Ngày 26-03-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:09 26/03/2019

120. Vui vẻ trong mọi công việc, lúc nào cũng vì anh chị em mà hy sinh bản thân mình.

(Thánh nữ Francis of Rome)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:12 26/03/2019
69. CHA CON ĐI ĂN TIỆC

Có hai cha con cùng đi ăn tiệc, cha thì ngồi bàn trên còn đứa con thì ngồi bàn đối diện, do hai cha con có chút giống nhau nên người đồng bàn hỏi đứa con:

- “Ngồi bàn trên ấy có phải là cha của anh không ?”

Đứa con trả lời:

- “Mặc dù đó là cha tôi, nhưng, mỗi người tự thổi lửa nấu cơm đã lâu rồi.”

(Tiếu phủ)

Suy tư 69:

Đứa con có hiếu là đứa con biết kính trọng và bênh vực cha mẹ mình khi bị người khác coi thường, chứ không phải là đứa con mặt mày giống cha mẹ, bởi vì có những đứa con mặt mày giống cha mẹ đẻ như đúc, nhưng lại là đứa con bất hiếu xách dao phay rượt bố và chửi mắng mẹ mình.

Đứa con có hiếu là đứa con biết thừa nhận cha mẹ mình dù cho cha mẹ nghèo rớt mồng tơi, bệnh hoạn điên cuồng, quê mùa dốt nát; bởi vì có những đứa con không dám thừa nhận cha mẹ của mình trước mọi người vì cha mẹ mình nghèo và quê mùa...

Người Ki-tô hữu thảo kính với Chúa thì dù cho bị bách hại hay bị đánh đập tù đày thì cũng vẫn luôn trung thành và thảo hiếu với Chúa, chứ không phải là những người ngày ngày đi lễ nhưng lại bán Chúa “ba mươi ngàn đồng” để mua vé vào coi phim con heo dâm ô nơi quán cà phê đèn mờ, lại càng không phải là những người làm việc nhà Chúa nhưng lại “bán Chúa” để được có danh vọng địa vị...

Không phải đã lập gia đình ăn riêng ở riêng rồi thì cha mẹ không phải là cha mẹ của mình nữa, cha mẹ vẫn là cha mẹ dù con cái không thừa nhận, dù con cái có làm chức này chức nọ trong Giáo Hội hoặc ngoài xã hội.

Cũng vậy, Thiên Chúa là Cha của tôi, cho nên tôi phải yêu mến và công khai thừa nhận Ngài trước mặt thiên hạ, đó chính là hiếu thảo với Cha trên trời vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Hạt ngọc của Tin Mừng
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
17:29 26/03/2019
CN 4 CHAY C

Đại văn hào người Anh, Charles Dickens, xem dụ ngôn “Người cha nhân hậu” là câu chuyện hay nhất, là hạt ngọc đẹp nhất của Tin mừng.

Tình thương của cha đối với hai con, nổi bật nơi người con thứ.

1. Người con thứ, biểu tượng người tội lỗi

Người con thứ đòi cha chia gia tài rồi bỏ đi vô tình. Rời quê nhà, nơi sinh trưởng, nơi nó được nuôi dưỡng và lớn lên. Trẩy đi miền xa, người trai trẻ mang nổi khát khao mãnh liệt là ra khỏi luỹ tre làng, muốn nhìn xem thế giới mới lạ bên ngoài, thích miền xa hơn là ở quê nhà. Người con thứ bỏ nhà ra đi với tiền bạc và lòng kiêu ngạo. Nó ra đi không phải để học hành, tìm kiếm việc làm. Nó đi ăn chơi đàng điếm, phung phí hết tài sản và sức khoẻ, bất kể đó là mồ hôi nước mắt của cha mẹ, bất chấp tiếng tốt của gia đình. Chơi bời nên mau chóng suy sụp. Nó trở nên hèn hạ khi đi chăn heo và muốn ăn thức ăn của heo. Heo là con vật người Do thái ghê tởm.

Khi trở về nó chẳng còn gì cả, tiền bạc, sức khoẻ, danh giá, lòng tự trọng… mọi thứ đã bị nó tiêu xài hoang phí. Nó chỉ còn lại một điều duy nhất là “đứa con nhỏ của cha nó”.

Động lực nào đã khiến nó trở về ? Thánh Luca viết rõ: “Hồi tâm lại, nó nói: biết bao người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây ! Thôi, đứng lên, tôi sẽ về cùng cha tôi”. Như vậy động lực nó trở về là đói, vì miếng ăn. Trước khi bị đói chắc chắn nó không bao giờ nhớ đến cha, không bao giờ sám hối vì bỏ cha ra đi, không thấy băn khoăn hồi tâm về mái ấm gia đình, nơi còn có cha già chẳng biết đau yếu ra sao, không thấy tiếc nuối vì phá tan cả sự nghiệp của cha. Khi bị cơn đói hành hạ, phải đi chăn heo, nó mới băn khoăn tìm đường về. Cái hồi tâm, cái băn khoăn của nó là làm sao để được ăn. Nó dự tính nói với cha là nó “trót phạm lỗi nghịch với trời, nó không còn đáng gọi là con, nó chỉ xin được đối xử như người làm công”.

Đó phải chăng là một cuộc trở về trọn vẹn ? Đó là cuộc lên đường được thúc đẩy bởi lòng sám hối hay sao ? Sự thống hối của nó chỉ là vị kỷ nhằm khả năng có thể sống sót thôi. Nếu người con thứ thành công xây dựng cơ nghiệp, có lẽ sẽ không hiểu được tình cha. Vì nếm mùi thất bại chua chát của cuộc đời nên nó lên đường trở về. Nó không đủ can đảm đi làm người ăn xin. Nó không đủ liều mạng để đi trộm cướp. Nó không dám đánh đổi cả cuộc đời để gây tiếng xấu. Nó sống bằng nghề lương thiện là đi chăn heo, sống bằng sức lao động của mình. Từ kinh nghiệm của vực thẳm này, nó mới hiểu được mặt trái cuộc đời. Đó không là chốn nương thân cho kẻ nghèo khổ, không là chỗ hạnh phúc cho kẻ khố rách áo ôm, không là chỗ cho kẻ cô thân cô thế. Vì vậy, chỉ còn một con đường duy nhất là trở về xin tha thứ và làm công cho cha để có cơm ăn áo mặc. Tất cả ý nghĩa của cuộc trở về được diễn tả cách cô đọng trong những lời “Cha ơi... con không đáng gọi là con Cha nữa”.
Giuđa đã phản bội Chúa, Phêrô đã chối Chúa. Cả hai đều đánh mất tình con cái. Giuđa không còn tiếp tục tin tưởng mình vẫn là con Chúa, không tin vào lòng tha thứ của Chúa nên đã đi thắt cổ tự vẫn.Còn Phêrô khi ở giữ sự tuyệt vọng đã muốn nối lại tình Cha con với những giòng nước mắt thống hối. Giuđa chọn cái chết. Phêrô chọn sự sống. Đọc câu chuyện, thấy sự trở về của người con thứ chẳng phải là mẫu mực. Sự trở về lý tưởng phải là sự trở về của lòng sám hối với tình yêu tha thiết. Nhưng trong thực tế cuộc sống, nhiều khi ban Bí tích Hòa giải, tôi đã gặp nhiều hối nhân, sau 5 năm, 10 năm thậm chí đến 20 năm, 30 năm mới trở về cùng Chúa. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Những bầm dập của của cuộc đời, những gian truân vất vả, những thất bại chua chát… đã cho họ rút kinh nghiệm là cần trở về với Chúa để tìm lại bình an nội tâm, đón nhận niềm vui và hạnh phúc. Chính Chúa đã yêu thương, đã tác động và một khi nào đó như Chúa muốn họ trở về cùng Ngài. Như thế họ đã chọn lấy sự sống. Gặp gỡ nhiều hối nhân như thế, tôi cảm thông với người con thứ.

2. Người con cả, biểu tượng người biệt phái

Hiếu thảo, vâng phục cha, không đi hoang, không ăn chơi. Con người lao động cần cù có tinh thần trách nhiệm, không rượu chè trác táng, chỉ lo ruộng rẫy nương vườn. Anh là con người mẫu mực. Thế nhưng, biến cố đứa em trở về đã bộc lộ con người thật của anh.Tuy ở trong nhà cha nhưng lại xa trái tim cha. Tại sao cha đãi tiệc bê béo cho thằng em bất hiếu, còn anh một con bê nhỏ để vui với bạn bè cũng không có? Anh tức giận vì thấy quyền lợi bị xúc phạm. Anh chẳng chịu vào nhà. Tôi chẳng thích chút nào về người con cả với ý thức trách nhiệm cao, chăm chỉ làm việc, trung thành với gia đình nhưng lại chẳng học được lòng nhân hậu của cha. Lòng “người công chính” có thể trở nên hẹp hòi như thế sao?

Hoá ra, cả hai người con vừa khác lại vừa giống nhau. Cả hai đều ở ngoài nhà cha. Con thứ không thấy hạnh phúc bên cha nên ra đi. Con cả không chia sẻ được hạnh phúc của cha nên không vào nhà. Anh thiếu bao dung và thiếu tha thứ cho em. Thái độ của người con cả là thái độ tiêu biểu của người biệt phái, luật sĩ hôm qua và hôm nay. Ích kỷ cho quyền lợi riêng mình. Tự mãn về cách giữ luật “con không hề trái lệnh cha một điều nào”, tự hào về cách sống đạo “ không như thằng con của cha”. Tự hào tự phụ tuân giữ nghiêm nhặt Lề Luật, kiêu hãnh mình là người công chính mà khinh chê lên án những người khác. Chỉ muốn kẻ lỗi lầm không được cứu thoát mà phải chết.

Lúc sự giận dữ bùng nổ đến cực điểm, người anh cả gặp lại tình cha. Cha đi ra năn nỉ, anh chẳng chịu nghe. Cha bộc bạch tâm tình với anh: “con ơi, mọi sự của cha đều là của con, chúng ta phải ăn mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Lời cha làm anh bàng hoàng xúc động vì anh hiều rằng mình quá ích kỷ, quá nhỏ mọn. Cái ích kỷ làm anh tẩy chay sự trở về của đứa em. Cái nhỏ mọn làm anh xua tan lòng bao dung của cha. Tình cha lớn hơn cuộc đời anh, lớn hơn tính ích kỷ trong anh.

Hình ảnh người con cả thật gần với chúng ta. Phụng dưỡng cha mẹ với trách nhiệm, chứ chưa phải là tình thương. Không chia sẻ nổi buồn, nổi khổ tâm, nổi âu lo của cha mẹ. Chỉ biết than trách và đòi quyền lợi cho mình thật nhiều. Ghen tị, chỉ trích phê bình, đặt mình là tiêu chuẩn cho mọi việc đạo đức. Thiếu lòng bao dung, không chịu tha thứ. Hình ảnh đó thật giống tinh thần biệt phái, có đạo mà không có đức.

Cả hai người con cần phải trở về. Sám hối chính là trở về với tình cha, trở lại với anh em.

3. Người cha, hình ảnh Thiên Chúa

Khi chia gia tài cho con, lòng cha đau đớn vô cùng. Vì tôn trọng tự do của con chứ không vì cha nhu nhược. Ngày nhìn con ra đi, bóng nó nhạt dần cuối chân trời như cánh chim bay, lòng cha thấy trống trải quá, muộn phiền quá vì thiếu vắng hình bóng con. Ngày ngày cha ngóng trông đợi con trở về. Thế rồi một ngày kia, đứa con trở về thật. Nó về trong dáng vẻ thất bại thảm hại, thất thểu rách nát. Thua cuộc đời nó về làm dấy lên những lời bình phẩm của làng xóm. Giả như nó không về, người ta sẽ lãng quên. Nay nó trở về nhắc cho bà con lối xóm thấy sự thất bại của gia đình ông. Con ông về trong thất bại chua cay là câu chuyện đám tiếu đầu làng cuối xóm. Vậy mà ông mở tiệc ăn mừng. Thật lạ lùng!

Ở đời, khi con thi đậu đại học, khi con công thành danh toại vinh quy bái tổ, khi con là Việt kiều về thăm, cha mẹ mở tiệc ăn mừng, mời bà con làng xóm đến chia vui. Người ta thường dấu kín chuyện thất bại của con cái. Cha mẹ mắc cở không dám kể về đứa con bất hiếu, ngổ nghịch, ăn chơi đàng điếm. Người ta chỉ khoe đứa con ngoan, tự hào đứa con học hành thành đạt, vui mừng khi con có việc làm có sự nghiệp. Thế mà, người cha lại mở tiệc lớn. Mừng đứa con trở về thất bại tả tơi. Khách mời ngỡ ngàng khi chủ nhà giới thiệu con ông về nhà sau những ngày chăn heo đói khổ. Thế nhưng, người hiểu tình yêu là gì, tình phụ tử là gì thì thông cảm và chia vui với người cha.

Người cha đã tha thứ cho con thứ trước khi con tự thú. Cha vui “vì đứa con đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy”.

Người cha cũng nói với người con cả bằng cung giọng thật trìu mến:“Con à, lúc nào con cũng ở với cha.Tất cả những gì của cha đều là của con…Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Người cha muốn giúp con trai khám phá chiều kích tha thứ của tình yêu. Tình cha là lời mời gọi vượt qua thái độ duy luật để mở rộng tấm lòng trước tình thương yêu.

Dung mạo người cha đó, chính là Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Thái độ người cha đối với hai đứa con là thái độ của Thiên Chúa đối với con người. Trong trái tim Thiên Chúa chỉ có tình thương. Người không có trí nhớ về tội lỗi con người.

Cha yêu con dù con hư hỏng, bất trung. Cha yêu con không vì con ngoan được việc. Cha yêu con chỉ vì con là con. Cha không muốn mất một đứa con nào. Thiên Chúa của Đức Giêsu mạc khải là người cha nhân hậu, hiền từ, bao dung, hay tha thứ.

Hành trình thiêng liêng của cuộc đời, cả hai người con trong dụ ngôn đều có mặt trong mỗi con người chúng ta. Nhiều lần ta nghe theo cơn cám dỗ của thế gian xác thịt rồi nên hoang đàng, hoang phí, gặp thất bại đau khổ mới hối hận trở về với Chúa. Nhiều lần ta là con cả tưởng mình đạo đức nên lên án tẩy chay người khác. Người con cả khi biết đứa em hư hỏng được Cha đón nhận thì buồn giận, không muốn vào nhà. Cuộc trở về của người này lại làm cớ cho cuộc ra đi của người kia. Kẻ ra đi lại là kẻ trước đây coi như đàng hoàng ! Thực đáng buồn khi thấy : chính Chúa không cản ta trở về với Chúa. Nhưng kẻ cản ta lại là một loại con nào đó của Chúa. Cần trở về với Cha, về với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Sám hối là trở về với tình Chúa, với tình anh em. Sám hối là trở lại với tình yêu, niềm vui và sự sống.

 
Hồi tâm trở về với Chúa Cha đầy lòng từ bi thương xót
Lm Đan Vinh
23:24 26/03/2019
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY C
Gs 5,9a.10-12 ; 2 Cr 5,17-21 ; Lc 15,1-3.11-32

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 15,1-3.11-32

(1) Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức Giê-su mà nghe Người. (2) Còn những người thuộc phái Pha-ri-sêu và các Kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng. (3) Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này. (11) “Một người kia có hai con trai. (12) Người con thứ nói với cha rằng: Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. (13) Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. (14) Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, (15) nên phải đi ở cho một người dân trong vùng. Người này sai anh ta ra đồng chăn heo. (16) Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. (17) Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho Cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! (18) Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với Người: ”Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, (19) chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. (20) Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. (21) Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...” (22) Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu. (23) Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! (24) Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại. Đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng. (25) Lúc ấy người con cả của ông đang ờ ngoài đồng. Khi anh ta về gần nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, (26) liền gọi một người đầy tớ ra hỏi xem có chuyện gì. (27) Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khỏe”. (28) Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. (29) Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh. Thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con ăn mừng với bạn bè. (30) Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng !”. (31) Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha. Tất cả những gì của cha đều là của con. (32) Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

2. Ý CHÍNH: Trong bài Tin mừng hôm nay đoạn mở đầu (c 1-3) cho biết hòan cảnh của dụ ngôn. Tiếp theo là chính dụ ngôn trình bày về lòng từ bi nhân hậu của một người cha (c 11-32), gồm hai phần chính như sau:

- THÁI ĐỘ BAO DUNG CỦA NGƯỜI CHA ĐỐI VỚI ĐỨA CON THỨ: thể hiện qua các hành động sẵn sàng chia gia tài theo yêu cầu của đứa con ngay khi ông còn sống, nôn nóng chờ mong đứa con đi hoang trở về, chạnh lòng xót thương khi vừa thấy con từ xa và sẵn sàng tha thứ trước khi nó kịp thú tội, lập tức trả lại địa vị làm con, tổ chức bữa tiệc mừng con hoang trở về.
- THÁI ĐỘ HẸP HÒI CỦA CON TRƯỞNG: Sau khi biết em đã trở về nhà và được cha không những không trừng phạt mà còn mở tiệc ăn mừng, thì người con trưởng đã tỏ thái độ hẹp hòi và ganh tị: Không thèm vào nhà, trách cha thiên vị đứa em bất hiếu, đã đối xử bất công với anh là đứa con hiếu thảo. Cuối cùng người cha đã ra gặp và giải tỏa những lời trách móc của người con cả. Ông khuyên anh hãy noi gương ông để bao dung với đứa em tội lỗi vì: “Em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Những người thu thuế: Chỉ trong Tin mừng Nhất lãm (Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca) mới đề cập đến hạng người thu thuế này (x. Mt 9,9 ; Mc 2,14 ; Lc 5,27). Họ bị coi là tay sai của chính quyền Rô-ma và bị tố cáo đã lạm thu thuế để hưởng lợi bất chính (x. Lc 19,8b). Dân Do thái liệt họ vào hạng người tội lỗi xấu xa, ngang hàng với bọn trộm cắp đĩ điếm (x. Mt 21,31-32). + Những người tội lỗi đến nghe Đức Giê-su giảng: Đây là các tội nhân đã phạm tội công khai như: Gái điếm (x. Lc 7,37), người phụ nữ Sa-ma-ri-a có cuộc hôn nhân bất chính (x. Ga 4,18), người đàn bà ngoại tình (x. Ga 8,3), kẻ bị quỷ ám (x. Lc 8,2) kẻ chơi bời trác táng (x. Lc 15,13.30), hay tên gian phi (x. Lc 23,39). + Những người thuộc phái Pha-ri-sêu và các Kinh sư: Pha-ri-sêu (hay Biệt phái) là những người Do thái đạo đức, sống tách biệt khỏi quần chúng. Kinh sư (hay Luật sĩ) là những nhà trí thức, xuất thân từ trường Kinh thánh. Họ thường giải thích Kinh thánh trong các hội đường Do thái vào các ngày Sa-bát. Họ được dân chúng kính trọng gọi là “Ráp-bi”, nghĩa là “Thầy” (x. Mt 23,7). + Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng: Người Pha-ri-sêu và Kinh sư trách Đức Giê-su vì đã thu nhận Lê-vi là người thu thuế làm môn đệ, lại còn đến ngồi đồng bàn ăn uống với bọn thu thuế bạn bè của anh ta (x. Lc 5,27-32).
- C 11-13: + Một người kia có hai con trai: Đây là dụ ngôn chỉ có trong Tin mừng Lu-ca, nói lên lòng bao dung của một người cha ám chỉ Thiên Chúa, đối với đứa con hoang đàng bất hiếu, ám chỉ các người thu thuế tội lỗi.
- C 14-16: + Đi ở cho một người dân trong vùng: Đứa con thứ này đã rơi vào hòan cảnh túng cực: tự bán mình làm nô lệ cho người dân ngoại và bị người này sai đi chăn heo. Heo là con vật bị Luật Mô-sê coi là nhơ uế, vì được dân ngọai dùng làm lễ vật cúng tế cho thần minh của họ (x. Đnl 14,8). + Ước ao lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho: Thân phận của anh ta giờ đây không bằng loài heo nhơ bẩn!
- C 17-20a: + Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ...: Hòan cảnh đói khổ làm cho đứa con thứ phải xét lại hành động sai trái của mình. + Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha: Anh trở về không phải do thương nhớ cha, mà chỉ là một hành động có tính tóan và đầy vụ lợi! Dụ ngôn đã không nhấn mạnh đến sự ăn năn sám hối của người con thứ mà chỉ muốn đề cao tình thương bao dung của người cha.
- C 20b-24: + Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để: Động từ “chạnh lòng thương” là lý do giải thích các hành động sau đó. Động từ nầy tìm thấy trong trình thuật bà góa thành Na-im (7,3) và câu chuyện người Sa-ma-ri-ta-nô nhân lành (10:33). Trong cả ba trường hợp này, “chạnh lòng thương” nên đã cứu sống người sắp chết hoặc tái sinh người đã chết. Cái hôn biểu lộ tình thương tha thứ. Tình thương này được diễn tả qua sự kiện: Ngay khi đứa con còn ở đàng xa, ông đã trông thấy và chủ động chạy ra ôm hôn con để biểu lộ sự tha thứ vô điều kiện, tha ngay trước khi nó kịp nói lời thú tội. + Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây...: Người cha không muốn nghe đứa con nói hết câu xin lỗi, đã sẵn sàng ban cho nó quá điều nó dám mong ước. Ý nghĩa của việc xỏ “nhẫn”, mặc “áo”mới (x. St 41:42) cho thấy người cha đã trả lại địa vị làm con, dù anh ta chỉ dám xin trở thành người làm công cho cha. “Giết bò béo” (St 18,7) cho thấy niềm vui tột đỉnh của người cha muốn chia sẻ niềm vui với người khác. + Chân đi dép: ám chỉ một người tự do, khác với nô lệ phải đi chân đất. Vậy, người cha đã đón nhận lại đứa con tội lỗi trong niềm vui lớn lao; đồng thời phục hồi lại cho nó quyền làm con, vì có người cha nào lại không xót thương con cái mình (x. Tv 103:13).
- C 25-28: + Người con cả: Tượng trưng cho các đầu mục dân Do thái. + nổi giận và không chịu vào nhà: Anh nổi giận vì nghĩ rằng cha đã cư xử bất công với anh. Anh từ chối vào nhà để tỏ thái độ phản đối cách cư xử bao dung của cha, khi ông không những đón nhận thằng con bất hiếu mà còn mở tiệc để ăn mừng nó trở về.
- C 29-30: + Còn thằng con của cha đó: Người con cả không coi người kia là em mình nên dùng cách nói khinh dể, giống như người Pha-ri-sêu đã khinh dể người thu thuế trong dụ ngôn “hai người lên Đền thờ cầu nguyện” (x. Lc 18,11).
- C 31-32: + Con à, lúc nào con cũng ở với cha. Tất cả những gì của cha đều là của con: Người cha nhắc cho anh con cả ý thức về tình yêu bao la của ông mà anh ta vẫn luôn được hưởng. + Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ: Người cha mời gọi anh con cả hãy bước vào ngôi nhà tình thương của cha, cùng chia sẻ niềm vui với cha khi đứa em tội lỗi của anh ta hồi tâm trở về. + “Em con đây”: Ong chỉnh lại lối xưng hô khinh miệt của người anh: “Thằng con của cha đó” bằng từ yêu thương “Em con đây”. + “Đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”: Qua câu này Đức Giê-su gián tiếp trả lời cho những tiếng xầm xì của người Pha-ri-sêu và mời họ chia sẻ tâm tình của Thiên Chúa đối với những kẻ tội lỗi.

4. CÂU HỎI:

HỎI 1) ƯU VÀ KHUYẾT ĐIỂM CỦA CÁC NGƯỜI PHA-RI-SÊU VÀ KINH SƯ LÀ GÌ?

ĐÁP:

* VỀ ƯU ĐIỂM: Các người Pha-ri-sêu và Kinh sư được đánh giá là những người có lòng đạo đức, thể hiện qua việc siêng năng ăn chay cầu nguyện và làm phúc bố thí (x. Mt 6,2.5.16). Họ am tường và tuân giữ Luật Mô-sê trong từng chi tiết, nhất là luật về ngày Hưu lễ (nghỉ việc ngày Sabát), luật Thanh tẩy (rửa tay, rửa bình, rửa các đồ đồng, tắm rửa...). Về giáo lý họ cũng tin như Đức Giê-su đã giảng: tin có thiên thần (x. Cv 23,6-8), tin linh hồn bất tử và thân xác lòai người sau này sẽ sống lại…
* VỀ KHUYẾT ĐIỂM: Đức Giê-su đã nhiều lần lên tiếng sửa dạy và thậm chí còn nặng lời quở trách họ về thói đạo đức giả. Chẳng hạn: Họ chỉ giữ Luật theo hình thức bề ngoài; Tranh nhau ngồi chỗ nhất trong các đám tiệc và ghế đầu trong hội đường; Ăn mặc lụng thụng để được người ta kính trọng (x. Mt 23,5-6); Tự hào vì đã tuân giữ Lề luật; Tự mãn về sự hiểu biết Luật và khinh thường dân chúng dốt nát; Dẫn đường mù quáng và có thái độ cố chấp khi đề cao truyền thống và luật truyền khẩu, mà quên đi các điều chính yếu của Luật (x. Mt 23,23); Bắt dân chúng tuân giữ các điều khỏan Lề Luật trong từng chi tiết đang khi chính họ lại không hề tuân giữ (x. Mc 12,38-40).

HỎI 2) THÁI ĐỘ CỦA CÁC PHA-RI-SÊU VÀ KINH SƯ ĐỐI VỚI ĐỨC GIÊ-SU THẾ NÀO?

ĐÁP: Vì không nhận Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai (x. Mc 11,27-33), nên họ thường dò xét, gài bẫy để thử thách và tìm bắt lỗi Người. Họ đòi Người phải làm phép lạ để chứng minh sứ vụ Thiên Sai (x. Mc 8,11). Họ xuyên tạc các phép lạ Người làm để dân chúng đừng tin theo Người và không gia nhập vào Nước Trời do Người thiết lập (x. Mc 3,23-30). Cuối cùng họ liên kết với đảng Hê-rô-đê, và Thượng Hội Đồng Do thái ở Giê-ru-sa-lem để bắt Đức Giê-su và kết án tử hình cho Người cách bất công (x. Lc 22,47-53; 23,1-7.18-25). Họ tiếp tục chế giễu Người khi treo Người trên cây thập giá (x. Lc 23,35). Tuy nhiên, trong số các Pha-ri-sêu cũng có một số người tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và sau này đã trở thành môn đệ của Người như: Ông Ni-cô-đê-mô (x. Ga 3,1), Ga-ma-li-en (x. Cv 5,34-39) và nhất là tông đồ Phao-lô (x. Cv 22,3).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20b).

2. CÂU CHUYỆN:

1) LÒNG CHA BAO DUNG:

RI-SỚT PIN-ĐEO (Richard Pindell) có viết một câu chuyện ngắn về một cậu bé tên là ĐE-VÍT (David). Cậu ta đã nghe theo chúng bạn lén về nhà ăn cắp một số tiền lớn rồi bỏ đi bụi đời. Mấy tháng sau, vì không chịu nổi hoàn cảnh đói khát khổ cực, cậu đã viết một lá thư gửi về cho mẹ. Trong thư, cậu tỏ ra hối lỗi và nhờ mẹ thuyết phục ông bố vốn rất khiêm khắc, để xin ông tha tội và cho cậu được về nhà sum họp với cha mẹ như trước. Nội dung lá thư ấy như sau: “Mẹ kính yêu, trong một vài ngày nữa con sẽ đáp chuyến xe lửa ngang qua nhà mình. Vậy nhờ mẹ xin lỗi bố cho con. Nếu bố bằng lòng tha thứ và chấp nhận cho con về nhà, thì xin mẹ yêu cầu bố hãy cột một miếng vải trắng trên cây táo hồng ở cạnh nhà mình mẹ nhé !”.

Vài ngày sau, Đe-vít lên xe lửa để trở về nhà. Khi xe lửa đang di chuyển đến gần nhà thì hai hình ảnh cứ liên tục hiện ra trong tâm trí cậu bé Đe-vít: Lúc thì trên cây táo có cột một miếng vải trắng, lúc lại chẳng thấy có miếng vải nào cả. Khi sắp đi ngang qua nhà, trái tim Đe-vít đập nhanh hơn. Cậu quay sang người ngồi cạnh và ấp úng nói: “Thưa ông, ông có thể giúp cháu việc này không ạ?” Được ông ta đồng ý, cậu nói: “Vào khúc quẹo bên tay mặt, ông sẽ thấy một cây táo. Vậy phiền ông nhìn vào cây táo ấy và cho cháu biết trên cành cây ấy có cột một miếng vải trắng nào không nhé ?”. Khi xe lửa ầm ầm lướt nhanh qua nhà, Đe-vít nhắm mắt lại rồi run giọng hỏi: “Thưa ông, có miếng vải trắng nào treo trên cành cây táo cạnh nhà cháu không ạ?” Ông ta sửng sốt trả lời rằng: “Ô, này cậu bé, không phải chỉ một mà cành cây nào ta cũng thấy có cột vải trắng cả !”

Thì ra sợ con trai không nhìn thấy giải vải trắng, ông bố của cậu bé đã treo thật nhiều vải trắng để chắc chắn cậu sẽ nhìn thấy dấu hiệu tình thương tha thứ để cậu yên tâm trở về.

2) LÒNG MẸ THƯƠNG CON THỂ HIỆN RA SAO ?

Một cô bé 5 tuổi đang ngồi trong lòng mẹ, chợt lên tiếng hỏi: “Mẹ ơi, con có thể nhìn thấy được lòng mẹ không ?”. Bà mẹ đáp : “Mẹ không biết, nhưng con có thể nhìn vào mắt mẹ xem con thấy gì trong đó ?” Cô bé nhướng mắt chăm chú nhìn vào đôi mắt của mẹ, rồi em sung sướng kêu lên : “Mẹ ơi ! Con đã nhìn thấy lòng mẹ thương con rồi. Trong mắt mẹ, con chỉ nhìn thấy duy một cô bé tí xíu là chính con đó mẹ ạ !”.
Đối với bà mẹ thì đứa con là tất cả. Mỗi người chúng ta cũng là con do Chúa sinh thành và rất mực yêu thương chúng ta.

3) CẢM NGHIỆM TÌNH THƯƠNG CỦA CHA GIÚP CON DỄ HOÁN CẢI:

GAN-DHI kể rằng khi ông được 15 tuổi, ông đã phạm tội ăn cắp của anh mình một đồng tiền vàng. Tuy nhiên sau đó ông cảm thấy áy náy nên quyết định đến thú tội với cha mình. Ông lấy ra một tờ giấy, viết lên đó tội ăn cắp mình đã làm và xin cha tha thứ. Cuối thư ông cũng hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Khi ấy cha ông đang bị bệnh phải nằm trên giường. Gan-dhi tiến lại đưa tờ giấy thứ tội cho cha và hồi hộp chờ cha xét xử. Người cha đã ngồi dậy, cầm tờ giấy đọc, trong lúc ông đang đọc thì Gan-dhi thấy hai dòng lệ từ đôi mắt cha chảy xuống. Gan-dhi cũng không cầm được nước mắt. Cuối cùng khi đọc xong, người cha đã không hề nổi giận và cũng chẳng nói lời trách móc. Ông ôm chầm lấy con và cảm thấy sung sướng vì con mình đã biết hối hận về hành động xấu đã làm.
Cảm nghiệm được tình yêu thương tha tội của cha là một cảm nghiệm rất sâu sắc. Sau này Gan-dhi viết : "Chỉ có người nào đã trải qua cảm nghiệm về một tình yêu như thế mới có thể hiểu được nó mà thôi".

4) THA THỨ LÀ QUÊN MỌI TỘI KẺ KHÁC ĐÃ XÚC PHẠM ĐẾN MÌNH:

Một bà già nọ không mấy ngày là không đến gõ cửa gặp cha xứ, kể cho ngài nghe những giấc mơ của bà. Một hôm bà cho biết đêm qua Chúa lại hiện ra với bà. Để làm bà nản lòng đừng tiếp tục đến quấy rầy nữa, cha xứ bảo: ”Lần sau nếu Chúa có hiện ra, thì bà hãy hỏi Chúa: “Cha xứ con có tội gì nặng nhất ? Sau đó bà mới được tới đây kể lại cho tôi nghe nhé”.
Rồi mấy ngày sau đó không thấy bà già ấy đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì kế hay của mình. Nhưng một tuần sau thì thấy bà quay trở lại.
- Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.
- Thế bà có nhớ hỏi Chúa điều tôi đã dặn bà không ?
- Thưa cha có chứ.
Cha xứ bắt đầu hồi hộp :
- Thế bà đã hỏi Chúa thế nào ?
- Thì con hỏi y như Cha đã bảo :”Cha xứ con có tội gì nặng nhất” ?
Cha xứ càng hồi hộp thêm :
- Vậy Chúa có trả lời không ?
- Có chứ .
Bây giờ thì cha xứ bắt đầu lo lắng thật sự. Cha gặng hỏi:
- Chúa nói sao ?
- Chúa nói: ”Ta đã quên hết rồi”.
Cha xứ thở phào nhẹ nhõm.
(Kể theo ĐHY Phanxicô X. Nguyễn văn Thuận)

3. THẢO LUẬN:
1) Trong bốn việc phải làm khi đi xưng tội như: xét mình, ăn năn dốc lòng chừa, xưng tội và đền tội, thì điều nào là quan trọng nhất để được giao hòa với Chúa ? Tại sao ?
2) Trong Mùa Chay này, mỗi người chúng ta sẽ ăn năn sám hối tội nào cụ thể nhất và sám hối bằng cách nào ?

4. SUY NIỆM:

Tin mừng CN 4 Mùa Chay hôm nay cho thấy tình thương bao dung của Thiên Chúa đối với các tội nhân (15,1-32): Thiên Chúa như một người Cha từ bi nhân hậu luôn “chạnh lòng thương” và sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho con cái lòai người như Thánh vịnh 135 đã ca tụng tình thương của Chúa như sau: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương“. Dụ ngôn hôm nay cho thấy thái độ của ba nhân vật chính trong dụ ngôn để từ đó chúng ta biết mình phải làm gì :

1) Thái độ sám hối quyết tâm trở về của đứa con thứ tội lỗi (15,12-19) : Tội của đứa con thứ là tội bất hiếu khi đòi cha chia gia tài cho mình ngay khi cha còn sống. Sau đó anh ta đã bỏ nhà đi hoang và ăn chơi phóng đãng tiêu tán hết số tiền của cha. Đến khi anh lâm cảnh đói rách thì anh phải đi làm thuê làm mướn và bị người chủ dân ngoại khinh dể và đối xử tệ hơn một con heo. Chính sự cùng khổ đã khiến anh hồi tâm suy nghĩ và giúp anh quyết tâm đứng dậy quay về xin lỗi cha, với ước mong được cha đối xử như một người làm công thôi. Câu“Đứng lên, đi về cùng cha” cho thấy thái độ dứt khoát với quá khứ tội lỗi để về với người cha thân yêu.

2) Thái độ bao dung của người cha nhân hậu (15,20-24): Về phần người cha, sau khi đứa con thứ ra đi, ông buồn sầu nhớ thương, ngày ngày ngóng nhìn ra cổng chờ mong nó mau quay về nhà. Khi thấy bóng con từ xa, ông đã nhận ra nó và “chạnh lòng thương”: Ông không trách mắng hay trừng phạt con, mà chạy tới ôm chầm lấy cổ nó hôn lấy hôn để, rồi mau mắn trả lại địa vị làm con cho nó khi truyền gia nhân thay áo mới cho nó, đeo nhẫn vào ngón tay, xỏ giầy vào chân và mở tiệc mời bạn bè hàng xóm đến ăn mừng đứa con, với lý do: “Tưởng nó đã chết mà nay sống lại, tưởng đã mất mà nay lại tìm thấy”. Đây là sự đón tiếp nồng hậu ngoài sự tưởng tượng của đứa con hoang đàng, nói lên tình thương bao dung của cha.

3) Thái độ hẹp hòi của người con trưởng (15,25-32): Người anh trưởng từ ngoài đồng trở về gần đến nhà, nghe tiếng đàn ca, hỏi ra mới biết thằng em đi hoang mới trở về và đã được cha không những tha tội mà còn mở tiệc ăn mừng. Anh ta tỏ thái độ giận cha bằng cách không thèm đi vào nhà. Khi gặp được cha, anh đã chỉ trích lối hành xử của cha mà anh cho là bất công không thể chấp nhận được (15,29). Thái độ giận dỗi của anh khiến người cha phải xuống nước năn nỉ và cố gắng giải thích cho anh hiểu và cảm thông với mình: ”Tất cả những gì của cha đều là của con “ (Lc 13,31). Dụ ngôn kết thúc bằng lời của người cha khuyên con hãy có lòng bao dung với đứa em lầm lỗi: “Vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Chính lòng nhân hậu, yêu thương và không chấp nhất tội lỗi của đứa con đi hoang đã khiến người cha quên đi mọi lỗi lầm của đứa con hoang đàng đã gây ra, mà chỉ còn thấy trước mặt là đứa con yêu mà ông hằng mong nó mau trở về, đứa con ông tưởng đã mất mà nay lại tìm thấy. Ông vui sướng mở tiệc liên hoan, cho đàn ca múa hát, để ăn mừng nó trở về.

Còn thái độ của người anh cả khi đi làm về, nghe tiếng đàn hát ăn mừng đứa em mới trở về được cha mừng rỡ hân hoan, nên chẳng những anh không vui mà còn tỏ thái độ hờn trách khiến cha phải ra phân trần, năn nỉ và mời anh ta vào trong nhà với ông để gặp lại đứa em "đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy". Ông khẳng định với anh con cả rằng: "Tất cả những gì của cha đều là của con" (Lc 13,31).

Qua câu chuyện về tình thương tha thứ của người cha, ta thấy tình thương của Thiên Chúa Cha thật quảng đại, “chậm bất bình và hết sức khoan dung”, một Thiên Chúa không thích dùng hình phạt nhưng luôn sẵn sàng tha thứ. Tình thương bao la của Thiên Chúa đã được bài Thánh thi diễn tả như sau: "Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Tv 135).

4) Làm gì để đáp lại Lòng Chúa Thương Xót ? :

+ Dụ ngôn người cha bao dung và đứa con hoang đàng nói lên lòng nhân từ hay thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Chúa đã yêu thương chúng ta với tình yêu bao la như một người cha nhân hậu, sẵn sàng tha thứ tội lỗi chúng ta là con cái của Ngài : Ngài tha thứ không mệt mỏi, tha vô điều kiện và tha luôn mãi !
+ Chúa phán: “Tội các ngươi dầu có đỏ như son, cũng hóa nên trắng như tuyết. có thắm tựa vải điều, cũng nên trắng như bông” (Is 1,18): Dù tội của chúng ta có nặng tới đâu, thì tình thương của Chúa còn sâu nặng hơn gấp bội. Dù tội lỗi chúng ta có nhiều tới mức nào, thì Chúa cũng vẫn hằng chờ đợi để tha thứ, miễn là chúng ta thực lòng sám hối và quyết tâm trở về.
+ Thiên Chúa tôn trọng sự tự do ra đi và chờ đợi sự tự do trở về của chúng ta: Trong những ngày Mùa Chay này mỗi người chúng ta sẽ làm gì cụ thể để đáp lại tình thương bao dung của Thiên Chúa ? Cần cấp thời sám hối ăn năn quay về làm hòa với Chúa và lãnh ơn giao hòa trong phép Giải tội; Hãy đáp lại lòng thương xót của Thiên Chúa bằng việc thương xót những người đau khổ và quảng đại tha thứ lỗi lầm cho tha nhân; Hãy quan tâm giúp người thân trong gia đình và bạn bè đang lạc xa Chúa để họ mau hồi tâm trở về để nhận được ơn tha thứ của Chúa.

5. LỜI CẦU:

- LẠY THIÊN CHÚA LÀ CHA CỦA CON. Con xin cảm tạ Cha đầy lòng từ bi nhân ái. Con cảm tạ Cha vì Cha đã sai Con Một Cha là Chúa Giê-su đến thế gian để dạy loài người chúng con nhận biết Cha là Thiên Chúa giàu lòng từ bi nhân hậu. Qua bài Tin mừng hôm nay, chúng con hiểu được Cha đang mời gọi các tội nhân trong đó có chúng con mau quay về làm hòa với Cha.
- LẠY CHA, thật đáng tiếc khi có những người cha trong gia đình và trong cộng đoàn... chưa thể hiện được tình thương bao dung của Cha, nên đã trình bày về Cha như một “ông chủ” chỉ muốn trừng phạt để làm cho họ khiếp sợ phải hồi tâm sám hối. Có những người cha trong gia đình, hay trong cộng đoàn đã dùng bạo lực đe nẹt con cái khi chúng phạm tội... Xin Cha cho các người cha biết yêu thương con cái giống như Cha. Nhờ đó các tội nhân sẽ cảm nghiệm được tình thương bao dung của cha và sớm quay về giao hòa với Cha trong Mùa Chay này.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Massimo Faggioli: Hệ thống bảo vệ định chế Giáo Hội đang sụp đổ ngay trước mắt chúng ta
Đặng Tự Do
07:55 26/03/2019
Trong bài “The End of an Era?” – “Sự kết thúc của một kỷ nguyên?”, được đăng trên tờ Commonweal Magazine ngày 25 tháng 3 năm 2019, Massimo Faggioli, sử gia về lịch sử Giáo Hội, giáo sư Thần Học và Khoa Học Tôn Giáo của Đại Học Villanova ở Philadelphia Hoa Kỳ, cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đang định nghĩa lại chủ quyền của Giáo Hội.

Ông cảnh báo rằng chủ nghĩa thế tục đang hung hăng lạm dụng tội lỗi lạm dụng tính dục để tung ra các tấn kích nghiêm trọng đến mức Nước Đức Giáo Hoàng như chúng ta thấy hiện nay có thể bị xóa sổ.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ:


Sự kết thúc của một kỷ nguyên?
Cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đang định nghĩa lại chủ quyền của Giáo Hội.

Mối quan hệ giữa quyền bính của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội và quyền lực chính trị của nhà nước đã được xác định trong nhiều thế kỷ qua bằng các phương thức ngoại giao, chính sách đối ngoại, và cả các cuộc cách mạng bạo lực, lẫn các cuộc thảo luận hòa bình trong các nghị viện. Bây giờ, vì cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, mối quan hệ này đang được định nghĩa lại bởi hệ thống tư pháp hình sự của nhà nước thế tục.

Bản án của Đức Hồng Y George Pell bởi một tòa án Úc liên quan đến cáo buộc lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên, và bản án của Đức Hồng Y Philippe Barbarin bởi một tòa án Pháp vì đã không báo cáo một linh mục lạm dụng, cùng nhau đánh dấu một chương mới trong mối quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước. Hãy tưởng tượng nếu chúng ta có một Cơ Mật Viện bầu giáo hoàng trong tương lai gần, thì đó có thể là Cơ Mật Viện đầu tiên trong lịch sử hiện đại, nơi ít nhất một trong số các Hồng Y cử tri không thể bỏ phiếu vì ngài đang phải đứng sau song sắt (Đức Hồng Y Barbarin vẫn được tự do trong tiến trình kháng cáo). Một trường hợp gần tương tự là trường hợp của Đức Hồng Y József Mindszenty của Hung Gia Lợi. Tuy nhiên, vẫn có một sự khác biệt hoàn toàn: Đức Hồng Y Mindszenty không thể tham dự các Cơ Mật Viện vào những năm 1958 và 1963 vì ngài đang tị nạn chính trị tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Budapest. Trước đó, Đức Hồng Y Mindszenty đã bị chế độ Cộng sản Hung Gia Lợi bắt giữ vì lý do chính trị, chứ không phải là tội phạm thông thường hay hình sự. Các ví dụ khác có thể xuất hiện trong tâm trí là trường hợp Napoléon bắt giữ Đức Giáo Hoàng Piô VII từ năm 1809 đến 1814; Đức Cha Clemens August von Droste-Vischering, Tổng Giám Mục Köln bị chính phủ Phổ bắt năm 1837; nhiều giám mục khác đã phải trải qua nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ trong các nhà tù của chế độ Cộng sản, ví dụ như ở Ukraine, Trung Quốc và Việt Nam. Tất cả những trường hợp này rõ ràng rất khác với trường hợp của các Đức Hồng Y Pell và Barbarin, về phương diện các phán quyết chống lại các ngài.

Với uy tín đạo đức của Vatican bị hư hại sâu sắc, chủ nghĩa thế tục có thể “lạm dụng” lạm dụng để mở lại những gì từng được gọi là “Quaestio Romana” – “Vấn đề Rôma” [tức là vấn đề quyền bính trần thế của Đức Giáo Hoàng - chú thích của người dịch]”.

Hai trường hợp trên có ý nghĩa biểu tượng rất lớn trong một Giáo Hội nơi các biểu tượng là quan trọng. Viễn tượng một Hồng Y vắng mặt trong Cơ Mật Viện vì ngài bị tống giam vì cáo buộc lạm dụng tình dục, hoặc che đậy sự lạm dụng đó, là một biểu tượng cho thấy một cách rõ rệt toàn bộ hệ thống bảo vệ định chế Giáo Hội Công Giáo, là một hệ thống được xây dựng dựa trên hiện trạng, quyền miễn trừ, và các đặc quyền đang sụp đổ trước mắt chúng ta. Điều làm cho biểu tượng này thêm sâu sắc là sự nổi bật của cả hai vị Hồng Y Pell và Barbarin. Đức Hồng Y Pell là một đại diện cao cấp của một nền văn hóa Công Giáo đặc thù trong thế giới nói tiếng Anh muốn tái xây dựng một Giáo Hội quả quyết, hơn khả năng chống lại chủ nghĩa thế tục. Đức Hồng Y Barbarin là Tổng Giám Mục Lyon, quê hương của trường đại học Dòng Tên Fourvière, một trong những biểu tượng của Công Giáo Pháp hiện đại. Một trong những nhà thần học Dòng Tên quan trọng nhất từ trước đến nay, Henri de Lubac, đã nghiên cứu và giảng dạy tại Fourvière.

Hai trường hợp pháp lý này (và những trường hợp khác có khả năng sẽ xảy ra) nêu ra một vấn nạn quan trọng cho Giáo Hội liên quan đến những mối quan hệ với thế giới bên ngoài. Cuộc đụng độ giữa Giáo Hội Công Giáo và các cuộc cách mạng vào cuối thế kỷ thứ mười tám và giữa thế kỷ mười chín đã đạt đến một sự dàn xếp tạm thời kéo dài từ khoảng thời gian của Công Đồng Vatican I cho đến gần đây. Hình thù của sự dàn xếp này được xác định bởi một chuỗi dài các sự kiện chính trị và thần học. Sự kiện đầu tiên trong số đó là tuyên bố về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng tại Công Đồng Vatican vào năm 1870, cùng với sự trỗi dậy của một “chủ nghĩa quyền tối thượng tự do của Đức Giáo Hoàng” trong đó chấp nhận sự khác biệt giữa các lĩnh vực thần học và chính trị, tôn trọng chủ quyền của nhà nước, và tiến đến việc tạo ra của một quyền lực tinh thần độc lập với nhà nước và thu gọn quyền bính trần thế Đức Giáo Hoàng trong một lãnh thổ với chủ quyền của riêng mình. Tiếp theo đó là các giải pháp cho “Vấn đề Rôma” với sự ra đời của Nhà nước Thành phố Vatican vào năm 1929; thời đại của các hiệp ước trong thế kỷ XX; sự chấp nhận dân chủ và nhà nước lập hiến tại Vatican II; và sự chấp nhận sau Công Đồng Vatican II cuộc chiến chống lại các chế độ độc tài, ủng hộ nhân quyền và tự do. Trọng tâm của thời kỳ Vatican I đến Vatican II là giả định cho rằng trong tương lai, sẽ có một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, thân thiện giữa Giáo Hội và nhà nước, mỗi bên sẽ tôn trọng chủ quyền của nhau.

Những diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục, cả ở cấp quốc gia và toàn cầu, đặt lại vấn đề đối với dàn xếp này. Giờ đây, cuộc khủng hoảng lạm dụng đã đến với Vatican, với các trường hợp của McCarrick, Đức Hồng Y Pell và Đức Hồng Y Barbarin, tình trạng pháp lý lâu nay không bị nghi ngờ của Tòa Thánh và chủ quyền của Nhà nước Thành phố Vatican một lần nữa có thể bị thách thức. Với uy tín đạo đức của Vatican bị hư hại sâu sắc, chúng ta có thể thấy việc mở lại những gì từng được gọi là “Vấn đề Rôma”.

Quyết định của Đức Bênêđíctô XVI tiếp tục sống ở Vatican sau khi ngài từ chức cũng cần được giải thích theo làn sóng các vụ tai tiếng liên quan đến chính quyền trung ương của Giáo Hội Công Giáo. Không phải chỉ một mình Đức Bênêđíctô: Đức Hồng Y Sodano và Bertone, từng là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh dưới thời Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô, cũng đã chọn sống ở Vatican, và đã im lặng đáng kể trong vài tháng qua. Tấm khiên được cung cấp bởi vị thế quốc tế của Tòa Thánh có thể bị thay đổi một ngày nào đó, dù điều đó là không thể tưởng tượng được đối với một số người. Xét cho cùng, địa vị pháp lý hiện tại của Vatican cũng chỉ mới đạt được gần đây. Trong cuốn Vatican I: Công Đồng và việc hình thành Giáo Hội Quyền Bính Giáo Hoàng , John W. O'Malley nhắc nhở chúng ta rằng “các vị giáo hoàng của thế kỷ XIX, giống như các vị tiền nhiệm của họ trong nhiều thế kỷ, đều coi Nước Đức Giáo Hoàng, và đặc biệt là thành phố Rôma, như một nơi thánh thiêng, một di sản thiêng liêng không bao giờ có thể đầu hàng. Đức Piô IX là vị Giáo Hoàng tin vào điều này mạnh nhất”. Nhưng sau gần một ngàn năm lịch sử, Nước Đức Giáo Hoàng đã đi đến hồi kết thúc một cách bất ngờ. Giáo Hội Công Giáo có trên hai nghìn năm tuổi, nhưng Nhà nước Thành phố Vatican chỉ mới chín mươi tuổi. Không có lý do để cho rằng Nhà nước ấy sẽ tồn tại như hiện nay vĩnh viễn.


Source:Commonweal Magazine
 
Sáng lập viên và toàn ban biên tập tạp chí phụ nữ của Vatican đồng loạt từ chức
Đặng Tự Do
15:30 26/03/2019
Ban biên tập của tạp chí “Giáo Hội, Phụ nữ, Thế giới”, một nguyệt san được công bố cùng với tờ Quan Sát Viên Rôma của Tòa Thánh, đã công bố việc đồng loạt từ chức trong một bức thư ngỏ được gởi đến các cơ quan truyền thông thế tục lớn trên thế giới.

Bức thư ngỏ nêu trên, là bức thư từ chức gởi đến Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng sẽ được đăng trong số ra ngày 01 tháng Tư sắp đến.

Sáng lập viên Lucetta Scaraffia đã viết trong bức thư ngỏ:

“Chúng con đầu hàng bởi vì chúng con cảm thấy bị bao quanh bởi một bầu không khí nghi ngờ và cố gắng ngày càng tăng muốn loại bỏ chúng con.”

Trong bài xã luận, bà viết: “Chúng tôi tin rằng không còn đủ điều kiện để tiếp tục sự hợp tác với tờ Quan Sát Viên Rôma.”

Scaraffia nói với thông tấn xã AP rằng quyết định đồng loạt từ chức được đưa ra sau khi chủ biên mới của tờ Quan Sát Viên Rôma, là ông Andrea Monda, đầu năm nay dự định sẽ nắm giữ vị trí chủ biên của tờ tạp chí này. Bà cho biết Monda đã lùi bước sau khi ban biên tập đe dọa sẽ từ chức và các tờ báo Công Giáo phân phối các bản dịch của tạp chí “Giáo Hội, Phụ nữ, Thế giới” tại Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ Latin, nói với bà rằng họ sẽ ngừng phân phối nếu bà không còn giữ trách nhiệm chủ biên.

“Sau những nỗ lực bất thành nhằm đưa chúng tôi vào vòng kiểm soát, là những nỗ lực gián tiếp nhằm loại bỏ tính hợp pháp của chúng tôi”. Để dẫn chứng, bà Scaraffia nói với thông tấn xã AP rằng nhiều phụ nữ khác đưa vào để viết cho tờ Quan Sát Viên Rôma “với một quan điểm đối kháng với chúng tôi”.

Vào năm 2012, “Giáo Hội, Phụ nữ, Thế giới” là một phụ bản của tờ Quan Sát Viên Rôma. Dần dà, tạp chí này được xuất bản như một ấn phẩm độc lập dù vẫn dưới sự bảo trợ của tờ Quan Sát Viên Rôma.

Scaraffia, một giáo sư lịch sử và là một nhà báo. Bà có lẽ là người phụ nữ cao cấp nhất tại Vatican. Bà là một nhà tranh đấu nữ quyền thường xuyên nhấn mạnh quá đáng đến sự đối kháng giữa nam và nữ với những lời chỉ trích như “một nửa nhân loại - và một nửa chịu trách nhiệm truyền bá đức tin cho các thế hệ tương lai - đơn giản là vô hình đối với một Giáo Hội Công Giáo do đàn ông kiểm soát.”

Tháng Hai vừa qua, nhân Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội từ 21 đến 24 tháng Hai, bà “tố cáo” trên tạp chí “Giáo Hội, Phụ nữ, Thế giới” việc lạm dụng tình dục các nữ tu khiến một số nữ tu đã phá thai hoặc sinh ra những đứa trẻ vô thừa nhận. Những chuyện như thế đời nào cũng có thể xảy ra, “tố cáo” như một phát hiện mới hay mô tả tội lỗi đó như một trào lưu thiết tưởng không phản ánh đúng sự thật.

Trước đó, trong số tháng Ba năm 2018, bà tố cáo sự phục vụ “không được trả công”, “địa vị hạng hai” trong Giáo Hội của các nữ tu phụ giúp các giám mục và Hồng Y trong việc nấu ăn và dọn dẹp. Nhiều nữ tu không đồng ý với cách đặt vấn đề có tính quá khích của Scaraffia. Họ cho rằng công việc của họ là một việc tự nguyện, khiêm nhường phục vụ vì lòng yêu mến Giáo Hội và chẳng hề có cảm giác “địa vị hạng hai”.

Tạp chí “Giáo Hội, Phụ nữ, Thế giới” phiên bản tiếng Ý ước tính bán được 12,000 số hàng tháng, chưa kể số người xem trực tuyến.


Source:AP
 
Chính Thống Giáo Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đang sụp đổ tại Ukraine
Đặng Tự Do
17:32 26/03/2019
Giáo Hội Chính Thống Tân Lập Ukraine
Hôm 21 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Trưởng Onufry, là Tổng Giám Mục của Kiev và Toàn Ukraine, đã tham dự một cuộc họp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và các thành viên của Hội đồng Các Giáo hội và Tổ chức Tôn giáo Ukraine. Cuộc họp được tổ chức theo sáng kiến của nhà lãnh đạo Ukraine.

Trong bài phát biểu của mình, ông Petro Poroshenko lưu ý sự cần thiết phải đề cao các nguyên tắc tự do tôn giáo. “Là tổng thống, với tư cách là người bảo đảm việc thực hiện đúng hiến pháp, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ tự do tôn giáo ở Ukraine. Sự tự do tôn giáo phải là một đối tượng trong các hoạt động chung của chúng ta,” ông nói và thêm rằng “bạo lực không bao giờ có thể là một phương tiện để giải quyết vấn đề.”

Đức Tổng Giám Mục Trưởng Onufry cho biết:

“Trong Mùa Chay hồng phúc này, Giáo hội kêu gọi sám hối, tự kiềm chế, cầu nguyện và hòa giải với người anh em. Nhiệm vụ của Giáo hội là chăm sóc những điều thuộc tâm linh, đạo đức, dẫn dắt mọi người đến với Chúa, rao giảng về tình yêu, sự tha thứ và hòa bình. Nhiệm vụ của nhà nước là chăm sóc chiều kích vật chất của đời sống con người, thực thi luật pháp, vân vân. Tuy nhiên, trong mùa Chay này, cũng như trong một thời gian dài trước đó, ở nước ta, đã có những phát triển diễn ra trong phạm vi tôn giáo khiến chúng ta đau buồn. Tôi muốn nói đến việc tịch thu các nhà thờ, sự can thiệp của các quan chức chính phủ trong các vấn đề Giáo Hội và các hành vi phạm tội khác.”

Trước ngày 5 tháng Giêng, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một. Hôm 5 tháng Giêng, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận Chính Thống Giáo Ukraine là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kiev và Toàn Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Trưởng Onufry cáo buộc rằng nhiều tài sản của Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã rơi vào tay của Giáo Hội Chính Thống tân lập Ukraine bằng bạo lực. Tuy nhiên, các nguồn tin khách quan hơn từ Ukraine nhận định rằng nhiều giáo dân Chính Thống Giáo trước đây trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nay bỏ sang Giáo Hội Chính Thống tân lập và muốn đưa các nhà thờ của họ vào Giáo Hội mới. Tranh chấp đã xảy ra vì một số giáo dân khác vẫn muốn ở lại trong Giáo Hội cũ.

Các quan chức Ukraine coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Kremlin tác động lên nội tình của Ukraine. Trước tình cảm bài Nga tại Ukraine, xu hướng sụp đổ của Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa có vẻ là hiển nhiên.


Source:The Russian Orthodox Church
 
Chủ biên tờ Quan Sát Viên Rôma lên tiếng về quyết định từ chức của bà Lucetta Scaraffia
Đặng Tự Do
17:57 26/03/2019
Sáng lập viên Lucetta Scaraffia và toàn ban biên tập, gồm toàn phụ nữ, của tạp chí “Giáo Hội, Phụ nữ, Thế giới”, một nguyệt san được công bố như một phụ bản của tờ Quan Sát Viên Rôma của Tòa Thánh, đã đồng loạt từ chức.

Scaraffia cáo buộc ông Andrea Monda, tân chủ nhiệm tờ Quan Sát Viên Rôma vào đầu năm nay dự định sẽ nắm giữ vị trí chủ biên của tờ tạp chí phụ nữ do bà lãnh đạo. Theo bà, ông Monda đã lùi bước sau khi ban biên tập đe dọa sẽ từ chức và các tờ báo Công Giáo phân phối các bản dịch của tạp chí “Giáo Hội, Phụ nữ, Thế giới” tại Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ Latin, nói với bà rằng họ sẽ ngừng phân phối nếu bà không còn giữ trách nhiệm chủ biên.

“Sau những nỗ lực bất thành nhằm đưa chúng tôi vào vòng kiểm soát, là những nỗ lực gián tiếp nhằm loại bỏ tính hợp pháp của chúng tôi”. Để dẫn chứng, bà Scaraffia nói với thông tấn xã AP rằng nhiều phụ nữ khác được đưa vào để viết cho tờ Quan Sát Viên Rôma “với một quan điểm đối kháng với chúng tôi”.

Trong một tuyên bố, ông Monda phủ nhận việc cố gắng làm suy yếu tạp chí “Giáo Hội, Phụ nữ, Thế giới” và nói rằng ông chỉ cố gắng củng cố những tiếng nói và quan điểm của phụ nữ khác trên tờ Quan Sát Viên Rôma. Ông khẳng định luôn bảo đảm quyền tự chủ của tạp chí, và tự giới hạn bản thân trong việc đề xuất các ý tưởng và giới thiệu những người có thể đóng góp cho tờ tạp chí phụ nữ.

“Tránh sự can thiệp vào phụ bản hàng tháng này, tôi đã yêu cầu đừng có một cuộc đối đầu thực sự trên tờ Quan Sát Viên Rôma, dựa trên cơ chế nhóm này đối kháng với nhóm kia hoặc việv hình thành các nhóm kín. Tôi đã làm như vậy như là một dấu hiệu của sự cởi mở và của ‘paressia’, (quyền tự do nói lên sự thật) mà Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu.”

Ông Monda cho biết thêm ông ghi nhận quyết định rút lui một cách tự nguyện của Scaraffia, cám ơn bà vì các đóng góp của bà, và cam kết rằng tạp chí sẽ được tiếp tục theo ý hướng hiện nay là “không có chủ nghĩa giáo sĩ trị hay tương tự.”


Source:AP
 
Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố chương trình cập nhật chuyến tông du Marốc của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
18:43 26/03/2019
Quảng trường trước Đền thờ Hồi giáo Hassan
Trong thông báo đưa ra hôm 25 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố chương trình cập nhật chuyến tông du Marốc của Đức Thánh Cha như sau:

Chiều thứ Sáu 29 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự buổi Phụng Vụ Sám Hối 24 giờ cho Chúa tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Sau đó, vào sáng Thứ Bảy ngài sẽ lên đường tông du Marốc.

Thứ Bảy ngày 30 tháng 3 năm 2019

Lúc 10:45, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang thủ đô Rabat của Marốc trong một chuyến đi dài tổng cộng 36 tiếng đồng hồ. Đây là chuyến tông du thứ 28 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia và là chuyến tông du thứ 3 của ngài trong năm 2019 này, sau Panama và Abu Dhabi.

Lúc 14:00, Đức Thánh Cha sẽ đến sân bay quốc tế Salé của Rabat. Tưởng cũng nên biết, Rabat và Rôma có cùng một múi giờ.

Lúc 14:40 sẽ diễn ra nghi thức chào đón chính thức Đức Thánh Cha tại quảng trường trước Đền thờ Hồi giáo Hassan.

Cũng tại quảng trường này, vào lúc 15g, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với chính quyền, xã hội dân sự, và ngoại giao đoàn. Ngài sẽ đọc một diễn từ tại đây.

Lúc 16g, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm lăng tẩm của Vua Mohammed V, trước khi hội kiến riêng với Vua Mohammed VI tại hoàng cung vào lúc 16:25.

Lúc 17:10, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Học Viện Mohammed VI nơi đào tạo các Imam, và các nhà giảng thuyết nam nữ của Hồi giáo.

Sinh hoạt cuối cùng trong ngày diễn ra lúc 18:10 khi Đức Thánh Cha viếng thăm trụ sở của Caritas giáo phận Rabat để gặp gỡ anh chị em di dân. Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ có một diễn từ.

Chúa Nhật ngày 31 tháng 3 năm 2019

Lúc 9:30, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm trung tâm nông thôn của các dịch vụ xã hội ở Témera.

Sau đó, vào lúc 10:35, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ và có một diễn từ trước các linh mục, tu sĩ nam nữ và Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô tại nhà thờ chính tòa giáo phận Rabat.

Lúc 12g, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật với mọi người trước khi dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng.

Lúc 14:45, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

Lúc 17g sẽ có nghi thức tiễn biệt tại phi trường quốc tế Salé của Rabat.

Lúc 17:15, máy bay sẽ cất cánh đưa ngài trở về Roma.

Dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ về đến phi trường Ciampino lúc 21:30.


Source:Holy See Press Office
 
Chương trình chuyến tông du của Ðức Thánh Cha Phanxicô tại Rumani
Đặng Tự Do
19:24 26/03/2019
Trong thông báo đưa ra hôm 25 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chi tiết chuyến viếng thăm 3 ngày của Ðức Thánh Cha Phanxicô tại Rumani, từ 31 tháng 5 đến 2 tháng 6 năm 2019.

Đây là chuyến tông du thứ 30 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia và là chuyến tông du thứ 5 của ngài trong năm 2019 này, sau Panama, Abu Dhabi, Rabat và Sofia.

Thứ Sáu 31 tháng Năm.

Lúc 8:10, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang phi trường quốc tế Henri Coandă-Otopeni của Bucarest.

Lúc 11:30, giờ địa phương, Đức Thánh Cha sẽ đến phi trường Henri Coandă-Otopeni. Tưởng cũng nên biết thêm là Bucarest đi trước Rôma một giờ.

Tại đây sẽ có nghi thức chào đón Đức Thánh Cha.

Sau các nghi thức chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ dùng xe hơi di chuyển đến dinh Cotroceni, là Phủ Tổng Thống Rumani nơi sẽ diễn ra các nghi thức đón tiếp chính thức tại tiền đình của dinh này.

Tiếp theo đó là các cuộc hội kiến của ngài với Tổng thống Klaus Iohannis và sau đó với nữ thủ tướng Viorica Dăncilă.

Lúc 13 giờ, Ðức Thánh Cha sẽ gặp chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn cũng tại Phủ Tổng Thống Cotroceni.

Lúc 15:45, Ðức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Rumani, và Thánh Hội Đồng của Giáo Hội này tại Tòa Thượng Phụ.

Sau diễn từ của Đức Thánh Cha là Kinh Lạy Cha tại nhà thờ chính tòa mới của Giáo Hội Chính Thống Rumani nằm kế bên Tòa Thượng Phụ.

Sau đó, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo tại Nhà thờ Chính Tòa Thánh Giuse của thủ đô Bucarest.

Thứ Bẩy 1 tháng Sáu 6

Lúc 9g sáng thứ Bẩy, 1 tháng 6, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến phi trường Bacau.

Đến nơi lúc 10:10, Đức Thánh Cha sẽ dùng trực thăng để bay đến vận động trường Sumuleu-Ciuc, rồi từ đó di chuyển bằng xe hơi đến đền thánh Ðức Mẹ Sumuleu-Ciuc để cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo.

Ban chiều, Ðức Thánh Cha dùng trực thăng bay đến thành phố Iasi và viếng thăm Nhà thờ chính tòa Ðức Maria Nữ Vương của giáo phận địa phương.

Lúc 17:25, ngài sẽ gặp gỡ giới trẻ tại quảng trường trước Tòa Nhà Văn hóa tại Iasi.

Lúc 19g, Đức Thánh Cha đáp máy bay trở về thủ đô Bucarest.

Lúc 20g, Đức Thánh Cha sẽ đến phi trường Henri Coandă-Otopeni.

Chúa Nhật 2 tháng Sáu

Lúc 9h sáng Chúa Nhật 2 tháng 6, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến phi trường Sibiu. Sau 40 phút bay, ngài đến nơi. Từ đây, Đức Thánh Cha dùng trực thăng bay đến thành phố Blaj để chủ sự thánh lễ tuyên phong chân phước cho 7 Giám Mục Công Giáo Rumani tử đạo dưới thời cộng sản.

Lúc 13:20, Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng trước khi có cuộc gặp gỡ với cộng đoàn người du mục Rom tại vận động trường thành phố Blaj.

Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đáp trực thăng tới phi trường Sibiu. Tại đây sẽ diễn ra nghi thức từ biệt, trước khi Ðức Thánh Cha đáp máy bay trở về Rôma vào lúc 17:30.


Source:Holy See Press Office
 
ĐTGM Jose Rodriguez Carballo giải thích thêm về Tự sắc Communis Vita của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
20:13 26/03/2019
Trong một tự sắc có tựa đề Communis Vita (Cuộc sống cộng đoàn), Đức Thánh Cha Phanxicô đã sửa đổi bộ Giáo Luật để bao gồm việc sa thải gần như tự động đối với những tu sĩ vắng mặt quá 12 tháng mà không có sự cho phép từ cộng đoàn của họ.

Sự thay đổi sẽ có hiệu lực vào ngày 10 tháng Tư và không có hiệu lực hồi tố. Đức Tổng Giám Mục Jose Rodriguez Carballo, tổng thư ký của Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ cho biết như trên. Tài liệu giải thích của Đức Tổng Giám Mục đã được công bố vào ngày 26 tháng Ba cùng với tự sắc Communis Vita của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Khoản giáo luật số 694 của bộ Giáo Luật hiện nay, sau khi sửa đổi, có nội dung như sau:

Triệt 1. Các thành phần sau đây đương nhiên bị trục xuất, bởi chính hành động của họ:

1) từ bỏ đức tin Công Giáo một cách tai tiếng;

2) kết hôn hoặc mưu toan kết hôn, dù là kết hôn dân sự;

3) vắng mặt bất hợp pháp khỏi nhà dòng suốt 12 tháng liên tiếp, như được nêu trong khoản giáo luật số 665, triệt 2, có tính đến việc không thể tìm được người tu sĩ ấy.

Triệt 2. Trong các trường hợp ấy, sau khi thu thập các bằng chứng, Bề Trên Thượng Cấp cùng với Hội đồng cố vấn tuyên bố ngay sự kiện, không nên chần chờ, để việc trục xuất trở thành minh bạch về mặt pháp lý.

Triệt 3. Trong trường hợp được nêu ở triệt 1, số 3 [vắng mặt bất hợp pháp quá 12 tháng], để có công hiệu pháp lý, lời tuyên bố phải được Tòa Thánh phê chuẩn; đối với các dòng thuộc giáo phận, việc phê chuẩn thuộc về thẩm quyền của Giám Mục bản quyền nơi có trụ sở chính của nhà dòng”.

Trích dẫn khoản giáo luật số 665, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Đời sống cộng đoàn là một yếu tố thiết yếu của đời sống tu trì và các tu sĩ phải sống trong nhà của dòng mình và không được vắng mặt ngoại trừ với sự cho phép của cấp trên.”

Ngài phàn nàn rằng “Thật không may, kinh nghiệm trong vài năm gần đây đã chứng minh rằng có những tình huống mà các thành viên của các dòng rời khỏi cộng đoàn mà họ được chỉ định, không vâng lời cho cấp trên và khiến cho nhà dòng không thể liên lạc với mình.”

Sau sáu tháng vắng mặt như vậy, bộ Giáo Luật đã chỉ thị và tiếp tục hướng dẫn cấp trên phải làm mọi thứ có thể được để tìm kiếm và giúp họ trở lại và kiên trì theo đuổi ơn gọi của mình.

Đức Tổng Giám Mục Rodriguez cho biết hầu hết các trường hợp vắng mặt kéo dài như vậy liên quan đến những tu sĩ nam nữ được cho phép tạm thời vắng mặt, nhưng họ ra đi không bao giờ trở lại.

Trừ khi họ chính thức yêu cầu hủy bỏ lời thề của mình hoặc xin được rút lui khỏi dòng, về mặt pháp lý, họ vẫn là một phần của nhà dòng. “Trong tình trạng như thế, khi chưa bị tách biệt một cách hợp pháp, họ có thể gây gương mù trong những tình huống họ không sống phù hợp với đời sống tu trì, hoặc thậm chí thể hiện những hành vi trái ngược với đời sống ấy.”

Cuộc sống của họ bên ngoài cộng đoàn, cũng có thể gây ra những hệ quả kinh tế gây hại cho nhà dòng, đó là lý do tại sao Giáo Hội cần có một quy trình trục xuất.


Source:Catholic Spirit
 
Toàn văn Tông thư dưới dạng Tự Sắc Communis Vita của Đức Thánh Cha Phanxicô
J.B. Đặng Minh An dịch
22:43 26/03/2019
Ngày 26 tháng Ba, Tòa Thánh đã công bố một Tông thư dưới dạng Tự Sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô có tên gọi là Communis Vita (Đời sống cộng đoàn).

Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.


Tông thư dưới dạng Tự Sắc
Communis Vita
của Đức Thánh Cha Phanxicô
nhằm sửa đổi một số điều khoản trong bộ Giáo Luật


Đời sống cộng đoàn là một yếu tố thiết yếu trong đời sống tu trì và “các tu sĩ phải sống trong các nhà của dòng mình, tuân theo cuộc sống chung và không được vắng mặt ngoại trừ với sự cho phép của bề trên” (giáo luật 665 §1 bộ Giáo Luật). Tuy nhiên, kinh nghiệm trong vài năm qua cho thấy đã xảy ra các tình huống liên quan đến sự vắng mặt bất hợp pháp khỏi nhà dòng, trong thời gian đó, người tu sĩ tránh né thẩm quyền của Bề trên hợp pháp và đôi khi không thể truy tìm được.

Bộ Giáo Luật bắt buộc Bề trên phải tìm kiếm người tu sĩ vắng mặt bất hợp pháp để giúp người ấy trở lại và bền đỗ trong ơn gọi của mình (xem giáo luật 665 §2 bộ Giáo Luật). Tuy nhiên, điều thường xảy ra là Bề trên không thể truy tìm được người tu sĩ vắng mặt. Theo bộ Giáo Luật, nhà dòng có thể bắt đầu tiến trình trục xuất (xem giáo luật 697 bộ Giáo Luật) sau khi đương sự vắng mặt bất hợp pháp ít nhất sáu tháng (xem giáo luật 696 bộ Giáo Luật). Tuy nhiên khi không biết người tu sĩ ấy sống ở đâu thì thật khó xác định chắc chắn về tình trạng pháp lý của trạng huống thực sự.

Do đó, vẫn giữ nguyên những gì đã được thiết định bởi luật trục xuất sau sáu tháng vắng mặt bất hợp pháp, để giúp các dòng giữ vững kỷ cương cần thiết và có thể xúc tiến việc trục xuất các tu sĩ vắng mặt bất hợp pháp, nhất là trong trường hợp không thể biết được đương sự ở đâu, tôi quyết định thêm sự vắng mặt bất hợp pháp kéo dài ít là 12 tháng vào số những lý do tự động dẫn đến việc trục xuất khỏi nhà dòng đã được đề cập đến trong khoản giáo luật số 694 triệt 1, theo cùng những thủ tục được nói đến trong triệt 2 của khoản giáo luật này. Để có hiệu lực pháp lý, tuyên bố của Bề trên Thượng Cấp về vấn đề này phải được Tòa Thánh phê chuẩn; nếu là dòng giáo phận thì thẩm quyền phê chuẩn thuộc về vị Giám Mục giáo phận nơi có trụ sở chính của nhà dòng.

Việc giới thiệu quy định mới này trong triệt 1 của khoản giáo luật 694 cũng đòi phải có sự thay đổi tương ứng trong khoản giáo luật 729 liên quan đến các tu hội đời, trong đó việc sa thải do vắng mặt bất hợp pháp không được dự kiến.

Sau khi xem xét tất cả điều này, tôi truyền như sau:

Điều một: Khoản giáo luật 694 bộ Giáo Luật được thay thế hoàn toàn bằng văn bản sau:

Triệt 1. Các thành phần sau đây đương nhiên bị trục xuất, bởi chính hành động của họ:

1) từ bỏ đức tin Công Giáo một cách tai tiếng;

2) kết hôn hoặc mưu toan kết hôn, dù là kết hôn dân sự;

3) vắng mặt bất hợp pháp khỏi nhà dòng suốt 12 tháng liên tiếp, như được nêu trong khoản giáo luật số 665, triệt 2, có tính đến việc không thể tìm được người tu sĩ ấy.

Triệt 2. Trong các trường hợp ấy, sau khi thu thập các bằng chứng, Bề Trên Thượng Cấp cùng với Hội đồng cố vấn tuyên bố ngay sự kiện, không nên chần chờ, để việc trục xuất trở thành minh bạch về mặt pháp lý.

Triệt 3. Trong trường hợp được nêu ở triệt 1, số 3 [vắng mặt bất hợp pháp quá 12 tháng], để có công hiệu pháp lý, lời tuyên bố phải được Tòa Thánh phê chuẩn; đối với các dòng thuộc giáo phận, việc phê chuẩn thuộc về thẩm quyền của Giám Mục bản quyền nơi có trụ sở chính của nhà dòng”.

Điều hai: Khoản giáo luật 729 của bộ Giáo Luật được thay thế hoàn toàn bằng văn bản sau:

“Việc sa thải một thành viên khỏi tu hội diễn ra theo quy định của khoản giáo luật 694 triệt 1, và khoản giáo luật 695 triệt 1 và 2. Hiến pháp [của các tu hội] cũng phải xác định các lý do trục xuất khác, với điều kiện là các lý do ấy phải nghiêm trọng, tỏ tường, có thể quy kết và chứng minh được về phương diện pháp lý, theo các thủ tục được thiết lập trong các khoản giáo luật từ 697 đến 700. Các quy định của khoản giáo luật 701 cũng được áp dụng cho các thành viên bị trục xuất.”

Như đã quyết định trong Tông Thư dưới dạng Tự Sắc này, tôi truyền rằng Tự Sắc này có hiệu lực thi hành, bất kể những quy định trái ngược ngay cả khi những quy định ấy đáng được đề cập một cách đặc biệt; và Tự Sắc này được công bố trên tờ Quan Sát Viên Rôma, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4 năm 2019, và sau đó được công bố trong phần diễn giải chính thức của các Văn Kiện Tông Tòa (Acta Apostolicae Sedis).

Làm tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Rôma, vào ngày 19 tháng 3 năm 2019,
Lễ trọng kính Thánh Giuse, trong năm thứ bảy triều giáo hoàng của ngài


+ Đức Thánh Cha Phanxicô


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lêgiô Mariae Curia Phú Thọ 3: Đại hội Acies
Văn Minh
10:34 26/03/2019
“Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ”

Lời Kinh Thánh trên đây đã được các hội viên Lêgiô MariaeCuria Phú Thọ III lập lại trước Thánh lễ Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Maria, và đây cũng là ngày các hội viên hoạt động và tán trợ dâng mình cho Đức Mẹ.

Thánh lễ trọng thểđã diễn ra lúc 12g00 thứ Hai ngày 25.03.2019, tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, do cha Giuse Phạm Bá Lãm, hạt trưởng Phú Thọ chủ tế. Đồng tế cùng ngài có cha Gioakim Lê Hậu Hán, Linh giám Curia Phú Thọ III, và cha Giuse Đinh Đức Hậu, chánh xứ Bình Thới.

Xem Hình

Tham dự trong Thánh lễ có gần 200 hội viên đến từ giáo xứ Bình Thới, Tân Phú Hòa, Phú Hòa, Vĩnh Hòa, cùng các em Junior cùng đến hiệp dâng.

Trước Thánh lễ, lúc 11g30, các hội viên đã tề tựu về ngôi nhà thờ đá cùng nhau nguyện kinh và đọc lời dâng mình cho Đức Mẹ.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, cha Giuse Phạm Bá Lãm đã diễn tả về Mầu Nhiệm cứu độ của Đức Kitô quaĐức Trinh Nữ Maria. Quả thật, MẹMaria được chọn làm trung gian trong chương trình cứu chuộccho nhân loại. Bởi vì Mẹ là một mẫu gương sáng về sự vâng phục, và lòng tín thácvào quyền năng của Thiên Chúa. Qua đây, cha Giuse mời gọi mỗi người hãy bắt chước Đức Mẹ với bốn đặc tính sau: Lòng trung tín, thật thà, kiên định, và thủy chung.

Cha Giuse diễn giảng tiếp, mừng lễ Truyền Tin hôm nay: ước mong các hội viên Lêgiô Mariae hãy noi gương Đức Mẹ và nói hai tiếng “Xin vâng” trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Đồng thời, cũng biết quan tâm giúp đỡ cho những ai đang gặp khó khăn về tinh thần cũng như về vật chất. Có được như vậy, hầu mai nầy chúng ta mới được Thiên Chúa yêu thương và đón nhận chúng ta vào quê hương Nước Trời mai sau.

Thánh lễ được nối tiếp với lời nguyện tín hữu và những của lễ được các hội viên cùng cha chủ tế dâng lên Thiên Chúa với tấm lòng thành kính.

Sau lời nguyện hiệp lễ, anh Giuse Trần Văn Việt, Trưởng Curia thay mặt lên ngỏ lời cảm ơn quý cha, cùng quý hội viên đã đến hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng. Đồng thời, các em Junior đại diện dâng lên quý cha bó hoa thiêng liêng gồm: 481 lần tham dự Thánh lễ, 46 lần Chầu Thánh Thể, 472 lần rước lễ, 937 lần đọc kinh Mân Côi, và 225 lần làm việc bác ái.

Thánh lễ khép lại lúc 13g00. Sau Thánh lễ, quý cha cùng quý vị đại diện Ban Chấp hành các cấp chụp chung tấm hình lưu niệm ngay trước thềm cung thánh.
 
Chứng Từ Của Một Mục Tử
Vũ Văn An
17:54 26/03/2019


Mục tử đó là Đức Cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo, Giám Mục Giáo Phận Hải Phòng, từ năm 1956 tới khi qua đời năm 1977.

Và “Chứng Từ Của Một Mục Tử” là cuốn Hồi Ký của ngài do Hội Thân Hữu Giáo Phận Hải Phòng xuất bản ở Paris, Nhà Định Hướng ấn hành. Sách dầy gần 270 trang khổ A5, bìa in nhiều mầu trang nhã với hình Đức Cha Tạo hiền hòa tươi cười trên nền trời xanh hy vọng.

Và hy vọng đúng là nguyên lý nâng đỡ vị giám mục ốm yếu mà kiên cường này trong suốt 21 năm làm giám mục, một lúc coi hai giáo phận tan hoang vì chiến tranh và di cư là Hải Phòng và Bắc Ninh.

Theo phần Tiểu Sử của cuốn sách, Đức Cha Tạo tên mới sinh là Phêrô Khuất Văn Ẩn, con trai đầu lòng của Ông Giuse Khuất Văn Định và Bà Anna Nguyễn Thị Lợi. Ngài sinh năm 1900, khi qua đời năm 1977, thọ 77 tuổi. Quán xã Xuân Vân, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây.

Năm 11 tuổi, dâng mình cho Chúa làm nghĩa tử Cha Giuse Nguyễn Công Triệu, giáo phận Hưng Hóa, bỏ tên Ẩn lấy tên Tạo. Mãi năm 17 tuổi mới nhập tiểu chủng viện Hà Thạch, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Năm 27 tuổi được gọi về học triết lý ở Hưng Hóa. Năm 33 tuổi, tức năm 1933, được thụ phong linh mục.

Sau khi được thụ phong, Cha Tạo về làm cha phó cho Cha Kim (Mazé, sau là giám mục Hưng Hóa). Năm 1939, được cử phụ trách trường tập mới mở; giữ chức vụ này qua thời đảo chính Nhật năm 1945, rồi đến Việt Minh lên nắm chính quyền. Khi Đức Cha Kim và các cha người Pháp phải về Hà Nội, Cha Tạo phải đảm nhiệm mọi công tác ở Nhà Chung Hưng Hóa (quản lý giáo phận, cha xứ Hưng Hóa, Bề trên Trường Tập).

Tháng 5 năm 1947, phi cơ Pháp bỏ bom Nhà Chung Hưng Hóa. Đến tháng 10 cùng năm, chúng lại đến ném bom một lần nữa và mấy hôm sau quân đội Pháp đến chiếm đóng Nhà Chung. Chỉ mấy hôm sau, họ rút đi. Khi rút đi, họ buộc Cha Tạo phải đi theo họ, dù ngài không muốn. Cha buộc họ phải tuyên bố với dân chúng là họ buộc ngài phải ra đi thì ngài mới chịu đi. Dù thế, sau này, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn cho rằng ngài theo Tây để gây khó dễ!

Được quân đội Pháp thả tự do, Cha Tạo trở về Sơn Tây, đứng lập trại di cư Văn Côi hồi đầu những năm 1951. Năm 1952, Bề trên cử ngài phụ trách Tiểu chủng viện Thánh Giuse ở Tông, trong khi vẫn xây dựng một trại di cư ở Kim Sơn cho đến khi đồng bào di cư năm 1954.

Ngày 8-5-1955, Toà Thánh cử Cha Tạo làm Giám mục Caralla, quản trị 2 giáo phận Hải Phòng và Bắc Ninh thay Đức Cha Trương Cao Đại di cư vào Nam và Đức Cha Hoàng Văn Đoàn bị ngã đau chân xin từ dịch đi Hồng Kông.
“Chứng Từ Của Một Mục Tử” bắt đầu với việc bổ nhiệm này. Các sự kiện được kể dưới hình thức ghi chép hàng ngày trên hai tập vở khác nhau. Một tập được Nhóm Thực Hiện gọi là “Sổ Tay” tìm thấy ở văn phòng tòa Giám Mục Hải Phòng. Tập kia được gọi là “Hồi Ký” tìm thấy ở Văn Khố Xã Đoài, Giáo Phận Vinh.

“Sổ Tay” ghi lại các sự kiện, tóm tắt theo kiểu gạch đầu dòng, nhưng cũng có khi viết chi tiết, viết nháp các thư chung, ghi thống kê các giáo xứ, phân công các linh mục và tiểu sử các linh mục trong giáo phận.

“Hồi Ký” viết trên giấy học trò, đánh số liên tục gồm 360 trang, chia thành 18 mục được Nhóm Thực Hiện chia thành 18 chương. “Hồi Ký” không có bìa, nhưng có hàng chữ đầu “Cuộc Đời Giám Mục”. Tuy nhiên, Nhóm Thực Hiện chỉ mới có tài liệu đến năm 1966, khi Đức Cha Tạo còn đang say sưa kể lại biến cố bị Quân Đội Pháp buộc phải rời Nhà Chung Hưng Hóa, theo lối kể chuyện của Nghìn Lẻ Một Đêm Ả Rập, nghĩa là mở hết ngoặc đơn này đến ngoặc đơn khác.

Trước khi đi vào chi tiết, Nhóm Thực Hiện cho biết họ đánh máy lại y hệt những gì Đức Cha Tạo ghi trong sổ sách của ngài, không bớt một chữ tuy có thêm một số (rất ít) các chữ in nghiêng để cho đầy đủ ý nghĩa câu văn. Chính vì thế càng thấy tâm hồn chân chất của vị giám mục thánh thiện và kiên cường này.

Làm giám mục bất đắc dĩ

“Chứng Từ” bắt đầu Tháng 2 năm 1955, với việc Đức Cha Kim nhắn tin Đức Khâm Sứ muốn gặp cha Tạo tại Hà Nội “càng sớm càng tốt”. Sau khi được giấy thông hành, ngài đạp xe đạp về Hà Nội gặp Đức Khâm Sứ, mới hay Tòa Thánh cử ngài làm giám mục hiệu tòa, cai quản 2 giáo phận Hải Phòng và Bắc Ninh.

Dĩ nhiên là ngài từ chối vì “khó hèn bất lực”. Đức Cha Khuê của Hà Nội có ý kiến khác: nhận đi thôi may ra “còn kéo được ít linh mục ở lại. Kẻo chậm về họ đi hết mất mà khó khăn đấy”. Dù thế, chờ cho đến khi Đức Khâm Sứ xác nhận Hải Phòng đã có Cha Chính (Tổng đại diện), ngài mới an tâm bỏ về Hưng Hóa.

Đến tháng 8 cùng năm, Đức Khâm sứ lại vời một lần nữa. Lại đạp xe đi Hà Nội. Lần này, vẫn chối, nhưng sau khi suy nghĩ rất lung “Cho rằng không làm được gì nữa chăng, ít ra cũng đứng hấng lấy mọi cái đỡ các linh mục”, nên đã nhận “đi làm dâu sang địa phận dòng Đaminh Hải Phòng và Bắc Ninh”.

Chính quyền không thèm biết

Đức Cha Kim báo cho nhà cầm quyền Sơn Tây biết việc Cha Tạo được Tòa Thánh cử làm giám mục cai quản 2 giáo phận Hải Phòng và Bắc Ninh. Họ trả lại thông báo: “Việc nội bộ Công Giáo, không liên quan chi đến chính quyền”.

Thực ra thì liên quan quá đi thôi ấy chứ. Vì họ không cho Cha Tạo rời Sơn Tây đi Hà Nội lo việc tấn phong. Thậm chí người đại diện đi Hà Nội sắm mũ gậy phẩm phục giám mục đã bị bắt giữ hơn cả tháng trời cùng với các đồ đoàn mới sắm!

Chỉ sau khi Đức Cha Tạo đã thụ phong đâu đấy rồi, họ mới thả người đại diện ra với một câu nhận xét nói lên tất cả: “không có các cái này, thằng Tạo [nguyên văn] nó cũng chịu chức được à?”.

Bất chấp các khó khăn trên, việc tấn phong Đức Cha Tạo vẫn được tiến hành ngày 7 tháng 2 năm 1956, 6 tháng sau sắc phong, theo sự thúc giục của Đức Khâm sứ “bất cứ tổ chức bằng cách nào”.

Đức Cha kể lại: “Thành phần phân công thế này: Đức Cha Kim chủ phong, tôi thụ phong, Cha Chính Thi và Cha Hiển trợ phong (coconsecratores), Cha Vy phụ trách lễ nghi, còn Cha Huệ, quản lý địa phận vừa bổ củi vừa gác cổng”.

Linh mục phong chức giám mục đủ thấy cái bi đát của tình huống, dù giáo luật có dự trù trường hợp này. Chưa hết, lễ tấn phong không một tín hữu nào được tham dự, kể cả bà cố Đức Cha. Hãy nghe ngài kể lại: “Tôi chẳng có mũ hàm ếch (mitra) cũng chẳng có gậy chăn chiên (baculus pastoralis), phải mượn của Đức Cha Kim, lúc ban phép lành đầu tiên chỉ trọi có 4 bức tường, không có mặt con chiên nào”.

Chẳng hề chi, chỉ mong sao về phục vụ hai giáo phận được trao trọng trách. Mà nào có được. Địa phương không dám cấp giấy di chuyển về Hải Phòng. Phải lên Hà Nội gặp chính Thủ Tướng Phạm Văn Đồng mới xong, với câu phán “Thôi, xong cả!” của ông Đồng.

Nhưng nào có xong cả đâu, mãi 23 tháng 3 năm 1956, Đức Cha mới được địa phương cấp giấy di chuyển. Hôm sau, Đức Cha lên đường đi Bắc Ninh. “Bước lên xe, lòng xúc động, trông ra thấy mấy em nhỏ, đứng xa áp tường nhà thờ Tông, nhìn vào xe một cách sợ hồn nhiên. Vừa qua đợt Cải Cách Ruộng Đất, mọi người hoảng sợ, người nhớn (lớn) ở họ Tông không một ai có mặt lúc đó!”

Đến Bắc Ninh đỡ hơn, nhưng “giáo hữu đến không đông mấy, có nơi đi dân công, chiều 24-3-1956 mới được đến dự”. Đức Cha “khuyên mọi người tin cậy mến thờ Chúa, thương yêu đoàn kết và trung thành với Chúa, với Hội Thánh, với tổ quốc”.

Không nói có đại diện chính quyền nào tới dự. Nhưng Đức Cha vẫn giữ phép xã giao, vội đến thăm Ủy Ban Hành Chính tỉnh Bắc Ninh. Họ đáp lễ bằng cách vặn hỏi về vụ người Pháp đưa ngài đi Tu Vũ và liệu họ còn “bảo vệ” ngài hiện nay không. Tuy thế, ngài vẫn mời họ tới “dự bữa liên hoan, do địa phận tổ chức”.

Trong “bữa liên hoan” này, Đức Cha phát biểu với mọi người “Yêu nước, thấy điều gì ích nước lợi dân, chúng ta tích cực mà làm lấy hơn người, cũng bằng người chứ đừng chịu thua ai kẻo mang tiếng. Nhưng phải sáng suốt, đừng theo đuôi một số người hoặc vì vô tình mù quáng hoặc vì ích kỷ cầu an tham danh lợi, đang hành động hại dân hại nước, ngoài miệng cứ bô bô khoe mình làm việc yêu nước. Người Công Giáo chúng ta còn phải chôn sâu vào tâm trí điểm này nữa là chúng ta phải yêu nước chúng ta hơn và trước nước khác, song không được phép ghét, căm thù các nước khác đâu, ngược lại, chúng ta luôn luôn phải yêu các nước khác nữa.

“Đứng trước tình thế hiện đại ngày nay đất nước chúng ta còn đang chia rẽ Nam Bắc, chúng ta hãy đoàn kết với nhau bất phân giai cấp, cần giúp các nhà cầm quyền được sáng suốt khôn ngoan để mưu ích chung cho đất nước, đặt lợi ích của tổ quốc trên lợi ích cá nhân gia đình”.

Từ ngay ngày hôm sau, Đức Cha đã bắt đầu lo việc mục vụ: bầu hội đồng địa phận, phụng vụ Tuần Thánh, “làm phép cưới”, phép Thêm Sức, rửa tội, thăm trại phong, thăm các giáo xứ, giáo họ. Đồng thời vận động đi Hải Phòng, di chuyển trong địa hạt địa phận Bắc Ninh: “được [tỉnh Bắc Giang] cấp thêm tấm giấy chỉ định rõ ngày nào được đến địa điểm nào với một điều kiện khi gặp giáo dân phải đến trình giấy với chính quyền xã địa phương”.

Về việc đi Hải Phòng, trước đây (10-4-1956), Đức Cha hỏi tỉnh Bắc Ninh, được trả lời “dễ thôi”, nhưng ngày 18-4-1956, xin nữa, được trả lời “hãy lưu lại thong thả”, để ngày hôm sau, họ còn gọi ngài tới để hạch hỏi “Tối hôm cụ tới đây cụ có hô hào đoàn kết bất phân biệt giai cấp đang lúc Chính Phủ đấu tranh giai cấp địa chủ?”

Mãi đêm ngày 27-4-1956, mới được giấy, sau nhiều vận động ráo riết. Đến Hải Phòng, mặc dù đã được mời nán ở ngoài chút đỉnh, đợi bên trong chuẩn bị việc đón rước cho phải phép, cũng chỉ có một số linh mục hiện diện, “giáo hữu đến dự thưa thớt vì các nơi đang Cải Cách Ruộng Đất”.

Cũng như khi ở Bắc Ninh, Đức Cha giữ đủ phép xã giao, tới thăm Ủy Ban Hành Chính Thành Phố Hải Phòng, Mặt Trận Tổ Quốc, mời họ tới dự “tiệc trà do các xứ nội ngoại thành Hải Phòng tổ chức... Mọi sự đơn giản thích hợp với hoàn cảnh, rất xứng với phận khó hèn của tôi từ lúc lọt lòng mẹ cho đến bây giờ”.

“Ngày 30-4-1956, tiếp linh mục Võ Thành Trinh và Nguyễn Hiếu Lễ, Liên Lạc Công Giáo ở Miền Nam ra. Tuyên bố không ban tờ ban phép làm các phép bất cứ ở đâu trong hai địa phận Hải Phòng và Bắc Ninh”.

Chính quyền Hải Phòng rõ ràng không ưa Đức Cha, họ tìm cách không cho Đức Cha ở lại Thành Phố. Ngày 30-5-1956, nhân dịp ngài xin giấy đi Hà Nội, họ chấp thuận nhưng buộc phải từ Hà Nội về Bắc Ninh. Nhờ phản đối mạnh, nên hôm sau, họ cho biết ngài có thể ở lại Hải Phòng.

Từ Hà Nội, Đức Cha về thăm mục vụ Bắc Ninh, mãi 28-6-1956, mới trở lại Hải Phòng. Hôm sau, “đồn công an Nhà Máy Nước gọi tôi hai lần về thủ tục giấy thông hành, không có gì quan trọng. Tưởng rằng hôm nay vào đồn Antonio (1) hay là theo quan thày lên đồi Jamiulo (2) theo quan thầy. Nhưng chưa đến ngày Chúa để cho được như thế”.

Còn tiếp

(1) Đồn Antonio nơi Philatô xét xử Chúa Giêsu
(2) Đồi Janiculo nơi Thánh Phêrô, quan thầy Đức Cha Phêrô Maria bị giết theo lệnh của hoàng đế Nêrô vào khoảng năm 64 CN.


 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lưỡng Hổ Tranh Hùng
Đinh Văn Tiến Hùng
17:51 26/03/2019
Trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung diễn tả hai nhân vật nổi tiếng tranh hùng, đó là Đô đốc Chu Du và quân sư Khổng Minh

Gia Cát Lượng bên Đông Ngô. Nhưng có một số người cho rằng nếu dựa theo chính sử Trung Hoa thì 2 nhân vật nổi tiếng nêu trên trong truyện Tam Quốc của họ La có phần nào hư cấu.

Nhưng người viết không luận bàn việc đúng sai ở đây, mà chỉ muốn trưng dẫn sơ lược sự kiện để rút ra bài học cùng Quí độc giả ‘Luận Cổ Suy Kim’.

*CHU DU văn võ song tòan, danh tướng trẻ tuổi, cùng con Tôn Kiên là Tôn Sách hợp sức chinh chiến đánh đông dẹp bắc, xưng bá Giang Nam. Chu Du nổi tiếng nhất trong trận hỏa chiến Xích Bích chỉ dùng 3 vạn quân đánh tan 15 vạn quân Tào Tháo. Du quân ít nhưng giỏi thủy chiến. Tào Tháo quân nhiều nhưng không dám vượt sông,

đóng trại trên bờ, dùng xích nối thuyền lớn với nhau theo thế ‘Liên hoàn thuyền’. Một đêm lợi dụng gió đông nam, sai tướng Hoàng Cái giả vờ đầu hàng, rồi dùng thế hỏa công đánh trại Tào Tháo, trong khi chiến thuyền bên Tào khóa chặt vào nhau không tản ra kịp bị hoàn toàn thiêu rụi, quân Tào hoảng kinh tháo chạy.

Sau này Kiều gia mến chuộng 2 chàng tuổi trẻ tài cao đã gả 2 cô con gái quốc sắc thiên hương và Tôn Sách lấy cô chị Đại Kiều, còn Chu Du kết duyên với cô em Tiểu Kiều- Thi hào Nguyễn Du trong truyện Kiều đã dùng điển tích này mô tả 2 chị em Thúy Kiều và Thúy Vân :

-Trộm nghe thơm nức hương lân,

Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều.

Chu Du chết khi mới 36 tuổi, Lã Quán Trung nói ông vì ghen tài Khổng Minh quá uất ức thổ huyết mà chết.

Nhưng nhiều sử gia phản bác nói Du là người rất độ lượng hào phóng, khi nằm trên giường bệnh đã cảm phục tài trí mình không bằng Gia Cát Lượng than thở rằng :

“Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng ! “

*KHỔNG MINH GIA CÁT LƯỢNG, thông thiên văn địa lý, đa mưu túc kế. Lưu Bị nghe tiếng biết là hiền tài, nên 3 lần khổ công đứng dưới mưa tuyết ngoài lều tranh mới mời được Khổng Minh ra làm quân sư, phong thừa tướng thống lãnh ba quân. Nhờ tài trí mưu lược Khổng Minh cùng với Lưu Bị và 2 em kết nghĩa là Quan Vân Trường và Trương Phi đã lập nhiều chiến công hiển hách và gây dựng nhà Thục Hán.

Trận nổi danh nhất cũng tại Xích Bích, còn được gọi là ‘Thuyền cỏ mượn tên’. Ông đã dùng 20 chiến thuyền bọc rơm với cỏ, lợi dụng ngày sương mù ra khiêu chiến với địch, quân Tào Tháo sợ bị phục kích bắn tên như mưa

cắm vào rơm. Khi rút về, quân Đông Ngô không một tổn thất nào, lại thu được hàng vạn mũi tên . Chính Đô đốc Chu Du giám sát trận này đã phải phục tài trí của Khổng Minh hơn mình.

-Sương mù mờ mịt khắp Trường giang,

Gần xa không rõ nước mênh mang,

Tên bắn như mưa thuyền không núng,

Khổng Minh đa trí vượt Chu lang.”

*Chu Du văn võ song toàn,

Khổng Minh đa mưu túc trí.

-Cảo thơm lần giở trước đèn (*)

Nhân tình thế thái còn truyền sử xanh,

Tranh giành vương bá hùng anh,

Người trong Tam quốc nổi danh một thời,

Chu Du văn võ hơn người,

Đánh đông dẹp bắc khắp nơi tung hoành.

Gia Cát sống ở lều tranh,

Ba lần Lưu Bị thân hành mời ra,

Mưu cao sách lược thông qua,

Quân sư bày kế bôn ba trận tuyền,

Làm cho Tào Tháo đảo điên,

Nổi danh lừa địch bằng thuyền cỏ rơm,

Chu Du nào có giận hờn,

Nghiêng mình bái phục người hơn ta rồi,

Nhìn lên than thở với trời :

“Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng!!! “

Song Long Giao Đấu

*Tập Cẩm Bình gian hùng quấy phá,

Đô-na Trump hào kiệt dẹp tan.

Truyên xưa ‘Luận cổ suy kim’,

Ngày nay cũng thế cần tìm đâu xa,

Hãy nhìn qua nước Trung Hoa,

Ông Tập ngạo mạn tưởng lòa được ai,

Nghênh ngang lộ mặt khoe tài,

Xưng hùng xưng bá nơi ngoài biển đông,

Lưỡi bò lấn chiếm khoanh vùng,

Tham vọng mơ tưởng sẽ thành đế vương.

Than ôi ! Xuất hiện ông Trump,

Con người cương quyết chẳng nhường ai đâu,

Dân tộc Tổ quốc đi đầu,

Tâm niệm ấp ủ bấy lâu trong lòng,

Ông Tập đừng có mong rằng,

Chi vài năm tới tiến bằng Cờ Hoa.

Hãy nhìn chỉ hai năm qua,

Kinh tế, quân sự bị vây tứ bề,

Bá quyền giấc mộng ngủ mê,

Sẽ lãnh hậu quả ê chề đắng cay,

Ông Tập lo lắng đêm ngày,

Nhìn tròi oán trách hai tay xuôi dần,

Than trời đầy đọa tấm thân :

“Trời đã sinh Tập sao còn sinh Trump !!! “

+ Phụ dẫn : Chắc Tập Cẩm Bình đã nhìn thấy trước sự thất bại nơi Biển Đông trong gian kế ‘Đường Lưỡi Bò Chín Khúc’ , nên đã chuyển xoay qua thủ đoạn mới ‘Một Vòng Đai, Một Con Đường’ để lôi kéo đồng minh và thôn tính các nước nhỏ bằng tung tiền cho vay hào phóng, khiến các nước này mang nợ chồng chẩt không thể trả nổi,phải dâng đất thế vào.

Và mới đây, ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị khoe khoang sẽ tổ chức Diễn đàn ‘Một Vòng Đai, Một Con Đường’ vào tháng 4/19 sẽ lớn hơn năm 2017, để tìm đối tác toàn cầu tham gia dự án. Đúng là thua keo này bày keo khác, rồi sự tham gia của Ý vào ‘Con đường tơ lụa mới’ phải chăng tăng thêm ý đồ thâm hiểm của ông Tập nhằm gây xáo trộn chia rẽ các quốc gia Liên Âu và một chiêu nữa thách thức ông Trump ?

Nhưng hãy chờ xem ! Con đường này sẽ đứt đoạn dần dần như 9 khúc Biển Đông.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*)Ghi chú : Mượn ý 2 câu thơ trong phần mở đầu truyện Kiều của Nguyễn Du :

‘Cảo thơm lần giở trước đèn,

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.’

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Hai người hát bài “Mừng vui lên, Exsultet” được không? Nói thêm về việc truyền phép với Chén thánh không rượu.
Nguyễn Trọng Đa
08:59 26/03/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Giáo xứ chúng con có một phó tế hát bài “Mừng vui lên, Exsultet” mỗi năm trong 10 năm qua, và lần này muốn đưa ra một lựa chọn khác. Không ai trong số các phó tế còn lại có khả năng hát hay như vậy, và các linh mục cũng không được đào tạo hát khá để hoàn thành tốt bài hát này. Chúng con có một ca viên có khả năng hoàn hảo cho bài này, và con biết rằng một ca viên có thể hát phần công bố, mà không hát phần dành cho một giáo sĩ. Thưa cha, liệu có thể chấp nhận chia tách bài Công bố Tin mừng Phục sinh này làm hai phần, phần đầu do một ca viên hát, và phần sau do một trong các linh mục hiện diện hát được không? - G. K., Holmdel, New Jersey, Hoa Kỳ.


Đáp: Tôi đoán rằng bạn đọc này mong muốn thay đổi phó tế hát bài “Mừng vui lên, Exsultet” là do tình hình cần thiết chứ không do ước muốn sự mới lạ.

Việc hát bài này là một chức năng đúng của một phó tế, và nếu có mặt một phó tế, chữ đỏ nói nõ rằng ưu tiên là dành cho thầy hơn bất kỳ thừa tác viên nào khác. Một linh mục hoặc ca viên giáo dân chỉ nên được mời hát, nếu không có phó tế tại đó, hoặc thầy không có khả năng hát Công bố Tin Mừng Phục sinh.

Khi một ca viên giáo dân được mời hát, chữ đỏ chỉ nói là bỏ qua phần dành cho thừa tác viên có chức thánh. Xin mời đọc:

“Vì nhu cầu, Tin mừng Phục Sinh cũng có thể do ca xướng viên không phải phó tế công bố: nhưng ca xướng viên bỏ không đọc câu “bởi đó anh chị em thân mến”, cho đến hết lời kêu mời, và bỏ câu chào “Chúa ở cùng anh chị em”.

Toàn bộ đoạn văn được bỏ qua là:

“Hợp nhau đây, tôi xin anh chị em rất thân yêu, đang hân hoan tham dự nguồn sáng này, hết tâm kêu xin cùng Chúa uy linh, tha thiết khấn xin lòng Chúa nhân từ. Người đã thương ban, tôi dù không có công chi, cho tôi gia nhập hàng tư tế Người. Khấn xin Chúa đổ tràn ánh sáng người, để tôi hân hoan ca tụng nến sáng huy hoàng” (theo lời ca của linh mục nhạc sĩ Văn Chi).

Đoạn văn trên giới thiệu và giải thích lời chào phụng vụ “Chúa ở cùng anh chị em”, được dành riêng cho thừa tác viên có chức thánh. Sẽ có ít ý nghĩa khi linh mục chỉ hát phần này mà không hát phần còn lại của bài Exsultet. Rốt cuộc, tại sao lại đề nghị giáo hữu cầu xin lòng thương xót Chúa để hát các ca tụng nến sáng huy hoàng, nếu ngài không làm như vậy?

Ngay cả khi phiên bản ngắn hơn của Exsultet được sử dụng, do đó bỏ qua đoạn văn trên, thì xem ra là phù hợp khi linh mục tránh tạo ra một sự can thiệp vào thời điểm này chỉ để hát “Chúa ở cùng anh chị em”.

Vì bài Exsultet là một bài thử thách khó về âm nhạc, và lại hát mà không có sự hỗ trợ của bất cứ nhạc cụ nào, một sự gián đoạn như vậy có thể khiến một ca viên không vững tâm dễ bị lạc giọng.

Do đó, một ca viên giáo dân giáo dân nên bỏ qua “Chúa ở cùng anh chị em”, nhưng sẽ hát “Hãy nâng tâm hồn lên”, với tín hữu đáp “Chúng con đang hướng về Chúa”, như với bài tiền tụng trong Thánh lễ, mặc dù có một chút thay đổi giai điệu Bình ca truyền thống.

Đúng là có nhiều bài nhạc cho bài Exsultet, thậm chí một số bài có phần nhạc cụ đệm nữa. Tuy nhiên, trong khi chữ đỏ cho phép đàn phong cầm hỗ trợ tiếng hát, từ quan điểm phụng vụ, sự lựa chọn tốt nhất trong phần này của Vọng Phục Sinh vẫn là phó tế, linh mục hoặc ca viên hát mà không có đàn đệm. Theo cách này, đàn phong cầm được dành để hòa vào tiếng chuông rung khi hát “kinh Vinh Danh, Gloria”.

Đối với lịch sử của bài Exsultet, có bằng chứng rõ ràng rằng nghi thức long trọng này bắt đầu không muộn hơn hậu bán thế kỷ IV. Thí dụ, việc sử dụng hát một bài thánh ca ca tụng nến sáng huy hoàng và mầu nhiệm Phục sinh được đề cập như một tập tục đã được thiết lập trong một bức thư của Thánh Giêrônimô, được viết vào năm 384 cho Presidio, một phó tế ở Piacenza, Ý.

Các thánh Ambrôxiô và thánh Augustinô cũng được biết là đã sáng tác các bài công bố Phục sinh như vậy. Bản văn thi ca và trang trọng của bài Exsultet hiện nay được sử dụng từ thế kỷ V, nhưng chưa rõ tác giả là ai.

Sau khi tôi trả lời câu hỏi ngày 12-3 về truyền phép chén thánh không rượu, một linh mục tiểu bang Nam Carolina, Hoa Kỳ, đã hỏi: “Sau khi đọc bài của cha, con xin hỏi một câu. Bài nói rằng linh mục hay phó tế không nói gì với các linh mục đồng tế, chẳng hạn “Đây là Mình/ Máu Chúa Kitô”. Tuy nhiên, còn về các linh mục ngồi giữa cộng đoàn mà không mang áo lễ như các vị đồng tế thì sao? Con thích nói với họ như khi nói câu “Đây là Minh Chúa Kitô” với các người xếp hàng rước lễ”.

Đáp: Các quy dịnh liên quan đến các vị đồng tế không áp dụng cho các linh mục không đồng tế. Các linh mục này và thậm chí các Giám mục như thế luôn rước lễ như bất kỳ thành viên nào khác của tín hữu Chúa Kitô. Nếu họ tham dự trong phần dành riêng trên cung thánh, họ nên có một chỗ riêng và rước lễ dưới hai hình. Nếu họ ngồi ở các ghế bình thường, họ lên rước lễ như mọi tín hữu khác

Tôi nhớ đã quan sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong các năm cuối của triều đại Ngài, Ngài rước lễ từ tay các phó tế trong một Thánh lễ mà Ngài tham dự nhưng không đồng tế. Các phó tế đã trao Mình Thánh và Chén thánh cho Ngài, và nói: “Đây là Mình Chúa Kitô” và “Đây là Máu Chúa Kitô”.

Một bạn đọc thuộc tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, đã bình luận như sau về cách một linh mục trong giáo xứ của mình thực hiện việc truyền phép: “Khi ngài đọc lời truyền phép bánh, ngài đọc các lời “Ngài cầm lấy bánh, bẻ ra”, và linh mục bẻ bánh thật sự. Nhà thờ của chúng tôi thật yên lặng vào thời điểm đó, và có một tiếng bẻ bánh thật sự, vốn có thể nghe được”.

Đáp: Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi phải đối mặt với câu hỏi này. Ngày 26-10-2004, chúng tôi đã viết:

“Chủ đề này được đề cập ngắn gọn trong Huấn thị Redemptionis sacramentum, số 55:

“Sự lạm dụng sau đây phổ biến ở một vài nơi: trong lúc cử hành Thánh Lễ, linh mục bẻ bánh lúc truyền phép. Một sự lạm dụng như thế đi nghịch lại với truyền thống của Giáo Hội. Nó cần bị dứt khoát bác bỏ và được sửa chữa khẩn cấp” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

“Không gì rõ ràng hơn lời trên đây nữa.

“Sự lạm dụng này dường như xuất phát từ một cách giải thích theo nghĩa đen và có phần kịch tính của các lời truyền phép “Ngài cầm lấy bánh, bẻ ra…”

“Đây có thể là một triệu chứng liên quan đến xã hội truyền hình của chúng ta, nơi mà hình ảnh trực quan chiếm ưu thế hơn ý nghĩa sâu sắc của nó. Và vì vậy, một số linh mục, thường có đức tin tốt, đã bị dẫn dắt chọn một phương thức kịch tính hơn hoặc thậm chí kịch nghệ hơn, trong khi cử hành Thánh lễ.

“Vì vậy, một số người tự xem mình gần như thể hiện vai trò của Chúa Kitô bằng cách bắt chước lời nói và cử chỉ của Ngài.

“Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể là biểu hiện của sự thiếu đào tạo, và sự hiểu biết thiếu sót về vai trò mục vụ của linh mục, như là hành động “nhân danh Chúa Kitô, in persona Christi”, và nội dung thần học của các lời truyền phép như là mô thức của bí tích.

“Lẽ tất nhiên, nếu người ta đồng ý hoàn toàn với quan điểm này, thì việc rước lễ phải được thực hiện một cách hợp lý ngay sau khi đọc các lời “và trao cho các môn đệ”…

“Theo như tôi biết, việc này chưa bao giờ được thử cả”.

Mặc dù sự thực hành này không đặt tính hợp lệ của Thánh lễ vào chỗ nguy hiểm, nhưng nó đã chính thức bị Giáo hội cấm. Tôi đề nghị bạn đọc trên hãy nói ra điều này với vị linh mục ấy, và nếu ngài không sửa đổi lối thực hành, bạn hãy thông báo với Giám mục sở tại. (Zenit.org 26-3-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/alternate-cantors-during-the-exsultet/
 
VietCatholic TV
Tường thuật chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Đền Thánh Đức Mẹ Loreto
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:36 26/03/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đền Thánh Đức Mẹ Loreto và buổi ký Tông huấn Tông huấn Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 8g sáng thứ Hai 25 tháng Ba, Lễ Thiên thần Truyền tin cho Đức Bà Maria, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi hành bằng trực thăng từ sân bay trực thăng Vatican để bay đến Đền Thánh Đức Mẹ Loreto cách Vatican 280km về phía Đông Bắc.

Sau 1 giờ bay, lúc 9g, trực thăng đã hạ cánh xuống sân thể thao của Trung tâm Thanh thiếu niên Gioan Phaolô II tại Montorso.

Ra đón, Đức Thánh Cha, chúng tôi thấy có Đức Tổng Giám Mục Fabio Dal Cin của tổng giáo phận Loreto , Tiến sĩ Luca Ceriscioli, chủ tịch miền Marche, Tiến sĩ Antonio D'Acunto, tỉnh trưởng Ancona, và Tiến sĩ Paolo Niccoletti, thị trưởng thành phố Loreto .

Từ đây, Đức Thánh Cha đã di chuyển bằng xe hơi đến đền thánh Loreto vào lúc 9g30.

Ra đón Đức Thánh Cha tại Đền Thánh Đức Mẹ Loreto , có Cha Franco Carollo, giám đốc Đền Thánh Đức Mẹ Loreto, Cha Andrea Principini và Cha Vincenzo Mattia đại diện cho các linh mục coi sóc đền thánh.

Lúc 9g45, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ trong Nhà Thánh .

Kết thúc Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã ký Tông huấn Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên. Tông huấn này có tên là “Vive Cristo, esperanza nuestra”, là tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là “Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng của chúng ta”.

Tựa đề này cũng là những lời mở đầu của văn bản gốc bằng tiếng Tây Ban Nha của Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên được trình bày dưới hình thức một lá thư gửi đến giới trẻ.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư 20 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh giải thích như sau: “Với cử chỉ này, Đức Thánh Cha có ý phó dâng cho Đức Trinh Nữ Maria tài liệu hoàn thành công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục được tổ chức tại Vatican từ ngày 3 đến 28 tháng 10 năm ngoái, 2018, với chủ đề: ‘Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi’”.

Sau nghi thức này, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với cộng đồng tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin trong đền thánh.

Đức Thánh Cha cũng đã chào đón những người bệnh và chào thăm các tín hữu từ tiền đình của Đền thờ.

Tại đây, Đức Tổng Giám Mục Fabio Dal Cin của tổng giáo phận Loreto đã có lời cám ơn Đức Thánh Cha.

Trong diễn từ trước các tín hữu đứng chật quảng trường Đền thờ Nhà Thánh Loreto, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Và cảm ơn anh chị em đã chào đón nồng nhiệt! Cảm ơn anh chị em.

Những lời của Thiên thần Gabriel nói với Đức Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1: 28), vang vọng một cách độc đáo trong Đền thờ này, một nơi nổi bật để chiêm ngưỡng mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa. Thật vậy, nơi đây bảo tồn những bức tường mà theo truyền thống, đến từ Nagiarét, nơi Đức Trinh Nữ đã nói tiếng “xin vâng” để trở thành Mẹ của Chúa Giêsu. Kể từ khi nơi được gọi là “nhà của Đức Maria” này trở thành một sự hiện diện đáng kính và đáng yêu trên ngọn đồi này, Mẹ Thiên Chúa không bao giờ ngừng ban phát những ơn ích thiêng liêng cho những ai, với đức tin và lòng sùng mộ, đến đây để lắng đọng nguyện cầu. Trong số những người này, hôm nay có bản thân thôi và tôi cảm ơn Chúa, Đấng đã ban cho tôi điều này đúng vào ngày Lễ Truyền tin.

Tôi xin chào các Nhà chức trách, với lòng biết ơn về sự chào đón và hợp tác của các vị. Tôi xin chào Đức Tổng Giám Mục Fabio Dal Cin, là người đã biến mình thành người phiên dịch cho tôi những tình cảm của tất cả các anh chị em. Cùng với ngài, tôi cũng chào hỏi các vị giám mục khác, các linh mục, và những người sống đời thánh hiến, đặc biệt tôi nghĩ đến các Cha dòng Capuchin, là những người được giao phó trách nhiệm quản thủ ngôi đền nổi tiếng và rất thân thương đối với người dân Ý này. Các cha dòng Capuchin là những người rất tốt! Các ngài luôn ở trong tòa giải tội, luôn luôn, đến mức khi anh chị em vào Đền thờ này luôn có ít nhất một vị trong số các ngài đang ngồi tòa, có khi hai hay ba, bốn vị, nhưng luôn luôn anh chị em có thể xưng tội trong ngày và cuối ngày, và đây là một công việc khó khăn. Các cha thật là tốt lành và tôi cảm ơn các ngài cách đặc biệt vì thừa tác vụ giải tội quý giá này, diễn ra liên tục trong suốt cả ngày. Cảm ơn anh chị em! Tôi cũng xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, là công dân của Loreto này và cả những người hành hương đang tụ tập ở đây.

Nhiều người đến với ốc đảo của sự thinh lặng và lòng đạo đức này, từ Ý và từ khắp nơi trên thế giới, để kín múc sức mạnh và niềm hy vọng. Tôi đang nghĩ đặc biệt đến những người trẻ, các gia đình, và những người bệnh.

Nhà Thánh là nhà của giới trẻ, bởi vì ở đây, Đức Trinh Nữ Maria, người phụ nữ trẻ đầy ân phúc, tiếp tục nói với các thế hệ mới, tiếp tục đồng hành cùng mỗi người trong cuộc tìm kiếm ơn gọi của chính mình. Đây là lý do tại sao ở đây tôi muốn ký Tông huấn này, là hoa trái của Thượng hội đồng dành cho giới trẻ. Nó có tựa đề là “Christus vivit - Chúa Kitô hằng sống”. Trong biến cố Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ, động lực của ơn gọi xuất hiện, và được thể hiện trong ba thời điểm đánh dấu Thượng hội đồng: 1) lắng nghe Lời Chúa và kế hoạch của Ngài 2) phân định; và 3) quyết định.

Khoảnh khắc đầu tiên, đó là sự lắng nghe, được thể hiện qua những lời này của Thiên thần: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1:30-31). Thiên Chúa luôn luôn chủ động kêu gọi những người theo Ngài. Chính Thiên Chúa là người chủ động: Ngài luôn đi trước chúng ta, Ngài đi trước, Ngài đặt ra con đường trong cuộc sống của chúng ta. Lời kêu gọi đến với đức tin, đến với một con đường nhất quán trong đời sống Kitô hữu, hay đến với một đời sống thánh hiến đặc biệt, là một sự can thiệp kín đáo nhưng mạnh mẽ của Chúa trong cuộc đời của một người trẻ, để dâng tặng tình yêu cho Người như một món quà. Cần phải sẵn sàng, và ao ước lắng nghe, cũng như chào đón tiếng nói của Thiên Chúa, là điều không được nhận ra trong tiếng ồn ào và sự bất an trong tâm hồn. Kế hoạch của Chúa cho đời sống cá nhân và xã hội của chúng ta không được cảm nhận bằng cách cứ mãi đứng trên bề mặt, nhưng bằng cách đi xuống một mức độ sâu hơn, nơi các lực lượng đạo đức và tinh thần hành động. Chính tại đó, Đức Maria mời gọi những người trẻ đi xuống và phối hợp nhịp nhàng với tác động của Chúa.

Khoảnh khắc thứ hai điển hình của mọi ơn gọi là sự phân định, được diễn tả bằng lời của Đức Maria: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” (câu 34). Đức Maria không nghi ngờ, câu hỏi của Mẹ không phải là vì thiếu niềm tin, trái lại nó thể hiện chính xác mong muốn của Mẹ muốn khám phá ra “những điều bất ngờ” của Thiên Chúa. Trong Mẹ có sự chú ý để nắm bắt tất cả các yêu cầu trong kế hoạch của Thiên Chúa đối với cuộc sống của Mẹ, để thấu đáo kế hoạch ấy trong tất cả các khía cạnh của nó, để làm cho sự hợp tác của riêng Mẹ có trách nhiệm hơn và hoàn thiện hơn. Đó là thái độ phù hợp đối với người môn đệ: mọi sự cộng tác của con người trong sáng kiến trao ban nhưng không của Thiên Chúa phải được truyền cảm hứng từ việc đào sâu năng lực và thái độ của chính mình, gắn liền với nhận thức rằng luôn luôn là Thiên Chúa, Đấng trao ban, Đấng hành động; theo cách đó, ngay cả sự nghèo hèn và nhỏ bé của những người mà Chúa kêu gọi đi theo Ngài trên con đường Tin Mừng cũng được biến thành sự phong phú nơi sự biểu lộ của Chúa và trong sức mạnh của Đấng toàn năng.

Quyết định là bước thứ ba đặc trưng cho mọi ơn gọi Kitô giáo, và được thể hiện rõ ràng trong câu trả lời của Đức Maria cho Thiên thần: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (câu 38). Tiếng “xin vâng” của Mẹ trước kế hoạch cứu rỗi của Chúa, được thực hiện bằng phương thức Nhập thể, là sự ủy thác cho Ngài toàn bộ cuộc đời của Mẹ. Đó là tiếng “xin vâng” của sự tín thác trọn vẹn và hoàn toàn sẵn sàng theo ý Chúa. Đức Maria là gương mẫu của mọi ơn gọi và là người truyền cảm hứng cho mọi chăm sóc mục vụ về ơn gọi: những người trẻ đang tìm kiếm hoặc tự đặt câu hỏi về tương lai của họ có thể tìm thấy nơi Đức Maria một người giúp họ nhận ra kế hoạch của Chúa dành cho họ và sức mạnh để gắn bó với kế hoạch ấy.

Tôi nghĩ về Loreto như một nơi độc đáo, một nơi những người trẻ có thể tìm kiếm ơn gọi của chính họ, trong trường học của Đức Maria! Đó là một cột mốc tinh thần dành cho việc mục vụ ơn gọi. Do đó, tôi hy vọng rằng Trung tâm “Gioan Phaolô II” có thể được tái ra mắt lại để phục vụ Giáo Hội ở Ý và cả trên bình diện quốc tế, phù hợp với các chỉ dẫn nổi lên từ Thượng hội đồng. Đó là một nơi mà những người trẻ và các nhà giáo dục có thể cảm thấy được chào đón, đồng hành và giúp đỡ để phân định. Về vấn đề này, tôi cũng nhiệt liệt yêu cầu các tu sĩ Capuchin giúp cho thêm một dịch vụ nữa: đó là kéo dài giờ mở cửa của Đền thờ và Nhà Thánh muộn hơn vào buổi chiều và cả lúc chập tối, khi có những nhóm anh chị em trẻ đến để cầu nguyện và phân định ơn gọi của họ. Cũng do vị trí địa lý nằm giữa bán đảo của mình, Đền thờ Nhà Thánh Loreto, thích hợp để trở thành, cho Giáo Hội ở Ý, một nơi để đề xuất tiếp tục các cuộc họp thế giới của những người trẻ và các gia đình. Thực vậy, để đáp ứng sự hăng hái chuẩn bị và cử hành các biến cố này, cần có những thực hành mục vụ giúp hình thành cụ thể những nội dung phong phú, qua những đề nghị đào sâu, cầu nguyện và chia sẻ.

Nhà của Đức Maria cũng là nhà của gia đình. Trong tình hình tế nhị của thế giới ngày nay, gia đình dựa trên cuộc hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đảm nhận một tầm quan trọng và một nhiệm vụ thiết yếu. Cần phải tái khám phá kế hoạch do Thiên Chúa vạch ra cho gia đình, nhắc lại sự vĩ đại và không thể thay thế của gia đình trong việc phục vụ cuộc sống và xã hội. Trong ngôi nhà Nagiarét, Đức Maria sống những mối quan hệ đa dạng trong gia đình trong tư cách là con gái, người hứa hôn, rồi người vợ và người mẹ. Vì lý do này, mỗi gia đình, trong từng thành viên khác nhau, có thể tìm thấy ở đây sự chấp nhận và cảm hứng để sống bản sắc riêng của mình.

Kinh nghiệm trong gia đình của Đức Trinh Nữ chỉ ra rằng gia đình và những người trẻ không thể là hai lĩnh vực chăm sóc mục vụ tách biệt của các cộng đồng chúng ta, nhưng cả hai phải sóng bước bên nhau, bởi vì những người trẻ thường là những gì một gia đình được trao ban trong thời kỳ tăng trưởng. Viễn tượng này tái cấu trúc một mục vụ ơn gọi quan tâm biểu lộ khuôn mặt của Chúa Giêsu qua nhiều khía cạnh khác nhau như vị thượng tế, hôn phu, và mục tử trong một thể thống nhất.

Nhà của Đức Maria là nhà của người bệnh. Ở đây, những người đau khổ trong thể xác và tinh thần có thể được chào đón, và Mẹ mang tất cả đến với lòng thương xót Chúa từ đời này sang đời khác. Bệnh tật làm tổn thương gia đình, và người bệnh phải được chấp nhận trong gia đình. Xin vui lòng, đừng rơi vào nền văn hóa vứt bỏ được đề xuất bởi những thứ thực dân ý thức hệ đang tấn công chúng ta ngày nay. Ngôi nhà và gia đình là phương thuốc đầu tiên cho người bệnh, trong việc yêu thương họ, hỗ trợ họ, khuyến khích họ và chăm sóc họ. Đây là lý do tại sao Đền thờ Nhà Thánh là biểu tượng của mọi ngôi nhà chào đón và là đền thờ của người bệnh. Từ đây, tôi gửi đến tất cả những người này, ở khắp mọi nơi trên thế giới, một ý nghĩ trìu mến và tôi nói với họ: anh chị em là trung tâm công việc của Chúa Kitô, bởi vì anh chị em chia sẻ và mang theo sau Ngài thập giá mỗi ngày một cách cụ thể nhất. Sự đau khổ của anh chị em có thể trở thành sự hợp tác quyết định cho sự ra đời của Nước Chúa.

Anh chị em thân mến! Thiên Chúa, thông qua Đức Maria, giao phó cho anh chị em và những người có liên hệ với Đền thờ này một sứ mệnh trong thời đại này của chúng ta: đó là mang Tin Mừng hòa bình và sự sống đến cho những người đương thời của chúng ta, là những người thường bị phân tâm, tâm trí tràn ngập những lợi ích trần tục hoặc đắm chìm trong một bầu khí khô cằn tâm linh. Cần có những người đơn sơ và khôn ngoan, khiêm tốn và can đảm, nghèo khó nhưng hào phóng. Nói tóm lại, những người theo trường phái Đức Maria, chào đón mà không dấu kín Tin Mừng trong cuộc sống của chính họ. Theo cách này, thông qua sự thánh thiện của dân Chúa, từ nơi này, những chứng tá về sự thánh thiện trong mọi trạng huống của cuộc sống sẽ tiếp tục lan truyền qua Ý, Châu Âu và thế giới, để làm mới Giáo Hội và truyền cảm hứng cho xã hội với men của Nước Chúa.

Xin Đức Trinh Nữ giúp đỡ tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ, biết đi theo con đường hòa bình và tình huynh đệ, dựa trên sự chấp nhận và tha thứ, tôn trọng người khác và tình yêu là món quà trao ban chính bản thân mình. Xin Mẹ chúng ta, là ngôi sao sáng của niềm vui và sự thanh thản, ban cho các gia đình, là những đền thờ của tình yêu, phước lành và niềm vui của cuộc sống. Xin Đức Maria, nguồn mạch của mọi ủi an, mang lại sự giúp đỡ và an ủi cho những người đang gặp khó khăn. Với những ý hướng này, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện qua kinh Truyền Tin

Lúc 12g, Đức Thánh Cha đã cùng đọc kinh Truyền tin với các tín hữu.

Lúc 12g30, ngài ăn trưa với các giám mục.

Lúc 14g30, Đức Thánh Cha đã từ giã Đền thờ để ra sân bay trực thăng Montorso.

Lúc 15g45, Đức Thánh Cha đã về đến sân bay trực thăng Vatican.