Ngày 26-03-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay: Bài 35
VietCatholic Network
04:53 26/03/2012
Chúa Giêsu là ai mà đã bị đóng đinh vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và sống lại vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh? Ðây là một câu hỏi đáng được chất vấn mỗi ngày khi chúng ta đến cầu nguyện gần Ngài. Mỗi lần chúng ta tìm câu trả lời, Chúa Thánh Linh sẽ dẫn ta vào mầu nhiệm Chúa Kitô và tỏ ra nhiều hơn nữa cho chúng ta. Tuy nhiên, thường khi chúng ta đọc Kinh Thánh, chúng ta thường giới hạn Chúa Giê-su theo trí của ta khi nghĩ về Người. Tuy nhiên, Bài Ca Người Tôi Trung trong sách Isaiah, có thể cho chúng ta thoáng thấy tiên báo về Chúa Giê-su và nâng tâm trí chúng ta vào mầu nhiệm Ngôi Lời làm người, và chịu đau khổ vì chúng ta.

Giê-su là ai? Người là tôi tớ Thiên Chúa được sai đến để hoàn tất mọi niềm hy vọng cho Is-ra-el. Ngài liên kết với dân Thiên Chúa được tuyển chọn đến độ Ngài mang tên của họ, Is-ra-el (Is,49,3). Ngài được ẩn dấu trong "ống tên" của Chúa Cha (Is 49:2). Và khi đến thời thuận tiện, Ngài tự tỏ mình ra cho Is-ra-el và cống hiến cho họ sự chia sẻ vinh quang của Chúa Cha.

Giê-su là ai? Ngài không chỉ hoàn thành lời hứa đã lâu là khôi phục Is-ra-el, Ngài còn là "ánh sáng muôn dân" để đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất (Is 49:6). Tình yêu Thiên Chúa quá cao cả vì sự sáng tạo để Ngài trở thành người mang sự cứu độ đến tận cùng trái đất. Qua Chúa Giê-su, mỗi người trên thế giới giờ đây được mời gọi đi vào giao ước với Thiên Chúa.

Ðiều này nghe có vẻ thần học, nhưng bạn có tin rằng Thiên Chúa đã tự kết liên với bạn không? Bạn có tin rằng giao ước tình yêu mà Ngài dành cho bạn quá mạnh mẽ đến đỗi không thể phá vỡ trừ khi chính bạn muốn chọn không?

Không có gì mà Chúa Giê-su không thể làm cho bạn? Bạn có những ký ức đau buồn không? Ngài sẽ cất khỏi những day dứt của chúng bằng cách dẫn bạn qua từng bước chữa lành và tha thứ. Người được yêu đang đau khổ vì khủng hoảng đức tin chăng? Ngài sẽ lôi kéo bạn về phía Ngài khi bạn cầu nguyện, phục vụ và nhẹ nhàng đưa tay ra với những lời khuyến khích và hy vọng. Ðó là con người của Chúa Giê-su. Không một ai có quyền năng cứu rỗi hơn Ngài.

"Lạy Chúa Giê-su, con xin phó thác cho sự khôn ngoan và tình yêu của Chúa. Nhờ Chúa Thánh Linh, con muốn khước từ sự giúp đỡ chỉ dựa trên sự khôn ngoan con người. Lạy Chúa, con tin vào quyền cứu rỗi của Chúa".
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Nói dối
Lm Vũđình Tường
05:33 26/03/2012
Nói dối rất đơn giản. Mọi tầng lớp, lứa tuổi đều có thể nói dối. Chỉ cần 2 người là có thể nói dối được rồi. Đôi khi một mình cũng có thể nói dối. Nói dối chính mình. Dối mình và dối người là điều thường xảy ra trong cuộc sống. Coi thường việc nói dối cho đó là việc làm không mấy gì hại là một lỗi lầm quan trọng. Nói dối nguy hiểm hơn những gì chúng ta tưởng. Nhìn qua những chữ liên quan đến nói dối đủ biết nó ăn sâu, bám rễ trong xã hội đến mức nào. Một cây càng có nhiều rễ thì cây đó phát triển càng mạnh. Rễ càng sâu cây càng khó bứng, càng đứng vững khi mưa to gió lớn đến.

Từ ngữ liên quan đến nói dối xem ra rất nhiều như: nói dối, nói láo, nói điêu, nói ngoa, nói sạo, nói quanh, nói dóc, nói thêm, nói bớt, đặt điều, bày chuyện, dụ khị...

Nạn nhân đầu tiên của nói dối không phải ai xa lạ mà chính là người nói dối. Họ là nạn nhân đầu tiên. Nói dối chính mình vì mình biết mình đang thành tâm hay đang dối trá, và dối trá đến mức độ nào một mình mình biết, một mình mình hay. Kẻ nói dối khinh thường người nghe. Tự tin là có thể qua mặt được người nghe, làm cho họ tin nên nói dối, nếu biết nói dối không thành; dối trá xoay chiều sang hình thức khác.

Chối điều đã nói, lớn tiếng cãi xoá việc đã làm. Một hình thức khác của nói dối. Để cho điều dối trá có hiệu qủa hơn người nói đôi khi mượn trời làm chứng. Lấy Danh Chúa ra thề; lấy mạng sống ra thề. Phân tích một chút chúng ta thấy nói dối sinh tội ra. Nói dối ảnh hưởng rất nhiều đến phẩm giá con người vì một khi điều dối trá bị lật tẩy, lòng tin bị tổn thương, chữ tín và giá trị người đó bị đặt trên bàn cân. Người nói dối thường tự tin thái quá coi người khác đều là không biết nên huyênh hoang, lớn tiếng.

Mọi tội đều bắt nguồn bằng dối trá.

Ma quỷ tính toán cách thế cám dỗ con người chúng tìm phương thế đơn giản nhất, tiện lợi nhất, dễ nhất đưa con người vào vòng tội. Con đường phạm tội dễ, ngắn và tiện nhất là nói dối. Ma quỷ là sư tổ của nói dối, cha của gian tà, mẹ của điêu ngoa, chuyên môn bày điều đặt chuyện, lừa, phỉnh, gạt người ta.

Coi thường việc nói dối là sa vào cạm bẫy của ma quỷ, cộng tác với chúng. Làm bạn với ma quỷ sớm muộn gì cũng bị chúng lợi dụng, phỉnh gạt và cuối cùng là nô lệ cho ma quỷ. Một khi thành nô lệ cho tội lỗi người đó đi kéo phe, lập nhóm nói dối bào chữa cho việc làm của mình. Nếu việc làm liên quan đến tôn giáo thì nhóm đó đội lốt đức tin, dùng Danh Chúa tiếp tục dối trá.

Sáng Thế Kí ghi lại tội bước vào thế gian bằng con đường nói dối của ma quỷ dưới hình con rắn phỉnh gạt. Đừng vội chê người nữ nhẹ dạ. Tội giết người vào tâm cũng bằng con đường dối trá, lừa gạt giữa Cain và Aben (St 4). Cain nói với em: ‘Chúng mình ra ngoài đồng đi’. Khi hai người đang ở ngoài đồng Cain xông đến giết Aben, em mình. Chúa hỏi Cain: ‘em con đâu?’ Ông thưa: ‘Dạ con không biết’. Trong trường hợp này lúc khởi thủy Cain dối chính mình và dối em là Aben. Sau khi phạm tội Cain dối luôn cả Thiên Chúa. Sách không ghi lại nhưng ai cũng hiểu Cain phải tìm cách dối luôn cha mẹ khi bị chất vấn. Đây chính là trường hợp câu chuyện của Giuse bị các anh đem đi bán sau đó dối cha mẹ là bị chó sói ăn thịt. (St 37).

Tân Ước cũng vô vàn chuyện dối trá, làm chứng gian. Giuđa đã tặng Thầy mình một nụ hôn giả dối. Dối trá giờ đây đi thêm một bước nữa không đơn thuần bằng lời nói mà bằng hành động. Tông đồ công vụ thuật chuyện vợ chồng Khanania (Cv5) bán đất rồi nói dối thánh Phêrô. ‘Sao anh lại để Satan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất’. Thánh Phêrô hỏi anh ta như thế. Phêrô kết luận:’anh đã không lừa dối người phàm mà lừa dối Thiên Chúa’. Nghe xong điều dó Khanania ngã xuống đất tắt thở. Nói dối dẫn đến diệt vong.

Thời đại tân tiến dối trá đi thêm bước nữa. Nói dối trên giấy tờ, giả mạo bằng chứng bảo vệ điều dối trá. Người ta bày chuyện dối trá, người ta hành động theo điều bày đặt đó rồi người ta mạo ra chứng cớ trên giấy trắng mực đen và hình ảnh màu để làm chứng cho việc dối trá. Nguy hiểm hơn chính người nói dối tin điều mình dối và làm chứng cho điều mình dối. Tội sinh ra tội. Nguyên nhân nào dẫn đến việc con người nói dối? Có nhiều nhưng tựu chung đều liên quan đến tính ích kỉ, đến cái tôi, cái lợi cá nhân mà làm hại cá nhân khác.

Có nói không; không nói có. Nghề của Satan và những đồ đệ chúng.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:49 26/03/2012
HỦY BỎ CHỨNG NHẬN XUẤT GIA
N2T

Có viên quan đến một ngôi chùa nọ, hỏi hòa thượng:
- “Có phải ông ăn cá không ?”
- “Không thường ăn cá, chỉ khi nào uống rượu thì ăn chút ít”.
- “Vậy là ông uống rượu ?”
- “Không, cũng không uống nhiều, chỉ khi nào có bố vợ đến thăm thì cùng ông ta đối ẩm chút ít”.

Viên quan nghe xong thì giận dữ, nói:
- “Vậy thì ông cũng có vợ, đó là điều mà người xuất gia không nên có. Ngày mai tôi sẽ đi báo cho quan huyện biết, nhất định sẽ hủy bỏ giấy chứng nhận tu hành của ông”.
Hòa thượng liền nói:
- “Tôi đâu dám giấu gì ngài, năm trước tôi đi ăn trộm nên giấy phép đã sớm bị thu hồi rồi”.

Suy tư:
Người tu hành, xuất gia thì không lập gia đình, tức là không lấy vợ lấy chồng, luật lệ này đã ăn sâu vào trong óc não của mọi người, cho nên hể có một người tu hành, xuất gia nào mà có vợ có chồng thì dứt khoát bị các tín hữu lên án và coi thường, bởi vì “người tu hành, xuất gia thì không lập gia đình”.
Để trở thành một linh mục của Giáo Hội Công Giáo thì không phải dễ, phải có rất nhiều thời gian suy nghĩ và học tập: những năm dự tu, ba năm triết, bốn năm thần học và cộng thêm một hai năm thực tập làm mục vụ. Trong những năm đó, những người muốn làm linh mục vừa học tập, vừa suy nghĩ đến ơn gọi của mình, ơn gọi đi tu, tức là suy nghĩ và chọn lựa giữa đời sống độc thân và đời sống gia đình.
Làm linh mục của Giáo Hội Công Giáo thì không có giấy chứng nhận như những người xuất gia ngày xưa do quan huyện cấp, nhưng các linh mục ấy được Đức Chúa Thánh Thần chứng nhận qua bí tích truyền chức linh mục, tức là Đức Chúa Thánh Thần ghi một ấn tích thiêng liêng vào tâm hồn kẻ lãnh nhận tác vụ linh mục, ấn tích này muôn đời không mất đi, và các linh mục của Giáo Hội Công Giáo trở thành “thượng tế đời đời theo phẩm hàm Men-ki-sê-đê”, được thông phần vào chức thượng tế của Đức Chúa Giê-su.
Người ta có thể chấp nhận sự yếu đuối của linh mục, nhưng chắc chắn là không ai chấp nhận linh mục có vợ.
Người ta nghiệm thấy rằng, hình như tất cả các linh mục hoàn tục đều không thành công trong cuộc sống gia đình của mình, cũng đúng thôi, vì họ được đào tạo là đào tạo để làm cha các linh hồn, chứ không phải làm cha các bầy trẻ…
-------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:50 26/03/2012
N2T

28. Bị cám dỗ là việc tất yếu, bởi vì chỉ có người biết phấn đấu cách chính đáng mới có thể đội vương miện, nếu như không có người tập kích họ, thì họ làm sao biết phấn đấu chứ ?

(Thánh Bernard)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Pho tượng Mẹ Thiên Chúa đã hoán cải một linh hồn
Lm Nguyễn Hữu Thy
04:47 26/03/2012
Pho tượng Mẹ Thiên Chúa đã hoán cải một linh hồn

Đây là một sự cố đã xảy ra tại Vương quốc Bỉ, trong vùng lãnh thổ nói tiếng Flamand hay cũng được gọi là phần đất của những người Flandern.

Số là hai mẹ con một người phụ nữ trẻ nọ đang đi dạo trên bờ một con kênh. Khi đứa trẻ chạy chơi dọc theo bờ con kênh như thế, chẳng may em vô ý bị rơi xuống con kênh. Thấy vậy người mẹ trở nên hoảng loạn và kêu gào thảm thiết khi nhìn thấy cậu con trai bà đang sắp bị chết đuối mà không biết phải gì để cứu con, vì chính bà cũng không biết bơi. Nhưng may thay, giữa lúc nguy kịch ấy, có một người đàn ông bỗng chốc đi qua đó. Nhìn thấy rõ được hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm cho tính mạng đứa bé, ông ta đã lập tức nhảy xuống con kênh và cứu được đứa bé và trao cho mẹ nó. Bà mẹ quá sung sướng ôm chặt đứa con vào long. Để tỏ lòng biết ơn sâu sa đối với vị ân nhân đã cứu sống con mình, bà đã thiết tha mời người đàn ông ghé thăm gia đình bà cũng ở gần đó, hầu để sưởi ấm và thay đổi quần áo.

Trong khi tạm biệt vị ân nhân của mình, bà mẹ đứa bé đã nói với người đàn ông: “Thưa ông, tôi thật vô cùng lấy làm tiếc là gia đình tôi chẳng có gì đáng giá để đền đáp công ơn to lớn của ông cho cân xứng, bởi vì nhà tôi nghèo. Nhưng của ít lòng nhiều, để tỏ chút lòng cám ơn ông đã cứu sống con tôi, tôi xin biếu ông pho tượng Đức Mẹ bé nhỏ này”.

Bấy giờ người đàn ông nghĩa hiệp đã cứu vớt đứa bé nói với mẹ đứa bé: “Mặc dầu tôi là một người vô tín ngưỡng. Tôi chẳng tin vào Chúa Mẹ gì cả, nhưng tôi xin nhận pho tượng Đức Mẹ bà biếu để làm kỷ niệm sự cố vừa xảy ra”.

Mấy thập niên sau đó, một sự kiện lạ lùng sau đây đã xảy ra tại một bệnh viện ở Thụy Sỹ: Các cô y tá bệnh viện tìm gặp một vị Linh mục và thưa với ngài: “Tại bệnh viện chúng tôi có một bệnh nhân rất yếu, khó lòng qua khỏi. Rất có thể ông ta chỉ sống được vài ba ngày nữa thôi. Mặc dù ông ta không muốn nhắc tới Thiên Chúa hay tôn giáo gì cả, và cũng không muốn gặp bất cứ vị Linh mục nào cả, nhưng cha là người đồng hương Flamand với ông ta. Hy vọng ông ta sẽ phấn khởi chăng khi trao đổi với cha bằng tiếng mẹ đẻ của ông ta”.

Nghe vậy, vị Linh mục liền tới phòng người bệnh nhân kia, ngài chào ông ta và hỏi thăm ông bằng tiếng Flamand. Bỗng nhiên ở xứ người xa lạ mà lại nghe có người nói tiếng mẹ đẻ của mình, người bệnh tỏ vẻ rất vui mừng và trở nên thân thiện cởi mở hơn. Trong khi nói chuyện, vị Linh mục nhìn thấy một pho tượng Đức Mẹ nhỏ nhắn đặt ở cái bàn nhỏ ở giường người bệnh nhân. Ngài chân thành nói với người bệnh; “Tôi thực sự rất ngạc nhiên khi nghe các cô ý tá cho hay là ông vô tín ngưỡng, thế mà nay tôi lại nhìn thấy ở cái bàn nhỏ của ông có pho tượng Đức Mẹ xinh xắn này.” Nghe vậy người bệnh liền kể cho vị Linh mục: “Cha biết không, sự việc đã xảy ra ở vùng Plandern tại Bỉ đã khá lâu rồi: số là tôi đã may mắn cứu sống được một đứa bé khi nó bị rơi xuống một con kênh ở quê tôi. Để tỏ lòng cám ơn tôi, bà mẹ đứa bé đã tặng tôi pho tượng Đức Mẹ này để làm kỷ niệm và tôi luôn mang theo pho tượng bên mình mỗi khi phải xa nhà.”

Bấy giờ vị Linh mục liền trả lời: “Vâng, tôi biết rất rõ sự cố ấy. Nó đã xảy ra vào năm này … và tại địa điểm này …” Nghe vị Linh Mục nói thế, người bệnh vô cùng lấy làm ngạc nhiên và hỏi. “Từ đâu cha biết rõ được câu chuyện này vậy?” Đầy cảm động và nhân từ, vị Linh mục nhìn thẳng vào người bệnh nhân và nói: “Đức trẻ chết đuối năm xưa đã được ông cứu sống chính là tôi đây. Mẹ tôi đã kể lại hết cho tôi biết rồi.”

Bấy giờ một phép lạ của ơn sủng Chúa đã xảy ra: Người bệnh nhân vô tín ngưỡng kia đã ôm mặt khóc nức nở và đã ăn năn hoán cải, trở về làm hòa với Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải. Ông đã sốt sắng lần lượt chịu các phép Bí tích. Mấy ngày sau đó ông đã yêm ái trút hơi thở cuối cùng, ông đã thanh thản ra đi trở về với Chúa như một tín hữu ngoan đạo.

(Betendes Gottes Volk, 2012/1, số 249, trang 5)
 
Vatican giải thích: Việc Đức Thánh Cha dùng cây gậy chống không có gì mới lạ
Bùi Hữu Thư
07:55 26/03/2012
Vatican, ngày 24 tháng 3, 2012 / 12:45 pm (CNA/EWTN News).- Việc Đức Thánh Cha Benedict XVI dùng một cây gậy chống trong chuyến tông du Mễ Tây Cơ không phải là một điều mới xẩy ra hay là dấu hiệu của "sự suy yếu" của ngài, theo lời Phó Giám Đốc Văn Phòng Truyền Thông Vatican.

Linh mục Ciro Benedettini giải thích với phóng viên CNA, "Điều này không có gì mới lạ, vì Đức Thánh Cha vẫn thường dùng cây gậy này trong khi ngài đi dạo trong công viên Vatican."

Phát ngôn viên Vatican nói: “Ở tuổi đời gần 85, ngài cần phải cẩn trọng khi đi lại, nên đã dùng cây gậy cho an toàn. Không có lý do gì để lo ngại, vì không có gì thay đổi mới đây về tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha.”

Việc giải thích của cha Benedettini là để đáp lại một thông cáo của hãng thông tấn Reuters cho hay Đức Thánh Cha Benedict đã dùng một cây gậy chống để đi tới phi cơ chở ngài đi Mễ Tây Cơ ngày 23 tháng 3.

Vào dịp này, Đức Thánh Cha đã dùng một cây gậy đen khi ngài rời chiếc trực thăng chở ngài đến phi trường, trong khi trò truyện với Thủ Tướng Ý là ông Mario Monti.

Hãng Reuters, trong quá khứ đã tạo ra những dư luận đối nghịch về những điều nêu ra không chính xác khi thông cáo về các lời nói của Đức Thánh Cha, lần này đã viết là chiếc gậy chống là "một dấu chỉ của sự suy yếu gia tăng về sức khỏe của ngài."

Đức Thánh Cha đã bước lên máy bay không cần sự trợ giúp nào, ngài chỉ dùng tay vịn của cầu thang mà thôi.
 
ĐTC Bênêđictô XVI gặp gỡ các nạn nhân của tội phạm có tổ chức
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
10:19 26/03/2012
ROMA, (zenit.org) - Tám nạn nhân do nhóm tội phạm có tổ chức gâyra, gồm cựu con tin hay thành viên gia đình nạn nhân, đã được Tổng Thống FelipeCalderon giới thiệu cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong buổi gặp gỡ với ngài hôm Thứ Bảy, ngày 24 tháng 3 tại Gunajuato, đài phát thanh Vatican loan tin.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã gặp riêng từng ngườiđể an ủi và chúc lành cho họ.

Nằm trong số những người nêu trên, có gia đình của Rodrigo Cadena, nam sinh viên bị sát hại trong vụ thảm sát 15 sinh viên tại khuphố Villas de Salvárcar vào Tháng Sáu năm 2010, bà quả phụ Verónica Cavazos cóchồng là thị trưởng ngôi làng Santiago (Nuevo León) bị giết hại vào Tháng Tám năm 2010, ngoài ra còn có một bà mẹ của cảnh sát liên bang, người chị của mộtcon tin, và một cựu con tin.

Ngay khi đặt chân đến Mêxicô vào chiều tối hôm ThứSáu, ngày 23 tháng 3, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói rằng ngài cầu nguyệncách riêng cho những người đang cần được cầu nguyện và cách đặc biệt cho nhữngai chịu đau khổ do những cuộc đua tranh cũ và mới, hận thù, bạo lực dưới mọihình thức gây ra.

Đức Thánh Cha cũng hứa cầu nguyện cho các trẻ em đểcho đất nước Mêxicô là nơi mà ở đó các em được sống trong thanh thản và hàihoà.

Phong trào “Paz con Justicia y Dignidad” (Hoà Bình vớiCông Lý và Phẩm Giá) được dẫn dắt bởi nữ thi sĩ Công Giáo Javier Sicilia, trướcđó đã đề nghị với Đức Thánh Cha gặp gỡ các đại diện của những người bị hứngchịu thiệt hại từ các phi vụ ma tuý.

Trong thực tế Nữ Thí Sĩ này đã đến Roma gặp Tổng ThưKý Hội Đồng Toà Thánh về Công Lý và Hoà Bình, đức cha Mario Toso và đã đượcngài cho biết là Vatican luôn mở rộng cửa để có cuộc gặp giữa các nạn nhân vớiĐức Thánh Cha, như là một nghĩa cử Tin Mừng biểu lộ sự ưu ái đối với họ..

Con số thống kê chính thức có 40.000người chết, tuy nhiên theo nguồn tin độc lập thì số nạn nhân lên đến 60.000.
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi lễ tiễn biệt tại phi trường quốc tế Guanajuato
J.B. Đặng Minh An dịch
13:13 26/03/2012
Sau một chuyến tông du trong ba ngày, Đức Giáo Hoàng đã nói lời 'tạm biệt' với Mễ Tây Cơ. Ngài được chào đón bởi hàng ngàn người tại phi trường quốc tế Guanajuato, nơi ngài kêu gọi Mễ Tây Cơ đừng để bị khống chế bởi quyền lực của tội ác.

Ngài nói:

Thưa Tổng Thống,
Thưa các vị trong chính quyền,
Thưa Đức Tổng Giám Mục,
Các hiền huynh Giám Mục,
Anh chị em Mễ Tây Cơ rất thân mến,


Chuyến viếng thăm của tôi tại Mễ Tây Cơ tuy ngắn ngủi nhưng nhiệt thành đã đến lúc kết thúc. Tuy nhiên, đây không phải là kết thúc của tình cảm và sự gần gũi của tôi với một đất nước rất thân yêu với tôi. Tôi giữ lại đầy đủ những cảm nghiệm không thể nào quên, trong đó có vô vàn những cử chỉ rất tốt đẹp và những dấu chỉ thương mến mà tôi đã nhận được. Với tất cả lòng chân thành, tôi cảm ơn Tổng Thống vì những lời tốt đẹp dành cho tôi, và cảm ơn các giới hữu trách đã giúp trong cuộc hành trình đáng nhớ này. Và tôi cảm ơn nhiều người đã giúp đỡ, ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất, để làm cho các sự kiện của những ngày này diễn ra suôn sẻ. Tôi cầu xin Chúa để tất cả những nỗ lực này không ra vô ích, và với sự giúp đỡ của Ngài, những nỗ lực ấy có thể sản sinh ra những hoa trái phong phú và lâu dài trong đời sống đức tin, hy vọng, và bác ái của León, Guanajuato, Mễ Tây Cơ và các nước khác tại Mỹ Châu Latinh và vùng Caribê.

Tôi nhận ra đức tin vào Chúa Giêsu Kitô mà tôi cảm thấy vang dội trong trái tim anh chị em, và lòng sùng mộ đặc biệt của anh chị em với Đức Mẹ, được kêu cầu trên đất nước này với những tước hiệu đẹp đẽ như Đức Mẹ Guadalupe, Đức Mẹ là nguồn ánh sáng, một thứ ánh sáng tôi đã thấy phản ánh trên khuôn mặt của anh chị em. Nhưng tôi muốn nhắc lại một cách rõ ràng và mạnh mẽ ở đây lời thỉnh cầu gởi đến những người dân Mễ Tây Cơ là hãy trung thành với chính mình, đừng để mình bị khống chế bởi quyền lực của sự dữ, nhưng hãy dũng cảm và làm hết sức để đảm bảo rằng căn cội Kitô của anh chị em có thể nuôi dưỡng hiện tại và tương lai của anh chị em.

Tôi cũng đã nhìn thấy những biểu hiện âu lo về nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống đất nước thân yêu này, một số mới nổi lên gần đây và một số khác đã có từ lâu, tiếp tục làm anh chị em mất tinh thần như thế. Tôi cũng cảm nhận được những âu lo ấy, khi tôi chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của người Mễ Tây Cơ và anh chị em của tôi, đặt để chúng trong lời cầu nguyện dưới chân Thánh Giá, nơi Thánh Tâm Chúa Kitô, mà từ đó máu và nước tuôn đổ ra ơn cứu chuộc.

Trong những trường hợp này, tôi mạnh mẽ kêu gọi người Công Giáo Mễ Tây Cơ, và mọi người nam nữ thiện chí, đừng để mình bị khuất phục bởi một não trạng thực dụng là điều luôn dẫn đến sự hy sinh của những người yếu nhất và vô phương tự vệ nhất. Tôi mời gọi anh chị em hãy hướng đến một nỗ lực chung để xã hội có thể được canh tân từ nền tảng, nhằm đem đến một cuộc sống trong phẩm giá, công lý và hòa bình cho tất cả mọi người. Đối với người Công giáo, đóng góp này cho thiện ích chung cũng là một yêu cầu trong chiều kích thiết yếu của Tin Mừng, là nâng cao nhân bản, đồng thời đó cũng là một biểu hiện tối cao của lòng bác ái. Vì lý do đó, Giáo Hội hô hào tất cả các tín hữu hãy là những công dân tốt, ý thức rõ rệt trách nhiệm phải quan tâm đến lợi ích của tất cả anh chị em mình, đến cuộc sống của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Anh chị em Mễ Tây Cơ thân mến, tôi nói với anh chị em "Adios!" trong ý nghĩa truyền thống tốt đẹp của thành ngữ Tây Ban Nha này là “Hãy ở lại với Thiên Chúa!” Vâng, "Adios", luôn mãi trong tình yêu của Chúa Kitô, nơi đó chúng ta gặp nhau và một lần nữa sẽ gặp nhau. Xin Chúa ban phúc lành cho anh chị em và xin Đức Maria Chí Thánh phù hộ anh chị em!
 
Một cụ già gần 85 tuổi đang trở thành nguồn hứng khởi cho Giới Trẻ Mexicô
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
16:57 26/03/2012
Sau 3 ngày thăm viếng mục vụ tại Mexicô, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã làm cho Giới Trẻ Mexicô mê say và phục sát đất: cách làm việc chăm chỉ, tinh thần trẻ trung, nói với Giới Trẻ bằng ngôn ngữ tuổi trẻ: "Các con có một chỗ rất đặc biệt trong trái tim của vị Giáo Hoàng này… Cha đã đến để các con cảm nhận tình cảm mà cha dành cho các con. Mỗi một người trong các con là một món quà Thiên Chúa gởi đến cho Mexicô và cho thế giới", và điều quan trọng nhất là ĐGH can đảm lên án tội ác của các băng đảng ma túy...

Những lời đanh thép của Đức Giáo Hoàng có thể đang trở thành hướng đi rõ ràng cho Giới Trẻ Mexicô cũng như cho xã hội tại đây: "Chúng ta phải làm tất cả, để có thể chống lại sự dữ phá hoại này đang chống lại nhân loại và thanh thiếu niên. Đây là nhiệm vụ của Giáo Hội để giáo dục lương tâm và trách nhiệm đạo đức nhằm ngăn chặn và phơi bày tội ác, vạch trần việc sùng bái thần tượng của tiền bạc, làm cho con người trở thành nô lệ của nó; và sự hứa hẹn dối trá của ma túy cũng như các gian lận liên quan."

Trong niềm hạnh phúc được vị Giáo Hoàng thương yêu, Giới Trẻ Mexicô biểu lộ lòng thương mến qua những biểu ngữ được giương cao, như câu "Benedicto hermano, ya eres mexicano" = Anh cả Bênêđictô là người Mexicô. Hòa vào niềm vui và diễn tả tình cảm dạt dào lúc ấy, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI làm cho Giới Trẻ Mexicô cuồng nhiệt thêm lên với câu trả lời: "Hoy me siento mexicano" = Hôm nay cha là người Mexicô.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI còn nhận ra được một điều quan trọng khi cho báo chí biết: "Bây giờ tôi mới hiểu được ĐGH Gioan Phaolô II, khi Ngài luôn nói tôi là người Mexicô". Đúng như thế, trong lúc này hàng ngàn Giới Trẻ đang reo hò cuồng nhiệt, vui mừng đón chào vị Cha chung đến Mexicô thăm họ, thì ĐGH Bênêđictô XVI mới cảm nhận được tâm tình gắn liền với dân tộc này.

Một điều thật thú vị và chưa bao giờ xảy ra. Giới Trẻ Mexicô hò reo vang trời khi thấy Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đón nhận quà tặng là chiếc nón vành to truyền thống Sombrero và Đức Giáo Hoàng chấp nhận đội trên đầu trong suốt cuộc đi bằng xe Popemobile vòng qua biển người náo động để đến chỗ cử hành thánh lễ Chúa nhật gần thành phố Leon. Chiếc mũ trắng của Giáo Hoàng thường ngày vẫn đội đã bị chiến nón vành to che phủ hết đi. Hình như Ngài thoải mái, vui sướng với chiếc nón này. Chiếc nón Sombrero là một biểu tượng của dân tộc Mexicô và là một trang sức tiêu chuẩn và truyền thống của những người nhạc sĩ Mariachi, khi họ trình diễn văn nghệ tại Mexicô.

Báo chí Đức hôm nay rất khen ngợi người đồng hương Joseph Ratzinger. Báo Bild đăng tấm hình to của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đang đội chiến nón vành to Ombrero và ghi chú thêm: Đây là tấm hình của ngày. Một tờ báo khác hết lòng khen ngợi: Đức Giáo Hoàng trở thành một Popstar ở Mexicô, một ngôi sao sáng của làng nhạc Pop. Còn tờ khác so sánh: Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đang thu dần khoảng cách của ĐGH Gioan Phaolô II, đây là một lời khen ngợi, báo chí lấy mức đo này để so sánh về sự nổi tiếng của vị tiền nhiệm.

Cuối cùng, nhìn được những hình ảnh hiếm có này của vị Cha chung và nhất là nhìn ra tâm tình vui sướng, hầu như ĐGH Bênêđictô XVI quyên hẳn đi nỗi mệt nhọc luôn đè nặng trên đôi vai của Ngài tại Mexicô thì mọi người chúng ta cùng vui lây với người Anh cả Bênêđictô.
 
Hàng ngàn người trẻ Công Giáo chờ Đức Giáo Hoàng tại Trường Miraflores, nơi ngài trú ngụ
Lã Thụ Nhân
19:14 26/03/2012
Hàng ngàn người trẻ Công Giáo chờ Đức Giáo Hoàng tại Trường Miraflores, nơi ngài trú ngụ

Leon, Mexico (CNA / EWTN News) – Hôm 24/03, bên ngoài Trường Miraflores, nơi Đức Thánh Cha đang hiện diện, thuộc thành phố León của Mêxicô, hàng ngàn người trẻ đã tụ tập để bày tỏ sự ủng hộ và tình yêu của mình .

"Tôi sẽ ở đây 20, 30, hoặc 100 giờ, làm bất cứ điều gì để thấy ngài. Đức Thánh Cha là nguồn cảm hứng tuyệt vời của tôi", Francisco Javier Aguilar cho Hãng Thông tấn CNA hay. Bạn trẻ 15 tuổi này cho biết anh đang đợi Đức Giáo Hoàng "vì ngài là nguồn cảm hứng rất to lớn cho tôi. Ngài giữ một vị trí quan trọng trong cuộc đời tôi vì ngài xứng đáng và đã thực hiện rất nhiều điều".

Aguilar là một trong hàng ngàn người chờ đợi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, người sẽ khởi hành từ Trường Miraflores (nơi ngài trú ngụ) vào cuối ngày để gặp Tổng thống Mexico Felipe Calderón. Sau cuộc gặp, ngài sẽ chào thăm trẻ em tập trung tại Plaza de Paz của Guanajuato.

"Được ở nơi đây với Đức Thánh Cha là điều hết sức xúc động", Laura Fuentes, một thành viên thuộc đám đông bên ngoài trường Miraflores bày tỏ tình cảm của mình. "Chưa bao giờ tôi có trải nghiệm như thế này. Tôi bảo mọi người đến và nhìn xem ngài vì họ sẽ có một trải nghiệm tuyệt vời trong trái tim mình".

Abraham Sánchez Ramos đồng ý rằng đó sẽ là một "trải nghiệm tuyệt vời" khi nhìn thấy Đức Giáo Hoàng. "Đó là một cơ hội không bao giờ có thể xảy ra một lần nữa".

Đối với Juan León, sự hiện diện của Đức Thánh Cha "là cực kỳ xúc động và một ơn phúc. Tôi hy vọng thấy ngày thật gần. Đó là một điều gì đó không thể giải thích, nhưng cảm nhận được trong trái tim bạn. Tôi biết rằng việc ngài đến sẽ mang lại nhiều lợi ích tinh thần".

Valentín Padilla, đã kết hôn và là cha của ba cô con gái, đứng bên ngoài trường Miraflores "để chờ xem nếu Thiên Chúa ban phúc cho tôi được thấy Đức Thánh Cha. Điều đó làm tôi rất hạnh phúc khi ngài đến thăm chúng tôi". Ông thú nhận: "Đối với tôi, nhìn thấy ngài là đủ. Thực sự là tôi đang rời bỏ công việc và tôi sẽ không trở lại".

"Hãy để mọi người thấy rằng chúng ta là người Công Giáo", Padilla thúc giục người Mễ Tây Cơ "đến với chúng tôi để xem nếu Đức Giáo Hoàng đi ra".

Lã Thụ Nhân
 
Đức Giáo Hoàng thúc giục người Mễ Tây Cơ sống đức tin để tìm kiếm hy vọng
Lã Thụ Nhân
19:15 26/03/2012
Đức Giáo Hoàng thúc giục người Mễ Tây Cơ sống đức tin để tìm kiếm hy vọng

Silao, Mexico (AP) — Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã thúc giục người dân Mễ Tây Cơ sống đức tin của mình để chống lại nghèo đói và bạo lực ma túy. Ngài nói với hàng trăm ngàn tín hữu trong Thánh Lễ ngoài trời hôm Chúa Nhật 25/03 rằng họ sẽ tìm thấy hy vọng nếu họ thanh tẩy tâm hồn mình.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã đưa sứ điệp của mình dưới bóng tượng đài Chúa Kitô Vua, một trong những biểu tượng quan trọng nhất của Kitô giáo Mêxicô, nhằm nhắc nhớ lại những năm 1920 trong cuộc nổi dậy chống lại luật chống giáo sĩ nhằm ngăn cấm các nghi thức thờ phượng công cộng như thánh lễ mà Đức Giáo Hoàng cử hành.

Đức Giáo Hoàng đã bay qua tượng đài bằng trực thăng quân sự của Mêxicô trên đường đến cử hành Thánh Lễ ở Công viên Bicentennial, nơi ngài đi trên chiếc xe giáo hoàng (pope mobile) băng qua đám đông nhiệt thành khoảng 350.000 người.

Thường được xem như là người giản dị và kín đáo, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã hấp dẫn đất nước vốn yêu mến vị tiền nhiệm có uy tín của ngài, Đức Gioan Phaolô II, bằng cách đội mũ rộng vành (sombrero) kiểu Mêxicô khi ngài tiếng lên bàn thờ nơi công viên ngập nắng.

"Một số người trẻ không chấp nhận Đức Giáo Hoàng, họ nói rằng ngài có khuôn mặt giận dữ. Nhưng giờ họ xem ngài như một cụ ông yêu quý," Cristian Roberto Cerda Reynoso, một chủng sinh 17 tuổi đến từ Leon cho hay.

Trước khi diễn ra Thánh Lễ, khu vực rộng lớn đã tràn ngập tiếng ồn, khi mọi người chụp ảnh bằng điện thoại di động và phân phát thức ăn.

Khi Thánh Lễ bắt đầu, tất cả mọi người thinh lặng, một số quỳ gối xuống bụi bẩn và nhìn chăm chú lên bàn thờ hoặc các màn hình video khổng lồ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khuyến khích người dân Mễ Tây Cơ thanh tẩy tâm hồn mình để đương đầu với những đau khổ, khó khăn và những sự ác của đời sống hàng ngày. Đó là chủ đề chung trong suốt chuyến thăm đầu tiên của ngài đến Mêxicô trên cương vị giáo hoàng: Hôm thứ Bảy, ngài thúc giục giới trẻ hãy là sứ giả của hòa bình ở một đất nước đã chứng kiến cái chết của hơn 47.000 người trong cuộc chiến tranh ma túy đã leo thang khi một cuộc tấn công của chính phủ chống lại các băng đảng ma túy.

"Tại thời điểm này, khi rất nhiều gia đình đang ly tán hoặc buộc phải di cư, khi có nhiều người đang chịu đau khổ vì nghèo đói, tham nhũng, bạo lực gia đình, buôn bán ma túy, khủng hoảng các giá trị và gia tăng tội ác, chúng ta đến với Đức Maria để tìm kiếm sự ủi an, sức mạnh, và hy vọng". Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói trong lời cầu nguyện ở cuối của Thánh Lễ. "Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa thật, là Đấng mời gọi chúng ta ở lại trong đức tin và trong tình bác ái bên dưới áo Mẹ, để vượt qua tất cả các điều ác và thiết lập một xã hội công chính và huynh đệ hơn".

Việc nhắc đến Đức Maria là đặc biệt quan trọng đối với người Mễ Tây Cơ, những người tôn kính Đức Trinh Nữ Guadalupe là vị thánh bảo trợ của họ. Việc đề cập đến di dân của ngài gây tiếng vang ở Guanajuato, một trong những bang của Mêxicô gửi nhiều công nhân di dân về phía bắc nhất.

Nhiều người nói rằng Đức Giáo Hoàng đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về những thách đố của Mêxicô. Trong khi họ bảo rằng mọi thứ không thể thay đổi để có kết quả, thì ít nhất là vị giáo hoàng đã cho họ niềm hy vọng.

"Điều đó thực sự làm hài lòng", Juan Jose Ruiz Moreno, người kỹ sư công nghiệp 39 tuổi cho biết sau khi Thánh Lễ. "Huấn từ của ngài có sự hiểu biết tuyệt vời về chúng tôi, những người dân Mễ Tây Cơ".

Một số người trong đám đông mặc áo màu trắng có hình của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, tượng Chúa Kitô Vua và Đức Trinh Nữ Guadalupe yêu quý của Mêxicô, và đọc vang: "Toàn thể giáo hội cầu xin cho hòa bình ở Mêxicô".

Ông Jose Porfirio Garcia Martinez, 56 tuổi, một nông dân bản địa đến với Thánh Lễ cùng với 35 người khác từ Puebla cho hay: "Mọi người ra đi để tốt hơn cho gia đình họ. Đối với chúng tôi đó thật là khó khăn, không gặp mặt họ đã 10 năm, chỉ liên lạc qua điện thoại và Internet."

Tòa Thánh Vatican cho hay Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI muốn đến Guanajuato để thấy và ban phép lành cho bức tượng Đức Kitô Vua, điều mà Đức Gioan Phaolô II muốn thực hiện nhưng không bao giờ có thể.

Với cánh tay dang rộng, tượng đài bằng đồng Chúa Kitô "thể hiện bản sắc của người dân Mễ Tây Cơ chứa đựng cả một lịch sử liên quan đến chứng tá đức tin và những người đấu tranh cho tự do tôn giáo vào thời điểm đó" Đức ông Victor Rene Rodriguez , Tổng thư ký của Hội đồng Giám Mục Mexico cho hay.

Trước Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã tặng Mêxicô món quà là một bức tranh khảm Chúa Giêsu Kitô sẽ được đặt tại tượng đài. Lúc chập tối Chúa Nhật Đức Giáo Hoàng sẽ khánh thành từ xa hệ thống chiếu sáng mới của tượng đài.

Bang Guanajuato là nơi của một số cuộc đấu tranh quan trọng của Cuộc chiến Cristero, cuộc chiến được gọi như vậy bởi vì những người giữ vai trò chủ đạo chiến đấu vì Chúa Kitô Vua. Các sử gia nói rằng khoảng 90.000 người đã thiệt mạng trước khi hòa bình lập lại. Khu vực này vẫn là Công Giáo kỳ cựu nhất Mêxicô.

Với những con đường chật kín, khách hành hương đi bộ hàng dặm đường để đến dự Thánh Lễ với ghế nhựa, nước và ba lô. Các cụ bà thì đi bộ chống gậy. Một số người dự Thánh Lễ quấn cờ Vatican kích thước lớn, di chuyển qua các quầy bán nón, cờ, khoai tây chiên và nước trái cây.

Hàng trăm linh mục trẻ với tu phục trắng và đen, đợi để đi qua các máy dò kim loại, reo hò: "Chúa Kitô hằng sống!" và "Chúa Kitô Sống Muôn Đời!" những tiếng kêu chiến đấu của cuộc chiến Cristeros.

Đức giáo hoàng 84 tuổi sẽ tới Cuba vào thứ Hai.
 
Chữ viết tay trên tường, hay dấu hiệu cáo chung của nền văn hóa chính trị hiện đại
Vũ Văn An
21:33 26/03/2012

Trong mấy năm gần đây, bị khốn khổ vì cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế hoàn cầu, thành ngữ “chữ viết tay trên tường” đã trở thành chất liệu cho nhiều cuộc chuyện trò công cộng. Đây là một ẩn dụ ám chỉ một cách tổng quát sự mất hướng, lo lắng và hoảng sợ trước tương lai đang lan tràn khắp thế giới Tây Phương như một bệnh dịch và đang gây ra một hiệu quả hết sức hiển nhiên trên tâm thức cả nước trong mùa bầu cử năm nay.

Thành ngữ trên dường như được mọi người nhắc đến, nhưng có được bao nhiêu người miệng thì nói “chữ viết tay trên tường” mà lòng thì hiểu rõ nguồn gốc của nó, chương 5 Sách Đanien của Cựu Ước? Câu truyện do Sách ấy thuật lại quả là đáng chú ý. Nhắc lại truyện ấy một cách đầy đủ có thể giúp ta nắm được bất cứ điều gì đang được viết trên tường vào giờ phút này của lịch sử quốc gia, và lịch sử của nền văn minh Tây Phương. Suy nghĩ về truyện này cũng có thể giúp ta nhận dạng ra vị tiên tri, giống Đanien, có thể giúp ta diễn giải “chữ viết trên tường”, hiểu được ý nghĩa của nó, và do đó nhận thức được bổn phận của mình.

Khung cảnh đã được sắp đặt. Không gian là Babylon. Thời gian là khoảng hai thiên niên kỷ rưỡi trước đây, tức thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Vương quốc Giuđa đã bị Nebuchadnezzar, Vua Canđê, chiếm đóng. Ông vua này, theo Sách Đanien, đã truyền cho tể tướng của mình “đem một số dân Israel, cả từ hoàng gia lẫn giai cấp quí tộc, những thanh thiếu niên chưa có tì vết, trẻ trung và đầy khôn ngoan, kiến thức, hiểu biết, và năng khiếu, để phục vụ tại đền vua, và được dạy dỗ về chữ viết và ngôn ngữ Canđê”. Người gây ấn tượng nhất trong nhóm thanh thiếu niên tài giỏi của Israel này chính là Đanien. Ngoài các đức tính bản thân mà chính Nebucahdnezzar đã cho là cần thiết để được phục vụ tại đền vua ra, Đanien còn có khả năng giải thích các giấc mộng của nhà vua, một kỹ năng khiến Nebuchadnezzar phải nhìn nhận, dù là trong giây lát, rằng Thiên Chúa của Đanien, tức Thiên Chúa của dân tộc Israel, là “Chúa các chúa và là vua các vua, và là đấng mạc khải mọi huyền nhiệm”.

Tuy nhiên, Belshazzar, con trai Nebuchadnezzar, lại là chuyện khác. Ông ta tổ chức một đại yến cho một ngàn quan quyền của ông ta, và uống rượu trước mặt một ngàn quan khách đó. Chuyện đáng nói là khi thưởng thức rượu, Belshazzar truyền phải đem tới các đồ đựng bằng vàng và bạc mà vua cha của ông ta là Nebuchadnezzar đã tước đoạt từ đền thờ Giêrusalem, để ông ta và các quan quyền cùng các bà vợ cũng như các nàng hầu của ông sử dụng. Họ uống rượu và ca ngợi các vị thần bạc, thần đồng, thần sắt, thần gỗ và thần đá.

Ngay lập tức, các ngón tay của một bàn tay người xuất hiện và viết trên vách tường đền vua, ngay đối diện với đế đèn: nhà vua thấy bàn tay đang viết… Cả triều đình bỗng im bặt. Belshazzar sợ hãi quá, bèn hứa cho bất cứ ai giải mã được chữ viết ấy và ý nghĩa của nó làm người cai trị thứ ba của vương quốc. Các nhà khoa bảng có chức tước và các văn sĩ hàng đầu đều chịu thua. Lúc ấy, hoàng hậu nẩy ra ý nghĩ: Cho vời Đanien tới. Do đó, nhà vua cho triệu cậu thiếu niên Do Thái lưu đầy tới và hứa cho cậu địa vị thứ ba trong vương quốc nếu cậu đọc được chữ viết trên tường và giải thích được ý nghĩa của nó. Cuốn sách cùng tên kể tiếp:

Lúc đó, Đanien tâu với nhà vua: “Xin đức vua giữ lấy quà tặng của ngài, và ban nó cho người khác; tuy thế, hạ thần sẽ đọc chữ viết cho đức vua và giải thích ý nghĩa của nó cho ngài… Ngài đã nâng mình lên trên Chúa của trời; và các đồ đựng của nhà Người đã bị mang ra trước đức vua, và đức vua cùng các quan quyền của ngài, các bà vợ và nàng hầu của ngài đã uống rượu bằng những đồ đựng ấy; nhưng ngài lại đi ca ngợi các thần bạc, thần vàng, thần đồng, thần sắt, thần gỗ và thần đá, là những thần không thấy, không nghe, không biết, còn Thiên Chúa, Đấng nắm trong tay hơi thở của đức vua, Đấng nắm mọi đường đi nước bước của đức vua, đức vua lại không tôn kính.

Vậy thì từ thánh nhan Người, bàn tay kia đã được sai tới, và chữ viết này đã được ghi dấu. Và đây là chữ viết ấy: MENE, MENE, TEKEL, và PARSIN. Ý nghĩa là: MENE, Thiên Chúa đã đếm các ngày của vương quốc đức vua và đã đem nó tới kết liễu; TEKEL, chính đức vua đã được cân đong và thấy là thiếu sót; PERES, vương quốc của đức vua bị phân chia và bị trao cho người Medes và Persians.

Theo lệnh Belshazzar, Đanien được mặc áo tía, cổ đeo chuyền vàng và được tuyên xưng là nhà cai trị thứ ba của vương quốc. Nhưng rồi chính đêm đó, Belshazzar, Vua Canđê, bị giết và Darius, người Mede, tiếp nhận vương quốc lúc đã 62 tuổi.

Bữa đại yến của Belshazzar và việc nó kết thúc bằng cái chết đột ngột của nhà vua, do đó, là lời cảnh cáo của Thánh Kinh đối với hiệu quả chết người của tội phạm thượng, thờ điều không đáng thờ, vốn là phủ nhận thờ. Trong cái say sưa khinh mạn, Belshazzar đã biến những đồ đựng thánh thiêng vốn dành cho việc thờ phượng đích thực thành những món đồ chơi để trác táng, và vì việc phủ nhận thờ phượng ấy, quyền tối thượng của ông ta đã thành ra vô hiệu. Chữ viết trên tường nói rõ điều ấy. Và nó đã nói thế thật.

Ngôi đền trống rỗng

Thời ta, liệu có chữ viết tay trên tường tương tự như thế hay không? Thiển nghĩ là có. Ngôn từ có thể khác, và chúng có khuynh hướng được viết, không theo kiểu điện tín bằng bàn tay bí mật trên tường, nhưng một cách rất phong phú, hàng bộ, trên các nhật báo và tạp chí, trên các sách vở và tập san bác học cũng như trên liên mạng. Nhưng những ngôn từ này cũng nói tới các hiệu quả của việc phủ nhận thờ phượng. Hay, nói theo ngôn từ ít kịch tính hơn của Thánh Kinh, các chữ viết tay trên tường vào thời buổi lịch sử này nói đến các hiệu quả của việc phủ nhận, hay tháo gỡ, các chân lý sâu sắc làm nền tảng xây dựng nền văn minh Tây Phương. Và một trong những điều chính yếu được “chữ viết tay trên tường” ở buổi đầu thế kỷ 21 nói cho ta hay chính là: dự án duy tục đã cáo chung.

Thiển nghĩ “dự án duy tục” đây chỉ cố gắng của hơn hai thế kỷ qua nhằm dựng lên một đền thờ trống rỗng giữa lòng hiện đại tính chính trị. Khởi thuỷ tượng trưng của dự án này có thể chính xác định niên biểu được, đó là ngày 4 tháng 4, năm 1791, khi Quốc Hội Lập Hiến Quốc Gia Pháp ra lệnh biến ngôi nhà thờ cao quí của Paris, tức Nhà Thờ Thánh Geneviève, thành một cái lăng duy tục, tức đền Panthéon. Dự án duy tục được gia tốc suốt trong thế kỷ 19 khi nền văn hóa cấp cao của Âu Châu được lên khuôn bởi điều Henri de Lubac gọi là “chủ nghĩa nhân bản vô thần”: tức chủ trương, được các nhà tư tưởng đa dạng như Comte, Feuerbach, Marx, và Nietzsche cổ võ, cho rằng Thiên Chúa của Thánh Kinh là kẻ thù của sự trưởng thành nhân bản và do đó phải được bác bỏ nhân danh việc giải phóng con người. Sau khi chủ nghĩa nhân bản vô thần tạo ra hai thế chiến và những vụ tàn sát vĩ đại nhất trong lịch sử thành văn của nhân loại, một hình thức nhẹ nhàng hơn của dự án “đền thờ trống rỗng” đã xuất hiện trong thế kỷ 20. Chủ nghĩa duy tục nhẹ nhàng hơn này, với bộ máy trí thức thuộc ngành khoa học chính trị chứ không thuộc ngành triết học chính trị, tập chú vào các cơ cấu và diễn trình định chế của dân chủ và thị trường: nếu xếp đặt đúng các cơ cấu này, nghĩa là nếu các quyền được tách biệt và cân bằng, nếu thị trường được thiết kế nhằm hiệu quả tối đa, thì người ta chỉ còn cần phải tra chìa khóa vào bộ đánh lửa và để chính trị và kinh tế tự chạy lấy một mình.

Dưới cả hai hình thức nặng và nhẹ trên, dự án duy tục đều sai lầm cả. Trước hết, nó quên mất sự thật sâu sắc này là: cần phải có loại người nào đó, biết sống một số nhân đức nào đó, mới khiến cho nền dân chủ và thị trường tự do vận hành được một cách thích đáng. Những người thuộc loại đó không phải bỗng nhiên mà có được. Họ cần được đào luyện để có được các thói quen trong tâm trong trí, các nhân đức giúp họ khả năng hướng dẫn guồng máy chính trị và kinh tế tự do, sao đó, khiến sản lượng thuần phải là sự triển nở nhân bản và thăng tiến ích chung. Không thể có sự đào luyện về các nhân đức của tự do ấy trong ngôi đền trống rỗng được.

Điều mà ngôi đền trống rỗng trên thực sự sản xuất được đã hé lộ vào cuối mùa hè năm ngoái tại Anh Quốc, khi nhiều nhóm thanh thiếu niên hoang dại hung hăng rảo khắp từ thành phố này qua thành phố nọ trong một cuộc bề hội đồng đầy buông thả, trộm cướp và phá phách. Sự thật đứng đàng sau tất cả những chuyện ấy đã được chi tiết hóa một cách hùng hồn bởi Ngài Jonathan Sacks, chủ giáo trưởng của Các Cộng Đoàn Do Thái Thống Nhất Trong Khối Thịnh Vượng Chung. Ông viết như sau trên tờ Wall Street Journal:

Đây là vụ vỡ đê có tiềm năng rắc rối lớn đã được âm ỉ nhiều năm qua. Việc xụp đổ gia đình và cộng đồng đã để lại phía sau chúng những người trẻ thiếu xã hội hóa… [họ vốn là sản phẩm của] cơn sóng thần mơ tưởng từng đánh vào khắp Phương Tây, một mơ tưởng cho rằng bạn có thể làm tình mà không cần thứ trách nhiệm của hôn nhân, có con mà không cần thứ trách nhiệm làm cha mẹ, trật tự xã hội mà không cần thứ trách nhiệm làm công dân, tự do mà không cần thứ trách nhiệm của luân lý, và tự hào mà không cần thứ trách nhiệm phải làm việc và có lợi tức.

Việc các quốc gia dân chủ không có khả năng đưa ra các quyết định hợp lý trước thảm họa tài chánh đang kéo tới cho ta thoáng thấy các hiệu quả của ngôi đền trống rỗng và việc nó không có khả năng dưỡng dục và đào luyện những người đàn ông và đàn bà có các nhân đức dân chủ, tức thành các công dân có khả năng đối với trách nhiệm luân lý và kinh tế trong cả đời sống bản thân lẫn đời sống công cộng. Bất kể địa điểm là Athens, hay Madison, Wisconsin, Piazza Venezia ở Rome hay McPherson Square ở Washington, vấn đề luân lý nằm ở phía dưới vẫn như nhau: những người lớn nào quen nội tâm hóa cảm thức hưởng lợi (entitlement) đều hoàn toàn cắt đứt với cảm thức trách nhiệm. Và một lần nữa, lại chính Ngài Sacks đã nối liền các chấm chấm ở đây khi ông cho rằng cuộc băng hoại luân lý ở Phương Tây, tức mưu toan xây dựng một nền văn minh tự cắt đứt với các chân lý sâu sắc vốn làm nền tảng cho nó, tất yếu sẽ có hệ luận kinh tế và tài chánh không thể nào tránh được: “Điều xẩy ra về luân lý tại Phương Tây cũng là điều xẩy ra về tài chánh… [khi] người ta được thuyết phục để tin rằng bạn có thể chi tiêu nhiều hơn là kiếm được, mang nợ ở mức vô tiền khoáng hậu, và tiêu thụ tài nguyên của thế giới không cần nghĩ đến việc ai phải trả chi phí và trả lúc nào”. Các hiện tượng nối kết như “chi tiêu vốn liếng tinh thần của ta một cách ẩu tả như chi tiêu vốn liếng tài chánh của mình”, theo Sacks, chính là hiệu quả tất yếu của “nền văn hóa ăn trưa miễn phí trong một thế giới không hề có những bữa trưa miễn phí”.

Hiện nay, người ta có thể tìm thấy các điển hình trầm trọng nhất của cơn bệnh luân lý và văn hóa đang xâm thực các điều sinh tử của các chế độ dân chủ Phương Tây tại những nơi như Hy Lạp và Ý Đại Lợi. Tại những nơi đó, sự phi lý công cộng và sự vô trách nhiệm chính trị đã khiến hệ thống dân chủ ra què quặt đến độ dưới sức ép của cơn khủng hoảng nợ như chúa chổm, các diễn trình bình thường trong việc cai trị dân chủ, trong mấy tháng gần đây, đã bị thay thế bởi các nhóm ưu quyền kỹ thuật trị, vận hành dưới nước bóng dân chủ rất mỏng manh.

Nhưng người Hoa Kỳ sẽ lầm lẫn lớn nếu họ không nhận ra các hiệu quả của ngôi đền trống rỗng ngay trên xứ sở họ. Những hiệu quả này sẽ hiện rõ khi ta ghi nhận sự thiếu vắng rõ rệt các khuôn mặt can đảm trong nền chính trị của ta; khi bước vào công vụ chỉ còn chủ yếu là phóng chiếu cái tôi và niềm tự hào bản thân; khi việc thô lỗ trao đổi các hình dung từ đã thay thế cho việc nghiêm chỉnh đương đầu với các vấn đề; khi các vấn đề phức tạp bị thu nhỏ lại chỉ còn là những bíp âm thanh vì cuộc thoại thanh (talk-radio) cần phải được tiếp tục; khi việc sợ rủi ro chính trị ngắn hạn dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng dài hạn; khi tình liên đới liên thế hệ bị vứt bỏ nhân danh thoả mãn tức thời; khi câu hỏi trở thành “Tôi có thể lợi dụng được gì ở nhà nước (và kho bạc của nó)?” chứ không phải “Tôi có thể đóng góp được gì cho ích chung?”

Điều được các triệu chứng trục trặc dân chủ trên gợi ý là: ngôi đền trống rỗng của dự án duy tục, thực sự, không hoàn toàn trống rỗng. Vì dù quả thực chủ nghĩa nhân bản vô thần của thế kỷ 19, chủ nghĩa duy chức năng dân chủ và chủ nghĩa thả lỏng kinh tế của thế kỷ 20 đã làm cạn khá nhiều năng lực tinh thần của cả nền chính trị tự do lẫn nền kinh tế tự do, ngôi đền tại giữa lòng văn minh Tây Phương đã trở thành đền thờ cho một hình thức tôn thờ mới: tôn thờ Cái Tôi tự lập coi mình như hoàng đế, mà năm 1992, 3 thẩm phán của Toà Tối Cao Hoa Kỳ vốn cổ võ và tuyên xưng là “quyền được tự định nghĩa lấy quan niệm của mình về hiện hữu, về ý nghĩa, về vũ trụ và về mầu nhiệm của nhân sinh”. Sự tôn thờ lầm lẫn Cái Tôi này, tôn thờ điều không đáng tôn thờ, đã dẫn người ta tới chỗ làm suy yếu các gân cốt tinh thần của nền văn hóa dân chủ: tức cam kết đối với lý trí và nói sự thật trong tranh luận; can đảm nhìn thẳng vào các sự kiện khó khăn; sẵn sàng nhìn nhận rằng người khác có điều gì đó để dạy ta; có khả năng phân biệt được một bên là thoả hiệp khôn ngoan một bên là bãi bỏ nguyên tắc; chính ý niệm ích chung, một ý niệm luôn đòi phải hy sinh bản thân.

Nếu “chữ viết tay trên tường” muốn nói với ta rằng dự án duy tục đã cáo chung, thì một trong các bài học của phán quyết ấy có thể tóm tắt như thế này: Dù hiển nhiên có những vấn đề trục trặc nghiêm trọng đối với việc cai trị các định chế của Phương Tây ở đầu thế kỷ 21, thì thiếu sót lớn nhất mà các nền dân chủ Phương Tây hiện phải chịu chính là sự thiếu sót của nền văn hóa dân chủ. Và nguyên nhân đệ nhất đẳng của sự thiếu sót này chính là việc tiêu phí hoang đàng vốn liếng luân lý và văn hóa từng được bồi đắp tại Phương Tây dưới ảnh hưởng của tôn giáo Thánh Kinh.

Điều ta gọi là “Phương Tây”, và các hình thức rõ nét của sinh hoạt chính trị và kinh tế do nó đẻ ra, không phải ngẫu nhiên mà có. Những hình thức rõ nét về chính trị và kinh tế, tức nền dân chủ và nền kinh tế, không duy nhất là sản phẩm của Phong Trào Ánh Sáng ở lục địa Âu Châu. Không, các rễ cái sâu xa nhất của nền văn minh Phương Tây nằm ở mảnh đất văn hóa được nuôi dưỡng nhờ hành động qua lại giữa Giêrusalem, Athens và Rôma: Đó là tôn giáo Thánh Kinh mà từ đó, Phương Tây học được ý niệm lịch sử như hành trình có mục tiêu hướng về tương lai, chứ không phải là điều gì khốn phúc hết cái này đến cái khác; đó là lý tính Hy Lạp từng dạy cho Phương Tây thấy rằng có những sự thật nằm sẵn trong thế giới và trong ta, và ta có thể truy cập các sự thật ấy nhờ nghệ thuật lý trí; và đó là nền luật học Rôma từng dạy Phương Tây biết tính thượng tôn của pháp luật chứ không cai trị bằng bạo lực thô lỗ và nguyên tuyền cưỡng chế.

Ba trụ cột của Phương Tây, Giêrusalem, Athens và Rôma, tất cả đều chủ yếu, và chúng tăng cường lẫn nhau trong một năng động tính văn hóa phức tạp. Thế liên lập hỗ tương giữa Giêrusalem, Athens và Rôma là một bài học khác mà chữ viết tay trên tường của đầu thế kỷ 21 đang dạy cho ta. Thí dụ, nếu bạn vất qua một bên Đấng Thiên Chúa của Thánh Kinh, như đòi hỏi của chủ nghĩa nhân bản vô thần, bạn sẽ gặp hai nan đề nghiêm trọng: một có tính thực nghiệm, một thuộc vấn đề tính khí văn hoá. Về phương diện thực nghiệm, hình như khi Đấng Thiên Chúa của Thánh Kinh bị bỏ đi nhân danh sự chín mùi và giải phóng nhân bản, thì giới răn đầu tiên của Người “Hãy sinh sôi nẩy nở” cũng bị bỏ đi nốt; và lúc đó, ta sẽ bước vào một thứ mùa đông dân số vốn nằm ở tâm điểm cuộc khủng hoảng của nhà nước phúc lợi Âu Châu. Về phương diện văn hóa, bỏ Đấng Thiên Chúa của Thánh Kinh là bắt đầu mất niềm tin vào lý trí. Vì, như chủ nghĩa hậu hiện đại từng chứng minh, khi lý trí bị tách rời khỏi niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã ghi khắc lý trí thần thiêng lên thế giới, do đó khiến sáng thế trở thành khả niệm nhờ Logos, Ngôi Lời, thì lý trí sẽ lộn ngược đầu. Lúc ấy, chủ nghĩa hoài nghi triệt để về khả năng con người không biết được bất cứ điều gì một cách rõ ràng sẽ đẻ ra nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa hư vô chua chát. Thế rồi, đến lượt chúng, sự pha chế giết người giữa chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa hư vô sẽ phát sinh ra chủ nghĩa tương đối luân lý và sự tha hóa của việc thượng tôn pháp luật, khi chủ nghĩa tương đối được quyền lực áp chế của nhà nước áp đặt lên mọi người trong xã hội.

Dựa vào gợi ý của nhà triết học hết lời ca tụng nghịch lý là Richard Rorty, Robert Kraynak của Đại Học Colgate đã gọn gàng mô tả hiệu quả thuần của tất cả các điều trên là “chủ nghĩa vô thần tự do ăn chực” (freeloading atheism): giống các quan quyền, vợ và nàng hầu của Belshazzar, những người do đền thờ trống rỗng và tín ngưỡng Cái Tôi hoàng đế tự lập đào tạo đang hoang đàng uống từ các đồ đựng thánh, tự do ăn chực các sự thật luân lý mà chính họ không thừa nhận (đôi khi còn khinh miệt nữa), nhưng đó là những điều chủ yếu để duy trì dân chủ và nền kinh tế tự do, mà chính những người ăn chực cũng cho là mình tôn trọng. Nhưng, như Ngài Sacks đã nhấn mạnh vào mùa hè năm ngoái, cảnh vui chơi ấy đã hết thời rồi.

Trình thuật trống rỗng

Nếu cái chết của dự án duy tục là một sự thật được “chữ viết tay trên tường” dạy ta vào thời này, thì cái chết có liên hệ của chủ nghĩa hậu hiện đại cũng thế, một cái chết gây ra bởi việc triệt để cắt rời giữa “trình thuật” và thực tại. Trong những năm gần đây, ý niệm “trình thuật” (điều đã đẻ ra từ ngữ mới đầy khiếp đảm là “trình thuật hóa”, narrativizing) đã lan tràn khắp nơi trong ngữ vựng công cộng của Hoa Kỳ. “Thay đổi trình thuật” là để có được lợi thế chính trị; “trình thuật hoá”một vấn đề cách mới mẻ được hiểu là cách để giải quyết vấn đề ấy. Ây thế nhưng “thay đổi trình thuật” không thể thay đổi được thực tại, và cột neo sinh hoạt công của ta vào “trình thuật” thay vì đúng hơn phải cột nó vào thực tại là làm cho các nhận thức của ta về thực tại méo mó đến độ cuối cùng sẽ giống như Bà Hoàng Trắng trong truyện Alice Trong Xứ Kỳ Diệu tin những chuyện không thể có trước bữa sáng, bữa trưa và bữa tối.

Điều này đã trở nên rõ ràng một cách đau buồn ở Âu Châu, nơi “trình thuật” công về thời kỳ Thế Chiến II, nhất là về thời hậu Chiến Tranh Lạnh, đã trở thành câu truyện về việc tạo ra một cộng đồng gồm các nền dân chủ xã hội sống hài hòa trong một thế giới không tranh chấp. Cái “trình thuật” có tính ma túy và rù quyến ấy đã chát chúa đụng độ với thực tại trong mấy năm qua, nhất là trong năm ngoái. Nó chát chúa đụng độ với các hậu quả của một thực tại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử con người: việc giảm dân số có hệ thống trên qui mô lớn qua việc cố ý và tự ý vô sinh sản. Việc vô sinh sản này, ngược lại, đã dọn đường cho cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay của Âu Châu và cuộc khủng hoảng của nhà nước phúc lợi Âu Châu hiện đại. Vì sự kiện đơn giản, sự kiện mà không “trình thuật” nào có thể thay đổi, là: Âu Châu không có đủ con số công nhân đóng thuế để duy trì các nhà nước an sinh xã hội mà nó đã đẻ ra. Như thể điều đó chưa đủ tệ hại, “trình thuật” về Âu Châu hậu Chiến Tranh Lạnh cũng chát chúa đụng độ với thực tại trong đó các công dân được nuông chiều và tự dễ dãi với chính mình không có năng xuất đủ để cung cấp nổi mức sống tiêu chuẩn được các chính khách của họ hứa hẹn, những hứa hẹn vốn cũng là điển hình “trình thuật” sai nữa.

Khả năng của “trình thuật” sai làm méo mó nhận thức của ta về thực tại cũng khá hiển nhiên trong chủ trương cho rằng Trung Hoa sẽ tất yếu trở thành cường quốc thống trị thế giới. Cái thứ mị Trung Hoa ấy thực ra có một âm hưởng Đông Phương khá quen thuộc. Hai mươi năm trước đây, ứng viên hàng đầu dành tước hiệu bá quyền hậu Hoa Kỳ này là Nhật Bản, và trình thuật mở rộng về tính tất yếu của thế thượng phong Nhật được vẽ vời trong những cuốn sách bán chạy nhất đại loại như Japan as Number One (của Ezra Vogel). Tuy nhiên, ngày nay, Nhật Bản đang phải kinh qua một thời kỳ trì trệ kinh tế kéo dài, gia trọng thêm bởi nạn giảm thiểu dân số thảm hại vô phương cứu chữa khiến cho chính sự sinh tồn của quốc gia bị đặt thành nghi vấn lâu dài. Bây giờ, nước Á Châu dành quyền lãnh đạo xã hội trong thế giới hậu Hoa Kỳ đến lượt Trung Hoa. Ấy thế nhưng cả trình thuật này nữa, cũng chát chúa đụng độ với thực tại dân số: do chính sách một con của mình, Trung Hoa sẽ già trước khi trở thành giầu có, với dân số giảm thiểu sau năm 2020 và già nua theo đà sẽ làm cho nó không hỗ trợ đủ cho số lượng cán bộ về hưu mỗi ngày một gia tăng của nó. Hơn nữa, như Max Boot từng viết “Trung Hoa cũng phải đương đầu với tình trạng bất hợp lệ của chính phủ không do dân cử của họ, việc nó thiếu một xã hội dân chính, thối nát cùng khắp, tàn phá môi sinh, và ít tài nguyên thiên nhiên”. Đó là các sự kiện; đó là thực tại. Ấy thế nhưng cái “trình thuật” về một Trung Hoa dẫn đầu thế giới trong tương lai đã trở nên quá quen thuộc đến nỗi các sự kiện trên không dính vào đầu óc ai ngoài một số nhỏ những kẻ hoài nghi.

Thế rồi, còn có sự thiệt hại do việc dùng “trình thuật” thay thế cho thực tại ngay tại Hoa Kỳ gây ra nữa, đối với chính phủ Obama, đối với sự lành mạnh tổng quát của các tranh biện công, và đối với an ninh quốc gia. Một cách hiển nhiên, chính phủ đang say sưa với các thành quả của việc “trình thuật hóa” từng tạo ra những kỳ công trong mùa bầu cử 2008 khiến nó tưởng tượng rằng “trình thuật” chính là chủ điểm của cai trị. Như chính tổng thống đã nói trong cuộc phỏng vấn hồi mùa hè năm ngoái, khi suy nghĩ về điều ông có thể làm khác đi “… càng ở lâu trong chức vụ này, bạn càng phải nói với chính mình rằng kể truyện cho nhân dân Hoa Kỳ cũng quan trọng như các chính sách thực sự mà bạn đang thực thi”. Các vị tổng thống chắc chắn sẽ nghiêm chỉnh xét tới điều bị Tổng Thống Bush thứ nhất bác bỏ, hình như với nỗi hối tiếc, là “viễn tượng viển vông” (vision thing). Nhưng đối với một tổng thống lý luận rằng điều quan trọng căn bản trong thuật cai trị là kể truyện thì, ít nhất, cũng là một dấu chỉ đáng lưu ý cho thấy Tổng Thống Obama đã chịu ảnh hưởng xiết bao bởi cái ống thoát khói của chủ nghĩa hậu hiện đại.

Dĩ nhiên, điều khó là các ý niệm, ngay cả các ý niệm xấu, cũng có hậu quả. Các hậu quả của việc dấn thân theo “trình thuật” này nơi chính phủ chắc chắn đã làm méo mó thực tại đối nội và làm cho việc giải quyết nghiêm chỉnh các vấn đề trở nên khó khăn hơn nhiều. Chúng cũng đặt quốc gia, và thế giới, vào nguy cơ lớn hơn.

Trong lãnh vực ngoại giao, tương đương với cam kết của chính phủ Obama trong việc thay đổi trình thuật vốn là quan niệm về một “cam kết mới” như thể thay đổi chính sách tuyên bố và bớt cương quyết hơn đối với các quốc gia “khó bảo” cũng như các vấn đề khó giải quyết sẽ tự chúng thay đổi được các vấn đề, có khi còn giải quyết được chúng. Thực tế đâu phải vậy.

Ba năm kể từ lúc viết lại trình thuật với Nga và Trung Hoa về việc “tái cam kết”, cả hai thành viên có quyền biểu quyết này trong Hội Đồng An Ninh L.H.Q. đều tiếp tục ngăn cản Hoa Kỳ và các nước khác không được kìm hãm hoài bão hạch nhân của Iran, những hoài bão, nếu được thực hiện, sẽ đặt ra một đe dọa sinh tồn cho Israel (và có lẽ cho một số nước Ả Rập khác) đồng thời tạo khả năng cho chủ nghĩa khủng bố chết người trên qui mô hoàn cầu chưa từng thấy.

Ba năm kể từ khi chính phủ “vặn lại kim” (reset) với Nga, việc bắt nạt của Vladimir Putin trong khu vực “ngoại quốc gần kề” của Nga vẫn mỗi ngày một được tăng cường; chủ nghĩa toàn trị vẫn tiếp tục gia tăng ngay tại Nga; và Nga vẫn cung cấp viện trợ cho các chế độ chống Hoa Kỳ như Bashar al-Assad tại Syria và Hugo Chávez ở Venezuela. Trong khi đó, “vặn lại kim” với Nga, hay “thay đổi trình thuật”, đã dẫn tới việc phản bội các đồng minh Ba Lan và Tiệp của Hoa Kỳ trong vấn đề phòng vệ hỏa tiễn. Sự phản bội này, ngược lại, đã khuyến khích chế độ Putin tăng gấp đôi sự phản đối điên cuồng của họ đối với việc khai triển tại Âu Châu các phương tiện phòng vệ hoả tiễn của Hoa Kỳ, vốn không một chút đe dọa nào đối với Nga.

Rồi còn Iran nữa. Tại đây, việc thay đổi trình thuật được bắt đầu với lời xin lỗi vì hành động của Hoa Kỳ mãi nửa thế kỷ trước, được tiếp tục với các cuộc thương thảo không đưa lại bất cứ kết quả trông thấy nào, và xuống tới điểm tinh thần thấp nhất khi chính phủ phớt lờ sự bất mãn của dân đối với chế độ của các mullahs (giáo sĩ Hồi Giáo) và thực tế loại bỏ khả thể nhân dân Iran có thể lật đổ sự cai trị của các giáo sĩ này và của Vệ Binh Cách mạng Iran. Vì việc thay đổi trình thuật này, Iran tiếp tục là nhà nước hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố, và vì thế, người Hoa Kỳ tiếp tục bị giết ở Iraq và Afghanistan; Iran tiếp tục khua kiếm ở Mũi Hormuz và đảm nhiệm các âm mưu ám sát ngay tại Hoa Thịnh Đốn; chương trình hạch nhân của Iran cứ tiến đều. Trong khi ấy, cố gắng thay đổi “trình thuật” trong việc Hoa Kỳ đối xử với Iran thường che mắt công chúng để họ không nhìn ra thực tại của tình thế. Thực tại đó là thay đổi chế độ tại Iran là con đường duy nhất để tái hội nhập Iran vào cộng đồng các nứơc có trách nhiệm.

Thay đổi “trình thuật” không thể thay đổi được thực tại. Nhưng các trình thuật sai lạc có thể làm nhận thức thực tại của ta ra méo mó đến độ sự vật trở thành tệ hại hơn. Và thực tại trở nên tệ hại này có thể, và thực tế đã, đã làm cho các vấn đề trở nên nguy hiểm hơn. Đó cũng là một phần của “chữ viết tay trên tường” trong năm bầu cử này.

Một Đanien hiện đại

Tuy nhiên, trong chương năm của Sách Đanien, “chữ viết tay trên tường” nói một cách bí ẩn về sự kết liễu sắp đến của chế độ Belsahzzar. Chúng tôi không có ý cho rằng “chữ viết tay trên tường” ở đầu thế kỷ 21 này tiên báo về sự kết liễu của Phương Tây hay của Hoa Kỳ. Giống giáo trưởng Sacks, thiển nghĩ ta nên nhìn trở lui lịch sử, để thấy rằng những khoảnh khắc tan rã về xã hội thường được tiếp nối bằng các thời kỳ biến đổi văn hóa mau lẹ và thay đổi xã hội to lớn. Trong bài đăng trên tờ Wall Street Journal của mình, giáo trưởng Sacks trích dẫn sự thay đổi mau lẹ của một Nước Anh kỹ nghệ buổi đầu dưới ảnh hưởng cuộc cách mạng Wesley, là cuộc cách mạng, trong hai thế hệ, đã biến đổi xã hội Anh một cách tích cực. Gần thời ta hơn, ta có thể nhớ tới sự biến đổi của văn hóa, xã hội và luật pháp của Hoa Kỳ do phong trào dân quyền cổ điển tạo ra, một cuộc cách mạng thay đổi xã hội nữa do người của giáo hội lãnh đạo và xây dựng trên niềm tin Thánh Kinh.

Tuy nhiên, bất cứ cuộc cách mạng nào như thế trong thế kỷ 21 cũng sẽ phải đương đầu với các chất axít xã hội có tính xói mòn y như rượu gin rẻ tiền của London thời Dickens và chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ. Nó sẽ phải đương đầu với những bồi đắp trí thức của hai thế kỷ trước từng đặt Cái Tôi hoàng đế toàn quyền tự lập lên làm tâm điểm cho dự án văn minh Phương Tây, trong khi thu gọn dân chủ và kinh tế tự do lại, chỉ còn là các vấn đề cơ động học. Ai sẽ là một Đanien có khả năng đọc ‘chữ viết tay trên tường” này và chỉ ra con đường, không phải để triệt hạ nền dân chủ Phương Tây, mà để canh tân luân lý và văn hóa, và nhờ thế biến đổi được chính trị?

Ứng viên có thể dành được vai trò tiên tri ấy chính là Vị Giám Mục Rôma, người đã tạo ra ngôi vị giáo hoàng thời hiện đại, tức Đức GH Lêô XIII. Sinh năm 1810 trong một gia đình quí tộc Ý và được bầu làm giáo hoàng năm 1878, được coi như một người tạm nắm quyền giáo hoàng (caretaker), nhưng thực sự đã chỉ qua đời năm 1903 sau một triều giáo hoàng được coi là dài thứ hai trong lịch sử. Vincenzo Gioacchim Pecci lên ngôi giáo hoàng vào một trong những thời điểm thấp nhất tính về vận may lịch sử của chức vụ cổ kính này. Dựa vào việc xụp đổ của Các Lãnh Thổ Giáo Hoàng vào năm 1870 và vào việc giáo hoàng rút vào bóng tối trong thân phận “người tù thành Vatican”, những người tai to mặt lớn của Âu Châu nghĩ rằng ngôi vị giáo hoàng và Giáo Hội nói chung chỉ còn là một lực lượng kiệt mòn xét theo lịch sử thế giới. Ấy thế mà chỉ một phần tư thế kỷ sau, Đức Lêô XIII sẽ chứng minh cho các chính khách thấy ngài là một “giáo hoàng ranh mãnh nhất (wiliest) trong các thế kỷ”, nói theo kiểu Russell Hittinger, như thế nào.

Nói cho sát hơn vào mục tiêu ở đây, Đức Lêô XIII, cũng theo lời Giáo Sư Hittinger, là người bị ám ảnh bởi “ý muốn khôn nguôi muốn chẩn đoán các đột xuất lịch sử dưới ánh sáng các nguyên lý đầu hết”. Theo nghĩa đó, ngài thuộc loại trí thức công cộng. Giống các vị kế nhiệm ngài trong thế kỷ 20 và 21, ngài cũng tin vào việc đọc “các dấu chỉ thời đại”. Nhưng không giống các người duy tục triệt để của thời ngài và thời ta, Đức Lêô XIII tin vào việc đọc các dấu chỉ thời đại qua lăng kính của đức tin và lý trí. Ngày nay, người ta nhớ nhiều nhất tới đam mê của ngài trong việc hiểu được các thác ngầm của lịch sử nhờ một lý trí được thông tri bởi tầm nhìn của Thánh Kinh về con người nhân bản và các cộng đồng nhân bản, vì chính nỗi đam mê này đã phát động được học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Ấy thế nhưng Đức Lêô XIII, người đã tháo gỡ Giáo Hội ở Âu Châu thoát khỏi gọng kìm quá cứng cỏi về Tin Mừng của các chế độ cũ, cũng lại là người phân tích sắc sảo các căn bệnh của lịch sử hiện đại. Chính khía cạnh tư duy và giáo huấn ấy đã biến ngài thành một Đanien khả hữu cho thời đại ta, có khả năng giúp ta đọc được “chữ viết tay trên tường” trong khi những người ngoại đạo ăn chực của thời hiện đại tiếp tục ăn uống vui đùa.

Cuộc phân tích của Đức Lêô về nền chính trị hiện đại có thể được tóm tắt trong mấy chữ này: no telos, không có công lý. Bạn cũng có thể nói: không có siêu hình, không có luân lý. Còn nói theo thuật ngữ triết học, bạn có thể bảo: không đặt cơ sở cho chính trị và kinh tế trên các sự thật sâu sắc của phận làm người, không có xã hội nào thích đáng cho những con người nhân bản.

Điều ta gọi là “ngôi đền trống rỗng” giữa lòng chính trị hiện đại thì được Đức Lêô coi là kết quả của cuộc cách mạng ồ ạt trong sinh hoạt trí thức Âu Châu, trong đó, siêu hình đã bị đẩy ra ngoài tâm điểm suy tư, suy tư về suy tư đã thay thế cho suy tư về chân lý, và việc cai trị, do đó, đã thất bại xét theo các nguyên tắc đầu hết của công lý. Khoa học, thứ đã thay thế siêu hình như là khoa trí thức quan trọng nhất, hết còn khả năng cung ứng các câu trả lời cho vấn nạn luân lý mà trong truyền thống Phương Tây, nền chính trị nào cũng phải bắt đầu với: Ta phải sống với nhau cách nào? Tệ hơn nữa, khi khoa học bước ra ngoài biên giới chuyên môn của mình và thử nhúng tay vào các vấn đề xã hội và chính trị, nó đã tạo ra những con quỉ mới, như chủ nghĩa Darwin Xã Hội chẳng hạn. Chủ nghĩa này tỏ ra giết người một cách đáng ngạc nhiên khi nó lên khuôn cho tính khí quốc gia khiến xẩy ra những vụ tàn sát ghê gớm hồi Thế Chiến I.

Đức Lêô cố gắng lấp đầy ngôi đền trống giữa lòng chính trị hiện đại bằng lý trí và những sự thật luân lý mà lý trí này có thể biện phân được. Dĩ nhiên, đó là thứ lý trí dược niềm tin Thánh Kinh và học thuyết Kitô Giáo thông tri. Nhưng cái thiên tài trí thức công cộng của Đức Lêô hệ ở điểm này: ngài tìm được một bộ từ vựng để có thể đề cập tới các vấn đề xã hội, chính trị và kinh tế của thời ngài và cả của thời ta nữa mà vẫn có tính đại kết chân thực và mọi người đều có thể truy cập được. Đó là thứ từ vựng của lý trí công cộng, rút ra từ luật luân lý tự nhiên vốn được ghi khắc trong thế giới và trong chính ta. Trong thông điệp ngỏ với nền chính trị hiện đại, tựa là Immortale Dei, công bố năm 1885, Đức Lêô viết rằng: “cha mẹ và người giám hộ tốt nhất của tự do nơi con người chính là sự thật”. Không như các Phôngxiô Philatô hậu hiện đại, những người vốn nghĩ rằng câu hỏi hợm hĩnh “Sự thật là gì?” có thể kết thúc được mọi tranh luận, Đức Lêô cho rằng câu hỏi này, khi được hỏi một cách không hợm hĩnh nhưng nhằm tìm hiểu một cách chân thực, chính là khởi đầu cho một cố gắng nghiêm chỉnh hơn nhằm tìm hiểu “ta phải sống với nhau ra sao?”

Xu hướng tổng quát đối với vấn đề này của nền chính trị hiện đại dẫn Đức Lêô tới chỗ đặt ra một thách thức văn hóa cho sinh hoạt công của các chế độ hậu cổ thời tại Tây Phương: đó là thách thức phải suy nghĩ sâu sắc hơn về luật pháp, về bản chất tự do, về xã hội dân chính và mối tương quan của nó với nhà nước, và về các giới hạn của quyền lực nhà nước.

Quan niệm của Đức Lêô về luật pháp, vốn được rút tỉa từ Thánh Tôma Aquinô, đã thách thức chủ nghĩa duy nghiệm luật pháp của thời ngài và của thời ta, theo đó, luật lệ là điều nó nói về chính nó, chỉ có thế. Trên một bình diện hết sức thô thiển, điều đó có thể đúng. Nhưng một thứ duy nghiệm như thế (chịu ảnh hưởng bởi khuynh hướng hiện đại coi luật lệ dân chính tương tự như các “luật lệ” tự nhiên) thực ra đã lấy hết nội dung luân lý của luật pháp, cắt đứt nó khỏi lý trí, và đối xử với nó chỉ như biểu thức của ý muốn bướng bỉnh của con người. Đức Lêô thách thức nền chính trị hiện đại vươn tới một quan niệm cao quí hơn về luật pháp, được Russell Hittinger tóm lược là “giới luật có tính trói buộc của lý trí, được thế giá có năng quyền công bố thành ích chung”. Như thế, luật pháp không còn chỉ là cưỡng chế nữa, mà còn là lệnh truyền có thẩm quyền đặt cơ sở trên lý trí. Luật pháp chân thực là luật pháp phản ảnh phán đoán luân lý, và sức mạnh của nó phát xuất từ tính thuyết phục luân lý của chính nó. Luật pháp nại tới lương tâm, không nại tới sợ sệt.

Hiểu luật pháp như thế, người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Đức Lêô thách thức nền chính trị hiện đại vươn tới một quan niệm cao quí hơn về tự do. Theo chân Thánh Tôma Aquinô hơn là theo chân Ockham (người đầu tiên thời đầu hiện đại đã bóp méo ý niệm tự do), Đức Lêô XIII nhấn mạnh rằng tự do không phải là ý thích nguyên tuyền của con người. Đúng hơn, như vị kế nhiệm cũa ngài là Gioan Phaolô II từng phát biểu, tự do là khả năng của con người biết điều gì là tốt thật, biết tự do chọn điều đó, và thực hành nó như một thói quen, một nhân đức. Theo đường hướng suy nghĩ này, có một tài năng về tự do lớn lên trong ta. Ta sẽ làm diễn trình lớn lên này chết yểu nếu cứ nằng nặc nghĩ như nền văn hóa Cái Tôi hoàng đế đầy tự quyền kia rằng tự do của tôi hệ ở việc được làm điều tôi muốn làm, ngay trong lúc này.

Sự thách thức của Đức Lêô XIII đối với nền chính trị hiện đại cũng là sự thách thức đối với năng quyền tuyệt đối của nhà nước. Ngài là người dấn thân bênh vực điều ta có thể gọi là “xã hội dân chính”, còn thời ngài thì người ta gọi là “các hiệp hội tự nguyện tư”. Theo Đức Lêô XIII, cộng đồng chính trị gồm nhiều hiệp hội có cấu trúc phong phú, mà nhà nước chỉ là một trong số ấy, dù là một hiệp hội quan trọng. Các hiệp hội tự do, tự nguyện tham gia này, gồm từ những hiệp hội đơn giản nhất là gia đình tới các hiệp hội phức tạp hơn như thương nghiệp, nghiệp đoàn, các nhóm dân sự và tôn giáo, không phải chỉ là các rào cản chống lại cánh tay vươn dài của quyền lực nhà nước; tự chúng, chúng còn là các thiện ích, là các cộng đồng nói lên các hình thức khác nhau của tình bạn và tình liên đới nhân bản. Như thế, nhà nước công chính sẽ hết lòng bảo vệ các xã hội này; chúng đóng góp vào ích chung một cách độc đáo, ít nhất cũng đào luyện được các thói quen trong tâm trí con người giúp họ vốn chỉ muốn lợi cho bản thân thành những công dân tốt.

Mặt khác, Đức Lêô còn cho rằng: không được coi trách nhiệm của nhà nước trong việc dùng pháp luật bảo vệ việc vận hành của các hiệp hội tự do trên là chuyện ban bố kiểu xin cho, do lòng hảo tâm (nobless oblige) của chính phủ. Trách nhiệm đó cũng là chất liệu của các nguyên lý đầu hết: ở đây, đó chính là nguyên lý về một nhà nước có giới hạn, bị pháp luật cai trị. Nhà nước nào biết thừa nhận rằng có những hiệp hội nhân bản có trước cả nhà nước, không hẳn theo nghĩa niên biểu lịch sử mà theo nghĩa các sự thật sâu sắc của phận người, cũng là nhà nước biết chân nhận các cột mốc ranh giới của chính năng quyền của mình, và do đó, các giới hạn cho cánh tay vươn dài hợp pháp của mình.

Trong thông điệp xã hội thứ nhất của ngài, tức Rerum Novarum, công bố năm 1891, Đức Lêô XIII đã viết một cách đầy tiên tri về nhiều cuộc tranh biện của thời ta; ngài cũng dự ứng nhiều cuộc tranh cãi hiện đang thúc đẩy người ta đưa ra nhiều luận điểm rất đa dạng như câu định nghĩa về hôn nhân, cánh tay vươn dài của Ủy Ban Cơ Hội Nhân Dụng Đồng Đều, và quyền ấn định luật lệ của Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản Hoa Kỳ. Hình thức đặc thù của việc tự nguyện lập hội được nói tới trong Rerum Novarum chính là nghiệp đoàn, nhưng nguyên tắc được Đức Lêô chi tiết hóa cũng đúng đối với hệ thống chằng chịt các hiệp hội của xã hội dân chính: “Nhà Nước nên bảo vệ các hiệp hội mà các công dân đã tụ tập lại với nhau phù hợp với các quyền lợi của họ, nhưng Nhà Nước không nên pha mình vào các quan tâm và cách tổ chức của họ, vì các sự việc sở dĩ vận hành và sống còn được là nhờ tinh thần từng gợi hứng cho họ, và cái tinh thần đó dám bị giết chết do bàn tay thô bạo từ bên ngoài”.

Giêrusalem, Athens, Rôma và Hoa Thịnh Đốn

Trong năm 2012, nhân dân Hoa Kỳ sẽ đương đầu với nhiều câu hỏi liên quan đến việc điều gì có thể giúp người ta xác định đúng được cuộc tuyển cử quốc gia, không như các năm 1800, 1828, 1860, 1932, và 1980, với những hậu quả có thể có của nó. Liệu Hiệp Chúng Quốc có tiếp tục “lãnh đạo từ phía sau” trong các vấn đề quốc tế, như chính phủ Obama từng mô tả chiến lược của mình, hay nó sẽ tái đảm nhiệm thế đứng của nó như một quốc gia không thể thiếu “ở trọng điểm” lúc cần phải đương đầu với các đe dọa xẩy đến cho trật tự thế giới? Hiệp Chúng Quốc có theo mô thức xã hội do Tây Âu thời hậu Thế Chiến II đưa ra đầu tiên, hay nó sẽ sáng nghĩ ra nhiều cách thế mới để phối hợp được cả cảm thương lẫn công lý, trách nhiệm bản thân, và kỷ luật tài chánh công? Liệu các thách thức của hoàn cầu hóa có được thanh thỏa một cách khiến ta có thể phát triển thay vì giảm thiểu giai cấp trung lưu hay không? Nền tư pháp liên bang có tiếp tục cung cấp sự bảo vệ luật pháp cho dự án duy tục đã hết thời, hay chịu để cho các cơ chế bình thường của nền tự quản dân chủ được thăng tiến một cái hiểu cao quí hơn về tự do, và về chính luật pháp? Tự do tôn giáo có còn là tự do hàng đầu của Hiệp Chúng Quốc này, hay các cộng đồng tôn giáo bị đẩy xa hơn ra bên lề sinh hoạt công cộng? Cơ cấu luật pháp của Hoa Kỳ sẽ cổ vũ nền văn hóa sự sống hay nền văn hóa sự chết?

Tất cả các câu hỏi trên đều có tầm quan trọng sâu sắc. Thoạt nhìn, xem ra chúng giống như chiếc kính vạn hoa bị bể đến không bao giờ có thể tự biến mình thành những mẫu, những nối kết có thể nhận ra được. Hay, nói theo hình ảnh ta đã bắt đầu: “chữ viết tay trên tường” xem ra không ai giải mã được. Ấy thế nhưng, lấy sự phân tích sắc bén của Đức Lêô XIII về nền chính trị hiện đại làm hướng dẫn, có lẽ ta sẽ giải mã được chữ viết tay ấy và nhận ra ý nghĩa của nó. Trong giờ phút này của lịch sử, “chữ viết tay trên tường” cho ta hay: nền văn hóa chính trị nào bị cắt rời khỏi các sự thật sâu sắc vốn được ghi khắc trong phận người cuối cùng sẽ chỉ sản sinh ra chủ nghĩa vị kỷ và tinh thần vô trách nhiệm không xứng đáng với các công dân dân chủ. “Chữ viết tay trên tường” bảo ta rằng: các nền chính trị dân chủ nào bỏ qua các sự thật sâu sắc này cuối cùng sẽ tự biến thành một thứ độc tài trá hình lộ liễu, thứ độc tài của chủ nghĩa duy tương đối. Và nếu đó là sứ điệp, thì bổn phận của ta cũng đã được tập chú rõ ràng hơn.

Nếu thượng tôn pháp luật, một di sản của Rôma, bị đe dọa nơi ta, không phải chỉ bởi các thanh thiếu Anh nổi loạn, các cuộc xuống đường đầy bạo động, và nỗi sợ không tên, nhưng bởi việc biến luật pháp thành cưỡng chế nhân danh lòng cảm thương không đúng chỗ, thì ta nên hướng về Giêrusaelm và Athens, hướng về cuộc phục hưng hình ảnh Thánh Kinh về con người, để khám phá trở lại nghệ thuật của lý trí, làm phương thế tái thiết các nền móng cho dân chủ. Trong Thánh Vịnh 11, nhà thi sĩ của Thánh Kinh đặt câu hỏi xem những người quan tâm tới công lý sẽ làm gì “nếu các nền móng bị huỷ diệt”? Thiển nghĩ giải đáp đầu tiên cho câu hỏi ấy là tự giải thoát ta khỏi ý niệm coi bánh xe lịch sử chỉ quay có một chiều.

Rồi, sau khi đã lấy lại được cảm thức về khả thể cho hiện tại và mục tiêu cho tương lai, ta có thể bắt đầu tái thiết các nền móng cho nền văn hóa chính trị của xứ sở ta, và của Phương Tây nói chung, bằng việc thâm hậu hóa niềm tin Thánh Kinh và tái khẳng định các đặc quyền của lý trí nhân danh quan niệm cao quí về một nền dân chủ được cai trị bởi luật pháp.

Theo George Weigel, chuyên viên cao cấp của Trung Tâm Đạo Đức Và Chính Sách Công, đăng trên National Affairs, 21/3/2012 (www.nationalaffairs.com
 
Top Stories
Vietnam: La délégation romaine d’enquête sur la sainteté du cardinal Nguyên Van Thuân privée de visa
Eglises d'Asie
09:45 26/03/2012
La délégation romaine chargée de recueillir des témoignages sur la sainteté du cardinal François-Xavier Nguyên Van Thuân en vue de sa canonisation pourra-t-elle venir au Vietnam pour y mener son enquête ? Rien n’est aujourd’hui moins sûr. En tout cas, si ce voyage avait lieu, ce serait en dehors des dates prévues précédemment, à savoir du 23 mars au 7 avril 2012.

Une communication émanant du cardinal Peter Turkson, président du Conseil pontifical ‘Justice et Paix’, parvenue de Rome à l’archevêché de Saigon le 23 mars 2012, date prévue pour l’arrivée de la délégation à Saigon, indiquait que celle-ci n’était toujours pas partie de Rome. Le visa de sortie, déjà en possession des membres de la délégation, leur a été retiré au dernier moment par l’ambassade du Vietnam en Italie (1). Cette nouvelle a d’abord été diffusée par des religieuses, elles-mêmes informées par l’archevêque auxiliaire de Saigon. Un article publié ensuite par le quotidien vietnamien de Californie Nguoi Viêt faisait état de la confirmation de cette nouvelle par un prêtre, professeur au grand séminaire Saint-Joseph de Saigon et chargé de coordonner l’enquête de canonisation sur place.

On peut penser qu’il s’agit là d’un brusque changement de politique du Bureau gouvernemental des Affaires religieuses vietnamien. En effet, au mois de janvier dernier, les quatre ordinaires des diocèses où la délégation devait mener son enquête (Saigon, Huê, Nha Trang, Hanoi) avaient annoncé la visite des prélats romains et le détail de leur programme de travail. Il est très probable qu’ils avaient, à ce moment-là, l’accord du gouvernement (2). Celui-ci n’avait alors fait connaître officiellement aucune réaction négative à ce sujet. Entre temps, la politique religieuse a changé et un général de division, secrétaire d’Etat à l’Intérieur, ancien directeur des Renseignements généraux, a été nommé directeur des Affaires religieuses. On peut penser que c’est lui le responsable de cette inflexion notable dans l’attitude gouvernementale à l’égard du processus de canonisation en cours.

Bien que le gouvernement vietnamien n’ait jamais fait connaître publiquement son opinion sur la canonisation du cardinal détenu durant treize ans dans les camps et prisons du régime, on sait cependant indirectement que l’annonce du procès l’avait mécontenté. Selon des bruits persistants, au cours des sessions du groupe mixte de travail Vietnam-Vatican, qui se sont tenues à Hanoi et à Rome, les représentants du gouvernement vietnamien auraient demandé à leurs interlocuteurs du Saint-Siège que le processus de béatification soit suspendu.

Depuis sa prise de pouvoir au Sud-Vietnam, en avril 1975, le Parti communiste vietnamien s’est efforcé de neutraliser l’influence de l’ancien évêque de Nha Trang, dont l’ouverture d’esprit et le rayonnement personnel attirait à lui les personnes de condition et d’origine les plus diverses. Ses gardiens, eux-mêmes, ne résistait pas cette séduction. La même hostilité le poursuivit lorsqu’il vint à Rome après son séjour en résidence surveillée dans l’archevêché d’Hanoi ; le retour au Vietnam lui fut interdit…

Quelque temps avant la cérémonie de canonisation des 117 martyrs du Vietnam à Rome en 1988, les autorités de la République socialiste du Vietnam s’étaient vivement opposées à cette reconnaissance solennelle de l’héroïsme des victimes de l’ancien pouvoir impérial. C’est l’archevêque de Hanoi, Mgr Trinh Van Can, qui, au nom de la Conférence épiscopale du Vietnam, avait présenté la demande au Saint-Siège, le 16 novembre 1985. A partir de cette date, les autorités ont entamé une campagne visant à rendre impossible ces canonisations en discréditant certains martyrs. A plusieurs reprises, la Conférence épiscopale et son comité permanent furent convoqués auprès des instances politiques. Cette campagne fut menée auprès des laïcs, au sein des diocèses, par les instances du Parti. Divers milieux catholiques, des prêtres, des religieux, des intellectuels furent sollicités pour intervenir auprès de Rome. Enfin, lors des canonisations, sur la place Saint-Pierre à Rome, aucun membre de la hiérarchie, aucun fidèle vivant au Vietnam ne fut autorisé à participer. Seuls les membres de la diaspora vietnamienne purent se déplacèrent à Rome.

(1) VRBS et Vietcatholic News, 23 et 24 mars 2012.
(2) Les communiqués des quatre évêques ont été aussi publiés sur le site de la Conférence épiscopale du Vietnam.

(source: Eglises d'Asie, 26 mars 2012)
 
Pope receives warm welcome in communist Cuba
Simon Gardner /Reuters
16:14 26/03/2012
SANTIAGO DE CUBA, Cuba (Reuters) - Pope Benedict arrived in Cuba on Monday for a three-day visit to showcase improving Church-state relations and push for a larger Church role at a time of change on the communist island.



The pope was warmly greeted in the eastern city of Santiago de Cuba at the steps of his plane by Cuban President Raul Castro, dressed in a dark suit, accompanied by a full Honor Guard and artillery gun salute.



Visiting 14 years after Pope John Paul II's landmark trip to Cuba, Benedict will lead Masses in Santiago and in Havana before flying home on Wednesday.



He comes to Cuba at a time when Church-state relations have warmed after decades of hostility that followed the island's 1959 revolution.



In a brief arrival speech before heading off in the popemobile for a Mass in Santiago's Revolution Square, Benedict recalled the previous papal visit, saying it left "an indelible mark on the soul of all Cubans," whether believers or not.



John Paul's visit "was like a gentle breath of fresh air which gave new strength to the Church in Cuba," the 84-year-old pope said.



The 1998 visit had marked "a new phase" in Church-state relations, "in a spirit of cooperation and trust, even in many areas in which greater progress can and ought to be made, especially as regards the indispensable public contribution that religion is called to make in the life of society."



In his welcoming remarks, Castro delivered a firm political lecture about the injustices of the United States' hostility toward Cuba, and the island's "tenacious resistance" to preserve its independence and "follow its own path."



The two men are due to meet for talks in the capital Havana on Tuesday, after the pope visits the figurine of the Virgin of Charity, Cuba's patron, at a basilica in El Cobre near Santiago.



After years of Church-state hostility following Cuba's 1959 revolution, Castro has used the Church as an interlocutor on issues such as political prisoners and dissidents, while moving forward with reforms to Cuba's struggling Soviet-style economy.



They include slashing a million government jobs and freeing up some sectors to small-scale private enterprise.



Benedict, who visited Mexico over the weekend, will try to cement those gains in Cuba and offer more help from the Church in assuring that whatever transition comes is buffered by its social programs, such as care centers for the elderly and limited after-school and adult education programs.



It has supported Castro's reforms and urged him to move farther and faster in modernizing Cuba, both economically and politically.



Benedict fired an unexpected salvo on Friday when he said communism in Cuba had failed and a new economic model was needed, adding that the Church was willing to offer its help "to avoid traumas."



The Cuban government offered a diplomatic response to the Pope's criticism, saying that Cuba would "listen with all respect" to the Pope and welcomed "the exchange of ideas."



In his arrival remarks on Monday the pope was less direct in his criticism of Cuba's one-party political system, although he did offer some thinly veiled phrases addressing Cuba's hotly debated human rights records.



"I carry in my heart the just aspirations and legitimate desires of all Cubans, wherever they may be," he said, including the "sufferings" of prisoners and their families, a reference likely to be well received by political dissidents on the island as well as Cuban American exiles in the United States.



In a clear effort to balance his remarks, Benedict made an apparent dig at capitalist greed, blaming the global economic crisis on "the ambition and selfishness of certain powers which take little account of the true good of individuals and families."



Cuba was going through a key moment in its history," Benedict said, hinting that with the advancing age of the Castro brothers the island was "already looking to the future."



Echoing the words of Pope John Paul who in 1998 urged Cuba to "open itself up to the world," and "the world to open itself up to Cuba," Benedict also recognized that Cuba was making an effort to "renew and broaden its horizons."



DISSIDENTS



Church officials say Benedict's schedule has not allowed for meetings with dissidents, who say Castro's government flouts human rights and suppresses their voices.



The dissident movement Damas de Blanco, or Ladies in White, a group of Catholic women that campaigns for the release of political prisoners, said it had been told by Cuban authorities to keep clear of the pope's Mass in Santiago.



"They are going to present the pope with a facade, not with the true Cuba," said Ana Celia Rodriguez, a 42-year-old mother of three who is planning to try to attend anyway.



"I really don't expect much change from the pope's visit. He'll see a Cuba that doesn't exist. My message for the pope is that he ought to see how things really are."



More than 70 members of the Ladies in White were detained briefly last week, fueling concerns that the government, which views opponents as mercenaries of the United States, might clamp down to prevent public demonstrations during the pope's stay.



While many Cubans complain about the failings of the socialist economy, not everyone agrees with the Pope's bleak assessment of Cuban communism.



"We're so happy the Pope is coming, it makes us feel as though the world is noticing us," said Alejandro Linares, a 23-year-old university student from the eastern province of Guantanamo, a small image of revolutionary icon Ernesto 'Che' Guevara dangling around his neck.



"We want him to see our Cuba. We want him to see that we live pretty well here and that we want to be socialist, not capitalist."



Earlier on Monday two airplanes arrived in Santiago from Miami carrying 310 mostly Cuban American faithful on a special Church-organized package to attend the papal Masses. The Miami pilgrims brought a message of reconciliation, said the Archbishop of Miami, Thomas Wenski. "It's important that we overcome the resentments and hatred of the past," he said.



(Additional reporting by Jeff Franks and Nelson Acosta; Editing by David Adams and Kieran Murray)

(Source: http://news.yahoo.com/pope-heads-cuba-seeking-change-faith-revival-064600184.html, Editing by Jeff Franks and Peter Cooney)
 
Beatification of Card. Văn Thuận: Hanoi revokes visa of Vatican Commission
John Nguyn Hung
10:33 26/03/2012
The Holy See delegation was due to travel to the country. The Embassy to Italy has canceled the permits, disappointment among Catholics in Vietnam. Faithful denounce the blatant violation of religious freedom. But there is "hope", as witnessed by the cardinal who spent 13 years of his life in prison without trial.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) - The Vietnamese government - through its embassy in Italy - has revoked the visa of the Vatican Commission, expected in these days in the South-east Asian country for the cause of beatification of Card. Francis Xavier Nguyen Văn Thuận. The Holy See delegation was led by Card. Peter Turkson, president of the Pontifical Council for Justice and Peace, and was due to visit Vietnam from March 23 to April 9. However, Hanoi today announced that the authorities have withdrawn permission and the delegation has been forced to postpone the visit.

Vietnamese Catholics - as well as understandable disappointment - have denounced a "blatant violation of religious freedom" by the Communist government, which has thus blocked the process that was to have raised the Cardinal to the honors of the Church. This issue, add the faithful, regards "activities of faith" and has nothing to do with politics (see AsiaNews 12/01/2012 Card Văn Thuận continues to teach fellow Vietnamese about 'The Road to Hope').

In preparation for the work of the Commission, the current archbishop of Ho Chi Minh City, Card. Jean Baptiste Phạm Minh Mẫn had sent a letter to all the faithful of the diocese, asking them to "pray with devotion for the process of beatification." The cardinal also called "priests, religious and lay people" who met with Cardinal Văn Thuận, or are aware of events that may contribute to his process of beatification "to testify before the Holy See delegation to his virtue and holiness."

The Cardinal's life is deeply tied to the country's recent history, starting with his appointment as coadjutor bishop - April 23, 1975, at age 47 - to the archdiocese of Saigon, in the days when the current Ho Chi Minh City fell under the North Vietnamese. He arrived in the city on May 12 and, after only three months, was summoned to the Palace of Independence by communist leaders and arrested.

The cardinal spent the next 13 years under house arrest, without trial. However, he spent his life for the Church as a banner of "hope" the motto he had chosen for the episcopate - June 24, 1967 - that is "Gaudium et Spes". By living with a deeply rooted hope Card. Văn Thuận was able to overcome many difficulties and hardships which he faced on his life's path.

Vietnamese Catholics still hope that the authorities will grant a visa to the Commission so they may proceed expeditiously with the necessary procedures for his beatification.
 
Premier Forum international des laïcs catholiques d’Asie à Bangkok
Eglises d'Asie
11:00 26/03/2012
Le tout premier congrès continental des laïcs catholiques d’Asie s’est achevé ce week-end, après une session de quatre jours au centre pastoral des Camilliens à Bangkok.

Venus de l’ensemble du continent asiatique, les représentants des associations de catholiques de leurs pays ont réfléchi sur les nouveaux défis du millénaire, alors que l’Eglise célèbre cette année le cinquantenaire du début du Concile Vatican II.

Organisée par l’International Forum Catholic Action, connu plus généralement sous son acronyme italien FIAC (Foro Internacional Accion Catolica), la session a rassemblé du 22 au 25 mars dernier une trentaine de délégués venus de Birmanie, des Philippines, de l’Inde, de la Chine, du Laos et de différentes régions de la Thaïlande, ainsi que des participants d’autres pays comme le Burundi, la Roumanie ou encore l’Italie.

Dans l’histoire de la FIAC, ces rencontres continentales sont récentes ; c’est en Afrique de l’Est que s’est tenu le premier rassemblement de ce type et Bangkok a été choisie pour accueillir cette année les représentants du continent asiatique sur le thème : « Laïcs de l’Action catholique : coresponsabilité ecclésiale et sociale ».

La FIAC se définit elle-même comme une représentation des différentes « Actions catholiques » présentes un peu partout dans le monde et se donne pour but de rassembler, soutenir et permettre les échanges entre les associations et locales en lien avec l’insertion de l’Eglise dans la société. Dans l’esprit de « l’apostolat des laïcs défini par Vatican II » et restant sous la supervision du Conseil pontifical pour les laïcs, la FIAC veut offrir les moyens d’une « nouvelle évangélisation » à l’échelon régional, national et international.

Au cours du rassemblement de Bangkok, les différents délégués ont pu échanger sur leurs expériences respectives dans leurs pays et sur les moyens de renforcer le rôle des laïcs dans la mission de l’Eglise, en alternance avec des conférences données par des experts et des évêques de différents pays d’Asie.

Sandro Calvani, directeur du Centre régional des objectifs de développement du millénaire de l’ASEAN (ASEAN Regional Center of Excellence on Millenium Development Goals, ARCMDG) a ouvert la session, en présentant les points principaux qui, selon lui, devaient être portés à l’attention des laïcs chrétiens « pour un monde meilleur ».

L’ARCMDG, dont Sandro Calvani est directeur depuis août 2010, est hébergé au réputé Asian Institute of Technology de Bangkok (AIT), et peut se targuer d’être le seul « Centre régional d’excellence en OMD » (objectifs de développement du millénaire) permanent pour l’Asie et d’avoir le soutien officiel du secrétaire général des Nations Unies.

La deuxième intervention, faite par Mgr Felix Machado, archevêque de Vasai (Inde) et ancien sous- secrétaire du Conseil pontifical pour le dialogue interreligieux, a porté quant à elle sur le thème plus religieux de « L’évangélisation en Asie pour le troisième millénaire : défis et propositions pour le continent et pour le monde ».

Mgr Savio Hon Tai-Fai, secrétaire de la Congrégation pour l’évangélisation des peuples, a tenu à s’adresser aux participants dans un texte qui a été lu durant la session et par lequel il a rappelé que le Concile Vatican II, dans son Décret sur l’apostolat des laïcs (Apostolicam Actuositatem) désignait comme un « signe des temps » la constatation d’une « solidarité croissante et inéluctable de tous les peuples, que l’apostolat des laïcs doit développer et transformer en un désir sincère et effectif de fraternité ». Mgr Savio Hon Tai-Fai a terminé son exhortation en demandant à tous les catholiques laïcs en Asie d’encourager les jeunes à « s’ouvrir à l’amour de Dieu et des autres, et à vivre cet amour dans la pureté du cœur ».

A l’issue des ces quatre jours de session où sont également intervenus Mgr Domenico Sigalini, assistant ecclésial de la FIAC, ou encore Teresa Enhui Xiao, catholique enseignant la littérature et la théologie en Chine, Mgr Roland J. Tria Tirona, évêque de la prélature territoriale d’Infanta aux Philippines et président du Bureau pour la famille et les laïcs de la Fédération des Conférences épiscopales d’Asie (FABC), a déclaré aux participants que ce rassemblement était la preuve visible de « l’émergence des laïcs en Asie et de leur capacité à travailler à la nouvelle évangélisation ».

(Source: Eglises d'Asie, 26 mars 2012)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giới Y Tế Công Giáo Tổng Giáo Phận Sài Gòn Tĩnh Tâm Mùa Chay 2012
Nguyễn Xuân
09:41 26/03/2012
GIỚI Y TẾ CÔNG GIÁO TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN TĨNH TÂM MÙA CHAY 2012

Vào lúc 08giờ sáng ngày chủ nhật 25/03/2012, giới y tế Tổng Giáo phận Sài gòn đã tụ họp về Trung tâm Mục vụ Giáo phận, số 06 bis Tôn Đức Thắng, để tham dự ngày tĩnh tâm tổ chức riêng cho giới với chủ đề “Chúng ta hãy quan tâm đến nhau để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành”(Dt 10,24).

Giới y tế trong sứ mạng phục vụ Nước Chúa

Sau phần tập hát khởi động, Cha Giuse Vương Sỹ Tuấn triển khai đề tài qua các phần chính:

- Giờ của Chúa, việc rửa chân cho các tông đồ, đối thoại với Giuđa, đối thoại hai lần với thánh Phêrô

- Triển khai sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

Hai chủ đề này được ghép với nhau vì: là nhân viên y tế đồng thời là Kitô hữu, mỗi người có một sứ mạng đặc biệt là Loan báo Tin Mừng Nước Trời và thực hiện sứ điệp Mùa chay Đức Thánh Cha “Sống bác ái quan tâm đến nhau; đó là bổn phận chính yếu của đời sống công giáo.

Xem hình tĩnh tâm

“Thiên Chúa là tình yêu” ta hiểu sao về câu nói này? Con người thường đảo lộn cái nhìn. Thay vì khởi đi từ việc chiêm ngắm Thiên Chúa là tình yêu, để nhận định mọi biến cố thăng trầm trong đời sống, thì người ta lại đi từ những biến cố trong đời để nhận xét về Thiên Chúa. Khi gặp hoàn cảnh thuận lợi người ta bảo Chúa tốt đẹp, Chúa thương ta; ngược lại khi gặp chuyện buồn, người ta trách Chúa ác.

“Thiên Chúa là tình yêu”. Đó không phải là một công thức đức tin mà ta quen miệng thốt lên, nhưng là một hành động yêu thương mà Thiên Chúa đã thực hiện. Theo Tin mừng Ga (13,1-20) “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng…”

Thiên Chúa đã tỏ lộ tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa dành cho con người bằng việc rửa chân. Chúa biết tất cả những yếu đuối nơi con người và Chúa vẫn yêu thương họ. Chúa rửa chân cho Giuđa, Chúa trao cho Giuđa tấm bánh yêu thương, Giuđa đã đón nhận món quà tình yêu cuối cùng đó nhưng Giuđa vẫn ra đi. Lúc bấy giờ trời đã tối.

Giuđa từ chối Thiên Chúa vì đầy tham vọng vật chất và quyền lực trần thế.

Khác với Giuđa, Phêrô cũng chối Chúa vì nhân danh sự đạo đức, sự trọn hảo. Nghĩ lại đôi khi ta cũng thế, cảm thấy mình không cần được xót thương, và đã thất bại. Cũng thế Phêrô đã chối Chúa ba lần. Nhưng phúc cho Phêrô, ông đã kịp hiểu và nhận ra món quà Chúa ban tặng: “cái nhìn” của Chúa. Phêrô đã khám phá ra tình yêu của Chúa. Chúa luôn trao quà cho chúng ta. Trong lúc đời ta tưởng như tăm tối nhất Chúa vẫn đang trao quà cho ta, điều quan trọng là ta có nhận ra hay không. Có những khi chúng ta tham dự vào các sinh hoạt, vào đời sống bí tích của Giáo Hội nhưng tâm hồn tăm tối, như Giuđa, ta đã xa rời Giáo Hội mà không biết. Có lúc như Phêrô, ta tự hào đủ đạo đức, đã tham gia trọn vẹn đời sồng Giáo Hội. Nhưng thật ra, Chúa muốn người công giáo hơn những người khác không phải vì số lượng việc bác ái nhưng Chúa muốn chúng ta biết yêu thương biết sống trong Chúa Kitô, cùng với Chúa Kitô và sống cho người khác. Phải biết khởi đi từ Thiên Chúa, học nơi Chúa yêu cách cụ thể.

Đỉnh cao của Mùa Chay là khám phá tình yêu của Thiên Chúa nơi Thập giá Đức Kitô để nhận ra “tất cả là hồng ân”. Cần có kinh nghiệm gặp gỡ “Thiên Chúa là tình yêu” để biến đổi cuộc sống, để dấn thân theo Chúa, nối tiếp sứ mạng của Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng, loan báo niềm vui cho mọi người. Vì sao ngày hôm nay có nhiều người chạy đến lòng thương xót Chúa? Phải chăng vì người ta cảm thấy cuộc sống thiếu vắng lòng thương xót, thiếu vắng lòng thương xót của anh chị em.

Trên máy bay, trong chuyến viếng thăm Mexico, Đức Giáo hoàng nhận xét “ Trong đời sống tôn giáo, có nhiều người công giáo bị chứng “tâm thần phân liệt”. Họ rất chu toàn bổn phận trong nhà thờ, nhưng khi bước ra khỏi nhà thờ, thì những lựa chọn của họ khác đi, không có sự xuyên suốt khởi đi từ Thánh Thể đến cuộc đời bên ngoài. Cần phải có nền giáo dục Kitô giáo để họ biết hiệp thông trong Chúa, biết quan tâm đến nhau. Trong sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha nói đến bác ái, phải biết quan tâm đến nhau, khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành. Bác ái không phải là đời sống luân lý mà là một trong ba khía cạnh căn bản của đời sống tôn giáo: Rao giảng Lời Chúa để biết nội dung ta tin vào ai; Sống bí tích để gặp gỡ Thiên Chúa và sống điều ta gặp gỡ bằng việc bác ái.

Điều ta cần suy nghĩ trong Mùa Chay này là hãy quan tâm đến nhau, khởi đi từ Thiên Chúa là tình yêu. Ta càng chiêm ngắm Chúa Giêsu ta càng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi anh chị em, nhận ra những nhu cầu của người khác mà mình có thể giúp đở. Người bệnh thường sợ đau, sợ chết, sợ cô đơn, họ không chỉ cần sự trợ giúp vật chất mà còn cả về đời sống thiêng liêng. Sở dĩ các nhân viên y tế lạnh lùng thờ ơ thiếu quan tâm đến người khác vì họ bị cám dỗ về lợi lộc và hứa hẹn quyền lực.

Cuối cùng, quan tâm đến nhau còn bao gồm việc sửa lỗi huynh đệ. Việc này rất khó vì không ai nhận mình kém, mình sai. Nhưng không vì thế mà ta bỏ lơ việc này. Tất cả mọi việc tốt và xấu của người khác cũng ảnh hưởng đến chính mình. Để thành công trong việc sửa lỗi, cần chú ý đến sự việc “bác ái trong sự thật” và “sự thật trong bác ái”, cần có sự khôn ngoan, tế nhị, khiêm tốn.

Chúa nói “Chúng ta là ánh sáng cho trần gian”. Sứ mạng của Giáo Hội không chỉ đơn thuần là chuyện lưới cá trên đại dương. Trên đại dương có nhiều con tàu cùng đi nhưng nếu chúng ta sống bác ái yêu thương sao cho tàu của chúng ta có thể cùng sống và hát lên niềm vui thì chính niềm vui và bình an của tàu ta sẽ thu hút mọi tàu khác đến với chúng ta. Cuộc sống mỗi chúng ta phải tỏ lộ niềm vui, phải là cuộc sống chứng nhân hữu hiệu nhất. Trước hết, gia đình chúng ta phải là nơi gặp gỡ Đức Giêsu. Trong xã hội, nghề nghiệp của chúng ta là cơ hội tốt để gặp gỡ những người khác, để chúng ta thực hiện bác ái. Ngày quang lâm ta sẽ trả lời cho Chúa đâu là giá trị và đâu không là giá trị trong đời sống chúng ta?

Chia sẻ nhóm và thảo luận chung

Các tham dự viên được chia thành bốn nhóm: nhóm điều dưỡng, nhóm y bác sĩ, nhóm nha dược và nhóm công tác y tế xã hội. Mỗi nhóm cùng chia sẻ những cảm nghiệm, những khó khăn gặp phải khi hành nghề, đặc biệt là trước những cám dỗ ngọt ngào về quyền lực và tiền tiền bạc trong hoàn cảnh xã hội ngày nay. Việc sửa lỗi huynh đệ là việc cần thiết, nhất là trong lĩnh vực chuyên môn vì bất cứ sai sót nào dù nhỏ cũng gây ảnh hưởng đến sự sống.

Bí tích hòa giải

Sau khi ăn trưa, là giây phút thinh lặng gặp gỡ Chúa, trở về với chính mình. Các linh mục đồng hành giúp các tham dự viên hòa giải với Chúa và giải đáp những thắc mắc giúp các bạn sống tốt Mùa Chay thánh..

Cầu nguyện Taizé

Thánh lễ đồng tế

Do Đức cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm và các cha đồng hành với giới y tế cử hành. Mở đầu thánh lễ, Đức cha phụ tá khen ngợi các bạn sau một tuần làm việc mệt nhọc, bận rộn với các công tác xã hội từ thiện, chỉ có một ngày chủ nhật để nghỉ ngơi, nhưng các bạn đã hy sinh đến đây để gặp gỡ nhau, để tĩnh tâm. Đó là một sự hy sinh, nhưng trong ý nghĩa sâu hơn, sự nghỉ ngơi trong Chúa chính là sự nghỉ ngơi đúng nghĩa của chiều sâu tâm hồn, để mình trở về với chính mình, gặp lại chính bản thân mình trong ánh sáng của Chúa. Đức cha mời gọi mọi người tạ ơn Chúa đồng thời cầu nguyện cho nhau, để công việc y tế gắn liền với việc thực thi bác ái luôn thấm đượm tinh thần Phúc âm, tinh thần của Chúa Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh chịu treo trên thập giá, trong suốt cuộc đời chúng ta.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng, Đức cha mời gọi mọi người đọc lại Lời Chúa hôm nay: tiên tri Giêrêmia nói về giao ước mới. Để mọi người hiểu rõ hơn Ngài giải thích về Giao ước cũ mà Thiên Chúa đã ký kết giao ước với dan Do Thái tại núi Sinai. Điều khoản là Mười điều răn Đức Chúa Trời. Trong Giao ước mới, điều khoản của giao ước vẫn là Mười điều răn Đức Chúa Trời nhưng nét đặc thù là Thiên Chúa không ghi khắc trên bia đá nhưng ghi khắc trên trái tim con người, trong lòng người. Điều khoản bao trùm tất cả các điều khoản là Luật yêu thương. Để ký kết giao ước này Thiên Chúa đã đi bước trước, bằng cách ban tặng cho chúng ta Người Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô, và như thế giao ước không phải ký kết bằng máu bò như Giao ước cũ mà là máu của Chúa Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh trên Thập giá.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, Chúa đã nói “ Hạt lúa gieo vào lòng đất phải thối rửa đi mới sinh nhiều bông hạt” . Hình ảnh rất đơn sơ trong tự nhiên được Chúa Giêsu dùng để công bố Mầu nhiệm Thập giá. Chúa Giêsu chấp nhận chịu thối rửa , chịu chết đi, ể rồi từ đó nảy sinh bông hạt. “Khi nào ta được lôi lên mặt đất ta sẽ kéo mọi người lên”.

Mỗi kitô hữu hãy tự hỏi “Tôi sống đức tin công giáo như sống giao ước yêu thương với Thiên Chúa hay coi đó là gánh nặng lề luật” . Nếu vì lề luật ta sẽ dễ bỏ cuộc vì có quá nhiều cám dỗ bên ngoài mời gọi ta bỏ gánh nặng lề luật để sống thoải mái . Chỉ khi ta sống giao ước yêu thương với Thiên Chúa thì ta mới bền vững

Nếu ý thức giao yêu thương chính là đức tin ta đang sống thì những công việc y tế chúng ta làm không chỉ đơn thuần là nghề nghiệp mà là những hành động tình yêu. Trong thưc tế, liệu những công việc y tế có còn ý nghĩa yêu thương không hay chỉ là dịch vụ thuần túy hay là phương thế làm ăn? Việc làm của các y các bác sĩ có phần nào gần với việc của các linh mục: chữa lành bằng ơn tha thứ, lời chia sẻ, khuyên nhủ, đồng hành, ban bí tích, rao giảng Lời Chúa . Khi nói đến linh mục, người ta nói đến Đức ái Mục tử. Nhưng dù biết và ý thức điều đó nhưng đôi khi vì mệt mỏi, vì quá bận nhiều việc, linh mục không đáp ứng nhu cầu đích thực cần thiết của anh chị em. Cũng thế, có những lúc người ta thực hiện công tác y tế, không còn với tinh thần yêu thương bác ái, nhưng chỉ là dịch vụ, là phương thế làm ăn bất kể giá trị đạo đức. Như thế, thật đáng buồn .

Hôm nay, trong bầu khí Mùa Chay, có dịp ngồi lại với nhau trong bầu khí tĩnh lặng của nhà nguyện nhỏ bé này, để ôn lại, khám phá ra, lắng nghe lại, lời mời gọi của Chúa trong bổn phận của mỗi người, Đức cha ước mong: Nhờ ơn soi sáng của Thiên Chúa, mọi người tìm lại được năng lực mà nhiều khi vì căng thẳng mệt mỏi, chán nản đã bị suy giảm đi. Với năng lực đó, ta sẽ sống đúng tinh thần giao ước yêu thương mà ta ký kết với Chúa.

Sau thánh lễ, bác sĩ Giuse Phan Văn Dũng, đại diện giới y tề, cám ơn Đức cha và quý cha đồng hành vì yêu thương đã đến dâng thánh lễ cầu nguyện cho giới y tế và xin các ngài tiếp tục cầu nguyện để mọi người sống đúng trách nhiệm nghề nghiệp, biết quan tâm yêu thương phục vụ tốt các bệnh nhân.

Đáp lời, Đức cha khẳng định: Giáo Hội không thể hiện diện cách cụ thể trong tất cả các môi trường xã hội. Chính các bạn, những người hiên diện trong môi trường y tế, hãy là những chứng nhân Tin mừng, chứng nhân của Chúa trong môi trường đặc biệt này.

Trong quyết tâm “Dấn thân theo Chúa”, mọi người hát vang bài kết lễ “Xin cứ dùng con theo ý riêng Ngài để con mãi mãi là con của Cha, là men, là muối cho đời, là anh em của nhau…

Buổi tĩnh tâm kết thúc vào lúc 16giờ 30 .
 
Ngày hội tư vấn hướng nghiệp tiếp sức mùa thi 2012 tại giáo hạt Thuận Nghĩa
Peter Dũng
09:58 26/03/2012
Sáng ngày 25/3/2012, tại giáo xứ Thuận Nghĩa đã diễn ra ngày hội tư vấn hướng nghiệp tiếp sức mùa thi 2012 cho gần 500 bạn trẻ trong toàn giáo hạt. Tham gia chương trình có sự hiện diện của cha Antôn Phạm Đình Phùng quản hạt Thuận Nghĩa; Ths. Phêrô Hoàng Mạnh Hà, giám đốc công ty Kỹ năng sống Vinh; các giảng viên, giáo viên trường dạy nghề, THPT; các giám đốc công ty XKLĐ và các bạn sinh viên trong CLB Giáo dục Vinh.

Xem hình ảnh

Đúng 7h45 chương trình được bắt đầu, lần lượt các anh chị sinh viên trong CLB GD Vinh thuyết trình hướng dẫn cho các em chuẩn bị thi vào ĐH các thông tin tuyển sinh cần nắm trong năm 2012, các phần mềm ứng dụng ôn thi hiệu quả, các ngành “hot”… Tiếp đó Ths. Giuse Trần Văn Hòa, giáo viên môn Hóa học trường THPT Lý Tự Trọng cũng chia sẻ cho các em cách làm và các “mẹo” để làm bài thi trắc nghiệm một cách hiệu quả nhất.

Một số bạn trẻ lại mạnh dạn đặt câu hỏi: Em không có khả năng học đại học, vậy có con đường nào giúp em thành công được không? hay Em muốn học nghề để tìm một công việc, em phải làm thế nào? Trả lời cho câu hỏi đó của các bạn trẻ anh Antôn Phạm Trí Tuệ, giám đốc công ty XKLĐ Vitaco đã chia sẽ với các ban trẻ về việc chon một con đường khác để lập nghiệp không nhất thiết là phải học ĐH, anh cũng tư vấn cho các bạn biết những thông tin về việc tuyển dụng lao động đi nước ngoài và cách làm thủ tục hồ sơ để tránh gặp phải những công ty ma. Tiếp đó anh Nguyễn Kim Hổ giáo viên của TT đào tạo thợ hàn công nghệ cao, cũng tư vấn cho các bạn có ý định học nghề để lập nghiệp cách chọn nghề phù hợp với khả năng của mỗi người.

Đúng 10h45 chương trình khép lại mặc dù còn nhiều câu hỏi các ban trẻ đặt ra chưa được giải đáp (ban tư vấn sẽ trả lời cho các bạn qua email hoặc đt) nhưng các bạn trẻ tham dự ngày hôm nay cũng đã phần nào nắm được những thông tin cần thiết để có những quyết định cho ngã rẽ cuộc đời sắp tới.

Chương trình này đã được anh em sinh viên trong CLB GD Vinh ấp ủ từ lâu vì các bạn cũng muốn đóng góp một phần nào đó giúp đỡ cho các bạn trẻ công giáo có nhưng định hướng, chon lựa tốt hơn cho mình. Được sự giúp đỡ, đồng hành rất nhiệt tình của cô Tuệ Phương hội Eduction for the poor và Ths Hoàng Mạnh Hà cùng các nhân viên trong công ty Kỹ Năng Sống Vinh, chương trình đã được diễn ra và đem lại được những hiệu quả nhất định và đang được ủng hộ nhân rộng. Trong tuần tới cũng sẽ diễn ra Ngày hội tư vấn hướng nghiệp tiếp sức mùa thi cho các bạn trẻ giáo hạt Can Lộc vào chiều thứ 7 tại giáo xứ Tiếp Võ và các ban trẻ ở giáo xứ Mỹ Yên vào sáng Chúa nhật.
 
Thánh lễ truyền chức 4 tân linh mục GP Mỹ Tho tại nhà thờ Cao Lãnh
LM Giuse Nguyễn Tuấn Hải
10:18 26/03/2012
MỸ THO - Vào sáng ngày Thứ Hai 26 tháng 03 năm 2012 tại nhà thờ Cao Lãnh, số 10, Đường 30/4 TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Đức Cha Phaolô đã chủ sự thánh lễ và phong chức linh mục cho 4 thầy phó tế của Giáo phận Mỹ Tho, thuộc Khóa IX Đại Chủng Viện Thánh Giuse – Sài Gòn: 1) Giuse Trần Ngọc Chi, sinh năm 1977, thuộc Giáo xứ Bãi Chàm, xã An Bình A, Huyện Hồng Ngự, Tỉnh Đồng Tháp; 2) Gioan Phan Văn Định, sinh năm 1982, thuộc Giáo xứ Thánh Anrê, Xã Tân Hòa, Huyện Thanh Bình, Tỉnh Đồng Tháp; 3) Phaolô Trần Duy Tân, sinh năm 1978, thuộc Giáo xứ Thiên Phước, Thị trấn Tràm Chim, Huyện Tam Nông, Tỉnh Đồng Tháp; và 4) Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thượng, sinh năm 1982, thuộc Giáo xứ Fatima, Xã Tân Quới, Huyện Thanh Bình, Tỉnh Đồng Tháp.

Xem hình ảnh

Nhà thờ Cao Lãnh nằm ngay trung tâm thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nhà thờ tuy nhỏ nhưng mới và rất đẹp nếu không muốn nói là nhà thờ đẹp nhất vùng này hiện nay. Đức Cha Phaolô đã khánh thành và cung hiến cách long trọng vào ngày 25 tháng 06 năm 2011. Đây là lần đầu tiên Đức Cha phong chức linh mục cho quí Cha thuộc tỉnh Đồng Tháp tại nhà thờ này. Khác với tiền lệ, sở dĩ đợt phong chức linh mục năm nay sẽ được chia làm 3 lần ở 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang là do quyết định của Đức Cha và quí Cha vì muốn có sự phong phú trong mục vụ, và nhất là muốn cho giáo dân ở tỉnh vùng xa xôi được dễ dàng đến dự lễ phong chức linh mục tại địa phương.

Đúng 9g30, đoàn đồng tế khá dài được rước từ phòng khách ở tầng hầm của nhà thờ từ từ di chuyển ra trước tiền đàng Nhà thờ, bước lên các bậc cao tam cấp và tiến dần lên cung thánh. Trong khi đó, ca đoàn cùng hợp xướng tâm tình bài hát nhập lễ “Ước mơ đời tận hiến”: “Đường đi lên nhà Chúa, Chúa ơi! Cung thánh Ngài ngời bao huyền diệu,… có Chúa làm gia nghiệp đời con nguồn hạnh phúc con trông cậy Ngài.”

Đồng tế trong thánh lễ với Đức Cha có gần 100 linh mục gồm có: Đức Ông Phêrô Trần Văn Hòa, Cha Tổng Đại Diện (TĐD), Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện (ĐCV) Thánh Giuse và quí cha giáo sư, quí cha trong và ngoài Giáo phận, quí cha bạn cùng lớp với 4 tân chức đến từ các giáo phận khác. Hiện diện trong thánh lễ có một số khách mời của 4 tân linh mục; ngoài ra, cũng có sự hiện diện của quý Sơ và quí Dì thuộc các Dòng Mến Thánh Giá (MTG) Tân An, MTG Chợ Quán, MTG Thủ Thiêm, MTG Cái Nhum, MTG Cái Mơn, Dòng Phaolô Mỹ Tho, Dòng Chúa Quan Phòng, Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn,… quý thầy ĐCV Thánh Giuse, quý thân nhân, ân nhân, các giáo dân ở các giáo xứ nơi các tiến chức từng phục vụ, các giáo xứ trong tỉnh Đồng Tháp,… Số người tham dự thánh lễ khoảng 800 người.

Sau khi làm dấu thánh giá đầu thánh lễ, Đức Cha Phaolô ngỏ lời chào đến Cha TĐD, Cha Giám Đốc ĐCV Thánh Giuse và quí cha giáo sư, quí Cha Hạt Trưởng, quí cha trong và ngoài Giáo phận, quí Bề Trên các Dòng, quí nam nữ tu sĩ, quí Thầy Đại Chủng Sinh, quí anh chị em giáo dân. Đức Cha cũng có lời chào đặc biệt đến quí Ông Bà Cố và gia quyến của các tân chức. Sau đó, Đức Cha mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các tân chức và hướng ý cộng đoàn cùng sám hối khi dâng thánh lễ.

Trong phần phụng vụ lời Chúa, sau khi một thầy phó tế đọc Tin Mừng xong, phần nghi thức truyền chức linh mục bắt đầu. Nghi thức này gồm 3 phần: 1) Tuyển chọn các ứng viên, 2) Đặt tay và lời nguyện phong chức, và 3) Trao các biểu tượng diễn tả thừa tác vụ linh mục.

Trong phần tuyển chọn, từng ứng viên linh mục được xướng tên lần lượt và đáp lại “Có mặt”. Cha Phêrô Hồ Bản Chánh, Trưởng Ban Tu sĩ-Chủng sinh của Giáo phận, xin Đức Cha phong chức linh mục cho 4 ứng viên. Khi Đức Cha thẩm vấn công khai Cha Phêrô về sự xứng đáng của các ứng viên này, Cha Phêrô đã xác nhận các ứng viên được coi là xứng đáng. Sau đó Đức Cha tuyên bố: “Nhờ ơn Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tôi tuyển chọn các anh em đây lên chức linh mục.” Cộng đoàn cùng hát: “Tạ ơn Chúa.”

Sau nghi thức tuyển chọn, Đức Cha bắt đầu giảng lễ. Đức Cha nhập đề bằng cách bày tỏ sự vui mừng như sau: “Giáo phận chúng ta sắp có thêm bốn tân linh mục. Chúng ta hãy cảm tạ ơn Chúa vì đã thương ban cho Giáo phận, cho tỉnh Đồng Tháp thân yêu của chúng ta số linh mục đông hơn mọi khi. Thật đáng vui mừng, vì không phải nơi nào cũng dồi dào ơn gọi.” Sau đó, Đức Cha nói đến ý nghĩa của ngày lễ Truyền Tin rằng, Con Thiên Chúa đã được sinh ra bởi một người nữ, Ngài đã “làm người thật” chứ không giả vờ làm người; vì thế, Mẹ Maria đã được chọn làm Mẹ của Chúa Giêsu.

Tiếp theo, dựa vào các bài đọc Kinh Thánh của ngày lễ Truyền Tin, Đức Cha nhấn mạnh đến ý định yêu thương cứu độ của Thiên Chúa với sự đồng ý qua hai tiếng thưa “xin vâng” của Mẹ Maria. Mẹ Maria đã thông phần vào chương trình cứu độ, đã cộng tác vào sứ vụ của Chúa Kitô vào giây phút quyết liệt nhất.

Sau khi giải thích Kinh Thánh, Đức Cha cũng đưa ra những áp dụng thực hành vào chức vụ linh mục; cách cụ thể hơn, vào “những người thanh niên được truyền chức linh mục” trong thánh lễ này. Đức Cha nói rằng: “Họ đã được Thiên Chúa tuyển chọn, với sự đồng ý của họ, để cộng tác vào sứ vụ cứu thế của Chúa Kitô. Câu trả lời của họ mang tính quyết định dứt khoát về tương lai sắp tới của họ. Họ sẽ trở thành linh mục, tư tế và ngôn sứ của Chúa Trời.” Qua đó, Đức Cha nhấn mạnh rằng, đây không phải là một việc tự nhiên, một sự thăng tiến xã hội, nhưng là một việc siêu nhiên do tác động của Chúa Thánh Thần qua việc đặt tay của Giám mục. Đức Cha kết thúc bài giảng bằng cách nhắc nhở cho các tân chức những sứ vụ mục tử mà họ phải thi hành trong lòng Giáo hội như: tư tế để cử hành các bí tích, ngôn sứ để giáo huấn, rao giảng Lời Chúa và làm gương sáng.

Sau bài giảng là phần tuyên hứa của 4 tiến chức linh mục: hứa chu toàn nhiệm vụ tư tế, rao giảng,… và kính trọng vâng phục Đấng Bản Quyền. Kế đến là Kinh Cầu Các Thánh được ca đoàn hát trong lúc các tân chức phủ phục, cộng đoàn quì gối. Sau Kinh Cầu Các Thánh là phần chính yếu của nghi thức phong chức linh mục. Đức Cha đặt tay truyền chức và đọc lời nguyện phong chức, từng tiến chức được Đức Cha đặt tay trên đầu nói lên việc thông ban Thánh Thần, và lời nguyện thánh hiến làm cho 4 tiến chức được chọn tham dự vào sứ mạng của Chúa Kitô. Sau khi Đức Cha đặt tay, tất cả các linh mục đồng tế cũng lần lượt đặt tay trên các tiến chức như dấu chỉ nhận vào linh mục đoàn.

Trong phần nghi thức diễn nghĩa, 4 tân chức đã chính thức trở thành linh mục. Các tân linh mục thay dây stola chéo bằng dây stola thẳng và mặc áo lễ. Các linh mục nghĩa phụ hay linh tông mặc áo lễ cho 4 tân chức tại cung thánh. Sau đó, Đức Cha xức Dầu Thánh trên hai bàn tay của các tân linh mục nói lên sự tham dự đặc biệt vào chức tư tế của Chúa Kitô. Tiếp theo, Đức Cha trao Bánh Rượu và hôn bình an 4 tân linh mục. Vài linh mục đại diện cũng hôn bình an các tân chức.

Kết thúc nghi thức phong chức, Đức Cha xướng Kinh Tin Kính. Sau đó, thánh lễ tiếp tục như thường lệ. Bốn tân chức cùng đồng tế với Đức Cha và quí Cha trong thánh lễ.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Phạm Thanh Triết, Chủ Tịch HĐMV Giáo xứ Cao Lãnh – đại diện các thành phần dân Chúa – tri ân Đức Cha đã yêu thương phong chức cùng lúc cho 4 linh mục tại vùng Đồng Tháp mà từ trước đến nay chưa có tiền lệ. Ông cũng cho biết tỉnh Đồng Tháp có trên 1,6 triệu dân với 8 huyện, thị xã, thành phố nằm ở phía bắc Sông Tiền. Số người theo đạo Công giáo khoảng 40.000 người, chiếm khoảng 4% dân số; có 20 giáo xứ, 12 giáo điểm, 5 họ lẻ và một số nhóm gia đình Công giáo sống rải rác ở các cụm tuyến dân cư được chăm sóc bởi 29 linh mục. Các con số cho thấy cánh đồng truyền giáo ở Đồng Tháp còn rất rộng lớn bao la, cần thêm nhiều linh mục để chăm lo đời sống đạo cho giáo dân và truyền giáo.

Ông Chủ Tịch HĐMV cũng chúc mừng và tặng hoa cho các tân linh mục. Ông cũng cám ơn quí Cha, quí nam nữ tu sĩ và quí khách. Đặc biệt, ông cám ơn Cha Marcel Trần Văn Tốt – là Cha Hạt Trưởng và Cha Sở Cao Lãnh – cùng các công sự đã vất vả, lo lắng để tổ chức lễ phong chức diễn ra hết sức tốt đẹp. Ngoài ra, Ông còn cám ơn Ca Đoàn và Đội Kèn đã cố gắng tập luyện để góp lời ca tiếng hát làm cho cuộc lễ long trọng và thánh thiện.

Tiếp theo, tân linh mục Giuse Trần Ngọc Chi đã đại diện các tân linh mục nói lời cám ơn Đức Cha, Cha Giám Đốc ĐCV, các cha giáo sư, quí Cha, các cha trong Ban Tổ chức lễ phong chức, BMV Gx. Cao Lãnh, Ca đoàn, quí Thầy giúp lễ, các giáo dân ở các giáo xứ đã từng phục vụ, chính quyền,…

Trong phần đáp từ cuối thánh lễ, Đức Cha chúc mừng các tân linh mục, các Ông Bà Cố và gia quyến của tân chức. Đức Cha cũng khen ngọi 2 Cha Hạt Trưởng của tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức tốt đến không ngờ thánh lễ phong chức hôm nay lần đầu tiên được tổ chức tại vùng Đồng Tháp này.

Thánh lễ kết thúc bằng việc ban phép lành long trọng của Đức Cha. Sau đó, 4 tân linh mục cùng tiến lên bàn thờ để ban phép lành đầu tay cho toàn thể cộng đoàn đang hiện diện.

Thánh lễ đã diễn ra rất long trọng, thánh thiêng và sốt sắng. Thánh lễ kết thúc vào lúc 11g15. Các tân linh mục chụp hình lưu niệm với Đức Cha và quí cha tại các bậc tam cấp của cung thánh. Cầu chúc các tân linh mục luôn được tràn đầy hồng ân Chúa trong sứ vụ cao cả vừa lãnh nhận.
 
Tu hội Truyền Tin Hà Nội mừng lễ Quan Thầy
Thùy Chi
11:09 26/03/2012
HÀ NỘI – Được sự đồng ý và hưởng ứng của cha Phêrô Đặng Xuân Thành – Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội kiêm Đặc trách các Dòng tu trong Tổng Giáo phận Hà Nội, ba linh mục trẻ thuộc Tu Đoàn Tông Đồ Truyền Tin là quý cha Antôn Trần Cao Tích quản xứ Bút Sơn và xứ Đông Sơn; cha Phanxico Xavie Vũ Quang Hùng quản xứ Bình Cách; cha Giuse Trần văn Được quản xứ Giang Xá và xứ Thụy Ứng đã nhất trí tổ chức Thánh Lễ Quan Thầy của hai tu hội đời Tu Đoàn Tông Đồ Truyền Tin (nam) và Tu Đoàn Truyền Tin Truyền Giáo (nữ) tại Nhà thờ Giáo xứ Bình Cách (xã Yên Thọ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) vào lúc 10 giờ ngày 25.3.2012, nhằm ngày Lễ Truyền Tin.

Xem hình ảnh

Trước khi thánh lễ được bắt đầu, cha xứ Phanxico Xavie Vũ Quang Hùng đã giới thiệu với cộng đoàn quý danh quý cha đồng tế, quí tu sĩ nam nữ của hai tu đoàn Truyền Tin. Cha giáo Phêrô Đặng Xuân Thành chủ tế thánh lễ và giảng lễ. Cách đặc biệt và cũng là niềm vui cho cộng đoàn đó là, cùng hiệp dâng thánh lễ với cộng đoàn còn có quý nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội thuộc quê hương Bình Cách. Giáo xứ Bình Cách hiện có 2322 giáo dân, có thể nói nơi đây là một cái nôi ươm trồng ơn gọi cả nam cả nữ. Và đúng như vậy thật! Như các nữ tu Mến Thánh Giá Hà Nội đã là hơn mười chị.

Đây là lần đầu tiên, hai tu hội đời Tu Đoàn Tông Đồ Truyền Tin (nam) và Tu Đoàn Truyền Tin Truyền Giáo (nữ) do cùng vị sáng lập là Đức cố Hồng y Phaolo Phạm Đình Tụng (20.5.1919 – 22.2.209) sáng lập. Theo cha Antôn Trần Cao Tích thì tên gọi chung của hai tu hội đời là Tu đoàn Truyền Tin nam và nữ. Việc chọn những xứ do Tu đoàn mình được Đức cha giao phần trao quyền trông coi để cử hành Lễ Quan thầy của Tu đoàn nam và nữ là có hai lý do:

- Lý do thứ nhất: Đây là một dấu hiệu mới cho thấy sứ mạng truyền tin của tu đoàn không chỉ thực hiện trong lúc đi truyền giáo, nhưng được thể hiện ngay trong ngày Lễ Quan thầy của mình,vì các thành viên cũng muốn đưa tin đó, truyền thông tin đó đến với những nơi nào có anh chị em mình hiện diện.

- Lý do thứ hai: Truyền tin không phải chỉ khi nào mình làm việc tông đồ, mà ngay khi mình cử hành những lễ riêng của Tu đoàn cũng mang tính cách truyền giáo. Tính truyền tin là đưa những tin vui ấy cho tất cả những nơi mình có thể đến được.

Việc làm truyền tin truyền giáo cụ thể ở đây, chính là cha quản xứ Bình Cách và hai cha anh em đống tế đều cùng tham gia tu đoàn Truyền Tin trong tư cách là linh mục, cùng thụ phong linh mục một ngày, ngày 22.12.2006. Trong tâm tình chia vui với tu đoàn Truyền Tin nam và nữ. Cha chủ tế đã mời gọi quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ của hai tu đoàn đến dâng thánh lễ hôm nay hãy cầu nguyện thật sốt sắng, để xin Chúa ban ơn cho mỗi người được lãnh nhận bài học cao quí mà Đức Mẹ Maria đã lãnh nhận được ơn Thánh Thần Chúa, qua việc Nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Ngài giải thích ý nghĩa của “Quan thầy”. Quan thầy là theo gương sáng ấy để noi gương và bắt chước. Và ngài đặt ra những câu hỏi cho cộng đoàn, như là: “Truyền Tin nghĩa là gì?”; “Tin ấy là tin gì?”; “Ai là người nhận tin?” Để kết luận bài giảng, ngài đã tóm gọn ý nghĩa của truyền tin: “Nhận tin vui ấy rồi thì phải đem tin ấy cho người chưa biết. Qua Bí tích rửa tội, ai trong chúng ta cũng có bổn phận đem tin là ơn cứu độ đến cho người khác”.

Cuối thánh lễ, cha Antôn Trần Cao Tích đã có ít phút nói lời cám ơn cha giáo, cám ơn cộng đoàn. Ngài nói: “Xin ông bà anh chị em hiệp ý cầu nguyện cho tất cả mọi người đang hiện diện trong ngôi nhà thờ này, và đặc biệt là cho anh chị em chúng tôi, là những người được Chúa mời gọi sống đời dâng hiến, tham gia vào cánh đồng truyền giáo để phục vụ mọi người. Xin Chúa gìn giữ và nâng đỡ, cũng như tâm tình của con thơ chạy đến với Đức Mẹ. Vì xưa Đức Mẹ gìn giữ Chúa Giê su Hài Đồng thế nào thì xin Đức Mẹ cũng gìn giữ tất cả mỗi người chúng ta như vậy. Xin Mẹ Maria cầu bầu trước tòa Chúa để Chúa chúc phúc cho mọi người trong giáo xứ cũng như anh chị em chúng tôi”.
 
Hình ảnh tĩnh tâm, sinh hoạt Giới Trẻ Vietnamese Youth Rally ở Fort Worth Texas
Pt Phaolô Hoàng Quý
11:30 26/03/2012
Fort Worth, TX, ngày 24 tháng 3, 2012 - Ngày Họp Mặt, Tĩnh Tâm mùa Chay dành cho giới trẻ VYR của bốn giáo xứ: Đức Mẹ Fatima (Fort Worth, TX), Chúa Kitô Vua (Fort Worth, TX), Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (Arlington, TX), Đức Mẹ Vô Nhiễm (Wichita Falls, TX), đã được tổ chức tại Giáo Xứ Đức Mẹ Fatima, Fort Worth, Texas, dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo của linh mục chánh xứ, Jim Ngô Hoàng Khôi, CMC, đã diễn tiến rất tốt đẹp.

Xem hình ảnh

Tổng cộng khoảng 300 người tham dự. Một số hình ảnh về ngày họp mặt gồm có 1) giờ giảng thuyết / chia sẻ, 2) giờ các nhóm ‘kịch diễn’ theo chủ đề ‘I have called you friends’, 3) giờ các nhóm trình diễn “hình vẽ / posters” theo chủ đề ngày Tĩnh Tâm, 4) giờ thánh ‘Lòng Thương xót Chúa’, 5) giờ làm hòa với Thiên Chúa, 5) giờ Suy Tôn Thánh Thể, 5) Thánh Lễ Bế Mạc, 6) giờ trao phần thưởng cho các đội nhóm thuộc các G.X, và 7) giờ ca nhạc, cơm chiều chia tay.
 
Thánh Lễ Tuyên Khấn Trọn đời và Phong chức Phó tế tại Nagoya – Nhật Bản
Thế Dân
19:48 26/03/2012

Vào lúc 16 giờ ngày thứ ba, 8/3/2012, tại Nhà thờ Nanzan thuộc Giáo Phận Nagoya – do các linh mục Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời – Nhật Bản coi sóc đã diễn ra Thánh lễ Nhập Tập Viện cho một Thỉnh sinh, Tuyên Khấn Lần Đầu cho một Tập sinh và Trọn Đời cho hai Tu sỹ trong Dòng; Trong đó có một Tu sỹ người Việt Nam là Thầy Phêrô Trần Đức Điềm, SVD.
Khác với những Thánh lễ Tuyên khấn Trọng thể ở Việt Nam. Với sự chủ tế của Cha Michael Hideaki Ichise, SVD – Bề Trên Tỉnh Dòng Nhật Bản, Thánh lễ đã diễn ra trong bầu khí ấm cúng, đơn sơ và lặng thầm nhưng rất thánh thiêng, trang trọng và sâu lắng. Từng phần trong Thánh lễ đã được chậm rãi cử hành với những lời hát nhẹ nhàng lắng dịu, như từng bước đưa dẫn người tham dự đi sâu vào huyền nhiệm cao cả của đời thánh hiến.
Sau phần Phụng vụ Lời Chúa với các bài đọc thì các nghi thức chính yếu của Thánh lễ đã lần lượt được cử hành. Trước hết là nghi thức Nhập Tập viện, kế đến là Khấn tạm và sau cùng là Khấn trọn.
Trong nghi thức Khấn trọn, sau phần kinh cầu Các Thánh, Các Thầy đến quỳ trước Cha Bề Trên với sự hiện diện của cả cộng đoàn, đọc lên lời truyên khấn “Nhân Danh Thiên Chúa Ba Ngôi” sẽ trọn đời dâng hiến đời mình trong Dòng Ngôi Lời cho sứ vụ Truyền Giáo.
Xem hình ảnh tại đây
Sau đó, Thánh lễ tiếp tục được cử hành với phần Phụng vụ Thánh thể. Trong khi Cộng đoàn hiệp lễ thì Ca đoàn cất hát bài: “Bao la tình Chúa” bằng tiếng Việt như lời nguyện chung tâm tình cùng với Các Thầy cảm tạ Tình yêu bao la và vô bờ bến mà Thiên Chúa đã tuôn đổ xuống trên Các Thầy trong suốt hành trình sống đời Dâng hiến.
Kết thúc thánh lễ, mọi người đã chúc mừng, và chia sẻ niềm vui với Các Thầy bằng những tràng pháo tay giòn giã. Ngay sau đó, mọi người tham dự đã được Các Tu sỹ ân cần tiếp đón vào Hội trường của Giáo xứ. Nơi đây, mọi người được tiếp đãi nồng hậu với những món ăn truyền thống Nhật Bản.
Tiếp đến vào ngày 17/3/2012, Thầy Phêrô Trần Đức Điềm, SVD và Phan-xi-cô Xa-vi-ê Từ Đăng Phúc, SVD đã được Đức Giám Mục Augustinô Jun’ichi Nomura - Giám Mục Giáo Phận Nagoya truyền chức Phó tế.
Hiện diện với Các Thầy trong Thánh lễ, ngoài những anh em trong Hội Dòng thì còn có các ân nhân và thân hữu của Tỉnh Dòng đến hiệp thông cầu nguyện và chia sẻ niềm vui. Được biết, sau khi hoàn tất chương trình Triết học ở Việt Nam, hai Thầy đã đến Nhật Bản và tiếp tục theo học chương trình Thần học cũng như chuyên môn.
Khi nhìn lại hành trình ơn gọi trong thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, Các Thầy đã nhận ra được sự quan phòng đầy yêu thương mà Thiên Chúa đã dẫn dắt Các Thầy từng bước đi trong đời. “Người phàm chỉ nhìn thấy điều mắt thấy, nhưng Thiên Chúa nhìn thấu tận đáy lòng” (1Sm 16,7). Thật vậy, nếu ngày trước Ban Đào Tạo đã nghe theo lời của một người đàn anh (trên Các Thầy ít năm) tuyên bố “trả em cho Ban Đào Tạo” thì ngày hôm nay Hội dòng đã không có được hai nhà Truyền giáo trẻ trung.

 
Văn Hóa
Nhạc phẩm ''Những Chiếc Mạng Nhện''
Phạm Trung
07:32 26/03/2012

Nhạc phẩm "Những Chiếc Mạng Nhện" phổ từ thơ Lm Nguyễn Tầm Thường. Ca sĩ Diệu Hiền.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Khách Trọ
Phạm Tuấn Anh, Toronto, Canada
21:35 26/03/2012
KHÁCH TRỌ
Ảnh của Phạm Tuấn Anh, Toronto, Canada
Chợt nghe ...ríu rít ngoài hiên
Ô kìa “ điêu khách” tìm miền trú thân
Sa hoa , mỹ vị chẳng cần
Xin vài cọng cỏ - Tri ân hữu tình
(Trích thơ của Phạm Tuấn Anh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
Adios Mễ Tây Cơ, Đức Thánh Cha đến thăm Cuba
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:47 26/03/2012
Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du tại Mễ Tây Cơ

Lúc 9 sáng thứ Hai, tổng thống Felipe Calderon và phái đoàn chính phủ Mễ Tây Cơ đã chào tiễn biệt Đức Thánh Cha tại sân bay quốc tế León.

Trong đáp từ cám ơn sự tiếp đón nồng nhiệt của tổng thống và nhân dân Mễ Tây Cơ, Đức Thánh Cha nói:

Ngài nói:

Thưa Tổng Thống,
Thưa các vị trong chính quyền,
Thưa Đức Tổng Giám Mục,
Các hiền huynh Giám Mục,
Anh chị em Mễ Tây Cơ rất thân mến,

Chuyến viếng thăm của tôi tại Mễ Tây Cơ tuy ngắn ngủi nhưng nhiệt thành đã đến lúc kết thúc. Tuy nhiên, đây không phải là kết thúc của tình cảm và sự gần gũi của tôi với một đất nước rất thân yêu với tôi. Tôi giữ lại đầy đủ những cảm nghiệm không thể nào quên, trong đó có vô vàn những cử chỉ rất tốt đẹp và những dấu chỉ thương mến mà tôi đã nhận được. Với tất cả lòng chân thành, tôi cảm ơn Tổng Thống vì những lời tốt đẹp dành cho tôi, và cảm ơn các giới hữu trách đã giúp trong cuộc hành trình đáng nhớ này. Và tôi cảm ơn nhiều người đã giúp đỡ, ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất, để làm cho các sự kiện của những ngày này diễn ra suôn sẻ. Tôi cầu xin Chúa để tất cả những nỗ lực này không ra vô ích, và với sự giúp đỡ của Ngài, những nỗ lực ấy có thể sản sinh ra những hoa trái phong phú và lâu dài trong đời sống đức tin, hy vọng, và bác ái của León, Guanajuato, Mễ Tây Cơ và các nước khác tại Mỹ Châu Latinh và vùng Caribê.

Tôi nhận ra đức tin vào Chúa Giêsu Kitô mà tôi cảm thấy vang dội trong trái tim anh chị em, và lòng sùng mộ đặc biệt của anh chị em với Đức Mẹ, được kêu cầu trên đất nước này với những tước hiệu đẹp đẽ như Đức Mẹ Guadalupe, Đức Mẹ là nguồn ánh sáng, một thứ ánh sáng tôi đã thấy phản ánh trên khuôn mặt của anh chị em. Nhưng tôi muốn nhắc lại một cách rõ ràng và mạnh mẽ ở đây lời thỉnh cầu gởi đến những người dân Mễ Tây Cơ là hãy trung thành với chính mình, đừng để mình bị khống chế bởi quyền lực của sự dữ, nhưng hãy dũng cảm và làm hết sức để đảm bảo rằng căn cội Kitô của anh chị em có thể nuôi dưỡng hiện tại và tương lai của anh chị em.

Tôi cũng đã nhìn thấy những biểu hiện âu lo về nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống đất nước thân yêu này, một số mới nổi lên gần đây và một số khác đã có từ lâu, tiếp tục làm anh chị em mất tinh thần như thế. Tôi cũng cảm nhận được những âu lo ấy, khi tôi chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của người Mễ Tây Cơ và anh chị em của tôi, đặt để chúng trong lời cầu nguyện dưới chân Thánh Giá, nơi Thánh Tâm Chúa Kitô, mà từ đó máu và nước tuôn đổ ra ơn cứu chuộc.

Trong những trường hợp này, tôi mạnh mẽ kêu gọi người Công Giáo Mễ Tây Cơ, và mọi người nam nữ thiện chí, đừng để mình bị khuất phục bởi một não trạng thực dụng là điều luôn dẫn đến sự hy sinh của những người yếu nhất và vô phương tự vệ nhất. Tôi mời gọi anh chị em hãy hướng đến một nỗ lực chung để xã hội có thể được canh tân từ nền tảng, nhằm đem đến một cuộc sống trong phẩm giá, công lý và hòa bình cho tất cả mọi người. Đối với người Công giáo, đóng góp này cho thiện ích chung cũng là một yêu cầu trong chiều kích thiết yếu của Tin Mừng, là nâng cao nhân bản, đồng thời đó cũng là một biểu hiện tối cao của lòng bác ái. Vì lý do đó, Giáo Hội hô hào tất cả các tín hữu hãy là những công dân tốt, ý thức rõ rệt trách nhiệm phải quan tâm đến lợi ích của tất cả anh chị em mình, đến cuộc sống của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Anh chị em Mễ Tây Cơ thân mến, tôi nói với anh chị em "Adios!" trong ý nghĩa truyền thống tốt đẹp của thành ngữ Tây Ban Nha này là “Hãy ở lại với Thiên Chúa!” Vâng, "Adios", luôn mãi trong tình yêu của Chúa Kitô, nơi đó chúng ta gặp nhau và một lần nữa sẽ gặp nhau. Xin Chúa ban phúc lành cho anh chị em và xin Đức Maria Chí Thánh phù hộ anh chị em!

Đức Thánh Cha bắt đầu chuyến tông du tại Cuba

Lúc 9:30 máy bay đã cất cánh bay đến phi trường Santiago de Cuba. Từ León sang Santiago de Cuba mất 3 giờ 30 phút bay nhưng vì Santiago de Cuba sớm hơn León một giờ nên đến 14 giờ theo giờ địa phương máy bay mới đáp xuống sân bay quốc tế Antonio Maceo của Cuba.

Ra đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay có chủ tịch nhà nước Cuba Raul Castro.

Hàng triệu người Công Giáo Cuba sẽ tham dự thánh lễ tại quảng trường Antonio Maceo nhân dịp kỷ niệm 400 năm tìm thấy ảnh tượng "Virgen de la Caridad del Cobre" nghĩa là Đức Mẹ Bác Ái mỏ đồng. Vào năm 1612, 3 ngư phủ đã đã tìm được tượng Đức Mẹ nhỏ bằng gỗ do một tù trưởng thổ dân bỏ rơi một thế kỷ trước đó. Nơi tìm được tượng gần mỏ đồng đầu tiên của Cuba.

Trong số đông đảo các tín hữu tham dự thánh lễ tại quảng trường Antonio Maceo có ít nhất là 300 tín hữu Công Giáo thuộc tổng giáo phận Miami Hoa Kỳ, quê hương thứ hai của hai triệu người Cuba lưu vong, những người đang tràn trề hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ giúp đất nước họ sớm được hưởng tự do thật sự.

Tòa Thánh đã phải mất hơn một năm trời đàm phán với Cuba về chuyến viếng thăm của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1998. Tuy nhiên, đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Havana cho biết lần này mọi thứ đều trở nên dễ dàng và mất không quá ba tháng.

Kinh Chiều Tạ Ơn tại Đền Thờ Mẹ Ánh Sáng Cực Thánh

Chiều Chúa Nhật 25 tháng Ba, Đức Giáo Hoàng đã có buổi Kinh Chiều Tạ Ơn tại Vương Cung Thánh Đường León. Đức Thánh Cha đã kêu gọi tất cả các giám mục châu Mỹ La Tinh làm hết sức cho Giáo Hội trở nên một hạt giống của niềm hy vọng '. "Không có lý do gì để đầu hàng sự thống trị của sự ác", Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói: "Thay vào đó, chúng ta hãy xin Chúa Phục Sinh thể hiện quyền lực của Ngài trong sự yếu đuối và trong nhu cầu của chúng ta."

Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi đoàn kết và tôn trọng trong Giáo Hội. Ngài nói rằng anh chị em giáo dân giúp đỡ trong việc dạy giáo lý, phụng vụ, các tổ chức bác ái, và các dấn thân xã hội, không thể bị đối xử như những công dân hạng hai trong Giáo Hội.

Các giám mục từ khắp châu Mỹ La tinh đã được mời đến tham dự buổi lễ. Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu tất cả những vị hiện diện trong buổi Kinh Chiều Tạ Ơn, bao gồm cả cộng đoàn, hãy cầu nguyện với Đức Mẹ Ánh Sáng, và khẩn cầu cho niềm hy vọng tại khu vực này.

Đức Thánh Cha nói

"Vì thế, chúng ta khẩn cầu Mẹ thường xuyên như là ‘niềm hy vọng của chúng ta’ vì Mẹ đã cho chúng ta thấy Chúa Giêsu và chỉ cho chúng ta thấy những kỳ công của Thiên Chúa liên tục thực hiện cho nhân loại. Mẹ làm như vậy đơn giản, như một người mẹ dạy con mình ở nhà."

Đức Thánh Cha đã phàn nàn về sự gia tăng bạo lực ở Mễ Tây Cơ trong khi nhấn mạnh rằng sức mạnh của Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ.

Ngài nói:

"Sự ác nơi con người và sự u minh không thể nào ngăn chặn kế hoạch cứu độ và cứu chuộc của Thiên Chúa. Sự ác đơn giản là không có khả năng đó. "

Sau buổi Kinh Chiều, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã khánh thành hệ thống chiếu sáng khu vực tượng đài Chúa Kitô Vua. Đức Giáo Hoàng đã nhấn một công tắc điện tử để bật sáng hơn 100 ngọn đèn được đặt xung quanh tượng đài.