Ngày 22-03-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Video Suy Niệm Mùa Chay - Nắm Tro Tàn
Ca Đoàn Cêcilia Tây Úc
03:12 22/03/2014
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:41 22/03/2014
CHIM ƯNG
N2T

Có người phát hiện một cái trứng của chim ưng, bèn đem nó bỏ vào ổ gà có gà mẹ đang ấp ở phía sau chái nhà, thế là con chim ưng con cùng với các con gà con nở ra cùng một lúc và cùng lớn lên.
Con chim ưng con này với bầy gà con cùng vui chơi nô đùa trong sân và tự cho mình là một con gà con, cũng bươi móc côn trùng trong đất và kêu chíp chíp như gà con, cũng đập đập đôi cánh ngắn bay thấp thấp trên đất giống như bầy gà con, tóm lại là làm một con gà con thì bay như thế cũng là oai lắm rồi.
Mấy năm sau, con chim ưng đã già, một hôm nó nhìn thấy từ rất xa trên không trung một con chim hùng vĩ đang xé mây lao xuống, hai cánh giang rộng lấp lánh ánh mặt trời, nó hỏi con gà bên cạnh:
- “Đó là gì vậy ?”
Con gà trả lời:
- “Đó là chim ưng, vua các loài chim, đừng nghĩ chuyện gì khác nhé, anh và tôi đều khác với nó.”

Suy tư:
Tội nghiệp cho con chim ưng, một giống chim mạnh khỏe bay vút trên không trung giờ trở thành con gà lụi đụi trên đất.
Củng có một lúc nào đó người ta cũng sẽ tội nghiệp cho chúng ta –người Ki-tô hữu- bởi vì thân phận là con Thiên Chúa, được thừa kế gia sản Nước Trời, được trở thành môn đệ của Đức Chúa Giê-su, nhưng chúng ta lại lụi đụi sống như con chim ưng bưới móc đất đai tìm côn trung ăn với đàn gà, tức là với những cám dỗ của ma quỷ và những người làm cho chúng ta có nguy cơ mất đức tin vào Thiên Chúa và mất phúc thiên đàng.
Nhờ bí tích Rửa Tội chúng ta đã được làm con của Chúa, được tháp nhập vào than thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su, do đó mà thánh Phao-lô tông đồ dạy chúng ta phải tìm kiếm những sự trên trời, đó là yêu thương, khoan dung, nhân hậu, nhẫn nại và tha thứ…
Chim ưng vốn là loài chim mạnh khỏe hùng vĩ bay lượn trên trời cao, người Ki-tô hữu vốn là người được thừa hưởng gia tài trên trời cao là thiên đàng, nhưng nếu chúng ta chỉ muốn làm người hưởng thụ vật chất thế gia, mà không muốn làm người kế thừa gia sản Nước Trời thì không phải là dại dột lắm hay sao ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 3 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:43 22/03/2014
Chúa Nhật III MÙA CHAY

Tin mừng : Ga 4, 15-19b-26.39a.40-42
“Mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”.


Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã làm một việc mà trong thời Ngài người Do Thái chưa ai làm được, đó là tiếp xúc, trò chuyện thân tình với một người phụ nữ Sa-ma-ri, và quan trọng hơn, qua việc tiếp xúc này, đã có nhiều người Sa-ma-ri trong thành ấy tin vào Ngài.

Noi gương Đức Chúa Giê-su trong việc đối thoại để đem Tin Mừng đến cho mọi người, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm sau đây :

1. Đi trước một bước để bắt cầu.
Ai cũng biết người Do Thái và người Sa-ma-ri thì không hòa hợp với nhau, cho nên mới có chuyện tôi thờ lạy Thiên Chúa ở trên núi Ga-ra-zim, còn anh thì bái lạy Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem, từ chỗ khác biệt ấy và những khác biệt khác nữa, nên họ đã không cùng đi lại với nhau và trở thành đối địch nhau.

Đức Chúa Giê-su đã đi trước một bước: Ngài chủ động trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri và xin bà ta nước uống, và thế là Ngài đã phá tan tảng băng đóng kín giữa hai người, giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri, hơn thế nữa, chính Ngài đã mặc khải cho người phụ nữ biết Ngài chính là Đấng Mê-si-a, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo, chính Ngài đã đi trước một bước để bắt cầu cảm thông giữa những tâm hồn có thành kiến với nhau.

Chung quanh chúng ta có những tình cảm bị đóng băng vì thiếu đi sự khiêm tốn của chúng ta, chỉ cần một lời thăm hỏi chân tình khi gặp mặt, là chúng ta có thể làm cho tảng băng ấy tan rã và tạo được tình thân; chỉ cần một thái độ ân cần là chúng ta có thể bắt được chiếc cầu hữu nghị giữa chúng ta với người hàng xóm bên cạnh nhà, với người không cùng tín ngưỡng với chúng ta. Đó là bí quyết truyền giáo của Đức Chúa Giê-su khi Ngài trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri...

2. Quên mình để tha nhân thấy được Thiên Chúa .
Đức Chúa Giê-su khi trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri đã không chỉ trích bà là người ngoại đạo, đã không nói bà là người lăng loàn trắc nết đã có bảy đời chồng, dù Ngài biết rất rõ, Ngài cũng không nói dân thành Sa-ma-ri kém lòng tin vào Ngài. Nhưng chính Đức Chúa Giê-su đã quên mình đi để cho người phụ nữ Sa-ma-ri được cảm thấy gần gủi hơn, để dễ dàng bày tỏ tâm tình của mình hơn, và như thế, chính Ngài đã làm cho bà và dân thành Sa-ma-ri nhận ra Ngài là ai, và tin vào Ngài.

Quên mình đi để người khác tìm thấy Thiên Chúa qua mình, không những là thái độ của người khiêm tốn mà còn là hành vi của người truyền giáo, bởi vì khi chúng ta quên đi chức vụ, thân phận, học vấn của mình, thì chúng ta dễ dàng đối thoại với tha nhân hơn.

Có nhiều người thích tự giới thiệu về mình cách khoe khoang khi đối diện chuyện trò với người khác, nên người ta không tìm được Thiên Chúa trong họ; lại có nhiều người trong chúng ta thích chỉ trích người khác hơn là nói lời khuyến khích, và thích nói những khuyết điểm của người khác ra hơn là cầu nguyện cho họ, nên người khác chưa nhận ra được Thiên Chúa đang hiện diện trong vũ trụ và trên con người chúng ta...

Anh chị em thân mến,
Chỉ cần noi gương Đức Chúa Giê-su đi trước một bước với thái độ chân thành, là chúng ta đã phá bỏ bức tường thành kiến ngăn cách giữa chúng ta với người khác; chỉ cần chúng ta đưa tay ra trước là chúng ta đã nắm được bàn tay của người bên cạnh, và làm cho cách nhìn lâu nay của họ đối với chúng ta thay đổi, cách nhìn ấy của họ chính là họ vẫn cho chúng ta là những Ki-tô hữu giả hình, vì chúng ta không sống như lời của Đức Chúa Giê-su dạy.

Mỗi ngày, bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng đều có thể đi trước một bước để hàn gắn những vết thương lòng giữa người với người, có khi vì hiểu lầm. Đó chính là điều mà Đức Chúa Giê-su –qua những việc làm tốt lành của chúng ta- đã mặc khải Ngài cho mọi người biết Ngài là Đấng Mê-si-a mà mọi người trông đợi, và đó cũng là tinh thần truyền giáo của Đức Chúa Giê-su ngày xưa và của chúng ta ngày hôm nay vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:46 22/03/2014
N2T

4. Đức tin chính là lúc con người trò chuyện với Thiên Chúa, giống như người nói chuyện với người vậy.

(Thánh Ioannes Maria Vianney)
--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:48 22/03/2014
ĂN CƠM
Giáo xứ lớn giáo dân đông, nên để tránh tình trạng nay đại gia này mời ăn tân gia, mai nhà giàu kia mời ăn tiệc cưới.v.v…sẽ làm bận rộn cho mình và công việc mục vụ,do đó mà cha sở từ chối tất cả những lời mời ăn cơm của giáo dân, dù ở nhà riêng hay tại nhà hàng…
Giáo dân vui vẻ nói với nhau: cha sở công bằng.
-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Thầy là Ánh Sáng cho thế gian
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:20 22/03/2014
Chúa Nhật IV MÙA CHAY, năm A
Ga 9, 1-41

THẦY LÀ ÁNH SÁNG CHO THẾ GIAN ( Ga 9, 5 )

Ánh sáng là năng lực rất cần thiết cho mọi sự sống từ con người, đến con vật, đên cây cỏ, vạn vật vv…Thiếu ánh sáng, con người sẽ đâm vào cảnh khốn cùng, sẽ rơi vào cảnh tang thương, chết chóc. Cây cối sẽ không tăng trưởng, phát triển được khi vạn vật, vũ trụ thiếu ánh sáng. Chúa Nhật IV Mùa chay, Giáo Hội muốn cho chúng ta nhận ra Ánh Sáng thật là Đức Kitô. Bởi vì, qua phép lạ Chúa Giêsu làm cho anh mù từ thuở bình sinh, Ngài muốn dẫn anh mù và cả nhân loại thoát khỏi sự mù tối tâm hồn để đưa vào vòng ánh sáng, biết đón nhận Ngài và tin tưởng đi theo Ngài…Vì Ngài là Ánh Sáng soi đường, chỉ lối cho nhân loại…

Tin mừng của thánh Gioan hôm nay thuật lại câu chuyện phép lạ thật sinh động, hấp dẫn, đưa chúng ta đi từ sự ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Những người Pharisêu cố ý tìm cách bắt bẻ Chúa Giêsu vì qua việc chữa lành cho anh mù từ thuở mới sinh được sáng mắt. Chúa Giêsu đã làm những cử chỉ thật đơn giản, xem ra phản cả khoa học, mà Ngài lại làm phép lạ vào ngày Sabbat, ngày người Do Thái kiêng kỵ, cấm đoán con người không được làm việc. Ngày Sabbat là ngày nghỉ…Chúa vượt lên trên cả những cấm kỵ, những rào cản phản Tin mừng. Ngài đến để đem tình thương cho con người.Ngài đến không phải để phá lề luật nhưng để làm cho lề luật được nên hoàn thiện. Do đó, những người Pharisêu căm tức, thù oán Ngài. Họ gán cho Chúa là người tội lỗi :” Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa, chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi “ ( Ga 9, 24 ). Tuy nhiên, anh mù đã cương quyết tin nhận Thiên Chúa :” Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không tôi không biết.Tôi chỉ biết một điều, là trước đây tôi bị mù nay tôi nhìn thấy được “ ( Ga 9, 25 ). Khi gặp lại Đức Giêsu, anh mù ta tuyên xưng: ” Thưa Ngài, tôi tin “. Rồi anh sấp mình xuống thờ lạy Người ( Ga 9, 38 ). Sở dĩ, nhưng người Pharisêu, Kinh sư và giới lãnh đạo tôn giáo lúc đó không nhận, không tin Chúa bởi vì họ lòng chai dạ đá, họ cứng cỏi, đặc biệt họ sống trong sự tội, mà đang sống trong tội lỗi thì làm sao nhận và tin được Ngài…Một phép lạ tỏ tường như thế, nhưng người Pharisêu vẫn không nhận ra Chúa .Họ đang sống trong tối tăm mà cứ tưởng mình sáng. Họ đang sống trong tội lỗi mà cứ tưởng mình thánh thiện. Họ tự nhận :” Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao ? “ ( Ga 9, 40 ) và Chúa Giêsu đã trả lời thẳng thừng với họ :” Nếu các ông mù, thì các ông đã chẳng có tội.nhưng vì các ông nói : chúng tôi nhìn thấy được, nên tội các ông vẫn còn đó “ ( Ga 9, 41 ).

Chúa Giêsu đã làm một phép lạ mà muôn đời y khoa cũng vẫn phải bó tay. Điều này, cho chúng ta thấy quyền năng vô biên của Chúa. Chúa đã làm ch anh mù được sáng mắt một sự ước ao, trông đợi mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Chúa đã làm ch anh mù được khỏi mù về thể lý, nhưng trên hết Chúa đã làm cho anh mù có đức tin để nhận ra Ngài và tin vào Ngài…Mù về thế lý đã vô cùng khổ sở nhưng có một thứ mù lòa kinh khủng khiến con người không thể nhìn ra sự thật, nhìn ra ánh sáng. Đó là thứ mù lòa tâm linh. Một sự mù lòa tinh thần do sống trong sự tội.

Anh mù hôm nay đã quá hạnh phúc vì Chúa đã chữa cho anh thấy được một sự thật hiển nhiên mà bất cứ một thầy thuốc giỏi giang đến mấy cũng không chữa được. Y khoa dù có tiến bộ vượt bực cũng không thể làm được điều ấy. Mùa chay là mùa chuẩn bị tâm hồn các dự tòng lãnh nhận bí tích thanh tẩy và giúp các tín hữu sống lại phép rửa tội họ đã lãnh nhận. Nên, các bài đọc đặc biệt các bài Tin mừng của thánh Gioan giúp các tân tòng nhận ra Chúa, tin và đi theo Chúa. Bí tích thanh tẩy đưa con người vào sự sống Thiên Chúa và giúp con người nhận ra Ánh sáng là chính Đức Kitô.Mùa chay là mùa ân sủng, mùa hồng ân để giúp chúng ta cơ hội thuận tiện sám hối, ăn năn và trở về với Chúa vì “ Chúa là Đường,là Sự Thật và là Sự Sống “.

Ánh sáng rất cần cho sự sống, như lương thực: thức ăn, nước uống cần cho con người. Lời Chúa là ánh sáng soi đường, chỉ lối cho con người như của ăn nuôi sống tâm hồn như Chúa đã nói :” Thầy là ánh sáng cho thế gian “ (Ga 9, 5 ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa Giêsu là Ánh sáng, chúng ta có nhận ra Ngài không ?
2.Chúng ta có tự mãn cho rằng sự hiểu biết của chúng ta đã đủ không ?
3.Thánh Gioan thường coi những phép lạ như dấu chỉ để con người nhìn vào những dấu chỉ ấy nhận ra Thiên Chúa, còn chúng ta, chúng ta có nhận ra những dấu chỉ của chúng ta nhận lãnh trong cuộc đời để nhận ra Chúa không?
4.Ánh sáng và bóng tối luôn đối kháng, chúng ta có kiên nhẫn để nhận ra ánh sáng của Chúa không ?
5.Chúng ta có chuyên chăm đọc Lời Chúa và tìm hiểu Lời Chúa dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần không ?
 
“Đừng bắt Chúa chờ quá lâu.”
Lm Giuse Trương Đình Hiền
11:31 22/03/2014
ĐỪNG BẮT CHÚA CHỜ QUÁ LÂU

(Chúa Nhật III Mùa Chay Năm A)

Từ ngàn xưa, người ta vẫn quan niệm : Nước chính Nguyên Lý của sự sống ; nhất là sự sống trên trái đất nầy. Chẳng vậy mà trong thi ca bình dân của Việt nam đã dành một sự trân trọng cho nước như bài đồng dao :

Tôi ở trên trời
Tôi rơi xuống đất
Tưởng rằng tôi mất
Chẳng hóa tôi không
Tôi chảy ra sông
Nuôi loài tôm cá
Qua các làng xã
Theo máng theo mương
Cho người trồng trọt
Thóc vàng chạt cót
Cơm trắng đầy nồi
Vậy chơ khinh tôi
Hạt mưa hạt móc.


Và nước cũng là một chủ đề được Thánh Kinh nhắc đến nhiều lần và với nhiều ý nghĩa.

Ngay từ buổi khai thiên lập địa, nước đã có mặt trong công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa. Nước chảy nơi vườn Eden để biến nơi đây thành địa đàng trần gian. Nước dâng cao thành Hồng thủy để thanh tẩy địa cầu. Nước Biển Đỏ và sông Gio-đan dựng đững như tường thành để dân Ít-ra-en đi bộ tiến vào Hứa đại. Nước làm cho muôn vật sinh sôi nẩy nở. Và người công chính được ví như cây dừa mọc bên bờ suối nước, trổ sinh hoa trái tốt lành. Trong khi đó, sứ ngôn Ê-dê-ki-en đã loan báo, vào thời Cứu Thế, nước sẽ chảy ra từ bên phải đền thờ để chữa lành và cứu sống muôn người.

Tuy nhiên, dụng ý của trích đoạn sách Xuất Hành được công bố nơi bài đọc 1 hôm nay, khi nhắc đến biến cố “khát nước” của dân Ít-ra-en trong hoang địa là muốn nhắc nhở chúng ta về những “cơn khát của thời đại hôm nay” và thái độ ứng xử của đức tin trước những cơn khát nầy.

Thật vậy, ngày hôm nay nhân loại cũng đang bị dày vò bởi nhiều cơn khát cháy bỏng : khát tiền, khát tình, khát hưởng thụ, khát tự do, khát cơm no áo ấm, khát danh vọng chức quyền. Và để thỏa mãn những cơn khát đó, đã có không biết bao nhiêu những “mời chào, những giải pháp, những đề nghị”. Tuy nhiên, có những đề nghị, những con đường, thay vì dẫn người ta tới hạnh phúc, tới “đất hứa”, tới cơn giản khát đích thực, đã ném con người vào thất vọng thảm thương, đã dẫn vào đường cùng bi đát. Bởi vì, đó chỉ là những giải pháp nửa vời, những con đường bấp bênh và dối trá do ma quỷ lừa gạt hoặc do dục vọng và đam mê của cái tôi xúi dục.

Ngày xưa, dân Ít-ra-en khi phải đối diện với cơn khát nước điên cuồng nơi hoang mạc, đã liều quay lưng chống đối Mô-sê, nghi ngờ sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa, quên hết bao nhiêu ơn lành và kỳ công Chúa đã thực hiện trong biến cố Vượt Qua khai mạc cuộc Xuất Hành. Họ quên cả “chiếc gậy của Mô-sê” đã từng dương ra trên biển Đỏ để họ tiến bước ráo chân giữa hai bờ tường nước dựng. Quên cả manna, quên luôn chim cút, quên cột mây che mát, cột lửa dẫn đường, quên hết Thập điều trên núi Sinai…

Ngày nay, trước những cơn khát của vật chất và hưởng thụ, tiện nghi và giàu có, thành công và quyền lực…, chúng ta cũng đã bao lần quên mình là Kitô hữu, quên dòng nước rửa tội, quên Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, quên các giới răn và các thực hành luân lý Kitô giáo, quên hết những lời dạy của Tin mừng…

Nhưng Thiên Chúa lại chứng tỏ quyền năng bằng lòng tha thứ ; và Ngài lại một lần nữa ra tay. Chiếc gậy của Mô-sê có dịp được dương ra để đập vào tảng đá cho mạch nước tuôn trào. Ngày hôm nay cũng thế. Thiên Chúa nào chịu thua sự cứng lòng và yếu đuối của loài người ! Kể từ những giọt máu và nước từ trái tim của Con một tuôn ra trên đồi Sọ, “chiếc gậy Thánh Thần” đã dương ra trên khắp địa cầu để đập vào muôn vạn trái tim chai cứng hầu tuôn đổ ơn sủng tái sinh mà người trộm bên hữu là kẻ tiên phong đón nhận. Rồi tiếp nối kể từ buổi sáng Lễ Ngủ Tuần, sau bài giảng của Tông Đồ Phêrô, dòng nước Thánh Tẩy đã tuôn tràn trên thế giới.… Cứ thế, suốt hai ngàn năm nay, hàng hàng lớp lớp con người đã được chiếc gậy Thánh Thần chạm đến để tuôn đổ hồng ân, để nhận được dòng nước hằng sống tái sinh qua bí tích Rửa tội và được nuôi dưỡng lớn lên nhờThánh Thể. Đúng như lời Đức Kitô đã nới với người thiếu phụ Samari trong Tin mừng hôm nay : “và nước tôi cho sẽ sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.

Như vậy điều quan trọng còn lại hôm nay chính là hãy mở lòng ra, hãy đến và hãy gặp. Chính người thiếu phụ Samaria hôm nay đã chịu mở lòng ra đối thoại với Chúa, đã chấp nhận để Chúa truy vấn và đã để Lời Chúa xuyên thấu cõi lòng. Và từ đó lại một mạch nước hằng sống đã tuôn trào nơi trái tim tưởng đâu đã cằn khô nơi chị, biến chị trở thành chứng nhân, thành tông đồ để rao giảng đơn sơ chỉ một tin Mừng : “Đến mà xem : có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao ?”. Quả thật, đức tin luôn là một cuộc khao khát vươn tới, là một sự khó nghèo để được lấp đầy. Điều quan trọng là hãy đến, hãy tiếp cận, hãy gặp gỡ. Chúa nào có xa đâu. “Nầy đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với ta.” (Kh 3,20)

Câu Kinh Thánh trên làm tôi liên tưởng tới bức tranh mang tên “ÁNH SÁNG THẾ GIAN” tại nhà thờ Chính Tòa Luân Đôn. Bức hoạ có hình Chúa Giêsu đứng ngoài một cánh cửa với cây lá trường xuân che phủ kín mặt tường quanh cửa, trên cánh cửa không có ổ khóa, cũng không có quả nắm ở ngoài. Nhìn bức hoạ, chúng ta có thể hiểu ngay là Chúa đứng ngoài cửa, Ngài gõ cửa và đứng chờ cho tới khi có ai ra mở cửa cho Chúa vào, ngoài ra không còn cách nào khác có thể đẩy cửa bước vào. Quan trọng là bên dưới bức tranh có một câu của người họa sĩ đã ghi lại : “Lạy Chúa, xin thứ lỗi cho con, vì con đã bắt Chúa phải đứng chờ quá lâu”

Hôm nay, Mùa Chay nầy, cũng thế đối với tôi : “đừng bắt Chúa chờ quá lâu.”

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thanh Cha kêu gọi kiến tạo ”môi sinh” trong lãnh vực truyền thông
Lm. Trần Đức Anh OP
09:06 22/03/2014
VATICAN. ĐTC Phanxicô khuyến khích các đài phát thanh và truyền hình Công Giáo Italia giúp kiến tạo một ”hệ thống môi sinh” trong lãnh vực truyền thông xã hội.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 22-3-2014 dành cho 400 thành viên hiệp hội Corallo qui tụ 212 đài phát thanh và 69 đài truyền hình trên toàn nước Italia, một hiệp hội được thành lập hồi năm 1981 với mục đích làm điểm tham chiếu cho các đài phát thanh và truyền hình tư nhân tuyên bố tuân theo các nguyên tắc xã hội của Kitô giáo.

Trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhận định rằng: ”Anh chị em là tiếng nói của một Giáo Hội không sợ đi vào những sa mạc của con người, gặp gỡ họ, tìm kiếm họ trong những lo âu, ngỡ ngàng lạc hướng, đối thoại với tất cả mọi người, cả với những người xa lìa cộng đoàn Kitô và cảm thấy xa Chúa vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng thực tế, Thiên Chúa không bao giờ xa cách, Ngài luôn ở gần bên!”.

ĐTC khích lệ giới truyền thông Công Giáo thuộc hội Corallo hãy chú ý đến những đề tài quan trọng của đời sống cá nhân, gia đình xã hội, bàn về những đề tài ấy không phải theo cách thức tìm những gì là ”giật gân”, nhưng trong tinh thần trách nhiệm, chân thành quan tâm đến công ích và sự thật.

ĐTC Phanxicô cũng nói rằng: ”Một đóng góp khác anh chị em có thể thực hiện nhờ chất lượng nhân bản và luân lý đạo đức trong công việc của anh chị emn, đó là kiến tạo một môi trường sinh thái trong lãnh vực truyền thông, nghĩa là một môi trường biết quân bình hóa giữa sự thinh lặng, lời nói, hình ảnh và tiếng nói, như ĐGH Biển Đức 16 đã đề nghị. Ngày nay có nhiều ô nhiễm, và cả bầu không khí ô nhiễm trong lãnh vực truyền thông, dưới nhiều hình thức khác nhau. Dân chúng biết điều đó, nhận thấy thực tại ấy, nhưng rồi họ quen thở hít từ đài phát thanh và truyền hình một thứ không khí bẩn thỉu, gây hại cho con người. Cần truyền đi một bầu không khí trong sạch, mà dân chúng có thể hít thở một cách tự do, mang lại dưỡng khí cho tâm trí và linh hồn”. (SD 22-3-2014)
 
Đức Thánh Cha kêu gọi những người mafia hoán cải
Lm. Trần Đức Anh OP
09:15 22/03/2014
ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày 21-3-2014, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ và cầu nguyện với 700 thân nhân của khoảng 15 ngàn nạn nhân vô tội của tổ chức bất lương mafia ở Italia. Ngài kêu gọi các kẻ bất lương hãy hoán cải.

Hiện diện tại thánh đường thánh Gregorio 7, gần Vatican, ngoài các tín hữu vừa nói, đặc biệt có cha Luigi Ciotti, người sáng lập Tổ chức Libera chuyên phối hợp hoạt động của 1600 hiệp hội, các cơ quan và trường học, các nhóm dấn thân trong cuộc chiến đấu chống mafia, nạn tham ô, nạn cho vay với lãi xuất cao, v.v.

Cuộc gặp gỡ diễn ra vào áp ngày toàn quốc Italia lần thứ 19 tưởng niệm các nạn nhân vô tội do các tổ chức bất lương mafia gây ra. Sáng kiến này cũng do tổ chức Libera đề xướng.

Lời chào của cha Luigi Ciotti

Trong lời chào mừng ĐTC đầu buổi cầu nguyện, Cha Ciotti nhận xét rằng trong danh sách tên của hơn 840 nạn nhân vô tội bị các tổ chức mafia sát hại, có khoảng 80 trẻ em, có em chỉ mới 3 tuổi. ”Có những người tình cờ ở nơi xảy ra cuộc chạm súng. Có bao nhiêu người ”công chính”. Những người ở phía đang tìm kiếm và giúp tìm kiếm sự thật, nhưng người tự do và lương thiện, không để cho mình bị khó khăn khuất phục. Tại Italia, tại Âu Châu và trên thế giới, như sự hiện diện của các thân nhân các nạn nhân từ Mỹ châu la tinh hôm nay ở đây chứng tỏ”.

Cha Ciotti cũng nói rằng 'nạn nhân của mafia cũng là những người ”chết rồi mà đang sống”. Bao nhiêu người bị giết chết trong nội tâm. Bao nhiêu người đã bị mafia tước mất phẩm giá và tự do, những người bị tống tiền hoặc bị áp lực, sợ hãi, nội tâm trống rỗng. Các tổ chức bất lương mafia - tham những, bất hợp pháp - giết chết hy vọng”.

”Vấn đề các băng đảng mafia không phải chỉ là vấn đề tội phạm. Giả sử như thế thì chỉ cần các lực lượng cảnh sát, chỉ cần các quan tòa. Đó là một vấn đề xã hội và văn hóa. Một vấn đề liên hệ tới trách nhiệm công cộng - thường bị thoái hóa thành những quyền lực tư - và trách nhiệm xã hội bị gạt bỏ nhân danh cá nhân chủ nghĩa”.

”Ngày nay hơn bao giờ hết, cần có một bước nhảy cao. Cần có những chính sách xã hội, công ăn việc làm, đầu tư vào học đường. Cần mang lại cho con người hy vọng và phẩm giá. Cần làm sao để chính trị tái phục vụ công ích. Và đặc biệt cần tăng cường việc tịch thu các tài sản của các tổ chức bất lương, sử dụng tài sản nào vào các dịch vụ xã hội, chống lại nạn tội phạm, để hồi sinh về xã hội và văn hóa”.

Tại buổi cầu nguyện, có 45 phút được dành cho việc xướng danh tánh của 842 nạn nhân của các tổ chức bất lương. Và sau bài Tin Mừng về các Mối Phúc Thật, ĐTC đã gửi đến mọi người một số suy tư của ngài. Ngài tha thiết kêu gọi những người thuộc các tổ chức bất lương mafia hãy từ bỏ cuộc sống tội ác để tránh bị lên án đời đời: ”Hỡi những người nam nữ mafia, xin hãy vui lòng thay đổi cuộc sống của anh chị em, hãy trở lại và ngưng làm điều ác. Tôi quì gối xin điều đó và vì thiện ích của chính anh chị em. Cuộc sống mà anh chị em đang làm bây giờ, nó sẽ không mang lại cho anh chị em an lạc, nó không mang cho anh chị em vui mừng, hạnh phúc.. Quyền lực, tiền bạc mà anh chị em có được nhờ bao nhiêu tội ác bẩn thỉu, bao nhiêu tội ác mafia, tiền bạc vấy máu, quyền lực, anh chị em không thể mang những điều đó với mình sang đời sau.. Vẫn còn thời gian để khỏi bị sa hỏa ngục, đang chờ đợi anh chị em nếu anh chị em tiếp tục con đường này. Anh chị em cũng có một người cha, một người mẹ. Hãy nghĩ đến họ, hãy khóc một chút và hoán cải”.

Buổi cầu nguyện kéo dài 1 giờ 30 phút, được xen kẽ giữa những lúc thinh lặng và kinh nguyện được đọc lên, rồi được kết thúc với kinh Lạy Cha và Phép Lành của ĐTC.

Giống như các vị tiền nhiệm, ĐTC Phanxicô cũng đã lên tiếng chống lại các tổ chức bất lương mafia, đặc biệt trong buổi đọc kinh truyền tin trưa ngày 26-3 năm 2013, tức là hôm sau lễ phong chân phước cho cha Giuseppe Puglisi người đã bị mafia sát hại.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật 26-1-2014, ĐTC đã mạnh mẽ lên án vụ mafia sát hại em bé Coco mới 3 tuổi, xảy ra vài ngày trước đó, trong khuôn khổ những vụ buôn bán ma túy ở miền Calabria, nam Italia.

Ngày 22-3-2014, hàng ngàn người đến từ nhiều nơi trên toàn Italia sẽ tuần hành qua các đường phố ở thành phố Latina, nhân Ngày tưởng niệm các nạn nhân và dấn thân chống mafia lần thứ 19. (SD 21-3-2014)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ truyền chức cho hai Linh Mục VN của giáo phận Osaka -Nhật Bản
Nguyễn Lưu
10:08 22/03/2014
OSAKA, JAPAN - Ngày 21 tháng 3 năm 2014, Những nụ hoa đào hé nở dưới ánh nắng xuân tràn về cùng với những tiếng cười vui chúc mừng đã làm không khí giáo đường Tamatsukuri, Giáo phận Osaka như ngày hội.

Hình ảnh

Cũng khá lâu, dễ có hơn 5 năm, giáo phận Osaka mới diễn ra lễ truyền chức Linh mục cho 2 phó tế người Việt Nam. Trải qua bao nhiêu khó khăn về ngôn ngữ cũng như cuộc sống, hai thầy Giuse Trương đình Hải và Dominico Nguyễn quốc Thuần đã được Đức tổng giám mục Ikenaga chủ trì buổi lễ phong chức long trọng với sự hiện diện của hơn 1000 giáo dân Nhật Việt từ khắp nơi đổ về.

Trước khi vào lễ, ca đoàn Việt Nam đã cất lên bài Hoan ca Tận Hiến, nói lên ước mơ dâng hiến cuộc đời thập giá và cũng là để mọi người chuẩn bị tâm hồn đón nhận hồng ân. Linh mục đoàn, được xem là đông đảo nhất từ trước tới nay trong các buổi lễ truyền chức của giáo phận, đã tiến lên bàn thờ. Có khoảng 7 Cha ân sư và bạn bè của hai thầy đến từ Việt Nam, 1 Cha từ Roma, 3 cha Việt đến từ giáo phận xa xôi Okinawa, 1 cha Từ Akita, 1 cha từ Nagasaki, 3 cha từ Tokyo, 4 cha từ Nagoya và 2 cha thuộc giáo phận chủ nhà. Như vậy chỉ tính Linh mục Việt Nam đã lên đến 22 vị. Một con số thật sự là không tưởng so với thời điểm 30 năm trước đây. Không ai nghĩ là có ngày, nhà thờ chánh tòa Osaka lại đón tiếp đông đảo các cha Việt Nam như vậy. Thật sự là một niềm an ủi lớn lao bù cho sự đáng tiếc là gia đình của hai thầy từ Việt Nam đã không thể xin visa sang tham dự được.

Sau phần phụng vụ lời Chúa, nghi thức Phong chức được bắt đầu. Đức Giám Mục, chủ phong chia sẻ với hai tân linh mục về thừc tác vụ sắp lãnh nhận và mời gọi các Cha hãy trung thành và chu toàn bổn phận. Hai tân Linh mục đã phủ phục trước bàn thờ trong tiếng Kinh cầu Các Thánh. Ý thức được thân phận yếu đuối nơi con người nên Giáo Hội đã tha thiết khẩn nguyện sự trợ giúp của Các Thánh để nhờ đó, các tân Linh mục có thể chu toàn trọn vẹn sứ vụ được nhận lãnh. Tiếp theo, Đức Giám Mục chủ phong và các linh mục đồng tế đặt tay trên đầu các tiến chức thông ban Thánh Thần, cùng lời nguyện thánh hiến làm cho các tân chức được chọn tham dự vào sứ mạng của Chúa Kitô. Đồng thời, việc đặt tay cũng trở nên như dấu hiệu nhận một người anh em vào Linh-mục-đoàn. Trong không khí vô cùng trang trọng hai tân linh mục được mặc phẩm phục tế lễ, được xức dầu thánh hiến bàn tay và nhận lấy bánh rượu là lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Sau cái ôm thật chặt của hai Đức Giám Mục với các tân linh mục, mọi người đã vỗ tay trong niềm hân hoan lớn lao, đón nhận hai mục tử của Thiên Chúa gởi đến cho cộng đoàn.

Thánh lễ được tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể mà các Tân Linh Mục được tham dự lần đầu tiên và trong phần Hiệp lễ, ca đoàn Việt Nam một lần nữa cất cao tiếng hát “Niềm phó thác” để hai tân linh mục vững tin trên con đường phục vụ sắp tới.

Sau khi Thánh lễ chấm dứt, mọi người đã ùa ra ngoài khuôn viên thánh đường để chụp hình chia vui với hai Cha; kế tiếp Liên cộng đoàn Công Giáo Miền Tây đã tổ chức một bữa tiệc vui với các món ăn thuần túy Việt Nam để chúc mừng. Cộng đoàn cũng hân hoan được sự hiện diện của Đức tổng và Đức Giám Mục phụ tá cùng toàn thể các cha Việt Nam cũng như các Cha Nhật lo mục vụ cho người Việt Nam.

Sau phần phát biểu của hai Đức Cha, của Cha Hiến tuyên úy giáo đoàn, của Cha Thân, người đã khởi xướng chương trình ơn gọi cho địa phận... Cha Yoshioka đã nâng ly và một chương trình văn nghệ đặc sắc, cảm động của các em thanh niên cũng như của các linh mục bạn bè đã gởi đến hai tân linh mục.
 
Hai bổ nhiệm quan trọng trong Giáo Hội Công Giáo VN
Nguyễn Long Thao
09:26 22/03/2014
VATICAN .-Theo bản tin của Tòa Thánh Vatican được phổ biến ngày 22 tháng 3 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô, chiếu theo khoản giáo luật 401 § 1, đã chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn,TGM giáo phận thành phố HCM và đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc lên thay thế Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn.

Cũng theo bản tin nói trên, Tòa Thánh đã bỗ nhiệm Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt hiện là Khâm Sứ Tòa Thánh tại Costa Rica sang làm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Sri Lanka.

Tiểu sử Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc:

- 11-11-1944: Sinh tại Đà Lạt
- 1956 – 1963: Học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn
- 1963 – 1964: Học tại Đại chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn
- 1964 – 1970: Học tại Đại học Truyền giáo Urbaniana, Roma
- 17-12-1970: Thụ phong linh mục
- 1971 – 1975: Giáo sư Tiểu chủng viện Simon Hoà, Đại chủng viện Minh Hoà và Đại học Đà Lạt.
- 1975 – 1995: Giám đốc Đại chủng viện Minh Hoà, giáo phận Đà Lạt
- 1986 – 2008: Giáo sư thần học tín lý tại Đại chủng viện Sài Gòn, Hà Nội và Huế
- 1995 – 1999: Tổng đại diện giáo phận Đà Lạt
- 26-03-1999: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Giám mục chính toà giáo phận Mỹ Tho
- 28-09-2013: được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm Tổng giám mục Phó Tổng giáo phận TP. HCM; đồng thời làm Giám quản Tông toà giáo phận Mỹ Tho.
 
Lễ Bổn Mạng Hội Bảo Trợ Ơn Gọi TGP Sydney
Diệp Hải Dung
10:03 22/03/2014
Sáng thứ Bảy 22/03/2014 rất đông đủ Giáo dân trong Cộng Đồng đã đến nhà thờ Our Lady of Mt. Carmel Mount Pritchard Sydney tham dự Lễ mừng kính Thánh Tử Đạo Phaolô Lê Văn Lộc là Quan Thầy của Hội Bảo Trợ Ơn Gọi TGP Sydney.

Hình ảnh

Quý Cha và mọi người đều tập trung trong nhà thờ theo dõi hình ảnh sinh hoạt của Hội Bảo Trợ Ơn Gọi TGP Sydney trong năm qua và sau đó 3 hồi chiêng trống vang lên. Kiệu cung nghinh tượng Thánh Tử Đạo Phaolô Lê Văn Lộc rước từ cuối nhà thờ lên an vị trên cung thánh. Cha Tuyên Úy Trưởng Phêrô Dương Thanh Liêm Đặc trách Hội Trợ Ơn Gọi TGP Sydney ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người đã đến đây tham dự Lễ mừng kính Bổn Mạng của Hội và Cha cũng giới thiệu Thánh lễ hôm nay có sự hiện diện quý Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Đặng Đình Nên, Cha Mai Đào Hiền, Nguyễn Thái Hòa, Cha Nguyễn Hoàng Phong, Cha Nguyễn Hoàng Trung, Hồ Hiệp và Cha Nguyễn Phạm Hồng Ân.

Trong bài giảng Cha Tuyên Úy Trưởng Dương Thanh Liêm nói trong Kinh Thánh có nhắc đến mấy chữ rất ý nghĩa và xúc tích đó là “ chạnh lòng thương..” như Chúa Giêsu thấy bà góa có đứa con trai mới chết nên Ngài chạnh lòng thương và Chúa Giêsu cũng đã kể một dụ ngôn về người Samaria nhân hậu cũng đã chạnh lòng thương cứu giúp người bị nan. Cũng như Thánh Tử Đạo Lê Văn Lộc mồ côi cha mẹ lúc 10 tuổi, được các Cha chạnh lòng thương đưa về nuôi nấng dạy dỗ và gởi vào Tiểu Chủng Viện ăn học để rồi Ngài trở thành Linh mục và sau cùng Ngài bị quân triều đình bắt và bị xử trảm. Hôm nay mừng kính Bổn Mạng của Hội, chúng ta cũng hãy chạnh lòng thương cầu nguyện trợ giúp cho Hội và xin Chúa chúc lành cho Hội…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Hội Bảo Trợ Ơn Gọi. Kế tiếp ông Hoàng Văn Hùng Hội Trưởng ngỏ lời cám ơn qúy Cha, quý Sơ, quý Thầy và mọi người đã đến tham dự Lễ mừng kính Quan Thầy của Hội, đặc biệt cám ơn quý Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Mt. Pritchard, Ca đoàn Ngôi Ba Giáo đoàn Mt. Pritchard và quý ân nhân đã giúp cho Hội có phương tiện tổ chức Lễ Bổn Mạng hôm nay.

Ông cũng báo cáo sinh hoạt của Hội trong năm qua: Hội được thành lập vào đầu năm 2006, đến hôm nay là năm thứ 9. Trong năm đầu tiên Hội bảo trợ 81 Tu Sinh Nam Nữ thuộc 8 Dòng Tu, gồm 40 Nữ và 41 Nam. Hội đã gia tăng số Dòng Tu và số Tu Sinh được bảo trợ hàng năm. Đến năm vừa qua 2013 Hội bảo trợ 754 Tu Sinh Nam Nữ thuộc 48 Hội Dòng, Tu Hội, Đan Viện, Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện và đã gởi về $113,700.oo Úc kim. Về các vị ân nhân ngoài đại đa số là các thành viên của CĐCGVN TGP Sydney. Hội còn có một số giáo dân ở tiểu bang Melbourne, tiểu bang Nam Úc (Adelaide) tiểu bang Darwin(Bắc Úc) Có 2 ân nhân thuộc Tin Lành và 3 ân nhân là người Phật Giáo nhận bảo trợ.

Qua sự nâng đỡ của Ban Tuyên Úy và Cha Phêrô Đặng Đình Nên Linh hướng của Hội trong suốt 2 nhiệm kỳ vừa qua. Hội luôn phát triển mỗi năm gia tăng số Dòng Tu và trung bình số Tu Sinh gia tăng khoảng 70 Tu Sinh đến 100 Tu Sinh mới, được nhận bảo trợ và tính đến ngày hôm nay đã có 11 Nam Tu Sinh thụ phong Linh Mục, 6 Thầy thuộc Giáo phận Xuân Lộc mới lãnh nhận chức Phó Tế ngày 12/12/2013 vừa qua, và có rất nhiều Nữ Tu Sinh đã được Khấn Lần Đầu hoặc Khấn Trọn Đời…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm cám ơn quý Cha và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng Bổn Mạng của Hội. Xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi người

Thánh lễ kết thúc, mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng trong hội trường nhà thờ
 
Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của ĐHY Phạm Minh Mẫn
Lm. Trần Đức Anh OP
09:11 22/03/2014
VATICAN. Hôm 22-3-2014, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Phanxicô đã nhận đơn từ chức TGM giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh của ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn vì lý do tuổi tác (GL 401,1). Đức TGM Phó Phaolô Bùi Văn Đọc đương nhiên lên kế nhiệm.

Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã tròn 80 tuổi ngày 5-3 vừa qua. Ngài thụ phong linh mục ngày 26 tháng 5 năm 1965, thuộc giáo phận Cần Thơ. Ngày 22 tháng 3 năm 1993, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục phó với quyền kế vị tại Giáo phận Mỹ Tho. 5 năm sau đó, ngày 1 tháng 3 năm 1998, Đức Cha Mẫn được bổ nhiệm làm TGM Giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh, bị trống tòa đã 3 năm, kể từ khi Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình qua đời ngày 1 tháng 7 năm 1995. Ngày 21-10-2003, ngài được ĐGH Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm Hồng Y.

Đức tân TGM chính tòa giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh, Phaolô Bùi Văn Đọc, năm nay 70 tuổi, sinh ngày 11-11 năm 1944 tại Đà Lạt, thụ phong linh mục năm 1970 và được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM Mỹ Tho và nhận chức ngày 27-5 năm 1999. Ngày 28-9 năm 2013, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm TGM Phó với quyền kế vị tại Tổng giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh, đồng thời làm Giám quản Giáo phận Mỹ Tho. (SD 22-3-2014)
 
Đức TGM Nguyễn Văn Tốt, tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Sri Lanka
Lm. Trần Đức Anh OP
09:16 22/03/2014
VATICAN. Ngày 22-3-2014, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt, nguyên là Sứ Thần Tòa Thánh tại Costa Rica, làm tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Sri Lanka.

Đức Sứ Thần Nguyễn Văn Tốt năm nay 65 tuổi, sinh tại Thủ Dầu Một, Bình Dương ngày 15-4 năm 1949, thụ phong Linh Mục năm 1974. Ngài du học Roma và từng làm Phó Giám đốc trường truyền giáo Urbano, trước khi gia nhập trường ngoại giao Tòa Thánh, tốt nghiệp năm 1985. 17 năm sau đó, ngài được thăng TGM hiệu tòa Rusticiana, Sứ thần Tòa Thánh tại Benin và Togo, được ĐTC Gioan Phaolô 2 truyền chức GM ngày 6 tháng 1 năm 2003 tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Hơn 2 năm sau, vào tháng 8 năm 2005, ngài được chuyển đi làm Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Tchad và Trung Phi. Trong 6 năm qua, từ ngày 13-5 năm 2008, ngài làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Costa Rica bên Trung Mỹ.
Giáo Hội Công Giáo tại Sri Lanka hiện có hơn 1 triệu 200 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 6,1% dân số thuộc 12 giáo phận toàn quốc. Nước này chỉ rộng 65 ngàn 600 cây số vuông với 21 triệu dân, trong số này 74% là người Singalais và 11,2% là người Tamil.

Trong 26 năm trời, từ 1983 đến 2009, Sri Lanka ở trong tình trạng nội chiến giữa quân đội chính phủ và phiến quân Hổ quân Tamil đòi thành lập một nước Tamil độc lập. Phiến quân bị thất trận hồi tháng 5 năm 2009 (Tổng hợp 22-3-2014)
 
Đức Thánh Cha tiếp Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam
Lm. Trần Đức Anh OP
20:16 22/03/2014
VATICAN. Sáng 22-3-2014, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến riêng Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, Ông Nguyễn Sinh Hùng.

Ông Nguyễn Sinh Hùng năm nay 68 tuổi (1946), sinh trưởng tại tỉnh Nghệ An, đã từng làm Phó Thủ Tướng thường trực từ năm 2006. Ngày 23-7 năm 2011, Ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIII. Trong những ngày này, từ 19-3, Ông hướng dẫn một phái đoàn cấp cao của Quốc Hội Việt Nam viếng thăm chính thức Cộng Hòa Italia theo lời mời của bà Laura Boldrini, Chủ tịch Hạ viện Italia. (SD 22-3-2014)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hôn nhân bất khả tiêu: trả lời luận điểm muốn xét lại vấn đề (3)
Vũ Văn An
18:47 22/03/2014

Giáo huấn của Thánh Phaolô về bất khả tiêu



Thánh Phaolô biết giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị và ngài đã truyền lại cho ta giáo huấn ấy như sau: “Đối với những người kết hôn, tôi truyền, không phải tôi mà là Chúa truyền, rằng người vợ không được phân ly khỏi chồng (nhưng nếu phân ly, nàng nên ở độc thân hoặc làm hòa với chồng), và người chồng không được ly dị vợ” (1Cor 7:10-11). Ngay sau khi tường trình lại giáo huấn này, Thánh Phaolô đưa ra lời khuyên của chính ngài, chứ không phải của Chúa, rằng Kitô hữu không được ly dị người phối ngẫu không có đức tin nhưng sẵn sàng sống với họ, vì những người phối ngẫu không có đức tin này được hôn nhân thánh hiến (xem 1Cor 7:12-14). Thánh Phaolô nói thêm: “nhưng nếu người phối ngẫu không có đức tin muốn phân ly, thì để họ làm như vậy; trong trường hợp này, anh hay chị em không còn bị trói buộc. Vì Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hưởng bình an” (1Cor 7:15).

Thánh Phaolô có đi trệch ra ngoài giáo huấn Tin Mừng không?

HC bác bỏ điều này: lời khuyên của Thánh Phaolô với các Kitô hữu kết hôn với người không có đức tin tùy thuộc sự khác nhau giữa các cuộc hôn nhân loại này và các cuộc hôn nhân của Kitô hữu. Họ cũng bác bỏ rằng lời khuyên của Thánh Phaolô đưa ra “một nền tảng để Giáo Hội cư xử khác nhau đối với hôn nhân bí tích và hôn nhân không bí tích”. Họ cho rằng “Đối với Thánh Phaolô, cuộc hôn nhân trước khi trở lại cũng kéo dài như cuộc hôn nhân sau khi trở lại, bao lâu các người phối ngẫu có thiên hướng đúng đắn “. HC cho rằng “Không phải hôn nhân thay đổi mà các người phối ngẫu thay đổi. Đặc ân gọi là của Thánh Phaolô qua đó, có sự phân biệt liên quan tới các cuộc hôn nhân không bí tích là quyết định của Giáo Hội sau đó chứ không phải của chính Thánh Tông Đồ Dân Ngoại” (85).

HC cho rằng nhiều vị giáo hoàng thời cận đại, bắt đầu là Đức Phaolô III vào năm 1537, đã chấp thuận cho ly dị và tái hôn trong các hoàn cảnh khác với hoàn cảnh do Thánh Phaolô đưa ra. Họ quả quyết rằng: “Điều hiển nhiên là giáo huấn Công Giáo về bất khả tiêu đã được thích ứng để các vị giáo hoàng có thể tiêu hủy bất cứ cuộc hôn nhân nào không có tính bí tích” (86). HC cũng chấp nhận quan điểm của một học giả Thánh Kinh: “căn bản thần học của Thánh Phaolô khi chấp nhận ngoại lệ đối với giáo huấn của Chúa Giêsu bắt nguồn ‘từ cái hiểu của ngài về toàn bộ biến cố Chúa Kitô. Ngài cho phép ly dị (và giả thuyết cả tái hôn nữa) trong các hoàn cảnh trong đó sự bất hoà và thiếu đức tin đã tiêu hủy cuộc kết hợp mà đáng lý ra sự thánh hóa phải xẩy ra ở đó’” (87).

Quan điểm trên hàm nghĩa: lý do biện minh cho câu nói của Thánh Phaolô rằng người phối ngẫu có đức tin không bị trói buộc là: hôn nhân “đã tan vỡ hoàn toàn” đến độ không còn có thể đóng góp được gì vào việc thánh hóa vợ chồng nữa. HC gợi ý rằng cùng một lý do đó có thể biện minh cho việc Giáo Hội xử lý các cuộc hôn nhân khác theo cùng một cách: “Có lẽ Đặc Ân Thánh Phaolô không phải là luật trừ chật hẹp, chỉ xử lý các vụ liên quan tới người tân tòng đã kết hôn trước khi chịu rửa tội, mà xử lý cả các hoàn cảnh hôn nhân không còn sản sinh ra hoa trái của cuộc sống trong Chúa Kitô nữa. Như thế, trong bất cứ cuộc hôn nhân nào trong đó một người phối ngẫu thực sự lạm dụng và không còn hy vọng gì thay đổi nữa, thì cần cho phép người phối ngẫu bị lạm dụng được ly dị để họ cảm nghiệm được ơn bình an và tự do của Chúa Kitô” (88).

RG cho rằng lời giải thích của HC đối với giáo huấn về hôn nhân và ly dị của Thánh Phaolô không đáng hoanh nghênh. Họ gần như quên khuấy phần thứ nhất, phần mà Thánh Phaolô nhận được từ Chúa và truyền lại cho mọi tín hữu Côrintô, tức phần xác minh rõ: không được tái hôn. Sau đó, họ giải thích phần thứ hai trong giáo huấn của Thánh Phaolô mà không nhắc gì tới phần thứ nhất. Tuy nhiên, phần thứ hai một là nhất quán với phần thứ nhất hai là không. Khó lòng, Thánh Phaolô có ý định đưa ra lời khuyên bất nhất đối với giáo huấn của Chúa, giáo huấn mà ngài vừa chuyển giao. Hơn nữa, quả là vô nghĩa khi Thánh Phaolô chuyển giao điều ngài tiếp nhận từ Chúa để rồi sau đó lại đưa ý kiến bất nhất với nó và cho rằng ý kiến này có thể áp dụng cho mọi người. Thực thế, nếu Thánh Phaolô muốn nói câu “anh hay chị em không bị trói buộc” cho bất cứ ai có cuộc hôn nhân “hoàn toàn tan vỡ” thì hẳn ngài đã nói như thế với mọi tín hữu Côrintô rồi, vì ngài vốn là người hay thương xót và đầy sáng tạo. Nhưng ngài đã không làm như vậy.

Thành thử, RG cho rằng: xin lỗi HC, chứ lời khuyên riêng của Thánh Phaolô dựa trên một dị biệt nào đó mà ngài nhận thức được giữa các cuộc hôn nhân của đôi lứa Kitô hữu và các cuộc hôn nhân có một người phối ngẫu không có đức tin, và do đó, việc tổng quát hóa lời khuyên của ngài là điều không thể chấp nhận được.

Có phải mọi cuộc hôn nhân đều do Thiên Chúa?

Tuy nhiên, vấn đề khó hiểu vẫn còn đó: Chúa Giêsu dạy rằng hôn nhân là điều bất khả tiêu; Thánh Phaolô tiếp nhận và chuyển giao giáo huấn này; ấy thế nhưng ngài lại coi một số cuộc hôn nhân giữa Kitô hữu và người không có đức tin là khả tiêu. Hơn nữa, Giáo Hội Công Giáo vốn tiếp nhận và chuyển giao giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng các vị giáo hoàng lại đã áp dụng lời khuyên của Thánh Phaolô vào khá nhiều loại hôn nhân có liên hệ tới người không có đức tin và không có các điều kiện như ngài đã nêu ra. Vì các vị giáo hoàng này không hề có ý đi ngược lại giáo huấn của Chúa Giêsu, nên, cũng như Thánh Phaolô, các ngài rõ ràng nghĩ rằng các cuộc hôn nhân mà các ngài chấp nhận tiêu hủy, về yếu tính, có khác với cuộc hôn nhân trong tâm trí Chúa Giêsu khi ngài cho rằng mưu toan ly dị và tái hôn kết cục sẽ là tội ngoại tình.

Theo RG, nhiều nhà thần học đã cố gắng giải đáp vấn đề khó hiểu này bằng cách phân biệt giữa tính bất khả tiêu nội tại và tính bất khả tiêu ngoại tại. “Bất khả tiêu nội tại” là khi vợ chồng không thể tiêu hủy cuộc hôn nhân của họ, còn “bất khả tiêu ngoại tại” là chỉ có cái chết mới tiêu hủy được nó thôi. Các nhà thần học sử dụng ngôn từ này vốn cho rằng mọi cuộc hôn nhân đều bất khả tiêu một cách nội tại, nhưng chỉ có cuộc hôn nhân thành hiệu và hoàn hợp là bất khả tiêu một cách ngoại tại. Các thần học gia này thường coi hôn nhân thành hiệu (ratum) là hôn nhân đã được thành lập một cách có giá trị (valid) giữa hai người nam nữ đã rửa tội, và do đó, có tính bí tích (89).

Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho biết rõ, và Giáo Hội cũng vốn dạy và còn tiếp tục dạy rằng, hôn nhân là bất khả tiêu vì Thiên Chúa đã lập nên nó khi dựng nên người đàn ông và người đàn bà. Sự kết hợp phu phụ có tính giao ước của họ phải được tạo nên không những bởi việc hiến mình cho nhau của họ mà còn bởi chính Thiên Chúa nữa. Vì lý do này, hôn nhân là thánh thiêng, và theo một nghĩa, còn là một bí tích, ngay từ thuở ban đầu (90).

Tuy vậy, theo RG, hôn nhân chỉ trở nên một bí tích của giao ước mới khi Chúa Giêsu tái tạo tính bất khả tiêu nguyên khởi của nó. Do đó, tính bí tích của hôn nhân nơi lứa đôi đã chịu phép rửa không thể là cơ sở của tính bất khả tiêu tuyệt đối. Đúng hơn, tính bí tích ấy giả thiết tính bất khả tiêu và tính bí tích tự nhiên mà sự kết hợp vợ chồng có được bao lâu nó phát xuất từ Thiên Chúa. Chính nhờ tính bất khả tiêu và tính bí tích tự nhiên của hôn nhân như đã có từ thuở ban đầu này, mà hôn nhân giao ước xứng đáng được Chúa Giêsu biến đổi thành một bí tích của giao ước mới, một dấu chỉ và máng chuyển tình yêu và ơn thánh cứu rỗi của Người (91).

Theo Palmer, giải pháp cho vấn đề khó hiểu do lời khuyên của Thánh Phaolô tạo ra là: cả thánh Phaolô lẫn Giáo Hội sơ khai nói chung đều không coi các cuộc kết hợp phu phụ đi trệch ra ngoài kế hoạch Thiên Chúa một cách đáng kể là phát xuất từ Người. Palmer kết luận rằng nếu Thánh Phaolô và Giáo Hội sơ khai cho phép tái hôn, “tất nhiên Giáo Hội không coi cả hôn nhân ngoại giáo lẫn hôn nhân Do Thái Giáo là phát xuất từ Thiên Chúa đến nỗi không thể bị tiêu hủy”. (92). Palmer cho rằng chính Thánh Ambrôsiô Thành Milan ủng hộ quan điểm này, “theo tôi biết, ngài là người thứ nhất minh nhiên quan tâm tới câu hỏi của chúng ta rằng liệu có phải mọi cuộc hôn nhân đều do Thiên Chúa cả không”. Thánh nhân viết: một số người tin rằng mọi hôn nhân đều phát sinh từ Thiên Chúa, đặc biệt vì có lời chép rằng “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly”. Cho nên, nếu mọi hôn nhân đều phát sinh từ Thiên Chúa, thì không hôn nhân nào có thể bị tiêu hủy. Ấy thế nhưng làm thế nào Thánh Tông Đồ lại nói rằng: “nếu người không có đức tin ra đi, hãy để họ ra đi?” Trong câu này, ngài rõ ràng biểu lộ việc ngài không sẵn sàng chấp nhận có những cơ sở nào cho các Kitô hữu ly dị, và đồng thời cho thấy không phải mọi hôn nhân đều phát sinh từ Thiên Chúa” (93).

HC có nhắc tới phát biểu của Thánh Ambrôsiô: “Thánh Ambrôsiô thành Milan dùng kiểu nói ‘không được phép tiêu hủy bất cứ cuộc hôn nhân nào’ nếu nó phát sinh ‘từ Thiên Chúa’. Nhưng lại kết luận rằng cuộc hôn nhân với một người không phải là Kitô hữu không phát sinh từ Thiên Chúa, nên có thể bị tiêu hủy. Đó là lời giải thích của ngài đối với ngoại lệ của Thánh Phaolô ở câu 1Cor 7” (94). Tuy nhiên, theo RG, vì hiểu lầm hôn nhân giao ước, HC không nhận ra rằng Thánh Ambrôsiô giải đáp vấn đề do lời khuyên của Thánh Phaolô nêu ra. Đối với hai tác giả này, lời phát biểu của Thánh Ambrôsiô là một điển hình khi các Giáo Phụ nói về ly dị theo “nghĩa luân lý” chứ không theo “ngôn từ bất khả tiêu” (95). Nhưng Thánh Ambrôsiô không chỉ nói về ly dị theo nghĩa luân lý. Để làm sáng tỏ rằng các cuộc hôn nhân của Kitô hữu không thể bị tiêu hủy, Thánh Ambrôsiô nhắc nhớ “điều Chúa đã dạy”, nghĩa là, ly dị và mưu toan tái hôn kết kục bằng tội ly dị. Từ sự kiện này, một sự kiện hàm nghĩa việc không thể tiêu hủy một cuộc hôn nhân, Thánh Ambrôsiô kết luận rằng mưu toan làm thế là sai lầm về phương diện luân lý: mặc dù được luật con người cho phép, ly dị bị “luật của Chúa” loại bỏ, luật này quan tâm tới “điều Chúa đã liên kết” (96).

Một học giả Thánh Kinh đương thời đưa ra lối giải thích tương tự đối với bản văn Tân Ước “tâm điểm giáo huấn này hẳn phải liên quan tới những ai Thiên Chúa đã kết hợp, chứ không phải bất cứ loại cặp đôi nhân bản nào hay bất cứ hành vi hôn nhân chính thức hay hợp luật nào” (97). “Có dư điển hình xưa và nay trong đó những người đàn ông và đàn bà lấy nhau mà không có sự chúc lành hay hướng dẫn của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không đề cập tới các cuộc hôn nhân thế tục hay ngoại đạo và cả các cuộc hôn nhân giữa các tín hữu bị hướng dẫn sai lầm và gặp trở ngãi. Người chuyên biệt nói tới cuộc hôn nhân trong đó ‘Thiên Chúa kết hợp”người ta với nhau (98).

Theo RG, giải pháp trên đối với sự khó hiểu do việc Thánh Phaolô chấp nhận ly dị có hạn chế nêu ra cũng giải thích tại sao sự cứng lòng đã khiến Môsê cho phép ly dị (xem Mt 19:8). Dù việc cho phép này rất có thể nhằm để giảm nhẹ cái ác của tập tục ly dị vốn đã có, sự cứng lòng dẫn tới ly dị chủ yếu đã dẫn người ta tới những cái ác nền tảng hơn, đó là các cấu trúc xã hội khiến người ta hầu như không còn coi hôn nhân giao ước như một chiều kích quan trọng của một cuộc sống phong phú và thoả mãn cho chính họ và nhiều người khác. Trong đa số các xã hội, tập quán của người ta là kết hôn bằng một khế ước thế tục hay một giao ước được các ngẫu thần bảo đảm, kết cục là, dù thành hiệu theo qui phạm xã hội, các cuộc hôn nhân này không phải là những cuộc kết hợp giao ước được Thiên Chúa bảo đảm. Như thế, khi những con người sa ngã lấy nhau, khó mà nói được là họ ký kết một hôn nhân giao ước (99). Ngay tại Israel xưa, sự cứng lòng rất thông thường với những con người sa ngã ngăn cản phần lớn người ta không hiểu được và không kết ước được một cuộc hôn nhân như đã có “từ thuở ban đầu” đến nỗi có thể cho phép ly dị ngay cả với dân riêng của Thiên Chúa.

RG cho rằng lối giải thích việc Thánh Phaolô cho phép ly dị một cách hạn chế này cũng đã giải thích được việc các vị giáo hoàng nới rộng sự cho phép ấy đối với các cuộc hôn nhân khác vốn không phải là các giao ước được Thiên Chúa chân thật bảo đảm (100).

Thánh Phaolô đã khai triển học lý tin mừng một cách chân chính

Theo RG, Thánh Phaolô rõ ràng hiểu sự khác nhau giữa hôn nhân giao ước và hôn nhân thế tục. Lời mà Chúa ngỏ với các Kitô hữu lập gia đình nói chung liên quan tới hôn nhân giao ước. Còn lời khuyên của chính ngài ngỏ với các Kitô hữu có người phối ngẫu không có đức tin liên quan tới hôn nhân thế tục đã có trước khi một trong hai người phối ngẫu trở thành Kitô hữu. Cuộc hôn nhân như thế thường hay bao gồm các thái độ và thực hành không phù hợp với nền luân lý Kitô Giáo. Khi một trong hai người phối ngẫu trở thành Kitô hữu, được học hỏi về hôn nhân giao ước và nền luân lý phu phụ của Kitô Giáo, họ liền gặp vấn nạn, Thánh Phaolô muốn giải quyết vấn nạn này của họ. Ngài nói rằng: Kitô hữu nào nếu người phối ngẫu không có đức tin “ưng thuận sống với” họ, thì “không được ly dị… vì người chồng không có đức tin được thánh hiến nhờ vợ, và người vợ không có đức tin được thánh hiến nhờ chồng” (1 Cor 7:12–14). RG cho rằng, giống như HC nghĩ, hôn nhân của những cặp như thế không những sống còn hơn là tan vỡ. Mà cuộc hôn nhân của họ, trước đây vốn không phải là một kết hợp giao ước được Thiên Chúa bảo đảm, nay đã được biến đổi nhờ cái hiểu mới mẻ của người phối ngẫu có đức tin về hôn nhân và lối sống cuộc sống hôn nhân cùng với việc người phối ngẫu không có đức tin sẵn sàng tiếp tục sống cuộc sống vợ chồng và gia đình trong những điều kiện người phối ngẫu Kitô hữu có thể sống với. Như thế, người phối ngẫu không có đức tin đã được “thánh hiến” nhờ chia sẻ cuộc sống vợ chồng đã được đức tin và sự sống trong Chúa Kitô của người phối ngẫu Kitô hữu lên khuôn.

Nhưng nếu người phối ngẫu không có đức tin từ khước, không tiếp diễn liên hệ vợ chồng dựa trên những điều kiện người phối ngẫu Kitô hữu có thể sống với, thì phài làm gì? Thánh Phaolô cho lời khuyên: “Nếu người phối ngẫu không có đức tin muốn phân ly, thì hãy để họ làm thế; trong trường hợp như vậy, anh hay chị em không còn bị trói buộc. Vì Thiên Chúa kêu gọi ta hưởng bình an” (1 Cor 7:15). Vì từ khước hợp tác trong cuộc hôn nhân phù hợp với đức tin và lối sống Kitô Giáo, nên người không có đức tin đã ngăn cản, không cho cuộc hôn nhân thiếu sót cơ hội được biến đổi. Người Kitô hữu có thể chấp nhận việc ra đi của người không có đức tin, vì cuộc hôn nhân như thế không thể nô lệ hóa người Kitô hữu, họ phải được sống phù hợp với đức tin của họ ngõ hầu tìm được bình an mà Thiên Chúa vốn mời gọi họ tới hưởng.
_________________________________________________________________

Ghi chú

[85] HC 469.
[86] HC 476; cũng xin xem 474–77, nhất là 475 n. 70.
[87] HC 469 n. 51; trích dẫn John Donahue, “Divorce—New Testament Perspectives,” trong Marriage Studies: Reflections in Canon Law and Theology, 3 vols., ed. Thomas P. Doyle (Washington: Canon Law Society of America, 1982) 2:1–19, at 14.
[88] HC 469 n. 51. HC lầm khi cho rằng một số cuộc hôn nhân được Giáo Hội coi như bất khả tiêu “không hề làm chứng được hoa trái của cuộc sống trong Chúa Kitô”. Thực ra, theo RG, ngay cả khi một người phối ngẫu lừa gạt và bất trung, thì lòng trung thành suốt đời của người phối ngẫu kia vẫn có thể làm chứng cho lòng trung thành vô điều kiện của Chúa Kitô đối với dân tội lỗi của Người.
[89] Bộ giáo luật năm 1983 (c. 1061}1) rõ ràng coi quan điểm này là đương nhiên. Tuy nhiên, nói rằng chỉ có các cuộc hôn nhân thành hiệu và hoàn hợp mới bất khả tiêu không nhất thiết có nghĩa là chỉ có các cuộc hôn nhân bí tích mới bất khả tiêu mà thôi. Thành hiệu (ratum) có thể được dùng để đặc điểm hóa bất cứ cuộc hôn nhân giao ước nào, bất kể có tính bí tích hay không. Dù từ ngữ này thường được dùng như đồng nghĩa với “bí tích”, thành hiệu thực ra có nghĩa “đã được kể vào, tính vào, được tính toán nhất định; do đó, đã thành cố định, đã ổn định, đã được thiết lập, vững chắc, không thể thay đổi, chắc chắn, có hiệu lực” (Charlton T. Lewis and Charles Short, A Latin Dictionary founded on Andrews’ edition of Freund’s Latin Dictionary [Oxford: Clarendon, 1879] 1566). Từ đây, RG gọi tác phẩm này là “Lewis and Short.”
[90] Trong thông điệp Arcanum (10 tháng Hai, 1880) của ngài, Đức Lêô XIII quả quyết rằng hôn nhân như Chúa thiết dựng tự nó là một thứ điềm báo trước sự nhập thể (tức cuộc hôn nhân giữa thể thần linh và thể nhân bản); Đức Lêô nói rằng Đức Innôcentê III và Đức Hônôriô III chủ trương đúng rằng “bí tích” hôn nhân luôn luôn hiện diện cả nơi người không có đức tin (ASS 12 [1879] 392).
[91] Sau khi tái xác quyết rằng tính bất khả tiêu là đặc tính chủ yếu của hôn nhân, Đức Gioan Phaolô II dạy rằng: “Chính chiều kích tự nhiên của cuộc kết hợp, và nói cụ thể hơn, chính bản tính con người được Chúa dựng nên đã cung cấp cho ta chìa khóa rất cần thiết để giải thích các đặc tính chủ yếu của hôn nhân”. Ngài lập tức nói thêm: “Một củng cố nữa mà các đặc tính này có được trong hôn nhân Kitô Giáo nhờ bí tích (xem giáo luật điều 1056) được đặt căn bản trên nền tảng luật tự nhiên mà nếu loại bỏ đi, sẽ làm cho chính công trình cứu rỗi và việc nâng cao thực tại hôn nhân mà Chúa Kitô đã thực hiện một lần cho mãi mãi thành không thể hiểu được” (Diễn văn trước Tòa Tối Cao Rôma, ngày 28 tháng Giêng, 2002, số 3). “Một củng cố nữa” của Đức Gioan phaolô II không nhất thiết có nghĩa: chỉ có hôn nhân của những người đã rửa tội mới bất khả tiêu một cách ngoại tại. Đúng hơn, nó có nghĩa: khi cưới nhau theo bí tích, các Kitô hữu không những bước vào một kết hợp nên một thân xác, một kết hợp vốn tuyệt đối bất khả tiêu, bao lâu nó được Thiên Chúa đem tới, nhưng họ còn được ơn thánh Chúa Kitô lên năng lực để họ có thể hưởng được chúc phúc của Thiên Chúa vốn dành cho các cặp hôn nhân và để làm chứng cho lòng trung tín của Người đối với nhân loại bằng chính lòng trung thành của họ.
[92] Palmer, “Christian Marriage” 652.
[93] Trích dẫn trong sách vừa dẫn, với ghi chú “De instructione virginum 8, 2.” Tuy nhiên, lời trích đã dịch chính xác lời của Thánh Ambrôsiô trong Expositio Evangelii secundum Lucam 8, 2, trong bộ: Sancti Ambrosii Mediolanensis Opera, pars 4, CCSL 14 (Turnholti: Brepols, 1957) 299.
[94] HC 457 n. 11.
[95] Ibid.
[96] Thánh Ambrôsiô, Expositio Evangelii secundum Lucam 8, 4–5; ed. cit. 299–300. Muốn có đoạn này nơi thánh Ambrôsiô, HC (457 số 11) HC (457 số 11) khuyên nên đọc Mackin, Divorce and Remarriage, 157–61. Cũng nên xem Crouzel, L’Eglise primitive 260–63.
[97] Ben Witherington III, Matthew (Macon, Ga.: Smyth & Helwys, 2006) 359.
[98] Ibid. 363. Ở nơi khác, Witherington cho hay: “nếu quả thực một cặp được kết hợp như thế mà vẫn ly dị, thì họ không được tái hôn với bất cứ ai khác vì làm thế là phạm tội ngoại tình”. Ông giải thích ý nghĩa của giáo huấn này như sau: “Dù Chúa Giêsu nhìn nhận thực tại ly dị, nhưng Người không nghĩ điều này hợp pháp hóa việc tái hôn nếu cặp nguyên thủy đã được Thiên Chúa kết hợp trước nhất” (The Gospel of Mark: A Socio-Rhetorical Commentary [Grand Rapids: Eerdmans, 2001] 277).
[99] Rõ ràng người ta không làm như thế khi một người đàn bà, chẳng hạn, phải kết hôn ngược với ý mình, một người đàn ông cưới một người đàn bà trong khi ấy vẫn mưu toan có liên hệ tính dục với một người đàn bà khác, hay một ai đó kết ước cuộc hôn nhân với ý định chấm dứt nó nếu nàng hay chàng phán đoán rằng nó sẽ hoàn toàn tan vỡ.
[100] Muốn có bản tóm lược các vụ Đức Giáo Hoàng chấp thuận cho tiêu hủy hôn nhân dù không thoả mãn các điều kiện do Thánh Phaolô định rõ, xin xem John T. Noonan Jr., A Church That Can and Cannot Change: The Development of Catholic Moral Teaching (Notre Dame, Ind.; University of Notre Dame, 2005) 161–77. Tuy nhiên, RG nghĩ rằng: có thể và hầu như chắc chắn, cả thời xưa lẫn thời nay, một số người đàn ông và đàn bà thánh thiện trong dân riêng nguyên thủy của Chúa đã hiểu được kế hoạch hôn nhân của Người, như Chúa Giêsu hiểu, và đã tạo lập những cuộc kết hợp giao ước bất khả tiêu. John J. Collins mô tả các điều kiện tại Israel giữa các năm 535 trước CN và năm 70 CN khiến cho các cặp khó có thể đã tạo lập được các cuộc kết hợp bất khả tiêu (xem “Marriage, Divorce, and Family in Second Temple Judaism,” trong Families in Ancient Israel, ed. Leo G. Perdue et al. [Louisville: Westminster John Knox, 1997] 104–62, at 107–22). Nhưng Collins cũng cho thấy một số người vượt qua được các điều kiện này (xem 122–30 và 147–49). Nếu một vị giáo hoàng chấp thuận cho tiêu hủy một cuộc hôn nhân giao ước vì nó không có tính bí tích, RG coi đó là một lầm lẫn, nhưng khả năng có sự lầm lẫn ấy vẫn không luận chứng chống lại lối giải thích của họ. RG cho rằng: lẽ dĩ nhiên, giống bất cứ giả thuyết thần học nào, giả thuyết của họ chắc chắn sẽ nêu lên nhiều câu hỏi hơn nữa, mà họ không thể bàn tới ở đây.
 
Thông Báo
Phân ưu cùng cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng và anh Nguyễn Hiệp
Lm. Gioan Trần Công Nghị
21:40 22/03/2014
CÁO PHÓ

Trong niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh,

VietCatholic trân trọng thông báo cùng quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em

Ông Antôn Nguyễn Văn Mỹ


thân sinh anh Nguyễn Hiệp, cộng tác viên VietCatholic

và cũng là chú ruột của cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng, phó Giám Đốc VietCatholic

mới qua đời lúc khoảng 5:30 sáng hôm Thứ Bảy 22 tháng Ba 2014

tại Gia Kiệm, Đồng Nai, Việt Nam - Hưởng thọ 96 tuổi

Ban Giám Đốc VietCatholic xin phân ưu cùng thân quyến

và xin Chúa là Cha Nhân Từ thương đón nhận linh hồn Antôn vào hưởng ánh sáng ngàn thu.

Linh Mục Gioan Trần Công Nghị
Giám Đốc VietCatholic
 
Phân Ưu thân phụ của Nữ tu Anna Nguyễn Thị Mỹ Duyên RSM Nam Úc vừa Từ Trần
Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh-Tâm
21:52 22/03/2014
CỘNG ĐỒNG Công Giáo VIỆT NAM – NAM ÚC
nhận được tin
Ông Cố Giuse NGUYỄN VĂN KHOÁT
đã từ trần vào lúc 02g10 sáng, ngày 23 tháng 3 năm 2014
tại bệnh viện Modbury, thành phố Adelaide, tiểu bang South Australia
Hưởng thọ 81 tuổi
Ông Cố Giuse là thân phụ của Nữ tu Anna Nguyễn Thị Mỹ Duyên RSM, Dòng Religious Sister of Mercy Úc Châu – Nam Úc
Cộng Đồng xin thành kính chia buồn cùng Sơ Mỹ Duyên và tang quyến.
Qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Thuyền Nhân và thánh cả Giuse, xin Thiên Chúa Từ Ái đón nhận linh hồn Ông Cố Giuse vào Thiên Đàng.
Xin Ngài cũng ban ơn nâng đỡ Sơ Duyên và tang quyến trong lúc thương tiếc người thân yêu.
Thành Kính Phân Ưu
Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh-Tâm
Quản Nhiệm Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc
 
Văn Hóa
Giải viết văn đường trường 2014 : Bản tin số 6
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
10:02 22/03/2014
GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014: BẢN TIN 06

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Giải Viết Văn Đường Trường sẽ kéo dài mỗi năm cho đến năm 2018, để mừng kỷ niệm 400 năm Tin mừng Nước Trời đến với Giáo phận Qui Nhơn tại Nước Mặn, năm 1618, khi các nhà truyền giáo Dòng Tên thiết lập cư sở tại đây. Địa điểm này nay thuộc thôn An Hòa, Xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, có đài kỷ niệm được coi như một điểm du lịch hành hương.

Giải Viết Văn Đường Trường muốn gợi lên nơi bạn trẻ Công Giáo ý định thử viết một truyện ngắn có nội dung Kitô giáo, rồi từ đó dần dần sẽ khám phá ra mình có thể trau dồi khả năng này để phụng sự Thiên Chúa và Giáo Hội.

Hạn chót nhận bài Giải Viết Văn Đường Trường năm nay là hết ngày 31-3-2014. Chúng tôi ước mong sẽ nhận được thêm nhiều bài dự thi trong những ngày cuối này.

Tiếp đây, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu 7 truyện dự thi mới. Xin mời quý độc giả cùng theo dõi, đánh giá và tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Quý độc giả có thể gửi phiếu bình chọn ngay sau từng đợt bài được giới thiệu. Khi đọc các truyện ở các đợt tiếp theo, nếu thay đổi ý kiến, có thể gửi phiếu bình chọn mới. Chúng tôi sẽ tính theo phiếu gởi sau cùng của mỗi người.

Ước mong quý độc giả khắp nơi tích cực vận động để có thêm nhiều tác giả hưởng ứng và tiếp tục tham gia cuộc thi.

Xin mời xem Bản Thể Lệ Giải Viết Văn Đường Trường đính kèm cuối bản tin này.

Xin trân trọng giới thiệu 7 tác phẩm dự thi mới được chọn qua vòng sơ tuyển. Một số bài không lọt qua vòng loại do chưa phải là truyện ngắn (chỉ mang dạng chia sẻ tâm tình, tùy bút hoặc kể chuyện), do kết cấu lủng củng, chưa thống nhất ý tưởng, hoặc do lấy lại câu chuyện từ một truyện nào đó (phóng tác chứ không phải là sáng tác). Nếu quý độc giả phát hiện bài nào chỉ là phóng tác từ một tác phẩm khác đã công bố, xin vui lòng cho Ban Tổ chức được biết.

Xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công Giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi cuộc thi. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót chúc lành cho tất cả chúng ta.

Qui Nhơn, ngày 21-03-2014

Thay lời Ban Tổ chức

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ


BÀI DỰ THI

Mã số: 14-031

MUỐI MEN CHO ĐỜI


Không biết từ bao giờ tôi lại chú ý đến An Nhiên, một cô bạn Công Giáo trong lớp. Tôi và An Nhiên học chung với nhau thấm thoát cũng đã gần ba năm, khoảng thời gian không quá dài nhưng đủ để tôi học được từ người bạn này những điều quý báu.

Là những học sinh ngồi trên ghế trường gần mười hai năm với bao bài học đạo đức, công dân... nhưng thử hỏi, chúng tôi đã góp nhặt được mấy bài học về ‘đối nhân xử thế’. Phải chăng đây là lý do làm tôi phải chú ý đến cô bạn này. Đối với lũ học trò chúng tôi, những cụm từ như “xin lỗi, cám ơn”, “sorry, thank you”… hầu như không có trong từ điển sinh hoạt thường ngày. Nhưng An Nhiên thì khác, bạn luôn xin lỗi khi mình sai sót, cám ơn khi được giúp đỡ… dẫu là những việc nhỏ nhặt nhất. Có thể gọi đây là những nét nhân bản đầu tiên mà chúng tôi học được từ An Nhiên. Lúc đầu, chỉ một mình An Nhiên sử dụng những từ ngữ đó và hầu như cả lớp chúng tôi đều rất ngạc nhiên, nhưng dần dần cả lớp chúng tôi thấy được có một cái gì đó hay hay… và không lâu sau, nó được sử dụng phổ biến khắp nơi mọi chốn, giờ chơi, giờ học, giờ thuyết trình… Cũng dễ hiểu, vì đây là phép lịch sự, một nét đẹp văn hoá tối thiểu mà chúng tôi phải bắt chước. Ngoài ra, An Nhiên còn có những ứng xử đáng học tự nhiên khác nữa khiến chúng tôi nhiều lúc phải thèm thuồng. Người bạn đó khiến cho tôi suy nghĩ thật nhiều về chính bản thân mình.

Chuyện xảy ra khi ngày kia, lớp tôi đang yên lành, thì có một bạn mới từ một lớp chuyên Anh chuyển sang. Đó là bạn Phúc Vĩnh, nghe đâu Phúc Vĩnh rất mặc cảm, tự kỹ và khuôn mặt cũng không mấy đẹp trai, đúng hơn không mấy thiện cảm… và thật không may cho tôi, Phúc Vĩnh được cô chủ nhiệm xếp ngồi cạnh tôi. Tôi cảm thấy khó chịu với người bạn mới, mặt tôi luôn cau có, giọng tôi luôn gắt gỏng… Có lẽ vì thế mà Vĩnh rất ‘sợ’ tôi. Ngoài việc phải đứng dậy trả lời các câu hỏi của các thầy cô thì Phúc Vĩnh không được nói câu nào, đó là yêu cầu của tôi - mặc dầu tôi biết điều đó thật vô lý.

Thời gian cứ thế trôi qua, tôi chẳng quan tâm đến Vĩnh, mặc cho khuôn mặt buồn bả của Vĩnh ngày càng buồn hơn... Rồi chuyện xảy ra khi thời gian chưa đầy một tháng trôi qua, tôi đã gặp riêng cô chủ nhiệm để xin đổi chỗ với lý do “không thoải mái’’ khi ngồi gần Phúc Vĩnh. Thi thoảng, Vĩnh mượn vở bài tập của tôi nhưng tôi thường cáu gắt từ chối; nhiều lần Vĩnh bắt chuyện, tôi chẳng thèm nghe… Có lẽ vì thế mà việc học của Vĩnh cũng như của tôi xem ra ngày càng giảm sút nếu không nói là quá sa sút… Không chỉ mình tôi nhưng tất cả mọi người trong lớp dường như không ai muốn chơi với Vĩnh ngoại trừ An Nhiên. Vô tình, chúng tôi đã biến bạn ấy thành ‘ốc đảo’. Sự khó khăn khi phải đến trường vào lớp, khiến cho Vĩnh chán nản, lo sợ, và theo tôi, có lẽ Vĩnh sẽ bỏ học… Phần tôi, tự trong thâm tâm, tôi cảm thấy có một điều gì đó làm tôi thích chí, và tất nhiên tôi chẳng cảm thấy mình có lỗi gì.

Thế rồi, tôi cũng được đổi chỗ, người thế chỗ tôi lại là An Nhiên. Nghe đâu An Nhiên đã gặp Cô chủ nhiệm để xin đổi chỗ cho tôi. Từ ngày An Nhiên ngồi chung với Vĩnh, sức học của cậu ấy tăng lên đáng kể, Vĩnh cười nhiều hơn, nói nhiều hơn, cởi mở hơn… và lớp học có một cái gì đó trong lành hơn, tươi vui hơn… và điều đó khiến tôi phải suy nghĩ.

Tôi rất thắc mắc việc An Nhiên không chỉ ngồi cạnh Vĩnh, tận tình chỉ bài cho Vĩnh mà còn trò chuyện rất vui vẻ. Nhân lúc An Nhiên rủ tôi đi ăn sáng tôi đã hỏi Nhiên lý do tại sao. Nhiên cười và đơn giản bảo tôi rằng, “vì mình là con Chúa mà”, “mình phải yêu thương tất cả những người Chúa gởi đến, dù họ tốt hay xấu”. Tôi lặng thinh…, chỉ mỉm cười… nhưng tự thâm tâm, tôi cảm thấy có một chút gì đó khá ích kỷ xen lẫn hổ thẹn... và tôi nhanh chóng lảng sang chuyện khác...

Thế mà hầu như câu nói của Nhiên không tài nào làm tôi cầm trí được suốt cả mấy tiết học sáng hôm ấy và những ngày tiếp theo, “vì mình là con Chúa mà”, “mình phải yêu thương tất cả những người Chúa gởi đến, dù họ tốt hay xấu”. Thì ra, An Nhiên chỉ vì một lý do, một lý do duy nhất để trở nên một người được quý mến nhất lớp, An Nhiên là con Chúa. Để rồi An Nhiên tự hào về điều đó khi tỏ ra mình là một học sinh Kitô hữu… Còn tôi, tôi là ai? Tôi chẳng khác gì những bạn lương dân khác? Tôi đã không làm rạng Danh Chúa tại môi trường mà Chúa gửi đến cho tôi, một môi trường mà các xơ, các thầy và các cha không thể đến được. Dòng suy nghĩ cứ miên man, quanh quẩn trong đầu tôi, và chính lúc này đây tôi mới hiểu và cảm thấy thật xấu hổ… và tôi đã bật khóc tự lúc nào không hay.

“An Nhiên, một Kitô hữu tốt, một người bạn tốt”. Ước mong sao, không chỉ mình tôi, nhưng tất cả các bạn khác cùng tôi học hỏi An Nhiên, nhất là các bạn học sinh Công Giáo.

Vẫn biết mỗi người là một mắt xích,dù nhỏ nhoi nhưng nó sẽ ảnh hưởng và gắn kết với người khác, người khác ấy sẽ ảnh hưởng đến những người khác nữa. Mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói sẽ là chất xúc tác để làm ‘‘sáng danh Chúa’’. Thử hỏi tất cả học sinh sinh viên Công Giáo đều là những An Nhiên trên tất cả mọi ghế nhà trường của đất nước thì có lẽ một điều kỳ diệu nào đó đã xảy ra. Cuộc sống tươi đẹp được làm nên từ những điều nhỏ bé; chính những điều nhỏ bé lại làm nên bao điều lớn lao.

Tôi nhớ lại câu nói của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã đọc đâu đây, “Chấm một chấm cho thẳng, chấm này nối tiếp chấm kia… đường sẽ thẳng. Sống một phút cho tốt, phút này nối tiếp phút kia… đời sẽ thánh’’. Phải chăng, đây là thông điệp Chúa muốn gửi đến mỗi người chúng ta trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, một xã hội xô bồ, ích kỷ, hưởng thụ, trù dập lẫn nhau… để rồi mỗi người ý thức vai trò men muối cho đời của mình khi Lời Chúa cứ văng vẳng bên tai, “Anh em là ánh sáng cho đời, anh em là muối men ướp mặn trần gian”.

Mã số: 14-033

THIÊN ĐƯỜNG TÍM


Một mùa hè lại đến trên những đóa Bằng Lăng tím, từng chùm từng chùm thật đẹp, thoảng mùi hương ngai ngái như hương hoa đồng nội. Màu Tím - màu của thủy chung như nhắc nhớ các cô cậu học trò điều gì đó khi mùa hè đến, chia tay bạn bè, tạm xa mái trường…

Hơn hai mươi năm trước, khi đó tôi là học trò cấp hai trường làng, lần đầu tiên được nhìn thấy Bằng Lăng nên cứ trố mắt nhìn, băn khoăn không biết là cây gì. Đó là một sự tình cờ thú vị. Trường làng tôi được “xung công” để…làm sân bóng đá, vì thế chúng tôi được dời đến “ở độ” trường cấp ba của huyện trước khi đến “định cư” nơi ở mới. Gọi là “ở độ” phần sân sau của trường cấp ba nhưng còn đẹp hơn khuôn viên trường cũ, rộng rãi, sạch đẹp và đặc biệt trồng nhiều cây, trong đó cây Bằng Lăng là loại cây tôi chưa thấy bao giờ, chỉ nghe nó là loại cây “đặc trưng của sân trường” mà các thầy cô trường cấp ba đã “lặn lội” đem từ trên tỉnh về trồng.

“Hai tháng nữa mới ra hoa anh ạ”. Bé Nga gật gù vẻ hiểu biết làm tôi vừa ngạc nhiên vừa thấy buồn cười. Nó học cùng lớp nhưng đi học sớm một năm nên gọi tôi là “anh”. Thoạt đầu tôi cũng thấy hơi “kỳ” vì dù gì cũng học cùng lớp, nó thì bảo nhà nó toàn chị gái nên nó thích có anh trai lắm nhưng không giải thích vì sao lại không gọi những đứa con trai khác cùng lớp là “anh”. Nó rất ngoan, luôn coi tôi là nhất. Nó học Văn rất giỏi, vì thế cho dù ở cái đất Kỳ Anh khỉ ho cò gáy nó vẫn moi ra vô số quyển tiểu thuyết về cho tôi gặm vì nó biết là tôi thích đọc. Cứ mỗi dịp 1 tháng 6 hai anh em lại mò ra phố vừa đọc truyện vừa ăn kem, rằm Trung thu hay Giáng Sinh về hì hục làm đèn ông sao, hè thì cắm mặt vào dán diều. Nhớ nhất là trước những kỳ thi tôi thường đặt ra cho nó giải thưởng gì đó: một bức tranh, vài cái kẹo, một cốc chè,... nó luôn háo hức vì đoạt giải càng cao thì thưởng càng to mà, chỉ có điều vào mỗi cuối kỳ, cuối năm nó nhận giải của trường, của huyện về nó lại chia cho tôi, không nhận là không được với nó, mặc dù đôi lúc tôi cũng hơi bực vì tôi học dốt ít khi được thưởng nhưng nó có cái lý rất hay là “học Toán mới thông minh chứ Văn thì ai mà chả học được”?! Cũng vì nó học giỏi văn nên học giáo lý càng vượt xa tôi, chẳng mấy khi tôi được “ưu” đễ chia quà cho nó, ngược lại ngay cả cuốn Kinh thánh đến giờ tôi vẫn mang theo chính là phần thưởng trong kỳ thi giáo lý toàn Giáo phận của nó. Nó thường bảo tôi “em sẽ phấn đấu hết mình vì anh”, lạ quá, nghe cứ như “tiểu thuyết” ấy, tôi hỏi nó vì sao, nó nói vì phần thưởng cuối kỳ, cuối năm của nó càng nhiều thì tôi càng được nhiều chứ sao!!! Điều lạ hơn nữa là con nít mà bị ghép đôi ghép lứa là hay nổi khùng lên lắm, thế mà nó với tôi cứ ríu rít cả ngày mặc bạn bè trêu chọc đủ kiểu, nhưng nó dũng cảm lắm nhé, đôi lúc tôi ko bảo vệ được nó thế là nó giở võ...khóc, mấy tên bắt nạt sợ quá chạy ngay!!!

Hè năm đó, nó rủ tôi vào trường…trộm hoa Bằng Lăng. Tôi hỏi sao lúc đi học không hái một thể, với cả để trên cây cho đẹp hái làm chi, nó bảo là sợ bị phạt, còn giờ hái là để về ép. Tôi suýt bật cười, thế đi…trộm không sợ bị phạt chắc, nhưng cũng leo bờ rào theo nó. Sân trường vắng tanh, chỉ có tiếng ve sầu ra rả. Tôi khom lưng dưới cây cõng nó lên hái, nó vừa hí hửng xí được một chùm hoa thì tôi thấy có người vỗ vỗ vào vai, xoay người lại tôi…chết đứng như Từ Hải: trước mặt là bác bảo vệ cao to đang đập đập cái dùi đánh trống vào tay, vẻ mặt cau có. Chưa kịp định thần chỉ thấy bé Nga rú lên một tiếng sợ hãi và ngã từ cổ tôi xuống ngất xỉu, tay vẫn nắm chặt chùm hoa. Bác bảo vệ mặt biến sắc vội bế nó lên vỗ vỗ rồi vội vàng mở cổng trường bảo tôi: “Cháu cõng nó về nhé, bác không làm gì đâu”. Hú hồn, trong cái rủi có cái may, tôi vội vàng cõng nó chạy ra đã nghe tiếng nó thì thầm vào tai: “anh sợ không” làm tôi giật nảy cả mình. Trời đất ạ, con bé giả vờ cứ như diễn viên vậy, nó dũng cảm ngoài cả sức tưởng tượng của tôi, thảo nào “ngất xỉu” mà nó vẫn nắm chặt chùm hoa thế! Khổ cho nó, dạy tôi cách ép hoa Bằng Lăng mà chẳng được. Nó khéo léo dùng lưỡi lam cắt phần dưới đài hoa rồi rút nhụy hoa ra, đặt lên cuốn vở duỗi cánh hoa rồi ép chặt vào, dùng một cuốn tiểu thuyết dày cộp đè lên, sau chừng một tháng là đã có một bông Bằng Lăng tím tròn vành vạnh như cái tên Hằng Nga của nó, phần đài hoa còn lại xen kẽ như một ngôi sao xanh êm dịu. Tôi cũng làm theo nhưng chẳng bao giờ thành công, lúc thì cắt rách đài hoa, lúc thì cánh hoa không duỗi thẳng mà nhăn nhíu, có bông lại bị mốc, đen xỉn chứ không giữ nguyên màu tím như các “tác phẩm” của nó. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì tôi “đầu đất tối dạ” hay bởi tôi là con trai nên “vụng về hậu đậu” chưa một lần ép nổi một bông Bằng Lăng nên hồn.

Cổ nhân vẫn thường nói: “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Vào một chiều hè hai năm sau đó, tôi lò dò đến cổng rủ bé Nga đi trộm Bằng Lăng thì thấy nhà nó đã trống trơn, cửa giả ngổn ngang mới biết gia đình nó đã chuyển vào Nam, vì nhà nó phải trốn nợ nên đi cả đêm. Tội nghiệp, không biết vào vùng Kinh tế mới nó có được đi học không, ở trên đó có Nhà thờ không, tôi bâng khuâng suy nghĩ, ngơ ngẩn một thời gian dài, cho đến giờ vẫn không chơi thân với ai như thế nữa. Sau đó nhiều năm nó không liên lạc với tôi, có lẽ nhà nó vì trốn nợ nên phải cắt đứt liên lạc với quê nhà, tôi cố gắng tìm nhưng không ai biết. Cùng với thời gian, bận rộn với các kỳ thi, những kỷ niệm về cô em gái nhỏ dần phai theo năm tháng…

Rồi một ngày của sinh viên năm nhất, tôi bất ngờ nhận được một bức thư đến từ Daklak kèm theo một hộp quà được gói rất cẩn thận. Không phải là thư của nó! Đó là thư của chị Huyền, thông báo ngắn gọn cho tôi là những năm qua nó vẫn học giỏi lắm, sau khi đạt Học sinh giỏi Quốc gia Văn, Nga được đi dự trại hè ở biển và đã ra đi trong một đợt sóng. Trong hộp quà có một bông hoa Bằng Lăng tím khô còn nguyên sắc màu đã ép Plastic có ghi bốn câu: “Em phải đi xa, tặng anh bông hoa, mỗi khi thấy nó, nhớ đến em nha” - kỷ vật nó chưa kịp gửi ngày chạy trốn vào miền Nam và 31 bức thư viết cho tôi mà không được gửi. Tôi bàng hoàng đau đớn như đất sụp dưới chân. Bao nhiêu năm dù tôi đã có nhiều bạn bè khác, dù ký ức về cô em gái nhỏ đã phai nhạt đôi phần song mỗi khi nhìn thấy hoa Bằng Lăng, loài cây phổ biến trên đường phố Hà Nội mà nhất là vào mùa hè khi Bằng Lăng nở, tôi vẫn thầm trách nó là “cái đồ con gái…phũ phàng”. Nhưng từ giờ tôi không bao giờ có thể chăm lo cho nó được nữa, một câu xin lỗi cũng không…

Hôm nay lễ Chúa về trời, tròn mười lăm năm nó được Chúa gọi về theo, tôi vẫn chưa lên được Tây Nguyên để viếng mộ nó, không biết cây Bằng Lăng chị Huyền trồng bên mộ đã nở hoa chưa…

Và, chắc là Thiên Đường giờ này cũng đang tím ngát một màu Bằng Lăng…

Mã số: 14-034

ĐỒNG TIỀN BẠC MỆNH


Gió Bấc hun hút thổi, mưa rả rích rơi. Nó nằm ở đây, bên vệ đường đã hơn 2 ngày mà chẳng ai nhìn thấy. Buồn, lạnh lẽo và cô đơn, cảm giác là kẻ vô dụng khiến nó đau đớn, buốt giá hơn. Chặng đường mà nó trải qua là một cuộc du hành đầy nỗi buồn và thất vọng…

Cũng như bao anh em…đồng xu khác, nó được sinh ra với thiết kế thật công phu, chi phí sản xuất còn lớn hơn cả mệnh giá của nó, mang theo niềm hy vọng sẽ mang lại hạnh phúc cho cuộc sống: rồi đây bốt điện thoại, máy bán hàng tự động,…sẽ xuất hiện khắp nơi, nó sẽ góp phần mang lại sự tiện lợi cho con người. Nó đã rất tự hào vì mệnh giá 2000đ của mình, chỉ kém hơn 5000đ nhưng vượt xa đồng xu 200đ nhãi nhép, lúc mới ra lò nó có thể mua được 1 gói bột canh, 1 chai nước ngọt hay 2 gói bimbim cơ mà…

Nhưng không, niềm vui nho nhỏ được làm quà lì xì cho một cậu bé sớm tan thành mây khói khi em trai cậu bé đùa nghịch rồi…cho vào miệng. Nó đã cố kêu lên: “không, không” nhưng chẳng kịp, rồi nó lại cố lách để em bé không bị nghẹn nhưng cũng không làm được, chỉ thấy cả nhà la toáng lên rồi đưa em bé vào bệnh viện, cũng may ca mổ thành công nếu không nó đã thành “tội nhân thiên cổ”.

Sau khi được đưa ra khỏi cổ họng em bé, nó trở nên “nổi tiếng” bởi bao nhà báo đến chụp ảnh đưa bài về dị vật suýt gây chết người! Nhưng rồi “ánh hào quang” sớm vụt tắt, chả còn ai quan tâm tới nó nữa, chặng đường tới thùng rác của nó chẳng còn xa.

May thay một cô y tá thực tập đã nhận ra nó trong đống rác y tế, hy vọng được cống hiến cho cuộc sống của nó lại được nhem nhóm, nhưng hy vọng đó lại sớm vụt tắt. Khi cô trả tiền rau, người bán đã từ chối khéo: “Thôi, bớt lại 1 ít hành cũng được”.

Nó đâu biết sau những ngày nó “nằm viện”, thiên hạ đã “tẩy chay” tiền xu!

Kết quả cũng không khá hơn khi vào siêu thị, nhân viên bán hàng cũng từ chối nhận tiền xu và dùng phương án: dùng kẹo cao su để đổi lấy tiền lẻ.

Cô gái thất vọng, nhưng nhìn nó vẻ tiếc nuối: “Thôi đưa về cho em Bi nó bỏ lợn”…

Những ngày trong bụng lợn đất của cu Bi có lẽ là những ngày vui vẻ nhất của cuộc đời nó, được gặp bao bạn bè, kể bao nhiêu chuyện, mỗi đứa một hoàn cảnh nhưng rồi mọi con đường cũng đều dẫn đến đây, trong bụng con lợn đất của cu Bi. Nhưng lâu lâu rồi cũng hết chuyện, cả bọn chỉ còn buồn chán vì suốt ngày nghe ông bà chủ cãi nhau.

Một ngày nọ, ông chủ nhà đùng đùng nổi giận cầm con lợn đất ném bà chủ. Trượt! Con lợn đất xấu số văng trúng cửa sổ vỡ tan, nó văng ra đường đau điếng.

“A ha, đồng xu”! Một chàng sinh viên kêu lên sung sướng, nó cũng mỉm cười đáp lại, biết đâu nó được một lần hữu dụng. Nó theo chàng sinh viên về phòng trọ với hy vọng mới. Ối chà, nó nhìn quanh phòng trọ, quả nhiên “Sinh viên thì tiền đồ thật là vô cùng to lớn, nhưng tiền và đồ thì gần như không có gì!”

“Mày điên à?” tiếng người phụ xe buýt gầm lên khi cậu sinh viên mang nó ra trả tiền xe, cậu đành cất vào túi, rút ra 10 ngàn rồi nhận lại một mớ tiền giấy lẻ, lẩm bẩm: “Thôi để cho ăn mày vậy”.

Khi đi ngang qua một nhà thờ, cậu sinh viên bỏ nó vào chiếc nón của một cụ già, chưa kịp quay đi đã thấy cụ già cầm lấy nó và vứt ra ngoài, cậu giật mình vội hỏi lại: “Ông làm cái gì thế?”, cụ già hành khất thản nhiên: “nặng túi mà không tiêu được”…

Đau xót quá, liệu nó có đáng được gọi là “đồng tiền” khi mà sinh viên không thèm nhặt, hành khất cũng vứt đi…

Một năm, hai năm trôi qua, nó vẫn nằm đây, bên vệ đường gần nhà thờ, gió Bấc vẫn hun hút thổi, mưa vẫn rả rích rơi. Giá cả leo thang, mệnh giá của nó đã gần như chẳng mua được cái gì nữa, bốt điện thoại, máy bán hàng tự động vẫn chưa thấy đâu, bọn trẻ con giờ cũng chỉ mê game điện tử, không còn chơi trò đánh đáo nữa, ai sẽ nhặt nó? Nhưng tâm hồn nó không chai sạn, những ngày ở gần nhà thờ, được nghe giảng về hạnh phúc đời sau, nó lại âm thầm nảy nở hy vọng. Như những người giáo dân kia đang tất bật cho Mùa Vọng với mong muốn được gặp Chúa của họ, nó cũng mong sớm được gặp người nhặt phế liệu, nó sẽ được nung chảy và trở thành một vật khác hữu ích hơn, một cuộc sống mới đầy niềm vui…

Mã số: 14-035

CHUYỆN CỔ TÍCH TỪ NƯỚC TRỜI


Từ thơ bé, ai mà không được nghe chuyện cổ tích về nàng công chúa xinh đẹp, chàng hoàng tử tuấn tú. Nhưng tôi lại được bà kể về một nhân vật không có trong chuyện cổ tích thông thường, đó là Chúa Giê-su: chuyện về cha mẹ Ngài, Ngài từ đâu đến, sinh ra và sống khó nghèo ra sao, truyền giáo, chịu chết và sống lại,… Những câu chuyện bà kể dường như vô tận, nhưng có một trích đoạn in sâu trong tâm trí tôi là câu chuyện về cuộc trốn chạy của gia đình Thánh Gia sang Ai Cập. Mãi sau này tôi đã cố gắng đi tìm nguốn gốc của câu chuyện, nhưng vì sự non kém, nông cạn của mình, tôi vẫn chưa biết được câu chuyện đó có từ đâu, kể cả nhờ đến Bách khoa toàn thư hay…Google, nên cứ tâm niệm như lời bà dạy khi tôi hỏi về nguồn gốc của câu chuyện: “Những gì đẹp đẽ, tốt lành mà chưa rõ nguồn gốc thì có nghĩa là đến từ Nước Trời cháu ạ”.

Chuyện kể rằng khi được Thiên sứ báo vua Hê-rô-đê muốn sát hại Chúa Hài Đồng, thánh Giu-se đã vội vã đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, quân lính của nhà vua đuổi theo sát nút. Khi gia đình Thánh Gia đi qua một cánh đồng lúc người ta đang gieo hạt thì Chúa Hài Đồng giơ tay làm phép lạ: cánh đồng vừa gieo hạt đã nảy mầm thành cây và cho bông trĩu nặng trong nháy mắt. Chỉ ít phút sau quân lính ập tới, chúng hỏi những người nông dân đang ngồi nghỉ bên bờ ruộng: “Có thấy một người đàn ông cùng một phụ nữ bế một hài nhi chạy qua đây không?”. Những người nông dân trả lời: “Khi chúng tôi đang gieo hạt thì quả có thấy”. Quân lính thấy ruộng lúa đã chín, nhìn nhau lắc đầu ngán ngẩm:“Thế là họ đã chạy qua đây nửa năm rồi, đuổi làm sao kịp nữa” và chúng quay ngựa trở về. Gia đình Thánh Gia thoát nạn.

Lúc nghe chuyện tôi đã rất phấn khích vì tài làm phép lạ của Chúa Giê-su, còn hơn bất kỳ ông Bụt, bà Tiên nào, vì đó đều là những “người lớn”, không phải là “em bé” như Chúa Hài Đồng, bé hơn cả tôi nữa - còn đang nằm ngửa trên tay mẹ cơ mà, và ước mơ mình có thể làm được những điều kỳ diệu như thế.

Thời gian trôi đi, câu chuyện bà kể hôm nào đã không còn là chuyện cổ tích mà đã đi vào cuộc sống của tôi, mỗi năm khi Giáng Sinh về lại cho tôi một suy niệm khác nhau…

Lúc bắt đầu được học giáo lý: “thứ 3 thì ngắm, Đức Bà sinh Đức Chúa Giê-su nơi hang đá, ta hãy xin cho được lòng khó khăn”, tôi mới cảm nhận được tinh thần vượt khó của Chúa Hài Đồng. Mặc dù là con Thiên Chúa quyền năng, Ngài hoàn toàn có thể sinh ra trong yên bình, nhưng Ngài lại chọn cho mình cách sinh ra trong hang đá lạnh lẽo trong đêm đông giá rét rồi bị truy sát, phải chăng là để chuẩn bị cho con đường khổ giá ngày sau…

Lớn lên một chút, câu chuyện lại cho tôi hình ảnh về một Chúa Hài Đồng nhân từ. Với quyền năng, Ngài hoàn toàn có thể làm quân lính ngã ngựa không thể đuổi theo mình. Nhưng Ngài đã không làm thế, phép lạ của Ngài chỉ dùng để cứu nhân độ thế, vừa đẩy lui được kẻ thù, vừa cho những người nông dân một vụ mùa bội thu. Và Chúa Giê-su, Ngài cũng chính là vụ mùa bội thu đầu tiên của Giáo Hội, là lương thực dưỡng nuôi linh hồn ta đến trọn đời.

Chúa Hài Đồng chọn cách làm phép lạ để đẩy lui được kẻ thù độc ác mà những người nông dân hoàn toàn không hề phạm tội gian dối. Bài học này cho tôi một cách sống ở đời, có nhiều cách tốt đẹp để đạt được mục đích mà không cần phải chọn cách thiếu trung thực hay làm phương hại đến người khác.

Phép lạ của Chúa Hài Đồng cũng dựa trên quy luật của đất trời: muốn có thành quả thì phải có thời gian, khi hạt lúa gieo xuống thì sau nửa năm mới có thu hoạch, sự nóng vội, thiếu suy xét chỉ làm người ta thất bại…

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tôi đã là sinh viên năm cuối. Được nghỉ học kỳ sớm, tôi về quê đúng dịp Giáng Sinh. Tối đến, tôi lại rúc nách bà như thường lệ, nũng nịu: “Bà kể cho cháu nghe chuyện về Chúa Giê-su Hài Đồng nữa đi”. Bà lại kể câu chuyện câu chuyện về cuộc trốn chạy của gia đình Thánh Gia khiến tôi bất ngờ, vội vã ngắt lời bà: “Chuyện này cháu nghe rồi mà”, bà chỉ thở dài vuốt vuốt mái tóc tôi. Tôi đang hơi thất vọng nghĩ rằng kho chuyện của bà đã hết thì thấy mẹ tôi nhắc nhở: “Để yên cho bà ngủ, bà đã gần 90 tuổi rồi đừng bắt bà tư duy nữa”, tôi mới giật mình nhìn lên: mái tóc của bà đã bạc trắng tự khi nào.

Cũng mùa đông năm đó, Chúa đã gọi bà về. Tôi bàng hoàng đau đớn, dù bà vẫn thường bảo: “Cháu hãy sống giản dị, yêu lao động, thuận theo lẽ tự nhiên với tấm lòng đơn sơ như Chúa Hài Đồng và đừng lo một ngày nào đó mình chết đi vì cháu sẽ được Ngài đón đợi trên Quê Trời”.

Mỗi năm khi mùa Giáng Sinh tới, tôi lại về quê viếng mộ bà. Đứng trên đồi cao nơi bà nằm nghỉ, nhìn xuống đồng ruộng mênh mông không một bóng người chỉ trơ gốc rạ trong gió Bấc, tôi thầm ước giá như có một giống lúa chịu được rét để người nông dân có thêm một vụ mùa bội thu, mùa đông sẽ bớt giá lạnh. Tôi cũng ước sao trên cánh đồng truyền giáo giảm thiểu được tình trạng “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Tôi tin giờ này bà đã được ở trên Thiên Đàng và đang chuyển cầu những mong ước đó tới Chúa Hài Đồng, bởi vì “những gì đẹp đẽ, tốt lành mà chưa rõ nguồn gốc thì có nghĩa là đến từ Nước Trời”….

Mã số: 14-036

BỨC THƯ ĐẦU TIÊN


Trời vẫn còn mưa, những cơn mưa không nặng hạt nhưng kéo dài lê thê. Lâm đã quen với những cơn mưa như thế ở thành phố này. Ngoài đường, đèn đã lên pha, không tiếng còi xe ồn ào náo nhiệt như ngày thường. Một buổi tối tưởng chừng như bình yên.

Anh đang hoàn thành bức thư gửi cho Vân - cô bạn gái phương xa, đây là lần đầu tiên anh viết thư tay cho cô kể từ ngày hai đứa yêu nhau...

Lâm và Vân chơi thân với nhau từ ngày còn tấm bé. Họ lớn lên trong cùng một xóm đạo, học chung một lớp. Họ có chung những người bạn và có chung cả những ước mơ...Tuổi thơ hồn nhiên của họ gắn liền với những kỷ niệm thân thương. Ngày ngày, trên con đường làng thân thuộc, Lâm chở Vân đến lớp cùng chiếc xe đạp nhỏ. Tình bạn trong sáng đó đồng hành với họ suốt những năm tháng cắp sách tới trường. Và rồi, khi tuổi học trò khẽ rơi xuống lòng đất, khép lại những trang ký ức tươi đẹp của tuổi hồn nhiên tinh nghịch cũng là lúc họ bước vào những kỳ thi quyết định cho tương lai.

Giấy báo trúng tuyển chỉ đến tay một người. Viễn cảnh chia ly làm hai đứa phải thổn thức con tim. Ngày chia tay lên đường nhập học, nhìn đôi mắt đen tuyền rớm lệ của Vân, Lâm không đủ can đảm nói lên lời yêu thương ấp ủ từ lâu. Lâm bước tiếp con đường thực hiện ước mơ nơi giảng đường đại học. Vân ở nhà chờ đợi những mùa phượng vĩ sau.

Năm học thứ nhất qua đi mang theo một bầu trời thương nhớ nơi tâm hồn Lâm. Hè năm ấy, Anh gặp lại Vân khi cô vào thi đại học. Nói sao hết hạnh phúc nơi trái tim kẻ đợi chờ. Sau một năm xa cách, giờ đây, Lâm đã trưởng thành và đầy dạn dĩ để nói lời yêu thương...Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Vì một vấn đề về sức khỏe, Vân đã không thể tham dự kỳ thi đại học năm ấy. Đối diện với sự thật đó, Lâm nhận ra rằng tình yêu của họ như chiếc cầu vồng bắc ngang một góc trời. Cầu vồng dệt những gam màu sặc sỡ trên bầu trời sau cơn mưa, nhưng lại mang trong mình ý thức về sự tan biến. Vân trở về quê. Anh tiếp tục theo học, bỏ lửng một tình yêu...

Từ ngày ra thành phố làm việc, Vân không còn thường xuyên liên lạc với Lâm dù anh vẫn đều đặn gửi những tin nhắn cho cô. Đã có nhiều Chúa Nhật, anh “online” trong sự hụt hững, đợi chờ. Lâm buồn nhưng không oán trách. Tình yêu của anh vẫn còn cháy bỏng đủ để anh biện minh cho sự hững hờ, lạnh nhạt của Vân...Tuy nhiên, tất cả điều đó cũng không thể xóa đi được những nốt lặng trong bản tình ca của hai đứa. Chiếc cầu vồng dần tan biến vào cõi thinh không, để lại trong tâm hồn Lâm những hoài nghi về tình yêu của chính họ.

Mùa xuân năm ấy, Lâm nhận được tin từ một người bạn thân rằng Vân đã có “người mới”. Anh thất vọng nhưng không bất ngờ về điều đó. Điều mà chính anh đã cảm nhận được qua thái độ của Vân. Thế là hết, chẳng còn gì nữa...Tình yêu hai đứa tan vỡ như ánh pha lê trong trái tim non nớt của tuổi hai mươi.

Những tháng năm nơi giảng đường đại học lần lượt ngang qua đời anh cùng những mùa phượng vĩ. Lâm lao đầu vào học tập. Anh sống hờ hững với chính con tim của mình, chẳng có thêm mối tình nào như một cách khẳng định anh là người chung thủy. Còn Vân, cô cũng đã dần quên đi giấc mơ chung của hai đứa...

Mùa hè năm học cuối, Lâm tham gia một phong trào hoạt động tình nguyện của Hội Dòng TT. Anh hòa mình vào những nơi anh đến, những người anh gặp. Anh quên đi tất cả những lo lắng muộn phiền, quên đi cả những suy nghĩ tính toán bon chen. Nơi đây, Lâm đã tìm được niềm vui mới mà lâu nay anh chưa một lần cảm nhận. Ghi dấu đặc biệt nơi tâm hồn Lâm là hình ảnh của những linh mục trẻ đầy nhiệt huyết, hăng say. Qua bóng dáng của các Cha, Lâm đã dần nhen nhóm một lý tưởng mới mà tự anh chưa thể nắn nên hình hài.

Sau những tháng hè sôi động và đầy ý nghĩa, Lâm thấy mình trưởng thành và chín chắn hơn nhiều. Những cảm nghiệm mới làm biến đổi con người anh. Đã có nhiều sự thay đổi nơi lối sống, cách nghĩ và cách nhìn, nhưng trên tất cả là lý tưởng cao đẹp mà Lâm đã tìm thấy cho cuộc đời mình. Lý tưởng ấy càng ngày càng mạnh mẽ. Nó bao trùm những suy nghĩ, chi phối những dự định của anh; và cũng chính lý tưởng ấy dẫn anh tìm đến với một vị linh mục, người đã gắn bó và đồng hành với anh trong những tháng hè. Ngài cũng chính là người đã thổi vào tâm hồn và cuộc đời anh một luồng gió mới. Anh đã không ngần ngại giãi bày với Ngài về khao khát, về lý tưởng của mình...Khi từ biệt, Ngài trao cho anh cuốn Kinh Thánh và một cây Thánh Giá.

Ngày cuối tuần một tháng đầu thu, Lâm bất ngờ nhận được một bức thư viết tay của Vân - cô bạn gái ngày nào. Bức thư ngắn gọn:

“Em xin lỗi vì những hiểu lầm đáng tiếc đã gây ra cho anh. Có một điều chắc chắn rằng, chưa bao giờ trái tim em ngừng yêu anh. Em mong một ngày nào đó lại được cùng anh dệt chung một giấc mơ.”

Ký tên: Hoài Vân

Chẳng có gì cả ngoài những nét chữ thân quen, chỉ ba câu ngắn gọn nhưng chừng đó đã làm trái tim Lâm loạn nhịp. Bức thư chưa kịp khép lại, bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào của tình yêu đầu đời ùa về phủ đầy tâm hồn anh. Sau giấc ngủ dài, tình yêu nay được đánh thức. Giấc mơ xưa chung lối hiện ra trước mắt. Giấc mơ đó càng rõ nét hơn khi anh nhận được lời xin lỗi của người bạn thân năm xưa: “Xin lỗi Lâm, thật ra khi ấy vì quá yêu Vân nên tớ đã bịa ra thông tin là Vân đã có “người mới”. Sự thật không phải như vậy”. Tim anh thổn thức, hơi thở gấp gáp vì nhận ra rằng chính anh đã đánh mất tình yêu của anh.

Suốt ngày hôm ấy và cả những ngày sau, Lâm không thể tập trung tâm trí làm được việc gì. Tất cả những suy nghĩ như có một thứ ma lực nào chiếm ngự. Chính nó điều khiển con người và tâm hồn anh. Lâm ít nói hẳn ra. Khuôn mặt đăm chiêu như đưa con người anh vào một lối suy nghĩ cao sâu mà chính anh chưa có câu trả lời. Lâm phải lựa chọn: lý tưởng mới hay giấc mơ cố nhân? Con tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu được, nhưng chính lý trí lại điều khiển con tim tìm kiếm những chân giá trị mới. Khi phải đứng trước sự lựa chọn này, Lâm thấy mình yếu đuối như chưa bao giờ phải thế. Con tim hay lý trí? Tình yêu tuổi trẻ hay lý tưởng cuộc đời?

Trời vẫn còn mưa. Bức thư đã viết xong. Anh nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu. Mưa đã tạnh, trên khuôn mặt anh chỉ còn lại những giọt mồ hôi. Bức thư anh viết cũng ngắn gọn như bức thư anh nhận được. Ngày mai anh sẽ gửi cho Vân bức thư đầu tiên và anh mong thư sẽ sớm đến tay cô. Thư anh viết:

“ Cám ơn Vân vì tất cả, nhưng anh xin lỗi vì không thể cùng với Vân dệt chung giấc mơ như thuở nào. Anh đã có lý tưởng riêng cho cuộc sống cũng như đã chọn lựa con đường mà cuộc đời anh sẽ đi. Mùa xuân này, anh sẽ vào Nhà Tập của Dòng TT, nơi ấy anh sẽ góp thêm lời cầu nguyện cho em hạnh phúc. Chào em!”

Ký tên: Trần Lâm

Lâm gấp thư lại, xếp vào góc bàn. Một tiếng sét vang lên loang lỗ cả bầu trời, chiếu thẳng vào cây Thánh Giá trên tường, làm bừng sáng khuôn mặt của Người mà anh chọn lựa.

Mã số: 14-037

LÃO PHÚ HỘ TRONG TÔI


“Anh Lazarô chết và được Thiên Thần đem vào lòng ông Abraham

Ông nhà giàu cũng chết và người ta đem chôn” (LC 16, 22)

Lạy Chúa, có một lão phú hộ trong con!

Câu chuyện xảy ra tại một phòng trọ nhỏ cạnh bờ Hương Giang, xứ Huế, vào một ngày mưa lớn, lúc bão sắp đổ bộ miền Trung.

“Anh Lazarô chết và được Thiên Thần đem vào lòng ông Abraham. Ông nhà giàu cũng chết và người ta đem chôn”. Minh cứ lẩm bẩm hai câu đó, càng lẩm bẩm mặt nó càng khờ ra. Nó đang hối tiếc vô cùng chuyện lúc sáng đi Big C mua đồ trú bão. Trên đường về, nó đã giả lơ một ông cụ ngồi trên thành cầu mà nó đoán là ông ăn xin. Ông cụ tả tơi quấn quanh mình một chiếc chiếu lõm bõm nước. Khi chạy ngang qua, nó còn thấy ông run run. Minh bảo nó đã có thể dừng lại nhưng không hiểu sao tệ quá, cứ một mạch rú ga ù về nhà. Mấy lần nghe những chuyện đại loại vậy, tui chỉ làm có một việc: nói một câu cho người đang có lỗi khỏi cảm thấy có lỗi nữa. Tui bảo: “Lúc đó mày đang chở nhỏ Hoa mà...không lẽ dừng lại chở ông đó nữa!?” Câu nói hoàn toàn hợp lý của tui tưởng chừng giúp được hắn nhưng té ra không được. “Tau là người Công Giáo, tau không được vô tâm như rứa mi nờ”

Rồi hắn cứ bứt rứt mãi.

Thật không thể hiểu được. Đạo thì cũng là người thường mà. Làm gì mà hắn thấy khó chịu vì đã không giúp ông cụ lạ hoắc gì đó kia chứ! Hắn làm vậy cũng bình thường, có phải làm gì thiệt hại ai đâu. Nếu là tui, tui đã ăn ngon ngủ kỹ rồi! Trời mưa gió kiểu này, ai rảnh mà lo việc thiên hạ! Hắn thì cứ bảo tau phạm tội rồi. Hây-da!

“Mày không ăn cơm hả?” Tui dọn chén đũa lên mâm. Hắn không đáp lại. Hắn cau có: “Thì mày cứ ăn đi, tau ăn sau”. Nói rồi hắn lại lúi cúi vào quyển sách da quý báu gì gì mà ngày nào hắn cũng đọc trước lúc đi ngủ. Thấy tướng hắn đọc sách, lại thấy mặt hắn trầm ngâm đầy tiếc nuối, tui tự nhiên tò mò quá sức đó là sách viết cái gì!? Chưa bao giờ tui tò mò như thế về quyển sách đó.

Đang trong dòng suy tư, chợt thằng Minh kéo tui về lại thực tại bằng câu hỏi vu vơ: “Hay tau đi tìm ông cụ hè?” “Há?” Tui trợn mắt: “ Mi có biết chừ là mấy tiếng đồng hồ kể tự khi mi đi Big c về rồi không?” “kệ” nói rồi hắn lao ra khỏi phòng, quyển sách đen đen còn đang đọc dở.

Tui phán một câu “ điên!” vu vơ rồi thì chạy qua “vồ” lấy cuốn sách da đen. “Tau phải coi coi mi đọc cái chi trong ni”. Chà chà, Lời Chúa trong Thánh Lễ há!? Nhìn sơ quyển sách thấy nó dày dày, cầm lên mới thấy nó không nặng lắm. Mà giấy gì mỏng tanh dễ sợ. Thằng này cũng thiệt là, cẩn thận xin lỗi, có làm dây vàng dây đỏ và cả dây xanh để ngăn trang đang đọc lại nữa. Ngẫm vậy tui mở ra.

Tin Mừng theo thánh Mátthiêu. Chà chà, té là sách Tân ước bên hắn đây mà: Thánh Mátthiêu, Máccô với Luca và Gioan...Hồi học Lịch sử Văn hóa Thế Giới tui thuộc hết tên 73 quyển bên hắn. Coi thử họ viết gì nào.

“Ấy ơi, mi có trong phòng không, cho tau vay cái trứng”. Giọng đứa nào đó gọi kinh khủng thiệt! Cắt ngang việc đọc sách của người ta.

“Gì đó”, tui gắt: “chừ mà trứng má gì! Tau đi ngủ rồi” ĐÓ là thằng Năm, đứa chuyên đi vay nợ

“Cho tau vay một cái thôi mười ngày nửa tháng nữa tau trả... Mẹ tau đi gửi tiền mà ngân hàng nghỉ làm mi nờ... Nghe nói xe cũng không chạy nữa...bão sắp vô chỗ quê tau rồi”

“Thì kệ mi” tui đóng sầm cửa lại

“Đi mà...giúp tau đi mà...Vài bữa mẹ tau gửi vô tau trả mi”

“Nhà tau hết rồi, chưa mua!”, tui hét lên một tiếng lớn rồi đóng sầm cửa lại.

Im bặt. Hắn không nài nỉ nữa. Bữa ni biết điều ra phết.

Tui mở quyển sách ra. Tin mừng theo thánh Mátthiêu

Dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó: "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. 23 "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.24 Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!25 Ông Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được27 "Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con,28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!29 Ông Áp-ra-ham đáp: "Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.30 Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.31 Ông Áp-ra-ham đáp: "Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."

Tui vừa đọc vừa và tiếp bát cơm. Chà, lão nhà giàu chết chỉ được người ta đem chôn. Anh Lazarô thì được lên thiên đàng. Sướng thiệt! Người nghèo luôn được ưu tiên!

Mà cũng thật phi lý! Đặt chén xuống, tui để tâm thinh lặng để nắm bắt cái ý vừa vọt lên trong tâm trí mình. Quái lạ! Sao lại thế nhỉ!?

Cuối sách có một hàng chữ đỏ rất nổi của thằng Minh: Tại sao ông nhà giàu lại sa hỏa ngục? Đúng như cái thắc mắc mới lóe lên trong lòng tui, tại sao chứ? Sách đâu có kể ông làm gì sai hay có hại cho ai, cả cho anh Lazarô kia cũng không mà. Ông cũng không xúi mấy con chỏ liếm ghẻ chốc anh. Ông chỉ lo việc ăn uống tiệc tùng của ông chứ mấy! Tựa như người ta mở tiệc để củng cố các mối quan hệ, kiếm thêm mối làm ăn hay để tỏ lòng quý mến bạn bè vậy thôi...có gì là không phải chứ?!

Tui không muốn bận tâm nữa nhưng không hiểu sao câu hỏi đó cứ lởn vởn trong đầu mãi. Chẳng lẽ giàu là có tội sao? Giàu là phải bị như ông này sau khi chết sao? Làm gì có chuyện đó! Tui biết có nhiều nhà giàu mà cũng tốt lành lắm.

Đang rửa chén thì nghe đài báo tâm bão đã vào Quảng Trị. Nhà cửa, cây cối sụp đổ nhiều. Nghe đâu có hai ba người đang tìm cách cứu lúa thì bị nước cuốn giờ vẫn chưa tìm ra. Rõ tội nghiệp! Đã nghèo còn gặp eo!

“Lại có đứa mô gõ cửa đó! Chi rứa?! Mưa to quá không nghe chi hết!” Tui gào lên với đứa đang gõ bên ngoài. Cái thằng lúc sáng chứ gì nữa. Hứ!

Nhưng rồi tui cũng phải mở cửa: “Gì nữa cha? Trưa trời rồi để cho họ ngủ tí còn đi học chiều ni nữa chớ! Tau mà làm bài kiểm tra không được chiều ni là do mi đó”.

“Đi mà”. Hắn nài nỉ nghe như thảm lắm. “Tau nhịn hai hôm ni rồi mi ơi. Cho tau vay...”

“Thì đổ nước mắm mà ăn” “Tau cũng hết nước mắm luôn rồi”...tui chen ngang lời hắn định nói rồi vụt kéo cái cửa sắt một tiếng rầm!

Bực mình! Lúc nào cũng...Thiệt là...!

Xong xuôi, tui vào face. Chà, dòng status lúc sáng đã có hơn 1000 lượt like. Dòng đó là: Đạo nào cũng giống nhau cả, cũng dạy đều tốt cả!

Lại có tiếng đập cửa. Lần này thì thằng Minh về.

“Mày chưa ngủ à, vào trang cá nhân tau làm chi đó?”

“Tau mới rửa chén xong. Tại mày chưa “out” ra chứ bộ. Cái câu tau nói mày hôm qua đó, có hơn 1000 lượt like rồi...mày thấy chưa, ai cũng nghĩ như tau hết...”

“Cái gì?”

“À”, rồi giọng nó không ngạc nhiên chi nữa. Vừa nhìn vừa mở tủ sắt.

“Chi rứa? Định lấy tiền đi mô à?”

“ừh, tau có việc”. Nó chạy vội ra không quên nói lớn: “À, mà đạo của tau đặc biệt khác đó”!

“Đặc biệt khác? Khác chỗ nào chứ?”

“Anh Lazarô chết và được Thiên Thần đem vào lòng ông Abraham

Ông nhà giàu cũng chết và người ta đem chôn”

Thằng Năm chắc đã mượn được đâu đó, không thấy qua gõ cửa nữa. “Ông nhà giàu chết và người ta đem chôn. Ông Lazarô chết và được đưa vào lòng ông Abraham”, tui lẩm nhẩm trong lúc chuẩn bị đi nghỉ trưa.

Đài lại báo số người thiệt mạng do bão đã tăng lên. Bão quét qua rồi...người dân bị tốc mái mấy ngôi nhà cấp bốn hết. Ruộng đồng mất trắng. Nước lênh láng...nghe đâu có mấy làng gần chân núi bị vùi...chết hơn hai chục...Mắt tui cố nhắm lại...Mình tui chui vô chăn rồi.

Lạ thật, con người tui cứ thích hành hạ mình. Lúc chưa đi ngủ thì ước được chui vào mền, còn lúc đã nằm trong mền ấm áp rồi thì không tài nào ngủ được. Trong đầu toàn gì đâu. Không biết mấy người dân ngoài Quảng Trị đã được tìm thấy chưa...không biết thằng bé 6 tuổi mất tích trong số đó ra sao rồi. Ba mẹ nó chắc chết ngất nếu không tìm thấy nó. Mà giờ này thì, dù có tìm được cũng chỉ còn xác thôi...tự nhiên hơi thở tui nghẹn lại như mắc nghẹn lúc ăn cơm. Trí tưởng tượng phong phú kéo hàng loạt những hình ảnh ập tới! Tui tự nhiên đặt mình trong gia đình thằng nhỏ và mường tượng cảnh ba mẹ nó gào khóc trong vô vọng khi mà họ không còn có nó nữa, khi mà họ phải gửi nó lại cho lòng đất...tự nhiên nước mắt trào ra trong hốc mắt. Những hình ảnh về đứa em gái dễ thương của tui chợt ùa về. Nó cũng bằng tuổi thằng bé...rồi cái ý nghĩ lỡ có chuyện gì với nó thì làm sao tui chịu nổi xuất hiện, chiếm lĩnh toàn bộ các suy tưởng! Làm sao tui chịu được nếu nó có chuyện gì!? Mẹ tui, mẹ tui cũng sẽ chết mất! Không! Không! Nghĩ rồi tui tự trấn an mình. Uhm, nhà tui cao mà, không có chuyện đó đâu, nhà tui không bao giờ bị ngập lụt cả đâu. Sao lại lấy việc này lắp vào việc kia để rồi lo lắng chứ! Ngốc! Ngốc! Nhưng tui vẫn bị ám ảnh. Nụ cười của em, đôi mắt sáng của em, tiếng em thỏ thẻ bên tai anh trai nhờ anh bày cách giải toán hay giọng em trong trẻo lúc em tập đọc diễn cảm...lỡ...lỡ...một ngày nào đó, em ra đi trước tui thì sao nhỉ!? Và tự nhiên cái cảm giác biết được rằng dù đau đớn nhưng không làm sao tui ngăn cái chết lại được nếu nó muốn đến càng khiến cho tim tui thắt lại! Lỡ em ra khỏi cuộc sống này trước tui thì làm sao? Càng muốn lảng tránh cái cảm giác khó chịu trong tim thì nó càng rõ rệt: ai cũng phải chết cả! Ai cũng phải chết cả!

Thằng bạn cùng phòng về. Tiếng cửa rột rẹt. May khi hồi nó có đem khóa cửa theo không thì mệt. Dù đã gắng không để ý nhưng tui vẫn không thể không nhổm dậy: “Mày đem ai về đó?”

“Ông cụ khi sáng” “tau tìm được ông rồi. May quá mày nờ!”

“Hứ! Tự nhiên rước về cục nợ!”

Có lẽ câu nói của tui là bát nước tạt vào cái mặt đang hớn hở thấy rõ của hắn. Hắn chưng hửng. Hắn không đáp.

“Chi đó? Cơm còn đủ cho mày thôi đấy”. Tôi hỏi khi thấy hắn soạn thêm chén đũa ra trên bàn...

Hắn vẫn thinh lặng.

Tui bực quá đá tung cái chăn hét lên: “Minh!”

Ông lão nhìn lên! Tui khựng lại. Ánh mắt tui lập tức tránh đi để khỏi chạm vào cái khổ thể hiện trong đôi mắt quầng đen đặc quánh ướt đẫm nước mưa của ông. Ông lão cũng lập tức cúi xuống. Tui rút vào trong mền, trùm đầu lại.

‘Đó là bạn cùng lớp cháu”…thằng Minh nhanh miệng. Rồi nó kéo ông về với thực tại bằng câu “Mời ông ăn cơm ạ”.

Cả bữa cơm đó tui để ý nghe xem hai người bên dưới nói những gì...Giọng ông cụ có vẻ tủi tủi. Cả bữa cơm chỉ được đôi câu. Thằng bạn tui thì cứ luyên thuyên. Tui biết hắn đang gắng nói cho ông thấy khỏi ngại. Tui không thích ông đó tí nào. Nhìn mặt ổng biết là...! Dù sao thì tui không thích ông. Và điều quan trọng là tui không thích giúp người mình không thiện cảm.

Lại có tiếng ai gọi cửa.

Bực dễ sợ. Chắc chắn là thằng hồi trưa qua mượn trứng. Hắn đợi lúc thằng Minh về rồi qua đây mà!

Mà đúng như tui đoán thật. Thằng Minh chạy ra nói vài ba tiếng xong thì chạy vô lấy đồ đưa liền.

“Chi rứa? Mi đưa cho hắn rồi à?”

“Ừ, tau đưa rồi”.

“Trời ơi! Mi làm chi rứa há? Mi có biết là hết đồ ăn rồi không? Bão lụt tới nơi rồi đó”!!! Tui giẫy nẫy

“Hắn đưa tiền rồi! Đây này!” Nói rồi hắn chìa tờ tiền trong tay ra.

“Mi thiệt là!!!” Tui quá rõ tiền đó là thế nào, là của ai mà! Tui nói thầm trong bụng: “Vài bữa mà hết tiền tau không cho mượn mô”

Tối hôm đó hắn mời ông cụ kia ngủ lại. Hắn có vẻ mừng rỡ lắm khi ông ta đồng ý. Tui thì chỉ không muốn nói ra vì ngại hắn. Lòng người khó lường, biết đâu được ông ta là một người hay ăn cắp vặt?! Vì thế mà tui không ngủ cả đêm. Cảnh giác!

Thằng bạn tối đó đọc kinh lâu hơn mọi hôm. Có kinh gì mà đọc lắm thế không biết! Hắn lúc đầu thì đi lui đi tới. Đi nhẹ nhàng, rón rén lắm. Tiếp theo thì ngồi yên tĩnh trong mùng, không nhúc nhích nữa! Tui thì nằm trên gác, đưa tay lên trán, nghĩ ngợi. Tiếng gáy của ông cụ lúc đầu nghe the thé, lúc sau là một thứ âm thanh thật khó chịu. Có vẻ ông ngủ say lắm rồi. Tự nhiên nhớ đến nội tui. Lúc ông mất, tiếng thở của ông không khác của ông dưới kia là bao. Thôi thôi, tui ném tất cả những suy tư đang chực ùa tới kia đi rồi vào face, đăng cái ưu tư của hôm nay: Tại sao người ta phải chết? Tui đợi. Có hơn 500 cái like trong 15’ nhưng chẳng có lấy một câu trả lời nào. Ai cũng biết chết là tất yếu nhưng không ai cho tui thấy được giá trị của nó hay nói cách khác là giá trị của cuộc sống qua lăng kính của cái chết cả. Chẳng lẽ chết là hết sao? Chẳng lẽ bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu đóng góp cho đời của người ta đều bị xóa sạch hết sau khi chết? Nghĩ tới đó lại nhớ tới câu của thằng Minh nói trong lớp học triết: cái quan trọng không là để lại những gì cho người thân sau khi chết nhưng là được sống trong họ. Hắn nói mọi sự rồi sẽ qua, rồi sẽ là phù vân. Phải, mấy người hiền triết cũng hay nói tương tự còn gì!? Hắn nói tất cả phải quy về điểm xuất phát ban đầu của mình. Với hắn và cả với những người bên đạo hắn nữa, điểm xuất phát ấy chính là Thiên Chúa của hắn. Mỗi lần có ai hỏi đến Vị ấy thì hắn không tiếc thời giờ say sưa nói. Còn đối với những người như tui thì sao? Điểm đó của tui là ai? Là vị nào? Tự nhiên tui thấy mình bơ vơ chi lạ! Không điểm xuất phát và không điểm về! Hắn tin chết là bước sang một đời sống mới. Còn tui thì nghe chết là hết. Hắn tin đời sống mới là đời sống thần thiêng, muôn thưở không chết nữa. Còn tui thì hết rồi còn đâu. Bên mấy người Phật tử thì tin kiếp luân hồi. “Có kiếp luân hồi cũng hay chứ: có nhiều cơ hội để thay đổi”. Có lần tui bảo thế. Hắn chỉ cười. “Tau thì thấy vui vì chỉ có một kiếp này ở trần gian để sống cho đáng cách hoàn toàn”.

Thằng Minh hình như cầu nguyện xong rồi. Giờ nó đọc sách. Cái quyển sách lúc sáng tui lén đọc. Cái vẻ nó kính cẩn thấy rõ trong bóng tối mờ mờ của ngọn đèn đêm!

Sáng sớm hôm sau tui nghe có tiếng lào xào dưới gác. Tui choàng dậy. Thằng Minh cũng dậy rồi. Ông cụ tính rời nhà một mình mà hắn ngăn mãi không được. Cuối cùng phải đồng ý chở cụ ra chỗ cầu hôm qua để cụ tìm về nhà bà con.

“Minh này” tui nói khéo lúc hắn mới dắt xe vào vì tui biết ít nhiều hắn cũng cho tiền ông cụ: “Đó là điểm khác biệt của bên mi há?”

“Há?”

“Ý tau là tin người một cách quá dễ dàng đó!” Tui tiếp: “Kiểu này ai muốn ăn nhờ ở đậu với thêm mấy đồng hút thuốc là tới tìm mi được đó”

“Hì”, đáp lại cung giọng nghe hơi chát chúa của tui, hắn chỉ cười. “Tin tưởng là dấu hiệu đầu tiên của yêu thương mà”

“Có rứa nữa!?”

“Nhưng mi đâu cần phải thương ông ta?! Ông ta không đáng thương tí nào!”

Tui muốn ám chỉ đến vẻ cau có và cái tính kênh kiệu của ông mấy lúc nhìn tui.

“Tau thì chỉ thấy ông ấy tội nghiệp” “Mà không lẽ chỉ thương những người mình thích thương thôi sao!?”

“À, mà tau có comment (bình luận) hai câu mi đăng trên face đó, mở ra coi đi hấy”. Nói rồi hắn dắt xe đi ra.

Tui vội lấy điện thoại online vào face.

Câu nhận xét thứ nhất của hắn: Lão nhà giàu bị thế vì vô cảm, chỉ nghĩ cho mình mà làm lơ với nhu cầu cấp thiết của người xung quanh.

Câu nhận xét thứ hai cho câu hỏi tại sao con người phải chết: Hắn viết: Nếu không có cái chết, người ta sẽ không biết cách sống!

Một sự thinh lặng đột ngột chộp lấy tâm khảm tôi.

Mã số: 14-038

MỘT ĐỊA CHỈ ĐÁNG TIN CẬY


Bác sĩ Hữu, một bác sĩ Công Giáo, tựa mình vào gốc cây, châm một điếu thuốc, hít một hơi dài và thở ra. Anh vừa hoàn tất xong một ca mổ. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Bây giờ, anh đang thư giãn. Cái cảm giác vừa thực hiện xong một điều tốt đẹp chạy nhảy trong tâm trí anh, trên chiếc mắt kính gọng đen của người bác sĩ trẻ. Mới ngày nào còn bị bạn bè chọc ghẹo vì chọn khoa sản, mới ngày nào chập chững theo các bác sĩ khác đi lâm sàng, mới ngày nào làm “bà đỡ” phụ cho mấy bà trong giáo xứ, bây giờ anh đã trở thành một bác sĩ thực thụ rồi, một bác sĩ có tiếng “mát tay” nữa. Vừa tựa mình nơi gốc cây hoàng hậu trước cổng phòng khám vừa ngẫm nghĩ, anh thấy vui. Niềm vui sâu xa vì được chào đón những sinh linh bé bỏng.

Đang ngồi ngắm nghía bầu trời xanh như vậy thì bỗng nhiên một giọng ai gọi khẽ cắt ngang dòng suy tưởng của Hữu. Anh quay lui.

- A, chào chú. Anh reo lên vì nhận ra đó chính là người chồng của sản phụ lúc nãy.

- Chú đã vào thăm cháu bé chưa? Hai mẹ con dì ấy bình an rồi

- Dạ rồi ạ, tôi đã vào, thật tôi rất biết ơn bác sĩ. Chú ấy vừa nói vừa dúi một gói gì đen đen vào tay Hữu

- Bác sĩ thấy đó... tôi đây là nông dân, tôi không biết lấy gì để cảm ơn, xin bác sĩ nhận món quà này cho tôi vui. Anh thụt tay lại.

- Không không, con cũng vui lắm khi giúp được chú, con không nhận đâu.

Dứt lời anh chào rồi bước ngay đi. Anh vội đi để khỏi phải làm người nông dân ngại và cũng để khỏi làm mình ngại. Mấy hôm trước cô y tá có nói qua cho anh về gia cảnh của hai vợ chồng chú ấy rồi. Mấy bác sĩ khác tự dưng bận hết. Thấy dì vợ chú đau đớn quá, cứ nằm rên rên mãi nên dù đang tối mắt tối mũi với hàng đống việc, anh vẫn nhận lời liền để nhận thực hiện ca mổ. Vì bước rất nhanh, anh vô tình va phải một phụ nữ luống tuổi và cô gái con bà. “ xin lỗi, xin lỗi” anh Hữu cuống quýt. Chiếc mắt kính văng lăn lóc trên sàn. Hữu chưa kịp cuối xuống nhặt thì mẹ của cô gái đã nhặt được và trả lại. Bà cố mỉm cười rồi bước vào viện. Người con gái đi cùng khẽ nhìn lui. Ánh mắt cô dè dặt đầy lắng lo.

Bác nông dân khi nãy đã đi rồi. Hữu luôn tâm niệm anh phải chu toàn bổn phận bác sĩ khoa sản của anh mà. Đó là điều dễ hiểu. Anh chỉnh lại cái áo rồi đi vào viện. Hai mẹ con lúc nãy đang đứng ở phòng tiếp tân. Người y tá thấy Hữu bước vào thì gọi. Anh tiến lại. Vẻ thư sinh của anh cùng cái vẻ luống cuống lúc nãy khiến hai mẹ con kinh ngạc vô cùng khi nghe người y tá bảo anh là bác sĩ giỏi nhất khoa. Anh cũng kinh ngạc vô cùng khi nghe cô gái đứng sát bên người phụ nữ lại muốn chuẩn đoán khám thai. Anh không ngờ. Anh cứ tưởng cô đi theo mẹ. Anh tưởng là mẹ cô khám chứ. Cô còn trẻ lắm, trông giống như một học sinh vậy. Ánh mắt cô lấm lét và ngượng ngùng cúi xuống khi thấy Hữu kinh ngạc đến thế. Biết ý, anh nhìn sang nơi khác. Anh nói với cô y tá:

- Bác đây cần làm gì vậy chị?

- Họ muốn kiểm tra sức khỏe thai nhi...cô y tá nói đến đó thì ngừng lại.

Đôi mắt bỗng nhiên ngấn nước, cô gái trẻ nhìn ngay đi chỗ khác. Hữu lập tức mời ngay hai mẹ con vào phòng riêng.

Kết quả kiểm tra: Cô gái đã mang thai. Thai nhi đã được ba tháng tuổi. Đôi mắt bà mẹ tránh đi...khi vị bác sĩ nói cho họ biết. Bà đợi Hữu xong thì tiếp lời:

- Bác sĩ, tôi có hỏi cô y tá lúc nãy, Bác sĩ là bác sĩ giỏi nhất ở đây...tôi muốn nhờ anh

- Dạ vâng, dì đừng lo...đây là nhiệm vụ của cháu mà...cháu sẽ lo vẹn toàn cho trường hợp của em.

- Cám ơn cậu,...vậy tôi có cần chuẩn bị gì không ạ? Mấy chỗ khác người ta không chịu làm...may quá...Anh nhận lời liền...

Câu hỏi sao có ý lạ. Chẳng lẽ đi khám mà mấy nơi khác người ta từ chối vì em đây còn tuổi vị thành niên? Không lý nào...nhiệm vụ của người thầy thuốc là giúp bệnh nhân mà. Hữu nghĩ thầm.

Người phụ nữ tiến lại nói khẽ bên tai cậu:

- Con bé nhà tôi lỡ dại, cậu cố làm giúp nó cho bình an nhé. Tôi sợ mấy nơi khác không an toàn.

- Dạ? Ý dì là sao ạ? Lần này thì anh thản thốt. Anh hỏi dồn: Dì muốn phá cái thai này đi sao?

Nghe đến đó thì cô gái khóc òa lên. Hữu bối rối.

Bà mẹ liền dỗ dành con: “không sao đâu con, chỉ bị đau một chút thôi” rồi xoay sang Hữu

- Mới hai ba tháng chứ mấy. Anh là bác sĩ giỏi, không lý nào anh không làm được?

- Con chưa từng làm chuyện đó. Con toàn giúp người ta sinh con thôi. Đó là cháu của dì mà...

- Tôi không muốn đứa cháu đó. Người phụ nữ hét lên.

“Tôi không muốn đứa cháu đó” câu nói ấy cứ ám ảnh Hữu cả chiều. Hết giờ làm, anh về nhà, cất vội cái cặp đen rồi đặt mình trên ghế. Anh sống một mình trong nhà trọ. Căn nhà thuê lại của một bà lão có đạo. Căn nhà trống trơn, chẳng có gì ngoài một tượng chuộc tội và một bức ảnh nhỏ hình của mẹ anh. Anh ngã mình trên ghế, anh ngước nhìn lên bức tượng và thấy xao xuyến trong lòng. Tự dưng Hữu thấy nhớ mẹ vô cùng, người mẹ nuôi của anh.

Thuở ấy, hơn hai mươi năm về trước, mẹ ruột anh, không biết vì lý do gì, đã đưa anh đến cổng nhà Hoàng Hôn, một ngôi nhà của những người lầm lỡ và gửi anh cho mẹ nuôi. Từ đó, mẹ nuôi thương anh như con, lo lắng cho anh từng chút một cho đến lúc đi học, cho đến lúc anh vào lớp 1 rồi lớp 6, lớp 12 và cuối cùng là Tốt nghiệp Đại Học. Lắm lúc anh cũng tủi tủi vì mình chỉ có mẹ nuôi, không có cha, nhưng giờ lớn rồi, anh hiểu thế nào là nhân tình thế thái rồi nên cũng không màng tới chuyện tìm cha nữa. Có lắm đứa trẻ côi cút như anh lớn lên từ bàn tay mẹ nuôi, có đứa nào có cha đâu mà vẫn đàng hoàng, vẫn thành nhân, thành danh cả đấy thôi.

Ngẫm vậy chứ nước mắt cũng chực trào lên trong hốc mắt anh. Ngay trong khoảnh khắc, hình ảnh đám bạn đang chơi bi cùng nhau hiện về. Bọn trẻ ấy ngày nào giờ mỗi người một phương. Gạt dòng cảm xúc, Hữu về lại với hiện tại. Anh làm sao đối diện với sự thật éo le đang trong tầm tay anh đây?! Ngày mai, nếu gặp mà thuyết phục không thành, người mẹ ấy sẽ đưa cô con gái đi nơi khác phá, vậy thì mình để mất một cơ hội cứu một sinh linh. Tệ hơn nữa, nếu vụ việc bị làm ẩu thì cô bé ấy sau này phải hứng chịu đủ thứ di chứng.

Hữu trằn trọc cả đêm không ngủ được. Mẹ anh mà có ở đây, bà sẽ khuyên anh làm gì nhỉ? Chắc chắn bà sẽ tìm mọi cách để giữ lại mạng sống của sinh linh bé bỏng ấy như lúc xưa bà đã tìm mọi cách để giữ lại anh và nhiều lắm những người bạn anh bây giờ.

Trời nắng sớm. Ngày Chúa Nhật đến với ánh nắng tinh anh len lỏi qua những nhành cây, dội hơi ấm xuống đầu người, xuống mặt đất. Nét tươi vui của ngày mới không làm nhẹ hơn nỗi lo lắng trong đôi mắt người phụ nữ hôm qua. Hai mẹ con họ đã túc trực trước bệnh viện.

- Dì này, con biết gia đình dì rất khó khăn, nhưng điều dì muốn con làm...con e là dì chưa hiểu hết những bất trắc của nó.

Nói rồi Hữu đưa ra tất cả những tài liệu anh tìm được để thuyết phục hai mẹ con. Anh dùng hết mọi lời lẽ có thể để người mẹ hiểu, để bà từ bỏ. Nhưng ngược lại niềm mong mỏi của anh, người mẹ tỏ ra cứng rắn vô cùng. Bà cứ nhất định phải làm việc đó. Cô gái thì chỉ biết khóc và im lặng. Hữu thở dài. Một tiếng đồng hồ trôi qua mà không được gì. Anh bỏ ra. Một lúc sau, anh đem một túi gì vào. Người phụ nữ lúc ấy trông cũng thấm mệt vì phải nói nhiều. Bà buông lơi một tiếng:

- Anh không muốn giúp thì thôi. Chúng tôi tìm nơi khác.

- Nếu không phải vì Chúa, tôi đã bảo bà đi ngay rồi.

Anh hét lên. Hai mẹ con hãi hùng. Tính anh nóng lắm. Anh đang tập trở nên điềm tĩnh đấy nhưng không sao chịu nổi. Anh đổ túi dụng cụ mình vừa mang vào ra.

- Bác nhìn đây! Anh cố dằn cơn giận, Đây là những thứ con sẽ phải dùng để phá bào thai ra, để giết chết cháu của bác đấy

Nói rồi anh đưa từng dụng cụ ra cho người phụ nữ. Vừa đưa cho xem, anh vừa giải thích rằng đối với dụng cụ này, anh sẽ đưa làm sao để đi vào bụng của con gái bà, để lấy đứa cháu của bà ra. Vừa giải thích, anh vừa nhấn mạnh biết đâu đó sẽ là một đứa trẻ đẹp gái lắm, biết đâu đó sẽ là một nữ thủ tướng Angela Merkel của nước Việt tương lai.

- Chẳng phải hôm qua bác nói bác ngưỡng mộ bà ấy lắm sao?

Người phụ nữ nghẹn lời. Bà nhìn đi chỗ khác.

Anh cứ tiếp tục như thế cho đến khi đã giải thích hết tất cả đồ đạc trên bàn. Anh não lòng kinh khủng vì sự kiên quyết độc ác của bà mẹ. Sự thinh lặng không nói của bà như muốn thốt lên trước mặt anh rằng anh có phí sức cũng vô ích. Anh không phải người đi tu, nhưng anh tự dưng cảm thấy được phần nào nỗi khổ của Chúa Giêsu khi nhìn thấy con cái Ngài tự giết nhau như thế. Thường thì anh không cầu nguyện nhưng giờ anh không chịu nổi. Anh chạy ra khỏi phòng mạch đến phòng gác trên cùng của bệnh viện. Từ nơi khuất người ấy, anh thở một hơi dài, tưởng nghĩ đến hình ảnh Chúa Giêsu chịu chết trên Thập giá. “Lạy Chúa, Chúa không từ bỏ một ai đúng không? Con được hôm nay là nhờ Chúa đã không từ bỏ con”. Dẫu bà mẹ có bỏ quên con, thì ta, ta không bao giờ quên con. (Is 49, 14-15). Câu ấy chợt hiện về trong tâm trí. Hữu nuốt nước mắt, lấy hết nghị lực để đối diện với bà mẹ và cô con gái. Anh đến với họ lần này, lần cuối cùng, không phải với tư cách là một bác sĩ sản khoa nữa nhưng với tư cách là một KiTô Hữu.

- Bác ơi, con nói thiệt...con không muốn bác làm thế chút nào. Nếu bác không nghĩ cho em đây thì xin nghĩ cho chính bác. Bác làm thế là giết người đấy. Bác sẽ phạm tội đấy.

- Cậu nói gì vậy? Nó chưa được sinh ra...Cậu nói gì vậy?

- Bác nghe con, năm vừa rồi bác biết đấy, có mấy vụ người ta giết nhau ghê rợn đến nỗi tivi đăng tải, nào là vụ tên Luyện cướp vàng giết cả nhà 3, 4 mạng người, nào là ông Tường giết bệnh nhân của mình rồi phi tang xác xuống dưới cầu nào đó ngoài Hà Nội...Ai nghe mấy chuyện đó cũng rủa cho mấy con người đó chết đi. Con tin bác cũng vậy.

- Nhưng có khi nào bác tự hỏi rằng bác cũng giống họ, bác cũng giết người nếu bác kiên quyết muốn phá cái thai kia không?

Cô con gái giờ thì không thút thít nữa những đã khóc to lên. Cô khóc trong tất tưởi. Bà mẹ cũng nghẹn cả lời. Bà dụi dụi mắt.

- Nhưng nếu nó sinh đứa nhỏ này ra, gia đình tôi sẽ chết cậu ạ

Hữu đã tìm hiểu về gia đình người phụ nữ. Anh được biết là cô con gái của bà đã có người yêu. Tuy nhiên, cô lại đã phải đính hôn với người khác. Đó là cuộc hôn nhân gượng ép. Nghe đâu người ta sẽ cứu lấy mấy món nợ kếch xù mà ba mẹ cô tạo ra trong mấy năm qua trong ngày đưa lễ hỏi. Cô có hai em. Cả hai đang ăn học như cô. Hai em học giỏi lắm. Cô cũng đau khổ mấy bữa nay. Nếu cô hủy hôn, gia đình người cô yêu cũng sẽ đón cô về. Dầu có đôi lời dị nghị nhưng rồi cũng qua. Cô tự nhủ vậy.

- Người yêu em nói sẵn sàng đón mẹ con em bác sĩ à

- Chỉ ngặt một nỗi, cô gái ngăn tiếng nấc

- Nhà anh ấy không thể trả nỗi nợ cho ba mẹ em

Thế đấy, nhân tình thế thái nhiễu sự vậy đấy. Tình yêu, tình thân gia đình cứ bị lòng ích kỷ của người này, người kia làm cho loạn cả lên. Giờ thì cô gái như cây lạc giữa dòng, không biết nên xuôi theo con nước nào.

- Dầu có muốn cũng không còn cách nào khác, bà mẹ tiếp, con không thể nhìn ba mẹ và các em con bị đuổi ra khỏi nhà để rồi chết già trong cảnh tủi hổ được con ơi.

Tức thì nước mắt bà cũng trào ra.

Hữu ngậm ngùi. Anh không tin là không có cách giải quyết.

Chúa ơi, con phải làm gì đây? Anh bỗng nhớ lại người mẹ nuôi của anh. Anh nhớ lại ngôi nhà Hoàng Hôn ngày nào. Anh đề nghị đưa cô gái về đó sinh sống một thời gian, chờ khi sinh con xong thì trở về nhà lại.

- Anh không nói đùa chứ? Gia đình tôi làm sao tin được mấy chỗ miễn phí hoàn toàn như thế?

Hữu ngập ngừng. Không lẽ anh để lộ bí mật mà bấy lâu nay giữ kín sao? Anh cố tìm lời lẽ khác để khuyên. Anh bảo rằng anh biết rất rõ nơi đó. Anh đã từng tới thăm nơi đó rồi. Anh thậm chí mở laptop lên, tìm trên internet địa chỉ và các hình ảnh về nhà ấy.

- Cậu nói thế thôi, chứ người ta hất hủi con tôi thì sao? Hoặc nhỡ có ai biết con tôi...hoặc đứa nhỏ đó lớn lên, nó thù chúng tôi...

- Con cũng là một trẻ lớn lên ở đó. Hữu tức thì cắt lời bà. Anh rưng rưng

- Con bị bỏ rơi nơi đó...nhưng chưa bao giờ, chưa bao giờ con hận người đã bỏ rơi con. Con cũng chưa bao giờ nghĩ con sẽ báo thù người đã sinh ra con cả...Vì...nước mắt anh lưng ngập tròng...hơn ai hết, con cảm thấy nỗi đau khổ của người bị bỏ rơi là thế nào.

Lập tức cô gái dằn mình khỏi tay mẹ, chạy tới, nắm lấy tay vị bác sĩ. Cô hỏi ngay địa chỉ nơi ấy và xin số điện thoại.

- Dù gì thì gì, dù đến đâu thì đến, con không muốn giết hại con của con.

Cô đã hét lên như thế.

Cuộc gặp sáng Chúa Nhật ấy kéo dài đến hơn ba tiếng. Tới khi bước ra, người khám cũng như người được khám, ai nấy cũng mắt đỏ hoe.

- Thế họ có đến để mổ nữa không anh? Cô y tá hỏi Hữu khi hai mẹ con đã đi khuất.

Anh lắc đầu. Cô kinh ngạc:

- Em tưởng...lúc nãy còn thấy bà kiên quyết vậy mà...

- Không ở chỗ mình thì bà cũng làm ở chỗ khác thôi. Cô nguýt như thể vừa mất một cơ hội.

Hữu chỉ khẽ đáp lại:

- Làng Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, gặp dì Linh, số điện thoại 01206041947 và 0946891657...

Cô y tá lắc đầu.

Bạn thân mến, nếu bạn có thể thì trong khả năng của mình, hãy chung tay cùng nhau bảo vệ sự sống nhé! Lắm lúc việc bạn cần làm chỉ đơn giản là một câu nói, một cái bắt tay nhẹ hay một ánh nhìn cảm thông thôi nhưng chắc chắn đủ sức để tưới mát một cõi lòng tan nát, cứu một cuộc đời đang thất vọng thậm chí cứu được cả một sinh linh bé nhỏ.

Nếu bạn ở Huế, hãy giúp tôi truyền tai địa chỉ trên để cùng nhau, chúng ta xây dựng nước Chúa.

(Địa chỉ trên là thật ngoại trừ tên nhân vật).

(Khi cần, bạn hãy liên lạc dì Sa qua số điện thoại 01206041947 và 0946891657, giáo xứ Ngọc Hồ, làng Ngọc Hồ, Hương Hồ, Hương Trà, TTHuế)

Mã số: 14-039

VÌ TỪ MUÔN ĐỜI CHÚA ĐÃ THƯƠNG CON


Đã 6g sáng rồi. Thầy Antôn đã xếp hành lý từ trước, giờ bước ra. Thầy nhìn quanh nhà cửa một lượt rồi đi tìm mẹ thầy để từ biệt. “Lạ thật. Giờ mà mẹ đi đâu vậy kìa? Tìm khắp mà không thấy!” Thầy thinh lặng một vài giây rồi đi về phía phòng thờ ông bà, một gian phòng chính giữa nhưng ít khi được mở ra trong nhà thầy. Đúng là mẹ thầy đang ở đó. Bà biết là con đến nên đi ra. “Mẹ ơi, mẹ cầu nguyện cho con phải không? Mẹ nguyện gì vậy mẹ?” Thầy hỏi như một đứa trẻ nũng mẹ. Vừa hỏi vừa cưởi tủm tỉm để lộ một nét gì tinh anh, dí dỏm. Mẹ thầy vuốt mái tóc con.

“Con trai mẹ mới đó mà ở Chủng Viện được 3 năm rồi. Hôm nay nữa con bắt đầu vào năm thứ 4, chuẩn bị đi xứ, con cố gắng trung thành với ơn Chúa nghe”. Thầy khẽ gật đầu, khom mình xuống để mẹ ôm vào lòng. Lúc nào cũng vậy, từ cái ngày đầu mới vào Tiểu Chủng Viện, thầy đã được mẹ ôm vào lòng mà khuyên bảo, mà yêu thương nên giờ thầy quen. Dù đã lớn lắm nhưng thói quen ấy thì không bỏ được. Mẹ thầy chỉ cười. Bà nhìn lên bàn thờ tổ tiên, miệng lẩm nhẩm điều gì với ba thầy, với ông bà thầy.

Sáng nay là một sáng đầy nắng. Hoa hai bên đường từ dưới quê lên như chào đón và chúc mừng Năm Mới thầy. Ngày Tết hiếm khi mà nắng tràn trề như mấy hôm nay. Cứ nghĩ tới chuyện đó thôi, thầy Antôn đã thấy vui vui. Cổng Chủng Viện cũng vậy nữa, thường ngày chỉ mở theo giờ nhất định, giờ đã được mở toang ra. Một Hòn Non Bộ với những hình thù rất đẹp tạo bởi nhưng tảng đá, những cành hoa, những đường nét chuyên nghiệp của Cha Giám Đốc lẫn mấy nét vụng về của các thầy mới như thầy Antôn ba năm về trước, giờ đứng sừng sững ở đó, vừa như nhìn để cảm ơn, vừa như để nhắc nhớ những ngày thầy mới vào ngôi nhà này, nhà của những vị Linh mục và người cha gia đình thánh thiện tương lai. Tâm hồn thầy Antôn bỗng ngập tràn những kỷ niệm thân thương. Thầy không suy nghĩ gì cả. Thầy để tâm hồn mình bình yên, không nắm bắt bất cứ âm thanh hay ý tưởng nào đang trào dâng lên trong lòng. Thầy chỉ muốn được chìm đắm trong sự an bình của nơi này.

- Chào thầy Antôn.

- Chào thầy Giuse.

- Chào thầy Đaminh.

- Chao ôi, các anh ai cũng đã vào rồi...em còn tưởng mình lên sớm nữa...

- Thầy bắt đầu đi lúc mấy giờ?

- Dạ 6g ạ.

- 6g mà sớm gì....anh lên lúc 4g kia...

- Haha...

Những câu chuyện trong Chủng Viện giữa các thầy bắt đầu như thế. Ai cũng vỗ vai nhau bôm bốp, chào nhau bằng những cái nắn vai, bắt tay thân tình đi kèm cùng những chuyện ăn Tết ở nhà vui thế nào. Thầy Antôn có nhiều bạn lắm. Thế nên, sau những chuyện vui ở nhà là đến việc chia bánh mời các anh em. Mấy ba lô thầy mang theo, vì thế khi nào cũng nhiều bánh kẹo hơn bất cứ một thầy nào ở Chủng Viện.

Buổi tối đến, các thầy vào chào Cha Bề trên và Cha Giám Đốc.

Sáng hôm sau,

- Này thầy Antôn, chút nữa trong giờ Triết, cha sẽ công bố điểm của học kỳ trước...mình thấy hồi hộp quá...Đó là tiếng thầy Giuse, bạn thân của thầy Antôn

- Ừ, mình cũng hồi hộp quá.

Cả lớp “ồ” lên khi Cha Giám Đốc phát những bài kiểm tra đầu tiên. Ai ai cũng kinh ngạc vì điểm số quá khác biệt. Trong số các thầy, thầy Antôn có điểm cao nhất cả ba bài. Các thầy trầm trồ khen. Thầy Antôn cũng ngạc nhiên vô cùng. Thầy cười tít mắt cả buổi. Thầy chỉ nhớ là thầy đã làm bài với hết tâm trí. Thầy nguyện thầm trong buổi tạ Chúa chung đầu tiên rằng: “Cảm tạ Chúa thương con. Tất cả là hồng ân”.

Nhưng niềm vui thường không khi nào cũng trọn vẹn. Ngay hôm ấy thầy Antôn được cha gọi riêng vào. Trái ngược với gương mặt hồ hởi của thầy là ánh mắt cha đầy buồn bực. Khi nhìn thấy đôi mày rậm của cha, đôi mày hiền lành giờ cong lên vì giận, những điều tưởng nghĩ trong lòng thầy Antôn về những lời khen ngợi, khích lệ, những điều an ủi đều biến mất.

- Thưa cha, dạ con đây. Thầy cúi chào cha vì cha vẫn như không thấy thầy vào

Bấy giờ cha mới nhìn qua.

- Cha không ngờ con lại như thế.

Nghe đến đó, thầy hốt hoảng

- Thưa cha, con không hiểu. Cha nói vậy là sao ạ?

Và rồi thầy Antôn phát hiện ra vấn đề. Bài của thầy bị cha gọi là sao chép. Ý tưởng của thầy, cha nói là đạo văn. Nghe cung giọng đầy thất vọng của Cha Giám Đốc, thầy không biết bào chữa thế nào. Thầy lắng tai từ đầu đến cuối. Không biết tại làm sao mà những ý tưởng trong ba bài kiểm tra vừa rồi của thầy, lẫn trong năm bài luận viết hồi năm hai nữa, tất cả, trong tay cha, thành những bài của người khác mà thầy là người sao chép lại. Cha Giám Đốc thậm chí còn đưa ra những so sánh để cho thấy bài thầy giống bài người khác đến mức nào. Thầy Antôn sốc nặng. Thầy choáng và đầu xoàng cả lên. Thầy bần thần chào xin lỗi cha mà không một lời nào giải thích. Cha cho thầy đem mấy bài đó về để xem xét lại. Câu cha nói lúc thầy chào “xem lại để biết là không bị oan” khiến lòng thầy như bị kiến giót đốt.

Thầy vào ngay nhà nguyện.

Nhà nguyện trong giờ lao động này không một bóng người. Các cha, các thầy khác đã đi làm bổn phận hết cả. Nhìn kỹ ở các góc khuất mới thấy được một vài cha lớn tuổi đang khòm lưng bên bàn, mắt hướng lên Chúa. Thầy Antôn bước vào. Chân đi nhè nhẹ dầu lòng nặng trĩu. Đặt mình trước bàn thờ, lưng thầy còng xuống, hai tay thả lỏng ra. Chỉ có đôi mắt thầy là vẫn không muốn buông xuôi. Thầy nhìn lên. Chúa Giêsu cũng nhìn thầy. Thầy không nói gì. Thầy chỉ đưa mấy bài kiểm tra mà cha vừa đưa cho đặt lên trước mặt như để Chúa Giêsu coi. Nước mắt thầy chuẩn bị chạy lên trong hốc mắt thì thầy ngăn lại. Thầy nín thở. Rồi Thầy hít một hơi dài và thưa: “Lạy Chúa, Tất cả là hồng ân”. Rồi thầy bái sâu và đi ra.

Ở vườn rau của Chủng viện,

- Này Antôn, sao cậu vào gặp cha lâu vậy? Có chuyện gì không hay phải không? Thầy Giuse vừa thấy Antôn đi tới liền chạy lại hỏi thăm.

- Sao lại không đưa cuốc cày theo? Tụi mình phải vỡ xong mẩu đất này đấy.

Antôn lấy một hơi dài nói sảng khoái như không có gì:

- Mình có đưa cuốc theo rồi mà. Cái cuốc có hình khắc của Cha Phanxicô cho mình lúc trước ấy. Chắc có thầy nào mượn trong lúc mình vào gặp cha Giám Đốc rồi.

- Ừ nhỉ. Nói rồi Thầy Giuse nhìn quanh để xem anh em nào đang giữ cuốc của bạn mình.

- Lạ thật. Không ai đang giữ cả.

Mọi người đều đang làm việc với dụng cụ riêng. Đây là giờ lao động, các thầy không được phép nói chuyện nên thầy Giuse cũng không thể hỏi tìm cho bạn. Thầy kéo tay bạn lại, dúi vào đó một cái pay nhỏ ngụ ý bảo bạn mình đi làm cỏ. Thầy Antôn gật đầu, cầm lấy cái pay rồi tiến tới bên mấy khóm hoa gần mẫu ruộng để làm. Thầy Giuse nhìn dáng đi thầy Antôn thì biết là có việc gì to tát đã xảy ra.

Lúc nghỉ giải lao,

- Này thầy Antôn. Thầy Giuse gọi lúc thầy ấy qua uống nước gần chỗ thầy Antôn làm.

- Cha Giám Đốc nói chuyện mấy bài kiểm tra phải không?

- Hả? Với ánh mắt thật sự ngạc nhiên. Thầy Antôn hỏi dồn:

- Ai nói cho cậu biết tin đó? Mình chưa nói với ai hết mà.

- Mình biết ngay từ đầu kia.

Câu nói ấy càng khiến thầy Antôn băn khoăn.

- Ngay từ đầu là lúc nào? Không lẽ từ lúc chưa biết điểm hay từ lúc mới ra đề?

- Suỵt, Cha Giám Đốc đang đi tới.

“Lạy Chúa, Chúa biết con không có làm như cha nói. Chúa cũng biết con rất quý các anh em. Và các anh em con cũng vậy. Con đưa bài cho tất cả mọi người xem ngay sau khi nhận được từ cha nhưng các anh em ai cũng khen chứ không ai bảo con sao chép. Vậy sao lại có chuyện này Chúa ơi.” Càng ngẫm vậy, Antôn càng thấy lòng mình nóng ran lên.

Buổi lao động kết thúc lúc 11 giờ. Các thầy nghỉ tay, rửa dọn cuốc cày, xà ben và pay cùng những vật dụng khác, đem cất chúng vào kho rồi chuẩn bị thay áo vào nhà nguyện. Giờ kinh trưa vang lên.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con

Cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,

Từ muôn đời và chính hiện nay,

Luôn mãi đến thiên thu vạn đại.

Luôn mãi đến thiên thu vạn đại, thầy Antôn nhẫm thầm: “Lạy Chúa, đây con dâng Ngài tinh thần tan nát. Một tấm lòng tan nát giày vò, con tin Ngài sẽ chẳng khinh chê.”

Tối hôm ấy, Cha Giám Đốc họp chung cộng đoàn. Có các thầy lớp trên và các cha giáo đến dự. Đây không phải một cuộc họp thường niên như mọi năm mỗi khi Tết đến xuân về để chào mừng Năm học mới hay là để tuyên dương, khen thưởng một số thầy đạt thành tích cao trong học kỳ trước, vì thường những cuộc họp như thế thì không có sự hiện diện của các cha giáo. Các ngài chỉ đến trong buổi tổng kết cuối khóa thôi. Cuộc họp hôm nay khiến nhiều thầy e ngại.

Thầy Antôn vào đúng vị trí mình. Thầy lắng nghe từ đầu đến cuối buổi họp. Có một số việc quan trọng được nhắc lại cho các thầy nhớ. Có một số quy định Cha Giám Đốc lặp lại, về đời sống cộng đoàn, cho các thầy khỏi quên. Có một số tin tức về thay đổi nhân sự, một số cha sẽ thôi lớp Triết nhưng dạy lớp Thần, một số thầy sẽ thôi bổn phận ở Nhà Chung nhưng chuyển qua Nhà Sách. Tất cả đều đều chảy vào tai thầy Antôn va đọng lại trong trí. Riêng có một điều cuối cùng thì quả là như mật đắng.

- Thầy Antôn, mời thầy ra đây.

Cha Giám Đốc bỗng nhiên nhắc đến thầy Antôn ngay trước các cha giáo và các anh em. Thầy Antôn đứng dậy: “Thưa con đây ạ” rồi bước ra.

- Thưa các cha, các anh em cùng các con thân mến, trong khóa chúng ta đây sắp tới sẽ có một sự thay đổi không hề nhỏ.

Các thầy xôn xao nhìn nhau. Không biết sự thay đổi không hề nhỏ mà cha đề cập liên quan tới thầy Antôn là chuyện gì. Cha Giám Đốc tiếp:

- Thầy Antôn sẽ được chuyển xuống lớp dưới.

Câu nói vừa dứt thì cả cộng đoàn kinh ngạc. Cả thầy Antôn cũng hốt hoảng.

- Thưa cha, tại sao vậy? Thầy hỏi Cha Giám Đốc. Thầy sợ thầy không hỏi thì thầy sẽ không chịu nổi. Chẳng lẽ vì chuyện cha nói với con sáng nay sao thưa cha? Thầy chưa kịp nghĩ xong thì đã nghe lời cha vanh vách rõ mồn một:

- Vì điểm kiểm tra không phản ánh đúng thực lực nên sau khi tham khảo một số ý kiến, tôi quyết định gửi thầy Antôn lại cho cha phụ trách lớp Tu Đức. Xin các cha nhận lại thầy.

- Thưa cha, tiếng các anh em bênh vực...thầy Antôn điểm số rất khá mà...chúng con không hiểu

Cha nhìn cộng đoàn rồi nhìn thầy. Cha bảo các anh em đừng quá kỳ vọng hay tin tưởng quá ở một người. Và rằng cha đã suy xét kỹ trước khi ra quyết định đó. Rồi cha hỏi thầy Antôn có muốn chấp hành quyết định của cha hay không. Lúc này, nước mắt thầy đã ứ ra dưới mi. Thầy được cha cho ba ngày để cầu nguyện và suy nghĩ. Cha còn nói đi tu là tu tâm trước mới tu trí sau.

Ngay khi buổi họp kết thúc, thầy Giuse kéo riêng bạn thân mình ra một nơi vắng trong Chủng Viện.

- Này Antôn, cậu chưa giải thích với cha sao? Sao ngài lại làm như thế?

- Giải thích ư? Mình không biết nói gì. Mình cũng không ngờ chuyện lại đến mức thế này.

- Có phải cha bảo cậu ăn cắp ý tưởng của người khác phải không? Vì thế mà cha chuyển cậu xuống lớp dưới?

Antôn càng kinh ngạc hơn vì bạn mình biết mọi sự rõ đến vậy

- Thật ra, chuyện này chúng tớ đã biết từ trước. Thầy Giuse nói.

- Là sao? Cậu và các anh em khác sao?

- Đúng vậy, tất cả...ai cũng biết trước được việc này...Thậm chí chúng tớ cũng biết cả lý do tại sao người hại cậu lại làm thế nữa kia.

- Đừng...Thầy Antôn ngăn bạn. -Cậu đừng nói cho mình là ai làm. Vì mình hay nghĩ không hay cho người khác lắm.

- Chuyện này là khác mà.

Cuộc nói chuyện kéo dài hơn nửa tiếng thì kết thúc. Nửa giờ đồng hồ, vỏn vẹn có 30’ thôi nhưng đã khiến thầy Antôn đi từ kinh ngạc này đến bàng hoàng khác. Không ngờ, thầy bị ghét đến như vậy. Không ngờ, người thầy kính mến và quý trọng lắm lại đối xử với thầy như vậy. “Lạy Chúa, hay là con không nên nghe một chiều? Con không có chứng cớ mà.” Thầy Antôn cố xua đuổi khỏi tâm trí những suy nghĩ thầy có lúc còn nghe bạn mình giải thích cho. Tại sao lại thế? Rồi thầy cố gợi lên trong tim ý nghĩ rằng những điều mình nhìn thấy tận mắt còn chưa hẳn là sự thật huống gì những điều mình chỉ nghe từ một phía. Trong Nhà nguyện, thầy lại nhìn lên Chúa. Lần này thì từ một góc khuất hơn để các anh em khỏi trông thấy. “Lạy Chúa”, thầy nguyện thầm “Tất cả sẽ sinh ích cho những ai muốn nên trọn. Con xin dâng lên Chúa trí khôn Chúa ban cho mà giờ con đang dùng để phán đoán theo cảm tính, con xin dâng lên Chúa trái tim Chúa ban cho mà giờ con đang làm cho ngập tràn tức giận. Con xin dâng Chúa tự do Chúa ban cho mà giờ con chưa muốn dùng để bình tĩnh lại, để chạy đến, để phó hoàn toàn cho Chúa. Con xin lỗi. Con đang muốn gánh chịu chuyện này một mình con. Con xin lỗi.” Lần này thì thầy khóc thật. Nước mắt không bị ngăn lại nữa. Nước mắt cứ thế tuôn ra.

Trong cơn muộn phiền, hình ảnh mẹ thầy hiện lên. “Mẹ chỉ mong con gắng tu tốt”. Tiếng mẹ thân thương văng vẳng bên tai. Miệng thầy lại đắng. “Giờ con bị thế này đây mẹ ơi. Con những tưởng chỉ cần con cố là được! Mẹ ơi!”. Và thầy khóc ngay cả lúc đã lên giường nằm. Tiếng khóc, dầu vậy, đã bị nén lại, ép lại, chỉ có để nước mắt chảy ra. Ít nhất thì, thầy nghĩ, nếu thầy khóc thành tiếng hay nếu thầy nấc lên, các anh em khác sẽ không ngủ được còn nếu thầy chỉ để nước mắt chảy, thì, điện đã tắt rồi, chẳng ai thấy được. Thế nên thầy kệ cho nó chảy bao nhiêu thì chảy. Kết thúc buổi chầu Tạ Chúa lúc nãy, Thầy nén luôn tiếng lòng rằng tất cả là hồng ân cùng lúc với việc nén tiếng nấc. Nghĩ tới điều đó, giờ thầy bứt rứt. Thành thử, lúc nãy nước mắt chảy ra là vì bị oan còn giờ thì thầy khóc cho bản thân mình: Vì thầy quá yếu tin.

Các anh em trong lớp từ buổi họp ấy nhìn thầy với ánh nhìn khác. Có mấy anh em thì thông cảm. Có mấy anh em thì ra chiều thất vọng. Không ai nói thành lời nhưng cứ nhìn vào mắt họ là biết tất cả. Một hai anh em thì vẫn cư xử như không có chuyện gì. Thà vậy, thà coi như thầy hiện không hiện hữu trong nhà này còn hơn. Thầy cũng sắp chuyển xuống nhà dưới rồi mà. “Lạy Chúa, con là kẻ không cha, chỉ có mẹ. Con không thân thích. Con chỉ có Chúa”. Ngẫm vậy, thầy Antôn lại thấy lòng mình thổn thức vì sẽ không còn được thảo luận bài vở cùng với thầy Giuse và các bạn. Lòng thầy thổn thức khi nghĩ mẹ sẽ buồn lắm nếu biết con mẹ trễ một năm so với con của nhà bác. “Lạy Chúa”, thầy hít một hơi dài nhìn lên gương mặt đầy máu, nước, mồ hôi và bụi quyện trên mớ tóc bị vày vò của Chúa Giêsu, “Tất cả mọi điều anh em nói về con đều đúng. Tất cả mọi điều con nghĩ về anh em đều sai”. Và rồi thầy đứng dậy, đi thẳng tới phòng Cha Giám Đốc như lời Ngài dặn.

- Con có thấy ấm ức không?

Cha hỏi như xát muối vào tim thầy. Thầy cúi đầu nín lặng.

Cha định đưa thầy mấy tập giấy tờ chứng tỏ thầy không bị oan nhưng thấy thầy vậy nên cha đành thôi. Hơn ai hết, cha muốn né tránh chuyện này. Cha hỏi nhẹ nhàng:

- Con chuẩn bị đến đâu rồi?

- Thưa cha, con sẵn sàng rồi ạ.

- Vậy thì...và cha bảo thầy ngay hôm đó dọn xuống nhà Tu Đức. Thầy vâng lời. Lúc thầy chào cha đi ra, cha hỏi thầy lần cuối:

- Con có phục quyết định của cha không?

Thầy nghẹn ngào.

Thầy thinh lặng.

Cha lại tiếp:

- Con không muốn không vâng phục, phải không?

Thầy bật khóc.

- Thưa cha, lúc mới vào Chủng Viện, con đã nghĩ rằng mọi người trong Chủng Viện là thánh. Con không chịu tin rằng con cũng như mọi người, đều là những con người thôi. Con đã nghĩ mình sẽ vượt qua được mọi sự. Con quên cậy vào Chúa mà chỉ nghĩ đến mình thôi.

- Uhm...cha vỗ vai thầy an ủi...Cha cũng vậy con à, cha cứ hay tưởng cha là Chúa, cha cũng hay tưởng chỉ cần cha gắng sống tốt, gắng học hành đàng hoàng là được. Cha cũng quên là Chúa mới là Đấng có toàn quyền trên mình con ạ.

Thầy bật lên thành tiếng với cha:

- Cha ơi, mọi điều mà thầy ấy nói với cha về con đều đúng, còn mọi điều con nghĩ về thầy ấy đều sai. Con xin lỗi cha con quá tự phụ, quá tự tin vào chính mình.

Nói rồi hai cha con cùng khóc.

Buổi tối hôm đó, trong buổi kinh chung tạ Chúa ở lớp Tu Đức, thầy Antôn lại nhìn lên thánh Giá Chúa Giêsu, thầy nhìn với đôi mắt tri ân vì biết Chúa đã thương thầy. “Nếu Chúa không thương con, để tỏ cho con biết con được yêu thương thì, lạy Chúa, con đã dễ nghe theo cái tôi của mình rồi”. Đó là lần đầu tiên trong đời, thầy cảm nhận cách sâu xa câu Chúa nói với thầy cách riêng mà từ lúc nhỏ thầy đã yêu mến lắm, rằng: “Từ muôn đời Ta đã thương con”.

“Vâng, Lạy Chúa, nếu Chúa không cho con biết Chúa thương con, thì con đã dễ từ bỏ mình. Nhưng này, Chúa đã nói là Chúa thương con lắm, thì con, với tâm hồn đầy vết tích, con xin đến để yêu mến Chúa”.

Thầy vừa dứt lời thì cả cộng đoàn vang lên lời kinh:

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,

cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.

Từ muôn đời và chính hiện nay.

Luôn mãi đến thiên thu vạn đại.

“Luôn mãi đến thiên thu vạn đại”, thầy Antôn lặp lại, lòng đầy xúc cảm: “Amen”.

Mã số: 14-040

TÌM HẠNH PHÚC NƠI Thiên Chúa


Đêm khuya vắng. Cái rét buốt của mùa đông cùng với sự ngột ngạt trong căn phòng khiến cô gái không ngủ được . Mùi thuốc sát trùng, mùi máu, mùi các dụng cụ y tế hòa lẫn vào nhau làm cho không khí trong căn phòng nặng mùi đến khó thở. Đâu đó lại vang lên tiếng rên rỉ của bệnh nhân vì bị cơn đau dày vò. Cô gái ngồi dậy, bất lực nhìn toàn bộ quang cảnh của phòng bệnh.

Căn phòng này là nơi để điều trị những bệnh nhân bị chấn thương do tai nạn giao thông. Cô cũng vì thế nên phải nằm trong căn phòng của bệnh viện này. Vụ tai nạn giao thông ấy tuy không ảnh hưởng gì đến những phần quan trọng của cơ thể nhưng lại gây ra một vết thương lớn trên khuôn mặt cô. Căn phòng yên tĩnh. Mọi người đang cố gắng nằm lây lất mong màn đêm chóng qua. Cô gái nhẹ nhàng đi đến bên cửa sổ phòng bệnh.Cô lặng lẽ ngắm nhìn khung cảnh lặng tờ của đêm đen. Màn đêm đen kịt bên ngoài giống như tâm trạng cô lúc này. Bất chợt, một cơn gió nhẹ thổi mây đen trôi đi để lộ vầng trăng tròn hiu hắt.Ánh trăng xuyên qua tán cây rậm, len lỏi qua từng kẻ lá. Ánh trăng đi đến bên khung cửa sổ và chiếu tỏa xuống, làm ánh lên những giọt nước mắt đang lăn trên má cô gái. Cô gái ấy cảm thấy mình không còn động lực nào để đi tiếp trên con đường đời này.

Điều gì đau đớn hơn khi một cô gái xinh đẹp sau một vụ tai nạn giao thông đã biến thành một con người xấu xí bởi vết thương lớn chắc chắn sẽ để lại sẹo trên mặt. Cô là một cô gái có nhan sắc. Không những thế cô còn được Thiên Chúa ưu ái ban cho một vóc dáng cao ráo cùng thân hình cực chuẩn. Cũng chính bởi vì thế mà cô quyết định từ bỏ làng quê, từ bỏ xóm đạo, từ bỏ luôn cả công việc dạy giáo lý cho thiếu nhi để lên thành phố đổi đời sau khi nghe lời khuyên của một người bạn. “Mày có ngoại hình đẹp thế này thì theo tao lên thành phố, thể gì cũng có việc làm ngon lành. Ở thành phố, con gái đẹp làm thì ít mà tiền thì nhiều, tha hồ mà sướng nhé. Cứ ở cái làng quê này thì mày ăn khoai cả đời đấy”. Câu nói ấy khiến cô bị choáng ngợp bởi sự hào nhoáng của thành phố.Không cần suy nghĩ, cô quyết định khăn gói theo bạn lên phố bất chấp sự can ngăn của mọi người.

Ngày cô ra đi, các em thiếu nhi mà cô dạy giáo lý đứng trước cổng đợi sẵn từ sáng sớm để tiễn cô. Nhìn thấy những giọt nước mắt trên khuôn mặt các em, lòng cô đau lắm.Cô biết các em rất yêu mến cô, cô biết các em không muốn cô đi.Cô yêu các em lắm, nhưng cô đã quá chán với cái cảnh nghèo nàn lạc hậu ở quê cô lắm rồi.Cô muốn có tiền, cô muốn sống sung sướng. Mặc cho các em khóc lóc, năn nỉ, nài xin cô ở lại… Cô vẫn lẳng lặng bước đi.

Lên đến thành phố, cô bắt đầu tìm việc làm.Dường như cô có duyên với cái thành phố nhộn nhịp này.Vô tình cô nhìn thấy một cuộc thi tuyển người mẩu với quy mô toàn quốc.Cô đánh liều đăng kí tham dự cuộc thi. Và thật bất ngờ,cô đã đạt ngôi vị cao nhất của cuộc thi. Cuộc đời cô gái thay đổi từ đây.Tên tuổi cô được cả giới showbiz biết đến. Cô bắt đầu “chạy show” . Các hãng thời trang nổi tiếng đều mời cô làm người mẩu quảng cáo cho thương hiệu của họ. Nghề người mẫu là nghề hái ra tiền, cứ mổi show như vậy cô kíêm được khoảng 5000USD. Đến lúc này thì đồng tiền đã làm cô mờ mắt, đồng tiền chiếm trọn tâm trí cô, đồng tiền làm cô quên luôn cả Thiên Chúa. Cô lao vào kiếm tiền như con thiêu thân. Mổi bước chân trên sàn catwalk khiến cô cảm thấy thỏa mãn.Ngày Chúa Nhật cô cũng không có thời gian tham dự thánh lể. Trung tâm cuộc sống của cô bây giờ là son phấn, quần áo, nước hoa, giày dép... Cô luôn tìm cách làm cho mình đẹp hơn, càng đẹp thì cô càng kíêm được nhiều tiền. Cứ thế, cô lao vào sự xa hoa tầm thường của cuộc đời mà dần dần đánh mất đi chính bản thân, đánh mất đi Thiên Chúa chính là mục đích cao cả nhất mà con người hướng đến.

Cho đến khi tai nạn xảy đến với cô…

Dòng kí ức bị ngắt đoạn bởi tiếng khóc của trẻ em. Cô gái quay lại thì thấy một cậu bé ước chừng bảy tuổi đang nằm ngã lăn dưới đất. Cô vội chạy đến và bế cậu bé lên giường bệnh. Cậu bé này cũng là bệnh nhân, em bị gãy chân trong khi được ba chở đi học. Thật không may, ba em đã ra đi mãi mãi sau vụ tai nạn đó khoảng một tuần.

- Khuya rồi sao em không ngủ? Chân em bị bó bột thế kia thì làm sao mà đi được? Em muốn đi đâu?

- Em nhớ mẹ. Em muốn đi tìm mẹ.

Cô biết rằng mẹ của em phải về nhà để lo lễ tang cho chồng, vì không muốn con phải đau đớn thêm nữa nên chị để em lại bệnh viện.Trước khi đi, chị có nhờ cô trông coi cậu bé vì giường bệnh của em gần sát giường cô.

Nhìn cậu bé, kí ức xưa chợt trở lại trong tâm trí cô gái. Cô nhớ những em thiếu nhi học giáo lý mà cô đã từng dạy, nhớ về làng quê nghèo với tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Khuôn mặt, nụ cười, ánh mắt và cả những giờ dạy giáo lí đầy ấp tình yêu thương; tất cả đang hiện rõ trong trái tim cô. Thằng bé nhìn cô, ánh mắt nó như muốn xé lòng cô gái. Cô cảm thấy nhói ở trong tim. Đau đớn, dày vò, hối hận.Cô muốn trở về và được làm một giáo lý viên như xưa. Mổi sáng Chúa Nhật, cô sẽ đến nhà thờ để dạy giáo lý, tập cho các em cầu nguyện, cùng các em hát thánh ca. Cô gái không còn cảm thấy đau khổ vì vết thương trên khuôn mặt của mình nữa. Dần dần, cô nhận ra ý muốn tốt đẹp của Thiên Chúa qua vụ tai nạn giao thông này.

- Nào, nằm xuống giường ngủ đi cậu bé ngoan, chị sẽ hát ru em ngủ nhé!

Cô gái vừa cất lên tiếng hát thì cậu bé ngồi bật dậy mở to mắt nhìn cô

- Chị đang hát Thánh Ca phải không chị, em biết bài này, mẹ vẫn hay lén ba hát cho em nghe đó chị.

- Em tin vào Thiên Chúa ư? Nhưng sao mẹ em lại lén ba em hát cho em nghe.

- Ba em cấm mẹ với em đến nhà thờ, ba em ghét nhà thờ lắm. Nhưng em muốn đến nhà thờ lắm chị ơi. Bạn Tí ở cạnh nhà em ngày nào cũng được đi đến nhà thờ để học giáo lý,tập hát Thánh Ca, bạn Tí còn biết cầu nguyện với Thiên Chúa nữa cơ. Em muốn được như bạn Tí lắm, nhưng em sợ ba…Nói xong, cậu bé xịu mặt xuống. Cô gái cảm thấy thương cho cậu bé. Cô cũng không hiểu vì sao ba em lại không cho em đến nhà thờ. Thật tội nghiệp em.

- Chị cũng là người tin Chúa. Chị sẽ dạy em học giáo lý, tập em hát Thánh Ca và chỉ cho em cách cầu nguyện cùng với Thiên Chúa. Đồng ý không nào?

- Thật không chị? Mắt cậu bé sáng lên lộ rõ nét mặt hớn hở vui mừng

- Ừ, chị hứa với em đó. Nhưng bây giờ em phải đi ngủ trước đã.

Đêm lạnh. Cậu bé ngủ say trong lòng cô gái. Cô vẫn mở mắt, lặng lẽ nhìn màn đêm qua khung cửa số, nguyện thầm cảm ơn Chúa vì những biến cố Ngài đã gởi đến cô.

“ Trước kia nhà tôi nghèo lắm, ba mẹ phải gã tôi cho anh ta để lấy tiền mà nuôi sáu đứa em của tôi. Nhà chồng tôi không theo đạo, nên tôi buộc phải bỏ đạo. Biết rằng như vậy là sai trái, nhưng khi con người đã quá khổ rồi thì chỉ còn biết bám víu thế gian mà sống thôi cô à. Thỉnh thoảng tôi vẫn lén đi lễ ngày Chúa Nhật. Khi thằng bé lớn rồi thì tôi có dắt nó đi theo. Chỉ có điều ba nó mà biết thì mọi chuyện kinh khủng lắm…” . Đó là những lời tâm sự mà mẹ của cậu bé kể cho cô sau đó. Cô gái nhìn cuộc đời của chị, rồi lại nhìn đến cuộc đời của chính cô. Chung quy cũng chỉ vì đồng tiền. Nếu như mọi người trên thế giới này đối xử với nhau bằng tình thương thì cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao…

Hôm nay cô xuất viện.Cậu bé kia thì đã xuất viện cách đây một tuần. Thời gian qua, cô gái và cậu bé đã có những tình cảm rất tốt đẹp. Cô đã dạy em giáo lý vỡ lòng, kể em những câu chuyện Kinh Thánh và tập em hát thánh ca. Cậu bé rất yêu quý cô. Cô cũng rất mến cậu bé, nhờ có em mà cô cảm nhận được cái ấm của tình người. Trước khi em đi, cô gái có tặng em một cuốn Kinh Thánh.Cô còn dặn em phải siêng năng cầu nguyện cùng Thiên Chúa, dù cuộc sống sau này như thế nào, vẫn phải đặt Thiên Chúa lên trên hết. Cô không muốn một đức tin thơ vừa mới chớm nở lại bị hoàn cảnh và sự tàn nhẫn của thế gian vùi dập. Lặng lẽ, cô bước ra khỏi cổng bệnh viện, ngước mắt hướng về trời cao xanh ngắt.

……………………………………………………………….

Lũy tre làng xanh xanh nghiêng bóng bên cánh đồng lúa chín vàng dập dìu theo làn gió. Tại ngôi thánh đường nhỏ ấy, một cô gái với vết sẹo trên gương mặt đang dạy Kinh Thánh cho trẻ em. Nét hân hoan rạng rỡ hiện rõ trên gương mặt cô.Có thể nhìn thấy được niềm hạnh phúc và cả tình yêu thương mà cô dành cho các em.

Cánh cửa phòng học giáo lý chợt mở. Một người phụ nữ dắt theo một cậu bé bước vào.

Có một sự ngỡ ngàng …

- Chị ơi ,chị có thể tiếp tục dạy em học giáo lý và tập em hát thánh ca được không ạ?

Chuông nhà thờ rung từng hồi nhẹ. Chiều tím êm ả bao trùm lên cái mộc mạc của làng quê. Cơn gió xuân nhè nhẹ thổi, hòa quyện với tiếng hát của trẻ em trong ngôi thánh đường ấy. Gió mang tiếng hát lan tỏa khắp nơi rồi bay vút đến tận trời cao.

BẢN THỂ LỆ GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG

Cập nhật cho cuộc thi lần thứ hai - 2014

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG được Ban mục vụ Văn Hóa và Truyền Thông Giáo phận Qui Nhơn thực hiện trong khuôn khổ dọn mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng của Chúa đến với giáo phận Qui Nhơn (1618-2018), nhằm đào tạo cho Hội Thánh Việt Nam nhiều cây bút văn xuôi. Thể lệ, chủ đề và cơ cấu tưởng thưởng của cuộc thi được ấn định như sau.

I. THỂ LỆ

1. Cuộc thi kéo dài sáu năm, năm năm đầu (2013-2017) mỗi năm trao giải một lần, năm thứ sáu (2018) dành cho những người đã đạt giải trong các năm trước và trao giải tổng kết.

2. Cuộc thi dành cho các bạn trẻ Công Giáo, trong cũng như ngoài giáo phận Qui Nhơn, dưới 40 tuổi (năm dự thi – năm sinh theo sổ rửa tội ≤ 40). Người đã đạt giải một lần, các năm sau có thể dự thi tiếp, dù đã hơn 40 tuổi. Các bạn trẻ dự tòng cần có chứng từ đang theo học giáo lý dự tòng.

3. Thể loại: Truyện ngắn, mỗi truyện không quá 3000 từ. Không nhận truyện phóng tác. Phải là sáng tác mới, chưa đăng báo, website hay blogs và chưa gởi dự thi ở bất cứ đâu.

4. Truyện lấy ý từ một tác phẩm khác, xin ghi rõ xuất xứ tác phẩm gốc. Nếu bị phát hiện sao chép của người khác hoặc dựng lại theo ý tác phẩm khác mà không ghi xuất xứ, sẽ bị loại và cấm thi các năm tiếp theo.

5. Đề tài: Truyện cần mang nội dung Kitô giáo, có tác dụng xây dựng đức tin cho Dân Chúa và loan báo Tin mừng cho người chưa biết Chúa.

Mỗi năm, mỗi tác giả có thể tham gia tối đa 05 bài dự thi, có thể gửi chung một lần hoặc nhiều lần.

6. Chỉ nhận bài dự thi qua điện thư email, gửi attach file với định dạng . doc (word), không nhận bài gởi qua đường bưu điện.

7. Đầu bài dự thi phải ghi rõ: họ và tên, bút danh, năm sinh, rửa tội tại đâu, năm nào, địa chỉ nhà, giáo xứ, giáo phận, số điện thoại liên lạc, địa chỉ email. Dù đã gởi nhiều email dự thi, đầu mỗi bài đều cần ghi như thế. Những bài thiếu các chi tiết này sẽ không được nhập hồ sơ dự thi.

8. Mỗi bài dự thi sẽ được nhập hồ sơ theo lần gởi đầu tiên, mọi chỉnh sửa về sau đều không được chấp nhận.

9. Địa chỉ nhận bài, xin gởi cùng lúc về 2 điện chỉ email: tinmunggiesu@gmail. com và gopnhattho@yahoo. com.

10. Thời gian nhận bài: trước ngày 01-3 mỗi năm. Những bài gửi về muộn hơn sẽ được đưa vào hồ sơ dự thi năm sau.

11. Tưởng thưởng: Mỗi năm sẽ có 06 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng, theo cơ cấu và sinh hoạt như sẽ nói dưới đây.

12. Kết quả cuộc thi hằng năm sẽ được công bố ngày 15-8 mỗi năm

13. Lễ trao giải vào ngày 22-9 mỗi năm.

14. Những tác giả được vào chung khảo mà không đạt giải sẽ được hỗ trợ một phần tiền xe về dự ngày họp mặt trao giải.

15. Các thông tin về cuộc thi sẽ được đăng trên trang mạng giáo phận Qui Nhơn http://www. gpquinhon. org và những trang mạng ủng hộ chương trình này.

16. Các tác phẩm đạt giải sẽ được in thành tuyển tập do Ban Tổ Chức giữ bản quyền.

II. TƯỞNG THƯỞNG

Cơ cấu giải thưởng

Mỗi năm, có 6 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng. :

- một giải nhất: 20. 000. 000 $VN

- hai giải nhì, mỗi giải 12. 000. 000 $VN

- ba giải ba, mỗi giải 8. 000. 000 $VN

- 15 giải triển vọng, mỗi giải 3. 000. 000 $VN

Tuyển tập truyện ngắn riêng

Ngoài phần thưởng bằng tiền mặt, những tác giả đạt giải, nếu có nhiều truyện khác có giá trị, sẽ được Tủ Sách Nước Mặn hỗ trợ xuất bản một tuyển tập riêng dưới 200 trang với những truyện ngắn mang nội dung Kitô giáo.

Những tác giả không đến dự lễ trao giải sẽ chỉ được nhận 50% tiền giải thưởng và không được hỗ trợ in tuyển tập riêng.


III. TƯỞNG THƯỞNG DÀNH CHO ĐỘC GIẢ

1. Bình chọn

Các truyện dự thi đã qua vòng sơ tuyển sẽ lần lượt được đưa lên mạng internet. Mời độc giả tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

2. Giúp phát hiện trường hợp sao chép

Những độc giả giúp phát hiện đầu tiên những bài dự thi sao chép của người khác (xin ghi rõ xuất xứ bài gốc) sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Ban Tổ Chức chân thành biết ơn sự giúp đỡ của các ân nhân. Các hỗ trợ tiền bạc hoặc hiện vật cho cuộc thi xin gởi về: Linh mục Võ Tá Khánh, 116 Trần Hưng Đạo, TP Qui Nhơn – Email: gopnhattho@yahoo. com – Điện thoại: 0935-424-449.

Qui Nhơn, ngày 21-9-2013

(Điều chỉnh ngày 04-10-2013)

TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC

Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)

Trưởng Ban MV Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn