Ngày 27-03-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cuối Đời
Lm Vũđình Tường
06:39 27/03/2015
Những người có đức tin mạnh mẽ thích cầu nguyện và mong được tham dự Thánh Lễ và các bí tích vào những ngày cuối đời. Những ngày cuối đời của Đức Kitô nơi trần thế Ngài cũng thích đến thánh đường. Ngài và các tông đồ tiến về đền thờ trong dịp lễ trọng, lễ ‘Bánh Không men và Vượt Qua’. Hai lễ này xảy ra cùng dịp- ‘Không Men’ vì dân Israelites dời bỏ đất Ai Cập, đến vùng đất chảy sữa và mật ong Chúa hứa ban. Họ ra đi trong hấpt ấp, vội vã. Vội vàng đến độ không đủ thời gian chờ cho bánh lên men trước khi nướng. Vượt Qua còn mang một í nghĩa trọng đại nữa vì Chúa dùng quyền năng rẽ sóng biển giúp họ vượt qua biển an toàn. Vượt Qua còn mang í nghĩa siêu nhiênlà vượt qua thời gian nô lệ tiến đến thời gian làm con cái Chúa, vượt qua bóng tối của sự chết tâm linh, thiếu tự do tôn giáo, quyền làm người để tiến đến cuộc sống mới tự do, tương lai huy hoàng.

Những ngày cuối đời của Đức Kitô nơi trần thế Ngài và các môn đệ biết rõ nhà nước đang tìm cách giết Ngài. Các môn đệ Đức Kitô biết rõ điều này và các ông đã phản đối việc Đức Kitô về đền thánh khi các ông nói:

Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy. Gn 10,16

Đức Kitô còn nói rõ hơn khi người phụ nữ đến xức dầu chân Ngài bằng chai dầu thơm đắt giá. Một số người ngồi cùng bàn cho rằng phụ nữ đó kia phí phạm chai dầu đắt giá tốt hơn nên dùng tiền đó bố thí cho người nghèo khó. Đức Kitô biết họ nghĩ thế Ngài lên tiếng bênh vực cô ta và nói rõ lí do:

Cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng tôi Mc 14,8

Đức Kitô trong những ngày cuối đời Ngài xem ra có vẻ bận rộn hơn ngày thường vì còn một số việc Ngài cần làm xong trước khi bị bắt. Đó là việc chuẩn bị bữa tiệc cuối cùng được biết đến là ‘Bữa Tiệc Li’. Ngài đã âm thầm chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết cho ngày lễ, từ nơi chốn đến thực phẩm, phòng ốc và ngay cả phương tiện di chuyển. Các môn đệ dù sống cạnh bên vẫn không hề hay biết chi cho việc Ngài âm thầm chuẩn bị. Họ chỉ biết làm điều Đức Kitô sai bảo và mọi sự đã xảy ra đúng như những gì Ngài chuẩn bị.

Người ta thường chuẩn bị cho ngày chết. Đức Kitô không chuẩn bị cho ngày chết nhưng chuẩn bị cho ngày sống lại. Bữa Tiệc Li là bữa tiệc chuẩn bị cho sự sống lại vinh quang. Tiệc Li có thể hiểu là li trần, dời khỏi trần thế. Dời khỏi trần thế không có nghĩa là chết mà là vượt qua trần thế đến cuộc sống thanh bình muôn thuở. Nếu Tiệc Li không là tiệc sống lại thì không thể giải thích cho việc lập Bí Tích Thánh Thể. Đức Kitô từ lời nói đến việc làm luôn mang í nghĩa trọng đại, vượt trí tưởng. Trong bữa Tiệc Li Đức Kitô cầm bánh và rượu dâng lời chúc tụng Chúa Cha rồi nói cùng các môn đệ;

Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Ta Lc 22,19

Nếu không có sự sống lại thì việc lập bí tính Thánh Thể không có mục đích. Đức Kitô biết rõ Ngài sẽ chết cách đau khổ và Ngài sẽ sống lại vinh quang. Cử hành bí tích Thánh Thể là tuyên xưng việc Chúa sống lại và đoàn liên kết cùng Đức Kitô trong việc bẻ bánh.

Kitô hữu không chuẩn bị chết lành như thường nghe nói nhưng chuẩn bị để gặp Đức Kitô, đoàn tụ cùng Đức Kitô. Theo í nghĩa đó Kitô hữu chuẩn bị cho sự sống lại, cho cuộc sống trường sinh bên cạnh Đức Kitô. Kitô hữu chuẩn bị chết bình an trong Chúa. Lễ an táng là an táng thân xác còn tâm linh thuộc về Chúa nên các bài đọc và lời cầu trong lễ an táng luôn hướng về sự sống lại, sống trường sinh.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Thánh Lễ
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
16:41 27/03/2015
THÁNH LỄ

Thánh lễ là cội nguồn và cao điểm nhất trong đời sống của người Kitô hữu. Giáo Hội Công Giáo tin rằng cử hành Thánh lễ là lập lại hy tế của Chúa Kitô đã hiến mình trên thánh giá tại Calvariô. Chúa Kitô hiến tế một lần duy nhất trên thập giá để cứu độ nhân loại: Chúa Giêsu Kitô không như các vị thượng tế khác, mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội mình, sau là để đền tội thay cho dân (Dt 7, 27). Thánh lễ là một hy tế. Chính Chúa Kitô là Thiên Chúa, là đền thờ, là tư tế và hy lễ. Nhờ Chúa Kitô, chúng ta được giao hòa với Chúa Cha. Chúa Kitô đã mang tất cả các danh hiệu trong thân phận của người tôi tớ.

Giáo Hội Công Giáo trên khắp hoàn cầu vòng xoay không ngừng đem lòng tin kính mến yêu mà dâng lễ tế là bánh và rượu lên Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Kitô đã đổ máu đào hiến dâng lên Chúa Cha để chúng ta được ơn tha tội. Mỗi khi cử hành Thánh Lễ, các linh mục và cộng đoàn dân Chúa cùng tưởng niệm việc Chúa Giêsu Kitô chịu chết và sống lại để cứu độ chúng ta. Chúng ta cùng dâng thánh lễ để ca ngợi, chúc tụng, tạ ơn và đền tội cho chính chúng ta.

Chúng ta cần ý thức việc cử hành và tham dự thánh lễ một cách sốt sáng và nghiêm túc. Giờ đây, chúng ta cùng ôn lại và học hỏi sự diễn tiến trong việc cử hành các nghi thức trong thánh lễ.

Nghi thức Nhập Lễ

Linh mục chủ tế và các lễ sinh (mang thánh giá, tầu và bình hương, nến) tiến rước vào gian cung thánh. Đoàn rước bái quỳ trước Nhà Tạm hoặc cúi đầu chào kính Thánh giá tại chính điện. Linh mục hôn bàn thờ. Bắt đầu nghi thức bằng Dấu Thánh Giá và chào cộng đoàn, mời gọi mọi người cùng ăn năn sám hối tội lỗi. Đọc hoặc hát Kinh Thương Xót (mùa Quanh Năm hát Kinh Vinh Danh và trong Mùa Chay sẽ không hát Kinh Vinh Danh).

Phụng Vụ Lời Chúa

Trong các Thánh Lễ Chúa Nhật và Lễ Trọng buộc, sẽ công bố ba bài đọc. Ngày thường trong tuần chỉ đọc hai bài. Nếu có ba bài đọc, bài thứ nhất trích từ Cuốn Sách Cựu Ước hoặc Sách Tông Đồ Công Vụ trong Mùa Phục Sinh. Sau bài đọc một là bài hát hoặc đọc Thánh Vịnh có đáp ca. Bài đọc thứ hai trích từ Sách Tân Ước, phần lớn các bài đọc trích từ thơ của thánh Phaolô Tông Đồ. Sau bài đọc, xướng ca Alleluia hoặc Vinh danh Ngôi Lời trước khi công bố Phúc Âm. Bài đọc thứ ba quan trọng và cao điểm trong phần Phụng Vụ Lời Chúa (có thể rước Sách Phúc Âm và xông hương). Linh mục hay thầy Sáu sẽ công bố Lời Chúa và hôn kính Lời Chúa trong sách thánh. Tiếp đến là bài giảng được chia sẻ qua việc gẫm suy rút ra từ các bài đọc và đem áp dụng trong cuộc sống đức tin. Kết thúc phần này, cộng đoàn sẽ hát hoặc đọc Kinh Tin Kính để tuyên xưng đức tin và dâng Lời Nguyện Giáo Dân.

Phụng Vụ Thánh Thể

Phụng vụ Thánh Thể bắt đầu bằng việc chuẩn bị của lễ dâng, bánh và rượu. Linh mục mời gọi: Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận. Cộng đoàn thưa: Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha để ca tụng vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người. Rồi linh mục dâng lời cầu nguyện theo ý của ngày lễ.

Phần Kinh Nguyện Thánh Thể là trung tâm điểm của việc cử hành thánh. Linh mục chủ tế mời gọi cộng đoàn cùng hợp ý qua phần đối thoại và cầu nguyện trong Kinh Tiền Tụng dẫn tới việc hợp cùng các Thiên thần chúc tụng tung hô: Thánh, Thánh, Thánh…

Kinh Nguyện Thánh Thể bao gồm việc cầu xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa của lễ để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô. Phần chính là lời truyền phép được lập lại Lời của Chúa Giêsu khi lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, khi Chúa nói với các tông đồ rằng: Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy. Ngay sau khi truyền phép, linh mục nâng Chén Máu và Mình Thánh lên, xướng: Đây là mầu nhiệm đức tin. Cộng đoàn dân Chúa cùng thưa: Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến (có 3 lời thay đổi). Linh mục tiếp tục dâng lời khẩn cầu, tạ ơn, cầu nguyện cho Hội Thánh, cho các phẩm trật trong Giáo Hội, cầu cho các linh hồn đã an nghỉ. Nài xin lòng Chúa thương xót cho tất cả chúng ta để được thông phần sự sống đời đời cùng với Đức Trinh Nữ Maria, thánh Giuse, các Tông đồ và toàn thể các Thánh.

Kết thúc phần Kinh Nguyện, linh mục nâng Chén Rượu và Đĩa Thánh tuyên xưng: Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Cộng đoàn cùng tung hô: Amen.

Nghi thức Hiệp Lễ.

Linh mục mời gọi dân Chúa cầu nguyện như lời Chúa Giêsu đã dậy: Kinh Lạy Cha. Tiếp theo là Lời nguyện xin ơn bình an và giải trừ mọi tội lỗi và biến loạn. Cộng đoàn tung hô: Vì vương quyền, uy lực và vinh quang của Chúa đến muôn đời. Sau đó, cộng đoàn dân Chúa cùng cầu chúc bình an cho nhau.

Trong khi linh mục bẻ bánh và hòa Mình và Máu Đức Kitô trong chén thánh, cộng đoàn hát hoặc đọc: Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con. Rồi linh mục nâng Mình và chén Máu thánh đọc lời: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Cộng đoàn cùng đọc: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh. Tiếp đến là phần rước lễ.

Nghi thức Kết Lễ

Linh mục dâng lời cầu nguyện Hiệp Lễ. Chào chúc và ban phép lành: Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.

Linh mục giải tán: Lễ xong chúc anh chị em đi bình an. Cộng đoàn thưa: Tạ ơn Chúa.

Thánh lễ là một hy lễ vô giá. Chúa Giêsu Kitô hiện diện giữa chúng ta qua Lời Chúa, qua Bí Tích Thánh Thể và Cộng đoàn dân Chúa. Cử hành hoặc tham dự thánh lễ không phải là là diễn kịch lập đi lập lại, nhưng là một việc cử hành hiến tế không đổ máu. Qua quyền năng của Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ làm biến đổi tâm hồn và ban sức sống thiêng liêng cho chúng ta. Giá Máu của Chúa Kitô sẽ tẩy sạch tội lỗi và cứu độ linh hồn các tín hữu đã qua đời.

Chúng ta hãy tham dự thánh lễ một cách tích cực và hòa mình trong của lễ dâng để cầu nguyện và đền tội cho chính mình. Nguyện xin mầu nhiệm hiến tế của Chúa Kitô phục sinh, Đấng chiến thắng tử thần, mang lại cho chúng ta niềm hy vọng và sự sống vĩnh cửu đời đời.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố của đại diện Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo và quyền tự do phát biểu
Đặng Tự Do
07:15 27/03/2015
Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, nhà ngoại giao hàng đầu của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã lên án các hành động của cái gọi là “nhà nước Hồi giáo” và nói về mối quan hệ giữa tự do tôn giáo và tự do phát biểu trong một diễn văn tại Liên Hợp Quốc.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục, ký ngày 10 tháng Ba, đã được công bố vào ngày thứ Năm 26 tháng 3 tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.

Đức Tổng Giám Mục nhận định rằng: “Bạo lực không xuất phát từ tôn giáo, nhưng từ những giải thích sai lạc hoặc từ việc chuyển đổi tôn giáo thành một thứ ý thức hệ. Thêm vào đó, bạo lực tương tự cũng có thể xuất phát từ việc tôn thờ ngẫu tượng Nhà nước hoặc nền kinh tế, và nó cũng có thể là một hệ quả của chủ nghĩa tục hóa. Tất cả những hiện tượng này có xu hướng loại bỏ tự do và trách nhiệm của cá nhân đối với người khác”.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng xung quanh vụ Charlie Hebdo có hai khuynh hướng cực đoan. Khuynh hướng thứ nhất đề cao bất cứ hình thức nào của tự do phát biểu. Ngược lại, khuynh hướng thứ hai chống lại bất cứ hình thức xúc xiểm tôn giáo nào.

Đức Tổng Giám Mục nhận định rằng:

Tự do ngôn luận khi bị lạm dụng để gây ra những vết thương trên phẩm giá con người bằng cách xúc phạm niềm tin sâu xa nhất của họ đang gieo rắc những hạt giống của bạo lực. Tất nhiên, tự do ngôn luận là một quyền con người cơ bản phải luôn luôn được tôn trọng và bảo vệ. Nếu không có quyền tự do ngôn luận thì sẽ không có nền giáo dục, không có nền dân chủ, và không có linh đạo đích thực. Nhưng đồng thời tự do ngôn luận cũng bao hàm nghĩa vụ phải nói một cách có trách nhiệm trên quan điểm của công ích những gì một người nghĩ.

Tự do ngôn luận không thể được dùng để biện minh cho việc hạ thấp tôn giáo thành một nét văn hóa tầm thường, vô nghĩa hoặc biến tôn giáo thành một mục tiêu dễ dàng cho sự chế giễu và phân biệt đối xử. Chắc chắn là những tranh luận bài xích tôn giáo dù là dưới các hình thức mỉa mai có thể được chấp nhận cũng như việc chấp nhận những mỉa mai khi nói về chủ nghĩa thế tục hay chủ nghĩa vô thần.

Những lời chỉ trích liên quan đến tư duy tôn giáo thậm chí có thể giúp hạn chế những hình thái đa dạng của chủ nghĩa quá khích.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng không gì có thể biện minh cho những lời lăng mạ vô cớ và sự giễu cợt ác ý vào tình cảm và niềm tin của người khác, là những người xét cho cùng là bình đẳng về nhân phẩm đối với mình. Chúng ta có quyền chế giễu bản sắc văn hóa của một người, màu da của người ấy, hay niềm tin trong trái tim của người ấy không? “Quyền xúc phạm” là một thứ quyền không hề tồn tại.
 
Đức Cha John Wester chỉ trích việc phục hồi án tử hình bằng cách xử bắn.
Đặng Tự Do
07:27 27/03/2015
Đức Giám Mục John Wester của giáo phận Salt Lake City thuộc tiểu bang Utah, Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích việc phục hồi án tử hình bằng cách xử bắn.

Đức Cha nói:

“Không có luật nào con người có thể chà đạp luật Thiên Chúa. Tước bỏ mạng sống con người là sai, là một cái tát vào mặt niềm hy vọng, và là một nỗ lực để báng bổ những thuộc tính thần linh mà chúng ta, những con người phàm hèn không có.”

Nhận xét của Đức Cha Wester đã được đưa ra sau những lời kêu gọi bãi bỏ án tử hình của Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của tổng giáo phận Los Angeles và các giám mục thuộc giáo phận Nebraska.

“Giáo huấn Công Giáo cho phép sử dụng hình phạt tử hình trong một số điều kiện rõ ràng và cụ thể. Chúng tôi không tin rằng những điều kiện này tồn tại ở Nebraska vào thời điểm này. Vì lý do đó, các giám mục Công Giáo Nebraska, được hướng dẫn bởi sự thận trọng và giáo huấn của Giáo Hội, hỗ trợ các nỗ lực lập pháp để bãi bỏ án tử hình và cải cách hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta.”
 
Nạn bắt trẻ em cầm súng chiến đấu lên đến mức cao nhất trong năm 2014
Đặng Tự Do
08:08 27/03/2015
“Năm 2014 là năm tồi tệ nhất của kỷ nguyên hiện đại trong đó trẻ em được sử dụng như những người lính trong các cuộc xung đột vũ trang”, một đại diện Vatican đã tố cáo như trên trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc diễn ra hôm thứ Tư 25 Tháng Ba tại New York.

“Chỉ tại Syria và Iraq mà thôi, chúng ta đã thấy có hơn 10,000 trẻ em bị buộc trở thành lính trẻ em và bị ép buộc phải bắn giết”. Đức Tổng Giám mục Bernard Auza, đại diện thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, đã cho biết như trên trong một phiên họp về trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang.

Đức Tổng Giám Mục nói mặc dù đã có một sự đồng thuận quốc tế đối với việc ngăn cấm sử dụng trẻ em làm lính, các nhóm khủng bố và “các tổ chức phi nhà nước khác” đã và đang tiếp tục làm như thế.

Đức Tổng Giám mục Auza lưu ý rằng “Cộng đồng quốc tế đã có rất nhiều công cụ cần thiết để đương đầu với việc sử dụng binh lính trẻ em. Tuy nhiên, các quốc gia thiếu ý chí chính trị và lòng can đảm đạo đức để thực hiện các bước cần thiết nhằm giải quyết các thách đố này.”
 
ĐGH Phanxicô sẽ thăm TT Obama tại Tòa Bạch Ốc ngày 23/9/2015
LM Trần Công Nghị
11:19 27/03/2015
VATICAN - Nhà Trắng ra tuyên bố hôm thứ Năm (26/3) và từ Vatican HÔM NAY (27/3) cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và vợ là bà Michelle sẽ đón tiếp Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 23 Tháng Chín năm 2015.

Cuộc họp sẽ diễn ra tại Nhà Trắng, và cho biết Tổng thống Obama và Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ thảo luận về một số vấn đề cùng quan tâm, trong đó có "chăm sóc cho người bị thiệt thòi và người nghèo; thúc đẩy cơ hội kinh tế cho tất cả mọi người; làm quản lý tốt cho môi trường; bảo vệ tôn giáo thiểu số và thúc đẩy tự do tôn giáo trên toàn thế giới; chào đón và hội nhập những người nhập cư và người tị nạn vào các cộng đồng của chúng ta. "

Báo cáo cho biết Tổng thống Obama "mong muốn được tiếp tục cuộc nói chuyện với Đức Thánh Cha trong chuyến thăm đầu tiên của Ngài đến Hoa Kỳ trên cương vị là Giáo hoàng."

Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Obama đã gặp nhau lần đầu tiên tại Vatican vào ngày 27 Tháng Ba 2014.

Như đã đưa tin trước Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đọc diễn văn tại phiên họp lưỡng viện của Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 24 Tháng Chín.

Sau khi thăm Washington, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tiếp tục đến thành phố New York, nơi Ngài sẽ đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 25 tháng 9, trước khi Ngài đến Philadelphia chủ trì Đại hội Thế giới về Gia đình từ tháng 26-27/9/2015.
 
Hàng ngàn người Salvador tuần hành tưởng nhớ Đức Tổng giám mục Oscar Romero
Đặng Tự Do
16:49 27/03/2015
Hàng ngàn người Salvador đã tuần hành hôm thứ Ba 24 tháng Ba để tưởng nhớ Đức Tổng giám mục Oscar Romero, là người đã bị ám sát cách đây 35 năm trong cuộc nội chiến tại quốc gia này và sẽ được phong chân phước vào ngày 23 tháng Năm tới đây.

Đức Tổng giám mục Oscar Romero được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục thủ đô San Salvador vào ngày 3 tháng Hai năm 1977. Ngài là tiếng nói bất khuất chống bất công xã hội. Đức Cha đã bị bắn xuyên tim hôm 24 tháng Ba năm 1980 bởi một tay bắn tỉa trong khi cử hành thánh lễ chỉ một ngày sau khi hô hào người lính El Salvador đừng giết hại thường dân vô tội.

Khoảng 3,000 người đã tuần hành qua các đường phố của thủ đô San Salvador hát vang bài ca “Ngài là vị thánh của nhân dân”.

Domitila Pena, một cụ già tóc bạc trắng đã 79 tuổi chống gậy diễn hành nói:

“Ngay cả trước khi họ giết Đức Cha Romero, ngài đã là một vị thánh. Ngài đứng về phía chúng tôi, bên cạnh những người nghèo. Ngài chia sẻ nỗi đau của chúng tôi”

Cuộc diễn hành trong hòa bình này là một cảnh rất khác với những gì xảy ra trong đám tang của Đức Cha Romero vào năm 1980, khi binh sĩ đã nổ súng bắn thẳng vào hơn 100,000 người đưa tang tại nhà thờ chánh tòa San Salvador, giết chết hàng chục người.

Thật vậy, các giáo sĩ Công Giáo, Anh Giáo và Tin Lành Luther đã cùng cầu nguyện cho Đức Cha Romero tại cùng ngôi nhà thờ nơi ngài đã bị bắn chết. Cả tổng thống Salvador Sanchez Ceren cũng có mặt trong thánh lễ.

Năm 1997, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Đức Tổng Giám mục Romero là Vị Tôi Tớ Chúa và mở án phong Chân Phước cho ngài. Tuy nhiên, án phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục đã vấp phải những quan ngại cho rằng ngài đã bị giết vì tham gia chính trị, chứ không phải vì đức tin của mình.

Tháng Tám vừa qua, khi được hỏi về triển vọng trong việc phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục Romero, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các phóng viên rằng ngài đã chờ đợi kết quả của một cuộc điều tra nghiêm ngặt về vấn đề là liệu Đức Tổng Giám Mục Romero có phải đã bị giết chết vì hận thù đức tin hay không.

Trước đó, năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã khai thông mọi bế tắc trong tiến trình phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám Mục Romero. Ngài nói rằng Đức Tổng Giám Mục Romero “đáng được phong Chân Phước, tôi không bao giờ hồ nghi về điều đó”.

Sau một thời gian điều tra, ngày 9 tháng Giêng vừa qua một ủy ban các nhà thần học được Tòa Thánh bổ nhiệm đã xác nhận rằng Đức Tổng Giám mục Oscar Romero bị giết “vì sự thù ghét đức tin”. Ngày 3 tháng Hai vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn y án phong cho Chân Phước cho ngài do Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh trình lên; và truyền rằng lễ phong Chân Phước sẽ được cử hành ngày 23 tháng 5 tới đây.

Cuộc chiến tại El Salvador đã kết thúc với hiệp định ngưng bắn vào năm 1992 chấm dứt 12 năm nội chiến. Tuy nhiên, mãi cho đến nay, xã hội El Salvador vẫn còn nhiều chia rẽ và bạo lực vì bao nhiêu oan khiên không được giải tỏa. Cái chết của Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero là tiêu biểu cho thế giới thấy các thủ đoạn tàn bạo của Biệt Đội Tử Thần do nhóm quân nhân El Salvador dựng lên.

Thiếu tá Alvaro Rafael Saravia, người trực tiếp nhúng tay vào vụ sát hại Đức Tổng Giám Mục Romero đã được khéo léo dàn xếp cho di cư sang Mỹ vào giữa thập niên 1980 để chạy tội nhưng y bị bắt và bị đưa ra tòa. Trước tòa án tại California, Alvaro Rafael Saravia không nói một lời nào nhằm bác bỏ hay công nhận trách nhiệm của mình trước cáo buộc đã giết hại Đức Cha Romero. Y cũng không thèm mướn luật sư cãi lại. Tòa án tại California đã trưng ra những bằng cớ không thể phủ nhận được về vai trò trực tiếp giết hại Đức Cha Romero của ông Saravia, và vai trò ông này trong Biệt Đội Tử Thần El Salvador cũng như liên hệ giữa ông này và cố đại tá Roberto D'Aubuisson, người đã thành lập đảng ARENA. Tòa đã truyền cho ông Saravia phải đền cho thân nhân Đức Cha Romero 10 triệu Mỹ Kim.
 
Cuối cùng Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cũng có một phiên họp về thảm họa của các tín hữu Kitô tại Iraq và Syria
Nguyễn Việt Nam
17:44 27/03/2015
Đêm thứ Hai 9 tháng 6 năm 2014 rạng ngày thứ Ba, các chiến binh Hồi Giáo cực đoan lần lượt chiếm được sân bay Mosul, đài truyền hình và văn phòng thống đốc, phá các nhà tù và giải thoát hơn 1,000 tù nhân. Thành phố Mosul thất thủ. Ngày 29 tháng 6 năm 2014, quân khủng bố Hồi Giáo IS thành lập cái gọi là “nhà nước Hồi Giáo” và cho tới nay đã hùng bá trên một diện tích rộng lớn bao gồm một phần ba nước Syria và một nửa nước Iraq. Chúng tiến hành ngay một chiến dịch khốc liệt nhằm tận diệt các tín hữu Kitô trong vùng.

Ngày 27 tháng 7 năm 2014, Đức Hồng Y Louis Sako viết thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon yêu cầu bảo vệ các tín hữu Kitô Iraq. Ngày 9 tháng 8 năm 2014, đích thân Đức Giáo Hoàng viết thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon về tình trạng bi đát của hơn 100,000 tín hữu Kitô Iraq mà một số đông đang sống lang thang màn trời chiếu đất tại thủ phủ Erbil của người Kurd sau khi chạy khỏi Mosul và vùng bình nguyên Niniveh. Tất cả những cố gắng này dường như rơi vào hư vô đến mức nhiều lần Đức Giáo Hoàng đã phải dùng cụm từ “hiện tượng toàn cầu hóa sự dửng dưng” khi đề cập đến tình trạng bi đát của các tín hữu Kitô Syria và Iraq.

Cuối cùng, sau một thời gian im lặng rất khó hiểu kéo dài đến hơn 9 tháng, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mới có một cuộc họp vào ngày thứ Sáu 27 tháng Ba để bàn về “tình trạng thảm họa” mà các tín hữu Kitô ở Iraq và Syria đang phải đối mặt. Được mời tham dự cuộc họp này là Đức Hồng Y Raphael Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê Iraq. Đây là cuộc họp đầu tiên được tiến hành theo đề nghị của nước Pháp.

Trong bài phát biểu, Đức Hồng Y nói:

“Thành thật mà nói, cái gọi là mùa xuân Ả Rập [hay cuộc nổi dậy Ả rập] đã có những tác động tiêu cực đến chúng tôi”. Trào lưu Hồi Giáo cực đoan đã bùng lên trên quy mô toàn thế giới, đặc biệt là tại Trung Đông, và họ không sẵn sàng khoan dung với các tôn giáo khác, và tình hình ngày càng xấu đi cho các tôn giáo thiểu số.”

“Đồng thời, điều quan trọng là phải hiểu rằng những hành vi khủng bố không nên được quy kết chung chung cho tất cả những người Hồi giáo. Trong thực tế, có một đa số người Hồi Giáo thầm lặng và hòa bình, là những người bác bỏ âm mưu chính trị hoá các tôn giáo như thế.”

Vị giám chức Iraq kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc tế hãy hỗ trợ chính phủ nước ngài trong một nỗ lực “giải phóng tất cả các thành phố Iraq và các làng mạc của người Kitô hữu, người Yezidis và Shabaks, cách riêng là thành phố Mosul cũng như các thị trấn ở đồng bằng Nineveh”

Tuy nhiên, Đức Thượng Phụ cũng cảnh báo rằng hành động quân sự mà thôi thì chưa đủ để giải quyết các vấn đề mà Iraq và Syria đang phải đối mặt. Ngài kêu gọi một nỗ lực phối hợp để chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chấm dứt việc tài trợ cho những kẻ khủng bố, và bảo đảm việc khôi phục lại luật pháp.

Ngài cảnh cáo rằng nếu cộng đồng quốc tế không hành động có hiệu quả, tình hình có thể dễ dàng trở nên nguy hiểm, và bạo lực sẽ không ngừng leo thang: “Hàng triệu trẻ em và thanh thiếu niên đang bị tước đoạt trường học và giáo dục. Hàng triệu người tị nạn trong các trại không được chăm sóc và quan tâm. Sự thất vọng đang gia tăng cùng với tình trạng thất nghiệp và nghèo đói. Những hiện tượng tiêu cực này có thể dễ dàng phát triển thành một bầu không khí trả thù và chủ nghĩa cực đoan.”
 
Cảnh sát Ấn bắt giữ một kẻ tình nghi hãm hiếp một nữ tu 72 tuổi tại Calcutta
Nguyễn Việt Nam
18:47 27/03/2015
Hôm thứ Năm 26 tháng Ba, cảnh sát Ấn Độ cho biết đã bắt giữ một kẻ tình nghi có liên quan đến một băng nhóm đã cưỡng hiếp một nữ tu Công Giáo hồi đầu tháng này.

Kẻ tình nghi đã bị bắt và bị giam ở Mumbai – hay còn gọi là Bombay – vào tối thứ Tư 25 tháng Ba và đã được di chuyển đến Calcutta, nơi xảy ra vụ án. Tại Calcutta, cảnh sát cho biết họ đã xác định một số nghi phạm dựa theo những hình ảnh mà camera trong tu viện thu được, nhưng cho đến nay đã không có vụ bắt giữ nào được thực hiện.

Tổng Giáo Phận Kolkata, cũng gọi là Calcultta, cho biết tu viện Chúa Giêsu và Mẹ Maria, tại Ranagath, đã bị tấn công và cướp phá trong nhiều giờ từ lúc 1 giờ sáng ngày thứ Bẩy 14 thámg Ba mà không nhận được sự trợ giúp của cảnh sát.

Sau khi khống chế các nhân viên bảo vệ, bọn cướp đã trói 3 nữ tu và bắt đầu cướp phá. Nữ tu hiệu trưởng, năm nay 72 tuổi, cũng là bề trên tu viện đã gọi điện thoại báo cảnh sát nhưng bọn cướp xông vào phòng của sơ lục soát, phá hoại tài sản và lấy tiền, một máy tính xách tay và điện thoại di động sau đó đã hãm hiếp sơ.

Sáng thứ Bẩy, học sinh và cha mẹ đã xuống đường để phản đối. Họ chặn đoàn tàu trên tuyến Sealdah-Ranaghat và phong tỏa Quốc lộ 34 trong nhiều giờ nhằm phản đối vụ việc. Những cư dân khác trong vùng cũng tham gia với họ.
 
Top Stories
Pope Francis to visit White House on September 23, 2015
Vatican Radio
11:03 27/03/2015
(Vatican 2015-03-27) The White House issued a statement on Thursday announcing United States President Barack Obama and his wife Michelle will host Pope Francis on September 23, 2015.

The meeting will take place in the White House, and the statement said President Obama and Pope Francis would discuss several issues of mutual interest, including “caring for the marginalized and the poor; advancing economic opportunity for all; serving as good stewards of the environment; protecting religious minorities and promoting religious freedom around the world; and welcoming and integrating immigrants and refugees into our communities.”

The statement said President Obama “looks forward to continuing this conversation with the Holy Father during his first visit to the United States as pope.”

Pope Francis and President Obama met for the first time at the Vatican on March 27, 2014.

It has already been announced Pope Francis will address a joint session of the United States Congress on September 24.

After visiting Washington, Pope Francis’ trip to the United States will take him to New York City, where he will address the United Nations General Assembly on September 25, before he heads to Philadelphia for the World Meeting of Families from September 26-27.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Flemington mừng đại lễ Acies.
Trằn Văn Minh
06:59 27/03/2015
Melbourne, vào lúc 5.30 chiều Thứ Sáu 27/03/2015. Tại Nguyện đường Trung tâm Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Hội đồng Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam với đông đủ các hội viên Legio Mariae hoạt động và tán trợ thuộc các đơn vị đã về dự đại lễ Acies 2015.

Mời coi hình

Comitium khai mạc chương trình nguyện kinh và đi Đàng Thánh Gía, mọi người hướng về Thánh gía nến cao ở mỗi chặng đàng Thánh gía để suy niệm và đọc kinh. Sau mười bốn đàng Thánh gía, mọi người cùng đọc kinh Tessera và lần chuỗi Mân côi.

Đại lễ mừng kính chính thức do Linh mục linh giám Giuse Trần Ngọc Tân quản nhiệm cộng đoàn cử hành, Comitium đã cùng với cộng đoàn hiệp dâng Thánh lễ mừng kính chung. Trong phần chia sẻ lời Chúa. Linh mục chủ tế đã nói về ngày lễ trọng đại kết hợp Đức Trinh nữ Maria đã đáp lại lời Chúa Thánh Thần để mang con một Thiên Chúa Nhập thể. Một người nữ hơn mọi người nữ với sự trung tín và vâng phục giúp cho nhân loại nhận được ơn cứu độ từ Thiên Chúa.

Sau bài giảng, lễ dâng mình của đạo quân Đức Mẹ lên cho vị Nữ tướng tối cao: “Lạy Nữ Vương là Mẹ con. Toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ.” Đông đảo đoàn quân binh Legio đủ mọi lứa tuổi đã tiến lên dâng mình trước Huy hiệu Legio.

Ca đoàn Legio Mariae Comitium đã dùng lời ca tiếng hát dâng lên Mẹ rất Thánh lời khẩn nguyện thiết tha để xin Mẹ đón nhận và hướng dẫn đoàn con là đạo binh Mẹ chiến đấu để cứu các linh hồn khỏi hư mất.

Cuối cùng ông Mai Thanh Hải trưởng hội đồng Comitium đã lên cám ơn Cha Linh Giám và tất cả mọi anh chị em quân binh đã lên dâng mình, xin Mẹ giúp sức cho đoàn quân Mẹ gặt hái được nhiều thành qủa trong nhiệm vụ của năm mới 2015.
 
Acies Curia Phú Thọ 1 : Mừng lễ Đức Mẹ Truyền Tin
Martino Lê Hoàng Vũ
10:41 27/03/2015
SAIGÒN - Vào chiều thứ tư ngày 25.3.2015,các hội viên hoạt động và tán trợ của Legio Mariae thuộc Curia Phú Thọ I đã đã quy tụ về nhà thờ giáo xứ Tân Phước long trọng mừng lễ Đức Mẹ Mẹ Truyền Tin.Curia Phú Thọ 1 gồm 4 giáo xứ trong giáo hạt Phú Thọ: Tân Phước, Phú Bình,Tân Trang và Thăng Long.

Hình ảnh

Trước thánh lễ,vào lúc 16g 30, các hội viên đã cùng với cha Linh Giám Giuse Nguyễn Văn Niệm đọc kinh và mỗi hội viên lập lại lời hứa dâng mình cho Đức Mẹ “Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ, và mọi sự của con là của Mẹ”.Trong lúc đó, cha Linh Giám huấn từ về ý nghĩa ngày đại hội Acies trong dịp mừng lễ Mẹ Truyền Tin.Đối với các hội viện Legio Mariae hôm nay là ngày lễ quan trọng, là ngày họp mặt đại hội,lần lượt chúng ta làm các việc như đọc kinh, tuyên hứa và tham dự thánh lễ để kết hiệp với Chúa Giêsu và Đức Mẹ luôn biết thánh hóa đời sống mình.Chúng ta được xếp hàng vào trận, tề chỉnh mũ áo, ra quân dưới sự chỉ cầm quân của Mẹ Maria và với các vũ khí là công tác tông đồ.Mật trận này không phải là mở mạng bờ cõi lãnh thổ, lấn đất giành dân, nhưng là mở mang cho Nước Chúa trị đến.

Thánh lễ diễn ra sau đó với sự chủ tế của cha Giuse Nguyễn Văn Niệm, Linh Giám Curia Phú Thọ 1,chánh xứ Phú Bình, cha Giuse Vũ Minh Danh, chánh xứ Tân Phước, cha Phanxicô Assisi Lê Hoàng Lâm phụ tá giáo xứ Tân Phước, cha Phêrô Nguyễn Quân,và sự tham dự đông đảo cộng đoàn giáo xứ Tân Phước,

Trong bài chia sẻ Tin Mừng,cha phụ tá giáo xứ Tân Phước Phanxicô Assisi Lê Hoàng Lâm dựa theo bài Tin Mừng đã nói đại ý như sau: Đức Mẹ được Thiên Chúa truyền cho một tin vui, tin mừng.Tin vui đó đến từ Thiên Chúa, chứ không phải từ con người.Hằng ngày,chúng ta đọc báo,xem tivi, xem trên mạng Internet thấy biết bao nhiêu là tin tức,tin buồn,những tin về các vụ bạo lực,người ta hành hung chém giết nhau…tất cả những tin đó đều mang tính chủ quan của người đưa tin.Chúng ta phải học với Mẹ Maria thái độ đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa.Mẹ Maria chấp nhận cưu mang Con Thiên Chúa làm người.Mẹ Maria cũng chia sẻ niềm vui với người khác,giúp đỡ mọi người.Đó là niềm vui có Chúa ở cùng mà Mẹ đã cảm nghiệm được.Chúng ta phải chia sẻ niềm vui có Chúa ở cùng cho người khác.Nhất là lời mời gọi chia sẻ niềm vui đó, lại dành cho các hội viên Legio Mariae mừng lễ hôm nay.

Trước khi kết thúc thánh lễ,vị đại diện Legio Mariae Curia Phú Thọ 1 đã dâng lời cám ơn cha Linh Giám và quý cha đã tận tình chăm sóc cho các hội viên, để mỗi ngày Curia Phú Thọ 1 được phát triển hơn, được đong đầy rượu của đức tin như Mẹ Maria đã ban dư tràn trong tiệc cưới Cana.Trong phần đáp từ, cha Linh Giám cám ơn cha chánh xứ Tân Phước, nơi cai đăng tổ chức đại hội Acies, cha cám ơn quý cha đồng tế và Legio Mariae giáo xứ Tân Phước.Hơn nữa, cha ghi nhận lòng sốt sắng nhiệt thành của các hội viên.Cha gọi đó là những tin vui, tin mừng trong thánh lễ này.Cha nói đến sự “vắng mặt” của cha Giuse Phạm Bá Lãm Hạt trưởng Phú Thọ, năm nào ngài cũng hiện diện trong thánh lễ với Curia Phú Thọ 1.Tuy nhiên, năm nay ngài đang “tang gia bối rối”cho cha Nicala Đinh Quang Điện gốc Phát Diệm vừa mới qua đời.Cha Linh Giám nói đến sự “vắng mặt” của cha Hạt trưởng năm nay như là “tin tức, tin ức”.

Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Truyền Tin kết thúc,mỗi hội viên Legio Mariae ra về với lòng yêu mến Mẹ Maria và quyết tâm hăng say làm việc tông đồ, để cuộc đời luôn bước đi trong sự dẫn dắt của Mẹ Maria và nhờ đó mỗi ngày tiến tới trên đường tốt lành.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đền thờ đồi Golgotha và mộ Chúa Giêsu sống lại
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:45 27/03/2015
Đền thờ đồi Golgotha và mộ Chúa Giêsu sống lại

Từ xưa nay, đều có những đoàn người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến kính viếng đền thờ đồi Golgotha, nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập gía, cùng ngôi mộ, nơi Chúa Giêsu được an táng và đã sống lại. Hai nơi thánh này cùng nằm trong một đền thờ ở Gierusalem vùng cổ thành.

Khách hành hương đến kính viếng hai nơi thánh này, những mong tưởng có dịp thuận tiện tốt lành, nhất là bầu khí thánh thiêng yên tĩnh để cầu nguyện, mong đụng chạm xờ vào di tích thánh tảng đá núi đồi , nơi cây thập gía Chúa Giêsu ngày xưa dựng cắm, mong qùy xuống hôn kính viên đá nấm mồ nơi Chúa Giêsu đã nằm yên nghỉ trước khi sống lại từ cõi chết…

Nhưng nhiều người đã thất vọng. Vì bầu không khí nơi đó khác hẳn với nghĩ tưởng, hầu như „ hương vị thánh“ gần như tan loãng. Lý do là các khách hành hương thuộc đủ mọi tôn giáo, mọi nước ra vào nhộn nhịp, rồi những nghi lễ khác nhau của các tôn giáo cử hành ở các bàn thờ khắp trong đền thánh, và cộng thêm những hướng dẫn cắt nghĩa của những nhóm du khách hành hương nữa.

Đền thờ mộ Chúa Giêsu nơi đây không thuộc riêng về một tôn giáo nào. Nhưng là của chung những tôn giáo Chính Thống giáo Hy Lạp. Chính thống giáo Armenien, Công Giáo do Dòng Phanxico đại diện, Chính Thống giáo Cốp, Chính thống giáo Syria, Chính thống giáo Ethiopia. Thành ra 6 Tôn giáo đó cùng chung thờ phượng Chúa trong một ngôi đền thờ.

Ngày xưa Chúa Giêsu chết trên thập gía giữa cảnh ồn ào nhộn nhịp lộn xộn thế nào, thì ngày nay có lẽ cũng diễn ra gần như vậy.

Dẫu vậy, người hành hương, người tín hữu Chúa Kito tin rằng nơi đó Chúa Giêsu đã bị đóng đinh trên thập gía cho tới chết, và sau đó Ngài được mai táng trong khu mộ ngay sát cạnh đó trước khi Ngài sống lại, là di tích nơi thánh cho lịch sử thần học đức tin Công Giáo cùng những tôn giáo khác cùng tin vào Chúa Giêsu.

Từ khía cạnh đó, người ta đi tìm hiểu lịch sử của ngôi đền thánh này, không chỉ về phương diện năm tháng xây dựng, nhưng còn về ý nghĩa đạo đức thần học nữa.

Đền thờ thời Vua Constantino

Trong dòng thời gian ba thế kỷ đầu tiên sau Chúa về trời, các tín hữu Chúa Kitô thời Giáo Hội sơ khai chú trọng tới việc đạo đức thần học là việc chính. Giáo Hội sơ khai chú ý đến ý nghĩa sự chết của Chúa Giêsu trên thập gía và sự phục sinh của Chúa nhiều hơn. Còn nơi chốn Chúa chịu đóng đinh đồi Golgotha, mộ thánh của Chúa ở Gierusalem với họ là việc phụ thôi, họ không chú trọng đến.

Mãi đến thời hoàng đế Constantin thứ nhất di tích hai nơi thánh mới dần lộ diện ra ánh sáng được biết đến. Constantino sau khi thắng Licinius năm 324 , ông trở thành hoàng đế của đế quốc Roma thống trị toàn vùng miền phía đông của đế quốc, và là vị vua đầu tiên Ông trở lại Công Giáo trong đế quốc Roma. Từ đó đạo Công Giáo được công nhận và bắt đầu phát triển lan rộng.

Mùa Hè 325 Hoàng đế Constantino triệu tập Công đồng Công Giáo ở Nicea. Hoàng đế muốn không chỉ về phương diện chính trị, mà còn muốn hợp nhất một Giáo Hội theo khía cạnh thần học tương đương phù hợp một vương quốc và một Giáo Hội.

Ở Công đồng Nicea bản kinh tin kính được các Giám mục viết về Chúa Giêsu: „ Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô….vì loài người chúng tôi, và để cứu độ chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập gía, và ngày thứ ba người sống lại, Người lên trời và người sẽ trở lại, để phán xét người sống và người chết…“.

Từ căn bản thần học đó của Công Đồng Nicea, nhà Vua cùng với Thánh nữ Helena là mẹ của Vua đã cho xây dựng đền thờ đôi đầu tiên ở Gierusalem để kính nhớ sự chết đau khổ và sự sống lại khải hoàn của Chúa Giêsu, đồng thời cũng cho xây dựng một đền thờ nữa trên núi Cây dầu ở Gierusalem để kính nhớ Chúa Giêsu lên trời.

Phương án cho xây dựng đền thờ ở ba nơi đó phù hợp với ba giai đoạn đời Chúa Giêsu như diễn tả trong kinh Tin Kính của Công đồng Nicea. Có thể nói được, „chương trình bản hòa tấu thần học“ kinh tin kính đó nhà Vua đã cho viết khắc trên đá nơi công trình xây cất đền thờ đầu tiên năm 325. Và sau 10 năm xây dựng, đền thờ được khánh thành năm 335.

Đền thờ bị phá hủy

Năm 614 đền thờ bị quân Batư chiếm gây ra cảnh tàn phá cùng với những nhà thờ khác nữa ở Gierusalem. Nhưng cây thánh giá Chúa Giêsu trong đền thờ được kịp thời do tướng Shahrbaraz đưa đi cất dấu. Và năm 629 đền thờ được chiếm lại, cây Thánh gía Chúa Giêsu được đưa trở lại đền thờ, và đền thờ được sửa chữa lại cho xứng đáng. Đền thờ và những nhà thờ khác ở Gierusalem trong thời kỳ này, dù do những vị cai trị người Hồi Giáo trị vì, được bảo vệ không bị tàn phá. Những người tín hữu Chúa Kitô đã có một thời gian dài trở thành số đông dân số sống trong Gierusalem. Họ được hưởng đời sống an toàn.

Nhưng đến thời hoàng đế Carolo thứ nhất sự chuyển hướng tấn công những cơ sở của người tín hữu Chúa Kitô bắt đầu. Từ thời kỳ này có nhiều nhà thờ bị tàn phá không còn trên bản đồ thành phố nữa. Không rõ chính xác, nhưng vào mùa Thu 1009 Kalif Al-Hakim, cai trị Ai Cập ở Kairo từ 1000 đến 1021, đã xâm chiếm tàn phá đền thờ Golgotha và mộ Chúa Giêsu..

Sau những đề nghị hội thảo về những hiệp ước hòa bình với Giáo Hội Bysantin bên Đông phương, những lễ nghi phụng tự được phép cử hành trên đống đổ nát hoang tàn của đền thờ. Và sau cùng từ năm 1033 đến năm 1048 được phép xây dựng lại đền thờ. Đền thờ mới xây dựng lại không còn bộ mặt như cũ nữa. Nhưng chỉ rotundus -Vòng cung hình tròn- sự phục sinh sống lại của Chúa Giesu Kito được xây dựng lại, ngôi mộ thánh của Chúa Giêsu chỉ còn lại một khung hình vòng cung thôi.

Năm 1099 Đạo binh thánh gía theo lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Roma đã tiến về Giêrusalem chiếm lại đền thờ mộ Chúa Giêsu và những đền thờ khác ở Gierusalem từ tay Hồi giáo. Và từ năm 1160-1170 Mộ thánh Chúa Giêsu được xây dựng lại cho hoàn chỉnh.

Năm 1555 đền thờ được xây dựng lại như mô hình thuở ban đầu. Đến năm 1808 đền thờ lại bị hỏa hoạn cháy tàn phá và lại được xây dựng mới trở lại. Dù được xây lại mới, nhưng công trình cũng giữ lại theo chiều hướng vết tích của đền thờ cũ.

Sao các Bạn tìm người sống nơi người chết?

Ai đến kính viếng mộ thánh Chúa Giêsu trong đền thờ đều gặp trước hết một gian phòng ngay trước mộ có hàng rào xây vây chung quanh và có tượng Thiên Thần.

Thiên Thần này đã hỏi các người phụ nữ sáng sớm ra thăm viếng mộ Chúa Giêsu khi xưa: Sao các người tìm người sống, nơi người chết vậy? (Lc 24,5. )

Bước qua căn tiền phòng này người hành hương phải cúi mình xuống thấp chui qua một cửa nhỏ mới vào được căn phòng mộ nhỏ, căn phòng nầy đã được xây dựng từ thời Vua Constantino năm 325. Nơi địa điểm này „ Chúa Giêsu đã được đặt nằm an táng“ (Mt 28,6)

Người hành hương chui vào căn phòng mộ nhỏ chỉ có một tấm đá dài trống trơn, qùy xuống kính viếng nơi ngày xưa Chúa Giêsu đã nằm an táng. Và có lẽ trong trong tâm trí vang lên lời Thiên Thần đã nói ngày xưa“ Sao các bạn tìm người sống nơi người chết sao? Người không còn ở nơi đây“ Người đã chỗi đậy sống lại rồi.“ (Lc 24,5.)

Vào thăm viếng mộ đá Chúa Giêsu trống trơn, nhưng gợi vang lên hai khía cạnh: sự hấp dẫn và chỉ hướng. Hấp dẫn vì đến tận nơi huyệt đá gốc ngọn nguồn của đức tin, và có được sự tĩnh tâm chú ý. Sự chỉ hướng là tìm thấy sự vắng mặt người chết, và hướng về người sống, một căn bản của đức tin.

Năm 1545 đền thờ bị phá hủy nặng do trận động đất gây ra, và sau đó được Dòng Phanxico tu sửa lại, nhất là phần ngôi mộ thánh. Tu sỹ Dòng Phanxico Guardian Bonifatius von Ragusa đã ghi lại trong một bức thư cảm động nói về mộ rất thánh aperto ss. Sepulcro, như nhân chứng đã quan sát nhìn thấy ngôi mộ thánh cũ trước khi bị tàn phá và được xây mới lạl“

„ Ngôi mộ rất thánh của Chúa được đục trong hang núi đá. Trong hang có hai bức hình vẽ Thiên Thần chồng lên nhau. Một Thiên Thần với tấm băng rôn có hàng chữ Người đã sống lại rồi Người không còn ở đây, đang khi vị Thiên Thần khác bằng ngón tay chỉ vào chỗ huyệt chôn „ Đây là chỗ Người đã được đặt nằm an táng Mc 16,6…..

Còn đang ngạc nhiên thì chúng tôi nhìn thấy một chỗ trống, nơi Chúa Giesu đã nằm ba ngày. Địa điểm này chiếu tỏa ánh sáng lóng lánh như ánh sáng mặt trời của máu cực thánh Chúa Giêsu trộn lẫn với dầu thơm., mà người ta đã ướp khi tẩm liệm mai táng…

Ở giữa nơi cực thánh này chúng tôi tìm thấy một khúc gỗ bọc trong một tấm khăn lau mồ hôi. Khi chúng tôi cung kính cầm lên tay và hôn kính, lúc đó không khí thoát ra, tấm khăn lau mồ hôi tan rữa ra tay chúng tôi không còn gì nữa., chỉ một vài sợi chỉ vàng còn sót lại.

Trên khúc gỗ có dòng chữ, nhưng dòng chữ này cũng đã bị tiêu hủy vì lâu đời rồi, đến nỗi người ta không thể ghép đọc những chữ đó thành câu được. Duy nhất trên hàng đầu của tấm bản người ta có thể đọc được những chữ viết lớn bằng tiếng latinh: HELENA MAGNI CONSTINI MATER FECIT, Helena, mẹ của đại đế Constantino đã làm.“

Về diện tích chu vi của căn phòng ngôi mộ Chúa Giêsu, Tu sỹ Maximos Symaios, người chỉ huy giám sát việc xây dựng lại ngôi mộ năm 1808 sau trận hỏa hoạn đã ghi chú lại kích thước ngôi mộ “ Hang đá ngôi mộ thánh làm bằng đá qúy của một vị vua có chiều dài ba xải, chiều rộng một xải rưỡi và chiều cao bốn xải, khoảng 140 x70 x185 cm. Phía nam và phía bắc chỉ là bức tường ngăn, trong khi phía đông và phía tây và mái bên trên được xây dựng. Nền nhà bằng đá.“

Đồi Golgotha bây giờ là một bàn thờ có thánh gía Chúa Giêsu bị đóng đinh trên đó, dưới chân bàn thờ có một lỗ hổng ăn thông xuống bên dưới có tảng đá được bảo quản trong tủ lồng kính cẩn thận. Lỗ hổng đó là nơi ngày xưa cây thập giá Chúa Giêsu được dựng cắm, và tảng đá đó là tảng đá chỗ thập gía Chúa được dựng cắm lên. Bàn thờ này thuộc Giáo Hội Chính Thống. Ngay bên cạnh phía bên phải có một bàn thờ Công Giáo với hình Chúa Giêsu nằm trên thập gía có Đức mẹ đứng bên cạnh và thánh nữ Mai đệ liên quỳ ôm chân Chúa đang khóc.

Ngoài ra trong ngôi đền thờ này còn có những bàn thờ, nhà nguyện nhỏ khác nữa, như nhà nguyện Thánh Thể hay còn có tên là nhà nguyện Chúa Giêsu hiện ra với Đức mẹ Maria sau khi sống lại, trong nhà nguyện này có một cột đá mầu đen là cột trụ Chúa Giêsu bị trói, bàn thờ kính Thánh nữ Maria Maiđệ liên, nhà nguyện kính Thánh nữ Helena, nhà nguyện kính Adong Eva, bàn thờ kính người trộm lành được Chúa Giêsu chúc phúc cho lên thiên đàng.

Ngôi mộ chôn Chúa Giêsu được xây dựng bằng đá. Táng đá lịch sử đó quan trọng theo phương diện chính trị tôn giáo, hay khoa khảo cổ học.

Ngôi mộ chôn Chúa Giêsu bằng đá với người tín hữu Giáo Hội thời tiên khởi sau khi Chúa Giêsu về trời là nơi đã diễn ra ơn cứu độ chữa lành. Và vì thế họ rất mực tôn kính.

Ngôi mộ trống của Chúa Giêsu là chốn khởi điểm của đức tin Kitô giáo, đức tin Chúa Giêsu sống lại. Đây là sự cứu chuộc chữa lành tận căn rễ cho nhân loại khỏi hình phạt tội lỗi phải chết. Điều này nói lên không có sự chữa lành nào có thể mang đến như sự cứu độ của Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.

Tuần Thánh 2015

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Lấy cảm hứng từ:

- Welt und Umwelt der Bibel, 3000 Jahre Jerusalem, Nr. 1-1996
- Welt und Umwelt der Bibel, Faszination Jerusalem, Nr 16, 1999
- Grabekirche Wikipedia
 
Phương pháp giảng dạy của Đức Phanxicô (2)
Vũ Van An
23:45 27/03/2015

II. Phương pháp ba điểm của Đức Phanxicô



Linh mục James V. Schall, Dòng Tên, chú ý tới phương pháp ba điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các bài huấn giáo của ngài, mà rõ ràng nhất là trong bài nói chuyện của ngài với Đại Hội Giảng Viên Giáo Lý Quốc Tế năm 2013 tại Rôma, mà chúng ta đã trích dẫn trên đây.

Cha Schall đồng ý với Đức Phanxicô ở điểm phương pháp của các tu sĩ Dòng Tên xưa là luôn chia bài nói chuyện của họ làm ba phần. Và theo cha, gần như nói gì, Đức Phanxicô cũng chia làm ba phần. Bài nói chuyện với Đại Hội Giảng Viên Giáo Lý thế giới cũng thế.

Phần đầu, ngài nói tới việc khởi đầu từ Chúa Kitô là phải gần gũi với Người, ở lại trong tình yêu của Người, học hỏi nơi Người, để Người ngắm ta, không cần nói. Để Người sưởi ấm cõi lòng ta. Không có hơi ấm của Người, kẻ tội lỗi như ta làm sao sưởi ấm lòng người khác?

Phần thứ hai, ngài nói tới việc mô phỏng Chúa Kitô, ra khỏi con người mình và gặp gỡ người khác. Vì Thiên Chúa luôn cho đi. Ta tiếp nhận nhưng không hồng ân đức tin, đến lượt ta, ta phải cho người khác hồng ân đức tin ấy. Như trái tim con người đập theo hai nhịp tâm thu (systolic) và tâm trương (diastolic) thế nào, trái tim giảng viên giáo lý cũng thế, đập theo hai nhịp cùng một lúc: lấy Chúa làm trung tâm và ra đi gặp gỡ người khác.

Phần thứ ba, ngài đề cập tới việc ra các khu ngoại biên, ra khỏi vùng thoải mái của mình, một việc thường gây sợ sệt. Nhưng giảng viên giáo lý không sợ, vì Chúa luôn ở đó trước chúng ta. Dù trong bất cứ hoàn cảnh tan nát cõi lòng nào, đáng thất vọng bao nhiêu, Chúa cũng vẫn ở đó trước ta! Chúa chờ ta ở đó, dù chỉ là để dạy một em bé làm dấu thánh giá.

Jared Dees cũng lưu ý tới phương pháp ba điểm của Đức Phanxicô trong các bài giảng và diễn văn của ngài: ngài chú trọng tới 3 chữ, 3 vấn đề hay 3 ý tưởng, một phương pháp mà theo ông, mọi thầy cô, mọi giảng viên giáo lý và các nhà truyền thông đều có thể sử dụng.

Ông đưa ra rất nhiều điển hình. Thứ nhất, ngay trong bài giảng đầu tiên với các vị Hồng Y ngày được bầu, ngài đã chú trọng tới 3 chữ: hành trình, tuyên xưng xây dựng.

Ba chữ trong Ánh Sáng Đức Tin

Cũng 3 chữ trên đã xuất hiện như một điệp khúc trong thông điệp đầu tiên của ngài, đó là thông điệp Ánh Sáng Đức Tin (Lumen Fidei): hành trình, tuyên xưng, xây dựng.

Hành Trình

Trong tất cả các chủ đề được lặp đi lặp lại trong các trước tác và diễn văn của Đức Phanxicô, ý tưởng hành trình là nổi hơn cả. Thí dụ, trong bài nói chuyện với các giám mục Ba Tây tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới, ngài nói tới câu truyện hai môn đệ trên đường Emmau và khuyến khích các nhà lãnh đạo Giáo Hội hãy cùng bước đi với người khác trong hành trình của họ: “Ta cần một Giáo Hội có khả năng bước đi cạnh người ta, biết làm nhiều hơn là chỉ lắng nghe họ; một Giáo Hội đồng hành với họ trong cuộc hành trình của họ…”.

Trong Ánh Sáng Đức Tin (ASĐT), ngài sử dụng hình ảnh hành trình để giải thích lý do tại sao ta cần tới ánh sáng đức tin. Ánh sáng này giúp ta thấy đường đi phía trước. Không có đức tin, ta đi trong bóng tối. “Những ai tin, đều thấy; họ thấy bằng ánh sáng chiếu rọi trọn cuộc hành trình của họ, vì ánh sáng này phát xuất từ Chúa Kitô sống lại, là sao mai không hề bao giờ lặn” (ASĐT, số 1).

Theo Đức Phanxicô, đức tin không còn được người ta coi như ánh sáng cho cuộc hành trình mà như việc thiếu ánh ánh sáng, những bước nhẩy của ánh sáng do xúc cảm mù quáng và ý kiến chủ quan hướng dẫn. Trong Ánh Sáng Đức Tin, mục đích của ngài là phục hồi ánh sáng trở lại với cái hiểu đúng đắn của nó trong cuộc hành trình của ta, nếu không, đối với những người không hướng về ánh sáng đức tin, cuộc hành trình sẽ rất khó khăn.

"Thiếu ánh sáng, mọi sự trở nên mù mờ; ta không thể phân biệt được tốt và xấu, hay con đường dẫn tới đích và những con đường đưa ta đi luẩn quẩn bất tận, không đi tới đâu" (ASĐT số 3).

Thay vào đó, đức tin cung cấp cho ta một viễn kiến. Giúp ta nhìn thấy:

"Thị giác cung cấp viễn kiến cho khắp hành trình và giúp định vị hành trình trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa; không có viễn kiến này, ta chỉ còn lại những phần không nối kết với nhau của một toàn bộ không ai biết đến" (ASĐT số 29).

"Đức tin không phải là thứ ánh sáng tản mạn khắp trong đêm tối của ta, mà là ngọn đèn hướng dẫn bước ta đi trong đêm đen và đủ cho cuộc hành trình" (ASĐT số 56).

Tuyên xưng

Trong chương 3 của Ánh Sáng Đức Tin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho ta cái nhìn tóm lược về Kinh Tin Kính, lời tuyên xưng đức tin của ta, và các khía cạnh khác của đức tin ta. Ngài sử dụng 4 phần trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo để trình bày một cái hiểu nền tảng về kinh tin kính, các bí tích, việc cầu nguyện và luân lý. Trong chương này, ngài cũng đề cập tới bốn đặc điểm của Giáo Hội, được dùng kết thúc Kinh Tin Kính Nixêa.

Chính trong phần này, ngài tập chú vào chữ thứ hai, tức tuyên xưng. Ngài đưa ra một nhận định đáng lưu ý về việc tuyên xưng đức tin, qua hai điểm chủ yếu: 1) khi tuyên xưng đức tin, ta làm nhiều hơn là chỉ thuận theo các tín lý và 2) tuyên xưng đức tin thay đổi ta vì nó giúp ta bước vào mầu nhiệm được ta tuyên xưng.

Đặc biệt, khi viết về kinh tin kính, ngài nói:

"Kinh tin kính không những bao hàm việc ta nhất trí với một bộ chân lý trừu tượng; đúng hơn, khi ta đọc nó, toàn bộ đời ta được cuốn hút vào một mầu nhiệm hướng tới việc hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa hằng sống. Ta có thể nói được rằng trong kinh tin kính, các tín hữu được mời gọi bước vào mầu nhiệm được họ tuyên xưng và được nó biến đổi.

"Tín hữu tuyên xưng đức tin của mình được hội nhập, có thể nói như thế, vào sự thật đang được tuyên xưng. Họ thực sự không thể đọc lời lẽ của kinh tin kính mà lại không được thay đổi…" (ASĐT số 45).

Ta được thay đổi, vì ta tham dự vào lịch sử lâu dài của việc hợp nhất với Thiên Chúa. Ta đáp lại hồng ân yêu thương của Thiên Chúa một cách thích đáng, theo cung cách được Giáo Hội truyền lại.

Đức tin là điều được nghe. Nó được người khác truyền lại và chia sẻ với ta, và do đó, ta cũng tuyên xưng đức tin thành lời, để người khác nghe thấy.

"Lời của Chúa Kitô, một khi được nghe thấy, do chính sức mạnh bên trong của nó làm việc trong tâm hồn Kitô hữu, sẽ trở thành một đáp trả, một lời được nói lên, một tuyên xưng đức tin. Như Thánh Phaolô từng nói 'ta tin trong lòng… và tuyên xưng ngoài miệng' (Rm 10:10). Đức tin không phải là việc tư riêng, một ý niệm hoàn toàn có tính cá nhân chủ nghĩa hay một ý kiến cá nhân: nó phát xuất từ việc nghe, và nó muốn được phát biểu thành lời và được tuyên xưng" (ASĐT số 22).

Xây dựng

Phần lớn người Công Giáo sống tại các nước nói tiếng Anh quen thuộc với bài thánh ca nổi tiếng “Let Us Build the City of God” (Ta Hãy Xây Dựng Thánh Thánh Thiên Chúa). Đây chính là chủ đề được Đức Phanxicô tập chú ở chương chót của Ánh Sáng Đức Tin.

"Đức tin không chỉ được trình bày như một cuộc hành trình, mà còn như một diễn trình xây dựng, chuẩn bị một nơi để con người nhân bản có thể cư ngụ với nhau" (ASĐT số 50).

Trọng điểm của ngài là gì? Đức tin là một thiện ích chung cho toàn thể nhân loại, không riêng cho người Kitô hữu như thể họ tách biệt với thế giới. Đức tin là một hồng phúc nhận được, được tuyên xưng và chia sẻ với người khác. Đức Thánh Cha viết:

"Đức tin thực sự là một thiện ích đối với mọi người; nó là thiện ích chung. Ánh sáng của nó không chỉ chiếu rõi nội thất Giáo Hội, cũng không phục vụ duy một việc xây dựng thành thánh vĩnh cửu ở đời sau; nó còn giúp ta xây dựng các xã hội của ta một cách giúp chúng cùng hành trình hướng về một tương lai đầy hy vọng" (ASĐT số 51).

Đức tin giúp ta nhận ra phẩm giá người khác, thấy họ như một chúc phúc:

"Đức tin dạy ta nhận ra mọi người nam nữ đều tượng trưng cho một phúc lành đối với tôi, ánh sáng nhan thánh Thiên Chúa chiếu rõi trên tôi qua gương mặt anh chị em tôi.

"Biết bao ơn phúc đã được cái nhìn của đức tin Kitô Giáo mang tới cho kinh thành con người vì cuộc sống chung của họ! Nhờ đức tin, ta tiến tới chỗ hiểu được phẩm giá độc đáo của từng người, một điều ít khi được nhận rõ ở thời thượng cổ" (ASĐT số 54).

Ba chữ trong các bài nói nổi tiếng của Đức Phanxicô

Ngoài ra, Jared Dees còn liệt kê 3 chữ hay 3 ý tưởng chủ yếu của Đức Phanxicô trong nhiều bài nói chuyện khác:

1) Chúa Nhật Hiện Xuống năm 2013: Mới mẻ, Hoà Hợp, Sứ Mệnh.

2) Thánh Lễ Bế Mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2013: Ra đi, Đừng Sợ Hãi, Phục Vụ.

3) Bài giảng về đề phòng ma quỉ: 3 tiêu chuẩn:
* Chúa Giêsu đánh ma quỉ.
* Ai không đi với Chúa Giêsu là chống lại Người.
* Tỉnh táo canh giữ tâm hồn ta vì ma quỉ rất tinh quái


4) Diễn văn với tuổi trẻ Giáo Phận Piacenza: đẹp, tốt, thực (mỹ, thiện, chân).

5) Diễn văn với các học sinh Dòng Tên: cao thượng, tự do, và phục vụ.

Và gần đây nhất, theo tin Đài Phát Thanh Vatican ngày 22 tháng Ba năm 2015, khi đọc kinh Truyền Tin với tín hữu tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô khuyên tín hữu phải phát biểu đức tin bằng hành động qua 3 điểm:

* Luôn nhớ sứ điệp Tin Mừng (Tin Mừng);
* Luôn nhớ hình ảnh Chúa chịu đóng đinh (Tượng Chịu Nạn);
* Luôn nhớ phải làm chứng cho đức tin (Chứng Tá)


Cách dùng ba chữ trong các bài giáo lý

Jared Dees trình bầy một số gợi ý giúp các giảng viên giáo lý theo gương Đức Phanxicô tổ chức bài dạy quanh 3 chữ, 3 ý tưởng hay 3 chủ đề.

1.Mục tiêu bài học: Không nên có hơn ba mục tiêu cho một bài dạy. Lý tưởng là ba mục tiêu này xây dựng trên nhau. Ba mục tiêu này có thể là ôn tập, hiểu rõ bài học, suy nghĩ có phê phán. Mỗi lãnh vực nên có một mục tiêu.

2. Cho biết trước cách tổ chức bài học: Khi giới thiệu bài học, làm ba việc sau đây: cho các em biết đã học gì, sẽ học gì, và tổ chức nội dung sẽ học ra sao.

3. Trình bày nội dung bài học: bám vào 3 chữ, 3 câu hỏi hay 3 ý tưởng của bài.

4. Phát tờ rời: có thể trao cho các phụ huynh một tờ giấy với 3 câu hỏi để phụ huynh hỏi các em trên đường từ trường về nhà.

5. Luật ở lớp: Chỉ nên ra 3 qui luật cho các em trong lớp, càng giản giện càng hay.

Xin xem thêm tại http://www.thereligionteacher.com

(còn tiếp)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chủ Nhật Lễ Lá
Nguyễn Đức Cung
21:03 27/03/2015
Chúa Nhật LỄ LÁ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Chúa Nhật Lễ Lá, ngày mở đầu
tuần thương khó của Chúa Giêsu
đã chịu vì tội lỗi của nhân loại.
Giáo Hội mời gọi chúng ta
chia sẻ những đau khổ của Chúa
từ lúc vào thành Giêrusalem
cho đến khi Ngài trút hơi thở
cuối cùng trên thập giá.
(bt)
 
VietCatholic TV
Video Phóng sự: Làng Nổi Chong Kneas - Yếu Tố Hạnh Phúc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:08 27/03/2015
Làng Nổi Chong Kneas thuộc tỉnh Siem Reap là nơi có đông đảo đồng bào người Việt chúng ta sinh sống. Họ không có thẻ khai sinh, không căn cước, không sổ hộ chiếu, không an sinh xã hội.

Với những khó khăn như thế, họ sinh sống ra sao ra sao trên đất nước này? Đó là chủ đề của bài phóng sự hôm nay của chúng tôi.

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Lan Vy xin trân trọng giới thiệu với quý vị và anh chị em linh mục nhà văn Nguyễn Trung Tây người đã ghé năm nơi “Chúa cũng ngậm ngùi” này.

Chúng con được biết, cha đã ghé vào sinh hoạt mục vụ với người dân Làng Nổi bên Campuchia. Xin cha cho chúng con biết sơ qua về Làng Nổi và nguyên nhân nào đã dẫn đến sự hình thành ngôi Làng Nổi.

Lm. Nguyễn Trung Tây: Kính chào Lan Vy và quý khán thính giả của Việt Catholic. Lời chào đầu tiên xin gửi tới Lan Vy và quý khán thính giả của ViệtCatholic lời chào Bình An trong Đức Kitô.

Vâng, tôi đoán chúng ta ai cũng đã có lần nghe qua địa danh Siem Reap của vương quốc Campuchia. Siem Reap có Đền Angkor Wat nổi tiếng một vùng. Nhưng tỉnh Siem Reap còn có một địa danh du lịch khác, cũng không kém phần hấp dẫn mà nhiều văn phòng du lịch Vương Quốc Campuchia thường nhắc tới tên, tôi muốn nói tới Làng Nổi Chong Kneas. Nhưng phải thành thật mà nói, trong khi Đền thờ Angkor Wat nổi tiếng với chiều dài lịch sử và lâu đài hoành tráng, Làng Nổi thì ngược lại nổi tiếng với nét đặc thù bấp bênh trên sóng nước và ngay cả cái nét bần hàn cơ cực của riêng mình.

Làng Nổi Chong Kneas, như cái tên gọi, là ngôi làng đã thành hình bởi nhiều thuyền gỗ trên Biển Hồ Tonle Sap của Campuchia. Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của Làng Nổi trên bản đồ Biển Hồ tương đối khá phức tạp. Dựa vào những điều tôi đã học hỏi được từ sách vở, truyền thông, người dân địa phương, và những nhà truyền giáo Dòng Tên đang chăm sóc đời sống mục vụ tại Làng Nổi, nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của Làng Nổi bắt nguồn từ những ngày đầu tiên của năm 1900, khi những người Việt Nam thời đó vượt biên giới qua sinh sống tại quốc gia láng giềng Campuchia. Sau một khoảng thời gian sinh sống trên vùng đất mới, người di dân lập gia đình với người Việt Nam; dòng thời gian trôi qua, hai thế hệ di dân đã được sinh ra trên vùng đất mới. Mặc dù đại đa số người dân Làng Nổi là con cháu của di dân của đầu thế kỷ 20, họ sinh ra tại Vương Quốc Campuchia, nhưng họ vẫn không được cấp giấy chứng nhận quốc tịch Campuchia, có lẽ bởi họ bị liệt kê vào danh sách di dân bất hợp pháp. Sống tại bất cứ một quốc gia nào trên thế giới với không thẻ khai sinh, không căn cước, không sổ hộ chiếu, độc giả có thể hình dung ra được những khó khăn và thiệt thòi mà người không quốc tịch phải đối diện. Tại Campuchia, người không quốc tịch và con cái không được ghi danh đi học, bệnh viện cũng từ chối ngay cả khi họ gặp trường hợp cấp cứu hay đau nặng, không quốc tịch cũng đồng nghĩa với không trợ cấp an sinh xã hội, quyền căn bản mà người dân bình thường nào cũng được hưởng. Khi bị từ chối tất cả những quyền căn bản của con người, nghèo túng và đời sống bần hàn là những điều người dân không quốc tịch và con cái của họ cuối cùng phải đối diện. Sau cùng những người dân không thuộc về bất cứ một quốc gia nào quay mặt ra Biển Hồ tìm kiếm những mảng thuyền gỗ. Trên những chiếc thuyền nhỏ bé này họ xây dựng nhà cửa, một nơi trú ngụ cho mình và con cái. Nhiều thuyền ghép chung sát cận lại với nhau tạo nên địa danh nổi tiếng Làng Nổi Chong Kneas của tỉnh Siem Reap.

Vâng, như Lan Vy vừa nói, đã có hai lần tôi ghé vào Làng Nổi Chong Kneas. Hành trình sinh hoạt với dân làng chỉ vỏn vẹn ba ngày ngắn ngủi nhưng lại trở thành một kỷ niệm hạnh phúc và một kinh nghiệm đổi đời. Sau khi tôi đặt chân lên sàn gỗ và sau những thăm hỏi, Ông Trùm của làng chở tôi trên chiếc thuyền gỗ nhỏ ghé vào thăm hỏi mục vụ từng gia đình. Sau hai mươi phút bập bềnh trên sóng nước mênh mông Biển Hồ, thuyền cặp vào bến gỗ căn nhà nổi đầu tiên, sau đó nhà nổi thứ hai, và rồi cứ thế, từng căn nhà. Tôi đã ngồi ngay trên sàn gỗ của cư dân làng nổi để thăm hỏi, để lắng nghe tâm sự và cùng với dân làng dâng lên thiên đàng những lời kinh cầu bình an và sức khỏe.

Lan Vy: Cha có dịp nào dâng thánh lễ cho người dân Làng Nổi hay không, thưa cha?

Lm. Nguyễn Trung Tây: Vâng, cùng ngày hôm đó, khi mặt trời đổ nghiêng về hướng tây, Ông Trùm và dân làng gợi ý với tôi cử hành Thánh Lễ cầu bình an cho Làng Nổi. 6 giờ chiều, tôi nhớ, mặt trời nhiệt đới đỏ ối dần dần khuất dạng nơi cuối đường chân trời. Trời chiều Biển Hồ rộn ràng gió trời kéo tới cuốn trôi bầu không khí nóng hừng hực lửa của vùng xích đạo, gió trời cuồn cuộn nổi lên thổi tươi mát mặt người và mặt biển; khi đó cũng là giây phút những người dân làng, nam nữ, già trẻ, trên những con thuyền gỗ nhanh nhanh tấp vào bến của Nhà Thờ Làng Nổi.

Như chỉ đợi chờ giây phút đó, Nhà Thờ Làng Nổi bình thường yên lặng giờ đây vang vang tiếng nói tiếng cười, tiếng bước chân nhanh nhanh, tiếng trẻ em chạy nhảy, tiếng ca đoàn dã chiến hát thử những nốt nhạc, tiếng nổ tanh tách của nến đỏ đốt sáng bàn thờ, và tiếng chuông gõ báo hiệu giờ kinh bắt đầu. Nốt nhạc và lời ca đầu tiên của bài thánh ca rộn ràng vang lên, trong khi tôi lạ lùng bước lên cung thánh với những bước chân trần, không giầy không dép. Nguyện đường đơn sơ trên thuyền gỗ được thắp sáng với ngọn đèn vàng đục, điện phát ra từ một máy điện nhỏ chạy dầu. Ánh đèn chập chờn khi sáng khi tỏ khiến tôi nhiều khi phải nhíu mày, cúi sát trang kinh bởi không nhìn thấy chữ. Trong khi thánh lễ đang cử hành, từng quân đoàn muỗi rừng từ lùm cây bụi cỏ ồn ào kéo tới. Tương tự như ruồi sa mạc Úc Châu, những người khách không mời mà tới thản nhiên bay vào xôn xao chật kín một khoảng trời nhỏ của ngôi thánh đường; muỗi độc hớn hở liều lĩnh hạ cánh xuyên nhọn kim sắc, chích, đốt, cháy bỏng sưng u chù vù những khoảng thịt da!

Hội ngộ dưới những điều kiện thiếu thốn và khắc nghiệt, mọi người kể cả tôi với chân trần ngồi dưới sàn nhà vẫn rộn ràng lời kinh; lời kinh cầu bình an và sức khỏe cho toàn thể người dân Làng Nổi; lời kinh cầu một ngày xin ba bữa cơm vừa đủ vun đầy miệng chén, lời kinh bay cao tới thiên đàng cho những người dân trong làng đang vật lộn với những căn bệnh hiểm nghèo đặc biệt bệnh ung thư; lời kinh cầu cho dân làng sống tròn phẩm giá trong khi đối diện với thử thách và khó khăn trong hoàn cảnh khắc nghiệt của một kiếp lênh đênh phận người.

Sau khi những nốt nhạc của bài thánh ca cuối cùng vừa chấm dứt ngân vang cung điệu, Ông Trùm mở gói kẹo phát cho thiếu nhi, riêng người lớn là những ly trà nóng thơm ngát mật ong. Đó là tất cả những gì Nhà Thờ Làng Nổi tối hôm đó có trong tay để gửi tặng dân làng, nhưng thế cũng đủ để tạo ra niềm vui xôn xao và tiếng cười rộn ràng trên mặt Biển Hồ tối khuya hôm đó. Thanh niên và phụ nữ rạng rỡ nụ cười bởi lâu lắm rồi, họ không có cơ hội quây quần chung nhau dâng cao lên tới thiên đàng lời kinh cầu bình an và sức khỏe. Tối nay giấc mơ, có thể là bình thường với nhiều người trên thế giới, đã trở thành một hiện thực tại Làng Nổi. Trẻ em vui mừng, bởi mấy khi các em có kẹo ngọt đậm đà trên đầu lưỡi. Và riêng tôi, hồn trần xôn xao rộn ràng, bởi dân Làng Nổi đã tạo cơ hội để nhà truyền giáo sa mạc Úc Châu thêm một lần nữa cảm nghiệm sâu xa ơn gọi tu sĩ của riêng mình. Tối hôm đó, tôi cười tươi thật thà uống chung trà nóng với người lớn, hớn hở rộn ràng nhai cục kẹo thơm với trẻ thơ. Tiếng cười rộn vang khắp nơi trong một khoảng không gian nhỏ bé ngôi thánh đường. Dư âm của tiếng cười đêm hôm đó vẫn còn vang dội trong hồn tôi khi đang ngồi viết những dòng chữ về Làng Nổi.

Lan Vy: Riêng về ngôi trường học của Làng Nổi, xin cha cho chúng con biết sơ qua về sinh hoạt của mấy em.

Lm. Nguyễn Trung Tây: Vâng, sáng hôm sau và hai ngày còn lại, tôi gặp gỡ và sinh hoạt với các em học sinh Trường Tiểu học Làng Nổi, ngôi trường được dựng trên một chiếc thuyền lớn, cạnh ngay Nhà Thờ.

Một em học sinh với chân trần trên con thuyền gỗ tới trường học. Nhà thờ Làng Nổi với cây thánh giá cao trên đỉnh, phía bên phải của trường tiểu học.

Học sinh Làng Nổi (vào thời gian tôi có mặt) tổng số trên 50 em, chia đều từ Lớp Một tới Lớp Năm. Trường Tiểu học Làng Nổi do nhà thờ Công Giáo điều hành và phụ trách. Nhà thờ trả lương cho một ông thầy Việt Nam, cũng là cư dân làng, phụ trách cả năm lớp học từ thứ Hai cho tới thứ Sáu, mỗi ngày từ 8 giờ sáng tới 4 giờ chiều.

Sống trong hoàn cảnh thiếu thốn rất nhiều học sinh bị sún răng, kể cả răng sữa và răng người lớn. Khi ngồi sát các em, tôi nhận ra do kém vệ sinh nhiều em học sinh bị ghẻ ngứa. Trong ngày, nhiều du khách đã dừng thuyền du lịch lại, ghé vào thăm học sinh. Thông thường du khách tặng các em mì gói; nhiều em học sinh đã mở mì gói ăn ngay tại chỗ. Trong nhiều trường hợp, gói mì do du khách tặng đã trở thành phần ăn trưa của học sinh.

Lan Vy: Là một trường học mang nét đặc thù Làng Nổi, thưa cha, các em sinh hoạt giờ ra chơi như thế nào?

Lm. Nguyễn Trung Tây: Vâng, học sinh Làng Nổi cũng có giờ ra chơi. Trong khi một số em dùng giờ chơi làm giờ học bài, các em còn lại bày trò chơi, chơi chung với nhau.

Làm bài tập trong giờ chơi. Độc giả có thể nhận ra mầu nước đục ngầu của Biển Hồ và đôi chân không dép của cả hai em học sinh.

Ba trò chơi các em chơi nhiều nhất trong giờ ra chơi là Rồng Rắn Lên Mây, Bắn Dây Thung, và Năm Mười.

Chơi Rồng Rắn Lên Mây, các em đặt tay lên vai nhau tạo thành một vòng tròn. Các em vừa đi vừa đọc to câu vè, “Rồng rắn lên mây. Có cây lúc lắc. Có nhà hiển vinh… Thầy thuốc có nhà hay không?” Chỉ đợi có thế, các em chạy tán loạn ra khắp bốn hướng. Em chậm chân còn sót lại sau cùng đứng giữa sàn nhà, theo luật, bị loại ra khỏi trò chơi.

Trong khi một số em chơi Rồng Rắn, một nhóm khác chơi Dây Thung. Mỗi em tự động góp hai hay ba sợi thung vào quỹ chung. Sau đó các em bắt đầu từng cặp Oẳn Tù Tì. Em nào thua bị loại tại chỗ. Em cuối cùng là người thắng, được hưởng tất cả những sợi thung trong quỹ. Có em dùng phấn vẽ hình vuông trên sàn nhà chơi Bắn Dây Thung. Dùng đầu ngón tay (trỏ/giữa/út) các em bắn nhuần nhuyễn từng sợi dây thung vào bên trong ô vuông. Em nào bắn được hết tất cả các sợi thung vào trong khung hình, những sợi thung trong ô vuông thuộc về em.

Sau khi chơi chán Rồng Rắn và Dây Thung, các em tụ lại với nhau chơi Năm Mười. Một em nhắm mắt lại bắt đầu đếm 1 tới 10, trong khi đó các em còn lại chạy tán loạn nấp trốn trong xó kẹt. Tôi cũng được mời tham dự chơi Năm Mười với các em. Một kỷ niệm khó quên! Nhìn các em chơi, tôi cũng háo hức vui theo.

Lan Vy: Cha có nhận xét riêng nào về học sinh Làng Nổi hay không, thưa cha?

Lm. Nguyễn Trung Tây: Học sinh tiểu học Làng Nổi lễ phép, gặp người lạ, các em tới gần vòng tay cúi đầu chào; các em tươi vui, ăn được một cục kẹo hoặc một sợi dây thung, em tươi ngay nét mặt; nhưng các em cũng rất hảo, em thua không còn một sợi thun để chơi, em chìa tay ra xin, em thắng cho ngay, cho hết, cho không tiếc nuối; trong giờ học, các em im lặng chăm chú nghe thầy giảng bài; tới giờ chơi, các em chơi chung với nhau, nhưng cũng biết nhường nhịn, không tranh cãi. Điểm đặc biệt gây nhiều ấn tượng nhất là học sinh Làng Nổi tươi vui, thân thiện, hay nhoẻn miệng cười.

Lan Vy: Sinh hoạt với giáo dân và học sinh Làng Nổi như vậy, con nghĩ một nhà truyền giáo Ngôi Lời như cha chắc cũng cảm nhận được nhiều điều về đời sống…

Lm. Nguyễn Trung Tây: Vâng! Tôi chia sẻ với bạn nơi vùng sa mạc Úc Châu và tại Mỹ, “Ai dám nói, mặc dù đối diện với khó khăn trong cuộc sống thường nhật, dân làng và học sinh của Làng Nổi không có hạnh phúc?” Vâng, đúng vậy, riêng bản thân tôi, mặc dù có gần như tất cả, có rất nhiều, nhưng vẫn chưa bao giờ cảm nghiệm được niềm vui như người dân và học sinh Trường Tiểu học Làng Nổi. Đời sống dân làng đơn giản nhưng niềm vui tràn trề!

Tôi nhớ có một lần trên con đường truyền giáo, Đức Giêsu gặp người thanh niên trẻ tuổi. Gặp Đức Giêsu, anh chàng tiến đến hỏi, “Thưa Thầy, làm sao để con sống hạnh phúc?” Đức Giêsu khuyên bảo người tuổi trẻ hãy quay về nhà, bán tất cả tài sản, lấy số tiền đó ban tặng cho người nghèo, sau đó quay lại nhập vào môn phái bình bát của Ngài. Nghe nói thế, người tuổi trẻ xa xầm khuôn mặt. Chàng tuổi trẻ bỏ đi không nói thêm một lời. Theo như câu chuyện, người tuổi trẻ là một người giàu có.

Ba năm một lần, thông thường tháng 12, tôi quay về Mỹ cho một lần nghỉ phép! Thật là ngạc nhiên, tại Mỹ, quốc gia tân tiến thượng thặng của quả địa cầu, tôi gặp nhiều khuôn mặt đăm chiêu lo lắng. Kể từ giây phút đặt chân xuống phi trường San Francisco, tôi đã nghe rất nhiều tâm sự buồn liên quan tới đời sống siêu xa lộ của Mỹ. Niềm vui và tiếng cười trống vắng trên khuôn mặt của nhiều cư dân Hoa Kỳ, Mỹ cũng như Việt. Chỉ tới khi đặt chân lên sàn gỗ của Làng Nổi Chong Kneas, nơi nổi tiếng với cái nghèo hàn cơ cực, tôi mới gặp lại tiếng cười dòn tan và khuôn mặt rạng rỡ. Khi đó tôi mới cảm nghiệm được niềm vui đơn giản và bình dị của những người dân, những người, theo định nghĩa, đang sống trôi nổi theo dòng nước bấp bênh Biển Hồ Tonle Sap. Nghèo nàn, nhưng người dân Làng Nổi lại nổi bật với những nét vui tươi, yêu đời, tha thiết gắn bó với cuộc sống.

Vâng! Nghĩ cho cùng, vật chất rõ ràng không phải là yếu tố duy nhất để quyết định hạnh phúc. Có một thứ gì đó lớn hơn rất nhiều…!?