Ngày 21-03-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Lá B
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
05:28 21/03/2018
Con đường Thập Giá

Ở Tây Ban Nha, trong một thánh đường, có cây thập giá đặc biệt, nhiều người đến chiêm ngắm tôn thờ. Chúa Giêsu bị đóng đinh tay trái, còn tay phải lại buông thõng xuống.

Truyền thuyết kể lại: có một người tội lỗi tìm đến với cha xứ. Tuy ông đã xưng thú mọi tội lỗi với lòng sám hối, nhưng cha xứ lưỡng lự không biết có nên tha hay không, vì thấy ông ấy phạm quá nhiều tội. Sau cùng, cha nghiêm giọng nói:
- Tôi ban bí tích Giải tội cho ông, nhưng trong tương lai ông phải cố gắng sửa mình.
Ông hứa với cha xứ, nhưng vì yếu đuối ông lại sa ngã và một thời gian sau lại tìm đến tòa cáo giải.
Lần này thì cha xứ nói với ông bằng một giọng nghiêm khắc:
- Tôi ban bí tích Giải tội cho ông lần này là lần cuối cùng. Ông đã nghe thấy chưa.
Vài tháng sau, ông lại đến quỳ dưới chân cha xứ và năn nỉ:
- Con thực lòng ăn năn, xin cha tha tội cho con một lần nữa.
Cha xứ đáp:
- Đừng đùa giỡn với Chúa. Tôi không ban bí tích Giải tội cho ông nữa đâu.
Khi nói thế, cha bỗng nghe thấy có tiếng nấc nghẹn ngào. Rồi từ trên thập giá, cánh tay phải của Chúa từ từ hạ xuống và ban phép giải tội cho người tín hữu thành tâm sám hối. Và Ngài nói với vị linh mục:
- Chính Ta đổ máu ra để cứu chuộc ông ấy chứ không phải là con.
Và cũng từ ngày đó, cánh tay phải của Chúa thõng xuống trong tư thế ban phép tha tội.

‘Chính Ta đã đổ máu ra để cứu chuộc con’. Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời tuyên xưng: "Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ Trời xuống thế...Người chịu đóng đinh vào Thập giá vì chúng tôi". Nội dung chính yếu của cử hành phụng vụ Tuần Thánh là cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Ngài là người tôi tớ đau khổ của Đức Giavê. Ngài đón nhận Thập giá tủi nhục thất bại, và đã biến đổi Thập giá thành nguồn ơn cứu độ, tình thương tha thứ cho nhân loại tội lỗi.

Phụng vụ bước vào Tuần Thánh với khởi đầu là Chúa Nhật Lễ Lá. Cử hành phụng vụ hôm nay khởi sự bằng việc làm phép lá và đi kiệu lá. Cộng đoàn đi kiệu để tưởng niệm việc Chúa Cứu Thế khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Ngay sau đó là Thánh Lễ tưởng niệm cuộc Thương khó, đặc biệt với việc đọc Bài Thương khó.Việc cử hành hôm nay mang hai sắc thái có vẻ nghịch nhau : mới mừng cuộc khải hoàn của Chúa Kitô, rồi lại cảm thông nỗi thống khổ của Người. Phụng vụ hôm nay kết hợp hai khoảnh khắc trái ngược nhau; cuộc chào đón Đức Giêsu vào Giêrusalem và thảm kịch Thương khó; lễ hội “Hosanna” và những tiếng la ó lặp đi lặp lại “Đóng đinh nó vào thập giá!”; cuộc khải hoàn và sự thất bại bề ngoài qua cái chết trên thập giá.

Bài Thương khó kể lại từng chặng đường đau thương của Đấng Cứu Thế. Ba môn đệ thân tín đã bỏ rơi Thầy. Giuđa chỉ điểm bắt Thầy bằng một nụ hôn giả dối. Các môn đệ sợ hãi bỏ Thầy mà chạy trốn. Phêrô thề là không hề quen biết Thầy. Chúa Giêsu cô đơn trước đám đông cuồng nộ. Họ bị kích động đòi đóng đinh Ngài. Họ coi Ngài còn thua Baraba là tên phiến loạn. Họ khạc nhổ, đánh đập, vả tát vào mặt, dùng roi quất vào da thịt. Đôi bàn tay bầm tím xuyên thâu những mũi đinh nhọn. Đôi bàn chân bị đinh đóng xuyên qua cây gỗ. Đầu đội mão gai nhọn. Lưỡi đòng đâm cạnh sườn, máu và nước chảy ra. Một người bị lột bỏ trần trụi. Hai tay bị giang thẳng trói xiết chặt vào thanh gỗ ngang. Hai chân bị trói vào thanh gỗ dọc phơi ngoài trời nắng gắt cho đến chết. Chết vì nghẹt thở do các cơ vòng ngực, cơ bắp tay không còn sức trương ra, co vào để rồi thu nhận và tống không khí. Tử tội bị đóng đinh nơi cổ tay, nơi bàn chân càng thê thảm bội phần vì đau đớn nhức nhối, sức người rướn lên để thơ, mau kiệt sức và chóng chết. Bị sỉ nhục. Bị cười nhạo báng. Bị khinh khi. Kẻ qua người lại đều nhục mạ Ngài, vừa lắc đầu vừa nói: mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi ! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!. Các thượng tế kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Ngài mà nói: Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Israel ! Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập gía đi, thì chúng ta tin hắn liền!. Cả những tên cướp cùng chịu đóng đinh cũng sỉ vả Ngài như thế.

Cái chết cô đơn, cái chết đau khổ đến với Chúa Giêsu như một chén đắng mà Chúa Cha trao phó. Chúa Giêsu xin vâng ý Cha, nhưng không vì thế mà bớt sự đau đớn. Trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu than thở: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).Theo thánh ý Chúa Cha, “Chúa Giêsu đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây Thập giá”( Pl 2,8).

Cuộc khải hoàn rước lá của Chúa Giêsu là một dấu chỉ của chiến thắng vinh quang chung cuộc. Việc kiệu lá cho thấy rõ ý nghĩa đích thực của đau khổ và thập giá. Tương tự trong sự kiện “biến hình” trên núi Tabo: Chúa Giêsu cho ba tông đồ thoáng thấy vinh quang thần tính. Khi xuống núi, Ngài ra lệnh cho ba tông đồ phải bảo mật cho đến khi Con Người sống lại từ cõi chết, nghĩa là cho đến khi ý nghĩa của biến cố được tỏ bày. Cũng chính ba tông đồ thân tín chứng kiến cơn hấp hối của Chúa ở vườn Cây Dầu. Sau Phục sinh, Chúa Kitô cũng giải thích cho hai môn đệ trên đường Emmau: “Đức Kitô không phải chịu đau khổ như thế rồi mới vào vinh quang của Người sao ?” (Lc 24,26).

Như vậy ngay từ Lễ Lá, hai sắc thái, hai cục diện của mầu nhiệm Vượt Qua được trình bày rõ ràng. Lễ Lá trình bày hai cục diện theo thứ tự đảo ngược : vinh quang trước, khổ nạn sau. Nhưng thứ tự đó biểu lộ thực chất của mầu nhiệm Vượt Qua. Mầu nhiệm Vượt qua cơ bản là một mầu nhiệm đạt tới vinh quang và sự sống. Sự chết chỉ là bước đi qua, là phương tiện để đạt tới mục đích là vinh quang Phục Sinh.
Bước vào Tuần Thánh, chúng ta cùng theo Chúa Giêsu trên con đường Thập giá.

Theo Chúa không chỉ khi gặp may mắn, thành công, bình an mà còn chấp nhận khi bị bỏ rơi, khước từ, đau khổ, thất bại.

Theo Chúa không là con đường “xuôi chèo mát mái” hoàn toàn hạnh phúc an lành, mà còn là con đường chọn lựa quyết liệt với những quyến rũ của vật chất, đam mê, hưởng thụ, danh vọng, quyền lực thế gian.

Theo Chúa Giêsu là đi con đường thập giá vừa lên dốc, vừa nhiều ổ gà ổ voi và vừa là con đường một chiều. Con đường ấy hẹp chứ không thênh thang theo những trào lưu dễ dãi, giả dối, ích kỷ, hận thù, bạo lực... nên cần phải sống từ bỏ, hy sinh, trung thực, yêu thương, bao dung.

Tuần Thánh, cùng đi vào hành trình thương khó của Chúa, chúng ta gặp thấy nhiều tình huống tăm tối của “nhân tình thế thái” như vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết. Nhưng trên hết, chúng ta gặp được một tình yêu. Tình Yêu của Đấng Chịu Đóng Đinh đối với Chúa Cha và lòng xót thương với nhân loại. Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ. Cảm nếm và thông phần với nỗi khổ đau thân xác và tinh thần của Chúa Giêsu, nhưng vẫn luôn nhận ra lòng xót thương nằm ẩn dưới từng phản ứng của Ngài theo Tin Mừng kể lại. Càng suy nghĩ về cuộc khổ nạn, chúng ta càng yêu Thập giá của Chúa hơn, yêu thập giá của mình hơn và kính trọng thập giá của người khác hơn.

Theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá là một thách đố lớn trong bối cảnh thời nay. Xác tín rằng, có Chúa cùng đồng hành, Ngài luôn thấu hiểu nâng đỡ, Ngài chia sẻ những khó khăn, thử thách, đau khổ với chúng ta trên hành trình theo Ngài. Nếu can đảm cùng chịu đau khổ và đóng đinh cùng Ngài, chúng ta sẽ được hạnh phúc và vinh quang phục sinh với Ngài.




 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:41 21/03/2018
54. TÚ TÀI BIẾU NGỖNG
Có một tú tài đem một con ngỗng đi biếu học quan.
Viên học quan nói:
- “Ta nghĩ rằng nếu nhận ngỗng của anh thì có thể là không có gì để cho nó ăn, thế là nó chết đói sao ? Mà nếu không nhận thì lại thất lễ, làm sao bây giờ chứ ?”
Tú tài nói:
- “Xin sư phụ nhận cho, chết đói là chuyện nhỏ, thất lễ mới là chuyện lớn”.
(Chuyện tiếu thời thượng)

Suy tư 54:
Con người nếu có chết đói thì cũng chỉ là chuyện nhỏ, thất lễ mới thật đúng là chuyện lớn. Thật ra đói và lễ cũng quan trọng như nhau.
Đói là vật chất, lễ là tinh thần.
Con người ta khi đói thì làm liều, cho nên mới có câu “bần cùng sinh đạo tặc”, cũng có nghĩa là khi đói thì người ta mất tất cả lễ nghĩa, tâm tình cũng biến đổi theo cái bao tử co thắt của mình.
Khi đói thì dùng tiền bạc để mua thức ăn cho hết đói, hoặc kiếm gì đó bỏ vào bụng thì cơn đói không còn nữa, nhưng khi đã thất lễ thì không thể dùng tiền bạc để mua lễ, cũng không thể bỏ gì đó vào bụng thì hết thất lễ, nhưng với những người coi trọng vật chất đồng tiền thì lễ nghĩa đối với họ chỉ là con số không, bởi vì “đồng tiền liền khúc ruột” chứ không phải là lễ nghĩa.
Người hiểu rõ “đói và lễ” hơn ai hết chính là người Ki-tô hữu, họ sẵn sàng đói vật chất để no tinh thần tức là lễ, họ hiểu rằng lễ chính là tôn trọng nhân cách của tha nhân, tức là khiêm tốn chấp nhận những khuyết diểm và những yếu đuối của tha nhân là để nâng cáo giá trị của họ, đó cũng chính là “lễ” và cũng là “tế” mà Đức Chúa Giê-su đã thực hành khi chấp nhận gánh vác những tội lỗi của chúng ta, để thánh hoá và hiến dâng cho Thiên Chúa Cha vậy, do đó mà người Ki-tô hữu vì đức ái, thà chịu đói chứ không vì miếng ăn mà hạ bệ danh dự, giá trị nhân cách của người anh em chị em, tức là thất lễ.
Lễ của người Ki-tô hữu và lễ của người khác không giống nhau là như vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

--------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:42 21/03/2018

2. Thánh đức không coi trọng việc dạy người, nhưng coi trọng việc mà Thiên Chúa yêu thích.

(Thánh nữ Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật Lễ Lá – năm B
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:11 21/03/2018
Thật, Người này là Con Thiên Chúa

(Mc 14, 1-72 ; 15,1- 47)

Chúa Nhật Lễ Lá năm B hôm nay, Phụng vụ Giáo hội cho chúng ta đọc và nghe bài Thương Khó theo thánh Marcô. Tác giả Tin Mừng đã làm nổi bật lời của viên sĩ quan Rôma, người ngoại quốc, sau khi tham dự vào số những người hành quyết Chúa Giêsu, chứng kiến tận mắt cảnh Chúa bị đánh đòn, bị ngược đãi, bị treo trên thập tự giá và trút hơn thở, ông đã phải thốt lên cách ngạc nhiên : “Thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

Câu “Thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39) không phải dễ để viên sĩ quan tuyên xưng như thế. Anh đã thấy gì nơi khuôn mặt hầu như không còn hình dạng người ta nữa, để đưa ra một tuyên bố như vậy. Bằng mọi cách, anh phải khám phá ra Chúa Giêsu là người vô tội, bị bỏ rơi, và thậm chí bị phản bội; hay có thể là một con người bị đối xử không công bằng trong một xã hội bất công; Người không hề mở miệng, chịu đau khổ mà chẳng than van, chấp nhận mọi sự xảy đến cho mình, thật không hiểu nổi. Có lẽ, viên sĩ quan này cảm thấy mình là một kẻ đồng lõa với sự bất công khi thấy người vô tội mà anh không giơ ít là một ngón tay lên để ngăn chặn nó, anh nghĩ mình giống như bao người đã rửa tay trước những khó khăn của người khác.

Hình ảnh của viên sĩ quan người Rôma là hình ảnh của người có cái nhìn với lòng thương xót. Cùng lúc đó, niềm tin của một người ngoại đạo được tuyên xưng. Chúa Giêsu là Đấng vô tội, đã bị đánh đòn, bị bỏ rơi và bị giết chết, đồng thời, anh tin vào ý nghĩa sâu xa của sứ mạng, với “cái còn lại của tình yêu” và tin vào ý nghĩa sứ mệnh cao cả của Chúa, mà những vết thương còn hằn trên thân xác là bằng chứng.

Nhưng trước khi những điều điều trên xảy đến, Chúa Giêsu đã tiến vào Giêrusalem và được dân chúng tung hô là Đấng nhân danh Chúa mà đến (x.Mc 11,9). Hôm nay, chúng ta cũng hô cũng hát, nhưng tiếng hô hát của chúng ta không phải là ảo tưởng và vô thức, giống như của dân thành Giêrusalem xưa. Lời tung hô của chúng ta hướng về Đấng đã trải qua thử thách đến nỗi hiến thân hoàn toàn và đã chiến thắng.

Sau cùng, nếu khi xưa dân chúng cầm cành lá dừa vừa đi vừa hát, họ còn trải áo lót đường Chúa đi. Thì hôm nay chúng ta sẽ không trải áo hoặc càm cành lá vô tri, những cành cây chỉ làm vui mắt trong chốc lát. Bước vào Tuần Thánh, chúng ta giục lòng tin thật, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và là người thật, là Đấng đã chịu đau khổ, chịu chết và đã sống lại để cứu chuộc chúng ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

NIỀM VUI - THẬP GIÁ – VÀ ƠN CỨU ĐỘ

Suy niệm Lễ Lá

( Mc 14, 1-15.47)

Với Chúa Nhật Lễ Lá, khai mạc Tuần Thánh, trung tâm của toàn thể Năm Phụng Vụ, trong Tuần này chúng ta dõi theo hành trình thương khó của Chúa Giêsu, chết và sống lại.

Niềm vui

Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! (x. Ga 12, 12-16)

Nghe đọc những lời trên lúc mở đầu nghi thức làm phép kiệu lá, tưởng nhớ tới sự kiện Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, dân chúng rủ nhau ra mà đón : “Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt nhành cây trải lối đi: Kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: "Hoan hô! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Ðavit tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời!” Họ trải áo trên đường để Chúa đi” (Mc 11, 8-10 ). Giờ đây mỗi người cầm cành lá trong tay vừa đi vừa hát “Hoan hô...” thấy thật là vui.

Đám đông dân chúng đón rước Chúa lúc đó hân hoan, ngợi khen, chúc tụng,đúng là một bầu khí vui mừng mà chúng ta cảm nghiệm được khi tái cử hành biến cố năm xưa hôm nay. Chúa Giêsu, Thái Tử nhà Đavít tiến vào Giêrusalem đã khơi dậylên bao nhiêu niềm hy vọng nơi tâm hồn những người đơn sơ, nghèo khổ, bị lãng quên, những người không đáng kể gì trong xã hội. Người thấu hiểu và cảm thông cảnh lầm than khốn khổ của họ, cúi mình xuống chữa lành những vết thương thể xác cũng như tâm hồn và tỏ lòng từ bi đối với họ.

Đúng như lời ngôn sứ I-sai-a nói : “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” ( Mt 8,17 ). Đó là tình thương cao cả của Chúa Giêsu, Người đã mang tình thương ấy đi vào thành Giêrusalem. Chúng ta thật vui mừng và tràn đầy hy vọng, vì thế giới chúng ta sống đang rất cần tình thương đó.

Thập giá

Niềm vui của dân chúng đang hân hoan, tung hô, chúc tụng Chúa, sự đấu tố, đòn vọt, vòng gai và thập giá bao trùm, những lời của Tiên tri Isaia, bài tường thuật của thánh sử Marcô, và những bài đọc phụng vụ khác dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu. Isaia mô tả cho chúng ta hình ảnh của một người bị đánh đòn và chịu vả mặt nhục nhã (x. Isaia 50, 6). Lời đáp ca: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?” giúp chúng ta chiêm ngắm cơn hấp hối của Chúa Giêsu trên thập giá (x. Mt 15, 34). Nơi bài đọc II, thánh Phaolô tông đồ giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm Vượt Qua: Chúa Giêsu, “dù là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự” (Phil 2, 6- 8).

Một vị Vua cưỡi trên con lừa con, không có đoàn tùy tùng đi theo, không có một binh đoàn biểu tượng quyền lực tiến vào thành Giêrusalem là Chúa Giêsu. Người không vào Thành Thánh để nhận vinh dự dành cho các vua trần thế, cho kẻ có quyền bính, cho kẻ thống trị; Người vào thành để chịu đánh đòn, lăng mạ và xúc phạm, như Isaia đã tiên báo (x. Is 50,6); Người vào để chịu đội mão gai và mặc áo choàng đỏ, vương quyền của Người là đối tượng cho sự nhạo cười; Người vào để bước lên đồi Canvê vai vác khổ giá; Người vào thành Giêrusalem để chịu chết trên Thập giá. Thập giá là ngai vàng của Người, Người mang lấy Thập giá trên mình, mang vào mình sự ác, cùng với sự nhơ bẩn, tội lỗi của trần thế và cả tội chúng ta nữa. Với lòng từ bi vàtình thương của Thiên Chúa, Người lấy máu mình mà tẩy rửa cho sạch. Vì thế, Thập giá được Chúa Giêsu đón nhận với tình thương không bao giờ đưa tới sầu muộn, nhưng dẫn đến niềm vui, niềm vui được cứu độ.

Sống Tuần Thánh

Bước vào Tuần Thánh, Giáo hội cùng với con cái mình doi theo Chúa Giêsu trên hành trình tiến lên đồi Canvê với thập giá và sự sống lại của Người. Sống Tuần Thánh là đi vào tình thương hiến thân của Chúa Giêsu hầu mang lại sự sống cho con người

Lúc sinh thời, Chúa Giêsu đã rong ruổi trên khắp nẻo đường, với lòng tin, Người đã chọn gọi 12 người đơn sơ để họ ở với và tiếp tục sứ mạng yêu thương của Người. Trong Tuần Thánh chúng ta sống trọn vẹn cuộc hành trình này. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để thi hành sứ mạng yêu thương ấy.

Chúa Giêsu không sống cách thụ động tình thương dẫn đến hy sinh, hoặc như một định mệnh không thể tránh được; Người không che giấu sự sao xuyến sâu xa như một con người trước cái chết dữ dằn, nhưng phó thác hoàn toàn nơi Chúa Cha. Chúa Giêsu tự ý nộp mình chịu khổ hình và chịu chết, để chứng tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với thế gian. Thánh Phaolô cảm nghiệm được rằng, trên Thập giá, Chúa Giêsu “đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Mỗi người chúng ta có thể nói: Người đã yêu thương tôi và đã phó nộp mình vì tôi.

Nhìn vào Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, chúng ta khám phá ra những đau khổ của nhân loại nói chung và những đau khổ của chính cá nhân mình nói riêng. Chúa Giêsu, dù vô tội, đã nhận mang lấy vào thân điều mà con người không thể chịu được như : sự bất công, sự dữ, tội lỗi, hận thù, đau khổ và cuối cùng là sự chết. Trong Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa phải chịu nhục nhã và đau khổ để chứng tỏ rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả, tha thứ cho tất cả và mang đến cho con người ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống.

Mỗi năm, với Tuần Thánh, Giáo Hội bước vào trong Mầu nhiệm Vượt Qua, Mầu nhiệm tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Chính nhờ sức mạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua mà Giáo Hội có thể công bố cho thế giới bằng lời nói và bằng những việc làm tốt của những con cái mình rằng: “Chúa Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh hiển” (Phil 2,11). Phải, Chúa Giêsu Kitô là Chúa, Người là Chúa của thời gian và của lịch sử; là Ðấng Cứu Chuộc con người; Người là Ðấng Cứu Thế! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Hosanna!

Cùng với Mẹ Maria, chúng ta hãy xin với Mẹ là Ðấng đã theo Chúa Giêsu Con Mẹ trong suốt chặng đường dẫn tới Canvê trong đức tin, giúp con cái Mẹ vác thập giá với niềm thanh thản và yêu thương bước theo Chúa, để đạt được niềm vui của lễ Phục Sinh. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Tại làm sao Chúa chết?

SUY NIỆM TIN MỪNG Chúa Nhật LỄ LÁ – NĂM B

(Mc 14, 1-72 ; 15,1- 47)

Sau khi đọc bài tường thuật đầy đủ về cuộc Thương Khó của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta theo thánh Marcô. Chúng ta không thể không màng chi đến những sự xảy ra trước đó. Nhiều người không khỏi thắc mắc : một con người như vậy sao lại kết thúc trên Thánh giá? Đâu là nguyên do dẫn đến cái chết và ai là người chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?

Theo một lý thuyết lưu hành vào thế kỷ 20 sau thảm kịch Shoah, Hitler tiêu diệt những người Do thái, người ta qui trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu cho người Do thái, Philatô và các thẩm quyền Rôma thời ấy, mà động lực thúc đẩy thuộc bản chất chính trị hơn là tôn giáo.

Bằng chứng là Hội đồng Do thái, đứng đầu là các thượng tế và luật sĩ “ tìm mưu bắt giết Chúa Giêsu” (Mc 14, 1) ; “tìm chứng cáo Chúa Giêsu để giết Người” (Mc 14, 55), chứng gian tìm không ra, lời chứng lại không khớp, phải nại đến vị thượng tế đứng lên giữa công nghị hỏi Chúa Giêsu : “ Ông có phải là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa đáng chúc tụng chăng?” (Mc 14, 61). Chúa Giêsu đáp: “Phải, chính Ta! Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu Đấng toàn năng và ngự đến trên đám mây” (Mc 14, 61). Ông liền đứng lên xé áo mình và kết án : “Chúng ta còn cần chi đến nhân chứng nữa? Các ông đã nghe lời nói lộng ngôn, các ông nghĩ sao?” (Mc 14, 62) Họ quyết định lên án tử cho Người (Mc 14, 64).

Nhưng chuyện không đơn giản, vì muốn giết được Chúa Giêsu phải qua tay tổng trấn Rôma là Philatô, nên họ “ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô” (Mc 15, 1). Philatô không phải là người quan tâm tới sự công chính đến nỗi âu lo về số phận của một người Do thái không tên tuổi; ông ta là một mẫu người cứng cỏi, độc ác, sẵn sàng đổ máu nếu có một dấu vết rất nhỏ nổi loạn (x. Lc 13, 1-9). Tất cả sự này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, ông không ra sức cứu sống Chúa Giêsu vì thương cảm nạn nhân, nhưng chỉ để ghi một điểm thắng chống lại những kẻ tố cáo Chúa Giêsu, với họ ông đã có xung đột từ ngày tới đất Giuđêa. Dĩ nhiên, sự này không giảm bớt trách nhiệm của Pilatô trong việc lên án Chúa Giêsu, một trách nhiệm ông đã chia sẻ với những nhà lãnh đạo Do thái.

Khi gặp Chúa Giêsu, Philatô hỏi : “Ông có phải là vua dân Do thái không?” Chúa Giêsu đáp : “ Ông nói đúng” (Mt 15, 2). Câu trả lời của Chúa Giêsu không giúp Chúa thoát khỏi vụ án mà lại như thêm dầu vào lửa, khiến các thầy thượng tế lại tố cáo thêm, nhưng Chúa không đáp lại một lời nào.

Đối diện với những kẻ đòi giết Chúa Giêsu, Philatô không biết làm sao nên hỏi dân “Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do-thái không?” (Mc 15, 9); “Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do-thái?" (Mc 15, 12). Những câu hỏi trên chẳng những không cứu được Chúa Giêsu mà còn như thể gia tăng lòng quyết xử tử Người: “Đóng đinh nó đi” (Mc 15, 13). Lúc ấy trong khám đang có sẵn kẻ giết người tên là Baraba, Philatô nghĩ ra trò tráo mạng Giêsu để may chăng dân chúng tha cho Chúa Giêsu, nhưng ông đã lầm, dân chúng càng hô to hơn: “Đóng đinh nó đi” (Mc 15, 14). Philatô nhượng bộ hoàn toàn: “ Ông liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho họ mang đi đánh đòn và đóng đanh vào thập giá” (Mc 15, 15).

Khi quyết định trao nộp Chúa Giêsu thì ông cũng đi vào cái vòng di chuyển của họ. Tin Mừng được giả thiết là đã minh oan cho Philatô và tố cáo những người lãnh đạo Do thái chủ mưu giết Chúa. Chính thánh Phaolô khi tường thuật về án tử của Chúa Giêsu giống như các sách Tin Mừng mô tả, ông viết “những người Do thái đã giết Chúa Giêsu” (1 Tx 2,15).

Từ những tường thuật về cái chết của Chúa Giêsu trong Talmud và trong những tài liệu Do thái khác, truyền thống Do thái không bao giờ từ chối sự tham gia của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó trong việc lên án Chúa Giêsu. Họ không bênh vực mình bằng sự chối bỏ hành động, nhưng nếu có hành động nào, họ đã chối hành động đó, từ viễn ảnh Do thái, làm thành một tội ác và án tử Chúa Kitô Giêsu là một án bất công.

Như vậy, đối với câu hỏi, “ tại sao Chúa chết ? ” Sau tất cả những nghiên cứu và những sự lựa chọn được đề nghị, chúng ta phải đưa ra cũng một câu trả lời như trong các Tin Mừng là Người bị kết án vì những lý do tôn giáo. Kết luận, các thẩm quyền tôn giáo và các thẩm quyền chính trị, các thủ lãnh Công Nghị và quan tổng trấn Roma, cả hai đã tham gia, vì những lý do khác nhau, trong sự xử án Chúa Kitô.

Phần chúng ta, những người tin Chúa Giêsu đều nghĩ rằng chính những người Do thái đã giết Chúa. Chúng ta cũng thường qui kết cho Giuđa là kẻ phản bội đã bán đứng Thấy, kẻ tiếp tay cho các thượng tế và kinh sư bắt nộp Chúa.

Mỗi khi Tuần Thánh về, đọc lại bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Giáo hội muốn mỗi người chúng ta, thay vì đổ tội cho người Do thái, thì nhìn thấy trách nhiệm của mình trong cái chết của Chúa Giêsu. Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh. Tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa Thiên Chúa và tha nhân, chống lại Thiên Chúa và chống lại nhau, dẫn đến nguy cơ mất ơn cứu độ. Nên Thiên Chúa đã “vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế…” chịu đóng đanh, chị chết để chuộc tội cho chúng ta (x. Kinh Tin Kính).

Khi ta từ chối Chúa và chương trình thiêng liêng của Người, hay khi ta xúc phạm đến Chúa, không sống xứng đáng là con Thiên Chúa, chúng ta chịu trách nhiệm cách đặc biệt hơn vào cái chết của Chúa. Mỗi lần chúng ta phạm tội bất công, lỗi đức bác ái, gây gương mù gương xấu, cộng tác với sự dữ gây tác hại trực tiếp cho tha nhân, làm hại bản thân, gây thiệt hại cho cả Hội Thánh nữa là chúng ta làm khổ nhau, nhất là làm cho Chúa phải đau phiền và phải chết.

Ước gì khi suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta thêm lòng tin vào Chúa, yêu mến Chúa cách mãnh liệt hơn, và đặt tất cả lòng cậy trông vào Chúa. Chúng ta tin Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican News có hơn 4 triệu người theo dõi
Thủy Hồng
10:01 21/03/2018
Vatican – Bộ Truyền thông Vatican vừa cho biết có hơn 4 triệu người đăng ký vào các trang mạng xã hội của Vatican News (nguồn tổng hợp các tin tức và video của Bộ Truyền thông). Đây là kết quả mới nhất của việc tổ chức lại các kênh truyền thông xã hội của Bộ Truyền thông Vatican, được liên kết lại với tên gọi mới và logo Vatican News.

Trang Facebook của Vatican News hiện tại được phổ biến với 6 ngôn ngữ (Anh, Italia, Pháp, Đức, Tây ban nha và Bồ đào nha), có hơn 3 triệu người theo dõi (followers).

Mạng Twitter có thể được truy cập tại địa chỉ tài khoản @vaticannews, cũng với 6 ngôn ngữ như trên, có 635 ngàn người theo dõi. Trên 3 mạng truyền thông xã hội, bao gồm Youtube, với tên Vatican News, những người truy cập có thể theo dõi các video trực tiếp các hoạt động của Đức Giáo Hoàng. Vatican News được điều phối bởi Ban biên tập và Ban Mục vụ thần học của Bộ Truyền thông.

Các tài khoản các mạng xã hội của Đức Giáo Hoàng được ủy thác cho một nhóm của Ban Truyền thông và nhóm này cùng làm việc với phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Tài khoảng Twitter @Pontifex được đăng tải bằng 9 ngôn ngữ và có hơn 44 triệu người theo dõi, trong khi tài khoản Instagram @Franciscus có hơn 5 triệu người theo dõi trên một kênh đa ngôn ngữ duy nhất.

Theo Đức ông Dario Edoardo Viganò, Bộ trưởng Bộ Truyền thông, “việc củng cố sự hiện diện của chúng ta trên các mạng xã hội là một trong những kết quả của tiến trình cải cách của truyền thông Vatican, hiện tại đang gần hoàn thành. Và chắc chắn nó là một kết quả tích cực, đã đạt được nhờ sự dấn thân của các nhà bào và đội ngũ kỹ thuật. Như những chuyên viên truyền thông, theo lý luận của một Giáo hội hướng đến thế giới bên ngoài, chúng ta được kêu gọi ở giữa dân chúng. Ngày nay điều này có nghĩa là hiện diện trên các mạng xã hội và internet với sự xác tín và trách nhiệm. Vì vậy quan điểm của chúng ta phải rất rõ ràng: nó đòi hỏi chúng ta chú trọng đến con người, đến các mối liên hệ, đến nền văn hóa gặp gỡ và, kỹ thuật chỉ là điều sau cùng. (REI 09/01/2018)
 
Vụ “lettergate” ở Vatican: Vụ Trưởng Vụ Truyền Thông từ chức
Vũ Văn An
16:29 21/03/2018
Theo tin của Elise Harris/CNA/EWTN News, ngày 21 tháng Ba, 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Ông Dario Edoardo Viganò, Vụ Trưởng Vụ Truyền Thông của Tòa Thánh, sau vụ tai tiếng gọi là “Lettergate” do vị này gây ra.

Việc công bố trên đã được đưa ra trong một bản tuyên bố ngày 21 tháng Ba của Phát Ngôn Viên Tòa Thánh, Greg Burke, người cho rằng Đức Ông Lucio Adrián Ruiz, thư ký của Vụ Truyền Thông sẽ sử lý thường vụ cơ quan này chờ việc bổ nhiệm vị Tân Vụ Trưởng.



Trong lá thư từ chức đề ngày 19 tháng Ba và được công bố ngày 21 tháng Ba, cùng với thư trả lời của Đức Giáo Hoàng, Đức Ông Viganò nói rằng trong mấy ngày gần đây, “nhiều tranh cãi đã xuất hiện liên quan đến việc làm của con, một việc làm mà ngoài ý muốn, đã gây bất ổn cho nhiệm vụ phức tạp và lớn lao của cuộc cải tổ mà Đức Thánh Cha đã ủy thác cho con”.

Đức Ông cám ơn Đức Thánh Cha đã đồng hành và quảng đại, và để tránh “làm chậm” cuộc cải tổ và vì “lòng yêu mến Giáo Hội”, ngài xin từ chức.

Trong thư phúc đáp, đề ngày 21 tháng Ba, Đức Phanxicô nói rằng sau khi nói chuyện với Đức Ông Viganò và sau “một suy nghĩ lâu và thận trọng”, ngài chấp nhận đơn từ chức của Vụ Trưởng.

Đức Phanxicô cám ơn Đức Ông Viganò về sự phục vụ của ngài và ban phép lành cho Đức Ông, yêu cầu ngài ở lại Vụ Truyền Thông trong một khả năng khác, có tính cố vấn nhiều hơn.

Vụ tai tiếng “Lettergate” bắt đầu tuần rồi, sau việc phát động một loạt gồm 11 cuốn sách tựa là “Nền Thần Học Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô” vào hôm thứ Hai ngày 12 tháng Ba, do Libreria Editrice Vaticana, cơ quan xuất bản của Tòa Thánh, dưới sự giám sát của Vụ Truyền Thông, ấn hành.

Một lá thư của Đức Bênêđíctô XVI ca ngợi việc đào luyện thần học và triết học của Đức Phanxicô đã được đọc lớn tiếng trong biến cố này; tuy nhiên, Vụ Truyền Thông, sau đó, thừa nhận rằng mình đã thao túng hình chụp bức thư gửi cho các phương tiện truyền thông, bôi đi những dòng trong đó Đức Bênêđíctô nói rằng ngài không đọc trọn cả bộ sách và do đó, không thể đưa ra một phân tích sâu sắc.

Mấy ngày sau, một méo mó khác đã được thêm vào tai tiếng khi bị tiết lộ rằng nhiều đoạn khác đã bị che dấu trong đó, Đức Bênêđíctô tra vấn việc cho vào bộ sách một nhà thần học nổi tiếng vì “các sáng kiến phản giáo hoàng” của ông ta.

Sau khi bị áp lực của truyền thông, Vụ Truyền Thông cho công bố toàn bộ lá thư vào ngày 17 tháng Ba, lá thư mà Vụ cho thuộc loại tư riêng và không bao giờ có ý định được công bố toàn diện.

Đức Ông Viganò được đích thân bổ nhiệm vào Vụ năm 2015 với sứ mệnh cải tổ và đơn giản hóa các cơ sở truyền thông đa dạng của Tòa Thánh. Tai tiếng gần đây được các phóng viên so sánh với tai tiếng “Vatileaks” năm 2012, khi người quản gia của Đức Bênêđíctô XVI rò rỉ các lá thư riêng của ngài cho báo chí.

Theo tin Zenit, trong thư phúc đáp, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Ông Viganò vào chức vụ “Tham Vấn” (assessor) tại Vụ Truyền Thông, “để khả thể hóa các đóng góp nhân bản và chuyên nghiệp của con cho Cơ Quan mới và cho dự án cải tổ mà Hội Đồng Các Hồng Y vốn ước mong”. Cuộc cải tổ này, theo Đức Thánh Cha, sắp sửa hoàn tất với việc sáp phập tờ L’Osservatore Romano và cơ quan ấn loát của Tòa Thánh vào Vụ Truyền Thông.

Cũng theo Zenit, Đức Phanxicô ca ngợi sự “dấn thân lớn lao” và “phong thái sẵn sàng đối chất và ngoan ngoãn” của Đức Ông Viganò đối với các cộng tác viên của Giáo Triều và ngài nhấn mạnh rằng “cuộc cải tổ Giáo Hội, trước nhất, không phải là vấn đề biểu đồ tổ chức, mà, đúng hơn, là tiếp nhận tinh thần phục vụ”. Ngài cám ơn Vụ Trưởng về “sự khiêm nhường” và “cảm thức sâu đậm về Giáo Hội”.
 
Giá quá đắt của vụ “Lettergate”
Đặng Tự Do
17:43 21/03/2018
Đức Ông Dario Edoardo Viganò
Đức Ông Dario Edoardo Viganò, 55 tuổi, được bổ nhiệm lãnh đạo Vụ Truyền Thông vào tháng Sáu năm 2015 trong một cố gắng cải tổ hệ thống truyền thông Tòa Thánh bao gồm việc tinh giản các cơ quan và thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với nhu cầu của thời đại truyền thông.

Những nỗ lực truyền thông của Vatican đã bị cản trở bởi sự trùng lặp những nỗ lực, trong một hệ thống mà các bộ phận, bao gồm nhiều cơ quan báo chí, đài phát thanh Vatican, trung tâm truyền hình, và nhật báo Quan Sát Viên Rôma -- mỗi cơ quan hoạt động độc lập với nhau. Hệ thống đó đưa đến một cách tiếp cận thiếu nhất quán, và được nhiều người coi là “một thảm họa” cho những nỗ lực tiếp cận công chúng của Vatican. Hệ thống đó cũng ngốn một ngân sách quá lớn đối với Tòa Thánh. Vào thời điểm Đức Ông Viganò được đề bạt vào chức vụ này, có đến 650 nhân viên làm việc toàn thời trong các cơ quan truyền thông của Vatican.

Đức Ông Viganò đã từng làm giám đốc Trung tâm Truyền hình Vatican. Trọng trách của ngài là thống nhất vào một mối chín thực thể bao gồm Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội; Phòng Báo Chí Tòa Thánh; văn phòng internet Vatican; Radio Vatican; đài truyền hình trung ương Vatican; báo Quan Sát Viên Rôma, nhà in Vatican; dịch vụ nhiếp ảnh; và nhà xuất bản Vatican - Libreria Editrice Vaticana.

Trong gần 3 năm qua, Đức Ông Viganò đã thực hiện được xuất sắc nhiều nhiệm vụ trong tiến trình cải tổ này. Tuy nhiên, trong một tuần qua, các quan sát viên thạo tin Vatican tiên đoán vai trò lãnh đạo Vụ Truyền Thông Tòa Thánh của Đức Ông Viganò sẽ chấm dứt chỉ trong vòng vài ngày vì vụ “Vatican Lettergate”.

Chuyện phải đến đã đến. Người đứng đầu Vụ Truyền Thông Tòa Thánh đã từ chức sau những tranh cãi liên quan đến việc thao túng lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

Trong thông cáo đưa ra hôm thứ Tư 21 tháng Ba, Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận đơn từ chức của Đức Ông Dario Viganò và bổ nhiệm Đức Ông Lucio Ruiz, người Á Căn Đình, Tổng thư ký Vụ Truyền Thông Tòa Thánh, tạm thời thay thế Đức Ông Dario Viganò cho đến khi ngài bổ nhiệm nhà lãnh đạo mới.

Vatican đã công bố bức thư của Đức Ông Viganò xin Đức Thánh Cha Phanxicô cho mình được từ chức và ý kiến chấp nhận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu Đức Ông Viganò, 55 tuổi, ở lại Vụ Truyền Thông Tòa Thánh để “cố vấn” và “đóng góp nhân lực cũng như khả năng chuyên môn” cho bất cứ ai được giao trọng trách tiếp tục công trình thống nhất các nỗ lực truyền thông và các phương tiện truyền thông đa dạng của Tòa Thánh.

Cuộc tranh cãi đã nổi lên vào ngày 12 tháng Ba tại buổi họp báo giới thiệu tuyển tập gồm 11 cuốn “Thần học của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Vào tháng Giêng năm nay, Đức Ông Viganò đã xin Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 viết một bài về bộ sách 11 tập này. Theo văn mạch lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, Đức Ông Viganò muốn vị Giáo Hoàng nghỉ hưu “phản đối và phản ứng lại định kiến ngu xuẩn, theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ là một người thực tế mà không được đào tạo về thần học hay triết học cụ thể,” trong khi Đức Bênêđíctô thứ 16 “chỉ là một nhà lý thuyết thần học với sự hiểu biết rất ít về cuộc sống cụ thể của Kitô hữu ngày nay.”

Trong buổi giới thiệu sách, và cả trong một video được tung lên Youtube, Đức Ông Viganò đọc một cách có chọn lọc những câu trong thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 khiến cho người nghe có cảm tưởng là vị Giáo Hoàng nghỉ hưu đã đọc bộ sách và đồng ý với những quan điểm được viết trong đó, trong khi thực tế không đúng như thế.

Lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 cho thấy ngài chưa hề đọc vì “những lý do thể chất,” và “vì còn những công việc khác” mà ngài đã hứa thực hiện. Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu cũng không hứng thú muốn đọc vì “kinh ngạc” nhận ra “trong số các tác giả cũng có Giáo sư Hünermann, là người mà trong suốt triều đại Giáo Hoàng của tôi đã nổi bật lên với những sáng kiến chống lại Đức Giáo Hoàng. Ông ta đã đóng một vai trò quan trọng trong việc công bố ‘Kölner Erklärung’, trong đó, phần liên quan đến thông điệp ‘Veritatis splendor’ (Chân lý Huy hoàng), đã tấn công một cách tàn bạo huấn quyền của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là các vấn đề về thần học luân lý. Cũng vậy tổ chức ‘Europaische Theologengesellschaft’, mà ông ta thành lập, ban đầu đã được ông ta hoài thai như một tổ chức chống lại huấn quyền của giáo hoàng.” Hünermann, là một nhân vật khét tiếng chống đối huấn quyền của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16; còn Europaische Theologengesellschaft là một tổ chức chủ trương đòi Giáo Hội phải tỏ ra tháo thứ trong các vấn đề về luân lý tính dục, truyền chức linh mục cho phụ nữ, công nhận hôn nhân đồng phái, truyền chức linh mục cho những người có gia đình.

Trong thông cáo báo chí gởi cho các ký giả, Vụ Truyền Thông Tòa Thánh cũng công bố một bức ảnh cho thấy trang đầu tiên của bức thư, với một vài dòng bị cố ý làm mờ đi và trang thứ hai, ngoại trừ chữ ký của Đức Bênêđíctô thứ 16, những dòng khác bị những cuốn sách che mất đi.

Thủ thuật lấy mấy cuốn sách che đi không qua mặt được các ký giả chuyên nghiệp. Bức ảnh này gây xôn xao dư luận và các câu hỏi đã được nêu ra trong giới truyền thông về nội dung chính xác của lá thư.

Một tag trên Twitter #releasetheletter đã lan truyền nhanh chóng trong số những người Công Giáo khi vụ tai tiếng này càng ngày càng lan rộng.

Vụ tai tiếng được gọi là “Lettergate” này đã làm Vatican xấu hổ trong tuần vừa qua và đã làm nảy sinh khoảng cách ngày càng tăng giữa những người ủng hộ đường lối chú trọng về mục vụ của Đức đương kim Giáo Hoàng và những người bảo thủ ưa chuộng triều Giáo Hoàng tập trung vào tín lý của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Nhưng sâu xa, nó còn là một cản trở đối với công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.

Giá của vụ “lettergate” này quá đắt. Giáo Hội không chỉ mất một nhà lãnh đạo có nhiệt tâm, có khả năng; mà tính khả tín của Giáo Hội cũng bị đặt thành vấn đề trước những trò “fake news” ma giáo như thế.
 
ĐGH Phanxicô: Thánh lễ làm cho chúng ta nên một Thánh Thể sống động.
Giuse Thẩm Nguyễn
18:34 21/03/2018
(Vatican News) Trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần vào Thứ Tư 21 tháng Ba, 2018, tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ, phần Rước Lễ, cao điểm của Phụng Vụ, ĐGH Phanxicô mời gọi các Kitô hữu hãy làm một cuộc chất vấn lương tâm để được biến đổi thành một Thánh Thể sống động. Ngài nhắc lại Lời Chúa trong Tin Mừng Thánh Gio-an (6:54-55) : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.”

Thánh Lễ làm sống lại Bữa Tiệc Ly của Chúa.

Thiên Chúa Cha phán rằng lễ vật là chính Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly được lập lại trong mỗi Thánh Lễ khi mình và máu ngài được hiến dâng dưới hình bánh và rượu và vẫn tiếp tục cho tới ngày nay qua việc cử hành thánh lễ của các linh mục và phó tế.

ĐGH nói rằng sau nghi thức bẻ bánh, vị chủ tế mời gọi các Kitô hữu tuyên xưng rằng Chiên Thiên Chúa là Đấng gánh tội trần gian. Đây là “lời mời gọi chúng ta nếm trải sự kết hợp thân mật với Thiên Chúa, là nguồn mạch hân hoan và thánh thiện.” Nó cũng thúc đẩy chúng ta chất vấn lương tâm mình trong ánh sáng đức tin.

Thánh Ambrose đã dạy rằng việc ý thức về tội lỗi của mình giúp chúng ta chấp nhận “linh dược”là Máu Đức Kitô làm cho chúng ta kết hợp chặt chẽ hơn với Ngài.

Cuộc sống biến đổi trong Thánh Thể.

ĐGH nói về giây phút người Kitô hữu rước Thánh Thể.

“Khi chúng ta thưa Amen (tôi tin) với lời giới thiệu “Mình Thánh Chúa Kitô” là chúng ta mở lòng để đón nhận ân huệ quyền năng biến đổi của Thiên Chúa.

“Khi chúng ta lên rước lễ, là Chúa thực sự đến gặp chúng ta và biến chúng ta thành đồng hình đồng dạng với Người. Khi lãnh nhậnThánh Thể có nghĩa là chúng ta để cho chính mình biến đổi với Mình và Máu Thánh Chúa Kitô.”

ĐGH nói rằng được nuôi dưỡng bằng bánh hằng sống, chúng ta trở nên “một Thánh Thể sống động”, nghĩa là chúng ta trở nên những gì chúng ta lãnh nhận.

Chúng ta nên âm thầm cầu nguyện sau khi Rước Lễ để “chiêm ngắm Chúa đang ngự trong lòng mình.”

ĐGH kết luận rằng những lời nguyện riêng tư này được cùng góp lại trong lời nguyện kết lễ mà “các linh mục chủ tế dâng lên để cảm tạ Chúa vì Ngài đã cho chúng ta được phép tham dự vào bàn tiệc thánh này.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn Gia Đình Truyền Tin, 25 năm thành lập
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
04:34 21/03/2018
Kính thưa Quý Vị độc giả VietCatholic, mỗi nhóm hội ra đời đều có mục đích riêng để phụng sự Thiên Chúa qua việc ca tụng Người hay đến với tha nhân. Gia Đình Truyền Tin là một nhóm khá đặc biệt coi việc đến với tha nhân chính là điểm hẹn của Thiên Chúa. Chuẩn bị mừng 25 năm hiện diện, chúng ta cùng trò chuyện với Thầy Phê-rô Nguyễn Thành Tâm dòng Đa Minh Việt Nam, vị linh hướng và đồng hành những hoạt động của Gia Đình Truyền Tin (GĐTT).

VietCatholic: Thưa Thầy, hai mươi lăm năm trước GĐTT ra đời trong hoàn cảnh nào và mục đích là gì ạ?

Thầy Phê-rô Nguyễn Thành Tâm: Trong bài giảng Mùa Vọng 1992, Thầy Phó tế Phanxico X. Đào Trung Hiệu OP, đã gợi ý các bạn trẻ nên làm một việc gì hữu ích cho Giáo hội, xã hội. Sau đó một số bạn trẻ đến chia sẻ, gặp gỡ Thầy và được Thầy Hiệu quy tụ thành nhóm. Mục đích thành lập nhóm là đi đến với anh chị em có hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu là những công việc đơn giản và góp công sức như sửa nhà cửa, chăm sóc bệnh nhân, thăm hỏi và tặng quà cho người khuyết tật tại các trung tâm. Sau này khi nhóm có điều kiện hơn đã mang tên GĐTT đi xa hơn khi đến thăm anh chị em nghèo dân tộc các vùng xa và tổ chức hội chợ miễn phí cho các trẻ em nghèo, người bệnh phong cùi vùng núi.

VietCatholic: Thưa Thầy, nhóm mang tên Gia Đình Truyền Tin với ý nghĩa gì ạ?

Thầy Phê-rô Nguyễn Thành Tâm: Hai chữ gia đình nói đến tinh thần huynh đệ của anh chị em. Còn việc nhóm chọn ngày lễ Truyền Tin làm bổn mạng và là ngày truyền thống vì muốn noi gương Đức Maria trong biến cố sứ thần truyền tin đã nhanh chóng đi thăm bà chị Elisabet. Noi gương Mẹ, Gia Đình Truyền Tin sẵn sàng thưa xin vâng đem Tin Mừng cho anh chị em có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy GĐTT đã chọn châm ngôn là: “Tôi không làm được tất cả nhưng tôi muốn làm những gì có thể, để phục vụ tha nhân”

VietCatholic: Vậy khởi điểm của GĐTT khởi đi từ Giáo xứ Thánh Đa Minh, Ba Chuông hay thuộc tỉnh Dòng Đa Minh, thưa Thầy?

Thầy Phê-rô Nguyễn Thành Tâm: GĐTT thuộc về Tu viện Anberto, Giáo xứ Thánh Đa Minh, Ba Chuông. Tuy nhiên, Tỉnh Dòng vẫn âm thầm giúp đỡ cách này cách khác về nhân lực và vật lực cho nhóm hoạt động hiệu quả hơn.

VietCatholic: Nhân tiện Thầy nói về vật lực, Thầy cho con thắc mắc chút xíu: Anh chị em của nhóm khởi điểm là hy sinh tài sức và thời gian hướng đến người nghèo. Sau này nhóm hoạt động nhiều hơn, xa hơn... nguồn tài chính của nhóm là do các anh chị em trong nhóm đóng góp phải không ạ ?

Thầy Phê-rô Nguyễn Thành Tâm: Khởi đầu là do các thành viên đóng góp sức lực và thời gian như chúng tôi đã chia sẻ, nhưng sau đó nhu cầu cần hơn nên nhóm đã nghĩ ra nhiều phương cách để có nguồn tài chính. Hiện nay GĐTT được sự cho phép của tu viện Anberto giữ xe các thánh lễ cuối tuần và có một shop hoa tươi Truyền Tin. Lợi nhuận này cộng với sự tài trợ của các nhà hảo tâm, của tu viện Anberto, quý từ Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Việt Nam và cả của các thành viên GĐTT nữa... đã làm cho phạm vi hoạt động của GĐTT vươn xa hơn.

VietCatholic: GĐTT hiện nay có bao nhiêu thành viên ạ?

Thầy Phê-rô Nguyễn Thành Tâm: Bắt đầu từ con số 24 trái tim đáp lời mời gọi phục vụ trong những ngày tháng đầu tiên. Hiện nay nhóm gồm 146 thành viên cũ và mới gồm nhiều thành phần dân Chúa khác nhau như sinh viên, công nhân viên chức, lao động tự do, tiểu thương... Tất cả đều chung một ước muốn được phục vụ.

VietCatholic: Xin Thầy chia sẻ cảm nghiệm của Thầy khi đồng hành với GĐTT từ năm 1999 đến bây giờ, 19 năm rồi đó ạ !

Thầy Phê-rô Nguyễn Thành Tâm: Noi gương thánh Martin, tôi phục vụ với tấm lòng yêu thương khi gặp gỡ tha nhân. Xin tạ ơn Chúa, cảm ơn tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, cảm ơn Tu viện thánh Albertô Cả, Phú Nhuận, đã tín nhiệm và tạo điều kiện cho tôi được đồng hành với GĐTT trong thời gian qua. Cảm ơn quý ân nhân thân nhân và các thành viên đã cùng cộng tác chia sẻ giúp đỡ cho Nhóm ngày càng phát triển. Nguyện xin Chúa chúc lành cho quý Cha Giám tỉnh, quý Cha Bề trên, quý Cha, Quý Thầy, Quý Soeur cùng các hội đoàn trong Giáo xứ và quý ông bà anh chị em.

VietCatholic: Kỷ niệm 25 tuổi GĐTT có những tổ chức gì đặc biệt cho cột mốc đặc biệt này không ạ, thưa Thầy?

Thầy Phê-rô Nguyễn Thành Tâm: GĐTT tổ chức sinh hoạt văn nghệ giao lưu từ 13h – 20h ngày 24.03.2018, cao điểm là thánh lễ tạ ơn mừng 25 năm do Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám quản Tông Tòa Giáo phận Sài Gòn, chủ tế. Kính mời quý vị nếu có thể được đến tham dự ngày Kỷ niệm, hiệp thông cầu nguyện cho Nhóm.

VietCatholic: Kính thưa quý vị độc giả, chúng tôi cũng được gặp linh mục Phanxico X. Đào Trung Hiệu,OP người gợi hứng và hướng dẫn cho GĐTT từ những ngày phôi thai cho đến khi được 7 tuổi. Xin Cha chia sẻ cho chúng con cảm nghiệm của những năm tháng đồng hành cùng GĐTT ạ.

Lm.Phanxico X. Đào Trung Hiệu,OP: Hai mươi lăm năm trước những bạn trẻ đã đáp lời mời gọi được đánh động trong bài giảng và các bạn đã tự xích lại gần nhau với tôi làm nên một Gia Đình Truyền Tin như hôm nay. Cảm hứng với công tác xã hội được các hội đoàn các nhóm trong giáo xứ Ba Chuông quan tâm nhiều hơn. Các Bà Mẹ Công Giáo, Legio Mariae, ca đoàn Đa Minh Art... đã có những chương trình như: Trái tim xanh, Đêm đông không nhà, triển lãm tranh, những chuyến khám bệnh cho người nghèo vùng xa, phát gạo cho những gia đình khó khăn mỗi tháng. Rõ ràng là anh chị em đã đáp lời của Giáo Hội đến với những anh chị em. Mỗi khi lũ lụt, thiên tai hay Formosa.. lời kêu gọi của giáo xứ luôn được anh chị em đóng góp nhiệt tình. Tinh thần bác ái cộng đồng được lan tỏa trong khắp giáo xứ và anh chị em đến dự lễ tại Ba Chuông. Sau 25 năm đồng hành và có những tương tác xa gần với GĐTT, anh chị em trong nhóm đã chia sẻ với tôi rằng: “ chúng con học được ở người nghèo rất nhiều”. Vâng, và chúng tôi GĐTT đến với người nghèo để học và gặp gỡ Thiên Chúa.

VietCatholic: Chúng con xin cảm ơn Cha và Thầy nhiều. Xin Cha có lời nhắn gửi gì với độc giả xa gần của VietCatholic?

Thầy Phê-rô Nguyễn Thành Tâm: Cảm ơn Soeur Minh Du đã tạo điều kiện cho chúng tôi chia sẻ. Cảm ơn Cha Giám đốc Vietcatholic, cùng quý Cha, quý Tu sĩ, cùng anh chị em. Chúc mạng truyền thông Vietcatholic ngày càng phát triển hơn và mang Chúa đến cho mọi người.

VietCatholic: Xin cảm ơn Cha và Thầy đã chia sẻ những hoạt động âm thầm của anh Chị Em Gia Đình Truyền tin. Nguyện xin Thiên Chúa ban nhiều ơn lành trên Cha, trên Thầy và Anh Chị Em để có nhiều sức khỏe phục vụ anh chị em khó khăn và nhất là làm cho mọi người nhìn thấy Anh Chị Em chính là điểm hẹn của Thiên Chúa.

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Du

Dòng Đa Minh Rosa Lima.
 
Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế Khai Mạc Năm Thánh Mừng Hồng Ân 300 Thành Lập
Trương Trí
15:17 21/03/2018
Trong tâm tình cảm tạ và tri ân, sáng ngày 21 tháng 3 năm 2018, Hội Dòng Mến Thánh giá Huế tổ chức trọng thể Thánh lễ tạ ơn Khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 300 năm thành lập 1719-2019.

Tại hoa viên trước Nguyện đường của Hội Dòng, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế công bố Khai mạc Năm Thánh Hồng ân mừng kỷ niệm 300 năm thành lập Hội Dòng Mến Thánh giá Huế. Tiếp đó, Đức Tổng Giám Mục cùng Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh và Nữ tu Tổng Phụ trách Hội Dòng Têrêsa Trần Thị Tùy cắt chùm bong bóng mang biểu tượng HỒNG ÂN 300 NĂM HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ HUẾ. Các nữ tu biểu diển màn Trống vũ Cung đình hết sức điêu luyện chào mừng Đức Tổng Giám Mục, quý Cha và quý quan khách về tham dự Thánh lễ hiệp dâng lời tạ ơn và cầu nguyện cho Hội Dòng.

Xem Hình

Đoàn rước đoàn đồng tế tiến vào Nguyện đường, dẫn đầu là Thánh giá biểu tượng của Hội Dòng, hai nữ tu trân trọng rước Tông sắc của Tòa Thánh Khai mạc Năm Thánh Hội Dòng Mến Thánh giá Huế, các nữ tu và tiếp đến là đoàn Linh mục đồng tế.

Trước khi đi vào Thánh lễ, đại diện Hội Dòng giới thiệu sơ qua về quá trình hình thành và phát triển trong suốt 300 lịch sử: Đức Cha Lambert De La Motte sang lập Dòng Mến Thánh giá đầu tiên trên miền truyền giáo Việt Nam vào năm 1670 tại Kiên Lao, Nam Định và năm 1671 tại An Chỉ, Quảng Ngãi. Các vị Thừa sai Paris tiếp tục thành lập thêm các Tu viện Mến Thánh giá trên khắp nhiều nơi. Tu viện Mến Thánh giá Thợ Đúc-Huế được thành lập năm 1719 do Cha Thừa sai Pierre De Sennemand. Sau đó, Đức Cha Jean Labartette tiếp tục thiết lập thêm một số Tu viện Mến Thánh giá ở Giáo phận Bắc Đàng Ngoài: Di Loan (1780); Kẻ Bàng và Phủ Cam (1797); Nhu Lý, Trung Quán, Cô Nhi viện và Tu viện Sáo Bùn trong khoảng thời gian từ 1805 đến 1812. Năm 1829, Cha Thánh Jaccard Phan thiết lập thêm Tu viện Dương Sơn-Huế. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nhất là những cuộc bách hại dưới thời các vua triều Nguyễn, nhiều Tu viện đã phải đóng cửa. Cho đến năm 1886, kết thúc cuộc bách hại của Văn Thân, ký kết hòa ước Việt Pháp thì các Tu viện mới bắt đầu hoạt động trở lại. Năm 1961, Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế Phêrô Martino Ngô Đình Thục bắt đầu canh tân và hiệp nhất các Tu viện Mến Thánh giá thuộc Giáo phận thành một Dòng duy nhất với tên gọi là Dòng Mến Thánh giá Thừa Sai Huế. Các biến động của thời cuộc vào năm 1972 và 1975, nhiều nữ tu di tản vào sinh sống và làm việc tại miền Nam như: Sài Gòn, Xuân Lộc, Bà Rịa, Ban Mê Thuột, Phan Thiết, Nha Trang rồi hình thành những Cộng đoàn. Đến năm 1983, các Cộng đoàn tại Bình Tuy và Bình Thuận lập thành Hội Dòng Mến Thánh giá Phan Thiết. Năm 2008, các Cộng đoàn tại miền Xuân Lộc lập thành Hội Dòng Mến Thánh giá Bà Rịa.

Hiện nay, Hội Dòng Mến Thánh giá Huế có 447 nữ tu, phục vụ tại 67 Cộng đoàn trên các Giáo phận Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn và hải ngoại.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục thay mặt Chị Tổng Phụ trách và tát cả Chị em Hội Dòng Mến Thánh giá Huế chào mừng quý Cha, nhất là quý Cha đến từ nơi xa, quý ân nhân, thân nhân và bạn bè thân hữu đã quy tụ về đây tham dự Thánh lễ Tạ ơn mừng kỷ niệm 300 năm thành lập Hội Dòng. Đáng lẽ Thánh lễ này được tổ chức vào ngày 19 tháng 3 vừa qua, dịp lễ Thánh Giuse Bổn mạng của Hội Dòng. Hôm nay, chúng ta cũng xin Ngài bầu cử cho Hội Dòng trong Năm Thánh này cũng như suốt giòng lịch sử 300 năm qua. Chúng ta tiếp tục tiến bước vào tương lai như các bậc tiền nhân của chúng ta đã để lại. Trong Năm Thánh này, ước gì chúng ta nhận được ơn Tòa xá, chúng ta thanh toán tất cả những gì thiếu sót mà chúng ta còn lưu lại để mang một trái tim mới hầu thực hiện những ước mơ tốt đẹp hơn. Chị Madeleine Trương Thị Lý, người đã từng đảm nhận hai nhiệm kỳ Tổng Phụ trách vừa về với Chúa như là một của lễ cao quý chúng ta dâng lên Thiên Chúa. Đây không phải là tin buồn mà là một tin vui như là một đóa hoa tinh thần để chúng ta dâng lên trên Bàn thờ này làm của lễ tạ ơn. Cũng trong dịp này, chúng ta không quên công ơn các bậc tiền nhân, các ân nhân đã hy sinh để cho Hội Dòng phát triển như ngày hôm nay.

Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh công bố Tông sắc của Tòa Thánh ban ơn Toàn xá dịp khai mở Năm Thánh kỷ niệm 300 năm thành lập Hội Dòng Mến Thánh giá Huế.

Sau Thánh lễ, Nữ tu Têrêsa Trần Thị Tùy, Tổng Phụ trách Hội Dòng thay mặt toàn thể chị em nói lời cảm tạ và tri ân Đức Thánh Cha Phanxico đã ưu ái ban Phép lành Toàn xá và chấp thuận khai mở Năm Thánh mừng kỷ niệm 300 năm thành lập Hội Dòng. Cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Giáo phận và quý Cha đồng tế, quý vị ân nhân thân nhân xa gần đã dày công vun đắp cho Hội Dòng. Cách riêng tưởng nhớ và tri ân các Đấng sáng lập và bậc tiền nhân đã xây dựng và phát triển Hội Dòng.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục và quý Cha đồng tế đã chụp hình lưu niệm với Chị em Hội Dòng.

Trương Trí.

 
Video phỏng vấn đặc biệt về Đài Đức Mẹ la Vang tại Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Kitô thuộc GP Orange bao giờ sẽ hoàn thành?
VietCatholic
23:06 21/03/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kính thưa quý vị và anh chị em, Chương trình phóng sự đặc biệt hôm nay nói về tiến trình dự án xây dựng Linh Đài Đức Mẹ la Vang tại Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Kitô thuộc GP Orange.

Hôm nay Thùy Vân hân hạnh được đón tiếp chị Elysabeth Nguyễn tới thăm trụ sở của VietCatholic. Chị Elysabeth là Trưởng Dự Án Xây Dựng, thuộc Ban Đặc Nhiệm Xây Dựng Linh Đài Đức Mẹ La Vang, Chị sẽ cho chúng ta biết về diễn tiến việc xây dựng dự án và tin tức mới nhất về tài chánh. Đặc biệt mới đây nghe tin có một gia đình Việt Nam đã dâng cúng một số tiền lớn là $500.000 dollars mong sao cho dự án chóng hoàn thành… Do vậy Chị Elysabeth sẽ trình bày cho chúng ta biết về tình hình tài chánh đang tiến triển tốt đẹp ra sao? Đạ thu được cụ thể là bao nhiêu và còn thiếu bao nhiêu nữa thì mới có thể hoàn thành dự án tượng Đài Đức Mẹ La Vang?

Nói về tầm quan trọng và ý nghĩa Linh Đài Đức Mẹ La Vang đối với người Việt Nam không những trong giáo phận Orange mà còn khắp nơi trên Hoa Kỳ... Ai muốn chung tay góp sức xây dựng Lin Đài Đức Mẹ La Vang sẽ đóng góp như thế nào?

Thêm vào đó chị Elysabeth cũng trình bày cho chúng ta biết việc trùng tu kiến thiết mới lại Nhà thờ Chính tòa Chúa Kitô (quen gọi là nhà thờ kính) thì khi nào sẽ hoàn thành?

Sau cùng chúng tôi hân hạnh giới thiệu một bài thánh ca mang tựa đề "Hạt Kinh Dâng Mẹ" sáng tác của LM nhạc sĩ Văn Chi. Bài thánh ca này sẽ được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Thanh Lan. Kính mời quý vị và anh chị em cùng thưởng thức.

Mọi chi tiết liên quan đến dự án, xin vào trang mạng www.LaVangUSA.org, hoặc liên lạc với các Ban La Vang qua số điện thoại 714-696-8981, hoặc email info@LaVangUSA.org.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Từ Nga Đến Việt Nam
Phạm Trần
21:27 21/03/2018
Ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ 6 năm lần thứ tư hôm 18/03/2018 được Việt Nam đón nhận như một tin mừng cho sự tồn tại lâu dài của chính mình. Tại sao ?

Thứ nhất, ông Putin là người bạn thân thiết và nước Nga luôn luôn được coi là đồng minh tin cậy nhất của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ hai, tuy ở xa hơn Trung Hoa, nhưng Nga đã chọn Việt Nam là vị trí chiến lược quốc phòng quan trọng nhất của mình ở Á Châu – Thái Bình Dương.

Thứ ba, Việt Nam là khách hàng mua vũ khí Nga đứng hàng thứ ba sau Trung Hoa và Ấn Độ.

Thứ tư, Việt Nam và Nga có thỏa hiệp coi nhau là “đối tác chiến lược toàn diện” để hợp tác kinh tế-chính trị và quốc phòng hai nước.

Thứ năm, Việt Nam là nơi duy nhất có Trung tâm Nhiệt đới (tên đầy đủ là Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Việt – Nga) được thành lập do đề nghị của Nga để nghiên cứu các phương pháp bảo vệ độ bền vững, chống hao mòn và lão hóa các loại vũ khí và vật liệu do Nga sản xuất để sử dụng ở các nước có thời tiết giống Việt Nam.

Thứ sáu, Việt Nam đã đồng ý để cho máy bay quân sự Nga được sử dụng cảng Cam Ranh và sân bay để bảo trì và tiếp liệu trên đường tuần dương.

Vì vậy mà từ năm 2000, theo báo Dân Việt ngày 15/03/2018 :”

Ông Putin đã nhiều lần đến thăm Việt Nam trên cương vị Tổng thống Liên bang Nga, lần đầu vào ngày 1.3.2001, một năm sau khi ông đảm nhận vai trò lãnh đạo nước Nga. Lần thứ 2 ông Putin sang thăm Việt Nam là vào tháng 11.2006, lần thứ 3 là vào tháng 11.2013 và lần thứ 4 là lần ông Putin tới Đà Nẵng dự Hội nghị APEC lần thứ 25 vào tháng 11 năm ngoái (2017).”

NHỮNG ĐIỀU GIỐNG NHAU

GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, chuyên gia Viện nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (KHXHVN) đã nói với Dân Việt rằng:” Ông Putin là người có cảm tình rất lớn đối với Việt Nam. Ngược lại, ông Putin cũng được phần lớn người Việt Nam yêu mến, kính trọng. Do đó, việc ông Putin thắng cử có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam.”

Chuyên gia Nguyễn Cảnh Toàn nói tiếp:”Tôi tin là quan hệ hữu nghị giữa 2 nước sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa….Tôi còn nhớ rất rõ rằng, chính Putin từng nhấn mạnh vào năm 2001 tại Hà Nội rằng: Việt Nam là một người bạn thủy chung, không bao giờ phản bội. Quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga là quan hệ của những người bạn thủy chung, không bao giờ phản bội nhau.”

Ai cũng biết tại sao ông Putin, một cựu trùm tình báo KGB đã “nịnh” Việt Nam như thế. Bởi vì Putin là một nhà lãnh đạo độc tài

hoạt động dưới chiếc mặt nạ đứng đầu Mặt trận Toàn dân Nga ( All-Russia People’s Front) từ năm 2011. Và tuy ngoài mặt, Putin không còn mặc áo Cộng sản nhưng trong tim ông vẫn đầy ắp máu Cộng sản với chủ trương cai trị nhân dân Nga bằng “bàn tay sắt đẫm máu”.

Ông ta không những chỉ đán áp, khủng bố mà còn bị cáo buộc đã ra lệnh cho mật vụ hạ sát đối lập bằng mọi loại vũ khí, kể cả hơi độc.

Nước Nga thời Putin đã bị Tổ chức Minh bạch Thế giới (Transparency International) liệt vào hàng các nước có tình trạng tham nhũng thối nát cao và bị Freedom House giáng xuống hàng các nước không có dân chủ và tự do.

Ở Việt Nam thì nhân dân cũng bị một đảng độc tài cai trị không có bầu cử tự do. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, tuy có đem ra xét xử một số Lãnh đạo nhưng “vẫn còn nghiêm trọng” trong hàng ngủ cán bộ, đảng viên.

Các quyền tự do căn bản của dân như tự do tư tưởng, giao lưu và tín ngưỡng, tôn giáo bị kiểm soát gắt gao.

Và mặc dù Hiến pháp quy định người dân có quyền tự do ngôn luận, được lập hội và biểu tình nhưng nhà nước lại không cho tư nhân ra báo. Quyền biểu tình vẫn còn bị nhà nước ngâm tôm không chịu trình ra Quốc hội, trong khi quyền lập Hội tuy đã trình ra Quốc hội nhưng rồi rút lại nói là để bổ sung rồi im luôn từ kỳ họp Quốc hội 13. Trong chương trình làm luật của Quốc hội năm 2018, Dự luật Hội vẫn vắng tên.

CA TỤNG HẾT LỜI

Vì có những điểm giống nhau như thế nên ngoài những điện văn chúc mừng ngoại giao của Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, báo, đài nhà nước CSVN đã đăng tin ông Putin thắng cử rộng rãi. Không có bất cứ báo nào dám phê bình chuyện đắc cử của ông Putin là kết qủa của một chiến dịch tranh cử hình thức vì ứng cử viên đối lập sáng giá nhất, Alexei Navalny đã bị ông Putin dùng mọi mánh khóe, kể cả khủng bố để loại bỏ trước ngày bầu cử.

Trong khi ấy, đã có rất nhiều cử tri đã phải “giấu tên” để cho báo chí Tây phương biết họ vì sợ bị trả thù mà phải đi bỏ phiếu.

Vì vậy khi báo chí Việt Nam ca ngợi ông Putin đã thắng tới 76.68% phiếu cử tri, vượt ra 7 Đối thủ, kể cả ứng viên đảng Cộng sản Pavel Grudinin về nhì với 11.78% là chuyện hoang đường.

Vậy mà, trong một bài Bình luận ngày 21/03/2018, báo Cộng an Nhân dân của Bộ Công an Việt Nam vẫn có thể nói rằng:” Ông V.Putin đã chiến thắng và trở thành Tổng thống Nga trong 6 năm tới. Kết quả này hầu như mọi người có thể đoán trước. Bởi, trong tình thế hiện tại, không khó để nhận ra hàng triệu dân Nga đã đặt niềm tin vào vị “thuyền trưởng” tài ba, mạnh mẽ, tỉnh táo, thông minh và bản lĩnh của mình để đưa “con tàu” Nga vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước phục hưng một nước Nga hùng mạnh trong thế giới còn nhiều bất ổn...”

“…Những gì người dân Nga cần thì đương kim Tổng thống Putin có. Và khẩu hiệu tranh cử “Một tổng thống mạnh mẽ - Một nước Nga mạnh mẽ” đã “đánh” đúng lòng người Nga không phải từ bây giờ, mà từ rất lâu rồi, từ cách đây gần 20 năm. Người dân Nga cho rằng Vladimir Putin có thể đảm đương trọng trách để đưa nước Nga vượt qua thách thức để tiến lên phía trước.”

Thực tế thì hiện nay nước Nga vẫn còn trên 20 triệu người, trong số 146 triệu dân sống dưới mức nghèo. Số thất nghiệp vẫn ở mức 5.5%.

Nền kinh tế, tuy đã vực lên từ thập niên 1990, và sau cuộc suy thoái 3.7 % năm 2015 với mức thu nhập sụt xuống 10% (theo World Economic Forum, 13/12/2016) thì nay nền kinh tế thời Putin đang ngoi lên nhờ vào giá dâu thô và hơi đốt tăng giá trên thị trường quốc tế. Nhưng thu nhập bình quân đầu người mỗi năm vẫn chưa tới 9,000 Dollars.

Tuy nhiên kinh tế Nga vẫn gặp nhiều khó khăn với lệnh cấm vận của Liên Hiệp Châu Âu (European Union, EU) và của Mỹ vì đã đem quân xâm chiếm Crimea, phần lãnh thổ của Ukraine năm 2014.

Và mặc dù giao hảo giữa Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump có phần thân thiện hơn từ khi ông Trump thắng cử năm 2016, nhưng vì tình báo Nga và chính ông Putin đã bị cáo buộc phá hoại cuộc bầu cử năm 2016, với bằng chứng chống ứng cử viên Dân chủ bà Hillary Clinton để cho ông Trump thắng cử nên lại bị Quốc hội Mỹ trừng phạt thêm 5 Công ty và 19 cá nhân Nga với các biện pháp kinh tế. Nhưng phần lớn việc trừng phạt chỉ lập lại những biện pháp đã được Chính quyền Tổng thống Barrack Obama thi hành rồi.

HỢP TÁC QUỐC PHÒNG

Đối với Việt Nam thì bước đột phá quan trọng thúc đẩy sự phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Việt Nam là biên bản ghi nhớ liên chính phủ về chiến lược hợp tác kỹ thuật quân sự cho giai đoạn đến năm 2020, được ký kết hồi tháng Mười năm 2008. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử hợp tác hai nước, tổng khối lượng các hợp đồng ký kết trong năm 2008 đã vượt quá 1 tỷ dollar. Hiện nay khối lượng này được tính vào khoảng vài tỷ dollar.

Việt Nam đã mua của Nga 32 máy bay chiến đấu Su-30MK2, 12 tàu tên lửa cao tốc “Molnia” (Tia chớp) (2 chiếc giao thẳng và 10 chiếc được cấp phép sản xuất), bốn tàu khu trục lớp “Gepard”, sáu tàu ngầm của dự án 636 “Varshavyanka” m(trong phân loại của NATO là tàu ngầm Kilo), một số tiểu đoàn tên lửa phòng không S -300PMU1 và nhiều loại vũ khí khác.”

Cũng nên biết trong cuộc thăm Nga từ ngày 07 đến 10/08/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Đại tướng Phùng Quanh Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng về “canh tân hoá” quân đội CSVN.

(1) Tướng Thanh xác nhận: “Những nhu cầu phía Việt Nam đề xuất cơ bản phía Bạn đều đáp ứng, trong đó Bạn đồng ý đào tạo cán bộ cho Việt Nam ở tất cả các cấp, các lĩnh vực, các quân binh chủng và một số lĩnh vực khác.

(2) Tiếp theo là hợp tác về lĩnh vực kỹ thuật quân sự, hai bên đã bàn các biện pháp tiếp tục triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã đạt được. Phía Bạn thống nhất một số điểm: trước hết là những hợp đồng mua vũ khí, trang bị kỹ thuật, phía Bạn bảo đảm chất lượng tốt, giá cả hợp lí và có ưu đãi đối với Việt Nam.

3) Là vấn đề hậu mãi như sửa chữa, bảo dưỡng, cung cấp vật tư, phụ tùng, đảm bảo tuổi thọ của trang bị...

4) Là Bạn thống nhất với phía ta là có thể bàn hướng hai bên có thể liên doanh thiết lập các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng.”

Tướng Phùng Quanh Thanh nói thêm rằng: “Bạn đã trao đổi nhiều tình hình, hai bên đều thống nhất về mặt quan điểm, đánh giá; thống nhất về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của việc hợp tác ngày càng sâu rộng hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực; quan hệ song phương không nhằm vào nước thứ ba.”

(Phỏng vấn của VOV, Voice of Vietnam --Đài Phát thanh Quốc gia Việt Nam, 10-08-2013)

Nhưng nếu Nga đã hợp tác chặt chẽ về Quốc phòng với Việt Nam thì phiá Việt Nam cũng đã có những tương nhượng thỏa mãn cho nhu cầu của Nga tại hải cảng chiến lược Cam Ranh như:

- Để Nga thiết lập một cơ sở bảo trì và huấn luyện cho đội Tầu ngầm của Việt Nam.

- Sẽ đơn giản hóa một số thủ tục cho tàu hải quân của Liên bang Nga khi ghé thăm hoặc làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật ở các cảng Việt Nam sẽ được nhanh chóng, thuận tiện.

- Thành lập công ty hợp doanh Việt-Nga để sửa chữa, đóng tàu ở khu vực phi quân sự của cảng Cam Ranh. Tướng Phùng Quanh Thanh nói với báo chí hồi tháng 3/2013 rằng cơ sở này sẽ sửa chữa tàu, tiếp dầu, tiếp nước, tiếp lương thực thực phẩm, đón thủy thủ để vào bờ, tham quan nghỉ ngơi sau chuyến đi đường dài trên biển.

Ông Thanh cũng cho biết: “Tổng công ty Tân Cảng thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam được giao chủ trì, có tham gia liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Công ty Vietsopetro sẽ tham gia góp vốn. Nhưng ta làm chủ, chi phối, ta điều hành, quản lý. Chủ quyền là của Việt Nam.

Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, các dàn khoan, các dịch vụ của dầu khí này phục vụ dịch vụ cho các tàu của bất kỳ một nước nào, trong đó có LB Nga.”

- Việt Nam cũng đã đồng ý để cho Nga bỏ vốn 100% xây dựng trung tâm nghỉ dưỡng ở Cam Ranh theo diện dự án đầu tư nước ngoài ngang hàng với Khách sạn 5 sao. Ông Thanh cho hay Nga dành cho Việt Nam quyền quản lý, điều hành. Phía Nga cũng sẽ gửi một số người tham gia cùng quản lý khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.

Nga chính thức rút khỏi Cam Ranh năm 2002, sau khi hết hạn thuê mướn và Việt Nam cũng đã tuyên bố không để Cam Ranh biến thành một căn cứ quân sự của nước ngoài. Tuy nhiên, dù không có hợp đồng thuê mướn nhưng Cảng Cam Ranh sẽ trở thành trạm dừng chân thường xuyên quan trọng của lực lượng Hải Quân Nga.

Như vậy, chuyện ông Putin tiếp tục làm Tổng thống Nga thêm 6 năm nữa sẽ lôi Việt Nam đi đâu trước viễn ảnh Lãnh tụ Tập Cận Bình sẽ làm Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch nhà nước Trung Hoa không hạn kỳ, hay chỉ khi nào ông ta qua đời hoặc tự ý từ chức.

Dù muốn hay không thì thực tế là như thế. Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu một cổ đôi tròng, nếu chưa dứt được món nợ khổng lồ mỗi năm từ 12 đến 15 tỷ dollars nhập siêu từ Trung Hoa. -/-

Phạm Trần

(03/018)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Dự tòng làm gì trong cuộc Rước Nến Phục Sinh?
Nguyễn Trọng Đa
09:14 21/03/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con đang tìm kiếm một số hướng dẫn trong sách bí tích để chúng ta biết cách hướng dẫn người dự tòng trong Đêm Vọng Phục Sinh, đặc biệt là phần thứ nhất (Nghi thức thắp nến Phục Sinh), nhưng tìm không thấy. Thưa cha, liệu các dự tòng cũng làm giống y như tín hữu trong cuộc Rước nến Phục Sinh không? - D. Z., Bắc Kinh, Trung Quốc.


Đáp: Quả vậy, không có hướng dẫn chính xác về ngưởi dự tòng trong Sách Lễ, hoặc trong ‘Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn’ cho phần này của lễ Vọng Phục Sinh. Tất cả các hướng dẫn đều dành cho Nghi thức Thánh Tẩy.

Tuy nhiên, có một số chú thích nhạy cảm trong các quy định giáo phận, vốn có thể áp dụng ở nơi khác mà không bắt buộc.

Thí dụ, một tiểu ban phụng vụ giáo phận nói thêm như sau ở phần chữ đỏ "Tất cả thắp sáng nến của mình từ cây nến Phục Sinh, và tiếp tục đi rước":

"Trong khi không đề cập đến một cách rõ ràng, các dự tòng không sử dụng nến vào thời điểm này. Các ngọn nến là một dấu hiệu của Chúa Kitô đang ở trong người đã rửa tội; các dự tòng sẽ nhận nến của mình sau khi họ đã được rửa tội".

Điều này có vẻ như là một điểm hợp lý và sẽ nhấn mạnh tốt hơn việc tiếp nhận ngọn nến đã được thắp sáng trong nghi thức Thánh Tẩy.

Sau nghi thức thắp nến Phục Sinh, các dự tòng không có vai trò đặc biệt cho đến khi phụng vụ Thánh Tẩy bắt đầu.

Về phụng vụ này, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã giải thích một số điều mới, vốn được tìm thấy trong ấn bản gần đây nhất của Sách Lễ Rôma. Chúng tôi nêu ra một số đoạn văn:

"Nghi thức thắp nến Phục Sinh

"Cây nến Phục Sinh được đưa ra. Nến Phục Sinh phải được làm bằng sáp nguyên tuyền, tránh hình thức giả tạo, đủ lớn và được làm mới cho mỗi năm, chỉ một cây nến mà thôi; để nó diễn tả một sự thật rằng Chúa Kitô là Ánh Sáng soi chiếu thế gian. Mô tả này được phát triển trong số 94 của tài liệu Built of Living Stones (Dựng xây từ những viên đá sống động) nhắc nhở chúng ta rằng cây nến Phục sinh là biểu tượng của "ánh sáng của Chúa Kitô, chỗi dậy trong vinh quang", xóa tan "bóng tối của tâm trí chúng ta". ‘Trên hết, cây nến Phục Sinh phải là một cây nến đặc biệt, biểu tượng ưu việt của ánh sáng Chúa Kitô. Sự lựa chọn về kích cỡ, thiết kế và màu sắc phải được thực hiện trong tương quan với cung thánh, nơi nến sẽ được đặt ... ' (Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích, Thông tư về việc chuẩn bị và cử hành đại lễ Phục Sinh [1988], số 82).

"Nến được chuẩn bị trong các nghi thức bắt buộc. Chủ tế khắc hình thánh giá vào cây nến bằng bút. Sau đó, ngài vẽ chữ Alpha Hy Lạp lên phía trên thánh giá, rồi vẽ chữ Omega Hy Lạp phía dưới thánh giá, và vẽ bốn con số của năm hiện tại giữa hai cánh tay của thập giá, vừa nói vừa vẽ các số này. Sau các nghi thức này, linh mục thắp cây nến từ ngọn lửa mới và nói: ‘Nguyện xin ánh sáng của Chúa Kitô, chỗi dậy trong vinh quang, xóa tan bóng tối của tâm trí chúng con’ (Vọng Phục Sinh, EV, số 14).

"Việc tổ chức cuộc rước nến được miêu tả rõ ràng hơn trong Sách Lễ (Missale Romanum) mới. Một trong các thừa tác viên gắp than cháy ra khỏi đám lửa, và đặt chúng vào bình hương, và linh mục, theo cách thông thường, đặt hương vào bình. Thầy phó tế, hoặc khi không có phó tế, một thừa tác viên khác, nhận nến Phục Sinh từ chủ tế và một cuộc rước nến được hình thành. Thứ tự đoàn rước là người cầm bình hương có hương sẵn, đi trước thừa tác viên cầm cây nến, sau đó là các thừa tác viên khác, linh mục và dân chúng. Tất cả đều cầm nến chưa thắp sáng (Vọng Phục Sinh, EV, số 15). Cũng như ngưởi dân Ít-ra-en được dẫn đường bằng cột lửa vào ban đêm, thì người tín hữu cũng được Chúa Kitô Phục Sinh dẫn đường.

"Các vị trí mà ở đó lời tuyên bố “Ánh sáng Chúa Kitô” được hát là hiện nay khác với những gì đã nói trong Sách Lễ (Missale) cũ.

"Các vị trí mới là: ở cửa nhà thờ (sau đó linh mục thắp nến của mình), ở giữa nhà thờ (mọi người thắp nến của mình), và trước bàn thờ, đối diện với dân chúng. Sách Lễ cho biết rằng thầy phó tế đặt cây nến vào giá nến lớn, vốn được chuẩn bị kế bên cạnh giảng đài hoặc ở giữa cung thánh (EV, số 17). Lúc ấy, đèn nhà thờ được thắp sáng, ngoại trừ các đèn bàn thờ chỉ được thắp sáng ngay trước khi xướng hát Kinh Vinh Danh (Gloria) (EV, số 17 và 31).

"Trước khi công bố Tin Mừng Phục Sinh, linh mục trao nến của mình cho một trong các thừa tác viên, và làm phép hương như khi ngài làm phép hương trước lúc đọc Tin mừng trong Thánh lễ. Sau khi xin và nhận phép lành, thầy phó tế công bố Tin Mừng Phục Sinh từ giảng đài hoặc đài đọc sách. Văn bản thi ca này ghi lại toàn bộ mầu nhiệm Phục Sinh, được đặt trong bối cảnh của nhiệm cục cứu độ. Trong trường hợp không có thầy phó tế, linh mục hay một linh mục đồng tế khác có thể công bố Tin Mừng Phục Sinh. Tuy nhiên, nếu một ca viên giáo dân công bố Tin Mừng này, thì bỏ qua các chữ “Anh chị em rất thân mến” và lời chào “Chúa ở cùng anh chị em” (số 18-19). Việc nhắc Hội đồng Giám mục có thể thích ứng văn bản bằng cách chèn các điệp ca cho tín hữu, không còn được nói đến nữa.

"Phụng vụ Lời Chúa

"Một trong các khía cạnh độc đáo của Đêm Canh Thức Phục Sinh là kể lại các sự kiện xuất sắc của lịch sử cứu độ. Các sự kiện này liên quan đến bảy bài đọc trong Cựu Ước được chọn từ luật và sách các ngôn sứ, và hai bài đọc Tân Ước, cụ thể là từ thánh thư của các tông đồ và từ Tin Mừng. Như vậy, Thiên Chúa ‘bắt đầu từ ông Môsê và các ngôn sứ’ (Lc 24,27,44-45) gặp gỡ chúng ta một lần nữa trong hành trình của chúng ta, mở lòng trí chúng ta, chuẩn bị cho chúng ta chia sẻ trong việc bẻ bánh và uống Máu thánh. Các tín hữu được khuyến khích suy niệm về các bài đọc này bằng cách hát thánh vịnh đáp ca, tiếp theo là sự thinh lặng vắn, và sau đó là lời nguyện của chủ tế. Sách Lễ Missale đưa thêm một câu về chín bài đọc được đề nghị, nói rằng 'tất cả các bài phải được đọc nếu có thể thực hiện được, để đặc tính của buổi Vọng Phục sinh, vốn diễn ra trong một thời gian dài, có thể tuân giữ được' (EV, số 20).

"Mặc dù vậy, Sách Lễ Missale mới thừa nhận rằng "khi các hoàn cảnh mục vụ nghiêm trọng đòi hỏi, số lần đọc các bài Cựu Ước có thể được giảm xuống" (EV, số 21). Ít nhất ba bài đọc Cựu Ước phải được đọc, trong đó có Xuất hành 14 (EV, số 21). Quy chiếu được tìm thấy trước đây trong Sách Lễ Missale cũ, về khả năng chỉ có hai bài đọc Cựu Ước trong trường hợp nhất thiết, đã được xóa bỏ.

"Sách Lễ Missale nói rõ về việc linh mục xướng hát Alleluia trước bài Tin Mừng: "Rồi sau bài thánh thư, mọi người đứng lên. Linh mục long trọng hát xướng ‘Alleluia’ và cộng đoàn lặp lại theo giọng được xướng. Xướng ‘Alleluia’ ba lần, mỗi lần lên giọng cao hơn. Rồi ca viên hát thánh vịnh 117 và cộng đoàn đáp lại bằng lời Alleluia (EV, số 34) cho mỗi đoạn thánh vịnh. Các tông đồ thường trích dẫn thánh vịnh này trong bài giảng về Chúa Phục Sinh' (Cv 4,11-12, Mt 21,22, Mc 12,10, Lc 20,17).

"Sách Lễ Missale hướng dẫn rõ ràng rằng bài giảng, ngay cả khi nó ngắn gọn, là không thể bỏ qua (EV, số 36). Điều này đòi hỏi người giảng lễ phải chuẩn bị kỹ lưỡng và soạn bài giảng như thế nào, để nắm bắt được các mầu nhiệm lớn lao đang được cử hành trong đêm cực thánh này.

Phụng vụ Thánh tẩy

"Sách Lễ Missale đã tổ chức lại các chữ đỏ cho toàn bộ phần này của Đêm canh thức (số 37-58). Tuy nhiên, ‘Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn’ nên luôn được tham khảo cùng với các chữ đỏ được đề cập ở đây trong Sách Lễ Missale. Điều này là đặc biệt đúng phép Thánh Tẩy diễn ra bằng cách dìm người xuống nước.

"Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô và của chúng ta được đạt ý nghĩa trọn vẹn, khi nước thánh tẩy được làm phép ở giếng rửa tội, và khi việc ban bí tích khai tâm Kitô giáo cho người lớn, hoặc ít là ban bí tích Thánh tẩy cho trẻ em, được tổ chức trong đêm canh thức Phục Sinh. Ngay cả khi không có người nào được thánh tẩy trong đêm này, việc làm phép nước thánh tẩy nên diễn ra trong các nhà thờ giáo xứ. Ít nhất, phép Thánh Tẩy được tưởng nhớ bằng việc làm phép nước nhằm rảy trên dân chúng.

"Các chữ đỏ mô tả hai trường hợp Thánh Tẩy tại Đêm canh thức. Nếu có một cuộc rước đến giếng rửa tội, các dự tòng được gọi đến và được bõ vú đỡ đầu giới thiệu. Nếu họ là trẻ em, họ được cha mẹ và bõ vú đỡ đầu mang ra trước cộng đoàn. Những người sắp được thánh tẩy, cùng với bõ vú đỡ đầu của họ, được dẫn đầu bởi một thừa tác viên cầm nến Phục Sinh; các thừa tác viên khác, thầy phó tế, và linh mục đi theo sau họ. Cuộc rước này đi kèm với việc đọc hay hát Kinh cầu Các Thánh. Sau đó linh mục nói lời giới thiệu.

"Nếu việc Thánh tẩy diễn ra trong cung thánh, linh mục nói lời giới thiệu và sau đó mọi người đọc hay hát Kinh Cầu Các Thánh.

"Sách Lễ Missale nhắc nhở chủ tế rằng ngài dang tay ra trong khi làm phép nước (EV, số 44).

"Các số từ 48 đến 53 của chữ đỏ cho lễ Vọng Phục Sinh của Sách Lễ Mới Missale Romanum mô tả quá trình của nghi thức khai tâm. Như đã đề cập trước đây, điều quan trọng là phải tham khảo chặt chẽ ‘Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn’ về vấn đề này. Số 48 của chữ đỏ cho buổi Canh Thức Phục Sinh nói rằng sau khi từ bỏ ma quỷ và tuyên xưng đức tin ‘nếu việc xức dầu Dự tòng chưa diễn ra trước đó, như là một phần của các nghi thức chuẩn bị ngay tức thì, việc xức dầu này diễn ra tại thời điểm này’. Lẽ tất nhiên số 32 của ‘Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn’ nêu ra: "Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ chấp nhận việc bỏ xức dầu với dầu dự tòng, cả trong việc cử hành Thánh Tẩy, và trong các nghi thức chuẩn bị tùy chọn cho ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Do đó, việc xức dầu với dầu dự tòng được dành để sử dụng trong giai đoạn dự tòng, và trong giai đoạn Thanh tẩy và Soi sáng, và không đưa vào trong các nghi thức thanh luyện cho ngày Thứ bảy Tuần Thánh, hoặc trong buổi cử hành khai tâm Kitô giáo trong Vọng Phục Sinh, hoặc vào thời điểm khác".

“Số 49 của chữ đỏ cho Vọng Phục Sinh ghi nhận rằng khi có nhiều người chịu Thánh Tẩy, linh mục có thể xin nhắc lại lời hứa Thánh tẩy của tất cả những người hiện diện, ngay sau khi các người sắp được Thánh tẩy tuyên xưng đức tin, cùng với bõ vú đỡ đầu và cha mẹ của họ.

"Việc cử hành phép Thêm sức phải diễn ra trong cung thánh, như được nêu ra trong sách Lễ Nghi Giám mục (Pontifical) hoặc sách Nghi lễ Rôma (Roman Ritual).

Phụng vụ Thánh Thể

"Cần chú ý rằng, đặc biệt trong buổi cử hành Thánh lễ vào ban đêm, phụng vụ không được cử hành cách vội vàng; quả thế, tất cả các nghi thức và ngôn từ phải được diễn tả với đầy đủ ý nghĩa và uy lực của chúng.

"Sách Lễ Missale đã đưa vào chính mình các chữ đỏ được tìm thấy trong các số 241-243 của ‘Nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn’. Các điều này cho phép đọc lời cầu cho các người đã được thánh tẩy và bõ vú của họ trong Kinh nguyện Thánh Thể. Các công thức riêng được tìm thấy trong Sách Lễ Rôma cho mỗi một Kinh nguyện Thánh Thể (EV, số 63). ‘Nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn’ nêu ra rằng các công thức này được tìm thấy trong phần dành cho các Thánh lễ có nghi thức "Khai tâm Kitô giáo: phép Thánh Tẩy".

"Sách Lễ Missale nhắc nhở linh mục rằng, trước khi ngài nói ‘Đây Chiên Thiên Chúa’, ngài có thể đưa ra một nhắn nhủ ngắn gọn cho các tân tòng về việc họ Rước lễ lần đầu, và 'về sự quý giá của một mầu nhiệm lớn lao, vốn là đỉnh cao của sự khai tâm, và trung tâm của đời sống Kitô hữu' (EV, số 64). Trong số 65, chữ đỏ cho Vọng Phục Sinh cho thấy sự ước muốn cho các tân tòng cũng như mọi tín hữu, nếu Giám mục giáo phận đồng ý, được Rước Lễ dưới hai hình.

Một thí dụ về các nhắn nhủ này có thể là lời của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong Đêm Vọng Phục sinh năm 2011:

"Hỡi các con yêu dấu, cha hướng về các con là những người trong đêm vinh quang này, được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần, lần đầu tiên lãnh bánh ban sự sống và chén cứu độ. Xin Mình Máu Chúa Kitô luôn làm cho các con tăng trưởng trong tình bạn của Ngài, và hiệp thông với toàn thể Hội Thánh, xin Mình Máu Chúa Kitô thành của ăn liên tục cho cuộc hành trình đời các con, và lời hứa của bữa tiệc vĩnh cửu trên thiên đàng".

Cuối cùng, một số quy định giáo phận nhắc lại rằng nếu có ứng viên cần được tiếp nhận, tức là các ứng viên Kitô hữu đã rửa tội muốn đi vào hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công Giáo, thì Nghi thức tiếp nhận nên bắt đầu sau nghi thức rảy Nước thánh trên dân chúng và trước lời nguyện tín hữu. (Zenit.org 20-3-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tản mạn đời tha hương: Nhìn lại cuộc dân Việt mở mang bờ cõi.
Lm Giuse Nguyễn Văn Thư
21:14 21/03/2018

Khởi đầu một lịch sử hào hùng



Với tấm bản đồ trước mắt, bà con Việt mình thấy rõ các mốc thời gian tổ tiên chúng ta đã mở mang thêm lãnh thổ. Sau khi hào hùng chống chọi người Tầu phương bắc để bảo vệ lãnh thổ và nền độc lập quốc gia, các ngài đã nhìn xa trông rộng về tương lai dài lâu cho con cháu. Biết lợi dụng mọi hoàn cảnh thuận tiện để sở hữu thêm đất đai.

Hành trình Nam tiến kéo dài gần 700 năm, nâng diện tích lãnh thổ từ ban đầu độc lập đến khi hoàn thành lên 3 lần, từ thế kỷ 11 đến giữa thế kỷ 18, lãnh thổ Việt Nam về cơ bản được hình thành và tồn tại như hiện nay.

Chuyện đổi thay về lãnh thổ là chuyện thường tình trong lịch sử các quốc gia trên toàn thế giới. Sau những đợt chinh chiến dù ngắn dù dài, người thua phải chịu thiệt thòi mọi mặt, kể cả việc mất ít nhiều đất đai. Cụ thể nhất và xảy ra đầu tiên là với trường hợp dân Chiêm Thành, sau những đợt đối đầu nẩy lửa với dân Việt, người Chiêm (nay cũng có tên là người Chăm hay Chăm-pa) đã hoàn toàn thất bại, đất nước suy tàn, dân tộc trở thành ‘người thiểu số’ sống sót cạnh dân Việt Nam.

Thời ‘người hùng’ Chế bồng Nga của họ hùng hổ đem quân ra tấn công ngay vào thành Thăng Long của ta 3 lần từ năm 1377, cướp bóc và bắt đem về nhiều thanh niên thiếu nữ làm nô lệ, khiến lắm người tưởng chừng dân Việt mất nước đến nơi…Dĩ nhiên, với lòng dũng cảm, đoàn kết và khôn khéo, dân ta đã lật ngược thế cờ. Chế bồng Nga tử trận.

Cuộc giao tranh Việt-Chiêm kéo khá dài. Tổng kết lại quá trình tiêu diệt Chiêm Thành như sau:

1. Lê Đại Hành san phẳng kinh đô Indrapura.

2. Lý Thánh Tông hạ Chế Ma Na, sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị. Sau đó Chiêm Thành chịu thần phục nhưng vẫn nhiều lần khởi binh đòi lại đất.

3. Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân và được tặng Huế.

4. Cha con Hồ Quý Ly chiếm lấy Đà Nẵng - Quảng Nam và Quảng Ngãi.

5. Lê Thánh Tông thân chinh hạ kinh đô Đồ Bàn, bắt vua Trà Toàn, lấy đất tới Phú Yên.

6. Nguyễn Phúc Tần tiến sâu vào Nam đến Nha Trang - Khánh Hoà.

7. Nguyễn Phúc Chu bắt vua Chiêm, chiếm đất Bình Thuận. lấy nốt Phan Rí, Phan Rang. Từ nay kể như nước Chiêm Thành bị xóa tên trên bản đồ (cuối thế kỷ 18).

8. Minh Mạng xoá sổ Thuận Thành Trấn, chấm dứt lịch sử nước Chiêm (thế kỷ 19).

Dân mình thích nhắc tới tình sử Huyền Trân công Chúa nhà Trần với vua Chiêm là Chế Mân: Đại Việt và Chiêm Thành đã trải qua những trận chiến liên miên không dứt kéo dài trong hơn 200 năm từ đời nhà Lý đến nhà Trần; chỉ đến khi cùng bị quân Nguyên xâm lược hai bên mới ngừng xung đột, chống kẻ thù chung. Tháng 2 năm Tân Sửu (1301), Thượng hoàng Trần Nhân Tông, người đã cải thiện bang giao với Chiêm Thành, đến thăm Chiêm Thành và được nhà vua Chế Mân đón tiếp nồng hậu. Trước khi về, Thượng hoàng được vua Chiêm xin cưới con gái là Huyền Trân công chúa, và được hứa tặng phẩm là đất đai, để mở rộng bang giao hai nước. Ngài hứa sẽ cứu xét. Từ đó, năm nào Chiêm Thành cũng cử sứ bộ tới Thăng Long xin cầu hôn. Đặc biệt đến năm 1305, khi Chế Mân chính thức đề nghị dâng hai châu Ô, Rí làm của hồi môn, thì nhà Trần không thể chối từ nữa.

Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), Huyền Trân lên thuyền sang Chiêm Thành. Quan quân và dân chúng đến tiễn đưa công chúa rất đông. Truyền thuyết của người Chăm kể lại đích thân Chế Mân ra đón, mặc bộ quần áo màu trắng, giày đen thêu chim thần Garuda. Hôn lễ cử hành suốt ba ngày ba đêm và Huyền Trân đã được Chế Mân phong cho danh hiệu là ‘đệ tam hoàng hậu’ Paramecvari. Nhưng rồi cuộc tình kéo dài chỉ được 11 tháng thì Chế Mân băng hà.

Khi Huyền Trân lên đường sang Chiêm quốc, nhà Trần đã tiếp nhận 2 miền đất trên, rồi đổi thành Thuận-Hóa, cũng là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và phần đất cực bắc của Quảng Nam ngày nay. Dù thời gian có đổi thay, và thế gian không ngớt đặt chuyện thêm bớt châm biếm, nhưng muôn đời Trần Huyền Trân cũng vẫn là một anh thư nước Việt, hy sinh cá nhân để làm lợi cho tổ quốc.

Nam tiến thêm về đất Chân Lạp (Campuchia) :



Gốc nước Chân Lạp màu đỏ
Chân Lạp, nguyên trước là nước Phù Nam (Fu Nan) một quốc gia hùng mạnh theo văn minh Ấn Ðộ, lãnh thổ rộng lớn bao gồm ngoài Cao Miên và Nam Việt ngày nay, còn có thêm Hạ Lào và một phần miền đông biên giới Xiêm La.

Vào giữa thế kỷ thứ 6, người Chân Lạp (tổ tiên người Khmer (Miên) sau này) nổi lên chiếm nước Phù Nam, lần lần làm bá chủ, định đô ở Angkor. Sau thì nội bộ Chân Lạp chia rẽ vì tranh giành ngôi vua. Ðến đầu thế kỷ thứ 8, Chân Lạp chia thành hai nước: Lục Chân Lạp (Cambhupura) và Thủy Chân Lạp (Viadhapura). Một thế kỷ sau hợp nhất lại thành đế quốc Khmer cho đến giữa thế kỷ 15.

Kéo dài chiến tranh với Chiêm Thành trên một thế kỷ, tiếp đến đụng độ với các chúa Nguyễn (Đàng Trong), nội bộ xâu xé chia rẽ, lúc ngả theo Xiêm La, lúc theo về Việt Nam, nên đất nước Chân Lạp biến thành bãi chiến trường giữa hai nước lớn này.

Riêng chúa Nguyễn Phúc Tần đã có lần đem 3000 quân xuống đánh nhau với vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân. Vua này bị bắt, được tha về, nhưng buộc phải triều cống và tạo điều kiện cho lưu dân Việt tới sinh sống tại vùng Đồng Nai, Sai gon, Bà Rịa ngày nay. Sau khi Ông Chân qua đời, chúa Nguyễn đã giúp một hoàng thân Chân Lạp là Batom Reachea lên ngôi. Đáp lại, vị vua mới của Chân Lạp đã ký hiệp ước triều cống chúa Nguyễn hàng năm, và cho phép người Việt được làm chủ vùng đất đã khai khẩn trước. Thế là dân Việt ta chính thức có thêm đất từ Chân Lạp.

Kế đó, là cuộc hôn nhân giữa công chúa Ngọc Vạn (con chúa Nguyễn phúc Nguyên) và vua Chân Lạp Chey Chetta II năm 1620; nó không trực tiếp đem đến cho Đại Việt một phần đất đai nào, nhưng giúp rất nhiều cho cuộc di dân xuống phương nam của người Việt thời bây giờ. Nhờ cuộc hôn nhân này, mà chúa Nguyễn có thể lập được các trạm thu thuế đầu tiên ở vùng Gia Định, Biên Hòa. Nó xác định chủ quyền ở vùng đất Đông Nam bộ.

Việc khai phá mở mang tốt đẹp lại được nối tiếp lan rộng xuống vùng Mỹ Tho. Rồi sự đóng góp của hai nhóm Trung Hoa tỵ nạn Dương Ngạn Ðịch và Trần Thượng Xuyên (trốn nhà Thanh bên Tầu), là những món quà hiến dâng các chúa Ðàng Trong. Sau nữa, việc Mạc Cửu (cũng trốn nhà Thanh) đã dâng đất Hà Tiên, là thêm một tặng phẩm chiến lược độc nhất vô nhị. Uy quyền triều đình Thuận Hóa-Phú Xuân từ đây tỏa rộng từ Tiền Giang, Hậu Giang đến vịnh Xiêm La. Nhờ Hà Tiên dinh trấn, thế lực chúa Nguyễn còn đi xa hơn.[Mạc Cửu, người Quảng Ðông, buôn bán kinh doanh phát đạt, tập họp lưu dân lập thành bảy xã ở Hà Tiên, thấy Chân Lạp nổi loạn liên miên bèn dâng đất Hà Tiên, thần phục triều đình Thuận Hóa-Phú Xuân]. Chúa Nguyễn Phúc Chu phong cho Mạc Cửu chức Tổng binh trấn Hà Tiên, làm phiên thuộc (tự trị), tiếp tục công việc khai hóa Hà Tiên; quan trọng hơn cả, là công tác canh chừng và ngăn chặn ảnh hưởng Xiêm La.

Tượng đài Mạc Cửu
Từ quá trình lịch sử trên đây, không thể quan niệm một cách đơn giản rằng chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ là do chiếm của Chân Lạp. Chứng cứ lịch sử cho thấy quốc gia đầu tiên trên đất này là Phù Nam, mà cư dân chủ yếu là người Protomalais, đến đầu thế kỷ thứ VII mới bị Chân Lạp tiến công tiêu diệt. Tuy nhiên, Chân Lạp đã không có điều kiện để quản lý và khai thác vùng đất này. Sự sầm uất, trù phú của Nam Bộ là công lao khai phá của các nhóm cư dân chủ yếu là người Việt từ thế kỷ 17. Chúa Nguyễn là người bảo hộ cho quá trình khai phá này và việc khẳng định quyền quản lý lãnh thổ là một hệ quả tự nhiên.

Quá trình thụ đắc vùng đất Nam Bộ của chúa Nguyễn chính yếu thông qua việc khai phá hoà bình, kết hợp với đàm phán ngoại giao, để khẳng định chủ quyền. Đó là phương thức được thừa nhận là phù hợp với thông lệ lịch sử và các văn bản quốc tế hiện hành. Thế kỷ 18 là thời gian nước Chân Lạp chính thức mang tên là Cao Miên (Campuchia). Lúc này họ chỉ còn phần đất ‘cao’: lục Chân Lạp, còn thủy Chân Lạp đã do dân Việt quản lý.

Sát nhập Tây Nguyên



Từ thời các chúa Nguyễn, các bộ lạc ở Tây Nguyên mà mạnh nhất là bộ tộc người Gia Rai với các vị tiểu vương Thủy Xá, Hỏa Xá đã từng triều cống chính quyền Đàng Trong. Trước đây khu vực này là vùng độn giữa các nước Chiêm Thành và Chân Lạp, nó không thực sự thuộc về bên nào, mà khi thì thuộc Chiêm Thành, khi thì Chân Lạp, thậm chí có lúc một phần thuộc về Ai Lao, tùy thuộc vào sức mạnh từng thời kỳ của các nước này

Vào năm 1830, vua Minh Mạng sát nhập vùng đất Tây Nguyên ngày nay và đưa vào bản đồ Đại Nam, mặc dù không hề có người ‘Kinh’ sinh sống, cũng như quan Việt cai trị. Tây Nguyên lúc đó được xem là vùng tự trị của Việt Nam. Ngày nay, Kinh Thượng một nhà. Cùng chung tay xây dựng đất nước.

Các sắc dân thiểu số lớn tại phương nam nay là Trung Hoa, Chàm, Kmer và người ‘Thượng’Tây nguyên.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Tháng Ba Đà Nẵng Và Chữ Ngài
Trà Lũ
09:22 21/03/2018
Trên đất Bắc Mỹ chúng ta vừa mừng xuân Mậu Tuất, nhiều người bảo đây là mùa xuân ảo, vì là mùa xuân trong lòng. Tết thật chỉ có ở quê hương, còn ở đây ngày tết là ngày trọng đông tràn đầy tuyết. Tôi ở Canada đã lâu mà chưa bao giờ trời lạnh như năm nay. Trời đổ tuyết ngập đường, thành phố vừa quét dọn xong thì sang hôm sau lại tuyết nữa, lần này tuyết cao như núi. Cứ thế cứ thế. Thấy tôi than về tuyết thì anh John bảo : Tháng Hai là tháng giữa mùa đông, trời mà không đổ nhiều tuyết như vậy thì dân da trắng sẽ kêu, dân mê trượt tuyết sẽ than. Tết VN năm nay đẹp qúa, nó ở vào giữa một tháng có 4 tuần đều nhau đep tuyêt vời, các nhà làm lịch cho biết cứ 823 năm mới có một năm mà tháng Hai đẹp cân đối như thế : 4 ngày chủ nhât, 4 ngày thứ hai, 4 ngày thứ ba...

Ông ODP bồ chữ trong làng tôi nói tiếp : Tháng Hai thì đẹp như vậy, còn tháng Ba thì sao đây ? Anh John trả lời ngay : Tháng Ba là tháng sẽ hết tuyết để chuẩn bị bước vào mùa xuân. Ngày 11 tháng Ba là ngày cả nước vặn đồng hồ lên một giờ, báo cho nhân gian ngày nắng ấm đang tới. Cùng với việc vặn đồng hồ trên tường, tôi đã nhìn thấy đồng hồ dưới đất trước nhà tôi cũng đang báo tin y như vậy. Các cụ có biết cái đồng hồ này của tôi chưa, hình như mấy năm trước tôi có khoe với các cụ rồi mà. Thưa, đó là mấy ngọn hoa xuyên tuyết bé nhỏ đang chui tuyết lên. Tôi yêu những cây hoa này hết sức. Tôi không biết tên khoa học của nó là gì, bạn bè tôi ai cũng gọi là ‘ Hoa Xuyên Tuyết’. Qủa nó xuyên tuyết thật các cụ a. Nó thuộc loại cỏ lưu niên, nhỏ như cây rau răm, cứ giữa tháng ba, khi tuyết chỉ còn là những lớp trắng mong manh trên mặt đất thì nó chui qua lớp tuyết này hiện ra. Đầu tiền là cái đầu xanh xanh nhú lên, mấy hôm sau thì cái đầu xanh xanh này tỏa ra mấy đầu lá non, mấy hôm sau thì lấp ló một đầu hoa hiện ra. Rồi cây hoa hiện hình, rồi bông hoa trắng lung linh. Chao ơi là đẹp là thơ. Mà loại hoa này mọc thành từng nhóm, gió xuân hây hây đùa với lá xanh xanh với cánh hoa trắng trắng. Nhữnh cụm hoa trắng bé nhỏ, mong manh và tinh khiết này mới đẹp làm sao !

Ông ODP noí tiếp : Đúng là thiên nhiên đang bước vào mùa xuân, còn lòng người thì không biết có bước vào mùa xuân hay không. Tôi vừa được đọc một bài bái rất hay của tác giả Nguyễn Tiến Hưng, đề là ‘ Bốn bước ngoặt của bang giao Việt Mỹ gắn liền với Đà nẵng’.

Các cụ biết Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng chứ. Ông Giáo Sư này đã là phụ tá đắc lực cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thời 1974 và 1975, ông biết rất nhiều chuyện, đã viết rất nhiều sách. Nhân chuyện thời sự đại mẫu hạm Carl Winson viếng thăm Đà Nẵng 4 ngày trong tháng Ba vừa qua , GS Hưng đã nhắc tới các biến cố lịch sử :

- Tháng 3 năm 1965, Mỹ đem quân đổ bộ tại hải cảng Đà nẵng, chính thức tham chiến ở VN.

- Tháng 3 năm1973, hiệp định Paris được ký kết, và quân đội Hoa Kỳ chính thức hết tham chiến, đã chính thức hạ cờ tại Đà Nẵng và rút khỏi VN .

- Tháng 3, 1975, Toà lãnh sự Mỹ đóng cửa hoàn toàn và rút lên tàu từ Đà Nẵng vế nước.

- Tháng 3 năm 2018, Hàng không mẫu hạm khổng lồ Carl Winson tới thăm Đà Nẵng, ban quân nhạc của mẫu hạm đã lên sinh hoạt văn nghệ với dân chúng, đã có một ca sĩ hải quân Mỹ hát bài Nối Vòng Tay Lớn của Trịnh Công Sơn.

GS TS Nguyễn Tiến Hưng kể xong các sự kiện trên đây rồi hỏi : Cái gì sẽ xảy ra cho Việt Nam đây? Xưa nay chưa hề có hàng không mẫu hạm đến VN. Trong cuộc chiến 1965-75, hải quân Mỹ có tham chiến ở VN, nhưng các tàu sân bay không đến VN mà đậu ở Subic bên Phi Luật tân, hay tại Yokosuka bên Nhật. Nay tàu Carl Winson khổng lồ không vào Phi Luật Tân hay Nhật Bản nữa mà vào thẳng Việt Nam. Trung Cộng giận lắm việc này. Hoa Kỳ muốn nói gì với VC và TC đây ?

Cụ Chánh tiên chỉ làng đã xin góp ý kiến ngay : Sự thực hiển nhiên ai cũng thấy là Hoa Kỳ muốn tự do hàng hai ở Biển Đông, không muốn để Trung Cộng chiếm độc quyền Biển Đông. Cầu mong cho VC biết khôn ngoan trong việc này. Hy vọng VC học được bài học quá khứ .

Ông ODP xin góp ý : Cụ nói rất đúng, kinh nghiệm giao dịch với Mỹ trong cuộc chiến 1960-75 cho Miền Bắc và Miền Nam rất nhiều bài học.

Miền Nam VN đã bị Mỹ nuốt lời hứa và bỏ rơi không thương tiếc, dù Mỹ đã hứa với Tổng thống Thiệu là bọn Hà Nội mà ngo ngoe sau hiệp định Paris 1973 thì Mỹ sẽ dùng B52 trị chúng nó ngay. Tháng 4.1975, Bộ Trưởng Kế Hoạch Nguyễn Tiến Hưng đã đưa các văn thư này sang tận Hoa Kỳ. Nhưng chính giới Hoa Kỳ đã lắc đầu từ chối giúp vì lời hứa này đã không được quốc hội thông qua ! Đó là đối với Miền Nam.

Còn đối với Miền Bắc, Mỹ đã hứa là nếu các anh ký và thi hành đúng hiệp định này, nghĩa là đình chiến và thả hết các tù binh Mỹ đang bị các anh giam giữ thì Mỹ sẽ viện trợ ngay cho các anh 4 tỷ mỹ kim để các anh tái thiết miền Bắc. Thời 1973, con số 4 tỷ to lắm, cộng với lời thề sống chết của Kissinger và Nixon, Bắc Việt đã ký hiệp định.

Sau khi nhận xong người lính Mỹ tù binh cuối cùng, Mỹ lờ hẳn 4 tỷ đã hứa, viện cớ là các anh đã không tôn trọng hiệp định, các anh đã tiếp tục đánh phá Tây nguyên của Miền Nam. Ha ha, Bắc Việt đã bị Kissinger và Nixon lừa một cú ngoạn mục, đau hơn hoạn, do đó Bắc Việt mới nổi điên dốc toàn lực vào chiếm miền Nam, mới chửi Mỹ hết lời.

Ngày 30.4.1975 Trịnh Công Sơn ôm đàn lên đài phát thanh Saigon hát bài Nối Vòng Tay Lớn, ngợi ca ngày thống nhất nam Bắc một nhà. Sau mấy năm bị VC hắt hủi, Trịnh Công Sơn mới mở mắt, mới thấy mình đã bị lừa, và Miền Nam ngây thơ nên đã bị VC bỏ tù cả nước

Tháng Ba vừa qua, tại cảng Đà nẵng, nhóm văn nghệ của tàu Carl Winson cũng đã hát bằng tiếng Việt bài ca Nối Vòng Tay lớn của Trịnh Công Sơn, chắc họ mong Việt Nam sẽ nối vòng tay lớn với Hoa Kỳ chăng ?

Lại tháng Ba, lại Đà Nẵng, cáí gì sắp xảy ra, thưa các cụ?

Cụ B.95 lên tiếng. Cụ không muốn nghe những chuyện nhức đầu này nữa. Cụ đòi nghe những chuyện vui cơ. Bèn có ngay. Làng tôi quen với cái khung sinh hoạt này rồi. Anh John nói :

- Tháng trước tôi đã kể cho cả làng về câu thơ : Anh ca em hát u ơ, Anh ca em hát em rờ cu anh

Câu thơ này khi viết xuống theo thể chính tả thì không viết như trên mà chỉ ghi bằng một chữ cho mỗi tiếng mà thôi:

N K M H U Ơ, N K E M H M R Q N.

Lần trước khi đọc câu thơ này thì câu thơ bị chê là có ý tục. Hôm nay tôi không đọc thơ tục nữa mà nói về con số . Chuyện kể rằng có hai người bạn thân nhau lắm. Sau 1975 họ bị lạc nhau, mãi rồi họ mới tìm được nhau ở Canada.

- Anh A mới bảo anh B rằng : Xứ này đâu có khan hiếm nước mà sao mày sẻn so quá vậy ?

- Anh B hỏi lại : Mi nói cái chi, tao sẻn so nước hồi nào ?

- Anh A đáp ngay : Thì cái số điện thoại của mi cho tao biết việc đó. Này nha, cái số điện thoại của mày, 254-3508, rõ ràng là ‘ hai năm bón, 3 năm không tắm’ . Đúng không nào ? Anh B biết là bị thằng bạn trêu nhưng không cãi lại được.

Có cụ nào giúp bạn tôi đối lại được cái tên A này không ?

Ông ODP thích cái lối phát âm về con số này quá, liền nói : Tôi giúp được.

- Nếu tôi là anh A thì sẽ hỏi thằng B rằng : Tao đố mày biết con số 8 chia hai là mấy. Dĩ nhiên thằng B sẽ đáp ngay : 8 chia 2 là 4, đứa bé lớp mẫu giáo cũng biết phép chia này.

- Lúc đó bạn sẽ cười mà bảo thằng bạn B : Mày hãy nhìn vào hình số 8 ghi trên giấy mà coi. Tao không thấy số 4 ở đâu cả, mà chỉ thấy 2 số 0 chồng lên nhau nếu cắt ngang con số 8, và thấy 2 con số 3 đứng nhìn nhau nếu chia hai bằng một đường dọc từ trên xẻ xuống dưới.

Anh John nghe đến đây thì thích quá. Anh bảo con số 8 này hay quá. Nó hay y như con số 6 mà anh nhớ được khi học về thuyết tương đối. Ngày xưa khi học về câu : sự thực ở hai bên một ngọn núi là 2 sự thực khác nhau. Minh chứng : ta hãy viết chữ A và chữ B, rồi chen vào giữa 2 chữ này con số 6, số 6 này viết ở dạng nằm. Anh A nhìn con số này và bảo nó là con số 6, nhưng Anh B nhìn con số này và bảo nó là số 9. Ai đúng ai sai đây, thưa các cụ ?

Cụ B.95 nghe đến đây lại thốt lên : Lão cứ tưởng chỉ có chuyện chính trị mới nhức đầu, ai dè chuyện con số cũng nhức đầu luôn. Anh John đâu, cho lão nghe một chuyện cười đi. Xưa nay lão nghe các chuyện cười thì toàn thấy là chuyện cườì có gốc VN. Hôm nay Anh thử cho lão nghe một chuyện cười có gốc Canada coi. Anh John nghĩ một lúc rồi gật đầu. Đây là một chuyện rất Canada, đầy mầu sắc Canada nha : Rằng có một cặp vợ chồng xồn xồn kia, đẻ được một đứa con gái rồi ít lâu sau ly dị. Theo luật Canada thì người chồng đi làm phải cấp dưỡng cho đứa con tới khi nó đủ 18 tuổi. Bữa đó là ngày sinh nhật đứa con chẵn 18 tuổi, anh chồng viết cái cheque cấp dưỡng cuối cùng, đưa cho đứa con gái rồi nói : Con về đưa cho mẹ cái này và nói : bố bảo đây là cái cheque cuối cùng. Con đưa cheque này và nhớ quan sát mặt mẹ xem phản ứng ra sao rồi về kể cho bố nghe. Cô con gái đã làm y như lời bố dặn, và cũng kể luôn cho mẹ hết những lời bố nói. Tuần lễ sau, cô con gái thuật cho bố nghe phản ứng của mẹ nó như thế này : Mẹ đã cầm tấm cheque con đưa, mẹ cười rồi bảo : Con hãy về nói với bố rằng ngay từ đầu bố không phải thực sự là bố của con !

Cụ B.95 nghe xong chuyện này vẫn kêu là chuyện nhức đầu. Cụ quay vào Cụ Chánh cầu cứu. Cụ Chánh cười hà hà rồi nói : Sáng nay đi lễ, tôi cũng bị nhức đầu. Ai cũng ngạc nhiên vì xưa nay dự lễ là thời gian nghe lời Chúa, nghe lời cha chủ tế giảng, và nghe những lời hát thánh ca êm ái, tại sao cụ lại nhức đầu. Cụ nóí ngay : Lâu nay đi nhà thờ, nghe đọc lời Chúa trong Thánh Kinh, nghe lời cha chủ tế giảng, lão có sốt sắng, nhưng cũng tại nhà thờ, trong buổi lễ có nhiều bài thánh ca làm lão chia trí và suy nghĩ, vì nhiều bài thánh ca trong đó có những lời cầu xin trực tiếp với Chúa, nói theo văn phạm là kêu Chúa ở ngôi thứ hai, tiếng Anh là YOU, tiếng Pháp là TU, trong tiếng Việt phải kêu là Chúa ơi, Cha ơi, thế nhưng rất nhiều bài ca tiếng Việt đã kêu Chúa là NGÀI, như Ngài ơi, xin đừng bỏ con, Ngài ơi xin nghe tiếng con nguyện Tiếng Ngài này chói tai vì đã dùng sai. Nào có ai gọi bố mẹ của mình là Ngài bao giờ đâu! Khi ở dạng ngôi thứ ba thì được, nhưng ở dạng ngôi thứ hai là người mà ta đang nói trực tiếp với, thì chữ Ngài sai hoàn toàn vì nó mang nghĩa xa lạ và khách sáo. Thế nhưng, than ôi, trong sách hát nhà thờ thì có rất nhiều bài kêu Chúa gọi Chúa là Ngài. Sao lại sai như thế được ! Tôi có hỏi một vị linh mục thì được trả lời : Đây là thói quen lâu đời, không sửa đươc nữa. Tôi hoàn toàn không đồng ý với lời giải thích này. Đã sai thì phải sửa, lâu đời mấy cũng phải sửa. Không biết ủy ban thánh nhạc của Hội đồng giám mục VN có để ý tới việc này không ?

Tôi xin ghi ý của cụ già trong làng tôi để trình các vị có thẩm quyền. Chẳng lẽ chúng ta gọi bố mẹ mình là NGÀI sao ?

TRÀ LŨ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Rừng Cây Cuối Đông
Dominic Đức Nguyễn
08:51 21/03/2018
RỪNG CÂY CUỐI ĐÔNG
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Cuối đông rừng vẫn khô cằn
Chờ mùa xuân đến đầy tràn lá xanh.
(bt)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 22/3/2018
VietCatholic Network
15:27 21/03/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư ngày 21 tháng 3, 2018.

2- Đức Thánh Cha Phanxicô: Ngắm nhìn Tượng Chúa Chịu Nạn chữa lành trái tim bị nhiễm độc của chúng ta.

3- Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh tại một nhà tù gần Vatican.

4- Đức Thánh Cha khai mạc tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ.

5- Đức Thánh Cha tấn phong Tổng Giám Mục cho ba vị tân Sứ thần Tòa Thánh.

6- Đức Thánh Cha viết thư riêng cho người dân Argentina.

7- 5 lời gói gọn những nét nổi bật của triều đại Giáo hoàng Phanxicô.

8- Giáo Hội Công Giáo Úc tổ chức Công Đồng lần đầu tiên trong 80 năm.

9- Niềm Tin Yêu và Hy Vọng Của Các Nữ Tu Việt Nam đang học chương trình tiến sĩ tại Hoa Kỳ.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Lặng.

Xin mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 22/03/2018: Đức Thánh Cha buồn bã trước những lời chỉ trích
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:59 21/03/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha tấn phong Tổng Giám Mục cho ba vị tân Sứ thần Tòa Thánh

Sáng thứ Hai 19 tháng Ba, Lễ Thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để tấn phong 3 Tổng Giám Mục mới.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc nhở về sự kế truyền tông đồ liên tục của các Giám Mục trong truyền thống sinh động của Giáo Hội, nhờ đó sứ vụ và hoạt động của Chúa Cứu Thế tiếp tục và phát tiển cho đến tận thế.

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ các tiến chức rằng nghĩa vụ trên hết của các Giám Mục là cầu nguyện.

Các tân chức gồm có Đức Tân Tổng Giám Mục Waldemar Stanisław Sommertag, linh mục Giáo phận Pelplin (Ba Lan) sinh ngày 6 tháng 2 năm 1968 tại Więcbork (Ba Lan), thụ phong linh mục vào ngày 30 tháng 5 năm 1993. Ngài được tấn phong Tổng giám mục hiệu tòa Maastricht và được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Nicaragua từ ngày 15 tháng 2 năm 2018.

Đức Tân Tổng Giám Mục Alfred Xuereb, linh mục Giáo phận Gozo (Malta), sinh ngày 14 tháng 10 năm 1958 tại Gozo (Malta), thụ phong linh mục vào ngày 26 tháng 5 năm 1984. Ngài được tấn phong Tổng Giám Mục hiệu tòa Amantea và được bổ nhiệm Sứ thần Tòa Thánh tại Hàn Quốc và Mông Cổ từ ngày 26 tháng 2 năm 2018.

Đức Tân Tổng Giám Mục José Avelino Bettencourt, linh mục Tổng Giáo phận Ottawa (Canada), sinh ngày 23 tháng 5 năm 1962 tại Azores (Bồ Đào Nha), thụ phong linh mục vào ngày 29 tháng 5 năm 1993. Ngài được tấn phong Tổng Giám Mục hiệu tòa Novigrad và được bổ nhiệm Sứ thần Tòa Thánh tại Georgia và Armenia ngày 26 tháng 2 năm 2018.

Hai vị phụ phong với Đức Thánh Cha trong buổi lễ là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo. Đồng tế với ngài có hơn 60 Hồng Y, Giám Mục và khoảng 150 linh mục, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu.

2. Khóa họp tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ

Lúc 9 giờ sáng 19 tháng Ba, Đức Thánh Cha đến Học viện Mẹ Giáo Hội là chủng viện của Con đường Tân Dự Tòng cách Vatican khoảng 5 cây số để khai mạc Khóa họp tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ.

Trong diễn văn khai mạc, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của việc lắng nghe người trẻ, ơn Chúa gọi, và ngài mời gọi họ hãy phát biểu trong tự do những ý kiến trong tuần gặp gỡ này. Ngài nói:

“Các bạn được mời như những đại diện giới trẻ thế giới vì sự đóng góp của các bạn không thể thiếu được. Chúng tôi cần các bạn để chuẩn bị Thượng Hội đồng sẽ tập hợp các Giám Mục về Rôma để thảo luận về đề tài ‘Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi’. Trong lịch sử Giáo Hội, cũng như trong nhiều giai thoại Kinh Thánh, Thiên Chúa đã nhiều lần nói qua người trẻ: ví dụ tôi nghĩ đến Samuel, David và Daniel. Cũng thế, tôi tin rằng trong những ngày này Chúa cũng sẽ nói qua các bạn.”

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng “Để có cùng làn sóng với các thế hệ trẻ, cần có một cuộc đối thoại khẩn trương. Vì thế tôi mời gọi các bạn trong tuần này hãy thẳng thắn bày tỏ một cách hoàn toàn tự do. Các bạn giữ vai chính và điều quan trọng là các bạn hãy nói một cách cởi mở. Tôi cam đoan rằng sự đóng góp của các bạn sẽ được coi trọng. Ngay từ bây giờ tôi cám ơn các bản và xin các bạn đừng quên cầu nguyện cho tôi”.

3. Các Giám Mục Ba Lan tiếp tục bác bỏ khả thể cho người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ

Hội nghị toàn thể của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan được tổ chức nhân kỷ niệm năm thứ 5 cuộc bầu cử Đức Phanxicô vào ngôi Giáo Hoàng vừa kết thúc

Kỷ niệm 100 năm ngày độc lập của Ba Lan, Thượng Hội đồng về Giới trẻ và Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, hôn nhân và gia đình, dự án “Chặn đứng phá thai”, quan hệ Ba Lan -Do Thái và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Cơ quan Thông tin Công Giáo Ba Lan (KAI) là chủ đề của Đại hội toàn thể lần thứ 378 của Hội đồng Giám mục Ba Lan ở Warsaw, diễn ra trong hai ngày 13 và 14 tháng 3 vừa qua.

Hội nghị khoáng đại đã do Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, chủ tọa. Hiện diện trong hội nghị này còn có Đức Tổng Giám Mục Salvatore Pennacchio, Sứ thần Tòa Thánh tại Ba Lan, và các đại diện của các Hội Đồng Giám Mục từ Belarus, Cộng Hòa Tiệp, Kazakhstan, Latvia, Moldova, Đức, Scandinavia, Ukraine, Hung Gia Lợi, và Italy.

Hội nghị toàn thể Hội Đồng Giám mục Ba Lan đã được triệu tập vào dịp kỷ niệm 5 năm cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nhân dịp này, các giám mục Ba Lan đã cử hành Thánh Lễ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha tại Đền Thờ Chúa Quan Phòng tại Warsaw, do Đức Tổng Giám Mục Salvatore Pennacchio chủ sự, với sự tham dự của đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan ngoại giao và đông đảo các tín hữu. Các Đức Giám Mục đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha vì sự quan tâm liên tục của ngài đối với Giáo Hội tại Ba Lan, việc phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II, và chuyến tông du Ba Lan nhân Ngày Giới trẻ Thế giới tại Krakow và các giáo huấn mục vụ.

Về lễ kỷ niệm 100 năm giành lại độc lập của Ba Lan, các Giám Mục đã suy tư về vai trò của Giáo Hội trong sự phát triển tinh thần của người dân Ba Lan và trong việc phát triển căn tính quốc gia “Ba Lan” trong thời kỳ nước này bị sống trong tình trạng nô lệ ngoại bang. Các Giám Mục đã chú ý tới tầm quan trọng của Giáo Hội Công Giáo trong việc giữ gìn các giá trị quốc gia trong thời kỳ nô lệ và đánh giá cao lòng sùng kính của người Ba Lan.

Các Giám mục cũng thảo luận các sáng kiến mục vụ liên quan đến Thượng Hội Đồng về Thanh Niên và tình hình chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Panama. Trong các cuộc tranh luận, các ngài cũng đã thảo luận cách sâu sắc về các hình thức chăm sóc hôn nhân và gia đình dưới ánh sáng của Tông Huấn Amoris Laetitia. Các Giám Mục tái khẳng định một lần nữa quyết tâm của các ngài giữ gìn giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, bác bỏ khả thể cho những người ly hôn và tái hôn dân sự được rước lễ, trừ phi họ sống với người phối ngẫu mới một cách khiết tịnh. Tuy nhiên, các Giám mục kêu gọi các linh mục đồng hành và quan tâm nhiều hơn đến các trường hợp khó khăn trong hôn nhân, cả trên con đường trung thành với các bí tích của họ và trong sự phân định các tình huống bất thường của họ. Nhắc lại sự cần thiết phải tôn trọng vô điều kiện sự sống con người trong tất cả các khoảnh khắc của cuộc đời, các Giám mục kêu gọi các nhà lập pháp tiến hành ngay dự án “Chặn đứng phá thai”.

Liên quan đến vấn đề về quan hệ Ba Lan-Do Thái, các Giám mục nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại dựa trên sự thật, sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Các ngài nhấn mạnh rằng tất cả các hình thức bài Do Thái là mâu thuẫn với các nguyên tắc yêu mến người lân cận của Kitô giáo. Các ngài cũng chỉ ra thái độ anh hùng của những người Ba Lan, có nguy cơ mất mạng sống, trong khi giúp những người Do Thái bị khủng bố trong Thế chiến thứ Hai.

Hội Đồng Giám mục Ba Lan cũng bày tỏ lòng biết ơn Cơ quan Thông tin Công Giáo Ba Lan (gọi tắt là KAI) trong 25 năm hoạt động vừa qua. Cuối cùng, các giám mục đã cảm ơn các linh mục vì sự phục vụ quảng đại của các ngài trong Mùa Chay và mong muốn tất cả các tín hữu cảm thấy hạnh phúc trong thời gian này. Đối với Lễ Phục Sinh sắp tới, các ngài cầu chúc các tín hữu qua việc cử hành sự phục sinh của Chúa Kitô sẽ được tràn đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần.

4. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ca ngợi các thành quả của phong trào Focolare

Thứ Tư 14 tháng Ba là ngày kỷ niệm 10 năm qua đời của chị Chiara Lubich, người phụ nữ Công Giáo Ý nổi tiếng đã thành lập Phong trào Focolare trên toàn thế giới để canh tân tinh thần và xã hội nhằm xây dựng một thế giới hiệp nhất hơn dựa trên lòng tôn kính lẫn nhau và sự tôn trọng những khác biệt.

Chị Chiara Lubich qua đời vào ngày 14 Tháng 3 năm 2008, tại trụ sở của phong trào tại Rocca di Papa, gần Rôma, sau một thời gian dài bệnh tật.

Nhũ danh là Silvia Lubich, chị sinh ra ở Trent, miền bắc Ý, vào ngày 22 tháng 1 năm 1920. Trong Thế chiến II, trong khi bom đạn đổ xuống thị trấn quê hương của mình, cô gái 23 tuổi Lubich có một cảm nghiệm tôn giáo mạnh mẽ, và cô quyết định dâng hiến cuộc đời mình để phụng sự Chúa.

Vào ngày 7 tháng 12 năm 1943, cô đổi tên mình thành Chiara, theo tên của Thánh Clara thành Assisi. Ngày này được coi là khởi đầu của phong trào Focolore, nghĩa là Tổ Ấm.

Thông qua Focolare (các cộng đồng nhỏ của các giáo dân tình nguyện), cô góp phần tăng cường sự hiệp thông trong Giáo Hội Công Giáo và cổ vũ sự hiệp nhất Kitô giáo, đối thoại liên tôn và đối thoại với văn hoá đương đại. Ngày nay trong số các thành viên của phong trào Focolore cũng có nhiều người không theo một tôn giáo nào.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã gửi một sứ điệp đến lễ an táng của chị Lubich được tổ chức tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, mô tả chị như một “người phụ nữ có đức tin dũng mãnh, một sứ giả hy vọng và bình an”.

Phát biểu trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày qua đời của chị, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nhắc nhớ sự vâng phục và ngoan ngoãn của chị Chiara Lubich và phong tào Fololare đối với Giáo Hội, ngay cả trong những thời điểm rất khó khăn. Ngài đặc biệt nhấn mạnh hai đóng góp của chị. Đóng góp thứ nhất là làm sâu sắc thêm và làm sống động bản chất Thánh Mẫu và tông đồ của Giáo hội. Đóng góp thứ hai là mạnh mẽ kêu gọi sự hiệp nhất, để “tất cả mọi người nên một”, để thế giới có thể tin.

Ngày nay, phong trào Focolare hiện diện ở 194 quốc gia, và có khoảng 120,000 thành viên và một triệu rưỡi người là các cảm tình viên và thành viên không chính thức.

5. Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh tại một nhà tù gần Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh trong một nhà tù gần Vatican và sẽ rửa chân cho 12 tù nhân.

Trong một thông cáo đưa ra hôm 20 tháng Ba, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết năm nay Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều ngày 29 tháng 3 tại nhà tù Regina Coeli (Nữ Vương Thiên Đàng) của Rôma.

Trước Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng sẽ thăm những người bị bệnh trong nhà tù. Ngài sẽ cử hành Thánh Lễ và rửa chân cho 12 tù nhân trong tu viện trung tâm của nhà tù, và sau đó sẽ gặp một số tù nhân trong Khu 8 của trại giam. Khu này được thiết kế để làm nơi cư trú được bảo vệ cho các tù nhân bị kết án về tội phạm tình dục và các tù nhân khác là những người có thể bị nguy hiểm khi sống chung với các tù nhân khác.

Nhà tù Regina Coeli là một tu viện cũ được xây dựng vào những năm 1600, và đã hoạt động liên tục cho đến nay từ những năm 1890. Mặc dù chính phủ cho biết sức chứa của nhà tù này không quá 600 tù nhân, nhưng các cuộc điều tra dân số hàng tháng kể từ tháng 3 năm 2017 đã cho thấy bình quân có tới hơn 900 người bị giam giữ nơi đây. Hơn một nửa số tù nhân không phải là người Ý.

Nhà tù chỉ cách quảng trường Thánh Phêrô không đến 1600m.

Ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Phụng vụ Chiều Thứ Năm Tuần Thánh hàng năm ở những nơi đặc biệt đau khổ. Các vị tiền nhiệm trước đó của ngài thường cử hành Thánh Lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô hay Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô để đông đảo dân chúng có thể tham dự được.

Vào năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Tiệc Ly Thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên trong cương vị Giáo Hoàng tại trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên Casal del Marmo ở Rôma, nơi ngài rửa chân cho những người trẻ phạm tội cả nam lẫn nữ. Năm sau, đó ngài chủ sự thánh lễ và rửa chân tại một cơ sở phục hồi chức năng cho người già và người khuyết tật ở ngoại ô Rôma. Vào năm 2015, ngài đã tới nhà tù chính Rebibbia của Rôma, nơi ngài cử hành Thánh Lễ cho các tù nhân nam với sự tham dự của các phụ nữ trong một nhà giam phụ nữ gần đó. Năm 2016, ngài cử hành Thánh Lễ với người tị nạn ở một trung tâm phía bắc Rôma. Và, vào năm ngoái 2017, ngài đã đến một nhà tù ở Paliano, cách Rôma gần 80km.

6. Đức Hồng Y Robert Sarah nói: Chúng ta gặp được Chúa trong sự yên lặng suy tư

Một trong những nhà lãnh đạo thẳng thắn nhất của Giáo Hội Công Giáo đã kêu gọi các cử tọa hào hứng ở nhà thờ chánh tòa Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở Toronto, Canada, hãy giữ im lặng và cảnh giác với nguy cơ bị choáng ngợp trước các tin tức thường xuyên và mất tập trung.

Đức Hồng Y Robert Sarah của Guinea, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, nói rằng trong im lặng, người ta tìm thấy Thiên Chúa, khám phá ra mình là ai và trang bị cho mình một cuộc sống có ý nghĩa.

“Một nhiệm vụ tuyệt vời đã được trao cho chúng ta, một nhiệm vụ rất khó khăn”, Đức Hồng Y người Châu Phi nói với đám đông 1,200 người vào ngày 12 tháng 3. “Mỗi người trong chúng ta có nhiệm vụ phải sống tự do, sống với phẩm giá con cái Chúa.”

Bài giảng của ngài đã được dự trù diễn ra tại nhà thờ Thánh Basil trong khuôn viên đại học Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, nhưng các vé miễn phí, ghi danh trực tuyến đã nhanh chóng hết chỗ. Rõ ràng là nhà thờ quá nhỏ để đáp ứng nhu cầu của anh chị em giáo dân.

Bài giảng ở Toronto đã tập trung vào sứ điệp của cuốn sách gần đây nhất của Đức Hồng Y về tầm quan trọng của sự im lặng trong đời sống thiêng liêng của con người. Ngài đã đặt vạch ra một cách chi tiết con đường các Kitô hữu phải theo để có được tự do, phẩm giá và ý chí khám phá cuộc sống sâu xa hơn trong Chúa Kitô. Đức Hồng Y Sarah nói rằng con đường này ở mọi nơi, mọi thời chính là sự im lặng.

Ngài nói: “Khi chúng ta rút lui khỏi tiếng ồn của thế giới, ẩn mình trong im lặng, chúng ta có được một quan điểm mới về tiếng ồn của thế giới. Rút lui vào im lặng để biết mình, biết phẩm giá của mình.”

Đức Hồng Y nói rằng sự im lặng là không gian cho phép Thiên Chúa bước vào cuộc sống của chúng ta.

“Nếu chúng ta lấp đầy chính mình với những điều phù phiếm và không quan trọng, chúng ta sẽ thấy bản thân chúng ta chỉ là những thứ tạm bợ và vô nghĩa. Nếu chúng ta hướng đến những điều đẹp đẽ và vĩnh cửu, chúng ta sẽ thấy mình đẹp đẽ và vĩnh hằng”

Buổi thuyết trình của Đức Hồng Y được bắt đầu bằng kinh chiều do Đức Hồng Y Thomas Collins cử hành, cùng với hai chủng sinh được dự định thụ phong linh mục vào tháng 5.

Mặc dù số sinh viên đại học chỉ là thiểu số trong cử tọa, Đức Hồng Y Sarah đã chuẩn bị một phần bài chia sẻ của mình cho những người trẻ. Ngài thách thức các sinh viên từ bỏ điện thoại thông minh và những phiền nhiễu khác và khám phá sự cầu nguyện và chiêm ngưỡng trong im lặng.

7. Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tiết lộ: Đức Giáo Hoàng buồn bã trước những lời chỉ trích

Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu cho biết đứng trước những lời chỉ trích càng ngày càng nhiều ngay bên trong Giáo Hội, Đức Thánh Cha bình tĩnh, nhưng những lời này vẫn làm ngài bị tổn thương.

Nhìn chung, nhiều người vẫn có cảm tình với triều Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng các chỉ trích nặng nề vẫn tiếp tục không ngớt nổi lên.

Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, nhân vật thứ ba trong giáo triều Rôma, sau Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Pietro Parolin, đã cho biết như trên trong buổi giới thiệu cuốn “Francis the rebel” – “Phanxicô người nổi loạn”. Cần nói ngay rằng cuốn sách, với cái tựa nghe giật gân này, không đề cập đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng nói về Thánh Phanxicô thành Assisi.

Tác giả cuốn sách là Enzo Fortunato cho rằng thông điệp của Thánh Phanxicô thành Assisi vẫn là một thông điệp có tính chất thời sự. Thậm chí, ngày hôm nay thông điệp của thánh nhân còn cần thiết hơn bao giờ đến mức ngay cả một vị giáo hoàng cũng đã quyết định lấy làm tông hiệu của mình.

“Ngài rất bình tĩnh. Để đương đầu với những chỉ trích, ngài sử dụng tinh thần Dòng Tên và mức độ khổ hạnh thứ ba là tịnh tâm trước một số điều, nhưng ngài là một con người, vì vậy ngài cũng phải chịu đau khổ. Một số nhà phê bình đưa ra cả các chỉ trích vô căn cứ lẫn các phê phán thấu đến tận cùng của con người. Chẳng hạn, họ nói ngài phản bội tín lý của Giáo hội ... điều này không đúng. Ngài không chấp nhận điều này và đó là cáo buộc nghiêm trọng nhất đối với một người”.

Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu cũng tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không kỷ niệm tưng bừng 5 năm triều Giáo Hoàng của ngài nhưng trải qua ngày này với một bầu khí âm thầm, lặng lẽ.

“Ngài bình tĩnh và hài lòng, nhưng không tổ chức một bữa tiệc nào, thay vào đó ngài tiếp tục các kế hoạch làm việc và các cuộc họp, như thể không có gì xảy ra.”

8. Các Giáo Hội Kitô tại Hoa Kỳ đồng loạt phản đối Israel đóng thuế các tài sản của các Giáo Hội tại Giêrusalem

Các Giáo Hội địa phương tại Israel đã đóng góp rất nhiều vào các dịch vụ xã hội như trường học, nhà thương và các viện chăm sóc cô nhi và người già, và góp phần đáng kể vào thu nhập chung toàn xã hội qua việc du lịch của các tín hữu Kitô đến miền đất này. Tuy nhiên, thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, và thị trưởng Jerusalem, Nir Barkat, đã ra tuyên bố tiến hành việc đóng thuế các tài sản của các Giáo Hội Kitô tại Thánh Địa bất chấp các phản ứng quyết liệt của các Giáo Hội tại Giêrusalem đến mức đóng cửa các nhà thờ để bày tỏ sự bất bình.

Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo của Galveston-Houston, là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB), cùng với các vị lãnh đạo khác của Anh Giáo, Tin Lành Luther, và Giáo hội Armenia Tông Truyền tại Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Israel đừng tịch thu đất đai của các Giáo Hội hay đóng thuế các tài sản này.

Trong bức thư chung gởi đến thủ tướng Israel và thị trưởng Giêrusalem các nhà lãnh đạo Giáo hội tại Hoa Kỳ bày tỏ mối quan tâm sâu sắc rằng biện pháp này sẽ “gây nguy hiểm cho sự sống còn của các cộng đồng Kitô hữu tại Thánh Địa”. Một lá thư thứ hai đã được gửi đến tất cả những vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô tại Giêrusalem để trấn an các vị và cam kết tiếp tục gây áp lực với chính phủ Israel.

Bản tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo và các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô tại Hoa Kỳ viết như sau:

“Là những nhà lãnh đạo của các Giáo Hội và các cộng đồng tôn giáo tại Hoa Kỳ, chúng tôi viết thư này để bày tỏ mối quan tâm mạnh mẽ của chúng tôi trước các đề xuất pháp lý và kế hoạch đánh thuế gần đây có thể gây nên những trở ngại cho công việc của các Giáo Hội trong và xung quanh Giêrusalem, tạo ra một tình huống gây nguy hiểm cho sự sống còn của cộng đồng Kitô hữu tại Thánh Địa.

Chúng tôi đã bày tỏ với các Thượng Phụ và các nhà lãnh đạo các Giáo hội ở Giêrusalem, trong bức thư đính kèm, về sự liên đới vững chắc của chúng tôi với các ngài trong cuộc khủng hoảng này, bao gồm cả việc vận động mạnh mẽ trước chính phủ của chúng tôi.

Chúng ta đều biết rằng các Giáo Hội đã tham gia vào rất nhiều hoạt động xã hội, chẳng hạn như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và hành hương và chúng tôi nhìn nhận rằng những hoạt động này là một phần không thể thiếu trong sứ mệnh của các Giáo Hội và mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng Giêrusalem vượt ra cả bên ngoài phạm vi các Giáo Hội.

Chúng tôi yêu cầu quý vị kết thúc các biện pháp phá vỡ Thoả Ước Nguyên Trạng. Chúng tôi cam kết với các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Giêrusalem về sự ủng hộ không lay chuyển của chúng tôi đối với tất cả các biện pháp hòa bình và hợp pháp mà các ngài có thể theo đuổi để bảo đảm sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của cộng đồng Kitô hữu hiện nay và trong tương lai”

9. Người Công Giáo tại Hoa Kỳ âu lo về thay đổi khí hậu hơn là tình trạng các tín hữu Kitô bị bách hại

90% người Công Giáo tại Hoa Kỳ tin rằng cuộc bách hại các Kitô hữu trên toàn thế giới là nghiêm trọng (trong đó có đến 40% cho rằng rất nghiêm trọng). Tuy nhiên, chỉ có gần một nửa, cụ thể là 49%, cho biết họ rất quan tâm đến điều này; và 18% cho rằng họ không quan tâm lắm đến vấn đề đó.

Thay vào đó, nghiên cứu của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ trên 1,000 người Công Giáo trưởng thành tại Mỹ được tiến hành trực tuyến vào tháng Giêng cho thấy người Công Giáo Mỹ lo lắng nhiều hơn về những vấn đề khác.

90% người Công Giáo Hoa Kỳ lo ngại về nạn buôn người (72% rất quan tâm, 21% có phần lo ngại) và tình trạng nghèo đói (68% rất quan tâm, 26% tương đối quan tâm). Hơn 80% lo lắng về cuộc khủng hoảng người tị nạn; 55% rất quan ngại về tình trạng thay đổi khí hậu.

Theo John Allen, một nhà báo và là một nhà phân tích Công Giáo kỳ cựu, kết quả này cho thấy “Đối với người Công Giáo Hoa Kỳ, việc giúp đỡ các Kitô hữu bị bách hại không phải là một ưu tiên khẩn cấp.”

10. Bất chấp các phản kháng của Giáo Hội, Rodrigo Duterte thúc giục Quốc Hội thông qua luật ly dị trước lễ Phục sinh

Chính phủ Phi Luật Tân do tổng thống Rodrigo Duterte đứng đầu dự định thông qua luật ly dị tại Quốc hội trước ngày lễ Phục Sinh. Phát ngôn viên của Thượng viện là ông Pantaleon Alvarez cho biết một phiên bản cuối cùng của dự luật sẽ được đưa ra tại quốc hội lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng vào ngày 23 tháng 3.

Dự luật có tựa đề “Đạo luật về ly dị và tiêu hủy hôn nhân” nhằm bổ sung cho những đề xuất được đưa ra trong vài tháng qua bởi một số nhà lập pháp ở Hạ viện. Luật này nhằm mục đích cung cấp cho các cặp vợ chồng trong cuộc khủng hoảng một cách hợp pháp để chấm dứt hôn nhân.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, trong một cuộc khảo sát gần đây, 53% người được hỏi ủng hộ việc hợp pháp hoá ly dị, 32% chống lại và 15% không có ý kiến.

Giáo Hội tại Phi Luật Tân đang phản đối mạnh mẽ dự luật này. Các hiệp hội và các phong trào Công Giáo đã ký một văn bản chung, trong đó nhấn mạnh rằng “Hiến pháp Phi Luật Tân coi hôn nhân là một thể chế xã hội bất khả xâm phạm, là nền tảng của gia đình và phải được Nhà nước bảo vệ”.

11. Ấn giáo cực đoan đánh đập các nữ tu và phá phách một bệnh viện Công Giáo

Những thành phần Ấn giáo cực đoan đã phá hủy bức tường của một bệnh viện Công Giáo và đánh đập các nhân viên, trong đó có cả các nữ tu, trong vụ tấn công mới nhất ở bang Madhya Pradesh, một cứ điểm chống Kitô Giáo bằng các hình thái bạo lực ở trung tâm Ấn Độ.

Ucanews cho biết có khoảng 60 người, đã dùng một xe ủi đất để san bằng bức tường biên giới của Bệnh viện Pushpa Mission ở thị trấn Ujjain hôm 12 tháng 3 vừa qua. Họ chặn lối vào khu cấp cứu và phá hủy các thiết bị, bao gồm cả những máy phát điện của bệnh viện.

Theo bác sĩ Anthony Pulickamandapam, giám đốc bệnh viện, nhà thương của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái được xây dựng và hoạt động liên tục trong 44 năm qua đã gặp phải rắc rối kể từ tháng Giêng năm nay sau khi Gagan Singh, trợ lý của một nhà lập pháp địa phương, tuyên bố chủ quyền trên một mảnh đất của bệnh viện.

Bác sĩ Anthony nói rằng miếng đất trước bệnh viện đã được cơ quan dân sự địa phương cho các nữ tu để sử dụng như một khu vực đậu xe và để duy trì cây xanh.

Vụ tranh chấp này đã được đưa ra tòa sau khi các thành viên của Đảng Bharatiya Janata, là một đảng Ấn Độ giáo cực đoan, và là đảng cầm quyền bang này, đã cố chiếm miếng đất vào ngày 27 tháng Giêng, và buộc tội Giáo Hội chiếm dụng bất hợp pháp khu vực này.

Đức Giám Mục Vadakel nói rằng nhân viên bệnh viện rất ngạc nhiên vì cảnh sát không hành động để giúp đỡ họ trước cuộc tấn công này. Trạm cảnh sát địa phương và các quan chức cấp cao khác từ chối trả lời các yêu cầu giúp đỡ.

Các cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô đã tăng lên kể từ khi BJP lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014 và ngày càng nhiều. Có 736 vụ tấn công chống lại Kitô hữu vào năm 2017, so với 348 vụ vào năm 2016.

12. Asia Bibi vui mừng vì được phép giữ cỗ tràng hạt Đức Giáo Hoàng tặng cho cô

Asia Bibi, một phụ nữ Công Giáo người Pakistan đang ngồi tù vì tội báng bổ, cho biết cô đã được phép giữ giữ cỗ tràng hạt Đức Giáo Hoàng tặng cho cô, và cho rằng đây là một “phép lạ”.

Nói chuyện với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Asia Bibi tiết lộ rằng đây là lần đầu tiên trong chín năm tù giam cô đã được phép giữ một vật thể tôn giáo bên mình trong tù.

Trong chương trình ủng hộ các Kitô hữu bị bách hại, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, một tổ chức bác ái Công Giáo được Tòa Thánh công nhận như một tổ chức giáo hoàng, đã tổ chức một cuộc họp ở Vatican vào ngày 24 tháng 2 giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và chồng của Asia Bibi là anh Ashiq và cô con gái Eisham. Chính trong dịp này, Phanxicô đã trao cho họ một chuỗi Mân côi tặng cho Asia Bibi và yêu cầu họ nói với bà rằng ngài đang cầu nguyện cho bà.

Asia Bibi bị bỏ tù vào tháng 6 năm 2009 và bị kết án tử hình vì tội báng bổ. Sau hai lần chuyển trại, giờ đây cô đang bị giữ trong một phòng giam hoàn toàn không có cửa sổ tại tỉnh Multan ở bang Punjab để chờ ngày tử hình.

“Tôi đã nhận được món quà của Đức Giáo Hoàng với lòng mộ mến và biết ơn”, bà nói. Bà nói thêm rằng chuỗi Mân Côi mang đến cho bà ơn an ủi lớn lao. Biết rằng Đức Giáo Hoàng đang cầu nguyện cho bà và nghĩ đến bà là một nguồn an ủi tuyệt vời.

13. Đức Hồng Y Louis Raphael Sako được đề cử giải Nobel hòa bình

Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, là Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê thành Babylon, Iraq, vừa được đề cử Giải Nobel Hoà bình năm 2018.

Đức Hồng Y nói với thông tấn xã AsiaNews rằng đối với ngài nhận giải “không quan trọng”. Điều đáng nói là “giá trị tượng trưng của cử chỉ này” bởi vì nó giúp “hướng sự chú ý của thế giới vào người dân Iraq, và cộng đồng Kitô hữu”, ngày nay vẫn là nạn nhân của các vụ tấn công. Nó cũng giúp xây dựng “tương lai của đất nước”.

“Trong cuộc gặp gỡ gần đây với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tôi đã nhờ ngài hỗ trợ tinh thần”. và đó “là những gì chúng tôi cần.”

Tại Iraq và nhiều nước trên thế giới, các nhà lãnh đạo tôn giáo, trí thức và các nhóm xã hội dân sự đã ủng hộ sáng kiến này, như là sự thừa nhận các hoạt động vì hoà bình, vì sự sống chung và hoà giải mà ngài đã theo đuổi trong nhiều năm qua.

Đây là một nhiệm vụ thiết yếu trong một quốc gia vẫn còn bị đánh dấu bằng bạo lực, mâu thuẫn nội bộ và các cuộc thanh trừng vì giáo phái.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng từng được đề cử giải Nobel Hoà bình. Tuy nhiên, vì những lý do chính trị, giải Nobel Hoà bình chưa từng được trao cho một vị Giáo Hoàng.

Trong số những giải Nobel hòa bình bị phê phán nặng nề nhất là giải thưởng được trao cho Henry Kissinger và Lê Đức Thọ. Điều này đã dẫn đến sự từ chức của hai thành viên trong Ủy ban Nobel Na Uy. Kissinger và Thọ đã được trao giải thưởng cho việc đàm phán ngừng bắn giữa Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ vào tháng Giêng năm 1973. Tuy nhiên, khi giải thưởng được công bố, cuộc chiến vẫn đang diễn ra ở mức tàn khốc.

14. Bất kể luật mới, các quán rượu ở Ái Nhĩ Lan sẽ đóng cửa vào Ngày Thứ Sáu Tòa Thánh

Các quán rượu ở Ái Nhĩ Lan sẽ được mở và phục vụ rượu vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 30 tháng 3 tới đây, lần đầu tiên trong 91 năm. Nhưng một số chủ quán rượu đã thề sẽ đóng cửa để giữ truyền thống tốt đẹp ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Tổng thống Michael D. Higgins đã ký quyết định thay đổi luật có hiệu lực trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh năm nay sau khi ông nhận được sự ủng hộ của Quốc Hội.

Lệnh cấm uống rượu vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đã được áp dụng từ năm 1927, khi các nhà lập pháp quyết định rằng ý nghĩa của ngày ăn chay và kiêng thịt này đã được công chúng chấp nhận. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các chủ quán rượu đã phàn nàn rằng lệnh cấm đã có một ảnh hưởng bất lợi đối với ngành du lịch khi các du khách đến thăm Ái Nhĩ Lan vào dịp Lễ Phục Sinh.

Tuy nhiên, bất kể luật mới chủ nhân tại ít nhất hai thị trấn nói rằng họ sẽ đóng cửa như mọi năm. Tại Drumconrath, thuộc quận Meath - ở phía bắc Dublin - ba chủ quán rượu địa phương cũng đã cho biết họ giữ truyền thống ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

15. Bộ Giáo Lý Đức Tin ra thông cáo tước bỏ chức vụ của Tổng Giám Mục Anthony Apuron

Tổng Giám mục Anthony Apuron của tổng giáo phận Guam, đã bị Tòa án Vatican buộc tội lạm dụng tình dục và tước bỏ chức vụ của mình. Quyết định của Bộ Giáo Lý Đức Tin đã được đưa ra hôm thứ Sáu 16 tháng Ba, 2018.

Vị Tổng Giám Mục bị buộc tội được tường thuật rằng đã kháng cáo phán quyết này.

Tổng Giám mục Apuron đã bị tạm đình chỉ các nhiệm vụ mục vụ của mình vào tháng 6 năm 2106, và bị triệu hồi về Vatican, sau một loạt các phàn nàn rằng ông đã lạm dụng tình dục các thanh niên trẻ. Một trong những người tố cáo ông lại chính là người cháu ruột của ông. Vatican đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Michael Byrnes, làm Tổng Giám Mục Phó của tổng giáo phận Guam, với các năng quyền đặc biệt để điều hành tổng giáo phận cho đến khi các cáo buộc chống lại Tổng giám mục Apuron được giải quyết. Trong khi đó Tổng giám mục Apuron vẫn ở Rôma.

Vào tháng 10 năm 2017, Đức Cha Byrnes thông báo rằng một Tòa án Vatican đã xử những cáo buộc lạm dụng tình dục này và đã đạt đến một phán quyết. Nhưng vài tháng đã trôi qua trước khi phán quyết đó được chính thức thông báo vào ngày 16 tháng 3 năm 2018. Không có lời giải thích nào về sự trì hoãn này. Tháng Hai vừa qua, Tổng Giám mục Apuron có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau buổi triều yết chung hàng tuần, có lẽ để tìm kiếm một sự can thiệp vào phút chót.

Phiên xử về giáo luật Tổng giám mục đã được thực hiện bởi một ủy ban gồm năm thẩm phán, dưới sự chủ tọa của Bộ Giáo lý Đức tin. Tòa án đã áp đặt các hình phạt “tước bỏ các chức vụ và cấm cư trú trong Tổng Giáo phận Guam”. Tuy nhiên, vì Tổng giám mục Apuron kháng cáo nên các hình phạt được công bố hôm thứ Sáu 16 tháng Ba sẽ bị tạm thời đình chỉ.

Trừ khi bản án của ông bị đảo ngược trong phiên tòa sắp tới, Tổng Giám mục Apuron sẽ là vị tổng giám mục thứ hai bị tước danh hiệu giáo sĩ của mình sau một phiên toà giáo luật về tội lạm dụng. Vào năm 2014, Tổng Giám mục Jozef Wesolowski, người đã là từng là sứ thần Tòa thánh ở Cộng hòa Dominican, đã bị tước bỏ chức vụ của mình và bị cho hồi tục. Theo dự trù, vị giám chức Ba Lan này cũng phải đối mặt với một vụ xét xử hình sự, về cáo buộc lạm dụng tình dục, nhưng ông đã chết đột ngột trước khi phiên xử bắt đầu.

Ở Guam, một số thanh niên đã nộp đơn kiện chống lại Tổng giám mục Apuron. Năm ngoái, luật sư của vị giám chức nói rằng Apuron sẽ không đàm phán các tranh chấp cho đến khi kết thúc phiên tòa giáo luật tại Vatican. Nếu tòa án Vatican bác bỏ kháng cáo của Tổng giám mục Apuron, sau khi hồi tục, ông sẽ phải đối diện với các phiên tòa dân sự và phải bồi thường cho các thanh niên này.