Ngày 24-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Chúa Nhật tuần 5A Mùa Chay
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:08 24/03/2020
Chúa Nhật 5 MÙA CHAY. A
(Ga 11:1-45)
SỰ SỐNG.


Người Ấn Độ có một suy tư nói rằng khi bạn mở mắt chào đời, bạn khóc và mọi người quanh bạn thì vui mừng. Bạn tiếp tục sống cuộc đời riêng tư. Khi bạn nhắm mắt lìa đời. Mọi người chung quanh sẽ khóc thương bạn, nhưng bạn lại vui trong an bình.

Câu truyện của ông Lazarô trong bài Phúc Âm hôm nay nhắc nhớ về cuộc đời của mỗi người chúng ta. Có sinh ắt có tử. Sinh ra là chúng ta bắt đầu đi dần tới sự chết. Lazarô chia sẻ cuộc sống như mỗi người chúng ta. Có sinh ra, lớn lên, rồi bệnh hoạn và chết. Khi chết đi đã có nhiều người thương tiếc. Chính Chúa Giêsu và các tông đồ cũng nhớ thương đến nhỏ lệ.

Đứng trước sự chết, con người đành bó tay. Một khi đã tắt hơi thở trở về cõi bên kia, khoa học văn minh cũng đầu hàng. Lazarô chết, có nhiều người đến viếng thăm. Người ta đã chôn xác ông ta được ba ngày rồi. Có nghĩa là theo luật tự nhiên xác đã đang rữa thối.

Rất may mắn, nơi đây có sự hiện diện của Đấng ban sự sống. Chúa Giêsu chính là nguồn sống. Chúa đã dùng quyền phép mình cho Lazarô chết ba ngày được sống lại. Quyền năng của Chúa cao vượt trí khôn loài người. Không ai có thể hiểu được. Mọi người trố mắt nhìn xem, nhưng không hiểu. Thiên Chúa đứng cạnh bên mà người ta vẫn không nhận ra. Chính Chúa đã phán: “Ta là sự sống và là sự sống lai. Ai tin vào Ta sẽ không phải chết”.

Chúng ta thường thấy trên các tấm bia mộ nơi nghĩa trang, đều có ghi tên tuổi và năm tháng ngày sinh và ngày từ trần. Các con số được ghi qua một gạch nối. Cuộc sống dài hay ngắn cũng chỉ có một gạch nối bẳng nhau. Gạch nối là biểu hiệu cho biết thời gian chúng ta đã sống bao lâu trên trần gian. Thật vậy, đời sống dài hay ngắn không quan trọng. Chỉ quan trọng là làm sao chúng ta sống một cuộc đời có ý nghĩa và để lại nhiều mến thương.

Chúa Giêsu sau khi bị kết án tử hình trên thập giá và chôn trong mồ, Chúa đã sống lại vinh hiển. Đây chính là niềm hy vọng sống lại ngày sau hết của chúng ta. Chúa Giêsu là đầu chi thể, tất cả chúng ta là chi thể mầu nhiệm của Ngài. Chúa đi trước mở lối cho chúng ta bước theo. Đặt niềm tin tưởng nơi Chúa Kitô phục sinh, chúng ta cũng sẽ được phục sinh với Ngài.

TUẦN 5 MÙA CHAY
THỨ HAI
Gioan 8: 1-11


Chúa Giêsu trở lại đền thờ và tiếp tục giảng dạy. Khi đó, những luật sĩ và biệt phái dẫn đến một người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình. Họ thưa Chúa Giêsu: Bà này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Theo luật Môisen, hạng đàn bà này sẽ bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao? Họ cố ý gài bẫy Chúa Giêsu để kiếm cớ kết án Chúa.

Chúng ta thấy câu truyện cũng lạ kỳ. Luật sĩ và biệt phái bắt quả tang người đàn bà phạm tội, bà phạm tội một mình hay với vị nào trong nhóm. Tại sao họ không xét xử theo luật mà Môisen đã truyền. Sao họ lại đem bà đến với Chúa Giêsu để xin xét xử. Họ nghĩ rằng phen này họ sẽ sập bẫy Chúa Giêsu. Nhưng với sự điềm tĩnh và khôn ngoan, Chúa Giêsu đã dẫn mọi người trở về với lòng mình.

Chúa Giêsu đứng dạy và bảo họ: Ai trong các ông không có tội, thì hãy ném đá bà này trước đi. Nghe thế, kẻ trước người sau, họ rút lui. Trước mặt Chúa, ai dám xưng mình là người vô tội. Như thế họ cũng còn chút lương tâm để nhận biết thân phận tội lỗi của mình.

Lạy Chúa, chúng con thích đoán xét và kết án người khác. Tội lỗi của chúng con ngập đầu nhưng chúng con không biết ăn năn sám hối. Chúng con lỗi phạm đến Chúa quá nhiều, xin Chúa thương tha thứ.

THỨ BA
Gioan 8: 21-30


Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: Các ông thuộc về hạ giới, còn tôi, tôi thuộc về thượng giới. Khi Chúa Giêsu mặc khải về nguồn gốc của Chúa, các biệt phái nghĩ rằng Chúa phạm thượng hoặc là nói miên man. Họ cũng không hiểu Chúa muốn nói gì nữa. Vì những lời Chúa nói ra hoàn toàn xa lạ với quan niệm sống của họ.

Họ cũng không hiểu gì về Đấng đã sai Chúa đến. Nhưng Chúa Giêsu mở cho họ một lối thoát khi Chúa nói: Khi các ông giương cao Con Người, các ông sẽ nhận biết rằng tôi là Đấng Hằng Hữu. Có nghĩa là khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, chết và sống lại, Chúa sẽ tỏ mình cho thiên hạ được rõ Chúa chính là Thiên Chúa hằng sống.

Chưa giết được Chúa, họ vẫn chưa hiểu được con đường thập giá mà Chúa phải đi qua. Đây cũng chính là con đường Chúa chọn. Qua hy tế dâng hiến cho Chúa Cha để đền bù tội lỗi cho nhân loại, Chúa Giêsu mới hoàn tất sứ mệnh cứu chuộc của mình. Ngay khi Chúa trút hơi thở trên thập giá đã có nhiều người đấm ngực ăn năn và có nhiều người đã trở lại.

Sẽ có nhiều người bước theo chân Chúa đi vào con đường thập giá, đó chính là con đường của sự sống. Chúng ta không nên phiền trách người xưa rằng sao mà họ quá cứng lòng. Hãy nhìn lại chính chúng ta ngày nay, chúng ta cũng đối xử với Chúa không khác gì họ đã làm hai ngàn năm về trước.

THỨ TƯ
Gioan 8: 31-42


Người ta tranh luận với Chúa Giêsu về dòng dõi của tổ phụ Abraham. Dân Do Thái hãnh diện vì họ là con cháu của Abraham. Chúa Giêsu nói: Nếu là con cháu Abraham thì phải nghe lời của Chúa. Vì Chính tổ phụ đã mong ước ngày của Con Người. Chúa nói với họ rằng: Nếu các ông là con cái Abraham, thì các ông phải làm những việc của Abraham. Nhưng bây giờ các ông lại tìm giết tôi.

Dân chúng luôn tự nhận là dòng dõi được tuyển chọn, dân tộc thánh và là dân được Thiên Chúa yêu thương. Dân tộc đã lãnh nhận hòm bia giao ước và là dân tộc cưu mang lời hứa ơn cứu độ. Họ hãnh diện về tổ phụ và các cha ông của họ. Họ giữ truyền thống của cha ông một cách trung thành nhưng họ đã không mở rộng tâm hồn đón nhận lời hứa cứu độ.

Họ cậy dựa vào đức tin của tổ phụ nhưng chính họ không sống niềm tin của mình vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Họ đã đối xử tệ với người được Thiên Chúa sai đến. Dân Chúa Chọn đã nhắm mắt làm ngơ trước những dấu lạ được thực hiện ở giữa họ.

Chúa mời gọi họ: Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, các ông sẽ biết sự thật. Chúa là đường và là sự thật. Chỉ có sự thật mới giải thoát. Qua Chúa Kitô, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi và bóng đêm của satan. Chúng ta sẽ tìm thấy tự do đích thực. Tự do làm con cái của Thiên Chúa.

THỨ NĂM
Gioan 8: 51-59


Chúa Giêsu nói với người Do Thái: Nếu ai giữ lời tôi, thì muôn đời sẽ không phải chết. Người Do thái phản ứng lại: Bây giờ chúng tôi biết rõ ông bị qủy ám. Phúc âm của thánh Gioan đi sâu vào các chi tiết của cuộc đời và con người Chúa Giêsu. Chúa Giêsu mặc khải về Thiên Chúa và về chính Ngài nhưng dân chúng đã bịt tai lại và không muốn nghe nữa.

Dân chúng đã xúc phạm đến Chúa và nghĩ rằng Chúa đã bị qủy ám nên nói nhiều điều không thể tưởng. Họ không thể nào chấp nhận được những lời giảng dạy của Chúa vì từ đầu họ đã không chấp nhận chính Chúa. Người ta nói rằng: Không ưa thì dưa có dòi. Khi dân chúng không thỏa mãn được những yêu cầu của họ, họ đã từ chối nghe lời của Chúa. Tất cả những việc Chúa làm và những lời Chúa giảng đều bị coi là bất thường của qủy ám.

Chúa nhắc đến Abraham như là tổ phụ của dân, Abraham đã hân hoan mong được thấy ngày của Chúa, ông đã thấy và vui mừng. Nhưng người Do Thái đối đáp: Ông chưa được 50 mà đã thấy Abraham rồi sao? Chúa đáp lại: Tôi nói với các ông, trước khi Abraham sinh ra thì đã có tôi, tôi là Đấng Hằng Hữu. Dân chúng càng không hiểu Chúa nói gì.

Người ta không thể hiểu được. Con người là loài thụ tạo, giới hạn trong vật chất, không thể lãnh hội những mặc khải cao siêu. Chúng ta cần có đức tin bù lại. Lạy Chúa, chúng con tin.

THỨ SÁU
Gioan 10: 31-42


Người Do thái quá bức xúc về lời mặc khải của Chúa Giêsu về thiên tính của Ngài, dân chúng chịu không được nữa, họ đã lượm đá để ném người. Họ kết án Chúa là nói phạm thượng: Ông là người phàm mà lại cho mình là Thiên Chúa. Chương trình cứu độ của Chúa là một Mầu Nhiệm mãi mãi con người cũng chẳng hiểu thấu.

Thiên Chúa mặc xác phàm xuống thế làm người đã không được tiếp nhận. Người ta muốn phân biệt rằng: Chúa là Chúa và con người là con người. Không thể chấp nhận có Thiên Chúa Nhập thể. Sự nhập thể hoàn toàn do ý định của Thiên Chúa. Cho dù Thiên Chúa có chuẩn bị lòng con người qua ngàn năm, trí khôn con người vẫn không thể đón nhận mầu nhiệm cao trọng này.

Trí khôn con người có giới hạn, tuy rằng có thể suy về vô cực nhưng suy tư của con người không thể vượt ra ngoài không gian và thời gian được. Con người dùng từ vô biên hay đời đời, con người không thể đi hết nội dung của từ ngữ này mà là đặt vào sự quan phòng của Chúa.

Nếu dùng trí khôn và khả năng của Chúa ban, chúng ta có thể quan sát và học hỏi tìm hiểu về sự hiện diện của Chúa, nhưng chúng ta cần có đức tin để tiếp nhận mầu nhiệm Con Chúa làm người. Đây là sự kiện lạ lùng nhất xảy đến trong lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa làm người.

THỨ BẢY
Gioan 11: 45-56


Chúa Giêsu đã mặc khải rõ ràng về sứ mệnh Đấng Kitô của Ngài, có nhiều người tin vào Chúa. Sự rao giảng Tin Mừng sắp hoàn tất. Chúa Giêsu đã tỏ bày cho dân chúng về sứ vụ được Chúa Cha trao phó và Ngài đã nói hết những gì cần thiết trong vai trò Cứu Thế của Ngài.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã triệu tập Thượng Hội Đồng để quy án cho Chúa. Họ thấy lòng dân đã xôn sao và các cấp lãnh đạo trong dân đã dần ngả theo chiều chống đối và kết án Chúa. Thượng tế Caipha đại diện hội đồng đã phát biểu: Là một người chết thay cho toàn dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt. Họ đã lấy cớ đưa sang vấn đề dân tộc và chính trị để kết án Chúa. Và từ ngày đó, họ quyết định giết Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu biết những diễn tiến đang xảy ra chung quanh. Cao trào chống đối và tẩy chay đã loan truyền khắp nơi nơi. Người ta lấy lý do sống còn của dân tộc để kéo lôi quần chúng vào cuộc. Họ đã dấy lên cuộc phản chứng chiều theo dư luận để kết án Chúa. Đứng trước làn sóng bạo tàn và gian dối, Chúa Giêsu đã dần dần chuẩn bị tư tưởng cho các môn đệ và những người thân tín đón nhận con đường khổ giá.

Lạy Chúa, Chúa đã đi trọn con đường thánh giá để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con được can đảm đối diện với những khó khăn trong đời sống tông đồ và bước đi theo Chúa cho đến cùng.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:21 24/03/2020

29. Tất cả việc thiện mà chúng ta làm chỉ là khiến cho chúng ta thêm cẩn thận, tránh làm điều ác hoặc hạn chế những thói quen xấu.

(Thánh Marco ẩn sĩ)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:27 24/03/2020
76. PHONG CÔNG ÂM ĐỨC

Có một lão nhà giàu họ Lý nọ có con làm quan lớn, tự mình cũng phong làm “phong công”.

Có lần đi qua nhà người ta uống rượu, có người hỏi ông ta:

- “Con trai ông là trạng nguyên giáo lễ bộ thượng thư (tương đương thừa tướng), ông tuổi thọ lại cao có phúc khí, ông muốn sau này tích nhiều âm đức chứ?”

Lý phong công cười nói:

- “Âm đức lớn thì không dám nói, âm đức nhỏ thì có chút ít”.

Người hỏi hỏi ba lần là có âm đức nào, Lý phong công mới nói:

- “Tôi cũng không có những đức gì khác, chỉ là mỗi lần có người mời uống, không đi, thì phải nói với người ta; đi, thì phải đến sớm một chút kẻo chủ nhà đợi. Tôi nghĩ đại khái như thế là tích âm đức rồi vậy !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 76:

Có những người tích lũy âm đức bằng cách bố thí cho người nghèo khó tiền bạc, nhưng lại thường hay chưởi mắng đầy tớ; có những người tích lũy âm đức bằng cách cách dâng cúng tiền bạc cho nhà thờ, nhưng lại hay đi nói xấu người này người nọ; lại có người tích lũy âm đức để đức lại cho con cháu, nhưng cuộc sống thì đanh ác dữ tợn hơn cả chằn tinh...

Cách tích lũy âm đức của ông nhà giàu họ Lý rất đơn giản nhưng rất đậm tình người, và lại là người lịch sự nữa, ông khiêm tốn nói:“Tôi cũng không có những đức gì khác, chỉ là mỗi lần có người mời uống, không đi, thì phải nói với người ta; đi, thì phải đến sớm một chút kẻo chủ nhà đợi. Tôi nghĩ đại khái như thế là tích âm đức rồi vậy !”

Người ta mời dự tiệc mà nếu bận việc không đi được thì nói không đi được, nếu đã nhận lời thì đi đến sớm một chút kẻo chủ nhà đợi, đó là đạo lý làm người rất đơn giản mà hiệu quả cao, khiến cho mọi người bái phục...

Có những người tai to mặt lớn khi được mời dự tiệc thì luôn đến trễ, làm cho chủ nhà và khách được mời phải đợi một mình họ, nguyên nhân đến trễ thì có nhiều nhưng vẫn cứ là để bày tỏ ta đây là người quan trọng. Đã nhận lời thì nên sắp xếp đi đến trước như mọi người, để bày tỏ mình là người đúng giờ hơn là bày tỏ mình là người quan trọng, đến đúng giờ để làm người lịch sự khiêm tốn hơn là làm người kiêu ngạo bất lịch sự.

Cách tích lũy âm đức của người Ki-tô hữu cũng thế mà thôi, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã dạy như thế: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môi-sen và các lời ngôn sứ là thế đó”. (Mt 7, 12. Lc 6, 31)

Mình không muốn người khác bắt mình đợi lâu, thì cũng đừng để người khác đợi mình lâu như vậy, đạo lý này hỏi có mấy người hiểu chứ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Trở nên ngôn sứ của sự sống và tình thương
Lm Đan Vinh
19:50 24/03/2020

Chúa Nhật 5 Mùa Chay A
Ed 37,12-14; Rm 8.8-11; Ga 11,3-45

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 11,3-45

(1) Có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a. (2) Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô. (3) Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. (4) Nghe vậy, Đức Giê-su bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”. (5) Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là Ma-ri-a và anh La-da-rô. (6) Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. (7) Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: “Nào, chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê !”. (8) Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” (9) Đức Giê-su trả lời: “Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng của thế gian này. (10) Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình !”. (11) Người nói những lời này, sau đó Người lại bảo: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc. Tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây”. (12) Các môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khỏe lại”. (13) Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. (14) Bấy giờ Người mới nói rõ: “La-da-rô đã chết”. (15) Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy”. (16) Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Thầy !”. (17) Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. (18) Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. (19) Nhiều người Do thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. (20) Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. (21) Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. (22) Nhưng bây giờ con biết: “Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. (23) Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại !” (24) Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”. (25) Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. (26) Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” (27) Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. (28) Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy !”. (29) Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su. (30) Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người. (31) Những người Do thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em. (32) Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. (33) Thấy cô khóc, và những người Do thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. (34) Người hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu?” Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. (35) Đức Giê-su liền khóc. (36) Người Do thái mới nói: “Kìa xem ! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy !” (37) Có vài người trong nhóm họ nói: “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể cho anh ấy khỏi chết ư?” (38) Đức Giê-su thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. (39) Đức Giê-su nói: “Đem phiến đá này đi”. Cô Mác-ta là chị người chết liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”. (40) Đức Giê-su bảo: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”. (41) Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. (42) Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con”. (43) Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !”. (44) Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn, Đức Giê-su bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”. Trong số những người Do thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.

2. Ý CHÍNH:

Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a thì La-da-rô đã chết và chôn được bốn ngày. Gặp hai bà Mác-ta và Ma-ri-a là chị người chết đang khóc thương em, Đức Giê-su đã trấn an họ và truyền cho La-da-rô ra khỏi mồ. Qua phép lạ này, Đức Giê-su đã mặc khải Người chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa hằng sống. Người sẽ ban sự sống và sự sống lại cho những ai đặt trọn niềm tin nơi Người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-5: + La-da-rô: là tên của người bạn thân với Đức Giê-su, ở làng Bê-ta-ni-a (x. Ga 11,3). Ngoài La-da-rô này, cũng còn một người ăn xin tên là La-da-rô trong Tin Mừng Lu-ca (x. Lc 16,20). + Bê-ta-ni-a: Là một làng nằm ở phía Đông núi Cây Dầu, cách Giê-ru-sa-lem khoảng ba cây số (x. Ga 11,18). Đức Giê-su thường đến trọ tại làng này mỗi khi có dịp lên Giê-ru-sa-lem. Ngoài ra, còn một Bê-ta-ni-a khác là nơi Đức Giê-su chịu phép rửa (x. Lc 16,20). + Mác-ta: là chị lớn trong ba chị em. Bà có tính năng nổ hướng ngoại thể hiện khi đón tiếp Đức Giê-su (x. Lc 10,38-42). + Ma-ri-a: là em của Mác-ta, có tính trầm lặng hướng nội, sẵn sàng hy sinh bình dầu thơm quý giá để xức chân Người (x. Ga 12,1-8). Theo phần lớn các nhà chú giải Thánh Kinh: Bà Ma-ri-a này không phải là người đàn bà tội lỗi (x. Lc 7,36-50), không phải là người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8,3-11), cũng không phải Ma-ri-a Ma-đa-lê-na được trừ khỏi bảy quỷ ám (x. Lc 8,2).
- C 6-16: + Mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy: Các môn đệ mang tâm trạng sợ hãi vì ý thức nguy hiểm: Thầy có thể bị kẻ thù giết hại tại Giê-ru-sa-lem. + Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao?: Đức Giê-su quyết tuân theo chương trình Chúa Cha đã truyền. + La-da-rô, bạn của chúng ta đang yên giấc. Tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây: Đức Giê-su dùng chữ “ngủ” để ám chỉ cái chết, giống như trường hợp của con gái ông Gia-ia (x. Mc 5,39). Thánh Phao-lô cũng coi cái chết chỉ là một giấc ngủ (x. 1 Tx 4,14), là một bước phải vượt qua đến sự sống lại (x. Ep 5,14). + Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin: Đức Giê-su mừng vì môn đệ sắp được dịp chứng kiến Người truyền cho La-da-rô sống lại, để các ông vững tin nơi Người.
- C 17-27: + Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi: Theo phong tục người Do thái thì người chết thường được chôn ngay trong ngày vừa chết (x. Cv 5,6). Người Do thái tin rằng trong ba ngày đầu, hồn vía người chết còn lảng vảng gần xác chết. Sang ngày thứ tư khi xác thối rữa, nó mới tan đi. Con số bốn ngày ở đây như muốn nói La-da-rô đã chết thật sự. + Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết: Thời Cựu Ước, nhiều người tin có sự kẻ chết sống lại (x Đn 12,2-3; 2 Mcb 7,23). Đến thời Đức Giê-su, nhóm Pha-ri-sêu cũng tin như vậy, nhưng nhóm Xa-đốc thì không tin (x Cv 23,8). Riêng Mác-ta tuy tin kẻ chết sẽ sống lại trong ngày tận thế như nhóm Pha-ri-sêu, nhưng vẫn muốn Đức Giê-su làm phép lạ cho em được sống lại ngay lúc này. + Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống: Đức Giê-su là sự sống phát xuất từ Chúa Cha (x. Ga 5,26). Người làm cho những kẻ tin Người được sống đời đời (x. Ga 5,24-25). Người cũng sẽ ban cho những kẻ tin được sống lại vào ngày cánh chung, dù xác của họ có bị tiêu hủy cũng sẽ được sống lại (x. Ga 5,28-29). + Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian: Mác-ta tuyên xưng Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai (x. Ga 1,19).
- C 28-37: + Thấy cô khóc, và những người Do thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến: Theo thói tục của người Do thái, khi có khách đến viếng xác, thì người nhà khóc to, và khách cũng sẽ khóc theo.
- C 38-44: + Đức Giê-su thổn thức trong lòng: Trước sự đau khổ của tang gia, Đức Giê-su đã tỏ thái độ cảm thông. Nhưng có thể Người khóc vì sự cứng lòng của những người hiện diện và vì niềm tin nửa vời của Mác-ta và Ma-ri-a. + Đem phiến đá này đi: Phần mộ của người Do thái giàu có thường khoét vào núi đá. Sau khi tắm rửa, xác chết được xức thuốc thơm, cột lại bằng giây băng vài và phủ khăn liệm, đưa vào mồ chôn cất rồi lấp ngòai cửa mồ bằng một tảng đá lớn, như hai môn đệ an táng Đức Giê-su sau này (x Ga 19,40-42). + Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày: Tuy Mác-ta vừa tuyên xưng đức tin, nhưng vẫn nghi ngờ Ngừơi có thể làm cho La-da-rô sống lại. + Chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?: Vinh quang ở đây là quyền năng Thiên Chúa tỏ hiện qua việc người sắp cho La-da-rô từ cõi chết sống lại. + Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con": Người Do thái khi cầu nguyện thì quay mặt về hướng Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Còn ở đây Đức Giê-su lại ngước nhìn lên trời. Đây là lối cầu nguyện của các Ki-tô hữu sau này. + Người kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !": Đức Giê-su ra lệnh cho người chết sống lại. Điều đó cho thấy Người có quyền trên sự chết. + Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi: La-da-rô sau khi sống lại phải được người khác cởi khăn và vải liệm. Trái lại, Đức Giê-su sau khi phục sinh, những băng vải vẫn còn để lại trong mồ và khăn che đầu Người cũng được cuốn lại và xếp để riêng ra một nơi (x. Ga 20,5-7).

4. CÂU HỎI:

1) Ma-ri-a Bê-ta-ni-a có phải là người đàn bà tội lỗi, người phụ nữ ngoại tình sắp bị ném đá hay bà Ma-ri-a Ma-đa-le-na hay không?
2) Đức Giê-su nói La-da-rô đang yên giấc có ý ám chỉ điều gì? Hai trường hợp khác tương tự là những trường hợp nào?
3) Theo phong tục Do Thái thì người chết được chôn khi nào? Ở đây việc La-da-rô được chôn bốn ngày rồi mang ý nghĩa gì?
4) Thời Đức Giê-su, niềm tin về việc kẻ chết sống lại giữa hai phái Xa-đốc và Biệt phái khác nhau ra sao?
5) Tại sao Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng và xao xuyến khi thấy Mác-ta và người đi theo cô khóc?
6) Khi nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày" Mác-ta có hòan tòan tin vào quyền năng phục sinh kẻ chết của Đức Giê-su không?
7) Ngày nay các tín hữu hướng về đâu khi cầu nguyện? Tại sao?
8) Tình trạng của La-da-rô sau khi sống lại khác với tình trạng sống lại của Đức Giê-su thế nào?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).

2. CÂU CHUYỆN:

1) VỀ MỘT NGƯỜI ĐƯỢC SỐNG LẠI VỀ PHẦN LINH HỒN:

SI-TA ĐE-LI vốn là một kẻ chuyên quậy phá kẻ khác. Anh đã nhiều lần vào tù ra khám vì tội phá phách cướp giựt. Trong phiên tòa lần thứ năm, quan tòa đã phải tuyên bố như sau: “Có phạt anh thêm nữa cũng vô ích ! Nhưng chúng tôi vẫn phải cách ly anh. Chúng tôi đã làm hết cách. Quả thật chúng tôi đã hoàn toàn thất vọng về anh”.
Vào tù lần này, ĐE-LI lại ngựa quen đường cũ: có những hành vi vô kỷ luật và đàn áp bạn tù yếu thế hơn anh, nên anh đã bị biệt giam trong hai tuần lễ. Nhưng một phép lạ đã xảy ra: Khi phải nằm thu mình trong căn hầm chật hẹp tăm tối, nằm trên nền đá ẩm mốc hôi hám, ĐE-LI đã có dịp suy nghĩ và nhớ lại những lỗi lầm đã phạm. Rồi sau đó anh bắt đầu có những giấc mơ đẹp về Đức Giê-su, mà anh đã từng học biết khi còn theo học lớp giáo lý vỡ lòng. Dường như anh thấy Đức Giê-su đang âu yếm nhìn anh và mời anh hãy đi theo Người. Rồi hình ảnh những người từng bị anh gây thương tích lần lượt lướt qua tâm trí anh. Tự nhiên anh cảm thấy một tình cảm dào dạt đối với họ. Chính tình thương ấy đã tắm mát và chữa lành những vết thương trong tâm hồn sơ cứng của anh. Cảm nghiệm ấy đã dần dần biến đổi anh nên một người mới đầy tràn tình yêu của Đức Giê-su.
Sau hai tuần lễ, ĐE-LI được ra khỏi ngục biệt giam và trở lại phòng giam thường phạm. Anh không còn thái độ bắt nạt bạn tù, trái lại còn sẵn sàng bênh vực những kẻ thân yếu thế cô. Anh xin cha tuyên úy nhà giam theo học lớp Thánh Kinh hằng tuần. Anh trở thành người học trò chăm chỉ và xuất sắc nhất trong đám bạn tù. Mấy năm sau, khi được mãn hạn tù, anh đã trở thành chủ tịch hội “Cải cách chế độ lao tù”.
Khi nói về anh, cha tuyên úy nhà lao đã nói: “Si-ta Đe-li là một bằng chứng sống động nhất về một phép lạ đã xảy ra: Không những anh là người tội lỗi được ơn sám hối, mà còn là một tạo thành mới, một tín hữu tốt lành thánh thiện và là môn đệ đích thực của Chúa Giê-su”.

2) TÁC HẠI CỦA THÓI ƯA TRÌ HOÃN:

Pháp quan Archais ở Thebea đang ngồi uống rượu với một số đông dũng sĩ của mình, bỗng có một sứ giả bước vào mang cho ông một bức thư báo cáo về một âm mưu sát hại ông. Thay vì mở ngay bao thư ra đọc, ông nhét ngay vào trong túi và nói:
- Để mai hãy hay.
Và qua ngày mai thì ông bị giết chết. Trước khi bức thư bị khui ra, thì cả chính phủ đã bị bắt sạch không thoát một ai.
Nếu ngày Chúa lại đến không ai biết trước thì mọi người đang sống phải chuẩn bị sẵn sàng cho ngày giờ đó. Ảo tưởng nguy hiểm nhất là ảo tưởng cho rằng, mình còn sống lâu, còn có đủ thời gian để kịp hồi tâm sám hối trước khi chết.

3) HIỆU QUẢ ĐÁNG NGỜ CỦA THUỐC TRƯỜNG SINH:

Vào thời chiến quốc, có người dâng lên Sở vương một viên thuốc trường sinh. Ông ta bưng viên thuốc này vào hoàng cung. Quan cảnh vệ gác cổng liền hỏi: “Thuốc này có uống được không?” Người kia đáp : “Uống được”.
Lập tức viên quan cảnh vệ liền mở viên thuốc quý ra, cầm lấy cho vào miệng và nuốt đi trước sự ngỡ ngàng của người dâng thuốc. Câu chuyện được báo cáo lên vua Sở. Vua liền truyền giam quan cảnh vệ vào ngục vì tội “khi quân” và xử tội phải chết.
Viên quan liền kêu oan rằng: “Hạ thần đã hỏi người dâng thuốc và ông ta nói: ”Thuốc có thể uống được” nên thần mới dám uống. Thế là hạ thần vô tội mà kẻ có lỗi chính là người dâng thuốc kia. Hơn nữa, người dâng thuốc lại nói đó là thuốc trường sinh nghĩa là ai uống vào sẽ được trường sinh bất tử. Thế mà thần uống vào lại sắp phải chết sao? Như vậy đây là “thuốc tử” chứ sao gọi là “thuốc trường sinh được? Điều đó chứng tỏ người dâng thuốc là kẻ nói dối mà sao bệ hạ lại tin hắn?
Vua nghe quan cảnh vệ nói có lý, liền tha chết cho anh.

4) BAO NHIÊU TIỀN CŨNG KHÔNG MUA ĐƯỢC THÊM MỘT NGÀY SỐNG:

Có một người giàu có rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp chẳng dám ăn tiêu gì. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được cả một gia tài lớn.
Không ngờ một ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận ra mình chưa kịp hưởng thụ chút gì từ số tiền lớn lao kia. Anh bèn nài nỉ:
- Tôi chia một phần ba tài sản cho Ngài, chỉ cần cho tôi sống thêm một năm thôi.
- Không được. – Thần Chết lắc đầu.
- Vậy tôi xin đưa một nửa để xin sống thêm nửa năm, được không?
- Không được. – Thần Chết vẫn không đồng ý.
Anh ta vội nói:
- Vậy… tôi xin giao hết của cải cho Ngài. Chỉ xin cho tôi một ngày thôi, có được không?
- Không được. – Thần Chết vừa nói, vừa giơ cao chiếc lưỡi hái trên tay.
Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin Thần Chết lần cuối:
- Thế thì Ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy.
Lần này, Thần Chết gật đầu. Anh run rẩy viết một dòng cảnh báo: “Xin mọi người hãy nhớ điều này: Bao nhiêu tiền cũng không mua nổi thời gian sống thêm một ngày”.
Hóa ra điều quan trọng nhất ở đời không phải là có nhiều tiền mà là biết cách sử dụng thời giờ? Có tiền mà sống ích kỷ thì thật uổng phí. Vậy đang khi còn sống hãy luôn biết phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Đừng để uổng phí cuộc đời trong những đam mê “danh, lợi, thú” chỉ mang lại thứ hạnh phúc bọt bèo chóng qua. Thời gian trôi qua sẽ không trở lại. Hãy sống sao để đạt được hạnh phúc Nước Trời vĩnh hằng đời sau.

3. SUY NIỆM:

1. VỀ MẦU NHIỆM PHỤC SINH KẺ CHẾT: Một số phép lạ kẻ chết sống lại như sau:

Thời Cựu Ước: Ngôn sứ Ê-li-a đã làm cho con trai bà góa ở Sa-rép-ta sống lại (x. 1 V 17,17-24); Ngôn sứ Ê-li-sa cũng phục sinh cho con trai của bà Su-nêm (x. 2 V 4,32-37).
Đến thời Tân Ước, ông Phê-rô đã cho bà Ta-bi-tha chết được sống lại (x. Cv 9,39-42).
Riêng Ðức Giê-su đã phục sinh kẻ chết ít nhất 3 lần: Cho con trai bà góa ở thành Na-in mới chết đang đem đi chôn sống lại (x. Lc 7,11-15); Cho con gái ông trưởng hội đường mới chết đang nằm trên giường được trỗi dậy (x. Mt 9,18-26); Cho anh bạn thân La-da-rô chết chôn trong mồ bốn ngày được sống lại ra khỏi mồ (x. Ga 11,34-45).
Sự sống lại của họ nhằm tiên báo việc Ðức Giê-su sau này sẽ chiến thắng thần chết. Người sẽ trải qua cái chết và đến ngày thứ ba sẽ từ cõi chết sống lại (x. Ga 20,1-10).

2. ĐỨC GIÊ-SU, CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI CÓ QUYỀN TRÊN SỰ CHẾT:

Tin Mừng CN 5 Mùa Chay cho thấy: Ðức Giê-su vừa là Thiên Chúa vừa là người phàm: Là người phàm, nên Đức Giê-su đã xúc động thổn thức và khóc thương người bạn thân khi đứng trước mộ của anh (c 33-35), đến nỗi người ta phải thốt lên: “Kìa xem! Ông ta thương La-da-rô biết mấy!” (c 36).
Nhưng là Thiên Chúa, Đức Giê-su đã phán một lời khiến La-da-rô chết 4 ngày được trỗi dậy. Vì Người “là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Người thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Người sẽ không bao giờ phải chết” (x. Ga 11,25-26).

3. TRỞ NÊN NGÔN SỨ SỰ SỐNG BẰNG THỰC THI GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG:

- Trong sứ điệp ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1996, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã khuyên các bạn trẻ như sau: “Hãy trở nên những ngôn sứ của sự sống và tình thương, những ngôn sứ của niềm vui. Hiện nay tuy nhân loại ngày càng văn minh hơn. Nhưng vẫn có nhiều bóng tối của sự chết như: chiến tranh, đói kém, phá thai, tự tử, si-đa, ám sát, đặt mìn, tai nạn giao thông… Những cái chết về thể xác phản ảnh một cái chết nguy hiểm hơn. Đó là cái chết Tình Yêu trong lòng con người ! Cái chết ấy sẽ thắng thế khi con người sống buông thả, chán chường và khép kín trong sự ích kỷ. Nhưng chúng ta có Đức Giê-su là “Sự Sống Lại và là Sự Sống”.
- Một khi chúng ta liên kết mật thiết với Đức Giê-su, chúng ta cũng có thể thông truyền sự sống và niềm vui cho thế giới, giống như Đức Giê-su xưa đã trả lại sự sống cho La-da-rô và lau khô giọt lệ cho hai chị em Mát-ta và Ma-ri-a… Ki-tô hữu phải sẵn sàng lao tới bất cứ nơi đâu có những anh em cần được giúp đỡ, những nơi có những giọt nước mắt cần được lau khô, những nơi có những lời cầu cứu đang mong chờ được đáp ứng”.
- Mỗi ngày chúng ta cần tích cực chuẩn bị cho cuộc sống mai sau, bằng một nếp sống bác ái cụ thể như: "Vui với người vui và khóc với người khóc”; bằng việc quan tâm thăm viếng, an ủi động viên, quảng đại chia sẻ tinh thần vật chất và khiêm tốn phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật và bất hạnh… Yêu thương không bằng môi miệng nhưng bằng sự quan tâm tới người nghèo khổ bệnh tật bất hạnh đang sống ngay bên rồi đáp ứng các nhu cầu, và phục vụ họ như phục vụ chính Đức Giê-su.

4. THẢO LUẬN:

Chúng ta cần phải làm gì để trở thành Ngôn Sứ của Sự Sống, nghĩa là sẵn sàng chia sẻ tình thương của Chúa cho đồng bào Việt Nam, cho những người bệnh tật đau khổ chung quanh chúng ta?

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đổ đầy tâm hồn chúng con Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin hãy xâm chiếm lòng trí chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống của Chúa.
Xin hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện trong chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không những bằng lời nói, nhưng còn bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa (Mẹ Têrêxa Calcutta).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các sáng kiến Công Giáo thời COVID-19
Vũ Văn An
00:02 24/03/2020
Thời buổi COVID-19, mọi chuyện dường như co cụm lại thay vì mở rộng. Rocco Palmo tường thuật nhận xét của Đức Tổng Giám Mục thủ đô Hoa Thịnh Đốn trong thánh lễ cử hành tại nhà nguyện riêng của ngài: “là giám mục, tôi chưa bao giờ mơ có ngày giải pháp mục vụ tốt nhất của tôi lại là thay vì mở rộng việc đến với Thánh Lễ, tôi phải đình chỉ nó”.

Tại Sydney, việc đình chỉ ấy đã chính thức được Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher xác nhận trong Thư Mục Vụ gửi các linh mục của tổng giáo phận chiều hôm qua. Từ nay cho đến khi có chỉ thị mới, giáo dân chỉ còn một cách duy nhất để thấy Thánh Lễ được cử hành đâu đó là qua các “livestream”.



Dĩ nhiên, các tín hữu được chuẩn khỏi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật trong thời gian này. Thay vào đó, họ “có thể giữ Chúa Nhật bằng cách dành giờ cầu nguyện tại nhà, đọc sách thánh ngày hôm đó, xem thánh lễ trên truyền hình hay trực tuyến".

Về việc xưng tội, Đức Tổng Giám Mục Fisher cho hay: tín hữu được miễn bổn phận xưng tội hàng năm, nhưng họ nên xét mình và đọc kinh ăn năn tội. Đây cũng là lời khuyên của chính Đức Phanxicô. Thực vậy, theo bản tin ngày 20 tháng 3 của Zenit, trong thánh lễ tại Santa Marta, Đức Phanxicô nói với những ai không ra ngoài xưng tội được rằng “hãy làm điều Sách Giáo Lý dạy, nó nói rất rõ: nếu anh chị em không thể tìm được 1 linh mục để nghe anh chị em xưng tội, thì hãy nói chuyện với Chúa, Người là Cha anh chị em, và nói sự thật với Người: ‘Lạy Chúa, con đã làm điều này, điều nọ, và con... hối lỗi” và hết lòng xin Người tha thứ, bằng Kinh Ăn Năn Tội và hứa với Người “sau này, con sẽ đi xưng tội, nhưng giờ đây xin Chúa tha thứ cho con”.

Ngài nhấn mạnh: nếu làm mọi điều như thế, các tín hữu sẽ trở về với ơn thánh Thiên Chúa ngay lập tức.

Lời khuyên trên rất hợp với tín hữu Sydney, nơi hiện nay, không những không có thánh lễ công cộng mà đến cầu nguyện riêng trong nhà thờ cũng không được vì nhà thờ bị đóng cửa. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Fisher nói thêm: “các linh mục có thể và nên đáp ứng nhu cầu của các cá nhân muốn chịu Phép Giải Tội, nhưng không nên quảng cáo hay mở cửa nhà thờ để giải tội”.

Hối hả vội vàng

Các biện pháp trên dường như hơi nghiêm ngặt hơn cả ở Ý, nơi COVID-19 đang sát hại nhiều nạn nhân nhất trên thế giới nhưng ít nhất, tại giáo phận Rôma, các nhà thờ vẫn mở cửa cho tín hữu đến cầu nguyện riêng hay xưng tội, và có người cho rằng đi xa hơn cả những điều Ông Scott Morrison nói chuyện với quốc dân đêm 22 tháng 3. Tuy nhiên, phải nhận một điều, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher đi chậm hơn một số Giám Mục Úc trong các biện pháp hạn chế quyết liệt. Một người hiểu chuyện từ Tây Úc cho hay: lệnh đình chỉ các Thánh Lễ công cộng đã áp dụng ở đấy từ Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay (tuần rồi), khi chưa có các hạn chế quyết liệt của chính phủ Úc.

Những hối hả vội vàng như thế khiến ký giả kỳ cựu chuyên viết về Vatican là Andrea Gagliarducci, trong bài “Pope Francis and the response to coronavirus” (23 tháng 3) nhận định rằng “vần đề như thế này, trong một tình trạng khẩn trương, Giáo Hội không nghĩ đến điều mình phải bảo vệ: tự do thờ phượng. Trường hợp Ý là một điển hình rõ ràng. Việc cấm di chuyển (lockdown) ở Ý rất nghiêm ngặt. Người ta không thể di chuyển nếu không có các lý do thuyết phục [compelling reasons). Tuy nhiên không nhắc gì tới việc thờ phượng trong số các lý do thuyết phục. Dù quyền thờ phượng là quyền căn bản trong hiến pháp Ý”.

Gagliarducci muốn nhấn mạnh điều này: “Giáo Hội nên mạnh mẽ phản đối chính phủ vì đã không đếm xỉa các vấn đề thờ phượng. Đạo luật này là một tiền lệ. Nếu một ngày nào đó, Nhà Nước Ý muốn bác bỏ quyền tự do thờ phượng, họ chỉ cần nhớ lại tiền lệ trong tình thế đặc thù này”.

Nhiều người không hẳn hoàn toàn đồng ý với Gagliarducci trong hoàn cảnh lây lan của COVID-19, một kẻ thù ta chưa nắm được bản chất của nó, chỉ biết sức tàn phá khủng khiếp và nhanh như chớp của nó, nên mọi biện pháp cần được huy động để chặn đứng nó. Tiền lệ này có được lặp lại hay không là điều chưa thấy, nhưng nếu có chính phủ nào lặp lại nó khi không đủ lý do như lần này, dĩ nhiên ta phải quyết liệt chống lại.

Tuy nhiên, ai cũng có cảm tưởng giáo quyền ở một số nơi quá chú trọng đến đóng cửa, rút cầu, hạn chế. Ít đề xuất và khai triển các biện pháp tích cực giúp tín hữu vượt qua “thời buổi cấm cách trên thực tế” này. Đến nỗi có người cho rằng các đấng bản quyền khôn ngoan thật nhưng hình như đang thiếu can đảm.

Kéo chuông báo giờ cầu nguyện

Nói thế cũng oan cho tổng giáo phận Chicago. Theo tờ Chicago Catholic, Đức Hồng Y Cupich yêu cầu các giáo xứ kéo chuông mỗi ngày 5 lần như lời yêu cầu họ nhớ cầu nguyện. Lần đầu tiên sẽ là 9 giờ sáng ngày 21 tháng 3, và tiếp tục sau đó mỗi 3 tiếng đồng hồ, với hồi chuông cuối cùng trong ngày vào lúc 9 giờ đêm. Nơi nào không có chuông nhà thờ, Đức Hồng Y khuyên các gia đình tự lên đồng hồ để báo giờ cầu nguyện.

Tuy nhiên, cũng có việc quá lưu ý đến biện pháp tích cực. Đó là trường hợp ký giả John Allen: Ông nêu vấn đề: nếu có mệnh hệ gì mà Đức Phanxicô qua đời hay từ chức trong hoàn cảnh COVID-19, thì phải làm gì đối với mật nghị bầu Giáo Hoàng.

Dĩ nhiên ông biết giả cảnh ấy khó lòng xẩy ra vì Đức Phanxicô còn khỏe mạnh và năng nổ ngay trong tình huống COVID-19. Nhưng nếu có chuyện đó, thì mật nghị bầu Giáo Hoàng sau đó 20 ngày sẽ ra sao. Ý ông muốn nói phải dự liệu trường hợp này, kẻo không kịp.

Thực vậy, theo tính toán của ông, với tình thế cấm di chuyển và đóng cửa biên giới hiện nay, chỉ có các Hồng Y Ý, một số Hồng Y đang hiễn diện ở Rôma và cùng lắm một số Hồng Y Âu Châu khác. Con số không quá 40 vị. Ấy là đã giả thiết là Chính Phủ Ý và các chính phủ Âu Châu khác chịu coi việc bầu Giáo Hoàng là lý do thuyết phục. Liệu kết quả bỏ phiếu của 40 vị có làm cho cuộc bỏ phiếu này thành hiệu không, vì trên thế giới hiện nay có 123 Hồng Y dưới 80 tuổi, nghĩa là có quyền bầu Giáo Hoàng?

Trong khi ấy, hiện chưa có luật lệ nào cho phép các Hồng Y tham dự mật nghị “từ xa” bằng cách sử dụng kỹ thuật của thế kỷ 21.

Thế giới khiếp run

Chả lẽ COVID-19 mạnh đến nỗi khiến Allen tưởng tượng ra một giả cảnh như thế. Nhưng xét cho cùng, chính Đức Phanxicô cũng đã sử dụng chữ “khiếp run” (trembling) để chỉ tâm trạng của thế giới hiện nay.

Theo bản tin CNA, ngày 22 tháng 3 vừa qua, Đức Phanxicô lên tiếng yêu cầu thế giới Kitô giáo nói chung cùng đọc kinh Lạy Cha với ngài vào ngày 25 tháng 3 để cùng cầu xin Chúa cứu nhân loại.

Ngài nói: “trong những ngày thử thách này, trong khi nhân loại khiếp run trước đe dọa của đại dịch, tôi muốn đề nghị với mọi Kitô hữu hợp nhất tiếng kêu của họ vang lên tới trời”. Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng cũng loan báo sáng kiến ban phép lành cho Thành Phố và Thế Giới (Urbi et Orbi).

Điều được Đức Phanxicô lưu ý hàng đầu là giải pháp để “mọi người mặc chính họ” là giải pháp tồi tệ trong cơn đại dịch. Theo Catholic News Service, ngài nói như thế trong cuộc phỏng vấn qua Skype, phát đi từ Tây Ban Nha ngày 22 tháng 3. Phải làm sao để mọi người cảm thấy có một xã hội liên đới.

Khía cạnh lạc quan

Được hỏi ngài có lạc quan không khi đại dịch này qua đi, liệu thế giới có tốt đẹp hơn không, Đức Phanxicô trả lời rằng: “tôi không thích chữ đó vì lạc quan đối với tôi nghe có vẻ tô vẽ (makeup). Tôi hy vọng ở nhân loại, ở những người đàn ông đàn bà, và tôi hy vọng nơi người ta. Tôi hy vọng rất nhiều nơi những người sẽ học được nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng này để suy nghĩ lại về đời sống của họ. Chúng ta sẽ thoát khỏi thành người tốt hơn, dù, dĩ nhiên, sẽ có ít người trong chúng ta hơn. Nhiều người vẫn ở lại đường cũ và điều này thật khó. Nhưng tôi tin chúng ta sẽ thoát khỏi tình thế này thành người tốt hơn”.

Một trong các bài học học được trong đại dịch COVID-19 có thể là giá trị gia đình. Dù sao, thì đó cũng là suy tư của Đức Hồng Y Farrell, bộ trưởng siêu bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống (xem A concrete proposal to be a "domestic church").

Ngài nhắc lại lời lẽ của Đức Phanxicô trong Niềm Vui Yêu Thương (số 315): “nhan Chúa cư ngụ trong các gia đình thực sự và cụ thể, với mọi rắc rối và vật lộn, vui mừng và hy vọng hàng ngày của họ”. Các điều này rõ ràng hơn cả khi vì COVID-19, người ta buộc phải ở trong nhà với gia đình của mình.

Đức Hồng Y viết: trong hoàn cảnh này “chúng ta cảm thấy cô đơn, cô lập và chính trong cảnh cô lập này, Chúa Thánh Thần gợi ý để chúng ta khám phá lại bí tích hôn nhân, nhờ đó, tổ ấm của chúng ta, nhờ có sự hiện diện không ngừng của Chúa Kitô trong mối liên hệ thánh hiến của vợ chồng, chính là các giáo hội tiểu gia”.

Đức Hồng Y quả quyết: “trong tổ ấm của họ, vợ chồng bảo đảm sự hiện diện của Chúa Giêsu 24 giờ mỗi ngày”. COVID-19, theo Đức Hồng Y, là “thời huấn luyện Chúa dành cho chúng ta... Một thời, nhờ sống gần nhau trong tổ ấm, chúng ta được kêu gọi liên tục thực hành đức yêu thương” như tỏ tình âu yếm với con cái, tình yêu kiên nhẫn với người phối ngẫu, dịu giọng với nhau dù giữa cảnh bừa bãi chung quanh, giáo dục con cái biết dùng thì giờ tốt, đối thoại với nhau lễ độ, giữ bình thản nội tâm, biết tôn trọng cả những người có ý kiến khác với mình, biết dành không gian cho người khác...

Đức Hồng Y kêu gọi “chúng ta hãy tụ tập như một gia đình, vào Chúa Nhật, để cử hành một cách long trọng hơn nền phụng vụ tại gia kia một nền phụng vụ, nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu, diễn ra qua các cử chỉ giữa vợ chồng (dấu chỉ yêu thương biểu lộ qua cuộc sống vợ chồng trở thành ‘sự liên tục không ngừng của ngôn ngữ phụng vụ’ và ‘cuộc sống phu thê trở thành phụng vụ theo một nghĩa nào đó’” (Niềm Vui Yêu Thương, số 215).

Và đây là các hướng dẫn cụ thể: “chúng ta có thể tụ họp nhau trong 1 căn phòng, đọc một Thánh vịnh ngợi khen, xin lỗi nhau bằng một lời hay một cử chỉ giữa vợ chồng và giữa cha mẹ và con cái, đọc Tin Mừng Chúa Nhật, phát biểu ý nghĩ về điều đoạn Tin Mừng linh hứng nơi từng người, đọc lời cầu nguyện cho các nhu cầu của gia đình, của những người ta yêu thương, của Giáo Hội và của thế giới. Sau cùng, phó thác gia đình ta và mọi gia đình ta quen biết cho sự chăm sóc của Đức Mẹ”.

Đức Hồng Y cũng gợi ý ta có thể liên kết với các gia đình khác qua Skype để cử hành các việc trên.
 
Virút côrôna là một lời mời gọi trở về với Thiên Chúa
John Horvat II Chuyển ngữ: Jos. VQK
07:58 24/03/2020
Tác giả: John Horvat II Chuyển ngữ: Jos. VQK

Phản ứng của chúng ta đối với virút côrôna phản ánh việc xã hội thế tục của chúng ta bị khủng hoảng vì thiếu vắng Thiên Chúa.

Vấn đề không phải là con virut đó có khả năng gây chết người như nó có thể xảy ra. Sự bùng phát này là một sự kiện sinh học, tương tự như rất nhiều cái đã từng gây điêu đứng cho con người qua các thời đại.

Mặc dù virút là phi chính trị, tuy nhiên, nó có thể gây ra nhiều hậu quả chính trị. Điều gây nên xáo trộn hơn nhiều so với virút côrôna chính là nỗi sợ hãi về nó. Một nỗi sợ côrôna đang làm khắp hoàn cầu phải náo loạn. Theo nghĩa này, phản ứng với virút côrôna là cực kỳ có tính cách chính trị và thế tục. Nó phản ánh một xã hội đã quay lưng lại với Thiên Chúa. Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chỉ với sự trông cậy vào bản thân và các thiết bị của chúng ta.

Chỉ có một mình con người

Thật vậy, khi đối phó với cuộc khủng hoảng virút côrôna người ta không chấp nhận sự trợ giúp từ bên ngoài. Thiên Chúa không có ý nghĩa hay chức năng gì bên trong tất cả những nỗ lực để xóa bỏ nó. Thay cho Chúa, các nhà cầm quyền huy động tối đa quyền lực để kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống nhằm ngăn chặn sự lây lan của nó. Giới khoa học vung cánh tay hùng mạnh giành nhau tìm thuốc chủng ngừa. Giới tài chính và công nghệ được huy động để giảm thiểu những hậu quả tai hại của cuộc khủng hoảng.

Cho dù người ta đã sử dụng tất cả mọi nỗ lực để giải quyết các vấn đề, nhưng đều không mang lại kết quả như mong muốn. Những nỗ lực hiện tại đã làm một xã hội điên cuồng nghiện các giải pháp bấm nút, tức thì phải thất vọng. Thế giới đã buộc phải đóng cửa mà không xác định được mốc thời gian khi nào cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc.

Vì lý do này, nó thật đáng sợ. Có một số định chế, chẳng hạn như Giáo hội, có khả năng giảm nhẹ tình hình bằng cách đưa ra những giải pháp có tính nhân đạo và vừa sức chịu đựng. Chúng ta bị buộc vào thế một mình đối mặt với mối nguy hiểm lớn lao này. Con virút nhỏ bé làm cho các nạn nhân của nó bị cô lập và xa lánh, đưa họ ra khỏi xã hội. Trong nhiều trường hợp, đó là cá nhân đối mặt với Nhà nước. Kỹ thuật viên trong bộ đồ phòng hộ đối xử với đàn ông và phụ nữ như thể họ là virút. Ở Trung Quốc và những nơi khác, các quan chức sử dụng bạo lực để buộc tuân thủ các chỉ thị quyết liệt.

Không còn cần đến Thiên Chúa

Virút không có tính cách tôn giáo. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản nó có chiều kích tôn giáo. Virút côrôna xuất hiện vào thời điểm mà hầu như nhiều người trong xã hội cảm thấy không cần đến Chúa. Đối với những người này, Thiên Chúa từ lâu đã được thay thế bằng bánh mì và rạp xiếc. Những thú vui hiện đại cho thấy rằng chẳng cần thiên đàng. Các tệ nạn hậu hiện đại tuyên bố chẳng sợ địa ngục.

Tuy nhiên, virút côrôna có khả năng kỳ lạ khiến cho thiên đường vật chất của chúng ta biến thành địa ngục. Con tàu du lịch, biểu tượng của mọi thú vui trần gian, trở thành nhà tù gieo mầm bệnh cho những hành khách vốn phải tìm mọi cách để thoát ra. Những người đã biến thể thao trở thành thần tượng bây giờ lại thấy các sân vận động trống rỗng và các giải đấu bị hủy bỏ. Những người ngưỡng mộ tiền bạc bây giờ đang chứng kiến danh mục đầu tư bị suy giảm và lực lượng lao động bị cách ly. Những người tôn thờ giáo dục nhìn vào các trường và đại học trống rỗng của họ. Các tín đồ của chủ nghĩa tiêu thụ phải đối mặt với kệ siêu thị trống rỗng. Thế giới chúng ta tôn thờ đang sụp đổ. Những điều mà chúng ta vinh danh cũng đang bị hủy hoại.

Một con vi khuẩn bé nhỏ đã lật nhào những thần tượng từng được cho là vô cùng ổn định, mạnh mẽ và lâu bền. Nó đã khiến những kẻ tôn thờ chúng phải khuỵ đầu gối xuống. Nhưng người ta vẫn khẳng định rằng mình không cần đến Chúa. Người ta sẽ chi ra hàng nghìn tỷ đô la với hy vọng viển vông nhằm vá víu những thần tượng đang bị vỡ toang này.

Thiên Chúa đang bị xua đuổi.

Tuy nhiên, có một khía cạnh của cuộc khủng hoảng từ virút côrôna còn tồi tệ hơn. Quả là tệ hại khi Thiên Chúa bị thay thế hoặc bị bỏ qua một bên. Người ta còn tiến thêm một bước nữa: Thiên Chúa bị trục xuất khỏi hiện trường; Người bị cấm hành động.

Trong số các biện pháp hà khắc đã được đề ra, có việc các quan chức chính phủ cấm cử hành phụng tự công khai. Ở Ý, người ta đã cấm cử hành các Thánh lễ, ngừng việc rước lễ và xưng tội. Thánh đường và việc cử hành các bí tích bị coi là một dịp truyền nhiễm, đối xử không khác gì một sự kiện thể thao hoặc một buổi hòa nhạc.

Đến lượt mình, giới truyền thông chế giễu Giáo hội khi tuyên bố rằng ngay cả Chúa cũng đã tự cách ly.

Một cuộc khủng hoảng về đức tin

Đáng buồn thay, một số chức sắc trong Giáo hội quá nhiệt thành tuân thủ các biện pháp như vậy. Họ tước bỏ quyền của các tín hữu được hưởng các bí tích vào lúc cần nhất. Họ còn vượt xa những gì các quan chức yêu cầu, thậm chí đến mức không để nước thánh và thay thế chúng bằng các dụng cụ khử trùng. Họ không khuyến khích việc cử hành các Nghi thức sau cùng.

Thậm chí còn cấm cả những phép lạ nữa. Các viên chức nhà thờ đơn phương đóng cửa phòng tắm có sức chữa bệnh kỳ diệu tại Lộ Đức, nước Pháp! Nguồn nước kỳ diệu đó hẳn đã chữa lành mọi thứ bệnh mà nhân loại biết đến. Phải chăng virút côrôna này còn nguy hiểm chết người hơn?

Đó là thực trạng Đức tin của chúng ta trong cuộc khủng hoảng.

Giải pháp nằm trong việc làm cho đức tin thêm sinh khí

Một số người có thể phản đối khi cho rằng muốn có thái độ phi thế tục đối với virút thì phải có một bước nhảy vọt về đức tin. Tuy nhiên, chúng ta phải hỏi đó là bước nhảy vọt nào về đức tin – tín thác vào Giáo hội là Mẹ hay vào bàn tay lạnh lùng của một Nhà nước đã chứng tỏ không có khả năng giải quyết các vấn đề xã hội?

Chúng ta có đủ lý do để tín thác vào Chúa. Vấn đề là chúng ta có để cho người ta cư xử với Giáo hội như thể Giáo hội không biết gì về việc chữa lành thân xác và linh hồn. Người ta đã quên mất rằng Giáo hội là một người mẹ. Giáo hội thành lập các bệnh viện đầu tiên trên thế giới trong thời Trung cổ. Nền tảng của y học hiện đại bắt nguồn từ sự thái độ quan tâm của Giáo hội đối với người bệnh. Giáo hội chăm sóc từng bệnh nhân như với chính Chúa Kitô. Vì thế, Giáo hội đã cắt cử các linh mục, nam nữ tu sĩ đến chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người nghèo và người ốm đau trên toàn thế giới. Trải qua các thời đại, giữa những cơn dịch bệnh và dịch hại, người ta thấy Giáo hội hiện diện ở giữa họ, chăm sóc những người bị nhiễm bệnh bất chấp bao nhiêu là hiểm nguy.

Trên hết, Giáo hội chăm sóc linh hồn của những người đau khổ. Giáo hội vỗ về, an ủi và xức dầu cho người lâm cơn hoạn nạn. Giáo hội duy trì vô số linh địa, như Lộ Đức, nơi những người hành hương mà nhờ lòng tin họ được ân thưởng sự bình an trong tâm hồn, chữa lành và phép lạ.

Trong thời kỳ có dịch bệnh, toàn thể các cộng đoàn có thể dâng lên lời cầu nguyện để xin Chúa đến giúp đỡ cái xã hội tội lỗi cần đến lòng thương xót của Người. Lịch sử đã chứng minh rằng những lời cầu nguyện này thường được lắng nghe.

Khi Giáo hội hành động như thế là ngăn không cho những khủng hoảng như virút côrôna trở thành vô nhân đạo và có tính áp đảo. Tựa như một người mẹ, Giáo hội đem đến sự an ủi và hy vọng trong những lúc tối tăm. Giáo hội nhắc nhở rằng chúng ta không hề cô đơn và phải luôn luôn trông cậy vào Chúa. Thật vô nghĩa khi gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc chiến chống lại virút côrôna.

Quay về với Chúa

Thật vậy, cuộc khủng hoảng virút côrôna nên là một lời kêu gọi từ bỏ xã hội vô thần của chúng ta.

Cuộc khủng hoảng này có nguy cơ vượt ra ngoài cuộc khủng hoảng sức khỏe và làm suy giảm nền kinh tế (Mỹ). Vì thế chúng ta phải đặt nghi vấn vì lẽ gì mà Thiên Chúa lại bị thay thế, bị bỏ qua một bên và bị loại trừ. Đã đến lúc phải quay về với Thiên Chúa, bởi chỉ có một mình Người mới cứu chúng ta thoát khỏi thảm họa này.

Trở về với Chúa không có nghĩa là dâng lên một lời cầu nguyện tượng trưng hoặc tổ chức một đám rước với hy vọng quay lại cuộc sống tội lỗi và những thú vui khôn lường. Thay vào đó, nó phải bao gồm lời cầu nguyện chân thành, hy sinh và đền tội như lời Đức Mẹ đã kêu gọi tại Fatima năm 1917.

Quay về với Thiên Chúa bao hàm một sự sửa đổi đời sống khi đương đầu với một thế giới thù ghét luật pháp Chúa và ngăn ngừa sự hủy diệt của nó. Điều đó có nghĩa là hành động như Giáo hội đã luôn luôn làm, theo công lý, khôn ngoan, bác ái, nhưng, trên hết, là với đức tin và lòng tin tưởng. Tất cả những phương dược này của Giáo hội, đầy tràn sự êm ái và có sức chữa lành, đều nằm trong tầm tay của các tín hữu.

Trở về với Chúa không có nghĩa là chúng ta phủ nhận vai trò của chính phủ trong việc xử lý các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, đức tin phải là thành phần chính yếu của bất kỳ giải pháp nào. Thiên Chúa đang hiện diện cùng chúng ta. Chúng ta hãy đặt niền cậy trong vào Bí tích Thánh Thể, là sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa trong thế giới và là Đấng đã dựng nên ta. Chúng ta cũng hãy khẩn cầu với Mẹ Thiên Chúa, là Đức Trinh Nữ Maria, Người là Sức khỏe của bệnh nhân và là Mẹ của Lòng thương xót.


Source:Return To Order
John Horvat II là một học giả, nhà nghiên cứu, giáo dục và diễn giả quốc tế. Ông là tác giả cuốn Return to Order. Ông hiện là Phó Chủ tịch của American Society for the Defense of Tradition, Family and Property.
 
Bill Gates suy tư về Coronavirus: Nó nhắc nhở chúng ta những bài học quan trọng
Bill Gates
09:02 24/03/2020
Bill Gates suy tư về Coronavirus: Nó nhắc nhở chúng ta những bài học quan trọng

Tôi là một người tin tưởng mạnh mẽ rằng có một mục đích tâm linh đằng sau mọi thứ xảy ra, cho dù đó là những gì chúng ta cho là tốt hay xấu. Khi tôi suy ngẫm về điều này, tôi muốn chia sẻ với bạn những gì tôi cảm thấy Coronavirus/Covid-19 thực sự đang làm với chúng ta:

– Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng, bất kể văn hóa, tôn giáo, nghề nghiệp, tình hình tài chính hay chúng ta nổi tiếng như thế nào. Bệnh này đối xử với tất cả chúng ta như nhau, có lẽ chúng ta cũng nên như vậy. Nếu bạn không tin tôi, chỉ cần hỏi Tom Hanks.

– Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều kết nối và một cái gì đó ảnh hưởng đến một người thì nó cũng có sự ảnh hưởng đến người khác. Nó nhắc nhở chúng ta rằng các đường biên giới giả tạm mà chúng ta đã lập ra có ít giá trị vì virus này không cần hộ chiếu. Nó đang nhắc nhở chúng ta, bằng cách áp bức chúng ta trong một thời gian ngắn, về những người trong thế giới này mà cả cuộc đời dành cho sự áp bức.

– Nó nhắc nhở chúng ta về sức khỏe của mình quý giá biết bao và chúng ta đã đi quá xa như thế nào trong việc bỏ bê sức khỏe, thông qua việc ăn những thực phẩm được sản xuất nghèo dinh dưỡng, và uống nước bị ô nhiễm bởi lớp lớp hóa chất. Nếu chúng ta không chăm sóc sức khỏe, tất nhiên chúng ta sẽ bị bệnh.

– Nó đang nhắc nhở chúng ta về sự ngắn ngủi của cuộc sống và về những gì quan trọng nhất chúng ta cần phải làm: đó là giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là những người già hoặc bệnh tật. Mục đích của chúng ta không phải để mua giấy vệ sinh.

– Nó nhắc nhở chúng ta về xã hội vật chất của chúng ta đã trở nên như thế nào, và khi gặp khó khăn, chúng ta nhớ ra những thứ thiết yếu mà ta cần (thực phẩm, nước, thuốc) vốn trái ngược với những thứ xa xỉ mà đôi khi chúng ta đánh giá cao chúng một cách không cần thiết.

– Nó đang nhắc nhở chúng ta về gia đình và mái ấm gia đình quan trọng như thế nào và chúng ta đã bỏ bê điều này đến mức nào. Nó buộc chúng ta phải quay trở lại nhà của mình để chúng ta có thể xây dựng lại cuộc sống bên tổ ấm của mình và củng cố đơn vị gia đình mình.

– Nó nhắc nhở chúng ta rằng công việc thực sự của chúng ta không phải là nghề nghiệp của chúng ta, mà đó là những gì ta làm, không phải những gì mà chúng ta được tạo ra để làm chúng. Công việc thực sự của chúng ta là chăm sóc lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau và mang lại lợi ích cho nhau.

– Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng hãy kiềm hãm bản ngã của mình lại. Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng cho dù chúng ta nghĩ chúng ta vĩ đại đến cỡ nào hay người khác có cho rằng chúng ta tuyệt vời đến thế nào, thì chỉ một loại virus có thể khiến cả thế giới của chúng ta bế tắc.

– Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng sức mạnh của sự tự do ý chí đang nằm trong tay chúng ta. Chúng ta có thể chọn hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ, cho đi, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau hoặc chúng ta có thể chọn ích kỷ, tích trữ, chỉ chăm sóc bản thân. Thật vậy, đó là những khó khăn làm nổi bật màu sắc thực sự của chúng ta.

– Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có thể kiên nhẫn, hoặc chúng ta có thể hoảng loạn. Chúng ta có thể hiểu rằng loại tình huống này đã xảy ra nhiều lần trước đây trong lịch sử và sẽ qua, hoặc chúng ta có thể hoảng loạn và xem nó là sự kết thúc của thế giới và, do đó, gây hại cho bản thân nhiều hơn là có lợi.

– Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng đây có thể là một kết thúc hoặc một khởi đầu mới. Đây có thể là thời gian cho suy ngẫm và hiểu biết, nơi chúng ta học hỏi từ những sai lầm của mình, hoặc nó có thể là khởi đầu của một chu kỳ nữa tiếp tục cho đến khi cuối cùng chúng ta học được bài học mà chúng ta phải học.

– Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng Trái đất này bị bệnh. Nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần xem xét tốc độ phá rừng cũng khẩn cấp như chúng ta nhìn vào tốc độ mà các cuộn giấy vệ sinh đang biến mất khỏi giá hàng. Chúng ta bị bệnh vì nhà của chúng ta bị bệnh.

– Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng sau mỗi khó khăn, luôn có sự dễ dàng. Cuộc sống là theo chu kỳ, và đây chỉ là một giai đoạn trong chu kỳ tuyệt vời này. Chúng ta không cần phải hoảng sợ; điều này cũng sẽ qua.

Trong khi nhiều người coi virus Corona/Covid-19 là một thảm họa lớn, tôi thích xem nó như là một sửa chữa tuyệt vời.

Nó được gửi để nhắc nhở chúng ta về những bài học quan trọng mà chúng ta dường như đã quên và tùy vào mình mà ta có học được chúng hay không!

(Nguồn: https://coronavirusnewslive.com/coronavirus/bill-gates-says-coronavirus-reminds-us-we-are-all-equal-in-powerful-open-letter-the-sun/ Bản dịch Saigon Nhỏ)
 
Linh mục chịu chết vì coronavirus sau khi nhường máy trợ thở cho bệnh nhân khác
Nguyễn Long Thao
10:37 24/03/2020
Linh mục chịu chết vì coronavirus sau khi nhường máy trợ thở cho bệnh nhân khác

Các hãng truyền thông lớn trên thế giới đều đưa tin linh mục Giuseppe Berardelli, người Ý, 72 tuổi, bị nhiễm vi khuẩn corona, đã chết vì nhường máy trợ thở Respirator của mình cho một bệnh nhân khác, trẻ tuổi hơn, đang cùng nằm trong bệnh viện với minh. Đó là Linh mục Giuseppe, cha chính xứ ở thị trấn Casnigo. Giáo dân của giáo xứ đã mua máy trợ thở giúp cha

Theo tin từ bệnh viện thì linh mục Giuseppe Berardelli đã chết tuần trước tại bệnh viện Lovere.

Trước sự hy sinh mạng sống của mình, linh Mục James Martin, chủ bút tờ báo của dòng Tên ở Hoa Kỳ viết trên Twitter: Cha Giuseppe Berardelli quả thực là vị một Thánh Tử Đạo. Ngài ví cha Giuseppe Berardelli cũng giống nghiã cử của cha thánh Maximilian Kolbe ở Auschwitz thời Đức Quốc Xã đã tình nguyện chết thay cho một người có gia đình để người này được sống trở về nuôi vợ con.

Cha Berardelli đã yêu cầu bệnh viện không công bố danh tính người được cha nhường máy trợ thở và chính cha cũng không biết người này là ai.

Tưởng cũng nên nói thêm các cơ quan truyền thông đưa ra các con số khác nhau về các linh mục đã chết vì nhiễm virus Corona ở Ý. Tờ Newsweek nói ở Ý có đến 60 linh mục bị nhiễm bệnh và 15 vị đã chết. BBC thì nói có ít nhât 50 linh mục đã chêt.

Ký giả Newsweek đã hỏi Tòa Thánh về tin các linh Mục ở Ý chết vì virus corona, nhưng chưa nhận được câu trả lời thì tớ báo đã phát hành.

Nguyễn Long Thao
 
Nhường máy trợ thở cho bệnh nhân trẻ hơn, một linh mục Ý vừa mới qua đời
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
13:15 24/03/2020
Đại dịch Virus Vũ Hán (Trung Hoa) – phát xuất từ Tàu và được cải danh nhanh chóng sau đó trở thành Virus Corona hoặc Covid-19 - đang đặt ra những thách thức cực kỳ nghiêm trọng cho các quốc gia và cho thế giới: lây bệnh mau lẹ và chết người. Cuộc sống của cả nhân loại đang bị đảo lộn lớn lao: hơn 600 triệu học sinh không thể đến trường học, các nhà thương quá tải không đủ máy thở ôxy, các nhà máy đóng cửa, công nhân nghỉ việc ở nhà, các cổng biên giới đóng chặt lại, máy bay nằm yên ở phi trường, luật giới nghiêm nhiều ngày đang thi hành tại một số quốc gia... Các thành phố lớn nổi tiếng bỗng nhiên không có một bóng người qua lại như Rôma, New York, Berlin, Paris…

Thế giới hiện đại với Internet và Smartphone bỗng trở thành quá mong manh và dễ dàng sụp đổ trước con Virus Corona. Một sinh vật siêu nhỏ đang khuất phục các cường quốc thế giới luôn tự hào về sự tân tiến hiện đại và cuộc sống giàu xang. Virus Vũ Hán bây giờ không còn của riêng một ai nữa mà là vấn đề sống còn của mọi người, của nhân loại. Thật là đau buồn khi đọc được những tin tức nhiều người đã qua đời trong bệnh viện không còn được hưởng "đặc ân" (thông thường vẫn có) là được nhìn thấy mặt gia đình nói lời chia tay vĩnh biệt và ngay cả lúc được đưa ra phần mộ rất cô đơn chỉ với cỗ quan tài của họ. Linh mục Giuseppe Berardelli được viết trong bài này cũng ra đi cô độc như thế trong giáo xứ Casnigo của ngài.

Và Giáo Hội Công Giáo chúng ta cũng bị ảnh hưởng nặng nề như thế như chưa bao giờ xảy ra để phòng ngừa lây bệnh: đóng cửa nhà thờ và không có thánh lễ cho giáo dân tham dự. Thật khác thường, ngay cả ĐGH Phanxicô cũng phải dâng Thánh Lễ và đọc kinh Truyền Tin một mình.

Nước Ý đang bị khủng hoảng to lớn về y tế. Có hơn 6.000 người qua đời vì Virus Corona, trong số đó cũng có nhiều linh mục, con số đã hơn 50. Đức Giáo Hoàng Phanxicô gần đây đã kêu gọi các linh mục Ý can đảm đến với bệnh nhân để mang đến cho họ Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể. Một trong 50 linh mục vừa mới qua đời vì dịch bệnh Corona: Cha xứ Giuseppe Berardelli của Casnigo với 3.000 giáo dân thuộc giáo phận Bergamo, miền Bắc Ý. Nghi thức an táng rất đơn sơ cho ngài và không có giáo dân tham dự vào thứ hai, 16.3.2020.

Cha Giuseppe Berardelli, 72 tuổi đã qua đời sau khi trao máy trợ thở cho một bệnh nhân trẻ tuổi hơn, tờ báo địa phương "Araberara" đưa tin hôm thứ Hai, 23.3.2020. Cha Berardelli đã được điều trị ở trong nhà thương Lovere nơi có nhiều bệnh nhân Corona ở đó. Lovere nằm trong vùng Bergamo - Bắc Ý, trung tâm địa chấn Corona có tình hình đặc biệt tàn khốc đang xảy ra. Cha Berardelli tuổi cao có sức khỏe không được tốt, nhưng cha không bao giờ đánh mất nụ cười tươi của mình, giáo dân rất kính mến cha và biết ngài luôn sẵn lòng giúp đỡ và nhiệt thành trong công việc mục vụ của mình.

Việc cuối cùng thực hiện trong cuộc đời của cố linh mục này đang gây chú ý cho mọi người trên khắp thế giới bằng một hành động từ thiện đặc biệt: nhường máy trợ thở cho một bệnh nhân trẻ hơn trong bệnh viện Lovere mà ngài không biết đến. Chỉ vài giờ sau ngài đã qua đời vì hậu quả của Virus Corona. Báo chí Ý vinh danh ngài “chết như một linh mục” - “Morto da prete”. Giáo dân tại làng Casnigo thương tiếc gọi ngài là một vị "tử đạo về yêu thương người" và "vô cùng xúc động" bởi hành động bác ái của cha Berardelli.

Khi cha Giuseppe Berardelli nhiễm bệnh, giáo xứ Casnigo đã mua riêng cho ngài một máy trợ thở, tuy nhiên ngài nói sẽ sẵn sàng nhường lại cho một người trẻ hơn ngài. Những người chăm sóc y tế cho ngài đã thuật lại như thế. Đúng như vậy, cha Berardelli đã từ bỏ sử dụng máy trợ thở, ngay cả khi cha đang cần đến nó, và đây có lẽ là bức ảnh đẹp nhất về "linh hồn của một linh mục", nữ thị trưởng của vùng Fiorano, bà Clara Poli cho biết. Cha là một linh mục biết lắng nghe mọi người - cha biết lắng nghe, bất cứ ai cần đến cha đều biết rằng có thể tin tưởng vào sự giúp đỡ của cha Berardelli, bà Clara vẫn thương tiếc kể lại.

Giáo dân vẫn ghi khắc hình ảnh thương mến của cha xứ khi thấy ngài ngồi chạy trên chiếc xe máy cũ Guzzi, gặp ai ngài luôn mở lời chào đầu tiên: ‘pace e bene’ – ‘bình an và tốt lành’. Gần 14 năm làm cha xứ tại làng Casnigo cha Giuseppe Berardelli đã để lại nhiều ấn tượng tốt và cách sống bác ái của ngài ghi đậm sâu trong tâm hồn người dân.

Bà Clara Poli cảm động vẫn kể tiếp theo: "Một người tuyệt vời". "Tôi nhớ cha trên chiếc xe máy Guzzi cũ của cha, ngài yêu chiếc xe máy cũ này lắm và khi bạn thấy cha đi qua, cha luôn vui vẻ và tràn đầy nhiệt huyết, cha Giuseppe Berardelli thực sự đã mang lại an bình và niềm vui cho cộng đồng của chúng tôi".

Gương sống bác ái của cha Berardelli đã có nhiều người so sánh với "Vị thánh như cha Maximilian Kolbe, người đã tự nguyện thay thế cho một người đàn ông bị kết án tử hình ở trại tập trung Auschwitz và cha Kolbe đã bị Đức quốc xã giết".

Trong cơn dại dịch Corona, một đám tang cho cha Berardelli không thể diễn ra, nhưng giáo dân làng Casnigo đã chào đón cha theo cách riêng của họ, vào buổi trưa ngày thứ Hai, 16 tháng 3 năm 2020, họ nhìn ra ban công nhà và chào đón cha bằng những tràng pháo tay, nhưng trong tâm nhỏ lệ với biết bao tiếc thương.

"Cha không để chúng tôi một mình. Từ đó cha dõi theo chúng tôi và tiếp tục chạy trên mây bằng chiếc xe máy, cha có bao nhiêu dự án đang làm ở trên đó, cũng cho chúng tôi nữa…" Tạm biệt cha Giuseppe Berardelli, bà Clara Poli chia sẻ lời cuối cùng.

(Nguồn: Theo báo Ý Araberara, ngày 23.3.2020: Don Giuseppe Berardelli morto sul campo, da prete, ha rinunciato al respiratore per donarlo a uno più giovane
https://www.araberara.it/don-giuseppe-berardelli-morto-sul-campo-da-prete-ha-rinunciato-al-respiratore-per-donarlo-a-uno-piu-giovane/26523/
)
 
Đức Thánh Cha nghẹn ngào trước tấm gương anh hùng của các bác sĩ và y tá
Đặng Tự Do
16:01 24/03/2020
Lúc 7 sáng thứ Ba 24 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các nhân viên y tế. Như chúng tôi đã đưa tin, tại một bệnh viện trong vùng Cremona, cách Rôma 513km về phía Tây Bắc, một số nhân viên y tế đã qua đời vì nhiễm bệnh sau khi làm việc kiệt sức nhiều giờ trong một ngày. Thi thể họ phải để tạm trong nhà nguyện của bệnh viện. “Đứng trước số bệnh nhân quá đông, chúng tôi không muốn thấy họ chết, nên chúng tôi cố làm việc, thường khi đến 18, 20 giờ trong một ngày. Xin cầu nguyện cho chúng tôi,” một người y tá nói.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nghẹn ngào nói trong một cố gắng để đừng bật khóc:

Tôi đã nhận được tin rằng trong những ngày này, một số bác sĩ và linh mục đã chết, không ít y tá cũng đã thiệt mạng. Họ đã bị nhiễm bệnh vì gắng sức cứu các bệnh nhân. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, cho gia đình của họ. Tôi cảm tạ Chúa vì tấm gương anh hùng mà họ dành cho chúng ta trong việc chăm sóc các bệnh nhân.

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã tập trung vào chủ đề sự thờ ơ như được trình bày trong các bài Phúc Âm của ngày Thứ Ba trong Tuần thứ tư Mùa Chay.

PHÚC ÂM: Ga 5, 1-3a. 5-16

“Tức khắc người ấy được lành bệnh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Hôm đó là ngày lễ của người Do Thái, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần cửa “Chiên”, có một cái hồ, tiếng Do Thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm. Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: “Anh muốn được lành bệnh không?” Người đó thưa: “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”. Chúa Giêsu nói: “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về”. Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbat, nên người Do Thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: “Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng”. Anh ta trả lời: “Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: “Vác chõng mà đi”. Họ hỏi: “Ai là người đã bảo anh “Vác chõng mà đi?” Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.

Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: “Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước”. Anh ta đi nói cho người Do Thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh.

Vì thế người Do Thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Các bài đọc trong ngày nói về nước là một dấu chỉ và một phương tiện cứu rỗi. Nước mang lại sự sống, và chữa lành cả “vùng biển”, làm cho nó trở thành vùng nước mới.

Chính là bên cạnh một hồ nước mà Chúa Giêsu gặp một người đàn ông bị liệt. Anh ta đã chờ đợi để được chữa lành bên cạnh dòng nước đó trong suốt 38 năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đào sâu vào sự bất nhất của một người đàn ông đã chờ đợi rất lâu mà không chịu làm gì để tự giúp mình.

Câu chuyện này làm cho chúng ta suy nghĩ. Chờ đợi như thế là quá lâu phải không nào? Bởi vì ai đó muốn được chữa lành sẽ làm mọi cách để có ai đó giúp anh ta chứ.

Phản ứng của anh ta cũng khiến chúng ta ngạc nhiên. Khi Chúa hỏi anh ta có muốn được chữa lành không, anh ta không hề nói: Vâng xin chữa cho tôi. Nhưng anh ta phàn nàn: “tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”. Chúng ta cũng không thấy anh ta nhảy lên vì sung sướng, hay nói cho cả thế giới hay biết, như những người khác đã làm sau khi họ được chữa lành. Anh ta thậm chí cũng chẳng cám ơn Chúa Giêsu khi gặp lại Chúa trong Đền thờ. Thay vào đó, anh ta đi thông báo cho chính quyền. Có điều gì không đúng với người đàn ông này chăng?

Trái tim anh bị bệnh. Tâm hồn anh có vấn đề. Anh ta suy nhược vì bi quan, vì nỗi buồn, vì sự lãnh đạm không thiết tha sự gì. Đây là một con người đau yếu. Khi Chúa hỏi anh, anh chẳng tha thiết trả lời “Có, tôi muốn được chữa lành”. Trái lại, phản ứng của anh ta trước thiện chí của Chúa là lời càm ràm “những người khác luôn đến trước tôi” trong suốt 38 năm anh không tích cực làm gì để được chữa lành.

Đức Thánh Cha mô tả đây là một tội lỗi thường thấy trong cuộc đời, khi người ta không làm gì tích cực cho chính cuộc sống mình nhưng không ngừng phàn nàn về những người khác. Nó kìm hãm người đàn ông này trong suốt 38 năm ròng rã không đưa ra bất kỳ quyết định nào cho cuộc sống của chính mình. “Tôi là nạn nhân của cuộc đời này”. Đó là câu nhiều người thường nói.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng những hạng người này hít thở bằng cách phàn nàn. Chúng ta không nhìn thấy nơi người đàn ông này “niềm vui và ý chí” của người đàn ông mù từ khi mới sinh ra và đã được chữa lành, như được tường thuật trong bài Tin Mừng hôm thứ Hai Tuần thư Mùa Chay. “Nhiều người trong chúng ta sống trong tình trạng thờ ơ này,” Đức Thánh Cha cảnh báo.

Họ không có khả năng làm nhiều việc như người khác nhưng họ phàn nàn về mọi thứ. Sự thờ ơ lãnh đạm là chất độc. Nó là một màn sương mù bao quanh linh hồn, không cho phép linh hồn ta sống. Nó cũng là một loại thuốc gây nghiện ngập bởi vì nếu anh chị em nếm nó thường xuyên, anh chị em sẽ thích nó. Cuối cùng anh chị em nghiện nỗi buồn, nghiện sự tẻ nhạt. Đây là một tội lỗi khá thường xuyên trong số chúng ta. Nỗi buồn, sự thờ ơ. Tôi không nói là u sầu, nhưng nó rất giống nhau. Đó là một cuộc sống xám xịt, mờ mịt vì thái độ thối chí, buồn bã, u sầu này.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng bằng cách khuyến khích chúng ta đọc lại chương 5 của Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Hãy nghĩ về nước, nước là biểu tượng cho sức mạnh của chúng ta, cho cuộc đời chúng ta – hãy nghĩ về nước mà Chúa Giêsu dùng để tái sinh chúng ta trong Bí tích Rửa tội. Chúng ta cũng hãy nghĩ về bản thân mình và cảnh giác để đừng ai trong chúng ta rơi vào mối nguy hiểm của tình trạng thờ ơ này, vào thứ tội lỗi trung tính này - không phải đen cũng chẳng phải là trắng. Đây là một tội lỗi mà ma quỷ có thể sử dụng để nhấn chìm đời sống tinh thần và đời sống cá nhân của chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta hiểu tội lỗi này khủng khiếp và xấu xa đến mức nào.


Source:Vatican News
 
Thông điệp của Đức Thanh Cha nhân Ngày cầu nguyện toàn cầu cho ơn gọi
Thanh Quảng sdb
18:20 24/03/2020
Thông điệp của Đức Thanh Cha nhân “Ngày cầu nguyện toàn cầu cho ơn gọi”

Đức Thanh Cha Phanxicô đã gửi ra một thông điệp để đánh dấu Ngày cầu nguyện toàn cầu cho ơn gọi lần thứ 57 sẽ được tổ chức vào ngày 3/5.

(Tin Vatican)

Đức Thanh Cha Phanxicô bắt đầu thông điệp của mình bằng nhắc nhớ lại lá thư ngài viết năm ngoái, trong đó ngài đã tập trung vào bốn từ chính - nỗi đau, lòng biết ơn, sự khích lệ và phát huy ơn gọi – để nói lên lời cám ơn các linh mục và hỗ trợ công tác mục vụ của các ngài.

Hôm nay, Đức Thanh Cha Phanxicô nói, những từ ngữ này được gửi tới toàn thể Dân Chúa, trong bối cảnh Tin Mừng thánh Matthêu tường thuật lại cái kinh nghiệm nổi bật giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô trong một đêm giông bão trên Biển hồ Galilê. (Mt 14: 22-33). Đức Thanh Cha Phanxicô nói: Sau khi làm phép lạ hóa bánh nuôi nhiều người, Chúa Giêsu bảo các môn đệ xuống thuyền và đi sang bờ bên kia trước, trong khi Ngài còn ở lại giải tán dân chúng. ĐTC giải thích: Hình ảnh của các tông đồ băng qua biển hồ nhắc nhở chúng ta đây cũng chính là thực trạng của cuộc sống chúng ta.

Con thuyền cuộc đời chúng ta tiến tới, không ngừng tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn, hầu chuẩn bị đối diện với những hiểm nguy của sóng gió biển khơi, dù tin tưởng vào người lái tàu sẽ chở chúng ta đi đúng phương hướng… Tuy nhiên, đôi khi, con thuyền có thể bị sóng sô, nước xoáy, không thấy được ngọn hải đăng dẫn lối làm chúng ta lạc lõng và hãi sợ.

Đức Thanh Cha Phanxicô nói, những cảnh trạng tương tự xảy ra với các môn sinh của Đức Giêsu thành Nazaret, các ông phải chèo chống một mình không có Thầy Giêsu ở với các ông! Trong cơn nguy khốn ấy Chúa tiến lại phía các ông và các ông kêu cầu: “Lạy Thầy, xin cứu chúng con”. Tin Mừng nhắc nhở chúng ta giữa cuộc hành trình đầy gian chuân thử thách này, chúng ta cũng không đơn độc!

Lòng biết ơn

Đức Phanxicô bắt đầu thông diệp của mình bằng từ ngữ ‘lòng biết ơn’, mà theo ngài đây là bước khởi đầu của một ơn gọi.

Dù chúng ta có thể tìm được sự tròn đầy trong cuộc sống khi quyết định chọn một lối sống, chắc chắn đây không phải là một quyết định đơn phương mà không có một lời mời gọi từ trời cao!

Trở lại với phép lạ chuyến thuyền, Đức Thanh Cha Phanxicô giải thích: Chúa chỉ cho các môn sinh điểm đến là bờ bên kia và Ngài ban cho các môn sinh lòng can đảm để lên thuyền. Khi mời gọi chúng ta, chính Chúa cũng trở thành người lèo lái chúng ta; Ngài đồng hành và hướng dẫn chúng ta; Ngài cẩn phòng giúp chúng ta tránh mắc cạn trên những đụn cát do dự và thậm chí cho phép chúng ta đi trên sóng nước...

Đức Thanh Cha Phanxicô nói: Tất cả mọi ơn gọi đều được phát sinh từ Tình yêu Chúa, và chúng ta sẽ thành công trong việc khám phá ra ơn gọi của mình, một khi chúng ta có lòng biết ơn và cảm nhận hồng ân của Chúa trong cuộc sống của chúng ta.

Sự khích lệ

Đức Thanh Cha nói: Khi các môn đệ nhìn thấy Chúa Giêsu đi về phía họ trên biển, trước tiên họ nghĩ rằng đó là ma và hoảng sợ! Chúa Giêsu lập tức trấn an họ mà rằng: Hãy yên tâm, chính Thầy đây; đừng sợ (Mt 14:27). Đây là từ ngữ thứ hai mà Cha muốn đề cập tới: sự khích lệ.

Thông thường, Đức Thanh Cha Phanxicô nói, có những loài ma quỉ gây hoang mang cho cõi lòng chúng ta, gây cản trở cho cuộc hành trình của chúng ta. Khi chúng ta được mời gọi rời bỏ bến bờ an toàn để ra khơi, bước vào cuộc sống - hôn nhân, linh mục, tu sĩ - phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là cám dỗ nghi nan! Chắc chắn đây không phải là ơn gọi của tôi! Đây có thực sự là con đường chính đáng cho tôi không? Chúa có thực sự yêu cầu tôi làm việc này không?

Lòng can đảm

Đức Thanh Cha Phanxicô nói: Chúa biết rõ những lựa chọn cho cuộc sống của ta luôn cần lòng can đảm, Ngài biết những nghi ngờ mà chúng ta phải đối diện và vì thế Ngài trấn an chúng ta: Hãy an tâm, chính Thầy đây; đừng sợ! Chúng ta xác tín rằng Chúa hiện diện và đến gặp chúng ta, Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta, ngay cả giữa cơn ba đào biển khơi! Xác tín này giúp chúng ta vượt thoát được những nỗi chán chường nội tâm, khiến chúng ta không thể nhìn thấy được nét đẹp của ơn gọi của chúng ta.

Mệt mỏi

Chuyển sang từ ngữ thứ ba, Đức Thanh Cha Phanxicô giải thích rằng cái mà ngài gọi là ‘nỗi đau’ trong lá thư năm ngoái, năm nay ngài đổi lại là ‘mệt mỏi’.

Đức Thanh Cha nói: Với ơn gọi lãnh nhận trách nhiệm đáp lời mời gọi của Chúa, dâng hiến cuộc sống chúng ta để phục vụ Tin Mừng! nhưng như Thánh Phêrô lòng quyết tâm và nhiệt thành của chúng ta luôn quyện lấn những thất bại và nỗi sợ hãi của chính mình!

Bất cứ khi nào sự mệt mỏi hoặc nỗi sợ hãi nhậm chìm chúng ta, Chúa Giêsu liền đưa tay cứu vớt chúng ta. Ngài cho chúng ta lòng nhiệt thành mà chúng ta cần để sống ơn gọi mình với niềm vui và sự nhiệt thành như Đức Thanh Cha nói.

Cuối cùng Chúa Giêsu sẽ ở trên thuyền và những cơn giông bão và sóng gió sẽ bình lặng. Ở đây chúng ta cảm nghiệm một hình ảnh đẹp về những gì Chúa có thể làm giữa những lúc hỗn loạn và bão tố trong cuộc sống của chúng ta. Dù những sóng gió ba đào vẫn còn đó, những thế lực xấu xa, sợ hãi vẫn còn đó nhưng chúng không có quyền trên chúng ta nữa!

Đức Thanh Cha Phanxicô nói: Chúa Giêsu song hành với chúng ta, nếu chúng ta nhận Ngài là cứu Chúa của cuộc đời chúng ta, Ngài sẽ giơ tay ra, nắm lấy chúng ta và cứu chúng ta.

Phát huy ơn gọi

Đức Thanh Cha Phanxicô kết luận bằng mời gọi Giáo hội, đặc biệt trong ngày ơn gọi dù các công việc mục vụ vẫn phải diễn ra bình thường trong cộng đoàn, giáo xứ hay giáo phận, chúng ta phải không ngừng phát huy ơn gọi.

Đức Thanh Cha Phanxicô nói, Giáo hội phải đụng chạm vào trái tim của các tín hữu và làm mỗi người khám phá ra ơn gọi với lòng biết ơn Chúa trong cuộc sống của họ, tìm được lòng can đảm để thưa 'vâng' với Chúa, siêu vượt lên trên mọi mệt mỏi nhờ niềm tin vào Chúa Kitô và biến cuộc sống của mình thành một bài ca tung hô Chúa, cho anh chị em của mình và cho toàn thế giới.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Rửa tay diệt khuẩn trước khi cho rước lễ.
Nguyễn Trọng Đa
10:44 24/03/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Sau dịch cúm heo năm 2011, có sự thực hành trong nhiều giáo xứ của giáo phận chúng tôi là dùng nước rửa tay diệt khuẩn, trước khi các thừa tác viên ngoại thường cho các tín hữu rước lễ. Trong một giáo xứ, linh mục chủ tọa thậm chí cũng dùng nước rửa tay diệt khuẩn trước khi cho rước lễ nữa. Liệu tôi có lo lắng quá mức không hoặc đây là một sự thực hành hơi lạ? Nó gây chia trí cho nhiều người. - C. M., Springfield, Massachusetts, Hoa Kỳ


Đáp: Tôi không nghĩ rằng nhất thiết phải có một câu trả lời đúng hoặc sai cho một câu hỏi như vậy. Tình hình y tế và các nguy hiểm khả dĩ cụ thể thay đổi từ năm này sang năm khác, và sự đáp ứng mục vụ phải thay đổi tùy theo các tình huống.

Tôi đồng ý rằng một tình huống nghiêm trọng trong một năm không mở đường cho việc đưa ra các sự thực hành khẩn cấp trên cơ sở lâu dài, vì điều này có thể dẫn đến sự chia trí cho các tín hữu.

Trong thời kỳ nguy hiểm nghiêm trọng của sự lây nhiễm, một Giám mục thậm chí có thể miễn cho tín hữu khỏi dự lễ buộc Chúa Nhật và ra lệnh hủy bỏ các Thánh lễ công khai. Trong những năm gần đây, và vì các mức độ lây nhiễm khác nhau, các tình huống như vậy đã phát sinh ở Ireland và Mexico.

Trong các tình huống ít nghiêm trọng hơn, các biện pháp phòng ngừa thấp hơn có thể được thực hiện, chẳng hạn không bắt tay nhau trong nghi thức chúc bình an, hoặc sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn cách kín đáo và thận trọng, như trường hợp độc giả trên cho biết.

Nếu việc sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn là cần thiết, thì tốt hơn các thừa tác viên ngoại thường nên rửa tay trong phòng mặc áo trước khi bắt đầu công tác của họ.

Trong trường hợp của linh mục, trừ khi ngài có một số triệu chứng cảm cúm, thì việc ngài rửa tay trước khi bắt đầu Thánh Lễ là đủ rồi. Dường như ngài không thể lây bệnh trong thời gian Thánh lễ, nên cử chỉ rửa tay sẽ làm cho tín hữu càng thêm lo lắng, chứ không giảm lo lắng, khi đi lên rước lễ.

Thí dụ, theo kinh nghiệm của tôi, rất nhiều trung tâm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi yêu cầu khách đến thăm phải làm vệ sinh trước khi vào cơ sở, mặc dù họ có thể có thời gian tiếp xúc lâu dài với các người ở trong đó.

Tuy nhiên, mặc dù như thế, các phương cách này cần được sử dụng ngay trước khi rước lễ, nếu tình hình đảm bảo nó. Nếu Giáo phận không đưa ra các qui định cụ thể, cha xứ có thể hỏi ý kiến ngành y tế về thực hiện các biện pháp hợp lý.

Các tín hữu nên biết rằng việc bị nhiễm lạnh hoặc cảm cúm là một biện minh đủ để không tham dự Thánh Lễ.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, việc không tham dự một thánh lễ đông người có thể được coi là một bổn phận bác ái, nhờ việc không đặt người khác vào nguy cơ lây nhiễm.

Cuối cùng, chúng ta phải nhớ rằng, trong khi sự thận trọng là cần thiết, hầu hết các người bị cảm lạnh và cúm không nên đến tham dự Thánh Lễ, nhưng vẫn ở nhà, nơi làm việc và trường học, nơi mà họ sống hầu hết thời gian và tiếp xúc gần gũi với các người khác. (Zenit.org 18-12-2012)

Nguyễn Trọng Đa

https://www.ewtn.com/catholicism/library/hand-sanitizer-at-communion-time-4660
 
Tiên đoán tương lai Covid-19 cuả một khoa học gia Nobel: chúng ta sẽ ổn.
Trần Mạnh Trác
11:47 24/03/2020
Nhiều tờ báo khoa học và kinh tế (Slate, MarketWatch, Post, Time) vừa đăng tin một nhà tiến sĩ Sinh Học cuả Stanford đoạt giải Nobel đã tiên đoán đại dịch coronavirus sắp được phục hồi, nhưng tử vong vì kinh tế có thể gia tăng và sự lũng đoạn truyền thông cuả giới báo chí.

Tiến sĩ Michael Levitt cuả viện đại học Stanford, 72 tuổi, từng đoạt giải Nobel về hóa học năm 2013 vì đã phát triển các mô hình phức tạp của hệ thống sinh hóa học, đã phân tích các dữ liệu về Covid-19 trên toàn Thế Giới và từ tháng 1, đã tính ra chính xác thời điểm mà Trung quốc sẽ vượt qua cơn đại dịch, trước tất cả các dự đoán cuả mọi chuyên gia y tế khác.

Ông vừa đưa ra tiên đoán rằng nạn dịch ở Hoa Kỳ và phần còn lại cuả Thế Giới sẽ phục hồi nhanh chóng, nguy cơ tử vong sẽ là rất thấp trong khoảng thời gian hai tháng tới, dù rằng có lúc tỷ số tử vong có thể tăng gấp đôi, nhưng những rủi ro như thế vẫn là cực kỳ thấp.

Khi ông nghiên cứu các dữ liệu cuả ngày 31 tháng 1 từ Trung quốc, trường hợp tử vong mới (46) cuả ngày hôm ấy vẫn còn gia tăng so với ngày hôm trước (42), dù thế ông đã nhận ra là tỷ lệ gia tăng đã bắt đầu giảm đi và đó là một dấu hiệu cho thấy quỹ đạo của nạn dịch đang thay đổi.

Ông đưa ra thí dụ về một chiếc xe hơi sau khi đạt đến tốc độ đường trường, mặc dù chiếc xe vẫn còn tăng tốc, nhưng không còn tăng nhanh như lúc mới bắt đầu.

Điều này làm cho ông kết luận là số người chết sẽ chậm hơn trong những tuần tới, và ông Levitt đã viết một báo cáo vào ngày 1 tháng 2, được chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc, theo đó, ông dự đoán số người chết sẽ giảm mỗi ngày.

Ba tuần sau, ông Levitt cho tờ China Daily News biết rằng tốc độ tăng trưởng của virus đã lên đến đỉnh điểm. Ông dự đoán rằng tổng số trường hợp Covid-19 tại Trung Quốc sẽ kết thúc vào khoảng 80.000, với khoảng 3.250 tử vong.

Đó là một dự đoán có độ chính xác phi thường: Tính đến ngày 16 tháng 3, Trung Quốc đã có tổng cộng 80.298 trường hợp và 3.245 tử vong. Ngày nay, Trung quốc cho biết không còn có ca tử vong nữa.

Hiện thời, trong khi nhiều nhà dịch tễ học vẫn cảnh báo rằng cơn đại dịch sẽ còn tăng lên, thậm chí sẽ kéo dài nhiều năm, gây ra hàng triệu người chết và tạo ra những sự lũng đoạn xã hội rất lớn, thì ông Levitt nói rằng các dữ liệu không hỗ trợ cho một kịch bản tồi tệ như thế - đặc biệt là trong các khu vực đang có những biện pháp cách ly xã hội hợp lý.

“Những gì chúng ta cần làm là kiểm soát sự hoảng loạn,” ông nói. “Nhìn tổng quát thì chúng ta sẽ ổn.”

Ông đã phân tích dữ liệu từ 78 quốc gia và nhận thấy dấu hiệu phục hồi ở nhiều nước. Ông không tập trung vào tổng số các ‘ca’, mà là số ca mới mỗi ngày - và đặc biệt là tỷ số phần trăm từ ngày này sang ngày khác.

“Những con số vẫn còn có nhiều ‘nhiễu âm’ (tiếng ồn) nhưng dấu hiệu tăng trưởng chậm lại đã hiện ra,” ông nói.

Ví dụ, ở Iran trong tuần trước, số trường hợp Covid-19 mới vẫn còn cao, từ 1.133 vào thứ Hai đến 1.028 vào Chúa Nhật, nhưng mô hình cho thấy sự bùng phát đã đạt đến độ cao ổn định, và đang trên đà trở nên tốt hơn.

Ông Levitt cho biết các số liệu thì rất lộn xộn, và các trường hợp chính thức thì quá thấp vì thử nghiệm thiếu chính xác. Nhưng ngay cả với dữ liệu không đầy đủ như thế, thì mỗi khi chúng ta nhận ra có một sự suy giảm có tính nhất quán, thì đó có nghĩa là chúng ta đã có những yếu tố không chỉ là những tiếng ồn nữa.

Nói cách khác, miễn là có một nguyên do hợp lý chung cho những trường hợp không chính thức, thì những trường hợp đó vẫn hữu ích khi so sánh chúng từ ngày này sang ngày khác.

Dùng trường hợp cuả con tầu du lịch Diamond Princess làm mốc để ước tính về số tử vong cho những quần thể (đóng kín) bị lây nhiễm, (trong số 3.711 người trên tàu, 712 người bị nhiễm bệnh và 8 người chết) ông cho rằng việc lây nhiễm (mới) làm tăng nguy cơ tử vong của một người lên gấp đôi trong hai tháng. Nhưng dù như thế chăng nữa, thì nguy cơ tử vong cuả một người vẫn là rất thấp trong khoảng thời gian hai tháng đó.

Điều phát hiện đó không có nghĩa là chúng ta có thể tự mãn được. Ông Levitt cho biết việc cách ly xã hội là rất quan trọng - đặc biệt là lệnh cấm các cuộc tụ họp lớn.”Đây không phải là lúc kéo bạn bè ra ngoài nhậu bia,” ông nói.

“Tiêm vắc-xin ngừa cúm cũng rất quan trọng vì dịch coronavirus xuất hiện đồng thời với các dịch cúm khác, do đó áp đảo khả năng cuả các bệnh viện và việc phát hiện ra virus mới này cũng khó thêm ra. Đây có lẽ là lý do mà nước Ý đã bị nặng như thế, vì Ý là một quốc gia có phong trào chống vắc-xin mạnh mẽ,” ông nói.

Nhưng ông cũng đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông đã gây ra sự hoảng loạn không cần thiết bằng cách tập trung vào các trường hợp tích lũy và làm nổi bật những ca lây nhiễm cuả những nhân vật nổi tiếng. Trong thực tế, loại cúm thường đã làm cho 36 triệu người Mỹ mắc bệnh kể từ tháng 9 và đã giết chết khoảng 22.000 người, theo CDC, nhưng những cái chết này không được giới truyền thông báo cáo.

Ông lo ngại các biện pháp công cộng đã đóng cửa phần lớn nền kinh tế có thể gây ra thảm họa, Việc mất việc làm sẽ dẫn đến nghèo đói và vô vọng. Các nghiên cứu đã nhất quán cho thấy rằng tỷ lệ tự tử tăng lên khi nền kinh tế suy thoái xuống.

“Virus chỉ có thể phát triển theo cấp số nhân khi không bị phát hiện và không ai hành động để kiểm soát nó,” Levitt nói. Đó là việc đã xảy ra ở Hàn Quốc, khi nó tàn sát một giáo phái khép kín và từ chối báo cáo về căn bệnh này.

“Người dân phải được coi là anh hùng khi tuyên bố họ có virus này,” ông nói.

Mục tiêu là mỗi ca lây nhiễm phải được phát hiện sớm hơn - không chỉ qua việc thử nghiệm mà có thể giản dị hơn với việc giám sát nhiệt độ cơ thể mà Trung Quốc thực hiện - và cách ly xã hội ngay lập tức.

Mặc dù tỷ lệ tử vong cuả Covid-19 dường như cao hơn so với cúm, ông Levitt nói rằng, “đơn giản đây chưa phải là ngày tận thế.”

“Tình hình thực tế không quá khủng khiếp như họ muốn nghĩ,” ông nói.
 
Lễ Truyền Tin: Ở Cùng
Lm. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
15:57 24/03/2020
Lễ Truyền Tin: “Ở Cùng”

Rôma, 25.03.2020

Trước cảnh tượng cả nước Ý nói chung, thành phố Rôma nói riêng chịu phong tỏa do nạn dịch Coronavirus, Tòa Thánh đã ra thông báo về những thay đổi trong sinh hoạt của Đức Thánh Cha và của quốc gia thành Vatican nhằm thích nghi với hoàn cảnh thực tế nhưng trên hết vẫn là để phục vụ cách tối ưu các nhu cầu thiêng liêng cần thiết của các tín hữu. Thực vậy, khi hoàn cảnh không cho phép Đức Thánh Cha xuất hiện để gặp gỡ, chia sẻ giáo lý, ban huấn từ, nguyện kinh chung và chúc lành cho hàng hàng du khách hành hương tập trung tại quảng trường Thánh Phêrô mỗi sáng ngày thứ Tư và mỗi trưa ngày Chúa Nhật, ngài đã quyết định duy trì 2 hoạt động nói trên nhưng chuyển sang một hình thức khác: truyền hình trực tiếp. Thực ra trước đây các sinh hoạt này vẫn được truyền đi cách rộng rãi và nhanh chóng qua các phương tiện truyền thông đại chúng, cho nên chẳng có gì là mới mẻ để phải bận tâm chú ý. Điều đáng quan tâm chính là ý hướng sâu xa mà Đức Thánh Cha muốn chuyển tải đến mọi thành phần Dân Chúa. Là một mục tử luôn “mang lấy mùi chiên”[1] và nhấn mạnh đến tương quan hiệp thông trong đời sống của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô không những muốn tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp do các vị tiền nhiệm để lại mà còn muốn đẩy truyền thống này đến một tầm mức phổ quát hơn, sống động hơn.

Kinh Truyền Tin hay còn gọi là Kinh Thiên Sứ (The Angelus) bản chất đã là một lời kinh thấm đượm tình liên đới vì nó được hình thành nhằm mục đích giúp giới bình dân liên kết với nhau xin ơn bình an và an toàn[2]. Việc Đức Giáo Hoàng nguyện Kinh Truyền Tin chung với các tín hữu mỗi ngày Chúa Nhật bấy lâu nay cũng đã trở nên biểu tượng sống động cho tình liên đới hiệp nhất giữa chủ chăn và đoàn chiên trong Hội Thánh. Nay ý nghĩa liên đới mà Kinh Truyền Tin chứa đựng như càng trở nên rõ nét hơn khi Đức Phanxicô khích lệ chúng ta trung thành sử dụng kinh nguyện này như một phương thế hữu hiệu nhằm bày tỏ sự gần gũi, đồng cảm và khích lệ của chúng ta đối với các nạn nhân của dịch bệnh Covid-19. Thật vậy, như lời mời gọi của vị cha chung, từ ngày 10 tháng 03 vừa qua cho đến nay, đúng 12 giờ trưa mỗi ngày, Đức Hồng Y Angelo Comastri, người thay mặt Đức Thánh Cha Giám Quản đền thờ Thánh Phêrô đã chủ sự giờ lần chuỗi Mân Côi và nguyện Kinh Truyền Tin với ý chỉ cầu nguyện cho nạn dịch sớm qua đi và ơn chữa lành xuống trên các nạn nhân.

Nhân dịp Lễ Truyền Tin, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại và dành thời gian suy gẫm ý nghĩa thâm sâu của Kinh Truyền Tin để tái khám phá nét đẹp lung linh huyền nhiệm trong tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và với nhau mà lời Kinh đã mạc khải cho chúng ta.

Đức Chúa Trời sai thánh Thiên Thần…

Chúng ta có thể dùng từ “mặc khải” để nói đến giá trị của Kinh Truyền Tin là vì như Kinh Kính Mừng, kinh Thiên Sứ mang đặc tính Thánh Kinh.[3] Cấu trúc đơn giản của kinh chứa đựng toàn lời lẽ và ý hướng Tin Mừng. Lời Kinh nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria[4], một trong những mầu nhiệm chính yếu nhất trong đức tin Công Giáo. “Đức Chúa Trời sai thánh thiên thần truyền tin cho rất thánh Đức Bà Maria. Và rất thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.” ( Lc 1, 26 & 35)

Thuở xưa nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa ngỏ lời cùng cha ông chúng ta nhưng vào thời sau hết này, Người đã ngỏ lời phán dạy chúng ta qua chính Thánh Tử của Người (x. Dt 1, 1-2). Thánh Tử là “Ngôi Lời Hằng Sống”. Thiên Chúa qua Lời của Người mà sáng tạo nên muôn loài muôn vật. Qua Lời của Người, Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống, ân sủng và sự thật (x. Ga 1, 1-4, 17; 1Ga 1, 1). Chính vì Ngôi Lời đã ở cùng Thiên Chúa từ thuở đời đời nên chúng ta cũng hiểu rằng từ thuở đời đời Thiên Chúa đã muốn ngỏ lời cùng chúng ta rồi. Nhưng xem ra trí khôn han hẹp của loài người chúng ta không thể tiếp nhận nổi thông điệp của Thiên Chúa. Chính vì vậy mà Thiên Chúa đã chọn cách tốt nhất là Người dùng ngôn ngữ của chúng ta để nói với chúng. Cách sau cùng để bày tỏ tình yêu vô biên của Người dành cho nhân loại chính là sai Ngôi Lời của Ngài, Lời trọn vẹn, Lời hoàn hảo đến ở cùng nhân loại (x. 1Ga 4,9). Nhờ Đức Kitô đã đến và ở giữa chúng ta mà chúng ta biết rằng “Thiên Chúa nói với chúng ta và trả lời những vấn nạn chúng ta thắc mắc.”[5]

Nơi biến cố Truyền tin, chúng ta trước hết tưởng nhớ đến mầu nhiệm Nhập Thể, việc Ngôi Lời Thiên Chúa trở nên xác phàm do đó ngày Lễ Truyền Tin là dịp để chúng ta chiêm ngắm sự hạ mình tột bậc của Thiên Chúa (x. Verbum Domini, ##11-12). Làm sao một Thiên Chúa quyền phép vô song lại có thể hạ mình xuống làm con một thiếu nữ mọn hèn? Làm sao Đấng sáng tạo càng khôn lại có thể cúi mình đối thoại với loài thụ tạo (x. Verbum Domini, #23). Tuy khó điều này hơi hiểu nhưng lại là sự thực. Thiên Chúa đã hạ mình qúa sức khi Người sai sứ thần đến như thể ‘đàm phán’ với Đức Trinh Nữ Maria và còn hơn thế nữa, Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi sự đáp trả từ phía con người.

Trước nghịch cảnh của cuộc sống, chúng ta dễ dàng kêu trách Chúa: “Lạy Chúa, Chúa ở đâu? Chúa có nghe lời con cái nài van chăng? Hay Chúa đã nhắm mắt làm ngơ?” Nhưng khi cử hành lễ Truyền Tin, nhất là khi chúng ta sốt sắng nguyện kinh Truyền Tin, chúng ta được mời gọi để ý thức rằng Thiên Chúa đã và đang nói với mỗi người chúng ta. Ngài nói trong thinh lặng. Ngài nói qua hành động, qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Con Một Ngài. Về phần mình, chúng ta có muốn nghe, muốn hiểu, muốn chấp nhận thông điệp đó hay không lại là chuyện khác.

Này tôi là tôi tá…

Nếu như Kinh Truyền Tin trình bày cho chúng ta hình ảnh của một Thiên Chúa hạ mình, kiên nhẫn và thủy trung thì các bài đọc Thánh Kinh trong Phụng Vụ của ngày lễ Truyền Tin còn giúp chúng ta đi xa hơn để nhận ra chúng ta là ai trước kế hoạch đầy yêu thương của Thiên Chúa.

“Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời. Tôi xin vâng như lời thánh thiên thần truyền.” (Lc 1, 38). Hiến Chế Lumen Gentium của Công Đồng Vatican II đã minh định rằng khi nói lời “Xin vâng” trước thông điệp do sứ thần Gabrien mang đến, Đức Maria đã trở nên mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ Thiên Chúa, và đồng thời Mẹ cũng trở nên Mẹ Giáo Hội. Đức Maria “thật là Mẹ các chi thể của Chúa Kitô... vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội. Vì thế, Ngài cũng được chào kính như [phần tử độc nhất vô nhị của Hội Thánh, Người là] mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện đức tin và đức ái.”[6] (Lumen Gentium, # 53) Chính vì Đức Maria là Mẹ và là dấu chỉ của Hội Thánh nên nơi Mẹ chúng ta nhận ra sứ mạng và con đường mỗi người chúng ta cần bước theo (x. Lumen getium, #65 & #68).

Những lời Đức Maria đối thoại với Sứ Thần và đỉnh cao là lời “xin vâng” cho thấy “Thiên Chúa đã không thu dụng Ðức Maria một cách thụ động, nhưng đã để Mẹ tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của Mẹ. Thực vậy, Thánh Irênê nói: ‘Chính [Đức Maria], nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại’ (Adv. Hacr. III, 22). Và cùng với thánh Irênê còn có rất nhiều Thánh Giáo Phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: ‘Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Ðức Maria; điều mà người nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Ðức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Ðức Maria là ‘Mẹ kẻ sống’ (S. Epiphanius, Nacr. 78, 18), và thường quả quyết rằng: ‘bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống.’ (S. Hieronymus; S. Augwtinus; S. Cyrillus Hieros; S. Io. Chrysostomus; S. Io. Damasccnus.)[7]

Đức Maria được tuyên dương như một Evà mới bên cạnh Ađam mới là Đức Kitô vì cả hai đã cúi mình trước thánh ý của Thiên Chúa Cha. “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” (TV 39, 8; Hr 10, 7) Sức sống mới, bình an mới đã trào tuôn trên nhân loại mới do sự khiêm tốn vâng phục của Đức Kitô và tiếng “Fiat” của Mẹ Maria. Do đó, ngày Lễ Truyền Tin không chỉ là dịp để chúng ta tôn vinh Mẹ như ‘Mẹ Kẻ Sống’ mà thêm vào đó đây là dịp thuận lợi để chúng ta lập lại quyết tâm noi theo gương mẹ, sống cho ra sống. Sống như Mẹ là sống luôn “có Chúa ở cùng.” Đó là bài học quý giá Mẹ đã để lại cho chúng ta: tìm an vui trong vâng phục và thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người và ở cùng chúng ta

Khi bắt đầu thiết lập thói quen nguyện kinh Truyền Tin vào lúc12 giờ trưa mỗi ngày Chúa Nhật, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã không ngần ngại gọi kinh này là bản tóm tắt “Thiên Hùng Sử Kitô Giáo.” Theo đó, Kinh Truyền Tin cũng tóm lược hành trình đức tin của môi Kitô Hữu với ba lộ trình chính: 1/ Khởi Sự-Thiên Chúa Mời Gọi; 2/ Con Người Đáp Lời bằng Vâng Phục; 3/ Kết Quả: Ngôi Lời Hóa Thành Nhục Thể.[8] Nếu đúng như vậy thì là đây chẳng phải là một kết cục mỹ mãn hay sao?

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều người có thói quen cúi đầu đấm ngực khi đọc đến phần thứ ba của Kinh Truyền tin, điều này có ý nghĩa gì? “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người. Và ở cùng chúng con.” Cúi đầu vừa là dấu chỉ của sự tôn kính vừa hàm ý ăn năn sám hối. Chúng ta cung kính trước mầu nhiệm nhập thể vì nếu Con Thiên Chúa không mặc lấy xác phàm thì loài người chúng ta muôn đời trầm luân trong đau khổ dưới ách thống trị của tội lỗi (x. Rm 5,12-21). Chúng ta vui mừng vì lời tiên báo thời Cựu Ước nay đã thành hiện thực: “Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Isa 7,14; 8,10).

Tác giả sách Ngôn Sứ Xôphônia mời gọi con cái Sion hãy vui mừng hoan hỷ vì có Thiên Chúa ở giữa họ (x. Xp 3, 15). Nhưng đâu chỉ có dân thánh mới vui mừng mà cả Thiên Chúa nữa, chính Người cũng vui thích khi hiện diện giữa dân Người: “Reo vui lên hỡi Thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào nhà Itraen. Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị Cứu Tinh, là Đấng Anh Hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ… Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội” (Xp 3, 14-18).

“Hãy dâng Chúa bài ca cảm tạ, gảy húc hạc cầm mừng Thiên Chúa chúng ta. Chúa bày tỏ Lời Người cho nhà Giacóp, chiếu chỉ luật điều cho Itraen. Chúa không đối xử với dân nào như vậy…bởi vì Chúa mến chuộng dân Người” (Tv 147, 12, 19-20 & Tv 149, 4) Nếu Thiên Chúa mến chuộng dân Người, sao chúng ta cứ phải đối diện với khó khăn bệnh tật? Sao tâm hổn chúng ta cứ tràn ngập âu lo và sợ hãi? Một lần nữa hình ảnh Đức Maria cúi mình trước lời sứ thần truyền tin nhắc chúng ta rằng chỉ có một con đường dẫn đến vinh quang phục sinh chính là con đường Thánh Giá (x. Mt 17, 1-8). Chính vì vậy mà chúng ta cũng cần khiêm tốn cúi đầu đấm ngực than khóc cho những lần bất tuân, những lần muốn được bằng thiên Chúa và thậm chí muốn thay cả thượng đế (x. St 3, 4).

Nên Đồng Hình Đồng Dạng (Rm 8:29)

Con cái Giáo Hội trên đường lữ thứ trần gian được mời gọi “ngước mắt nhìn lên Ðức Maria, mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được chọn. Nhờ thành kính tưởng nhớ Ðức Maria và chiêm ngưỡng Ngài dưới ánh sáng của Ngôi Lời nhập thể, Giáo Hội [ngày càng] trở nên giống Phu Quân mình hơn” (Lumen Gentium, #65). Các chi thể học theo gương Đức Ki-tô, thưa cùng Chúa Cha rằng: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Hr 10, 5&7).

Lúc này đây, giữa cảnh phong tỏa, cách ly, chúng ta càng phải liên kết với nhau chặt chẽ hơn qua kinh nguyện mỗi ngày. Chúng ta hãy năng suy gẫm mẫu gương khiệm hạ vâng phục của Ngôi Hai Thiên Chúa và Thánh Mẫu Người mỗi khi chúng ta đọc Kinh Truyền Tin cùng Đức Thánh Cha và các vị chủ chăn Giáo Hội. Đó là bí quyết giúp chúng ta tìm lại bình an trong tâm hồn. “Lạy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời xin cầu cho chúng con, đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.”

Chúng ta hãy cầu nguyện:

Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con, là kẻ đã nhờ lời thánh thiên thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Con Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh giá cho chúng con ngày sau khi sống lại, được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Chú thích

[1] ĐGH Phanxicô nhắn nhủ các Linh Mục trong bàii giảng Thứ Năm Tuần Thánh 2013, sau đó nhắc lại nhiều lần, ví như trong Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Tin Mừng, số 24.

[2] ĐGH Phaolô VI, Tông Huấn Marialis Cultus, RM, 02.02.1974, #41.

[3] ĐGH Phaolô VI, Marialis Cultus, #41

[4] ĐGH Phaolô VI, Marialis Cultus, #41.

[5] ĐGH Benedicto XXVI, Tông Huấn Verbum Domini, RM, 30.09.2010, #4.

[6] Tham khảo bản dịch Việt Ngữ do Giáo Hoàng Học Viện Pio X thực hiện, đăng trên http://vntaiwan.catholic.org.tw/vatican2/lumen08.htm

[7] Xem cước chú đầy đủ trong Lumen Gentium, #56.

[8] Xem Peter Hebblethwaite, "The Mariology of Three Popes" trích trong Mary in Christian Tradition, tr. 55.
 
Dưới bóng áo mẹ từ bi
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
16:05 24/03/2020
Dưới bóng áo mẹ từ bi

Ngày xưa khi Thiên Thần Gabriel hiện đến báo tin, Thiên Chúa muốn Chúa Giêsu, xuống thế làm người trong cung lòng Maria. Maria đã nói lên lời Fiat- Xin vâng- theo ý Thiên Chúa muốn.

Lời Xin vâng của Maria đã biến đổi cục diện đời sống nhân loại: Con Thiên Chúa xuống trần gian làm người mang ơn cứu rỗi cho công trình tạo dựng thiên nhiên, mà Thiên Chúa đã sáng tạo cùng gìn giữ nuôi dưỡng.

Trong dòng lịch sử Hội Thánh Chúa ở trần gian tâm tình lòng sùng kính Maria, mẹ Thiên Chúa, dựa trên nền tảng đó luôn hằng được phát triển cùng cổ vũ cho sống động theo cách thức sống đức tin bình dân, cũng như suy luận thần học theo tính cách khoa học.Vì đó là nhu cầu đời sống tâm linh của người tín hữu Chúa Kitô.

Con người càng nhận ra rằng, mình chỉ là tạo vật được tạo dựng trong công trình vũ trụ thiên nhiên có giới hạn về mọi phương diện. Nên con người luôn cần đến chúc phúc lành, sự trợ giúp che chở của Đấng tạo dựng nên mình.

Và theo tâm lý trong đời sống, người mẹ là người luôn gần gũi người con, hiểu biết cùng nhậy bén nhận ra những nhu cầu đời sống của người con. Vì thế, người con nào còn nhỏ cũng như khi đã khôn lớn trưởng thành, hầu như đều đến tâm sự, kêu cầu xin mẹ mình giúp đỡ.

Theo cung cách đời sống đó, người tín hữu Chúa Kitô, nhận ra nơi Đức Mẹ Maria là người mẹ của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên vũ trụ, con người. Nên họ luôn chạy đến tâm tình kêu cầu xin Đức Mẹ Maria chuyển lời nói giúp cho cùng Thiên Chúa cầu xin sự gìn giữ che chở phần hồn cũng như phần xác có được bình an mạnh khoẻ.

Và trong dòng lịch sử đạo đức lòng kính mến Đức Mẹ Maria từ hằng những thế kỷ qua có nhiều kinh đọc, cùng nhiều bài hát ca tụng, cầu xin khấn khứa cùng Đức Mẹ Maria, nhất là trong những hoàn cảnh gặp khốn đốn khó khăn chung cũng như riêng tư.

Kịnh cầu Đức Mẹ Maria có lời ca tụng nguyện xin: Đức Bà phù hộ các giáo hữu! Cầu cho chúng con.

Lời ca ngợi cầu xin này biểu lộ tâm tình lòng cậy tin rằng: Đức Mẹ Maria xưa đã hạ sinh Chúa Giêsu, đã nuôi dưỡng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa ở trần gian, cùng hằng đồng hành lo toan cho đời sống Chúa Giêsu con mình trong mọi giai đoạn đời sống của Ngài ở trần gian cho tới khi Chúa Giêsu trở về trời.

Ngày nay trên thiên đàng bên ngai Thiên Chúa, Đức Mẹ Maria, người mẹ tinh thần của các tín hữu Chúa Giêsu Kitô, những người con của Thiên Chúa, thế nào cũng phù hộ cho họ còn đang sống trên trần gian.

Khi còn nhỏ thơ bé, các em bé thường luôn nắm bám áo mẹ mình, lúc vui cười cũng như lúc lo sợ đau buồn. Cung cách sống tình mẹ con đó là hình ảnh rất thắm thiết cảm động biểu lộ lòng yêu mến thành khẩn cầu xin. Và tin tưởng rằng bên mẹ là bến bình an, áo mẹ là cột trụ chống đỡ che chở an toàn cho mình.

Theo gương cung cách lối sống chân thực đó, người tín hữu Chúa Kitô cũng có tâm tình lối sống núp dưới áo Đức Mẹ như vậy với bài hát quen thuộc kêu cầu xin ơn cứu giúp:

„ Mẹ từ bi, ngày nay con đến nép thân dưới áo Mẹ lành che khuất bao u buồn nơi khóc than. Đời con đang sống giữa ba đào trong nguy biến, xin Mẹ dắt dìu con qua khỏi nơi nguy nan.“.

Người tín hữu chúa Giêsu Kitô cùng toàn thể nhân lọai trên toàn thế giới từ những ngày tháng qua đang sống trong lo sợ hoang mang. Vì bệnh dịch do vi trùng Corona lây lan truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ sự sống con người cùng những sinh họat đời sống xã hội. Con người thế giới lúc này cần hơn khi nào hết sự phù hộ của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu bầu cử của Đức Mẹ Maria, cho mau chóng thoát khỏi cơn bệnh dịch Covid 19 nguy hiểm đe dọa nhân loại.

Lời cầu xin „Đức Bà phù hộ các giáo hữu“, cùng bài hát cầu xin „Mẹ từ bi ngày nay con đến nếp thân dưới áo mẹ lành…“ là cung cách sống tâm tình lòng đạo đức sâu thẳm chân thành lên cùng Đức Mẹ Maria, người mẹ tinh thần của chúng ta hôm nay và ngày mai.

Lễ Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ Maria 25.03.2020.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Người đàn bà dưới ánh sáng Ba Ngôi và Giáo Hội Maria, theo Đức Hồng Y Ouellet , hết
Vũ Văn An
23:24 24/03/2020
III - Hình ảnh Ba Ngôi của người phụ nữ và các hệ luận của nó đối với phẩm giá và vai trò của họ trong Giáo hội và trong xã hội.

Các suy nghĩ trên đây tìm cách tích hợp di sản của Thánh Augustinô về Chúa Thánh Thần như Tình yêu hỗ tương và di sản của Richard thành Saint Victor về condilectus (cùng được sủng ái), tận dụng tối đa loại suy phu thê và gia đình vốn có thể được diễn dịch từ Thánh Grêgôriô Thành Nazianzus và Thánh Bonaventura, cũng như từ khoa chú giải đương thời về Imago Trinitatis (hình ảnh Ba Ngôi). Tính độc đáo trong chủ trương của chúng ta tập chú vào tính chuyên biệt phu thê này, một việc cùng một lúc cho phép ta bảo vệ sự hợp nhất thần thiêng như Tình yêu và bảo vệ việc đánh giá hình ảnh của Thiên Chúa nơi người đàn ông và người đàn bà như việc trao ban hỗ tương tình yêu sinh hoa trái trong gia đình và trong xã hội.

Trong viễn cảnh trên, phẩm giá và vai trò của người đàn bà được củng cố một cách đáng kể, dưới ánh sáng nền tảng có tính tương quan của nàng trong Ba Ngôi cực thánh. Đối với tôi, nền tảng này dường như được thiết lập tốt trong cuộc nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần (hơi thở thụ động chủ động), vốn được biểu lộ như Tình yêu phu thê không thể giản lược vào khả năng sinh sản riêng của Tình yêu phụ thân và con thảo. Sự mới lạ của Thánh Thần Tình yêu chảy ngược trở lại khả năng sinh sản phụ thân và con thảo và ban cho nó một chiều kích nhằm biện minh sự sử dụng lại biểu tượng phu thê và gia đình để giải thích cho sự giàu có vô song của các mối tương quan Ba Ngôi và, do đó, để khẳng định sự thật về nền tảng nguyên mẫu của người đàn bà trong Chúa Thánh Thần trong việc Người thủ diễn các mối tương quan với Chúa Cha và Chúa Con. Nếu đặc điểm riêng của người đàn bà là tự cho mình việc tiếp nhận (nàng dâu) để có khả năng sinh sản một cách chủ động (mẹ) theo cùng một mức như nàng nhận được, thì há nàng lại không phải là hình ảnh và, một cách nào đó, là sự tham gia vào Chúa Con, Đấng đã thở Thánh Thần ra khi tiếp nhận điều Người vốn là từ Chúa Cha và trong việc hiến mình trở lại mà Người làm cho Ngài, và vào Chúa Thánh Thần, Đấng cũng “sống và làm phong phú” việc tiếp nhận ba chiều chuyển động, hiến mình, khả năng sinh sản đó sao? Cách yêu thương của Đức Trinh Nữ Maria, hết sức gắn bó với Thánh Thần, được biểu lộ trong sự sẵn có đó không sai phạm của ngài đối với Chúa Cha (nàng dâu) và trong việc phục vụ vô điều kiện đối với Chúa Con (mẫu thân), Đấng mà Chúa Thánh Thần tượng thai trong lòng đồng trinh của ngài và đồng hành trong toàn bộ diễn trình Nhập thể [25]. Do đó, nguyên mẫu của người đàn bà như nàng dâu và mẫu thân nơi Chúa Thánh Thần được xây dựng trên các mối tương quan hỗ tương Ba Ngôi này mà chúng ta biết nhờ mầu nhiệm Nhập thể. Như chúng ta đã thấy, kết luận này dựa vào khoa giải thích đương thời về hình ảnh của Thiên Chúa như Imago Trinitatis và vào kế hoạch của Thiên Chúa như mầu nhiệm Giao ước được giải thích bằng biểu tượng phu thê, một biểu tượng vốn hết sức hiển nhiên và đồng điệu của Kinh thánh.

Các hậu quả

Đâu là tầm quan trọng của những sở đắc này đối với phẩm giá của người đàn bà và đối với các hậu quả giáo hội và xã hội cụ thể mà ta nên được diễn dịch một cách hợp pháp?

Trước hết, việc xác định nguyên mẫu tương quan của người đàn bà nơi Ba Ngôi xác nhận ngay tức khắc phẩm giá của họ như hình ảnh của Thiên Chúa trong mọi tư cách: ngôi vị, đàn bà, vợ và mẹ. Điều này khẳng định cùng một lúc các giá trị tình yêu, hôn nhân và gia đình, cũng như các ơn gọi trinh khiết siêu nhiên, vốn đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ về thần học và thiêng liêng.

Thứ hai, mối liên kết ưu tuyển của nàng với Chúa Thánh Thần, và trong Chúa Thánh Thần với Chúa Con vĩnh cửu và nhập thể, cấu hình tính độc đáo tương quan của nàng và cách nàng yêu thương như người đàn bà tiếp nhận, thuận tình, đáp trả và gây ngạc nhiên bằng đáp ứng có khả năng sinh sản gấp đôi cả tự nhiên lẫn siêu nhiên, đầy bất cân xứng, độc đáo, có tính sinh sản, không thể giản lược vào bất cứ mô hình nào khác ngoài dạng thức yêu thương đầy tính bản vị của nàng như Thiên Chúa yêu thương vậy.

Thứ ba, người đàn bà hóa ra được khẳng định một cách mạnh mẽ trong vai trò làm vợ và làm mẹ, và, còn hơn nữa, không bị giới hạn vào các vai trò này, vì nữ tính cởi mở của nàng đạt tới các bình diện và phạm vi từ vựng khác nhau, vượt quá phạm vi gia đình, hướng tới mọi lĩnh vực hoạt động và ảnh hưởng, đặc biệt là trong khuôn khổ đời sống thánh hiến. Do đó đóng góp độc đáo và không thể thay thế của nàng trong lĩnh vực việc làm; sức khỏe; trong hoạt động xã hội, bác ái và chính trị; trong khoa học, nghệ thuật và triết học, thần học, tiên tri và huyền nhiệm, v.v., nơi nhân cách và nhiều đặc sủng tự nhiên và siêu nhiên của nàng có thể lan truyền và đóng góp cho Vương quốc của Thiên Chúa và cho thiện ích chung của xã hội và của Giáo hội.

Thứ tư, khởi từ cơ sở thần học trên và lưu ý đến việc thiếu sự hội nhập người đàn bà theo ơn gọi và tiềm năng của nàng, trên bình diện xã hội và giáo hội, cũng như trên bình diện mục vụ và truyền giáo, điều hiển nhiên là phải cổ vũ mạnh mẽ người đàn bà ở mọi bình diện (kể cả việc xác nhận ơn gọi làm vợ và làm mẹ của họ!) và đòi một cuộc đấu tranh kiên nhẫn và kiên trì, để phát huy sự tự do của họ trong việc hành động và sống theo các đặc sủng, ơn gọi và sứ mệnh của họ, những điều không thể giản lược vào chế độ phụ trưởng hoặc mẫu trưởng vốn được truyền tụng trong các xã hội khác nhau.

Thứ năm, thần học nói chung và thần học phụ nữ nói riêng, đòi phải lắng nghe một cách chăm chú, không thành kiến, nền thần học về phụ nữ, một sự đóng góp không được chú ý nhưng đã có sẵn trong Truyền thống, mà Giáo hội vốn công nhận một cách tượng trưng khi tuyên xưng một số vị “là các tiến sĩ của Giáo hội” [26], với hy vọng những cử chỉ tượng trưng này khuyến khích sự tham gia của đàn bà ở tất cả các bình diện triết học và thần học.



Vì một nền văn minh tình yêu

Cuối cùng, cách người đàn bà sống và yêu thương hàm ngụ nhiều phẩm tính không thể thiếu đối với sự tiến bộ của Giáo hội và của xã hội. Thật vậy, con người của nàng được biểu lộ một cách mẫu mực và hữu hiệu qua việc sẵn sàng có đó rất tự nhiên của nàng đối với Ý Muốn của Chúa Cha và để phục vụ Lời Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần. Người đàn bà sẵn sàng đứng về phía Lời vốn là Ngôi thứ hai, được ưa thích, được sinh ra và đến lượt Người sinh hoa trái nhờ tình yêu đồng bản thể của Người dành cho Chúa Cha, một điều còn “hơn” cả tình yêu con thảo qua Thánh Thần mà Người thở trong sự phụ thuộc Chúa Cha. Thành thử, từ đó, có việc tham gia của người đàn bà vào chiều kích phu thê và mẫu thân của Ngôi Lời và của Ngôi Thánh Thần, vốn được biểu lộ trong cách nàng yêu thương, có tính tiếp nhận và đệ nhị đẳng nhưng ngang nhau về phẩm giá và khả năng sinh sản gấp đôi.

Cách nàng yêu thương, đầy dịu dàng, cảm thương, bao bọc và sinh hoa trái không thể bị giản lược vào mô hình tình yêu của nam giới, vốn có tính xâm chiếm và chính xác, rời rạc và có kế hoạch, cũng như vào tâm lý độc nghĩa nhiều hơn của nam giới, nhất là trong cách xử lý các mối tương quan xã hội và ảnh hưởng văn hóa, chính trị hoặc tâm linh. Sự đa dạng nữ tính không được hủy bỏ bởi mô hình nam giới, một mô hình cần phải được bổ xung bởi những phẩm tính không thể thiếu của nữ tính, của mẫu tính và khả năng sinh sản phong phú và được điều chỉnh rất đa dạng của người đàn bà và được điều chỉnh một cách khác nhau, nếu không sẽ rơi vào sự thống trị bất công vốn phát sinh sự đối nghịch đàn ông đàn bà, trong khi họ được mời gọi hiệp thông.

Cuối cùng, dưới ánh sáng Thánh Gia, hình ảnh tuyệt vời của mầu nhiệm Ba Ngôi và của Giáo hội, nơi Đức Maria, khuôn dung người đàn bà đạt đến một sự hoàn hảo nhân bản và siêu nhiên khôn sánh, nhờ cuộc hôn nhân đích thực của ngài, sống trong các tương quan nhân bản chân thực và trinh nguyên, nhưng không phi tính dục (asexual), với Chúa Giêsu và Thánh Giuse. Sự khắc phục tính dục vợ chồng tự nhiên này không hàm nghĩa bất cứ sự khinh miệt nào đối với giá trị của nó, mà chỉ là sự nối dài của nó tới một bình diện cao hơn của khả năng sinh sản siêu nhiên của các giới tính bên trong các mối quan hệ trinh khiết [27]. Thánh Giuse không mất giá trong tính dục của ngài do sự kiện ngài không sinh ra Chúa Giêsu. Trái lại, ngài được làm cho phong phú và được củng cố trong tình phụ tử vốn được coi là tự nhiên và siêu nhiên của ngài với phẩm chất khôn sánh của các mối tương quan trinh khiết, tương ứng một cách khiêm tốn với mầu nhiệm Chúa Giêsu và Mẹ thánh Người.

Trong ánh sáng này, ai mà không thấy tầm quan trọng của những khai triển này đối với việc cổ vũ đời sống thánh hiến dưới mọi hình thức trong Giáo hội? Thật vậy, các ơn gọi linh mục và tu sĩ nói lên đáp ứng của Giáo hội đối với Hồng ân Chúa Thánh Thần, Đấng vốn ban cho Giáo Hội các đặc sủng khác nhau để phục vụ việc truyền giáo và hiệp thông vốn xoay quanh Chàng rể Thánh Thể. Thực vậy, các ơn gọi tự do và khiết trinh này, sống trong niềm vui của đức tin, với lòng trung thành và sự phong phú khiết trinh của họ, cùng hòa nhịp với gia đình, vốn là giáo hội tại gia, làm chứng rằng Tin Mừng Tình yêu Thiên Chúa đáp ứng trọn vẹn mọi khát vọng của trái tim con người trong mầu nhiệm phu thê của Chúa Kitô và Giáo hội. Trong suy nghĩ thần học xa hơn này, há không phải là một nguồn tài nguyên quý giá để vượt qua những tranh cãi liên quan đến Thừa Tác Vụ Thụ Phong chỉ dành cho nam giới đó sao? Và để làm sống lại ngọn lửa trong trái tim của rất nhiều đàn bà đi tìm ơn gọi, trong đó đáp ứng không chỉ là một việc phục vụ xã hội hay chuyên nghiệp hay bất cứ nghề nghiệp nào, há nó không còn là một việc phục vụ vị tha đối với người nghèo nhất, một sự hấp dẫn của Tình yêu, một tình yêu con thảo, phu thê và mẫu thân, lấp đầy trái tim, linh hồn và tinh thần bằng niềm vui và đam mê truyền giảng tin mừng cho thế giới đó sao?

KẾT LUẬN

Chúng ta còn có thể thêm gì nữa để kết thúc các suy tư thần học này nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của “mầu nhiệm” đàn bà và sự đóng góp không thể thiếu của họ đối với đời sống xã hội và giáo hội? Xét vì sự gần gũi giữa Thánh Thần và người đàn bà trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa và nhập thể của ơn thánh, với sự tham gia sâu sắc và khôn sánh của Đức Trinh Nữ Maria trong các mối tương quan hỗ tương Ba Ngôi của Ngôi Lời và Ngôi Thánh Thần, há người ta lại không nên thừa nhận “mầu nhiệm” này của người đàn bà – coi nó như “các thừa tác vụ thánh” nhưng không có âm hưởng giáo sĩ dưới bất cứ hình thức nào -, các chức năng và vai trò nữ tính đa dạng trong xã hội và trong Giáo hội: vợ và mẹ, người truyền cảm hứng và người hòa giải, người chuộc lỗi và hòa giải, người trợ giúp và đồng hành không thể thiếu cho con người trong mọi nhiệm vụ và trách nhiệm xã hội và giáo hội hay sao? Biết bao lắng nghe, cởi mở, đền đáp sự bất công và sử dụng các đặc sủng nữ tính nên được mọi người, nhất là chính quyền và giáo quyền, dành cho họ; những định chế này có thể thừa nhận và tích hợp tốt hơn sự dị biệt nữ tính!

Như thế, người ta hiểu được, Giáo Hội Công Giáo, từ ân sủng to lớn là Công đồng Vatican II, đã tiến hành một trận chiến quyết định và không ngừng cho việc tôn trọng sự khác biệt của giới tính ở mọi nơi và trên mọi bình diện, bất kể trong lĩnh vực việc làm, hôn nhân và gia đình, hoặc trong lãnh vực Thừa Tác Vụ Thụ Phong, và tiếp tục làm như vậy, dù một mình, chống lại mọi hình thức “ý thức hệ thực dân” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô) vốn muốn triệt tiêu sự khác biệt giới tính trong nền văn hóa và, do đó, khuôn mặt ban đầu của người đàn bà, nhân danh một nhân chủng học thoát khỏi bất cứ liên kết siêu việt nào. Vấn đề người đàn bà có tầm quan trọng trong thời đại của chúng ta đến nỗi đòi Giáo hội và xã hội phải đầu tư lớn về tư tưởng và hành động, để soi sáng chính xác các lựa chọn xã hội và cho phép hình ảnh của Thiên Chúa nơi đàn ông và đàn bà, vốn dành cho việc hiệp thông, đạt được việc giống như Tình yêu của Thiên Chúa mà nếu không có nó, sẽ không thể có hạnh phúc cho nhân loại hay xã hội đúng nghĩa.

Ghi Chú:

[1] Xem Vai trò của Phụ nữ trong Giáo hội, Biên bản Hội nghị chuyên đề được Bộ Giáo lý Đức tin tổ chức, Rome, ngày 26-28 / 9/2016, LEV.

[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Tôi tin chắc sự cấp thiết phải cung cấp các lãnh vực cho phụ nữ trong đời sống Giáo hội và chào đón họ, lưu ý đến các nhạy cảm chuyên biệt và đang thay đổi về văn hóa và xã hội. Do đó, một sự hiện diện nữ tính có tính li ti (capillary) và sâu sắc hơn là điều đáng mong ước trong các Cộng đồng, để họ có thể thấy nhiều người đàn bà tham dự vào các trách nhiệm mục vụ, trong việc đồng hành với người ta, với các gia đình và các nhóm, cũng như trong suy tư thần học” (Diễn văn với các tham dự viên Phiên họp toàn thể của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, ngày 7 tháng 2 năm 2015).

[3] Xem Louis Bouyer, Mystery and Ministry of Woman, Aubier Montaigne, Paris, 1976. Tiểu luận về biện minh thần học cho chủ trương của Giáo hội về lập luận này, trước Tuyên bố Inter Insigniores, ngày 15 tháng 10 năm 1976.

[4] Xem Cuốn sách của tôi Divine Similarity: Trinitarian Anthropology of the Family (Sự tương đồng thần thiêng: Nhân học Ba Ngôi về Gia đình), Nhà xuất bản Đại học Lateran, Thành Vatican, 2004, 33-55.

[5] Bài giảng trong Thánh lễ tại Puebla de los Angeles (28 tháng 1 năm 1979), 2: AAS 71 (1979), 184.

[6] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, số 11; xem thêm số 71.

[7] H.U. von Balthasar, La Gloire et la Croix. I. Hiện ra, Aubier, 1965, 488 (ns. Tr. It.?) Xem thêm: Adrienne von Speyer, Theologie der Geschlechter (Thần học về giới tính), Johannes Verlag, 1969.

[8] Blanca Castilla de Cortazar, Woman and Theology: The Question of the Image of God (Người đàn bà và Thần học: Vấn đề Hình ảnh Thiên Chúa), (2016) Arbor, 192 (778). “Xem xét một chút lịch sử, trong truyền thống Do Thái, người ta vốn cho rằng chỉ có đàn ông mới là hình ảnh của Thiên Chúa, trong khi đàn bà thì được dẫn khởi từ đó. Điều này đã biện minh cho tình trạng phụ thuộc của đàn bà trong thế giới Do Thái và Hồi giáo, trong đó (đặc biệt là sau này) nàng vẫn còn bị khóa chặt cho tới ngày nay”.

[9] Xem Mary Healy, Women in Sacred Scripture: New Insights from Exegesis, trong Role of Women in the Church, op. cit. 43-54: “Như thế, Tân Ước minh chứng một cách hiển nhiên rằng cả trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu và nơi những người đàn bà trong Giáo hội sơ khai đều có mặt, không chỉ với tư cách là môn đệ mà còn là người khởi xướng và lãnh đạo tham dự tích cực vào thừa tác vụ Tin Mừng nhiều cách khác nhau” (trang 53).

[10] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông Thư Mulieris Dignitatem, các số 6-8: “là một ngôi vị nghĩa là: có xu hướng hoàn thành chính mình [...], một điều không thể hoàn thành ngoại trừ ‘qua việc chân thành tự hiến thân’. Mô hình của việc giải thích ngôi vị này là chính Thiên Chúa như Ba Ngôi, như sự hiệp thông các Ngôi Vị. Nói rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa cũng có nghĩa là con người được kêu gọi hiện hữu “cho” người khác, để trở thành một hiến tặng” (số 7).

[11] L. Bouyer, Mystère et Ministères de la Femme, Tác phẩm đã dẫn, 41-41.

[12] Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo diễn đạt điều này bằng các thuật ngữ nhấn mạnh nhiều tới các hạn chế của loại suy: “Thiên Chúa không hề là hình ảnh của con người. Người không phải là đàn ông hay đàn bà. Thiên Chúa là thuần thần, trong đó không có chỗ cho sự khác biệt giữa các giới tính. Nhưng ‘các hoàn hảo’ tương ứng của người đàn ông và của người đàn bà phản ảnh một điều gì đó của sự hoàn hảo vô hạn của Thiên Chúa: những hoàn hảo của người mẹ (xem Is 49: 14-15; 66:13; Tv 131: 2-3) và những hoàn hảo của người cha và người chồng (xem Hs 11: 1-40; Grm 3: 4-19)” (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo số 370).

[13] Xem phần bàn thêm (excursus) của bài “Image and Likeness of God” (hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa), trong H.U. von Balthasar, Teodrammatica. II. Le Persone del Dramma: L’Uomo in Dio, Jaca Book, Milan, 2012, 298-316; 344-360; 381-385.

[14] Xem M. Ouellet, Divine Likeness (Họa ảnh Thiên Chúa), Tác phẩm đã dẫn, 54-55.

[15] “Rồi Thiên Chúa phán : ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất’. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”.

[16] F. Martin, “A Summary of the Teaching of Genesis Chapter One” (bản tóm tắt giáo huấn Chương Một Sách Sáng thế) trong Communio International Review, Mùa hè, 1993, 247.

[17] Ivi, 258. Xem C. Westerann, Genesis I-II, A Commentary, Nhà xuất bản Augsburg, Minneapolis, 1984, 147-161, và đặc biệt 157-158.

[18] “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói : ‘Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra’. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2: 22-24).

[19] R. Hinschberger, “Image and Resemblance in the Priestly Tradition” (hình ảnh và sự tương đồng trong truyền thống tư tế), trong RSR 59 (1985), 192.

[20] Muốn biết sự khai triển toàn diện hơn, tôi xin nhắc đến cuốn sách của tôi Divine Likiness, tác phẩm đã dẫn tr. 41-46.

[21] Ở đây, nói về khuôn mạo “nhiệm cục” hay có tính lịch sử-bí tích của Chúa Thánh Thần trong lịch sử.

[22] Từ đó, có sự thắng thế của “Nguyên lý Maria” so với “Nguyên lý Phêrô” trong mầu nhiệm hiệp thông của Giáo hội, mà Balthasar khai triển trong The Anti-Roman Complex (Mặc cảm chống La Mã), Nhà xuất bản Apostolate 191-235. Cơ cấu thừa tác, vì quan trọng, nên đã được Chúa Kitô thiết lập trên định chế và trên Tình yêu bao bọc của Đức Mẹ vốn tạo thành, trong Chúa Thánh Thần, bản sắc nền tảng của Giáo hội như Nàng dâu, trong đó việc trình bầy có tính Phêrô-thừa tác về Chú rể đã được ghi khắc, trong việc phụ thuộc và phục vụ “thừa tác vụ” tình yêu vốn có tính nền tảng hơn hết, thừa tác vụ mà Đức Trinh Nữ Maria và mọi người đàn bà đều nhập thân trong chính con người của họ.

[23] Thánh Irênê, Adversus Haereses (Chống Các Lạc Giáo), III, 24. 1.

[24] Cần lưu ý đến khía cạnh khó nắm bắt và tự hủy (kenotic) của Thánh Thần, điều mà Kinh thánh phát biểu bằng các biểu tượng phổ quát của nước, lửa và gió, cũng như với các biểu tượng bí tích của việc xức dầu và việc biến thể (transubstantiation) của bánh và rượu trong Mình và Máu Chúa Kitô (Kinh cầu xin Chúa Thánh Thần, epiclesis). Đặc tính “lỏng” này của Ngôi vị Người có vẻ tương phản với đặc tính chu tuyến (contours) rất rõ ràng và chính xác của Tình yêu phụ tử và hiếu thảo, nhưng thực tế, nó đem việc biểu lộ Tình yêu Ba Ngôi đến mức viên mãn của nó, vốn chung cho Ba Ngôi, như một việc từ bỏ quyền sở hữu (dis-appropriation) chính mình, một thứ tuôn trào đầy hạnh phúc bản ngã mình như Tình yêu mà phước hạnh là không hiện hữu cho chính mình.

[25] Ở đây, chúng ta hãy nhớ những điều đã được nói trên đây về mầu nhiệm Maria, Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể, tức mầu nhiệm Chúa Thánh Thần làm cho thụ thai từ bên trong và đồng hành nâng ngài lên phẩm giá Nàng Dâu của Chiên Con hiến tế, do đó, nhờ Người và với Người, trong sự phụ thuộc hoàn toàn của ngài, trở thành người đồng thở (co-spirator) của Chúa Thánh Thần trên mọi hậu duệ giáo hội, từ đó là Mẹ của Giáo hội. Những gì lòng đạo đức bình dân phát biểu ở đây về Đức Maria, Trung Gian các ơn, được xây dựng chính trên mầu nhiệm hôn nhân-Ba Ngôi này được ban cho khi tham gia.

[26] Đức Phaolô VI đã thực hiện bước đầu tiên trong việc tuyên bố hai nữ thánh Catarêna thành Siena và Têrêsa thành Avila là các tiến sĩ của Giáo hội vào năm 1970. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu (1997) và Thánh Hildegard thành Bingen đã được tuyên bố sau hai vị (2012).

[27] H. U. von Balthasar, Teodrammatica. II. The Persons of the Drama: Man in God (Thần kịch: II. Các Ngôi vị của Vở kịch: Con người trong Thiên Chúa), Jaca Book, Milan, 2012, 387-388.
 
Văn Hóa
Kính tặng các y, bác sĩ, linh mục… đã nằm xuống vì thi hành sứ vụ thời đại dịch Covid-19
Sơn Ca Linh
10:49 24/03/2020
ĐỜI VẪN CÒN “PHÉP LẠ TÌNH YÊU”

Kính tặng các y, bác sĩ, linh mục… đã nằm xuống vì thi hành sứ vụ thời đại dịch Covid-19

Thì ra,
Người ta có thể “cắt nghĩa được tình yêu”.
Không phải
“chỉ một buổi chiều” mà “thâu đêm suốt sáng”.
Không chỉ là cơn “nắng nhạt” mà cả khung trời u ám,
Là cuồng phong dữ dội,
Chứ không chỉ là “mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…”.

Trong cơn đại dịch,
Sự chết ùa về trên khắp lối muôn chiều,
Sợ hải, lắng lo, buồn đau hốt hoảng…
Những đôi mắt thâm quầng,
Những gò má hằn sâu
những dấu lằn khẩu trang lồi lõm,
Dấu chỉ tình yêu đó,
Những thiên thần áo trắng, những ngôn sứ áo đen…

Chẳng sợ hiểm nguy, quên cả nhọc nhằn,
Mang vũ khí tình yêu họ xông vào cuộc chiến.
Giữa biên giới tử biệt sinh ly, vết hằn đau điếng,
Cần biết bao một bàn tay, một ánh mắt sẻ chia,
Một lời kinh, một lời giã biệt trong nước mắt đầm đìa,
Tình yêu là thế,
Đâu cần phải lãng mạn nhiều lời cắt nghĩa.

Phải chăng,
Đây là lúc để loài người nhận ra, thấm thía,
Thế giới luôn cần,
Những vòng tay đón nhận dù trong cảnh phong toả cách ly.
Một gói mì tôm, lưng kí gạo, dẫu chẳng lớn lao chi,
Chia sẻ cho nhau lúc nầy mới là tình yêu thứ thiệt.

Biết bao những người cha, người mẹ lúc sức tàn lực kiệt,
Mong nghe, mong thấy hơi ấm của một bàn tay.
Biết bao cuộc đời,
Thấp thỏm đợi chờ chỉ một ai đó bên cạnh mỗi đêm nay,
Thèm nghe một giọng hát từ cửa sổ đâu đây,
Để ngày mai được nhẹ nhàng ra đi về vĩnh cửu…!

Vâng,
Tình yêu có thể được cắt nghĩa rõ ràng từng câu từng chữ,
Như cách cảm nhận của thầy Richard Hendric, tu sĩ Phanxicô:
Có sợ hải đấy nhưng không biết hận thù,
Có cách ly đấy nhưng không khép mình cô độc.
Có hoảng loạn tích trữ nhưng không bần tiện nhỏ nhen,
Có nhiểm bệnh hiểm nghèo nhưng tâm hồn không bệnh hoạn.
Thậm chí có tử vong đấy nhưng lúc nào tình yêu cũng được tái sinh.
Tình yêu được cắt nghĩa,
Bằng những cuộc đời không chọn sống cho riêng mình,
Bằng những bước chân,
Chọn con đường xả thân phục vụ dẫu phải đi qua thập giá.
Bằng ánh mắt nụ cười,
An ủi sẻ chia trước những mảnh đời nghiệt ngã,
Bằng bờ vai, đôi tay ấm,
Sẵn sàng trao về những trái tim hoang lạnh sỏi đá cằn khô.

Đã mang phận người,
Ai không một lần lo sợ trước bệnh hoạn khổ đau,
Ai không trăn trở xuyến xao
Khi đối diện với hiểm nguy hay sinh ly tử biệt.
Nhưng, “Tình Yêu”, vị “dũng thần” mạnh hơn sự chết.
Và là “phép lạ”,
Dọc dài tháng năm luôn mãi mãi nhiệm mầu.

Sơn Ca Linh (24.3.2020)

 
Kinh Truyền Tin
Đinh văn Tiến Hùng
11:00 24/03/2020
Hiệp thông cùng ĐTC Phanxicô và Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta hãy siêng năng đọc Kinh Truyền Tin. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa Nhân Từ dừng tay sửa phạt tội lỗi loài người trong đại dịch kinh hoàng đang tàn phá khắp nơi.

*Xướng: Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.

Đáp: Và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.

Kính mừng….. Thánh Maria……

Xướng: Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.

Đáp: Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.

Kính mừng….. Thánh Maria……

Xướng: Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.

Đáp: Và ở cùng chúng con.

Kính mừng….. Thánh Maria……

Xướng: Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.

Đáp: Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.

LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là con Chúa đã xuống thế làm Người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.

*KÍNH chào Trinh Nữ hiển vinh,
Ngôi Hai bỏ chốn thiên đình cao sang,
Hạ sinh trần thế nghèo nàn,
Chọn Bà làm Mẹ vinh quang hơn người.

MỪNG đón hạnh phúc tuyệt vời,
Nhờ ơn cứu độ loài người đổi thay,
Lời nguyền tha tội từ đầy,
Này E- Và Mới tràn đầy hồng ân.

MARIA trinh tuyết vô ngần,
Một lời thề hứa Xin Vâng vẹn toàn,
Đồng công cứu chuộc nhân gian,
Cùng con Thiên Chúa hoàn toàn hiến dâng.

ĐẦY tràn muôn phúc bội phần,
Từ tay Thiên Chúa nguốn ân cứu đời,
Chắp tay con nguyện xin Người,
Tuôn ơn lành xuống như trời đổ mưa.

ƠN Mẹ con nói sao vừa,
Ngàn lời ca tụng vẫn chưa thỏa lòng,
Đời con chỉ biết cậy trông,
Phó trong tay Mẹ xác thân tâm hồn.

PHÚC thay những lúc cô đơn,
Về nương bóng Mẹ là nguồn ủi an,
Cuộc đời dù lắm gian nan,
Không còn đau khổ với hàng lệ rơi.

ĐỨC Maria Mẹ Chúa Trời,
Trạng Sư quyền thế muôn đời ngợi ca,
Người là Từ Mẫu giao hòa,
Cầu xin Thiên Chúa thứ tha loài người.

CHÚA thương nhân loại Mẹ ơi !
Mặc thân xác xuống làm người trần gian,
Cùng Mẹ nhận sống nghèo nàn,
Chết trên Thập Giá ơn ban cứu đời.

TRỜI cao giáng phúc muôn nơi,
Mưa hồng ân xuống đất trời hoan ca,
Gieo nguồn nắng ấm chan hòa,
Làm cho trần thế nở hoa reo mừng.

Ở đời cuộc sống mông lung,
Biển trần giông tố chập chùng vây quanh,
Thuyền con lạc lối bồng bềnh,
Mẹ là Sao Sáng lộ trình dẫn đưa.

CÙNG con ngày tháng sơm trưa,
Ủi an phù trợ nâng niu ân cần,
Đời con biết bao lỗi lầm,
Mẹ luôn che chở tấm thân mọn hèn.

BÀ được Thiên Chúa nâng lên,
Xác hồn thanh khiết ngự trên thiên đình,
Loài người muôn vật cúi mình,
Tôn vinh Mẹ Chúa hiển vinh muôn đời.

Đinh văn Tiến Hùng
(*)Ghi chú : Việt Nam xưa nơi các họ đạo mỗi buổi trưa khi nghe tiếng chuông nhà thờ vang lên, dù đang làm việc ngoài đồng hay ở nhà, đều ngưng công việc đọc kinh Truyền tin. Nay ở nước ngoài vì hoàn cảnh xã hội truyền thống tốt đẹp này không còn giữ được. Thật đáng tiếc !

 
VietCatholic TV
25/03: Trước giờ phút nguy tử này của Giáo Hội và thế giới, xin cầu nguyện cùng chúng tôi theo ý ĐTC
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:33 24/03/2020


Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 22 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã đưa ra lời mời gọi sau:

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày thử thách này, trong khi loài người rúng động vì mối đe dọa đại dịch, tôi muốn đề xuất tất cả các Kitô hữu chúng ta hãy hợp nhất dâng lời nguyện lên Thiên đàng. Tôi mời tất cả những người đứng đầu các Giáo hội và các nhà lãnh đạo của tất cả các Cộng đồng Kitô giáo, cùng với tất cả các Kitô hữu của các hệ phái khác nhau, cùng nhau cầu khẩn Thiên Chúa Chí Tôn, Toàn Năng, cùng đồng thanh đọc lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu, Chúa chúng ta đã dạy. Do đó, tôi mời tất cả mọi người làm như vậy nhiều lần trong ngày, nhưng, tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ đọc kinh Lạy Cha vào giữa trưa ngày Thứ Tư 25 tháng 3. Vào ngày mà nhiều Kitô hữu kính nhớ mầu nhiệm Thiên thần Truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria về sự nhập thể của Ngôi Lời. Xin Chúa lắng nghe lời cầu nguyện đồng tâm nhất trí của tất cả các môn đệ của Ngài đang chuẩn bị để mừng chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh.

Theo ý Đức Thánh Cha nhiều nơi trên thế giới đã có các hình thức cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Xin kính mời quý vị và anh chị em cùng hiệp ý với chúng tôi trong mầu nhiệm 5 sự vui.
 
HĐGM Ý: Ít nhất 60 linh mục thiệt mạng vì coronavirus. Hai Giám mục Hoa Kỳ và Ý vừa nhiễm bệnh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:30 24/03/2020
Tính cho đến sáng Thứ Ba 24 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức đáng âu lo với 16,496 -14,756 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 378,741 - 341,696 người. Như thế, trong 24 giờ qua, toàn thế giới đã có thêm 1,740 người bị thiệt mạng và 37,045 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Số trường hợp tử vong tại Ý vẫn tiếp tục gia tăng một cách đáng âu lo. Tính đến sáng Thứ Ba 24 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 6,077 người, và 63,927 -59,138 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Như thế, trong 24 giờ qua, tại Ý đã có thêm 601 người bị thiệt mạng và 4,789 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Cứ đà này thì trong vài ngày tới số trường hợp nhiễm bệnh tại Ý sẽ cao hơn cả số người nhiễm bệnh tại Hoa Lục, và số người chết sẽ gấp đôi số người thiệt mạng tại Trung Quốc.

Đó là nói theo các con số chính thức do bọn cầm quyền Bắc Kinh thông báo. Con số thật là một bí mật quốc gia của bọn cầm quyền cộng sản, không ai biết được.

Cho đến nay, Bắc Kinh thừa nhận trên toàn cõi Hoa Lục con số thương vong là 3,270 người chết, và 81,093 trường hợp nhiễm bệnh. Trong số các trường hợp nhiễm bệnh này, Bắc Kinh cho biết đã có 72,703 người đã hoàn toàn khỏi bệnh. Trong cuộc họp báo sáng thứ Ba, bộ Y tế Trung Quốc nói chỉ có 5,120 người đang nhiễm bệnh, trong đó có 1,749 trường hợp nghiêm trọng phải nằm bệnh viện, số còn lại được cho về nhà, cách ly tại gia. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là Cảnh Sảng nói nước này đã chiến thắng dịch bệnh. Những hình ảnh mừng chiến thắng được chiếu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc như quý vị và anh chị em đang xem thấy đây. Trước đó, Cảnh Sảng cáo buộc coronavirus là do quân đội Mỹ gây ra tại Vũ Hán. Tuy nhiên, khi được hỏi về triển vọng bãi bỏ lệnh cô lập Vũ Hán và khả thể một cuộc điều tra quốc tế về cáo buộc của Trung Quốc, Cảnh Sảng nói còn quá sớm để làm những điều đó, viện dẫn một đợt bùng phát thứ hai vẫn có khả năng diễn ra.

Sau Trung Quốc và Italia, Hoa Kỳ đang là nước thứ ba trên thế giới về phương diện nhiễm bệnh với 43,718 trường hợp. Số trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 558 người. Như thế, trong 24 giờ qua, tại Mỹ đã có thêm 100 người bị thiệt mạng và 8,648 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Trước tình trạng gia tăng đáng lo ngại này, nhiều người đề nghị chính quyền Mỹ áp dụng chiến thuật của Nam Hàn, mà đến nay tỏ ra là hữu hiệu nhất. Khi dịch bệnh bùng nổ, họ tiến hành xét nghiệm tất cả các cư dân trong thành phố Daegu và các vùng lân cận, bất kể người ấy có triệu chứng gì hay không, và cách ly ngay những người xét nghiệm dương tính. Bên cạnh đó, Nam Hàn còn chặn xe xét nghiệm ngẫu nhiên. Vì thế, tỷ lệ tử vong tại Nam Hàn giảm xuống một cách đáng kể. Số trường hợp tử vong bình quân trong một ngày tại Nam Hàn trong một tuần qua chỉ khoảng 4 người. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ có nhiều người chỉ trích phương pháp này.

“Nếu chúng ta có tất cả tài nguyên trên thế giới và có thể vung đũa thần, chúng ta sẽ vui lòng kiểm tra tất cả mọi người, nhưng chúng ta không có, vì vậy tôi sợ rằng chúng tôi phải ưu tiên xét nghiệm ai và không xét nghiệm ai”, Bác sĩ William Schaffner, một giáo sư trong khoa các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Vanderbilt nói.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, gọi tắt là CDC, các triệu chứng thông thường của coronavirus bao gồm sốt, ho và khó thở. Nếu bạn không gặp phải những triệu chứng này, bạn không nên đi xét nghiệm ngay bây giờ.

Tuy nhiên, lo ngại rằng trong thực tế có những người nhiễm coronavirus mà chẳng có triệu chứng gì, Los Angeles đang triển khai một cổng thông tin trên Internet để hướng dẫn những người có nguy cơ cao, cụ thể là những người trên 60 tuổi và những người có tiền sử bệnh, đến các trung tâm kiểm tra.

Tây Ban Nha đang đứng thứ tư với 35,136 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 2,313 người chết. Trong 24 giờ của ngày thứ Hai, Tây Ban Nha đã phải chứng kiến cái chết của 539 người, là số tử vong trong một ngày cao nhất cho đến nay.

Tại Đức đã có 123 người chết; và 29,056 trường hợp nhiễm bệnh.

Tiếp theo là Iran với 1,812 người chết, tăng 127 người trong vòng 24 giờ; và 23,049 trường hợp nhiễm bệnh, tức là chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1,411 trường hợp nhiễm bệnh mới được ghi nhận.

Sáng kiến cử hành thánh lễ trên mái nhà thờ

Trước tình trạng không thể cử hành các thánh lễ trong điều kiện cách ly hiện nay tại Ý, Cha Francesco Gravina và Cha Lorenzo Fedele, chính xứ và phó xứ của nhà thờ Santa Maria della Salute ở quảng trường De Leva, ở Napoli, đã có sáng kiến đồng tế các thánh lễ trên mái nhà thờ, với các loa phóng thanh và các thiết bị live stream, để các tín hữu trong các tòa nhà xung quanh có thể tận mắt tham dự thánh lễ, trong khi những anh chị em giáo dân ở xa hơn có thể theo dõi trên Youtube.

Ít nhất 60 linh mục bị thiệt mạng vì coronavirus tại Ý

Chỉ trong tuần qua, hơn 3,000 người đã chết ở Ý sau khi nhiễm coronavirus. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, trong số những người thiệt mạng có ít nhất 60 linh mục.

“Tôi cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ân sủng ánh sáng và sức mạnh. Mỗi ngày tôi đều đi đàng Thánh Giá xin Chúa vác cây thánh giá này với chúng ta,” Đức Cha Gianni Ambrosio, Giám Mục giáo phận Piacenza-Bobbio, nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Avvenire của Ý.

Avvenire, nghĩa là Tương lai, tờ báo của Hội Đồng Giám Mục Ý, đã công bố danh tính của 51 linh mục triều đã chết sau khi nhiễm coronavirus, và lưu ý rằng các dòng tu ở Ý cũng đã báo cáo 9 trường hợp tử vong khác liên quan đến coronavirus.

Phần lớn những người đã chết đều trên 70 tuổi và một số linh mục có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.

Linh mục trẻ nhất chết vì COVID-19 ở Ý là Cha Paolo Camminati, đã chết trong bệnh viện vào ngày 21 tháng Ba ở tuổi 53.

Cha Camminati được nhiều người biết đến vì sự năng động của ngài trong mục vụ giới trẻ và trong việc phục vụ người nghèo, cũng như các phong trào Công Giáo Tiến Hành. Ngài là linh mục chính xứ Đức Mẹ Lộ Đức tại Giáo phận Piacenza, nơi năm linh mục khác cũng đã chết vì coronavirus.

Trong số các linh mục chết ở Piacenza còn có Cha Kidane Berhane, một tu sĩ dòng Xitô nhặt phép là người Ý gốc Eritrea, cư trú tại Tu viện lịch sử Chiaravalle ở vùng Bologna. Hai anh em sinh đôi 87 tuổi, là Cha Mario Boselli và Cha Giovanni Boselli cũng đã chết trong cùng một ngày.

“Đây là một thử thách thật khó khăn. Nhiều người trong chúng tôi mất tinh thần. Chúng tôi cảm thấy đau khổ vô cùng,” Đức Cha Ambrosio nói với Avvenire.

“Đó là một bóng tối mà chúng ta phải đối mặt, nhưng với hy vọng rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, rằng chính Ngài đã trải qua tất cả những đau khổ để vượt qua nó,” ngài nói thêm.

Các linh mục khác đã chết vì coronavirus tại Piacenza bao gồm Cha Giuseppe Castelli, 85 tuổi và Cha Giovanni Cordani, 83 tuổi.

Giáo phận Bergamo đã báo cáo về cái chết của 20 linh mục triều và hai tu sĩ. Cha Fausto Resmini, một cựu tuyên uý nhà tù và là mục tử của những người vô gia cư, đã chết vào ngày 23 tháng Ba ở tuổi 67. Ngài đã được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt kể từ ngày 5 tháng Ba.

“Trong những ngày này, tôi đang lắng nghe tiếng nói của nhiều người, cảm thấy đau đớn vì mất người thân,” Đức Cha Francesco Beschi của Bergamo cho biết hôm 19 tháng Ba.

Để đối phó với sự đau khổ này, Giáo Phận Bergamo đã mở một dịch vụ điện thoại cung cấp tư vấn và hỗ trợ tâm lý và tâm linh.

Các giáo phận Ý khác đã mất linh mục vì coronavirus bao gồm Parma, Cremona, Milan, Lodi, Brescia, Casale Monferrato, Tortona, Trento, Bolzano, Salerno, Ariano Irpino, Nuoro và Pesaro.

Ý có số người chết vì coronavirus cao nhất thế giới. Bộ Y tế Ý báo cáo ngày 23 tháng 3 rằng 5,476 người đã chết. Hơn 59,000 người đã thử nghiệm dương tính với COVID-19 tại Ý kể từ tháng Hai.

Thêm hai Giám Mục bị nhiễm coronavirus

Tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục New Orleans vừa được thử nghiệm dương tính coronavirus. Ngài là vị giám mục đầu tiên của Hoa Kỳ bị nhiễm bệnh.

“Mới đây, tôi cảm thấy có vài triệu chứng nhẹ, chỉ là sốt thôi. Vì thận trọng, tôi đã xét nghiệm coronavirus và kết quả là dương tính,” Tổng Giám mục Gregory Aymond tuyên bố vào ngày 23 tháng Ba.

“Tôi đã thông báo ngay cho những người thân cận. Không cần phải nói, tôi đã tự mình cách ly để có trách nhiệm và không ảnh hưởng đến người khác. Tôi sẽ sử dụng thời gian yên tĩnh này để cầu nguyện và hy sinh thêm cho tất cả những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus này,” Đức Tổng Giám Mục cho biết.

“Tôi cầu xin để được sớm khỏe lại và tiếp tục truyền giáo. Trong thời gian này, tôi sẽ có mặt trên Facebook và trên trang web của tổng giáo phận để trình bày các suy tư về cuộc khủng hoảng này và về ơn chữa lành của Thiên Chúa. Xin Đức Bà là Đấng Mau Bầu Chữa, xin cứu giúp chúng ta! Xin Chân Phước Seelos, cầu cho chúng ta!”

Đức Tổng Giám Mục Aymond, 70 tuổi, là Tổng Giám Mục của New Orleans từ năm 2009. Trước đó, ngài là Giám mục của Austin và trước nữa là Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận New Orleans.

Tại Ý, Đức Cha Derio Olivero, 59 tuổi, Giám mục giáo phận Pinerolo, đã thử nghiệm dương tính với COVID-19. Ngài được đưa vào bệnh viện ngày 19 tháng Ba với các biến chứng hô hấp. Tình trạng của ngài được ghi nhận là ổn định.

Đức Cha Antonio Napolioni, Giám mục giáo phận Cremona, là vị Giám Mục Ý đầu tiên nhiễm coronavirus. Ngài đã hồi phục sau khi nằm bệnh viện trong 10 ngày với các triệu chứng hô hấp nghiêm trọng sau khi nhiễm coronavirus. Ngài đã trở về nhà vào ngày 16 tháng Ba.

Bốn linh mục triều và một thừa sai truyền giáo, là Cha Edmondo Zagano, đã chết vì COVID-19 tại Giáo phận Cremona.

Đề cập đến thời gian ở bệnh viện, Đức Cha Napolioni nói:

“Tôi đã trải qua từng phút từng phút một thảm kịch này trong tình huống và khối lượng công việc thật nặng nhọc đối với các bác sĩ, y tá và tất cả các nhân viên.”

“Đây là một Mùa Chay thật ngỡ ngàng. Tuy nhiên, trong một ý nghĩa nhất định, chúng ta sống kinh nghiệm Chúa Giêsu đã trải qua ở sa mạc trong bốn mươi ngày, chiến đấu với ma quỷ. Mùa Chay năm nay thiếu vẻ đẹp của các tập quán đạo đức trong Phụng Vụ, nhưng đầy rẫy mầu nhiệm sâu sắc của cái ác, cái chết và sự tuyệt vọng. Nhưng Chúa vẫn đang ở đó. Chúng ta phải nhận ra sự hiện diện của Ngài.”
 
Số ca nhiễm bệnh tại Mỹ tăng phi mã. Đức Thánh Cha nghẹn ngào trước cái chết của các bác sĩ và y tá
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:40 24/03/2020
Tính cho đến chiều Thứ Ba 24 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức đáng âu lo với 16,568 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 382,057 người. Như thế, trong 24 giờ qua, toàn thế giới đã có thêm 1,812 người bị thiệt mạng và 40,361‬ trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Số trường hợp tử vong tại Ý vẫn tiếp tục gia tăng một cách đáng âu lo. Tính đến sáng Thứ Ba 24 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 6,077 người, và 63,927 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Như thế, trong 24 giờ qua, tại Ý đã có thêm 601 người bị thiệt mạng và 4,789 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Cứ đà này thì trong vài ngày tới số trường hợp nhiễm bệnh tại Ý sẽ cao hơn cả số người nhiễm bệnh tại Hoa Lục, và số người chết sẽ gấp đôi số người thiệt mạng tại Trung Quốc.

Đó là nói theo các con số chính thức do bọn cầm quyền Bắc Kinh thông báo. Con số thật là một bí mật quốc gia của bọn cầm quyền cộng sản, không ai biết được.

Cho đến nay, Bắc Kinh thừa nhận trên toàn cõi Hoa Lục con số thương vong là 3,277 người chết, và 81,171 trường hợp nhiễm bệnh. Trong số các trường hợp nhiễm bệnh này, Bắc Kinh cho biết đã có 73,159 người đã hoàn toàn khỏi bệnh. Trong cuộc họp báo sáng thứ Ba, bộ Y tế Trung Quốc nói chỉ có 5,120 người đang nhiễm bệnh, trong đó có 1,749 trường hợp nghiêm trọng phải nằm bệnh viện, số còn lại được cho về nhà, cách ly tại gia.

Sau Trung Quốc và Italia, Hoa Kỳ đang là nước thứ ba trên thế giới về phương diện nhiễm bệnh với 46,145 trường hợp. Số trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 582 người.

Các nhân viên y tế từ Đông sang Tây của Hoa Kỳ cho biết họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu khẩu trang y tế, máy thở và nhân viên rất nghiêm trọng vì nhiều bác sĩ và y tá cũng bị nhiễm bệnh.

11 bệnh viện công của thành phố New York sẽ chỉ có thể vượt qua được tuần này trước khi họ bắt đầu đạt đến “một điểm mà không phải mọi người đều thể được cứu”, Thị trưởng Bill de Blasio cho biết hôm thứ Hai.

Bác sĩ phẫu thuật Jerome Adams của Hoa Kỳ nói trong chương trình “Today” của NBC hôm thứ Hai rằng: “Tôi muốn người Mỹ nên hiểu rằng, tình hình đã trở nên tồi tệ.”

“Chúng tôi thực sự, thực sự cần tất cả mọi người ở nhà. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người đang làm những điều đúng đắn, nhưng cũng có rất nhiều người nghĩ rằng coronavirus không thể xảy ra với họ.”

Tại Tây Ban Nha, đến nay đã có 35,136 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 2,313 người chết. Trong 24 giờ của ngày thứ Hai, Tây Ban Nha đã phải chứng kiến cái chết của 539 người, là số tử vong trong một ngày cao nhất cho đến nay.

Tại Đức đã có 123 người chết; và 29,056 trường hợp nhiễm bệnh.

Tiếp theo là Iran với 1,812 người chết, tăng 127 người trong vòng 24 giờ; và 23,049 trường hợp nhiễm bệnh, tức là chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1,411 trường hợp nhiễm bệnh mới được ghi nhận.

Các Giám Mục Ba Lan thể hiện sự gần gũi với anh chị em giáo dân qua các chương trình trực tuyến

Đức Cha Romuald Kamiński, Giám Mục giáo phận Warszawa-Praga, chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông Hội Đồng Giám Mục cho biết trong tình hình hiện nay, khi nhiều nơi các thánh lễ đã bị đình chỉ, khi Giáo Hội và thế giới đang đối diện với một thử thách thật khó khăn, nhiều người trong chúng ta mất tinh thần, các Giám Mục đã quyết định phát trên Youtube và các đài truyền hình địa phương một chương trình tĩnh tâm trên toàn quốc có chủ đề “đức tin, hy vọng và tình yêu”. Chương trình này được bắt đầu từ ngày 24 tháng Ba và sẽ kéo dài trong sáu ngày với các bài thuyết giảng vào lúc 8 giờ, 16g và 20g.

Các bài thuyết giảng chỉ kéo dài trong hai phút, sau đó là cùng nhau lần chuỗi Mân Côi. Các chương trình này có thể được xem đăng trên Twitter, Facebook, kênh YouTube của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan và trên trang web www.episkopat.pl, cũng như trên kênh YouTube của đài truyền hình SalveNet.

“Chúng tôi mời anh chị em đón xem từ ngày 24 đến 29 tháng Ba,” ngài nói.

Lần chuỗi Mân Côi tại thành phố Palermo cầu nguyện cho đất nước trước dịch bệnh kinh hoàng

Tại tổng giáo phận Palermo, Đức Tổng Giám Mục Corrado Lorefice đã có sáng kiến chủ sự mỗi ngày một buổi đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho đất nước và thành phố trước tình hình dịch bệnh kinh hoàng.

Ngài đến nhà thờ, cầu nguyện một mình trước di hài của Thánh Rosalia, trước khi cùng lần chuỗi với anh chị em giáo dân tham gia trực tuyến. Trong đoạn video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, Đức Tổng Giám Mục cầu nguyện như sau: “Lạy Thánh Rosalia, con phó dâng đất nước và thành phố của chúng con, cũng như tất cả các thành phố trên thế giới cho sự cầu bầu của ngài. Xin cho chúng con sớm được giải thoát khỏi bệnh dịch quái ác này đang gây ra các đau thương trên các cơ thể và làm suy yếu tâm trí chúng con”.

Sau đó, ngài đốt lên một ngọn nến lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Các Giám Mục Bồ Đào Nha mời gọi các quốc gia trên thế giới thánh hiến tại Fatima

Vào ngày thứ Tư 25 tháng Ba, Lễ Truyền Tin, các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới có thể được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Vô nhiễm Đức Maria trong một cử hành phụng vụ tại Fatima, được xây dựng tại nơi vào năm 1916 và 1917 Đức Trinh Nữ Mary đã hiện ra với ba đứa trẻ Bồ Đào Nha.

Để đối phó với đại dịch coronavirus toàn cầu, Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha tuyên bố vào tuần trước rằng các ngài sẽ tái thánh hiến Bồ Đào Nha cho Chúa Kitô và Đức Maria vào tối ngày 25 tháng Ba. Ngay sau khi thông báo này được đưa ra, Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha đã yêu cầu các Giám Mục Bồ Đào Nha cũng thánh hiến Tây Ban Nha cùng buổi cử hành phụng vụ này.

Tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha nói với ACI Digital, đối tác tin tức tiếng Bồ Đào Nha của CNA, rằng bất kỳ quốc gia nào khác cũng có thể tham gia sáng kiến này, chỉ đơn giản là đưa ra một yêu cầu từ Hội Đồng Giám Mục.

Trong phụng vụ cử hành ngày 25 tháng 3, Đức Hồng Y Manuel Clemente, là Thượng Phụ Lisbon, cùng với Đức Hồng Y António Marto, giám mục giáo phận tại Fatima, sẽ chủ sự lần chuỗi Mân côi, trước khi thánh hiến bán đảo Iberia, cùng với bất kỳ quốc gia nào khác tham gia vào sáng kiến này, lên Thánh Tâm của Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Cho đến sáng thứ Ba 24 tháng Ba, đại dịch coronavirus đã lây nhiễm gần 400,000 người và giết chết hơn 16,000 người trên toàn thế giới. Tại Bồ Đào Nha, hơn 2,000 người đã bị nhiễm bệnh và hơn 20 người đã thiệt mạng. Ở nước láng giềng Tây Ban Nha, hơn 30,000 người đã bị nhiễm bệnh và 2,200 người đã thiệt mạng.

Đức Thánh Cha nghẹn ngào trước tấm gương anh hùng của các bác sĩ và y tá

Lúc 7 sáng thứ Ba 24 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các nhân viên y tế. Như chúng tôi đã đưa tin, tại một bệnh viện trong vùng Cremona, cách Rôma 513km về phía Tây Bắc, một số nhân viên y tế đã qua đời vì nhiễm bệnh sau khi làm việc kiệt sức nhiều giờ trong một ngày. Thi thể họ phải để tạm trong nhà nguyện của bệnh viện. “Đứng trước số bệnh nhân quá đông, chúng tôi không muốn thấy họ chết, nên chúng tôi cố làm việc, thường khi đến 18, 20 giờ trong một ngày. Xin cầu nguyện cho chúng tôi,” một người y tá nói.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nghẹn ngào nói trong một cố gắng để đừng bật khóc:

Tôi đã nhận được tin rằng trong những ngày này, một số bác sĩ và linh mục đã chết, không ít y tá cũng đã thiệt mạng. Họ đã bị nhiễm bệnh vì gắng sức cứu các bệnh nhân. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, cho gia đình của họ. Tôi cảm tạ Chúa vì tấm gương anh hùng mà họ dành cho chúng ta trong việc chăm sóc các bệnh nhân.

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã tập trung vào chủ đề sự thờ ơ như được trình bày trong các bài Phúc Âm của ngày Thứ Ba trong Tuần thứ tư Mùa Chay.

PHÚC ÂM: Ga 5, 1-3a. 5-16

“Tức khắc người ấy được lành bệnh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Hôm đó là ngày lễ của người Do Thái, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần cửa “Chiên”, có một cái hồ, tiếng Do Thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm. Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: “Anh muốn được lành bệnh không?” Người đó thưa: “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”. Chúa Giêsu nói: “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về”. Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbat, nên người Do Thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: “Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng”. Anh ta trả lời: “Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: “Vác chõng mà đi”. Họ hỏi: “Ai là người đã bảo anh “Vác chõng mà đi?” Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.

Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: “Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước”. Anh ta đi nói cho người Do Thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh.

Vì thế người Do Thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Các bài đọc trong ngày nói về nước là một dấu chỉ và một phương tiện cứu rỗi. Nước mang lại sự sống, và chữa lành cả “vùng biển”, làm cho nó trở thành vùng nước mới.

Chính là bên cạnh một hồ nước mà Chúa Giêsu gặp một người đàn ông bị liệt. Anh ta đã chờ đợi để được chữa lành bên cạnh dòng nước đó trong suốt 38 năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đào sâu vào sự bất nhất của một người đàn ông đã chờ đợi rất lâu mà không chịu làm gì để tự giúp mình.

Câu chuyện này làm cho chúng ta suy nghĩ. Chờ đợi như thế là quá lâu phải không nào? Bởi vì ai đó muốn được chữa lành sẽ làm mọi cách để có ai đó giúp anh ta chứ.

Phản ứng của anh ta cũng khiến chúng ta ngạc nhiên. Khi Chúa hỏi anh ta có muốn được chữa lành không, anh ta không hề nói: Vâng xin chữa cho tôi. Nhưng anh ta phàn nàn: “tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”. Chúng ta cũng không thấy anh ta nhảy lên vì sung sướng, hay nói cho cả thế giới hay biết, như những người khác đã làm sau khi họ được chữa lành. Anh ta thậm chí cũng chẳng cám ơn Chúa Giêsu khi gặp lại Chúa trong Đền thờ. Thay vào đó, anh ta đi thông báo cho chính quyền. Có điều gì không đúng với người đàn ông này chăng?

Trái tim anh bị bệnh. Tâm hồn anh có vấn đề. Anh ta suy nhược vì bi quan, vì nỗi buồn, vì sự lãnh đạm không thiết tha sự gì. Đây là một con người đau yếu. Khi Chúa hỏi anh, anh chẳng tha thiết trả lời “Có, tôi muốn được chữa lành”. Trái lại, phản ứng của anh ta trước thiện chí của Chúa là lời càm ràm “những người khác luôn đến trước tôi” trong suốt 38 năm anh không tích cực làm gì để được chữa lành.

Đức Thánh Cha mô tả đây là một tội lỗi thường thấy trong cuộc đời, khi người ta không làm gì tích cực cho chính cuộc sống mình nhưng không ngừng phàn nàn về những người khác. Nó kìm hãm người đàn ông này trong suốt 38 năm ròng rã không đưa ra bất kỳ quyết định nào cho cuộc sống của chính mình. “Tôi là nạn nhân của cuộc đời này”. Đó là câu nhiều người thường nói.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng những hạng người này hít thở bằng cách phàn nàn. Chúng ta không nhìn thấy nơi người đàn ông này “niềm vui và ý chí” của người đàn ông mù từ khi mới sinh ra và đã được chữa lành, như được tường thuật trong bài Tin Mừng hôm thứ Hai Tuần thư Mùa Chay. “Nhiều người trong chúng ta sống trong tình trạng thờ ơ này,” Đức Thánh Cha cảnh báo.

Họ không có khả năng làm nhiều việc như người khác nhưng họ phàn nàn về mọi thứ. Sự thờ ơ lãnh đạm là chất độc. Nó là một màn sương mù bao quanh linh hồn, không cho phép linh hồn ta sống. Nó cũng là một loại thuốc gây nghiện ngập bởi vì nếu anh chị em nếm nó thường xuyên, anh chị em sẽ thích nó. Cuối cùng anh chị em nghiện nỗi buồn, nghiện sự tẻ nhạt. Đây là một tội lỗi khá thường xuyên trong số chúng ta. Nỗi buồn, sự thờ ơ. Tôi không nói là u sầu, nhưng nó rất giống nhau. Đó là một cuộc sống xám xịt, mờ mịt vì thái độ thối chí, buồn bã, u sầu này.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng bằng cách khuyến khích chúng ta đọc lại chương 5 của Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Hãy nghĩ về nước, nước là biểu tượng cho sức mạnh của chúng ta, cho cuộc đời chúng ta – hãy nghĩ về nước mà Chúa Giêsu dùng để tái sinh chúng ta trong Bí tích Rửa tội. Chúng ta cũng hãy nghĩ về bản thân mình và cảnh giác để đừng ai trong chúng ta rơi vào mối nguy hiểm của tình trạng thờ ơ này, vào thứ tội lỗi trung tính này - không phải đen cũng chẳng phải là trắng. Đây là một tội lỗi mà ma quỷ có thể sử dụng để nhấn chìm đời sống tinh thần và đời sống cá nhân của chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta hiểu tội lỗi này khủng khiếp và xấu xa đến mức nào.


Source:Vatican News
 
Xin canh giờ cùng nhau đọc kinh Lạy Cha với Đức Thánh Cha và toàn thế giới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:47 24/03/2020
Trước tình hình nguy tử của thế giới, trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 22 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã mời gọi chúng ta như sau

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày thử thách này, trong khi loài người rúng động vì mối đe dọa đại dịch, tôi muốn đề xuất tất cả các Kitô hữu chúng ta hãy hợp nhất dâng lời nguyện lên Thiên đàng. Tôi mời tất cả những người đứng đầu các Giáo hội và các nhà lãnh đạo của tất cả các Cộng đồng Kitô giáo, cùng với tất cả các Kitô hữu của các hệ phái khác nhau, cùng nhau cầu khẩn Thiên Chúa Chí Tôn, Toàn Năng, cùng đồng thanh đọc lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu, Chúa chúng ta đã dạy. Do đó, tôi mời tất cả mọi người làm như vậy nhiều lần trong ngày, nhưng, tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ đọc kinh Lạy Cha vào giữa trưa ngày Thứ Tư 25 tháng 3. Vào ngày mà nhiều Kitô hữu kính nhớ mầu nhiệm Thiên thần Truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria về sự nhập thể của Ngôi Lời. Xin Chúa lắng nghe lời cầu nguyện đồng tâm nhất trí của tất cả các môn đệ của Ngài đang chuẩn bị để mừng chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh.

Giữa trưa ngày thứ Tư 25 tháng Ba là tính theo giờ Rôma.

Vào thời điểm đó:

Tại Việt Nam:

6g chiều thứ Tư 25 tháng Ba

Tại Australia:

Perth: 7g chiều thứ Tư 25 tháng Ba

Brisbane: 9g tối thứ Tư 25 tháng Ba

Adelaide: 9g30 tối thứ Tư 25 tháng Ba

Melbourbe, Sydney, Canberra: 10g tối thứ Tư 25 tháng Ba

Tại Hoa Kỳ:

California: 4g sáng thứ Tư 25 tháng Ba

Houston: 6g sáng thứ Tư 25 tháng Ba

Washington DC: 7g sáng thứ Tư 25 tháng Ba
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Con Nương Tựa Chúa - Trình bày: Ca Sĩ Kim Thúy
VietCatholic Network
22:15 24/03/2020