Ngày 27-03-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:59 27/03/2014
BẦU TRỜI CỦA CON QUẠ

N2T


Chuyện kể rằng:

Có một con quạ ngậm miếng thịt trong mồm bay vút lên không trung, phía sau nó có hai mươi con quạ dũng mãnh khác đuổi theo đánh nó. Cuối cùng nó phải nhả miếng thịt ra khỏi mồm mới thoát thân được, vì những con qua đuổi theo nó đang lao theo miếng thịt. Con quạ ấy nói:

- “Giờ đây thật là yên tĩnh, một mình ta có tất cả bầu trời.”

Suy tư:

Có một thiền sư nói: “Nhà của tôi đã bị cháy rụi rồi, giờ thì tôi có thể ngắm trăng mà không bị vật gì cản trở.”

Có những người thưởng thức trăng mà không cần nhìn trăng, vì họ thưởng thức trăng bằng cả tâm hồn; có những người nghe nhạc mà không cần nhìn ngắm ca sĩ, vì họ thưởng thức những cảm xúc rung động của bài hát…

Người Ki-tô hữu yêu mến Chúa không phải vì thấy Chúa bằng con mắt xác thịt, nhưng thấy Chúa bằng con mắt đức tin: họ thấy Chúa yêu thương họ qua vũ trụ, họ thấy Chúa hành động nơi tha nhân, họ thấy Chúa khi còn ở thế gian này trong cuộc sống của họ, nhất là họ thấy Chúa trong việc tham dự thánh lễ và các bí tích.

Một tâm hồn yên tĩnh thì trong hoàn cảnh nào cũng có thể yên tĩnh, bởi vì họ đã vứt bỏ “miếng thịt bon chen của thế gian” rồi, và đó chính là bầu trời yên tĩnh của họ vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch và viết suy tư


-----------

http://nhantai.info

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com

http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:57 27/03/2014
N2T

6. Đức tin lớn, thì cái được cũng lớn.

(Thánh Bernardus)
------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Lỗi tại ai
Lm Vũđình Tường
09:48 27/03/2014
Trái với người xưa họ chú trọng về phần tâm linh, sự sống linh hồn trong khi ngày nay người ta quan trọng hoá sức khoẻ thân xác mà nhẹ phần linh thiêng. Người xưa tin bệnh tật là do tội, gây nên bởi tệ đoan xã hội. Những gì người xưa coi là tệ đoan, tật xấu thì nhóm chủ trương tiêu thụ và thương mại cho chúng cái tên nghệ thuật và giải trí, tiêu khiển sau những giờ làm việc vất vả, cực nhọc. Ai cũng biết nghiện ngập rượu chè, hút sách có hại cho sức khoẻ ở mọi lứa tuổi nhưng ít ai coi đó là tệ đoan, tật xấu.

Giáo huấn của Đức Kitô dậy chúng ta cần coi trọng cả thân xác và linh hồn. Người xưa tin tội lỗi là nguyên nhân gây nên bệnh tật. Điều này không sai nhưng không phải mọi người có bệnh đều phạm tội. Quan niệm tội là nguyên nhân gây bệnh liên quan đến nghi vấn ai là người gây tội của người bị mù từ lúc mới sanh. Vấn đề đặt ra ai là người phạm tội. Nhóm số một tin rằng tội của cha mẹ làm hại con cái ngay cả khi em bé đó chưa ra đời. Điều không thể chối cãi là hoá chất người mẹ hút và uống ảnh hưởng đến thai nhi. Nhưng khi bàn về vấn đề tội người ta lại làm ngơ, bỏ qua, không bản đến.

Nhóm thứ hai cho rằng chính em bé đó phạm tội. Không thấy giải thích làm thế nào một em bé có thể phạm tội ngay cả khi chưa sinh ra. Ai là kẻ gây cho em bé bị mù từ lúc mới sanh là vấn đề các tông đồ Đức Kitô thắc mắc. Họ hỏi Ngài và câu trả lời của Ngài gây ngạc nhiên cho mọi người. Ngài không đáp tại ai nhưng Ngài nói về tình thương Chúa và sứ mạng của Ngài nơi trần thế. Tình thương Chúa xoá bỏ đau khổ cho những ai chạy đến với Thiên Chúa và sứ mạng của Đức Kitô nơi trần thế được tiên tri Isaiah loan báo nhiều năm trước và chính Đức Kitô trong bài giảng trong đền thờ cũng nhắc đến điều đó.

Phúc Âm thánh Luca 4,18 nhắc đến việc Thánh Thần Chúa ngự trên Ngài, sai Ngài đi rao giảng, mở mắt cho người mù, nâng đỡ kẻ bị chà đạp và mang ánh sánh lại cho muôn dân. Sứ mạng của Đức Kitô không chỉ mở mắt cho một người mù được sáng mà là mở mắt cho mọi người nhìn thấy tình yêu Chúa, lòng yêu thương của Ngài đối với con người và ân sủng Ngài ban cho nhân loại.

Việc mở mắt sáng cho anh mù và mọi người nhận biết tình yêu Thiên Chúa chứng tỏ cho mọi người biết Đức Kitô là Thiên Chúa của tình thương. Các tiên tri xưa kia chỉ giúp được từng người một mà không thể giúp tất cả mọi người trong khi Đức Kitô Con Thiên Chúa mở mắt cho toàn thể nhân loại nhận biết Thiên Chúa yêu thương. Họ có đón nhận điều đó hay không là một vấn đề khác. Việc mở mắt cho mọi người còn tăng thêm niềm tin cho các tông đồ và làm cho niềm tin đó sâu đậm hơn, cũng như giúp các tông đồ nhìn thấy quyền năng Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Quyền năng đó cho thấy những gì con người bị giới hạn, bó tay thì lại quá dễ dàng với Thiên Chúa uy quyền.
Người mù từ lúc mới sinh nhận được mắt sáng anh ta vui mừng hớn hở, nhảy mừng. Niềm vui của anh lớn hơn, bao trùm đau khổ anh chịu trong tối tăm, giờ bừng lên toả sáng. Điều này dẫn chúng ta tới một điểm khác đó là đau khổ đôi khi cũng có giá trị riêng của nó. Qua đau khổ, tủi nhục của mù loà, kẻ ăn xin nhìn thấy sự sống mới, ánh sáng chan hoà, hy vọng chứa chan. Nếu không trải qua mù loà anh mù mắt sáng không được nếm thử hạnh phúc của mắt sáng như thế. Tương tự như người mẹ, nếu không có đau khổ khi sanh con sẽ không có niềm vui bồng con trong tay.

Có được mắt sáng không có nghĩa là từ đây hết đau khổ. Anh mù mắt sáng có những đau khổ khác đón chờ anh. Anh bị chính quyền hạch sách, điều tra, anh buồn vì cha mẹ anh sợ mà chối bỏ cuộc sống mới của anh. ‘Nó lớn rồi đi điều tra nó, tôi biết gì đâu mà hỏi tôi.’ Trung thành trong đức tin sẽ gặp nhiều phiền toái, rắc rối trong đời. Rắc rối mới anh mù mắt sáng phải chịu nhưng anh không than phiền trái lại anh vui lòng làm chứng về Đức Kitô. Cuộc sống chứng nhân của Kitô hữu cũng không trảnh khỏi rắc rối, đừng để chúng làm cho đời ra đau khổ nhưng đến với Đức Kitô để Ngài cởi trói chúng thay ta.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Con mắt đức tin của anh mù
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
06:35 27/03/2014
Chúa Nhật 4 MÙA CHAY A

CON MẮT ĐỨC TIN CỦA ANH MÙ


A. DẪN NHẬP

Khoa học ngày nay đã thu được những bước tiến đáng kể nhằm phục vụ đời sống con người. Riêng ngành y học đã tìm ra được những phương pháp tân kỳ để khống chế bệnh tật, nhưng bệnh tật cũng chưa giảm được bao nhiêu. Bệnh mù lòa vẫn còn thống trị trên thế giới, hiện nay trên thế giới còn khỏang 13 triệu người mù. Người mù là bệnh nhân rất đáng thương vì họ luôn phải sống trong đêm tối. Không có đức tin, người ta dễ thất vọng trong cảnh sống này. Văn hào Montferland đã tự tử vì không chịu được cảnh sống như vậy.

Đức Giêsu tỏ ra thông cảm với những người ở trong tình trạng xấu số như vậy. Một hôm, đi ngang qua, Ngài thấy một anh mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Mặc dầu chưa cần phải xin, Ngài đã nhổ nước miếng xuống đất, nhào thành bùn bôi vào mắt anh, rồi bảo anh hãy đi rửa ở hồ Siloê, anh đã làm và anh được sáng mắt. Chính việc Đức Giêsu chữa bệnh vào ngày Sabbat đã làm cho nhóm biệt phái tức giận, mở cuộc điều tra rộng rãi và cặn kẽ nhằm phủ nhận phép lạ này. Nhưng kết quả là nhóm biệt phái phủ nhận phép lạ, không tin Đức Giêsu, lại còn đi sâu vào sự mù tối; còn anh mù được khỏi bệnh đã cương quyết khẳng định phép lạ này và còn tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu thế :”Lạy Thầy, con tin”.

Mỗi người trong chúng ta đều có hai con mắt để nhìn, để thấy những sự vật chung quanh. Ai không có khả năng trông thấy thì gọi là mù. Tuy nhiên, chúng ta có hai cặp mắt : cặp mắt thể xác và cặp mắt tinh thần hay đức tin. Cặp mắt thân xác chỉ cung cấp cho chúng ta được cái nhìn của lòai người, chỉ thấy những gì tỏ lộ ra bên ngòai như trường hợp ông Samuel xức dầu cho Eliab một người cao lớn khỏe mạnh theo cặp mắt xác thịt của ông. Còn cặp mắt đức tin cung cấp cho chúng ta cái nhìn của Thiên Chúa như trường hợp ông Samuel biết xức dầu cho Đavít; và anh mù nhờ cặp mắt đức tin mà nhận ra và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa. Cặp mắt đức tin này quan trọng hơn vì nó giúp chúng ta xem điều gì đẹp lòng Chúa (Ep 5,9).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : 1Sm 16,1b.6-7.10-13.

Lúc đầu dân Do thái chỉ có các phán quan cai trị, sau này dân chúng muốn tìm cho mình một ông vua để cai trị. Vị vua đầu tiên được chọn là Saul, nhưng vị vua này chỉ giải quyết vụ việc theo quan điểm chính trị và ý riêng hơn là ý Chúa, nên Chúa bỏ ông và thay thế bằng một vị vua khác đẹp lòng Ngài hơn.

Chúa truyền cho ông Samuel đến nhà ông Giêsê để xức dầu phong một người khác làm vua. Giêsê có 8 người con trai, lúc đầu ông xức dầu cho Eliab, một người cao lớn khỏe mạnh, nhưng Chúa không đồng ý và bảo :”Không phải người phàm nhìn sao, Thiên Chúa cũng nhìn thế, bởi vì người phàm chỉ trông thấy điều lộ trước mắt, còn Giavê trông thấy điều ẩn kín trong lòng (1Sm 16,7). Sau cùng, Samuel chọn Đavít để xức dầu, một đứa con nhỏ nhất mà ban đầu Giêsê coi thường, không giới thiệu.

+ Bài đọc 2 : Ep 5,8-14.

Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Ephêsô hãy từ bỏ nếp sống cũ là sống trong giả dối và tội lỗi để được làm con của ánh sáng; đồng thời hãy sống theo giáo huấn của Đức Kitô là ánh sáng đích thực :

-“Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em là ánh sáng (c. 8).
-“Mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật (c. 9).
-“Anh em hãy nhìn xem điều gì đẹp lòng Chúa (c. 10).

Lời thánh Phaolô trong bài đọc này :”Hãy thức dậy, đừng mê ngủ nữa”, chính là lời nói với các Kitô hữu hôm nay.

+ Bài Tin mừng : Ga 9,1-41.

Trình thuật việc Đức Giêsu chữa mắt cho người mù từ bẩm sinh khá dài. Có rất nhiều chi tiết và mỗi chi tiết có một ý nghĩa riêng. Các thánh Giáo phụ đã cắt nghĩa nhiều về vấn đề này, nhất là việc “lấy bùn hòa nước bọt xức mắt người mù”. Nhưng tựu trung, tất cả mọi hành vi đó là dấu chỉ để mọi người tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Nhờ tin như thế mà người ta có sự sống.

Như vậy, cùng một lúc Đức Giêsu làm hai phép lạ : chữa cặp mắt thể xác cho anh mù có cái nhìn của lòai người, và chữa cặp mắt đức tin cho anh này có cái nhìn Thiên Chúa. Trong hai phép lạ chữa mắt thì việc chữa mắt đức tin quan trọng hơn vì nhờ cặp mắt này mà người mù đã nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa và đã tuyên xưng :”Lạy Thầy, con tin”, rồi anh sấp mình trước mặt Ngài (Ga 9,37).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Xin cho con sáng mắt sáng lòng.

I. ĐỨC GIÊSU CHỮA LÀNH NGƯỜI MÙ.

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chữa một người mù tự thuở mới sinh. Mới nghe qua, chúng ta thấy không có vẻ gì khác với các phép lạ khác mà Đức Giêsu đã làm. Tuy nhiên, đối với thánh Gioan, việc Đức Giêsu làm phép lạ không chỉ đơn thuần là một phép lạ, nhưng đó là một dấu chỉ, để từ đó khơi dậy niềm tin và củng cố niềm tin cho các Tông đồ và cả chúng ta ngày hôm nay. Điều này đã được chính vị thánh sử quả quyết trong lời kết sách Tin mừng của mình :”Các điều đã viết đây, là để anh em tin rằng : Đức Giêsu chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa; và bởi tin thì anh em được có sự sống nhờ danh Ngài” (Ga 20,31).

Thánh Gioan với một ngòi bút rất linh động đã mô tả cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người mù từ thuở mới sinh. Câu chuyện gặp gỡ và chữa người mù này có thể được chia làm ba phần :

1. Sự kiện chữa người mù

Đi ngang qua, Đức Giêsu nhìn thấy một ngừời mù từ mới sinh ngồi ăn xin bên vệ đường. Các môn đệ cũng thấy thế và nêu lên ngay thắc mắc của các ông cũng như của mọi người Do thái thời bấy giờ vì theo họ, bệnh tật đều do tội mà ra :”Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta” ? Đức Giêsu không trực tiếp trả lời câu hỏi mà chỉ nói :”Chuyện đó xẩy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.

Thánh Gioan mô tả việc chữa bệnh này bằng vài dòng vắn tắt, nhưng đầy ý nghĩa tượng trưng :”Nói xong, Đức Giêsu nhỏ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta :”Anh hãy đi đến suối Siloê mà rửa (Siloê có nghĩa là : người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được”(Ga 9,6-7).

2. Mở cuộc điều tra rộng rãi

Nhóm biệt phái không tin nên mở cuộc điều tra rộng rãi và cặn kẽ, từ đương sự đến những người láng giềng và cả cha mẹ đương sự nữa. Nhưng phép lạ quá hiển nhiên không thể chối cãi được vì chính đương sự khẳng định điều đó. Kết quả là : Đức Giêsu là Đấng quyền năng mở mắt kẻ đui mù. Nhưng làm sao họ chấp nhận được ? Vì chấp nhận tức là chối bỏ tất cả tòa nhà đạo giáo của họ. Nên họ quyết định gạt bỏ một sự thật hiển nhiên và gây khó dễ cho đương sự. Tuy thế, anh không sợ cường quyền, cương quyết phân bua :”Xưa nay chưa từng nghe nói có ai mở mắt một người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì không làm được gì”.

3. Đức tin của anh mù

Vì lập trường cương quyết của anh mù tin vào Đức Giêsu, nên anh bị trục xuất khỏi hội đường. Nhưng Đức Giêsu đâu có bỏ anh ? Ngài xuất hiện với một sáng kiến mới :”Biết họ đã trục xuất anh, Ngài đến gặp anh”. Và cuộc đối thọai với anh mù đã được lành dẫn anh đến việc tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu là “Con Người” :”Lạy Thầy, con tin”, anh tuyên xưng và “sấp mình xuống trước mặt Ngài”.

Qua sự việc này, A. Marchadour giải thích :”Đức Giêsu đã đưa anh qua một giai đọan quyết định, từ một “Giêsu tiên tri” đến một “Giêsu là Con Người”, Đấng Cứu Thế đưa anh vào cộng đồng của thời kỳ cuối cùng… Người mù sấp mình xuống trước “Con Người”, nhận ra thiên tính của Ngài, bởi vì theo thánh Gioan, sự thờ lạy chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa… và danh xưng Chúa (Seigneur) nói lên căn tính thần linh của Đức Giêsu. Nhận ra Đức Giêsu như là Đấng mạc khải cuối cùng của Thiên Chúa, việc thờ lạy Ngài là đỉnh cao của cuộc hành trình của anh mù (Fiches dominicales A, tr 92).

Việc chữa lành người mù này chia ra thành hai hạng người với hai lập trường trái ngược nhau : tin và không tin nhận Đức Giêsu là Chúa.

J. Potin kết luận : “Trong lúc người mù được thấy, người Do thái lại lao mình vào sự mù tối. Những dấu lạ Đức Giêsu làm cho họ thêm cứng lòng. Họ tưởng mình biết vì cho rằng mình biết Maisen và Lề Luật cấm chữa bệnh vào ngày Sabbat. Thật ra họ từ chối ánh sáng thật. Với Đức Giêsu, thảm trạng này làm thành một trường hợp phải đặt thành “vấn đề” trong tiến trình ý định của Thiên Chúa, bởi lẽ những người không tin, người ngọai tìm thấy ánh sáng cho đức tin vào “Con Người”, trong lúc đó, những kẻ “thấy”, những người Do thái lại trở nên mù tối, bị lóa mắt vì những sự thật giả dối của họ. Đức Giêsu nói :”Vì thế họ ở trong tội lỗi của họ” (Fiches dominicales A, tr 93).

II. CHÚA CHỮA CHÚNG TA KHỎI MÙ TINH THẦN


1. Nói về bệnh mù

Tuy khoa học nói chung và ngành y học nói riêng đã đạt được những bước tiến khá cao trong việc chữa các bệnh tật, nhưng chưa đẩy được bệnh mù. Hiện nay trên thế giới có khỏang 13 triệu người mù. Họ bị mù hoặc là do bẩm sinh, hoặc do một tai nạn, hoặc do bệnh tật gây nên.

Bệnh mù cũng có cấp độ :

- Quáng gà : bệnh con mắt không phải mù mà không trông thấy rõ khi chập tối, giống như gà vậy.

- Thong manh : bệnh làm cho mắt không thấy đường tuy con mắt vẫn mở như người thường.

- Mù tịt : con mắt không trông thấy gì, không những không thấy những vật chung quanh mà lúc nào cũng như ở trong đêm tối.

Khi nói về bệnh mù thì ai cũng hiểu là mù thể xác nghĩa là không trông thấy sự vật chung quanh mình. Nhưng đứng về phương diện thiêng liêng, ta thấy còn bệnh mù nữa là mù tinh thần hay mù đức tin.

Để thấy rõ, chỉ một đôi mắt sáng chưa đủ, bởi vì không chỉ có mỗi một thứ bệnh mù là đôi mắt, mà còn nhiều thứ bệnh mù khác do nhiều nguyên nhân khác nhau :
Tính ích kỷ làm ta mù không thấy nhu cầu của tha nhân.
Tính vô cảm làm ta mù không thấy những việc ta làm đau lòng tha nhân.
Tính tự phụ làm ta mù không thấy tha nhân cũng có nhân phẩm như mình.
Tính kiêu căng làm ta mù không thấy khuyết điểm của mình.
Những thành kiến làm ta mù không thấy sự thật.
Sự hối hả làm ta mù không thấy vẻ đẹp của vũ trụ chung quanh.
Khuynh hướng duy vật làm ta mù không thấy những giá trị thiêng liêng.
Sự hời hợt làm ta mù không thấy giá trị thật của con người mà khiến ta hay lên án (Lm Carôlô, Sợi chỉ đỏ A, tr 122).

2. Mù thể xác và mù tinh thần

a) Bệnh mù thể xác.

Mù thể xác có nhiều cấp độ nhưng nói chung là không thấy rõ hoặc không thấy sự vật ở chung quanh. Anh mù trong Tin mừng hôm nay ngồi ăn xin bên vệ đường có lẽ là người mù tịt không biết Đức Giêsu đi qua, nhưng Ngài động lòng thương cứu chữa anh, đồng thời cũng qua phép lạ này Đức Giêsu muốn giới thiệu cho các môn đệ : Ngài là ánh sáng trần gian. Ngài nhổ nước miếng trên đất, trộn thành bùn và xức vào mắt anh mù, rồi bảo anh ta :”Hãy đến hồ Siloê mà rửa”. Vậy anh ta đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được.

Anh ta sung sướng vô cùng vì được nhìn thấy sự vật chung quanh. Trước đây người ta kể cho anh nghe đủ mọi thứ chuyện chung quanh nhưng anh ta không có một khái niệm nào về sự vật. Đối với anh lúc nào cũng là đêm tối dầy đặc. Bây giờ anh được trực tiếp ngắm xem cảnh vật, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng kỳ lạ… không cần phải cắt nghĩa cho anh nữa.

Truyện : Trời đất đẹp thế này.
Một bé trai bị mù từ mới sinh. Nhờ một cuộc giải phẫu, em bắt đầu thấy được. Một hôm má em đem em ra khỏi nhà , lần đầu tiên em thấy bầu trời mặt đất. Em kêu lên với mẹ em :”Má ơi, sao trước đây má không kể cho con là trời đất đẹp đến thế này” ! Người mẹ òa lên khóc, đáp :”Con ạ, mẹ đã cố gắng kể cho con nghe, nhưng con không thể hiểu mẹ”(Arthur Tonne).

Số phận anh mù trong Tin mừng hôm nay đã được thay đổi hòan tòan. Anh xác nhận là anh đã khỏi mù, anh đã được trông thấy. Mọi người láng giềng xác nhận rằng chính anh ta là người mù ngồi ăn xin ở vệ đường xưa nay, bây giờ được sáng mắt. Đây là một sự thực hiển nhiên không thể chối cãi được.

b) Bệnh mù tinh thần.

Câu chuyện anh mù được chữa khỏi không phải là một câu chuyện đơn giản và hiển nhiên, khiến mọi người phải chấp nhận. Có những người cố tình nhắm mắt lại không chấp nhận sự thật hiển nhiên đó. Họ khẳng định rằng đây không phải là anh mù trước kia, mà là một người nào giống anh ta.

Còn tệ hơn nữa, các người biệt phái cố tình bẻ quặp sự thật bằng cách trớ trêu lý luận rằng: ông Giêsu đã chữa mắt cho người mù trong ngày hưu lễ vì luật trong hưu lễ là cấm làm việc. Ai vi phạm là kẻ có tội. Mà kẻ tội lỗi thì không thể là người bởi Thiên Chúa và không thể làm được phép lạ. Đó là lý luận cứng nhắc đã làm mù mắt người Do thái. Nhưng thực tế vẫn xẩy ra, nghĩa là đã có phép lạ.

Người biệt phái tìm cách chối bỏ sự thật : họ cho người được sáng mắt này không phải là người ăn xin bấy lâu nay; họ cho đòi cha mẹ anh ta đến hạch hỏi, đe dọa đủ thứ, còn anh mù được khỏi bệnh phải trình tòa hai ba lần để xét hỏi. Mục đích của họ là ép anh mù và cha mẹ anh ta phải chối bỏ cái thực tế được sáng mắt. Tất cả những tình tiết trên có thể đưa đến kết luận rằng người sáng mắt lại là anh mù, còn kẻ mù quáng lại chính bọn biệt phái vẫn tự cho mình thông minh sáng suốt mọi sự.

Phần kết của đọan Tin mừng, thánh Gioan đã ghi lại câu nói của Đức Giêsu :”Chính vì để luận xét mà Ta đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy sẽ trở nên mù”(Ga 9,39). Từ sự mù – sáng đôi mắt thể xác, Đức Giêsu đi đến kết luận về sự mù – sáng đôi mắt tinh thần. Quả vậy, người mù được thấy, được sáng con mắt đức tin. Anh đã nhận ra Giêsu : từ một vị ân nhân của mình, đến một tiên tri và tiến một bước dài tin nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Trong khi ấy, người Do thái mà cụ thể là những biệt phái lại đi vào sự mù tối. Họ không nhận ra Giêsu Nazareth là ai, họ chỉ biết đó là một người không tuân thủ lề luật, dám làm việc ngày hưu lễ cho dù đó là việc tốt. Họ đã từ chối ánh sáng thật và cuối cùng đã lên án cho Ngài.

3. Xin cho được “sáng mắt sáng lòng”

Trong một bài hát nào đó tôi có đọc thấy bốn từ ngữ “sáng mắt sáng lòng” và tôi liên tưởng đến anh mù trong bài Tin mừng hôm nay được Đức Giêsu đã làm cho anh được “sáng mắt sáng lòng”. Anh mù từ mới sinh này được Đức Giêsu chữa cho sáng mắt, với con mắt này anh đã nhìn thấy những vật chung quanh một cách dễ dàng, giải thóat anh khỏi sự tối tăm từ bao lâu nay : anh đã được “sáng mắt”.

Nhưng còn hơn thế nữa, Đức Giêsu còn mạc khải cho anh biết không những Ngài chỉ là một vị ân nhân, một tiên tri và Ngài còn là Con Thiên Chúa. Đức Giêsu đã cho anh cái nhìn bằng cặp mắt đức tin để nhờ cái nhìn đó mà anh đã qùi xuống trước mặt Đức Giêsu (cử chỉ tôn thờ :”Ngươi chỉ được tôn thờ Thiên Chúa mà thôi”) và tuyên xưng :”Lạy Chúa, con tin”(Ga 5,37) : anh đã được “sáng lòng”.

Anh mù hôm nay đã được Đức Giêsu cho được “sáng mắt sáng lòng”. Trong cuộc sống Kitô hữu, chúng ta cũng phải xin Chúa cho được sáng mắt và sáng lòng. Nhìn bằng cặp mắt thể xác là một điều quí, nhưng biết nhìn bằng cặp mắt đức tin còn quan trọng hơn.

Những người chỉ biết tôn thờ vật chất, tiền của, danh vọng, xác thịt… là những người chỉ biết nhìn bằng cặp mắt thể xác để được sáng mắt. Họ có thể giống như con heo khi thấy được thức ăn thì ăn rồi quay ra ngủ, thức dậy rồi lại ăn. Không biết gì khác ngòai việc ăn uống ngủ nghỉ, không biết tới tương lai, khi nào người ta giết thì chết.

Con người được “sáng lòng” là người biết vươn lên cao cho xứng với “linh ư vạn vật”, vươn tới hạnh phúc tuyệt đối là Thượng Đế, biết mình từ đâu tới, sống phải làm gì và hậu thế sẽ ra sao ? Họ cũng phải ăn uống, ngủ nghỉ, nhưng ăn uống có chừng mực, tránh những thức ăn có nguy hại cho tâm hồn để chuẩn bị cho tương lai. Những người này đã dùng cặp mắt đức tin để nhìn sự vật trong cuộc sống hằng ngày.

Trong cuộc sống của Kitô hữu, không những chúng ta phải nhìn bằng con mắt thể xác như mọi người nhưng còn phải dùng con mắt đức tin để thấy những thực tại siêu nhiên và có thể nhìn thấy Chúa.

Về vấn đề này, thánh Thêôphilo, Giám mục thành Antiokia, gửi cho Antiôcô có viết :”Nếu bạn nói : “Hãy tỏ cho tôi biết Thiên Chúa của bạn”, thì tôi có thể trả lời : Hãy tỏ cho tôi biết con người của bạn, rồi tôi sẽ tỏ cho bạn biết Thiên Chúa của tôi”. Vì thế, bạn hãy cho biết mắt tâm hồn bạn có nhìn thấy và tai lòng bạn có nghe được không.

Cũng như những người nhìn xem bằng con mắt thể xác thì nhìn thấy những việc diễn ra trong cuộc sống trần gian này : họ nhìn thấy sự khác biệt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa trắng và đen, đẹp và xấu, thanh nhã và thô thiển, cân xứng với bất cân xứng, ngắn với dài. Tai cũng vậy, nó phân biệt được tiếng bổng tiếng trầm, tiếng du dương. Về tai và mắt tâm hồn cũng vậy, chúng có thể nghe và nhìn thấy Thiên Chúa.

Quả thật, Thiên Chúa được nhìn thấy do những kẻ có thể nhìn thấy Ngài nếu họ biết mở con mắt tâm hồn ra. Ai cũng có mắt, nhưng một số người bị mù lòa và không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nếu những người mù không nhìn thấy, thì chẳng phải tại ánh mặt trời không chiếu sáng, nhưng người mù phải nhận rằng chính tại mình, tại mắt mình. Đối với bạn cũng thế, mắt tâm hồn của bạn bị mù lòa là do tội lỗi và các hành động xấu xa của bạn (Các bài đọc Kinh sách, tập 2, tr 106-107) .

Chúng ta có thể kết luận : Con người có cặp mắt thể xác và tinh thần. Cả hai cặp mắt đều quan trọng để nhìn xem. Nhưng nếu có trường hợp đối chọi nhau giữa hai cặp mắt ấy thì với danh nghĩa là Kitô hữu, chúng ta phải dành ưu tiên cho con mắt tinh thần, nghĩa là tuy bị mù về con mắt thể xác, nhưng lại ngời sáng về con mắt đức tin : Không sáng mắt nhưng sáng lòng !


Truyện : Xin được sáng lòng.
Chuyện kể rằng : có một người mù lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng câu :”Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con”.

Một hôm, người ta dẫn ông đến trước mộ thánh Tôma thành Cantorbéry để xin Người chữa cho ông sáng mắt. Ông được nhận lời. Mắt ông liền mở ra. Cảnh vật tưng bừng reo vui trước mắt ông. Khi nỗi vui mừng đầu tiên trôi qua, ông mới chợt nhớ là mình đã quên thêm vào lời cầu nguyện câu kết thúc :”Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con”.
Ông liền trở lại viếng mộ thánh, và xin được mù trở lại nếu điều đó đem lại lợi ích cho linh hồn ông. Thế là ông lại mù như trước.

 
Xin cho con đừng thấy
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:48 27/03/2014
XIN CHO CON ĐỪNG THẤY !

(Chúa Nhật IV Mùa Chay A)

“Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9,39). Lời khẳng định của Chúa Giêsu xem ra khó nghe thậm chí thật khó hiểu nếu không ở trong ngữ cảnh lúc bấy giờ. Cùng với anh mù từ thưở mới sinh, chúng ta chân thành tin nhận “Người là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5). Dưới cái nhìn đức tin này chúng ta có thể hiểu phần nào lời tuyên bố của Đấng Cứu Độ.

1. Người làm cho kẻ tự cho mình là thấy, là sáng, là am hiểu, trở nên đui mù, nghĩa là nhận ra sự lệch lạc, sai lầm của mình:

Xem quả thì biết cây. Không ai hái được trái nho nơi bụi gai. “Trong nhóm Pharisiêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabbat”, kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi thì làm sao có thể làm đựơc những dấu lạ như vậy?”. Thế là họ đâm ra chia rẽ. Một dấu lạ vượt quá khả năng bình thường của con người là làm cho kẻ mù từ thưở mới sinh được trông thấy. Đúng là một dấu lạ tốt đẹp. Một hành vi tự nó là tốt đẹp được thực hiện trong một hoàn cảnh trái với quy định của luật lệ thì có còn là tốt đẹp chăng? Nếu luật lệ ấy thuộc hàng thiên luật (như luật tự nhiên, luật mạc khải) thì nói chung là không còn là tốt đẹp vì “mục đích không thể biện minh cho phương tiện”. Tuy nhiên nếu luật đó thuộc hàng nhân luật (như luật quốc gia, luật Hội Thánh…), thì các việc tốt đẹp cao cả như việc cứu sống người hay mở mắt người mù thì luôn ở trên các quy định của nhân luật. Chúa Kitô không chỉ một lần như trong câu chuyện hôm nay mà đã nhiều lần vạch trần sự sai lầm của một số người biệt phái, luật sĩ khi họ tuyệt đối hoá nhân luật như luật Lễ nghỉ hay các tập tục tiền nhân mà xem nhẹ và bỏ qua lề luật của Thiên Chúa như đức công bình và đạo yêu thương, lòng từ bi và tình thương xót.

Chước cám dỗ muốn tuyệt đối hoá các chỉ thị, các quy định hay luật lệ của mình, dù chỉ là phàm nhân, vẫn còn đó dưới mọi hình thức. Tình trạng “phép vua thua lệ làng hay đạo trời còn dưới ý con người” vẫn đang tồn tại cách này cách khác ngoài xã hội và có khi cả trong các tập thể tôn giáo. Xin cho ánh sáng Đấng Cứu độ chiếu soi sự u minh của những người tự cho mình là sáng nhưng thực ra đang ở trong mê lầm. “Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn” (Ga 9,41).

2. Người làm cho người không xem thấy được thấy: Con người thường xem xét dựa vào cái bên ngoài, còn Thiên Chúa thì thấy tận cõi sâu tâm hồn con người. Chính vì thế, để có một cái nhìn quân bình và toàn diện, cần phải biết nhìn theo cách nhìn của Thiên Chúa. Đức Kitô, cuộc đời, những lời giảng dạy và các hoạt động của Người chính là cách thế giúp ta nhìn nhận cuộc đời, con người, các sự vật, hiện tượng cách đúng đắn và chuẩn mực.

Chúa Kitô không chỉ dùng quyền năng làm cho anh mù từ thưở mới sinh được thấy ánh sáng tự nhiên, Người còn khai mở con mắt đức tin của anh khiến anh can đảm nhìn nhận và tuyên xưng Người là một vị Ngôn sứ cho dù phải bị trục xuất ra khỏi Hội đường. Các môn đệ vốn mù tối lầm lạc khi cho rằng anh mù từ thưở mới sinh là do tội của anh ta hoặc do tội của cha mẹ anh ta. Chúa Kitô đã mở mắt cho các ngài để các ngài nhận ra rằng có nhiều sự dữ là do tội lỗi con người gây ra nhưng cũng có nhiều sự dữ xảy ra mà chẳng do bởi lỗi của người này hay người kia. “Đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể được ” (Mt 19,26). Qua các sự dữ, Thiên Chúa có thể làm nổi rõ quyền năng và tình yêu của Người.

3. Là ánh sáng thế gian, Chúa Kitô thúc bách ta phải thấy cả những điều ta không muốn thấy. Quả thật, rất nhiều khi ta bị cám dỗ “được không nhìn thấy” để khỏi phải vất vả, khỏi phải hy sinh hay khỏi phải dấn thân, chia sẻ… Mở cửa ra, nhìn thấy người tàn tật, thế là được mời gọi chia sẻ. Một đôi lần thì có thể được, nhưng một ngày mà đến ba bốn lần nhìn thấy thì sao đây? Thấy chuyện bất công là được mời gọi săn tay áo để tạo lập sự công bằng… Không nguyên chỉ vất vả mà còn biết bao điều phiền toái có thể ập đến. Lắm khi chưa được mạ thì má đã sưng hoặc cảnh ai thổi lữa người đó bỏng môi là điều dường như khó tránh.

Lạy Chúa xin cho con đừng thấy. Một lời cầu xin để mình được an phận. Ánh sáng đã đến thế gian. Chúa Kitô đã đến thế gian, Người làm cho kẻ mù được thấy và bắt kẻ không thích nhìn thấy cũng phải thấy, ngoại trừ chính họ tự ý bịt mắt không muốn nhìn. Không cứu sống là đang giết chết. Không làm điều lành là đã làm điều dữ (x.Mc 3,1-5). Phải làm ngay hôm nay những gì ta thấy phải làm theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm…Một lời cầu xin thật chính đáng và phải đạo mà Kitô hữu thường xuyên đọc. Thế nhưng khi Chúa cho ta thấy, cho ta biết việc phải làm thì sao đây? Có khi nào ta bị cám dỗ “ước gì đừng thấy, ước gì đừng biết” chăng?

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban mê Thuột.

 
Suy tư Tin Mừng Chúa nhật Thứ Năm Mùa Chay năm A 06.4.2014
Mai Tá
18:19 27/03/2014
Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay năm A 06.4.2014

“Kỷ niệm giăng ngập đêm nay trong mưa,”
“Anh hứng nốt những giọt cuối mùa.”
(Dẫn thơ nhạc Trầm Tử Thiêng)
Ga 11: 1-45

Kỷ niệm ấy, giọt lệ này, người của Chúa đã giăng ngập suốt nhiều mùa, nhất là khi người bạn nhân hiền của Ngài ra đi rời khỏi cuộc đời, như trình thuật thánh Gioan hôm nay kể.
Trình thuật, thánh Gioan kể là kể việc Chúa cho Lazarô trỗi dậy. Lazarô trỗi dậy, tiếng Do-thái xưa mang nghĩa: “Chúa đỡ đần”, tức: Ngài đã vực dậy người bạn sống ở Bêthania, cách Giêrusalem chừng 3, 4 cây số đường bộ. Lazarô đã chết và an táng tại mộ phần được lấp kín bằng đá tảng, những 3 ngày. Thời của Chúa, người Do thái quan niệm thần-tính/linh-hồn vẫn quẩn-quanh bên người chết suốt ba ngày. Ngày thứ tư sau đó, thần-khí mới rời khỏi xác người quá cố ra đi vĩnh viễn.
Trường hợp Lazarô, người có mặt ở hiện trường đều chứng kiến cảnh Chúa đến thăm bạn hiền quá vãng vào lúc thần khí rời xác bạn. Ngài đã khóc thương bạn một hồi, rồi ra tay phục hồi sự sống để bạn trỗi dậy mà đi, như khi trước. Bạn làm theo lời Thày, nên sống thêm nhiều tháng ngày sau đó, với nguồn sinh-lực phục hồi cũng rất mới.
Đọc truyện Lazarô trỗi dậy khỏi mộ phần, người đọc cũng chẳng rõ sinh-lực anh thực-sự ra sao, nên cứ nghĩ: anh lại sẽ sống mạnh như hôm trước, có “Chúa đỡ đần”. Chuyện Lazarô Tin Mừng kể, là kể về việc tác-giả chỉ mỗi quan-tâm đến việc anh làm, hơn là hình-hài của anh sau khi được Chúa tái-tạo sự sống, có nơi anh. Và, việc anh phải làm, là gìn giữ sự sống theo cách cũ.
Phục sinh của Chúa, lại rất khác. Chúa phục-sinh/trỗi dậy không là thứ hồi-phục sinh-lực giống như bạn hiền, thời buổi ấy. Ngài Phục sinh, là để đến với ta không theo cung-cách Ngài từng sống với ta và bên ta như trước đó. Chúa phục sinh, là sự-kiện có thực. Còn, sự thực ta không thể biết được, là: trỗi dậy rồi, Ngài có trở về với loại-hình sự sống giống hồi Ngài sống, hay không? Hình-hài Ngài sống lại sẽ ra sao, thật ra chẳng ai biết được. Ta chỉ biết mỗi việc Ngài làm sau phục sinh, thôi. Chỉ biết, là Ngài vẫn đang sống và sẽ sinh-hoạt theo cung-cách cũng rất mới, mà thôi.
Qua sự việc phục-sinh/trỗi dậy của Chúa và của Lazarô, ta biết thêm một điều, là: khi chết rồi, thần-tính của ta sẽ an-nghỉ nơi cõi trời. Và thân xác ta cũng trỗi dậy như Chúa nhưng lại sinh-hoạt theo thể-thức rất khác hẳn. Và khi ấy, ta chẳng biết hình-hài của mình sẽ ra sao? Có giống trước không? Thật ra, ta chưa bao giờ được bảo cho biết những gì mình sẽ làm sau khi trỗi dậy; và sự sống mới của ta rồi sẽ ra sao? Bởi thế nên, mới có câu hỏi: phục-sinh có nghĩa gì đối với Chúa và với ta? Và như thế, có là quay trở về với cung-cách sống như lần hiện-hữu trước giống Lazarô khi xưa không?
Trả lời vấn-nạn này, người Do-thái lại quan-niệm thế-giới sẽ được Chúa biến-cải để trở thành một trạng-thái rất tuyệt hảo. Khúc dạo đầu cho tình-huống này, là phục-sinh/trỗi-dậy đầy ý-nghĩa. Và việc này cũng sẽ không xảy ra cho đến khi thế-giới kết-tận giòng sử của mình. Việc ấy cũng xảy ra cho ta và mọi người cùng một lúc. Đó là lúc mọi người cùng trỗi dậy đi vào trạng-thái được sống hạnh-phúc sướng vui trong một thế-giới đã đổi mới.
Vào ngày Phục Sinh, Chúa đã trỗi dậy từ cõi chết. “Phục-sinh phổ-cập” được ban cho Đức Chúa theo cách tư riêng ngay ở giòng lịch-sử của thế-giới, chứ không vào buổi thế-tận. Điều này có nghĩa, là “Phục-sinh phổ-cập” đã bắt đầu với mọi người, khi Đức Giêsu trỗi dậy vào ngày Chúa Nhật rất Phục Sinh. Đó là tiến-trình dài ngày, trong đó Chúa hiện-diện với thế-giới, lịch-sử và mọi người đã dành sẵn cho một thế giới cuối cùng cũng đổi thay.
“Phục-sinh phổ-cập”, trở-thành động-lực để Chúa đưa vào với cộng-đồng nhân-loại một động-lực trong đó các yếu-tố thần-thiêng và phàm trần đều chung lưng hợp-tác, rất hiệu-lực. Động-lực này, xưa nay, vẫn tạo khác-biệt cho lối sống tư-riêng, mang tính chính-trị để mọi người cùng sống trong yêu thương/đùm bọc và giùm giúp ở mọi nơi và mọi lúc. Và, Chúa vẫn còn làm việc ấy cho mọi người, vào mọi thời.
Đây cũng là điều được thánh Phaolô gọi là “Uy-lực Phục Sinh”. Chúa không dời đổi hoặc định-đoạt vị-trí của Ngài ở chốn trời cao xa tít cõi miên trường, rất an giấc. Ngài vẫn ở đây, chốn này và đang sinh-hoạt rất sống-động để biến-cải mọi người. Và, Lazarô chẳng bao giờ có được phục-sinh/trỗi dậy giống như thế. Anh cũng chẳng được Chúa ban cho mình một thân-xác phục-sinh giống như thế. Lazarô là trường hợp được dựng thêm theo kiểu xưa cũ như phép lạ còn tiếp diễn. Và, Chúa chính là huyền-nhiệm duy nhất được thiết-lập rất mới để Ngài biến-cải mọi sự theo ý Ngài.
Đức Giêsu san-sẻ sự mới mẻ của Thiên Chúa. Ngài san sẻ cả một phục-sinh/trỗi dậy và động-lực mới với ta, ngang qua thanh-tẩy. Mặc dù về thể lý, trông ta không giống cung-cách ta từng có vào lúc tẩy rửa, vì ta không còn giống như trước. Ta có thêm uy-lực vực dậy, từ Chúa nữa. Ta là thân mình của Ngài. Là, tâm-can và tứ chi của Ngài để rồi cùng Ngài thực-hiện công-cuộc phục-sinh rất mới làm trỗi dậy thế giới ở quanh ta. Ngài khiến ta trỗi dậy chống chọi mọi sự việc trong thế-giới khác với ý của Ngài. Khác, cả những gì thực sự tốt lành/hạnh đạo cho mọi người.
Nhờ Chúa phục-sinh, Ngài khiến ta làm công-việc hàn gắn mọi bạo-hành ở thế giới. Để rồi, cuối cùng, sẽ trở-thành một thế-giới tốt lành/đạo hạnh theo ý Ngài. Và khi ta thấy mình không đủ uy-lực để làm thế và/hoặc không có khả-năng làm những việc như thế, Ngài sẽ đến với ta và ngang qua ta để phụ-lực ta bằng quyền-uy/mãnh-lực mà ta không thể tự mình làm được. Ta gọi quyền-uy sức mạnh này là Thần-Linh Thánh Ái của Phục sinh. Lazarô chả bao giờ được thế. Anh chẳng bao giờ nghe được chuyện này. Những gì anh có được cũng là một thứ phục-sinh/trỗi dậy thôi.
Có lẽ đây là nghịch-lý/nghịch-thường rất đích-thực, nhưng ta có được quyền-uy sức mạnh phục-sinh như thế, trước khi chết. Điều đó có nghĩa: chết chóc không là sự-kiện chính yếu trong cuộc sống mà ta có thể nghĩ là thế.
Đức Giêsu vẫn đang thôi thúc ta đi vào sự sống mà chính Ngài không thể khởi sự trước khi Ngài chết và phục sinh. Ngài vẫn đang vội thôi thúc ta san sẻ sự sống này với Ngài trong cuộc sống mới của Ngài. Ngài không thể chờ mãi cho đến khi ta chết. Ngài ban điều đó cho ta trước khi ta chết thật. Điều này chỉ có nghĩa là: cái chết của ta như Chúa thấy, không thật sự quan trọng như ta tưởng.
Uy-lực ban cho ta nhờ Thần-khí Phục Sinh của Chúa giúp ta cứ thế tiến tới ngang qua sự việc ta đang chết dần; và cái chết của ta không làm ngưng đọng và cũng chẳng cất đi chuyện ấy. Bởi sự việc ta chết dần chỉ là con đường dẫn ta đi vào điều kiện sống mới mẻ trong đó ta có thể làm được công việc vực dậy cả thế-giới, không công-khai rõ ràng, nhưng rất có hiệu-lực. Giống hệt như Chúa và cùng với Chúa đã sống lại thật.
Cuối cùng ra, ta sẽ bớt lo cho việc mình sẽ chết và bớt ưu tư xem những gì sẽ xảy đến với ta khi đó và sau này. Cuối cùng thì, ta càng dính-dự vào sự việc vực dậy và chữa lành cho thế-giới được phục sinh đổi mới ở đây, bây giờ. Hãy bắt đầu công việc đó ngay từ bây giờ và rồi sẽ tiếp tục cả sau khi chết còn hiệu nghiệm nhiều hơn nữa.
Cảm ơn anh Lazarô khi xưa đã được Chúa cho phục sinh/trỗi dậy. Tuy thế, bọn tôi đã tiến bước trước anh cũng rất nhiều. Cảm ta Chúa vì Ngài đã khởi động công việc rất mới cho mọi người.
Trong cảm kích biết ơn như thế, lại cũng ngâm thêm lời thơ hay ta vừa hát, thơ rằng:

“Êm êm, ngoài kia nhạc đêm đông!
Anh nhớ khi mặn nồng,
Xin cám ơn em một thời xuân
Giờ còn đâu mà mong,
cho chút duyên nghe còn ấm.”
(Trầm Tử Thiêng – Bài Tình Ca Mùa Đông)

Tình ca mùa đông hay mùa của sự chết, vẫn không làm ta ngần ngại tạ ơn em, tạ ơn đời tạ ơn Chúa đã chết đi để ta phục sinh/trỗi dậy, giống như Ngài, hôm nay và mai ngày, suốt một đời.

Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch
 
Đức Giêsu ánh sáng cứu độ trần gian
Lm. Đan Vinh
20:07 27/03/2014
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY A

1 Sm 16,1b.6-7.10-13a ; Ep 5,8-14 ; Ga 9,1-41


ĐỨC GIÊ-SU ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ TRẦN GIAN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 9,1-41

(1) Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. (2) Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù. Anh ta hay cha mẹ anh ta ?” (3) Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. (4) Chúng ta phải làm những việc của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng. Đêm đến, không ai có thể làm việc được. (5) Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian”. (6) Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù. (7) Rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: Người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. (8) Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao ?” (9) Có người nói: “Chính hắn đó !” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu ! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi”. Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây !” (10) Người ta liền hỏi anh: “Vậy làm sao mắt anh lại mở ra được như thế ? ”. (11) Anh ta trả lời: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đền hồ Si-lô-ác mà rửa”. Tôi đã đi, và sau khi rửa tôi nhìn thấy được”. (12) Họ hỏi anh: “Ông ấy ở đâu ?” Anh ta đáp: “Tôi không biết”. (13) Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. (14) Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày Sa-bát. (15) Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy”. (16) Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; Kẻ thì bảo “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy ?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. (17) Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh ?” Anh đáp: “Người là một vị Ngôn sứ !”. (18) Người Do thái không tin là trước đây anh bị mù nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. (19) Họ hỏi: “Anh này có phải là con ông bà không ? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được ?”. (20) Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. (21) Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó. Nó đã khôn lớn rồi, tự nó, nó nói về mình được”. (22) Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do thái. Thật vậy, người Do thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. (23) Vì thế, cha mẹ anh mới nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. (24) Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi”. (25) Anh ta đáp: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: Trước đây tôi bị mù, mà nay tôi nhìn thấy được !” (26) Họ mới nói với anh: “Ông ấy đã làm gì cho anh ? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào ?” (27) Anh trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa ? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng ?” (28) Họ liền mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy. Còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. (29) Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê. Nhưng chúng ta không biết ông ấy bởi đâu mà đến”. (30) Anh đáp: ”Kể cũng lạ thật ! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi ! (31) Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi. Còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. (32) Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. (33) Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì”. (34) Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ? ” Rồi họ trục xuất anh. (35) Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh, và khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không ?”. (36) Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?” (37) Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. (38) Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. (39) Đức Giê-su nói:"Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !". (40) Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao ?” (41) Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn !”.

2. Ý CHÍNH:

Câu chuyện Đức Giê-su chữa cho người mù từ khi mới sinh trong Tin Mừng hôm nay cho thấy: Người chính là Ánh Sáng Thế Gian, và chỉ những ai có lòng khiêm hạ mới đón nhận được ánh sáng đức tin ấy. Còn những kẻ tự mãn mình sáng mắt như các người đàu mục dân Do thái lại bị mù tối về đức tin vào Đức Giê-su.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-5: + Ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù: Cựu Ước thường cho rằng: tai nạn, bệnh tật và đau khổ là hình phạt do tội lỗi của chính tội nhân (x. St 3,3) hay tội của cha ông người ấy (x. Xh 20,5). Ở đây Đức Giê-su cũng đồng quan điểm ấy khi nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” (Ga 5,14). + Là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh: Đức Giê-su coi bệnh tật như một tai họa mà con người phải chịu đựng, như một quyền lực của Sa-tan đang đè trên con người mà Người có sứ mạng đến để giải thoát họ (x. Lc 13,16).

- C 6-9: + Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù: Về phạm vi khoa học thì chất bùn này sẽ làm cho bệnh nhân bị mù. Nhưng về mặt biểu tượng thì theo các nhà chú giải Kinh Thánh: Khi làm như vậy là Người muốn thử thách đức tin của người mù và của những kẻ chứng kiến. + Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa: Si-lô-ác có nghĩa là “Được sai đến”. Như nước hồ của “Người được sai phái” đã cho người mù từ thuở mới sinh xem thấy thế nào, thì “Đấng Được Sai” cũng ban ánh sáng đức tin mặc khải cho những ai đang ở trong bóng tối tội lỗi và sự chết như vậy.

- C 35-41: +Anh có tin vào Con Người không ?: Sau khi mở mắt thể xác để anh mù được nhìn thấy, Đức Giê-su cũng muốn mở mắt đức tin cho anh. Vì thế Người đặt câu hỏi để khơi dậy niềm tin vào Người giống như Người đã làm đối với người phụ nữ Sa-ma-ri (x. Ga 4,26). + Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: Xét xử không phải lên án (x. Ga 3,17), nhưng là chiếu soi ánh sáng để cho thấy những điều thầm kín trong lòng người ta (x. Ga 3,19-21). + Cho người không xem thấy được thấy và kẻ xem thấy lại nên đui mù: Câu này tương tự lời cầu nguyện của Đức Giê-su với Chúa Cha: “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (x. Mt 11,25).

4. CÂU HỎI:

1) Đối với các tín hữu, bệnh tật có phải do tội lỗi gây ra không ? 2) Việc Đức Giê-su lấy bùn thoa vào mắt người mù để chữa bệnh có ý nghĩa biểu tượng thế nào ? 3) Tại sao Đức Giê-su lại ra lệnh cho anh mù đến rửa mắt tại hồ Si-lô-ác ? 4) Tại sao Đức Giê-su lại nói: "Cho người không xem thấy được thấy và kẻ xem thấy lại nên đui mù" ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !” (Ga 9,39).

2. CÂU CHUYỆN:

1) XIN ĐƯỢC SÁNG MẮT NẾU CÓ ÍCH CHO PHẦN RỖI ĐỜI ĐỜI:

Có một anh chàng nọ bị mú tư khi mới sinh. Anh rất có lòng đạo nên năng cầu nguyện tự phát và thường kết thúc lời nguyên bằng kết thúc lời cầu của mình bằng câu: ”Xin Chúa ban cho con được sáng mắt « Nếu điều đó hữu ích cho phần rỗi của con”. Một hôm, người ta dẫn ông mù đến trước mộ của thánh Tô-ma Can-tô-be-ry để xin Người làm phép lạ chữa lành cho cặp mắt của ông. Lời cầu nguyện của ông đã được chấp nhận và mắt của ông đã mở ra được để nhìn xem cảnh vật chung quanh và ca tụng tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Khi niềm vui khỏi bệnh trôi qua, ông mới chợt nhớ là mình đã quên thêm vào lời cầu nguyện câu kết thúc quen thuộc: ”Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con”.

Lập tức ông liền quay trở lại viếng mộ thánh nhân để xin được mù trở lại « Nếu điều đó đem lại lợi ích cho linh hồn con ». Sau lời cầu này, mắt ông đã bị mù như trước. Tuy nhiên từ ngày đó ông mù đã bằng lòng với sống an vui và không bao giờ còn muốn được sáng mắt nữa.

2) ĐÂU LÀ LÚC TRỜI SẮP SÁNG ?

Một vị ẩn sĩ hỏi các đồ đệ rằng: “Đâu là lúc đêm sắp tàn và ngày sắp đến ?” Nhiều câu trả lời của các học trò được nêu ra: Kẻ thì cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt từ xa một cây dừa với một cây cau. Người khác cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt được một con bò với một con trâu… Cuối cùng đáp án đúng nhất mà vị ẩn sĩ muốn dạy như sau: “Đó là khi ta nhìn người khác và nhận ra họ là anh em của ta”.

3. SUY NIỆM:

1) Đức Giê-su chữa người mù từ khi mới sinh được sáng mắt:

Khi đi ngang qua, Đức Giê-su đã nhìn thấy một ngừời mù từ khi mới sinh đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Các môn đệ nêu thắc mắc theo quan điểm của người Do thái đương thời về tội lỗi như sau: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Đức Giê-su không trực tiếp trả lời, mà Người chỉ nói :”Chuyện đó xẩy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.

Tiếp đến Tin Mừng thuật lại việc chữa bệnh mù của Đức Giê-su bằng những cử chỉ mang tính biểu tượng như sau: ”Đức Giêsu nhỏ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: ”Anh hãy đi đến suối Si-lo-ê mà rửa (Si-lo-ê có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì thấy được” (Ga 9,6-7).

2) Cuộc điều tra của các đầu mục Do thái:

Những người Biệt phái không chấp nhận Đức Giê-su đã làm phép lạ chữa lành cho người bệnh mù nên họ đã mở một cuộc điều tra rộng rãi: Trước hết họ mời người bị mù đã được Đức Giê-su chữa lành đến tra vấn về những gì đã xảy ra cho anh, rồi cả những người láng giềng và cha mẹ của người mù cùng được mời đến để điều tra thực hư. Trước phép lạ hiển nhiên không thể phủ nhận được, các người Biệt phái đã tìm cách gây khó dễ cho người mù. Tuy nhiên anh mù này do đã có một đức tin kiên cường vào Đức Giê-su, nên anh không dễ dàng khuất phục trước cường quyền, anh đã thuật lại rành rẽ các việc Đức Gie-su đã làm để chữa bệnh cho anh và anh còn nói lên suy tư của anh về nguồn gốc thần linh của Người như sau: ”Kể cũng lạ thật ! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi ! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi. Còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9,30-33).

3) Về tiến trình anh mù được sáng lòng để từng bước tin vào Đức Giê-su:

Trong suốt cuộc gặp gỡ đối thoại với Đức Giê-su, anh mù đã được Người soi sáng để từng bước khám phá sự thật về vai trò cứu độ của Người: Từ "một người tên là Giê-su” (11) đến “một vị Ngôn sứ !” (17), rồi “Người bởi Thiên Chúa mà đến” (33). Sau cùng khi đã được Đức Giê-su mặc khải mình là Con Người (35), là Tôi Trung của Thiên Chúa và là Đấng Thiên Sai, thì anh mù đã tuyên xưng đức tin: “Thưa Ngài, tôi tin” và anh thể hiện lòng tin bằng việc khiêm hạ sấp mình thờ lạy Người (37). Quả thật, chỉ những ai thực tâm muốn đi tìm Chúa mới được Người cho gặp và mới nhận được ơn Chúa chiếu soi ánh sáng để đạt được đức tin. Trái lại, những ai tự kiêu lại tưởng mình sáng mắt, có sự hiểu biết sự vật bề ngoài lại trở nên mù tối về đức tin, như Người đã nói: "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !" (39).

4) Sám hối canh tân trong Mùa Chay thánh:

- Những nguyên nhân của bệnh mù tinh thần: Thói ích kỷ làm chúng ta ra mù tối không nhìn thấy nhu cầu của tha nhân bên cạnh mà chỉ tìm kiếm thỏa mẫn các quyền lợi của mình như người giàu trong dụ ngôn anh La-da-rô nghèo khổ. Thói vô cảm làm chúng ta bị mù tình thương nên dễ làm ngơ trước những anh chị em đang cần được trợ giúp; Thói tự kiêu làm chúng ta bị mù không nhìn thấy thói hư bản thân mà chỉ thấy những điều xấu nơi tha nhân mình không thích. Mỗi người chúng ta đều đeo hai cái túi: Túi trước mặt là các ưu điểm và thành tích của mình, còn túi sau lưng đựng những thói hư tật xấu. Thường chúng ta chỉ thấy ưu điểm của mình và khuyết điểm của tha nhân. Để biết mình ra sao, chúng ta cần phải biết hồi tâm sám hối. Mùa Chay là thời kỳ thuận tiện để nhận biết thói hư của mình và quyết tâm tu sửa nên hoàn thiện hơn.

- Cần xét đoán dưới ánh sáng của Lời Chúa: Ngày xưa Đức Chúa đã hướng dẫn ngôn sứ Sa-mu-en chọn một trong các con của Giét-sê để xức dầu tấn phong làm vua như sau: “Đừng xét theo hình dáng và voc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm. Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (Sm 16,7). Hãy năng tham dự các buổi tĩnh tâm, hiệp sống Tin Mừng và chọn đọc những câu Lời Chúa phù hợp tinh thần sám hối trong các giờ kinh tối gia đình hằng ngày.

- Cần tập hành xử khiêm tốn: Trong bất cứ việc gì, cần ý thức mình chỉ thấy chỉ biết một phần sự thật, nên phải khiêm tốn tìm hiểu và học hỏi nơi tha nhân. Điều ta biết chỉ là phần nổi nhỏ bé của tảng băng nổi lên trên mặt biển. Còn những điều chưa biết thì to lớn và chìm sâu bên dưới mặt nước. Do đó, thay vì tranh cãi nhau như năm anh mù đi xem voi cãi nhau về những điều mình không biết rõ, chúng ta hãy khiêm tốn lắng nghe tha nhân. Hãy chấp nhận sự giới hạn của mình, chấp nhận những điều mình biết là chưa đầy đủ, chưa phải là chân lý để tiếp thu thêm kiến thức của tha nhân; Cần ý thức các ưu điểm của mình cũng chỉ có giới hạn như người xưa đã dạy: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị” (Một người giỏi chắc chắn sẽ có người khác giỏi hơn đánh bại). Do đó chúng ta cần hành xử khiêm tốn để luôn tôn trọng tha nhân, biết lắng nghe ý kiến của người khác và sẵn sàng tiếp thu các góp ý để nhận ra con người thật của mình, vì “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng!” và đó là phương thế giúp thành công trong mọi việc: “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng”. Cần biết lắng nghe tha nhân: Nghe không những lời khen mà cả những lời phê bình chê trách, và tránh xa những lời nịnh hót như người xưa dạy: “Ai khen ta mà khen phải thì là bạn ta. Ai chê ta mà chê phải là thầy ta. Còn ai nịnh hót ta đó chính là kẻ thù của ta vậy”.

4. THẢO LUẬN:

Trong Mùa Chay này, Bạn sẽ làm gì để có thể nhận biết về con người thực của mình và quyết tâm tu sửa các thói hư tật xấu để ngày càng nên hoàn thiện giống như Đức Giê-su hơn ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU: Xin đừng để sự ác cảm và thành kiến che mắt, làm cho chúng con không nhìn thấy những ưu điểm của người khác. Xin cho chúng con luôn khiêm tốn nhận ra khuyết điểm lầm lỗi của mình để sửa sai. Xin cho chúng con biết nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong thiên nhiên, nơi bản thân con và nhất là nơi anh em con để sẵn sàng yêu mến và khiêm nhường phục vụ họ như phục vụ chính Chúa hầu xứng đáng nên môn đệ thực sự của Người.

- LẠY CHÚA: hiện nay còn biết bao người đang mù chữ, mù kiến thức, mù giáo lý… Nhất là đang bịt tai nhắm mắt vì sự cứng lòng tin như những người Pha-ri-sêu khi xưa. Trong Mùa Chay này, xin cho chúng con biết dành thì giờ tham dự những cuộc tĩnh tâm để duyệt xét lại con người của mình. Xin cho chúng con ngày một hiểu biết Chúa để yêu mến Chúa, biết rõ con để không dám tự mãn và quyết tâm tu sửa các thói hư tật xấu để ngày một nên giống Chúa hơn.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những người Kitô hữu chân chính không màu mè hóa trang
Pt Huỳnh Mai Trác
06:18 27/03/2014
“Thời gian Mùa Chay là thời gian dành riêng để được gần Chúa hơn”. Lại nữa từ này có nghĩa là trở về. Như vậy Mùa Chay mời gọi chúng ta hóan cải, sửa đổi, chỉnh lại cho ngay thẳng đời sống của chúng ta”.

Chính những điều đó đem chúng ta đến gần với Chúa .Và Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta .

Về điều này Đức Giáo Hòang nói về bài đọc một “Khi tội của các ngươi đỏ như máu sẽ được làm cho sạch trắng như tuyết” . Và ngài tiếp theo : “ Ta sẽ biến đổi linh hồn của ngươi” : Chúa Giêsu nói với chúng ta điều đó . Và chúng ta có cầu xin Chúa không ? Khi chúng ta đến gần Chúa . Đến gần Chúa . Chúa là Cha của chúng ta, Chúa chờ đợi để tha thứ cho chúng ta . Và ban cho chúng ta lời khuyên bảo : Đừng tỏ ra như bọn giả hình “ .

Đừng có người nào tự cho mình là người công chính theo như lối phán đóan riêng của mình .”Chúng ta tất cả đều phải chứng minh, Đức Giám Mục thành Roma nói và chỉ có Chúa Giêsu mới biện hộ cho chúng ta được mà thôi . Bởi vậy chúng ta cần đến gần Chúa : để khỏi trở thành những Kitô hữu bị che dấu sau lớp màu mè hóa trang” .

Một khi lớp màu mè hóa trang đã phai nhạt đi thì thật sự không còn là những người Kitô hữu chân chính nữa. Đâu là giới hạn ? Chính Chúa đã nói trong bài đọc 1 : “Hãy tắm rửa đi, hãy tẩy cho trong sạch đi ! Các ngươi hãy tránh khỏi mắt ta đi để ta khỏi thấy những hành động gian ác của các ngươi ! Hãy ngừng lại đừng làm điều gian ác nữa, hãy học hỏi làm điều lành thánh đi”. Đó là điều Chúa mời gọi chúng ta thực hành . Làm những gì chứng tỏ là chúng ta đang đi trên đường ngay chính ?

Cũng chính trong Kinh Thánh dạy bảo chúng ta : Hãy che chở những kẻ yếu kém bị áp bức, chăm sóc tha nhân, những người đau ốm bệnh tật, người nghèo đói, kẻ thiếu thốn và người ngu dốt kém cỏi . Đó là giới hạn “. Và còn hơn nữa : “Những kẻ giả hình không thể làm các điều đó, vì họ luôn nghĩ về họ và rất mù quáng khi nhìn về những người khác “.

Bởi vậy Mùa Chay giúp chúng ta “thay đổi cuộc sống của chúng ta, điều chỉnh lại đời sống để đến gần Chúa”. Và đây là lời kết : Chúa là Đấng ban cho chúng ta sự sáng và lòng can đảm : ánh sáng làm cho chúng ta nhìn thấy nội tâm của chúng ta và lòng can đảm giúp chúng ta sửa đổi để trở về bên Chúa . Ở gần bên Chúa, ôi hạnh phúc biết là dường nào ! (Nguồn Tin: News.va)

 
Tóm lược cuộc hội kiến giữa Obama và ĐGH.
Trần Mạnh Trác
13:17 27/03/2014

TT Obama cuả Hoa Kỳ đã đến thăm ĐGH ngày hôm nay vào lúc 10:30 sáng. Hai vị đã đàm luận riêng với nhau hơn 50 phút, gần gấp đôi sự dự liệu là 30 phút.

Từ khi lên ngôi, ĐTC Phanxicô thường bỏ qua những hình thức nghi lễ rườm rà để tiếp khách một cách thân mật, nhưng cuộc nghênh tiếp TT Obama lần này đã diễn ra với tất cả mọi nghi lễ và kiểu cách dành cho một vị nguyên thủ quốc gia.

Đó là một cử chỉ cuả Vatican báo hiệu muốn giữ một khoảng cách 'ngoại giao' giữa hai người chăng? Obama có lẽ nhận thức ra điều đó khi ông nói đuà với ĐGH rằng "His Holiness is probably the only person in the world who has to put up with more protocol." ("Ngài có lẽ là người duy nhất trên thế giới phải sống với những nghi lễ nhiều hơn mọi người như thế này.")

Dựa theo số thời gian và những lời tuyên bố sau đó, người ta có thể ước đoán đã có nhiểu vần đề được đem ra bàn cãi nhưng hình như không đem lại nhiều thoả thuận hoặc cam kết.

Toà thánh Vatican cho biết rất ít về chi tiết cụ thể và bản chất của cuộc hội kiến nhưng qua một tuyên bố chính thức, Toà Thánh nói: "Trong bối cảnh quan hệ song phương và hợp tác giữa Giáo Hội và nhà Nước, đã có một cuộc thảo luận về các vấn đề liên quan đặc biệt với Giáo Hội tại quốc gia đó, chẳng hạn như sự thực hiện các quyền tự do tôn giáo, quyền được sống và quyền tự do lương tâm. "

Đó là những bất đồng giữa Hội Đồng Giám Mục và chính quyền Hoa Kỳ trong nhiều năm qua, mà kết quả là đang có nhiều vụ kiện chờ được xét xử.

Ngoài ra các cơ quan thông tin khác cuả Toà Thánh còn cho biết thêm rằng trong cuộc họp,Tổng thống Mỹ và Đức Thánh Cha đã trao đổi các chủ đề quốc tế hiện nay, thể hiện niềm hy vọng của họ là trong những khu vực đang có xung đột, luật nhân đạo và luật lệ quốc tế sẽ được các phe liên hệ tôn trọng nhiều hơn nữa, và các phe sẽ có thể thương lượng tìm ra một giải pháp.

Chủ đề cải cách nhập cư cũng được đề cập tới. Nhắc lại ngày hôm qua trong cuộc tiếp kiến chung hằng tuần, ĐTC đã tiếp nhận hàng ngàn lá thư thỉnh nguyện cuả các gia đình nạn nhân cuả chính sách Nhập Cư hiện hành cuả Mỹ, Ngài đã thăm hỏi và an ủi những trẻ em đang có cha mẹ bị giam giữ trước khi bị trục xuất về nguyên quán. Chính quyền Obama trong 5 năm qua đã trục xuất trên 2 triệu người, nhiều hơn 8 năm cai trị cuả chính quyền Bush, tạo ra cảnh chia ly cho hàng trăm nghìn gia đình. Obama cho biết ông ta chỉ trục xuất những tội phạm, nhưng các nạn nhân thì cho biết đa số những người bị trục xuất chỉ là những người di dân nghèo đi tìm đất sống.

Một điểm cuối cùng thảo luận là mối quan tâm chung trong việc xóa bỏ mọi hình thức buôn người trên toàn thế giới.

Về phía chính quyền Mỹ, đúng như dự đóan cuả nhiều ngươì cho rằng sẽ có những "spin" (xoay trở) để 'hướng dẫn' công luận, nghĩa là Mỹ sẽ chỉ nhấn mạnh vào những chiêu bài chính trị mà đảng Dân Chủ xử dụng cho cuộc tranh cử giữa kỳ vào cuối năm nay.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera, ông Obama nhấn mạnh đến mối quan tâm của Đức Giáo Hoàng về sự bất bình đẳng thu nhập, ông nói , "Với thẩm quyền đạo đức tuyệt vời của Ngài, thì khi Đức Giáo Hoàng nói, nó sẽ mang một trọng lượng rất lớn."

"Và nó không chỉ là một vấn đề kinh tế, đó còn là một vấn đề đạo đức. Tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng đã nói đến một nguy cơ là với thời gian chúng ta sẽ quen nhìn việc phát triển tạo ra các loại hình bất bình đẳng và chấp nhận nó như là bình thường. Nhưng chúng ta không thể như vậy. "

Tổng thống cho biết ông rất ngưỡng mộ sự can đảm của Đức Giáo Hoàng đã lên tiếng về các vấn đề kinh tế và xã hội.

"Nó không có nghĩa là chúng tôi đồng ý về mọi vấn đề, nhưng tiếng nói của Ngài là một trong những gì mà tôi nghĩ rằng thế giới cần phải lắng nghe. Ngài thách thức chúng ta", ông Obama nói. "Ngài van xin chúng ta hãy nhớ đến mọi người, nhất là người nghèo, người bị ảnh hưởng bởi các quyết định kinh tế của chúng ta."

Sau khi cuộc họp kết thúc, TT Obama đã trao tặng cho Đức Giáo Hoàng một hộp có chứa những hạt giống rau quả đã được trồng trong vườn cuả Toà Bạch Cung.

Những hạt giống này, Obama nói , là hình ảnh những cố gắng của Đức Giáo Hoàng đem gieo những hạt giống hòa bình cho toàn thế giới .

Khi trao tặng món quà, Obama nhắc lại lời mời qua thăm Mỹ đến Đức Thánh Cha , ông nói : "Nếu Ngài có một cơ hội đi đến Toà Bạch Cung , Ngài sẽ có thể nhìn thấy khu vườn của chúng tôi , " và Đức Giáo Hoàng trả lời: " Tại sao không ? "

Vẫn chưa có lời tuyên bố chính thức về việc ĐTC sẽ tới thăm Hoa Kỳ hay không.

Đức Thánh Cha đã tặng Obama hai huy chương đồng , một huy chương miêu tả một thiên thần đại diện cho sự đoàn kết và hòa bình và một huy chương kỷ niệm thời điểm năm 1657 khi ĐGH Alexander VII đặt viên đá đầu tiên của hàng cột phía bắc của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Ngài cũng tặng cho Obama một bản sao bià đỏ của bức tông thư Evangelii Gaudium.

Trong một lời nói ngắn ngủi nhưng được nhiều người suy đoán ra nhiều ý nghĩa, Đức Thánh Cha đã chỉ vào cuốn tông thư và nói "Đây là món quà từ Giáo Hoàng. Nhưng có một món quà khác là từ Jorge Bergoglio (chỉ vào bức huy chương Thiên Thần). Khi tôi nhìn thấy nó, tôi nói:..". Tôi sẽ phải tặng cho ông Obama, đó là Thiên Thần Hòa bình. "

Nhắc lại năm ngoái, Đức Thánh Cha đã vận động chống lại sự đe doạ tấn công cuả Mỹ vào Syria.

Khi tiếp nhận cuốn sách, Obama nói đuà " Như Ngài biết, tôi thực sự có thể sẽ đọc trong văn phòng bầu dục mỗi khi tôi bị phiền não sâu sắc , và tôi chắc chắn nó sẽ cho tôi sức mạnh và sự bình tĩnh. "

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời bằng tiếng Anh “I hope.” ("hy vọng thế. ")
 
Trung Phi Châu: Không nên chia rẽ vì các biến cố
Bùi Hữu Thư
16:01 27/03/2014
Một phái đoàn liên tôn thăm viếng Vatican

ROME, 27 tháng 3, 2014 (Zenit.org) – Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các người dân Trung Phi Châu “không nên chia rẽ vì các biến cố”, ngài khuyên các lãnh đạo tôn giáo “hãy luôn luôn gần gũi người dân của mình.”

Thực vậy, Đức Thánh Cha đã tiếp xúc một phái đoàn liên tôn từ Trung Phi Châu tới, ngày hôm qua, thứ tư 26 tháng 3, 2014, vào cuối buổi triều kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô.

Ngài đã khuyên phái đoàn ‘hãy kết hiệp với nhau và không để cho các biến cố chia rẽ họ” và cũng “luôn gần gũi với người dân của họ.”

Radio Vatican phúc trinh sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga, tổng giám mục Bangui, Mục Sư Nicolas Guerekoyame-Gbangou, chủ tịch Liên Hội Truyền Bá Phúc Âm, và Inam tại Bangui, Omar Kobine Layama.

Họ trình bầy với Đức Thánh Cha tình hình của các quốc gia của họ, và xin ngài can thiệp cho có sự viện trợ nhân sự quốc tế cho chính phủ chuyển tiếp do Thủ Tướng André Nzapayéké điều khiển dưới quyền của tổng thống Catherine Samba-Panza.

Theo Đức Tổng Giám Mục Nzapalainga, Đức Thánh Cha Phanxicô “đã lắng nghe” và đã hứa sẽ nói với Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama vào ngày thứ nămnày.

Cuộc viếng thăm tại Vatican này được tổ chức trong khuôn khổ của một cuộc vận động quốc tế: “ Chúng tôi đã kêu gọi cộng đồng quốc tế” đến “che chở cho người dân Trung Phi Châu”. Đức Tổng Nzapalainga giải thích.

Ngài tiếp: “Trung Phi Châu thuộc tổ chức Liên Hiệp Quốc, không thể nào thản nhiên nhìn những người nam và nữ bị thiệt mạng y như những thú vật mà không làm gì cả… đã đến lúc phải can thiệp”. Nước Pháp đã can thiệp bằng quân sự tại Trung Phi Châu ngay từ tháng Chạp năm 2013.

Những vụ xung đột mới đây đã khiến cho gần 20 người thiệt mạng ngày 22 và 23 tháng 3, tại Bangui, thủ đô của quốc gia này. Trước tình trạng suy thoái này, vị đại diện đặc biệt của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc tại quốc gia này là ông Babacar Gaye, đã rung lên tiếng chuông báo động: “Quốc gia này sẽ chìm đắm và không thể ngoi giậy nếu không có sự thức tỉnh của quốc gia. Cần ngăn chặn cơn lốc xoáy của bạo tàn.”

Vào tháng Hai vừa qua, các vị lãnh đạo tôn giáo đã đồng ký một bản tuyên ngôn để tố cáo “một sự tranh chấp hoàn toàn có tính cách chính trị” (xem Zenit ngày 10 tháng 2, 2014).

Trong Kinh Truyền Tin ngày 29 tháng Sáu, 2013, Đức Thánh Cha đã bầy tỏ tình thân ái với dân chúng Trung Phi Châu: “Tôi đặc biệt khuyến khích người dân Trung Phi Châu, đã bị thử thách quá nhiều, hãy tiến lên với đức tin và hy vọng” (xem Zenit ngày 29 tháng 6, 2013).
 
Quà này không phải của giáo hoàng mà là của Jorge Mario Bergoglio
Vũ Văn An
21:11 27/03/2014
Ngoài những dị biệt về nhấn mạnh trong cuộc đàm thoại giữa Đức Phanxicô và Ông Obama tại Vatican ra, ta còn thấy sự dị biệt lý thú trong việc trao quà lưu niệm giữa hai nhà lãnh đạo thế giới này.

Dị biệt về nhấn mạnh thì ai cũng thấy rồi: ông Obama và Nhà Trắng chỉ nói tới nghèo đói và bất bình đẳng là hai điều họ cho rằng đã đạt được đồng thuận với Đức Giáo Hoàng.Về điểm này, Ông Obama coi cuộc gặp gỡ như một cuộc thảo luận về vai trò của tương cảm (empathy) trong đời sống công và tư. Ông cho rằng “Việc thiếu tương cảm dễ dàng khiến chúng ta lao vào các cuộc chiến tranh. Việc thiếu tương cảm cũng khiến ta quên mất người vô gia cư ngoài phố xá”. Tuy nhiên, cả trong phạm vi kinh tế, dù Đức Giáo Hoàng có nhiều quan điểm tương đồng với mình, ông vẫn không hy vọng ngài chịu tạo một liên minh hay một hùn hạp (partnership) nào đó với ông trên bất cứ vấn đề gì. Ông giải thích: “công việc của ngài có cao cả hơn. Chúng tôi xà xà dưới đất, đương đầu với những chuyện thường là phàm trần, còn ngài thì xử lý với những quyền lực cao hơn”.

Trong khi ấy, tuyên bố của Tòa Thánh thì nhắc tới “các liên hệ và hợp tác song phương giữa Giáo Hội và Nhà Nước” cụ thể là quyền tự do tôn giáo, quyền sống và phản đối lương tâm (ngụ ý nói tới ngừa thai và phá thai)”. Phạm vi này không những không có đồng thuận, mà còn bị phía ông Obama lờ đi.

Trong cuộc họp báo sau đó với thủ tướng Ý, trả lời một câu hỏi, ông Obama bảo rằng cuộc thảo luận về những vấn đề ấy diễn ra với Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Pietro Parolin, chứ không với Đức Phanxicô. Ông cho hay: các vấn đề như ngừa thai và tự do tôn giáo “thực sự không phải là chủ đề đàm luận” với Đức Giáo Hoàng.

Nhưng với ai thì cũng thế thôi, giữa chính phủ của ông và Vatican không có đồng thuận về những vấn đề hết sức chủ yếu ấy.

Sự dị biệt giữa hai bên phần nào còn được biểu hiện qua việc tặng quà. Ông Obama tặng Đức Phanxicô một hộp đựng hạt giống được chế tạo theo yêu cầu, trong đó đựng hạt giống quả và rau vẫn được dùng tại Nhà Trắng. Hộp này được làm bằng da Hoa Kỳ và gỗ cải tạo lấy từ Vương Cung Thánh Đường Đền Thờ Quốc Gia Kính Đức Mẹ Lên Trời tại Baltimore, vốn là một trong các kiến trúc tôn giáo đầu tiên tại Hiệp Chúng Quốc. Vương cung thánh đường này vừa được trùng tu năm 2006 và giáo phận Baltimore vốn là giáo phận đầu tiên của Hoa Kỳ dưới sự điều khiển của vị giám mục cũng đầu tiên của nước này là John Carroll, sáng lập viên ĐH Georgetown .

Khi dâng tặng Đức Giáo Hoàng, hẳn ông Obama coi hộp hạt giống này như món quà có tính hữu vị, do bản thân ông lựa chọn để nói lên tinh thần nghèo khó của người uy quyền nhất hành tinh. Giống Đức Phanxicô tự động đi trả tiền phòng và tự tay làm nhiều chuyện khác, ông cùng gia đình cũng đã “tự lo” cho bữa ăn gia đình bằng chính đôi tay của mình!

Nhà Trắng không nói như vậy mà cho rằng món quà được chọn một phần vì Đức Phanxicô đã quyết định mở khu vườn tại Castel Gandolpho cho công chúng. Giải thích này hình như không ăn ý với Ông Obama khi ông nói với Đức Phanxicô rằng “Nếu ngài có dịp tới Nhà Trắng, chúng tôi có thể chỉ cho ngài khu vườn của chúng tôi”. Bắt được tâm tư sâu kín của Ông Obama, Đức Phanxicô buột miệng nói bằng tiếng Tây Ban Nha: "Cómo no?", "tại sao không?”.

Để tiếp nối dòng tâm tư hướng tới người nghèo này, theo bản giải thích kèm theo tặng phẩm, Ông Obama cũng nhân danh Đức Thánh Cha tặng nhiều hạt giống cho một cơ quan bác ái. “Những hạt giống này sẽ sản sinh ra hàng ngàn tấn sản phẩm tươi. Tặng phẩm này vinh danh sự cam kết của Đức Thánh Cha trong việc gieo vãi hạt giống hòa bình hoàn cầu cho các thế hệ tương lai”.

Với lời giải thích ấy, tặng phẩm của Ông Obama vừa có chiều kích tư vừa có chiều kích công. Và ông gom cả hai chiều kích ấy vào một tặng phẩm duy nhất: chiếc hộp hạt giống. Tặng phẩm của Đức Phanxicô cũng phản ảnh cả hai chiều kích công tư nhưng được tách ra làm hai.

Trước nhất là cuốn tông huấn đầu tiên của ngài “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium). Cuốn này, phát hành vào mùa thu qua, chỉ trích hệ thống thị trường hoàn cầu, bằng cách nói rằng hệ thống này không xem sét nhu cầu của những người nghèo nhất. Ngài viết “Chúng ta không thể tin tưởng các lực lượng không thấy và bàn tay vô hình của thị trường được nữa” (số 204). Ngài nghiêm khắc lên án “Làm sao chúng ta có thể chịu đựng nổi khi thức ăn dư thừa bị đổ đi trong khi có nhiều người bị đói? Đó là sự chênh lệch xã hội. Ngày nay, tất cả đều tham gia trò chơi cạnh tranh và sống sót của những người thích hợp nhất, ở đó những người mạnh nuốt trửng những ngưởi yếu. Như hậu quả của tình trạng này, một khối lớn dân chúng đang bị loại trừ và gạt ra ngoài lề: không có công ăn việc làm, không có triển vọng, không có có lối thoát. Người ta coi con người như những đồ tiêu thụ, nay sử dùng mai bỏ đi. Chúng ta đã bắt đầu nền văn hóa của 'loại bỏ được', thậm chí còn cổ võ nó. Nó không còn chỉ đơn thuần là hiện tượng khai thác và áp bức, nhưng một điều gì mới: Với việc loại bỏ cuối cùng được ảnh hưởng tận gốc đến việc là thành phần xã hội mà chúng ta đang sống, những người bị loại bỏ khi đó không còn ở tầng lớp thấp, ở ngoài lề, hay không có quyền lực, nhưng ở bên ngoài xã hội. Những người bị loại trừ không phải là 'những người bị bóc lột', nhưng là rác, là ‘đồ thừa’” (số 53).

Nhân động thái này, người ta thấy rõ: dù đông tây muốn nói sao thì nói, Đức Bênêđíctô XVI vẫn là vị cố vấn tối cao của Đức Phanxicô: khi trao tông thư cho Ông Obama, ngài hoàn toàn mô phỏng động thái của vị tiền nhiệm, người đã trao cho Ông Obama năm 2009 văn bản “Dignitas Personae” của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin tranh đấu cho sự sống của trẻ chưa sinh, để gián tiếp lên án chính sách phò phá thai của chính phủ Obama.

Niềm Vui Tin Mừng nói nhiều vấn đề hơn thế. Số 64 chẳng hạn, trực tiếp lên án chủ trương “thu gọn đức tin và Hội Thánh vào phạm vi riêng tư và và thầm kín”, một chủ trương phản ảnh rõ nhất trong chỉ thị y tế của chính phủ Obama. Ở số 183, Tông Huấn “nhắn nhủ” Ông Obama rằng: “không ai có thể buộc tôn giáo phải giới hạn vào phạm vi riêng tư của cuộc sống con người, mà không được phép có bất kỳ ảnh hưởng nào đến đời sống xã hội và quốc gia, không được phép bận tâm đến sự lành mạnh của các tổ chức xã hội dân sự, cũng không được phép bày tỏ ý kiến về những biến cố liên quan đến các công dân”.

Khi trao tông thư ấy, Đức Phanxicô nói với Ông Obama rằng đó là món quà của Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng thì hiển nhiên là tiếng nói chính thức của Giáo Hội Công Giáo. Hiểu rõ điều này, Ông Obama thưa lại: “Tôi sẽ đọc nó tại Văn Phòng Bầu Dục… Chắc chắn nó sẽ cho tôi sức mạnh và giúp tôi thanh thản”.

Món quà thứ hai có tính tư riêng hơn nên chính Đức Phanxicô đã nói với Ông Obama “Món quà kia là của Đức Giáo Hoàng. Còn món quà này là của Jorge Bergolio. Khi tôi thấy nó, tôi bảo: ‘tôi sẽ tặng nó cho Ông Obama’. Nó là Thiên Thần Hòa Bình”. Qua động thái này, ta thấy rõ nét tinh xảo ngoại giao của Đức Phanxicô. Ông Obama nhấn mạnh tới khía cạnh hữu vị trong tặng phẩm của ông, thì Đức Phanxicô cũng đâu có thua gì: hai huy chương lớn ngài tặng ông được ngài coi là của Jorge Bergoglio!

Nhưng thực ra chỉ do Jorge Bergoglio lựa mà thôi. Chứ huy chương đầu nói lên tình hữu nghị và hòa bình giữa bắc và nam bán cầu. Nó làm bằng đồng, và theo ghi chú đính kèm của Tòa Thánh, mô tả “một thiên thần… đang ôm và đưa lại với nhau bắc và nam bán cầu của trái đất, trong khi vượt thắng sự chống đối của một con rồng”. Hàng chữ khắc trên tấm huy chương viết như sau: “Một Thế Giới Của Liên Đới và Hòa Bình Xây Dựng Trên Công Lý”.

“Hình thiên thần minh họa các thách đố hiện nay: đem các vùng bắc và nam của thế giới lại với nhau và hòa hợp chúng trong khi chiến đấu chống mọi lực lượng phá phách, như bóc lột, chống đối không khoan nhượng, các hình thức thực dân mới, sự dửng dưng, ngờ vực và thiên kiến”.

Hình như Đức Giáo Hoàng tặng ông Obama tấm huy chương này để ông mang theo khi hết nhiệm kỳ. Trong tư cách công dân, ông nên góp phần tiếp tục làm cho Bắc Nam xum họp một nhà. Chứ hiện nay, Bắc Nam quả hết sức phân rẽ.

Huy chương thứ hai là bản y sao một huy chương kỷ niệm lễ đặt viên đá đầu tiên xây hàng cột phía bắc Đền Thờ Thánh Phêrô. Tấm huy chương này mô tả dự án nguyên thủy của Bernini. Đây đúng là một tặng phẩm thực sự tư riêng, ít có ý nghĩa hợp với ngữ cảnh hôm nay, ngoại trừ để đánh dấu nơi hai người gặp mặt nhau lần đầu.
 
Top Stories
Vives tensions entre les forces de l’ordre et les bouddhistes Hoa Hao à l’occasion de la commémoration de la mort du fondateur
Églises d' Asie
08:37 27/03/2014
Vives tensions entre les forces de l’ordre et les bouddhistes Hoa Hao à l’occasion de la commémoration de la mort du fondateur

27/03/2014

Depuis les premiers jours du mois de février, alors que les fidèles du bouddhisme Hoa Hao originel se préparaient à célébrer l’anniversaire de la mort tragique de leur fondateur Huynh Phu Sô, on a pu constater de très vives tensions dans les relations entre cette communauté bouddhiste et les forces ...

... de la Sécurité publique. Celles-ci ont mené contre les fidèles Hoa Hao des actions policières, accompagnées de violences, de saccage de biens et de nombreuses arrestations. La cérémonie de commémoration a été interdite. Un communiqué signé par des représentants de diverses religions au Vietnam (bouddhisme, caodaïsme, catholicisme, protestantisme) vient de dénoncer cette répression religieuse (1).

Comme l’avait indiqué une dépêche d’Eglises d’Asie, les bouddhistes Hoa Hao avaient prévu de célébrer l’anniversaire de la mort de leur fondateur dans une maison privée de la commune de Long Hoa, dans la province de An Giang. Traditionnellement, cette fête se célèbre le 25e jour du deuxième mois de l’année lunaire, qui correspondait, cette année, au 20 mars. Deux jours avant la date prévue, une délégation gouvernementale est venue sur les lieux avertir que cette célébration était strictement interdite sous peine de sanctions graves.

Les fidèles n’ayant pas tenu compte des injonctions gouvernementales, dans l’après-midi du 21 mars, un groupe de quelque 300 agents, accompagné de véhicules de pompiers, a investi la maison privée où se tenait la célébration. La trentaine de fidèles présents sur les lieux ont été arrosés et maltraités, y compris une vieille dame de 80 ans. Tous ont été arrêtés.

La répression exercée sur les bouddhistes Hoa Hao le jour de la commémoration de la mort du fondateur avait commencé bien avant, dès les premiers jours du mois de février. Le 11 février 2014, une délégation de 21 personnes, essentiellement des fidèles Hoa Hao, s’était rendue dans la commune de Long Hung, dans la province de Dông Thap, pour rendre visite à la famille d’un coreligionnaire récemment victime des violences de la Sécurité publique ; sa maison avait été saccagée, l’autel familial profané, et lui-même emprisonné pendant deux jours.

La délégation n’était pas encore arrivée à destination lorsqu’une troupe d’un millier de personnes composée d’agents de la Sécurité et d’hommes de main se jeta sur les membres de la délégation, les frappant et les dépouillant de leurs biens. Après avoir été détenus sans nourriture ni boisson pendant deux jours, ils furent relâchés à l’exception de trois personnes qui, le 26 mars dernier, ont été transférées au centre d’internement de la province. Des poursuites judiciaires ont été engagées contre l’ensemble de la délégation au nom de l’article 245 du Code pénal qui sanctionne les rassemblements de personnes troublant l’ordre public. Le 27 février suivant une émission de la télévision provinciale présentait les faits d’une manière partisane et calomnieuse.

Le 16 mars dernier, une nouvelle délégation de 17 fidèles Hoa Hao s’est rendue à Hanoi pour exposer ses doléances aux représentants des ambassades d’Allemagne, d’Australie, de Norvège et des Etats-Unis. La rencontre a eu lieu dans la paroisse catholique de Thai Ha, en présence de représentants du gouvernement.

(eda/jm)

Notes

(1) VRNs, 27 mars 2014.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ tạ ơn thành lập giáo họ Tân Thúy GP Vinh
Pv Thuận Nghĩa
08:51 27/03/2014
THÁNH LỄ TẠ ƠN – THÀNH LẬP GIÁO HỌ TÂN THUỶ THUỘC GIÁO XỨ LỘC THUỶ

Sáng ngày 27 tháng 03 năm 2014, Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ sự thánh lễ tạ ơn, thành lập Giáo họ Tân Thuỷ. Đồng tế với Ngài, có quý cha trong và ngoài giáo hạt cùng đông đảo quý Sr. và bà con giáo dân.

Xem Hình

Giáo họ Tân Thuỷ thuộc Giáo xứ Lộc Thuỷ, hạt Thuận Nghĩa có khoảng 50 hộ gia đình và 250 nhân khẩu. Vào năm 1994, Cha xứ tiền nhiệm Phêrô Nguyễn Văn Bá, nhận thấy khu vực này cách nhà thờ Giáo họ Lộc Thuỷ quá xa, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, nên Ngài đưa ra ý tưởng xây dựng phòng Giáo lý trên khu đất này. Tuy nhiên, dự kiến ban đầu chưa thực hiện được thì Cha Phêrô phải chuyển nhiệm sở. Phải đến 10 năm sau, tức năm 2004, Cha quản xứ Antôn Hoàng Đức Luyến tiếp tục công việc của Cha tiền nhiệm. Ngài gợi ý bà con giáo dân xây dựng ngôi nhà nguyện. Được Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đồng ý, bà con bắt tay vào việc, nhưng vì hoàn cảnh xã hội khó khăn nên mãi tới năm 2007, ngôi nhà nguyện mới hoàn thành.

Ngày 21 tháng 11 năm 2004, thánh lễ đầu tiên được tại đây và Cha quản xứ làm phép thánh hoá khu đất này. Bà con giáo dân thống nhất nhận Thánh Phanxicô Xavier làm bổn mạng với mong muốn xin Ngài bầu cử để mọi người nơi đây có tinh thần nhiệt huyết truyền giáo như Ngài, vững chí xây dựng Giáo Hội như cha ông và để mọi người có sự khôn ngoan làm chứng đạo trong một xã hội đầy biến động.

Đến năm 2008, Giáo họ Lộc Thuỷ trở thành giáo xứ, tách từ Giáo xứ Mẹ Thanh Dạ. Ngày 28 tháng 8 năm 2008, Cha GB. Nguyễn Duy An được bổ nhiệm về làm quản xứ, Ngài cho đặt thánh giá lên nóc nhà nguyện này và đưa tượng ảnh vào trong. Tiếp đến, ngày 23 tháng 11 năm 2009, nhà nguyện được làm phép và có thánh lễ hàng tuần. Đến năm 2012 với nhu cầu của bà con trong giáo điểm, Cha xứ đã đồng ý cho giáo điểm xin Đấng Bản Quyền thành lập giáo họ. Và hôm nay, được Đức Cha Phaolô cho phép chính thức thành lập Giáo họ. Giáo họ sung sướng vui mừng dâng thánh lễ tạ ơn Chúa và tri ân Thánh Phanxicô Xavier quan thầy.

Sau thánh lễ, đại diện Hội Đồng Mục Vụ Giáo họ nói lên tâm tình tri ân Đức Giám Mục và quý Cha cùng tất cả mọi người. Hy vọng, Tân Lộc phát triển về đời sống đạo cũng như đời sống vật chất theo tên gọi vốn có. Mới về nguồn nước, mới về cách thức thực hành đạo để đưa Chúa đến với những người xung quanh.

Pv Thuận Nghĩa
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bảo vệ tổ quốc cho dân hay cho đảng ?
Phạm Trần
13:29 27/03/2014
BẢO VỆ TỔ QUỐC CHO DÂN HAY CHO ĐẢNG ?

Sau gần 3 năm cầm quyền Tổng Bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã chứng tỏ rất lúng túng trong vai trò lãnh đạo, chưa nhận diện được thù trong, giặc ngòai nhưng lại là người kiên quyết chống đa đảng và không muốn thấy có một nhà nước do dân làm chủ ở Việt Nam.

Qua những việc làm chuẩn bị cho Đại hội đảng XII, dự kiến đầu năm 2016, ông Trọng đã lôi kéo Ban Chấp hành Trung ương đảng, Quân đội, Công an, Mặt trận Tổ quốc và Ban Tuyên giáo vào cuộc chiến đổ lỗi cho “diễn biến hòa hình”, “thế lực thù địch” để che đậy thất bại trước “đe dọa xâm lược của ngọai bang” và “những kẻ nội thù” do đảng đẻ ra và nuôi dưỡng.

Tất cả những “đòn phép” này đang diễn ra cùng lượt trên hai mặt trận : “Tổng kết lý luận – thực tiễn 30 năm đổi mới (1986-2016)” và“Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”

Hàng loạt Hội nghị, Hội thảo và Cuộc họp đã được tổ chức để tìm ra ưu, khuyết điểm và những việc cần bổ túc cho chủ trương “Đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa".

Nói năng thì nhiều và tốn phí tiền của dân cũng rất cao, nhưng tựu trung chỉ nhằm bảo vệ quyền lãnh đạo độc tôn cho đảng và kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh, che đậy dưới mỹ từ “xã hội chủ nghĩa” theo kiểu của Cộng sản Việt Nam, chả khác gì cái gọi là “Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc” của ông Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình !

LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG

Trong Nghị quyết “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” tại Hội nghị Trung ương 8,họp từ ngày 30/9 đến ngày 9/10/2013, đảng vẫn dùng chiêu bài “Mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế” và “Các thế lực thù địch” để che đậy thất bại của chính mình.

Nghị quyết viết : “ Hiện nay, bối cảnh quốc tế và trong nước tiếp tục có những biến đổi sâu sắc, diễn biến mới phức tạp. Môi trường hòa bình, ổn định chưa thực sự vững chắc, còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội và đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Tư tưởng, tâm trạng xã hội có nhiều vấn đề mới phát sinh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá sự nghiệp đổi mới của đất nước với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc hơn, v.v… Những khó khăn, thách thức, hạn chế, thiếu sót trên đã và đang đặt ra những vấn đề, yêu cầu mới rất quan trọng và cấp thiết đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

“Kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế” không có “mặt trái” vì nó đã làm cho Việt Nam phồn thịnh rõ rệt sau 28 năm đổi mới, mở cửa cho nước ngòai vào đầu tư. Hơn nữa Lãnh đạo Việt Nam vẫn khoe đang làm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (cộng sản) chứ không phải theo chủ nghĩa “người bóc lột người” của Tư bản Chủ nghĩa !

Do đó, nếu có “mặt trái” thì cũng chỉ do đảng đẻ ra và nuôi dưỡng nó như đang có Tham nhũng, Lãng phí sống chung cùng nhà với cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền. Tuyệt đối người dân không được mon men làm kẻ tham nhũng mà phải nuôi tham nhũng cho đảng tồn tại, giúp cho cán bộ có nhà lầu, xe hơi để dân được sống qua ngày !

Còn nếu nói tòan dân, tòan đảng phải giữ vững “sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc” vì có “các thế lực thù địch tăng cường chống phá” thì đảng phải chứng minh cho dân thấy chúng là ai, từ đâu đến chứ không thể nói bừa, làm không được lại đổ quanh để buông trách nhiệm.

Đã có nhiều người hỏi : Thù địch ở đâu mà lắm thế ? Biết kẻ nào thì đảng cứ nói trắng ra cho dân biết mặt để tiếp tay với đảng lọai trừ chúng, cớ gì cứ nói huyên thuyên theo kiểu mơ hồ “diễn biến hòa bình” ?

Cũng vì chỉ biết nói cho lấy được nên Nghị quyết Trung ương 8 đã khẳng định kiểu nịnh dân cho xong việc:”Trong bất kỳ tình huống nào, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đều quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị-xã hội, môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh." Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tập trung thảo luận sâu sắc các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.”

Vậy đảng CSVN đã “thực hiện tốt” như thế nào cho người dân được yên tâm làm ăn ?

Có thể không sợ nhầm để khẳng định rằng họ chẳng làm gì cả. Ngay cả ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không biết làm gì, ngòai những câu nói nghe như pháo nổ để hù họa mọi người cho mục tiêu duy trì quyền lực cho một đảng độc tài.

Ông Trong đã nói những điều này tại Lớp Bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho 111 Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XI, ngày 07/03/2014 tại Hà Nội: “Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiên quyết không để hình thành các tổ chức đối lập. Trong Đảng phải kiên quyết không để hình thành các hoạt động bè phái, phe nhóm, mà như trên đã nói là tội lớn nhất trong Đảng. Muốn thế phải hết sức giữ nguyên tắc, đề cao cảnh giác cách mạng và đây là nhiệm vụ tất cả các cơ quan, tổ chức Đảng phải làm. Rồi công tác đề phòng chính bản thân chúng ta tự diễn biến, tự chuyển hóa, vì bên ngoài bây giờ đang kích vào bằng rất nhiều cách.” (Trích Báo Đại Biểu Nhân dân, 10/03/2014)

Đề cập đến điều được gọi là “áp lực từ bên ngòai”, ông Trọng bảo : “Đó là chưa kể đến những thế lực bên ngoài vẫn kiên trì chống phá chúng ta, không phải chỉ chống phá về nhân sự mà chống phá cả về đường lối. Vừa rồi tại Đại hội XI, chống phá chúng ta về Cương lĩnh không được, lại tập trung vào dịp chúng ta sửa Hiến pháp. Cái đó quá rõ rồi. Mục đích là tìm mọi cách để xóa sự lãnh đạo của Đảng, xóa chế độ chính trị này, xóa Nhà nước này, muốn đi con đường khác, muốn đa Đảng...”

“Thế lực bên ngòai” là thế lực nào, ông Trọng không nêu tên nhưng ông cảnh giác tiếp : “Trước đây Bác Hồ đã nói, tội bè phái gây chia rẽ trong Đảng là tội lớn nhất. Gần đây, tình hình một số nước cho ta thấy rõ, ra đời bao nhiêu đảng phái, tổ chức đối lập, bên ngoài xía vào một cách ngấm ngầm, giúp tiền, giúp kế hoạch, bồi dưỡng cán bộ... đến một chừng mực nào đó, chỉ cần có một động thái nào đó thì ở bên ngoài hích vào một cái, cung cấp tiền... là xong. Cho nên phải hiểu mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ, dân chủ và tập trung.”

CHỐNG ĐA ĐẢNG

Chủ trương chống đa nguyên, đa đảng chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam không mới. Hiến pháp do đảng viên viết trong Điều 4 tự ý coi đảng của mình là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” mà không cần hỏi ý dân đã nói lên tất cả tính độc tài và tham lam quyền bính của những người CSVN.

Các lãnh đạo đảng qua nhiều thế hệ đã tự vẽ ra hình ảnh “đảng viên đi trước làng nước theo sau” để tô son điểm phấn phẩm chất cho đảng viên nên họ thấy không cần thiết phải tôn trọng quyền “làm chủ đất nước” của dân.

Vì vậy, họ chỉ quan tâm đến “dân chủ trong đảng”, nhưng phải “tập trung” vào một mối như ông Nguyễn Phú Trọng đã nói với 111 Ủy viên Trung ương đảng hôm 07/03 (2014) : “ Nguyên tắc của Đảng ta là tập trung dân chủ là vô cùng quan trọng. Đây chính là nguyên tắc bảo đảm sức mạnh của Đảng ta, vừa phát huy được xu thế, không khí dân chủ, trí tuệ trong toàn Đảng, nhưng đồng thời bảo đảm Đảng là một tổ chức tập trung, thống nhất, đoàn kết, chặt chẽ cao. Nếu Đảng mà chia rẽ, Đảng mà có bè phái, có phe nhóm thì vô cùng nguy hiểm.”

Rất tiếc, vấn đề chia rẽ, bè phái, phe nhóm đang “nở rộ” trong đảng đã rõ như ban ngày mà tại sao ông Trọng không nhìn thấy, hay thấy mà cứ nói như chẳng có gì ?

Đã có một thời gian trong hai năm 2012 và 2013, nhóm chữ “nhóm lợi ích” đang ăn gan, xẻo thịt hệ thống ngân hàng và các dự án xây dựng kinh tế đã được cả ông Trọng nói đến. Vậy chúng là ai ? Chẳng nhẽ cũng là “thế lực thù địch” hay sao ?

Khi giảng giải về quan hệ giữa “độc lập, bảo vệ chủ quyền, thống nhất đất nước, bảo vệ đất nước, bảo vệ đảng” và “giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”, nhà lý luận Nguyễn Phú Trọng nói : “ Chúng ta có nên nói một chiều giữ độc lập, bảo vệ chủ quyền mà quên mất rằng, các thế lực xấu bên ngoài đang tìm mọi cách để xóa bỏ chế độ của chúng ta, xóa vai trò lãnh đạo của Đảng. Nếu chế độ chính trị này mất, nếu Đảng này mất thì liệu có còn giữ được độc lập chủ quyền không? Trong khi đó lại có một yêu cầu nữa là phải giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, nếu không giữ được môi trường hòa bình, ổn định thì làm sao xây dựng và phát triển đất nước?”

Lại có thêm “thế lực xấu bên ngòai” được Tổng Bí thư Trọng trưng ra như một “con ma trơi” hiện lên giữa chiêu bài làm sao giữ nổi độc lập chủ quyền nếu đảng Cộng sản mất quyền lãnh đạo tòan diện ?

Nếu đảng mất quyền lãnh đạo thì “nước mất nhà ta” ? Ông Trọng hù họa ngây ngô đến mức này thì có ai giật được “chiếc cúp vô địch” từ tay ông ?

Ông Nguyễn Phú Trọng và đảng Cộng sản có nhớ trước khi ông Hồ Chí Minh thành lập đảng Cộng sản ngày 24/02/1930, và tuy Tổ quốc Việt Nam bị ngọai bang Tầu-Pháp-Nhật thay phiên nhau đô hộ trên 1.000 năm mà Tổ tiên người Việt vẫn giữ vững bờ cõi và dòng dõi Việt vẫn tồn tại đã trên 4.000 năm ?

Và khi nghe ông Trọng nói “phải giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước” thì ai cũng nhớ ngay đến lời nói tương tự phát ra từ cửa miệng các cấp Lãnh đạo cao trong đảng và nhà nước, trong đó có tuyên bố lập đi lập lại của Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vinh chạy song song với các cuộc Công an đàn áp dân xuống đường biểu tình chống Trung Cộng trong hai năm 2011 và 2012 từ Sài Gòn ra Hà Nội.

Trong ba tháng đầu năm 2014, người dân lại được nghe các viên chức Lãnh đạo và các “dư luận viên” của nhà nước hợp tấu khúc ca “cần ổn định để xây dựng và phát triển đất nước” khi nhà nước và công an ngăn chặn và phá rối các buổi tụ họp của dân tưởng nhớ 3 biến cố chống quân Trung Cộng xâm lược ở Hòang Sa 19/1, cuộc chiến biên giới Việt-Trung 17/2 và ở Gac Ma (Trường Sa) 14/3 !

Ngòai những điểm then chốt kể trên, ông Trọng còn lưu ý 111 Ủy viên Trung ương đảng phải quyết tâm : “Chống cho được, phòng cho được tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giải quyết những khiếu nại, tố cáo của dân.”

Và, ông còn xác nhận tính nghiêm trọng của tình trạng có nhiều đảng viên “đã” hoặc “đang” bỏ đảng : “Cũng là xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhưng phải được coi như một nhiệm vụ quan trọng, đó là chống cho được nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa, phai nhạt bản chất cách mạng, xa rời tư tưởng, mục đích của Đảng.”

Lời cảnh báo của ông Trọng cũng không mới lắm vì ông cũng biết đã có một số không nhỏ đảng viên không còn tin đảng nữa. Họ đã tự cho mình quyền “bỏ họp đảng”, “không khai báo với chi bộ nơi ở mới” hay “bỏ hẳn liên hệ với đảng sau khi đã nghỉ hưu” .

Đó cũng là chuyện thất bại của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (họp từ ngày 26 đến ngày 31 tháng 12 năm 2011)

Sau hai năm thi hành Nghị quyết 4, bên cạnh tình trạng ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo tiếp tục có những hành động làm mất lòng dân, đảng vẫn còn thừa nhận tại Hội nghị Trung ương 8: “Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội và đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Tư tưởng, tâm trạng xã hội có nhiều vấn đề mới phát sinh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.”

Như vậy, những khó khăn trong nội bộ đảng như “kẻ thù tham nhũng,lãng phí”, “kẻ thù tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong hàng ngũ cán bộ đảng viên mới chính là mối lo âu hàng đầu hiện nay của đảng CSVN.

“Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” của Hội nghị Trung ương 8 chẳng qua cũng chỉ là cái cớ khác, sau 7 Hội nghị không cải thiện được tình hình, để cho đảng tìm cách tồn tại.

Nhưng cũng đáng chú ý là khi hô hào tòan dân và tòan đảng phải kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền thì không thấy các ông Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đinh Thế Huynh và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói gì đến nguy cơ xâm lược của Trung Cộng đang ngày đêm rình rập ngòai biên cương với trăm mưu ngàn kế cực kỳ nguy hiểm.

Như vậy chẳng nhẽ họ chỉ sử dụng “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” để bảo vệ cho đảng khỏi tan, thay vì bảo vệ sự tồn vong của Tổ quốc và giống nòi ? -/-

Phạm Trần

(03/014)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ơn cứu-chuộc nơi Ngài chan chứa!
Mai Tá
18:18 27/03/2014
Ơn cứu-chuộc nơi Ngài chan chứa!
_________________________________________________________________________
Lm Kevin O’Shea, CSsR


Chương Hai: Ơn Cứu-chuộc và thần-học lịch-sử rút từ Thánh Kinh
(bài 8)


Phần 2:
Ơn Cứu-chuộc: một học hỏi về Đấng Thiên-Sai

Nay, tôi muốn mời bà con anh em ở đây, ta nghiệm xét xem nghiên-cứu mới của tác-giả J. M. Maldame, linh-mục Dòng Đa-Minh (thuộc Tỉnh Dòng Toulouse, bên Pháp) nói về nhân-vật Giuđa Iscariốt. Tiểu-luận này, có tựa-đề là: “La trahison de Judas, Psychologie, histoire et théologie, Domuni, April 2006.

Theo J.M. Maldame, O.P. ta đang đối đầu với những gì Đức Giêsu từng làm, như thể Ngài đã hiểu điều đó, ngay lúc ấy. Dõi theo câu chuyện xảy ra giữa Đức Giêsu và Giuđa, ta thấy Chúa từng cách-ly chính Ngài một cách có ý-thức, ngõ hầu xa rời vị-thế và hành-xử mang tính quyền-lực chính-trị, cả những gì Ngài có khả-năng sử-dụng cho Ngài, nữa. Ngay khi bước vào trạng-thái không-còn-quyền-uy/thế-lực, Ngài đã khám-phá ra ‘chốn miền’ của sự cứu-rỗi mà ta quen gọi là “Ơn cứu-chuộc” dành cho Ngài và cho ta. Điều này hàm-ngụ ý-tưởng bảo rằng: cả ta nữa, có thể ta cũng đến đó và ở lại đó ngõ hầu hiện-thực điều Ngài làm.

Chúa làm thế, với quyết-tâm của Ngài, cả vào lúc Ngài không có quyền-uy thế-lực nào như thế, tức có nghĩa hành-động bao-hàm động-thái cho-đi-chính-mình-Ngài một cách có ý-thức, cốt “thay thế” cho quyền-uy/thế-lực của con người. Nói cách khác, ta có thể bảo: Chúa làm thế vì Ngài biết rõ những gì Ngài làm, lúc ấy. Có thể, sẽ có người lại biện-luận, cho rằng: Chúa nghĩ là việc Ngài làm, có thể sẽ gây ảnh-hưởng mạnh lên thế-giới có quyền có lực để rồi cũng sẽ trút bỏ thành hư-không/trống rỗng, như Ngài muốn.
---

Điều quan-trọng ở đây, là: ta nên giữ trong đầu mục-đích của sứ-mạng Chúa thực-hiện, tức luôn hỏi rằng: Ngài làm thế để làm gì? Và cho ai? Chúa mạc-khải sứ-mạng của Ngài ở Galilê, vẫn tập-trung quanh sứ-mạng của Đấng Mêsia Thiên-Sai theo đúng nghĩa. Thiên-Sai, là Đấng được xức-dầu thành hoàng-tộc, là Đấng thiết-lập Vương-quốc Nước Trời ở trần gian. Ngài được cưu-mang cả trong Đạo lẫn môi-trường chính-trị, cùng một lúc. Ai gần cận Ngài đều trở-thành người dấn-bước ra đi theo Ngài, bởi: họ cứ nghĩ Ngài là Đấng Thiên-Sai theo nghĩa rất “Mêsia”. Ngay thánh Phêrô khi xưa cũng khẳng-định điều đó thay cho đồ-đệ Chúa. Vào khoảnh-khắc rối-rắm tựa hồ như thế (tức: lúc thánh-sử Gioan viết đoạn 6 Tin Mừng của mình), phần đông đồ-đệ Chúa lại đã thôi không còn dấn bước theo Chúa nữa. Họ ngưng, là bởi Đức Giêsu không đáp-ứng được những điều mà họ trông-đợi, tức: họ vẫn nghĩ rằng, Ngài phải là Đấng “Mêsia” theo quan-điểm của họ. Và khi đó, Giuđa Iscariốt (và cả thánh Phêrô nữa) đã ở lại với Ngài. Rõ ràng là, thời gian âm thầm trôi, nhưng đã xuất-hiện sự căng-thẳng giữa điều Chúa muốn hiện-thực với những gì mà kẻ dấn bước theo Ngài lại cứ đòi cho được tính-cách “Mêsia” theo quan-niệm mà họ đợi-trông.

Chúa lên Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, thì người theo Ngài lại cứ nghĩ: Ngài sắp xếp để dựng-xây Vương Quốc Nước Trời ở nơi đó. và họ lại cứ tưởng-tượng thêm rằng: việc tranh-giành quyền-lực theo nghĩa chính-trị sẽ xảy đến rất nhanh. Sự kiện mọi người hăng say gia-nhập “kiệu rước ngày Lễ Lá” mang nặng tầm-kích của tính-chất “Mêsia” mà số đông quần-chúng muốn diễn rộng. Ngay đến Zacaria lại cũng nói: Đức Vua Thiên-Sai sẽ cưỡi lừa mà đến. Và, sự-việc Ngài lên Giêrusalem có cùng một cảnh-trí diễn-tiến sau đó ở đền thờ, được nhìn bằng tầm-kích có lời ngôn-sứ Malakia từng nói đến. Thế nên, niềm hy-vọng của đám đông quần-chúng về công-cuộc thành-tựu của Đấng “Mêsia” theo họ nghĩ, đã khiến mọi người thất-vọng đến độ thảm-thiết. Bởi, ngay cả Chúa cũng muốn khước-từ không chịu hành-xử như người có tham-vọng chính-trị dùng đó làm phương-tiện thiết-lập thứ Vương Quốc Nước Trời theo kiểu người đời. Ngài từ-khước không ban cho giới-chức cầm-quyền khi ấy, bất cứ dấu-hiệu nào có tính hợp-pháp bằng vào hành-xử đặc-trưng có từ Ngài. Ngài muốn tỏ cho bọn họ thấy những gì mà giới cầm quyền từng hành-xử. Ngài khước-từ không làm chuyện mà họ cho là thần-sầu quỷ khốc, rất diệu-kỳ.

Ở đây, cũng nên mở một dấu ngoặc nhỏ để nói thêm rằng: đọc truyện Chúa chịu cám dỗ ở Tin Mừng thánh Mát-thêu, ta nên hiểu theo nghĩa có bối-cảnh tựa như thế. Và, thay vào đó, những gì Đức Giêsu làm vẫn là “giáo huấn” cũng như lời dạy rất chí tình, từ Ngài!

Đức Giêsu biết rằng: chẳng chóng thì chày, Ngài sẽ gặp rắc rối cũng rất nhiều. Cảm-giác Ngài có được khi ấy, quả đúng là vì giới cầm-quyền vẫn nhất mực cho rằng Ngài khiêu-khích họ, thế nên họ mới hãm-hại Ngài cho chết, vì họ chẳng khi nào ưa-thích Ngài, hết. Thêm vào đó, Ngài lại lôi cuốn đám đông quần-chúng cứ lũ-lượt theo Ngài đi vào lễ Vượt Qua đầy ý-nghĩa, khiến giới chức cứ ghét cay ghét đắng Ngài. Ngài chủ-trương đường-lối sống đối-chọi những gì người La Mã muốn diễn ra. Thế nên, hiển-nhiên là Ngài trở-thành mối đe-doạ lớn đối với họ.

Nay, thì Ngài hiểu rõ việc Ngài đi Giêrusalem và hành-xử theo cách Ngài phải hành-xử, tức: Ngài buộc phải tham-gia “trò chơi” mà mọi người muốn đặt Ngài trong tay họ. Ngài biết rõ: bằng vào tính công-minh chính-trực của Ngài, Ngài không thể lùi bước trước bất cứ đe-doạ nào. Ngài chỉ có thể thực-thi công cuộc cứu-chuộc Cha đề ra bằng quyết-tâm như thế, dù điều đó có nghĩa: đây sẽ là lễ Vượt Qua cuối đời Ngài. Ngài tổ-chức yến-tiệc cho đồ-đệ và buổi đó sẽ là tiệc cuối để mọi người tạ từ.

Có người lại cứ vấn-nạn hỏi rằng: Đức Giêsu có là Đấng Thiên-Sai không? Và, làm sao ta biết Ngài là Đấng Thiên-Sai, hiểu đúng nghĩa “Mêsia”? Vấn nạn đây, là trọng-tâm ưu-tư của hầu hết đồ đệ Chúa ở Tiệc Tạ Từ, chiều hôm ấy. Đồ đệ Ngài lại cứ quẩn-quanh một ý-nghĩ vẫn tự hỏi: phải chăng người vĩ đại nhất, hiểu theo nghĩa thông thường của người đời, là người cướp được chính-quyền từ tay đám người đang nắm quyền-lực?

Trong số đồ đệ Ngài, có Giuđa Iscariốt bắt đầu có ý-nghĩ cho rằng: Thày Chí Ái của mình lại đã tự lừa dối chính Ngài, lừa cả đồ đệ và những kẻ dõi bước theo Ngài đến Galilê. Giuđa đã suy-tính nghĩ rằng: Đức Giêsu Thày mình đích-thực đã bội-phản lòng đợi-trông nơi mọi người về Đấng Thiên-Sai mà, lẽ ra, phải khác thế! Chính Giuđa lại đã nghĩ: Thày mình phải bị “vạch trần sự thật” và mọi người phải coi Thày như kẻ mạo-danh Đấng “Mêsia” theo nghĩa mà mọi người ở Giêrusalem từng hiểu biết.

Ở đây, cũng xin mở thêm một dấu ngoặc để nói về trường hợp thánh Phaolô có lần cũng suy-tư tương-tự như thế. Chính vì thế, nên thánh-nhân mới ra tay bách-hại cộng-đoàn tín-hữu tiên-khởi. Và, Giuđa Iscariốt đã có ý-đồ tạo-loạn theo nghĩa hiện-đại, tức: ngầm hiểu rằng: mọi người phải sử-dụng sức-mạnh quyền-lực hay binh-đội mà đổi thay tình-huống. Trong bối cảnh như thế, Giuđa lại đi đến kết-luận cho rằng: chắc chắn Thày mình không là Đấng Mêsia theo nghĩa mà người Do-thái vẫn hiểu. Và khi ấy, lại thấy xảy ra sự can-thiệp hung-bạo từ giới-chức cầm quyền người Do-thái. Ngay luật Torah Do-thái cũng đòi mọi người phải ra tay hành-động giống như thế, nữa.

Ở đây, sự việc này không chỉ có Giuđa là người biết suy-tính như thế mà cả thánh Phêrô cũng làm vậy. Thánh-nhân không chấp-nhận Đấng Thiên-Sai lại chịu nhục-nhã, đầy khổ-ải đến là thế. Và, thánh-nhân lại cũng suy-nghĩ nói thay cho toàn nhóm “Mười Hai”, cũng giống vậy. Và như thế, đã có khác-biệt về ý-nghĩa và vai trò của Đấng Thiên-Sai giữa quan-niệm của Đức Giêsu và các môn-đệ trong nhóm đồ-đệ của Ngài.

Tại Galilê, có lẽ mọi người cũng đang sống trong mơ hồ, đầy mộng-ảo, nên không còn thuận-thảo với nhau về nhiều thứ, nữa. Nhưng không chỉ nơi đây, lúc này, mới thấy sự thể xảy ra như ở Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua năm ấy. Trong đầu người dân đây, thì đó là thời-khắc để mọi người ra tay hành-động trước ai khác. Chừng như mọi người khi ấy vẫn tự bảo mình: “Bọn ta lại cứ tưởng rằng Ông ấy là Người giải-thoát Israel để người người được tự-do, tha hồ mà sống”.

Sự lạ cũng nghịch-thường không kém, nhưng mang tính quyết-định lúc này, là: Đức Giêsu cương quyết bẻ gãy mọi ý-nghĩ như thế bằng uy-lực hành động như đã thấy ở đây, lúc này. Ngài không làm việc đó theo kiểu-cách họ suy-tính. Ngài xử-trí khác ý họ. Và, một khi đã cương-quyết như thế, có thể Ngài cũng gặp hiểm-nguy tạo liên-lụy đến tính-mạng Ngài. Nhưng, Ngài vẫn quyết-tâm không chùn bước dù sự việc có xảy ra như thế nào đi nữa, cũng mặc.

Ở tiệc Tạ Từ, Ngài đã nói thẳng và nói thật rằng: chiếc bánh được bẻ ra là để nối-kết Thân Mình “gãy đổ” của Ngài và nối-kết với tương-lai nền chính-trị từng gãy vụn như thế. Và, Ngài nói rõ: Ngài không đồng-thuận với hành-động như thế cho đến chết, giả như Ngài được yêu-cầu làm thế hoặc vào lúc sự việc xảy ra như thế, cũng vậy. Chiếc bánh Ngài bẻ ra ở tiệc Tạ Từ chính là biểu-tượng cho sự việc Ngài từ-khước mọi quyền-uy/thế-lực về chính-trị. Lời tỏ bày điều đó cho Giuđa Iscariốt khi Ngài nói rõ: việc anh đang suy-tính không thể nào chấp-nhận được.

Nhưng anh ta không hiểu điều Ngài nói, nên mới đi đến quyết-định giao nộp Thày mình, là người mà theo anh, đã phản lại ý của cả dân-tộc Do-thái. Và anh tự nghĩ: chỉ mình anh mới là người khám-phá ra ý-đồ của Chúa nên có trọng-trách phải giao-nộp Đấng “Thiên-Sai-giả” là Thày mình cho quyền-uy thế-trần. Anh làm thế, vì không hiểu hoặc không thể chấp-nhận tính-chất rất mới mà Đức Giêsu Bậc Thày của anh đã mang đến cho giới cầm quyền, cho đồ đệ và mọi người ở đời. Nét đặc-trưng nơi sự việc này là ở bánh-là-Lời-Ngài trong tiệc Tạ Từ hôm ấy đã được bẻ ra và trao cho anh.

Nay, lại có vấn-nạn như thể hỏi rằng: hôm ấy, Đức Giêsu làm thế là có ý gì? Câu trả lời, sẽ là và phải là: Chúa vẫn có ở đó không xa rời ai. Ngài có trực-giác rất thực và biết rất đích-xác tình-hình của Ngài. Ngài biết rõ yến-tiệc hôm đó là buổi cuối để Thày trò gặp nhau. Ngài, quả đã rơi vào tình-cảnh rối rắm về thần-tính, nên mới bảo: “Một người trong anh em sẽ bội phản Tôi”. “Người phản lại tôi đang có mặt ở đây, ngồi cùng bàn với tôi ở tiệc này”.

Ngài nói theo tư-cách lãnh-đạo toàn nhóm như nhóm-hội đoàn-kết. Ngài thừa hiểu tình-tiết tế-nhị rất cùng cực và đầy kịch-tính như để cảnh-giác mọi người trong nhóm, nên mới bảo: “Có người trong nhóm của ta sẽ gãy đổ”. Nhưng, Ngài không nói rõ người ấy là ai. Có thể là bất kỳ ai trong nhóm của Ngài. Ngài biết rõ: có lẽ đây là buổi kết-nối tồi nhất, nhưng không biết người đó sẽ là ai, nên Ngài lại bảo: “Một người trong anh em sắp sửa phản-bội Tôi”. Ngài nói thế, không để khiêu-khích toàn nhóm, nhưng cốt cho thấy Ngài đang ưu-tư về tinh-thần của toàn nhóm, do Ngài dựng. “Một người trong anh em”, câu này được chuyển đến mọi người trong nhóm. Ta biết, ngang qua suy-tư nhận-thức mãi về sau, là: tất cả các môn-đệ Ngài đều biến đi nơi khác, khi thấy Thày mình bị giới cầm quyền bắt giữ. Có lẽ, môn-đồ Ngài làm thế, là vì các thánh nay đã thất-vọng tràn-trề về Thày nên nghĩ rằng: Ngài không phải là Đấng Thiên-Sai như các ngài trông-ngóng.

Thật sự, các bữa tiệc tổ-chức bên phương Đông, tiệc chủ thường hay gắp cho thực khách cùng bàn các miếng ăn ngon/bổ do họ chọn, cốt để vinh-danh vị ấy theo cách đặc-biệt. Cử-chỉ này, tạo ấn-tượng lên tương-quan chủ/khách ở bữa tiệc. Các vị chỉ làm chứ không nói, nhưng cử-chỉ này lại là đặc-trưng quan-hệ đặc-biệt trong cuộc sống. Đức Giêsu cũng tiếp/gắp cho Giuđa Iscariốt một mẩu bánh được Ngài bẻ ra. Ngài thực-hiện cử-chỉ ấy với cung-cách hơi chần-chừ, ái ngại; nhưng để cho Giuđa Iscariốt thấy được cách-thức tư-riêng/cá-biệt Ngài tỏ-lộ. Và khi ấy, qua động-thái tiếp/gắp trao mẩu bánh đã bẻ ra, Ngài có trực-giác biết Giuđa Iscariốt không còn xử-sự như đồ-đệ Ngài nữa, mà chỉ là kẻ kình-chống/đối-kháng, tức: những người không tin vào đường lối xử-sự của Ngài theo cách đó. Ngài vốn biết đồ-đệ nào không tin điều Ngài vừa nói về bánh “được bẻ ra” và cuộc sống có thân mình “bị bể gẫy”. Hành-xử mang tính bằng-hữu này, đã dấy lên nơi Giuđa Iscariốt cơn giận quá mức khiến anh bội-phản Thày mình.

Đức Giêsu thừa hiểu cơn giận ấy không thể lắng xuống nhưng cứ tiếp-diễn tạo hệ-quả “đối-đế”, rất chung cuộc. Đức Giêsu giữ riêng điều này nơi cung lòng trầm-lắng của Ngài. Ngài không muốn cho nhóm đồ-đệ của Ngài biết chuyện ấy, sợ rằng các đồ đệ này, sẽ tức-tốc trả-đũa lên Giuđa. Và, Chúa nói: “Điều anh định làm, thì hãy làm nhanh lên”. Lại có vấn-nạn khác cứ hỏi: sao Chúa không cản Giuđa để anh đừng làm thế? Phải chăng, Ngài vẫn tôn-trọng tự-do của anh?

Từ lúc đó, Giuđa rời bỏ toàn cả nhóm. Anh làm thế, “sau khi” bánh-lời-Chúa được bẻ ra, và “trước khi” Đức Giêsu trao chén-lời-Ngài tặng cho tông-đồ. Chỉ sau khi Giuđa rời yến tiệc, Chúa mới nói đến sự việc Máu Ngài đổ ra cho mọi người. Thảm-kịch do Giuđa thực-hiện xảy đến vào lúc Chúa phán-định trên bánh và rượu. Chúa nâng chén lên miệng như cử-chỉ tượng-trưng hầu diễn-tả tình-huống quyết rằng Ngài đang ở tình-trạng đó, tức: hệ-quả của bội-phản đang diễn ra. Đây, là trạng-thái rất bất-lực.

Bản thân tôi thường vẫn nghĩ: đây là “Ơn cứu-chuộc”, cho chính Ngài và cả ta nữa.

(còn tiếp)
____________________
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cổng Vào Đền Hiện Thể
Nguyễn Hùng
21:15 27/03/2014
CỔNG VÀO ĐỀN HIỆN THỂ
Ảnh của Nguyễn Hùng
Cám ơn người thợ đã xây chiếc cổng tuyệt mỹ
dẫn chúng tôi vào ngôi đền Hiện Thể sống động của Người.
(Pleiksor nth)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 14/03 – 20/3/2014 – Làn sóng bách hại Giáo Hội Công Giáo tại Crimea đã bắt đầu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:00 27/03/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha tiếp nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine

Hôm thứ Hai 17 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk là nhà lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng qua hai vị đã gặp nhau để bàn về tình hình tại Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục nói:

"Đây là thời điểm khó khăn và lịch sử đối với chúng con, nhưng trong tình hiệp nhất chúng con thấy hạnh phúc."

Đức Tổng Giám Mục đã cám ơn Đức Thánh Cha vì sự nâng đỡ và tình liên đới của ngài khi Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine đứng về phía nhân dân trong cuộc biểu tình khổng lồ tại quảng trường Maidan đã lật đổ tổng thống Viktor Yanukovych.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã liên tục kêu gọi tất cả các nước, trong đó có Nga phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Hôm Chúa Nhật 16 tháng Ba, một trò hề Trưng Cầu Dân Ý đã diễn ra tại Crimea, là một phần lãnh thổ của Ukraine. Nga nói rằng 97.9% dân số tại đây đã quyết định tuyên bố độc lập và “xin” được sát nhập lãnh thổ này vào Nga.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine tại Crimea nói quân Nga đã đe dọa các linh mục Công Giáo Hy Lạp, và yêu cầu họ phải rời khỏi các khu vực Crimea. Nhưng , các linh mục từ chối và chấp nhận rủi ro khi ở lại với cộng đoàn của các ngài.

Chính Thống Giáo Nga luôn xem Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine là một khí cụ “chiêu dụ tín đồ” của Giáo Hội Công Giáo dành cho các tín hữu có khuynh hướng theo Công Giáo nhưng lại muốn giữ lại các nghi thức thờ phượng Đông Phương truyền thống của họ.

Chính vì thế, Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp không được cấp tư cách pháp nhân tại Liên bang Nga, và một khi Crimea bị sáp nhập vào Nga, các nhà thờ sẽ bị tịch thu và hàng giáo sĩ có thể bị bắt.

Trong các thương thảo giữa Tòa Thánh và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa 3 điều kiện tiên quyết thường được nêu ra là: chấm dứt “chiêu dụ tín đồ” tại Nga, ngưng các khiếu kiện đòi lại các tài sản mà cộng sản đã tịch thu của Công Giáo để trao cho Chính Thống Giáo quản lý và giải tán Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine. Cho đến nay, Tòa Thánh bác bỏ tất cả các đòi hỏi phi lý này.

2. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Á Căn Đình

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha đã tiếp tổng thống Á Căn Đình là bà Cristina Fernandez de Kirchner tại nhà trọ Santa Marta. Đức Giáo Hoàng thường gặp các nguyên thủ quốc gia tại Điện Tông Tòa của Vatican. Nhưng ngài đã quyết định gặp tổng thống Á Căn Đình tại nhà trọ Santa Marta vì một mắt cá chân của bà bị bong gân.

Bà Cristina đã đến Vatican để chúc mừng Đức Thánh Cha nhân một năm triều Giáo Hoàng của ngài. Đây là lần thứ ba hai vị gặp nhau sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu vào ngôi Giáo Hoàng hồi tháng Ba năm ngoái. Lần đầu tiên là một ngày trước lễ khai mạc sứ vụ Mục Tử Toàn Thế Giới của ngài, lần thứ hai là tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Rio De Janeiro.

Trong cuộc gặp gỡ hôm thứ Hai, tổng thống Á Căn Đình đã tặng Đức Thánh Cha bức tranh vẽ bằng rượu vang.

Bà nói:

“Đây là bức tranh Thánh Rôsa De Lima, Mẹ của tất cả người Mỹ Châu, được vẽ bằng rượu vang Malbec của Á Căn Đình”.

Đức Thánh Cha đã tặng lại bà một mề đay có hình thánh Martin và tông huấn Evangelli Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm là tông huấn đầu tiên của ngài.

Đức Thánh Cha sau đó đã mời bà dùng bữa trưa tại nhà nguyện Santa Marta.

Bà Cristina nói với các phóng viên rằng bà bị bong gân mắt cá chân vào đêm hôm trước khi di chuyển trong khách sạn.

3. Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục Đông Timor

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha đã tiếp các giám mục của Đông Timor đang trong thời gian ad-limina viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Đức Cha Basílio Nascimento, giám mục giáo phận Baucau, Đức Cha Alberto Ricardo da Silva, giám mục Dili, Đức Ông. Norberto do Amaral, giám mục của Maliana.

Đức Giáo Hoàng đã khích lệ các Giám Mục rao giảng Tin Mừng của lòng thương xót. Ngài cũng nói rằng các Giám Mục phải giữ ba vị trí chính yếu: ở phía trước để dẫn đường, ở giữa để giữ tình đoàn kết, và ở phía sau để bảo đảm không một ai bị bỏ lại phía sau.

Đông Timor là thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha với dân số là 1,1 triệu dân với 97 phần trăm là người Công Giáo.

Tháng 12 năm 1975, Nam Dương xâm lược Đông Timor và tuyên bố nước này là tỉnh thứ 27 của mình. Những nỗ lực Hồi Giáo hoá vùng đất này đã thất bại và tháng 8 năm 1999, Liên Hiệp Quốc đã can thiệp để Đông Timor trở thành quốc gia độc lập như ngày nay.

4. Hiệp Hội Antonio Gaudi tặng Đức Thánh Cha một tác phẩm điêu khắc

Án phong Chân Phước cho vị Tôi tớ Chúa Antonio Gaudi đang tiến triển tốt đẹp. Antonio Gaudi là một kiến trúc sư Tây Ban Nha nổi tiếng trên toàn thế giới với những tác phẩm như Vương Cung Thánh Đường Thánh Gia tại Barcelona.

Hiệp Hội Antonio Gaudi đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp và trong dịp này đã tặng cho ngài một tác phẩm điêu khắc là tượng bán thân của vị tôi tớ Chúa.

Ông Jose Manuel Almuzara, Chủ tịch Hiệp hội Antonio Gaudi cho biết:

"Chúng tôi đã rất mong muốn tặng món quà này cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và chúng tôi đã thành công."

Đây là một cử chỉ nhằm vinh danh vị tôi tớ Chúa. "Chúng tôi hy vọng bức tượng được đồng hành với Đức Thánh Cha Phanxicô trong hành trình của ngài, linh hứng ánh sáng và vẻ đẹp. "

Ông Etsuro Soto Điêu khắc trưởng Hiệp Hội nói:

"Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu chúng tôi cầu nguyện cho ngài. Đáp lại tôi nói con sẽ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, nhưng cũng xin cầu nguyện cho chúng con. "

Điêu khắc gia Etsuro Soto là một người Nhật Bản. Ông chính là người đã hoàn thành Vương Cung Thánh Đường Thánh Gia tại Barcelona 35 năm trước và cũng là người đã thực hiện bức tượng này phỏng theo bức tượng đã được thực hiện năm 1926 chỉ vài ngày sau khi kiến trúc sư Antonio Gaudi qua đời trong một tai nạn xe điện.

5. Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma kết thúc tuần tĩnh tâm Mùa Chay

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên xe buýt trở về Vatican hôm thứ Sáu sau cuộc tĩnh tâm 5 ngày bắt đầu từ chiều Chúa Nhật mùng 9 tháng Ba. Đây là lần đầu tiên cuộc tĩnh tâm truyền thống đầu Mùa Chay của giáo triều Rôma được tổ chức bên ngoài Vatican.

Vị giảng thuyết trong 5 ngày tĩnh tâm là Đức Ông Angelo de Donatis, giáo sư tại Đại Chủng Viện của giáo phận Rôma. Trước khi rời khỏi Đức Giáo Hoàng đã nói một vài lời cám ơn vị giảng thuyết.

Ngài nói:

"Chúng ta tất cả là những người tội lỗi, tất cả chúng ta mong muốn theo Chúa Giêsu gần gũi hơn, không mất hy vọng vào lời Chúa hứa, mặc dù đôi khi chúng ta chào đón Chúa nhưng lại đứng xa xa. Cảm ơn cha."

Đức Thánh Cha rời địa điểm này lúc 10:30 trên cùng một xe buýt với các Đức Hồng Y và các Giám Mục dự tĩnh tâm .

Sau khoảng bốn mươi phút, Đức Giáo Hoàng Phanxicô về đến Vatican. Hàng chục người đang đợi ở lối vào. Đức Giáo Hoàng đã vẫy tay chào họ.

6. Đài truyền hình Vatican thực hiện bộ phim bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Một năm trước, thế giới đã dán mắt theo dõi những diễn biến tại Vatican bắt đầu từ việc bất ngờ công bố quyết định thoái vị của ngài.

Kỷ niệm một năm Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, Đài truyền hình Vatican vừa hoàn tất bộ phim dài 40 phút với những hình ảnh lịch sử như Công Nghị Hồng Y và những giờ phút đầu tiên khi Đức Thánh Cha bước ra ban công và xin thế giới cầu nguyện cho ngài.

Bộ phim cũng bao gồm những hình ảnh đáng nhớ nhất trong năm đầu tiên triều đại giáo hoàng Phanxicô.

7. Kỷ niệm một năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Hôm 13 tháng Ba, Giáo Hội đã mừng kỷ niệm một năm Đức Hồng Y Jorge Bergoglio được bầu làm Giáo Hoàng Phanxicô.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, ngày kỷ niệm một năm triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô không có gì đặc biệt: Đức Giáo Hoàng cầu nguyện và trong một Tweet, ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Rất nhiều điện văn đã được gửi về Vatican để chúc mừng Đức Thánh Cha, trong khi ngài và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh tham dự tuần tĩnh tâm mùa chay tại Ariccia (cách Roma 30 cây số) từ chiều Chúa Nhật mùng 9 đến sáng thứ Sáu 14 tháng Ba.

Ngoài điện văn của các vị lãnh đạo Công Giáo, người ta cũng đặc biệt chú ý đến điện văn của Đức Thượng Phụ Kirill Đệ Nhất, Giáo Chủ Chính Thống Nga, trong đó có đoạn viết: “Năm đầu tiên triều đại Giáo Hoàng của Ngài được đánh dấu bằng những hy vọng lớn và những công trình quan trọng của Giáo Hội Công Giáo. Sự dấn thân của Ngài trong việc làm cho các lý tưởng Tin Mừng hiện diện trong đời sống xã hội hiện đại đã mang lại những thành quả. Sự chăm sóc và quan tâm của Đức Giáo Hoàng đối với người đau khổ nhắc nhớ cho mọi người về nghĩa vụ yêu thương huynh đệ”.

Đức Thượng Phụ Kirill cũng nhấn mạnh rằng “Các quan hệ song phương giữa Công Giáo và Chính Thống Nga đã được phát triển thêm trong năm qua. Tôi đánh giá mức độ cao trong sự cảm thông và dấn dấn của hai bên nhắm củng cố sự cộng tác giữa Chính Thống và Công Giáo, trong việc củng cố các giá trị luân lý, tinh thần Kitô giáo trong thế giới ngày nay, việc bảo vệ những người bị áp bức và chân thành phục vụ tha nhân, đó là những lãnh vực cộng tác giữa Giáo Hội Chính Thống và Giáo Hội Công Giáo Roma”

8. Nhận định của Cha Federico Lombardi về năm đầu triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong số những người có một vai trò quan sát đặc biệt đối với triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là cha Federico Lombardi, dòng Tên, Tổng giám đốc đài Vatican và Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh. Cha đã dành cho hãng tin Zenith ở Roma một cuộc phỏng vấn về Đức đương kim Giáo Hoàng.

Thưa cha Lombardi, việc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thay đổi hoàn toàn thái độ của các cơ quan truyền thông đối với chức vụ Giáo Hoàng. Đâu là bí quyết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thu phục được giới truyền thông như vậy?

Có một sự thay đổi về ngôn ngữ, không những về lời nói nhưng cả những cử chỉ và thái độ nữa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đánh động được tâm hồn của con người, đặc biệt là ngài vượt lên trên được khoảng cách và các hàng rào. Trọng tâm của ngôn ngữ mới này là việc loan báo tình thương của Chúa Kitô cho tất cả mọi người, đề tài lòng từ bi và tha thứ của Chúa cho mọi người. Trước đó, trong giới truyền thông có một thành kiến được phổ biến, người ta nghĩ rằng Giáo Hội luôn nói “không” và không gần gũi với dân chúng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thành công trong việc giúp dân chúng hiểu được có một cách khác để đọc sứ điệp của Thiên Chúa và tương quan của Giáo Hội với dân chúng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường ứng khẩu nói với dân chúng, và ngài cũng trả lời phỏng vấn cho những người xin, và ngài cũng điện thoại riêng cho nhiều người. Trong bối cảnh đó, đâu là những vấn đế mà vị Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh gặp phải?

Vấn đề tôi gặp phải trong những tình trạng như thế cũng giống như vấn đề của các hiến binh Vatican khi Đức Giáo Hoàng muốn đến gần, tiếp xúc với dân chúng, và từ chối không chịu dùng xe chắn đạn. Chúng tôi phục vụ Đức Giáo Hoàng và chúng tôi học về lối hành động, cách sống và phương thức đả thông của ngài với dân chúng. Tôi phải hiểu: tôi có thể cộng tác vào sự truyền thông của ngài như thế nào. Khi Đức Giáo Hoàng nói, trả lời phỏng vấn, nói trực tiếp với dân chúng, tôi không có gì để nói thêm, tôi chỉ can thiệp khi xảy ra vài vấn đề cần làm sáng tỏ.

Một năm đã trôi qua trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô và tạp chí Time của Mỹ đã chọn ngài làm người nổi bật nhất trong năm 2013. Cha có thể bình luận gì về sự chọn lựa như thế?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô không phải là người tìm kiếm thành công hoặc sự nổi tiếng. Một lần khi người ta hoan hô ngài, ngài nói: “Anh chị em đừng nói Viva il Papa, Hoan hô Đức Giáo Hoàng!” Nhưng hãy nói “Viva Gesù!”, Hoan hô Chúa Giêsu. Đồng thời Đức Thánh Cha Phanxciô có thể chấp nhận là “Người nổi bật nhất trong năm” theo tạp chí Time. Nếu sự chọn lựa của tạp chí này có nghĩa là làm cho mục đích sứ mạng của Giáo Hội được nhìn nhận, và sứ điệp mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô thông truyền, thì đó là điều tốt, đáng chào mừng, nếu không thì chắc chắn đối với Đức Giáo Hoàng, điều đó chẳng có nghĩa gì với ngài.

Thưa cha Lombardi, cha có những lời khuyên nào muốn đưa ra với các ký giả để họ cải tiến việc truyền thông của họ về Đức Giáo Hoàng, về Giáo triều Roma và Giáo Hội nói chung không?

Điều thường thiếu nơi các ký giả, đó là ý hướng sứ mạng của Giáo Hội và của Đức Giáo Hoàng. Nhiều khi các ký giả đọc các biến cố và đưa ra những giải thích xa lạ với thực tại của Giáo Hội, ví dụ họ nhìn và giải thích dưới khía cạnh chính trị hoặc kinh tế. Vì thế, về Giáo Hội, họ chỉ nhìn dưới khía cạnh tranh giành quyền bính hoặc lợi lộc kinh tế phe phái. Đó là tình trạng bi thảm dưới thời Vatileaks với những tài liệu của Tòa Thánh bị thất thoát và đăng tải trên báo chí. Nhưng thực ra, đó là một tiến trình tìm kiếm cuộc sống và hành động phù hợp với Phúc Âm, canh tân nội tâm và thanh tẩy.

Trong bối cảnh đó, nhiều ký giả chỉ nhìn sự canh tân giáo triều Roma như một sự đổi mới thuộc loại chính trị. Cha có thể nói gì về sự kiện này?

Đức Giáo Hoàng đã thành công trong việc giúp người ta hiểu rằng Giáo Hội hiện hữu là để nói với dân chúng rằng họ được Thiên Chúa yêu thương. Vì thế việc cải tổ giáo triều Roma chỉ là điều phụ thuộc: việc cải tổ này giúp Giáo Hội loan báo sứ điệp Tin Mừng hữu hiệu hơn, không phải ở Vatican mà thôi, nhưng trong các giáo phận và các khu vực ven biên. Các cơ cấu trung ương Tòa Thánh hiện hữu không phải để thống trị, nhưng để phục vụ và trợ giúp: việc cải tổ nhắm tới mục đích đó.

9. Đức Giám Mục Công Giáo nghi lễ La Tinh của Crimea chỉ trích thái độ đạo đức gỉa của phương Tây

Nhà lãnh đạo Công Giáo nghi lễ La Tinh cao nhất tại Crimea đã lên tiếng chỉ trích phản ứng của phương Tây trước sự can thiệp quân sự của Nga ở đó.

Đức Cha Bronislaw Bernacki của giáo phận Odessa – Simferopol nói:

"Thế giới này bàn tán, chỉ trích Putin và thực hiện chính xác những gì ông ta mong đợi – đó là nói xuông không làm gì cả. Tách Crimea ra khỏi Ukraine chỉ là bước khởi đầu. Sau đó, người Nga sẽ tính đến phần phiá Đông Ukraine và cả phần phiá Nam, và sau đó có lẽ cả nước."

Lịch sử của Ukraine đã chỉ ra rằng trong những trường hợp bị Nga xâm lược như thế này, thế giới sẽ lên tiếng một cách chiếu lệ, rồi sau đó để mặc cho người Nga muốn làm gì thì làm tại Ukraine.

Đa số cư dân tại Crimea, một nước cộng hòa tự trị của Ukraine là những hậu duệ người Nga đã được đưa di dân sang Ukraine trong một chính sách thôn tính lâu dài của Nga từ hàng thế kỷ trước. Sau sự sụp đổ của Tổng thống Viktor Yanukovych vào tháng Hai, quân đội Nga đã xâm lược Crimea.

Ngày 11 tháng Ba, quốc hội Crimea tuyên bố tách khỏi Ukraine, và hôm Chúa Nhật 16 tháng Ba trong trò hề bầu cử tại Crimea đã quyết định sát nhập Crimea thành một phần của Nga.

Sự sáp nhập này chắc chắn sẽ dẫn đến việc khủng bố thẳng tay Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp tại Ukraine.

Cha Mykhailo Milchakovskyi , một linh mục chính xứ của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp ở Crimea nói:

"Nhiều người không dám đến nhà thờ, sau khi bị dán cho những nhãn hiệu như những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc và phát xít. Họ bị dân chúng địa phương khiêu khích và hăm dọa".

Ngài giải thích thêm:

" Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp của chúng tôi không được cấp tư cách pháp nhân tại Liên bang Nga, vì vậy nếu Crimea bị sáp nhập vào Nga, chúng tôi sợ các nhà thờ sẽ bị tịch thu và hàng giáo sĩ của chúng tôi sẽ bị bắt. "

10. Đức Giáo Hoàng khen ngợi linh mục các linh mục cho người nghèo tại Á Căn Đình

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng ca ngợi các linh mục làm việc trong các khu ổ chuột của Á Căn Đình, trong một cuộc phỏng vấn được phát trên làn sóng điện quốc gia đúng ngày 13 tháng Ba, kỷ niệm một năm ngài được bầu làm Giáo hoàng.

Nhiều linh mục hoạt động cho người nghèo thường lên tiếng chỉ trích các bất công trong xã hội, tình trạng tham nhũng và hối mại quyền thế của các viên chức công quyền. Các ngài thường bị gán cho nhãn liệu là khuynh tả, là cộng sản.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói: "Họ không phải là cộng sản. Họ là những linh mục vĩ đại chiến đấu cho sự sống."

Đức Thánh Cha nói ngài biết tất cả những công việc của các linh mục này "không phải xuất phát từ ý thức hệ, nhưng từ lòng nhiệt thành tông đồ."

Đức Thánh Cha đặc biệt đề cập đến phong trào Linh Mục của thế giới thứ 3. Ngài bênh vực các linh mục này và khẳng định các ngài không hề bị ảnh hưởng bởi thứ Thần học giải phóng đã bị Tòa Thánh lên án.

Cuộc phỏng vấn đã được đài phát thanh quốc gia có trụ sở tại Buenos Aires thực hiện tại Rôma hai tuần trước khi phát sóng hôm thứ Năm 13 tháng Ba.

Đức Thánh Cha Phanxicô từng là Tổng giám mục Buenos Aires trước khi được bầu lên ngôi Giáo Hoàng.

11. Một giáo phận ở Nam Sudan bị phá hủy hoàn toàn

Đức Cha Roko Taban, giám quản tông tòa của giáo phận Malakal nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là giáo phận của ngài đã rơi vào tình trạng bi đát đến mức ngày nay không còn một ngôi nhà thờ nào nữa.

Đức Cha nói: “Nhiều nhà thờ và nhà cửa chúng tôi bị san thành bình địa và tất cả đều bị cướp phá và hôi của”.

Trong khi cuộc chiến vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt các nữ tu đã phải chạy nạn để tránh bị thiệt mạng. Ngay cả 4 giám mục trong miền Nam Sudan cũng phải di tản trong tuần này.

Sudan từng là quốc gia lớn nhất ở Phi Châu và cũng là lớn nhất trong thế giới Ả rập cho đến năm 2011 sau khi miền Nam Sudan tách ra khỏi nước này. Trong thế kỷ thứ 20, đa số dân Sudan là người Phi Châu. Nhưng sau đó, làn sóng người Ả rập nhập cư vào miền Bắc Sudan đã thay đổi cơ cấu sắc tộc của đất nước. 70% dân số ở phiá Bắc Sudan là người Ả rập theo Hồi Giáo Sunni.

Với sự giúp đỡ của nhiều sư đoàn quân Trung quốc, chính quyền Khartoum đã tiến hành cuộc chiến tranh kéo dài hơn một thập niên nhằm tiêu diệt người bản địa phần lớn theo Kitô Giáo và đạo thờ vật linh. Cuộc chiến kết thúc vào năm 2011 với sự ra đời của quốc gia Nam Sudan.

Tuy nhiên, Bắc Sudan với dân số hơn 35 triệu người vẫn âm thầm thực hiện cuộc chiến khủng bố tại quốc gia non trẻ Nam Sudan với dân số chỉ khoảng 11 triệu.

12. Cha Raniero Cantalamessa bắt đầu các bài giảng Mùa Chay

Cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên phủ Giáo hoàng, đã khởi sự bài giảng đầu tiên trong một loạt các bài giảng Mùa Chay hôm thứ Sáu 14 tháng Ba tại nhà nguyện Redemptoris Mater trong điện Tông Tòa của Vatiocan.

Mỗi thứ Sáu trong suốt Mùa Chay bắt đầu từ tuần Thứ Nhất Mùa Chay cha Raniero Cantalamessa sẽ giảng một bài với sự tham dự của Đức Giáo Hoàng và các nhà lãnh đạo của Giáo triều Rôma. Tuần này, Đức Thánh Cha và một số vị trong giáo triều đã vắng mặt vì đang tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay.

Các bài giảng được trình bày vào ngày 14, 21, 28 tháng Ba, mùng 4 và 11 tháng Tư xoay quanh chủ đề "Trên đôi vai những nhân vật vĩ đại: Những chân lý cao cả của đức tin được chiêm niệm bởi các Giáo Phụ của Giáo Hội Latinh".

13. Hội Đồng Giám Mục Ấn tố cáo bản án tại bang Orissa

Hôm thứ Bẩy 15 tháng Ba, Hội Đồng Giám Mục Ấn đã lên tiếng tố cáo bản án của một tòa án tại bang Orissa là “sự phỉ nhổ vào công lý”.

Trong số 9 bị can bị cáo buộc đã hãm hiếp nữ tu Meena Barwa vào năm 2008, chỉ có 3 tên bị kết án. 6 tên còn lại được tuyên bố trắng án.

Chín bị cáo là thành viên của một nhóm Ấn Giáo quá khích tại tại bang Orissa. Ngày 25 tháng 8 năm 2008, 50 thành viên của nhóm Ấn Giáo quá khích này đã bắt cóc sơ Meena Barwa tại tỉnh Kandhamal Gang trong bang Orissa và chín tên trong số đó đã hãm hiếp sơ.

Sau đó, nhóm 50 tên này đã bắt sơ Meena Barwa cởi trần đi di hành thị chúng. Cha Thomas Chellan một linh mục Công Giáo trong vùng cũng bị chúng bắt đi và bị đánh đập dã man.

Cảnh sát đã không can thiệp và dung túng cho bọn côn đồ say máu tấn công vào một giáo xứ Công Giáo giết chết 50 người và đốt phá nhà cửa khiến 50,000 người trở nên vô gia cư.

Vụ án dằng dai trong 6 năm qua đã kết thúc với những bản án nhẹ nhàng. Bang Orissa đã phải đổi tên thành Odisha vì tình trạng bài Kitô Giáo tại đây đã khiến cho rất ít công ty nước ngoài muốn đầu tư tại bang này.

14. Một linh mục Công Giáo Công Giáo Hy Lạp Ukraine bị bắt cóc tại Crimea

Trong một loạt những leo thang nghiêm trọng đang diễn ra tại bán đảo Crimea, một linh mục Công Giáo Hy Lạp Ukraine đã bị bắt cóc sáng thứ Bảy 15 tháng Ba.

Radio Vatican cho biết Cha Mykola Kvych, một linh mục tuyên úy quân đội Ukraine, đã bị bắt cóc bởi các thành phần thân Nga sau khi ngài cử hành thánh lễ sáng thứ Bẩy.

Đức Cha Borys Gudziak Giám Mục Công Giáo Hy Lạp Ukraine của giáo phận Odessa – Simferopol nói:

" Bắt cóc là một sự kiện khủng khiếp cho tất cả những ai có liên quan. Đó là một sự vi phạm trắng trợn các quyền con người và phẩm giá mà Chúa đã ban cho."

Sau khi tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ, anh chị em tín hữu Công Giáo tại Crimea thường xuyên bị đe dọa đến mức nhiều người đang cố mà bán nhà và chuyển đến các nơi khác của Ukraine.

Trong thời Liên Xô, Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương ở Ukraine bị nằm ngoài vòng pháp luật. Các tín hữu có đức tin mạnh mẽ vẫn phải sống đạo bí mật, trong khi những tín hữu khác phải dự lễ ở nhà thờ Chính Thống giáo hoặc không đi nhà thờ. Cộng sản Liên Xô đã tịch thu tất cả tài sản của Giáo Hội Công Giáo, đưa một số tòa nhà cho Chính Thống giáo, số còn lại giao cho các cơ quan nhà nước sử dụng.

Đức Cha Borys đã đưa ra một lời kêu gọi đến các vị thẩm quyền của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga can thiệp trao trả tự do cho cha Mykola Kvych.
 
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 20/03 - 26/03/2014 - Câu chuyện về Thánh Nữ Monica
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:55 27/03/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Có phải chúng ta thực sự lắng nghe Lời Chúa, hay chỉ muốn uốn nắn theo ý riêng mình

Trong thánh lễ sáng thứ Sáu tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Lời Chúa. Ngài giải thích rằng những ai uốn nắn Lời Chúa theo ý riêng mình thì vẫn còn đóng chặt con tim với Lời Chúa.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng phải biết khiêm nhường và cầu nguyện chúng ta mới có thể tiến lên, mới có thể lắng nghe Lời Chúa và tuân thủ lời Ngài. Có những người hô hào thánh chiến, hô hào phải giết người để bảo vệ “Lời Chúa”. Lời mà người ta tin là “Lời Chúa” ấy thực ra chỉ là những lời đã bị thay đổi hoàn toàn bởi con người.

"Đây là bi kịch của những người này, và cũng là bi kịch của chúng ta nữa! Họ đã uốn nắn Lời Chúa. Và Lời Chúa trở thành lời của họ, để phục vụ sở thích của họ, ý thức hệ của họ, nền thần học họ. Và tất cả mọi người diễn dịch những lời ấy theo ý riêng của họ, theo sở thích riêng của mình. Và đây là bi kịch của đám dân này: để bảo vệ những lời ấy, họ giết người. Họ giết cả Chúa Giêsu. "

Đức Thánh Cha nói tiếp:

"Nhưng chúng ta vẫn còn hy vọng. Lời Chúa tuy đã chết trong trái tim của đám dân này, và có thể chết cả trong con tim của chúng ta nữa, nhưng Lời Chúa không bị tận diệt, vì Lời Chúa vẫn còn sống trong trái tim của những người đơn sơ, của những người khiêm nhu, của dân Chúa. Họ lùng bắt, nhưng họ sợ đám đông dân Chúa. Đó là đám đông đơn sơ đã theo Chúa Giêsu bởi vì những điều Ngài nói làm con tim của họ tốt đẹp, làm ấm cõi lòng của họ - những người này không sai. Họ không sử dụng Lời Chúa để phục vụ sở thích riêng của họ nhưng tìm nghe Lời Ngài để sống tốt hơn một chút."

"Đây là thái độ của những người biết lắng nghe Lời Chúa: đầu tiên là khiêm tốn, tiếp đến là cầu nguyện. Còn đám dân kia không phải là những người cầu nguyện. Họ nghĩ rằng họ không cần phải cầu nguyện. Họ nghĩ rằng họ được an toàn, họ nghĩ rằng họ đã mạnh mẽ.. . họ nghĩ rằng họ là 'các vị thần’.

Chúng ta phải khiêm tốn và cầu nguyện.. . với sự khiêm nhường và lời cầu nguyện, chúng ta sẽ tiến về phía trước khi lắng nghe Lời Chúa và tuân thủ Lời Ngài trong sự khiêm nhu và trong lời cầu nguyện cùng Giáo Hội và như vậy, những gì đã xảy ra với đám dân kia sẽ không xảy ra với chúng ta: chúng ta sẽ không giết người để bảo vệ “Lời Chúa”, để bảo vệ những Lời chúng ta cho là “Lời Chúa” nhưng thực ra đã bị đảo lộn và đổi trắng thay đen bởi con người chúng ta.

2. Tin tưởng phó thác nơi Chúa

Trong thánh lễ sáng thứ Năm tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về thái độ tin tưởng Thiên Chúa. Ngài giải thích rằng những ai chỉ tin tưởng vào chính bản thân họ, vào tiền bạc hoặc những ý thức hệ, đang xây dựng cho mình một cuộc sống không hạnh phúc.

"Hôm nay, trong ngày này của Mùa Chay, chúng ta hãy tự hỏi chính bản thân chúng ta: Tôi đặt niềm tin của mình nơi đâu? Có phải nơi Chúa? Hay tôi chỉ là một người ngoại giáo đặt tin tưởng của mình vào các ngẫu tượng. Tôi vẫn còn có một căn tính hay tôi đã bắt đầu để mất dần căn tính của mình, khi chỉ còn đề cập đến một chữ “Tôi”. Tôi, cho tôi, và vì tôi. Trước hết là vì tôi sau cùng cũng là vì tôi... Cảm giác ích kỷ của chữ Tôi sẽ luôn bám riết quanh mình và điều này sẽ không mang lại cho chúng ta ơn cứu độ. "

Đức Thánh Cha nói:

"Sự bất hạnh thê thảm nhất của những ai chỉ tin tưởng vào bản thân họ hay sức mạnh riêng của họ, chỉ tin vào những khả năng của con người mà không cần đến Thiên Chúa: là họ đánh mất đi danh phận của mình. Số tiền trong tài khoản của bạn ở ngân hàng, nhiều tài sản, biệt thự, những điều chúng ta có trở nên các ngẫu tượng làm chúng ta điên đảo sống chết vì chúng, khi tin tưởng được đặt nơi những ngẫu tượng này, chúng ta bị nguyền rủa."

"Hôm nay, trong ngày này của Mùa Chay, chúng ta phải hỏi chính bản thân chúng ta: tôi đặt niềm tin nơi đâu?”

“Ở tận cùng luôn luôn vẫn có một khả năng. Khi con người nhận ra rằng mình đã mất đi căn tính của mình, đã mất tất cả mọi thứ, người ấy vẫn có thể nhìn lên và nói một từ: ‘Cha’ và câu trả lời của Thiên Chúa cũng là một từ: ‘Con!’

Nếu ai trong chúng ta trong cuộc sống này, đặt hết niềm tin vào con người và vào chính bản thân mình, chúng ta sẽ mất danh phận, mất phẩm giá làm Con Thiên Chúa thì vẫn còn có một cơ hội. Cơ hội ấy còn hơn là một phép mầu, đó là hãy kêu lên ‘Cha ơi’. Thiên Chúa luôn luôn chờ đợi chúng ta để mở một cánh cửa mà chúng ta không nhìn thấy và nói với chúng ta ‘Con ta’. Xin Chúa cho chúng ta ân sủng để mỗi người chúng ta biết khôn ngoan mà đặt niềm tín thác nơi Ngài, chỉ nơi Ngài mà thôi."

3. Ơn cứu rỗi không đến từ việc tuân giữ các điều răn nhưng từ thái độ khiêm hạ của chúng ta trước lòng thương xót Chúa

Ơn cứu rỗi của chúng ta không đến từ việc tuân giữ các điều răn, nhưng từ lòng khiêm cung luôn luôn cảm thấy cần phải được chữa lành bởi Thiên Chúa. Đây là thông điệp được Đức Thánh Cha đưa ra trong Thánh Lễ sáng thứ Hai 24 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài giảng Đức Thánh Cha Phanxicô lấy ý từ diễn từ của Chúa Giêsu với dân thành Nazareth: "Không có tiên tri nào được trọng vọng nơi chính quê hương mình". Đó là một nơi Ngài không làm một phép lạ nào bởi vì "họ không có đức tin". Chúa Giêsu nhắc lại hai trình thuật trong Kinh Thánh: phép lạ chữa lành bệnh phong cùi cho ông Naaman, và cuộc gặp gỡ giữa tiên tri Ê-li với bà góa Serapta, người đã chia sẻ miếng bánh cuối cùng của mình và đã được cứu khỏi chết đói.

Đức Thánh Cha giải thích rằng người bị phong cùi và những quả phụ là những người bị ruồng bỏ trong xã hội thời ấy.

Tuy nhiên, hai người bị ruồng bỏ ấy đã chào đón các nhà tiên tri và đã được cứu sống, trong khi những người Nazareth không chấp nhận Chúa Giêsu vì họ cảm thấy đức tin của họ đã mạnh mẽ rồi; họ chắc chắn trung thành tuân giữ những điều răn, và cảm thấy không cần ơn cứu rỗi nào khác.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Bi kịch của việc tuân giữ các điều răn mà không có đức tin là điều này: Tôi tự cứu lấy mình, vì tôi đi đến hội đường mỗi thứ bảy, tôi cố gắng tuân theo các điều răn, tôi không muốn nghe rằng gã cùi kia hoặc bà góa nọ là tốt lành hơn so với tôi! vì họ là những kẻ bị ruồng bỏ! Và Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “nếu anh em không tự đặt mình ra bên lề, nếu anh em không cảm thấy mình là một kẻ bị ruồng bỏ, anh em sẽ không có được cứu rỗi.” Đây là sự khiêm tốn, là con đường của sự khiêm nhường: đó là cảm thấy mình bị gạt ra ngoài lề để thấy cần ơn cứu rỗi của Chúa. Chỉ một mình Ngài cứu chúng ta, chứ không phải công trạng tuân giữ các giới răn của chúng ta. Vì họ không thích nghe như thế nên họ tức giận và muốn giết Ngài.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng ban đầu Naaman cũng cảm thấy tức giận. Ông thấy thật là vô lý và nhục nhã khi tiên tri Elisha bảo ông ngâm mình bảy lần trong nước sông Jordan.

"Chúa yêu cầu nơi ông một cử chỉ khiêm nhường. Ngài đòi hỏi nơi anh ta sự vâng phục như một đứa trẻ, dù là vô lý."

Namman quay đi trong một cơn thịnh nộ, nhưng những bầy tôi của ông đã thuyết phục ông hãy làm những gì vị tiên tri truyền. Thái độ khiêm nhu đã chữa lành ông ta. Đây là thông điệp cho ngày hôm nay - trong tuần thứ ba của Mùa Chay này: Nếu chúng ta muốn được chữa lành, chúng ta phải chọn con đường của sự khiêm cung.

Trong kinh Magnificat, Đức Maria không nói rằng Mẹ hạnh phúc bởi vì Thiên Chúa đã tìm thấy nơi Mẹ đức khiết tịnh, lòng nhân hậu và những nhân đức của mình. Nhưng Chúa đã tìm thấy nơi Mẹ lòng khiêm nhu của người tôi tớ ngài, sự nhỏ bé của Mẹ. Đây là những gì Chúa tìm kiếm. Chúng ta phải chú ý đến điều này và đặt bản thân chúng ta ra bên lề để Chúa có thể thấy chúng ta. Ngài sẽ không tìm chúng ta ở trung tâm của những điều vênh vang xác quyết của chúng ta. Đó không phải là nơi Chúa tìm kiếm. Ngài tìm thấy chúng ta bên lề, giữa những tội lỗi của chúng ta, những sai lầm của chúng ta, giữa ao ước của chúng ta muốn được chữa lành, muốn được cứu rỗi. Đó là nơi Chúa sẽ tìm kiếm chúng ta.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

Đây là con đường của sự khiêm hạ. Khiêm hạ Kitô giáo không hệ tại nơi việc nói oang oang tôi chẳng quan trọng gì đâu trong khi che đậy niềm tự hào của mình. Không, lòng khiêm cung Kitô giáo là nói lên sự thật: “Tôi là kẻ có tội”. Hãy nói sự thật: đây là sự thật của chúng ta. Nhưng còn có một sự thật khác là: Thiên Chúa cứu độ chúng ta. Ngài cứu chúng ta khi chúng ta chơi vơi bên lề, Ngài không cứu chúng ta giữa những tự hào của chúng ta.

4. Ý nghĩa của Mùa Chay

Trong bài giảng Thánh Lễ sáng Thứ Ba 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày về ý nghĩa của Mùa Chay dưới ánh sáng của các bài đọc trong ngày trích từ sách tiên tri Isaiah (1:10,16-20 ) và Tin Mừng Thánh Matthêu (23:1-12).

Mùa Chay là một thời gian để chúng ta đến gần Chúa. Đó là thời gian để "hoán cải". Trong bài đọc thứ nhất Chúa mời gọi chúng ta hoán cải, và điều thú vị là Ngài đã nhắc đến hai thành hoang đàng trác táng là Sôđôma và Gômôra. Và Ngài đưa ra lời mời gọi này: "Hãy hoán cải, thay đổi cuộc sống của anh em, vì Chúa đã gần đến." Ngài giải thích rằng "đây là lời mời gọi của Mùa Chay: Đó là bốn mươi ngày để đến gần Chúa hơn, để được gần gũi hơn với Ngài. Vì tất cả chúng ta cần phải thay đổi cuộc sống của chúng ta."

Có những người thoái thác nói rằng: “Nhưng mà thưa cha, con không phải là kẻ tội lỗi trầm trọng như thế đâu”. Nói như thế thật là vô dụng vì tất cả chúng ta đều có một cái gì đó bên trong và nếu chúng ta nhìn vào tâm hồn mình chúng ta sẽ tìm thấy một cái gì đó không tốt, tất cả chúng ta. Mùa Chay, do đó, nhắc nhở chúng ta sửa đổi cuộc sống của chúng ta, để đưa mọi thứ trở lại đúng trật tự của chúng. Chính xác đó là những gì cho phép chúng ta đến gần hơn với Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ.

Chia sẻ Lời Chúa nói qua tiên tri Isaia, Đức Thánh Cha nói:

“Dù tội lỗi của bạn giống như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết" Với những lời này Chúa muốn nói với chúng ta: "Ta sẽ thay đổi tâm hồn con" Điều Ngài đòi hỏi nơi chúng ta là hãy đến gần Ngài. Ngài là một người Cha đang chờ đợi chúng ta để tha thứ cho chúng ta.

Chúa cũng đưa ra cho chúng ta lời khuyên này: "Đừng như bọn giả hình" Trích dẫn bài Tin Mừng theo Thánh Matthêu được đọc trong ngày, Đức Thánh Cha tiếp: Chúa không muốn thái độ xích lại gần Ngài theo kiểu đạo đức giả. Ngài muốn chúng ta đến gần trong chân thành và sự thật. Những kẻ giả hình làm gì? Chúng che dấu bản thân mình. Ngụy trang chúng là người tốt. Chúng làm cho khuôn mặt của mình giống như một bức tranh thánh thiện: Chúng cầu nguyện ngước mắt lên trời để cho bản thân mình được nhìn thấy, chúng cảm thấy mình công chính hơn những người khác, chúng coi kinh tha nhân. Họ tự hào là người Công Giáo tốt bởi vì họ quen biết nhiều giám mục và Hồng Y.

Đây là thói đạo đức giả và Chúa nói không với nó. Chớ coi ai tự mãn là công chính. Tất cả chúng ta đều cần phải được công chính hóa và Đấng duy nhất công chính hóa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đến gần Ngài: phải tránh đừng đeo những mặt nạ Kitô hữu. Khi vẻ bên ngoài biến mất, thực tế sẽ phơi bày trước ánh sáng và chúng ta thấy rằng họ không phải những Kitô hữu.

Điều cốt lõi là gì? Chính Chúa nói với chúng ta trong bài đọc thứ nhất:

“Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta.

Ðừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.”

Đó là lời mời gọi của Mùa Chay.

5. Cuộc gặp gỡ đích thật với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui.

Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp chúng ta nhìn vào bên trong chính mình để làm nổi lên các nhu cầu tinh thần đích thật nhất, và xin sự trợ giúp của Chúa trong lời cầu nguyện. Giống như trường hợp của người đàn bà xứ Samaria, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 70,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 23 Tháng Ba.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, hôm nay Phúc Âm trình bầy với chúng ta cuộc găp gỡ giữa Chúa Giêsu với người đàn bà xứ Samaria, tại Sicar, gần một cái giếng cổ, nơi bà tới kín nước mỗi ngày. Hôm ấy bà tìm thấy Chúa ngồi đó “mệt mỏi vì đường xa” (Ga 4,6). Người nói ngay với bà: “Xin cho tôi nước uống” (c. 7).

Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa cử chỉ này của Chúa Giêsu như sau:

Trong cách thức này Người thắng vượt các hàng rào thù nghịch đã có giữa người Do thái và người Samaria, và bẻ gẫy các lược đồ thành kiến đối với các phụ nữ. Lời xin đơn sơ của Chúa Giêsu là khởi đầu của một cuộc đối thoại thắng thắn, qua đó với sự tế nhị rất lớn, Chúa Giêsu bước vào trong thế giới nội tâm của một người, mà theo các lược đồ xã hội đáng lý ra Ngài không nên bắt chuyện. Nhưng Chúa Giêsu đã làm điều đó! Ngài không sợ hãi. Khi trông thấy một người, Chúa Giêsu tiến tới, vì Ngài yêu thương. Ngài yêu thương tất cả chúng ta. Ngài không bao giờ dừng lại trước một người vì các thành kiến. Chúa Giêsu đặt để bà trước tình trạng của bà, bằng cách không phán xử bà, nhưng làm cho bà cảm thấy được trân trọng, được chấp nhận, và như thế gợi lên nơi bà ước muốn đi xa hơn cuộc sống nhàm chán thường ngày.

Cái khát của Chúa Giêsu không phải là khát nước, nhưng là khát gặp gỡ một linh hồn đã khô héo. Chúa Giêsu cần gặp người đàn bà xứ Samaria để mở con tim bà ra: Ngài xin bà cho nước uống để minh nhiên cái khát bà có trong chính bà. Người đàn bà bị đánh động bởi cuộc gặp gỡ ấy: bà hỏi Chúa những câu hỏi sâu xa, mà chúng ta tất cả đều có ở trong lòng, mà thường khi chúng ta không biết. Cả chúng ta nữa cũng có biết bao nhiêu câu hỏi, nhưng không tìm ra can đảm để hỏi Chúa Giêsu!

6. Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp chúng ta nhìn vào bên trong chính mình

Giải thích về câu chuyện Chúa Giêsu gặp gỡ người đàn bà xứ Samaria trong bối cảnh của Mùa Chay Đức Thánh Cha nói:

Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp chúng ta nhìn vào bên trong chính mình để làm nổi lên các nhu cầu tinh thần đích thật nhất, và xin sự trợ giúp của Chúa trong lời cầu nguyện. Gương của người đàn bà xứ Samaria mời gọi chúng ta bầy tỏ mình như thế này: “Xin cho con nước sẽ làm cho con hết khát đời đời.” Phúc Âm nói rằng các môn đệ ngạc nhiên khi thấy Thầy mình nói chuyện với người phụ nữ đó. Nhưng Chúa vĩ đại hơn các thành kiến, vì thế Người không sợ hãi dừng lại với người đàn bà xứ Samaria: lòng thương xót lớn hơn thành kiến. Đây là điều chúng ta phải học: lòng thương xót lớn hơn thành kiến. Và Chúa Giêsu thì vô cùng thương xót, vô cùng! Kết qủa cuộc gặp gỡ bên bờ giếng là người đàn bà được biến đổi: bà “bỏ cái vò bà mang tới kín nước lại đó” (c. 28) và chạy vào thành phố kể lại kinh nghiệm ngoại thường của bà. Bà đi kín nước giếng và đã tìm thấy một thứ nước khác, nước hằng sống của lòng thương xót vọt lên từ cuộc sống vĩnh cửu. Bà đã tìm thấy nước, mà bà đã luôn luôn kiếm tìm! Bà chạy vào làng, ngôi làng đã phán xử bà và khước từ bà, và loan báo rằng bà đã gặp Đấng Messia, Đấng Cứu Thế: một người đã thay đội cuộc sống của bà. Bởi vì mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu luôn luôn thay đổi cuộc sống chúng ta. Đó là một bước tiến tới, một bước gần Thiên Chúa hơn. Và như thế mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta. Luôn luôn, luôn luôn là như vậy.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Trong Phúc Âm này chúng ta cũng tìm thấy sự khích lệ “để vò nước của chúng ta lại đó”, nó biểu tượng cho tất cả những gì xem ra quan trọng, nhưng mất giá trị trước tình yêu của Thiên Chúa, đã “được đổ tràn đầy con tim của chúng ta qua Chúa Thánh Thần” (Rm 5,5). Chúng ta được mời gọi tái khám phá ra tầm quan trọng và ý nghĩa của cuộc sống Kitô, đã bắt đầu với Bí tích Rửa Tội và như người đàn bà xứ Samaria, chúng ta được mời gọi làm chứng cho các anh chị em khác. Làm chứng cho cái gì? Niềm vui! Làm chứng cho niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, bởi vì tôi đã nói rằng mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta, và mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta niềm vui, niềm vui đến từ bên trong. Và Chúa là như thế. Và kể lại biết bao điều kỳ diệu mà tình yêu của Người đã thực hiện trong con tim chúng ta, khi chúng ta có can đảm bỏ cái vò của mình sang một bên, để các điều kỳ diệu cuả tình yêu Chúa có thể hoàn thành trong cuộc sống chúng ta.

6. Thánh Monica

Thánh nữ Monica, thân mẫu của thánh Augustinô, sinh năm 332 tại Tagas, Bắc Phi. Thánh nữ được dưỡng dục trong một gia đình Công Giáo đạo hạnh. Chính việc đào luyện nghiêm túc này đã giúp cho Monica có nhiều nghị lực khi kết hôn với Patriciô, một người ngoại đạo. Patriciô rất ngưỡng mộ vợ mình nhưng đã làm cho vợ phải đau khổ nhiều vì những nết xấu của ông: hoang đàng, trác táng và không chung thủy.

Monica đã chịu đựng điều này với lòng kiên nhẫn và ngài đã tha thiết cầu nguyện.

Mãi đến khi Patriciô sắp qua đời, Monica mới nhận thấy những lời cầu xin của ngài được Thiên Chúa đoái nhận. Patriciô chồng ngài đã chấp nhận đức tin Công Giáo vào năm 370. Một năm sau, ông được lãnh bí tích Thanh tẩy ngay trên giường bệnh. Mẹ của Patriciô, tức bà nội của Augustinô, cũng trở thành một Kitô hữu.

Niềm vui của thánh nữ Monica vì người chồng được ơn hoán cải chưa kéo dài được bao lâu thì lại biến thành niềm đau tột độ. Thánh nữ nhận thấy con trai Augustinô của ngài đang sống một cuộc đời ích kỷ và trụy lạc. Cậu thanh niên rất thông minh này đã ngả theo lạc giáo và đang sống một nếp sống vô luân. Monica cầu nguyện, khóc lóc và làm rất nhiều việc đền tội cho người con. Thánh nữ đã xin nhiều linh mục nói chuyện với cậu. Tuy nhiên, Augustinô rất thông minh nhưng cũng rất bướng bỉnh. Cậu không chịu từ bỏ lối sống tội lỗi của mình.

Thế nhưng Monica không sờn lòng nản chí! Khi Augustinô trốn ngài sang Rôma, Monica đã theo sau con mình. Tới Rôma, Monica nhận thấy Augustinô đang dạy học bên thành Milan, Monica lại sang Milan. Và trong tất cả những năm đó, Monica không ngớt cầu nguyện cho Augustinô con trai của ngài. Tình yêu và niềm tin của thánh nữ Monica vĩ đại biết bao! Sau những năm dài cầu nguyện và sống trong nước mắt, rốt cục Augustinô đã được ơn trở lại. Phần thưởng dành cho thánh nữ Monica thật lớn lao! Augustinô không chỉ là một Kitô hữu tốt lành như ước nguyện của Monica, mà ngài còn là một linh mục, một giám mục, một tác giả vĩ đại và là một vị thánh rất mực nổi danh.

Thánh nữ Monica qua đời năm 387 tại Ostia, bên ngoài thành phố Rôma. Augustinô đã ở bên giường thánh nữ lúc ngài về trời.

Hạnh tích sáng ngời của thánh nữ đã khiến Giáo Hội tôn vinh ngài là bổn mạng của các bà mẹ, cách riêng các bà mẹ Công Giáo.

Lời nguyện:

Giữa những nghịch cảnh của cuộc sống gia đình, xin Chúa cho chúng con là những bà mẹ Công Giáo luôn biết siêng năng cầu nguyện.

Ngay cả đôi khi lời cầu nguyện của chúng con xem ra chưa được chấp nhận ngay, xin cho chúng con không sờn lòng nản chí nhưng biết phó thác vào ơn quan phòng của Chúa.

Xin cho chúng con hiểu rằng không phải những lời nói xuông của chúng con nhưng chính là những chứng tá yêu thương của chúng con trong những hy sinh hàng ngày mới đem lại ơn hoán cải cho những người xung quanh chúng con.
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21/03 – 27/3/2014 Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Hoa Kỳ Obama
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:31 27/03/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Hoa Kỳ Obama

Khoảng 10 giờ sáng Thứ Năm 27 tháng Ba, Tổng thống Barack Obama đã đến Vatican giữa các biện pháp bảo vệ an toàn cao độ.

Ông đã được chào đón bởi Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, chủ tịch phủ Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng đã chào đón ông Obama lúc 10:30 Đây là cuộc họp đầu tiên giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng thống Obama.

Năm 2009, ông Obama đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tiếp kiến.

2. Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho các Giám Mục, linh mục và phó tế.

Mưa và gió lạnh đã không ngăn được hàng ngàn khách hành hương tuốn đến Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi triều yết chung hàng tuần. Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

"Tôi có thể thấy rằng anh chị em đang dũng cảm ... giữa một cơn mưa muốn níu kéo anh chị em trở về nhà. Cảm ơn anh chị em. "

Như thường lệ, ngài đã dùng chiếc xe popemobile của mình đi chào thăm các tín hữu trước buổi tiếp kiến chung, ban phép lành và vẫy tay chào tất cả mọi người. Một ban nhạc đã chào đón Đức Thánh Cha khi ngài đi ngang qua.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy giáo lý về Bí tích Truyền Chức. Ngài đặc biệt thúc giục anh chị em tín hữu hãy cầu nguyện sao cho các Giám Mục, linh mục và phó tế có một đời sống cầu nguyện cao độ.

Đức Thánh Cha nói:

“Khi không dưỡng nuôi chức thừa tác với lời cầu nguyện, chức thừa tác giám mục, chức thừa tác linh mục với lời cầu nguyện, với việc lắng nghe Lời Chúa, cử hành Thánh Thể hằng ngày, và lui tới Bí tích Sám Hối một cách cẩn thận và liên lỉ, rốt cuộc người ta đánh mất đi ý nghĩa đích thực của việc phục vụ và niềm vui phát xuất từ sự hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu.

Vị Giám mục mà không cầu nguyện, vị Giám mục mà không cảm thấy và lắng nghe Lời Chúa, không cử hành Thánh Lễ mỗi ngày, và không đi xưng tội đều đặn, và vị linh mục cũng thế nếu không làm các điều này, thì về lâu về dài mất đi sự hiệp thông với Chúa Giêsu và trở thành tầm thường xoàng xĩnh, không tốt cho Giáo Hội. Vì thế chúng ta phải trợ giúp các giám mục, các linh mục cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa là lương thực hằng ngày, cử hành Thánh Lễ mỗi ngày và đi xưng tội thường xuyên. Và điều này quan trọng biết bao nhiêu, bởi vì nó liên quan tới việc thánh hóa các giám mục và các linh mục.”

3. Đức Thánh Cha kêu gọi những người mafia hoán cải

Lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày thứ Sáu 21 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ và cầu nguyện với 700 thân nhân của khoảng 15 ngàn nạn nhân vô tội của tổ chức bất lương mafia ở Italia. Ngài kêu gọi các kẻ bất lương hãy hoán cải.

Hiện diện tại thánh đường thánh Gregorio Đệ Thất, gần Vatican, còn có cha Luigi Ciotti, người sáng lập Tổ chức Libera chuyên phối hợp hoạt động của 1600 hiệp hội, các cơ quan và trường học, các nhóm dấn thân trong cuộc chiến đấu chống mafia, nạn tham ô, và nạn cho vay với lãi xuất cao rất thịnh hành tại Ý.

Cuộc gặp gỡ diễn ra vào áp ngày toàn quốc Italia lần thứ 19 tưởng niệm các nạn nhân vô tội do các tổ chức bất lương mafia gây ra. Sáng kiến này cũng do tổ chức Libera đề xướng.

Lời chào của cha Luigi Ciotti:

Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha đầu buổi cầu nguyện, cha Ciotti nhận xét rằng trong danh sách của hơn 840 nạn nhân vô tội bị các tổ chức mafia sát hại, có khoảng 80 trẻ em, có em chỉ mới 3 tuổi. “Có những người tình cờ có mặt ở nơi xảy ra cuộc chạm súng. Có bao nhiêu người ‘công chính’. Những người ở phía đang tìm kiếm và giúp tìm kiếm sự thật, những người tự do và lương thiện, không để cho mình bị khó khăn khuất phục. Tại Italia, tại Âu Châu và trên thế giới. Sự hiện diện của các thân nhân các nạn nhân từ Mỹ châu la tinh ở đây hôm nay chứng tỏ điều đó.”.

Cha Ciotti cũng nói rằng 'nạn nhân của mafia cũng là những người ‘chết rồi mà đang sống”. Bao nhiêu người bị giết chết trong nội tâm. Bao nhiêu người đã bị mafia tước mất phẩm giá và tự do, những người bị tống tiền hoặc bị áp lực, sợ hãi, nội tâm trống rỗng. Các tổ chức bất lương mafia - tham nhũng, bất hợp pháp - giết chết hy vọng”.

“Vấn đề các băng đảng mafia không phải chỉ là vấn đề tội phạm. Giả sử như thế thì chỉ cần các lực lượng cảnh sát, chỉ cần các quan tòa. Đó là một vấn đề xã hội và văn hóa. Một vấn đề liên hệ tới trách nhiệm công cộng - thường bị thoái hóa thành những quyền lực riêng tư - và trách nhiệm xã hội bị gạt bỏ nhân danh cá nhân chủ nghĩa”.

“Ngày nay hơn bao giờ hết, cần có một bước nhảy cao. Cần có những chính sách xã hội, công ăn việc làm, đầu tư vào học đường. Cần mang lại cho con người hy vọng và phẩm giá. Cần làm sao để chính trị tái phục vụ công ích. Và đặc biệt cần tăng cường việc tịch thu các tài sản của các tổ chức bất lương, sử dụng tài sản nào vào các dịch vụ xã hội, chống lại nạn tội phạm, để hồi sinh về xã hội và văn hóa”.

Tại buổi cầu nguyện, có 45 phút được dành cho việc xướng danh tánh của 842 nạn nhân của các tổ chức bất lương. Và sau bài Tin Mừng về các Mối Phúc Thật, Đức Thánh Cha đã gửi đến mọi người một số suy tư của ngài. Ngài tha thiết kêu gọi những người thuộc các tổ chức bất lương mafia hãy từ bỏ cuộc sống tội ác để tránh bị lên án đời đời:

“Hỡi những người nam nữ mafia, xin hãy vui lòng thay đổi cuộc sống của anh chị em, hãy trở lại và ngưng làm điều ác. Tôi quì gối van xin điều đó và vì thiện ích của chính anh chị em. Cuộc sống mà anh chị em đang làm bây giờ, nó sẽ không mang lại cho anh chị em an lạc, nó không mang cho anh chị em vui mừng, hạnh phúc.. Quyền lực, tiền bạc mà anh chị em có được nhờ bao nhiêu tội ác bẩn thỉu, bao nhiêu tội ác mafia, tiền bạc vấy máu, quyền lực, anh chị em không thể mang những điều đó với mình sang đời sau.. Vẫn còn thời gian để khỏi bị sa hỏa ngục, đang chờ đợi anh chị em nếu anh chị em tiếp tục con đường này. Anh chị em cũng có một người cha, một người mẹ. Hãy nghĩ đến họ, hãy khóc một chút và hoán cải”.

Buổi cầu nguyện kéo dài 1 giờ 30 phút, được xen kẽ giữa những lúc thinh lặng và kinh nguyện được đọc lên, rồi được kết thúc với kinh Lạy Cha và Phép Lành của Đức Thánh Cha.

Giống như các vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhiều lần lên tiếng chống lại các tổ chức bất lương mafia, đặc biệt trong buổi đọc kinh truyền tin trưa ngày 26 tháng Ba năm 2013, tức là hôm sau lễ phong chân phước cho cha Giuseppe Puglisi người đã bị mafia sát hại.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật 26 tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án vụ mafia sát hại em bé Coco mới 3 tuổi, xảy ra vài ngày trước đó, trong khuôn khổ những vụ buôn bán ma túy ở miền Calabria, nam Italia.

Hôm thứ Bẩy 22 tháng Ba, hàng ngàn người đến từ nhiều nơi trên toàn Italia đã tuần hành qua các đường phố ở thành phố Latina, nhân Ngày tưởng niệm các nạn nhân và dấn thân chống mafia lần thứ 19.

4. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp ông Jean Vanier, người sáng lập của L'Arche Foundation

Hôm thứ Sáu 21 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ người sáng lập của L'Arche Foundation, là ông Jean Venier. Từ năm 1964, phong trào đã được thành lập đểbảo vệ - nhân phẩm của những người khuyết tật và giúp tăng cường sự hội nhập của họ trong xã hội.

L'Arche Foundation hiện nay hiện diện trên toàn thế giới. Vì vậy, sau khi nói chuyện với người sáng lập, Đức Thánh Cha đã chào đón các giám đốc miền là những người đang điều hành các trung tâm khác nhau trên toàn cầu.

Dịp này L'Arche Foundation đã tặng Đức Thánh Cha tạp chí “Jesus” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Đức Thánh Cha cũng gặp một trẻ em bị hội chứng Down.

- Con có hạnh phúc khi được ở đây với Đức Thánh Cha Phanxicô không?

- Con có hạnh phúc không?

- Thưa có

- Con hãy tặng Đức Thánh Cha một nụ hôn thay mặt cho tất cả chúng ta đi nào.

L'Arche Foundation cung cấp một loạt các dịch vụ, mọi thứ từ nhà ở cho đến những buổi hội thảo về người khuyết tật.

Năm mươi năm sau khi được thành lập, L'Arche Foundation hiện có 137 trung tâm tại 36 quốc gia. Mỗi ngày L'Arche Foundation chiến đấu chống lại những điều đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả như là thứ "văn hóa loại bỏ” gạt sang ngoài lề những người khuyết tật và tất cả những ai không thể đem lại chút lợi lộc kinh tế nào cho xã hội.

5. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Malta

Hôm thứ Sáu 21 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã tiếp tổng thống nước Cộng hòa Malta, là ông George Abela đến thăm ngài trước khi kết thúc nhiệm kỳ của ông là vị nguyyên thủ của hòn đảo này.

Và mặc dù đó là một chuyến thăm chính thức, tổng thống đã nhân dịp này mang theo đông đảo các con cháu để chúng được dịp gặp gỡ Đức Thánh Cha.

- Đã hai tuần này cháu cứ nói về chuyện sẽ tặng món quà này cho Đức Thánh Cha.

- Ồ vậy sao? Thực sự cho cha hả?

Cháu trai của tổng thống tên là Luca , được bốn tuổi. Bên cạnh đó cũng có một cháu bé đang được bồng trên tay, tên là Matthew . Đức Thánh Cha Phanxicô âu yếm hỏi.

- Cháu được mấy tháng rồi?

- Thưa, chưa đầy hai tháng.

- Chưa đầy hai tháng à!

Trong cuộc họp của hai vị, Đức Giáo Hoàng và Abela đã đề cập đến vấn đề nhập cư, vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong cả nước, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và y tế, cũng như mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Malta.

Đức Thánh Cha Phanxicô không dấu được cảm xúc khi nói lời tạm biệt.

- Cảm ơn chứng tá của tổng thống. Tôi thực sự rất xúc động.

Cháu gái Giorgia May là trung tâm của mọi cái nhìn khi chụp ảnh lưu niệm chính thức. Cháu đã làm tất cả mọi người phải cười .

Tổng thống Malta đã tặng Đức Thánh Cha bức chân dung của Thánh Phanxicô Assisi. Đáp lại Đức Thánh Cha tặng tổng thống một bản sao của Tông Huấn Evagelii Gaudium và một huy chương hình Thánh Martin. Tuy nhiên, món quà chính là niềm vui và nụ cười của con cháu vị Tổng thống.

6. Thư Viện Vatican đã ký thỏa thuận với một công ty kỹ thuật của Nhật để điện toán hoá 82,000 thủ bản của mình.

Thỏa thuận này được công bố trong một buổi họp báo tại Phòng Báo Chí của Tòa Thánh. NTT Data, một công ty cung cấp kỹ thuật cao cấp của Nhật, vốn nổi tiếng xưa nay về tài chuyên môn trong lãnh vực Kỹ Thuật Thông Tin và cơ cấu truyền thông.

Trong số những vị hiện diện tại buổi họp báo, người ta thấy có Đức TGM Jean-Louis Brugues, Dòng Đa Minh trưởng văn khố và là thủ thư của Giáo Hội, Đức Cha Cesare Pasini, trưởng thư viện Vatican, và các ông Toshio Iwamoto cùng Patrizio Mapelli, chủ tịch và tổng giám đốc hai Công Ty NTT Data Corporation và NTT Data EMEA.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho hay: dự án này sẽ bao gồm một giai đoạn khởi đầu kéo dài trong bốn năm nhằm điện toán hóa 3,000 thủ bản. Thông cáo cho hay dự án này có thể được kéo dài qua giai đoạn hai để hoàn tất 82,000 mẫu sưu tập, tổng cộng lên tới 40 triệu trang, hiện đang được lưu giữ tại Thư Viện, có niên biểu từ thế kỷ thứ hai tới thế kỷ thứ hai mươi.

Ông Iwamoto ghi nhận ý nghĩa của việc biến các thủ bản xưa trở thành có thể sử dụng được đối với thế giới, nhất là giới học thuật. Ông cho hay: “Nhờ thế, nhiều nhà nghiên cứu trong các lãnh vực học thuật và trong nhiều ngành kiến thức khác nhau sẽ có khả năng giải thích các thủ bản có giá trị, mà xưa nay họ vốn bị giới hạn, trong hình thức nguyên thủy của nó”.

Một khi được kỹ thuật số hóa, các thủ bản “sẽ được đăng trên trang mạng của Thư Viện Vatican dưới dạng các dữ kiện có độ phân giải cao”.

Theo Anna Forrester, NTT Data đã được chọn để điện toán hóa trong bốn năm 3,000 mẫu sưu tập đang được lưu giữ bao gồm các thủ bản, sách, ảnh in và tranh vẽ, dưới khế ước trị giá 22.6 triệu mỹ kim.

Chủ tịch Toshio Iwamoto của NTT Data cho rằng “Chúng tôi rất vui mừng được dự phần vào sáng kiến lịch sử dẫn đầu bởi Thư Viện Vatican trong việc lưu giữ các kho tàng vô giá của nhân loại”. Thư Viện Vatican hiện lưu giữ khoảng 82,000 mẫu sưu tập gồm trên 41 triệu trang sách.

Thư Viện Vatican chọn NTT Data căn cứ vào việc đánh giá thành tích điện toán hóa của họ tại Thư Viện Quốc Hội Nhật cũng như khả năng và tài nguyên kỹ thuật của họ, trong đó có dịch vụ văn khố kỹ thuật số AMLAD.

Đức Cha Cesare Pasini, quản thủ thư viện Vatican, thì cho hay: “Chúng tôi hân hoan đón nhận sự hợp tác của NTT Data trong việc hỗ trợ những cải tiến thêm cho dự án văn khố hóa theo kỹ thuật số các thủ bản của chúng tôi bằng cách sử dụng các kỹ thuật tân tiến. Khi làm vậy, chúng ta sẽ nuôi dưỡng hơn nữa sứ mệnh bảo tồn các kho tàng của nhân loại này và làm cho chúng được sử dụng rộng rãi và được biết đến nhiều hơn trong một tinh thần đại đồng sâu sắc, trong đó có sự đại đồng về kiến thức và sự đại đồng về hợp tác và thoả hiệp với các định chế và công ty khắp thế giới”.

7. Đức Thánh Cha kêu gọi kiến tạo “môi sinh” trong lãnh vực truyền thông

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các đài phát thanh và truyền hình Công Giáo Italia giúp kiến tạo một “hệ thống môi sinh” trong lãnh vực truyền thông xã hội.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Bẩy 22 tháng Ba dành cho 400 thành viên hiệp hội Corallo qui tụ 212 đài phát thanh và 69 đài truyền hình trên toàn nước Italia. Đây là một hiệp hội được thành lập hồi năm 1981 với mục đích làm điểm tham chiếu cho các đài phát thanh và truyền hình tư nhân có chủ trương tuân theo các nguyên tắc xã hội của Kitô giáo.

Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Anh chị em là tiếng nói của một Giáo Hội không sợ đi vào những sa mạc của con người, gặp gỡ họ, tìm kiếm họ trong những lo âu, ngỡ ngàng lạc hướng, đối thoại với tất cả mọi người, cả với những người xa lìa cộng đoàn Kitô và cảm thấy xa Chúa vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng thực tế, Thiên Chúa không bao giờ xa cách, Ngài luôn ở gần bên!”.

Đức Thánh Cha khích lệ giới truyền thông Công Giáo thuộc hội Corallo hãy chú ý đến những đề tài quan trọng của đời sống cá nhân, gia đình xã hội, bàn về những đề tài ấy không phải theo cách thức tìm những gì là “giật gân”, nhưng trong tinh thần trách nhiệm, chân thành quan tâm đến công ích và sự thật.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói rằng: “Một đóng góp khác anh chị em có thể thực hiện nhờ chất lượng nhân bản và luân lý đạo đức trong công việc của anh chị em, đó là kiến tạo một môi trường sinh thái trong lãnh vực truyền thông, nghĩa là một môi trường biết quân bình hóa giữa sự thinh lặng, lời nói, hình ảnh và tiếng nói, như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã đề nghị. Ngày nay có nhiều ô nhiễm, và có cả những bầu khí ô nhiễm trong lãnh vực truyền thông, dưới nhiều hình thức khác nhau. Dân chúng biết điều đó, nhận thấy thực tại ấy, nhưng rồi họ quen thở hít từ đài phát thanh và truyền hình một thứ không khí bẩn thỉu, gây hại cho con người. Cần truyền đi một bầu không khí trong sạch, mà dân chúng có thể hít thở một cách tự do, mang lại dưỡng khí cho tâm trí và linh hồn”.

8. Đức Thánh Cha lên tiếng chống nạn thất nghiệp

Trong buổi tiếp kiến 7 ngàn người, trong đó có 1,700 công nhân và cựu công nhân thuộc hãng thép ở thành phố Terni sáng 20 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ phê bình hệ thống kinh tế ngày nay không còn khả năng kiến tạo công ăn việc làm nữa.

Buổi tiếp kiến diễn ra nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập xưởng thép ở thành phố Terni, cách Roma khoảng 110 cây số về hướng bắc. Tháp tùng các công nhân viên cũng có Đức Giám Mục và chính quyền địa phương. Hãng này đang bị đe dọa đóng cửa làm cho hàng ngàn người mất công ăn việc làm.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nói: “Đứng trước sự phát triển kinh tế hiện nay và những khó khăn về công ăn việc làm, cần phải tái khẳng định rằng lao công là một thực tại thiết yếu đối với xã hội, gia đình và mỗi cá nhân. Thực vậy, lao công có liên hệ trực tiếp tới con người, tới cuộc sống, tự do và hạnh phúc của họ. Giá trị trước tiên của con người là thiện ích của con người.. Lao công không những có mục tiêu kinh tế và lợi nhuận, nhưng còn có một mục tiêu liên hệ tới con người và nhân phẩm. Nếu thiếu công ăn việc làm thì phẩm giá con người bị thương tổn!”

Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Ai bị thất nghiệp hoặc không đủ việc làm thì có nguy cơ bị đặt ra ngoài lề xã hội, trở thành nạn nhân bị gạt ra ngoài xã hội. Bao nhiêu lần xảy ra là những người không có việc làm - đặc biệt là những người trẻ thất nghiệp ngày nay - họ lâm vào tình trạng nản chí trường kỳ hoặc vô cảm”.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể làm được gì đứng trước tình trạng thất nghiệp rất trầm trọng tại nhiều nước Âu Châu? Đó là hậu quả của một chế độ kinh tế không còn khả năng kiến tạo việc làm, vì đặt nơi trung tâm một thần tượng mà người ta gọi là tiền bạc! Vì thế, các nhân vật chính trị, xã hội, kinh tế được kêu gọi tạo điều kiện để thiết định kinh tế một cách khác, dựa trên công bằng, và tình liên đới để đảm bảo cho mọi người cơ may được có công ăn việc làm xứng đáng.

“Lao công là một thiện ích của tất cả mọi người, và vì thế lao công cũng phải là điều mà mọi người có thể đạt được. Cần phải đối phó với giai đoạn khó khăn nặng nề và thất nghiệp trầm trọng bằng những phương thế có tính chất sáng tạo và liên đới. Óc sáng tạo của các chủ xí nghiệp và các nhà thủ công can đảm, hướng nhìn về tương lai trong sự tín thác và hy vọng. Chính sự liên đới giữa mọi thành phần xã hội, biết từ bỏ một cái gì đó, chấp nhận lối sống điều độ thanh đạm hơn, để giúp những người ở trong tình trạng túng thiếu và khó khăn”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, đừng bao giờ ngừng hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn. Đừng để mình bị cuốn vào cơn lốc bi quan! Nếu mỗi người thi hành phận sự của mình, nếu tất cả đặt con người ở trung tâm, với phẩm giá của họ, nếu thái độ liên đới và chia sẻ huynh đệ được củng cố theo tinh thần Tin Mừng, thì người ta có thể ra khỏi cánh đồng lầy của tình trạng kinh tế và lao công cơ cực và khó khăn”

9. Vị giám mục Dòng Tên, lãnh đạo của cộng đồng Công Giáo “thầm lặng” Trung Quốc qua đời

Đức Giám Mục Giuse Phạm Trung Lương (范忠良, Fan Zhong-liang), Dòng Tên, giám mục Thượng Hải, 96 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục của Cộng đồng Công Giáo “thầm lặng” Trung Quốc, và là người lãnh đạo cộng đồng Công Giáo “thầm lặng” tại Thượng Hải, đã qua đời tại Thượng Hải hôm Chúa Nhật 16 tháng Ba vừa qua, sau một thời gian dài lâm bệnh.

Đức Cha Giuse sinh năm 1918 và được rửa tội lúc 14 tuổi. Ngài được nhận vào nhà tập Dòng Tên Thượng Hải năm 1938, thụ phong linh mục năm 1951. Năm 1955 ngài bị bắt, bị khép vào "tội phản cách mạng" và bị kết án 20 năm tù giam ở tỉnh Thanh Hải. Tuy nhiên đến năm 1979, cha Phạm Trung Lương đã được trả tự do.

Năm 1985, ngài được bí mật tấn phong Giám mục phụ tá giáo phận Thượng Hải. Năm 2000, ngài được Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Thượng hải nhưng không được nhà nước Trung Quốc công nhận. Trong nhiều năm qua Đức Cha Lương bị bệnh mất trí nhớ, sống ẩn dật trong một căn hộ và vẫn bị quản chế.

Sau khi nghe tin Đức Cha Giuse qua đời, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, cũng là một người gốc Thượng Hải đã chia sẻ rằng: “Người tôi tớ trung tín và người mục tử tốt lành này đã hoàn tất 'đường thập giá' của mình và nay trở về nhà Cha. Chúng ta nhớ đến ngài như một mẫu gương và chúng ta chắc chắn rằng từ thiên quốc ngài sẽ bảo vệ đoàn chiên của mình”.

Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc có khoảng 8 – 12 triệu tín hữu và bị phân chia thành 2 cộng đồng. Cộng đồng thứ nhất được nhà nước công nhận và do Hội Công Giáo yêu nước lãnh đạo. Hội Công Giáo yêu nước này tự ý bổ nhiệm giám mục mà không có phép của Tòa Thánh. Cộng đồng thứ hai không được nhà nước công nhận và thường được gọi là cộng đồng “thầm lặng” hoặc cộng đồng “hầm trú”. Các giám mục thuộc cộng đồng “thầm lặng” được Tòa Thánh bổ nhiệm nhưng không được nhà nước công nhận. Các ngài thường bị bắt bớ, quản thúc và không được phép thi hành sứ vụ giám mục.

Giáo Hội Công Giáo tại Thượng Hải cũng có hai cộng đồng: cộng đồng "công khai" và cộng đồng "thầm lặng". Cả hai cộng đồng này có khoảng 150.000 tín hữu với hơn 100 linh mục.

Trước khi Đức Cha Aloysius Kim Lỗ Hiền, Dòng Tên, giám mục giáo phận Thượng Hải, qua đời năm 2013, ngài đã truyền chức giám mục cho Đức Cha Tađêô Mã Đạt Khâm (được cả Vatican và nhà nước Trung Quốc công nhận) để kế nhiệm ngài chăm sóc giáo phận. Tuy nhiên, Đức Giám Mục Mã Đạt Khâm đã bị chính quyền quản thúc tại gia từ khi ngài công khai tuyên bố rút khỏi Hội Công Giáo Yêu nước, ngay sau khi được tấn phong giám mục vào ngày 07 tháng 07 năm 2012.

10. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ y tế

Trong buổi tiếp kiến sáng thứ Hai 24 tháng Ba dành cho Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, Đức Thánh Cha đề cao cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu như “trường học lớn nhất dành cho những ai dấn thân phục vụ anh chị em bệnh nhân và người đau khổ”.

80 tham dự viên, gồm các Hồng Y, Giám Mục, linh mục và nhiều chuyên gia cố vấn tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế về đề tài “Làm điều thiện với đau khổ và làm điều thiện cho người đau khổ”, một câu trích tứ Tông thư Salvifici doloris, Khổ đau cứu độ, của Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 (n.30), công bố cách đây 30 năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng: “Thực sự là cả trong đau khổ, không ai bị đơn độc, vì Thiên Chúa trong tình yêu thương từ bi của Ngài đối với con người và thế giới đã ấp ủ cả những hoàn cảnh vô nhân đạo nhất, trong đó hình ảnh của Đấng Tạo Hóa hiện diện nơi mỗi người bị lu mờ hoặc biến dạng. Chúa Giêsu cũng chịu như thế trong cuộc khổ nạn. Nơi Chúa, mọi đau khổ, lo âu đau đớn của con người được đón nhận với lòng yêu mến, với ý muốn được gần gũi và ở với chúng ta. Chính nơi đây, trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, có trường học lớn nhất đối với bất kỳ người nào muốn dấn thân tận tụy phục vụ anh chị em bệnh nhân và ngừơi đau khổ”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Kinh nghiệm về sự chia sẻ huynh đệ với người đau khổ mở cho chúng ta vẻ đẹp đích thực của cuộc sống con người, trong đó có bao gồm cả sự dòn mỏng. Khi bảo vệ và thăng tiến sự sống con người, ở bất kỳ giai đoạn và thân phận nào, chúng ta có thể nhận ra phẩm giá và giá trị của mỗi người, từ lúc mới được thụ thai cho đến lúc chết”.

11. Đức Thánh Cha lên tiếng chống nạn thất nghiệp

Trong buổi tiếp kiến 7 ngàn người, trong đó có 1,700 công nhân và cựu công nhân thuộc hãng thép ở thành phố Terni sáng 20 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ phê bình hệ thống kinh tế ngày nay không còn khả năng kiến tạo công ăn việc làm nữa.

Buổi tiếp kiến diễn ra nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập xưởng thép ở thành phố Terni, cách Roma khoảng 110 cây số về hướng bắc. Tháp tùng các công nhân viên cũng có Đức Giám Mục và chính quyền địa phương. Hãng này đang bị đe dọa đóng cửa làm cho hàng ngàn người mất công ăn việc làm.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nói:

12. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp ông Jean Vanier, người sáng lập của L'Arche Foundation

Hôm thứ Sáu 21 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ người sáng lập của L'Arche Foundation, là ông Jean Venier. Từ năm 1964, phong trào đã được thành lập để bảo vệ - nhân phẩm của những người khuyết tật và giúp tăng cường sự hội nhập của họ trong xã hội.

L'Arche Foundation hiện nay hiện diện trên toàn thế giới. Vì vậy, sau khi nói chuyện với người sáng lập, Đức Thánh Cha đã chào đón các giám đốc miền là những người đang điều hành các trung tâm khác nhau trên toàn cầu.

Dịp này L'Arche Foundation đã tặng Đức Thánh Cha tạp chí “Jesus” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

13. Ý Cầu Nguyện của Đức Thánh Cha trong Tháng Tư

Kính thưa quý vị và anh chị em

Trong tháng Tư, Ý chung, Đức Thánh Cha cầu cho các nhà cầm quyền thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo vệ và phân phối đồng đều các của cải và những tài nguyên thiên nhiên.

Ý truyền giáo: Cầu xin Chúa Kitô Phục Sinh ban dồi dào niềm hy vọng trong tâm hồn cho tất cả mọi người đang gặp thử thách vì đau khổ và bệnh tật.

14. Đức Thánh Cha công bố ngày hoà giải

Sau buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố ngày 29 và 30 tháng Ba này sẽ là ngày dành “24 giờ cho Chúa”, trong đó mọi người có thể tìm được cơ hội đặc biệt để cầu nguyện và tham dự bí tích hòa giải.

Đức Thánh Cha giải thích với anh chị em tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô rằng: “Thứ Sáu và thứ Bẩy tới, chúng ta sẽ sống một thời khắc thống hối đặc biệt, gọi là ‘24 giờ dành cho Chúa’. Ngày này sẽ bắt đầu bằng một cử hành phụng vụ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào chiều thứ Sáu, rồi đến tối và đêm, một số nhà thờ trong trung tâm Rôma sẽ được mở cửa để các tín hữu cầu nguyện và xưng tội.

15. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Nigeria

Sáng thứ Hai 24 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã tiếp tổng thống Nigeria, ông Goodluck Jonathan. Trong cuộc họp, tổng thống Nigeria đã cảm ơn Đức Thánh Cha vì những đóng góp của Giáo Hội cho đất nước, đặc biệt là trong việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Hai nhà lãnh đạo đã nói về tự do tôn giáo, và lên án tất cả các hình thức bạo lực. Hai vị cũng nói lên mong muốn được thấy sự chung sống hoà bình trở lại trong nước.

Trong hơn hai năm, Nigeria đã - bị tấn công liên tục bởi nhóm khủng bố Boko Haram, một tổ chức có quan hệ chặt chẽ với Al -Qaeda. Nhóm này tìm cách áp đặt Luật Shar'ia tại nửa phía bắc của quốc gia châu Phi này. Các cuộc tấn công của họ đã cướp đi mạng sống của hàng ngàn Kitô hữu và người Hồi giáo.

Tổng thống Nigeria đã tặng Đức Giáo Hoàng một miếng vải thêu, trong khi đó Đức Thánh Cha Phanxicô tặng tổng thống một huy chương triều đại Giáo Hoàng của ngài.

16. Tân tổng quyền dòng Salêsiêng

Ngày 25 tháng 3 năm 2014: Tổng Tu Nghị thứ 27 vừa bầu linh mục Ángel Fernández Artime, Bề Trên Giám Tỉnh vùng Nam Á Căn Đình, làm Tân Tổng Quyền Dòng Salêsiêng Don Bosco. Tính đến nay, Ngài là vị thứ 10 kế nhiệm Thánh Gioan Bosco.

Ngài đắc cử ngay ở vòng bầu đầu tiên vào hồi 10:20 sáng. Toàn thể cử tọa đã đáp lại lời công bố chính thức kết quả này bằng một tràng pháo tay dài và nồng nhiệt.

Linh mục Ángel Fernández Artime, 53 tuổi, sinh ngày 21 tháng 8 năm 1960 tại Gozón-Luanco, Tây Ban Nha, thụ phong linh mục ngày 4 tháng 7 năm 1987.

Xuất thân từ Tỉnh Dòng León,Ngài đã giữ các chức vụ như Ủy viên đặc trách Mục Vụ Giới Trẻ, Giám Đốc trường Ourense, thành viên Ban Cố Vấn Tỉnh và Phó Giám Tỉnh. Ngài giữ chức vụ Giám Tỉnh León từ năm 2000 đến 2006.

Ngài đã là thành viên ủy ban kỹ thuật chuẩn bị Tổng Tu Nghị thứ 26. Năm 2009, Ngài được chỉ định làm Giám Tỉnh vùng Nam Á Căn Đình. Với chức vụ này, Ngài đã rất quen thuộc và làm việc với Đức Tổng Giám Mục Buenos Aires, tức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, nay là đương kim Giáo Hoàng Phanxicô.

Ngài có bằng Tiến Sĩ Thần Học Mục Vụ và Thạc Sĩ Triết Học và Sư Phạm.

Này 23 tháng 12 năm 2013, Ngài được chỉ định làm Giám Tỉnh tân tỉnh dòng Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu tại Tây Ban Nha. Chức vụ này sẽ không thực hiện được vì nay Ngài đã trở thành người Cha của toàn thể Đại Gia Đình Salêdiêng.

17. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng Giám mục Guinea Conakry

Sáng thứ Hai 24 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 3 Giám Mục nước Guinea Conakry và ngài khích lệ Giáo Hội địa phương kiên cường trước công tác truyền giáo mênh mông, đoàn kết và làm chứng tá cho các giá trị Tin Mừng bằng chính cuộc sống.

Guinea Conakry ở miền tây Phi châu, rộng gần bằng 2 phần 3 Việt Nam với gần 250 ngàn cây số vuông. Trong số 10 triệu rưỡi dân cư nước này, có tới 85% là tín hữu Hồi giáo, và chỉ có 250 ngàn tín hữu Công Giáo. Tình trạng đa thê là vấn đề phổ biến nhất tại quốc gia này.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đề cao một người con nổi bật của Giáo Hội Guinea đang phục vụ tại Tòa Thánh là Đức Hồng Y Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm. Ngài cũng nói rằng:

“Nhìn dưới con mắt con người, những phương diện truyền giáo của Giáo Hội anh em không có gì đáng kể, nhưng thay vì nản chí anh em không bao giờ được quên rằng việc loan báo Tin Mừng là công trình của chính Chúa Giêsu, vượt lên trên tất cả những gì chúng ta có thể khám phá và hiểu (Xc Evangelii Gaudium, n.12)... Tuy nhiên để Tin Mừng đánh động và hoán cải các tâm hồn trong chiều sâu, chúng ta phải nhớ rằng chỉ khi nào hiệp nhất trong tình yêu thương thì chúng ta mới có thể làm chứng về chân lý của Tin Mừng như lời Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: ‘Ước gì chúng nên một để thế gian tin’ (Ga 17,21)... Những bất hòa giữa các tín hữu Kitô là chướng ngại lớn nhất cản trở việc loan báo Tin Mừng. Chia rẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của những nhóm lợi dụng sự nghèo đói và dễ tin của dân chúng để đề nghị cho họ những giải pháp dễ dàng, nhưng là ảo tưởng, đối với các vấn đề của họ”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Trong một thế giới bị thương tổn vì các cuộc xung đột bộ tộc, chính trị và tôn giáo, các cộng đoàn của chúng ta phải có đặc tính huynh đệ đích thực và được hòa giải, điều này luôn luôn là một ánh sáng thu hút” (Evangelii Gaudium, n.100)... Để việc loan báo Tin Mừng mang lại thành quả, toàn thể cuộc sống của chúng ta phải phù hợp với Tin Mừng mà chúng ta loan báo”.

Đức Thánh Cha không quên ca ngợi sự sống động trong đời sống của các giáo phận ở Guinea Conakry về nhiều phương diện, đặc biệt là sự dấn thân của các giáo lý viên trong việc mục vụ.

18. Lễ Truyền Tin tại Vatican

Trong Thánh Lễ Truyền Tin hôm 25 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô nói sự vâng phục của Đức Trinh Nữ Maria tháo gỡ gút mắc gây ra bởi sự bất tuân phục của Adam .

Tội lỗi của Adam là kết quả của niềm tự hào, và Mẹ Maria cho thấy nơi Mẹ hòan toàn không có tội kiêu ngạo đó. Đức Thánh Cha nói rằng thách đố cam go đối với các tín hữu là phải chiến đấu chống lại niềm tự hào.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng phụng vụ trong ngày lễ này hướng dẫn chúng ta dọc theo con đường phục hồi, khích lệ sự vâng phục và lòng khiêm cung trước Lời Chúa.

Ơn cứu rỗi không thể mua bán. Đó là một ân sủng được trao ban cho chúng ta cách nhưng không. Chúng ta không thể tự cứu độ chính bản thân chúng ta: Ơn cứu rỗi là một hồng ân nhưng không và để nhận hồng ân đó, chúng ta phải chuẩn bị đón nhận, và khiêm tốn nhìn nhận rằng đó không phải là vì những công đức của riêng của chúng ta.

Tâm tình thích hợp trong ngày lễ này là sự đơn sơ và khiêm nhường. Và chúng ta hãy nói: “Tạ ơn Chúa, vì hôm nay Chúa nói với chúng con rằng Chúa đã ban cho chúng con ơn cứu rỗi ."