Ngày 21-03-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy vững tin
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
00:05 21/03/2008
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH A

Ga 20,19-31


Đọc câu chuyện về vị tông đồ Toma, có lẽ mỗi người đều có suy nghĩ nào đó. Thánh Toma vẫn được người đời kháo láo là vị tông đồ yếu tin, kém tin và sống với Chúa mà chẳng hiểu biết gì. Tuy nhiên, Chúa phục sinh từ khi sống lại đã hiện ra với các tông đồ 3 lần và lần nào trên môi miệng của Ngài cũng vang lên câu:” Bình an cho anh em “. Lẽ dĩ nhiên, sự bình an thật quan trọng và thật cần cho các tông đồ, đồng thời cũng cần cho mỗi người chúng ta ở muôn thời muôn buổi.

MỘT CÂU CHUYỆN XEM RA BUỒN CƯỜI NHƯNG CÓ THẬT :

Toma một trong nhóm 12, ông cũng rất nhiệt thành, có lúc ông đã nói với các môn đệ khác: ” Nào chúng ta cùng đi Giêrusalem để cùng chết với Thầy”. Trong cuộc hành trình truyền giáo Toma cũng như các môn đệ khác đều được Chúa Giêsu huấn luyện kỹ càng và hết mực yêu thương. Nhiều lần Chúa đã nói bóng, nói rõ về con đường của Chúa đi và ý định Thiên Chúa Cha đã định về Ngài. Trong bữa Vượt Qua cuối cùng tại một căn phòng ở Giêrusalem, Chúa Giêsu đã tâm sự, đã bộc bạch tất cả mọi sự với các môn đệ và con đường của Ngài phải trải qua giờ này đã rõ. Chúa Giêsu đã dậy các môn đệ của Ngài bài học yêu thương khiêm nhượng và đã trao ban quyền linh mục, giám mục cho các môn đệ khi Ngài lấy chính Thịt Máu của Mình nuôi dưỡng nhân loại. Rồi sự việc đã xẩy ra khi Giuđa Iscariốt ra đi thắt cổ tự vận. Chúa bị bắt và kết án và bị treo trên thập giá. Các môn đệ tan tác như rắn mất đầu. Mọi môn đệ đều đứng xa xa, lẩn trốn để xem sự việc ra sao. Chúa được mai táng trong mồ và đúng như lời tiên báo trước sau ba ngày bị chôn Chúa đã phục sinh khải hoàn. Để củng cố niềm tin còn yếu ớt của các môn đệ, sau khi phục sinh Chúa đã hiện ra với các ông nhiều lần. Sở dĩ lần nào Chúa cũng nói:” Bình an cho các con” bởi vì các môn đệ đang trong cơn lo sợ hoang mang. Thầy đã bị giết, họ sợ biết đâu nay mai sẽ lại tới phiên mình. Chúa Giêsu đã hiện ra và chúc bình an cho các ông. Và để củng cố niềm tin cho các ông và để làm chứng cớ, làm bảo chứng cho các ông, Chúa Giêsu đã chỉ cho Ngài các vết thương nơi thân xác của mình. Các môn đệ khác nói với ông:” Chúng tôi đã được thấy Chúa!”.Ông Toma đáp:” Nếu tôi không thấy những dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Hôm nay, sau tám ngày sống lại, Chúa lại hiện ra có cả Toma nữa. Chúa nói:” Toma đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin “( Ga 20,27 ). Đứng trước sự thật hiển nhiên, Toma chỉ có thể thưa:” Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” ( Ga 28 ). Câu chuyện Tin Mừng vềToma xem ra buồn cười vì tấm lòng thương Chúa nhưng lại không dễ tin vào những lời nói của các bạn khác. Đúng là Toma, con người đòi phải xem rõ ràng…Chuyện nực cười nhưng lại giúp mọi người kiểm nghiệm lại đức tin của mình.

NIỀM TIN CHÂN THẬT:

Toma không phải là người thiếu niềm tin nhưng niềm tin của Toma là niềm tin thực nghiệm, việc gì cũng đòi phải kiểm chứng, việc gì cũng đòi phải thấy và chạm đến mới tin. Nhưng thực ra đâu có phải chỉ những gì ta thấy mới tin. Người ta thường tin vào các sự kiện người khác thấy. Chúng ta đâu có thấy mặt mũi bằng xương bằng thịt của nhiều nhà bác học nổi danh, hay các bác sĩ danh tiếng nhất trên thế giới. Chúa bị bắt, bị kết án, bị treo trên thập giá ta nào có thấy. Nhưng niềm tin của chúng ta chỉ dựa vào Kinh Thánh,dựa vào Huấn quyền và đặc biệt dựa vào lời chứng của các tông đồ:” Chúng tôi đã được thấy Chúa”(Ga 20,25 ). Do đó, niềm tin đâu chỉ dựa vào giác quan bên ngoài, mà còn phải dựa vào đức tin của những kẻ đã thấy và đã tin”. Biết bao anh hùng tử đạo đã làm chứng cho niềm tin của mình. Toma là người hạnh phúc vì đã được Chúa chiều cho thấy và còn mời cho chạm vào cạnh sườn, các vết đinh của Chúa nữa. Toma đã quá được đặc ân cao vời, nhưng trước ân huệ ấy ông chỉ biết cúi sạp xuống và thưa:” Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”( Ga 20, 28 ). Niềm tin của Toma cũng phải là niềm tin của chúng ta. Nhờ Toma mà chúng ta những người ở muôn thời được Chúa khen:” Phúc thay những người không thấy mà tin”( Ga 20, 29 ).

Lạy Chúa Giêsu sống lại, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con chỉ một niềm tin vào Chúa, sống và chết cho Chúa. Amen.
 
Đêm Phục Sinh: Hãy đi tới Ga-li-lê-a của đời mình!
Lm Nguyễn Hữu Thy
09:13 21/03/2008
Đêm Phục Sinh: Hãy đi tới Ga-li-lê-a của đời mình!

(Mt 28,1-10)

Chỉ trong đoạn Tin Mừng ngắn ngủi mà chúng ta vừa nghe, đã được nhắc lại tới hai lần “Ði đến Ga-li-lê-a”.

Vâng, con đường của Ðấng Phục Sinh không chỉ theo hướng “đi lên cao”! Ðức Giêsu, Ðấng đã chiến thắng tử thần lại đi về hướng Ga-li-lê-a, một nơi Người đã trải qua nhiều thời gian nhất khi còn sinh thời. Người trở lại miền đất mà Người và các môn đệ đã từng mỏi gót rảo bước, một nơi Người thường không được nồng hậu đón tiếp, mệt mỏi và kiệt sức. Nói cách khác: Sau khi sống lại, Ðức Giêsu đã trở lại cuộc sống hằng ngày của Người và của các môn đệ. Ga-li-lê-a là nơi có nhiều người nghèo đói và nhiều người bị xã hội ruồng bỏ sinh sống, là nơi thực tại phũ phàng của cuộc sống hằng ngày ngự trị, chính nơi đó Ðức Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ. Thật ra, sự Sống Lại là một thực tại hoàn toàn mới mẻ. Nó vượt khỏi những kinh nghiệm bình thường của con người. Nó công bố một thế giới mới mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Nhưng nó không phải là Thiên đàng, không phải là động tiên, cũng không phải là một thực tại xa lạ với cuộc sống của chúng ta, ngược lại: Sự Phục Sinh trước hết có liên quan chặt chẽ với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Vì thế, sau khi sống lại, Ðức Giêsu đã dấn thân nhiều và một cách đặc biệt cho cuộc sống chúng ta. Từ trong kẻ chết sống lại, Người không muốn ngự trị trên Thiên tòa, nhưng là sống giữa chúng ta, muốn giải cứu thế giới bé nhỏ và nghèo nàn của chúng ta bằng sự hiện diện của Người. Vì thế, Ðấng Phục Sinh đã không vội tìm hướng về một khung trời xa xăm, nhưng là nhắm hướng trở lại “Ga-li-lê-a”, trở lại cuộc sống hằng ngày của chúng ta, trở lại cuộc sống thực tế. “Ở Ga-li-lê-a các ngươi sẽ được xem thấy Người“!

Ðàng khác, không những Ðức Giêsu đi tới Ga-li-lê-a để tỏ mình ra cho các môn đệ ngay giữa môi trường sống của những người nghèo khổ, những người cùng đinh sống ngoài lề xã hội, nhưng cả các môn đệ cũng “phải đi tới Ga-li-lê-a” (Mt 28,10).

Nhờ sự sống lại của Ðức Giêsu, các môn đệ đã trở nên những người mới và sống trong một thực tại mới.Vâng, nhờ Ðấng đã phục sinh, họ đã có thể:

• nhìn vào thực tại hằng ngày bằng những con mắt mới,

• đến với những người đơn sơ bé nhỏ và loan báo cho họ rằng từ nay, với sự Phục Sinh của Ðức Giêsu, sự cùng khổ và sự chết sẽ bị tiêu diệt,

• trở thành những người mang niềm hy vọng đến trong một thế giới của bất công và của đàn áp, và qua đó họ đã đổi mới bộ mặt trái đất.

Và như con đường dẫn các môn đệ đến Ga-li-lê-a để họ cảm nhận được đời sống phục sinh mới, cũng vậy, con đường của chúng ta cũng sẽ dẫn đi tới “Ga-li-lê-a” của chúng ta, tới cuộc sống hằng ngày của chúng ta, tới cuộc sống cụ thể của chúng ta, một cuộc sống mà mọi sự thường khác hẳn, chứ không phải “chốn thiên thai” hạ giới. Cả hôm nay nữa, nếu ai muốn tìm gặp được Ðức Giêsu, nhất thiết phải đi tới những người nghèo khổ và những người bị bỏ rơi, đi tới những người đang sống trong cảnh tang tóc sầu khổ, những người vô gia cư và đến với những người đau ốm bệnh tật và thất nghiệp.

Ðức Giêsu không sống lại từ cõi chết để muôn đời được sống trong vinh quang bất diệt và không phải đối mặt với những đau khổ thử thách nữa. Nhưng Người muốn thắng vượt được sự khổ đau và ngay ở những nơi mà mãi tới ngày nay sự khổ đau vẫn còn là một thách đố to lớn cho cuộc sống con người. Ai nhờ đức tin và phép rửa đã được sống lại với Ðức Giêsu, người đó sẽ không còn đi tìm kiếm chỗ cho mình trong những ngôi biệt thự của Giê-ru-sa-lem, hay ở bàn ăn của những nhà trọc phú, nhưng là lên đường đì tìm kiếm Ðức Giêsu ở một nơi duy nhất, mà cả đến hôm nay người ta chỉ có thể gặp được Người: đó là cuộc sống hằng ngày với bao lo lắng và cơ cực của nó!

Mệnh lệnh của Ðấng Phục Sinh là “hãy đi tới” những người mà Ðức Giêsu vô cùng thương mến, đến nỗi Người đã tự đồng hóa với họ (x. Mt 25, 40b+45b).

Vâng, qua phép rửa chúng ta đã chết cho những hành động bất công, cho những tư cách sống lệch lạc, hầu chúng ta có thể sống cho một thế giới mới và một nhân loại mới. Phép rửa nối kết chúng ta lại với nhau trong cùng một đức tin và làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, trở thành một dân tộc thánh.
 
Ngôi mộ trống - Dấu chỉ Phục Sinh
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
10:40 21/03/2008

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

NGÔI MỘ TRỐNG – DẤU CHỈ PHỤC SINH



Con người ở đời thường khởi sự bằng cái có: có địa vị, có quyền thế, có bằng cấp, có tiền của, có sức mạnh, có tài năng … mới làm nên chuyện. Nhưng Thiên Chúa lại thường khởi sự bằng cái không.Trong sách Sáng Thế,Thiên Chúa khởi sự từ cái hoang vu trống rỗng, không không “Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất, đất còn trống rỗng chưa có hình dạng, tối tăm bao trùm vực thẳm và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên nước” ( St 1,1-2).

Cái hoang vu trống rỗng của “ngày thứ nhất” trong công trình sáng tạo trời đất sẽ lại xuất hiện trong một “ngày thứ nhất” khác: Ngày Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Đó là cái hoang vu trống rỗng của Ngôi Mộ Trống mà Mađalêna đã chứng kiến và đau buồn thốt lên “ Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi rồi”, Phêrô ngạc nhiên trong hoài nghi, Gioan “đã thấy và đã tin”.

Tất cả được khởi đầu bởi một sự kiện lạ lùng. Các phụ nữ ra mồ và thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ. Sau đó Phêrô, Gioan không còn thấy xác Đức Giêsu trong ngôi mộ mở toang.

Có lẽ lúc này Philatô còn đang ngũ, các Thượng tế, Kinh sư, Kỳ mục cũng thế. Họ ngủ thật say, sung sướng vì đã dẹp yên được một chướng ngại từng làm họ ghen tức, mất ăn mất ngủ. Mọi sự đã được giải quyết đúng như sự sắp đặt khéo léo của họ. Cái tên Giêsu rồi sẽ bị quên lãng, chẳng còn ai nhắc tới. Tảng đá to đã niêm phong cửa mộ. Giêsu Nazarath đã đi vào lòng đất lạnh.

Đối với những người vẫn thương mến Chúa Giêsu thì kể như đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hải. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi cùng với Giêsu Nazareth. Sáng nay, mấy chị em phụ nữ ra mộ thì cũng chỉ có mục đích là ướp lại cái xác không hồn chưa kịp thối rửa. Họ đi tìm một cái xác, một kẻ chết nhưng họ đã đối diện với Ngôi Mộ Trống. Mađalêna đau khổ thốt lên “ người ta đã đánh cắp xác Chúa tôi rồi”. Các Thiên Thần hiện ra cắt nghĩa Chúa đã sống lại. Không biết các bà đã tin hay chưa, họ vội chạy về báo tin cho các Tông Đồ. Phản ứng của Phêrô là thinh lặng, Ong đang phân vân. Nếu có kẻ lấy trộm xác Thầy thì tại sao kẻ gian lại mất công xếp đặt khăn liệm và các dây vải cách thứ tự và gọn gàng như thế ? Ong vẫn còn bàng hoàng về những lỗi lầm chối Thầy với niềm ăn năn thống hối. Ong chưa hiều sống lại nghĩa là gì. Còn Gioan thì “đã thấy và đã tin”. Gioan thấy gì ? Thấy các dấu chỉ lạ lùng của Ngôi Mộ Trống, khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Chính bởi Gioan đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giêsu cho Lazarô sống lại. Khi Lazarô được Chúa cho sống lại, ông ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng.Gioan nhớ lại lời Chúa Giêsu: Ngài phải chịu đau khổ trước khi bước vào vinh quang. Nhờ ghi nhớ lời Chúa mà đức tin đã đến với Gioan sớm hơn Phêrô.

Trước mọi phản ứng đó, Đức Kitô Phục Sinh đã biểu lộ một sự chiến thắng âm thầm, không rình rang giữa tiếng kèn trống, reo hò của toàn dân.

Đức Kitô đã chiến thắng tử thần, thân thể bằng xương bằng thịt của Ngài hôm nay đã được “ Thần Khí Hoá” và từ đây Người sống hoàn toàn bởi Thần Khí, vì chỉ “ Thần Khí mới làm cho sống còn xác thịt thì có ích gì” ( Ga 6,36).

Đức Kitô đã sống lại thật trong vinh quang. Ngài không mặc lấy một thân xác khác. Thân xác Phục Sinh của Ngài vẫn chính là thân xác trước đây chịu khổ hình,chết trên thập giá. Nay thân xác đó được biến đổi. Thân xác tâm linh không hư nát. Sự Phục Sinh của Đức Kitô không chỉ là phục hồi sự sống như trước mà còn chuyển qua thể thức hiện hữu mới.Thân xác của Ngài được Thần Khí hoá không bị vật chất cản trở. Đấng Phục Sinh đã nhiều lần hiện ra với các Tông Đồ để cũng cố đức tin cho ho, chuẩn bị tâm hồn các ông đón nhận Chúa Thánh Thần hầu trở nên chứng nhân rao truyền sự chết và sống lại của Con Thiên Chúa.

Ngày nay nếu muốn làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta cũng cần khởi đi từ Ngôi Mộ Trống như các Tông Đồ ngày xưa. Nói theo ngôn ngữ tu đức thì chúng ta trở về với đời sống thanh bạch. Đó là đời sống trong sạch, ngay lành và có tinh thần nghèo khó.

Thế giới hôm nay không thiếu những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh. Nhưng người ta không nhận thấy được Ngài vì thiếu tâm hồn ngay thẳng trong sạch “ Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa “ ( Mt 5,8 ). Nói khác đi mỗi tâm hồn chúng ta là một ngôi mộ trống. Ngôi Mộ Trống là ngôi mộ không còn xác Chúa nhưng còn dấu chỉ Đấng Phục Sinh. Đó là khăn liệm và khăn che mặt.Tất cả những gì nhân loại dùng để trói buộc Chúa Giêsu, che mặt Người, cần phải cởi ra và xếp gọn một bên. Gioan đã đi vào Ngôi Mộ Trống, Gioan nhìn với cặp mắt trong sạch nên đã thấy và đã tin. Ong không thấy Chúa, nhưng thấy dấu chỉ của Phục Sinh. Dầu vậy Ong vẫn tin. Chúng ta không thấy Chúa mà vẫn tin vì “ Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Chúng ta không thấy Chúa nhưng chúng ta thấy Ngôi Mộ Trống là cái thế giới bao la đầy dấu chỉ sự hiện diện của Người.Ta cũng có thể thấy Chúa trong trong tâm hồn khiêm nhu, tự hạ, quên mình, trong sự bình an thanh thản của nội tâm. Đó là những dấu chỉ mà Đấng Phục Sinh ban tặng.

Không có Phục Sinh, đức tin chúng ta chỉ là hảo huyền. Cuộc sống chúng ta có ý nghĩa gì nếu không có gì sau hết, nếu tất cả chỉ dừng lại ở đời này ?

Nhìn lại đời sống mình,chúng ta sẽ nhận thấy vô vàn sự Phục sinh. Rất nhiều những cuộc vượt qua nho nhỏ trong đời sống hướng tới Phục sinh. Khi một tình bạn, một tình yêu bị tan vở, chúng ta biết hàn gắn lại bằng yêu thương thì đó không phải là sự phục sinh sao ? Khi mà chúng ta có kinh nghiệm về sự tha thứ, dẹp tan lòng thù hận, oán ghét thì đó là cuộc vượt qua phi thường …

Như mùa xuân sau đông tàn, Phục Sinh mãi mãi vọt lên trong đời sống chúng ta những chồi lộc ân sủng, những sức sống tươi trẻ. Tin vào Đấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa xuân tâm hồn. Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Hai thái độ canh thức
+TGM. Ngô Quang Kiệt
10:47 21/03/2008
Lễ Vọng Phục Sinh
ĐÊM CANH THỨC


I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA



Lc 24, 1-12
Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: "Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại."

Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói. Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.

Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.


II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Tại khắp các nhà thờ trên thế giới hôm nay đều tổ chức Đêm Canh Thức. Xưa kia, trong ngày an táng Chúa Giêsu, cũng có những người canh thức. Lính gác cửa mộ canh thức vì sợ các môn đệ đến lấy trộm xác Chúa. Còn các môn đệ, nhất là các phụ nữ đạo đức canh thức chờ trời sáng đến viếng mộ và xức thuốc thơm xác Chúa.

Cả hai thái độ canh thức đều thất bại vì đặt sai mục đích: nhắm vào xác chết của Chúa Giêsu. Lính canh muốn giữ Chúa mãi mãi trong ngôi mộ để cho thân xác tan rữa và dập tắt mọi niềm hi vọng. Và Chúa sẽ đi vào quên lãng của người đời. Còn các môn đệ muốn được nhìn lại xác Thầy yêu dấu cho thỏa nỗi nhớ mong, và để xức dầu cho trọn nghi thức và lòng kính mến.

Nhưng thất bại đưa đến hai thái độ khác nhau. Đối với lính canh là một thất bại kinh hoàng. Họ canh giữ nhưng không đủ sức canh giữ. Phiến đá to lớn nặng nề và được niêm phong cẩn thận bỗng nhiên lăn ra khỏi cửa mộ. Anh sáng bừng lên. Chúa Giêsu phục sinh và ra khỏi mồ. Quá kinh hoàng lính canh bỏ chạy.

Trái lại đối với các môn đệ là một thất bại vui mừng. Không thấy xác Chúa trong mộ, tâm hồn các ngài tràn đầy niềm vui. Vì các ngài tìm Chúa như một xác chết, nhưng Chúa lại đang sống. Như lời các thiên thần loan báo: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” Các ngài đi tìm Chúa như đi tìm hạt lúa bị chôn vùi, không ngờ hạt lúa đã mục nát và mọc lên thành cây sinh muôn ngàn bông hạt. Các ngài vào mộ như đi vào miền tăm tối, nhưng Chúa Phục Sinh đã làm cho ngôi mộ sáng lên huy hoàng. Các ngài đi đến mộ như đi đến tuyệt vọng, không ngờ Chúa Phục Sinh đã làm dậy lên niềm hi vọng lớn lao trong tâm hồn.

Ngôi mộ đã chôn con người cũ của Chúa Giêsu nhưng Chúa Giêsu đã ra khỏi mộ trong thân xác vinh quang, trong một đời sống mới. Các môn đệ đến mộ với con người cũ. Và khi ra khỏi mộ, các ngài đã trở thành những con người mới. Tâm hồn các ngài đã phục sinh.

Chúng ta đang canh thức trong đêm cực thánh này. Đừng như các lính canh muốn giữ chặt con người cũ, con người tội lỗi, con người xấu xa đưa đến diệt vong. Ta hãy noi gương các môn đệ canh thức để được gặp Chúa. Hãy cùng vào ngôi mộ với Chúa Giêsu. Trong ngôi mộ ta hãy cùng chết với Chúa và cùng Chúa chôn con người cũ của ta với những tính mê nết xấu, với những tham vọng, với những dục vọng thấp hèn. Để khi trở ra chúng ta trở thành những con người mới cho một cuộc sống mới: cuộc sống vui tươi lạc quan, cuộc sống chứa chan niềm hi vọng, cuộc sống can đảm phấn đấu, sống bác ái, quên mình để yêu thương và phục vụ, cuộc sống hướng về những lý tưởng cao thượng.

Hôm nay chúng ta vui mừng đón nhận một số anh chị em tân tòng lãnh nhận bí tích rửa tội. Từ nhiều tháng nay anh chị em đã sống trong tâm trạng canh thức chờ đón ngày hồng phúc hôm nay. Được rửa tội anh chị em được gìm vào dòng nước thánh, dòng nước phát sinh từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu. Được gìm trong dòng nước thánh tượng trưng cho bị chôn táng trong ngôi mộ cùng với Chúa Giêsu, anh chị em sẽ chết cho con người cũ. Bước ra khỏi dòng nước, anh chị em được phục sinh với Chúa, sống trong con người mới, sống trong ơn thánh, sống trong tình yêu mến Chúa và yêu mến mọi người.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được sống lại thật về phần linh hồn.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Bạn thường hay hướng về quá khứ hay hướng về tương lai, hướng về sự chết hay sự sống?
2- Bạn có dám chôn cất con người cũ để trở thành con người mới không?
3- Phục sinh với Chúa là sống theo Thánh Thần. Bạn hiểu điều này thế nào?


 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:28 21/03/2008
CỔ DƯƠNG YÊU CHỦ

N2T


Quân đội của hai nước Sở và Tấn đánh giáp lá cà ở Yên Lăng, quân Sở bị thua, con mắt của Sở Cộng vương bị địch quân bắn trúng bị thương.

Khi chiến sự đến hồi quyết liệt, trung quân tư mã Tử Phản của nước Sở rất khát nước nên nói với tùy tùng đem nước đến, vừa lúc cũng hết nước, người theo hầu là Cổ Dương không đành lòng để chủ mình phải khát nước, bèn rót một ly rượu cho chủ nhân uống.

Tử Phản cấm ly và ngửi, cảm thấy không phải là nước, nói: “Đây là rượu, đem xuống.”

Cổ Dương lập tức biện luận là không phải rượu, Tử Phản cầm lấy và uống.

Tử Phản là một người rất thích uống rượu, mỗi lần uống được rượu thì hình như uống không ngừng ly, lần này cũng vậy, kết quả lại say khướt nơi chiến trường.

Tình thế khẩn trương tạm ổn chút xíu, vì Sở Cộng vương bị thương nơi mắt, nên sai người triệu tư mã Tử Phản đến, muốn tạm thời đem quyền chỉ huy trao lại cho ông ta, và ra lệnh cho ông ta chỉnh đốn lại quân đội để tiến hành phản công. Tử Phản toàn thân nực mùi rượu, bèn thoái thác nói trong lòng bệnh nên không thể được.

Sở Cộng vương lo lắng cho bệnh tình của Tử Phản, bèn thân hành đến trướng của Tử Phản thăm ông ta, nhưng rất kinh ngạc khi thấy Tử Phản say khướt mềm nhão như bùn ! Ông ta rất giận dữ, chiến sự cảm thấy vô vọng, thế là ban sư hồi triều.

Sau khi về nước, Sở Cộng vương lập tức giết tư mã Tử Phản, tử thi thì vẫn treo trên phố bêu trước đám đông.

(Hàn Phi tử: Thập quá)

Suy tư:

Cuộc sống gia đình, có những lúc cha mẹ trở thành tác nhân phạm tội cho con cái:

- Con cái khát nước thay vì lấy nước cho con uống, thì đưa tiền cho con tự mình đi mua, thay vì mua nước con cái lại đi mua những thức ăn uống khác không hợp với tuổi chúng nó, như những thức uống cho kích thích...

- Con cái xin vài trăm đồng mua cây bút, cha mẹ cho luôn cả trăm ngàn, thế là con cái tha hồ tiêu xài, lâu ngày thành thói quen tiêu tiền, dến khi không có thì trở thành trộm cắp.

- Con cái muốn cha mẹ đi họp phụ huynh với mình, nhưng cha mẹ thoái thác bận việc không đi, thế là con cái bất cần cha mẹ, cũng bất cần hỏi ý kiến trong việc học hành.

Không phải con cái mình không ngoan, nhưng là vì chính cha mẹ đã coi nhẹ việc dạy dỗ con cái, không nghiêm khắc trong những sinh hoạt của con mình, đó chính là nguyên nhân dẫn con cái trở thành tội phạm và trở thành người xấu.

Ma quỷ rất tinh vi khi cám dỗ cha mẹ về lòng thương yêu của mình đối với con cái, nó dùng lòng yêu thương của cha mẹ để biện hộ cho việc làm nuông chiều con cái của họ, nào là nó học hành mệt nhọc, nó gần thi cử rồi, nó lo lắng học hành đến phát bệnh.v.v...và thế là tiền bạc bỏ ra cho chúng nó thoải mái bù lại, để chúng nó tự do đi chơi cho thoải mái sau những ký thi cử...

Thế là linh hồn của con cái bị ma quỷ nắm chặt, cuộc sống chúng nó trở thành nô lệ cho tội lỗi và là mối nguy hiểm cho xã hội...
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (chủ nhật lễ Phục Sinh)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:30 21/03/2008
CHỦ NHẬT PHUC SINH

Tin mừng: Ga 20, 1-9.

“Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.”

Bạn thân mến,

Hôm nay chủ nhật lễ Chúa Giê-su Phục Sinh, là ngày thứ nhất trong tuần của người Do Thái, ngày mà bà Ma-ri-a Mác-đa-la và hai môn đệ của Chúa Giê-su là ông Phê-rô và ông Gioan chạy đến mộ chôn xác Ngài, nhưng không còn thấy Ngài trong mộ phần nữa, chỉ còn những băng vải tẩm liệm xác Ngài và khăn che đầu của Ngài mà thôi. Chúa Giê-su đã sống lại thật rồi.

Bạn và tôi đều tin vào sự sống lại của Chúa Giê-su, và vì tin vào sự sống lại ấy, mà bạn và tôi liên tiếp bốn mươi ngày của mùa chay thánh đã thực sự mong muốn thay đổi cuộc sống của mình, như hãm dẹp tính kiêu ngạo, bớt ăn nhậu, năng đi xưng tội và rước lễ, quyết sống xứng đáng là con cái của Thiên Chúa, để rồi bắt đầu từ hôm này –lễ Phục Sinh- chúng ta cùng hân hoan sống lại với Chúa Giê-su. Đó chính là động cơ thúc giục và làm cho đức tin của chúng ta tăng trưởng lớn lên từng giây phút giữa cuộc đời này. Bởi vì Chúa Giê-su đã sống lại thật rồi.

Chúa Giê-su đã sống lại thật như lời Ngài đã báo trước ( Mt 20, 17-19; Mc 10, 32-34; Lc 18, 31-34.), Ngài đã sống lại và sự chết không còn quyền hạn nào nơi Ngài nữa, nhưng chính Ngài sẽ là Đấng thống trị sự chết. Niềm tin này, bạn và tôi đều được Giáo Hội qua lời dạy của các thánh tông đồ, ngày càng thâm sâu vào cuộc sống của chúng ta. Do đó, mặc dù cho phong ba bão táp của cuộc sống, bạn và tôi vẫn cứ kiên định đức tin của mình vào Chúa Giê-su Phục Sinh, và bởi vì chỉ có Ngài mới là Đấng làm cho chúng ta được sống lại trong ngày sau hết. Bởi vì Chúa Giê-su đã sống lại thật rồi.

Ngày hôm nay, toàn thể các thiên thần và các thánh trên trời rất đỗi vui mừng, không phải vì Chúa Giê-su sống lại, nhưng vui mừng vì có vô số tội nhân bị giam cầm trong tội lỗi được giải thoát; vui mừng vì có rất nhiều linh hồn trong luyện ngục được sống lại và lên thiên đàng kết hợp với Chúa Giê-su Phục Sinh; vui mừng vì có những con chiên lạc đường rất nhiều năm, nay đã tìm được đường về chính lộ; vui mừng vì chính bạn và tôi là những tội nhân được ơn tha thứ của Chúa Giê-su Phục Sinh...

Chúa Giê-su đã sống lại thật rồi, bạn và tôi là những người có trách nhiệm bổn phận loan báo tin vui này đến cho mọi người, bằng chính cuộc sống ngập tràn niềm vui phục sinh của chúng ta: sống thành thật với mọi người, biết phục vụ tha nhân vì Chúa Giê-su chứ không phải vì lợi ích cá nhân, biết thông cảm người khác như Chúa Giê-su đã thông cảm chúng ta. Đó chính là bài ca Al-le-lu-ia vui tươi liên lĩ bất tận phát xuất từ tâm hồn của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta. Alleluia.

-----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:32 21/03/2008
N2T


35. Có rất nhiều người đi tham dự bàn tiệc thiên thần mà không được ích gì, là bởi vì trước khi rước lễ họ không có chuẩn bị tâm hồn của mình.

(Thánh Bonaventure)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người dự tòng Campuchia vượt qua thử thách trên đường tiến tới lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
UCA News
04:56 21/03/2008
Phnom Penh (UCAN CA04582.1489 Ngày 18-3-2008) - Người dự tòng ở Campuchia thường gặp những thử thách như bị gia đình phản đối, cộng đồng tẩy chay và chính quyền gây khó dễ.

Gần đây UCA News đã nói chuyện với những người dự tòng trong giáo xứ Thánh Giuse thuộc Phsar Thoich, Phnom Penh, về hành trình gia nhập Giáo hội của họ.

Em Sokhorn, sinh ra trong một gia đình Phật giáo và có bảy anh chị em, thừa nhận cải đạo "không phải dễ". Em được gia đình chấp thuận, nhưng bạn bè trong làng không tán thành và thậm chí còn tẩy chay em nữa.

Cô gái 22 tuổi này cho biết điều lôi cuốn em là cách sống của người Công giáo. Em kể người ta nói các Kitô hữu gây xáo trộn trong xã hội Campuchia, nhưng em tự hỏi: "Người Kitô hữu xấu vậy sao?" Ghi nhận câu hỏi trong đầu, em đã gia nhập một nhóm giáo lý, suy nghĩ kỹ và cuối cùng chấp nhận "một con đường mới". Giờ đây em cảm thấy chắc chắn về con đường mình đã lựa chọn. "Em sẽ lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong lễ Phục sinh này", em nói.

Ðức Giám mục thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, Emile Destombes, MEP., đại diện tông tòa của Phnom Penh, sẽ rửa tội cho Sokhorn và 146 dự tòng khác đến từ khắp cả nước trong Thánh lễ Vọng Phục sinh đêm 22-3-2008.

Chị Gnim Sok Eang, 35 tuổi, có một thời gian gay go hơn. Chị kể về những người dân làng đe dọa và phân biệt đối xử với chị. Họ buộc tội chị bỏ văn hóa Khmer, tin vào một tôn giáo ngoại lai và thậm chí là phản bội đất nước, chị giải thích, và cũng bị chồng ngược đãi.

"Chồng tôi thường ngăn không cho tôi tham gia nhóm dự tòng", chị kể, đôi khi ông ta còn đánh đập chị. Nhưng chị đã quyết tâm. Chị khẳng định: "Không ai có thể ngăn cản tôi. Tôi thích sống Tin mừng của Ðức Kitô".

Chị Eang thừa nhận cuộc sống của chị đã thay đổi hoàn toàn từ khi xin học đạo. "Không phải dễ, nhưng tôi tin", chị nói.

Anh Dung Savong, một giáo lý viên của giáo xứ Thánh Giuse, nói với UCA News: "Giáo hội có điều kiện dành cho người mới theo đạo. Họ có thể lãnh nhận Bí tích Rửa tội sau ba năm học giáo lý. Và họ phải ít nhất là 18 tuổi".

Chương trình này dài, Ðức cha Destombes nói với UCA News, nhằm giúp người dự tòng hiểu giáo lý sâu hơn và để họ có được đức tin vững vàng trước khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Nếu họ có đức tin vững vàng, họ sẽ là những nhân chứng tốt, ngài nói thêm và lưu ý rằng Giáo hội không "ép buộc" người khác cải đạo.

Trong khi đó, anh Savong cũng cho biết "những người mới theo đạo gặp nhiều thử thách, như bị gia đình, bạn bè và dân làng chỉ trích". Anh kể chuyện một người dự tòng trẻ tuổi bị dọa tước quyền thừa kế nếu tiếp tục theo học đạo hay rửa tội. Anh nói: "Nhưng chị ấy yêu mến Chúa Giêsu, và sự làm chứng nhân của người Công giáo, và chị thực sự muốn lãnh nhận Bí tích Rửa tội".

Anh Savong động viên các dự tòng suy nghĩ kỹ thông qua các đoạn Kinh thánh có liên quan. Anh trích dẫn lời Chúa Giêsu nói trong Tin mừng của Thánh Luca: "Từ nay trở đi một gia đình có năm người sẽ bị chia rẽ, ba người chống lại hai và hai người chống lại ba".

Giáo lý viên này còn cung cấp các sách đạo khác giúp người dự tòng hiểu rằng cách sống mới này không phải dễ. Họ phải cởi mở tâm hồn, cầu nguyện cùng Chúa, biết yêu thương và chịu đau khổ, anh nói.

Linh mục Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, Francois Ponchaud, MEP., 69 tuổi, giám đốc Trung tâm Văn hóa Công giáo Campuchia, nói với UCA News rằng người Khmer theo đạo Công giáo rất khó bởi phong tục và văn hóa Khmer khắt khe. Phật giáo được xem là một phần trong bản sắc của người dân tộc Khmer, vốn chiếm hơn 90% dân số Campuchia.

Vị linh mục, lần đầu tiên đến Campuchia làm thừa sai vào thập niên 1960, thấy rằng trước năm 1970 có ít người Khmer muốn theo đạo Công giáo, bởi họ nghĩ Công giáo là "tôn giáo của người nước ngoài". Khoảng 90% số người Công giáo ở Campuchia lúc đó là người gốc Việt.

Năm 1970, chính quyền quân sự do Lon Nol, người lên nắm quyền trong một vụ đảo chính, đứng đầu đã trục xuất tất cả những người gốc Việt ra khỏi Campuchia. 5 năm sau, khi Pol Pot và Khmer Ðỏ lên nắm quyền, tất cả các thừa sai hải ngoại đều bị trục xuất. Không còn linh mục hay nữ tu người Campuchia nào sống sót sau bốn năm cầm quyền tàn bạo của Khmer Ðỏ.

Tuy nhiên, nhờ Giáo hội được "phục hồi" vào đầu thập niên 1990 mà mọi thứ đã thay đổi, cha Ponchaud cho biết, và mới có những người mới theo đạo.

Hiện nay, Giáo hội có khoảng 19,000 người Công giáo trong 12 triệu dân Campuchia. Hạt đại diện tông tòa Phnom Penh, và hai hạt phủ doãn Battambang và Kompong Cham trông coi cả quốc gia này.
 
Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsêô: Bản cáo trạng dành cho những chế độ bách hại tôn giáo
Đặng Tự Do
07:06 21/03/2008
Khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô đi đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsêô ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay, ngài sẽ không chỉ lần theo dấu những đau khổ của Chúa Giêsu mà thôi, nhưng còn là những khổ đau của Giáo Hội Chúa trên trần gian, cách riêng Giáo Hội của Chúa tại Hoa Lục.

Suy niệm trong 14 chặng đàng Thánh Giá năm nay đã được viết bởi Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám Mục Hồng Kông. Trong lời nói đầu, vị Hồng Y 76 tuổi này cho biết khi được Đức Thánh Cha yêu cầu ngài viết bài suy niệm cho 14 chặng đàng Thánh Giá năm nay, “Tôi đã không chút ngần ngại nhận lãnh công việc này”.

“Tôi nhận ra rằng đó là cách thức mà Đức Thánh Cha diễn đạt ưu tư cá nhân ngài về Lục Địa Á Châu bao la, và cách riêng hành động long trọng này bao gồm tình thương cảm Kitô Giáo đối với người tín hữu tại Trung Hoa. Đức Giáo Hoàng muốn tôi mang tiếng nói của anh chị em ở xa xăm đến hí trường Côlôsêô này”.

Trong 14 chặng đàng Thánh Giá năm nay, theo dấu vết những đau khổ mà Chúa Giêsu đã phải gánh chịu trong cuộc Thương Khó, người ta cũng thấy được tình trạng thiếu tự do tôn giáo và bất công gây ra bởi nhà nước cộng sản, sự phản bội của những “Giuđa bán Chúa”, đau thương của những tín hữu bị bách hại, hy vọng và vinh quang của các tín hữu, những người trung tín dù phải trả giá đắt cho niềm tin của mình. Tắt một lời, như nhận định của thông tấn xã Công Giáo Asia-News, toàn bộ thực tại của Giáo Hội tại Trung Hoa đã được gói gọn trong 14 chặng đàng Thánh Giá năm nay.

Trong lời nguyện mở đầu, Đức Hồng Y Quân viết rằng Đàng Thánh Giá kết hợp các tín hữu trong việc kính nhớ “những tôi tớ của Chúa, những người vì lòng trung tín của mình, đã bị phanh thây xẻ thịt nơi đây, trong nhiều thế kỷ đã qua giữa những tiếng gầm thét của đàn sư tử đói và tiếng kêu gào của khán giả”.

“Côlôsêô đã được nhân thành nhiều phiên bản qua biết bao thế kỷ, bất cứ nơi nào anh chị em chúng ta, trong những miền khác nhau của thế giới, tiếp tục bị bách hại tàn tệ, cuộc Thương Khó của của Chúa Kitô bị kéo dài thêm. Cùng với những anh chị em bị bách hại trên trên thế giới này, chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình trên đường Thương Khó với niềm xúc động sâu xa, trên con đường Chúa đã từng đi qua với một lòng đầy yêu thương”.

Tiếng kêu Trung Hoa

Bài suy niệm của Đức Hồng Y Quân không theo trình tự thông thường trong việc suy niệm Đàng Thánh Giá.

Chặng thứ nhất được dành kính nhớ Chúa Giêsu chịu đau khổ trên núi Cây Dầu, và ngay tại đó, Đức Hồng Y đã để cho tiếng kêu của người Trung Hoa được lắng nghe tại Côlôsêô, cùng với tiếng kêu than của những tín hữu Kitô bị bách hại.

“Trong Lá Thư gởi người Công Giáo tại Trung Hoa, Đức Thánh Cha Bênêđíctô đã nhắc lại thị kiến của Thánh Gioan trong sách Khải Huyền khi vị tông đồ rơi lệ trước cuốn sách không thể mở được của lịch sử nhân loại, 'mysterium iniquitatis.' (mầu nhiệm sự gian tà). Chỉ có Chiên con bị sát tế mới mở được dấu ấn. Trong nhiều miền trên thế giới, Hiền Thê của Đức Kitô đang trải qua những giờ phút đen tối của bách hại... Xin cho chúng ta hãy tỉnh thức và hãy đồng hành với Hiền Thê của Đức Kitô trong lời cầu nguyện của chúng ta”.

Nơi chặng thứ Năm, Chúa Giêsu bị Philatô xét xử.

“Philatô dường như đầy quyền uy. Ông ta ở vị thế cầm trong tay sự sống chết của Chúa Giêsu. Ông ta nhạo cười cái tước hiệu ‘Vua dân Do Thái’. Nhưng thực ra, ông ta rất yếu, bị nhiều xâu xé và phải cúi đầu tuân phục. Ông ta sợ Đại Đế Tibêriô, ông ta sợ cả người dân, ông ta sợ các thượng tế dù trong lòng khinh miệt những kẻ ấy. Ông ta trao Chúa Giêsu để đem đi đóng đinh dù biết Ngài là người vô tội”.

“Trong cố gắng tuyệt vọng để cứu Chúa Giêsu, ông ta cuối cùng đã phải tha cho một tên tử tội. Ông ta tìm cách rửa tay dính đầy máu người vô tội trong tuyệt vọng. Philatô là hình ảnh của tất cả những kẻ dùng thẩm quyền của mình như một khí cụ đạt đến quyền lực bất chấp công lý”.

Tra tấn

Trong chặng thứ Sáu, Chúa Giêsu bị đánh đòn và chịu đội mão gai. Đức Hồng Y đã dùng hình ảnh này để hướng cộng đoàn tại Côlôsêô đến những tra tấn dã man người Kitô hữu phải gánh chịu tại các nước cộng sản.

“Đánh đòn ngày nay là một sự trừng phạt tàn bạo. Roi dã man của người La Mã đã xé nát thịt da của con người. Và mão gai bên cạnh gây ra những đau đớn nhức nhối cũng là một sự sỉ nhục vương quyền chí thánh của Chúa Giêsu. Những hình thức tra tấn ngày nay tiếp tục xuất hiện từ tâm can tàn bạo của con người – và những hình thức tra tấn tâm lý cũng không kém dã man so với những hình thức tra tấn thể lý. Và quá thường chính những nạn nhân sau này đến lượt họ lại là những người tra khảo”

“Có phải những khổ đau này đều là vô nghĩa? Không Chúa Giêsu tiếp tục gom lại những khổ đau này và thánh hóa đủ loại khổ đau của những người đau yếu, những ai chết trong gian lao, những ai bị phân biệt đối xử; nhưng những đau khổ nổi bật hơn hết là những khổ đau vì danh Ngài”.

“Qua đau khổ của các vị tử đạo, Giáo Hội được chúc phúc; xin cho máu của các vị là hạt giống cho những người Kitô hữu mới. Chúng ta mạnh mẽ tin rằng những đau khổ của họ, ngay cả trong lúc bị coi là thất bại hoàn toàn sẽ là vinh quang thực sự cho Giáo Hội của Người”.

Gần gũi với Chúa Giêsu

Trong chặng thứ 11, Chúa Giêsu hứa thiên đàng cho người trộm lành. Điều này vang lên một niềm hy vọng.

“Người trộm này là kẻ gian ác. Anh ta tiêu biểu cho những người làm chuyện xấu xa, nói thẳng ra là tất cả chúng ta. Anh ta có may mắn là được gần Chúa Giêsu trong giây phút cuối đời, nhưng cả chúng ta, chúng ta cũng có cái may mắn đó. Cũng như anh, chúng ta hãy kêu lên: Lạy Chúa, xin nhớ đến con, khi Chúa về vương quốc của Chúa. Chúng ta cũng sẽ được Chúa đáp lại như đã đáp lại anh trộm lành”.

Khi chúng ta đi đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay, xin Chúa giúp chúng ta không những lần theo dấu những đau khổ của Chúa Giêsu, mà còn là những khổ đau của Giáo Hội Chúa trên trần gian, cách riêng Giáo Hội của Ngài tại quê hương Việt Nam thân yêu.
 
Cáo buộc Đức thánh cha của Osama bin Laden là vô căn cứ
Phụng Nghi
10:48 21/03/2008
Vatican (Zenit) – Một phát ngôn viên Tòa thánh Vatican cho biết những cáo buộc của Osama bin Laden, cho rằng ĐGH Bênêđictô XVI giữ một vai trò trong cuộc thánh chiến chống Hồi giáo, là hoàn toàn vô căn cứ.

Linh mục Federico Lombardi, dòng Tên, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, trong bản tuyên bố với báo chí, đã đáp lại những lời tuyên bố mới đây nhất của người lãnh đạo tổ chức al Qaida.

Một thông điệp thu thanh của Bin Laden được đưa lên mạng lưới phiến quân hôm thứ Tư, đe dọa sẽ tiến hành cuộc tấn công mới và “mạnh mẽ” vào châu Âu để trả đũa việc những bức tranh hí họa tiên tri Mohamet, lúc đầu được in trên báo chí tại Đan mạch, rồi năm 2006 được in lại trên nhiều tờ nhật báo tại châu Âu.

Các báo tại Đan mạch hôm 13 tháng 2 vừa qua in lại một trong những bức hí họa, là tranh vẽ hình đầu Mohamet đội khăn có hình trái bom.

Bin Laden gọi những tranh hí họa là một phần trong “cuộc thánh chiến mới” chống Hồi giáo, trong đó “Giáo hoàng của Vatican đóng một vai trò lớn và lâu dài.”

Lm. Lombardi cho rằng “việc cáo buộc đặc biệt về bất cứ can dự nào” của Đức thánh cha trong một chiến dịch gán cho như thế “là hoàn toàn vô căn cứ”. Người phát ngôn của Tòa thánh nói với báo chí rằng những lời đe dọa của bin Laden đối với vị giám mục thành Roma “không phải là điều mới lạ gì và cũng không đáng ngạc nhiên.”

Không phải là điều mới lạ vì, Cha cho biết Tòa thánh đã trả lời những cáo buộc tương tự như thế hồi tháng 12 năm ngoái của phó lãnh tụ al Qaida là Ayman al-Zawahri.

Cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên vì bin Laden vẫn thường nêu tên giáo hoàng là một trong nhiều “kẻ thù rõ mặt” của ông ta, nhưng nhiều người ôn hòa trong thế giới Hồi giáo nhận biết những cam kết của Đức thánh cha muốn có các liên hệ tôn giáo tốt đẹp.

Tôn trọng

Cha xác quyết: “Trong nhiều dịp, Đức giáo hoàng và Hội đồng giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã chỉ trích chiến dịch châm biếm Hồi giáo.”

Giữa lúc khởi đầu những tranh cãi chung quanh các bức hí họa, hôm 20 tháng 2 năm 2006 ĐGH Bênêđictô XVI đã nói: “Trong bối cảnh quốc tế mà chúng ta đang sống lúc này, giáo hội Công giáo tiếp tục xác tín rằng, để nuôi dưỡng hoà bình và hiểu biết giữa các dân tộc và con người, điều cần thiết và cấp bách là phải tôn trọng các tôn giáo và các biểu tượng tôn giáo,”

Đức thánh cha nói thêm trong dịp đó rằng điều này hàm ý là “các tín đồ không được trở thành mục tiêu của khiêu khích làm thương tổn đến cuộc sống và cảm thức tôn giáo của họ.”

Đồng thời, ĐGH Bênêđictô XVI cũng minh định rằng “bất bao dung và bạo lực không bao giờ được biện minh là để trả đũa lại các xúc phạm, bởi vì chúng không phải là những đáp ứng tương xứng với các nguyên tắc thánh thiêng của tôn giáo.”

Những phát biểu năm 2006 nói trên của ngài là trích trong diễn từ đọc trước ông Ali Achour, lúc đó là đại sứ Maroc cạnh Tòa thánh.

Ngày 5 tháng 3 năm nay, khi kết thúc cuộc họp hai ngày với các học giả Hồi giáo tại Vatican, Hội đồng giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã tuyên bố thành lập một Diễn đàn Công giáo-Hồi giáo.

Cuộc họp là tiến độ phát triển tiếp theo sau lá thư phúc đáp của Đức thánh cha Bênêđictô XVI gửi cho nhóm 138 học giả Hồi giáo, những người đã viết Lá thư gửi ĐGH và các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác hôm 11 tháng 10.
 
Cái Chết Của Đức Giêsu Dưới Nhãn Quan Y Học
Phụng Nghi
11:03 21/03/2008
Các sách Tin Mừng chỉ trình bày tóm lược về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Ngày nay các nhà chuyên môn về y học đã trình bày ra sao về cuộc khổ nạn đó? Sau đây là một số dữ kiện được trích trong bản phân tích y khoa và lịch sử trên tờ báo của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ (the Journal of the American Medical Assoctiation) và được tóm lược do 3 y sĩ: William Edwards, Wesley Gabel và Floyd Hosmer.



Đức Giêsu có thực sự đổ mồ hôi máu trong vườn Giệtsimani?

Mặc dầu hiếm thấy, nhưng mồ hôi lẫn máu có thể xảy ra nơi những người bị cực kỳ xúc động hoặc bị rối loạn về xuất huyết. Sự chảy máu trong các hạch mồ hôi làm cho da mỏng manh và mềm mại.

Người Lamã thực hiện việc đánh đòn ra sao?

Chỉ có phụ nữ, nghị sĩ Lamã và binh lính (không kể người đào ngũ) là được miễn trừ không phải chịu thứ hình phạt này, là hình phạt mở đầu theo luật định trong các cuộc hành hình của người Lamã. Người bị đánh mình trần, tay trói vào một cái cột, lưng, mông và chân bị quất bằng một loại roi ngắn làm bằng nhiều sợi da thẳng hay thắt nút, có chiều dài khác nhau, trên roi có kết những hòn sắt nhỏ hoặc các miếng xương sắc nhọn.

Chúng ta không biết rõ trong trường hợp Đức Giêsu số lần đánh có được hạn chế ở mức 39 cái theo như luật Do Thái hay không. Mức độ đánh đòn nặng hay nhẹ tuỳ theo tính khí của người đánh, hoặc theo cái ý định muốn làm yếu nạn nhân đến mức gần ngất xỉu hay gần chết. Sự mất máu nhiều hay ít khi bị đánh đòn có ảnh hưởng đến thời gian nạn nhân chịu đựng được bao lâu trên thập giá rồi mới chết.

Đức Giêsu bị đóng đinh trên cây hay trên thập tự giá?

Theo lối hành hình xưa nhất ở Ba tư, nạn nhân hoặc là bị trói vào một thân cây, hoặc là trói hoặc bị xâu vào một cây cột thẳng đứng, chân đưa lên cao khỏi mặt đất. Thập giá mới được người ta dùng sau này, gồm có một cột thẳng đứng (stipes) và một thanh ngang (patibulum).

Người Lamã thực hiện việc đóng đinh ra sao?

Người Lamã đóng đinh để kéo dài cái chết, làm cho nạn nhân đau khổ tối đa, thường dùng để phạt nô lệ, ngoại kiều, quân phiến loạn và những trọng phạm. Người bị kết án chỉ phải vác thanh gỗ ngang (nặng khoảng từ 75 đến 125 pounds) từ chỗ bị đánh đòn đến địa điểm đóng đinh, vì cả cây thập tự giá nặng khoảng hơn 300 pounds. Thanh gỗ ngang nằm cân bằng trên hai vai tử tội, hai tay giang ra và bị trói vào thanh ngang đó. Lúc tử tội vác đi, người lính Lamã cầm một tấm bảng (titulus) nêu tên và tội của phạm nhân.

Ở phía ngoại thành có dựng một cột thẳng đứng để treo thanh gỗ ngang lên. Một thớt gỗ khác dùng làm chỗ ngồi thô tháp được gắn vào khoảng giữa cột thẳng đứng để kéo dài thời gian của tội nhân trước khi chết.

Theo luật, phạm nhân được cho uống rượu pha với mộc dược (mật đắng) là một loại thuốc giảm đau loại nhẹ, rồi bị xô ngã nằm ngửa trên mặt đất, hai cánh tay xoải ra trên thanh gỗ ngang. Rồi hai tay bị đóng đinh hoặc bị buộc trói vào thang ngang đó.

Người Lamã thường ưa đóng đinh hơn là trói. Binh lính nâng thanh gỗ ngang cùng với phạm nhân lên đặt vào cây cột thẳng đứng rồi đóng đinh chân (như ý thích của người Lamã) hoặc trói chân bằng thừng. Sau cùng tấm bảng tên được đóng vào thập giá ngay phía trên đầu nạn nhân.

Binh lính và đám đông dân chúng hay chửi mắng phạm nhân, và theo tục lệ, binh lính thường chia nhau áo của người tử tội. Thời gian sống của phạm nhân thường từ ba hoặc bốn giờ cho đến ba hoặc bốn ngày tuỳ theo mức nặng nhẹ lúc bị đánh đòn.

Đức Giêsu bị đóng đinh ở bàn tay hay ở cổ tay?

Thánh kinh đề cập đến bàn tay, nhưng các chứng liệu khảo cổ cho thấy các vết thương nằm ở cổ tay. Tuy nhiên, người thời đó vẫn coi cổ tay là một phần của bàn tay.

Thập giá của Đức Giêsu hình thể ra sao?

Theo truyền thống ban đầu thì nghiêng về loại thập giá cao kiểu Latinh (giống hình chữ thập +). Nhưng khám phá của các nhà khảo cổ và sự kiện là Đức Giêsu được cho uống dấm pha rượu bằng một tấm bọt biển buộc vào đầu thân cây hương thảo (hyssop, thường dài khoảng 20 inches) nên rất hợp với giả thuyết cho rằng đó là loại thập giá ngắn kiểu chữ Tau (T).

Vết thương cạnh sườn Đức Giêsu như thế nào?

Theo tục lệ, phạm nhân bị đóng đinh thường được treo đó cho dã thú ăn thịt, Tuy nhiên theo luật Lamã, gia đình nạn nhân có thể lấy xác đem chôn. Một lính canh Lamã sẽ đâm xác nạn nhân bằng gươm hoặc lưỡi giáo để chắc là nạn nhân đã chết.

Sách Tin mừng thánh Gioan nói: “Một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người và lập tức máu và nước chảy ra” (19:34). Mặc dầu thánh Gioan không nói rõ vết đâm ở sườn phía bên nào, theo truyền thuyết thì vết đâm ở phía bên tay phải - và từ đó, xét theo giải phẫu học, có phần chắc là nhiều máu đã chảy ra.

Có một số hoài nghi được đặt ra về mô tả của Gioan, vì khó mà giải thích được chính xác theo y học tại sao nước lại chảy ra sau máu. Tuy nhiên, theo thứ tự từ ngữ của cổ văn Hy lạp, thường đem tình trạng nổi bật đối chiếu với thứ tự. Gioan có lẽ đã nhấn mạnh đến cái nổi bật là máu hơn cái trình tự là sự xuất hiện của máu chảy ra trước nước.

Thực ra Đức Giêsu đã chết vì nguyên nhân nào?

Cái chết của Đức Giêsu xảy ra chỉ sau từ 3 đến 6 giờ trên thập tự, và sự việc là Người kêu lên lớn tiếng rồi gục đầu và chết gợi cho ta những yếu tố gây nên biến cố bi thảm sau cùng này. Đức Giêsu có lẽ đã chết vì đứt mạch máu tim hay một tổng hợp của các yếu tố như là bị “sốc” vì mất nước hay mất máu, nghẹt thở và liệt tim nghiêm trọng.

Chết bằng cách bị đóng đinh, theo đúng mọi ý nghĩa của từ ngữ này là excruciating (hành hình cực kỳ tàn bạo, do chữ Latinh excrutiatus: ex = thái quá, cực kỳ; crutiare = hành hình bằng thập giá). Tuy nhiên điều quan trọng là không phải Chúa đã chết ra sao, mà là Chúa thực sự đã chết - đó là một thực tế được hỗ trợ bằng các chứng nghiệm lịch sử và y học.
 
Tòa Thánh lên tiếng: Lời đe dọa ĐTC của Bin Laden không có gì đáng ngạc nhiên
Peter Nguyễn Minh Trung
11:27 21/03/2008
Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Lombardi gọi lời cáo buộc ĐTC Benedict XVI của trùm khủng bố Bin Laden là "vô căn cứ".

VATICAN - Phát ngôn viên Tòa Thánh linh mục Fedirico Lombardi, SJ, nói lời cáo buộc của Osama bin Laden là vô căn cứ rằng Đức Benedict XVI là một phần của cuộc thập tự chinh chống lại thế giới Hồi giáo.

Cha Lombardi dòng Tên, giám đốc đài truyền hình Vatican, trong một tuyên cáo với báo chí đã trả lời như thế với phát biểu mang tính đe dọa mới nhất của thủ lĩnh mạng lưới khủng bố al-Qaida.

Trong một thông điệp ghi âm của Bin Laden được đăng tải hôm 04/19/03/2008 vừa qua trên một website Hồi giáo cực đoan đã đe dọa một cuộc tấn công "khốc liệt" mới nhằm vào Liên minh châu Âu EU vì đã đăng bức hình biếm họa nhà tiên tri Mohammed tại các tờ báo của Đan Mạch năm 2005, sau đó đăng lại ở một số quốc gia Âu châu khác năm 2006.

Báo chí Đan Mạch lại một lần nữa đăng bức hình biếm họa tiên tri Mohammed đầu đội quả bom hôm 13/02/2008 vừa qua.

Bin Laden gọi vụ tranh biếm họa như là một phần của "cuộc thập tự chinh mới" chống lại đạo Hồi, mà trong đó "Giáo Hoàng Roma đóng vai trò chủ chốt, mạnh mẽ nhất".

Cha Lombardi phân tích lời đe dọa của Bin Laden như là "một luận điệu hoàn toàn vô căn cứ nhằm buộc tội bất cứ ai không liên quan" như Đức Thánh Cha. Phát ngôn viên Tòa Thánh còn mô tả cho báo chí rằng những lời đe dọa từ Bin Laden chống lại vị Giám Mục thành Romé là "chẳng có gì mới lạ đặc sắc hay làm ai ngạc nhiên".

Cha Lombardi khẳng định: "Đức Thánh Cha và Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối thoại liên tôn đã nhiều lần phê bình mạnh mẽ các chiến dịch châm biếm đạo Hồi của Tây phương".

Tưởng cũng nên nhắc lại, ngay giữa những lúc bức tranh biếm họa gây tranh cãi về tiên tri Mohammed được đăng, ngày 20/02/2006 ĐTC Benedict XVI đã nói rằng: "Trong bối cảnh quốc tế mà chúng ta đang sống, Giáo Hội Công Giáo tiếp tục tin tưởng rằng việc ấp ủ cho một tương lai hòa bình, cảm thông với nhau giữa con người với con người là cần thiết và khẩn cấp. Chính vì thế các giá trị và biểu tượng tôn giáo phải được tôn trọng".

Đức Thánh Cha ngụ ý "những tín hữu không phải là đối tượng đáng để bị kích động gây tổn thương đời sống và niềm tin tôn giáo của họ".

Cùng lúc, Đức Benedict XVI làm rõ ràng quan điểm của ngài về "sự bất khoan dung và bạo lực không bao giờ là lý do chính đáng để đáp trả lại cho những tấn công, vì chúng không thích hợp để đáp trả cho những giá trị thánh thiêng tôn giáo".

Đức Thánh Cha đã bày tỏ điều ấy vào năm 2006 cho vị đại sứ của quốc gia Hồi giáo Morocco tại Vatican là Ali Achour.

Ngày 05/03/2008 vừa qua, Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối thoại liên tôn tuyên bố vào lúc kết thúc cuộc gặp gỡ với những học giả Hồi giáo là đã thiết lập một diễn đàn đối thoại giữa Công Giáo - Hồi Giáo.

Cuộc gặp gỡ ấy tại Vatican là kết quả của sự phát triển theo sau một phúc đáp do Đức Thánh Cha Benedict XVI gửi tới 138 học giả Hồi giáo sau khi họ gửi thư cho Ngài và những nhà lãnh đạo Kitô giáo khác vào 10/11/2007.
 
TT Bush sẽ đích thân ra phi trường đón ĐTC Beneđictô XVI
Peter Nguyễn Minh Trung
11:29 21/03/2008
WASHINGTON, D.C., - Tổng thống George Bush sẽ đích thân ra phi trường chào đón Đức Thánh Cha Benedict XVI trong chuyến tông du Hoa Kỳ 6 ngày sắp tới vào tháng 04. Đức Thánh Cha sẽ đến Washington, D.C và thành phố New York, gặp gỡ các Giám mục Hoa Kỳ.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ xác nhận trong một tuyên bố rằng Đức Thánh Cha sẽ đến Hoa Kỳ vào ngày 15 tháng 04 tại phi trường quân sự Andrews trên chuyến bay đặc biệt "Shepherd One" của hãng hàng không Italia. Tháp tùng Đức Thánh Cha trên máy bay là một số viên chức của Vatican và hơn 60 phóng viên Tòa Thánh.

Đệ nhất phu nhân Laura của tổng thống Bush cũng sẽ hiện diện tại nghi lễ tiếp đón Đức Thánh Cha. Về phía Giáo hội hiện diện khi đón Đức Thánh Cha là các vị Hồng Y, Giám Mục khắp Hoa Kỳ, đặc biệt là sự có mặt của Đức Tổng Giám Mục Pietro Sambi - Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ; Đức Hồng Y Francis George - Tổng Giám Mục Chicago - Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ; Đức TGM Donald Wuerl của TGP Washington, D.C; và Đức TGM Timothy Broglio - Tổng Giám Mục phụ trách tuyên úy quân đội cho toàn nước Mỹ.

Nghi thức tiếp đón trang trọng nhất dành cho một nguyên thủ quốc gia sẽ được diễn ra khi Đức Benedict XVI đến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo ý muốn của Đức Thánh Cha thì nghi thức sẽ ngắn gọn và không có bài diễn văn nào được đọc.

Thứ hai hôm sau sẽ diễn ra nghi thức tiếp đón trọng thể dành cho Đức Thánh Cha khi ngài đến Nhà Trắng và hội đàm với tổng thống Bush. Đây sẽ là lần thứ 2 một vị Giáo Hoàng thăm chính thức Nhà Trắng. Lần đầu tiên vào năm 1979, Đức Thánh Cha John Paul II đã đến đây.

Hàng trăm vị khách sẽ đứng làm hàng chào Đức Thánh Cha, giữa họ sẽ là quân đội và những bạn trẻ từ khắp các trường trung học Công Giáo trên toàn nước Mỹ. Trước chuyến tông du này của Đức Benedict XVI, hãng hàng không Hoa Kỳ đã cung cấp dịch vụ giải trí cho cộng đồng.

Để biết thêm chi tiết liên quan đến chuyến tông du Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc của Đức Thánh Cha từ 15 đến 20 tháng 04, các bạn có thể vào website www.uspapalvisit.org.
 
Dân tộc Tây Tạng đang lay động Phương Tây trong giấc ngủ mùa đông
Hà Long
11:38 21/03/2008
Dân tộc Tây Tạng đang lay động Phương Tây trong giấc ngủ mùa đông

Những người Tây Tạng sống lưu vong, khoảng 130.000 giống như người Việt Nam vượt biên đã tổ chức rất hữu hiệu các cuộc biểu tình trên toàn thế giới chống cộng sản Tàu tại: Berlin, München, Hannover, Frankfurt, Lausanne, Zürich, New Dehli, Soul, ở Kathmandu của Nepal, London, Australien, Holland, Warsaw, San Francisco, New York, ở thủ phủ Olympia của Hy Lạp, ngay tại Bắc Kinh cũng có một nhóm sinh viên Tây Tạng đốt nến cầu nguyện… Nơi đâu người Tây Tạng cũng hô to khẩu hiệu „Free Tibet“ để chống lại sự đàn áp dã mãn của giặc xâm lăng Tàu cộng tại quê hương của họ, hình ảnh này đều đập vào mắt giới truyền thông quốc tế và gây ấn tượng tốt nơi người dân bản xứ, cho dù vài vụ bạo động đã xảy ra như tràn vào các tòa đại sứ Trung cộng cướp cờ của họ thay vào cờ Tây Tạng.

Tất cả báo chí và truyền hình của Tây Phương luôn chạy tin hàng đầu hằng ngày về cuộc nổi dậy chống ngoại xâm của dân tộc Tây Tạng từ các ngày qua. Kể các các trang Internet của báo chí thế giới đều có một tiêu đề đặc biệt về nói Tibet và đăng nhiều hình ảnh quân đội đàn áp các đoàn biểu tình và người dân bị giết với nhiều hình thức dã man.

Thủ đô Lhasa đã chính thức bị trùm kín bằng bức màn sắt cộng sản vào ngày 20/3/2008 khi Tàu cộng trục xuất 2 phóng viên cuối cùng của phương Tây là anh người Đức Georg Blume (phóng viên của báo Die Zeit và Taz) và chị người Áo Kristin Kupfer (phóng viên của báo Profil). Sau khi nhà báo Blume rời khỏi Lhasa đã nói với BBC là anh đã nhìn thấy đoàn cơ giới khoảng 200 xe nhà binh, trên mỗi xe chứa 30 người lính - khoảng 6.000 an ninh quân đội đang tuần tiễu trong ngày tại thủ đô Lhasa. Anh Blume kể thêm: „Tại Lhasa dân chúng chưa nhìn được hiện tình xảy ra trầm trọng như thế nào, tuy nhiên phải là người tận mắt chứng kiến thì mới khám phá ra được bởi vì các nguồn tin của Tàu cộng đưa ra đều rất đáng nghi ngờ.“ Quân đội muốn dập tắt phong trào chống Tàu cộng bằng mọi phương cách khi không còn đại diện của giới truyền thông ở Lhasa. Quân đội muốn diệt ngay lòng yêu nước cao độ của người Tây Tạng mà họ đã phải dấu kín hơn 20 năm qua. Người Tây Tạng can đảm phất cao lá cờ tổ quốc (đã bị cấm) ngay tại thủ đô Lhasa và hô vang những lời đả đảo giặc xâm lăng. Như nước vỡ bờ họ đốt đồn cảnh sát, phá tan các cửa hàng hóa của người Tàu và với tay không chống trả lại công an bộ đội, cho dù biết là cái chết sẽ đến rất gần với họ. Điều ấy cho thế giới thấy và nể phục lòng yêu nước vì họ toàn là những người trẻ, những thế hệ được sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản xâm lăng Tàu.

Từ 20 năm nay Tàu cộng chưa phải đối phó với làn sóng yêu nước nồng nhiệt, sự chống đối kịch liệt và bạo lực của người dân Tây Tạng đối với giặc ngoại xâm như lần này. Và từ 20 năm nay cờ Tây Tạng mới được vẫy vùng trên vùng trời quê hương Lahsa của người Tây Tạng và họ tạm được hít thở sinh khí tự do trong tích tắc ngắn ngủi. Sự tình của Tibet biến động hàng giây phút, lúc đầu các chính quyền phương Tây rất thận trọng phê phán và các nước kỹ nghệ lớn đều dùng chung một câu nói „tự kiềm chế khi đối phó với các cuộc biểu tình“ để nhắc nhở chú Tàu cộng sản. Và họ càng cẩn trọng hơn với danh từ „boykott“ khi nói đến Olympia 2008 tại Bắc Kinh. Tuy nhiên hành động đàn áp bằng vũ lực, khí giới và nổ súng giết người của Tàu cộng đang làm cho thế giới phương Tây từ từ bừng tỉnh dậy.

Thế giới phương Tây lên án cộng sản Tàu

Trong buổi yết kiến thứ tư hàng tuần, ngày 19/3 trước 10.000 tín hữu, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, là một trong những người đầu tiên đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo động tại Tây Tạng: “Tôi theo dõi với đầy âu lo tin tức trong những ngày này đến từ Tây Tạng. Tim tôi cảm thấy buồn và đau đớn trước sự đau khổ của quá nhiều người. Mầu nhiệm thương khó và cái chết của Chúa Giêsu mà chúng ta tưởng niệm trong Tuần Thánh giúp chúng ta cách đặc biệt nhạy cảm với tình trạng của người dân Tây Tạng.” Ngài tiếp tục nhận định rằng “các vấn đề không thể giải quyết bằng bạo lực, điều đấy chỉ làm xấu thêm tình hình.”

Tiếp theo trong 27 quốc gia của Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã có những nhà chính trị lên tiếng. Thủ tướng Anh, ông Gordon Brown quyết định sẽ tiếp kiến Đức Dalai Lama vào tháng 5 tại London. Thái tử Charles đã tuyên bố không tham dự Olympia 2008. Bộ trưởng phát triển giúp đỡ thế giới nghèo của Đức, bà Heidemarie Wieczorek-Zeul họp báo ngày 20/3 cho biết sẽ rời cuộc họp mặt với chính quyền Tàu cộng vào tháng 5 tại Berlin cho đến khi nào Tibet được giải quyết bằng thương thảo. Bà Wieczorek-Zeul nói thêm: „Bạo lực không bao giờ tìm được sự giải quyết, chỉ có đối thoại từ đôi bên mới đạt được sự thoả hiệp.“ Như thế chính quyền Đức khoá lại số tiền 67,5 triệu Euro viện trợ cho Tàu cộng về vấn đề cải tạo môi trường.

Ngoài ra ông Günter Nooke, người điều hành văn phòng nhân quyền của chính phủ Đức lên án thêm: „Cộng đồng thế giới không chấp nhận những gì Tàu cộng đang đàn áp tại Tibet và ngôn từ của chính quyền Bắc Kinh đang sử dụng không thể tả nổi.“ Điều nhắc thêm nữa là nữ thủ tướng Đức Angela Merkel đã đơn phương đón tiếp Đức Dalai Lama tại bộ thủ tướng vào tháng 9/2007 đã làm cho Bắc kinh rất khó chịu và chống đối ra mặt.

Chiều 20/3/2008 bộ trưởng ngoại giao Đức, ông Frank-Walter Steinmeier nhận định về phóng viên người Đức bị trục xuất ra khỏi Lhasa: „Trung cộng tự làm hại chính mình khi trục xuất các nhà báo phương Tây.“ Khi được hỏi về Olympia, ông trả lời: „Nếu hôm nay là ngày khai mạc thế vận hội thì phải có hàng ngàn phóng viên đến làm việc. Tất cả mọi việc không thể che dấu dưới những tấm thảm lót chân. Olympia có thành công hay không đều năm trong tay của người Tàu.“

Tại Thụy Sĩ 150 nghị viên quốc gia và 26 nghị viên thành phố đã viết thư ngày 20/3 gửi quốc hội phải hành động tương xứng đối với cộng sản Tàu đã dùng bạo lực đàn áp và giết người Tây Tạng. Trong văn thư này nhắc đến điều hệ trọng cho chung Âu Châu: „Thụy Sĩ không được câm nín trước vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Bắc kinh.“

Trong một chương trình đã dự định và cũng may mắn vào thời điểm này các dân biểu Mỹ thăm Đức Dalai Lama vào ngày 21/3/2008 tại ngay tổng hành dinh lưu động của người Tây Tạng được đặt tại miền Bắc Ấn Độ Dharamsala. Đứng đầu phái đoàn là chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi. Tại đây hàng ngàn người hoan hô chào đón phái đoàn Mỹ với rừng cờ Mỹ và Tây Tạng. Bà Nancy Pelosi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy lên án sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng. Một đoạn phát biểu cảm động của bà Pelosi: „Hôm nay chúng tôi đến thăm các bạn trong một thời điểm đau buồn, để muốn đốt lên ngọn nến soi sáng sự thật về cuộc đàn áp tại Tibet.“ Tiếp theo bà nhấn mạnh: „Cuộc đấu tranh tại Tibet là một thách thức cho lương tâm thế giới. Nếu thế giới tự do không lên án chính sách của cộng sản Tàu ở Tây Tạng thì chúng ta đã đánh mất đạo đức để lên tiếng về nhân quyền.''

Ngoài ra các nhà đầu tư quảng cáo cho Olympia 2008 như Adidas, McDonald's, Coca Cola, v.v… đang lo ngại cho danh tiếng tiếng của họ và sợ thế giới tẩy chay không mua hàng của họ. Cho việc quảng cáo Olympia họ đã chi ra 100 triệu Dollar. Từ thời điểm tháng 3 này không cho mọi người đầu tư quảng cáo thấy được viễn tượng sáng sủa là chính trị và thể thao hoàn toàn biệt lập như họ đã nghĩ. Từ đầu năm 2008 chính quyền Bắc Kinh đã mang tiếng xấu về vi phạm nhân quyền từ nội địa cho đến liên quan ủng hộ các chính thể độc tài tại Sudan và Burma vì lợi nhuận buôn bán tài nguyên. Cú sốc lớn hơn hết là nhà đạo diễn đoạt giải Oscar Steven Spielberg tuyên bố từ chức nhiệm vụ quảng cáo cho Thế Vận Hội Olympic Mùa Hè 2008 vào ngày 14/2/2008 với lý do phản đối Tàu cộng đang tiếp tay với chính phủ nước Sudan đàn áp giết người dân lành (khoảng 200.000) tại khu vực Darfur. Trong giới nghệ sĩ, nữ diễn viên Mia Farrow đã tố cáo về Olympia tại Peking là „Thế Vận Hội Diệt Chủng.“ Diễn viên nam Richard Gere theo đạo Phật đòi hỏi hơn nữa nơi chủ tịch Olympia Thế Giới, ông Jacques Rogge là phải tẩy chay Thế Vận Hội Peking.

Từ biến cố Thiên An Môn 1989 chưa bao giờ Bắc Kinh bối rối và bất an như trong các ngày qua. Họ đã khiển trách Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI và thủ tướng Gordon Brown một cách gay gắt là nhúng tay vào nội bộ Tàu cộng. Chắc chắn các nhà lãnh đạo thế giới tự do sẽ tiếp tục noi theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, thủ tướng Gordon Brown, bà chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cũng như chính phủ Đức đang làm đối với Bắc Kinh. Ngoài ra các chính khách phương Tây rất mến mộ Đức Dalai Lama - người đoạt giải Nobel hòa bình - ngài có một chỗ đứng vững vàng trong thế giới tự do và ảnh hưởng của ngài lớn rộng. Cách đổ tội và vu oan thóa mạ „chó sói đội lốt thày tu“ cho Đức Dalai Lama của nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tự bôi nhọ trên mặt cho 1,3 tỷ người Tàu, điều này càng làm cho thế giới tự do khinh bỉ cách hành xử của cộng sản Tàu.

Bị đè nặng dưới áp lực của thế giới tự do, hãng tin Tân Hoa Xã của Tàu cộng lần đầu tiên đã thú thực vào thứ năm 20/3/008 là quân đội đã nổ súng bắn vào đoàn người biểu tình Tây Tạng tại quận Aba thuộc vùng Sichuan vào chủ nhật, 16/3/2008. Tuy vậy họ chỉ cho biết có 4 người bị thương trong cuộc nổ súng này. Trong khi đó thế giới tự do đều biết số nạn nhân bị quân đội giết chết lên đến 100 người, các hình ảnh nạn nhân bị giết giã man cả thế giới có thể nhìn thấy qua cánh cửa Internet.

Vì lợi nhuận kinh tế giao thương với Tàu làm cho tiếng nói bênh vực nhân quyền tại Tàu cộng luôn luôn yếu thế, tuy nhiên sự đàn áp giết người dã man tại thủ đô Lhasa đối với người dân Tây Tạng đang lay động phương Tây trong giấc ngủ mùa đông. Thế giới tự do sẽ tìm được câu trả lời thỏa đáng cho đến tháng 8/2008 vào dịp Olympia 2008 tại Bắc Kinh, cho dù lễ hội thể thao này được tổ chức hoặc phải huỷ bỏ thì hình ảnh của chú Tàu cộng sản không còn dễ thương như xưa nữa.
 
Bài suy niệm buổi đi đàng Thánh Giá tại hí trường Colosseo (Chặng 01-09)
Linh Tiến Khải
14:25 21/03/2008


Nội dung các bài suy niệm Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân soạn cho buổi đi đàng thánh giá, do Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chủ sự tại hí trường Colosseo ở Roma tối Thứ Sáu Tuần Thánh.

Lúc 9 giờ 15 phút tối ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 21-3-2008 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hí trường Colosseo ở Roma, với sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu. Các bài suy niệm đã do Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, dòng Don Bosco, Giám Mục Hồng Kông soạn. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn nội dung 9 Chặng đầu tiên.

Trong phần giới thiệu các bài suy niệm Đức Hồng Y Trần Nhật quân khẳng định rằng qua việc mời ngài viết các bài suy niệm cho buổi đi đàng Thánh Giá này Đức Thánh Cha muốn bầy tỏ sự chú ý tới đại lục Á châu và lôi cuốn các tín hữu Trung Quốc vào trong việc thực hành long trọng lòng đạo đức Kitô này. Đức Thánh Cha cũng muốn Đức Hồng Y đem đến Colosseo tiếng nói của các anh chị em sống ở xa xôi ấy.

Nhân vật chính của Chặng Đàng Thánh Giá là Chúa Giêsu, nhưng đàng sau Chúa có biết bao nhiêu người của qúa khứ và hiện tại và chúng ta tất cả. Chúng ta hãy để cho các anh chị em xa xôi ấy hiện diện trong tinh thần giữa chúng ta. Chắc chắn họ đã sống cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên thân xác họ hơn chúng ta rất nhiều. Trong thịt xác họ Chúa Giêsu lại bị bắt giữ, vu khống, tra tấn, chế nhạo, kéo đi, bị đè bẹp dưới sức nặng của thập giá và bị đóng đinh trên cây gỗ như một tội nhân.... Khi viết các bài suy niệm này tôi kinh hoàng khám phá ra rằng tôi đã không có tinh thần Kitô đủ. Tôi đã phải thanh tẩy mình khỏi các tâm tình ít bác ái đối với những người đã làm cho Chúa Giêsu đau khổ và đối với những người đang làm cho các anh chị em của chúng ta đau khổ trong thế giới ngày nay.

Đàng Thánh Giá bắt đầu bên trong hí trường Colosseo. Đức Hồng Y Camillo Ruini Giám quản Roma đã cầm Thánh Giá ở chặng thứ I. Hai chặng tiếp theo do một nữ tu Burkina Faso; tiếp đến là một gia đình thuộc giáo phận Roma. Hai chặng 6,7 do một chị ngồi trên xe lăn, có y tá đi kèm. Sau đó là đến phiên các tu sĩ Phanxicô Quản Thủ Thánh Địa; rồi một thiếu nữ Trung Hoa. Đức Thánh Cha cầm Thánh Giá trong ba chặng cuối cùng. Các người trẻ cầm đuốc đi hai bên Thánh Giá thuộc hai giáo xứ Roma là Đức Bà Cả và thánh Saturnino tử đạo.

Người hướng dẫn đã mở đầu buổi đi đàng Thánh Giá với các lời như sau: ”Lậy Chúa Giêsu Cứu Thế, hôm nay chúng con tụ họp nhau nơi đây trong giờ này và tại đây, nơi cách đây bao thế kỷ, giữa tiếng gầm vang của sư tử đói và tiếng la hét của đám đông vui chơi, các tôi tớ nam nữ Chúa đã để cho mình bị cắn xé và đánh đập cho tới chết vì trung thành với Danh Chúa. Hôm nay được Vị đại diện Chúa trên trần gian hướng dẫn, chúng con cũng đến đây để bầy tỏ với Chúa lòng biết ơn của Giáo Hội vì ơn cứu độ do Chúa thực hiện qua cuộc Khổ Nạn của Chúa.

Dọc dài các thế kỷ đã có nhiều hí trường Colosseo, rải rác tại nhiều nơi trên thế giới này, nơi các anh chị em chúng con tiếp tục cuộc Khổ Nạn của Chúa và cả ngày nay nữa vẫn còn bị bách hại gắt gao. Cùng với Chúa và các anh chị em bị bách hại trên toàn thế giới, chúng con xúc động bắt đầu con đường khổ đau, mà xưa kia Chúa đã bước đi với biết bao nhiêu tình yêu thương”.

Chặng thứ I Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Cây Dầu.

Chúa Giêsu cảm thấy âu lo sợ hãi và buồn sầu cho tới chết được. Người chọn ba người bạn đồng hành, nhưng họ lại ngủ vùi. Và Chúa bất đầu cầu nguyện một mình: ”Xin cho giờ này xa Con, xin cho chén đắng này xa Con... Nhưng lậy Cha xin theo ý Cha”.

Chúa Giêsu đến trần gian để làm theo ý muốn của Thiên Chúa Cha, nhưng chưa bao giờ như trong lúc ấy Người nếm được cái cay đắng sâu thẳm của tội lỗi và cảm thấy lạc lõng. Trong thư gửi tín hữu công giáo Trung Quốc Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhắc lại thị kiến trong sách Khải Huyền của thánh Gioan khóc trước cuốn sách bị đóng ấn kín mít của lịch sử nhân loại, của ”mầu nhiệm sự gian tà”. Chỉ Chiên Con bị sát tế mới có khả năng lấy đi dấu ấn đó.

Trong biết bao phần của thế giới Hiền Thê của Chúa Kitô đang phải trải qua giờ phút đen tối của bách hại, như vào thời hoàng hậu Esther, bị quan Amman đe dọa, như ”Người Phụ Nữ trong sách Khải Huyền, bị con rồng đe dọa. Chúng ta hãy tỉnh thức và đồng hành với Hiền Thê của Chúa Kitô trong lời cầu nguyện.

Lậy Chúa Giêsu là Thiên Chúa Toàn Năng, Chúa đã nhận lấy sự yếu hèn vì tội lỗi chúng con. Chúa quen với tiếng kêu của những người bị bách hại, vang vọng cuộc hấp hối của Chúa. Họ hỏi: Tại sao có cuộc bách hại này? Tại sao có nỗi hổ nhục này? Tại sao có tình trạng nô lệ kéo dài này? Các lời Thánh Vịnh trở lại trong trí chúng con: ”Lậy Chúa xin tỉnh giấc! Ngài cứ ngủ được sao? Xin chỗi dậy đi nào, đừng đuổi xua mãi mãi! Sao Ngài còn ẩn mặt, quên rằng chúng con bị khổ cực đọa đầy? Mạng sống chúng con chôn vùi trong cát bụi, tấm thân này nằm bẹp dưới bùn đen. Dám xin Ngài đứng lên phù giúp, lấy tình thương cứu chuộc dân Ngài” (Tv 44, 24-26).

Không, lậy Chúa, Chúa đã không dùng Thánh vịnh này trong vườn Gietsemani nhưng đã nói: ”Xin cho ý Cha được trọn”. Chúa đã có thể huy động 12 cơ binh nhưng Chúa đã không làm. Lậy Chúa, khổ đau khiến chúng con sợ hãi. Chước cám dỗ theo các phương tiện dễ dàng thành công hơn trở lại. Xin làm cho chúng con đừng sợ hãi nỗi sợ hãi, nhưng tin tưởng nơi Chúa.

Chặng thứ hai Chúa Giêsu bị Giuđa phản bội và bị các môn đệ bỏ rơi.

Phản bội và bỏ rơi từ phía những người mà Ngài đã chọn làm tông đồ, mà Ngài đã tín thác các bí mật của Nước Trời, mà Ngài đã tin cậy! Như thế là hoàn toàn thất bại. Đau đớn và nhục nhã biết chừng nào! Nhưng tất cả những điều đó xảy ra như hoàn thành điều các ngôn sứ đã báo trước. Nếu không thì làm sao Ngài đã có thể biết được cái xấu xa của tội lỗi, là sự phản bội tình yêu?

Sự phản bội gây kinh ngạc, nhất là cả khi nó liên quan tới các chủ chăn. Làm sao các vị lại đã có thể làm điều đó cho Chúa? Tinh thần thì mạnh mẽ, nhưng xác thịt thì yếu đuối! Các cám dỗ, đe dọa và tống tiền bẻ gẫy các ý chí. Gây gương mù gương xấu biết bao nhiêu! Khổ đau biết bao cho con tim của Chúa!

Chúng ta đừng coi đó là gương mù gương xấu! Các bội phản đã không bao giờ thiếu trong các cuộc bách hại. Và sau đó đã thường có các cuộc trở lại. Nơi người thanh niên bỏ cả áo mà trốn trần truồng (x. Mc 14,51-52) nhiều nhà chú giải uy tín đã trông thấy gương mặt của thánh sử Marco tương lai.

Lậy Chúa, ai trốn chạy cuộc Khổ Nạn của Chúa thì không còn phẩm giá nữa. Xin thương xót chúng con. Chúng con tự lột trần truồng trước Tôn Nhan Chúa. Chúng con cho Chúa xem thấy các vết thương xấu hổ nhất của chúng con. Lậy Chúa Giêsu, bỏ Chúa là bỏ mặt trời. Khi muốn bỏ mặt trời là chúng con rơi vào bóng tối và lạnh lẽo.

Lậy Cha, chúng con đã xa rời Nhà Cha. Chúng con không đáng được Cha tiếp nhận nữa. Nhưng Cha đã ra lệnh tắm rửa cho chúng con, mặc áo, mang giầy và xỏ nhẫn vào tay chúng con.

Chặng thứ ba Chúa Giêsu bị Hội đồng do thái kết án.

Hội Đồng do thái là tòa án cao nhất của dân Chúa. Giờ đây tòa án đó kết tội Chúa Kitô Con Thiên Chúa được chúc phúc, và cho rằng Người đáng chết. Đấng Vô Tội bị kết án, vì ”đã nói phạm thượng”, các thẩm phán tuyên bố và xé áo mình ra. Nhưng qua thánh sử chúng ta biết rằng họ làm như vậy vì ghen tương và thù ghét Ngài.

Nhưng thánh Gioan nói rằng vị thượng tế đã nói nhân danh Thiên Chúa: chỉ khi để cho cho Người Con vô tội bị kết án, Thiên Chúa Cha mới có thể cứu rỗi các người anh em tội lỗi của Chúa.

Qua các thế kỷ, đã có hàng hàng lớp lớp những người vô tội bị kết án khổ đau kinh khủng. Một vài người kêu lên vô tội, nhưng chính những người vô tội đó đền bù tội lỗi của thế giới trong sự hiệp thông với Chúa Kitô, Đấng Vô Tội.

Lậy Chúa Giêsu, Chúa không lo cho thấy sự vô tội của Chúa, vì Chúa chỉ muốn trao ban trở lại cho con người công lý, mà vì tội lỗi nó đã đánh mất. Chúng con tất cả đều đã là bạn hữu của Chúa, mà không có cách thay đổi điều kiện của chúng con. Chúa đã để cho mình bị kết án để trao ban ơn tha thứ cho chúng con. Lậy Chúa Cứu Thế xin đừng để cho chúng con bị kết án trong ngày sau hết.

Chặng thứ bốn Phêrô chối Chúa Giêsu.

”Cả khi có phải chết với Thầy, con cũng sẽ không chối bỏ Thầy” (Mt 14,31). Phêrô đã thành thật khi nói lên điều này, nhưng ông không biết mình, không biết sự yếu đuối của mình. Ông quảng đại, nhưng ông đã quên phải cần đến sự quảng đại của Thầy. Ông đã yêu sách chết cho Chúa Giêsu, trong khi Chúa Giêsu phải chết cho ông để cứu ông.

Khi làm cho Phêrô trở thanh ”đá tảng” để xây dựng Giáo Hội trên đó, Chúa Kitô lôi cuốn vị tông đồ vào trong sáng kiến cứu độ của Người. Phêrô đơn sơ tin rằng có thể làm cái gì cho Thầy, trong khi mọi sự đều được Người ban cho ông một cách nhưng không, kể cả sự tha thứ sau khi ông chối bỏ Người. Chúa Giêsu không thu hồi sự lựa chọn Phêrô như là nền tảng của Giáo Hội Người. Sau khi hối hận Phêrô đã có khả năng củng cố các anh em mình.

Lậy Chúa, khi Phêrô nói dưới sự mạc khải của Thiên Chúa Cha, ông nhận biết Chúa là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Trái lại khi ông tin tưởng nơi lý trí và thiện chí của mình, thì ông trở thành chướng ngại cho sứ mệnh của Chúa. Tính tự cao khiến cho ông chối Chúa là Thầy, trong khi sự sám hối khiêm hạ tái xác nhận ông là đá tảng trên đó Chúa xây dựng Giáo Hội Chúa.

Sự lựa chọn giao phó việc tiếp nối công trình cứu độ của Chúa cho những người yếu đuối và dễ mang thương tích biểu lộ sự khôn ngoan và quyền năng của Chúa.

Lậy Chúa, xin che chở những người Chúa đã chọn, để cho các cửa hỏa ngục không bao giờ thắng được các tôi tớ Chúa. Xin Chúa cũng đoái nhìn tất cả chúng con như đã nhìn Phêrô trong đêm đó sau khi gà gáy.

Chặng thứ năm Chúa Giêsu bị quan Philatô xử án.

Quan Philato xem ra quyền năng, có quyền sinh tử trên Chúa Giêsu. Ông thích châm biếm ”Vua dân Do thái”, nhưng thực ra ông là người yếu đuối, hèn hạ và nô lệ. Ông sợ hoàng đế Tiberio, ông sợ dân chúng, ông sợ các tư tế, mà ông khinh rẻ trong lòng. Ông biết Chúa Giêsu vô tội, nhưng vẫn cho đóng đinh Người.

Trong manh ý giải cứu Chúa Giêsu, ông cũng ban tự do cho một vụ giết người nguy hiểm. Ông tìm rửa tay vấy đầy máu vô tôi một cách vô ích. Quan Philato là hình ảnh của tất cả những người nắm giữ quyền bính như dụng cụ và không đếm xỉa gì đến công lý.

Lậy Chúa Giêsu, với sự can đảm tuyên bố Chúa là Vua, Chúa đã tìm thức tỉnh quan Philatô lắng nghe tiếng lương tâm của ông. Xin soi sáng lương tâm của biết bao nhiêu người nắm giữ quyền bính, để họ công nhận sự vô tội của các người theo Chúa. Xin cho họ có can đảm tôn trọng tự do tôn giáo.

Chước cám dỗ nịnh bợ kẻ cầm quyền và ức hiếp người yếu đuối là điều rất thịnh hành. Và những kẻ quyền thế là những người được chỉ định nắm giữ quyền bính, kiểm soát thương mại và các phương tiện truyền thông, nhưng cũng có những người để cho những kẻ quyền thế dễ dàng lèo lái họ để đàn áp những người yếu đuối. Làm sao họ lại có thể la lên ”Đóng đinh nó vào thập giá”, những người đã biết Chúa như là người bạn có lòng xót thương đã chỉ làm điều thiện cho tất cả mọi người?

Chặng thứ sáu Chúa Giêsu bị đánh đòn và đội mạo gai.

Đánh đòn là một hình phạt thông dụng thời đó. Chiếc roi kinh khủng của người Roma móc ra từng mảnh thịt. Và mạo gai không chỉ gây đau đớn cực độ mà cũng cùng với các khạc nhổ và đánh tát cũng là sự nhạo cười chức vương giả của Người Tù Thiên Chúa nữa.

Các tra tấn kinh khủng tiếp tục phát xuất từ sự ác độc của trái tim con người - và các tra tấn tâm thần cũng hành hạ con người không kém các tra tấn thể lý - và thường khi các nạn nhân lại trở thành người tra tấn. Biết bao nhiêu đau khổ đó lại vô nghĩa hay sao?

Không, lậy Chúa Giêsu, là Đấng tiếp tục quy tụ và thánh hóa tất cả mọi khổ đau: khổ đau của những người bệnh tật, của những người đang chết vì kiệt lực, của tất cả mọi người bị kỳ thị; nhưng những khổ đau rạng ngời giữa tất cả mọi khổ đau là những khổ đau vì Danh Chúa.

Vì các khổ đau của các vị tử đạo xin Chúa chúc lành cho Giáo Hội Chúa; xin cho máu họ trở thành hạt giống của các Kitô hữu mới. Chúng con vững tin rằng các khổ đau của họ, cả khi bây giờ xem ra là sự thất bại hoàn toàn, sẽ đem lại chiến thắng đích thật cho Giáo Hội Chúa. Lậy Chúa, xin ban lòng kiên trì cho các anh chị em của chúng con bị bách hại!

Chặng thứ bẩy Chúa Giêsu vác thánh gía.

Thập giá, biểu tượng cao cả của Kitô giáo, từ dụng cụ gia hình hổ nhục đã trở thành hiệu kỳ vinh quang.

Có những người vô thần can đảm sẵn sàng hy sinh chính mình vì cách mạng: họ sẵn sàng ôm lấy thập giá, nhưng không có Chúa Giêsu. Giữa các Kitô hữu có những người ”vô thấn” thực tiễn, muốn Chúa Giêsu, nhưng không muốn thập giá. Nhưng không có Chúa Giêsu thì không thể chiu đựng được thập giá và không có thập giá thì không thể yêu sách ở với Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy ôm lấy thập giá và hãy ôm lấy Chúa Giêsu, và với Chúa Giêsu chúng ta hãy ôm lấy tất cả các anh chị em đang khổ đau và bị bách hại!

Ôi! lậy Thiên Chúa Cứu Độ, Chúa đã hăng say ôm lấy thập giá mà từ lâu Chúa đã ước ao! Nó đè nặng trên đôi vai Chúa, nhưng được đỡ nâng bởi một con tim tràn đầy tình yêu thương.

Các vị thánh lớn đã hiểu sâu xa giá trị cứu rỗi của thập giá đến độ kêu lên: ”Hoặc là đau khổ hay là chết”. Xin cho chúng con ít nhất biết tiếp nhận lời Chúa mời gọi vác thập giá theo sau Chúa. Chúa đã chuẩn bị một thập giá vừa với từng người trong chúng con. Chúng con có trước mắt hình ảnh của Đức Gioan Phaolo II, leo lên ”Núi thập giá” bên Lituania. Mỗi một thập giá trên đó đều có một lịch sử cần kể lại, lịch sử của khổ đau và của vui sướng, của nhục nhã và chiến thắng, của cái chết và sự phục sinh.

Chặng thứ 8 ông Simon thành Cirene vác đỡ thập giá Chúa.

Ông Simon thành Cirene từ ngoài đồng về. Ông đụng phải đoàn tử tội và bị bắt ép cùng vác thập giá với Chúa Giêsu.

Sau đó ông chấp nhận việc phục vụ ấy, và tỏ ra hạnh phúc giúp được Người Bị Kết Án đáng thương ấy và trở thành một trong các môn đệ trong Giáo Hội thời khai sinh. Dĩ nhiên ông là đối tượng của sự khâm phục và đến như ghen tương vì số phận đặc biệt đã làm vơi nhẹ các khổ đau của Chúa Giêsu.

Lậy Chúa Giêsu thương mến, chắc chắn Chúa đã biểu lộ cho ông Cireneo lòng biết ơn đối với sự trợ giúp của ông, trong khi thập giá thực ra là của ông và của từng người trong chúng con. Như thế, lậy Chúa Giêsu, Chúa biết ơn chúng con mỗi khi chúng con giúp các anh chị em vác thập giá, trong khi chúng con chỉ làm bổn phận của mình để đền bù tội lỗi của chúng con.

Lậy Chúa Giêsu, chính Chúa khởi đầu vòng cảm thương này. Chúa vác thập giá của chúng con, để chúng con có khả năng giúp Chúa nơi các anh chị em Chúa vác thập giá của họ.

Lậy Chúa như là chi thể Thân Mình Chúa, chúng con giúp nhau vác thập gia và chúng con khâm phục đạo binh mênh mông các người Cirenei, tuy chưa có lòng tin, nhưng đã quảng đại làm vơi nhẹ các khổ đau của Chúa nơi các anh chị em Chúa.

Khi chúng con trợ giúp các anh chị em của Giáo Hội bị bách hại, xin cho chúng con nhớ rằng thực ra chúng con được họ trợ giúp nhiều hơn.

Chặng thứ 9 Chúa Giêsu gặp gỡ các phụ nữ thành Giêrusalem.

Các phụ nữ, các bà mẹ kín múc từ tình yêu thương một khả năng mênh mông giúp chịu đựng khổ đau. Các bà đau khổ vì chồng, vì con. Chúng ta hãy nghĩ tới các bà mẹ của biết bao nhiêu người trẻ bị bách hại và nhốt tù vì Chúa Kitô. Biết bao nhiêu đêm dài các bà phải thao thức và rơi lệ! Chúng ta hãy nghĩ tới các bà mẹ, liều chịu bắt bớ và bách hại đã kiên trì cầu nguyện trong gia đình, bằng cách vun trồng trong con tim niềm hy vọng có những ngày tươi sáng hơn.

Lậy Chúa Giêsu, mặc dù các khổ đau, như Chúa đã lo lắng ngỏ lời với các phụ nữ trên Con Đường Thập Giá, ngày nay xin cũng hãy cho biết bao nhiêu phụ nữ khổ đau được nghe tiếng Chúa ủi an. Chúa đã khuyến khích các bà đừng khóc thương Chúa, nhưng hãy khóc thương các bà và con cái các bà.

Khi khóc Chúa, họ khóc các khổ đau đem lại ơn cứu độ cho nhân loại và như thế các khổ đau đó là lý do của niềm vui. Điều họ phải khóc, trái lại, là các khổ đau do tội lỗi gây ra, khiến cho các bà và con cái các bà và chúng ta tất cả như củi khô đáng ném vào lửa.

Lậy Chúa, Chúa đã sai Mẹ Chúa đến lập lại với chúng con cùng sứ điệp đó tại Lộ Đức và Fatima: “Các con hãy sám hối và cầu nguyện để ngăn chặn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”. Xin cho chúng con sau cùng biết đón nhận lời kêu mời khẩn thiết ấy với con tim chân thành.

Tiếp Chặng thứ 10 đến Chặng thứ 14
 
Chuyến viếng thăm của ĐTC Benedictô đến Hoa Kỳ đã gần kề
Peter Nguyễn Minh Trung
23:13 21/03/2008
Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Ground Zero, cử hành thánh lễ tại sân vận động Yankee và Nhà thờ Quốc gia tại Washington D.C.

NEW YORK TIMES - Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ có chuyến tông du đầu tiên trong triều Giáo Hoàng của ngài đến Hoa Kỳ trong vòng 6 ngày vào tháng 04 sắp tới, và ngài sẽ viếng thăm Ground Zero, đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và cử hành thánh lễ tại Sân vận động Quốc gia tại Washington, Vương cung Thánh đường St. Patrick và sân vận động Yankee ở New York như các bản tin trước đã đăng.

Chuyến tông du Giáo Hoàng lần này của Đức Benedict XVI đánh dấu lần thứ 4 trong lịch sử thành phố New York các công dân được đón tiếp Đức Giáo Hoàng. Lần đầu tiên vào tháng 10 năm 1965, Đức Thánh Cha Paul VI đã có chuyến tông du lịch sử đến Hoa Kỳ, đánh dấu triều đại Giáo Hoàng đầu tiên đến quốc gia này. Tiếp theo đó là 2 chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha John Paul II vào tháng 10 năm 1979 và tháng 10 năm 1995.

Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ - Đức TGM Pietro Sambi đã đưa ra lời bình với hãng thông tấn quốc tế AP rằng Đức Thánh Cha chỉ viếng thăm New York và Washington. Lộ trình của chuyến tông du Giáo Hoàng đã được HĐGM Hoa Kỳ đưa ra chi tiết.

Đức Thánh Cha sẽ ở Washington từ 15 đến 17 tháng 04 và New York từ 18 đến 20 tháng 04. Ngày 16 ngài sẽ được đón tiếp trọng thể tại Nhà Trắng, cử hành thánh lễ tại Sân vận động Quốc gia Washington vào ngày 17. Ngày 18 ngài sẽ đọc diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ngày 19 sẽ là thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành với các hàng giáo phẩm Hoa Kỳ tại Vương cung Thánh đường St. Patrick của TGP New York, thăm viếng Đại Chủng Viện St. Joseph ở Yonkers và gặp gỡ các bạn trẻ tại đây.

Vào ngày 20/04, ngày cuối cùng của chuyến tông du, Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ thăm Ground Zero và cử hành thánh lễ tại sân vận động Yankee. Chiều tối cùng ngày, chính quyền Hoa Kỳ sẽ tiễn ngài đáp máy bay trở về Rome.

Đức Hồng Y Edward M. Egan, TGM New York, trong một tuyên bố đã xúc động:

"Khi Đức Thánh Cha yêu quý của chúng ta, Giáo Hoàng Benedict XVI, nói với tôi vào tháng 07/2007 rằng ngài sẽ đến New York tháng 04 năm sau, tôi vui sướng tột cùng với tin tức đó và ngay lập tức chia sẻ điều ấy với tín hữu trong tổng giáo phận của tôi và toàn bộ các tín hữu của Hoa Kỳ vĩ đại. Tất cả đều phấn khích và tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân đã ban cho họ được vinh dự đón tiếp Đấng Kế Vị Thánh Phêrô. Tôi xác quyết rằng Đức Thánh Cha sẽ được chào đón vô cùng nồng nhiệt khi ngài đến giữa chúng ta. Tất cả chúng ta đều háo hức mong chờ biến cố vĩ đại này với niềm hoan lạc và hy vọng cho tương lai Giáo hội tại Hoa Kỳ".

Như thời báo New York Times đã loan tin vào tháng 07 năm ngoái, đây là lần đầu tiên Đức Benedict XVI đến New York trong cương vị Giáo Hoàng kể từ khi ngài lên ngôi năm 2005. Tuy nhiên sẽ không phải là lần đầu tiên ngài đến thành phố này. Vì vào tháng 01 năm 1988, khi còn là Hồng Y Tổng trưởng Thánh bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Joseph Ratzinger đã đến Manhattan (New York) để tham dự một Hội nghị Thần học Quốc tế. Trong lần đó, một số Rabbi Do Thái Giáo đã từ chối tham dự hội nghị vì sự có mặt của ĐHY Ratzinger. Họ cho rằng ngài bảo thủ quan niệm là bài Do Thái. Các cuộc biểu tình của giới đồng tính đã diễn ra vì sự tức giận ĐHY Ratzinger, ngài luôn cho rằng tình dục đồng giới là điều vô luân và đảo lộn trật tự đạo đức sinh học thông thường.

Nhiều công dân của thành phố New York còn nhớ như in trong tâm trí họ những chuyến tông du Giáo Hoàng trước đây vào năm 1965, 1979, 1995. Những lần ấy đều là biến cố lớn tác động mạnh trong cuộc sống của cư dân thành phố New York. Và Người ta hy vọng tràn trề chuyến tông du tháng 04 sắp tới của Đức Thánh Cha sẽ còn hơn sự mong đợi thuần túy của nước Mỹ.
 
Top Stories
Australian youths actively participate in the Stations of Cross
J.B. An Dang
00:26 21/03/2008
There are still 116 days before WYD 2008, but its spirit and its impacts can be seen clearly at many parishes across Australia these days. On Good Friday, youths actively participate in the Way of Cross in their parishes with many innovative ways.

A Passion play performed by Lockridge WYD group
Many people burst into tears
Fr. Huynh Nguyen and Fr. Peter Manuel
In the Good Shepherd church in Lockridge, Western Australia, a WYD group has spent months practising a great Passion play drawing a huge crowd of parishioners in Good Friday morning. The play and the somber music of the youth choir made many people burst into tears.

“I feel so emotional both at the sufferings of Christ and at impacts that the preparation of the WYD has changed my daughter”, said a parishioner.

Explaining in details about the WYD preparation program, Fr. Vinh Dong, the parish priest, said: “WYD is not just primarily about an event or events that will take place from 15 to 20 of July. We have a preparation period before that and many programs well beyond WYD08”.

“Currently, we want the youths in the parish to know more about their faith and discover what inspires and engages them in the Church. Later, we want them to engage more fully in the life of the Church”, he added.

“The spirit of WYD has changed me.” said Maria Vu, a member in the WYD group of 42 at Lockridge, “I am inspired by other youths at school and in my parish who bear witness to our Catholic faith and our belief in Jesus. I know for sure in Sydney, I will be more aware about the universal Catholic Church in which we are all swept up in the love of Christ. I think WYD is a wonderful thing. It's something that gives life to the Church.”

Ten km away from the Good Shepherd church, Catholic and Anglican youths took turn carrying the Cross in the Way of Cross organised by both St. Columba Catholic church and St. Augustine Anglican church. The ecumenical service drew hundreds of Catholics and Anglicans walking and praying on the streets of Bayswater.

Fr. Huynh Nguyen, St. Columba’s parish priest, said that since 2006, he and Fr. Peter Manuel of the St. Augustine have organised ecumenical Stations of Cross on Good Friday "to bear witness to our common hope". The Stations of the Cross started outside the Anglican church and completed inside the Catholic church, where Fr. Huynh Nguyen gave his blessing to Catholic and Anglican attendances.

An Anglican student, who carried the Cross at some stages, believed that in these days when cooperation in social matters is so widespread, all those who believe in God should cooperate to bear witness more clearly and faithfully to the teachings coming to from Christ through the Apostles. "By walking and praying together, we show people we confess the one faith, and keep the fraternal harmony of the family of God," he said.

Some Anglican youths are reported to attend the WYD08 in Sydney with their Catholic friends.

More pictures for the Way of Cross at Lockridge
 
Manifestano le suore di Ho Chi Minh City, rivogliono la loro casa
Asia-News
07:12 21/03/2008
di Lan Nguyen

L’edificio, proprietà dal 1959 del Vinh Son Charity Order, è stato requisito per fini sociali. Trasformato in un dancing, ora viene abbattuto per far posto ad un albergo ed un night club.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) – Una nuova controversia su beni della Chiesa si è aperta in Vietnam. Dopo quelle di inizio anno ad Hanoi, la protesta riguarda un edificio di proprietà delle suore del Vinh Son Charity Order ad Ho Chi Minh City. Dal 17 marzo, alcune centinaia di suore (nella foto) si riuniscono ogni giorno in preghiera davanti ad una casa di loro proprietà, che è stata requisita e che ora le autorità locali vorrebbero abbattere per trasformarla in un albergo con annesso night club.

La proprietà in discussione si trova in Nguyen Thi Dieu ed è di proprietà delle religiose dal 1959, quando fu data loro dalla Croce Rossa francese. Da allora fino al 1975 fu un centro diurno di aiuto. Alla presa di potere da parte dei comunisti, l’arcidiocesi di Saigon e le suore accettarono di trasformarlo in un asilo.

Nel 1997, mentre le suore continuavano a chiedere la restituzione dell’edificio, le autorità con un atto amministrativo (75083/QD-UB) si attribuirono l’edificio per assenza del proprietario. In seguito fu dato in affitto e trasformato in un dancing. Nel 2007 una incursione della polizia dimostrò che era stato trasformato in un bordello e fu chiuso.

Le suore hanno continuato a chiedere che l’edificio sia loro restituito, in quanto non ha alcuna destinazione sociale, ma le loro petizioni non hanno avuto risposta. A novembre 2007, poi, le autorità ne hanno trasferito la proprietà all’Ufficio per la gestione del sistema ferroviario, che ha intenzione di demolirlo per farne un albergo e un night club. L’arcidiocesi si è unita alla richiesta delle suore per chiedere di ritornare sulla decisione. Per tutta risposta, è stato tolto il cartello che annunciava la costruzione del night, ma la demolizione è continuata.

Il 15 dicembre, 70 suore hanno intrapreso un’azione più incisiva, dando vita ad una veglia di preghiera insieme a gruppi di studenti e davanti ai giornalisti. La demolizione è stata sospesa, ma ora è ripresa.

L’Ordine religioso ha invitato le suore ad andare tutti i giorni davanti all’edificio ed ha chiesto la solidarietà di tutte le consorelle vietnamite.
 
The entire tormented reality of the Chinese Church in the meditations of Cardinal Zen
Asia-News
08:02 21/03/2008
by Franco Pisano

In the text that the bishop of Hong Kong prepared for the pope's Way of the Cross, the lack of religious freedom and the persecution of those who remain faithful, the betrayal of some pastors and the "standing beside" the underground Church.

Rome (AsiaNews) - The lack of religious freedom and the injustices done by the state, the "betrayal" of some bishops and the faithfulness of those who are persecuted, the hope and expectation of the Church's "victory" and the prayer to be "like the grain of wheat". The entire reality of the Chinese Church is contained in the meditations that Cardinal Zen prepared for the Way of the Cross this year. Calling things by their name, without diplomatic tact, as understandable as this might be. Besides, he wrote in the presentation, "the pope wanted me to bring to the Colosseum the voice of those faraway sisters and brothers".

And also the voice of their persecutors. About them, at the beginning the cardinal confesses: "I had to make a great effort to purify myself from my hardly charitable sentiments toward those who made Jesus suffer, and those who in today's world are making our brothers suffer". But, when Jesus promises the kingdom to the good thief, the request "remember us" unites "friends and enemies" and even "the persecutors of our friends".

The meditations on the stations of the Way of the Cross open with the statement that "the Colosseums have been multiplied down through the centuries, wherever our brothers, in various parts of the world, are still persecuted today in the continuation of Your Passion". This destiny also touches the Church, which "is passing through the dark hour of persecution". Further on, at the moment of the judgment of Pilate, suffering becomes prayer: "illuminate the conscience of so many people in authority, so that they may recognise the innocence of your followers. Give them the courage to respect religious freedom". And again, it becomes solidarity with the mothers of the persecuted, evoked by the meeting of Jesus with the women. "We think", writes the cardinal, "of the mothers of so many young people who are persecuted and imprisoned on account of Christ. How many long nights have these mothers spent in sleeplessness and tears. We think of the mothers who, risking arrest and persecution, have continued to pray with their families, fostering in their hearts the hope for better times".

The stages along the path of Jesus continue to be woven together with references to the realities of the Chinese Church, even if these are not specifically named. Thus, at the betrayal of Judas, Cardinal Zen comments: "betrayal is a surprise, above all when it also involves the shepherds of the flock". And again: "temptations, threats, and extortion sway the will. But what a scandal! What suffering for the heart of Lord! Let us not be scandalised! Defections have never been lacking during persecution. And after, there often come returns". And they too, like the persecutors, are remembered in prayer. At the twelfth station, the prayer addressed to Jesus and Mary says: "accept the repentance of all of us, who because of our weakness are always exposed to the risk of betrayal, denial, and desertion", and "accept the homage of fidelity of all of those who have followed the example of Saint John, who remained courageously beside the cross".

"Protect the men that you have chosen, Lord", the cardinal continues, when he recalls the betrayal of Peter, "so that the gates of hell may never prevail over Your servants". These, in the final prayer, return to follow the will of God. "Are we right", he asks, "to be in a hurry and to demand to see an immediate victory for the Church? Is it not, perhaps, our own victory that we are anxious to see? Lord, make us persevere in standing beside the Church of silence, and in accepting to disappear and die like the grain of wheat".
 
Sisters demonstrate in Ho Chi Minh City asking for their home back
Asia-News
14:27 21/03/2008
by Lan Nguyen

Praying in front of the building
Lay people join in prayers
Arguing with government officials
The building has belonged to the Vinh Son Charity Order since 1959. It was seized for social purposes but then turned into a dancing club. Now plans are to tear it down and build a hotel with night club in its place.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) – A new controversy has erupted in Vietnam over Church property. After those at the start of the new year in Hanoi, protests concerning a building owned by the Sisters of the Vinh Son Charity Order have broken out in Ho Chi Minh City. Since 17 March a few hundreds of them (see photo) have been gathering every day to pray in front of their seized property which local authorities would like to turn into a hotel with night club.

The property in question on Nguyen Thi Dieu has belonged to the Order since December 1959 after the French Red Cross transferred ownership to the sisters. The nuns opened a day care center that operated till 1975 when the communists came to power. Eventually the archdiocese of Saigon and the Order had to agree to let the local government use the facility as a school for kindergarteners.

Over the sisters’ protest the authorities took ownership of the building in 1997 by simple administrative fiat (75083/QD-UB), arguing that the property was in the state of absentee-landlord. Soon, the property was rented out in order to financially support local government and converted to a dancing club. In 2007, police raided the club and reported that the property was actually being run as a brothel. The club was shut down.

In the meantime the sisters continued to petition the authorities demanding that the building be returned since it had no socially relevant function, but their demand went nowhere.

In November 2007 ownership was transferred to the Bureau of Railroad System Management which expressed the intention of tearing it down to build a hotel with night club.

The archdiocese joined the sisters, calling on the authorities to reverse the decision. All they got was that the sign advertising the future night club was removed whilst demolition continued.

On 15 December some 70 sisters took matters into their hands, organising a vigil prayer together with a group of students in front of news reporters. Their action momentarily stopped the demolition.

The sisters’ Order has called on all of its members to go to the site and urged all sisters in Vietnam to show their solidarity.
 
The Easter of the Martyrs
Asia-News
18:53 21/03/2008
by Bernardo Cervellera

This year, the day in memory of missionary martyrs coincides with Easter Monday. In the splendour of the paschal mystery we remember the necessity of sacrifice, the sacrifice of Christ and that of his followers, a sign that truth and love have not abandoned earth.

Rome (AsiaNews) - Each year, the Italian Church, and above all the Youth Missionary Movement and the Pontifical Missionary Works, dedicate a day to commemoration and prayer on behalf of missionary martyrs. The event is celebrated everywhere with vigils of prayer and fasting, Eucharistic adoration, and the collection of donations for situations where the Church is persecuted.

The date for the annual appointment is March 24, the anniversary of the assassination of Oscar Arnulfo Romero, archbishop of San Salvador, killed in 1980 while he was celebrating Mass. This year, the date coincides with the celebration of Easter: March 24 is, in fact, Easter Monday.

This coincidence seems significant to me.

Above all because in the full bloom of Easter splendour, it recalls the necessity of sacrifice, of Christ first and then of his followers. In a world that dreams that everything should be easy, without difficulties, the Cross of Christ and that of the martyrs is instead the "necessary" price (Luke 24:26) so that the light of Easter may shine forth. And on the other hand, in a world - and a Church - where there is a strong temptation of "getting along", of relativising, of not muddying the waters, of a cloying niceness, the sacrifice of the martyrs reminds us that the Wisdom of the Cross ultimately comes to blows with the wisdom of the world. For this reason, as much as dialogue, inculturation, friendship, and service are able to achieve, martyrdom - even its bloodiest form - remains one of the essential features of the Christian proclamation.

Benedict XVI continues to emphasise the importance of proclamation and martyrdom for the Church and the world of today. It is enough here to recall the gratitude that he expressed to the martyrs of the Church in China, in his letter to the Chinese faithful (no. 2), or in his encyclical Spe Salvi (no. 37), when he cites the Vietnamese martyr Paul Le-Bao-Tinh, speaking of suffering as a pathway to hope.

This is the other value of the concurrence of the Day of the Martyrs and Easter. On the Monday after resurrection Sunday, it is a bit difficult to fast and be sad. This year, the young people will have to give more emphasis to joy, to the joy that is present in martyrdom. Because the gift of one's own life, lived as grateful love of Jesus Christ, is a promise of good fruits for the world. The martyr's sacrifice provides a sign that truth and love, and Christ himself, have not abandoned the earth, but live and shine even in the abyss of evil.

For all of these reasons, we have decided to give an Easter gift to our readers: a list of all the Christian martyrs killed in 2007. It is an ecumenical list, including not only Catholic martyrs, but also those of other Christian confessions. It is worth remembering that ecumenism and the struggle toward unity among the Churches was born and is nourished precisely by the fact that they share the same fate, as history has shown and still shows in many countries (Russia, China, Vietnam, Kenya, Saudi Arabia, Egypt, Iran. . . ) It is also a list that extends beyond the continent of Asia, to embrace the entire world. But Asia occupies a pre-eminent position: the countries where the greatest number of killings of Christians took place in 2007 are Iraq, with 47 killed, and India, with 18. With this, the perception is reinforced that Asia is "the continent of martyrs". But it is precisely for this reason - as we always say - that Asia should be the focus of evangelisation in the third millennium.

Remembering the martyrs means remembering that the hope of the resurrection is near. In our institute, the Pontifical Institute for Foreign Missions (PIME), there is a tradition that when news comes of the martyrdom of one of our members, the community gathers in Church to sing the Magnificat: the Lord performs "great works" by uniting to the fecundity of his Cross and resurrection the gift of one of our own lives.

The list is long, yet incomplete: it contains only the names of known persons whose death has been confirmed by at least two sources. It can be used like a long litany, asking these martyrs to obtain from the Lord of history his abundant mercy for the world, and above all for the persecutors. Happy Easter.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xem phim “Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu”
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
00:56 21/03/2008
Xem phim “Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu”.

• Tuần Thánh là tuần lễ quan trọng nhất trong Phụng vụ của Giáo Hội.
• Tuần Thánh để người Kitô hữu tưởng niệm những biến cố đặc biệt của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
• Tam Nhật Thánh là những ngày Thánh, đỉnh cao của năm Phụng Vụ.

Cùng với những cử hành phụng vụ Tam Nhật Thánh, Giáo xứ chúng tôi chiếu phim “cuộc khổ nạn của Chúa” cho mọi người xem. Bà con giáo dân đi xem phim thật đông đảo y như đi xem phim màn ảnh rộng của thập niên 70–80, cả bà con lương dân cũng đến dự.

Chúa Giêsu rửa chân cho môn đệ
Bộ phim xoay quanh 12 giờ cuối cùng của Chúa Giêsu, cảnh mở màn của bộ phim là Chúa Giêsu đang cầu nguyện trong vườn Cây Dầu (Lc 22,20-45), quỹ Satan đến cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ cuộc thương khó nhưng không thành. Rồi Giuđa phản bội đưa người đến bắt Chúa và dẫn đến nhà Thượng tế Anna và Caipha. Sáng hôm sau Chúa bị điệu đến quan tổng trấn Philatô và bị hành hình dã man. Cuộc khổ nạn lên tới cao điểm trên thập giá với những đau đớn, đóng đinh, máu chảy, thân xác tả tơi. Bóng tối bao trùm trái đất in mờ bóng ba thập giá trên nền trời đen thẳm. Từ chén cứu chuộc những giọt máu cuối cùng đang nhỏ xuống nhuộm đỏ cây Thánh giá Chúa Giêsu. Bộ phim đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn mỗi tín hữu. Ai cũng nhớ nhi in từng chi tiết cuộc khổ nạn Chúa Giêsu. Bộ phim giúp cho mỗi người sống Tuần thánh sốt sắng hơn, yêu mến Chúa hơn. Những bà cụ khóc nức nở vì thương Chúa bị đòn vọt dã man. Các em thiếu nhi ngồi im lặng theo dõi diễn tiến, nhiều em sụt sùi khóc nghẹn ngào. Có thể nói 2 giờ xem phim có giá trị hơn cả vài chục giờ dạy giáo lý cho giáo dân !

Giuđa phản bội
Toàn bộ chi tiết của bộ phim được đạo diễn Mel Gibson lấy từ Kinh thánh. Cuộc thương khó được bốn Phúc âm ghi lại kể về từng chặng đường khổ nạn Chúa Giêsu: Chúa Giêsu chết trong cô đơn: Các sách Phúc Âm đều thuật lại giờ phút sau cùng của Chúa, đó là những khoảnh khắc cô đơn kinh hoàng. - Trong vườn Cây Dầu, ba môn đệ thân tín ngủ say để Chúa xao xuyến một mình. - Giuđa phản bội bán Thầy 30 đồng bạc là giá một nô lệ bằng một nụ hôn giả dối. - Phêrô chối Thầy ba lần, ông thề là không quen biết Đức Giêsu trước một đầy tớ gái. - Các môn đệ sợ hãi bỏ chạy trốn hết, có một môn đệ chạy trốn bỏ lại áo, chạy mình trần. - Đám đông dân chúng cuồng nộ: Đóng đinh nó đi. Họ coi Đức Giêsu còn thua Baraba là một tên phiến loạn giết người. Không biết những người được Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi ăn giờ ở đâu? Những người được chữa lành đang ở đâu ? Những người tung hô Vạn tuế Con Vua Đavid đang làm gì ? Chúa Giêsu đi đến tột cùng của sự cô đơn khi Chúa thổn thức với Chúa Cha: Lạy Thiên Chúa tôi, sao Ngài nỡ bỏ tôi?

Chúa Giêsu chết trong đau khổ: Đau khổ Chúa Giêsu chịu trong giờ sau hết thật ghê rợn. - Đau khổ về thân xác: Người ta khạc nhổ, đánh đập, tát vào má, dùng roi quất vào người. Đôi bàn tay bầm tím xuyên thâu những mũi đinh nhọn. Đôi bàn chân bị đinh đóng xuyên qua cây gỗ. Đầu đội mũ gai nhọn, lưỡi đòng đâm cạnh sườn máu và nước chảy ra. Chúng ta hình dung, một người bị lột trần trụi, hai tay bị giang thẳng trói xiết chặt vào thanh gỗ ngang, hai chân bị trói vào thanh gỗ dọc, phơi ngoài trời nắng cho đến chết. Chết vì nghẹt thở do các cơ vòng ngực, cơ bắp tay không còn sức trương ra co vào để phổi thu nhận dưỡng khí. Tử tội bị đóng đinh cổ tay bàn chân càng thê thảm bội phần vì đau đớn nhức nhối, sức người rướn lên để thở nên mau kiệt quệ và chóng chết. - Đau khổ về tinh thần: Người ta sỉ nhục, cười nhạo Chúa Giêsu, kẻ qua người lại đều nhục mạ Người: Nếu ông là Con Thiên Chúa sao không cứu mình đi. Các Thượng tế cũng chế giễu Người: Nó đã cứu được người khác sao không tự cứu mình đi. Những kẻ cùng đóng đinh với Người cũng thách thức: Nếu ông là Đức Kitô,ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa.

Chúa Giêsu chết trong sự vâng phục: Cái chết cô đơn, cái chết đau khổ đến với Chúa Giêsu như một chén đắng mà Chúa Cha trao phó, Chúa Giêsu đã xin vâng theo ý Cha, nhưng không vì thế mà bớt sự đau đớn. Trong vườn Cây Dầu Chúa Giêsu than thở: Cha ơi Cha có thể làm được mọi sự. Xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý Con mà theo ý Cha. Và “Đức Giêsu đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập giá” (Pl 2,8). Cái chết của Chúa Giêsu có giá trị là vì “vâng phục” chứ không phải là vì “đau khổ”. Thánh Phaolô trong (Rm 5,12) cũng nhắc lại giá trị sự vâng phục của Đức Kitô đối ngược với sự bất tuân của Ađam. Thánh Gioan coi cái chết của Đức Kitô là cái chết tự nguyện và vì lẽ đó mà Chúa Cha yêu mến Ngài (x. Ga10,17-18). Chính sự vâng phục tự nguyện đem lại giá trị cho sự đau khổ cái chết của Đức Kitô. Tình yêu đến cùng của Đức Kitô đối với Chúa Cha mạc khải tình yêu đến cùng của Thiên Chúa đối với nhân loại, bất chấp mọi giới hạn, bất chấp mọi trở lực do hận thù của loài người. Đau khổ và cái chết vì tình yêu, Đức Giêsu đã vâng phục. Tình yêu đã chiến thắng hận thù. Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết bằng cái chết; trong cái chết tình yêu đã thắng vượt, khởi đầu cho sự sống mới trong ân sủng Phục sinh.

Vì thế khi suy ngắm cuộc khổ nạn và cái chết quá đỗi đau thương của Chúa Giêsu chúng ta nhận thấy Chúa chấp nhận đau khổ vì vâng phục thánh ý Chúa Cha và vì yêu thương nhân loại. - Đau khổ hình như là một định luật trong thiên nhiên. Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không mục nát đi nó trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó chết đi mới trổ sinh nhiều hạt khác (Ga 12,24). Khi người đàn bà sinh con thì bà đau đớn, nhưng khi đã sinh con rồi thì bà quên hết đớn đau, bà vui mừng vì một con người đã chào đời (Ga 16,21). Người mẹ phải trải qua một sự đau đớn, một hình thức chết để cho sự sống xuất hiện. Một em học sinh, một anh sinh viên phải vất vả học hành, thức khuya, dậy sớm mới mong đạt kết quả. Những người nông dân phải lao nhọc một nắng hai sương để cầy bừa, gieo hạt, chăm bón mới hy vọng có một mùa màng tươi tốt. Hạnh phúc luôn nối liền với cố gắng và hy sinh. - Đau khổ là một định luật trong tình yêu. Chúa Giêsu nói: Ai
Chúa Giêsu trên thập tự
yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống mình nơi trần gian này thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời. Tình yêu cao cả nhất là tình yêu quên mình để phục vụ người khác. “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống cho người mình yêu” (Ga 15,13). Khi suy gẫm về cuộc sống vợ chồng chúng ta sẽ thấy rằng: nếu mỗi người chỉ ích kỷ lo cho bản thân mình, chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng mình mà không quan tâm đến gia đình thì cuộc sống sẽ nặng nề buồn chán, hạnh phúc gia đình mau tan vỡ. Chỉ yêu bản thân mình là hủy diệt hạnh phúc gia đình. Nếu mỗi người biết quên mình để lo chung hạnh phúc gia đình thì niềm vui mới trổ sinh hoa trái.

Tất cả những điều đó soi sáng cho chúng ta phần nào về đời sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Khi chấp nhận mang lấy những khổ đau, những nhục nhã của cái chết Thập gia, Chúa Giêsu đã trở nên như hạt lúa phải mục nát đi để cho sự sống mới phát sinh. Nhờ sự chết của Người mà sự sống đời đời xuất hiện cho nhân loại. Đó là định luật nối kết sự chết và sự sống. Chấp nhận đau khổ và sự chết vì tình yêu thì nó trở thành con đường dẫn tới sự sống muôn đời. Trong cuộc sống thường ngày, có những lúc chúng ta gặp đau khổ thất bại như nghèo nàn lại bị tai vạ, bệnh tật, chết chóc … gặp nghịch cảnh nhiều lúc chúng ta than trách Chúa, nghi ngờ, lung lay đức tin, có người đánh mất đức tin … Nếu biết kết hợp với đau khổ, chiêm ngắm đau khổ của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn chúng ta vững vàng vượt qua thử thách. Qua đau khổ mới đạt tới vinh quang. trong cuộc sống hàng ngày, khi gặp những đau khổ thử thách, chúng ta hãy xin được như Thánh Gioan kiên vững dưới chân Thập giá để trung thành với một tình yêu sắt son cùng Thầy Giêsu; xin được như Đức Maria can đảm dưới chân Thập giá cùng chịu đau thương nhục nhã với người con yêu.

Con Thiên Chúa đã gánh chịu mọi khổ đau của thân phận con người nhưng Ngài không oán than kêu trách, không kêu ca rên xiết. Trái lại, Người đón nhận khổ đau với một tình yêu sâu đậm: Yêu Chúa Cha và yêu nhân loại. Chính tình yêu này đã biến khổ đau của Người nên nguồn ơn cứu rỗi.

Xem phim “cuộc khổ nạn Chúa Giêsu” trong Tuần Thánh, người tín hữu càng thêm lòng mến Chúa, thêm đức tin.
 
Lễ Truyền Dầu Tại Nhà Thờ Chính Tòa Sài Gòn
Lê Kim
12:01 21/03/2008
SAIGÒN - Thứ năm tuần thánh 20.03.2008 như thường lệ hằng năm, vẫn thánh lễ lúc 8 giờ 30 sáng tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Đức Hồng Y G.B Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục đã chủ tế thánh lễ Truyền Dầu cùng với Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống-Giám Mục Phụ Tá, và khoảng hơn 250 linh mục đồng tế.

Trong bài chia sẻ của mình, ĐHY Mẫn đã nói: “… Nếu chúng ta với ánh sáng niềm tin của mình, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong mầu nhiệm vượt qua nầy, chúng ta sẽ thấy hành vi, tâm tình, thái độ của Chúa Giêsu trong cuộc hành trình này, biểu hiện chiều sâu, chiều rộng, chiều cao của tình yêu không còn tình yêu nào lớn hơn nữa.

Ở chiều sâu, niềm tin của chúng ta cho ta thấy:

Tình yêu vô biên của Chúa Giêsu từ trời cao tự hạ đón nhận phận làm người và cái chết trong cõi nhân sinh, cho chúng ta thấy,Chúa Giêsu tự hạ rửa chân cho các môn đệ vì yêu thương họ, cho chúng ta thấy,Chúa Giêsu khiêm tốn tự hiến mình làm lương thực nuôi dưởng chúng ta lớn lên trong đời sống hiệp thông trong giáo hội, trong đời sống làm con Chúa, làm anh em của mọi người. Chúng ta thấy tình yêu quãng đại của Chúa, chia sẻ chức tư tế của Chúa cho các linh mục, quãng đại vì từ những người được cứu độ Chúa biến họ trở thành những cộng tác viên của Chúa để phân phát lương thực của Chúa đến cho mọi người.

Ở chiều rộng, niềm tin cho chúng ta thấy:

Tình yêu quãng đại của Chúa dấn thân phục vụ cho tin mừng cứu độ, phục vụ cho sự sống và phẩm giá của mọi người, đặc biệt những người bất hạnh. Cho chúng ta thấy, tình yêu từ bi, bao dung của Chúa đối với mọi hạng người tội lỗi, đối với môn đệ phản thầy chống thầy bán thầy, lòng bao dung của Chúa đối với những người đã âm ưu hãm hại, sỉ nhục, hành hạ và giết chết Người.

Ở chiều cao, niềm tin cho chúng ta thấy:

Tình yêu vạn năng của Chúa, tình yêu vạn năng đã chiến thắng sự dữ, chiến thắng lội lỗi và cái chết, đưa Chúa Giêsu vượt qua cõi chết để đi đến cõi trường sinh bất tử, làm cho Chúa Giêsu hiện diện một cách tuyệt diệu ở giữa loài người, hiện diện trong gia đình anh chị em, trong khu xóm. Trong cộng đoàn của anh chị em, trong giáo hội, trong xã hội cho đến tận cùng thời gian. Tình yêu này với tất cả chiều sâu, chiều rộng, chiều cao của nó mà Chúa Giêsu đã thể hiện trong trần thế, chính tình yêu đó Thiên Chúa không những đã dựng nên theo hình ảnh của Người là tình yêu đó, mà Người từ khi mỗi người chúng ta lãnh Bí tích Rửa tội đã đổ vào lòng tín hữu tràn đầy tình yêu tự hạ, khiêm tốn… cả những người đã lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh, Bí tích Hôn phối cũng vậy trong từng cấp bật đều cảm nhận được ơn Chúa đã đổ vào trong lòng mỗi người…”

Sau bài chia sẻ, Đức Hồng Y Mẫn đã làm phép thánh hóa dầu mới và trong thánh lễ này Đức Hồng Y cũng đã mời gọi các linh mục lập lại lời hứa của mình trong ngày lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh. Sau thánh lễ Đức Hồng Y, Đức Giám mục Phụ Tá cùng các linh mục đồng tế đã rước dầu vừa được thánh hiến về nhà xứ nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn.
 
Ban Tông Đồ ĐCV Hà Nội loan báo Tin Mừng yêu thương đi thăm và phát quà cho người nghèo
Nguyễn Xuân Trường
13:09 21/03/2008
HÀNỘI - Hưởng ứng lời kêu gọi của cha Đặc trách Ban Tông đồ đại chủng viện Hà Nội, trong suốt Mùa Chay, quý cha giáo và chủng sinh đại chủng viện Hà Nội đã hướng tới anh chị em đau khổ trong lời cầu nguyện. Chứng kiến cảnh rất nhiều anh chị em đang phải sống trong những hoàn cảnh cơ cực, họ bị đau khổ về tinh thần, thiếu thốn về vật chất và bị đớn đau vì bệnh tật, chúng ta không khỏi động lòng trắc ẩn, khắc khoải, cảm thương và muốn làm một điều gì đó cho họ và cũng là cho chính mình. Trong Tuần Thánh, nhờ chủng sinh đại chủng viện Hà Nội tự đóng góp 5,152,000 đồng và nữ tu Dominic (Úc Châu) ủng hộ 2,000,000 đồng, Ban Tông đồ đã chuẩn bị hơn trăm phần quà (mỗi phần quà gồm một túi bánh và một phong bì) trao tặng những người có hoàn cảnh khó khăn.

Sáng ngày 21.3.2008, Thứ Sáu Tuần Thánh, với sự khích lệ của Ban Giám đốc đại chủng viện, một số chủng sinh chia thành 3 nhóm đã đi thăm viếng, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn tại: Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội, những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt trong một số bệnh viện Hà Nội và những anh chị em nghèo khổ, bất hạnh đang tá túc tại các gầm cầu, đường phố Phúc Tân, Chương Dương, Long Biên, Gia Lâm… Chúng tôi đi dưới bầu trời Hà Nội u ám một máu xám tối như đồng cảm với lòng bao tín hữu xót thương Chúa chịu khổ nạn.

Tôi theo chân nhóm chủng sinh do cha Đặc trách Ban Tông đồ và cũng là cha Linh hướng Đại chủng viện Cosma Hoàng Văn Đạt dẫn đầu tới thăm Trung tâm bảo trợ xã hội III Hà Nội. Đi cùng nhóm còn có ông cố cha Giuse Thông và ông trùm Mạnh Anh thuộc giáo xứ Cửa Bắc, Hà Nội. Trung tâm thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội, cách đại chủng viện 23 km. Trung tâm hiện nuôi dưỡng 81 cụ già không người thân và 60 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt. Ban lãnh đạo trung tâm và các cụ, các em vui mừng chào đón đoàn. Các cụ sung sướng và cảm động nhận những món quà tuy nhỏ về giá trị vật chất nhưng lớn lao về giá trị tinh thần. Quý cha và chủng sinh ân cần trao quà như muốn trao cả tấm lòng. Các cụ cứ luôn miệng cám ơn, cám ơn. Có cụ mắt chẳng còn nhìn rõ, nhưng lại nhanh nhảu chào cha và chủng sinh là các đồng chí!

Ngày này năm xưa Thày Giêsu đã dạy các môn sinh: Thày ban cho các con một điều răn mới, đó là các con hãy yêu thương nhau như Thày yêu thương các con. Thế nên, khi mang tình thương đến cho các cụ phải chăng cũng chính là loan báo Tin Mừng, là mang Chúa đến cho họ. Khi các cụ hỏi chúng tôi ở đâu đến, chúng tôi đều thành tâm trả lời: Chúng cháu từ Nhà thờ đến. Bên cạnh những gói quà vật chất, tôi vô cùng cảm động khi cùng hiệp ý với ông trùm Mạnh Anh trao ban chính Mình Thánh Chúa cho một cụ Công giáo. Rước Mình Thánh Chúa vào đúng ngày tưởng niệm Chúa chịu chết vì yêu thương thật ý nghĩa biết bao.

Gặp gỡ các cụ, chúng tôi không chỉ đem đến mà còn nhận lãnh từ các cụ nhiều điều. Chúng tôi nghiệm ra rằng: chính các cụ -những người nghèo- cũng đang loan báo Tin Mừng cho chúng tôi. Những người nghèo nhiều khi không còn biết cậy dựa, không còn biết nương tựa vào ai, họ chỉ còn biết nương tựa vào một mình Chúa mà thôi. Thì ra, đến với người nghèo không phải để ban ơn nhưng là con đường giúp ta nên giống Chúa Giêsu - Đấng trước tiên đã đến với người nghèo khó. Thiên Chúa luôn tỏ lộ sự thánh thiện của Ngài bằng cách không khinh dể người nghèo, không ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau của con người. Khi ta gặp phải khổ đau, thì hãy nhớ rằng chính Chúa đã chịu khổ đau trước; khi ta bị vu oan, thì hãy nhớ rằng chính Chúa vô tội mà đã bị kết án; khi ta đang sống trong oán thù thì hãy nhớ rằng chính Chúa đã tha thứ cho những kẻ giết Ngài. Nhiều khi chúng ta thường an ủi nhau: hãy hi sinh vác thập giá Chúa trao. Thực sự thì chỉ có con người trao thập giá cho Chúa và cho nhau, chứ Chúa đâu có trao thập giá cho con người! Thiên Chúa không ác độc đến độ sung sướng khi chứng kiến chúng ta chịu đau khổ. Khi chúng ta phải vác thập giá khổ đau, thì đấy là lúc Chúa cũng đang sẻ chia đau khổ vác thập giá cùng chúng ta. Đến những lúc đau khổ quá lớn, quá cay đắng, chúng ta không thể vác nổi nữa, thì lúc ấy Chúa sẽ vác chúng ta trên vai Ngài. Niềm tin vào sự thật này sẽ an ủi chúng ta rất nhiều, sẽ cho ta thêm nhiều bình an, sức mạnh và hi vọng.

Chúa Giêsu đã bị đóng chặt tay chân vào thánh giá trong khi trái tim Ngài vẫn rung mãi những nhịp yêu thương. Vì thế, mỗi khi nhìn lên và hôn chân Chúa chịu đóng đinh, mong sao mỗi người chúng ta khát khao làm đôi tay mở rộng để cho đi yêu thương của Chúa, làm đôi chân đi rắc gieo Tin Mừng sự sống của Chúa. Chúa vẫn đang chờ mong xã hội lẫn Giáo hội sẽ thực sự làm những đôi tay, đôi chân nối dài của Chúa. Ước chi xã hội và Giáo hội xây dựng thêm những trung tâm chăm sóc những người đang chịu nhiều đau thương vì bị bỏ rơi, cô đơn, bệnh tật.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhà nước định lấy đất của DCCT Đà lạt để xây bưu điện
PV VietCatholic
01:14 21/03/2008
NHÀ NƯỚC ĐỊNH LẤY ĐẤT CỦA DCCT ĐÀ LẠT ĐỂ XÂY BƯU ĐIỆN

ĐÀ LẠT - Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã gởi công văn cho UBND TP Đà Lạt, Ban Tôn Giáo Tỉnh Lâm Đồng và UBND Tỉnh Lâm Đồng xin lại Tu Viện DCCT Đà Lạt và các phần đất liên quan.

UBND Tỉnh ngày 21.11.2007 đã gởi một công văn giao cho Ban Tôn Giáo nghiên cứu, đề xuất giải quyết theo quy định:



Nhưng ngày 6.3.2008 Nhà DCCT lại nhận được giấy đòi "nộp hồ sơ" để "tính toán bồi thường" vì nhà nước muốn lấy đất làm bưu điện như sau:



Dòng Chúa Cứu Thế cần chỗ để phục vụ giáo dân hơn cần tiền, vì thế Hội Đồng Quản Trị Dòng Chúa Cứu Thế đề nghị Quý Ủy Ban "không tiến hành việc thu hồi giải tỏa. Hơn nữa, hiện nay đang trong thời gian chờ đợi giải quyết việc xin lại Tu Viện và đất. Đất đai Lâm Đồng bao la, chẳng lẽ không còn chỗ nào khác xây bưu điện!"

 
DCCT Phản đối việc phá dỡ và xây dựng tại Khách sạn Hải Yến Nha Trang
PV VietCatholic
01:19 21/03/2008
NHA TRANG -- Chúng tôi vửa được tin văn thư của DCCT ngày 5.3.2008 phản đối việc phá dỡ và xây dựng tại Khách sạn Hải Yến Nha Trang trên khu đất thuộc Nhà Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang như sau:

 
Vụ trụ sở của Dòng Nữ Tử Bác Ái: Ban Quản lý Đường Sắt rút lui thì Vũ trường đi về đâu?
Nguyễn Quy Luật
01:31 21/03/2008
SAIGÒN - Sáng nay, đi ngang 32 bis Nguyễn Thị Diệu, tui thấy Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Tp đang thu dọn mấy cái trụ sắt, xi măng cốt thép định làm cổng hôm trước để chở đi. Tui mừng vui khôn xiết, bởi lỡ làm sai biết sửa sai mới xứng danh con cái UBND TP. Xem chừng là “một đi không trở lại” hay sao mà các bác tháo luôn các bóng đèn mới bắt bên trong (thay thế cho các đèn mờ vũ trường trước đây).

Hình ảnh sáng nay xe thu dọn và chở đường sắt đi khỏi số 32bis
Các bà xơ chắc mừng lắm. Nhưng thực ra thì đã được chi đâu. Các “xếp” lúc này chắc đang ngồi nhậu lai rai tính đường khác đấy thôi. Nếu nó thực sự là nơi kiếm tiền cho nhà nước thì họ đã trả cho các xơ để lấy “đức” cho con rồi. Khổ nỗi hình như hổng phải dzậy, cho nên trả lại thì “uổng lắm”. Chỉ khi nào các xơ biến nó thành “xương cá mập” nuốt không trôi thì may ra người ta mới xót xa làm một nghi lễ linh đình có đầy đủ phóng viên trong và ngoài nước. Lúc đó cả thế giới mới thấy chính quyền ta hết sức “lương thiện” và thương con nít, đương nhiên sẽ không quên làm một bài giáo dục công dân dạy các xơ “phải biết ơn Đảng và Nhà Nước” đã có công “giữ dùm” bấy lâu nay, chỉ mở vũ trường thôi chứ nhất định không cho lũ con nít vườn trẻ quậy phá.

Lui một bước tiến hai bước các xơ ui. Ấy, phải nhìn cái gương Tòa Khâm Sứ ở miền Bắc. Coi chừng lại có nhóm quốc ranh nào đó chẳng biết ở đâu ra lại lên tiếng 32bis Nguyễn Thị Diệu ngày xưa là nền nhà cơ sở “Báo Ứng” gì đấy thì phiền. Mà cũng nên coi chừng người ta sẽ trả lại cho Công Giáo, mà phải là Công Giáo và Dân Tộc cơ, cái nhà đó mà là tòa soạn thì bác Trần Bá Cương phải mừng mà thọ đến trên trăm đấy. Có lẽ bác sẽ chia đôi, một bên là tòa soạn, một bên là vũ trường, vừa nghỉ ngơi vừa an hưởng tuổi già, vừa làm nơi tiếp các xếp … nhất định không cho con nít vào.

Sáng nay các Soeurs Dòng Nữ Tử Bác Ái cầu nguyện với các em mồ côi tại 32bis
Mà hổng chừng cũng có khi Sở Giáo dục và Phòng Giáo dục Quận 3 đứng ra “nhận giúp” cái vũ trường này. Trước đây khi cái vườn trẻ bị khai tử, hậu quả là hàng trăm, hàng ngàn cháu phải ra đường lang thang, vì ai cũng biết nếu từ xưa tới giờ cái nhà này nằm trong tay các bà xơ thì không ít trẻ mồ côi có nơi nương tựa. Khi biến vườn trẻ của các bà xơ thành vũ trường, chính quyền tiếp tay cho tệ nạn xã hội và trực tiếp tống trẻ mồ côi ra đường phố. Xin hãy làm một cử chỉ đẹp để cho thấy lương tâm quý vị còn có răng. Hãy trả lại chỗ cho các bà xơ làm từ thiện !

Sở Giáo Dục và Phòng Giáo Dục Quận 3 đứng ra “nhận giúp” cái vũ trường này chăng ? Cho nó danh chính ngôn thuận, đúng với lý do “mượn” trước đây ? Là những nhà giáo dục, có bao giờ các vị khuyến khích học sinh tàng trữ đồ ăn cắp không ? Là những người trí thức có suy nghĩ, các vị thừa biết cái cơ sở 32bis Nguyễn Thị Diệu này là của “cướp ngày”, cướp của các bà xơ, cướp của Hội Chữ Thập Đỏ Pháp, toàn là cướp của những người làm từ thiện. Tất cả những cơ quan thiện nguyện trên thế giới sẽ ủng hộ mấy bà xơ trong chuyện đòi lại nhà đất này khi nó “bao la” trên internet. Tất cả các trẻ mồ côi và những ai đã chịu ơn các bà xơ Nữ Tử Bác Ái trên thế giới sẽ điện thoại, gởi fax, email tới các Tòa Đại Sứ Việt Nam trên thế giới để phản đối. Nhưng hơn hết, những đứa trẻ mồ côi lang thang đầu đường xó chợ sẽ lên án các vị, vì khi các vị đưa tay ra nhận cơ sở này, các vị cướp đi mái ấm của chúng nó, nhất là tình thương mà chúng nó không kiếm đâu ra trên đường phố. Nói dại, chúng nó mà chết oan ức ngoài đường thì chúng nó sẽ về “vịn” các vị đấy. Tôi tin rằng các vị là những nhà giáo dục tốt lành bao giờ cũng có cái tâm trong veo và hăng say làm điều thiện.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Lửa Phục Sinh
Sen K.
00:12 21/03/2008

LỬA PHỤC SINH



Ảnh của Sen K. – Philippines

“Sự chết đã vùi trong toàn thắng”

(Cor 15:54)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền