Ngày 24-03-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Truyền Tin: Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Anmai, Cssr
03:19 24/03/2009
LỄ TRUYỀN TIN: CÓ TIN VUI GIỮA GIỜ TUYỆT VỌNG !

Vui - buồn, sướng - khổ, hạnh phúc - bất hạnh … Tất cả những trải nghiệm đó bất cứ ai là người và làm người đều đã hơn một lần cảm nhận trong đời mình. Với những người có kinh nghiệm thực tế gần đụng chạm đến cái chết thì sẽ thấy được tin vui ở cái giờ tuyệt vọng nó quý báu là dường nào. Gần đây nhất, đoàn khách du lịch người Nga bị tai nạn ở đèo Lò Xo, người phụ nữ cố bò lên khỏi vực sâu và cầu cứu. Càng kêu cứu thì càng vô vọng vì đoạn đường này ít người qua lại và trời đã về chiều. Đang chìm trong vô vọng ấy, cô du khách người Nga đã vẫy tay gọi một anh kỹ sư công ty Toshiba và anh này đã mang tin vui cho những người may mắn còn sót lại trong đoàn du lịch. Chắc có lẽ trong quãng đời còn lại của mình, cô du khách may mắn đó không thể nào quên được giây phút mà mình được cứu đấy. Và chỉ có mình cô mới có thể cảm nhận được cái hạnh phúc của giờ khắc ấy.

Ai đã từng sống trong giây phút tuyệt vọng mà có tin vui cứu mình mình sẽ cảm thân hân hoan, nô nức và muốn chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người ngay. Trong dòng tâm tình vui vì được cứu, hân hoan vì được cứu độ ấy, Trầm Tử Thiêng đã bày tỏ cảm xúc của mình:

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng.
Một vòng tay vừa mới mở ra
Cứu anh em những đời mạt vận
Đường mơ đi càng bước càng xa
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Hai mươi năm tưởng đá vàng phai
Có em tôi nuốt từng giọt lệ
Ngậm oan khiên đợi mãi một ngày...
Hãy nói cho mọi người cùng nghe:
Người đã cứu người
Hãy nói cho mọi người cùng nghe:
Làng Việt Nam đang xây thêm bên ngoài Việt Nam
Hãy nói cho mọi người cùng nghe:
Người đã cứu người
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng.
Lời cầu kinh vừa có người nghe.
Trái tim ơi, đất trời lồng lộng.
Chờ đêm đêm biển hát tình ca.
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Bao sinh linh nhận phép giải oan.
Xiết tay nhau cúi đầu gạt lệ.
Tạ ơn Trên. Người vẫn thương người

Trầm Tử Thiêng muốn nói với mọi người rằng ông đã được giải thoát và Người đã cứu con người. Ông cũng không quên tạ ơn Trên, tạ ơn Đấng Cứu độ rằng Người đã, vẫn và sẽ còn thương con người.

Ngày hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng kỷ niệm cái ngày “có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” đến với một con người, con người ấy tên là Maria. Giáo Hội không phải mừng vừa vừa, mừng nho nhỏ mà phải mừng lớn, mừng thật to vì lẽ tin vui đến với Đức Maria cũng là tin vui đến cho nhân loại, đến cho toàn thể Giáo Hội, đến cho tất cả những ai tin và đón nhận tin vui ấy.

Cùng trong dòng chảy của cuộc đời, Đức Trinh Nữ Maria sống đấy nhưng hằng khao khát, hằng ước mong mình được ơn cứu độ từ ơn Trên, từ Thiên Chúa. Tưởng chừng như Thiên Chúa không còn ra tay, Thiên Chúa khép lòng lại với những con người cứng đầu cứng cổ như dân Do Thái nhưng không, Thiên Chúa đã đoái thương thân phận con người mỏng dòn và yếu đuối. Thiên Chúa vẫn chạnh thương, Thiên Chúa vẫn chờ đợi con người.

Muốn lãnh nhận tin vui, tin vui cứu độ thì phải mở lòng ra và chờ đón và phải tin. Nhiều và nhiều người Do Thái sống đồng thời với Đức Trinh Nữ Maria. Họ cũng mang trong mình lòng ngóng đợi ơn cứu độ đấy chứ nhưng mà lòng của họ đã khép lại với Thiên Chúa. Họ khép lại để rồi chỉ có mình Mẹ Maria là đón nhận và đón nhận trong lòng tin, đón nhận trong sự phó thác cho sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.

Tin vui cứu độ nó không giống như những tin vui khác của cuộc đời, tin vui cứu độ được ẩn giấu hay được bọc dưới một cái vỏ bọc sần sùi, gai góc và thậm chí còn đắng cay nữa.

Bằng chứng là tin vui mà Đức Trinh Nữ Maria đón nhận ngày hôm nay đâu có đơn giản như mọi người nghĩ, mọi người thấy. Cực lắm chứ ! Khổ lắm chứ ! Nếu chúng ta đọc lại toàn bộ những biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời của Đức Maria từ ngày “Tin vui” được truyền đến cho ngày “Tin vui” nhắm mắt lìa đời. Thử nhìn lại chúng ta thấy “Tin vui” ấy thật sự chẳng vui chút nào dưới con mắt của người đời. Nào là bị Giuse định tâm lìa bỏ, nào là phải sinh cái “Tin vui” ấy trong hang đá máng cỏ, nào là phải bồng bế, dắt díu cái “Tin vui” ấy trốn sang Ai Cập, nào là phải sống nghèo với cái “Tin vui” ấy trong cái làng Nagiaret nghèo. Rồi cũng chưa yên, lớn lên thì “Tin vui” lại đi rao truyền Tin Vui và bị người đời phỉ báng và cuối cùng giết chết cái “Tin Vui” của Đức Trinh Nữ Maria và còn treo cái “Tin Vui” ấy trên thập tự giá.

Thế đấy ! Gọi là “Tin Vui” đến với Mẹ nhưng đâu có đơn giản theo nghĩa của người đời. Mẹ Maria có một lòng tin đủ mạnh để đón nhận “Tin Vui” của Thiên Chúa với biết bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu thử thách của cuộc đời. Phải có một tâm hồn đơn sơ, phải có một thái độ khiêm hạ như Mẹ thì mới đón nhận “Tin Vui” của Thiên Chúa được.

Lời đón nhận “xin vâng” ngày hôm nay chúng ta nghe Đức Trinh Nữ Maria đáp lại sau khi nghe lời của sứ thần không phải là đơn giản, không phải là ngày một ngày hai nhưng mà phải là một quá trình dài của chiêm niệm, của lắng đọng. Đức Trinh Nữ Maria đã gắn kết cuộc đời của Mẹ từ những ngày còn ấu thơ để rồi hôm nay Mẹ vui vẻ đáp lại lời xin vâng.

“Tin Vui” đã đến với chúng ta, đến với con người hơn 2000 năm qua nhưng do con người cứ loay hoay mãi với cái cõi tạm này để rồi không còn năng lực, không còn khả năng đón nhận “Tin Vui” ấy nữa. Lý do đơn giản và dễ hiểu vì lẽ “Tin Vui” mà Mẹ đón nhận không phải là “Tin Vui” theo kiểu của người đời mà là “Tin Vui” của Thiên Chúa. “Tin vui” ấy thường bị người đời khinh chê phỉ báng như những người Biệt phái và Luật sĩ ngày xưa.

Cái gì cũng vậy trong cuộc đời, có cay đắng mới có ngọt ngào, có đau khổ mới có hạnh phúc, có sống trong những giây phút tuyệt vọng mới cảm thấy quý báu khi có tin vui. Mẹ Maria cũng trải qua quá nhiều đau khổ, quá nhiều mất mát và phải chịu đựng đôi khi quá sức của một người thiếu nữ Do Thái để đón nhận “Tin Vui”, để sinh hạ “Tin Vui”, để cùng ăn cùng ở, cùng sống, cùng đồng hành với “Tin Vui” trên mọi nẻo đường đời. Sự hy sinh, chịu thương chịu khó của Mẹ đã được “Tin Vui” thưởng công xứng đáng cho Mẹ trong Nước của “Tin Vui”.

Phần chúng ta, dừng lại một chút để nhìn lại biến cố Truyền Tin, biến cố lãnh nhận “Tin Vui” của Mẹ Maria để chúng ta nhìn lại thái độ, tâm tình sống của chúng ta. Chúng ta có sống, có chiêm niệm, có sẵn sàng mở lòng ra đón nhận “Tin Vui” như Mẹ đã sống, đã đón nhận hay không ?

“Tin Vui” đã có rồi, “Tin Vui” đã đến rồi nhưng phần chúng ta, chúng ta có đón nhận một cách vui vẻ, đón nhận một cách nhưng không, đón nhận một cách tin tưởng và phó thác như Mẹ hay không đó là phần trả lời của mỗi người chúng ta trước “Tin Vui” mà Thiên Chúa đã ban xuống tự cõi Trời.

 
Sứ điệp truyền tin: Sứ điệp của niềm vui
LM. Giuse Nguyễn Thành Long
03:29 24/03/2009
LỄ TRUYỀN TIN

SỨ ĐIỆP TRUYỀN TIN - SỨ ĐIỆP CỦA NIỀM VUI

Sứ điệp mà Thiên thần đem đến cho Đức Maria trong ngày Truyền Tin là sứ điệp của niềm vui: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân phúc ….”. Vậy đâu là lý do của niềm vui mà thiên thần muốn mời gọi Mẹ hãy mừng vui lên ? Ta thấy ít là có ba lý do:

- Lý do thứ nhất: qua biến cố Truyền Tin, bình minh ơn cứu độ đã được khởi đầu.

Sau khi tổ tông sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã không bỏ rơi hay trừng phạt, nhưng Ngài hứa ban ơn cứu độ cho con người. Và để thực hiện chương trình đó Thiên Chúa đã chọn gọi các tổ phụ, các tiên tri để rồi chuẩn bị và thiết lập một dân riêng, dân tộc Israel. Chương trình cứu độ ấy được bắt đầu thực hiện từ biến cố truyền tin, biến cố mà nhân loại đã mong đợi từ lâu, biến cố mà tất cả các tiền nhân công công chính đang khát khao trông chờ. Ngày truyền tin như là hừng đông báo trước ngày Đức Kitô, Mặt Trời Công Chính xuất hiện.

- Lý do thứ hai: qua biến cố Truyền Tin, Ngôi Hai Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại.

Con Thiên Chúa vốn là Đấng vô hình đã trở nên hữu hình để đồng hành, chia sẽ thân phận của con người. Con Thiên Chúa là Đấng hằng hữu, có từ đời đời đã chấp nhận đi vào không gian thời gian, đi vào lịch sử phàm nhân. Con Thiên Chúa là Đấng siêu linh đã mặc lấy xác phàm và trở nên Emmanuel, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Bởi đó ta có thể hiểu tại sao lễ Truyền Tin được gọi là lễ trọng Kính Chúa, chứ không phải là lễ Kính Đức Mẹ là vậy.

- Lý do thứ ba: qua biến cố Truyền Tin, ơn gọi và phẩm giá cao quí của con người được khẳng định.

Ơn gọi của con người trở nên cao quý vì, từ chổ là kẻ thù nghịch với Thiên Chúa, mà nay lại được Thiên Chúa mời gọi cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài, mà đại biểu vô cùng ưu tú là Đức Maria qua lời thưa xin vâng. Lời xin vâng (Fiát) của Đức Maria phản ánh lời xin vâng trọn hảo của Đức Giêsu. Nói cách khác, biến cố Truyền Tin là biến cố của sự gặp gỡ giữa lời xin vâng của Đức Giêsu và lời xin vâng của Đức Maria, lời xin vâng làm nên ơn gọi cao quý cho con người.

Hơn nữa, qua biến cố Truyền tin, phẩm giá của con người cũng được nên cao trọng bội phần, vì từ thân phận tội nhân, đáng bị án phạt đời đời, nay chúng ta được trở nên anh em, chị em và là mẹ của Chúa Giêsu. Đồng thời được trở nên con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Còn ân phúc nào lớn lao hơn nữa. Vui mừng là điều rất phải lẽ.

Khi thiên thần bảo Mẹ hãy mừng vui lên cũng chính là bảo mỗi người chúng ta hãy vui mừng lên. Niềm vui của Mẹ cũng là niềm vui của mỗi người chúng ta. Hồng ân mà Mẹ được hưởng, chính chúng ta cũng được hưởng.

Vậy trước những niềm vui và hồng ân đó, tâm tình sống của chúng ta là gì ? Trước hết đó là tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Thiên Chúa Cha vì đã yêu thương ban tặng chính Con Một của Ngài để cứu độ nhân loại chúng ta. Tạ ơn Đức Giêsu Kitô vì Ngài đã cho chúng ta được làm anh chị em với Ngài và được trở nên đồng thừa tự với Ngài. Tạ ơn Ba ngôi Thiên Chúa đã cho chúng ta được cộng tác vào chương trình cứu độ. Sau nữa là tâm tình tri ân Đức Mẹ vì qua lời thưa xin vâng của Mẹ, mà Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã trở nên Emmanuel, đem lại sự sống thần linh, sự sống đời đời cho chúng ta. Amen.
 
Sai lỗi và xin lỗi
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
14:55 24/03/2009
Mỗi người sửa mình một chút – đời sẽ đẹp biết bao!

Mùa chay là mùa sám hối. Sám hối không chỉ là hối tiếc trước một việc sai trái đã qua. Sám sối chủ yếu là thấy sai để sửa. Sám hối là biết hối lỗi và biết xin lỗi.

Sai và sửa sai, lỗi và xin lỗi là một chuyện bình thường có tính quy luật. Bởi vì sai mà không sửa, lỗi mà không xin lỗi, sửa sai xin lỗi không kịp thời thì không những không có tiến bộ mà còn ngày càng lún sâu trong vực thẳm suy vong.

Là con người, ai cũng có sai sót, lầm lỗi, không trừ một ai. Chỉ có điều là có những người không có khả năng thấy được sai lầm, thậm chí còn cho rằng mình không thể phạm sai lầm, thiếu sót, hoặc đã thấy mình sai lỗi nhưng không chịu thừa nhận, hoặc có thừa nhận nhưng không chịu sửa chữa, không xin lỗi, hoặc có sửa chữa mà cũng không thành thật, không quyết tâm cho đến cùng.

Từ xưa, các bậc minh triết đã cho rằng việc thấy được sai lỗi của bản thân mình, có dũng khí để công khai thừa nhận và có quyết tâm sửa chữa những sai lỗi đó là những dấu chỉ của một con người chân chính, trung thực, đáng cho mọi người tin cậy và kính trọng.

Trong kho tàng thành ngữ điển tích của Trung hoa ngày xưa có những câu chuyện giàu ý nghĩa: “Thửa xưa, người nước Trịnh hay đến họp nhau ở trường học trong làng để bàn về những ưu khuyết điểm của nhà cầm quyền. Lúc ấy Tư Sản làm tướng, có người khuyên ông nên huỷ trường học đó đi. Tư Sản nói: Cứ để chỗ cho họ lấy chỗ họp bàn với nhau, điều gì cho là phải thì ta làm, điều gì cho là trái thì ta đổi, những người ấy chính là thầy học của ta đó, việc gì mà phải huỷ ?”.

Các bậc thánh hiền dạy rằng: nếu mắc sai lỗi thì công khai nhận sai lỗi đó, rồi tìm nguyên nhân sai lỗi và đề ra biện pháp và quyết tâm sữa chữa.Thái độ đối với sai lỗi như thế là thước đo một người chân chính.

Nhiều người than phiền rằng: ngày nay tiếng cảm ơn và xin lỗi, bài học về phép lịch sự đầu tiên của mỗi người dường như đang bị nhiều người trẻ lãng quên. Tiếng cảm ơn xin lỗi đang thưa dần...

Tiếng “cảm ơn” thốt ra làm người nói và người nghe đều vui. Đó là nền tảng đạo đức. Có những gia đình coi trọng việc giáo dục con cái, cha mẹ vẫn nói tiếng “cảm ơn” con mình như một tấm gương soi. Lời cảm ơn đã trở thành một thứ văn hóa ứng xử.

Từ “xin lỗi” cũng vậy, khi làm việc gì tổn thương tới người khác, ta “xin lỗi”. Lỡ chạm vào một người đi gần, lỡ va quẹt khi đi xe, lỡ nói một lời làm tổn thương, ta đều “xin lỗi”.

Từ nhiều năm trở lại đây, nền tảng đạo đức đang mờ nhạt dần. Tiếng “cảm ơn” đã thưa thớt. Hình như người ta không biết đến nó hay đã cố quên đi. Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng chứng kiến nhiều trường hợp người hỏi thăm đường, hỏi thăm nhà không cần “cảm ơn”. Người đánh rơi đồ vật được người đi đường lượm giúp cũng không cần “cảm ơn”, mà trong số đó, đâu ít trường hợp là sinh viên, học sinh hay công chức.

Từ “xin lỗi” cũng cùng chung số phận. Người ta đã ít dùng đến nó. Người ta không muốn nhận lỗi, cho dù họ đã làm tổn thương đến người khác. Chuyện nhỏ đã đành, chuyện lớn cũng vậy. Và trong đời sống, dần dần có một số đông người đã không hề biết đến hai cặp từ “cảm ơn” và “xin lỗi”.

Nhận ra lầm lỗi của mình là điều rất khó. Có người ví von rằng mỗi người đều mang một gùi đầy tội sau lưng và một gùi công đức trước ngực. Vì thế, người ta chỉ thấy công đức mà không thấy được lầm lỗi của mình. Ông Dale Carnegie, một học giả trứ danh người Mỹ viết nhiều cuốn sách nổi tiếng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới quả quyết rằng: “Tôi đã bỏ ra gần 70 năm trong đời để khám phá ra chân lý nầy là dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần phạm lỗi thì có tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội.”.

Bạn thân mến,

"Xin lỗi" là một tiếng thường dùng trong giao tiếp và quan hệ giữa xã hội. Xin lỗi có sức mạnh và giá trị đặc biệt, cần tập luyện để mỗi người sống tốt đẹp các mối quan hệ hàng ngày.

Sức mạnh của lời xin lỗi

Năm Thánh 2000, năm Đại Toàn Xá, ĐGH Gioan Phaolô II đã ngõ lời xin lỗi thế giới về những lỗi lầm của Giáo hội trong quá khứ. Nhiều tổng thống, thủ tướng, thượng nghị sĩ hay những người nổi tiếng phải triệu tập những cuộc họp báo để xin lỗi công chúng vì những hành động hay lời nói của họ.

Tại sao lời xin lỗi lại quan trọng đến như thế? Xin thưa là bởi vì, lời xin lỗi có sức mạnh hoá giải, làm hoà và đi đến hoà bình.

Có một người con trai rất giận dỗi và không nói chuyện với bố mình. Ông ấy chỉ lo công việc mà không dành nhiều thời gian cho con cái. Một hôm ông nói: "Con trai, bố thực sự xin lỗi con vì cứ mải mê theo đuổi sự nghiệp mà không thể ở bên con, nhưng thực sự bố rất yêu con". Thật là kỳ diệu. Họ ôm nhau và lần đầu tiên trong nhiều năm qua, họ thực sự bắt đầu nói chuyện thân mật với nhau.

Chúng ta làm những điều sai lỗi, gây nổi buồn cho người khác. Chúng ta phê phán công việc của người khác trước đám đông, nói một điều làm ai đó tổn thương, rồi biện minh rằng: "Tôi chỉ đang đùa thôi". Không dễ dàng để nói một lời xin lỗi. Nhưng lời xin lỗi có một sức mạnh diệu kỳ. Bạn đã kinh nghiệm chưa?

Giá trị của lời xin lỗi

Biết nói lời xin lỗi, chứng tỏ ta có lòng kính trọng và thiện cảm đối với người bị hàm oan.

Xin lỗi có khả năng hóa giải cơn giận. Xin lỗi ngăn chặn các hiểu lầm nhau. Lời xin lỗi như liều thuốc chữa lành mọi vết thương lòng.

Xin lỗi mở cánh cửa tha thứ, giúp con người cảm thông với nhau.

Khi lỡ xúc phạm đến ai, ta cảm thấy hối hận và xấu hổ rồi bần thần, áy náy lương tâm. Khi ngõ lời xin lỗi, ta tìm đựơc bình an tâm hồn, cảm nhận sự thanh thản và thân thiện với anh em.

Biết lỗi và xin lỗi là dấu chỉ của một con người khiêm nhường.

Xin lỗi có một lối đi từ trái tim đến trái tim. Thành tâm, không giả tạo, mang đến nhiều lợi ích trong ứng xứ.

Một lời xin lỗi chân thành có sức mạnh vĩ đại, có khả năng biến đổi đời người, cho cả người xin và kẻ nhận.

Nghệ thuật nói xin lỗi

Bạn vừa “trót dại” gây lỗi lầm, làm tổn thương đến anh em. Bạn muốn nói lời xin lỗi. Ồ ! sao khó quá! Vừa xấu hổ, vừa tự mãn, nói làm sao đây? Đừng bối rối, hãy làm theo những bước sau đây, bạn sẽ tìm lại niềm vui.

Chịu trách nhiệm: Bước đầu tiên để xin lỗi là phải tự thừa nhận với bản thân rằng bạn đã có hành vi không tốt với ai đó. Bạn có thể nhận ra điều đó ngay hoặc phản ứng của người khác cho bạn biết đã làm một chuyện gây tổn thương.

Giải thích: Điều quan trọng là phải cho người bị tổn thương biết bạn không cố ý làm như thế. Đồng thời bạn phải thể hiện sự hối lỗi vì đã làm phiền đến họ.

Bày tỏ sự ân hận: Sẽ chẳng tác dụng nếu bạn nhận lỗi với người khác mà khuôn mặt tỉnh bơ, chẳng cảm xúc gì. Hãy thể hiện sự ăn năn, hối hận của bạn khi làm tổn thương người khác. “Mình cảm thấy rất hối hận khi nói ra bí mật của bạn. Mình rất xấu hổ với bản thân”, đó là một cách nói.

Sửa chữa lỗi lầm: Sau bao nỗ lực, bạn vẫn chưa thể hoàn thành được lời xin lỗi nếu chưa sửa chữa được sai lầm do mình gây ra. Nếu bạn làm hư hỏng tài sản của ai đó, hãy đề nghị được sửa chữa hoặc thay mới nó. Trong trường hợp thiệt hại vật chất không rõ ràng, hãy hỏi xem liệu bạn có thể làm gì. Ngoài ra, bạn cũng có thể “bồi thường” bằng cách gửi tặng “nạn nhân” của bạn một món quà nhỏ xinh xắn.

Chọn đúng thời điểm: Với những lỗi nhỏ như va phải ai đó, bạn hãy xin lỗi ngay, chớ để đến hôm sau. Sự khó chịu tích lũy theo ngày từ phía người bị bạn gây lỗi sẽ dẫn tới những căng thẳng không cần thiết trong mối quan hệ của hai người.

Nếu lỗi lầm nghiêm trọng hơn, như xúc phạm một người bạn, thì cần phải suy nghĩ nhiều hơn về lời xin lỗi. Trong trường hợp này, một sự xin lỗi quá nhanh chóng sẽ trở thành giả tạo, không chân thành. Đó không phải là chuyện ai “thắng” hay ai “thua” mà là làm sao để giữ được một mối quan hệ.

Gợi ý:

- Nhận lỗi càng sớm càng tốt. Nếu để vài tuần vài tháng sau, lời xin lỗi sẽ chẳng còn đơn giản là: “Mình xin lỗi” nữa.
- Nói về lỗi lầm của bạn với ngôn ngữ rõ ràng, tránh úp mở, mơ hồ. Hãy ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Nếu có “tình tiết giảm nhẹ” cho việc làm của bạn, nhớ đề cập đến ngay.
- Giọng điệu là điều rất quan trọng. Lời xin lỗi phải được nói ra một cách chân thành nhất có thể. Và tránh lời xin lỗi chung chung như: “Mình rất tiếc vì những gì đã xảy ra với bạn”. Hãy nói “Mình rất hối hận vì việc làm của mình”.
- Sau khi xin lỗi, hãy giữ yên lặng và lắng nghe người đó nói về cảm giác của họ như thế nào. Lời xin lỗi nhờ đó sẽ thực sự hiệu quả.
- Hãy nhận bồi thường thiệt hại khi cần, nhưng đừng hứa hẹn quá khả năng của bạn.

Bạn thân mến,

Mùa chay là mùa sám hối để canh tân, sám hối để thấy được những sai lỗi bản thân, canh tân để sửa sai và đổi mới con người mình. Sám hối chính là từ bỏ đường xưa lối cũ, từ bò những tính hư tật xấu để bước vào đời sống mới với nhũng tâm tình tốt lành, thánh thiện. Sám hối là cải tà quy chính, từ bỏ, cắt đứt, đoạn tuyệt cái cũ xấu xa bất chính, từ đó mặc lấy con người mới,trở thành thụ tạo mới (Gal 6,15) mở lòng đón nhận ơn Chúa, mở ra những quan hệ tốt lành với anh em.

Lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu: ” Thời kỳ đã mãn, nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15). Gioan Tẩy Giả cũng khởi đầu sứ vụ bằng lời kêu gọi ấy: ”Hãy ăn năn sám hối, vì Nước Trời gần đến” (Mt 3,2). Sám hối là điều kiện thiết yếu để vào Nước Trời. Không ai có thể vào Nước Trời, không ai có thể làm môn đệ Chúa Kitô nếu không sám hối, không thay đổi tâm hồn cho hợp với sứ điệp Tin mừng. Nói một cách bóng bẩy, Chúa Giêsu dạy người ta phải sinh lại một lần nữa (x.Ga 3,3), hoặc trở nên như trẻ nhỏ (x Mt 18,3); phải mặc y phục lễ cưới khi vào dự tiệc cưới Nước Trời (x.Mt 22,12); phải đựng rượu mới trong bình mới (x.Mt 9,17)…

Kinh nghiệm đầu tiên mà Thánh Phêrô chia sẽ cho cộng đoàn Giáo Hội sơ khai là: anh em hãy sám hối. Ba lần chối Thầy vì yếu đuối bản thân chứ không phải vì không yêu mếnThầy. Phêrô đã biết lỗi lầm đó và ngài đã ăn năn bằng những giọt nước mắt sám hối chân thành. Phêrô đã sửa sai lầm bằng chính sự can đảm, thái độ hiên ngang,bằng một tình yêu nồng nàn với Thầy trong sứ vụ Tông Đồ của mình. Đối với Phêrô, sám hối là bước đi thứ nhất của hành trình lãnh nhận Thánh Thần. Không có sám hối thì không có ân huệ Thánh Thần. Đó là kinh nghiệm bản thân và cũng là gương sáng của Thánh Phêrô: ”đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,3). Gương sáng của Thánh Phêrô trước hết là gương sám hối, thấy sai lỗi và sữa sai đến cùng. Ngài muốn chia sẽ bài học thấm thía ấy với những người đang cùng mình giữ trọng trách mục tử.

Thánh Phaolô cũng bằng chính kinh nghiệm cuộc đời mình đã chia sẽ rằng: sám hối là làm hoà lại với Thiên Chúa. Phaolô, người lãnh đạo nhiệt thành bắt bớ Đạo Chúa, được ơn sám hối, đã sửa sai lỗi lầm, từ đó ngài làm hoà với Chúa để nên Tông Đồ dân ngoại. Theo Thánh Phaolô, tội lỗi đã phá huỷ những liên hệ hài hoà giữa con người với Thiên Chúa, sám hối là tái lập những liên hệ ấy. Thời gian sám hối là thời Thiên Chúa thi ân, thời Thiên Chúa cứu độ.

Mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm về sai lầm bản thân, về sự đỗ vỡ, sự bất hoà. Hai người bạn trở nên lạnh nhạt, hai người tình bổng hoá xa lạ, hai vợ chồng trở thành dửng dưng. Đổ vở bất hoà sinh ra hiểu lầm, đau khổ, tiếc nuối. Khi đổ vở, phía nào thấy sai để sửa chữa, phía nào yêu nhiều hơn sẽ chủ động tìm cách làm hoà, hàn gắn lại. Không ai không phạm sai sót lỗi lầm. Người ta chỉ khác nhau ở chỗ đối xử với sai lỗi của mình như thế nào mà thôi.

Sám hối và canh tân, nhận ra sai sót lỗi lẫm và sửa đổi không chỉ là việc làm trong mùa chay mà là suốt đời người. Và để sống cho cả đời người, mời bạn cùng đọc và suy niệm Tin Mừng (Mt 18, 15-20). Chúa Giêsu là một nhà giáo dục tài ba, khéo léo, thu phục lòng người. Ngài chinh phục con người bằng cái tâm, bằng tấm lòng chứ không phải bằng luật lệ, bằng lý trí. Chúa Giêsu là thầy dạy. Bạn hãy học với Ngài, bạn sẽ thấy cuộc đời tuyệt đẹp và chan chưa niềm vui.
 
Đối thoại Truyền tin
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
14:58 24/03/2009
Chúa Nhật IV Mùa Vọng B

Thiên Sứ Gabriel truyền tin cho Đức Maria là một cuộc đối thoại. Các nhà chú giải đã chia ra ba sườn chính về thể văn mà thánh Luca sử dụng trong cuộc đối thoại của khung cảnh Truyền Tin.

- Thể văn báo tin việc sinh hạ:

Thiên sứ hiện ra – Phản ứng của người được thị kiến là sợ hãi - Lời loan báo về việc thụ thai và sinh hạ, đặt tên cho con trẻ, tương lai của con trẻ – Chất vấn: làm thế nào được? – Thiên sứ khẳng định điều loan báo với một dấu hiệu.

Ví dụ như: báo tin về sự sinh ra của Isaac (St 17), Samson (Tl 13,1-23), Samuel (1Sm 1), Gioan Tẩy Giả (Lc 1,5-25).

Nội dung sứ điệp là là loan báo về việc Thiên Chúa can thiệp lạ thường nơi một phụ nữ sinh sinh ra một người con làm vị cứu tinh dân tộc.

- Thể văn kêu gọi vào một sứ mạng:

Thiên sứ hiện ra – Ơn gọi sứ mạng – Giải thích và dấu hiệu – Kết luận.

Ví dụ: Maisen (Xh 3,1-12), Geđeon ( Tl 6,11-23)

Thiên sứ hiện ra trực tiếp cho người được Chúa gọi.

- Thể văn giao ước, hay lập lại giao ước

Một người trung gian như Ngôn Sứ, Vua, Tư Tế trình bày ý định của Thiên Chúa và toàn dân đáp lại “Chúng tôi sẽ thực hành điều Ngài dạy” (Xh 19,7; 24,3-7; Er 10,12; Nkm 5,12).

Cả ba thể văn bổ túc cho nhau diễn tả sắc thái độc đáo có một không hai trong lịch sử qua biến cố Truyền Tin.

Để thấy được sự trang trọng, độc đáo của cuộc đối thoại Truyền Tin, cần so sánh khung cảnh truyền tin của Thiên sứ Gabriel cho Zacaria và cho Maria.

- Về địa điểm: Thiên sứ hiện ra với Zacaria ở đền thờ Giêrusalem, trung tâm tôn giáo của Israel, giữa làn khói hương nghi ngút. Với Đức Maria, Thiên sứ đến gặp Mẹ tại Nazareth, một thôn làng chẳng mấy ai biết đến (Ga1,46; 7,41). Nazareth thuộc miền đất Galilê, gần vùng dân ngoại (Is 8,23; Mt 4,14).

- Về nhân vật: Zacaria là tư tế thuộc giòng Abia, Isave thuộc giòng Aaron. Cả hai ông bà thuộc thành phần có địa vị xã hội. Hai ông bà tuân giữ lề luật chu đáo (Lc 1,6). Họ tượng trưng cho người công chính theo Cựu ước. Còn Maria chỉ là một thôn nữ tầm thường, một người nghèo của Giavê.

Đi vào nội dung đối thoại thì hoàn toàn đảo ngược.

- Thái độ của Thiên sứ:

* Với Zacaria: Thiên sứ coi mình như chủ nhà. Giọng nói Thiên sứ như ra lệnh, thị oai. Thiên sứ phạt Zacaria khi ông tỏ dấu nghi ngờ.

* Với Maria: Thiên sứ là khách, đi đến nhà của Maria, một làng quê hẻo lánh. Thiên sứ tỏ vẻ kính cẩn vì nhìn thấy nới thôn nữ mộc mạc dáng vẻ oai nghi của “Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng”

- Công trạng và ân huệ

* Với Zacaria: Thiên sứ bảo rằng: Lời cầu nguyện của ông đã được Chúa chấp nhận, vợ ông sẽ thụ thai (Lc 1,13). Như vậy tất cả đều dựa trên công trạng phúc đức của con người, đúng theo hình ảnh Cựu ước.

* Với Đức Maria: tất cả đều là An huệ của Chúa. Thiên sứ chào Maria là “người được Thiên Chúa yêu thương chiếu cố” (Lc 1,28), tất cả đều là ân huệ và tình thương của Chúa.

- Kết quả: Zacaria bị quở trách vì “không chịu tin vào Lời Chúa” (Lc 1.20). Maria được ca ngợi vì “đã tin rằng Lời Chúa sẽ thực hiện” ( Lc 1,45.38). Isave được cưu mang Gioan “sẽ làm lớn trước mặt Chúa” (Lc 1,15). Maria cưu mang “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32); “Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).

Lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Maria, ta thầy rằng: công cuộc vĩ đại của Thiên Chúa là cứu chuộc nhân loại, thiết lập Nước Trời được bắt đầu một cách rất âm thầm. Một cuộc đối thoại Truyền Tin tại một làng quê, giữa Thiên Sứ với một thôn nữ chẳng mấy người biết. Chúa Giêsu đã diễn tả sự khởi đầu bé nhỏ nhưng thành quả lại lớn lao qua dụ ngôn hạt cải: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4,31-32). Thiên Chúa thường khởi sự những việc hết sức lớn lao bằng những việc hết sức bé nhỏ, với những con người cũng hết sức nhỏ bé. Như thế người ta mới thấy quyền năng của Ngài, mới thấy Ngài là một Thiên Chúa vĩ đại: “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh”(1Cr 1,27).

Lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Maria, ta thấy Thiên Chúa chọn những ai sống đẹp lòng Ngài. Maria đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ. Ngài chọn Maria vì Ngài muốn chọn, theo sự tự do của Ngài (x. Rm 9,12.16), và cũng vì Maria đẹp lòng Thiên Chúa. Thời Đức Mẹ, ai cũng mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Đức Mẹ được diễm phúc đón nhận. Chúa chọn Đức Mẹ, đó là do ân huệ nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận. Thiên sứ nói với Đức Maria: “Quyền năng của Đấng tối cao sẽ bao trùm lên bà, vì thế Đấng Thánh con của bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc.1, 35). Tiếng quan trọng ở trong câu đó là “bao trùm lên” hay “bao phủ lên”. Lều tạm nơi dân Do Thái để hòm Giao Ước. Câu Xh 40,34 nói rằng bao lâu đám mây còn bao phủ lều tạm thì “lều tạm có Thiên Chúa hiện diện”. Việc Luca chọn và dùng từ “bao trùm lên” có ý nghĩa thâm sâu. Luca so sánh thân thế Đức Maria với lều tạm nơi đặt Hòm Giao Ước của Thiên Chúa. Luca so sánh cung lòng Đức Maria nơi Đức Giêsu sẽ tới cư ngụ với Hòm Giao Ước nơi đặt hai phiến đá có ghi 10 điều răn của Thiên Chúa. Như vậy nghĩa là khi quyền năng của Thiên Chúa bao trùm lên Đức Maria, thì có “Thiên Chúa hiện diện” trong Mẹ. Nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Maria thì vô cùng phong phú hơn sự hiện diện của Ngài trong “lều tạm”. Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Maria chính là sự hiện của Đức Giêsu bằng xương bằng thịt.

Lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Maria, ta thấy Đức Maria đã tự do đáp tiếng “Xin vâng”. Trong Hiến Chế Lumen Gentium số 56, Công Đồng Vatican II đã giải thích ý nghĩa quan trọng của câu chuyện Truyền Tin và sự ưng thuận tự do của Đức Maria: “Các thánh Giáo Phụ đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Đức Maria một cách thụ động, nhưng đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của Ngài. Thực vậy, Thánh Irênê nói: “Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở thành nguyên nhân ơn cứu độ cho bản thân Mẹ và cho toàn thể nhân loại”. Và cùng với thánh Irênê còn có rất nhiều thánh Giáo Phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân phục của bà Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, thì Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin”. Và so sánh với Evà, các Giáo phụ gọi Đức Maria là “Mẹ các sinh linh” và thường quả quyết rằng: “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống”. Trong Sứ điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Lần Thứ 18 năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với giới trẻ rằng: Trong biến cố Truyền Tin, Đức Maria trao ban bản tính nhân loại cho Con Thiên Chúa trong cung lòng Mẹ với lời tự do chấp nhận: “Này tôi là tôi tớ Chúa”. Dưới chân Thánh Giá, nơi thánh Gioan, Đức Maria đón nhận toàn thể nhân loại vào tâm hồn mình: “Hỡi bà, này là con bà”. Là Mẹ Thiên Chúa ngay từ lúc đầu tiên của biến cố Nhập Thể, Mẹ đã trở thành Mẹ loài người trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu, Con Mẹ.

Cuộc đối thoại Truyền Tin là khoảnh khắc Thiên Chúa “bật mí” cái bí mật từ ngàn đời. Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi muốn trở thành một con người giữa nhân loại. Và Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria là để Ngài sai Con Một Ngài đến giữa chúng ta, thực hiện chương trình cứu độ của Ngài đối với trần gian. Giây phút Mẹ tự do đáp lời “Xin vâng” là khởi đầu bình mình ơn cứu độ cho thế nhân.

Mẹ Maria đã đáp “Xin vâng” không chỉ một lần mà còn nhiều lần trong đời. Mẹ Maria mãi mãi là tấm gương cho chúng ta soi trong cuộc đối thoại lắng nghe Lời Chúa và đáp trả Lời Chúa. Thiên Chúa đã chứng tỏ nơi Mẹ điều không thể để trở nên điều có thể. Vì “cái gì cũng có thể đối với người có lòng tin” (Mc 9,23).
 
Hạt Lúa thối đi sẽ sinh nhiều bông hạt
Tuyết Mai
16:04 24/03/2009
"Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. (Ga 12, 20-33).

Có phải những Lời Chúa nói ở trên như là một mệnh lệnh hay là Lời của Khuôn Vàng Thước Ngọc được thốt ra từ môi miệng của Người mà chúng ta là con cái Thiên Chúa, phải nghe, phải hiểu, và phải thực hành để được hạnh phúc khi chúng ta muốn theo Ngài và muốn được trở nên giống Ngài!? Có nghĩa là chúng ta phải bắt chước Ngài là chấp nhận cái chết như hạt lúa mì phải được rơi xuống đất và thối đi thì nó mới sinh được nhiều bông hạt. "Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời". Vâng, quả thật ai yêu sự sống mình trên trần gian này thì sẽ mất, là mất thật, mất tất cả những gì thuộc về mình để đánh đổi với những gì chúng ta yêu chuộng trên trần gian này mà trần gian này thì chỉ là ảo tưởng, là mơ mộng, là những gì sẽ không bao giờ mang lại cho chúng ta hạnh phúc thật hay cho chúng ta sự bảo đảm hay bảo toàn ngay trên nhân mạng và linh hồn sống đời đời của chúng ta. Đó là sự thật. Vì trần gian này trong một sớm một chiều chúng sẽ qua đi và có phải tất cả (chúng) sẽ trở thành hư vô hay tất cả sẽ trở thành vô nghĩa sau cái ngày chúng ta vì lý do nào đó qua đời một cách bất đắc kỳ tử ngay khi chúng ta không trông đợi cái ngày ấy đến?

Có phải vì chúng ta quá đam mê để được sống mãi sống hoài trên trần gian này? Có phải vì chúng ta luôn ôm mãi một mộng lớn là sẽ được hưởng và nếm qua tất cả những gì ma quỷ đem lại cho chúng ta trong cuộc sống phù du của trần gian này? Mà ngày nào chúng ta chưa nếm, chưa có, chưa được, thì chúng ta vẫn còn thèm thuồng, khao khát, mơ ước và chưa muốn được rời khỏi nơi chốn tạm du đầy những gì là không tưởng như chúng ta vẫn thường nghe các ông mê thịt cầy hay nói câu: "Phải ăn cho được miếng dồi chó chứ xuống dưới âm phủ biết có còn ăn được hay không?" Ấy, cuộc đời trần thế dưới con mắt của tôi và của rất nhiều anh chị em vẫn còn thèm thuồng như thèm ăn cho được miếng dồi chó mà tôi thiết tưởng còn hơn gấp ngàn lần thế nữa! Vì có phải tôi và anh chị em chỉ thèm có thế mà cho là đủ đâu!? Tôi thiết nghĩ chúng ta cứ nhìn vào 10 Điều Răn Chúa đặt ra cho chúng ta, có nghĩa là cả 10 Điều chúng ta phạm đủ cả 10, vì đó là những điều tội lỗi mà chúng ta thèm khát ao ước để chiếm đoạt cho đủ????

Chúng ta sống trên trần gian này tính theo thời gian của con người thì có người cuộc sống mới chỉ là bắt đầu từ tiếng khóc đầu tiên và là đầu đời. Có người thì còn đang còn mài đũng quần dưới mái nhà trường, người thì đã thành nhân và thành tài, người thì tóc đã ngả sang mầu muối tiêu, người thì đang tranh đấu hơi thở của mình trên giường bệnh. Nhưng có phải cuộc đời là những gì thật mông lung thật mơ hồ không tiên đoán hay định trước cho được? Có bao nhiêu người đang ở lứa tuổi gần đất xa trời, mà thử hỏi xem mộng ước của anh chị em này trong cuộc đời đã được bao nhiêu lần là toại nguyện là được thỏa mãn với giấc mơ không bao giờ thành, mà toàn phải đi vòng quanh những mộng ước ấy!? Và thử hỏi xem đối với ông định nghĩa cuộc đời trần gian này hạnh phúc là được những gì? Và thử hỏi ông xem nếu Chúa cho ông sống thêm 100 tuổi nữa ông có muốn sống nữa hay không? Nếu có thì ông có còn muốn theo đuổi tiếp tục những gì trong quá khứ ông từng thất bại? Hay ngay cả chúng ta nữa! Thử xem những khát vọng sống lâu, sống thọ, mong sự sống muôn đời trên thế gian này sẽ cho chúng ta được gì mà chúng ta thích sống thọ đến thế!????

Tâm lý chúng ta khi sinh ra và sống trên cõi đời này thì có phải chúng ta chỉ biết có một nơi này mà thôi hay không? Không ai trong chúng ta được biết hay chưa từng có kinh nghiệm sống ở một nơi khác ngoài cuộc sống trên trái đất này, nên chúng ta rất ư là ngại ngần khi phải nói đến những chuyện xa xôi, viễn vông, và nhất là nói đến một Nơi mà ngay cả chúng ta đây còn rất là ngờ ngợ, phải nói thật là rất nhiều lúc chúng ta không muốn bàn đến cái chuyện mà người đời cho là không hay đó! Có phải không thưa anh chị em??? Thì chuyện được mơ được mộng là chuyện thường tình của cuộc sống của con người thiết tưởng không có gì là xa lạ là khác thường cả! Bởi có mơ mộng thì mới cho chúng ta có được tương lai và để chúng ta nhất quyết hơn với những gì chúng ta đặt làm chuẩn để mà đi tới? Bởi chúng ta được dậy dỗ từ nhỏ là phải biết sống và nhìn xa trước mặt, có thế ta mới đi tìm hiểu những điều chúng ta muốn có xa quá ngoài tầm tay hay không? Và điều chúng ta mong muốn có thực tế hay không? Và điều ấy nếu được có dẫn đưa chúng ta đến được sự sống muôn đời hay dẫn đưa chúng ta thẳng đến địa ngục của sa đọa của tội lỗi ngút ngàn mà làm chúng ta phải sống muôn đời xa lìa Thiên Chúa? Để được cả thế gian mà phải mất linh hồn và sự sống hạnh phúc muôn đời bên cạnh Ba Ngôi Thiên Chúa, thì có phải là điều chúng ta mong ước khao khát được thế hay không?

“Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó”. Lời Chúa nói trên đây chúng ta nghe có khó hiểu lắm hay không? Tại sao khi chúng ta yêu sự sống của chúng ta thì chúng ta sẽ mất sự sống của mình? Còn ai ghét sự sống của mình ở đời này thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời? Có phải ý của Chúa muốn nói là khi chúng ta yêu và quý trọng chúng ta quá đáng thì chúng ta không còn thấy được ai chung quanh ngoài con người và những gì thuộc về chúng ta? Nhất nhất chúng ta chỉ chú tâm đến mình và chỉ quan tâm đến mình. Ai ra sao mặc ai!? Ai đói nghèo và khốn khổ cũng mặc!? Ai có bệnh tật khổ hạnh và đói nghèo cũng mặc!? Vì họ chẳng phải là mình!? Lo cho họ thì tức sẽ hao hụt thì có đâu mà còn có thời giờ và tiền bạc để mà lo cho chính mình nữa chứ!? Và còn ai ghét sự sống của mình ở đời này sẽ giữ được đó muôn muôn đời, có nghĩa là sao thưa anh chị em? Có phải chăng khi chúng ta không nghĩ đến hay quên mình thì chúng ta sẽ quan tâm và lo lắng nhiều đến anh chị em chung quanh của chúng ta.

Có phải sống như thế mới gọi là đồng lao và đồng khổ, và có thế chúng ta mới sống tốt đẹp trước tôn nhan Thiên Chúa? Có thế chúng ta mới sống đúng với 8 Mối Phúc Thật? Có thế chúng ta mới sống đúng và giữ đúng 10 Điều Răn Của Chúa? Là trước kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, hết linh hồn, hết lòng, và hết trí khôn; Sau lại yêu thương người như mình ta vậy! Và đó là Ý Chúa muốn chúng ta phải sống trên cõi đời này!? Và đó mới là ý nghĩa của Chúa nói là: "Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó". Vì có phải Chúa Giêsu Ngài là Con Một Thiên Chúa đã phải xuống trần gian chịu khổ hình vì con người tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải chịu sinh ra đời trong một nơi dơ dáy và hôi tanh nơi Hang Lừa hay không? Và Ngài chịu sống khó nghèo làm con của hai ông bà Giuse và Đức Maria không là gì trong xã hội đó không? Và tội vạ gì để Chúa Giêsu phải đến đúng thời kỳ Ngài chịu Khổ Hình Trên Thập Giá chết cho con người vô ơn bội phản của nhân loại con người của chúng ta? Có phải vì con người chúng ta phạm quá nhiều tội lỗi? Có phải vì Thiên Chúa quá yêu nhân loại trần gian, Ngài phải xuống trần để học hỏi và tìm hiểu lý do vì sao nhân loại của chúng ta lại ra chai đá, ngu muội, và u mê như thế này, mà từ khi thiên thai lập địa con người không bao giờ thay đổi???? Và chỉ có một cách duy nhất Thiên Chúa Cha đã hy sinh để Thiên Chúa con giáng hạ xuống trần gian để làm Gương Sống để dậy dỗ và chết thê thảm trên Thập Giá tang thương, cho con cái nhân loại chai đá cứng lòng này noi theo???

Có ai sẽ sống hoài đến vạn niên để sẽ còn biết trần gian này chúng sẽ trở thành gì? Và không biết những gì thuộc về trần gian này chúng sẽ biến đi đâu!? Không ai sẽ biết được điều đó, ngoài Thiên Chúa, phải không thưa anh chị em??? Thế sao ngay tại bây giờ, chúng ta lại không thiết tha mong cho được những sự thiện hảo để được đẹp lòng Thiên Chúa và Nước Trời của Ngài? Để: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

Lậy Chúa Giêsu! "Chúa nói: Đã đến giờ Con Người được tôn vinh". Xin cho tất cả con cái u mê và dại dột của Chúa cũng được chết và thối đi như hạt lúa mì mà Chúa ám chỉ, để chúng con không thiết tha sự sống trên trần gian này, mà hãy chết đi trong sự mê đắm danh lợi thú trần gian này, để chúng con hy sinh sự sống đời này của chúng con mà tha thiết sự sống muôn đời qua việc bác ái, tương thân tương ái, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, hay lá rách đùm lá tả tơi, để ao ước mong cho được sự sống muôn đời trên Nước Hằng Sống, một nơi có Chúa, Mẹ, và toàn thể triều thần Thiên Quốc cùng sống hạnh phúc muôn thuở muôn đời bên tất cả anh chị em của chúng con. Một nơi không còn tham sân si và sinh bệnh lão tử nữa! Amen.
 
Đức Giêsu là Giêrêmia mới
Quang Huyền, OFM
16:17 24/03/2009
ĐỨC GIÊSU LÀ GIÊRÊMIA MỚI

“Người ta bảo Thầy là ai?” là câu hỏi quan trọng nhất của Kitô học. Trong trình thuật của Mátthêu 16, 13-20, tác giả đề cập đến ngôn sứ Giêrêmia. Dân chúng xem Chúa Giêsu là ngôn sứ Giêrêmia. Đây là một sự đồng hóa thật thú vị chỉ gặp thấy trong Tin Mừng Mátthêu. Chúng ta biết Giêrêmia có một vị trí kỳ lạ trong niềm mong đợi Đấng Mêsia của dân Ítrael. Trong sách II Esdras 2,18 đề cập đến lời hứa của Chúa: “Vì ta sẽ sai các đầy tới của ta là Giêrêmia và Isaia đến giúp các ngươi”.( William Barclay, Tin Mừng theo thánh Mátthêu, NXB Tôn giáo 2008, tr 113).

Hơn nữa, càng so sánh cuộc đời của ngôn sứ Giêrêmia và cuộc đời của Đức Giêsu, nhất là trong những thử thách và gian nan của các Ngài, chúng ta càng nhận thấy Đức Giêsu chính là Giêrêmia mới hay Giêrêmia là tiền ảnh của Đức Giêsu. Người viết muốn trở về với các Sách Tin Mừng và cuộc đời của Giêgiêmia trong Cựu Ước để tìm hiểu đề tài “Đức Giêsu là Giêrêmia mới”, nhằm làm sáng tỏ mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, nhất là mầu nhiệm Tình yêu Thập giá của Ngài.

1.SƠ LƯỢC VỀ CUỘC ĐỜI CỦA NGÔN SỨ GIÊRÊMIA

Nhìn chung cuộc đời của các ngôn sứ là rất gian nan và không thiếu những thử thách, bách hại, vì họ phải công bố những sứ điệp của Đức Chúa để cảnh tỉnh dân. Ngôn sứ Giêrêmia không phải là một ngoại lệ, nhưng hơn thế nữa, ông là một bằng chứng rõ ràng hơn về những thử thách và bách hại trong suốt cuộc đời ngôn sứ của mình. Những thử thách và bách hại ông đã chịu trong cuộc đời rao giảng hết sức bi đát, đến nỗi khi đối chiếu cuộc đời của ông và cuộc đời của Đức Giêsu, người ta cho rằng Đức Giêsu là Giêrêmia mới.

Giêrêmia sinh vào khoảng năm 650-645 TCN, tại Anathốt, là chứng nhân của một thời đại quyết liệt của lịch sử nước Giuđa. Đời sống của ông gắn liền một cách đau thương với lịch sử 40 năm sau cùng của nước Giuđa (627-587). Nước này ngày càng đi sâu vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, và mặc dầu cố gắng vươn lên nhờ cuộc cải tổ chính trị và tôn giáo của vua Giô-si-gia (640-09), nhưng rồi cũng thất bại dưới các triều vua kế tiếp, để rồi bị tiêu diệt do những đạo binh của Nabucôđônoxo, vua Babylon (năm 587). (x. Nguyễn Ngọc Rao, Các sách ngôn sứ, Lưu hành nội bộ, năm 2006, trang 194)

Tên gọi Giêrêmia nghĩa là Được Gia-vê tôn trọng, được nâng lên. Ông là người nhạy cảm, tính tình hiền lành, nhút nhát, thích sống cuộc sống đơn sơ, âm thầm. Trong khi đó thì nhiệm vụ sứ mệnh ngôn sứ lại đòi hỏi ông phải can đảm lớn tiếng can thiệp vào đời sống chính trị và tôn giáo của dân để cảnh cáo những lầm lỗi của dân và đe dọa hình phạt do Chúa gởi đến. Chính vì thấy mình không mấy thích hợp với sứ mệnh đó nên khi được Chúa gọi làm ngôn sứ năm 626 (Gr l,2), ông đã tìm hết cách từ chối, trước hết dựa vào tuổi đời còn trẻ của mình ( Gr l,6), sau nại đến những khó khăn do thù địch gây ra cho ông. Sau này, khi gặp những khó khăn và đau khổ vì thi hành sứ mệnh ngôn sứ. ông đã đổ thừa cho Chúa là đã dụ dỗ ông (Gr 20,7). Ông sống đời độc thân và chịu nhiều điều trái ngang sỉ nhục ngay từ trong thân quyến của ông (12, 6).( Xem. Tập bài giảng của cha Nguyễn Tiến Dũng, Ofm.)

So sánh cuộc đời và sứ mạng của vị ngôn sứ này với cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu, chúng ta sẽ nhận ra những sự tương đồng rất đặc biệt.

2. ĐỨC GIÊSU LÀ GIÊRÊMIA MỚI

Có thể nói, sự đau khổ, chống báng, bách hại, cô đơn và buồn tủi đã hằn sâu lên định mệnh của cả cuộc đời ngôn sứ Giêrêmia. Và như thế, cùng với những lời tiên báo về Đấng Mê-si-a, những thử thách và bách hại ngôn sứ Giêrêmia đã gánh chịu, chúng ta có thể nhìn ra ngài như là một hình ảnh báo trước cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu, Đấng xuất hiện sau ông.

2.1.Lời tiên báo của Giêrêmia về “Chồi non nhà Đavít”

Ngôn sứ Giêrêmia loan báo sự cứu thoát sẽ được thực hiện thời Vua Mục Tử thuộc Nhà Đavít và nhắc lại tổng quát những điều đã nói thêm về viễn vọng cứu thế. (x. Gr 23, 1-8). Ở đây ông cũng tiên báo về “Vua tương lai” sẽ xuất hiện trong nhà Đavít: “Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đavít một chồi non chính trực. Vị “Vua” lên ngôi trị vì sẽ làngười khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh” (Gr 23, 5). Chúng ta nhận thấy vị vua mà Giêrêmia tiên báo hội đủ các đức tính của Đấng Emmanuen trong Isaia 9,6-7; 11,1-5, Ngài là Đấng công minh, chính trực. Về sau Mátthêu đã đồng hoá Đấng Emmanuen này với Chúa Giêsu: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." (Mt 1, 23). Với lời sấm này, Giêrêmia đã đề cập đến một vị Vua sẽ xuất hiện để tái thiết Ítraen sau lưu đày. Người ta nhận thấy ở thời này xuất hiện các nhân vật như: Dơrúpbaven, Giôsuê, Nơkhemia,v.v… cũng có thể hiểu là “Chồi non Davít”, nhưng các vị này không hội đủ các đức tính như Giêrêmia đã tiên báo. Vì vậy, vị vua công minh, chính trực phải là Đức Giêsu, dẫu cho Giêrêmia không minh nhiên nói đến Ngài (x. Nguyễn Ngọc Rao, Sđd, trang 212). Hơn nữa, lời tiên báo của Giêrêmia về Đức Giêsu còn được thể hiện bằng chính cuộc đời của ông.

2.2.Cuộc đời độc thân vì sứ mạng của Giêrêmia.

Khác với những ngôn sứ khác trong thời Cựu Ước, Giêrêmia là người duy nhất sống cuộc đời độc thân đơn côi giữa một xã hội liên hoan tưng bừng: “Ngươi đừng cưới vợ; đừng có con trai, con gái ở nơi này” (Gr 16,2). Sự độc thân của ngôn sứ mang nhiều giá trị tiểu tượng cho đời sống ngôn sứ của chúng ta.

Về sau, Đức Giêsu xuất hiện, Ngài cũng đã chọn một cuộc đời độc thân vì Nước Thiên Chúa. Ngài đã sống độc thân không phải vì “hoạn” hay vì “bất lực”, nhưng vì vâng theo thánh ý Đức Chúa để thực hiện sứ mạng của mình. Và ý nghĩa của lối sống này, Chúa giêsu có lần nói: “Chúa cho ai hiểu mới hiếu”, và như thế, Ngài thở thành mẫu gương cho người thánh hiến noi theo. Chúng ta thấy người thánh hiến hôm nay có vai trò ngôn sứ rất đặc biệt. Điều làm nổi bật vai trò này nhất là đời sống độc thân vì Nước Thiên Chúa và tha nhân của họ.

Sự độc thân của Giêrêmia không chỉ có giá trị biểu tượng mà còn cần thiết trong cuộc đời rao giảng di động của ông. Nhờ cuộc đời thánh thiện, lời rao giảng của ông có được “sự nặng kí” khi kêu gọi người dân sám hối. Hơn nữa nó cũng diễn tả được tình yêu của ngôn sứ với Đức Chúa bằng một con tim không chia sẻ. Đức Giêsu cũng đã đi con đường mà Giêrêmia đã đa qua.

2.3. Giêrêmia cảnh tỉnh dân và kêu gọi sám hối

Giêrêmia có một tâm hồn nhạy cảm và hiền lành, nên ông có một ý niệm sâu xa về tội lỗi mà dân đã xúc phạm đến Đức Chúa (Gr 2, 20-28), và kêu gọi họ sám hối để được tha thứ. Hơn nữa ông đã thống thiết kêu xin Đức Chúa tha thứ cho dân, cứu nguy họ (Gr 14,1-15; 15, 11; 18,20). Có lẽ ông đã quá thương những người đồng bào của mình nên đã có những tâm tình cảm động như thế: “Nếu các người ngạo nghễ không chịu nghe theo điều này, tôi sẽ âm thầm chan hòa nước mắt; mắt tôi sẽ khóc thương đàn chiên của Chúa bị dẫn đi lưu đầy” (Gr 13,17).

Chúng ta cũng nhận thấy điều này nơi Đức Giêsu. Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng của mình bằng việc kêu gọi người ta ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Vì thương yêu mọi người, người bệnh tật, người đói khổ, người tội lỗi…Chúa Giêsu đã cầu xin Thiên Chúa ban ơn Cho họ. Thậm chí Ngài thương cả những người đã hại mình và đã cầu xin Chúa Cha tha cho chúng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34).

Qua đó, chúng ta thấy việc làm của Giêrêmia năm xưa rất giống với Đức Giêsu trong cuộc đời của Ngài. Vậy, Đức Giêsu là ngôn sứ Giêrêmia mới như lời tiên báo của Giêrêmia qua các hoạt động của Ngài. Điều này được thể hiện rõ hơn trong mầu nhiệm Thập giá của Ngài.

2.4. Đức Giêsu là Giêrêmia mới trong mầu nhiệm đau khổ và tử nạn

Kể từ khi được mời gọi làm ngôn sứ, Giêrêmia đã khoác vào mình những đau khổ thử thách ngày càng khắc nhiệt hơn. Nhưng ông vẫn cam chịu và vượt qua được nhờ sức mạnh của Đức Chúa. Nhưng điều nổi bật nhất làm cho ông đứng vững là sự vâng phục Ý Chúa: “Ông cảm thấy có nhiệm vụ phải bênh vực quyền lợi của Thiên Chúa, Đấng đã làm tất cả cho dân Người” (Gr 2, 6-7)( Nguyễn Ngọc Rao, Sđd, trang 203). Lần dở các sách Tin Mừng, chúng ta tìm gặp một Đức Giêsu ngôn sứ, luôn gặp phải những thử thách khó khăn trong cuộc sống. Ngài luôn bị dân và lãnh đạo Do-thái giáo chống đối, bắt bớ (x. Mc 14: 43 -50; Lc 22: 47 -53; Ga 18: 3-11 ).

Nếu sáu thế kỷ trước, Giêrêmia rảo bước khắp nước It-ra-en để công bố sứ điệp của Đức Chúa, thì sang thời Tân Ước, Đức Giêsu cũng làm như thế. Ngài đã đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi; sống một cuộc sống lữ hành, rày đây mai đó không có một chổ để trú chân: “Con chồn có hang, Con Người không có chổ gối đấu” (Mt 8,20 )

Trong khi loan báo lời Đức Chúa, ngôn sứ Giêrêmia bị người ta chống đối và tìm cánh hãm hại. Có nhiều lần ông như tuyệt vọng và có cảm giác cái chết gần kề: “Sau khi ông Giêrêmia đã nói mọi điều Đức Chúa truyền cho ông phải công bố cho toàn dân, thì các tư tế, các ngôn sứ và toàn dân túm lấy ông mà bảo: "Thế nào ông cũng phải chết”(Gr 26, 8-9). Đức Giêsu cũng đã bước qua con đường đó. Ngài bị bắt, bị đánh đập và bị nộp và hơn nữa là cái chết đang đến gần với Ngài. Đau khổ của Đức Giê-su tại vườn Ghếtsêmani phần nào diễn tả được cõi lòng tan nát của Ngài khi phải giằng co giữa thánh ý Cha và sứ mạng của mình (x. Mt 26: 36 -46; Lc 22: 39 -46 ). Giêrêmia cũng từng trãi qua kinh nghiệm đau khổ này.

Kế đến, Chúng ta nhận thấy, Giêrêmia đã bị chính những người thân của mình từ chối và xua đuổi. Đức Giê-su bị cũng bắt bằng nụ hôn phản bội của chính người môn đệ thân tín của mình. Đức Giê-su không chỉ chịu đau đớn nơi thân xác mà còn chịu đau khổ trong tâm hồn khi bị Giuđa phản bội, Phêrô chối từ, môn đệ bỏ trốn, dân chúng sỉ nhục, bị nhổ vào mặt. (x.Mt 26: 47 -56; Lc 22: 47 -53; Ga 18: 3-11 ). Ở đây, thánh sử Mátthêu xem sự phản bội của Giuđa đã ứng nghiệm lời tiên báo của Giêrêmia về Đức Giêsu: “Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: "Họ đã lượm lấy ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà một số con cái Ít-ra-en đã đặt khi đánh giá Người” (Mt 27,9).

Như ngôn sứ Giêrêmia xưa khi rời vào tình trạng cơ đơn và giằng co trong sứ mạng của mình đã cầu xin Đức Chúa trợ giúp, Đức Giê-su cũng kêu xin Thiên Chúa như thế: “"Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." (Mc 14,36).

Sau đó là những nỗi thống khổ mà Ngài phải liên tiếp hứng chịu từ sự giả man của quân lính, trên đường lên Núi sọ để chịu chết (x. Mt 27: 27 -31; Ga 19: 2-3; Mt 27: 32 -33; Lc 23: 26. 33; Ga 19: 16 b-17). Có thể nói cái chết nhục nhã của Đức Giê-su trên thập giá, cái chết của một người công chính giống như cái chết của một tội nhân thật là đau đớn và nhục nhã (x. Mt 27: 34 -38; Lc 23: 33 -34. 38; Ga 19: 18 -24 ). Và như thế, đau khổ của Đức Giêsu mới có những giá trị trổi vượt hơn đau khổ của Giêrêmia, đó là cái chết mang ơn cứu độ: “Thiên Chúa đã dùng các vết thương của Đức Giêsu Kitô mà chữa lành các vết thương của chúng ta (x. 1Pr 2:24), và nhờ chính những gian khổ của Người, Thiên Chúa đã đưa dẫn loài người tới nguồn ơn cứu độ (x. Dt 2:10)”.

Tóm lại, trong mầu nhiệm đau khổ và thập giá, chúng ta nhận thấy Đức Giêsu là một Giêrêmia mới, Ngài đã thể hiện trọn vẹn tất cả những gì Giêrêmia đã tiên báo và đã sống làm dấu chỉ về Ngài. Hơn nữa, chân dung của Đức Kitô trỗi vượt và cao cả hơn ngôn sứ Giêrêmia. Điều này làm nên sự trỗi vược của Giêrêmi mới trong mầu nhiệm thập giá: “Điên rồ của thập giá chính là khôn ngoan khôn ví của Thiên Chúa (x. 1Cr 1:23tt); bởi lẽ sự kiện lịch sử ấy chính là yếu tố cấu tạo nên mầu nhiệm Đức Kitô và kế hoạch cứu độ (x. Pl 2:8). Hơn nữa, Thập giá cho thấy Thiên Chúa dùng một vật ô uế nhất là xác chết (x. Lv 21:11), làm nguyên nhân thanh luyện loài người. Vật bị nguyền rủa đối với Luật (x. Đnl 21:22-23), thì Thiên Chúa đã dùng để mà chuộc lấy con người cho khỏi bị nguyền rủa (x. Gl 3:13). Lòng ghen tương thù hận đã giết chết Đức Kitô, thì Thiên Chúa đã dùng để phá hủy sự thù ghét (x. Ep 2:14.16) và để mạc khải tình thương vô biên của Người đối với thế gian (x. Ga 3:16)”( Đức Giêsu chịu chết, biến cố lịch sử ý nghĩa, HTTH số 29 &30, năm 2001, tr 417).

3. KẾT LUẬN

Chiêm ngắm những gì Đức Giê-su đã trải qua trong sứ mạng ngôn sứ của Ngài, chúng ta thấy đâu đó bóng dáng của một Giêrêmia năm xưa, vì vâng phục Đức Chúa và vì lợi ích của con người, Ngài đã chấp nhận chịu thiệt thân.

So sánh cuộc đời và sứ mạng của các Ngài, chúng ta nhận thấy ngôn sứ Giêrêmia là tiền thân của một Đức Giêsu đau khổ và chịu đóng đinh trên phương diện thực hiện sứ mạng ngôn sứ. Cả hai vị đều thất bại dưới con mắt của người đương thời: một Giêrêmia phải chết biệt xứ nơi đày ải, một Giêsu phải chết nhục nhã trên thập hình. Nhưng trên phương diện ngôn sứ thì các Ngài đã thành công vì đều thực hiện được thánh ý Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người.

Từ phía sau nhìn lại, chúng ta thấy những gì Đức Giêsu đã chịu trong mầu nhiệm Đau Khổ của ngài lại vượt xa và mang một giá trị lớn lao hơn rất nhiều so ngôn sứ Giêrêmia. Sự bách hại và thử thách của Đức Giêsu khốc liệt hơn biết mấy: “Lạy Cha nếu có thể xin cho con khỏi uống chén này”; thái độ vâng phục của Ngài cũng thẳm sâu dường bao: “Xin vâng ý Cha, nhưng đừang theo ý con”; tình yêu của Đức Giêsu cao cả hơn gấp bội: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì người mình yêu” và sự tha thứ của ngài mới là tột đỉnh của mọi tình yêu: “Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Qua mầu nhiệm thập giá, Đức Giêsu đã mạc khải trọn vẹn cho con người về tình yêu thương của Thiên Chúa. Người yêu thương chúng ta đến nỗi đã nộp Con Một vì chúng ta (x.Ga 3, 16, 1Ga 4,10, Rm 8,32,v.v…).

Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy tùy theo góc độ tiếp cận chúng ta chỉ làm rõ được phần nào mầu nhiệm của Đức Giêsu. Chúng ta không thể nắm bắt được hết mầu nhiện khôn dò ấy: “Chúng ta không đặt đến được điểm đặc thù của Đức Giêsu, sự mới mẽ của Người”( Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazaréth, bản dịch của Nguyễn Văn Trinh, Lưu hành nội bộ, năm 2007, tr 225.)

. Việc so sánh Đức Giêsu và Giêrêmia chỉ là “cách chú giải Người (Đức Giêsu) từ quá khứ hay từ nét chung chung hay khả thể, nhưng không xuất phát từ chính Người, từ sự độc đáo của Người không theo bất cứ phạm trù nào”. (Joseph Ratzinger, Sđd, tr 225). Vì vậy, Con người Đức Giêsu Kitô vẫn mãi là một mầu nhiệm, Kitô học vẫn phải không ngừng tìm hiểu về Ngài và những người tin vào Ngài vẫn còn một “lộ hổng thần thiêng” để “trám vào đó” cảm nghiệm riêng tư của mình trong đời sống đức tin.

Qua việc tìm hiểu đề tài này, người viết học được nhiều bài học từ cuộc đời và sứ mạng của Giêrêmia một tiền ảnh của Đức Giêsu, nhất là học được nhiều bài học từ chính Đức Giêsu một ngôn sứ tuyệt hảo đã hiến thần yêu thương con người, nhằm làm phong phú hành trang của cá nhân trong hành trình trở thành một ngôn sứ của Thiên Chúa cho thời đại hôm nay.

Quang Huyền, OFM
 
Năm thánh An-Tôn: Sống tin thần bác ái
Ngọc Nguyên
16:56 24/03/2009
NĂM THÁNH AN TÔN – SỐNG TINH THẦN BÁC ÁI

Có lẽ tâm tình cao quý nhất đối với con người khi xử sự với người khác, với đồng loại, đó là biết chia sẻ những gì mình có.

Người ta có thể chia sẻ với người khác tiền bạc, thời giờ, tài năng, tình thương, kiến thức, dưới muôn vàn hình thức khác nhau, vì xung quanh ta biết bao người đang cần đến sự lưu tâm giúp đỡ của ta, nhờ đó xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, yêu thương nhau hơn.

Tâm lý chung của con người là thích thu vén, tích trữ những gì mình có, nhất là tiền bạc, tài sản, để phục vụ cho bản thân và gia đình mình. Hẹp cho mình, rộng cho người thật khó. Từ đó, người đời thường có tâm trạng quý trọng những người giàu có và coi thường những kẻ nghèo khổ. Có ý kiến “nếu Thiên Chúa chỉ dạy mến Chúa thì hay quá! Nhưng Ngài thêm luật yêu người, cũng trọng bằng luật mến Chúa thì thực là vô cùng rắc rối, phức tạp cho nhiều người”(Đường Hy Vọng-ĐHY F.x Nguyễn Văn Thuận); Có người vì yếu đuối dễ dàng tự mâu thuẫn với chính mình như Thánh Phaolô đã tự thú: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19). Vì thế, bao lâu chưa đổi mới được cái nhìn để nhận ra người khác chính là Đức Giêsu, người Kitô hữu không thể cho đi tất cả mọi người một cách chân thành như Chúa Giêsu đã yêu. Một tình yêu không cân-đo-đong-đếm…

Trong sách Kinh Lễ, Đức Khổng Tử đã nói đến tâm lý trọng giàu khinh nghèo này như sau: “Bần cư trung thị vô nhân vấn; Phú tại sơn lâm hữu khách tầm” nghĩa là người nghèo ngồi ngay giữa chợ cũng không ai thèm hỏi. Trái lại, người giàu sống trong rừng sâu vẫn có người cất công đến hỏi thăm. Thánh An tôn Trại Gáo-(một nơi chẳng phải là sang trọng như phồn hoa đô thị mà là nơi đồi cao âm u rậm rạp) của chúng ta là vị Thánh giàu có. Tại sao vậy? thưa là vì Ngài đã sống, hành động và tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa-Đấng có thể ban tất cả cho những ai nhờ Ngài kêu xin. Dẫu cho những người đến cầu xin thuộc màu da, chủng tộc hay địa vị nào, Ngài cũng chẳng phân biệt, vì Thầy Chí Thánh của mình đã vì yêu mà không tính toán thiệt hơn, thậm chí đến hy sinh cả mạng sống mình cho nhân loại.

Nguyên nhân chính làm cho con người không biết hay không muốn chia sẻ vẫn là lòng tham không đáy và sự ích kỷ của mình. Có lẽ nhân loại không chết vì đói cho bằng chết vì thiếu tình thương. Người đang chờ chết vì đói cũng là người đang chờ nghĩa cử yêu thương của đồng loại. Người sống dư dật nhưng không biết chia sẻ cũng là người đang chết dần chết mòn trong ích kỷ. Câu trả lời của Chúa khi ma quỷ cám dỗ về miếng ăn trong hoang địa: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi Lời Thiên Chúa phán ra”(Mt 4, 4). Lời của Thiên Chúa là tình thương. Con người cần cơm bánh để sống, nhưng con người cũng cần tình thương để tồn tại. Kẻ đón nhận tình thương cũng được sống. Do đó, lời tâm niệm mà mỗi chúng ta nói với chính mình: “để được sống, tôi cần phải làm cho người khác được sống”. Đó là mục đích cuộc sống thực của ta; Là tinh thần biết chia sẽ với với người khác; Là hạnh phúc thật; Là câu trả lời cho câu hỏi muôn đời: Hạnh phúc là gì?. Người này cho rằng hạnh phúc là “một mẫu bánh mỳ con nhúng sữa”. Với người khác lại là “ Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu?” (Tế Xương). Với người kia thì quan niệm “Một ngụm nước mát đối với kẻ đang chết khát”(Nam Cao), đó không đơn thuần là sự thỏa mãn, mà chính là hạnh phúc. Vì thế, dửng dưng trước những đau khổ của người khác không còn là thái độ vô thưởng vô phạt mà chính là một hành động tội ác.

Điều thê thảm nhất trong xã hội hôm nay là sự phá sản của tình thương nhân loại, kéo theo sự khánh tận của lương tâm con người. Qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, nhân loại thường chứng kiến biết bao thảm kịch, bao đau thương thống khổ của đồng loại với một thái độ phó mặc, bất lực hoặc đầu hàng câm nín. Thậm chí con người dường như đang đứng trên bờ vực thẳm của cái chết bởi vũ khí hạt nhân, chiến tranh, khủng bố, bắt nguồn từ dư âm rùng rợn của Hitle(Phát xít), của Pônpôt(Khơ me đỏ)…chưa kể đến sự lủng đoạn về luân lí như bóp méo sự thật, lừa đảo trắng trợn…Phải chăng sự khánh kiệt tình thương nhân loại bắt nguồn từ ngay chính sự phá sản của lương tâm, của tình thương mỗi cá nhân. Đó là cái chết ngạt của tâm hồn. Đó là “văn minh của sự chết”( Gioan Phaolô II).

Con người thời đại ngày nay đề cao giàu sang, tiền bạc, danh vọng, quyền lực, như là tiêu chuẩn để có được cuộc sống hạnh phúc; nên nhiều người trong chúng ta không còn xem sứ điệp yêu thương, tha thứ, chia sẽ của Chúa là điều thiết yếu, hoặc chỉ xem đó như là những quan niệm đẹp của một thời xa xưa, nhưng không còn phù hợp với thế giới văn minh hiện nay. Chúng ta dễ bị thu hút, hoặc cố tình dễ bị lôi kéo vào những giá trị mới do thế giới ngày nay đặt ra và đồng hóa những giá trị ngày nay với sứ điệp của Tin Mừng. Một ví dụ điển hình như việc viện trợ giúp các nước nghèo. Nhiều người xem đây là “chiêu thức”, là hình thức bóc lột tinh vi của các nước giàu có. Không đâu xa, ngay tại quê hương chúng ta, cũng không ít người hiểu sai lạc về điều này, họ có thể nghĩ “ mình đâu có gì mà giúp, mình giúp người ta thì ai giúp mình…”. Chúa Giêsu tiếp tục thách đố và mời gọi chúng ta theo cách thức của Ngài. Cách thức mà ngay từ khởi đầu cuộc sống công khai, Ngài bày tỏ qua lời Tiên tri Isaia: “ Thánh Thần ngự xuống trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mùng cho người nghèo khó”( Lc: 4, 18-19).

Thật có lý khi lời của một vị Linh mục nhận định: “Văn minh không phải ngồi máy bay, khám phá vũ trụ, chế tạo bom nguyên tử mà văn minh là biết cư xử có tình người với nhau”. Sự phá sản tình thương đồng lọai không xảy đến dồn dập kinh thiên động địa như trận động đất kinh hoàng giết người tại Kobé, như cơn bão Catina ở Misticipi, như vụ sóng thần ở Inđônêxia, như trận động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) gần đây, mà chúng bắt đầu từ từ, từng bước âm thầm len lỏi, khởi đầu từ những hành vi bủn xỉn nhỏ nhặt, hay những thái độ trốn tránh trách nhiệm, để cuối cùng thu mình lại như con ốc của ích kỷ. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “chắp tay lại thì hay, nhưng mở tay ra lại càng hay hơn”.

Chúng ta hãy tưởng tượng một thế giới mà ai cũng sống ích kỷ, chỉ biết có mình và gia đình mình, không bao giờ ngó ngàng đến những thống khổ của người khác. Thế giới ích kỷ đó sẽ đi về đâu? Tại sao mình biết chạy đến cầu cứu với Thánh An tôn mà không biết chia sẽ cái mà mình nhận được?. “Lời chứng” đã quan trọng, nhưng “đời chứng” còn quan trọng hơn. Tôi thiết nghĩ, những phép lạ chúng ta chứng kiến hay cảm nhận được bởi quyền năng của Thiên Chúa, có thể nảy ra trong chúng ta sự kính phục, có khi sợ hãi, xúc động như một trò ma thuật, ảo thuật. Đúng, nhưng phép lạ còn một mục đích khác, đó là “sự quy tụ con cái lại trong hiệp nhất và yêu thương của Đấng Tạo Hóa”. Có người “ghiền” phép lạ, hễ nghe ai nói chưa rõ đầu đuôi như thế nào, liền hấp tấp, chạy đôn đáo, hớt hơ hớt hải đến để nhìn, để tò mò như lạ lẫm; Có người nghi ngờ hoặc dửng dưng; Có người kêu la hay vui mừng; Nhưng cũng có không ít kẻ đứng im lặng một cách khó hiểu; Hoặc có khi vì chạy đến xin ơn lạ với một vị Thánh nào đó, mà người ta quên mất Chúa là Đấng ban ơn v.v.v… còn nhiều cách nhìn nhận khác nữa. Ai đâu biết rằng phép lạ lớn nhất mà mỗi cá nhân cảm nhận hằng ngày, là sống dồi dào trong ơn nghĩa của Chúa, được làm con Chúa trong yêu thương qua sự bảo trợ của Mẹ Maria cùng Thiên Thần và các Thánh của Ngài, biết yêu thương và được thương yêu là một ân huệ lớn lao mà các thụ tạo khác không có được. Cho anh chị em xung quanh một nụ cười, một nụ cười không phải cười cho sự trơ tráo của cuộc đời mà cười với Hồng Ân trong thân thể huyền nhiệm của Đức Kitô là Đầu, mà chúng ta là chi thể của Ngài. Tặng nhau một món quà nhỏ có ý nghĩa gấp bội trước Nhan Chúa. Nếu thế giới chúng ta đang sống không có những người biết quên mình vì người khác, không có ai giúp đỡ và hy sinh cho ai, thì đó là một thế giới chết lịm. Một thế giới mà không có những bàn tay đưa ra để chia sẻ, để đỡ nâng. Một thế giới không có lòng nhân hậu, vị tha. Một thế giới không có những người thiện nguyện đem an ủi, hạnh phúc cho người khác, thì quả thực đó là một thế giới đáng nguyền rủa.

Ai cũng có thể làm một cái gì để nâng đỡ người đồng loại, đồng bào của mình. Không có tiền bạc, của cải, ta hãy chia sớt cho người khác chút ít thời giờ của ta. Không có tiền bạc, của cải, ta hãy góp chút hy sinh cho người khác bằng kiến thức, tài năng của mình. Không một người nào nghèo đến nỗi không có gì để cho người khác, vì ai cũng có thể chia sẻ cho tha nhân tình thương của mình, như thành ngữ “Ai cho nhanh cho bằng hai”. Vâng! Chúa sẽ trả công cho kẻ đó bằng giá máu cứu độ của Ngài, bằng “Ngân Hàng Tình Thương: Nước Trời”. Ngày nào Chúa Giêsu chưa xuống khỏi Thập giá, ngày đó Ngài đã, đang và sẽ mời gọi chúng ta nỗ lực không ngừng trong sự hiến mình vì anh em. Và chung cuộc, Chúa cũng chỉ trả lời chúng ta một câu thôi “Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy lĩnh lấy làm cơ nghiệp Nước đã dọn cho các ngươi từ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát các ngươi đã cho Ta uống, Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước, ta mình trần, các ngươi đã cho ta mặc, Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng, ta ở tù, các ngươi đã đến với Ta” (Mt 25, 34-36). Chúa phán xét về đức ái, không phải về các thành công vĩ đại của ta.

Trong tâm tình của Mùa Chay hòa chung với “Năm Thánh kính Thánh An Tôn Trại Gáo” năm nay, Giáo hội nhắc nhở chúng ta hãy “NỘI QUAN”, nghĩa là hãy nhìn vào chính mình để rồi có cái nhìn nhân ái với anh em. Cùng nhau thi hành ý Chúa là ước ao đi vào hành động, là hiệu quả tấm lòng mà Thiên Chúa nhìn thấy. Nguyện xin, Mẹ Maria, các Thánh, nhất là Thánh Cả An tôn cầu thay nguyện giúp cho mỗi người chúng ta đứng vững trên lý tưởng, biết cách nuôi dưỡng lý tưởng, và cương quyết sống lý tưởng đó trong TIN YÊU-VUI MẦNG-VÀ HY VỌNG.
 
Video thuyết giảng: Hy Vọng
Lm. Nguyễn Trung Tây
17:08 24/03/2009
Nói tới hy vọng, bỗng dưng tôi nhớ lại một khoảng thời gian dài tôi bị vướng vào đời sống tù đày. Vào năm 1979, khi đó mới mười bẩy tuổi, tôi bị bắt sau một lần vượt biên thất bại. Tôi bị còng tay đẩy vào căn nhà đá của trại tù Gò Công. Sau khi cánh cửa sắt của căn xà-lim đóng lại, tôi thất vọng nằm lăn ra trên nền gạch lạnh ngắt của căn phòng hôi thối bẩn thỉu. Tôi nghĩ tới bị tra khảo, tới mất tự do. “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Tôi tiếc nuối cho giấc mơ về một vùng đất mới với bao nhiêu đèn đường rực rỡ, với một tương lai huy hoàng. Tôi thở dài bởi tôi biết giấc mơ về vùng đất hứa đã hoàn toàn bốc hơi tan loãng. Bao vây chung quanh tôi lúc bấy giờ là đêm đen của một buổi tối đầu tháng Mười Hai. Ánh đèn mầu vàng từ phía bên ngoài hiu hắt chiếu sáng một góc nhỏ của căn xà-lim. Tôi liếc nhìn hai người tù đang ngồi bó gối im lìm như hai xác chết đói khô trong góc căn phòng. Tôi tiếp tục thở dài! Tôi nghĩ chắc mình sẽ không sống nổi trong tình trạng cơ cực của nhà tù.

Bất chợt tiếng rao hàng tràn đầy sinh lực bên ngoài khung cửa sổ vang lên. Giọng cô gái bán bánh ú bánh tét cao vút, vang xa, len lỏi chui vào căn phòng dầy đặc đêm đen và bóng tối. Giọng miền Nam trong trẻo của đời sống bên ngoài bốn bức tường nhà tù lảnh lót vang dội đêm đen đã đánh thức cả một bầu trời hy vọng trong tôi. Và thế là hy vọng ngập tràn tâm hồn của người tù nhân mười bẩy tuổi. Tôi ngưng thở dài. Tôi bắt đầu hy vọng.

Tôi hy vọng thời gian tù đầy rồi cũng sẽ trôi qua nhanh như một giấc ngủ trưa. Tôi hy vọng mình sẽ không bị nhốt lâu trong căn xà-lim ẩm thấp tối tăm với toàn là rệp và chuột.

Trong suốt một khoảng thời gian dài nhọc nhằn với trại tù Tiền Giang, sáng nào cũng vậy, những tia nắng mặt trời bình minh ghé ngang qua khung cửa sổ ân cần hỏi thăm người tù nhân mười bẩy tuổi xanh xao gầy còm vì đói ăn. Những tia nắng của trời cao trở thành niềm hy vọng soi đường dẫn lối cho một khoảng thời gian tăm tối của mất hy vọng trong trại tù. Và bởi hy vọng, tôi sống thoát qua được một khoảng thời gian dài trong trại tù của huyện Gò Công và tỉnh Tiền Giang.

Hy vọng không phải là một danh từ trừu tượng xa lạ. Hy vọng là một danh từ của hiện tại nhưng chỉ về tương lai. Bởi hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn, những nhọc nhằn và phiền muộn của ngày hôm nay được xoa dịu và trở nên bớt nhọc nhằn, bớt phiền muộn hơn. Cuộc sống tù đày vừa được nêu ra ở trên là một thí dụ cụ thể. Bởi tính chất xoa dịu, hy vọng do đó chính là liều thuốc thần, có khả năng chữa lành những vết thương của tâm hồn và thể xác.

Bởi hy vọng vào tương lai, cách sống của một người trong giây phút hiện tại có thể thay đổi. Tôi thấy có những cặp vợ chồng trên vùng đất mới, bởi hy vọng con cái của mình sẽ có một mớ kiến thức vững chắc hơn làm hành trang đi vào tương lai, cho nên họ hy sinh ngày nắng cũng như ngày mưa cày hai công việc để có nhiều tiền gửi con mình vào những trường trung học tư thục mắc tiền. Ngày thứ Bẩy tuyết đổ cao tới cửa sổ, họ cào tuyết, lái xe ra xa lộ vắng tanh đi làm. Ngày Chúa Nhật mưa rào, họ đội dù ra bến đón xe bus đi làm luôn.

Tôi đã gặp gỡ rất nhiều cặp vợ chồng mới cưới, sau khi một lần tay trong tay dẫn nhau lên cung thánh, sau khi chung sống với nhau qua một tuần trăng mật, tự nhiên họ nhận ra khuôn mặt của người vợ hoặc người chồng ngọt ngào của một thời giờ tự nhiên biến dạng. Cũng vẫn khuôn mặt dịu dàng duyên dáng đó mà sao bây giờ không còn duyên dáng dịu hiền như xưa? Cũng vẫn khuôn mặt chữ điền đó mà sao bây giờ người chồng của mình không còn ga-lăng đi ra mở cửa đi vô nhường bước như xưa? Bây giờ không còn là mình ơi hay là em ơi hay là anh ơi nữa! Nhưng bởi hy vọng vào tương lai và “chim kia ăn trái nhãn lồng, lia thia quen chậu, vợ chồng mình quen hơi”, họ bắt đầu tập chấp nhận lẫn nhau, chấp nhận những cái nét khác lạ của nhau. Và từ từ cả hai sẽ lướt qua được những khó khăn chồng chất của thuở ban đầu.

Giuđa đã có một lần trong đời tố cạn láng vào trong canh bạc đời, để rồi khi đứng dậy, Giuđa hoàn toàn trắng tay. Nhưng tiếc vô cùng, Giuđa không chấp nhận hòa giải với chính mình bởi vì anh ta không hy vọng rằng Thầy của mình sẽ tha thứ cho một lần anh ta yếu đuối. Bởi thế, anh ta đã quay trở lại đền thờ gặp những thầy thượng tế Do Thái quẳng trả lại ba mươi đồng bạc bán Thầy, sau đó anh ta đi kiếm một cành cây bên đường, thế là một sợi dây treo lên, một mạng người rớt xuống.

Riêng Phêrô thì khác, sau khi chối Thầy để rồi quay ngang, bắt gặp ánh nhìn của Đức Giêsu, Phêrô đã khóc như mưa. Nhưng Phêrô không nối theo bước chân của Giuđa, mà chỉ âm thầm ngồi than khóc, hy vọng đợi chờ vào tia nắng bình minh của ngày mai.

(Xin xem tiếp Phần Hai)
 
Truyền tin: Để Thiên Chúa tiếp tục ‘vào đời”
LM. Giuse Trương Đình Hiền
19:12 24/03/2009

Truyền tin: Để Thiên Chúa tiếp tục ‘vào đời”



Dẫn nhập đầu lễ: Kính thưa Cộng đoàn,

Chín tháng trước lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mừng lễ Truyền Tin.

Chúng ta vẫn thường ngộ nhận về ý nghĩa trọng tâm của mầu nhiệm Truyền Tin khi cho rằng Lễ Truyền Tin là lễ về Đức Mẹ.

Không phải thế. Cho dù Đức Maria liên kết chặt chẽ với biến cố “Ngôi Hai nhập thể làm người” để từ đó Mẹ đã trở thành “Mẹ Thiên Chúa”, Thì trung tâm của cử hành phụng vụ lễ Truyền Tin hôm nay lại chính là Ngôi Lời nhập thể, Đấng hôm nay “cất bước vào đời” với thái độ xin vâng trọn hảo: “Nầy Con xin đế để thực thi thánh ý Cha”.

Tuy nhiên, để đóng góp phần mình vào công trình cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta đặc biệt chiêm ngưỡng Đức Maria trong cung cách Mẹ nói lời xin vâng với Thiên Chúa để nhận lời cưu mang Chúa Giêsu trong cung lòng trinh khiết hầu ban ơn cứu độ cho nhân loại, cho mọi người.

Giờ đây, chúng ta hãy thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành thánh lễ.

Giảng Lời Chúa:

Nếu có lời Kinh Thánh nào được đọc nhiều nhất trên môi miệng nhân loại, thì đó chính là lời thiên sứ chào kính Trinh nữ Maria trong biến cố Truyền tin mà hôm nay Phụng vụ Lời Chúa đang công bố giữa cộng đoàn chúng ta: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà”.

Tại sao câu Lời Chúa giản đơn ấy lại được cái vinh dự lớn lao như thế ? Giản đơn, vì những lời trên có liên quan đến một mầu nhiệm vĩ đại, một biến cố “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử nhân loại: mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

Vâng, Lời chào của thiên sứ Gabriel chính là TIN VUI trọng đại báo tin thời khắc thiêng liêng và tối ư quan trọng mà Thiên Chúa đã chuẩn bị lâu dài ngút mắt và nhân loại đã ngóng trông đến mõi mòn: Thiên Chúa chuẩn bị để hiện thực lời hứa thuở ban đầu “dòng giống người nữ sẽ đạp dập đầu ngươi”, và nhân loại mõi mòn ngóng đợi “Vị cứu tinh” quang lâm để dựng xây “vương quốc Thiên Chúa”.

Bời vì, mầu nhiệm Nhập Thể đã thực sự bắt đầu từ sau tiếng XIN VÂNG can đảm và ngoan ngùy đó: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Phụng vụ truyền Tin chợt về giữa Mùa Chay Thánh. Như vậy mầu nhiệm Truyền Tin hôm nay thật sự muốn nới gì với chúng ta ?

1. Muốn nói với chúng ta rằng: phải luôn yêu cuộc sống !

Vì yêu cuộc sống nên sau lời “Xin vâng” của Đức Trinh nữ Maria, tức khắc Ngôi Lời đã trở thành một thai nhi. Con Thiên Chúa mang lấy thân phận và cuộc sống loài người. Và kể từ đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã bắt đầu chọn đi trên nẻo bấp bênh của kiếp phận con người: lớn lên chín tháng trong lòng mẹ như bao vạn triệu con người để rồi cất tiếng khóc oa oa chào đời giữa đêm đông giá rét. Ngài đã không chọn cách kiểu vào đời oai phong lẫm lẫm bước xuống từ trời như một thiên sứ giáng lâm, mà Ngài cần sự sống được chuyển thông từ dòng sửa mẹ, để đi ra cuộc đời bằng xác thân mỏng manh yếu đuối.

Vì yêu cuộc sống lầm than nhân loại nên Ngài không chọn gác tía lầu son để xa xôi cách biệt giữa Thiên Chúa Tối Cao với đớn hèn nhân loại, nhưng đã sẻ chia trọn vẹn phận người như ta ngoại trừ tội lỗi. Cuộc sống của Ngôi Lời quyền năng từ đây sẽ là cuộc hành trình mang theo tất cả buồn vui, âu lo, trăn trở; sẽ đong đầy nước mắt đoạn trường, sẽ dập dìu những đau thương khổ lụy. Cuộc sống của Ngài phản ảnh chính cuộc đời của Mẹ mà sau đó chẳng bao lâu đã được ông già Simêon tiên báo: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu cõi lòng bà” (Lc 2, 35).

Vì yêu cuộc sống nên Ngài đâu dám xem thường lưỡi gươm truy sát của bạo chúa Hêrôđê nên đã tất tả trốn sang Ai Cập; vì yêu cuộc sống đó nên Ngài đã chấp nhận lao động vất vả bằng nghề thợ mộc để nuôi sống bản thân và phụng dưỡng cha mẹ. Vì yêu cuộc sống đó nên Ngài không cầm lòng để người chị Matta, Maria phải mất em, để mẹ già thành Naim vĩnh biệt con trai yêu dấu, để ông Giairô mất đứa con gái rượu, nên đã quyết định thi thố quyền năng “hoàn sanh cải tử”. Vì yêu cuộc sống nên Ngài cảm thông nổi thất vọng ê chề của những người phong cùi, mù què, câm, điếc, quỷ ám, bại liệt…nên đã ra tay phục hoạt chữa lành. Vì yêu cuộc sống nên Ngài đã đem niềm hy vọng làm lại cuộc đời cho Mai-đệ-liên, xóa đi nổi hổ thẹn ê chề của người phụ nữ ngoại tình bị loài người kết án. Vì yêu cuộc sống nên Ngài đã động lòng xót thương mấy ngàn người bơ vơ như chiên không người chăn và đã làm phép lạ bánh, cá hóa nhiều để cho họ no lòng chắc dạ trên đường từ hoang mạc về nhà…Và vì yêu cuộc sống, cuộc sống vĩnh cửu của mọi con người, nên Ngài đã chấp nhận “trở thành hạt lúa mì chôn vào lòng đất” qua cái chết tủi nhục đau thương để rồi sống lại trong vinh quang bất diệt.

Và Lời Chúa hôm nay còn nói gì với ta nữa ?

2/. Muốn nới với chúng ta rằng: phải luôn yêu con người.

Mầu nhiệm Truyền tin hôm nay đã hiện thực hóa chính lời ngôn sứ Isaia báo trước: “Nầy đây một Trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.(BĐ 1)

Emmanuen: đó chẳng phải là: khi dấn bước vào đời, Con Thiên Chúa muốn đích thân kết bạn với chúng ta cho dù tội lỗi đã làm cho ta mất đi khuôn mặt giống ảnh hình Thiên Chúa.

Emmanuen: đó chẳng phải là: khi mang lấy khuôn mặt loài người, Ngôi Lời đã dạy chúng ta phải yêu thương con người, bởi vì kể từ biến cố nầy, khuôn mặt của nhân loại sẽ lại được tái tạo sao cho giống ảnh hình của Thiên Chúa, con của một Cha, anh em một nhà, cho dù khác nhau về màu da, tôn giáo, ngôn ngữ, ý thức hệ…

Trong một thế giới mà nạn tàn sát sự sống thai nhi đã đến hồi nghiêm trọng cảnh báo, một thế giới mà quyền sống và tự do của con người vẫn bị chà đạp, nạn chiến tranh, khủng bố, bạo lực lan tràn khắp chốn…, thì “Sứ điệp Truyền Tin” hôm nay quả thật cần thiết để suy niệm và thực hành, để lắng nghe và cầu nguyện để sống và làm chứng ! Bước theo Ngôi Lời nhập thể, chúng ta yêu cuộc sống, yêu con người, chúng ta tích cực dấn thân để vun đắp nền “văn minh sự sống” và can đảm nói không với mãnh lực của nền văn hóa sự chết.

3. Và điều cuối cùng mà sứ điệp Phụng vụ hôm nay nhắn gởi đó chính là: Hãy luôn trở thành địa chỉ đáng tin cậy để Thiên Chúa tiếp tục truyền tin.

Ở Na-da-rét trong thời gian cách nhau chỉ 6 tháng nhưng đã có hai cuộc Truyền tin: Truyền tin cho Giacaria và truyền tin cho Đức Mẹ. Giacaria bị câm vì hồ nghi Tin vui của Thiên Chúa. Trong khi đó Đức Maria đã mở miệng xin vâng và sau đó là lời ca khen chúc tụng với bài Magnificat. Đến với Mẹ Maria, quả thật, thiên sứ Gabriel đã tìm đúng địa chỉ.

Bởi vì, như lời nhạc trong ca khúc của Trầm Hương, “Mẹ thưa xin vâng, xin vâng trọn thánh ý Chúa Cha, Mẹ thưa xin vâng với Tin Mừng của Con Chí Thánh. Mẹ thưa xin vâng với tác động của Chúa Thánh Linh…”, cho nên kể “từ lúc Mẹ nói lời xin vâng, Mẹ trở nên Thánh Mẫu tuyệt vời…kỷ nguyên mới đã đến trong đời…Ngôi Lời Thiên Chúa đến với nhân loại…Huyền diệu quá muôn đời tiếng Xin Vâng” !

Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục “truyền tin” và Ngài vẫn luôn cần những địa chỉ như thế để Lời Thiên Chúa được đón nhận và thực hiện.

Lễ Truyền Tin về giữa Mùa Chay thánh, mùa Phụng vụ âm vang tiếng Chúa mời gọi chúng ta sám hối và tin vào Tin Mừng, mùa của thống hối ăn ăn, mùa của đổi mới cuộc đời, quay trở về với Chúa, với anh em, với sứ điệp tình yêu của Chúa Giêsu, với con đường của hy sinh thập giá và hy vọng phục sinh. Cùng với lời gọi mời của Mùa Chay thánh đó, sứ điệp Truyền Tin hôm nay đang khơi dậy nơi chúng ta lời “Xin Vâng” của Ngôi Lời Nhập Thể: “Nầy con xin đến để thực thi thánh ý Cha”, lời “xin vâng” của Mẹ Maria, khi Mẹ chấp nhận chia sẻ và đi trên con đường cứu độ của Con từ những tháng năm tất tả khổ cực của Bê Lem, Na-da-rét cho đến đĩnh đồi Núi Sọ khi chứng kiến cái chết nhục hình của Con Mẹ trên thập giá.

Và như thế, sống Mùa Chay Chay hay sống sứ điệp Truyền Tin đó chính là hãy biến mình thành một địa chỉ đáng tin cậy như Đức Maria để Thiên Chúa tiếp tục “truyền tin” cứu độ, để Thiên Chúa tiếp tục vào đời bằng đôi mắt, đôi tay, bằng trái tim và khối óc của chính chúng ta như ngụ ý của một bài thơ:

Mẹ Maria cho Thiên Chúa một thân xác, hình hài để mắt trần có thể nhìn thấy, để Ngài chạm đến vết thương đau của những người phong cùi. Mẹ Maria cho Thiên Chúa đôi tay để chúc lành các trẻ thơ bé nhỏ, để làm phép lạ nuôi đám đông no nê. Mẹ Maria cho Thiên Chúa đôi chân để đi đến với người đau yếu, để kiếm tìm người tội lỗi. Mẹ cho Thiên Chúa đôi mắt để khóc thương bên nấm mồ người bạn, để nhìn vào tận đáy lòng con người. …

Lạy Mẹ Maria, Xin Mẹ giúp chúng con biết sống xin vâng như Mẹ với trái tim thảo hiền. Amen.
 
Ánh sáng hy vọng
Phanxicô Xaviê
20:40 24/03/2009
ÁNH SÁNG HY VỌNG

Phụng vụ Mùa Chay đang dẫn chúng ta cùng đi với Đức Giêsu tới ngưỡng cửa của cuộc khổ nạn. Bây giờ là những ngày cuối của Ngài ở trần gian. Sau khi dự bữa ăn tối với gia đình người bạn mà Ngài đã cho sống lại ở Betania. Chúa Giêsu vào thành, dân chúng hoan hô đón tiếp Người long trọng. Trong thành phần tham dự cuộc rước Chúa với nhành lá thiên tuế đó có một số người Hy Lạp, vì họ cũng về Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Họ muốn gặp Đức Giêsu. Đó là hoàn cảnh mà Lời Chúa đến với các Tông đồ, các người Do Thái, Hy Lạp và với chúng ta ngày nay.

Nhân cơ hội có một số anh em Hy Lạp muốn gặp Chúa, có lẽ họ nghĩ rằng đang rạng ngời vinh quang. Chúa Giêsu cho họ và dân chúng cũng như các môn đệ biết rằng vinh quang đích thực của Ngài là hy sinh mạng sống, bị dương cao để cứu độ nhân loại.

Lời thỉnh cầu của những người ngoại vô tình lại là một cử chỉ đón tiếp khải hoàn. Thiên Chúa Ngôi Hai làm người đã chấp nhận cách cứu độ nhân loại theo một kiểu không ai dám nghĩ tới: chịu khổ nạn và chết trên thập giá, coi đó là một sự tôn vinh vì tỏ rõ lòng yêu thương của Thiên Chúa và đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Đức Giêsu phải điều chỉnh ý tưởng lệch lạc đám đông Giêrusalem có về vinh quang và cuộc khải hoàn của Người. Thông diệp đó gửi đến chúng ta, những người đang sống ở một thời đại mà ý nghĩa danh dự bị đặt ở chỗ khác, một hoàn cảnh mà hy sinh cho tha nhân có lẽ đã nhạt nhòa, thật sự như một cách nhắc nhở rất cần thiết: những người muốn sống đời sống phục vụ, thì hãy sống như Chúa, nghĩa là coi thường mạng sống mình vì lợi ích của tha nhân, làm cho đời mình nên như hạt lúa gieo vào lòng đất với niềm tin nó sẽ trổ sinh mùa gặt phong phú. Nếu ai cũng chỉ biết có mình, sống cho mình thì bầu khí gia đình, bộ mặt xã hội sẽ thật nặng nề, khô cằn và tàn lụi. Chỉ có cuộc sống thanh thoát, xả kỷ vị tha mới nâng mình và tha nhân lên được.

Mặc dù có thể ngộ nhận về Chúa Giêsu trong vinh quang của dân chúng dành cho, những người Hy Lạp muốn gặp Chúa để biết sự thật về con người có lời nói và việc làm đầy uy quyền. Chúng ta đã vận dụng khả năng của mình để đi tìm chân lý hay chỉ đòi hỏi những gì phù hợp với suy nghĩ và lối sống sẵn có của mình ?

Bệnh viện thuộc trường đại học y khoa Stanfond ở Mỹ đã sáng chế ra một loại cửa sổ nhân tạo dặt trong các phòng hồi sức, nhằm giúp cho các bệnh nhân mau chóng được hồi phục. Người vẽ kiểu cho loại cửa sổ này là một thợ chụp hình thuộc tiểu bang Califonia. Ông đã chứng kiến cái cảnh thoi thóp thở của cha mình, khi nhìn lên trần của phòng hồi sức chỉ thấy toàn một màu trắng với những lỗ đen. Các bác sĩ cho biết, vì phải nằm lâu ngày trong căn phòng thiếu cửa sổ, thiếu ánh sáng tự nhiên, cho nên không những bệnh nhân khó hồi phục mà còn để lộ nhứng triệu chứng của bệnh tâm thần.

Với cánh cửa sổ nhân tạo nói trên, nhờ một hệ thống điện toán tinh vi, bệnh nhân có thể cảm thấy như đang tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài. Trong 24 giờ đồng hồ, ánh sáng trên khung cửa nhân tạo thay đổi 650 lần. Bệnh nhân có thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời lên cũng như những áng mây bay qua khung cửa. Tất cả đều nhằm để giúp cho bệnh nhân cảm thấy mình gần gũi với thiên nhiên và nhờ đó cảm thấy bớt cô đơn.

Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá cũng là chiến thắng vĩnh viễn của Người trên ma quỷ, trở nên nguồn ánh sáng vô tận soi dọi những ngõ ngách tăm tối trong tâm hồn con người. Xua tan hết mọi nỗi cô đơn và sợ hãi. Là niềm hy vọng cho tất cả chúng ta.

Con người cũng như vạn vật cần có ánh sáng để sống. Riêng với con người, ánh sáng không những cần cho sự sống của thân xác, mà còn giúp người ta khỏi cô đơn. Bóng tối dễ làm cho con người sợ hãi vì cô đơn Có nhiều thứ bóng tối trong cuộc sống: bóng tối của ích kỷ, của ganh ghét, của hận thù, của đam mê...Càng giam mình trong bóng tối ấy, chúng ta càng cảm thấy cô đơn và càng trở nên bệnh hoạn.

Vì vậy, chúng ta cần có ánh sáng để sống, để lớn lên trong tình người cũng như để chữa trị những băng hoại trong tâm hồn. Và nguồn ánh sáng đích thực đã đến trong thế gian đó chính là Đức Giêsu Kitô. Có ánh sáng của Lời Chúa soi sáng, dẫn từng đường đi nước bước của mọi người, giúp chúng ta về tới bến bờ bình an. Có thứ ánh sáng của những nghĩa cử từng ngày. Không có một nghĩa cử nào qua đi mà không thêm một chút ánh sáng giúp ta hồi phục vì những vết thương đau trong cuộc sống. Một hành động bác ái, một biểu lộ tin yêu dù nhỏ mọn đến đâu cũng là một tia sáng mang hy vọng đến cho tăm tối cô đơn trong tâm hồn mỗi người.
 
Sống Tnh Thức # 40: Cái Giá Của Sự Hy Sinh
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
22:32 24/03/2009
Sống Tỉnh thức # 40:

CÁI GÍA CỦA SỰ HY SINH

* Chuyện kể: Một buổi sáng sương mù năm 1955, ngư phủ người Ý tên John Napolii trở về sau chuyến kéo lưới đầy cá của ông.

Khi cho thuyền của mình đi qua cầu Golden Gate để tiến về cảng San Francisco, ông rất sửng sốt khi thấy trên mặt biển nhung nhúc người. Hai chiếc tầu đã đụng vào nhau, khắp nơi đã vang lên những tiếng kêu: “Cứu tôi với, cứu tôi với, tôi không biết bơi!” John cẩn thận lái đến chỗ những người đang chìm, và nhanh chóng kéo hết người này đến người khác lên thuyền. Chỉ trong chốc lát chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé của ông đã chật kín. John đứng trước một trong những quyết định khó khăn nhất, ấy là đưa những người sắp chết đuối lên thuyền hay là giữ lại số cá, vì thuyền đã quá tải.

Cuối cùng, ông đã quyết định đổ toàn bộ số cá của mình nặng gần 1 tấn xuống biển và kéo lên tàu hơn 70 người nữa.

* Một phút hồi tâm: John Napolii đãp Phải đứng trước một quyết định khắc nghiệt; nhưng tình yêu đồng loại đã giúp ông chọn lựa đúng. Có lẽ đa số trong chúng ta chưa bao giờ phải đứng trước một sự chọn lựa tương tự như vậy.

Thường thì ta chỉ xem trọng vật chất hơn tinh thần, thiếu mất tình thương và tình nghiã anh em. Bạn nghĩ xem John Napolii có bao giờ ân hận về quyết định của ông không? Bạn có nghĩ ông ta sẽ hối tiếc vì đã xem tính mạng con người là quan trọng hơn số cá của ông không? Không bao giờ.! Nhiều năm sau đó, John gặp lại những người mà ông đã cứu sống trong không khí thật cảm động và tràn ngập niềm vui. Tiên tri Isaia đã diễn tả tình yêu của Chúa như sau: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tôi, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã chịu thương tích cho chúng ta được chữa lành. (Is 53, 5)

Nếu bạn muốn cảm nhận được niềm vui như thế, hãy hy sinh những vì mình có để cứu người khác như Chúa đã làm gương, rồi bạn sẽ biết, chẳng có niềm hạnh phuc nào sánh được.!

* Lời Chúa tôi gẫm suy: Khi lập phép Thánh Thể, Đức Giêsu đã nói: “Đây là mình Thầy, hy sinh vì anh em. (Lc 22, 19)

Phó tế: GB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:34 24/03/2009
VĨ ĐẠI

N2T


Đị sư thở dài nói: “Vấn đề của thời đại này đều phát xuất từ nhân loại không dám trưởng thành.”

Các đệ tử hỏi: “Nhứ thế nào mới gọi là trưởng thành ?”

- “Cho đến một ngày họ không cần phải nói dối vì bất cứ nguyên nhân nào nữa.”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Nói dối là người chưa trưởng thành, bởi vì họ không dám nhìn nhận sự thật, bởi vì người trưởng thành là người dám nói sự thật và dám nhận trách nhiệm về những gì mình nói mình làm...

Nói dối là biểu hiện một tâm hồn ích kỷ chỉ biết nhận mà không biết cho, chỉ biết mình mà không biết người, chỉ biết hưởng thụ mà không muốn phục vụ, đó là biểu hiện một tâm hồn chưa trưởng thành, dù cho cái xác của họ có to lớn như người khổng lồ.

Nếu con người mỗi người biết trưởng thành thì xã hội sẽ thân thiện và mọi người biết tin tưởng nhau; nếu mỗi con người có trưởng thành thì mọi suy tư của họ đều đấy lòng nhân ái và thông cảm.

Nếu những người Biệt Phái và Pha-ri-siêu đều có sự trưởng thành trong vấn đề tôn giáo, thì họ sẽ không ganh ghét và bắt nộp Chúa Giê-su cho chính quyền của Phi-la-tô; nếu Phi-la-tô có sự trưởng thành và hiểu biết về tôn giáo, thì chắc chắn ông sẽ mạnh dạn phóng thích Chúa Giê-su vì những kết án về tôn giáo mà chính ông chẳng biết gì cả...

Nếu chưa trưởng thành thì xin mời đọc Phúc Âm và suy niệm, để thấy mình trưởng thành hơn qua lời dạy của Chúa Giê-su...

Trưởng thành chính là sự vĩ đại của tâm hồn.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:37 24/03/2009
N2T


119. Vui vẻ trong mọi công việc, lúc nào cũng vì anh chị em mà hy sinh bản thân mình. (Thánh nữ Francis of Rome)

 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:39 24/03/2009
N2T


64. Bất luận chí khí lớn hay nhỏ thì nên tận lực mới thôi; thất chí mà không thay đổi, thì có thể được như ý nguyện.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha khuyến khích dân Phi Châu xây dựng hòa bình và tình đoàn kết
Bùi Hữu Thư
04:45 24/03/2009

Đức Thánh Cha khuyến khích dân Phi Châu xây dựng hòa bình và tình đoàn kết



Kêu gọi các chính trị gia lo lắng cho người nghèo và sự an vui của tất cả mọi người.

LUANDA, Angola, ngày 23, tháng 3, 2009 (Zenit.org)
.- Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định với người Angola là họ đang cố gắng xây dựng một tương lai đầy tha thứ, đoàn kết và công bình, và kêu gọi các chính trị gia lo lắng cho những người thiếu thốn.

Đức Thánh Cha nói như vậy trong một diễn văn từ biệt tại phi trường Angola: Quatro de Fevereiro trước khi rời nơi đây để đi về Rôma, chấm dứt cuộc tông du Phi Châu. Ngài nói trước sự hiện diện của José Eduardo dos Santos, Tổng Thống Angola, và các giới chức chính trị, dân sự và tôn giáo, và một nhóm người trẻ.

Ngài khẳng định, "Tôi cảm tạ Thiên Chúa đã cho tôi thấy Giáo Hội nơi đây thật sống động và đầy sốt sắng, mặc dầu có nhiều khó khăn, đã có thể vác thánh giá mình và của người khác, làm chứng nhân trước mọi người về quyền năng cứu chuộc của Phúc Âm. "

Ngài nói, “Giáo Hội tiếp tục tuyên xưng rằng thời điểm của hy vọng đã tới, và Giáo Hội cam kết đem lại hòa bình và cổ võ việc thực thi tình bác ái huynh đệ tất cả mọi người có thể chấp nhận, và tôn trọng ý kiến và sự nhậy cảm của mỗi cá nhân."

Đức Thánh Cha bầy tỏ lòng buồn rầu vì phải chia tay, nhưng cũng có niềm vui vì “đã quen biết một dân nước can đảm quyết chí làm lại từ đầu."

Những người thiếu thốn

Ngài kêu gọi một lần cuối, xin cho “sự hiện thực các ước vọng căn bản của những người thiếu thốn nhất sẽ trở nên mối lưu tâm chính của những ai đang nắm quyền."

Đức Thánh Cha ghi nhận, "Trái tim chúng ta không thể nào tìm được sự bình an trong khi hãy còn những người anh chị em còn phải đau khổ vì thiếu thức ăn, việc làm, nhà ở, hay các tiện nghi căn bản khác.”

Ngài tiếp, “Nếu chúng ta phải đáp ứng một cách rõ rệt cho những người anh chị em này, thách đố đầu tiên phải vượt thắng là việc xây dựng tình đoàn kết."

Tình đoàn kết này, ngài giải thích, phải xẩy ra giữa các thế hệ, giữa các quốc gia và đại lục, và “phải đưa đến một sự chia sẻ đồng đều hơn các nguồn liệu của trái đất cho tất cả mọi dân nước."

Ngài cầu xin Thiên Chúa che chở và trợ giúp cho “muôn vàn người tị nạn đã bỏ quê hương, đang phải lang thang, chờ đợi ngày được trở về xứ sở của họ."

Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định, "Thiên Chúa không bỏ quên anh chị em, Thiên Chúa yêu anh chị em như những người con. Người luôn canh giữ anh chị em cả ngày lẫn đêm, và theo dõi mọi công việc và các ước nguyện của anh chị em.."

Ngài khuyên người Angola: “Xin đừng bao giờ nản chí trong việc cổ võ cho hòa bình, xin hãy làm những cử chỉ tha thứ và hoạt động để đạt được sự hòa giải quốc gia, để cho bạo lực không bao giờ lấn áp việc đối thoại, hay lo sợ và nản chí lấn áp sự cậy tin, hay sự thù hận lấn áp tình huynh đệ.

"Tất cả những điều này đều khả dĩ nếu anh chị em coi nhau như những nguời con cái của cùng một Cha, là Cha trên Trời."

Sau nghi thức tiễn đưa, chuyến bay của Đức Thánh Cha cất cánh lúc 10:30 sáng nay và đến Rôma lúc 6:00 giờ chiều.
 
Nạn buôn bán ma túy tại Á châu
Linh Tiến Khải
14:50 24/03/2009
Phỏng vấn ông Gary Lewis, đặc trách Trung tâm miền Á châu và Thái Bình Dương của Văn phòng Liên Hiệp quốc về ma túy và tội phạm, về tình hình sản xuất và buôn bán ma túy trên thế giới

Hồi cuối tháng 2 năm 2009 Văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm đã công bố bản tường trình liên quan tới tình hình sản xuất và buôn bán ma túy trên thế giới.

Tại Á châu có hai vùng sản xuất nhiều ma túy nhất là vùng ”Nửa vành trăng vàng” tức Afghanistan và vùng ”Tam giác vàng” gồm Myanmar, Lào và Thái Lan. Việt Nam cũng thường được coi là một phần của vùng này. Vùng ”Tam giác vàng” này rộng 350 ngàn cây số vuông và hồi thập niên 90 đã cung cấp 25% tổng số lượng ma túy toàn thế giới. Nhờ chiến dịch khuyến khích các nông dân trồng các loại sản phẩm khác, do Liên Hiệp Quốc phát động, số lượng ma túy đã giảm 10% trong 10 năm qua và trong năm 2008 vùng này cung cấp 15% tổng số lượng ma túy trên thế giới.

Là vùng sản xuất nhiều ma túy các nước Đông Nam Á cũng là một trong những vùng tiêu thụ nhiều ma túy nhất thế giới. Năm 2002 số người nghiện ma túy là 1,6% tổng số dân. Năm 2005 nó giảm xuống 0,6%, nhưng hiện nay lại tăng lên 1,1% gồm những người trên 15 tuổi so với 0,4% trên toàn thế giới. Nói chung số người nghiện ma túy tại các nước vùng đông nam á là 0,5%, nhưng trong các vùng trồng ma túy thì có tới 2,3%. Chất amfetamine là loại ma túy phổ thông nhất. Và Phi Luật Tân đứng hàng đầu với 6% tổng số dân dùng amfetamine trong năm 2008. Campuchia, Lào, Malaysia và Thái Lan cũng có số người nghiện ma túy cao. Chất ketamina thường được dùng để gây mê hiện là loại bán chạy nhất tại Trung Quốc, và là chất được 73% người trẻ Hồng Kông dưới 21 tuổi sử dụng. Trong khi bạch phiến là loại ma túy phổ biến nhất tại Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam.

Afghanistan là nước sản xuất nhiều ma túy nhất thế giới. Hiện nay nước này tiếp tục cung cấp 93% số lượng thuốc phiện thô. Tuy trong năm 2008 lượng sản xuất giảm 20% nhưng nay lại bắt đầu gia tăng. Ủy ban hỗn hợp chính quyền Kabul và Liên Hiệp Quốc cho biết trong năm 2009 này việc sản xuất sẽ giảm thêm. Lý do là vì giá thuốc phiện thô hạ chỉ được khoảng 60 mỹ kim một ký, và vì thiếu nước trong các vùng miền nam Afghanistan trồng cây thuốc phiện. Ông Kai Eide, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan cho biết sự thành công tùy thuộc nơi khả năng củng cố các phát triển tích cực này trong hai năm tới. Hiện có 18 trên tổng số 38 tỉnh Afghanistan đã tuyên bố được giải thoát khỏi nông nghệ trồng thuốc phiện. Trong 7 tỉnh khác việc sản xuất cũng sẽ giảm thiểu vì có sự kiểm soát gắt gao của chính quyền. Tuy nhiên Afghanistan vẫn là nước sản xuất nhiều ma túy nhất thế giới với 93% thuốc phiện thô được chế biến thành các chất ma túy khác nhau đó đây trên thế giới. Và trong tình trạng chiến tranh tại Afghanistan hiện nay, việc buôn bán khí giới, thuốc phiện và phong trào hồi giáo cực đoan kiểu người Taleban, được kết tụ với nhau nơi các du kích quân. Người Taleban chống lại chính quyền của tổng thống Amin Kazai và các lực lượng nước ngoài ủng hộ chính quyền Kabul, có được các khoản tiền lời khổng lồ phát xuất từ việc buôn bán ma túy. Năm ngoái số tiền này lên tới 470 tỷ mỹ kim, bao gồm cả thuế đánh trên các nông dân trồng cây nha phiến cũng như trên các tay buôn nha phiến dưới quyền kiểm soát của du kích quân taleban, đặc biệt là trong tỉnh Helmand. Nhìn từ góc cạnh này chiến tranh tại Afghanistan chống lại các lực lượng của người Taleban ngày càng trở thành cuộc chiến chống lại các chủ nhân ông của thuốc phiện.

Trong thập niên vừa qua phong trào phát triển canh tác các thứ sản phẩm khác đã đem lại các thành công giúp giảm số lượng ma túy sản xuất trong vùng Đông Nam Á. Tệ nạn trồng cây ma túy xem ra được nhổ tận gốc rễ tại Việt Nam vào năm 2000, tại Thái Lan vào năm 2003, tại Lào vào năm 2005 và tại Myanmar số lượng ma túy cũng giảm khá. Nhưng trong năm 2008 vừa qua số lượng ma túy lại gia tăng. Bốn nước thuộc vùng Tam giác vàng tại Đông Nam Á cung cấp 15% tổng số lượng thuốc phiện toàn thế giới và biến chế thuốc phiện thô đến từ Afghanistan, qua ngã Ấn Độ và Nepal. Tại Thái Lan số lượng thuốc phiện sản xuất gia tăng 24% trong năm 2008.

Có nhiều lý do giải thích sự kiện này: trước hết nông dân cần các nguồn tài trợ khác để có thể sống còn, tiếp đến là nạn nghèo túng gia tăng trong một vài vùng, rồi cảnh người dân thất vọng trước các chương trình đã bắt đầu nhưng không đem lại lợi tức mong đợi. Thế rồi nhu cầu thị trường địa phương gia tăng, nạn gian tham hối lộ lan tràn và các luật lệ chống ma túy thường khi không được áp dụng, sự khan hiếm ngân khoản từ các tổ chức quốc tế chống ma túy, và cả các thay đổi khí hậu cũng ảnh hưởng trên đất đai của một vài vùng. Cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế và giá nguyên liệu gia tăng khiến cho nhiều cộng đoàn nông dân quay trở lại với nghề trồng cây thuốc phiện.

Ông Leik Boonwat, đặc trách văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm tại Lào, cho biết nghề trồng cây thuốc phiện khiến cho nông dân sống ở miền nam bang Shan của Myanmar thu hoạch được 265 mỹ kim mỗi kílô. Những người sống tại miền bắc bang Shan thu được hơn 400 mỹ kim mỗi kí lô. Tại Lào gía một kílô thuốc phiện thô là 1.220 mỹ kim và tại Thái Lan là 1.250 mỹ kim. Trong khi tại Afghanistan mỗi kí lô thuốc phiển thô chỉ giá 95 mỹ kim. Và một mẫu cây thuốc phiện có thể sản xuất 40 kí lô nhựa thô, trong khi tại Myanmar chỉ được 14 kí. Vẫn theo ông Boonwat, tại những nơi nào các chương trình trồng nông sản khác hoạt động tốt, thì dân chúng kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng cần phải có an ninh và hòa bình cũng như sự dấn thân tích cực của các chính quyền địa phương.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Gary Lewis, đặc trách Trung tâm miền Á châu và Thái Bình Dương của Văn phòng Liên Hiệp quốc về ma túy và tội phạm, về tình hình sản xuất và buôn bán ma túy trên thế giới.

Hỏi: Thưa ông Lewis, trong bản tường trình của văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm việc trồng các nông phẩm khác lại được đề cao như một trong các phương thế giúp chống lại việc trồng cây thuốc phiện. Nhưng như thế có đủ không thưa ông?

Đáp: Không. Việc tái sản xuất thuốc phiện có các lý do khác nhau cần phải được lượng định để đề nghị các giải pháp thích hợp. Chẳng hạn, xem ra rõ ràng là sự phát triển không đồng đều của vùng đã là động lực của việc sản xuất: sản xuất thuốc phiện hay sản xuất nhiều thuốc phiện hơn để có được cuộc sống sung túc như các phương tiện truyền thông đề nghị hay đôi khi đã được trông thấy trong các làng. Một sự tiến bộ mời gọi có các kiểu sống mới, nhưng nó cũng gạt bỏ con người ra ngoài, qua các tốn phí ngày càng cao của các nhu cầu thường ngày, và vì thế người ta tìm các câu trả lời dễ dàng và cổ xưa:ở đây là trồng cây nha phiến. Sau cùng cần lượng định các nhu cầu của thị trường bạch phiến và anfetamine, vì ngày nay trong vùng này có các nước không chỉ cung cấp chất liệu mà cũng biến chế các chất liệu đó để kiếm được nhiều tiền hơn.

Hỏi: Thưa ông có nhiều người chỉ trích một sự thành công được đưa lên các bảng thống kê, nhưng trong một vài vùng sự thành công hoàn toàn vẫn còn rất xa vời, ông nghĩ sao?

Đáp: Cần phải lượng định các tình hình địa phương. Bên Thái Lan các nghiên cứu và chương trình sản xuất các nông phẩm khác đã bắt đầu từ năm 1969, nhưng chỉ giữa thập niên 1980 mới diệt được các đồn điền trồng cây nha phiến. Cần phải nhiều năm mới có thể tạo ra một việc sản xuất khác cho người dân địa phương. Trong các vùng khác đã không có đủ thời gian và có lẽ cả các đề nghị và ngân khoản nữa.

Hỏi: Thuốc phiện là một vấn đề toàn cầu. Nhưng cách giải quyết qua ngã các người sản xuất địa phương xem ra có các kết quả thường khi gây tranh luận, riêng ông thì ông nghĩ sao?

Đáp: Vâng, có đúng như vậy thật. Lại còn đúng hơn nữa vì các thống kê của chúng tôi cho thấy rằng các thành công trong qúa khứ thường gây thiệt hại cho phẩm chất cuộc sống của người dân, ít nhất là tại Myanmar và Lào, mà không loại trừ được nạn buôn bán ma túy hay giảm thiểu số người nghiện ma túy trên thế giới. Ngoài các nước kể trên thì người ta tìm cách di chuyển thị trường trong nghĩa là không sản xuất, nhưng cung cấp các địa điểm chuyển ma túy, các căn cứ lọc ma túy và các thị trường tiêu thụ.

Hỏi: Như thế thì cần phải thay đổi các đường lối chính trị chống lại việc sản xuất ma túy chứ, có phải thế không thưa ông?

Đáp: Chúng ta đang mất đi việc kiểm soát từ nền tảng và việc chú ý tới cuộc sống thường ngày của những người không có cách sinh sống nào khác. Cần phải có một cái nhìn xa hơn và có phối hợp hơn. Không thể chiến thắng bằng cách dẵm chân trên đầu trên cổ người dân địa phương được. Cần phải khiến cho họ trở thành các đồng minh, các diễn viên chứ không phải là các khán giả đối với tương lai của họ.

(Avvenire 1-3-2009)
 
Tòa Thánh quyết định để chú đồi mồi ở lại Angola.
Ngọc Loan
16:59 24/03/2009
Luanda-Angola Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và các cộng sự viên của Đức Thánh Cha đã quyết định để chú đồi mồi, kỷ vật sống do bộ tộc Pygmies tặng, sẽ ở lại Phi Châu.

Thoạt đầu như đã loan tin, Linh Mục Dòng Tên Federico Lombardi đã nói có lẽ chú đồi mồi sẽ được thả tại vườn Vatican. Thế nhưng cuối cùng Cha Lombardi nói các ngài đã xin các nhân viên làm việc tại Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Luanda tìm nơi thích hợp cho chú đồi mồi.

Trên chuyến bay trở về Vatican 23/3, Linh Mục Dòng Tên Lombardi đã nói với các ký giả là chú đồi mồi đã được các nhân viên Tòa Khâm Sứ tại Angola “chăm sóc kỹ lưỡng”, vì đã được quyết định rằng chú đồi mồi phải sống trong môi trường thích hợp tại Phi Châu.

Thật vậy nếu chú đồi mồi được đưa về vườn Vatican, chú phải chịu đựng những mùa đông giá lạnh tại Roma và sống lang thang cô đơn tại vườn Vatican.

Câu chuyện chú đồi mồi đã xảy ra vào ngày cuối cùng trong chuyến Tông Du Giáo Hoàng tại Cameron hôm thứ Sáu 20/3 trước khi Đức Thánh Cha chuẩn bị lên đường sang thăm quốc gia Angola.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã được bộ tộc Pygmies viếng thăm, họ đã tặng Đức Thánh Cha một chú đồi mồi, đây là một chương trình không được liệt kê trong chuyến tông du Giáo Hoàng. Nhóm bộ tộc Pygimies khoảng 15 người thuộc Bộ tộc Baka đã len lỏi cho bằng được để đến nơi Giáo Hoàng trú ngụ tại Dinh Khâm Sứ ở Yaounde. Tại đây họ đã nhanh chóng dựng một cái chòi bằng lá tại vườn tòa Khâm Sứ và Đức Thánh Cha đã đi ra chào mừng họ.

Nhóm Pygmies gồm có các bô lão, cha mẹ và con cái đã cất lên những bài hát thổ dân và vũ dân tộc đi kèm theo tiếng trống. Họ đã tặng Đức Thánh Cha ba kỷ vật tượng trưng cho sự khôn ngoan của Bộ Tộc Baka đó là: một cái rổ, một tấm chiếu và một chú đồi mồi.

Ngay khi nhận món quà một chú đồi mồi sống, nhiều vị giám chức tỏ ra ngạc nhiên và không biết phải đối xử sao với số phận của chú đồi mồi. Trên chuyến bay tới nước thứ 2 tại Phi Châu là Angola, nhiều vị giám chức đã nói với ký giả là chú đồi mồi đã được gởi lại tại Cameron nên không có mang theo.

Chỉ một vài phút sau, Linh Mục Dòng Tên Federico Lombardi, Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã xuất hiện trước các ký giả mang theo trên tay một cái rọ có chú đồi mồi. Các ký giả đều đứng lên và tuốn về đưa máy ảnh để chụp chú đồi mồi đang ló đầu ra nhìn ngơ ngác trong cái rọ. Lúc đó Cha Lombardi đã nói với các ký giả là Ngài vẫn chưa biết phải đối xử sao cho số phận tương lai của chú đồi mồi khi mang trở về Vatican và Ngài nghĩ rằng chú đồi mồi sẽ được diễm phúc được thả rong trong vườn Vatican. Thế nhưng khi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và đoàn tùy tùng trở về lại Roma kết thúc chuyến tông du thư 11, thì chú đồi mồi được phép ở lại tại Tòa Khâm Sứ tại Luanda- Angola.

Bộ tộc Baka Pygmies sinh sống trong rừng tại miền Nam Cameroon. Họ tụ tạp lại thành bộ tộc và sinh sống bằng nghề đi săn. Dân số bộ tộc Baka hiện nay chỉ còn khoảng 30,000 người.
 
Tại châu Phi, Đức giáo hoàng thách đố các quan điểm, các chiều hướng văn hóa
Phụng Nghi
20:24 24/03/2009
LUANDA, Angola (CNS) - Lời tuyên bố của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trên chuyến bay tới châu Phi, phản đối việc phân phối bao cao su để ngăn ngừa bệnh AIDS, đã gây ra những lời phê bình gay gắt, và nhiều người thấy chuyện đó làm sao lãng đi thông điệp chính yếu của ngài tại châu Phi.

Nhưng một cái nhìn gần cận hơn cho thấy có rất ít những gì Đức giáo hoàng phải nói trong cuộc tông du đến châu Phi từ ngày 17 đến 23 tháng 3 đã là điều dễ dàng hay dễ thích nghi được. Về những vấn đề, từ phá thai đến tham nhũng, từ quyền lợi của phụ nữ cho đến sự phát triển kinh tế, ngài đều rao giảng Tin mừng bằng một phong cách đưa vấn đề vào những thực hành thông dụng và những quan điểm vượt trội.

Niềm xác tín của ngài, thể hiện trong ngày đầu tiên khi đặt chân đến Cameroon, đó là Kitô giáo là câu trả lời – câu trả lời thực tế duy nhất – cho các vấn đề trầm kha đang gây ra đau khổ tại châu Phi. Nỗi sợ của ngài là châu Phi, khi theo kịp đà toàn cầu hóa về kinh tế và văn hóa, sẽ theo gót một Phương Tây tục hóa và để mất đi sự tiếp xúc với các giá trị riêng tốt đẹp nhất của nó.

Những chiến dịch về bao cao su, đối với Đức giáo hoàng Bênêđictô, là một thành tố nhỏ nhưng rất thực về mối đe dọa này, nhưng mối quan ngại của ngài còn mở rộng ra hầu như mọi lãnh vực trong cuộc sống xã hội, kinh tế và chính trị.

Ngài nói với người châu Phi tại Cameroon: “Vào lúc có quá nhiều người chẳng băn khoăn gì khi cố áp đặt sự bạo ngược của chủ nghĩa duy vật, và ít có mối quan tâm đến những người bị ruồng bỏ nhất, thì các con phải rất mực cẩn thận.”

“Hãy chăm sóc linh hồn của các con. Đừng để cho các con bị giam giữ trong những ảo tưởng ích kỷ và các tư tưởng giả trá.”

Các bản tin tức thường bỏ qua những từ ngữ chắc chắn đi kèm theo sau những lời cảnh cáo đó của Đức giáo hoàng, nhưng đối với ngài, những lời cảnh tỉnh đó là phần quan trọng nhất trong sứ điệp của ngài tại châu Phi: “Chỉ có duy nhất Đức Kitô là con đường sống.” “Chúa Giêsu là đấng trung gian và đấng cứu chuộc.” “Chúa Kitô là thước đo của chủ nghĩa nhân bản chân thực.”

Sự chuyển hóa mà Đức giáo hoàng đòi hỏi người châu Phi là, theo như lời ngài mô tả, phải khởi đi từ sự trở về triệt để với Đức Kitô và sự trở về này chuyển hướng mọi mặt cuộc đời.

Ngài phát biểu trong thánh lễ ngoài trời tại Angola: “Tin Mừng dạy chúng ta rằng sự hòa giải, hòa giải đích thực, chỉ có thể là kết quả của hành động trở lại, một sự thay đổi tâm hồn, một hình thức tư duy mới. Nó dậy ta rằng chỉ có sức mạnh của tình yêu Chúa mới có thể thay đổi tâm hồn chúng ta.”

Đức giáo hoàng tiếp tục nhắc nhở thính giả rằng, theo quan niệm của ngài, bên trong và bên ngoài châu Phi, sống trọn vẹn sứ điệp Kitô giáo là theo một nền văn hóa đi ngược lại một cách sâu xa các tiêu chuẩn xã hội.

Điều đó thật rõ rệt khi ngài nhắn nhủ người trẻ tại sân vận động túc cầu tại Angola, ngài bảo họ rằng sức mạnh của họ trong việc hình thành tương lai tùy thuộc trực tiếp vào “cuộc đối thoại không ngừng nghỉ của họ với Chúa.”

Ngài nói: “Nền văn hóa xã hội nổi trội hiện không giúp gì cho các con trong việc sống lời Chúa Giêsu hay thực hiện việc bỏ mình mà Người kêu gọi các con.” Mà thực ra, các giá trị “theo chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa khoái lạc” ngày nay ngăn cản người trẻ đạt tới mức trưởng thành.

Trong thánh lễ ngày hôm sau, Đức giáo hoàng tiếp tục cùng một chủ đề, nói rằng “sống theo chân lý” không dễ dàng gì khi đối mặt với “những thái độ chai cứng” của tính ích kỷ đang chi phối nhiều sự liên lạc xã hội hiện thời.

Tại châu Phi nạn phá thai là điều chiếm nhiều chỗ trong tâm tưởng Đức giáo hoàng. Bản diễn từ đầu tiên trên châu lục này nhắc nhở người dân châu Phi về các giá trị truyền thống của họ và giáo hội là cơ sở phù hợp nhất để gìn giữ và thanh tẩy các giá trị đó – không giống như các tổ chức muốn áp đặt “các mẫu mực văn hóa không biết tới những quyền lợi của trẻ chưa sinh.”

Trong bài diễn từ đọc trước ngoại giao đoàn, ngài đặt ra một thách đố trực tiếp cho những tổ chức quốc tế mà, theo lời ngài, đang phá hoại các nền tảng của xã hội bằng cách đề cao phá thai như là hình thức săn sóc sức khoẻ khi sinh sản. Tài liệu làm việc cho Thượng hội đồng các Giám mục họp vào tháng 10 sắp tới, do Đức giáo hoàng trao cho các giám mục châu Phi, nói rằng toàn cầu hóa “vi phạm các quyền lợi của châu Phi” và có khuynh hướng “là phương tiện cho sự thống trị của một mẫu mực văn hóa đơn độc, và một nền văn hóa của sự chết.”

Đức giáo hoàng đả động mạnh mẽ vào những cuộc chiến tranh và các cuộc xung đột chủng tộc tại châu Phi và lặp đi lặp lại chủ trương rằng Kitô giáo là phương cách để giải quyết. Ngài phát biểu tại Cameroon: Nếu người châu Phi nhận biết rõ được rằng giáo hội là “gia đình của Thiên Chúa”, thì sẽ không còn chỗ cho chủ nghĩa tự tôn dân tộc hay chủ nghĩa bè phái. Quả thực, ngài trình bày giáo hội như là tổ chức duy nhất có thể mang những người châu Phi lại với nhau trong đường hướng vượt xa các thủ đoạn chính trị và kinh tế.

Mặc dầu Đức giáo hoàng chỉ có hai lần ngắn gọn đề cập đến nạn thối nát, tham nhũng, thường được phương Tây mô tả tiêu biểu như là vấn nạn cốt yếu của châu Phi, ngài không làm công việc chỉ tay kết tội – ngay cả tại Cameroon, thường đứng hàng đầu trong đồ biểu tham nhũng thiết lập do các tổ chức nhân quyền. Trái lại, ngài gọi Cameroon là “miền đất hy vọng” của châu Phi.

Lý do là vì ngài biết rằng các nhà lãnh đạo giáo hội địa phương tại châu Phi đã đứng hàng đầu trong việc tố cáo nạn thối nát chính trị. Tại Cameroon, chẳng hạn, một năm trước đây, Hồng y Wiyghan Tumi thuộc Douala đã đi tới chỗ bất thần công khai phản đối chuyện Tổng thống Paul Biya sửa đổi hiến pháp để cho phép ông được có thêm nhiệm kỳ 7 năm nữa – lập trường này, trong cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng, Hồng y đã nhắc lại.

Điều đáng kể là Đức giáo hoàng đã không coi tham nhũng như là một vấn đề cần phải tiêu diệt để đổi lấy viện trờ từ nước ngoài, nhưng là một lối hành xử không phù hợp với các đòi hỏi của Tin Mừng. Tuy nhiên, ngài nói thêm, rằng châu Phi xứng đáng được một sự thay đổi tương tự trong thái độ của thế giới đã phát triển – không phải để được “nhiều chương trình và nghi thức ngoại giao hơn” mà là “sự thay đổi tấm lòng để thành tâm đồng cảm.”

Cuộc viếng thăm người bệnh tật tại Cameroon của ngài nói lên rằng giáo hội phải đầu tư các nguồn tài nguyên trong niềm yêu thương và săn sóc người thiếu thốn, nhưng với một trọng tâm đặc biệt: Nỗi khổ đau của con người chỉ có ý nghĩa dưới ánh sáng của thập tự giá Chúa Kitô và “chiến thắng sau cùng của ngài” đối với sự chết.

Ngay cả việc Đức giáo hoàng bênh vực quyền lợi của phụ nữ tại châu Phi cũng là một tiếp cận rất “Bênêđictô”, không dựa trên bản tuyên ngôn nhân quyền mà trên truyện tạo dựng vũ trụ trong Kinh Thánh. Ở đây nữa, quan niệm của ngài cho rằng người đàn ông và người đàn bà có vai trò “bổ túc cho nhau” chắc rồi sẽ gặp những lời phê phán.

Phương pháp Đức giáo hoàng sử dụng tại châu Phi là không đề ra luật lệ nhưng là đưa ra một sự thách đố, yêu cầu con người xem xét lại chính cuộc sống mình và mối liên hệ với nhau dưới ánh sáng của Tin Mừng. Ngài tin tưởng rằng Kitô giáo là điều thích hợp hoàn hảo cho châu Phi, nhưng theo quan điểm của ngài, xét theo chiều hướng văn hóa, sẽ không nhất thiết là điều thích hợp dễ dàng.
 
Top Stories
Catholics approaching court of appeal while lawyer and his legal assistant still under house arrest by police.
Emily Nguyen
05:12 24/03/2009
Six Thai Ha Catholics who are appealing their guilty verdict from a trial in December of last year are confirming to the high court that Le Tran Luat is their attorney of record while he's still under house arrest by the police in Ho Chi Minh city, more than a thousand mile away from his clients as the trial date is just a few days away.

On Mar 23, 2008 five among the defendants had come to court and confirmed with court officials that attorney Le Tran Luat is their chief defense council along with other two while the sixth defendant confirmed she detained only Mr. Luat as her defense council. Another defendant already discussed the representation issue with court personnel the day before, and the eighth defendant could not come due to death in his family.

The adverse situation has been rising since Le Tran Luat decided to represent the Catholics at the up -coming court of appeal which was set for Mar. 27,.2009 in Hanoi.

Luat has alleged that his movement has been severely restricted and constantly monitored by the police. On Mar. 12 while trying to board a flight to Hanoi for trial preparation, Luat was apprehended and detained at the police station for questioning. On Mar 15, he was arrested again and had to keep coming to the so-called "working sessions" by police's order. The ordeal did not end there for him and those who're related to him both personally and professionally. His entire staff has been harassed to this date, his personal equipments seized, his reputation distorted and tarnished by state media, his family as well as Luat himself received threatening phone calls, and his clients have been contacted and coerced to either cancel their contracts with his law firm or given false, distorted information about his personal and professional conducts so that they felt pressured to change their mind about detaining him.

Facing the grave danger of not having Mr. Luat as the most trusted council at the trial they're looking forward to have, all eight Catholic defendants have organized vigil prayers for their lawyer and his associates, they also filed a motion to the court and Police, requesting the release of Mr. Luat so that he can freely make his trip to Hanoi and represent them at the trial.

To this legitimate request, the court refused to grant their motion and the police intensified their harassment toward the dedicated lawyer, causing him extreme emotional and financial hardship.

His legal assistant Ta Phong Tan has just release an appeal to the public, calling the government tactics as "evil" and “gross violation of human rights in Vietnam". She is calling for international media and human rights organizations " to help expose the truth the Vietnamese tyrannical regime is trying to hide", referring to the government's cunning tricks to prevent Thai Ha Catholics to be united with Mr. Luat in forming a powerful defense at the court of appeal on Mar. 27, demanding justice for the innocents.
 
TAIWAN: Les missionnaires étrangers ont contribué à sauver de l’oubli les langues aborigènes, souligne l’unique évêque catholique aborigène de Taiwan
Eglises d'Asie
14:24 24/03/2009
Le 21 février dernier, à Paris, lors de la dixième « Journée internationale de la langue maternelle », l’UNESCO a présenté la troisième édition de son Atlas des langues en danger dans le monde. Il y est souligné qu’environ 2 500 langues sur les 6 000 langues parlées aujourd’hui de par le monde sont, à un degré ou à un autre, en danger, face à l’hégémonie de plus en plus forte de quelques grandes langues dominantes. A la rubrique « Taiwan », on peut lire qu’en l’espace de 50 ans, sept idiomes aborigènes ont disparu, sept sont « en situation critique », un est « sérieusement en danger » et neuf sont « en danger » (1). Pour Mgr John Baptist Tseng King-zi, évêque auxiliaire du diocèse catholique de Hualien, ces faits sont indéniables et cette réalité serait aujourd’hui beaucoup plus sombre sans le travail considérable mené par les missionnaires étrangers pour préserver et mettre par écrit ces langues.

Mgr Tseng, qui préside la Commission pour l’apostolat des aborigènes de la Conférence des évêques catholiques de Taiwan, présente la particularité, au sein de l’épiscopat, d’être le seul évêque d’origine aborigène, les autres étant, soit des Chinois venus du continent, soit des Taiwanais. Appartenant à l’ethnie des Puyuma, il parle une langue qui compte aujourd’hui environ 10 000 locuteurs – ce qui la place au nombre des langues considérées par l’UNESCO comme étant « en danger ». Le 25 février dernier, il a répondu aux questions de l’agence Ucanews sur l’importance de la question linguistique à Taiwan et au sein de l’Eglise catholique locale (2).

Mgr Tseng rappelle qu’avant 1949 – date de l’arrivée sur l’île des nationalistes du Kouomintang –, on comptait environ 40 groupes linguistiques aborigènes. Après cette date, les aborigènes ont été obligés d’apprendre le mandarin, la langue officielle, et d’adopter les us et coutumes chinois. « Parler notre langue maternelle à l’école était comme commettre un péché », explique l’évêque, aujourd’hui âgé de 66 ans. Dans un tel climat, ce sont les missionnaires étrangers qui ont le plus contribué à sauver les langues aborigènes. Ce sont eux qui, en utilisant l’alphabet romain, ont mis par écrit des langues qui, jusque là, n’étaient qu’orales; ce sont eux qui ont rédigé dictionnaires, grammaires et manuels d’apprentissage pour ces langues; et ce sont eux qui ont assumé les risques que ce travail représentait. En effet, dans le cadre de la politique d’assimilation alors en vigueur, défendre ces langues était considéré comme aller contre la politique d’imposition du mandarin, et des missionnaires qui ont traduit la Bible dans ces langues aborigènes ont vu leur visa révoqué, sans espoir de retour à Taiwan.

« Même si nos langues s’éteignent au cours des décennies à venir, au moins elles existeront dans les livres et les générations futures sauront que nous avons existé », explique Mgr Tseng. Aujourd’hui, poursuit-il, si la politique autoritaire du Kouomintang a disparu à la faveur de la démocratisation de l’île, au cours des années 1980, le mal est fait. Le DPP (Democratic Progressive Party) a bien pu, en 2000, amender la Constitution pour qu’y soit inscrite la préservation des langues et des cultures aborigènes, mais l’écrasante majorité de la population chinoise Han ne voit pas l’intérêt économique à apprendre les langues aborigènes, qui sont de moins en moins parlées.

En 2008, sur une population de 23 millions d’habitants, on compte 490 000 aborigènes, répartis en 14 groupes principaux, et il est estimé que seulement un tiers d’entre eux sont capables de s’exprimer correctement dans leur langue maternelle. Ceux des aborigènes qui sont restés vivre dans des villages isolés de montagne maintiennent vivantes leurs langues, mais tous ceux qui ont migré vers les villes, les jeunes notamment, passent rapidement au mandarin.

Dans un certain nombre de villages, la situation est telle que c’est le prêtre, missionnaire ou autochtone, qui figure, bien malgré lui, parmi les plus ardents défenseurs des langues aborigènes. Des prêtres issus des ethnies aborigènes peuvent ainsi célébrer la messe dans leur langue, alors qu’eux-mêmes ne maîtrisent qu’imparfaitement cette langue et utilisent le mandarin lorsqu’ils s’adressent, en dehors de la messe, aux jeunes. Mgr Tseng lui-même se désole du fait que pratiquement plus personne, parmi les moins de 60 ans, ne maîtrise le puyuma. « Quelle tristesse de voir que les grands-parents doivent apprendre le mandarin pour communiquer avec leurs petits-enfants ! », explique-t-il. Dans sa paroisse, à Taitung, la liturgie est certes célébrée en puyuma mais, pour les lectures et l’homélie, le célébrant utilise tour à tour le puyuma et le mandarin pour être sûr d’être compris par les jeunes générations.

Sur les 490 000 aborigènes, on compte 90 % de chrétiens, en majorité protestants. Environ 100 000 d’entre eux sont catholiques; ils représentent un tiers de l’Eglise catholique à Taiwan.

(1) L’Atlas de l'UNESCO classe les langues en danger selon cinq niveaux de vitalité: vulnérable, en danger, sérieusement en danger, en situation critique (i.e. en voie d’extinction), éteinte.

(2) Ucanews, 4 mars 2009.

(Source: Eglises d'Asie, 23 mars 2009)
 
INDE: Entretien exclusif avec Mgr Cheenath: le point sur la situation au Kandhamal, en Orissa
Eglises d'Asie
14:25 24/03/2009
Sept mois après la dernière vague de violences antichrétiennes qui a endeuillé le district du Kandhamal, dans l’Etat de l’Orissa, pas un seul auteur de ces actions violentes n’a été jugé et condamné; certains extrémistes hindous ont bien été arrêtés mais ils ont été rapidement remis en liberté sous caution et continuent de faire régner un climat de peur dans la région. De passage à Paris (1), dans un entretien exclusif à Eglises d’Asie, Mgr Raphael Cheenath, archevêque du diocèse catholique de Cuttack-Bhubaneswar, dénonce cette situation mais veut croire que les élections générales, qui débutent le 16 avril prochain (2), sont susceptibles d’apporter des changements à même de « redonner espoir aux communautés chrétiennes » dont il a la charge.

Dans le district du Kandhamal, épicentre des violences antichrétiennes qui ont fait une centaine de morts et des milliers de déplacés après l’assassinat, le 23 août dernier, d’un religieux hindou radical, le swami Laxamananda Saraswati (3), la situation est aujourd’hui redevenue calme. Mais, dénonce Mgr Cheenath, ce sont là des apparences trompeuses: « [Les chrétiens] ont peur de revenir chez eux car ils ne veulent pas être soumis au chantage des hindouistes, qui leur promettent de restituer leurs biens s’ils se convertissent à l’hindouisme. » Dans les camps de personnes déplacées, mis en place par le gouvernement de l’Etat de l’Orissa, les chrétiens ne sont pas plus rassurés. D’une part, les autorités souhaitent désormais fermer ces camps et, pour cela, elles exercent de fortes pressions sur les personnes pour qu’elles acceptent de repartir chez elles; et, d’autre part, aucun coupable n’ayant été déféré devant la justice, les chrétiens ont peur de se retrouver vivre aux côtés de ceux-là même qui les ont persécutés.

« Aujourd’hui, les chrétiens (au Kandhamal) n’ont rien à espérer du point de vue matériel. Certains ont perdu des êtres qui leur étaient chers. Ils ont vu leurs maisons incendiées, leurs biens pillés, détruits ou volés et leurs terres sont désormais accaparés par d’autres », explique Mgr Cheenath, qui voit là, ironiquement, un démenti des thèses hindouistes selon lesquelles les Indiens qui se convertissent au christianisme le font car ils y trouvent un avantage matériel. « Ces chrétiens ont tout perdu et, s’ils acceptent de ‘se convertir’ à l’hindouisme, les hindouistes leur promettent qu’ils retrouveront leurs biens, leurs terres et qu’ils ne seront plus harcelés. Or, les chrétiens refusent ce marché-là, ils restent fidèles à leur foi chrétienne. C’est bien la preuve qu’ils ne sont pas devenus chrétiens par souci de voir leur condition matérielle s’améliorer », poursuit l’évêque, qui ajoute être certain que 99 % des chrétiens qui ont accepté d’« être reconvertis » à l’hindouisme reviendront à la foi chrétienne dès que les pressions auxquelles ils sont soumis cesseront.

Interrogé sur les conditions qui permettraient un retour à la normale au Kandhamal, Mgr Cheenath résume ainsi son propos: « If the governments are weak, the future is bleak. » (‘Lorsque les gouvernements sont faibles, l’avenir est lugubre.’) Les persécutions contre les minorités religieuses en Inde, que ce soit la minorité chrétienne ou la minorité musulmane, répondent aux mots d’ordre et au programme politique du Sangh Parivar, l’organisation qui est au cœur de la mouvance hindouiste. Dès lors que le gouvernement fédéral, à Delhi, et le gouvernement local, dans tel ou tel Etat, se montrent faibles, les hindouistes passent à l’action, explique encore Mgr Cheenath. A cet égard, l’évêque salue la déclaration, le 20 mars dernier, du ministre fédéral de l’Intérieur, Palaniappan Chidambaram, qui, de passage à Bhubaneswar, capitale de l’Orissa, a déclaré qu’il était « de la responsabilité (de l’Etat de l’Orissa) de s’assurer que la paix est maintenue dans le district du Kandhamal », mais Mgr Cheenath souligne aussi que l’impunité dont continuent de bénéficier, à ce jour, les auteurs des attaques antichrétiennes est révélatrice d’une certaine faiblesse des pouvoirs publics.

Au sujet des élections à venir, Mgr Cheenath veut croire qu’elles peuvent apporter une amélioration. Tout en refusant de se prononcer sur le résultat des urnes au niveau national, l’évêque rappelle que, lors de récentes élections partielles ou municipales dans l’Etat de l’Orissa, le BJP (Bhartiya Janta Party), vitrine politique des nationalistes hindous, a essuyé de sérieuses défaites. A chaque fois, ce sont des partis laïques (secular) qui ont gagné. Aujourd’hui, la coalition BJP et BJD (Biju Janata Dal), un parti régional d’inspiration laïque, qui soutenait le gouvernement au pouvoir en Orissa, a volé en éclats et on peut s’attendre à ce que le BJD sorte renforcé des urnes et s’allie à divers petits partis laïques pour former un nouveau gouvernement, plus soucieux de la justice et du respect des minorités, explique Mgr Cheenath.

A propos de l’activité des maoïstes en Orissa – qui ont revendiqué l’assassinat du swami Laxamananda Saraswati, l’évêque tient à rappeler que les catholiques n’entretiennent aucun lien avec ce mouvement rebelle. Les maoïstes ont placardé une liste de quatorze personnes qu’ils tiennent pour responsables des attaques antichrétiennes de ces derniers mois et qu’ils ont promis d’abattre. Déjà deux d’entre elles ont été assassinées – dont une le 19 mars par un commando maoïste d’une quinzaine de membres. Mgr Cheenath condamne de telles actions et souligne qu’elles sont le fait d’un gouvernement et d’une justice faibles: Prabhat Panigrahi, qui est tombé sous les balles des maoïstes ce 19 mars, avait certes été arrêté pour sa responsabilité dans des attaques antichrétiennes mais il avait été remis en liberté le 14 mars, sans avoir été jugé.

En conclusion, Mgr Cheenath se dit heureux que les fêtes de Noël dernier se soient déroulées dans le calme, mais il déplore que les personnes victimes des attaques antichrétiennes manquent toujours de tout. A cet égard, il souligne qu’il est plus facile de trouver un soutien en Occident, auprès des grands organismes caritatifs, pour des catastrophes naturelles, telles le cyclone qui avait ravagé l’Orissa en octobre 1999, que pour des violences liées à des persécutions religieuses. Mgr Cheenath se dit inquiet pour la fête de Pâques, célébré, cette année, le 12 avril, soit quatre jours avant le début des opérations électorales (qui se déroulent sur près d’un mois en Inde), et qui pourrait servir de prétexte à un coup d’éclat des groupes hindouistes.

(1) Mgr Raphael Cheenath était de passage à Paris en réponse à une invitation de l’AED (Aide à l’Eglise en Détresse), qui organise, le 24 mars au soir, en l’église Saint-Sulpice, une « Nuit des témoins » pour rendre hommage aux missionnaires catholiques assassinés en 2008 (pour plus d'info: www.aed-france.org).

(2) Voir EDA 503.

(3) Voir EDA 490, 491, 492, 493, 494, 495, 496, 499, 503.

(Source: Eglises d'Asie, 23 mars 2009)
 
Thailande: Dans les trois provinces à majorité musulmane du sud du pays, la vie des rares catholiques reste très difficile
Eglises d'Asie
16:39 24/03/2009
THAILANDE

Dans les trois provinces à majorité musulmane du sud du pays, la vie des rares catholiques reste très difficile

Dans les provinces de Narathiwat, Pattani et Yala, la violence sévit toujours: la région vit dans la peur des attaques menées par des groupes musulmans séparatistes (1). Lundi 23 mars, deux bombes ont explosé dans la province de Narathiwat, l’une fixée à une moto dans un marché et l’autre devant un café, faisant 11 blessés. Les engins, activés par téléphone portable, ont explosé vers 7 h du matin, touchant essentiellement des populations civiles. La veille, une bombe placée dans une voiture de police avait été désamorcée à temps. Quatre jours auparavant, c’étaient des militaires, des ‘rangers’ de la province de Pattani, qui sont morts, leur véhicule ayant sauté sur une mine.

Selon le colonel Parinya Chaidilok, porte-parole de l’armée thaïlandaise, plus de 3 300 personnes ont trouvé la mort depuis le début de la vague de violences, qui a débuté en janvier 2004 dans la partie méridionale du pays (2). Ces cinq dernières années, il n’y a pratiquement pas eu de jours sans attentats, dans ces provinces où les populations d’origine malaise et de religion musulmane sont très fortement majoritaires.

Avec la recrudescence des attaques, les populations non musulmanes ont reflué plus au nord. Environ 70 000 bouddhistes, sur les 300 000 encore installés en 2004, ont fui la région et, selon l’agence Ucanews, les catholiques ne sont plus que 400 pour l’ensemble des trois régions touchées (3).

Le P. Gustav Roosens, prêtre salésien âgé de 84 ans, explique combien son travail pastoral auprès de la communauté catholique ainsi que tous ses projets en cours, comme la lutte contre la drogue, les soins aux lépreux ou encore le développement rural, ont été gravement affectés par le climat d’insécurité qui règne dans les provinces du sud. Présent en Thaïlande depuis 53 ans, dont 20 dans la région de Pattani, le missionnaire est aujourd’hui au service des catholiques de deux paroisses et de quatre chapelles, réparties sur les trois provinces. Il reconnaît sans peine les difficultés à s’y déplacer dans un tel climat de violence (4).

Le missionnaire belge donne pour exemple le complexe scolaire de quatre étages de Nong Chik dans le district de Pattani: presque achevé, il est resté désert de tout élève, ceux-ci n’étant jamais venus par peur d’une attaque. Le bâtiment scolaire est aujourd’hui entouré par plusieurs bunkers de l’armée et plusieurs centaines de soldats sont chargés d’assurer une surveillance permanente des lieux.

Le P. Roosens, qui aimerait aujourd’hui que le bâtiment soit reconverti en centre de réhabilitation pour drogués, sait cependant que ces derniers ont peur d’être confrontés aux autorités s’ils viennent s’y faire soigner. Malgré tout, le mois prochain, le prêtre quittera la région pour un congé de plusieurs mois, qu’il passera loin du sud thaïlandais. « Mais je veux revenir ici terminer mon travail inachevé », dit-il avec détermination.

Pendant l’absence du P. Roosens, le P. Suksan Chaopaknam sera le seul prêtre à desservir la région. Agé de 42 ans, le prêtre thaïlandais s’était porté volontaire pour y travailler en avril de l’année dernière, alors que la violence sévissait déjà en Thaïlande méridionale. Comme le P. Roosens, le P. Suksan confirme que traverser ces régions est très dangereux en raison de la fréquence des tirs et des embuscades. « Je ne me déplace que le jour, explique-t-il. Je dois dire en toute franchise que j’ai peur. Je suis totalement isolé de mes confrères. »

Le prêtre a récemment écrit à ses supérieurs pour demander son transfert, mais n’a pas encore reçu de réponse. En attendant, il s’accroche fermement à son devoir d’unique prêtre d’une région abandonnée: « Aussi longtemps qu’il n’y aura pas de prêtre pour me remplacer, je continuerai à travailler ici, dans la nuit de la violence. »

(1) L’extrême sud du pays, qui formait un sultanat autonome avant son annexion il y a plus d’un siècle par la Thaïlande, est le théâtre de troubles fomentés par des groupes séparatistes malais musulmans et alimentés par une répression souvent féroce des forces armées.

(2) Voir EDA 390 (Cahier de documents), 396, 404, 417, 425, 427 (Cahier de documents), 457, 469.

(3) Sur les 61millions de Thaïlandais, les bouddhistes représentent 90 % de la population, devant 4 millions de musulmans et 300 000 catholiques.

(4) Ucanews, 17 mars 2009.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngã hay không ngã
Vũ Văn An
06:20 24/03/2009
Ngã hay không ngã

Cha An Mai vừa có một bài với cái tựa khá lạ là “Bẩy Mươi Chưa Gọi Là Lành!”. Đọc miết thì hình như cha muốn nói lành đây là lành lặn. Bẩy mươi vẫn sứt mẻ như thường. Nhân vật được cha nhắc đến quả có nhận mình như vậy, coi đó là một vết thương, một cái ngã, và là một cái ngã khá đau, bởi bẩy mươi mà ngã, thì thịt đâu để đỡ cho khỏi đau cho được.

Tuy nhiên, có cái ngã đau mà cũng có những cái ngã chẳng đau chút nào, hay đúng ra, chẳng ngã chút nào, ít nhất cũng từ phía sau nhìn lại. Đó là cảm nghiệm thật thích thú trong hai ngày ngắn ngủi tôi được diễm phúc trở lại thăm mái trường Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt, nhân dịp một số học trò cũ tự động hô hào nhau tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày khai giảng lớp học đầu tiên của Học Viện.

Lớp đầu tiên ấy chính là lớp của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, hiện là giám mục giáo phận Đà Lạt kiêm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Không những thuộc lớp đầu tiên, Đức Cha Nhơn còn là người học trò đầu tiên của Học Viện được tấn phong giám mục và sau ngài, là 11 anh em cựu học viên khác cùng chen vai xát cánh với ngài chia sẻ trách nhiệm dìu dắt Giáo Hội Việt Nam. Điểm đáng nói nữa là ngài làm giám mục Giáo Phận Đà Lạt, nơi tọa lạc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X. Ngần ấy “lý lẽ” khiến nhiều anh em cựu học viên đặt nhiều kỳ vọng vào ngài trong việc kết tình anh em cùng trường. Nhưng suốt mấy chục năm qua, kể từ ngày trường bị bức tử đóng cửa vào cuối thập niên 1970, anh em chưa có dịp nào được “tung cánh chim tìm về tổ ấm”, dù phần lớn những chiếc cánh ấy giờ đây đã bắt đầu cụp xuống từ lâu rồi. Điều nghịch thường càng nghịch thường thêm khi Đức Cha Nhơn dành Tòa Giám Mục của ngài cho anh em cựu chủng sinh Đại Chủng Viện Xuân Bích họp mặt hàng năm với số tham dự viên lên đến hơn trăm người. Các cuộc họp mặt ấy đến nay đã là lần thứ 16. Anh em cựu học viên Piô X chưa được một hân hạnh nào cùng tầm cỡ.

“Ấm ức” trên đã được chính Đức Cha Nhơn “giải tỏa” phần nào nhân cuộc gặp mặt của anh em cựu học viên Piô X khắp năm châu tại Tòa Giám Mục Đà Lạt, đầu tháng Mười Hai năm ngoái, để gọi là “Kỷ Niệm 50 Năm Giáo Hoàng Học Viện Piô X” mà thực ra chỉ là để gặp nhau, ôm vai, bá cổ, chuyện trò bằng thích. Ngài cho biết: tính không nói, nhưng với tuổi 70, hình như không nói thì sợ quá trễ chăng, nên hôm nay phải nói: “Tôi sinh ra, lo cho người thì được, mà lo cho mình thì không”. Ý ngài muốn bảo: lo cho anh em Xuân Bích, người anh em không ruột thịt, thì được, chứ lo cho anh em Giáo Hoàng Học Viện, người anh em ruột thịt, thì ngại lắm! Nhưng ngại thì ngại, không lo cho anh em ruột thịt lần này là không xong: tuổi bẩy mươi của bản thân mình một đàng, 50 năm kỷ niệm dễ gì mà có! Bởi thế, theo lời Đức Cha Nhơn, dù chỉ một mình Đức Cha Vĩnh Long (Đức Cha Nguyễn Văn Tân) tới tham dự, ngài cũng tổ chức họp mặt.

Thực ra, chúng tôi vẫn tin là đàng sau lý do bản thân ấy, còn nhiều lý do sâu xa hơn khiến việc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày khai giảng niên khóa đầu tiên của Giáo Hoàng Học Viện Piô X “ì ạch” mãi mới thành hình. Và thành hình một cách không phải ai ai cũng hài lòng. Thực vậy, mấy hôm sau khi cuộc vui đã tàn, có nguồn tin phê phán “ban tổ chức” đã quên không mời vị này, vị nọ, dù các vị đó có công với Học Viện, nhất là sau năm 1975, lúc các cha Dòng Tên bị bó buộc phải rời Học Viện và sau đó rời Việt Nam, theo lệnh nhà cầm quyền lúc ấy, khiến Học Viện rơi vào tình trạng thật bơ vơ như đứa trẻ bị mang bỏ chợ. Chính trong cảnh bơ vơ ấy, theo lời kêu gọi của Đức Cha Nguyễn Sơn Lâm, một số các cha thuộc các Dòng và tu hội khác đã tới điều khiển và giảng dạy tại Giáo Hoàng Học Viện cho đến lúc nó bị bức tử vào năm 1977. Không một vị nào trong số các vị này được “mời” tham dự.

Phê phán như thế quả là không sai, nhưng có điều gọi là tổ chức chỉ là gọi theo thói quen, chứ thực ra không hề có một ban tổ chức và cũng không hề có một nghị trình hay chương trình hay nghi lễ hay nghi thức kỷ niệm chính thức nào. Và do đó, không hề có lời mời nào đối với bất cứ ai, ai nghe “chúng bạn” báo tin mà về thì cứ về. Hai vị cựu giáo sư Dòng Tên của trường cũng đã tham dự với tư cách “tự động mà đến” như cha Filipe Gomez (lúc ấy đang có mặt sẵn tại Việt Nam) hay được một trong các học trò cũ mời về như cha Paul Deslierres, 86 tuổi, (được Đức Cha Kontum, M. Hoàng Đức Oanh, mời về từ Montréal, dĩ nhiên bằng miệng).

Nói như thế chỉ để nhấn mạnh tính cách tư riêng của cuộc họp mặt lần này, hòan toàn do các cựu học viên đứng ra tổ chức dành cho các cựu học viên. Điều ấy phản ảnh một thực tại: Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X nay chỉ còn lại trong hoài niệm của các học trò thân yêu. Cái lớp học trò ấy nay đã đồng loạt bước qua ngưỡng cửa 50 năm cuộc đời. Nhiều người đã không còn trên dương gian để trở lại Đà Lạt, đứng đàng xa, mà ngả mũ chào Bà Mẹ (Alma Mater) thân yêu ngày nào, nay chỉ còn lại hình hài méo mó dưới chân đồi cạnh Hồ Xuân Hương và Sân Cù ngày cũ.

Cho nên nói là “tổ ấm” chỉ là nói theo sáo ngữ, chứ cái tổ ấm ấy hiện vẫn còn nằm ngoài vòng tay các học trò ngày xưa. Họ đành gặp nhau tại Tòa Giám Mục Đà Lạt, cách đó không xa. Tuy nhiên, không vì thế mà cuộc vui kém vui, gặp nhau họ tha hồ “ôm vai, bá cổ, chuyện trò bằng thích”. Dù vẫn có những bài nói chính thức, nhưng phần lớn cử tọa thuộc loại chuyên viên nói như thế từ xưa đến nay rồi, nên họ chỉ còn chú ý đến những phần nào nhắc lại chuyện xưa, để cười bằng thích, quên cả tuổi tác, quên cả những người ngồi bên cạnh chả hiểu lý do tại sao mình lại cười. Thực vậy, trong số các cử tọa, có cả vợ con, thậm chí, cháu chắt của các cựu học viên cùng tham dự. Họ là một gia đình.

Cũng như mọi gia đình khác, cái gia đình của 50 năm nay, một gia đình có tới 500 thành viên này, không khỏi không nhắc đến các thành phần cấu tạo ra mình và cũng như mọi đại gia đình khác, đôi khi người ta quên người này người nọ.

Bản thân tôi đã được gặp một thành phần bị quên ấy, nhưng anh ta không buồn, anh ta rất vui bởi tên anh ta là Vui. Vâng đúng, anh ta là anh Vui. Theo cung cách nói chuyện của anh, tôi thấy anh rất vui, vui thật. Chả lẽ tên làm sao người làm vậy? Anh tự động đến bên tôi để nói về phong trào “Gia Đình Cùng Theo Chúa”, một phong trào lần đầu tiên tôi nghe tới, tưởng chỉ là một phong trào địa phương. Sau mới biết đó là một Phong Trào đã được Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách Giáo Dân chính thức nhìn nhận vào năm 2000 là một hiệp hội giáo dân trong Giáo Hội theo Giáo Luật. Điều ấy không quan trọng, nghe và nhìn cách trình bày của anh Vui, tôi thấy anh hoàn toàn dấn thân vào phong trào này, say sưa với việc điều hợp công tác tông đồ của nhóm. Anh làm tôi khâm phục anh. Nhưng điều còn làm tôi khâm phục anh hơn nữa, là khi anh bảo tôi: anh là một cựu linh mục. Tôi không hỏi anh cớ sự tại sao anh trở thành cựu linh mục và cảm tưởng của anh lúc bắt đầu sống cuộc sống cựu linh mục ấy cũng như lúc này ra sao. Tất cả những câu hỏi ấy đều thừa, vì anh rất vui, rất cởi mở, rất chân thành, rất dấn thân và rất… giống như tôi, một người đã rời bỏ con đường tu trì cách nay 42 năm.

Nói rằng anh rất giống như tôi là rất giống như tôi lúc này thôi. Chứ vào năm 1966, lúc tôi rời Giáo Hoàng Học Viện Piô X để vào lại “thế gian”, tôi đã tìm đến những nơi càng có ít người biết đến mình càng tốt, nhất là những người thuộc họ đương, thân quen cũ từng “ngưỡng phục thầy An”. Phải một thời gian dài, tôi mới “đi đứng” bình thường và nối lại mọi liên hệ “đường xưa lối cũ”. Việc nối lại ấy quả không dễ, một phần vì do tính tình của tôi đã đành mà một phần nữa cũng do môi trường bên ngoài, một môi trường vốn không khoan dung bao nhiêu đối với những người “ăn cơm nhà Đức Chúa Trời” mà nửa đường bỏ cuộc, huống hồ là đối với những người đã “đủ bẩy chức thánh” mà còn bỏ áo dòng “đèo bòng” đi lấy vợ.

Thái độ bất khoan dung đó có nhiều điểm tích cực. Trước nhất, nó biểu lộ lòng trân qúi cao độ đối với ơn gọi đi tu làm linh mục. Thứ hai, nó là một khích lệ hết sức mạnh mẽ thúc đẩy những ai đang nao núng hãy kiên nhẫn và cương quyết tiếp tục tiến lên. Nhờ thế mà hàng ngũ linh mục của Giáo Hội Việt Nam luôn luôn đông đúc. Nhưng đồng thời, nó cũng đem lại nhiều điểm không tích cực chút nào. Rất nhiều trường hợp, nói như Cha An Mai, đã “ngã” rồi mà vẫn tiếp tục sống như mình chưa “ngã”, vẫn che đậy cái ngã tiếp tục của mình, hết ngày này, qua ngày khác, hết năm này qua năm khác. Tôi không nghĩ những người như thế thực sự muốn lừa đảo, muốn lợi dụng tư cách linh mục của mình để làm bậy, để phục vụ tư dục của mình. Tôi tin rằng khi làm vậy, những người ấy hết sức đau khổ, rất muốn giải quyết tình trạng mập mờ của mình, mà không sao giải quyết được. Chẳng qua là vì thái độ bất khoan dung nơi phần đông giáo dân Công Giáo nói chung kia. Thái độ này có thật. Một người cùng lớp với tôi hiện đang sống tại Hoa Kỳ, đến ngày mẹ chết, cũng không dám đến gặp mẹ, vì bà thề là sẽ không bao giờ gặp mặt “hắn” dẫu là lúc “sinh thì”. Chỉ vì “hắn” đã dám ngang nhiên “bỏ chức thánh” mà đi cưới vợ. Người bạn tôi, nếu không can đảm đủ, chắc đã không vượt qua được bức tường lửa đó, mà đành lặng câm tiếp tục “ngã” trong thừa tác vụ linh mục của mình. Tôi không rõ trong trường hợp này nên oán trách ai và không nên oán trách ai.

Thái độ bất khoan dung ấy thường còn gián tiếp hay trực tiếp gây nên những biến đổi tư tưởng, tư duy có hại cho đức tin của đương sự. Nói đâu xa, một người như cựu linh mục Lê Tôn Nghiêm, giáo sư siêu hình học của tôi tại Đại Học Văn Khoa năm nào, trước khi cởi áo dòng ra lấy vợ, cũng đã rơi vào cơn khủng hoảng đức tin một cách rõ rệt. Trong khi trình bày giảng khóa “Đi Tìm Căn Cơ Siêu Hình”, ông không bỏ lỡ cơ hội tấn công những mầu nhiệm như Thánh Thể trong Đạo, điều được ông gay gắt cho rằng chỉ là một biểu tượng không hơn không kém. Nhiều người đồng khóa với tôi ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn nói đùa: hình như thầy Nghiêm, sau khi tìm được “căn cơ siêu hình” với một nữ phật tử, đã không còn những lời gay gắt ấy nữa. Một điều đầy kính phục đối với thầy Nghiêm là ông đã công khai tuyên bố trước khi cởi áo dòng. Chỉ tiếc lý do ông nêu ra theo thiển nghĩ không chắc đã phản ánh thực tại trong ông: khủng hoảng về niềm tin. Tôi nghĩ đó chỉ là một cách để vượt thoát cái gọng kìm bất khoan dung kia nơi một nhà trí thức.

Thái độ bất khoan dung ấy còn gây thiệt thòi cho Giáo Hội nữa. Cựu linh mục Trần Thái Đỉnh là một luật trừ. Anh Vui là luật trừ thứ hai. Chính vì thế, khi nghe anh Vui “thú thực” mình là một cựu linh mục, tôi đã mang trường hợp của cựu linh mục Trần Thái Đỉnh ra để cùng một lúc ca tụng cả hai con người này. Họ vẫn tiếp tục sử dụng những vốn liếng của cả một đời tu luyện, nghiên cứu, học hỏi để phục vụ anh chị em mình trong cộng đồng Giáo Hội. Hiếm thấy những đóng góp nào có giá trị như những đóng góp của cựu linh mục Trần Thái Đỉnh cho Giáo Hội Việt Nam trong những ngày ông đã ra “phần đời”. Anh Vui đóng góp một cách khác, và dù hiệu quả có giới hạn hơn, nhưng chắc sâu đậm không kém. Mà trong Nước Trời, số liệu nào đâu đáng kể. Một nén làm thêm nén nữa cũng đáng giá như năm nén làm thêm năm nén khác. Kant bảo: trong đạo đức học, số lượng vốn không quan trọng là thế. Nhiều người không được như anh Vui và ông Đỉnh. Họ xa lánh hoàn toàn những gì dính dáng đến Đạo. Ai nghe mà nói. Ai đọc mà viết. Thế là họ đành chôn mọi sở trường của mình, quay sang những ngành khác hẳn. Quả là một phí phạm. Không hiểu ai mới là người “làm hại nhà Đức Chúa Trời”: các cựu linh mục kia hay những người nhất định bịt mắt bịt tai không nghe, không đọc họ trong những lãnh vực họ từng nghiền ngẫm, suy niệm gần cả một nửa đời người?

Hai, ba ngày cùng sinh hoạt với anh em cựu học viên Piô X Đà Lạt đã để lại nhiều ấn tượng thật đẹp trong tôi. Tôi được nghe Đức Cha Bắc Ninh đùa dỡn như “con nít” ngày nào. Ngài bảo ngài không sợ ma vì ngài vốn có cốt ma (Cosma Hoàng Văn Đạt). Ngài cũng trình bày “bẩy mối tội đầu” của Giáo Hoàng Học Viện để nhấn mạnh những cái không giống ai của lối giáo dục này: như có lần ngài cử hành thánh lễ đại trào bên một đống rơm nhà quê, chỉ vì tinh thần phục vụ, nhưng bị nhiều người chê trách là tầm thường hóa phụng vụ. Ngài xin chuyển lời chê trách ấy cho nền giáo dục của ngôi trường thân yêu ngày cũ. Tôi được chứng kiến cảnh hòa đồng của mọi phần tử trong đại gia đình Giáo Hoàng Học Viện. Tiếc rằng nhà tôi và các cháu đi theo đã có chương trình riêng từ trước, nên không cùng tôi tham dự các sinh hoạt của anh chị em, dù cũng có mặt tại Đà Lạt trong những ngày này. Nhưng khi nghe kể lại bầu không khí thân tình của những ngày họp mặt, họ thẩy đều tỏ ra tiếc rẻ. Trong bầu không khí ấy, không hề có kì thị phân biệt. Anh Vui cũng vui đầy đủ như Đức Cha Nhơn. Mà chị Vui, nếu có mặt trong bầu không khí ấy, cũng vui đầy đủ như Đức Cha Chương của Giáo Phận Hưng Hóa. Tất cả chúng tôi như trở lại trọn vẹn những ngày xưa, ngồi im lặng cung kính, vâng đúng là cung kính, lắng nghe những lời “huấn đức” của Cha Paul Deslierres, vị linh hướng của mọi cựu học viên từ năm 1958 tới năm 1975, lúc ngài buộc phải từ giã học viện, mà đến nay vẫn giữ được chiếc khăn lau bàn ghi vội mấy lời cám ơn của một người học trò. Người học trò đó chính là Đức Cha Nguyễn Chí Linh, giám mục Thanh Hóa, người đã trì chí đợi chờ 15 năm mới được thụ phong linh mục. Chúng tôi đây là bẩy giám mục, hơn một trăm linh mục (biệt danh là họ Men-ki-xê-đéc) và chừng 40 “bố đời” (biệt danh là họ Bô-na-ven-tu-ra) và gia đình… Nhưng cảm kích hơn cả phải kể từ Học Viện, đã xuất thân những con người dù ở hoàn cảnh bất cứ nào của đất nước, của xã hội, hay của chính bản thân mình, vẫn một mực dấn thân phục vụ anh chị em trong chính lãnh vực mà Học Viện đã truyền cho. Tôi nghĩ không hành vi biết ơn nào bằng hành vi biết ơn của những người như anh Vui đối với ngôi trường đã ấp ủ anh. Anh có “ngã” hay không, tôi nghĩ chỉ có anh mới biết. Phần tôi, tôi cho anh không ngã.
 
Giáo xứ Du Sinh, Đà lạt hành hương viếng Đức Mẹ Tà Pao
PV
16:25 24/03/2009
GIÁO XỨ DU-SINH HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TÀ PAO

Nhân dịp lễ thánh Giuse bổn mạng giáo xứ Du Sinh (Du-sinh là phiên âm kiểu Việt của Giu-se), và nhân năm thánh Đức Mẹ Tà-Pao, giáo xứ Du sinh Đalat đã tổ chức hành hương viếng Mẹ. Gần 150 người ngồi đầy trên 5 chiếc xe loại 30 chỗ lên đường đúng 9 giờ tối ngày lễ bổn mạng (19-3-09) và đến linh địa Mẹ lúc 1g15 sáng 20-3. Có nhiều cụ đã trên bát tuần mà vẫn hăng hái ra đi. 430 bậc cấp lên đến thánh tượng trong đêm tối chẳng là gì so với ý chí quyết gặp Mẹ ! Và họ đã gặp thật. Nhiều người được ơn lạ. Sau giờ kinh “đánh thức” Mẹ, tất cả sốt sắng dự lễ tại linh đài do cha xứ Du Sinh Anphong Nguyễn Công Minh chủ sự khi chuông gõ đúng 3 giờ sáng. Tám thầy nhà tập Phanxicô Du Sinh mang theo áo dòng nâu nên phụ trách tất cả phần phụng vụ thánh lễ, từ giúp lễ, đọc sách, đến lấy Mình Thánh, cho rước lễ. Chắc trong đời nhiều người ít khi gặp được một thánh lễ dâng lúc 3 giờ sáng tinh sương !

Lễ xong, nhiều người nán lại với Mẹ, gửi nỗi niềm cho Mẹ trước khi hạ san. Cha phụ trách trung tâm hành hương Tà Pao vắng mặt nhưng ngài đã từ xa gọi điện về để mở rộng cửa nhà nguyện nhỏ đón tiếp “phái đoàn” ! Tất cả ăn sáng theo kiểu “phát chẩn”: mỗi người tự đến, nhận phần, và tìm chỗ tự ăn.

Sau đó cả đoàn kéo nhau đi thăm Nhà thờ Đồng Kho, cách linh địa Mẹ chừng 3 cây số để viếng ngôi nhà thờ mới được cung hiến cho Mẹ Tà Pao cuối năm 2008 vừa qua.

Sau cùng, khi đã viếng Mẹ trên núi, đoàn trực chỉ Mũi Né để thăm mẹ đại dương. Lên núi, xuống biển, y như hành trình xưa của con rồng cháu tiên ! Mà xuống biển thật, từ người trẻ cho đến người già dẫn nhau xuống biển, để rồi chính ngọ là giờ ăn trưa.

Sau khi nghỉ ngơi, hít gió biển, 5 chiếc xe chuyển bánh lúc 2g chiều đưa đoàn về núi cao, mà Dalat đã cao, xứ Du Sinh lại cao hơn nữa vì nằm trên một trong những ngọn đồi cao của thành phố.

Cuộc hành hương từ núi cao Dalat đến núi Mẹ Tà Pao, xuống biển, rồi lại quay về núi diễn ra dưới sự bảo trợ của thánh bổn mạng Du Sinh, nên du hành bình an suôn sẻ. Hẹn gặp lại những cuộc du hành khác trong tương lai.

 
Tu đoàn Truyền Tin, TGP Hà Nội mừng lễ bổn mạng
T.N.H (tổng hợp)
16:47 24/03/2009
TU ĐOÀN TRUYỀN TIN MỪNG LỄ BỔN MẠNG

Ngày 23 tháng 3 năm 2009, Tu đoàn Truyền Tin thuộc Tổng giáo phận Hà Nội đã long trọng mừng lễ “Truyền Tin Thiên Chúa Nhập Thể) – bổn mạng của tu đoàn.

Đại diện cho Đức Tổng Giám mục Giuse, Đức Cha phụ tá Lôrensô Chu Văn Minh đã đến thăm mục vụ Tu Đoàn Truyền Tin và cử hành thánh lễ mừng bổn mạng của Tu Đoàn tại khuôn viên thánh đường giáo xứ Tràng Châu. Cùng đồng tế trong Thánh lễ này có Cha quản lý giáo phận Tôma Aquino Nguyễn Xuân Thủy, Cha Phêrô Bùi Ngọc Tuấn – quản hạt Hà Nam, Cha Phêrô Nguyễn Văn Nghị, Cha Giacôbê Nguyễn Văn Tập, Cha Brunô Nguyễn Bá Quế, Cha Gioan.B Nguyễn Văn Quang, Cha Antôn Trịnh Duy Công, Cha Fx Vũ Quang Hùng và các Cha trong tu đoàn.

Tu Đoàn Truyền Tin, tiền thân là Tu Hội Nhà Chúa do Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng sáng lập năm 1996, trên cơ sở tinh thần của Hội Thầy Giảng ngày xưa, với mục đích nâng đỡ những anh em có ý hướng dâng mình cho Chúa thực hiện Ơn Gọi của mình trong đời sống tông đồ tại các giáo xứ cũng như trong các môi trường nghề nghiệp, xã hội của mình. Ngày 24 tháng 4 năm 2004, theo đơn thư thỉnh nguyện của Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt (khi đó là Giám quản Hà Nội), Tòa Thánh đã chính thức phê chuẩn Hiến Pháp của Hiệp Hội và Tu Đoàn được mang tên Nam Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ Truyền Giáo Truyền Tin, thuộc Giáo Phận Hà Nội.

Tu Đoàn Truyền Tin Hà Nội được thành lập kiên định theo khoản 586 Giáo Luật, được đặt dưới quyền chăm sóc đặc biệt của Đức Giám Mục Giáo Phận theo những điều luật chung của Giáo Hội và luật riêng (xem GL 594). Với ba lời khấn khiết tịnh, vâng phục, khó nghèo, với ước nguyện theo gương Mẹ Maria trong việc tham dự vào công trình cứu độ của Chúa Giêsu, Con Mẹ, bằng mọi khả năng khác nhau, ở nhiều môi trường khác nhau, anh em thực hiện công việc tông đồ của mình trong sự vâng phục Đức Giám Mục Giáo Phận, trong đời sống hiệp thông và hợp tác sâu xa, trọn vẹn với Cộng Đoàn.

Là một Tu Đoàn non trẻ, nhưng được sự chăm lo, hướng dẫn của các Đấng Bề Trên trong Giáo Phận, con số anh em trong Tu Đoàn hiện nay là 25 trong đó có 11 anh đã khấn tạm. Từ khi thành lập, để có thể đáp ứng những nhu cầu phục vụ của đời sống tông đồ, anh em luôn được các Đấng Bề Trên chú trọng cử đi đào tạo về thần học, triết học, nhân bản. Hiện nay, ngoài những anh em đang phục vụ tại các giáo xứ trong các miền Hà Nội, Hà Tây và Hà Nam, một số anh đang được đào tạo thần học, triết học tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, và một anh ở Paris.

Khi chọn danh hiệu “Tu Đoàn Truyền Tin” và ngày bổn mạng là ngày Đức Ma-ri-a được truyền tin, hẳn đức hồng y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng và những người tiếp tục sự nghiệp ấy của ngài đều mong muốn học tập được thái độ của sứ thần Gáp-ri-en và nhất là của Đức Ma-ri-a: tập nhìn mọi sự bằng cặp mắt đức tin, tập nghe mọi sự bằng đôi tai đức tin và tập truyền tin cũng bằng miệng lưỡi đức tin. Nếu không có lòng tin ấy thì ai dám khởi sự và tiếp nối một công trình rất đỗi mong manh với những con người rất ư khiêm tốn? Nếu không có lòng tin ấy thì ai dám tham gia vào công cuộc đội đá vá trời như vậy – truyền bá Tin Mừng Nước trời cho những con người đang đói khát và dường như chỉ đói khát những thứ nước vật chất khác?

Hơn ai hết và hơn bao giờ hết, trong ngày bổn mạng của mình các thành viên Tu Đoàn Truyền Tin sẽ có dịp cảm nghiệm rất rõ sự thật kì diệu ấy, bằng cách đối chiếu tình hình hiện tại với buổi ban đầu của tu đoàn chẳng hạn. Chỉ riêng trong tu đoàn nữ thôi: hiện nay số cộng đoàn đã tăng từ 1 lên 4 (Phúc Lâm, Nghĩa Ải, Vân Đình và Nhà Chung giáo phận), số thành viên đã là 39 chị em trong đó 13 chị em đã cam kết, 17 chị em đang trong năm tập. Không kể những chương trình học tập và tĩnh tâm riêng của mình, Tu Đoàn cũng đã nỗ lực gởi các chị em tham gia các khóa bồi dưỡng thần học và tu đức bên cạnh các tu sĩ các dòng khác.

Ngoài ra, cho tới nay đã có 3 chị em tham gia lớp trung cấp y tế cổ truyền, 1 chị em đang học trường cao đẳng sư phạm. Hoạt động của chị em cũng đa dạng, ứng với đòi hỏi phải truyền bá Tin Mừng cho con người hôm nay dưới đủ mọi hình thức như phục vụ các bếp ăn Giáo Hội, chăm sóc các cháu nhà trẻ, dạy giáo lý các độ tuổi, dạy hát và nhạc, tham gia các khóa đào tạo giáo lí viên, thăm viếng các người bất hạnh… và còn nhiều hoạt động khác nữa. Và dĩ nhiên, khi ôn lại quá khứ, nhìn vào hiện tại và hướng tới tương lai, chị em không thể quên các khuôn mặt đáng kính như các đấng bản quyền trước đây và hiện tại, cha Trịnh Việt Yên đã qua đời, sơ Elizabeth Quỳnh Giao… và nhiều người khác – những người cũng có chung thái độ căn bản như các thành viên tu đoàn Tuyền Tin: đó là chính nhờ luôn tập nhìn, nghe và hành động trong đức tin mà các vị ấy mới có thể khởi sự và theo đuổi không mệt mỏi sự nghiệp của tu đoàn Truyền Tin này.

Chia sẻ trong thánh lễ, Đức Cha Lôrensô nhấn mạnh: Tu Đoàn Truyền Tin đã nhận lễ “Truyền Tin Thiên Chúa Nhập Thể” làm bổn mạng, làm mẫu gương, để noi gương Đức Mẹ Maria đón nhận Chúa với tấm lòng khiêm hạ và đem Chúa đến với những người khác, tức là đem sự bình an, đem ơn Chúa đến với mọi người… Đây là mục đích, tôn chỉ của Tu Đoàn Truyền Tin.

Trong thánh lễ, cộng đoàn không quên cầu nguyện và dành thời giờ để tưởng nhớ Đức Cố Hồng y Phaolô Giuse – người Cha rất đáng kính của tu đoàn. Sự ra đi của Ngài để lại cho mỗi thành viên tu đoàn niềm thương tiếc nghẹn ngào và sự trống vắng không gì bù đắp được.

Sau Thánh lễ, Cha Antôn Trần Cao Tích đại diện Tu Đoàn nói lên lời cảm ơn Đức Tổng Giám mục Giuse đã luôn dành tình thương mến và chăm lo giúp đỡ cho Tu Đoàn cả về tinh thần cũng như vật chất, nhờ thế mà mỗi ngày Tu Đoàn Truyền Tin được thăng tiến hơn. Cảm ơn Đức Cha Phụ tá, ngài đã thương ưu ái đến Tu Đoàn. Đặc biệt, hôm nay ngài đã thay mặt Đức Tổng về dâng thánh lễ mừng bổn mạng và cầu nguyện cho Tu Đoàn Truyền Tin.

Cha Antôn không quên nói lên công ơn to lớn của Đức Cố Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng, là người đã sáng lập nên Tu Đoàn, chăm lo dạy dỗ để Tu Đoàn Truyền Tin có được như ngày hôm nay.

Cha Antôn cũng nói lên lời cảm ơn Quý cha đồng tế, Quý nam nữ tu sĩ, Quý thân nhân, ân nhân, cùng cộng đoàn dân Chúa đã và đang cầu nguyện, giúp đỡ Tu Đoàn về mọi mặt.

 
Sắc lệnh của Tòa Ân giải Tối cao ban ơn Toàn xá kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
17:42 24/03/2009
Sắc lệnh của Tòa Ân giải Tối cao về việc ban ơn Toàn xá nhân dịp Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm tại Việt Nam

TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO

Văn thư số 882/08/I

Kính đệ Đức Thánh Cha,

Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục Giáo Phận Đàlạt và Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nhân danh các Giám Mục tham dự cuộc họp thường niên tại Tòa giám mục Xuân Lộc từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 9 năm 2008, hết lòng dâng lên Đức Thánh Cha những tâm tình tôn kính và vâng phục của riêng ngài, của tất cả các Giám Mục, và của phần dân Thiên Chúa được trao phó cho ngài coi sóc; ngài khiêm nhường trình lên Đức Thánh Cha sự việc là các kitô hữu Việt Nam đang chuẩn bị để năm tới sẽ kỷ niệm và cử hành cách xứng đáng dịp 50 năm Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII chính thức thiết lập Hàng Giáo Phẩm tại Việt Nam.

Với lòng tin tưởng, nhớ đến những ơn ích thiêng liêng trọng đại mà Năm Thánh 2000 đã đem lại cho các tín hữu Việt Nam, cũng như lợi dụng dịp Kim Khánh này, các Đức Cha quyết định chỉ thị tổ chức các nghi lễ đặc biệt và các buổi cử hành lời Chúa, kể từ ngày 24 tháng 11 năm 2009 đến ngày 02 tháng 01 năm 2011 trong tất cả các nhà thờ và nhà nguyện ở Việt Nam, để có thêm nhiều cơ hội lãnh nhận các bí tích với sự chuẩn bị thích hợp, những việc bác ái huynh đệ siêu nhiên được cổ võ, và nhờ đó, nơi mỗi người tín hữu hoặc nơi những nhóm khác nhau thuộc các cộng đồng giáo phận và giáo xứ, việc canh tân đời sống thiêng liêng trong suốt Đại Năm Thánh, nhờ ơn Chúa, được đặc biệt tăng cường và phát huy.

Ân Xá sẽ trợ giúp nhiều cho mục đích rất được kỳ vọng trên đây; Ân Xá đó, được thỉnh cầu với lòng tin tưởng, là bằng chứng nói lên tấm lòng ưu ái của người cha nơi Đức Thánh Cha, và là động lực giúp thắt chặt mối dây liên hệ phẩm trật và hiếu tử trong cả nước Việt Nam với Đức Thánh Cha và với Đấng Bản Quyền của mình.

Xin Thiên Chúa ban ơn và chúc lành cho Đức Thánh Cha hiển trị trong bình an và thịnh đạt.

Ngày 11 tháng 02 năm 2009

Lễ Đức Mẹ Lộ Đức


TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO, thừa lệnh Đức Thánh Cha, ban ơn Toàn Xá, theo các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng) được chu toàn đúng phép, cho các kitô-hữu thực tâm thống hối, trong tất cả và từng nhà thờ và nhà nguyện ở Việt Nam; họ cũng có thể nhường ân xá cho các linh hồn ở luyện ngục:

1. trong các ngày 24 tháng 11 năm 2009 và 02 tháng 01 năm 2011, tức ngày khai mạc và kết thúc trọng thể Năm Thánh mừng Kim Khánh Hàng Giáo Phẩm tại Việt Nam;

2. trong mọi ngày dành cho các mục đích tôn giáo chung cho toàn thế giới hoặc theo thói quen ở Việt Nam, như được xác định trong thư xin *;

3. trong các ngày có cử hành nghi lễ trọng thể do Đức Giám Mục Giáo Phận hoặc Đức Giám Mục khác thay thế ngài chủ sự;

4. mỗi lần, vì lý do đạo đức, họ đi hành hương, từng cá nhân hay theo đoàn thể, đến Nhà thờ Chính tòa hoặc một đền thánh được chỉ định trong Năm Thánh.

Những người cao tuổi, đau yếu và những ai có lý do hợp pháp không ra khỏi nhà được, có thể hưởng ơn Toàn Xá nếu chung lòng hợp ý với những người đang tham dự phụng vụ hoặc hành hương Năm Thánh, sốt sắng đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính và lời khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria trước ảnh tượng của Người, thực lòng ghét bỏ mọi tội lỗi, và khi có thể thì giữ ba điều kiện thông thường.

Các tín hữu Việt Nam ở hải ngoại cũng sẽ được hưởng ơn Toàn Xá trong các ngày và tại các nơi thánh được xác định đúng phép, với sự đồng ý của các Đấng Bản Quyền Giáo Phận.

Văn thư này có giá trị trong suốt Năm Thánh. Bất chấp những gì trái ngược.

+ Hồng Y Giacôbê Phanxicô Stafford

Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao

+ Gioan Phanxicô Girotti, ofm conv.

Giám mục hiệu tòa Meten,

Chánh Lục Sự

---------------------------------------------

* Ngày 29-9-2008, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn gửi thư xin,

liệt kê các ngày “quốc tế và truyền thống cầu nguyện”, gồm:

1/ 03/12/2009: Thánh Phanxicô Xaviê, Bổn mạng các Xứ truyền giáo.

2/ 27/12/2009: Thánh Gia Thất.

3/ 10/01/2010: Ngày quốc tế Di dân.

4/ 02/02/2010: Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, Ngày quốc tế Đời sống thánh hiến.

5/ 11/02/2010: Đức Mẹ Lộ Đức, Ngày quốc tế Bệnh nhân.

6/ 14–16/02/2010: Tết Nguyên Đán.

7/ 19/3/2010: Thánh Giuse, Bổn mạng Hội Thánh và Giáo Hội Việt Nam.

8/ 28/3/2010: Lễ Lá, Ngày quốc tế Giới trẻ.

9/ 25/4/2010: Chúa nhật IV Phục Sinh, Ngày quốc tế cầu nguyện cho các Ơn gọi.

10/ 01/5/2010: Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (1980).

11/ 16/5/2010: Lễ Chúa Thăng Thiên, Ngày quốc tế Truyền thông xã hội.

12/ 23/5/2010: Lễ Hiện Xuống.

13/ 11/6/2010: Lễ Thánh Tâm, Ngày thế giới cầu xin ơn Thánh hóa linh mục. Nhớ ngày tấn phong Giám mục Việt Nam tiên khởi, Đức cha JB Nguyễn Bá Tòng (1933).

14/ 29/6/2010: Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Tông Đồ.

15/ 26/7/2010: Chân phước Anrê Phú Yên, Bổn mạng các Giảng viên giáo lý Việt Nam.

16/ 15/8/2010: Đức Mẹ lên trời. Thánh Mẫu La Vang.

17/ 09/9/2010: Kỷ niệm 350 năm thành lập hai Đại diên Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài.

18/ 14/9/2010: Suy tôn Thánh Giá. Lễ Tước hiệu các Hội dòng Mến Thánh Giá.

19/ 01/10/2010: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Bổn mạng các Xứ truyền giáo.

20/ 11/10/2010: Chân phước Gioan XXIII, Vị giáo hoàng đã ký Sắc chỉ “Venerabilium Nostrorum” thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam.

21/ 24/10/2010: Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc truyền giáo.

22/ 21–28/11/2010: Đại hội Dân Chúa tại Việt Nam.

23/ 03/12/2010: Thánh Phanxicô Xaviê, Bổn mạng các Xứ truyền giáo.

24/ 26/12/2010: Thánh Gia Thất.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Mưu ma chước quỉ
Hoàng Cúc
19:17 24/03/2009

MƯU MA CHƯỚC QUỈ



Thông qua cách ứng xử mà các cơ quan truyền thông nhà nước dành cho tám giáo dân Thái Hà, qua cách thức “khủng bố” bằng báo chí hay bằng các cơ quan công quyền tại Gò Vấp với Văn Phòng Luật Sư Pháp Quyền (VPLSPQ) đặc biệt với cá nhân luật sư Lê Trần Luật, cô Tạ Phong Tần và những người cộng sự của họ trong thời gian gần đây, những ai quan tâm tới thế sự hẳn đã nhận ra “chủ trương lớn của đảng và chính phủ” trong việc đối phó với những kẻ không một tấc sắt trong tay. Tôi xin mạnh dạn đưa ra vài nhận định của tôi trước khi diễn ra phiên xử phúc thẩm tám giáo dân tại Hà Nội.

Tiên phát chế nhân

“Tiên phát chế nhân” là một trong 36 kế của các chiến lược gia cổ. Kế này còn được diễn tả cách khác là “tiên hạ thủ vi cường”, với ý nghĩa ra tay trước sẽ giành được thế chủ động trong các cuộc tranh chấp. Thế nhưng kế sách này có liên quan gì với những vụ việc tôi đang muốn bàn tới ở đây?

Những sự việc diễn ra với tám giáo dân Thái Hà những ngày gần đây cho thấy các cơ quan truyền thông tại Hà Nội đã nhận được “chỉ thị” bằng mọi cách bóp chết ý chí tranh đấu của các giáo dân này thông qua những cách thức “cù nhầy”, tỏ ra như đang nép vế, nhưng lại có tác dụng làm nản lòng, làm nhụt nhuệ khí đối phương.

Mặt khác, ở phía nam đất nước, các cơ quan truyền thông, các cơ quan công quyền đang dùng những biện pháp “khủng bố” tấn công trực diện vào tinh thần, thể xác, công việc, người thân của luật sư Lê Trần Luật và những người cộng sự. Mục tiêu trước mắt của họ là bằng mọi cách tách luật sư Lê Trần Luật ra khỏi nhóm giáo dân khiếu kiện, đồng thời triệt hạ đường làm ăn của ông và những ai liên quan tới ông, dùng kế “sát kê hách hầu”, giết gà nhằm doạ khỉ, để cảnh cáo tất cả những luật sư hay những ai đang muốn tiếp tay cho những thành phần dân oan khiếu kiện.

Xét cho cùng, khi đồng ý để luật sư Lê Trần Luật bào chữa cho hai trong số tám giáo dân bị đưa ra toà ngày 8-12-2008, chính quyền đã không lường trước được vụ việc sẽ diễn biến phức tạp đến như vậy. Hẳn họ đã cho rằng khi “ban” cho tám người một cái án không thể nhẹ hơn như thế, trong bối cảnh chính quyền xưa nay có toàn quyền sinh sát, sẽ chẳng ai dại gì tiếp tục làm cái việc vô ích “con kiến đi kiện củ khoai”. Như vậy, dù đã gây không ít khó khăn cho luật sư và tám giáo dân, khi để cho luật sư Lê Trần Luật và nhóm giáo dân này liên kết lại với nhau trong một vụ kiện, chính quyền đã vô ý đánh mất thế “tiên phát chế nhân”. Những việc họ đang ra sức làm hiện nay phản ảnh tâm trạng hậm hực chữa cháy của họ.

Mặt khuất của vụ việc

Những gì đa số chúng ta biết tới, những biện pháp bỉ ổi nhắm vào Lê Trần Luật, Tạ Phong Tần và cả tám giáo dân thực ra chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Những tuần vừa qua, các cây viết từng đưa lên liên mạng toàn cầu những bài nóng hổi về vụ việc Thái Hà và Toà Khâm Sứ như J.B. Nguyễn Hữu Vinh, Alfonso Hoàng Gia Bảo, An Dân, Hà Thạch v.v… đang bị truy tìm hoặc lôi đi thẩm vấn liên tục. Nhà chức trách đang cố khép họ vào tội “phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”! Tuy nhiên, việc khép tội còn là chuyện tương lai. Trước mắt là công việc làm ăn, người thân và gia đình họ đang bị đe doạ cách này hay cách khác.

Những ai từng nếm mùi khủng bố của hệ thống chuyên chính vô sản đã đạt tới mức phi nhân tính cao độ hẳn có thể mường tượng được rằng cũng như Lê Trần Luật và Tạ Phong Tần, những cây bút can trường đó cũng đang phải từng giây phút đối mặt với tất cả những trò côn đồ, gian ác và lưu manh bỉ ổi nhất. Những gì đã xảy ra với Hà Sĩ Phu, Vũ Cao Quận, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Hoàng Hải, Trần Khải Thanh Thuỷ, Phạm Thanh Nghiên và tất cả những ai đang lên tiếng vì một Việt Nam dân chủ và tốt đẹp hơn cho thấy rằng ngay cả những điều vô lí đến không thể tưởng tượng nổi cũng vẫn có thể xuất hiện đường hoàng dưới ánh mặt trời của xứ sở thiên đường XHCN Việt Nam.

Liệu có nên mỗi người một chút, “góp gió thành bão”, để chia nhỏ sức tấn công của con quái vật đang trong cơn gầm gừ say máu?

Và những mưu ma chước quỉ

Kiểu tấn công thí mạng, không thèm đếm xỉa tới ngay cả thứ « chính nghĩa » mà chính quyền từng ra rả rao giảng còn cho ta thấy rằng họ đang trong cơn điên loạn cùng quẫn. Cái đích xa hơn mà họ đang nhắm tới chính là cái gai trong mắt họ từ hơn một năm nay: Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt.

Những ngày vừa qua, xem ra mối tương quan giữa chính quyền và vị Tổng giám mục Hà Nội đang được cải thiện. Nhưng thiết tưởng đó chỉ là thời gian biển lặng trước trận cuồng phong. Mặt biển càng phẳng lặng thì cơn giông tố sẽ càng khủng khiếp. Lời tuyên bố của ông Nguyễn Thế Thảo với ngoại giao đoàn tại Hà Nội hé mở cho ta thấy rằng « chủ trương lớn của đảng và chính phủ » là tìm mọi cách đẩy Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội. Họ đã dùng tới nhiều biện pháp như đấu tố, tạo dư luận quần chúng, ngay cả tìm cách đi đêm với Vatican, nhưng dường như mọi nỗ lực vẫn còn như muối bỏ bể. Khi các phương pháp êm thấm không xong, con thú sẽ hiện nguyên hình với tất cả bản chất bất nhân khát máu. Thời gian hẳn đã đủ để ta nhận thấy rằng họ sẽ không từ bất cứ thủ đoạn bỉ ổi và xấu xa nào.

Hơn một năm qua, nhà cầm quyền đã làm tất cả mọi chuyện để minh chứng một cách hùng hồn cho « chủ trương lớn của đảng và chính phủ » là họ không bao giờ có thiện chí, cũng không bao giờ có khả năng giải quyết những tranh chấp, do chính họ đã tạo ra, bằng một con đường đàng hoàng theo luật pháp của chính họ.

Dẫu sao, người xưa có câu « hồi đầu thị ngạn », lại cũng có câu « phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật ».

HOÀNG CÚC
 
Đê hèn và nhục nhã
Song Hà
20:35 24/03/2009

Đê hèn và nhục nhã



Các giáo dân Thái Hà kháng cáo bản án sơ thẩm sắp phải ra toà phúc thẩm tại Hà Đông - Hà Nội. Đây là vụ án thu hút nhiều quan tâm của người dân toàn xã hội Việt Nam chứ không chỉ có giáo dân.

Cấp chóp bu VN nghĩ rằng không ai biết hoặc không ai chú ý đến những trò ma giáo của mình nên vẫn cứ tưởng mình đang múa tay trong bị. Những người nghĩ ra các trò ma giáo tưởng rằng như đã từng làm với các đồng chí, đồng đội của mình được thì áp dụng ra xã hội không ai biết.

Thực tế thì ngược lại, người dân khắp nơi chú ý đến những hiện tượng, hành vi không bình thường của “ông nhà nước” đối phó với vụ này.

Kiểm lại những việc mấy ông nhà nước đã làm thì thấy cũng đã rất công phu để che giấu cái đuôi chồn hôi của mình. Nhưng những hành động của “ông nhà nước” vừa qua đã tự bóc cái bộ mặt nham nhở trước dư luận nhân dân trong và ngoài nước.

Cứ xem xét những động tác của hệ thống chính trị, công an từ Nam đến Bắc vừa qua đối phó với vụ án “mấy con kiến” này đủ thấy ai đang là người bị động, lúng túng và vi phạm pháp luật.

Ai cũng biết, việc các cơ quan nhà nước kết hợp với nhau nhịp nhàng nhằm đánh hội đồng ông Luật sư Lê Trần Luật - người dũng cảm bảo vệ công lý cho những người dân Thái Hà thấp cổ bé miệng - đã nói lên sự bất lực và hèn hạ của một hệ thống đã không còn bám víu được chút nào vào chính nghĩa, Công lý và Sự thật. Chúng đã nhắm vào một ông luật sư với những con bài không thể dùng ngôn từ nào đúng đắn hơn là kinh tởm và hạ đẳng.

Cũng qua đó bộc lộ bản chất của nhà nước thống trị này đang đứng chỗ nào, ánh sáng hay bóng tối, lòng dân hay kẻ thù của nhân dân.

Một công dân, một trí thức dám đương đầu với những đe doạ với bản thân để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người dân là chuyện đương nhiên trong mọi xã hội, nhưng là chuyện lạ lùng trong xã hội Việt Nam Cộng sản.

Nhưng cả một hệ thống nhà nước và các bộ sậu của nó được huy động để giở trò đểu với một cá nhân không có gì trong tay ngoài sự thật và công lý cùng một tấm lòng cháy bỏng ủng hộ những người thấp cổ bé miệng là một sự đê hèn, là một sự nhục nhã.

Một nhà nước mà phải đê hèn, hạ đẳng như vậy sao? Đó có phải là sức mạnh của chính nghĩa hay đó là sức mạnh của ma quỷ, tà thần?

Vụ án kết tội các giáo dân được công khai xử kín ở Hà Nội cuối năm ngoái đã trở thành một biểu tượng, một cách thể hiện sự lúng túng và hoảng loạn của những người chỉ có trong tay súng đạn mà không có chính nghĩa. Phiên toà đó cũng là biểu tượng của lòng dân vốn đã mất hết những gì họ đã từng được ru ngủ và tin theo nay đã bừng tỉnh.

Để tới phiên toà phúc thẩm này, ông nhà nước đã tốn phí bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu mưu ma, chước quỷ đã được hiến… nhưng kết cục sẽ nhận được những gì?

Giáo dân đã quyết đi tìm và đòi lại sự thật, công lý và quyền lợi của mình thì họ đã không từ nan. Giáo dân đã chấp nhận nhà tù, súng đạn, thậm chí là hi sinh cả mạng sống mình cho những ước vọng của họ.

Nhà nước có thể mạnh tay đàn áp, bắt bớ hoặc tống tù tất cả, có thể làm cho họ đau đớn, mất mát và khổ sở. Nhưng để làm cho họ khiếp sợ thì chắc chắn là không. Chính vì thế dù được “khoan hồng” với bản án treo, cảnh cáo… họ vẫn quyết tâm đi đến cùng đích đòi lại sự thật.

Phải làm gì với họ là câu hỏi cần được giải đáp nhanh chóng.

Thói thường, nhà nước có thể giải quyết bằng bạo lực hoặc nhà tù, kể cả áp đặt cho ông luật sư vài ba cái tội như ghẻ ruồi, hoặc tội trốn thuế như ông Blogger Điếu Cày để tống giam, tặng cho cô Tạ Phong Tần và các cộng sự khác cái tội chống lại nhà nước... rồi sau đó khủng bố từng cá nhân một cho hết bọn dám nói dám làm những điều trái ý nhà nước.

Cũng có thể tặng thêm cho mấy giáo dân một bản án thật nặng để chừa cái tội “giỡn mặt nhà nước cộng sản”, cho vào tù thật cho biết tay mà kinh đến bảy đời nhà kiến.

Cách đó là cách đơn giản nhất, chẳng cần họp bàn gì nhiều, người thì sẵn có, công an, quân đội thiếu gì, tiền bạc nhiều như của chùa, xài bao nhiêu được bấy nhiêu. Chẳng những thế còn tạo được công ăn việc làm cho đống người đang có nguy cơ thất nghiệp trong các cơ quan nhà nước vì khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Nhất cử lưỡng tiện nhé.

Nhưng càng làm cách đó, chẳng những nhà nước không thể giải quyết được vấn đề êm đẹp như mong muốn, trái lại càng làm cho những mối lo ngày càng phình to khó bề kiểm soát.

Càng làm cách đó, giáo dân càng được dịp thể hiện bản lĩnh của mình, còn những mưu ma chước quỷ thì có dịp phơi bày ra cho thiên hạ biết. Thời đại thông tin này, chẳng điều gì giấu được lâu, đến như ông Lê Khả Phiêu vốn được xưng tụng là người liêm khiết, chống tham nhũng triệt để nhất của đảng, ấy vậy mà vương cung của ông vẫn xuất hiện rất cụ tỉ (cụ thể, tỉ mỉ - theo cách gộp chữ của cán bộ Cộng sản) trên mạng toàn cầu cho thiên hạ lãm tường.

Để có được phiên toà phúc thẩm, chắc mấy ổng đã phải bàn mưu, tính kế nhiều phen. Bởi vậy mới có chuyện giáo dân phải sốt sắng đi đòi toà xử cho họ mấy lần mà vẫn bị chậm quá hạn theo luật định.

Một trong những khả năng về kết quả phiên toà phúc thẩm tới đây được bàn tới như sau:

Về người bào chữa: Giáo dân nhất định chỉ có tin tưởng vào Luật sư Lê Trần Luật bào chữa cho họ, ngoài ra còn có thêm các luật sư khác nhưng không thể thiếu luật sư Lê Trần Luật. Họ đã khẳng định bằng văn bản.

Vậy nhưng hiện ông Luật đang được sự quan tâm chăm sóc của các cơ quan nhà nước trong trận hội đồng “đập chết ăn thịt” đã được khởi động lâu nay. Lý do ông Luật vắng mặt ở phiên toà này có chính đáng hay không thì hỏi đứa trẻ con nó cũng trả lời rằng là không. Xin ông Toà đừng có trả lời thế kẻo lại thành giai thoại toà án VN.

Nếu ngày mai, ngày kia giáo dân vẫn cứ bị xử không có luật sư biện hộ theo quy định của pháp luật, bị tuyên y án thì đó là điều họ đã định liệu sẵn sàng. Giáo dân thừa biết nhà nước này có thể làm bất chấp mọi sự, trừ sự thật, để đạt được mục đích. Chắc chắn họ lại sẽ kháng án tới một phiên toà khác.

Bản án sơ thẩm đã không bị kháng nghị bởi Viện Kiểm sát (lý do là VKS cấp quận đề nghị thế nào thì Toà tuyên đúng như vậy, không sai một dấu phẩy thì kháng nghị cái gì được). Đã không kháng nghị, thì cấp phúc thẩm chỉ có thể giải quyết theo Bộ luật Tố tụng hình sự từ Điều 245 đến Điều 253, theo đó tại phiên toà này Toà phúc thẩm không có lý do gì để tăng mức án cho các giáo dân.

Hoặc công nhận bản án sơ thẩm là đúng, nhưng giáo dân còn kêu, thì xử lại xem có nặng quá không? Nếu nặng quá thì xem xét tuyên lại nhẹ hơn hoặc y án.

Nếu bản án sơ thẩm không đúng, sót người, lọt tội, xét thấy cần tuyên nặng hơn, thì phải huỷ án sơ thẩm mà điều tra, xử lại từ đầu. Vậy là sẽ còn nhiều phiên toà nữa và sự việc còn nhiều kịch tính.

Nếu toà cứ xử, cứ tăng nặng hình phạt theo nguyên tắc “luật ở chính miệng tao mà ra” thì một lần nữa, tự nhà nước tát vào bộ mặt vốn đã nham nhở của mình trước thiên hạ. Ở đất nước này thì điều gì cũng có thể xảy ra, kể cả những điều người ta không tưởng tượng được.

Nhưng cũng chẳng sao, chỉ thêm nhọc công cho giáo dân các xứ họ lại phải luân phiên nhau rồng rắn đi lên trại thăm giáo dân bị tù. Nhưng thế cũng vui, hằng tuần giáo dân VN được có thêm những buổi picnic thú vị.

Để chuẩn bị cho phiên toà mấy con kiến nhỏ, các bộ máy trong hệ thống nhà nước đã phải chạy hết công suất thời gian vừa qua. Công an được tăng cường giám sát luật sư, thuế má được lệnh chuẩn bị tài liệu, báo chí được lệnh kêu gọi những người thiếu đạo đức lên án ông luật sư đáng kính để “tập trung đấu tranh” nhằm vẽ cho ông một cái tội nào đó miễn là có…

Ở HN, đội ngũ công an tăng cường quan sát biến động của nhà thờ, giám sát giáo dân… Các giáo dân kháng cáo được cán bộ đến tận nhà làm việc và dụ dỗ… thôi thì đủ trò tốn tiền hao của.

Các cơ quan đoàn thể chuẩn bị các kế hoạch dự kiến hành động. Đoàn thanh niên cộng sản được khen ngợi, quần chúng được bồi dưỡng để sẵn sàng hành động dập tắt hy vọng đòi sự thật công lý của đám giáo dân ở phiên toà này…

Bộ máy tuyên truyền của đảng sau khi được khen thưởng vì thành tích bịa đặt, dựng chuyện và kết quả là tạo được hố sâu kỳ thị, ngăn cách tôn giáo trong lòng đất nước, nay đã được lệnh: “lên án mạnh mẽ và khai thác yếu tố vi phạm pháp luật của giáo dân”… tạo sự thu hút của dư luận nhân dân nhằm làm lu mờ yếu tố ngoại bang đang gặm nhấm từng hòn đảo, từng thước đất của đất nước và quên đi đội ngũ Tàu cộng đã vào tận mái nhà Đông Dương để thực hiện “chủ trương lớn của đảng và nhà nước”.

Tất cả đã sẵn sàng cho một cuộc chiến thật sự với công dân VN – mấy con kiến nhỏ, với đồng loại của mình, với những người chủ của đất nước.

Đó là cuộc chiến đê hèn và nhục nhã.

Đó là cuộc chiến có một không hai thể hiện bản chất của một nhà nước cộng sản đối với nhân dân đã từng đùm bọc, yêu thương mình và bây giờ đang phải trả giá cho lòng tin mù quáng.

25 tháng 3 năm 2009

Song Hà

------

Điều 245. Những người tham gia phiên tòa phúc thẩm

1. Tại phiên tòa phúc thẩm, sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp là bắt buộc, nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa.

2. Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên tòa. Nếu có người vắng mặt mà có lý do chính đáng thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt. Trong các trường hợp khác thì phải hoãn phiên tòa…

Điều 246. Bổ sung, xem xét chứng cứ tại Tòa án cấp phúc thẩm

1. Trước khi xét xử hoặc trong khi xét hỏi tại phiên tòa, Viện kiểm sát có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của Tòa án bổ sung chứng cứ mới; người đã kháng cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự cũng có quyền bổ sung tài liệu, đồ vật.

2. Chứng cứ cũ, chứng cứ mới, tài liệu, đồ vật mới bổ sung đều phải được xem xét tại phiên tòa. Bản án của Tòa án cấp phúc thẩm phải căn cứ vào cả chứng cứ cũ và mới.

Điều 248. Bản án phúc thẩm và thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm

2. Toà án cấp phúc thẩm có quyền quyết định:

a) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;

b) Sửa bản án sơ thẩm;

c) Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;

d) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Điều 249. Sửa bản án sơ thẩm

1. Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo;

b) áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;

c) Giảm hình phạt cho bị cáo;

d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;

đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

2. Nếu có căn cứ, Tòa án cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.

3. Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; tăng mức bồi thường thiệt hại, nếu có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của người bị hại, nguyên đơn dân sự; nếu có căn cứ, Tòa án vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.

Điều 250. Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại

1. Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.

2. Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong những trường hợp sau đây:

a) Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng;

b) Người được Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội.

3. Khi hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, Toà án cấp phúc thẩm phải ghi rõ lý do của việc hủy bản án sơ thẩm.

4. Khi huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại, Toà án cấp phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Toà án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điều khoản Bộ luật hình sự và hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm sẽ phải áp dụng.

5. Trong trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Toà án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày hủy bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát hoặc Toà án cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung.

Điều 251. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án

Khi có một trong những căn cứ quy định tại điểm 1 và điểm 2 Điều 107 của Bộ luật này thì Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án; nếu có một trong những căn cứ quy định tại các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ luật này thì hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Điều 252. Điều tra lại hoặc xét xử lại vụ án hình sự

Sau khi Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại thì Cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại, Viện kiểm sát truy tố lại và Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án theo thủ tục chung.

Điều 253. Phúc thẩm những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm

1. Đối với những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng nghị hoặc kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm không phải mở phiên toà, nhưng nếu xét cần thì có thể triệu tập những người tham gia tố tụng cần thiết để nghe ý kiến của họ trước khi Tòa án ra quyết định.

2. Tòa án cấp phúc thẩm phải ra quyết định giải quyết việc kháng cáo hoặc kháng nghị trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

3. Khi xét những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm có những quyền hạn quy định tại Điều 248 của Bộ luật này.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Suối Và Đá
Lê Trị
05:11 24/03/2009

SUỐI VÀ ĐÁ



Ảnh của Lê Trị

Khoan thai 'nước chảy đá mòn',

Kiên trì, bền chí thành công có ngày

Gẫm suy sự việc xưa nay

Mấy ai hấp tấp nắm ngay đạt thành?

(Lê Trị)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền