi" ứng nghiệm nới Đức Giêsu

Tại hội đường Do Thái ngày sabbat, một thanh niên đứng 1ên đọc sách thánh và giải thích cho cộng đoàn, đó là chuyện bình thường, nhưng mở trúng trang sách Isaia và giải thích kiểu Chúa Giêsu tại hội đường Nazaret như Phúc Âm mô tả quả 1à ngoại thường chỉ xảy đến một 1ần, nhất là qua lời khẳng định "Hôm nay đã ứng nghiệm lời kinh thánh tai quý vị vừa nghe”. Ứng nghiệm ra sao? Thưa tất cả đã được nói đến trong lời tổng nguyện "Thiên Chúa toàn năng hằng hữu đã ban Thánh Thần xức dầu tấn phong Con Một mình làm Đấng Thiên Sai và làm Đức Chúa".

Trong 1ich sử cứu rỗi, dầu được dùng trong nghi thức phong vương, phong ngôn sứ và phong tư tế, một cách mầu nhiệm Đức Giêsu đã được xức dầu tấn phong, được đặt làm Thượng Tế để dâng lễ tế đặc biệt, không nhiều lần như các tư tế đạo cũ, mà chỉ một lần là hiến mạng sống mình chịu chết đến tội thay cho muôn dân, ban ơn giải thoát và tuôn trào sự sống cho nhân loại. Chúa Giêsu cũng được đặt làm Đấng Thiên Sai, ngôn sứ cao cả nhân danh Chúa Cha đến trần gian thi hành sứ mạng cứu độ, và Người còn được đặt làm Đức Chúa, Đấng chiến thắng và tiêu diệt hoàn toàn sự chết. Chúa Giêsu là trung tâm của công cuộc Vượt Qua và dầu là trọng tâm của cử hành này, vì thế mầu nhiệm tưởng nhớ ở đây chính là việc Chúa Giêsu được gọi là Kitô-Đấng được xức dầu, để cảm nghiệm Kinh Thánh ứng nghiệm trên sứ vụ đời mình: Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi.

2/ "Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi" áp dụng cho linh mục đoàn

Trong mầu nhiệm Chúa Kitô, hôm nay 1ời "Vì Chúa đã xức dẫu tấn phong tôi” cũng được áp dụng cho các linh mục, khi nhớ lại bí tích truyền chức thánh trong đời mình, ở đó dầu thánh được sử dụng trong nghi thức tấn phong để phát huy tác dụng thanh tẩy và thánh hóa biến những con người bất xứng thành tông đồ của Chúa. Để là hòn đất, cất lên là bụt. Các linh mục, như công đoàn thấy đây, là những con người bình thường như bất cứ ai, cũng mang trong mình những giới hạn và bất toàn, những yếu đuối và tội lỗi, nhưng một khi được tình thương Thiên Chúa chạm đến, cách riêng qua nghi thức xức dầu thánh, thì lập tức được tấn phong làm tư tế để dâng lễ tế phụng sự Thiên Chúa và hiến đời mình để phục vụ dân Chúa.

Trong lễ Truyền Dầu, hàng linh mục sống lại tâm tình của ngày mình được xức dầu tấn phong, nên hôm nay cũng được gọi 1à “sinh nhật của chức linh mục ”. Lát nữa đây, các linh mục sẽ long trọng lặp lại lời hứa đời mình, và sau thánh lễ sẽ nhận lấy dầu thánh để về lại địa phương mà cử hành bí tích cứu độ cho các tín hữu được trao phó cho mình chăm sóc. Nếu việc xức dầu thánh đã biến những người này nên thừa tác viên cứu độ, thì cũng chính bằng việc xức dầu thánh trong các bí tích, họ phân phát ơn cứu rỗi đến với các tín hữu trong giáo xứ. Việc linh mục làm trong mục vụ thánh hóa, như thế, đều diễn ra với ý thức rằng: "Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi".

3/ "Vì Chúa đã xức dầu tốn phong tôi" áp dụng cho mọi tín hữu

Theo giáo lý Hội Thánh Công Giáo, cần phân biệt chức linh mục phổ quát chung cho mọi tín hữu qua bí tích Rửa Tội và chức linh mục thừa tác riêng cho một số người được tuyển chọn qua bí tích truyền chức thánh. Nếu nhờ bí tích Truyền chức thánh, các linh mục hiệp thông với Giám mục của mình, thi hành tác vụ thánh hóa, giảng dạy và cai quản tại đơn vị nhỏ nhất của Giáo Hội địa phương là Giáo Xứ, thì nhờ bí tích Rửa Tội cộng với bí tích Thêm Sức, tín hữu cũng được xức dầu tấn phong trở thành Kitô hữu, những tư tế để hiến dâng lời kinh và cuộc đời mình nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa mà cầu nguyện cho mình và cho mọi người; trở thành giáo lý viên phục vụ công tác giáo huấn và huấn giáo; và trở thành người tham gia vào việc quản trị tại Giáo Xứ.

Chức linh mục phổ quát và chức linh mục thừa tác khác nhau về cấp bậc và yếu tính, nhưng cũng quy hướng về Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất, nên hôm nay cũng là ngày kitô hữu kỷ niệm mình được xức dầu trong bí tích Rửa Tội để thuộc về Chúa Kitô mà dâng hy lễ thiêng liêng trong đời, cũng như rao truyền những kỳ công của Chúa, nói tắt là thi hành sứ mạng làm chứng cho Chúa qua cuộc sống đức tin. Và như thể mọi người đều hân hoan cảm nhận "vì Chúa đã Xức dầu tấn phong tôi".

Tóm lại, cử hành lễ Truyền Dầu hôm nay, tín hữu nhớ lại việc mình được xức đầu trong bí tích Rửa Tội, linh mục nhớ lại ngày mình được xức dầu từ bí tích Truyền Chức, để tẩt cả cũng quy về việc Chúa Kitô được xức đầu làm Thượng Tế hiến dâng mạng sống cứu độ muôn người. Việc được xức dầu nối kết chúng ta với Chúa và với nhau. Trong ý nghĩa này, xin cho chúng ta được sốt sắng cử hành tam nhật thánh với trót cả lòng tin tưởng và yêu mến, để thấy ơn Chúa cứu độ đang thể hiện sống động nơi chúng ta.

Sau bài giảng, Linh mục đoàn lập lại lời hứa vâng phục, thánh hóa và giảng dạy theo tinh thần Phúc Âm, nhất là noi gương vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu. Được làm môn đệ Chúa Kitô là một thiên chức cao quý. Đức Giám Mục xin cho đời sống các linh mục:

- Tuyên hứa linh mục là lời tuyên hứa trước giám mục và cộng đoàn.
- Chấp nhận trách nhiệm phụng vụ cộng đoàn được giao phó, trung thành với lời hứa.
- Quản lý trung thành đối với các mầu nhiệm của Thiên Chúa khi rao giảng Lời Chúa.
- Thi hành chức vụ của mình một cách nhiệt thành và vô vị lợi.
- Trở nên những tôi tớ trung thành của Đức Kitô Thượng Tế.
- Dẫn đưa người trao được trao phó đến với Chúa Kitô là nguồn mạch duy nhất của ơn cứu độ.

Hôm nay là ngày sinh nhật của chức linh mục, ngày sinh nhật từng linh mục. Mỗi linh mục cảm nhận niềm vui này qua lời đáp ca: “Con xin ca ngợi tình thương của Chúa đến muôn đời”. Mỗi linh mục cảm nhận về hồng ân Thánh Thần hiện diện, cảm nhận được Chúa xức dầu, được Chúa sai trên bước đường sứ vụ.

Xin cầu nguyện cho các linh mục để các ngài được trưởng thành trong Đức Kitô, trung thành với lời cam kết và nhiệt thành với sứ vụ của mình. Xin cầu nguyện cho các linh mục say mê Đức Kitô, như Thánh Phaolô: “Đối với tôi sự sống là Đức Kitô” (x. Pl 1,21).

Người giáo dân yêu mến và luôn cầu nguyện cho các linh mục hàng ngày. Để thực sự trở thành bạn hữu của Chúa, linh mục phải hiểu biết Chúa, phải kết hợp mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện và phải kết hợp mật thiết với anh em.
 
Các bạn trẻ Công Giáo vùng Osaka, Nhật Bản, tĩnh tâm
Phanxicô Nguyễn Thái và Mátcô Hoàng Ngọc Báu
22:36 01/04/2015
OSAKA - Vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá 29/3/2014 vừa qua, các bạn trẻ Công Giáo Việt Nam đang tu nghiệp, du học và lao động trong các vùng gần Thành phố Osaka – Nhật Bản đã có một cuộc gặp gỡ tĩnh tâm, chia sẻ và dâng thánh lễ khai mạc Tuần Thánh chung với nhau tại Giáo xứ Shukugawa, nơi mà Cha Đaminh Nguyễn Quốc Thuần đang làm mục vụ.

Hình ảnh

Mặc dù trời mưa, nhưng hơn 50 bạn trẻ đã từ khắp các nơi rủ nhau cùng tham dự ngày gặp gỡ chuẩn bị tâm hồn bước vào Tuần Thánh. Từ 11 giờ trưa, các bạn đã đến để chuẩn bị cho ngày gặp gỡ. Đúng 13 giờ, chương trình đã bắt đầu bằng những trò chơi tạo sự gần gũi và làm quen với nhau. Sau đó, Cha Đaminh Nguyễn Quốc Thuần đã phát cho các bạn toàn văn Sứ điệp giới trẻ và hướng dẫn các bạn chuẩn bị tâm hồn qua việc cùng nhau chia sẻ Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho các bạn trẻ nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 30 với chủ đề: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Bằng giọng nói truyền cảm, cách nói dí dỏm với những câu chuyện thực tế từ cuộc sống và trải nghiệm mục vụ, Cha Đaminh Thuần đã mời gọi các bạn hãy sống trong sạch không chỉ trong tư tưởng, lời nói mà thôi, nhưng nhất là trong hành động trong môi trường sống ở đất nước Nhật Bản. Cụ thể, trong những năm qua, khi dự luận báo chí cùng các phương tiện truyền thông tại Nhật Bản đưa tin nhiều về việc các nữ tiếp viên hàng không Việt Nam tiêu thụ hàng ăn cắp; thì trong số đó có không ít các bạn trẻ đã tiếp tay với các nữ tiếp viên này (đi chợ). Bên cạnh đó, không ít các bạn trẻ đi tàu không mua vé (đá tàu). Rồi một số khác thì trồng và tiêu thụ ma túy (trồng cỏ)… Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, các bạn đã không học tập và làm theo những tấm gương sống kiên cường, anh dũng, quả cảm của các vị anh hùng dân tộc, nhất là gương sống đức tin của các Vị Tử Đạo Việt Nam. Trái lại, các bạn đã sống và bị tiêm nhiễm bởi lối sống vô thần cộng sản. Một lối sống vô nhân bản với phương châm “lấy cứu cánh biện minh cho hành động”; “mạnh được yếu thua”; “đường vinh quang xây xác quân thù”… Thêm vào đó là chủ nghĩa thực dụng và tình dục đã cuốn trôi các bạn trẻ ngủ yên trong “an phận thủ thường” không màng chi đến vận mạng dân tộc, những giá trị nhân bản và nhất là những cứu cánh tâm linh.

Kết luận, Cha Đaminh Thuần đã mời gọi các bạn trẻ khi được may mắn học tập trên đất nước Nhật Bản văn minh tiến bộ với khoa học kỹ thuật tân tiến, các bạn hãy cố gắng vun đắp và xây dựng cho mình trở thành một “con người nhân bản”, cao hơn nữa là “con người nhân văn” và trên hết là “con người nhân linh” – nghĩa là sự linh thánh mà Thiên Chúa đã đặt để trong con người từ thủa tạo thành. Sau cùng, Cha đã lập lại chủ đề của Sứ điệp giới trẻ và mời gọi các bạn hãy dành thời gian đọc, suy nghĩ và cầu nguyện.

Tiếp đến, các bạn đã hăng say và vui vẻ chia sẻ, đặt ra những câu hỏi, những thắc mắc trong đời sống đức tin và cùng với Cha trả lời. Những câu hỏi thật thực tế với những câu trả lời thật thuyết phục, nhưng không kém phần hài hước và hấp dẫn với sự góp ý của mọi người.

Tiếp đến, các bạn đã lần lượt lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Lặng lẽ cầu nguyện và lặng thinh trong xét mình, mọi người như lắng mình trong sự thân mật với Chúa. Từ tòa giải tội bước ra, có bạn hiện rõ nét mặt hân hoan rạng rỡ; có bạn sụt sùi mỉm cười trong nước mắt; có bạn hạnh phúc vui cười như đã nhận được một điều gì đó vô cùng cao quý …

Đúng 17 giờ, đỉnh cao của ngày gặp gỡ là Thánh lễ tưởng niệm việc Chúa vào Thành Giê-ru-sa-lem được bắt đầu với phần làm phép và rước lá. Tiếp đến là Bài thương khó đã được hai bạn trẻ cùng với Cha chủ tế hát thật cảm động. Trong bài giảng ngắn gọn Cha đã mời gọi các bạn hãy sống trong sạch bằng việc trung thành trong đức tin và trung kiên bước theo Chúa như Đức Ma-ri-a, Ông Gio-an, Ông Si-môn, gốc Ky-rê-nê, Ông Giu-se thành A-ri-ma-thê, Ông Ni-cô-đê-mô, Bà Ma-ri-a em cô Mát-ta, Bà Ma-ria Mác-đa-la, Bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, Bà sa-lô-mê và một số các phục nữ khác nữa. Tất cả họ đã trung thành theo Đức Giê-su cho đến cùng. Sau đó, Thánh lễ đã diễn ra như bình thường và khép lại lúc 18 giờ.

Một ngày gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi thật thú vị và ý nghĩa. Các bạn ra về với ước mong sẽ có được nhiều dịp như thế nữa để được nâng đỡ trong đời sống đức tin và nhất là được lãnh nhận niềm vui ơn thánh.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mình Thánh Chúa
Diệp Hải Dung, Australia
21:24 01/04/2015
MÌNH THÁNH CHÚA
Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia
"Mình Thánh Chúa" Ngôi Lời truyền lại
Ai lãnh nhận sẽ được tái sinh
Linh hồn như ánh bình minh
Tháp vào "Máu Thánh" ân tình thơm hương...
(Trích thơ của Trầm Hương Thơ)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 26/03 - 01/04/2015: Câu chuyện của Giuđa Iscariot
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:49 01/04/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức tin mang lại niềm vui cho chúng ta chứ không phải những học thuyết lạnh lùng

Đức tin và niềm hy vọng được gặp Chúa Giêsu mang lại niềm vui cho chúng ta chứ không phải những học thuyết lạnh lùng. Những Kitô hữu nào không thể vui mừng là những tín hữu bất hạnh. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 26 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.

Niềm vui của Abraham vào lời Thiên Chúa phán hứa cho ông có thể trở thành một người cha là nguồn cảm hứng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng. Bình luận về bài đọc trong ngày, Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng Abraham đã già, và vợ ông Sara cũng vậy, nhưng ông tin và mở “trái tim của mình ra cho hy vọng” và “lòng đầy an ủi.” Chúa Giêsu nhắc nhở các thầy thông luật rằng Abraham “hớn hở vui mừng” thấy ngày của Chúa Giêsu “và tràn đầy niềm vui”:

“Và đó là những gì các thầy thông luật đã không hiểu. Họ không hiểu được niềm vui của lời hứa này; họ không hiểu được niềm vui của hy vọng, họ đã không hiểu được niềm vui của sự hiệp nhất. Họ không hiểu, họ không biết làm thế nào để vui mừng, bởi vì họ đã mất đi ý nghĩa của niềm vui chỉ xuất phát từ đức tin. Tổ phụ chúng ta là Abraham có thể vui mừng vì ông đã có đức tin; ông được công chính trong đức tin. Những người khác đã mất đức tin. Họ là các thầy thông luật nhưng không có đức tin. Bởi vì trung tâm của lề luật là tình yêu, tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân!”

Đức Giáo Hoàng nói tiếp:

“Họ chỉ có một hệ thống các học thuyết chính xác mà họ cố gắng làm rõ mỗi ngày từng điều một và không cho ai được sửa đổi chúng. Những người không có đức tin, không gắn bó với lề luật, khi đương đầu với những lề luật này trở thành những con người với nhiều quỉ kế: nộp thuế cho Caesar à, không nộp có được không? Người phụ nữ này là người đã kết hôn bảy lần khi cô đi lên thiên đường cô sẽ là vợ ai trong số bảy người đàn ông này? Đây là thế giới của họ, một thế giới trừu tượng, một thế giới không có tình yêu, một thế giới không có đức tin, một thế giới không có hy vọng, một thế giới không có sự tin tưởng, một thế giới không có Thiên Chúa. Và vì thế, họ không thể vui mừng! “

Đức Thánh Cha nhận xét mỉa mai rằng có lẽ các thầy thông luật cũng có thể có niềm vui “nhưng không có niềm vui thực sự, một niềm vui không có chút sợ hãi nào. Họ sống không có niềm tin vào Thiên Chúa, mà đã không có niềm tin vào Thiên Chúa, không có hy vọng vào Thiên Chúa thì trái tim của họ hóa đá.” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng thật là buồn khi là một tín đồ không có niềm vui - niềm vui không hiện hữu khi không có đức tin, không có hy vọng, không có lề luật - nhưng chỉ có các quy định và những học thuyết lạnh lùng”

“Niềm vui của đức tin, niềm vui của Tin Mừng là tảng đá góc tường cho đức tin của một người. Không có niềm vui, người đó không phải là một tín đồ thực sự. Hôm nay, trước khi ra về chúng ta hãy cử mừng với những lời của Chúa Giêsu: “Abraham, tổ phụ của các ngươi sẽ hớn hở vui mừng được nhìn thấy ngày của Ta, ông đã nhìn thấy và vui mừng. Chúng ta xin Chúa ban ơn để được vui mừng trong hy vọng, trong ân sủng được nhìn thấy ngày của Chúa Giêsu khi chúng ta được ở với Ngài; và trong ân sủng của niềm vui.”

2. Cầu xin cho Tuần Thánh giúp chúng ta chấp nhận đường lối Chúa

Hãy chấp nhận tình yêu Chúa chứ đừng phàn nàn và chống đối lại. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong thánh lễ sáng thứ Ba 24 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.

Lấy ý từ Bài Đọc Cựu Ước trong ngày nói về chuyện con cái Israel phàn nàn chống lại Thiên Chúa trong cuộc hành trình qua sa mạc và chuyện họ phản đối những cái họ gọi là “thực phẩm tồi tệ” được ban cho họ, Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho chúng ta trong hàng ngàn cách thế khác nhau nhưng quá thường khi chúng ta không có khả năng chấp nhận những “đường lối thánh thiện” dành cho mình.

Bài đọc Cựu Ước từ Sách Dân Số kể lại chuyện dân Israel gặp nạn là những con rắn cắn chết nhiều người. Moses đã cầu nguyện cho dân và theo mệnh lệnh của Chúa, đã đúc một con rắn đồng để cứu những ai nhìn vào nó sau khi bị cắn.

Lời bầu của Moses và biểu tượng của thập giá nơi Chúa Kitô sẽ bị chết treo đã cứu dân Israel khỏi chết vì nọc độc của các loài rắn.

Mô tả thái độ của nhiều Kitô hữu ngày nay là “lắc lư về tinh thần,” Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta thường phạm cùng một tội lỗi là “bực dọc và ta thán”.

“Có bao nhiêu người trong chúng ta thấy mình đang bị ‘đầu độc’ vì những bất mãn trong cuộc sống. Đúng, Thiên Chúa là tốt lành đấy nhưng mà ... Chúng ta là Kitô hữu, đúng thế, nhưng mà ... Đây là loại Kitô hữu cuối cùng không mở trái tim của mình ra cho ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, nhưng luôn luôn đặt ra điều kiện. ‘Vâng, tôi muốn được cứu rỗi lắm, nhưng phải như thế này ...’ Thái độ này đầu độc tâm hồn chúng ta”

Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh cáo rằng khi chúng ta không chấp nhận những ân sủng của Thiên Chúa theo cách thức các ân sủng này được trao ban thì đó là một tội lỗi. Nó đầu độc tâm hồn chúng ta, nó tước đi niềm vui. Và Chúa Giêsu đành phải leo lên núi Calvariô.

“Chính Chúa Giêsu tự nguyện gánh lấy chất độc vào mình. ‘Thái độ lưng chừng’ của các Kitô hữu hiện nửa vời là những người nhiệt tình vào lúc bắt đầu cuộc hành trình với Chúa Giêsu đã làm cho họ thất vọng ở giữa đường. Cách duy nhất để chữa lành là nhìn vào thập giá, nhìn vào Thiên Chúa, là Đấng đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta”.

Đức Thánh Cha kết luận rằng ngày nay có quá nhiều Kitô hữu “chết trong sa mạc của nỗi buồn, trong những lời cằn nhằn và trong thái độ không chấp nhận đường lối Chúa”.

“Hãy nhìn vào con rắn, hãy nhìn vào nọc độc nơi thân xác Chúa Kitô. Nọc độc của tất cả các tội lỗi trên thế giới và chúng ta hãy xin Chúa ban cho ân sủng dám chấp nhận những lúc khó khăn, dám chấp nhận ơn cứu rỗi theo thánh ý Chúa, dám chấp nhận được những ‘thực phẩm tồi tệ’ mà con cái nhà Israel đã càm ràm... Chúng ta hãy chấp nhận những đường lối mà Chúa dẫn dắt chúng ta đi. Xin cho Tuần Thánh này giúp chúng ta quay lưng lại với những cám dỗ để trở thành ‘những người Kitô hữu đúng thế, nhưng mà...”.

3. Câu chuyện của Giuđa Iscariot

Lịch sử giữa Thiên Chúa và loài người trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ về những người nam nữ tham gia vào những mảng sáng, hay tối của biến cố này. Câu chuyện bi thảm nhất là câu chuyện của Giuđa Iscariot.

Giuđa đã được lựa chọn ngay từ đầu trong Nhóm Mười Hai. Khi đưa tên ông ta vào trong danh sách các tông đồ, Thánh Sử Luca viết "Giuđa Iscariot, người trở thành (egeneto) một kẻ phản bội" (Lc 6:16). Như thế, Giuđa đã không phải là một kẻ phản bội từ lúc lọt lòng mẹ, và cũng chẳng phải là một kẻ phản bội lúc Chúa Giêsu chọn ông; sau này ông mới trở thành một kẻ phản bội! Chúng ta đang đứng trước một trong những thảm kịch bi đát nhất của tự do con người.

Tại sao anh ta trở thành một kẻ phản bội? Những sách Phúc Âm là các nguồn đáng tin cậy duy nhất mà chúng ta có về nhân vật Giuđa đều đồng thanh nói về một động cơ rất trần tục: đó là tiền. Giuđa đã được giao phó giữ tiền của nhóm; khi bà Maria Mađalêna xức dầu thơm cho Chúa tại Bethany, Giuđa đã phản đối việc dùng dầu thơm quý giá để đổ lên chân Chúa không phải vì ông quan tâm đến người nghèo nhưng, như thánh Gioan lưu ý , "vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung."(Ga 12:6). Đề nghị của ông với các thượng tế thật là rõ ràng: ‘Các ông định cho tôi bao nhiêu, nếu tôi giao nạp Người cho các ông? Và các thượng tế ấn định số tiền là 30 đồng bạc’” (Mt 26,15).

Thần tài chống lại Thiên Chúa vì nó tạo ra nơi con người một vũ trụ tinh thần khác; nó thay đổi mục đích của nhân đức đối thần. Đức tin, hy vọng và lòng bác ái không còn được đặt vào Thiên Chúa nhưng vào tiền. Một đảo ngược nham hiểm của tất cả các giá trị xảy ra. Kinh Thánh nói: " Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin " (Mc 9:23), nhưng thế gian nói: "Có tiền mua tiên cũng được." Và trên một bình diện nhất định, mọi thứ dường như là như thế thật.

Bao nhiêu lần trong thời buổi này chúng ta lẽ ra phải suy nghĩ lại một lần nữa tiếng Chúa Giêsu kêu lên với người phú hộ trong dụ ngôn về người cứ lo thu tóm của cải bất tận và nghĩ rằng phần còn lại của cuộc đời mình sẽ được an toàn: "Đồ ngu! Nội đêm nay, mạng ngươi bị đòi lại, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? "(Lc 12:20)

Tin Mừng mô tả cái kết cục khủng khiếp của Giuđa: "Bấy giờ, Giuđa, kẻ nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: "Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan". Nhưng họ đáp: ‘Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!’ Giuđa ném số bạc vào Ðền Thờ rồi lui ra và đi thắt cổ" (Mt 27:3-5).

Nhưng chúng ta không nên đưa ra một phán quyết vội vàng ở đây. Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi Giuđa, và không ai biết, sau khi ông treo mình lên cây với một sợi dây thừng quanh cổ, ông ta sẽ đi về đâu: trong tay của Satan hay trong bàn tay của Thiên Chúa. Ai có thể biết được điều gì đã loé lên trong tâm hồn ông trong những giây phút cuối cùng này? “Bạn” là từ cuối cùng mà Chúa Giêsu gọi ông, và ông không thể quên được, cũng giống như ông không thể quên ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn ông.

4. Kitô hữu phải là những người có lòng xót thương

Hôm thứ Hai 23 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo chống lại thói đạo đức giả và khẳng định rằng Kitô hữu chân chính phải là những người có lòng thương xót.

Trong bài giảng thánh lễ sáng tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư về bài Tin Mừng trong ngày và chỉ ra rằng “không có lòng thương xót thì cũng không có công lý.”

Đề cập đến ba người phụ nữ trong Kinh Thánh, Đức Giáo Hoàng cho biết họ đại diện cho ba hình ảnh có tính ngụ ngôn về Giáo Hội.

Những người phụ nữ được Đức Thánh Cha đề cập đến là: Susanna - một người phụ nữ vô tội; sau đó là người đàn bà ngoại tình, là một tội nhân; và cuối cùng là bà goá nghèo, là một người góa phụ sống trong cơ bần.

Đức Giáo Hoàng nói họ tượng trưng cho Giáo Hội thánh thiện, Giáo Hội tội lỗi và Giáo Hội của người nghèo.

Tất cả họ đều bị xét xử và 'lên án' bởi những thẩm phán gian ác và tham nhũng.

Đề cập đến các kinh sư và những người Pharisêu là những người đã đưa người đàn bà ngoại tình đến trước mặt Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nói trái tim của họ đã bị chai cứng “họ nghĩ rằng họ đang thực thi lề luật nhưng thực ra họ không biết thương xót”.

Ngài nói thêm:

“Họ không phải là thánh, họ đã bị băng hoại. Bởi vì thái độ này cứng rắn này dẫn con người đến một cuộc sống hai mặt: một mặt họ lên án những người phụ nữ này, nhưng mặt khác họ lại tìm kiếm họ để mua vui. Từ ngữ Chúa Giêsu dùng để mô tả họ là ‘những kẻ giả hình’, những kẻ hai mặt”.

Đức Thánh Cha cũng liên hệ đến những người trong Giáo Hội thường phán xét và lên án người khác, với một thái độ hai mặt, với một thái độ cứng ngắc đến mức người ta không thể thở được.

Đề cập đến chuyện của hai người thẩm phán già, là những kẻ mưu toan tống tiền Susanna, Đức Giáo Hoàng nói rằng họ đã bị băng hoại bởi đồi trụy và một lòng ham muốn, ngày càng gia tăng theo tuổi già của họ.

Liên quan đến vị thẩm phán, là người mà bà góa nghèo đã nài xin phải xử cho bà chống lại một kẻ bất công, Đức Giáo Hoàng nói rằng ông ta là một thẩm phán “chẳng kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng ngán ai”; ông chỉ lo lắng cho mình và bị hư hỏng vì lòng ham hố tiền bạc và uy tín.

Tất cả những thẩm phán này là “những kẻ trục lợi, đồi trụy và cứng nhắc, không biết đến ý nghĩa của lòng thương xót.”

“Sự băng họai làm cho họ không thể hiểu được ý nghĩa lòng thương xót, và cũng chẳng biết rằng người ta phải có lòng từ bi với nhau. Kinh Thánh cho chúng ta biết là công lý được tìm thấy nơi lòng thương xót. Ba phụ nữ bao gồm một vị thánh, một kẻ tội lỗi và một người thiếu thốn, là những ẩn dụ tiêu biểu cho Giáo Hội, chịu đau khổ vì thiếu lòng từ bi. Và dân Chúa ngày nay có thể tìm thấy mình đang đứng trước những thẩm phán 'thiếu lòng thương xót’, cả trong môi trường xã hội dân sự và trong Giáo Hội. Nơi đâu không có lòng thương xót, ở đó cũng không có công lý. Khi dân Chúa đến xin tha thứ, họ thường thấy mình bị lên án bởi một trong những thẩm phán này”.

Dân Chúa gặp phải những kẻ “khai thác và tận dụng tối đa họ, những kẻ cướp đi oxy của linh hồn, cướp đi niềm hy vọng, những kẻ trừng phạt những hối nhân vì những tội lỗi mà chính họ đang che giấu bên trong chính mình.” Điều này, Đức Thánh Cha gọi là thiếu lòng thương xót.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi chỉ muốn đề cập đến một trong những đoạn rất đẹp trong Tin Mừng không ngơi làm tôi xúc động: 'Không ai lên án chị sao?', 'Không có ai, thưa ngài', 'Tôi cũng không lên án chị đâu hãy đi và đừng phạm tội nữa'. Đó là một trong những đoạn đẹp nhất vì nó là đầy lòng thương xót”

5. Giáo Hội là mẹ không bao giờ bỏ rơi các gia đình

Giáo Hội là mẹ không bao giờ bỏ rơi các gia đình, cả khi những gia đình bị ngã qụy, mang thương tích và bị sỉ nhục trong biết bao nhiêu cách thế đi nữa. Cả khi các gia đình rơi vào tội lỗi hay xa rời Giáo Hội, Giáo Hội sẽ luôn luôn làm tất cả để tìm săn sóc và chữa lành, và mời gọi gia đình hoán cải và hoà giải gia đình với Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 20,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 25 tháng Ba tại quảng trường thánh Phêrô. Buổi tiếp kiến chung đã diễn ra trong ngày Giáo Hội cử hành lễ trọng Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria. Đức Thánh Cha tạm ngưng loạt bài giáo lý về gia đình để nói về ngày lễ này, nhưng trong một hình thái hơi đặc biệt của lời cầu nguyện. Ngài nói:

Thật vậy, ngày 25 tháng 3 Giáo Hội long trọng cử hành lễ Truyền Tin, khai mào mầu nhiệm Nhập Thể. Tổng lãnh Thiên thần Gabriel viếng thăm thiếu nữ khiêm hạ thành Nagiarét và báo cho biết nàng sẽ thụ thai và sinh hạ Con Thiên Chúa. Với lời loan báo đó Chúa soi sáng và củng cố đức tin của Đức Maria, cũng như người sẽ làm với chồng nàng là ông Giuse, để cho Đức Giêsu có thể sinh ra trong một gia đình nhân loại. Đây là điều rất hay đẹp: một cách sâu xa dường nào nó cho chúng ta thấy mầu nhiệm Nhập Thể như Thiên Chúa đã muốn, không chỉ bao gồm việc thụ thai trong lòng mẹ, nhưng cũng cho thấy việc tiếp đón trong một gia đình đích thật nữa. Hôm nay tôi muốn cùng anh chị em chiêm ngắm vẻ đẹp của mối dây này, của sự chiếu cố của Thiên Chúa. Và chúng ta cùng nhau làm đọc Kinh Kính Mừng, là lời kinh trong phần đầu lấy lại các lời của Thiên Thần chào Đức Trinh Nữ. Đức Thánh Cha và mọi người đã đọc Kinh Kính Mừng.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói đến khiá cạnh thứ hai là trong ngày lễ Truyền Tin nhiều nước trên thế giới cử hành “Ngày cho sự sống”. Chính vì thế cách đây 20 năm Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ký Thông điệp “Tin Mừng sự sống”. Để kỷ niệm biến cố này hôm nay tại quảng trường thánh Phêrô hiện diện nhiều thành viên các Phong trào bảo vệ sự sống. Trong Thông điệp Tin Mừng sự sống gia đình chiếm một chỗ trung tâm, theo nghĩa gia đình là cung lòng sự sống con người. Lời của vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi nhắc cho chúng ta nhớ rằng cặp vợ chồng được Thiên Chúa chúc phúc ngay từ đầu để làm thành một cộng đoàn tình yêu và sự sống, được giao phó cho sứ mệnh truyền sinh. Khi cử hành bí tích Hôn Phối, các cặp vợ chống kitô tự khiến cho mình sẵn sàng vinh danh phước lành đó trong suốt cuộc đời, với ơn thánh của Chúa Kitô. Về phía mình, Giáo Hội long trọng dấn thân săn sóc gia đình nảy sinh từ đó, như là món qùa Thiên Chúa ban cho chính sự sống của nó, trong số phận tốt cũng như xấu: mối dây giữa Giáo Hội và gia đình là thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Đức Thánh Cha khẳng định thêm như sau:

Giáo Hội là mẹ không bao giờ bỏ rơi gia đình, cả khi nó bị ngã qụy, mang thương tích và bị hành nhục trong biết bao nhiêu cách thế đi nữa. Cả khi nó rơi vào tội lỗi hay xa rời Giáo Hội, Giáo Hội sẽ luôn luôn làm tất cả dể tìm săn sóc và chữa lành, và mời gọi gia đình hoán cải và hoà giải gia đình với Chúa.

Nếu đó là nhiệm vụ, thì rõ ràng là Giáo Hội cần biết bao nhiêu lời cầu nguyện để có thể chu toàn sứ mệnh này trong mọi thời đại. Một lời cầu nguyện tràn đầy tình yêu đối với gia đình và sự sống. Một lời cầu nguyện biết vui với người vui, đau khổ với người đau khổ.

Vì thế cùng với các cộng sự viên của tôi, chúng tôi đã nghĩ tới việc hôm nay đề nghị canh tân lời cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình. Chúng ta hãy phát động dấn thân này cho tới tháng 10 tới đây, khi sẽ diễn ra Thượng Hội Đồng Giám Mục bình thường dành cho gia đình. Tôi muốn rằng lời cầu nguyện này, cũng như toàn lộ trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục, được linh hoạt bởi lòng từ bi của Mục Tử Nhân Lành đối với đoàn chiên, một cách đặc biệt các người và các gia đình, mà vì nhiều lý do đang “mệt mỏi, kiệt sức, như chiên không có người chăn” (Mt 9,36) Như vậy, được ơn thánh Chúa nâng đỡ và linh hoạt , Giáo Hội sẽ còn có thể dấn thân hơn và hiệp nhất hơn trong chứng tá sự thật và tình yêu của Thiên Chúa và của lòng thương xót Ngài đối với các gia đình trên thế giới, không loại trừ gia đình nào, bên trong cũng như bên ngoài ràn chiên.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Tôi xin anh chị em đừng thiếu lời cầu nguyện của mình cho ý chỉ đó. Tất cả mọi người: Giáo Hoàng, các Hồng Y, Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, tất cả chúng ta đều được mời gọi cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục. Cần lời cầu nguyện chứ không cần các bép xép! Tôi mời cầu nguyện cả các người cảm thấy xa vắng hay không còn có thói quen cầu nguyện nữa. Lời cầu này cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình là thiện ích cho tất cả mọi người. Tôi biết là sáng nay đã được phát cho anh chị em một ảnh nhỏ, chắc hơi bị ươt một chút, mà anh chị em có trên tay. Tôi xin mời anh chị em giữ nó và đem nó theo trong mình, như thế trong các tháng tới anh chị em có thể năng đọc lời kinh này với sự nài nỉ thánh thiện, như Chúa Giêsu đã xin chúng ta. Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau đọc lời cầu ấy:

“Lậy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse, nơi các Ngài chúng con chiêm ngưỡng ánh quang của tình yêu chân thật, chúng con hưóng lên các Ngài với lòng cậy tin.

Ôi Thánh Gia Nagiarét, xin cũng hãy làm cho các gia đình của chúng con trở thành các nơi hiệp thông và các nhà tiệc ly cầu nguyện, các trường học Tin Mừng đích thực và các Giáo Hội tại gia nhỏ.

Lậy Thánh Gia Nagiarét, xin đừng bao giờ có kinh nghiệm bạo lực, khép kín và chia rẽ trong gia đình nữa: ước chi ai đã bị tổn thương hay bị gương mù gương xấu mau chóng biết hòa giải và chữa lành.

Lậy Thánh Gia Nagiarét, xin cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới có thể thức tỉnh nơi mọi người ý thức về tính cách thánh thiêng, bất khả xâm phạm của gia đình và vẻ đẹp của nó trong chương trình của Thiên Chúa. Lậy Chúa Giêsu Mẹ Maria và Thánh Giuse, xin hãy lắng nghe và nhận lời van nài của chúng con. Amen”.