Ngày 23-03-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vừa mạc khải, vừa che khuất
Lm. Minh Anh
02:57 23/03/2021
VỪA MẶC KHẢI, VỪA CHE KHUẤT
“Khi Ngài nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Ngài”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật bất ngờ với câu kết của Thánh Gioan hôm nay, “Khi Ngài nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Ngài”. “Những điều ấy” là những điều gì? Nhân câu hỏi này, chúng ta có dịp chiêm ngắm con người Chúa Giêsu, Ngài ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ mầu nhiệm Ngài là ai.

Thật lạ lùng cách thức truyền đạt của Chúa Giêsu! Ngài giảng dạy bằng cách ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ một cách sâu sắc về con người Ngài là ai. Trong các Phúc Âm, đặc biệt Marcô, nhiều lần Chúa Giêsu tỏ ý ‘che khuất’ Ngài. Ngài tự nhận là “Bánh ban sự sống”, “Nước hằng sống”, “Ánh sáng ban sự sống” và nhiều mặc khải khác; cũng như hôm nay, Ngài còn tự nhận một danh hiệu cổ xưa nhất của Thiên Chúa, “Là Nguyên Thuỷ đang nói với các ông đây!”. Còn hơn thế, Ngài không ngừng đồng nhất Ngài với Chúa Cha; Cha trên trời của Ngài, cũng là Đấng mà Ngài đã hoàn toàn hợp nhất; Đấng đã sai Ngài đến thế gian để làm theo ý muốn của mình. Hoặc cũng trong Tin Mừng hôm nay, Ngài nói rõ, “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Tôi là ai; Tôi không tự mình làm điều gì; điều Tôi nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Tôi”… và luôn luôn có một điều gì đó ‘che khuất’. Và chính vì những điều này mà nhiều người đã tin vào Ngài. Nhưng tại sao?

Tin Mừng Gioan tiếp tục cho thấy sự dạy dỗ của Chúa Giêsu vừa bí ẩn, vừa sâu sắc, nghĩa là ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’. Sau khi Chúa Giêsu nói những mặc khải sâu nhiệm đó về Ngài, thì một số người tin Ngài, đang khi một số khác lại trở nên thù địch. Vậy thì đâu là sự khác biệt giữa những ai đón nhận Ngài và những kẻ, cuối cùng, sẽ giết Ngài? Câu trả lời đơn giản là thái độ của người nghe, đó là niềm tin. Phải, niềm tin! Bởi lẽ, cùng lắng nghe một giáo huấn của Chúa Giêsu nhưng thái độ và phản ứng của người nghe rất khác nhau.

Điều này cũng đúng với chúng ta. Như những người lần đầu tiên nghe lời dạy dỗ từ chính môi miệng của Chúa Giêsu, như ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ căn tính của Ngài, chúng ta có cơ hội như nhau để lắng nghe Ngài, nhưng đón nhận với đức tin hay từ chối Ngài là tuỳ ở thái độ của mỗi chúng ta. Đức tin là một quà tặng đến từ Thiên Chúa; đức tin không chỉ là một chọn lựa mù quáng ‘để tin’ nhưng là một chọn lựa dựa trên sự nhìn thấy và điều được nghe ‘để sống’. Nhưng những chân lý này chỉ có thể được nhìn thấy bởi sự mặc khải bên trong từ Thiên Chúa mà chúng ta ước ao lĩnh hội và tin nhận; nhiều người quên mất điều đó! Vì vậy, Chúa Giêsu “Nước hằng sống”, “Bánh ban sự sống”, “Là Nguyên Thuỷ”, “Ánh sáng ban sự sống”, và “Con của Chúa Cha” sẽ chỉ có ý nghĩa và hiệu lực đối với chúng ta khi chúng ta mở lòng đón nhận, hết lòng cầu xin cho được nhận lấy ánh sáng bên trong của quà tặng đức tin nhưng không này và nhất là, đem áp dụng trong cuộc sống mình. Không có sự cởi mở, ước ao đón nhận cũng như tương tác vào đời sống những chân lý này, sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta trở nên thù địch hoặc thờ ơ với những gì được nghe, được thấy.

Nói đến niềm tin, Charles Spurgeon đã có một lời khuyên sâu sắc, “Bạn hãy tuyệt đối tin Thiên Chúa, hoặc đừng tin Ngài chút nào; hãy tin Lời Chúa Giêsu, từng lời của Ngài; bằng không, hãy từ chối nó. Giữa hai điều này, không có chỗ nào gọi là hợp lý. Hãy hài lòng với một đức tin được diễm phúc bơi trong ‘cảnh vực thần linh của mặc khải’; đức tin chỉ tìm khua chèo về dòng nước tốt nhất, dòng nước phép lạ, dòng nước ủi an… là một đức tin tồi; nó chỉ tốt hơn một chút so với một đức tin khô cằn, hoặc không có đức tin. Nó không tốt lắm đâu. Đức tin cũng biết bơi!”.

Anh Chị em,

Những ngày Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta ngước nhìn Chúa Giêsu bị treo lên, hơn cả việc Israel ngước nhìn con rắn đồng xưa để được sống như sách Dân Số hôm nay nhắc đến. Hãy suy tư, cầu nguyện với những gì ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ của chính con người Ngài. Ngài là người nhưng là Chúa; là hạt lúa mục nát nhưng là bánh hằng sống; xuống tận ‘lũng âm u’ lôi con người ra với ánh sáng ân sủng; chảy hết giọt máu và nước cuối cùng để trở nên mạch suối trường sinh. Hãy ra sức yêu mến, tin nhận Ngài và sống những chân lý của Ngài từng giây phút. Rằng, thập giá là một mầu nhiệm ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’; trên đó, Con Thiên Chúa đã cứu chuộc tôi đến nỗi bằng lòng chịu chết vì yêu thương tôi và yêu thương nhân loại, trong đó, có cả anh chị em tôi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, sự dạy dỗ của Chúa sâu thẳm, bí ẩn và vinh quang Ngài vượt quá trí tri con người. Xin ban cho con quà tặng đức tin ‘vừa mặc khải, vừa che khuất’ của Chúa, để con biết Chúa là ai, Đấng đã yêu thương đến nỗi chịu chết cho con; và con cũng biết con là ai, một tội nhân được cứu”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Tư 24/3: Tìm kiếm, sống và làm chứng cho sự thật - Lm. Phêrô Trần Văn Thanh. Kính Thánh Giuse
Giáo Hội Năm Châu
03:11 23/03/2021


PHÚC ÂM: Ga 8, 31-42

“Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi thực sự được tự do”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do-thái đã tin nơi Ngài rằng: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”. Họ thưa lại Người: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói “Các ngươi sẽ được tự do”?”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Họ đáp lại: “Cha chúng tôi chính là Abraham!” Chúa Giêsu nói: “Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Ðiều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!” Họ lại nói: “Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!” Chúa Giêsu nói: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến”.

Ðó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:40 23/03/2021

56. Khi dẫn dắt linh hồn người khác thì không nên vì sợ đánh mất sự bình an của tâm hồn mình, mà sơ suất bổn phận cứu người của mình.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:45 23/03/2021
99. CON MẮT CỦA MẸ

Có một mụ đàn bà ăn trộm của hàng xóm một con dê, đem nó bỏ dưới gầm giường, dặn dò với con trai là không nên nói.

Người hàng xóm đi khắp đường chửi lớn tiếng ai đã ăn trộm dê của mình, con trai của bà ta vội vàng nói:

- “Mẹ tôi không có ăn trộm dê”.

Mụ đàn bà trộm dê sợ con trai tiết lộ, lập tức trừng mắt nhìn nó ý nói là đừng nói càn bậy.

Con trai của bà ta chỉ mẹ mình và nói với người hàng xóm bị mất dê:

- “Bà coi con mắt của mẹ tôi nháy nháy giống như mắt của con dê dưới gầm giường ấy”.

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 99:

Trẻ em thì đơn sơ có sao nói vậy, nhưng có lúc những người lớn lại muốn các em gian dối như người lớn, nói láo như người lớn, nói tục chửi thề như người lớn.v.v… khi các em bắt chước chửi như người lớn, nói dối như người lớn thì người lớn lại đánh các em…

Con nít thì không hiểu ý của người lớn, nhưng lại có tài bắt chước ngôn hành của người lớn, mà thời đại nào cũng thế, người lớn làm việc xấu thì nhiều hơn người lớn làm việc tốt, nên ảnh hưởng rất tai hại đến tâm hồn của trẻ em.

Thiên Chúa sẽ đòi sự công bằng cho trẻ em, bởi vì tất cả những hành vi tội lỗi xấu xa mà trẻ em phạm, đều phát xuất từ người lớn mà ra.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Dẫn Lễ Tổng Quát Phụng Vụ Tuần Thanh
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
21:04 23/03/2021
PHẦN A: Ý NGHĨA PHỤNG VỤ TUẦN THÁNH

I. Giới thiệu ý nghĩa tổng quát:

Cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô cùng với những biến cố gần gũi chung quanh sự kiện đó hợp thành một thời điểm cao trọng nhất trong Năm Phụng Vụ. Bởi vì, như lời khẳng định của Mẹ Hội Thánh: “Chúa Kitô đã hoàn thành công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, khi Người chịu chết, Người sống lại từ cõi chết và lên trời. Trong Mầu nhiệm Vượt Qua nầy, Người đã chết để tiêu diệt cái chết của chúng ta, và sống lại để ban cho ta nguồn sống mới” (PV số 5). Vì thế, “Hội Thánh Mẹ chúng ta, tưởng niệm Chúa đã phục sinh, mỗi tuần vào ngày Chúa Nhật, và còn lại họp mừng Chúa đã chịu khổ nạn và đã phục sinh mỗi năm một lần vào kỳ đại lễ Phục Sinh” (PV số 102).

II. Các cử hành Phụng Vụ trong Tuần Thánh:

Tất cả chiều kích trọng đại và thánh thiện đó được phụng vụ tập trung của hành trong một TUẦN LỄ ĐẶC BIỆT gọi là TUẦN THÁNH.

1. Chúa Nhật Lễ Lá: Khai mạc Tuần Thánh đó là cử hành phụng vụ CHÚA NHẬT LỄ LÁ: kỷ niệm việc Chúa Kitô khải hoàn vào thành Giêrusalem để bắt đầu cuộc Vượt Qua đẫm máu và vinh quang (mầu nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh).

2. Tam Nhật Vượt Qua: Trong Tuần Thánh có “3 ngày rất thánh” gọi là TAM NHẬT VƯỢT QUA: Bắt đầu từ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN THÁNH và kết thúc vào CHIỀU CHÚA NHẬT PHỤC SINH. Trong TAM NHẬT VƯỢT QUA nầy, các tín hữu đem lòng tôn kính mến yêu và tưởng-niệm-tái-diễn những gì Chúa Giêsu đã làm từ bữa ăn sau hết với các môn đệ” (LỄ TIỆC LY, THỨ NĂM TUẦN THÁNH), với cuộc khổ nạn đau thương (CUỘC KHỔ NẠN, THỨ SÁU TUẦN THÁNH), và cuộc vượt qua bóng đêm sự chết, khải hoàn vào ánh sáng vinh quang (ĐÊM VỌNG PHỤC SINH, THỨ BẢY TUẦN THÁNH), để rồi xuất hiện giữa các môn sinh vào Ngày Thứ Nhất trong tuần (CHÚA NHẬT PHỤC SINH).

3. Đêm vọng phục sinh: Cao điểm chót vót của phụng vụ Tuần Thánh, của Tam Nhật Vượt Qua, và cũng là của cả Năm Phụng Vụ, đó chính là ĐÊM VỌNG PHỤC SINH: Trong Đêm Canh Thức cực thánh nầy, các tín hữu ngay từ sơ khai, tụ tập nhau khi đêm xuống, mừng kính TOÀN THỂ MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ DO CHÚA KITÔ THỰC HIỆN. Hình thức cuộc mừng long trọng nầy bắt nguồn từ cuộc “mừng Vượt Qua” của dân Ít-ra-en, nhưng với một nội dung mới mẻ: cuộc Vượt Qua mới của Chiên Vượt Qua đích thực là Chúa Kitô: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, ta hãy lấy bánh không men tượng trưng lòng chân thật mà ăn mừng đại lễ” (1 Cr 5,8).

4. Bí tích Nhập đạo: Chính trong Tuần Thánh nầy, các anh chị em dự tòng kết thúc thời kỳ chuẩn bị sau cùng để chính thức được lãnh nhận CÁC BÍ TÍCH GIA NHẬP KITÔ GIÁO được cử hành trong chính Đêm Vọng Phục Sinh.

Trong chiều kích sống đạo, đối với các người Kitô hữu, Tuần Thánh cũng là thời gian kết thúc kỳ trai tịnh với tâm hồn sám hối sâu đậm và sự hoán cải trọn vẹn hơn để thực sự dấn thân sống mầu nhiệm VƯỢT QUA CỦA ĐỨC KITÔ.

Để đánh giá đúng mức ý nghĩa và tầm quan trọng bậc nhất của cử hành phụng vụ Tuần Thánh, Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta có thể lấy lại lời khẳng định của sách lễ Rôma: “Tam Nhật Vượt Qua kính nhớ Chúa chịu nạn và Sống lại là điểm cao chói lọi của Năm Phụng Vụ” (Sách Lễ Rôma).

PHẦN B: DẪN VÀO CÁC CỬ HÀNH PHỤNG VỤ TUẦN THÁNH

I. CHÚA NHẬT LỄ LÁ

1. Dẫn nhập trước Ca Nhập lễ:

Cộng đoàn dân Chúa hôm nay họp nhau để cử hành một thánh lễ đặc biệt: LỄ KỶ NIỆM VIỆC CHÚA KITÔ KHẢI HOÀN VÀO THÀNH GIÊRUSALEM để chính thức khai mạc “Hành trình Vượt Qua” của Người, tức là biến cố Người chịu khổ nạn đau thương và phục sinh vinh quang. Thật vậy, Chúa Nhật hôm nay là Chúa Nhật khai mạc Tuần Thánh, một tuần lễ đặc biệt nhất và cũng cao trọng nhất của Năm Phụng Vụ. Bởi vì trong Tuần Thánh nầy, Hội Thánh kỷ niệm lại những biến cố quan trọng nhất mà Chúa Kitô đã thực hiện để hoàn tất Chương trình tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi con người.

Giờ đây, chúng hãy sốt sắng hát Ca nhập lễ, đón đoàn chủ tế vào cử hành Phụng Vụ Lễ Lá.

2. Dẫn nhập trước nghi thức kiệu lá:

Đây là một nghi thức giản đơn gợi nhớ lại việc Chúa Giêsu Kitô khải hoàn vào thành thánh Giêrusalem với tư cách là Đấng Được Xức Dầu, Đấng Thiên Sai, như lời loan báo của các ngôn sứ (Dcr 9,9-10). Hành vi nầy của Chúa Giêsu chính là MỘT TIA SÁNG RỌI CHIẾU VÀO HÀNH TRÌNH KHỔ NẠN của Ngài để báo trước rằng: Khởi từ thập giá, ánh vinh quang phục sinh bắt đầu chỗi dậy, cuộc toàn thắng và ơn cứu rỗi khởi sự thành đạt.

3. Dẫn vào các Bài đọc Lời Chúa:

- Bài đọc 1: “Người Tôi Tớ đau khổ của Giavê” cho dầu phải chịu nhục hình vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

- Bài đọc 2: Chúa Giêsu Kitô đã tự hạ và vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên cây thập giá. Chính với sự tự hạ thẳm sâu đó, Thiên Chúa đã tôn vinh Người. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

II. NHỮNG NGÀY ĐẦU TUẦN THÁNH

1. THỨ HAI TUẦN THÁNH

Hôm nay, phụng vụ mời gọi chúng ta theo chân Chúa Giêsu trên những chặng đường và biến cố cuối cùng của cuộc đời Ngài. Đặc biệt trích đoạn Tin Mừng với biến cố “Xức dầu tại Bêtania” vào ngày thứ hai trong tuần lễ cuối cùng của Chúa Giêsu vừa như dấu chỉ tiên báo cái chết và sự phục sinh của Ngài, vừa là một hành vi diễn tả một tình yêu trao ban, hiến tặng mà chỉ những ai thuộc về Ngài một cách đích thực mới có thể dấn thân thực hiện. Trong khi đó, Bài đọc 1, trích đoạn trong sách I-sa-i-a đệ nhị, là những sấm ngôn đẹp nhất đã khắc hoạ hình ảnh một Vị Cứu Thế, một Đấng Tôi Tớ Gia-vê nhân hiền; đó chính là chân dung của vị “mục tử nhân hiền”, chân dung của chính Đức Kitô bình thản bước vào con đuờng khổ nạn để thực thi thánh ý Chúa Cha và mang cứu độ cho toàn thể chúng sinh.

Chúng ta hãy cùng nhau hát ca nhập lễ để sốt sắng bước vào thánh lễ trong tâm tình tri ân cảm tạ và một tình yêu sâu lắng kết hợp với chính Chúa Giêsu một lần nữa đang tái diễn hành vi tự hiến của Ngài trên bàn thờ trần gian.

2. THỨ BA TUẦN THÁNH

Từ khung cảnh “Xức dầu ở Bê-ta-ni-a” vào chiều Thứ Hai, phụng vụ hôm nay đưa chúng bước thẳng tới khung cảnh bữa Tiệc ly Ngày Thứ Năm. Ngoài chân dung Đức Ki-tô được Tin Mừng Gioan khắc hoạ bằng một thái độ bình thản, sáng suốt và đầy tế nhị thân thương khi đối diện với cái chết, với phản bội, phụng vụ hôm nay còn mời gọi chúng ta nhìn ngắm 3 gương mặt khác: Một Gioan: thân mật tựa đầu vào ngực Chúa, một Phêrô, nhiệt thành nhưng nông nổi đã được Chúa Giêsu cảnh báo về lần phản bội trong đêm Ngài bị nộp; và nhất là một Giu-đa lầm lỳ trong cố chấp chối từ, không đếm xỉa gì đến những gọi mời thân thương và nhắc nhở tế nhị của Thầy Chí Thánh.

Qua thái độ của Chúa Giêsu và các nhân vật nầy, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết đón nhận thánh ý của Chúa trong mọi biến cố cuộc sống với thái độ vâng phục yêu mến của người con thảo đối với Cha, biết luôn gặp gỡ kết hợp với Đức Kitô và đón nhận Ngài vào cuộc và biết không ngừng lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần để khiêm hạ ăn năn sám hối và canh tân cuộc sống.

Giờ đây, chúng ta hãy cùng đứng lên hát ca nhập lễ để bắt đầu hiệp dâng Thánh lễ, tái diễn mầu nhiệm tử nạn-phục sinh của Đức Kitô để cuộc sống của chúng ta hôm nay và mãi mãi trở thành của lễ sống động đáp trả tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

3. THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Sứ điệp Phụng vụ hôm nay một lần nữa tập chú vào “thái độ tự hạ đón nhận thương đau của Người Tôi Tớ Đau Khổ của Gia-vê” qua trích đoạn sách Sứ Ngôn I-sa-i-a và “Sự Kiện Bữa iệc Ly” được Tin mừng Matthêô tường thuật. Hình ảnh Đức Ki-tô đi vào cuộc Thương Khó với thái độ vâng phục trong tình yêu đối với Chúa Cha nhắc chúng ta nhớ lại lời thư Hi-bá đặt trên miệng Ngài khi Ngài nhập thể vào trần gian: “Nầy con xin đến để thực thi ý Cha”. Tuy nhiên, qua hình ảnh và cung cách ứng xử của Giu-đa, chúng ta lại thấy trách nhiệm của loài người chúng ta trong cái chết của Con Một Thiên Chúa. Thật vậy, phải chăng, Giu-đa là đại biểu của muôn thế hệ nhân loại đã chọn tiền bạc, sự giàu sang thế tục, uy quyền của vật chất để đứng lên chối từ Thiên Chúa và sự thánh thiện của Ngài. Một lần nữa, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nghiêm túc đối diện với Đức Ki-tô, với Thánh Thể với Lời Chúa để kiểm tra lại hành trình đức tin của chúng ta và mức độ trung tín của chúng ta đối với Thiên Chúa, với Đức Ki-tô và với Hội Thánh.

Giờ đây, chúng ta hãy chung lời hát ca nhập lễ để bắt đầu thánh lễ.

III. TAM NHẬT VƯỢT QUA

A. THỨ NĂM TUẦN THÁNH

1. Giới thiệu tổng quát Phụng vụ Tam Nhật Vượt Qua:

Mỗi người Kitô hữu cũng như toàn thể Dân Thiên Chúa, cảm thấy có nhu cầu phải lần lượt ôn lại, trong kỳ Đại lễ Vượt Qua hằng năm, những gì xảy ra trong cuộc Thương khó của Chúa Giêsu như các sách Tin Mừng thuật lại. Từ Bữa tối Người ngồi ăn với các môn đệ trước khi đi chịu chết, cho đến lần Người hiện ra với cũng các môn đệ đó “Ngày Thứ Nhất trong tuần” kế tiếp, tất cả những gì Người đã làm, nhất là việc Người chết và sống lại, đều đem lại ơn cứu độ, tất cả những gì Người nói đều là Lời cứu độ.

Hội Thánh xưa nay vẫn đặc biệt lưu tâm đến việc cử hành “ba Ngày trọng đại nhất trong đó Chúa Kitô đã chịu đau khổ, đã an nghỉ và đã phục sinh” (St. Ambrosiô). Tam Nhật Vươt Qua bắt đầu với THÁNH LỄ TIỆC LY chiều Thứ Năm Tuần thánh, và kết thúc vào chiều Chúa Nhật Phục sinh, sau khi đã đạt tới những giờ phút sốt sắng nhất trong buổi CANH THỨC ĐÊM VỌNG PHỤC SINH, là Đêm gồm tóm tất cả việc cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô.

2. Dẫn vào cử hành Phụng vụ Lễ Tiệc Ly:

2.1. Dẫn nhập trước ca Nhập lễ: Mỗi lần cử hành Lễ Tạ Ơn, chúng ta tái diễn và hiện thực hóa BỮA TIỆC VƯỢT QUA mà Đức Kitô và các môn sinh của Người đã thực hiện vào buổi chiều Thứ Năm trước khi Ngài bước vào cuộc Thương Khó. Tuy nhiên, không có giây phút nào mà Phụng vụ Thánh Lễ lại mang một ý nghĩa sâu xa, một cung cách đậm đà, hiện thực, như Thánh lễ chiều hôm nay, LỄ TIỆC LY CHIỀU THỨ NĂM TUẦN THÁNH cử hành khai mạc TÂM NHẬT VƯỢT QUA. (Xem Hiến chế PV số 102 và Sách Lễ Rôma).

Thật vậy, chúng ta được mời gọi đi vào cử hành Phụng vụ chiều hôm nay không chỉ bằng một ý thức đức tin không thôi, nhưng là phải hội nhập vào đó toàn thể trái tim, ý chí, và cả tưởng tượng nữa. Đó có nghĩa là chúng ta phải vận dụng toàn thể con người chúng ta để sống lại cái “GIỜ” của Đức Kitô, “Giờ” mà ở đó, Ngài đã biến bữa tiệc Vượt Qua của Do Thái giáo thành TIỆC VƯỢT QUA CỦA GIAO ƯỚC MỚI NGÀN ĐỜI TỒN TẠI (1 Cr 11,25). Giao ước bằng chính máu đào hy sinh Ngài tuôn đổ ra trên thập giá mà TẤM BÁNH LY RƯỢU là hiện thực đi trước (1 Cr 11,25).

Cùng với Mầu Nhiệm Thánh Thể được “Tưởng niệm tái diễn” cách hiện thực, trong thánh lễ Tiệc Ly chiều nay, chúng ta một lần nữa được sống lại tâm tình cảm tạ và yêu thương của các môn sinh Đức Kitô, khi chứng kiến hình ảnh khiêm nhu và phục vụ đầy yêu thương của Thầy Chí Thánh khi quỳ xuống rửa chân cho các môn sinh; và tiếp đó ân cần ban cho họ “Điều Răn Mới”, điều răn yêu thương, bác ái.

Sau cùng, cũng chính chiều hôm nay, trong thánh lễ Tiệc Ly nầy, chúng ta cảm nhận cách sâu xa hồng ân của bí tích truyền chức. Chính nhờ thánh chức linh mục, Giám mục mà Hy tế Đức Kitô mãi mãi nối dài trên bàn thờ nhân loại. Chúng ta cầu nguyện cho thế giới hôm nay có được nhiều phó tế, linh mục, giám mục như lòng Chúa mong ước.

Giờ đây chúng ta cùng sốt sắng hát Ca Nhập Lễ bắt đầu thánh lễ.

2.2. Dẫn trước các Bài đọc:

- Bài đọc 1: Qua cuộc Hy tế thập giá, Đức Kitô đã trở nên “Chiên Vượt Qua đích thực” mà Cựu ước đã tiên báo qua lễ Vượt Qua của Do thái giáo, Chiên Vượt Qua mới mang lấy và xóa sạch tội lỗi trần gian, đưa con người vào cuộc “giải phóng mới” đích thực và trọn hảo. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

- Bài đọc 2: “Lễ Vượt Qua mới’ do Đức Kitô thực hiện một lần qua Hy tế Thập Giá, đã được mầu nhiệm Thánh Thể làm cho tái diễn hiện thực trong lịch sử, và liên kết chúng ta với cuộc Vượt Qua của Ngài, khi chúng ta thông hiệp Mình Máu Thánh Ngài. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

2.3. Dẫn trước nghi thức Rửa chân:

Như vậy, hành vi rửa chân là biểu tượng của việc Ngài sắp hiện thực hoá việc tự hạ thẳm sâu trên Thập Giá. Hình ảnh Đức Giêsu bưng chậu nước, quì dưới chân các môn đệ là hình ảnh một Thiên Chúa cao sang nhưng “không nghĩ phải dành cho được địa vị ngang hàng cùng Thiên Chúa….song đã hũy mình ra không tức là lĩnh lấy phận tôi đòi…” (Phi.2,5-7).

2.4. Dẫn trước nghi thức kiệu Mình Thánh Chúa về bàn thờ phụ:

Thánh lễ Tiệc Ly kết thúc với Lời Nguyện Kết lễ. Sau đó, Mình Thánh Chúa còn lại sẽ được kiệu rước về nơi bàn thờ phụ để dành cho việc hiệp lễ của cử hành Cuộc Khổ Nạn vào hôm sau (Thứ Sáu Tuần Thánh). Trong không gian yên lặng trước Thánh Thể, mọi người được gọi mời suy niệm những giây phút hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, cùng với những lời trối trăng của Ngài nơi Bữa Tiệc Ly: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

B. THỨ SÁU TUẦN THÁNH

1. Giới thiệu tổng quát Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh:

Theo truyền thống lâu đời của Hội Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày CHAY VƯỢT QUA, ngày Kỷ Niệm việc CHÚA GIÊSU CHỊU THƯƠNG KHÓ VÀ CHỊU CHẾT. Tuy nhiên, cử hành Phụng vụ chiều hôm nay không đơn thuần là một cuộc họp tưởng niệm các đau khổ và nhục hình của biến cố Thương Khó. Nhưng cốt lõi, đó chính là họp mừng “VINH QUANG THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ”. Vì mỗi lần Hội Thánh tưởng niệm việc Chúa chịu chết, thì đồng thời cũng tuyên xưng Người đã sống lại.

Tiến trình Phụng Vụ chiều hôm nay bao gồm 3 cử hành: Phụng Vụ Lời Chúa, Tôn thờ Thánh Giá và Hiệp Lễ.

1.1. Phụng Vụ lời Chúa: Với 3 Bài đọc như trong thánh lễ Chúa Nhật. Đặc biệt, Bài Tin Mừng hôm nay luôn luôn là Trình thuật Thương Khó theo Tin Mừng Thánh Gioan. Kết thúc Phần Phụng Vụ Lời Chúa là phần Kinh Nguyện Đại Đồng long trọng mang tính truyền thống và hướng đến mọi nhu cầu của nhân loại.

1.2. Tôn thờ Thánh Giá: Thánh giá được giương để cộng đoàn tôn thờ và hôn kính.

1.3. Hiệp lễ: Sau cùng cộng đoàn thông hiệp Mình Thánh Chúa Kitô.

Giờ đây, chúng ta cùng lắng đọng tâm tình trong thái độ tin yêu, sốt sắng, cùng với sự yên lặng nội tâm hướng để đón tiếp đoàn đồng tế bắt đầu cử hành Mầu Nhiệm Khổ Nạn và vinh quang Thập Giá Đức Kitô.

2. Dẫn trước các Bài đọc:

2.1. Bài đọc 1: Trích đoạn sách sứ ngôn Isaia tiên báo cuộc Thương Khó của Đấng Cứu Thế qua hình ảnh “NGƯỜI TÔI TỚ ĐAU KHỔ CỦA GIAVÊ”. Sứ điệp nầy làm bật nổi cái “GIỜ” của Đức Kitô, “Giờ Khổ Nạn” để chính thức thực hiện Chương trình cứu rỗi. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

2.2.Bài đọc 2: Thư Do Thái trình bày chân dung Đức Kitô là Vị Thượng Tế cao cả từ trời “vâng phục thánh ý Chúa Cha”, hóa thân nhập thể “sống trọn thân phận con người”. Nhờ đó đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

3. Dẫn trước phần Kinh nguyện đại đồng:

Giờ đây, cộng đoàn chúng ta lắng nghe lời gọi mời của Chủ Tế và thành tâm hiệp thông với Ngài trong những lời cầu nguyện sốt sắng cho mọi nhu cầu của nhân loại và Hội Thánh.

4. Dẫn trước Nghi Thức Tôn Thờ Thánh Giá:

Thánh Giá hôm nay xuất hiện trước cộng đoàn chúng ta với một cung cách long trọng khác thường. Trong khi tôn vinh Thánh Giá, chúng ta tôn thờ chính Chúa Kitô, Đấng đã dùng thập giá để biểu lộ tình yêu thương cao vời dành cho Thiên Chúa Cha và cho loài người. Cử hành Tôn Thờ Thánh giá hôm nay cũng nói với chúng ta rằng: Chính qua nẻo đường thập giá, Đức Kitô đã bước vào vinh quang Phục sinh. Xin cộng đoàn sốt sắng đón mừng Thánh Giá Chúa Kitô.

5. Dẫn trước Nghi thức Hiệp Lễ:

Kết thức cử hành chiều hôm nay đó là cuộc thông hiệp Mình và Máu Chúa Kitô. Giây phút nầy nói lên tính cách hiện thực của mầu nhiệm chúng ta đang cử hành. Thật vậy, cử hành chiều hôm nay, không phải là cuộc tưởng niệm suông cuộc khổ nạn đã qua của Đức Kitô, mà chính là sự thông hiệp trọn vẹn và hiện thực với Đấng đã giải thoát chúng ta khổi tội lỗi bằng cuộc khổ nạn và cái chết đau thương của Ngài. Chúng ta cùng sốt sắng đón nhận Mình Thánh Chúa Kitô.

C. THÁNH LỄ ĐÊM VỌNG PHỤC SINH

1. Giới thiệu tổng quát:

Kính thưa cộng đoàn,

Đêm nay chính là thời điểm cao nhất của Năm Phụng Vụ, là Đêm Thánh của người Kitô hữu; hay như cách diễn tả của thánh giáo phụ Augustinô: Đêm nay “là mẹ của hết mọi buổi canh thức Phụng Vụ”.

Bởi vì đêm nay chính là đêm tưởng niệm chính thức và hiện thực, đầy đủ và toàn diện nhất mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, biến cố trung tâm, chóp đĩnh của Lịch sử cứu rỗi. Phụng Vụ đêm nay gợi nhớ lại đêm “Vượt Qua” thuở dân Ít-ra-en canh thức với thịt chiên để chờ sáng xuất hành trong niềm vui hồ hỡi khi được Thiên Chúa giải thoát khỏi vòng nô lệ Ai Cập. Ánh sáng đêm nay cũng gợi nhớ lại biến cố uy hùng rạng rỡ của đoàn người Ít-ra-en đi bộ qua Biển Đỏ ráo chân dưới áng mây cột lửa.

Thế nhưng, điểm qui chiếu cuối cùng của ý nghĩa Phụng Vụ đêm nay vẫn là: Chúa Kitô đập tan xiềng xích tử thần và từ âm phủ khải hoàn đi lên; và cũng một cách nào đó, chính là đêm Hội Thánh ngay từ buổi đầu, vẫn họp nhau đón đợi “Phu Quân” trở lại.

Để diễn tả những chiều kích trọng đại và thâm sâu đó, cử hành Phụng vụ đêm nay diễn ra trong một khung cảnh long trọng khác thường, toàn diện, và gần như phù hợp hoàn toàn với tiến độ của Lịch Sử cứu rỗi.

Giờ đây chúng ta hãy sốt sắng lần lượt bước vào các cử hành Phụng Vụ Đêm Vọng Phục Sinh này.

2. Dẫn vào các cử hành phụng vụ:

2.1. Dẫn vào Nghi Thức Chào Mừng Ánh Sáng Phục sinh:

Khởi đầu Đêm Canh Thức hôm nay đó là nghi thức CHÀO MỪNG ÁNH SÁNG PHỤC SINH. Trong nghi thức nầy chúng ta lần lượt tham dự việc Làm phép lửa mới, Thắp Nến Phục Sinh, Rước Nến Phục Sinh và long trọng Công Bố Tin Mừng Phục Sinh.

Cây nến lớn nhất của đêm nay được gọi là Nến Phục Sinh, là biểu tượng phong phú gợi nhớ nhiều biến cố trong lịch sử cứu rỗi:

- Là áng mây sáng, cột lửa sáng đưa dân Ít-ra-en về đất hứa.

- Là biểu tượng rõ nét chính Chúa Kitô Phục Sinh, nguồn ánh sáng cứu độ, là Đường, Chân Lý, Sự Sống, đang dẫn đoàn Dân Mới được cứu chuộc tiến về quê trời.

Chính từ ngọn lửa Cây nến nầy, các cây nến khác của cộng đoàn dân Chúa được đốt cháy lên cho tới khi ánh lửa Phục Sinh chan hòa khắp chốn. Giữa lúc ấy, khúc ca Exultet (Mừng Vui Lên), bài ca công bố Tin Mừng Phục Sinh được vang lên như thúc giục niềm hân hoan ca ngợi tạ ơn, vì những kỳ công Chúa đã tác thành trong lịch sử.

Giờ đây xin kính mời cộng đoàn hướng về lễ đài để bắt đầu nghi thức CHÀO MỪNG ÁNH SÁNG PHỤC SINH.

2.2. Dẫn vào Phần Phụng Vụ Lời Chúa.

Phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay được trình bày với một diễn tiến đặc biệt khác với mọi cử hành Phụng Vụ Lời Chúa khác. Chính nơi đây và giờ phút nầy, chúng ta sẽ được lắng nghe toàn bộ tiến trình của lịch sử cứu rỗi.

(Chủ tế kêu gọi)…

Dẫn trước các bài đọc:

2.2.1. Bài đọc 1: Khởi đầu công trình cứu độ cũng chính là khởi đầu công cuộc tạo dựng. Từ cuộc tạo dựng đầu tiên nầy đã dẫn đến cuộc tạo dựng mới trong Đức Kitô. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

2.2.2. Bài đọc 3: Nếu dân tộc Ít-ra-en là hình bóng của đoàn Dân mới được cứu chuộc, thì chính Biến Cố Xuất Hành-Vượt Qua của dân Do Thái lại chính là lời tiên báo rõ nét về mầu nhiệm Tử Nạn-Phục sinh của Đức Kitô, Đấng giải thoát nhân loại khỏi vòng nô lệ tội lỗi để tiến vào miền ánh sáng cứu độ. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

2.2.3. Bài đọc 5: Ngôn sứ Isaia loan báo một Giao Ước vĩnh Cửu được Thiên Chúa ký kết với Dân Người. Giao ước ước ấy hôm nay đã trở thành hiện thực trong Mầu Nhiệm Khổ nạn của Đức Kitô, để ai cùng chết với Người sẽ được tái sinh vào sự sống mới. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

2.2.4. Bài đọc 7: Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã cho thấy đích điểm của công trình cứu rỗi chính là cuộc tái tạo từ bên trong: “Một trái tim mới, một tấm lòng với thần khí mới”. Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô đã hiện thức hóa lời tiên báo ấy, đặc biệt cho tất cả những ai được “tái sinh bởi Nước và Thánh Thần”. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

LƯU Ý: (Sau BĐ 7, cùng với đáp ca và lời nguyện, đốt nến bàn thờ, chủ tế xướng Kinh Vinh Danh, đổ các chuông…)

2.2.5. Dẫn vào Bài Thánh Thư: Trích đoạn thư Rôma của Thánh Tông Đồ Phaolô tập chú vào Mầu Nhiệm Thánh Tẩy : Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

(Sau Bài Thánh Thư, Chủ tế xướng Allêluia trọng thể 3 lần…)

2.2.6. Dẫn vào bài ca Allêluia trọng thể: Giờ đây cộng đoàn chúng ta cùng hân hoan hát to lời Allêluia, lời ca khen chúc tụng, lời hân hoan vui mừng bừng lên sau bốn mươi ngày Mùa Chay im tiếng để chào đón niềm vui Phục Sinh.

2.3. Dẫn Vào Phụng Vụ Phép Rửa:

Giờ đây cộng đoàn chúng ta tiến vào phần Phụng Vụ thứ Ba: Phụng Vụ Phép Rửa. Giờ nầy, trên khắp thế giới, đang có hàng triệu anh chị em dự tòng chuẩn bị lãnh nhận các Bí tích gia nhập Kitô giáo. Phần Phụng nầy là một căt nghĩa rõ nét về Mầu Nhiệm vượt Qua của Đức Kitô, Đấng dùng dòng nước Rửa tội để tái sinh chúng ta từ cuộc sống nô lệ cho tội lỗi và sự chết được bước vào đời sống mới trong ân sủng và tự do của con cái Chúa.

Cử hành Phụng vụ nầy vừa gọi mời chúng ta dấn thân sống tích cực hồng ân thánh tẩy qua việc lặp lại những lời cam kết và tuyên xưng khi chịu Phép Rửa Tội; đồng thời gợi lên ý thức sống động về tình liên đới của một đoàn dân mới được thanh tẩy.

(Nếu có dự tòng được thanh tẩy: Đặc biệt, trong Đêm nay, giờ nầy có …. anh chị em tuyển nhân dự tòng có tên sau đây sẽ được lãnh nhận các Bí Tích Gia Nhập Kitô Giáo – Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể): (Công bố danh sách ứng viên dự tòng……………………….).

2.4. Dẫn vào Phụng Vụ Thánh Thể:

Giờ đây, chúng ta sốt sắng bước vào Phần Phụng Vụ Thánh Thể là chóp đỉnh và chung kết của Mầu Nhiệm được cử hành Đêm nay. Mầu Nhiệm Thánh Thể chính là “Tưởng-Niệm-Tái-Diễn” Mầu nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh của Chúa Kitô. Chính nơi bàn tiệc Thánh Thể nầy, Chúa Kitô một lần nữa hiến tế thân mình để cứu độ sinh linh, hoàn thành Giao ước Mới; và cũng chính nơi đây, Đức Kitô Phục Sinh đang thân hành đến và hiện diện với chúng ta để thông ban chính Máu Thịt Ngài nuôi sống và dẫn chúng ta tiến bước về cõi trường sinh.

(Nếu có tân tòng: Đặc biệt, giờ nầy các anh chị em Tân Tòng lần đầu tiên trong đời sống Kitô hữu, đại diện cho cộng đoàn tiến dâng lễ vật lên bàn thờ để bắt đầu phần Phụng vụ Thánh Thể).

D. DẪN LỄ CHÚA NHẬT PHỤC SINH

1. Dẫn nhập trước Ca Nhập Lễ:

Trong Đêm Thánh, chúng ta đã mừng Mầu Nhiệm Vượt Qua khi cử hành Phép Rửa và Phép Thánh Thể. Trong Thánh Lễ ngày Chúa Nhật Phục Sinh, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì Người ban sự sống mới mà Chúa Kitô Phục Sinh đã khai mào cho ta. Hôm nay “Ngày Thứ Nhất trong tuần”, là ngày của Chúa Kitô chiến thắng tội lỗi và tử thần, hiện ra với các môn đệ; hôm nay chính Người đồng hành với hai môn đệ trên đường về Emmau và mở lòng mở mắt để họ nhận ra Người khi Người chung chia bữa tối với họ; hôm nay Người ban Thánh Thần trên các Tông Đồ để các ông được quyền tha tội và sai các ông đi khắp thế giới để làm chứng cho Người. Chính vì thế, hôm nay đúng là “Ngày Của Chúa”, là “Chúa Nhật”, là Lễ lớn nhất trong mọi lễ mà cộng đoàn dân Chúa không ngừng hân hoan hát lên trong suốt những ngày nầy “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy tưng bừng hoan hỷ” (Tv 17).

Hôm nay, mỗi người Kitô hữu cử hành và sống chính mầu nhiệm mà các môn đệ Chúa Kitô xưa đã sống: “Người đã chết để diệt trừ cái chết của chúng ta, và sống lại để ban cho chúng ta nguồn sống mới” (Kinh Tiền Tụng). Thánh Thần đã làm cho Đức Kitô chỗi dậy từ cõi chết, nay cũng làm cho chúng ta “trở nên người mới để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng của Đấng Phục Sinh” (Lời nguyện Nhập Lễ).

Quả thật, Tin Mừng Phục Sinh là trọng tâm của Đức Tin Kitô giáo, là lời chứng đầu tiên và nguyên tuyền, sâu thẳm và sinh động nhất của các tông đồ (BĐ 1, Bài TM); đó cũng chính là con đường duy nhất để chúng ta thực hiện ý muốn của Thiên Chúa và hoàn tất định mệnh cao cả của chính mình: tiến về cuộc hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa trên thiên đàng vĩnh cửu.

Giờ đây chúng ta cùng sốt sắng hát ca nhập lễ để bắt đầu thánh lễ.

2. Dẫn trước các Bài đọc:

- Bài đọc 1: Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lời chứng về Đấng Phục Sinh của Tông Đồ Phêrô, và cũng là của toàn thể cộng đoàn dân Chúa thuở sơ khai. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

- Bài đọc 2: Thư gởi giáo đoàn Côlôsê đã mở ra một con đường mới cho những ai tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô nhờ nhiệm tích Thánh Tẩy: Sống cuộc đời mới trong Đức Kitô và tìm kiếm những sự thuộc thượng giới. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

MỤC LỤC

Nội dung Trang

_________________________________________________

Phần A : Ý nghĩa tổng quát PV Tuần Thánh 01

Phần B : Dẫn vào các cử hành PV Tuần Thánh 03

Chúa Nhật Lễ Lá 03

Những ngày đầu Tuần Thánh 04

Tam Nhật Vượt Qua 06

Thứ Năm Tuần Thánh 06

Thứ Sáu Tuần Thánh 08

Đêm Vọng Phục Sinh 10

Chúa Nhật Phục Sinh 14

_______________________

LM. Giuse Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đạo đức suy đồi, phụ nữ Israel cần các ứng dụng thông minh trên điện thoại để đề phòng bị tấn công
Đặng Tự Do
16:11 23/03/2021


Khi bạn của Neta Schreiber bị tấn công bởi những người đàn ông tại một bữa tiệc mười năm trước, các thủ phạm đã bỏ trốn khi Schreiber và những người khác xông vào phòng.

Chính khoảnh khắc mạnh về số đông đó đã cho Schreiber ý tưởng phát triển SafeUp, một ứng dụng điện thoại được thiết kế để trợ giúp đặc biệt cho sự an toàn của phụ nữ.

Nó đã được đưa ra ở Tel Aviv vào tháng Ba với sự giúp đỡ của thành phố.

Và, theo Schreiber, nó đã có 20,000 người dùng. Cô ấy giải thích cách nó hoạt động như sau.

“SafeUp là mạng lưới phụ nữ dựa vào cộng đồng cho phép họ trợ giúp từng người trong thời gian thực để ngăn chặn nạn quấy rối tình dục và cảm thấy an toàn hơn trong cuộc sống hàng ngày của họ. Bất cứ khi nào một trong số 20,000 người dùng của chúng tôi cảm thấy không an toàn, cô ấy chỉ cần mở ứng dụng, nhấn vào một nút và cô ấy có thể thực hiện cuộc gọi video với những người bảo vệ gần nhất, là những phụ nữ được đào tạo sẵn sàng trợ giúp cô ấy”.

Ứng dụng cho phép phụ nữ báo hiệu vị trí của họ và triệu tập sự trợ giúp từ những người ghi danh khác. Schreiber hy vọng SafeUp có thể được sử dụng ở các thành phố lớn hơn, như London, chẳng hạn.

Vụ bắt cóc và sát hại Sarah Everard gần đây khi đang đi bộ về nhà từ nhà một người bạn đã làm dấy lên yêu cầu của công chúng về các biện pháp tốt hơn để bảo vệ phụ nữ.

Khi gặp nạn, người dùng có thể chia sẻ vị trí trực tiếp của cô ấy với danh sách những phụ nữ mà cô ấy đã cung cấp trước.

Hoặc kết nối trò chuyện với những phụ nữ tình nguyện bảo vệ để nhận được sự trấn an và hướng dẫn.

Nếu người dùng hoặc người bảo vệ cho rằng tình huống là nguy hiểm sắp xảy ra, họ cũng có thể gọi cảnh sát thông qua ứng dụng.

Sau đó, SafeUp chạm vào camera và micrô của điện thoại để ghi lại bằng chứng.

Đối với những trường hợp ít nguy hiểm hơn, nó có thể xác định vị trí địa lý của những người bảo vệ trong vòng 500 mét từ người dùng.

Schreiber nói rằng đây không chỉ là một ứng dụng.

“Chúng tôi thực sự không chỉ xây dựng một ứng dụng, nhưng là một phong trào. Phong trào phụ nữ giúp nhau và ra đường an toàn hơn cho phụ nữ. Và chúng tôi hy vọng rằng trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ là phong trào lớn nhất của phụ nữ giúp đường phố an toàn hơn”.
Source:Reuters
 
Hiện tượng lạ ở Bắc Kinh sau những vụ phá hủy các nhà thờ
Đặng Tự Do
16:12 23/03/2021


Cơ quan Khí tượng Trung Quốc đã công bố báo động vàng, cho biết bão cát đã lan từ Nội Mông vào các tỉnh Cam Túc, Sơn Tây và Hà Bắc, bao quanh Bắc Kinh.

Theo trung tâm giám sát môi trường của thành phố, chỉ số chất lượng không khí chính thức của Bắc Kinh đạt mức tối đa 500, với các hạt trôi nổi được gọi là PM10 tăng vượt quá 8,000 microgam trên một mét khối ở một số quận, theo trung tâm giám sát môi trường của thành phố.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nồng độ PM10 trung bình hàng ngày không quá 50 microgam.

Diễn biến lạ lùng này xảy ra sau khi Trung Quốc tiến hành chiến dịch giật sập hàng loạt các nhà thờ ở Tân Cương. Kể từ hôm 19 tháng Hai, người Công Giáo ở Nghi Ninh (Yining, 义宁), Tân Cương (Xinjiang, 新疆) phải dọn sạch mọi thứ của nhà thờ Thánh Tâm. Theo lệnh của bọn cầm quyền địa phương, nhà thờ phải bị phá hủy. Một nguồn tin của Asia-News cho biết “có lẽ từ tuần tới, nhà thờ Công Giáo ở biên giới phía Tây Trung Quốc này sẽ tan thành cát bụi”.

Cộng đồng Công Giáo Nghi Ninh, ở huyện Y Lợi (Yili, 伊利) 700 km về phía tây của Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi, 乌鲁木齐), thủ phủ của Tân Cương, có khoảng 2 nghìn người - gồm những cựu tù bị phát vãng từ thời Đế chế nhà Thanh, và những tù nhân chính trị sau năm 1949 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cùng với những người nhập cư khác và những người bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức trong khu vực.

Điều oái oăm là nhà thờ đang sở hữu tất cả các giấy phép cần thiết từ Cục Quản lý Tôn giáo mà vẫn bị triệt hạ. Được xây dựng vào năm 2000, các quan chức huyện Y Lợi và bọn cầm quyền ở Nghi Linh thậm chí đã tham dự lễ khánh thành và ca ngợi công trình này.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra một hiện tượng lạ như thế. Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc tiến hành triệt hạ các thánh giá, vào sáng ngày 24 tháng 7, 2014 một con sông ở Ôn Châu (Wenzhou, 温州) miền đông Trung Quốc đột nhiên chuyển sang màu đỏ như máu như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.
Source:Reuters
 
Ai Cập chuẩn bị bắt đầu chuyển đến thủ đô mới, Kitô hữu lo âu bị gạt ra ngoài lề
Đặng Tự Do
16:12 23/03/2021


Ai Cập đang chạy đua để chuẩn bị thành lập một thủ đô mới hoành tráng ở sa mạc phía đông Cairo trước khi các công chức đầu tiên chuyển đến vào mùa hè này và trước khi các dự án hàng đầu của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi chính thức mở cửa.

Tại trung tâm của thành phố, các công nhân đang hoàn thiện một đại lộ của các bộ mang kiến trúc của các ngôi đền Hồi Giáo và tiếp giáp với một khu phức hợp Hồi giáo nổi bật, gần hai tòa nhà quốc hội có mái vòm theo kiểu Hồi Giáo và một dinh thự tổng thống rộng lớn.

Sẽ có một tuyến tàu điện một đường ray đi qua khu thương mại, nơi tòa tháp trung tâm cao 385 mét sắp được hoàn thành. Ngoài ra, các đường chung quanh một công viên có chu vi dài 10km đang bước vào giai đoạn chót. Cuối công viên này là một nhà thờ Hồi giáo khổng lồ cũng đang được hình thành.

Thành phố, được gọi đơn giản là Thủ đô Hành chính Mới, được thiết kế để hoạt động với công nghệ thông minh trên vùng đất nguyên sơ, tránh xa sự lộn xộn và hỗn loạn của Cairo. Nó sẽ có các trường đại học, cơ sở giải trí và một khu ngoại giao.

Tuy nhiên, tiến độ đã bị đình trệ và sau khi nguồn tài trợ của Tiểu vương quốc Ả rập bị cắt giảm ngay sau khi nó được công bố vào năm 2015, quân đội và chính phủ đã tiếp nhận chi phí ước tính 25 tỷ đô la của giai đoạn đầu, và bơm thêm vốn đầu tư ngoài ngân sách vào dự án này.

Một số khoản vay và tài trợ nước ngoài đã được bảo đảm.

Đại dịch coronavirus cũng làm chậm tiến độ và giai đoạn đầu tiên trong ba giai đoạn được lên kế hoạch, với diện tích 168 km vuông, đã không hoàn thành đúng theo dự trù ban đầu.

“Tỷ lệ hoàn thành giai đoạn đầu chỉ vượt khoảng 60% đối với tất cả các dự án”, Khaled el-Husseiny, phát ngôn viên của thủ đô mới nói.

Ông nói thêm rằng dự kiến thủ đô mới được mở cửa chính thức vào cuối năm 2021.

Quy hoạch của thủ đô mới đã không hề nhắc đến bất cứ ngôi nhà thờ nào của Chính Thống Giáo hay Công Giáo Coptic.
Source:Reuters
 
New Delhi là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới trong suốt ba năm liên tiếp
Đặng Tự Do
16:13 23/03/2021


New Delhi là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới trong ba năm liên tiếp, theo IQAir, một nhóm bảo vệ môi trường Thụy Sĩ chuyên đo lường phẩm chất không khí dựa trên nồng độ của các hạt trong không khí có hại cho phổi được gọi là PM2.5. Danh xưng này ám chỉ các hạt trong không khí có đường kính nhỏ hơn 2.5 micron.

Theo Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2020 của IQAir, Ấn Độ là nơi có 35 trong số 50 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, dựa trên dữ liệu thu thập của 106 quốc gia.

Các phát hiện dựa trên lượng hạt PM2.5 trung bình hàng năm của nước này,. Tiếp xúc lâu dài với PM2.5 có thể dẫn đến các bệnh chết người, bao gồm cả ung thư và các vấn đề về tim mạch.

Vào năm 2020, nồng độ trung bình hàng năm của PM2.5 trong một mét khối không khí của New Delhi là 84.1, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của Bắc Kinh là 37.5, khiến nó trở thành thành phố ô nhiễm thứ 14 trên thế giới..

Theo một nghiên cứu gần đây của Greenpeace Southeast Asia Analysis và IQAir, ô nhiễm không khí đã gây ra khoảng 54,000 trường hợp chết sớm ở New Delhi vào năm 2020.

Bất chấp mức PM2.5 trung bình hàng năm giảm 11% do các biện pháp ngăn chặn coronavirus trên toàn quốc được áp dụng vào năm ngoái, Ấn Độ vẫn nổi lên là quốc gia ô nhiễm thứ ba trên thế giới sau Bangladesh và Pakistan.

Năm 2020, Nam Á phải chịu đựng một số kỷ lục về chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới.

20 triệu cư dân của Delhi đã được hít thở bầu không khí trong sạch nhất kỷ lục trong những tháng mùa hè do tình trạng khóa cửa. Tuy nhiên, họ lại phải chống chọi với không khí độc hại vào mùa đông, sau sự gia tăng mạnh các vụ cháy trang trại ở bang lân cận Punjab.

Khi việc đốt rơm rạ lên đến cao điểm, mức PM2.5 của Delhi đạt trung bình 144 microgam trên một mét khối vào tháng 11 và 157 microgam trên một mét khối vào tháng 12, vượt quá quy định an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới hơn 14 lần.
Source:Reuters
 
Chương trình Tuần Thánh và Lễ Phục sinh tại Vatican
Đặng Tự Do
16:39 23/03/2021
Các cử hành và các sự kiện công cộng của Đức Thánh Cha Phanxicô đã liên tục biến động kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm 2020.

Chẳng hạn, từ Giáng sinh năm 2020 cho đến đầu tháng 2 năm 2021, ngài buộc phải phát trực tiếp buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật từ bên trong Vatican, tránh xa các tín hữu.

Và ngài rõ ràng đã rất vui mừng khi cuối cùng cũng có thể nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô sôi động đầy những người hành hương vào ngày 7 tháng 2 năm 2021.

“Tôi rất vui khi thấy các bạn lại có thể tụ tập tại quảng trường,” Đức Thánh Cha nói hồi tháng Hai.

Nhưng, cư dân của Rôma một lần nữa bị khóa, quảng trường Thánh Phêrô vào ngày Chúa Nhật lại trống không và từ Chúa Nhật 21 tháng Ba, Đức Phanxicô lại phải một lần nữa phát sóng các buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật từ thư viện của dinh Tông Tòa.

Với tình trạng bị khóa như hiện nay, Tòa Thánh vừa ra một thông báo về chương trình Tuần Thánh không khác với Tuần Thánh lặng lẽ vào năm ngoái bao nhiêu, trừ ra thêm được Thánh Lễ Dầu vào sáng thứ Năm 1 tháng Tư.

Chúa nhật Lễ Lá, 28 tháng Ba

Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Lễ Lá vào lúc 10 giờ 30 tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô.

Thứ Năm Tuần Thánh, 1 Tháng Tư

Đức Thánh Cha, trong tư cách là Giám Mục của giáo phận Rôma, sẽ chủ sự bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô Lễ Truyền Dầu vào lúc 10g sáng với sự tham dự của các vị đại diện cho linh mục đoàn của Rôma.

Lúc 18 giờ Lễ Tiệc Ly sẽ diễn ra tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô do Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng Y đoàn, chủ sự Thánh Lễ.

Thứ Sáu Tuần Thánh, 2 tháng Tư

Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi cử hành Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa vào lúc 18 giờ tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô. Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng, sẽ giảng trong thánh lễ.

Ba giờ sau đó, lúc 21 giờ, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi Đàng Thánh Giá tại thềm đền thờ Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn một nhóm hướng đạo từ miền trung nước Ý và những đứa trẻ từ một giáo xứ ở La Mã để chuẩn bị các bài suy niệm cho các chặng Đàng Thánh Giá.

Hôm thứ Ba 23 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã thông báo rằng Nhóm Hướng đạo Agesci “Foligno I” ở Umbria, gồm 145 thanh niên trong độ tuổi từ 8 đến 19, đã soạn các bài suy niệm cho Đàng Thánh Giá 2021.

Một nhóm bổ sung khoảng 500 trẻ em từ các lớp giáo lý Rước Lễ Lần Đầu và Thêm Sức tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Uganda ở Rome cũng đã giúp chuẩn bị các bài suy niệm.

Mặc dù theo truyền thống, Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh được tổ chức tại Đấu trường La Mã Colôsêô, đây là năm thứ hai Đàng Thánh Giá tại Rôma phải diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô vì đại dịch coronavirus.

Buổi đi Đàng Thánh Giá, dự kiến vào 9 giờ tối theo giờ Rôma vào ngày 2 tháng 4, sẽ được phát trực tiếp. Công chúng sẽ không được phép tham dự do các hạn chế COVID-19 của Rôma.

Mỗi chặng trong số 14 chặng cũng sẽ kèm theo các bức tranh của các thanh thiếu niên sống tại các Mái Ấm Mater Divini Amoris và Tetto Casal Fattoria ở Rome.

Mái ấm Gia đình Mater Divini Amoris được điều hành bởi các nữ tu Dòng Nữ Tử Tình Yêu Thiên Chúa, và hiện đang trông coi tám trẻ em từ ba đến tám tuổi.

Mái ấm Gia đình Tetto Casal Fattoria là một tổ chức hợp tác xã hội hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên “trong việc phát triển và xây dựng một dự án cuộc sống”.

Thứ Bảy Tuần Thánh, 3 Tháng Tư

Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ Vọng Phục sinh tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô vào lúc 19 giờ 30.

Chúa nhật Phục sinh, 4 tháng Tư

Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ Chúa Nhật Phục sinh vào lúc 10 giờ sáng tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô. Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho Rôma và toàn thế giới.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mùa Chay 2021: Ngày gặp gỡ yêu thương dành cho anh chị em di dân
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
09:19 23/03/2021
Vẫn là những tâm tình luôn quan tâm và chăm sóc anh chị em di dân trong Giáo Phận của quý Đức Cha, quý Cha Đặc Trách Di Dân, vì thế, ngày gặp gỡ dành cho anh chị em di dân Mùa Chay năm 2021 đã được tổ chức vào sáng Chúa Nhật V Mùa Chay, 21/3/2021, tại Giáo xứ Phú Sơn, Giáo hạt Phú Thịnh. Chương trình diễn ra thật tốt đẹp là nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa Cha Giuse Phạm Đình Hiền, Đặc Trách di dân của Giáo phận, cùng với Cha xứ Giáo xứ Phú Sơn, cũng như quý Cha Quản hạt của Hạt Phú Thịnh và Hòa Thanh, quý Cha ngồi tòa giải tội, và các cộng tác viên tông đồ di dân và toàn giáo xứ Phú Sơn cùng chung tay phục vụ.

Xem Hình

Trong ngày gặp gỡ này, các anh chị em di dân, bất kể là người Công Giáo hay thuộc các tôn giáo khác đều được đón tiếp cách trân trọng với tình yêu thương vì là con cùng một Cha trên trời. Để giúp anh chị em di dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe, ban tổ chức đã có chương trình thăm khám sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho người di dân, vì vậy, đã thu hút rất đông những anh chị em thuộc tôn giáo bạn đến với chương trình, cũng như được gởi tặng món quà nhỏ biểu tỏ yêu thương của Giáo phận đến với họ.

Riêng với các anh chị em Công Giáo, ngoài những chăm sóc thể xác, anh chị em được chú ý để chăm sóc linh hồn qua bài chia sẻ giúp lắng tâm, giúp họ giao hòa với Thiên Chúa qua Bí tích Hòa Giải và cử hành việc đạo đức viếng Đàng Thánh Giá,

Do vậy, ngay từ 8g30, rất nhiều quý Cha đã sẵn lòng ngồi tòa ban Bí tích Hòa Giải cho họ. Vì thế, đã có nhiều người có cơ hội được giao hòa với Chúa và được lãnh nhận ân sủng. Cùng lúc đó, Giáo xứ đã cùng với anh chị em di dân suy niệm về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu qua việc Đi Đàng Thánh Giá ngoài trời. Việc thực hành đạo đức này, chắc chắn không chỉ là giúp anh chị em Công Giáo có cơ hội chiêm ngắm tình yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại, cho họ, nhưng còn là một lời rao loan tình yêu của Chúa dành cho những anh chị em di dân thuộc tôn giáo bạn đang có mặt vào buổi sáng này.

Cũng trong chương trình tĩnh tâm này, cha Px. Nguyễn Minh Thiệu, SDB, trong bài chia sẻ với anh chị em di dân, cũng đã bày tỏ sự đồng cảm, thấu hiểu những thách đố và khó khăn mà họluôn đối diện, nhưng như Cha nói, “chúng ta luôn tin và tìm kiếm tình yêu nơi những người cùng cảnh ngộ, là anh chị em di dân, nơi chúng ta đang sống.” Thông điệp của những chia sẻ mà họ nhận được từ bài chia sẻ của Cha Px. được kết lại cách ngắn gọn “Hãy yêu thương nhau, yêu thương những người cận kề mình, là những anh chị em di dân đang cùng chung sống trong khu vực.”

Trong ngày đặc biệt này, anh chị em di dân còn được gặp, lắng nghe những tâm tình yêu thương của một người đã, đang và vẫn luôn yêu thương, quan tâm và chăm sócn họ: Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo. Vì thế, trước khi cử hành Thánh Lễ cầu nguyện cho họ, Đức Cha đã gặp gỡ và chia sẻ huấn dụ mong giúp họ sống hạnh phúc hơn. Lấy từ hai trình thuật nơi Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu chạnh lòng thương với dân lầm than vất vưởng (x. Mt 9: 35-37;10: 1.6-8, Mc 6, 34-45) và các mối phúc trong bài giảng trên núi của Chúa Giêsu (x. Mt 5, 3-12), Đức Cha Giuse nói với họ “Anh chị em hãy khám lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời của anh chị em”. Vì sao? Vì khi tin Chúa yêu, con người sẽ không còn thấy những mệt mỏi, khó khăn trong đời sống là nặng nề, bởi vì họ đã có Chúa. Có Chúa, điều quan trọng nhất của cuộc đời con người. Có Chúa, có tất cả. Chính nhờ vậy, khi cảm thấy mình có Chúa, Đức Cha nói, đó là “Phúc” mà Chúa Giêsu đã nói khi giảng dạy cho dân. “Phúc, vì có Chúa, để rồi sẽ vượt qua được những hoàn cảnh khó khăn. Phúc, vì đã khám phá tình yêu của Thiên Chúa trên cuộc đời mình.” Xác tín lần nữa để kết bài chia sẻ ngắn của ngài, Đức Cha nói “Anh chị em là người có phúc vì Chúa yêu thương anh chị em. Thế nên, hãy để Chúa ngự trong tâm hồn anh chị em.”

Sau ít phút, lúc 10 giờ, Đức Cha Giuse đã dâng Thánh Lễ theo phụng vụ Chúa Nhật V Mùa Chay, cùng với ý nguyện cầu – như những lời đầu lễ Đức Cha ngỏ với cộng đoàn: xin cho anh chị em di dân nhận ra được Chúa hiện diện tại nơi đây, trong cử hành Thánh Thể mà Ngài dâng lên Chúa Cha của lễ chính Người để cứu độ con người, và xin cho từng người anh chị em di dân nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời họ. Đồng thời, “xin cho anh chị em di dân cảm được hạnh phúc vì nhận ra Chúa đang yêu thương họ, qua tình yêu và sự chăm sóc của quý Đức Cha, quý Cha và nhiều người…Xin cho anh chị em biết sống niềm vui, hạnh phúc Thiên Đàng ngay tại thế mà anh chị em có thể cảm nghiệm.”

Cùng đồng tế trong Thánh Lễ với Đức Cha Giuse, có quý Cha Quản hạt của Hạt Phú Thịnh và Hạt Hòa Thanh, cha Đặc Trách Mục vụ Di Dân của Giáo Phận, Cha Chánh xứ Giáo xứ Phú Sơn, quý Cha dòng Donbosco và Dòng Đa Minh, quý Cha Đan viện Thiên Bình và quý Cha.

Quảng diễn Lời Chúa sau bài Tin Mừng, Đức Cha trở lại với chủ đề tình yêu của Thiên Chúa trên nhân loại, và đặc biệt trên từng anh chị em di dân. “Anh chị em có tin Thiên Chúa yêu thương anh chị em không?” Từ đây, Đức Cha nhấn mạnh “Nếu chúng ta xác tín được Thiên Chúa yêu chúng ta, nhưng Chúa còn muốn chúng ta hiểu tình yêu nơi Thiên Chúa tuyệt vời và sâu rộng ra sao.” Hiểu tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và cho mỗi người, như Đức Cha nói, đó là khi con người chiêm ngắm kế hoạch cứu độ mà Chúa Cha thực hiện: Chúa Cha đã ban Con Một yêu dấu của Ngài cho nhân loại để con người được hạnh phúc. Chỉ vì yêu, Chúa Giêsu chấp nhận chịu sỉ nhục, chịu đau khổ, và cuối cùng chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá vì yêu thương con người. Mặc dù Chúa Giêsu có quyền năng để giải thoát những đau khổ đó hay phạt những kẻ làm khổ Người. Nhưng “vì yêu chúng ta, vì yêu con người, Chúa đã không trốn thoát, không phạt con người”, một tình yêu, như Đức Cha nhấn mạnh, khi đi vào Tuần Khổ Nạn, mỗi người được mời gọi chiêm ngắm và đi tới một thái độ sống. Đức Cha tiếp tục “Chúa muốn tình yêu của Ngài ở trong trái tim của con người và Ngài muốn con người hãy tập yêu như Chúa yêu, đem tình yêu và niềm vui đến cho người khác.

Như để dẫn chứng cụ thể tình yêu của Thiên Chúa đang được hiện thực hóa, Đức Cha nói “khi đến nơi đây, sự hiện diện của quý cha, các frère, các nữ tu, các y bác sĩ, các cộng tác viên ban tông đồ di dân, cùng mọi thành phần trong giáo xứ…chung tay lo lắng cho anh chị em di dân…Tất cả không phải chỉ là lo về vật chất, chỉ để khám chữa bệnh, phát thuốc- những thứ không dễ chạm vào con tim của mọi người-…nhưng mọi người phục vụ là vì tình yêu dành cho anh chị em, những người nhỏ bé của Thiên Chúa, những người đau khổ mà Thiên Chúa đã đồng hóa mình với anh chị em. Vì thế, khi phục vụ anh chị em, là như phục vụ chính Chúa.” Kết thúc bài giảng, Đức Cha lặp lại mong ước với anh chị em di dân “Hãy xác tín mình được Thiên Chúa yêu thương, từ đó, cố gắng sống yêu thương với người khác, dù họ là người xa lạ.”

Thánh Lễ được cử hành trong trang nghiêm và sốt sắng với tâm tình của cộng đoàn Giáo xứ Phú Sơn, của những anh chị em di dân Công Giáo và một số không Công Giáo cũng hiện diện trong nhà thờ để cùng tham dự Thánh Lễ.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, cũng như đáp lại lời cám ơn của một đại diện anh chị em di dân, Đức Cha Giuse nói rằng, khi đến với ngày gặp gỡ này, Đức Cha không đem điều gì khác ngoài tình yêu của Thiên Chúa đến với anh chị em di dân, bởi chỉ khao khát họ nhận ra được “mình là người được Chúa yêu”, điều căn cốt làm nên hạnh phúc cuộc sống. Thứ đến, Đức Cha Giuse cám ơn quý Cha Quản Hạt, Cha Đặc trách Di Dân, Cha Chánh Xứ Giáo xứ Phú Sơn, quý Cha và mọi cộng tác viên đã chăm lo cho anh chị em di dân trong mọi dịp, mọi hoàn cảnh, điều khiến Đức Cha luôn cảm động và biết ơn.

Cũng trong buổi sáng này, Đức Cha Giuse cũng đã đến thăm Nhà Nguyện mới hoàn thành của Giáo Họ Mẹ Thiên Chúa thuộc Giáo xứ Phú Sơn. Ngài cũng gặp gỡ một số tín hữu thuộc Giáo họ, cũng như chia sẻ ngắn gọn tâm tình của ngài, nhắc họ “luôn biết sống yêu thương và đỡ nâng những anh chị em đau khổ bằng lòng thương xót, đặc biệt với anh chị em di dân.” Như món quà tinh thần luôn mang theo bên mình, Đức Cha đã tặng mỗi người cỗ tràng hạt 5 màu- tượng trưng 5 Châu lục- nhằm khích lệ mọi người siêng năng đọc kinh Mân Côi kính Đức Mẹ, cầu nguyện cho Giáo phận, cho Giáo xứ, cho gia đình của họ và cho việc truyền giáo. Và cũng như để bày tỏ sự cám ơn đối với người đã quảng đại dâng tặng cho Giáo họ mảnh đất để làm công việc tôn thờ Thiên Chúa, Đức Cha đã đến thăm, cám ơn và cầu xin phúc lành của Chúa xuống trên gia đình ân nhân này.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Lễ Acies Năm 2021 của Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Melbourne
Trần Văn Minh
15:30 23/03/2021
Melbourne, đúng 5 giờ 30 chiều Thứ Ba, Ngày 23/3/2021. Tại Nhà thờ Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, Legio Mariae Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Flemington, Melbourne, anh Phạm Hiếu đại diện Comitium, đã xướng kinh khai mạc (Tessera) và lần chuỗi Mân Côi để mừng lễ Acies nhân dịp lễ Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ chịu thai, mở đường cho Thiên Chúa nhập thể để cứu rỗi cho nhân loại. Trước bàn thờ Đức Mẹ đứng trên tấm khăn có hàng chữ Legio Mariae và bên cạnh Vexillum.



Xem hình

Sau phần kinh khai mạc, thánh lễ đồng tế do Cha Thịnh và Cha Quốc Dòng Thánh Thể đồng tế. Đây là một lễ lớn trong năm của Legio Mariae để các hội viên dâng mình. Mỗi năm, các hội viên có một dịp để vinh dự lập lại lời tuyên hứa, dâng mình cho Đức Mẹ, dâng hết mọi sự của bản thân mình cho Đức Mẹ để Đức Mẹ cầu bầu cùng Chúa quan phòng gìn giữ đời sống của chúng ta.

Sau thánh lễ, Cha chủ tế đọc lời nguyện và hội viên Comitium lên dâng mình dưới cờ hiệu Vexillum để dâng mình cho Đức Mẹ vị nữ tướng của Legio Mariae, khi anh Định đệm đàn Guitar cho các hội viên tiến lên dâng mình. “Lậy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ.” Do tình hình dịch bệnh, và cũng do sự an toàn cộng đồng, các hội viên chỉ được giơ tay dâng mình, chứ không được cầm vào cán Vexillum như luật Legio quy định.

Trong ngôi thánh đường rộng, các chị nữ trong tà áo dài xanh, mầu căn bản của màu áo Mẹ. Các anh nam mặc âu phục. Trong một ngày trời nhiệt độ hơi nóng oi, mặc dù có mưa nho nhỏ. Mọi người từ các đơn vị (Praesidium) trong các khu vực về Comitium để dự lễ, dịp lễ, đã giúp mọi người có dịp gặp lại và vui vẻ chào nhau trong tình anh chị em đã đứng trong hàng ngũ của vị Nữ tướng chung là Đức Maria.

Trong bài chia sẻ, Linh mục chủ tế đã chia sẻ một chút về Đạo binh Đức Mẹ, qua những gì linh mục thấy ở bà ngoại của cha, cũng là một hội viên Legio kỳ cựu. Với một đời sống đạo đức, siêng năng cầu nguyện và đi thăm viếng, an ủi những người ốm đau, bệnh tật, và cha thú thật chưa biết nhiều về linh đạo của Legio Mariae

Kinh bế mạc đã kết thúc Lễ Acies của Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Flemington Năm 2021, sau khi mọi người đã dâng mình, cha chủ tế đọc lời cầu nguyện cuối lễ, kinh cầu cho cơn đại dịch mau kết thúc và Ca đoàn Tin yêu đã hát kết lễ. Mọi người ra về trong niềm vui và còn quyến luyến chuyện trò và thăm hỏi nhau, do tình hình dịch bệnh, nên chỉ có bánh ngọt và nước trà, cà phê, do các chị ủy viên trong hội đồng phục vụ, để mọi người dùng trước khi chia tay nhau ra về.
 
Văn Hóa
Từ Khi Em Làm Mẹ
Sơn Ca Linh
09:10 23/03/2021
(Chút cảm nhận về “huyền nhiệm TRUYỀN TIN – NHẬP THỂ” – Lc 1,26-37- Amoris Laetitia)

Trời đã cho em mang “căn phần thiếu nữ”,
“chiếc xương sườn” của lệ thuộc, ẩn khuất, tối tăm…
Của “phận đàn bà”
bị “đổ thừa” kẻ mang tội ngay từ thuở xa xăm,
nên mang “bản án”,
phải “sinh nặng đẻ đau…với dọc dài truân chuyên ngàn nỗi” (1) …

Vâng từ đó…
Kiếp phận người, sỏi đá hoang vu năm chờ tháng đợi,
Chờ ngày “đầu rắn dữ bị đạp nát”…, đến mỏi mòn,
Chờ thấy buổi rạng đông “Người trinh nữ phải sinh con”,
Chờ có Đấng “Emmanuel” (2)
Như “mưa tuyết” như “Lời thiêng” nhập thể (3) !

Rồi lịch sử đã tới “giờ”,
“Giờ” vạn vật chìm sâu trong lặng lẽ,
“Giờ” đêm trường chừng như điểm canh ba…(4)
“Giờ” của tiếng “Xin vâng” luỵ phục thánh ý Cha (5),
“Giờ” của “Lời mang huyết nhục” để “nầy con xin đến” (6) !

Vâng phút ấy,
Cuộc đời em bỗng “rợp bóng mây huyền nhiệm” (7),
Em đã trở thành “Mẹ”, “Mẹ Đấng Cứu chuộc đời”.
Một bào thai, một giọt máu tinh khôi,
Kết tinh của “Tình Yêu Ba Ngôi” muôn đời giao ước !...

Đó là chuyện,
“Làm mẹ” của “Người Nữ Đồng Trinh” hai ngàn năm trước.
Chuyện “Vào Đời” của Đấng “Emmanuel” !
Chuyện mang sứ điệp “Truyền Tin” của thần sứ Gabriel,
Chuyện có một không hai,
Để từ đó ngăn đôi dòng lịch sử !

Và bây giờ,
Chuyện của riêng em, của những phận người phụ nữ,
Của những ai đã một lần phải mang nặng đẻ đau;
Được mang thai, được làm mẹ, ôi một phép mầu !
Phép mầu tình yêu, phép mầu sự sống !

Hỡi những Eva, Maria,
Hãy thắp sáng “niềm vui yêu thương” (8) và ươm màu hy vọng,
Hãy nâng niu và bảo vệ mầm sống của “Trời cao”.
Hãy noi gương Người Mẹ thánh, thuở nào,
Vâng, người Mẹ được Truyền tin !
Hãy can đảm “thưa vâng” từ khi em làm mẹ !

Sơn Ca Linh (Truyền Tin 2021)

GHI CHÚ:

(1) St 3,6-12
(2) Is 7,14
(3) Is 55,10-11
(4) Kn 18,14-15
(5) Lc 1,38
(6) Dt 10,5-10
(7) Lc 1,35
(8) Amoris Laetitia (Tông huấn “Niềm Vui của Tình Yêu” của ĐGH Phanxicô)
 
Hạnh Phúc
Vũ Văn An
18:46 23/03/2021
Hiến chương (charter) là pháp luật được định ra giữa nhiều nước về một việc gì như Hiến chương Đại tây dương; nó cũng có nghĩa là hiến pháp được vua chấp thuận hoặc được thỏa thuận giữa vua và dân chúng, như Đại Hiến Chương (Magna Carta) mà hàng nam tước của Anh bắt Vua John phải ký ngày 19 tháng 6 năm 1215 để ban bố tự do cho dân Anh. Đây là văn kiện hiến pháp đầu tiên của Anh.



Ta thấy còn nhiều văn kiện khác được gọi là hiến chương như Hiến chương Liên hiệp quốc được thông qua tại San Francisco tháng 6 năm 1945 chính thức thiết lập Liên Hiệp Quốc như một tổ chức thường xuyên với các bộ phận như Đại Hội Đồng, Hội Đồng Bảo An, Hội đồng Kinh tế Xã hội, Hội đồng Ủy Trị, Tòa Án Quốc Tế, và Văn Phòng Tổng thư ký.

Thực ra, ý niệm ký kết không nhất thiết phải có mới gọi là hiến chương. Vì hiến chương cũng có nghĩa là một văn kiện nhìn nhận các quyền lợi của một nhóm người nào đó (theo Webster Comprehensive Dictionnary). Trong nghĩa này, ta thấy Tòa Thánh cho công bố Hiến Chương Về Quyền Gia Đình và Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách Mục vụ cho các Nhân viên Y tế cho công bố Hiến Chương Dành Cho Các Nhân Viên Y Tế.

Hiến chương Nước Trời không hẳn thuộc mạch văn trên vì nó chẳng phải là một văn kiện nhưng là một Bài giảng mà ta quen gọi là Bài Giảng Trên Núi được Thánh Mátthêu ghi lại như là bài giảng lớn đầu tiên trong sứ vụ của Chúa Kitô. Có thể theo lối loại suy, người ta ví nó như một bản hiến chương công bố các nguyên tắc cho những ai muốn gia nhập Nước Trời.

Thực vậy, bài giảng này bao gồm năm đề tài chính: 1) Tinh thần của công dân Nước trời (Mt 5:3-48); 2) Nền đạo đức mới (Mt 6:1-18); 3) Thái độ đối với của cải đời này (Mt 6:19-34); 4) Đối với người khác (Mt 7:1-12); 5) Phải quyết định nhập tịch và sống trong Nước Trời (Mt 7: 13-27).

Như thế, Hiến chương Nước Trời không phải chỉ là những điều mà bình dân hơn ta gọi là Tám Mối Phúc Thật như Kinh giáo dân Việt Nam quen đọc. Tuy nhiên, mặc dù Cha Th. Rey-Mermet cho rằng không nên tách rời các Mối Phúc Thật khỏi những điều được phán tiếp đó, vì làm như thế là vô tình cho rằng Chúa Kitô đã phần nào thần thiêng hóa sự đau khổ của con người và làm nản lòng một cố gắng khắc phục nó (Xem Tin, tr. 278), nguyên suy niệm và thi hành Tám Mối Phúc Thật cũng đủ để ta trở thành công dân Nước Trời. Thực vậy, người hạnh phúc thật là người khiêm nhường biết chấp nhận sự nghèo khó thiêng liêng, không tự lấy mình làm đủ, và do đó, biết hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa. Tất cả những người được chúc phúc khác đều là người khiêm nhường và nghèo khó theo nghĩa này hay theo nghĩa khác cả (xem David & Pat Alexander, Bible Handbook, tr.153, 265). Chúa chỉ đoái thương họ mà thôi, chính họ sẽ được dư dật trong Nước Trời. Đức Maria đã quán triệt điều ấy hơn ai hết, nên ngài đã cất tiếng Ngợi Khen: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ khó nghèo Chúa ban của đầy dư, người giầu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1:52-53).

Điều có ý nghĩa hơn nữa là Chúa Kitô đã chính thức sử dụng ý niệm hạnh phúc. Linh mục Gerald Vann O.P., trong Divine Pity, viết như sau: “Ta không nên ngại ngùng vì chữ hạnh phúc. Vì ta đã được ban tặng tin mừng sự sống; ta đã được trao ban sự hiểu biết và tình yêu của Đấng đến để ta được sống và sống dồi dào hơn; ta đã được phú ban tự do của con cái Thiên Chúa, và dù còn đang sống trên trần thế, do đó chưa tự do thoát khỏi mọi bất hạnh, nhưng đã thoát khỏi nỗi bất hạnh sâu xa nhất, và đó là khúc nhạc dạo đưa ta vào hạnh phúc sâu xa hơn. Thánh Tôma nói bằng một giọng bình thản và quả quyết rằng ‘mục đích đời người là hạnh phúc’, không còn gì để bàn cãi nữa... Hoài nghi về hạnh phúc và coi nó như một thứ xa rời tôn giáo quả là điều không hợp với Kitô giáo chút nào: nếu muốn được phong hiển thánh, trước nhất bạn phải trở thành người hạnh phúc mà ai cũng biết đến...” (tr. 21).

Kinh Thánh đưa ra nhiều lý do khiến ta phải cảm thấy hạnh phúc hân hoan ngay ở đời này: ơn cứu rỗi của Thiên Chúa (Tv 35:9), sự hiện diện của Người (Tv 16:11), Lời Người ( Tv 19:8; 119:14, 16; Grm 15:15); thánh nhan Người (Tv 21:1), ơn Người cứu sống (Tv 85:6), vua Người chọn (Dcr 9:9), phần thưởng Người ban (Lc 6:23), ơn Người phù trợ khi bị cám dỗ (Gcb 1:2), lòng từ nhân đầy yêu thương của Người (Tv 31:7)... Chính Người là Thiên Chúa hạnh phúc hân hoan, Người nhẩy mừng ca hát vì công trình mình làm, nhất là vì Dân Người: “Giavê, Thiên Chúa ngươi, anh hùng vạn thắng, ở giữa ngươi. Vì ngươi, Người hân hoan vui sướng. Với ngươi, Người làm mới lại tình yêu của Người. Vì ngươi, Người nhẩy mừng trong tiếng reo vui, như thuở tao phùng” (Sôphônya 3:17).

Và Dân Người đã hân hoan đáp trả. Khi Chúa giải phóng họ khỏi Ai Cập, họ nhẩy múa ca hát. Miriam, em gái Aaron, hô hào các phụ nữ khác dùng trống vừa nhẩy múa vừa ca hát ngợi khen Giavê (Xh 15:20-21). Môsê cũng ca hát với dân chúng. Chúa không dạy ta cảm nhận hân hoan, Người dạy ta phải hân hoan, nghĩa là phải thực hiện nỗi hân hoan bằng hành động. Đừng ngồi đó chờ đợi cảm giác đến rồi đặt tên cho nó là hân hoan. Hãy phát biểu nỗi hân hoan một cách thích đáng. Khi đội banh của bạn thắng một bàn thắng, bạn sẽ không quay qua người bạn bên cạnh và nói “tôi thấy tôi khoái quá!”, trái lại bạn sẽ đứng lên, vẫy tay, reo hò ủng hộ om xòm... Bà Elisabét, Đức Mẹ, Ông Dacaria và ông Simêong khi vui đều đã thốt lên bài ca tụng. Chúa Kitô từng bị người Pharisiêu lên án về tác phong vui chơi ăn uống của Người (Lc 5:30). Người vui vẻ nhận lời mời đi dự tiệc cưới Cana, trong đó, người ta vui hưởng đến hết cả rượu. Không những không lên tiếng “dạy đời”, Người còn làm phép lạ biến nước thành rượu cho họ tiếp tục cuộc vui. Mà nào có ít ỏi gì, đến 6 chum đầy, mỗi chum 45 lít (Ga 2:1-11)!

Tất nhiên, Người không quên thực tại, “Nơi thế gian, các con sẽ phải khốn quẫn” nhưng Người nói thêm ngay: “nhưng hãy vui lên, vì Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33). Người đến đem tin mừng, chứ không tin buồn, để hàn gắn những tấm lòng tan nát, để đem vòng hoa chứ không tro mạt tặng người sầu khổ, đem dầu hoan lạc chứ không sầu muộn (Is 61:1-3). Bởi thế Thánh Augustinô mới viết: “Kitô hữu phải là lời alêluia từ đầu tới chân” (Xem Paul Anderson, Building Christian Character, tr.88-90).

Kỳ tới: Luật và Tự do
 
Nếu!
Anê Kim Chung
21:06 23/03/2021
Cảm nhận “huyền nhiệm TRUYỀN TIN”

Mẹ ơi! Nếu Mẹ trả lời KHÔNG
Còn đó bao dang dở chất chồng
Tình của trời cao tình đất thấp
Mỏi mòn thương nhớ, mỏi mòn mong.

Mẹ ơi! Nếu Mẹ trả lời KHÔNG
Trần thế nay sao có sử hồng
Có lối đi về chung vạn nẻo
Có Vầng Dương sáng giữa đêm đông.

Mẹ ơi! Nếu Mẹ trả lời KHÔNG
Còn đó miên man giọt lệ hồng
Lệ của ngàn năm rơi lặng lẽ
Nhạt nhòa hiu hắt nỗi mênh mông.

Mẹ ơi! Nếu Mẹ trả lời KHÔNG
Hạnh phúc ơi dang dở bên lòng
Đời ngẩn ngơ trôi đời lay lắt
Kiếp người ra thế cũng bằng không.

Mẹ ơi! Nếu Mẹ trả lời KHÔNG
Là cách ngăn đôi ngã đôi dòng
Tình của trời cao tình đất thấp
Mỏi mòn thương nhớ, mỏi mòn mong…

Anê Kim Chung (Nữ tu MTG.QN)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: 40 Ngày Mùa Chay Của Chúa
Dominic Đức Nguyễn
14:34 23/03/2021
40 NGÀY MÙA CHAY CỦA CHÚA
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Bốn mươi ngày Chúa kiêng ăn
Thắng Sa-tan bởi quyền năng Lời Ngài.
Là con dân Chúa thiên đài
Đều vào sa mạc học bài đức tin
(Trích thơ của Thanh Hữu)
 
VietCatholic TV
Tiến sĩ George Weigel: Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi kết tội Sách Sáng Thế Ký
Giáo Hội Năm Châu
03:32 23/03/2021


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài nhận định sau đăng trên tờ First Things ngày 17 tháng Ba nhan đề “Woke ‘Rights,’ the Equality Act, and Speaker Pelosi”, nghĩa là “Quyền được thông tin, Đạo luật Bình đẳng và Chủ tịch Hạ Viện Pelosi.”

Ngày 25 tháng 2 năm 2021, Hạ viện Hoa Kỳ đáng lẽ đã phải giải quyết hàng loạt các vấn đề cấp bách.

Quốc gia này đang ở trong tháng thứ 11 của một đại dịch từng gây ra những xáo trộn kinh tế và xã hội lớn lao. Các trường học vẫn đóng cửa là bằng chứng cho thấy việc học trực tuyến không phục vụ trẻ em nghèo dễ bị tổn thương. Tình trạng bất ổn dân sự tiếp tục diễn ra ở các thành phố mà chính quyền địa phương từ chối việc duy trì trật tự công cộng và bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ mà chủ nhân chúng thường sống trong gang tấc bị phá sản. Công trình tuyệt vời của các nhà khoa học trong việc nhanh chóng sản xuất vắc xin hữu hiệu chống COVID-19 đã bị cản trở khi các chính quyền địa phương thiếu khả năng đã làm hỏng giai đoạn đầu của việc triển khai vắc xin. Diễn trình ngân sách ở Hạ viện đầy lóng ngóng như thường lệ, và nợ quốc gia đang tăng theo cấp số nhân. Một chính sách nhập cư lành mạnh vẫn còn cần được đưa ra.

Vậy mà, Hạ viện đã làm gì vào ngày 25 tháng 2? Bằng một cuộc bỏ phiếu 224-206, Hạ viện đã quyết định kết tội Sáng thế 1:27 bằng cách thông qua “Đạo luật bình đẳng”, một thứ đặt tên nhầm lẫn kiểu Tân Phát Ngôn (Newspeak) trong cuốn tiểu thuyết tưởng tượng của George Orwell, 1984.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Thượng viện có thông qua Đạo luật Bình đẳng hay không. Vào đầu tháng 3, có lời đồn đại ở Washington rằng lãnh tụ đa số Chuck Schumer sẽ không đưa dự luật lên sàn Thượng viện trừ khi ông ấy chắc chắn rằng mình có đủ số phiếu để thông qua nó. Những người Mỹ quan tâm đến tự do ngôn luận, tự do lương tâm, tự do tôn giáo, tự do lập hội, sự toàn vẹn của thể thao phụ nữ, không gian riêng cho phụ nữ và trẻ gái, sự độc lập của các tổ chức từ thiện, những con đường nghề nghiệp cởi mở và chăm sóc sức khỏe có phẩm chất cho những người không hài lòng về giới tính - tin rằng họ bị mắc kẹt trong cơ thể nhầm lẫn – đã cố gắng hết sức để bảo đảm rằng ông Schumer không bao giờ nhận được đủ số phiếu bầu đó.

Đạo luật Bình đẳng sửa đổi Đạo luật Quyền Dân Quyền năm 1964 mang tính bước ngoặt để bao gồm xu hướng tình dục và bản sắc phái tính vào danh mục được bảo vệ. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, khi tuyên bố rằng dự luật này là cần thiết “bởi vì có sự kỳ thị chống lại những người trong cộng đồng LGBTQ,” đã nói “người ta bảo nó cần thiết, điều này khiến tôi tan nát cõi lòng”. Vâng, thưa bà Chủ tịch, việc kỳ thị và bắt nạt cũng khiến trái tim tôi tan nát. Nhưng khi nghĩ tới việc dường như bà không hiểu điều bà làm, điều này làm tan nát đầu óc tôi”.

Đầu tiên, bà đang phủ nhận một sự thật được Thiên Chúa mạc khải (“…Người đã tạo ra họ có nam có nữ …”) mà mọi sách giáo khoa sinh học ban trung học đều chứng thực trong việc giảng dạy về kiểu gen xác định phái tính sinh học của chúng ta.

Thứ hai, bà đang gây nguy hiểm cho quyền tự do tôn giáo, vì Đạo luật Bình đẳng, trong một động thái toàn trị, miễn trừ những thách thức nghiêm ngặt của nó khỏi Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo - mà Hạ viện (bao gồm bà và nhà tài trợ ban đầu của đạo luật này, ông Schumer đã nói ở trên) đã nhất trí thông qua năm 1993. Điều đó có nghĩa là bà đã chuẩn bị mang toàn bộ sức nặng của luật dân quyền đè nặng xuống bất cứ định chế tôn giáo nào - Công Giáo, Tin lành, Do Thái - tin rằng mình bị ràng buộc bởi Sáng thế 1:27. Điều này có nghĩa bà đang kết tội đức tin Kinh thánh và ý niệm Công Giáo về nhân vị.

(Đồng nghiệp của bà, Dân biểu Jamie Raskin của Maryland, đã bảo vệ Đạo luật Bình đẳng bằng cách tuyên bố rằng “mọi kẻ vô lại trong lịch sử Hoa Kỳ đã cố gắng khoác cho việc phản đối dân quyền của người khác trang phục tôn giáo”. Xin bà vui lòng nhắc ông Raskin các mục sư Baptist, được sự hỗ trợ của các giáo sĩ Do Thái và các linh mục Công Giáo, những người, vào lúc cao điểm của phong trào dân quyền cổ điển năm 1965, đã dẫn đầu cuộc tuần hành qua Cầu Edmund Pettis ở Selma).

Thứ ba, bà, một người tuyên thệ ủng hộ nữ quyền, đang đặt vào nguy cơ nghiêm trọng các tiến bộ to lớn của điền kinh nữ được thực hiện dưới một phần của luật lệ mà người ta tưởng bà sẽ coi là tối thánh thiêng: Tiêu đề IX của các Tu chính án Giáo dục năm 1972. Nếu các chàng trai có vấn đề có thể tuyên bố họ là các cô gái và tuyên bố đó được áp đặt bởi luật dân quyền, thì các bước tiến lớn đạt được trong thể thao nữ theo Tiêu đề IX sẽ kết liễu - và đó là trước khi chúng ta tiến đến việc xâm phạm được luật pháp bắt buộc tới quyền tư riêng khi các cậu trai “tự xác định phái tính” thành các cô gái bước vào các không gian trước đây vốn dành riêng cho các cô gái và phụ nữ.

Thứ tư, bà đang đặt các đòi hỏi của các phe phái LGBTQ, những người đóng góp chính cho Đảng Dân chủ, lên trước khoa học, và quả thực trước cả lòng cảm thương. Không có bằng chứng khoa học nghiêm túc nào cho thấy “chuyển đổi phái tính” cổ vũ các thành quả tích cực đối với sự sống trong thời gian qua. Ngược lại, có rất nhiều bằng chứng cho thấy “chuyển đổi phái tính” làm tăng tỷ lệ tự tử ở những người trẻ có vấn đề. Những người cảm thấy khốn khổ cùng cực vì phái tính đáng được đối xử tốt hơn. Tuy nhiên, Đạo luật Bình đẳng đe dọa các biện pháp trừng phạt pháp lý đối với các bác sĩ từ chối cung cấp thuốc chẹn hormone, hoặc thực hiện việc cắt bỏ vú cho các cô gái trẻ - hoặc thậm chí chất vấn họ về nguồn gốc và cảm thức bất an tinh thần của họ. Như thế, sự giúp đỡ thực sự bị đẩy ra xa hơn khỏi những người đau khổ.

Lòng cảm thương thực sự đòi phải bác bỏ Đạo luật Bình đẳng.
 
Kinh hoàng vì coronavirus, người Nhật hướng đến các trò ma thuật để bảo vệ gia đình
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:36 23/03/2021


1. Người Nhật Bản hướng đến các trò ma thuật để bảo vệ gia đình khỏi coronavirus

Nhật Bản là đất nước đã có đến 434 vị tử đạo đã được tuyên phong, và hàng trăm ngàn các vị tử đạo chưa được biết đến; nhưng giờ đây 99% dân số là vô thần. Sau thế chiến thứ hai, đứng trước những tàn phá kinh hoàng của chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh phát triển rất mạnh.

Tờ Japan Times số ra ngày 9 tháng 10, năm ngoái, cho biết số vụ tự tử tăng ở Nhật Bản trong tháng 8 do ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em trong độ tuổi đi học tự sát. Điều đó mang đến cái nhìn đầu tiên về hậu quả của những căng thẳng liên quan đến sức khỏe tâm thần do COVID-19 gây ra trên toàn cầu.

Nhật Bản nằm trong số những cường quốc kinh tế công bố dữ liệu kịp thời về các vụ tự tử vì đây là một vấn đề xã hội dai dẳng. Các con số này gợi ý cho thấy những gì có thể xảy ra trên khắp thế giới khi các quốc gia phải vật lộn với thảm họa thất nghiệp hàng loạt và sự cô lập xã hội đang tác động đến một số nhóm người nhất định trong xã hội.

Các nhà xã hội học từ lâu đã cảnh báo rằng sự cô lập về kinh tế và xã hội gây ra bởi các biện pháp ngăn chặn coronavirus có thể gây ra nhiều ca tử vong hơn chính căn bệnh quái ác này. Tại Nhật Bản chẳng hạn, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người còn trẻ - năm nay, tự tử đã cướp đi sinh mạng của 13,000 người, trong khi tổng số ca tử vong do COVID-19 chưa đến 2,000 người.

Bên cạnh nạn tự tử, lại có hiện tượng khác là các giáo phái thu hút các tín đồ bằng nhiều trò ma thuật như những gì quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Tại núi Takaosan, một số người tự xưng là các nhà sư Phật Giáo đốt gỗ và lá bách Nhật Bản, tạo ra một ngọn lửa trại dữ dội. Sau đó, họ gom than hồng và xếp chúng thành hai dải, trên đó họ vừa đi chân trần vừa tụng kinh. “Tôi muốn coronavirus chấm dứt nhanh hơn”, Eriko Nakamura, 46 nói, khi mạnh dạn bước trên các hòn than.

Trước khi bước trên các hòn than, những người tham gia được yêu cầu nhúng chân vào một hợp chất. Có thể hợp chất này có tác dụng nào đó giúp họ bước đi được trên các hòn than.
Source:Reuters

2. Đức Hồng Y Farrell: Việc chúc phúc chỉ có thể dành cho hôn nhân, nhưng đời sống mục vụ của Giáo hội là dành cho tất cả mọi người

Trong bối cảnh các tấn kích liên tục nhắm vào Giáo Hội sau khi Đức Hồng Y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin Giáo Hội cho biết Giáo Hội không có quyền chúc phúc cho các kết hiệp đồng giới tính, Đức Hồng Y Kevin Farrell nêu rõ rằng đời sống mục vụ của Giáo Hội là dành cho tất cả mọi người, nhưng các phép lành chỉ được dành riêng cho các đôi hôn phối theo giáo huấn Công Giáo.

“Điều cần thiết và rất quan trọng là chúng ta phải luôn mở rộng vòng tay để đón nhận và đồng hành cùng tất cả mọi người trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời và trong những hoàn cảnh sống khác nhau của họ”, ngài nói trong buổi họp báo trực tuyến ngày 18 tháng 3.

Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống của Vatican đã trả lời một câu hỏi về tài liệu ngày 15 tháng 3 của Bộ Giáo lý Đức tin nói rằng các kết hiệp đồng tính không thể được chúc phúc trong Giáo Hội Công Giáo.

Trong câu trả lời của mình, Đức Hồng Y Farrell nhấn mạnh rằng đời sống mục vụ của Giáo hội là dành cho tất cả mọi người, nhưng ngài nói rằng sự phân biệt giữa hôn nhân bí tích và các loại kết hợp hoặc quan hệ đối tác khác là quan trọng.

“Khi Giáo hội nói về hôn nhân, Giáo hội muốn nói về hôn nhân bí tích. Giáo Hội không nói về các kết hiệp dân sự”, ngài nói. “Các phép lành là một á bí tích, có liên quan đến bí tích hôn nhân”.

“Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chỉ những người kết hôn trong Giáo hội mới nhận được lợi ích từ việc chăm sóc mục vụ của Giáo hội”, ngài nói thêm.

Vị Hồng Y người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan và là cựu giám mục của Dallas nói rằng đôi khi có những tình huống mà người ta không thể tham gia đầy đủ vào đời sống của Giáo hội, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không được đồng hành với các linh mục và giáo dân trong các giáo xứ.

Ngài nhấn mạnh rằng có những phong trào và nhóm trong Giáo hội phục vụ những người có sức hấp dẫn đồng giới, giống như có những cơ hội mục vụ cho những người ly dị và tái hôn, và những người khác mà Giáo hội đồng hành “với hy vọng một ngày nào đó họ sẽ sống phù hợp với giáo huấn của Giáo hội”.

Đức Hồng Y Farrell nhấn mạnh rằng không ai bị loại khỏi “sự chăm sóc mục vụ và tình yêu của Giáo hội”.

Phán quyết của Bộ Giáo Lý Đức Tin về các phép lành cho các mối quan hệ đồng giới giải thích rằng “không thể chúc phúc cho các mối quan hệ, hoặc các mối quan hệ đối tác, thậm chí ổn định, liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân như trường hợp sự kết hợp giữa những người cùng giới tính”.

Bình luận Đức Hồng Y Farrell xảy ra trong một cuộc họp báo trực tuyến với sự ra mắt của Năm “Gia đình Amoris Laetitia”, được tổ chức bởi Thánh Bộ của ngài.

Ngài lưu ý rằng tông huấn Amoris laetitia năm 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô khi nói về hôn nhân, thì cũng chỉ muốn nói đến hôn nhân bí tích theo giáo huấn của Giáo hội.

Cuối năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thông báo rằng kỷ niệm năm năm ngày ký Amoris Laetitia vào ngày 19 tháng 3, sẽ mở ra một năm dành riêng cho tài liệu và cho các gia đình.
Source:Catholic News Agency

3. Ủy ban Kinh thánh có nữ Tổng thư ký đầu tiên

Đức Thánh Cha Phanxicô vừa bổ nhiệm Nữ Tu Nuria Calduch-Benages, thuộc Dòng Thừa sai Thánh Gia Nazareth, làm nữ Tổng thư ký đầu tiên của Ủy ban Kinh thánh.

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, giảng viên Cựu ước tại Đại Học Giáo hoàng Grêgoriô và chuyên gia về Kinh thánh này bày tỏ lòng biết ơn “tới tất cả những người” đã “tin tưởng” bà trong việc bổ nhiệm này.

Trong ba năm, từ 2016 đến 2019, sơ Nuria Calduch-Benages, “cùng với các thành viên khác”, đã tham gia vào công việc của Ủy ban đầu tiên Nghiên cứu về chức Nữ Phó tế. Sơ nói, “Ngay cả khi kết quả thu được bị coi là phiến diện ở một số khía cạnh, trải nghiệm sống rất phong phú theo cả quan điểm trí tuệ và giáo hội lẫn quan điểm nhân bản. Chúng tôi đã tạo ra một mối quan hệ hữu nghị và hợp tác vẫn được theo đuổi cho đến ngày nay. Và tôi coi đó là một đặc ân”.

Nói về sự đóng góp chuyên biệt của phụ nữ trong việc nghiên cứu Lời Chúa, nữ tu liệt kê “khả năng của họ, sở thích của họ và quan điểm của họ.” Sơ mời ta suy nghĩ, “thí dụ về việc nghiên cứu các hình bóng phụ nữ trong Kinh thánh, các câu chuyện của họ, việc sử dụng các phép ẩn dụ phụ nữ, khoa giải thích duy nữ và nhiều khía cạnh khác”. Nữ tu Nuria Calduch-Benages giải thích cách đây 40 năm, “khi các nữ học giả Kinh thánh hầu như vô hình, các chủ đề và cách tiếp cận Kinh thánh này không được dự kiến trong giới Kinh thánh. Tuy nhiên, ngày nay chúng tôi được đánh giá cao bởi tất cả mọi người, cả nam lẫn nữ, và ngày càng có nhiều ấn phẩm hơn”.

Về những gì liên quan đến viễn kiến phụ nữ có thể suy diễn từ các bản văn Cựu Ước, nữ tu giải thích rằng “trong một số câu chuyện Kinh thánh… phụ nữ xuất hiện như những nhân vật chủ đạo thực sự trong lịch sử của Israel, với những sứ mệnh quan trọng cho người dân”. Nơi những câu chuyện khác, “họ chỉ là công cụ của quyền lực nam giới” hoặc “bị các tác giả hoàn toàn phớt lờ”.
Source:Vatican News
 
Thảm sát kinh hoàng tại Colorado, viên cảnh sát ngoan đạo bị giết gây đau đớn cho tổng giáo phận
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:09 23/03/2021


1. Thảm sát kinh hoàng tại Colorado, viên cảnh sát ngoan đạo bị giết gây đau đớn cho tổng giáo phận

Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila cho biết ngài “vô cùng đau buồn” về một vụ xả súng giết người hàng loạt ở miền bắc Colorado vào chiều Thứ Hai theo giờ địa phương, tức là gần trưa thứ Ba 23 tháng Ba theo giờ Việt Nam, và kêu gọi mọi người hoán cải con tim để loại bỏ bạo lực khỏi xã hội chúng ta.

Đức Tổng Giám Mục Aquila nói trong một tuyên bố hôm thứ Ba:

“Tôi đã cầu nguyện cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi hành động bạo lực vô nghĩa này và muốn bày tỏ sự gần gũi về mặt tinh thần của tôi với họ”.

Vào lúc 3 giờ chiều hôm thứ Hai, theo giờ địa phương, một tay súng đã bắn bừa bãi vào bất cứ ai tại một cửa hàng tạp hóa King Soopers ở Boulder, Colorado, khiến 10 người thiệt mạng.

Một trong những nạn nhân là cảnh sát Eric Talley, 51 tuổi, là một trong những người đầu tiên phản ứng với vụ xả súng. Talley, là một người Công Giáo rất ngoan đạo, bỏ lại một người vợ và bảy đứa con.

Đức Tổng Giám Mục Aquila nói rằng Talley “được mô tả là một người đàn ông có những đức tính tốt và đức tin mạnh mẽ, một người cha yêu thương với 7 đứa con, một người chồng hết lòng quan tâm đến gia đình và một người lính cho Chúa Giêsu Kitô.”

Ngài nói thêm rằng “Anh Talley thường xuyên ghé qua nhà thờ Thánh Martin de Porres ở Boulder và tham gia các sự kiện ở đó, mặc dù anh ta không phải là một giáo dân của giáo xứ này.”

“Thánh Martin de Porres, đấng bảo trợ của giáo xứ, là một người đã trải qua bi kịch và khó khăn trong cuộc sống của mình, và vì vậy, chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của thánh nhân trong những hoàn cảnh khó khăn này, xin Thiên Chúa mang lại điều tốt lành khỏi sự dữ kinh hoàng này”, Đức Tổng Giám Mục nói như trên và hứa sẽ cầu nguyện nhiều cho anh Talley và gia đình anh.

Tang lễ cho anh Talley sẽ được cử hành vào ngày thứ Hai 29 tháng 3 tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver. Theo một thông báo, đây sẽ là một Thánh lễ đại trào trọng thể được tổ chức theo hình thức đặc biệt của Nghi thức Rôma.

Cảnh sát đã bắt giữ tên Ahmad Al Aliwi Alissa, 21 tuổi liên quan đến vụ xả súng hôm thứ Hai và anh ta đã bị buộc 10 tội danh giết người cấp độ một. Chi khu cảnh sát Boulder cho biết như trên nhưng chưa thảo luận về động cơ xảy ra vụ nổ súng.

Các thành viên gia đình của nghi phạm nói rằng họ tin rằng anh ta đang bị bệnh tâm thần nghiêm trọng, bao gồm cả hoang tưởng, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.

Vụ xả súng ở Boulder xảy ra chưa đầy một tuần sau khi một tay súng ở Atlanta giết chết 8 người - trong đó có 6 phụ nữ châu Á - trong một loạt vụ xả súng tại 3 tiệm mát-xa ở khu vực Atlanta vào ngày 16 tháng 3.

Trong tuyên bố của mình, Đức Tổng Giám Mục Aquila nói rằng “những sự cố như thế này đã trở nên quá phổ biến ở đất nước và tiểu bang của chúng ta.”

“Chúng ta phải làm việc để thúc đẩy sự hoán cải sâu sắc hơn trong trái tim để cuộc sống của chúng ta được đặc trưng bởi đức bác ái, bởi lòng yêu mến Chúa và người lân cận, củng cố cấu trúc xã hội và ngăn chặn những hành động bạo lực vô nghĩa như hành động này.”
Source:Catholic News Agency

2. Đạo đức suy đồi, phụ nữ cần các ứng dụng thông minh trên điện thoại để đề phòng bị tấn công

Khi bạn của Neta Schreiber bị tấn công bởi những người đàn ông tại một bữa tiệc mười năm trước, các thủ phạm đã bỏ trốn khi Schreiber và những người khác xông vào phòng.

Chính khoảnh khắc mạnh về số đông đó đã cho Schreiber ý tưởng phát triển SafeUp, một ứng dụng điện thoại được thiết kế để trợ giúp đặc biệt cho sự an toàn của phụ nữ.

Nó đã được đưa ra ở Tel Aviv vào tháng Ba với sự giúp đỡ của thành phố.

Và, theo Schreiber, nó đã có 20,000 người dùng. Cô ấy giải thích cách nó hoạt động như sau.

“SafeUp là mạng lưới phụ nữ dựa vào cộng đồng cho phép họ trợ giúp từng người trong thời gian thực để ngăn chặn nạn quấy rối tình dục và cảm thấy an toàn hơn trong cuộc sống hàng ngày của họ. Bất cứ khi nào một trong số 20,000 người dùng của chúng tôi cảm thấy không an toàn, cô ấy chỉ cần mở ứng dụng, nhấn vào một nút và cô ấy có thể thực hiện cuộc gọi video với những người bảo vệ gần nhất, là những phụ nữ được đào tạo sẵn sàng trợ giúp cô ấy”.

Ứng dụng cho phép phụ nữ báo hiệu vị trí của họ và triệu tập sự trợ giúp từ những người ghi danh khác. Schreiber hy vọng SafeUp có thể được sử dụng ở các thành phố lớn hơn, như London, chẳng hạn.

Vụ bắt cóc và sát hại Sarah Everard gần đây khi đang đi bộ về nhà từ nhà một người bạn đã làm dấy lên yêu cầu của công chúng về các biện pháp tốt hơn để bảo vệ phụ nữ.

Khi gặp nạn, người dùng có thể chia sẻ vị trí trực tiếp của cô ấy với danh sách những phụ nữ mà cô ấy đã cung cấp trước.

Hoặc kết nối trò chuyện với những phụ nữ tình nguyện bảo vệ để nhận được sự trấn an và hướng dẫn.

Nếu người dùng hoặc người bảo vệ cho rằng tình huống là nguy hiểm sắp xảy ra, họ cũng có thể gọi cảnh sát thông qua ứng dụng.

Sau đó, SafeUp chạm vào camera và micrô của điện thoại để ghi lại bằng chứng.

Đối với những trường hợp ít nguy hiểm hơn, nó có thể xác định vị trí địa lý của những người bảo vệ trong vòng 500 mét từ người dùng.

Schreiber nói rằng đây không chỉ là một ứng dụng.

“Chúng tôi thực sự không chỉ xây dựng một ứng dụng, nhưng là một phong trào. Phong trào phụ nữ giúp nhau và ra đường an toàn hơn cho phụ nữ. Và chúng tôi hy vọng rằng trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ là phong trào lớn nhất của phụ nữ giúp đường phố an toàn hơn”.
Source:Reuters

3. Hiện tượng lạ ở Bắc Kinh sau những vụ phá hủy các nhà thờ

Cơ quan Khí tượng Trung Quốc đã công bố báo động vàng, cho biết bão cát đã lan từ Nội Mông vào các tỉnh Cam Túc, Sơn Tây và Hà Bắc, bao quanh Bắc Kinh.

Theo trung tâm giám sát môi trường của thành phố, chỉ số chất lượng không khí chính thức của Bắc Kinh đạt mức tối đa 500, với các hạt trôi nổi được gọi là PM10 tăng vượt quá 8,000 microgam trên một mét khối ở một số quận, theo trung tâm giám sát môi trường của thành phố.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nồng độ PM10 trung bình hàng ngày không quá 50 microgam.

Diễn biến lạ lùng này xảy ra sau khi Trung Quốc tiến hành chiến dịch giật sập hàng loạt các nhà thờ ở Tân Cương. Kể từ hôm 19 tháng Hai, người Công Giáo ở Nghi Ninh (Yining, 义宁), Tân Cương (Xinjiang, 新疆) phải dọn sạch mọi thứ của nhà thờ Thánh Tâm. Theo lệnh của bọn cầm quyền địa phương, nhà thờ phải bị phá hủy. Một nguồn tin của Asia-News cho biết “có lẽ từ tuần tới, nhà thờ Công Giáo ở biên giới phía Tây Trung Quốc này sẽ tan thành cát bụi”.

Cộng đồng Công Giáo Nghi Ninh, ở huyện Y Lợi (Yili, 伊利) 700 km về phía tây của Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi, 乌鲁木齐), thủ phủ của Tân Cương, có khoảng 2 nghìn người - gồm những cựu tù bị phát vãng từ thời Đế chế nhà Thanh, và những tù nhân chính trị sau năm 1949 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cùng với những người nhập cư khác và những người bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức trong khu vực.

Điều oái oăm là nhà thờ đang sở hữu tất cả các giấy phép cần thiết từ Cục Quản lý Tôn giáo mà vẫn bị triệt hạ. Được xây dựng vào năm 2000, các quan chức huyện Y Lợi và bọn cầm quyền ở Nghi Linh thậm chí đã tham dự lễ khánh thành và ca ngợi công trình này.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra một hiện tượng lạ như thế. Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc tiến hành triệt hạ các thánh giá, vào sáng ngày 24 tháng 7, 2014 một con sông ở Ôn Châu (Wenzhou, 温州) miền đông Trung Quốc đột nhiên chuyển sang màu đỏ như máu như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.
Source:Reuters

4. Ai Cập chuẩn bị bắt đầu chuyển đến thủ đô mới, Kitô hữu lo âu bị gạt ra ngoài lề

Ai Cập đang chạy đua để chuẩn bị thành lập một thủ đô mới hoành tráng ở sa mạc phía đông Cairo trước khi các công chức đầu tiên chuyển đến vào mùa hè này và trước khi các dự án hàng đầu của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi chính thức mở cửa.

Tại trung tâm của thành phố, các công nhân đang hoàn thiện một đại lộ của các bộ mang kiến trúc của các ngôi đền Hồi Giáo và tiếp giáp với một khu phức hợp Hồi giáo nổi bật, gần hai tòa nhà quốc hội có mái vòm theo kiểu Hồi Giáo và một dinh thự tổng thống rộng lớn.

Sẽ có một tuyến tàu điện một đường ray đi qua khu thương mại, nơi tòa tháp trung tâm cao 385 mét sắp được hoàn thành. Ngoài ra, các đường chung quanh một công viên có chu vi dài 10km đang bước vào giai đoạn chót. Cuối công viên này là một nhà thờ Hồi giáo khổng lồ cũng đang được hình thành.

Thành phố, được gọi đơn giản là Thủ đô Hành chính Mới, được thiết kế để hoạt động với công nghệ thông minh trên vùng đất nguyên sơ, tránh xa sự lộn xộn và hỗn loạn của Cairo. Nó sẽ có các trường đại học, cơ sở giải trí và một khu ngoại giao.

Tuy nhiên, tiến độ đã bị đình trệ và sau khi nguồn tài trợ của Tiểu vương quốc Ả rập bị cắt giảm ngay sau khi nó được công bố vào năm 2015, quân đội và chính phủ đã tiếp nhận chi phí ước tính 25 tỷ đô la của giai đoạn đầu, và bơm thêm vốn đầu tư ngoài ngân sách vào dự án này.

Một số khoản vay và tài trợ nước ngoài đã được bảo đảm.

Đại dịch coronavirus cũng làm chậm tiến độ và giai đoạn đầu tiên trong ba giai đoạn được lên kế hoạch, với diện tích 168 km vuông, đã không hoàn thành đúng theo dự trù ban đầu.

“Tỷ lệ hoàn thành giai đoạn đầu chỉ vượt khoảng 60% đối với tất cả các dự án”, Khaled el-Husseiny, phát ngôn viên của thủ đô mới nói.

Ông nói thêm rằng dự kiến thủ đô mới được mở cửa chính thức vào cuối năm 2021.

Quy hoạch của thủ đô mới đã không hề nhắc đến bất cứ ngôi nhà thờ nào của Chính Thống Giáo hay Công Giáo Coptic.
Source:Reuters

5. New Delhi là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới trong suốt ba năm liên tiếp

New Delhi là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới trong ba năm liên tiếp, theo IQAir, một nhóm bảo vệ môi trường Thụy Sĩ chuyên đo lường phẩm chất không khí dựa trên nồng độ của các hạt trong không khí có hại cho phổi được gọi là PM2.5. Danh xưng này ám chỉ các hạt trong không khí có đường kính nhỏ hơn 2.5 micron.

Theo Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2020 của IQAir, Ấn Độ là nơi có 35 trong số 50 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, dựa trên dữ liệu thu thập của 106 quốc gia.

Các phát hiện dựa trên lượng hạt PM2.5 trung bình hàng năm của nước này,. Tiếp xúc lâu dài với PM2.5 có thể dẫn đến các bệnh chết người, bao gồm cả ung thư và các vấn đề về tim mạch.

Vào năm 2020, nồng độ trung bình hàng năm của PM2.5 trong một mét khối không khí của New Delhi là 84.1, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của Bắc Kinh là 37.5, khiến nó trở thành thành phố ô nhiễm thứ 14 trên thế giới..

Theo một nghiên cứu gần đây của Greenpeace Southeast Asia Analysis và IQAir, ô nhiễm không khí đã gây ra khoảng 54,000 trường hợp chết sớm ở New Delhi vào năm 2020.

Bất chấp mức PM2.5 trung bình hàng năm giảm 11% do các biện pháp ngăn chặn coronavirus trên toàn quốc được áp dụng vào năm ngoái, Ấn Độ vẫn nổi lên là quốc gia ô nhiễm thứ ba trên thế giới sau Bangladesh và Pakistan.

Năm 2020, Nam Á phải chịu đựng một số kỷ lục về chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới.

20 triệu cư dân của Delhi đã được hít thở bầu không khí trong sạch nhất kỷ lục trong những tháng mùa hè do tình trạng khóa cửa. Tuy nhiên, họ lại phải chống chọi với không khí độc hại vào mùa đông, sau sự gia tăng mạnh các vụ cháy trang trại ở bang lân cận Punjab.

Khi việc đốt rơm rạ lên đến cao điểm, mức PM2.5 của Delhi đạt trung bình 144 microgam trên một mét khối vào tháng 11 và 157 microgam trên một mét khối vào tháng 12, vượt quá quy định an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới hơn 14 lần.
Source:Reuters
 
Thánh Ca
Con Đường Chúa Đã Đi Qua - The Way Of Love.
Sáng tác Lm: Văn Chi - Ca Sĩ Tuyết Mai
20:56 23/03/2021