Ngày 27-03-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:00 27/03/2009
N2T


121. Khi vui vẻ thì con người thường cám ơn Thiên Chúa, nhưng khi gặp đau khổ thì chỉ có người công chính mới biết cảm tạ. Khi đau khổ mà tự trong lòng nói một câu cảm tạ Thiên Chúa, thì càng làm cho Thiên Chúa ưa thích, hơn là nói cả vạn câu cám ơn khi vui vẻ.

(Thánh John Vianney)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:02 27/03/2009
N2T


66. Vận may không phải hoàn toàn không có cơ hội gặp, mà là một thứ lựa chọn. Chúng ta không nên kỳ vọng an bài vận may, nhưng cần phải hoàn toàn dựa vào nổ lực của chính mình để sáng tạo vận may.

 
Hạt Lúa Mì!
Lm Nguyễn Hữu Thy
04:37 27/03/2009
Chúa Nhật V Mùa Chay: (Ga 12,20-33)

Ðầu bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến một cử chỉ lịch thiệp. Ðó là lúc những người Hy-lạp, vì muốn tìm hiểu ý nghĩa tôn giáo của người Do-thái trong ngày đại lễ thờ kính Thiên Chúa chân thật, đã đến Giê-ru-sa-lem và hòa mình vào trong cộng đoàn đang cùng dâng lễ.

Bây giờ họ muốn được tiếp cận với Ðức Giêsu, nhưng lại do dự không dám trực tiếp thưa chuyện với Người, mặc dù chắc chắn rằng Ðức Giêsu cũng hiểu ngôn ngữ Hy-lạp của họ. Vì thế họ đã nhờ các Tông đồ làm môi giới. Tất cả đã đến cùng Ðức Giêsu và thưa Người: «Thưa Thầy, các người Hy-lạp đây muốn gặp Thầy».

Sự phản ứng của Ðức Giêsu đã làm mọi người phải sửng sốt. Người nó: «Ðã đến giờ Con người được tôn vinh!» Nhưng điều đó có nghĩa là gì?

Sự «được tôn vinh» ở đây được dựa trên ba lý do:

1. Ðức Giêsu được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, và không chỉ nơi người Do-thái, nhưng cả nơi mọi dân tộc, bắt đầu từ người Hy-lạp.

2. Nhưng trước khi Ðức Giêsu được nhìn nhận như thế, Người phải chịu chết đã. Ðối với Ðức Giêsu, sự chết là một sự tôn vinh, vì Người đã giữ vững lòng trung thành tuyệt đối với Chúa Cha vượt sang cả bên kia biên giới sự chết nữa.

3. Sau khi phục sinh khải hoàn từ cõi chết, Người được đón rước vào trong vinh quang của Chúa Cha và được đặt làm vua cả trời đất.

Theo quan điểm của Phúc Âm Gioan, cả ba ý nghĩa của sự tôn vinh này đều có tương quan chặt chẽ vào nhau. Chính sự tương quan chặt chẽ đó đã giúp chúng ta hiểu được những lời tiếp theo của Chúa. Tuy nhiên, ở đây nhiều bản dịch tiếng Việt có thể gây ra sự khó hiểu, nếu không nói là sự hiểu lầm, nhất là câu: «Ai yêu quí mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường (có nơi dịch là ghét) mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời» (Ga 12,25). Phải chăng chúng ta cần phải ghét bỏ hay khinh thường sự hiện hữu của mình trên cõi đời này, chứ không được phép yêu quí nó? Không, dĩ nhiên là không. Chắc chắn rằng Ðức Giêsu không hề nghĩ như thế. Nếu ai nghĩ như vậy thì không còn là người tín hữu bình thường nữa, nhưng là một người bệnh hoạn; không phải là người đạo đức, nhưng là người vô ơn. Trái lại, câu nói của Chúa chỉ muốn nói đến một sự dính bén thái quá vào cuộc sống hưởng thụ, hay vào chính cả cuộc sống, một cách nô lệ, và sao nhãng hay bỏ quên những giá trị cao cả siêu việt, dù trong phạm vi trọng đại hay trong phạm vi bình thường quen thuộc.

Ở đây, vấn đề được đề cập tới là thái độ phải quyết định: Hoặc thế này hoặc thế kia, hoặc chọn điều này và bỏ điều kia, hay ngược lại; nghĩa là thái độ phải dứt khoát chọn lựa làm nhân chứng cho một điều cao cả trọng đại và đương nhiên qua đó phải hy sinh điều này và được lợi lộc điều nọ, được lợi lộc đàng này nhưng lại phải hy sinh đàng kia, vâng, có thể là cả chính mạng sống mình nữa! Trong những trường hợp như thế thì định luật được áp dụng là: Nếu ai trong trường hợp còn hồ nghi và thiếu rõ ràng mà coi trọng ước vọng sống cũng như ước vọng hạnh phúc của mình hơn cả Giới răn Thiên Chúa, người đó tự đánh mất ý nghĩa sâu xa nhất và đánh mất cả chính cái thực thể của cuộc sống mình. Dĩ nhiên đó là một sự thật chua chát! Và chính vì thế Ðức Giêsu đã nói với tất cả những người đang trong tình trạng tương tự về hạt lúa mì: «Nếu hạt lúa không được gieo vào lòng đất và chết đi, nó sẽ chỉ trơ trơ một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ sinh ra nhiều hoa trái». Ðó là một lời nói mà Người đã nói ra như để an ủi chính mình và tiếp đến là để an ủi các môn đệ của Người, những người rồi đây cũng sẽ đi trên con đường Người sắp phải đi qua, và cuối cùng là để an ủi tất cả những ai trong suốt dòng thời gian sẽ phải đứng trước một tình huống như Người, là phải chọn lựa giữa sự trung thành với sứ vụ được Thiên Chúa giao phó hay sự sống của mình.

Chúng ta thử đưa mắt nhìn vào thiên nhiên: Tất cả mọi hoa trái do mẹ đất sinh ra thật xinh đẹp tốt tươi, nhưng chúng cũng phải chết đi, phải tự giải thể chính mình để sinh sôi nẩy nở nhiều hoa trái mới khác, vì tất cả chúng đều mang trong mình hạt mầm sinh trưởng hàng ngàn vạn hạt lúa mì khác. Vậy, tuy mỗi hạt lúa mì là cả một sản phẩm kỳ diệu của thiên nhiên, nó không được phép trơ trơ tồn tại cho chính mình. Sứ mệnh của nó là khi đến phiên, nó cần phải chết đi để nhiều vô số hạt lúa mì khác có cơ hội sinh ra, và sau đó chính những hạt lúa mì này lại tiếp tục chết đi để sản xuất ra nhiều gấp bội các hạt lúa mì khác nữa. Và cái chu kỳ «chết đi và biến đổi» này cứ lại phải bắt đầu mãi. Ðó chính là biện chứng của hạt lúa mì! Ðó chính là luật lệ của thiên nhiên! Tất cả mọi người - dù Do-thái, Hy-lạp, hay bất cứ ai biết suy nghĩ - đều có thể hiểu được điều đó.

Luật thiên nhiên đó cũng được áp dụng cho con người. Chúng ta có thể bảo vệ được một phần lớn cho mạng sống của mình trước các nguy hiểm đang đe dọa. Nhưng trước sự chết, trước cái hạn định mà Tạo Hóa đã đặt ra cho chúng ta được sống trên cõi đời này, một thứ hạn định chúng ta không được phép biết và nó sẽ đến rất nhanh trong bất cứ lúc nào và đồng thời sẽ mang theo tất cả, chúng ta không thể bảo vệ cho mình được. Vì thế, nếu ai vẫn cố tình dùng hết mọi khả năng để tìm cách chạy trốn hay tránh né luật thiên nhiên này, người đó chỉ bít kín chính mình và làm hại cuộc sống mình. Ðiều đó thường xảy ra trong cuộc sống thường nhật và nó càng trở nên hiển nhiên hơn trong khi đòi phải có một quyết định có liên quan đến toàn diện cuộc sống.

Ðó là sự thật! Khi điệu ra đứng trước vành móng ngựa của tòa án nhân dân trong chế độ Ðức Quốc Xã, cha Delp đã có thể được thả tự do ngay, nếu như ngài chỉ đồng ý bỏ Dòng và không làm việc cho một nước Ðức khác với nước Ðức quân phiệt nữa. Nhưng vị Linh mục can trường đã từ chối điều đó và đã bị treo cổ. Hoặc như Ðức Cha Romeo ở San Salvador chỉ cần làm thinh trước sự bóc lột và đàn áp những người công nhân nghèo khổ, thì ngài đã không bị những viên đạn của nhóm người quyền hành Schwadronen sát hại ngay lúc ngài đang dâng lễ trên bàn thờ. Vâng, chúng ta còn có thể trưng dẫn biết bao nhân chứng khác cho chân lý này: Trong cuộc sống con người còn có điều cao cả siêu việt hơn sự nghỉ ngơi và sự sống cá nhân riêng tư của mỗi người.

Dĩ nhiên những chứng nhân can trường đó không tự đi tìm kiếm cho mình sự tử đạo hay cái chết như thế, bởi vì các ngài không phải là những kẻ quá khích ham chết, muốn dùng cái chết của mình để càng gây thêm hận thù và quá khích. Không! Các ngài là những con người hiền hòa, yêu quí cuộc sống, đồng thời các ngài cũng là những con người không sợ hãi lùi bước trước mọi nguy hiểm đến tính mạng. Những hoạt động và những gì các ngài làm đều mang lại hoa trái phong phú cho nhân loại, cho một cuộc sống có nhân bản và có phẩm giá hơn. Chính vì thế, những sức mạnh của sự dữ đã tìm cách diệt trừ họ. Tuy nhiên cái chết của các ngài càng làm cho các hoạt động của mình thêm phong phú hơn nữa. Nếu các ngài đã muốn tránh né cái chết, đã muốn cứu sống chính mình, có lẽ hoa quả của các hoạt động của các ngài chẳng những chỉ bé nhỏ tầm thường, nhưng nội tâm của các ngài cũng rất có thể đã bị bất an. Nhưng giờ đây gương hạnh can đảm của các ngài đã sáng chói, được tôn vinh và nhất là đã động viên và khích lệ được bao người khác.

Nói tóm lại, trước hết hạt lúa mì phải được gieo vào lòng đất mẹ và chết đi để có thể trở nên phong phú hơn. Vâng, trước hết Ðức Giêsu phải bị giết đi, hầu tất cả thế gian có thể nhìn thấy được sự vinh quang của Người, sự cả sáng của các thương tích Người. Khắp nơi trên thế giới con người đã học hiểu được chân lý đó. Khắp nơi trên thế giới con người đều nhìn thấy được sự chết và sự phục hồi sự sống trong thiên nhiên như là hình ảnh về sự chết và sự sống lại của những ai thuộc về Thiên Chúa. Có biết bao người tuy không phải là Kitô hữu cũng đã hiểu thấu được điều đó.

Nhưng ở đây một vấn nạn được đặt ra là trong một thời đại không phải sống dưới chế độ vật chất vô thần, nhưng dưới chế độ hưởng thụ vật chất thái quá, liệu tất cả những người Kitô hữu chúng ta còn hiểu được luật về sự hạt lúa mì nữa hay không?
 
Luật của Tình Yêu
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
04:39 27/03/2009
Chúa Nhật V Mùa Chay

“Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng, Lề luật của Ta” ( Gr 31, ). Chắc hẳn Lề luật mà Thiên Chúa muốn khắc ghi vào tâm khảm dân của Người chính là Luật của tình yêu. Sau này chính Con Một Người nhập thể đã khẳng định rằng mọi lề luật và lời ngôn sứ gồm tóm trong điều này là anh em hãy làm cho tha nhân những gì anh em muốn tha nhân làm cho mình. ( x. Mt 7,12 )

Một trong những khao khát đượm tình hiện sinh của con người đó là được sống và sống mãi. Cái khát vọng này như đã trở thành vô vọng với cả những người quyền cao chức trọng, với các vua chúa xưa nay. Sở dĩ nó đã trở thành vô vọng, vì người ta quá băn khoăn về cuộc sống đời này trong sự vị kỷ. “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” ( Ga 12, ). Sự coi thường ở đây không phải là thái độ lơ là, vô trách nhiệm, mà là một sự hiến mình vì tha nhân trong tình yêu.

Quy luật của tình yêu đã được thánh Phanxicô Axidi phác họa trong lời kinh hoà bình: Chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính khi quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chắc hẳn thánh nhân thuộc nằm lòng lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Thật, Thầy bảo thật với anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” ( Ga 12,24 ).

Đã là quy luật thì có tính khách quan cần phải tuân thủ. Để tuân thủ quy luật nào đó thì trước hết phải nhận biết nó. Thế nhưng không phải mọi quy luật đều hiện hữu cách minh nhiên dễ thấy, dễ nhận ra mà có thể nói là trái lại. Định luật vạn vật hấp dẫn đã có từ khi vũ trụ hình thành thế mà đến cuối thế kỷ XVII Isaac Newton mới phát hiện. Việc khám phá định luật này là kết quả của một quá trình nghiên cứu mà việc thấy quả táo rơi chỉ là điểm khởi đầu. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã khẳng định: “Dầu là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục…” ( Dt 5,9 ), nói đúng hơn, đó là Chúa Giêsu đã trải qua nhiều đau khổ mới học biết thế nào là yêu thương.

Yêu thương không hẳn là cho đi những gì mình có. Với quyền năng của Đấng tạo thành, có từ đời đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô có thể biểu lộ tình yêu bằng việc cung cấp lương thực cho con người. Người cũng đã biểu lộ tình yêu bằng việc giáng phúc thi ân chữa lành bệnh tật, cho người què được đi, người mù được thấy người điếc được nghe… Người cũng đã biểu lộ tình yêu khi làm chủ thiên nhiên hay làm chủ cả quỷ thần. Người lại đã từng biểu lộ tình yêu khi làm cho một số người sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, khi chỉ cho đi những gì mình có bằng khả năng và quyền hạn của mình thì cũng chưa hẳn đã là yêu đến cùng.

Yêu thương cách đích thực là cho đi những gì mình là. Phút giây nhập thể trong cung lòng mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự nguyện cho đi thân phận của một vị Thiên Chúa. Lời đáp ca trong Thánh Lễ Truyền Tin, nói đúng hơn là Thánh Lễ mừng mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể: “ Hy sinh và lễ vật, thì Chúa chẳng ưng, này Con xin đến để thực thi ý Người” ( x. Tv 40 ). Suốt ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nỗ lực không ngừng cho đi cái thân phận của Đấng Thiên Sai mang dáng dấp thế trần, theo quan niệm của nhiều người bấy giờ, dĩ nhiên trong đó có các môn đệ thân tín. Vì yêu thương Chúa Giêsu đã đau xót đến tột độ đến nỗi mồ hôi tuôn ra pha lẫn máu trong vườn cây dầu, để rồi cho đi thân phận một con người, thân phận của vị vua trên các vua và cả thân phận Con Thiên Chúa của mình khi chịu cái án bất công và cái chết nhục nhả trên thập giá. “ Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào !” ( Mt 27,40 ). “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi !”( Lc 23,37 ). Chúa Giêsu vẫn ở trên thập giá cho đến hơi thở cuối cùng.

Mất những tất cả gì mình có, thật đau xót, nhưng dẫu sao vẫn còn chính mình. Mất tất cả những gì mình là, đúng là một điều tồi tệ, vì chẳng còn gì, ngay cả bản thân. Thế nhưng khi cái điều tồi tệ ấy được thực hiện bằng sự ý thức và tự do vì hạnh phúc của tha nhân, thì nó trở thành tiền đề cho tiến trình yêu thương và phát triển. Khi bị mục nát đi, chẳng còn là hạt lúa thì cây lúa mọc lên và các gié lúa trĩu hạt hình thành.

Đã yêu là phải tuân thủ quy luật của tình yêu. Để biết được quy luật thì phải học hỏi, tìm tòi. Học mà thôi, vẫn chưa đủ, cần phải tập luyện liên lỉ. Có đau đớn và cũng có xót xa. Có xao xuyến và cũng có hy sinh. Nhưng không thể không tập luyện. Để được sống và sống dồi dào, để sinh được hoa trái và hoa trái tồn tại, khởi đầu xin hãy tập cho đi những gì mình có và tiến dần đến chỗ trao ban những gì mình là, vì người mình yêu, vì người yêu mình, vì cả người ghét mình và kẻ bách hại mình.
 
Tòa án lương tâm
An Mai
06:01 27/03/2009
TOÀ ÁN LƯƠNG TÂM

Ai đã từng sống vùng biển sẽ cảm thấy khó chịu của buổi trưa nóng bức như thế nào. Cái nóng ấy càng tăng nhiệt khi đương đầu với chuyện phân định đất đai. Vào cái buổi trưa nóng bức của Chúa nhật IV mùa Chay sau thánh lễ, sau mục vụ giáo lý lẽ ra được nghỉ ngơi nhưng các cha và một số giáo dân lại phải “dính” vào phần đất đang bị lấn chiếm trước nhà thờ.

Để đưa ra lời chứng cho phần đất đang bị lấn đấy Cha đặc trách đã mời người đứng ra mua đất cho nhà thờ về. Người lấn đất thì lại theo cái lý của mình rằng là đất của tôi mua thế nào tôi xây thế ấy ! Theo lẽ thường, ai cũng muốn công bằng, ai cũng muốn chân lý nhưng sự thật nó đâu có như người ta muốn.

Sau một hồi nghe người đại diện của mình nói và nghe người đang lấn đất nói, bỗng nhiên Cha đặc trách “phán” một câu: “Thôi ! Tuỳ chị ! Cứ theo lương tâm mà chị làm !”. Sau câu nói ấy, Ngài trở về với căn phòng nhỏ trong Giáo điểm của mình.

Vâng ! Cha đặc trách có lối nhìn, lối suy nghĩ và có cái lập trường của Ngài. Đất đai đang bị lấn chiếm ấy không phải của Ngài cũng chẳng phải của tôi hay là của một ai đó nhưng là tài sản của Giáo Hội. Chẳng cần phải giải thích nhiều. Tài sản của Giáo hội dùng để phục vụ cho các công việc mục vụ, phục vụ cho mục đích rao giảng Tin mừng, phục vụ cho ơn cứu độ của Chúa. Và bất cứ ai lấn chiếm hay cướp đất ấy thì chẳng có toà án nào khác ngoài toà án lương tâm mới phán quyết được hành vi của người lấn chiếm.

Biết bao nhiêu vụ án người ta đã tráo trở, đã thay trắng đổi đen, người ta đã gian xảo cạo sửa giấy tờ để giành phần thắng cho mình. Phải đau lòng để mà nói rằng có tiền, có quyền là có tất cả trong những xã hội không có công lý, không có sự thật.

Lật lại lịch sử mà xem, ai ai cũng thấy rõ thực chất “vụ án Giêsu” là gì ? Là công lý, là sự thật, là lương tâm bị bóp méo. Nếu con người ta sống đúng sự thật, sống đúng công lý và Philatô ngày xưa có một chút lương tâm trong sáng thì sẽ không có bản an cho Giêsu thành Nagiaret xưa. Những người cầm quyền trị nước thời Chúa Giêsu đã không còn lương tâm hay tiếng nói lương tâm trong lòng họ đã tắt để rồi một con người vô tội như Giêsu ấy đã phải chết và chết một cách nhục hình.

Gần hơn một chút, nhớ lại một phiên toà tại Napôli vào thế kỷ 19, một Anphongsô với đầy đủ lý chứng trong tay, sự thật và với tài năng của mình nhưng cuối cùng Anphongsô đã thua cuộc. Không thể tin vào toà án của con người, không tin vào con người gian dối nữa Anphongsô bèn chạy đến với Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi để dâng thanh gươm của nghề luật sư của mình. Bi đát với sự giả trá của con người, sự vô lương của con người, Anphongsô phải thốt lên một câu: “Thế gian ơi ! Ta biết mi rồi !”

Cuối cùng, Anphongsô đã bỏ cái nghề bênh vực cho công lý, cho sự thật để đi theo Đấng Chân Thật thật sự. Theo con người mãi cũng mệt vì con người cư xử với nhau không còn chút lương tâm của con người. Thôi thì theo Chúa cho ăn chắc. Cuối cùng, phần thưởng của Đấng Chân Thật dành cho Anphongsô thật mỹ mãn.

Ngay trong hiện tại, ngày 27 tháng 3 năm 2009, toà án phúc thẩm xét xử 8 bị cáo gọi là “gây rối trật tự xã hội” một lần nữa sẽ ra hầu toà. Chưa biết kết cục ra sao nhưng ngay từ ban đầu, những người có thẩm quyền trong vụ xét xử cư xử làm sao ấy. Luật sư bào chữa cho các bị cáo và thậm chí gia đình của luật sư cũng bị quấy nhiễu. 8 bị cáo cũng như gia đình của 8 bị cáo cũng chẳng được yên thân. Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mà 8 bị cáo hay lui tới hay các mục tử phụ trách ở đó có được yên thân đâu, cứ đến Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và gia đình của 8 bị cáo thực hư sẽ rõ. Nói chung là tất cả những ai liên can đến “vụ án giáo xứ Thái Hà” đều được “chăm sóc một cách đặc biệt”.

Nếu thật sự người ta sống theo sự thật, sống theo lương tâm thì chắc chắn những chuyện đàn áp, những chuyện giam giữ, những chuyện khủng bố sẽ không có.

Phiên toà hôm nay xét xử, dù người ta có lập luận như thế nào đi chăng nữa nhưng nếu người ta không dùng tiếng nói lương tâm của mình ra xét xử thì cũng như không.

Nhớ lại cách đây ít năm. Một người ăn cắp 2 con vịt ở An Khánh - Quận 2, bị xử phạt 5 năm tù giam, còn một người khác “vô ý gây thiệt hại tài sản Nhà Nước” hết 5 tỷ mà bị xử phạt 2 năm tù treo. Sự mâu thuẫn này đã được báo chí kêu rêu nhưng cuối cùng người thấp cổ bé họng vẫn chịu thiệt.

Toà gì thì toà không bằng toà lương tâm. Đáng tiếc thay tiếng nói lương tâm nó nằm trong đáy lòng của con người mà nó nằm trong đáy lòng để rồi người ta hay quên hay là giấu thật kỹ khi xét xử anh chị em đồng loại. Khi con người đánh mất lương tâm thì chẳng còn gì để mà bàn, để mà nói nữa.

Sách Giáo lý Công Giáo số 1776 dạy rằng: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo. Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người... Quả thật, con người có một lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người... lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ”

Và Giáo lý Công Giáo số 1777, 1778 dạy thêm:

Lương tâm hiện diện trong lòng người và ra lệnh (x. Rm 2, 14-16 ) đúng lúc cho con người làm lành lánh dữ. Lương tâm phán đoán các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành lựa chọn tốt, tố giác lựa chọn xấu (x. Rm 1, 32 ). Lương tâm chứng nhận thế giá của chân lý bằng cách quy chiếu về Thiên Chúa là sự thiện tối thượng, Đấng thu hút và ban mệnh lệnh cho con người. Khi nghe theo tiếng lương tâm, người khôn ngoan có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình. (1777)

Lương tâm là một phán quyết của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu. Trong lời nói và hành động, con người phải trung thành tuân theo điều mình biết là chính đáng và ngay lành. Nhờ phán quyết của lương tâm, con người ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa.

“Lương tâm là một lề luật của tinh thần con người, nhưng vượt trên con người. Lương tâm ra lệnh, nêu lên trách nhiệm và bổn phận, điều chúng ta phải sợ và điều có thể hy vọng. .. Lương tâm là sứ giả của Đấng nói với chúng ta sau một bức màn, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta, trong thế giới tự nhiên cũng như trong thế giới ân sủng. Lương tâm là vị đại diện thứ nhất trong các đại diện của Đức Ki-tô” (Newman, thư gởi quận công Norfolk ) (1778)

Để kết thúc phần lương tâm, Giáo hội mời gọi mỗi người: Mỗi người phải quay về với nội tâm, để có thể nghe được và tuân theo tiếng lương tâm. Ngày nay, việc quay về với nội tâm càng cần thiết hơn bao giờ hết, vì nếp sống hiện đại thường làm chúng ta trốn tránh suy nghĩ, kiểm điểm hay phản tỉnh: “Anh em hãy quay về tự vấn lương tâm. .. Hãy quay về với nội tâm. Trong mọi sự anh em làm, hãy nhìn lên Thiên Chúa, Người chứng giám cho anh em”. (T. Âu-tinh, thư Gio-an 8,9)

Tự muôn đời, người theo Chúa – theo Chân Lý – theo Ánh Sáng – theo Sự Thật – theo Lương tâm luôn bị xử ép, luôn bị chà đạp và thậm chí bị giết như Thầy Chí Thánh. Thế nhưng, như Chúa Giêsu đã nói: “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục” (Mt 10, 28). Những môn đệ theo Chúa thật sự thì chẳng sợ kẻ giết thân xác như Thầy Chí Thánh đã nói.
 
Sống và trở nên người loan báo hy vọng
+Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên
06:04 27/03/2009
SỐNG VÀ TRỞ NÊN NGƯỜI LOAN BÁO HY VỌNG

Ngày Giới trẻ thế giới lần thứ 24 – Lễ Lá 2009

Theo quy định từ thời Đức Gioan Phaolô II, ngày Lễ Lá hằng năm là ngày Giới trẻ thế giới được tổ chức ở cấp Giáo phận. Trong Sứ điệp ngày Giới Trẻ thế giới lần thứ 24 này, Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XVI mời gọi các bạn trẻ trên toàn thế giới hãy sống niềm hy vọng trong cuộc sống cụ thể và hãy trở nên những người loan truyền niềm hy vọng cho thời đại hôm nay. Chủ đề của ngày Giới trẻ thế giới do Đức Thánh Cha chọn, trích từ thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi ông Ti-mô-thê: “Chúng ta đã đặt hy vọng nơi Thiên Chúa Hằng Sống” ( 1 Tm 4,10).

Tuổi trẻ là tuổi của niềm hy vọng, vì nơi giới trẻ, mỗi người đều ôm ấp những hoài bão về một tương lai tốt đẹp trong mọi lãnh vực. Thế hệ trẻ luôn thao thức tìm ra ý nghĩa cuộc đời cũng như những giá trị căn bản của cuộc sống. Chính họ là những người đang tạo dựng tương lai tiền đồ cho dân tộc và Giáo Hội.

Đối diện với nhiều thách đố hôm nay trong lãnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo, gia đình, nghề nghiệp… có nhiều bạn trẻ đã đánh mất niềm tin. Khi không tìm được việc làm, khi đổ vỡ trong tình yêu hôn nhân, họ không còn hy vọng ở tương lai. Có nhiều bạn trẻ đã để mình buông xuôi theo những trào lưu sống thiếu lành mạnh, không phù hợp với luân lý Công giáo. Nhiều người đã tìm “lối thoát” nơi ma tuý, rượu chè, bài bạc và mọi tệ nạn khác. Họ nghĩ rằng những phương tiện giải sầu đó sẽ giúp họ quên đi những thất bại phũ phàng của cuộc sống. Tuy vậy, thực tế cho thấy họ không thể tìm được lối giải thoát đích thực bằng con đường này. Càng dấn sâu, họ càng vùng vẫy để tìm thoát ra mà không được. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xã hội là ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến cái chết. Nhận định về những vấn đề này, Đức Thánh Cha gọi đó là cuộc khủng hoảng niềm hy vọng.

Con người không thể tìm được hạnh phúc trong những đam mê trần tục, mà họ phải tìm hạnh phúc đích thực nơi Thiên Chúa. Chính Ngài là cơ sở để chúng ta hy vọng. Niềm hy vọng nơi Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vươn lên giữa bao thử thách của cuộc đời. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng bao trùm toàn thể vũ trụ mới có thể trao tặng chúng ta niềm hy vọng lớn lao mà chúng ta không thể tự mình đạt tới. Hành trình cuộc đời chính là hành trình đi tìm kiếm Chúa, trong niềm hy vọng được gặp Ngài là nguồn mạch hạnh phúc bất tận.

Nhân ngày Giới trẻ thế giới lần thứ 24 này, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ cùng chiêm ngắm chàng thanh niên Phaolô. Đang khi hung hăng tàn sát các Kitô hữu, ông đã được gặp Chúa và đã trở nên Tông đồ của các dân ngoại. Thánh Phaolô đã sống niềm hy vọng mặc dù trải qua lao tù, thử thách, chống đối. Ngài đã”đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa hằng sống” (1 Tm 4,10). Đức Kitô đã trở nên lẽ sống, niềm hy vọng và nghị lực tông đồ đối với Thánh Phaolô. Tất cả những khó khăn khác, Ngài dễ dàng vượt qua để gắn bó với Đức Giêsu và loan báo Người cho muôn dân.

Để giúp các bạn trẻ sống niềm hy vọng, Đức Thánh Cha đã đưa ra những đề nghị cụ thể như chuyên tâm cầu nguyện; tham gia mọi sinh hoạt phụng vụ giáo xứ; đọc và suy gẫm Lời Chúa; lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, vì Bí tích Thánh Thể là cao điểm và trọng tâm đối với đời sống và sứ vụ của mọi cá nhân cũng như cộng đoàn Kitô hữu.

Cùng với lời mời gọi các bạn trẻ sống niềm hy vọng để nên hoàn thiện theo giáo huấn Tin Mừng, Đức Thánh Cha còn mong ước mỗi bạn trẻ hãy trở thành người loan truyền niềm hy vọng cho tha nhân. Giữa một xã hội còn phổ biến những tiêu cực, bi quan, chán nản, các bạn trẻ Công giáo cần sống như ánh sáng, như men và như muối để góp phần thánh hóa môi trường xã hội mình đang sống, “Thà thắp lên một ánh sáng, tuy nhỏ nhoi, còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”. Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta:”Nếu Chúa Giêsu đã trở nên niềm hy vọng của các bạn, hãy truyền thông điều ấy cho người khác với niềm vui và những ràng buộc tâm linh, tông đồ và xã hội của các bạn. Hãy để cho Đức Kitô ngự trong các bạn, và một khi đã đặt tất cả đức tin và lòng tín thác vào Người, hãy truyền bá niềm hy vọng này chung quanh các bạn. Hãy có những chọn lựa chứng tỏ đức tin của các bạn. Hãy cho người ta thấy rằng các bạn hiểu nguy cơ của việc thần tượng hóa tiền bạc, của cải vật chất, nghề nghiệp và thành công, và đừng để cho mình bị lôi cuốn bởi những ảo ảnh này”.

Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta hãy nghe lời mời gọi của Vị Cha Chung để sống niềm hy vọng trong cuộc sống cụ thể hôm nay. Đối với nhiều trường hợp, sống niềm hy vọng Kitô giáo có thể trở nên “bất bình thường” trong quan niệm của những người xung quanh, hoặc có thể trở thành mục tiêu phê phán. Sống niềm hy vọng Kitô giáo đôi khi là chấp nhận lội ngược dòng giữa những trào lưu của số đông hiện tại. Phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá giới thiệu với chúng ta Đức Giêsu tự nguyện chấp nhận đau khổ và đã trở nên đối tượng cho người đời mỉa mai, bĩu môi, lắc đầu (x. Tv 21, Đáp ca Lễ Lá). Tuy vậy, Thập giá, nơi Đức Giêsu đã chịu treo lên và chịu chết, đã trở thành biểu tượng của tình yêu, của sự hy sinh và vâng lời. Cái chết của Người đã trở nên ơn cứu độ cho chúng ta.

Mến chúc các bạn được tràn đầy ơn Chúa nhân ngày Giới trẻ thế giới năm 2009 này. Xin Chúa cho mỗi người trẻ chúng ta trở thành những tông đồ nhiệt thành loan báo niềm hy vọng trong cuộc sống hôm nay.

+Giu-se Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng
Đặc trách Mục vụ Giới trẻ – HĐGM Việt Nam
 
Sống Đẹp Giữa Đời
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
08:35 27/03/2009
Sống Đẹp Giữa Đời

Người xưa thường đề cao lối sống của người quân tử. Người quân tử thấy chuyện bất bình thường ra tay cứu giúp. Người quân tử luôn sống hào hiệp, sống vì đại nghĩa nên hy sinh bản thân. Thế nhưng, con người ngày nay lại an phận thủ thường. Người ta ngại hy sinh cho người khác. Người ta sợ “mang hoạ vào thân”. Người ta tìm an nhàn cho bản thân nên chẳng dại gì “ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng”. Xem ra lối sống của người quân tử thấy chuyện bất bình ra tay giúp đỡ chỉ còn trên trang giấy học trò. Lối sống ấy đã mất dần trong thời đại hôm nay.

Có một người cha tình cờ trông thấy hai cậu học trò đánh nhau. Chung quanh là một đám đông đang la hét, động viên cho hai người đánh nhau. Ông buồn vì không ai can ngăn. Ông càng buồn hơn khi thấy trộn lẫn trong đám đông có cả cậu con trai của ông. Ông quá xấu hổ và kết luận rằng:”Ngày xưa khi thấy bạn bè đánh nhau, người ta thường khuyên can cho nhau. Ngày xưa khi thấy chuyện bất bình, người ta thường lăn xả để hoà giải cho nhau, nhưng xem ra hôm nay, ít ai dám can thiệp vào chuyện người khác. Ít ai dám xông pha để bảo vệ kẻ yếu đang bị ức hiếp. Người ta ngại dấn thân vào chuyện của người khác. Xem ra con người ngày nay thường có xu hướng ích kỷ, chỉ lo cho bản thân mình nhiều hơn là cho đồng loại. Con người ngày nay thích an nhàn nên ngại hy sinh”.

Thế mà, hôm nay Chúa Giê-su lại bảo: “kẻ nào giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai chịu chịu từ bỏ cuối cùng sẽ được lại”. Đó là chân lý, là định luật tất yếu của cuộc đời. Nếu thế giới này không có những con người dám quên đi bản thân thì làm sao có những phát minh khoa học, làm sao có những kỳ quan để lại cho đời sau? Có lẽ thế giới hôm nay sẽ thiệt hại biết bao, nếu không có những người dám quên đi sự an nhàn cá nhân, sự yên vui vị kỷ, những lợi lộc cá nhân để sống vỉ lợi ích tha nhân! Thế giới này đang mắc nợ những con người đã tận tuỵ làm việc quên mình để xây dựng thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Thế giới hôm nay rất cần những con người quân tử để cuộc đời được phong phú và yên vui hơn.

Chính Chúa Giê-su, Ngài đã sống điều đó. Ngài đã đi qua đau khổ để tiến tới vinh quang. Ngài đã trở nên bất diệt khi Ngài trở thành hạt lúa chịu nghiền nát để trổ sinh muôn vàn bông lúa. Ngài đã trở nên vĩ đại khi Ngài dám chết vì bạn hữu. Thực vậy, người vĩ đại trong cuộc đời chúng ta không phải là những người nổi tiếng, không phải là các ngôi sao điện ảnh hay ca nhạc mà là chính những người đang hy sinh vì chúng ta. Họ là những người cha “chân lấm tay bùn” đang đổ mồ hôi nơi nương đồng, đang miệt mài nơi công trường. Họ là những người mẹ đang lặn lội ngược xuôi nơi bến chợ, đang hao gầy vì đàn con. Họ là những người anh, người chị đang bôn ba đó đây để bòn nhặt từng đồng tiền để phụ giúp gia đình. Đó là những con người cao cả, là những hạt lúa miến đang chịu nghiền nát vì tha nhân để trở thành tấm bánh cho anh em. Đó là những con người dám quên đi niềm vui riêng của bản thân để lo cái lo của đồng loại, để sống có ích cho tha nhân.

Nhưng thật đáng tiếc! Ý niệm phục vụ tha nhân. Ý niệm sống vì người khác đang mất dần trong thế giới hôm nay. Người ta đang lo cho bản thân. Người ta đang chạy theo danh lợi thú để thoả mãn nhu cầu của chính mình. Có mấy ai dám quên mình để sống cho thân nhân? Có mấy ai chịu nghiền nát đời mình để đem lại niềm vui cho tha nhân?

Thiết tưởng, mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống cao đẹp hơn. Hãy hy sinh niềm vui của mình, những đam mê sở thích của mình để đem lại niềm vui cho những người chúng ta yêu mến. Thiết tưởng mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống đúng với phẩm giá làm người của mình là biết sống vì hạnh phúc tha nhân. Chúa đã ạo dựng Eva vì niềm vui của Adam. Chúa cũng tạo dựng chúng ta vì niềm vui của thân nhân. Xin Chúa là Đấng đã chết cho người mình yêu, giúp chúng ta biết quảng đại hy sinh để kiến tạo niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Amen
 
Giờ đã điểm
Lm Vũđình Tường
12:47 27/03/2009
Mỗi ngày có điểm nhiều giờ khắc khác nhau. Khi giờ đã điểm coi như sự việc đã bắt đầu. Nếu chưa sẵn sàng coi như bị trễ. Phải đợi dịp khác. Trường hợp là chuyến xe cuối cùng trong ngày thì việc đợi chờ trước đây kể như công cốc, không ích lợi gì. Đã không được như ý lại gặp rắc rối, phiền muộn, lo lắng. Học sinh và công nhân có kinh nghiệm trễ chuyến xe đầu này sẽ bị trễ chuyến xe đầu kia và coi như trễ học, trễ làm ngày hôm đó. Giờ khắc ở các thời điểm khác nhau, khung cảnh khác nhau nhưng lại liên quan chặt chẽ với nhau. Ảnh hưởng giây chuyền từ việc này sang việc khác. Mốc thời gian đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt thường ngày. Ngày nào nhiều hẹn ngày đó có nhiều lo lắng. Nếu không đúng hẹn này sẽ trễ hẹn kia. Trễ hẹn gây phiền cho mình và khó cho người.

Thái độ

Cứ xem cách người ta chuẩn bị giữ hẹn đủ biết người đó coi trọng hay coi nhẹ cuộc hẹn. Nếu coi trọng thì lo lắng bằng mọi cách đến đúng giờ. Lỡ trễ một chút họ vội vã ra mặt, thôi thúc bước cho nhanh để trễ ít chừng nào hay chừng đó. Thái độ dửng dưng giữ hẹn cho biết thiếu sốt sắng tham dự. Đúng giờ cũng được mà có trễ ít nhiều cũng không sao. Miễn có mặt kể như đã hoàn thành cuộc hẹn. Thái độ này thể hiện cách sống đạo của một số Kitô hữu. Thánh lễ đã bắt đầu mà vẫn bình tĩnh thư thả, không tỏ vẻ quan tâm. Trái lại rất sốt sắng ra về cuối thánh lễ là một thói quen xấu dẫn đến hiểu lầm tai hại. Lần nào đi trễ về sớm cũng có lí do chính đáng. Viện dẫn lí do giải thích không phải là tình yêu chân chính. Thái độ sốt sắng hoặc lạnh nhạt biểu lộ cuộc sống nội tâm.

Chuẩn bị

Chuẩn bị giữ đúng hẹn chiếm một địa vị khá quan trọng trong đời Đức Kitô. Ngài chuẩn bị không phải riêng cho mình mà chuẩn bị để làm Vinh Danh Chúa Cha. Lúc nào Ngài cũng sẵn sàng làm Vinh Danh Chúa Cha, không từ nan. Càng gần giờ làm Vinh Danh Cha, Đức Kitô càng lo nhiều. Là Con Thiên Chúa Ngài sẵn sàng làm theo ý Chúa Cha, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng chịu chết. Là con người Ngài rất lo sợ. Lo sợ vì giờ đang đến là giờ của đau khổ, giờ uống chén đắng, của hành hình. Đau khổ thân xác, đau đớn tâm thần trước khi chịu khổ hình, đóng đanh thập tự. Ngài diễn tả tâm trạng này qua câu

Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến Gn 12,27.

Khi đau khổ ai cũng cần an ủi. Đức Kitô cũng thế, cần được an ủi. Ngài nhận lời an ủi từ Chúa Cha và Ngài tự an ủi mình. Để bớt lo lắng, phiền muộn Đức Kitô dùng hình ảnh hạt lúa mì rơi xuống đất nhắc nhở cái chết của Ngài là cần thiết. Ngài chết mang lại hoa trái- ơn tái sinh, sự sống trường sinh cho nhân loại- dồi dào như hạt lúa mì chết trong lòng đất.

Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà nó không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.Gn 12,24

Thời điểm Ngài được giương cao lên là cần thiết để

Tôn vinh Danh Chúa Cha

Để ‘tôi kéo mọi người lên với tôi’. Gn 12,32.


Đức Kitô chết làm tròn hai sứ mạng được Chúa Cha trao phó. Một là làm Vinh Danh Chúa Cha; hai là mang lại ơn cứu độ cho những ai tin vào Thiên Chúa.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Trong dấn thân hy sinh
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:25 27/03/2009
Trong dấn thân hy sinh

Ở vùng đồng quê cấy trồng lúa mạ, hay gieo trồng rau cây ăn trái, hay trồng bông hoa ngoài vườn, đều cần hạt giống hay cây rễ giống.

Hạt giống là căn bản cho mọi loài thảo mộc cây cối mọc lên, cùng cho giống loại của loài thảo mọc được tiếp tục duy trì tồn tại, như Thiên Chúa đã dựng nên ngay từ thuở tạo dựng nên trời đất ( St 1, 11-13).

Như thế, trong nhân lõi trung tâm của hạt giống, dù rất nhỏ bé như hạt lúa, hạt cải, chứa đựng tiềm ẩn mầm sự sống. Mầm sự sống đó nẩy sinh phát triển khi hạt giống được gieo chôn vùi dưới đất, và vỏ bao bọc hạt giống tan vỡ mục tan.

Hình ảnh này không chỉ là qúa trình nẩy sinh phát triển sự sống nơi loài cây cối thảo mộc bông hoa ngoài thiên nhiên, nhưng còn trong đời sống con người nữa.

Ở điểm nào?

Nói đến sự sống, ai cũng yêu mến qúy trọng, ai cũng ra công gắng sức bảo vệ chăm sóc, và cùng muốn làm sao cho sự sống được nối tiếp.

Xưa nay cha mẹ nào từ khi thành lập gia đình với nhau, đều mong muốn có con, đều yêu mến qúi trọng con mình, và đều muốn con lớn lên khoẻ mạnh rồi lại có gia đình có con tiếp nối. Có thế cây gia phả dòng tộc từ đời này tiếp nối sang đời kia cứ tiếp tục mọc thêm cành lá thêm ra.

Như thế, cây đời trước để lại hạt giống sự sống cho cây đời sau mọc lên tiếp. Như nơi cây hoa Hướng Dương, lúc bông hoa của nó nở bung to và các hạt trong hoa chín, các con chim đến mổ ăn vương vãi khắp nơi, đang khi cây Hướng Dương héo tàn úa và chết đi. Hạt bay rơi xuống nền đất, nằm yên đó lẫn trong đất. Đến mùa mưa nắng năm sau, hạt bắt đầu tan mục và mầm sự sống bung phát triển lên thành cây hoa Hướng Dương mới.

Ở nơi con người qúa trình tiếp nối sự sống thì không như thế. Không có cha mẹ nào phải chết đi về phần thân xác, rồi sự sống người con mới thành hình. Cha mẹ không là người tạo dựng nên sự sống của con mình. Nhưng sự sống đó Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã cấy gieo trong máu mủ nơi thân xác của người cha cùng người mẹ.

Cha mẹ là người đón nhận sự sống con mình do dòng máu mủ Thiên Chúa đã tạo dựng cấy trồng trong thân thể mình. Khi sự sống người con thành hình ra đời, lúc này cha mẹ phải sống dấn thân hy sinh liên tục nuôi dưỡng chăm sóc cho sự sống người con lớn lên.

Nhiều cha mẹ đã hao mòn sức khoẻ thân xác và cả tinh thần suốt thời kỳ con còn thơ bé, vì sống dấn thân hy sinh nuôi con. Và cả khi sau này con lớn lên thành người trưởng thành, cha mẹ cũng chưa hết lo lắng hy sinh cho con.

Nhiều cha mẹ trẻ đã nói lên tâm sự: „Chúng tôi sức khoẻ yếu đi hay gìa đi nhiều không hẳn do tuổi nhiều thêm, hay kém vẻ đẹp xuân xanh ngày trước, cũng vì ngày đêm lo lắng chăm sóc cho con! Nhưng đổi lại gia đình có niềm vui hạnh phúc, đời sống vợ chồng mới đầy đủ ý nghĩa như lòng mong ước khấn nguyện. Và sự sống gia đình như dòng nước trong lòng sông được nối tiếp chảy đều!“

Cha mẹ hay người có trách nhiệm nuôi dạy có dấn thân hy sinh, sự sống của con người kế tiếp mới phát triển nẩy nở đầy đủ được.

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt giống lúa mì gieo rơi xuống đất tan rã mục nát và sau cùng mọc lên cây lúa mới khác, để nói về sự hy sinh dấn thân đến chết trên thấp giá của Ngài ( Ga 12,25). Sự hy sinh chết của Ngài là mầm phát sinh sự sống ơn cứu rỗi cho linh hồn con người.

Sự hy sinh chết đi của Ngài, như hạt lúa mì mục nát tan biến đi nẩy sinh cây lúa mì mới, là sự chia sẻ với đời sống con người phải đau khổ và sau cùng phải chết. Nhưng sự hy sinh chết của Ngài không tan biến rơi vào hư vô hay nằm yên trong một chỗ, mà phát sinh sự sống lại do Thiên Chúa tác động ban cho mọi con người trần thế.

Sự hy sinh dấn thân đến chết của Ngài nẩy sinh sự sống mới, như hạt giống cây bông hoa, cây lúa mục nát chết đi để sự sống giống loài cây được tiếp tục, nói lên hình ảnh Thiên Chúa là sự sống nơi con người, mà họ đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, được duy trì nối tiếp cho không bị mai một tan biến vì tội lỗi sự dữ.

Qúa trình biến chuyển nẩy sinh sự sống nơi thiên nhiên cây cỏ cũng như nơi đời sống con người cùng và cả trong lãnh vực tinh thần đạo giáo niềm tin đều phải trải qua bước dấn thân hy sinh.

Trong dấn thân hy sinh nẩy mầm sự sống vươn lên.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:39 27/03/2009
TRẦM MẶC

N2T


Đại sư thường nói, duy chỉ có trầm mặc mới có thể làm cho người ta ngấm ngầm đổi thay.

Nhưng ông ta từ trước đến nay không giải thích cái trầm mặc ấy là gì. Nếu có người hỏi thì ông ta chỉ cười cười, và lấy ngón tay trỏ áp sát lên cái miệng im lặng của ông ta, khiến cho đầu óc các đệ tử thêm rối.

Một ngày nọ, có người hỏi: “Con người ta phải như thế nào mới đạt tới biên giới trầm mặc như ngài nói ?” lúc đó ông ta mới tiết lộ một chút thiên cơ.

Đại sư nói cách đơn giản, khiến cho các đệ tử không thể không quan sát sắc mặt của ông ta, coi ông ta có nói đùa không. Nhưng ông ta như một quyển kinh nói: “Bất luận là con ở đâu thì phải nhìn tỉ mỉ, dù cho ngoại giới hoàn toàn không là một vật; nghe thật tỉ mỉ, dù cho ngoại giới yên lặng không âm thanh.”

Suy tư:

Trầm mặc để suy tư những việc mà bình thường không thể hiếu thấu; trầm mặc để cầu nguyện và đối thoại với Đấng vô hình nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện giữa cuộc đời; trầm mặc là thinh lặng hai mắt nhắm lại để cho tâm trí sáng ra và thấy được mình, biết được người...

Trầm mặc là cái neo níu giữ không cho tính khí của mình long đong trên biển cả vật chất và tham vọng, do đó mà các thánh nhân thường trấm mặc để thấy được ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Trầm mặc không phải là ngủ, nhưng là thức.

Trầm mặc không phải là yếu đuối, nhưng mạnh mẽ.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:41 27/03/2009
CHỦ NHẬT 5 MÙA CHAY

Tin Mừng: Ga 12, 20-33.

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”


Bạn thân mến,

Hạt lúa mà Chúa Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay là ám chỉ về Ngài, bị chôn vùi trong lòng đất ba ngày rồi vụt vươn lên sống lại, và trở thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại tội lỗi. Trong niềm tin xác tín ấy, tôi xin chia sẻ với bạn ba hạt lúa tốt được gieo vào trong thế gian:

1. Chúa Giê-su là hạt lúa được Chúa Cha đem từ trời xuống gieo vào lòng thế giới, không phải để làm kiểng cho đẹp, nhưng là để trở thành cây lúa tốt tươi nặng trĩu những bông lúa tốt, để không những trở thành lương thực nuôi sống linh hồn của những kẻ tin vào Ngài, mà còn là lương thực nuôi sống phần xác của họ nữa.

Chúa Giê-su –hạt lúa bởi trời- đã chịu nhiều đau khổ trong tâm hồn, bởi những người vỗ ngực tự hào mình là con cái của Thiên Chúa, nhưng lại ghét ghen với người nhân danh Thiên Chúa mà đến, họ chính là những thầy thông luật, những người biệt phái và kinh sư tước cao trọng vọng giữa dân Do Thái; và chính Chúa Giê-su cũng bị những đòn voi roi vọt đánh vào nơi thân xác của mình, cũng bởi những người vì kiêu ngạo mà coi sĩ diện lớn hơn cả lề luật của Thiên Chúa. Và cuối cùng chính Ngài đã bị chết và chôn trong huyệt đá ba ngày thì sống lại, và trở nên nguồn ơn cứu độ cho những kẻ tin vào Ngài...

2. Hội Thánh là hạt lúa được gieo giữa lòng đời, không phải do con người gieo vãi, nhưng là do chính Chúa Giê-su chọn hạt giống và gieo xuống đất, cũng như tất cả hạt giống lúa giống khác, Hội Thánh cũng đã bị phong ba bảo táp thù trong giặc ngoài, mà nếu không phải do bàn tay của Chúa Giê-su gieo trồng, thì chắc chắn Hội Thánh sẽ bị khai tử ngay từ những giây phút đầu tiên khi nằm trong lòng đất là thế gian.

Nhưng Hội Thánh là hạt lúa đã lớn lên và trưởng thành trong đau khổ và thử thách, nhờ đó mà nảy sinh nhiều vô số những kẻ tin vào Chúa Giê-su và được cứu độ. Chính vì được Chúa Giê-su gieo xuống đất và được Chúa Thánh Thần chăm sóc và lãnh đạo, nên qua mọi thời đại, Hội Thánh vẫn cứ mãi sống động và tồn tại cho đến khi Chúa Giê-su lại đến trong vinh quang.

3. Mỗi một người Ki-tô hữu là một hạt lúa được gieo vào giữa xã hội trong môi trường sống của mình, cũng như Chúa Giê-su, người Ki-tô hữu cũng bị thế gian chê cười và cho là dại dột vì đã tin vào Đấng bị treo trần truồng trên thập giá, nhưng giữa những chống đối tứ bề ấy, người Ki-tô hữu vẫn luôn là hạt lúa tốt tươi, làm cho người khác phải nhìn nhận sức sống từ nơi con người của họ. Mặc cho những bất công đè nặng trên con người của họ, họ vẫn cứ mãi là hạt lúa tốt được gieo vào lòng đất là xã hội, để rồi qua lời nói và việc làm của họ mà người ta nhận ra được Thiên Chúa là tình yêu đang hiện diện nơi con người của họ.

Bạn thân mến,

Chính bạn là hạt lúa được Chúa Giê-su gieo vào nơi mảnh đất tốt, bởi vỉ từ chung quanh nơi bạn đang ở có nhiều người đang cần bạn quan tâm; từ nơi bạn ở đi đến nhà thờ rất gần, và bạn có thể đến đó để được múc nguồn ơn sủng tưới gội cho tâm hồn của mình; từ nơi bạn ở có đầy đủ mọi phương diện vật chất của con người, để từ đó bạn có thể phục vụ tha nhân tốt hơn, đó chính là mảnh đất tốt để bạn gieo Lời Chúa cho những người mà hằng ngày bạn tiếp xúc với họ, chính nơi mảnh đất ấy, bạn sẽ là hạt lúa phải trổ sinh nhiều bông hạt khác bằng những việc lành và phúc đức của mình.

Hạt lúa gieo vào lòng đất nếu không chết đi thì sẽ không sinh nhiều bông hạt khác, cũng vậy, người Ki-tô hữu nếu không chết đi cho cái tôi của mình, thì cũng sẽ không trở thành hạt lúa tốt tươi được...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:44 27/03/2009
N2T


122. Bề trên trừng phạt thuộc hạ thì nên bắt chước bác sĩ khi cho con mình uống thuốc vậy, nên có tấm lòng yêu thương, trị khuyết điểm của họ, đừng làm tổn thương tâm hồn họ.

(Thánh Augustinus)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:46 27/03/2009
N2T


67. Khí độ nhỏ nhen đều bị nghịch cảnh thuần phục, khoan dung độ lượng thì đủ khiến cho nghịch cảnh thuần phục.

 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (79)
Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
16:47 27/03/2009
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (79)

791. Chúa Giêsu nói đến sự hy sinh

Lúc bấy giờ, có một số người Hy Lạp trong số những người lên Giêrusalem dự lễ.

Những người Hy Lạp nầy đến gặp tông đồ Philiphê để xin được giới thiệu với Chúa Giêsu.

Tông đồ Philiphê hội ý với tông đồ Anrê, và cả hai đến trình Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nghe lời yêu cầu nầy, liền nói lên những lời đầu tiên như sau:

- “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con. Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 20-24).

792. Gương hy sinh của thánh nữ Catarina thành Siêna

Thánh nữ nầy càng được Chúa gởi đến nhiều thử thách đau khổ, càng tỏ ra vui mừng.

Trước những thử thách đau khổ Chúa gởi đến, thánh nữ nầy chỉ biết nói: “Cám ơn Chúa! Cám ơn Chúa!”

793. Gương hy sinh của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu

Chị thánh nầy chịu rất nhiều nỗi cực khổ.

Ngày kia, có người hỏi chị có đau khổ nhiều không, chị trả lời:

- “Tôi đau khổ nhiều lắm. Dầu vậy, tôi muốn cực hơn.”

794. Chúng ta đừng chết vô ích trên thập giá.

Nhờ Chúa Giêsu chết trên thập giá mà cửa thiên đàng được rộng mở cho nhân loại.

Người trộm lành được chết trên thập giá bên cạnh Chúa Giêsu, nên đã được hưởng hạnh phúc thiên đàng.

Chết trên thập giá như vậy, thật là ích lợi!

Nhưng trên đồi Gôngôta, bên cạnh Chúa Cứu Thế và bên cạnh người trộm lành, còn có người trộm dữ. Người nầy đã chịu cực nhiều, đã vác cây thập giá nặng, đã chết đau đớn trên đó, nhưng vẫn không được vào Nước Chúa.

Vậy chúng ta đừng chết vô ích trên thập giá.

795. “Tôi sắp được vào thiên đàng.”

Trên đường đến pháp trường, thánh Phiônêô luôn vui vẻ. Những tên lính áp giải ngài đi, liền hỏi:

- “Cái chết đã kề bên, ông không sợ sao mà cứ vui vẻ.”

Ngài trả lời:

- “Anh em hiểu lầm rồi. Không phải tôi đi chịu chết đâu, mà tôi sắp được vào thiên đàng, nên tôi phải vui sướng.” (Việc Rỗi Linh Hồn – Thánh Anphongsô)

796. Ý nghĩa quan trọng của lắng nghe

Câu truyện dân gian dưới đây sẽ giúp bạn luôn nhớ ý nghĩa quan trọng của lắng nghe:

Alice hỏi:

- “Bà ơi, sao con người có hai tay, hai chân, hai mắt, hai tai, mà chỉ có một miệng và một mũi hỡi bà?”

Và bà trả lời:

- “Hai tay để con lao động cật lực, hai chân để con đi xa học rộng, hai mắt để con học hỏi tìm tòi. Còn hai tai mà chỉ một mũi, một miệng, là để con không xỏ mũi vào chuyện của người khác, nói ít đi và nghe thật nhiều.”

Lắng nghe là kỹ năng quan trọng của các nhà quản lý, lãnh đạo và những nghề nghiệp mà đối tượng là con người....

Lắng nghe... giúp ta thành công trong mối quan hệ giữa người và người, cũng như trong công tác. (Hạnh Phúc Phải Lựa Chọn - Nguyễn Thị Oanh)

797. Người mẹ là người thầy vĩ đại

Công nghệ máy tính làm cho Ross Perot trở nên giàu có. Thê nhưng người thầy vĩ đại nhất của ông, lại không phải là chuyên gia máy tính, hay giáo sư đại học, mà chính là mẹ ông, người đã nâng tầm cho ông từ trước khi cụm từ “thời đại máy tính” được nghe nói đến.

Ông còn nhớ rất rõ về những điều mà mẹ ông đã làm để răn dạy ông trở thành một con người như hôm nay. Chẳng hạn như về tính khoan dung và lòng trắc ẩn.

Suốt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế vào những năm 30, rất nhiều người lang thang cứ thường xuyên gõ cửa gia đình ông để xin thức ăn.

Một ngày kia, một người khách của gia đình đã cho mẹ ông biết tại sao nhà bà lại thường xuyên bị gõ cửa như thế. Phía ngoài lề đường, ngay trước nhà bà, một kẻ lang thang đến trước đã để lại một dấu hiệu trắng để chỉ cho những người khác biết đây là một “địa điểm dễ xin”.

Cậu bé Ross đã hỏi mẹ là có muốn cậu ra xóa cái dấu ấy đi không, và bà đã bảo cậu là đừng làm gì, cứ để yên đấy!

Chẳng bao giờ cậu có thể quên được hành động tinh tế ấy của mẹ về lòng yêu thương đối với tha nhânvà những người cùng khổ.

Chính mẹ ông là người đã truyền dạy cho ông những bài học ý nghĩa về cuộc sống, về tình yêu thương và lòng trắc ẩn, sự khoan dung đối với con người. Những bài học nầy đã để lại ảnh hưởng khá sâu đậm và định hình nên cuộc sống tinh thần cho Ross Perot về sau nầy. (1 Phút Có Thể Thay Đổi Cuộc Đời – Steve Goodier)

798. Vượt qua cảm giác bất an

Quan niệm lạc quan, luôn hướng về phía trước, có thể làm cho ta khắc phục được rất nhiều khó khăn.

Ông Yamamoto đi làm không được bao lâu thì bị bệnh lao phổi.

Lúc đó, bệnh lao phổi không phải là bệnh không trị được, nhưng cũng được liệt vào “trọng bệnh”.

Trong trị liệu, ông luôn cảm thấy lo lắng về việc mình bị thua sút so với anh em. Tình trạng sức khoẻ của ông càng ngày càng tệ.

Lúc nầy, ân sư khi ông ấy còn là học sinh, đến thăm ông ta.

Nhìn thấy nổi thống khổ của Yamamoto, người thầy chỉ nói với ông ta:

- “Đợi sau khi anh hồi phục, nhớ mỗi ngày đi làm sớm hơn người khác một tiếng đồng hồ.”

Sau khi Yamamoto xuất viện, làm theo lời dặn của thầy, mỗi ngày đi làm sớm một tiếng.

Thành quả công việc của ông ấy không chỉ không còn lạc hậu so với người vào công ty cùng lúc, mà còn vượt xa họ. (200 Cách Hành Xử Trong Cuộc Sống – Phúc Điền Kiến)

799. Cùng chia sẻ khó khăn

Công ty Xilite-Bocade có thể chứng minh tiền bạc không phải là nguyên nhân chủ yếu.

Vào năm 1998, trong tình trạng lợi nhuận kiếm được của công ty không cao, công ty yêu cầu 2.000 nhân viên quản lý cấp cao của mình cắt bớt 5% lương tháng, để các nhân viên cấp dưới thấy được lãnh đạo công ty “cùng chia sẻ khó khăn với mọi người” và để cho họ thấy được những cống hiến của ban lãnh đạo đối với công ty.

Quyết định cắt giảm lương của nhân viên cấp cao đã cổ vũ sĩ khí của nhân viên. (7 Cách Để Thu Hút Nhân Tài – Mike Johnson)

800. Điều nào nguy hiểm nhất cho thành công trong tương lai?

Huấn luyện viên Pat Riley đã giúp đội bóng của ông giành được nhiều chức vô địch giải NBA (Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia).

Trong cuốn sách The Winner Within (Nội Lực Chiến Thắng) của mình, ông viết:

- “Sự tự mãn là rào cản cuối cùng mà bất kỳ người chiến thắng hay đội bóng nào cũng phải vượt qua trước khi phát huy được tiềm năng to lớn của mình. Tự mãn là căn bệnh của thành công: nó ăn sâu bám rễ khi bạn thấy thoả mãn về bản thân và những gì mình đã đạt được.”

Điều nầy thật nghịch lý, nhưng thành công trong quá khứ có thể chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của thành công trong tương lai.
 
Chúng ta phải tuân phục thánh ý Chúa
Jos. Tú Nạc, NMS
17:50 27/03/2009
CHÚNG TA PHẢI TUÂN PHỤC THÁNH Ý CHÚA

Dốt nát, ngu xuẩn là căn nguyên nảy sinh tội lỗi của con người. Đây là trường hợp khi sự ngu dốt liên quan đến năng lực tri thức về Thiên Chúa của con người. Đó là nghịch lý mà người ta có thể thiên về tôn giáo trong sự xét đoán tầm thường và có ít hoặc không trực tiếp hoặc kinh nghiệm cá nhân hoặc kiến thức về Thiên Chúa. Chân nhận thức về Thiên chúa tốt hơn là bao gồm những gì được thu lượm từ sách vở, thầy cô giáo, văn hóa, gia đình và những nhân vật có uy tín. Trong những trường hợp này, phẩm chất cá nhân thiếu hụt và những mức độ sâu thẳm trong tâm hồn, trí tuệ và linh hồn vẫn thờ ơ, lãnh đạm. Điều này có thể dễ dàng phân tán trong hai chiều hướng – một bên là sự cuồng tín hoặc mặt khác là sự lạnh nhạt, dửng dưng.

Giữa sự thất bại và nỗi đau của dân Israel, Thiên Chúa hứa qua tiên tri Jeremiah một giao ước mới, một quan hệ mới. Để tạo ra sự chắc chắn rằng con người ta nhận nó một cách đúng đắn, và không có sự bào chữa, Thiên Chúa đã viết điều luật của Người và sự giao ước trực tiếp tới tâm hồn của họ, không cần sự lệ thuộc bởi những nguồn từ bên ngoài hoặc sự giải thích của những người khác. Thiên Chúa sẽ không phải “quản lý” hoặc phân chia bởi bất cứ ai nhưng sẽ được biết đến một cách trực tiếp và đích thân bởi từng người – thậm chí vơi sự khiêm tốn nhất. Sự chiến đấu tinh thần của chúng ta, sự lầm lẫn đạo đức và tìm kiếm Thiên Chúa sẽ được tạo ra dễ hơn nhiều nếu chúng ta tự nhìn vào bản thân – ngôi đền thờ đích thực.

Ngay cả con Thiên Chúa cũng không tránh khỏi sự chiến đấu và đau đớn của loài người. Bài đọc từ những người Do Thái rất thẳng thắn và được bảo đảm để gây bực mình đối với lòng thành kính thông tục. Chúa Jesus đã nguyện xin, kêu khóc tới Thiên Chúa. Nhưng sự giải thoát khỏi những ràng buộc của cái chết và sự chu tất bản chất con người của Người duy chỉ đến qua sự chấp nhận đau khổ và tuân theo Thánh ý Chúa của Người. Chúa Jesus biết mình sợ đau khổ và sự cám dỗ cũng như sự thống khổ, đau buồn, giận dữ, vui mừng và một loạt những cảm xúc thuộc bản tính loài người. Nhưng niềm tin nơi thiên chúa của Người luôn tuyệt đối và điều đó là quyền lực và quyền năng của Người.

Không ai mong muốn đau khổ vì mục đích riêng của nó. Chúng ta không cần phải tìm kiếm nó. Nỗi đau luôn săn đuổi chúng ta mà không cần đến sự nỗ lực về vai trò của chúng ta. Khi nó tìm thấy chúng ta, chúng ta có thể cố gắng để thay đổi mọi thứ chúng ta có thể thay đổi và chấp nhận những điều mà chúng ta không thể thay đổi – và do đó thực hiện một cách ngọt ngào, không giận dữ hoặc đắng cay. Thầy nào trò ấy – những ai đòi hỏi theo Người có thể trông mong nhiều hơn chứ không phải ít thách thức hơn. Chúng ta đồng ý điều đó khi chúng ta ký thác. Gặp gỡ với tâm hồn chân chính, nỗi đau riêng của chúng ta có thể là người thầy vĩ đại nhất của chúng ta và trở thành nguồn ân huệ cùng sức mạnh cho bản thân và những người khác.

John giới thiệu những người Hy-lạp đi tìm kiếm một cuộc hội kiến với Chúa Jesus như một dấu hiệu rằng Giờ của chúa Jesus đã đến. Lời của đoàn mục tử của Người đã loan truyền vượt qua ranh giới Israel và điều đó rõ ràng rằng Người sẽ lôi cuốn tất cả mọi người về với chính Người. Nhưng rồi có một trở ngại mà Người phải vượt qua: cái chết. Không giống như những nhà viết Kinh Thánh khác, John khắc họa chân dung Chúa Jesus âm thầm, tự tin và hoàn toàn tự chủ. Cái chết của Người được nói đến như sự tôn vinh của Người – không diễn đạt bằng ngôn từ đi vào tâm trí khi chúng ta nghĩ về nỗi khiếp sợ và sự đau đớn nhục hình của Thập giá. Chúng ta ai nất đều phải trải qua cái chết. Nhưng đối với trường hợp của Chúa Jesus điều này được thực hiện có ý thức, có sự tính toán, can đảm và sự tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa.

Để giảm bớt sự sợ hãi đối với các môn đệ của Người và đưa ra ý nghĩa về cái chết của Người, Người đã dùng hình ảnh ẩn dụ về sự chết của hạt lúa mì. Người ta sống trong sợ hãi và chối bỏ cái chết, luôn luôn tìm kiếm để kéo dài và duy trì nó bằng bất cứ giá nào. Cuối cùng, tuy nhiên, tất cả đều bước qua cánh cổng của nó – không một ngoại lệ.

Nhưng có một cách khác để trải qua cái chết: như một bước cần thiết cho cuộc sống mới và sinh hoa kết trái. Cuộc sống tràn đầy những cơ hội để tự chúng ta chuẩn bị hướng đi cuối cùng của chúng ta. Chúng ta trải qua những yếu tố của cảm xúc say mệ mỗi ngày và thức tỉnh mỗi ngày. Sự phục sinh của Thiên Chúa và cho phép chúng ta cùng với niềm ao ước thống trị là yếu tố vô cùng quan trọng trong tiến trình. Chúng ta biết chết để bản ngã chúng ta, phóng thích sự kìm kẹp của chúng ta về những thành tựu của chúng ta, và thoát khỏi những quyến rũ của quyền lực và đặc lợi. Khi thời điểm này đến, chúng ta có thể ngợi ca một cuộc sống đã sống tràn đầy, một sự hồi quang của vinh quang Thiên Chúa.

Regis College – The School of Theology
 
Khi cái ác là mục tiêu của con người
An Thanh,CSsR
19:52 27/03/2009
Khi cái ác là mục tiêu của con người

Những thượng tế, kinh sư, biệt phái và dân chúng muốn án tử hình cho Chúa Yêsu, vì họ tin đó là cách bảo vệ tinh tuyền đức tin của đạo Do Thái. Nhưng trong chính đạo Do Thái coi việc giết người là trọng tội (x. Xh 20, 14), chứ không có điều luật nào rõ ràng truyền phải giết người để bảo vệ đức tin. Như vậy cái gì chi phối việc đeo đuổi giết Chúa? Tự thân giết người là một điều ác và hiện tại chúng ta chỉ thấy con người đang đeo đuổi và xem cái ác là mục tiêu.

Nghe mà sợ ! Cái ác lại quan trọng đến thế sao? Xưa nay người ta thường bảo thay đổi để tốt hơn, còn bây giờ chúng ta đối diện với sự ngược lại, thay đổi để cái ác được thực hiện.

“Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Yêsu để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra, vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau. Có vài kẻ đứng lên cáo gian Người rằng: “Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm!” Nhưng ngay về điểm này, chứng của họ cũng không ăn khớp với nhau” (Mc 14, 55-59). Họ không tìm được lý do để kết án tử Chúa, vì thật ra đến lúc này, các kỳ mục Do Thái muốn loại Chúa Yêsu như loại trừ một “hậu loạn” cho cả tư lợi và công ích, có vẻ tư lợi hơi bị lớn hơn, theo kiểu Caipha nói: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11, 49b-50).

Nếu không có chứng cứ vững vàng, mà họ lại lên án chết cho Chúa Yêsu thì dân sẽ nổi loạn. Chúng ta biết hoàn cảnh Do Thái thời ấy đang bị chi phối bởi ba quyền lực, và ba thế lực này tự thân đang tìm cách loại trừ nhau. Vua Hêrôđê, tuy là vua bù nhìn, nhưng cách nào đó cũng là vua Do Thái theo nghĩa kế thừa dòng dõi tổ tiên từ Abraham. Philatô là người đại diện cao nhất của hoàng đế La Mã tại vùng thuộc địa Palestine này, ông này có thực quyền nhất. Và Thượng hội đồng Do Thái bao gồm cách tư tế, kinh sư và biệt phái. Quyền lực thứ ba này tuy có vẻ thuần túy tôn giáo, nhưng lại là lực quan trọng nhất, vì nắm được dân, bởi tất cả dân Do Thái đều thuộc Do Thái giáo. Từ khi xuất hiện Chúa Yêsu thì dân chúng bắt đầu đặt lại cách lãnh đạo dân Chúa của thế lực thứ ba này, nên chính họ ý thức rất rõ, nếu không loại trừ được Chúa Yêsu thì có nghĩa là họ tự loại trừ họ. Một lý do để kết án Chúa Yêsu không làm thỏa mãn lòng dân, xem như họ thất bại hoàn toàn, vì đã có nhiều người tin vào Chúa Yêsu, mặc dù niềm tin của họ chỉ mới dừng lại ở mức độ, Ngài là một Messia sẽ giải phóng dân tộc mà thôi. Chính vì thế, vị thượng tế phải dùng đến một câu hỏi vừa mang tính gài bẫy vừa phải ép lòng để tra vấn Chúa Yêsu: “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” Đức Giê-su trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14, 61b-62). Câu trả lời của Chúa Yêsu đã là bằng chứng đủ thuyết phục dân chúng giết Chúa Yêsu. “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19, 7).

Nhưng lúc ấy, người Do Thái đang bị đô hộ, nên tự người Do Thái không được quyền lên án tử cho ai cả (x. Ga 18, 31b), do đó họ phải nhờ bàn tay của Philatô. Philatô là người La Mã, thờ rất nhiều thần, nên tội liên quan đến thần linh chỉ là tội nhẹ, đáng đánh đòn rồi thả về thôi. Do đó các thượng tế phải tố cáo Chúa Yêsu trước mặt quan tổng trấn về một tội khác. Tội nổi loạn, xúi dục dân nổi loạn và xưng mình là vua (x. Lc 23, 2.5; Ga 18, 30). Với tội này, vì trung thành với hoàng đế La Mã, buộc quan tổng trấn phải xử tử Chúa Yêsu.

Vì để giết cho được Chúa Yêsu, thượng hội đồng Do Thái đã đưa ra lý do là bảo vệ đức tin của cha ông từ ngàn xưa rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Thiên Chúa của Abraham, Isaak và Yacob để được dân chúng ủng hộ, rồi sau đó, để án chết được thực hiện cho Chúa Yêsu, cũng thượng hội đồng ấy đã tố cáo Chúa Yêsu về tội âm mưu lật đổ chính quyền. Sau cùng các ông lấy áp lực của đám đông để buộc Philatô ra tay giết Chúa.

Khi đã quyết như thế, các thượng tế và dân chúng chấp nhận chọn sự dữ hơn thay cho chọn sự lành hơn. Khi nghe Philatô bảo sẽ tha cho một người nhân dịp lễ vượt qua, thì họ xin tha cho Baraba, một tên cướp, và xin đóng đinh Chúa Yêsu (x. Ga 18, 39-40).

Tồi tệ hơn nữa, nhằm đạt được mục tiêu ác ôn của mình, những người đã nhân danh bảo vệ đức tin đã phản bội lại đức tin của mình để cái ác được thực hiện.

Khi thấy Philatô muốn tha chết cho Chúa Yêsu, họ liền bảo: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda” (Ga 19, 12), buộc Philatô phải ra lệnh giết Chúa Yêsu. Họ đã khơi lên ham muốn địa vị nơi con người Philatô và khống chế Philatô bằng ham muốn lệch lạc đó. Để thể hiện quyết tâm của mình, các thượng tế và dân chúng còn khẳng định với quan tổng trấn Philatô rằng: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda” (Ga 19, 15). Đây là một lời nói dối trắng trợn, vì ở đất Palestine như đã nói, vua Hêrôđê, theo luật Do Thái và cũng được La Mã công nhận, là vua người Do Thái. Đây là một hành vi phạm tội, vì nhận một ông vua ngoại bang là vua của mình. Người Do Thái chỉ cần bước vào nhà dân ngoại thôi thì đã bị nhiễm uế, nếu không có lễ thanh tẩy trước thì không thể được dự lễ Vượt Qua (x. Ga 18, 28c). Đây là một hành vi chối Chúa công khai và tập thể, vì đối với người Do Thái, khi nói đến vị vua duy nhất thì vị vua đó phải là Thiên Chúa - YHWH - và chỉ mình Người mà thôi (x. 1Sm 8, 7). Đó là chưa nói đến luật của La Mã luôn coi các hoàng đế lá thần linh. Nhìn nhận là Xêda là vua duy nhất cũng như thể nhận Xêda là Chúa duy nhất vậy.

Để đeo đuổi cái ác như mục tiêu, con người đã đánh đổi tất cả, từ địa vị làm con, dân riêng của Thiên Chúa thành những kẻ say máu người. Từ những người bảo vệ niềm tin tinh tuyền thành những kẻ phản bội và chối bỏ niềm tin.

Nhưng kết quả người ta mong đợi sau khi đeo đuổi cái ác bằng được là gì?

Hình như những người đã đi đến cùng cái chết của Chúa Yêsu cũng không ý thức rõ mình làm việc đó để làm gì, mà lại phải trả giá quá đắt như vậy. 2000 năm rồi mà vẫn còn những người muốn tiếp tục theo cái ác tiêu diệt những “Yêsu khác” trong nhân lạoi này.

Thủđức, 2009
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Từ Quang Lâm tới Thần Học Thân Xác (2)
Vũ Văn An
04:36 27/03/2009
Năm Thánh Phaolô: Từ Quang Lâm tới Thần Học Thân Xác (tiếp)

Con Thiên Chúa, sinh bởi một người đàn bà

Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát có lẽ là trước tác gây tranh luận hơn cả của ngài. Sau lời chào (1:1-5), ngài bỏ qua lời cầu nguyện tạ ơn thường làm để quở mắng các tân tòng đã từ bỏ đức tin, “Tôi lấy làm ngạc nhiên, khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế với Đấng đã kêu gọi anh em nhờ ân sủng của Đức Kitô, để theo một tin mừng khác” (1:6).

Thánh Phaolô nhắc cho họ nhớ rằng nhờ biết tiếp nhận Phúc Âm và Phép Rửa, họ đã nhận được Chúa Thánh Thần và cảm nghiệm được sự tự do của con cái Thiên Chúa. Giờ đây, họ lại sẵn sàng lắng nghe một thứ sứ điệp khác hẳn sứ điệp ngài đã giảng dạy họ, và do đó quay trở lại với tình trạng nô lệ không xứng đáng chút nào đối với con cái Thiên Chúa.

Thư gửi tín hữu Galát đề cập tới việc liệu các Dân Ngoại mới trở lại đạo có phải tuân giữ Luật Môsê hay không, nghĩa là họ có bắt buộc phải tuân giữ các qui định về nghi lễ hay không. Thánh Phaolô cho rằng họ không bắt buộc như thế. Nhưng sau khi ngài phúc âm hóa họ, thì nhiều “nhà truyền giáo” khác, có lẽ là các tân tòng từ Do Thái giáo trở lại, đã gây bất ổn cho các tín hữu Galát bằng cách giảng ngược lại với Thánh Phaolô. Những người này bảo rằng: họ phải chịu cắt bì và giữ các qui định về nghi lễ.

Thánh Phaolô coi sứ điệp ấy như một phá hoại ngầm đối với sứ điệp Phúc Âm. Vì ngài biết rõ: những người có ý ngay, thí dụ những người vừa mới trở lại đạo chẳng hạn, có khuynh hướng muốn làm điều đúng để sống trong ơn phúc với Chúa. Nói cách khác, họ bị thúc đẩy muốn lãnh nhận ơn cứu rỗi.

Đối với Thánh Phaolô, giữ luật chỉ là một hành vi sa lầy (“nếu anh em chịu cắt bì, thì Chúa Kitô sẽ không có ích gì cho anh em” (5:2). Vì nếu các tín hữu gốc Dân Ngoại chấp nhận tập tục cắt bì, thì từ nay trở đi “họ buộc phải vâng theo trọn bộ lề luật’ (5:3), một việc quá nặng nề, gần như không thể làm được.

Do đó, Thánh Phaolô đề nghị một phương thức khác hẳn. Ngài viết: “điều duy nhất đáng kể là đức tin hành động nhờ đức ái”. Đối với những người sẽ trở thành môn đệ, con đường duy nhất dẫn tới mối liên hệ đúng đắn với Thiên Chúa là tin vào công trình cứu rỗi của Thiên Chúa, Đấng đã để Chúa Giêsu chết trên thập giá cho kẻ có tội và sau đó cho Người sống lại từ cõi chết. Thánh Phaolô dạy rằng tự do theo nghĩa Kitô giáo không phải chỉ là thự tự do thoát khỏi nô lệ, nhưng là một thứ tự do để phục vụ người khác. Ngài cô đọng cho rằng cuộc sống Kitô hữu hệ ở một “đức tin biết tự diễn đạt qua đức ái” (5:6).

Đối với những người muốn giữ các qui định của Lề Luật hòng được ơn nghĩa với Chúa, Thánh Phaolô cho họ hay “trọn Lề Luật đều tóm lại trong giới luật duy nhất này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (5:14). Ngài bảo đảm với tín hữu Galát, là những người đang bị rù quyến từ bỏ cam kết đức tin vào Phúc Âm thập giá, rằng: nhờ Phép Rửa, họ đã trở nên tạo vật mới. Do đó, không còn phân biệt nào đáng kể nữa (Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ), “vì tất cả anh em chỉ là một trong Chúa Kitô” (3:28).

Thánh Phaolô vắn tắt nhắc tới việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa “khi thời gian tới hồi viên mãn” để chứng tỏ rằng Thiên Chúa có một thời khóa biểu có tính vũ trụ theo đó, Người sẽ phá tan nỗi thống khổ của con người và đem tới ơn cứu chuộc từng được hứa hẹn thời xưa qua các tiên tri. Khi Thánh Phaolô viết rằng Chúa Giêsu “sinh ra từ một người đàn bà, sống dưới Lề Luật” (4:4), là ngài muốn chứng tỏ sự liên đới của Chúa Kitô với dân Do Thái. Nhưng ngay lúc ấy, tâm trí Thánh Nhân đã nghĩ tới cái chết của chính Chúa Giêu trên thập giá, một cái chết sẽ bẻ gẫy ách giam hãm của Lề Luật từng đặt nặng lên nhân loại tội lỗi “hầu chúng ta (cả Do Thái lẫn dân ngoại) nhận được ơn làm nghĩa tử” (4:5). Chúa Giêsu sống lại sẽ đổ tràn Chúa Thánh Thần của Người trên những kẻ được Người cứu chuộc. Chúa Thánh Thần mà họ được ban cho cách nhưng không này sẽ giúp tín hữu thực hiện được điều tự họ không thể thực hiện được, là sống cuộc sống mới trong ơn nghĩa với Chúa. Với cái nhìn đổi mới về Thiên Chúa, như là Đấng tự ý hiến tặng ơn cứu chuộc cho những ai biết tin, các môn đệ không cần phải loay hoay đi kiếm lợi điểm bản thân hay tôn giáo nữa, nhưng đúng hơn họ chỉ đi kiếm lợi điểm cho người thân cận của họ mà thôi. Thánh Phaolô bảo tín hữu Galát rằng: nếu các bạn “sống bằng Chúa Thánh Thần” (nghĩa là bước theo cách Chúa Thánh Thần hướng dẫn đời các bạn), các bạn sẽ không còn theo đuổi các ý muốn của xác thịt nữa (5:16). Trong Gl 5:19-23, Thánh Phaolô kể ra các công việc của xác thịt và sau đó là các hoa trái của Thần Khí. Ngài hiểu rất rõ: trong sinh hoạt cộng đoàn của Giáo Hội, “xác thịt” sẽ sản sinh ra bè phái và tranh chấp. Ngược lại, Thần Khí đem lại cho cộng đoàn đức tin, bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. “Xác thịt” tượng trưng cho bất cứ thèm muốn nhân bản tự tìm kiếm mình nào đi ngược lại ý muốn Thiên Chúa và tính trọn vẹn của cuộc sống cộng đoàn. Các địch thủ của Thánh Phaolô có lẽ đã nhấn mạnh tới sức mạnh đáng sợ của lực đẩy xấu xa này của xác thịt nên đã đề nghị lấy việc “vâng theo lề luật” làm phương thế vượt qua nó. Thánh Phaolô cực lực bác bỏ đề nghị ấy, bằng cách tuyên bố rằng Thánh Thần Thiên Chúa là tác nhân duy nhất đủ sức mạnh để đập ta xiềng xích của xác thịt: “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa” (5:18).

Việc trở lại của Thánh Phaolô

Đầu thập niên 1960, Krister Stendahl, một học giả uyên thâm về Thánh Kinh, đã góp tay phát động điều được biết đến như là “Cái Nhìn Mới về Thánh Phaolô”. Thực ra, bài báo của ông có tựa đề là: “Thánh Phaolô và Lương Tâm Nội Quan của Phương Tây” (công bố lần đầu bằng tiếng Anh năm 1963).

Học giả người Thụy Điển này khởi đầu bằng cách cho rằng các độc giả Phương Tây mắc sai lầm trong việc đọc Thánh Phaolô, chủ yếu qua con mắt của Thánh Augustinô và Martin Luther, coi việc ngài trở lại như là việc biến đổi một lương tâm bất an, bị Lề Luật kết án thành một lương tâm an ổn, được Chúa Kitô và hồng ân tha thứ của Người an ủi.

Thay vào đó, nhà chú giải của Havard cho rằng ta nên hiểu Thánh Phaolô luôn luôn có một lương tâm “khỏe khoắn” đến nỗi ngài có thể tự hào mà nói rằng ngài “không hề thiếu sót” trong việc chu toàn Lề Luật và không hề nói tới nói lui về các thiếu sót của mình trong việc tuân giữ Lề Luật ấy (Pl 3:6).

Còn về biến cố quan trọng xẩy ra trên Đường Đa-mát, như đã được thuật lại trong Công Vụ Tông Đồ (các chương 9, 22, 26), ta biết rằng điều Thánh Phaolô từng coi là các thành quả hiển hách trong tư cách một người Do Thái công chính, thì nhìn lại, ngài cho đó chỉ là “thiệt thòi” khi so sánh với niềm tin vừa mới tìm được nơi Chúa Giêsu, Đấng Được Xức Dầu.

Bởi thế, Stendahl đã đọc lại các khẳng định của Thánh Phaolô dưới một lăng kính mới, tức lăng kính về một người Biệt Phái tự tin. Do đó, câu tuyên bố của Thánh Phaolô rằng “Chúa Kitô đến trần gian để cứu vớt kẻ tội lỗi, trong đó tôi là người đứng hàng đầu” (1 Tm 1:15) phải được giải thích như một biểu thức không phải ăn năn tội mà là nói lên ý thức của Thánh Nhân về việc mình dốt nát cho tới khi Thiên Chúa, vì lòng nhân từ, đã mạc khải cho ngài biết Đấng Được Xức Dầu thực sự.

Khi Thánh Phaolô nhắc tới hướng đi mới trong đời của mình, ngài muốn ám chỉ tới sự mạc khải của Thiên Chúa về Chúa Giêsu ở trong ngài, bằng cách nhận định rằng “Thiên Chúa, Đấng đã đặt tôi riêng ra ngay trước cả lúc tôi sinh ra và đã vì ơn thánh của Người mà kêu gọi tôi, quả đã vui lòng mạc khải Con của Người cho tôi” (Gl 1:15-16). Đây là một việc tái định hướng lối sống một cách toàn diện đến nỗi Thánh Phaolô cho rằng ngài không còn sống cuộc sống của mình nữa mà là sống cuộc sống của Chúa Kitô. “Không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi. Hiện nay, tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:20).

Quan tâm của Stendahl muốn hiểu Thánh Phaolô đã dẫn ông tới việc nhấn mạnh với độc giả của ông rằng các thư của Thánh Phaolô mới là nguồn đệ nhất đẳng nếu họ muốn hiểu chủ thể nghiên cứu của mình, chứ các bản văn khác như Công Vụ Tông Đồ, chẳng hạn, chỉ là các nguồn đệ nhị đẳng. Trong các công trình sau này công bố lại bài báo độc đáo trên, Stendahl tiếp tục đưa ra nhiều cách trái ngược khác để tái giải thích Thánh Phaolô. Ông nhận định rằng Thánh Tông Đồ không phải chỉ sống với dân ngoại, mà ngài còn sống với người Do Thái nữa, và có lẽ ta nên nói tới “ơn gọi” của Thánh Phaolô, hơn là “ơn trở lại” của ngài, nói tới ơn công chính hóa hơn là ơn tha thứ, nói tới sự yếu đuối hơn là tội lỗi, nói tới tình yêu hơn là chính trực (integrity) và tới tính độc đáo hơn là tính đại đồng của Thánh Nhân (Paul among Jews and Gentiles, Fortress 1976).

Tháng này, chúng ta có diễm phúc độc nhất vô nhị được cử hành vào Lễ Thánh Phaolô Trở Lại vào Chúa Nhật. Bộ Thờ Phượng Thánh và Kỷ Luật Bí Tích đã ban phép được giữ thực hành trên trong một Thánh Lễ tại mỗi giáo xứ vào ngày 25 tháng Giêng năm 2009 để nhìn nhận việc nó xẩy ra trong dịp kỷ niệm 2,000 năm ngày sinh của Thánh Phaolô.

Bài đọc thứ nhất trong Thánh Lễ này là bài tường thuật về kinh nghiệm mạnh mẽ mà Thánh Phaolô đã trải qua trên đường tới Đa-mát để bách hại giáo hội mới khai sinh. Trình thuật này có thể trích từ Công Vụ Tông Đồ 9:1-22, trong đó Thánh Luca mô tả lại điều xẩy ra cho Thánh Phaolô, hay từ Công Vụ Tông Đồ 22:3-16, là chính mô tả của Thánh Phaolô, dù do Thánh Luca lên khuôn, một trình thuật mãi mấy năm sau được ngỏ với một cử tọa Do Thái.

Thánh Luca còn đưa ra một trình thuật thứ ba liên quan tới những gì xẩy ra trên đường tới Đa-mát trong Công Vụ Tông Đồ 26: 2-23, trong đó, Thánh Phaolô kể lại ơn gọi ngài ra đi đem ánh sáng tới cho các dân nước đang sống trong bóng tối, trước sự hiện diện của vua dân ngoại là Agrippa và hoàng hậu Bernice của ông ta.

Như vậy, ta phải hiểu như thế nào về những gì xẩy ra cho Thánh Phaolô lúc ngài diện kiến Chúa Sống Lại? Stendahl muốn ta tránh không dùng chữ “trở lại” vì chữ này vốn được Thánh Phaolô dùng để chỉ việc dân ngoại “quay lưng” khỏi việc thờ phượng các thần ngoại giáo để phụng sự “Thiên Chúa hằng sống và chân thật”, là Cha Chúa Giêsu Kitô.

Ngược lại, việc Thánh Phaolô giáp mặt với Chúa Giêsu, Đấng Được Xức Dầu, hiện đang hiện hữu trong các chi thể của Nhiệm Thể Người, đã không khiến ngài phải từ bỏ việc thờ phượng và phụng sự Thiên Chúa trước đây mà chỉ coi nó như chỉ đi hướng mới mà thôi, hướng đó dẫn ngài tới với Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh nhưng nay đang sống mãi mãi trong Giáo Hội của Người.

Thiển nghĩ những ai muốn đi theo cái nhìn của Stendahl mà nói tới “ơn gọi” của Thánh Phaolô chứ không phải việc ngài “trở lại”, thì có thể tự do làm như thế. Tuy nhiên, Giáo Hội rất khôn ngoan nhìn thấy rằng việc đổi hướng tiếp theo việc Thánh Phaolô giáp mặt với Chúa Kitô trên Đường Đa-mát sâu sắc và gây chấn động đối với lịch sử Kitô giáo đến nỗi đáng gọi nó là “ơn trở lại” của Thánh Phaolô dù với nghĩa dè dặt hiện nay.

Cũng thế, các môn đệ Chúa Kitô nào được mời gọi để cho Sự Sống Phục Sinh của Chúa Kitô tiếp tục biến cải cuộc sống họ vì lý do tốt lành, vẫn có thể chính đáng gọi việc ấy như một ơn “trở lại” liên tục, theo một nghĩa canh cải ngày nay.

Nền thần học về thân xác

Trong Công Vụ Tông Đồ, khi Thánh Phaolô gặp gỡ Chúa Giêsu Sống Lại, Chúa tự đồng hóa mình với các Kitô hữu đang bị Thánh Phaolô đe dọa đánh đập, giam cầm, và sát hại. Chúa Kitô nói rằng: “Ta là Giêsu mà con đang bách hại” (9:5), như thế là Người tự đồng hóa mình với Giáo Hội. Thánh Phaolô sẽ khai triển chủ đề ấy trong giáo huấn của ngài về Giáo Hội như là Thân Thể Chúa Kitô.

Học lý của Thánh Phaolô về chủ đề trên tìm thấy rõ ràng nhất trong các thư gửi tín hữu Côrintô. Trong các tuần lễ đầu của tất cả ba chu kỳ Mùa Thường Niên, ta thấy các thư trên được trích dẫn một cách rời rạc, như trong các Chúa Nhật dẫn vào Mùa Chay năm nay.

Không may, các độc giả thích suy tư không nghe được cả hai thư trên môt cách đủ dài để có thể nắm được các luận điểm cũng như các cái nhìn thông sáng về mục vụ của Thánh Phaolô. Đáng tiếc hơn cả là cuốn thủ bản về mục vụ của ngài (thư thứ nhất), là phần đề cập tới những vấn đề mục vụ nóng bỏng thuộc thế kỷ thứ nhất, nhưng ngày nay vẫn còn liên hệ.

Thí dụ ở các chương 5-7, Thánh Phaolô trả lời câu hỏi của các tân tòng và đưa ra các giải đáp của ngài đối với các vụ kiện cáo giữa các Kitô hữu với nhau (6:1-11); các vấn đề tính dục như loạn luân và dâm loàn (5:1-13) hay đĩ điếm (6:12-20); đời sống độc thân, việc tiết dục trong hôn nhân, việc kết hôn của Kitô hữu với người không tin, trong đó có khả thể ly dị trong trường hợp người không phải là Kitô hữu không muốn sống bình an với tín hữu (điều được gọi là “đặc ân Thánh Phaolô”), và ngay cả việc có nên kết hôn hay không (7:1-40), vì “bộ mặt thế gian này đang biến đi” (7:31).

Các vấn đề khác, được bàn trong các chương 8-15, bao gồm việc các Kitô hữu phải hành xử ra sao khi thấy tác phong họ ảnh hưởng tới cuộc sống người khác (8:1-13; 10:1-33); các chia rẽ tại Côrintô giữa giầu và nghèo, nô lệ và tự do, đã phạm đến Phép Thánh Thể như thế nào (11:17-34); các ơn phúc thiêng liêng phải được các chi thể Giáo Hội hiểu ra sao (11:2-16; 12:1-31; 14:1-40); việc sống lại của Chúa Kitô là mầu nhiệm trung tâm ra sao đối với trọn bộ niềm tin Kitô giáo và sự mù mờ về nó cũng như việc sống lại của các tín hữu dẫn tới các hiểu lầm khác như thế nào về cuộc sống trên trần gian hay cuộc sống đời sau mà các Kitô hữu một ngày kia sẽ chia sẻ với Chúa (15:1-58).

Bên dưới các vấn đề được tín hữu Côrintô hay Thánh Phaolô nêu ra trên đây là một số nguyên tắc chủ yếu sau đây: trước hết, là tầm quan trọng của thân xác con người; bản chất của tự do (9:1-26); và tình yêu tự hiến theo gương Chúa Kitô cần thiết như thế nào (“Bài Ca Tình Yêu” nổi tiếng trong 12:31-13:13).

Vì Thánh Phaolô cố gắng hết sức bước theo con đường của Chúa Giêsu, nên ngài dám mạnh bạo thúc giục các tân tòng của ngài tại Côrintô “hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Chúa Kitô” (11:1).

Cách nay mấy năm, một cuốn sách mỏng đã làm nhiều người chú ý. Đó là cuốn “Các Người Côrintô Tồi Tệ Các Anh!” của Hans Fror. Học giả người Đức này giải thích giáo huấn của Thánh Phaolô bằng cách gợi ý điều mà tín hữu Côrintô rất có thể đã viết cho Thánh Phaolô để ngài trả lời. Khi dẫn khởi cuộc thảo luận về phục sinh, Fror tưởng tượng ra một người tên Melas, tượng trưng cho sự khôn ngoan Ai Cập. Ông ta đưa ra lý luận như sau “Ngài phải phân biệt… giữa Chúa Giêsu trần thế và Chúa Kitô đang gần gũi chúng ta trong tinh thần. Chúa Giêsu, con người có xác thân, là thành phần, là hiện thân của thế giới đã trở thành nạn nhân sa phạm của sự chết. Làm thế nào sự sống thần linh lại có thể có được chút gì chung với sự hư nát ấy?

“Tinh thần là sự sống, là Chúa Kitô trong chúng ta, vô cùng xa cách đối với vực thẳm của thân xác hư thối và những tai họa vô nghĩa.Chúa Kitô, Thánh Thần, chính là sự sống đời đời. Thiên Chúa là Đấng hằng sống, nghĩa là đã hiện hữu trước thế gian từ rất lâu, không thể bị hư thối. Ta có thể cảm nghiệm được điều đó. Nó đầy rẫy trong ta! Ngài không thể cảm thấy nó hay sao?”

Một thành viên khác trong Giáo Hội Côrintô là Deborah vật lộn với luận điểm của Melas, nên khẩn khoản yêu cầu ông ta “Xin ông cho chúng tôi biết điều gì xẩy ra cho thân xác người chết nếu sự sống Thiên Chúa và số phận trần thế không có gì chung với nhau? Như vậy điều gì xẩy ra cho sự sống lại?”. Melas mạnh dạn trả lời: “Sống lại từ cõi chết? Làm gì có việc ấy” (tr.74).

Trong thế kỷ thứ hai, Nhà hộ giáo Justin Tử Vì Đạo nhìn nhận với Trypho, người Do Thái, rằng “có một số người tự xưng là Kitô hữu nhưng lại nói là không có việc phục sinh từ cõi chết, và rằng linh hồn họ, khi họ qua đời, sẽ được đưa về thiên đàng”. Justin không thèm chải chuốt lời mình nói, mà tấn công thẳng những “tên lạc giáo vô thần và vô đạo” ấy rằng: “Bạn đừng tưởng rằng họ là Kitô hữu”.

Câu mà Thánh Phaolô trả lời cho một số người ở Côrintô từng bác bỏ việc các tín hữu được sống lại sau này đã có căn rễ ngay trong nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Ngài bảo rằng Chúa Kitô chết và sống lại “theo Thánh Kinh”. Thánh Phaolô cũng cho rằng bên dưới vấn đề này là vấn nạn về chính Thiên Chúa: “nếu người chết không sống lại…” (nghĩa là nếu Thiên Chúa không thể phục sinh người chết), thì Chúa Kitô đã không sống lại và toàn bộ các kết luận khác cũng sẽ xẩy ra. Trong đó có kết luận này: “đức tin của anh em là vô ích và anh em vẫn sống trong tội lỗi”

Đối với Kitô hữu, mọi sự xoay quanh sự sống lại trong thân xác của Chúa Giêsu. Bác bỏ sự sống lại của Chúa Giêsu (hay sự sống lại trong tương lai của tín hữu) là làm sai lạc Thiên Chúa (“chúng tôi làm chứng cho Thiên Chúa là Người đã phục sinh Chúa Giêsu”), là bác bỏ Phúc Âm và sau cùng tước hết sức mạnh của Phúc Âm.
 
Giới báo chí nói Đức Thánh Cha cổ võ cho Kitô giáo tại Phi Châu
Bùi Hữu Thư
05:39 27/03/2009

Giới báo chí nói Đức Thánh Cha cổ võ cho Kitô giáo tại Phi Châu



VATICAN, ngày 26, tháng 3, 2009 (Zenit.org).
- Một phóng viên báo L'Osservatore Romano cho hay: Cuộc thăm viếng Cameroon và Angola của Đức Thánh Cha Benedict yểm trợ sự phát triển sắc thái độc đáo của Kitô giáo Phi Châu.

Trong một bài báo được đăng tuần qua, Mario Ponzi đánh giá cuộc viếng thăm Phi Châu đầu tiên của Đức Thánh Cha, và kết luận rằng cuộc hành hương tông du quốc tế lần thứ 11 bầy tỏ “sự hâm mộ của Đức Thánh Cha về những biểu hiệu cuả nền văn hóa điạ phương và các hình thức phụng vụ."

Phóng viên này báo cáo là cuộc viếng thăm xẩy ra vào lúc Giáo Hội Phi Châu đang tăng cường “một nỗ lực kiên trì về ‘hội nhập văn hoá’ Phúc Âm, và về sự biểu hiệu tổng hợp cuả nền văn hóa đặc sắc của đại lục này, trong các nghi thức phụng vụ."

Bài báo viết, "Trong chuyến đi, đôi khi, dân Phi Châu cho Đức Thánh Cha thấy cách thức họ đang tiến triển trên con đường này.”

Báo Vatican ghi nhận một thời điểm quan trọng, trong lúc cử hành Thánh Lễ tại vận động trường Amadou Ahidjo ở Yaoundé, khi Đức Thánh Cha chuyển giao Văn kiện hành động “Instrumentum laboris” cho Thượng Hội Đồng Giám mục sắp tới, sẽ được tổ chức tại Rôma vào tháng 10.

Ông Ponzi nhớ lại bầu không khí trong Thánh Lễ, kể cả “các thánh ca, được phụ họa bởi các nhạc cụ của các bộ lạc Phi Châu, việc rước Phúc Âm lên trên giá di động, được các người trẻ mặc sắc phục cổ truyền khiêng, và đi trước và theo sau là những nhóm người trẻ khác cầm cành lá gồi."

Ông tiếp, “Nhưng trên hết, đó là những bài hát được tất cả 60.000 người đồng ca đã nói lên chính xác được sự kiện dân Phi Châu cần phải tiếp tục duy trì căn tính của họ để có thể tìm được chính họ trong nhà của Cha trên Trời."

Tờ báo cũng nói rằng, “khi gặp gỡ những người dân này, quan niệm về văn minh và văn hóa, mà chúng ta thường đề cập đến với mẫu mực Âu Châu hay ít ra cũng là Tây phương, chỉ là ngẫu nhiên. Khi Đức Thánh Cha nói về sự độc đáo của nền văn hóa Phi Châu, ngài nhấn mạnh là đã được bắt rễ từ chiều kích thiêng liêng.

"Sự thánh thiêng đã luôn luôn chiếm giữ một vị trí trọng tâm trong viễn ảnh về thế giới của người Phi Châu. Ý thức về sự kết hợp giữa Đấng Tạo Hóa và tạo vật hết sức thâm sâu."

Báo L'Osservatore Romano ghi nhận rằng Đức Thánh Cha Benedict XVI hâm mộ "những biểu tượng của nền văn hoá Phi Châu trong chuyến đi cuả ngài."

Tờ báo kết luận, "Ngài chỉ đề nghị là sự long trọng, tổng hợp và cấu trúc của các cử hành phụng vụ sẽ không bị mai một đi.”
 
Nỗ lực truyền thông lôi kéo hàng ngàn người Công giáo trở về với giáo hội
Phụng Nghi
22:00 27/03/2009
PHOENIX (CNS) – Trong giáo phận Phoenix, có khoảng 92 ngàn người Công giáo từ lâu không sinh hoạt, đã trở lại với giáo hội trong năm qua, phần lớn là do một chiến dịch quảng cáo trên TV rất hữu hiệu có tên là Catholics Come Home (Người Công giáo Trở về Nhà).

Những tiết mục quảng cáo trong các buổi phát hình chính của đài truyền hình trình bầy những con người và địa điểm khắp giáo phận Phoenix nhằm đề cao giáo hội.

Phương tiện chính yếu khác của chiến dịch này là trang mạng điện toán Catholics Come Home, đề cập tới những khiá cạnh của đức tin thường hay dễ bị hiểu lầm.

Giám mục giáo phận Phoenix là đức cha Thomas J. Olmsted nói: “Đối với những người đã sa ngã không còn sống theo đức tin nữa, chiến dịch này cho họ biết rằng chúng tôi mong muốn họ trở về lại giáo hội như người trở về nhà.”

Các đoạn quảng cáo, phát hình trong mùa Chay năm 2008, mô tả những công trình tốt đẹp của Giáo hội Công giáo suốt dòng lịch sử, cũng như trình bầy các nhân chứng sống động là những người Công giáo đã đi xa lạc, nay giải thích các lý do khiến họ xa rời Giáo hội và những điều nào khiến họ quay trở về.

Ông Tom Peterson, trước kia cư ngụ tại Phoenix nay là chủ tịch và người sáng lập chiến dịch Catholics Come Home. Chiến dịch này nay đặt cơ sở tại Georgia. Ông nói: “Phoenix được coi như thí điểm bình lặng và nhỏ bé.”

Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên báo của giáo phận Phoenix là tờ The Catholic Sun, ông cho biết: “Ngay sau khi chúng tôi tung ra chiến dịch này, tin tức đã truyền đi khắp thế giới.”

Kể từ ngày khai trương trang mạng catholicscomehome.com, đã có hơn một nửa triệu khách truy cập từ khắp 50 tiểu bang Hoa kỳ và 80 quốc gia khác.

Đáp ứng thu nhận được rất tích cực nên các giáo phận khác ở Hoa kỳ đang nhìn vào Phoenix, mong tìm ra các sáng kiến để đem người Công giáo trở lại với giáo hội.

Chẳng hạn, giáo phận Corpus Christi ở Texas mới tung ra một hình thức quảng cáo khác trên TV bằng cả hai ngôn ngữ Anh và Spanish. Vào hôm Lễ Tro vừa qua, mỗi giáo xứ đều hỗ trợ những chiến dịch nói trên bằng cách phân phối các tập sách nhỏ cho mọi người, trong đó có trả lời những câu hỏi thông thường liên quan đến đức tin, cũng như có thời khóa biểu các giờ lễ, và bảng liệt kê các tổ chức sinh hoạt trong giáo xứ.

Vào cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010, chương trình Catholics Come Home sẽ xuất hiện tại hàng chục giáo phận toàn quốc. Những người tổ chức nói rằng quảng cáo sẽ phát hình trên các hệ thống truyền hình lớn toàn quốc vào Mùa Vọng năm 2010.

Tiết mục quảng cáo mở đầu: “Mọi chủng tộc tạo thành gia đình chúng ta. Chúng ta là những người trẻ kẻ già, kẻ giầu người nghèo, phái nam phái nữ, kẻ tội lỗi và các vị thánh nhân.”

Hai phút quảng cáo nhấn mạnh đến vai trò chính yếu của Giáo hội Công giáo trong việc thiết lập các bệnh viện, nhà mồ côi và trường học, ngoài vai trò trong khoa học, hôn nhân, đời sống gia đình, Sách Thánh và các nhiệm tích.

Gần kết thúc đoạn quảng cáo là câu: “Nếu các bạn đã rời xa Giáo hội Công giáo, chúng tôi mời bạn xem xét lại coi. Chúng ta là Công giáo; xin chào đón các bạn trở về nhà.”

Một đoạn quảng cáo khác lâu 2 phút trình bầy các người nam nữ cô đơn nhìn lại những cảnh đời tốt đẹp cũng như tồi tệ nhất trong cuộc sống của họ, diễn tả lại trên một cuộn phim nhựa cũ.

Đoạn quảng cáo sau cùng đã phát hình -- Peterson có hàng chục đoạn như thế đã sẵn sàng để phát đi – trình bầy những lời chứng về lý do tại sao người Công giáo bỏ giáo hội và họ đã tìm lại được gì khi trở về.

Peterson nói rằng chiến dịch Catholics Come Home có “tiềm năng tái tục công tác Kitô hóa (re-Christianizing) xã hội chúng ta và có thể rao truyền đức tin cho cả thế giới.”

Nhiều sản phẩm miễn phí, gần 1 triệu mỹ kim tiền mặt của những cá nhân và tổ chức trao tặng, và một trợ cấp của Quỹ Cộng đồng Kitô giáo, đã giúp chi phí cho những quảng cáo trên truyền hình.

Giáo phận Phoenix đã chứng kiến những mối quan tâm càng ngày càng gia tăng đối với giáo hội, được các nhà lãnh đạo cho là kết quả của chiến dịch này thực hiện hồi năm ngoái.

Ryan Hanning, phối trí viên công tác phúc âm hóa người lớn trong giáo phận nói: “Thật hào hứng được thấy kết quả lớn mạnh phát sinh từ chiến dịch này.” Theo ông thì một số tín hữu đã thấy lòng nhiệt thành với giáo hội được đổi mới, còn những người Công giáo xa lạc nay trở về gia nhập cuộc sống của giáo xứ.

Hanning đã cộng tác chặt chẽ với Peterson trong chiến dịch Catholics Come Home và đảm bảo rằng các vị lãnh đạo giáo xứ, nhất là các giảng viên giáo lý, đã sẵn sàng chào đón những người Công giáo trở về cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến các nhiệm tích và tín lý. Hơn 25 giáo xứ đã thiết lập những chương trình chào đón người Công giáo trở về với giáo hội.

Giáo xứ Đức Mẹ Núi Camêlô (Our Lady of Mount Carmel) ở Tempe là một. Giáo xứ đã cho chiếu một cuốn video trước các thánh lễ Phục sinh và tổ chức một chương trình 6 tuần cho những người Công giáo trở về.

Linh mục chánh xứ John Bonavitacola nói: “Những quảng cáo giúp cho (các người Công giáo xa lạc) nhận thức được rằng họ thiếu thốn điều gì đó trong cuộc sống của họ.” Cha thấy rằng trong số người trở về với giáo hội có những người Công giáo lười biếng trong đức tin hoặc bị giáo hội gây xúc phạm, hoặc đã ly dị hay tái hôn. Nhiều người được hợp thức hóa hôn nhân của họ trong giáo hội, còn một số người khác thì mới gia nhập giáo hội lần đầu.

Sáu tháng sau khi chiến dịch truyền thông này kết thúc, một cuộc phân tích qui mô kết quả cho thấy có sự gia tăng 22% số người tham dự thánh lễ tại 9 giáo xứ dùng làm thí điểm. Chung trong cả giáo phận, gia tăng trung bình số người tham dự thánh lễ - của người Công giáo trở về hoặc tân tòng – là 12%. Điều này không kể sự gia tăng tổng quát dân số cùng thời kỳ trong giáo phận.

Lời ông Hanning: “Bất chấp họ ở đâu, họ cũng có thể trở về nhà. Đó là một thông điệp có tiếng vang. Tôi đã không bao giờ nghĩ được rằng tôi có thể nhận được hàng ngàn cú điện thoại và điện thư nói: “Tôi hãnh diện là người Công giáo và muốn giúp đỡ người khác.”
 
Top Stories
Appeal trial conducted without lawyer rejects Catholics' appeal.
J.B. An Dang
07:04 27/03/2009
The court of appeal in Hanoi has just upheld the sentence imposed by the lower court last year. A huge demonstration has been held in Ha Dong today to denounce the continual manipulation of the justice system by the Vietnamese communist government which has been expressing throughout the process leading to and during the court of appeal proceeding brought by the Thai Ha parishioners today.

Hanoi appellate court rejected the appeals of eight Thai Ha’s parishioners convicted in December of 2008 of disturbing public order and damaging property during a series of demonstrations to demand the return of former church land.

"There is no ground for the appeal," said court president Nguyen Quoc Hoi. "The defendants' behavior was dangerous for society, causing serious consequences... undermining the great national unity," he added.

The sentence, came in the absence of the Catholics' principal lawyer, has been seen by many as unjust to the 8 defendants, a blunt rejection on those who are passionately seeking for justice.

The defendants argued they were merely exercising their right to free speech and committed no crime.

"We are innocent," defendant Le Thi Hoi told the court. "Peaceful prayer cannot be dubbed 'disturbing the public order.'"

In an open defiance against intimidation from Vietnamese authorities through state media, dozens of Redemptorists and diocesan priests led more than 5000 faithful to participate in a “highly spirited" demonstration 200m away from the court house.

At 6 o'clock, after the morning Mass, thousands of Thai Ha’s parishioners marched 12km from their church to the court house. They sang and prayed loudly along Nguyen Trai Street to gain attention of passer-bys.

Meanwhile, thousands of Ha Dong parishioners, who have repeatedly held prayer vigils at their presteby which has been seized legally by communists since 1977, joined Thai Ha’s parishioners in the electrifying demonstration being held in front of more than 1000 anti-riot police men equipped with batons, stun guns and specially trained dogs.

The protestors held placards reading: "Justice, truth" and "You are innocent" criticizing the unjust trial.

The night before the trial, VTV1- the same Television station which deliberately broadcasted falsely that the defendants had all pleaded guilty instead of reporting their pleas of innocence at the trial in lower court- had accused the Redemptorists of instigating their parishioners, those defendants " who were at the receiving end of the state's precious clemency, but foolishly gave in to the Redemptorists' instigation and committed disorderly conducts" The media outlet publicly questioned why the priests have not been arrested by now! Other state media outlets have shared the same language in a concerted effort to limit the number of Catholics whose their attendance is foreseeable.

Armed police was reportedly raid home in Ha Dong's neighborhoods where the trial would take place the next day. Few people were held in custody and others were expelled out of the area. Residents were warned not to allow anyone who had not registered with police to stay during the night at their homes or face severe punishment for their "not cooperating".

The Catholic defendants have obviously been deprived of their right to legal representation in accordance with due process as their principal lawyer, Mr. Le Tran Luat, could not attend the trial. Two other lawyers who have recently involved in the case advocated for 7 defendants. Nguyen Thi Nhi had to defend for herself as her only advocate, Mr. Le Tran Luat, had his license revoked.

The time period leading up to the trial has been marked by a crescendo of harassment and intimidation by Vietnamese authorities against Le Tran Luat, the attorney representing the defendants, including detention, searches, interrogation, phone threats, banning him from travelling to Hanoi, as well as taking away from him his license to practice. Against all this state media is carrying out a smear campaign against him as a person and a servant of the public.

It is outrageous that a week before the trial, Hanoi court officials contacted the defendants to inform them outright that there was a chance Mr. Luat would no longer serve as their legal counsel because the Ho Chi Minh City Police has been doing everything they can to prevent him from travelling to Hanoi.

Today, state-run media outlet, including the Communist Party's mouthpiece, Nhan Dan, carried articles saying the lawyer had used false documents and employed non-attorneys to work as lawyers. He also failed to pay taxes, the newspaper said.
 
PRESS RELEASE
The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media
11:08 27/03/2009
Press Release of The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media

The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media

92 The River Rd - Revesby NSW 2212
Tel: (02) 9773 0933
Fax: (02) 9773 3998
paulvanchi@yahoo.com

PRESS RELEASE

FOR IMMEDIATE RELEASE

Contact: Fr. Paul Van Chi Chu
Tel: (02) 9773 0933
Mob: 0410 552 650


Sydney, March 27. The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media strongly denounces the continual manipulation of the justice system by the Vietnamese communist government which has been expressing throughout the process leading to and during the court of appeal proceeding brought by the Thai Ha parishioners today.

On Dec 8, 2008, the People's Court in Hanoi tried 8 Thai-Ha parishioners on false charges of "damaging state property and disorderly conduct in public". These charges were originally filed because the said eight people had taken part in prayer vigils to demand the return of land taken from their parish. To these charges, each and every one of them pleaded not guilty. Despite convincing evidences which were overwhelmingly supportive of their claim, seven of those defendants eventually received unjust stayed sentences ranging from 12 to 17 months.

Immediately after the trial, state-owned media knowingly and purposely reported that Catholic defendants "admitted their guilt" and therefore received reduced sentences, thank to tolerant policies of the party and leniency of the government. This was a blatant distortion of the truth by all accounts.

To this, the Catholic defendants had filed a law suit against media for false reporting of what they truly pleaded at the trial. They also announced their intention to file an appeal at the conclusion of the Dec. 8 court.

To date, state media have never made any attempt to reconcile with the truth. Instead of making corrections, they have launched a smear campaign against the victims and the Redemptorists.

The night before the court of appeal is schedule to take place, VTV1- the same Television station which deliberately broadcasted that the defendants had all pleaded guilty instead of reporting their pleas of innocence at the trial in lower court- had accused the Redemptorists of instigating their parishioners, those defendants " who were at the receiving end of the state's precious clemency, but foolishly gave in to the Redemptorists' instigation and committed disorderly conducts" The media outlet publicly questioned why the priests have not been arrested by now!

Also, the time period leading up to the trial has been marked by a crescendo of harassment and intimidation by Vietnamese authorities against Le Tran Luat, the attorney representing the defendants, including detention, searches, interrogation, phone threats, banning him from travelling to Hanoi, as well as taking away from him his licence to practice. Against all this state media is carrying out a smear campaign against him as a person and a servant of the public.

It is outrageous that a week before the trial, Hanoi court officials contacted the defendants to inform them outright that there was a chance Mr. Luat, their counsel of record would no longer serve in their case as the Ho Chi Minh City Police has been doing everything they can to prevent him from travelling to Hanoi.

The Catholic defendants have obviously been deprived of their right to legal representation in accordance with due process.

This incident again demonstrates that Vietnam government has consistently in contempt of the laws they drafted and passed by utilizing law enforcement and powerful, monopolistic media outlets to put pressure on or to intimidate any citizen who dares to challenge its authority, and to cause fear or deter anyone who is seeking for justice in this country.

Today, March 27, 2009 the court of appeal in Hanoi has reportedly just upheld the sentence imposed by the lower court in December of 2008, a sentence many have observed as unjust to the 8 defendants, a blunt rejection on those who are passionately seeking for justice.

We would like to report to the international community and our fellow-countrymen living at home and abroad about the nature of the trial, and the true color of the so-called "tolerant policies of the party and the government". We, thereby, vehemently protest the imposing sentences as they are unjust, immoral and absolutely unconstitutional to the 8 defendants who have done nothing against the law.

The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media urges the Vietnam government to do the followings:

1. Vacate the unjust sentences being upheld on 8 Thai Ha defendants by the Appellate court.
2. Stop the hate campaign against the Catholic priests and the faithful, their legal advocates as well as followers of other religions.
3. Stop persecuting the Catholic priests and the faithful, their legal advocates as well as followers of other religions. Also to restore law and order in worshiping areas to prevent violence aimed at participants.
4. Respect the law they promulgated and return the properties which rightfully belonged to the Catholic Church and other religious groups.

Contact:
Fr. Paul Van Chi Chu
Tel: (02) 9773 0933
Mob: 0410 552 650

Mons. Peter Tai Van Nguyen
Director of Radio Veritas Asia
Buick St. North Fairview,
Quezon City, Philippines
P.O. Box 2642
Email: rvaprogram@rveritas-asia.org

Fr. John Nghi Tran
Director of VietCatholic News Agency
435 Berkeley Ave
Claremont, CA 91711, USA
Tel (909) 581-8888
Email: conggiao@gmail.com

Fr. Joachim Viet-Chau Nguyen Duc
Director of People Of God Magazine in America
PO Box 1419 Gretna,
LA 70053-5440, USA.
Email: danchuausa@yahoo.com

Fr. Anthony Quang Huu Nguyen
Director of People Of God Magazine in Australia
715 Sydney Rd. Brunswick Vic 3056
Australia
Email: danchuaucchau@gmail.com

Fr. Stephen Luu Thuong Bui
Director of People Of God Magazine in Europe
Magazine Catholique
Katholische Monatszeitschrift
Monthly Catholic Magazine
Email: info@danchua.de

Fr. Paul Van-Chi Chu
Director of Gospel and Peace Radio, Sydney Australia
92 The River Rd - Revesby
NSW 2212
Australia
Email: paulvanchi@yahoo.com
 
Sentence against faithful of Thai Ha upheld. Catholics protest injustice
Asia-News
14:15 27/03/2009
The appeals court has reconfirmed the sentence against the 8 who were calling for the return of land belonging to the parish. This morning, 5,000 Catholics marched for 12 kilometers to the site of the trial, and were stopped by 1,000 police officers in riot gear with guard dogs. The state television channel accuses the Redemptorists, and recommends that they be arrested. In Saigon, 5,000 Catholics and non-Catholics - together with local political authorities - took part in a prayer vigil. The eight defendants are "like Jesus."

Hanoi (AsiaNews) - The appeals court today upheld the sentence against the faithful of the parish of Thai Ha, guilty - according to the government - of "destroying property" and "disturbing public order." In reality, the 8 faithful are a few of the thousands of Catholics who participated in demonstrations and prayer vigils in order to stop the expropriation of land belonging to the parish of Thai Ha. The 8 were first sentenced in December of 2008. The president of the court, Nguyen Quoc Hoi, said that "the behavior of the accused was dangerous to society, causing serious consequences and undermining the great national unity." The accused again claimed their innocence. "A peaceful prayer," said Le Thi Hoi, one of the 8, "cannot be called 'disturbing public order'." The situation in the city and around the neighborhood of the courthouse is very tense.

At least 5,000 Catholics of the capital participated this morning in a prayer march that concluded in front of the courthouse where the appeal trial was about to begin. Yesterday evening in Saigon, another 5,000 people, Catholics and non-Catholics, prayed against the unjust trial.

The demonstration in Hanoi took place in open defiance of the threats and intimidation issued by the city government. At 6 o'clock this morning, after Mass in Thai Ha, the 5,000 faithful, accompanied by dozens of Redemptorist fathers and by priests of the diocese, marched for 12 kilometers, to within 200 meters of the courthouse. At least 1,000 police in riot gear and with guard dogs constrained the crowd of people praying and calling for justice.

The appeal trial was significantly manipulated: the defense attorney selected by the defendants, Le Tran Luat, suffered months of harassment, accusations, and threats, and finally had his license to practice his profession revoked. Yesterday, one day before the trial, the television station VTV1 issued a series of accusations against the Redemptorists, the administrators of the parish, saying that they are "manipulating" the faithful for their own undefined purposes, and asked how it could be that the priests have not yet been arrested. The same television channel had reported that the 8 defendants had admitted their guilt, while during the trial the 8 consistently declared their innocence.

Yesterday, the police inspected all of the homes in the neighborhood of Ha Dong, where the trial was taking place, in order to remove any people who are not residents there and might be staging demonstrations. Some of them were expelled from the neighborhood, and others were arrested. The police have warned residents in the area not to shelter anyone, threatening severe punishments if they do not cooperate.

Yesterday evening in Saigon, at least 5,000 people - Catholics and non-Catholics, and even local political authorities - participated in a candlelight prayer vigil for the faithful whose appeal trial took place today. More than 60 Redemptorists and 18 diocesan priests took part in the vigil, which began with Mass.

Fr. Vincent Pham Trung Thanh, the provincial superior of the Vietnamese Redemptorists, urged those present to pray for the archbishop of Hanoi, Ngo Quang Kiet, for the pastor of Thai Ha, Fr. Vu Khoi Phung, and for the defendants, who "are fighting for justice in the diocese of Hanoi."

At the homily, a priest compared the trial against the 8 with the one against Jesus: "More than 2,000 years ago, leaders at that time sentenced Jesus to death, suspending him from the holy cross. It is an unjust trial, isn’t it?.. . After the cross comes glory. Jesus himself said: I have overcome the world. The Truth will set you free. The Truth cannot die.. . In recent years there are many parishioners who have risen up to act as witnesses to justice. They are willing to accept all difficulties and adversities for the sake of the truth."
 
Confermata la condanna contro i fedeli di Thai Ha. Cattolici contro l’ingiustizia
Asia-News
14:15 27/03/2009
La corte d'appello ha riconfermato la condanna degli 8 che chiedevano il ritorno dei terreni della parrocchia. Stamane 5 mila cattolici hanno marciato per 12 km fino alla sede del processo, fermati da 1000 poliziotti in tenuta da sommossa e provvisti di cani da guardia. La televisione statale accusa i redentorista e consiglia di arrestarli. A Saigon 5 mila cattolici e non – insieme ad autorità politiche locali – hanno partecipato a una veglia. Gli otto processati sono “simili a Gesù”.

Hanoi (AsiaNews) – La corte di appello ha riconfermato oggi la condanna contro gli 8 fedeli della parrocchia di Thai Ha colpevoli – secondo il governo - di “distruzione di beni” e “turbamento dell’ordine pubblico”. In realtà gli 8 fedeli sono alcuni delle migliaia di cattolici che hanno partecipato alle manifestazioni e veglie per fermare l’esproprio dei terreni della parrocchia di Thai Ha. Gli 8 erano già stati condannati in prima istanza nel dicembre 2008. Il presidente della corte, Nguyen Quoc Hoi, ha dichiarato che "il comportamento degli accusati è stato pericoloso per la società, causando serie conseguenze e minando la grande unità nazionale". Gli accusati si sono ancora una volta difesi rivendicando la loro innocenza. "Una preghiera pacifica - ha detto Le Thi Hoi, uno degli 8 - non può essere definita 'disturbo dell'ordine pubblico'". La situazione nella città e attorno al quartiere della corte è molto tesa.

Stamane almeno 5 mila cattolici della capitale hanno partecipato ad una marcia di preghiera conclusasi davanti al tribunale dove stava per iniziare il processo d’appello. Ieri, in serata a Saigon altri 5 mila, cattolici e non, hanno pregato contro l’ingiusto processo.

La manifestazione ad Hanoi è avvenuta in aperta sfida alle minacce e intimidazioni operate dal governo della città. Stamane alle 6, dopo la messa mattutina a Thai Ha, i 5 mila fedeli, accompagnati da dozzine di padri redentoristi e da sacerdoti della diocesi, hanno marciato per 12 km fino a 200 metri dal tribunale. Almeno 1000 poliziotti in tenuta anti-sommossa e con cani addestrati al guinzaglio hanno tenuto a bada la folla che pregava e domandava giustizia.

Il processo d’appello è stato fortemente manipolato: l’avvocato difensore che gli accusati avevano scelto, Le Tran Luat, ha subito per mesi vessazioni, accuse, minacce e infine gli è stata ritirata la licenza di esercitare la professione. Ieri, un giorno prima del processo, la televisione VTV1 ha lanciato una serie di accuse contro i redentoristi, i reggenti della parrocchia, dicendo che essi “manipolano” i fedeli per loro scopi non ben definiti e si domanda come mai i sacerdoti non sono stati ancora arrestati. Lo stesso canale televisivo aveva a suo tempo diffuso notizie che gli 8 accusati si erano dichiarati colpevoli, mentre al processo gli 8 hanno sempre dichiarato la loro innocenza.

Ieri la polizia ha ispezionato tutte le case del quartiere di Ha Dong, dove avviene il processo per allontanare ogni persona non residente, che potrebbe inscenare dimostrazioni. Alcuni sono stati espulsi dal quartiere e altri sono stati arrestati. La polizia ha avvertito i residenti dell’area di non ospitare nessuno, minacciando severe punizioni se essi non collaborano.

Ieri sera a Saigon, almeno 5 mila persone – cattolici e non, insieme perfino ad autorità politiche locali – hanno preso parte a una veglia di preghiera a lume di candela per gli 8 fedeli che oggi sono processati in appello. Alla veglia, iniziata con la messa, hanno partecipato più di 60 redentoristi e 18 preti diocesani.

P. Vincent Pham Trung Thanh, superiore provinciale dei redentoristi vietnamiti, ha preso la parola, invitando i presenti a pregare per l’arcivescovo di Hanoi, mons. Ngo Quang Kiet, per il parroco di Thai Ha, p. Vu Khoi Phung, e per gli 8 accusati, che “lottano per la giustizia nella diocesi di Hanoi”.

Al momento dell’omelia, un sacerdote ha paragonato il processo subito dagli 8 a quello di Gesù: “Più di 2 mila anni fa, i capi politici di quel tempo hanno condannato a morte Gesù, sospendendolo alla santa croce. Non è stato anche quello un processo ingiusto?... Dopo la croce viene la gloria. Gesù stesso ha detto: Io ho vinto il mondo. La Verità vi farà liberi. La verità non può morire… In questi ultimi anni molti fedeli si sono levati come testimoni di giustizia. Essi sono disposti ad accettare tutte le difficoltà e avversità in nome della verità”.
 
VIETNAM: La sentence du procès en appel contre les huit catholiques de Thai Ha ne change rien aux condamnations portées par le tribunal de première instance
Eglises d'Asie
14:57 27/03/2009
Aux environs de 15 heures (heure locale), ce 27 mars 2009, une foule de plus de 5 000 catholiques et sympathisants attendant devant le tribunal depuis l'aube, a pris connaissance sans étonnement véritable, du verdict rendu par les juges du tribunal de Hà Dông (près de Hanoi), devant lesquels comparaissaient en appel les huit catholiques de la paroisse de Thai Ha. Le tribunal s'est contenté de reprendre très exactement les condamnations portées contre les accusés, le 8 décembre dernier, par le tribunal de première instance. Accusés de destruction de biens et de troubles à l'ordre public, ils avaient été condamnés ce jour-là, pour quatre d'entre eux, à des peines de 12 à 17 mois de prison avec sursis, à des peines de 12 à 15 mois de rééducation sans internement pour trois autres, et à un avertissement pour le plus jeune. Ils avaient fait appel pour que soit reconnue leur innocence. Immédiatement après l'énoncé de la sentence, les accusés suivis par la foule se sont rendus à l'église de la paroisse de Hà Dông où a été célébrée une messe d'action de grâces.

Les informations concernant ce procès en appel du 27 mars ont été plus difficiles à recueillir que lors du procès du 8 décembre. L'un des sites web les mieux informés, à savoir celui de la paroisse de Thai Ha était inaccessible... Cependant plusieurs autres sites (1) ont pu diffuser des nouvelles dès les premières heures de la matinée.

Après la messe de 6 heures du matin dans l'église de la paroisse de Thai Ha, des milliers de catholiques, en file indienne, ont accompagné les huit accusés et parcouru à pied, sous une légère pluie printanière, les 12 km séparant leur paroisse de Hà Dông, lieu où se déroulait le procès en appel. Une centaine d'agents des forces de l'ordre les ont accompagnés tout au long du chemin. Arrivés sur les lieux, ils ont été accueillis par les paroissiens de Hà Dông. Le procès a commencé à 8 heures. L'avocat principal, Me Lê Trân Luât, n'avait pu rejoindre Hanoi, comme cela était prévisible (2). Il était remplacé par deux de ses confrères, qui s'étaient inscrits avec lui pour la défense des huit catholiques. Un seul prêtre, invité officiellement, a pu entrer à l'intérieur de la salle du procès. Deux autres avaient pris place, avec les proches des accusés, dans une pièce adjacente d'où ils pouvaient suivre les débats. A 9 heures, la foule s'est rassemblée dans le jardin public et les rues proches du tribunal. Elle était surveillée par environ un millier d'agents de police, accompagnés de chiens policiers. Dans la foule, on reconnaissait à leur soutane noire, une vingtaine de prêtres rédemptoristes ainsi qu'une bonne partie des membres du clergé de Hanoi, bien souvent entourés de leurs paroissiens. De la foule fusaient des slogans comme: « Justice et Vérité ! », ou des prières: « Que le Seigneur protège nos frères ! ».

À 11 heures, on estime à environ 5 000, le nombre des participants à la manifestation de prière, groupés en rangs serrés autour du tribunal. La tension semble s'être élevée d'un cran. Les slogans sont scandés avec plus de force. Une communication téléphonique venant de la salle d'audience a informé la foule du déroulement des débats. Les bruits les plus divers circulent sur l'issue probable du procès.

À midi, profitant de la pause de fin de matinée, de nombreux étudiants des universités voisines viennent grossir la foule, certains par conviction, d'autres pour s'informer des raisons de cet attroupement. Vers 14 heures, la foule est toujours là, malgré une chaleur devenue accablante. Après avoir évoqué plusieurs issues possibles du procès, dont l'acquittement ou une diminution de peine, les personnes informées des débats par téléphone donnent désormais comme plus probable une sentence qui reprendra exactement les condamnations prononcées en première instance. Les faits leur donneront raison. Cependant l'ambiance générale à l'extérieur du tribunal reste sereine. Chacun est réconforté par la mobilisation générale des catholiques de l'archidiocèse. Une messe d'action de grâces est même prévue immédiatement après le procès, dans l'église de Hà Dông.

(1) Les informations de cet article proviennent, pour la plupart, de l'agence VietCatholic News et du site de la congrégation des rédemptoristes vietnamiens

(2) Voir EDA 502 et 503

(Source: Eglises d'Asie, 27 mars 2009)
 
Special report on the appeal trial
Thúy Dung
15:45 27/03/2009
Dear brothers and sisters in Christ,

Hanoi appellate court has rejected the appeals of eight Thai Ha’s parishioners convicted last year of disturbing public order and damaging property during a series of demonstrations to demand the return of former church land. The court of appeal in Hanoi has just upheld the sentence imposed by the lower court in December last year in which seven of those defendants received unjust stayed sentences ranging from 12 to 17 months and the other got a warning.

"There is no ground for the appeal," said court president Nguyen Quoc Hoi. "The defendants' behavior was dangerous for society, causing serious consequences... undermining the great national unity," he added.

The sentence, came in the absence of the Catholics' principal lawyer, has been seen by many as unjust to the 8 defendants, and a blunt rejection on those who are passionately seeking for justice.

The defendants argued they were merely exercising their right to free speech and committed no crime. "We are innocent," defendant Le Thi Hoi told the court. "Peaceful prayer cannot be dubbed 'disturbing the public order.'"

Dear brothers and sisters in Christ,

In an open defiance against intimidation from Vietnamese authorities through state media, dozens of Redemptorists and diocesan priests led more than 5000 faithful to participate in a “highly spirited" demonstration 200m away from the court house.

At 6 o'clock, after the morning Mass, thousands of Thai Ha’s parishioners marched 12km from their church to the court house. They sang and prayed loudly along Nguyen Trai Street to gain attention of passer-bys.

Meanwhile, thousands of Ha Dong parishioners, who have repeatedly held prayer vigils at their presteby which has been seized legally by communists since 1977, joined Thai Ha’s parishioners in the electrifying demonstration being held in front of more than 1000 anti-riot police men equipped with batons, stun guns and specially trained dogs.

The protestors held placards reading: "Justice, truth" and "You are innocent" criticizing the unjust trial.

Dear brothers and sisters in Christ,

The night before the trial, VTV1- the same Television station which deliberately broadcasted falsely that the defendants had all pleaded guilty instead of reporting their pleas of innocence at the trial in lower court- had accused the Redemptorists of instigating their parishioners, those defendants " who were at the receiving end of the state's precious clemency, but foolishly gave in to the Redemptorists' instigation and committed disorderly conducts"

The media outlet publicly questioned why the priests have not been arrested by now! Other state media outlets have shared the same language in a concerted effort to limit the number of Catholics whose their attendance is foreseeable.

Armed police was reportedly raid home in Ha Dong's neighborhoods where the trial would take place the next day. Few people were held in custody and others were expelled out of the area. Residents were warned not to allow anyone who had not registered with police to stay during the night at their homes or face severe punishment for their "not cooperating".

Dear brothers and sisters in Christ,

The Catholic defendants have obviously been deprived of their right to legal representation in accordance with due process as their principal lawyer, Mr. Le Tran Luat, could not attend the trial. Two other lawyers who have recently involved in the case advocated for 7 defendants. Nguyen Thi Nhi had to defend for herself as her only advocate, Mr. Le Tran Luat, had his license revoked.

The time period leading up to the trial has been marked by a crescendo of harassment and intimidation by Vietnamese authorities against Le Tran Luat, the attorney representing the defendants, including detention, searches, interrogation, phone threats, banning him from travelling to Hanoi, as well as taking away from him his license to practice.

Against all this state media is carrying out a smear campaign against him as a person and a servant of the public. It is outrageous that a week before the trial, Hanoi court officials contacted the defendants to inform them outright that there was a chance Mr. Luat would no longer serve as their legal counsel because the Ho Chi Minh City Police has been doing everything they can to prevent him from travelling to Hanoi.

Today, state-run media outlet, including the Communist Party's mouthpiece, Nhan Dan, carried articles saying the lawyer had used false documents and employed non-attorneys to work as lawyers. He also failed to pay taxes, the newspaper said.
 
Police block Catholics from Vietnam court hearing
AFP
16:30 27/03/2009
Police block Catholics from Vietnam court hearing

HANOI (AFP) — Vietnamese police blocked about 1,000 Roman Catholics from converging on a Hanoi court Friday where they wanted to support eight fellow believers caught up in a land dispute.

AFP reporters saw hundreds of plainclothes and uniformed police, some carrying batons and wearing helmets. Barriers were erected about 200 metres (220 yards) from the complex to stop people approaching the trial area.

Singing from Bibles, the Catholics held paper signs reading: "Justice, truth" and "You are innocent". Another criticised what it called an "unjust" trial.

The Catholics and police stood quite close together as the court heard the appeal against the conviction of the eight in a land dispute with the communist state, but there appeared to be no tension between them.

The eight filed the appeal shortly after they were convicted in December of property damage and disturbing public order during vigils in protest at the seizure, decades ago, of church land by authorities.

They wanted the appeal court to declare them innocent, their main lawyer, Le Tran Luat, has said.

He was not in court Friday. He told AFP from his base in southern Vietnam earlier this week he could not defend his clients because police had "looked for all means to prevent me from going there."

On Thursday, he said Vietnamese authorities had ordered his office shut.

"It is unfair, this court. The main lawyer is not there. The court must announce that they are innocent," said one of the protesters, Nguyen Thi Xuan, 39.

Another, Vinh Son Vinh, 50, said he believed the Catholics would take their case to a higher court if Friday's appeal failed.

"Now we don't ask for the land. We ask for truth and justice... We come here to pray for the protection of our fellow Catholics," he said, wearing a picture of the Virgin Mary round his neck.

Journalists and a handful of diplomats were allowed in to watch the proceedings, but only via closed-circuit television and not from the courtroom itself.

The court president questioned the defendants, who admitted breaking bricks on a wall but said they were innocent. Witnesses told court that the protesters' singing and other noise disturbed local residents.

Nguyen Van Phuong, a Redemptorist priest who joined the crowd outside court, said some protesters who gathered Friday had come from outside Hanoi.

"We want the Vietnamese government to respect the Vietnamese Catholic congregation," said Phuong.

At their December trial, seven of the accused received suspended sentences of between 12 and 15 months, while one was given a warning.

All eight had admitted taking part in rallies calling for the return of a church property seized after the departure of Vietnam's former colonial power France in 1954.

The group, aged between 21 and 63, maintained they simply wanted to protect what they considered church property.

Vietnam, a unified communist country since 1975, includes Southeast Asia's largest Catholic community after the Philippines, with at least six million followers in a population of 86 million.

Most church lands, and many other properties, were taken over by the state after communists took power in North Vietnam in 1954.

The eight Catholics were convicted in connection with rallies at Hanoi's Thai Ha Redemptorist parish that reached their peak last August.

They were among thousands of believers who joined prayer meetings and peaceful rallies in Hanoi that began in 2007 calling for the return of seized church properties.

Religious activity remains under state control, but Hanoi's relations with the Catholic Church had improved before the wave of property protests.
 
上诉法庭维持原判,天主教友抗议对太河教友的不公判决
Asia-News
22:09 27/03/2009
上诉法庭维持原判,认定天主教徒“破坏公共财产”、“扰乱公共秩序”。清晨,五千多人长途十二公里前往审理法庭,被一千多名牵着警犬的防暴警察制止。官方电视台指责赎主会会士们、建议将他们逮捕。胡志明市五千天主教友和普通市民——及地方政治当局成员——参加祈祷活动。八位教友受审“与耶稣十分相似”

胡志明市(亚洲新闻)—今天三月二十七日,越南就太河堂天主教友上诉案开庭,并作出了维持原判的判决,认定天主教徒“破坏公共财产”、“扰乱公共秩序”。当地时间清晨,越南首都河内总主教区五千多人长途十二公里前往审理法庭前祈祷。太河堂区八位天主教友上诉案,将在这里开庭。昨天晚上,胡志明市五千天主教友和普通市民为遭到不公审判的八位教友祈祷。

河内教友们的示威游行,无疑是向政府当局的威胁恐吓挑战。清晨六时,太河堂区举行的弥撒圣祭后,五千教友在赎主会士和教区司铎的带领下开始了徒步示威。经过十二公里跋涉后,在法庭大楼前二百米处停下来祈祷。一千多名牵着警犬的防暴警察在周围警戒,严密监视要求伸张正义的祈祷教友们。

太河堂区教友上诉案遭到了严重的人为干涉操纵。教友们自己选定的辩护律师黎镇律,连续数月遭到官方威胁、恐吓、搜查,甚至被吊销了律师执照。昨天,即开庭前一天,官方电视台越南电视一台对管理太河堂区的赎主会会士们大肆抨击。谴责他们煽动教友达到不可告人的目的、质问为什么还不逮捕这些司铎。此前,这家电视台还报道了八位教友认罪的假消息。

昨天,警方搜查了法庭所在地区所有居民区,要求非当地居民一律离开,防止爆发示威游行。一些人被赶出了街区、一些人甚至被逮捕。警方警告当地居民,不得在家留宿任何陌生人,否则将受到严惩。

昨晚,胡志明市五千天主教友和普通市民为遭到不公审判的八位教友祈祷,甚至地方警察当局也有人参加了这次烛光祈祷。六十多位赎主会士、十八位教区司铎联合主持了游行前的弥撒圣祭。

赎主会越南省会会长发表讲话,邀请大家为河内总主教吴光杰总主教、太河堂区本堂司铎以及八位“为河内教区伸张正义的”教友祈祷。

讲道中,天主教司铎将对八位教友的审判等同于耶稣所受到的不公:“两千多年前,那时的政治强权们将耶稣判了死刑,将他送上了十字架。这难道不是不公平的审判?……十字架后,将是复活的光荣。耶稣亲口说,我赢得了世界。真理将使你们自由、真理是不死的……。近年来,许多教友都成为正义的证人。他们愿意为了真理接受各种困难的考验和敌视”。
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Lãm Hà- Giáo Phận Hải Phòng cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ Đức Mẹ Fatima
Kiến Văn
16:58 27/03/2009
Giáo xứ Lãm Hà- Giáo Phận Hải Phòng cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ Đức Mẹ Phatima

Thứ tư ngày 25-03-2009 vừa qua, Giáo xứ Lãm Hà - Giáo Phận Hải Phòng, một giáo xứ mới được thành lập nằm trong khu vực nội thành Hải Phòng đã hân hoan vui mừng đón rước Tượng Thánh Mẹ Phatima từ Nhà thờ Chính Toà Giáo phận Hải Phòng về giáo xứ Lãm Hà sau một thời gian tượng Đức Mẹ lưu lại tại Giáo xứ Hội Am.

Mặc dù thời tiết có mưa, Cha quản nhiệm giáo xứ Lãm Hà Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện cùng với mọi thành phần con cái Mẹ đã không làm nản chí. Đúng 16 giờ cùng ngày bắt đầu cuộc cung nghinh Tượng Thánh Mẹ Phatima được, Tượng Thánh Mẹ Phatima được rước theo trục đường chính của Thành Phố Hải Phòng. đi đầu là xe chở đội Kim nhạc, tiếp đó là đội trống, xe taxi chở năm sắc hoa, xe chở kiệu Đức Mẹ, xe ôtô của các hội đoàn đạo đức trong các giáo xứ nội thành cùng với hơn 200 người đi xe gắn máy mang cờ Hội Thánh. Trên hành trình đoàn rước, hai bên đường dân chúng dừng lại rất đông để chiêm ngắm Tượng Thánh Đức Mẹ.

Về đến lối rẽ vào Giáo xứ. Thánh tượng Đức Mẹ Phatima được rước trọng thể bằng kiệu bát cống. Các hội đoàn xếp hàng đôi một tay cầm cành hoa hồng, tay kia cầm tràng hạt để lần hạt cầu nguyện với Đức Mẹ.

Khi Thánh tượng Mẹ được đặt lên cung Thánh, dưới chân một cây sồi các hội đoàn đã tiến năm sắc hoa cho Đức Mẹ, với lời ca dâng hoa truyền thống của Giáo Phận Hải Phòng được vang lên cùng với làn khói hương toả bay trước nhan Thánh Mẹ làm cho buổi cầu nguyện thêm sốt sáng và trang nghiêm, tất cả được diễn tả như tấm lòng đơn sơ của con cái Mẹ luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa qua sự trợ giúp và khẩn cầu của Mẹ

Đúng 18 giờ 30 phút Thánh lễ Tạ ơn do Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên chủ sự cùng một số quý Cha trong Giáo phận.

Đầu lễ, Đức Cha đã mời gọi mọi người hãy noi gương Mẹ Maria trong tâm tình khiêm tốn để luôn đón nhận được Thánh ý Thiên Chúa qua đời sống thực hành đức tin. Việc cung nghinh Thánh Tượng Đức Mẹ hôm nay còn nói lên lòng hiếu thảo và tâm tình yêu mến Đức Mẹ của Giáo xứ Lãm Hà nói riêng và cộng đoàn tham dự nói chung

Trong bài giảng Đức Cha Giuse đã nhắc lại những Thông điệp mà Mẹ gửi đến cho con cái Mẹ đó là: Sám hối; Tôn sùng Trái tim Mẹ; siêng năng lần hạt Mân Côi để cầu nguyện cho thế giới, Giáo Phận, Giáo xứ luôn được bình an, và phát triển luôn mãi.

Trong lời cầu nguyện của cộng đoàn được dâng lên với những tâm nguyện cho giáo phận, Đức Cha, Cha Xứ Antôn Nguyễn Văn Ninh đang du học tại Philipin và mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ luôn biết lắng nghe Lời Chúa và thực hành đức tin mỗi ngày.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha Thư ký Toà Giám mục Hải Phòng Phao lô Vũ Đình Viết đã nhắc lại những điều kiện để lãnh nhận ơn toàn xá khi viếng Tượng Thánh Mẹ Phatima, Cha cùng cộng đoàn nghi thức viếng Đức Mẹ để lãnh phép toàn xá.

Trong thời gian hơn một tháng Đức Mẹ lưu lại tại Giáo xứ Lãm Hà, chắc sẽ có nhiều đổi thay về đời sống vật chất, nhất là đời sống đức tin, sẽ có nhiều người đến với Mẹ và trở về với tình yêu Chúa trong Mùa chay Thánh này.

Lạy Mẹ Phatima, xin chúc lành và cầu bầu cùng Chúa xuống muôn và phúc lành cho giáo xứ Lãm Hà của Mẹ.

 
Thông tin thêm về vụ Công an điều tra học sinh lớp 7, giáo xứ Lập Thạch, Hạt Cửa Lò, giáo phận Vinh.
Giáo dân hạt Cửa Lò, Vinh
17:39 27/03/2009
Thông tin thêm về vụ Công an điều tra học sinh lớp 7, giáo xứ Lập Thạch, Hạt Cửa Lò, giáo phận Vinh.

Như chúng ta đã biết mảnh đất nghĩa trang thuộc giáo họ Đông Thành, giáo xứ Lập Thạch, xã Nghi Thạch, Nghi Lộc, Nghệ An, Từ trước tới nay bà con đã chôn cất những người quá cố trong giáo xứ, cách đây mấy năm xã nghi Xuân đã chiếm đi một phần diện tích rất lớn và đang lấn dần, đã có những vụ xô xát giữa bà con hai xã với nhau và xã Nghi Thạch đã bị xã Nghi Xuân trấn áp có những trận tranh chấp, Công an của xã Nghi Thạch bị nhân dân xã Nghi Xuân đánh cho phải đi viện.

Nhưng từ ngày có Linh Mục Phaolô Nguyễn Xuân Tính về Quản Xứ Lập Thạch, hạt Cửa Lò, sau nhiều lần phân tích công bằng, và lẽ phải có tình có lý, hai bên đã nghe ra nhất là nhân dân và chính quyền xã Nghi Xuân, được gặp gỡ Linh Mục Phaolô Nguyễn Xuân Tính người có biệt danh" thẳng như ruột ngựa" chính quyền và nhân dân hai xã đã đi đến làm hoà bắt tay đoàn kết. Một ngày đáng nhớ cho sự kiện này là vào trung tuần tháng 11 năm 2008 hai xã đã đi đến thống nhất răn giới giữa hai xã và xã Nghi Xuân đã đồng ý trả lại những phần đất đã chiếm của xã Nghi Thạch trước đây, cũng ngày đó cán bộ địa chính, chính quỳên hai xã đã cắm mốc răn giới, phần đất nghĩa trang xóm đông Thành và Nam Thạch xã Nghi Thạch từ nay yên ổn, bà con giáo xứ Lập Thạch, Xã Nghi Thạch ngày đêm miệt mài đổ công đổ của ra xây bờ rào và dọn sửa mặt bằng mở lối mở đường, tương lai sẻ có một nghĩa trang sạch đẹp ngăn nắp quy cũ trong một quy hoạch tổng thể của một nghĩa trang cấp Huyện. Chúng tôi gặp Cha Phaolô Nguyễn Xuân Tính.

Ngài hồ hởi dẫn chúng tôi ra nghĩa trang khoe và chỉ "các ông nhìn xem trước đây nghĩa trang không có lối vào, nếu có người chết đem đi chôn gặp phải trời mưa thì cha con xắn quần lội đến đầu gối, đất thì lô chô nơi một ụ, nay thì… " Không thấy được nghĩa trang trước đây nhưng chúng tôi vẫn hình dung ra một nghĩa trang với khu đất vô tổ chức khoang vu cây cối cỏ dại tùm la tùm lum…Thế mà khu đất dần dần trở thành một nghĩa trang đúng ý nghĩa của nó, Phía chính diễn trung tâm nghĩa trang lối đi vào tít cuối phần giáp răn với xã Nghi Xuân là một dài Thánh giá cao khoảng 5m bằng bê tông rộng đẹp, phía đông nam nghĩa trang các vong linh chiều chiều được hưởng những ngọn gió nồm từ biển Cửa Lò thổi vào vuốt ve mát rượi, trấn ngự phía tây nam nghĩa trang là hòn "Núi Đá Dựng" mang những dấu tích hào hùng của một thời đã che chở cho bao con cái từ ngàn xưa cũng như trong những năm chiến tranh trách bom đạn. nhân dân ở đây cho chúng tôi hay, hồi chiến tranh "Núi Đá Dựng" đã chở che cho bà con các xã lân cận quanh vùng tản cư về trú ẩn, trong lòng "Núi Đá Dựng" là một đường hầm tự nhiên trộng thênh thang mát rượi. Ngày nay do những đầu óc thiếu văn hoá, chạy theo những lợi nhuận kinh tế trước mắt đã phá "Núi Đá Dựng" để lấy làm vật liệu xây dựng, tuy "Núi Đá Dựng" bị người ta làm cho méo mó, song nó vẫn còn giữ được phần nào trạng thái ngày xưa nếu người ta không phá tiếp, nhất là đường hầm trong lòng núi. Để tô điểm cho Nghĩa trang có chút uy nghiêm hay để muốn nhắn gửi cho những tên "Núi tặc" mà chị em Phụ nữ giáo xứ lập Thạch, Xã Nghi Thạch nhân ngày quốc tế Phụ nữ mùng 8/3 kiếm đâu ra được hai "chú hổ" đá trông oai vệ về đặt đúng nơi mà người ta đã phá đá lấy đi một phần rất lớn của bản thân "Núi Đá Dựng", nhằm ngầm nhắn bảo cho những kẻ "Núi tặc" coi chừng liều mạng bất chấp tất cả vì lợi ích trước mắt mà phá đi những phong cảnh mà thiên nhiên ban tặng thì có ngày bị "hổ vồ".

Phong thuỷ hữu tình là thế, nhưng những ngày gần đây, nhất là vào thứ 6 ngày 13 tháng 3 trong tuần chầu lượt của xứ Lập Thạch thay cho toàn giáo phận, thì có 3 "chú công an" huyện và "đồng chí" Đào Hữu Sơn trưởng công an xã huy động toàn thể lực lượng công an, an ninh xã Nghi Thạch vào quấy nhiễu hòng đập phá hai "chú Hổ" đá của bà con và chị em phụ nữ ngay trong ngày thứ sáu của tuần chầu lượt, bức xúc trước hành động thiếu suy nghĩ và vô văn hoá của nhóm công an và an ninh, toàn thể bà con chị em phụ nữ giáo xứ Lập Thạch chạy nhanh ra nghĩa trang để nhằm ngăn chặn gìn giữ hai "chú hổ" đá mà lực lượng công an huyện và xã định đập phá, không biết dư âm ưu đại của ngày 8/3 còn đọng mãi hay sao mà sự xông xáo hùng dũng ra oai của chị em phụ nữ nhà ta làm cho các "chú công an và an ninh" khiếp vía tháo chạy tất bật trước những "sư tử Hà Đông Lập Thạch dương oai" có "Chú công an" xã khiếp sợ trước một lực lượng hùng hổ chị em, không biết luống cuống ríu chân thế nào mà chạy không nổi vấp ngã sóng xoài mang xây xát thương tích vào mình.

Sự việc cũng chẳng có gì là to tát nếu những việc làm tiếp theo của công an, chính quyền uỷ ban, nhà trường phổ thông cơ sở cấp 2 nghi Thạch. Số là thế này: vào tiết học thứ 2 như mọi ngày bình thường khác các em lớp 7A trường phổ thông trung học cơ sở Nghi Thạch được cô chủ nhiệm (Cô Tâm) thông báo đích danh em Nguyễn thị Nhung theo lời cô Tâm thì em Nhung lên phòng cô để "bồi dượng giờ học riêng". Khi lên đến văn phòng của trường thì có Thầy hiệu trưởng của trường, cô và thầy đã dẫn em sang phòng thí nghiệm của trường, bước vào phòng thí nghiệm em Nguyễn thị Nhung bắt gặp hai "chú công an", một anh văn hoá xã tên là Thoan, một anh có tên là Phùng Tuấn công an điều tra huyện Nghi Lộc ( sau này giáo dân mới hỏi ra) trong lòng một bé gái mới 12 tuổi đã thấy lo sợ, sao cô chủ nhiệm bảo trước cả lớp là đưa em lên "bồi dưỡng giờ học riêng", nay lại có công an, sau đó cửa phòng được khoá lại để thực hiện giờ "học riêng" mà các chú công an là người trực tiếp bồi dữơng, không biết sau mấy giờ "bồi dưỡng học riêng" ra sao mà khi cánh cửa phòng thí nghiệm của trường trung học cơ sở Nghi Thạch mở ra, thì em Nguyễn thị Nhung vù chạy một mạch về nhà mặt tái xanh khoảng loạn, mình rung lên từng đợt (theo lời Ông và mẹ cháu kể) thật tội ngiệp cho bé gái 12 tuổi gây thơ trong sáng chỉ biết nhảy cò, nhảy dây sau những phút ra chơi với bạn bè. không hoảng loạn sao được với một bé thơ vô tội bị các công an trấn áp nhiều giờ, được sự hộ trợ đầy gian dối của cô giáo Tâm chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng, thật đau lòng và đáng trách một số thầy cô trường phổ thông cơ sở Nghi Thạch, Nghi Lộc. Một cô chủ nhiệm đầy uy tín là người mẹ, nhà giáo dục, nhà trồng người cho tương lai, cả gan đứng trước lớp học với độ tuổi hồn nhiên trong sáng 11, 12 mà nói dối trắng trợn như vậy, thì hỏi còn giáo dục cái gì trong ngôi trường này đây? không biết cô chủ nhiệm Tâm có bứt rứt trong lòng không qua lời dối trá lừa đảo với một em học sinh đáng tuổi con cháu mình? hay mặt đã dày như cái mo không còn biết tự trọng là gì nữa? thật đáng buồn cho một nền giáo dục trong một đất nước mà người ta không còn chú trọng về " Tiên học lễ, hậu học văn".

Thôi xin quay lại vấn đề giáo xứ Lập Thạch với các em học sinh và nhà trường. Sau vụ tra khảo em Nguyễn thị Nhung vì sợ quá các em học sinh Công giáo, xứ Lập Thạch sợ hết hồn hết vía nên nghỉ học không đi học nữa, Cha xứ phải trấn an các em mãi, bố mẹ an ủi động viên và lên tận trường đòi thầy hiệu trưởng cam kết, sau ba ngày các em mới dám "run rẩy" cất bước đến trường, chân ướt chân ráo gồi chưa ấm chỗ, thì lại bị một thầy tên là Minh dạy giờ tuyên bố " nếu các em không khai báo với công an, sau này không cho thi tốt nghiệp, không cho lên lớp". xin lỗi quý độc giả: lại một "thằng thầy" dở hơi. Được biết các em trong toàn xứ Lập Thạch, xã Nghi Thạch đồng loạt phản ứng và tuyên bố cùng nhà trường " nếu nhà trường, công an tiếp tục trấn áp và o ép thì các em từ lớp 5 đến lớp 9 trường phổ thông cơ sở xã Nghi Thạch sẻ nghỉ học hết. Sau tình hình căng thẳng thầy hiệu phó đã đến xin lỗi Cha quản xứ Lập Thạch, và xin Cha chuyển lời xin lỗi tới các phụ huynh và xin hứa sẻ không làm gì nữa để các em ổn định tinh thần học tập.

Toàn thể phụ huynh các em học sinh trường phổ thông cơ sở xã Nghi Thạch đã kéo nhau lên nhà trường, yêu cầu thầy hiệu trưởng phải làm giấy tường trình và khai ra ai là người chỉ đạo vụ trấn áp học sinh. được biết ông hiệu trưởng Đào Đình Đài trường phổ thông cơ sở xã Nghi Thạch đã viết bản tường trình sự vụ, trong bản tường trình ông cho biết, do Ban văn hoá xã, phụ huynh lại kéo nhau đến Ban văn hoá xã, thì các ông văn hoá xã trả lời với phụ huynh các học sinh là vụ này do sự chỉ đạo từ uỷ ban xã mà trực tiếp là Ông chủ tịch xã Trương Công Hợi và trưởng công an xã ông Đào Hữu Sơn, mấy hôm nay phụ huynh và bà con giáo dân liên tục kéo nhau lên văn phòng uỷ ban xã Nghi Thạch để hỏi cho ra ai là người chỉ đạo cho ông chủ tịch xã và ông trưởng công an xã nhưng khi biết nhân dân và các phụ huynh học sinh kéo nhau lên uỷ ban thì cổng uỷ ban xã Nghi Thạch luôn đóng kín./.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thông cáo của Nhà cầm quyền: tổ chức lực lượng tuần ta, canh gác, kiểm tra chặt chẽ người... trong ngày 26, 27, 28/3 tại nơi xử 8 giáo dân
PV VietCatholic
02:45 27/03/2009
HÀ ĐÔNG - Sau nhiều ngày trì hoãn xử lại vụ án 8 giáo dân bị oan, cho đến nay, chính quyền Hà Nội đã chính thức công bố ngày xét xử phúc thẩm tại Trụ sở TAND TP. Hà Nội, cơ sở II, số 2 đường Nguyễn Trãi, Hà Đông, vào lúc 8 h ngày 27/ 3/ 2009.

Có 8 giáo dân, người dân chân yếu tay mềm, không quyền lực, không vũ khí, thế mà chính quyền Hà Nội rất run sợ. Trước ngày xét xử phúc thẩm họ đã chỉ đạo cho lắp đặt toàn bộ hệ thống máy ghi hình, ghi âm, phá sóng, cử người ngày đêm theo dõi nhà thờ Hà Đông. Họ ngồi trên toà nhà cao tầng bên cạnh nhà thờ Hà Đông để theo dõi và ghi xem có bao nhiêu lượt người vào trong nhà thờ Hà Đông.

Không những họ ra những văn bản cấn bán hàng tại Hà Đông và các khu phố xung quanh, mà sáng ngày 26.3 họ đã cho người đi rêu rao: “không bán hàng vì sợ người Công giáo cướp phá”.

Họ còn nói thêm: “kể cả các gia đình ở gần đó không bán hàng cũng phải đóng cửa kín để bảo đảm an ninh trật tự”.

Một người bán hàng nói: “nếu là công việc quang minh chính trực thì việc gì phải sợ”.

Cán bộ tuyên truyền trả lời: “nhưng người Công giáo dữ tợn lắm”.

Người bán hàng nói tiếp: “chúng tôi sống gần người Công giáo bao nhiêu năm nay, có vấn đề gì đâu, tôi thấy họ rất tốt là khác”.

Cán bộ cùn: “tôi không tranh luận với bà nữa” và lặng lẽ bỏ đi.

Buổi chiều ngày 26 trước ngày xử họ biểu dương lực lượng: công an, cảnh sát, dân phòng, dân vệ, cựu chiến binh, sinh viên tình nguyện, TNCS Hồ Chí Minh, để doạ nạt bà con giáo dân Hà Đông và những ai đến đó cầu nguyện. Họ cũng chuẩn bị hàng rào sắt phong toả khu vực toà án để không cho bà con giáo dân vào dự xét xử.

Buổi tối có nhiều kẻ mặc thường phục qua lại khu vực chung quanh nhà Thờ Hà Đông. Họ sợ đến nỗi mà tại TANH Hà Đông, họ phải kê bàn ghế ra ngoài sân để ngồi trực thâu đêm.

Đúng là việc làm đem tối của chính quyền Hà Nội, sợ hãi cả những cụ già chân yếu tay mền, không quyền lực, không vũ khí đạn dược.

(Xin xem văn bản kèm theo)
 
Tin cập nhật về phiên toà phúc thẩm sáng 27.3
PV VietCatholic
04:23 27/03/2009
HÀ NỘI - Sáng nay, 27.3, lúc 6h, sau thánh lễ sáng, đông đảo giáo dân xếp hàng một, đi bộ từ nhà Thái Hà đến nơi xử án tại Hà Đông (khoảng chừng 12km). Cảnh sát cơ động cùng với nhân viên an ninh ước chừng hơn 100 đã “hộ tống” đoàn người ngay từ cổng nhà thờ Thái Hà. Đoàn người đông đảo ra tới đường phố, thì cảnh sát giao thông và cơ động tay cầm dùi cui, miệng huýt còi inh ỏi dẹp lối. Đoàn người hiên ngang tiến bước trên hè phố.

Cùng thời điểm, thánh lễ tại nhà thờ Hà Đông (Nhà thờ gần nhất nơi xử án, khoảng chừng 350m) cũng vừa kết thúc. Giáo dân nhận phép lành cuối lễ và chuẩn bị nghênh đón đoàn người hộ tống 8 nạn nhân vì công lý từ Nhà thờ Thái Hà đang trên đường tiến về nơi xử an.

Bây giờ là 9h tại vườn hoa Hà Đông cách nơi xử án chừng 200m. Giáo dân đứng chật kín vườn hoa và các con phố xung quanh toà án. Lực lượng cách sát cơ động và nhân viên an ninh, dân phòng, chó nghiệp vụ ước chừng hơn 1000. Giáo dân đang ho to khẩu hiệu: “Công lý và sự thật”. Nhóm các chị em và các bà đang hát vang lời kinh Kính Mừng Maria. Được biết, ngoài linh mục DCCT ước chừng 20 tu sĩ mặc áo dòng đen đang đứng với giáo dân, còn có khá đông các linh mục thuộc Giáo phận Hà Nội cũng đang cầu nguyện với giáo dân cách nơi xử án 200 -300m.

Chúng tôi sẽ cố gắng cập nhật cùng quí vị về Phiên toà phúc thâm trong thời gian gần nhất
 
Tin cập nhật 9:30 sáng ngày 27.3 tại nơi xử án
PV VietCatholic
04:26 27/03/2009
HÀ ĐÔNG - Thời tiết Hà Nội lúc này mát mẻ. Buổi sáng có những hạt mưa xuân lây phây. Bây giừo 9h30 sáng, mưa đã tạnh. Giáo dân ước chừng gần 5000 người đang đứng trong vòng vây của cảnh sát cơ động cùng với hàng rào sắt nhọn hoắt.

Trên tay, giáo dân cầm những tờ khẩu hiệu hết sức ôn hoà: “Công Lý vá Sự Thật”, “Chúng tôi yêu mến anh chị em”, “Xin Chúa gìn giữ anh chị em”… Giáo dân vẫn tiếp tục cầu nguyện lớn tiếng với những lời kinh mân côi. Thỉnh thoảng lời kinh hào bình lại được cất lên dưới sự hướng dẫn của các linh mục.

Được biết hiện tại có hai linh mục được vào bên trong khu vực xử an cùng với mấy người thân của các nạn nhân vì công lý. Tuy nhiên, chỉ có một mình linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, phát ngôn viên Tu viên – Giáo xứ Thái Hà được tham dự phiên toà. Ngay cả các thân nhân cũng không được trực tiếp tham dự phiên toà. Họ bị đưa vào trong một phòng rộng gần 20m2 để theo dõi cách gian tiếp phiên toà.
 
Khi Nhà Nước Đè Bẹp Công Lý.
Nguyễn An Qúy
05:57 27/03/2009
Khi Nhà Nước Đè Bẹp Công Lý.

Thái Hà và Toà Khâm Sứ là nơi xuất phát việc cầu nguyện đòi Công lý và Sự thật. Đúng như lời Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã tuyên bố: Cầu nguyện không phải chỉ để đòi lại mảnh đất, mà là để đòi Công lý và Sự thật.

Thực sự, những chuyện bất công đang càng ngày càng lan tràn khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Người dân sống trong cảnh áp bức từ hình thức âm thầm, đến cảnh trắng trợn cướp đất, cướp nhà công khai, có khi bằng vũ lực. Bởi vậy mới có nạn Dân oan khiếu kiện và bộc phát khắp nơi trong những năm gần đây, khi người dân đã hết đường sống vaàkhông cò sợ hãi nữa nên đã đứng lên đòi công lý.

Tám giáo dân Thái Hà quyết tâm đòi công lý vì họ bị kết án một cách bất công, họ lại bị báo Hà Nội Mới vu khống khi đăng bản tin về việc toà án xét xử sơ thẩm 8 giáo dân với lời bịa đặt: “các bị cáo đều cúi đầu nhận tội”. Họ khẳng định là họ không bao giờ cúi đầu nhận tội nên họ đã kháng cáo, họ đã khiếu kiện báo Hà Nội Mới và yêu cầu báo đính chính bản tin lại một cách rõ ràng.

Nhìn qua diễn biến các sự việc có liên quan đến vụ xử phúc thẩm 8 giáo oan sắp đến mà nhà nước cộng sản Việt Nam đã và đang hành động trong thời gian gần đây, thì thấy ngay:”nhà nước đang chủ trương đè bẹp công lý”.

Trước hết là chuyện quanh co mà toà án thành phố Hà Nội bày ra để trao đổi với 6 giáo dân vào ngày 23-3-2009 tại văn phòng toà án Hà Nội. Buổi trao đổi với nội dung chỉ vỏn vẹn là toà án muốn hỏi ý kiến các “bị cáo” về việc nhờ luật sư bào chữa. Khi trao đổi với toà án các giáo dân đã khẳng định, họ nhất quyết nhờ luật sư Lê Trần Luật đảm trách công việc biện hộ cho họ trước toà trong phiên xử phúc thẩm.Việc trao đổi này xét ra thì cũng chỉ là chuyện bày trò để câu giờ và làm cho có vẻ quang minh chính đại một chút, nhưng không ngoài mục đích làm nản lòng các chiến sĩ đấu tranh đòi công lý. Chuyện buồn cười, toà án thì ghi nhận các giáo oan nhất quyết mời luật sư Lê Trần Luật bào chữa, nhưng phía công an và sở tư pháp Sài Gòn, Ninh Thuận lại khống chế và ngăn chận việc đi lại của luật sư Luật, thế thì toà án hỏi ý kiến các giáo dân để làm gì nhỉ?

Ngày 22-3-2009, anh Nguyễn Đắc Hùng đã cụ thể lên tiếng bằng văn bản gởi Toà án Nhân dân thành phố Hà nội với một văn thư ghi rõ ràng: Đơn phản đối phiên toà v/v xét xử phúc thẩm không đảm bảo quyền bào chửa của bị cáo.

Đơn phản đối của anh Nguyễn Đắc Hùng đã nêu 2 điểm cụ thể: 1. Toà án đã cấp giấy chứng nhận người bào chữa số 01/HS-GCNNBC ngày 9/01/2009 cho luật sư Lê Trần Luật bào chữa cho anh Hùng và các giáo dân khác.- 2. Luật sư Lê Trần Luật đã 5 lần đến Toà Án Nhân Dân thành phố Hà Nội xin tiếp xúc hồ sơ để chuẩn bị luận cứ bào chữa trong phiên xử phúc thẩm nhưng vẫn không được cán bộ TAND Hà Nội đáp ứng yêu cầu. Điều này chứng tỏ toà án Hà Nội đã cố tình tạo sự khó khăn cho công việc bào chữa của luật sư Lê Trần Luật hay đúng hơn là coô tình ngăn cản việc làm của luật sư biện hộ. Đó là chuyện tại Hà Nội, xa hơn nữa là chuyện mở rộng chiến dịch trấn áp người từ Sài Gòn mà dám đương đầu với câu chuyện Thái Hà. Tám giáo dân được gọi là “bị cáo” sẽ được đưa ra xét xử phiên phúc thẩm ngày 27-3-2009, đâu phải là chuyện riêng của 8 giáo oan này. Người viết còn nhớ lời của Đức Giám Mục Nguyễn Văn Sang khi đến cầu nguyện với giáo dân tại Toà Khâm Sứ, ngài nói rất trịnh trọng như để chia sẻ với những giáo dân có mặt: “nếu việc cầu nguyện mà bị đi tù, thì chắc sẽ có rất nhiều người cùng bị đi tù và tôi cũng bị luôn”. Linh mục Nguyễn Văn Khải trong thông cáo ngày 13-3-2009 gởi toàn thể giáo dân và những người yêu công lý đã tuyên bố mạnh mẽ: “Giáo xứ làm hết mức có thể để 8 giáo dân được bảo toàn danh dự và được trả tự do”

Trở lại việc trấn áp người dám đứng ra bào chữa cho 8 giáo oan Thái Hà, đó là luật sư Lê Trần Luật. Kế hoạch đè bẹp và dẹp bỏ công lý được hoạch định rõ ràng, nên cấp trên đã chỉ thị cho công an từ Sài Gòn đến Ninh Thuận, đảm nhận công việc trấn áp luật sự Lê Trần Luật một cách có hệ thống. Bắt đầu là việc ngăn chận luật sư Luật tại phi trường Tân sơn Nhất ngày 3-3-2009 khi luật sư lên máy bay ra Hà Nội, rồi việc bắt thư ký của văn phòng luật sư là bà Tạ Phong Tần ngày 4-3-2009, trưa hôm đó bà Tần vừa từ một quán cơm đi ra thì bị một toán công an lôi bà lên xe và chở về trụ sở công an Gò Vấp. Ngoài ra, tất cả những trang bị làm việc tại văn phòng luật sư như máy in, máy vi tính, tài liệu lưu trữ có liên quan đến công việc của văn phòng đều bị tịch thu hết. Ngày 18-3 khi luật sư Lê Trần Luật đi xe hơi ra Hà Nội thì bị công an Ninh Thuận chận lại và sau đó xe công an từ Sài Gòn ra Ninh Thuận chở luật sư Luật về lại nhà của ông ở Gò vấp. Biện pháp mạnh hơn là gần ngày xử phúc thẩm, ngày 24-3-2009 từ sáng sớm đoàn Thanh Tra sở Tư Pháp tỉnh Ninh Thuận đã đến Văn phòng luật sư pháp quyền (VPLSPQ) của ls Lê Trần Luật để tống đạt 2 biên bản xử phạt vi phạm hành chánh: 1. Chi nhánh số 3 tại Long An chấm dứt hoạt động mà không báo cáo cho Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận – 2.. Chi nhánh 2 tại quận 9 giao cho người đảm nhận không phải luật sư, để biết hư thực ra sao về 2 biên bản xử phạt này, xin mời vào: www.dcctvn.net/news.php?id=2502. Ngày 25-3-2009 công an Gò Vấp lại nhanh chóng đến VPLSPQ của ls Lê Trần Luật để thực hiện chuyện xử phạt mà Thanh tra sở Tư pháp Ninh Thuận đã tống đạt cho ls Luật ngày 24-3. Lệnh phạt vi phạm hành chánh là bắt luật sư Luật nộp phạt 4 triệu đồng, chuyện còn hấp dẫn hơn là công an đã “ tước giấy đăng ký hoạt động của VPLSPQ” và tuyên bố vô thời hạn.

Chiều ngày 25-3-2009, luật sư Lê Trần Luật từ Sài Gòn đã gởi đến tám giáo dân Thái Hà một bức thư báo tin là luật sư sẽ không đến bào chữa cho các giáo oan trong phiên xử phúc thẩm vào ngày 27-3-2009 được. Chắc không ai ngạc nhiên khi nhận thư báo tin về vụ việc này, vì mọi người đã thấy trước phương cách dẹp bỏ công lý của nhà nước cộng sản Việt Nam rồi.

Từ bên kia bờ đại dương, tôi đọc bức thư của luật sư Lê Trần Luật gởi 8 giáo oan với lòng kính trọng bằng tâm tình biết ơn. Biết ơn một vị luật sư đang sống trong sự kềm kẹp của một thế lực bạo tàn mà dám đương đầu đi tìm và bảo vệ công lý. Thư báo tin có đoạn luật sư viết rất cảm động: “Từ những phút giây e dè mà tôi đã gọi điện cho Cha Nguyễn Ngọc Nam Phong để đề nghị được bào chữa cho các vị, cho đến hôm nay là một cuộc hành trình đầy gian khó. Máu đã đổ, nước mắt đã rơi, những nụ cười rạng rỡ, những bó hoa, những vòng tay ôm thắm thiết…đã làm cho tôi nhớ quay quắt khi nghĩ đến Thái Hà…”.

Vâng, cuộc hành trình đi tìm công lý từ luật sư Lê Trần Luật cho đến những giáo dân Thái Hà và từ những người yêu công lý cho đến cả dân tộc Việt Nam là một cuộc hành trình dài đầy gian khổ, khi đất nước còn đảng cộng sản nắm quyền thống trị

Qua tâm tình của luật sư Luật trong thư gởi giáo dân Thái Hà, tôi lại được biết nhiều hơn về sự can trường của những giáo dân bé mọn nơi xứ Thái Hà với lòng kính phục. Luật sư Lê Trần Luật viết tiếp trong thư: (…Tôi có mặt cùng bà Nguyễn Thị Việt với cơ quan điều tra, thì đó là những cuộc đấu lý dằn co giữa bà Việt với cơ quan điều tra về hành vi cầu nguyện và đập bỏ bức tường có phạm tội hay không, bà Việt nói: các anh thấy đó là phạm tội, nhưng tôi thấy đó là tốt đẹp”. Tôi bất ngờ vì bà Việt đã phản biện như sau”nếu tôi đem gạch đá vào công an quận Đống Đa xây bức tường, anh yêu cầu tôi đập bỏ nhưng tôi không đập bỏ, sau đó anh tự ý đập bỏ thì anh có phạm tội hay không?”. Công an trả lời: Ô hay, bà này nói chuyện kỳ nhỉ. )

Câu chuyện ví von của bà Việt khi đề cập đến việc mà cơ quan điều tra của nhà nước cộng sản cố tình ghép tội “huỷ hoại tài sản” cho 8 giáo dân, đã làm cho ông công an điều tra ngọng luôn, nên anh ta chỉ thốt lên câu ngớ ngẩn: “Ô hay, bà này nói chuyện kỳ nhỉ”.

Luật sư Lê Trần Luật kết thúc bức thư với lời nhắn tâm tình: Hai ngày nữa, dù phiên toà

có mặt tôi hay không thì các vị cũng nên tin rằng công lý và sự thật sẽ chiến thắng vì chúng ta đã phó thác sinh mạng mình trong đôi tay của Chúa.

Thế là hết, luật sư Lê Trần Luật không còn cách nào có mặt được trong phiên xử phúc thẩm vào ngày 27-3-2009 tại Hà Nội, để cùng với 8 giáo oan hiên ngang đòi công lý và sự thật. Nhà nước cộng sản Việt Nam đã cố tình đè bẹp Công lý bằng những biện pháp gian ngoa và tồi tệ.

Dù 8 giáo oan Thái Hà phải trả bằng giá nào, nhưng cuối cùng công lý và sự thật phải chiến thắng.

Từ vùng Tây Bắc Hoa Kỳ đêm lễ Đức Mẹ chịu Truyền tin 25-3-2009.
 
Tin từ Toà phúc thẩm lúc 11h sáng ngày 27.3
PV VietCatholic
06:19 27/03/2009
HÀ ĐÔNG - Bây giờ là 11h tại Toà án Hà Đông. Giáo dân hầu hết tập trung trong vườn hoa, đang hát thánh ca dưới sự hướng dẫn của linh mục phó Bề trên Thái Hà Giuse Nguyễn Văn Thật.

Rất đông giới trẻ đã tham gia buổi cầu nguyện ngoài toà án hôm nay. Từ sáng tới giời họ không ngồi nguyên một chỗ. Họ mặc áo đỏ, xếp thành hàng 5-6, diễu hành trên các con phố xung quanh khu vực toà án với những băng rôn đỏ: “Chúng tôi vô tội”. Cảnh sát cơ động và lực lượng an ninh luôn bám sát họ. Máy quay phim chụp hình của cảnh sát chìm đôi khi dí sát vào mặt họ.

Lúc này là 11h15, tình hình có vẻ khá sôi động và có phần căng thẳng. Các linh mục và tu sĩ mặc áo dòng đen đang mời gọi bà con giáo dân ngồi lại trong khuôn viên vườn hoa. Cha Phó Bề trên Thật đang bắt nhịp và cất cao lời kinh hoà bình cho giáo dân cùng hát.

Điện thoại từ trong toà cho biết, hiện nay tình hình trong toà cũng đang khá căng thẳng. Có thể ba phương án được nêu ra: 1. Nếu các giáo dân chấp nhận cúi đầu nhận tội và khai ai là người cầm đầu thì được tha bổng hết. Các nạn nhân vì công lý vẫn kiên vững với lập trường của mình là việc làm của họ là không phạm pháp và không ai là người cầm đầu cả, mà công việc chung nhà Chúa thì mọi người cùng gánh vác. 2. Có thể tình hình bên ngoài căng thẳng qúa, thì Toà có thể vẫn ý án sơ thẩm. 3. Có thể phiên toà tiếp tục qua buổi chiều và giảm án sơ thẩm.

Lúc này, không khí bền ngoài nóng dần lên. Giáo dân ái nấy đều đeo ảnh Nữ Vương Công Lý trước ngực, một tay cầm cành lá thiên tuế, một tay giờ cao tờ giấy với dòng chữ: “Sự Thật – Công Lý – Hoà Bình”, “Chúng tôi đồng trách nhiệm”, “Ai đi tù, chúng tôi đi tù thay”, “Chúng tôi vô tội”, “Sự thật là gì?”, “Làm chứng cho sự thật”.
 
Tuyệt vời những người con Giáo Phận Hà Nội!
Ngọc Tâm
06:31 27/03/2009
Tuyệt vời những người con Giáo Phận Hà Nội!

Cho đến thời điểm này, tôi vẫn đang chăm chú theo dõi trên Internet những thông tin cập nhật nhanh nhất từ DCCT và Vietcatholic về những hình ảnh cũng như diễn biến của phiên xử phúc thẩm ngày hôm nay.

Refresh liên tục các trang Web mỗi lúc tôi lại bắt gặp một nét gì đó rất hồn nhiên, trong sáng trong từng bức hình mà các CTV ghi được về những bước chân của hàng ngàn người con của GPHN đang lũ lượt “quốc bộ” về nơi xử án để chứng kiến phiên tòa. Lòng tôi cũng rạo rực không kém anh chị em giáo dân ngoài bắc, vừa hồi hộp vừa cầu nguyện.

Trong lòng cảm thấy rất an tâm rằng chúng ta đang đi đến tòa với khí thế hiên ngang của những công dân vô tội. Nhìn đoàn người lũ lượt tuôn về nơi xử án tôi cảm nghiệm được Bàn tay Chúa đang tác động nơi anh chị em chúng ta. Đang thúc đẩy mọi người bước đến tòa án trong sự an bình và tự tin đến lạ lùng.

Hiên ngang quá, xúc động quá, cho dù phiên xử đến thời điểm này tôi chưa nhận được thêm một thông tin nào về phiên tòa đang diễn ra. Nhưng tôi tin tưởng rằng công lý và tình yêu đang tràn ngập khắp mọi nẻo đường HN.

Sáng nay tại Giáo xứ chúng tôi đây đang bước sang ngày thứ 2 của tuần cao điểm chầu Đền Tạ Thánh Thể thay cho toàn Giáo Phận, trong những lời kinh nguyện và trong Thánh Lễ đồng tế sáng nay. Tôi và có lẽ là nhiều người khác, những người quan tâm đến những sự việc đang diễn ra ở HN và SG trong nhiều ngày qua, đều không quên cầu nguyện cho 8 anh chị em giáo oan và luật sư của họ.

Cho đến tối qua lòng tôi vẫn nao nao và có chút gì đó lo sợ cho sự an nguy của các anh chị em đồng đạo ở HN thì sáng nay cảm giác ấy gần như đã tan biến. Tôi lo không phải là không có lý do, vì theo tôi được biết thì chính quyền, người ta đang bắt đầu thực thi những biện pháp có thể nói là rất mạnh để chuẩn bị cho phiên phúc thẩm. Như nhiều tờ báo, truyền hình đã làm các “công tác tư tưởng” rất ghê gớm, các nghành an ninh, quân đội và viễn thông cũng được huy động vào cuộc một cách tổng lực. Tôi sợ anh chị em chúng ta sẽ chùn bước, sẽ run sợ trước những gì mà họ đang bày ra.

Nhưng cho đến sáng nay cảm ơn Chúa sao mà thần kỳ thế mọi người đã tuôn về như một liều thuốc tinh thần vô giá, như một tấm lá chắn mà Chúa dựng nên phía sau lưng 8 anh chị em sắp ra tòa. Ngọn nến đức tin lại được thắp lên lòng trung kiên và phó thác vào chúa lại được thổi bùng lên như ngọn lửa có thể thiêu đốt hết những lo lắng, những cạm bẫy đang bày ra trước mắt họ. Chúng ta bước đi trong ơn nghĩa Chúa thì còn gì có thể ngăn cản chúng ta được nữa, đội quân cơ động hùng mạnh được trang bị tận răng kia chẳng phải như những bông hoa dại đang tô điểm thêm cho những bông hoa lớn đẹp rực rỡ trên bức tranh tìm công lý của Những người con ưu tú GPHN sao?

Chúa luôn biến nguy thành lành biến cái không thể thành có thể. Hãy tin vào Ngài
 
Tin tức từ phiên toà phúc thẩm lúc 12h30
PV VietCatholic
07:16 27/03/2009
Bây giờ là 12h30 tại Hà Đông, Hà Nội. Đến giờ này lượng người đổ về đây càng lúc càng đông. Các sinh viên từ các trường đại học lân cận cũng đổ ra, người thì đứng quan sát, người thì tham gia cùng với đông đảo giáo dân.

Thời tiết lúc này khá gay gắt. Ánh nắng mặt trời soi chiếu chói chang. Các nhân viên an ninh và cảnh sát cơ động, kẻ đứng kẻ ngồi vạ vật nơi các bóng râm. Giáo dân cũng đang tìm những bong mát trong vườn để nghỉ. Các bà các cô vẫn râm ran lời kinh mân côi cầu nguyện cho anh chị em của mình. Các thanh niên nam nữ không còn diễu hành nữa. Họ đang vui vẻ chuyện trò và ăn trưa với những tấm bánh mì và những nắm cơm mà các giáo dân khác mang theo.

Để giảm bớt lượng người đang phải đứng giữa trời nắng, cha quản hạt Hà Nội đang tổ chức thánh lễ tại nhà thờ Hà Đông. Lượng người tại khuôn viên vườn hoa và trên các con phố xung quanh toà án tuy thế vẫn đông đúc không thể ước chừng.

Tin tức từ trong toà án cho hay, từ sáng tới giờ xem ra toà vẫn chưa có đông thái gì lạ thường. Dường như phiên toà vẫn chưa đi đến đâu cả.
 
Phiên tòa phúc thẩm kháng cáo đã kết thúc. Với kết quả y án sơ thẩm.
PV VietCatholic
10:58 27/03/2009
Tin cập nhật lúc 15g15 ngày 27.3.09

Phiên toà án phúc thẩm 8 nạn nhân vì công lý Thái Hà vừa kết thúc. Hàng ngàn giáo dân ùa đến, đón chào 8 vị anh hùng cùng với hai luật sư can đảm của họ là Hoàng Cao Sang và Huỳnh Văn Đông.

Được biết, công tố viên của phiên toà đã đuối lý trước những biện luận hùng hồn, thuyết phục và xác thực của các luật sư bào chữa. Dù vậy, dường như bản án đã được viết trước. Kết thúc phiên toà phúc thẩm, chủ toạ công bố: y án sơ thẩm!

Đoàn người đông đảo hàng hàng lớp lớp cùng với các anh hùng công lý và hai vị luật sư tiến về nhà thờ Hà Đông. Lòng người nô nức vừa đi vừa hát, vừa hô vang: Công lý cho Thái Hà! Trắng án! Vô tội!...

Một bản kịch không biết của kẻ mạnh nào được bày ra: Một số kẻ lạ mặt xuất hiện ở nhà thờ Hà Đông trước khi đoàn giáo dân kéo về. Đám người lạ mặt bắt đầu quấy rối trước cửa nhà thờ. Ngay lập tức những thanh niên Công giáo ấp vào bao vây những kẻ lạ mặt. Các linh mục thấy tình hình căng thẳng liền ra can thiệp. Giáo dân ôn hoà, tha cho những kẻ định giờ trò quấy rối. Bản kịch của kẻ có quyền bị đổ bể!

Các linh mục tiến ra đón chào các nạn nhân công lý và hai vị luật sư. Những tràng pháo tay không ngớt vang dậy cả một khoảng trời. Không khí Hà Đông lúc này vốn đã nóng bởi ánh nắng mặt trời chói toà, lúc này lại càng bừng bừng, sôi động không lời nào diễn tả.

Sau một hồi ca hát, chúc mừng, hàng ngàn người ngồi kín trong nhà thờ tràn ra ngoài sân im phăng phắc, chuẩn bị tâm hồn dâng lễ tạ ơn Chúa, cám ơn Nữ Vương Công lý và Hoà Bình. Cha chánh xứ nhà thờ Hà Đông đang phải nằm viện từ mấy ngày nay, nhưng trưa nay ngài gắng hết sức trở về với giáo xứ và cùng với toàn thể dân Chúa từ khắp nơi trong Tổng giáo phận Hà Nội, cùng dâng lễ tạ ơn.

Chiều tối nay, những thông tin về thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ Thái Hà và những thông tin khác xoay quanh phiên toà phúc thẩm sẽ được cập nhật đến quý vị. Giáo dân khắp nơi cùng hiệp lòng hiệp ý trong tinh thần liên đới, hiệp thông giữa các con cái Chúa, giữa những người con đất Việt chân chính.
 
Buổi sáng, bên ngoài tòa phúc thẩm
J.B.Q
14:21 27/03/2009
22 giờ ngày 26 tháng 3 năm 2009

Quá chán!
Sẽ là một ngày đáng nhớ của nhân dân thị xã Hà Đông từ buổi tối trên truyền hình của nhà nước liên tiếp chiếu đi chiếu lại hình ảnh giáo dân Thái Hà trong vụ án gọi là ‘’ gây rối trật tự công cộng ‘’ tại 178 Nguyễn Lương Bằng- Hà Nội.

Ngay từ chiều ngày 26 các hàng rào ba ri e sắt nhọn được các xe cảnh sát chuyển đến chất đống ở các ngả đường vào toà. Các tổ trưởng đi nhắc nhở dân quanh vùng rằng nên đóng các cửa hàng quán lại, đề phòng ‘’ bọn giáo dân’’ gây bạo loạn. Chúng tôi hỏi một người bán hàng, bà nói rằng.

- Ngày mai sẽ xử ‘’ bọn giáo dân’’ phá nhà người ta. Bọn này kinh lắm.

Chúng tôi giải thích cho bà rằng, giáo dân không hề phá nhà ai cả. Mà họ chỉ đẩy bức tường rào cũ mà người ta xây trái phép để lấn đất của họ. Nhưng dường như tác động của truyền hình và lời chỉ thị của các quan chức chính quyền đã làm bà bán hàng không cần biết đến thông tin nào khác ngoài thông tin từ chính quyền. Bà nói.

- Không bọn này ghê lắm, nó phá bao nhiêu nhà dân ngoài Hà Nội. Giờ kéo vào đây, công an nhắc nhở chúng tôi không cẩn thận chúng phá cả cửa hàng. Ngày mai học sinh các trường quanh đó đều phải nghỉ học đấy.

Chúng tôi không tìm thấy một nơi nào trú thân, mặc dù có đầy đủ giấy tờ tuỳ thân nhưng không một nhà nghỉ, khách sạn nào cho chúng tôi tá túc. Họ lắc đầu quầy quậy với lý do là công an làm căng, ngày mai là một ngày đặc biệt.

Vâng, một vụ xử án bình thường về tội hình sự đã có những mở đầu không bình thường như vậy.

Sáng sơm tinh mơ lúc 4 giờ sáng. Hàng đoàn xe đặc chủng chở cảnh sát trang bị dùi cui điện, súng, lá chắn, nón sắt, giầy đinh ùn ùn đổ xuống thị xã. Những chiếc xe quân sự bạt bít bùng đi vào cổng trường cấp 3 Lê Quý Đôn, những chiếc xe này đậu trên sân trường không bóng áo trắng học trò, rặt một màu áo xanh đáng sợ nhất là trong buổi sớm sương mờ còn thưa thớt người. Hàng rào sắt được dựng nên, dường như hàng trăm cảnh sát ấy chưa đủ để thể hiện sức mạnh trấn áp, người ta huy động thêm nhiều cảnh sát, sinh viên tình nguyện, dân phòng.. và tất cả những ai gọi là con người mà họ có thể sử dụng được họ. Tất cả những công sở, trường học từ cấp 2, cấp 3, hội phụ nữ đều được trưng dụng. Những toán cảnh sát đặc nhiệm trang bị tối tân nhất ém trong những toà nhà này. Họ có vẻ rất căng thẳng, tập trung, nét mặt đanh sắt lại. Nhiều chiếc xe con biển xanh 31 hay 80 chở những vị lãnh đạo cao cấp của thành phố lượn lờ qua lại khu vực nhà thờ Hà Đông để thị sát. Bên trong nhà thờ đang có buổi lễ sớm do linh mục Nguyễn Thể Hiện giảng. Tiếng giảng của vị linh mục nhân hậu này bị hai chiếc loa công suất lớn do nhà nước lắp bên cạnh át đi, hai cái loa phát liên miên hết tất cả những thứ hổ lốn từ ca nhạc đến chương trình sinh hoạt của đoàn thanh viên niên. Linh mục nhắc nhở mọi người phải giữ ôn hoà, kiềm chế bản thân…thế nhưng những lời tốt đẹp này không vang xa bởi âm thanh gào rú từ những chiếc loa vô cảm mà nhà nứoc cho phát từ sáng sớm.

Đến gần 7 giờ sáng ngày 27/3/2009 đoàn giáo dân từ nhà thờ tiến về phía toà án, nơi phán xét 8 giáo dân Thái Hà. Đoàn người đi ngay ngắn, có hàng lối và trật tự. Họ đeo ảnh Đức Mẹ Công Lý trước ngực, trên tay cầm cành thiên tuế biểu trưng cho những gì tốt đẹp nhất mà loài người hướng tới, họ đồng thanh với nhau cất vang bài kinh Hoà Bình, một bài hát quen thuộc chan chứa lòng nhân ái, vị tha

- đem thứ tha vào nơi lăng nhục

đem an hoà vào nơi tranh chấp

…………

Đoàn người bị chặn lại bởi một hàng rào barie và sau ba ri e là một hàng rào cảnh sát trang bị dùi cui điện, sau đó là cả một rừng cảnh sát chập chùng. Đoàn giáo dân đa phần là phụ nữ, người già cao tuổi đành phải đứng xa phiên toà mà người ta gọi là xét xử ‘’ công khai’’ và họ chỉ biết đứng cầu nguyện Đấng tối cao ban xuống cho Việt Nam này những điều tốt đẹp.

Lúc này ở Thái Hà các giáo dân cùng với 8 người phải ra hầu toà đang trên đường đi tới nơi xử án, bằng quyết tâm thể hiện sự oan khuất của mình họ nỗ lực đi bộ trên quãng đường dài 7,5 klm từ giáo xứ Thái Hà tới thị xã Hà Đông. Đoàn người tới nơi trong sự hoan hô, nghênh đón của đoàn giao dân ở đó trước.

Các giáo dân ra vành móng ngựa của cái gọi là ‘’ toà án nhân dân xét xử công khai’’ ăn mặc rất đẹp, họ đi qua nhưng hàng rào sắt, giữa những đoàn lính cảnh sát hùng mạnh để vào toà án. Dõi theo họ là hàng ngàn cặp mắt trìu mến, cảm thương và khâm phục pha đôi chút lo âu..

Ở mỗi đầu đường vào toà án, nơi bị chặn bởi ba ri e và cảnh sát. Các giáo dân giơ cao cành thiên tuế và những khẩu hiệu đòi công lý sẽ được thực thi minh bạch tại phiên toà hôm nay. Các máy quay phim, máy ảnh của phóng viên truyền hình, cảnh sát huy động hết công suất, mọi địa hình từ các mái nhà, cửa sổ của những ngôi nhà cao tầng chung quanh đều chĩa vào giáo dân. Nhưng các giáo dân không hề nao núng tinh thần, bởi trong họ ngự trị niềm tin, chỗ dựa vững chắc là công lý và sự thật.

Cảnh sát giao thông chặn tại Ngân hàng Công Thương bắt các xe tải, xe ca phải quay đầu rẽ sang hướng khác. Một số giáo dân đành phải xuống xe tìm cách đi bộ vào đến nơi xử để muốn trực tiếp biết tin công lý có minh bạch hay không. Đến 9 giờ thì giáo dân đi bộ sát hè đường tuần hành qua các điểm có cơ quan đầu nào chính quyền, họ vừa đi vừa giơ cao cành thiên tuế và hát vang kinh Hoà Bình.
 
Khôn ngoan đến cửa quan mới biết !
Alfonso Hoàng Gia Bảo
14:25 27/03/2009
Những hình ảnh quá đẹp của giáo dân Hà Nội trước phiên tòa rừng rú do nhà cầm quyền dựng lên lại bay đến khắp nơi trên thế giới để khẳng định chuyện “cúi đầu nhận tội” mà truyền thông nhà nước rêu rao hôm 8/12 chỉ là chuyện khoác lác!

Đảng CSVN bảo giáo dân “cúi đầu nhận tội” nhưng trước những tấm hình biết nói ấy bất cứ người VN nào còn lương tri và trách nhiệm đối với vận mệnh đất nước mình, từ đáy lòng họ không thể không thốt lên “xin cúi đầu bái phục tám giáo dân Thái Hà cũng như toà thể cộng đồng giáo dân Hà Nội”.

Giống như hôm xử sơ thẩm 8/12, tôi chắc rằng suốt từ sáng đến giờ đã có hàng ngàn người ngồi trước màn hình máy tính mà chẳng thể làm được việc gì. Bởi như bản thân tôi, xác thì ngồi ở đây – Sàigòn, nhưng hồn thì còn đang ‘bận’ theo đi theo mạng ra mãi tận Hà Đông cùng tám đồng đạo của mình. Đã thế, từ chiều tối qua trang mạng của giáo xứ Thái Hà (http://www.giaoxuthaiha.org/ ) không hiểu sao bị trục trặc vì “lý do kỹ thuật” liên tục, lúc vào được lúc không cho đến sáng nay cũng vẫn vậy, khiến càng thêm phần hồi hộp cứ y như đang bị ai bắt chơi trò “mèo vờn chuột”.

Tuy nhiên vì ở VN từ lâu đã có lệ trước những phiên tòa thuộc vào loại ‘nhạy cảm’ không ai bảo ai mọi người bỗng ‘siêng năng’ đọc báo đảng một cách lạ kỳ và tôi cũng vậy, mấy bất đắc dĩ trở thành độc giả của tờ Hà Nội Mới mấy ngày qua. Bởi đúng như ông bà bảo ‘gần mực thì đen gần đèn thì sáng’ phải có đọc sách báo của đảng “thiên tài” nhiều thì khả năng nhìn xa trông rộng của mình về cái sự ác của họ mới được cải thiện.

Hễ thấy những báo tố khổ bị can thì người nhà họ nên chuẩn bị đồ nghề cho hành trình đi thăm nuôi là vừa. Còn ngược lại, hễ thấy những chữ “công lao” với “chính sách khoan hồng” được đem ra phân trần kể lể là biết ngay bị can này trước giờ ăn ở rất “có hậu” với đảng cầm quyền v.v… Những bài báo ‘dọn đường, phát quang’ kiểu này mặc dù tác giả của chúng chỉ là những kẻ sống có xác mà chẳng còn linh hồn, nhưng ngay cả giới luật gia trí thức cũng không dám xem thường không thèm tham khảo mỗi khi bảo vệ thân chủ của mình.

Trở lại vụ xử Thái Hà, trên tờ Hà Nội Mới người ta thấy xuất hiện bài viết ‘sát khí’ Phải vạch mặt và xử lý nghiêm những kẻ chủ mưu được treo trên trang nhất liên tiếp hai ngày qua (26-27/3), đọc nội dung ai cũng dễ dàng thấy thấy những ‘trận đánh’ nhắm vào nhà thờ Thái Hà của nhà cầm quyền đã chính thức chuyển hướng.

Tám giáo dân bây giờ đã được họ dạt sang một bên và người đang bị đưa vào ‘tầm ngắm’ để thế chỗ giáo dân không còn ai khác hơn linh mục chánh xứ Vũ Khởi Phụng, với những luận điệu “Thực chất họ đang là nạn nhân của những kẻ xấu đứng đằng sau, muốn thông qua họ để gây khiếu kiện, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc”

Và quả nhiên thông tin từ trong tòa báo ra bên ngoài vào lúc 11 giờ sáng nay cho thấy phiên xử đã được công tố cũng như quan tòa lái vụ khiếu kiện đi theo hướng này: “nếu các giáo dân chấp nhận cúi đầu nhận tội và khai ai là người cầm đầu thì được tha bổng hết.”

Tuy nhiên họ đã gặp thất bại vì sự thật luôn là sự thật. “các nạn nhân vì công lý vẫn kiên vững với lập trường của mình là việc làm của họ là không phạm pháp và không ai là người cầm đầu cả, mà công việc chung nhà Chúa thì mọi người cùng gánh vác.”

Họ cũng như chúng tôi đây, chẳng có Cha Cố hay Bà Sơ sơ nào xúi viết lách gởi lên mạng nhưng tôi vẫn cứ phải viết. Tất cả chỉ vì cuộc đấu tranh cho Công Lý và Sự Thật!

“Khôn ngoan đến cửa quan mới biết”.

Việc nhà cầm quyền cố tình ngăn cản không để cho luật sư Lê Trần Luật tham gia phiên tòa, phải chăng ý đồ của họ chính là để họ có cơ hội rộng tay ra những đòn bất ngờ như thế này vào tám giáo dân?

Hoan hô tám giáo dân vì đã “tay không bắt giặc” tàn ác và giả dối rất là giỏi !!!

Sàigòn, 27/3/2009
 
Cuộc đi bộ vì Công Lý-Sự Thật và Hòa Bình
Đường Công Lý
16:23 27/03/2009
Cuộc đi bộ vì Công Lý-Sự Thật và Hòa Bình

Chính quyền Hà Nội đã di dời địa điểm xét xử vụ 8 giáo dân vì Công Lý và Sự Thật ra xa trung tâm thành phố và xa địa bàn giáo xứ Thái Hà. Mục đích của việc thay đổi này là để cách ly sự hậu thuẫn của cộng đoàn giáo xứ trong việc muốn tham gia phiên tòa này để cổ vũ cho 8 người hùng của họ. Phiên tòa diễn ra tại Hà Đông hoàn toàn tách biệt về địa lý so với Thái Hà, địa danh đã diễn ra nguyên nhân của phiên tòa.

Việc cách ly này lại là một điểm hết sức thuận lợi để cổ võ cho Công Lý và Sự Thật. Nhờ đó mà tinh thần cao thượng này không bị giới hạn trong phạm vi Thái Hà, mà được lan truyền xa hơn, rộng hơn.

Những giáo dân bên cạnh tòa án Hà Đông như giáo xứ Hà Đông, Thạch Bích và trong địa bàn Hà Tây được dịp tiếp nhận sứ điệp vì Công Lý và Sự Thật đến từ Thái Hà. Họ được tận mắt chứng kiến và được hòa mình vào bầu khí oai hùng của đoàn đoàn lớp lớp người yêu chuộng chân lý và lẽ phải. Những ai sống trên địa bàn này hơn một lần bị tiếc nuối vì đã không có mặt trong phiên tòa lần trước thì nay là cơ hội thật tốt để nhìn, sống và cảm nghiệm đoàn người đói khát về Công Lý và Sự thật hiện nay nhiều như thế nào.

Về phía giáo xứ Thái Hà, sự xa xôi cách trở này lại là cuộc diễu hành để biểu dương khát vọng của mình cho Công Lý và Sự Thật. Đây là một cuộc đi bộ vì những lý tưởng rất cao thượng và chính đáng để đánh động những tâm hồn người con Đất Việt nào còn đang trong cơn u mê của sự mê hoặc ngọt ngào. Sự chuẩn bị thật « chu đáo » của chính quyền trong việc bố trí một đội ngũ hùng hậu đầy đủ các lực lượng an ninh, dân phòng, cảnh sát càng tôn vinh vẻ đẹp cho cuộc « đi bộ » vì Công Lý-Sự Thật và Hòa Bình này.

Trong một xã hội vốn còn quá nhiều bất công, gian dối và thủ đoạn thì đoạn hành trình đi tìm công lý như hôm nay là rất cần thiết. Nó sẽ có tác dụng rất nhiều trong việc đánh động lòng người trong việc đi tìm những quyền căn bản và những chuẩn mực không thể thiếu để xây dựng một quê hương tươi đẹp. Cuộc đi bộ này sẽ là nguồn cảm hứng bận tận cho những ai có tâm huyết trong hành trình đi tìm lẽ phải và sự công bằng.

Đoạn đường vẫn còn rất dài và lắm gập ghềnh. Những gian nan và thử thách còn đang ở phía trước. Chia sẻ chung một niềm sắt son, một khát vọng chính đáng và một sự đoàn kết tay trong tay, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng và tin tưởng vào sự tươi sáng của ngày mai. Ngày đó Công Lý sẽ lên ngôi, Hòa Bình sẽ ngự trị và Sự Thật sẽ được chiếu sáng.

Hy vọng trên những đoạn đường mà 8 người hùng được hậu thuẫn bởi đoàn người đông đảo sáng nay đã đi qua sẽ được đổi tên là Đường Công Lý.
 
Thánh lễ tạ ơn tại tòa án
Tuyết Mai Texas
16:35 27/03/2009
THÁNH LỄ TẠI TÒA ÁN

Dù chỉ được theo dõi qua các bản tin và hình ảnh trên Vietcatholic thôi, tôi và các anh em tôi cũng đã hết lòng thao thức với cái thao thức của Giáo Hội Việt Nam. Còn cách nào để sẻ chia chút tâm tình của người ở xa Hà Nội, chúng tôi chỉ biết âm thầm theo dõi và cầu nguyện. Dù có biết rồi hay chưa quen chưa biết, thì việc yêu mến Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, yêu mến Cha Vũ Khởi Phụng cách riêng và Dòng Chúa Cứu Thế, Giáo dân Hà Nội, Giáo dân Thái Hà nói chung trong lúc nầy nơi mỗi bổn đạo là điều phải lẽ. Càng phải lẽ hơn nữa, khi tất cả giáo dân Việt Nam trong nước và thế giới chung một tấm lòng hướng về 8 người con của Hà Nội trong ngày “chịu xử án”, vì các chứng nhân đang mặc lấy Chúa Giêsu Kitô bước vào tuần chịu nạn. Cảm ơn Chúa cho chúng con có một ngày 27 tháng 3 đáng nhớ.

Điều đáng nhớ không chỉ vì hôm nay là ngày 8 người con của Chúa ở Giáo Phận Hà Nội “chịu xử án”, mà còn vì gấp cả ngàn lần người như thế cùng chịu xử án trước tòa án cuộc đời. Họ tham dự cuộc xử án 8 anh em, như chính là bản án hàm oan của họ, của Giáo Hội Chúa Kitô, của chính Con Thiên Chúa.

Có thể thấy ý thức ấy qua cung cách tham dự cuộc xử án. Từ việc ăn bận chỉnh tề như lễ phục vào Tuần Thương khó. Hình ảnh những cụ bà áo dài sang trọng nhất, xinh đẹp nhất, những cụ ông áo veste cà vạt hẳn hoi, thanh niên nam nữ quần áo tóc tai chỉnh tề...chắc chắn không phải do ý thức nào khác, mà bởi ý thức rằng chúng ta cùng hiệp dâng thánh lễ tại tòa án. Càng ý thức sâu sắc hơn nữa về một thánh lễ Vượt Qua với nhành thiên tuế chiến thắng của “con chiên bị đem đi sát tế”. Kinh nguyện trên suốt con đường 12 cây số như là bài ca nhập lễ rập ràng của đoàn dân Thiên Chúa tiến về thánh điện. Không vào được trong tòa án, nhưng cả ngàn người đang thầm lặng dâng của lễ là 8 người con yêu quí của Giáo Phận để hiệp cùng hy lễ thập giá Chúa Giêsu.

Giáo dân tham dự xử án ở ngoài tòa, và yêu cầu tòa án xử án cho thật nghiêm minh bằng những biểu ngữ cầm tay, dù biết rằng, các quan tòa chỉ biết xử theo luật của họ làm ra, không biết gì về Luật của Thiên Chúa. Vì quả thực, nếu ngay từ đầu họ biết về Luật Công bằng, Luật Sự Thật của Thiên Chúa thì đã không có những bản cáo trạng và những phiên xử tốn kém đủ thứ như thế nầy trong một đất nước được xem là nghèo đói, lạc hậu nhất nhì thế giới. Tốn kém cả danh dự uy tín của quốc gia, của chính họ, tốn kém cả ngân sách nhà nước, và tốn kém thời giờ của nhân dân. Có thể nói, giáo dân rất cảm thông với những người đang đóng vai quan tòa. Thể hiện sự cảm thông ấy, họ âm thầm bên ngoài đọc kinh cầu nguyện, hiệp với Mẹ Maria Nữ Vương Công Lý, Nữ Vương Hòa Bình, và cũng là Mẹ Sầu Bi. Họ không ồn ào, không gây rối, không la hét xuống đường hay nổi loạn. Họ đang hiệp dâng Thánh Lễ.

Thật đẹp thay, bí tích của niềm tin Kitô giáo. Thật đẹp thay, bí tích của tấm bánh thánh thể sống động trong đời sống Công giáo Hà Nội, Việt Nam. Thật đẹp thay, hơn 5000 hạt lúa mì chấp nhận nát tan trước bánh xe lăn phạm thượng muốn nghiền nát nghiến tan sự thật công lý như tương, như bột. Nhà Nước Việt Nam không muốn công nhận rằng Công lý là Thiên Chúa, Sự thật là Thiên Chúa. Càng không công nhận, càng lún sâu vào cõi mê muội muôn đời. Huống chi muốn “giơ chân đạp mũi nhọn”, thì hình phạt sẽ còn tồi tệ đến mức nào nữa? Thật đẹp thay, 5000 tấm bánh đang sẵn sàng bẻ ra chia cho cả và nhân loại, trong đó, cũng sẵn sàng chia cho những người Việt Nam vô thần một cơ hội để nhận ra chân giá trị của mầu nhiệm Thiên Chúa, những người con Thiên Chúa, những người em của Đức Kitô chịu đóng đinh.

Tạ ơn Chúa. Muôn đời Ngài vẫn trọn tình thương. Tạ ơn 8 anh em chứng nhân. Tạ ơn hơn 5000 người Việt Nam nhắc nhớ cho chúng tôi những điều đáng nhớ nhất trong đời sống công giáo: cử hành thánh lễ mọi nơi mọi lúc trong cuộc đời. Suốt ngày là lễ. Bản thân là lễ tế. Sống là tế lễ cho Thiên Chúa, hiệp cùng lễ tế Chúa Giêsu, để cứu rỗi chính mình và nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay ngày 27-3-2009, nhà Tín Hữu Công Giáo Việt Nam chúng con cùng dâng lễ tại Tòa Án Hà Đông. Của lễ 8 anh em đã nối kết triệu triệu tín hữu trong cùng một tấm bánh tế hiến của Chúa Giêsu: Tấm bánh bẻ ra cho nhân loại được sống. Tạ ơn Chúa Giêsu muôn đời. A men.
 
Cành lá vạn tuế
LM. Giacôbê Tạ Chúc
16:39 27/03/2009
CÀNH LÁ VẠN TUẾ.

Mấy hôm nay tòa án ở Hà nội đang xét xử tám anh chị em thuộc giáo xứ Thái hà. Những anh chị em này ra tòa trên tay cầm cành lá vạn tuế. Cành vạn tuế tượng trưng cho cuộc tử đạo mà các Kitô hữu chấp nhận đi theo bước chân của Đức Giêsu.

Trong sách Khải Huyền Thánh Gioan Tông đồ ghi lại: “ Sau đó tôi còn mải nhìn, thì này một đòan lũ đông đảo không biết cơ man nào mà kể, thuộc mọi nòi giống dòng họ, dân tộc, tiếng nói, đứng trước ngai và trước chiên Con, mình vận áo chùng trắng tinh, tay cầm tàu lá vạn tuế; và họ kêu lớn tiếng: “ Vạn tuế cho Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai và chiên con “. ( Kh 7, 9-10 ). Dân Do thái cũng cầm trên tay những cành lá Vạn tuế để nghênh đón Đức Giêsu khi ngài tiến vào thành Giêrusalem. Trong chúa nhật lễ lá, chúng ta cũng long trọng cử hành lại biến cố này.

Các thánh Tử đạo cũng cầm cành vạn tuế là Thập Tự Giá của Đức Kitô và hiên ngang tiến ra pháp trường. Những anh chị em thuộc Giáo xứ Thái hà, anh chị em đang cầm giữ đức tin như những ngọn đèn cháy sáng của những người tôi tớ đợi chủ đi ăn cưới về.
 
''Tội vả đài phát thanh''
Hoàng Cúc
17:03 27/03/2009
Cùng với những tiến bộ của khoa học kĩ thuật, ngôn ngữ đời thường cũng có những biến đổi với những chi tiết hết sức thú vị. Tôi không có tham vọng làm một bài nghiên cứu về đề tài này, mà chỉ muốn thông qua vài cách diễn tả của người trẻ cống hiến cho quí vị độc giả đôi ba chi tiết thú vị trong đời sống thường nhật, đồng thời gợi mở chút ít suy tư nho nhỏ.

Chuyện thường ngày qua lăng kính người trẻ

Một hôm, khi trao đổi vài ba câu chuyện với một nhóm bạn trẻ, tôi hỏi thăm họ về một người bạn trong nhóm vẫn thường đi chung với họ, nhưng lại vắng mặt hôm đó. Một bạn trẻ nói với tôi: “Thằng H bị hỏng cạc tiếng và cạc màn hình rồi!” Tôi hỏi lại là chuyện máy vi tính bị hỏng có liên quan gì với việc H vắng mặt. Cả đám cười phá lên vì tôi đã trở nên quá lạc lõng, không hiểu điều bạn trẻ kia muốn nói. Sau đó các bạn giải thích cho tôi rằng H bị tai nạn xe máy phải khâu vết thương ở miệng, hiện không nói được, cậu ta cũng bị một vết thương phải khâu ở một bên mắt rồi phải băng bó nên tạm thời cũng chỉ nhìn được bằng một mắt. Các bạn trẻ đã dùng những từ ngữ thuộc ngành vi tính để nói về tình trạng của H, rằng “Thằng H bị hỏng cạc tiếng và cạc màn hình rồi!”

Trong đời sống thường ngày, các bạn trẻ còn tạo ra rất nhiều từ và cách diễn tả khác, nhiều khi rất xa lạ, nếu không muốn nói là “ngoại ngữ” đối với những người lớn tuổi đôi chút.

Một lần khác, tôi thoáng nghe được một cuộc tranh luận sôi nổi của vài người bạn thân, một câu nói khá thú vị trong cách diễn tả bật lên khiến tôi không còn cách nào khác là ghi nhớ lại: “Mày ăn nói không hẳn hoi tao vả vỡ cái đài phát thanh của mày.” Tôi thầm nghĩ người nhận được câu nói như thể hẳn phải bực mình lắm.

Đến hình ảnh của một phiên toà

Hồi cuối tháng 3-2007, tại thành phố Huế diễn ra một phiên toà gây nên sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước. Phiên toà ấy gần như đã trở thành biểu tượng cho sự vi phạm trắng trợn quyền bày tỏ ý kiến tại Việt Nam, không phải vì những cuộc tranh luận căng thẳng diễn ra tại toà, mà vì một hình ảnh có sức thuyết phục hơn tất cả mọi bài diễn văn hùng hồn, những bản giải trình chi tiết.

Ngày cuối tháng ba đó, con tim hàng triệu người đã nhói đau khi xem trên mạng thông tin toàn cầu hình ảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị còng tay, tiều tuỵ trong y phục dân sự, đang bị hai anh công an lôi vào phòng xử án không khác gì kiểu người ta đối xử với những nô lệ thời Trung cổ. Liền sau đó, một hình ảnh khác khiến người Việt phải tủi hổ vì nền tư pháp Việt Nam. Sau lời tuyên án của ông chánh án, linh mục Nguyễn Văn Lý liền lớn tiếng nói gì đó, một người đàn ông vạm vỡ, mặc quần áo dân sự và luôn đứng sau lưng linh mục, lập tức giơ tay bịt miệng linh mục.

Sau sự kiện này, nhà cầm quyền Việt Nam đã tung ra những hình ảnh nguỵ tạo, những kiểu giải thích lòng vòng, nhưng chẳng thể nào biện minh cho lối hành xử thô bạo, bất chấp tất cả mọi thứ luật pháp, vì chỉ hình ảnh đó thôi đã đủ nói lên cách xử án theo kiểu rừng rú của họ.

Để lí giải cho những đòn hằn học

Những ngày cuối tháng ba hai năm sau đó, những thông tin về cách quấy nhiễu theo kiểu xã hội đen đối với luật sư Lê Trần Luật và Tạ Phong Tần cũng khiến biết bao người lo lắng cho sự an nguy của hai người đó. Điều mà mọi người đều thấy rõ là nhà cầm quyền không muốn cho luật sư Lê Trần Luật và cô Tạ Phong Tần có mặt để bào chữa cho tám giáo dân trong phiên toà phúc thẩm ngày 27-3-2009.

Sau khi toà phúc thẩm tuyên bố y án phiên toà sơ thẩm, nhiều người đã lập tức đặt câu hỏi rằng như vậy thì hà cớ gì phải bày ra chừng đó trò lưu manh, chừng đó thói côn đồ để chỉ khiến cho bộ mặt nhà cầm quyền đã nhem nhuốc lại càng thêm nhuốc nhem.

Quí vị thử đặt mình vào vị trí của người bạn trẻ bị mắng một câu: “Mày ăn nói không hẳn hoi tao vả vỡ cái đài phát thanh của mày”, hoặc quí vị thử đặt mình vào địa vị của linh mục Nguyễn Văn Lý và thử nghĩ xem khi bị tấn công vào trúng miệng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, người ta sẽ đau đớn và ấm ức tới chừng nào.

Vậy mà luật sư Lê Trần Luật lại đã cùng với những giáo dân Thái Hà kiện báo Hà nội mới, kiện Đài truyền hình về tội thông tin sai sự thật. Kẻ thấp cổ bé họng bị tấn công trúng miệng đau một, thì kẻ quen thói ngạo mạn, vốn đã quen trò “múa võ vườn hoang”, quen trò chỉ có mình mới có quyền rêu rao dạy bảo, lại chưa từng bị tấn công trực diện như thế bao giờ, những kẻ đó phải tức giận gấp không dưới ngàn lần kẻ thấp cổ bé họng kia.

Suy cho cùng, luật sư Lê Trần Luật hẳn không thân với nhà cầm quyền ở mức bỗ bã giữa đám bạn bè, vậy mà bằng hành động, nói theo kiểu bạn trẻ nọ, ông đã dám nói với nhà cầm quyền rằng “Mày ăn nói không hẳn hoi tao vả vỡ cái đài phát thanh của mày”.
 
Công cụ của Satan
LM. Giuse Nguyễn Thành Long
21:29 27/03/2009
CÔNG CỤ CỦA SATAN

Nghe lại bài tóm tắt của Lm. Nguyễn Văn Khải, dòng Chúa Cứu Thế, về phiên toà phúc thẩm xét xử 8 bị cáo giáo xứ Thái Hà, tôi thấy rằng các bị cáo trước sau vẫn một mực khẳng định mình không có tội. Mặc dù trước phiên xử các bị cáo đã nhận được sự ve vuốt có, đe doạ có từ phía chính quyền và công an Hà Nội: nào là nếu nhận tội và khai ai đã chủ mưu thì sẽ được khoan hồng, được tha bổng; nào là nếu không nhận tội thì sẽ bị trừng trị nghiêm minh,…v,v… Thế nhưng diễn biến tại phiên toà cho thấy lập trường kiên định của các bị cáo: mình vô tội. Vậy mà trước đó không lâu báo Hà Nội Mới đã trơ trẻn đưa tin là các bị cáo đã cúi đầu nhận tội. Một sự bịa đặt, dối trá lố bịch và trần trụi.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tốt khoe, xấu che”. Đàng này xấu cũng không cần che nữa. Mà không cần che nữa cũng phải bởi họ đâu còn thấy hổ thẹn vì làm điều xấu nữa. Vả lại bây giờ họ có muốn che muốn đậy thì cũng chẳng còn gì để che, vì bảo bối của họ là “chiếc mặt nạ mị dân” đã bị lột từ lâu rồi.

Được biết các bị cáo đã kiện lại tờ báo Hà Nội Mới, bắt phải nhận lỗi và phải đính chính trên các báo. Bây giờ kẻ phải cúi đầu nhận tội không phải là 8 giáo dân Thái Hà mà là báo Hà Nội Mới vì đã đưa tin dối trá. Tuy nhiên, nhiều người vẫn biết kiện thì kiện để mọi người biết rõ hơn sự thể, chứ đời nào báo Hà Nội Mới nhận lỗi và sửa lỗi.

Ngẫm sự đời thấy thật trớ trêu: người ta “bắt” những kẻ vô tội phải cúi đầu nhận tội còn bây giờ chính mình có tội (tội đưa tin bịa đặt) và là tội rành rành ra đó, lại ngẩng đầu chối bay chối bải.

Trong Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu đã quả quyết: “Satan là cha của sự gian dối” (x. Ga 8,44). Những gì không còn phục vụ cho công lý và sự thật, mà chỉ phục vụ cho sự dối trá và gian tà, thì rõ ràng đã trở thành công cụ, thành nô lệ của Satan. Và một khi đã trở thành nô lệ cho Satan rồi thì đâu còn biết xấu và biết khiêm nhường nhận lỗi nữa. Cũng như Satan có bao giờ chịu cúi mình nhận lỗi và sửa lỗi đâu.
 
Con kiến mà kiện củ khoai !
Lm. Lê Quang Uy, CSsr
22:39 27/03/2009
Đàn kiến nối đuôi nhau trên đường đi kiện củ khoai
Củ khoai to và nặng nhưng đã bắt đầu bị. ..
Đàn kiến vui tươi như trẩy hội
Củ khoai lo âu và hoang mang
Sự thật và công lý ở đâu?
Đàn kiến đang chuyển bại thành thắng và sẽ thắng
Rồi một ngày kiến con lớn lên. ..
Lần này xử phúc thẩm 8 anh chị em Thái Hà, chúng tôi giảng Đại Phúc xong, đã phải vào Nam rồi, không tham dự được như dịp sơ thẩm 8 tháng 12 năm ngoái. Từ DCCT Sài-gòn, chúng tôi cùng với cả ngàn Giáo Dân đã dâng Thánh Lễ và thắp nến cầu nguyện hiệp thông chiều hôm qua, thứ năm 26.3.2009. Có một liên đới sâu xa giữa Hà Nội và Sài-gòn, giữa Thái Hà và Kỳ Đồng. Gặp những chuyện như thế này, đôi bên ở hai đầu đất nước tự nhiên xa thành gần, sơ thành thân, tự nhiên đồng cảm trong cùng một thân phận làm những con... kiến bé tý xíu trước một củ khoai to đùng, cùng “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” như Phạm Duy đã hát thành bản Tình Ca bất hủ của dân Nam, quê Việt.

Chúng tôi bạo mồm, xin mạn phép gọi chung sự thể này là “con kiến mà kiện củ khoai”. Ông bà nhà ta từ xưa kể ra có óc châm biếm hài hước, lại khéo ví von hình tượng sống động. Tương quan lực lượng rõ ràng là không cân sức: con kiến – củ khoai. Củ khoai to và nặng, xù xì xấu xí, đã bị hà, bị thối từ bên trong, đã mọc mầm ra từ lúc nào không biết, đã bốc mùi và tỏa hơi nóng, nhưng trước khi hỏng hoàn toàn phải đem vứt đi, nó vẫn có thể lăn tròn một phát, đè chết cả họ nhà kiến ! Nguy tai lắm lắm !

Tuy nhiên cái hay ở chỗ, con kiến bé thì bé thật, yếu thì yếu thật nhưng cả đàn kiến, cả họ nhà kiến cả triệu con rủ nhau đến, củ khoai đâm sợ ! Kiến kiện khoai, ai thắng ai ? Thoạt tiên kiến thua. Nhiều kẻ bàng quan chế giễu: “Ối giào ơi, con kiến mà đòi kiện củ khoai !” Nhưng kiến lại muốn làm tới cùng, chẳng phải để đòi bồi thường mấy trăm ngàn, mà là tiếp tục kiện nữa, kiện mãi, kiện cái khác, đòi cái khác lớn hơn, quan trọng hơn và sinh tử hơn gấp ngàn lần. Ấy là Công Lý và Sự Thật. Chưa thấy bóng dáng Công Lý và Sự Thật đâu, thì cứ kêu to lên, đâm đơn kiện, kiện đúng phép, kiện đúng luật, kiện giằng dai, kiện liên tục, kiện bằng cả sức mạnh của Lòng Tin.

A ! Tám người đàn ông đàn bà, già có trẻ có, tám con kiến đâu có lẻ loi cô đơn. Thường trước khi mưa to, nhất là sắp có lụt bão, có động đất, bỗng dưng không biết từ đâu chui ra cơ man nào là kiến với kiến. Thì đây, hôm nay 27 tháng 3, kiến đã rời tổ để kéo nhau đi vây củ khoai. Đâu chỉ tám con kiến, mà có cả tám ngàn con kiến khác lũ lượt nối đuôi nhau trên một lộ trình xa xôi vòng vo. Lại có cả tám chục vạn con kiến khác của Hà Nội, tám triệu con kiến đeo Thánh Giá Công Giáo, tám chục triệu con kiến Việt Nam bị ức chế đè nén hơn sáu chục năm nay cùng dõi mắt nhìn về ! Họ nhà kiến hóa ra trở thành một điềm báo, một chứng tá, một dấu chỉ...

Chuyện vui do một bạn trẻ người Bắc Giang đã về tận Hà Nội, trực tiếp có mặt hôm nay, gọi điện vào kể cho chúng tôi như thế này: Củ khoai chọn địa điểm diễn ra vụ kiện ở thành phố Hà Đông, tưởng là đắc địa, đúng phép thuật “Thầy Địa Lý” nào đấy đã tư vấn. Hóa ra dại quá ! Có một bác người Báo Đáp, Bùi Chu sống lâu năm ở Hà Nội, hay ăn to nói lớn, phết một câu: “Cụ nào mà đưa ra sáng kiến tổ chức phiên tòa ở Hà Đông tội to lắm, phải hạ ba bậc lương, cắt lao động tiên tiến mới đáng tội !”



Tại sao thế ?


Xin thưa điểm thứ nhất, cứ tưởng xa Nhà Thờ Thái Hà, xa trung tâm thủ đô hơn chục cây số, kiến sẽ nản lòng, kiến sẽ sợ mỏi chân ê càng mà bỏ kiện. Chẳng ai ngờ, kiến vốn có tính cần cù nhẫn nại, kiến lại đoàn kết một lòng một ý, 12 cây, chứ nếu như có phải cuốc bộ thêm mấy chục cây nữa để mà kiện tới nơi tới chốn thì kiến vẫn cứ sẵn sàng, lại hăng hái vui tươi mà diễn hành nữa là khác !

Xin thưa điểm thứ nhì, nơi xử án nằm ngay trên đường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Đông, là độc đạo nối liền quê hương của áo lụa mượt mà với băm sáu phố phường đông đúc, thế là hàng vạn chuyến xe to nhỏ lớn bé, mười bánh lẫn hai bánh, từ Hà Đông đổ về Hà Nội và ngược lại, đều có dịp ngang qua nơi đây, ai cũng tò mò dừng lại một tý để nhìn, để nghe, để hỏi han, để gật gù. Ấy, sức mạnh của truyền thông đại chúng đấy ! Có đến một chục tờ báo Hà Nội Mới và một chục đài truyền hình Thủ Đô cũng không lừa được dân nhà kiến nữa đâu nhá !

Xin thưa điểm thứ ba, gần đấy lại có đến ba ngôi trường Đại Học sừng sững. Hàng ngàn sinh viên đã được chi bộ, chi đoàn tổ chức học tập quán triệt đường lối, tuyên truyền giáo dục để giữ vững tinh thần cách mạng, cảnh giác cao độ với những ý đồ diễn tiến hòa bình, gây mất ổn định chính trị v.v... Bây giờ tự nhiên được chứng kiến tận mắt một cách sống động cảnh củ khoai lúng túng và hoang mang với đủ loại trang bị vũ khí để chống đỡ phòng thủ trước một đàn kiến tay chỉ cầm lá và tờ bìa giấy, miệng cười nói tưng bừng như trẩy hội ! Sinh viên, bạn sẽ nghĩ gì ? Ơ kìa, phản tác dụng nhé, phá sản sạch sành sanh !

Xin thưa điểm thứ tư, không xa nơi xử án có hẳn một khu công viên, xanh tươi, mát mẻ. Lại có cả nhà vệ sinh công cộng đàng hoàng sạch sẽ, kiến tụ tập đông như thế mà không bị căng thẳng như lần trước, nội bất xuất ngoại bất nhập, cứ phải nín nhịn từ sáng đến chiều. Kiến mệt và buồn ngủ một chút đã có chỗ ngả lưng. Kiến còn khỏe thì ngồi bên nhau mà đọc kinh cầu nguyện, hát Thánh Ca sốt sắng như trong một chuyến hành hương tĩnh tâm giữa Mùa Chay. Kiến lại ý thức làm chủ tập thể quá tốt, chiều về, giải tán rồi, không ai có thể chê bai chuyện xả rác, bẻ hoa vặt cành tai tiếng dạo nào ở Hà Nội.

Xin thưa thêm điểm nữa, điểm này mới thật là điểm son tuyệt vời: cách đó chỉ mấy trăm mét là cả một ngôi Nhà Thờ Giáo Xứ Hà Đông. Cha xứ bệnh nặng, đang nằm viện cũng đã xin về để ở bên cạnh đàn kiến của mình. Kiến Hà Đông đã mở vòng tay hiếu khách đón kiến Hà Nội và các nơi khác nữa đổ về thật chu đáo, tình nghĩa, theo đúng Tin Mừng Chúa Giêsu: “Ai tiếp đón một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là tiếp đón chính Ta”. Xế chiều, vừa tan vụ kiện, củ khoai đang còn lủi thủi lăn đi, thì đàn kiến đã reo hò kéo nhau vào Nhà Thờ mà dâng Lễ Tạ Ơn. Chúa ơi, giữa Mùa Chay mà miệng môi cứ muốn bật lên những lời Hallêluya !

Xin lập lại, con kiến mà kiện củ khoai, thoạt đầu kiến thua, tưởng kiến chịu lép một bề, “thôi thì thôi nhé, cũng đành thế thôi”, thân phận con sâu cái kiến ấy mà. Nhưng không ngờ, kiến đang chuyển bại thành thắng ! Chúng tôi, kiến ở miền Nam, xin cám ơn kiến miền Bắc, cám ơn kiến Hà Nội, cám ơn kiến Thái Hà !

Sài-gòn đêm thứ sáu 27.3.2009
 
Con đường khó khăn
Dân Quyền
22:42 27/03/2009
Buổi sáng tinh mơ trời còn tối mịt. Thái Hà hôm nay lạ hơn thường ngày. Buổi lễ ngày thường được đẩy lên nửa tiếng. Phía ngoài cổng dưới ánh đèn đường mập mờ bóng các anh công an mật đã phục kích cả đêm ở đây. Từ phía cổng một chiếc xe taxi bảy chỗ đã được gọi từ từ tiến lại. Chúng tôi leo nhanh lên xe tiến về phía thị xã Hà Đông là nơi ngày hôm nay diến ra phiên tòa xét sử tám giáo dân oan. Và liên tiếp sau đó là có vài cái đuôi đi xe mô tô bám theo xe taxi của chúng tôi.

Thực ra không phải chỉ có chúng tôi mới quan tâm đến vụ án đầy oan khuất này. Nhưng là tất cả mọi người trong nước và thế giới cùng hàng ngàn người đã đến nhà thờ Thái Hà và nhà thờ ở Hà Đông từ tối ngày hôm trước để được chứng kiến phiên tòa, mà nhiều người gọi là phiên tòa của bóng tối sẽ diễn ra như thế nào?

Phản ứng chống lại bất công là phiên tòa bóng tối, các giáo dân thấp cổ bé họng, sau khi tham dự thánh lễ ở nhà thờ Thái Hà đã diễu hành đi bộ tiến về thị xã Hà Đông cách cả hàng chục cây số. Một số các cha ở tu viện thì phải bắt xe đến sớm tại nhà thờ ở thị xã Hà Đông để dâng lễ cho số giáo dân đã phải nằm đất chờ từ đêm hôm trước, vì hình như cha sở thì đang bị ốm phải nằm ở bệnh viện.

Mọi cố gắng đều phán ánh sự quyết tâm đưa phiên tòa của bóng tối ra trước ánh sáng. Nhưng xem ra không khả quan lắm. Bởi vì để đảm bảo cho phiên tòa bóng tối không bị lật tẩy trước ánh sáng. Cả đêm các lực lượng bóng tối được huy động chặn các ngả đường một cách chặt chẽ khó lòng có thể lọt được vào phiên tòa để xem xét xử. Trên thực tế phiên tòa phúc thẩm này là phiên tòa công khai mọi người có thể đều có quyền tham dự. Nhưng sự công khai khiến người khác phải ghê người. Bởi các lực lượng cảnh sát được bố trí dày đặc, vòng trong, vòng ngoài và không có mối dây tin tức nào được liên hệ với hàng nghìn người quan tâm ở bên ngoài tòa án.

Sự tối tăm được thể hiện một cách rõ rệt ngay ở cách hành xử thiếu lịch sự của cảnh sát đối với nhân dân quan tâm phiên tòa đến xem.

Các phương tiện tối tân sẵn sàng phục vụ cho việc đàn áp, đã làm những người đến xem rất phản cảm và bức xúc. Trên thực tế thì chẳng có gì xẩy ra. Mọi người vẫn hát nhưng lời kinh cầu nguyện, vẫn nở những nụ cười hi vọng được nhìn thấy ánh ánh sáng của công lý sẽ chiếu tỏa ngay khi kết thúc phiên tòa.

Chỉ với niềm ước ao đó thôi mà bao nhiêu con người đã kéo đến xung quanh phiên tòa để cầu nguyện và chờ đợi. Niềm hi vọng của họ toát lên ở từng ánh mắt nét mặt của tất cả mọi người từ cụ già đến em nhỏ.

Niềm hi vọng đau đáu nhưng mong manh của mọi người khiến cho thấy một xã hội đang rất hiếm họi sự công bằng và đang đầy dẫy sự bất công. Những con người đang phải kêu lên những tiếng nói thảm thiết đòi công bằng, công lý và sự thật, một cách vô vọng. Trước sự thờ ơ vô hồn của những người lạnh đạo quốc gia. Trong lúc này, trước sự đau khổ của nhiều con người phải mệt mỏi chờ đợi sự trả lời của họ ngoài đường, ngoài phố thì có lẽ họ đang vui thú, mê say đâu đó những niềm vui hiếm có đối với những người dân nghèo.

Những tiếng than khóc, kêu la, sự chờ đợi của dân oan thì át làm sao được với hệ thống báo, đài phát thanh, truyền hình tối tân thuộc đủ các loại của nhà nước được. Dân oan kêu được một tiếng chưa được mấy người nghe, thì họ đã xô vào bù lu bù loa gấp cả ngàn lần rồi. Khiến nhiều người tai đang lành cũng bị hỏng thì làm sao nghe thấy được công bằng, bác ái, sự thật.

Cho đến giờ phút nay tôi nhận thấy thành công lớn nhất của nhà cầm quyền vẫn là ngăn chặn các chiến dịch tìm công lý, sự thật của nhân dân khắp nơi trong cả nước.

Qua nhiều thắng lợi về việc ngăn chặn công lý, sự thật nên họ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm hay trong việc ngăn chặn công lý sự thật. Từ đây cho thấy con đường đi tìm công lý và sự thật của những người yêu công lý, yêu sự thật chắc chắn rằng rồi sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi tin rằng Thiên Chúa sẽ đồng hành cùng chúng ta trên bước đường đi tìm công lý.

Phiên tòa phúc thẩm tám giáo dân oan khép lại chiều ngày 27 tháng 03 năm 2009 tuy không có gì khả quan. Nhưng cũng phần nào, một lần nữa đánh thức được lòng say mê đấu tranh của tất cả mọi người, trong sự nghiệp lớn lao của mọi thời là đi tìm sự thiện hay chính là sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác.
 
Hồi kết vở kịch Công Lý
Thập Giá
22:51 27/03/2009
“Vở kịch công lý” của nhà cầm quyền đã đi vào hồi kết. một kết thúc không mang tính bất ngờ vì hầu như ai cũng đoán trước được nó sẽ như thế nào. tuy nhiên, với cách thức mà nó diễn ra cũng đủ khiến chúng ta hy vọng và làm nhà cầm quyền “ mất ăn mất ngủ”.

Đoàn người với nhành thiên tuế, lời cầu nguyện, lòng quyết tâm đi tìm công lý đã tạo thành một hình ảnh xưa nay hiếm có tại Hà Nội. Đoàn người ấy đã sáng bật lên với ánh sáng của công lý và sự thật.

Hình ảnh lực lượng cảnh sát cơ động trang bị tới tận “ răng”, sử dụng những công cụ bạo lực để “ diễu võ dương oai” sẵn sàng “ xử”ngay loại công dân hạng 2 mà dám lên tiếng đòi công lý,trong khi chính loại công dân hạng 2 này lại là 1 nguồn rất lớn nộp thuế để nuôi bản thân và gia đình của những người này.

Với những người tự xưng là “ đỉnh cao trí tuệ loài người” thì công lý không nằm nơi hiến pháp, không nằm nơi luật pháp mà nằm nơi “ cửa miệng và sở thích của các quan”. Rành rành quan tham nhũng, rành rành “ đầy tớ phản bội chủ” nhưng đố ai dám lên tiếng vì quân đội – truyền thông trong tay quan.

Muốn “hít thở” không khí tự do – dân chủ thì hãy nhìn gương luật sư Luật, gương những người đấu tranh dân chủ. Bạo quyền đã phủ nên một bức màn đen tối của sự bất công trên quê hương này.

Tuy nhiên với “vở kịch công lý” hôm nay mà bạo quyền buộc phải diễn thì họ đã thật sự lúng túng vì xưa nay họ đã quen dùng bóng tối, sự dối trá để “ trị vì thiên hạ”. bây giờ, họ phải đối diện với ánh sáng công lý thì đâm ra e sợ ! Vì e sợ nên họ mới tổ chức một kế hoạch mang đầy “ tính chiến lược”, tấn công trên tất cả các mặt nhằm triệt hạ ánh sáng công lý.

Tử huyệt của “ đỉnh cao trí tuệ loài người” chính là sự thật, chúng ta đã chạm vào tử huyệt này khiến cho bạo quyền đau nhói và lồng lộn, chúng quyết tâm “ bảo vệ thành quả dối trá” bằng mọi cách, ngay cả việc đạp lên dư luận. Hãy xem hình ảnh của 1 phiên tòa công khai mà “ kiến cũng không vào được” thì sẽ hiểu !

Nhưng “vở kịch” vẫn là “vở kịch”, 1 kịch bản có sẵn từ bộ chính trị đưa xuống và cấp dưới cứ thế mà “diễn”. họ chà đạp lên lương tâm mà diễn. thật xót xa cho những kẻ lấy lương tâm để mua bán !

Khi biết kết quả về vụ xử phúc thẩm, một số giáo dân gọi điện hỏi tôi: “ như vậy chúng ta thua rồi sao ?”. Không ! cho dù tòa tuyên án thế nào thì chúng ta vẫn là người chiến thắng, hãy xem những hình ảnh của đoàn người sáng hôm nay, sự lúng túng của cán bộ công an khi họ làm trái lương tâm, làm trái luật pháp … chúng ta sẽ hiểu chiến thắng của chúng ta quan trọng như thế nào. Chiến thắng không nằm nơi lời tuyên án vô tội ( tuy đó là điều mọi người mong đợi ) nhưng nằm ở cách chúng ta ra tòa, cách chúng ta đòi công lý.

Anh dũng thay hình ảnh các vị thánh tử đạo của thế kỷ 21. Các bạn đã làm được những việc mà chính chúng tôi đôi khi cũng e dè. Ngả mũ trước các bạn những con chiên đã đổ máu cùng Đức Giê-su Kito !

Tuy “ vở kịch công lý” của bạo quyền đã hạ màn, nhưng trách nhiệm của anh chị em giáo xứ Thái Hà ( cách riêng) và của chính chúng ta ( cách chung) vẫn còn sẽ tiếp tục. Nơi nào còn bóng tối, còn dối trá thì phải có ánh sáng của chúng ta.

Vậy hãy vững tin, hãy phó thác vào Chúa, nơi người chúng ta sẽ nhận được sự an yên và chở che trên con đường thập tự mà chúng ta đã đang và sẽ đi qua.

Bình an và ân sủng Chúa ở cùng anh chị em !
 
Văn Hóa
Thơ: Một Dấu In
Băng Đình
02:30 27/03/2009

Thơ: Một Dấu In



Nếu bỏ Ngài con biết kiếm ai
Dắt con trở lại chốn Quê Trời
Ai đưa con tới bên bờ suối
Cỏ mịn nhung mềm uống thảnh thơi

Con đã từng theo những bóng hồng
Tưởng cùng nhen lửa chắn mùa đông
Nào hay băng tuyết ngàn hoa héo
Dốc đổ điên cuồng đáy cõi không

Trái Táo thơm ngon Tổ Mẫu xưa
Chẳng chê ních mãi vẫn chưa bưa
Cánh nung trần thế tòa chung kết
Ngục lửa tàn thiêu mọi viễn mơ

Bãi cát in sâu những vết hằn
Cha con dạo gót giữa mùa xuân
Yêu thương đều nhịp con bên Chúa
Có lúc còn ghi một dấu chân

Là lúc phong ba sóng lật thuyền
Trời cao muốn xập đất trườn lên
Khi con sắp hóa thân loài rắn
Ta vác con chân Một Dấu In

Băng Đình
(Mùa Chay 2009)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Xuân Mới
Đặng Đức Cương
05:54 27/03/2009

XUÂN MỚI



Ảnh của Đặng Đức Cương

Mây trắng lưng trời lững thững bay

Đào khoe sắc thắm nắng xuân gầy

Chim hót hồn nhiên trong nắng mới

Thấp thoáng bóng Kiều hay dáng cây.

(Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền