Ngày 31-03-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa đã sống lại thật
Lm Giuse Đinh lập Liễm
04:00 31/03/2010
CHÚA NHẬT PHỤC SINH A,B,C.

+++

A. DẪN NHẬP

Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay đều nói đến việc Đức Giêsu sống lại. Thánh Phêrô đã loan báo cho quan bách quản Cornêliô về các sự việc đã xẩy ra nơi Chúa Giêsu: đi truyền giáo, chịu chết trên thập giá và sống lại vinh quang (Bài đọc 1)

Thánh Gioan nói cho biết sự kiện ngôi mộ trống mà ngài đã tận mắt trông thấy là bằng chứng nói lên việc Chúa sống lại (Bài Tin mừng)

Còn thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy tin vào Chúa sống lại, hãy hướng lòng về trời là quê hương thật và đừng để những đam mê trần tục chi phối làm hư hỏng con người (Bài đọc 2).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 10,34.37-43

Viên quan bách quản Rôma, là người ngoại giáo, khi nghe biết về Chúa Giêsu, đã đến xin ông Phêrô làm phép rửa để được gia nhập cộng đoàn các tín hữu đầu tiên. Thánh Phêrô đã nhắc cho ông và gia đình ông niềm tin căn bản này: Đức Giêsu đã phục sinh. Đây là bài giảng đầu tiên mà Phêrô dạy dỗ cho những người tân tòng. Thánh Kinh gọi bài giảng truyền giáo này là Keryma. Lược đồ của mỗi Keryma thường là:

a) Tóm tắt cuộc đời của Đức Giêsu ở trần thế.

b) Cái chết của Ngài.

c) Việc Ngài sống lại.

d) Kêu gọi hãy tin vào Ngài để được ơn cứu độ.

Tin vào Chúa Kitô phục sinh là một điều kiện tiên quyết phải có vì nếu Chúa Giêsu không sống lại thì niềm tin của ta trở nên trống rỗng. Vì thế, sự phục sinh của Đức Giêsu chính là trung tâm của lịch sử nhân loại, là nền tảng cho niềm tin Kitô giáo.

+ Bài đọc 2: Cl 3,1-4)

Trong bức thư gửi cho tín hữu Côlôssê, thánh Phaolô kêu gọi những ai đã nhờ phép rửa mà được tham dự vào mầu niệm Vượt qua, hãy sống một đời sống tỏa hương thánh thiện: ”Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giói”(Cl 3,1-2).

Các tín hữu đã tin vào Chúa Phục sinh, nhưng chưa đủ, còn phải thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống. Mặc dầu phải sống giữa những thay đổi của trần gian này, phải chịu vật chất chi phối, nhưng đừng để lòng mình ra nặng nề, hãy hướng lòng trí về trời là quê hương thật. Đức Kitô phục sinh đem đến cho chúng ta niềm hy vọng trong cuộc sống hiện tại để hướng về cuộc sống mai hậu.

Người tín hữu tìm được ý nghĩa thực của đời sống dưới ánh sáng phục sinh mà họ đang tiến về. Do đó, họ không được thoát ly khỏi cuộc sống đời này với nhiều nghĩa vụ, bao gian nan thử thách; tuy thế, họ đã tìm được ý nghĩa của cuộc sống trong sự kết hợp với Đức Kitô Phục sinh.

+ Bài Tin Mừng: Ga 20,1-9

Trong bài Tin mừng này, thánh Gioan nhắc đến Maria, người tội lỗi, mà Chúa đã trừ cho khỏi bảy qủi. Bà rất yêu mến Chúa. Ngay sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần bà đã ra mộ viếng Chúa, nhưng thấy mộ trống. Bà tức tốc chạy về báo tin cho ông Phêrô và các tông đồ biết: người ta đã lấy trộm xác Chúa. Ông Phêrô và Gioan đã ra mộ và thấy sự kiện ấy: ngôi mộ trống. Phêrô tỏ ra không hoảng hốt, ông bình tĩnh, xem ra ông đã tin Thầy mình phục sinh rồi.

Thực ra, sự kiện ngôi mộ trống chưa có thể xác quyết được sự kiện Chúa sống lại. Chúng ta còn phải nhờ Kinh Thánh và với đức tin chân thật thì mới có thể tin Chúa đã sống lại. Chính người Do thái không tin vào sự kiện đó và cho rằng xác Đức Giêsu đã bị lấy trộm đi. Việc Chúa sống lại chỉ là tin vịt do các môn đệ dựng nên. Tuy thế, đối với ông Gioan thì không còn nghi ngờ gì nũa: ”Ông đã thấy và ông đã tin” (Ga 20,9).

B. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Thành công và thất bại

I. ĐỨC GIÊSU THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI ?

Trong mùa chay, cách riêng trong tuần thánh vừa qua, tâm trí chúng ta luôn luôn bị căng thẳng, tâm hồn chúng ta luôn luôn bị xúc động và hồi hộp khi suy ngắm những biến chuyển nơi Chúa Giêsu trước đây ngót hai ngàn năm, mà Giáo hội đã diễn lại một cách sống động khác nào sự việc đang xẩy ra vậy:

Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem (Ga 12,13)

Chúa từ giã các môn đệ (Mt 16,45).

Chúa ăn bữa tối sau hết (Mc 14,15).

Chúa rửa chân cho 12 tông đồ (Ga 13,50.

Chúa lập phép Thánh Thể (Lc 22,17).

Chúa vào vườn Cây Dầu cầu nguyện (Lc 22,42).

Chúa bị Giuđa tìm bắt (Lc 22,48).

Chúa bị điệu đến dinh Philatô (Lc 23,1)

Chúa chịu đánh đòn (Mt 26,67).

Chúa chịu đội mạo gai (Mt 27,29).

Chúa bị nhạo báng (Mt 27,30).

Chúa phải vác thánh giá nặng (Lc 23,26).

Và sau cùng Chúa phải chịu đóng đinh vào thập giá (Lc 23,33).

Tất cả những điều này đã làm lu mờ sự nghiệp của Chúa: nào làm bánh hóa ra nhiều – nào kẻ mù được sáng – kẻ điếc được nghe – kẻ câm được nói – kẻ què được đi – kẻ chết sống lại với những niềm tin Người là Đấng Cứu thế muôn dân đợi trông – là Con Thiên Chúa, tất cả đều tan đi như mây khói.

Nhưng ở đời có tan thì lại có hợp, có mưa rồi lại có nắng, và có thất bại rồi mới có thành công vì như người ta nói: ”Thất bại là mẹ thành công”. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn, bởi vì người ta thường nói: chết là hết, bao nhiêu sự nghiệp đều tiêu tan. Có biết bao nhiêu anh hùng cái thế, bao nhiêu bậc vĩ nhân trên thế giới đã làm được những công việc vĩ đại, nhưng rồi họ cũng đã ra đi, họ bị lãng quên cùng thời gian, họa chăng chỉ còn trong sử sách.

Nhưng đối với Đức Giêsu, Ngài đã thành công giữa những thất bại. Những thất bại Ngài phải chịu trong một thời gian càng làm cho thành công của Ngài thêm vinh quang. Đúng như văn hào Corneille đã nói: ”Chiến đấu có gian nan, khải hoàn mới vinh quang”. Nhìn vào cuộc tử nạn của Ngài, ta thấy Ngài thất bại hoàn toàn bởi vì bao nhiêu sự nghiệp lẫy lừng Ngài đã làm trong ba năm truyền giáo đã bị tiêu tan. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại như lời Ngài đã báo trước lúc còn sinh thời. Ngài đã sống lại, nên các sự nghiệp xem ra đã bị tiêu tan, ngày này cũng được sống lại theo và muôn đời sẽ còn ghi nhớ những công việc ấy. Ngày nay, sau 2000 năm, hằng tỷ người vẫn còn nhắc đến những sự kiện ấy, nhất là trong Tuần thánh vừa qua.

II. THẤT BẠI VÀ THÀNH CÔNG TRONG ĐỜI THƯỜNG

1. Suy nghĩ của người đời

Trong cuộc sống hằng ngày, không ai dám nói rằng mình chưa bao giờ gặp đau khổ, chưa bao giờ nếm mùi thất bại, chỉ có những kẻ không làm gì thì mới không thất bại. Thất bại và thành công luôn đi đôi với nhau, cũng như vinh với nhục là chị em với nhau, đã có vinh thì có nhục:

Nước dưới sông có khi trong khi đục,

Trang anh hùng có khi nhục khi vinh.

(Tục ngữ)

Xưa nay biết bao người không thành công, chí không đạt được, là vì bỏ cuộc giữa đường, thất vọng tràn trề khi gặp hết tai nọ đến nạn kia. Người có chí phải bền gan gánh vác việc đời, bắt chước theo câu phương ngôn người Nhật: ”Ngã xuống bảy lần, lần thứ tám đứng dậy “ mà hành động thì mới mong thành đạt.

Ngày xưa, Hán Bái Công đánh với Hạng Vũ, trăm trận đều thua, vậy mà ông vẫn không hề thối chí, cho đến khi thắng trận cuối cùng thì thành được đế nghiệp. Lưu Bị đời Tam quốc, lúc chưa gặp thời, lang thang ở trọ hết nơi này sang nơi khác, không mảnh đất dung thân, thất bại bao phen, nhiều lần suýt vong mạng, vậy mà vẫn bền gan chịu đựng cho đến ngày làm vua một cõi.

(Nguyễn văn Y, Có chí thì nên, 1971, tr 24-25)

Muốn thành công phải chấp nhận thất bại vì như người ta thường nói: ”Thất bại là mẹ thành công”. Đối với người hèn kém thì thất bại là cơ hội làm cho họ nhụt chí, còn đối với người hùng thì thất bại là dịp thúc đẩy họ tiến lên hơn.

Vì thế, René Bazin, hàn lâm viện Pháp, có khuyên mọi người: ”Đừng sợ thất bại. Lần thất bại thứ nhất cần phải có, vì nhờ đó mà ý chí ta thêm cứng cát. Lần thất bại thứ hai có thể có ích. Bị bại lần thứ ba mà anh vẫn đứng vững, thì anh thật là một người..., anh như chùm nho chín ở trên đá sỏi: Không có thứ nho nào ngọt hơn nữa”.

Hòn sỏi nào tròn trịa trơn láng mà chẳng phải chịu biết bao nhiêu sự cọ xát từ tháng năm này sang tháng năm khác. Con người muốn đạt được sự cao qúi của tâm hồn, học hỏi được kinh nghiệm sống, không thể chưa từng va chạm tới trăm đau nghìn khổ. Xưa nay anh hùng hào kiệt, chí sĩ văn gia, những bậc tài hoa dường như đều trần ai như thế cả. Nếu mỗi lần gặp gian nguy, trở ngại mà lùi lại thì bao giờ mới đặt chân được đến đài vinh quang (Sđd, trang 27).

Cũng trong tư tưởng ấy, Abraham Lincoln nói: ”Điều mà tôi muốn hiểu trước hết, không phải là anh có thất bại không, mà là anh có biết chấp nhận sự thất bại của anh không”.

Ông Henry Ford cũng khuyên: ”Một cuộc thất bại chỉ là cơ hội để thử lại lần thứ nhì với nhiều khôn ngoan hơn”.

2. Chuyển bại thành thắng

Trong cuộc sống thường ngày cũng như trong đời sống thiêng liêng, chúng ta đã có kinh nghiệm: không thiếu gì thành công, nhưng cũng chứa đầy thất bại. Có người vui sướng đón nhận những thành công và buồn rầu chấp nhận thất bại; nhưng cũng có những con người xứng đáng là con người: đón nhận thành công nhưng cũng bình tĩnh và đôi khi vui lòng đón nhận thất bại. Đối với những con người này, họ coi thất bại chỉ là động lực khiến họ mạnh dạn tiến lên đến thành công. Thành thử, thất bại không còn gì là đáng sợ mà chỉ là cơ hội cho họ can đảm hơn.

Ai cũng đã có lần thành công mỹ mãn, nhưng cũng đã có lần gặp những thất bại chua cay. Thất bại cũng có ý nghĩa của nó.

Có hai loại thất bại:

- Thất bại khách quan (hay thụ động, tiêu cực).

- Thất bại chủ quan (hay chủ động, tích cực).

Thất bại khách quan: đó là những thất bại không thể tránh được vì nó vượt quá sức lực của con người. Đó là tình trạng bi đát, không còn cách nào tránh né và cũng không thể chỗi dậy được. Đối với những loại thất bại này, người ta chỉ thụ động chịu đựng ví dụ như bệnh tật, sa cơ thất thế, thua trận...

Thất bại chủ quan: đó là những thất bại có tính toán trước theo phương pháp: ”Thả con tép, bắt con tôm” hay “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Người ta sẵn sàng chịu những thất bại nhỏ để đạt tới những thành công lớn, hay ít ra chịu thất bại trước mắt để thành công trong tương lai. Như vậy, người ta không nhằm rước lấy thất bại những nhằm đón lấy thành công sau này.

- Chúng ta đã có kinh nghiệm trong thể thao: muốn nhảy xa, muốn nhảy cao, người ta phải lùi lại nhiều bước rồi mới tiến lên, mới nhảy cao, nhảy xa được, những bước lùi đó chính là những bước tiến, vì không có nó thì không thể nhảy cao, nhảy xa được.

- Trong chiến trận cũng thế: đôi khi người ta phải giả vờ thua chạy tháo lui cho quân địch đuổi theo, khi quân địch lọt vào vòng vây, khi ấy người ta mới phản công, chiến thuật này rất nguy hiểm, đã bị lọt vào trong vòng vây, quân địch không còn cách nào tháo lui được nữa và chắc chắn người ta thành công.

- Trong cuộc sống hằng ngày, người ta cần phải hiểu phương cách “Tiến thoái”. Tiến là đi lên, thoái là đi xuống hoặc rút lui. Có một sự tương quan biện chứng giữa tiến và lùi. Tiến chưa hẳn đã thắng và lùi chưa hẳn đã thua. Trong cái lùi đã có cái thắng. Như trong thể thao và trận chiến, chúng ta đã nhận thấy phải có lùi thì mới tiến được, lùi là điều kiện phải có để tiến, lùi đây là lùi chiến thuật.

Chúng ta thử xem câu nói này có đúng không ? Mới đọc xem ra vô lý, nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì câu nói ấy rất hay. Đây là một kiểu nói bắt người đọc phải động não mới tìm ra ý nghĩa của nó: ”

“Một ngàn việc tiến,

“Chín trăm chín mươi chín việc lùi,

đó là TIẾN BỘ”.

(Henri Frédéric AMIEL)

III. THẤT BẠI VÀ THÀNH CÔNG TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

1. Chúa đã sống lại thật

Khi còn sinh thời, Đức Giêsu đã nhiều lần loan báo trước Ngài sẽ bị bắt, đánh đòn, giết chết và sau ba ngày thì sống lại. Sự kiện tiên tri Giona nằm trong bụng cá ba ngày và việc xây đền thờ Giêrusalem trong ba ngày đã là những hình ảnh báo trước việc Đức Giêsu sống lại sau ba ngày đã chết. Trên dương gian này, những ai đã chết là chết luôn, chỉ có Đức Giêsu mới có thể dùng quyền năng của mình mà tự sống lại.

Đức Giêsu đã sống lại thế nào ? Ai đã khám phá ra điều này ? Cả bốn sách Tin mừng đều tường thuật về biến cố này, nhưng đều không cho biết Đức Giêsu đã sống lại thế nào. Vì thật sự, không ai có mặt để chứng kiến biến cố lịch sử quan trọng này. Nhưng có những nhân chứng đã thấy ngôi mộ trống, họ quả quyết xác Chúa không còn trong mộ, và sau đó Chúa đã hiện ra nhiều lần với họ, xác nhận Ngài đã sống lại, đồng thời dạy bảo họ nhiều điều. Đó là các tông đồ và một số phụ nữ… những nhân chứng về sự sống lại của Đức Giêsu.

Như vậy, một điều chắc chắn: sự kiện Đức Giêsu phục sinh không thể minh chứng một cách rõ ràng như chúng ta minh chứng một biến cố, một sự kiện tự nhiên mà phải dùng đến đức tin. Cho nên, đối với chúng ta việc Chúa sống lại là vấn đề đức tin: phúc cho ai không thấy mà tin.

2. Phải sống theo niềm tin ấy

Trong mùa Phục sinh chúng ta vẫn đọc đi đọc lại câu: ”Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa”. Chúng ta tin thật Đức Giêsu đã sống lại như lời minh chứng của Thánh Kinh, chúng ta hân hoan ca mừng việc Chúa sống lại vì Ngài đã chết để tiêu diệt sự chết và đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng ta. Chúng ta tin chắc như vậy ! Nhưng tin như thế vẫn chưa đủ, còn phải thể hiện niềm tin ấy ra trong cuộc sống hằng ngày. Phải theo gương Đức Giêsu mà chết đi để rồi mới sống lại được. Phần thưởng của chúng ta chỉ có được sau khi đã trải qua mọi thử thách trong cuộc sống ở trần gian này: per crucem ad lucem !

a) Có những nghịch lý phải chấp nhận

Chúng ta đã có một gương sán lạn của Đức Giêsu: Người đã chịu chết để chuộc tội cho nhân loại. Trước mặt người đời, người ta cho là Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn vì chết là một thất bại, mọi sự nghiệp đã tan thành mây khói. Nếu chết là hết mà không có sự sống lại thì Đức Giêsu bị thất bại hoàn toàn, nhưng sau cái chết đã có sự sống lại. Ngài đã dùng sự chết để đánh tan cái chết và sống lại để phục hồi sự sống lại cho chúng ta. Vậy Ngài đã chuyển bại thành thắng, đã thành công trong thất bại.

Trong cuộc sống của chúng ta cũng thế, chúng ta phải chấp nhận hy sinh, phải lột bỏ con người cũ đầy tội lối để mặc lấy con người mới thánh thiện. Chúng ta có chết đi cho tội lỗi thì mới hy vọng được sống lại vinh quang như lời Chúa Giêsu dã nói: ”Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Như vậy, chúng ta phải đón nhận những thất bại đời này để chuẩn bị cho đời sau. Đây chỉ là thất bại chiến thuật vì trong thất bại đã có chiến thắng.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy có những nghịch lý. Nghịch lý là điều thoạt xem có vẻ phi lý nhưng khi suy nghĩ kỹ thì thấy rất hợp lý. Chúng ta thấy có nghịch lý giữa “mất” và “được” hay giữa “bị” và “được”. Theo khuynh hướng tự nhiên thì ai cũng muốn “được” và sợ “mất”, muốn “sống” hơn là “chết”. Nhưng nghịch lý thay ! Nhiều khi vì “được” mà phải “mất”. Ví dụ: bạn muốn cho có một mùa bội thu thì hạt giống phải “bị” mục nát ra thì mới có thể “được” một mùa bội thu, nếu không “bị” thì cũng chẳng có “được”.

Hay một ví dụ khác: trong một vụ tranh cãi bạn cố gắng dùng đủ mọi mưu mô để tranh cãi cho bằng được, kết quả là bạn thắng trong vụ cãi nhưng mất tình nghĩa bạn bè hay người thân; trái lại, nhiều khi “mất” mà lại “được”. Ví dụ: thánh Anphongsô là một luật sư nổi tiếng. Một lần kia ngài biện hộ cho một vụ kiện lớn, ngài bị thua. Thất bại ê chề hôm đó đã giúp cho ngài nhận thức rằng danh vọng thế gian chỉ là giả trá, ngài đi tìm một lẽ sống khác và trở thành một vị thánh lập dòng (Cf Carôlô).

Chúng ta cũng thấy có một nghịch lý nữa giữa “sống” và chết”. Chết và sống không phải là hai điều luôn đối nghịch nhau, nhiều khi chúng liên kết hỗ trợ nhau: sự chết nuôi sự sống và sự sống sống được là nhờ sự chết. Ví dụ: con vật phải chết đi mới có thịt nuôi sống con người, hay cây nến sáp phải chảy ra và bị đốt thì anh sáng mới bùng lên soi sáng cho con người.

Đối với cái chết của Chúa trên thập giá cũng vậy. Đức Giêsu chính là Đấng mà con rắn đồng trong sa mạc là hình ảnh loan báo trước: ”Khi các ông đưa Con người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế việc Đức Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.

Vì thế, chính khi Đức Giêsu “bị” giết chết trên thập giá là lúc Ngài “được” tôn vinh và là nguồn ơn cứu độ cho nhiều người. Khi chúng ta “bị” đau khổ nhưng biết nhìn lên thập giá Đức Giêsu là lúc chúng ta “được” cứu độ. Nhìn ngược lại ngày xưa, khi nguyên tổ tưởng mình “được” bằng Thiên Chúa thì lại “bị” đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hãy nghiền ngẫm câu nói của Đức Giêsu: ”Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”(Ga 12,25). Như vậy, chúng ta thấy rõ tương quan giữa cái “mất” và cái “còn”.

Truyện gợi ý: Phải biết tan biến đi

Nếu Đức Giêsu là người Ả rập, thì thay vì hình ảnh của hạt lúa được gieo vào lòng đất, có lẽ Ngài sẽ kể câu truyện ngụ ngôn sau đây:

Một dòng suối mát rơi từ ngọn núi, chảy qua một đồng bằng cho đến khi chạm đến một sa mạc. Tại đây, nó chợt nhận ra nước của mình bắt đầu bốc hơi và khô dần. Dù vậy, dòng nước vẫn quyết tâm băng qua sa mạc. Nó nghe có tiếng thì thầm:

- Nếu ngươi muốn, ngươi có thể băng qua sa mạc được, bởi vì gió vẫn làm được điều đó.

Dòng suối giận dữ:

- Nhưng ta có phải là gió đâu ?

Nó thấy gợi ý của tiếng thì thầm là điều ngu xuẩn, nhưng tiếng nói vẫn tỏ ra kiên nhẫn:

- Gió sẽ mang ngươi đi. Dĩ nhiên với điều kiện là ngươi phải tan biến đi trong gió.

Dòng suối suy nghĩ miên man về ý nghĩa này: nó vẫn chưa hiểu được tại sao nó phải tan biến đi, phải chăng nó phải đánh mất chính mình ? Điều gì bảo đảm được rằng khi băng qua hết sa mạc, nó sẽ tìm lại được bản thân một cách nguyên vẹn ? Đọc được ý nghĩ của nó, gió mới lên tiếng

- Ngươi chỉ cần tin tưởng nơi ta, không còn cách nào khác nữa đâu.

Dòng suối vẫn tiếp tục giữ giọng kiêu hãnh:

- Đồng ý, nhưng ta không thể chấp nhận tan biến được.

Tiếng nói thì thầm giải thích:

- Ngươi không thể băng qua sa mạc mà vẫn giữ nguyên hình nguyên trạng được. Làm thế ngươi chẳng khác nào một con rắn xấu xí, nhưng nếu ngươi để cho gió mang ngươi đi xuyên qua sa mạc, thì bên kia sa mạc, ngươi sẽ hiện nguyên hình là một dòng suối xinh đẹp. Dòng suối thắc mắc:

- Vẫn một dòng suối như cũ ư ?

Giọng nói giải thích:

- Dĩ nhiên, ngươi sẽ tìm gặp lại bản thân, tóm lại nếu ngươi cứ chần chừ đứng ở đây, ngươi cũng sẽ đánh mất chính mình ngươi mà thôi.

Thế là dòng suối chấp nhận biến thành hơi nước và để cho gió mang đi. Nó cùng với gió băng qua sa mạc. Và khi cả hai đến đầu ngọn núi bên kia sa mạc, gió để cho nó rơi từ từ như mưa. Không mấy chốc, dòng suối gặp lại chính nó, đẹp hơn, trong suốt hơn.

(R. Veritas, Mạch nước trường sinh, tr 96-97)

Hạt lúa có được gieo vào lòng đất để thối đi mới có thể sinh hoa kếtr quả. Dòng suối có chấp nhận tan biến trong gió mới có thể gặp lại bản thân. Đây là định luật của cuộc sống thiêng liêng mà Đức Giêsu đã vạch ra cho chúng ta. Đây là con đường siêu thoát, con đường chiến đấu, ai muốn được sự sống đời đời không thể đi theo con đường nào khác.

b) Chiến đấu không lùi bước

Đức Giêsu đã chỉ đường dẫn lối cho chúng ta tiến tới cuộc sống đời đời. Con đường ấy là con đường khổ giá. Con đường từ bỏ, con đường siêu thoát chính mình, vì Đức Giêsu đã phán: ”Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”. Đấy là con đường một chiều, ai đã theo thì chỉ có tiến chứ không có lùi, như thế mới xứng đáng làm môn đệ của Chúa:”Ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”(Lc 9,62).

Thập giá của Chúa trao không nặng lắm, luôn vừa sức ta, nhưng đòi hỏi ta phải kiên trì vác hằng ngày vì sự khốn khó ngày nào đủ cho ngày ấy. Hãy bắt tay vào việc ngay, đừng chần chừ, đừng để công việc hôm nay sang ngày hôm sau. Về vấn đề này, ta hãy nghe John Newton nói:

“Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta không vác nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi”.

Hãy tin tưởng cất bước, quyết không lùi trước những khó khăn. Phần thưởng chỉ dành cho những ai chiến đấu và kiên trì cho đến cùng. Hãy tin tưởng vào Chúa, Đấng đã trải qua mọi khó khăn sẽ giúp đỡ chúng ta vượt qua mọi thử thách. Trong cuộc chiến này, chúng ta chỉ biết tiến chứ không biết lùi.

Truyện: Quên bài kèn rút lui.

Trong một trận giao tranh ác liệt giữa quân của Napoléon và quân địch, trận chiến càng về khuya càng ác liệt và phần thắng dần dần nghiêng về phía địch. Quân của Napoléon chết rất nhiều, hàng ngũ rối loạn mặc dầu cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục nhưng rời rạc. Nhìn rõ thế trận, Napoléon biết phải làm gì, vua gọi tên lính thổi kèn lại gần và ra lệnh: ”Hãy thổi kèn lui binh vì quân ta chết quá nhiều”.

Tên lính trẻ được lệnh, nhảy tót lên ngựa, phi nhanh ra giữa trận, và đưa kèn lên thổi hồi kèn thúc trận một cách mạnh mẽ. Quân của Napoléon đang mệt mỏi và thất vọng, nghe tiếng kèn thúc quân, tưởng có viện binh tới giúp, chồm dậy phản công kịch liệt. Kèn cứ thổi, đám tàn quân vươn mình lên vừa đánh vừa la hét. Kết quả thế trận thay đổi: quân của Napoléon toàn thắng bất ngờ. Tuy nhiên, hoàng đế Napoléon sai bắt tên lính kèn kia lại, và khiển trách y rất nặng nề về tội bất tuân thượng lệnh. Anh lính bình tĩnh tâu:”Muôn tâu đức vua, từ khi được theo bước chân ngài trong binh lửa, và chiến đấu trăm trận đều trăm thắng cho nên hạ thần đã quên hẳn bài kèn rút lui rồi”.

Muốn có chiến thắng thì phải chiến đấu. Chiến đấu càng cam go, chiến thắng càng vinh quang. Không có thành công nào mà không đòi cố gắng. Thành công của chúng ta là biết lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa. Để giúp chúng ta biết cách kiên trì sống theo thánh ý Chúa với niềm tin tưởng trong gian truân, chúng ta hãy đọc đoạn thư của thánh Phaolo tông đồ gửi cho tín hữu Do thái sau đây:

“Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ Lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy ? Nếu anh em không được sửa dạy như tất cả mọi người, thì khi đó anh em là con ngoại hôn, chứ không phải là con chính thức. Vả lại, chúng ta có cha trần thế sửa dạy mà chúng ta vẫn tôn kính, thì chúng ta lại càng phải tùng phục Cha trên trời để được sống. Cha trần thế sửa dạy chúng ta trong một thời gian ngắn, và theo sở thích của mình; còn Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta.
 
Tập chăm sóc nhau trong tình yêu Chúa
Lm. Jude Siciliano OP
06:40 31/03/2010
THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Xh 12: 1-8, 11-14; Tv 116; 1Cor. 11: 23-26;

Ga 13: 1-15

Tất cả các bài đọc hôm nay đều nói về bí tích Thánh Thể; được truyền lại trong bữa ăn. Đối với các gia đình, bữa ăn rất quan trọng; đó là bữa sum họp gia đình quanh bàn ăn. Trong thời đại hiện nay, bữa cơm thân mật gia đình thật là quý hiếm; do công việc tất bật hằng ngày lôi cuốn: nào là làm việc, chở con đi học. Do vậy, các bậc phụ huynh thường đưa con cái đến những quán bán thức ăn nhanh, hoặc đến những tiệm Mc Donald để ăn, vừa rẻ, vừa nhanh, vừa có thì giờ để các cháu học và làm bài tập còn cha mẹ cũng có thời gian rãnh rổi để dọn dẹp nhà cửa. Vì thế bữa ăn cuối tuần thật là hạnh phúc cho cả gia đình.

Khi chúng ta ngồi vào bàn ăn với gia đình hoặc với bạn bè, sẽ có rất nhiều việc đưa ra trao đổi với nhau, khó có nhà tâm lý học nào có thể quy chuẩn được những mẫu chuyện này. Trong bàn ăn thường chúng ta hay nói đến những việc làm, chuyện vui, chuyện buồn trong ngày ở trường học hay nơi sở làm. những việc làm mệt nhọc hay căng thẳng và nhờ bữa ăn gia đình nó sẽ làm cho chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng. Sau đó cũng phải lo dọn dẹp, chuẩn bị công việc cho ngày mai và nghỉ ngơi dưỡng sức. Thật không có gì khổ sở cho bằng ăn uống vội vả như những ngày vừa qua của tôi đến nỗi không có thì giờ để ngủ nghỉ. Gia đình tôi thường ăn chung trong bữa tối cuối tuần; do mẹ tôi được nghỉ làm; Bữa ăn bắt đầu khi cha tôi ngồi vào bàn. Trong bữa ăn chúng tôi thường nghe kể chuyện gia đình trong quá khú và hiện tại, và ăn những món ăn truyền thống của gia đình. Và chúng tôi đã nghe hoài những mẫu chuyện và ăn hoài những món ăn đó vì thế nó trở nên rất thân thương và gần gủi với chúng tôi.

Bây giờ là linh mục, tôi phải cẩn thận nói về bữa ăn lúc trước, khi đời sống không đến nỗi vội vàng, và gia đình có nhiều thì giờ sống chung với nhau. Những bữa ăn như vậy có vẻ khác đối với một cộng đoàn mới thời nay. Nhưng mặc dù với các thức ăn nhanh, chúng ta vẫn còn có dịp ăn chung với nhau. Vào dịp Lễ Phục Sinh sắp đến, Hay những ngày lễ lớn, như lễ Chiến Sĩ Trận Vong, lễ Độc Lập, lễ sinh nhật hay lễ kỷ niệm đám cưới, lễ cưới hay kỷ niệm rước lễ lần đầu v.v… (Chúng ta không cần ăn chung trong nhà). Và trong những bữa ăn đó có hình ảnh của bữa ăn được diễn tả trong Kinh Thánh hôm nay. Như đặt bàn, đốt nến, làm những món ăn đặc biệt. Vừa rồi có bữa ăn sinh nhật của một cháu bé 5 tuổi, cháu đòi ăn thịt gà chiên từng miếng nhỏ và bánh sô-cô-la. Những dịp như thế, chúng ta có thể kể nhiều chuyện, trong quá khứ và hiện tại cho nhau nghe. Và cho thế hệ sau nghe chuyện của gia đình, ăn những món ăn đặc biệt và rồi thế hệ trẻ nhìn nhận đây là gia đình của mình. Những bữa ăn vào dịp lễ như vậy giúp chúng ta hiểu nhiều về bữa ăn trong Kinh Thánh ngày hôm nay.

Bài trích sách Xuất Hành nói đến bữa ăn trong lễ Vượt Qua đầu tiên, có vẻ giống bữa ăn thời nay. Đó là bữa ăn hối hả để chuẩn bị lên đường. Những người dự bữa ăn phải ăn mặc sẵn sàng để ra đi. Chắc họ dự bữa ăn với những tâm tình khác nhau. Họ đã bị đàn áp dữ dội do đang làm nô dịch ở Ai Cập, họ không thể nào tìm được tự do. Chắc họ phải lo sợ; không biết Thiên Chúa có thể giúp họ vượt khỏi không? Và rồi mỗi khi họ chạy thoát khỏi nạn nô dịch, không biết họ có chịu nổi chặn đường dài qua sa mạc không? Họ có thể chết trong sa mạc, hay bị bắt lại làm nô dịch chăng? Chắc là những người Ai Cập không muốn cho họ ra đi. Nếu bị bắt lại, họ sẽ bị đối xử như thế nào? Có người dự bữa ăn này với nhiều ý nghĩ khách về việc ra đi, và họ có thể bàn tán để ở lại với chủ cũ mà họ biết. Rồi có người ăn bữa ăn đó với lòng mừng rõ, là Thiên Chúa đã đến để cứu thoát họ, để họ tìm tự do. Nhưng đây không phải là bữa ăn độc nhất. Người Do Thái đã được dạy bảo là phải làm bữa ăn như vậy hàng năm. “Ngày ấy đối với các ngươi sẽ thành kỷ niệm… Qua các thế hệ, các ngươi sẽ mừng lễ như luật điều vẫn dạy”.

Những thế hệ sau sẽ ăn bữa ăn với con chiên, bánh không men và rau đắng. Và câu chuyện gia đình lại được kể lại. Họ sẽ nhắc đến ngày vượt khỏi kiếp nô lệ, nhưng họ nói đến chuyện đó như chuyện xảy ra hiện tại. “Vì sao bữa ăn tối hôm nay khác với các bữa ăn tối khác?” Thế hệ sau này đến bữa ăn lễ Vượt Qua nói về chuyện nô lệ nào, những bệnh nghiện nào, những lo sợ nào, với những hy vọng được giải thoát điều gì? Nếu Thiên Chúa đã giải thoát tổ tiên họ ra khỏi kiếp nô lệ, thì Thiên Chúa cũng có thể làm như vậy nữa để đưa thế hệ mới từng bước tìm đến sự tự do.

Thánh Phaolo nhắc chúng ta về câu chuyện mới nói trong bữa ăn cho chúng ta nghe. Câu chuyện và bữa ăn nói về quá khứ và hiện tại. Chúng ta nhắc đến đời sống và sự chết của một Đấng đã cho chúng ta bữa ăn này. Đêm nay chúng ta mang gì đến bữa ăn? Xã hội chúng ta đang sống làm chúng ta mang đầy nỗi lo lắng và sợ sệt. Sự nô lệ nào trong thế giới hiện nay giam giữ chúng ta? Những cường quyền nào trên thế giới làm chúng ta trở nên bất lực, bị ảnh hưởng sâu đậm, và không thể nào điều khiển được tương lai? Sức mạnh đất Ai Cập nào biến chúng ta ra nô lệ? Phaolô nhắc nhở chúng ta đã được cứu thoát nhờ bánh bẻ ra và nhờ đời sống Chúa Giêsu đổ xuống chan hòa cho chúng ta và ban thêm can đảm, vì Thiên Chúa đã làm trở lại để giúp chúng ta vượt qua sự chết để đến sự sống; vượt qua thất vọng để đến hy vọng; vượt qua đêm tối chúng ta đã tạo ra để đến ánh sáng mới chỉ có Thiên Chúa mới ban được cho chúng ta.

Khi chúng ta họp nhau ăn bữa ăn “gia đình” và nói câu chuyện Vượt Qua mới trong Chúa Giêsu, thánh Gioan khuyên chúng ta nên nhớ nói toàn câu chuyện. Trong khi nghe kể câu chuyện về ý nghĩa lễ Vượt Qua, chúng ta là những ai? Chúng ta thuộc thành phần nào của Chúa Giêsu, Trong phần rửa chân cho các môn đệ. Việc rửa chân là việc chính trong câu chuyện của thánh Gioan. Có cộng đoàn Kitô Hữu dùng thau, khăn lau, và bình nước để tượng trưng. Có nhà thờ có những bức tranh trên tường nói về việc rửa chân. Chúng ta không cần tranh ảnh về Chúa Giêsu và các môn đệ, chúng ta cũng đã hiểu. Ba điều tượng trưng: thau, khăn lau, và bình nước, là như dấu chỉ của người Kitô Hữu. Đó là dấu hiệu liên hệ chúng ta với gia đình Kitô Hữu quá khứ và hiện tại. Có những vua chúa thời xưa có dấu hiệu gươm, lâu đài, và có ra trận. Thời bây giờ có những dấu hiệu quân sự rõ ràng trên các xe, phi cơ, tàu chiến, và súng ống của quân đội. Chúng ta thấy rất nhiều nhản hiệu quân sự ấy.

Trong bữa ăn người nô lệ nhỏ nhất phải làm việc rửa chân. Ngược lại, Chúa Giêsu làm việc của người nô lệ là rửa chân cho các môn đệ. Ngay lúc các môn đệ sửa soạn ngồi vào bữa ăn đặc biệt ấy, Chúa Giêsu làm một việc mà các ông ngỡ ngàng. Những ý nghĩ và tham vọng đưa các ông lên bậc thang làm mộn đệ thật làm các ông ngạc nhiên. Chúa Giêsu nói với các ông “môn đệ xứng đáng” là người sẵn sàng bưng chậu, lấy nước và khăn lau để rửa chân và lau khô. Người ta có thể cảm thấy mất danh giá vì rửa chân cho người khác. Đúng vậy, và người đó có thể có đánh giá khác là người đó được coi là môn đệ Chúa Giêsu.

Dấu hiệu của chúng ta không phải là dấu hiệu quân sự, và cũng không phải là dấu chỉ quyền uy. Trái lại, dấu hiệu đó là khăn lau, chậu và bình nước. Chúng ta không vẽ các dấu hiệu đó trên gươm và giáp. Người môn đệ Chúa Giêsu vẽ các dấu hiệu đó trong tim của mình.

FX Trọng Yên, OP chuyễn ngữ
 
Hãy tập đứng dưới chân Thánh giá
Lm. Jude Siciliano OP
06:46 31/03/2010
THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Is 52: 13-53: 12; Dt 4: 14-16, 5: 7-9; Ga 18: 1-19:42

Vì sao chúng ta đọc bài thương khó trong tuần này thôi? Vì đúng là theo phụng vụ. Nhưng có khi nào chúng ta tự đọc bài thương khó cho chúng ta hay không? Hay chúng ta đọc chung trong một nhóm nhỏ? Hay đọc trong tháng 11 hay tháng 7? “Không” đó là bài quá sầu buồn cho tháng 7. Chúng ta đọc bài thương khó trong tuần này, rồi lễ Phục Sinh đến thì chúng ta lại để dành đó cho tới năm sau. Nhưng, tuy bài thương khó sầu buồn, đó vẫn là Phúc Âm, là Tin Mừng cho mỗi mùa trong năm. Hôm nay chúng ta đọc bài thương khó của thánh Gioan. Bài rất dài. Linh mục có khi muốn bỏ bài giảng. Nhưng không nên. Hôm nay nên giảng một bài ngắn, nhưng cần phải giảng.

Trong khi Chúa Giêsu là người bị bắt, bị tra tấn, và bị đóng đinh, chính câu chuyện về con người trong bài thương khó là câu chuyện thất bại. Phêrô chối Chúa Giêsu, các phẩm trật tôn giáo đáng lý phải biết rõ hơn, lại giải Chúa Giêsu rồi xử tử Ngài. Philatô bị ép buộc, nên ông ta sợ và muốn cho chuyện qua đi. Các người lính theo lệnh và xử tử một người vô tội. Và trong lúc đó, những người không có quyền uy, người không đóng vai chính trong bi kịch lại là những người trung thành. Họ là những người đứng dưới chân thánh giá với Chúa Giêsu.

Hôm nay chúng ta nói đến những người yếu đuối theo Đức Giêsu. Họ là ai? Đấy là Mẹ Đức Giêsu, bà Maria vợ ông Clêopas, bà Maria Magdala, và người môn đệ yêu dấu. Họ không làm gì khác được, nhưng họ không bỏ người bị đánh đập và bị giết chết. Họ đứng đó với Đức Giêsu cho đến giờ phút chót. Về phần chúng ta, những người muốn mau lẹ giải quyết vấn đề; muốn tìm giải pháp cho những trường hợp khó khăn; muốn một vụ mua bán yếu kém sinh lợi nhuận; muốn thắng một trận bóng cầu; muốn đoạt giải chạy đua; muốn đứng đầu lớp; muốn gắn bằng trên xe để khoe con mình là học sinh hạng ưu v.v… chúng ta cho những người đứng dưới chân thánh giá là những người để phí thì giờ cho một việc thất bại. Đối với những người danh giá đời sống qua những thành quả thắng lợi thì không gì chán nản phải không? Chương trình Đức Giêsu đã bị thất bại, Đức Giêsu không tự cứu mình được. Ngay ở cây thánh giá chúng ta nhớ là chúng ta cũng thề tự cứu chúng ta khỏi những thử thách đời sống chúng ta và khỏi tội lỗi và sự chết. Đấng có thể cứu chúng ta đã thất bại, chung số phận với tất cả những nạn nân vô tội khắp cùng thế giới và với những người chết một cách đau khổ.

Nhưng dù sao đi nữa, những người đứng dưới chân thánh giá là một nguồn an ủi cho Chúa Giêsu. Đáng lý Chúa Giêsu chịu đựng những cái nhìn sỉ nhục và căm hờn của những người khác thì Chúa Giêsu nhìn những người đứng dưới chân Ngài. Chúa Giêsu biết rõ những người đó là những ai, và Ngài lo cho những người Ngài để lại. “Thưa Bà, đây là con Bà” Rồi Ngài nói với môn đệ “Đây là mẹ của anh”. Chúng ta hãy tưởng tượng giờ sắp chết Chúa Giêsu nhìn xuống những người thân thương đứng dưới chân thánh giá, anh chị em có nghĩ họ đã được Thiên Chúa gọi đến cho Ngài chăng? Và Ngài nhìn mặt những người đó để cảm thấy chút an ủi trong đau khổ chán chường của Ngài hay không?

Vậy hôm nay chúng ta nên kính trọng những người đứng dưới chân người sắp chết, họ được Thiên Chúa gọi:

* Thân nhân những người chết vì ung thư.

* Y tá cả đêm vừa tan ca trực đến ngồi bên cạnh người đang hấp hối.

* Những người đi thăm những bệnh nhân không còn chữa trị được nữa.

* Thân nhân và bạn hữu, và những người lạ đến đứng ngoài phòng xử tử.

* Linh mục, và những thừa tác viên đem mình thánh Chúa cho bệnh nhân

* Cha mẹ ngồi canh con đang hấp hối.

* Cha mẹ những nước nghèo nhìn con cái họ hấp hối vì thiếu lương thực, và thiếu phương thức chữa trị.

Và chúng ta không những thấy những người ngồi cạnh kẻ hấp hối, mà còn thấy chính Thiên Chúa trong họ. Thiên Chúa đứng dưới chân thánh giá của những người trung kiên. Mỗi khi người nào đến ngồi với một người đang hấp hối, là chính Thiên Chúa đến đưa tay để cầm tay người hấp hối; chính Thiên Chúa lấy khăn xoa dịu trên trán người đó; chính Thiên Chúa đưa cho người đó chút nước uống, hay sửa cái gối sau lưng người đó; chính Thiên Chúa gọi người y tá đem thuốc đến cho người đó khi họ đau đớn nhiều; chính Thiên Chúa đem cơm đến cho họ ăn, hay đem mình thánh Chúa đến cho họ rước.

BÀI THƯƠNG KHÓ THEO PHÚC ÂM THÁNH GIO AN

Linh mục nên nhắc những điểm chính của bài thương khó thánh Gioan, có tính cách độc nhất. Trong đó diễn tả sự vinh quang của Chúa Giêsu (12:23) Sau khi nhấp xong chén giấm người ta đưa lên miệng Chúa Giêsu, Ngài nói “Thế là đã hoàn tất”. Lời cuối cùng của Chúa Giêsu tuyên xưng sự vinh quang là Ngài đã hoàn tất lời Kinh Thánh; Ngài đã thi hành ý Đức Chúa Cha. Trong bài thương khó của thánh Gioan Chúa Giêsu đấng vinh hiển. Ngài có quyền năng của Thiên Chúa và Ngài hiệp nhất chặt chẽ cùng Thiên Chúa. Thánh Gioan viết Chúa Giêsu tự vác thập giá mình cho đến chết. Chúa Giêsu giữ sức mạnh của Ngài. Thánh Gioan không nói đến sự đau đớn trong vườn cây dầu và viết phần lớn của hai đoạn này về việc Chúa Giêsu gặp Philatô, là người có quyền uy của trần gian đối diện với Ngài “Nước tôi không thuộc về thế gian này”.

Trong bài thương khó thánh Gioan, Chúa Giêsu là một thầy cả thượng phẩm, áo của Ngài không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới (19:24) như áo của thầy cả. Cây thánh giá mang Chúa Giêsu không hề có bình an ở đó? Sự thật, đóng đinh trên cây thập giá là một hình phạt, nhưng dưới mắt thánh Gioan hình tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây thánh giá là sự hiện diện của một vị vua, một thầy cả. Ngài là con Thiên Chúa và thánh Gioan diễn tả sự vinh quang của Ngài. Chúng ta những người đứng nhìn cây thánh giá giống như sự “nghi ngờ” của thánh Tôma và nói ngay sau khi Chúa đã sống lại và hiện ra cho Tôma “Lạy Chúa của con”. Lối viết thánh Gioan giúp những người đứng dưới chân thánh giá dùng lời nói ấy để tuyên xưng đức tin mình.

Khi ngồi bên cạnh người hấp hối, chúng ta cũng nên nói lời ấy. Giúp kiên định đức tin của người đó đối với Thiên Chúa cho đến cùng, chúng ta biết đây không chỉ là sức lực và quyết tâm của người phàm; Và ở đây khi nhìn vào sức tàn của người hấp hối chúng ta thấy có một tiềm lực của Thiên Chúa, để chúng ta nói lên câu “Lạy Chúa của tôi”.

FX Trọng Yên, OP chuyễn ngữ
 
Chúa Giê-su khai sinh kỷ nguyên mới
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
07:47 31/03/2010
Chúa Giê-su khai sinh kỷ nguyên mới

(suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật phục sinh)

Thế là cuối cùng, sau bao ngày chịu bắt bớ, xét xử, vu cáo, chịu đòn vọt rách nát thịt da, chịu vác thánh giá nặng nề tiến lên núi sọ trong khi sức tàn lực kiệt nên phải ngã xuống nhiều lần, rồi lại phải chịu đóng đinh thân mình rất đỗi đau thương vào thập giá… Chúa Giê-su đã gục đầu tắt thở và được mai táng trong mồ. Tảng đá lấp cửa mồ đã đóng lại, đóng lại lịch sử một đời người đã làm những việc diệu kỳ … Cuối cùng, ngôi mộ đá được đóng lại, chôn vùi một Con Người tưởng là sẽ đem lại niềm hy vọng cho Ít-ra-en.

Thế là hết! Còn đâu nữa những ngày nắng đẹp Người ngồi trên núi giảng bài tám phúc giữa đám đông quần chúng. Còn đâu nữa những buổi chiều trong hoang địa Người hoá bánh ra nhiều nuôi trên năm ngàn người ăn. Còn đâu nữa vị ngôn sứ oai hùng dùng lời quyền uy truyền cho sóng yên biển lặng. Còn đâu nữa Con Người kỳ diệu đã làm cho kẻ chết đội mồ sống lại, người phong hủi được chữa lành, người câm được nói, người điếc được nghe… Còn đâu nữa vị ngôn sứ đầy quyền năng trong lời nói và hành động phán bảo những điều đem lại phấn khởi cho bao người…

Đức Giê-su đã chết thật rồi, chẳng còn hy vọng gì nữa. Những môn đệ thân tín sau khi hoàn tất việc an táng Thầy thân yêu, giờ đây ra về trong u sầu tuyệt vọng. Mọi sự như chìm vào tang tóc đau thương.

Thế rồi điều kỳ diệu bất ngờ xảy ra: qua ngày thứ ba, từ lúc tờ mờ sáng, Maria Madalêna đi viếng mộ ngay từ sáng sớm cho vơi bớt đau thương. Tới nơi, Chị hoảng hồn vì mồ đá mở toang. Nhìn vào bên trong không còn thấy thi hài của Thầy đâu nữa, Chị hoảng hốt chạy về báo tin cho các môn đệ. Các vị nầy ra tận nơi xem xét ngôi mộ trống và rồi sau đó lại ngỡ ngàng gặp gỡ Chúa phục sinh.

Niềm vui tràn ngập cõi lòng. Bấy giờ các ngài mới biết là Chúa Giê-su đã sống lại. Ngôi mộ đá tưởng là nơi chôn vùi, nơi xoá sổ cuộc đời Thầy dấu ái, là điểm tận cùng của Chúa Giê-su nay đã trở thành khởi điểm cho một đời sống mới, thành tảng đá đầu tiên xây dựng Vương Quốc trường sinh.

Hôm nay, từ ngôi mộ trống và qua những lần hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh, Chúa Giê-su tỏ cho thấy Người là Sự Sống lại và là Sự Sống như đã từng khẳng định với chị em Mác-ta và Maria: "Ta là sự sống lại và là sự sống! Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Và bất cứ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ." (Gioan 11,25)

***

Từ thời nguyên tổ phạm tội đến nay, tội lỗi thống trị và huỷ diệt sự sống con người. Con người vừa được sinh ra là đã mang án chết, như hoa còn đang nụ mà đã chớm lụi tàn, như nhộng chưa thành bướm mà đã phải tiêu vong… Mầm mống chết chóc hiện diện ngay giữa lòng cuộc sống và một sớm một chiều sẽ huỷ diệt sự sống. Lưỡi hái tử thần như đang kề cổ mọi người và cướp đi sinh mạng của mọi người chẳng trừ ai.

Thế rồi qua sự phục sinh vinh hiển, Chúa Giê-su đã mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của sự sống vĩnh hằng. Người đã thắng sự chết. Thần Chết phải buông khí giới quy hàng. Loài người không còn phải bị tiêu diệt bởi lưỡi hái tử thần nhưng đã được cứu sống bởi quyền lực của Chúa Giê-su phục sinh. Sự sống đã được khai thông. Cái chết đã bị đẩy lùi. Ngôi mộ không còn là điểm tận cùng của kiếp người nhưng là khởi điểm cho một đời sống mới. Cái chết không còn là dấu chấm hết của cuộc đời nhưng là khúc dạo đầu cho bản giao hưởng trường sinh. Sự phục sinh của Chúa Giê-su đã xoá đi đêm dài tăm tối của kiếp sống đau thương để làm bừng lên bình minh của cuộc đời vĩnh cửu.

Xin mọi người hãy đến cùng Chúa phục sinh để đón nhận cuộc sống hồng phúc Người ban tặng.
 
Núi Tabor và núi Cây Dầu
Lm Giacôbê Tạ Chúc
07:55 31/03/2010
NÚI TABOR VÀ NÚI CÂY DẦU

Đau khổ và vinh quang là hai trạng thái, hai cụm từ luôn gắn chặt vào cuộc sống của mỗi con người. Bất cứ một thành quả nào của sự thành công thì đằng sau nó, luôn thấp thóang bóng dáng dệt nên của chuổi ngày đau khổ. Đức Giêsu trong cuộc đời tại thế, luôn có những phút giây ở đỉnh vinh quang trong quyền năng của Ngài, nhưng cũng có những lúc trong cực hình tan nát của kiếp con người.

Đường lên đỉnh Tabor

Cuộc hiển dung trên núi được Phúc âm Marcô và Luca thuật lại, sau khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất. Trong khi ba môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan mục kích một cách say sưa vinh quang chói ngời của Chúa Giêsu. Họ đâu biết rằng cuộc vinh hiển này báo trước một cuộc vinh hiển mới mà Đức Giêsu thực hiện trong đau khổ tột cùng. Thánh sử Luca thuật lại: “Khỏang tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người biến đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa”(Lc 9,28-29 và Mc 9,2-3). Một cuộc vinh quang ngòai sức tưởng tượng của các môn đệ, nên họ đề nghị Chúa làm nhà và định cư ngay trên núi, mặc dù với độ cao 600m và nhiệt độ khỏang 4 độ C. Nhưng một khi được sống trong những giây phút hạnh phúc rạng ngời như thế, chắc không ai mong muốn điều gì khác hơn. Còn chúa Giêsu Ngài biết trước điều gì sẽ xảy ra với Ngài ở núi Cây Dầu.

Đường đến núi Cây Dầu

Sau khi rời nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu đi ra, đến núi cây Dầu(Lc 22,39). Tại đây cũng trong vinh quang và quyền năng, Chúa Giêsu thực hiện Thánh ý của Cha qua con đường khổ giá, Ngài đem lại ơn cứu độ cho con người. Trước đó ít Ngài, Chúa Giêsu cỡi lừa tiến vào Thành Thánh giữa tiếng tung hô của dân chúng trước khi chịu khổ nạn. Ngày nay, vào chúa nhật đầu Tuần Thánh hằng năm, vẫn lập lại sự kiện trên đây của Chúa Giêsu. Tảng đá nơi Chúa Giêsu cầu nguyện, một thánh đường mang tên:Thánh đường các dân tộc được xây dựng vào khỏang năm 1919 do kiến trúc sư người Ý Antonio Barluzzi.

Núi Cây Dầu và Núi Tabor

Hai biến cố trên bao gồm cho con người nhiều sứ điệp:Cũng như Chúa Giêsu, Ngài mang trong mình hai bản tính: Thần linh và nhân lọai, con người cũng thế.Có sự liên hệ mật thiết giữa Adam củ và Adam mới là Đức Giêsu.

Con người cũng có những phút giây như trên đỉnh Tabor là khi trong những lúc thành công, hạnh phúc, yêu thương và tràn trề sự sung mãn. Nhưng cũng nhớ cho rằng Núi cây dầu, nơi tràn đầy khổ đau, đến nỗi mồ hôi máu chảy ra. Và điều quan trọng ở hai ngọn núi, Chúa Giêsu luôn trầm mặc trong những phút giây của nguỵện cầu. Phải chăng Ngài cũng mời gọi mỗi người, dù trong thành công hay thất bại, vẫn luôn luôn tín thác và cầu nguyện.
 
Suy tư của Đức TGM Thư Ký Bộ Giáo Sĩ
Lm Jos. Đinh Huy Hưởng chuyển ý
09:48 31/03/2010
SUY TƯ CỦA ĐTGM THƯ KÝ BỘ GIÁO SĨ

“Chuá Cha đã xức dầu cho Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.Chớ gì Đức Kitô bảo vệ con để con thánh hóa dân Kitô và dâng hy lễ lên Thiên Chúa”;”Con hãy nhận từ dân thánh Chúa những lễphẩm để tiến dâng lên Ngài. Con hãy biết việc con đang làm và hãy bắt chước mầu nhiệm con cử hành: lấy mầu nhiệm Thánh Gía Chúa làm mẫu gương cho đời sống con”

(Trích sách nghi thức phong chức Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế)


Vatican, ngày 27 tháng 3 năm 2010

Anh em thân mến trong chức linh mục,

Trong những ngày Vượt Qua này, chúng ta sẽ sống mầu nhiệm cứu chuộc của chúng ta, thực hiện bằng việc làm và nói ra những lời phát xuất từ con tim linh mục đích thực của chúng ta. Thứ Sáu Tuần thánh, chúng ta sẽ sống khiêm tốn bằng hành động phủ phục trước bàn thờ, nhắc lại việc chúng ta trong làm ngày chịu chức linh mục, bằng cách này, trong suốt Tam Nhật Thánh, chúng ta có dịp may để đón nhận nhừng ân ban được canh tân bằng ân sủng, đang khi cầu xin sự quan phòng của Chúa để có khả năng đón nhận kết quả dồi dào cho bản thân và cho phần rỗi của thế giới.

Công thức xức dầu thánh nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta đã được bao bọc bởi sức mạnh của Chúa Kitô, với quyền năng (potestas) ấy, Chúa Cha đã thánh hiến Con duy nhất củaNgài trong Chúa thánh Thần, và chính quyền năng ấy cũng được ban cho chúng ta để chúng ta thánh hóa dân của Ngài và dâng Hy Lễ Thánh Thể. Bất cứ việc gì nghịch với quyền năng bí tích được lãnh do chức thánh đều là bất hợp pháp và nguy hiểm. Thánh hóa dân Chúa và cử hành Thánh Thể đều vì phần rỗi chúng ta và mưu ích cho Hội Thánh. Khi nhắc nhớ về sự thiếu cân đối tuyệt đối giữa sự cao cả của mầu nhiệm vàsự bé nhỏ của con người, nghi thức truyền chức muốn nhắc nhở chúng ta”Hãy biết việc anh đang làm” Dù không khi nào chúng ta có thể đánh gía đầy đủ Mầu Nhiệm Cao Cả được đặt để vào tay chúng ta nhưng chúng ta vẫn được kêu gọi không ngừng phấn đấu nên trọn lành để sống “Mầu nhiệm được đặt vào hai tay chúng ta”hầu bắt chước Chúa Kitô”

Một sự mới mẻ hàng ngày khác thường và trong sáng của Chức Linh Mục là: Mầu Nhiệm được đặt để trong bàn tay chúng ta! Thiên chúa của thơì gian và lịch sử, ngài làm cho mọi cái hiện hưũ, chúng ta từ Ngài mà phát xuất và sẽ trở về với Ngài là tác gỉa của sự sống, Ngài làm cho một số tạo vật tham dự vào sức mạnh cứu chuộc, khi tin tưởng nơi Ngài, giống như con chiên phó mình bị sát tế. Chớ chi sự trao nộp này đừng khi nào nên một trò phản bội! Ước gì Ngaì đánh thức lương tâm con người luôn tuân theo thiên ý màmỗi người chúng ta đều là đối tượng. Và xin Ngài luôn hướng dẫn chúng ta, đặc biệt khi bị thử thách, biết lặp đi lặp lại hai tiếng”Xin Vâng”; “Xin Vâng”trong ý thúc giới hạn của mình, nhưng không bị kìm chế bởi những giới hạn đó, “Xin Vâng” thoát khỏi những tự ti mặc cảm,”Xin Vâng” ý thức về lịch sử của mình nhưng không hề sợ đối mặt với nó; “Xin Vâng” bắt đấu từ câu nói của Đức Trinh Nữ Maria trong nhà Nagiaret đã vang dội khắp các thế kỷ, được hiện thưc nơi các thánh và nơi các kitô hữu hôm nay.

Linh mục cảnh giác với việc họ làm, sống giống Chúa Kitô thì sẽ thắng thế gian. Đây là mộtsự chiến thắng, một bằng chứng đích thực của Chúa Kitô Phục Sinh.

+ MAURO PIACENZA

Tổng Gíám Mục HiệuTòa Vittoriana

Thư ký
 
Nguyên nhân và những hậu quả của ''ơn Cứu Độ''
Linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung
10:33 31/03/2010
Suy niệm Tuần Thánh 2010

NGUYÊN NHÂN VÀ NHỮNG HIỆU QỦA CỦA “ƠN CỨU ĐỘ”

Trong ngôn ngữ “nhà đạo” của chúng ta, khi đề cập đến những vấn đề nầy, thường có một tình trạng thiếu rõ ràng và phiến diện. Thật vậy, thí dụ, khi nói về nguyên nhân của việc Thiên Chúa “đến”, người ta trả lời ngay là vì con người đã phạm tội, nên Thiên Chúa “đến” để “cứu”; vì thế, khi đề cập đến những “hiệu quả” của “ơn cứu độ” người ta cũng thường chỉ để ý đến “nội hàm tiêu cực” của khái niệm cứu độ là cứu, là giải thoát ra khỏi một hoàn cảnh nguy hiểm, xấu hay không như mong ước, và gần như lãng quên “nội hàm tích cực” của nó là có lại sự sống, và là sự sống vĩnh hằng, sự sống Tình yêu của Thiên Chúa … Cũng như, khi đề cập Bí tích Thánh tẩy, thường người ta cũng chỉ nhấn mạnh “nội hàm tiêu cực” là “thanh tẩy” mà ít quan tâm đến “nội hàm tích cực” của Bí tích nầy là “được trở nên con của Thiên Chúa”… Các lối nói “cứu độ”, “cứu chuộc” và “phép rửa” hay “bí tích thanh tẩy” phản ánh cho chúng ta tình trạng đáng buồn đó… Đã hẳn, những lối nói và những cách nhìn như vậy không có gì sai trái cả, mà chỉ là không đủ thôi.

Nguyên nhân của lối nhìn như thế, vốn rất phức tạp, mà phạm vi hạn hẹp của bài nầy không cho phép đào sâu hơn. Ở đây, chúng tôi mạn phép chia sẻ một vài gợi ý chủ quan của mỉnh, như một đóng góp nhỏ bé trong Tuần Thánh nầy, đồng thời cũng như một câu trả lời mang tính gợi ý cho một người bạn của chúng tôi là linh mục H.T, thuộc Tu hội Xuân Bích Việt Nam, đang dọn Luận án Tiến sĩ về Thần học hệ thống, với chủ đề “VỀ CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU”, tại Institut Catholique de Paris, và đã có nhã ý nhờ chúng tôi góp ý với ngài về đề tài nầy, nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa đáp ứng được.

I- MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN

1. Một số cách nhìn cũ thường thiếu sự liên kết giữa mầu nhiệm Sáng tạo, mầu nhiệm Mặc khải và mầu nhiệm Cứu độ: điều nầy vốn đã được Công đồng Vatican II nhấn mạnh trong Hiến chế tín lý DEI VERBUM (DV n° 2). Giữa ba hành vi nầy có một sự hiệp nhất, liên đới với nhau cách chặt chẽ và đồng thời với nhau: vì Tình Yêu dạt dào, Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người nhằm mặc khải cho con người được biết Ngài là Ai và chia sẻ cho con người hạnh phúc được sống sự sống Tình yêu của Ngài. Khởi điểm của Thần học nói chung và của Thần học về “Ơn Cứu độ” nói riêng, vì thế, nên khởi đi từ dung mạo “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 16). Và, Tình Yêu của Thiên Chúa vốn là một Tình Yêu hoàn toàn “nhưng không” tức là hoàn toàn “vô điều kiện”, “vô vị lợi” và “vô biên giới” (Rm 5, 6 tt; Tt 3, 5; 1 Ga 4, 10-19; Lc 6, 36; v.v…). Trong điều kiện như thế, những lối suy nghĩ và nói như kiểu “Thiên Chúa đến với con người” bởi vì con người đã phạm tội, vì thế, để cứu con người…, đều mang ý nghĩa “điều kiện hóa” Tình Yêu nhưng không của Thiên Chúa, và vì thế, đều không chấp nhận được… Và, người ta sẽ trả lời như thế nào đây cho một câu hỏi như thế nầy: Nếu con người không phạm tội, liệu Thiên Chúa có “đến” với con người không ?

2. Ngoài ra, phần đông các khuynh hướng thần học từ Kinh viện đến Công đồng chung Vatican II, có vẻ như ít để ý đến chiều kích “ngôi vị’ trong “ơn cứu độ”: Đức Giêsu-Kitô chính là biến cố cứu độ và là ơn cứu độ. Nghĩa là hiệu quả của “ơn cứu độ” không đơn giản chỉ là “cứu” hay “rửa sạch” mà là đặt con người vào lại trong sự sống trong tương quan với Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi: “…Nhưng, phải ăn khao mà mừng chứ, vì em con đó, nó đã chết mà lại sống, đã mất đi mà lại tìm thấy được” (Lc 15, 32). “Ơn cứu độ”, vì thế, chỉ có thể hiểu được cách trọn vẹn và đầy đủ qua lăng kính Tình Yêu mà thôi…

II- ƠN CỨU ĐỘ VÀ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Thật vậy, nếu Origène đã có thể khẳng định rằng chính Đức Giêsu là Tin Mừng và rằng đích thân Đức Giêsu là Vương quốc, thì cũng có thể nói rằng chính Đức Giêsu là ‘Ơn cứu độ”. Lịch sử của “ơn cứu độ”, vì thế, là lịch sử của các ngôi vị tự do, hay nói theo ngôn ngữ của Bernard Sesboüé, “lịch sử ơn cứu độ được đan dệt nên bởi những phản ứng tương tác giữa tự do của Thiên Chúa và các tự do của con người”.

Những “hiệu quả” của ơn Cứu độ, như vậy, cũng mang dung mạo của tương quan giữa các ngôi vị. Thật vậy, “được ơn cứu độ”, trước tiên, có nghĩa là “được đi vào trong tương quan với chính Đức Giêsu-Kitô”, qua đó, “được đi vào trong tương quan với mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi”, “được phục hồi tư cách là con của Thiên Chúa” hay nói cách khác “được sống sự sống Tình Yêu Phụ-tử của Thiên Chúa” (Lc 15, 22-24). Đó chính là lý do tại sao trong Tin Mừng thứ tư đã có những khẳng định như thế nầy: “Ai tin Con có sự sống vĩnh hằng” (Ga 3, 16.36) và “Ai tin vào Đấng đã sai Thầy có sự sống vĩnh hằng” (Ga 5, 24). Và, ngược lại, tin cũng đồng nghĩa với “được ơn cứu độ” (xem 1 Cr 1, 21).

Thứ đến, “được ơn cứu độ” có nghĩa là “đã tạo ra được một bước Vượt qua” từ tình trạng cũ qua tình trạng mới (Lc 15, 20: “Và nó đã chỗi dậy mà về cùng cha nó”): từ tình trạng sống mà vẫn như chết ( tức là sống mà không có tương quan yêu thương) qua tình trạng sống sự sống yêu thương như Thiên Chúa; từ tình trạng bị đánh mất mình (tình trạng vong thân, tha hoá) qua tình trạng tìm lại được mình và tha nhân (Lc 15, 32).

Tiếp đền, “được ơn cứu độ” cũng có nghĩa là “cảm nhận được nhu cầu cần được cứu độ, cần quay trở về” (Lc 15, 17-19). Điều nầy, dĩ nhiên, đòi hỏi người ta phải nhận ra được hoàn cảnh “bi đát” hiện tại của mình (Lc 15, 14-17), cảm nhận ra được tình trạng “bệnh hoạn” của mình (Lc 5, 31-32; Lc 14, 10-14).

Sau cùng, “được ơn cứu độ” còn có nghĩa là “cảm nhận ra được mình còn có một quê hương, một mái nhà, một gia đình êm ấm, hạnh phúc để mà trở về và một người cha đầy yêu thương đang đợi chờ mình để cùng sống với” (Lc 15, 17-24). Hay nói cách khác, “được cứu độ” là nhận thức được rằng đã có một thời mình đã có một cuộc sống hạnh phúc bên cha và trong nhà cha. Hạnh phúc hay là bất hạnh là do cái trò chơi của tự do: tự do của Thiên Chúa-Cha và tự do của con người, như là những ngôi vị (Lc 15, 11-13). Chính tự do được ban cho đó làm nên căn tính của con người. Tự do là yếu tính của Tình Yêu. Chính vì thế, Đức Giêsu đã khẳng định: “Không có tình yêu nào vĩ đại hơn tình yêu của kẻ thí mạng mình vì người mình yêu mến” (Ga 15, 13).

III- THẬP GIÁ VÀ TÌNH YÊU “CỨU ĐỘ”

Trước tiên, cần phải nói ngay rằng, tự nó, Thập Giá (khổ đau và cái chết) không phải là mục đích, mà chỉ là công cụ, phương tiện để bày tỏ tình yêu. Hay nói cách khác, nếu không vì tình yêu, không vì sự sống đích thực, không có sự phục sinh, Thập Giá là phi lý, vô nghĩa…

Chính vì thế, trong ngôn ngữ của Gioan, “giờ Thập Giá” chính là “Giờ vinh quang” (Ga 12, 23; 13, 31-32; v.v…). Tại sao vậy ? Tại vì, ở nơi Thập Giá chính là lúc mà Tình Yêu dâng hiến và vị tha (“vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”) đạt đến đỉnh điểm của nó: chính ở nơi hành vi dâng hiến tất cả trên Thập Giá (hành vi dâng hiến cuối cùng là giao nộp Thần Khí của Con cho Cha) là lúc mà sự cứu độ diễn ra (Ga 19, 30), tức là lúc mà nhân tính của Đức Giêsu-Kitô hoàn toàn được thần linh hoá, được siêu độ, hay được trở về lại tình trạng nguyên thủy của Vuờn Địa đàng ngày xưa…Hay nói cách khác, đó chính là lúc các mối tương giao nguyên thủy được phục hồi lại nguyên vẹn trong Đức Giêsu-Kitô: tương quan giữa con người với Thiên Chúa, với tha nhân, với thiên nhiên vũ trụ và với chính bản thân mình… Con người “trong Đức Giêsu-Kitô” được quay trở về với “nhà của cha mình”, “nhà của anh em mình” và “nhà của mình”…Đó chính là lý do tại sao Đức Giêsu đã nói: “Vì kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình, thì sẽ mất; còn kẻ nào mất sự sống mình vì Thầy, và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu nó” (Mc 8, 35). Giá trị “cứu độ” của cái chết của Đức Giêsu cũng phải được hiểu qua lăng kính và chân trời đó…

Tóm lại, Tình Yêu, tự do và Thập Giá, vì thế, là ba khái niệm-chìa khóa để có thể hiểu được mầu nhiệm “ơn cứu độ”…Và có thể nói rằng dụ ngôn “Người cha nhân từ” của Lc 15, 11-32 chính là nguyên mẫu (proto-type) của “ơn cứu độ”…
 
Lời “Nói Dối” Của Phêrô
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
13:29 31/03/2010
Lời “Nói Dối” Của Phêrô

Phêrô là một trong những nhân vật nổi bật được nhắc đến trong các trình thuật Tin Mừng về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Sau khi Chúa Giêsu bị bắt, Phêrô đã theo sát Thầy mình đến dinh thượng tế Cai-pha, và ông đã chối Chúa ba lần. Đây là điểm cốt yếu cho thấy tính đa diện nơi con người Phêrô, vị Tông đồ cả.

1. Chối Chúa.

Nhiều người có cảm tưởng việc Phêrô chối Chúa là một thất bại nặng nề và nhục nhã của ông, vì ông đã đánh mất tất cả đoan hứa và những lĩnh hội cao đẹp từ Tôn Sư Giêsu. Có người vì quá xúc động và cảm thương trước nỗi đau tột cùng của Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó, đã tỏ ra căm giận, mạt sát Phêrô về việc ông chối Chúa. Có thể họ có lý khi căn cứ trên số lần và cường độ tâm lý giữa mỗi lần chối Chúa của Phêrô, dựa theo Tin Mừng Mát-thêu (26, 69 – 74):

- Lần 1: “…Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì !”

- Lần 2: “…Nhưng ông Phêrô lại thề mà chối: “Tôi không biết người ấy”

- Lần 3: “…Bây giờ ông Phêrô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy”.

Thái độ “quả quyết” chối Chúa của Phêrô trước áp lực của những chất vấn về liên hệ thân tín giữa ông với Chúa Giêsu, khiến chúng ta dễ bất bình và khiển trách ông là điều dễ hiểu.

Tất nhiên, chúng ta không thể đồng tình với Phêrô về việc ông đã chối Chúa. Tuy nhiên, nếu xét trong hệ thống của trình thuật Thương Khó – Phục Sinh và suốt hành trình mà Phêrô đã theo sát Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy một tông đồ Phêrô với những mặt tích cực, tác động đến đời sống Đức tin của chúng ta hôm nay.

Chúng ta không quên cái đêm tối mà Chúa Giêsu và các môn đệ đi theo Người phải đối diện với cuộc vây bắt tại vườn Giêtsimani. Chính trong thời khắc hiểm nghèo, lúc mà “Đức Giêsu biết mọi việc sắp xảy đến cho mình” thì Phêrô đã tỏ can đảm, bênh vực Thầy mình. Ông đã gan dạ dùng thanh gươm có sẵn “tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y…” (Ga 18, 10).

Khi Chúa Giêsu bị bắt, các môn đệ khác đã bỏ mặc Chúa chạy trốn, ngoại trừ Phêrô (cùng với “một môn đệ khác” được Tin Mừng Ga nhắc đến) vẫn theo sát Chúa. Đây là nét son giúp chúng ta nhận thấy lòng quả cảm, trung thành chính thực của Phêrô với Chúa Giêsu. Điều này đã dẫn ông tới chỗ phải đương đầu với áp lực của những chất vấn cam go. Những lời chối Chúa của Phêrô được bộc lộ ra, phải chăng là hệ quả của một tình cảnh quá cay nghiệt khiến ông không thể có phản ứng khác được ? Chính lòng mến Chúa và sự trung thành quả cảm đã dẫn ông vào những thời khắc thử thách khôn lường này.

Con người thật nơi Phêrô chính là tình yêu, lòng trung thành được khẳng định trong những tình huống lựa chọn dứa khoát để sống đúng với lý tưởng tông đồ Chúa. Hơn nữa, nó còn được biểu tỏ qua thái độ hoán cải chân thành của ông khi được chính tình thương Thiên Chúa đánh thức, lay động.

“Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói: gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Mt 26, 75).

Việc Phêrô chối Chúa chỉ là “những lời nói dối” nhất thời. Quan trọng là chúng ta nhận ra con người thật, việc thật và thái độ đích thực của ông dành cho Chúa.

2. Phần chúng ta ?

Chúng ta vội kết tội Phêrô là “dám dối Thầy, dối Chúa !”, hay “lời nói dối của Phê-rô là không thể tha thứ được !”…Thế còn chúng ta thì sao ?

Nhiều bạn trẻ vẫn trông đến ngày Mồng Một Tháng Tư (“Ngày Nói Dối”) để ghẹo, đùa nhau bằng những lời nói dối. Nhưng các bạn có nghĩ rằng, suốt năm, suốt tháng, hàng ngày, thậm chí hàng giờ, tôi đã có thể nói dối, làm dối, sống dối rồi không ?

Nhờ bầu khí thánh thiêng của Mùa Chay Thánh, và từ kinh nghiệm của Phêrô, giúp chúng ta nhìn lại con người thật của mình trong tương quan với Thiên Chúa và mọi người.

Thước đo con người thật của ta là thái độ chân thành nhìn nhận những bất toàn, và biết tin tưởng nơi Chúa để đứng dậy từ những thất bại trước tội lỗi. Biết nhận ra những dấu chỉ đánh thức ý nghĩ và hành vi dối trá, lọc lừa nơi ta, như Phêrô khi nghe tiếng gà gáy đã “khóc lóc thảm thiết”.

Biểu hiện con người thật nơi ta là tình yêu, lòng trung thành phụng sự Chúa và lòng quả cảm chứng nhân trước những đợt sóng dữ vô hình đang xô đẩy bước lữ hành Đức tin của ta. Như Phêrô, ta hãy theo sát Chúa và bênh vực cho Sự Thật của Chúa.

Dấu chỉ con người thật nơi ta là biết chấp nhận những bổ túc từ phía tha nhân; đồng thời phát huy tâm lực sẵn có để kiện toàn phẩm giá con người và cuộc sống.

Chỉ có tình yêu xả kỷ mới có thể giúp ta biến các định hướng này thành sự thật.

J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
 
Người tử tội thầm lặng!
Đặng Xuân Hường
15:27 31/03/2010
Từ khi bị bắt trong vườn Cây Dầu, ông ta im lặng, chẳng nói gì nhiều. Có lẽ ông ta nghĩ tất cả những gì người khác muốn biết thì đã biết rồi. Cho đến khi vị Thượng tế Caipha hỏi: “Có phải ông là Đức Kytô, con Thiên Chúa không?” Ông ta mới trả lời một cách chắc chắn: “Đúng như ông nói!”

Thế là bao nhiêu giận dữ, họ trút cả lên đầu lên cổ ông ta! Họ chửi rủa, nhục mạ, đánh đập không nương tay. Đối với họ, đó là một điều phạm thượng. Rồi có lẽ họ thấy cần phải dùng đến pháp luật để trừng trị nên lôi cổ ông ta đến dinh thự quan Tổng trấn Rôma.

Philatô sau khi nghe thấy sự việc liền hỏi: “Ông là vua dân Do Thái phải không?”

Ông ta trả lời: “Chính Ngài vừa nói điều đó!”

Nhìn người thanh niên khoẻ mạnh, nét mặt hiền lành khiêm tốn, không biểu hiện chút gì giả dối, Tổng trấn Philatô nói với đám đông: “Ta thấy người này đâu có làm điều gì gian ác!”

Đám đông la lớn: “Giết nó đi, đóng đinh nó đi!”

Khi nghe đám đông tố cáo ông ta đã đi giảng dạy, xách động dân chúng nổi loạn khắp vùng Giuđêa, bắt đầu từ Galilêa, Philatô bèn nói: “Vậy các ngươi đem ông ta qua cho vua Hêrôđê xử trí!”

Dân chúng liền kéo nhau đưa ông ta qua dinh vua Hêrôđê. Nhà vua nghe biết về ông ta đã lâu, hôm nay mới có dịp gặp mặt, nên hỏi han nhiều điều, nhưng ông ta cứ im lặng, bình thản. Thất vọng, Hêrôđê truyền trả lại cho Tổng trấn Philatô.

Thấy đám đông reo hò, dẫn giải ông ta trở lại với thân hình thêm tiều tuỵ. Quan Tổng trấn có lẽ cũng động lòng với một người bị bắt với thái độ hiền từ, chịu đựng, nên đề nghị một giải pháp: “Ngày đại lễ sắp tới, theo lệ ta sẽ phóng thích một người tù. Các ngươi biết Baraba, nó là một thằng phiến loạn, đầu trộm đuôi cướp! Vậy trong hai người, các ngươi muốn tha ai?”

Đám đông gào thét: “Tha Baraba! Đóng đinh Giêsu! Tha Baraba! Đóng đinh Giêsu!"

Trước áp lực của đám đông, Philatô lấy nước rửa tay và nói:

“Ta vô can trong chuyện này!”

Thế là lính lôi ông ta vào trong, cởi hết áo ngoài ra, chúng choàng một tấm áo màu đỏ lên người. Một chiếc vương miện được kết sơ sài bằng vòng gai tua tủa rồi đặt lên đầu, để vào tay ông ta một chiếc gậy trúc, chúng giễu cợt: “Vạn tuế Đức vua Do Thái!” Liền đó, chúng nhẫn tâm giật lấy cây gậy trúc đánh tới tấp vào chiếc mũ gai! Chúng mặc sức đánh đập không thương tiếc! Dùng roi chán, chúng đấm đá như côn đồ, trộm cướp! Máu đỏ thấm đẫm chiếc áo dài, những mấu gai nhọn đâm vào đầu làm chảy máu nhoè nhoẹt trên khuôn mặt ông ta!

Philatô muốn thử một làn cuối xem dân chúng có nguôi cơn giận dữ mà tha cho ông ta không, nên truyền đem ra trước sân cho mọi người nhìn thấy tình trạng thảm não của ông ta, nhưng dân chúng vừa nhìn thấy lại gào lên: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!” Philatô đành nhượng bộ: “Các ngươi muốn làm gì thì làm!”

Thế là bọn lính hung hăng được phụ họa bởi đám đông dân chúng đang cuồng nộ bắt đầu cuộc hành hình. Ông ta phải mang cây thập giá đến pháp trường. Cây thập giá vốn đã nặng đối với một người bình thường, nay được đặt lên vai một người vừa bị đánh đập liên tục vừa đói khát từ hôm trước đến giờ. Ông ta cố hết sức để mang đi, đôi mắt trĩu nặng, vẻ mặt vẫn hiền từ mặc dù in hằn nhiều vết bầm tím. chẳng kêu la than van hay một lời oán trách nào cả! Lẫn trong những giòng máu đỏ chảy nhòa từ đầu xuống cổ còn có nhiều vệt máu đã thâm khô. Nét khắc khổ hiện rõ trên khuôn mặt đầy vẻ chịu đựng!

Đám người đi theo ông ta lên đồi Gôngôtha cũng khá đông, có kẻ nhạo báng, chế giễu, có người khóc thương cảm. có người dửng dưng, hiếu kỳ. Khoảng hơn nửa đoạn đường, ông ta ngã xuống và không chỗi dậy được, có lẽ quá kiệt sức. Đám lính nhìn quanh rồi chụp lấy một người dân quê bắt vác thập giá thay thế. Chúng xốc vai ông ta đứng đậy, đánh đập quát tháo đẩy đi tiếp.

Lên được đỉnh đồi, trời đã quá trưa. Bọn lính xô ông ta ngã ngửa trên thập giá, rồi đóng đinh chân tay vào mấy cái lỗ làm sẵn. Chúng chẳng may may để ý đến cái đau đớn ông ta đang phải chịu. Hôm đó, bọn lính cũng đóng đinh hai người nữa, họ mang tội trộm cướp.

Khi bọn lính dựng cây thập giá đứng lên và chôn vào lỗ trong đất, thân hình trĩu nặng chùng xuống, cơn đau đớn tột cùng làm ông ta rên rỉ: “Xin tha cho chúng! Xin tha cho chúng!”

Thế rồi, chỉ hơn vài giờ sau, ông ta kiệt sức, lả người dần đi trong nỗi đau của cực hình, trong nỗi âm thầm đắng cay. Khi hơi thở gần như ngừng lại, đôi mắt đờ đẫn, đầu rũ xuống, miệng ông ta vẫn còn mấp máy: “Xin tha cho chúng! Xin tha cho chúng!”

Ông ta đã tắt thở và… Giêrusalem ngày tháng vẫn trôi qua…

Đoạn cuối câu chuyện của Người tử tù: Ông ta không phải là “ông ta” mà đích thực là Đức Kytô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng sinh xuống thế làm người. Sau khoảng thời gian rao giảng Lời Hằng Sống, đem nguồn Yêu Thương đến với nhân loại, Ngài đã bị những người ghen ghét, ganh tỵ tìm cách hãm hại, cuối cùng đem Ngài đi giết bằng cách đóng đinh vào thập giá trên đồi Gôngôtha, ngoại ô thành phố Giêrusalem. Nhưng Ngài đã sống lại, và tất cả những gì Ngài rao giảng đã sống mãi trong lòng mọi người hơn hai ngàn năm qua. Cho đến hôm nay, chương trình cứu độ và lời rao truyền về một giáo lý mới đã được chứng minh qua cuộc sống các tín hữu, qua chính môi miệng của Ngài, Đức Kytô: “Xin tha cho chúng, xin tha thứ!

Hãy sống khoan dung, tha thứ cho nhau, để kiến tạo một thế giới đầy Tình Yêu Thương! Không ghen ghét! Không hận thù! Với Đức Kytô và trong Đức Kytô!
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:16 31/03/2010
NHÌN TƯỚNG MẠO BẮT NGƯỜI

N2T


Ở Ấn Độ thường có tăng khổ hạnh chu du bốn phương, bà nông phu nghiêm cấm con trai mình không được đi lại với những vị tăng khổ hạnh ấy, bởi vì có những vị tăng khổ hạnh rất có thánh đức, nhưng cũng có những vị tăng khổ hạnh giả trang để lừa đảo người khác.

Một hôm, bà nông phu nhìn qua cửa sổ nhìn thấy một bầy trẻ trong thôn đang vây quanh vị tăng khổ hạnh khiến bà ta rất kinh ngạc, vị tăng khổ hạnh ấy hoàn toàn quên mất thân phận của mình, mà cùng với lũ trẻ chơi đùa vui vẻ, bà nông phu nhìn đến xuất thần và kêu con trai đến, nói:

- “Con nè, vị tăng đó rất có thánh đức, con có thể đi ra coi cho biết”.

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Thời nay có những linh mục không muốn nở nụ cười với trẻ em trong giáo xứ, vì sợ người ta nói mình như con nít; thời nay có những trẻ em ra đường nhìn thấy linh mục thì trốn chạy như thấy ma quỷ; thời nay có những linh mục thường tỏ bộ mặt hình sự với trẻ em trong xứ, bởi vì các ngài nghĩ rằng phải làm cho chúng nó sợ thì mới đi học giáo lý.v.v...

Có những linh mục thánh thiện đơn sơ như trẻ em nên nhà thờ vang tiếng cười đùa của trẻ con; nhưng cũng có những nhà thờ nhà xứ mà trẻ em hể nghe cha mẹ nhắc đến đi học giáo lý, đi nhà thờ là sợ là trốn, bởi vì các em không nhìn thấy sự hiền lành thánh thiện và thân thiện nơi cha sở cũng như nơi những người cộng tác với ngài.

Có linh mục thật thì chắc chắn cũng có linh mục giả, có linh mục thánh thiện thì chắc chắn cũng có linh mục không thánh thiện, nhưng có một điều chắc chắn trăm phần trăm là trẻ em cũng như người lớn đều không thích loại linh mục có bộ mặt hình sự và kiêu ngạo.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Thứ Sáu Tuần Thánh (C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:17 31/03/2010
THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta giữ chay kiêng thịt, để chia sẻ những khổ hình mà Chúa Giê-su Ki-tô đã chịu vì tội chúng ta, cao điểm của ngày hôm nay chính là giây phút này đây: suy tôn Thánh Giá Chúa Giê-su Ki-tô.

Trong niềm hiệp thông này, tôi xin chia sẻ với bạn hai vấn đề chính trong nghi lễ hôm nay:

1-Thánh giá là Tin, Yêu và Hy Vọng.

Trong suốt bốn mươi ngày của mùa chay, chúng ta đã thống hối, ăn năn các tội phạm đã làm Chúa buồn, giờ đây chúng ta đang đi vào đỉnh cao của ý nghĩa thống hối và ăn năn ấy, đó chính là suy tôn Thánh Giá của Chúa Ki-tô.

Với người không có đức tin thì Thánh Giá là khổ đau là nhục hình và là dấu hiệu của thất vọng, nhân loại lại luôn sợ Thánh Giá vì họ đã không tìm thấy nơi thánh giá có gì lạ, nhưng với những người có đức tin như chúng ta thì Thánh Giá là niềm vui, niềm tin yêu và hi vọng, nó được biểu hiện qua việc hiệp thông với Đấng đã dùng nó để cứu chuộc loài người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Mỗi một việc làm hi sinh là một Thánh Giá đem lại niềm tin cứu độ, mỗi một đau khổ là một Thánh Giá đem lại yêu thương từ sự cứu độ, mỗi một tâm tình thống hối là một Thánh Giá đem lại hi vọng cho nhân loại vào sự cứu độ. Cho nên người Ki-tô hữu chúng ta thật sự là những người hạnh phúc nhất trong tủi nhục, những người lạc quan nhất trong đau khổ, bởi vì chúng ta tin và chia sẻ cùng Thánh Giá với Chúa Ki-tô khổ nạn và Phục Sinh...

2. Thánh Giá là Phục Sinh.

Thánh Giá Chúa Ki-tô hai ngàn năm trước, và Thánh Giá của người Ki-tô hữu hai ngàn năm sau vẫn chỉ là một Thánh Giá, bởi vì nó đã trở thành biểu tượng phục sinh không những của người Ki-tô hữu mà là của cả nhân loại.

Hôm nay Thứ Sáu Tuần Thánh, cây Thánh Giá sần sùi năm xưa trên đồi Gôn-gô-tha đã trở nên cây trường sinh và biểu tượng của Phục Sinh, trong mùa chay và nhất là trong ngày hôm nay, người Ki-tô hữu tay ôm Thánh Giá đấm ngực ăn năn với một niềm tin tưởng sâu xa, chính nó là nơi ngày xưa đã treo Đấng cứu độ trần gian –Chúa Ki-tô, thì nay cũng sẽ trở thành cái thang đưa họ lên trời phục sinh vinh quang với Ngài.

Hôm nay, mỗi người chúng ta ngắm đàng Thánh Giá với hết cả tâm tình chia sẻ đau khổ tột cùng của Đức Ki-tô, chính Ngài đã gánh vác cây thánh giá là tội lỗi của tôi, của bạn và của cả nhân loại trên đôi vai của mình, Ngài đã mệt nhọc vác đi trên quảng đường dốc đá đến nơi chịu đóng đinh để nhân loại có đường sống, Ngài đã chịu đóng đinh trên Thánh Giá để cho nhân loại khỏi bị quăng vào lửa thiêu đốt đời đời.

Bạn thân mến,

Suy tôn Thánh Giá Chúa Ki-tô là làm vinh quang Đấng cứu độ nhân loại, bái lạy Thánh Giá Chúa Ki-tô là tung hô Đấng Thiên Chúa làm người, hôn kính Thánh Giá là yêu thương Đấng đã vì yêu mà chết trên Thánh Giá...

Cầu xin Chúa Ki-tô, Đấng đã bị đóng đinh trên Thánh Giá- ban ơn sức mạnh cho chúng ta, để mỗi người luôn biết yêu mến vác thánh giá của mình cùng đi lên Núi Sọ với Ngài, đó chính là ý nghĩa sâu xa nhất trong ngày hôm nay vậy.

Xin Mẹ Maria luôn đồng hành với chúng ta trên đường khổ nạn của cuộc sống.

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:19 31/03/2010
N2T


15. Thánh Giá có thể trói buộc người phú quý, khuất phục kẻ kiêu ngạo, hình phạt cho người ác, chiến thắng ma quỷ, đả phá địa ngục.

(Thánh Gioan Kim Khẩu)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:20 31/03/2010
N2T


405. Không thể coi thường mình, đặc biệt là khi vấp ngã mất đi ý chí.

 
Thứ năm tuần Thánh
An Mai, CSsR
18:34 31/03/2010
Thứ năm tuần Thánh

(Xh 12, 1-8.11-14, 1 Cr 11,23-26, Ga 13, 1-15)

HIẾN LỄ TÌNH YÊU

Cũng chẳng cần phải nói nhiều, khi mình được giải thoát khỏi thân phận nô lệ thì ai cũng phải suy nghĩ và suy nghĩ thật nhiều. Nếu chỉ một cá nhân thôi thì suy nghĩ ấy còn đơn độc, còn riêng lẻ nhưng nếu cả một dân tộc thì ngày mà dân tộc mình được giải thoát là ngày đáng ghi nhớ, là ngày hết sức trọng đại cho cả dân tộc của mình.

Nhiều và nhiều quốc gia trên thế giới đã mừng ngày lễ độc lập của mình, ngày mà đất nước mình được thoát ách nô lệ rất lớn. Ngày ấy là ngày hồng phúc, là ngày mà họ ghi nhớ công ơn của những ai làm cho họ được giải thoát.

Trong kinh nghiệm được giải thoát, cũng như bao dân tộc khác, dân tộc Do Thái hết sức vui mừng khi thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Họ không bao giờ quên được cái ngày trọng đại ấy. Ngày ấy cho đến bây giờ, dân tộc Do Thái vẫn hàng năm tổ chức mừng cái ngày lễ Vượt Qua của dân tộc mình. Lễ ấy càng long trọng ấy khi mà Thiên Chúa dạy họ như vậy.

Lễ Vượt qua như là một nhắc nhớ, như là một kỷ niệm. Dân Do Thái với bản chất là sống đời du mục, nay đây mai đó với con chiên con cừu, với con lạc đà, với con dê. Người Do Thái thường vào dịp đầu Xuân có thói quen làm lễ lên đường để đưa các con vật lên miền núi cho chúng gặm cỏ. Lễ lên đường ấy thường tổ chức vào ngày rằm và vào ban đêm vì thời tiết khi ấy mát mẻ. Với niềm tin, họ giết một con vật trong đàn làm lễ tế với ý cầu xin cho năm mới được mọi sự tốt đẹp và may lành. Họ đã lấy máu của những con vật làm lễ tế bôi lên cửa lều, cửa trại với ý chỉ là xua đuổi thần khí không cho thần khí ám hại đến đàn súc vật của họ.

Với truyền thống của cha ông, để lên đường cho mau lẹ họ nướng các con vật cho mau chứ không nấu. Bánh thì họ dùng bánh không men vì họ không có giờ ủ men và có thể để giữ bánh được lâu ngày. Tất cả những yếu tố ấy chỉ là phong tục của dân du mục. Đã là phong tục thì hết sức quan trọng và cố gắng để giữ và giữ một cách hết sức nghiêm túc. Những phong tục tốt đẹp ấy của người Do Thái đánh dấu cho những nguyện ước một năm mới tốt đẹp.

Tưởng chừng những phong tục của dân thì dân Do Thái được giữ một cách tự do và hoàng đế Ai Cập hơn ai hết phải trân trọng nhưng không, ông sợ người Do Thái đình trệ công trình xây dựng của ông. Hơn thế nữa, ông sợ dân Do Thái năm ấy qua sự dẫn dắt của Môsê sẽ đưa dân đi hẳn vì nhiều tai ương, nhiều điềm báo được báo trước cho ông. Thế nhưng, ý của con người làm sao có thể cản được thánh ý, cản được chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Thiên Chúa, dù biết dân Do Thái lòng chai dạ đá ấy nhưng vì tình thương vẫn giải thoát họ khỏi cảnh lầm than cơ cực. Qua Môsê, Thiên Chúa bảo ông dẫn dân ra khỏi đất nô lệ Ai Cập sớm chừng nào tốt chừng đó. Cũng qua lời của Môsê, dân chúng được giải thoát khỏi bàn tay ác nghiệt của hoàng đế Ai Cập. Bỗng dưng lễ Vượt Qua năm ấy trở thành Lễ Vượt qua hết sức đặc biệt và Lễ ấy ghi nhớ đến ngàn đời với con dân người Do Thái.

Với lòng tự hào dân tộc, tự hào vì đã được giải thoát mà nhất là giải thoát một cách hết sức kỳ diệu lạ lùng bởi bàn tay Thiên Chúa nên dân Do Thái vẫn cứ tổ chức mừng Lễ Vượt Qua dù đi bất cứ nơi đâu, dù làm bất cứ nghề gì chứ không hà cớ nghề du mục. Họ kỷ niệm ngày lễ này không có ý gì hơn là tin tưởng Thiên Chúa đã yêu thương và giải thoát họ dù bất cứ hoàn cảnh nào, dù quá khứ hay ngay giây phút hiện tại.

Lễ Vượt qua của người Do Thái là lễ của toàn dân đã được cắt bì theo luật Môsê nên những ai đã cắt bì được đồng tế. Chọn tế vật trước ngày Đại Lễ 6 ngày với ý nghĩa là đã đánh dấu con vật hiến tế được hiến dâng, không còn làm chuyện phàm tục nữa và cũng nhắc nhớ người ta giữ lòng thanh sạch để mừng Lễ.

Chúa Giêsu, có lẽ năm nào cũng ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ nhưng năm nay, đến “giờ” của Ngài nên Ngài mới muốn ăn Lễ với các môn đệ một cách long trọng hơn. Bữa ăn này chính là bữa ăn chia ly của tình huynh đệ, của tình thầy trò. Bữa ăn này không mang tính đơn thuần là một bữa ăn kỷ niệm, một bữa ăn bình thường nhưng chính là bữa ăn Thánh Thể. Lễ Vượt Qua cũ được thay thế bằng Lễ Vượt Qua mới do chính Chúa Giêsu thiết lập và hiến lễ cũng là chính Chúa Giêsu. Ngày hôm ấy, trong bữa tiệc, chính Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh rượu như dấu chỉ ban Thịt và Máu mình cho các môn đệ.

Để hiểu rõ ý nghĩa của việc trao ban này, chúng ta đừng quên phong tục, bối cảnh Lễ Vượt Qua của người Do Thái.

Người Do Thái vốn dĩ là du mục nên ban đầu, họ cử hành lễ vượt qua như một lễ ra đi, một lễ lên đường, một lễ xuất hành cho hành trình của năm mới và để đi tìm đến những vùng đồng cỏ mới, đồng cỏ xanh tươi để chăm bẫm cho đàn gia súc. Với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã dùng chính dịp Lễ này để giải phóng dân khỏi Ai Cập. Sống trong chiều kích ý nghĩa như vậy, dân Do Thái luôn luôn tin tưởng vào tình yêu bao la của Thiên Chúa là Thiên Chúa luôn luôn yêu thương và giải thoát họ khỏi những lầm than cơ cực của kiếp người.

Chúa Giêsu vì vâng lời Chúa Cha, đến lập Hiến lễ mới nhưng Ngài không huỷ bỏ cái cũ, phong tục cũ của người Do Thái nhưng Ngài mang lại ý nghĩa mới của Lễ Vượt Qua. Lễ Vượt qua mà Chúa Giêsu lập, Chúa Giêsu dâng hiến mang ý nghĩa hơn Lễ Vượt Qua cũ là cho con người, cứu con người thoát khỏi cái kiếp người tội lỗi để đi vào sự sống đời đời, sự sống mới. Lễ Vượt Qua cũ chỉ dừng lại ở chỗ vượt qua nô lệ của phàm nhân thôi.

Cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu là giải phóng con người khỏi cái xác phàm để đưa Ngài về vinh quang của Ngài mà tự ngàn xưa đã có từ Chúa Cha. Chúa Giêsu huỷ giao ước cũ là giao ước bằng máu của chiên bò và thay vào đó chính là máu của Ngài. Chúa Giêsu đã đưa con người thoái khỏi chế độ lề luật của trần gian và đưa con người vào ân sủng của Thiên Chúa. Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu đã liên kết, đã hiệp nhất mọi người nên một nhờ cùng chấm một chén và bẻ một bánh của Ngài. Những ai nhận lãnh chén và bánh của Người thì cũng sẽ loan truyền cho người thế về sự sống, sự chết của Chúa Giêsu và cũng được tham dự vào cuộc vượt qua và trở về cùng Cha với Ngài.

Bánh rượu mà ai nào đó đã nhận lãnh từ bàn tiệc Thánh Thể không còn là bánh rượu tự nhiên nữa nhưng đó chính là lương thực thần linh của Chúa. Những lương thực tự nhiên đã vượt qua giới hạn của mình để trở thành Mình và Máu nuôi dưỡng con người. Mình và Máu ấy không còn là Mình và Máu bình thường nhưng Mình và Máu đó chính là Mình và Máu của Tình Yêu vì Mình và Máu đó đổ ra, trao ban vì tình yêu. Những ai tham dự tiệc Thánh trở thành chi thể của Người đã dâng đời mình làm hiến lễ cho Thiên Chúa Cha và cũng sẽ được tham dự vào phần vinh phúc mà Thiên Chúa Cha đã trao ban, đã dành cho chính Con Một của mình.

Mình và Máu của Chúa Giêsu chính là hiến lễ tình yêu: yêu Chúa Cha và yêu nhân loại tội lỗi. Chỉ vì tình yêu và vì tình yêu mà Chúa đã đổ máu đào của mình trên thập giá.

Tiệc ly hôm nay Chúa Giêsu cử hành, Chúa Giêsu thiết lập không phải là tiệc để chia ly theo cách nghĩ bình thường nhưng chính là bữa tiệc huynh đệ, bữa tiệc nối kết tình yêu.

Những ai cảm nhận được Thiên Chúa là tình yêu Thiên Chúa thì sẽ càng cảm thấy quý giá Hiến Lễ Tình Yêu mà Thiên Chúa thiết lập hôm nay. Những ai cảm thấy quý giá Hiến Lễ Tình Yêu thì cũng sẽ bước theo con đường của Thầy Chí Thánh: Sống vì yêu, chết cũng vì yêu và mang tình yêu ấy đến cho anh chị em đồng loại.
 
Hiến lễ tình yêu
Lm. Anmai, CSsR
18:39 31/03/2010
Thứ năm tuần Thánh

(Xh 12, 1-8.11-14, 1 Cr 11,23-26, Ga 13, 1-15)

Cũng chẳng cần phải nói nhiều, khi mình được giải thoát khỏi thân phận nô lệ thì ai cũng phải suy nghĩ và suy nghĩ thật nhiều. Nếu chỉ một cá nhân thôi thì suy nghĩ ấy còn đơn độc, còn riêng lẻ nhưng nếu cả một dân tộc thì ngày mà dân tộc mình được giải thoát là ngày đáng ghi nhớ, là ngày hết sức trọng đại cho cả dân tộc của mình.

Nhiều và nhiều quốc gia trên thế giới đã mừng ngày lễ độc lập của mình, ngày mà đất nước mình được thoát ách nô lệ rất lớn. Ngày ấy là ngày hồng phúc, là ngày mà họ ghi nhớ công ơn của những ai làm cho họ được giải thoát.

Trong kinh nghiệm được giải thoát, cũng như bao dân tộc khác, dân tộc Do Thái hết sức vui mừng khi thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Họ không bao giờ quên được cái ngày trọng đại ấy. Ngày ấy cho đến bây giờ, dân tộc Do Thái vẫn hàng năm tổ chức mừng cái ngày lễ Vượt Qua của dân tộc mình. Lễ ấy càng long trọng ấy khi mà Thiên Chúa dạy họ như vậy.

Lễ Vượt qua như là một nhắc nhớ, như là một kỷ niệm. Dân Do Thái với bản chất là sống đời du mục, nay đây mai đó với con chiên con cừu, với con lạc đà, với con dê. Người Do Thái thường vào dịp đầu Xuân có thói quen làm lễ lên đường để đưa các con vật lên miền núi cho chúng gặm cỏ. Lễ lên đường ấy thường tổ chức vào ngày rằm và vào ban đêm vì thời tiết khi ấy mát mẻ. Với niềm tin, họ giết một con vật trong đàn làm lễ tế với ý cầu xin cho năm mới được mọi sự tốt đẹp và may lành. Họ đã lấy máu của những con vật làm lễ tế bôi lên cửa lều, cửa trại với ý chỉ là xua đuổi thần khí không cho thần khí ám hại đến đàn súc vật của họ.

Với truyền thống của cha ông, để lên đường cho mau lẹ họ nướng các con vật cho mau chứ không nấu. Bánh thì họ dùng bánh không men vì họ không có giờ ủ men và có thể để giữ bánh được lâu ngày. Tất cả những yếu tố ấy chỉ là phong tục của dân du mục. Đã là phong tục thì hết sức quan trọng và cố gắng để giữ và giữ một cách hết sức nghiêm túc. Những phong tục tốt đẹp ấy của người Do Thái đánh dấu cho những nguyện ước một năm mới tốt đẹp.

Tưởng chừng những phong tục của dân thì dân Do Thái được giữ một cách tự do và hoàng đế Ai Cập hơn ai hết phải trân trọng nhưng không, ông sợ người Do Thái đình trệ công trình xây dựng của ông. Hơn thế nữa, ông sợ dân Do Thái năm ấy qua sự dẫn dắt của Môsê sẽ đưa dân đi hẳn vì nhiều tai ương, nhiều điềm báo được báo trước cho ông. Thế nhưng, ý của con người làm sao có thể cản được thánh ý, cản được chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Thiên Chúa, dù biết dân Do Thái lòng chai dạ đá ấy nhưng vì tình thương vẫn giải thoát họ khỏi cảnh lầm than cơ cực. Qua Môsê, Thiên Chúa bảo ông dẫn dân ra khỏi đất nô lệ Ai Cập sớm chừng nào tốt chừng đó. Cũng qua lời của Môsê, dân chúng được giải thoát khỏi bàn tay ác nghiệt của hoàng đế Ai Cập. Bỗng dưng lễ Vượt Qua năm ấy trở thành Lễ Vượt qua hết sức đặc biệt và Lễ ấy ghi nhớ đến ngàn đời với con dân người Do Thái.

Với lòng tự hào dân tộc, tự hào vì đã được giải thoát mà nhất là giải thoát một cách hết sức kỳ diệu lạ lùng bởi bàn tay Thiên Chúa nên dân Do Thái vẫn cứ tổ chức mừng Lễ Vượt Qua dù đi bất cứ nơi đâu, dù làm bất cứ nghề gì chứ không hà cớ nghề du mục. Họ kỷ niệm ngày lễ này không có ý gì hơn là tin tưởng Thiên Chúa đã yêu thương và giải thoát họ dù bất cứ hoàn cảnh nào, dù quá khứ hay ngay giây phút hiện tại.

Lễ Vượt qua của người Do Thái là lễ của toàn dân đã được cắt bì theo luật Môsê nên những ai đã cắt bì được đồng tế. Chọn tế vật trước ngày Đại Lễ 6 ngày với ý nghĩa là đã đánh dấu con vật hiến tế được hiến dâng, không còn làm chuyện phàm tục nữa và cũng nhắc nhớ người ta giữ lòng thanh sạch để mừng Lễ.

Chúa Giêsu, có lẽ năm nào cũng ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ nhưng năm nay, đến “giờ” của Ngài nên Ngài mới muốn ăn Lễ với các môn đệ một cách long trọng hơn. Bữa ăn này chính là bữa ăn chia ly của tình huynh đệ, của tình thầy trò. Bữa ăn này không mang tính đơn thuần là một bữa ăn kỷ niệm, một bữa ăn bình thường nhưng chính là bữa ăn Thánh Thể. Lễ Vượt Qua cũ được thay thế bằng Lễ Vượt Qua mới do chính Chúa Giêsu thiết lập và hiến lễ cũng là chính Chúa Giêsu. Ngày hôm ấy, trong bữa tiệc, chính Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh rượu như dấu chỉ ban Thịt và Máu mình cho các môn đệ.

Để hiểu rõ ý nghĩa của việc trao ban này, chúng ta đừng quên phong tục, bối cảnh Lễ Vượt Qua của người Do Thái.

Người Do Thái vốn dĩ là du mục nên ban đầu, họ cử hành lễ vượt qua như một lễ ra đi, một lễ lên đường, một lễ xuất hành cho hành trình của năm mới và để đi tìm đến những vùng đồng cỏ mới, đồng cỏ xanh tươi để chăm bẫm cho đàn gia súc. Với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã dùng chính dịp Lễ này để giải phóng dân khỏi Ai Cập. Sống trong chiều kích ý nghĩa như vậy, dân Do Thái luôn luôn tin tưởng vào tình yêu bao la của Thiên Chúa là Thiên Chúa luôn luôn yêu thương và giải thoát họ khỏi những lầm than cơ cực của kiếp người.

Chúa Giêsu vì vâng lời Chúa Cha, đến lập Hiến lễ mới nhưng Ngài không huỷ bỏ cái cũ, phong tục cũ của người Do Thái nhưng Ngài mang lại ý nghĩa mới của Lễ Vượt Qua. Lễ Vượt qua mà Chúa Giêsu lập, Chúa Giêsu dâng hiến mang ý nghĩa hơn Lễ Vượt Qua cũ là cho con người, cứu con người thoát khỏi cái kiếp người tội lỗi để đi vào sự sống đời đời, sự sống mới. Lễ Vượt Qua cũ chỉ dừng lại ở chỗ vượt qua nô lệ của phàm nhân thôi.

Cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu là giải phóng con người khỏi cái xác phàm để đưa Ngài về vinh quang của Ngài mà tự ngàn xưa đã có từ Chúa Cha. Chúa Giêsu huỷ giao ước cũ là giao ước bằng máu của chiên bò và thay vào đó chính là máu của Ngài. Chúa Giêsu đã đưa con người thoái khỏi chế độ lề luật của trần gian và đưa con người vào ân sủng của Thiên Chúa. Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu đã liên kết, đã hiệp nhất mọi người nên một nhờ cùng chấm một chén và bẻ một bánh của Ngài. Những ai nhận lãnh chén và bánh của Người thì cũng sẽ loan truyền cho người thế về sự sống, sự chết của Chúa Giêsu và cũng được tham dự vào cuộc vượt qua và trở về cùng Cha với Ngài.

Bánh rượu mà ai nào đó đã nhận lãnh từ bàn tiệc Thánh Thể không còn là bánh rượu tự nhiên nữa nhưng đó chính là lương thực thần linh của Chúa. Những lương thực tự nhiên đã vượt qua giới hạn của mình để trở thành Mình và Máu nuôi dưỡng con người. Mình và Máu ấy không còn là Mình và Máu bình thường nhưng Mình và Máu đó chính là Mình và Máu của Tình Yêu vì Mình và Máu đó đổ ra, trao ban vì tình yêu. Những ai tham dự tiệc Thánh trở thành chi thể của Người đã dâng đời mình làm hiến lễ cho Thiên Chúa Cha và cũng sẽ được tham dự vào phần vinh phúc mà Thiên Chúa Cha đã trao ban, đã dành cho chính Con Một của mình.

Mình và Máu của Chúa Giêsu chính là hiến lễ tình yêu: yêu Chúa Cha và yêu nhân loại tội lỗi. Chỉ vì tình yêu và vì tình yêu mà Chúa đã đổ máu đào của mình trên thập giá.

Tiệc ly hôm nay Chúa Giêsu cử hành, Chúa Giêsu thiết lập không phải là tiệc để chia ly theo cách nghĩ bình thường nhưng chính là bữa tiệc huynh đệ, bữa tiệc nối kết tình yêu.

Những ai cảm nhận được Thiên Chúa là tình yêu Thiên Chúa thì sẽ càng cảm thấy quý giá Hiến Lễ Tình Yêu mà Thiên Chúa thiết lập hôm nay. Những ai cảm thấy quý giá Hiến Lễ Tình Yêu thì cũng sẽ bước theo con đường của Thầy Chí Thánh: Sống vì yêu, chết cũng vì yêu và mang tình yêu ấy đến cho anh chị em đồng loại.
 
Giuđa Bất Trung
Tuyết Mai
18:41 31/03/2010
Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có phải con chăng?" Chúa đáp: "Đúng như con nói". (Mt 26, 14-25).

Từ thuở Thiên Chúa tạo dựng nên con người là hai ông bà Adam và Evà, Thiên Chúa Cha đã nhận được sự bất trung từ nơi hai ông bà, vì thế cho nên con cái hậu duệ của hai ông bà làm sao tránh khỏi?? Có phải Cha mẹ như thế nào thì con cái cũng nên y như vậy!? Chứng cớ rành rành và được chép trong sách sử, nên chúng ta không thể nào phủ nhận rằng chuyện bất trung đã có từ trong máu của hai ông bà?? Chúng ta thời nay hễ muốn nói tốt hay nói xấu cho đứa con nào trong gia đình thì thường hay lôi bố ra mà nói tốt hay xấu cho con, là ừ nó giỏi dang hay xấu xa là vì nó giống máu của bố nó! Hễ là tiếng khen thì ối dồi ôi bố nó cứ nở phồng lỗ mũi lên, còn nếu là tiếng chê bai thì cũng là tiếng chửi xéo chửi xiên bố nó vậy! Nên tốt hay xấu gì thì bậc làm cha làm mẹ cũng nên ý tứ, sống sao để làm gương tốt lành cho con cho cháu. Y như sóng trước vồ trước sóng sau vồ theo sau là vậy!

Nói thì nói đùa cho vui vậy! Vì khi chúng ta làm điều gì xấu xa thì thường hay kiếm người để đổ tội cho mình cảm thấy bớt xấu xa bớt tội lỗi, và có người cùng có tội với mình để khi vào tù thì bớt buồn hơn ý mà!? Chứ Thiên Chúa khi dựng nên chúng ta thì Ngài ban cho chúng ta mọi thứ thật tuyệt mỹ và thật hoàn hảo trong ánh mắt của Ngài, nhưng khổ nỗi vì Ngài thương yêu chúng ta đến nỗi Ngài không bắt chúng ta phải tuyệt đối chỉ thờ phượng Ngài. Ngài đã ban cho chúng ta quyền được tự do yêu hay không yêu Ngài, vì thế cho nên dần dần khi trí khôn của chúng ta được trưởng thành theo thời gian, thì chúng ta cũng đã thay đổi rất là nhiều trong suốt thời gian trôi qua trong cuộc sống.

Thiên Chúa cũng đã ban cho chúng ta một thiên thần bản mệnh để đi kèm bên chúng ta suốt cả cuộc đời sống trên trần thế này, để hằng nhắc nhở cho chúng ta biết điều gì chúng ta làm là tốt hay xấu. Cũng như chúng ta được học từ nhỏ là hai bên vai của chúng ta luôn có, bên phải là thiên thần bản mệnh cầm một cuốn sổ nhỏ, và bên trái của chúng ta thì cũng có một con quỷ nó cũng cầm một cuốn sổ, cả hai có cùng nhiệm vụ là để ghi chép tất cả mọi sự việc làm lành thánh hay xấu xa của chúng ta. Đến cuối đời khi sau khi chúng ta chết đi, đến trước tòa Chúa, Chúa sẽ cho hai người đem sổ đến trước mặt Ba Ngôi Thiên Chúa mà cân hai cuốn sổ. Cuốn nào ghi chép được nhiều việc làm lành thánh khi còn ở trần gian thì Chúa sẽ thưởng được vào Nước Thiên Đàng, còn cuốn sổ nào mà làm nhiều những việc xấu xa khi còn ở trần gian, thì lập tức linh hồn của người ấy bị chúng quỷ kéo ngay xuống dưới Hoả Ngục và sống ở đó đời đời kiếp kiếp không bao giờ sẽ có ngày ra, thưa anh chị em!

Suy ra, phần nhiều tội lỗi của chúng ta phạm cũng ảnh hưởng rất nhiều trong vấn đề được hay không được giáo dục ở thuở còn nhỏ khi còn sống trong gia đình. Con nít thường hay bắt chước nhanh lắm! Cha mẹ hay anh chị làm gì xong, là chúng bắt chước làm được ngay. Thường thì bậc làm cha làm mẹ ít ai để ý xem là mình hay nói dối rất là thường và rất là nhiều!. Có những cái chúng ta nói thoạt nghe cứ tưởng là chẳng hại đến ai, nhưng không hiểu rằng từ cái nói dối nhẹ để các con nghe quen tai, cho đến những điều chúng ta nói dối nặng và nói dối có thể hại người khác. Ngay trong khi chúng ta nói dối đó thì chưa thấy gì thật, nhưng vì con cái chúng ta chưa hiểu được cái ý nói dối ấy, bèn vô tình đi khai với người mà bố mẹ mình nói đến, khi ấy có phải là mất tình thân từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.

Từ đó con em chúng ta học nơi cha mẹ xem những chuyện nói dối y như thằng cuội, và đã làm cho bao nhiêu người không ưa thích gì nơi chúng cái tánh nói dối và hành động những điều không trung thực ấy! Từ cái sự dối trá, sẽ đưa đến cho chúng hành xử y như một con người bất trung, là sẽ không bao giờ còn có thể tin tưởng nơi chúng được nữa! Đó là điều tai hại biết bao cho nhiều gia đình đang sống như vậy! Và từ cái dối trá trong gia đình chúng sẽ mang ra ngoài xã hội và đối xử với hết mọi người như vậy! Thử hỏi xem những phần tử này sẽ cho chúng ta rất là nhiều Giuđa của thời đại ngày nay hay là không? Giuđa thời của Chúa và Giuđa của thời nay, tôi thiết nghĩ không có khác mấy đâu thưa anh chị em! Chỉ có điều Giuđa của thời Chúa Giêsu thì y có được tên trong sổ sách và ghi chép về y, nhưng Giuđa của thời nay thì nhan nhãn ở mọi nơi mọi chỗ, nhiều quá đến độ chẳng ai còn muốn ghi chép nữa! À mà hình như chúng ta còn thấy rất là nhiều trong các phim bộ từ kiếm hiệp cho đến tình cảm xã hội!?? Nhân vật này, lại thường cho ta thấy rất là nhiều, và nhờ thành phần xấu xa ghê gớm này, lại lấy nơi chúng ta rất là nhiều nước mắt. Ai được đóng những vai độc ác này chắc lương nhiều hơn những vai phụ khác thì phải!???

Sau khi Chúa Giêsu chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Nhận miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: "Con tính làm gì thì làm mau đi". Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: 'Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được', nay Thầy cũng nói với các con như vậy". Simon Phêrô hỏi Người: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu?" Chúa Giêsu trả lời: "Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy". (Ga 13, 21-33. 36-38).

Lậy Chúa Giêsu! Xin cho chúng con học biết chuyện của Giuđa một tông đồ bất trung của Chúa, để cố gắng sống suốt cuộc đời còn lại của chúng con, là mãi mãi muốn sống đẹp lòng Chúa. Mà làm đẹp lòng Chúa thì đồng thời cũng sống đẹp lòng anh chị em của chúng con nữa! Đó là điều rất khó làm, chúng con biết điều đó! Nhưng không gì bằng và Chúa tưởng thưởng hơn nữa là chúng con có cố gắng! Cố gắng lắm Chúa ơi! Chúng con biết Chúa hiểu và thông cảm cho chúng con, vì chúng con hết thảy là những Giuđa không cùng đồng hình đồng dạng nhưng cũng hao hao giống ở nhiều khía cạnh của cuộc đời. Amen.
 
Người Rửa Chân Cho Các Môn Đệ
Tuyết Mai
20:47 31/03/2010
Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con". (Ga 13, 1-15).

Lậy Thầy! Việc Rửa Chân Thầy làm cho các môn đệ Thầy, thật sự không ai có thể tưởng tượng được và có thể chấp nhận được. Cho đến cả bây giờ còn rất nhiều người trên trần gian này vẫn không có thể tin vào mắt họ hay được nghe kể lại. Có phải thế cho nên Thầy vẫn chưa có được nhiều tín đồ là thế thưa Thầy! Làm sao chúng con có thể tin được khi Thầy gọi mình là Con Thiên Chúa, mà lại có thể quỳ xuống mà rửa chân cho các môn đệ của Thầy!? Không, không thời đại nào có thể chấp nhận được cử chỉ và hành động của Thầy đã làm? Sao Thầy chẳng giống ai cả!? Sao Con một Thiên Chúa như Thầy lại phải bị sanh hạ nơi chốn bồn lừa, không một mảnh áo che thân? Không ai chịu chứa chấp Thầy trong đêm đông giá lạnh đến se da người? Sao Thầy nghèo đến thế và phải sống một cuộc sống thiếu thốn đủ điều? Sao Thầy không có nhà có cửa và nhất là sống rày đây mai đó y như dân du mục? Sao Thầy lại đi kiếm toàn là những tay chài lưới ngu dốt và thất học để làm môn đệ Thầy? Sao Thầy lại đi tìm cái chết đau thương và nhục nhã như thế!?? Không không không Chúa ơi! Không thể thế được, tại sao Chúa lại làm như thế! Sao Chúa không hẳn là một vị Vua để cho chúng con nhờ!? Sao Chúa không khoác lên những chiếc long bào bắt thợ dệt biến những tấm vải thành những chiếc long bào mà trên trần gian này không có!? Thì Chúa ơi! Hẳn cả thế giới sẽ cho Thầy là Vua mà thống trị cả đất trời!? Chúng con sẽ không bị dân ngoại bảo rằng chúng con đi theo cái ông khùng khùng, không nhà không cửa, và đã chết một cách thảm thương trên Thập Giá ấy!? Họ bảo theo Chúa là chúng con điên. Họ còn dám bảo Chúa điên được thì chúng con sao có thể tránh được những lời nhạo báng của họ đối với chúng con.

Chuyện Chúa rửa chân cho các môn đệ có nằm trong sách sử đàng hoàng, chẳng ai chối cãi được? Nhưng có phải những điều mà con người thật tầm thường nhìn thấy thì họ cười nhạo báng, gọi Chúa là điên, gọi Chúa là gàn dở, nhưng tất cả những gàn dở của Chúa, đối với Chúa là những gương tốt là những điều Chúa dậy chúng con phải làm cho nhau, vì Chúa là Vua cả đất trời, Ngài thống trị vũ hoàn, thế mà Ngài còn rửa chân cho anh em, thì các con phải làm như thế cho nhau.

Vâng, chúng con là những con người dốt nát, là những người được Thầy tuyển chọn, cũng sống một cuộc sống rất giản đơn, không cầu kỳ, không thắc mắc, không lý luận, không chống đối, một chỉ biết nghe theo Lời Thầy dậy dỗ.

Vâng, đó là lý do tại sao Thầy đã không tuyển chọn những con người tài giỏi, học cao, hiểu rộng, như những phường đạo đức giả, là pha ri sêu, là biệt phái, là nhà thông luật, vì Thầy biết họ rất lý luận, và những người hay lý luận thường thiếu đức Vâng Lời, phải không thưa Thầy Chí Thánh của chúng con?

Vâng, Thầy rất thương yêu chúng con là những con người nghèo khổ, tật bệnh, thiếu cơm, thiếu áo, và tù đầy. Thầy ưu đãi chúng con một cách đặc biệt. Thầy sống gần gũi với chúng con. Thầy chữa lành cho chúng con là những người phong hủi, hoại huyết, và đã chết như anh Lazaro kia!

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Thầy biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Thầy vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương chúng con cho đến cùng. Thầy đã bỏ mạng sống của Mình vì nhân loại tội lỗi của chúng con. Vì thế thể thức Thầy làm là Rửa Chân cho môn đệ Thầy, thì này đây chúng con cũng xin được Thầy rửa chân cho chúng con, để được nên "sạch", và được theo Thầy đến Nơi Thầy sẽ đến. Dù rằng Thầy biết chúng con nào xứng đáng gì trước nhan Thầy, nhưng vì chúng con dễ dậy và có tấm lòng đơn sơ, dễ tin tưởng nơi Thầy nên Thầy yêu thương chúng con, và không nỡ bỏ chúng con luôn mãi!?? Vì thế khi Thầy được về Trời thì Thầy sẽ dọn chỗ ở sẵn cho chúng con.

Việc Thầy Rửa Chân cho các môn đệ hôm nay, chúng con sẽ ghi nhớ trong lòng, nếu ngày hôm nay chúng con chưa hiểu việc Thầy làm, nhưng như Thầy dậy bảo là chúng con sẽ từ từ được Thầy cho hiểu. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Benedict XVI “ lên án mạnh mẽ” vụ khủng bố tại Moscou
Bùi Hữu Thư
04:52 31/03/2010
Gửi điện văn chia buồn với gia đình các nạn nhân

ROME, ngày 30 tháng 3, 2010 (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha Benedict XVI lên án các vụ bạo động đã tấn công hai trạm xe điện ngầm tại Moscou ngày 29 tháng 3 là các “hành động bạo lực dã man.”

Đức Thánh Cha đã gửi một điện văn phân ưu tới ông Dimitri Anatolevich Medvedev, Tổng Thống Nga, qua Đức Tổng Giám Mục Antonio Mennini, sứ thần Tòa Thánh tại Moscou. Điện văn này đã được Văn Phòng Truyền Thông Tòa Thánh phổ biến bằng tiếng Ý chiều nay.

Đức Thánh Cha bầy tỏ “niềm đau xót sâu xa” về tin buồn này và “ngài mạnh mẽ lên án các hành động bạo lực dã man này.”

Đức Thánh Cha bầy tỏ “tình liên đới”, “tình mật thiết thiêng liêng” và “lời phân ưu” tới gia đình các nạn nhân. Ngài cam đoan với họ là ngài cầu nguyện cho những đời sống đã bị “tiêu diệt” và “ngài muốn an ủi những ai đang than khóc sự ra đi thảm khốc của họ,” và ngài bầy tỏ “một cảm tình đặc biệt đối với những ai đã bị thương tích.”

Các vụ tấn công cảm tử này xẩy ra sáng hôm qua khoảng 7 giờ sáng vào giờ cao điểm, tại một đoàn tầu đi tới trạm Loubianka, và khoảng một giờ sau, tại một đoàn tầu đi tới trạm Koultoury. Theo một báo cáo chính thức chiều ngày thứ ba này, có ít nhất 37 người chết và 33 người bị thương. Các cảm tử quân này là các phụ nữ miền Caucase.
 
Hội Đồng Giám Mục Canada tuyên bố tuyệt đối ủng hộ và tin tưởng vào Đức Thánh Cha
Dominic David Trần
11:48 31/03/2010
EDMONTON, Canada ngày 31 tháng Ba năm 2010, theo Thông Tấn Xã Công Giáo toàn cầu (CWN) và Thông Tấn Xã Canada: Vào ngày 30 tháng Ba năm 2010 trong một động thái được coi như là rất hiếm có trong lịch sử-Hội Đồng Giám Mục Canada đã họp báo để bày tỏ lập trường của các Giám Mục Canada về các sự kiện liên quan đến Giáo Hội Công Giáo do báo New York Times và các phương tiện truyền thông đại chúng khác nêu ra.

Đức Cha Richard Smith, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Edmonton thay mặt cho Hội Đồng Giám Mục Canada đã tuyên bố trong cuộc họp báo với giới báo chí Canada và quốc tế rằng; " Hội Đồng Giám Mục Canada đã kính báo đến Tòa Thánh Vatican rằng: " Xin kính gởi đến Tòa Thánh sự ủng hộ tuyệt đối và tin tưởng của tất cả Giám Mục Đoàn Canada dưới sự lãnh đạo sáng suốt và kiên định của Đức Thánh Cha Benedicto XVI trong giai đoạn hiện nay.. "..

" Trong lúc các vụ tai tiếng chưa được giải quyết xong, thì một số báo và phương tiện truyền thông đại chúng đang vội cáo buộc rằng Đức Thánh Cha đã lơ là trong việc lãnh đạo để giải quyết các việc liên quan đến các vụ án đầy tội ác này,"

Cũng trong bài giảng lễ ngày 29 tháng Ba Đức Tổng Giám Mục Richard nêu rõ; " (Những người đang chỉ trích Giáo hội và phê phán Đức Thánh Cha) nên biết cho rằng với những người- đã kiểm tra sát sao những bản tường thuật trên các phương tiện truyền thông đại chúng và bài viết đã đăng của các báo- nay đến lượt những người kiểm tra chất lượng báo chí này đang cất cao tiếng nói để bảo vệ cho Giáo hội và đạo đức báo chí- vì họ đã chỉ ra cho thấy rõ là những bài tường thuật trên các phương tiện truyền thông đại chúng và báo chí đã hầu hết dựa trên sự trình bày sự kiện một cách sai lạc, không thể hiện đúng bản chất và diễn tiến của sự việc. "

Đức TGM Richard nói rõ thêm, " Bất cứ người quan sát vô tư nào cũng có thể thấy được rằng Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã rất đau phiền vì những nỗi đau khổ tác hại của lạm dụng tình dục đã gây nên cho các trẻ em vị thành niên, ". " Đức Thánh Cha đã không ngại ngùng bày tỏ công khai nỗi đau buồn và sự cảm thông của ngài đối với các nạn nhân. Đức Thánh Cha cũng chứng tỏ sự quyết tâm giải quyết sự việc của ngài một cách rất rõ ràng- trong cả thời gian trước và sau khi ngài đảm nhận ngôi vị Giáo Hoàng-ngài đã đối đầu với vấn đề này và hiện đang tiếp tục dẫn dắt Giáo Hội Công Giáo trên con đường hàn gắn và chữa lành các vết thương, đổi mới và sửa chữa lại mọi sự."

Đức Tổng Giám Mục Richard Smith, nhân danh Hội Đồng Giám Mục Canada tuyên bố: " Toàn thể các Giám Mục Canada khẳng định rằng tất cả các Giám mục Canada hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo kiên định và mạnh mẽ nơi Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã thể hiện và tiếp tục thể hiện trong khi giải quyết những vấn nạn kinh khủng này"
 
Năm Linh Mục: Lời chứng của linh mục (5)
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
11:57 31/03/2010
Cha Robert d’Anglejan là tuyên úy bệnh viện thánh Giuse thuộc quận 14 thủ đô Paris. Ở bên cạnh những người chịu nhiều đau khổ về bệnh tật, với ngài hai bàn tay trắng của mình giúp mang lại sức mạnh thật lớn lao: « Linh mục là người được Đức Kitô hủy bỏ để tuôn trào sức sống trong đôi tay trống rỗng của mình ».

Trên chiếc bàn được kê trong một phòng khách nhỏ nhắn, không có một cuốn sách, mẩu giấy hay một cây bút. Tuyên úy bệnh viện thánh Giuse từ 5 năm nay, cha Robert d’Anglejan nói về về những vị khách của mình: « Tôi có thể bị gọi bất cứ lúc nào. Thiên Chúa không chờ đợi ». Nếu những cuộc gọi không quá khẩn cấp thì được một nữ tu túc trực. Tuy nhiên những trường hợp xin chịu các phép thì ngay lập tức được chuyển đến cho ngài. « Bệnh nhân có thể ước ao muốn xưng tội từ lâu. Do đó cần phải lui tới bên họ không chút chậm trễ », vị tuyên úy bệnh viện tâm sự bằng giọng nói nhỏ nhẹ.

Thiên Chúa hành động

Trước khi được bổ nhiệm làm tuyên úy bệnh viện, ngài đã từng là cha xứ nhà thờ Thánh Thể (quận 20). Ban đầu, cha Robert d’Anglejan có một vài dự định cho nhiệm sở mới của mình. Nhưng rất nhanh, một cách ngẫu nhiên vị linh mục ấy đã phải buông ra: tại bệnh viện, người ta không biết sẽ làm gì trong ngày. « theo dòng chảy thời gian mỗi ngày, tôi xác tín rằng chính Thiên Chúa hành động ». Ngài kể bằng ánh mặt của một nhân chứng tuyệt đẹp về điều mắt thấy tai nghe trong nơi chốn của đau khổ bệnh tật. « Tôi vẫn còn nhớ đến người ấy một hôm đã nói với tôi thế này: « Con không còn cầu nguyện được nữa. Tuy nhiên con lại chợt hiểu rằng khi mà người ta không thể còn cầu nguyện được thì chính Đức Kitô đến cầu nguyện nơi sự hiện diện của cha ».

Tự hủy

Khi lắng nghẹ vị tuyên úy giãi bày, chúng ta có cảm giác rằng công việc mục vụ của một tuyên úy bệnh viện có vẻ dễ dàng: chỉ cần làm chứng về hành động của Thiên Chúa. Không được nhầm lẫn điều này. Để cho Đức Ki tô có thể hành động, cha Robert d’Anglejan thấu hiểu rằng trước tiên ngài cần phải học cách tự xóa mình đi.

« Linh mục là người được Đức Kitô hủy bỏ để tuôn trào sức sống trong đôi tay trống rỗng của mình », ngài chia sẻ. Và nói cách rõ hơn: « Thừa tác viên của Đức Kitô mạc khải tình yêu của Chúa Cha cho những ai mà mình đón tiếp, và là khuôn mặt của Đức Kitô đối với anh em đồng loại ».

« Hãy theo Thầy »

Màu nhiệm bí tích Thánh Thể và các bí tích, cầu nguyện và lắng nghe lời Chúa được cha d’Anglejan, linh mục từ 8 năm nay, dùng để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình.

Đôi khi cũng xảy đến với ngài là được gọi mời một cách mãnh liệt bởi những bệnh nhân bên cạnh mình. Đó là trường hợp vào dịp phục sinh năm ngoái 2009. Được mời đến bên người phụ nữ mắc bệnh ung thư, ngay khi mở cửa bước vào, cha nghe có tiếng nói: « Thật vô dụng đến đây, tôi không còn tin vào Thiên Chúa nữa. Nếu như tồn tại, Thiên Chúa hoặc là kẻ lấy làm thích thú trước đau đớn của con người, hoặc là kẻ điên khùng ». Vị tuyên úy này không hề ái ngại. Ngài lắng nghe, trước khi đọc lên những đoạn Tin Mừng Phục Sinh. Sau đó, bỗng nhiên, người phụ nữ đề nghị ngài: « Liệu cha có chắc là Thiên Chúa hằng sống không ? ». Tiếp theo lần thứ hai: « Liệu cha có chắc chắn là Thiên Chúa hằng sống không ? ». Sau đó lần thứ ba: « Liệu cha tuyệt đối chắc rằng Ngài hằng sống không ? ». Vậy thì hãy cho con lãnh các phép bí tích ». Trong tâm hồn người mục tử, những lời này vang vọng như một sự hiển nhiên: điều này nhắc đến đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan (21, 15-17), trong đó Đức Giêsu hỏi thánh Phêrô ba lần là có yêu mến Ngài không trước khi nói với thánh nhân: « Hãy theo Thầy ».

Theo: Paris Notre Dame n°1320
 
Chuyện bảo hiểm y tế tại Hoa Kỳ
Lữ Giang
14:38 31/03/2010
Chuyện bảo hiểm y tế

Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã xếp chương trình y tế của Mỹ vào hạng thứ 15 trên 19 quốc gia tiên tiến về khả năng chữa khỏi những bệnh hiểm nghèo. Canada được xếp hạng 7, còn Pháp đứng vào hạng đầu. Như vậy nền y tế của Mỹ còn có nhiều vấn đề phải cải tổ. Nhưng việc cải tổ rất căm go vì các thế lực tư bản đứng đàng sau muốn bảo vệ các quyền lợi của họ.

Hôm 23.3.2010, sau khi ký đạo luật cải tổ y tế, Tổng thống Obama đã tuyên bố:

“Ngày hôm nay, sau gần một thế kỷ thử nghiệm, sau một năm tranh cãi, chương trình cải cách bảo hiểm sức khỏe đã trở thành luật tại nước Mỹ”.

Chúng ta nhớ lại, trong một lá thư gởi cho một người bạn đề ngày 21.12.1933, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đã viết:

“Như bạn đã biết, thật sự vấn đề là một bộ phận tài chánh tại các trung tâm lớn đã làm chủ chính phủ Hoa Kỳ kể từ thời Tổng Thống Andrew Jackson."

Còn Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Felix Frankfurter tuyên bố:

“Những người thật sự cai trị ở Washington là vô hình, và thực thi quyền hành từ sau hậu trường.”

Những thế lực vô hình đứng đàng sau chính quyền Mỹ mà Tổng Thống Roosevelt và Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Frankfurter nói đến là những “siêu tổ chức” có quyền lực cao độ với những phương thức hoạt động hết sức tinh vi và táo bạo để bảo vệ và triển khai các quyền lợi của họ, có khi bất chấp quyền lợi quốc gia và an sinh của xã hội.

Không phải riêng tại nước Mỹ, ở Ấn Độ tình trạng còn tệ hơn. Hiến Pháp Ấn có hiệu lực kể từ ngày 26.1.1950 hủy bỏ chế độ đẳng cấp (castles) và hạng khốn cùng (untouchables) trong xã hội. Nhưng hiện nay vẫn còn có khoảng 360 triệu người thuộc giai cấp hạng thấp đang sống trong cảnh nghèo khó hay khốn cùng. Tài liệu kiểm tra cho biết số người có lợi tức dưới 2 USD một ngày chiếm 97,5% dân số Ấn, tức hơn 900 triệu người. Một tài liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết tại Ấn Độ hiện có khoảng 40 triệu công nhân, đa số là người Dalit, đang phải làm việc trong tình trạng như nô lệ để trả những món nợ do các thế hệ trước đã mắc! Các thành phần cấp cao muốn tiếp tục duy trì tình trạng này để bốc lột, nhưng chính phủ Ấn và LHQ không làm gì được.

Tại Hoa Kỳ, tính từ ngày lập quốc đến nay, đã có những sự thay đổi đáng kể theo thời gian nhờ truyền thống tôn trọng nhân bản của những người Mỹ gốc Âu Châu và những cách nhìn sáng suốt trước sự biến chuyển của tình hình đất nước và tình hình thế giới, nhưng các thế lực tư bản đứng đàng sau hậu trường vẫn còn nắm quyền quyết định nhiều chính sách của quốc gia với mục tiêu lý tài.

Sự phát triển của nhân loại và sự xuất hiện của chủ nghĩa cộng sản là những yếu tố chính đòi hỏi nước Mỹ phải giải quyết những vấn đề của đất nước này, trước tiên là vấn đề của người da đỏ và người nô lệ da đen gốc Phi Châu. Tiếp đến là số phận của những người nghèo. Cũng như ở Ấn Độ, việc giải quyết những vấn đề của người nghèo tại nước Mỹ đã đụng chạm rất lớn đến quyền lợi của khối đại tư bản, do đó sự phản kháng lúc nào cũng quyết liệt.

CUỘC CÁCH MẠNG CĂM GO

Hoa Kỳ có một hệ thống bảo hiểm y tế tư rất khắc nghiệt, đó là những doanh nghiệp có mục đích vụ lợi (for-profit organization), không quan tâm gì đến sức khỏe của toàn dân, nhất là những người nghèo. Họ chỉ muốn kiếm được càng nhiều lời càng tốt.

Phải đến năm 1935, sau nhiều cuộc đấu tranh căm go, ngày 14.8.1935 chính phủ Hoa Kỳ mới đưa ra được Đạo Luật An Sinh Xã Hội (Social Security Act), thiết lập một hệ thống phúc lợi dành cho những người cao niên. Cũng phải qua nhiều cuộc tranh cải căm go, đến ngày 30.7.1965 chính phủ mới ban hành được Các Tu Chính Án Luật An Sinh Xã Hội (Social Security Act Amendments) thiết lập hai chương trình Medicare và Medicaid về bảo hiểm y tế cho những người trên 65 tuổi và những người nghèo.

Trong cuộc tranh cử năm 1992, ông Clinton đã đặt nặng chương trình cải tổ y tế như là một đề tài chính để tranh cử. Sau khi đắc cử, năm 1993, Tổng Thống Chinton đã đưa ra một kế hoạch cải tổ y tế, đòi hỏi mọi công dân Mỹ và thường trú nhân phải ghi danh vào một kế hoạch y tế. Chi phí khởi sự dành cho kế hoạch này từ năm 1993 là $13,5 tỷ sẽ tăng đến $38,3 tỷ vào năm 2003. Kế hoạch này đã bị nhóm tư bản tài chính Mỹ đánh bại qua chính đảng Dân Chủ vào tháng 9 năm 1994.

Mặc đầu đạo luật cải tổ y tế mà Tổng Thống Obama mới ban hành chưa có gì khả quan lắm nếu so với các chương trình y tế hiện nay tại các quốc gia tiên tiến khác như Canada, Pháp, Đức, Anh, Nhật hay Thụy Sĩ, nhưng nó cũng sẽ giải quyết được nhiều khó khăn về y tế mà nhiều người đang gặp phải.

Trước khi nhìn lại các mô thức y tế hiện đang áp dụng tại một số quốc gia tiên tiến và những khuyết điểm của chương trình y tế Mỹ được áp dụng trong một thế kỷ qua, chúng tôi xin tổng hợp những điểm chính của đạo luật cải tổ y tế mới được ban hành:

ĐẠI CƯƠNG VỀ NHỮNG CẢI TỔ

Mục tiêu chính của đạo luật “Affordable Health Care for America Act” là nhằm mở rộng việc bảo hiểm y tế cho thêm 32 triệu người ở Hoa Kỳ và cải tổ một số điểm quan trọng trong chương trình y tế của Hoa Kỳ hiện nay. Thời gian có hiệu lực đầy đủ của đạo luật kéo dài từ 2014 đến 2019, nhưng một số điều khoản của đạo luật sẽ có hiệu lực ngay, đại khái như sau:

1.- Các hãng bảo hiểm không được phép giới hạn số tiền trả cho việc chữa trị của khách hàng. Quy định này rất quan trọng đối với những người bị những bệnh hiểm nghèo như ung thư.

2.- Những người đã bị các hãng bảo hiểm y tế từ chối bán bảo hiểm do tình trạng bệnh hoạn sẵn có, được mua bảo hiểm tạm thời từ nay cho đến năm 2014 khi luật mới được thi hành đầy đủ. Một ngân khoản 5 tỷ USD sẽ được cung ứng cho dịch vụ này.

3.- Các hãng bảo hiểm y tề phải cung cấp bảo hiểm cho các thanh niên không còn lệ thuộc gia đình cho tới năm 28 tuổi. Quy định này sẽ giúp cho các sinh viên mới ra trường và những người còn tìm việc có bảo hiểm y tế.

4.- Mỗi người già được thêm $250 trả tiền mua thuốc bù vào khoảng trống mà Medicare Part D không chi trả. Trong tương lai, khi đã sử dụng số tiền được mua thuốc trong Medicare Part D ($2850), sẽ không còn phải trả 100% tiền túi như hiện nay mà sẽ được giảm dần cho đến năm 2020 chỉ còn phải trả 25%.

Kể từ năm 2014, những biện pháp sau đây sẽ được áp dụng:

1.- Hầu hết mọi người dân Mỹ phải mua bảo hiểm, nếu không sẽ bị phạt. Tiền phạt khởi đầu là 1% thu nhập cá nhân, tối thiểu là $95, sau đó đến năm 2016 sẽ tăng lên tới 2.5% thu nhập hoặc tối thiểu $695. Mức tiền phạt giới hạn cho cả gia đình là $2.085.

2.- Nếu không thể trả tiền mua bảo hiểm vì quá nghèo, thì có thể được hưởng Medicaid, một chương trình bảo hiểm sức khỏe của liên bang cho người nghèo. Chương trình này sẽ được mở rộng đáng kể từ năm 2014. Những gia đình nghèo được miễn giảm thuế, hoặc nếu gồm 4 người có thu nhập dưới $88.000 một năm, sẽ được tài trợ để mua bảo hiểm.

3.- Các tiểu thương, các công ty nhỏ được hưởng điều kiện dễ dãi và nhận trợ giúp trong việc mua bảo hiểm sức khỏe. Cơ sở dưới 50 người không bị phạt nếu không mua bảo hiểm cho nhân viên. Cơ sở dưới 25 người với mức lương dưới $50.000 được giảm thuế 35% chi phí đóng bảo hiểm năm nay và 50% năm 2014. Cơ sở trên 50 người không mua bảo hiểm cho nhân viên có thể bị phạt tới $2.000 cho mỗi nhân viên làm toàn thời gian.

Chương trình cải tổ y tế sẽ tốn khoảng $940 tỷ trong 10 năm. Tuy nhiên, chính phủ quyết định sẽ tăng tiền thuế của công ty lớn và những người có thu nhập cao, đồng thời giảm chi phí trong chương trình Medicare Advantage (không phải Medicare cho người già). Theo ước lượng của Văn phòng Ngân sách Quốc Hội, kế hoạch này sẽ giúp ngân quỹ liên bang tiết kiệm được $138 tỷ.

Dưới đây, xin mời đọc giả đọc bài “Tìm Hiểu về Cải Cách Y Tế ở Mỹ” của ông Trương Đình Trung. Bài này nói về các mô hình bảo hiểm trên thế giới và so sánh chương trình y tế của Mỹ với các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới như Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản và Canada. Chúng tôi chỉ xin trích lại những phần chính, vì bài báo có giới hạn.

CÁC MÔ HÌNH BẢO HIỂM Y TẾ TRÊN THẾ GIỚI

A.- Mô hình Bismarck: Đức, Nhật, Pháp, Thụy sĩ, v.v.: Giới cung cấp dịch vụ và người chi trả cho các dịch vụ y tế hoàn toàn là tư nhân, trên căn bản từ thiện, không kiếm lời (not for profit); với luật lệ chặt chẽ về dịch vụ và lệ phí. Mô hình này do cố Thủ tướng Von Bismarck của Đức đưa ra vào năm 1883, nằm trong nỗ lực thống nhất quốc gia, xây dựng một dân tộc khỏe mạnh làm nền tảng cho một đội lục quân tinh nhuệ. Trong mô hình này, chủ và thợ cùng chia nhau trách nhiệm về bảo hiểm y tế. Chính phủ đảm trách việc giúp chi phí y tế cho người nghèo; còn những người giàu có nhất được miễn khỏi mua bảo hiểm y tế.

B.- Mô hình Beveridge: Là mô hình của Anh quốc, theo đó Chính phủ cung cấp toàn bộ dịch vụ y tế cho người dân qua National Health Services. Có bệnh viện và bác sĩ tư, nhưng đa số còn lại nằm trong tay của chính quyền. Ý, Tây Ban Nha, Na Uy, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Hong Kong theo mẫu này. Mô hình này cung cấp bảo hiểm y tế phổ quát cho mọi người.

C.- Mô hình Bảo Hiểm Y tế Quốc gia: Dịch vụ y tế do khu vực tư nhân cung cấp, nhưng người trả phí tổn là chính phủ thông qua hãng bảo hiểm y tế do chính phủ kiểm soát. Chính phủ là người quyết định dịch vụ y tế nào nên được làm và thời gian chờ đợi. Canada, và ở mức độ nào đó, Đài Loan, Nam Hàn là những nước theo mô hình này.

D.- Mô hình trả tiền túi (out-of-pocket model): Đa số hơn 150 quốc gia trên thế giới không có hệ thống chi trả cho chi phí y tế. Bệnh nhân phải tự trang trãi cho các chi phí y tế bằng tiền túi của mình; không có những chương trình bảo hiểm do tư nhân hay chính phủ điều hành. Chẳng hạn, ở Campuchia, 91% chi phí y tế trong nước được trả bằng tiền túi; 85% ở Ấn Độ và 73% ở Ai Cập. Trong khi đó ở Anh, có chừng 3% và Mỹ có chừng 17% dịch vụ y tế được trả bằng tiền túi của bệnh nhân (từ hơn 47 triệu người không có bảo hiểm).

CƠ CẤU HỆ THỐNG BẢO HIỂM Y TẾ HIỆN NAY CỦA MỸ (trước khi cải tổ)

1.- Hệ thống y tế hiện nay của Mỹ là một hổn hợp của cả 4 mô hình nêu ở phần đầu:

A.- Đối với những người trên 65 tuổi thì Mỹ lại theo mô hình của Canada. Hệ thống Medicare, do chính phủ Liên bang điều hành, là một hệ thống bảo hiểm y tế phổ quát áp dụng cho mọi công dân trên 65 tuổi. Mỹ hoàn toàn sao chép chương trình này từ Canada, kể cả tên gọi, từ năm 1965. Chính phủ chi trả cho tất cả mọi chi phí y tế cho các thành viên của chương trình Medicare. Số người trên 65 tuổi chiếm khoảng 13%, tức chừng 40 triệu (con số năm 2007).

B.- Người Da đỏ, Quân nhân và Cựu chiến binh thì được hưởng bảo hiểm y tế theo mô hình Beveridge của Anh. Chính phủ Liên bang đảm nhiệm cả việc cung cấp dịch vụ y tế lẫn việc chi trả cho các dịch vụ đó. Các trạm xá và bệnh viện đều là của chính phủ Liên bang; các bác sĩ là nhân viên của chính phủ.

C.- Những người trong độ tuổi lao động lại thuộc về mô hình Bismarck. Các chủ nhân và các công ty cùng với công nhân, viên chức chia nhau chi phí mua bảo hiểm. Và công nhân trả thêm co-payment cho một số dịch vụ y tế. Các hãng bảo hiểm y tế hoàn toàn là tư nhân, là những tổ chức có mục đích kiếm lời (for profit entity). Nhóm này chiếm đại đa số dân chúng, đến khoảng 160 triệu người.

D.- Cuối cùng là những người không có bảo hiểm y tế. Thành phần này rơi vào mô hình trả tiền túi (out-of-pocket model) nói ở trên. Nghĩa là họ phải dùng tiền riêng của mình để trả cho toàn bộ những chi phí y tế do họ phát sinh. Hiện nay có chừng hơn 47 triệu người Mỹ thuộc vào mô hình này!

2.- Những vấn đề hiện nay của hệ thống y tế Mỹ

- Phẩm chất của nền y tế kém so với chi phí cao và gia tăng nhanh. Mỹ là nơi quy tụ các bác sĩ, chuyên gia y tế, y cụ và phương pháp điều trị tối tân vào bậc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, một cách tổng quát thì phẩm chất của nền y tế, xét theo các tiêu chuẩn quốc tế, lại không cao so với các quốc gia khác và so với mức chi phí. Có đến gần 47 triệu người không có bảo hiểm, khoảng 25 triệu với bảo hiểm giới hạn và hàng năm có đến cả trăm ngàn người chết chỉ vì lý do đơn giản là không có bảo hiểm để được gặp bác sĩ, được chẩn đoán và điều trị.

- Chi phí săn sóc y tế hàng năm của Mỹ cao hơn các nước khác; chẳng hạn gấp đôi Canada, chiếm đến gần 17% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Và mức chi phí y tế gia tăng quá nhanh; gần gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy một thập niên.

- Các hãng bảo hiểm khống chế thị trường, đẩy giá bảo hiểm lên cao khiến nhiều người không mua nổi. Có trường hợp hãng bảo hiểm từ chối bảo hiểm khi bệnh xảy ra cho những người đã có mầm bệnh, hoặc những chứng liên quan, trước khi mua bảo hiểm, nhưng không ghi trong hợp đồng bảo hiểm; tiếng Mỹ gọi là pre-existing conditions.

- Tất cả các hãng bảo hiểm ở Mỹ đều thuộc loại doanh nghiệp có mục đích kiếm lời, for-profit organization; lý do tồn tại của các hãng bảo hiểm là lợi nhuận, chứ không phải vì sức khoẻ của khách hàng. Quyền lợi kinh tế của hãng bảo hiểm và quyền lợi y tế của khách hàng luôn mâu thuẩn và tiêu trừ lẫn nhau. Một trong những thủ thuật thông thường của các hãng bảo hiểm là từ chối, hoặc trì hoản, chi trả phí tổn dịch vụ y tế cho khách hàng (deny or delay customer’s claim payments). Họ mướn những chuyên viên để lo việc này (gọi là các claim adjusters), hoặc thiết lập các hệ thống computer tối tân để tự động hoá việc từ chối chi trả. Họ cũng tưởng thưởng cho những nhân viên nào thực hiện được tốt những sự từ chối hoặc trì hoãn như vậy. Theo National Association of Insurance Commissioner thì chỉ riêng trong năm 2008 có đến hơn 195,000 khiếu nại của khách hàng về việc bị các hãng bảo hiểm từ chối chi trả dịch vụ y tế. Có trường hợp khách hàng đã chết rồi mà sự khiếu nại vẫn chưa giải quyết

- Ngoài ra còn có trường hợp huỷ bỏ hồi tố hợp đồng bảo hiểm (retroactive cancellations/ after-the-fact policy cancellations) nếu hãng bảo hiễm khám phá ra là khách hàng trước đó, khi ký hợp đồng bảo hiểm, đã cố ý hay vô tình không khai một chi tiết bệnh lý nào đó trong hồ sơ cá nhân của mình. Ngay cả những người vì không biết mà không khai cũng chịu sự chế tài đó. Và sự huỷ bỏ này có thể áp dụng cho cả gia đình dù chỉ một thành viên trong gia đình sai phạm. Chẳng hạn một phụ nữ ở Texas bị phát hiện có bướu trong vú. Ngay lúc đó hãng bảo hiểm điều tra và tìm ra là trước đó người phụ nữ này đã mắc chứng rỗng xương (osteoporosis) mà không khai khi lập hợp đồng bảo hiểm. Tuy rằng chẳng có mối liên hệ gì giữa hai căn bệnh, hãng bảo hiểm vẫn lấy lý do đó để huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm!

- Sự an toàn của các dịch vụ y tế là một vấn đề khác. Hàng năm có đến gần 100.000 người chết trong các bệnh viện gây ra do các nhầm lẫn có thể tránh được trong dịch vụ y tế (preventable medical errors), nhiều hơn thương vong do tai nạn xe cộ hay do bệnh AIDS! Vấn đề này dẩn đến việc giới cung cấp dịch vụ y tế: bác sĩ, dược sĩ, bệnh viện, v.v., phải trả bảo hiểm nghề nghiệp cao hơn nhiều lần so với đồng nghiệp ở các quốc gia khác. Nó cũng làm gia tăng các vụ kiện tụng giữa bệnh nhân và các bác sĩ. Tất cả những vấn đề này góp phần không nhỏ vào việc đẩy chi phí y tế nói chung lên cao rất nhanh; hơn gấp đôi chỉ trong một thập niên.

- Một thiếu sót khác liên quan đến vấn đề phòng bệnh (preventive care). Khác với các quốc gia tiên tiến khác, như Anh Quốc chẳng hạn, hệ thống y tế của Mỹ không chú ý đúng mức đến công tác phòng bệnh. Những bệnh trạng đứng đầu trong danh sách gây tử vong hàng năm như các chứng tim mạch, tiểu đường, ung thư phổi, ung thư vú, v.v., là những chứng bệnh có thể ngăn ngừa được với hiệu quả cao nếu như sự phòng bệnh được thực hiện chu đáo và người dân có bảo hiểm y tế đầy đủ. Sự thiếu chú trọng đến vấn đề phòng bệnh phản ảnh trong hiện tượng thiếu thốn bác sĩ gia đình. Một số ước tính trong năm 2008 cho thấy nước Mỹ thiếu đến 14.000 bác sĩ gia đình. Hiện nay bác sĩ tổng quát chỉ chiếm 35% tổng số bác sĩ; so với Anh Quốc là 60%. Thu nhập trung bình của một bác sĩ tổng quát là chừng 200.000 dollars/năm; của một bác sĩ giải phẩu chừng 350.000 dollars/năm. Tỉ lệ sinh viên y khoa chọn đi chuyên ngành rất cao so với số chọn đi toàn khoa. Học phí tại các trường Y khoa rất đắt, trung bình một sinh viên y khoa tốt nghiệp nợ từ 60.000 cho đến 100.000 dollars!

- Sự hạn định dịch vụ y tế (healthcare rationing): Một vấn đề khác trong bảo hiểm y tế ở Mỹ, ít được đề cập đến, là sự hạn định các dịch vụ y tế đối với bệnh nhân. Trước hết là sự giới hạn việc đi khám bác sĩ. Thông thường hãng bảo hiểm buộc bệnh nhân chỉ được đến khám ở những bác sĩ có tên trong một mạng nhất định (in network); hãng bảo hiểm sẽ không chi trả nếu người bệnh tự ý đi khám ở những bác sĩ ngoài mạng (out-of network). Việc phải trả co-payment hoặc deductible cũng là những hình thức buộc người bệnh phải tự hạn định mình trong việc đi khám bác sĩ hoặc chữa trị. Kế đến là hãng bảo hiểm từ chối không chi trả cho những sự chữa trị hoặc các dược liệu nào đó đối với bệnh nhân (như CT scan, làm răng giả, niền răng, chiropractice, thuốc mới…). Các bác sĩ chỉ có quyền đề nghị sự chữa trị hay các xét nghiệm; còn người quyết định cuối cùng trong mọi trường hợp, ngoài bệnh nhân ra, là hãng bảo hiểm với quyền chi trả của mình.

Ngay cả bảo hiểm của chính phủ, như Medicare hay Medicaid, cũng có sự hạn định nêu trên. Sự khác biệt là những hạn định của bảo hiểm chính phủ không vì mục đích kiếm lời, như của bảo hiểm tư nhân, mà thường là để dành một số dịch vụ nào đó cho những trường hợp cần thiết hơn.

(Hết trích bài của ông Trương Đình Trung)

VƯỢT QUA NHỮNG THỬ THÁCH

Trong bài diễn văn nhận chức hôm 20.1.2009, Tổng Thống Obama đã nói:

“Chúng ta hiện đang trong giữa cuộc khủng hoảng mà ai ai cũng biết. Đất nước chúng ta đang trong thời chiến, chống lại một mạng lưới bạo lực và thù hận rộng khắp, một phần là hậu quả của thái độ tham lam, vô trách nhiệm của một số người, nhưng cũng là hậu quả của việc chúng ta đã thất bại, không có những lựa chọn khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng cho đất nước trong kỷ nguyên mới.”

Mong ông can đảm vượt qua những thử thách đã thấy trước để đem nước Mỹ tới những ngày tươi sáng hơn.

Ngày 30.3.2010

Lữ Giang
 
Hiện tình Giáo Hội Trung Quốc và ảnh hưởng của bức thư Đức Thánh Cha gửi Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc
Linh Tiến Khải
16:15 31/03/2010
Phỏng vấn Đức Cha Giulio Gia Chí Quốc, Giám Mục Chánh Định, tỉnh Hà Bắc, về bức thư Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc

Cách đây gần 3 năm, ngày 30 tháng 6 năm 2007, Tòa Thánh đã cho công bố bức thư Đức Thánh Cha viết cho tín hữu công giáo Trung Quốc. Ngay trong đầu thư Đức Thánh Cha minh định mục đích bức thư là cống hiến cho các tín hữu Trung Quốc một vài đường hướng liên quan tới đời sống Giáo Hội và công tác rao truyền Tin Mừng tại Trung Quốc, cũng như giúp Giáo Hội khám phá ra điều Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Thầy muốn nơi Giáo Hội (s. 2).

Trong thư Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bầy tỏ vui mừng vì lòng trung thành các tín hữu công giáo tại Trung Quốc đã chứng tỏ đối với Giáo Hội trong 50 năm qua. Ngài đề cao giá trị vô giá các khổ đau và bách hại họ phải chịu vì Tin Mừng, và tha thiết kêu gọi họ hiệp nhất và hòa giải với nhau. Xác tín rằng sự hòa giải trọn vẹn không thể được thực hiện một sớm một chiều, Đức Thánh Cha nhắc cho các tín hữu biết rằng con đường hòa giải được đỡ nâng bởi gương sáng và lời cầu nguyện của biết bao nhiêu chứng nhân của đức tin đã khổ đau, nhưng đã tha thứ bằng cách hiến dâng mạng sống họ cho tương lai của Gáo Hội công giáo tại Trung Quốc (s. 6).

Trong bối cảnh đó lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ ”Hãy ra khơi” (Lc 5,4) vần còn thời sự. Đó là ”một lời kêu mời chúng ta biết ơn nhớ lại qúa khứ, hăng say sống hiện tại và tin tưởng rộng mở cho tương lai”. Thật vậy, tại Trung Quốc cũng như tại nhiều nơi khác trên thế giới ”Giáo Hội được mời gọi làm chứng cho Chúa Kitô, hướng cái nhìn về phía trước với niềm hy vọng và trong việc loan báo Tin Mừng đọ sức các thách đố mà nhân dân Trung Quốc phải đương đầu” (s.3). Đức Thánh Cha nhắc lại rằng: ”Ngay trên quê hương đất nước của anh chị em việc loan báo Chúa Kitô bị đóng đanh và sống lại sẽ là điều có thể trong mức độ trong đó lòng trung thành với Tin Mừng, trong sự hiệp thông với Người Kế Vị Tông Đồ Phêrô và với Giáo Hội hoàn vũ, anh chị em biết thực thi các dấu hiệu của tình yêu thương và sự hiệp nhất” (ivi).

Trong việc đương đầu với vài đề tài cấp thiết, do chính các Giám Mục và Linh Mục Trung Quốc gửi về Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đưa ra các chỉ dẫn liên quan tới việc thừa nhân Giáo Hội thầm lặng từ phía chính quyền (s. 7) và nêu bật đề tài Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc (s. 8) đặc biệt vấn đề chỉ định các Giám Mục (s. 9).

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đưa ra đường hướng mục vụ bằng cách nêu bật gương mặt và sứ mệnh của vị Giám Mục trong cộng đoàn giáo phận. Vị Giám Mục là điểm tham chiếu của giáo phận: ”không làm gì mà không có Giám Mục”. Ngoài ra cũng có các chỉ dẫn liên quan tới việc cử hành bí tích Thánh Thể, việc đào tạo linh mục và đào tạo cuộc sống gia đình. Đức Thánh Cha cũng mời gọi thành lập các cơ cấu khác nhau trong giáo phận, như được giáo luật dự trù trước.

Về tương quan giữa Giáo Hội với Nhà Nước, Đức Thánh Cha nhắc lại giáo huấn công giáo, đã được Công Đồng Chung Vaticăng II tái đề nghị. Ngài chân thành cầu mong cho cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Chính Quyền Trung Quốc có thể tiến triển và đi tới một thỏa hiệp liên quan tới việc chỉ định các Giám Muc, việc tín hữu thực thi đức tin của mình một cách tràn đầy trong sự tôn trọng sự tự do tôn giáo đích thực và bình thường hóa các quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Chính Quyền Bắc Kinh. Sau cùng Đức Thánh Cha thu hồi tất cả các khả thể và hướng dẫn thuộc trật tự mục vụ, mà trong qúa khứ và mới đây Tòa Thánh đã ban cho Giáo Hội tại Trung Quốc. Các tình trạng thay đổi trong tình hình chung của Giáo Hội tại Trung Quốc cũng như các liên lạc dễ dàng hơn hiện nay cho phép tín hữu công giáo Trung Quốc tuân theo các điều luật tổng quát như các Giáo Hội khác.

Mặc dầu Nhà Nước Bắc Kinh đã tìm đủ mọi cách để ngăn cản, lá thư Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Giáo Hội tại Trung Quốc đã được phổ biến chui. Tuy nhiên đã có các giải thích sai lạc gieo hoang mang lẫn lộn và chán nản trong các cộng đoàn thuộc Giáo Hội thầm lặng. Vì thế ngày 23 tháng 5 năm 2009, Tòa Thánh đã công bố một tập ”Toát yếu” để giúp các tín hữu hiểu nội dung bức thư một cách trung thực và rõ ràng hơn. Nhân dịp này Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Giám Mục Hồng Kông, ghi nhận các khó khăn và lúng túng của Giáo Hội thầm lặng, sự nhút nhát của Giáo Hội chính thức bị Nhà Nước nhốt tù trong lồng hẹp của đường lối chính trị tôn giáo và chính sách của Nhà Nước Bắc Kinh tiếp tục đàn áp Giáo Hội.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Giulio Gia Chí Quốc, Giám Mục Chánh Định, tỉnh Hà Bắc, về ảnh hưởng của bức thư này.

Đức Cha Gia năm nay 74 tuổi và đã ngồi tù hơn 22 năm trời. Hiện nay ngài bị Nhà Nước cộng sản Trung Quốc cô lập hóa và thường xuyên phải tham dự các buổi tẩy não, để chấp nhận gia nhập Hội Công Giáo Ái Quốc, là cơ quan chính trị do Nhà Nước Trung Quốc điều khiển trong mưu toan thành lập một Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc tự trị, tách rời khỏi sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội Hoàn Vũ.

Ngày 26-2-2010 Đức Cha Giulio Gia Chí Quốc, đã được trả tự do sau khi bị bắt giam 17 ngày. Vụ bắt giữ cuối cùng xảy ra ngày mùng 5-6-2009. Ngày 22 tháng 6 Đức Cha được trả về nhà. Hôm mùng 5-3-2010 sau nhiều lần thử liên lạc, hãng thông tấn Asianews của Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano, đã may mắn phỏng vấn được Đức Cha liên quan tới lá thư Đức Thánh Cha gửi cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, mà Đức Cha đang đọc, cũng như tình hình Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc hiện nay.

Hỏi: Thưa Đức Cha, lá thư Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc có gây được ảnh hưởng nào trên các tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước hay không?

Đáp: Tôi sợ là chúng tôi không thể chờ đợi gì nhiều từ quan điểm này. Thế giới chính trị Trung Quốc đã không thay đổi gì hết. Nhà Nước Trung Quốc vẫn sử dụng cùng một chiến thuật như dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông, nghĩa là họ khuấy động và tạo ra các xung khắc giữa lòng Giáo Hội.

Đây là kiểu hành động đã kéo dài từ 50 năm qua, tức là kể từ khi Hội Ái Quốc được thành lập và tôi sợ rằng Lá Thư của Đức Thánh Cha sẽ không thể thay đổi gì nhiều đối với tình hình hiện nay.

Dĩ nhiên, Bức Thư tuyên bố rõ ràng giáo huấn của Giáo Hội và đối với những người tìm sự thật thì nó là một khích lệ rất lớn. Nhưng với biết bao nhiêu người vô thần giữa giới chính trị, thì tất cả những điều này không có ý nghĩa gì: họ không thay đổi ý kiến vì các lời tuyên bố này. Cần phải có sự thay đổi sâu rộng não trạng nơi chính quyền và một sự cởi mở lớn hơn trong việc thực thi tự do tôn giáo đích thực.

Hỏi: Đức Cha nhận thấy tương quan giữa Giáo Hội và Hội công giáo ái quốc sau lời Đức Thánh Cha kết án hội này trong thư gửi cho Giáo Hội tại Trung Quốc như thế nào?

Đáp: Hội Công Giáo Ái Quốc là một dụng cụ của chính quyền. Nó sẽ không ngừng xen mình vào chuyện nội bộ của Giáo Hội, cho tới khi nào chính quyền không can thiệp để chấm dứt sự kiện này. Vấn đề đó là Hội Ái Quốc không thể quyết định một mình, vì nó không độc lập mà chỉ phục vụ chính quyền và nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền. Không dễ mà thoát ra khỏi các dây xích này. Tôi nghĩ rằng nếu không có Thiên Chúa can thiệp, thì tình hình sẽ không khả quan hơn. Chúng tôi tin rằng Chúa luôn làm việc trong Giáo Hội của Ngài.

Hỏi: Đức Cha có nghĩ rằng lá thư của Đức Thánh Cha sẽ khiến cho tương quan của Giáo Hội chính thức và Giáo Hội hầm trú tiến triển hơn không?

Đáp: Đối với những người sống trong chân lý, trong công bằng, trong sự trung thành với đức tin của mình, bức thư của Đức Giáo Hoàng sẽ là một khích lệ định đoạt giúp thăng tiến sự hiệp nhất. Tuy nhiên vấn đề đích thật là vượt thắng được mọi áp lực từ phía Nhà Nước. Nhiền Giám Mục của Giáo Hội chính thức sợ hãi hiệp thông một cách tích cực với các Giám Mục của Giáo Hội hầm trú. Các vị thường thiếu can đảm, vì các vị cũng sống trong một tình trạng bị kiểm soát nghiêm ngặt. Chẳng hạn như điện thoại của các vị luôn luôn bị chính quyền kiểm soát. Cả khi các vị được Nhà Nước công khai thừa nhận, việc di chuyển của các vị cũng bị hạn chế: các vị không làm được những gì các vị muốn.

Cả đối với chúng tôi là các Giám Mục hầm trú không được Nhà Nước thừa nhận, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc liên lạc. Hầu như không thể liên lạc được một cách trực tiếp: chính tôi cũng luôn luôn bị kiểm soát. Và đối với các Giám Mục của Giáo Hội chính thức sự kiểm soát lại còn nghiêm ngặt hơn nữa. Chỉ có thể đối thoại một cách gián tiếp mà thôi, qua các người trung gian. Nhưng chúng tôi biết rằng không ai muốn tạo khó khăn cho chính quyền.

Hỏi: Thưa Đức Cha Gia, bức thư của Đức Thánh Cha có thúc đẩy các tín hữu công giáo can đảm sống sứ mệnh của mình tại Trung Quốc hay không?

Đáp: Tôi chưa đọc hết bức thư của Đức Thánh Cha, nhưng tôi nghĩ rằng đối với các tín hữu công giáo cương quyết hơn, bức thư của Đức Thánh Cha cống hiến cho họ một con đường rất chính xác. Về điểm này giáo huấn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tiếp tục giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Chúng tôi phải thi hành chức thừa tác mục tử và sứ mệnh trong sự hiệp thông với nhau. Với sự khích lệ của Chúa và của Đức Giáo Hoàng tôi tiếp tục sứ mệnh của mình mà không sợ hãi.

Con đường mà chúng tôi đã đi cho tới nay là con đường đúng đắn. Giờ đây chúng tôi phải tiếp tục bước đi. Sự nâng đỡ của Đức Thánh Cha giúp chúng tôi bước đi cho tới cùng, cả khi có phải hy sinh mạng sống đi nữa.

(ASIANEWS 5-3-2010)
 
Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa tam nhật thánh
LM. Trần Đức Anh, OP
16:17 31/03/2010
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến hơn 15 ngàn tín hữu hành hương sáng 31-3-2010 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Biển Đức 16 đã giải thích về ý nghĩa tam nhật thánh.

Buổi tiếp kiến diễn ra từ lúc 10 giờ 30 dưới bầu trời nắng xuân thật đẹp. Mở đầu ngài dùng xe bọc kính đi giữa các lối đi để ngài chào thăm các tín hữu.. 13 nhân viên an ninh cận vệ thuộc đoàn vệ binh Thụy Sĩ và đoàn Hiến Binh Vatican đi bọc quanh xe, giữa tiếng reo vui của các tín hữu.

Lên đến thềm Đền thờ được trang trí bằng một thảm cỏ xanh, và trước khi an tọa, ĐTC còn giang rộng hai tay để chào tất cả mọi người.. Một linh mục thuộc phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh công bố cuộc tiếp kiến khởi đầu với dấu Thánh Giá của ĐTC và phần suy tôn Lời Chúa với các bài đọc ngắn bằng 5 thứ tiếng, trích thuật đoạn sách Ngôn Sứ Isaia đọc trong thánh lễ hôm qua nói về Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa. Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến

”Sáng mai (1-4-2010) bắt đầu Tam Nhật thánh, 3 ngày cử hành cuộc thương khó, cái chết và cuộc phục sinh của Chúa. 3 ngày thánh này xét cho cùng là một ngày duy nhất, ngày đại lễ mừng Mầu Nhiệm Vượt qua, và họp thành trung tâm của toàn thể năm Phụng Vụ.

”Sáng thứ năm Tuần Thánh, trước khi bắt đầu Tam Nhật Thánh đúng nghĩa, tại các nhà thờ chính tòa của các giáo phận có lễ làm phép dầu, trong đó dầu thánh được thánh hiến: dầu bệnh nhân, dầu dự tòng và dầu Thánh. Đồng thời Đức Giám mục và các linh mục lập lại những lời hứa khi chịu chức linh mục, điều này có một ý nghĩa đặc biệt trong năm linh mục này, kỷ niệm 150 năm qua đời của thánh Cha Sở họ Ars. Tôi muốn lập lại với tất cả các linh mục lời cầu chúc tôi đã viết ở cuối thư ấn định năm linh mục: ”Theo gương thánh Cha sở họ Ars, anh em hãy để cho Chúa Kitô chinh phục và anh em sẽ là những sứ giả hy vọng, hòa giải và hòa bình trong thế giới ngày nay!”.

”Trong thánh lễ Tiệc Ly vào chiều thứ năm Tuần Thánh, chúng ta cử hành biến cố Chúa lập phép Thánh Thể. Dưới hình bánh và rượu, Chúa Kitô ban Mình và Máu Ngài, và tự hiến như tế vật của Giao Ước mới để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi. Ngài chấp nhận cái chết trên thập giá mà chúng ta tưởng niệm trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngài biến cái chết ấy thành một cử chỉ yêu thương. Chúa tự nguyện chấp nhận đau khổ và chịu chết với tất cả tình thương của Ngài. Thứ sáu Tuần Thánh là một ngày cầu nguyện, ngày canh thức và thinh lặng, không có lễ nghi phụng vụ vui mừng. Trong sự thinh lặng ấy của đêm vọng Phục Sinh, bừng lên bài ca Alleiluia, biểu lộ niềm vui Chúa Kitô Sống Lại. Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta vui mừng vì chiến thắng của Ánh sáng trên tăm tối, của Sự Sống trên sự chết.

Trước khi tóm lược bằng cách thứ tiếng, ĐTC đặc biệt diễn giảng bằng tiếng Ý với nhiều chi tiết hơn. Chẳng hạn ngài nhắc lại đoạn thư thánh Phaolô Tông đồ gửi các tín hữu thành Corinto để củng cố họ trong chân lý về mầu nhiệm Thánh Thể, thông truyền cho họ những gì chính thánh nhân đã học được: ”Chúa Giêsu, trong đêm bị trao nộp, đã cầm lấy bánh, và sau khi tạ ơn, bẻ ra và nói: ”Này là mình Thày cho các con; các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cấm lấy chén rượu và nói: ”Chén này là giao ước mới trong Máu Thầy; các con hãy làm việc này mỗi khi các con uống, để nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,23-25). Những lời này biểu lộ rõ ràng chủ ý của Chúa Kitô: Dưới hình bánh và hình rượu, Người hiện diện thực sự với mình được trao ban và máu Người đổ ra như hy tế của Tân Ước. Đồng thời, Chúa thiết lập các Tông đồ và các người kế vị như thừa tác viên của bí tích mà Chúa trao cho Giáo Hội của Người như bằng chứng tột cùng về tình yêu của Người”.

”Trong các nghi thức thứ năm Tuần Thánh, ĐTC nhắc đến nghi thức Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-25). Đối với thánh sử Phúc Âm, cử chỉ này của Chúa tượng trưng toàn thể cuộc sống của Chúa Giêsu và biểu lộ tình yêu của ngài cho đến cùng, một tình yêu vô biên, có khả năng làm cho con người được hiệp thông với Thiên Chúa và làm cho họ được tự do. Vào cuối phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội đặt Mình Thánh Chúa vào mộtnơi riêng đã được chuẩn bị, tượng trưng sự cô đơn của Chúa trong vườn Giệtsimani và nỗi lo âu buồn phiền đến nỗi chết của Chúa Giêsu. Trước Thánh Thể, các tínhữu chiêm ngắm Chúa Giêsu trong giờ cô đơn của ngài và cầu nguyện để mọi tình trạng cô đơn trên thế giới được chấm dứt. Hành trình phụng vụ này cũng là một lời mời gọi chúng ta hãy tìm gặp và sống thân mật với Chúa trong kinh nguyện, nhìn nhận Chúa Giêsu nơi những người cô đơn, canh thức với Chúa và biết công bố ngày là ánh sáng của chính cuộc sống của mình”.

ĐTC nêu bật mối liên hệ giữa Bữa Tiệc Ly và cái chết của Chúa Giêsu. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu trao ban Mình và Máu Người, tức là sự hiện diện trần thế của Người, chính Người, báo trước cái chết và biến cái chết ấy thành một cử chỉ yêu thương. Vì thế, cái chết tự nó là một sự chấm dứt, sự hủy hoại mọi liên hệ, nay được Chúa biến thành một cử chỉ thông ban chính mình, một dụng cụ cứu độ và công bố sự chiến thắng của tình yêu. Như thế, Chúa Giêsu trở thành chìa khóa để hiểu Bữa Tiệc Ly là một biến cố tượng trưng sự biến đổi cái chết đau thương thành một hy tế tự nguyện, một thái độ yêu thương cứu chuộc và cứu độ thế giới”.

Trong phần chào thăm các phái đoàn hành hương, đặc biệt được nhắc đến tên có nhóm tín hữu đến từ cuộc động đất ở Haiti, họ thuộc nhóm tiếng Pháp được mọi người nhiệt liệt vỗ tay khích lệ..

Với mọi người hiện diện ĐTC cầu chúc họ Lễ Phục Sinh tốt đẹp và vui tươi, đồng thời khích lệ rằng ”Sự tham dự trong tinh thần cầu nguyện các lễ nghi tam nhật thánh này giúp chúng ta ngài càng đi sâu vào mầu nhiệm khổ nạn, chịu chết và sống lại của Chúa và đổi mới chúng ta từ bên trong, để trở thành những người thực sự được cứu độ, thành bạn hữu của Thiên Chúa.

ĐTC đặc biệt chào thăm hàng ngàn sinh viên từ nhiều nước về Roma tham dự cuộc gặp gỡ đại học UNIV 2010 do Giám hạt tòng nhân Opus Dei tổ chức. Ngài nói: ”Các bạn thân mến, các bạn đến Roma nhân dịp tuần thánh để cảm nghiệm về niềm tin, tình bạn và để được phong phú về tinh thần. Tôi mời gọi các bạn hãy suy tư về tầm quan trọng của việc học hành nghiên cứu tại Đại học để kiến tạo một ”tâm thức Công Giáo hoàn vũ” mà thánh Josémaria vị Sáng lập Opus Dei đã mô tả là ”chân trời mở rộng, mạnh mẽ đào sâu những gì sinh động trường tồn trong đạo lý chính thức của công giáo”. Ước gì mỗi người trong các bạn gia tăng ước muốn đích thân gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, để làm chứng cho Chúa trong vui tươi nơi mọi môi trường.”
 
Top Stories
Pakistan: Les catholiques se préparent aux fêtes de Pâques dans la crainte, leurs évêques les appellent à proclamer la Bonne Nouvelle
Eglises d’Asie
10:46 31/03/2010
PAKISTAN: Les catholiques se préparent aux fêtes de Pâques dans la crainte, leurs évêques les appellent à proclamer la Bonne Nouvelle

Eglises d’Asie, 31 mars 2010 – A Lahore, au Pendjab, les responsables de l’Eglise catholique locale ne cachent pas que le sentiment dominant parmi les fidèles est la peur. Ils ajoutent aussitôt que les appels qu’ils adressent aux fidèles consistent à ne pas craindre de proclamer la Bonne Nouvelle.

Ces derniers mois, les mauvaises nouvelles semblent s’être accumulées au Pakistan. Outre de fréquents attentats terroristes, chacun doit continuer à vivre alors que les coupures de courant électrique n’ont jamais été aussi importantes et que l’inflation rend les denrées de base inabordables pour les plus pauvres. L’incapacité du pouvoir politique à juguler l’action des militants islamistes témoigne de son impuissance. Dans ce contexte, la toute petite minorité chrétienne n’est pas épargnée. Outre des actions terroristes directement dirigées contre elle, elle a à déplorer le fait que la plupart de ses membres, qui appartiennent aux couches socialement les plus défavorisées du pays, sont victimes d’une double discrimination, sociale et religieuse.

Pourtant, dans ce contexte plutôt sombre, les évêques de l’archidiocèse catholique de Lahore veulent garder espoir. Pour son message de Pâques, publié dans le journal diocésain, l’archevêque, Mgr Lawrence J. Saldanha, a choisi le titre: « La lumière dans l’obscurité ». « Nous vivons une période sombre et difficile. Les gens ont peur et craignent les attentats-suicide (…). La fête de Pâques nous apporte un message d’espérance et de joie en dépit des circonstances difficiles qui sont les nôtres. Par la résurrection du Christ d’entre les morts, nous célébrons la victoire de la lumière sur les ténèbres, de la vie sur la mort et de l’espérance sur le désespoir », écrit l’archevêque.

Dans les colonnes du Catholic Naqeeb, le bimensuel en ourdou de l’archidiocèse de Lahore, Mgr Sebastian Shah, évêque auxiliaire, note que les fidèles « ne se sentent plus en sécurité chez eux, que ce soit dans leur maison ou dans leur quartier, du fait de la hausse du coût de la vie, du chômage, des attaques-suicide et de la pénurie de produits de base ». L’évêque continue en appelant les chrétiens à devenir « des porteurs de la Bonne Nouvelle » auprès de leurs frères non chrétiens, eux aussi rendus tristes, déprimés ou terrorisés par l’état du pays. « Quelles que soient les circonstances, gardez foi en Dieu et défendez la primauté de la vie dans une société tentée par le désespoir. »

Interrogé par l’agence Ucanews (1), le P. Andrew Nisari, vicaire général de Lahore, ajoute que les préparatifs de Pâques vont bon train. Il précise que les fidèles sont particulièrement assidus aux chemins de croix dans les églises chaque vendredi. Quant aux célébrations de la Semaine Sainte elles-mêmes, elles seront menées avec autant de solennité que les années précédentes mais dans la discrétion. Les grandes processions des années passées sont désormais oubliées et ont fait place à des célébrations cantonnées dans l’espace des églises. En outre, l’accès aux lieux de culte est doublement filtré, par les forces de sécurité gouvernementales puis par le service d’ordre du diocèse.

(1) Ucanews, 30 mars 2010.
 
The New York Times and Pope Benedict XVI: how it looks to an American in the Vatican
Cardinal William J. Levada
13:26 31/03/2010
The New York Times and Pope Benedict XVI: how it looks to an American in the Vatican

By Cardinal William J. Levada

Prefect of the Congregation for the Doctrine of the Faith

In our melting pot of peoples, languages and backgrounds, Americans are not noted as examples of “high” culture. But we can take pride as a rule in our passion for fairness. In the Vatican where I currently work, my colleagues – whether fellow cardinals at meetings or officials in my office – come from many different countries, continents and cultures. As I write this response today (March 26, 2010) I have had to admit to them that I am not proud of America’s newspaper of record, the New York Times, as a paragon of fairness.

I say this because today’s Times presents both a lengthy article by Laurie Goodstein, a senior columnist, headlined “Warned About Abuse, Vatican Failed to Defrock Priest,” and an accompanying editorial entitled “The Pope and the Pedophilia Scandal,” in which the editors call the Goodstein article a disturbing report (emphasis in original) as a basis for their own charges against the Pope. Both the article and the editorial are deficient by any reasonable standards of fairness that Americans have every right and expectation to find in their major media reporting.

In her lead paragraph, Goodstein relies on what she describes as “newly unearthed files” to point out what the Vatican (i.e. then Cardinal Ratzinger and his Congregation for the Doctrine of the Faith) did not do – “defrock Fr. Murphy.” Breaking news, apparently. Only after eight paragraphs of purple prose does Goodstein reveal that Fr. Murphy, who criminally abused as many as 200 deaf children while working at a school in the Milwaukee Archdiocese from 1950 to 1974, “not only was never tried or disciplined by the church’s own justice system, but also got a pass from the police and prosecutors who ignored reports from his victims, according to the documents and interviews with victims.”

But in paragraph 13, commenting on a statement of Fr. Lombardi (the Vatican spokesman) that Church law does not prohibit anyone from reporting cases of abuse to civil authorities, Goodstein writes, “He did not address why that had never happened in this case.” Did she forget, or did her editors not read, what she wrote in paragraph nine about Murphy getting “a pass from the police and prosecutors”? By her own account it seems clear that criminal authorities had been notified, most probably by the victims and their families.

Goodstein’s account bounces back and forth as if there were not some 20 plus years intervening between reports in the 1960 and 70’s to the Archdiocese of Milwaukee and local police, and Archbishop Weakland’s appeal for help to the Vatican in 1996. Why? Because the point of the article is not about failures on the part of church and civil authorities to act properly at the time. I, for one, looking back at this report agree that Fr. Murphy deserved to be dismissed from the clerical state for his egregious criminal behavior, which would normally have resulted from a canonical trial.

The point of Goodstein’s article, however, is to attribute the failure to accomplish this dismissal to Pope Benedict, instead of to diocesan decisions at the time. She uses the technique of repeating the many escalating charges and accusations from various sources (not least from her own newspaper), and tries to use these “newly unearthed files” as the basis for accusing the pope of leniency and inaction in this case and presumably in others.

It seems to me, on the other hand, that we owe Pope Benedict a great debt of gratitude for introducing the procedures that have helped the Church to take action in the face of the scandal of priestly sexual abuse of minors. These efforts began when the Pope served as Cardinal Prefect of the Congregation for the Doctrine of the Faith and continued after he was elected Pope. That the Times has published a series of articles in which the important contribution he has made – especially in the development and implementation of Sacramentorum Sanctitatis Tutela, the Motu proprio issued by Pope John Paul II in 2001 – is ignored, seems to me to warrant the charge of lack of fairness which should be the hallmark of any reputable newspaper.

Let me tell you what I think a fair reading of the Milwaukee case would seem to indicate. The reasons why church and civil authorities took no action in the 1960’s and 70’s is apparently not contained in these “newly emerged files.” Nor does the Times seem interested in finding out why. But what does emerge is this: after almost 20 years as Archbishop, Weakland wrote to the Congregation asking for help in dealing with this terrible case of serial abuse. The Congregation approved his decision to undertake a canonical trial, since the case involved solicitation in confession – one of the graviora delicta (most grave crimes) for which the Congregation had responsibility to investigate and take appropriate action.

Only when it learned that Murphy was dying did the Congregation suggest to Weakland that the canonical trial be suspended, since it would involve a lengthy process of taking testimony from a number of deaf victims from prior decades, as well as from the accused priest. Instead it proposed measures to ensure that appropriate restrictions on his ministry be taken. Goodstein infers that this action implies “leniency” toward a priest guilty of heinous crimes. My interpretation would be that the Congregation realized that the complex canonical process would be useless if the priest were dying. Indeed, I have recently received an unsolicited letter from the judicial vicar who was presiding judge in the canonical trial telling me that he never received any communication about suspending the trial, and would not have agreed to it. But Fr. Murphy had died in the meantime. As a believer, I have no doubt that Murphy will face the One who judges both the living and the dead.

Goodstein also refers to what she calls “other accusations” about the reassignment of a priest who had previously abused a child/children in another diocese by the Archdiocese of Munich. But the Archdiocese has repeatedly explained that the responsible Vicar General, Mons. Gruber, admitted his mistake in making that assignment. It is anachronistic for Goodstein and the Times to imply that the knowledge about sexual abuse that we have in 2010 should have somehow been intuited by those in authority in 1980. It is not difficult for me to think that Professor Ratzinger, appointed as Archbishop of Munich in 1977, would have done as most new bishops do: allow those already in place in an administration of 400 or 500 people to do the jobs assigned to them.

As I look back on my own personal history as a priest and bishop, I can say that in 1980 I had never heard of any accusation of such sexual abuse by a priest. It was only in 1985, as an Auxiliary Bishop attending a meeting of our U.S. Bishops’ Conference where data on this matter was presented, that I became aware of some of the issues. In 1986, when I was appointed Archbishop in Portland, I began to deal personally with accusations of the crime of sexual abuse, and although my “learning curve” was rapid, it was also limited by the particular cases called to my attention.

Here are a few things I have learned since that time: many child victims are reluctant to report incidents of sexual abuse by clergy. When they come forward as adults, the most frequent reason they give is not to ask for punishment of the priest, but to make the bishop and personnel director aware so that other children can be spared the trauma that they have experienced.

In dealing with priests, I learned that many priests, when confronted with accusations from the past, spontaneously admitted their guilt. On the other hand, I also learned that denial is not uncommon. I have found that even programs of residential therapy have not succeeded in breaking through such denial in some cases. Even professional therapists did not arrive at a clear diagnosis in some of these cases; often their recommendations were too vague to be helpful. On the other hand, therapists have been very helpful to victims in dealing with the long-range effects of their childhood abuse. In both Portland and San Francisco where I dealt with issues of sexual abuse, the dioceses always made funds available (often through diocesan insurance coverage) for therapy to victims of sexual abuse.

From the point of view of ecclesiastical procedures, the explosion of the sexual abuse question in the United States led to the adoption, at a meeting of the Bishops’ Conference in Dallas in 2002, of a “Charter for the Protection of Minors from Sexual Abuse.” This Charter provides for uniform guidelines on reporting sexual abuse, on structures of accountability (Boards involving clergy, religious and laity, including experts), reports to a national Board, and education programs for parishes and schools in raising awareness and prevention of sexual abuse of children. In a number of other countries similar programs have been adopted by Church authorities: one of the first was adopted by the Bishops’ Conference of England and Wales in response to the Nolan Report made by a high-level commission of independent experts in 2001.

It was only in 2001, with the publication of Pope John Paul II’s Motu proprio Sacramentorum Sanctitatis Tutela (SST), that responsibility for guiding the Catholic Church’s response to the problem of sexual abuse of minors by clerics was assigned to the Congregation for the Doctrine of the Faith. This papal document was prepared for Pope John Paul II under the guidance of Cardinal Ratzinger as Prefect of the Congregation for the Doctrine of the Faith.

Contrary to some media reports, SST did not remove the local bishop’s responsibility for acting in cases of reported sexual abuse of minors by clerics. Nor was it, as some have theorized, part of a plot from on high to interfere with civil jurisdiction in such cases. Instead, SST directs bishops to report credible allegations of abuse to the Congregation for the Doctrine of the Faith, which is able to provide a service to the bishops to ensure that cases are handled properly, in accord with applicable ecclesiastical law.

Here are some of the advances made by this new Church legislation (SST). It has allowed for a streamlined administrative process in arriving at a judgment, thus reserving the more formal process of a canonical trial to more complex cases. This has been of particular advantage in missionary and small dioceses that do not have a strong complement of well-trained canon lawyers. It provides for erecting inter-diocesan tribunals to assist small dioceses. The Congregation has faculties allowing it derogate from the prescription of a crime (statute of limitations) in order to permit justice to be done even for “historical” cases. Moreover, SST has amended canon law in cases of sexual abuse to adjust the age of a minor to 18 to correspond with the civil law in many countries today. It provides a point of reference for bishops and religious superiors to obtain uniform advice about handling priests’ cases. Perhaps most of all, it has designated cases of sexual abuse of minors by clerics as graviora delicta: most grave crimes, like the crimes against the sacraments of Eucharist and Penance perennially assigned to the Congregation for the Doctrine of the Faith. This in itself has shown the seriousness with which today’s Church undertakes its responsibility to assist bishops and religious superiors to prevent these crimes from happening in the future, and to punish them when they happen. Here is a legacy of Pope Benedict that greatly facilitates the work of the Congregation which I now have the privilege to lead, to the benefit of the entire Church.

After the Dallas Charter in 2002, I was appointed (at the time as Archbishop of San Francisco) to a team of four bishops to seek approval of the Holy See for the “Essential Norms” that the American Bishops developed to allow us to deal with abuse questions. Because these norms intersected with existing canon law, they required approval before being implemented as particular law for our country. Under the chairmanship of Cardinal Francis George, Archbishop of Chicago and currently President of the United States Conference of Catholic Bishops, our team worked with Vatican canonical experts at several meetings. We found in Cardinal Ratzinger, and in the experts he assigned to meet with us, a sympathetic understanding of the problems we faced as American bishops. Largely through his guidance we were able to bring our work to a successful conclusion.

The Times editorial wonders “how Vatican officials did not draw the lessons of the grueling scandal in the United States, where more than 700 priests were dismissed over a three-year period.” I can assure the Times that the Vatican in reality did not then and does not now ignore those lessons. But the Times editorial goes on to show the usual bias: “But then we read Laurie Goodstein’s disturbing report. . . about how the pope, while he was still a cardinal, was personally warned about a priest … But church leaders chose to protect the church instead of children. The report illuminated the kind of behavior the church was willing to excuse to avoid scandal.” Excuse me, editors. Even the Goodstein article, based on “newly unearthed files,” places the words about protecting the Church from scandal on the lips of Archbishop Weakland, not the pope. It is just this kind of anachronistic conflation that I think warrants my accusation that the Times, in rushing to a guilty verdict, lacks fairness in its coverage of Pope Benedict.

As a full-time member of the Roman Curia, the governing structure that carries out the Holy See’s tasks, I do not have time to deal with the Times’s subsequent almost daily articles by Rachel Donadio and others, much less with Maureen Dowd’s silly parroting of Goodstein’s “disturbing report.” But about a man with and for whom I have the privilege of working, as his “successor” Prefect, a pope whose encyclicals on love and hope and economic virtue have both surprised us and made us think, whose weekly catecheses and Holy Week homilies inspire us, and yes, whose pro-active work to help the Church deal effectively with the sexual abuse of minors continues to enable us today, I ask the Times to reconsider its attack mode about Pope Benedict XVI and give the world a more balanced view of a leader it can and should count on.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bệnh nhân giáo xứ Thanh Đa, Sài Gòn trong ngày thứ tư tuần thánh
Maria Vũ Loan
10:24 31/03/2010


Vào ngày thứ tư tuần thánh hằng năm, giáo xứ Thanh Đa, Sài Gòn có tổ chức dâng một thánh lễ dành riêng cho những bệnh nhân, nhằm giúp người bệnh được hiệp thông trong tuần thánh với Giáo hội, vì không phải ai trong số những người này cũng tham dự được các nghi thức như người giáo dân bình thường. Ngay từ 7 giờ 00 sáng, những người bệnh tật, già yếu đã đến nhà thờ để được lãnh nhận bí tích hòa giải. Có những người ngồi trên xe lăn, có cụ bà không còn nhìn thấy đường, có cụ ông phải có người dìu mới vào được chỗ ngồi…

Thế nên những giáo dân đặc biệt này chỉ cần ngồi tại chỗ của mình, cha chánh xứ Đa Minh Nguyễn Đình Tân và cha phó xứ Antôn Đoàn Văn Vinh sẽ bước đến, ngồi bên cạnh từng người để giải tội. Hình ảnh đáng quí này cũng khó diễn tả hết mối thân thiết giữa Chúa là cha nhân từ đang ân cần tha thứ cho tội nhân.

Sau đó cha chánh xứ sức dầu thánh cho từng người. Tiếng hát trầm bổng của ca đoàn hòa lẫn tiếng dương cầm làm bầu khí thêm sốt sắng, trang nghiêm, tâm hồn những con người bị gánh nặng của bệnh tật bỗng dưng được nhẹ tênh; còn gánh nặng của tội lỗi thường ngày dường như cũng tan biến khi cánh tay của linh mục – hình ảnh Chúa Giêsu - đưa lên với dấu thánh giá quen thuộc.

Thánh lễ được cử hành với nghi thức qui định nhưng mỗi bệnh nhân hôm nay, thêm một lần đón nhận tuần thánh, lại được dõi bước theo chân của Chúa Giêsu những ngày cuối đời của Ngài. Cha chánh xứ chủ tế giúp người tham dự hiểu rằng, ngày thứ tư tuần thánh là “ngày phản bội” vì Giu-đa đã lên tiếng ngả giá bán thầy của mình, một số tiền bằng giá bằng mua một tên nô lệ - 30 đồng bạc. Trong đời thường, chúng ta cũng phản bội Chúa nhiều lắm: đam mê, tật xấu, say sưa, tự ái, kiêu ngạo, ích kỷ, tham lam…Là những bệnh nhân, nếu biết dâng lên Chúa những đau đớn, mệt mỏi, buồn chán…cũng là biết kết hợp với Chúa, chia sẻ với Chúa những khổ đau của cuộc thương khó.

Lời chia sẻ của cha chủ tế đơn sơ, ngắn gọn cũng như món quà của Ban Bác Ái trong giáo xứ phát cho từng bệnh nhân sau thánh lễ có bao bì cũng giản dị, bộc lộ một sự chân thành, đầy yêu mến và sau thánh lễ không có ai đại diện nói lời cảm ơn hay một cách thức rườm rà nào khác.

Được biết, cha chánh xứ cũng là một bệnh nhân nhưng cha vẫn làm việc bình thường với thái độ lạc quan và nhiệt thành trong vị trí chánh xứ Thanh Đa kiêm quản hạt, hạt Gia Định, đến nỗi không một ai biết cha bị bệnh, cho đến khi có những dấu hiệu lộ ra ngoài. Có phải vì thế mà cha luôn có sự cảm thông sâu sắc nhất với những bệnh nhân.

Cha phấn khởi nói đến lịch hành hương của giáo hạt Gia Định khiến ai gặp gỡ cũng có thể thiết nghĩ: mỗi bệnh nhân, trong khả năng và niềm vui thích của mình, nên tìm một công việc lao động nhẹ hoặc lao động tinh thần theo sở trường của mình để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống vốn nặng nề và hạn chế do bệnh tật gây nên.

Ước mong nhiều bệnh nhân được hiệp thông trong tuần thánh này bằng cách dùng chính những cơn đau của mình mà hòa vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu ngày xưa.
 
SVCG TGP Hà Nội tham dự ngày gặp gỡ giới trẻ giáo phận Lạng Sơn
Thu Trang
12:16 31/03/2010
SVCG TGP Hà Nội tham dự ngày gặp gỡ giới trẻ giáo phận Lạng Sơn

Ngày còn nhỏ, dẫu chưa một lần đặt chân lên xứ Lạng, tôi đã thuộc lòng những câu ca ngọt ngào về mảnh đất ấy qua lời hát của mẹ ru chị em tôi lớn lên:

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em

Tay cầm bầu rượu nắm nem

Mải chơi quên hết lời em dặn dò


Xem hình

Là mảnh đất được nhắc đến trong lời ru của tuổi thơ, Lạng Sơn vì thế như thể luôn có một hấp lực vô hình với tôi; khao khát khám phá mảnh đất ấy, con người nơi ấy cũng theo tôi lớn dần lên. Rồi cơ hội giúp tôi hiện thực ước mơ của mình cũng đến - một cách đầy may mắn và tình cờ…

5h00 sáng, Hà Nội vẫn chìm trong màn hơi lạnh và bóng đêm dày đặc, 63 anh chị em sinh viên chúng tôi đã có mặt đông đủ trước sân Nhà Thờ Lớn, cùng cầu nguyện xin ơn sáng soi và bình an trước khi lên đường tham dự ngày gặp gỡ giới trẻ Lạng Sơn, diễn ra trong 2 ngày 27 và 28 tháng 3 năm 2010. Dưới sự hướng dẫn của anh Giuse Nguyễn Tiến Đạt - trưởng hội sinh viên Công Giáo TGP Hà Nội, chúng tôi nhanh chóng chia thành các tổ nhỏ từ 9 đến 10 người lên xe bắt đầu cuộc hành trình.

Rời Hà Nội khi trời mới chỉ tang tảng sáng, chúng tôi chỉ kịp trêu đùa nhau một lúc rồi tranh thủ lấy lại giấc ngủ vừa tạm thời bị “đánh cắp”. 7 giờ, ánh sáng đã đủ rực rỡ xuyên qua cửa kính xe nhẹ nhàng đánh thức chúng tôi dậy. Lạng Sơn đây rồi, lướt qua cửa kính xe chỉ một màu xanh mướt của cây và những ngọn đồi san sát, từ trên xe nhìn ra thấy chúng chỉ thấp lè tè như ngang tầm tay mình có thể chạm tới đỉnh nhưng lại không hề kém phần hùng vĩ! Cả xe lại bắt đầu rộn rã tiếng cười nói, tranh luận vui vẻ, chúng tôi đố nhau về những loại cây được trồng trên những sườn đồi thoai thoải dốc dọc đường đi, phát hiện ra Lạng Sơn không những đẹp mà còn trồng được cả một loại cây mới - “không phải cây na, cũng không phải là cây táo mèo đâu, mà là cây na… lai với cây táo mèo”; Khúc hát “Người đàn bà hoá đá” ai đó vừa cất lên nhắc về một câu chuyện tình buồn giữa hai anh em nàng Tô Thị - một người phụ nữ thuỷ chung nhưng cuộc đời nhiều sóng gió, bất hạnh, ngày đêm nàng ôm con đứng ngóng chờ chồng đi chiến tranh trở về - không biết đó chính là người anh ruột của mình, và cuối cùng hoá đá trong vô vọng.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là cửa khẩu Tân Thanh, nơi có cột mốc biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Mấy anh em đi ngắm nghía xung quanh, hớn hở thi nhau chụp ảnh và đi chợ cửa khẩu. Mọi thứ ở đây đều rất rẻ, nhưng chất lượng thì ai cũng biết rồi. Trở lại xe chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, đến gần 12 giờ cả đoàn đã có mặt trong khuôn viên nhà thờ Chính toà Lạng Sơn. Chúng tôi cùng tập trung trong một căn phòng nhỏ để nghe phổ biến chương trình, các tổ đã được chia trước lúc đi cùng nhập vào các đoàn của các Giáo xứ trong giáo phận: Cao Bình, Tà Lùng, Ngạn Sơn, Mỹ Sơn, Bó Tờ, Lộc Bình… để từ đó các sinh viên chúng tôi có thể gắn kết và chia sẻ phần nào với những em nhỏ, những bạn học sinh, sinh viên, không chỉ về đời sống thường nhật, công việc, học tập mà còn cả lời Chúa và cách sống Đạo nữa. Mọi người còn được phát khăn quàng mang màu đặc trưng của từng Giáo xứ, mũ và phù hiệu để cùng tham dự chương trình.

Sau khi nghỉ ngơi dùng bữa cơm trưa ngon miệng, chúng tôi đi xung quanh thăm thú, kiến trúc của khuôn viên của nhà thờ Chính toà rất đẹp, cầu kỳ và lạ mắt, đặc biệt là cấu trúc của nhà thờ. Tôi thì vô cùng ấn tượng với những mỏm đá trơn nhẵn cao thấp khác nhau được sắp xếp một cách cố ý cạnh nhau nhưng lại rất tự nhiên, vừa có thể làm bàn, làm ghế ngồi nói chuyện vưà có thể dùng…tạo dáng để chụp ảnh nữa ^^. 13h30 phút, chúng tôi theo nhóm của Giáo xứ mình tập trung ở khoảng sân rộng trước sân nhà thờ, cùng hát và tập múa cử điệu vui vẻ. 4h chiều, chúng tôi cùng chào đón Đức Giám Mục cùng 12 Cha trong Giáo phận trong tràng pháo tay rộn rã và những khuôn mặt hân hoan nụ cười. Có lẽ với hầu hết sinh viên trong đoàn, đây là lần đầu tiên chúng tôi có dịp diện kiến Đức Giám Mục Lạng Sơn, quả thật, sẽ không hề là quá nếu nói phong thái của Ngài có thể làm cho người đối diện bị thu hút và có thiện cảm ngay từ lần gặp đầu tiên. Ngài có nụ cười rất đẹp và gần gũi, lại rất hoà đồng nữa. Ngài không ngại ngần cùng các Cha tham gia múa cử điệu với các em nhỏ và các bạn sinh viên, tuy có phần hơi “vụng” nhưng trông Ngài rất trẻ trung và “dễ thương”, giống như một người ông đang vui đùa với các cháu của mình vậy!

Sau Thánh Lễ khai mạc long trọng và sốt sắng là đêm liên hoan văn nghệ "rực lửa" với các màn múa đặc sắc của các Giáo xứ, anh chị em sinh viên chúng tôi cũng được góp vui một vài tiết mục văn nghệ và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các "khán giả". Kết thúc đêm liên hoan văn nghệ, tất cả chúng tôi xếp thành những hàng dài, đi xung quanh Nhà Thờ tái hiện lại 14 Đàng Thánh Giá Chúa đã trải qua trong mùa Thương khó. Những cây nến được thắp lên cháy sáng lung linh trong màn đêm lạnh lẽo, khuôn mặt ai nấy xúc động, trang nghiêm cầu nguyện như thông phần vào những đớn đau tủi nhục Chúa đã trải qua để cứu vớt loài người tội lỗi. Ngoài mục đích họp mặt các bạn giới trẻ trong Giáo phận, đây cũng là một dịp ý nghĩa để các bạn trẻ tĩnh tâm, nhìn lại và khắc phục cũng như thay đổi những thiếu sót, những lầm lỗi của mình để lãnh nhận trọn vẹn ơn ích của mùa Chay Thánh. Trời càng về khuya càng lạnh, nhưng các bạn vẫn ngồi theo dõi chăm chú các thước phim được trình chiếu trên màn hình về thực trạng của giới trẻ ngày nay: đua xe, bạo lực, rượu chè, ma túy... và cùng hiệp lời dâng lên Chúa những lời cầu xin để được ơn gìn giữ và thắng vượt mọi cám dỗ cũng như tránh xa mọi cạm bẫy, lọc lừa, chạy theo lối sống thời thượng buông thả bốc đồng, xa rời Chúa...

Ngày thứ 2 của buổi họp mặt, chúng tôi dậy sớm ăn sáng, tiếp tục cùng nhau tập hát và múa cử điệu trước khi tập trung trong nhà thờ nghe thành viên của các nhóm trình bày về những câu hỏi đã được đặt ra từ chiều hôm trước để mỗi nhóm tự thảo luận và tìm câu trả lời. Chủ đề của ngày họp mặt giới trẻ Lạng Sơn năm nay là Thắp Sáng Tin Yêu - cho nên trọng tâm của những giờ thảo luận xoay quanh nội dung làm thế nào để có thể gieo rắc hạt giống Lời Chúa ra rộng khắp và trở thành một người người thợ gặt lành nghề trên cánh đồng truyền giáo. Các bạn trẻ đều tham gia thảo luận rất nhiệt tình và đặt ra những câu hỏi thú vị và cũng không kém phần hóc búa cho Đức Giám Mục, nhưng tất cả đều rất hài lòng với mọi câu trả lời mà Ngài đưa ra.

Kết thúc giờ chia sẻ, anh Nguyễn Tiến Đạt - trưởng hội SVCG TGP Hà Nội lên trao những suất học bổng cho một số bạn học sinh của các Giáo xứ chuẩn bị thi Đại học - các em đều là những học sinh khá giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Món quà vật chất tuy không nhiều nhưng lại là món quà có giá trị tinh thần vô giá với các em, anh Đạt động viên các em cố gắng học tập tốt để trở thành những người sinh viên năng động, góp phần thay đổi diện mạo của Giáo phận và xây dựng một cộng đồng Công Giáo vững mạnh.

Sau giờ thảo luận sôi nổi và hào hứng là thánh Lễ Lá được cử hành vô cùng long trọng và sốt sắng. Trên tay mỗi chúng tôi cầm một nhành lá tượng trưng cho lá Thiên tuế, rước xung quanh nhà thờ, tưởng niệm lại biến cố Chúa Giêsu vào thành Thánh Giêrusalem trước khi Người chịu nạn, dân Do Thái reo mừng đón tiếp và tôn vinh Người; xa hơn nữa, Thánh lễ chính là một dấu mốc khởi đầu cho những biến cố lớn Chúa sắp trải qua, đồng thời dẫn đưa mỗi người vào với cuộc khổ nạn của Người. Trong Thánh Lễ, Đức Giám Mục tiếp tục chia sẻ, hướng dẫn và đưa ra những lời khuyên bổ ích để giúp các bạn trẻ định hướng cho mỗi bước đi trong cuộc sống của mình, sẵn sàng làm nhân chứng cho Chúa giữa cuộc sống hôm nay. Cuối Thánh lễ là nghi thức "Sai đi"dành cho tất cả các bạn trẻ, qua nghi thức này, các bạn như được tiếp thêm sức mạnh, can đảm và nghị lực để trở thành sứ giả Tin Mừng và nên men muối ướp mặn cho đời.

Nhờ ơn Chúa, hai ngày họp mặt diễn ra thành công tốt đẹp, ai nấy đều rất hứng khởi và hài lòng với những điều bổ ích và lý thú thu được trong thời gian thảo luận, tĩnh tâm. Riêng tôi lại có thêm một niềm vui, niềm vui được khám phá thêm một vùng đất mới, vùng đất của mơ ước đã ấp ủ từ rất lâu. Tôi tin rằng, nhờ những ngày gặp gỡ dù ngắn ngủi này, những tâm hồn khô cằn đã được tưới thêm một chút nước sẵn sàng đón lấy những hạt giống lời Chúa để nảy sinh hoa trái và gắng sống thánh thiện, đúng với tinh thần của mùa Chay Thánh.
 
Cha vẫn chờ
Hạt Cát
18:49 31/03/2010
CHA VẪN CHỜ!

Có lẽ không có ai trong chúng ta chưa từng nếm cảm trải nghiệm về một sự chờ đợi nào đó trong cuộc đời.

Chờ đợi nghĩa là nung nấu trong tim niềm hy vọng. Hy vọng là nhìn vào điều tốt đẹp trong tương lai; là không buông xuôi, cam chịu trong những nỗi dằn xé của quá khứ. Hy vọng cho người ta nguồn năng lượng để sống và thăng tiến.

Chờ đợi cũng có nghĩa là tha thứ. Tha thứ để khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối, mỏng dòn của thân phận làm người, để chấp nhận sự khác biệt của tha nhân và để được tự do hơn. Tha thứ cũng có nghĩa là kết thúc cuộc nội chiến hỗn loạn trong tâm hồn; là thoát khỏi gông cùm của những thù hằn, tự ái, kiêu căng; là cho người khác cơ hội để được bắt đầu lại…. Trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với nhau đều nhất nhất phải qua kinh nghiệm của sự tha thứ.

Chờ đợi có nghĩa là cưu mang trong lòng một tình yêu thương. Như bà mẹ kiên nhẫn, ấp ủ tình thương suốt 9 tháng 10 ngày để chờ đợi đứa bé ra đời, tình yêu đó phải đủ lớn để hy sinh bản thân cho điều mình đợi chờ. Yêu thương cũng có nghĩa là không xét nét việc đã làm, không ưu tư chuyên tương lai. Yêu thương nghĩa là làm điều tốt nhất cho người mình yêu.

*****

“Cha vẫn chờ!” là câu nói cương quyết khẳng định tình yêu bao dung không lung lay, không thay đổi của người làm cha trong vở kịch “Người Cha Nhân Lành” của tác giả quá cố Thầy Phanxicô Trần Duy Nhiên, được diễn tại Hội Trường Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, số 6bis Trung Tâm Mục Vụ, Tổng Giáo Phận Sài Gòn do nhóm kịch Raboni diễn vào đêm tĩnh tâm ngày 26 tháng 03 năm 2010, cùng với sự đồng hành Cha giảng phòng Gioan Baotixita Nguyễn Quang Tuyến, một linh mục trẻ, năng động, khéo léo và sáng tạo của TTMV và ca đoàn gồm 55 Thầy Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế.

Vở kịch của nhóm Raboni tạm ngưng ở bức tranh: một gia đình tan nát. Trái tim người Cha bị dằn xé bởi tình thương dành cho hai đứa con. Ông đau xót nhìn tương quan Cha con đổ vỡ, ngậm ngùi nhìn tình huynh đệ tương tàn. Người con cả ôm trong lòng sự cay đắng vì cảm thấy bị Cha mình đối xử cách tệ bạc, bất công. Anh căm ghét đứa em trai và cho nó là nguyên nhân làm đời anh trở nên bi đát, tồi tệ. Hận thù biến anh thành một con người khác với cái nhìn quất ức và ngôn từ hằn học, chói tai. Người con thứ mang tâm trạng hối hận, bối rối và sợ sệt. Anh cảm thấy trở nên lạc lõng ngay trong chính căn nhà của mình và trở nên thừa thải giữa Cha và anh trai.

Cha Nguyễn Quang Tuyến mời gọi cộng đoàn hiến kế để tìm ra một kết thúc có hậu hơn. Bốn tình nguyện viên nhanh chóng lên sân khấu, mỗi người tự chọn cho mình một vai diễn trong dụ ngôn. Giờ đây, vở kịch không còn là của Thầy Trần Duy Nhiên nữa, mà trở thành vở kịch của mỗi cá nhân, của cuộc đời mỗi người. Giảng đường rộ lên những tiếng cười thú vị và những tràng pháo tay tán thưởng qua cách diễn tự phát và không hề được hội ý trước, dù chỉ một phút, của các diễn viên đóng thế vai. Cha giảng phòng đã khéo léo phân chia, để bốn người đều có cơ hội thể hiện vai diễn của mình trên sân khấu. Ngài nhẹ nhàng đưa các diễn viên nghiệp dư không đi quá xa sân chơi/ đề tài. Tuy nhiên, giải pháp mà các diễn viên đóng thế đề ra vẫn chưa đủ sức làm đổi màu cho bức tranh gia đình của người Cha nhân hậu. Và vì thế, nhóm kịch Raboni trở lại sân khấu và gửi đến khán giả một cách giải quyết thấu lý đạt tình.

Sợi chỉ xuyên suốt chiều dài vở kịch là Tình Thương. Đó là phương cách duy nhất khắc phục sự đổ vỡ do cá tính mỗi người gây ra cho đồng loại. Tình thương làm cho con người đến gần nhau hơn và trở nên ý nghĩa hơn. Trước mặt Thiên Chúa và trong tương quan giữa con người, Tình Thương mang một giá trị vĩnh hằng.

Phần cuối buổi Tĩnh Tâm, Cha Giảng phòng mời gọi cộng đoàn tiến lên khán đài, tự thắp sáng cây nến đời mình bằng lửa Phục Sinh. Ngài mời gọi mọi người đến gần Thánh Giá hơn, để lại những đinh sắt, sỏi đá của đời mình và tiếp nhận nguồn mạch của Tình yêu và sự sống.

Trước cử toạ gaàn 700 tham dự viên, nhóm kịch Raboni đã phác họa lại trang sách của Thánh sử Luca về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Dụ ngôn thật tuyệt hảo đã làm nổi bật lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa – Đấng là Cha của toàn thể nhân loại. Dụ ngôn cũng gieo vào lòng chúng ta niềm hy vọng vô bờ về sự được tái tiếp nhận, được thứ tha và được yêu thương khi tội nhân biết hồi tâm trở về. Dụ ngôn còn là giáo huấn cho các Kitô hữu về cách hành xử ở đời với nhau. Trong những góc tối của tâm hồn, chúng ta từng có dịp trực diện với chính bản thân mình để nhìn thấy những ích kỷ, nhỏ nhen len lỏi trong tâm trí; những thờ ơ vô cảm tồn tại trong tim; những ác độc tinh vi ẩn mình trong ngôn từ dành cho nhau… Can đảm đối diện với chính mình, để chúng ta biết khoan hồng với tha nhân, với các anh chị em kém may mắn. Hành động xót thương đồng loại luôn là hành động được Thánh Linh soi sáng và luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Các diễn viên trong nhóm kịch Raboni đã hoá thân trong từng vai diễn, lột tả được tương quan cha con, anh em trong đời sống gia đình. Lời thoại mang ngôn ngữ đương thời và hàm ý sâu sắc đã diễn đạt nỗi đau đớn của người Cha và những cuộc chiến nội tâm gay gắt đang diễn ra nơi mỗi người con.

Người con thứ muốn thoát ly khỏi mái ấm gia đình, muốn đập tan vỏ trứng đã ấp ủ, bảo vệ anh ta suốt bao năm qua để đập cánh bay xa, thoả lòng phiêu du nơi chân trời xa lạ, vui hưởng tháng ngày tự do rong chơi. Anh muốn ra đi để tìm kiếm một điều gì đó, mà anh gọi là “Tình người” – Thứ tình mà anh đui mù không thấy nó đang hiện hữu ngay trong chính ngôi nhà của mình. Thứ tình mà anh đang chà đạp khi khăng khăng đòi cha chia gia sản và khi vô ơn với những hy sinh của người thân. Khi anh không thấy tình người trong gia đình, thì dẫu có đi khắp cùng mặt đất cũng chẳng thấy gì. Anh muốn tự định đoạt cuộc đời mình, muốn khẳng định chính mình, muốn được thừa nhận. Với anh, gia đình là nhà tù đang giam hãm, ngăn cản anh vươn tới một chân trời hạnh phúc. Với anh, cha là nguồn chi cho những kế hoạch đã được toan tính kỹ càng… Anh đã chẳng chút do dự, ưu tư gì khi bước chân ra khỏi nhà.

Ngắm nhìn khuôn mặt của người con thứ, ta khám phá ra dung mạo của chính mình trong tương quan với Chúa, với gia đình và với anh em đồng loại. Có lẽ ta cũng đang mãi mê chạy theo một điều phù phiếm nào đó, mà dẫm đạp lên lòng tốt và sự hy sinh của người khác. Ta học ở đời những bài học hành xử làm người, nhưng cơ hồ đó chẳng phải là điều ta sống với ông bà, với cha mẹ, với anh chị em trong nhà. Ta cũng đã từng phải trả giá đắng cay vì lỡ không sòng phẳng với đời, nhưng đâu có bao giờ ta phải trả giá vì không sòng phẳng với mẹ cha…Ta quá vô ơn khi xem gia đình là một trong số những thứ mà hiển nhiên ta có. Ông bà, Cha mẹ, anh chị em là gia nghiệp đã dọn sẵn cho ta, từ khi ta hãy còn chưa hiện hữu. Có phải vì thế mà những điều quá đỗi thiêng liêng lại trở nên rất bình thường? Tự do cá nhân, lòng ích kỷ hẹp hòi và những ham hố riêng tư đã khiến ta đóng mắt, khép lòng trước những ân tình cao cả, trong đó có ân tình của Đấng thiêng liêng đã tạo dựng nên ta.

Có lẽ chẳng có điều gì xảy ra và câu chuyện chỉ dừng lại ở sự chờ đợi mỏi mòn của người cha trông ngóng đứa con hoang đàng trở về, nếu chẳng có một ngày người con thứ rơi vào cơn túng thiếu và bị cái đói đe doạ mạng sống…

Trên con đường thiêng liêng, cũng đã có lần ta muốn rời xa Chúa, để tìm cho mình một hướng đi riêng tư. Xa Cha, người con thứ đã mất dần tư cách làm con. Mặc cảm tội lỗi khiến anh e ngại với tình phụ tử thiêng liêng. Ra đi, anh không chỉ hoang phí phần gia sản của mình, mà còn làm nghèo chính bản thân. Trong tình trạng bần cùng và khốn khó, anh chỉ muốn được trở về và làm đầy tớ ngay trong chính ngôi nhà của mình. Điểm sáng của anh là sự hối hận chân thành. Giọt nước mắt ăn năn minh chứng lòng khiêm tốn thống hối. Hoán cải bao giờ cũng khó. Hẳn anh đã phải rất can đảm mới dám trở về. Tự trong thâm sâu của trái tim, anh biết rằng nơi đó Cha vẫn chờ anh quay về…. Có lẽ trong đời sống thiêng liêng, không ít lần ta đã từng kinh qua những xáo trộn nội tâm, những nghi ngờ giày xé trước mỗi lần đứng dậy, trở về. Mang thân phận yếu đuối, mỏng dòn ta cứ mãi làm những cuộc ra đi và trở về như thế. Giống như anh, ta bị bất ngờ trước tình thương vô biên, vô điều kiện của Đấng là Cha.

Trang sách của Thánh Luca còn tường thuật lại tiến trình trưởng thành trong đời sống đức tin. Nếu người con trai thứ không trải nghiệm thế nào là đói, thế nào là rét, thế nào là bị lường gạt, phỉ nhổ, xua đuổi… thì có lẽ anh sẽ không có cơ hội để cảm nghiệm tình Cha mênh mông và cũng không xây dựng được mối tương quan với Cha một cách có ý thức hơn. Trong con mắt đức tin, mỗi biến cố mà Thiên Chúa cho phép xảy ra trong cuộc đời đều giúp ta lớn lên và gắn bó với Ngài cách sâu đậm hơn.

Hai người con trong câu chuyện của Thánh Luca biểu lộ hai tính tình khác nhau nhưng họ giống nhau ở một điểm, đó là không thích gần Cha mình. Với người con cả, Cha anh là một ông chủ hà khắc, chẳng bao giờ cho mình cái gì. Anh đảm nhận công việc trong nhà với cách của một người làm công hơn là một người con cả. Với anh, con bê nhỏ dường như trở nên quá to lớn đến nổi anh chẳng hiểu được tất cả những gì của Cha anh đều là của anh. Người con trai thứ thích ra khỏi nhà của Cha để rong chơi theo những sở thích riêng tư. Người con trai cả ở lại trong nhà Cha, nhưng tâm trí đã phiêu lưu xa nhà. Thế nên, xa cách không nhất thiết phải ra khỏi nhà và xa nhau không nhất thiết phải đi cho khuất bóng.

Soi mình trong trang Tin Mừng ta lại khám phá ra chính mình trong cách hành xử của người con cả. Ta làm các bổn phận đạo đức đầy đủ như thể để đảm bảo cho mình vị trí của một gia nhân trong nhà của Cha ở trên trời. Tương quan Cha con bị đóng băng bởi sự sợ hãi vô hình khiến ta luôn co rúm người lại.

Như người con cả, ta khó lòng chấp nhận sự yêu thương ưu ái của Cha dành cho một đứa em hoang phí gia sản trở về.

Như người con cả, ta không đủ yêu mến để mở lòng ra đón nhận anh em quay về và không đủ độ lượng để cho người khác một cơ hội.

Sự ra đi của người con thứ hay sự sợ hãi của người con cả đều làm cho trái tim của người Cha nhân lành rướm máu. Khi chấp nhận cho người con thứ ra đi, có lẽ ông đã biết có một ngày nó sẽ quay về. Ông không dùng tình thương như sợi dây trói buộc tự do của đứa con. Cái ông cần ở nó là trái tim yêu thương, nhưng trái tim đó đã rẫy đi xa, trước khi chân nó kịp bước ra khỏi nhà.

Có sự đổ vỡ nào đó trong gia đình của người Cha nhân hậu này. Sự đổ vỡ mà nhắc nhớ chúng ta về sự gãy đỗ đầu tiên ở Vườn Địa Đàng, trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu đau xót và thương nhớ những đứa con hoang đàng của mình. Ngài không để lại một bức tranh buồn thảm về hình ảnh tương quan Cha con đổ nát. Ngài gửi con một của mình, Chúa Giêsu, xuống thế làm người, kiên nhẫn nhặt nhạnh và hàn gắn từng mảnh vỡ tương quan đó. Tự bao giờ, Thiên Chúa vẫn yêu thương và chờ đợi sự hồi tâm mỗi người chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế này. Mỗi sự quay về của tội nhân đều minh chứng cho tình yêu và sức mạnh của ơn Thánh.

Bài dụ ngôn của Thánh Luca cũng gợi lên nỗi đau thời thế, bi kịch trong các gia đình ngày nay.

Lời thoại của nhân vật người Cha trong vở kịch như một lời nhắn gửi đến các bậc làm cha làm mẹ trong xã hội đương đại đang đau lòng vì những đứa con thân yêu: “Không một nỗi khổ nào là nỗi khổ vô ích cả! Tình thương đôi khi bắt buộc mình phải để cho người mình thương chịu khổ.” Niềm đau của người làm cha làm mẹ mãi mãi là có những đứa con không hiểu được tình yêu của mình đối với nó. Những kẻ làm con có tự do từ chối quyền làm con, nhưng người làm cha mẹ khó lòng mà chối bỏ máu mủ của mình. Trong những cuộc rong chơi, kẻ làm con có thể không biết cha mẹ lo lắng, đau khổ thế nào, nhưng lòng người làm cha mẹ luôn sợ hãi cho sự an nguy của đứa con.

Thực tế trong xã hội ngày nay, đôi khi ta bắt gặp những đứa hoang đàng không được đón chào khi quay về. Cái gọi là danh dự gia đình và sợ tiếng thị phi đã ngăn cản sự hàn gắn đôi bên và khoét sâu thêm vết thương lòng của nhau. Đối lập với cách ứng xử ấy, người Cha Nhân Lành trong dụ ngôn không hề ngần ngại khi đón nhận lại đứa con của mình. Tình thương của người Cha ấy vượt lên trên những lỗi phạm của đứa con và thương tổn của bản thân. Ông luôn muốn là người đầu tiên nhìn thấy con mình trở về. Ông luôn muốn là người đầu tiên ôm chầm lấy nó trong cuộc tái sinh này. Ông đã đợi chờ để yêu thương và chúc phúc cho con.

Giả như người con thứ vẫn bặt tăm vô tín, chắc chắn rằng người Cha nhân hậu ấy vẫn tựa cửa chờ con với trái tim bao dung và tình yêu vô biên ấm nồng.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Google cáo giác về 'tin tặc chính trị' VN
BBC
09:24 31/03/2010
Google cáo giác về 'tin tặc chính trị' VN

Bộ phận an ninh mạng của tập đoàn Google cho hay đã phát hiện ra chiến dịch tấn công các trang web nhạy cảm chính trị bằng tiếng Việt.

Hãng bảo mật McAfee trong khi đó cáo giác tin tặc có thể có liên hệ với chính phủ Việt Nam.

Phía Việt Nam chưa có phản hồi gì về các cáo buộc trên tuy một chuyên gia về chống tin tặc của Việt Nam nói cần phải có điều tra chính thức và đầy đủ thì mới có thể đưa ra được kết luận.

Ông Nguyễn Tử Quảng, giám đốc Trung tâm an ninh mạng BKIS thuộc Đại học Bách khoa, cho rằng cáo buộc của McAfee là "hơi vội vàng".

Trong blog về an ninh mạng của Google, chuyên gia Neel Mehta viết rằng các kỹ sư của hãng này đã thu thập được thông tin về đe dọa an ninh nhằm vào người Việt sử dụng máy tính trên toàn thế giới.

Ông Mehta nói đợt tấn công này nhằm vào các trang mạng có nội dung nhạy cảm về chính trị, nhất là các trang chứa thông tin phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên của chính quyền.

Theo Google, tin tặc phát tán phần mềm ác tính (malware) qua việc tải phần mềm dùng để đánh font chữ tiếng Việt hoặc phần mềm khác, và con số người bị ảnh hưởng có thể tới hàng chục nghìn.

Chuyên gia Mehta viết: "Tuy malware này không tinh vi cho lắm, nó vẫn được sử dụng với mục đích độc hại".

Nó được sử dụng để theo dõi người dùng máy tính hoặc tạo lỗi DDoS khiến các trang mạng, nhất là các trang mang nội dung bất đồng chính kiến, không thể truy cập được.

"Đặc biệt, các cuộc tấn công của tin tặc nhằm vào việc dẹp yên phản đối các dự án bauxite ở Việt Nam, một chủ đề quan trọng và gây bức xúc ở trong nước".

Mục đích chính trị

Trong khi đó, hãng McAfee trên blog của mình cũng đề cập tới các cuộc tấn công của tin tặc này.

Kỹ sư trưởng về công nghệ của McAfee, ông George Kurtz, viết: "Chúng tôi cho rằng tin tặc có thể có mục đích chính trị và có thể có liên hệ với Chính phủ CHXNCN Việt Nam".

Khi cùng Google nghiên cứu malware mà tin tặc sử dụng đối với các máy tính của người Việt, McAfee phát hiện ra rằng tin tặc đã cải biến phần mềm font tiếng Việt VPSKeys của Hội chuyên gia Việt Nam để gài virus Trojan vào phần mềm này.

Tôi nghĩ, các cơ quan luật pháp phải vào cuộc điều tra thì mới có thể xác định chính thức tin tặc là ai và ở đâu.

Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Tử Quảng

McAfee nói rằng điều tra của hãng này chỉ về các máy chủ với địa chỉ IP nằm tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyên gia an ninh mạng Việt Nam Nguyễn Tử Quảng nói để xác định nguồn gốc tin tặc thì chỉ dựa vào địa chỉ IP là chưa đủ.

Ông nói với BBC: "Tôi nghĩ, các cơ quan luật pháp phải vào cuộc điều tra thì mới có thể xác định chính thức tin tặc là ai và ở đâu".

Google thì nhận định đợt tấn công này cũng tương tự chiến dịch tin tặc mới đây ở Trung Quốc và kêu gọi cộng đồng quốc tế đấu tranh với tình trạng tin tặc để "khơi chảy dòng tư tưởng tự do".

Tuần trước tập đoàn này đã chuyển dịch vụ tìm kiếm Trung Quốc sang Hong Kong sau khi đối đầu với chính quyền Bắc Kinh về các cáo giác tin tặc.

Các cuộc tấn công được cho là nhắm tới hơn 30 công ty.

Google cho biết tin tặc đánh vào tài khoản e-mail của các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc.

Các tin tặc đã sử dụng một lỗ hổng bảo mật trong trình duyệt Internet Explorer của Microsoft để tấn công.

Chính phủ Trung Quốc tới nay vẫn bác bỏ liên quan.
 
Những căn bệnh đang huỷ hoại xã hội Việt Nam
Song Chi
12:31 31/03/2010
Những căn bệnh đang huỷ hoại xã hội Việt Nam

“…nếu không có một sự thay đổi toàn diện, triệt để về mặt thể chế chính trị thì mọi sự “sửa chữa” kiểu như thay tên Đảng, thay tên nước, thay đổi nhân sự này chính sách kia… cũng chỉ như những cố gắng vá víu tạm bợ, che chỗ này vá chỗ kia trên ngôi nhà đã thực sự mục ruỗng…”

Từ năm 1989 đến 1991, thế giới đã chứng kiến sự sụp đổ hàng loạt của các nước nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô. Hơn 20 năm qua, nếu có dịp đến thăm các quốc gia này, người ta sẽ thấy rằng chính phủ mới và nhân dân tại các nước này đã kịp làm được khá nhiều điều; đời sống kinh tế, xã hội của người dân tốt hơn hẳn so với trước kia, nhưng vẫn còn rất nhiều việc mà chính phủ và nhân dân họ phải nỗ lực thực hiện để xoá đi di sản do những năm dài dưới chế độ cộng sản để lại trên con đường trở thành những quốc gia phát triển, giàu mạnh, dân chủ, tự do. Và tuỳ theo nội lực của từng nước mà quá trình này nhanh hay chậm, nhẹ nhàng hơn hay nặng nề vất vả hơn.

May mắn như nước Đức, nhờ có Tây Đức với một tiềm lực kinh tế hàng đầu của châu Âu, vậy mà trong những năm qua chính phủ Đức đã phải đổ không biết bao nhiêu tiền để vực dậy Đông Đức, xoá đi khoảng cách về mọi mặt giữa hai bờ Đông Tây. Nhưng dù sao, các nước Liên Xô và Đông Âu vẫn có những nội lực nhất định – các nước này trước khi đi theo con đường xã hội chủ nghĩa đã là những quốc gia có nền kinh tế công nghiệp tư bản bước đầu, có nền văn hoá dày dặn, người dân của họ dù sao cũng đã hiểu thế nào là dân chủ, tự do… nên quá trình thay đổi thế chế chính trị cũng đỡ nhọc nhằn vất vả hơn những quốc gia không có được những “hành trang” như vậy. Ví dụ như Việt Nam chẳng hạn. Đôi khi nghĩ đến một ngày nếu vận hạn của đất nước đã qua, Việt Nam may mắn chuyển đổi thể chế chính trị thành một quốc gia dân chủ pháp trị, thì một điều có thể thấy trước đó là cái giá phải trả do di họa của những năm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam để lại trên đất nước này phải nói là vô cùng nặng nề, và những mất mát, thiệt thòi là vô cùng lớn.

Thứ nhất là ở Việt Nam, thời gian cầm quyền của Đảng Cộng sản cho đến nay đã kéo dài hơn một số quốc gia khác – 65 năm trên miền Bắc và 35 năm trên toàn lãnh thổ, nên cái hại cũng nặng nề hơn. Thứ hai là do nội lực của đất nước và của dân tộc, trước khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo cho đến ngày nay, Việt Nam vẫn chỉ là một nước nông nghiệp nghèo nàn đang phát triển, từ hạ tầng cơ sở vật chất kinh tế, kỹ thuật… đều chưa có gì đáng kể. Cộng với một tầm nhìn ngắn, văn hoá “lùn” của các thế hệ lãnh đạo nối tiếp nhau từ trên xuống dưới, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài, hoặc vừa làm vừa phá, hoặc chỉ lo vơ vét, tham nhũng mà không nghĩ gì đến tương lai của đất nước và dân tộc, nên sau bao nhiêu năm cầm quyền, trên khắp đất nước nhìn đâu cũng thấy dấu vết của sự phá hoại trên mọi lĩnh vực. Bao nhiêu đất dọc theo biên giới phía Bắc, biển, đảo… đã mất, biết bao giờ mới đòi lại được! Rừng bị tàn phá, tài nguyên bị khai thác một cách vô tội vạ, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, một số sông ngòi bắt đầu khô cạn, bây giờ người ta lại bắt đầu phá nát Tây Nguyên với những dự án khai thác bauxite lợi ít hại nhiều, bộ mặt các thành phố lớn, nhỏ thì hỗn độn, quy hoạch yếu kém, kiến trúc lộn xộn một cách không thể sửa chữa nổi v.v. Chưa nói đến cơ cấu luật pháp hay một nền giáo dục yếu kém cần phải xây dựng lại từ đầu, rất mất thời gian. Chưa kể cả một xã hội bị băng hoại về mặt đạo đức, những giá trị, chuẩn mực bị lệch; con người hoặc bị nhồi sọ bởi lối giáo dục tuyên truyền một chiều phải mất thời gian mới hiểu ra được đâu là sự thật đâu là dối trá, hoặc bị tồi tệ đi do phải sống trong một môi trường xã hội có quá nhiều điều không tử tế v.v. Nhưng điều nguy hiểm nhất đối với số phận của đất nước và dân tộc Việt Nam là: nếu sự thay đổi thể chế chính trị đến chậm thì nguy cơ phụ thuộc, thậm chí mất nước vào tay nước láng giềng phương Bắc là điều mà hiện nay nhiều người đều đã thấy.

Có những di hại có thể thấy rõ vì nó hữu hình và có thể xây dựng lại, có thể hồi phục sau một thời gian vài ba thập niên tuỳ theo. Nhưng có những cái di hại vô hình khó thấy hơn mà hậu quả của nó thì rất nặng nề và sự điều chỉnh, sửa chữa cũng vô cùng khó khăn, mất thời gian. Đó là những di hại về văn hoá, con người, về tinh thần mà những quốc gia đã từng trải qua chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo đều phải trả giá.

Môi trường sống bị ô nhiễm, bị huỷ hoại. Môi trường tinh thần cũng vậy. Có những căn bệnh tinh thần mà nếu sống trong một xã hội như xã hội Việt Nam hay Trung Quốc (vốn là một hình mẫu để chính quyền Việt Nam bắt chước theo y hệt nên những căn bệnh cũng giống nhau) lâu ngày con người sẽ bị lây nhiễm ít nhiều mà không hay.

Bệnh vô cảm

Xã hội Việt Nam bây giờ có quá nhiều điều phi lý, trái tai gai mắt, và cũng có quá nhiều những bi kịch, những câu chuyện thương tâm. Mỗi ngày mở những tờ báo ra, bật TV lên, hoặc ngay trong đời sống thường ngày, người ta phải đọc, nhìn, nghe hay chứng kiến tận mắt biết bao nhiêu chuyện như vậy. Tổng Giám đốc X bị bắt vì tham nhũng hàng tỉ đồng. Công ty Y bị phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, làm thất thoát hàng trăm tỉ. Một khu nhà hay một cây cầu vừa mới xây đã bị sập, lún vì làm ăn gian dối, bớt xén vật tư. Một bữa tiệc sinh nhật của con cái một “quan lớn” tốn kém hàng trăm triệu đồng trong đó chủ nhân bữa tiệc vung tay tặng các bạn mỗi người một chiếc xe gắn máy hiệu @. Một em bé chết oan vì bị điện giật trên đường do dây điện bị hở, không ai chịu trách nhiệm. Một tai nạn giao thông thảm khốc do đường hẹp, lô cốt chặn, chen lấn nhau hoặc đôi khi chỉ vì do chất lượng đường sá tồi khiến người đi xe ngã xuống và bị xe tải phía sau cán lên. Một người phụ nữ nghèo đi mót cà phê bị chó nhà giàu cắn chết nhưng công an lại không truy cứu tội hình sự người quản lý trang trại đã để mặc chó cắn chết người v.v. Đầu tiên khi đọc hoặc nghe những chuyện như vậy, người ta phẫn nộ, bức xúc, thương cảm. Nhưng rồi hằng ngày cứ phải đọc mãi, chứng kiến mãi với mức độ phi lý, bất công ngày càng lớn hơn, người ta thành quen đi, không còn ngạc nhiên trước bất cứ chuyện gì nữa. Người ta quen dần với những điều không tử tế, với cái xấu, cái ác… và trở nên vô cảm dần dần mà không hay.

Tai hại của điều này là đến lượt mình, mỗi người khi phải làm một điều không tử tế hoặc không lương thiện sẽ tự bảo rằng chung quanh mình ai cũng làm như vậy, ai cũng đang sống như vậy, có sao đâu!

Cái xấu, cái ác lên ngôi

Chưa cần phải từ nguồn báo chí truyền thông của “thế lực thù địch” nào, chỉ cần theo dõi báo chí trong nước, do nhà nước kiểm soát nội dung và cho phép phát hành, cũng có thể thấy ở Việt Nam hiện nay, cái xấu, cái ác đang lộng hành ra sao. Có nhiều người sẽ bảo: xã hội nào mà chả có cái xấu, cái ác! Ở Mỹ chẳng hạn, cũng có những cảnh bạo lực, giết người, thậm chí sát nhân hàng loạt… đó thôi. Nhưng vấn đề ở đây là cái xấu, cái ác, sự thiếu lương thiện đang tràn lan ở mọi cấp độ từ những hành vi nhỏ nhặt hằng ngày như chen lấn giành đường nhau, dúi tiền cho cảnh sát giao thông để được cho qua khi bị bắt lỗi và cảnh sát cũng thản nhiên nhận tiền như là chuyện bình thường phải vậy, hoặc sẵn sàng cãi vã, chửi bới nhau thậm chí đánh nhau chỉ vì những chuyện xích mích không đáng… cho đến những hành vi ở mức độ lớn hơn. Nhiều khi rùng mình vì mức độ trơ tráo vô đạo đức trong những hành vi tội lỗi, như khi một ông hiệu trưởng không những dụ dỗ, ép dâm hàng loạt học sinh tuổi vị thành niên mà còn buộc các em phải lên giường với hàng loạt quan chức để có lợi cho mình; hay mức độ dã man một cách thản nhiên như khi một con người có thể để mặc cho đàn chó cắn xé đồng loạt đến chết mà không cứu; hay những cô cậu học sinh còn ở tuổi cấp hai có thể thản nhiên đánh bạn, thản nhiên quay video clip tung lên mạng và những học sinh khác thì ngồi xem mà không phản ứng gì. Khi một xã hội mà những điều không tử tế, cái xấu, cái ác đã trở thành chuyện bình thường trong khi điều tử tế, cái đẹp, cái thiện dần trở thành hiếm hoi, bất bình thường thì đó là điều thực sự phải báo động đỏ từ lâu rồi.

Sự bạc nhược, cầu an

Khi phải sống chung quá lâu với những điều bất công phi lý, với các xấu cái ác đang tràn lan, và biết rằng có kêu thì cũng chẳng thay đổi được gì, số đông người Việt dường như đã chọn cho mình một “phương châm” sống an toàn, đó là mặc kệ, mọi chuyện đã có nhà nước lo, họ chỉ lo kiếm sống, lo cho bản thân và gia đình. Và điều đó tạo ra một căn bệnh khác cũng phổ biến không kém: sự bạc nhược, cầu an. Đối với đám đông này, đừng nói với họ về sự thối nát của chế độ, về gánh nặng nợ nần đang đổ lên đầu các thề hệ sau do việc vay nợ nước ngoài, việc mất đất mất biển và cả nguy cơ mất nước trong tương lai, việc các nước khác người dân được có những quyền gì cũng như nhu cầu tự do dân chủ trong nhân dân… Họ sẽ lảng tránh, sợ hãi, không tin, và tiếc thay con số này vẫn còn khá lớn. Chưa kể những kẻ mà quyền lợi gắn chặt với chế độ này và vẫn cố sống cố chết bênh vực cho chế độ này là không tính đến. Đó là lý do vì sao một đảng cầm quyền có quá nhiều sai lầm và tội lớn đối với đất nước, với nhân dân trong suốt bao nhiêu năm qua như Đảng Cộng sản Việt Nam lại vẫn tiếp tục tồn tại.

Sự giả dối

Trong lịch sử giành chính quyền và giữ chính quyền của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sử dụng rất nhiều “chiêu thức”, trong đó có sự dối trá, mỵ dân. Có thể nói sự dối trá, nói một đằng làm một nẻo là “chính sách” xuyên suốt trong đối nội cũng như đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam từ bao lâu nay. Và từ bao nhiêu nay người dân Việt Nam đã phải sống trong một môi trường giả dối, từ khi còn đi học trẻ em Việt Nam đã phải học tin vào những điều giả dối cho đến khi trưởng thành nhìn xung quanh xã hội toàn những điều giả dối – bằng giả, hàng giả, chất lượng công trình và cả chất lượng tác phẩm văn hoá văn nghệ nhiều thứ cũng là giả… Và cũng như các căn bệnh đã kể trên, đến một lúc nào đó sự giả dối cũng trở thành căn bệnh phổ biến trong xã hội – người ta chạy theo thành tích, chạy theo những giá trị ảo, giá trị giả bên ngoài và đánh giá nhau cũng bằng những cái bên ngoài đó như căn nhà, chiếc xe, áo quần, mảnh bằng phó tiến sĩ, tiến sĩ “mua”… mà không xét đến giá trị thật bên trong của một con người.

Hoài nghi và mất lòng tin

Và khi phải ăn uống hít thở hằng ngày với một bầu không khí giả dối như vậy thì lẽ đương nhiên con người trở nên mất lòng tin, hoài nghi vào tất cả mọi thứ. Từ một nguyên nhân sâu xa nhất là sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống lý luận chính trị Mácxít-Lêninnít, lý thuyết về chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa cộng sản… mà bao nhiêu năm nay Đảng và nhà nước Việt Nam vẫn ra sức nhồi nhét vào đầu người dân, trong lúc chưa tìm ra được một hệ thống lý luận khác để thay thế (thật ra thì đã có sẵn những hệ thống lý luận của các nước Dân Chủ pháp quyền khác để mà học hỏi nhưng vấn đề là nhà nước Việt Nam không muốn học!), cùng với sự xuống cấp, tha hoá về mọi mặt trong đời sống đạo đức xã hội, khiến con người mất lòng tin và căn bệnh hoài nghi này cũng phổ biến không kém. Điều tai hại hơn là người ta không tin cả vào những điều tốt, sự tử tế.

Xã hội Việt Nam hiện nay là một môi trường mà cái ác cái thiện lẫn lộn, môi trường văn hoá nghệ thuật cũng vậy – cái đẹp cái xấu lẫn lộn, thật giả lẫn lộn, dễ làm cho con người, nhất là giới trẻ, bị nhiễu về mặt nhận thức, thẩm mỹ cho đến phương hướng, mục đích sống… không biết phân biệt, thẩm định hay dở, đúng sai. Xã hội cứ thế mà nhiễu loạn cả lên.

Và tất cả những căn bệnh đó như những tế bào ung thư đang tàn phá cả xã hội Việt Nam mà nếu không có một sự thay đổi toàn diện, triệt để về mặt thể chế chính trị thì mọi sự “sửa chữa” kiểu như thay tên Đảng, thay tên nước, thay đổi nhân sự này chính sách kia… cũng chỉ như những cố gắng vá víu tạm bợ, che chỗ này vá chỗ kia trên ngôi nhà đã thực sự mục ruỗng từ bên trong mà thôi.

Nguồn: Talawas, 28/03/2010
 
Hãy dành tình thân ái cho chúng ta!
Phạm Hồng Sơn
19:00 31/03/2010
Hãy dành tình thân ái cho chúng ta!

(THƯ NGỎ gửi tới các bác tự giới thiệu là “cựu chiến binh” đã đến nhà tôi ngày 23/03/2010 và những người đã tham gia vào những việc tương tự.)

Phạm Hồng Sơn
Nhà 21 ngõ 72 B- Thụy khuê – Hà nội
Điện thoại 0903 4040 23.
Hà nội, ngày 30/03/2010


Kính thưa các bác,

Hôm nay là đúng một tuần sau sự cố xảy ra tại nhà tôi, tôi muốn gửi đến các bác một vài chia sẻ sau đây:
Hôm nay, khi những cảm xúc không lấy gì làm vui vẻ đã lắng hẳn xuống, nhưng có một cảm xúc lại tràn ngập trong tôi, đó là sự thương cảm cho thân phận chung của chúng ta, thân phận của các bác và của cả tôi nữa. Nếu đúng như các bác giới thiệu, chúng ta đều là những người dân thường. Chúng ta đều là những người dân của một quốc gia mới thoát được khỏi mức sống nghèo, và rất nhiều người trong chúng ta còn rất nghèo. Chúng ta chỉ là những người “thấp cổ bé miệng” trong xã hội hiện nay. Tôi cũng như các bác, chúng ta đều là những người đang phải sống dựa vào sự lao động của chính chúng ta. Chúng ta là những người chỉ biết đóng thuế để nuôi hai bộ máy khổng lồ của Đảng và Nhà nước hiện nay. Chúng ta đều không phải là những người được biết, được quyền sử dụng hay phân bổ những khoản tiền thuế khổng lồ của chúng ta. Nhưng trên hết, chúng ta đều là đồng bào của nhau, chúng ta là anh em, là những người con trong gia đình có tên là Việt nam.

Nhiều đêm qua tôi cứ suy nghĩ, như vậy mà tại sao chúng ta lại không đến với nhau bằng một tình cảm thân ái, hoặc chí ít là sự lịch sự tối thiểu? Ngay cả khi người dân Việt của chúng ta bị nước láng giềng Trung quốc ngang ngược bắt giữ, hành hạ hoặc giết chết mà người nhà nước của ta còn phải đắn đo, do dự, e động chạm tới “tình hữu nghị” với họ, đến mức mà người nhà nước của ta chỉ dám ôn tồn “đề nghị” từ xa hoặc đến tận nơi để “giao thiệp” với sứ giả của họ thì tại sao chỉ vì những bài viết, những quan điểm có những bất đồng mà chúng ta lại nỡ dành cho nhau sự đối xử thiếu lịch thiệp, thiếu thân ái đến thế?

Nếu đứng trước một người ngoại quốc, dù họ là ai, là người Mỹ, người Pháp, người Anh hay người Trung quốc, chắc chắn chúng ta không thể chối từ chúng ta là đồng bào của nhau, chúng ta cũng không thể phủ nhận chúng ta là những người con, là anh em của gia đình Việt nam. Thế mà tại sao chúng ta lại phải sử xự với nhau một cách cạn tình, cạn nghĩa đến vậy? Có phải chúng ta đang bị ai làm cho mụ mẫm, quên mất lời dạy của cha ông: “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!” hay “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”? Có phải chúng ta đang bị mắc mưu của những kẻ đang muốn thôn tính nước ta, đồng hóa dân tộc ta? Có phải người dân chúng ta đang bị ai đó làm cho trở nên u mê, đố kỵ, ghanh ghét lẫn nhau và bất hòa với nhau để quên đi cái thảm trạng đất nước đang bị xâu xé, đục khoét, nhũng nhiễu trăm bề? Tôi cảm thấy vô cùng buồn và lo sợ cho tương lai của tất cả chúng ta, của con cháu các bác và con cháu của tôi.

Qua những gì mà các bác thể hiện, tôi cũng nhận thấy các bác có một mối lo lắng, băn khoăn về những đóng góp sức lực, xương máu của các bác trong các cuộc chiến vừa qua (nếu đúng như các bác nói), giống như sự đóng góp, hy sinh của bố mẹ tôi và hai anh trai của tôi, sẽ được nhìn nhận như thế nào khi chế độ chính trị thay đổi. Đúng, những lo lắng này là hết sức thực tế và chính đáng. Cho đến nay, với những hiểu biết của tôi, tôi không thể đưa ra một đảm bảo nào đối với lo lắng đó, nhưng tôi có thể đảm bảo rằng đó cũng chính là lo lắng, là quan tâm của tôi và những người đang có suy nghĩ như tôi, những người đang muốn có một đất nước vẹn toàn, yên bình thật sự và giàu mạnh thật sự, những người muốn có một chế độ chính trị có khả năng phát hiện và sàng lọc được những người lãnh đạo bỏ quên chủ quyền quốc gia hay lợi ích dân tộc - đó là chế độ “dân chủ tự do”. Chế độ đó không hứa hẹn hay khẳng định như những gì chúng ta đã và đang phải nghe, nhưng có một điều có thể khẳng định rằng chế độ đó chắc chắn sẽ tạo cơ hội cho tất cả mọi tiếng nói đến được với công luận, vì lẽ đơn giản chế độ đó không để cho tất cả các báo đài bị thâu tóm bởi những người có quyền hay có tiền. Chế độ đó cũng sẽ tạo ra một công luận không dung túng hay thờ ơ trước bất kỳ sự áp đặt hay phủ nhận sạch trơn nào, bởi một lẽ giản dị trong chế độ đó sẽ không ai được toàn quyền định đoạt về cái đúng, cái sai. Như vậy, trong chế độ đó không ai có thể gạt bỏ hay vùi dập những lo lắng, quan ngại của các bác, mà đó cũng chính là những lo lắng, quan ngại của gia đình tôi và rất nhiều người khác. Trong chế độ đó sự cảm thông hay bất đồng giữa những người dân với nhau được coi là lẽ tự nhiên và được pháp luật hướng tới những cách biểu hiện ôn hòa, trọng thị. Chế độ “dân chủ tự do” cũng không để cho những sai lầm hay ngộ nhận của những người có quyền trở nên quá tai hại rồi mới được thừa nhận, sửa sai hay “đổi mới” vì khi đó chính người dân chúng ta, trong đó có các bác và tôi, sẽ là những người có thực quyền đồng ý hay không đồng ý cho ai lãnh đạo đất nước. Những gì đang diễn ra trên thế giới cho thấy chế độ “dân chủ tự do” đã là một hiện thực của loài người. Chế độ đó không phải là ước mơ hay cần phải qua ‘thời kỳ quá độ”. Đường đến với chế độ “dân chủ tự do” đã rất rõ ràng chứ không phải là con đường “đang ngày càng sáng tỏ dần”. Nhưng, con đường đến chế độ đó ngắn hay dài, sớm hay muộn, là phụ thuộc hoàn toàn vào mong muốn và quyết tâm của tất cả chúng ta – những người yêu và muốn nước Việt nam trở thành văn minh, hùng mạnh và trường tồn. Đó chính là lý do mà tôi và nhiều người Việt nam khác, có cả những cụ có nhiều tuổi đời và tuổi Đảng hơn các bác và cả những người đang tại vị trong hệ thống nhà nước, đang khát khao và kiên trì vận động một cách ôn hòa cho con đường đó cho dù gặp phải nhiều sự hiểu lầm và ngang trái.

Thưa các bác, tôi cũng không hy vọng nhiều và chắc các bác cũng biết trước là lá đơn “Tường trình và kiến nghị khẩn” của tôi sẽ không nhận được hồi âm tích cực nào của các cơ quan nhà nước. Đúng thế, cho đến nay đơn đã công bố được một tuần nhưng không có cơ quan nhà nước nào phản hồi và cũng không một cơ quan ngôn luận của nhà nước đưa tin về vụ việc.

Nhưng ai dám chắc sự bất công và thói hành xử bất chấp pháp luật sẽ không giáng vào mình khi cả hai hệ thống khổng lồ của Đảng và Nhà nước được nhân dân chu cấp đầy đủ phương tiện để bảo vệ pháp luật, bảo vệ sự yên bình cho dân lại im lặng và làm ngơ trước các hành động áp chế, khủng bố giữa ban ngày? Ai dám đảm bảo những lời ai oán, khẩn cầu của mình không bị hắt hủi hay vùi dập khi tất cả các cơ quan ngôn luận chính thống đều phải vờ như không biết những hành vi bất công, ngang ngược hiển hiện ngay giữa lòng Thủ đô?

Thưa các bác, tôi thực sự cảm thấy rất buồn và thương cho thân phận của chúng ta, những người dân của cùng một nước. Lẽ ra chúng ta cần phải cùng chia sẻ, cùng cảm thông và bảo vệ nhau trong một xã hội đầy bất công như hiện nay, nhưng chúng ta lại đang bị người khác thao túng. Tôi và nhiều người khác đang trở thành mục tiêu tấn công của họ, còn các bác lại đi thực hiện những việc chỉ có lợi cho những người đó. Tựu trung lại, chỉ có chúng ta, con cháu chúng ta và cả con cháu của những người đó là những người thiệt thòi nhất. Nếu những sự việc tương tự lại được tái diễn, chúng ta và con cháu của tất cả chúng ta chắc chắn sẽ phải tiếp tục sống trong một xã hội vô pháp luật, một xã hội mà tính mạng, sự an toàn của người dân dễ dàng trở thành sự bỡn cợt của ai đó.

Nhưng, thưa các bác, tôi cũng cảm thấy đỡ buồn hơn khi thấy, ít ra các bác và tôi cũng đã có một “cơ duyên” để gặp nhau trong đời. Chúng ta đã được biết nhau nhiều hơn những gì chúng ta phải nghe từ người khác, cho dù cái “cơ duyên” đó lẽ ra phải được tự nhiên hơn và thân ái hơn. Và tôi tin những người đã tạo ra cái “cơ duyên” đó cũng cảm nhận được sự hiểu biết và thông cảm hơn giữa chúng ta, và mong rằng những người đó cũng cảm được những mong muốn thiện tâm giữa chúng ta. Tôi vẫn sẵn sàng được gặp lại các bác, nhưng chỉ mong được các bác báo trước và hy vọng cuộc gặp sẽ được diễn ra trong một không khí tôn trọng lẫn nhau và trong tình thân ái của những người cùng một nước.

Tình thân ái đó xứng đáng phải được dành trước tiên cho tất cả chúng ta – những người con được sinh ra từ một bọc của Mẹ Âu cơ. Nếu khác đi, tức là chúng ta đã tự lấy tay phải chém vào tay trái.
Rất mong lá thư này đến được với các bác,

Kính thư,
Phạm Hồng Sơn

Tb: xin trân trọng giới thiệu với các bác hai bài viết sau đây:
1. Sự khác nhau giữa Dân chủ và Tự do (http://www.talawas.org/?p=4903)
2. Sự trỗi dậy của các chế độ Dân chủ phi tự do (http://www.talawas.org/?p=357, http://www.talawas.org/?p=4956, http://www.talawas.org/?p=4964. )
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chuyện bảo hiểm y tế
Lữ Giang
14:40 31/03/2010
Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã xếp chương trình y tế của Mỹ vào hạng thứ 15 trên 19 quốc gia tiên tiến về khả năng chữa khỏi những bệnh hiểm nghèo. Canada được xếp hạng 7, còn Pháp đứng vào hạng đầu. Như vậy nền y tế của Mỹ còn có nhiều vấn đề phải cải tổ. Nhưng việc cải tổ rất căm go vì các thế lực tư bản đứng đàng sau muốn bảo vệ các quyền lợi của họ.

Hôm 23.3.2010, sau khi ký đạo luật cải tổ y tế, Tổng thống Obama đã tuyên bố:

“Ngày hôm nay, sau gần một thế kỷ thử nghiệm, sau một năm tranh cãi, chương trình cải cách bảo hiểm sức khỏe đã trở thành luật tại nước Mỹ”.

Chúng ta nhớ lại, trong một lá thư gởi cho một người bạn đề ngày 21.12.1933, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đã viết:

“Như bạn đã biết, thật sự vấn đề là một bộ phận tài chánh tại các trung tâm lớn đã làm chủ chính phủ Hoa Kỳ kể từ thời Tổng Thống Andrew Jackson."

Còn Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Felix Frankfurter tuyên bố:

“Những người thật sự cai trị ở Washington là vô hình, và thực thi quyền hành từ sau hậu trường.”

Những thế lực vô hình đứng đàng sau chính quyền Mỹ mà Tổng Thống Roosevelt và Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Frankfurter nói đến là những “siêu tổ chức” có quyền lực cao độ với những phương thức hoạt động hết sức tinh vi và táo bạo để bảo vệ và triển khai các quyền lợi của họ, có khi bất chấp quyền lợi quốc gia và an sinh của xã hội.

Không phải riêng tại nước Mỹ, ở Ấn Độ tình trạng còn tệ hơn. Hiến Pháp Ấn có hiệu lực kể từ ngày 26.1.1950 hủy bỏ chế độ đẳng cấp (castles) và hạng khốn cùng (untouchables) trong xã hội. Nhưng hiện nay vẫn còn có khoảng 360 triệu người thuộc giai cấp hạng thấp đang sống trong cảnh nghèo khó hay khốn cùng. Tài liệu kiểm tra cho biết số người có lợi tức dưới 2 USD một ngày chiếm 97,5% dân số Ấn, tức hơn 900 triệu người. Một tài liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết tại Ấn Độ hiện có khoảng 40 triệu công nhân, đa số là người Dalit, đang phải làm việc trong tình trạng như nô lệ để trả những món nợ do các thế hệ trước đã mắc! Các thành phần cấp cao muốn tiếp tục duy trì tình trạng này để bốc lột, nhưng chính phủ Ấn và LHQ không làm gì được.

Tại Hoa Kỳ, tính từ ngày lập quốc đến nay, đã có những sự thay đổi đáng kể theo thời gian nhờ truyền thống tôn trọng nhân bản của những người Mỹ gốc Âu Châu và những cách nhìn sáng suốt trước sự biến chuyển của tình hình đất nước và tình hình thế giới, nhưng các thế lực tư bản đứng đàng sau hậu trường vẫn còn nắm quyền quyết định nhiều chính sách của quốc gia với mục tiêu lý tài.

Sự phát triển của nhân loại và sự xuất hiện của chủ nghĩa cộng sản là những yếu tố chính đòi hỏi nước Mỹ phải giải quyết những vấn đề của đất nước này, trước tiên là vấn đề của người da đỏ và người nô lệ da đen gốc Phi Châu. Tiếp đến là số phận của những người nghèo. Cũng như ở Ấn Độ, việc giải quyết những vấn đề của người nghèo tại nước Mỹ đã đụng chạm rất lớn đến quyền lợi của khối đại tư bản, do đó sự phản kháng lúc nào cũng quyết liệt.

CUỘC CÁCH MẠNG CĂM GO

Hoa Kỳ có một hệ thống bảo hiểm y tế tư rất khắc nghiệt, đó là những doanh nghiệp có mục đích vụ lợi (for-profit organization), không quan tâm gì đến sức khỏe của toàn dân, nhất là những người nghèo. Họ chỉ muốn kiếm được càng nhiều lời càng tốt.

Phải đến năm 1935, sau nhiều cuộc đấu tranh căm go, ngày 14.8.1935 chính phủ Hoa Kỳ mới đưa ra được Đạo Luật An Sinh Xã Hội (Social Security Act), thiết lập một hệ thống phúc lợi dành cho những người cao niên. Cũng phải qua nhiều cuộc tranh cải căm go, đến ngày 30.7.1965 chính phủ mới ban hành được Các Tu Chính Án Luật An Sinh Xã Hội (Social Security Act Amendments) thiết lập hai chương trình MedicareMedicaid về bảo hiểm y tế cho những người trên 65 tuổi và những người nghèo.

Trong cuộc tranh cử năm 1992, ông Clinton đã đặt nặng chương trình cải tổ y tế như là một đề tài chính để tranh cử. Sau khi đắc cử, năm 1993, Tổng Thống Chinton đã đưa ra một kế hoạch cải tổ y tế, đòi hỏi mọi công dân Mỹ và thường trú nhân phải ghi danh vào một kế hoạch y tế. Chi phí khởi sự dành cho kế hoạch này từ năm 1993 là $13,5 tỷ sẽ tăng đến $38,3 tỷ vào năm 2003. Kế hoạch này đã bị nhóm tư bản tài chính Mỹ đánh bại qua chính đảng Dân Chủ vào tháng 9 năm 1994.

Mặc đầu đạo luật cải tổ y tế mà Tổng Thống Obama mới ban hành chưa có gì khả quan lắm nếu so với các chương trình y tế hiện nay tại các quốc gia tiên tiến khác như Canada, Pháp, Đức, Anh, Nhật hay Thụy Sĩ, nhưng nó cũng sẽ giải quyết được nhiều khó khăn về y tế mà nhiều người đang gặp phải.

Trước khi nhìn lại các mô thức y tế hiện đang áp dụng tại một số quốc gia tiên tiến và những khuyết điểm của chương trình y tế Mỹ được áp dụng trong một thế kỷ qua, chúng tôi xin tổng hợp những điểm chính của đạo luật cải tổ y tế mới được ban hành:

ĐẠI CƯƠNG VỀ NHỮNG CẢI TỔ

Mục tiêu chính của đạo luật “Affordable Health Care for America Act” là nhằm mở rộng việc bảo hiểm y tế cho thêm 32 triệu người ở Hoa Kỳ và cải tổ một số điểm quan trọng trong chương trình y tế của Hoa Kỳ hiện nay. Thời gian có hiệu lực đầy đủ của đạo luật kéo dài từ 2014 đến 2019, nhưng một số điều khoản của đạo luật sẽ có hiệu lực ngay, đại khái như sau:

1.- Các hãng bảo hiểm không được phép giới hạn số tiền trả cho việc chữa trị của khách hàng. Quy định này rất quan trọng đối với những người bị những bệnh hiểm nghèo như ung thư.

2.- Những người đã bị các hãng bảo hiểm y tế từ chối bán bảo hiểm do tình trạng bệnh hoạn sẵn có, được mua bảo hiểm tạm thời từ nay cho đến năm 2014 khi luật mới được thi hành đầy đủ. Một ngân khoản 5 tỷ USD sẽ được cung ứng cho dịch vụ này.

3.- Các hãng bảo hiểm y tề phải cung cấp bảo hiểm cho các thanh niên không còn lệ thuộc gia đình cho tới năm 28 tuổi. Quy định này sẽ giúp cho các sinh viên mới ra trường và những người còn tìm việc có bảo hiểm y tế.

4.- Mỗi người già được thêm $250 trả tiền mua thuốc bù vào khoảng trống mà Medicare Part D không chi trả. Trong tương lai, khi đã sử dụng số tiền được mua thuốc trong Medicare Part D ($2850), sẽ không còn phải trả 100% tiền túi như hiện nay mà sẽ được giảm dần cho đến năm 2020 chỉ còn phải trả 25%.

Kể từ năm 2014, những biện pháp sau đây sẽ được áp dụng:

1.- Hầu hết mọi người dân Mỹ phải mua bảo hiểm, nếu không sẽ bị phạt. Tiền phạt khởi đầu là 1% thu nhập cá nhân, tối thiểu là $95, sau đó đến năm 2016 sẽ tăng lên tới 2.5% thu nhập hoặc tối thiểu $695. Mức tiền phạt giới hạn cho cả gia đình là $2.085.

2.- Nếu không thể trả tiền mua bảo hiểm vì quá nghèo, thì có thể được hưởng Medicaid, một chương trình bảo hiểm sức khỏe của liên bang cho người nghèo. Chương trình này sẽ được mở rộng đáng kể từ năm 2014. Những gia đình nghèo được miễn giảm thuế, hoặc nếu gồm 4 người có thu nhập dưới $88.000 một năm, sẽ được tài trợ để mua bảo hiểm.

3.- Các tiểu thương, các công ty nhỏ được hưởng điều kiện dễ dãi và nhận trợ giúp trong việc mua bảo hiểm sức khỏe. Cơ sở dưới 50 người không bị phạt nếu không mua bảo hiểm cho nhân viên. Cơ sở dưới 25 người với mức lương dưới $50.000 được giảm thuế 35% chi phí đóng bảo hiểm năm nay và 50% năm 2014. Cơ sở trên 50 người không mua bảo hiểm cho nhân viên có thể bị phạt tới $2.000 cho mỗi nhân viên làm toàn thời gian.

Chương trình cải tổ y tế sẽ tốn khoảng $940 tỷ trong 10 năm. Tuy nhiên, chính phủ quyết định sẽ tăng tiền thuế của công ty lớn và những người có thu nhập cao, đồng thời giảm chi phí trong chương trình Medicare Advantage (không phải Medicare cho người già). Theo ước lượng của Văn phòng Ngân sách Quốc Hội, kế hoạch này sẽ giúp ngân quỹ liên bang tiết kiệm được $138 tỷ.

Dưới đây, xin mời đọc giả đọc bài “Tìm Hiểu về Cải Cách Y Tế ở Mỹ” của ông Trương Đình Trung. Bài này nói về các mô hình bảo hiểm trên thế giới và so sánh chương trình y tế của Mỹ với các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới như Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản và Canada. Chúng tôi chỉ xin trích lại những phần chính, vì bài báo có giới hạn.



CÁC MÔ HÌNH BẢO HIỂM Y TẾ TRÊN THẾ GIỚI


A.- Mô hình Bismarck: Đức, Nhật, Pháp, Thụy sĩ, v.v.: Giới cung cấp dịch vụ và người chi trả cho các dịch vụ y tế hoàn toàn là tư nhân, trên căn bản từ thiện, không kiếm lời (not for profit); với luật lệ chặt chẽ về dịch vụ và lệ phí. Mô hình này do cố Thủ tướng Von Bismarck của Đức đưa ra vào năm 1883, nằm trong nỗ lực thống nhất quốc gia, xây dựng một dân tộc khỏe mạnh làm nền tảng cho một đội lục quân tinh nhuệ. Trong mô hình này, chủ và thợ cùng chia nhau trách nhiệm về bảo hiểm y tế. Chính phủ đảm trách việc giúp chi phí y tế cho người nghèo; còn những người giàu có nhất được miễn khỏi mua bảo hiểm y tế.

B.- Mô hình Beveridge: Là mô hình của Anh quốc, theo đó Chính phủ cung cấp toàn bộ dịch vụ y tế cho người dân qua National Health Services. Có bệnh viện và bác sĩ tư, nhưng đa số còn lại nằm trong tay của chính quyền. Ý, Tây Ban Nha, Na Uy, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Hong Kong theo mẫu này. Mô hình này cung cấp bảo hiểm y tế phổ quát cho mọi người.

C.- Mô hình Bảo Hiểm Y tế Quốc gia: Dịch vụ y tế do khu vực tư nhân cung cấp, nhưng người trả phí tổn là chính phủ thông qua hãng bảo hiểm y tế do chính phủ kiểm soát. Chính phủ là người quyết định dịch vụ y tế nào nên được làm và thời gian chờ đợi. Canada, và ở mức độ nào đó, Đài Loan, Nam Hàn là những nước theo mô hình này.

D.- Mô hình trả tiền túi (out-of-pocket model): Đa số hơn 150 quốc gia trên thế giới không có hệ thống chi trả cho chi phí y tế. Bệnh nhân phải tự trang trãi cho các chi phí y tế bằng tiền túi của mình; không có những chương trình bảo hiểm do tư nhân hay chính phủ điều hành. Chẳng hạn, ở Campuchia, 91% chi phí y tế trong nước được trả bằng tiền túi; 85% ở Ấn Độ và 73% ở Ai Cập. Trong khi đó ở Anh, có chừng 3% và Mỹ có chừng 17% dịch vụ y tế được trả bằng tiền túi của bệnh nhân (từ hơn 47 triệu người không có bảo hiểm).

CƠ CẤU HỆ THỐNG BẢO HIỂM Y TẾ HIỆN NAY CỦA MỸ (trước khi cải tổ)

1.- Hệ thống y tế hiện nay của Mỹ là một hổn hợp của cả 4 mô hình nêu ở phần đầu:

A.- Đối với những người trên 65 tuổi thì Mỹ lại theo mô hình của Canada. Hệ thống Medicare, do chính phủ Liên bang điều hành, là một hệ thống bảo hiểm y tế phổ quát áp dụng cho mọi công dân trên 65 tuổi. Mỹ hoàn toàn sao chép chương trình này từ Canada, kể cả tên gọi, từ năm 1965. Chính phủ chi trả cho tất cả mọi chi phí y tế cho các thành viên của chương trình Medicare. Số người trên 65 tuổi chiếm khoảng 13%, tức chừng 40 triệu (con số năm 2007).

B.- Người Da đỏ, Quân nhân và Cựu chiến binh thì được hưởng bảo hiểm y tế theo mô hình Beveridge của Anh. Chính phủ Liên bang đảm nhiệm cả việc cung cấp dịch vụ y tế lẫn việc chi trả cho các dịch vụ đó. Các trạm xá và bệnh viện đều là của chính phủ Liên bang; các bác sĩ là nhân viên của chính phủ.

C.- Những người trong độ tuổi lao động lại thuộc về mô hình Bismarck. Các chủ nhân và các công ty cùng với công nhân, viên chức chia nhau chi phí mua bảo hiểm. Và công nhân trả thêm co-payment cho một số dịch vụ y tế. Các hãng bảo hiểm y tế hoàn toàn là tư nhân, là những tổ chức có mục đích kiếm lời (for profit entity). Nhóm này chiếm đại đa số dân chúng, đến khoảng 160 triệu người.

D.- Cuối cùng là những người không có bảo hiểm y tế. Thành phần này rơi vào mô hình trả tiền túi (out-of-pocket model) nói ở trên. Nghĩa là họ phải dùng tiền riêng của mình để trả cho toàn bộ những chi phí y tế do họ phát sinh. Hiện nay có chừng hơn 47 triệu người Mỹ thuộc vào mô hình này!

2.- Những vấn đề hiện nay của hệ thống y tế Mỹ

- Phẩm chất của nền y tế kém so với chi phí cao và gia tăng nhanh. Mỹ là nơi quy tụ các bác sĩ, chuyên gia y tế, y cụ và phương pháp điều trị tối tân vào bậc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, một cách tổng quát thì phẩm chất của nền y tế, xét theo các tiêu chuẩn quốc tế, lại không cao so với các quốc gia khác và so với mức chi phí. Có đến gần 47 triệu người không có bảo hiểm, khoảng 25 triệu với bảo hiểm giới hạn và hàng năm có đến cả trăm ngàn người chết chỉ vì lý do đơn giản là không có bảo hiểm để được gặp bác sĩ, được chẩn đoán và điều trị.

- Chi phí săn sóc y tế hàng năm của Mỹ cao hơn các nước khác; chẳng hạn gấp đôi Canada, chiếm đến gần 17% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Và mức chi phí y tế gia tăng quá nhanh; gần gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy một thập niên.

- Các hãng bảo hiểm khống chế thị trường, đẩy giá bảo hiểm lên cao khiến nhiều người không mua nổi. Có trường hợp hãng bảo hiểm từ chối bảo hiểm khi bệnh xảy ra cho những người đã có mầm bệnh, hoặc những chứng liên quan, trước khi mua bảo hiểm, nhưng không ghi trong hợp đồng bảo hiểm; tiếng Mỹ gọi là pre-existing conditions.

- Tất cả các hãng bảo hiểm ở Mỹ đều thuộc loại doanh nghiệp có mục đích kiếm lời, for-profit organization; lý do tồn tại của các hãng bảo hiểm là lợi nhuận, chứ không phải vì sức khoẻ của khách hàng. Quyền lợi kinh tế của hãng bảo hiểm và quyền lợi y tế của khách hàng luôn mâu thuẩn và tiêu trừ lẫn nhau. Một trong những thủ thuật thông thường của các hãng bảo hiểm là từ chối, hoặc trì hoản, chi trả phí tổn dịch vụ y tế cho khách hàng (deny or delay customer’s claim payments). Họ mướn những chuyên viên để lo việc này (gọi là các claim adjusters), hoặc thiết lập các hệ thống computer tối tân để tự động hoá việc từ chối chi trả. Họ cũng tưởng thưởng cho những nhân viên nào thực hiện được tốt những sự từ chối hoặc trì hoãn như vậy. Theo National Association of Insurance Commissioner thì chỉ riêng trong năm 2008 có đến hơn 195,000 khiếu nại của khách hàng về việc bị các hãng bảo hiểm từ chối chi trả dịch vụ y tế. Có trường hợp khách hàng đã chết rồi mà sự khiếu nại vẫn chưa giải quyết

- Ngoài ra còn có trường hợp huỷ bỏ hồi tố hợp đồng bảo hiểm (retroactive cancellations/ after-the-fact policy cancellations) nếu hãng bảo hiễm khám phá ra là khách hàng trước đó, khi ký hợp đồng bảo hiểm, đã cố ý hay vô tình không khai một chi tiết bệnh lý nào đó trong hồ sơ cá nhân của mình. Ngay cả những người vì không biết mà không khai cũng chịu sự chế tài đó. Và sự huỷ bỏ này có thể áp dụng cho cả gia đình dù chỉ một thành viên trong gia đình sai phạm. Chẳng hạn một phụ nữ ở Texas bị phát hiện có bướu trong vú. Ngay lúc đó hãng bảo hiểm điều tra và tìm ra là trước đó người phụ nữ này đã mắc chứng rỗng xương (osteoporosis) mà không khai khi lập hợp đồng bảo hiểm. Tuy rằng chẳng có mối liên hệ gì giữa hai căn bệnh, hãng bảo hiểm vẫn lấy lý do đó để huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm!

- Sự an toàn của các dịch vụ y tế là một vấn đề khác. Hàng năm có đến gần 100.000 người chết trong các bệnh viện gây ra do các nhầm lẫn có thể tránh được trong dịch vụ y tế (preventable medical errors), nhiều hơn thương vong do tai nạn xe cộ hay do bệnh AIDS! Vấn đề này dẩn đến việc giới cung cấp dịch vụ y tế: bác sĩ, dược sĩ, bệnh viện, v.v., phải trả bảo hiểm nghề nghiệp cao hơn nhiều lần so với đồng nghiệp ở các quốc gia khác. Nó cũng làm gia tăng các vụ kiện tụng giữa bệnh nhân và các bác sĩ. Tất cả những vấn đề này góp phần không nhỏ vào việc đẩy chi phí y tế nói chung lên cao rất nhanh; hơn gấp đôi chỉ trong một thập niên.

- Một thiếu sót khác liên quan đến vấn đề phòng bệnh (preventive care). Khác với các quốc gia tiên tiến khác, như Anh Quốc chẳng hạn, hệ thống y tế của Mỹ không chú ý đúng mức đến công tác phòng bệnh. Những bệnh trạng đứng đầu trong danh sách gây tử vong hàng năm như các chứng tim mạch, tiểu đường, ung thư phổi, ung thư vú, v.v., là những chứng bệnh có thể ngăn ngừa được với hiệu quả cao nếu như sự phòng bệnh được thực hiện chu đáo và người dân có bảo hiểm y tế đầy đủ. Sự thiếu chú trọng đến vấn đề phòng bệnh phản ảnh trong hiện tượng thiếu thốn bác sĩ gia đình. Một số ước tính trong năm 2008 cho thấy nước Mỹ thiếu đến 14.000 bác sĩ gia đình. Hiện nay bác sĩ tổng quát chỉ chiếm 35% tổng số bác sĩ; so với Anh Quốc là 60%. Thu nhập trung bình của một bác sĩ tổng quát là chừng 200.000 dollars/năm; của một bác sĩ giải phẩu chừng 350.000 dollars/năm. Tỉ lệ sinh viên y khoa chọn đi chuyên ngành rất cao so với số chọn đi toàn khoa. Học phí tại các trường Y khoa rất đắt, trung bình một sinh viên y khoa tốt nghiệp nợ từ 60.000 cho đến 100.000 dollars!

- Sự hạn định dịch vụ y tế (healthcare rationing): Một vấn đề khác trong bảo hiểm y tế ở Mỹ, ít được đề cập đến, là sự hạn định các dịch vụ y tế đối với bệnh nhân. Trước hết là sự giới hạn việc đi khám bác sĩ. Thông thường hãng bảo hiểm buộc bệnh nhân chỉ được đến khám ở những bác sĩ có tên trong một mạng nhất định (in network); hãng bảo hiểm sẽ không chi trả nếu người bệnh tự ý đi khám ở những bác sĩ ngoài mạng (out-of network). Việc phải trả co-payment hoặc deductible cũng là những hình thức buộc người bệnh phải tự hạn định mình trong việc đi khám bác sĩ hoặc chữa trị. Kế đến là hãng bảo hiểm từ chối không chi trả cho những sự chữa trị hoặc các dược liệu nào đó đối với bệnh nhân (như CT scan, làm răng giả, niền răng, chiropractice, thuốc mới…). Các bác sĩ chỉ có quyền đề nghị sự chữa trị hay các xét nghiệm; còn người quyết định cuối cùng trong mọi trường hợp, ngoài bệnh nhân ra, là hãng bảo hiểm với quyền chi trả của mình.

Ngay cả bảo hiểm của chính phủ, như Medicare hay Medicaid, cũng có sự hạn định nêu trên. Sự khác biệt là những hạn định của bảo hiểm chính phủ không vì mục đích kiếm lời, như của bảo hiểm tư nhân, mà thường là để dành một số dịch vụ nào đó cho những trường hợp cần thiết hơn.

(Hết trích bài của ông Trương Đình Trung)



VƯỢT QUA NHỮNG THỬ THÁCH


Trong bài diễn văn nhận chức hôm 20.1.2009, Tổng Thống Obama đã nói:

“Chúng ta hiện đang trong giữa cuộc khủng hoảng mà ai ai cũng biết. Đất nước chúng ta đang trong thời chiến, chống lại một mạng lưới bạo lực và thù hận rộng khắp, một phần là hậu quả của thái độ tham lam, vô trách nhiệm của một số người, nhưng cũng là hậu quả của việc chúng ta đã thất bại, không có những lựa chọn khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng cho đất nước trong kỷ nguyên mới.”

Mong ông can đảm vượt qua những thử thách đã thấy trước để đem nước Mỹ tới những ngày tươi sáng hơn.

Ngày 30.3.2010
 
Ngày của Bữa Tiệc Ly, một giả thuyết (IV)
Vũ Văn An
21:59 31/03/2010
IV. Khẳng định của các phúc âm gia

Jaubert cho rằng khả thể mà lịch của cô đưa ra để hòa giải Phúc Âm Gioan với các Phúc Âm Nhất Lãm đã củng cố các dấu mốc nơi các nguồn phụng vụ và giáo phụ trước đó, tức các nguồn cho thấy Bữa Tiệc Ly đã được cử hành vào tối Thứ Ba. Đây có lẽ là Bữa Vượt Qua theo lịch “tư tế” cổ xưa.

Nếu phải chọn một lời phê bình có thể phản bác một cách rộng rãi nhất quan điểm trên, thì có lẽ là lời này: “Bốn Phúc Âm đều nhất trí công bố rằng Bữa Tiệc Ly và việc Chúa bị bắt xẩy ra vào ngày vọng việc Đóng Đinh” (1). Ta cũng cần thận trọng trước khi quả quyết rằng các phúc âm gia muốn dạy ta điều đó như một điểm chắc chắn về thời biểu. Bởi vì hiển nhiên là các ngài không luôn luôn nhấn mạnh từng chi tiết trong một lời công bố. Trong khi có vị cho rằng có 2 người mù tại Giêricô, thì lại có vị cho là chỉ có 1 người. Có vị viết rằng người giầu có hỏi Chúa Giêsu là một thanh niên, nhưng vị khác lại viết rằng đó là một người lớn tuổi. Và về vấn đề thứ tự thời biểu của các sự việc xẩy ra, có vị cho là chúng xẩy ra tại chỗ này vào thời điểm này trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu, có vị lại cho là chúng xẩy ra tại một nơi khác, vào một thời điểm khác của cùng một thừa tác vụ ấy (2).

Cũng thế, trong trình thuật Khổ Nạn, trong khi Mátthêu và Máccô viết rằng lời Chúa tiên đoán Phêrô chối Thày xẩy ra trên đường tới Diệtsimani, thì Luca lại bảo nó xẩy ra trong Bữa Tiệc Ly. Luca thì cho rằng lời Chúa Giêsu nói về việc phục vụ và trổi vượt xẩy ra tại Bữa Tiệc Ly, trong khi Mátthêu và Máccô lại cho nó xẩy ra ở chỗ khác.

Ta sẽ hiểu sai ý định của các phúc âm gia nếu cứ nằng nặc đi tìm trong mỗi công bố như thế một điều gì tuyệt đối, một điều mà các vị hoàn toàn dựa vào, một điều mà ta phải tuyệt đối tin theo. Ngoài câu truyện Khổ Nạn, chắc chắn có những lời nói và sự việc được đặt chung với nhau vì có liên hệ với nhau về phương diện luận lý chứ không hẳn vì chúng xẩy ra theo thứ tự thời gian trước sau. Trong câu truyện Khổ Nạn, biến cố xức dầu thơm được đặt ở chỗ hiện nay không phải vì thời gian nó xẩy ra nhưng vì chỗ tốt nhất để lồng vào một câu của Chúa Giêsu nói về cái chết của Người là ở đầu câu truyện Khổ Nạn.

Khi những lời nói hay biến cố tương tự được nối kết với nhau, hay khi các đơn vị đã thành hình rồi được lồng vào trình thuật hiện hữu, chúng được nối với nhau bằng những cụm từ chuyển đoạn vốn được coi là các phương tiện hợp qui ước. Và ta biết rằng trong câu truyện Khổ Nạn, các phúc âm gia đã rút tỉa từ một trình thuật truyền thống vốn đã có hình thức cố định trong thời được lưu truyền bằng miệng, dù các cộng đồng khác nhau đã có những khác nhau về chi tiết trong trình thuật của mình (3). Họ đã chêm vào trình thuật ấy nhiều tư liệu họ biết được riêng rẽ từ những nguồn có sẵn của họ.

Khi tư liệu ấy liên quan đến một biến cố đặc thù, thì các chi tiết của nó có thể khác với các chi tiết của cùng một trình thuật ấy được kể ở nơi khác. Bởi thế, mới có sự dị biệt về chi tiết trong các trình thuật khác nhau về cùng một biến cố. Câu truyện Phêrô chối Thày là rõ ràng hơn cả. Truyền thống chắc chắn quả quyết Phêrô chối Thày 3 lần. Nhưng các chi tiết thì kinh qua diễn trình tiêu hao (attrition), từ hết cửa miệng này sang cửa miệng khác, suốt mấy thập niên trước khi được viết xuống thành các Phúc Âm. Nếu Thánh Luca rút tỉa tư liệu từ trình thuật truyền khẩu ấy, thì cái nhìn của ngài đã thành hình như vậy. Chúa Kitô bị chối ba lần, đúng như lời Người từng nói trước, bởi chính thủ lãnh các tông đồ. Ở đây, việc Người bị bỏ rơi thật là sâu thẳm, ở đây lời tiên tri quả đã thành sự thật, ở đây là cả một lời cảnh tỉnh nghiêm trọng đối với mọi người. Đấy mới là ý định trung tâm của ngài trong việc lồng tư liệu ấy vào.

Nhưng ngài biết rõ Thánh Máccô có những hoàn cảnh khác bao quanh cùng một sự kiện trung tâm ấy, và trừ khi chứng minh được là ngài thực sự muốn điều chỉnh Thánh Máccô, ta phải nghĩ rằng ngài không có tư liệu nào khác ngoài truyền thống bằng miệng mà ngài đã nhận được. Việc ngài sử dụng truyền thống bằng miệng kia, hay một tư liệu bằng chữ viết nào đó, đem lại cho các hoàn cảnh về thời gian và không gian không nhiều giá trị hơn là chúng đã có trước, và Thánh Luca, vốn là một sử gia, hẳn phải quen thuộc với các bất tiện của truyền thống bằng miệng trong các vấn đề nhỏ mọn đó. Ngài cũng biết rằng một khi đưa ra dịch bản có sẵn đối với ngài, một người nào đó hẳn sẽ thấy ngài không quá nhấn mạnh tới các chi tiết về nơi chốn vì Thánh Máccô có những chi tiết khác. Ngài cũng biết rõ rằng điều ngài có ý định, hay điều được các cộng đoàn tiên khởi có ý định nhấn mạnh về Chúa Kitô, về Thánh Phêrô và về sự yếu đuối nhân bản sẽ phát sinh một cách hết sức rõ ràng từ cả hai trình thuật, bất luận là ngài chối lần thứ hai với người đầy tớ nào.

Cho dù cả 4 phúc âm gia có nhất trí với nhau về những hoàn cảnh như thế đi chăng nữa thì điều ấy không nhất thiết có nghĩa là họ muốn khẳng định chúng như các chân lý lịch sử. Sự nhất trí của 3 Phúc Âm Nhất Lãm về một sự kiện nào đó chỉ có nghĩa các vị rút tỉa tư liệu từ cùng một nguồn như nhau… Thành thử khi chúng tôi nói các ngài “nhất trí công bố”, chúng tôi chỉ muốn hàm ý rằng mình có được dấu chỉ rõ ràng là các ngài có ý nhấn mạnh tới những hoàn cảnh đặc thù về thời gian và không gian. Một hàm ý như thế không hẳn lúc nào cũng được biện minh.

Do đó, nói rằng giả thuyết của Jaubert “trái với việc giải thích cách hiển nhiên các Phúc Âm” (4) là điều không đủ. Nhất là trong các chi tiết mà không lời giải thích nào đã được lên qui điển chỉ vì hiển nhiên.

Đồng thời, ta cần một dấu mốc tích cực nào đó để vượt ra ngoài giả thuyết. Trong trường hợp hiện nay, ta đang có một dấu mốc trong các dấu mốc kình chống nhau về ngày Bữa Tiệc Ly xẩy ra. Ở đây, lời “nhất trí công bố” của 3 Phúc Âm Nhất Lãm kình chống với lời công bố của Phúc Âm Gioan. Bởi thế, ta buộc phải so sánh các Phúc Âm khác nhau, xét xem các hoàn cảnh về thời gian đã được gán cách gần gũi ra sao vào câu truyện, liệu chúng nói lên một sắp xếp giả tạo hay một truyền thống lịch sử (5). Ta cũng buộc phải khảo sát luật lệ Mishna của Thượng Hội Đồng, vì nếu chứng tỏ được rằng người ta có áp dụng luật này trong phiên xử Chúa Kitô thì ít nhất ta cũng biết chắc là có khoảng cách một ngày giữa phiên tòa và bản án. Việc phê phán thực sự hay hợp lịch sử sẽ đem lại cho ta một căn bản vững chắc để tái tạo thời biểu, giúp ta gom lại với nhau trình tự xẩy ra các biến cố theo một thứ tự thời biểu từ những tín liệu rời rạc của các Phúc Âm.

Giữa hai ngành phê bình, phê bình văn chương và phê bình thực sự hay hợp lịch sử, ngành sau giúp ta chống lại Jaubert mạnh mẽ nhất. Ngành phê bình hoàn toàn chỉ dựa vào văn bản xem ra khó mà loại được giả thuyết của cô.

Trình thuật Nhất Lãm về Bữa Tiệc Ly (6)

Các trình thuật Nhất Lãm về Bữa Tiệc Ly gồm một loạt các lời Chúa Giêsu nói. Người cho thấy sự hiện diện của một tên phản bội, phán lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể, tiên đoán Phêrô chối Thày, sửa sai các hiểu lầm của các Tông Đồ về lời Người nói liên quan tới những hoàn cảnh khác nhau cần có túi tiền và gươm giáo. Các trình thuật này không hoàn toàn y hệt như nhau về thứ tự, cũng như về chính lời nói được ghi lại. Trong Mátthêu và Máccô, tên phản bội được nhắc đến trước lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể, nhưng trong Luca, nó lại ở sau lời ấy. Việc tiên đoán Phêrô chối Thày được Luca đặt trong Bữa Tiệc Ly, nhưng Mátthêu và Máccô lại đặt nó trên đường tới Diệtsimani. Luca có những lời Chúa nói không được Mátthêu và Máccô ghi lại (7). Các lời Chúa nói về quyền tối thượng và việc phục vụ được Luca đặt trong Bữa Tiệc Ly, nhưng được Mátthêu và Máccô đặt ở một ngữ cảnh khác (8). Ta có thể thắc mắc không hiểu có phải lời Chúa nói về việc phục vụ có đặt đúng chỗ trong Bữa Tiệc Ly hay không, dù trong việc này, truyền thống Luca được truyền thống Gioan tham gia (9). Rõ ràng là có việc sắp xếp tư liệu sẵn có và truyền thống không làm công việc nối kết về phương diện thứ tự liên tiếp các lời nói khác nhau.

Một số lời chung quanh các lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể cho thấy sự biết trước đầy tính tiên tri của Chúa Kitô. Chúng là những lời đầy đủ (self-contained), mỗi đơn vị ghi lại một lời đáng ghi nhớ của Chúa với đầy đủ hậu cảnh để giải thích nó. Những lời này được nối kết với nhau bằng những cụm liên từ có sắp xếp, vốn được coi là các phương tiện đơn giản để lồng các tư liệu không do chính các phúc âm gia soạn thảo nhưng đã được truyền lại cho họ từ các nguồn viết hay truyền miệng (10).

Các lời ấy phát xuất từ nhiều truyền thống khác nhau. Các lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể là do truyền thống phụng vụ. Cả ở đây, ta cũng phải đối diện với việc phân tích văn chương trước khi xác định có bao nhiêu truyền thống rõ rệt hiện diện trong 4 trình thuật song song về các lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong Nhất Lãm và trong Thánh Phaolô (vốn được coi là gần gũi nhất với chính lời của Chúa Kitô). Trong trình thuật Nhất Lãm, ta không được kể lại theo hoàn cảnh các biến cố như chúng xẩy ra, nhưng là một loạt các lời nói có ý nghĩa.

Đối với trình thuật vốn bao gồm nhiều đơn vị riêng rẽ từ khởi đầu này, ta có một đơn vị khác làm dẫn nhập, tức việc chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Cả đoạn này cũng nhấn mạnh tới sự biết trước đầy tính tiên tri của Chúa Kitô và ta có quyền coi nó như biệt lập với những lời được nó dẫn nhập (11).

Nó là thành phần của một nhóm lời nói mô tả sự biết trước đầy tính tiên tri của Chúa Kitô. Cùng với lời tiên đoán về sự phản bội của Giuđa, việc trốn chạy của các tông đồ, việc chối Thày của Phêrô, và sau đó lời cầu nguyện của Chúa Kitô tại Diệtsimani, nó cho thấy rõ Chúa Kitô biết trước số phận đang chờ đợi Người, Người đang đi tới cái chết tự nguyện. Giữa một ngữ cảnh như thế, giá trị tiên tri trong các lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể đã được nhấn mạnh.

Có lý do nào khác cho việc chêm nó vào chỗ này không? Vì chính trong biến cố này, ta có được đặc điểm định ngày của các Phúc Âm Nhất Lãm. Chỉ ở phần này, Bữa Tiệc Ly mới là Bữa Vượt Qua, với đủ cả đầu đuôi.Tình tiết này được nối kết với Bữa Tiệc Ly bằng cụm từ chuyển đoạn: “chiều đến” nguyên tuyền nối nó với một câu truyện hoàn toàn độc lập với nó. Nó được dẫn nhập bằng chi tiết: “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua”. Đây có phải là một hồi ức dứt khoát có tính lịch sử hay không? hay chỉ là một diễn trình soạn thảo, để mô tả bữa ăn tối được nó dẫn nhập là bữa Vượt Qua? Cả hai đều có thể. Biết bữa ăn như Bữa Vượt Qua có thể dẫn tới việc thêm vào đó yếu tố thời gian. Ấy thế nhưng, nếu Thánh Gioan đúng, thì đặc tính Vượt Qua của bữa ăn hẳn phải vì một điều gì khác. Có thể vì ý muốn của Chúa Kitô, thiết lập Phép Thánh Thể như một nghi thức Vượt Qua dù nó được cử hành trước Lễ Vượt Qua. Trong trường hợp này, truyền thống mà Nhất Lãm dựa vào, một truyền thống đúng khi diễn tả Bữa Tiệc Ly như Bữa Vượt Qua, đã lầm về ngày định cho nó. Vì nó được biết như là Bữa Vượt Qua, nên nó đã được định ngày như thế (12). Tính thần học của nó vẫn có giá trị, vì đây là novum Pascha novi Regis (Lễ Vượt Qua Mới Của Vua Mới), dù ngày không đúng.

Nhưng tự nó, lối giải thích của Jaubert xem ra cũng hợp lý như điều trên. Cô nghĩ rằng khi truyền thống khởi đầu được bứng khỏi môi trường Palestine, các chi tiết về thời gian của nó được thêm vào bởi những người không biết gì tới một lễ Vượt Qua nào khác ngoài Lễ Vượt Qua hợp luật trong khi thực sự có một Lễ Vượt Qua được cử hành theo lịch mà họ không biết. Đó là truyền thống được Phúc Âm Máccô tiếp nhận và được hai Phúc Âm Nhất Lãm khác bước theo chân (13).

Nhưng chi tiết thời biểu ấy khiến Phúc Âm Máccô gặp khó khăn. Vì các tư tế sau khi quyết định không xử tử Chúa Giêsu vào ngày lễ, cuối cùng lại làm đúng điều đó. Rất có thể Thánh Luca sử gia đã thấy điều đó và tránh được khó khăn này (14).

Trước Thượng Hội Đồng (15)

Luca, một lần nữa, lại tách khỏi Mátthêu và Máccô. Trong khi hai vị nhắc đến hai phiên họp của Thượng Hội Đồng, một ban đêm, một ban sáng (16), thì Luca chỉ nhắc tới phiên họp buổi sáng (17), mặc dù Chúa Giêsu đã bị dẫn từ vườn tới nhà thượng tế, nơi xẩy ra việc Phêrô chối Thày 3 lần trong đêm.

Như thế có tất cả mấy phiên họp? Các nhà chú giải chia rẽ nhau về điểm này. Có phải Luca có nhiều tín liệu chính xác mà Mátthêu và Máccô không có? (18). Phải chăng Luca đề cập tới giai đoạn chót của một cuộc xử án được hai vị kia nói tới? (19) Hay có hai phiên họp riêng biệt?(20)Việc Mátthêu và Máccô cho phiên họp ban đêm có thể giải thích được nhờ việc các ngài đặt việc xử án bên trong câu truyện Phêrô chối Thày, việc mà Luca tách riêng ra. Vấn đề không được giải quyết hoàn toàn trên cơ sở văn chương. Ta vẫn còn phải giải quyết hai phiên toà của Thượng Hội Đồng vào Thứ Tư và vào Thứ Năm do Jaubert đặt ra.

Giờ giấc của các Phúc Âm (21).

Phải nhận rằng giờ giấc trong Phúc Âm Máccô thật khó mà đứng vững. Sau việc bắt giữ Chúa Giêsu, Phúc Âm này nói đến rạng đông, giờ thứ ba, giờ thứ sáu và giờ thứ chín (22). Trước giờ thứ ba, khoảng 9 giờ sáng, đã xẩy ra phiên tòa của Thượng Hội Đồng, cuộc xuất hiện trước mặt Philatô, cuộc xỉ vả và lên đường vác thánh giá. Nếu thêm trình thuật của Luca về cuộc xuất hiện trước mặt Hêrốt nữa thì khó khăn lại càng gia tăng. Có lẽ Thánh Luca hiểu điều đó, nên ngài đã bỏ việc Thánh Máccô nhắc đến giờ thứ ba. Việc Thánh Máccô phân chia các biến cố rất có thể chỉ có tính giản đồ (schematic), tự ý đặt định giờ giấc cho một câu truyện nguyên thủy ít chính xác hơn nhiều, có lẽ vì các giờ thứ ba, thứ sáu và thứ chín được truyền thống coi là những giờ để cầu nguyện (23).

Giờ giấc của Thánh Gioan ít chi tiết hơn thế. Ngài chỉ nhắc tới các giờ Chúa Kitô bị người Do Thái bác bỏ, đó là giờ thứ sáu của ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Điểm nhấn ở đây có tính thần học. Chúa Kitô bị bác bỏ đúng vào lúc người ta loại men cũ trong lúc chuẩn bị lễ Vượt Qua, hay vào giờ sát tế chiên Vượt Qua trong Đền Thờ. Còn thủ tục ấy khởi sự vào ngày trước Lễ Vượt Qua hay không thì còn tùy người ta hiểu cụm từ “Trước Lễ Vượt Qua” của Thánh Gioan ra sao. Nói chung, người ta vẫn hiểu cụm từ ấy có nghĩa: bữa Vượt Qua được ăn vào buổi tối hôm trước. Nếu hiểu theo một nghĩa tổng quát hơn một chút, nó dám còn được ăn sớm hơn nữa trong tuần. Thánh Gioan, khi thuật lại bữa tối, cảnh phiền muộn (agony), cuộc xuất hiện trước Caipha, nhưng không nhắc chi tới các phiên xử tại Thượng Hội Đồng, đã lập tức chuyển sang cảnh xuất hiện trước Philatô bằng cụm từ chuyển đoạn “lúc đó trời vừa sáng”, một cụm từ cho thấy có một khoảng thòi gian trống (24).

Thành thử ra, nguyên một việc phê bình văn chương không đủ để bác bỏ cách giải thích của Jaubert. Chỉ vì các bản văn Phúc Âm có thể được giải thích có lợi cho giả thuyết của cô, chứ không chống lại giả thuyết ấy.

Phê bình thực sự hay phê bình lịch sử

Nhưng nếu nó không bị đánh bại bằng việc xem sét bản văn Phúc Âm, thì quả nó khá lung lay khi ta đặt nghi vấn về khả thể của nó. Căn cứ vào những điều ta biết chắc và biết rõ về Chúa Kitô, liệu có thể có khả năng Người theo phái Essene mà sử dụng một lịch xưa để cử hành Bữa Vượt Qua vào một ngày khác với lịch Đền Thờ chăng? (25).

Căn cứ vào thái độ rõ rệt của Chúa Kitô đối với Đền Thờ và việc thờ phượng của nó, đối với thẩm quyền hiến định, tức thẩm quyền tư tế và biệt phái, việc sử dụng ấy hết sức xa lạ. Đã đành Chúa Kitô vốn cực lực lên án các luật sĩ và biệt phái vì “những truyền thống hư danh” của họ, vì giáo huấn của họ liên quan tới ngày sabát, tục dâng cúng (korban), ăn chay, cúng dường 10 phần trăm (tithing) và rửa ráy theo nghi lễ, nhưng Người vẫn nhìn nhận thẩm quyền của họ một cách rõ rệt (26). Ngay ở phần đầu những lời kết án nhắm vào các luật sĩ và biệt phái trong Phúc Âm Mátthêu, vẫn có việc nhìn nhận thẩm quyền thực sự của họ: họ nắm giữ ngai tòa Môsê (27).

Ở đây, ta không thấy một dấu vết nào về một thái độ đối với những người ủng hộ lịch hợp luật để gợi ý rằng Chúa Kitô từng theo lịch tư tế hay lịch Essene chứ không theo lịch hợp luật. Phái Essene của Qumran nổi tiếng vì một thái độ khác hẳn đối với chức tư tế của Đền Thờ. Họ nổi tiếng vì đã rút chân ra khỏi việc thờ phượng của Đền Thờ (28). Họ không nhìn nhận tính hợp pháp của chức tư tế Đền Thờ và coi các hy lễ Đền Thờ như bất hợp pháp. Một trong các yếu tố tạo ra thái độ ấy rất có thể vì lịch được họ coi là thánh thiêng đã bị Đền Thờ bác bỏ (29).

Bất chấp sự gần gũi nào được chứng tỏ là hiện hữu giữa các Kitô hữu tiên khởi và cộng đồng Qumran (30), không hề có một dấu vết nào cho thấy thái độ như thế đối với các tư tế và Đền Thờ nói chung trong tác phong của Chúa Kitô. Thay vì bác bỏ tính hợp pháp và hợp luật trong các hy lễ của họ, Người đã sai người phong hủi tới xin các tư tế dâng hy lễ (31). Cùng với các môn đệ, Người được tường trình như người tuân giữ các ngày lễ khác của Do Thái đúng theo lịch Do Thái chính thống, đi hành hương Giêrusalem vào những thời điểm được Luật qui định (32). Và trong khi một đàng, Chúa Giêsu và các Tông Đồ cử hành Lễ Cung Hiến Đền Thờ (Encaenia), là lễ không được tài liệu Essene nào nhắc tới, thì đàng khác, trong Phúc Âm không có lời nào nhắc tới những ngày lễ đặc biệt của Essene (33).

Nếu Bữa Tiệc Ly là Bữa Vượt Qua, thì chiên Vượt Qua được giết ở đâu và vào lúc nào? Chắc chắn không ở trong Đền Thờ, vào một ngày bị các tư tế coi là không hợp luật. Nhưng ta không thấy dấu chỉ nào là con chiên ấy được giết tại tư gia vào thời ấy, tại Giêrusalem lại càng không.

Sau cùng, về khả thể việc xử án Chúa Giêsu đã được tiến hành theo qui định của Mishna, thì chí ít cũng có thể nói rằng dùng nó làm căn bản hay để ủng hộ một giả thuyết như giả thuyết của Jaubert là điều thiếu khôn ngoan. Truyền thống lâu đời nhất được hệ thống hóa trong thủ bản của Thượng Hội Đồng thường được gán cho giáo sĩ Meir khoảng giữa thế kỷ thứ hai. Mô tả của ông này bị hoài nghi là không đại diện cho quan điểm của các luật sĩ và khó có thể dựa vào ký ức của những người hiện sống để tìm lại các thực hành của Thượng Hội Đồng trước đại biến năm 70 Công Nguyên. Trong thủ bản của Thượng Hội Đồng, người ta tìm thấy khuynh hướng lý tưởng hóa, và tính nhân đạo hơn của nó hệ ở việc điều chỉnh một hệ thống quá khắc nghiệt nhờ ảnh hưởng tiệm tiến của phe biệt phái. Nhưng người ta không thể chứng minh được rằng ảnh hưởng kia tác động lên thủ tục luật pháp vào thời Chúa Kitô.

Một tác giả Công Giáo, khi kết luận một cuộc nghiên cứu bộ hình luật Mishna, đã viết rằng: “Theo bộ hình luật được mô tả trong Mishna, mọi sự từ trước đến nay bị tấn công là bất hợp pháp trong việc xét xử Chúa Giêsu đều hoàn toàn phù hợp với bộ hình luật đang có hiệu lực hồi ấy. Nó vốn là bộ luật của phái Xa-đốc, và không biết gì hay không nhìn nhận các yếu tố biệt phái, nhân đạo nào của luật Mishna nếu không dựa trên Cựu Ước” (34).

Kết luận

Lịch ‘tư tế’ được một giới hạn chế sử dụng trong và sau thời Chúa Giêsu. Không ai chứng minh được là nó đã được Chúa Giêsu sử dụng vào bất cứ thời điểm nào. Nếu ta có đủ dấu mốc từ các nguồn bên ngoài Phúc Âm để chứng minh khả thể nó từng được sử dụng thì nó vẫn có thể được hòa giải với các dữ kiện thời biểu trong Phúc Âm. Mọi tín liệu ta có trong Phúc Âm đều chỉ về hướng đối nghịch.

Giả thuyết của Jaubert cho thấy một sự liên tục trong thực hành phụng vụ từng lên khuôn cho các trang Cựu Ước, qua văn chương ngoại thư, tài liệu Qumran, và sau cùng là các giáo phụ. Bằng thí dụ cụ thể, nó cho ta thấy giá trị chân thực cũng như các hạn chế của tài liệu Qumran. Quan trọng hơn cả, nó đã buộc ta phải khảo sát việc hình thành của các Phúc Âm và quan tâm hàng đầu của các soạn giả bộ sách này. Một số hạnh có giá trị về cuộc đời Chúa Giêsu đã giúp ta có thói quen đi tìm các hoàn cảnh chính xác về thời gian, nơi chốn và con người. Không một Kitô hữu nào lại chỉ trích, lên án một công trình tìm tòi có giá trị nhằm đem lại một hình ảnh sống động về Con Thiên Chúa trong mọi thực tại nhân bản của cuộc sống hàng ngày nơi Người. Nhưng chúng ta cần phải chấp nhận những gì các phúc âm gia truyền lại và nên hiểu rõ rằng các ngài không nhằm viết lại cho ta một cuốn sách về những giờ phút khổ nạn của Chúa Giêsu. Đối với các ngài, Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô không phải là vấn đề tìm tòi thời biểu nhưng là một thảm kịch trong đó nhằm trình bày các kế sách khôn dò của Thiên Chúa trong mầu nhiệm “Chúa Kitô chịu đóng đinh, một gương mù xấu hổ đối với người Do Thái, một điên khùng đối với Dân Ngoại, nhưng với chúng tôi, những người được kêu gọi, bất kể là Do Thái hay Dân Ngoại, Chúa Kitô là sức mạnh của Thiên Chúa, Chúa Kitô là sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.

Ghi chú

(1) T.A. Burkill, Numen, 3 (1956). Chúng tôi cũng chỉ vừa được đọc bài tóm tắt lời phê bình của ông trong Theology Digest, số Xuân, 1958, tr.102. Trong bài báo gốc, chắc chắn nó đã được khai triển dài rộng.

(2) Một vài thí dụ có thể đọc trong một bài báo của Australasian Catholic Record năm 1959, tr.205.

(3) Xem V. Taylor, The Formation of the Gospel Tradition, tr.50. Trong The Gospel According to St Mark, ông cho rằng Thánh Máccô tìm thấy một trình thuật Khổ Nạn hiện dụng tại Rôma và khai triển trình thuật này với việc trợ lực của truyền thống Phêrô, tr.658.

(4) J. Leal, S.J., Estudios Ecclesiasticos, 31 (1957), 173-188, như đã được tóm lược trong Theology Digest. Một tóm lược dài hơn trong New Testament Abstracts, số Mùa Đông, 1958, tr.109, cho ta thấy nhiều điểm phê bình rất chi tiết.

(5) Xem Taylor, về đoạn Mc 14:1f: “Một vấn đề cần xem sét là ngày này dựa vào truyền thống lịch sử hay do một kế sách giả tạo, minh giải từ câu 11:1 trở đi, để đem các biến cố Khổ Nạn vào khuôn khổ một tuần lễ”.

(6) Xem “Ceci est mon corps”, “Ceci est mon sang” của J. Dupont, O.S.B., trong Nouvelle Revue Théologique, LXXX, (1958), 1025-1041. Giống phần lớn các tác giả Công Giáo từng viết về Bữa Tiệc Ly, ông dựa vào bài báo của P. Benoit, O.P., Le récit de la cène dans Luc XXII: 15-20. Étude de critique textuelle et littéraire, trong Revue Biblique, XLVIII (1939), 357-393. Từ đó, trình thuật Luca được khảo sát tỉ mỉ bởi Heinz Schurmann trong bộ sách ba cuốn, Der Paschmahlbericht: Lk 22 (7-14) 15-18, Munster 1953; Der Einsetzungsbericht: Lk 22:19, 20, Munster, 1955; Jesu Abschiedsrede: Lk 22:21-38, Munster, 1957.

(7) Lc 22:15f, 35-38

(8) Xem Lc 22:24-27 với Mt 20:25-28 và Mc 10:42-45.

(9) Xem Ga 13:4,5,12-14

(10) Xem Mc 14:18, 22, “Và trong khi họ đang ngồi bàn và ăn uống”, “Và trong khi họ đang ăn uống”. Dupont, 1028.

(11) Xem Delorme, l’Ami du Clergé, 1957, 230 và Joachim Jeremias, The Eucharistic Words of Jesus, Oxford, 1955, tr.64.

(12) Đây là lối giải thích của P. Benoit trong Revue Biblique, LXV (1959), 593. Cũng nên xem Bible de Jérusalem, ghi chú về Mt 26:17.

(13) Lối giải thích này có thể hỗ trợ được bằng gợi ý của Jeremias rằng Mc 14:12, “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua” hoặc là “cách dịch sai hoặc cách phát biểu thiếu sót của một tác giả không phải là Do Thái”, sách đã dẫn, tr.65.

(14) Xem Mc 14:2 với Lc 22:2.

(15) Xem Joseph Blinzler, The Trial of Jesus, Westminster, Maryland, 1959, nhất là Excursus IV, Luke’s Account of the Proceedings Before the Sanhedrin, 115-117.

(16) Mc 14:53-64; Mt 26:57-66

(17) Lc 22:66

(18) Benoit, Jésus Devant le Sanhédrin, Angelicum, XX (1943), 158-160.

(19) Blinzler, sách đã dẫn.

(20) Leal, N.T.A., 109

(21) Delorme, sách đã dẫn 232

(22) Mc 15:1, 25, 33, 42.

(23) Gợi ý là của Delorme. Xem Cv 2:1, 15; 10:9; 3:1.

(24) Delorme, sách đã dẫn, tr. 233

(25) Xem J.T. Milik, Ten Years of Discovery in the Wilderness of Judea, London, 1959, 112f; Benoit, Revue Biblique, LXV (1958), 593f.

(26) V. Taylor, Jesus and His Sacrifice, London, 1955, 71f.

(27) Mt 23:2.

(28) Millar Burrows, More Light on the Dead Sea Scrolls, London, 1958, p.258.

(29) Milik, sách đã dẫn, 82-111.

(30) Phần lớn các sách nói về Qumran đề cập đến những tương đồng này, mặc dù không phải tất cả đều có giá trị lâu dài. Những sách khá nhất cho tới nay là của Milik, khá đáng lưu ý vì một phương diện khác đó là việc có Imprimatur và Nihil Obstat ở các trang đầu, Burrows và Frank Moore Cros, Jr., The Ancient Library of Qumran and Modern Biblical Studies, New York, 1958. J.P. Audet, O.P., gần đây đã thấy ảnh hưởng của lịch ‘tư tế’ trong một chú thích lạ về câu Lc 6:1, “In sabbato deutero-proto”. Xem E. Vogt, S.J., trong Biblica, 40 (1959), 102-105.

(31) Xem Lc 17:14 với Lv 14:10; Mt 5:23ff.

(32) Nhất là trong Gioan như 2:13; 5:1; 6:4; 7:2, 10; 10:22.

(33) Milik cho rằng điều này làm giả thuyết của Jaubert trở thành bất khả thể. Xem tài liệu đã dẫn, 113.

(34) Blinzler, đã dẫn, Excursus VI “On the Question of Whether the Mishnic Code Was in Operation in the Time of Jesus” 149-156.

Viết theo Jerome Crowe C.P., The Australasian Catholic Record, Vol.XXXVII, April 1960, no.2
 
Văn Hóa
Mồng 1 tháng 4: Các Tháng Tư
Lm Giacôbê Tạ Chúc
07:51 31/03/2010
NGÀY QUỐC TẾ MỒNG 1 THÁNG 4: Cá Tháng Tư

Có nhiều ngày mà thế giới hoặc ở các Quốc gia cùng lấy chung để đánh dấu hoặc làm một cột mốc quan trọng cho sự phát triển của cộng đồng:Quốc tế thiếu nhi, Quốc tế phụ nữ, Quốc tế giới trẻ, Quốc tế chống hút thuốc lá…Nhiều và rất nhiều những ngày quốc tế mà nhân loại kỷ niệm. Thế nhưng có một ngày quốc tế vô cùng lạ lùng đó là ngày: “ Quốc tế nói dối”.

Lich sử của ngày nói dối

Chẳng nhớ tự bao giờ người ta gọi ngày 1/4 hàng năm là ngày Cá Tháng Tư. Một số người cho rằng Cá Tháng Tư là tên gọi một trò chơi mà trong đó người thắng cuộc là người có thể lừa được người khác tin vào một điều gì đấy. Cũng có người tin rằng Cá Tháng Tư có liên quan đến lễ hội Hilaria (25/3) ở thành Roma cổ hoặc lễ hội Holi (31/3) ở Ấn Độ. Thuyết khác cho rằng sự đánh lừa này là từ thiên nhiên bởi tháng Tư là tháng chuyển mùa, thời tiết thay đổi. Thậm chí một số người vui tính còn bảo lịch sử ngày Cá Tháng Tư bắt nguồn từ những câu chuyện về bác Ba Phi, nhân vật dân gian miền đồng bằng Nam bộ.

Ở Pháp, những người bị lừa vào ngày 1/4 sẽ bị gọi là "poisson d'Avril" tức con cá trong tháng Tư. Ở Scotland, họ bị gọi là "cuckoo". Tây Ban Nha có một lễ hội gọi là "Dia de los Santos Innocentes" tổ chức vào ngày 28/12 cũng tương tự như ngày 1/4 vậy. Song, dù đã truy tìm hết thế giới trực tuyến thì câu trả lời vẫn là: Không biết. Không ai biết ngày Cá Tháng Tư có tự bao giờ, cũng không thể giải thích vì sao gọi là cá. Đành chấp nhận rằng ngày 1/4 hàng năm là ngày Cá Tháng Tư - FoolDay hoặc FishDay. Và, nếu đã chấp nhận tên gọi ấy, ta cũng đồng thời phải chấp nhận thêm một việc: Mọi người có quyền nói dối trong ngày này mà nạn nhân không thể dỗi hờn hay trách móc.

Một ngày nói dối

Như vậy chỉ trong một ngày, người ta có thể nói sai sự thật, nhưng mục đích cũng là vui đùa, không gây hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân của mình. Còn lại những ngày khác, người ta phải nói thật và phải tôn trọng sự thật, vì đây là điều quan trọng trong cuộc sống. Cha ông ngày xưa đã dạy: “Một lần thất tín, vạn lần thất kinh”. Có một anh chàng nọ, tính tình thích vui đùa, một ngày kia, anh cao hứng và hô hoán lên nhà bị cháy. Dân làng kéo nhau đến để cứu chữa, thế nhưng chẳng có nhà cháy gì cả. Chỉ thấy anh cười vui vẻ. Sau rất nhiều lần như vậy, làng xóm thấy mình bị đánh lừa. Thế rồi một hôm nhà anh cháy thật. Cũng như mọi khi, anh hét toáng lên và kêu cứu. Nhưng thương cho anh chàng hay đùa kia, bà con lối xóm cứ tưởng anh ta đùa, nên không ai thèm đến.

Ngày Cá tháng Tư chỉ là một ngày vui. Đó không phải là một lễ hội để công chức được nghỉ làm và trẻ em không phải đến trường. Chỉ là một ngày vui nho nhỏ, nhưng ai cũng cần “đề cao cảnh giác” kẻo lại trở thành “con cá ngớ ngẩn” của ngày này.

Cuộc sống ngày hôm nay, có quá nhiều cái giả: hàng giả, bằng cấp giả, bằng thật học giả, thuốc giả, kết hôn giả, người giả(búp bê)…Xem chừng ngày cá tháng tư đang bị lạm dụng một cách vô tội vạ chăng.
 
Đường Thánh Giá với Madalena
Cao Danh Viện
17:47 31/03/2010
Con không được phúc theo Thầy

Vào trong vườn vắng trăng gầy ô liu

Con còn ngây ngất men yêu

Vì hương tình ái của chiều thứ tha

Khuya nay vẳng tiếng thét la

Giật mình chợt thấy Thầy ra nộp mình

Một vòng quân dữ hãi kinh

Thầy đi mang gánh tội tình vì con

*

Chặng thứ nhất

Phủ phàng những tiếng vu oan

Tiếng con lạc lõng trong ngàn tiếng la

Tội con gian dối điêu ngoa

Đã thành bản án xấu xa nhục hình

Chặng thứ hai

Lê chân từ chốn pháp đình

Vai mang thập giá, thân mình nát tươm

Ba bên bốn phía giáo gươm

Tội con đã trót rách bươm cuộc đời!

Chặng thứ ba

Chân lê gối mõi rả rời

Đường xa vai nặng cạn hơi sức tàn

Thầy đành té ngã giữa đàng

Tội con nặng quá! Gieo ngàn oan khiên

Chặng thứ bốn

Chìm sâu trong mắt Mẹ hiền

Bao điều đau xót, bao niềm cảm thông

Gặp Thầy, Mẹ nát tan lòng

Con đau vì tội vô tâm với Người

Chặng thứ năm

Bờ vai trĩu nặng đơn côi

Dọc đường loang vết máu tươi ân tình

Simon vác đỡ Thập hình

Vì con vô nghĩa bạc tình! Thầy ơi!

Chặng thứ sáu

Ai nên can đảm tuyệt vời

Xé vòng quân dữ mặt Người khăn lau

Thánh dung để đến ngàn sau

Con còn yếu đuối chuốt trau tội mình

Chặng thứ bảy

Đồi cao đường đá ghập ghềnh

Chân run gối khuỵ lăn kềnh thê lương

Thầy ơi!bao nỗi đoạn trường

Cho con thờ lạy tình thương vua trời

Chặng thứ tám

Đau lòng than khóc không vơi

Những người phụ nữ chẳng rời gót chân

Ngoảnh nhìn Thầy lại ủi an

Cho con sám hối khóc than tội mình

Chặng thứ chín

Trời đau trời đã lặng thinh

Đất không dung nỗi cực hình Calve

Thân tàn ngã gục thảm thê

Thầy đau, con xót,ê chề tội con!

Chặng thứ mười

Đời con điểm phấn tô son

Đồi cao Thầy chịu trần truồng nhuốc nha

Tội con che lớp phù hoa

Trụi trần Thầy chịu xót xa thập hình

Chặng thứ mười một

Chân tay Thầy chịu đóng đinh đinh

con quỳ lằng lặng tử hình tội con

quay về với khối tình son

ôm vòng Thánh giá xây tròn tình chung

Chặng thứ mười hai

Giờ tử nạn, đất chuyển rung

Trời giăng mây xám hãi hùng trần gian

Con quỳ dưới gót Thiên Hoàng

Hiệp cùng Thánh lễ cao sang chuộc đời

Chặng thứ mười ba

Bây giờ Mẹ mới chịu ngồi

Giang tay đón nhận Ngôi Lời tế sinh

Đồi cao bóng mẹ kiên trinh

Dẫu tâm can đã tử hình với con

Chặng thứ mười bốn

Thầy ơi hiến lễ đã tròn

Thuốc thơm con xức với lòng ăn năn

Thầy trong huyệt đá lạnh băng

Con về cùng với vĩnh hằng tin yêu

*

Yêu Thầy, yêu biết bao nhiêu

Đêm trong canh thức nhớ điều tiên tri

Thầy đi vì ý huyền vi

Con tin Thầy sẽ diệu kỳ Phục Sinh

Tuần Thánh 2010
 
Chất ngất nhiệm mầu
Ngô xuân Tịnh
17:53 31/03/2010
Veronica

Một bông hoa đồng nội

Bao năm trời vun xới

Mảnh đất tâm hồn

Hạt giống dức tin

Nảy mầm phát triển thật lớn

Cho trăm hạt tình yêu

Hôm nay một buổi chiều

Nàng theo con đường thập giá Chúa

Nếu đem hết lá rừng không thể chép cho vừa

Những khổ đau Người hứng chịu

Ôi thân phận hẩm hiu

Như con giun dưới gót chân người dày xéo

Làn sóng cảm thương trong con tim nàng gọi réo

Bất chấp những khuôn mặt vô cùng hung dữ

Những cánh tay với gươm giáo đòn thù

Nàng xăm xăm chạy tới

Mặt Chúa bê bết máu, rách nát tả tơi

Hai tay nàng dâng Người chiếc khăn trắng

Bằng ánh mắt bàn tay dịu dàng

Người cầm khăn lau mặt

Để tưởng thưởng tình yêu và đức tin son sắt

Người in vào chiếc khăn

Khuôn mặt Người tồn tại với thời gian

Tình yêu chất ngất ngút ngàn

Đáp tình yêu giữa ngập tràn khổ đau

Một trời yêu quá nhiệm mầu
 
Thầm nguyện - Tâm nguyện
Trầm Thiên Thu
18:49 31/03/2010
THẦM NGUYỆN

Xin Ngài thánh hóa đời con

Biến thành khí cụ theo Tôn Ý Ngài

Giúp con biết đúng, biết sai

Biết đâu là Thánh Ý Ngài truyền ban

Sớm khuya khắc khoải lòng con

Chỉ mong vơi bớt bồn chồn suy tư

Đời con canh bạc đã thua

Trắng tay nên hóa ngẩn ngơ sớm chiều

Cuộc đời có được bao nhiêu

Bồi hồi ngoảnh lại chợt đau bàng hoàng!

Vắng Ngài con sẽ hoang mang

Xin thương hướng dẫn bước đường con đi

Trầm Thiên Thu

*

HẠT-BỤI-CON

Đời con như một dòng sông

Cạn khô hốc hác trơ lòng quạnh hiu

Tháng ngày hạn hán sớm chiều

Liêu trai mơ ước, khát khao mưa nguồn

Nặng thân xác dẫu nhẹ hồn

Cho nên hai nửa bồn chồn giằng co

Hạt bụi nào Chúa tạo ra

Mà con khắc khoải bộn bề không nguôi?

Thương con yếu đuối, Chúa ơi!

Giúp con thanh thoát giữa đời truân chuyên

Xin nâng đỡ hạt-bụi-con

Biết luôn vững chí hướng tâm lên trời

Trầm Hiên Thu

*

TÂM NGUYỆN

Xin Ngài tận diệt trong con

Những gì hung hãn, tà tâm, oán thù

Những gì gian trá, lọc lừa

Những gì sai trái, đam mê, ngu lầm

Giúp con yêu Chúa ngày đêm

Niềm tin kiên vững giữa miền gió mưa

Giúp con chấp nhận thiệt thua

Dù người đời ghét, không hề trách ai

Yêu người, mến Chúa song đôi

Như câu lục bát muôn đời hai câu

Trầm Thiên Thu

*

TÌM Ý CHÚA

Chúa muốn con làm gì?

Ý Ngài xin tỏ rõ

Trí khôn con ngu quá

Không thấu hiểu Ý Ngài

Chúa muốn con làm gì?

Khi nhận ra Ý Chúa

Cố gắng con tuân thủ

Và mau mắn thực thi

Lời Ngài có đôi khi

Làm lòng con đau nhói

Vì chìm trong tội lỗi

Nguyện xin Chúa thứ tha

Lời Ngài có đôi khi

Làm tim con hoan hỉ

Vì ngập tràn Ơn Chúa

Luôn có Chúa đồng hành

Cuộc đời con mong manh

Vô duyên như cỏ dại

Xin Ngài thương dẫn lối

Dạy con biết lắng nghe

Kiếp tro bụi đáng gì?

Tình Chúa bao la quá!

Cúi xin Ngài nâng đỡ

Để con yêu Chúa thôi

Tuần Thánh 2010
 
Cảm nghiệm Tuần Thánh
Trầm Thiên Thu
18:53 31/03/2010
THẦM NGUYỆN

Xin Ngài thánh hóa đời con
Biến thành khí cụ theo Tôn Ý Ngài
Giúp con biết đúng, biết sai
Biết đâu là Thánh Ý Ngài truyền ban
Sớm khuya khắc khoải lòng con
Chỉ mong vơi bớt bồn chồn suy tư
Đời con canh bạc đã thua
Trắng tay nên hóa ngẩn ngơ sớm chiều
Cuộc đời có được bao nhiêu
Bồi hồi ngoảnh lại chợt đau bàng hoàng!
Vắng Ngài con sẽ hoang mang
Xin thương hướng dẫn bước đường con đi
TRẦM THIÊN THU

HẠT-BỤI-CON

Đời con như một dòng sông
Cạn khô hốc hác trơ lòng quạnh hiu
Tháng ngày hạn hán sớm chiều
Liêu trai mơ ước, khát khao mưa nguồn
Nặng thân xác dẫu nhẹ hồn
Cho nên hai nửa bồn chồn giằng co
Hạt bụi nào Chúa tạo ra
Mà con khắc khoải bộn bề không nguôi?
Thương con yếu đuối, Chúa ơi!
Giúp con thanh thoát giữa đời truân chuyên
Xin nâng đỡ hạt-bụi-con
Biết luôn vững chí hướng tâm lên trời
TRẦM THIÊN THU

TÂM NGUYỆN

Xin Ngài tận diệt trong con
Những gì hung hãn, tà tâm, oán thù
Những gì gian trá, lọc lừa
Những gì sai trái, đam mê, ngu lầm
Giúp con yêu Chúa ngày đêm
Niềm tin kiên vững giữa miền gió mưa
Giúp con chấp nhận thiệt thua
Dù người đời ghét, không hề trách ai
Yêu người, mến Chúa song đôi
Như câu lục bát muôn đời hai câu
TRẦM THIÊN THU

TÌM Ý CHÚA

Chúa muốn con làm gì?
Ý Ngài xin tỏ rõ
Trí khôn con ngu quá
Không thấu hiểu Ý Ngài
Chúa muốn con làm gì?
Khi nhận ra Ý Chúa
Cố gắng con tuân thủ
Và mau mắn thực thi
Lời Ngài có đôi khi
Làm lòng con đau nhói
Vì chìm trong tội lỗi
Nguyện xin Chúa thứ tha
Lời Ngài có đôi khi
Làm tim con hoan hỉ
Vì ngập tràn Ơn Chúa
Luôn có Chúa đồng hành
Cuộc đời con mong manh
Vô duyên như cỏ dại
Xin Ngài thương dẫn lối
Dạy con biết lắng nghe
Kiếp tro bụi đáng gì?
Tình Chúa bao la quá!
Cúi xin Ngài nâng đỡ
Để con yêu Chúa thôi
TRẦM THIÊN THU
Tuần Thánh 2010
NGUYỄN VĂN ĐÔNG: 118/62 Bạch đằng, P.24, Bình thạnh, TPHCM
Tel: 0908.277511 - Email: tramthienthu@gmail.com, tramthienthu@musician.org
 
Ngày Mới
Vọng Sinh
18:58 31/03/2010

Ngày mới đã bừng sáng nơi nơi
Ánh Sáng phục Sinh rực chiếu ngời
Xóa tan đi đêm đen tăm tối
Sưởi ấm lên Tình Chúa, tình người.

Đã qua rồi đêm dài tăm tối
Quyền lực ác thần bị đập nát tả tơi
Thần chết nay bị tiêu diệt rồi!
Đã qua rồi tội ngàn đời thống trị.

Đã qua rồi những đêm đen mộng mị
Những xa hoa lạc thú… ích chi?
Những điêu ngoa gian dối… làm gì?
Đã qua rồi có gì mà luyến tiếc!

Đã qua rồi cơn mê thời đáng tiếc
Một lần mê si…còn biết gì!
Một đời dại dột…chút tình si!
Đã qua rồi u mê…tỉnh trí đi!

Chúa Phục Sinh mở đường đi Cõi Phúc
Mở cho ta mạch Suối Nước Trường Sinh
Nước thanh tẩy ta sạch hết tội tình
Cho ta uống say sưa Ân Tình Thánh.

Chúa Phục Sinh chắp cho con đôi cánh
Biết bay cao khỏi ảo ảnh phù vân
Cởi cho con những trói buộc đường trần
Kéo con ra khỏi mộ phần hôi hám.

Xin giúp con vững tâm Tin Yêu Mến
Sống chứng nhân: Tin Yêu đến cho đời.
Cho muôn người thấy con mà nhận biết
Chúa Yêu thương chịu chết cứu loài người.

Cho con làm ánh nến nhỏ giữa đời
Chiếu Sáng lên giữa đêm đen u tối
Ánh Sáng Chúa Kitô rạng ngời!
Sưởi ấm trần gian bừng sáng tươi.

Xin mãi là ngọn nến nhỏ. Soi góc đời sưởi ấm cho tình người.