Ngày 25-03-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Những nghịch lý Tin Mừng
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
03:35 25/03/2018
Những nghịch lý Tin Mừng
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ và với chúng ta hôm nay những nghịch lý Tin Mừng như là những quy luật tất để đạt tới hạnh phúc và vinh quang đích thực. Đó là nghịch lý thập giá, chết sẽ sống và cho sẽ nhận lại. Nhân dịp bước vào Tuần Thánh, để hiểu sâu hơn về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta lần lượt tìm hiểu từng giáo huấn ngày.
1- Nghịch lý thứ nhất: Giờ thập giá là giờ vinh quang
Đối với cái nhìn thế gian, thập giá được coi là một nhục hình tồi tệ nhất. Những ai bị treo trên thập giá là những người bị nguyền rủa, bị chúc dữ, cả Thiên Chúa cũng ruồng bỏ họ. Trong thời đế quốc Rôma, thập giá là một hình phạt dành cho các trọng tội, cho lớp bần đinh, nô lệ, những tên đại tặc hay phiến loạn. Tội nhân thường bị đánh đòn, và sau đó phải vác thanh ngang tới pháp trường. Tử tội bị lột hết áo quần và bị đóng đinh vào khổ giá cho đến chết mà không được an táng, nhưng phải phơi thây làm mồi cho dã thú. Vì tính cách nhục nhã như vậy nên không ai muốn làm anh hùng bằng cái chết trên Thập giá.
Tuy nhiên, theo Tin Mừng thánh Gioan, giờ Chúa Giêsu bước lên thập giá là giờ vinh quang. Bởi thế, Gioan trình bày Tin Mừng của mình thành hai phần: phần các dấu chỉ và phần vinh quang. Phần các dấu chỉ gồm các phép lạ và hành vi Chúa làm. Phần vinh quang thuật lại cuộc thương khó và phục sinh của Chúa Giêsu.
Trong chương 12,20-33 Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” Quả thết, giờ mà toàn bộ sứ mạng Chúa Giêsu hướng tới là giờ thập giá, là kairos, giờ quyết định cho vận mạng thế giới. Giờ tử nạn trên thập giá là giờ mà Người phải đi qua, giờ phải thi hành, để vào hưởng vinh quang Người đã có trong Chúa Cha. Đây một nghịch lý khó hiểu nhưng lại là chân lý nền tảng nhất của Kitô giáo. Bởi thế, đoạn Tin Mừng kết thúc với những lời rất ý nghĩa: “Phần tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”
Thật vậy, theo thần học của thánh Gioan, thập giá trở thành nơi bộc lộ vinh quang Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ vinh quang của tình yêu khi ban Con một mình cho nhân loại; nơi Đức Giêsu, thập giá không còn phải là một nhục hình nhưng là ngai tòa mà Người hành sử vương quyền, không phải vương quyền theo nghĩa trần tục nhưng là vương quyền của tình yêu. Thập giá trở thành nguồn ơn cứu độ cho loài người chúng ta.
Khi nói về nghịch lý của thập giá, thánh Phaolô tuyên bố: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1,18-25).
2- Nghịch lý thứ hai: Chết để sống
Thứ đến, nghịch lý thứ hai là dụ ngôn về hạt lúa mì: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12,24).
Trong Tin Mừng, chúng ta tìm thầy nhiều nơi Chúa Giêsu nói với người cùng thời của Người bằng nhiều hình ảnh từ đồng ruộng vốn rất gần gũi họ. Chẳng hạn như dụ ngôn người gieo giống, về mùa gặt, hay vườn nho, cây nho v.v… Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại một cách tự nhiên ở phạm vi nông nghiệp. Cũng như những hình ảnh và dụ ngôn khác, hình ảnh hạt lúa mì được Chúa dùng để chuyển tải cho chúng ta một giáo huấn mà xem ra rất nghịch lý nhưng rất ý nghĩa và hiện sinh liên quan đến chính Người và các môn đệ Người, bao gồm cả chúng ta.
Thật vậy, hạt lúa mì ở đây trước hết là chính Người, Đức Giêsu Kitô. Như một hạt lúa mì gieo vào lòng đất, Ngôi Lời được Thiên Chúa Cha gieo vào thế gian khi Người nhập thể làm người, qua mầu nhiệm tự hủy (kenosis). Người đã trút bỏ địa vị Thiên Chúa, trở nên một người phàm hèn như chúng ta (x. Pl 2,4-6). Đặc biệt, Người đã chịu khổ nạn trên thập giá và nhờ quyền năng của Thánh Thần, Thiên Chúa đã làm cho Người phục sinh. Cái chết và sự phục sinh của Người mang lại muôn vàn hoa trái cho nhân loại giống như hạt lúa mì chấp nhận chết đi và sinh nhiều bông hạt khác. Nhờ cái chết của Chúa, con người được sống và được ơn cứu độ, Giáo Hội được sinh ra từ cạnh sườn Người. Nhờ sự phục sinh của Chúa, sự dữ và thế lực sự chết bị hủy diệt, Chúa Kitô mang lại cho con người sự sống vĩnh cữu.
Hình ảnh hạt lúa mì chết đi cũng được áp dụng cho mỗi người kitô hữu chúng ta. Cũng như hạt lúa mì không được gieo vào lòng đất, điều gì sẽ xảy ra? Hoặc chim trời đến ăn mất, hoặc nó bị khô héo, hay hư hoại, hoặc bị bán đi làm lương thực và sự sống của nó kết thúc. Nhưng nếu nó được gieo vào ruộng đất, nó chấp nhận thối đi, rồi mọc lên và sinh nhiều bông hạt. Một cách tương tự, nếu con người không được biến đổi đến nhờ đức tin và phép rửa, nếu con người không chấp nhận những hy sinh rèn luyện, mà chỉ sống ở bình diện tự nhiên, chỉ dừng lại ở sự ích kỷ cá nhân, họ sẽ kết thúc một cách nghèo nàn và hủy diệt. Ngược lại nếu con người tin vào Thiên Chúa và chấp nhận thập giá, hy sinh và hiệp thông với Chúa Kitô, bấy giờ, họ mở ra với chân trời vĩnh cữu.
Như thế, với hình ảnh hạt lúa mì, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một quy luật để sống: phải qua đau khổ để tới vinh quang. Nếu không chấp nhận chết đi, thì sẽ không có sự sống, trở nên nghèo nàn và không lợi ích gì. Không vất vả, không có kết quả (no pain, no gain). Điều gì đến dễ dàng cũng sẽ ra đi dễ dàng.
3- Nghịch lý thứ ba: “Giữ sẽ mất, cho sẽ tìm lại”
Cũng trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu còn thêm một nghịch lý thứ ba nữa: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25; cf. Mt 16,25). Đây quả là một nghịch lý đối với lý luận và tính toán của con người. Chúng ta thường nghĩ rằng “cho là mất, cất là còn.” Nên người ta tìm mọi cách để chiếm hữu, để tích lũy, để hưởng thụ tối đa cho riêng mình. Trong khi đó Chúa Giêsu nói ngược lại, là “hiến dâng sẽ tìm lại được”. Đây chính là chân lý được Người mạc khải như là quy luật để chúng ta tìm thấy sự viên mãn trong đời sống mình.
Quả thế, sự sống trong chúng ta không dừng lại trong mình. Nó có sức mạnh tự thân lan tỏa, kết hợp, sáng tạo. Nếu chúng ta cố giữ nó lại, nó sẽ chết và làm cho chúng ta chết. Không một ai trong chúng ta có thể sống trọn vẹn, tròn đầy, viên mãn mà lại không cố gắng trao ban sự sống mà mình đã lãnh nhận, đã hội nhập, đã tăng trưởng. Chúng ta chỉ có thể làm triển nở và phát triển sự sự ấy khi biết trao ban, hiến dâng và phục vụ tha nhân. Phần thưởng mà Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta theo như Lời Chúa hứa: “Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy. Như thánh Phanxicô Assisi nói: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời.”
Khi nói đến nghịch lý hiến dâng, nhà thần học Michael Quoist quả quyết: “Cuộc sống được hiến dâng sẽ không bị mất gì cả… Cuộc sống này còn được trao lại cho bạn gấp trăm lần. Khi Đức Giêsu ở trên thập giá, đã với với Cha Người: ‘Con xin phó dâng cuộc đời con trong tay Cha.’ Người đã dâng cho Cha cuộc sống của Người, cùng với cuộc sống của bạn và cuộc sống của toàn thế giới. Chúa Cha đã chấp nhận tất cả, và ba ngày sau, Người đã trao lai cho Chúa Giêsu tất cả đã được hiển dung, phục sinh.” (1)
Câu chuyện thần thoại của người Hy Lạp về chàng Narcissus minh chứng cho nghịch lý này: Anh ta chỉ yêu mình, say đám mình và ngắm mình trên mặt hồ và để chiếm hữu mình nên nhảy xuống nước. Rút cuộc anh ta chết!
Xin Chúa ban ơn nâng đỡ để chúng ta có đủ can đảm đi vào đường lối và logic của Thiên Chúa.
Ghi chú 1: Michael Quoist, Xây dựng con người nhân bản, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM 200, 141.
 
Nụ hôn không tình yêu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
18:02 25/03/2018
SUY NIỆM TUẦN THÁNH

Nụ hôn diễn tả tình yêu.
Nụ hôn gửi gắm muôn điều thân thương.

Hôn là một hành động nhằm biểu đạt tình yêu. Nụ hôn luôn được coi là “biểu tượng đẹp” trong tình cảm của con người. Chữ hôn được ghép với nhiều chữ khác như hôn nhân, hôn ước, hôn phối, hôn lễ, thành hôn, kết hôn, tái hôn. Chữ hôn đứng vai chủ động diễn tả hành động yêu thương, cử chỉ trìu mến, tác thành như tân hôn, kết hôn, thành hôn, tái hôn. Chữ hôn dùng trong trường hợp cử hành các nghi thức mừng vui như hôn lễ, hôn phối, hôn ước. Và chữ hôn còn dùng diễn tả sự kiện đau buồn, cô đơn như tiêu hôn.

Tân Ước có mô tả về hai nụ hôn khá tương phản. Một của Giuđa, một của người phụ nữ tội lỗi trong Lc 7,37.

Trong mái nhà Nagiaret, Mẹ Maria và thánh Giuse chắc chắn đã hôn Chúa Giêsu nhiều lần khi Ngài còn bé thơ, những lúc ẵm bồng âu yếm con trẻ trên tay, nhưng phúc âm đã không nhắc gì đến điều này. Phúc âm chỉ kể lại có hai lần thôi Đức Giêsu được hôn trong cuộc đời rao giảng công khai.

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nói đến cái hôn của Giuđa (Mt 26,48-49; Mc 14,44-45; Lc 22,47-48). Nét tinh tế của các tác giả Tin Mừng là ở chỗ này: Các ngài kể rằng Giuđa đã cho đám người đi bắt Đức Giêsu một dấu hiệu: “Tôi hôn ai thì chính là người đó” (Mt 26,48//Mc Mc 14,44//Lc 22,47); chữ “hôn” ở đây là phileô. “Ngay lúc đó, Giuđa tiến lại gần Đức Giêsu và nói: ‘Rabbi, xin chào Thầy!’, rồi hôn Người” (Mt 26,49//Mc 14,45); chữ “hôn” ở đây lại là kataphileô, “hôn thắm thiết, nồng nàn”. Giuđa đã dùng một cử chỉ để diễn tả “tình yêu thương tha thiết, trọn vẹn”, “cái hôn thắm thiết”, để phản bội Đức Giêsu là Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể! Một trái tim phản bội che giấu hành vi bất lương dưới một cái hôn nồng nàn…

Cái hôn của người phụ nữ vô danh. Đây là một “người phụ nữ tội lỗi trong thành”, nghĩa là “tội lỗi công khai” (Lc 7,36-50). Chị đã “đứng đàng sau, sát chân Đức Giêsu mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7,38). Chữ “hôn” ở đây là kataphileô, “hôn thắm thiết”. Một tâm hồn tội lỗi đến gặp Đức Giêsu để thú nhận tình trạng bất chính của mình cùng với lòng kính trọng và tâm tình biết ơn sâu xa bằng những nụ hôn thắm thiết đặt lên chân Người…(Lm Vũ Phan Long, ofm; kinhthanh.org).

Giuđa hôn má của Thầy, ông đang đứng ở một khoảng cách rất gần trong tương quan với Chúa Giêsu. Người phụ nữ tội lỗi hôn chân Thầy để biểu lộ lòng sám hối, cô ấy tự đặt mình ở một khoảng cách rất xa trong tâm hồn.

Nụ hôn của môn đệ nộp Thầy và nụ hôn của người đàn bà thống hối biểu tỏ lòng ăn năn. Cùng một nụ hôn nhưng khác nhau về nội dung. Hai nụ hôn này không chỉ khác về vị trí mà ánh mắt cũng rất khác lạ. Kinh Thánh không mô tả thần thái của hai gương mặt này trong khi hôn. Chỉ có Chúa mới đo được tình yêu của hai nụ hôn này và Ngài hiểu thấu tâm can của mọi hành vi, ngay cả khi hai người ấy chưa hành động.

Giuđa nói với đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc: “Tôi hôn ai thì đó chính là Người, các anh bắt lấy” (Mt 26,48). Cái bi đát của tình yêu là dùng chính cử chỉ âu yếm nhất để phản bội tình yêu. Nụ hôn của Giuđa đau hơn ngàn cái tát, nhục nhằn hơn dòng nước mắt, quặn thắt hơn vết thương sâu. Chúa Giêsu ngỡ ngàng trước thái độ của Giuđa nên hỏi: “Giuđa ơi! Anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao? (Lc 22,48). Chúa Giêsu không tưởng tượng được một môn đệ sau ba năm chung sống, bây giờ dùng nụ hôn chỉ điểm cho đám người đến bắt Ngài. Nếu Giuđa dùng cái tát tai hoặc cú đấm để làm dấu chỉ thì Chúa đỡ đau lòng hơn. Cái bi đát ở đây là Giuđa dùng chính cái hôn để phản bội tình yêu, dùng chính cái hôn để chà đạp sỉ nhục tình yêu. Có nhiều cách phản bội, nhưng Giuđa đã chọn cách phản bội đau lòng nhất.

Giuđa đã dùng nụ hôn vốn là “ngôn ngữ yêu thương” để “chỉ điểm” và bán Thầy với giá “ba mươi đồng” (Mt 26,15; Mt 27,3.9). “Ba mươi đồng” chỉ là số tiền nhỏ so với “ba trăm quan tiền” giá chiếc bình bạch ngọc đựng dầu cam tùng hảo hạng (Mc 14,5; Ga 12,5) mà người phụ nữ tội lỗi đã đập bể và lấy dầu xức chân Chúa Giêsu tại nhà ông Simon (Mt 26,6-13; Mc 14,3-9; Ga 12,1-8). Bán Thầy giá “ba mươi đồng” so với bình dầu “ba trăm quan tiền”, nên Giuđa tiếc nuối cho rằng cô kia làm như vậy là hoang phí (Mt 26,8; Mc 14,4). Giuđa không ngay thẳng khi mượn danh người nghèo để trách lòng quảng đại của người phụ nữ: “Phí phạm dầu để làm gì? Sao không bán để giúp cho người nghèo?”. Thánh Gioan nhận định: “Hắn nói thế không phải vì thương người nghèo đâu, nhưng vì hắn giữ tiền chung, hay bớt xén tiền của anh em”. Khi lòng người đã không ngay thẳng, không thật thà, thì những hành động hoặc lời nói bên ngoài cũng sẽ không trung thực.

Hai nụ hôn bởi hai con người khác nhau, mang hai tâm tình khác nhau. Hai nụ hôn bắt nguồn từ hai trái tim: một trái tim chất ngất yêu thương, còn một trái tim lừa lọc, bội phản. Từ đó, hai trái tim đưa về hai nẻo lối khác nhau: một lối đi về mênh mông thiên đường, còn lối kia dẫn về ngục tù hun hút.

Chúa xét đến tâm tư thầm kín của từng người. Giuđa đến hôn lên má Thầy, làm dấu hiệu cho người khác đến bắt Thầy. Còn người phụ nữ tội lỗi đến hôn chân Chúa để tỏ lòng thống hối bên trong, xin ơn làm lại cuộc đời. Bàn chân nằm ở vị trí thấp nhất. Chọn chân để hôn nhằm chứng minh tình yêu, lòng khiêm cung, người hôn muốn nói lên sự bất tương xứng trong tình yêu của mình.

Cái hôn của Giuđa chỉ tốt ở bên ngoài, hợp với phong tục tập quán. Người môn đệ hôn thầy mình đúng luật xã giao và hợp tình nghĩa, nhưng ý hướng bên trong thì thật xấu xa. Còn nụ hôn của cô ấy bên ngoài không được thích hợp, nhưng bên trong chất chứa những ý hướng tốt đẹp.

Cuộc sống với giá trị bên trong mới đáng kể: nếu thấy một người có những hành động và thái độ xem ra không thích hợp với thói quen xã hội và tôn giáo, chúng ta đừng vội nghi ngờ và lên án. Họ có thể không được xã hội đồng ý, không được đám đông chấp nhận, nhưng biết đâu trước mặt Chúa họ không có gì phải hổ thẹn và thua kém ai. Điều mà mỗi người cần lo sợ đề phòng hơn hết là thái độ như Giuđa, dùng cái hôn, dùng việc đạo đức tốt lành bên ngoài để nộp Chúa, bán Chúa. Đó là trường hợp người ta lợi dụng việc từ thiện việc đạo đức để kiếm tiền, dùng thế giá tôn giáo để xây dựng uy tín riêng mình, viện cớ tôn giáo để bắt nạt kẻ khác. Nêu ra lý do đạo đức để khoe khoang bôi nhọ, nói xấu người khác.... Thiếu gì những người nhân danh Chúa để loại trừ Chúa và làm hại anh chị em xung quanh.

Nụ hôn Giuđa đã khiến cho cái chết của Chúa Giêsu vốn đã đau đớn lại thêm tê tái hơn. Nụ hôn của Giuđa để lại một kỷ niệm buồn. Hơn hai nghìn năm lịch sử vẫn không phai mờ, bởi Giuđa đã hôn Thầy bằng một nụ hôn không chút tình yêu. Nếu mỗi nụ hôn trao nhau là một đóa hoa hồng, thì nụ hôn không chút tình yêu của Giuđa trở nên vòng gai nhọn trao cho Chúa Giêsu.

Suy ngẫm về nụ hôn không chút tình yêu của Giuđa là dịp cho ta nhìn lại chính mình: Giuđa đã phản bội Chúa bằng môt nụ hôn khéo léo lọc lừa, còn chúng ta thì sao? Trong lời nói, suy nghĩ và hành động, có khi nào ta phản bội Chúa không? Trong tương quan với tha nhân nhiều lần ta thiếu vắng tình yêu chăng?.

Ngày thành hôn, đôi bạn trẻ thề non hẹn biển, nhưng không chừng ngày nào đó lời thề hứa ấy lại bay theo tiếng gọi của gió ngàn. Yêu đòi phải hy sinh cho nhau. Hy sinh là bảo chứng của tình yêu. Khi chấp nhận đau đớn vì nhau thì tình yêu mới trọn vẹn, nụ hôn trao nhau mới thực sự là bằng chứng của tình yêu.

Linh mục tu sĩ cũng đã có những cái ôm hôn trong ngày khấn dòng hay trong ngày lễ phong chức. Nghi thức trao hôn bình an của giám mục, của bề trên hay của người anh em cũng bào hàm một lời mời gọi yêu thương và trung thành với những điều đã khấn hứa, đã tuyên thệ. Thế nhưng lời thế ấy vẫn dang dở đôi lần vì bất trung, tình yêu ấy đã có lúc mai một.

Ba năm theo Chúa, Giuđa luôn đi trong ánh sáng của sự bình an, tình yêu và hy vọng. Nhưng cuối cuộc đời lại trở nên kẻ tối tăm phản bội. Cuộc sống của chúng ta luôn có những người thân, những người bạn, những người đồng nghiệp…có ai ngờ được một lúc nào đó cũng là những kẻ phản bội chúng ta. Thực tế cuộc sống xã hội hôm nay đã cho thấy cảnh gia đình tan nát khi vợ chồng phản bội nhau, con cái dối gạt cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp vì một mối tình, cạnh tranh làm ăn… mà đánh mất tình bạn, tình yêu, đưa đến những thảm họa đau thương. Chúa Giêsu biết rõ tận tâm can của con người: “kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 14,18). Hãy nhớ lời Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Ai tưởng mình đang đứng vững thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12). Và lời Thánh Phêrô căn dặn: “ma quỷ, thì địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8).

Đừng trách Giuđa phản thầy của mình, nếu có trách thì trách ông đã để cho ma quỉ bước vào cuộc đời và dẫn lối đời mình (x. Lc 22,3). Mà nếu trách như vậy thì thử hỏi ai trong chúng ta không đáng trách! Ai trong đời cũng có đôi lần để ma quỉ dẫn lối đi về miến u tối của bất trung.

Lạy Chúa, xin dạy con sống trung thành với Chúa và chân thành với anh chị em, luôn biết sống yêu thương với hết mọi người. Xin dạy con sống quảng đại và luôn là khí cụ bình an của Chúa. Amen!
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha Chúa Nhật Lễ Lá 2018 - Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 33
J.B. Đặng Minh An dịch
05:56 25/03/2018
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 10h sáng Chúa Nhật 25/3. Đây cũng là Ngày Giới Trẻ Thế Giới cấp giáo phận lần thứ 33.

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép lá diễn ra tại chân cây tháp bút ở giữa Quảng trường và cuộc rước lá diễn ra tiếp theo đó với sự tham dự của đông đảo các bạn trẻ của giáo phận Rôma và đặc biệt là 300 bạn trẻ trên thế giới về Rôma tham dự khoá họp Tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên. Thánh Lễ đã được diễn ra tại trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta chia sẻ trong niềm vui và bầu khí tưng bừng của dân chúng đang ca ngợi Chúa của họ; một niềm vui sẽ mờ dần và để lại một hương vị cay đắng và sầu buồn vào cuối trình thuật cuộc Thương khó. Buổi lễ này dường như kết hợp những câu chuyện vui mừng và đau khổ, sai lầm và thành công, là những mảng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong tư cách là các môn đệ của Chúa. Bằng cách nào đó, nó diễn tả những cảm xúc trái ngược nhau mà cả chúng ta, những người nam nữ ngày hôm nay, cũng cảm thấy: đó là khả năng yêu mến thật bao la... bên cạnh lòng căm thù tận xương tủy; khả năng can đảm hy sinh quên mình, lẫn với khả năng “rửa tay” đúng lúc; bên cạnh năng lực trung thành, còn có sự bỏ rơi và phản bội.

Chúng ta cũng thấy rõ xuyên suốt Tin Mừng rằng niềm vui Chúa Giêsu khơi dậy, đối với một số người, lại là căn cớ cho sự tức giận và khó chịu.

Chúa Giêsu tiến vào thành vây quanh bởi dân Ngài và những tiếng ca hát reo hò huyên náo. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng giữa những tiếng hò reo ấy, có tiếng hô của người con trai được tha thứ, của người phong cùi được chữa lành, hoặc tiếng kêu be be của con chiên lạc. Rồi cũng có tiếng hát của người thu thuế và của người đàn ông từng bị ô uế; lẫn với tiếng kêu của những người sống bên lề thành phố. Và cũng có những tiếng kêu của những người nam nữ đã đi theo Chúa Giêsu vì họ cảm nhận được lòng từ bi của Ngài trước những đau đớn và bất hạnh của họ... Những tiếng reo hò ấy là bài hát và là niềm vui tự phát của tất cả những ai bị bỏ lại phía sau và bị người đời chê chối, những người, sau khi đã chạm được vào Chúa Giêsu, có thể hô vang lên: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”. Làm sao họ có thể không ca ngợi Đấng đã phục hồi nhân phẩm và hy vọng của họ? Niềm vui của họ là niềm hân hoan của cơ man những người tội lỗi được tha thứ, là những người giờ đây có thể tin tưởng và hy vọng một lần nữa.

Tất cả niềm vui này và sự tán tụng này là căn cớ gây khó chịu, gây ra tai tiếng và tức tối cho những người tự coi mình là công chính và “trung thành” với lề luật và các khuôn mẫu nghi lễ của lề luật. [1] Đó là một niềm vui không thể chấp nhận được của những ai lòng chai dạ đá trước những đau thương, chịu đựng, và bất hạnh. Một niềm vui không thể chấp nhận được đối với những người đã quên bao nhiêu những cơ hội được trao ban cho chính bản thân họ. Thật khó biết bao cho những người tự mãn và tự coi mình là công chính có thể hiểu được niềm vui và cử mừng lòng thương xót của Thiên Chúa! Thật khó biết bao cho những người chỉ tin tưởng vào bản thân mình, và coi thường người khác, để có thể chung chia niềm vui này. [2]

Còn đây là nơi xuất phát một loại la hét khác, đó là tiếng gào quyết liệt của những kẻ đang hét to: “Đóng đinh nó đi!” Những tiếng kêu ấy không phải là tự phát nhưng đã được vũ trang bởi những lời phỉ báng, vu khống và làm chứng dối. Đó là tiếng nói của những người uốn nắn thực tại và chế tác ra những câu chuyện vì lợi ích riêng của họ, mà không cần quan tâm đến danh thơm tiếng tốt của người khác. Đó là tiếng gào của những người không thấy có vấn đề gì trong việc tìm kiếm mọi cách để đạt được quyền lực và để bịt miệng những tiếng nói trái chiều với mình. Tiếng kêu đó xuất phát từ việc “nhào nặn” các sự kiện và tô vẽ chúng để làm biến dạng khuôn mặt của Chúa Giêsu và biến Người thành ra một tên “tội phạm”. Đó là tiếng nói của những người muốn bảo vệ vị trí của mình, cách riêng là bằng cách làm mất uy tín của những người vô phương tự vệ. Đó là tiếng gào thể hiện sự tự mãn, tự hào và kiêu ngạo của những kẻ không thấy có vấn đề gì khi hét lên: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó”.

Và vì thế, cuối cùng, việc cử mừng của người dân bị dập tắt. Hy vọng bị tắt ngấm, giấc mơ bị chôn vùi, niềm vui bị vùi dập; con tim bị đóng lại và lòng mến ra nguội lạnh. Đó là tiếng kêu “hãy cứu mình đi”, làm thui chột cảm thức về tình liên đới của chúng ta, hạ giảm những lý tưởng của chúng ta, và làm mờ tầm nhìn của chúng ta... đó là tiếng gào muốn xóa sạch lòng thương cảm.

Đối mặt với những người như thế, phương dược tốt nhất là nhìn vào thập giá của Chúa Kitô và để mình được thách thức bởi tiếng kêu cuối cùng của Người. Ngài chết đi khi đang thốt lên tình yêu của mình cho mỗi người chúng ta, người già người trẻ, những bậc thánh nhân và những kẻ tội lỗi, những người trong thời của Người và những người trong thời đại của chính chúng ta. Chúng ta đã được cứu bởi thập giá của Người và không ai có thể đè nén niềm vui của Tin Mừng; không ai trong bất kỳ tình huống nào, bị tách biệt khỏi cái nhìn thương xót của Chúa Cha. Nhìn lên cây thập giá có nghĩa là để những ưu tiên của chúng ta, những lựa chọn và hành động của chúng ta bị thử thách. Nó có nghĩa là chất vấn mình về sự nhạy cảm đối với những ai gặp khó khăn. Trái tim của chúng ta tập trung vào đâu? Liệu Chúa Giêsu có còn tiếp tục là một nguồn mạch của niềm vui và tán tụng trong trái tim của chúng ta, hay những ưu tiên và những mối quan tâm trong lòng làm cho chúng ta xấu hổ khi nhìn vào những người tội lỗi, những người rốt cùng và những người bị lãng quên?

Các bạn trẻ thân mến, niềm vui mà Chúa Giêsu đánh thức trong các bạn là căn cớ cho sự tức giận và khó chịu đối với một số người, vì khó mà thao túng được một người trẻ tuổi vui tươi.

Nhưng hôm nay, một loại la hét thứ ba có thể đang vang lên: “Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pharisêu nói với Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!’ Người đáp: ‘Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!’” (Lc 19: 39-40).

Sự cám dỗ muốn bịt miệng những người trẻ luôn luôn tồn tại. Chính những người Pharisiêu đã quở trách Chúa Giêsu và đòi Ngài bắt họ phải im lặng.

Có rất nhiều cách để bịt miệng những người trẻ và làm cho họ thành ra vô hình. Có nhiều cách để gây tê họ, để làm cho họ im lặng, không hỏi gì, không thắc mắc điều chi. Có rất nhiều cách để làm họ vô cảm, để giữ cho họ không dự phần vào, để biến ước mơ của họ thành nhạt nhẽo và tầm thường, vụn vặt và ảm đạm.

Vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá này, khi chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, chúng ta hãy lắng nghe câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho tất cả những người Pharisêu xưa và nay: “Nếu họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (Lc 19:40).

Các bạn trẻ thân mến, trong lòng các bạn có điều để gào lên. Tùy thuộc vào các bạn lựa chọn tiếng hô vang “Hosanna” của ngày Chúa Nhật, để khỏi phải gào lên tiếng hét “Đóng đinh nó đi!” của ngày thứ Sáu... tùy thuộc vào bạn đừng giữ im lặng. Ngay cả khi những người khác giữ im lặng, nếu những người già chúng tôi và các nhà lãnh đạo giữ im lặng, nếu cả thế giới này giữ im lặng và đánh mất đi niềm vui của mình, tôi hỏi các bạn: Liệu các bạn có kêu lên không?

Xin vui lòng lựa chọn, trước khi sỏi đá sẽ kêu lên.

[1] Cf. R. Guardini, The Lord, Chicago, 1959, 365.

[2] Cf. Apsotolic Exhortation Evangelii Gaudium, 94.


Source Libreria Editrice Vaticana HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS St Peter`s Square 33rd World Youth Day Sunday, 25 March 2018
 
Chúa Nhật Lễ Lá, ĐGH mời gọi mọi người hãy ca vang Hosanna
Giuse Thẩm Nguyễn
12:58 25/03/2018
(Vatican News) Trong Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay ngày 25 tháng Ba năm 2018, ĐGH Phanxicô đã so sánh niềm vui hân hoan của những người cử hành việc Chúa Giêsu vào thành Thánh Giê-ru-sa-lem với tiếng gào thét của những người muốn họ im lặng.

ĐGH mời gọi chúng ta hãy nhìn vào chính mình trong Phụng Vụ Lễ Lá Chúa Nhật hôm nay. Ngài nói rằng phụng vụ “diễn tả những cảm xúc phức tạp trái ngược nhau mà… chúng ta cũng đã trải qua”: tình yêu và lòng hận thù, tự chấp nhận hy sinh và “rửa tay vô can”, trung thành và phản bội.

Hô vang vui mừng

ĐGH nói rằng chúng ta hãy tưởng tượng là trong số đám đông hô vang hò hét khi Chúa Giê-su tiến vào thánh Thánh Giê-ru-sa-lem rất có thể là những người như đứa con hoang đàng trở về, người phong cùi được chữa lành, “những người đã từng theo Chúa Giê-su bởi vì họ cảm nhận được lòng thương xót Ngài đối với những đau đớn và khốn khổ của họ.”. Tiếng reo hò của họ là bài ca và niềm vui bộc phát của tất cả những người bị bỏ rơi, bị coi thường, những người đã được Chúa Giê-su đụng chạm tới giờ đây mới có thể hát vang: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.” Những người này không thể làm gì khác ngoài việc ca khen chúc tụng Đấng đã phục hồi phẩm giá cho họ và mang lại niềm hy vọng, làm cho họ có niềm tin trở lại.

Niềm vui bị đàn áp.

Nhưng có một nhóm khác cũng có mặt hôm ấy. Niềm vui của những người được Chúa xót thương là sự khó chịu và không thể chấp nhận được đối với những người mà ĐGH Phanxicô chỉ ra. “Thật rất khó cho những người no thỏa và tự cho mình là người công chính hiểu được niềm vui hân hoan và việc cử hành mừng Lòng Chúa Thương Xót.”

ĐGH nhận xét rằng vì thế nó tạo ra một loại hét vang khác. Nó được hét lên bởi những người muốn “bóp méo sự thật”; “thêu dệt những câu chuyện”; “tranh giành quyền lực”; “lấn át tiếng nói không cùng quan điểm”; “lừa phỉnh” tự bảo vệ mình và làm mất uy tín của những người yếu kém. Cuối cùng “họ muốn làm dị dạng khuôn mặt của Chúa Giê-su và biến Người thành một “tội phạm.”

“Và cuối cùng việc cử hành mừng lễ của người dân bị dập tắt. Niềm hy vọng bị tàn phá, những giấc mơ bị bóp chết, niềm vui bị đàn áp; lòng người bị khép kín và tinh thần bác ái trở nên nguội lạnh.”

Niềm vui của giới trẻ

ĐGH đã hướng đến giới trẻ trong phần kết của bài giảng. Ngài kêu gọi giới trẻ không để cho những người lớn tuổi làm cho mình phải im tiếng.

“Các con yêu dấu, niềm vui mà Chúa Giê-su đánh thức trong lòng các con là cội nguồn của giận dữ và khó chịu đối với một số người bởi vì một người trẻ hân hoan vui mừng thì rất khó bị thao túng.”

ĐGH Phanxicô nhắc lại lời Chúa Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu khi họ muốn các môn đệ của Ngài im tiếng. "Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!"Người đáp: "Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!"(Lc 19:39-40)

ĐGH kêu gọi những người trẻ hãy chọn để hát “Hoan hô” chứ đừng im tiếng: “Xin hãy có sự chọn lựa trước khi sỏi đá kêu lên.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình Chúa Nhật Lễ Lá tại Trung Tâm Vinh Sơn Liêm Melbourne
Trần Văn Minh
02:08 25/03/2018
Melbourne, trong ba Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, tại Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, gồm các Thánh lễ lúc 8:45 sáng, 11:30 sáng và Thánh lễ 5 giờ chiều. Cộng đoàn và Cha quản nhiệm đã long trọng cử hành các nghi thức làm phép và rước lá vào nhà thờ dâng lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê Su, trong công cuộc cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa.
Xem hình
 
Thánh lễ Lá tại Cộng đoàn Việt Nam St Margaret Mary's Brunswick 25-3-2018
Tô Tịnh
03:57 25/03/2018
Thánh lễ Lá tại Cộng đoàn Việt Nam St Margaret Mary's Brunswick 25-3-2018
Xem hình (ảnh Khắc Thái)
 
Đức Cha Châu Ngọc Tri Cử Hành Lễ Lá Tại Giáo Xứ Việt Nam Paris
Lê Đình Thông
17:35 25/03/2018
- 14 giờ 30 Chúa Nhật 25/03/2018, Giới Trẻ Ephata Giáo Xứ đã diễn lại hoạt cảnh Thương khó Đức Giêsu Kitô : ‘‘Giuđa Iscariô cùng đi với một toán đông mang gươm giáo và gậy gộc do các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão sai đến. Chúng điệu Chúa Giêsu đến thầy thượng tế. Có nhiều kẻ đứng lên làm chứng gian cho Người. Thầy Thương tế hỏi : Ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa đáng chúc tụng chăng ? Chúa Giêsu đáp : Phải, chính Ta! Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự đến trên đám mây. Thầy thượng tế liền xé áo mình ra và nói: Chúng ta còn cần chi đến nhân chứng nữa ? Các ông đã nghe lời nói lộng ngôn, các ông nghĩ sao" ? Ai nấy đều lên án Người đáng chết. Rồi có kẻ bắt đầu nhổ vào Người, che mặt Người và đánh đấm Người. Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nộp Người cho Philatô. Philatô hỏi Người : Ông có phải là vua dân Do Thái không" ? Chúa Giêsu đáp : Ông nói đúng! Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân, liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Chúng mặc áo choàng đỏ cho Người, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người. Đoạn chào Người rằng: "Tâu Vua dân Do Thái". Rồi chúng lấy cây sậy đánh đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối triều bái Người. Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở. Bà Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê hậu và của Giuse, và bà Salomê, theo giúp Người khi Người còn ở xứ Galilêa, bái quỳ dưới chân Thánh giá.

Các bạn trẻ Giáo Xứ hóa trang y phục thời cổ, diễn xuất rất sống động, hòa nhịp với lời dẫn, trích từ Phúc âm Thánh Marcô, giúp cộng đoàn sống thực với cuộc Thương Khó.

Sau màn hoạt cảnh của các bạn trẻ Ephata, Đức Cha Châu Ngọc Tri, giám mục Lạng Sơn - Cao Bằng, hiện công tác mục vụ ở Paris, đã cử hành phụng vụ Lễ Lá. Ngài mời gọi cộng đoàn cầu nguyện, thống hối và thực thi giáo huấn bác ái. Đức Cha Tri nhắc lại ý nghĩa của Chúa Nhật Lễ Lá là kỷ niệm việc Đấng Cứu Thế vào thành Giêrusalem, hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua, mang ơn Cứu Độ cho loài người. Sau đó, linh mục Nguyễn Kim Sang, giám đốc Giáo Xứ, đã dâng vị giám mục chủ lễ một cành lá. Đức Cha Châu Ngọc Chi đã cử hành nghi thức thánh hiến những cành lá cầm trên tay các tín hữu. Sau đó, Thầy Phó tế Cao Trọng Nghĩa công bố Tin Mừng về việc Chúa vào thành Giêrusalem.

Trong lúc ca đoàn hợp ca khúc hát Hosanna có ban nhạc phụ họa, các em Thiếu nhi Thánh thể tay cầm cành lá xanh tươi, mở đầu đoàn rước lá từ hội trường tiến lên cung thánh. Trên nền cung thánh có bản đồ nước Việt, nhuộm đỏ thánh tích Thương Khó.

Linh mục Vũ Minh Sinh, Thầy Nguyễn Văn Châu và Ca viên Lê Như Quốc Khánh đồng diễn ca bài Thương khó Đức Giêsu Kitô theo thánh Marcô :

- Và đến giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng :

- Eloi, Lammasabachtani !

- Nghĩa là :

- Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi. Tại sao Chúa bỏ tôi !

Trong bài giảng, Đức Cha Châu Ngọc Tri đã thuật lại chứng từ một tín hữu người Pháp, nêu ra hiện tượng thoái hóa đức tin. Ngài lấy hình ảnh của cộng đoàn giáo xứ dự Lễ Lá tại Giáo Xứ hôm nay gồm đủ nam phụ lão ấu, đến từ Paris và các cộng đoàn ngoại thành, cho thấy sức sống vững vàng của Giáo Hội. Ngài mời gọi mội tín hữu trở thành một chứng nhân của Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh khải hoàn.

Trong lời nguyện, linh mục Trần Anh Dũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho một tín hữu người Pháp là trung tá Arnaud Beltram, 44 tuổi, noi gương Chúa Kitô, hy sinh mạng sống của mình để ngăn chận một phần tử hồi giáo cực đoan giết hại những người vô tội, tại một siêu thị ở Trèbes ngày thứ sáu 23/03 vừa qua.

Trước khi kết lễ, Đức Cha Châu Ngọc Tri ngỏ lời chào từ biệt các tín hữu tại Paris vì ngày mai, ngài sẽ đáp máy bay trở về Lạng Sơn. Linh mục Giám đốc Giáo xứ Nguyễn Kim Sang cám ơn Đức Cha đã dâng Thánh lễ và kính chúc Giáo phận Lạng Sơn ngày càng phát triển.

Giáo phận Lạng Sơn rất thân quen với nhiều thế hệ người Việt với câu ru :

Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa,

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh,

Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em…

Lê Đình Thông

(hình ảnh : Phanxicô Nguyễn Huy)
 
Văn Hóa
Khúc Niệm Ca Tuần Thánh
Sơn Ca Linh
09:02 25/03/2018
“Cổ kính” (1) lại một lần đập vỡ,
Để ta tìm bóng cũ hình xưa.
Và tính bao nhiêu lần duyên nợ,
Nợ tình yêu trả mấy cho vừa !

Sáng nay ta cầm cành thiên tuế,
Ô kìa Tuần Thánh lại về rồi.
Nghe vọng cung trầm “Bài Thương Khó”,
Hai ngàn năm nào có xa xôi !

Chợt thấp thoáng thấy mình trong ấy,
Dáng Phê-rô, từng bước đi xa.
Tội nghiệp phận người trông bé dại,
Giọt mắt nào lại khóc trong ta !

Lần nữa Thứ Năm mừng Tiệc Thánh,
Thấy “Rửa chơn”, nghe “Luật yêu thương”.
Đêm tối bước chân nào hoang lạnh,
Ta, Giu-đa, mấy bận lạc đường !

Rồi Thứ Sáu, đau thương thập giá,
Màu tím buồn giai điệu “hôn chơn”.
Chiều Can-vê nào đâu mới lạ !
Ngài thương ta tên tử tội buồn !

Đêm nầy nến Phục Sinh rực sáng,
Ta cất cao bài Ha-lê-luia.
Đường Phục sinh bây giờ rỡ rạng.
Nẻo Ga-li-lê Ngài hẹn chờ ta !

Ta lại có một lần Tuần Thánh,
Đẹp làm sao ký ức Tin Mừng.
Chút tình yêu bổng rưng rưng,
Lời thưa cho dẫu ngập ngừng : “Con tin” !

Sơn Ca Linh.
Tuần Thánh 2018

Chú thích :

(1) Trích ý và từ “cổ kính” trong bài thơ “Khóc Bằng Phi” của Vua Tự Đức : “Đập cổ kính ta tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi”.
 
Hãy mặc áo giáp ánh sáng: Bài giảng thứ năm Mùa Chay 2018 của Cha Cantalamessa, kỳ cuối
Vũ Văn An
18:44 25/03/2018
2. Đức Trong Sạch, Vẻ Đẹp, và Tình Yêu Người Lân Cận

Trong ánh sáng mới, bắt nguồn từ mầu nhiệm vượt qua và được Thánh Phaolô minh họa cho chúng ta cho tới điểm này, lý tưởng trong sạch giữ một địa vị ưu tuyển trong mọi toát yếu luân lý của Tân Ước. Người ta có thể nói rằng không có lá thư nào của Thánh Phaolô, trong đó ngài lại không dành chỗ cho sự trong sạch khi ngài mô tả đời sống mới trong Chúa Thánh Thần (xem, ví dụ, Ep 4: 17-5: 33, Cl 3: 5- 12). Các yêu cầu căn bản về sự trong sạch thỉnh thoảng được chuyên biệt hóa, theo các bậc sống đa dạng của các Kitô hữu. Các Thư mục Mục vụ giải thích sự trong sạch cần được lên hình dạng ra sao nơi người trẻ, phụ nữ, vợ chồng, người cao tuổi, góa bụa, các linh mục, và các giám mục. Những thư này trình bầy sự trong sạch trong các khía cạnh khác nhau của đức khiết tịnh, của lòng trung thành phu phụ, của sự đúng mức, của sự tiết dục, của đức đồng trinh, và chừng mực.

Xét chung, khía cạnh của đời sống Kitô hữu này xác định ra những gì Tân Ước - và các Thư Mục vụ một cách đặc biệt - gọi là "vẻ đẹp" hay đặc tính “đẹp đẽ" của ơn gọi Kitô hữu, một ơn gọi, nhờ kết hợp với các đặc tính khác của sự thiện, đã tạo nên lý tưởng độc đáo "vẻ đẹp thiện hảo" hoặc "sự thiện đẹp đẽ" (trong tiếng Hy Lạp, kalokagathia). Truyền thống Kitô giáo, khi gọi trong sạch là "nhân đức xinh đẹp", đã nắm được viễn kiến thánh kinh này – bất chấp các lạm dụng và các nhấn mạnh thường chỉ có một chiều vẫn xẩy ra luôn - đã nói lên một điều gì đó sâu sắc. Đức trong sạch quả thực là một Vẻ Đẹp!

Loại trong sạch này là một lối sống hơn là một nhân đức cá nhân. Các biểu hiện của nó đa dạng, vượt xa phạm vi chỉ có tính giới tính. Có sự trong sạch của thân thể, nhưng cũng có sự trong sạch của linh hồn không những từ khước các hành vi mà cả các ham muốn và ý nghĩ "xấu xa" nữa (xem Mt 5,8,27-28). Có sự trong sạch của lời nói, hệ ở việc, về mặt tiêu cực, kiềm chế ngôn ngữ khiêu dâm, khiếm nhã, và nói sàm sỡ hay khêu gợi (xem Ep 5: 4, Cl 3: 8) và về mặt tích cực, nó hệ ở ngôn ngữ thành thật và thẳng thắn, nghĩa là "có, thì nói có" và "không, thì nói không" noi gương Chiên Con không tì vết; nơi Người "không có lừa đảo trên môi miệng" (1Pr 2:22). Cuối cùng, có sự trong sạch hoặc minh bạch của đôi mắt và cái nhìn của người ta. Chúa Giêsu phán, "Mắt là đèn soi thân xác" (xem Mt 6: 22tt, Lc 11:34). Thánh Phaolô sử dụng một hình ảnh rất gợi ý để chỉ ra lối sống mới này: ngài nói rằng các Kitô hữu, nhờ sinh ra từ Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, nên có đặc điểm "bánh không men của lòng thành thực và chân lý" (1Cr 5: 8). Chữ mà Thánh Tông Đồ sử dụng ở đây, eilikrineia, (từ eile, sự sáng láng của mặt trời, và krino, biện phân) có chứa trong nó hình ảnh một "sự trong sáng có tính mặt trời." Trong đoạn văn mà chúng ta đã bắt đầu với Thư Rôma, ngài nói tới sự trong sạch như là " áo giáp ánh sáng".

Mỗi ngày, người ta càng có xu hướng tương phản các tội phạm tới sự trong sạch với các tội phạm tới người lân cận và chỉ xem tội phạm tới người lân cận là tội thực sự. Đôi khi người ta chế nhạo giá trị quá đáng mà trước đây, họ vốn dành cho "nhân đức đẹp đẽ". Thái độ này có thể hiểu được phần nào: thời trước, luân lý học thường nhấn mạnh đến những tội lỗi về xác thịt một cách đơn phương đến nỗi, có khi, đã dẫn đến những bệnh thần kinh thực sự, làm hại các quan tâm tới các nhiệm vụ đối với người lân cận của chúng ta và làm hại đến chính nhân đức trong sạch. Vì thế, nhân đức này đã trở nên nghèo nàn và bị giản lược vào một điều gì đó gần như chỉ còn là tiêu cực, một nhân đức chỉ còn khả năng để nói "không".

Tuy nhiên, chúng ta đã đi đến chỗ cực đoan đối nghịch, và người ta có khuynh hướng tối thiểu hóa các tội phạm đến sự trong sạch vì sự quan tâm (thường chỉ bằng lời nói) tới người lân cận. Sai lầm căn bản ở đây là đặt hai nhân đức này chống lại nhau. Không hề đặt sự trong sạch chống lại lòng bác ái, Lời Chúa, thay vào đó, đã liên kết chúng chặt chẽ với nhau. Chúng ta chỉ cần đọc tiếp đoạn văn của Thư Thứ nhất gửi tín hữu Têsalônica mà tôi đã trích dẫn lúc khởi đầu để nhận ra việc hai nhân đức này liên lập lẫn nhau ra sao, theo Thánh Tông Đồ (xem 1Tx 4: 3-12). Mục đích duy nhất của cả đức trong sạch lẫn đức bác ái là có thể sống một cuộc sống "trọn vẹn nhân phẩm", nghĩa là, được tích hợp vào mọi mối quan hệ của nó bất kể là với bản thân hay với người khác. Trong đoạn văn của chúng ta, Thánh Tông Đồ tóm tắt tất cả các điều này khi nói rằng "Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày" (Rm 13:13).

Sự trong sạch và tình yêu của người lân cận đại diện cho sự thống trị bản thân và tự hiến bản thân cho người khác. Làm thế nào tôi có thể cho đi bản thân mình nếu tôi không sở hữu bản thân ấy mà là làm nô lệ cho các đam mê của tôi? Quả là một ảo tưởng khi nghĩ rằng chúng ta có thể phối hợp sự phục vụ chân chính đối với anh chị em mình, một sự phục vụ luôn luôn đòi hỏi hy sinh, vị tha, quên mình, và đại lượng, với một cuộc đời trong đó bản thân bị rối loạn, tất cả nhằm mục đích làm vui lòng bản thân và thỏa mãn các đam mê của riêng mình. Chắc chắn, kết cục, nó sẽ biến anh chị em mình thành dụng cụ, như người ta đã biến thân xác họ thành dụng cụ vậy. Những người không thể nói "không" với bản thân mình, thì cũng không thể nói "có" với anh chị em mình.

Một trong những "cớ bào chữa" góp phần nhiều nhất vào việc biện minh cho tội ô uế, theo não trạng người đời, và giải tỏa mọi trách nhiệm của họ là: nó không làm tổn thương một ai khác, nó không vi phạm quyền lợi và sự tự do của bất cứ ai, trừ khi, như người ta nói, nó liên quan tới việc lạm dụng tình dục. Nhưng ngoài sự kiện phương thức này vi phạm quyền căn bản của Thiên Chúa trong việc ban cho các tạo vật của Người một luật lệ, "cái cớ" này cũng thiếu trung thực đối với các người lân cận. Điều không đúng là tội ô uế kết thúc với người phạm nó. Có sự liên đới giữa tất cả các tội lỗi. Mọi tội lỗi, dù ở bất cứ đâu và do bất cứ ai phạm, đều gây nhiễm và làm ô uế bầu khí luân lý đối với con người. Chúa Giêsu gọi sự gây nhiễm này là "gương mù" và lên án nó bằng một số từ ngữ khủng khiếp nhất trong toàn bộ Tin Mừng (xem Mt 18: 6tt, Mc 9: 42tt, Lc 17: 1tt). Ngay cả các ý nghĩ xấu xa lẩn khuất trong tâm hồn chúng ta, theo Chúa Giêsu, cũng làm cho một người và do đó cả thế giới ra ô uế: "Từ trong tâm hồn phát xuất các ý nghĩ xấu xa, giết người, ngoại tình, gian dâm. . . . Đấy là những gì làm ô uế một con người"(Mt 15: 19-20).

Mọi tội lỗi đều xâm hại các giá trị và mọi tội lỗi cùng với nhau đã tạo ra điều Thánh Phaolô gọi là "luật tội lỗi", mà quyền lực của nó trên tất cả mọi con người đã được ngài minh hoạ (xem Rm 7: 14tt). Trong Talmud của người Do Thái, chúng ta có thể đọc một dụ ngôn từng minh họa rất rõ sự liên đới giữa tội lỗi và sự thiệt hại mà mọi tội lỗi, thậm chí cả tội lỗi cá nhân nữa, đã gây ra cho người khác. "Một số người đang ở trên một con thuyền. Một trong số họ lấy một cái khoan và bắt đầu khoan một chiếc lỗ ở dưới ghế ngồi của mình. Những hành khách khác, khi thấy anh ta, bèn hỏi, 'bạn đang làm gì vậy?' Anh ta trả lời, 'Đâu phải chuyện của ông? Há tôi không đang khoan chiếc lỗ ở dưới ghế của chính tôi hay sao?' Nhưng họ trả lời,'đúng, nhưng nước sẽ tràn vào thuyền và sẽ nhận chìm tất cả chúng ta!'" Chính thiên nhiên đã và đang bắt đầu gửi cho chúng ta một số lời cảnh báo chống lại các lạm dụng và quá lạm hiện đại trong lĩnh vực tình dục.

3. Sự Trong Sạch và Sự Đổi Mới

Trong khi nghiên cứu lịch sử nguồn gốc của Kitô giáo, người ta có thể thấy rõ ràng rằng có hai phương thế chính nhờ đó Giáo Hội đã thành công trong việc biến đổi thế giới ngoại giáo vào thời đó. Thứ nhất là việc công bố Tin Mừng, tức sứ điệp căn bản (kerygma), và thứ hai là chứng từ đời sống của các Kitô hữu, các chứng tá của họ. Và người ta có thể thấy, trong lãnh vực chứng từ đời sống, cũng có hai điều làm cho người ngoại giáo ngạc nhiên và khiến họ trở lại: tình yêu anh em và sự tinh ròng trong tác phong luân lý của Kitô hữu. Thư Thứ nhất của Thánh Phêrô đã nhắc đến sự kinh ngạc của thế giới ngoại giáo trước tiêu chuẩn sống khác biệt của các Kitô hữu. Ngài viết:

Thật thế, trong quá khứ anh em đã sống theo sở thích dân ngoại: dâm ô, mê đắm, nhậu nhẹt, say sưa, chè chén, tin vơ thờ quấy, như vậy là quá đủ rồi. Về điều đó, họ kinh ngạc vì thấy anh em không cùng chạy ùa theo cuộc sống truỵ lạc ồ ạt như dòng thác lũ, và họ nói xấu anh em (1Pr 4: 3-4).

Các nhà biện giáo, các nhà văn Kitô Giáo, những người từng trước tác để bảo vệ đức tin trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, đã chứng thực rằng cách sống trong sạch và khiết tịnh của các Kitô hữu, đối với người ngoại giáo, là một điều "phi thường và khó tin". Nhất là, việc khôi phục gia đình đã gây nên một tác động phi thường đối với xã hội ngoại giáo, xã hội mà các nhà chức trách thời đó muốn cải cách, nhưng họ đã bất lực trong việc làm chậm lại sự tan rã của nó. Một trong những lập luận mà Thánh Justin Tử Đạo từng đặt căn bản cho Lời Biện Giáo của ngài gửi cho hoàng đế Antoninus Pius là: các hoàng đế La Mã quan tâm đến việc cải thiện các tác phong luân lý và gia đình, và họ cố gắng ban hành các luật lệ nhằm mục tiêu đó. Tuy nhiên, những luật lệ này đã được chứng minh là không đầy đủ. Vậy tại sao không nhận ra điều các luật lệ của Kitô giáo có khả năng đạt được đối với những ai sống bằng các luật lệ này và thừa nhận sự giúp đỡ mà các luật lệ này cũng có thể cung cấp cho xã hội dân sự?

Điều này không có nghĩa là cộng đồng Kitô hữu hoàn toàn thoát khỏi các rối loạn và tội lỗi tình dục. Thánh Phaolô thậm chí còn phải đối phó với trường hợp loạn luân trong cộng đồng Côrintô. Nhưng những tội như vậy đã được thừa nhận rõ ràng là tội lỗi, bị kết án, và được sửa chữa. Trong phạm vi này, cũng như trong các phạm vi khác, không bắt buộc người ta phải vô tội, mà là đấu tranh chống lại tội lỗi.

Bây giờ chúng ta hãy chuyển từ Kitô giáo thuở ban đầu sang Kitô Giáo ngày hôm nay. Tình hình hiện nay trên thế giới ra sao đối với sự trong sạch? Vẫn như thế nếu không muốn nói là tồi tệ hơn tình hình cổ xưa! Chúng ta sống trong một xã hội, về mặt tác phong luân lý, đã rơi trở lại chủ nghĩa ngoại giáo trọn vẹn và thờ ngẫu thần tình dục trọn vẹn. Lời kết án khủng khiếp mà Thánh Phaolô đã đưa ra cho thế giới ngoại giáo ở đầu Thư gửi tín hữu Rôma cũng đúng từng điểm đối với thế giới ngày nay, nhất là đối với xã hội tự gọi là giàu có (xem Rm 1: 26-27, 32) .

Cả ngày nay nữa, những điều này và những điều tồi tệ hơn đang được thực hiện, nhưng người ta cố gắng biện minh cho chúng, biện minh cho mọi thứ phóng túng luân lý và mọi thác loạn tình dục miễn là, họ bảo thế, nó không làm hại người khác và không vi phạm tự do của người khác. Toàn bộ nhiều gia đình đang bị phá hủy, thế mà người ta vẫn nói, có hại gì đâu? Không thể phủ nhận được rằng một số phán xét nào đó về luân lý tính dục truyền thống đang bị xét lại và các khoa học hiện đại về con người đã góp phần làm sáng tỏ một số vận hành và điều kiện hóa bên trong tâm thức con người khiến loại bỏ hay giảm thiểu trách nhiệm luân lý đối với một số tác phong nào đó bị coi là có tội vào một thời gian nào đó.

Tuy nhiên, tiến bộ này không liên quan gì đến chủ nghĩa phiếm dục (pansexualism) của một số lý thuyết ngụy khoa học và buông thả có khuynh hướng phủ nhận mọi chuẩn mực khách quan về luân lý tính dục, giản lược mọi điều vào sự biến hóa tự phát của luân lý, nghĩa là, một vấn đề thuộc văn hoá. Nếu chúng ta khảo sát kỹ hơn điều được gọi là cuộc cách mạng tình dục của thời đại chúng ta, chúng ta sẽ ngỡ ngàng hiểu ra rằng nó không chỉ đơn giản là một cuộc cách mạng chống lại quá khứ mà còn là một cuộc cách mạng chống lại Thiên Chúa và đôi khi còn chống lại chính bản nhiên con người.

4. Trong Sạch Trong Lòng!

Nhưng tôi không muốn nán lại quá lâu ở việc mô tả tình hình xung quanh chúng ta hôm nay mà tất cả chúng ta đã biết rất rõ. Thay vào đó, tôi muốn khám phá và truyền đạt những gì Thiên Chúa muốn các Kitô hữu chúng ta trong một tình huống như thế này. Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta đến cùng một nhiệm vụ mà ngài đã kêu gọi các anh chị em đầu tiên của chúng ta trong đức tin, để "chống lại sự phóng đãng điên cuồng này". Người đang kêu gọi chúng ta làm cho "vẻ đẹp" của đời sống Kitô hữu tỏa sáng trước mắt toàn thể thế giới. Người đang kêu gọi chúng ta chiến đấu cho sự trong sạch, chiến đấu một cách kiên trì và khiêm nhường, chứ không nhất thiết phải hoàn thiện ngay lập tức.

Hôm nay, Chúa Thánh Linh đang yêu cầu chúng ta làm một điều mới mẻ: Người đang yêu cầu chúng ta làm chứng cho thế giới về sự vô tội nguyên ủy của các tạo vật và sự vật. Thế giới đã chìm rất sâu, ai đó từng viết rằng tình dục đã đi vào bộ não của chúng ta. Chúng ta cần một điều gì đó rất mạnh để phá vỡ thứ mê man và say sưa với tình dục này. Chúng ta cần phải đánh thức nơi con người niềm hoài nhớ sự ngây thơ trong trắng và giản dị mà họ hằng mong đợi trong trái tim của họ, ngay cả khi những trái tim này thường bị bao phủ bởi bùn nhơ. Tôi không đề cập đến sự ngây thơ trong trắng của sáng thế vốn không còn nữa mà là sự ngây thơ trong trắng của ơn cứu chuộc mà Chúa Kitô đã phục hồi cho chúng ta và ban cho chúng ta trong các bí tích và lời Thiên Chúa. Đó là điều mà Thánh Phaolô đã nghĩ đến khi viết cho người Philiphê "Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống” (Pl 2: 15-16). Điều này mô tả điều mà Thánh Phaolô, trong đoạn văn của chúng ta, gọi là "mặc áo giáp ánh sáng".

Quả là thiếu sót khi chỉ có sự trong sạch dựa trên sợ hãi, những điều cấm kị, ngăn cấm, và con người nam nữ tránh xa nhau như thể người kia luôn nhất thiết là một cạm bẫy và một kẻ thù tiềm tàng hơn là một "trợ lực". Trong quá khứ, sự trong sạch có lúc đã bị giản lược, ít nhất trong thực hành, vào chính tổ hợp các điều cấm kị, ngăn cấm và sợ hãi này như thể nhân đức này phải xấu hổ trước mặt thói hư thay vì thói hư phải xấu hổ trước mặt nhân đức. Nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta, chúng ta cần khao khát một sự trong sạch mạnh mẽ hơn thói hư đối nghịch với nó, một sự trong sạch tích cực, chứ không tiêu cực, có thể làm cho chúng ta cảm nghiệm được sự thật của chữ này của Thánh Tông Đồ, "Với người trong sạch, mọi sự đều trong sạch" (Tt 1: 15) và lời này nữa trong Thánh Kinh: "Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian" (1Ga 4:4).

Chúng ta cần bắt đầu bằng việc chữa lành gốc rễ, đó là "cõi lòng", vì mọi thứ làm ô uế đời sống người ta đều phát xuất từ trái tim, cõi lòng (Mt 15,18). Chúa Giêsu đã phán: "Phúc cho những kẻ trong sạch, vì họ sẽ thấy Thiên Chúa" (Mt 5,8). Họ thực sự sẽ thấy, họ sẽ có đôi mắt mới để thấy thế giới và Thiên Chúa, đôi mắt rõ ràng biết biện phân ra sao điều gì đẹp và điều gì ghê tởm, điều gì là sự thật và điều gì là gian dối, điều gì mang lại sự sống và điều gì mang lại cái chết - Tóm lại, những con mắt giống những con mắt của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu tự do biết bao khi nói về mọi điều: trẻ em, phụ nữ, thai nghén, sinh con. . . . Những con mắt như đôi mắt của Đức Maria. Như thế, sự trong sạch không còn hệ ở việc nói "không" với các tạo vật, mà là nói "có" với chúng – bao lâu chúng còn là các tạo vật đã, đang và vẫn tiếp tục “rất tốt” của Thiên Chúa.

Chúng ta đừng tự lừa dối mình. Để có thể nói lời "xin vâng" này, chúng ta cần phải bước qua thập giá vì sau tội lỗi, cái nhìn của chúng ta đối với các tạo vật đã bị bao phủ; tư dục đã được tháo cởi trong chúng ta; tính dục không còn hòa hoãn nữa mà đã trở thành một lực lượng hàm hồ và đầy đe dọa kéo chúng ta ra xa khỏi luật Thiên Chúa ngược với ý muốn của chúng ta. Các tin tức hàng ngày về lạm dụng và tai tiếng trong phạm vi này, kể cả các thành viên của hàng giáo sĩ và các dòng tu, có đó để nhắc chúng ta nhớ thực tại cay đắng này. Trong bài suy niệm đầu tiên của Mùa Chay này, chúng ta đã nhấn mạnh tới một khía cạnh đặc biệt có liên quan và cần thiết tới việc ép xác: ép xác trong đôi mắt. Một sự ăn chay lành mạnh đối với hình ảnh ngày nay quan trọng hơn là ăn chay về thực phẩm và thức uống.

Chúng ta hãy kết luận bằng cách nhắc lại kinh nghiệm của Thánh Augustinô đã nhắc lúc đầu. Sau kinh nghiệm được giải thoát đó, ngài bắt đầu cầu nguyện để được đức trong sạch một cách mới mẻ: "Lạy Chúa, ngài nói, Chúa truyền cho con phải khiết tịnh. Xin ban cho con điều Chúa đã yêu cầu con và sau đó yêu cầu con bất cứ điều gì Chúa muốn". Một lời cầu nguyện mà chúng ta có thể biến thành của chính chúng ta, vì biết rằng trong lãnh vực này cũng như trong bất kỳ lãnh vực nào khác, tự chúng ta, chúng ta không thể làm gì được.
_________________________________________________________________________________________________________
[1] Thánh Augustinô, Tự Thú của Thánh Augustinô, 8, 11-12, Bản Tiếng Anh của John K. Ryan (New York: Image Books, 1960), trang 199-202.
 
VietCatholic TV
Lễ Lá tại Vatican 25/3/2018 - Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 33
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:55 25/03/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng Chúa Nhật 25 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Lá, khởi sự Tuần Thánh, là tuần lễ quan trọng nhất trong Phụng Vụ Công Giáo.

Ngày Chúa Nhật Lễ Lá này cũng là ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 33 được cử hành ở cấp giáo phận.

Trong sứ điệp gởi đến tất cả các bạn trẻ trên thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài đối với những lời của Thiên Thần Gabriel, “Đừng sợ!”, khi truyền tin cho Đức Maria như được thuật lại trong Tin Mừng của Thánh Luca, Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu những người trẻ hãy nêu đích danh những nỗi sợ hãi của họ. Hôm nay, ngài nói, có rất nhiều thanh thiếu niên liên tục “photoshop” những hình ảnh của họ hoặc ẩn giấu đàng sau những bản sắc giả tạo, nhằm cố gắng thích nghi với các tiêu chuẩn nhân tạo và không thể đạt được. Sự bấp bênh của thị trường việc làm, một cảm giác không phù hợp với thế giới chung quanh và sự thiếu vắng việc bảo vệ tình cảm của mình là những nỗi sợ hãi khác đang làm tổn thương những người trẻ.

Các bạn trẻ của giáo phận Rôma và đoàn đồng tế từ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô đang tiến ra quảng trường Thánh Phêrô với những nhành lá trên tay. Các vị hướng về tháp bút ở giữa quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha sẽ làm phép các cành lá.

Một phó tế đang kính cẩn rước sách Phúc Âm.

Sau lời chào Phụng Vụ, Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi cộng đoàn như sau:

Anh chị em thân mến, chúng ta tụ họp nơi đây, để cùng toàn thể Giáo Hội khai mạc tuần thánh tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua, tức là cuộc thương khó và Phục Sinh của Ðức Ki-tô. Ðể chuẩn bị Tuần Thánh, trong suốt mùa chay, chúng ta đã cầu nguyện, thống hối, chia sẻ tình thương và cơm áo cho nhau.

Chúa Nhật lễ lá hôm nay là ngày kỷ niệm Ðấng Cứu Thế vào thành thánh Giê-ru-sa-lem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại cho loài người ơn cứu độ, chúng ta hãy đem cả niềm tin mà hăng hái bước theo Người. Xin Người ban ơn để chúng ta thông phần đau khổ Người đã chịu trên thập Giá, hầu được chia sẻ vinh quang Phục Sinh và sự sống của Người.

Rồi Đức Thánh Cha thinh lặng rảy nước thánh trên lá.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

“Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa.”

Khi Ðức Giê-su và các môn đệ đi gần tới thành Giê-ru-sa-lem, lúc sắp vào làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi cây Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó về đây. Nếu có ai bảo: “Tại sao các anh làm như vậy?” thì cứ nói là: “Thầy có việc cần dùng, rồi sẽ trả về ngay”. Hai môn đệ ấy ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra. Mấy người đứng đó hỏi: “các ông cởi lừa người ta ra làm gì vậy?” Hai ông trả lời như Ðức Giêsu đã dặn. Và họ để cho đi. Hai ông dắt con lừa về cho Ðức Giêsu, trải áo choàng của mình lên lưng nó, và Ðức Giêsu cỡi lên. Nhiều người trải áo xuống mặt đường, môt số khác lại chặt cành chặt lá ngoài đồng rải lên lối đi. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Ða-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô Chúa trên các tầng trời!”

Ðó là lời Chúa.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau bài Tin Mừng, cuộc rước lá đã bắt đầu. Đoàn rước hướng về lễ đài chính được đặt trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô như ta vẫn thường thấy trong các thánh lễ đại trào do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự.

Trước sự hiện diện của khoảng 50 ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự cuộc rước lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Jerusalem, và thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa sau đó.

Các cành lá dừa các bạn trẻ cầm trong cuộc rước lá do các Cộng đoàn Con đường Tân dự tòng trao tặng; còn các cây và cành ô liu trang trí bàn thờ và Quảng trường thánh Phêrô do miền Puglie nam Italia tặng. Sau cùng 2 ngàn cành lá dừa màu vàng được kết bện rất nghệ thuật, do các chính quyền ở thành phố San Remo và Bordighera và một số tổ chức khác ở miền Liguria trao tặng theo một truyền thống có từ thế kỷ 16. Các cành lá này được Đức Thánh Cha, các Hồng Y, Giám Mục, kinh sĩ đoàn Đền thờ Thánh Phêrô và đoàn giúp lễ và một số người khác cầm trong tay.

Đồng tế với Đức Thánh Cha và tham dự cuộc rước lá có 30 Hồng Y và 50 Giám Mục. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa thánh, còn có ca đoàn và ban nhạc của giáo phận Roma và ca đoàn Mẹ Giáo Hội.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha Phanxicô đang xông hương bàn thờ chính. Ngài cúi chào Đức Mẹ được đặt bên phải lễ đài và xông hương bàn thờ này.

Trong lời chào đầu lễ Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn như sau.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Ðấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 50, 4-7

“Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”.

(Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.

Ðó là lời Chúa.

Bài Ðọc II:

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Ba phó tế đang tiến lên trước Đức Thánh Cha xin ngài ban phép lành cho họ để họ xứng đáng công bố Lời Chúa. Trong khi đó ca đoàn hát những lời sau:

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

Phúc Âm

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

C. Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô. Philatô hỏi Người:

S. "Ông có phải là vua dân Do-thái không?"

C. Chúa Giêsu đáp:

J. "Ông nói đúng!"

C. Và các thầy thượng tế cáo Người nhiều điều. Philatô lại hỏi Người rằng:

S. "Ông không trả lời gì ư? Hãy coi họ tố cáo Ông biết bao nhiêu điều!"

C. Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến Philatô ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ, quan có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Bấy giờ trong khám có tên Baraba bị giam cùng với những kẻ phiến loạn, vì chúng đã giết người trong cuộc khởi loạn. Dân chúng tiến lên Philatô xin ân xá theo như quan quen làm. Vậy Philatô hỏi:

S. "Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do-thái không?"

C. (Vì quan đã biết rõ do lòng ghen tương mà các thượng tế nộp Người). Nhưng dân xin quan phóng thích Baraba cho họ. Philatô bảo dân chúng rằng:

S. "Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do-thái?"

C. Nhưng chúng lại kêu lên:

S. "Ðóng đinh nó đi!"

C. Philatô đáp lại:

S. "Người này đã làm gì nên tội?"

C. Song chúng càng la to hơn:

S. "Ðóng đinh nó đi!"

C. Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân, liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Quân lính điệu Người vào sân tiền đường và tập họp cơ đội lại. Chúng mặc áo choàng đỏ cho Người, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người. Ðoạn chào Người rằng:

S. "Tâu Vua dân Do-thái".

C. Rồi chúng lấy cây sậy đánh đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối triều bái Người. Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Chúng gặp một người qua đường, tên là Simon, quê ở Xyrênê, là thân phụ của Alexanđrô và Rôphô vừa ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác đỡ thập giá cho Người. Chúng điệu Người đến nơi kia gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Chúng cho Người uống rượu pha mộc dược, nhưng Người không uống. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi chúng chia nhau áo Người bằng cách bắt thăm xem ai được phần nào.

Vào lúc giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh Người vào thập giá. Và có bản án ghi rằng: Vua dân Do Thái! Và cùng với Người, chúng đóng đinh hai tên trộm cướp vào thập giá, một đứa bên hữu, một đứa bên tả Người. Như vậy là ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác. Những người qua đường sỉ nhục Người, lắc đầu và nói:

S. "Kià! Kẻ phá đền thờ Thiên Chúa và xây lại trong ba ngày: hãy tự cứu mình xuống khỏi thập giá đi!"

C. Các thượng tế với các luật sĩ cũng nhạo báng Người và nói với nhau:

S. "Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình! Bây giờ Ðấng Kitô Vua Israel, hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta thấy mà tin nào!"

C. Cả những kẻ cùng chịu đóng đinh với Người cũng lăng nhục Người. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm toàn thể lãnh thổ. Và đến giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:

J. "Eloi, Eloi, lema sabachtani!"

C. Nghĩa là:

J. "Lạy Chúa con, lạy Chúa con, Tại sao Chúa bỏ con!"

C. Có mấy người đứng đó nghe thấy liền nói rằng:

S. "Kìa, nó gọi Elia!"

C. Bấy giờ có kẻ chạy đi nhúng miếng bông biển đầy dấm và cuốn vào cây sậy và đưa lên cho Người uống mà rằng:

S. "Hãy đợi xem Elia có đến đem nó xuống không?"

C. Nhưng Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. Viên sĩ quan đứng trước mặt Người thấy Người kêu lên và trút hơi thở như thế, liền nói rằng:

S. "Ðúng người này là Con Thiên Chúa!"

Bài có liên quan

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta chia sẻ trong niềm vui và bầu khí tưng bừng của dân chúng đang ca ngợi Chúa của họ; một niềm vui sẽ mờ dần và để lại một hương vị cay đắng và sầu buồn vào cuối trình thuật cuộc Thương khó. Buổi lễ này dường như kết hợp những câu chuyện vui mừng và đau khổ, sai lầm và thành công, là những mảng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong tư cách là các môn đệ của Chúa. Bằng cách nào đó, nó diễn tả những cảm xúc trái ngược nhau mà cả chúng ta, những người nam nữ ngày hôm nay, cũng cảm thấy: đó là khả năng yêu mến thật bao la... bên cạnh lòng căm thù tận xương tủy; khả năng can đảm hy sinh quên mình, lẫn với khả năng “rửa tay” đúng lúc; bên cạnh năng lực trung thành, còn có sự bỏ rơi và phản bội.

Chúng ta cũng thấy rõ xuyên suốt Tin Mừng rằng niềm vui Chúa Giêsu khơi dậy, đối với một số người, lại là căn cớ cho sự tức giận và khó chịu.

Chúa Giêsu tiến vào thành vây quanh bởi dân Ngài và những tiếng ca hát reo hò huyên náo. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng giữa những tiếng hò reo ấy, có tiếng hô của người con trai được tha thứ, của người phong cùi được chữa lành, hoặc tiếng kêu be be của con chiên lạc. Rồi cũng có tiếng hát của người thu thuế và của người đàn ông từng bị ô uế; lẫn với tiếng kêu của những người sống bên lề thành phố. Và cũng có những tiếng kêu của những người nam nữ đã đi theo Chúa Giêsu vì họ cảm nhận được lòng từ bi của Ngài trước những đau đớn và bất hạnh của họ... Những tiếng reo hò ấy là bài hát và là niềm vui tự phát của tất cả những ai bị bỏ lại phía sau và bị người đời chê chối, những người, sau khi đã chạm được vào Chúa Giêsu, có thể hô vang lên: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”. Làm sao họ có thể không ca ngợi Đấng đã phục hồi nhân phẩm và hy vọng của họ? Niềm vui của họ là niềm hân hoan của cơ man những người tội lỗi được tha thứ, là những người giờ đây có thể tin tưởng và hy vọng một lần nữa.

Tất cả niềm vui này và sự tán tụng này là căn cớ gây khó chịu, gây ra tai tiếng và tức tối cho những người tự coi mình là công chính và “trung thành” với lề luật và các khuôn mẫu nghi lễ của lề luật. [1] Đó là một niềm vui không thể chấp nhận được của những ai lòng chai dạ đá trước những đau thương, chịu đựng, và bất hạnh. Một niềm vui không thể chấp nhận được đối với những người đã quên bao nhiêu những cơ hội được trao ban cho chính bản thân họ. Thật khó biết bao cho những người tự mãn và tự coi mình là công chính có thể hiểu được niềm vui và cử mừng lòng thương xót của Thiên Chúa! Thật khó biết bao cho những người chỉ tin tưởng vào bản thân mình, và coi thường người khác, để có thể chung chia niềm vui này. [2]

Còn đây là nơi xuất phát một loại la hét khác, đó là tiếng gào quyết liệt của những kẻ đang hét to: “Đóng đinh nó đi!” Những tiếng kêu ấy không phải là tự phát nhưng đã được vũ trang bởi những lời phỉ báng, vu khống và làm chứng dối. Đó là tiếng nói của những người uốn nắn thực tại và chế tác ra những câu chuyện vì lợi ích riêng của họ, mà không cần quan tâm đến danh thơm tiếng tốt của người khác. Đó là tiếng gào của những người không thấy có vấn đề gì trong việc tìm kiếm mọi cách để đạt được quyền lực và để bịt miệng những tiếng nói trái chiều với mình. Tiếng kêu đó xuất phát từ việc “nhào nặn” các sự kiện và tô vẽ chúng để làm biến dạng khuôn mặt của Chúa Giêsu và biến Người thành ra một tên “tội phạm”. Đó là tiếng nói của những người muốn bảo vệ vị trí của mình, cách riêng là bằng cách làm mất uy tín của những người vô phương tự vệ. Đó là tiếng gào thể hiện sự tự mãn, tự hào và kiêu ngạo của những kẻ không thấy có vấn đề gì khi hét lên: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó”.

Và vì thế, cuối cùng, việc cử mừng của người dân bị dập tắt. Hy vọng bị tắt ngấm, giấc mơ bị chôn vùi, niềm vui bị vùi dập; con tim bị đóng lại và lòng mến ra nguội lạnh. Đó là tiếng kêu “hãy cứu mình đi”, làm thui chột cảm thức về tình liên đới của chúng ta, hạ giảm những lý tưởng của chúng ta, và làm mờ tầm nhìn của chúng ta... đó là tiếng gào muốn xóa sạch lòng thương cảm.

Đối mặt với những người như thế, phương dược tốt nhất là nhìn vào thập giá của Chúa Kitô và để mình được thách thức bởi tiếng kêu cuối cùng của Người. Ngài chết đi khi đang thốt lên tình yêu của mình cho mỗi người chúng ta, người già người trẻ, những bậc thánh nhân và những kẻ tội lỗi, những người trong thời của Người và những người trong thời đại của chính chúng ta. Chúng ta đã được cứu bởi thập giá của Người và không ai có thể đè nén niềm vui của Tin Mừng; không ai trong bất kỳ tình huống nào, bị tách biệt khỏi cái nhìn thương xót của Chúa Cha. Nhìn lên cây thập giá có nghĩa là để những ưu tiên của chúng ta, những lựa chọn và hành động của chúng ta bị thử thách. Nó có nghĩa là chất vấn mình về sự nhạy cảm đối với những ai gặp khó khăn. Trái tim của chúng ta tập trung vào đâu? Liệu Chúa Giêsu có còn tiếp tục là một nguồn mạch của niềm vui và tán tụng trong trái tim của chúng ta, hay những ưu tiên và những mối quan tâm trong lòng làm cho chúng ta xấu hổ khi nhìn vào những người tội lỗi, những người rốt cùng và những người bị lãng quên?

Các bạn trẻ thân mến, niềm vui mà Chúa Giêsu đánh thức trong các bạn là căn cớ cho sự tức giận và khó chịu đối với một số người, vì khó mà thao túng được một người trẻ tuổi vui tươi.

Nhưng hôm nay, một loại la hét thứ ba có thể đang vang lên: “Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pharisêu nói với Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!’ Người đáp: ‘Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!’” (Lc 19: 39-40).

Sự cám dỗ muốn bịt miệng những người trẻ luôn luôn tồn tại. Chính những người Pharisiêu đã quở trách Chúa Giêsu và đòi Ngài bắt họ phải im lặng.

Có rất nhiều cách để bịt miệng những người trẻ và làm cho họ thành ra vô hình. Có nhiều cách để gây tê họ, để làm cho họ im lặng, không hỏi gì, không thắc mắc điều chi. Có rất nhiều cách để làm họ vô cảm, để giữ cho họ không dự phần vào, để biến ước mơ của họ thành nhạt nhẽo và tầm thường, vụn vặt và ảm đạm.

Vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá này, khi chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, chúng ta hãy lắng nghe câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho tất cả những người Pharisêu xưa và nay: “Nếu họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (Lc 19:40).

Các bạn trẻ thân mến, trong lòng các bạn có điều để gào lên. Tùy thuộc vào các bạn lựa chọn tiếng hô vang “Hosanna” của ngày Chúa Nhật, để khỏi phải gào lên tiếng hét “Đóng đinh nó đi!” của ngày thứ Sáu... tùy thuộc vào bạn đừng giữ im lặng. Ngay cả khi những người khác giữ im lặng, nếu những người già chúng tôi và các nhà lãnh đạo giữ im lặng, nếu cả thế giới này giữ im lặng và đánh mất đi niềm vui của mình, tôi hỏi các bạn: Liệu các bạn có kêu lên không?

Xin vui lòng lựa chọn, trước khi sỏi đá sẽ kêu lên.

[1] Cf. R. Guardini, The Lord, Chicago, 1959, 365.

[2] Cf. Apsotolic Exhortation Evangelii Gaudium, 94.
 
TV Thời Sự Giáo Hội Và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 26/3/2018
VietCatholic Network
16:01 25/03/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Lễ Lá với Đức Thánh Cha tại quảng trường Thánh Phêrô, Chúa Nhật ngày 25/3/2018.

2- Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Tình yêu Thiên Chúa giống như tình yêu của cha và mẹ.

3- Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ sự gần gũi với phải đoàn đại kết tôn giáo Nam Sudan.

4- Vatican News có hơn 4 triệu người theo dõi mỗi ngày.

5- Vụ trưởng Thông Tin Tòa Thánh từ chức.

6- Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thất vọng với Quốc Hội Hoa Kỳ.

7- Phụ nữ ở Saudi Arabia được tôn trọng hơn với các luật mới.

8- Linh Đài Đức Mẹ La Vang ở Giáo Phận Orange, California, đang tiến hành ra sao?

9- Giới thiệu Thánh Ca: Thánh Giá Nào Cho Con?

Xin mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết