Ngày 23-03-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tội Đồ Giêsu – John 5:17-30
Nguyễn Trung Tây
00:24 23/03/2023
Nguyễn Trung Tây
Tội Đồ Giêsu – John 5:17-30


QUỐC GIA PHÁP TRỊ
Do Thái, quốc gia pháp trị. Sách luật Lêvi, sách luật Dân Số, sách Đệ Nhị Luật.

Xin mời đếm, đếm cẩn thận, đếm chi tiết. Xin cũng đừng quên, “Mười Điều Luật,” trái tim đỏ bơm máu tới từng tế bào nhỏ li ti của những sách, bộ luật, và của dân được tuyển chọn.

Không lạ chi, tác giả Thánh Vịnh 119 dâng một lời kinh Luật lạ lùng, lời kinh hương thơm bay lên thiên đàng, “Lạy Ngài! Bộ luật Ngài, niềm hạnh phúc đời con” (Thánh Vịnh 119: 77, 92, 174).

Bởi thế, Ngày Sabath, ngày Hưu Lễ ghi rõ ràng trong cả hai sách,
— Xuất Hành 20:8-11, “Hãy nhớ ngày Sabbath, mà coi đó là ngày thánh… Vì trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy.”

— Và Đệ Nhị Luật 5:12-15, “Hãy giữ ngày Sabbath, mà coi đó là ngày thánh, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi… ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày Sabbath.”

Vào một ngày rơi vào ngày Sabbath, môn phái Lấm Lem đi ngang ruộng lúa.
Môn sinh giơ tay bứt lúa.
Môn phái Pharisê cự nự trưởng môn nhân.
Để rồi Ngài khẳng định, “Luật vị nhân sinh, chứ không phải nhân sinh vị luật” (Mark 2:27).

Hơn nữa, đã bao nhiêu lần rồi, Đức Giêsu “thản nhiên” chữa bệnh ngày Sabbath.

Một người vô danh tiểu tốt đến từ ngôi làng nhỏ như mắt muỗi dám chống lại Luật, “bộ luật Ngài, niềm hạnh phúc đời con!”
Tội đồ Giêsu, tội rõ ràng!

DO THÁI, MỘT THIÊN CHÚA
Ngôn sứ Môisen tuyên phán, “Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất” (Đệ Nhị Luật 6:4-5).

Đấng Duy Nhất đã gọi tổ phụ Abraham rời bỏ quê hương Ur, Chaldeans.

Đấng Duy Nhất đã gọi Môisen từ trong bụi gai lửa, xưng danh, “Yahweh/Giavê” tiếng Hebrew, “Ta Là” tiếng Việt.

Dân riêng kính trọng tên cực thánh không dám gọi Ngài: Giavê, nhưng Ađônai.

Niềm tin Đệ Nhị Luật 6:4 được để trên trán, đeo trên tay, và khắc trong tim, cung kính, trang trọng.

Nhưng! Người đến từ vùng sâu vùng xa Nadarét mở miệng gọi Ngài, Ađônai là Bố, tự xưng mình là Con Trai (Gioan 5:25-27).

Tội đồ Giêsu, tội thứ hai!

HAI TỘI DANH
Cả hai tội danh này và bao nhiêu tội danh khác, dư thừa lực đẩy đưa Ngài lên thẳng núi Sọ.

TỘI ĐỒ GIÊSU
Đức Giêsu, Đấng chủ trương luật vị nhân sinh.
Đức Giêsu, Con Một của Đấng Duy Nhất.
Hai điều này đều là sự thật, một viết thường và một viết hoa.
Và bởi đó là sự thật, sự thật đã giải thoát Ngài, tội đồ Giêsu.
Không lạ chi! Giờ phút đó, ngày hôm đó! Hoa Phục Sinh nở rực rỡ đồi Golgotha.

Lời Nguyện
Lạy Ngài! Xin cho con sống lại như Ngài!
 
Chiến thắng sự chết
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
00:32 23/03/2023


Mọi dân tộc trên Địa Cầu từ thời tiền sử, thời đồ đá, đồ đồng… cho đến thời nay đều có một kẻ thù chung, đó là thần Chết.

Tất cả mọi người, thuộc mọi chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, văn hóa, giai cấp, tôn giáo… ở khắp thế giới đều có chung một kẻ thù, kẻ thù đó cũng là thần Chết.

Tất cả mọi dân, mọi nước khắp địa cầu đều có một ước vọng chung, một nỗ lực chung là làm sao đánh bại được thần Chết.

Cho dù nhân loại văn minh, tiến bộ hôm nay có dồn hết công sức, tài lực, trí tuệ và những phát minh khám phá khoa học tiên tiến của mình để chung tay đánh bại thần Chết thì cũng chỉ hoài công. Không sớm thì muộn, thần Chết sẽ vung lưỡi hái kết liễu đời sống mọi người trên dương gian. Thế là ai ai cũng nơm nớp lo sợ thần Chết tước đoạt sự sống của mình.

Thế rồi,

Một bầu trời hy vọng bừng sáng lên khi trong số con cái loài người có một vị anh hùng kiệt xuất, là Chúa Giê-su xuất hiện. Ngài là người nhưng cũng là Thiên Chúa nên Ngài có quyền lực của Thiên Chúa và đã dùng thần lực của mình đánh bại thần Chết và cứu muôn người khỏi nanh vuốt Tử thần.

Chúa Giê-su đánh bại thần Chết khi làm cho con gái ông Giai-rô mới chết được sống lại.

Chúa Giê-su đánh bại thần Chết khi cho người con trai bà góa thành Na-in đang được người thân mang đi chôn được trở về với cuộc sống;

Chúa Giê-su đánh bại thần Chết khi làm cho La-da-rô, dù đã chết bốn ngày rồi được sống lại, từ giã ngôi mộ đá, quay về đoàn tụ với bao người thân yêu.

Và đặc biệt là chính Ngài sau khi nộp mình chịu khổ nạn và chịu chết đau thương, đã sống lại và lên trời vinh hiển.

Như vậy, Ngài là vị Cứu tinh cao cả tuyệt vời của nhân loại, đã giúp loài người thoát khỏi gông cùm sự chết và ban cho họ sự sống đời đời.

Nối kết với nguồn ban sự sống

Muốn cho bóng đèn toả sáng thì nó phải được nối kết với nguồn điện;

Muốn cho cành nho được trổ sinh trái trăng ngon ngọt thì nó phải được tháp nhập vào thân nho;

Bàn tay muốn sống còn và hoạt động thì phải nối liền với thân thể…

Vậy thì nếu chúng ta muốn được sống đời đời thì phải nối kết với Chúa Giê-su như bóng đèn nối với nguồn điện, như cành nho nối liền thân nho, như bàn tay nối liền cơ thể… nhờ đó sự sống đời đời của Chúa Giê-su sẽ được thông truyền cho chúng ta.

Muốn nối kết bền chặt với Chúa Giê-su, chúng ta hãy vững Tin vào Ngài, như lời Ngài phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ.”

Lạy Chúa Giê-su là nguồn ban sự sống,

Không gì trên đời quý báu bằng sự sống. Không gì đáng khao khát cho bằng sự sống đời đời.

Xin cho chúng con luôn kết hợp với Chúa cách mật thiết, như bàn tay với thân thể… để được đón nhận sự sống đời đời do Chúa truyền ban và kiên quyết không bao giờ phạm tội trọng để khỏi đánh mất sự sống đời đời. Amen.
 
Ngày 24/03: Biết Chúa – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến, Dòng Mến Thánh Giá.
Giáo Hội Năm Châu
02:19 23/03/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người.

Lễ Lều của người Do-thái gần tới. khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.

Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô? Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”

Bấy giờ họ tìm cách bắt Người; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

Đó là lời Chúa
 
Làm Người Đánh Thức
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:43 23/03/2023
Làm Người Đánh Thức

(Chúa Nhật V Mùa Chay A)

“Lazarô, bạn của chúng ta đang ngủ; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy dậy.” (Ga 11,11). Vì không hiểu ngụ ý của Chúa Giêsu, các tông đồ đã phản ứng cách tự nhiên:
“Nếu anh ấy đang ngủ thì tự khắc sẽ dậy”. Chúa Giêsu đã từng có lần nói về tình trạng một người đã chết như là đang ngủ, chẳng hạn với cô bé gái con ông Giairô, viên trưởng Hội đường (x.Mc 6,39). Như thế, việc làm cho một ai đó sống lại từ cõi chết được Chúa ví như là đánh thức họ dậy. Và chúng ta cũng có thể loại suy cách nào đó rằng khi đánh thức một ai đó là giúp họ lại được sống hay được sống lại đúng phẩm vị của mình.

1. Những người cần được đánh thức là những người đang ngủ mê.

-Trong những hạnh phúc trần thế chóng qua: Những thiện hảo đời này thật đáng quý nhưng chúng không thể lấp đầy ước vọng của con người. Dù cho đủ đầy những thành công về danh vị hay lợi lộc vật chất thì mọi sự rồi sẽ qua đi khi mà tuổi già chợt đến. Đặc biệt khi cái chết cận kề thì người ta mới nghiệm ra rằng chẳng có thể lấy gì mà mua được sự sống và mạng sống thật đáng quý biết bao. Có thể nói kiếp người là một chuỗi băn khoăn lo lắng mãi cho đến khi nghỉ yên trong lòng đất lạnh. Thế nhưng, tình trạng quá mãi lo lắng băn khoăn chính là một trong những hình thái mê ngủ vậy.

-Trong sự ganh đua hơn thiệt, được mất: Cái được, cái thua, cái mất, cái thắng ở đời này chỉ là tương đối. Rất nhiều khi những tưởng rằng thắng mà hoá thua, nghĩ rằng được mà lại mất. Nhiều vận động viên thể dục, thể thao trong các cuộc thi tài đã nghiệm thấy việc chiến thắng bản thân mới là điều quan trọng nhất. Và sự thật này thường được đón nhận khi người ta chiến bại hơn là chiến thắng.

2. Cùng với Đức Kitô, xin làm người đánh thức tha nhân. Một sự thật hiển nhiên dễ dàng đón nhận đó là sẽ chẳng một ai thoát được cái chết. Sự chết là một hiện tượng tất yếu của mọi loài xét như là sinh vật. Đã có sinh, thời có tử. Thế nhưng, cái chết là một sự thật mà con người, sinh vật bậc cao thường khó chấp nhận, đúng hơn là khó đón nhận vì luôn có đó khát vọng được trường sinh bất tử nơi lòng người. Chúa Kitô đã từng mời gọi “hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27). Để làm được điều này thì hãy tin vào Người là Đấng Thiên Chúa sai đến. Vì chính Người là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Người, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Người thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26). Tin vào Chúa Kitô là sống như Người đã sống “không phải đến để được người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Tin vào Chúa Kitô là đón nhận lời Người và đem ra thực hành trong cuộc sốn

2. Để làm người đánh thức tha nhân thì cùng với Chúa Kitô, chúng ta cần:

- Ra đi: Ra đi khỏi sự yên ổn cá nhân mình, ra đi khỏi tình yêu vị kỷ và dĩ nhiên là chấp nhận bao gian khó đang chờ phía trước. Tông đồ Tôma đã giận lẫy với các bạn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,16).

-Có tấm lòng xót thương: Thấy Chúa Giêsu khóc thương Lazarô, “người Do Thái mới nói: “Kìa xem ! Ông ta thương Lazarô biết mấy” (Ga 11,35). Thiếu một trái tim biết thao thức trước hạnh phúc của tha nhân, biết thổn thức trước đau khổ của đồng loại thì đừng mong đánh thức được một ai.

-Đặt niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa: “Chúa Giêsu ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con…” (Ga 11,41). Chính nhờ và với quyền năng của Thiên Chúa thì những sự tốt lành mới tỏ hiện. Quả thật, chúng ta không thể đánh thức lòng người nếu không có ân sủng Chúa độ trì.

Thức tỉnh là một trong những đề tài được nhiều nhà đạo đức hôm nay nói đến. Mãi mê thế sự là một biểu hiện của con người mọi thời, đặc biệt thời đại hôm nay. Thỉnh thoảng người ta chợt bừng tỉnh khi đối diện với cái chết của người này, người kia hoặc đối diện với cái chết đang cận kề mình. Thế nhưng những thời khắc thức tỉnh ấy rất dễ thoáng qua hay là quá bất chợt và kết quả thu được chẳng là bao. Chính vì thế mãi rất cần những con người đánh thức tha nhân. Chúa Kitô đã tiên phong, bạn và tôi, chúng ta có sẵn sàng tiếp bước Người để làm người đánh thức không? Ước gì chúng ta góp với Đấng Cứu độ một tay làm cho nhân trần bừng tỉnh về sự sống trường sinh mà chúng ta thường tuyên xưng: “Tôi tin có sự sống đời đời”. Chính khi biết hướng đến sự sống đời đời thì con người sẽ biết sống sự sống đời này cách hữu ích và có ý nghĩa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 23/03/2023

24. Đức Mẹ Ma-ri-a là quan thầy của tất cả những người tội lỗi khẩn cầu.

(Thánh Anicetus giáo hoàng)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:04 23/03/2023
10. CẦU VÒNG

Sau trận mưa lớn rất đáng sợ, trên trời xuất hiện cầu vồng rất đẹp. Tiểu Hán Lập đang đứng bên ngoài trước cửa sổ, nó rất phấn khởi lớn tiếng la lên:

- “Trong cuộc đời của tôi chưa bao giờ nhìn thấy màu sắc đẹp như thế này, cầu vòng bên cạnh con suối nhỏ có cây liễu già rủ xuống, mỗi ngọn lá của cây liễu đều ẩn hiện màu sắc nhìn rất đẹp. Tôi phải lập tức chạy qua đó đem chúng nó đựng vào trong hộp sơn màu của tôi, đựng cho thật nhiều.”

Tiểu Hán Lập nhanh chóng chạy đến bên cây liễu, nhưng thật tội nghiệp, anh bạn nhỏ này phát hiện điều rất kinh dị: đột nhiên một cơn mưa lớn ập đến, tất cả các màu sắc nhìn rất đẹp đó đều không thấy nữa. Toàn thân nó ướt đẫm và rất chán nản, chỉ còn biết trở về nhà than trách với cha nó là mình đuổi theo không kịp cầu vồng.

Cha nó mĩm cười nói:

- “Sắc cầu vòng thì không thể đựng trong thùng hay trong hộp, những giọt mưa trên không phản chiếu lại cầu vồng rất là đẹp, nhưng cũng rất là ngắn ngủi. Này con, loại tình hình này trên thế giới rất nhiều và cũng thường xảy ra như vậy, chúng ta thường đem những chuyện nào đó tưởng tượng ra rất đẹp, nhưng trên thực tế chỉ là hình tượng mờ ảo mà thôi.”

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 10:

Cầu vòng -trong Kinh Thánh cựu ước- là dấu chỉ giao ước giữa Ya-vê Thiên Chúa và ông Nô-ê: “ Ta hứa rằng ta sẽ không bao giờ khiến cho một trận nước lụt diệt sạch mọi người và thú vật nữa. Ta đặt cái cầu vồng này trên mây. Và khi cầu vồng hiện ra, thì ta sẽ nhớ đến lời hứa này của ta.”(Stk 9, 16)

Trong tân ước, Đức Chúa Giê-su chính là “cầu vồng” trung gian giữa Thiên Chúa Cha và nhân loại, khi Ngài nói: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Hội thánh luôn chúc tụng Đức Ki-tô mọi ngày trong thánh lễ: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, cùng với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời” đó hay sao?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Không ai có thể thờ ơ quá lâu
Lm Minh Anh
17:58 23/03/2023


KHÔNG AI CÓ THỂ THỜ Ơ QUÁ LÂU
“Họ tìm cách bắt Chúa Giêsu!”.

“Không ai có thể thờ ơ quá lâu với Chúa Giêsu, họ sẽ theo Ngài, hoặc sẽ giết Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, ý tưởng của Don Schwager giúp chúng ta khám phá một sự đan quyện đầy ý nghĩa được rút ra từ hai bài đọc Lời Chúa hôm nay. “Không ai có thể thờ ơ quá lâu với Chúa Giêsu”, cũng ‘không ai có thể thờ ơ quá lâu’ với điều thiện. Họ phải chọn lựa! Chọn điều thiện, hay bóp nghẹt nó; chọn Chúa Giêsu hay giết chết Ngài!

Chúng ta thường nghĩ, sự tốt lành của tôi sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều người; ấy thế, không ít lần, kinh nghiệm cho thấy một điều hoàn toàn ngược lại! Bài đọc Khôn Ngoan hôm nay là một thực tế! Tác giả viết, “Quân vô đạo với những suy tính sai lầm trong lòng rằng, ta hãy gài bẫy, hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta!”; “Nào ta kết án cho nó chết cách nhục nhã!”. Những lời này có thể áp dụng hoàn hảo cho Chúa Giêsu, đến nỗi nhiều người coi phân đoạn này là một tiên báo số phận mai ngày của Ngài. Đúng thế! Nó cũng được áp dụng cho các môn đệ Giêsu mọi thời. Lòng tốt của họ đã bị phẫn nộ; hành vi đạo đức của họ bị coi như một sự lên án kẻ khác; và sự nhiệt thành của họ là mối đe dọa liên tục đối với những kẻ cứng lòng. Kết quả là, người tốt bị bức hại, thậm chí, bị giết chết, vì ‘không ai có thể thờ ơ quá lâu’ với điều thiện; hoặc chọn nó, hoặc bóp chết nó! Thế nhưng, bài đọc Khôn Ngoan kết luận, “Chúng không biết ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa!”.

Tại sao? Chính những định kiến đã tạo ra một cảm giác tội lỗi nơi những kẻ cứng lòng, “Nó tự hào là mình biết Thiên Chúa”, “Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta”. Rõ ràng, ‘sự trách móc’ của người công chính không bị phủ nhận nhưng nó bị phẫn nộ mạnh mẽ. Những lời này gần như đúng hoàn toàn khi áp dụng cho Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng hôm nay, Ngài tuyên bố, “Đấng sai Tôi là Đấng chân thật, các ông không biết Ngài. Phần Tôi, Tôi biết Ngài, bởi Tôi từ Ngài mà đến, và chính Ngài đã sai Tôi”. Đó là những gì đã xảy ra với Chúa Giêsu dưới bàn tay các đối thủ của Ngài; họ chế nhạo Ngài, thách thức Ngài vì không chịu nổi Ngài. Điều này cũng đã xảy ra với các môn đệ Giêsu mọi thời; nó cũng đang xảy ra trong thời đại chúng ta.

Anh Chị em,

“Họ tìm cách bắt Chúa Giêsu!”. Và quả thế, họ đã bắt và giết Ngài. Vậy Thiên Chúa thua cuộc rồi sao? Đúng, nhìn bên ngoài, Ngài đã thua! Nhưng ở đây, “Ai thắng thì thua, ai thua thì thắng!”. Và Thiên Chúa đã toàn thắng! Tình yêu Ngài toàn thắng! Thiên Chúa đã để con người sử dụng tự do của nó mà đối xử với Con của Ngài tuỳ thích; nhưng đó là mầu nhiệm của sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa. Đường lối cứu độ của Ngài là thế đó, một đường lối không ai hiểu thấu! Đó là khôn ngoan của thập giá, điên rồ đối với người Hy Lạp, ô nhục đối với người Do Thái. Mùa Chay, mùa chọn lựa tình yêu, chọn lựa điều thiện, chọn lựa thập giá như Thiên Chúa chọn lựa! ‘Không ai có thể thờ ơ quá lâu’ với Chúa Giêsu, Ngài cũng đã chờ bạn và tôi quá lâu! Hãy trở về với Ngài, chọn Ngài, dù chúng ta tội lỗi, yếu hèn; vì lẽ, “Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ” như Thánh Vịnh đáp ca cho biết. Đừng sợ phải chọn Ngài, nên giống Ngài! Lời Chúa và ân sủng qua các Bí Tích, đặc biệt, Thánh Thể và Hoà Giải; chúng sẽ bổ sức, chữa lành bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, càng đến gần Tuần Thánh, cho con biết con càng phải cấp bách quay về với Chúa nhờ các Bí Tích, vì ‘không ai có thể thờ ơ quá lâu’ với Ngài, nhất là con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thần Học Chủ Đạo - John 7:25-30
Nguyễn Trung Tây
20:32 23/03/2023
Nguyễn Trung Tây
Thần Học Chủ Đạo - John 7:25-30


Và Đức Giêsu phán, "Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật" (Gioan 7:28).

Tín hữu Kitô, đặc biệt Kitô hữu Việt Nam, nhiều người vẫn giữ trong não trạng hình ảnh Thiên Chúa là một Đấng thưởng thiên đàng phạt hỏa ngục. Điều này đúng. Nhưng đây không phải thần học chủ đạo của Tin Mừng.

Trong những lần tiếp xúc với lương dân, và ngay cả với tín hữu Kitô, tu sĩ đã nghe được những lời “than phiền” về thần học Thiên Chúa thưởng phạt. Một vài lương dân thật thà chia sẻ, “Tôi không thích Kitô giáo, bởi Thiên Chúa xuất hiện như một vị hoàng đế nghiêm minh. Được lòng Ngài, Ngài thưởng. Mất lòng Ngài, Ngài chém.”

Nhưng thật sự ra, “Thiên Chúa yêu” mới là thần học chủ đạo của Tin Mừng, chứ không phải “Thiên Chúa thưởng phạt thiên đàng hỏa ngục.” Chữ “yêu” của thần học chủ đạo đứng ở vị thế động từ. Có nghĩa là Thiên Chúa chủ động yêu trần gian yêu con người.

Một câu Tin Mừng ngắn nhưng diễn tả cô đọng và chính xác thần học chủ đạo xuất hiện trong Gioan 3:17, "Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ." Tin Mừng Gioan 3:17 khẳng định Ngôi Lời đã được sai đến thế gian bởi Thiên Chúa Yêu. Và bởi Yêu, Ngài muốn cứu rỗi thế gian, chứ không phải Ngài muốn luận phạt.

Tất cả những hành động của Đức Giêsu từ trang đầu cho tới trang cuối của bốn bản Tin Mừng đều phản ảnh đến mức không thể phản ảnh đầy đủ hơn nữa thần học chủ đạo “Thiên Chúa yêu.”

– Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời là Thiên Chúa. Nhưng Chúa Cha sai Ngôi Lời tới thế gian để cứu rỗi, bởi Ngài yêu trần gian.
– Đức Giêsu chữa lành vừa thể xác vừa tâm hồn tất cả những kẻ trầm luân biển khổ, bởi người và luật. Khi đến với Ngài, họ đến trong một thể trạng tan nát, tổn thương, đau khổ, tủi hờn. Khi họ rời Ngài, họ ra đi với một tâm hồn mới, thể xác mới, tiếng cười mới, niềm vui mới tinh khôi.
– Yêu con người bị luật cứng nhắc trói buộc, Đức Giêsu đưa ra một tuyên ngôn mới: “Luật tạo ra để phục vụ con người, chứ không phải con người cho luật” (Mark 2:27).
– “Thiên Chúa yêu,” bởi thế Ngôi Lời vẫn hiện diện qua bí tích Thánh Thể. Khi tham dự Thánh Lễ nhận lương thực Kitô, người tín hữu nhận được sự sống đời đời. Bởi thế, Đức Giêsu tuyên bố một tuyên ngôn Bánh mì, “Ta là bánh mì hằng sống! Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời” (John 6:35).

Lời Nguyện
Lạy Ngài! Xin dạy con yêu như Ngài yêu con!
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giám Mục Shyrokoradiuk của Odessa nhận định: Lệnh bắt giữ Putin là một bước lịch sử, rất quan trọng đối với chúng tôi
Đặng Tự Do
05:10 23/03/2023


“Đó là một bước lịch sử, rất quan trọng đối với chúng ta. Thật là một tin vui mà chúng tôi đã nhận được một cách bất ngờ và vui mừng”. Đức Cha Stanislav Shyrokoradiuk, giám mục của Odessa, có thẩm quyền bao gồm cả lãnh thổ Crimea, đã cho biết như trên với cơ quan truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Ý.

Ngài đã được yêu cầu bình luận về quyết định được đưa ra trong những ngày gần đây bởi Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague về hai lệnh bắt giữ. Đầu tiên là dành cho tổng thống Liên bang Nga, bị cáo buộc đã ra lệnh trục xuất bất hợp pháp hàng nghìn trẻ em Ukraine bị bắt từ các vùng lãnh thổ bị xâm lược và đưa sang Nga. Thứ hai là dành cho Maria Alekseyevna Lvova-Belova, ủy viên phụ trách quyền trẻ em tại Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, chịu trách nhiệm về cùng một “tội ác chiến tranh là trục xuất trái phép trẻ em và chuyển giao trái phép trẻ vị thành niên”.

Về số phận của những đứa trẻ hiện đang ở trên đất Nga và do đó, về những hậu quả thực sự mà những lệnh bắt giữ này có thể gây ra đối với cuộc sống của chúng, Đức Giám Mục đưa ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế: “Không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, mọi người phải nhận thức được tội ác này và mỗi người phải phản ứng theo khả năng của mình “. Thay mặt cho một Giáo hội cũng hiện diện ở Crimea, vị giám mục nói: “Vai trò của Giáo hội là cầu nguyện cho đối phương, cầu nguyện cho tội phạm hoán cải”. Trong khi đó, hôm nay có tin rằng một nền tảng mới đã được tạo ra, “Những đứa trẻ trong chiến tranh”, nơi có thể nhập tên và họ của những trẻ vị thành niên có lẽ đã biến mất trong cuộc chiến bắt đầu hơn một năm trước. Nó được tạo ra bởi Tổng thống Ukraine.

Theo Cục Thông tin Quốc gia Ukraine, người Nga đã trục xuất 16.226 trẻ vị thành niên Ukraine, nhưng nền tảng này cũng tính đến dữ liệu được công bố trên các nguồn mở của Liên bang Nga, theo đó số trẻ em bị đưa ra khỏi Ukraine lên tới 744.000. Kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, tức là kể từ khi bắt đầu xung đột, 464 trẻ em đã thiệt mạng, 935 em bị thương, 387 trẻ vị thành niên mất tích, trong khi 308 em đã được trao trả. Tổng cộng 10.576 đã được tìm thấy.


Source:Sismografo
 
Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa làm reo với Tổng thống Zelenskiy
Đặng Tự Do
05:12 23/03/2023


Thượng hội đồng của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC đã họp vào ngày thứ Hai, 20 tháng 3. Sau một cuộc họp chóng vánh, Đức Tổng Giám Mục Onufry và các thành viên của Thượng hội đồng đã đến phủ tổng thống của Tổng thống Zelenskiy để đích thân trình bày với Tổng thống một văn kiện và “để giải thích trực tiếp cho ông ấy về tình hình thực sự”. Họ đợi trên đường trước phủ tổng thống khoảng hai giờ cho đến khi còi báo động không kích khiến họ phải tìm nơi trú ẩn.

Một đại diện của Văn phòng Tổng thống đã đến để nhận văn bản kháng cáo, nhưng các thành viên Thượng hội đồng nhất quyết muốn gặp trực tiếp Tổng thống. Văn phòng Tổng thống đã lưu ý rằng Tổng thống đã không lên kế hoạch cho một cuộc họp với UOC vào ngày này. Trong số mười thành viên của UOC có mặt, có ba người là các Tổng Giám Mục Pavel, Anthony và Luke, là những người gần đây đã bị chính phủ Ukraine trừng phạt cá nhân vì các liên hệ với Nga, tích trữ các tài liệu chống lại nền độc lập của Ukraine, cũng như có các bài thuyết giảng ủng hộ Nga như Đất Mẹ.

Có lẽ cơ hội gặp Tổng thống sẽ lớn hơn nhiều nếu chỉ có Đức Tổng Giám Mục Onufry và một số người khác, không phải những cá nhân bị trừng phạt. Thay vào đó, UOC đã phát trực tiếp toàn bộ sự chờ đợi trước văn phòng của Tổng thống trên Facebook ngay từ khi bắt đầu chờ đợi – đó là một dấu hiệu cho thấy họ đã tìm cách trình chiếu toàn bộ sự kiện. Ban đầu, các vị này đã khăn khăng từ chối giao văn kiện cho đại diện của Văn phòng Tổng thống, nhưng đã đăng nó ngay lập tức trên trang web của UOC.

Sau đó cùng ngày tại Mạc Tư Khoa, RIA Novosti và các phương tiện truyền thông khác đã đưa tin về những sự kiện này với các tiêu đề như “Các thành viên của hội đồng UOC bị buộc phải rời khỏi lãnh thổ của văn phòng Zelenskiy”, hay “Phát ngôn nhân của Giáo chủ tuyên bố rằng ‘Zelenskiy, từ chối gặp các thành viên của Thượng hội đồng của Nhà thờ Chính thống Ukraine’, một lần nữa thể hiện sự thiếu tôn trọng và khinh miệt đối với hàng triệu tín hữu Ukraine''

Người ta tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu một nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo tập trung không báo trước tại Quảng trường Đỏ và yêu cầu được gặp Tổng thống Putin ngay lập tức.
Source:Sismografo
 
Tại sao Nga chỉ trích Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô?
Đặng Tự Do
05:14 23/03/2023


Tuyên bố của văn phòng Thủ tướng Lithuania về việc thiết lập Giáo Hội Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople

Chính phủ Lithuania đã yêu cầu Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople thiết lập tại Lithuania các cơ chế cần thiết của Chính Thống Giáo trực thuộc Constantinople. Ngày 21 tháng Ba, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đến thăm Lithuania và được Thủ tướng Ingrida Šimonytė tiếp đón. Hai bên đã ký một văn kiện hợp tác về các lãnh vực này.

Các phương tiện truyền thông Nga do nhà nước kiểm soát đã đưa ra các tuyên bố sai sự thật và kích động các hành động quân sự chống lại Lithuania dưới chiêu bài tôn giáo. Vì thế, chính quyền Lithuania đã công bố tài liệu sau để làm rõ sự thật.

Cách đây không lâu, chỉ mới vào ngày 17 tháng 2, Thượng Hội đồng của Tòa Thượng phụ Đại kết đã công bố việc phục hồi và chấp nhận các giáo sĩ của Tổng giáo phận Chính thống Lithuania thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, vào dịp đó Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Constantinople dự kiến sẽ đến thăm đất nước chúng ta trong tháng này để ký một thỏa thuận hợp tác giữa Tòa Thượng phụ Đại kết và Lithuania. Trong tài liệu này, chúng tôi sẽ cố gắng trình bày thỏa thuận này là gì, tại sao các sự kiện lại diễn ra nhanh chóng như vậy và tại sao nó lại quan trọng đối với đất nước chúng ta, đối với người Ukraine và đối với toàn bộ Âu Châu.

Làn sóng người Ukraine tị nạn đến Âu Châu không chỉ là một thách thức kinh tế và xã hội nghiêm trọng đối với Lithuania mà còn là một sự thay đổi đáng kể trong bối cảnh tôn giáo của chúng ta, vì phần lớn dân số Ukraine là Kitô hữu Chính thống. Để hiểu rõ hơn về kinh nghiệm và nguyện vọng của họ, cũng như vai trò của họ và toàn thể Giáo hội Chính thống đối với đất nước chúng ta, điều quan trọng là phải nhận thức được các quá trình diễn ra trong Giáo Hội này và hiểu rằng cuộc đối đầu với Nước Nga cũng có chiều kích tôn giáo.

Với sự khởi đầu của cuộc xung đột ở Donbass vào năm 2014, phần lớn dân số Ukraine không muốn cầu nguyện trong các nhà thờ của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Vào năm 2019, sau các cuộc đàm phán kéo dài với Tổng thống Poroshenko và các hành động giáo luật quan trọng, mà ý nghĩa địa chính trị của nó đã được cố vấn của Thủ tướng Galina Vaščenkaitė giải thích rõ, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã trao cho Chính Thống Giáo Ukraine quyền độc lập hoàn toàn khỏi giáo quyền Chính Thống Giáo Nga – tức là chế độ tự trị. Quá trình chuyển đổi hàng loạt của các cộng đồng của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sang Giáo Hội Chính thống Ukraine mới đã bắt đầu. Tuy nhiên, có thể đoán trước, thiểu số thân Nga, bị Mạc Tư Khoa khuấy động, không muốn nhượng lại các ngôi đền và gây ra tình trạng bất ổn, làm gia tăng căng thẳng tôn giáo trong nước.

Năm 2019 khi Tổng thống Zelenskiy nhậm chức, quá trình chuyển đổi các cộng đồng từ Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa sang Chính Thống Giáo độc lập Ukraine đã bị chậm lại vì không muốn gây hiềm khích với Nga. Nhưng, quá trình chuyển đổi này lại gia tăng mạnh mẽ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện vào năm 2022. Theo một số chính trị gia và chuyên gia, Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa và các cộng đồng thân Nga của nó thực sự chỉ là công cụ của Điện Cẩm Linh và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Ukraine, do đó, họ không thể được gọi là Chính thống giáo và nên bị cấm càng sớm càng tốt. Bất kỳ với giá nào. Những người khác nhấn mạnh sự cần thiết phải cấm các trung tâm tôn giáo và hiệp hội có bất kỳ mối quan hệ nào với Nga hoạt động ở Ukraine. Rốt cuộc, như người đứng đầu Cơ quan Nhà nước về Chính sách Dân tộc và Tự do Lương tâm của Ukraine đã lưu ý, «những người duy trì mối liên hệ này, những người đấu tranh cho nó đến cùng, chỉ đơn giản là chọn cho mình con đường đối đầu với xã hội Ukraine và với các tín hữu của họ».

Việc 40.000 người Ukraine chạy trốn chiến tranh đến Lithuania khiến những tranh cãi về tôn giáo của Ukraine cũng liên quan đến chúng ta. Cơ quan tài phán Chính thống duy nhất được ghi danh tại Lithuania là Giáo Hội Chính thống ở Lithuania của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nó được đề cập trong Hiến pháp của chúng ta. Tuy nhiên, với những điều trên, rõ ràng là chúng ta cần một Giáo Hội Chính thống khác để đáp ứng nhu cầu tôn giáo của những người tị nạn Ukraine và những người Lithuania Chính thống giáo đã từ chối đến các nhà thờ của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa vì lương tâm của họ. Tòa Thượng phụ Đại kết sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.

Các cuộc đàm phán với Constantinople được tăng cường vào tháng 5 năm 2022, khi đại sứ của chúng ta tại Ankara trao cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô một lá thư từ Thủ tướng Lithuania Ingrida Šimonytė. Lý do của bức thư là do Tòa Giám Mục Inokentiy của Lithuania đã giáng chức 7 giáo sĩ vì đã lên án cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Thượng phụ Đại kết có quyền chấp nhận kháng cáo từ các giáo sĩ của các Giáo hội Chính thống khác và hủy bỏ các phán quyết được đưa ra nếu các phán quyết ấy không có cơ sở giáo luật. Trong một bức thư gửi cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, Thủ tướng đã lên án lập trường của Thượng phụ Kirill liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, ủng hộ các giáo sĩ người Lithuania bị ảnh hưởng và kiến nghị chấp nhận họ dưới quyền tài phán của Constantinople. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mantas Adomenas được chỉ định chịu trách nhiệm về các cuộc đàm phán với Constantinople. Cố vấn của Thủ tướng Galina Vaščenkaitė cũng đóng một vai trò quan trọng: họ nói, phần lớn nhờ vào lập trường chủ động và nguyên tắc của bà mà các cuộc đàm phán không biến thành một hình thức trống rỗng mà không có kết quả thiết thực.

Vào ngày 19 tháng 9, ông Adomenas và bà Vaščenkaitė đã đến thăm Istanbul và gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô. Đức Thượng Phụ đã được đề nghị chấp nhận quyền tài phán của ngài đối với các giáo sĩ của Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa bị trục xuất và, với sự tham gia của họ, khôi phục quyền tài phán của Tòa thượng phụ đại kết ở Lithuania. Để bảo đảm các thỏa thuận sơ bộ, đã nảy sinh ý tưởng ký kết một thỏa thuận – một thỏa thuận đặc biệt giữa Chính phủ Lithuania và Tòa Thượng phụ Đại kết. Một tài liệu hợp tác tương tự đã được ký kết vào năm 2014 giữa Constantinople và Hung Gia Lợi. Tương tự như vậy, chính phủ của chúng ta, do tầm quan trọng của những thách thức nêu trên, sẽ cam kết cung cấp cho cơ quan điều tra cơ sở vật chất và ngân sách, và các thư ký của cơ quan này với mức lương nhà nước.

Vào ngày 14 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Emmanuel của Chalcedon đã đến Lithuania. Mục đích chuyến viếng thăm của Đức Tổng Giám Mục, cánh tay phải của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và có khả năng là người kế vị của ngài, là để thảo luận với Thủ tướng về dự thảo hòa ước và gặp gỡ các cựu linh mục của Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Thủ tướng đã thể hiện sự nghiêm túc trong ý định của mình: vị khách không chỉ được trình bày bản dự thảo của thỏa thuận song phương mà còn được cho xem các tòa nhà sẽ được bàn giao cho cơ quan quản lý mới của Tòa Thượng phụ Đại kết sau khi Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople được thành lập ở Lithuania.

Chính phủ rất khó tìm được một nhà thờ xứng đáng với Đức Thượng phụ Đại kết và địa vị của ngài với tư cách là vị thứ nhất của thế giới Chính thống giáo. Các nhà thờ Chính thống giáo ở Lithuania đã được chuyển giao cho Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa sử dụng và vẫn chưa thể lấy lại được. Nhưng một cách thoát khỏi tình huống thành công đã được tìm thấy: Đức Tổng Giám Mục Emmanuel được cho xem nhà thờ Thánh Nicholas tuyệt đẹp trong nhà tù Lukiškės trước đây, hiện là trung tâm văn hóa và địa điểm tổ chức hòa nhạc. Vị khách rất có ấn tượng bởi vị trí của ngôi đền, không gian và kiến trúc của nó.

Để có chỗ ở cho các cấu trúc hành chính, Đức Thượng Phụ đã được cung cấp hai tòa nhà cổ tại Antakalnio g. 10, gần Đại sứ quán Vương quốc Anh, và một tòa nhà văn phòng hai tầng được xây dựng hiện đại tại Rožių al. 4A, trước đây được sử dụng bởi Trung tâm Tình huống Khẩn cấp Y tế của Bộ Y tế.

Mong muốn của các tín hữu Chính thống giáo của chúng ta là thực hiện nghĩa vụ tôn giáo theo lương tâm của họ, nhu cầu của những người Ukraine đã tìm nơi ẩn náu sau chiến tranh và cuối cùng là lợi ích an ninh của Lithuania – tất cả những điều này đòi hỏi những hành động khẩn cấp như vậy. Các giáo sĩ được phục hồi sẽ tạo thành xương sống của cơ quan mới của Tòa Thượng phụ Đại kết, và tất cả những người Chính thống giáo sống ở nước ta sẽ có một sự thay thế xứng đáng của Âu Châu đối với ảnh hưởng của Giáo Hội ở Mạc Tư Khoa. Đổi lại, nhà nước Lithuania sẽ chịu mọi chi phí cần thiết để trang bị nội thất cho các tòa nhà nói trên cho sứ mệnh cao cả mới của họ.

Ngoài ra, trong chuyến thăm của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, Lithuania cũng vinh dự cung cấp cho nhà lãnh đạo tinh thần của tất cả các Kitô hữu Chính thống một nền tảng để gặp Seimas và các thành viên Nghị viện Âu Châu, cũng như các nhà lãnh đạo tôn giáo, để họ có thể thảo luận về phản ứng của Giáo Hội và các cộng đồng tôn giáo trước chiến tranh và xung đột. Do đó, chuyến thăm Vilnius của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cũng sẽ nhấn mạnh vai trò đặc biệt của đất nước chúng ta trong việc hỗ trợ Ukraine và trong phản ứng chung trước các mối đe dọa địa chính trị và tinh thần do Nga gây ra.
Source:lithuaniatribune.com
 
Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo hội Úc Châu trở nên đồng nghị hơn
Thanh Quảng sdb
14:57 23/03/2023
Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo hội Úc Châu trở nên đồng nghị hơn

Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe Perth, Australia, một thành viên mới được bổ nhiệm vào Ủy ban Tiền Thượng Hội đồng, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta trở thành “một Giáo hội đồng nghị trọn vẹn hơn”.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe của Perth cho hay: Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội trở nên đồng nghị hơn là lời mời gọi tất cả chúng ta “nhận ra và chấp nhận rằng tất cả chúng ta đều tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội,”

ĐTGM mới được bổ nhiệm vào Ủy ban chuẩn bị cho Thượng Hội đồng sắp tới, sẽ nhóm họp ở Rome vào tháng 10 tới.

Tiến trình đồng nghị

Đức Tổng Giám Mục Costelloe nói: “Tất cả ý thức rằng chúng ta đều có một vai trò”, đồng thời giải thích Đức Thánh Cha Phanxicô, trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, đã cố gắng “chuyển nền văn hóa của Giáo hội sang một sự tham gia tích cực vào nhiệm vụ trở thành dấu hiệu hữu hình Chúa Kitô ở cùng chúng ta.”

“Đây là một hành trình mời mỗi người chúng ta dấn thân hết mình. Tôi khích lệ mọi người nhìn nhận ra tiến trình đó.”

Vai trò của Ủy ban Tiền Thượng Hội đồng

Đức Tổng Giám Mục cho hay vai trò của công việc chuẩn bị là “xem xét các cơ chế của Thượng Hội đồng và cách nó sẽ vận hành cũng như một số yếu tố khác nhau của tiến trình”. Ngài cũng cho hay “Đây gần như là một cơ quan lập kế hoạch, và dự phóng các sắp xếp mọi sự một cách tốt nhất để làm cho Thượng Hội đồng thành công hết sức có thể.”

Trả lời câu hỏi về thành phần của ủy ban, Đức Tổng Giám Mục Costelloe lưu ý rằng các thành viên là đại diện của các lục địa khác nhau.

ĐTGM nói: “Tôi nghĩ rằng những thành viên của Ủy ban chỉ nhằm mục đích tiếng nói từ mỗi châu lục được lắng nghe.

Phân biệt tiếng nói của Thánh Linh

Ngài cũng nói về sự cần thiết của việc phân định khi Thượng Hội đồng sắp diễn ra. “Tôi nghĩ rằng công việc của Ủy ban có thể tập trung vào tiến trình biện phân mà chúng ta có thể tham gia trong thời gian diễn ra Thượng Hội đồng”.

Theo Đức Tổng Giám Mục Costelloe, “thách thức đối với chúng ta là tìm ra cách lắng nghe thông qua vô số tiếng nói. Và rõ ràng là có nhiều tiếng nói xuất hiện trong cuộc tham vấn, một phần của Thượng hội đồng nghe hoặc nắm bắt được tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua tất cả những điều này”.

Ngài nói, đó là “thách thức lớn của phân định. Tôi nghĩ đó là điều mà chúng ta đang học hỏi khi đồng hành. Và chúng ta không thể giới hạn Chúa Thánh Thần được!”
 
Các công tố viên Đức bỏ vụ cáo buộc che đậy chống lại Đức Bênêđictô XVI
Vu Van An
16:26 23/03/2023

Theo A.C. Wimmer của hãng tin CNA, một vụ kiện pháp lý tiềm năng chống lại Đức Bênêđíctô XVI về việc xử lý lạm dụng của ngài trong thời gian làm tổng giám mục Munich đã được hủy bỏ.



Thực vậy, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA đưa tin, văn phòng công tố viên ở Munich hôm thứ Ba cho biết họ đã “ngừng điều tra” đối với các Đức Hồng Y Joseph Ratzinger và Friedrich Wetter.

Các cáo buộc đã được điều tra tiếp theo Báo cáo lạm dụng Munich, là báo cáo đưa ra cáo buộc rằng “có thể có hành vi sai trái của các viên chức Giáo hội ở các vị trí có trách nhiệm.”

Đức Hồng Y Ratzinger, người sau này trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, từng là tổng giám mục của Munich và Freising từ năm 1977 đến 1982.

Báo cáo lạm dụng Munich được công bố vào tháng 1 năm 2022 và đổ lỗi cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI và những người kế vị ngài, các Đức Hồng Y Friedrich Wetter và Reinhard Marx.

Bản Báo cáo đã chỉ trích cách xử lý bốn trường hợp của cố giáo hoàng người Đức trong thời gian ngài phụ trách tổng giáo phận miền nam nước Đức.

Đức Bênêđictô XVI, người mạnh mẽ phủ nhận các cáo buộc che đậy, đã gửi 82 trang nhận định cho các điều tra viên biên soạn báo cáo.

Hôm thứ Ba, văn phòng công tố viên ở thủ đô Munich của Bavaria cho biết: “Trong chừng mực những nghi ngờ nảy sinh từ những sự kiện này liên quan đến hành vi có thể liên quan đến tội phạm của các viên chức Giáo hội, các quy trình điều tra sơ bộ riêng biệt đã được tiến hành.”

Văn phòng đã xem xét “đặc biệt việc liệu một người có trách nhiệm trong giáo hội có thể đã hỗ trợ và tiếp tay, thông qua một quyết định nhân sự, một hành vi lạm dụng được thực hiện sau đó bởi một linh mục vẫn còn thời hiệu hay không.”

Ngoài hai Đức Hồng Y Ratzinger và Hồng Y Wetter, người từng là người kế vị Đức Hồng Y Ratzinger cho đến năm 2007 và đã đưa ra lời xin lỗi, cựu tổng đại diện Gerhard Gruber cũng đã bị nêu tên là bị cáo.

Đức Hồng Y Marx, tổng giám mục đương nhiệm, năm ngoái đã xin lỗi và cho biết ngài cân nhắc việc đệ đơn từ chức lần thứ hai cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Hồng Y Marx không phải là đối tượng của cuộc điều tra nay đã bị loại bỏ.

Hôm thứ Ba, văn phòng công tố cho biết: “Trong mỗi trường hợp, các cuộc điều tra không cho thấy đủ nghi ngờ về hoạt động tội phạm đối với những người chịu trách nhiệm về nhân sự, đó là lý do tại sao các thủ tục sơ bộ đã bị đình chỉ.”

Trong hai trường hợp trong đó Đức Hồng Y Ratzinger bị coi là bị cáo, “việc kiểm tra đã dẫn đến kết luận rằng hoặc không có tội phạm chính nào đủ tư cách hỗ trợ có thể được chứng minh hoặc, trong bất cứ trường hợp nào, tội đó không còn có thể bị truy tố do việc xuất hiện của thời hiệu.”

“Từ quan điểm pháp lý, cần phải nhấn mạnh rằng đối tượng điều tra của các cuộc điều tra của công tố viên không phải là hành vi lạm dụng do chính những người quản lý nhân sự của Giáo hội thực hiện, mà là các hành vi có thể hỗ trợ và tiếp tay bằng hành động hoặc bỏ sót tích cực,” văn phòng công tố viên cho biết như thế.

“Điều kiện tiên quyết để hỗ trợ và tiếp tay cho tội phạm trước tiên là một hành vi phạm tội có thể bị truy tố (chẳng hạn như lạm dụng tình dục trẻ em) được thực hiện bởi một thủ phạm khác (trong trường hợp này là một linh mục). Trong bước thứ hai, sau đó phải xem xét liệu một người có trách nhiệm trong Giáo hội có hỗ trợ và tiếp tay cho hành động này hay không và dưới hình thức nào”.

CNA Deutsch đưa tin: Trong khi đó, Tổng giáo phận Munich và Freising, trong một phản ứng, đã tái khẳng định “mong muốn vô điều kiện làm sáng tỏ vấn đề và sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ không giới hạn bất cứ cuộc điều tra nào của chính phủ”.

Tổng giáo phận Munich và Freising kêu gọi “các nạn nhân và tất cả những người có thông tin về lạm dụng trong bối cảnh này và các bối cảnh khác trong khu vực của Tổng giáo phận Munich và Freising liên hệ với những người liên lạc độc lập về các trường hợp nghi ngờ lạm dụng tình dục trong Tổng giáo phận Munich và Freising.”
 
George Weigel: Naaman, người thành Nadarét và người Đức
Vu Van An
17:44 23/03/2023

George Weigel, trên Denver Catholic, ngày 22 tháng 3 năm 2023, nhân các bài đọc Kinh Thánh Thứ hai Tuần III Mùa Chay, đã cho rằng viên đại tướng Naaman của Syria, người thành Nadarét và Con đường Đồng nghị Đức gặp nhau ở cùng một điểm: kiêu ngạo. Ông viết:



Đời sống phụng vụ của Giáo hội thường bắt chước nghệ thuật bằng cách thích hợp một cách đáng lưu ý với một thời điểm cụ thể. Điều đó chắc chắn đúng vào Thứ Hai của Tuần Thứ Ba Mùa Chay, năm 2023 — một ngày mà Kinh thánh trong phụng vụ Thánh Thể mời gọi chúng ta suy ngẫm về tội trọng nhất trong các tội trọng, lòng kiêu ngạo, qua câu chuyện của Naaman, vị tướng xứ Syria, và cuộc đối đầu của Chúa Giêsu với những người Nadarét đồng hương của Người. Năm nay, thứ Hai tuần III Mùa Chay diễn ra ngay sau cuộc họp kết thúc “Con đường Đồng nghị” của Đức. Và trong khi có nhiều lý do tại sao đạo Công Giáo định chế của Đức đang rơi vào tình trạng bội giáo, và có thể rơi xuống vách đá dẫn đến ly giáo, thì lòng kiêu ngạo là một trong số đó.

Naaman tìm cách chữa khỏi bệnh phong cùi của mình từ “người của Đức Chúa Trời”, Êlisa, người kế vị Êlia với tư cách là “nhà tiên tri trong Israel” (2 Cv 5:8). Người Syria này sẵn sàng thực hiện một hành trình dài và khó khăn để đạt được những gì ông ta tìm kiếm. Ông ta sẵn sàng đền bù cho nhà tiên tri về việc chữa bệnh bằng vàng và bạc. Nhưng khi Êlisa bảo ông tắm bảy lần ở sông Giócđan, Naaman từ chối. Tại sao dòng nước Israel tầm thường này lại có nhiều khả năng chữa bệnh hơn những dòng sông lớn hơn của Đamát? Khi ông ta sắp sửa quay về trong cơn giận dữ thì những người hầu của ông ta nài nỉ ông ta tắm ở sông Gióđan, lập luận rằng, vì ông ta sẵn lòng làm một việc khó khăn nếu nhà tiên tri yêu cầu, tại sao không làm một việc dễ dàng?

Naaman tắm theo chỉ dẫn của Êlisa, được chữa khỏi và sau đó tuyên bố rằng “Tôi biết không có Thiên Chúa nào trên khắp trái đất, ngoại trừ ở Israel” (2 Cv 5:15). Tính kiêu ngạo của Naaman là trở ngại cho việc chữa trị của ông, và cuối cùng là cản trở đức tin của ông nơi Thiên Chúa duy nhất chân thật.

Bài Tin Mừng Thứ Hai tuần III Mùa Chay cung cấp cho Giáo Hội một song hành Tân Ước so với câu chuyện Naaman và Êlisa. Trong đoạn Tin Mừng Luca liền trước đó, Chúa Giêsu đã lấy sách cuộn của tiên tri Isaia tại một buổi lễ ngày Sabát ở hội đường quê hương của Người, đọc về người sẽ “công bố năm hồng ân của Chúa,” rồi tuyên bố rằng “hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” — và được sự hoan nghênh của mọi người “nói tốt về Người” (Lc 4:20-22). Tuy nhiên, bầu không khí nhanh chóng thay đổi, và câu chuyện được đọc vào Thứ Hai của tuần III Mùa Chay cho thấy một bộ mặt khác của người thành Nadarét.

Vì, trong niềm kiêu ngạo của họ, họ bắt đầu thắc mắc về người mới phất này. Há anh ta không phải là con trai của Giuse, một bác thợ mộc hay sao? Anh ta nghĩ anh ta là ai? Và đây là loại đấng Mêxia nào? Chúng ta đã có một điều gì đó khác biệt, một điều gì đó tốt hơn, trong tâm trí. Vì vậy, họ đuổi Chúa Giêsu ra khỏi Nadarét và định ném Người xuống một doi đất thì “Người đi ngang qua giữa họ và bỏ đi” (Lc 4:30). Một lần nữa, sự kiêu ngạo là một trở ngại cho đức tin. Chúng ta, những người Nadarét, biết loại đấng mêxia nào mà Thiên Chúa nên phái đến — giống như Ađam và Evà, với lòng kiêu ngạo, đã nghĩ rằng họ biết rõ hơn Thiên Chúa về điều thiện và điều ác, biểu lộ sự kiêu ngạo đã đuổi họ ra khỏi Địa đàng trong chương 3 sách Sáng thế.

Khi Con đường Đồng nghị của Đức tuyên bố rằng họ biết rõ hơn cả Thiên Chúa về điều gì tạo nên cuộc sống công bình, hạnh phúc và hạnh phúc tối thượng - đó là điều mà Con đường Đồng nghị đã làm khi bác bỏ nhân học Kinh thánh của chương 1 sách Sáng thế và chấp nhận ý thức hệ phái tính và chương trình nghị sự LGBTQ - thì Con đường Đồng nghị Đức đã cư xử giống hệt như Ađam và Evà, như Naaman trước khi hoán cải và người thành Nadarét. Khi Con đường Đồng nghị của Đức tán thành một loại hệ thống quản trị Giáo hội theo kiểu nghị viện bất chấp trật tự mà chính Chúa Kitô đã thiết lập cho Giáo hội của Người, người Đức đang làm chính điều mà mọi kẻ tội lỗi kiêu ngạo từ Ađam và Evà cho đến Naaman phung cùi và những người Nadarét khinh miệt đã làm : bác bỏ mặc khải Thiên Chúa. Do đó, sự đối xứng đáng chú ý, đầy nghệ thuật của những bài đọc đó của Thứ Hai Tuần thứ Ba tiếp ngay sau khi kết thúc Con đường Đồng nghị của Đức, đã phá nát cấu trúc của đạo Công Giáo nhân danh nền văn hóa được cho là cao hơn ngày nay.

Vài tháng sau khi Đức Gioan Phaolô II ban hành thông điệp năm 1993 về cải cách thần học luân lý Công Giáo, Veritatis Splendor, một cuốn sách bình luận về bản văn đó - tất cả đều tiêu cực - đã được xuất bản bởi các nhà thần học người Đức. Người biên tập cuốn sách đã viết trong lời nói đầu rằng cuốn sách được xuất bản vì nước Đức có trách nhiệm đặc biệt đối với nền thần học trong Giáo Hội Công Giáo...

Đó là kiểu kiêu ngạo đã khiến nhiều nhà thần học người Đức coi Đức Gioan Phaolô II lỗi lạc là một người Slav phản động, tiền hiện đại, không hoàn toàn theo tiêu chuẩn khai sáng của họ. Cũng chính lòng kiêu ngạo đó đã ngấm vào và làm hỏng triệt để Con đường Đồng nghị của Đức.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Trung Tâm Công Giáo làm phép tượng ĐHY Nguyễn Văn Thuận
Văn Lan/Người Việt
10:12 23/03/2023
Trung Tâm Công Giáo làm phép tượng Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

SANTA ANA, California (NV) – Thánh Lễ và nghi thức làm phép tượng Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, vị mục tử trọn đời trung kiên phục vụ Chúa và giáo hội, vừa trang trọng diễn ra tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Santa Ana, sáng Chủ Nhật, 19 Tháng Ba, cùng với một số bà con huyết tộc của Đức Hồng Y và nhiều giáo dân tham dự.

Thánh Lễ dưới sự chủ tế của Giám Mục Nguyễn Thái Thành, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange.

Xem Hình

Sau Thánh Lễ, trong khuôn viên Trung Tâm Công Giáo, trước bức tượng Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận bằng đá cẩm thạch trắng rất uy nghi được đặt trên bệ đá trắng, Giám Mục Nguyễn Thái Thành làm phép xông hương và cùng mọi người dâng lời cầu nguyện.

Chia sẻ về ý nghĩa của nghi thức làm phép tượng, Giám Mục Nguyễn Thái Thành nói: “Ngay sau khi tượng của Đức Hồng Y đã được làm phép thì chúng ta mỗi lần tới đây cầu nguyện, suy niệm về cuộc đời của Đức Hồng Y tại sao được nâng lên Bậc Đáng Kính, vì ngài có những nhân đức rất đặc biệt giúp chúng ta sống đời sống Kitô hữu một cách tốt đẹp. Riêng tôi học được Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ba chữ ‘Đường Hy Vọng.’”

“Khi Đức Hồng Y nói đến chữ ‘Đường’ tức là nói đến cuộc đời của mỗi người chúng ta là một cuộc hành trình trên con đường về quê Trời, là con đường mà Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã học nơi Chúa Giêsu khi ngài nói ‘Ta là đường, sự thật và là sự sống.’ Và Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã học nơi Chúa Giêsu con đường hy vọng, nhờ con đường đó mà qua bao nhiêu gian khổ, tù đày bắt bớ mà ngài đã sống sót trở về tiếp tục đời sống mục vụ giúp cho những người được Chúa giao phó cho Đức Hồng Y để đến gần với Chúa,” vị giám mục tiếp.

“Và ‘Đường Hy Vọng’ tôi học được nơi Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là trước nhất ngài hy vọng và tin tưởng vào Chúa luôn quan phòng trong cuộc sống chúng ta. Thiên Chúa yêu thương đã gởi Chúa Giêsu và ngài hy vọng trong tình yêu Thiên Chúa,” vị giám mục giảng.

Giám Mục Nguyễn Thái Thành giảng tiếp: “Thứ hai là con đường hy vọng của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cho biết là chúng ta đi trên con đường đó với những người chung quanh. ngài muốn chúng ta hy vọng vào cuộc sống trong cộng đoàn của giáo hội Chúa Giêsu đã lập ra Giáo Hội Công Giáo của chúng ta. Trong con đường hy vọng đó chúng ta đã học được nơi Đức Hồng Y là sự tha thứ khi ở trong tù, cho chúng ta thấy là ngài chọn Chúa chứ không chọn công việc của Chúa và cuối cùng đường hy vọng đó chú trọng vào Bí Tích Thánh Thể mà ngài dâng Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật mà chúng ta vừa dâng Thánh Lễ. Và sau cùng là tình yêu, chính vì tình yêu mà ngài đã học được nơi Thiên Chúa qua Chúa Giêsu để rồi có được con đường hy vọng trong cuộc sống của ngài.”

“Mỗi lần nhìn lên tượng Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta cảm tạ hồng ân Chúa đã làm việc lạ lùng trong cuộc sống của Đức Hồng Y mà giáo hội đã nâng ngài lên Bậc Đáng Kính, và cầu xin Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận ban cho mỗi người chúng ta đi theo con đường hy vọng mà ngài đã hướng dẫn cho chúng ta,” Giám Mục Nguyễn Thái Thành tiếp.

Khi làm phép tượng, Giám Mục Nguyễn Thái Thành nói: “Chúng ta cử hành nghi thức làm phép tượng Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, là Bậc Đáng Kính trong giáo hội, trước hết để ca tụng Thiên Chúa và sau là để chúng ta tiếp tục bày tỏ lòng kính yêu ngài. Trong nghi thức này chúng ta cử hành cho phải lẽ và trân trọng ý nghĩa cao quý của nó, khi giáo hội làm phép những ảnh tượng để dùng cho việc tôn kính.”

“Giáo hội ao ước chúng ta hướng về những điều sau đây để khi nhìn thấy hình ảnh của những đấng trung thành theo Chúa Kitô, chúng ta được đánh động để tìm kiếm nơi Chúa Kitô sẽ ngự đến. Để chúng ta học biết về cách thức có thể giúp chúng ta đạt được ơn thông hiệp cách trọn vẹn của Chúa Kitô, để khi chúng ta trăn trở với những lo toan của thế gian, chúng ta nhớ đến các vị Thánh, họ là những bạn hữu và đồng thừa tự với Chúa Kitô và cũng là anh chị em và là những ân nhân đặc biệt của chúng ta, để chúng ta tưởng nhớ đến họ thương chúng ta như thế nào. Họ đang ở gần chúng ta, cầu bầu cho chúng ta và chia sẻ với chúng ta trong cùng một ơn thông hiệp,” vị Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange nói.

Tham dự Thánh Lễ và lễ làm phép tượng có một số người trong gia đình huyết tộc của cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, trong đó có cô Hương Lan Nguyễn từ North Carolina cháu gọi Đức Hồng Y là bác, và con cháu trong gia đình Linh Tông với Đức Hồng Y.

Linh Mục Phạm Ngọc Hùng, giám đốc Trung Tâm Công Giáo, chân thành cám ơn những người đã giúp thực hiện bức tượng, gồm có cộng đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange: “Chúng tôi đã không thể thực hiện công việc này nếu không có sự bảo trợ và hỗ trợ của một số quý vị ân nhân, thân nhân, trong đó có ông bà Phạm Bằng Hữu đã bảo trợ cho mọi chi phí tạc tượng và chuyên chở từ Việt Nam sang. Chúng tôi cũng chân thành cám ơn hai gia đình ông bà Mai Viết Phi và Nguyễn Văn Thu đóng góp vật chất cũng như tinh thần, và Trung Tâm Công Giáo Việt Nam cùng cộng đồng Công Giáo Giáo Phận Orange đã cùng góp công xây tượng đài này.”

Linh Mục Nguyễn Đăng Đệ là con thiêng liêng của Đức Hồng Y; và Linh Mục Nguyễn Huy Bảo thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles, khi đã đọc sách của Đức Hồng Y và khi trở thành linh mục, đã viết luận án cao học và tiến sĩ về Đức Hồng Y, cùng ngỏ lời cảm ơn mọi người tham dự.

Trước tượng Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận uy nghi và nhân từ, mọi người nhận được lời chúc lành từ Giám Mục Nguyễn Thái Thành, mở rộng tâm hồn để phục vụ tha nhân, cùng cầu nguyện trước lúc ra về.

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận yên nghỉ trong Chúa vào ngày 16 Tháng Chín, 2002, tại Roma, Ý, hưởng thọ 74 tuổi. Đức Hồng Y được Đức Giáo Hoàng Francis phê chuẩn là Bậc Đáng Kính vào ngày 4 Tháng Năm, 2015. [qd]
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh lời xin vâng của Maria
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:50 23/03/2023
Hình ảnh lời “xin vâng” của Maria

Hằng năm ngày 25.tháng Ba lễ Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ Maria được mừng kính trọng thể trong toàn thể Giáo Hội, chín tháng trước lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu Kito ngày 25. Tháng Mười hai. Lễ mừng kính mầu nhiệm này có căn bản nền tảng trong kinh thánh, như phúc âm Chúa Giêsu Kitô do Thánh sử Luca viết thuật lại ( Lc 1,26-38).

Giáo Hội Đông phương Hylạp mừng lễ Thiên Thần truyền tin từ năm 550 sau Chúa giáng sinh. Còn Giáo hội bên Tây phương Roma mừng lễ này từ thế kỷ thứ 7.

Hằng ngày người Công Giáo đọc kinh Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ Maria. Trong kinh truyền tin có lời của Maria thưa cùng Thiên Thần:” Này tôi là tôi tớ Chúa, xin vâng như lời Thiên Thần truyền!” ( Lc 1,38).

Lời xin vâng của Maria diễn tả hình ảnh vai trò gì trong đời sống đức tin đạo đức?

Biến cố Thiên Thần mang tin của Thiên Chúa, Giêsu Con Thiên Chúa xuống trần gian làm người trong cung lòng Maria, mở đầu chương trình cứu chuộc Thiên Chúa thực hiện cho con người trần gian.

Từ khi Ông Bà nguyên tổ Adong Evà lỗi luật Thiên Chúa ngăn cấm không được ăn trái biết lành biết dữ trong vườn địa đàng, sự dữ tội lỗi đã lan tràn vào đời sống con người trên trần gian.

Hậu qủa đời sống con người mất thăng bằng, không còn bình an, phải chịu đựng đau khổ, đời sống trở nên cực nhọc cùng yếu đau bệnh tật, đời sống thể xác cũng như tâm trí tinh thần bị giới hạn về mọi khía cạnh, và sau cùng phải chết.

Một hình phạt to lớn đè nặng trên toàn thể nhân loại từ ngày đó. Nhưng Thiên Chúa, Đấng sinh thành tạo dựng nên con người không muốn con người phải sống triền miên như thế. Vì thế Ngài muốn sai Con của Ngài, Chúa Giêsu Kitô, đến trần gian mang ơn cứu chuộc lại cho linh hồn con người. Chương trình đó được thực hiện qua con đường Con Thiên Chúa phải được sinh ra làm người với thân xác yếu hèn nơi trần thế.

Thiên Chúa đã chọn Maria là người cùng cộng tác với cho chương trình con đường này trên trần gian được thực hiện.

Maria, trong bỡ ngỡ hốt hoảng bối rối, đã nói lời ưng thuận chấp nhận chương trình thần thánh của trời cao bằng lòng làm mẹ hạ sinh nuôi dưỡng Con Thiên Chúa xuống trần gian làm người trong cung lòng mình.

Lời ưng thuận xin vâng của Maria phản ánh ý muốn của Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, vâng lời Thiên Chúa Cha, từ trời cao xuống trần gian làm người.

Sự vâng lời của Giêsu Con Thiên Chúa được thể hiện chiếu tỏa rõ nét qua lời Xin vâng của Maria, một người trần thế. Điều này nói lên sự hòa hợp đồng điệu của trời cao với trần thế, mà ngày xưa Ông Bà nguyên tổ Adong Evà vì không vâng lời Thiên Chúa đã vấp phạm làm mất.

Và điều này diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa xuống trần gian làm người.

Sự xin vâng của Maria cho chương trình của Thiên Chúa được thực hiện nói lên tình thương xót của Thiên Chúa luôn hiện diện giữa con người.

Trong ngôi nhà gia đình thánh gia Nazareth – có những di tích lịch sử ngày xưa gia đình thánh Giuse cùng với mẹ Maria và Chúa Giêsu sinh sống, được khoa khảo cổ khai quật còn bảo quản giữ lại - ở tầng hầm bên dưới đền thờ Thánh Giuse ở Nazareth. Nơi cửa sổ trên tường có vẽ tạc bức hình trên kính mầu lễ hôn phối của Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse đang cầm tay nhau nói lời ưng thuận và trao nhẫn cho nhau trước sự chứng giám của một Thầy cả thượng phẩm.

Hình ảnh này diễn tả sự hòa hợp xin vâng của Giuse và Maria không chỉ cho đời sống của hai người với nhau, nhưng còn cho cả chương trình của Thiên Chúa quan phòng dự liệu cho đời sống con người trần gian. Họ xin vâng chấp nhận chương trình của Thiên Chúa trong niềm tin tưởng cậy trông vào Ngài.

Để lưu lại dấu vết kỷ niệm biến cố mầu nhiệm thần thánh này, ngôi Vương cung thánh đường Thiên Thần truyền tin cho Maria mới được xây dựng trên nền ngôi thánh đường cũ đã có từ thời thế kỷ 12. do Đạo binh Thập Tự xây dựng. Ngôi Vương cung thánh đường mới được xây dựng theo hình ba cánh có chiều dài 67,5 mét, và cao 35 mét. Ngôi vương cung thánh đường truyền tin to rộng được xây dựng từ 1954-1969, và được cung hiến khánh thành ngày 23.tháng Ba 1969.

Những cánh của vòm vòng tròn khối hình chiếc nón trên nóc trung tâm thánh đường tỏa xuống bên dưới như những cánh hoa huệ của cây gậy Thánh Giuse cầm trên tay chiếu tỏa ánh sáng, cùng nét thanh bình dịu hiền che chở cho ngôi nhà thánh đường.

Bên dưới tầng hầm vương cung thánh đường có một căn phòng nhỏ tường vách xây dựng bằng gạch thô sơ mộc mạc như thuở ngày xưa, một bàn thờ nhỏ với ngọn đèn đốt thắp sáng ngày đêm được đặt ở nơi đó. Tương truyền đây là căn nhà lịch sử nơi mẹ Maria ngày xưa đã sinh sống, và Thiên Thần Gabriel đã hiện đến nơi căn phòng này truyền tin cho Maria. Tại căn phòng này Maria đã nói lời xin vâng với chương trình của Thiên Chúa chấp nhận làm mẹ cho Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xuống trần gian làm người trong cung lòng mình.

Khách hành hương khi đến thăm viếng vương cung thánh đường đều cung kính đến trước căn phòng lịch sử thần thánh nhiệm mầu này với tâm tình vui mừng cảm động cúi đầu qùy gối xuống nền nhà khấn nguyện đọc kinh Truyền tin: “Chốc ấy ngôi Thứ Hai xuống thế làm người. Và ở cùng chúng tôi.”

Xưa nay trong dòng lịch sử Giáo hội luôn hằng có những vị Thánh Nữ cũng như Nam đã chọn sống theo gương mẫu mẹ Maria “xin vâng” theo ý Thiên Chúa sắp đặt mong muốn.

Như Maria, các vị Thánh, các người tín hữu Chúa Kitô chọn sống con đường xin vâng theo ý Thiên Chúa, đã cùng đang góp phần cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa mang tình yêu ơn cứu độ của Ngài đến trong trần gian, nơi thiếu vắng tình yêu cùng có nhiều bóng tối sự dữ tội lỗi bao phủ đe dọa.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long




 
VietCatholic TV
Căng thẳng: Phản ứng của NATO sau vụ Nga chặn B52. Zelenskiy anh hùng thăm Bakhmut gây xúc động mạnh
VietCatholic Media
03:24 23/03/2023


1. Căng thẳng: Phản ứng của NATO sau vụ chiếc SU-35 của Nga ngăn chặn hai chiếc B-52 trong không phận quốc tế

Hai ký giả Chris Jewers và Rachael Bunyan của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “'You will see a fearful response': Putin ally warns of a 'lesson for the whole planet' when Ukraine uses depleted uranium ammo against Russian forces - as NATO puts on awesome show of strength with B-52 mission”, nghĩa là “'Bạn sẽ thấy phản ứng đáng sợ': Đồng minh của Putin cảnh báo về 'bài học cho cả hành tinh' khi Ukraine sử dụng đạn Uranium nghèo chống lại lực lượng Nga - và khi NATO phô trương sức mạnh tuyệt vời với phi vụ B-52”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm nay cảnh báo Vương quốc Anh 'sẽ thấy một phản ứng đáng sợ', đó sẽ là 'bài học cho toàn hành tinh' nếu Anh gửi đạn xe tăng có Uranium nghèo tới Ukraine.

Trong một lời đe dọa thẳng thừng, nhà độc tài, một đồng minh trung thành của Vladimir Putin, cho biết Nga sẽ trả đũa quyết định của Anh cung cấp cho các lực lượng Ukraine đạn dược chứa Uranium nghèo bằng cách gửi cho Belarus vũ khí chứa 'uranium giầu' - được sử dụng trong vũ khí hạt nhân.

'Chúng ta cần lùi lại khỏi sự điên rồ này. Ngay khi loại đạn này phát nổ vào vị trí của quân đội Nga, bạn sẽ thấy phản ứng đáng sợ, đó sẽ là bài học cho cả hành tinh', Lukashenko, người đã cho phép lực lượng Nga sử dụng Belarus làm bệ phóng tấn công Ukraine, cho biết.

“Nga không chỉ có Uranium nghèo mà thôi”, Lukashenko nói trong một mối đe dọa không che đậy về một cuộc chiến tranh hạt nhân sắp xảy ra. 'Chúng ta phải hạ thấp xu hướng leo thang xung đột này và tiến tới một giải pháp hòa bình.'

Lời đe dọa của anh ta diễn ra sau khi Vladimir Putin nổi giận chống lại quyết định của Anh cung cấp cho quân đội Kyiv xe tăng chiến đấu Challenger 2 và đạn Uranium nghèo, cho rằng nó đánh dấu một bước tiến tới việc sử dụng vũ khí có 'thành phần hạt nhân'.

Diễn biến này xảy ra sau quyết định của NATO rằng các máy bay ném bom B-52 của Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ ở Âu Châu sẽ luôn được hộ tống bởi các chiến đấu cơ của NATO. Điều này nhằm tránh xảy ra những đụng độ đáng tiếc sau khi một chiếc SU-35 của Nga ngăn chặn 2 chiếc B-52 của Hoa Kỳ ngay trong không phận quốc tế.

Một video của NATO cho thấy các máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân B-52 Stratofortress, được các máy bay chiến đấu của Tây Ban Nha, Ý và Rumani hộ tống.

Bộ Tư lệnh Không quân của NATO cho biết trên Twitter rằng “các máy bay B-52 đang huấn luyện với Lực lượng Không quân Đồng minh trong các phi vụ của họ nhằm củng cố quan hệ đối tác Âu Châu-Đại Tây Dương của chúng ta” trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh James Cleverly hôm nay tuyên bố không có leo thang hạt nhân trong cuộc chiến Ukraine sau khi ông Putin chỉ trích Anh cung cấp đạn Uranium nghèo cho các lực lượng Ukraine.

Kim loại nặng được sử dụng trong vũ khí vì nó có thể xuyên thủng xe tăng và áo giáp dễ dàng hơn do mật độ của nó, cùng với các đặc tính khác.

Nhưng ông Putin hôm thứ Ba đã lên án kế hoạch của Anh gửi vũ khí như vậy tới Ukraine, nói rằng Mạc Tư Khoa sẽ buộc phải đáp trả tương ứng vì những vũ khí đó có 'thành phần hạt nhân'.

Ngoại trưởng Cleverly nói rằng Nga là quốc gia duy nhất luôn hù dọa về rủi ro hạt nhân; và khẳng định đạn dược chứa Uranium nghèo là chuyện bình thường.

'Không có leo thang hạt nhân. Quốc gia duy nhất trên thế giới đang nói về vấn đề hạt nhân là Nga. Không có mối đe dọa nào đối với Nga, đây hoàn toàn là việc giúp Ukraine tự bảo vệ mình', Cleverly nói tại buổi ra mắt chiến lược công nghệ quốc tế của Anh.

'Cần bảo đảm rằng mọi người hiểu rằng tuy chữ Uranium có trong tiêu đề của đạn Uranium nghèo, chúng không phải là đạn hạt nhân, chúng hoàn toàn là đạn thông thường.'

Anh đã sử dụng Uranium nghèo trong các quả đạn xuyên giáp của mình trong nhiều thập kỷ và không coi những quả đạn đó là có khả năng hạt nhân. Nga được biết là cũng có đạn dược chứa Uranium nghèo.

Diễn biến này xảy ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Nga, mà ông mô tả là “hành trình hữu nghị, hợp tác và hòa bình”, đồng thời chỉ trích Washington vì đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine khi ông trở về Bắc Kinh.

Chuyến đi kết thúc hôm thứ Tư báo hiệu không có tiến triển mới nào trong việc chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu giữa Nga và Ukraine trong khi củng cố lập trường của Putin với Trung Quốc trong bối cảnh các nỗ lực ngày càng gia tăng nhằm cô lập ông và chính phủ của ông trên trường quốc tế.

Trong khi Mỹ, NATO và các quốc gia đối tác đã công khai ủng hộ Kyiv kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, thì Trung Quốc được nhiều người coi là hỗ trợ kinh tế cho chế độ của Putin trong khi tránh can dự trực tiếp.

Chủ tịch Trung Quốc trở về Bắc Kinh sau khi thảo luận về đề xuất chấm dứt chiến tranh, vốn đã bị phương Tây bác bỏ vì lý do là các đề xuất này bắt buộc Ukraine phải nhượng lại lãnh thổ cho Nga. Tập Cận Bình nói với Putin đang cười toe toét rằng 'sự thay đổi đang đến' trong một thông điệp chia tay đáng ngại.

'Thay đổi đang đến mà đã không xảy ra trong 100 năm. Và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi này,” Tập nói với Putin qua người phiên dịch – những lời chắc chắn sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo ở phương Tây.

“Xin hãy bảo trọng, bạn thân mến,” ông nói thêm, nắm chặt tay nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh một cách nồng nhiệt trước khi được nhà độc tài Nga vẫy tay chào, người đã chúc ông Tập “chuyến đi an toàn”.

Sau khi hai nhà lãnh đạo ca ngợi một 'kỷ nguyên mới', máy bay của ông Tập đã rời sân bay Vnukovo ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Tư. Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga cho biết ông đã được tiễn bởi một đoàn quân cận vệ danh dự, đã chơi quốc ca Nga và Trung Quốc.

2. Zelenskiy bất ngờ đến thăm quân đội ở tiền tuyến ở khu vực phía đông Donetsk

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bất ngờ đến thăm các binh sĩ bị thương tại một bệnh viện ở khu vực Donetsk ở miền đông Ukraine gần tiền tuyến.

Trong số những quân nhân Ukraine bị thương có một số người bảo vệ Bakhmut, theo một tuyên bố từ Phủ Tổng thống.

“Cảm ơn các bạn đã bảo vệ Ukraine, tôi chúc các bạn phục hồi nhanh chóng,” Zelenskiy nói khi trao giải thưởng cho các thành viên quân đội.

Theo đoạn video do văn phòng Tổng thống công bố, Zelenskiy nói từ một nhà kho ở một địa điểm không được tiết lộ rằng ông “rất vinh dự được có mặt ở đây hôm nay, ở phía đông của đất nước chúng ta, ở Donbas, và trao giải thưởng cho các anh hùng của chúng ta, để cảm ơn, để bắt tay. Cảm ơn các bạn đã bảo vệ nhà nước, chủ quyền, miền đông Ukraine”.

3. Các quan chức Ukraine cho biết ít nhất 1 người thiệt mạng và 32 người bị thương trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn ở Zaporizhzhia

Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước của Ukraine cho biết hôm thứ Tư rằng ít nhất một người đã thiệt mạng và 32 người khác bị thương trong các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn ở Zaporizhzhia.

“Tính đến thời điểm hiện tại, 32 người đã bị thương do cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của đối phương giữa hai tòa nhà 9 tầng: 27 người đã phải nhập viện, trong đó có 3 trẻ em. 5 người được sơ cứu tại chỗ. Một người đã chết.”

Theo văn phòng công tố Ukraine, lực lượng Nga đã bắn ít nhất 6 hỏa tiễn vào Zaporizhzhia.

Văn phòng công tố cho biết loại hỏa tiễn được sử dụng “hiện đang được xác định”.

Văn phòng công tố nhấn mạnh rằng các hỏa tiễn đã gây ra thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng dân sự và một số người vẫn đang mất tích.

“Một trong những quả hỏa tiễn đã đánh trúng giữa hai tòa nhà cao tầng, phá hủy một phần căn hộ và ban công, làm hư hại mái nhà và làm vỡ cửa sổ. Xung động và các mảnh vỡ cũng làm hư hại các tòa nhà dân cư, xe hơi và cơ sở hạ tầng dân sự khác gần đó trong thành phố.”

Mykhailo Podolyak, một quan chức cấp cao của Ukraine và là cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, cho biết các cuộc tấn công có chủ ý nhằm vào thường dân.

“Zaporizhzhia. Hôm nay. Một cuộc tấn công có chủ ý cụ thể tại một tòa nhà dân cư. Để giết thường dân. Không có 'quân đội' nào gần đó,” Podolyak cho biết như trên. “Một lần nữa, điều hiển nhiên. 'Thế giới Nga' đến để giết – rõ ràng là trắng trợn.

Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước Ukraine cho biết các hoạt động cấp cứu vẫn đang được tiến hành.

4. Tòa Bạch Ốc nói: Cuộc tấn công của Zaporizhzhia “chắc chắn có thể” là nhắm vào dân thường

Chính quyền Biden cáo buộc Nga có lẽ đã tấn công hỏa tiễn nhắm vào dân thường ở Zaporizhzhia, Ukraine, vì điều đó “chắc chắn” phù hợp với các cuộc tấn công như vậy trước đây.

CNN đã báo cáo rằng ít nhất một người đã thiệt mạng và 32 người bị thương hôm thứ Tư, với một quan chức cấp cao của Ukraine gọi đó là “một cuộc tấn công có chủ ý cụ thể vào một tòa nhà dân cư.”

“Chắc chắn nó có thể” nhắm vào dân thường,” điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về truyền thông chiến lược John Kirby nói với các phóng viên báo chí.

“Việc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự và không quan tâm đến việc tránh tấn công vào dân thường rõ ràng là kế hoạch của Nga. Vì vậy, nó hoàn toàn có thể xảy ra,” Kirby nói, đồng thời cho biết thêm rằng Hoa Kỳ chưa có “thông tin cụ thể về cuộc tấn công đó”.

Kirby cũng thảo luận về thông tin Mỹ đang đẩy nhanh việc vận chuyển hệ thống hỏa tiễn Patriot và Abrams tới Ukraine. Trong khi ông nói rằng “luôn luôn” có cảm giác cấp bách, ông nói rằng người Ukraine đang phản ứng “tốt” với việc đào tạo và việc chuyển giao nhanh chóng là một “điều tốt”. Ông nhắc lại rằng “không có thay đổi” đối với chính sách của Mỹ về việc gửi máy bay phản lực F-16 vào thời điểm này.

“Những tuần và tháng tới sẽ rất quan trọng. Chúng ta muốn bảo đảm rằng người Ukraine có mọi thứ họ cần để thành công”.

Kirby cho biết, trọng tâm của những tuần tới là “Bốn A”: thiết giáp, pháo binh, phòng không và đạn dược, và chỉ ra “địa hình rộng mở hơn, chiến tranh vũ trang kết hợp” ở tiền tuyến.

Khi được hỏi về khả năng Trung Quốc trang bị vũ khí cho Ukraine, ông Kirby cho biết “không có dấu hiệu nào cho thấy họ đang đi theo hướng đó hoặc đã đưa ra quyết định về vấn đề đó”.

Ông nói rằng ông “không biết” về bất kỳ kế hoạch nào của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhưng nhắc lại hy vọng của Hoa Kỳ rằng một cuộc trò chuyện như vậy sẽ diễn ra.

5. Quốc hội Thụy Điển đã phê chuẩn việc gia nhập NATO khi nước này đang chờ phê chuẩn

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết quốc hội Thụy Điển đã chính thức phê chuẩn việc nước này gia nhập NATO vào hôm thứ Tư.

Quốc gia Bắc Âu này đã yêu cầu tham gia liên minh quân sự cùng với nước láng giềng Phần Lan vào năm ngoái, với lý do Nga xâm lược Ukraine, nhưng đơn xin này phải được tất cả 30 quốc gia thành viên hiện tại phê chuẩn trước khi có thể trở thành thành viên.

Tình hình hiện tại: Tư cách thành viên của cả hai quốc gia hiện đang bị đình trệ bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi, cả hai đều chưa phê chuẩn. Trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuần trước tuyên bố rằng quốc hội của ông sẽ bắt đầu phê chuẩn việc Phần Lan gia nhập NATO và đảng cầm quyền của Hung Gia Lợi cho biết họ cũng sẽ phê chuẩn việc Phần Lan gia nhập, thì cả hai quốc gia đều chưa bắt đầu quá trình này đối với Thụy Điển.

Ông Erdogan từng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thay đổi đường lối với Thụy Điển trừ khi có “các bước tích cực” được thực hiện. Nước này đã cáo buộc Thụy Điển chứa chấp các thành viên của các nhóm khủng bố, là điều mà Thụy Điển bác bỏ.

6. Thủ tướng Estonia nói NATO phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài ở Ukraine

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas tuyên bố các nước NATO phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine, đồng thời kêu gọi các đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng.

“Nga đã chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài và chúng ta cũng phải như vậy,” Thủ tướng Kallas nói.

Thủ tướng Estonia hối thúc các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng vượt ngưỡng 2%.

Cô nói: “Estonia đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng, chúng tôi sẽ đạt 3% GDP vào năm 2024. 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng phải là mức sàn chứ không phải mức trần.”

Thủ tướng Kallas nhận định rằng với tình trạng dậm chân tại chỗ trên chiến trường hiện nay, cô tin rằng Putin sẽ tìm cách mở rộng chiến tranh, trong nỗ lực giành được sự ủng hộ của dân chúng Nga cho một kế hoạch tăng quân quy mô lớn.

7. Trung Quốc bán máy bay không người lái trị giá 12 triệu đô la cho Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu

Trung Quốc đã vận chuyển hơn 12 triệu đô la máy bay không người lái cho Nga kể từ khi nước này xâm lược Ukraine, một dấu hiệu cho thấy sự hợp tác thầm lặng giữa hai bên.

Tờ New York Times đã cho biết như trên.

Tổng cộng, gần 70 nhà xuất khẩu Trung Quốc đã bán 26 nhãn hiệu máy bay không người lái khác nhau của Trung Quốc cho Nga kể từ cuộc xâm lược.

Theo hãng tin này, các lô hàng, hỗn hợp các sản phẩm từ DJI, nhà sản xuất máy bay không người lái nổi tiếng nhất thế giới và một loạt các công ty nhỏ hơn, thường được chuyển qua các nhà xuất khẩu và trung gian nhỏ.

“Các kênh bán hàng phức tạp và mô tả sản phẩm mơ hồ trong dữ liệu xuất khẩu cũng khiến khó có thể chỉ ra chắc chắn liệu có các thành phần của Mỹ trong các sản phẩm Trung Quốc hay không, điều này có thể cấu thành hành vi vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Và việc bán hàng chính thức có thể chỉ là một phần của dòng công nghệ lớn hơn thông qua các kênh không chính thức và các quốc gia thân thiện với Nga khác, như Kazakhstan, Pakistan và Belarus,” bài báo viết.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm DJI vào danh sách đen vào năm 2020 để ngăn các công ty Mỹ bán công nghệ mà không có sự cho phép rõ ràng. Theo dữ liệu hải quan, biện pháp này đã ảnh hưởng rất ít đến sự thống trị trong ngành của DJI và các sản phẩm của công ty chiếm gần một nửa số lô hàng máy bay không người lái của Trung Quốc đến Nga. Một phần trong số chúng được DJI bán trực tiếp thông qua iFlight Technology, một công ty con của DJI.

Thương hiệu lớn thứ hai được bán là Autel, một nhà sản xuất máy bay không người lái của Trung Quốc có các công ty con ở Hoa Kỳ, Đức và Ý; các nhà xuất khẩu đã bán được gần 2 triệu đô la máy bay không người lái của mình, với lô hàng mới nhất được vận chuyển vào tháng 2 năm 2023. Trên trang web của mình, công ty táo tợn đến mức quảng cáo bán hàng cho lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ.

Phát ngôn nhân của DJI cho biết công ty không tìm thấy hồ sơ nào về bất kỳ hoạt động bán hàng trực tiếp nào cho Nga kể từ ngày 16 tháng 4 năm 2022 và họ sẽ điều tra các công ty khác có vẻ như đang bán hàng cho Nga. Ông cho biết, công ty đã ngừng tất cả các chuyến hàng đến và hoạt động ở Nga và Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh và có “các giao thức kỹ lưỡng” để bảo đảm không vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Autel cho biết trong một tuyên bố gửi qua email rằng họ không biết về bất kỳ giao dịch bán hàng nào cho Nga và đang tiến hành một cuộc điều tra nội bộ về vấn đề này.

Các chuyên gia trong ngành cho biết, việc bán hàng trực tiếp của các nhà xuất khẩu Trung Quốc chỉ là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm mua máy bay không người lái từ các thị trường lân cận, nơi chúng có thể được mua ngoài kệ của các cửa hàng bán lẻ.

Theo các chuyên gia, việc nạp đầy kho dự trữ ngay cả những phương tiện bay không người lái cơ bản nhất cũng trở nên quan trọng đối với cuộc chiến của Nga.

8. Zelenskiy nói rằng thật đau buồn khi chứng kiến hậu quả của cuộc oanh tạc của Nga ở Donbas

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Tư rằng ông rất đau buồn khi chứng kiến hậu quả của các cuộc oanh tạc của Nga sau khi ông thực hiện chuyến thăm không báo trước tới khu vực phía đông Donbas.

“Thật đau lòng khi nhìn vào các thành phố Donbas, nơi Nga đã mang đến sự đau khổ và đổ nát khủng khiếp,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu hàng đêm của mình. “Tiếng còi cảnh báo không kích gần như liên tục, hàng giờ ở Kramatorsk, mối đe dọa pháo kích liên tục, mối đe dọa thường trực đối với cuộc sống…”

“Ngay tại đó, ở Donbas, ở khu vực Kharkiv - bất cứ nơi nào tội ác của Nga đến, rõ ràng là nhà nước khủng bố không thể bị ngăn chặn bởi bất cứ điều gì khác ngoài một điều - là chiến thắng của chúng ta,” ông nói thêm.

Zelenskiy cho biết ông cảm thấy có hy vọng ở mọi thành phố miền đông Ukraine không bị xâm lược, đồng thời cho biết thêm rằng thật vinh dự khi được hỗ trợ những người gần mặt trận nhất.

“Tôi bắt đầu từ phía trước, từ khu vực Bakhmut. Tôi rất vinh dự được hỗ trợ các chiến binh của chúng ta đang bảo vệ đất nước trong những điều kiện tiền tuyến khó khăn nhất,” ông nói. “Tôi đã trao giải thưởng cấp nhà nước, cảm ơn những người lính của chúng ta vì lòng dũng cảm, vì sự kiên cường của họ, vì Ukraine - thứ mà chúng ta đang gìn giữ nhờ những anh hùng như vậy, nhờ từng người trong số họ đang chiến đấu chống lại cái ác của Nga. “

Tổng thống Ukraine cũng đến thăm các binh sĩ bị thương để tri ân.

“Tôi chúc họ — và tôi chắc chắn thay mặt cho tất cả các bạn, tất cả người dân của chúng ta — phục hồi nhanh chóng,” ông nói. “Tôi cảm ơn các bác sĩ và y tá. Và bây giờ tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã hỗ trợ những người lính của chúng ta hồi phục sau chấn thương. Tất cả những ai đang giúp mọi thứ cần thiết, bác sĩ của chúng ta, tất cả những người làm việc để phục hồi chức năng sau chấn thương.

Ông kết thúc bài phát biểu của mình bằng việc đánh dấu thời điểm bắt đầu tháng Ramadan và tưởng nhớ người Tatar ở Crimea, hiện đang nằm dưới sự xâm lược của Nga.

Ông nói: “Mong sức mạnh của lời cầu nguyện trong tháng linh thiêng này giúp chúng ta tẩy sạch Ukraine khỏi cái ác vô thần của Nga, khỏi những kẻ thực sự không tin vào điều gì cả, và đó là lý do tại sao chúng có khả năng gây ra khủng bố như vậy”. “Hãy để tháng Ramadan tiếp theo bắt đầu trong hòa bình và trên toàn bộ vùng đất Ukraine không có Nga. Ramadan Mubarak!”

Tổng thống Zelenskiy đã đặc biệt nhắc đến người Tatar sau khi có tin một nhóm ít nhất 6 người Tatar đã bị bắt hôm thứ Tư 22 tháng Ba vì bị tình nghi có liên quan đến vụ tấn công làm nổ tung hàng trăm hỏa tiễn hành trình Kalibr của Nga.

Như đã đưa tin, các vụ nổ đã được nghe thấy ở thị trấn Dzhankoy ở phía bắc bán đảo Crimea tạm thời bị xâm lược vào khuya ngày thứ Hai rạng sáng thứ Ba 21 tháng Ba. Theo Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, do vụ nổ, các hỏa tiễn hành trình Kalibr của Nga, được vận chuyển bằng đường sắt, đã bị phá hủy hoàn toàn ở Dzhankoy.

Theo các bloggers quân sự Nga thạo tin, Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đang truy lùng 3 người lính Nga gốc là người Tatar. Các binh sĩ Nga áp tải chuyến tầu chở hàng trăm hỏa tiễn hành trình Kalibr-NK được tường trình đã nổ tung theo con tầu. Tuy nhiên, có 3 binh sĩ người Tatar mất tích. Có giả thuyết cho rằng họ đã mật báo cho quân Ukraine tấn công con tầu này và biến mất ngay trước khi vụ tấn công xảy ra. Quân Ukraine không thể tấn công bất cứ đoàn tầu nào vì đó có thể là một tội ác chiến tranh, và thực tế là họ cũng không đủ phương tiện để tấn công tràn lan như thế.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Đại Tá Oleksandr Motuzianyk, đã bác bỏ giả thuyết người Tatar có liên quan. Ông cho rằng người Nga thường có khuynh hướng chạy tội. Trước một biến cố lớn như thế này, các cơ quan an ninh chịu áp lực phải làm một cái gì đó thật nhanh chóng, bắt giữ một vài người nào đó, chẳng hạn. Ông cũng nhấn mạnh rằng cũng có nguy cơ đây là cái cớ để đàn áp người Tatar.

Bình luận về chuyến thăm các binh sĩ ở mặt trận của Tổng thống Zelenskiy, Igor Girkin, người Nga, một cựu sĩ quan cấp tá của FSB, và là một cựu chỉ huy chiến trường đã đóng một vai trò quan yếu trong cuộc xâm lược Crimea vào năm 2014, cho rằng ông cảm thấy xấu hổ vì Putin không có can đảm như Tổng thống Zelenskiy. Như nhiều người Nga, ông tin rằng Putin đi thăm thành phố Mariupol là Putin giả, chỉ là thế thân của ông ta.

Xin mạn phép đăng lại bài tường trình sau của tờ Daily Mail.

9. Quan chức Ukraine và phe đối lập Nga khẳng định Putin vừa thăm Crimea và Mariupol là Putin giả

Ký giả Will Stewart của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “ “, nghĩa là “Putin bị cáo buộc gửi thế thân tới Mariupol: Ukraine nói cái cằm của Putin bộc lộ mọi thứ sau chuyến thăm lãnh thổ bị xâm lược của nhà lãnh đạo Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Vladimir Putin đã bị Ukraine chế giễu hôm nay vì bị cáo buộc gửi một người trông giống như ông ta tới Mariupol bị chiến tranh tàn phá trong một chuyến thăm an ninh cao.

Quan chức Kyiv Anton Gerashchenko đã đăng ba bức ảnh chụp cái cằm của Putin và đặt câu hỏi liệu chúng có phải của cùng một người đàn ông hay không.

Anh ta chế nhạo: 'Có chuyện gì với cái cằm của ông thế, ông Putin ơi?'

Cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ đã đăng: 'Có vẻ như gần đây các nghệ sĩ trang điểm của ông ta cho các chuyến đi gần đây của người đàn ông chuyên trốn trong hầm trú ẩn đến Crimea và Mariupol bị xâm lược đã phải làm việc với một bản sao phẩm chất khá thấp, thậm chí không phải là bản sao mà là bản sao của bản sao. Tôi tự hỏi cái nào trong số chúng là thật?”

Anton Gerashchenko đưa ra 3 bức ảnh. Một bức ảnh cho thấy Putin, 70 tuổi, một tháng trước trong bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang ở Mạc Tư Khoa.

Bức ảnh thứ hai là Putin trong chuyến thăm tới cảng hải quân Sevastopol ở Crimea vào ngày 18 tháng 3.

Bức ảnh thứ ba là từ đoạn phim được phát hành vào ngày hôm sau cho thấy nhà độc tài ở Mariupol bị chiến tranh tàn phá.

Hình ảnh đầu tiên cho thấy chiếc cằm của anh ta căng và chính xác.

Nhưng hình ảnh ở Sevastopol - được chụp từ Ukraine vào năm 2014 - khiến cằm chảy xệ, trong khi cằm ở Mariupol có vẻ săn chắc hơn nhưng ít giống hơn so với hình ảnh ở Mạc Tư Khoa.

Một nguồn tin người Nga cho biết: 'Ông ta có những khoảnh khắc trông giống như một babushka, tức là một bà nội không có răng.'

Đã có nhiều tuyên bố lặp đi lặp lại rằng Putin sử dụng thế thân trong một số chuyến đi bên ngoài Mạc Tư Khoa hoặc khi có nhiều người xung quanh.

Kênh Telegram General SVR khẳng định Putin chưa từng tới Sevastopol hay Mariupol, thành phố bị xâm chiếm sau trận chiến đẫm máu năm ngoái.

“Thông tin từ các nguồn của Điện Cẩm Linh rằng Vladimir Putin đã đến thăm Crimea và Mariupol là KHÔNG đúng sự thật”, kênh truyền hình có nguồn tin nội bộ tuyên bố.

Ở Crimea, một thế thân của Putin đã được chú ý với một chuyến thăm ngắn và chỉ với mục đích quay video.'

Nhân viên thế thân bị 'cấm tiến hành các cuộc trò chuyện có ý nghĩa và tổ chức các cuộc họp kéo dài, vì sợ xấu hổ hoặc gây ra các sai lầm cho người dưới quyền.'

Kênh chống Putin của Nga cáo buộc: 'Điều tương tự cũng áp dụng cho chuyến thăm Mariupol.

'Kẻ thế thân đã được quay phim nhưng không nói nhiều và không ở các nơi ấy trong một thời gian dài.'

Tại Mariupol, người ta nhìn thấy tổng thống lái xe trong đêm mà không thắt dây an toàn với rất ít nhân viên an ninh.

'Việc 'Putin' lái xe 'tự phát' vòng quanh Mariupol, không chặn đường, không có đoàn xe bảo vệ, và đi 'đến với người dân' ở thành phố tiền tuyến bị xâm lược không chỉ là phi thực tế, mà thậm chí còn đáng buồn cười.

'Tổng thống lúc đó đang ở cách xa hàng trăm km, ấm áp và hoàn toàn an toàn.'

Putin với 'sự hèn nhát bệnh hoạn' của mình đã không 'liều mạng'.

Kênh này khẳng định: 'Tích cực sử dụng thế thân, gần đây, Putin ngày càng trở thành một tổng thống 'giả mạo'.

'Cả nước cười nghiêng ngả vì thế thân không giống bản gốc' về ngoại hình, hành vi và thói quen.

Thay vào đó, Putin thực sự đang được 'điều trị' và chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
 
Đức Giám Mục Odesa: Lệnh bắt giữ Putin rất quan trọng đối với Ukraine. Chính thống Moscow xuống đường ở Kyiv
VietCatholic Media
05:08 23/03/2023


1. Đức Giám Mục Shyrokoradiuk của Odessa nhận định: Lệnh bắt giữ Putin là “một bước lịch sử, rất quan trọng đối với chúng tôi”

“Đó là một bước lịch sử, rất quan trọng đối với chúng ta. Thật là một tin vui mà chúng tôi đã nhận được một cách bất ngờ và vui mừng”. Đức Cha Stanislav Shyrokoradiuk, giám mục của Odessa, có thẩm quyền bao gồm cả lãnh thổ Crimea, đã cho biết như trên với cơ quan truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Ý.

Ngài đã được yêu cầu bình luận về quyết định được đưa ra trong những ngày gần đây bởi Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague về hai lệnh bắt giữ. Đầu tiên là dành cho tổng thống Liên bang Nga, bị cáo buộc đã ra lệnh trục xuất bất hợp pháp hàng nghìn trẻ em Ukraine bị bắt từ các vùng lãnh thổ bị xâm lược và đưa sang Nga. Thứ hai là dành cho Maria Alekseyevna Lvova-Belova, ủy viên phụ trách quyền trẻ em tại Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, chịu trách nhiệm về cùng một “tội ác chiến tranh là trục xuất trái phép trẻ em và chuyển giao trái phép trẻ vị thành niên”.

Về số phận của những đứa trẻ hiện đang ở trên đất Nga và do đó, về những hậu quả thực sự mà những lệnh bắt giữ này có thể gây ra đối với cuộc sống của chúng, Đức Giám Mục đưa ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế: “Không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, mọi người phải nhận thức được tội ác này và mỗi người phải phản ứng theo khả năng của mình “. Thay mặt cho một Giáo hội cũng hiện diện ở Crimea, vị giám mục nói: “Vai trò của Giáo hội là cầu nguyện cho đối phương, cầu nguyện cho tội phạm hoán cải”. Trong khi đó, hôm nay có tin rằng một nền tảng mới đã được tạo ra, “Những đứa trẻ trong chiến tranh”, nơi có thể nhập tên và họ của những trẻ vị thành niên có lẽ đã biến mất trong cuộc chiến bắt đầu hơn một năm trước. Nó được tạo ra bởi Tổng thống Ukraine.

Theo Cục Thông tin Quốc gia Ukraine, người Nga đã trục xuất 16.226 trẻ vị thành niên Ukraine, nhưng nền tảng này cũng tính đến dữ liệu được công bố trên các nguồn mở của Liên bang Nga, theo đó số trẻ em bị đưa ra khỏi Ukraine lên tới 744.000. Kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, tức là kể từ khi bắt đầu xung đột, 464 trẻ em đã thiệt mạng, 935 em bị thương, 387 trẻ vị thành niên mất tích, trong khi 308 em đã được trao trả. Tổng cộng 10.576 đã được tìm thấy.


Source:Sismografo

2. Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa làm reo với Tổng thống Zelenskiy

Thượng hội đồng của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC đã họp vào ngày thứ Hai, 20 tháng 3. Sau một cuộc họp chóng vánh, Đức Tổng Giám Mục Onufry và các thành viên của Thượng hội đồng đã đến phủ tổng thống của Tổng thống Zelenskiy để đích thân trình bày với Tổng thống một văn kiện và “để giải thích trực tiếp cho ông ấy về tình hình thực sự”. Họ đợi trên đường trước phủ tổng thống khoảng hai giờ cho đến khi còi báo động không kích khiến họ phải tìm nơi trú ẩn.

Một đại diện của Văn phòng Tổng thống đã đến để nhận văn bản kháng cáo, nhưng các thành viên Thượng hội đồng nhất quyết muốn gặp trực tiếp Tổng thống. Văn phòng Tổng thống đã lưu ý rằng Tổng thống đã không lên kế hoạch cho một cuộc họp với UOC vào ngày này. Trong số mười thành viên của UOC có mặt, có ba người là các Tổng Giám Mục Pavel, Anthony và Luke, là những người gần đây đã bị chính phủ Ukraine trừng phạt cá nhân vì các liên hệ với Nga, tích trữ các tài liệu chống lại nền độc lập của Ukraine, cũng như có các bài thuyết giảng ủng hộ Nga như Đất Mẹ.

Có lẽ cơ hội gặp Tổng thống sẽ lớn hơn nhiều nếu chỉ có Đức Tổng Giám Mục Onufry và một số người khác, không phải những cá nhân bị trừng phạt. Thay vào đó, UOC đã phát trực tiếp toàn bộ sự chờ đợi trước văn phòng của Tổng thống trên Facebook ngay từ khi bắt đầu chờ đợi – đó là một dấu hiệu cho thấy họ đã tìm cách trình chiếu toàn bộ sự kiện. Ban đầu, các vị này đã khăn khăng từ chối giao văn kiện cho đại diện của Văn phòng Tổng thống, nhưng đã đăng nó ngay lập tức trên trang web của UOC.

Sau đó cùng ngày tại Mạc Tư Khoa, RIA Novosti và các phương tiện truyền thông khác đã đưa tin về những sự kiện này với các tiêu đề như “Các thành viên của hội đồng UOC bị buộc phải rời khỏi lãnh thổ của văn phòng Zelenskiy”, hay “Phát ngôn nhân của Giáo chủ tuyên bố rằng ‘Zelenskiy, từ chối gặp các thành viên của Thượng hội đồng của Nhà thờ Chính thống Ukraine’, một lần nữa thể hiện sự thiếu tôn trọng và khinh miệt đối với hàng triệu tín hữu Ukraine''

Người ta tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu một nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo tập trung không báo trước tại Quảng trường Đỏ và yêu cầu được gặp Tổng thống Putin ngay lập tức.
Source:Sismografo

3. Tuyên bố của văn phòng Thủ tướng Lithuania về việc thiết lập Giáo Hội Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople

Chính phủ Lithuania đã yêu cầu Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople thiết lập tại Lithuania các cơ chế cần thiết của Chính Thống Giáo trực thuộc Constantinople. Ngày 21 tháng Ba, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đến thăm Lithuania và được Thủ tướng Ingrida Šimonytė tiếp đón. Hai bên đã ký một văn kiện hợp tác về các lãnh vực này.

Các phương tiện truyền thông Nga do nhà nước kiểm soát đã đưa ra các tuyên bố sai sự thật và kích động các hành động quân sự chống lại Lithuania dưới chiêu bài tôn giáo. Vì thế, chính quyền Lithuania đã công bố tài liệu sau để làm rõ sự thật.

Cách đây không lâu, chỉ mới vào ngày 17 tháng 2, Thượng Hội đồng của Tòa Thượng phụ Đại kết đã công bố việc phục hồi và chấp nhận các giáo sĩ của Tổng giáo phận Chính thống Lithuania thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, vào dịp đó Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Constantinople dự kiến sẽ đến thăm đất nước chúng ta trong tháng này để ký một thỏa thuận hợp tác giữa Tòa Thượng phụ Đại kết và Lithuania. Trong tài liệu này, chúng tôi sẽ cố gắng trình bày thỏa thuận này là gì, tại sao các sự kiện lại diễn ra nhanh chóng như vậy và tại sao nó lại quan trọng đối với đất nước chúng ta, đối với người Ukraine và đối với toàn bộ Âu Châu.

Làn sóng người Ukraine tị nạn đến Âu Châu không chỉ là một thách thức kinh tế và xã hội nghiêm trọng đối với Lithuania mà còn là một sự thay đổi đáng kể trong bối cảnh tôn giáo của chúng ta, vì phần lớn dân số Ukraine là Kitô hữu Chính thống. Để hiểu rõ hơn về kinh nghiệm và nguyện vọng của họ, cũng như vai trò của họ và toàn thể Giáo hội Chính thống đối với đất nước chúng ta, điều quan trọng là phải nhận thức được các quá trình diễn ra trong Giáo Hội này và hiểu rằng cuộc đối đầu với Nước Nga cũng có chiều kích tôn giáo.

Với sự khởi đầu của cuộc xung đột ở Donbass vào năm 2014, phần lớn dân số Ukraine không muốn cầu nguyện trong các nhà thờ của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Vào năm 2019, sau các cuộc đàm phán kéo dài với Tổng thống Poroshenko và các hành động giáo luật quan trọng, mà ý nghĩa địa chính trị của nó đã được cố vấn của Thủ tướng Galina Vaščenkaitė giải thích rõ, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã trao cho Chính Thống Giáo Ukraine quyền độc lập hoàn toàn khỏi giáo quyền Chính Thống Giáo Nga – tức là chế độ tự trị. Quá trình chuyển đổi hàng loạt của các cộng đồng của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sang Giáo Hội Chính thống Ukraine mới đã bắt đầu. Tuy nhiên, có thể đoán trước, thiểu số thân Nga, bị Mạc Tư Khoa khuấy động, không muốn nhượng lại các ngôi đền và gây ra tình trạng bất ổn, làm gia tăng căng thẳng tôn giáo trong nước.

Năm 2019 khi Tổng thống Zelenskiy nhậm chức, quá trình chuyển đổi các cộng đồng từ Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa sang Chính Thống Giáo độc lập Ukraine đã bị chậm lại vì không muốn gây hiềm khích với Nga. Nhưng, quá trình chuyển đổi này lại gia tăng mạnh mẽ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện vào năm 2022. Theo một số chính trị gia và chuyên gia, Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa và các cộng đồng thân Nga của nó thực sự chỉ là công cụ của Điện Cẩm Linh và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Ukraine, do đó, họ không thể được gọi là Chính thống giáo và nên bị cấm càng sớm càng tốt. Bất kỳ với giá nào. Những người khác nhấn mạnh sự cần thiết phải cấm các trung tâm tôn giáo và hiệp hội có bất kỳ mối quan hệ nào với Nga hoạt động ở Ukraine. Rốt cuộc, như người đứng đầu Cơ quan Nhà nước về Chính sách Dân tộc và Tự do Lương tâm của Ukraine đã lưu ý, «những người duy trì mối liên hệ này, những người đấu tranh cho nó đến cùng, chỉ đơn giản là chọn cho mình con đường đối đầu với xã hội Ukraine và với các tín hữu của họ».

Việc 40.000 người Ukraine chạy trốn chiến tranh đến Lithuania khiến những tranh cãi về tôn giáo của Ukraine cũng liên quan đến chúng ta. Cơ quan tài phán Chính thống duy nhất được ghi danh tại Lithuania là Giáo Hội Chính thống ở Lithuania của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nó được đề cập trong Hiến pháp của chúng ta. Tuy nhiên, với những điều trên, rõ ràng là chúng ta cần một Giáo Hội Chính thống khác để đáp ứng nhu cầu tôn giáo của những người tị nạn Ukraine và những người Lithuania Chính thống giáo đã từ chối đến các nhà thờ của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa vì lương tâm của họ. Tòa Thượng phụ Đại kết sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.

Các cuộc đàm phán với Constantinople được tăng cường vào tháng 5 năm 2022, khi đại sứ của chúng ta tại Ankara trao cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô một lá thư từ Thủ tướng Lithuania Ingrida Šimonytė. Lý do của bức thư là do Tòa Giám Mục Inokentiy của Lithuania đã giáng chức 7 giáo sĩ vì đã lên án cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Thượng phụ Đại kết có quyền chấp nhận kháng cáo từ các giáo sĩ của các Giáo hội Chính thống khác và hủy bỏ các phán quyết được đưa ra nếu các phán quyết ấy không có cơ sở giáo luật. Trong một bức thư gửi cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, Thủ tướng đã lên án lập trường của Thượng phụ Kirill liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, ủng hộ các giáo sĩ người Lithuania bị ảnh hưởng và kiến nghị chấp nhận họ dưới quyền tài phán của Constantinople. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mantas Adomenas được chỉ định chịu trách nhiệm về các cuộc đàm phán với Constantinople. Cố vấn của Thủ tướng Galina Vaščenkaitė cũng đóng một vai trò quan trọng: họ nói, phần lớn nhờ vào lập trường chủ động và nguyên tắc của bà mà các cuộc đàm phán không biến thành một hình thức trống rỗng mà không có kết quả thiết thực.

Vào ngày 19 tháng 9, ông Adomenas và bà Vaščenkaitė đã đến thăm Istanbul và gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô. Đức Thượng Phụ đã được đề nghị chấp nhận quyền tài phán của ngài đối với các giáo sĩ của Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa bị trục xuất và, với sự tham gia của họ, khôi phục quyền tài phán của Tòa thượng phụ đại kết ở Lithuania. Để bảo đảm các thỏa thuận sơ bộ, đã nảy sinh ý tưởng ký kết một thỏa thuận – một thỏa thuận đặc biệt giữa Chính phủ Lithuania và Tòa Thượng phụ Đại kết. Một tài liệu hợp tác tương tự đã được ký kết vào năm 2014 giữa Constantinople và Hung Gia Lợi. Tương tự như vậy, chính phủ của chúng ta, do tầm quan trọng của những thách thức nêu trên, sẽ cam kết cung cấp cho cơ quan điều tra cơ sở vật chất và ngân sách, và các thư ký của cơ quan này với mức lương nhà nước.

Vào ngày 14 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Emmanuel của Chalcedon đã đến Lithuania. Mục đích chuyến viếng thăm của Đức Tổng Giám Mục, cánh tay phải của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và có khả năng là người kế vị của ngài, là để thảo luận với Thủ tướng về dự thảo hòa ước và gặp gỡ các cựu linh mục của Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Thủ tướng đã thể hiện sự nghiêm túc trong ý định của mình: vị khách không chỉ được trình bày bản dự thảo của thỏa thuận song phương mà còn được cho xem các tòa nhà sẽ được bàn giao cho cơ quan quản lý mới của Tòa Thượng phụ Đại kết sau khi Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople được thành lập ở Lithuania.

Chính phủ rất khó tìm được một nhà thờ xứng đáng với Đức Thượng phụ Đại kết và địa vị của ngài với tư cách là vị thứ nhất của thế giới Chính thống giáo. Các nhà thờ Chính thống giáo ở Lithuania đã được chuyển giao cho Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa sử dụng và vẫn chưa thể lấy lại được. Nhưng một cách thoát khỏi tình huống thành công đã được tìm thấy: Đức Tổng Giám Mục Emmanuel được cho xem nhà thờ Thánh Nicholas tuyệt đẹp trong nhà tù Lukiškės trước đây, hiện là trung tâm văn hóa và địa điểm tổ chức hòa nhạc. Vị khách rất có ấn tượng bởi vị trí của ngôi đền, không gian và kiến trúc của nó.

Để có chỗ ở cho các cấu trúc hành chính, Đức Thượng Phụ đã được cung cấp hai tòa nhà cổ tại Antakalnio g. 10, gần Đại sứ quán Vương quốc Anh, và một tòa nhà văn phòng hai tầng được xây dựng hiện đại tại Rožių al. 4A, trước đây được sử dụng bởi Trung tâm Tình huống Khẩn cấp Y tế của Bộ Y tế.

Mong muốn của các tín hữu Chính thống giáo của chúng ta là thực hiện nghĩa vụ tôn giáo theo lương tâm của họ, nhu cầu của những người Ukraine đã tìm nơi ẩn náu sau chiến tranh và cuối cùng là lợi ích an ninh của Lithuania – tất cả những điều này đòi hỏi những hành động khẩn cấp như vậy. Các giáo sĩ được phục hồi sẽ tạo thành xương sống của cơ quan mới của Tòa Thượng phụ Đại kết, và tất cả những người Chính thống giáo sống ở nước ta sẽ có một sự thay thế xứng đáng của Âu Châu đối với ảnh hưởng của Giáo Hội ở Mạc Tư Khoa. Đổi lại, nhà nước Lithuania sẽ chịu mọi chi phí cần thiết để trang bị nội thất cho các tòa nhà nói trên cho sứ mệnh cao cả mới của họ.

Ngoài ra, trong chuyến thăm của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, Lithuania cũng vinh dự cung cấp cho nhà lãnh đạo tinh thần của tất cả các Kitô hữu Chính thống một nền tảng để gặp Seimas và các thành viên Nghị viện Âu Châu, cũng như các nhà lãnh đạo tôn giáo, để họ có thể thảo luận về phản ứng của Giáo Hội và các cộng đồng tôn giáo trước chiến tranh và xung đột. Do đó, chuyến thăm Vilnius của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cũng sẽ nhấn mạnh vai trò đặc biệt của đất nước chúng ta trong việc hỗ trợ Ukraine và trong phản ứng chung trước các mối đe dọa địa chính trị và tinh thần do Nga gây ra.
Source:lithuaniatribune.com
 
Lệnh bắt giữ Putin: Mỹ hô hào các nước thi hành. Cận chiến ở Bakhmut, Nga mất 13 tăng, 11 thiết giáp
VietCatholic Media
16:02 23/03/2023


1. Quân Nga tiếp tục sụp đổ tại thành phố Bakhmut, mất 13 xe tăng, 11 xe thiết giáp. Tổng thống thăm Kherson chuẩn bị đánh lớn

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm 23 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong 24 giờ qua quân Ukraine đã đẩy lùi 83 cuộc tấn công của quân Nga trên các hướng Lyman, Bakhmut, Avdiivka, Marinka và Shakhtarsk. Các hướng còn lại, đối phương ở thế phòng thủ.

Tại thành phố Avdiivka, từ sáng sớm, một Lữ Đoàn Dù Nga phối hợp với quân của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk đã mở nhiều đợt tấn công nhưng đều bị đẩy lui. Quân xâm lược bỏ chạy, để lại hàng trăm xác đồng đội. Tổn thất của đối phương vẫn còn đang được kiểm đếm.

Tại thành phố Bakhmut, quân Wagner tấn công biển người vào quân Ukraine trong cố gắng chiếm phần phía Tây của thành phố. Theo các báo cáo của các Lữ đoàn Súng Trường Cơ Giới 93, 10, 57 và 5, quân Wagner gánh chịu thương vong rất nặng nề và cuối cùng đã phải rút lui.

Ở phía Nam thành phố Bakhmut, giao tranh diễn ra tại Bohdanivka và Khromove, nơi quân chính quy Nga gánh chịu nhiều tổn thất.

Trích thuật Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết sự suy giảm liên tục của các lực lượng Nga đang chiến đấu ở Bakhmut sẽ cho phép Ukraine tiến hành cuộc phản công ở thành phố phía đông “rất sớm”

“Người Nga đang mất đi lực lượng đáng kể ở Bakhmut và cạn kiệt năng lượng. Chúng ta sẽ sớm tận dụng cơ hội này, như chúng ta đã làm trong quá khứ gần Kyin Kharkiv, Balakliya và Kupyansk,” ông nói, đề cập đến những trường hợp quân đội Nga trước đây đã rút lui trước các cuộc phản công của Ukraine.

Ông nhận xét rằng khả năng tấn công của Nga đang giảm dần trong và xung quanh Bakhmut khi các lực lượng của Mạc Tư Khoa sử dụng một số lượng lớn quân đội để cố gắng chiếm thành phố bằng các cuộc giao tranh ác liệt.

Trong 24 giờ qua, 660 quân Nga bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 13 xe tăng, 11 xe thiết giáp, 19 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và một hệ thống phòng không.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 23 Tháng Ba, Nga đã mất khoảng 168.150 quân ở Ukraine. Tổng thiệt hại chiến đấu của địch bao gồm 3.570 xe tăng, 6.898 xe thiết giáp, 2.608 hệ thống pháo, 511 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 273 hệ thống tác chiến phòng không, 305 máy bay, 290 trực thăng, 2.203 máy bay không người lái, 909 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.452 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 273 đơn vị thiết bị đặc biệt.

Ở phía Nam, tổng thống Zelenskiy đang thăm tiền tuyến ở vùng Kherson.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đang thăm khu vực tiền tuyến Kherson - vài tháng sau khi một phần của tỉnh Kherson được giải phóng khỏi sự xâm lược của Nga.

“Một chuyến công tác đến vùng Kherson. Ngôi làng Posad Pokrovske, nơi nhiều ngôi nhà và cơ sở hạ tầng xã hội bị hư hại do hành động gây hấn toàn diện của Nga,” ông nói trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Năm. “Điện và nước đang được khôi phục, một phòng khám ngoại trú đang được xây dựng lại và mọi người đang quay trở lại.”

“Tôi đã nói chuyện với người dân địa phương về các vấn đề và nhu cầu hiện tại của họ. Chúng ta sẽ khôi phục và xây dựng lại mọi thứ”, ông nói thêm.

Các lực lượng Nga đã phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng năng lượng ở Kherson trước khi họ rút quân đến bờ đông sông Dnipro. Nhiều tháng sau, hai bên tiếp tục đấu pháo từ bên này sang bên kia, khiến công việc sửa chữa bị cản trở và tình trạng mất điện vẫn diễn ra thường xuyên.

Zelenskiy đã đến thăm một trong những cơ sở năng lượng trong khu vực.

Ông nói: “Chúng ta đã xem xét việc khôi phục cung cấp điện ở các vùng lãnh thổ bị xâm lược và sửa chữa các thiết bị bị phá hủy do pháo kích của Nga. “Chúng ta phải bảo đảm khôi phục hoàn toàn và bảo vệ ngành năng lượng của chúng ta.”

Các nhà bình luận cho rằng Ukraine sẽ sớm có một cuộc tổng phản công chiếm lại phần phía Đông của Kherson mà cho đến nay vẫn còn trong tay người Nga.

2. Ngoại trưởng Blinken nói Putin phải bị bắt nếu ông ta đến thăm một quốc gia ICC

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Should Be Arrested If He Visits an ICC State: Blinken”, nghĩa là “Ngoại trưởng Blinken nói Putin phải bị bắt nếu ông ta đến thăm một quốc gia ICC”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm thứ Tư rằng bất kỳ nước nào tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, cũng nên bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông đến thăm đất nước của họ.

ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Putin vào thứ Sáu sau khi tòa án kết luận rằng nhà lãnh đạo Nga “bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh trục xuất bất hợp pháp dân số trẻ em và di chuyển bất hợp pháp dân số trẻ em từ các khu vực bị xâm lược của Ukraine sang Liên Bang Nga.” Hiệp ước quốc tế bao gồm 123 quốc gia thành viên và đã mở cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh có thể xảy ra ở Ukraine vào tháng 3 năm 2022, sau khi gần 40 thành viên ICC đưa ra yêu cầu.

Blinken đã thảo luận về lệnh bắt giữ gần đây của Putin khi xuất hiện trước tiểu ban Ngân sách Thượng viện về Nhà nước, Hoạt động đối ngoại và các Chương trình liên quan vào thứ Tư, đối mặt với câu hỏi của Thượng nghị sĩ Nam Carolina Lindsey Graham về việc liệu Hoa Kỳ có bắt giữ Putin nếu ông đến thăm hay không.

“Như bạn đã biết, chúng ta không thực sự là một bên tham gia ICC, vì vậy tôi không muốn tham gia vào giả thuyết đó,” Blinken nói để đáp lại Graham, sau đó nói thêm, “Tôi không nghĩ Putin có bất kỳ có kế hoạch đi du lịch ở đây sớm”.

Sau đó, Graham hỏi vị Ngoại trưởng rằng liệu anh ta có “khuyến khích các đồng minh Âu Châu của chúng ta giao nộp Putin hay không”, Blinken trả lời: “Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai là một bên của tòa án và có nghĩa vụ thì nên thực hiện nghĩa vụ của họ.”

Mặc dù Hoa Kỳ không phải là thành viên của ICC, nhưng một số đồng minh thân cận nhất của họ, bao gồm Vương quốc Anh, Canada và Pháp là thành viên của ICC.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho biết hôm thứ Hai rằng Putin miễn nhiễm với các cáo buộc của ICC.

Theo các cuộc phỏng vấn do Radio Echo of the Caucasus thực hiện trong tuần này, một số công dân Nga nghi ngờ liệu ICC có thể thực hiện lệnh bắt giữ Putin hay không. Những người khác cho rằng “người dân Nga” sẽ “bảo vệ” Putin trước những cáo buộc.

Như Newsweek đã đưa tin trước đây, có 70 quốc gia trong Liên Hiệp Quốc không thuộc thẩm quyền của lệnh ICC và Putin vẫn có thể đến thăm các quốc gia như Iran và Ấn Độ, cả hai đều đã phát triển quan hệ đối tác với Mạc Tư Khoa kể từ khi xâm lược Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với ICC thông qua cổng thông tin trang web của mình để nhận xét.

3. “Năng lực tấn công” của Nga ở Bakhmut đang giảm nhưng giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 23 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết khả năng tấn công của các lực lượng Nga trong và xung quanh Bakhmut đang giảm dần, nhưng cảnh báo rằng đây vẫn là một trong những khu vực đang diễn ra giao tranh ác liệt nhất.

“Liên bang Nga tiếp tục cuộc xâm lược vũ trang chống lại Ukraine, tập trung nỗ lực chính vào nỗ lực chiếm hoàn toàn các khu vực Donetsk và Luhansk trong biên giới hành chính. Giao tranh khốc liệt nhất đang diễn ra ở phía nam và phía bắc của Bakhmut.”

“Ở hướng Bakhmut, đối phương tiếp tục tiến hành các hành động tấn công, nhưng tiềm năng tấn công của nó đang giảm dần,” cô nói thêm.

Cô nhấn mạnh rằng các lực lượng Nga đang tiếp tục huy động một số lượng lớn binh lính để cố gắng chiếm thành phố.

“Đối phương tiếp tục cố gắng chiếm thành phố, tổn thất một lượng đáng kể nhân lực, vũ khí và thiết bị quân sự. Quân phòng thủ của chúng ta đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của đối phương suốt ngày đêm ở các khu vực Bakhmut, Bohdanivka và Predtechyne.”

Quân đội Ukraine tiếp tục cho biết quân đội của Mạc Tư Khoa đang ở thế phòng thủ ở một số khu vực ở phía nam Ukraine.

“Đối phương đang tiến hành các hành động phòng thủ ở hướng Zaporizhzhia và Kherson. Các khu vực gần giới tuyến liên tục bị tấn công”

4. Tăng cường xe tăng Abrams cho Ukraine là một tin khủng khiếp đối với Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's Abrams Tanks Boost Is Terrible News for Russia”, nghĩa là “Tăng cường xe tăng Abrams cho Ukraine là một tin khủng khiếp đối với Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các lực lượng Nga “không muốn thấy các đơn vị bọc thép Ukraine tấn công họ bằng xe tăng Abrams” khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cam kết đẩy nhanh việc chuyển giao các xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến của mình.

Hôm thứ Ba, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết Ukraine sẽ nhận được xe tăng M1A1 Abrams, thay vì M1A2. Điều này có nghĩa là các xe tăng có thể được giao vào mùa thu, “nhanh hơn dự kiến ban đầu”.

Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder nói với các phóng viên rằng xe tăng M1A1 sẽ có thân được tân trang lại từ kho dự trữ hiện có của Mỹ, nhưng sẽ có “khả năng rất giống” với M1A2.

Ông nói với giới truyền thông rằng các xe tăng được gửi đến Ukraine sẽ được trang bị pháo 120ly và súng máy hạng nặng 50 ly, cũng như lớp giáp tiên tiến. Những loại vũ khí này thường thấy trên M1A2, thường là súng máy 7,62 ly.

Ryder cho biết, quyết định được đưa ra với sự tham gia của Kyiv “sẽ cho phép chúng ta đẩy nhanh đáng kể thời gian giao hàng và chuyển giao khả năng quan trọng này cho Ukraine vào mùa thu năm nay”.

Chuyên gia công nghệ và quân sự Michael Peck nói với Newsweek rằng “việc gửi một phiên bản cũ hơn, đơn giản hơn của Abrams là bước đầu tiên hợp lý trong dòng xe tăng Mỹ dài hạn tới Ukraine. Người Ukraine sẽ dễ dàng học hỏi và duy trì hơn.”

Tác động của xe tăng M1 cũng sẽ phụ thuộc vào thời điểm chúng đến nơi cần thiết, cựu chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ tại Âu Châu, Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges cho biết.

Hodges nói với Newsweek rằng chúng “không có khả năng” mang lại bước đột phá cho bất kỳ cuộc phản công bọc thép nào của Ukraine diễn ra vào mùa hè này. Tuy nhiên, sẽ có một nhu cầu lâu dài đối với Abrams cho bất kỳ kế hoạch nào xung quanh Crimea, “các hoạt động giai đoạn tiếp theo và để răn đe trong tương lai,” ông nói.

Hodges nói: “Người Nga không muốn thấy lực lượng thiết giáp của Ukraine tấn công họ bằng xe tăng Abrams, cũng chẳng muốn thấy Mỹ cam kết hỗ trợ lâu dài cho Ukraine”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố động thái gửi 31 xe tăng Abrams tới Ukraine vào cuối Tháng Giêng, đủ để trang bị cho một tiểu đoàn xe tăng Ukraine “những chiếc xe tăng mạnh nhất thế giới”.

Các lực lượng Ukraine cần có khả năng “chống lại các chiến thuật và chiến lược đang phát triển của Nga trên chiến trường trong thời gian rất gần,” Biden nói.

Trước thông báo này, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết việc quyên góp Abrams sẽ là một điều “ngớ ngẩn”, đồng thời nói thêm: “Những chiếc xe tăng này cũng cháy giống như tất cả những chiếc khác”.

“Phản ứng của Nga sẽ rất thú vị,” Peck nói. “Họ có thể thực hiện một nỗ lực đặc biệt để phá hủy một chiếc Abrams chỉ vì giá trị tuyên truyền.”

Tuy nhiên, nếu tổng số Abrams vẫn ở mức 31, thì “giá trị mang tính biểu tượng hơn là thực tế,” ông nói thêm.

5. Kiểm chứng thực tế: Bức ảnh Putin quỳ gối trước mặt Tập Cận Bình của Trung Quốc

Ngay trước khi Tập Cận Bình đến Mạc Tư Khoa, các phương tiện truyền thông Nga thẳng thừng cho rằng trong khi nước Nga ngày càng nghèo đi vì cuộc chiến tại Ukraine, Trung Quốc ngày càng giầu lên; và nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài Trung Quốc sẽ nhanh chóng trở thành cường quốc mạnh nhất toàn cầu, không có đối thủ. Người Nga tỏ ra không có thiện cảm với người Tầu, nếu không muốn nói rằng họ khinh bỉ người Tầu.

Chính vì thế, một bức ảnh lan tràn một cách chóng mặt trên các mạng xã hội đang gây đau đớn trong lòng người Nga vì nó đánh vào lòng tự tôn dân tộc của họ. Đó là bức ảnh Putin quỳ gối trước mặt Tập Cận Bình của Trung Quốc xin cứu mạng sau khi bị Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, ban hành lệnh tầm nã. Bức ảnh ấy có thật hay không là câu hỏi của nhiều người.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Fact Check: Photo of Putin on His Knees in Front of China's Xi”, nghĩa là “Kiểm chứng thực tế: Bức ảnh Putin quỳ gối trước mặt Tập Cận Bình của Trung Quốc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này tại Mạc Tư Khoa diễn ra trong bối cảnh các nhà phân tích đồn đoán rằng Bắc Kinh có thể bắt đầu hỗ trợ Điện Cẩm Linh trực tiếp hơn trong cuộc chiến với Ukraine.

“Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ qua và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy chúng,” ông Tập nói với ông Putin thông qua một phiên dịch viên, hãng thông tấn AP đưa tin khi họ nói lời tạm biệt tại Điện Cẩm Linh. “Hãy bảo trọng, bạn thân mến!”

Tuy nhiên, một bức ảnh được chia sẻ trực tuyến khi hai người gặp nhau trong tuần này, dường như cho thấy một mối quan hệ có tính chất chủ tớ hơn, với Putin quỳ gối trước mặt Tập Cận Bình.

Nhiều dòng tweet, được đăng vào ngày 20 tháng 3 năm 2023, bao gồm một bức ảnh được cho là cho thấy Putin đang quỳ gối trước mặt Tập.

Người dùng @GlasnotGone đã đăng bức ảnh vào ngày 20 tháng 3 năm 2023, được xem 60.000 lần chỉ trong vòng vài giờ, với dòng tweet “Putin dành cho Tập Cận Bình sự chào đón truyền thống của Nga - nó không kéo dài lâu, vì đầu gối của Putin đang bị đau.”

Một dòng tweet khác của @SniperFella, đăng vào ngày 20 tháng 3 năm 2023, được xem hơn 89.000 lần cho biết: “Putin quỳ xuống, thề tuân phục và trung thành với chủ nhân và chỉ huy của mình là Tập Cận Bình”.

Hình ảnh bắt đầu thu hút sự chú ý sau khi phóng viên Jason Jay Smart của Kyiv Post đăng nó trên Twitter vào ngày 20 tháng 3. Dòng tweet, được xem hơn 750.000 lần, với tiêu đề: “Cuộc Họp Của Putin Nga và Tập Cận Bình Trung Quốc. Putin cố thuyết phục Tập.”

Những dòng tweet này được retweet, lan tràn một cách chóng mặt trên các mạng xã hội, bất kể chính Smart viết thẳng thừng rằng hình ảnh đó là giả mạo, không có thật.

Trong một chủ đề bên dưới dòng tweet ban đầu, Smart đã viết: “Từ các bình luận, có vẻ như điều đó không rõ ràng đối với một số người: vâng, Putin sẽ quỳ gối trước bất cứ điều gì mà Tập muốn, nhưng bản thân bức ảnh này không phải là thật.”

Smart không phải là người đầu tiên đăn bức ảnh đó. Anh cho biết hình ảnh “đã phổ biến trên mạng xã hội Ukraine” và cung cấp cho Newsweek một liên kết đến một bài đăng Telegram của Ukraine mà anh cho là lấy xuống từ đó, được xuất bản ngay trước thông điệp của anh trên Twitter.

“Nó có thể đã xuất hiện ở những nơi khác, vì tôi đã nhìn thấy nó ít nhất 3-4 lần trước khi đăng nó,” anh ấy nói thêm.

Một bản dịch Deepl của bài đăng trên Telegram—xuất bản vào ngày 20 tháng 3 năm 2023 và được xem 307.000 lần—cho thấy rằng hình ảnh đã được photoshop. Thật vậy, có vẻ như bức ảnh được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo.

Đầu tiên, có một số đồ tạo tác kỳ lạ trong bức ảnh. Thứ nhất, bàn chân cong của Putin có vẻ méo mó và phình ra với hình dạng khác thường.

Như một số người đã chỉ ra trên mạng xã hội, bàn tay của một nhân vật ở hậu cảnh cũng xuất hiện mờ và hòa vào nhau. Bàn tay thường rất khó để ngay cả trí tuệ nhân tạo hiện đại sao chép chính xác.

Ở phía bên trái của bức ảnh, một chân bàn bị uốn cong không theo tỷ lệ một cách kỳ lạ, mặc dù có thể là một phần trong thiết kế của nó, nhưng có vẻ như đây là một vấn đề của quá trình giải quyết trí tuệ nhân tạo.

Trong số những bức ảnh chụp cuộc hội đàm của ông Tập và ông Putin, dường như không có bức ảnh nào ở trong căn phòng trong bức ảnh.

Mặc dù có thể bức ảnh được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội có thể đã được chụp ở nơi khác và không được báo chí chụp lại, nhưng sự an toàn xung quanh cuộc gặp gỡ của hai người này dường như không tạo cơ hội cho việc chụp ảnh, chứ đừng nói đến việc bức ảnh đó bị rò rỉ trực tuyến.

Hơn nữa, không có khuôn mặt nào được nhìn thấy trong bức ảnh. “Putin” hoàn toàn không xuất hiện trong khi hình ảnh của Tập mờ đến mức chỉ có thể nhận ra một cách mơ hồ.

Hình ảnh cũng không được ghi tác quyền cho bất kỳ nhiếp ảnh gia hoặc cơ quan nào, chỉ được chia sẻ trên Twitter mà không có bức ảnh tương tự nào khác trong loạt ảnh đó.

Nhà báo Amanda Florian cũng lưu ý rằng bằng cách sử dụng công cụ phân tích ảnh Hugging Face, bức ảnh chứa một số yếu tố cho thấy đó là giả mạo bằng trí tuệ nhân tạo.

“Tóc của Tập Cận Bình có một số nhiễu và mờ không đều, đây thường là dấu hiệu tốt cho thấy hình ảnh được tạo bởi GAN. Nếu bạn nhìn kỹ, bạn cũng sẽ thấy tai của ông Tập hơi có mũ trùm và một số cục u bất thường trên tai của ông Putin,” Florian viết trên Twitter.

Như đã đề cập trước đó, có một khả năng nhỏ là bức ảnh có thể được chụp ở một phòng khác hoặc là ảnh do trí tuệ nhân tạo tạo ra về một cuộc gặp gỡ tương tự.

Dựa trên sự bất thường, kết hợp với việc thiếu bằng chứng để chứng minh rằng bức ảnh là xác thực, không có lý do đáng tin cậy nào để tin rằng bức ảnh là có thật.

Mặc dù bức ảnh gần như chắc chắn là giả, nhưng quan điểm cho rằng mối quan hệ giữa Putin và Tập là “lệch pha” đã được các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, ủng hộ.

ISW, tổ chức đã theo dõi các hoạt động của quân đội Nga và Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Putin, đã viết rằng Trung Quốc chỉ đưa ra các cam kết “tương đối ôn hòa” so với các yêu cầu của Nga.

Trong đánh giá mới nhất của mình, ISW cho biết “Tuyên bố chung vạch ra nhiều ý định song phương và khẳng định cam kết của Nga và Trung Quốc đối với chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bên cạnh những lời hứa ngoại giao khác.”

“Tuy nhiên, các cam kết mà Tập và Putin đưa ra đã bị lệch một cách đáng chú ý, cho thấy rằng Tập đang đồng ý với một phiên bản quan hệ Nga-Trung dè dặt hơn so với mong muốn của Putin.”

Phán quyết của Newsweek.

Chúng tôi cho rằng hình ảnh này gây hiểu lầm.

Trong khi Tập và Putin gặp nhau vào tuần này tại Mạc Tư Khoa, bức ảnh dường như là giả mạo do trí tuệ nhân tạo tạo ra.

Không có bằng chứng nào xác nhận nguồn gốc của bức ảnh, không thể nhìn rõ Putin và Tập Cận Bình, căn phòng trong ảnh không thể được nhìn thấy ở nơi nào trong bức ảnh chính thức về các cuộc họp của họ, và có một số yếu tố và hiện vật trong bức ảnh đề xuất mạnh mẽ rằng nó được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo.

6. 5 bài học rút ra từ cuộc hội đàm của Tập và Putin tại Mạc Tư Khoa

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định sâu rộng về sự liên kết của họ trong một loạt vấn đề — và chia sẻ sự ngờ vực đối với Hoa Kỳ — trong một tuyên bố dài sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo ở Mạc Tư Khoa tuần này.

Cuộc gặp của họ, diễn ra dưới cái bóng của cuộc tấn công dữ dội của Nga ở Ukraine, không để lại bất cứ hoài nghi nào về cam kết của Bắc Kinh trong việc phát triển mối quan hệ với Mạc Tư Khoa, bất chấp sự cô lập ngày càng tăng của Putin trên trường quốc tế khi cuộc chiến tàn khốc của nước này tiếp tục bước sang năm thứ hai, ngay trong bối cảnh Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ra lệnh bắt giữ Vladimir Putin vì các tội ác chiến tranh.

Dưới đây là năm điều cần rút ra:

Không có con đường có ý nghĩa nào về Ukraine: Các cuộc họp không mang lại bước đột phá nào trong việc giải quyết xung đột. Cả hai nhà lãnh đạo đều kêu gọi chấm dứt các hành động “làm gia tăng căng thẳng” và “kéo dài” chiến tranh, theo tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra. Tuyên bố không thừa nhận rằng cuộc xâm lược và tấn công quân sự của Nga là nguyên nhân của bạo lực đang diễn ra và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine.

Trật tự thế giới mới và liên kết chống lại Mỹ: Các chuyên gia cho rằng xu hướng xây dựng liên kết chống lại Mỹ của Trung Quốc và Nga — và một trật tự thế giới phù hợp hơn với các chương trình nghị sự độc tài hơn của họ — đang thúc đẩy cuộc gặp chứ không phải mối quan tâm đến việc giải quyết cuộc chiến ở Ukraine. Khi Tập rời Điện Cẩm Linh sau bữa tối cấp nhà nước hôm thứ Ba với Putin, thông điệp chia tay của ông nhắc lại quan điểm của ông rằng động lực quyền lực toàn cầu đang thay đổi. “Cùng nhau, chúng ta nên thúc đẩy những thay đổi chưa từng xảy ra trong 100 năm qua. Hãy bảo trọng,” ông nói trong một cái bắt tay tạm biệt với Putin, ám chỉ điều mà ông Tập coi là một kỷ nguyên mà phương Tây đang lụi tàn và Trung Quốc đang trỗi dậy.

“Sự tin tưởng lẫn nhau về mặt quân sự” và quan hệ quốc phòng: Các mối đe dọa có thể nhận thấy từ các tổ chức như NATO và AUKUS - một hiệp ước an ninh bao gồm Australia, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ - nổi lên như một trọng tâm rõ ràng đối với cả hai nhà lãnh đạo, bao gồm cả những tác động của họ đối với Á Châu. Ông Tập và ông Putin đều bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trong tuyên bố chung về việc NATO “liên tục tăng cường quan hệ quân sự-an ninh với các nước Á Châu-Thái Bình Dương” và cho biết họ “phản đối các lực lượng quân sự bên ngoài phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.

Thúc đẩy kinh tế và năng lượng: Putin cho biết hôm thứ Ba rằng Mạc Tư Khoa sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc “thay thế các doanh nghiệp phương Tây” đã rời Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine. Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc với tư cách vừa là thị trường nhập khẩu vừa là nhà xuất khẩu thiết bị điện tử sau khi bị áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng.

Thế giới bị chia rẽ: Quang cảnh của hội nghị thượng đỉnh ở Mạc Tư Khoa là một sự tương phản sâu sắc với cuộc gặp trùng hợp ở Ukraine giữa Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và nhà lãnh đạo Nhật Bản Fumio Kishida. Zelenskiy ca ngợi Kishida và các nhà lãnh đạo khác đã đến thăm là “thể hiện sự tôn trọng” không chỉ đối với Ukraine mà còn “đối với việc duy trì và vận hành các quy tắc văn minh và cuộc sống văn minh trên thế giới.”

7. Chủ tịch đối ngoại Hạ viện công bố phiên điều trần giám sát về viện trợ của Mỹ cho Ukraine

Mike McCaul, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, sẽ tổ chức một phiên điều trần vào thứ Tư tới về “Giám sát, Tính minh bạch và Trách nhiệm đối với Hỗ trợ Ukraine,” ủy ban đã công bố hôm thứ Tư.

Các thanh tra từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ dự kiến sẽ ra điều trần.

Hàng tỷ đô la hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine dự kiến sẽ được Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo giám sát chặt chẽ hơn.

Tổng thanh tra đã không công bố bất kỳ trường hợp lạm dụng tiền hoặc vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp. Có hàng chục dự án đang diễn ra từ Văn phòng Tổng thanh tra liên quan đến việc giám sát hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine.

Một số thông tin cơ bản: Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thông báo đợt rút vũ khí và thiết bị trị giá 350 triệu USD cho Ukraine lần thứ 34. Hoa Kỳ đã cam kết hơn 32 tỷ đô la trong quỹ Rút tiền của Tổng thống để hỗ trợ Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu hơn một năm trước.

8. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc ca ngợi chuyến đi của Tập Cận Bình tới Nga, bác bỏ chủ nghĩa đơn nguyên và chủ nghĩa bá quyền

Trung Quốc là một quốc gia theo chủ nghĩa bá quyền, đại hán. Chiếm đóng Tây Tạng, và các hòn đảo ở Biển Đông, kể cả các hòn đảo phía Nam Nhật Bản, là các ví dụ hùng hồn. Ít ai có chút chính trực và liêm sỉ có thể phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa bá quyền.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết hôm thứ Tư rằng mối quan hệ của đất nước ông với Nga có thể “thậm chí còn quý giá hơn khi đối mặt với chủ nghĩa đơn nguyên và chủ nghĩa bá quyền tràn lan” khi ông ca ngợi chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mạc Tư Khoa.

Tần Cương mô tả mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đại diện cho “hướng phát triển lịch sử đúng đắn” và có “ý nghĩa thế giới vượt ra ngoài phạm vi của hai bên”, theo một tuyên bố được đưa ra sau chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập.

Tần Cương cho biết Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục duy trì “láng giềng tốt đẹp và sự tin tưởng lẫn nhau” vì quyết định chọn Nga làm chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Tập trong nhiệm kỳ chủ tịch thứ ba của Tập Cận Bình là một quyết định chính trị được đưa ra sau khi cân nhắc kỹ lưỡng.

Ngoài việc ca ngợi sự hợp tác và tình hữu nghị với Nga, ông còn nhắc lại lập trường của Trung Quốc về điều mà tuyên bố mô tả là “cuộc khủng hoảng Ukraine”.

“Một số quốc gia cố tình cản trở các cuộc đàm phán hòa bình vì lợi ích địa chính trị của họ, thậm chí còn bịa ra đủ loại tin đồn và ngụy biện để tấn công và làm mất uy tín của Trung Quốc,” ông nói.

Ông nói thêm rằng Trung Quốc “không phải là nhà sản xuất cũng không phải là bên” liên quan đến cuộc khủng hoảng mà là “người ủng hộ” cho một giải pháp chính trị và thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.

Tuyên bố không nêu tên quốc gia cản trở các cuộc đàm phán hòa bình.
 
TGM Chính Thống sang Moscow chúc mừng Putin, bị bổn đạo bắt khi quay lại Kyiv. Tình cảnh GH Hoa Lục
VietCatholic Media
17:16 23/03/2023


1. Các chủng viện tại Tây Ban Nha tiếp tục chịu tình trạng giảm sút số chủng sinh.

Theo thống kê của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, trong niên khóa hiện nay, 2022-2023, lần đầu tiên từ 21 năm nay, số chủng sinh tại Tây Ban Nha xuống dưới mức 1.000 thầy.

Hằng năm vào ngày lễ kính thánh Giuse, Giáo hội tại nước này cử hành Ngày Chủng viện và Hội đồng Giám mục cung cấp thống kê về số chủng sinh mới trên toàn quốc: trong niên khóa hiện thời chỉ có 974 chủng sinh, trong số này số tân chủng sinh xuống dưới mức 200 và chỉ có 172 thầy, và số tân linh mục chỉ có 97 người.

Cách đây 10 năm, trong niên khóa 2002-2003, có 1.700 chủng sinh trên toàn nước Tây Ban Nha, trong số này có hơn 350 tân chủng sinh và có gần 200 tân linh mục.

Tiểu ban Giám mục Tây Ban Nha về chủng viện cho biết sự suy giảm số chủng sinh tại 54 chủng viện toàn quốc có thể được giải thích là do phương pháp mới được áp dụng trong việc thu thập các dữ kiện và do trách nhiệm của Văn phòng về sự minh bạch của Hội đồng Giám mục. Một yếu tố khác là trào lưu tục hóa và sự thiếu dấn thân từ phía nhiều người trẻ. Sự giảm sút này cũng phản ánh qua sự suy giảm con số các cuộc kết hôn, đạo cũng như đời. Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng đang gặp vấn đề trầm trọng về dân số: số trẻ em sinh ra ngày càng ít và dân chúng ngày càng già nua.

Mặc dù sự suy giảm các chủng sinh và linh mục, Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha khuyến khích các tín hữu hãy ghi ơn vì con số đáng kể những người trẻ dấn thân tìm kiếm ý Chúa, Đấng mời gọi chúng ta đón nhận ơn gọi đẹp đẽ trong Giáo hội.

Hồi tháng Chín năm ngoái, Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha đã phát động chương trình mục vụ ơn gọi, nhắm kiến tạo trong Giáo hội lữ hành tại nước này một nền văn hóa ơn gọi, giúp trẻ em, người trẻ và người lớn cứu xét ơn gọi của họ.

2. Tổng Giám Mục Anatoliy Ivanovych Yeletskikh bị bắt khi cố gắng xâm nhập vào thủ đô Kyiv

Tổng Giám Mục Anatoliy Ivanovych Yeletskikh của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nguyên Giám Mục của Tulchyn và Bratslav đã bị bắt khi cố gắng xâm nhập vào thủ đô Kyiv. Cảnh sát quốc gia Ukraine đã công bố một đoạn video về việc bắt giữ ông ta khi chiếc xe do ông ta đích thân lái bị cảnh sát chặn lại ở cửa ngõ vào thủ đô và một cảnh sát viên nhận ra ông ta.

Ông ta bị kết tội là phản quốc sau khi tham dự buổi lễ ngày 30 tháng 9 năm ngoái, trong đó Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine vào Nga.

Tưởng cũng nên nhắc lại là 13 vị Giám Mục và Tổng Giám Mục của 6 giáo phận Donetsk, Crimea, Dnipro, Romen, Odesa và Bukovyna đã bị xử phạt theo sắc lệnh số 898/2022 đã được tổng thống ký vào ngày 28 tháng 12 năm 2022.

Đặc biệt hai Tổng Giám Mục Anatoliy Ivanovych Yeletskikh, và Serhiy Leonidovych Anitsoi bị kết tội phản quốc và tài sản bị tịch thu. Ngày 30 tháng 9, Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine là Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson vào Nga. Hai vị này đã hồ hởi phấn khởi tham dự và trả lời cuộc phỏng vấn của thông tấn xã Tass, ngập tràn hy vọng về tương lai.

Tổng Giám Mục Mykola Mykolayovych Donyenko của Crimea cũng bị kết tội phản quốc. Ngày 27 tháng 5, 2022, Đức Tổng Giám Mục Onufriy Berezovsky của Kyiv và toàn Ukraine quyết định không trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nữa. Tổng Giám Mục Mykola Mykolayovych Donyenko phản đối quyết định này và đưa các giáo xứ của ông vào Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.

Quyết định của Tổng thống Zelenskiy cũng tước quyền công dân của linh mục Viktor Anatoliyovych Gradomskyy, Cha sở nhà thờ chính tòa Alexander Nevsky ở Odessa.

Trong một quyết định khác, Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine trừng phạt thêm bảy linh mục của UOC với các bản án khác nhau, bao gồm cả việc trục xuất khỏi Ukraine.

3. Vatican Phần Lớn Im Lặng Khi Trung Quốc Buộc Người Công Giáo ‘Thích Nghi Với Xã Hội Xã Hội Chủ Nghĩa’

Ký giả Edward Pentin của tờ National Catholic Register có bài tường trình nhan đề “Vatican Largely Silent as China Forces Catholics to ‘Adapt to Socialist Society’”, nghĩa là “Vatican Phần Lớn Im Lặng Khi Trung Quốc Buộc Người Công Giáo ‘Thích Nghi Với Xã Hội Xã Hội Chủ Nghĩa’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Trong nhiều năm, những tiếng nói hiểu biết đã cảnh báo Vatican về sự nguy hiểm của quá trình Trung quốc hóa đạo Công Giáo.

Nhưng khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục thực thi chương trình Trung quốc hóa của mình, đặt các biện pháp kiểm soát tôn giáo ngày càng chặt chẽ hơn và buộc họ quảng bá học thuyết Mác-xít, Vatican phần lớn vẫn im lặng một cách công khai mặc dù chương trình này hoàn toàn không phù hợp với đức tin Công Giáo.

Trong một bài phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Trung Quốc vào ngày 5 tháng 3, Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khoe khoang về mức độ mà việc Trung quốc hóa các tôn giáo đã được thực hiện, nói rằng nó đã được thực hiện “dần dần” và nhấn mạnh rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc cần phải “tích cực hướng dẫn các tôn giáo” để thích nghi với xã hội xã hội chủ nghĩa.”

Mục tiêu chung của quá trình Trung quốc hóa là cưỡng bức hội nhập và đồng hóa văn hóa cộng sản Trung Quốc vào xã hội — một chương trình đã dẫn đến cuộc đàn áp tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, cũng như các nhóm thiểu số ở các khu vực khác như Tây Tạng và Nội Mông Cổ.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Hà Nam ở miền trung bắc Trung Quốc, nơi có tỷ lệ người theo Kitô giáo cao nhất cả nước, đã ráo riết thực hiện chương trình Trung quốc hóa, buộc tất cả những người theo tôn giáo phải đăng ký để được thờ phượng trong nhà thờ, nhà thờ Hồi giáo hoặc chùa chiền Phật giáo.

Asia News, ngày 8/3, đưa tin: Thông qua một ứng dụng điện thoại do chính phủ tạo ra, các tín đồ phải cung cấp thông tin cá nhân như tên, số điện thoại, chi tiết chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, nghề nghiệp và ngày sinh.

Đồng thời, những người theo dõi Trung Quốc cho biết: các cơ quan nhà nước bề ngoài đại diện cho lợi ích của Giáo Hội Công Giáo và các lợi ích xã hội dân sự khác chỉ là vỏ bọc để đóng dấu cao su cho một chính sách như vậy.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đánh dấu tròn một thập niên làm Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào ngày 14 tháng 3, tiếp tục củng cố quyền lực vào chính ông và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nina Shea, thành viên cấp cao và giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson cho biết: Ông ta cũng vẫn “hoàn toàn cam kết Trung quốc hóa tất cả các xã hội dân sự, đặc biệt là các nhóm tôn giáo”.

Shea nói với Register: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đang theo mô hình đàn áp các Giáo Hội từ những năm 1970 và 80 của Liên Xô bằng các biện pháp giám sát, đồng lựa chọn, quy định và truyền bá. “Điều này nhằm mục đích chấm dứt niềm tin và sự giảng dạy niềm tin và giáo huấn Công Giáo và các Giáo Hội Kitô giáo khác trong khi vẫn duy trì các hình thức công khai của họ nhằm che giấu sự đàn áp của nó và để xâm nhập tốt hơn vào Giáo hội và các giáo huấn của nó.”

Trung quốc hóa tăng cường

Vào tháng 12 năm 2021, Chủ tịch Tập nói rằng tôn giáo và các tổ chức tôn giáo “phải được hướng dẫn tích cực để thích nghi với xã hội xã hội chủ nghĩa,” và những người trong Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách các vấn đề tôn giáo phải coi việc Trung quốc hóa tôn giáo là nhiệm vụ chính của họ. “Các nghiên cứu tôn giáo duy Mácxít” cũng phải được tăng cường, ông nói thêm, đồng thời các thành viên của các tổ chức tôn giáo không nên “can thiệp vào đời sống xã hội” và giáo dục giới trẻ.

Hơn nữa, nhà độc tài cộng sản của Trung Quốc kêu gọi giám sát nhiều hơn và trừng phạt những tín hữu sử dụng mạng xã hội để truyền đạo hoặc chỉ trích chính sách tôn giáo của chính phủ. Ông Tập nói, Trung quốc hóa có nghĩa là tất cả các cộng đồng tôn giáo phải do Đảng lãnh đạo, do Đảng kiểm soát và ủng hộ Đảng.

Ba tháng sau, Đảng Cộng sản Trung Quốc thậm chí còn táo bạo hơn về chương trình này. Trong một bài báo trên Study Times, một trong những ấn phẩm chính thức của nó, nó đã vạch ra một đường lối truyền bá có hệ thống về chủ đề “Yêu Đảng, Yêu Tổ quốc, Yêu Chủ nghĩa Xã hội.” Lưu ý một cách đáng ngại rằng một số tôn giáo không thể bị Trung quốc hóa, bài báo nhấn mạnh rằng những người từ chối phục tùng sự kiểm soát của Đảng sẽ bị coi là “các thế lực thù địch nước ngoài […] âm mưu chính trị để đánh bại và lật đổ Trung Quốc.” Bài báo nêu rõ bất cứ tôn giáo nào từ chối tuân theo sự chỉ đạo của đảng trong mọi việc sẽ bị “kiên quyết đàn áp và xóa sổ”.

Nữ tu của Dòng Máu Thánh Hương Cảng, Lương Bích Thúy (Beatrice Leung, 梁碧翠) nhà nghiên cứu danh dự tại Đại học Quốc gia Thành Trì (Chengchi, 成池) của Đài Loan, giải thích: “Đảng Cộng sản Trung Quốc vô thần có chính sách muốn tiêu diệt bất cứ tôn giáo nào có nguồn thẩm quyền giảng dạy khác”.

Nữ tu Lương Bích Thúy nói với tờ Register: “Người lãnh đạo đảng không thể chấp nhận đạo Công Giáo. Đó là lý do tại sao đàn áp tôn giáo bao gồm cả Công Giáo đã là chính sách lâu dài của đảng.”

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Dân số về thỏa thuận gây tranh cãi năm 2018 giữa Trung Quốc và Vatican về việc bổ nhiệm giám mục, trong căn bản, Trung quốc hóa tôn giáo có nghĩa là “thay thế việc thờ phượng Chúa bằng việc thờ phượng Đảng Cộng sản Trung Quốc và các nhà lãnh đạo của nó. Đây chính xác là những gì Đức Quốc xã đã cố gắng thực hiện vào những năm 1930 với cái gọi là chương trình Quốc xã hóa, cụ thể là biến các Giáo Hội Công Giáo và Tin lành của Đức thành những người ủng hộ nhiệt thành Chủ nghĩa Quốc Xã và những người ủng hộ ý thức hệ của nó.”

Báo cáo, do chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số, Steven Mosher, biên soạn, nêu chi tiết về việc đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, “quốc giáo là chính Trung Quốc”, rằng “'chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc' là giáo lý của nó, các thành viên là chức linh mục của nó và 'nhà lãnh đạo cốt lõi' của nó Tập Cận Bình phục vụ với tư cách là thượng tế tối cao của nó.” Báo cáo cho biết, đó là hậu quả của một “hình thức tự yêu quốc gia mình một cách cực kỳ độc hại”, tuyên truyền để các công dân Trung Quốc nghĩ rằng họ là một phần của “Vương quốc ở Trung tâm Trái đất”, rằng họ “xứng đáng thống trị những người thấp kém hơn ở ngoại vi”

Trong nhiều năm, Mosher, Hồng Y Joseph Zen Ze-kiun, giám mục hưu trí của Hương Cảng, và những người khác hiểu biết về tình hình đã cảnh báo Vatican về những nguy cơ của việc Trung quốc hóa, bao gồm một khía cạnh chính mà nó đòi hỏi: mọi người phải đăng ký với chính quyền. Vào năm 2018, lệnh đăng ký bắt đầu yêu cầu tất cả các giám mục, linh mục và giáo dân hầm trú, những người trung thành với Rome chứ không phải với Giáo Hội nhà nước do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành, tức Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, không chỉ đăng ký với chính phủ, mà còn với Giáo Hội ly giáo do nhà nước điều hành.

Bất chấp những mối đe dọa nghiêm trọng này đối với Giáo Hội Công Giáo và đức tin, quá trình Trung quốc hóa đã có hiệu quả trong việc vượt qua sự kháng cự. Nữ tu Lương Bích Thúy nói: “Chương trình này đã là một vấn đề lớn, đặc biệt là khi việc đào tạo giáo sĩ trong thời kỳ hiện đại hóa ở Trung Quốc kể từ những năm 1980 không được vững chắc về tín lý và linh đạo”.

Về việc thách thức sự truyền bá của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bà cho biết “bên ngoài Trung Quốc, chúng tôi từng nhận được những lời kêu cứu và yêu cầu giúp đỡ, nhưng giờ đây Trung Quốc kiểm soát các phương tiện truyền thông đại chúng và mọi phương thức liên lạc.” Ngay trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, cơ quan lập pháp cấp nhà nước của Trung Quốc, bà cho biết, “tỷ lệ bỏ phiếu bầu ông Tập làm chủ tịch nước là 100%”.

Nữ tu Lương Bích Thúy hỏi, “Làm sao người dân có thể nói không với chính phủ, khi các quan chức cấp cao không dám chống lại Tập?”.

Phản ứng của Vatican

Về phần Vatican, phần lớn họ im lặng, hoặc thậm chí khen ngợi, về quá trình Trung quốc hóa. Vào năm 2019, Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, nói với tờ báo tiếng Anh The Global Times do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành rằng quá trình Trung quốc hóa có thể được so sánh với thực hành hội nhập văn hóa của các nhà truyền giáo Công Giáo.

Ngài nói, “Hội nhập văn hóa là điều kiện thiết yếu cho việc loan báo Tin Mừng một cách lành mạnh, để sinh hoa trái, một mặt đòi hỏi phải bảo vệ sự trong sạch và toàn vẹn đích thực của Tin Mừng, mặt khác, trình bày Tin Mừng theo kinh nghiệm cụ thể của mỗi dân tộc và văn hóa. Hai thuật ngữ này, ‘hội nhập văn hóa’ và ‘Trung quốc hóa’, tham chiếu lẫn nhau mà không gây nhầm lẫn và không đối lập.”

Về việc đăng ký với chính quyền cộng sản, Mosher cho biết ông đã cảnh báo Hồng Y Parolin về sự phát triển ba tháng sau khi nó có hiệu lực, nhưng theo Mosher, Hồng Y cho biết Vatican “không phản đối việc yêu cầu mọi người phải đăng ký với chính quyền”.

Register đã hỏi Đức Hồng Y Parolin liệu ngài có còn giữ quan điểm này hay không khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy mạnh chương trình Trung quốc hóa vào năm 2021, và liệu Giáo hội có thể cùng tồn tại với một chính sách đòi hỏi toàn quyền kiểm soát Giáo hội như vậy hay không, nhưng ngài đã không trả lời vào thời điểm của bài báo.

Thay vào đó, Đức Hồng Y và Tổng giám mục Paul Gallagher, thư ký quan hệ với các quốc gia của Vatican, đã trả lời phỏng vấn gần đây, trong đó họ tiếp tục nói rằng quan hệ Trung Quốc-Vatican đang được cải thiện và bày tỏ hy vọng họ sẽ tiếp tục làm như vậy trong thời gian dài.

Đức Hồng Y Parolin nói với các phóng viên vào ngày 14 tháng Ba rằng có một “thái độ hy vọng” hiện hữu giữa hai bên, và Giáo hội “chỉ yêu cầu [các] người Công Giáo được là người Công Giáo với mối liên hệ với Giáo hội Hoàn vũ.”

Đức Tổng Giám Mục Gallagher thừa nhận với Colm Flynn của EWTN News rằng thỏa thuận năm 2018 “không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể” nhưng nói thêm rằng các viên chức Vatican đang đàm phán để cải thiện thỏa thuận và hiện đã có “sự hiểu biết nhiều hơn, sự tôn trọng lớn hơn giữa hai bên.” Tháng 11 năm ngoái, vài tuần sau khi Vatican và Bắc Kinh gia hạn thỏa thuận lần thứ hai, Trung Quốc đã vi phạm hiệp ước bằng cách bổ nhiệm một giám mục không được Tòa thánh công nhận.

Vatican có thể đang nêu lên những lo ngại về quá trình Trung quốc hóa đối với chính quyền Trung Quốc một cách riêng tư thông qua nhiều kênh khác nhau. Tháng tới, Giám mục Stephen Chow của Hương Cảng sẽ đến thăm Bắc Kinh để gặp chủ tịch Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc — đây là lần đầu tiên một chuyến thăm như vậy diễn ra trong gần 30 năm, nhưng ít người kỳ vọng sẽ đạt được nhiều điều từ cuộc gặp.

Nữ tu Lương Bích Thúy nói: “Chuyến viếng thăm Trung Quốc của Đức Giám Mục Chow không phải do chính ngài khởi xướng, mà là do Bắc Kinh. Đó là não trạng cũ về việc bày tỏ lòng kính trọng đối với hoàng đế của quốc gia phụ thuộc nhỏ gần đó. Mỗi giám mục Hương Cảng phải bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà lãnh đạo Bắc Kinh kể từ khi Hương Cảng được Trung Quốc lấy lại trong tư cách một đặc khu hành chính [năm 1997].”

Cách tiếp cận ngây thơ?

Những người chỉ trích cách tiếp cận ngoại giao của Tòa thánh đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 10 năm qua, cùng với việc nước này loại bỏ những người chỉ trích một chính sách như thế như Đức Hồng Y Zen, coi cách tiếp cận này là ngây thơ và phản bội người Công Giáo ở Trung Quốc.

Mosher cho biết: Khi họ ký và sau đó hai lần gia hạn Thỏa thuận tạm thời năm 2018 với Bắc Kinh, “Các nhà ngoại giao của Vatican dường như không nhận ra rằng họ đang đối phó với một chế độ độc tài độc đảng tàn bạo hơn nhiều và ít khoan dung hơn đối với bất cứ biểu hiện nào của đức tin tôn giáo, so với Mexico trong những năm 1990 hay Việt Nam trong những năm 2000”.

Nữ tu Lương Bích Thúy tin rằng, nếu họ chưa làm như vậy, thì các viên chức Vatican sẽ mở to đôi mắt trước những tệ nạn của việc Trung quốc hóa khi cuối cùng họ nhận ra rằng Bắc Kinh sẽ không tuân thủ hiệp ước năm 2018, và việc bổ nhiệm giám mục của họ vào tháng 11 năm ngoái đã đánh dấu bước đầu của việc Trung Quốc công khai vi phạm các điều khoản của nó. Bà nói: “Trung Quốc làm ngơ trước vấn đề này mà không có bất cứ phản hồi công khai nào. Trung Quốc chỉ làm những gì họ thích trong các giao dịch đối ngoại thông thường mà không tôn trọng bất cứ trật tự quốc tế hay luật pháp quốc tế nào.”

Nữ tu Lương Bích Thúy, người thấy những dấu hiệu điều này có thể xảy ra, cho biết, “Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc là cách để đạt được tự do bao gồm cả tự do tôn giáo”. Bà nói thêm, ngoài ra, “Giáo Hội Công Giáo hầm trú vẫn còn mạnh mẽ. Chúng ta có hy vọng vào nhóm người Công Giáo trung thành và đau khổ này.”