Ngày 19-03-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật Lễ Lá, năm B
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:43 19/03/2018
Bước vào cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu
Mc 14,1-15,47 hoặc Mc 15,1-39

Lễ Lá cho chúng ta đi vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu.Ngày Chúa khải hoàn đi vào Giêrusalem tưởng chừng như một cuộc vinh quang lớn của một Vị Vua. Người ta trải đường cho Chúa, trẻ con cầm cành Ô liu, và cành vạn tuế để tung hô Chúa. Người ta tưởng tượng đây là cuộc chiến thắng khải hoàn của một Vị Vua thắng trận.Tuy nhiên Chúa vào Giêrusalem để chấp nhận cái chết theo ý Thiên Chúa Cha.

Thực vậy, con đường của Chúa Giêsu là con đường Thập giá. Con đường đau khổ, con đường hẹp, nhưng đó là con đường tình yêu.Tin Mừng của Thánh Gioan cho chúng ta hay Chúa Giêsu phải can đảm hết mình bởi vì người Do Thái, đặc biệt các Thượng tế, Kinh sư và Kỳ mục đang tìm cách bắt Ngài. Do đó, việc đi vào Giêrusalem trong dịp lễ Vượt Qua làm chúng ta không thể nào tin nổi :” Sắp đến lễ Vượt Qua, và rất nhiều người đi Giêrusalem…Họ đang tìm Đức Giêsu và hỏi han nhau “ Bạn nghĩ sao ? Chắc Ngài chẳng đến dự lễ đâu ? “. Bọn Tư tế và Biệt phái đã ra lênh : bất cứ ai biết Đức Giêsu ở đâu thì phải báo cáo ngay để họ bắt Ngài “ (Ga 11, 55-57 ). Và như thế, mọi người đều lo ngại cho việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem có ý nghĩa gì ? Và dân chúng đón chào Ngài có ý làm sao ? Thánh Gioan cho chúng ta hiểu :” Đức Giêsu tìm thấy một con lừa và cưỡi lên nó, đúng như lời Kinh Thánh dạy : Hỡi thành Sion, đừng sợ, này đây Vua ngươi đến, Ngài đang cưỡi trên một chú lừa con “ ( Ga 12, 14-15 ). Đức Giêsu tiến vào thành, dân chúng vẫy các cành thiên tuế và reo lên :” Hosanna ! Vạn tuế Đấng nhân danh Chúa mà đến ! Hoan hô Vua Israen “ ( Ga 12, 13 ). Thánh Gioan kết thức đoạn Tin mừng này bằng lời bình luận bất thường như sau:” Lúc đó các môn đệ Đức Giêsu chưa hiểu điều ấy, nhưng khi Đức Giêsu đã được đưa đến chốn vinh quang, họ mới nhớ lại lời Thánh Kinh viết điều này về Ngài và chính họ đã thực hiện điều ấy cho Ngài “ ( Ga 12, 16 ).

Chúng ta hiểu thế nào về sự trái nghịch đó ? Điều này nằm nơi chú lừa ! Người ta thường cho rằng lừa là con vật chậm chạp, đần độn. Nhưng các nhân vật trong Kinh Thánh lại khen con vật này. Họ cho lừa là con vật hiền hòa khác hẳn với giống ngựa là giống vật dùng cho chiến tranh thường chở các chiến binh vào chiến địa vv…Ngôn sứ Giacaria đã tiến báo Đấng Mêsia sẽ cưỡi lừa tiến vào Giêrusalem. Đức Giêsu là như thế, Ngài quả quyết hai điều: thứ nhất Ngài là Đấng Mêsia của dân Israen, thứ hai Ngài vén lộ, mạc khải cho muôn dân biết sứ mệnh Thiên Sai của Ngài là gì ?

Vâng, vào thời Đức Giêsu người ta hiểu rất mơ hồ về vai trò, sứ mệnh của Đấng Thiên Sai. Họ cứ nghĩ Đấng Thên Sai phải là một Vị Vua oai hùng đánh Đông dẹp Bắc, quy tụ mọi người Israen tản mác, đánh đuổi Đế Quốc La Mã ra khỏi vùng Palestina, đẩy chúng nhào xuống biền khơi vv…Đức Giêsu cỡi trên con lừa hiền lành tiến vào Giêrusalem đã đi ngược lại ý tưởng của họ. Đức Giêsu lúc đó không đáp ứng được đúng yêu sách và những điều họ suy nghĩ về Ngài. Ngài phải là Vị Vua chinh chiến, bắt quân thù làm nô lệ và hầu hạ mình. Nhưng Đức Giêsu lại là một vị Vua hiền lành, yêu thương, nhân hậu đến để phục vụ chứ không để được phục vụ. Ngài cúi mình rửa chân cho các môn đệ của mình. Đức Giêsu đã không làm những việc nhưng dân chúng tưởng tượng, Ngài đến để quy tụ con người, những người thành tâm để chống lại nghèo nàn, đói khổ. Đức Giêsu đến không để kết án nhưng để tha thứ. Đức Giêsu đến để đem hòa bình, tình thương cho con người cho mọi người.

Hôm nay, chúng ta đón Đức Giêsu và tung hô một Vị Vua hiền hòa, khiêm nhượng. Hosanna! Tung hô Con Vua Đa Vít !.

Đi vào cuộc thương khó và Phục sinh của Đức Giêsu, Giáo Hội mời gọi chúng ta đi vào cuộc thương khó của Chúa bằng đời sống đạo đức, thánh thiện của chúng ta. Hãy làm những việc tử tế và tỏa sáng để đời số của mỗi người chúng ta luôn tỏa chiếu ánh sáng huy hoàn của Thầy Chí Thánh : Vua Giêsu hiền từ, nhân hậu và đầy lòng Thương Xót.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chấp nhận con đường Thập giá, con đường mà Chúa đã đi để cứu rỗi nhân loại, cứu độ nhiều người.Xin cho chúng con đi vào Tuần Thánh với tất cả tấm lòng yêu thương, với tất cả đức tin của chúng con. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Chúa đi vào Giêrusalem để làm gì ?
2.Dân chúng tung hô Ngài để làm gì ?
3.Con lừa theo nghĩa người đời và theo nghĩa các nhân vật Kinh Thánh ?
4.Vua Giêsu là Vua thế nào ?
5.Dân Do Thái nghĩ gì về một Vị Vua mà họ mong đợi ?

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha khai mạc tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ
Lm Đức-Anh,OP
09:50 19/03/2018
ROMA. Sáng ngày 19-3-2018, ĐTC Phanxicô đã khai mạc tiền Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ, trước sự tham dự của hơn 300 đại biểu giới trẻ đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

19-3-2018 cũng là ngày kỷ niệm đúng 5 năm ĐTC khai mạc sứ vụ chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ.

Tiền Thượng HĐGM tiến hành từ ngày 19 đến 24-3-2018 tại Giáo Hoàng Học Viện ”Mẹ Giáo Hội” thuộc Con đường Tân Dự Tòng ở Roma, với mục đích góp ý với các nghị phụ sẽ nhóm họp Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 15 tại Vatican từ ngày 3 đến 28-10 năm nay về đề tài ”Đức tin, người trẻ và sự phân định ơn gọi”.

Chính ĐTC, khi thông báo Tiền Thượng HĐGM này vào cuối buổi tiếp kiến chung thứ tư, 4-10 năm ngoái (2017) đã nói: ”Với con đường này, Giáo Hội muốn đặt mình lắng nghe tiếng nói, sự nhạy cảm, đức tin và cả những nghi ngờ, phê bình của người trẻ - chúng ta phải lắng nghe người trẻ! Vì thế, những kết luận của khóa họp tiền THĐGM này sẽ được chuyển tới các nghị phụ”.

Trong quá khứ, cũng đã có những khóa họp tiền Thượng HĐGM, ví dụ để chuẩn bị Công nghị các GM thế giới kỳ 7 hồi năm 1987, về ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Giáo Hội và trên thế giới, hoặc trước Thượng HĐGM đặc biệt kỳ I về Âu châu hồi năm 1991, nhưng đúng ra đó là những hội nghị, trong khi tiền Thượng HĐGM về giới trẻ khai mạc hôm qua với hình thức như hiện nay thực là điều mới mẻ, theo nhận xét của ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM.

Các HĐGM thế giới cử đại diện trẻ đến tham dự, có nơi cử 5 người như Ấn độ, có nơi cử 3 người như Pháp và Hoa Kỳ. Trong các thành phần ấy cũng có các tu sĩ nam nữ trẻ và chủng sinh, hoặc những người thuộc các phong trào và hội đoàn của Giáo Hội. Ngoài ra cũng có đại diện của các Giáo Hội Kitô anh em và tôn giáo khác, giới học đường, đại học, văn hóa, lao động, thể thao, nghệ thuật, các bạn trẻ thiện nguyện, giới trẻ ở những môi trường ngoại ô, sau cùng là các chuyên gia, các nhà giáo dục và đào tạo. ĐHY Baldisseri cho biết cũng có cả những người Kitô không Công Giáo, tín đồ đạo khác và cả người không tín ngưỡng.

Riêng ĐTC Phanxicô, ngài đã mời hai bạn trẻ, một nam và một nữ, thuộc Trung tâm Italia về liên đới của cha Mario Picchi ở Italia. Hai bạn trẻ này mang theo kinh nghiệm của nhiều người trẻ đồng lứa tuổi đã quyết định rời bỏ con đường nghiện ngập để tiến vào con đường hồi sinh. ĐTC đã từng dành một buổi chiều thứ 6 trong năm thánh Lòng Thương Xót, để viếng thăm các bạn trẻ thuộc trung tâm thánh Carlo của cha Picchi ở Castel Gandolfo.

Chào thăm

Lúc 9 giờ sáng 19-3-2018 ĐTC đến Học viện Mẹ Giáo Hội là chủng viện của Con đường Tân Dự Tòng cách Vatican khoảng 5 cây số. Tại Hội trường của Học viện, trên bàn chủ tọa, cạnh ĐTC còn có ĐHY Lorenzo Baldisseri Tổng thư ký Thượng HĐGM, ĐHY Farell, Bộ trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống. Sau bài hợp ca chào mừng, một thiếu nữ người Pakistan đã xướng kinh Lạy Cha bằng tiếng Urdu, ĐHY Baldisseri đã đại diện các bạn trẻ quốc tế chào ĐTC và cám ơn ngài đã triệu tập Thượng HĐGM về giới trẻ và muốn có khóa họp tiền Thượng HĐGM này để lắng nghe người trẻ, như một giai đoạn cuối trước khi các GM nhóm họp. Khóa họp này cũng được các bạn trẻ thế giới theo dõi, tham dự qua 15 ngàn mạng xã hội. ĐHY cũng chúc mừng ĐTC nhân kỷ niệm 5 năm khai mạc sứ vụ Phêrô của ngài.

Diễn văn khai mạc của ĐTC

Về phần ĐTC, sau khi cám ơn và chào thăm các bạn trẻ từ các nơi tựu về đây, ngài đề cao tầm quan trọng của việc lắng nghe người trẻ, ơn Chúa gọi, và ngài mời gọi họ hãy phát biểu trong tự do những ý kiến trong tuần gặp gỡ này. Ngài nói:

”Các bạn được mời như những đại diện giới trẻ thế giới vì sự đóng góp của các bạn không thể thiếu được. Chúng tôi cần các bạn để chuẩn bị Thượng Hội đồng sẽ tập hợp các GM về đề tài ”Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”. Trong lịch sử Giáo Hội, cũng như trong nhiều giai thoại Kinh Thánh, Thiên Chúa đã nhiều lần nói qua người trẻ: ví dụ tôi nghĩ đến Samuel, David và Daniel. Nói một cách tương ứng, tôi tin rằng trong những ngày này Chúa cũng sẽ nói qua các bạn.

1. Quá nhiều khi người ta nói về người trẻ mà không gọi hỏi họ. Cả những phân tích tốt nhất về thế giới người trẻ, tuy hữu ích, nhưng không thay thế sự cần thiết của cuộc gặp gỡ diện đối diện. Có người nghĩ rằng giữ các bạn ở một khoảng cách an toàn thì dễ hơn, để không bị các bạn khiêu khích. Nhưng nếu chỉ trao đổi vài sứ điệp ngắn hoặc chia sẻ những hình ảnh dễ thương thì không đủ. Cần phải coi trọng người trẻ! Tôi thấy dường như chúng ta đang bị một thứ văn hóa bao quanh: một đàng người ta tôn thờ tuổi trẻ, tìm cách làm cho nó không bao giờ qua đi, nhưng đàng khác họ lại gạt bỏ bao nhiêu người trẻ, không để họ nắm giữ vai chính. Nhiều khi các bạn bị gạt ra ngoài lề cuộc sống công cộng và các bạn phải xin xỏ những công việc không bảo đảm cho các bạn một tương lai. Quá nhiều khi các bạn bị bỏ rơi một mình.

Trong Giáo Hội không được làm như vậy. Tin Mừng yêu cầu chúng ta điều đó: sứ điệp của Chúa về sự gần gũi mời gọi chúng ta hãy gặp gỡ và đối chiếu với nhau, đón nhận và yêu mến nhau thực sự, đồng hành với nhau và chia sẻ mà không sợ hãi. Khóa họp tiền thượng HĐGM này muốn là dấu chỉ nói lên một cái gì to lớn, đó là Giáo Hội muốn lắng nghe tất cả các bạn trẻ, không loại trừ một ai.

2. Thượng HĐGM tới đây muốn phát triển những điều kiện để người trẻ được đồng hành một cách hăng say và với khả năng thích hợp, trong việc phân định ơn gọi, nghĩa là ”nhận ra và đón nhận tiếng gọi yêu thương và sống sung mãn” (Tài liệu chuẩn bị, dẫn nhập). Xác tín căn bản là: Thiên Chúa yêu thương mỗi người và Ngài đích thân gọi từng người. Đó là một món quà làm cho chúng ta tràn đây vui mừng khi khám phá ra nó (Xc Mt 13,44-46). Các bạn hãy chắc chắn điều này: Thiên Chúa tín nhiệm các bạn, yêu thương và gọi các bạn. Về phía Chúa, Ngài sẽ không kém, vì Ngài trung tín và thực sự tin tưởng các bạn. Ngài gửi đến các bạn câu hỏi như xưa kia Ngài đã hỏi các môn đệ đầu tiên: Các anh tìm gì thế? (Ga 1,38). Chúa mời gọi các bạn chia sẻ sự tìm kiếm cuộc sống với Ngài, đồng hành với Ngài. Và chúng tôi, trong tư cách là Giáo Hội, cũng làm như vậy, vì chúng tôi chỉ có thể hăng say chia sẻ sự tìm kiếm niềm vui đích thực của mỗi người, và chúng ta không thể giữ riêng cho mình Đấng đã thay đổi cuộc sống chúng tôi là Chúa Giêsu. Những người đồng lứa với các bạn và những thân hữu của các bạn, tuy không biết Chúa, nhưng cũng đang đợi chờ Chúa và lời loan báo ơn cứu độ của Ngài.

3. Thượng HĐGM sắp tới cũng sẽ là một lời kêu gọi gửi đến Giáo Hội, để tái khám phá một năng động trẻ trung được đổi mới. Tôi đã đọc được một số điện thư về bản câu hỏi được Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM đưa lên mạng và tôi có ấn tượng mạnh vì lời kêu gọi mà một số bạn trẻ để lại, họ yêu cầu người lớn hãy gần gũi và giúp họ trong những chọn lựa quan trọng.

Một thiếu nữ đã nhận xét rằng những người trẻ thiếu những điểm tham chiếu và không ai thúc đẩy họ khởi động những năng lực mà họ có. Rồi bên cạnh những khía cạnh tích cực của thế giới người trẻ, thiếu nữ ấy cũng nhấn mạnh những nguy hiểm, trong đó có rượu, ma túy, tính dục được dùng một thứ đồ tiêu thụ. Và thiếu nữ ấy kết luận như một tiếng kêu: ”Xin giúp thế giới người trẻ chúng con ngày càng bị suy sụp”. Tôi không biết thế giới người trẻ ngày càng sụp đổ hay không, nhưng tôi thấy tiếng kêu của thiếu nữ ấy chân thành và đòi được chú ý. Cả trong Giáo Hội chúng ta phải học những cách thức mới để hiện diện và gần gũi. Về vấn đề này, một bạn trẻ đã hăng hái kể lại sự tham gia của anh vào một số cuộc gặp gỡ với những lời này: ”Điều quan trọng nhất là sự hiện diện của các tu sĩ giữa người trẻ chúng con như những người bạn lắng nghe chúng con, biết và khuyên bảo chúng con”.

”Tôi nghĩ đến sứ điệp tuyệt vời của Công đồng chung Vatican 2 gửi người trẻ. Ngày nay sứ điệp ấy cũng là một khích lệ chiến đấu chống lại mọi thứ ích kỷ và can đảm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó là một lời mời gọi tìm kiếm những con người mới và táo tạo, tin tưởng đi theo, mắt luôn hướng nhìn về Chúa Giêsu, cởi mở đối với Chúa Thánh Linh, để trẻ trung hóa chính khuôn mặt của Giáo Hội. Vì trong Chúa Giêsu và trong Thánh Linh Giáo Hội tìm được sức mạnh để luôn đổi mới, thực hiệm một sự kiểm điểm cuộc sống về cách thức sống, xin lỗi về những mong manh yếu đuối và thiếu sót của mình, không ngại dùng nghị lực để phục vụ mọi người, với ý hướng duy nhất là trung thành với sứ mạng mà Chúa đã ủy thác cho, đó là sống và loan báo Tin Mừng.

4. Các bạn trẻ thân mến, con tim của Giáo Hội trẻ trung chính vì Tin Mừng như nhựa sống liên tục tái sinh. Các bạn có nhiệm vụ ngoan ngoãn và cộng tác vào sự phong phú ấy. Chúng ta cũng hãy làm như vậy trong hành trình Thượng HĐGM này, nghĩ tới thực tại giới trẻ toàn thế giới. Chúng ta cần phục hồi niềm hăng say của đức tin và sự thích thú tìm kiếm. Chúng ta cần tìm lại trong Chúa sức mạnh trỗi dậy từ những thất bại, tiến bước, củng cố niềm tín thác nơi tương lai. Và chúng ta cần dám đi những con đường mới, dù điều đó có những rủi ro. Cần liều, vì tình yêu phải biết liều; nếu không liều, thì người trẻ sẽ trở thành người già, và cả Giáo Hội cũng già theo. Vì thế chúng tôi cần các bạn trẻ, là những viên đá sống động của một Giáo Hội có khuôn mặt trẻ trung, không son phấn: không phải một sự trẻ trung giả tạo, nhưng được đổi mới từ bên trong. Và các bạn thách thức chúng tôi ra khỏi lập luận ”từ trước đến giờ vẫn làm như vậy” để ở lại trong Truyền Thống chân thực với tinh thần sáng tạo.

Và ĐTC kết luận rằng ”Để có cùng làn sóng với các thế hệ trẻ, cần có một cuộc đối thoại khẩn trương. Vì thế tôi mời gọi các bạn trong tuần này hãy thẳng thắn bày tỏ một cách hoàn toàn tự do. Các bạn giữ vai chính và điều quan trọng là các bạn hãy nói một cách cởi mở. Tôi cam đoan rằng sự đóng góp của các bạn sẽ được coi trọng. Ngay từ bây giờ tôi cám ơn các bản và xin các bạn đừng quên cầu nguyện cho tôi”.

Chứng từ 5 châu

Sau bài diễn văn khai mạc của ĐTC, mọi người đã nghe chứng từ của 5 bạn trẻ đại diện 5 châu lục nói về châu của mình. Anh Cao Hữu Minh Trí, bằng tiếng Anh, trình bày về tình hình Á châu với các vấn đề tại đại lục này. Anh có nhắc tới sự kiện nhiều người trẻ ngày nay sẵn sàng phí phạm thời giờ trong việc xử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh và tablet một cách vô ích. Có khoảng cách rất lớn trong tương quan giữa các bạn hữu trong một nhóm, các thành phần giá đình, vì ”có một sự imlặng đáng sợ” trong mỗi cuộc gặp gỡ hoặc hội họp, trong đó mỗi người đều bận rộn sử dụng mạng xã hội, chơi games hoặc làm việc khác....

Sau nửa giờ giải lao, mọi người đã tái nhóm khoáng đại lúc 11 giờ, và có cuộc đối thoại giữa ĐTC và cử tọa. Một vài bạn trẻ sẽ đặt cầu hỏi và ngài trả lời.

Tiếp đến có phần trình bày nội dung khóa họp và ĐTC giã từ Học viện lúc 12 giờ rưỡi trưa để trở về Vatican.

Sau khi kết thúc 5 ngày Tiền Thượng HĐGM, các bạn trẻ sẽ tham dự thánh lễ Chúa Nhật lễ lá 25-3 tại Quảng trường Thánh Phêrô, cũng là Ngày Quốc tế giới trẻ ở cấp giáo phận.

G. Trần Đức Anh OP
 
ĐGH Phanxicô: Tôi yêu mến Thánh Giuse rất nhiều vì ngài là một người mạnh mẽ và thầm lặng.
Giuse Thẩm Nguyễn
14:56 19/03/2018
ĐGH Phanxicô: Tôi yêu mến Thánh Giuse rất nhiều vì ngài là một người mạnh mẽ và thầm lặng.

(Vatican News) Cách đây năm năm, cũng vào Lễ kính Thánh Giu-se, ĐGH Phanxicô đã mừng lễ đăng quang Triều Đại Giáo Hoàng của ngài. Ngài đã chọn đúng vào ngày 19 tháng Ba vì Ngài luôn thấy ở Thánh Giu-se sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

19 tháng Ba năm 2013: Bài giảng trong Thánh Lễ Đăng Quang Giáo Hoàng

Thánh Giu-se là “Đấng Bảo Vệ” vì ngài có thể nghe được tiếng Chúa, cũng như thực hành theo sự hướng dẫn của Thánh Ý Chúa; và đây chính là lý do mà thánh nhân rất dễ đồng cảm được với những người mà Thiên Chúa tin tưởng giao cho ngài chăm sóc. Ngài có thể nhìn thấy những sự việc một cách thực tế, ngài quan sát những việc xung quanh để có những quyết định khôn ngoan. Hỡi các con yêu dấu, qua Thánh Giuse, chúng ta học được cách sẵn sàng và ước muốn đáp lời mời gọi Thiên Chúa.

Ở đây cha muốn thêm vào một điều nữa: sự chăm sóc, bảo vệ, mong muốn điều tốt lành, luôn đòi hỏi phải có tấm lòng dịu dàng nhân ái. Trong Phúc Âm, Thánh Giu-se xuất hiện như là một người mạnh mẽ và can đảm, một người lao động, nhưng trái tim ngài là cả một sự dịu dàng nhân ái tuyệt vời. Đây không phải là dấu hiệu của người hèn yếu, nhưng thực ra là dấu hiệu của một tinh thần mạnh mẽ và một khả năng biết quan tâm, biết xót thương, biết mở lòng với mọi người vì tình tình yêu. Chúng ta không phải sợ sự tốt lành, sự hiền dịu!

16 tháng Giêng, 2015: Thảo luận về gia đình ở Manila

Cha rất yêu mến Thánh Giu-se vì ngài là một con người thầm lặng và mạnh mẽ. Trên bàn của cha, có một tấm ảnh thánh Giu-se đang ngủ. Ngay cả khi ngài đang ngủ, ngài cũng đang chăm lo cho Giáo Hội. Đúng thế, chúng ta biết rằng ngài có thể làm như vậy. Vì vậy khi cha gặp phải nỗi khó khăn, điều nan giản, cha viết vài chữ vào tờ giấy nhỏ và đặt dưới chân Thánh Giu-se để mong ngài có thể mơ thấy khó khăn của cha. Nói môt cách khác là cha nhờ ngài cầu nguyện để giúp cha giải quyết khó khăn này.

Kế đến là cùng đứng lên với Chúa Giê-su và Mẹ Maria. Những giây phút quý báu được nghỉ ngơi bên Chúa trong cầu nguyện là những giây phút mà cha muốn kéo dài mãi. Nhưng cũng giống như Thánh Giu-se, một khi nghe tiếng Chúa gọi, dù là đang ngủ chúng ta phải tỉnh dậy ngay. Đã đến lúc chúng ta phải thức dậy và làm việc (Rom: 13:11) Trong gia đình chúng ta, chúng ta phải thức dậy và làm việc! Đức tin không tách rời chúng ta ra khỏi thế giới này, nhưng là kéo chúng ta chìm sâu hơn vào với nó.

Cũng như món quà Gia Đình Thánh Gia đã được giao phó cho Thánh Giu-se, món quà gia đình của chúng ta cũng được giao phó cho chúng ta trong chương trình của Thiên Chúa. Thánh Giu-se có bổn phận chăm sóc cho gia đình Thánh Gia. Chúng ta cũng thế, mỗi người là thành viên của gia đình mình, hãy chịu trách nhiệm và chăm sóc cho gia đình mình theo Thánh Ý Chúa. Thiên thần báo tin cho Thánh Giu-se về những nguy hiểm đe dọa Chúa Giê-su và Mẹ Maria, thúc bách các Đấng buộc lòng phải trốn sang Ai Cập và rồi định cư tại Na-za-reth. Cũng thế, trong thời đại của chúng ta, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta nhận ra những nguy hiểm đang đe dọa gia đình mình để chúng ta có phương cách bảo vệ nó.

20 tháng Ba, 2017: Bài giảng Thánh Lễ sáng tại nhà nguyện Casa Santa Marta

“Hôm nay cha sẽ cầu xin cùng Thánh Giu-se ban cho tất cả chúng ta khả năng để mơ vì khi chúng ta mơ những điều lớn lao, những điều tốt lành, chúng ta sẽ đến gần với giấc mơ của Thiên Chúa, giấc mơ của Ngài về chúng ta. Giấc mơ cho những người trẻ, vì Chúa cũng đã trẻ, khả năng để mơ, để dám liều lĩnh đảm nhận những công việc khó khăn đã thấy trong giấc mơ của mình. Giấc mơ của Ngài là cho tất cả chúng ta lòng chân thật để lớn lên với phẩm hạnh ngay chính trong thầm lặng, vì Chúa là Đấng công chính. Nghĩa là, được lớn nên trong sự dịu dàng để có khả năng bảo vệ những yếu kém của chính mình và của những người khác.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Các số thống kê chính thức về 5 năm triều Giáo Hoàng Phanxicô
Vũ Văn An
19:18 19/03/2018
Theo tin Zenit ngày 20 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh vừa công bố các số thống kê về triều Giáo Hoàng Phanxicô sau 5 năm như sau:



Thông Điệp

Lumen fidei (Ánh Sáng Đức Tin) (20 Tháng Sáu 2013)
Laudato si’ (Ngợi Khen Chúa) (24 Tháng Năm 2015

Tông Huấn

Evangelii gaudium (Niềm Vui Tin Mừng) (24 Tháng Mười Một 2013)
Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương) (19 Tháng Ba 2016)

Sắc Chỉ

Misericordiae vultus (Khuôn Mặt Thương Xót) (11 Tháng Tư 2015)

Tự Sắc

3 trong năm 2013
2 trong năm 2014
4 trong năm 2015
9 trong năm 2016
4 trong năm 2017
1 trong năm 2018

Yết Kiến Chung 219

Các Chủ Đề Giáo Lý Thứ Tư

Tuyên Xưng Đức Tin
Các Bí Tích
Các Ơn Chúa Thánh Thần
Giáo Hội
Gia Đình
Lòng Thương Xót
Niềm Hy Vọng Kitô Giáo
Thánh Lễ

Kinh Truyền Tin/Lạy Nữ Vương Thiên Đàng 286

Du Hành Quốc Tế: 22

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã du hành tổng cộng 250,000 cây số, đến thăm: Ba Tây, Giócđăng, Palestine, Do Thái, Nam Hàn, Albania, Quốc Hội Âu Châu ở Strasbourg, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Phi Luật Tân, Bosnia và Herzegovina, Ecuador, Bolivia, Paraguay, Cuba, Hiệp Chúng Quốc, Kenya, Uganda, Cộng Hòa Trung Phi, Mễ Tây Cơ, Hy Lạp, Armenia, Ba Lan, Georgia, Azerbaijan, Thụy Điển, Ai Cập, Bồ Đào Nha, Colombia, Miến Điện, Bangladesh, Chile và Peru.

Du Hành Trong Nước Ý: 18

Viếng thăm mục vụ các giáo xứ Rôma: 16

Thượng Hội Đồng Giám Mục:

Thượng Hội Đồng Đặc Biệt Lần Thứ 3 về Gia Đình (5-19 Tháng Mười 2014)
Thượng Hội Đồng Thường Lệ lần thứ 14 về Gia Đình (4-25 Tháng Mười 2015)
Thương Hội Đồng Thường Lệ lần thứ 15 về Giới Trẻ (3-18 Tháng Mjười 2018)
Thượng Hội Đồng Đặc Biệt về Amazon (Tháng Mười 2019)

Các Năm Đặc Biệt

Năm Đời Sống Tận Hiến (29 Tháng Mười Một 2014–2 Tháng Hai 2016)
Năm Thánh Đặc Biệt về Lòng Thương Xót (8 Tháng Mười Hai 2015–20 Tháng Mu8o82i Một 2016)

Các Tháng Đặc Biệt

Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo (Tháng Mười 2019)
Ngày Thế Giới
Ngày Thế Giới Ăn Chay và Cầu Nguyện cho Hòa Bình I: Syria (7 Tháng Chín năm 2013)
24 Giờ cho Chúa Thứ Sáu Mùa Chay (khai mạc năm 2014)
Ngày Thế Giới cầu nguyện cho sáng thế: 1 Tháng Chín (khai mạc năm 2015)
Ngày Thế Giới Người Nghèo : Chúa Nhật 23 Mùa Thường Niên (khai mạc năm 2017)
Chúa Nhật Lời Chúa: Một Chúa Nhật trong Năm Phụng Vụ (khai mạc năm 2017)
Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn: Chúa Nhật Thứ Hai của Tháng Chín (khai mạc ngày 14 tháng 1, 2018)
Ngày Thế Giới cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình II: Nam Sudan, Congo, và Syria (23 tháng Hai, 2018)

Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Ngày Thế Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 28 tại Rio de Janeiro: 23-28 Tháng Bẩy 2013
Ngày Thế Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 31 tại Krakow: 26-31 Tháng Bẩy 2016
Ngày Thế Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34 tại Panama: 22-27 Tháng 1, 2019

Mật Nghị Bổ Nhiệm Hồng Y

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm tổng cộng 61 Hồng Y. Trong số này, 49 vị có quyền bỏ phiếu và 12 không có quyền bỏ phiếu bầu giáo hoàng (1 trong các vị này sau đó đã qua đời)

19 Hồng Y ngày 22 Tháng Hai 2014
20 Hồng Y ngày 14 Tháng Hai 2015
17 Hồng Y ngày 19 Tháng Mười Một 2016
5 Hồng Y ngày 28 tháng Sáu 2017

Phong Thánh

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong hiển thánh cho 880 vị, trong đó, 800 vị là các vị tử đạo ở Otranto

9 Nghi Lễ Phong Thánh tại Vatican
3 Nghi Lễ Phong Thánh ở bên ngoài: Hiệp Chúng Quốc, Sri Lanka, Bồ Đào Nha
5 Vụ Phong Thánh Tương Đẳng (canonizations equipollent)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
CĐCGVN Sydney Mừng Kính Bổn Mạng Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly
Diệp Hải Dung
08:37 19/03/2018
CĐCGVN Sydney Mừng Kính Bổn Mạng Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly. Sáng thứ Hai 19/03/2018 rất đông đủ giáo dân đã đến Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly Sydney tham dự Lễ mừng kính Thánh Cả Giuse là Quan Thầy của Trung Tâm.

- ‘‘Ngày 27/12/1995 tại Giáo Xứ, Ban Mục Vụ Hôn Nhân thành hình, triệu họp bàn thảo kế hoạch, Cha Mai Đức Vinh điều hành tổng quát, Bác sĩ Nguyễn Văn Ái trưởng ban, Giáo sư Trần Văn Cảnh thư ký. Ban Giảng Huấn gồm cha Mai Đức Vinh, cha Đinh Đồng Thượng Sách, bà giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh, các bác sĩ Nguyễn Văn Ái, Tạ Thanh Minh và Nguyễn Ngọc Đĩnh, luật sư Lê Đình Thông, các giáo sư Nguyễn Văn Thạch, Trần Văn Cảnh, Phạm Bá Nha. Mỗi năm hai khóa : Giáng sinh và Phục sinh. Khóa đầu tiên là Khóa Giáng sinh 1995 và khóa Phục Sinh 2000 là khóa X’’(Đường Vào Tình Yêu, ấn bản năm 2000, tr. 4).

- Ngày 28/11/2017 tại Giáo Xứ, Cha Giám Đốc Nguyễn Kim Sang triệp tập phiên họp của Ban Mục vụ Hôn phối. Cha Nguyễn Kim Sang điều hành tổng quát, LS Lê Đình Thông trưởng ban, hai vị giảng viên Vũ Đình Khiêm và Ngô Thị Kim Đào thư ký.

- Ngày 03/12/2017, ‘‘Ban Mục Vụ Hôn Nhân thông báo về chương trình chuẩn bị Hôn Nhân năm 2018, tại Giáo xứ, được sắp xếp như sau:

- Chúa Nhật 21/01/2018: Thánh lễ lúc 11g30, sau lễ dùng cơm trưa chung để làm quen giữa ban giảng huấn và học viên.

- Chúa Nhật 28/01/2018:

- 9g00-10g00: Giáo lý và giáo luật của Bí tích Hôn Nhân, do Cha Giám Đốc.

- 10g15-11g15: Sống đạo trong gia đình, do anh Vũ Đình Khiêm và chị Ngô Thị Kim Đào.

- Chúa Nhật 11/02/2018: Mừng lễ Saint Valentin với thánh lễ lúc 11g30, sau đó tham dự tiệc Thân Hữu của Giáo xứ.

- Chúa Nhật 25/02/2018:

- 9g00-10g00: Gia đình trong Dân Luật Pháp, do Ls. Lê Đình Thông.

- Chúa Nhật 18/03/2018:

- 9g00-9h45: Giáo dục con cái, do Gs. Trần Văn Cảnh.

- 9g45-10g30: Vai trò người chồng và những câu hỏi liên quan về y khoa, do Bs. Nguyễn Ngọc Đỉnh.

- 10g30-11g15: Vai trò người vợ, do Gs. Tạ Thanh Minh Khánh.

- 13g30 – 14g30 : Tài chánh trong gia đình, do Gs. Nguyễn An Nhơn.

- Chúa Nhật 08/04/2014: Tổng kết khóa học và cấp giấy chúng nhận.

Chương trình chuẩn bị Hôn Nhân không chỉ giới hạn cho các đôi bạn trẻ đang chuẩn bị lập gia đình, mà còn được mở rộng cho tất cả các bạn trẻ muốn học hỏi về đời sống hôn nhân dù chưa có ý định kết hôn, cũng như cho tất cả các đôi vợ chồng hay những ai muốn ôn lại Giáo huấn để đời sống hôn nhân được thăng tiến.’’(trích trang Website Giáo Xứ Paris).

Ban Mục vụ Hôn nhân (Pastorale du mariage) theo đúng định hướng của Giáo phận Paris, nhằm giúp các bạn trẻ có ý định kết hôn am hiểu Lời khai Ý định Kết hôn (Déclaration d’intention). Cha Giám Đốc tiếp nhận đơn xin chuẩn bị kết hôn (demande de préparation). Ngài hình thành nhóm chuẩn bị hôn phối, gồm các linh mục và giáo dân (mise en place d’une équipe de préparation au mariage).

Ban Mục vụ Hôn nhân còn đảm nhận chức năng Mục vụ Gia đình (Pastorale Familiale), theo định hướng chung của Giáo phận Paris. Năm nay, ban Mục Vụ Hôn nhân cộng tác với Nhóm Gia Đình Trẻ của Thầy Giang Minh Đức :

- 14 giờ Chúa Nhật 14/04/2018, cùng trao đổi vể đề tài ‘‘Di dân và Tị nạn’’, theo đúng chủ trương của Giáo Hội. Nhóm Gia Đình Trẻ sẽ tiếp nhận các học viên Khóa Mục vụ Hôn nhân, tiếp tục sinh hoạt theo giáo huấn của Hội Thánh.

Tóm lại, ban Mục vụ Hôn nhân đã và tiếp tục góp phần thăng tiến gia đình Công Giáo tại Giáo Xứ (promouvoir la famille catholique), vì gia đình vốn là đơn vị căn bản của xã hội và là nguồn mạch phúc lợi phát triển của cá nhân và cộng đoàn.

Lê Đình Thông
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Giáo Đường Nhà Chúa
Diệp Hài Dung
08:46 19/03/2018
GIÁO ĐƯỜNG NHÀ CHÚA
Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia
Khấn bề trên con là người ngoại đạo
Ước cùng ai sánh bước đến giáo đường
Trao cho nhau đôi nhẫn cưới uyên ương
Thề sẽ mãi sớt chia vui ,buồn ,khổ
(Trích thơ của Khánh Quỳnh)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội Và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 19/3/2018
VietCatholic Network
05:21 19/03/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 18 tháng 3.

2- Đức Thánh Cha hành hương Cha Thánh Piô: viếng làng Pieltrecina và thị trấn San Giovanni Rotondo.

3- Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhận định về 5 năm của triều đại Phanxicô và những chỉ trích nhắm vào Ngài.

4- Các Giám Mục Ba Lan tiếp tục bác bỏ khả thể cho người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ.

5- Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Iraq được đề cử giải Nobel hòa bình.

6- Bộ Giáo Lý Đức Tin ra thông cáo, tước bỏ chức vụ của Tổng Giám Mục Anthony Apuron, Guam.

7- Tù nhân Asia Bibi người Pakistan, vui mừng vì được phép giữ cỗ tràng hạt Đức Giáo Hoàng tặng cho cô.

8- 3 “Giám Mục” Trung Quốc tham gia trong Quốc Hội, bỏ phiếu cho ông Tập Cận Bình làm “Đại Đế muôn năm”.

9- Giới thiệu Thánh Ca: Lạy Ngài Xin Nhớ Đến Con.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 20/03/2018: Câu chuyện tấm ảnh bóng ma bên giường bệnh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:42 19/03/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đừng là những Kitô hữu dừng chân tại chỗ.

Người Kitô hữu đích thực không ngừng tiến bước sau khi nhận được món quà ân sủng đầu tiên. Họ phải luôn tiến về phía trước, tiếp tục tìm kiếm niềm hân hoan vui mừng trong Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 12 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.

“Các ông mà không thấy những điềm thiêng dấu lạ này, thì các ông sẽ chẳng tin đâu.” Đó là lời Chúa Giêsu cảnh báo viên sĩ quan khi ông này đến xin Ngài chữa bệnh cho con trai mình. Người ta đã biết Đức Giêsu từng làm nhiều phép lạ cả thể; và trong bài Phúc Âm, Thiên Chúa dường như đã không còn kiên nhẫn nữa bởi vì những phép lạ của Chúa hình như mới chính là vấn đề mà họ thực sự quan tâm.

Đức Thánh Cha nói:

Đức tin của anh chị em ở đâu? Khi nhìn thấy những điềm thiêng dấu lạ, anh chị em nói ‘Ngài có năng quyền, Ngài quả thật là Thiên Chúa’. Vâng, đó là một hành động của đức tin, nhưng nó rất nhỏ. Đức tin khởi đi từ những bằng chứng xác thật rằng con người này có năng quyền mạnh mẽ. Đức tin bắt đầu từ đó, nhưng rồi nó phải tiến xa hơn nữa. Chính đức tin này phải thúc giục anh chị em đi tìm Thiên Chúa, để gặp được Ngài, để ở với Ngài, để vui mừng hân hoan với Ngài.

Phép lạ cả thể của Thiên Chúa có ý nghĩa gì? Bài đọc thứ nhất trong sách tiên tri Isaia, giải thích với chúng ta rằng “Này đây, Ta sáng tạo ra trời mới và đất mới… hãy hân hoan vui mừng vì những gì chính Ta đã sáng tạo.” Thiên Chúa làm cho ước muốn của chúng ta được hân hoan vui mừng khi được ở với Ngài.

Khi Thiên Chúa đi vào đời sống và thực hiện phép lạ nơi mỗi người, thì chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tác động đến cuộc đời mình, nhưng phép lạ không dừng lại ở đó. Phép lạ là một lời mời gọi chúng ta tiến về phía trước, tiếp tục cuộc hành trình đi tìm kiếm tôn nhan Ngài, đi tìm niềm hoan lạc nơi Ngài.

Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng tất cả chúng ta có thể tự đặt câu hỏi cho mình, “Thực sự tôi ước muốn điều gì? Tôi có thực sự ước muốn kiếm tìm Thiên Chúa và để được ở với Ngài không?” Hay là tôi sợ hãi, hay là tôi nửa vời? Cái gì là thước đo lòng ước muốn của tôi? Tôi có bằng lòng với món khai vị, hay tôi còn ước muốn tham dự bàn tiệc đã dọn sẵn cho tôi?

Đức Thánh Cha đã kết thúc bài giảng bằng cách khuyến khích mọi người hiện diện hãy bảo vệ và duy trì niềm ước muốn của mình, không chỉ bằng lòng với những gì đang có. “Hãy tiến lên phía trước, chấp nhận rủi ro. Người Kitô hữu đích thực phải dám chấp nhận rủi ro, dám bước ra khỏi khu vực an toàn của mình.”

2. Câu chuyện tấm ảnh bóng ma bên giường bệnh

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ma quỷ và khả năng chia rẽ của nó là những chủ đề phổ biến trong bài giảng hàng ngày của ngài. Đây là những lời rao giảng “ngược dòng”, bởi vì từ lâu ma quỷ xem ra đã vắng bóng một cách lạ lùng trong bài giảng của nhiều giáo sĩ tại Ý và trên thế giới.

Cha Mark Goring, giám đốc Catholic Charismatic Center tại Houston, Texas, và là một nhà giảng thuyết trong chương trình ‘Food for Life’ của Công Giáo Hoa Kỳ. Ngài rất đồng ý với Đức Thánh Cha và dành nhiều bài thuyết giảng về đề tài này.

Trong chương trình này, ngài sẽ nói về câu chuyện tấm ảnh bóng ma bên giường bệnh qua lời dịch sang Việt Ngữ của Như Ý.

Hôm qua, một người bạn của tôi là một linh mục, đã chuyển cho tôi một hình ảnh về một con quỷ đang ẩn náu bên giường bệnh của một người đang hấp hối trong nhà thương, và, thông thường, tôi không chú ý đến những thứ đó, tôi thường nhấn nút delete mà không quan tâm vì có rất nhiều thứ rác rưởi trên internet, rất nhiều thứ ngớ ngẩn. Nhưng trong trường hợp này, tôi đã xem nó và tôi sẽ cho bạn biết tại sao.

Một trong những vị Thánh yêu thích của tôi là Thánh Philip Neri và Thánh Philip Neri là vị tiên tri của niềm vui. Ngài tiêu biểu cho sự thánh thiện, một vị Thánh vui mừng rạng rỡ nhưng không vì thế mà ngài không biết gì về sức mạnh của bóng tối và vương quốc của bóng tối. Một trong những sứ vụ thông thường của Thánh Philip Neri là đi đến giường bệnh của một người sắp chết, và về cơ bản là giúp đỡ về mặt thiêng liêng cho họ. Ngài có thể nhìn thấy những con quỷ đang cố gắng dẫn dắt người sắp chết vào tình trạng tuyệt vọng cuối cùng, và những gì đáng lạnh xương sống trong những câu chuyện của Thánh Philip Neri là một số người mà ngài giúp đỡ bên giường bệnh của họ khi họ đang hấp hối là những người có đức tin và họ đang chết dần, họ tràn ngập nỗi sợ hãi tuyệt vọng, mất niềm tin, và tuyệt vọng. Ngài thường chiến đấu với lũ quỷ đang cố kéo người ta xuống địa ngục trong giờ phút cuối cùng của họ.

Bây giờ trước hết, tôi phải nói điều này, hãy lắng nghe tôi. Lúc này đây tôi không có ý nói rằng hình ảnh được tán phát về con quỷ ẩn náu bên giường người sắp chết này là có thật. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nó được ngụy tạo ra hoặc chế tác bằng bất cứ điều gì khác. Tôi muốn nói là có rất nhiều thứ như thế trên internet và nhiều điều khác người ta làm và cho là vì danh Chúa Giêsu. Đừng lãng phí thời gian cho những thứ như thế trên internet. Chỉ lãng phí thời gian. Hãy tập trung suy nghĩ của bạn về những gì tốt, đẹp và đáng yêu như Thánh Phaolô nói với chúng ta trong chương 4 thư gởi Philípphê, nhưng như tôi đã nói, chúng ta cần phải nhận thức về tinh thần thế gian. Bạn biết trong thư Ê-phê-sô chương 6 câu 12, Thánh Phaolô nói với chúng ta về cuộc chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Cần phải rõ ràng trong tâm trí của mỗi Kitô hữu về cuộc chiến đang diễn ra trong linh hồn của bạn và nếu bạn không tham gia vào trận chiến này bằng lời cầu nguyện, bằng các hy sinh, thông qua các bí tích đặc biệt là bí tích hòa giải và bí tích Thánh Thể, bạn có thể không nhận ra những nguy cơ cho linh hồn mình.

Đối với tôi, một người Công Giáo không cầu nguyện hàng ngày cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, không cầu nguyện mỗi ngày với thiên thần hộ thủ của mình là một kẻ dại dột, một kẻ ngốc nghếch mù quáng. Có những thứ ma quỷ đang cố gắng kéo bạn xuống, đó là một thực tế. Một số người trong chúng ta hồ nghi thực tế này. Và một lần nữa, tôi không biết liệu hình ảnh của con quỷ trên giường của người sắp chết có thật hay không nhưng tôi biết rằng vương quốc của bóng tối này là có thật, bạn thấy điều đó khắp nơi trong Kinh thánh và với các Thánh. Bạn biết Thánh Faustina rồi. Có câu chuyện nổi tiếng về Thánh Faustina khi thánh nữ đang bên giường một người bệnh, tôi nghĩ đó là một chị em trong dòng đang hấp hối hoặc một ai đó và Thánh Faustina có thể nhìn thấy lũ quỷ và cô bắt đầu rảy nước thánh. Và rồi cũng có một linh mục ở đó và các chị em khác bực mình với cô. Họ nói chị đang làm gì thế, rảy nước thánh không phải là công việc của chị. Đó là công việc của linh mục. Nhưng cô ấy đã không nói bất cứ điều gì và tiếp tục như thể muốn nói tôi đã nhìn thấy những con quỷ và tôi phải trục xuất những con quỷ này ra ngoài.

Hỡi các bậc cha mẹ nếu con bạn sợ hãi vào ban đêm, đừng chỉ nói với chúng rằng tất cả đi ngủ đi và suy nghĩ về cái gì đó khác, nhưng hãy cầu nguyện với chúng, đi vào phòng ngủ của chúng, và cầu nguyện 10 kinh Mân Côi với chúng. Cầu nguyện với thiên thần hộ thủ của chúng. Hãy rảy một ít nước thánh. Ôm chúng vào lòng, nói với chúng rằng bạn yêu chúng.

Ý tôi muốn nói là đừng làm chúng kinh sợ, đừng nói là ma quỷ đấy, nhắm mắt lại ngủ đi. Đừng dại dột như thế, nhưng cầu nguyện với chúng trong tôn danh của Chúa Giêsu. Và hãy lắng nghe điều này, nếu bạn đang ở với một người đang hấp hối, hãy cầu nguyện những kinh nguyện về lòng thương xót chí thánh. Có một lời hứa rằng khi bạn cầu nguyện với những kinh nguyện về lòng thương xót Chúa với người sắp chết, thì lòng thương xót Chúa Giêsu sẽ nâng người đó lên và người ấy không cần phải sợ mất linh hồn của mình. Chúng ta cần làm những điều này. Hãy lắng nghe một câu thánh thư khác là câu 8 trong chương 5 thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”. Hãy chống lại ma quỷ bằng đức tin của anh chị em. Trong danh Chúa Giêsu, chúng ta không có gì phải sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta không ở trong Chúa Giêsu, nếu chúng ta phạm tội trọng, nếu chúng ta rơi vào thế gian, chúng ta sẽ hư mất. Bạn biết một số người đem vào trong phòng ngủ của họ đủ các thứ rác rưởi, những cuốn sách xấu, phim xấu, áp phích xấu, đủ các thứ rác khác. Bạn cần phải loại bỏ những thứ đó vì danh Chúa Giêsu ngay bây giờ bởi vì nếu không, về cơ bản bạn đang nói với ma qủy rằng ê ma qủy sao mày không cắm trại trong phòng ngủ của tao và bạn đang nói với các thiên thần của Thiên Chúa rằng đi chỗ khác chơi đi, ngài không được chào đón ở đây, bởi vì tôi đã mở cánh cửa phòng của tôi cho bóng tối. Bạn phải loại bỏ tất cả những bóng tối ấy trong cuộc sống của mình vì danh Chúa Giêsu. Hãy dọn sạch phòng của bạn và bắt đầu cầu nguyện mỗi ngày với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, hãy đi xưng tội, đọc lại Kinh thánh nếu bạn gặp rắc rối vào ban đêm. Nếu có điều gì đó ẩn náu trên giường của bạn vào ban đêm, hãy đọc Kinh thánh, Lời của Đức Chúa Trời, đó là điều Chúa Giêsu đã làm khi ma quỷ cám dỗ Ngài trong sa mạc. Đức Chúa Giêsu phán rằng có lời chép trong Kinh thánh như thế này, thế kia.

Những người Công Giáo, hãy tỉnh thức vì có một cuộc chiến đang diễn ra để giành giật linh hồn của bạn và những gì đang có nguy cơ đó là sự cứu rỗi đời đời của bạn. Hãy tỉnh thức, cầu nguyện, đi xưng tội, thoát khỏi tội lỗi chết chóc, thoát khỏi mọi thứ rác trong cuộc đời bạn vì danh Chúa Giêsu, hãy dọn sạch phòng của bạn ngay bây giờ đừng chờ đợi một ngày nào đó Đức Chúa Trời muốn gửi thiên thần đến với bạn nhưng bạn lại chọn bóng tối. Lúc đó bạn đã lạc mất và chúng ta biết một trong những chiến thuật chính của ma quỷ là làm cho mọi người nghĩ rằng nó không hề tồn tại. Một số người nói rằng chuyện ma quỷ đều là những chuyện được ngụy tạo ra, không ngụy tạo đâu nếu chính Chúa Giêsu đã nói về ma quỷ thì chúng tồn tại đấy. Hãy hiến dâng đời mình cho Chúa Giêsu, cầu nguyện liên tục với Chúa Giêsu, thờ phượng Chúa Ba Ngôi, đọc Kinh thánh mỗi ngày, tin vào những điều Giáo Hội Công Giáo dạy dỗ như một đứa trẻ ngoan ngoãn, thờ phượng Thiên Chúa và biết rằng bạn có sự sống đời đời trong danh của Chúa Giêsu. Đừng hổ thẹn về Chúa Giêsu, cuộc sống này ngắn ngủi và vĩnh hằng là dài lắm.

3. Thánh Piô Năm Dấu Thánh

Đức Thánh Cha đã dành trọn ngày Thứ Bẩy 17 tháng Ba để thăm viếng San Giovanni Rotondo, một thị trấn với 26 ngàn dân cư, nằm ở mạn Nam nước Ý, cách Rôma 500 cây số, nổi tiếng nhờ thánh Piô de Pietralcinô, một linh mục dòng Capucinô, sinh năm 1887 và qua đời năm 1968. Từ năm 1918, cha đã được bề trên cử về San Giovanni Rotondo để hoạt động mục vụ cho đến khi qua đời.

Trong suốt thời gian 50 năm, cha được biết đến như là vị giải tội ngoại thường: nhiều ngày cha ngồi toà hơn 10 tiếng đồng hồ; ngoài ra cũng từ năm 1918 cha được lãnh nhận trên thân mình 5 dấu thương tích của Chúa Giêsu. Tuy đã qua đời từ hơn 40 năm qua, nhưng hai công trình do cha khởi xướng vẫn tồn tại, thứ nhất là “Nhà xoa dịu đau khổ”, tức là bệnh viện dành cho các bệnh nhân (khánh thành vào năm 1956 với 250 giường, nhưng nay đã lên đến 1200 giường với 50 ngành chuyên khoa) và “hội cầu nguyện cha Piô” (chính thức thành lập từ năm 1950, và ngày nay bành trướng khắp thế giới). Cha Piô được phong chân phước năm 1999 và phong hiển thánh năm 2002, lễ kính vào ngày 23/9, trùng vào ngày tạ thế. Ngày 23/5/1987, đức Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm mộ của cha Piô, vị giải tội mà ngài đã từng gặp khi còn là một linh mục sinh viên ở Rôma 40 năm về trước. Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng thứ hai đến viếng thăm mồ của vị thánh linh mục hầu như suốt đời chỉ thi hành hai tác vụ là dâng Thánh lễ (đôi lúc kéo dài 3 giờ đồng hồ) và ban bí tích giải tội. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ Ba đến thăm đền thánh này.

Cha Piô là một con người chất phác bình dân, nhưng đã được Chúa Kitô chọn để trở thành dụng cụ của sức mạnh vạn năng của Thập giá. Các dấu thương tích mà cha Piô mang trên mình đã đưa cha kết hợp chặt chẽ với Đấng chịu đóng đinh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con người của cha hoàn toàn bị động. Không, cha Piô đã sử dụng những khả năng tự nhiên của mình để phục vụ chương trình của Thiên Chúa, đặc biệt ở ba điểm: rao giảng Tin mừng, tha thứ tội lỗi, và chữa lành những vết thương thể xác và tâm hồn. Hơn thế nữa, ai ai cũng biết những cuộc chiến đấu mà cha Piô phải đương đầu trong suốt cuộc đời.

Cũng như Chúa Giêsu, cuộc chiến đấu khốc liệt nhất không phải là đối lại với địch thù trần thế nhưng là ma quỷ. Những bão tố đe doạ cha là những cuộc tấn công của ma quỷ. Cha đã đương đầu với chúng với khí cụ của Chúa, với thuẫn của đức tin, và gươm của Thần khí tức là lời của Chúa.

Nhờ kết hiệp với Chúa Giêsu, cha Piô đã hiểu biết sâu sắc tình trạng bi thảm của cuộc sống con người, và vì thế cha đã hiến mình và dâng hiến những nỗi đau khổ của mình cho họ. Cũng vì thế cha đã tìm hết phương tiện để xoa dịu những nỗi đau khổ của các bệnh nhân, như dấu chỉ biểu hiện tình thương của Chúa, của triều đại Thiên Chúa đã đến, của sự chiến thắng của tình yêu và sự sống trên tội lỗi và sự chết. Cuộc đời linh mục của cha tóm lại trong sứ vụ “hướng dẫn các linh hồn và xoa dịu đau khổ” hay nói theo Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, “cha là con người của cầu nguyện và đau khổ”.
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News