Ngày 29-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa là Đấng ban sự sống
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
14:40 29/03/2020

Chúa Nhật V Mùa Chay A
Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45

Nếu chủ đề Chúa Nhật III là nước, Chúa Nhật IV là ánh sáng, thì Chúa Nhật V này là sự sống như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bài đọc. Quả thật, sự sống con người vốn là hồng ân vô giá, là duy nhất và không thể chuyển nhượng.

Ở bài đọc I, tiên tri Êdêkien nhìn thấy thị kiến về những bộ xương khô để nói về dân tộc Do Thái đã bị tàn lụy do tội lỗi, bệnh tật khi sống trong cảnh lưu đày. Họ sống mà như đã chết. Họ bất lực trước sự dữ. Nên Thiên Chúa hứa ban Thần Khí cho họ, nhờ đó, họ sẽ được phục hồi sự sống cách mạnh mẽ. Lời tiên báo này được thực hiện trong thời đại Tân Ước.

Trong bài đọc II, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có Thánh Thần của Đức Kitô, Đấng đã làm cho Người sống lại từ cõi chết mới có thể làm cho thân xác của chúng ta được sự sống mới (x. Rm 8,11). Bởi vì, “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống.”

Bài Tin Mừng trình thuật về việc Chúa Giêsu chứng tỏ quyền năng của Người trên cái chết qua phép lạ cả thể cho Ladarô sống lại sau bốn ngày đước mai táng trong mồ. Qua đó cho thấy Thiên Chúa yêu quý sự sống và Chúa Kitô đến để con người được sống dồi dào.

Chúng ta đọc và suy niệm các trình thuật này trong bối cảnh cả thế giới đang phải oằn mình vột lộn với đại dịch Covid 19. Bối cảnh này càng giúp chúng ta đào sâu hơn sứ điệp Lời Chúa về mầu nhiệm sự dữ, bệnh tật và chết chóc; về giá trị vô giá của sự sống mà chúng ta cần phải bảo vệ; về ý nghĩa của cuộc sống mà nhân loại cần phải thay đổi thói quen và lối sống trước đại dịch này như là dấu chỉ thời đại đang nhắc nhở chúng ta.

Thông điệp trước tiên đó là thân phận con người thật mong manh trước bệnh tật và cái chết. Con người văn minh hiện đại cứ tưởng mình vĩ đại, có thể “đội đá vá trời” nhưng chỉ vì con virus corona nhỏ bé dường như vô hình, đường kính chỉ là 150 nanômét thôi, hay nói nôm na chỉ bằng 1 phần ngàn sợi lông mày con người, nhưng chúng đang làm cho toàn thể nhân loại phải hoảng sợ, đảo lộn mọi sự: Đường phố nhộn nhịp bỗng dưng vắng người; bệnh viện quá tải, các y bác sĩ gần như kiệt sức; nghĩa trang không đủ chỗ an táng người chết; sân bay, siêu thị, nhà máy, nhà hàng, quán sá phải đóng cửa; các nhà thờ không thánh lễ… Mọi người phải ở nhà để được an toàn. Quả thật, người ta hình dung bóng dáng ngày tận thế đang ấp đến!

Trước đại dịch này, chúng ta nhớ lại điều Pascal đã từng nói: “Con người vừa vô hạn vừa hữu hạn. Một giọt nước cũng đủ giết chết một phận người.” Triết gia Martin Heidegger cho rằng: “Con người là một hữu thể hướng về cái chết” (a being toward death), cái chết thuộc bản chất của cuộc sống, nghĩa là, sống là để chết. Không ai có thể được ưu tiên hay miễn trừ trước đau khổ và cái chết. Con người dù tài giỏi thế nào cũng bó tay bất lực trước cái chết.

Trước mầu nhiệm sự dữ, đức tin Kitô giáo soi chiếu cho chúng ta niềm tin và hy vọng vào quyền năng của Thiên Chúa qua lời của cô Mátta: “Lạy Thầy, nếu Thầy ở đây thì em con không chết.” Vâng, chính Con Thiên Chúa đã đến để mang lấy gánh nặng đau khổ và gánh nặng cái chết của con người. Nhà văn Paul Claudel có lý khi nói: “Chúa không đến để loại bỏ đau khổ, cũng không đến để giải thích đau khổ, nhưng đến để lấp đầy sự hiện diện của Người.” Vâng, “chỉ có Chúa là nơi chúng con nương thân. Chỉ có Chúa mới làm cho con được sống.” Chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Chúa.

Nhưng không chỉ hiện diện, qua phép lạ cho Ladarô sống lại, Chúa Kitô minh chứng Người là chủ, là nguồn mạch sự sống. Phép lạ này báo trước cái chết và sự phục sinh của Người. Nhờ cuộc tử nạn và phục sinh, Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết, Người chính là sự sống lại và là sự sống. Thánh Phaolô mô tả chiến thắng này như sau: ‘Tử thần đã bị chôn vùi. Đây là chiến thắng” (1 Cr 15,54)! “Người chết vì mọi người” (2 Cr 5,15). Nếu Ladarô đã chết, sau sống lại, nhưng đó là quay lại sự sống trước đó (bios), sự sống tạm bợ, rồi tiếp tục chết, thì Chúa Giêsu sau khi phục sinh, nhờ Chúa Thánh Thần, Người là người đầu tiên đi vào sự sống mới, sống sự sống vĩnh cửu (zéon). Người là Đấng Hằng Sống. Nhờ Chúa Giêsu, con người vốn là hữu thể “sống để chết,” nay trở thành hữu thể “để sống vĩnh cửu.” Niềm hy vọng Kitô giáo là ở đây.

Thông điệp thứ hai mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta về tình liên đới và đức ái với nhau và với mọi người để bảo vệ sự sống của mình và của người khác trong lúc gặp thử thách. Chúa Giêsu đã nêu gương về điểm này, Người yêu quý Ladarô, Người đến chia sẻ nổi đau với tang quyến vì Người liên đới với họ. Niềm vui và nổi đau của họ là niềm vui và nổi đau của Người.

Trong cơn đại dịch, sự chết, sợ hải, lắng lo ùa về khắp nơi… Những đôi mắt thâm quầng, những gò má hằn sâu, những dấu lằn khẩu trang in sâu trên khuôn mặt… Đó là dấu chỉ tình yêu và liên đới mà các bác sĩ, nhân viên, linh mục và nhiều người khác chẳng sợ hiểm nguy, quên cả nhọc nhằn, mang vũ khí tình yêu xông vào cuộc chiến. Giữa biên giới tử biệt sinh ly, cần biết bao một bàn tay, một ánh mắt sẻ chia; một lời kinh, một lời giã biệt trong nước mắt đầm đìa… Chúng ta được mời gọi sống có trách nhiệm hơn và liên đới hơn với mọi người. Như Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện và dâng hy sinh cho thiện ích chung của tất cả mọi người. Cầu nguyện và phục vụ âm thầm: đó là những khí giới chiến thắng của chúng ta.

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ là sức khỏe của Dân Chúa, là Sao biển giữa bão tố, xin Chúa chúc lành cho thế giới, xin ban sức khỏe cho thân xác và an ủi cho tâm hồn. Chúa dạy chúng con đừng sợ hãi. Nhưng niềm tin của chúng con yếu ớt, và chúng con nhát đảm. Nhưng lạy Chúa, xin đừng bỏ mặc chúng con trong bão tố. Xin Chúa lập lại lần nữa: “Các con đừng sợ” (Mt 28,5). Và cùng với chị Mátta và Maria, chúng ta thưa: “Lạy Chúa, con tin.” Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Kỹ thuật số hóa các nhà thờ ở Châu Á trong bối cảnh cơn đại dịch coronavirus
Thanh Quảng sdb
01:07 29/03/2020
"Kỹ thuật số hóa các nhà thờ" ở Châu Á trong bối cảnh cơn đại dịch coronavirus

(Bài Di Santosh Digal – Fides)

Các Giám mục toàn Á Châu mời gọi các tín hữu hãy tham dự các nghi lễ Phụng vụ qua truyền thông trực tuyến trên truyền hình, truyền thanh và các kênh điện toán. Các ngài cũng kêu gọi mọi người hãy dành nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, lần chuỗi Mân côi, suy niệm Kinh thánh và các việc tâm linh khác.

Thông tấn xã Fides ở Manila cho hay cơn đại dịch coronavirus (COVID-19) đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia hơn so với các cuộc Thế chiến. Các cuộc lây lan được tăng theo cấp số nhân và bùng phát cách khủng khiếp. Sự bùng phát đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống gia đình, xã hội, kinh doanh, quản trị, giáo dục, kinh tế và tôn giáo v.v…

Trước cơn đại dịch COVID-19, tất cả các cấp chính quyền đều mời gọi công chúng tích cực cộng tác để bảo vệ nhân loại. Mời gọi mọi người cố tránh nguy cơ truyền bệnh cho người khác.

Một trong những cách hạn chế sự lây lan là cố gắng ở nhà và thực hành những quy định mà tổ chức y tế và chính quyền địa phương ban hành; nên việc xử dụng các phương tiện điện toán để thông tin và liên đới đời sống vật chất như kinh doanh, hội nghị lẫn bình diện tâm linh tôn giáo, trong thời bùng phát COVID-19 là cấp thiết...

Trong thời gian này Giáo hội khắp nơi trên thế giới, đặc biệt tại Á châu như: Phi luật tân, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Dương, Myanmar, Mã Lai, Việt Nam, Hàn Quốc, Sri Lanka, Bangladesh và ở nhiều nơi trên thế giới bao gồm cả Vatican đều mời gọi dân chúng ở nhà như một biện pháp phòng ngừa; nên việc duy trì tình liên đới, tương tác và tâm linh tôn giáo phải nhờ tới kỹ thuật số để chuyển tải chương trình phụng vụ và các dịch vụ khác…

Đức Giám Mục Julito Cortes của Giáo phận Dumaguete tại Negros Oriental, Philippines cho hay: Bây giờ là thời gian để biến nhà riêng của chúng ta thành nhà thờ, cha mẹ trở thành các giáo lý viên cho con cái...

Chúng ta cũng phải có trách nhiệm đối với sức khỏe, sự an nguy và hạnh phúc của toàn dân. Các giám mục cũng mời gọi các tín hữu hãy siêng năng cầu nguyện, lần chuỗi Mân côi, và suy niệm đọc Thánh kinh trong gia đình, cầu nguyện cho những người chết, những người bị nhiễm vi khuẩn Covid-19 và các nhân viên y tế...

Vì chúng ta không thể tụ tập thể lý được, thì đây cũng là thời gian để chia sẻ tình cảm và săn sóc cho nhau. Như thế chúng ta có thể nói là mình gần gũi với Chúa và với anh chị em đồng loại.

Fabian Leow, một giáo viên người Mã lai chia sẻ rằng trong thời gian hạn chế đi ra ngoài, đối với tôi, chúng ta có thể hợp nhất, suy ngẫm và truyền bá lời Chúa trên nét…

Chúa Nhật tuần trước, Leow và gia đình đã tham dự thánh lễ trực tuyến đầu tiên, họ đã cầu nguyện cùng trong cùng một cung cách như họ ở nhà thờ. Đây là thời gian gắn kết gia đình chúng tôi lại để lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện cho đất nước của chúng tôi và thế giới.

Ông Manuel Chai, một người Công Giáo khác từ giáo phận Kuching, Mã lai cho hay: Đây không phải chỉ là chu toàn bổn phận tham dự thánh lễ... Trong thời gian này, chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn và tăng cường sự hiệp thông tâm tinh với nhau!

Đối với người Công Giáo Việt Nam, bà Joyce Hy cho hay các thành viên gia đình của bà ở nhà, chúng tôi cố gắng cùng dùng bữa với nhau. Hai con của tôi thì học trực tuyến và cả gia đình cùng tham dự Thánh lễ trực tuyến và nâng đỡ phục vụ nhau và tha nhân…

Đối với bà Rebeca Dela Cruz, một người Phi làm việc tại Singapore cho đây là một thời gian để chấn chỉnh lại đời sống tâm linh của chúng ta.

Theo Goreti Chiu, người Indonesia, thì cho đây là một trải nghiệm độc đáo khi dự Thánh lễ bên ngoài nhà thờ, giúp chúng tôi nhận ra rằng chỉ có Chúa mới có thể giúp chúng ta vượt qua được cơn đại dịch này...

Aung Kaung Kha, một sinh viên đại học ở Myanmar cho hay giáo xứ của cô tổ chức thánh lễ trực tuyến trong một nhà thờ không có một người giáo dân... Tham dự Thánh Lễ trực tuyến giúp tôi trải nghiệm mình có thể nghe tiếng Chúa ở bất cứ nơi nao! Cô và gia đình cùng lần chuỗi hằng ngày và điều này nâng đỡ đức tin của họ trong thời gian thử thách này. Cô tự nhủ khi cơn đại dịch qua đi, cô có quyết tâm sẽ tiếp tục lần chuỗi Mân côi hàng ngày...

Trong bối cảnh của cơn đại dịch coronavirus, người Công Giáo ở Châu Á và khắp nơi nhìn vào cuộc sống và những thách đố của đức tin và cảm nhận được rằng bản chất của niềm tin siêu vượt ra khỏi không thời gian của thánh đường, tương tự như Kỹ thuật số siêu vượt lên không thời gian...
 
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho chúng ta còn biết rơi lệ
Đặng Tự Do
04:53 29/03/2020
Lúc 7 sáng Chúa Nhật 29 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật Thứ 5 Mùa Chay tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho những người đang phải khóc, và cầu nguyện cho chúng ta còn biết rơi lệ. Mở đầu thánh lễ được phát trực tiếp từ nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Phanxicô nói:

Tôi nghĩ đến rất nhiều người đang phải khóc. Họ là những người bị cô lập, những người bị cách ly, những người già neo đơn, những người phải nằm bệnh viện và những người đang phải vật lộn tìm phương thế trị liệu, những bậc cha mẹ thấy rằng, vì không có tiền lương nên họ sẽ không thể nuôi con. Nhiều người khóc. Chúng ta cũng vậy, từ trái tim của chúng ta, đồng hành với họ, chúng ta cũng bật lên tiếng khóc với tiếng khóc của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay cho tất cả mọi người.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã tập trung vào nỗi xúc động đến rơi lệ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay.

Trích Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 11, 3-7. 17. 20-27. 33b-45).

Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”.

Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”.

Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Người xúc động và hỏi: “Ðã an táng Ladarô ở đâu?” Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”. Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do Thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!” Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?” Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.

Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!” Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy cởi ra cho anh ấy đi”.

Một số người Do Thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu yêu mến mọi người. Nhưng Ngài có những bạn bè. Điều này bao gồm một mối quan hệ đặc biệt với Ladarô, Martha và Maria. Ngài thường đến ngụ ở nhà của họ.

Chúa Giêsu cảm thấy đau buồn vì bệnh tật và cái chết của bạn mình. Ngài đến ngôi mộ và xúc động bồi hồi. Và Chúa Giêsu bật khóc. Chúa Giêsu, là Thiên Chúa và là con người khóc. Có một thời điểm khác trong Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu cũng đã khóc: đó là khi Ngài khóc thương thành Giêrusalem. Chúa dịu dàng dường nào khi Ngài khóc! Ngài khóc từ trái tim. Ngài khóc vì tình yêu. Ngài khóc với trọn lòng mình. Chúa Giêsu luôn khóc vì tình yêu.

Đã bao lần Tin Mừng nhắc lại rằng Chúa Giêsu “đã động lòng thương”

Chúa Giêsu không thể nhìn vào dân chúng mà hững hờ vô cảm. Đôi mắt của Ngài được kết nối với trái tim của Ngài. Chúa Giêsu nhìn bằng mắt, nhưng Ngài cũng nhìn bằng trái tim và có khả năng khóc.

Với tất cả mọi thứ đang xảy ra, với tất cả những người đang khóc vì đại dịch, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta tự hỏi mình có khả năng khóc không.

“Tôi có khả năng khóc không, như Chúa Giêsu chắc chắn đã làm và bây giờ đang làm? Trái tim tôi có giống Chúa Giêsu? Và đối với tôi có quá khó không để có thể nói và làm điều tốt, để giúp đỡ, nếu trái tim tôi đã ra chai đá và tôi không còn có khả năng khóc, hãy cầu xin Chúa ban ân sủng này: Lạy Chúa, xin cho con có thể khóc với Chúa, khóc với những người đang đau khổ của Chúa ngay bây giờ”.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của Ngài nhắc nhở mọi người rằng nhiều người đang khóc hôm nay. “Chúng ta xin ân sủng để khóc với Chúa Giêsu và không xấu hổ khi khóc”.

“Cầu xin ngày hôm nay đối với tất cả mọi người là một ngày Chúa Nhật của nước mắt”.


Source:Vatican News
 
Xã hội Ấn Độ hỗn loạn vì Covid-19: Thủ tướng Modi lên đài xin lỗi dân.
Trần Mạnh Trác
13:16 29/03/2020
Thủ tướng Ấn Độ Modi vừa tuyên bố khoá cửa (lockdown) các sinh hoạt trong nước 3 tuần để đối phó với nạn dịch Covid-19, thì lập tức sự hoảng loạn xã hội đã diễn ra khắp nơi: các bến xe đò chen chúc người đợi, chật ních, các con đường xuyên bang lũ lượt với những hàng người dài vô tận, thất thểo đi về quê.

Ngày hôm nay ông vừa lên tiếng xin lỗi toàn dân nhưng vẫn giữ nguyên các biện pháp hạn chế và tìm cách đổ lỗi cho các chính quyền tiểu bang.

Theo tin Reuter thì quyết định ngưng sinh hoạt Quốc Gia đã khiến cho nhiều triệu dân nghèo ở Ấn Độ bị đói, nhất là những người nhập cư tạm thời ở các thành phố nay trở thành thất nghiệp, và họ đã bị buộc phải chạy trốn ra khỏi thành phố và đi bộ hàng trăm km để về lại làng xóm bản địa ở vùng nông thôn..

“Trước tiên, tôi muốn xin sự tha thứ cuả tất cả đồng bào,” ông Modi phát biểu trong một diễn văn trên radio toàn quốc.

“Người nghèo chắc chắn sẽ nghĩ tôi đây là loại thủ tướng nào vậy? mà khiến cho chúng ta gặp quá nhiều rắc rối như vậy,” ông nói, và ông xin mọi người hiểu rằng ông không còn lựa chọn nào khác.

“Những bước đi được thực hiện cho đến nay, sẽ giúp Ấn Độ giành chiến thắng corona,” ông nói.

Số ca nhiễm coronavirus ở Ấn Độ đã tăng lên 979 vào Chúa Nhật, với 25 tử vong.

Chính phủ đã công bố một kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 22,6 tỷ đô la vào thứ năm để giúp tài chánh và phát thực phẩm cho người nghèo.



Nhưng 2 trong số 3 nhà kinh tế người Ấn Độ đã được giải Nobel 2019, là ông Abhijit Banerjee và bà Esther Duflo, thì cho biết rằng bấy nhiêu là quá ít, cần phải viện trợ cho người nghèo nhiều hơn nữa.

“Nếu không thì sẽ trở nên một cuộc khủng hoảng tiêu thụ, và giống như những quả tuyết ném thêm vào trận tuyết lở kinh tế, mọi người sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải bất tuân,” theo lời cuả hai vị viết trên tờ Indian Express.

Được biết những thất bại kinh tế liên tiếp cuả chính quyền Modi đã giáng xuống một đòn chí tử cho nền kinh tế Ấn Độ là việc tăng trưởng đã giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm.

Mặc dù vậy chính quyền Modi hình như vẫn còn được hỗ trợ rộng rãi bởi vì phe ủng hộ lý luận rằng hệ thống y tế công cộng cuả Ấn Độ thì quá nghèo nàn không đủ đương đầu với cơn đại dịch, và như thế, một biện pháp quyết liệt là cần thiết.

Nhưng phe đối lập, các nhà phân tích và một số thành phần công dân đang lên tiếng chỉ trích về cách ‘khoá cửa’ đất nước, bởi vì chính phủ dường như đã không có cảnh giác về những làn sóng người di cư, và thêm vào đó là nguy cơ lây lan dịch bệnh vào vùng nội địa.

“Chính phủ đã không có kế hoạch dự phòng cho cuộc di cư này,” theo lời chính trị gia đối lập Rahul Gandhi.

#ModiMadeDisaster (Modi gây ra thảm hoạ) là một chủ đề trên Twitter đang dẫn đầu ở Ấn Độ vào Chúa Nhật.

Cũng theo Reuter, cảnh sát cho biết trong ngày thứ Bảy, một người di cư đã té xỉu và chết dọc đường ở bang Uttar Pradesh. Anh Madhav Raj, 28 tuổi, nói:

“Chúng tôi chưa chết vì corona thì đã phải chết vì đi bộ và đói”.

Chính phủ trung ương đang kêu gọi các bang cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho những người lao động bị hôn mê, đồng thời các nhóm ủng hộ ông Modi thì không tiếc lời đổ lỗi cho các chính quyền cuả các bang là làm không đúng cách.

Nhưng sự tức giận đang tăng lên ở các thành phố của Ấn Độ, nhất là từ các khu ổ chuột nghèo. Người dân không thể tìm ra việc làm để sống đỡ, không có thực phẩm để nuôi gia đình và không ai biết phải làm gì!
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 29 tháng Ba
J.B. Đặng Minh An dịch
15:49 29/03/2020
Từ Chúa Nhật 15 tháng Ba vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh coronavirus, Đức Thánh Cha đã không chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin từ cửa sổ phòng làm việc của ngài, nhưng từ Thư viện của Dinh Tông tòa Vatican, và được trực tiếp truyền hình.

Trong bài huấn đức trước khi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 29 tháng Ba, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng Chúa Nhật thứ Năm Mùa Chay này đề cập đến biến cố sống lại của ông Ladarô (x. Ga 11:1-45). Ladarô là em của bà Marta và Maria, là những người bạn của Chúa Giêsu. Khi Ngài đến làng Betania, thì Ladarô đã chết được bốn ngày rồi. Cô Marta chạy ra gặp Thầy và nói: “Nếu Thầy có ở đây thì em con đã không chết!” (v.21). Chúa Giêsu đáp lại: “Em con sẽ sống lại” (v.23); và Ngài thêm: “Thầy là sự sống lại và là sự sống; ai tin nơi Thầy, thì dù có chết cũng sẽ sống” (v.25). Rồi Maria và những người khác cũng đến, tất cả đều khóc, - Tin mừng kể - bấy giờ Chúa Giêsu rất xúc động và [...] bật khóc” (vv.33.35). Với tâm hồn xao xuyến, Ngài đến mộ, cảm tạ Chúa Cha vì đã luôn lắng nghe, rồi Ngài yêu cầu mở mộ và kêu lớn: “Ladarô, hãy ra ngoài!” (v.43). Và Ladarô bước ra, “chân tay còn quấn băng, và mặt ông còn quấn khăn liệm” (v.44).

Ở đây chúng ta thực sự chứng kiến Thiên Chúa là sự sống và Ngài ban sự sống, nhưng Ngài cũng có uy quyền trên thảm kịch chết chóc. Chúa Giêsu có thể tránh cho Ladarô, bạn Ngài khỏi cái chết, nhưng Chúa đã muốn đón nhận đau khổ của chúng ta qua cái chết của người thân yêu thành nỗi đau của Ngài, và nhất là Ngài muốn chứng tỏ uy quyền thống trị của Thiên Chúa trên sự chết.

Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta thấy rằng đức tin của con người và sự toàn năng của tình yêu Thiên Chúa, tìm kiếm nhau và cuối cùng gặp gỡ nhau. Chúng ta thấy điều đó trong tiếng kêu của cô Marta và Maria, và của tất cả chúng ta cùng với họ: “Nếu Thầy có ở đây...” Và câu trả lời của Thiên Chúa không phải là một bài diễn văn, không, nhưng chính Chúa Giêsu là câu trả lời của Thiên Chúa trước vấn nạn cái chết: “Thầy là sự sống lại và là sự sống... Hãy có lòng tin! Giữa chập chùng những tiếng khóc, hãy tiếp tục có lòng tin, cả khi sự chết dường như đã thắng thế. Hãy tháo gỡ tảng đá ra khỏi tâm hồn các con! Hãy để cho Lời Chúa mang sự sống trở lại ở những nơi đang có chết chóc.

Ngày nay Chúa Giêsu cũng lập lại với chúng ta: “Hãy lăn tảng đá đi”. Thiên Chúa không tạo dựng nên chúng ta để ở trong nấm mồ, Ngài dựng nên chúng ta để sống một cuộc sống đẹp đẽ, tốt lành và vui tươi. Nhưng “do sự ghen tương của ma quỉ sự chết đã vào trong thế gian” (Kn 2:24), như sách Khôn ngoan đã dạy, và Chúa Giêsu Kitô đã đến để giải thoát chúng ta khỏi những nanh vuốt của nó.

Vì thế, chúng ta được mời gọi hãy lăn đi những tảng đá của tất cả những gì liên quan đến chết chóc, chẳng hạn như thói đạo đức giả khi ta sống đức tin, đó là chết chóc; hay sự phê bình thiếu xây dựng đối với người khác, đó là chết chóc; hay sự xúc phạm, vu khống, là chết chóc; hay sự gạt bỏ người nghèo, cũng là chết chóc. Chúa yêu cầu chúng ta hãy lăn đi những tảng đá đó khỏi tâm hồn chúng ta, và lúc đó, sự sống sẽ lại thăng hoa quanh chúng ta. Chúa Kitô đang sống, và ai đón tiếp Chúa, gắn bó với Chúa, thì đến được với sự sống. Nếu không có Chúa Kitô hoặc ở ngoài Chúa Kitô, thì chẳng những chúng ta không có sự sống, nhưng còn rơi vào vòng chết chóc.

Sự phục sinh của Ladarô cũng là một dấu hiệu cho sự tái sinh được mang đến nơi các tín hữu qua Bí tích Rửa tội, và đạt đến sự viên mãn trong Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô. Nhờ tác động và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Kitô hữu là người bước đi trong cuộc sống như một sinh vật mới: một sinh vật cho sự sống và đi vào cuộc sống.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết cảm thương như Chúa Giêsu, Đấng đã gánh lấy đau buồn của chúng ta. Ước gì mỗi người trong chúng ta gần gũi với những người bị thử thách, trở thành một hình ảnh phản chiếu về tình yêu và sự dịu dàng của Thiên Chúa, là điều giúp giải thoát chúng ta khỏi cái chết và mang lại chiến thắng cho cuộc sống.

Sau khi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Đứng trước tình trạng cấp thiết hiện nay vì đại dịch Covid-19 tràn lan vượt qua mọi biên giới, trong những ngày qua, ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng kêu gọi “ngưng bắn tức toàn cầu và tức khắc ở mọi nơi trên thế giới” - một lời kêu gọi ngưng bắn toàn bộ.

Tôi hiệp với tất cả những người đã lắng nghe lời kêu gọi đó và mời gọi tất cả hãy đáp ứng lời kêu gọi ấy và ngưng ngay mọi hình thức chiến tranh, tạo điều kiện cho việc thiết lập những hành lang trợ giúp nhân đạo, cởi mở về ngoại giao, và quan tâm đến những người đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương nhất.

Cầu xin cho quyết tâm chung chống đại dịch có thể giúp tất cả mọi người nhìn nhận rằng cần phải củng cố các mối liên hệ huynh đệ, như những phần tử của cùng một gia đình nhân loại duy nhất, đặc biệt, ước gì quyết tâm ấy khơi lên nơi các vị lãnh đạo các dân nước và các phe phái hữu quan một cam kết mới dấn thân vượt thắng sự đố kỵ nhau. Những xung khắc không thể được giải quyết bằng chiến tranh! Cần khắc phục những hận thù và đối kháng bằng đối thoại và tìm kiếm hòa bình trong tinh thần xây dựng.

Lúc này đây, tôi nghĩ đặc biệt đến tất cả những người phải chịu tổn thương khi bị bó buộc phải sống trong một nhóm, như các nhà nghỉ, các doanh trại... Tôi muốn đề cập cách riêng đến những người phải sống trong các nhà tù. Tôi đã đọc một báo cáo chính thức của Ủy ban Nhân quyền, đề cập đến các nhà tù quá đông, có thể trở thành một thảm kịch. Tôi yêu cầu các nhà cầm quyền phải nhạy cảm với vấn đề nghiêm trọng này và thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh những bi kịch trong tương lai.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi; tôi cũng đang cầu nguyện cho anh chị em. Chúc bữa trưa ngon miệng và tạm biệt anh chị em.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất cả hãy ngưng chiến
Thanh Quảng sdb
19:03 29/03/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất cả hãy ngưng chiến

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 29/3/2020, Đức Thánh Cha kêu gọi trong bối cảnh của cơn đại dịch Covid-19 này, tất cả mọi nơi trên toàn thế giới hãy ngừng chiến!

Đức Thánh Cha Phanxicô điện thoại cho Ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres, xin ông kêu gọi hãy ngừng chiến trên toàn cầu trước sự bùng phát của cơn đại dịch Covid-19.

(Tin Vatican)

Ngừng chiến

Từ điện Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô điện thoại cho ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc, hãy kêu gọi mọi người và mọi bên hãy ngừng chiến,chấm dứt mọi hình thức thù địch bằng con đường đối thoại ngoại giao, và cung cấp các nhu yếu phẩm đến những ai và những nơi đang khẩn thiết cần tới!

Đoàn kết và Đại đoàn kết

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi hãy cùng nhau chống lại cơn đại dịch, giúp mọi người nhận ra mình là anh chị em của một gia đình nhân loại… Đặc biệt, các vị lãnh đạo các quốc gia hãy liên kết hỗ trợ nhau. Mọi xung đột cần được giải quyết qua các cuộc hội đàm chứ không phải qua chiến tranh.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến thời điểm này, nhiều nơi phải sống theo nhóm, chẳng hạn những nơi dành cho người già như viện dưỡng lão và những địa điểm cách ly v.v...

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu mời tất cả hãy lưu tâm đến những người đang bị tù. Ngài nói: "Tôi nhớ có đọc một đạo luật từ Ủy ban Nhân quyền nói về vấn đề nhà tù quá đông có thể trở thành thảm kịch. Tôi kêu gọi các cấp chính quyền hãy để ý tới vấn đề nghiêm trọng này và thực thi các biện pháp cần thiết để ngăn chặn những thảm kịch có thể xảy ra trong tương lai!"
 
Chuyện Covid-19 tại tâm dịch thế giới hiện nay, tức Ý Đại Lợi
Vũ Văn An
20:55 29/03/2020
Ý hiện được coi là tâm dịch Covid-19 của thế giới trong khi viễn tượng Tây Ban Nha thay thế họ về phương diện này dường như không hẳn là chuyện xa vời.

Quan sát những gì đang diễn ra tại quốc gia đó, ký giả John Allen nhận thấy một trong các nét đặc biệt của Covid-19 tại đó không hẳn là chính căn bệnh cho bằng các khía cạnh xã hội và văn hóa của nó: nó đang đảo ngược các thói quen hàng ngày, phát sinh ra nhiều trải nghiệm mới đầy bất ngờ và, đôi khi, siêu thực.

Ông kể ra ba trường hợp:

1.Hiện tượng quần chúng tự biên tự diễn (flashmob [*]) trở thành bình thường

Cho đến nay, các hình ảnh nhanh chóng được loan truyền khắp thế giới cho thấy cảnh người Ý bất ngờ xuất hiện ngoài ban-công ca hát, chơi các nhạc cụ, và nhiều cử chỉ khác nhắm phá tan bầu khí nặng nề của lệnh cấm tụ tập khắp nước.

Hiện tượng ấy diễn ra ngay tại các phu phố ở trung tâm Rôma. Hàng ngày, cứ vào khoảng 6 giờ chiều, người hai bên phố ra ngoài ban-công, thường nhẩy múa theo điệu nhạc phát ra từ một hệ thống âm thanh tuyệt diệu của viên đại lý nhà đất của khu phố.

Với thời gian, khí thế có vẻ giảm đi khi lượng người qua đời vì Covid-19 tăng dần. Khởi đầu còn những điệu nhạc như “YMCY” và những điệu nhạc Ý hấp dẫn, nhưng đến lúc số người chết vượt quá 5,000 (lúc Allen viết bài báo), những điệu nhạc ấy không còn nữa. Nhưng họ vẫn tiếp tục đến với nhau.



Allen cho biết thêm: khi các bản nhạc chấm dứt, người ta chần chừ không muốn vào trong trở lại. Ngược lại, nán ở ngoài ban-công thêm chút nữa, tán gẫu từ xa: nói lớn, ráng ghé tai nghe, cố gắng tiếp xúc với những con người khác. Một trong các cư dân tại khu phố của Allen còn có sáng kiến tạo ra một “WhatsApp” của nhóm để mọi người tiếp xúc với nhau trong ngày và hàng ngày cung cấp một bản tin tổng hợp cho cả nhóm.

Người hàng xóm tốt lành ấy đã gây ấn tượng lớn khi viết rằng “tôi tin nẻo đường phía trước còn dài và chúng ta còn bị khóa kín trong nhà nhiều ngày nữa. (Quần chúng tự biên dự diễn hàng ngày) thật hết sức giải khuây, và trên hết, người ta tiến tới chỗ biết nhau trong khi trước đây chỉ biết nói ‘chúc buổi sáng tốt’ và ‘chúc buổi chiều tốt’”. Tóm lại, những người trước đây xa lạ nay đã biết nhau trên căn bản bản thân.

Ký giả Edward Pentin cũng kể một trường hợp tương tự. Đó là sáng kiến của Thelma Cesarano, người điều hành một công ty Giao tế Nhân sự ở Rôma. Cô đã tạo ra “một máy hát tự động”, và đã nhận lời yêu cầu từ hàng xóm để phát nhạc trên bộ khuếch đại. Cô đã nhận được hơn 70 lời yêu cầu. Nhạc được phát hai lần mỗi ngày, mỗi lần 1 tiếng vào sớm mai và chiều tối. “Thính giả” thuộc đủ lứa tuổi và họ “chỉ thích âm nhạc Ý và rất vui khi nghe nó phát vào những thời điểm đã ấn định”.

Mặc dù cô đã nhận được một vài lời phàn nàn, Cesarano nói rằng nói chung, nó đã giúp xây dựng một tinh thần cộng đồng thực sự mà chúng ta đã đánh mất sau nhiều năm với những thói thường tất bật và các mối liên hệ hư ảo”.

“Cho đến vài ngày trước đây, cùng lắm chúng tôi chỉ trao đổi được lời chào buổi sáng với những người hàng xóm và không trao đổi được gì với những người ở xa xôi, nhưng bây giờ chúng tôi mỉm cười và gửi lời chào và nụ hôn từ ban công này đến ban công nọ”. Cô ấy cũng nói rằng có “nhiều người già sống một mình và vẫy tay chào chúng tôi”.

Mấy ngày gần đây, họ dự định đưa ra thông báo, hỏi xem có ai không thể ra ngoài cần thứ gì đó từ hiệu thuốc hoặc cửa hàng tạp hóa, có người sẽ đi mua giùm.

2. Yếu tố nhân khẩu học

Điều dễ hiểu là các phương tiện truyền thông Ý đầy rẫy các suy tư về đại dịch này và một suy tư đáng lưu ý đã xuất hiện trên tờ Il Messaggero ở Rôma với tựa đề “phục hồi bắt đầu bằng nhân khẩu học”.

Tác giả là Alessandro Rosina, giáo sư nhân khẩu học và thống kê xã hội của Đại Học Công Giáo ở Milan. Bài báo bắt đầu bằng nhận xét cho rằng Ý bị tàn sát nặng bởi Covid-19 một phần vì khuôn mạo già của mình. Hiện nay, nó đứng hàng thứ hai trên thế giới về phần trăm cao nhất dân số cao niên, khoảng 30%, sau Nhật Bản. Điều này giải thích tại sao nó có tỷ lệ tử vong cao đến thế khi Covid-19 phát triển, vì vi khuẩn này đặc biệt gây tử vong cho người cao niên.

Giáo sư Rosina cho rằng bất cứ chiến lược phục hồi nào đối với Ý một khi cuộc khủng hoảng qua đi cần phải có việc điều chỉnh hiện trạng “bất quân bình” về nhân khẩu học. Ông nhận định rằng giữa đại dịch “Black Death” (chết đen) ở thế kỷ 14 và trận dịch ở thế kỷ 17, Ý, tuy nhiên, vẫn đã sản sinh ra chủ nghĩa nhân bản (humanism) và phong trào phục hưng, một phần vì sau “Black Death”, người ta thi nhau kết hôn và sinh con.

Hiện nay, Ý có tỷ lệ người trẻ thiếu giáo dục, nhân dụng hay huấn luyện cao nhất ở Âu Châu, thời gian trung bình dài nhất trong đó, người trẻ tiếp tục sống với cha mẹ, và tuổi trung bình cao nhất để người trẻ có đứa con đầu tiên. Thành thử, theo Giáo sư Rosina, bất cứ chiến lược phục hồi nào cũng cần tập chú vào việc cung ứng cho giới trẻ niềm tin vào tương lai để họ chịu có con, đem lại cho đất nước một khuôn mạo nhân khẩu học tươi mới trẻ trung hơn.

3. Đọc sách trong lúc cấm ra ngoài

Allen cũng tường trình một tài liệu khác viết bởi 1 vị giáo phẩm về Covid-19. Đó là “Thư Gửi Hàng Giáo Sĩ Thời Khẩn Trương” của Đức Cha Marcello Semeraro của Albano, Ý. Ngài vốn là tổng thư ký của Hội Đồng Hồng Y Cố Vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thư trên dài đến 17 trang, tập chú vào 3 vấn đề căn bản có tính thần học và linh đạo do việc cấm cả nước ra ngoài gây ra đến phải đình chỉ các Thánh Lễ công cộng: Thánh lễ không có tín hữu, rước lễ thiêng liêng và nhịn rước Thánh Thể.

Đức Cha Semeraro trích đoạn văn dài của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người có lần nghĩ đến những người, vì một lý do nào đó, đã bị tước mất Thánh Thể.

Đức Hồng Y Ratzinger, trong cuốn Behold the Pierced One (Hãy Nhìn Đấng Bị Đâm Thâu), viết rằng “Khi Thánh Augustinô cảm thấy cái chết của ngài đến gần, ngài đã tự quyết định ‘không rước lễ’ (excommunicated) và làm hành vi đền tội công khai. Càng nghĩ đến việc này, nó càng làm tôi suy nghĩ thêm. Há chúng ta không thường xuyên rước Thánh Thể một cách hững hờ quá hay sao? Há loại nhịn (fasting) thiêng liêng này không phải là việc phục vụ, hay thậm chí còn cần thiết nữa, để thâm hậu hóa và đổi mới mối liên hệ của ta với Thân Thể Chúa Kitô hay sao?”.

Câu trích dẫn trên đây khiến Allen nghĩ đến việc đọc sách thiêng liêng trong thời gian cấm ra ngoài và bị kiểm dịch này. Tham khảo một vài vị linh mục quen thân, ông đề nghị một số sách trong đó cuốn Đường Hy Vọng của Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Xavier Nguyễn Văn Thuận, đứng hàng thứ hai:

o Abandonment to Divine Providence (Phó thác cho Chúa Quan Phòng) của Jean-Pierre De Caussade
o The Road of Hope: A Gospel from Prison (Đường Hy Vọng: Tin Mừng từ Nhà Tù) của Đức Hồng Y Francis Xavier Nguyen Van Thuan
o The Practice of the Presence of God (Thực hành Nhan Thiên Chúa) của Thầy Lawrence
o The Writings of St. Maximilan Kolbe (Các Trước Tác của Thánh Maximilan Kolbe)
o The Betrothed (Hứa Hôn) của Alessandro Manzoni
o Sign of Contradiction (Dấu Mâu Thuẫn) của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đây là bài Giảng Mùa Chay năm 1976 cho Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, lúc ngài còn là Hồng Y Karol Wojtila.
________________________________________________________________________________________________
flash mob (hay flashmob), theo từ điển mở Wikipedia, là một nhóm người bỗng nhiên tụ tập tại một nơi công cộng, trình diễn một thời gian ngắn rồi tan hàng rất nhanh, thường chỉ để tiêu khiển, châm biếm hay phát biểu nghệ thuật.
 
Tổng quan các đáp ứng của Vatican đối với Covid-19, 2
Vũ Văn An
21:22 29/03/2020
16 tháng 3, 1 giờ 53 chiều

Bất chấp coronavirus, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn tiếp tục tiếp khách riêng; hôm nay, ngài gặp Đức Hồng Y Kevin Farrell, bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống; Đức Hồng Y Beniamino Stella, bộ trưởng bộ Giáo sĩ; Paolo Ruffini, bộ trưởng bộ Truyền thông; và Đức Hồng Y Giuseppe Betori, Tổng Giám mục Florence.

Tuần trước, Đức Giáo Hoàng đã gặp các giám mục người Pháp trong chuyến viếng thăm ad limina của họ, một trong số họ là Giám mục Emmanuel Delmas của Angers, người đã được xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Đức cha Delmas đã ở Rôma ngày 9 đến 13 tháng 3 cùng với khoảng ba mươi giám mục anh em từ Tây Pháp. Trang web của Ý Corrispondenza Romana đã báo cáo vào ngày 15 tháng 3 rằng theo tờ báo Pháp Courrier de L’Ouest, mỗi giám mục đến Rôma “hiện đang bị cô lập nghiêm ngặt”.

16 tháng 3, 3 giờ 20 chiều

AFP / The Local đưa tin: Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã cảnh báo hôm thứ Hai rằng đất nước của ông đang bước vào “những tuần lễ nguy hiểm nhất” và đã thúc giục phải có một phản ứng phối hợp của châu Âu đối với đại dịch coronavirus.

Phát biểu trước khi hội nghị truyền hình đã lên kế hoạch giữa Nhóm G7, ông nói rằng Ý sẽ cung cấp “một đóng góp đáng kể”, vì là nước đầu tiên xử lý sự lây lan đến thế của Covid-19.

Chính phủ Ý cũng cho biết hôm nay họ sẽ cho nhân viên bệnh viện đang chăm sóc các bệnh nhân của coronavirus tiền thưởng.

Một lý do chính khiến phải cô lập cả nước là để ngăn chặn hệ thống chăm sóc y tế đáng kính nhưng mỏng manh của quốc gia khỏi sụp đổ, và chính phủ đặc biệt lo ngại rằng căn bệnh này có thể lan sang miền nam nghèo hơn nơi mà dịch vụ chăm sóc sức khỏe của quốc gia không được cung cấp tài nguyên đầy đủ.

16 tháng 3, 10 giờ 25 đêm

Trong 24 giờ qua, đã có thêm 349 trường hợp tử vong do coronavirus ở Ý, hơi giảm so với con số 368 ngày trước, nhưng vẫn là một trong những con số cao nhất hàng ngày cho đến nay. Hiện tại có tổng số 2,158 người đã chết vì Covid-19 ở Ý trong tổng số 27,980 trường hợp đăng ký.

Tại Rôma và khu vực Lazio của nó đã có 52 trường hợp mới trong 24 giờ qua, làm tổng số lên tới 412 trường hợp và 19 trường hợp tử vong.



16 tháng 3, 11 giờ 16 đêm

Ca hát và chơi nhạc từ các ban công cho những người hàng xóm bị cô lập đã trở thành một truyền thống đặc biệt của Ý trong thời gian bị cô lập này, và người dân Rôma cũng không khác.

Ở một vùng ngoại ô Rôma, Thelma Cesarano, người điều hành một công ty Giao tế Nhân sự, đã tạo ra “một máy hát tự động tự chế”, nơi cô và một người bạn nhận các lời yêu cầu từ hàng xóm và phát nhạc trên bộ khuếch đại.

Cô Cesarano nói với tờ Leggo, “hôm qua, chúng tôi đã nhận được 63 tin nhắn”; cô nói thêm rằng nhạc được phát một giờ vào buổi sáng và một giờ vào đầu buổi tối. Cô nói, “Có khoảng tám mươi người trông đợi chúng tôi”.

Cô Cesarano nói rằng các yêu cầu đến từ mọi lứa tuổi và họ “chỉ thích âm nhạc Ý và rất vui khi nghe nó phát vào vào những thời điểm đã ấn định”.

Mặc dù cô đã nhận được một vài lời phàn nàn, Cesarano nói rằng nói chung, nó đã giúp xây dựng một tinh thần cộng đồng thực sự mà chúng ta đã mất sau nhiều năm với những thói thường tất bật và các mối liên hệ hư ảo”.

“Cho đến vài ngày trước đây, cùng lắm chúng tôi chỉ trao đổi được lời chào buổi sáng với những người hàng xóm và không trao đổi được gì với những người ở xa xôi, nhưng bây giờ chúng tôi mỉm cười và gửi lời chào và nụ hôn từ ban công này đến ban công nọ”. Cô ấy cũng nói rằng có “nhiều người già sống một mình và vẫy tay chào chúng tôi”.

Hôm nay họ dự định đưa ra thông báo, hỏi xem có ai không thể ra ngoài cần thứ gì đó từ hiệu thuốc hoặc cửa hàng tạp hóa.

Việc cô lập trên mang lại nhiều trở ngại nghiêm trọng cho hầu hết mọi người, ít nhất đã tước của tín hữu Thánh lễ và gây tổn hại cho các doanh nghiệp, nhưng người Rôma nói rằng điều đó cũng khiến mọi người hòa đồng hơn, xây dựng lại cộng đồng, đưa các gia đình trở lại với nhau, và giảm bớt sự vội vàng và ồn ào – đến nỗi, người ta thậm chí có thể nghe thấy tiếng chim hót trở lại.

Ngày 18 tháng 3, 11 giờ 31 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành cho tờ La Repubblica một cuộc phỏng vấn ngắn qua điện thoại về Covid-19, kêu gọi mọi người đừng lãng phí những ngày khó khăn này mà hãy sử dụng chúng để thể hiện sự gần gũi và tình âu yếm với gia đình và bạn bè.

Ngài nói “Chúng ta phải khám phá lại tính cụ thể của những điều nhỏ mọn, những cử chỉ lưu ý nhỏ mọn mà chúng ta có thể cung cấp cho những người gần gũi với chúng ta, gia đình, bạn bè của chúng ta. Chúng ta phải hiểu rằng kho báu của chúng ta nằm trong những điều nhỏ bé”.

Ngài nhấn mạnh rằng ngày nay chúng ta thường chỉ thông đạt theo đường ảo (virtually) và các gia đình thường ăn uống với nhau nhưng trong im lặng “giống như các đan sĩ, tất cả đều cách ly với nhau”. Ngài kêu gọi mọi người lắng nghe nhau và nhờ vậy hiểu “các nhu cầu, nỗ lực và mong muốn của nhau” và gần gũi với những người đã mất người thân.

Đức Giáo Hoàng cũng cho biết ngài rất có ấn tượng đối với một bài báo gần đây của La Repubblica trong đó tác giả cho rằng những người không đóng thuế đã phạm trọng tội vì quả là lỗi của họ nếu không có đủ giường bệnh và máy thở nhân tạo.

Đức Phanxicô cho biết một người không có đức tin có thể tìm thấy sức mạnh trong tình yêu dành cho các thành viên gia đình của họ và tìm thấy hy vọng trong tình yêu của mọi người xung quanh.

Khi được hỏi ngài cầu xin điều gì trong hai nhà thờ Rôma mà ngài đến thăm vào Chúa Nhật, ngài nói: “Tôi đã cầu xin Chúa ngăn chặn dịch bệnh: Lạy Chúa, hãy dừng tay lại. Đó là điều con cầu xin”.

18 tháng 3, 10 giờ 11 đêm

Chính quyền Ý đã ghi nhận 475 trường hợp tử vong do coronavirus trong 24 giờ qua, mức tăng hàng ngày lớn nhất và tăng từ 345 được ghi nhận vào ngày hôm trước. Tổng cộng có 2,978 người đã chết vì Covid-19 ở nước này.

Tại tỉnh Rome, tổng cộng có 590 trường hợp đã được ghi nhận. Trong khu vực Lazio, nơi Rome tọa lạc, đã có 32 trường hợp tử vong do Covid-19. Số lượng các trường hợp đã tăng hơn bốn lần trong một tuần tại tỉnh Rome mặc dù lệnh cấm di chuyển đã được áp đặt vào ngày 10 tháng 3.

Trong khi đó, một nghiên cứu của cơ quan y tế quốc gia được công bố hôm nay cho thấy hơn 99% trường hợp tử vong do Covid-19 của Ý là những người mắc các bệnh lý trước đó.

18 tháng 3, 10 gờ 36 đêm

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tham gia với các giám mục người Ý hôm nay để cổ vũ một khoảnh khắc cầu nguyện cho cả đất nước trong tình trạng khẩn cấp về sức khỏe hiện nay.

Phát biểu tại buổi yết kiến chung hàng tuần được truyền hình từ tông điện, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài mời “mọi gia đình, mọi tín hữu, mọi cộng đồng tu sĩ, hãy đọc kinh Mân côi với các Mầu nhiệm Sáng vào ngày mai, Lễ Thánh Giuse, lúc 9 giờ tối giờ địa phương".

Đức Giáo Hoàng nói “Chúng ta được dẫn đến khuôn mặt sáng ngời và hiển dung của Chúa Giêsu Kitô và Trái tim của Người bởi Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, vốn là sức khỏe của người bệnh, đấng mà chúng ta hướng về với lời cầu nguyện Mân côi, dưới cái nhìn yêu thương của Thánh Giuse, Người bảo vệ Thánh Gia và của các gia đình chúng ta”.

“Và chúng ta cầu xin Người chăm sóc đặc biệt gia đình chúng ta, các gia đình chúng ta, đặc biệt là người bệnh và những người chăm sóc họ: các bác sĩ, y tá và tình nguyện viên, những người liều mạng sống trong việc phục vụ này”.

Còn tiếp
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đức Tin, Niềm Vui, Và Sức Sống Trong Đại Dịch
Gioan Lê Quang Vinh
09:04 29/03/2020
Thứ 6 ngày 27/3 lúc 18 giờ (giờ Rôma) tức 24 giờ (giờ Việt Nam), Đức Thánh Cha đã gửi đến cho người Công Giáo toàn cầu một món quà cao quý: Phép lành toàn xá Urbi et Orbi, và gửi cho toàn thế giới niềm tin yêu và hy vọng dạt dào.

Nhìn hình ảnh một cụ già ngoài 80 lặng lẽ dưới cơn mưa giữa quảng trường Vatican rộng lớn, rồi khập khiễng bước vào Đền Thờ Thánh Phêrô, nhiều giọt nước mắt đã nhỏ xuống và biết bao nhiêu người đã viết lên những lời thương cảm dành cho ngài.

Và những ý nghĩ tự nhiên bật ra: ngài có thể ngồi yên trong căn phòng tiện nghi, cách ly với thế giới khổ đau, và ngài không cần phải nặng nề lê bước giữa mưa lạnh cuối ngày. Ý nghĩ ấy đầy cảm thông và thương yêu.

Thế nhưng, dường như Đức Thánh Cha đọc được lòng cảm thương của con cái ngài và của bao người khác chứng kiến, và ngài nhẹ nhàng đáp lại: “Dù đau đớn và thổn thức vì thấy con người đang đau khổ, Niềm Vui Của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu”. Ngài cũng nói: “Chúa Giêsu nói với những ai đau khổ vì Người: hãy vui mừng hân hoan”. Thưa Cha, tại sao phải vui mừng hân hoan? Đức Thánh Cha trả lời: “Bởi vì Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này”.

Những câu mà chúng ta tưởng tượng Đức Thánh Cha sẽ trả lời ấy bạn có thấy quen quen không? Đó là ba câu của chính ngài bạn ạ. Ba câu ấy lần lượt là câu mở đầu của ba Tông huấn chính ngài ban hành: “Niềm Vui của Tin Mừng - Evangelii Gaudium” (EG), “Hãy Vui Mừng Hân Hoan - Gaudete et Exsultate” (GE) và “Chúa Kitô đang sống - Christus Vivit” (CV).

Thế thì, có lẽ điều Đức Thánh Cha cần nơi con cái ngài hôm nay, nhất là người trẻ, là lắng nghe lời Hội Thánh để có lòng tin mạnh mẽ hơn vào Đức Giêsu Kitô, Đấng dường như đang ngủ trên con thuyền tròng trành vì sóng gió.

Ai cũng chứng kiến hình ảnh vị Giáo hoàng cô đơn giữa cảnh chiều tà ảm đạm, trong cơn mưa lạnh trên Thánh Đô vốn nhộn nhịp rộn ràng bao đời nay, bây giờ hoang vắng. Hình ảnh ấy nói với chúng ta điều gì? Mỗi người sẽ đọc ra cho riêng mình một sứ điệp đánh động lòng mình. Và nếu chúng ta chiếu hình ảnh ấy lên tấm phông bao la của Huấn quyền Hội Thánh, có lẽ chúng ta sẽ thấy những nét lung linh ngời sáng.

1. Hãy vững tin.

Hãy vững tin ư? Một cụ già lê bước nặng nhọc cô đơn trong bóng chiều mà lại giúp chúng ta vững tin sao? Cũng như hai ngàn năm trước, một thân hình dập nát dưới lằn roi xối xả vác thập giá lên đồi cao, có làm cho ai vững tin không? Có những người như tên trộm lành đã đọc ra được từ hình dạng của “con chiên bị dẫn đến chỗ xén lông” một dung mạo khác. Và họ được cứu.

Trong bài huấn từ, Đức Thánh Cha trích câu Tin Mừng “Khi chiều xuống” (Mc 4,35). Và ngài nói: “Đó là câu mở đầu đoạn Tin Mừng chúng ta đã nghe. Từ nhiều tuần nay, dường như chiều đã xuống. Những bóng đen dày đặc phủ trên các quảng trường, các đường phố và thành thị của chúng ta”. Và ngài nhắc nhở chúng ta rằng trong cái tối tăm đáng sợ ấy, chúng ta phải nhớ Lời Chúa: “Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có niềm tin sao?”.

Trong tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng”, Đức Thánh Cha nhắc đến “đức tin” khoảng 130 lần, cho thấy đức tin quan trọng là dường nào trong một xã hội mà người ta muốn đảo ngược các giá trị. Điều đáng buồn là giữa những thử thách chung quanh, người ta lại xao nhãng đời sống đức tin của mình.

Trong cơn mưa chiều của Thánh Đô, hình ảnh người Cha già lặng lẽ lại nhắc chúng ta đến sức mạnh vô song: “Với con mắt đức tin, chúng ta có thể thấy ánh sáng mà Chúa Thánh Thần luôn luôn chiếu dọi giữa bóng tối” (EG 84).

Bóng tối phủ trên quảng trường Vatican, trên Đức Thánh Cha làm chúng ta nghĩ đến sa mạc, nơi Đức Kitô lặng lẽ một mình. Chính Đức Thánh Cha đã viết: “Xuất phát từ chính kinh nghiệm về sa mạc này, về sự trống rỗng này, chúng ta có thể khám phá lại niềm vui đức tin, tầm quan trọng sinh tử của đức tin đối với chúng ta, nam cũng như nữ. Trong sa mạc, chúng ta khám phá lại giá trị của những gì thiết yếu cho cuộc sống; chẳng hạn, trong thế giới hôm nay, có vô số những dấu chỉ, thường được biểu lộ một cách mặc nhiên hay âm thầm, về sự khao khát Thiên Chúa, về ý nghĩa tối hậu của cuộc đời”. (EG 85)

Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ bắt chước đời sống Đức Tin của Mẹ Maria: “Maria là một thiếu nữ có tâm hồn thanh cao tràn ngập niềm vui (x. Lc 1,47), đôi mắt ngời sáng ánh sáng của Chúa Thánh Thần chiêm ngắm cuộc đời bằng đức tin và lưu giữ mọi sự trong lòng (x. Lc 2,19.51)”. (CV, số 46).

Vậy chúng ta hãy nhắm mắt lại, tưởng tượng lại hình ảnh người Cha chung bước đi trong bóng tối phủ dần, và chúng ta hãy tự nhắc nhở mình trong hoàn cảnh này với chính lời của Đức Thánh Cha: “tốt nhất là cùng nhau sống đức tin và diễn tả tình yêu của chúng ta trong đời sống cộng đoàn, qua việc chia sẻ yêu thương với các bạn trẻ khác, chia sẻ thời giờ, đức tin và các lo âu của mình. Hội Thánh cung cấp nhiều không gian khác nhau để sống đức tin trong cộng đoàn, vì khi cùng làm với nhau mọi sự sẽ dễ dàng hơn”. (CV, số 164)

Chưa gặp nhau được vì hoàn cảnh, các bạn trẻ vẫn có thể “cùng nhau sống đức tin và diễn tả tình yêu” qua mạng xã hội, qua các phương tiện giao tiếp hiện đại mà Chúa ban cho chúng ta.

2. Hãy sống vui.

Khi nói đến đức tin, Đức Thánh Cha thường gắn với một thuộc tính của đức tin, đó là niềm vui. Ngay trong tựa đề - câu đầu tiên của Tông huấn, ngài đã viết “Niềm Vui của Tin Mừng”. Trong câu Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha viết: “Maria là một thiếu nữ có tâm hồn thanh cao tràn ngập niềm vui (x. Lc 1,47)” (số 46). Mẹ có tâm hồn tràn ngập niềm vui vì Mẹ “đã tin rằng lời Thiên Chúa phán cùng Mẹ sẽ được thực hiện” (Lc 1,45).

Hình ảnh Đức Thánh Cha lặng lẽ trong mưa ban chiều có gợi lên niềm vui không? Hãy nghe lại bài huấn từ của ngài: “Chúa đưa sự thanh thản vào trong những bão tố của chúng ta, vì với Thiên Chúa, sự sống sẽ không bao giờ chết”, “Lạy Chúa, Chúa không bỏ mặc chúng con trong bão tố. Xin Chúa lập lại lần nữa: ”Các con đừng sợ” (Mt 28,5). Và cùng với thánh Phêrô, ”chúng con phó thác cho Chúa mọi lo âu, vì Chúa chăm sóc chúng con” (x. 1 Pr).

Niềm vui ấy không ồn ào, không rộn ràng bên ngoài, nhưng là niềm vui sâu xa bên trong tâm hồn mỗi người. Niềm vui và bình an mà Đức Kitô trao ban cho chúng ta một cách đặc biệt, thế gian không ban được (Ga 14,27). Đức Thánh Cha nhắc lại lời Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”. (EG, số 3).

Ngài cũng biết trước “Đương nhiên tôi hiểu rằng niềm vui ấy không phải lúc nào trong cuộc đời cũng được biểu lộ giống nhau, nhất là trong những lúc hết sức khó khăn”. (EG, số 6). Và người Cha chung dạy chúng ta: “Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm vui loan báo Tin Mừng!” (EG, số 83).

Vậy thì chắc chắn Đức Thánh Cha không u buồn thất vọng dù ngài gánh vác những buồn đau của con cái, của nhân loại. Ngài nhắc chúng ta vui vì tin vào Đức Kitô và vui để loan báo Tin Mừng bình an cho anh chị em mình đang đau khổ.

Đức Thánh Cha chỉ dạy cho chúng ta cách sống vui, đó là sống bác ái. Trong lúc khó khăn này, bác ái cụ thể nhất là chăm sóc, chia sẻ và nâng đỡ nhau. Ngài viết: “Tình bác ái nhất thiết sẽ đem lại niềm vui; hễ đã yêu thì bao giờ cũng vui mừng khi được kết hợp với người mình yêu mến... hoa quả của lòng bác ái là niềm vui” (GE, số 122).

Bạn sẽ hỏi đang lo âu làm sao vui, đang sợ hãi làm sao vui và lặng lẽ giữa bóng đêm làm sao vui. Cha chung của chúng ta đã lường trước câu hỏi này, và ngài viết: “Vẫn có những lúc khó khăn, những thời khắc của thập giá, nhưng không gì có thể huỷ diệt niềm vui siêu nhiên là niềm vui “tự thích ứng và thay đổi, nhưng nó luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ niềm xác tín của ta, tin chắc rằng, bất luận thế nào, chúng ta vẫn được Thiên Chúa thương yêu vô cùng” (GE, số 125)

3. Hãy sống như người trẻ.

Đến đây, hẳn bạn sẽ tự hỏi: “Sống tin yêu, sống vui thì có ích lợi thực tiễn, nhưng phải chăng vui giữa lúc phải đương đầu với sóng gió là không phù hợp?”. Thật ra khi gặp sóng gió thì người ta dễ mất tự tin và mất bình tĩnh, và do đó họ dễ buồn bã lo âu. Thế nhưng trong cảnh nghèo hèn khó khăn như khi Chúa Giêsu giáng sinh trong hang lừa nhỏ bé, niềm vui đã ngập tràn đến nỗi các mục đồng được đánh thức để cảm nếm niềm vui ấy.

Tông huấn Christus Vivit được mở đầu bằng lời mời gọi: “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống. Thế nên, lời đầu tiên cha muốn nói với mỗi Kitô hữu trẻ là: Chúa Kitô đang sống và Người muốn con cũng được sống!”.

Nếu muốn vui tươi thì hãy sống tươi trẻ và để Chúa Kitô chạm đến. Trong cơn đại dịch người ta sợ đụng chạm nhau vì chung quanh là bóng tối và bệnh nạn. Nhưng Đức Kitô thì khác. Người “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6), ai chạm đến Người thì được chữa lành và được tràn ngập ánh sáng và niềm vui.

Tuổi trẻ là tuổi hăng hái, liều lĩnh và dám dấn thân. Đức Maria sống tuổi trẻ của mình trọn vẹn vì Mẹ dám liều vì Tin Mừng, dám dấn thân cho công trình của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha diễn tả như sau: “Chắc chắn Mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn ấy không phải là thứ khó khăn bởi sự hèn nhát làm người ta tê liệt vì mọi sự không rõ ràng hoặc không được bảo đảm trước. Đức Maria đã không mua bảo hiểm nhân thọ!”.

Trong buổi chiều mưa trên Quảng trường Thánh Phêrô Vatican, vị Giáo hoàng cao niên bước đi khập khiễng vẫn làm cho thế giới vươn mình đứng lên, bởi vì nơi ngài có nét trẻ trung của người dám vượt qua mọi khó khăn vì niềm tin vào Đấng luôn hoàn tất lời Ngài đã hứa.

Tông huấn Hãy Vui Mừng Hân Hoan có lời Đức Thánh Cha nhắn nhủ rất đáng chú ý: “Ta hãy xin Chúa ban cho ơn biết không ngần ngại khi Chúa Thánh Thần đòi hỏi ta tiến lên một bước. Ta hãy xin ơn can đảm tông đồ để chia sẻ Tin mừng cho người khác và từ bỏ việc cố gắng biến đời sống Kitô hữu của mình thành một viện bảo tàng kỷ niệm”.

Tuổi trẻ không ngần ngại, không thích làm viện bảo tàng. Tuổi trẻ luôn bước tới với lòng can đảm. Tuổi trẻ Kitô giáo không giới hạn bằng tuổi đời năm tháng, mà được mở rộng cho đến khi con người còn can đảm dấn bước theo Đức Kitô.

Chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Thánh Cha của chúng ta trẻ trung bởi vì ngài luôn tiến bước, dù bước chân có khập khiễng, nhưng không ai ngăn cản bước ngài đi trong mưa lạnh hay trên đường Rôma vắng vẻ. Ngài đang mang trong mình niềm tin và lòng yêu mến vô hạn.

Xin được dùng ba câu ghép lại từ những đoạn cuối của ba Tông huấn nói trên để kết luận bài viết này, diễn tả hình ảnh Cha chung của chúng ta trong lúc ngài ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi và nguyện ước chúng ta đều được như vậy: “Ta sẽ cùng chia sẻ với nhau một nguồn hạnh phúc mà thế gian sẽ không thể cướp được. (GE, số 177) Lạy Mẹ của Tin Mừng sống động, suối hạnh phúc cho những người hèn mọn của Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con. (EG, số 288) Xin Mẹ làm mới tuổi trẻ của con nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện và xin Mẹ luôn đồng hành với con qua sự hiện diện của Mẹ. Amen. Alleluia!” (CV, số 288).

Gioan Lê Quang Vinh
 
VietCatholic TV
Các linh mục Ý bật khóc trước hàng dài các quan tài, như Chúa Giêsu khóc trong bài Tin Mừng hôm nay
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:22 29/03/2020
Tính cho đến sáng Chúa Nhật 29 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức kinh hoàng với 30,449 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 658,205 người. Như thế, trong 24 giờ qua, có 61,893 trường hợp nhiễm bệnh mời được xác nhận và thêm 3,108 người chết vì coronavirus.

Dịch bệnh đã bùng phát rất nghêm trọng tại Hoa Kỳ. Đến nay, Hoa Kỳ đã đứng đầu thế giới về các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận với 120,204 trường hợp, trong đó có 1,997 người chết.

Thiệt hại nhân mạng tại Ý liên tiếp trong hai ngày thứ Sáu và thứ Bẩy đều rất nghiêm trọng. Tính đến sáng Chúa Nhật 29 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 10,023 người, và 92,472 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Chỉ trong 24 giờ qua đã có 889 người chết, và 5,974 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Điều rất nguy hiểm là hiện nay Ý có 3,856 trường hợp nghiêm trọng, đa số trong miền Lombardy, nơi hệ thống y tế đã quá tải.

Tại Hoa Lục, Bắc Kinh nói đã khống chế được dịch bệnh và cho những người bên ngoài vào Vũ Hán, nhưng vẫn chưa cho đi ra. Trong 24 giờ qua, Bắc Kinh nói chỉ có 54 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận, và 3 trường hợp tử vong. Như thế, đến nay Trung Quốc đang đứng thứ ba trên thế giới về số trường hợp nhiễm bệnh đang đứng thứ ba với 81,394 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 3,295 người chết.

Hệ thống y tế tại Tây Ban Nha chứng minh cho thấy Thủ tướng Pedro Sánchez của đảng Công Nhân Xã Hội là một thảm họa của nước này. Các chính trị gia đối lập kêu gọi Sánchez từ chức. Họ cho rằng Sánchez, khi theo đuổi một đường lối cực đoan phò phá thai, đã cắt giảm đáng kể các chi tiêu về y tế, xây dựng một hệ thống y tế què quặt, không đáp ứng nổi trước tình trạng lây lan của dịch bệnh, phản ứng lúng túng khiến càng ngày càng có nhiều đột biến. Đến nay, đã có 6,616 người chết và 72,335 trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận.

Tại Đức, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã tăng lên đến 57,695 người, trong đó có 433 người chết.

Tại Pháp, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã tăng lên đến 37,575 người, trong đó có 2,314 người chết. Chỉ trong 24 giờ qua, số trường hợp tử vong tại Pháp đã tăng lên 319 người và thêm 4,611 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Tại Iran, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã tăng lên đến 35,408 người, trong đó có 2,517 người chết.

Tại Anh, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã tăng lên đến 17,089 người, trong đó có 1,019 người chết. Chỉ trong 24 giờ, đã có thêm 260 người chết và 2,546 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận. Cả Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã nhiễm coronavirus như Thái tử Charles.

Nỗi buồn của các linh mục Ý trước hàng dài những quan tài. Những ai nhạy cảm quá xin đừng xem

Khi trở thành linh mục 40 năm trước, Cha Mario Carminati biết mình sẽ đối diện với cái chết, nhưng ngài không bao giờ có thể nghĩ đến một ngày ngài phải đối diện với một hàng dài các quan tài như thế này.

Tất cả những người chết mà ngài đang làm thánh lễ an táng tập thể cho họ đều là những anh chị em giáo dân trong giáo xứ mà cha quen biết tại giáo xứ Thánh Giuse ở Seriate, trong tỉnh Bergamo, cách Milan 50km về phía Đông Bắc.

Quan tài của các giáo dân quá cố không còn được khiêng một cách long trọng vào những chiếc xe tang bóng loáng như bình thường. Cũng chẳng có người thân nào trong đám tang kinh hoàng này ngoài cha Carminati, một người giúp lễ, một người quay phim chụp ảnh, và các binh sĩ đang đứng chờ để khi các nghi thức được cử hành xong sẽ khiêng lên những chiếc xe nhà binh đang chờ sẵn ở cửa nhà thờ.

Quân đội chở các quan tài đến và dùng một chiếc xe nâng đưa các quan tài từ các xe nhà binh vào trong nhà thờ.

Bây giờ, vì sự bùng phát của coronavirus, các quan tài nhiều đến mức phải đặt trên sàn đá cẩm thạch lạnh của Nhà thờ Thánh Giuse.

“Các nhà chức trách muốn mọi sự diễn ra trong sự kính trọng những người quá cố nhưng họ không còn biết đặt các quan tài ở đâu,” Cha Carminati, 64 tuổi, cha sở Nhà thờ Thánh Giuse, ở thành phố Seriate, một miền đất vốn thanh bình của 25,000 người dân trung lưu bên bờ dòng sông Serio hiền hòa.

Khi các quan tài đã được đưa vào nhà thờ, ngài và các linh mục khác cử hành các nghi thức một cách vội vã. Sau đó, một chiếc xe nâng lại đưa các quan tài lên các xe nhà binh chở đến các nghĩa trang để hỏa táng.

Các cuộc tụ họp đã bị cấm trên khắp nước Ý vì lệnh cách ly toàn quốc nên không thể tổ chức tang lễ nhà thờ.

Seriate nằm ở tỉnh Bergamo, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng Ý miền bắc vùng Bologna và là tâm chấn của vụ dịch.

Cha Carminati nói điều đáng buồn nhất đối với ngài là nhiều giáo dân đã chết cô đơn, không có người thân, tại bệnh viện cũng như tại nhà thờ và nghĩa trang, vì lệnh cách ly tại chỗ để ngăn chặn sự lây lan của virus không cho phép các thành viên gia đình đến những nơi này.

“Trong các kinh nguyện, chúng tôi thường đề cập đến những linh hồn ‘cần đến lòng Chúa thương’, và trong các bài giảng, chúng tôi nói về những người cần đến lời cầu nguyện của chúng ta nhất. Đây chính là những người này,” cha Marcello Crotti, một linh mục trẻ nói sau khi vừa làm lễ an táng tập thể cho 40 người.

Tiếng chuông vang lên khi những chiếc xe tải rời khỏi nhà thờ và cư dân nhìn xuống từ cửa sổ và ban công nhà mình làm dấu thánh giá.

Khi đoàn xe băng qua các ngã tư, các cảnh sát viên đeo mặt nạ y tế và găng tay trắng đứng nghiêm giơ tay chào.

Đức Hồng Y Matteo Zuppi và thị trưởng Bologna kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện cho vùng này

Tính đến sáng Chúa Nhật 29 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 10,023 người, và 92,472 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Riêng trong vùng Emilia-Romagna có 12,383 trường hợp nhiễm bệnh và gần 2,000 người chết. Bologna là thủ phủ của miền này và cũng là nơi bị thiệt hại nặng nhất trong vùng.

Trong đoạn video này, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng Giám Mục Bologna, và ông thị trưởng Virginio Merola loan báo rằng nhà thờ chính tòa địa phương sẽ gióng lên những hồi chuông dài vào giữa trưa để xin mọi người cầu nguyện cho linh hồn những người quá cố, những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Cả hai vị cùng lên tiếng kêu gọi tình liên đới đối với những người đang trong hoàn cảnh khó khăn, đời sống bấp bênh vì không có công ăn việc làm trong những ngày này.

Thành phố phối họp với Caritas tổng giáo phận đang giao thức ăn đến tận nhà cho các gia đình gặp khó khăn trong một phối họp chung giữa chính quyền và Giáo Hội.

Cảnh sát Rôma bắt hàng loạt các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc

Trung tá Andrea Fegatelli, chỉ huy đơn vị 3 Guardia di Finanza của cảnh sát thành phố Rôma cho biết trong cuộc họp báo vào hôm thứ Bẩy 28 tháng Ba là đơn vị của ông đã bắt giữ hàng loạt các khẩu trang y tế và các thuốc diệt khuẩn nhập lậu từ Trung Quốc.

Ông lên tiếng báo động rằng các thứ này không hề có chứng nhận, thậm chí một số được sản xuất bằng các vật liệu độc hại, có nguy cơ gây ra các hậu quả khó lường. Các chất tẩy rửa công nghiệp mà khi sử dụng người ta phải đeo bao tay cẩn thận đã được pha loãng ra chế biến thành chất khử trùng chuyên dụng cho coronavirus, như được ghi trên nhãn.

Nhiều người đã phải vào bệnh viện cấp cứu sau khi tay họ sưng phù lên sau một thờigian sử dụng chất tẩy rửa này.

Trung tá Andrea Fegatelli cho biết đơn vị của ông đã tích thu hàng loạt các sản phẩm này tại các điểm bán lẻ trái phép và các tiệm thuốc tây. Tuy nhiên, những ai thấy ở đâu bày bán các mặt hàng có chữ Trung Quốc xin gọi số 117 báo cho cảnh sát đến tịch thu.

Ông lên tiếng kêu gọi người dân hãy quăng những thứ made in China này đi. Nó hoặc là chẳng có tác dụng gì, hoặc là còn gây hại cho sức khoẻ.

Tại Torino, 560 kg khẩu trang y tế của Trung Quốc đã bị hải quan Ý tịch thu cùng với các thứ cao đơn hoàn tán.

Ðức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho những người đói khổ.

Sáng thứ Bảy 28 tháng 3 năm 2020, trong Thánh lễ phát trực tiếp từ Nhà nguyện Thánh Marta, Ðức Thánh Cha tiếp tục mời gọi mọi người cầu nguyện cho những người đang phải đối diện với cái đói đang đến.

Mở đầu thánh lễ Ðức Thánh Cha nói:

“Trong những ngày này, ở một số nơi trên thế giới, người ta đã thấy những hậu quả của đại dịch; một trong số đó là cái đói. Chúng ta bắt đầu thấy những người bị đói, vì họ không thể làm việc, không có công việc ổn định. Chúng ta đã bắt đầu thấy những gì sẽ đến sau, nhưng nó đã bắt đầu tại thời điểm này”.

Trong bài giảng Thánh lễ, Ðức Thánh Cha tập trung vào thái độ xét đoán của những người Pharisêu được Thánh Gioan thuật lại trong bài Tin Mừng theo ngày.

PHÚC ÂM: Ga 7, 40-53

“Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: “Ông này thật là tiên tri”. Kẻ khác nói: “Ông này thật là Ðấng Kitô”. Người khác nữa lại nói: “Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Ðavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Ðavit?” Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: “Tại sao các ngươi không điệu nó tới?” Các người thừa hành thưa rằng: “Chẳng hề có ai nói như người ấy”. Các người biệt phái trả lời rằng: “Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật”. Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: “Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?” Nhưng họ trả lời rằng: “Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa”. Sau đó ai về nhà nấy.

Ðức Thánh Cha chỉ ra mối bất hòa, sự rạn nứt đã có từ xa xưa giữa những người được coi là thành phần ưu tú trong xã hội và dân chúng, giữa những người đã bị “mất ký ức mình thuộc về một dân tộc” và “dân trung thành của Thiên Chúa”. Ðây là bi kịch của giáo sĩ trị, một sự rạn nứt mà chúng ta có thể thấy trong thời điểm đại dịch.

“Trong mấy ngày qua, tôi đã nghe một số người nói rằng: Tại sao các nữ tu và các linh mục khỏe mạnh lại đi đến với người nghèo, trao cho họ thức ăn. Các nữ tu và linh mục này có thể bị nhiễm virus? Và những người này nói với giám mục không cho phép các linh mục đi ra ngoài, các linh mục chỉ để cử hành bí tích, công việc giúp người nghèo là bổn phận của chính phủ”.

Ðức Thánh Cha nói tiếp: “Dân chúng bị xem là tầng lớp thứ hai. Chúng ta nghĩ mình là tầng lớp lãnh đạo, chúng ta không được để cho đôi tay bị dơ bẩn vì người nghèo. Nhiều lần tôi nghĩ: các linh mục, nữ tu là những người tốt, nhưng không có can đảm ra đi phục vụ người nghèo. Có một điều gì đó thiếu”.

Sau những suy tư này, ngay lập tức Ðức Thánh Cha nói về sự rạn nứt giữa những người theo Chúa Giêsu và nhóm luật sĩ từ chối Chúa vì theo họ Chúa không tuân theo lề luật: “Nhóm luật sĩ này khinh bỉ Chúa. Nhưng họ cũng coi thường dân chúng, những người kém hiểu biết. Dân thánh trung thành của Thiên Chúa tin vào Chúa Giêsu, đi theo Người; và nhóm những người được cho là ưu tú, nhóm luật sĩ, tự tách mình ra khỏi dân chúng và không đón nhận Chúa Giêsu”. Ðức Thánh Cha nhấn mạnh: “Ðó là những người thuộc thành phần ưu tuyển nhưng họ có một lỗ hổng lớn, họ đã mất ký ức về việc mình thuộc về một dân tộc”.

Ðức Thánh Cha tiếp tục: “Sự rạn nứt giữa giới thượng lưu, các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân chúng là một bi kịch đã có từ xa xưa. Dân Chúa có một ân sủng lớn lao, biết được ở đâu có Thánh Thần. Dân chúng cũng tội lỗi, nhưng họ biết đường dẫn đến ơn cứu độ. Vấn đề của thành phần giáo sĩ ưu tú là họ đã trở nên tinh vi, họ đã chuyển sang một tầng lớp xã hội khác, cảm thấy mình là những người lãnh đạo”.

Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người nghĩ đến rất nhiều người nam nữ tốt lành đang phục vụ Thiên Chúa. Những người này cũng đã ra đi phục vụ người nghèo, rất nhiều linh mục và tu sĩ không tách rời khỏi dân chúng. Ðức Thánh Cha đưa ra một mẫu gương mà ngài thấy qua một bức ảnh: Một cha xứ ở trên núi, mặc dù tuyết lạnh, vị linh mục này vẫn mang Mặt nhật Mình Thánh Chúa đi chúc lành cho dân chúng.

Ðức Thánh Cha mời gọi: “Mỗi người hãy suy nghĩ xem mình đang ở thành phần nào? Tôi là thành phần đang do dự; hay ngược lại, tôi là thành phần thuộc về dân trung thành của Chúa; hoặc tôi là thành phần ưu tú tách rời khỏi Dân Chúa, thành phần giáo sĩ trị”.

Ðức Thánh Cha kết thúc bài giảng và đưa ra lời khuyên mà Thánh Phaolô đã trao cho môn đệ Timôthê, vị giám mục trẻ: “Con hãy nhớ đến mẹ và bà của con”. Thánh Phaolô đã khuyên điều này là bởi vì Thánh nhân biết rõ mối nguy hiểm có thể xảy đến cho thành phần ưu tú lãnh đạo”.
 
Giáo phận lên tiếng về hoàn cảnh qua đời của một linh mục tại Bergamo
Giáo Hội Năm Châu
16:46 29/03/2020
Giáo phận lên tiếng về hoàn cảnh qua đời của một linh mục tại Bergamo

Ý là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch virus corona, với số người chết hiện đã lên tới hơn 9 ngàn người. Khu vực bắc Ý, vùng Lombardia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, một phần là do dân số có nhiều người già.

Trong khi các Thánh lễ đã bị đình chỉ ở Ý, cũng như nhiều nơi trên thế giới, thì các hoạt động bác ái của Ðức Thánh Cha trong những tuần qua không những vẫn tiếp tục mà còn hoạt động nhiều hơn. Bên cạnh máy trợ thở, Ðức Hồng Y Konrad Krajewski, Quan Phát Chẩn của Ðức Thánh Cha vẫn tổ chức trao các bữa ăn cho người vô gia cư ít nhất hai lần một tuần.

Cha Giuseppe Berardelli chắc chắn sẽ được những người quen biết ngài nhớ đến như một mục tử tốt lành và hy sinh quên mình vì đàn chiên. Tuy nhiên, các báo cáo theo đó ngài qua đời vì nhường máy trợ thở cho bệnh nhân trẻ hơn là không đúng sự thật, tổng thư ký của giáo phận nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm thứ Ba.

“Không có chuyện hiến tặng máy trợ thở. Không có bất kỳ máy hô hấp nào đến từ bên ngoài bệnh viện,” Cha Frulul Dellavite nói với CNA vào ngày 24 tháng 3.

Các bác sĩ ở vùng Ý vùng Bologna đã phải vật lộn để điều trị cho hơn 10,000 bệnh nhân coronavirus hiện đang nằm bệnh viện trong khu vực với một số rất hạn chế các đơn vị chăm sóc đặc biệt.

Cha Dellevite, một người bạn của Cha Berardelli trong hơn 20 năm, cho biết ngài tin rằng Cha Berardelli sẽ sẵn sàng nhường một chỗ có thể được dành cho ngài trong phòng chăm sóc đặc biệt cho một bệnh nhân trẻ tuổi khác, nếu ngài có thể làm điều đó.

“Tuy nhiên, chúng tôi không có sự chắc chắn.”

“Câu chuyện không giống như một số nhà báo đã viết: theo đó là một chiếc máy trợ thở được mua tặng cho ngài và sau đó được ngài tặng cho người khác,” Cha Deliteite nói.

Một báo cáo ngày 22 tháng 3 từ trang web Araberara của Ý, cho biết Cha Beradelli đã hy sinh một chiếc máy trợ thở được giáo xứ tặng ngài, và rồi ngài hy sinh tặng lại cho một bệnh nhân trẻ tuổi khác. Câu chuyện này đã bùng lên tại Ý vào ngày 23 tháng Ba.

Trang web dẫn lời một nhân viên ẩn danh tại nhà nghỉ San Giuseppe ở Casnigo là nguồn thông tin.

Nhưng Benedetta Francina, một nhân viên tại nhà nghỉ San Giuseppe, nói với CNA rằng các nhân viên của nhà nghỉ không chắc có thể biết mọi chuyện đã kết thúc như thế nào đối với Cha Berardelli, bởi vì ngài đã chết tại Bệnh viện Lovere chứ không phải ở nhà nghỉ.

Francina nói với CNA rằng cô là giáo dân của giáo xứ Thánh Gioan Tiền Hô do Cha Berardelli coi sóc, và cô biết ngài là một linh mục có đức tin vững mạnh.

Tuy nhiên, cô nói rằng các thành viên trong giáo xứ của cô đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng do sự bùng phát của coronavirus và đã bị cách ly với nhau trong nhiều tuần. Cô chưa bao giờ nghe nói về việc gây quỹ mua máy trợ thở.

“Ngài là một người tràn đầy niềm tin và luôn là người truyền niềm vui, sự tích cực và luôn vui vẻ, luôn sẵn sàng đưa ra một lời an ủi,” cô nói.

“Ngài luôn hy sinh quên mình cho anh chị em giáo dân và cho tất cả những người có nhu cầu hoặc một mong muốn nào đó,” Francina nói. “Ngài luôn sẵn sàng nếu ai đó cần tâm sự với ngài hoặc cần sự giúp đỡ. Ngài luôn sẵn sàng, luôn luôn sẵn sàng. Vì vậy, khi tôi nhớ đến Cha Giuseppe, tôi sẽ nhớ đến ngài như một con người tuyệt vời.”

Giáo phận Bergamo xác nhận rằng Cha Giuseppe Berardelli đã qua đời tuần trước sau khi bị nhiễm coronavirus. Ngài qua đời ở tuổi 72.

Cha Berardelli là một trong 23 linh mục được báo cáo đã chết vì COVID-19 tại Giáo phận Bergamo nằm trong khu vực có tỷ lệ nhiễm coronavirus cao nhất ở Ý.

Quốc gia coronavirus không dám mò đến. Phước hay họa?

Trong những ngày này, hàng chục nhà sư Phật giáo đã đi xung quanh Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Miến Điện, tụng kinh cầu nguyện để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus đã tàn phá nhiều quốc gia.

Một số nhân vật Phật giáo đã quảng bá các biện pháp phi y tế và một số người Miến Điện đã chia sẻ những huyền thoại về coronavirus ở quốc gia nơi đa số dân theo Phật giáo này.

Một nhà sư tuyên bố rằng ăn một quả chanh và ba hạt cọ sẽ tránh được coronavirus, trong khi một nhà sư khác khuyên hãy ăn bảy hạt tiêu xay.

Ở một đất nước nghèo khó đã bị cô lập khỏi thế giới trong nhiều thập kỷ, một số người vẫn tin rằng họ được an toàn nhờ Phật giáo Nguyên thủy và những lời cầu nguyện của các nhà sư cao cấp.

Một bác sĩ ở Yangon đã nói rằng Miến Điện rất may mắn vì đây là một quốc gia Phật giáo và các nhà sư cao cấp luôn cầu nguyện cho sự an toàn.

Tuy nhiên, Thượng Toạ Ashin Ariya, trụ trì một ngôi chùa tại Mandalay, và tham gia vào các hoạt động liên tôn, nói với UCANews rằng “Chúng tôi không nghi ngờ gì về những nỗ lực của chính phủ trong việc đối phó với coronavirus. Nhưng những huyền thoại và niềm tin đó không phải là những suy nghĩ đúng đắn”.

Miến Điện đã báo cáo với Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, rằng không có trường hợp Covid-19 nào mặc dù có chung đường biên giới dài và rất mong manh với Trung Quốc, nơi đã có ít nhất 81,394 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 3,295 người chết, tính cho đến chiều Chúa Nhật 29 tháng Ba.

Miến Điện cũng giáp ranh với Bangladesh, Ấn Độ và Thái Lan. Tất cả các nước này đều báo cáo có các trường hợp Covid-19. Miến Điện, Lào và Đông Timor là những quốc gia duy nhất ở Á Châu không có trường hợp nào được xác nhận.

Theo Bộ Y tế Miến Điện, cho đến nay, chỉ có 144 người trong tổng số 53 triệu người đã được thử nghiệm nhưng tất cả các kết quả đều âm tính.

Các nhà khoa học liên tục cảnh cáo rằng các cố gắng che đậy vì các mục tiêu chính trị có thể sẽ kết thúc với các hậu quả thảm khốc khi người dân và cả các cơ quan công quyền mất cảnh giác với dịch bệnh.

Ðức Thánh Cha tặng 30 máy trợ thở cho các bệnh viện Ý và Tây Ban Nha.

Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết để bày tỏ sự gần gũi và tình liên đới với các bệnh viện ở Ý và Tây Ban Nha đang phải vất vả chăm sóc các bệnh nhân virus corona, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tặng 30 máy trợ thở cho hai quốc gia này.

Đức Thánh Cha đã ủy thác cho Quan Phát Chẩn của ngài thực hiện nghĩa cử liên đới này.

Coronavirus gây bệnh về đường hô hấp nên máy trợ thở trở thành một trong những nhu cầu vô cùng quan trọng tại các bệnh viện trên khắp thế giới.

30 máy trợ thở sẽ được gửi đến các Giám mục và các Giám mục sẽ phân phát cho các bệnh viện đang cần hơn cả.


Source:Catholic News Agency
 
Thánh Lễ Chúa Nhật tại Vatican: Đức Thánh Cha cầu mong chúng ta còn biết rơi lệ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:37 29/03/2020
Lúc 7 sáng Chúa Nhật 29 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật Thứ 5 Mùa Chay tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho những người đang phải khóc, và cầu nguyện cho chúng ta còn biết rơi lệ. Mở đầu thánh lễ được phát trực tiếp từ nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Phanxicô nói:

Tôi nghĩ đến rất nhiều người đang phải khóc. Họ là những người bị cô lập, những người bị cách ly, những người già neo đơn, những người phải nằm bệnh viện và những người đang phải vật lộn tìm phương thế trị liệu, những bậc cha mẹ thấy rằng, vì không có tiền lương nên họ sẽ không thể nuôi con. Nhiều người khóc. Chúng ta cũng vậy, từ trái tim của chúng ta, đồng hành với họ, chúng ta cũng bật lên tiếng khóc với tiếng khóc của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay cho tất cả mọi người.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã tập trung vào nỗi xúc động đến rơi lệ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay.

Trích Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 11, 3-7. 17. 20-27. 33b-45).

Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”.

Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”.

Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Người xúc động và hỏi: “Ðã an táng Ladarô ở đâu?” Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”. Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do Thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!” Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?” Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.

Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!” Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy cởi ra cho anh ấy đi”.

Một số người Do Thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu yêu mến mọi người. Nhưng Ngài có những bạn bè. Điều này bao gồm một mối quan hệ đặc biệt với Ladarô, Martha và Maria. Ngài thường đến ngụ ở nhà của họ.

Chúa Giêsu cảm thấy đau buồn vì bệnh tật và cái chết của bạn mình. Ngài đến ngôi mộ và xúc động bồi hồi. Và Chúa Giêsu bật khóc. Chúa Giêsu, là Thiên Chúa và là con người khóc. Có một thời điểm khác trong Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu cũng đã khóc: đó là khi Ngài khóc thương thành Giêrusalem. Chúa dịu dàng dường nào khi Ngài khóc! Ngài khóc từ trái tim. Ngài khóc vì tình yêu. Ngài khóc với trọn lòng mình. Chúa Giêsu luôn khóc vì tình yêu.

Đã bao lần Tin Mừng nhắc lại rằng Chúa Giêsu “đã động lòng thương”

Chúa Giêsu không thể nhìn vào dân chúng mà hững hờ vô cảm. Đôi mắt của Ngài được kết nối với trái tim của Ngài. Chúa Giêsu nhìn bằng mắt, nhưng Ngài cũng nhìn bằng trái tim và có khả năng khóc.

Với tất cả mọi thứ đang xảy ra, với tất cả những người đang khóc vì đại dịch, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta tự hỏi mình có khả năng khóc không.

“Tôi có khả năng khóc không, như Chúa Giêsu chắc chắn đã làm và bây giờ đang làm? Trái tim tôi có giống Chúa Giêsu? Và đối với tôi có quá khó không để có thể nói và làm điều tốt, để giúp đỡ, nếu trái tim tôi đã ra chai đá và tôi không còn có khả năng khóc, hãy cầu xin Chúa ban ân sủng này: Lạy Chúa, xin cho con có thể khóc với Chúa, khóc với những người đang đau khổ của Chúa ngay bây giờ”.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của Ngài nhắc nhở mọi người rằng nhiều người đang khóc hôm nay. “Chúng ta xin ân sủng để khóc với Chúa Giêsu và không xấu hổ khi khóc”.

“Cầu xin ngày hôm nay đối với tất cả mọi người là một ngày Chúa Nhật của nước mắt”.


Source:Vatican News